• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng.
Nội dung tóm tắt

BÁO CÁO TÓM TẮT

ĐỀ TÀI: “NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN PHỤC VỤ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT CÔNG CHỨNG”

1. Tính cấp thiết của đề tài

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã chỉ ra định hướng phát triển hoạt động công chứng, cụ thể: “Hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của VBCC. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”. 

Thể chế hóa Nghị quyết 49-NQ/TW, năm 2006 Luật Công chứng lần đầu tiên được ban hành, tiếp theo năm 2014 Luật Công chứng được sửa đổi. Sau 16 năm triển khai thực hiện quy định của hai đạo luật về công chứng, những kết quả đạt được đã cho thấy tổ chức và hoạt động công chứng đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một nghề bổ trợ tư pháp mang tính chuyên nghiệp, đặc thù (3.074 CCV đang hành nghề tại 1.298 TCHNCC, số lượng và tính chất giao dịch công chứng ngày càng tăng và đa dạng với hơn 41 triệu việc. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỷ lệ 70-80% số việc công chứng. Số lượng vụ việc bị khởi kiện ra tòa chiếm 0,01% VBCC ở 41 địa phương, số lượng việc phải bồi thường chiếm tỷ lệ cực nhỏ so với số vụ việc bị kiện (0,38%) với tổng số tiền phải bồi thường khoảng hơn 12 tỷ đồng trong 5 năm tại 6 địa phương. Như vậy, thực tế cho thấy hầu hết các VBCC đều bảo đảm an toàn pháp lý.

Khi thực hiện đánh giá sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW cho thấy vẫn còn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp; quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp, cùng với đó là nhiều vấn đề hạn chế về thực tiễn[1]. Các chủ trương của Nghị quyết 49 về CC đã được triển khai trên thực tế tuy nhiên vẫn có những điểm chưa được triệt để (phạm vi công chứng chứng thực; giá trị pháp lý của VBCC, công cụ quản lý nhà nước trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng...) Cùng với đó thể chế công chứng chưa được đánh giá đúng với bản chất là cung cấp dịch vụ công, với vai trò cung cấp văn bản, tài liệu đáng tin cậy, phòng ngừa tranh chấp, chức năng và phạm vi công chứng chưa bao phủ hết các hoạt động của đời sống xã hội. Do đó, xã hội chúng ta vẫn tồn tại bất ổn, người dân, doanh nghiệp vẫn còn bị lừa mất của cải, vật chất với số lượng ngày càng lớn, số người bị hại càng đông, người dân phải tham gia những vụ kiện tụng kéo dài, niềm tin xã hội bị giảm dần, môi trường kinh doanh chưa thực sự lành mạnh. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu về công chứng của Việt Nam với công chứng của các nước cho thấy, hoạt động công chứng đã tồn tại tại Việt Nam từ lâu nhưng vẫn còn có điểm chưa đúng với bản chất, vai trò và chức năng của công chứng.

Do đó, việc nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng những định hướng chính sách lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng" là cần thiết nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách cụ thể phục vụ xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và trong nước

            Đề tài đã tìm hiểu và nghiên cứu nhiều công trình khoa học trong và ngoài nước, viện dẫn các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế đề từ đó cung cấp cho nhóm tác giả cái nhìn tổng quan về nội hàm của hoạt động công chứng, đặc biệt là hệ thống công chứng Latin. Từ đây Đề tài đưa ra định hướng, xây dựng được nội dung nghiên cứu, cũng hoàn thiện được nhiệm vụ nghiên cứu cho toàn bộ đề tài

3. Mục tiêu của đề tài

            3.1. Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu, đề xuất những định hướng chính sách lớn (6 chính sách) và những nội dung cơ bản của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng ở nước ta theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng để thúc đẩy sự phát triển nghề công chứng Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

            3.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Làm rõ cơ sở lý luận, sự cần thiết và yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) trong bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

b) Xây dựng hệ thống kiến nghị về định hướng 6 chính sách lớn: (i) phạm vi công chứng (ii) VBCC và thủ tục công chứng;  (iii) CCV; (iv) TCHNCC;  (v) công chứng số; (vi) tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV và quản lý nhà nước về công chứng.

4. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phân tích.

Phương pháp tổng hợp.

Phương pháp nghiên cứu lịch sử.

                        Phương pháp nghiên cứu phân tích so sánh.

Phương pháp kinh tế-luật.

Phương pháp phân tích số liệu, tổng hợp.

5. Nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài là công trình nghiên cứu có hệ thống lý luận và thực tiễn về các nội dung mang tính “xương sống” trong tổ chức và hoạt động công chứng được điều chỉnh trong Luật Công chứng, cụ thể:

  • Đề tài đã nghiên cứu các lý thuyết cơ bản để làm nền tảng, tạo ra khung lý thuyết nghiên cứu giúp công trình nghiên cứu đi đúng hướng, cũng như luận giải những vấn đề đã tồn tại và đề xuất những kiến nghị khả thi, phù hợp với các lý thuyết khoa học đã được thừa nhận.

  • Đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá về khái niệm, bản chất, vai trò của hoạt động công chứng. Đặc biệt là tập trung vào hoạt động công chứng của các quốc gia thuộc hệ thống công chứng La-tinh nhằm tạo ra nền tảng cho nghiên cứu.

  • Đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá một số bất cập, hạn chế cơ bản trong tổ chức thực hiện Luật Công chứng; đưa ra các nhận định, đánh giá cụ thể, từ đó kiến nghị những định hướng chính sách lớn đối với Luật Công chứng sửa đổi, bổ sung.

  • Kết quả nghiên cứu của đề tài khi được nghiệm thu, công bố sẽ: (1) là tài liệu có ý nghĩa góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho quá trình xây dựng dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong thời gian tới; (2) đóng góp cho quá trình nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam; (3) kết quả nghiên cứu của đề tài cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành Luật học.

6. Cấu trúc của báo cáo kết quả nghiên cứu

            Ngoài phần khái quát đề tài, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài được kết cấu thành 6 chương cụ thể:

Chương 1:  Cơ sở lý luận của hoạt động công chứng

Chương 2:  Phạm vi công chứng

Chương 3:  VBCC và thủ tục công chứng

Chương 4:  CCV và TCHNCC

Chương 5:  Công chứng số

Chương 6: Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV và Quản lý nhà nước về hoạt động công chứng

 

 

 

PHẦN THỨ HAI: TÓM TẮT BÁO CÁO TỔNG HỢP
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Chương này trình bày về lý thuyết của mô hình công chứng La-tinh, bản chất vai trò và chức năng công chứng La-tinh. Ưu điểm của công chứng La-tinh và lựa chọn theo mô hình công chứng La-tinh của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với việc quản lý phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Một số lý thuyết và nguyên tắc pháp luật, điều kiện  đảm bảo cho mô hình công chứng La-tinh phát huy hiệu quả, cũng như các yếu tố, ảnh hưởng đến việc thiết lập hoạt động công chứng cũng được trình bày nhằm tạo nền tảng lý luận cho việc đề xuất 6 (sáu) chính sách lớn cho việc sửa đổi Luật Công chứng lần này của Việt Nam.

1.1. Sự phù hợp của việc áp dụng mô hình công chứng La-tinh tại Việt Nam

Đề tài đã nghiên cứu đặc trưng của Hệ thống công chứng La-tinh, trên cơ sở phân tích nguyên tắc cốt lõi của tổ chức công chứng, mô hình công chứng mà được Liên minh công chứng quốc tế và các thành viên (89 nước thành viên) thừa nhận để tạo nên bản chất và vai trò của hoạt động công chứng La-tinh, cung cấp niềm tin, sự tin cậy cho các văn bản, giấy tờ, hợp đồng, giao dịch, trong phạm vi các vấn đề không gây tranh tụng, nhằm phòng ngừa tranh chấp, đảm bảo công bằng xã hội. Mô hình công chứng La-tinh cung cấp tính xác thực cho tài liệu công chứng theo một quy trình pháp lý chặt chẽ (từ nhận dạng, kiểm tra năng lực pháp luật; tư vấn về phạm vi và hậu quả pháp lý, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của tài liệu trước khi thực hiện công chứng), từ đó tăng tính hiệu lực, tính bền vững của VBCC.

Cùng với đó, Đề tài cũng đã phân tích về chức năng mô hình công chứng Anglo-sacxon và thông luật, theo đó chức năng của công chứng tập trung vào “chứng minh chính thức” - tức là chứng minh rằng các hành vi ký văn bản, tuyên thệ và đưa ra lời khai của các bên trước mặt CCV là đúng sự thật, hướng theo quan điểm công chứng tự nguyện, luật hiếm khi quy định nội dung “bắt buộc phải công chứng”. Đề tài cũng phân tích về người thực hiện công chứng (khá đa dạng, nhiều chức danh có thể tham gia như luật sư, định giá, đại lý thanh toán…), giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành của VBCC, theo đó VBCC chỉ có giá trị chứng cứ và hiệu lực thi hành phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên.

Từ việc phân tích hai mô hình công chứng trên thế giới, Đề tài đã chỉ ra lý do lựa chọn mô hình công chứng La-tinh là phù hợp nhất với Việt Nam (phù hợp kiểu nhà nước Việt Nam, có tính lịch sử, bảo đảm vai trò của Nhà nước đối với việc thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường, giữ gìn trật tự công, giá trị công trong xã hội.). Việc lựa chọn và đi theo mô hình này cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam trong chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập kinh tế.

1.2. Các lý thuyết và nguyên tắc về hoạt động công chứng

Mỗi lý thuyết, nguyên tắc có thể có ý nghĩa khác nhau theo các trật tự pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, bất kể hệ thống pháp luật nào, các lý thuyết, nguyên tắc chung, nền tảng vẫn là yếu tố trung tâm quyết định của một hệ thống pháp luật cụ thể. Trong hoạt động công chứng có nhiều nguyên tắc chi phối, có ảnh hưởng đến việc xây dựng pháp luật về Công chứng. Đề tài đã chọn lọc một số các nguyên tắc và lý thuyết có tầm ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động công chứng được nêu dưới đây.       

            1.2.1. Lý thuyết về dịch vụ công

Trong quy trình quản trị công, giữa nhà nước và người dân là mối quan hệ pháp lý đặc biệt, theo đó, người dân, với tư cách là chủ thể tạo và duy trì nguồn lực cho nhà nước vận hành và phát triển vì thế tất cả các trụ cột quyền lực của nhà nước đều được xây dựng trên nền tảng quyền lực của nhân dân, tức là, nhà nước là vì dân. Do vậy, người dân chính là chủ sở hữu thực sự và nhà nước có trách nhiệm tạo lập ra các thiết chế nhằm ghi nhận và bảo vệ các quyền và lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhu cầu thiết yếu trong đó có dịch vụ công. Từ đây, trật tự công được thiết lập, trên cơ sở quy định pháp luật và giá trị công (được hình thành từ truyền thống, thói quen, đạo đức) để từ đó tạo môi trường cho cá nhân thực hiện các quyền tự do của mình nhưng trong một trật tự xác định.

