• Thuộc tính
Tên đề tài Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Nội dung tóm tắt

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Cơ sở nghiên cứu đề tài

1.1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách hình sự mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg vào ngày 14/02/2017 về phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định số 181-QĐ/TW ngày 04/3/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và tiến hành xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tiến hành khảo sát, đánh giá, tổng hợp kết quả về tình hình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Trong đó, Ban Chỉ đạo có nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự nhằm khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên và pháp nhân thương mại phạm tội cũng như quy định trách nhiệm nghiêm khắc hơn đối với những người phạm tội là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật. Đặc biệt, trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ban hành, trong đó đã đề ra chủ trương: “Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”. Chủ trương này đòi hỏi cần có những nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật, trong đó cần hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm kịp thời xử lý cách hành vi lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ và kinh tế số ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong giai đoạn hiện nay của nền kinh tế thị trường, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã được xây dựng, ban hành cùng các văn bản liên quan đã thể chế được nhiều chính sách quan trọng về tội phạm và hình phạt nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tình hình tội phạm đồng thời cũng thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với một số đối tượng cụ thể để đáp ứng các yêu đầu đặt ra trong bối cảnh tình hình mới. Kế thừa BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 tiếp tục ghi nhận hệ thống các quy định về tội phạm và hình phạt cũng như bổ sung nhiều quy định mới, từ đó dẫn đến một số thay đổi trong nhận thức và chính sách hình sự có liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới. Từ những cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, có thể thấy yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất cấp thiết.

1.2. Cơ sở thực tiễn

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, trong đó có pháp luật. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các thành tựu nổi bật gồm: (i) Cơ sở dữ liệu tập trung (Big data); (ii) Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI); (iii) Sandbox; (iv) Internet vạn vật; (v) Tiền mã hóa đã có những tác động tích cực to lớn lên mọi mặt của xã hội, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều thách thức, các thế lực thù địch và tội phạm cũng lợi dụng và sử dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chống phá, phạm tội, tạo nên những thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm. Trước những thách thức đó, vai trò của pháp luật hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là việc tội phạm hóa đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội, hình sự hóa qua việc ghi nhận các mức và loại hình phạt đối với các hành vi vi phạm, mà còn phải tạo cơ sở pháp lý vững chắc, công minh khi xử lý.

Thực tiễn cho thấy những vấn đề mới phát sinh chủ yếu liên quan đến tội phạm dưới tác động của Cách mạng nghiệp lần thứ tư bao gồm:

(i) Một số vấn đề lý luận mới phát sinh: Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống loài người nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có nguy cơ làm phát sinh chủ thể mới của tội phạm là trí tuệ nhân tạo. Xét tính chất đa diện của nó, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - sau đây gọi tắt là AI) đã chạm đến đầy đủ các lĩnh vực pháp lý, từ lĩnh vực nhân quyền, lao động, hợp đồng, bồi thường thiệt hại, đến lĩnh vực tố tụng mặc dù trong thực tế, AI mới chỉ bắt đầu trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp pháp lý[1]. Bên cạnh đó, một số yếu tố cấu thành tội phạm như hành vi khách quan cũng phát sinh vấn đề mới như dùng phương tiện, thủ đoạn mới do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(ii) Một số vấn đề mới về tội phạm hóa: Pháp luật hình sự là công cụ hữu hiệu mà Nhà nước ta sử dụng để đấu tranh với tội phạm. Khả năng tác động đến hiệu quả của cuộc đấu tranh với tội phạm phụ thuộc đáng kể vào việc đánh giá đúng đắn và xác định càng chính xác, càng cụ thể càng tốt những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì thế đòi hỏi phải phân hoá cao độ các loại hành vi trong các đạo luật và đồng thời phải bảo đảm thường xuyên theo dõi, bổ sung, sửa đổi kịp thời những quy định về hành vi nguy hiểm cho xã hội. Với diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm cùng với sự xuất hiện của không ít hành vi phạm tội mới chưa được điều chỉnh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu tội phạm hóa và phi tội phạm hóa đối với một số tội phạm sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là rất cần thiết.

(iii) Hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng: Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên mọi lĩnh vực của đời sống, Internet đóng vai trò rất lớn. Việt Nam cũng không tránh khỏi việc trở thành “nạn nhân” của nhiều vụ tấn công trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến an ninh mạng nói riêng và an ninh quốc gia nói chung. Các cuộc tấn công mạng có quy mô, mức độ ngày càng tinh vi với mục tiêu nhằm vào những thông tin quan trọng, tuyệt mật của quốc gia. Đáng chú ý, lợi dụng tâm lý bức xúc của người dân với việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội như ô nhiễm môi trường, thu hồi đất đai, thu phí tại các trạm BOT giao thông... các đối tượng phản động, chống đối đã triệt để sử dụng không gian mạng tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, biểu tình, gây rối an ninh trật tự, làm tổn hại nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiều vấn đề xã hội khác[2].

(iv) Hành vi xâm phạm quyền riêng tư của con người: Trong bối cảnh Internet vạn vật và cơ sở dữ liệu tập trung (Big data) đang ngày càng phát triển, một khi làm chủ được dữ liệu lớn thì sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh, thế giới sẽ được hưởng lợi hơn từ việc trích xuất thông tin một cách chính xác hơn, hữu ích hơn với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, vấn đề quyền riêng tư của người dùng có nguy cơ rất cao bị xâm phạm. Việc thu thập Big data có thể sẽ đi kèm thông tin khả năng định dạng người dùng mà không được sự đồng ý của họ và điều đó vi phạm pháp luật ở một số quốc gia. Theo đó, tội phạm sẽ lợi dụng thu thập các thông tin về quyền riêng tư để thực hiện hành vi phạm tội, nếu không được ngăn chặn và có biện pháp bảo mật, những hành vi đó sẽ gây ra những hậu quả nhất định đe đọa an ninh, trật tự. Ngoài ra, hoạt động tấn công, xâm nhập trái phép vào cơ sở dữ liệu, website của các cơ quan, doanh nghiệp để thu thập dữ liệu, tống tiền cũng có xu hướng gia tăng. Tin tặc sử dụng các loại virus, phần mềm gián điệp, mã độc ngày càng được mã hóa tinh vi, phức tạp phát tán qua thư điện tử, website khiêu dâm, diễn đàn, mạng xã hội, ứng dụng trên các điện thoại thông minh để xâm nhập trộm cắp dữ liệu, phá hoại của các cá nhân, doanh nghiệp.

(v) Hành vi xâm phạm quyền sở hữu: Pháp luật hình sự hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về xử lý hình sự đối với hành vi mua, trữ, cung ứng, giao dịch các loại tiền ảo như một loại hàng hoá hay tài sản. Do đó, việc xử lý hành vi xâm phạm về sở hữu (như chiếm đoạt tài sản) liên quan đến tiền mã hóa hiện nay chưa có khung pháp lý đầy đủ để áp dụng trên thực tiễn và các tranh chấp phát sinh trên thực tiễn chưa có cơ chế giải quyết. Bên cạnh đó, thực tiễn khung pháp lý quy định xử lý hình sự đối với các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua môi trường thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần hoàn thiện (như trường hợp lợi dụng môi trường Internet để lừa đảo bằng cách đăng sản phẩm kém chất lượng nhưng lại bán với giá của sản phẩm chất lượng cao, hoặc kinh doanh sàn vàng trái phép,…), đồng thời tránh thất thu thuế với khoản lợi nhuận phát sinh. Ngoài ra, hoạt động lợi dụng không gian mạng kinh doanh đa cấp để lừa đảo cũng diễn ra phổ biến trên cả nước, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt tâm lý muốn “giàu nhanh nhưng dễ dàng”. Lợi dụng lòng tham, chúng đã lôi kéo được nhiều khách hàng tham gia đầu tư, hứa trả lợi nhuận, hoa hồng lớn gấp nhiều lần so với các khoản đầu tư ban đầu. Một số đối tượng còn giả danh từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo... để lừa đảo. Một vấn đề khác nữa phát sinh đó là hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng có quy mô ngày càng lớn, hình thành nhiều đường dây xuyên quốc gia. Các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài xây dựng mạng lưới hoạt động đánh bạc quy mô lớn, rộng khắp các tỉnh, thành phố, tổ chức thành nhiều tầng, nấc rất chặt chẽ, số lượng con bạc lên đến hàng trăm nghìn người với số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày; số tiền chuyển ra nước ngoài lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

(vi) Các tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Một trong các loại tiền mã hóa là Bitcoin đang trở nên nguy hiểm vì với chế độ ẩn danh, các đối tượng có thể sử dụng Bitcoin để rửa tiền hay tài trợ khủng bố (chuyển tiền cho bọn khủng bố dễ dàng hơn). Tiền “ảo” Bitcoin còn có thể trở thành phương tiện để rửa tiền.. Tình trạng các nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, làm và sử dụng thẻ tín dụng giả móc nối với đối tượng người Việt Nam thực hiện các thanh toán khống, chiếm hưởng trái phép có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, ngày càng phổ biến tình trạng các đối tượng sử dụng đồng bộ nhiều loại thiết bị, tiến hành thực hiện đầy đủ các công đoạn làm thẻ giả và tiến hành giao dịch; hoặc sử dụng các thiết bị chuyên dụng skimming nhỏ, mỏng gắn vào phía trong của khe cắm thẻ tại các máy ATM để trộm cắp dữ liệu thông tin thẻ sau đó làm giả thẻ để rút tiền chiếm hưởng.

Nhìn chung, những vấn đề nêu trên phát sinh đều do tác động của những thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do đó, rất cần có những nghiên cứu nhận diện, dự báo giúp cho việc đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, mặc dù được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện tại các quy định phần chung, phần các tội phạm cụ thể, tuy nhiên, các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi ban hành chưa dự liệu hết những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến chính sách, pháp luật hình sự.

Với những lý do trên, việc thực hiện Đề tài: “Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có ý nghĩa cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2.2. Mục tiêu cụ thể

(i) Làm rõ một số vấn đề lý luận mới về tội phạm và hình phạt dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(ii) Đánh giá thực trạng pháp luật hình sự Việt Nam về phòng, chống tội phạm và xử lý vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(iii) Đánh giá kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện pháp luật hình sự trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó rút ra những bài học có thể tham khảo cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(iv) Đề xuất, kiến nghị các giải pháp có hiệu quả nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

3. Tổng quan tình hình nghiên cứu

3.1. Tình hình nghiên cứu tài liệu trong nước

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng. Các nghiên cứu chủ yếu trong nước bao gồm:

* Nhóm tài liệu, công trình nghiên cứu về các vấn đề lý luận đặt ra trong pháp luật hình sự Việt Nam

Các vấn đề lý luận đặt ra trong pháp luật hình sự Việt Nam được nghiên cứu trong các công trình sau: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (2004), Cấu thành tội phạm: Lý luận và thực tiễn, NXB. Tư pháp, Hà Nội; GS.TSKH. Lê Cảm (2005), Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - Phần chung của NXB. Đại học Quốc gia, Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (2008), Tội phạm và cấu thành tội phạm, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội. Các công trình đã nghiên cứu, phân tích các vấn đề cơ bản về Luật hình sự thông qua nghiên cứu các vấn đề lý luận về tội phạm, trách nhiệm hình sự và hình phạt.

* Nhóm tài liệu, công trình nghiên cứu về các tội phạm cụ thể theo pháp luật hình sự Việt Nam

Các dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm cụ thể được đề cập đến trong các giáo trình Luật Hình sự và sách bình luận khoa học BLHS sau: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội do GS.TS Nguyễn Ngọc Hoà chủ biên, Nxb. CAND, năm 2014; Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Phần các tội phạm, Tổng cục XDLL Bộ Công an, Nxb. CAND, năm 2011; Giáo trình Luật Hình sự (Phần các tội phạm), Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa luật, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2007; Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Quyển 2, Phạm Văn Beo, NXB. Chính trị quốc gia, năm 2010; Sách Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (phần các tội phạm cụ thể), Trần Văn Luyện và các tác giả khác, NXB. CAND, năm 2010; Sách Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 - Phần các tội phạm của PGS.TS Phùng Thế Vắc, NXB. CAND, năm 2007; Sách Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Phần chungBình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Phần các tội phạm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa; Sách Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin của TS. Phạm Văn Lợi, NXB. Tư pháp, 2007. Các công trình trên đã làm rõ được khái niệm và các dấu hiệu pháp lý hình sự của các tội phạm cụ thể.

