Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL (QPPL) được xác lập trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật. Về bản chất, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL là việc cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản sau khi ban hành nhằm đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật, khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của hệ thống pháp luật như: văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên, nội dung văn bản mâu thuẫn, chồng chéo...
Thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL đã góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý văn bản vẫn còn hạn chế, bất cập trong hoạt động kiểm tra văn bản, trong việc xử lý văn bản trái pháp luật và đặc biệt chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động kiểm tra văn bản với các hoạt động khác có liên quan.
Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách phải nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Các văn kiện của Đảng đã khẳng định rõ vai trò và khẳng định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong quản lý nhà nước[1]. Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, tác động sâu sắc đến việc tổ chức triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản từ trung ương đến cơ sở, nhất là yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Trong khi đó, mặc dù khoa học pháp lý đã có các công trình nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của hoạt động bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật, song lại chưa đặt chúng trong phạm vi góp phần nâng cao hiệu quả, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời, cũng chưa cập nhật thực tiễn hiện nay.
Từ thực trạng công tác kiểm tra, xử lý văn bản và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Bộ Tư pháp đã giao Viện Khoa học pháp lý chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản QPPL nghiên cứu Đề tài cấp Bộ “Đổi mới công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL góp phần nâng cao hiệu quả, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay”. Trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ này, Viện Khoa học pháp lý xin trân trọng gửi tới quý độc giả số Đặc san Thông tin khoa học pháp lý “Đổi mới công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL góp phần nâng cao hiệu quả, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay”.
[1] Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011): “Nhà nước tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 xác định mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”.