Để bảo đảm các trật tự đó thì người dân có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp các dịch vụ công. Khái niệm về dịch vụ công có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm rộng cho rằng dịch vụ công có thể coi là tất cả những việc nhà nước nước thực hiện. Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu khoa học thì có thể nói dịch vụ công là hoạt động phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân, xã hội để đảm bảo lợi ích của cộng đồng và đảm bảo trật tự công. Dịch vụ công có mang tính quyền lực nhà nước và do nhà nước trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện.

Đối với hoạt động công chứng, Liên minh công chứng quốc tế đã xem hoạt động công chứng là dịch vụ công, nhằm gìn giữ trật tự công, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong phạm vi các vấn đề không tranh tụng. Ở Việt Nam, hoạt động công chứng cũng được coi là dịch vụ công. Theo quy định tại Quy tắc hành nghề và tổ chức của CCV thì CCV phải từ chối cung cấp dịch vụ công chứng “Khi chứng thư có nội dung trái với luật pháp hoặc trật tự công cộng hoặc đánh lừa bên thứ ba”. Hoạt động công chứng là dịch vụ công tất yếu được cung cấp cho mọi người dân. Tại Việt Nam, dịch vụ công về công chứng đã được xã hội hóa, được hiểu là chuyển giao việc cung ứng dịch vụ công cho các khu vực ngoài Nhà nước.

            1.2.2. Nguyên tắc phòng ngừa

Nguyên tắc phòng ngừa (Preventive Principle) có nguồn gốc từ vụ án Trail smelter case (United States, Canada) diễn ra từ năm 1938 và 1941 liên quan đến bồi thường thiệt hại vì ô nhiễm môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa là để giảm thiểu các nguồn gây thiệt hại hơn là giải quyết các hậu quả của các tác động gây hại. Sự xuất hiện của nguyên tắc phòng ngừa dần được phản ánh trong các Điều ước quốc tế đa phương.

Liên minh công chứng quốc tế đã xem “chức năng phòng ngừa” (preventive function) là nguyên tắc nền tảng của hoạt động công chứng (Fundamental principles) khi cho rằng “Dịch vụ công chứng bao gồm tất cả các hoạt động tư pháp trong các vấn đề không tranh tụng, tạo sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các đương sự và giúp ngăn chặn các vụ kiện tụng”. Hoạt động công chứng thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn được diễn đạt bằng thuật ngữ tư pháp phòng ngừa (preventive justice) và đã mở rộng phạm vi phòng ngừa của hoạt động công chứng như bảo vệ người tiêu dùng (the protection of consumers), phát triển kinh tế bền vững (sustainable economic development), môi trường (the environment), minh bạch (transparency), phòng chống rửa tiền (the prevention of money laundering) và quan hệ pháp lý quốc tế linh hoạt (flexible international legal relations). Liên minh công chứng quốc tế phối hợp tổ chức Nông lương Thế giới năm 2022 đã đưa ra ấn phẩm “Quản trị có trách nhiệm đối với quyền sử dụng đất và tư pháp phòng ngừa - Hướng dẫn cho các CCV và những người hành nghề khác trong việc quản lý phòng ngừa tư pháp”. Ấn phẩm đề cập đến một trong những nguyên tắc cơ bản về quản lý có trách nhiệm đối với quyền sử dụng đất, thủy sản và rừng trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia, theo đó quyền sử dụng đất phải được nhà nước bảo đảm và bảo vệ dựa trên khái niệm nhà nước pháp quyền, trong đó khuyến nghị không sử dụng tố tụng là giải pháp chính để bảo vệ quyền. Do đó, đối với các giao dịch trên thị trường có liên quan đến các khoản đầu tư vào đất hoặc các vấn đề liên quan đến quyền cá nhân như (chuyển nhượng, chia tách, sáp nhập, v.v.) thì các quốc gia cần có giải pháp bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp, quyền con người, an ninh lương thực và môi trường khỏi những rủi ro có thể phát sinh từ các giao dịch. Trong bối cảnh này, các yếu tố của tư pháp phòng ngừa (hoạt động công chứng) là một phương tiện hiệu quả cao để điều tiết thị trường, đặc biệt là để cho phép các bên yếu thế và dễ bị tổn thương có được quyền hưởng dụng và sử dụng chúng trong một môi trường được bảo vệ.

Chức năng của nguyên tắc phòng ngừa trong pháp luật là điều chỉnh hành vi của con người để đảm bảo một xã hội hài hòa tạo được sự cân bằng giữa việc bảo đảm các quyền tự do cá nhân với bảo đảm trật tự công của xã hội. Nguyên tắc phòng ngừa đã được diễn đạt, định nghĩa, hướng dẫn cũng khuyến nghị áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực công chứng với phạm vi mở rộng trên toàn thế giới. 

            1.2.3. Các lý thuyết cơ bản của pháp luật về tài sản và pháp luật về hợp đồng

Các nguyên tắc về tài sản có ảnh hưởng đến quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên khi xác lập mối quan hệ pháp luật liên quan đến đối tượng tài sản mà pháp luật về tài sản điều chỉnh. Khi nói đến hoạt động công chứng là nói đến các các giao dịch, hợp đồng liên quan đến quyền về tài sản. Do đó hiểu rõ lý thuyết này là quan trọng cho việc xác định đúng bản chất hành vi, hoạt động công chứng.

a) Các nguyên tắc cơ bản của luật tài sản

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tài sản gồm nguyên tắc luật định (the principle of numerus clausus hay numerus clausus of property rights) và nguyên tắc minh bạch (the principle of transparency), có thể được chia thành nguyên tắc cụ thể (the principle of specificity) và nguyên tắc công khai (the principle of publicity). 

Nguyên tắc luật định (numerus clausus) hay “những quyền do pháp luật mặc định” là chỉ những quyền tài sản được pháp luật cho phép mới được công nhận là quyền tài sản, một hệ thống luật tài sản áp đặt các giới hạn đối với các bên tư nhân muốn tạo ra các quyền tài sản mới. Ở góc độ xây dựng chính sách, Nhà nước tác động vào các quan hệ sở hữu, làm cho các quan hệ xã hội này hình thành, phát triển theo ý chí của mình. Những nội dung này gồm[2]: (i) Tuyên bố về các hình thức sở hữu trong xã hội. (ii) Quy định những quyền mà chủ sở hữu (người nắm quyền) có được trên tài sản của mình; (iii) Quy định các nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; (iv) Quy định nghĩa vụ của các chủ thể khác không phải là chủ sở hữu quyền trong quan hệ với tài sản của chủ sở hữu quyền, thường là nghĩa vụ tôn trọng và kiềm chế; (v) Xác định các căn cứ làm phát sinh, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; (vi) Xác định cơ chế bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; (vii) Quy định cơ  chế xác nhận, công khai hóa quyền sở hữu để mọi người biết, như cơ chế đăng ký tài sản... Nội dung về nguyên tắc luật định xoay quanh nội dung quyền sở hữu tài sản là quyền tuyệt đối và độc quyền, tất cả các quyền tài sản khác được coi là quyền nhỏ hơn quyền sở hữu nhưng vẫn có hiệu lực đối với bên thứ ba.

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc công khai (the principle of publicity) hay (principle of public disclosure). Khi một vật quyền được pháp luật tạo ra chưa phải là điều kiện để mọi người tôn trọng. Xã hội phải biết ai là chủ sở hữu đối với một tài sản, ai là người có quyền của chủ nợ nhận thế chấp. Tùy theo hoàn cảnh của từng quốc gia nhưng nhìn chung, các giải pháp gặp nhau ở các điểm sau đây: đối với động sản, việc nắm giữ tài sản về mặt vật chất được cho là cách tốt nhất để thông tin cho toàn xã hội về quyền đối với tài sản, còn đối với bất động sản, quyền được nhận biết thông qua việc đăng ký tại một cơ quan có thẩm quyền và việc đăng ký quyền phải được công bố cho toàn xã hội. Nguyên tắc công khai cũng nhằm đảm bảo các bên thứ ba có thể nhận biết được rõ ràng đời sống pháp lí của vật quyền, tức là biết được sự tồn tại của vật quyền cũng như sự dịch chuyển của vật quyền trong giao lưu dân sự. Nguyên tắc này tránh rủi ro cho các bên thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, cho các bên tính toán rủi ro. Ở Việt Nam, quyền tài sản không được quy định ở BLDS mà được quy định ở pháp luật chuyên ngành, còn Luật Công chứng quy định về trình tự thủ tục cũng như cách thức thực hiện giao dịch liên quan đến BĐS, điều này dẫn quyền về tài sản bị phân mảnh và không thống nhất. Việc xây dựng hệ thống pháp luật về tài sản có xu hướng “tách rời xây dựng hệ thống tòa án, cơ quan điều tra, công tố và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác” làm cho hệ thống pháp luật bị thiếu những thiết chế góp phần thực thi pháp luật.

Quan điểm Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhận định “Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí” hoàn toàn đúng với nội dung nguyên tắc đã phân tích nêu trên. Quan điểm này cần được nghiên cứu và triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng bộ hóa nội dung quyền tài sản cho mục đích phát triển kinh tế trong thời gian đến.

            b) Nguyên tắc cơ bản về pháp luật hợp đồng

Pháp luật về hợp đồng không chỉ là công cụ quản lý của nhà nước, mà trước hết phải bảo vệ tự do khế ước, tạo niềm tin cho tự do cạnh tranh. Hợp đồng ngày càng trở thành phương tiện quản lý rủi ro trong kinh doanh, các rủi ro thường là những nguy cơ có thể ngăn chặn, né tránh, đề phòng hoặc giảm thiểu bất lợi. Có nhiều cách để quản lý rủi ro trong kinh doanh, do các bên dự liệu và thỏa thuận hoặc do pháp luật bắt buộc nhằm bảo vệ trật tự công hay do các bên không có thỏa thuận. Một số quy tắc này gồm có:

Các quy tắc bắt buộc (mandatory rules) luôn được áp dụng, không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia hợp đồng, chỉ hạn chế ở mức cần thiết nhất nhằm bảo vệ trật tự công (order public).

Các quy tắc mặc định (default rules) để quản lý rủi ro trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng một số các nguyên tắc buộc các bên phải tôn trọng.

Các lý thuyết cơ bản của pháp luật về tài sản và pháp luật về hợp đồng cung cấp cho chúng ta cách đánh giá khách quan hơn về chức năng và phạm vi của hoạt động công chứng mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng, đồng thời cần xem xét lại phạm vi công chứng tại nước ta hiện nay cho quá trình xây dựng và sửa đổi Luật Công chứng trong thời gian tới.