* Nhóm tài liệu, công trình nghiên cứu về việc hoàn thiện pháp luật nói chung trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ Tư pháp (2019), “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo Quốc gia, 24/6/2019, Khách sạn JW Marriott Hanoi. Với 29 chuyên đề nghiên cứu, kỷ yếu đã nhận diện khá hoàn chỉnh về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật trên nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, hợp đồng điện tử, pháp luật về doanh nghiệp, ngân hàng, khởi nghiệp, đầu tư mại hiểm, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng, quan hệ lao động, an sinh xã hội, thuế, chính phủ điện tử, đô thị thông minh, an toàn thông tin mạng, chính sách, pháp luật hình sự, đấu tranh tội phạm mạng, chứng cứ, giải quyết tranh chấp trực tuyến….

TS. Phan Chí Hiếu, TS. Nguyễn Văn Cương (2019), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra” (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội. Với kết cấu 3 chương, cuốn sách đã làm rõ được các vấn đề chính sau: (1) Tổng quan về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mối quan hệ với pháp luật, trong đó đã là rõ được tổng quan về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với 08 lĩnh vực chính; những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản trị quốc gia; làm rõ được sự phát triển lịch sử của cuộc cách mạng công nghiệp; làm rõ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tư duy xây dựng, thực thi pháp luật; một số kinh nghiệm quốc trế về thay đổi chính sách, pháp luật thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (2) Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với một số lĩnh vực pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hợp đồng điện tử, mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động ngân hàng, lao động việc làm, an sinh xã hội, thuế và quản lý thuế, xây dựng và vận hành chính phủ điện tử và đô thị thông minh, tội phạm mạng, chứng cứ điện tử và tố tụng tòa án; (3) Định hướng hoàn thiện một số lĩnh vực pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đã đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật dân sự kinh tế, pháp luật về chính phủ điện tử và đô thị thông minh, về tố tụng và hệ thống tư pháp.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS.TS. Ngô Huy Cương (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. Với kết cấu 05 chương, 27 bài viết, cuốn sách đã làm rõ được 05 vấn đề lớn sau: (1) Tổng quan về những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (2) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành; (3) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật bảo đảm quyền con người và (4) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với quản trị quốc gia và (5) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách đào tạo luật.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Mai Văn Thắng (2019)[3], Trí tuệ nhân tạo với pháp luật và quyền con người, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, trong cuốn sách, tác giả tiếp tục nhận diện rõ hơn những tác động của trí tuệ nhân tạo và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực pháp luật (bao gồm cả pháp luật hình sự) và quyền con người. Công trình đã cung cấp những quan niệm, tri thức cơ bản về trí tuệ nhân tạo, góp phần nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức, những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong lĩnh vực pháp luật và quyền con người trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và phổ biến trong đời sống xã hội. Nội dung cuốn sách cũng cung cấp thêm những ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước, nhà hoạch định chính sách nhằm tận dụng thành công những tiện ích, lợi thế mà trí tuệ nhân tạo đem lại và ứng phó tốt hơn, phù hợp hơn với những thách thức phi truyền thống trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

TS. Chu Thị Hoa (2019), Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một số yêu cầu về xây dựng pháp luật ở Việt Nam, Tạp chí Nghề Luật, Số 7/2019. Bài viết, nêu quan niệm về kinh tế chia sẻ, dẫn chứng một số doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, phân tích những vấn đề đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thúc đẩy sự phát triển mô hình kinh tế này ở Việt Nam.

TS. Cao Anh Dũng (2019), “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia Việt Nam trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản số 4/2019. Bài viết đã phân tích tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là những tác động đến an ninh quốc gia, đồng thời đưa ra giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia Việt Nam trong tình hình mới.

Nguyễn Thị Thanh Nga (2019), Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vấn đề bảo đảm quyền con người, Tạp chí Quản lý nhà nước, Số 8/2019, bài viết đã đề cập đến những tác động tích cực và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn quyền con người.

Nguyễn Thanh Tuấn (2018), Thách thức đối với an ninh con người và an ninh quốc gia trong cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Quản lý nhà nước 8/2018, bài viết nêu và phân tích bảo đảm an ninh con người và an ninh quốc gia ở Việt Nam là bảo đảm trật tự, an toàn xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, đặc biệt trước những bất an xã hội do tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này cũng có một số bài viết trực tuyến tại các đường dẫn được tham khảo sau đây: http://vnu.edu.vn/ttsk/, Nguyễn Đình Đức, Nhật Bản bắt đầu xây dựng xã hội 5.0; http://daibieunhandan.vn/, Thái Anh, Luật cho trí tuệ nhân tạo; https://hatgiongtamhon.vn/, Vũ Thị Hương, Trung Quốc dùng trí tuệ nhân tạo để quản lý nhà tù; https://www.pavietnam.vn/, TTCN, Phòng, chống tội phạm hữu hiệu nhờ công nghệ; https://www.24h.com.vn/, Trà My, Tác hại khôn lường của rô-bốt tình dục; http://vi.sblaw.vn/, VnReview, Trí tuệ nhân tạo đánh bại 20 luật sư hàng đầu nước Mỹ; https://phapluatvacmcn4.vn/, Kế hoạch ứng phó cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Hàn Quốc; https://tapchimattran.vn/, Anh Tuấn, Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống tham nhũng toàn cầu.

* Nhóm tài liệu, công trình nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam các thời kỳ và trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

TS. Phạm Văn Lợi (2007), Chính sách hình sự trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, NXB. Tư pháp. Đây là công trình tiêu biểu và một trong những sản phẩm tiên phong về phân tích, trình bày các vấn đề lý luận về chính sách hình sự, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hình sự của nhà nước ta từ năm 1945 đến nay. Công trình cũng phân tích chính sách hình sự của một số nước trên thế giới qua các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và làm rõ nội dung của chính sách hình sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

GS.TSKH. Lê Cảm (Chủ biên) (2020), Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay - Lịch sử và thực tại (Sách chuyên khảo), NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là công trình tiêu biểu đã nghiên cứu phân tích, luận giải quá trình lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự thực định Việt Nam trong suốt hơn 10 thập kỷ qua, gồm những vấn đề lý luận cơ bản về hành vi vi phạm pháp luật, về các dấu hiệu của chủ thể của quan hệ pháp luật, về chính sách hình sự liên quan đến vấn đề tội phạm và hình phạt.

Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Minh Đức (2019), Phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam, Sách chuyên khảo Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia. Bài viết đã khái quát được nhận thức chung về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội; làm rõ một số lĩnh vực cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nguy cơ mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội (cơ sở dữ liệu tập trung (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), đô thị thông minh (Smart cities), các kinh tế chia sẻ (shared economies), internet kết nối vạn vật (IoT), tiền ảo…), từ đó, bài viết đưa ra mốt số khuyến nghị phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay.

TS. Nguyễn Việt Lâm (2019), Chính sách an ninh mạng trong quan hệ quốc tế hiện nay và đối sách của Việt Nam (Sách tham khảo), NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. Với kết cấu 03 chương, cuốn sách đã làm rõ các vấn đề sau: (i) An ninh mạng và thực trạng, trong đó có đề cập đến vấn đề an ninh mạng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (ii) Chính sách an ninh mạng và tình hình hợp tác về an ninh mạng của một số quốc gia trên thế giới và (iii) Kiến nghị đề xuất chính sách về an ninh mạng cho Việt Nam.

PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (Chủ biên) (2019), Pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức an ninh phi truyền thống, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tác giả nghiên cứu những vấn đề lý luận về an ninh phi truyền thống; thách thức, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật hình sự; quá trình phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam nhằm ứng phó trước thánh thức an ninh phi truyền thống; đồng thời đánh giá, phân tích thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật hình sự hiện hành đối với các tội phạm phi truyền thống và đề xuất các giải pháp kiến nghị nhằm bảo đảm thực thi, hoàn thiện các quy định này.

PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (2019), “Chính sách hình sự Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 7/2019. Tác giả đã xây dựng bài viết với kết cấu gồm 03 nội dung lớn: (1) Khái niệm, đặc điểm của chính sách hình sự Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (2) Những tác động tích cực, một số thách thức đặt ra đối với chính sách hình sự Việt Nam và việc xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (3) Những định hướng lớn trong chính sách hình sự Việt Nam cần triển khai nghiên cứu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bài viết thể hiện góc nhìn tổng thể và toàn diện về nguy cơ, thách thức trong việc hoàn thiện chính sách hình sự Việt Nam trước những phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, liên quan đến chính sách hình sự trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác giả - PGS.TS. Trịnh Tiến Việt cũng có bài nghiên cứu trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam mang tên “Chính sách, pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)”. Bài viết đã cập nhật, làm rõ nhận thức khoa học về chính sách hình sự Việt Nam trước thách thức Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặc điểm của chính sách hình sự trong giai đoạn này; đồng thời phân tích, đưa ra những ảnh hưởng tích cực, các thách thức Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra đối với chính sách hình sự và việc xây dựng, áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam để từ đó đưa ra định hướng cần hoạch định nhằm triển khai nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật hình sự nước ta trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (2019), Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý trong pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức Cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1, Kỳ 2 và hết), Tạp chí Khoa học Kiểm sát số 5/2019, Hà Nội. Bài viết đã đề cập đến vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy pháp lí trong pháp luật hình sự Việt Nam trước thách thức Cách mạng công nghiệp 4.0: khái niệm trách nhiệm hình sự, cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự...

Lê Thị Hồng Xuân, Nguyễn Thị Thùy Linh (2018), Tội phạm mạng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tòa án nhân dân số 18/2018. Bài viết đã khái niệm và các thuộc tính của tội phạm sử dụng công nghệ cao; nhận thức về tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam và một số giải pháp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa tội phạm công nghệ cao trong thời đại công nghệ 4.0.

Ở cấp độ bài viết trên các báo, tạp chí, đầu tiên phải kể đến bài viết: (1) GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa (2007), “Sự phát triển trong 20 năm đổi mới luật hình sự Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Luật học số 01/2007, bài viết đã khái quát sự phát triển của luật hình sự trong giai đoạn trước BLHS năm 1999 và những đổi mới trong BLHS năm 1999 cũng như định hướng hoàn thiện pháp luật hình sự nước ta; (2) PGS.TS Hà Hùng Cường, (2016), “Bộ luật hình sự năm 2015 - bước phát triển quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước ta”, Báo nhân dân điện tử ngày 16/02/2016, theo đó làm rõ những điểm mới trong các quy định của BLHS năm 2015 so với các Bộ luật trước đó và đưa ra khái quát kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật mới của Bộ Tư pháp.

3.2. Tình hình nghiên cứu tài liệu nước ngoài

Nhóm tài liệu nước ngoài về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động, ảnh hưởng đối với các lĩnh vực và yêu cầu hoàn thiện pháp luật có thể kể đến các công trình tiêu biểu sau:

Bộ Ngoại giao (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Klaus Schwab; Bộ Ngoại giao dịch, hiệu đính, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. Cuốn sách giới thiệu khái quát về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các công nghệ cốt lõi mang tính chuyển đổi, đồng thời nghiên cứu những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số thách thức về các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật… được đặt ra, từ đó đề xuất giải pháp để thích nghi, định hình và khai thác hiệu quả tiềm năng của cuộc chuyển đổi này.

