PHẦN MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN THIẾT NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã gắn nội dung phát triển giáo dục và đào tạo với đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây là điểm mới rất quan trọng, được cụ thể hóa thành các yêu cầu cơ bản, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là định hướng quan trọng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra với những yêu cầu cụ thể đối với tất cả các thành tố của quá trình giáo dục đào tạo.
Đối với lĩnh vực tư pháp, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định tiếp tục cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Cụ thể, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII định hướng: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế”.
Gần đây, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã định hướng “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”; “Ðổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”. Ngày 22/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-BTP ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong Chương trình hành động, Bộ Tư pháp đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nhóm nhiệm vụ về tăng cường công tác xây dựng bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất.
Như vậy, trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết có liên quan, việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP cần gắn liền với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta và hướng tới việc xây dựng nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhận thức được yêu cầu này, thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đã có nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo các CDTP, nhất là đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp và phương thức đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, còn khá nhiều việc phải làm, từ việc nhận diện chính xác các yêu cầu của Nghị quyết đối với hoạt động đào tạo các CDTP đến việc xác định và thực hiện các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo. Trong bối cảnh đó, đặc biệt gắn với việc triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề lý luận, thực tiễn, đề xuất giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo của Học viện trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII là việc làm cần thiết. Đây là những vấn đề mới, mang tính thời sự chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống trong các công trình khoa học đã công bố. Do đó, việc triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” có ý nghĩa cấp thiết nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong thực tiễn hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp).
II. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Trong thời gian vừa qua, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan tới những khía cạnh khác nhau của Đề tài. Có thể chia các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan tới Đề tài thành 02 nhóm:
(i) Các công trình nghiên cứu về các nội dung (có liên quan) của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
(ii) Các công trình nghiên cứu về đổi mới hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo các CDTP nói riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong đó có yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII.
III. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài tập trung làm rõ những yêu cầu mới đặt ra cho hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; làm rõ thực trạng hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp so với những yêu cầu đó, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt các mục đích nêu trên, Đề tài thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổng hợp, phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
- Đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
- Đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Trong phạm vi đề tài này, khái niệm CDTP được hiểu và nghiên cứu theo nghĩa rộng bao gồm các CDTP và bổ trợ tư pháp. Do hạn chế về thời gian, nguồn lực và nhằm bảo đảm phù hợp với khuôn khổ của một Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, đảm bảo việc ứng dụng kết quả nghiên cứu một cách thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (do Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện).
- Về không gian: Đề tài nghiên cứu về hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp trong phạm vi cả nước.
- Về thời gian: Đề tài nghiên cứu về thực trạng hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp trong thời gian từ năm 2014 (từ khi chính thức triển khai Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP”) đến tháng 8 năm 2023.
V. CÁCH TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Cách tiếp cận
- Tiếp cận lịch sử: Tiếp cận vấn đề đào tạo các CDTP trong quá trình hình thành, phát triển của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
- Tiếp cận động: Nghiên cứu, xem xét các vấn đề vấn đề đào tạo các CDTP trong bối cảnh động, luôn thay đổi, chịu nhiều tác động của các yếu tố khác nhau.
- Tiếp cận thực tiễn: Xem xét, đánh giá thực tiễn và nhu cầu đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các nhiệm vụ và đạt được các mục đích nghiên cứu của Đề tài, nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp so sánh: được sử dụng để tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về công tác đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP.
- Phương pháp phân tích: để nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam về vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài.
- Phương pháp tổng hợp: trên cơ sở những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tổng hợp các kết quả thu được, đưa ra những đề xuất, giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Phương pháp phân tích – tổng hợp: được sử dụng để nghiên cứu cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó tổng hợp các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP.
- Phương pháp tọa đàm, hội thảo khoa học: nhằm tạo diễn đàn phân tích khoa học những vấn đề mới, nội dung lớn thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài.
- Phương pháp điều tra xã hội học: sử dụng thông qua phát phiếu khảo sát, điều tra xã hội nhằm bổ sung cơ sở thực tiễn cho hệ luận cứ khoa học.
VI. Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
Kết quả nghiên cứu Đề tài góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đánh giá đúng thực trạng công tác đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp hiện nay; đề xuất được các định hướng và giải pháp trong việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nội dung nghiên cứu của Đề tài là cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ sở đào tạo các CDTP tham khảo trong việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài ra, đề tài cũng sẽ là tài liệu để các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý tham khảo, các cơ sở đào tạo pháp luật sử dụng làm tài liệu trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, mô hình đào tạo cán bộ tư pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là tài liệu có giá trị hỗ trợ cho việc hoàn thiện chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp tại Việt Nam.
VII. KẾT CẤU BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐỀ TÀI
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận chung, Danh mục tài liệu tham khảo, Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài được kết cấu gồm 03 chương như sau:
Chương 1. Những vấn đề lý luận về đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chương 2. Thực trạng hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trước yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chương 3. Nội dung, giải pháp, điều kiện đảm bảo và lộ trình đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO
CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
1.Khái niệm, đặc điểm của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
-
Khái niệm hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
Theo Đại từ điển tiếng Việt, đào tạo là dạy dỗ, rèn luyện để trở nên người có hiểu biết, có nghề nghiệp[1]. Theo Từ điển tiếng Việt, đào tạo có nghĩa là làm cho trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định[2]. Như vậy, có thể hiểu đào tạo là quá trình truyền đạt một lượng kiến thức nhất định theo một quy trình khép kín với những chuẩn mực, hệ phương pháp dạy, học cụ thể, trong một khoảng thời gian nhất định, tác động đến người học nhằm làm cho người học lĩnh hội và nắm vững được những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo... một cách có hệ thống theo những tiêu chuẩn nhất định của từng cấp học, bậc học để chuẩn bị cho người học thích nghi với cuộc sống và khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định, góp phần của mình vào việc phát triển xã hội, duy trì và phát triển nền văn minh của loài người.
Về khái niệm các CDTP: Tư pháp từ góc độ ngữ nghĩa Hán Việt được hiểu là trông coi, bảo vệ pháp luật. Từ điển Hán –Việt của Đào Duy Anh giải thích tư pháp là pháp đình, y theo pháp luật mà xét định các việc ở trong phạm vi pháp luật[3]. Tư pháp, dịch theo thuật ngữ Justice có hai nghĩa – theo nghĩa hẹp, tư pháp là xét xử; theo nghĩa rộng, từ góc độ triết lý, tư pháp được coi là ý tưởng cao đẹp về một nền công lý, ở đó mọi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, mọi tranh chấp trong xã hội được giải quyết hợp với lẽ phải và sự công bằng, các quyền tự do, dân chủ cơ bản của con người được đảm bảo, lòng tin của nhân dân vào pháp luật được duy trì[4].
Bên cạnh khái niệm CDTP, khái niệm chức danh bổ trợ tư pháp cũng được nhắc tới trong một số văn kiện của Đảng và các nghiên cứu. Bổ trợ tư pháp được hiểu là trợ giúp, tạo điều kiện cho hoạt động tư pháp tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, chính xác bằng cách cung cấp hồ sơ, chứng cứ, phản biện cho các khâu, đoạn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời giúp cho các cá nhân công dân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các chức danh bổ trợ tư pháp rất đa dạng, có thể kể tới như luật sư, tư vấn viên, công chứng viên, giám định viên, đấu giá viên, trọng tài viên, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại.
Thực tế, khái niệm CDTP có thể được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các chức danh trong hệ thống cơ quan tư pháp, hoặc theo nghĩa rộng gồm cả các chức danh trong hệ thống cơ quan tư pháp và chức danh bổ trợ tư pháp. Liên quan tới hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (do Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện), CDTP thường được hiểu theo nghĩa rộng. Cụ thể, Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đều đề cập tới cả việc đào tạo các chức danh tư pháp như Thẩm phán, Kiểm sát viên và chức danh bổ trợ tư pháp như Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên… Trong phạm vi đề tài này, CDTP được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các chức danh bổ trợ tư pháp.
Trên cơ sở cách hiểu về “đào tạo” và “chức danh tư pháp” như nêu trên, trong phạm vi đề tài này, có thể đưa ra khái niệm đào tạo các CDTP như sau: Đào tạo các chức danh tư pháp là quá trình trang bị một cách có hệ thống về kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho các đối tượng học viên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để tạo nguồn bổ nhiệm vào vị trí các chức danh nghề tư pháp trong hệ thống các cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp.
1.2. Đặc điểm của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
Hoạt động đào tạo các CDTP có một số đặc thù như sau:
Thứ nhất, đào tạo các CDTP là đào tạo nghề luật khác với việc đào tạo hàn lâm của các cơ sở giáo dục đại học ngành luật.
Thứ hai, đào tạo các CDTP chưa được cấp mã ngành đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ ba, học viên của các chương trình đào tạo CDTP là những người đã có bằng cử nhân (chủ yếu là cử nhân luật), rất đa dạng về độ tuổi, trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp.
Thứ tư, chương trình và phương pháp đào tạo có nhiều nét đặc thù.
Thứ năm, có sự tham gia đông đảo của các giảng viên thỉnh giảng là những người đã hoặc đang là CDTP giảng dạy cho các chương trình đào tạo CDTP.
2. Khái niệm đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và các yếu tố ảnh hưởng
2.1. Khái niệm đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
Theo Đại từ điển Tiếng Việt thì “đổi mới là thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước”[5].
Trên cơ sở cách hiểu chung về đổi mới như nêu trên, đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP được hiểu là việc thay đổi, làm cho hoạt động đào tạo tốt hơn. Đổi mới hoạt động đào tạo CDTP có một số đặc điểm như sau:
- Về nội dung, phạm vi: Đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP có thể diễn ra ở toàn bộ hoặc một số thành tố của hoạt động đào tạo, tùy thuộc vào điều kiện thực tế và nhu cầu khách quan. Thông thường, việc đổi mới hoạt động đào tạo được chú trọng vào đổi mới nội dung đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo, đổi mới về đội ngũ giảng viên, đổi mới về hệ thống học liệu, đổi mới về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Đây là những thành tố có tác động trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả đào tạo.
- Về chủ thể: Chủ thể của đổi mới hoạt động đào tạo là cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp. Đây là chủ thể chính, trực tiếp, không thể thiếu; sự tham gia của một số chủ thể khác trong quá trình đổi mới hoạt động đào tạo (nếu có) chỉ với tư cách là chủ thể phối hợp, không phải là chủ thể chính.
- Về tính tất yếu: Đổi mới hoạt động đào tạo CDTP là hoạt động mang tính tất yếu. Nhu cầu đổi mới xuất phát từ chính quá trình tổ chức đào tạo, khi phát hiện những bất cập, hạn chế cần sửa đổi, cải tiến. Nhu cầu đổi mới cũng xuất phát từ sự vận động khách quan của thực tiễn tư pháp làm xuất hiện những yêu cầu mới đối với các CDTP và các yêu cầu này cần được đáp ứng qua quá trình đào tạo.
Trong phạm vi Đề tài này, đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp được đặt ra và nghiên cứu trong bối cảnh xuất hiện những yêu cầu mới đối với hoạt động đào tạo khi triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
Các yếu tố chính ảnh hưởng tới việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP bao gồm:
Thứ nhất, nhận thức về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP.
Nhận thức về đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo. Yếu tố nhận thức có thể được xác định dưới các góc độ sau đây:
- Nhận thức và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có CDTP, tầm quan trọng của công tác đào tạo các CDTP về mô hình và những yêu cầu đối với đào tạo các CDTP.
- Nhận thức của các chủ thể có liên quan như lãnh đạo cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, người lao động, học viên của cơ sở đào tạo có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả thực hiện hoạt động đào tạo các CDTP.
Thứ hai, điều kiện kinh tế - xã hội.
Trong thời điểm hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động nghề nghiệp của các CDTP như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư…
Điều kiện kinh tế - xã hội, với tư cách là thành tố thuộc cơ sở hạ tầng, tác động tới hoạt động đào tạo các CDTP thông qua việc quyết định nội dung và tính chất của kiến trúc thượng tầng, trong đó có tác động tới sự thay đổi, hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan tới hoạt động đào tạo. Sự phát triển của kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tác động từ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể tác động tới sự thay đổi của quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, về nội dung, chủ thể, cách thức, mô hình đào tạo các CDTP.
Thứ ba, yếu tố chính sách, pháp luật.
Các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng là cơ sở định hướng cho việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP. Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW, các Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục đào tạo, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với nhiều chủ trương, định hướng mới đã đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo và cần được thể chế hóa trong các quy định pháp luật. Có thể nói, yếu tố chủ trương, chính sách là tiền đề cho việc đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP.
Thứ tư, cơ chế phối hợp.
Cơ chế phối hợp chính là phương thức tổ chức và phối hợp hoạt động của các cơ quan, đơn vị lại với nhau để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm đạt được mục tiêu chung. Trong hoạt động đào tạo các CDTP việc phối hợp tốt giữa Học viện Tư pháp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ sở đào tạo CDTP khác như Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân… sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Ở mức độ cao hơn, việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động đào tạo các CDTP giữa các Bộ, ngành hữu quan (Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) để tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đào tạo như: xác định quy mô đào tạo, việc cử người đi đào tạo; chế độ, chính sách đối với người học; quản lý cán bộ trong thời gian học tập; chương trình, giáo trình, tài liệu học tập; xây dựng, sử dụng đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên kiêm chức; tổ chức các khoá đào tạo; đánh giá chất lượng đào tạo và kết quả học tập của học viên; bố trí sử dụng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường... là cần thiết và sẽ tác động tích cực tới chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Thứ năm, yếu tố con người.
Đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo. Do vậy, đây là yếu tố chủ quan ảnh hưởng lớn đến hoạt động đào tạo các CDTP.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên, các viên chức, người lao động khác (với tư cách là cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo) của cơ sở đào tạo cũng là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo và việc đổi mới hoạt động đào tạo. Trong nhiều trường hợp, việc các viên chức, người lao động khác giao tiếp, làm việc với học viên như thế nào sẽ ảnh hưởng tới đánh giá của người học về chất lượng, uy tín của cơ sở đào tạo.
Học viên cũng là một chủ thể trong hoạt động đào tạo. Hơn ai hết, chính các học viên là người thực hiện chủ yếu các hoạt động, các nội dung mà chương trình đào tạo yêu cầu. Do vậy, học viên cũng là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo các CDTP.
Thứ sáu, nguồn lực vật chất.
Cơ sở vật chất được xác định là một điều kiện quyết định đến chất lượng đầu ra của một cơ sở đào tạo, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Điều đó cũng không ngoại lệ đối với đào tạo các CDTP tại Học viện tư pháp.
3. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
3.1. Nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan tới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
3.1.1. Chủ trương phát triển giáo dục đào tạo
Trên cơ sở đánh giá thực trạng giáo dục và đào tạo nước nhà những năm qua, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tiếp tục: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”[6]. Những định hướng lớn về giáo dục, đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan hoạt động đào tạo các CDTP bao gồm:
- Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa vị trí, vai trò hàng đầu của giáo dục đào tạo trong phát triển đất nước.
- Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” [7].
- Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Như vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập vừa toàn diện, vừa cụ thể về đổi mới giáo dục, đào tạo. Bên cạnh những vấn đề mang tầm chiến lược, quốc gia, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhất là các cơ quan quản lý nhà nước thì có những vấn đề sẽ tác động trực tiếp và đòi hỏi sự chủ động của các cơ sở đào tạo. Trong các chủ trương chung nêu trên, những chủ trương tác động trực tiếp đến đào tạo các CDTP là: đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; tăng cường cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo.
3.1.2. Chủ trương cải cách tư pháp, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới, đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”[8]. Chỉ riêng trong Nghị quyết này, thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được đề cập 05 lần ở các góc độ khác nhau hoặc trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thuật ngữ “pháp quyền” hoặc “Nhà nước pháp quyền” cũng được đề cập đến 15 lần, điều này cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới. Tăng cường cải cách tư pháp được xác định là nội dung gắn liền với việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tại Đại hội XIII, vấn đề cải cách tư pháp được Đảng xác định trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xây dựng chiến lược phát triển và đưa ra các giải pháp cụ thể. Các quan điểm này vừa kế thừa từ các kỳ Đại hội trước của Đảng, vừa thể hiện sự phát triển về tư duy khoa học trong việc xây dựng quan điểm và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Một số nội dung đáng chú ý trong chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII là:
Thứ nhất, mục tiêu cải cách tư pháp được xác định cụ thể, rõ ràng trong tổng thể của giải pháp tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đó là: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”[9].