1.2.4. Nguyên tắc nhà nước pháp quyền

Nguyên tắc pháp quyền (The rule of law) được hiểu là “nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo nhất thiết phải tuân theo với nội dung cốt lõi là quyền lực nhà nước được kiểm soát, ràng buộc với pháp luật, chỉ được và phải được thực hiện trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật”[3]. Nguyên tắc pháp quyền không chỉ là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà còn là nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội dựa trên cơ sở pháp luật. Đề tài đã chỉ ra nội dung của nguyên tắc pháp quyền theo nhận thức chung của thế giới và nội dung nguyên tắc pháp quyền của Việt Nam. Nguyên tắc pháp quyền giúp Nhà nước tạo ra những điều kiện thuận lợi thông qua hệ thống pháp luật bình đẳng, minh bạch để các thành phần kinh tế, các chủ thể của thị trường đều có cơ hội tiếp cận một cách công bằng đối với các yếu tố đầu vào và gia nhập thị trường bao gồm đất đai, tín dụng, công nghệ, môi trường kinh doanh, thông tin kinh tế, thông tin pháp luật nhằm kiểm soát độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Dự án tư pháp thế giới cũng chỉ ra rằng, bên cạnh việc xây dựng pháp luật, việc thực hiện pháp luật, đặc biệt là giám sát trong quá trình thực hiện pháp luật cần được coi trọng.

Hoạt động công chứng trong chiến lược xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, được khuyến nghị những việc cụ thể gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để xã hội hoá và phát triển lĩnh vực công chứng,  xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng loại nhân lực tư pháp. Mở rộng nguồn, đẩy mạnh thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm các chức danh tư pháp.

Với vai trò quan trọng là tư pháp phòng ngừa, thể chế công chứng cần được nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí trong hệ thống tư pháp Việt Nam. Thể chế công chứng không kém phần quan trọng so với Tư pháp xét xử trong chiến lược cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Việc phân tích bốn lý thuyết và nguyên tắc nêu trên cho việc xây dựng và hoàn thiện Luật Công chứng là điều cần thiết. “Mọi sự xây dựng luật pháp đều được đánh dấu bằng hai sự kiện thiết yếu: thứ nhất, sự công nhận của một giá trị được xã hội coi là đáng được bảo vệ. Thứ hai, việc xây dựng luật pháp quốc tế và trong nước đều bắt đầu tính đến các nguyên tắc đã được công nhận này”[4].

1.3. Bản chất của hoạt động công chứng

Dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của công chứng La-tinh, Đề tài đã chỉ ra bản chất của hoạt động công chứng là: hoạt động cung cấp dịch vụ công, mang tính quyền lực nhà nước, có chức năng bổ trợ tư pháp trong các vấn đề không tranh tụng và là hoạt động có độc lập, công bằng.

a) Hoạt động công chứng thuộc hoạt động cung cấp dịch vụ công: Dịch vụ công về công chứng phát sinh từ nhu cầu của xã hội, mong muốn phòng ngừa bằng cách hạn chế hoặc cảnh báo rủi ro một cách cao nhất bởi nhà nước. Dịch vụ công về công chứng vừa hỗ trợ Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật, vừa hướng khách hàng và các bên tuân thủ pháp luật. Do đó, dịch vụ công chứng vừa là dịch vụ công nhà nước và cũng là dịch vụ mang tính chất tư nhân. Dịch vụ công về công chứng xuất phát từ nhu cầu giảm chi phí giao dịch trong xã hội. CCV đóng vai trò là người gác cổng, ngăn cản hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật. Bằng cách này các CCV tạo ra thông tin có giá trị cho xã hội cho phép cắt giảm chi phí giao dịch, ở cả khu vực tư nhân và khu vực công.

Tùy theo phạm vi cung cấp, dịch vụ công chứng sẽ tạo ra lợi ích cho các bên thứ ba cũng như xã hội. Trong bối cảnh này, sự tham gia của CCV tạo ra tác động bên ngoài tích cực bằng cách giảm các vi phạm và các vụ kiện tụng tạo ra ổn định trật tự xã hội, không khuyến khích các bên kiện tụng và tích cực khuyến khích họ tuân thủ hợp đồng, giao dịch.

b) Mang tính quyền lực nhà nước

Nhà nước ra đời nhằm tổ chức đời sống xã hội, quản lý và phục vụ xã hội. Về bản chất, nhà nước cần phải giữ gìn niềm tin của công chúng. Nhà nước trao quyền cung cấp dịch vụ công về công chứng cho CCV thông qua hành vi “ủy nhiệm”. Bản chất của hành vi công chứng là việc đem lại cho các văn bản, hợp đồng của đương sự được mang dấu ấn của công quyền (tức là có giá trị như văn bản của cơ quan nhà nước)[5]. Quy tắc đạo đức của Liên minh công chứng quốc tế quy định rằng “CCV là một công chức được Nhà nước trao quyền cho phép anh ta thực hiện quyền xác thực cho các tài liệu mà anh ta soạn thảo, để bảo đảm việc lưu trữ, tính có hiệu lực và khả năng thực thi của VBCC”[6]. Do hành vi xác thực phát sinh từ nhà nước, nên nhiều nước cho phép CCV được sử dụng dấu ấn có hình Quốc huy trong VBCC. Ở Việt Nam trước đây VBCC cũng có hình quốc huy. 

Bên cạnh chức năng chính là xác nhận tính xác thực cho văn bản, tài liệu, CCV ở một số quốc gia còn được trao quyền thực hiện một số chức năng thuộc nhà nước như thu thuế từ người dân hay kiểm tra việc người dân đã đóng thuế liên quan đến giao dịch xác nhận hay chưa[7], đăng ký biến động về tài sản hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp sau khi xác thực hợp đồng chuyển quyền về tài sản hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Để chức năng công của nhà nước phát huy hiệu quả cùng với chức năng tư của CCV nhà nước đã đặt ra các chuẩn mực về chuyên môn, đạo đức, đào tạo, tiêu chuẩn của CCV, các hình thức kỷ luật, mô hình hoạt động của CCV, mức phí công chứng và mức trần thù lao, hạn chế quyền tự do thành lập TCHNCC, giám sát tổ chức xã hội - nghề nghiệp và quản lý toàn bộ hệ thống tổ chức và hoạt động của công chứng.

c) Chức năng bổ trợ tư pháp trong các vấn đề không tranh tụng

Chức năng của công chứng quyết định bản chất của họat động công chứng. Liên minh công chứng quốc tế khẳng định “các dịch vụ công chứng bao gồm tất cả các hoạt động tư pháp trong các vấn đề không tranh tụng (non-contentious matters)[8] đảm bảo tính chắc chắn về mặt pháp lý cho khách hàng, do đó tránh được các tranh chấp và kiện tụng”[9]. Hành vi xác thực của CCV có ba tác dụng chính: (i) các bên tự nguyện thực thi; (ii) có giá trị thực thi (executory in itself)[10] như bản án trong trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện; (iii) có giá trị chứng cứ trong trường hợp có tranh chấp. Khi CCV chứng nhận tính xác thực là tạo ra hành vi công (hành vi pháp lý công khai được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định bởi một người được cơ quan công quyền trao nhiệm vụ). Chứng thư công chứng được bảo đảm chắc chắn về thời gian, địa điểm, các sự kiện được nêu trong đó đã diễn ra trước mặt CCV và danh tính, năng lực của các bên tham gia hợp đồng. Chức năng bổ trợ tư pháp của CCV làm giảm các vụ kiện tụng hướng các bên tham gia giao dịch phải thực hiện đúng hợp đồng, chứ không đơn thuần là tạo ra bằng chứng tốt cho quá trình xét xử.

Ngày nay phạm vi các vấn đề không tranh tụng ngày càng được mở rộng theo sự phát triển của xã hội. Hoạt động công chứng góp phần hỗ trợ tích cực để Nhà nước thực hiện quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật. Đây là một yêu cầu cốt lõi của Nhà nước pháp quyền, bởi vậy mà cơ quan công chứng được xác định là cơ quan hỗ trợ tư pháp[11] hay là cơ quan bổ trợ tư pháp[12].

d) Hoạt động độc lập và công bằng

Hoạt động độc lập và công bằng để bảo vệ chính sách công. Khách quan, trung thực hay hành động công bằng, độc lập và không thiên vị thuộc nguyên tắc cơ bản của hệ thống công chứng La-tinh, là tiêu chuẩn mà CCV phải chấp hành để bảo đảm tính xác thực, phòng ngừa tranh chấp của tài liệu công chứng. Nguyên tắc độc lập, công bằng được nhận dạng dưới các hành vi sau: (i) việc bổ nhiệm CCV dựa trên năng lực chuyên môn; (ii) không “thu hút khách hàng” bằng cách giảm phí, ưu đãi, quà tặng hoặc chiết khấu...; (iii) Mức phí, giá dịch vụ phải đảm bảo tính khách quan và độc lập của dịch vụ công chứng[13]... Để có niềm tin từ công chúng, CCV là người có trình độ cao hoạt động nghề nghiệp độc lập, không thiên vị với các hành vi mà CCV soạn thảo và xác nhận tính xác thực[14]. Trên thực tế, nghĩa vụ vô tư bắt nguồn từ bản chất của nghề công chứng, khiến CCV trở thành một thẩm phán tự nguyện, phục vụ cả hai bên, chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng và các bên với sứ mệnh tin cậy. Tính công bằng trong hoạt động công chứng được thể hiện qua hoạt động tư vấn, giải thích cho các bên về phạm vi quyền và nghĩa vụ có thể phát sinh từ hành vi công chứng. Như vậy, sự công bằng của CCV không thể được đánh đồng với sự công bằng của thẩm phán. CCV hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng cách tích cực tư vấn cho các bên hành động, chứ không phải bằng cách giữ thái độ trung lập thụ động đối với từng bên.

1.2. Vai trò của hoạt động công chứng

 Vai trò” và “chức năng” là những khái niệm rất gần gũi và trong nhiều trường hợp chúng có thể được sử dụng thay thế cho nhau. Vai trò của sự vật hiện tượng trả lời câu hỏi sự vật, hiện tượng đó có công dụng gì, tác dụng gì; còn “chức năng” của một sự vật hiện tượng trả lời câu hỏi sự vật, hiện tượng đó sinh ra để làm gì. Vai trò còn được sử dụng để chỉ mức độ quan trọng của sự vật hiện tượng nào đó. Vai trò là mối tác động tích cực của một sự vật hiện tượng trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng khác.

Từ khái niệm, bản chất đề tài đã tập trung phân tích, làm rõ 2 vai trò quan trọng của hoạt động công chứng là bảo đảm giá trị pháp lý, độ tin cậy của văn bản công chứng và vai trò phòng ngừa tranh chấp.

- Vai trò về bảo đảm giá trị pháp lý, độ tin cậy: Tại sao VBCC lại bảo đảm về giá trị pháp lý? Vì VBCC là tài liệu có tính xác thực, tính hợp pháp do cơ quan công quyền hoặc người được ủy nhiệm từ nhà nước (CCV) lập ra hoặc soạn thảo. Niềm tin của công chúng là dựa vào một phần quyền hạn của nhà nước. Người được NN ủy nhiệm chính là CCV là người được đào tạo và bảo đảm trình độ, hiểu biết nhất định về pháp luật, về quyền năng được NN giao và họ chịu sự kiểm tra giám sát của Hiệp hội và NN. Những hành vi vi phạm đều có chế tài xử lý một cách hợp pháp. VBCC được soạn thảo phải bảo đảm quy trình pháp lý chặt chẽ (nhận dạng danh tính các bên; kiểm tra đánh giá năng lực pháp luật khi thực hiện giao kết; bảo đảm độc lập, không thiên vị nhằm hướng tới tính hợp pháp, trung thực, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của tài liệu...) để bảo đảm tính xác thực và tính hợp pháp của VBCC.