Klaus Schawab (2018), Shaping the Fourth Industrial Revolution, xuất bản năm 2018, Portfolio Penguin phân tích cả ba cuộc Cách mạng công nghiệp: cuộc Cách mạng về sản xuất cơ khí vào những năm cuối thế kỷ XVIII, cuộc Cách mạng về sản xuất hàng loạt vào cuối thế kỷ XIX, và cuộc Cách mạng số hoá vào những năm 1960. Qua nội dung cuốn sách, các cuộc Cách mạng công nghiệp đều là sản phẩm của quá trình phát triển tự nhiên của xã hội loài người, (nhất là trước áp lực cạnh tranh thị trường và sự nhận diện ngày càng rõ hơn giới hạn của nguồn lực sẵn có trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người) nhưng đều gắn với những bước phát triển mang tính đột phá về nền tảng công nghệ.

Yadong Cui (2020), Artificial Intelligence and Judicial Modernization, Shanghai, China: Springer (2020) (Yadong Cui, Trí tuệ nhân tạo và hiện đại hóa tư pháp, Thượng Hải, 2020). Ngoài việc giải thích bản chất và tính năng của trí tuệ nhân tạo, chiến lược quốc gia của Trung Quốc và Hoa Kỳ về trí tuệ nhân tạo, tác giả đã phân tích khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xét xử. Tác giả cũng phân tích thực tiễn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xét xử tại Trung Quốc (nhất là ứng dụng tại Tòa án ở Thượng Hải - với tư cách là hoạt động mang tính thí điểm - được gọi tắt là “Hệ thống 206” - “206 System”). Tác giả cũng cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ là một trong những điểm nhấn của việc hiện đại hóa hệ thống xét xử của Trung Quốc trong tương lai.

Klaus Schwab (2016), The fourth industrial revolution: What it means, how to respond, World Economic Forum Geneva, (Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp 4.0: Là gì? Ứng phó như thế nào?, Diễn đàn Kinh tế thế giới Geneva, 2016); Enrique Schaerer et al: Robots as Animals: A Framework for Liability and Responsibility in Human - Robot Interactions; The 18th IEEE International Symposium on Robot and Human Interactive Communication Toyama, Japan, Sept. 270-Oct.2, 2009 (Enrique Schaerer et al: Rô-bốt như động vật: Khung pháp lý về trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với các tương tác của Robot; Hội thảo quốc tế lần thứ 18 về Tương tác giữa người và Rô-bốt, 2009); và bài viết của Stephanie Weber, “How artificial intelligence is transforming the criminal justice system”; Thought Works Blog (2020) (Stephanie Weber, “Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi hệ thống tư pháp hình sự như thế nào”, Blog Thought Works, 2020); Matilda Claussén-Karlsson, Artificial Intelligence and the External Element of the Crime: An Analysis of the Liability Problem, JU101A, Final Thesis for the Law Program, Second Cycle, 30 Credits, Spring 2017 (Matilda Claussén-Karlsson, Trí tuệ nhân tạo và yếu tố cấu thành tội phạm: Phân tích vấn đề trách nhiệm pháp lý, JU101A, Luận án tốt nghiệp chương trình luật, Vòng II, 2017); 3. Ikuo MISUMI (2021), The Background of the development of Japan's Cybersecurity Strategies (Tạm dịch: Bối cảnh phát triển của chiến lược an ninh mạng của Nhật Bản), Volume 34 Issue 3; Mori, Shigeo & Goto, Atsuhiro (2018), Reviewing National Cybersecurity Strategies (Tạm dịch: Rà soát chiến lược an ninh mạng quốc gia của Nhật Bản), Journal of Disaster Research.

Nhìn chung, các nghiên cứu trên đều làm rõ khái niệm và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với không chỉ riêng lĩnh vực hình sự mà đối với mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội tại các quốc gia. Từ đó, các tác giả cũng đưa ra các định hướng thay đổi phù hợp với mỗi lĩnh vực, bao gồm cả các thay đổi trong hệ thống tư pháp hình sự (như nghiên cứu của Stephanie) và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện.

Ngoài ra, cuốn sách chuyên khảo New Technology, Big Data and the Law (Công nghệ mới, dữ liệu lớn và pháp luật) do Marcelo Corrales, Mark Fenwick, và Nikolaus Forgó đồng chủ biên cũng là một công trình bước đầu làm rõ một số khía cạnh pháp lý về dữ liệu lớn, việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây (clouding), Internet vạn vật ở châu Âu, việc thu thập và xử lý chứng cứ điện tử tại Đức. Tương tự, cuốn sách Robotics, AI and the Future of Law (Robot, Trí tuệ nhân tạo và Tương lai pháp luật) do Marcelo Corrales, Mark Fenwick, và Nikolaus Forgó đồng chủ biên nghiên cứu về một trong những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trí tuệ nhân tạo cũng đã tập trung thảo luận về tư cách pháp lý của người máy và các phần mềm trí tuệ nhân tạo, các quy tắc điều chỉnh các thiết bị bay không người lái, và vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý.

Một số vấn đề cụ thể như xử lý chứng cứ điện tử hay liên quan đến tiền mã hóa cũng được phân tích trong các công trình: Maria Angela Biasiotti, Jeanne Pia Mifsud Bonnici, Joe Cannataci, và Fabrizio Turchi đồng chủ biên, Handling and Exchanging Electronic Evidence Across Europe, Switzerland: Springer (2018); (Maria Angela Biasiotti, Jeanne Pia Mifsud Bonnici, Joe Cannataci, và Fabrizio Turchi: Xử lý và trao đổi chứng cứ điện tử ở Châu Âu, 2018); và Rosario Girasa, Regulation of Cryptocurrencies and Blockchain Technologies: National and International Perspectives, Switzerland: Springer, (2018) (Rosario Girasa, Điều chỉnh tiền mã hóa và công nghệ chuỗi khối: góc nhìn quốc gia và quốc tế, Thụy Sỹ, 2018). Trong công trình thứ nhất, các tác giả đã nhận diện các loại chứng cứ điện tử liên quan tới hành vi, giao dịch của cá nhân, tổ chức qua môi trường mạng Internet, mạng xã hội. Các tác giả cũng phân tích thực trạng pháp luật về chứng cứ điện tử của Liên minh châu Âu và một số quốc gia ở châu Âu, phân tích thực trạng trao đổi chứng cứ điện tử qua biên giới của các quốc gia châu Âu và các khía cạnh pháp lý phát sinh cần giải quyết. Trong công trình thứ hai, tác giả trình bày được thực tiễn điều chỉnh tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số) ở một số quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước thuộc Châu Âu... chỉ rõ thái độ rất khác nhau của các quốc gia trong việc thiết kế chính sách liên quan tới việc chấp nhận hay không chấp nhận việc lưu hành và sử dụng tiền mã hóa.

Một số nhận xét:

Việc tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về pháp luật hình sự trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm mục đích nhận diện, làm rõ thực trạng nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó làm rõ những vấn đề liên quan đã được nghiên cứu; những vấn đề chưa được nghiên cứu, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu. Kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, việc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu vô cùng cấp thiết đặt ra nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung trước yêu cầu đổi mới toàn diện do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp này, đồng thời đưa ra những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Thứ hai, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam, chủ yếu dưới dạng sách chuyên khảo, Kỷ yếu hội thảo, bài viết trên các tạp chí chuyên ngành luật, báo điện tử, cụ thể các công trình đã làm rõ các vấn đề lớn sau: (i) Làm rõ được tổng quan về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các trụ cột chính; những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản trị quốc gia; làm rõ được sự phát triển lịch sử của các cuộc Cách mạng công nghiệp; (ii) Làm rõ được tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với một số lĩnh vực pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, như: lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hợp đồng điện tử, mô hình kinh tế chia sẻ, hoạt động ngân hàng, lao động việc làm, an sinh xã hội, thuế và quản lý thuế, xây dựng và vận hành chính phủ điện tử và đô thị thông minh, tội phạm mạng, chứng cứ điện tử và tố tụng tòa án, quyền con người…; (iii) Đã đưa ra được những định hướng hoàn thiện một số lĩnh vực pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng, đề tài kế thừa trong quá trình nghiên cứu về nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, mặc dù đã có một số công trình đã cập đến hoàn thiện nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở việc làm rõ một số lĩnh vực cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nguy cơ mà tội phạm có thể lợi dụng hoạt động phạm tội (cơ sở dữ liệu tập trung (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), đô thị thông minh (Smart cities), các kinh tế chia sẻ (shared economies), internet kết nối vạn vật (IoT), tiền ảo…), từ đó, đưa ra một số khuyến nghị chung về phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay mà chưa đi sâu vào nghiên cứu, làm rõ các vấn đề cốt lõi về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những kiến nghị cụ thể về hoàn thiện pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về chính sách hình sự nói chung, pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thường chủ yếu dựa trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật hình sự hiện hành mà chưa tham khảo nhận thức, lý luận từ các quốc gia khác đã có kinh nghiệm, vì vậy kết quả nghiên cứu phụ thuộc lớn vào chất lượng của các quy phạm pháp luật hình sự và nhiều vấn đề về tội phạm và hình phạt chưa phù hợp hoặc mới phát sinh chưa được đặt ra hoặc đã được đặt ra nghiên cứu, nhưng chưa phản ánh một cách đầy đủ, sâu sắc về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn, do đó, cũng chưa đưa ra được hệ thống các giải pháp toàn diện hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn nhiều vấn đề cốt lõi chưa được các tài liệu, công trình nghiên cứu hiện nay làm rõ, cần tiếp tục nghiên cứu mà Ban Chủ nhiệm muốn hướng tới trong việc triển khai đề tài này, cụ thể:

(i). Nhận diện những khía cạnh lý luận về các loại tội phạm mới, vấn đề mới liên quan đến tội phạm phát sinh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(ii). Thực trạng điều chỉnh bằng pháp luật hình sự đối với các loại tội phạm mới hoăc xử lý những vấn đề mới liên quan đến tội phạm phát sinh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay.

(iii). Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự để phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(iv). Yêu cầu và các giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4. Kết cấu của Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu

Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài có kết cấu gồm ba chương:

Chương 1: Nhận diện một số vấn đề lý luận về luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương 2: Thực trạng pháp luật hình sự Việt Nam và kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật của một số quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

 

 

CHƯƠNG MỘT

NHẬN DIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LUẬT HÌNH SỰ TRONG

BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

1.1. Khái quát về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động đối với hệ thống pháp luật

1.1.1. Khái quát về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp đang diễn ra và được nhắc đến thường xuyên là “Cuộc CMCN lần thứ tư” (sau đây gọi tắt là CMCN 4.0). Vào năm 2011, tại Hội chợ triển lãm công nghệ tại Hannover Đức, thuật ngữ “CMCN 4.0” (The Fourth Industrial Revolution) mới được đề cập trực tiếp và sau đó lan tỏa nhanh chóng trên toàn thế giới. CMCN 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi chưa từng thấy trong cuộc sống của con người trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng này đánh dấu sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp. Trung tâm cuộc cách mạng này đang nổi lên những thành tựu công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau như trí tuệ nhân tạo (AI), một rô-bốt, Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano…; trong đó, những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)[4] và gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

1.1.2. Khái quát tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong một số lĩnh vực pháp luật

Sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống và tác động mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật. Theo nghiên cứu, có thể thấy, CMCN 4.0 tác động trực tiếp tới các lĩnh vực pháp luật quan trọng bao gồm: pháp luật dân sự, pháp luật về sở hữu trí tuệ pháp luật về lao động và an sinh xã hội, pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân, pháp luật ngân hàng, tài chính, tiền tệ, lĩnh vực quản trị công.

1.1.3. Khái quát tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với pháp luật hình sự

Trong số những vấn đề mới phát sinh của CMCN 4.0 đối với pháp luật hình sự, Đề tài tập trung nhận diện, phân tích, góp phần làm rõ và bước đầu đưa ra những đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung sau đây: (i) nhận diện một số vấn đề lý về luật hình sự; (ii) nhận diện các vấn đề mới về tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trong bối cảnh tác động của CMCN 4.0; (iii) làm rõ những vấn đề pháp lý đối với các nhóm hành vi phạm tội.