Thứ hai, phương hướng cải cách tư pháp tập trung vào các nội dung chủ yếu như:
- Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, ổn định.
- Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội các hình thức tự quản của cộng đồng,
các phương thức hòa giải cấp cơ sở[10].
- Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
- Đổi mới pháp luật, tư pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Từ định hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đưa ra các chủ trương, định hướng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định một trong ba trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; đảm bảo thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.
Về các giải pháp, Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định các giải pháp xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân bao gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp; hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp; hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án; hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư; hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tư pháp... Đặc biệt, để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành tư pháp là:
3.1.3. Chủ trương về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ chức danh tư pháp
Công tác cán bộ được Đảng ta đặc biệt coi trọng, xác định là công tác “then chốt của then chốt”. Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ công chức cũng được xác định cụ thể. Đối với với các CDTP, có thể khái quát một số yêu cầu cơ bản như sau:
- Yêu cầu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức: Theo đó, các CDTP phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên lĩnh vực nhà nước, pháp luật, lĩnh vực phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Về đạo đức lối sống: Có lối sống trong sạch, liêm khiết, không tham nhũng; gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; thực hiện tốt quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp.
- Yêu cầu về năng lực: Các CDTP phải có uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Đó là kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để hành nghề luật, nghề nghiệp vốn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả về chuyên môn và thực tiễn; các kiến thức, kỹ năng hành nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trong bối cảnh nghề luật chịu sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thay đổi về nội dung, phương thức hành nghề như tố tụng trực tuyến, đoán định tư pháp... Các CDTP phải có tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp.
- Yêu cầu về tính sáng tạo, khả năng thích ứng: Phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó, khả năng thích ứng với bối cảnh hội nhập và những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3.2. Yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
Trên cơ sở đánh giá nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản liên quan đã nêu tại mục 3.1 nêu trên, Đề tài xác định những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (do Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện) như sau:
3.2.1. Yêu cầu về quy mô đào tạo
* Về số lượng đào tạo:
Yêu cầu này xuất phát từ nhu cầu thực tế về số lượng các CDTP. Cụ thể là:
Đối với chức danh thẩm phán, tính đến ngày 30/4/2022, hệ thống Tòa án nhân dân được giao 15.237 biên chế, thực hiện tinh giản biên thế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, hiện có 13.306 người (6.179 Thẩm phán; 6.819 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương; 504 chức danh khác) (đạt 87.33%), còn thiếu 1.931 biên chế. Cụ thể: Tòa án nhân dân tối cao hiện có 405 người (đạt 88.21%), gồm: 16 Thẩm phán tối cao; 389 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương; còn thiếu 53 biên chế. 03 Tòa án nhân dân cấp cao hiện có 312 người (đạt 89.14%), gồm: 101 Thẩm phán cao cấp, 210 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 01 chức danh khác; còn thiếu 38 biên chế. 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện có 3.284 người (đạt 82.06%), gồm: 1.186 Thẩm phán; 1.996 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 102 chức danh khác, còn thiếu 718 biên chế. 702 Tòa án nhân dân cấp huyện hiện có 9.306 người (đạt 89.25%), gồm: 5.156 Thẩm phán; 3.983 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 167 chức danh khác; còn thiếu 1.121 biên chế.
Đối với chức danh kiểm sát viên, theo Nghị quyết số 610/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2022-2026 (đến hết năm 2026) là 15.860 người, gồm 15.616 cán bộ, công chức và 244 viên chức. Tính đến cuối tháng 6/2021, Viện kiểm sát nhân dân các cấp có 14.337 công chức, viên chức. So với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân nói chung và số lượng kiểm sát viên nói riêng vẫn còn thiếu nhất là trong bối cảnh số lượng vụ việc về hình sự, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại ngày càng tăng (bình quân khoảng 10%/năm) và việc thực hiện các quy định của 7 đạo luật về tư pháp mới ban hành, sửa đổi từ năm 2015 đến nay, chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát tăng thêm.
Đối với chức danh luật sư, hiện nay, số lượng luật sư vẫn chưa đáp ứng khi mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam phát triển số lượng luật sư khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500. Trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1526, Singapore là 1/1.000, Nhật Bản là 1/4.546, Pháp là 1/1.000, Mỹ là 1/250. Đa phần các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ. Trong khi đó cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và của công cuộc cải cách tư pháp tăng cường sự tranh tụng tại phiên tòa, số lượng các vụ việc tại tòa án, trọng tài, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng dịch vụ pháp lý và trợ giúp pháp lý ngày càng nhiều. Thực tế, số lượng các vụ việc có sự tham gia của luật sư còn hạn chế. Tính riêng về nhu cầu xã hội tham gia khoá đào tạo nghề luật sư trong những năm gần đây, trung bình hàng năm, số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư là khoảng 2.000 học viên/năm, chiếm khoảng 50% tổng lượng tuyển sinh các chức danh của Học viện. Từ đó có thể khẳng định nhu cầu về phát triển đội ngũ luật sư vẫn còn nhiều dư địa. Hoạt động đào tạo cần phải tích cực hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển về đội ngũ luật sư.
Đối với chức danh công chứng viên, thực hiện chính sách xã hội hóa nghề công chứng của Đảng và Nhà nước, sau nhiều năm triển khai thi hành Luật Công chứng, hoạt động công chứng có bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến năm 2021, Việt Nam có 2.709 công chứng viên hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng. Đội ngũ công chứng viên trong những năm qua có sự phát triển nhanh nhưng còn thiếu nhiều so với nhu cầu công chứng của người dân ngày càng tăng cao như hiện nay, mới đạt tỷ lệ 1/35.000 người còn tương đối thấp so với mặt bằng chung về xây dựng đội ngũ công chứng viên ở nhiều nước trên thế giới [11]. Sự chênh lệch số lượng công chứng viên giữa tỉnh có số lượng công chứng viên cao nhất với tỉnh có số lượng công chứng viên thấp nhất là khá lớn. Đặc biệt, do không có giới hạn về độ tuổi hành nghề công chứng viên như ở nhiều nước trên thế giới nên ở Việt Nam, số lượng công chứng viên có độ tuổi hành nghề xấp xỉ 60 tuổi chiếm tỷ lệ lớn. Tính riêng về nhu cầu xã hội tham gia khoá đào tạo nghề công chứng trong những năm gần đây, trung bình hàng năm số lượng học viên đăng ký tham gia các khóa đào tạo nghề công chứng là khoảng 1.000 học viên/năm, trung bình số lượng học viên tham gia khoá đào tạo nghề công chứng tuyển sinh chiếm khoảng 20% - 30% tổng lượng tuyển sinh các chức danh của Học viện. Như vậy, nhu cầu về số lượng đào tạo nghề công chứng ở Việt nam còn rất lớn.
Đối với các chức danh tư pháp thuộc hệ thống thi hành án dân sự (như thẩm tra viên, thư ký thi hành án), theo số liệu tổng kết của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2021 toàn hệ thống thi hành án dân sự có 839 thẩm tra viên và 1.585 thư ký thi hành án.[12] Hiện nay, pháp luật quy định để được bổ nhiệm vào các ngạch nói trên, người được bổ nhiệm cần đảm bảo một trong các điều kiện là có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, với nhiệm vụ thẩm tra thi hành án, tức là thẩm tra những việc mà chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện (đối với thẩm tra viên) và nhiệm vụ giúp chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên cao cấp thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự hoặc giúp thẩm tra viên, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành, thẩm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, việc chỉ quy định điều kiện là có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ thi hành án dân sự là chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, cần phải được đào tạo một cách bài bản hơn.
Đối với chức danh thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, theo thống kê của Chính phủ, tính đến tháng 10/2021, toàn quốc có tổng số 132 Văn phòng thừa phát lại được thành lập tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.[13] Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang xây dựng các đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại địa phương mình. Như vậy, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều Văn phòng thừa phát lại được thành lập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì thư ký nghiệp vụ thừa phát lại là chức danh giúp thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, điểm chưa hợp lý là pháp luật hiện nay mới chỉ có quy định yêu cầu về trình độ đào tạo là trung cấp luật trở lên mà chưa có quy định về vấn đề đào tạo nghiệp vụ thư ký cho chức danh này. Nhu cầu đào tạo nghiệp vụ thư ký thừa phát lại đã hình thành trên thực tế. Vì vậy, thời gian tới cần quy định đào tạo nguồn thư ký nghiệp vụ thừa phát lại.
Đối với chức danh trọng tài viên thương mại, việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, năm 2021 đã tiếp nhận 596 vụ việc; số lượng trọng tài viên là 941 người[14]. Hiện nay, còn thiếu các quy định về đào tạo và bồi dưỡng trọng tài viên trong khi đó nhu cầu là khá lớn. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, có 7.000 lượt người tham dự trực tuyến và 185.000 lượt xem lại các hội thảo trực tuyến cùng hàng nghìn lượt tải về các ấn phẩm đã phát hành của Trung tâm. Điều đó cho thấy nhu cầu tìm hiểu và được đào tạo về trọng tài thương mại là khá lớn.
Đối với chức danh đăng ký viên giao dịch bảo đảm, theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tư pháp, có 2.772.674 phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm[15]. Theo quy định tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thực hiện được hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm và đây cũng chính là nhu cầu của hoạt động đào tạo các CDTP trong thời gian tới.
Đối với chức danh hòa giải viên thương mại, theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tư pháp có 213 người[16]. Theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại thì một trong những tiêu chuẩn hòa của giải viên thương mại là phải có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Để đáp ứng đầy đủ và hiệu quả những tiêu chuẩn trên, việc đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên thương mại là giải pháp thích hợp nhất.
Đối với chức danh quản tài viên, theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tư pháp có 319 người[17]. Đối tượng được xét cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên theo quy định tại Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Để có thể hành nghề đảm bảo chất lượng, hiệu quả, người muốn trở thành quản tài viên cũng cần được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ trước khi hành nghề.
Đối với các chức danh khác (đấu giá viên[18], cán bộ lý lịch tư pháp, trợ giúp viên pháp lý[19], công chức Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã, cán bộ pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước...), quy mô tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, cho thấy nhu cầu đào tạo nguồn các chức danh này trong thời gian tới là khá lớn.
Bên cạnh nhu cầu về đào tạo các chức danh nêu trên, hiện nay, một số tỉnh, thành phố (ngoài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) có hoạt động đầu tư nước ngoài mạnh đang đề nghị tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng giao dịch, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, tranh chấp/vi phạm có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, cần có định hướng mở rộng đào tạo mảng này trong các năm tới theo các phạm vi, chương trình khác nhau phù hợp với nhu cầu đào tạo thực tế.
* Về các chương trình đào tạo mới.
Các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề cập tới một số nhiệm vụ, giải pháp về các mặt hoạt động thực thi pháp luật liên quan tới các chức danh, công việc mới cần được đào tạo. Nghị quyết số 27-NQ/TW định hướng “Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật”; “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”. Những định hướng này đặt ra yêu cầu chú trọng nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (theo phạm vi được xác định trong Nghị quyết 27-NQ/TW), như pháp chế viên, trợ giúp viên pháp lý, người hỗ trợ pháp lý… Một số chương trình đào tạo mới cũng đã được xác định trong Quyết định 1155/QĐ-TTg ngày 30/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là trong giai đoạn từ 2026-2030 sẽ đào tạo 09 chức danh mới (thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, đăng ký viên giao dịch bảo đảm, trợ giúp viên pháp lý, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, trọng tài viên thương mại, hòa giải viên thương mại, công chức tư pháp - hộ tịch, quản tài viên).
3.2.2. Yêu cầu về chuẩn đầu ra, nội dung và phương pháp đào tạo
a) Về chuẩn đầu ra
Các nghị quyết, văn kiện của Đảng định hướng: (i) Cần xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ phải song hành với lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp và chú trọng hơn giáo dục đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế; (ii) Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cho các cơ quan tư pháp, nguồn bổ nhiệm các CDTP, trong bối cảnh nghề luật chịu sự tác động mạnh mẽ của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thay đổi về nội dung, phương thức hành nghề.
b) Về nội dung đào tạo
Từ các định hướng trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, có thể xác định các yêu cầu đổi mới về nội dung đào tạo trong các chương trình đào tạo CDTP của Học viện Tư pháp như sau:
- Tăng cường nội dung đào tạo về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho các CDTP;
- Rà soát, chỉnh sửa nội dung đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp để đội ngũ các CDTP am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề, nhằm thực hiện mục tiêu “bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.
- Tăng cường nội dung đào tạo về các kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế đối với các chức danh như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế. Đảm bảo cán bộ ngành tư pháp đều được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật quốc tế; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia sâu về các lĩnh vực chủ yếu của pháp luật quốc tế ngang tầm khu vực và quốc tế, sẵn sàng đáp ứng điều kiện làm việc tại các tổ chức quốc tế về pháp luật và tư pháp[20].
- Chú trọng đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Thiết kế nội dung đào tạo đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình đào tạo nhằm tạo thuận lợi cho người học; tạo tiền đề, cơ sở cho việc mở rộng nguồn bổ nhiệm các CDTP như định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
c) Về phương pháp đào tạo
Cùng với những phương pháp đào tạo thường được sử dụng trong đào tạo các CDTP từ trước đến nay (thuyết trình tích cực, giải quyết tình huống, đóng vai, diễn án), các phương pháp đào tạo mới cần được áp dụng triệt để, như: phương pháp học trải nghiệm, phương pháp thực nghiệm. Cùng với nó, liều lượng áp dụng các phương pháp đào tạo hiện có cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hợp lý hơn, trong đó tăng cường triệt để phương pháp tự học, tự nghiên cứu của học viên; chú trọng hơn đến phương pháp đối thoại, tranh luận khoa học, đóng vai, xử lý tình huống, tăng cường các hoạt động thực hành, thực tập nhằm góp phần thực hiện định hướng đổi mới giáo dục “từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.
3.2.3. Về phương thức đào tạo
Thực hiện chủ trương “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục xã hội”, cần bỏ dần thói quen phải học tập trung, bỏ dần quan niệm học tập trung mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Ngày nay với sự hỗ trợ của internet và nhiều nguồn tài liệu học tập khác, người học không nhất thiết phải đến trường, người dạy và người học không nhất thiết phải trực tiếp gặp nhau mà vẫn đảm bảo mục tiêu, chất lượng đào tạo, miễn là các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo liên quan được đảm bảo.
3.2.4. Về chất lượng đào tạo
Các nghị quyết, văn kiện của Đảng xác định: Tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bao gồm:
- Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ, chuyên môn trong giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.
- Hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo.
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu nền giáo dục của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Các yêu cầu nêu trên đặt ra đối với tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo trong đó có Học viện Tư pháp. Một số nội dung đã được cụ thể hóa tại Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” (được phê duyệt bằng Quyết định 1155/QĐ-TTg ngày 30/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: “Khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực”. Điểm nhấn quan trọng là định hướng đột phá trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, coi đây là lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đồng thời xác định chất lượng đào tạo là tiêu chí chủ yếu để xác định Học viện Tư pháp là trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp ở Việt Nam.
3.2.5. Về nguồn lực phục vụ công tác đào tạo
a) Về nguồn nhân lực
- Phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên.
- Phát triển đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác quản lý, phục vụ hoạt động đào tạo tương xứng với quy mô đào tạo và những định hướng đổi mới nội dung, phương pháp và phương thức đào tạo; định hướng tăng cường cơ sở vật chất đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin của Học viện.
- Chú trọng việc tuyển chọn nguồn học viên đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương mở rộng nguồn bổ nhiệm các CDTP.
b) Về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất
- Đầu tư xứng đáng nhằm phát triển cơ sở vật chất hiện có đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của xã hội, từng bước xúc tiến việc xây dựng mô hình trường học thông minh với hệ thống quản trị hiện đại, đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.
- Đầu tư nguồn lực tài chính nhằm xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đặc biệt là học liệu điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu về đổi mới quy mô, phương thức, phương pháp đào tạo.
4. Hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
4.1. Hoạt động đào tạo chức danh tư pháp của một số nước trên thế giới
4.1.1. Đào tạo chức danh tư pháp của Cộng hòa Liên bang Đức
Ở Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, quy trình đào tạo có 02 giai đoạn, vừa tương đồng với các nước trong hệ thống pháp luật châu Âu lục địa vừa có đặc điểm riêng, nhất là đào tạo nghề luật giai đoạn thứ hai. Để có thể hành nghề luật trong một lĩnh vực như: luật sư, thẩm phán, công tố viên… thời gian đào tạo khoảng 07 năm với một chương trình duy nhất cho các nghề, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đảm đương bất kì nghề luật nào.