- Vai trò phòng ngừa: Trong các hệ thống công chứng La-tinh tính hợp pháp được kiểm tra làm giảm nguy cơ tranh chấp xuống mức hầu như không đáng kể theo thống kê, do đó cắt giảm chi phí và thời gian cần thiết cho các vụ kiện tại tòa án. Vai trò phòng ngừa tranh chấp giữ vị trí trung tâm của nghề công chứng, có những khái quát như: “Khi cánh cửa công chứng mở thì cửa tòa án sẽ đóng hoặc khi cửa công chứng đóng thì cửa tòa án sẽ mở”, hay "phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để vai trò phòng ngừa của hoạt động công chứng được phát huy hiệu quả cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hội nhập, hoạt động công chứng cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như xác định cụ thể, rõ ràng chức năng của hoạt động công chứng tại Việt Nam hiện nay.

CHƯƠNG 2: PHẠM VI CÔNG CHỨNG

Chính sách 1: Phân biệt rõ nội hàm công chứng và chứng thực, đồng thời, xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng, phạm vi thẩm quyền của CCV và các nguyên tắc cơ bản nhằm phát triển hoạt động công chứng của nước ta theo đúng mô hình công chứng nội dung, góp phần thúc đẩy quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực.

2.1. Khái niệm công chứng

Hiện nay trên thế giới khái niệm về công chứng có nhiều cấp độ, nội hàm của từng cấp độ phụ thuộc vào chức năng của CCV khi thực hiện công chứng đối với từng loại việc mà nhà nước ủy nhiệm cho CCV. Sau khi phân tích một số khái niệm về công chứng tại các công trình nghiên cứu kết hợp với khái niệm về công chứng của một số quốc gia trên thế giới và quy định của Liên minh công chứng quốc tế, thì “Công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, giấy tờ, văn bản, lưu giữ và cung cấp VBCC”.

Theo pháp luật Việt Nam thì đã xác định công chứng là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản được gọi là VBCC (Điều 2 LCC). Tuy nhiên, Nghị định 23/2015/NĐ-CP lại quy định hành vi chứng thực bao gồm: “Chứng thực bản sao từ bản chính, Chứng thực chữ ký và Chứng thực hợp đồng, giao dịch. Theo Nghị định 23 thì chứng thực chỉ bao gồm tính xác thực hợp đồng, giao dịch, mà không bao gồm tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó. Điều này cho thấy Nghị định 23 mặc dù quy định về chứng thực nhưng bản chất của hành vi chứng thực hợp đồng, giao dịch chính là VBCC theo khái niệm chung về CC của LMCCQT và nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên VBCC này lại không đáp ứng được yêu cầu chung của VBCC là cần bao gồm cả tính xác thực và tính hợp pháp. Đây là 2 phạm trù không thể thiếu được của một VBCC theo trường phái công chứng La-tinh. Điều này cho thấy hành vi chứng thực hợp đồng giao dịch về bản chất là công chứng nhưng là hành vi công chứng không đầy đủ. Đây là những hành vi cùng bản chất nhưng lại có tên gọi khác nhau (do 02 chủ thể thực hiện khác nhau), mức độ bảo đảm pháp lý khác nhau dẫn đến làm mất đi nguyên tắc phòng ngừa mà hoạt động công chứng cần bảo đảm, từ đó sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc chung cơ bản của pháp luật tài sản và pháp luật về hợp đồng.

* Đối với việc xác thực tính hợp pháp của các loại hợp đồng giao dịch thì chỉ dùng thuật ngữ công chứng để bảo đảm đúng bản chất của công chứng, còn chứng thực chỉ dùng với bản sao và chữ ký.

2.2.  Chức năng của hoạt động công chứng

Chức năng xã hội của CCV là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp. Chức năng của hoạt động công chứng hiện nay tại Việt Nam được Nhà nước trao theo nhóm các vụ việc được quy định trong pháp luật chuyên ngành. Pháp luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về phạm vi các việc công chứng. Một số nước chỉ liệt kê ra ba lĩnh vực lớn bắt buộc phải công chứng: Lĩnh vực về Luật gia đình, thừa kế; lĩnh vực về luật bất động sản và luật kinh doanh[15].

Từ khái niệm, bản chất vai trò và chức năng công chứng, đề tài đã phân tích phạm vi công chứng của các quốc gia và quan điểm của LMCCQT, theo đó phạm vi công chứng được thực hiện bắt buộc đối với các vấn đề “không tranh tụng /tranh tụng”  “non-contentious matters”, trong đó hầu hết các quốc gia đều hướng đến các vấn đề liên quan đến: Con người (quyền nhân thân); Gia đình (Thừa kế); Bất động sản và các vấn đề về chuyển quyền tài sản (Conveyancing), tài sản thương mại (Commercial Property), tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance), hợp tác thương mại (Corporate Commercial), vận chuyển (Shipping), hàng không (Aviation), hợp đồng thương mại (Commercial Contracts)… Căn cứ vào tính chất của hành vi pháp lý của NYCCC, Nhà nước sẽ quy định hình thức văn bản, tài liệu công chứng phù hợp với hình thức thực hiện hành vi công chứng. Hoạt động công chứng chủ yếu tập trung vào các vấn đề luật định bắt buộc phải công chứng. 

Ngoài ra, dưới góc độ dịch vụ công, CCV còn cung cấp các dịch vụ pháp lý như thanh lý tài sản, phân chia tài sản, đấu giá, đấu thầu, xổ số và các hoạt động khác liên quan đến lợi ích công cộng, thu thuế quốc gia, đăng ký và các dịch vụ pháp lý khác.  

* Phạm vi công chứng trên thực tế gồm:

- Chứng nhận hợp đồng giao dịch mà pháp luật buộc phải công chứng: Tổ chức nông lương thế giới (FAO) thừa nhận, các hệ thống pháp luật có yêu cầu số lượng hành vi xác thực đầy đủ cao (tính xác thực, tính hợp pháp) chủ yếu trong các lĩnh vực luật bất động sản, luật thừa kế, luật gia đình và luật doanh nghiệp. Đề tài đã nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia (Pháp, Đức, Nga, Ý, Nhật...) đều quy định đối với giao dịch liên quan đến bất động sản phải công chứng. Pháp luật của một số các quốc gia không chia hợp đồng, giao dịch phải công chứng theo hình thức liệt kê các giao dịch mà chia theo tính chất của tài sản hoặc loại việc. Pháp luật về bất động sản hiện hành của Việt Nam chỉ trao cho CCV chứng nhận một số loại giao dịch nhất định theo cách liệt kê các hình thức giao dịch và loại bỏ một số giao dịch khác. Điều này gây ra sự mất ổn định, khiếm khuyết cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội[16].

Bên cạnh hợp đồng, giao dịch có đối tượng là BĐS hoặc tài sản phải đăng ký[17] pháp luật buộc phải công chứng còn có một số loại hợp đồng giao dịch khác trong lĩnh vực công ty, công cụ tài chính, thế chấp, thừa kế và luật gia đình (hầu hết các quốc gia quy định đối với tài sản là bất động sản đều phải công chứng bắt buộc)

- Chứng nhận hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu tự nguyện yêu cầu: khi công chứng hợp, đồng giao dịch, CCV phải có nghĩa vụ kiểm tra lại toàn bộ thông tin nội dung hợp đồng và đưa ra những giải thích và tư vấn phù hợp với các bên tham gia giao dịch. Đối với những hợp đồng giao dịch do các bên tự nguyện yêu cầu có nhiều giải pháp lựa chọn cho CCV như yêu cầu các bên tự soạn thảo hợp đồng, các bên đọc kỹ hợp đồng, nội dung toàn bộ hợp đồng không vi phạm điều cấm không trái đạo đức xã hội.

- Chứng nhận giấy tờ, văn bản mà pháp luật buộc phải công chứng: Có một số quyền về nhân thân như quyết định giám hộ, quyết định hỗ trợ cho người tàn tật, xác nhận nơi cư trú cho một người…việc cấp giấy chứng nhận liên quan đến việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính hoặc các vấn đề không tranh tụng thuộc thẩm quyền tòa án. Hiện nay một số quyền này được một số quốc gia trao cho các chức danh nghề nghiệp khác nhau thực hiện trong đó có CCV.

- Chứng nhận bản dịch: chứng nhận (certify) tính chính xác của việc dịch các tài liệu từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. CCV sẽ chứng thực (attest) tính chính xác của bản dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác với điều kiện CCV phải thông thạo các ngôn ngữ tương ứng. Nếu CCV không thông thạo ngôn ngữ tương ứng, thì người dịch có thể thực hiện việc dịch thuật, tính xác thực của chữ ký của người đó sẽ được CCV chứng thực. Việc công chứng bản dịch ở Việt Nam hiện nay bản chất là chứng thực chữ ký người dịch. Do đó bản dịch là kết hợp giữa hành vi công chứng và trách nhiệm người phiên dịch. Việc quy định này cũng phù hợp với quy định của một số quốc gia. Nên chăng Việt Nam quy định rõ thêm tiêu chuẩn CCV đủ điều kiện làm phiên dịch để mở rộng hành vi cho CCV qua đó cũng khuyến khích CCV nâng cao trình độ ngoại ngữ, đồng thời CCV thông thạo ngoại ngữ có cơ hội được sử dụng khả năng của mình cho công việc.

- Chứng thực chữ ký: Qua nghiên cứu pháp luật của một số nước cho thấy có hai cách chứng nhận chữ ký, người ký văn bản ký trước mặt CCV và người ký văn bản yêu cầu CCV hợp pháp hóa chữ ký mà họ đã ký trước đó (như Tây Ban Nha và Nhật). Việc hợp pháp hóa chữ ký này hoàn toàn khác với việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ tài liệu cơ quan nước ngoài. Để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xã hội, vấn đề hợp pháp hóa chữ ký trên tài liệu của tư nhân cần được nghiên cứu và thừa nhận, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Chứng thực bản sao: LMCCQT cũng thừa nhận CCV được làm chứng thực bản sao, tuy nhiên việc này do pháp luật từng nước quy định. Tại Việt Nam, chứng thực bản sao được quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định là hành vi đối chiếu với bản sao, nếu nội dung bản sao đúng với bản chinh thì được phép chứng thực bản sao từ bản chính. Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.

Với quy định trên thiết nghĩ, chúng ta chỉ nên chứng thực bản sao các giấy tờ tài liệu của cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp, và các cơ quan có thẩm quyền khác khi CCV có thể xác minh tính hợp pháp của tài liệu. Còn những trường hợp còn lại quy định giống nghị định 75/2000/NĐ-CP “Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ mà yêu cầu phải xuất trình bản chính để đối chiếu thì phải có trách nhiệm tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính, không được đòi hỏi nộp bản sao có công chứng, chứng thực”. 