1.2. Nhận diện một số vấn đề lý luận về tội phạm và hình phạt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

1.2.1. Trí tuệ nhân tạo và tác động đối với lý luận về trách nhiệm hình sự

a. Khái quát những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trên thực tiễn

Là một thành tựu của CMCN 4.0, AI có thể được phân chia thành 4 loại svới mức độ hoàn thiện từ thấp đến cao, gồm: Máy phản ứng (reactive machines) thuần tuý là loại trí tuệ nhân tạo cơ bản nhất; Bộ nhớ giới hạn (Limited memory) máy tính có bộ nhớ hạn chế có thể lưu trữ trải nghiệm quá khứ hoặc một số dữ liệu trong một khoảng thời gian ngắn; Lý thuyết về tâm trí (Theory of mind) lý thuyết về trí tuệ nhân tạo nên hiểu được cảm xúc con người, niềm tin của con người và có thể tương tác xã hội như con người; Tự nhận thức (Self awareness) là tương lai của trí tuệ nhân tạo, là những cỗ máy siêu thông minh và sẽ có ý thức, tình cảm và nhận thức về bản thân[5]. Với những tính năng vượt trội của mình, AI được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các ngành và lĩnh vực khác nhau bao gồm: vận tải tự lái; sản xuất; y tế; thương mại… và có vai trò ngày càng quan trọng trọng trong đời sống.

Tất cả những đặc điểm gắn với các loại AI có thể xuất hiện trong cuộc sống cho thấy AI ngày càng đem lại những tác động tích cực lớn lao cho cuộc sống nhưng cũng đồng thời tạo ra những nguy cơ về nhiều mặt. Thực tế cho thấy nhiều AI cũng đã tham gia vào các vụ tai nạn chết người. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của công chúng rằng sẽ có những tội phạm được thực hiện mà không có bất kỳ khả năng nào để bắt con người phải chịu trách nhiệm[6].

b. Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với lý luận về trách nhiệm hình sự

Sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của AI trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong khi luật hình sự hiện hành chưa có các quy định tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý AI cũng như những tác nhân liên quan đến hoạt động của AI đặt ra cho các nhà nghiên cứu câu hỏi: có cơ sở lý luận về tội phạm và hình phạt tạo nền tảng cho việc xây dựng các quy định mới liên quan đến việc AI thực hiện tội phạm hay không? Có thể thấy AI có những đặc tính góp phần tạo ra thách thức đối với lý luận luật hình sự bao gồm: (i) quyền tự chủ, (ii) tính không thể đoán trước và (iii) không thể chịu trách nhiệm[7].

Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học trên thế giới đang có những ý kiến khác nhau. Một số ý kiến nhấn mạnh: luật hình sự nhắm vào con người, và nếu chúng ta muốn duy trì chức năng trừng phạt và răn đe trong luật hình sự, chúng ta cần hướng luật vào con người với khả năng chịu trách nhiệm đạo đức, tức là con người chịu trách nhiệm chứ không phải AI[8]. Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến theo hướng cần xem xét trách nhiệm hình sự của chính AI.

Qua nghiên cứu, có thể kết luận ba nhóm quan điểm về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến tội phạm do AI thực hiện như sau:

Thứ nhất, phải xác định trách nhiệm hình sự đối với con người liên quan đến việc thực hiện tội phạm của AI, bao gồm người sản xuất, người giám sát, người sở hữu, người sử dụng khi AI thực hiện hành vi gây thiệt hại và người khác bên ngoài tác động đến AI.

Thứ hai, phải xác định trách nhiệm hình sự của AI liên quan đến tội phạm mà AI thực hiện, theo đó loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự của con người trong những trường hợp AI có đầy đủ khả năng nhận thức, phán quyết về đạo đức, tự ra quyết định khi thực hiện tội phạm và không có tác nhân con người nào có lỗi trong việc thực hiện tội phạm của AI.

Thứ ba, phải xác định trách nhiệm hình sự của cả con người và của AI, theo đó rách nhiệm hình sự của AI dù độc lập vẫn liên quan đến người lập trình phần mềm hay người sử dụng (liên đới); tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm hình sự của AI chưa thể được đặt ra và chỉ khi AI có đầy đủ các đặc tính về khả năng nhận thức, khả năng phán xét về đạo đức đối với hành vi, có cảm xúc như con người thì AI mới có thể được xem xét trở thành chủ thể của tội phạm. 

1.2.2. Một số thay đổi về nhận thức đối với các yếu tố cấu thành tội phạm và hình phạt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

a. Về các yếu tố cấu thành tội phạm

Dưới tác động của CMCN 4.0, nhận thức về các yếu tố cấu thành tội phạm có thể dẫn đến một số thay đổi, cụ thể:

(i) Làm xuất hiện khách thể mới cần được bảo vệ bằng luật hình sự

Trong thời đại toàn cầu hóa và trong bối cảnh CMCN 4.0, một quốc gia đơn lẻ khó giải quyết được các vấn đề trên không gian mạng (cụ thể là bảo vệ an ninh mạng), tội phạm mạng, mà cần có sự hợp tác trên bình diện quốc tế, cũng như hệ thống pháp luật hình sự quốc gia cần có những quy định bảo đảm an toàn và bảo vệ kịp thời cho khách thể này. Khách thể “an ninh mạng” cần được cụ thể hóa trong pháp luật hình sự quốc gia với tư cách là khách thể bảo vệ của pháp luật hình sự; từ đây, hiệu lực của pháp luật hình sự mới phát huy hiệu quả trên “không gian này”.

(ii) Sự thay đổi về không gian thực hiện hành vi phạm tội

Không gian phạm tội là một trong những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng viễn thông, không gian phạm tội không còn chỉ được hiểu một cách truyền thống. Cụ thể, hành vi nguy hiểm cho xã hội còn có thể được thực hiện trên không gian mạng, thậm chí ngoài trái đất, ở trên vũ trụ hay hành tinh khác... dẫn đến đặt ra nhận thức vấn đề về hiệu lực trên không gian mạng[9] của pháp luật hình sự và khách thể bị tội phạm xâm phạm đến. Nếu hành vi nguy hiểm được thực hiện trên không gian mạng mà không được điều chỉnh thì hiệu lực của pháp luật hình sự sẽ không phát huy tác dụng được và không bảo vệ được các lợi ích của cá nhân, của xã hội và cộng đồng.

(ii) Làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của hậu quả, thiệt hại gây ra từ hành vi phạm tội

Trong bối cảnh CMCN 4.0 và với sự xuất hiện mạnh mẽ của tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng và có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Qua số liệu thống kê cụ thể, có thể thấy số lượng và các loại tội phạm mạng có sự tăng nhanh cả về phạm vi, quy mô cũng như mức độ nghiêm trọng của hậu quả, thiệt hại.

b. Về hình phạt

CMCN 4.0 mà cụ thể là sự phát triển của AI cũng làm phát sinh nhận thức mới trong lý luận về hình phạt. Tương ứng với hai khả năng chủ thể sử dụng AI hoặc do chính AI thực hiện hành vi phạm tội trong tương lai, hệ thống biện pháp cưỡng chế về hình sự cũng cần được sửa đổi, bổ sung để mang tính chất công nghệ, giám sát, định vị để phòng ngừa tội phạm, tái phạm...[10]. Thậm chí, có quan điểm khoa học cho rằng, trong tương lai xa, nếu quy định thực thể AI là chủ thể của tội phạm, thì dự kiến các hình phạt có khả năng áp dụng với thực thể AI phải đặt ra bao gồm: Lao động công ích; tạm đình chỉ có thời hạn; xóa bỏ phần mềm AI kiểm soát thực thể AI...[11].

1.3. Nhận diện một số vấn đề về bảo đảm quyền con người trong pháp luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bên cạnh những lợi ích mà CMCN 4.0 mang lại, những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đến việc đảm bảo quyền con người cũng không nhỏ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng mà những thành tự của cuộc CMCN 4.0 mang lại thì các quyền riêng tư của người dân cũng đứng trước nguy cơ xâm hại nghiêm trọng. Khả năng kết nối vạn vật và hệ thống siêu dữ liệu (Big data) mang lại những thành tựu to lớn nhưng cũng là nơi mà các thông tin, tài liệu mật, riêng tư của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bị phát tán trong thời gian vô cùng ngắn ngủi với phạm vi rộng lớn. Cùng với đó, kết quả tất yếu trong xã hội chuyển đổi số là sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp người dân và từ đó tiềm ẩn sự bất bình đẳng trong quá trình bảo đảm quyền con người.

1.4. Nhận diện một số vấn đề về nguồn của luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Theo nghĩa rộng, nguồn của pháp luật hình sự được hiểu là nguồn của pháp luật liên quan đến hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, án lệ và các loại nguồn khác có quy định về tội phạm, hình phạt hoặc có quy định liên quan tới tội phạm và hình phạt. Theo nghĩa hẹp, nguồn của pháp luật hình sự chỉ gồm những văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp chứa đựng các quy định về tội phạm và hình phạt[12]. Dưới góc độ pháp luật thực định, cho đến thời điểm hiện nay, nguồn của pháp luật hình sự ở Việt Nam chỉ là BLHS[13]. Trong bối cảnh tác động của CMCN 4.0, các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ cũng có sự thay đổi nhanh chóng, việc tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong BLHS có thể dẫn đến nhiều hạn chế như sau:

Thứ nhất, phải sửa đổi BLHS thường xuyên để kịp thời để xử lý những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh.

Thứ hai, có độ vênh giữa cơ quan được giao xây dựng Luật chuyên ngành với cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung BLHS.

Thứ ba, khi đạo luật chuyên ngành được ban hành mà không được phép quy định về tội phạm và hình phạt thì cơ quan soạn thảo và cơ quan lập pháp cũng không cần tính tới nhu cầu tội phạm hóa[14].

Thứ tư, để đảm bảo tính khái quát và có thể áp dụng các quy phạm hình sự cho các lĩnh vực khác nhau nên trong BLHS tồn tại nhiều quy định khái quát, thiếu sự cụ thể[15].

Thứ năm, việc duy trì nguyên tắc tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong BLHS làm cho tính tương thích với quy định của các điều ước quốc tế của BLHS có những hạn chế nhất định.

1.5. Nhận diện các yếu tố tác động, ảnh hưởng đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Qua nghiên cứu, cả về mặt lý luận và thực tiễn, khi đánh giá mức độ hoàn thiện hoặc chất lượng của hệ thống pháp luật nói chung hoặc một ngành luật, một chế định luật thường dựa vào những tiêu chí về tính phù hợp, thống nhất; đồng bộ, toàn diện; tính khả thi; tính ổn định, tính dự báo của pháp luật và kỹ thuật lập pháp[16]. Do đó, đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự, trước hết cũng cần nhận diện được các yếu tố tác động ảnh hưởng trực tiếp đến các tiêu chí hoàn thiện pháp luật bao gồm: (i) Yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội; (ii) Yếu tố về tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; (iii) Yếu tố truyền thống pháp lý và năng lực tổ chức thi hành pháp luật; (iv) Yếu tố về tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm kỹ thuật lập pháp, lập quy.

CHƯƠNG HAI

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ KINH NGHIỆM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

2.1. Thực trạng pháp luật hình sự Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

2.1.1. Thực trạng pháp luật về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số khó khăn, vướng mắc

CMCN 4.0 đặt ra những thách thức trong việc xử lí các hành vi xâm phạm trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị…, cụ thể thực trạng pháp luật xử lý các hành vi này như sau:

(i) Về xử lý hành vi kích động người dân chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên không gian mạng

Nhận thức được tầm quan trọng của an ninh quốc gia, tại Việt Nam, từ lần pháp điển hóa đầu tiên năm 1985, đến năm 1999 và gần đây nhất là năm 2015, BLHS luôn đặt các tội xâm phạm an ninh quốc gia là chương đầu tiên trong Phần các tội phạm. BLHS năm 2015 đã có những quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, xử lí các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia ở mức độ đáng kể. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với 14 tội được quy định từ Điều 108 đến Điều 121; Điều 122 quy định về hình phạt bổ sung có thể được áp dụng đối với các tội phạm trong nhóm này.