Điểm nổi bật trong đào tạo các CDTP ở Đức[21].
Thứ nhất, Bộ Tư pháp liên bang và Bộ Tư pháp các bang thực hiện chương trình đào tạo thống nhất đối với thẩm phán, công tố viên và luật sư, đòi hỏi các ứng cử viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chuyên môn chung. Chương trình đào tạo thiết lập được mặt bằng kiến thức chung về chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh nêu trên để họ hiểu và dễ thống nhất với nhau khi cùng tham gia vào một vụ việc, tạo điều kiện xét xử nhanh chóng, chính xác và chuyên nghiệp[22].
Thứ hai, ở Đức không có trường đào tạo tư pháp trung ương, học viên được học nghiệp vụ bởi cán bộ tư pháp tại tòa án, viện kiểm sát và văn phòng luật. Hệ thống đào tạo tư pháp của Đức thống nhất theo đơn vị tỉnh.
Thứ ba, kỳ thi tư pháp quốc gia được tổ chức hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan và công bằng với yêu cầu chuyên môn rất cao[23]. Việc đạt kết quả trong kỳ thi tư pháp quốc gia lần thứ hai là điều kiện tiên quyết để đăng ký hành nghề thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư.
4.1.2. Đào tạo chức danh tư pháp của Liên bang Nga
Trường Tư pháp quốc gia Liên bang Nga[24] có chức năng, nhiệm vụ chính trong đào tạo đào tạo tư pháp là: Thực hiện đào tạo nghiệp vụ bổ sung thẩm phán của tòa án liên bang và tòa án vùng của Liên bang Nga, nhân viên của tòa án, các cơ quan và các phòng của Vụ Tư pháp thuộc Tòa án tối cao Liên bang Nga; bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu và bồi dưỡng nghiệp vụ bổ sung khác. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong các chương trình giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của xã hội và nhà nước. Các nhiệm vụ khác phù hợp với pháp luật Liên bang Nga.
Trường Tư pháp Liên bang Nga có các mảng hoạt động chủ yếu[25]:
(i) Đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán.
ii) Đào tạo sau đại học cho thẩm phán và các cán bộ toà án ở trình độ phó tiến sỹ và tiến sỹ luật (tương đương trình độ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học ở Việt Nam) với nhiều đặc thù so với các cơ sở đào tạo khác.
iii) Đào tạo cử nhân luật: Chương trình đào tạo cử nhân luật gồm kiến thức cơ bản, kiến thức về hoạt động của Toà án thẩm quyền chung, toà án trọng tài, các cơ quan pháp luật, cơ quan công chứng, luật sư, kiểm sát (công tố).
iv) Đào tạo trung cấp luật cho hệ thống toà án của Liên bang Nga là điểm độc đáo của Học viện Tư pháp Nga.
4.1.3. Đào tạo chức danh tư pháp của Nhật Bản
Ở Nhật Bản, đào tạo tư pháp bắt đầu từ năm 1886. Từ năm 1886 đến năm 1922, đào tạo thẩm phán và kiểm sát viên theo chương trình riêng, đào tạo luật sư được đào tạo theo chương trình riêng. Việc thi tuyển các chức danh này cũng được tổ chức theo chương trình riêng. Từ năm 1923 đến năm 1946, Nhật Bản bắt đầu tổ chức kỳ thi chung cho các CDTP, sau đó đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên theo chương trình riêng, đào tạo luật sư theo chương trình riêng. Từ năm 1947, đào tạo tư pháp tập trung tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo pháp luật (LTRI) thuộc Toà án nhân dân tối cao Nhật Bản (thành lập năm 1947 theo Luật Tổ chức toà án), có hai chức năng cơ bản: đào tạo ban đầu và bồi dưỡng CDTP đã qua Kỳ thi Tư pháp quốc gia[26]. Từ năm 2004, Nhật Bản bắt đầu đào tạo cao học luật (sau đại học).
Quy trình đào tạo nghề luật (theo mô hình đào tạo tập trung thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trước khi bổ nhiệm).
Chương trình đào tạo tạo sau đại học cho nguồn nhân lực tư pháp hiện nay tại Nhật Bản: Cử nhân ngành luật tham dự khóa đào tạo luật chuyên nghiệp từ 02 - 03 năm (đào tạo J.D), phải vượt qua kì thi dự bị tư pháp quốc gia (Preliminary Bar Examination) trước khi tham dự kì thi tư pháp quốc gia (Bar Examination), không được tham gia quá 03 lần kỳ thi này và trong thời gian 5 năm kể từ khi đỗ kỳ thi dự bị kỳ thi tư pháp quốc gia hoặc tốt nghiệp hệ cao học Luật. Khi vượt qua kì thi này (thi trắc nghiệm và thi viết về: Luật Hiến pháp, Hành chính; Luật Dân sự, tố tụng dân sự; Luật Hình sự, Tố tụng hình sự…) thì tiếp tục thực tập nghề luật (judicial apprenticeship) trong 01 năm (nguồn các chức danh thẩm phán, công tố viên, luật sư được đào tạo một chương trình chung giống nhau tại LTRI gồm đào tạo tập trung và đào tạo thực tế, tập trung kỹ năng tranh tụng)[27] và dự kì thi tư pháp quốc gia lần 2 (Secondary Bar Examination). Kỳ thi tư pháp quốc gia (theo Luật Tổ chức toà án) được tổ chức mỗi năm một lần[28]. Kỳ thi tư pháp quốc gia được đánh giá là một trong các kỳ thi khó nhất ở Nhật Bản[29]. Sau khi vượt qua kì thi tư pháp quốc gia lần 2, các ứng viên lựa chọn nghề cụ thể và thực tập chuyên sâu cho nghề đã lựa chọn (thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư)[30]. Khi vượt qua kỳ thi cuối cùng tại LTRI, học viên trở thành luật sư, công tố viên hoặc thẩm phán, trong đó các công tố viên và thẩm phán được lựa chọn cẩn thận bởi LTRI[31]. Ngoài chương trình đào tạo nêu trên, một người phải có 10 năm làm việc với tư cách là trợ lý thẩm phán, công tố viên hoặc luật sư mới được công nhận là luật gia thực sự[32].
Chương trình đào tạo CDTP thống nhất, chung (luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên), 18 tháng phân bổ 03 tháng học tại trường, 12 tháng thực tập (03 tháng thực tập xét xử hình sự, 03 tháng thực tập kiểm sát, 03 tháng thực tập luật sư, 03 tháng thực tập xét xử dân sự); Thi tốt nghiệp. Học viên được xem như “công chức dự bị” và nhận lương từ Nhà nước.
4.1.4. Đào tạo chức danh tư pháp của Hàn Quốc
Thuật ngữ nghề luật hay các CDTP của Hàn Quốc chia thành hai nhóm: (i) Nhóm nhân lực tư pháp xây dựng pháp luật: các CDTP thuộc các Bộ, các Viện; (ii) Nhóm nhân lực tư pháp thi hành pháp luật: thẩm phán, công tố viên, luật sư, giám định viên, công chứng viên (phải là người đã được bổ nhiệm trong hơn 10 năm vào các công việc được quy định theo luật), trợ giúp pháp lý.
Đối với đầu vào của các trường luật, ứng viên bắt buộc phải có bằng đại học. Các trường luật đào tạo cấp bằng trong 03 năm, chỉ những sinh viên tốt nghiệp trường luật mới có thể tham gia Kỳ thi luật sư quốc gia, vượt qua kỳ thi này phải học tại Viện Nghiên cứu và đào tạo tư pháp (JRTI). Những sinh viên tốt nghiệp từ JRTI trước đây thường trở thành thẩm phán, công tố viên hoặc người kiện tụng. Hiện nay, số lượng luật sư nội bộ, luật sư công hoặc luật sư làm việc cho các tổ chức chính phủ ngày càng tăng[33].
Đào tạo luật sư và bổ nhiệm thẩm phán, công tố viên từ luật sư.
Trước năm 2009, để trở thành một luật sư ở Hàn Quốc, ứng viên phải vượt qua Kỳ thi luật sư của Hàn Quốc và phải hoàn thành khóa đào tạo hai năm tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tư pháp[34]. Từ năm 2009, quy trình đào tạo mới theo Luật về Trường luật (Law School Act), các ứng viên phải có bằng cử nhân, điểm trung bình đại học và trình độ ngoại ngữ theo quy định và phải làm bài kiểm tra đầu vào các trường luật (LEET) để được xem xét nhập học (LEET được mô phỏng theo Bài kiểm tra nhập học Trường Luật (LSAT) ở Hoa Kỳ). Các yếu tố bổ sung được đánh giá thông qua các bài tiểu luận, phỏng vấn, các kỳ thi tiểu luận do trường tổ chức, và các tài liệu ứng tuyển khác. Ứng viên luật sư phải hoàn thành chương trình học luật cấp độ sau đại học (03 năm) tại một trường đại học được phê duyệt ở Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp, các ứng viên phải thực hiện và vượt qua Kỳ thi tư pháp quốc gia - Kỳ thi luật sư Hàn Quốc (mới). Các ứng viên trúng tuyển sau đó phải hoàn thành 02 năm đào tạo bắt buộc tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tư pháp - JRTI (thuộc Tòa án tối cao). Đủ điều kiện để trở thành một luật sư được cấp phép muốn bắt đầu hành nghề luật sư phải đăng ký với Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc (KBA).
Đào tạo thẩm phán và công tố viên.
Theo Luật Tổ chức Tòa án của Hàn Quốc, người đã vượt qua Kỳ thi tư pháp quốc gia và hoàn thành chương trình đào tạo 02 năm tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tư pháp (JRTI) hoặc những người có chứng chỉ luật sư đều có tư cách thành thẩm phán. Trong số các thẩm phán được chọn từ các luật sư hành nghề, một số lượng lớn trong đó đã trở thành thẩm phán ngay sau khi tốt nghiệp JRTI. Trong cải cách tư pháp năm 2009 thành lập các trường luật kiểu Hoa Kỳ thay cho JRTI cũng yêu cầu các thẩm phán mới phải có một vài năm hành nghề luật sư.
4.1.5. Đào tạo chức danh tư pháp của Hoa Kỳ
Đào tạo luật nói chung và đào tạo các CDTP ở Mỹ nói riêng tương đối đặc biệt và khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhắc đến hệ thống đào tạo luật tại Mỹ không thể không nhắc đến mô hình đào tạo J.D/JD (Jurist Doctor). Mô hình đào tạo này có đặc trưng là đào tạo sau đại học trong thời gian ba năm, người muốn học J.D bắt buộc phải có một bằng đại học của một chương trình cử nhân bất kỳ chuyên ngành nào trước đó và vượt qua kỳ thi LSAT (Law School Admission Test).
Mô hình đào tạo J.D là mô hình đào tạo mang tính thực tiễn cao. Sinh viên trường luật được đào tạo các kiến thức luật gắn với thực tế thực hành nghề luật thông qua phương pháp tình huống (case methods) và phương pháp Socrate (một phương pháp kiểm tra sinh viên về lý luận của tòa án trong các vụ án được nghiên cứu).
Sau khi tốt nghiệp trường luật và muốn trở thành luật sư thì người tốt nghiệp tham gia kỳ “bar examination” - kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư. Đây là một hình thức sát hạch nổi tiếng nhất trong ngành luật ở nhiều quốc gia. Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm, độ khó bài thi sẽ khác nhau tùy từng bang và các thí sinh sẽ trải qua 2 ngày thi vô cùng căng thẳng[35].
Có thể hình dung Trường luật ở Mỹ được coi như một trường cao học về chuyên ngành luật, bởi những người theo học ở trường này phải là những đối tượng có bằng cử nhân. Các trường luật thực hiện việc giảng dạy lý luận luật, đào tạo nghiệp vụ và giảng dạy đạo đức cho người hành nghề luật. Những người thi đỗ kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ có bằng hành nghề luật sư. Thẩm phán và công tố viên được lựa chọn trong số các luật sư. Các thẩm phán được bầu và bổ nhiệm phải tham gia các chương trình đào tạo, theo yêu cầu của mọi tiểu bang. Các chương trình giáo dục tư pháp được cung cấp bởi Trung tâm Quốc gia về Tòa án Tiểu bang và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ. Ở đa số các bang, các thẩm phán được yêu cầu đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng trong suốt sự nghiệp của họ[36].
4.1.6. Đào tạo chức danh tư pháp của Vương quốc Anh
Anh là quốc gia điển hình đại diện cho mô hình đào tạo luật sư và bổ nhiệm thẩm phán, công tố viên từ luật sư. Ở Anh (bao gồm xứ Anh, xứ Wales và Bắc Ailen), thẩm phán, công tố viên (hay luật sư công tố) đều xuất thân từ những luật sư lâu năm (tối thiểu là 05 - 07 năm hành nghề), có kinh nghiệm. Mặc dù không theo mô hình đào tạo chung, nhưng một đòi hỏi tất yếu của thẩm phán và luật sư công tố ở Anh, đó là họ phải là những người đã rất thành thạo các kỹ năng hành nghề của luật sư và có uy tín trong giới. Về đào tạo trước khi bổ nhiệm, ở Anh chỉ tồn tại mô hình đào tạo luật sư. Đối với đào tạo luật sư, có sự phân biệt giữa đào tạo luật sư tư vấn và đào tạo luật sư tranh tụng.
Đào tạo luật sư tư vấn (Solicitor)[37].
Trở thành luật sư tư vấn thông qua con đường đại học cần phải có một bằng luật (LLB) trước khi tham gia Kỳ thi kiểm tra trình độ luật sư tư vấn (Solicitors Qualifying Examination (SQE). Kể từ tháng 9 năm 2021, kỳ thi SQE thay thế Bằng tốt nghiệp về Luật (Graduate Diploma in Law (GDL) và Khóa thực hành pháp lý (Legal Practice Course (LPC)). Những người đã học một chuyên ngành không liên quan đến luật tại đại học sẽ cần tham gia một khóa học chuẩn bị cho kỳ thi SQE trước khi tham gia kỳ thi này. Bước tiếp theo là hoàn thành hai năm kinh nghiệm trong đó có thể bao gồm thời gian thực tập theo hợp đồng đào tạo. Sau đó tiếp tục phải đáp ứng các điều kiện và yêu cầu khác của Cơ quan Quản lý Luật sư tư vấn (SRA). Sau đó, có thể nộp đơn đề nghị được công nhận là luật sư tư vấn.
Bên cạnh lộ trình trên, một cá nhân cũng có thể trở thành luật sư tư vấn nếu hoàn thành chương trình đào tạo sáu năm, gồm 7 cấp độ dành cho những sinh viên tốt nghiệp trình độ A, các kỹ sư và giám đốc điều hành hợp pháp.
Đào tạo luật sư tranh tụng (Barister)[38].
Để trở thành luật sư tranh tụng tại Anh và xứ Wales, một cá nhân cần phải hoàn thành ít nhất ba giai đoạn hoặc các học phần của khóa đào tạo, bao gồm học phần học thuật (bằng luật), học phần về kỹ năng nghề và học phần thực tập. Sau khi hoàn thành tất cả các học phần nêu trên, bạn sẽ sẵn sàng đăng ký với các Chamber (Tổ chức nơi các luật sư tranh tụng làm việc) với tư cách là một luật sư tự cung cấp và quản lý dịch vụ của mình hoặc bắt đầu hành nghề với tư cách là một luật sư tranh tụng làm việc được trả lương.
4.1.7. Đào tạo chức danh tư pháp của Cộng hòa Pháp
(i) Đào tạo thẩm phán, công tố viên:
Đặc trưng của Pháp là sự phân biệt hai chức danh: thẩm phán ngồi (Thẩm phán xét xử) và thẩm phán đứng (Công tố viên). Cả thẩm phán xét xử và công tố viên đều được đào tạo cùng trong một cơ sở đào tạo và theo một chương trình chung. Cuối khoá đào tạo có 3 tháng cho học viên được học chuyên sâu theo chức danh mà mình lựa chọn là thẩm phán xét xử hay công tố viên.
Chương trình đào tạo thẩm phán kéo dài trong thời gian 31 tháng. Quy trình đào tạo thẩm phán tại Trường Thẩm phán quốc gia Pháp gồm các giai đoạn sau:
- Giai đoạn học tại trường.
- Giai đoạn thực tập tại tòa án.
- Giai đoạn thực tập tại văn phòng luật sư.
- Giai đoạn thực tập tại các cơ quan khác.
- Giai đoạn học chuyên ngành.
