• Thuộc tính
Tên đề tài Hoàn thiện chính sách và pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

PHẦN MỞ ĐẦU

 

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Ở Việt Nam, KTBĐ vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Mặc dù vậy, hoạt động KTBĐ ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả khả quan và đóng góp ngày càng rõ nét đối với nền kinh tế. Vào tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ tại Việt Nam theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg với 02 mục tiêu chính là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phát triển du lịch. Mặc dù Chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến phát triển KTBĐ nhưng hệ thống luật pháp còn nhiều vướng mắc đối với sự phát triển KTBĐ.

Qua bước đầu rà soát các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề này cho thấy, mặc dù có một số công trình nghiên cứu về KTBĐ ở các mức độ khác nhau, nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nhằm luận giải những vấn đề về KTBĐ dưới góc độ pháp lý, trong đó tập trung đánh giá thực trạng về chính sách, khung khổ pháp luật về KTBĐ và thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật để xác định các giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm phát triển KTBĐ lành mạnh, hiệu quả; phù hợp với xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Trên thế giới, chủ đề KTBĐ và những vấn đề có liên quan được chú ý nghiên cứu tương đối nhiều trong những năm gần đây. Các công trình nghiên cứu được công bố rất đa dạng từ sách chuyên khảo, các bài báo khoa học đến báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu hoặc cơ quan chính quyền v.v.. Các công trình nghiên cứu của nước ngoài thường phổ biến hơn, còn các công trình nghiên cứu trong nước còn tương đối hạn chế.

Từ những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã công bố, có thể khẳng định một số công trình đã tiếp cận những chiều cạnh khác nhau về mặt lý luận đối với KTBĐ, một số công trình đề cập đến những vấn đề thực tiễn phát triển KTBĐ ở nhiều địa phương trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu nói trên còn chưa đề cập đến một số nội dung, vấn đề như: (i) Gắn những vấn đề lý luận về KTBĐ với bối cảnh Việt Nam hiện nay; (ii) Làm rõ về mặt lý luận đối với chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam; (iii) Xác định khung khổ pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh các lĩnh vực về KTBĐ ở Việt Nam; (iv) Đánh giá thực trạng các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh về KTBĐ ở Việt Nam; (v) Đề xuất tổng thể các giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam.

3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: bao gồm hệ thống quan điểm, lý luận về KTBĐ và hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh đối với KTBĐ ở Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu xác định theo nội dung, thời gian và không gian.

Về nội dung, đề tài nghiên cứu các quan điểm lý luận ở trong và ngoài nước về KTBĐ, tập trung vào kinh nghiệm của các quốc gia có KTBĐ phát triển ở mức độ cao hoặc mức độ nhất định, đồng thời đánh giá thực trạng hệ thống chính sách và pháp luật hiện hành về KTBĐ ở Việt Nam, trong đó, nội dung pháp luật tập trung nghiên cứu các lĩnh vực có liên quan trực tiếp nhất đến hoạt động KTBĐ bao gồm: Pháp luật về quy hoạch đô thị; Pháp luật về du lịch; Pháp luật về các ngành nghề đặc thù của KTBĐ; Pháp luật về lao động; Pháp luật tài chính công; Pháp luật về bộ máy quản lý nhà nước đối với KTBĐ.

Về thời gian: đề tài chủ yếu tập trung nghiên cứu giai đoạn hiện nay và đề xuất các giải pháp cho thời gian trung hạn và dài hạn.

Về không gian, đề tài nghiên cứu để chủ yếu đề xuất những giải pháp phát triển KTBĐ ở Việt Nam ở mức độ chính sách và pháp luật (mức độ quốc gia) trên cơ sở khảo cứu thực tiễn ở một số địa phương có KTBĐ phát triển như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: Xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể: (i) Nghiên cứu hình thành những vấn đề lý luận về KTBĐ, vai trò của KTBĐ đối với nền kinh tế; (ii) Nghiên cứu những vấn đề lý luận về chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam; (iii) Nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển KTBĐ ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho sự phát triển KTBĐ ở Việt Nam; (iv) Đánh giá thực trạng chính sách và pháp luật Việt Nam hiện hành với mục tiêu khuyến khích phát triển và quản lý hiệu quả KTBĐ ở Việt Nam; (v) Đưa ra phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam trong thời gian tới;

5. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

Cách tiếp cận của đề tài là từ góc độ khoa học pháp lý và có tính liên ngành (gồm một số ngành liên quan như kinh tế học, chính sách công, văn hóa học và xã hội học), trong đó cách tiếp cận từ góc độ khoa học pháp lý là chủ yếu.