* Từ các phân tích nêu trên, phạm vi hoạt động công chứng cần rà soát kỹ các quy định pháp luật của các lĩnh vực liên quan, nghiên cứu đầy đủ, khoa học đối với các loại giao dịch liên quan đến đất đai, bất động sản, một số loại tài sản có giá trị lớn... để làm rõ loại tài sản nào khi đưa vào quan hệ hợp đồng, giao dịch cần phải được công chứng để bảo vệ trật tự công, giá trị công.

2.2.1. Các dịch vụ hỗ trợ hoạt động công chứng

Hoạt động cung cấp hành vi công chứng là bắt buộc đối với các CCV. Còn cung cấp dịch vụ công chứng là không bắt buộc. CCV có thể quyết định họ sẽ cung cấp dịch vụ công chứng nào khi được nhà nước cho phép. Khi CCV thực hiện các dịch vụ công chứng sẽ không làm thay đổi bản chất của hành vi công chứng. Bản chất của các dịch vụ công chứng rất giống với các dịch vụ pháp lý được cung cấp trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh việc cung cấp hành vi công chứng, CCV có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động công chứng gồm: (i) Dịch vụ tư vấn pháp luật, cố vấn pháp lý; (ii) Soạn thảo giấy tờ, văn bản liên quan đến hoạt động công chứng; (iii) Bảo quản giấy tờ, tài liệu, tài sản; (iv) Dịch vụ khai nộp thuế; (v) Dịch vụ đăng ký (đăng ký hợp đồng, giao dịch có đối tượng buộc phải đăng ký; đăng ký doanh nghiệp); (vi) Dịch vụ trung gian thanh toán và yêu cầu thực hiện một nghĩa vụ.

* Phạm vi thẩm quyền của CCV thì ngoài thẩm quyền về công chứng, chứng thực, cần nghiên cứu để quy định cho phép CCV được thực hiện m dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động công chứng.

 

CHƯƠNG 3: VBCC VÀ THỦ TỤC CÔNG CHỨNG

Chính sách 2: Cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn VBCC, giá trị, hiệu lực của VBCC phù hợp với bản chất của công chứng La-tinh. Xây dựng quy trình công chứng linh hoạt, tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng và trách nhiệm của CCV nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ, đúng yêu cầu của mô hình công chứng nội dung, đồng thời tạo lập được cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp. Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gần với trách nhiệm của CCV, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thủ tục, giảm chi phí nhưng cần phù hợp và giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt đối với các mức phí, lệ phí cần được tính toán có cơ chế đa dạng để người dân có thể tiếp cận và tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách.

3.1. VBCC

3.1.1. Khái niệm VBCC

Sau khi phân tích một số khái niệm về VBCC thì VBCC có những đặc điểm chính là các tài liệu đã được CCV đảm bảo tính xác thực, tính hợp pháp, có giá trị pháp lý, công khai, có giá trị thi hành và có giá trị chứng cứ.

Bên cạnh đó, Liên minh Công chứng Quốc tế đưa ra khái niệm “VBCC, là những chứng từ được CCV chứng nhận và có thể liên quan đến bất kỳ loại giao dịch hợp pháp nào. Tính xác thực của chúng dựa trên chữ ký, ngày tháng và nội dung của tài liệu. Chúng được CCV lưu giữ trong kho lưu trữ của mình”.

Hiện nay tại Việt Nam tồn tại 2 loại văn bản cùng mang tính xác thực nhưng hành vi xác thực được phân biệt khác nhau giữa “chứng nhận hay còn gọi là công chứng” của CCV và “chứng thực” của người có thẩm quyền chứng thực. Như đã phân tích ở phần khái niệm công chứng thì việc thống nhất thuật ngữ công chứng và chứng thực (do nhà nước tạo cho hai thuật ngữ này có nội hàm xác thực khác nhau) là xem nhẹ vai trò của VBCC, không nên đồng nhất giá trị pháp lý của VBCC với văn bản chứng thực. Việc đánh tráo khái niệm công chứng chứng thực đối với việc cùng về bản chất mà chỉ khác chủ thể đã và đang có những tác động tiêu cực cho xã hội, làm giảm niềm tin của XH đối với VBCC và tạo kẽ hở để vi phạm pháp luật.

3.1.2. Giá trị pháp lý của VBCC

Khái niệm VBCC thể hiện vai trò của CCV khi thực hiện hành vi chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp đối với hợp đồng, giao dịch. Các VBCC có lợi thế từ việc đương nhiên được coi là hợp pháp và có nội dung chính xác, chúng chỉ có thể bị tranh chấp thông qua các thủ tục tố tụng tư pháp. Chúng là những công cụ có thể thực thi với hiệu lực thuyết phục. VBCC có giá trị thi hành; giá trị chứng cứ.

3.1.2.1. Giá trị thi hành

Giá trị pháp lý của “VBCC đem lại sự tin cậy đầy đủ về hợp đồng”[18]. VBCC được lập ra trước hết không phải nhằm mục đích tạo ra chứng cứ, mà là mong muốn văn bản đó được các bên giao kết và các bên hữu quan chấp hành. Khi tham gia vào các giao dịch dân sự, các bên đều mong muốn thỏa thuận đã ký kết phải được tôn trọng, thực hiện. Nếu sự thỏa thuận của các bên được xác lập bằng một cơ chế khác so với các cơ chế thông thường thì cơ chế này phải ưu việt hơn, bảo đảm chắc chắn cho việc thực hiện các thỏa thuận này. Việc công chứng đáp ứng yêu cầu này của các bên. Đó chính là sự bảo đảm về giá trị thi hành của VBCC. Giá trị thi hành của VBCC thể hiện ở chỗ không chỉ có giá trị bắt buộc thi hành với các bên tham gia giao kết mà cả đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo luật của các nước theo hệ phái công chứng La-tinh, VBCC có giá trị như là một công chứng thư, có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành không cần phải qua phán quyết của tòa án.

VBCC được chứng nhận bởi CCV là người đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, đã trải qua quá trình đào tạo, tập sự, bổ nhiệm chặt chẽ, hành nghề dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV... thì việc thi hành VBCC này là có cơ sở khoa học. Mặt khác, việc yêu cầu thi hành phải trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận của người ký kết hợp đồng, giao dịch và CCV trong trường hợp này có trách nhiệm xác minh nội dung hợp đồng, giao dịch để đảm bảo tính xác thực, tính khả thi của việc thi hành.

3.1.2.2. Giá trị chứng cứ

Chứng cứ là vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết sự việc tranh chấp, bất đồng… Chứng cứ là cái cụ thể (như lời nói hoặc việc làm, vật làm chứng, tài liệu, hình ảnh, nhân chứng...) chỉ rõ điều gì đó có thật. Về mặt bản chất, VBCC luôn mang tính chất xác thực của chứng cứ, do luôn phải được thực hiện theo những thể thức, trình tự mà pháp luật bắt buộc. Nhờ vậy mà những tình tiết, sự kiện trong VBCC được đảm bảo tính xác thực, mặt khác những tình tiết, sự kiện trong VBCC còn phải đáp ứng tiêu chí phù hợp các quy định pháp luật nội dung, không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội.

Chính vì vậy, VBCC phản ánh một cách xác thực và hợp pháp về những tình tiết, sự kiện được chứa đựng trong nó (về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch; đối tượng, hình thức của hợp đồng, giao dịch; thời gian, địa điểm, nội dung thể hiện ý chí và thống nhất ý chí của các bên, sự tự nguyện, xác thực về tính hợp pháp, về bản chất thực của những thoả thuận mà các bên đương sự thiết lập...). Đó là lý do tại sao mà VBCC luôn có độ tin cậy, chính xác cao và không thể bác bỏ khi sử dụng làm chứng cứ.

Nguyên tắc căn bản của hệ thống công chứng La-tinh về giá trị pháp lý của VBCC thể hiện “VBCC có lợi thế từ việc đương nhiện được coi là hợp pháp và có nội dung chính xác, chúng chỉ có thể bị tranh chấp thông qua các thủ tục tố tụng (kênh tư pháp). Chúng là những công cụ có thể thực thi với hiệu lực có tính quyết định”[19].

3.1.3. Tiêu chuẩn của VBCC. Đề tài cũng phân tích các tiêu chuẩn của VBCC gồm: (i) Tiêu chuẩn về hành vi xác thực của CCV; (ii) Tiêu chuẩn về tiếng nói và chữ viết; (iii) Tiêu chuẩn về con dấu (con dấu trên văn bản có 2 ý nghĩa: 1) Dấu hiệu thể hiện chuyên môn, kỹ năng cá nhân của CCV và thẩm quyền của cơ quan nhà nước hiện diện trên VBCC. 2) Hình ảnh con dấu đã trở thành tiêu chuẩn trang trọng về hình thức công khai của VBCC, khác với văn bản thỏa thuận mang tính chất riêng tư.); (iv) Tiêu chuẩn về hình thức VBCC

3.1.4. Hiệu lực của VBCC

Để đảm bảo sự ổn định của trật tự xã hội mà hoạt động công chứng mang lại, các quốc gia quy định hiệu lực tuyệt đối của VBCC. Hiệu lực này không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. “Các VBCC đáp ứng các tiêu chuẩn phải được công nhận ở tất cả các quốc gia và phải có cùng hiệu lực, có hiệu lực thi hành theo cách giống nhau và tạo ra các quyền và nghĩa vụ giống như ở quốc gia phát hành VBCC[20]. Các quốc gia trong hệ thống công chứng La-tinh xem hình thức của VBCC có giá trị tuyệt đối về hiệu lực.

Đề tài đã phân tích một số quy định của pháp luật các nước (Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Mexico...) và của Việt Nam đối với vai trò của VBCC. Từ đó, Đề tài chỉ ra rằng hiệu lực của VBCC ở Việt Nam chưa được đánh giá cao, dẫn đến nhiều giao dịch phải công chứng bị bỏ qua ở tầm thể chế hóa thành chính sách, một số các giao dịch không chấp hành đúng luật công chứng tiếp tục được thừa nhận thông qua án lệ[21] và một số các phán quyết của tòa án. Điều này tiếp tục sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu đến những giá trị mà dịch vụ công về công chứng đã đem lại. Tại các quốc gia nghiên cứu đã tuân thủ pháp luật về công chứng điều này đã chứng minh cho một xã hội ổn định trật tự và kinh tế phát triển.

Tác giả Đặng Văn Khanh cho rằng, chừng nào mà giá trị pháp lý của VBCC chưa được khẳng định rõ ràng, dứt khoát bằng các quy định của pháp luật thực định (trước hết là trong luật dân sự, tố lụng dân sự...) thì chưa thể nói là toàn bộ hoạt động của hệ thống công chứng nói chung và giá trị của vãn bản công chứng nói riêng có được cơ sở pháp lý đầy đủ và vững chắc. Vì vây việc xác định giá trị pháp lý của VBCC là một trong những vấn đề then chốt của việc hoàn thiện pháp luật về công chứng ở nước ta hiện nay[22].