(ii) Đào tạo luật sư:
Người muốn trở thành luật sư phải qua một kỳ kiểm tra đầu vào và sẽ được học tập cũng như thực tập các kỹ năng nghề nghiệp trong vòng 18 tháng[39] tại Trường Đào tạo Luật sư (do các đoàn luật sư quản lý). Kể từ năm 2005, thời gian của Chương trình đào tạo cơ bản luật sư đã được thay đổi từ 1 năm thành 18 tháng, cụ thể như sau:
- 06 tháng học chính khoá tại trường.
- 06 tháng dự án phát triển cá nhân (PPI) bao gồm 15 ngày thực tập quan sát tại một toà án hoặc một doanh nghiệp.
- 06 tháng thực tập trong một công ty luật.
(iii) Đào tạo thừa phát lại:
Tại Pháp, có 02 lộ trình để trở thành thừa phát lại. Nếu theo lộ trình Đại học: Người tham gia khóa đào tạo thừa phát lại phải có trình độ Bậc 4 (Thạc sĩ Luật - M1) hoặc bằng tốt nghiệp tương đương được công nhận. Khoá đào tạo này bao gồm một khoá thực tập nghiệp vụ có lương trong 2 năm tại một văn phòng thừa phát lại, song hành cùng việc học lý thuyết dưới sự giám sát của Uỷ ban Tư pháp quốc gia. Kết thúc đợt thực tập, ứng viên sẽ có bài kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, bằng tốt nghiệp từ Trường Thủ tục quốc gia rất được khuyến khích, nơi mà các khoá học có thể được thực hiện cùng lúc với thời gian thực tập.
Bên cạnh lộ trình nêu trên thì còn có lộ trình như sau: Để có thể được trở thành một thừa phát lại, một cá nhân cần phải có bằng đại học luật hoặc bằng đại học công nghệ (DUT - diplôme universitaire de technologie - bằng đại học sau 2 năm học tại các Viện công nghệ trực thuộc các Đại học tổng hợp) về nghiệp vụ pháp lý và tư pháp có giá trị 2 năm sau bằng tú tài (bằng THPT), và 10 năm hoạt động chuyên môn trong một văn phòng luật, trong đó có 05 năm làm thư ký luật sư cao cấp. Trong mọi trường hợp, mọi ứng viên đều phải trải qua bài thi để có được sự chấp thuận của Garde des Sceaux (the Keeper of the Seals – Bộ Tư pháp), cơ quan chỉ định thừa phát lại, người mà sau đó sẽ phải tuyên thệ trước toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng.
4.2. Một số kinh nghiệm cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp của Việt Nam trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Một là, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tổ chức hoạt động đào tạo, các chủ thể quản lý, sử dụng các CDTP cũng như các đối tượng của hoạt động đào tạo (gồm đào tạo nguồn và các hoạt động đào tạo sau khi đã bổ nhiệm chức danh). Việc xác định rõ ràng, cụ thể các yếu tố này là một trong những cơ sở để đào tạo CDTP ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Pháp đạt được chất lượng, hiệu quả cao, có sự gắn bó chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo.
Hai là, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, theo đó, xác định rõ các loại hình đào tạo và quy định các giai đoạn đào tạo phù hợp. Theo kinh nghiệm của các nước Mỹ, Anh, Pháp, nhìn chung hoạt động đào tạo các CDTP sau giai đoạn đào tạo tại trường luật thường tiếp nối với các giai đoạn: đào tạo ban đầu (tập sự); đào tạo cơ bản; đào tạo nâng cao; đào tạo mở rộng và đào tạo cập nhật kiến thức. Vì vậy, ở Việt Nam nói chung, Học viện Tư pháp nói riêng cũng cần tổ chức đào tạo theo mô hình đào tạo có điểm ưu việt đã được thực tế kiểm nghiệm và/hoặc theo các giai đoạn từ cơ bản đến chuyên sâu, từ đào tạo nâng cao đến bồi dưỡng cập nhật kiến thức, để đội ngũ CDTP có đầy đủ (và thường xuyên được bổ sung) những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn vừa mới, vừa hiện đại để có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nghiệp theo chức danh, vị trí việc làm. Điều này là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ trương tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao.
Ba là, các nước đều coi trọng việc đánh giá năng lực của những người theo học tại các cơ sở đào tạo hoặc những người có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán, công tố viên, luật sư bằng cách tiến hành các kỳ thi tư pháp quốc gia. Có những nước tiến hành kỳ thi quốc gia để lựa chọn những người giỏi vào đào tạo để bổ nhiệm các CDTP. Có những nước tiến hành kỳ thi quốc gia để lựa chọn những người xứng đáng bổ nhiệm vào các CDTP. Nội dung thi rất rộng, hình thức thi khá đa dạng, việc tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm túc và công bằng. Việc tổ chức kỳ thi tư pháp quốc gia để lựa chọn người tham gia theo học các chương trình đào tạo hoặc lựa chọn người để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, công nhận luật sư là kinh nghiệm tốt mà Việt Nam có thể học hỏi để nâng cao chất lượng từ nguồn đầu vào của học viên, tạo cơ sở thực hiện chủ trương “Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp” theo định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bốn là, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, nhất là những người có CDTP và người có trình độ, thâm niên cao trong các cơ quan, tổ chức; phối hợp liên kết mạnh mẽ giữa cơ sở đào tạo và các tổ chức hành nghề của các CDTP trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn. Giảng viên là yếu tố quan trọng quyết định ảnh hưởng tới hiệu quả đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP. Do đó, việc học tập kinh nghiệm các nước về phát triển đội ngũ giảng viên, cơ chế luân chuyển giảng viên thỉnh giảng (như kinh nghiệm của Pháp) là đặc biệt cần thiết.
Năm là, thiết lập các cơ sở đào tạo và các giai đoạn trong quá trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực đảm bảo nguyên tắc thống nhất, không chồng chéo, không tách biệt, bổ sung và hỗ trợ kiến thức, kỹ năng đầy đủ, toàn diện phù hợp với từng loại đối tượng CDTP và người làm công tác pháp luật. Đào tạo với phương châm tiết kiệm, hiệu quả, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ, cung ứng các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.
Chương 2
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TRƯỚC YÊU CẦU CỦA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
1. Những kết quả đạt được của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trước yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Trên cơ sở đối chiếu với các yêu cầu đặt ra đối với hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (đã phân tích tại Mục 3 Chương 1 Báo cáo này), có thể đánh giá về những kết quả đạt được của hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) kể từ khi chính thức triển khai Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 đến nay như sau:
1.1. Về quy mô đào tạo
Quy mô đào tạo các CDTP có xu hướng gia tăng qua các năm.
Thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8 năm 2023, Học viện Tư pháp đã từng bước mở rộng quy mô đào tạo. Tính từ năm 2014 đến tháng 8 năm 2023, Học viện Tư pháp đã đào tạo được 43.091 học viên các CDTP, trong đó giai đoạn 2014 - 2020 tăng 14,78% (3.618 học viên) so với giai đoạn 2007-2013. Riêng năm 2021, 2022 số lượng đào tạo các chức danh cơ bản đều tăng đáng kể.
Quy mô đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp có xu hướng gia tăng qua từng năm (ngoại trừ chương trình đào tạo nghề đấu giá do sự thay đổi của quy định pháp luật về đối tượng học viên). Đặc biệt, chương trình đào tạo nghề luật sư và chương trình đào tạo nghề công chứng có quy mô đào tạo lớn, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ luật sư và công chứng viên trong bối cảnh cải cách tư pháp.
Về các chương trình đào tạo mới:
Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2023, Học viện Tư pháp đã xây dựng các chương trình đào tạo mới như: Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao; Chương trình đào tạo nghề công chứng chất lượng cao; và mới đây nhất là Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại.
Các chương trình đào tạo mới đã bước đầu khẳng định được chất lượng, hiệu quả đào tạo, thu hút sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã tạo ra mô hình đào tạo mới, được thiết kế trên cơ sở những đặc trưng chung trong nghề nghiệp của ba chức danh này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô đào tạo, chứng minh sự phù hợp của mô hình này với yêu cầu tăng cường tranh tụng trong xét xử, yêu cầu về việc trang bị toàn diện các kiến thức, kỹ năng cho người học.
Như vậy, với quy mô và chất lượng đào tạo được nâng cao, công tác đào tạo được đổi mới theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, hoạt động đào tạo các CDTP của Học viện Tư pháp đã góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020, Nghị quyết số 24/2008/QH12, Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về thực hiện thí điểm và Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại ở Việt Nam; góp phần thực hiện thành công chính sách xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp ở từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc (luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại…); khẳng định vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
1.2. Về chuẩn đầu ra, nội dung và phương pháp đào tạo
a) Chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện tại của Học viện Tư pháp đều được xây dựng theo hướng xác định các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất thái độ mà người học cần đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Các nhóm yêu cầu trong chuẩn đầu ra hiện tại bao gồm:
- Yêu cầu về kiến thức gồm có kiến thức pháp luật liên quan tới hoạt động nghề nghiệp và kiến thức về đạo đức nghề nghiệp của các CDTP.
- Yêu cầu về kỹ năng: bao gồm kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong các tranh chấp quốc tế, tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Hiện tại các chương trình đào tạo của Học viện đều thể hiện rất rõ chuẩn đầu ra về kỹ năng liên quan đến kỹ năng làm việc, bao gồm kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và chuyên sâu của chức danh được đào tạo. Theo kết quả khảo sát trong khuôn khổ Đề tài, khi đánh giá về việc thể hiện chuẩn đầu ra liên quan tới kỹ năng làm việc trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, trong 300 người được hỏi có 94 người lựa chọn mức độ rất tốt (chiếm 31,3%); có 206 người lựa chọn mức độ tốt (chiếm 68,7%).
- Yêu cầu về phẩm chất: Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện hành đều yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp; tinh thần học hỏi suốt đời.
Như vậy, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp đã được xây dựng cơ bản bám sát với yêu cầu nghề nghiệp cơ bản của mỗi CDTP. Các yêu cầu về kiến thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng cơ bản của từng chức danh cũng như các yêu cầu về phẩm chất, thái độ đã được thể hiện trong chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Một số chương trình đào tạo được chỉnh sửa, bổ sung từ năm 2022 trở lại đây đã cập nhật vào chuẩn đầu ra một số nội dung liên quan tới kỹ năng sống, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh các chương trình đào tạo đại trà, Học viện Tư pháp đã xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao gồm chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao và chương trình đào tạo nghề công chứng chất lượng cao. Các chương trình được thiết kết với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển năng lực (hay dạy học định hướng kết quả đầu ra) nhằm phát triển năng lực người học. Các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao có chuẩn đầu ra đối với người học cao hơn. Có thể nói, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp đã thể hiện rõ nét định hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” mà Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng đã đề ra.
b) Nội dung đào tạo
Các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp được thiết kế theo hướng cung cấp các kiến thức, kỹ năng cơ bản và phẩm chất mà một người hành nghề cần phải có, cần phải thực hiện được. Vì vậy, căn cứ vào tính chất nên biết, cần biết, buộc phải biết của mỗi vấn đề/mỗi loại kỹ năng để xây dựng nội dung học tập theo hướng chỉ tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cốt lõi, nhằm giảm tải chương trình đào tạo.
Với cấu trúc cơ bản của các chương trình đào tạo gồm 04 phần: (i) Kiến thức chung về nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; (ii) Kỹ năng cơ bản; (iii) Đào tạo thực tế; và (iv) Kỹ năng tự chọn (chuyên sâu). Nội dung về sứ mệnh nghề nghiệp, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp được chú trong đào tạo cho học viên ngay từ đầu khóa học và được lồng ghép trong tất cả các nội dung của từng chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo hiện hành cũng đã có sự tích hợp nhiều hơn yếu tố/nội dung liên quan đến kỹ năng làm việc và kỹ năng hội nhập trong điều kiện xã hội luôn vận động, phát triển. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các chương trình đào tạo đều đã ít nhiều có nội dung liên quan tới kỹ năng làm việc, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế đã thể hiện rõ nét khả năng đáp ứng, tương thích của hoạt động đào tạo các CDTP với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.
Trên cơ sở đánh giá những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nội dung, phương thức hành nghề luật, trong những năm gần đây, các chương trình đào tạo đã đề cập tới một số kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan tới xu hướng hành nghề luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp như: nội dung về các xu hướng mới trong hành nghề luật như đoán định tư pháp, giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hành nghề luật sư trong Chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ...
Như vậy, trên bình diện chung, các chương trình đào tạo các CDTP của Học viện Tư pháp, nhất là những chương trình được xây dựng mới từ giai đoạn 2011 – 2023 đã đáp ứng được khá căn bản định hướng đổi mới giáo dục đào tạo của đất nước đúng với tinh thần đổi mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[40]. Kết quả khảo sát trong khuôn khổ đề tài cũng cho thấy 26% số người tham gia khảo sát đánh giá nội dung đào tạo của Học viện đáp ứng rất tốt yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; 73,3% số người được hỏi đánh giá mức độ đáp ứng là tốt.
c) Phương pháp đào tạo
Về cơ bản, các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực được áp dụng từ khá sớm và phổ biến trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tư pháp của Học viện, cụ thể là:
- Phương pháp dạy học “giải quyết vấn đề” (promblem solving) là tạo cho người học năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề.
- Phương pháp dạy học theo tình huống (tình huống có vấn đề; tình huống chuẩn; tình huống thực hành; hồ sơ tình huống), trong đó, hồ sơ tình huống là một hình thức dạy học mà giảng viên có thể giúp người học có được nhận thức mới từ việc nhạn diện, phân tích những vấn đề pháp lý, kỹ năng, đạo đức ứng xử nghề nghiệp thể hiện trong hồ sơ.
- Phương pháp đóng vai: Đây là phương pháp giảng dạy và học tập vừa đặc thù vừa phổ biến trong hoạt động giảng dạy nguồn nhân lực tư pháp tại Học viện, vừa nhằm rèn luyện kỹ năng thực tế giải quyết vấn đề, đưa người học vào tình huống, bối cảnh, cảm xúc nghề nghiệp thực tế để xây dựng, phát huy năng lực xử lý tình huống thực tế của người học. Hoạt động đóng vai áp dụng trong chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp thường có hai dạng là đóng vai dùng trong tình huống nghề nghiệp cụ thể (đóng vai trọng tài viên, công chứng viên, đấu giá viên…) và diễn án (đối với những chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư).
Ngoài ra, một số phương pháp dạy học hiện đại khác như thuyết trình tích cực, làm việc nhóm hiệu quả cũng được sử dụng khá rộng rãi trong hoạt động giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, việc thiết kế chương trình đào tạo được xây dựng từ năm 2021 trở lại đây còn chú trọng tạo “không gian” cho việc áp dụng phương pháp học tập trải nghiệm. Phương pháp này bao gồm bốn giai đoạn chính: (1) Trải nghiệm cụ thể; (2) Quan sát có tư duy; (3) Khái niệm hóa trừu tượng; (4) Thử nghiệm tích cực. Phương pháp học tập trải nghiệm được áp dụng phổ biến trong chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao, chương trình đào tạo nghề luật sư theo hình thức tín chỉ và đã khẳng định được hiệu quả, sự phù hợp với đặc trưng đào tạo nghề, có sức thu hút đối với người học.
Các phương pháp đào tạo nói trên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp nói chung, đào tạo các CDTP nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng.
1.3. Về phương thức đào tạo
Trong và sau đại dịch Covid-19 đồng thời với định hướng chiến lược đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc tổ chức hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp đã có sự chuyển mình kịp thời với sự áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học (trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến). Hiện tại, các chương trình đào tạo CDTP của Học viện đã được xây dựng theo hướng kết hợp giữa phương thức đào tạo trực tiếp với đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến, trong đó xác định các bài học có thể đào tạo trực tuyến (thường là bài lý thuyết kỹ năng, bài trao đổi kinh nghiệm) với tỉ lệ từ khoảng 15% đến 30% tổng thời lượng đào tạo tùy từng chương trình đào tạo. Mặc dù mới là bước khởi đầu song việc đào tao kết hợp đã phát huy được ưu thế, hoạt động đào tạo trực tuyến vừa ứng dụng được các thành tựu của công nghệ thông tin vào đào tạo, vừa tạo thuận lợi cho người học và, ở mức độ nhất định, giúp tiết kiệm chi phí cho cả cơ sở đào tạo và người học.
Sự chuyển mình này đã đặt nền móng tốt cho việc đổi mới phương thức đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết XIII của Đảng ở mức độ cao hơn trong những năm tiếp theo. Đánh giá mức độ đáp ứng của Học viện Tư pháp so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phương thức đào tạo, qua khảo sát trong khuôn khổ Đề tài cho thấy trong 300 người được hỏi có 82 người lựa chọn mức độ rất tốt (chiếm 27,3%); có 208 người lựa chọn mức độ tốt (chiếm 69,3%).