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu phổ biến trong luật học bao gồm phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, điều tra xã hội học. Mỗi phương pháp sẽ có vai trò khác nhau nhằm luận giải các quan điểm và làm rõ những minh chứng cho các quan điểm đó để đưa ra những kết luận khoa học.

6. Những đóng góp mới của đề tài

- Đề tài đã xác định khái niệm, bản chất của KTBĐ, vai trò của KTBĐ đối với nền kinh tế, đánh giá được những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của KTBĐ ở Việt Nam.

- Đề tài xây dựng khung lý luận về chính sách phát triển KTBĐ, pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam

- Đề tài khảo sát thực trạng phát triển KTBĐ của 10 quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

- Đề tài đánh giá thực trạng chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam, cụ thể với các lĩnh vực quy hoạch đô thị, du lịch, lao động, tài chính công, các ngành nghề đặc thù và quản lý nhà nước, trong đó tập trung phân tích những bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến chính sách phát triển KTBĐ ở Việt Nam hiện nay.

- Đề tài xây dựng phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

7. Kết cấu báo cáo tổng hợp đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, báo cáo tổng hợp đề tài gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lí luận về kinh tế ban đêm, chính sách và pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Chương 2: Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chương 3: Thực trạng chính sách và pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam hiện nay

Chương 4: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam

 

 

 

CHƯƠNG 1                                                                                                        NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM,                                        CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

 

 

1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM

1.1.1. Quan niệm về kinh tế ban đêm

Theo nhiều nghiên cứu, kinh tế ban đêm (viết tắt là KTBĐ), thuật ngữ tiếng Anh là Night-time economy (thường được viết tắt theo tiếng Anh là NTE) là thuật ngữ xuất hiện xuất hiện từ những thập niên 70 của thế kỷ 20 ở nước Anh và được đẩy mạnh bởi ý tưởng “thành phố 24 giờ” vào thập niên 1990[1]. Thực tế trên thế giới sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ KTBĐ và đôi khi có thể thay thế cho nhau khi sử dụng trong các bối cảnh khác nhau như khái niệm nền kinh tế 24 giờ (24 hours economy), kinh tế đêm muộn (late night economy) hoặc kinh tế ban đêm (night time economy).

KTBĐ ra đời khi mà các thành phố ở các quốc gia phát triển (phương Tây) có những biến đổi đáng kể về kinh tế xã hội. Một là, sự chuyển dịch trong phát triển kinh tế từ công nghiệp sang “hậu công nghiệp”, từ đó dẫn đến nhiều khu vực thuộc đô thị trước đây là nhà máy, công xưởng trở thành nơi bỏ hoang và chưa được cải tạo. Hai là, sự chuyển dịch trong định hướng phát triển và quản lý đô thị, từ chỗ chỉ tập trung vào chức năng cung cấp dịch vụ công, đã chuyển sang mục tiêu tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế[2].

Thực tế quá trình phát triển KTBĐ trên thế giới cho thấy phần lớn tập trung vào các lĩnh vực “kinh doanh giải trí”[3]. Một số nghiên cứu đã cho thấy hầu hết các khoản đầu tư vào KTBĐ tập trung vào khu vực trung tâm thành phố[4]. Vương quốc Anh được xem là một quốc gia đi đầu trong phát triển KTBĐ một cách có tổ chức. Tại Trung Quốc, các hoạt động KTBĐ bắt đầu hình thành từ những năm 1990 nhưng thời điểm ấy chưa được chú trọng. Những năm gần đây, Trung Quốc đã đặc biệt chú ý khơi dậy tiềm năng và hỗ trợ phát triển KTBĐ[5].