3.2. Thủ tục công chứng

Thủ tục theo từ điển tiếng Việt thông thường là “Cách thức tiến hành một công việc với nội dung, trình tự nhất định, theo quy định của nhà nước”. Trước đây thủ tục công chứng được xem là thủ tục hành chính, do cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện cụ thể là Sở Tư pháp, thuộc cơ quan hành pháp nên tương ứng với lĩnh vực hành pháp là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất, chức năng của hoạt động công chứng, thủ tục công chứng không gọi là thủ tục hành chính nữa.

Trước đây khi coi thủ tục công chứng là thủ tục hành chính thì người ta phân ra 5 bước là: Nộp hồ sơ; tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ; soạn thảo và ký văn bản; ký chứng nhận; trả kết quả công chứng.

Một nghiên cứu khác của học giả Đặng Văn Khanh cho rằng thủ tục công chứng gồm 5 bước là Tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ công chứng; Lập các văn bản, hợp đồng công chứng;  Ký, chứng nhận các văn bản, hợp đồng công chứng; Lưu giữ các văn bản, hợp đồng công chứng. Cấp các bản sao công chứng. 

Hoạt động công chứng được thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong phạm vi các vấn đề không tranh tụng. Do đó, Luật Công chứng sửa đổi cần thiết phải xây dựng lại thủ tục này nhằm bảo đảm tính xác thực và tính hợp pháp của VBCC. Đây là vấn đề cốt lõi trong bản chất của hoạt động CC từ đó đáp ứng nhu cầu phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ sự công bằng, ổn định cuộc sống của nhân dân cũng như quản lý nhà nước.

Trên cơ sở đó, đề tài phân tích các quy định về thủ tục công chứng của các nước và của một số học giả để khuyến nghị một số vấn đề cần được nghiên cứu đưa vào thủ tục chung về công chứng cần tham khảo như: Nhận dạng người tham gia giao dịch; tư vấn và giải thích pháp luật; Xác thực về đối tượng của hợp đồng; Ký văn bản công chứng có người tham gia là người làm chứng, người phiên dịch; Lời chứng của công chứng viên. Ngoài ra đề tài cũng nghiên cứu đưa ra thủ tục công chứng một số hợp đồng, giao dịch cụ thể (Đối với hợp đồng cần có sự đồng ý của người thứ ba; Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán chuyển nhượng bất động sản...)

3.3. Hồ sơ công chứng

Hồ sơ công chứng chính là chứng cứ xác thực của hành vi pháp lý. Hồ sơ công chứng còn là vật chứng cung cấp cho các bên trong trong giao dịch, các cơ quan quản lý nhà nước và cho bên thứ ba là những người tham gia giao dịch trong tương lai và cho toàn xã hội. Ngoài hồ sơ công chứng thì CCV còn giữ các sổ đăng ký. Chức năng của sổ đăng ký còn đảm bảo sự đối kháng của bên thứ ba với giao dịch đã công chứng. Chứng thư chuyển quyền sở hữu để đăng ký trong các cơ quan đăng ký tài sản bất động sản luôn là tài liệu của cơ quan công quyền hoặc cơ quan được nhà nước công nhận. Xét bản chất trong quan hệ hợp đồng giữa các cá nhân thì cần phải có chứng thư công chứng, còn để công khai việc giải quyết tranh chấp thì cần có phán quyết của thẩm phán. Do đó, hồ sơ công chứng luôn là tài sản công của nhà nước, nhưng quyền quản lý của nó được giao cho CCV nắm giữ. CCV là người trông coi hàng ngày, cho đến khi tài liệu trở thành “tài liệu cũ” phải được chuyển vào kho lưu trữ công cộng.

Như vậy, với các vấn đề liên quan đến hồ sơ công chứng tại các nước có lịch sử phát triển công chứng từ rất lâu. Các vấn đề này sẽ xảy ra tại Việt Nam, việc duy trì TCHNCC do hai CCV thành lập là một giải pháp tốt. Tuy nhiên vấn đề này cũng phải đặt ra để quản lý hồ sơ công chứng trong trường hợp nêu trên khi sửa đổi LCC trong thời gian tới.

3.4. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hoàn thiện về VBCC và thủ tục công chứng

Đề tài đã nêu được các thành tựu về xây dựng cơ chế cung cấp chia sẻ thông tin trong công chứng; Về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; Kết quả đạt được trong việc thực hiện hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, Đề tài đã chỉ ra khó khăn, bất cập liến quan đến VBCC như: xác định nội hàm của VBCC (xác định đúng bản chất công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch); quy định làm mất đi tính hiệu lực của VBCC; thủ tục công chứng chưa thể hiện đúng bản chất của hoạt động công chứng (là văn bản có tính xác thực và hợp pháp) và một số khó khăn cụ thể như: khó khăn trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động công chứng từ phía người dân; nội dung cơ sở dữ liệu cón thiếu nhiều nguồn, chưa kết nối, chia sẻ; Quy định thời gian, địa điểm công chứng chưa linh hoạt; ngôn ngữ dùng trong hoạt động công chứng… bộc lộ những điểm chưa phù hợp trong quá trình thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin trong hoạt động công chứng còn rất hạn chế mang tính tự phát; chưa bảo đảm điều kiện cần thiết để đáp ứng các yêu cầu đặt ra để theo đuổi mô hình công chứng La-tinh.

  • Từ lý luận và thực tiễn nêu trên, đề tài đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế công chứng liên quan đến văn bản công chứng, xin liệt kê 03 giải pháp quan trọng như sau: (i) Xác định đúng chức năng công chứng La-tinh, giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành và tiêu chuẩn của VBCC và trình tự thủ tục công chứng để đảm bảo bản chất của công chứng La-tinh; (ii) Trình tự, thủ tục CC cần rà soát bảo đảm CCV có thẩm quyền và trách nhiệm tiến hành xác minh để bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của đối tượng giao dịch, chủ thể tham gia giao dịch; Không quy định cứng về thời hạn công chứng mà cho phép NYCCC và CCV thỏa thuận trong trường hợp cần thiết; (iii) Quy định linh hoạt, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục công chứng để phát huy tối đa tính độc lập và trách nhiệm cá nhân của CCV trong quá trình hành nghề nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của mô hình công chứng La-tinh; thiết lập các quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

CHƯƠNG 4: CCV VÀ TCHNCC

Chính sách 3: Phát triển đội ngũ CCV theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững; cần quy định hoạt động hành nghề CCV đúng với tính chất của nghề công chứng, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Chính sách 4: Phát triển các TCHNCC với mô hình phù hợp và có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của văn phòng công chứng

4.1. CCV

4.1.1 Khái niệm Công chứng viên: Đề tài đã phân tích khái niệm công chứng viên của một số nước, từ đó thấy rằng CCV được yêu cầu thực hiện chức trách và chức năng của một công chức “bán tư pháp”, kiểm soát tính hợp pháp của hành vi pháp lý của khách hàng thể hiện trong VBCC. CCV phải thể hiện vai trò của mình một cách đầy đủ độc lập và khách quan, không để xảy ra các tình huống gây rủi ro hoặc cản trở cho khách hàng. Ghi nhận quan điểm của các nước, Liên minh Công chứng Quốc tế định nghĩa “CCV là các chuyên gia pháp lý và công chức được Nhà nước bổ nhiệm để cung cấp tính xác thực cho các công việc pháp lý và các thỏa thuận có trong các văn bản pháp lý và các hợp đồng do họ soạn thảo và tư vấn cho những người yêu cầu dịch vụ của họ”.

  1. Vai trò của công chứng viên trong hoạt động công chứng

Qua nghiên cứu các tài liệu và thực tế quan sát chúng tôi nhận thấy vai trò của CCV gồm: Công chứng viên với vai trò là một chuyên gia; Vai trò tư vấn tình huống; Vai trò là nhân chứng.

a) CCV với vai trò là một chuyên gia pháp lý: CCV thuộc hệ thống công chứng La-tinh có vai trò quan trọng trong việc xác định năng lực hành vi và năng lực pháp luật của khách hàng. CCV phải có khả năng cung cấp tất cả thông tin cần thiết để kết thúc thành công giao dịch; giải thích tất cả các bên về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đảm bảo việc bảo vệ và đáp ứng đầy đủ các lợi ích và mong đợi của cả hai bên; khả năng thông báo về những cạm bẫy, rủi ro. CCV luôn giữ vai trò độc lập và khách quan, trung thực và liêm chính.

Trong hệ thống pháp luật dân sự, CCV thực hiện hai vai trò quan trọng, vừa đóng vai trò là người thực thi pháp luật, vừa là người hướng dẫn và thực thi các giao dịch tư nhân.

b) Vai trò tư vấn tình huống: CCV có vai trò là tư vấn cho cả hai bên tham gia giao dịch. Khi hành nghề, CCV tư vấn pháp luật, cố vấn pháp lý cho cả hai bên, CCV có trách nhiệm giữ bí mật tuyệt đối về các trường hợp của khách hàng. Hành động tư vấn pháp luật của CCV giảm sự đối đầu căng thẳng giữa hai bên tham gia giao dịch. “Khi làm việc với tư cách nghề nghiệp của mình, CCV phải cân bằng lợi ích tương ứng của các bên liên quan và tìm kiếm một giải pháp với mục tiêu duy nhất là bảo vệ cả hai bên”[23].

c) CCV là nhân chứng: Qua thực tế, công chứng không chỉ là nguồn cung cấp "vật chứng" mà bản thân CCV với tư cách là người đã tham gia vào quá trình tạo lập VBCC, cũng chính là một nguồn cung cấp chứng cứ dưới dạng nhân chứng giúp cơ quan có thẩm quyền tìm ra sự thật khách quan khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng đã công chứng[24].

Với tư cách người chứng kiến giao dịch, CCV là người nắm bắt một số lượng lớn thông tin liên quan đến hợp đồng, giao dịch các bên tham gia giao kết. Các thông tin này có thể có mặt trực tiếp nhưng cũng có thể không xuất hiện trong VBCC, do đó ngoài việc cung cấp VBCC với tư cách là vật chứng, bản thân CCV cũng đủ tư cách đứng ra làm nhân chứng liên quan đến giao dịch, hợp đồng công chứng bị tranh chấp. Với vai trò là nhân chứng, CCV củng cố niềm tin của thẩm phán các thông tin liên quan mà mình đã xác thực cho tình huống, hành vi pháp lý thể hiện trong VBCC. 

4.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của Công chứng viên

Đề tài đã phân tích và lựa chọn những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của CCV nhiều nhất gồm: Quy hoạch CCV; Đào tạo CCV; tập sự hành nghề công chứng; Bổ nhiệm CCV; Bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm và số lượng hồ sơ công chứng; Phân loại CCV.

Đề tài cũng phân tích và bình luận về vai trò của thư ký nghiệp vụ, chúng tôi cho rằng thư ký nghiệp vụ chỉ là người giúp CCV trong một số khâu nhất định dưới sự giám sát của CCV chứ thư ký nghiệp vụ không được hoạt động độc lập. Khi thực hiện công chứng, CCV là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với  văn bản công chứng. Do vậy, chúng tôi cho rằng vị trí thư ký nghiệp vụ chưa cần thiết phải được luật hoá cụ thể, mà chỉ cần ghi nhận chức danh này và giao cho văn bản dưới luật quy định.