Hành vi phạm tội sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia tại Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động ngày càng phức tạp và nguy hiểm, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình chống đối, bạo loạn, lật đổ chính quyền… Tính đến tháng 02/2022, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; quản lý giám sát 1.251 đối tượng phản động, chống đối, đấu tranh; phá rã 04 nhóm phản động; ngăn chặn 02 chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của phản động lưu vong; thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động; khởi tố, bắt 03 đối tượng vi phạm pháp luật chống phá bầu cử; khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan đến bầu cử trên không gian mạng. Cục An ninh mạng đã đấu tranh, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video clip có nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử[17].

(ii) Về xử lý hành vi sử dụng Internet làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nếu như trước đây, những hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống chính quyền nhân dân được các đối tượng chuyền tay nhau hoặc được cất giữ bí mật trong nhà riêng, nơi làm việc… thì hiện nay, với sự phát triển của Internet, các tài liệu này được các đối tượng tích cực lan truyền trên các mạng xã hội với tầm ảnh hưởng đến nhiều người hoặc lưu trữ trên hệ thống lưu trữ đám mây với khối lượng khổng lồ. Thực tiễn cho thấy thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường xuyên đưa những thông tin xuyên tạc sai sự thật đối với một số cán bộ cấp cao, hoặc những vụ án, sự kiện trong nước nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để xử lý hành vi trên, BLHS năm 2015 ghi nhận quy định tại Điều 117 về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(iii) Về xử lý hành vi phá hoại không gian mạng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Các hoạt động xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trên thực tế hiện nay có thể kể đến gồm: Chiến tranh mạng; Gián điệp mạng; Các hành vi khủng bố mạng hoặc tội phạm mạng. Chính những hình thức tấn công mới đã đặt Việt Nam đối mặt với những nguy cơ hiện hữu, xâm phạm trực tiếp chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, với những cách thức phi truyền thống nhưng sức ảnh hưởng lại lớn hơn rất nhiều. Trên thực tế, trước những thay đổi trong CMCN 4.0, đã có nhiều hoạt động của các đối tượng thù địch phá hoại không gian mạng cũng như chủ quyền quốc gia trên không gian mạng tại Việt Nam. Về bản chất, những hành vi này trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia, tuy nhiên nếu không chứng minh được nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì sẽ chỉ xử lí theo Mục 2 - Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đồng thời, nếu không có sự hợp tác quốc tế, nhất là trong tương trợ tư pháp giữa các quốc gia thì rất khó để phát hiện, tiến hành tố tụng để xử lý các hành vi phạm tội này.

* Một số khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu, rà soát, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về các tội xâm phạm an ninh quốc gia còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định mục đích của những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Thứ hai, chưa bổ sung quy định cụ thể về việc xác định yếu tố nước ngoài trong các vụ án, vụ việc xâm phạm an ninh quốc gia dẫn đến lúng túng trong việc xác định yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, trong bối cảnh CMCN 4.0, nhiều hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước với các phần tử chống đối lưu vong ở nước ngoài được thực hiện trên không gian mạng, tại lãnh thổ nước ngoài gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện cũng như các đối tượng phạm tội.

2.1.2. Thực trạng pháp luật về hành vi xâm phạm thông tin cá nhân và một số khó khăn, vướng mắc

Với sự bùng nổ mạng xã hội, vạn vật kết nối, tự động hóa, thanh toán điện tử… CMCN 4.0 đã và đang tạo ra một không gian sinh tồn của con người có sự song hành và đan quyện giữa thế giới ảo (cyberspace) với thế giới thực (offline), theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc tiếp cận thông tin cá nhân. Bảo vệ thông tin cá nhân, cũng đồng thời là bảo vệ quyền riêng tư của con người, là vấn đề càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh tình hình vi phạm và tội phạm trên không gian mạng ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam, sự gia tăng của xu hướng làm việc kết hợp và sự thay đổi liên tục của các phương thức tấn công tinh vi đang đặt ra vô vàn thách thức về an ninh mạng trong năm 2022[18]. Các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân diễn ra bằng những cách thức phức tạp với nhiều mục đích và nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Việc bảo vệ thông tin cá nhân trong pháp luật Việt Nam có nền tảng là nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa bằng các luật, bộ luật, văn bản chuyên ngành với các quy định bảo vệ thông tin cá nhân[19]. Qua rà soát, các văn bản điều chỉnh về thông tin cá nhân có một số bất cập như sau[20]:

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa đủ toàn diện. Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng[21]. Việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thế giới vật lý/thực (không trên môi trường mạng) chưa được đặt ra[22].

Thứ hai, có sự chồng chéo giữa nội dung các quy định tại Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và các quy định tại Điều 17, 18 và 19 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, đồng thời có nội dung mâu thuẫn giữa các quy định này[23]. Có sự không thống nhất trong quy định về định nghĩa “thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15 Điều 3)[24] và một số văn bản dưới Luật.

Thứ ba, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân.

Thứ tư, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa có quy định về quyền được quên (right to be forgotten) trong những trường hợp cần thiết (một loại quyền năng có giá trị nhân bản mà pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của nhiều quốc gia đã có quy định).

Thứ năm, các chế tài đối với hành vi xâm phạm thông tin cá nhân còn một số bất cập và chưa đủ răn đe, còn nhẹ so với quy định của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân còn nhẹ[25] so với thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới chỉ có một số quy định bước đầu tại Điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác và Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông[26]. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay.

* Một số khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu, rà soát, những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân phần lớn xuất phát từ bất cập trong các văn bản pháp luật điều chỉnh về thông tin cá nhân, cụ thể[27]:

Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa đủ toàn diện. Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng[28]. Việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thế giới vật lý/thực (không trên môi trường mạng) chưa được đặt ra[29].

Thứ hai, có sự chồng chéo giữa nội dung các quy định tại Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và các quy định tại Điều 17, 18 và 19 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, đồng thời có nội dung mâu thuẫn giữa các quy định này[30]. Có sự không thống nhất trong quy định về định nghĩa “thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15 Điều 3)[31] và một số văn bản dưới Luật.

Thứ ba, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân.

Thứ tư, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa có quy định về quyền được quên (right to be forgotten) trong những trường hợp cần thiết (một loại quyền năng có giá trị nhân bản mà pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của nhiều quốc gia đã có quy định).

Thứ năm, các chế tài đối với hành vi xâm phạm thông tin cá nhân còn một số bất cập và chưa đủ răn đe, còn nhẹ so với quy định của nhiều quốc gia.

Thứ sáu, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới chỉ có một số quy định bước đầu tại Điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác và Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông[32]. Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay.

2.2.3. Thực trạng pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và một số khó khăn, vướng mắc

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, một số hành vi phạm tội tiêu biểu phát sinh dưới tác động của CMCN 4.0 có thể kể đến bao gồm:

(i) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ, chủ tài khoản hoặc thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa.

Để có được thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng của nạn nhân, người phạm tội có thể ngẫu nhiên biết được, trộm cắp thông tin, mua hoặc có được thông tin từ những người bán, cung cấp bất hợp pháp. Hành vi này có thể bị kết án về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015[33].

(ii) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Thẻ ngân hàng giả là thẻ không do tổ chức phát hành thẻ phát hành nhưng có chứa các thông tin của thẻ thật, chủ thẻ thật. Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc tất cả các công đoạn của quá trình làm gia thẻ ngân hàng giả.

(iii) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm: tài khoản ngân hàng; tài khoản các mạng xã hội như Facebook, Zalo, email... Hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc các phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

(iv) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản (điểm d khoản 1 Điều 290 BLHS năm 2015).

Trong nhóm hành vi này, người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong năm lĩnh vực sau: (i) Trong lĩnh vực thương mại điện tử; (ii) Trong thanh toán điện tử; (iii) Trong giao dịch chứng khoán. Việc mở tài khoản và áp dụng các phương thức giao dịch chứng khoán linh hoạt cũng làm cho các vi phạm thao túng thị trường chứng khoán có mức độ nghiêm trọng hơn với những thủ đoạn như mở nhiều tài khoản chứng khoán, tạo ra các cung cầu giả mạo nhằm thao túng giá cổ phiếu trên thị trường, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.

(v) Rửa tiền.

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật PCRT), BLHS năm 2015, Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[34], rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Dưới tác động của CMCN 4.0, Luật PCRT và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay chưa bao quát được đối với một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... Khung pháp lý của các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, tuy nhiên trong trường hợp khung pháp lý về cấp phép, quản lý của các hoạt động này được ban hành thì quy định tại Luật PCRT hiện nay sẽ chưa bao quát được các hoạt động mới phát sinh này. Đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền, theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn của đất nước và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là một trong những giải pháp được đặt ra. Việc hoàn thiện, xây dựng dự thảo Luật PCRT mới cũng đang được tiến hành để tăng cường chất lượng công tác phòng, chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung.

* Một số khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu, rà soát, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, dưới góc độ pháp luật, những quy định pháp luật điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo còn thiếu.

Thứ hai, các đối tượng tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hầu hết đều có quy mô, tổ chức chặt chẽ, có trình độ cao về công nghệ thông tin cùng những cách thức phạm tội và che giấu khá tinh vi.

Thứ ba, nhiều tổ chức tài chính hiện nay mở tài khoản và thiết lập giao dịch dựa vào hạ tầng công nghệ hiện đại, không đến gặp mặt trực tiếp và các thông tin nhận dạng hết sức đơn giản, không đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tạo rủi ro, nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc chu chuyển các luồng tiền bất hợp pháp.

2.2.4. Thực trạng pháp luật về các tội xâm phạm về sở hữu và trật tự công cộng và một số khó khăn, vướng mắc

Thực tế cho thấy cùng với sự phát triển của mạng truyền thông và các ứng dụng công nghệ thông tin, các hành vi xâm phạm về sở hữu và trật tự công cộng cũng đang phát triển ngày càng tinh vi và phổ biến, cụ thể tập trung ở một số hành vi cần xử lý sau đây:

(i) Đánh bạc.

Trong những năm gần đây, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc diễn ra trên mạng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động xấu đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự. Các vụ việc được triệt phá có quy mô ngày càng lớn và phức tạp. Các hình thức đánh bạc phổ biến hiện nay mà các đối tượng sử dụng bao gồm: Tổ chức đánh bạc tín chấp (trả tiền sau);Tổ chức đánh bạc thế chấp (trả tiền trước); Thiết lập mạng lưới các website vệ tinh; Xây dựng, phát triển mạng lưới đại lý; Sử dụng các cổng thanh toán trung gian và  Lợi dụng các ứng dụng công nghệ số. Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc nói chung và tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc diễn ra trên không gian mạng nói riêng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động xấu đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự. 

Về thực trạng pháp luật xử lý các hành vi đánh bạc, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định xử lý một cách rõ ràng về tội phạm đánh bạc qua mạng, các trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc, chơi đánh bạc qua các máy chơi game. Quá trình điều tra xử lý liên quan đến tội phạm đánh bạc và tội phạm tổ chức đánh bạc vẫn chủ yếu áp dụng theo văn bản hướng dẫn quy định tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999, điều này đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập vì Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, việc áp dụng Điều 321 (tội đánh bạc) và Điều 322 (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 chưa quy định về quy trình, thủ tục, cách thức thu thập chứng cứ từ dữ liệu điện tử dẫn đến những vướng mắc trong quá trình xử lý, phối hợp giữa các cơ quan tố tụng. Chính vì vậy, cần xây dựng các quy định về quy trình, thủ tục, cách thức… thu thập chứng cứ từ dữ liệu điện tử cũng như quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc sử dụng chứng cứ thu thập từ dữ liệu điện tử để phát huy hết hiệu quả phục vụ công tác đấu tranh với các đối tượng phạm tội trên mạng viễn thông, internet, cũng như trong việc giải quyết các tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự.