So với nhiều quốc gia, Việt Nam chưa có KTBĐ phát triển nếu đề cập đến dưới giác độ chính sách đồng bộ, cấu trúc rõ ràng và có đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế nói chung. Khi được hỏi có biết đến khái niệm KTBĐ, còn khoảng 1/3 số người được hỏi cho rằng không biết và gần 80% cho rằng KTBĐ chưa thực sự hình thành ở Việt Nam[6]. Tuy nhiên, hoạt động KTBĐ ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả khả quan, nhất là tại các thành phố lớn và các địa phương có ngành du lịch phát triển, từ đó cần có một chính sách đồng bộ để phát triển KTBĐ. Chính vì vậy, ngày 27 tháng 7 năm 2020, đề án phát triển KTBĐ tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[7] (sau đây gọi tắt là Đề án 1129) với hai mục tiêu chính là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phát triển du lịch. Đề án 1129 được đánh giá là bước đột phá thể hiện quan điểm mới về phát triển KTBĐ ở Việt Nam, mặc dù mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, chưa có đầy đủ cơ chế pháp lý để thực hiện.

Có thể khẳng định rằng, khái niệm “kinh tế ban đêm” là một khái niệm động và có những đặc trưng cơ bản sau đây: (i) Về thời gian, các hoạt động KTBĐ thường được quan niệm là diễn ra từ 6 giờ chiều (tức 18 giờ) hằng ngày đến 06 giờ sáng hôm sau[8]. (ii) Về lĩnh vực, KTBĐ thường tập trung vào các lĩnh vực ẩm thực, mua sắm, giải trí và các dịch vụ văn hóa; (iii) Về không gian, các hoạt động KTBĐ thường tập trung ở những đô thị lớn hoặc những khu vực du lịch phát triển so với những khu vực khác. Ở góc độ vi mô hơn, KTBĐ ở mỗi địa phương hay đô thị còn thể hiện sự kết nối giữa các khu vực diễn ra các hoạt động giải trí, mua sắm và các hoạt động khác về đêm.

1.1.2. Vai trò của kinh tế ban đêm

Phát triển KTBĐ ngày càng được quan tâm vì nó góp phần tận dụng tối đa thời gian, đa dạng hoá các hoạt động kinh tế. Vai trò cụ thể của KTBĐ thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, KTBĐ góp phần tăng trưởng kinh tế đối với mỗi địa phương và cả quốc gia. KTBĐ đã được nhiều quốc gia quan tâm và coi là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Đây cũng được xem là động lực chính để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan như thực phẩm, đồ uống, bán lẻ, vận tải, giải trí, nghệ thuật…

Thứ hai, KTBĐ góp phần tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp và cho xã hội. Phát triển KTBĐ cũng là cơ hội phát triển liền mạch hơn nữa giữa hoạt động kinh tế ban ngày và ban đêm thông qua các hoạt động được tổ chức xuyên suốt hoặc giao thoa giữa ban ngày và ban đêm. Điều đó cũng giúp các cơ sở kinh doanh tiết kiệm chi phí (nhất là chi phí bất biến như tiền thuê mặt bằng). Khai thác, sử dụng nhiều hơn đối với thời gian về buổi tối và ban đêm sẽ tạo thêm việc làm, hỗ trợ gắn kết cộng đồng và hỗ trợ hòa nhập xã hội[9].

Thứ ba, KTBĐ góp phần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam. Kinh nghiệm từ Luân Đôn là thành phố có KTBĐ rất phát triển cho thấy khoảng một phần ba lực lượng lao động của của thành phố này thường làm việc vào ban đêm[10]. Liên Hợp Quốc ước tính rằng đô thị hóa ở Châu Á từ năm 2005 đến năm 2010 tăng ở mức khoảng 2,5% mỗi năm.[11] Khoảng những năm đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã chính thức bước vào công cuộc đô thị hóa, cùng với đó là sự chuyển đổi kinh tế ngày càng tăng. Đô thị hóa bao gồm những chuyển đổi về chức năng và không gian cần thiết để tăng trưởng và phát triển dài hạn. Tốc độ và hình thức đô thị hóa luôn có sự liên hệ mật thiết với tính lưu động của các thị trường sản xuất và mức độ cung cấp các dịch vụ cơ bản.[12] KTBĐ cũng góp phần làm giảm áp lực đô thị, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Thứ tư, KTBĐ góp phần phát triển các ngành nghề kinh tế khác, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Lợi thế của hoạt động KTBĐ là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Một lý do rất “kinh tế” là đối với du khách, những người chi tiền để đi khám phá những địa danh mới, thì việc dành nhiều thời gian hơn, nhất là ban đêm là cách để “hưởng thụ” được nhiều nhất. Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một chuyến đi, bởi lẽ ban ngày khách du lịch chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác.[13]

Những bằng chứng trên cho thấy, KTBĐ có vai trò ngày càng lớn trong việc phát triển du lịch. Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ, KTBĐ giúp gia tăng khả năng thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của du khách và kéo dài thời gian lưu trú, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch. Ngược lại, sự phát triển của ngành du lịch, hay nói một cách cụ thể hơn là sự gia tăng của khách du lịch cùng với các dịch vụ phục vụ khách du lịch tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của KTBĐ. Rõ ràng, KTBĐ là một phần của kinh tế du lịch và ngược lại, tức là hai bộ phận kinh tế này có sự giao thoa và gắn bó chặt chẽ.