4.1.4 Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công chứng viên Việt Nam

Đề tài đã nêu thực trạng về đội ngũ CCV hiện nay. Đồng thời nêu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV theo đó, quy hoạch, đào tạo, tập sự, bổ nhiệm CCV trong Luật Công chứng đóng vai trò quan trọng vì nó quyết định đầu vào của CCV. Khi đầu vào được kiểm soát chặt chẽ thì đầu ra (CCV) sẽ đảm bảo chất lượng, hạn chế và ngăn ngừa những CCV không thực sự hoạt động vì nghề. Có đội ngũ CCV giỏi về kiến thức chuyên môn, đảm bảo về mặt đạo đức thì sự uỷ nhiệm của Nhà nước cho CCV mới thực sự phát huy hiệu quả, đồng thời CCV mới thực hiện tốt vai trò và chức năng xã hội của mình.

4.2 TCHNCC

- Đề tài đã phân tích về thực trạng TCHNCC, theo đó các TCHNCC có xu hướng phát triển tràn lan, tự do, tập trung nhiều tại các quận, thị xã, thành phố trong khi các huyện khác lại không có TCHNCC, làm mất cân đối nghiêm trọng trong việc phát triển mạng lưới TCHNCC; còn tồn tại tình trạng đầu cơ, trục lợi trong TCHNCC thể hiện việc chủ thực sự của TCHNCC không phải là CCV dẫn đến vấn nạn thuê CCV hợp danh, CCV bị phụ thuộc vào chủ đầu tư làm mất tính độc lập của CCV trong hoạt động CC; một số quy định LCC không phát huy tác dụng như quy định về chuyển nhượng VPCC; một số quy định làm mất tính bền vững, ổn định của các TCHNCC như thay đổi tên gọi gắn với tên của TCHNCC... Đề tài đã phân tích nguyên nhân của những bất cấp theo đó một trong các nguyên nhân từ quy định của pháp luật hiện hành về công chứng, về bỏ quy hoạch, trong khi LCC chưa quy định được công cụ quản lý thay thế dẫn đến thiếu công cụ để kiểm soát, điều tiết việc thành lập, thay đổi trụ sở của Văn phòng công chứng dẫn đến các TCHNCC phát triển tập trung tại khu vực kinh tế - xã hội phát triển, người dân, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng.

- Để kiến nghị các giải pháp về TCHNCC, đề tài còn phân tích chức năng của TCHNCC là nơi Tổ chức môi trường hoạt động cho CCV; là nơi tổ chức lưu giữ hồ sơ công chứng; Đại diện cho CCV trước cơ quan có thẩm quyền.

Qua phân tích các nội dung liên quan chúng tôi nhận thấy đa số các quốc gia Châu Âu, Nhà nước quản lý hoạt động công chứng theo hoạch định, kiểm soát sự phát triển CCV, TCHNCC; có quy định bảo đảm tính độc lập của CCV với TCHNCC và bất kỳ bên thứ ba nào khác; TCHNCC cần phát triển có kiểm soát tương ứng nhu cầu của xã hội và số lượng CCV của địa phương; mô hình CCV cũng cần nghiên cứu để phù hợp thực tiễn VN, có sự linh hoạt nhất định đối với khu vực miền núi, khó khăn. Theo quan sát của chúng tôi thì mô hình công chứng do nhiều CCV tổ chức phổ biến hơn vì các CCV có thể cung cấp các dịch vụ công chứng khác nhau như tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn đối với một số hành vi như cấm quảng cáo trong hoạt động công chứng; Quy định khoản phí công chứng; Cạnh tranh trong hoạt động công chứng.

CHƯƠNG 5: CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ - CÔNG CHỨNG SỐ

Chính sách 5: Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện việc công chứng số với lộ trình và bước đi phù hợp. Nội dung chuyển đổi số cần xử lý đồng bộ theo các quy định của Luật Giao dịch điện tử. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng bảo đảm phù hợp và chia sẻ, kết nối được với cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như dân cư, doanh nghiệp, thuế, đất đai... (trừ liên quan đến nội dung an ninh, quốc phòng).

Luật Công chứng lựa chọn các thành tố số của hoạt động giao dịch điện tử để áp dụng quy định chi tiết hoạt động công chứng điện tử và các nội dung đặc thù, riêng biệt (nếu có), đảm bảo sau khi Luật ban hành, hoạt động công chứng điện tử có thể thực hiện được ngay. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là cần thiết hướng tới mục tiêu kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, trong đó xác định rõ nguồn lực tài chính đảm bảo chi đầu tư, chi thường xuyên phù hợp với quy định của pháp luật. Với quan điểm trên, hiện nay Luật GDĐT đang tiến hành sửa đổi bổ sung, do đó các thành tố số của luật giao dịch điện tử để áp dụng cho hoạt động công chứng điện tử được đề tài tổng hợp cơ bản những nội dung được trình bày dưới đây: 

5.1. Tổng quan về công chứng điện tử

a) Đề tài đã phân tích nhu cầu của xã hội đối với chuyển đổi số trong hoạt động công chứng từ các khía cạnh: (i) Chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng yêu cầu của xã hội trong điều kiện vận hành nền kinh tế số; (ii) Chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số dịch vụ công; (iii) Chuyển đổi số hoạt động công chứng đáp ứng đòi hỏi về hiện đại hóa, nâng cao hiệu quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng. (iv) Chuyển đổi số hoạt động công chứng để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

b) Đề tài cũng nghiên cứu việc ứng dụng công chứng số ở một số quốc gia trên thế giới (Pháp, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Malta, Estonia, Hoa Kỳ, Mông Cổ, Hàn Quốc...). Từ nghiên cứu này cho thấy để thực hiện được công chứng điện tử đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. CCV có thể tiếp cận một hệ thống cơ sở dữ liệu nhiều ngành, lĩnh vực để có được những thông tin cần thiết, từ thông tin đăng ký về nhân thân cho đến tài sản, thuế… với một quy trình chặt chẽ, bảo mật cao. CCV có thể thực hiện toàn bộ các công đoạn từ chứng nhận giao dịch đến nộp thuế, đăng ký sang tên chủ sở hữu như một chu trình khép kín. Toàn bộ chu trình này không cần sử dụng đến văn bản giấy mà được thực hiện trên không gian mạng và xác thực bằng chữ ký điện tử.

c) Đề tài cũng phân tích thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng đã được xây dựng ở 50/63 địa phương. Hầu hết các TCHNCC đều tham gia; cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng tại tổ chức mình vào cơ sở dữ liệu chung. Sở Tư pháp cũng thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Một số địa phương còn chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng cho cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan thuế trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến VBCC; xây dựng được quy chế phối hợp liên ngành về việc cung cấp thông tin về phong tỏa, ngăn chặn, kê biên, tạm ngừng giao dịch đối với tài sản trong các vụ án và tài sản bảo đảm thi hành án. Công chứng Việt Nam mới dừng lại ở mức ứng dụng công nghệ thông tin vào một số hoạt động công chứng (i) tiếp nhận thông tin và giao tiếp với khách hàng: Thông qua email, các ứng dụng nhắn tin, gửi tài liệu; (ii) xử lý thông tin: Soạn thảo, in ấn văn bản bằng MS Office; (iii) tra cứu thông tin: tra cứu văn bản pháp luật từ internet hoặc dữ liệu offline, tra cứu dữ liệu ngăn chặn từ cơ sở dữ liệu công chứng (chưa phổ biến), tra cứu dữ liệu về mẫu dấu, chữ ký, hồ sơ lưu trữ. (iv) lưu trữ thông tin: Quản lý sổ lưu trữ, sổ công chứng/chứng thực, sổ theo dõi công văn, thư tín (Chủ yếu vẫn bằng MS Office); (v) hoạt động quản lý: Quản lý thu chi tài chính, quản lý lao động, tiền lương (bằng Excel, một số TCHNCC có phần mềm kế toán máy).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Hiện nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia thống nhất trong cả nước; việc chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu liên quan còn hạn chế.[25]

            Từ đó, có thể nhận định rằng, công chứng Việt Nam mới chỉ ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản, trong đó có cả số hóa dữ liệu và số hóa quy trình nhằm hỗ trợ cho hoạt động tác nghiệp của CCV. Chưa có cơ sở pháp lý hay bất cứ hoạt động thực tế nào của việc xây dựng và vận hành.

d) Về pháp lý: Các quy định của LCC 2014 về xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng chưa cho thấy được kế hoạch và tầm nhìn cho sự phát triển công chứng số. Điểm mấu chốt, quan trọng nhất, đó là các cơ sở pháp lý hình thành nên hệ thống công chứng số hoàn toàn chưa được đề cập đến, đó là: (i) việc công chứng các văn bản dạng số, thừa nhận giá trị pháp lý của VBCC số. (ii) việc chứng nhận của CCV bằng chữ ký điện tử/chữ ký số.

Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Luật GDĐT tạo hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công chứng, bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch công chứng điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành[26]. Luật Công chứng lựa chọn các thành tố số của hoạt động giao dịch điện từ để áp dụng quy định chi tiết hoạt động công chứng điện tử và các nội dung đặc thù, riêng biệt.

            đ) Để thực hiện công chứng điện tử một số lý thuyết, điệu kiện về cơ sở pháp lý cũng như nền tảng kỹ thuật cần được nghiên cứu gồm:

- Khái niệm công chứng điện tử: Đề tài đã phân tích khái niệm công chứng điện tử, công chứng số trong bối cảnh xây dựng Luật Giao dịch điện tử; đồng thời làm rõ khái niệm VBCC điện tử; hợp đồng công chứng điện tử, chữ ký số… từ đó đưa ra định nghĩa “Công chứng số được thực hiện trên môi trường điện tử, do CCV chứng nhận thông qua công  cụ số, chữ ký số, tạo ra VBCC điện tử phục vụ cho các giao dịch điện tử của cá nhân, tổ chức và được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung theo trình tự, thủ tục do luật định”[27].

- Đề tài cũng phân tích phạm vi công chứng điện tử trong mối quan hệ với Luật Giao dịch điển tử, theo đó, nội hàm của dịch vụ tin cậy chính là dịch vụ do các TCHNCC đang thực hiện. Mục đích cung cấp dịch vụ tin cậy là bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, làm cho thông điệp dữ liệu trở thành chứng cứ, phòng ngừa tranh chấp. Trong trường hợp có những giao dịch pháp luật không buộc phải có sự chứng nhận của CCV, nhưng khách hàng muốn VBCC điện tử của mình có giá trị chứng cứ thông qua dịch vụ tin cậy thì đây thuộc phạm vi của hoạt động công chứng điện tử, do TCHNCC thực hiện. Đề tài phân tích NYCCC điện tử, công cụ của NYCCC điện tử cần (tài khoản định danh điện tử, xác thực điện từ và tài khoản giao dịch điện tử). Đề tài cũng phân tích VBCC điện tử, giá trị VBCC điện tử, phạm vi công chứng điện tử theo lãnh thổ; quy trình công chứng điện tử (chứng nhận các giao dịch điện tử); Lưu giữ và cung cấp văn công chứng điện tử.