(ii) Hành vi lừa đảo; mua bán, sử dụng, tàng trữ ma túy với các thủ đoạn mới

Không chỉ với với tội phạm đánh bạc, tội phạm lừa đảo, tội phạm về ma tuý cũng lợi dụng các thành tựu của CMCN 4.0 để hoạt động với thủ đoạn vô cùng tinh vi, đặc biệt là sử dụng các phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại khiến cho tình hình tội phạm về ma tuý diễn biến hết sức phức tạp ở nước ta. Ở Việt Nam, việc sử dụng mảng ẩn mua bán trái phép chất ma tuý vẫn còn khá mới nhưng cũng bắt đầu nhen nhóm, khẳng định sẽ là xu hướng trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển. Đây là nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý xuyên quốc gia, là thách thức cho các lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm này, giữ gìn trật tự công cộng. 

Trong bối cảnh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng ngày càng nhiều, Bộ luật hình sự (BLHS) đã quy định hẳn một điều luật cụ thể để định danh tội phạm sử dụng mạng máy tính, công nghệ thông tin mạng viễn thông xâm phạm quyền sở hữu của người khác tại Điều 290 BLHS. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các tội phạm xâm phạm sở hữu đã lại có thêm một phương thức, công cụ mới để thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình đó là thông qua mạng Internet.

Có thể thấy, BLHS còn thiếu các quy định cụ thể để xử lý những thủ đoạn phạm tội mới phát sinh đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu và trật tự công cộng. Mặc dù đã từng bước bổ sung, hoàn thiện nhưng so với thực tiễn đấu tranh phòng chống những loại tội này, cũng như so với các văn bản pháp luật quốc tế; thì cần tiếp tục nghiên cứu các hành vi sử dụng công nghệ thông tin thực hiện hành vi phạm tội chưa được quy định trong BLHS.

* Một số khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu, rà soát, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội xâm phạm về sở hữu và trật tự công cộng gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp luật và còn khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế.

Thứ hai, việc xác định dấu hiệu cấu thành tội phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm xâm phạm quyền sở hữu cũng như xâm phạm trật tự công cộng.

Thứ ba, còn tồn tại sự thiếu đồng bộ trong quy định về hình phạt đối với các tội danh xâm phạm về sở hữu.

Thứ tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đấu tranh đối với tội phạm mạng còn hạn chế.

2.2.5. Thực trạng pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và một số khó khăn, vướng mắc

Nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông, viễn thông đã được quy định thành một mục riêng (Mục 2) tại Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng của BLHS năm 2015 với 09 tội danh, trong đó, có 05 tội danh được kế thừa trên cơ sở quy định của BLHS năm 1999. Các quy định của BLHS năm 2015 tương đối bao quát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin phổ biến xảy ra trong thời gian qua. Đặc biệt, việc bổ sung 04 tội danh mới vào BLHS năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những hành vi phạm tội được quy định tại 04 tội danh này đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Trước thực trạng lợi dụng nền tảng công nghệ số để phạm tội ngày càng phổ biến, cùng với việc quy định một số tội danh cụ thể trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội” tại một số tội danh cụ thể, từ đó thể hiện quan điểm, chính sách hình sự nghiêm khắc đối với thủ đoạn, phương thức phạm tội này.

Bên cạnh các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội đã đề cập ở các phần trước, thực tiễn cho thấy phát sinh một số hành vi phạm tội khác trong lĩnh vực công nghệ, mạng viễn thông dưới tác động của CMCN 4.0 cần xử lí bao gồm[35]: (i) Hành vi xâm phạm tính nguyên vẹn, tính bí mật hoặc tính khả dụng của mạng máy tính, mạng viễn thông; (ii) Hành vi sử dụng công nghệ thông tin nhằm chiếm đoạt cước viễn thông; (iii) Về xử lý các hành vi xâm phạm an toàn, trật tự trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

* Một số khó khăn, vướng mắc

Qua nghiên cứu, rà soát, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, mặc dù đã có quy định của BLHS về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và thực tế loại tội phạm này cũng xuất hiện khá phổ biến nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại không thể xử lý hoặc xử lý được một số lượng không nhiều do hạn chế trong quy định của BLHS.

Thứ hai, hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống và phòng ngừa tội phạm liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông chưa được quan tâm đúng mức[36].

Thứ ba, tội phạm liên quan đến khoa học công nghệ thông tin, mạng viễn thông là kết quả tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp, mang trong mình rất nhiều các tính chất mới, khác biệt lớn đối với các loại tội phạm truyền thống, đòi hỏi các nhà làm luật trước tiên cũng phải có kiến thức về công nghệ thông tin ở một mức độ nhất định để hiểu rõ hành vi, thu thập và bảo quản xử lý những chứng cứ điện tử phục vụ cho việc điều tra xử lý.

2.2. Kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm của một số quốc gia trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khuyến nghị cho Việt Nam

2.2.1. Kinh nghiệm của một số quốc gia về hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đề tài đã làm rõ phản ứng lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới (Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Singapore, Áo, Thụy Sĩ, Nhật Bản) và cả một số thiết chế khu vực (ASEAN, Châu Âu) trong xử lý các nhóm tội phạm sau đây: (i) Các tội phạm về xâm phạm an ninh mạng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (ii) Các tội phạm về xâm phạm thông tin cá nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) Tội phạm rửa tiền trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2.2.2. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

(i) Về nghiên cứu bổ sung một số tội danh mới

Ở Singapore, hai tội danh “Sử dụng sai thông tin cá nhân thu được từ tội phạm máy tính” và “Lạm dụng quyền truy cập vào máy tính hoặc bất kỳ vật dụng nào có khả năng để thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm sự toàn vẹn của máy tính” đã được bổ sung, và Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét về tính phổ biến và cấp thiết cần xử lý của hai hành vi này để tội phạm hóa và ghi nhận trong BLHS. Việc quy định một hành vi phạm tội riêng hay áp dụng trách nhiệm hình sự đối với AI, cá nhân trực tiếp sử dụng AI hiện nay là chưa cần thiết vì nó có thể làm cản trở việc phát triển công nghệ và trên thế giới chưa có quốc gia nào quy định tội phạm liên quan tới AI. Thay vào đó, tương tự như Singapore, cần tập trung hoàn thiện các quy định về tội phạm liên quan tới chương trình máy tính, trong đó có tính bao quát để có thể áp dụng linh hoạt với AI nếu như có thiệt hại xảy ra trên thực tế.

(ii) Nghiên cứu mở rộng định nghĩa về tài sản

Từ kinh nghiệm của các nước, có thể mở rộng định nghĩa về “tài sản” để kịp thời ứng phó với những hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Ở Singapore, các nhà làm luật đã thay đổi định nghĩa này ngay trong BLHS. Trong khi đó, theo Việt Nam hiện hành, định nghĩa tài sản chỉ được đề cập trong BLDS và định nghĩa này cũng được hiểu tương tự trong pháp luật hình sự. Điều này có ưu điểm là bảo đảm tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật.

(iii) Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm

Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Singapore cho thấy cần nghiên cứu mở rộng phạm vi thẩm quyền tài phán của BLHS Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế để kịp phòng ngừa, ứng phó với tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng với tính chất xuyên quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

(iv) Tăng cường năng lực các cơ quan thực thi pháp luật

Hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, song song với hoàn thiện pháp luật hình sự, cũng là một trong số các giải pháp cần thiết. Bên cạnh đó, cần được trang bị thêm các thiết bị công nghệ cao và có thêm thẩm quyền truy cập vào chương trình máy tính, dữ liệu để tìm kiếm bằng chứng buộc tội trong quá trình điều tra tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao. Để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong bối cảnh kết nối Internet toàn cầu, kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc quy định các biện pháp kiểm soát dữ liệu bằng AI do Chính phủ thiết lập đối với các nền tảng mạng xã hội toàn cầu.

(v) Xây dựng thể chế về bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý các hành vi xâm phạm

Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, các nước đều rất quan tâm đến việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời, xử phạt nghiêm đối với hành vi xâm phạm thông tin cá nhân, đặc biệt là dữ liệu của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội. Một giải pháp cần tiếp tục nghiên cứu đó là áp đặt các biện pháp để quản lý các kho lưu trữ và xử lý dữ liệu, đặc biệt của các nền tảng công nghệ mang tính chất toàn cầu như (facebook, google…) đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Kinh nghiệm của Trung Quốc đối với vấn đề này có thể là một gợi ý cho việc đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.

CHƯƠNG BA

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG BỐI CẢNH

CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

3.1. Những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

a. Việc hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

CMCN 4.0 có những tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội và chuyển đổi số quốc gia đã và đang trở thành xu thế toàn cầu. Chủ trương chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước khẳng định là một trong cách thức để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới, thể hiện trong các văn bản quan trọng như: Quyết định số 623/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến 2030”;  Nghị quyết số 29/NQ-TW “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30/NQ-TW “Về Chiến lược An ninh mạng quốc gia”; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư “xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số”. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

b. Việc hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ ngày càng gia tăng về quy mô, tính chất nguy hiểm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 trước hết cần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

c. Việc hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm bảo đảm các quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013

Với sự phát triển của các thành tựu của CMCN 4.0, bên cạnh những tác động tích cực thì cũng tạo ra rất nhiều những nguy cơ xâm phạm quyền con người, quyền công dân trên không gian mạng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Việc sử dụng, mua bán, trao đổi dữ liệu thông tin của cá nhân, công dân, tổ chức diễn biến hết sức nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn cuộc sống, quyền riêng tư, thậm chí là trật tự xã hội.

d. Việc hoàn thiện pháp luật hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

BLHS năm 2015 đã thể hiện được các quan điểm của Đảng về chính sách hình sự hướng tới xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Nghị quyết số 49/2005/NQ-TW. Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 cũng đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới trong công tác cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng. Chính vì vậy, hoạt động cải cách tư pháp cần được tiếp tục đẩy mạnh để thích ứng tốt hơn với điều kiện mới, đòi hỏi hoàn thiện thể chế, pháp luật theo chiều sâu, thích ứng, phù hợp và đáp ứng được những thay đổi của xã hội.

3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về tội phạm và hình phạt dưới tác động của CMCN 4.0 và thực trạng pháp luật, Đề tài đề xuất các nhóm giải pháp trong các lĩnh vực chủ yếu nhằm định hướng hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam dưới tác động của CMCN 4.0 như sau:

3.2.1. Đối với một số vấn đề lý luận về luật hình sự trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(i) Về vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với AI

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề liên quan đến AI và lý luận về tội phạm, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh CMCN 4.0, về cơ bản lý thuyết về tội phạm không thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, sự xuất hiện của AI ở các cấp độ khác nhau không loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự của con người đối với mọi tội phạm do AI thực hiện.

Trong nhiều trường hợp, khi con người có hành vi gây nguy hiểm và có lỗi trong việc AI thực hiện tội phạm thì cá nhân đó luôn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với những trường hợp này, lý luận về luật hình sự cũng như quy định của luật hình sự hiện hành đã đủ để cho phép xử lý những người thực hiện tội phạm bằng cách sử dụng AI.

Ở mức độ thấp hơn, cá nhân hoặc một số cá nhân đã tạo ra nguy cơ gây thiệt hại bằng việc đưa AI vào vận hành khi thiếu những biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại có thể nhìn thấy trước thì những cá nhân này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi có điều luật quy định hành vi của họ là tội phạm.