Thứ năm, KTBĐ góp phần gia tăng phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, phát triển các yếu tố văn hóa mang bản sắc địa phương và quốc gia. Việt Nam còn có “lợi thế về sự đa dạng” văn hóa ở từng địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành một nền kinh tế có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển của khu vực Đông Nam Á.[14] Tính đặc trưng của KTBĐ là yếu tố giải trí nên KTBĐ và công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa đều có một mối quan hệ mật thiết, liên quan đến mức độ hoạt động tiêu dùng và số lượng lao động sáng tạo làm việc vào ban đêm.[15]

Bên cạnh những vai trò tích cực, KTBĐ còn có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định, cụ thể:

Một là, KTBĐ làm gia tăng chi phí đối với các chủ thể kinh doanh và của Nhà nước, từ đó gia tăng chi phí đối với xã hội. Nhà nước cũng cần phải đầu tư, bỏ chi phí vận hành hệ thống hạ tầng và dịch vụ công, các chủ thể kinh doanh phải bỏ các chi phí mà ban ngày có thể tiết kiệm hơn.

Hai là, KTBĐ tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh trật tự. Đây cũng là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trong việc phát triển KTBĐ. Nhóm nghiên cứu lấy ý kiến khảo sát thì thấy người dân rất quan tâm đến việc bảo đảm về tình trạng an ninh trật tự (91% số người được hỏi)[16]. Nguyên nhân của cơ về an ninh trật tự xuất phát từ những đặc thù của KTBĐ về thời gian và tính chất hoạt động.

Ba là, KTBĐ có thể làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các bộ phận dân cư trong cộng đồng địa phương. Do thời gian ban đêm là thời gian nghỉ ngơi của đa số người dân, nên các hoạt động KTBĐ có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu nghỉ ngơi của nhiều người dân. Một bộ phận người dân được hưởng lợi khi KTBĐ phát triển (cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc cho thuê mặt bằng) trong khi đó một bộ phận người dân lại phải chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực.

Bốn là, KTBĐ có thể khuyến khích sử dụng các chất kích thích không có lợi cho sức khỏe như rượu, thuốc lá và đồ uống có đường. Có nhiều nghiên cứu cho thấy, rượu luôn là mối quan tâm trong việc quản lý đối với KTBĐ của nhiều quốc gia.[17] Bên cạnh đó, có những lo ngại cho rằng, KTBĐ có thể là nguyên nhân giảm sút năng suất và hiệu quả lao động vào ban ngày vì các hoạt động của cá nhân tham gia các hoạt động KTBĐ sẽ làm cơ thể họ mệt mỏi vào hôm sau.

1.1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế ban đêm

Nghiên cứu thực tiễn phát triển KTBĐ ở một số quốc gia cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của KTBĐ. Cũng cần nhấn mạnh rằng những yếu tố này có thể phân mảnh hơn hoặc xuất hiện những yếu tố mới trong tương lai.

Thứ nhất, sự phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của KTBĐ. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có KTBĐ phát triển mạnh cho thấy, với quy hoạch, tầm nhìn và nguồn lực tốt để đầu tư cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp cũng như sự tham gia của công chúng vào hoạt động KTBĐ.

Thứ hai, cơ cấu và mật độ dân cư (bao gồm cả khách du lịch) sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển KTBĐ. Quy mô gia đình ngày càng nhỏ hơn, xu hướng sống độc thân hoặc kết hôn muộn ngày càng tăng. Khuynh hướng di chuyển nhiều hơn, xa hơn và sẵn sàng ra ngoài vào buổi tối được dễ dàng chấp nhận về mặt xã hội, nhất là đối với thế hệ thanh niên. Ở nhiều thành phố lớn, khách du lịch (mà đa phần là những người trẻ tuổi) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của KTBĐ.