1.4. Về chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo các CDTP của Học viện Tư pháp tiếp tục được nâng cao. Về cơ bản, học viên sau đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Kết quả khảo sát đối với một số chương trình đào tạo là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo đã bước đầu được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Công tác quản lý đào tạo được quan tâm, nâng cao chất lượng. Việc công khai thông tin, thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước, với người học được phát huy tạo môi trường đào tạo minh bạch, hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động đào tạo các CDTP.
Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện đã được chú trọng. Nhằm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Tư pháp đã quyết định đưa Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo vào cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp (Quyết định số 2229/QĐ-BTP ngày 22/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp). Năm 2018 và 2019, Học viện đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp. Đến năm 2020 trên cơ sở tham khảo các quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, Học viện Tư pháp đã chuyển hướng xây dựng Bộ tiêu chuẩn tự đánh giá chất lượng Học viện Tư pháp. Ngày 31/12/2020, Giám đốc Học viện đã ký Quyết định số 2296/QĐ-HVTP bàn hành Bộ tiêu chuẩn này (phù hợp với Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc thù của Học viện Tư pháp) và đã đưa vào áp dụng từ năm 2021.
Năm 2022, Học viện Tư pháp đã tổ chức tự đánh giá chất lượng hoạt động đào tạo giai đoạn 2007-2022 theo Bộ tiêu chuẩn nêu trên. Ngày 30/6/2023 Giám đốc Học viện đã ký Quyết định số 1231/QĐ-HVTP phê duyệt Báo cáo tự đánh giá chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp giai đoạn 2007-2022. Chất lượng công tác đào tạo trong giai đoạn này được đánh giá thông qua việc tự đánh giá mức độ đạt chuẩn về: i) Chính sách đào tạo (Tiêu chuẩn 5); ii) Nâng cao chất lượng (Tiêu chuẩn 12); iii) Tuyển sinh và nhập học (Tiêu chuẩn 13); iv) Thiết kế và rà soát chương trình dạy học (Tiêu chuẩn 14); v) Giảng dạy và học tập (Tiêu chuẩn 15); vi) Đánh giá học viên (Tiêu chuẩn 16); vii) Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ học viên (Tiêu chuẩn 17); viii) Kết quả đào tạo (Tiêu chuẩn 23). Kết quả tự đánh giá cho thấy chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp hiện nay đáp ứng tốt các tiêu chí đánh giá. Cụ thể như sau[41]:
TT
|
Lĩnh vực/ Tiêu chuẩn/ Tiêu chí
|
Tự đánh giá (mức điểm)[42]
|
Ghi chú
|
I
|
Lĩnh vực 1. ĐBCL về chiến lược
|
|
|
I.1
|
Tiêu chuẩn 5. Các chính sách về đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng
|
4.75
|
|
1
|
5.1
|
5.0
|
|
2
|
5.2
|
4.0
|
|
3
|
5.3
|
5.0
|
|
4
|
5.4
|
5.0
|
|
II
|
Lĩnh vực 2. ĐBCL về hệ thống
|
Không xác định mực độ đạt
|
Vì không có đối tượng để so sánh
|
II.2
|
Tiêu chuẩn 12. Nâng cao chất lượng
|
|
|
III
|
Lĩnh vực 3. ĐBCL về thực hiện các chức năng
|
|
|
III.3
|
Tiêu chuẩn 13. Tuyển sinh và nhập học
|
4.80
|
|
10
|
13.1
|
5.0
|
|
11
|
13.2
|
5.0
|
|
12
|
13.3
|
4.0
|
|
13
|
13.4
|
5.0
|
|
14
|
13.5
|
5.0
|
|
III.4
|
Tiêu chuẩn 14. Thiết kế và rà soát chương trình dạy học
|
5.00
|
|
15
|
14.1
|
5.0
|
|
16
|
14.2
|
5.0
|
|
17
|
14.3
|
5.0
|
|
18
|
14.4
|
5.0
|
|
19
|
14.5
|
5.0
|
|
III.5
|
Tiêu chuẩn 15. Giảng dạy và học tập
|
5.00
|
|
20
|
15.1
|
5.0
|
|
21
|
15.2
|
5.0
|
|
22
|
15.3
|
5.0
|
|
23
|
15.4
|
5.0
|
|
24
|
15.5
|
5.0
|
|
III.6
|
Tiêu chuẩn 16. Đánh giá người học
|
4.75
|
|
25
|
16.1
|
5.0
|
|
26
|
16.2
|
5.0
|
|
27
|
16.3
|
4.0
|
|
28
|
16.4
|
5.0
|
|
III.7
|
Tiêu chuẩn 17. Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học
|
4.75
|
|
29
|
17.1
|
5.0
|
|
30
|
17.2
|
5.0
|
|
31
|
17.3
|
5.0
|
|
32
|
17.4
|
4.0
|
|
IV
|
Lĩnh vực 4. Kết quả hoạt động
|
|
|
IV.8
|
Tiêu chuẩn 23. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng
|
3.75
|
|
33
|
23.1
|
4.0
|
|
34
|
23.2
|
4.0
|
|
35
|
23.3
|
4.0
|
|
s36
|
23.4
|
3.0
|
|
1.5. Về nguồn lực trong công tác đào tạo
a) Về nguồn nhân lực
- Đội ngũ giảng viên:
Như đã đề cập, đội ngũ giảng viên của Học viện Tư pháp có nhiều nét đặc trưng về cơ cấu, thành phần, yêu cầu chuyên môn. Hiện tại, Học viện Tư pháp có 67 giảng viên cơ hữu, trong đó 01 Phó Giáo sư, 21 Tiến sĩ, 45 Thạc sĩ; số giảng viên cơ hữu từng là CDTP là 14 người (chiếm 20,9% so với tổng số giảng viên cơ hữu). Bên cạnh việc tăng cường số lượng giảng viên, Học viện Tư pháp cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và đi thực tế tại các cơ quan, tổ chức hành nghề nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình đào tạo. Từ năm 2014 đến hết tháng 8 năm 2023, Học viện Tư pháp đã cử 458 lượt giảng viên cơ hữu tham gia các lớp/khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước[43].
Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng được đặc biệt quan tâm phát triển. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Học viện hiện tại có 823 người, gồm các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chứng viên, đấu giá viên, trọng tài viên, chuyên gia pháp luật[44]… Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, Học viện Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: (i) Lựa chọn những người có CDTP, có nhiều kinh nghiệm công tác, giảng dạy trong lĩnh vực liên quan, một số giảng viên, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu làm giảng viên thỉnh giảng; (ii) Hàng năm, duy trì hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho giảng viên về nội dung, phương pháp đào tạo mới, phương pháp sư phạm (iv) Đảm bảo tốt chế độ cho giảng viên giảng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Học viện; (v) Luôn quan tâm, ghi nhận và vinh danh giảng viên thỉnh giảng có nhiều đóng góp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp...
Đánh giá về mức độ đáp ứng của Học viện Tư pháp với yêu cầu “đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, kết quả khảo sát trong khuôn khổ Đề tài cho thấy trong 300 người được hỏi có 80 người lựa chọn mức độ rất tốt (chiếm 26,6 %); có 215 người lựa chọn mức độ tốt (chiếm 71,6 %). Có thể khẳng định, Học viện Tư pháp đã phát triển được đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng có chất lượng, phù hợp với yêu cầu, đặc thù của hoạt động đào tạo các CDTP.
- Đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác quản lý, phục vụ đào tạo: Cùng với đội ngũ giảng viên, đội ngũ viên chức, người lao động của Học viện cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, Học viện có 94 viên chức và lao động hợp đồng (không bao gồm giảng viên cơ hữu). Việc bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức, người lao động theo chức danh, theo vị trí việc làm thường xuyên được quan tâm thực hiện. Về cơ bản, trình độ, năng lực của đội ngũ viên chức, người lao động đã đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo các CDTP tại Học viện.
- Học viên: Đội ngũ học viên của Học viện Tư pháp có xu hướng gia tăng hàng năm. Số lượng học viên trẻ, mới tốt nghiệp đại học cũng có xu hướng gia tăng. Đội ngũ học viên này có kiến thức pháp luật cập nhật, sự nhiệt tình và khả năng sử dụng công nghệ phục vụ việc học tập tốt nên góp phần giúp các phương pháp học tập tích cực và phương thức dạy học trực tuyến được triển khai có hiệu quả.
b) Về nguồn lực vật chất
Cơ sở vật chất của Học viện Tư pháp luôn được quan tâm, đầu tư.
Từ cơ sở vật chất với 1.750 m2 đất, 4.725 m2 sàn xây dựng, hệ thống phòng làm việc, phòng học, ký túc xá chật chội tại số 10 Phan Văn Trường, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo và các nhiệm vụ chính trị khác, đến nay Học viện Tư pháp đã có một cơ sở mới khang trang, hiện đại tại số 9 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội với 28.370 m2 sàn xây dựng, với hệ thống phòng làm việc, hội trường, phòng học, thư viện, ký túc xá hiện đại, rộng rãi, phục vụ tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác của Học viện. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau nhiều năm đi thuê trụ sở tại nhiều nơi, viên chức và người lao động phải làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đến nay Học viện Tư pháp đã hoàn thành Dự án xây dựng Trụ sở tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 11 năm 2017 với diện tích sàn xây dựng 14.416 m2, 15 tầng nổi, 01 tầng hầm, kết hợp trụ sở làm việc, giảng đường, thư viện, hội trường, khu vực nghỉ, thể thao giải trí… tiện nghi, hiện đại.
Hệ thống thư viện được quan tâm đầu tư. Năm 2017, Học viện Tư pháp đã đầu tư phần mềm Thư viện điện tử tích hợp hai phân hệ tự động hóa và thư viện số. Đến nay, Học viện đã thực hiện số hóa 84 giáo trình, tài liệu hướng dẫn, bộ phiếu kỹ thuật; 03 Sổ tay; 294 đầu hồ sơ tình huống đào tạo của 07 chức danh (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, lý lịch tư pháp, chấp hành viên) đưa lên Thư viện điện tử để phục vụ bạn đọc tra cứu, khai khác và phục vụ giảng viên, học viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã liên kết, chia sẻ, mở rộng nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện chuyên ngành như Thư viện Bộ Tư pháp, Thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên, công chức, viên chức của Học viện và Bộ Tư pháp.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, Học viện Tư pháp đã (i) Thiết lập mạng LAN, các máy tính của các phòng ban có thể kết nối chia sẻ dữ liệu cho nhau và kết nối internet; (ii) Có phòng học được đầu tư hơn 40 máy tính kết nối mạng LAN và kết nối internet, có thể sử dụng để tổ chức các khóa đào tạo trên mạng, đào tạo trực tuyến; (iii) Các phòng học của Học viện đều được trang bị các trang thiết bị cơ bản như hệ thống âm ly, projector (đèn chiếu) để phục vụ giảng dạy. Ngoài ra, hiện nay Học viện Tư pháp đang đầu tư, trang bị hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát, quản lý người học trong toàn Học viện; đầu tư trang thiết bị họp trực tuyến (video conference) có thể kết nối với 6 điểm khác nhau trên toàn quốc. Học viện Tư pháp đã ứng dụng một số phần mềm học trực tuyến như Microsoft Team phục vụ việc đào tạo trực tuyến. Với các trang thiết bị hiện có và đang đầu tư, Học viện Tư pháp bước đầu có thể tổ chức, thực hiện được một số hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có kết nối trực tuyến giữa một số điểm trên toàn quốc và tổ chức bồi dưỡng theo phương thức E-Learning ở cấp độ đơn giản.
Với cơ sở vật chất hiện có, Học viện Tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo các CDTP trong giai đoạn hiện nay, tạo tiền đề bước đầu cho quá trình chuyển đổi số trong thời gian sắp tới.
2. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trước yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã phân tích, đánh giá tại Mục 1 trên đây, so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (do Học viện Tư pháp tổ chức thực hiện) vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cả về quy mô, chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp, phương thức, chất lượng đào tạo và nguồn lực phục vụ đào tạo. Cụ thể như sau:
2.1. Về quy mô đào tạo
Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg: Tổng quy mô đào tạo các CDTP đạt được 58,3% (28.093 học viên thực tế tuyển sinh đào tạo/48.150 chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2014 -2020)[45]. Trong đó: (i) Đào tạo chấp hành viên đạt 84% chỉ tiêu đề ra (tuyển sinh được 1.755 học viên/2.100 chỉ tiêu, bình quân 251/300 chỉ tiêu/năm); (ii) Đào tạo thẩm phán đạt 14,17% chỉ tiêu đề ra (tuyển sinh được 496 học viên/3.500 chỉ tiêu, bình quân 71/500 chỉ tiêu/năm); (iii) Đào tạo kiểm sát viên đạt 29% (tuyển sinh được 613 học viên/2.100 chỉ tiêu, bình quân 88/300 chỉ tiêu/năm). Một số chương trình chưa thực hiện đào tạo được như đào tạo thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, trọng tài viên, hộ tịch viên, trợ giúp viên pháp lý, đăng ký viên giao dịch bảo đảm.
Những hạn chế về quy mô đào tạo nêu trên do việc xác định, dự báo nhu cầu đào tạo chưa thật sự phù hợp với đòi hỏi thực tiễn trong quá trình xây dựng Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” kéo dài từ năm 2007 đến năm 2013, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013. Việc đào tạo chức danh thẩm phán, kiểm sát viên đạt rất thấp so với chỉ tiêu do có sự thay đổi trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo đối với hai chức danh này[46]. Các chức danh (thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, trọng tài viên, hộ tịch viên, trợ giúp viên pháp lý, đăng ký viên giao dịch bảo đảm) chưa tổ chức đào tạo được do chưa có cơ sở pháp lý để tổ chức đào tạo.
2.2. Về chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo
a) Về chuẩn đầu ra
Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo về cơ bản mới được xác định ở mức trung bình trên 03 khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Một số yêu cầu mới đối với các CDTP liên quan tới hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa được đưa vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
b) Về nội dung đào tạo
Nội dung đào tạo bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp còn chiếm thời lượng nhỏ trong một chương trình đào tạo; tỉ lệ đào tạo giữa lý thuyết và thực tập, thực hành còn có những bất cập, trong một số chương trình thời lượng dành cho thực tập – yếu tố được coi là có tính thực tiễn cao nhất, cơ hội để học viên được tiếp cận với cả kỹ năng và môi trường nghề nghiệp thực tế - còn chiếm tỉ lệ thấp; các nội dung mới liên quan tới hội nhập quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp chưa được thiết kế tương xứng trong các chương trình đào tạo, việc thể hiện trong chương trình môn học đối với các nội dung này cũng còn nhiều lúng túng.
Bên cạnh đó, thời gian dành cho tự học, tự nghiên cứu của học viên chưa nhiều.
Những hạn chế trong nội dung đào tạo như nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan là do quá trình rà soát, hoàn thiện chương trình đào tạo chưa thật kỹ lưỡng, chưa nắm bắt và thể hiện được đầy đủ, chính xác ý kiến của các bên liên quan (người dạy, người học, người sử dụng lao động). Nguyên nhân khách quan là những ràng buộc hoặc thiếu quy định pháp luật cụ thể; thời gian đào tạo có hạn trong khi khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết lớn, nhất là đối với những chương trình đào tạo chung nhiều CDTP; một số nội dung mới, việc tiếp cận đưa vào chương trình đào tạo mới ở bước khởi đầu nên còn gặp nhiều khó khăn hoặc chưa thực sự phù hợp với tính chất của từng chương trình đào tạo nghề luật cụ thể…
c) Về phương pháp đào tạo
Việc triển khai chương trình đào tạo có những lúc chưa đảm bảo thật đầy đủ tinh thần lấy người học làm trung tâm, học viên tham gia học tập còn thụ động. Tình trạng học viên đến lớp mới mượn hồ sơ/nghiên cứu hồ sơ còn tương đối phổ biến. Giảng viên và học viên chưa thực sự gắn kết trong quá trình triển khai chương trình, bài học đã dẫn đến việc triển khai bài học trên lớp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, việc tổ chức lớp học với sỹ số trên 50 học viên/1 lớp cũng khiến cho việc làm việc nhóm, tương tác trực tiếp giữa giảng viên và học viên không được nhiều và dẫn đến tình trạng còn có những học viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của giảng viên tại buổi học. Mặc dù việc đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho giảng viên thường xuyên được thực hiện nhưng việc triển khai trên lớp vẫn còn hạn chế; tình trạng thuyết giảng, giảng lại lý thuyết trong các buổi học tình huống vẫn còn tồn tại. Các phương pháp giảng dạy tích cực như giải quyết tình huống tuy được áp dụng phổ biến nhưng hiệu quả còn hạn chế do cả nguyên nhân từ phía giảng viên (triển khai, tổ chức hoạt động học tập chưa hợp lý), cả nguyên nhân từ phía học viên (học viên không tích cực tham gia hoạt động học tập).