Nói tóm lại, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng chỉ khi nào AI phát triển đến mức có những đặc điểm về nhận thức, cảm xúc, hiểu biết về đạo đức như con người thì AI mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Ở thời điểm hiện tại và tương lại gần, AI chưa đáp ứng được những điều kiện này và không thể là chủ thể của tội phạm và do đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, lý luận về tội phạm và hình phạt cần tiếp tục được sử dụng để quy định bổ sung các tội phạm gắn với nghĩa vụ hành động của các tác nhân liên quan nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây thiệt hại của AI.

(ii) Nghiên cứu, bổ sung khách thể “an ninh không gian mạng” là một trong những khách thể được BLHS bảo vệ

Việc bảo vệ an ninh không gian mạng có thể được thực hiện bởi các hệ thống pháp luật khác nhau, như pháp luật dân sự, pháp luật về an ninh mạng, pháp luật hành chính, nhưng để bảo vệ tốt hơn sự an ninh, an toàn trên môi trường mạng thì cần xác định “an ninh không gian mạng” chính là một trong những khách thể cần được bảo vệ của pháp luật hình sự. Do đó, khách thể “an ninh không gian mạng” cần được nghiên cứu để cụ thể hóa trong luật hình sự và được ghi nhận là một trong những khách thể quan trọng cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự.

(iii) Về hình phạt

Trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng hình phạt với các mục đích truyền thống từ trước đến nay vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong tương lai khi có khả năng xuất hiện chủ thể của tội phạm là AI, luật hình sự cần bổ sung những hình thức hình phạt mới phù hợp với các đặc điểm mang tính máy móc của AI để thực hiện mục tiêu ngăn chặn tội phạm. Khi đó, hình phạt phải là biện pháp có khả năng chế ngự được hoạt động của AI hoặc thậm chí chấm dứt sự tồn tại của cá thể AI hoặc hệ thống AI khi hoạt động của chúng chứa đựng nguy cơ cao gây thiệt hại cho xã hội mà không thể chấp nhận những nguy cơ đó để đổi lấy những lợi ích mà AI đó đem lại cho xã hội.

Bên cạnh đó, đối với nhóm các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong bối cảnh CMCN 4.0, cần nghiên cứu bổ sung các chế tài mang tính khắc phục hậu quả do các hành vi lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội như: Cấm vĩnh viễn việc sử dụng trang tin điện tử; buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng; buộc xóa dữ liệu bị chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép; buộc xóa bỏ, cải chính thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về an ninh mạng; buộc loại bỏ tính năng, thành phần gây hại về an ninh chương trình, sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm; thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ; buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số; buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;…

Bên cạnh đó, cần đề xuất tăng mức hình phạt đối với một số tội danh do tính chất nguy hiểm cho xã hội tăng lên dưới tác động của CMCN 4.0. Việc tăng hình phạt cũng đảm bảo tương thích về mức độ với các chế tài mà các nước đang áp dụng đối với các tội phạm sử dụng công nghệ cao.

(iv) Hoàn thiện một số vấn đề kỹ thuật trong Bộ luật hình sự

Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung thêm thay đổi “địa điểm” phạm tội; sử dụng công cụ/phương tiện là thành tựu của CMCN 4.0 trong các điều khoản của Phần chung Bộ luật Hình sự (nếu có) ví dụ như về hiệu lực của Bộ luật Hình sự, về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự...;

Thứ hai, cần rà soát các tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015 để xem xét về các yếu tố cấu thành tội phạm, điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, dấu hiệu “xuyên quốc gia”… để sửa đổi cho thích ứng với bối cảnh mới với sự tác động của CMCN 4.0 và toàn cầu hóa, cũng như “tính có tổ chức” của tội phạm, đặc biệt là các tội phạm phi truyền thống; nghiên cứu xem xét tham gia Công ước về Tội phạm mạng và quy định riêng về tội phạm mạng của Việt Nam[37], cũng như đề ra các biện pháp nhằm giới hạn ảnh hưởng của các mạng xã hội nước ngoài đối với an ninh quốc gia.

(v) Nghiên cứu khả năng mở rộng nguồn của luật hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong bối cảnh CMCN 4.0

Quá trình tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm mới phát sinh trong các lĩnh vực chuyên ngành được thực hiện cùng nhịp với việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật chuyên ngành thì pháp luật hình sự sẽ luôn vận hành cùng nhịp với tiến trình vận động, phát triển của từng lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là yêu cầu bức thiết đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật trong giai đoạn hiện nay theo các chủ trương của Đảng, nhất là các chủ trương về cải cách tư pháp.

3.2.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về các nhóm tội phạm cụ thể trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

3.2.2.1. Nhóm giải pháp đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

Thứ nhất, cần hoàn thiện và đồng bộ chính sách pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực luật hình sự. Trong những yếu tố cấu thành không gian mạng, chính sách pháp luật là những quy định, quy tắc ứng xử điều chỉnh hành vi và các mối quan hệ giữa cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế khi tham gia vào không gian mạng. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất đảm bảo cho sự hoạt động an toàn và hiệu quả của không gian mạng, mở đường cho công nghệ phát triển. Cụ thể, để có thể xử lí các hành vi tấn công mạng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, cần có văn bản giải thích pháp luật về khái niệm cơ sở vật chất - kĩ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần liệt kê đầy đủ “mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin” để phù hợp với thực tiễn phạm tội trên không gian mạng.

Ngoài ra, cần sớm sửa đổi Luật An ninh quốc gia năm 2004 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003 để phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng của thế giới và các văn bản luật khác.

Thứ hai, cùng với hoàn thiện quy định về tội phạm, cũng cần phải hoàn thiện chế tài các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong bối cảnh tội phạm an ninh phi truyền thống trên cơ sở cân nhắc đường lối xử lý loại tội phạm này ở các quốc gia khác. Cần nghiên cứu giảm nhẹ chế tài các tội phạm này từ góc độ lập pháp hình sự theo hướng: (i) Huỷ bỏ hoặc ít nhất là hạn chế tối đã hình phạt tử hình trong chế tài đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia; (ii) Hạn chế hình phạt tù chung thân; (iii) Giảm bớt hình phạt tù có thời hạn; (iv) Hoàn thiện chế tài về các hình phạt bổ sung...

3.2.2.2. Nhóm giải pháp hoàn thiện các quy định bảo vệ thông tin cá nhân

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu, ban hành Nghị định quy định về bảo vệ thông tin cá nhân. Việc ban hành Nghị định này đang được kỳ vọng là sẽ củng cố thêm cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn diện lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân cả trên không gian mạng và không gian thực[38]. Trên cơ sở thực tiễn thực thi Nghị định này và sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế (nhất là của Trung Quốc), cơ quan chức năng có thể nghiên cứu xây dựng Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, trên cơ sở kế thừa một số quy định có trong các Luật và Nghị định liên quan, quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý, khai thác, chuyển giao thông tin cá nhân, việc chuyển thông tin cá nhân xuyên biên giới, cùng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ thông tin cá nhân để xử lý nhiều bất cập trong thực tiễn bảo vệ thông tin cá nhân, góp phần duy trì niềm tin của người dân về an ninh, an toàn thông tin cá nhân khi tham gia vào nền kinh tế số[39].

Thứ hai, đối với hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng, xử lý thông tin cá nhân trái quy định của pháp luật, như đã phân tích (tại Chương Hai), cần nghiên cứu theo hướng tội phạm hóa các hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân, đó là: (i) hành vi thu thập (đánh cắp, mua bán, tặng cho…), sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân và (ii) hành vi để lộ hoặc xử lý thông tin cá nhân trái quy định của pháp luật. 

Bên cạnh việc bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân trong BLHS năm 2015 thì cũng cần thiết phải bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với loại hành vi này vì đây là đối tượng có khả năng vi phạm cao nhất.

Thứ ba, nghiên cứu thiết kế các tội danh tương ứng để xử lý đối với những trường hợp việc thực hiện các hành vi không cập nhật, sửa đổi hoặc hủy bỏ thông tin cá nhân theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cũng có thể đặt vấn đề tội phạm hóa và hình sự hóa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân nhưng còn tái phạm nhiều lần.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu tội phạm hóa hành vi tái nhận dạng thông tin cá nhân từ kinh nghiệm của Vương quốc Anh hay hình sự hóa trách nhiệm hình sự của nhà cung cấp Internet của Trung Quốc.

3.2.2.3. Nhóm giải pháp liên quan đến các hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Thứ nhất, quy định là tội phạm đối với hành vi lập trình và sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện hành vi phạm tội.

Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm là “hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh” vào cấu thành cơ bản tại khoản 1 và cấu thành tăng nặng tại khoản 3 của Điều 286 BLHS năm 2015 về tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.

Thứ ba, cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng sau vào cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 287 về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử: (i) hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; (ii) cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông.

Thứ tư, nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng là “những thông tin có tác hại lớn cho xã hội” vào cấu thành cơ bản của tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288. Đồng thời cũng cần giải thích thế nào là những thông tin có hại lớn cho xã hội, theo đó các hành vi phạm tội cho dù chưa gây ra thiệt hại, chưa gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc chưa thu được lợi bất chính, nhưng đối với “những thông tin có tác hại lớn cho xã hội” sẽ bị coi là tội phạm đã hoàn thành.

Thứ năm, bổ sung quy định để truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại về tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật theo Điều 285 BLHS năm 2015.

3.2.2.4. Nhóm giải pháp liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Thứ nhất, đối với các hành vi liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, cần nghiên cứu xây dựng quy định là tội phạm đối với hành vi phát hành, tàng trữ, cung ứng, sử dụng tiền ảo, tiền mã hóa như phương tiện thanh toán.

Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Điều 105 BLDS hiện hành theo hướng quy định tiền, tài sản bao gồm cả tiền ảo, tài sản ảo, nghĩa là công nhận các giao dịch tiền ảo, tài sản ảo có tồn tại. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên quy định về thanh toán bằng tiền mặt và các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam để có thêm thời gian nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại tiền ảo, tài sản ảo đối với nền kinh tế, nếu quy định làm phương tiện thanh toán. Trên cơ sở có văn bản thừa nhận chính thức tiền ảo là tài sản mới có thể có cơ sở pháp lý để xây dựng các khung pháp lý, trong đó có hệ thống pháp luật hình sự, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc rửa tiền qua tiền ảo nói chung và trong BLHS nói riêng.

Thứ hai, cần nghiên cứu, chỉnh sửa điều khoản quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân để đảm bảo không chỉ pháp nhân thương mại, mà pháp nhân nói chung, bao gồm cả các tổ chức phi lợi nhuận, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền.

Thứ ba, cần xem xét khả năng cung cấp cho việc đảo ngược gánh nặng bằng chứng trong các thủ tục tố tụng liên quan đến việc tịch thu tài sản bị cáo buộc liên quan đến một số tội phạm, bao gồm rửa tiền, chẳng hạn như mô hình tịch thu của Hoa Kỳ áp dụng cho tội phạm rửa tiền. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các quy định về chứng cứ điện tử là tiền ảo trong các quy định của BLTTHS.

3.2.2.5. Nhóm giải pháp liên quan đến các tội xâm phạm sở hữu và trật tự công cộng

Để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm xâm hại quyền sở hữu và trật tự công cộng trong bối cảnh CMCN 4.0, Đề tài kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần nghiên cứu theo hướng nâng mức khởi điểm của tội sử dụng mạng máy tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lên tương đương hoặc hơn với mực hình phạt cho các tội phạm sở hữu ở Chương XVI của BLHS.

Thứ hai, tương tự như một số đề xuất trên, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu để ghi nhận chủ thể là pháp nhân có thể thực hiện các hành vi sử dụng máy tính, công nghệ thông tin và mạng viễn thông thực hiện các hành vi phạm tội để có sự tương thích với quy định của Công ước quốc tế và các quốc gia khác trên thế giới.