Thứ ba, vai trò của chính quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cũng có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của KTBĐ. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có KTBĐ phát triển cho thấy, chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành chính sách, xây dựng bộ máy quản lý đặc thù để quản lý KTBĐ. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra trong việc vận hành KTBĐ[18]. Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng sản phẩm góp phần đảm bảo KTBĐ phát triển lành mạnh.

Thứ tư, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phát triển KTBĐ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gồm chính quyền địa phương, cảnh sát, các dịch vụ khẩn cấp, doanh nghiệp kinh doanh và cộng đồng là nền tảng thiết yếu để tạo ra một KTBĐ thành công và an toàn. Phát triển KTBĐ cần đảm bảo sự trao đổi, tham vấn liên tục với doanh nghiệp và người dân để đảm bảo nhu cầu của cộng đồng   được thấu hiểu và đáp ứng.

1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

1.2.1. Lý luận về chính sách phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Với chức năng quản lý xã hội, nhà nước ban hành chính sách công với tính chất là một công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý và tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển theo những mong muốn của Nhà nước. Theo từ điển Cambridge, chính sách “là tập hợp những ý tưởng hoặc kế hoạch hành động trong những tình huống cụ thể được tập thể, tổ chức kinh doanh, chính quyền hoặc đảng phái chính trị chính thức thừa nhận”, còn chính sách công được hiểu “là chính sách của nhà nước tác động đến người dân trong một quốc gia, đôi khi cũng đồng nghĩa với chính sách nói chung[19]. Có quan điểm cho rằng chính sách công là chính sách của Nhà nước, là kết quả cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền thông qua các quyết định, tập hợp các quyết định chính trị có liên quan với nhau với mục tiêu, giải pháp, công cụ cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, duy trì sự tồn tại và phát triển của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân.[20] Một quan điểm nữa, cụ thể hơn, cho rằng “chính sách công là một tập hợp các quyết định liên quan với nhau do nhà nước ban hành, bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết một vấn đề công, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển”.[21]

 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/05/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại khoản 1 Điều 2 của văn bản này có định nghĩa về chính sách, theo đó “Chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”. Như vậy, chính sách ở đây được đồng nhất là chính sách công.

Chính sách nhìn tổng thể gồm có chính sách cơ bản và chính sách ứng phó, trong đó, chính sách cơ bản là các chính sách có tính lâu dài, mang tính chiến lược (chính sách dài hạn, trung hạn) và chính sách có tính ứng phó với những đặc thù phát sinh và thường mang tính ngắn hạn để giải quyết vấn đề trước mắt. Trong quá trình vận động, luôn có sự tương tác lẫn nhau giữa hai nhóm chính sách này với nhau, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.[22] Bên cạnh đó, chính sách công có thể được chia theo lĩnh vực mà chính sách hướng tới hoặc tác động, ví dụ như chính sách văn hóa, chính sách pháp luật, chính sách kinh tế, chính sách du lịch, chính sách y tế, chính sách giáo dục v.v..

Vai trò của chính sách công

Với chức năng cơ bản của mình, chính sách công thể hiện là công cụ hữu hiệu chủ yếu để Nhà nước giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm phát triển kinh tế xã hội, phục vụ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Do đó, chính sách công có những vai trò cụ thể sau đây:

Thứ nhất, chính sách công góp phần định hướng mục tiêu phát triển và hành vi của các chủ thể trong xã hội.

Thứ hai, chính sách công tạo động lực cho các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế - xã hội theo mục tiêu chung.

Thứ ba, chính sách công góp phần phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường, hướng đến “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thứ tư, chính sách công góp phần kiểm soát và phân bổ các nguồn lực trong xã hội để đảm bảo sự cân đối trong phát triển.

Thứ năm, chính sách công tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế xã hội. Ngược lại, chỉ cần chính sách kinh tế sai lầm, sẽ gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền đến các chính sách kinh tế khác, dẫn đến triệt tiêu động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.[23]

Thứ sáu, chính sách công thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị thuộc Nhà nước cũng như các tổ chức ngoài Nhà nước.