2.3. Về phương thức đào tạo
Mặc dù đào tạo trực tuyến đã được quan tâm nhưng thực tế triển khai vẫn chưa phải là đào tạo E-learning theo đúng nghĩa, chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết để triển khai đào tạo trực tuyến mà mới đơn thuần là giảng dạy qua mạng. Thực tế triển khai cho thấy, hiện tại Học viện Tư pháp vẫn chưa tổ chức, đào tạo được bất kỳ nội dung chương trình nào theo hình thức E-Learning, việc xây dựng bài giảng điện tử đạt chuẩn SCORM, số hóa được bài giảng mới đang được triển khai và chưa có sản phẩm thực tế.
2.4. Về chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo còn những điểm hạn chế, bất cập nhất định. Điều này thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
- Mặc dù chưa có khảo sát ở quy mô rộng nhưng qua đánh giá của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn tỉ lệ nhất định học viên sau khi tốt nghiệp chưa có kỹ năng làm việc tốt, thái độ ứng xử còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Công tác quản lý đào tạo còn những điểm bất cập. Với quy mô đào tạo tăng trưởng nhanh chóng, công tác quản lý đào tạo của Học viện Tư pháp gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo. Trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo còn hạn chế.
- Công tác khảo sát, dự báo về nhu cầu đào tạo, chất lượng, hiệu quả đào tạo đã bước đầu được triển khai nhưng chưa bài bản, thường xuyên; chưa trở thành cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, điều chỉnh hoạt động đào tạo tạo.
- Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo được vận hành, công tác tự đánh giá chất lượng mới bước đầu được triển khai và còn cần qua kiểm nghiệm thực tế để đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.
2.5. Về nguồn lực trong công tác đào tạo
- Về đội ngũ giảng viên: Trong những năm qua, tuy Học viện Tư pháp luôn nỗ lực mở rộng đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, nhưng tình trạng thiếu giảng viên thỉnh giảng nói chung và giảng viên thỉnh giảng là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, thừa phát lại nói riêng vẫn chưa thực sự được khắc phục triệt để. Nguyên nhân của tình trạng này một mặt do các CDTP đang hành nghề có nhiều kinh nghiệm, uy tín cao trong các lĩnh vực hành nghề thực tế thường là người quản lý điều hành các cơ quan, tổ chức hành nghề với nhiều áp lực công việc, một số người là công chức chịu sự quản lý hành chính của cơ quan nên cũng gặp khó khăn khi cân đối thời gian vật chất dành cho hoạt động đào tạo của Học viện.
- Đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác quản lý, phục vụ đào tạo tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc song vẫn còn những điểm hạn chế, nhất là mức độ tinh thông, chuyên nghiệp và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chưa cao; thái độ ứng xử trong công việc đôi khi còn chưa chuẩn mực.
- Đội ngũ học viên của Học viện Tư pháp trình độ chưa đồng đều; một bộ phận học viên thái độ, ý thức học tập chưa cao, chưa tích cực; mục đích học tập chưa thật sự là học để làm nghề mà học để có chứng chỉ, để đáp ứng yêu cầu về bằng cấp theo quy định pháp luật.
2.6. Đánh giá chung
Thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong thời gian từ năm 2014 đến nay, Học viện Tư pháp đã đạt được những thành tựu đáng kể trong hoạt động đào tạo các CDTP. So với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đào tạo các CDTP đã cơ bản đáp ứng trong đó nổi bật là sự tăng trưởng về quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo; tính hiện đại, thực tiễn của chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đội ngũ giảng viên với trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết, hoạt động đào tạo còn có những điểm hạn chế.
Nhận diện rõ những yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với hoạt động đào tạo các CDTP và đánh giá thực trạng, nhất là đánh giá chính xác những hạn chế của hoạt động đào tạo so với yêu cầu của Nghị quyết là cơ sở để đề xuất các giải pháp và điều kiện đảm bảo để đổi mới hoạt động đào tạo trong thời gian sắp tới.
Chương 3
NỘI DUNG, GIẢI PHÁP, ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO VÀ LỘ TRÌNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
1. Nội dung, giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
1.1. Một số nội dung và giải pháp chung
Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đội ngũ giảng viên, học viên, các nhà quản lý trong các cơ sở đào tạo các CDTP về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp và đào tạo các CDTP thể hiện tập trung tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” để thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Hai là, tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo các CDTP của các nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Ba là, triển khai việc cập nhật, bổ sung chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp và đào tạo các CDTP; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo các CDTP.
Đa dạng hóa các hình thức, loại hình đào tạo; nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng cũng như nội dung đào tạo; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu, sách tham khảo và các tài liệu bổ trợ phục vụ công tác đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa lý luận với thực hành và trải nghiệm thực tiễn; giữa lý luận chính trị, kiến thức pháp luật với kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác đào tạo các CDTP có đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, luôn tâm huyết và trách nhiệm với công việc.
Năm là, lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác đào tạo các CDTP. Đầu tư hệ thống sách báo, tài liệu thông tin tư liệu, thư viện trong các cơ sở đào tạo các CDTP để có sự kết nối, liên thông và chia sẻ tư liệu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của các CDTP phục vụ hoạt động đào tạo. Đầu tư nâng cấp phòng học, các trung tâm thực hành nghề luật bảo đảm hiện đại, đa năng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các hoạt động đào tạo các CDTP.
Sáu là, quyết liệt áp dụng và khai thác tối đa hiệu quả của chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề.
-
Các nội dung và giải pháp cụ thể gắn với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
1.2.1. Phát triển hợp lý quy mô đào tạo phù hợp với đòi hỏi thực tiễn
Trong thời gian sắp tới, khi triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Học viện sẽ đảm bảo quy mô đào tạo theo các chỉ tiêu trong Đề án. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quy mô đào tạo các chức danh liên quan theo Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức chuyên sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1805/QĐ-BTP ngày 2/12/2021) và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025 (ban hành theo Quyết định 1769/QĐ-BTP ngày 25/11/2021của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Liên quan tới quy mô đào tạo, cũng cần quan tâm triển khai các chương trình đào tạo mới trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn. Việc xây dựng các chương trình đào tạo mới là cần thiết, một mặt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ các CDTP, mặt khác nhằm bổ sung và tăng cường số lượng các CDTP đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo cơ sở cho việc triển khai các chương trình đào tạo mới cần thiết có những thay đổi trong quy định pháp luật về đối tượng tham gia đào tạo, quy định việc đã được đào tạo nghề, đào tạo nghiệp vụ là tiêu chuẩn bổ nhiệm các CDTP liên quan.
1.2.2. Tập trung đổi mới chuẩn đầu ra, nội dung đào tao, phương pháp đào tạo
(i) Rà soát, đổi mới chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
+ Yêu cầu về kiến thức: bên cạnh kiến thức về nghề, về chuyên môn, nghiệp vụ đã có trong các chương trình đào tạo như hiện nay, chuẩn đầu ra về kiến thức của các chương trình đào tạo cần chú trọng kiến thức chuyên sâu về pháp luật quốc tế, về thương mại, đầu tư quốc tế; kiến thức ngoại ngữ và công nghệ thông tin theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
+ Yêu cầu về kỹ năng: bên cạnh kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề nghiệp về chuyên môn và thực tiễn đã có trong các chương trình đào tạo hiện nay, cần bổ sung vào chuẩn đầu ra kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và công dân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nhu cầu của xã hội.
+ Yêu cầu về phẩm chất: hiện nay tất cả các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp đều thể hiện rõ các yêu cầu về phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng; tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong chuẩn đầu ra chưa đề cập hoặc chưa chú trọng thích đáng đến kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; tinh thần chủ động, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó và khả năng thích ứng với yêu cầu và bối cảnh thực tiễn. Vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát, bổ sung các yêu cầu này vào chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo.
Tóm lại, để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo trong thời gian tới phải cao hơn chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hiện hành về năng lực chuyên môn; năng lực nghiên cứu, năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; tinh thần chủ động, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó và khả năng thích ứng với yêu cầu và bối cảnh thực tiễn. Hoạt động đào tạo phải đáp ứng các tiêu chí đồng bộ, bao gồm: Chương trình đào tạo, tuyển sinh, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Điều quan trọng là nội dung, học liệu, phương pháp giảng dạy phải thực hiện tốt hơn để đạt được yêu cầu cao hơn của chuẩn đầu ra.
(ii) Đổi mới nội dung đào tạo
Để đạt được chuẩn đầu ra cao hơn như trên, việc đổi mới nội dung đào tạo trong từng chương trình đào tạo là điều tất yếu. Các giải pháp chủ yếu cần thực hiện là:
- Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; có cơ chế phù hợp hơn để phân tích nhu cầu thực tiễn, thường xuyên thu thập ý kiến phản hồi từ người dạy, người học, người sử dụng lao động, nhà quản lý làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo đặc biệt là để xác định nội dung đào tạo thật sự phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò, sự tham gia của người dạy, người học, người sử dụng lao động, nhà quản lý vào công tác xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo của Học viện Tư pháp qua việc sử dụng nhiều kênh kết nối.
- Thống nhất cách thiết kế, cấu trúc các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp theo hướng bám sát các nhóm kỹ năng nghề nghiệp đặc thù của từng CDTP trong thực tiễn hành nghề và tăng cường sự tự giác, năng lực tự học, tự nghiên cứu, chủ động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp của người học. Theo đó, nghiên cứu, điều chỉnh các học phần, các bài học theo hướng gắn với kỹ năng, nhóm kỹ năng nghề nghiệp; tăng cường chất lượng công tác hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu đảm bảo yêu cầu cụ thể, phù hợp với mục tiêu bài học, có tài liệu, chỉ dẫn tài liệu nghiên cứu cụ thể.
- Rà soát, đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng chú trọng nội dung đào tạo về chính trị tư tưởng, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng mềm; cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng hành nghề trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể như sau:
+ Tiếp tục chú trọng đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, về tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu nghề nghiệp và khát vọng cống hiến cho nghề nghiệp, cho xã hội.
+ Tiếp tục chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
+ Chú trọng nội dung đào tạo kỹ năng mềm.
+ Chú trọng nội dung đào tạo liên quan tới ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hoạt động nghề nghiệp của các CDTP và việc hành nghề trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
+ Tăng cường tính liên thông giữa các chương trình đào tạo để tạo thuận lợi cho người học chuyển đổi, tiếp nối giữa các chương trình đào tạo.
(iii) Tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo
Tập trung đổi mới phương pháp đào tạo đảm bảo các phương pháp đào tạo tích cực được triển khai có hiệu quả trong thực tế.
1.2.3. Đa dạng hóa phương thức đào tạo
Tiếp tục đa dạng hóa phương thức đào tạo, nhất là các chương trình đào tạo theo phương thức trực tuyến (E-learning) và các chương trình đào tạo theo phương thức kết hợp/hỗn hợp (Blended – Learning).
1.2.4. Chú trọng công tác đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo trong đó cấp thiết là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo, sử dụng ứng dụng, phần mềm quản lý đào tạo phù hợp, chuyên môn hóa các khâu, các công đoạn của quá trình quản lý đào tạo. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, nhất là việc khả năng khai thức, sử dụng các phần mềm, ứng dụng có liên quan.
- Xây dựng kế hoạch, biểu mẫu liên quan và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, nắm bắt ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo.
- Trên cơ sở triển khai thực tế, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí tự đánh giá chất lượng đào tạo. Từ kết quả tự đánh giá, cần đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Chú trọng đào tạo, tập huấn về công tác đảm bảo chất lượng cho viên chức, người lao động của Học viện.
1.2.5. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo
a) Về phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động đào tạo
- Phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo giảng viên về chuyên môn, trình độ sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Một số giải pháp cụ thể là:
+ Rà soát, sửa đổi khung năng lực giảng viên trong đó đặc biệt nhấn mạnh các năng lực cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: thân thiện với công nghệ; hợp tác thiện chí và trách nhiệm; sáng tạo và chấp nhận rủi ro; khả năng chuyển từ vai trò dạy sang vai trò hướng dẫn.
+ Mở rộng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là người đang hành nghề. Muốn vậy, cần có chính sách thu hút các chuyên gia giàu kinh nghiệm về giảng dạy và nghiên cứu; đổi mới cơ chế đánh giá, đãi ngộ, khen thưởng đối với giảng viên gắn với chất lượng, hiệu quả công tác, đổi mới công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học để phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng mạnh về chất lượng, gắn bó với Học viện. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đơn vị như: Tòa án, Viện kiểm sát, Liên đoàn Luật sư, các Đoàn luật sư, Hiệp hội Công chứng viên, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại… để tìm kiếm đội ngũ những người hành nghề giàu kinh nghiệm, có khả năng sư phạm, có đam mê với hoạt động giảng dạy tham gia vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Học viện. Về lâu dài, việc hoàn thiện pháp luật hoặc xây dựng quy chế về phối hợp đào tạo giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành liên quan là giải pháp quan trọng để đội ngũ giảng viên thỉnh giảng không chỉ đông về số lượng mà thực sự có điều kiện dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động đào tạo trên cơ sở hài hòa với công việc của CDTP mà họ đang đảm nhiệm.
+ Chú trọng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên, tập trung vào việc tăng cường khả năng áp dụng phương pháp dạy học tích cực; kỹ năng sử dụng các thiết bị, phòng học thông minh; kỹ năng giao tiếp, tương tác với học viên qua môi trường internet, năng lực quản lý tài nguyên mạng, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học, chuyển đổi từ các hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy áp dụng công nghệ số hóa.
+ Tăng cường cơ hội để giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng, các xu hướng mới trong hành nghề của các CDTP.
- Tiếp tục phát triển đội ngũ viên chức, người lao động đặc biệt là cán bộ quản lý đào tạo trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn; kỹ năng làm việc chuyên nghiệp; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin…
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở cho việc tổ chức thi tuyển tư pháp quốc gia tổ chức kỳ thi tuyển tư pháp quốc gia để tuyển chọn người tham gia chương trình đào tạo (tuyển chọn từ người tốt nghiệp cử nhân luật, không nhất thiết phải là công chức ngành Tòa án, Kiểm sát), cuối khóa đào tạo sẽ thi tuyển chọn lần 2, lựa chọn người trúng tuyển để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, công nhận hành nghề Luật sư. Phương án này có nhiều lợi ích như: (i) Nâng cao chất lượng đầu vào của hoạt động đào tạo do đã có quá trình tuyển chọn chặt chẽ từ đầu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; (ii) Mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, tạo cơ chế để luật sư, luật gia giỏi có thể trở thành thẩm phán, kiểm sát viên, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ các CDTP; (iii) Tiết kiệm chi phí của nhà nước (không phải chi ngân sách cho hoạt động đào tạo nghiệp vụ); rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho chính người học do việc đào tạo gắn kết với bổ nhiệm, hành nghề.
b) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo
- Hiện thực hóa chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở mới tại Thành phố Hồ Chí Minh (trên diện tích 05 héc ta đất tại phường Long Phước, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được phê duyệt tại Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trong đó đặc biệt chú trọng hệ thống phòng họp đủ đáp ứng quy mô đào tạo, tránh tình trạng thiếu phòng học; trang thiết bị trong phòng học được tăng cường, đổi mới (ví dụ kê bàn tròn phục vụ làm việc nhóm, trang bị bảng lật, giấy A0… phục vụ quá trình thảo luận…); đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thư viện số tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai phương thức đào tạo E-learning và việc thực tập, thực hành các hoạt động nghề nghiệp theo phương thức trực tuyến.
2. Điều kiện đảm bảo
Để triển khai có hiệu quả các nội dung, giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần có các điều kiện đảm bảo đồng bộ, phù hợp ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Những điều kiện cơ bản cần có bao gồm:
2.1. Điều kiện đảm bảo về nhận thức
- Cần thống nhất nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về đặc thù, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo các CDTP đối với công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế.