Thứ ba, đề nghị cơ quan lập pháp xem xét cân nhắc đưa tình tiết sử dụng mạng viễn thông để phạm tội như một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho tất cả các tội danh; chứ không nên chỉ quy định vào một số tội danh, đảm bảo được tính hiệu quả của quy định pháp luật lâu dài. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào BLTTHS các quy định có liên quan đến chứng cứ điện tử, các thủ tục tố tụng hình sự về việc thu thập, bảo quản, phục hồi và giám định chứng cứ điện tử phù hợp với đặc điểm, tính chất của tội phạm mạng.

Thứ tư, Đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Luật hình sự bao gồm:

- Nâng cao nhận thức của cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng về pháp luật hình sự nói chung và các các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng;

- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức tội phạm học, các kiến thức chuyên sâu công nghệ thông tin cho người tiến hành tố tụng.

- Thường xuyên phổ biến kinh nghiệm đấu tranh các loại tội phạm sử dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội.

- Trang bị cho điều tra viên và kiểm sát viên phải những phương tiện thiết bị hiện đại nhất, chuyên dụng phục vụ điều tra, truy tố.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với các tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ mạng bằng các quy chế phối hợp, hoặc các cơ chế làm việc nâng cao hiệu quả trong quá trình điều tra.

Thứ năm, cần nâng cao hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới đặc biệt trong hoạt động đánh bạc, mua bán ma tuý… Thông qua việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng chống tội phạm. Hiện nay trên thế giới chỉ có Công ước Budapest năm 2001 quy định về tội phạm không gian mạng, và được rất nhiều nước tham gia. Việc gia nhập Công ước này có thể giúp hệ thống pháp luật phòng chống tội phạm mạng sẽ tương thích với các quốc gia khác trên thế giới, tạo thuận lợi phòng chống tội phạm xuyên quốc gia./.

 


[1] Miller S (2017), Artificial intelligence and its impact on legal technology: to boldly go where no legal department has gone before Thompson Reuters; accessed to https://legal.thomsonreuters.com/en/insights/articles/ai-and-its-impact-on-legal-technology on 17/8/2020.

[2] Bộ Công an (2019), Chuyên đề “Thực trạng đấu tranh với tội phạm mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Kỷ yếu hội thảo Quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, 24/6/2019, tr. 257.

[3] Trong khuôn khổ hỗ trợ của Đại Sứ quán Úc thông qua Aus4Skills dành cho Chương trình Thạc sĩ Pháp luật về Quyền con người Trí tuệ nhân tạo với pháp luật và quyền con người.

[4] Xem cụ thể hơn: Klaus Schwab (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 15.

[5] “Có mấy loại trí tuệ nhân tạo? Ứng dụng của nó là gì?”, xem tại: https://codepou.com/blog/tri-tue-nhan-tao/co-may-loai-tri-tue-nhan-tao-ung-dung tra cứu ngày 19/12/2021;

[6] Matilda Claussén-Karlsson (2017), Artificial Intelligence and the External Element of the Crime, An Analysis of the Liability Problem, Spring 2017, tr. 7-8.

[7] Quyền tự chủ của AI: Tính năng này cho thấy con người chỉ tham gia một cách hạn chế hoặc trong tương lai, có thể hoàn toàn không tham gia vào khả năng quyết định của AI. Quyền tự chủ của AI thay đổi phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện của AI. Về cơ bản, cho đến nay các AI được con người tạo ra vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của con người. Vì vậy, quyền tự chủ chưa thuộc về AI mà vẫn thuộc về con người. Tuy nhiên, khi AI càng siêu việt thì quyền tự chủ càng được chuyển từ con người sang cho AI. Theo dự đoán của nhiều nhà khoa học, có thể đến một lúc con người mất quyền tự chủ đối với hoạt động của AI.

Tính không thể đoán trước: Hành vi của AI là không thể đoán trước đối với con người, đặc biệt là khi hành vi đó không phải là kết quả của sự chỉ dẫn từ lập trình viên mà là một chiến lược tự học. Tính không thể đoán trước trong hoạt động của AI cũng thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ hoàn thiện của AI.

Không thể chịu trách nhiệm: Chừng nào AI còn thiếu tư cách pháp lý, chúng có thể hành xử theo cách gây thiệt hại cho xã hội mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cho đến thời điểm này, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chưa thừa nhận tư cách pháp lý của AI. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc AI không phải chịu trách nhiệm về những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chúng thực hiện.

[8] Iria Giuffrida, William & Mary Law School (2019), Liability for AI Decision-Making: Some Legal and Ethical Considerations, Fordham Law Review, Volume 88 Issue 2 Article 3.

[9]Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” (khoản 2 Điều 3 Luật An ninh mạng năm 2018).

[10] Ngoài nhận thức mới, những vấn đề đặt ra trong pháp luật hình sự cũng kéo theo sự thay đổi của nhiều vấn đề khác như: Thủ tục tố tụng và thủ tục thi hành án hình sự, hệ thống cơ sở vật chất ra sao, hệ thống AI dự báo sai lầm nghiêm trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Xét riêng trong pháp luật hình sự, việc có thể dự báo hành vi phạm tội và nhận dạng người phạm tội trong tương lai, nhưng mặt trái cũng song hành với nó, như việc thay đổi dự liệu, nhận diện sai - nhận dạng từ người cảnh sát, công dân bình thường thành người phạm tội, dẫn đến việc bắt, giữ, xử lý nhầm, thậm chí có hoạt động ngăn chặn, xử lý chậm dẫn đến chết người...

[11] Trịnh Tiến Việt (2021), “Hình phạt áp dụng đối với thực thể trí tuệ nhân tạo (AI): Từ khoa học viễn tưởng đến viễn cảnh tương lai của Bộ luật Hình sự Việt Nam “năm nào đó””, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 4/2021, tr. 19.

[12] Về vấn đề này, có thể xem: Đào Trí Úc (2000), Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 - Những vấn đề chung, tlđd, tr. 297; Lê Văn Cảm (2005), Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), tlđd, tr. 154 và các trang tiếp theo.

[13] “Từ trước đến nay, các giáo trình, bài giảng, đa số các công trình nghiên cứu đều mặc nhiên quan niệm như vậy... (quan niệm nguồn của pháp luật hình sự chỉ có thể là BLHS)” (Đào Trí Úc (2000), Luật hình sự Việt Nam, Quyển 1 - Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 294).

[14] Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005 nhưng việc sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của Luật phòng, chống tham nhũng chỉ được thực hiện trong BLHS năm 2015, tuy nhiên, chỉ sau đó 3 năm, đến năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng mới đã được ban hành; Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành năm 2006 và Luật bảo hiểm y tế được ban hành năm 2008 nhưng việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến 2 luật này cũng chỉ được thực hiện trong BLHS năm 2015 khi đã có Luật Bảo hiểm xã hội mới (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)…

[15] Trong BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999, rất nhiều tình tiết không được định lượng rõ ràng và nếu không có văn bản giải thích, hướng dẫn cụ thể thì khó áp dụng trên thực tiễn. Hiện nay, một số quy định có tính chất như vậy đã được khắc phục bởi BLHS năm 2015 khi quy định định lượng cụ thể đối với những tình tiết nói trên. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 vẫn còn một số tình tiết định tính, chưa được định lượng cụ thể như tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn” . Bên cạnh đó, một số điều luật của BLHS hiện hành không thể quy định toàn bộ hành vi mà chỉ quy định chung theo hướng: “vi phạm quy định về…”, “cố ý xâm phạm…”, “… trái pháp luật…”.

[16] Chẳng hạn, Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, 2019 đánh giá: Hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao( ), còn cồng kềnh với nhiều hình thức VBQPPL, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Nhiều dự án luật có vòng đời ngắn. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý nhà nước. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, việc xem xét các điều kiện, nguồn lực thực hiện vẫn còn chung chung, không rõ ràng. Một số quy định trong các VBQPPL còn mang tính “tuyên ngôn”.

[17] Thu Hằng (2021), Đấu tranh với các thủ đoạn chống phá bầu cử trên không gian mạng, https://dangcongsan.vn/thoi-su/dau-tranh-voi-cac-thu-doan-chong-pha-bau-cu-tren-khong-gian-mang-581189.html, truy cập ngày 15/2/2022.

[18] Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 48.646 cuộc tấn công mạng với nhiều hình thức tinh vi (so với năm 2021, con số này tăng gần 20%). Trong đó, 6.641 vụ tấn công mạng gây ra sự cố vào hệ thống thông tin trong nước, tăng 35,14% so với cuối năm 2021 và tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 48.646 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu nửa đầu năm 2022, tấn công khai thác lỗ hổng vẫn chiếm đa số với gần 53% tổng số cuộc tấn công; tiếp đó là tấn công dò quét mạng (15,65%), tấn công APT (14,36%); tấn công xác thực (9,39%); tấn công cài mã độc (7,58%), tấn công từ chối dịch vụ (0,47%) và các hình thức tấn công khác là 0,91%.

[19] Bao gồm: (1) Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (Điều 21 và 22); (2) Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 38, Điều 387, 517 và 565); (3) Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15, 16 và 17 Điều 3; Khoản 5 Điều 7; Điều 16, 17, 18, 19 và 20); (4) Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; (5) Thông tư số 25/2010/TT-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông “quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”; (6) Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (7) Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử; (8) Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015); (9) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

[20] Xem thêm: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo rà soát pháp luật đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 2020.

[21] Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Điều 16, 17, 18, 19 và 20 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

[22] Tất nhiên, cũng có thể lập luận rằng, Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 đã phần nào xử lý vấn đề này.

[23] Chẳng hạn, thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã bao hàm cả nghĩa “thu thập…lưu trữ… chia sẻ… phát tán thông tin cá nhân”, tức là có nghĩa rộng hơn so với thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006 không bao hàm nghĩa “thu thập… sử dụng thông tin cá nhân”; tổ chức, cá nhân thu thập, sử dụng thông tin cá nhân theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 chỉ phải thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân “phạm vi, mục đích” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập, trong khi đó Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đòi hỏi tổ chức, cá nhân này phải thông báo không chỉ “phạm vi, mục đích” mà cả “hình thức” và “địa điểm” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.

[24] “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”.

[25] Khoản 4 Điều 84 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2015) quy định hành vi “thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin; sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo” chỉ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi “thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó” chỉ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, còn hành vi “sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” thì bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

[26] Điều 159 BLHS quy định, việc “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam.

[27] Xem thêm: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo rà soát pháp luật đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 2020.

[28] Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Điều 16, 17, 18, 19 và 20 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

[29] Tất nhiên, cũng có thể lập luận rằng, Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 đã phần nào xử lý vấn đề này.

[30] Chẳng hạn, thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã bao hàm cả nghĩa “thu thập…lưu trữ… chia sẻ… phát tán thông tin cá nhân”, tức là có nghĩa rộng hơn so với thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006 không bao hàm nghĩa “thu thập… sử dụng thông tin cá nhân”; tổ chức, cá nhân thu thập, sử dụng thông tin cá nhân theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 chỉ phải thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân “phạm vi, mục đích” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập, trong khi đó Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đòi hỏi tổ chức, cá nhân này phải thông báo không chỉ “phạm vi, mục đích” mà cả “hình thức” và “địa điểm” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.

[31] “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”.

[32] Điều 159 BLHS quy định, việc “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam.

[33] Bản án số 59/2017/HSST ngày 28/9/2017 của TAND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

[34] Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền.

[35] Bộ Công an (2019), Thực trạng đấu tranh với tội phạm mạng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bài viết trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp, tr. 256.

[36] Hồ Thế Hòe (2012), “Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

[37] Công ước của Hội đồng châu Âu về tội phạm mạng (Công ước Budapest ngày 23/11/2001).

[38] Dự kiến, Nghị định này sẽ sớm được Chính phủ ban hành sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận.

[39] Nguyễn Văn Cương (2020), “Thực trạng pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam hiện nay và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15, tháng 8 năm 2020, xem tại: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210631/Thuc-trang-phap-luat-ve-bao-ve-thong-tin-ca-nhan-o-Viet-Nam-hien-nay-va-huong-hoan-thien.htm, truy cập lần cuối ngày 12/07/2022

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...