Đặc trưng của chính sách công

Từ việc phân tích bản chất, vai trò của chính sách công, qua thực tiễn chứng minh, chính sách công có những đặc trưng cơ bản sau đây:

Một là, chính sách công có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất rõ nét. Ý nghĩa chính trị của chính sách công biểu hiện rõ nét qua bản chất của nó là công cụ quản trị, quản lý của nhà nước, phản ánh bản chất, tính chất của nhà nước và chế độ chính trị trong đó nhà nước tồn tại.

Hai là, chính sách công có tính xã hội, tức là chính sách công được ban hành để thực hiện chức năng xã hội của nhà nước, ngoài phục vụ lợi ích của nhà nước còn để phục vụ xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho xã hội phát triển.

Ba là, chính sách công có tính khoa học, bao gồm lý luận và và tổng kết thực tiễn. Tính khoa học của chính sách công thể hiện ở tính khách quan, công bằng tiến bộ và sát với thực tiễn.

Bốn là, chính sách công thể hiện năng lực chính sách của Nhà nước. Năng lực chính sách, cải thiện năng lực chính sách ngày càng trở nên một trong những mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào nhằm giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.[24]

Chính sách phát triển KTBĐ

Với cách tiếp cận nêu trên, có thể hiểu chính sách phát triển KTBĐ là những chủ trương, định hướng và giải pháp của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích phát triển KTBĐ ở Việt Nam, góp phần tạo ra nền kinh tế với hiệu suất, hiệu quả cao hơn nhằm phục vụ lợi ích của người dân và xã hội. Chính sách phát triển KTBĐ cần được xem xét dưới những khía cạnh sau:

Thứ nhất, xét ở góc độ thời hạn và nhu cầu, có thể thấy chính sách phát triển KTBĐ bao gồm chính sách công trung, dài hạn và chính sách công ngắn hạn.

Chính sách trung, dài hạn để phát triển KTBĐ phải chú ý đến những chiến lược phát triển được kế hoạch cho nhiều năm, tận dụng những lợi ích về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của KTBĐ.

Cơ chế, chính sách trong ngắn hạn để phát triển KTBĐ có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, nhưng trong nghiên cứu này có thể phân loại thành nhóm các chính sách khuyến khích hoạt động của KTBĐ và nhóm các chính sách khác liên quan đến dân cư, đảm bảo an ninh, an toàn…

Thứ hai, chiến lược phát triển KTBĐ cũng cần có những sáng tạo mới, thu hút khách hàng, tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan quản lý cần tạo ra sự linh hoạt và thích nghi để khai phá những tiềm năng của thành phố buổi đêm để đạt được những kết quả tích cực.

Thứ ba, KTBĐ cũng đòi hỏi các chính sách quản lý cũng như chiến lược tương tự như nền kinh tế ban ngày. Bên cạn đó, do ban đêm là khung thời gian đặc biệt (vì thông thường bộ máy quản lý nhà nước thực hiện hoạt động trong khung giờ hành chính). Trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư như hiện nay, với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý.[25]

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật về KTBĐ

Chính sách và pháp luật về KTBĐ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Mặc dù so với với pháp luật về KTBĐ, chính sách về KTBĐ được hiểu rộng hơn nhưng đôi khi, giữa chính sách và pháp luật về KTBĐ cũng có những giao thoa nhất định. Có thể chỉ ra những đặc trưng và cũng là sự khác biệt giữa chính sách và pháp luật về KTBĐ ở những điểm sau:

Một là, nếu chính sách về KTBĐ là những tư tưởng, định hướng, những mong muốn về kết quả được thể hiện trong các nghị quyết, các văn kiện của Đảng (bên cạnh đó có thể là Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ) thì pháp luật được thể hiện bằng các quy tắc xử sự mang tính pháp lý, được ban hành bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo những trình tự và thủ tục nghiêm ngặt (hình thức, thẩm quyền, quy trình soạn thảo và ban hành).