- Ngoài ra Đề tài còn chỉ ra các điều kiện cần để thực hiện công chứng điện tử và quản lý nhà nước về công chứng điện tử.

CHƯƠNG 6: TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA CCV VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Chính sách 6: Tăng cường các giải pháp, công cụ quản lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế: Quản lý nhà nước cần thực hiện kiểm soát, hỗ trợ CCV hiệu quả; đồng thời cần đánh giá đúng tính chất, vai trò của TCHNCC để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, theo đó việc thành lập các TCHNCC không nên theo quy hoạch mà tôn trọng quy luật cung cầu nhưng cần có biện pháp kiểm soát, điều tiết hoạt động công chứng, nhất là trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; cần quy định rõ các nội dung quản lý nhà nước để một mặt bảo đảm hiệu quả, tạo điều kiện cho việc thành lập, hoạt động các văn phòng công chứng nhưng mặt khác phải kiểm soát tốt, tránh được những tiêu cực, bất cập trong việc thành lập, chuyển nhượng, hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của văn phòng công chứng. Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công chứng cần được phát huy để bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của công chứng viên đồng thời giám sát quá trình hành nghề có giải pháp đấu tranh các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp.

6.1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV

Đề tài đã nghiên cứu, đánh giá về thực trạng hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng, chỉ ra những kết quả đã đạt được cũng như khó khăn, hạn chế như: việc bảo vệ quyền lợi của CCV chưa được bảo đảm trong một số trường hợp có tranh chấp phải ra tòa, thiếu hệ thống án lệ, cũng như chưa có giải pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CCV; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội đối với vai trò và chức năng của hoạt động công chứng chưa được đề cao; việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động CC chưa được quan tâm đúng mức.... Các tồn tại cho thấy vai trò từ phía tổ chức XHNNCC còn mờ nhạt.

Để đưa ra kiến nghị, Đề tài đã nghiên cứu một số vai trò của HHCCV của một số quốc gia trên thế giới để xác định giải pháp cần quy định trong Luật Công chứng, cụ thể: (1) quy định bảo đảm TCXHNNCC thực hiện hiệu quả chức năng tự quản của mình, (2) cần có quy định bảo đảm TCXHNN có thể giám sát, bảo đảm về ý thức nghề nghiệp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến hình ảnh của giới công chứng; (3)Thúc đẩy và nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về chức năng xã hội của CCV; (4) Là đầu mối chủ động trong chuyển đổi số, là trung tâm về chuyển đổi số công chứng; (5) xây dựng mối liên hệ mất thiết với các cơ quan có liên quan đến hoạt động công chứng như Cơ quan Tài nguyên và môi trường; Cơ quan Xây dựng; Cơ quan thuế; Công An; Ngân hàng Nhà nước; Tòa án; (6) Là trung tâm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho CCV như: tư vấn công chứng, bảo hiểm nghề nghiệp, bồi dưỡng về chuyên môn; (7) Tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống pháp luật nhất là các hoạt động pháp lý ở lĩnh vực luật tư ở trong nước và đề xuất, kiến nghị, tham gia vào quá trình sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan tới lĩnh vực công chứng. (8) Phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao uy tín của hoạt động công chứng. (9) Thực hiện hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển hoạt động công chứng.

6.2. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng

Đề tài đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng và thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, từ đó đề ra giải pháp quản lý công chứng gồm: Hoàn thiện thể chế; Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến quy định pháp luật về công chứng; Thực hiện hiệu quả công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm CCV, kiểm soát được đầu vào CCV cả về số lượng và chất lượng; thành lập, đăng ký hoạt động văn phòng công chứng và các thủ tục hành chính khác về công chứng theo quy định; Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho Công chứng viên và đội ngũ thư ký nghiệp vụ; Tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về công chứng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng.

Quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng là quan trọng trong bối cảnh hoạt động này đã được xã hội hóa. Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên giúp hoạt động công chứng luôn giữ đúng bản chất của hoạt động, phát huy vai trò trong quản lý trật tự xã hội và phát triển Nhà nước.

KẾT LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

            Thực hiện các chủ trương, các chính sách định hướng đổi mới của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp, hoạt động công chứng ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp phục vụ nhu cầu thiết lập tài liệu pháp lý của các tổ chức, cá nhân, góp phần tạo cơ chế thực thi các thỏa thuận dân sự, thương mại thúc đẩy giao lưu kinh tế xã hội, phòng ngừa tranh chấp, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, trật tự kinh tế và hội nhập quốc tế.

            Trong thời gian qua việc đổi mới về tổ chức và hoạt động công chứng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng: từ việc hoàn thiện hệ thống thể chế đến nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Hoạt động công chứng nước ta đã phần nào hội nhập quốc tế, cũng như huy động sự tham gia của xã hội tham gia vào cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

            Mặc dù tổ chức và hoạt động công chứng giai đoạn hiện nay qua đánh giá của Đề tài về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng qua việc nghiên cứu phân tích, đánh giá của Đề tài, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức và hoạt động công chứng. Đề tài này được thực hiện dựa trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá về tổ chức và hoạt động công chứng trong giai đoạn hiện nay theo quy định của pháp luật công chứng hiện hành; các tư liệu được sử dụng dựa trên báo cáo của của Bộ Tư pháp; các kết quả nghiên cứu đã công bố và nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học là thành viên nghiên cứu chính của Đề tài.

            Các phương hướng, giải pháp mà Đề tài đưa ra là khả thi để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Đề tài này sẽ góp phần thiết thực, tạo ra những cơ sở lý luận nhất định về thể chế công chứng trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý tài nguyên đất đai, ổn định thị trường, phát triển kinh tế xã hội trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay./.

 


[1] Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ: bước tiến dài trong bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,  https://quochoi.vn/ct-vuong-dinh-hue/pages/qua-trinh-cong-tac.aspx?ItemID=61861

[2] Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú, Lê Thị Hoàng Thanh, Đinh Thị Phương Thảo (2021), Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản; Pháp luật, thực tiễn và kiến nghị, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, tr.28.

[3] Nguyễn Minh Tuấn, “Thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số: 18(466)-T9/2022, tr.4, đã dẫn Michael Becker, Hans-Joachim Lauth, Gert Pickel (auth.), Michael Becker, Hans-Joachim Lauth, Gert Pickel (eds.) (2001), Rechtsstaat und Demokratie: Theoretische und empirische Studien zum Recht in der Demokratie, VS Verlag für Sozialwissenschaften.

[4] Truy cập ngày 2/8/2022 từ  https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000139578

[5] Đặng Văn Khanh (2000), tlđd, tr.58.

[6] “The Notary is a Public Official to whom the State has delegated its power allowing him to confer authenticity to the documents he drafts, to ensure their storage, give them probative force and make them enforceable.”  Deontology and Rules of Organisation for Notariats, https://www.uinl.org/en_GB/organizacion-de-la-funcion

[7] Barlow Burke & Jefferson K. Fox, tlđd.

[8] Ninh Thị Hiền (2022), “Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ chính sách công đối với, hợp đồng, giao dịch về bất động sản thông qua hoạt động công chứng”, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 1 Kỳ 1 /2022, tr.13 đã dẫn W. W. Smithers, History of the French Notarial System, 60 U. PA. L. REV. 19 (1911-1912). “Theo truyền thống luật La Mã (Roman-law) quyền tư pháp được chia thành hai loại: Quyền tư pháp có tranh chấp (Contentious jurisdiction) và quyền tư pháp không có tranh chấp (non-contentious jurisdiction) quyền tư pháp tự nguyện (Voluntary jurisdiction). Quyền tư pháp tranh chấp là quyền tư pháp trong các trường hợp liên quan đến tranh cãi pháp lý, sẽ được tòa án mở một phiên tòa để giải quyết xung đột. Ngược lại, quyền tư pháp không có tranh chấp hay tự nguyện là việc thẩm phán giải quyết những vấn đề không có sự tranh chấp giữa các bên”. Theo những quan sát gần đây chúng tôi nhận thấy phạm vi này được mở rộng sang lĩnh vực hành chính.

[9] “Notarial services encompass all judicial activities in non-contentious matters, affording legal certainty to clients, thus averting disputes and litigation”.

[10] Nicole M. Reina, Protecting Testamentary Freedom in the United States by Introducing into Law the Concept of the French Notaire, 19 N.Y.L. Sch. J. HUM. Rts. 427 (2003).

[11] Dương Khánh (2001), tlđd, tr.29.

[12] Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

[13] Điều 14, 35, 39, 50, 51, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Tổ chức CCV, Liên minh Công chứng Quốc tế, Deontology and Rules of Organization for Notariats, https://www.uinl.org/organizacion-de-la-funcion

[14] Alain ROY (2004), đã dẫn, Paul-Yvan MARQUIS, La responsabilite civile du notaire officier public, Ottawa, Editions de l’Universite d’Ottawa, 1977, p. 19.

[15] Dương Khánh (2001) đã dẫn Giáo trình Luật Dân sự của Pháp (1993), Tài liệu nghiên cứu của Bộ Tư pháp, Hà Nội, tr.143.

[16] Xem thêm bài Ninh Thị Hiền (2022), “Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ chính sách công đối với, hợp đồng, giao dịch về bất động sản thông qua hoạt động công chứng”, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 1 Kỳ 1 /2022, tr.13.

[17] Điều 710-1 BLDS Pháp quy định “Mọi văn bản hay quyền, để thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, đều phải được thể hiện dưới hình thức VBCC do một CCV hành nghề
tại Pháp lập, quyết định của tòa án hay một văn bản của cơ quan hành chính. Văn bản ký tư, có chữ ký hay không, ngay cả khi có công nhận chữ viết và chữ ký, được nộp tại lưu trữ của văn phòng công chứng, đều không có giá trị để đăng ký đất đai. Tuy nhiên, ngay cả khi không được lập dưới hình thức VBCC, các biên bản của các đại hội đồng cổ đông trước hay sau khi góp vốn bằng tài sản hay quyền bất động sản vào một công ty hay của một công ty, cũng như các biên bản trắc đạc có thể được chấp nhận tại văn phòng đăng ký đất đai với điều kiện đính kèm một văn bản xác nhận đã nộp lưu trữ tại một văn phòng công chứng

[18] BLDS Miền Nam 1972.

[19] Xem Phụ lục số 11 Những nguyên tắc cơ bản của Hệ thống Công chứng Latin.

[20] Phụ lục 11 Các nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công Chứng Quốc tế

[21] Xem thêm dự thảo án lệ số 13/2022 truy cập ngày 7/10/2022 từ https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND214237

[22] Đặng Văn Khanh (2000), tlđd, tr.138.

[23] Xem phụ lục số 11 Các nguyên tắc cơ bản của hệ thống công chứng Latin.

[24] Tuấn ĐạoThanh (2008), tlđd, tr.123.

[25] Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công chứng của Bộ Tư pháp số 197/BC-BTP ngày 09/08/2022

[26] Tham khảo theo Dự thảo Tờ trình Chính phủ Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi

[27] Hoàng Mạnh Thắng, (2022), tlđd, tr.26.

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...