- Thống nhất và nâng cao nhận thức về các yêu cầu chủ đạo và định hướng lớn đối với Học viện Tư pháp từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, văn bản liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đó, nhận thức rõ về tính tất yếu khách quan của việc đổi mới công tác đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Nhận thức chung thống nhất về những cơ hội và thuận lợi, thách thức và khó khăn, ưu điểm và hạn chế của Học viện Tư pháp trong cả giải đoạn 10 năm 2021-2030 cũng như từng giai đoạn nhỏ hơn (từ nay đến năm 2025, từ năm 2026 - 2030) trực tiếp, gián tiếp tác động đến công tác đào tạo và về những định hướng, giải pháp lớn hay cụ thể đã được xác định, triển khai.
- Nhận thức về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo.
- Sự đồng thuận cao về các giải pháp, biện pháp cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn và sự chung tay tích cực trong triển khai thực hiện.
2.2. Điều kiện đảm bảo về thể chế, chính sách đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo các CDTP, trong đó chú trọng vai trò của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và thực hiện quy định của Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó, nhấn mạnh tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; khẳng định tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong việc quyết định và thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.
- Đối với Học viện Tư pháp, Ban chấp hành Đảng bộ cần lãnh đạo Học viện xây dựng, ban hành chương trình/kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Ban cán sự Đảng, kế hoạch của Bộ Tư pháp về công tác đào tạo các CDTP trong các giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; quán triệt, nâng cao nhận thức và xác định rõ vị trí, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo chặt chẽ, sáng tạo, sát với từng đối tượng, xác định tốt khâu đột phá, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đề ra ở các mảng hoạt động cụ thể.
- Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, văn bản pháp quy và các yếu tố khác thuộc thể chế đào tạo trong ngành tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Học viện Tư pháp.
- Xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể.
Từ Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và triển khai các nội dung, giải pháp với tư cách là sản phẩm của Đề tài này, cần có các Đề án thành phần (tiểu Đề án), kế hoạch cụ thể, như: Đề án (chiến lược) về đổi mới hoạt động của Học viện Tư pháp; Đề án “Bồi dưỡng cán bộ tư pháp địa phương bằng phương pháp trực tuyến”; Đề án (chiến lược) về kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên, viên chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2025 - 2030 và định hướng những năm tiếp theo; Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp; Kế hoạch đảm bảo chất lượng của Học viện Tư pháp… để cụ thể hóa chủ trương, giải pháp đổi mới trong từng lĩnh vực hoặc từng nhóm hoạt động với các nội dung, lộ trình, cách thức thực hiện cụ thể.
2.3. Điều kiện đảm bảo về nguồn nhân lực
- Học viện Tư pháp cần đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (cơ hữu và thỉnh giảng) về năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là nhân tố then chốt trong đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng đào tạo.
- Tiếp tục phát triển đội ngũ viên chức, người lao động đủ về số lượng, có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2.4. Điều kiện đảm bảo về nguồn lực vật chất
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những thành tố cơ bản của quá trình giảng dạy, đào tạo. Học viện xây dựng, thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và trong dạy học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030” và các kế hoạch cụ thể triển khai Đề án này với các nội dung và đầu việc cụ thể phải thực hiện trong từng năm, trong đó chú trọng việc chủ động, tích cực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học ngày càng hiện đại và đồng bộ với xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo mô hình xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số, sớm có được các điều kiện đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức có hiệu quả các hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng internet, thiết bị thu phát, truyền tin theo đúng quy định phục vụ nhiệm vụ cụ thể ở từng vị trí công tác.
Bên cạnh đó, đảm bảo các nội dung đảm bảo kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025 theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1769/QĐ-BTP ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) được bố trí và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, trong đó thực hiện thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoài nguồn ngân sách nhà nước.
2.5. Điều kiện đảm bảo từ sự hỗ trợ, hợp tác trong nước (liên kết, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương) và hợp tác quốc tế
- Cơ chế phối hợp, hợp tác trong nước.
Trong thời gian qua (2014 - 2022), Học viện Tư pháp với nhiệm vụ là đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” (gọi tắt là Đề án 2083). Qua 07 năm thực hiện Đề án, các Bộ, ngành và địa phương liên quan và đặc biệt là Học viện Tư pháp đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đề ra và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của Đề án; tiếp tục khẳng định vai trò là đầu mối đào tạo các CDTP của Học viện Tư pháp; quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Học viện từng bước phát triển; hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng của Học viện đã được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao; Học viện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đào tạo các CDTP được giao trong Đề án 2083; chức năng đào tạo của Học viện được mở rộng từ năm 2018; tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp đã cơ bản được kiện toàn, đội ngũ giảng viên được phát triển cả về số lượng và chất lượng… Để có cơ sở hoàn thiện Báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ, Học viện Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất các nội dung hợp lý, khả thi của Quyết định điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án và lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, trong đó đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng cần tăng cường sự phối hợp giữa ba cơ quan tư pháp, tòa án, viện kiểm sát để chuẩn hóa chung 01 chương trình đào tạo). Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức cán bộ cần phối hợp chặt chẽ với Học viện Tư pháp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ quy trình, thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án những năm tiếp theo trong đó các Bộ, ngành và địa phương có liên quan quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án[47]…
Hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng được quy định, thể hiện rõ trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1769/QĐ-BTP ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), cụ thể gồm: 1. Vụ Tổ chức cán bộ; 2. Cục Kế hoạch - Tài chính; 3. Tổng cục Thi hành án dân sự; 4. Các đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp; 5. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hàng năm.
Đối với Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đến năm 2030, trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện của các Bộ/Ngành gồm Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Học viện Tư pháp với các cơ sở đào tạo CDTP khác như Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhằm thống nhất kế hoạch, định hướng đào tạo các CDTP liên quan để đáp ứng nhu cầu tổng thể về nguồn nhân lực tư pháp của đất nước; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, chia sẻ các nguồn tài liệu, học liệu phù hợp có thể sử dụng chung…
- Hợp tác quốc tế về đào tạo các CDTP.
Các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế để phục vụ đổi mới của Học viện là đa dạng hóa hình thức hợp tác quốc tế, huy động, thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt đối với các khóa cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phục vụ hội nhập quốc tế; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, một trong các điều kiện quan trọng, cần thiết là cải tiến quy trình, thủ tục hành chính trong các hoạt động tìm kiếm đối tác, đăng ký và tiếp nhận chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam nói chung và tại Học viện Tư pháp nói riêng. Đồng thời, việc mở rộng các kênh hợp tác quốc tế thông qua hoạt động liên kết giữa Học viện Tư pháp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Tư pháp cũng rất cần được chú trọng.
3. Lộ trình thực hiện
Căn cứ bối cảnh chung và tình hình thực tế của Học viện Tư pháp, Đề tài kiến nghị lộ trình thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với việc triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Quyết định số 2500/QĐ-BTP ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg. Cụ thể như sau:
- Trong năm 2023 và 2024, Bộ/Ngành Tư pháp và Học viện Tư pháp cần tích cực đẩy mạnh tiến độ trong việc xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch từ tổng thể đến cụ thể, trong đó tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay (năm 2023) để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ (năm 2021) đến nay, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen cụ thể đối với Học viện Tư pháp; từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phải đáp ứng yêu cầu từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII (đến hết năm 2025).
- Trong năm 2024 – 2025 rà soát, chỉnh sửa các chương trình đào tạo hiện có nhằm đổi mới về chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp đào tạo và phương thức đào tạo đã đề cập ở trên; xây dựng các chương trình đào tạo mới để mở rộng và phát triển quy mô đào tạo các CDTP. Các năm tiếp theo, hằng năm tổ chức rà soát, phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng ngày càng cao yêu cầu từ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu xã hội.
- Cuối năm 2025, đầu năm 2026 tổ chức sơ kết tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Đề án này.
- Hoàn thành thủ tục xin cấp 05 hecta đất để xây dựng trụ sở mới của Học viện Tư pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2025; từ năm 2026 triển khai Dự án xây dựng trụ sở mới để có thể đưa vào khai thác, sử dụng chính thức từ năm 2031.
- Các nội dung, giải pháp khác về phát triển quy mô đào tạo; đổi mới chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, phương pháp và phương thức đào tạo; đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển nguồn lực con người; đầu tư phát triển cơ sở vật chất sẽ được thực hiện thường xuyên trong kế hoạch công tác hằng năm của Bộ, ngành Tư pháp và Học viện Tư pháp./.
KẾT LUẬN
Từ kết quả nghiên cứu của Đề tài, có thể rút ra các kết luận như sau:
1. Đào tạo các CDTP là quá trình trang bị một cách có hệ thống về kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho các đối tượng học viên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để tạo nguồn bổ nhiệm vào vị trí các CDTP. Hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) có nhiều điểm đặc thù, chất lượng đào tạo chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau.
2. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra nhiều định hướng chiến lược phát triển đất nước. Những chủ trương, định hướng về phát triển giáo dục đào tạo, cải cách tư pháp gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đã đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động đào tạo các CDTP trong đó đáng chú ý là yêu cầu về phát triển quy mô đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp và phương thức đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên và chú trọng công tác đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo.
3. Kết quả đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo trong thời gian từ năm 2014 đến nay cho thấy hoạt động đào tạo các CDTP của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo các CDTP cũng còn những hạn chế, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đặt tra trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
4. Đề tài đã xác định các nội dung, giải pháp, điều kiện đảm bảo và lộ trình thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP bao gồm cả các giải pháp chung và giải pháp cụ thể. Giải pháp đáng chú ý là đề xuất đổi mới quy trình xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo đáp ứng yêu cầu “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN” đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Những giải pháp được đề xuất trong Đề tài cố gắng đưa ra cách thức và lộ trình cụ thể để cơ sở đào tạo có thể chủ động xác định, triển khai các bước đi phù hợp với từng giai đoạn.
5. Đổi mới hoạt động đào tạo các CDTP đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là vấn đề nghiên cứu mới, việc nhận diện cụ thể các yêu cầu của Nghị quyết đối với hoạt động đào tạo của Học viện từ đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp là vấn đề không đơn giản. Do đó, ngoài phạm vi đề tài này, vẫn còn những nội dung nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn cần được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian sắp tới./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Văn bản pháp luật, công văn, báo cáo
-
Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030 và các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết này.
-
Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới).
-
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Kết luận Phiên họp thứ 12 ngày 29-4-2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo (trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng XIII).
-
Bộ Tư pháp (09/12/2016), Báo cáo Kết quả nghiên cứu, học tập của Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tại Nhật Bản.
-
Bộ Tư pháp, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1769/QĐ-BTP ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
-
Chính phủ, Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các CDTP” giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong năm 2022.
-
Công văn số 5543/BGDĐT-GDCN hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo TCCN
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
-
Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
-
Quyết định số1465 /QĐ- HVTP, ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Giám đốc Học viện Tư pháp “Về việc ban hành sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý đào tạo của Học viện Tư pháp”.
II. Công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học
-
Đào Duy Anh (1966), Từ điển Hán – Việt, Nxb TP Hồ Chí Minh.
-
Lê Mai Anh (2015), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.
-
Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài KX.04.06 Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân (2006).
-
Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Hoàn thiện hệ thống tư pháp trước những thách thức hiện nay” được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác về tòa án và tư pháp của các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, 12-14/9/2018.
-
TS. Lê Thu Hà – TS. Ngô Hoàng Oanh – TS. Phạm Trí Hùng (2006), Đào tạo luật sư ở một số nước trên thế giới và những kinh nghiệm để hoàn thiện công tác đào tạo luật sư ở Việt Nam, Tạp chí Nghề luật số 3.
-
TS. Tạ Ngọc Hải, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, Phát triển nhân lực công – Tư duy và hành động.
-
Học viện Tư pháp (2015), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp – Thực trạng và giải pháp.
-
Học viện Tư pháp (2023), “Học viện Tư pháp – 25 năm xây dựng và phát triển”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
-
Học viện Tư pháp (2020), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
-
Hội đồng Lý luận Trung ương, Tám điểm mới trong thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 5 năm 2021-2025.
-
Nguyễn Văn Huyên (2012), chuyên đề đề tài cấp Bộ “Phương pháp đào tạo các CDTP trong bối cảnh cải cách tư pháp”.
-
Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp (2021), Báo cáo Xử lý kết quả khảo sát xây dựng chương trình đào tạo nghề luật sư theo tín chỉ
-
Nguyễn Văn Lạng, “Hoạt động đào tạo Chấp hành viên đang góp phần vào quá trình nâng cao chất lượng thi hành án”, Tạp chí Nghề luật, số chuyên đề Kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện Tư pháp năm 2007
-
Nguyễn Văn Linh, Phan Phương Lan, Trần Minh Tân, Phan Huy Cường, Võ Huỳnh Trâm, Trần Ngân Bình (2013), “Nghiên cứu xây dựng hệ thống E-learning hỗ trợ trong đào tạo theo học chế tín chỉ”, Tạp chí Khoa học – Đại học Cần thơ số 25 (2013).
-
Nguyễn Đình Lộc, Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp ở nước ta, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 6/1995.
-
Đinh Thị Mai (2019), Tư duy về nghiên cứu và đào tạo pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tài liệu Hội thảo khoa học Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 08/9/2019.
-
Lê Thị Thúy Nga (Chủ biên), Giáo trình Kỹ năng mềm trong nghề luật.
-
TS. Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thu Thủy, Chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Hàn Quốc, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại số 116 (4/2019).
-
Tạp chí Quản lý nhà nước, Đổi mới tư duy quản lý giáo dục ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, số 286, tháng 11/2019.
-
Nguyễn Bích Thảo (2016), Một số kinh nghiệm đào tạo Luật ở Mỹ và gợi mở cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường luật ở Việt Nam hiện nay”, Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội.
-
Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình Luật so sánh, Nxb Công an Nhân dân, tr. 393.
-
Viện Khoa học pháp lý (2006), Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển bách khoa – Nxb tư pháp, Hà Nội.
-
Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, tr. 289.
-
Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
III. Website
-
Akashi Sakamoto - Director-General National Institute of Multimedia Education (NIME) (2001), Trends and Issues of E-learning in Japan, Japan Seminar on E-learning in Post-Secondary Education: Trends, Issues and Policy Challenges Ahead, truy cập http://www.oecd.org/education/skills-beyond-school/1853978.pdf ngày 20/5/2020.
-
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII , Thông báo Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ home/ chu-truong-chinh-sach-moi/thong-bao-hoi-nghi-giua-nhiem-ky-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-3918, Thứ Năm, ngày 18/5/2023.
-
Bộ Tư pháp, Kết luận Hội nghị ngày 22/12/2020 của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các CDTP”, Nguồn: Tăng cường sự phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng các CDTP, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=4754, 22/12/2020.
-
Choi Hyung-Jo (2017), Korea and the fourth industrial revolution, Tạp chí Công nghệ pháp lý, truy cập đường dẫn: http://koreajoongangdaily.joins.com/news/ article/article.aspx?aid=3036208, ngày 28/4/2020.
-
Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh, https://luanvan.co/luan-van/dao-tao-luat-va-nghe-luat-o-trung-quoc-va-nhat-ban-duoi-goc-do-so-sanh-9772/.
-
Đào tạo luật và nghề luật ở Trung Quốc và Nhật Bản dưới góc độ so sánh, https://luanvan.co/luan-van/dao-tao-luat-va-nghe-luat-o-trung-quoc-va-nhat-ban-duoi-goc-do-so-sanh-9772/.
-
Đinh Phạm, Đại học Luật điểm danh bằng mã QR, https://news.zing.vn/dh-luat-diem-danh-bang-ma-qr-sinh-vien-chi-co-60-giay-bao-danh-post991536.html, truy cập ngày 08/8/2019.
-
GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Hoàn thiện pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng công chức ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (423), tháng 12/2020,http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210723, 17/03/2021.
-
GS.TS. Vũ Hoàng Công, “Hệ thống công chức và đào tạo công chức với sự phát triển của đất nước Hàn Quốc”, Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, truy cập đường dẫn: http://tcnn.vn/news/detail/44160/He-thong-cong-chuc-va-dao-tao-cong-chuc-voi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-Han-Quoc.html ngày 28/4/2020.
-
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/3682-doi-moi-cong-tac-dao-tao-boi-duong-can-bo-lanh-dao-quan-ly-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang.html
-
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/4852-nhung-diem-moi-ve-giao-duc-dao-tao-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang.html
-
https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/xay-dung-hoan-thien-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.html.
-
https://kilala.vn/xa-hoi/bar-exam-kho-den-muc-nao-ma-chong-cuu-cong-chua-2-lan-thi-truot.html (truy cập ngày 01/7/2022)
-
https://learn.org/articles/Judge_Become_a_Judge_in_5_Steps.html
-
https://rgup.ru/?mod=pages&id=123.
-
https://rgup.ru/?mod=pages&id=699.