Hai là, nếu chính sách về KTBĐ (khi chưa được luật pháp hóa) chỉ là những cái đích mà người ta cần hướng tới, chưa phải là những quy tắc xử sự có tính ràng buộc và đảm bảo thực hiện, thì pháp luật lại là những chuẩn mực có giá trị pháp lý có tính bắt buộc chung và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Pháp luật là sự thể hiện của chính sách và bản thân pháp luật cũng chính là chính sách.[26]

Từ sự phân biệt nói trên, có thể thấy mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật về KTBĐ thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chính sách về KTBĐ là cơ sở nền tảng để chế định thành pháp luật về KTBĐ. Nói theo cách của PGS,TS. Đinh Dũng Sỹ thì chính sách về KTBĐ chính là “linh hồn”, là nội dung của pháp luật về KTBĐ; còn pháp luật là hình thức, là phương tiện thể hiện của chính sách về KTBĐ khi chính sách được thừa nhận, tức là được ban hành bởi cơ quan Nhà nước theo một trình tự luật định.Và vì vậy, chính sách và pháp luật là hai phạm trù rất gần gũi và có những điểm giao nhau, là cơ sở tồn tại của nhau trong nhà nước pháp quyền[27]

Thứ hai, chính sách về KTBĐ cần có tính ổn định tương đối để pháp luật về KTBĐ có điều kiện đi vào thực tế cuộc sống vì pháp luật cũng cần sự ổn định để tạo ra “chuẩn mực ứng xử chung” như bản chất của nó. Khi một chính sách tạo ra quá nhiều thay đổi hoặc không có những lộ trình cụ thể để thực hiện thì sẽ gây khó khăn cho việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Thứ ba, chính sách nói chung và chính sách về KTBĐ nói riêng là một trong các nguồn tạo ra những thể chế pháp luật mới. Điều đó có nghĩa khi chính sách mới được ban hành thì cũng đồng thời tạo nên một hoặc một số lĩnh vực điều chỉnh mới của hệ thống pháp luật.

Thứ tư, pháp luật về KTBĐ là công cụ để cụ thể hoá và thực thi chính sách về KTBĐ nhưng cũng có khả năng tác động đến hiệu quả chính sách. Ngay cả khi để triển khai chính sách về KTBĐ mà đòi hỏi việc sửa đổi pháp luật thì cũng cần tính đến khả năng sửa đổi đến đâu là phù hợp, bao gồm nội dung sửa đổi, thời điểm sửa đổi để đảm bảo tính khả thi. Trên thực tế, nhiều chính sách cần phải được thí điểm trong một phạm vi nhất định (về không gian và thời hạn) để đánh giá mức độ tương thích với hệ thống pháp luật thì mới có cơ sở thực tiễn để sửa đổi pháp luật[28].

Thứ năm, pháp luật về KTBĐ có thể là căn cứ xây dựng, hoàn thiện chính sách về KTBĐ, đồng thời pháp luật ổn định, khả thi là sự phản ánh chính sách ở điểm cân bằng. Chính sách và pháp luật về KTBĐ gắn bó biện chứng chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ nhân quả và ảnh hưởng lẫn nhau.

1.2.2. Lý luận về pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Hiện nay, không có văn bản pháp luật riêng điều chỉnh về các lĩnh vực, hoạt động KTBĐ bởi KTBĐ “thâm nhập” vào nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Có quan điểm cho rằng khung khổ pháp lý liên quan đến KTBĐ khá rộng, bao gồm từ những vấn đề lớn như quy hoạch tổng thể, định hướng thị trường, quản lý môi trường, cơ sở hạ tầng, đến những chính sách cụ thể liên quan đến khung giờ, an ninh trật tự, đặc thù sản phẩm, dịch vụ…[29] Nhóm tác giả cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, pháp luật về KTBĐ được hiểu là tổng thể các quy định pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến KTBĐ.

Từ những đặc trưng của KTBĐ như đã phân tích ở mục 1.1.1, trong khuôn khổ đề tài này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu khung pháp lý chủ yếu điều chỉnh về KTBĐ, bao gồm các quy định trong những lĩnh vực pháp luật sau đây:

- Pháp luật về quy hoạch đô thị. Đây là bộ phận pháp luật quan trọng để tạo điều kiện hình thành  “không gian KTBĐ” của mỗi địa phương.

- Pháp luật về du lịch. Đây là một bộ phận pháp luật đặc biệt quan trọng để tạo điều kiện phát triển KTBĐ ở các địa phương. Thực tế cho thấy những địa điểm, địa phương hấp dẫn khách du lịch đều là những nơi có KTBĐ phát triển hơn nơi khác.

- Pháp luật điều chỉnh các ngành nghề đặc thù của KTBĐ. Như trên đã phân tích, những ngành nghề đặc thù của KTBĐ thường gắn với các yếu tố như giải trí, ẩm thực và đồ uống. Pháp luật điều chỉnh những ngành nghề đặc thù của KTBĐ khá đa dạng, đồng thời liên quan đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau.