-
https://silencedogood2010.wordpress.com/2014/01/20/the-rule-of-law-and-the-indoctrination-against-it/ (truy cập ngày 10/7/2022).
-
https://tapchitoaan.vn/quyet-dinh-tu-phap-va-doan-dinh-tu-phap-cua-nguoi-dan-pham-tru-phap-ly-moi-can-quan-tam-trong-thuc-tien-phap-ly-nuoc-ta.
-
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/nhung-diem-moi-trong-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-ve-giao-duc-va-dao-tao-3742,
-
https://www.americanbar.org/groups/legal_education/resources/aba_approved_law_schools/ (truy cập ngày 13/6/2022).
-
https://www.berton-associes.us/blog/french-german-experts/french-lawyer-avocat/.
-
https://www.berton-associes.us/blog/french-german-experts/french-lawyer-avocat/.
-
https://www.britannica.com/biography/Christopher-Columbus-Langdell (truy cập ngày 1/7/2022).
-
https://www.courts.go.jp/saikosai/sihokensyujo/sihokensyujo/index.html(Thông tin trên trang chủ của Tòa án tối cao Nhật Bản).
-
https://www.iacajournal.org/articles/abstract/10.18352/ijca.12/.
-
https://www.ibanet.org/PPID/Constituent/Bar_Issues_Commission/ITILS_Republic_of_Korea.
-
https://www.ibanet.org/PPID/Constituent/Bar_Issues_Commission/ITILS_Republic_of_Korea.
-
https://www.indonesiamengglobal.com/2019/08/lawyering-career-japan/.
-
https://www.lsac.org/ (truy cập vào 03/7/2022).
-
https://www.moj.go.jp/content/001328142.pdf (Lịch thi dự kiến năm 2021 trên trang chủ Bộ Tư pháp, được công bố theo quyết định của Hội đồng tổ chức kỳ thi Tư pháp quốc gia ngày 07/ 9/ 2020).
-
https://www.moj.go.jp/content/001340446.pdf (Phần diễn giải của Bộ Tư pháp về kỳ thi dự bị kỳ thi Tư pháp quốc gia).
-
https://www.moj.go.jp/jinji/shihoushiken/jinji07_00009.html#%E3%80%90%E5%8F%B8%E6%B3%95%E8%A9%A6%E9%A8%93%E4%BA%88%E5%82%99%E8%A9%A6%E9%A8%93%E3%81%AE%E6%A6%82%E8%A6%81%E3%80%91.
-
https://www.nichibenren.or.jp/en/about/us/profile.html.
-
https://www.prospects.ac.uk/jobs-and-work-experience/job-sectors/law-sector/ how-to-become-a-lawyer.
-
https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-kien-tao-phat-trien-liem-chinh-hanh-dong-theo-quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang
-
https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-noi-dung-cai-cach-tu-phap-trong-thoi-gian-toi.
-
Lê Kim Anh, Công khai hoạt động đào tạo là điều kiện để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng Giáo dục nghề nghiệp, nguồn: http://cdvdna.edu.vn/vi/cong-khai-hoat-dong-dao-tao-la-dieu-kien-de-thuc-hien-cong-tac-ssn5992.html, ngày 05/04/2022. Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/thong-tin-dai-hoi/tam-diem-moi-trong-thuc-hien-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-giai-doan-5-nam-2021-2025-5734, 22/4/2021).
-
Nguyễn Đặng Hải Yến, Nền kinh tế số: Kinh nghiệm phát triển ở một số quốc gia - bài học cho Việt Nam, -http://thitruongtaichinhtiente.vn/nen-kinh-te-so-kinh-nghiem-phat-trien-o-mot-so-quoc-gia-bai-hoc-cho-viet-nam-25520.html, 02/01/2020.
-
Nilson Santos, Luật sư ở Nhật Bản, https://skdesu.com/vi/luat-su-o-nhat-ban/.
-
PGS.TS Nguyễn Bá Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; ThS Đoàn Văn Tình - Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội,Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền công vụ từ kinh nghiệm quốc tế đến giải pháp cho Việt Nam.https://tcnn.vn/news/detail/47683/Dao-tao-boi-duong-nguon-nhan-luc-cho-nen-cong-vu---tu-kinh-nghiem-quoc-te-den-giai-phap-cho-VietNam.htmlhttps://tcnn.vn/news/detail/47683/Dao-tao-boi-duong-nguon-nhan-luc-cho-nen-cong-vu---tu-kinh-nghiem-quoc-te-den-giai-phap-cho-Viet-Nam.html, ngày đăng: 11/06/2020.
-
Phạm Hồng Thủy (2014), “E-learning, sức sống mới trên đất Hàn”, truy cập tại đường dẫn: http://www.baohoabinh.com.vn/218/41110/Elearning_suc_song_ moi_tren_ dat_Han.htm, ngày 25/5/2020.
-
Tài liệu tham khảo về kinh nghiệm Đổi mới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của một số cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam: PGS.TS.Phạm Minh Tuyên (Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Toà án), Đổi mới chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các CDTP trong hệ thống Toà án nhân dân, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/doi-moi-chat-luong-dao-tao-boi-duong-cac-chuc-danh-tu-phap-trong-he-thong-toa-an-nhan-dan-dap-ung-yeu-cau-trong-tinh-hinh-moi.
-
ThS. Phạm Anh Thiện, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Đảng ủy Khối CQ Trung ương, Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, http://dukcqtw.dcs.vn/tang-cuong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-can-bo-gop-phan-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-trong-dang-bo-khoi-cac-co-quan-trung-uong-duk14192.aspx, 15/03/2021.
-
Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025.
-
Trần Thị Thu Hằng (Ban Nội chính Trung ương), Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202111/xay-dung-doi-ngu-can-bo-tu-phap-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-trong-tinh-hinh-moi-310315/Thứ Hai, 15/11/2021.
-
Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202111/xay-dung-doi-ngu-can-bo-tu-phap-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-trong-tinh-hinh-moi-310315/, ngày 15/11/2021.
PHỤ LỤC
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
-
Bài viết “Đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”, tác giả: PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng, đăng trên Tạp chí Nội Chính, số 103, 9/2022, tr.32
-
Bài viết: “Giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, tác giả: TS. Lê Thị Thúy Nga, đăng trên Tạp chí Nghề luật số 1/2023, tr.59.
-
Bài viết “Quy định về đào tạo nghề luật sư theo Luật Luật sư và đề xuất sửa đổi”, tác giả: PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng, đăng trên Tạp chí Nghề luật số 7/2023, tr.20.
-
Bài viết “Đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, tác giả TS Lê Mai Anh và TS. Đỗ Thị Thu Hằng, đăng trên Tạp chí Nghề luật số 7/2023, tr.68.
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
[2] Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, tr. 289.
[3] Đào Duy Anh (1966), Từ điển Hán – Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
[4] Nguyễn Đình Lộc, “Vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp ở nước ta”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 6/1995, tr. 4 – 8, tr. 32 – 35.
[5] Nguyễn Như Ý, Đại từ điển Tiếng Việt, Bộ GD&ĐT- Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa-thông tin, 1998, tr.658
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 332.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 149.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 288.
[11] Tỷ lệ ở Pháp là 4.600 người/ 01 CCV (65.460.151 người/14.210 CCV), Ở Ý là khoảng 12.000 người/01 CCV (60.314.695 người/4.970 CCV), ở Tây Ban Nha là khoảng 11.000 người/01 CCV (31,6 triệu dân/2926 CCV), ở Bồ Đào Nha là khoảng 26.000 người/01CCV (10,6 triệu dân/411 CCV), ở Thụy Sĩ là 3.600 người/01 CCV (11,3 triệu dân/3.200 CCV).
[12] Báo cáo số 1026/BC-TCCB ngày 06/10/2021 của Tổng cục Thi hành án dân sự về về kết quả công tác tổ chức cán bộ 12 tháng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
[13] Báo cáo số 387/BC-CP ngày 09/10/2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.
[14] Biểu mẫu số 22 Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022.
[15] Biểu mẫu số 16 Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022.
[16] Biểu mẫu số 25 Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022
[17] Biểu mẫu số 20 Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022
[18] Biểu mẫu số 21 Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2022 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022: Có 1152 đấu giá viên
[19] Theo số liệu thống kê năm 2020 của Bộ Tư pháp: 630 trợ giúp viên pháp lý.
[20] Trích dẫn từ Định hướng lớn của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030, mục I-Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ ngày 14/4/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2030).
[21] Nguồn: https://www.iacajournal.org/articles/abstract/10.18352/ijca.12/.
[22] - Các giai đoạn bắt buộc:
+ Tư pháp: Giai đoạn này gồm 06 tháng thực tập tại một Tòa dân sự và 03 tháng thực tập tại một tòa hình sự hoặc Viện công tố. Học viên phải làm quen với mọi hoạt động tố tụng dân sự hoặc hình sự tại tòa án từ công việc điều tra, chuẩn bị bản cáo trạng (hình sự), việc chuẩn bị và điều khiển phiên tòa (dân sự hoặc hình sự) và việc chuẩn bị các phán quyết, bản án.
+ Hành chính: Giai đoạn hành chính gồm 05 tháng thực tập tại một cơ quan hành chính cấp huyện hoặc cũng có thể là cấp quận có ít nhất một công chức có bằng Thẩm phán và 2 tháng thực tập tại cơ quan chính phủ bang, tỉnh, tòa án hành chính hoặc Viện công tố bang. Học viên làm quen với công việc pháp lý trong cơ quan hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, việc soạn thảo các quyết định, hành vi hành chính, các thủ tục hành chính từ giai đoạn khiếu nại hành chính đến chấm dứt vụ án bằng các phán quyết hoặc bản án hành chính
+ Văn phòng luật sư: Giai đoạn thực tập ở văn phòng luật sư kéo dài 04 tháng. Học viên làm việc tại một văn phòng luật sư không chỉ có thể trau dồi kỹ năng soạn thảo các công văn nghiệp vụ (các thư từ giao dịch với thân chủ, đối phương, các cơ quan tư pháp, tòa án) mà còn có thể đại diện cho thân chủ thực hiện các thủ tục tố tụng tố tụng trước tòa án.
- Giai đoạn tự chọn: Trong thời gian 04 tháng, học viên thực tập tại một hay hai cơ quan khác nhau trong những lĩnh vực được quy định trước. Các lĩnh vực có thể lựa chọn bao gồm: Tư pháp (tòa án, nhà giam, Văn phòng công chứng, văn phòng luật sư), Hành chính, Kinh tế, Luật Lao động và Xã hội, Luật quốc tế và châu Âu, Luật Thuế.
Trong giai đoạn khóa học vừa bắt đầu, các học viên sẽ phải tham gia vào các khóa học tập trung về tư pháp và hành chính. Các khóa học như vậy cũng được tổ chức trong thời gian học viên thực hiện các giai đoạn bắt buộc. Chương trình học trong những lớp học như vậy thường đi cùng với chương trình thực tập của các học viên về nội dung. Khác với chương trình học chủ yếu mang tính lý thuyết ở trường đại học, nội dung học ở đây là các vụ việc cụ thể, được các giảng viên tạo dựng từ kinh nghiệm hành nghề cá nhân hoặc tổng hợp từ những hồ sơ có thực.
[23] - Kỳ thi quốc gia về luật lần thứ hai: Bộ tư pháp bang (Vụ thi cử) tổ chức. Kỳ thi gồm 02 phần: thi viết và thi vấn đáp. Kỳ thi viết gồm 11 bài thi trong 11 ngày liên tiếp (05 bài thi trong lĩnh vực luật dân sự gồm luật thương mại và luật công ty, luật lao động, luật tố tụng; 02 bài thi trong lĩnh vực luật hình sự và tố tụng hình sự; 04 bài thi với trọng tâm trong lĩnh vực luật công bao gồm cả luật hình thức, tố tụng và luật thuế…). Học viên thi vấn đáp trước hội đồng gồm 04 giám khảo, các câu hỏi được giới hạn trong các lĩnh vực quy định chung cho cả kỳ thi, mỗi thí sinh sẽ được hỏi trong thời gian 50 phút từ đó nhận được 04 điểm thi cho các lĩnh vực luật dân sự, lao động, hình sự, luật công và lĩnh vực tự chọn của thí sinh.
[24] Ngày 02/12/1991, Chính phủ Cộng hoà Liên Bang Nga đã ra Nghị định số 28 thành lập Học viện pháp lý trực thuộc Bộ Tư pháp Liên bang Nga trên cơ sở Học viện pháp lý của Bộ Tư pháp Liên bang Xô viết. Ngày 11/5/1998, Tổng thống đã ra Sắc lệnh số 528 về Học viện Tư pháp Nga và ngày 28/10/1999, Chính phủ ra Nghị định số 1119 thành lập Học viện Tư pháp là một cơ sở quốc gia đào tạo đại học chuyên nghiệp, trực thuộc Toà án tối cao và Toà án trọng tài cấp cao. Theo sắc lệnh của Tòa án tối cao Nga số 710/SL ngày 04 tháng 9 năm 2014 và theo Luật Liên bang số 273-FZ ngày 29 tháng 12 năm 2012, tên của trường đại học đã được thay đổi thành Trường Tư pháp quốc gia Liên Bang Nga.
[30] Bộ Tư pháp (09/12/2016), Báo cáo Kết quả nghiên cứu, học tập của Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tại Nhật Bản, tr. 4.
[33] Law SchooLS in South Korea: PaSt, PreSent, and Future
[34] https://www.ibanet.org/PPID/Constituent/Bar_Issues_Commission/ITILS_Republic_of_Korea.
[36] https://learn.org/articles/Judge_Become_a_Judge_in_5_Steps.html.
[37] https://www.prospects.ac.uk/jobs-and-work-experience/job-sectors/law-sector/how-to-become-a-lawyer.
[38] https://www.prospects.ac.uk/jobs-and-work-experience/job-sectors/law-sector/how-to-become-a-lawyer.
[40] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 232.
[41] Xem chi tiết tại Báo cáo tự đánh giá chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp giai đoạn 2007-2022 kèm theo Quyết định số 1231/QĐ-HVTP ngày 30/6/2023.
[42] Các tiêu chí được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức (tương ứng với 7 điểm) như sau:
Mức 1. Không đáp ứng yêu cầu tiêu chí: Không thực hiện công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Không có các kế hoạch, tài liệu, minh chứng hoặc kết quả có sẵn.
Mức 2. Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí, cần có thêm nhiều cải tiến chất lượng.
Mức 3. Chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí nhưng chỉ cần một vài cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu.
Mức 4. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí: Thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành đầy đủ. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng đem lại kết quả đúng như mong đợi.
Mức 5. Đáp ứng cao hơn yêu cầu tiêu chí: Công tác đảm bảo chất lượng đáp ứng tốt hơn so với yêu cầu của tiêu chí. Có các minh chứng chứng tỏ việc thực hiện được tiến hành một cách hiệu quả. Việc thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng cho thấy các kết quả tốt và thể hiện xu hướng cải tiến tích cực.
Mức 6. Thực hiện tốt như một hình mẫu của quốc gia.
Mức 7. Thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.
[43] Việc đi thực tế là nghĩa vụ bắt buộc của giảng viên cơ hữu được quy định trong Quy định về chế độ làm việc của giảng viên cơ hữu do Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành (Quyết định số 496/QĐ-HVTP ngày 10/4/2017 của Giám đốc Học viện Tư pháp về việc ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp; Quyết định số 3108/QĐ-HVTP ngày 27/12/2019 của Giám đốc Học viện Tư pháp về việc ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp; Quyết định số 1398/QĐ-HVTP ngày 29/10/2021 của Giám đốc Học viện Tư pháp về việc ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp).
[44] Học viện Tư pháp (2023), Học viện Tư pháp – 25 năm xây dựng và phát triển, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
[45] Mục tiêu Đề án 2083 đề ra: Đến năm 2015, tổng quy mô đào tạo các CDTP khoảng 12.600 người (trung bình 4.200 người/năm, tính từ năm 2013); Đến năm 2020, phấn đấu đạt quy mô đào tạo các CDTP trong 05 năm khoảng 39.750 người (trung bình 7.950 người/năm).
[46] Thực hiện Thông báo số 116-TB/TW ngày 27/11/2012 của Bộ Chính trị, việc đào tạo các chức danh tư pháp không còn được thực hiện thống nhất đầu mối tại Học viện Tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW mà phân tán sang các cơ sở đào tạo khác (Học viện Tòa án và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội). Từ năm 2015 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao không cử cán bộ, công chức đi đào tạo nghiệp vụ xét xử (Thẩm phán) và từ năm 2017 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không cử cán bộ, công chức đi đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (Kiểm sát viên) tại Học viện Tư pháp.