- Pháp luật về tài chính công. Trong việc thực hiện các chính sách vĩ mô, nhất là để phát triển những lĩnh vực mới thì vai trò của Nhà nước nói chung và tài chính công (gồm đầu tư công, các khoản chi ngân sách và thuế) nói riêng là hết sức quan trọng. Pháp luật tài chính công là công cụ thể hiện rõ nét chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với KTBĐ.

- Pháp luật về lao động. Sự đa dạng của KTBĐ đòi hỏi số lượng lao động lớn trong các ngành nghề đặc thù của KTBĐ cũng như tại các đơn vị quản lý nhà nước và các dịch vụ phụ trợ. Với đặc thù về thời gian của KTBĐ, pháp luật về lao động hiện hành cần có những quy định đặc thù để phù hợp với lực lượng lao động để khuyến khích KTBĐ phát triển.

- Pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động KTBĐ. Kinh nghiệm của các quốc gia có KTBĐ phát triển là phải được sự quản lý, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các cấp chính quyền địa phương. Do đó, pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động KTBĐ cần có những quy định đặc thù về cách thức vận hành của bộ máy quản lý nhằm đảm bảo các hoạt động quản lý được thuận lợi trong khoảng thời gian ban đêm.

 

CHƯƠNG 2                                                                                                                KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM                                                   VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

 

2.1. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA Ở CHÂU ÂU

2.1.1. Vương quốc Anh

KTBĐ ở Anh được thừa nhận và khuyến khích phát triển từ những năm 1990, hiện nay đóng góp tích cực cho nền kinh tế Anh[30]. Qua nhiều nghiên cứu, một số thực tiễn tốt tại Vương quốc Anh bao gồm:

Một là, xây dựng và ban hành khung tiêu chuẩn Cờ tím (Purple Flag) để đánh giá chất lượng KTBĐ. Khung tiêu chuẩn Cờ tím đánh giá những tiêu chuẩn quốc gia và nâng cao hình ảnh của thành thị Anh quốc vào ban đêm bằng cách tích hợp tất cả các khía cạnh về quản lý kinh tế đêm vào một khuôn khổ để đảm bảo mỗi thành thị được trao Cờ tím đều có nền kinh tế đêm lành mạnh.

Hai là, thành lập Hiệp hội Ngành Công nghiệp ban đêm (Association of Night-time Industries, viết tắt là NTIA) được thành lập năm 2015, đóng vai trò phối hợp, đề xuất với mọi nhân tố quyết định cho sự phát triển của KTBĐ, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ, cộng đồng dân cư, các nhà lập pháp, cảnh sát, cơ quan lập kế hoạch địa phương.[31]

Ba là, phát triển KTBĐ gắn với xây dựng thành phố 24 giờ. Tuy nhiên, phải đến năm 2017, thành phố Luân Đôn mới chính thức chuyển đổi chiến lược phát triển thành một thành phố 24 giờ. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Luân Đôn đã bổ nhiệm chức vụ “Thị trưởng đêm” (Night Czar) kể từ năm 2015 để phối hợp với các cơ quan, ban ngành, cộng đồng và doanh nghiệp có liên quan.

Bốn là, chú trọng quản lý đồ uống có cồn. Sự công nhận của Tuyên bố dịch vụ đồ uống có trách nhiệm (RBS) tại các cơ sở kinh doanh nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo tốt hơn cho đội ngũ nhân viên và quản lý tại các cơ sở được cấp phép kinh doanh đồ uống có cồn nhằm hạn chế hoặc làm giảm mức độ say của những khách hàng sử dụng rượu trong KTBĐ, từ đó giảm tội phạm liên quan đến rượu.

2.1.2. Cộng hòa Pháp

Pháp là một quốc gia có KTBĐ phát triển, trong đó thủ đô Paris là lớn nhất. Nhìn tổng thể, Pháp cũng có nhiều thực tiễn tốt trong quản lý KTBĐ, bao gồm:

Một là, xây dựng điều lệ KTBĐ. Các thành phố ở Pháp có KTBĐ đều xây dựng Điều lệ KTBĐ, quy định nguyên tắc cơ bản để đảm bảo phát triển KTBĐ một cách lành mạnh, an ninh, an toàn, tiêu biểu như tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro về tiêu thụ rượu, ma túy, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; tiêu chuẩn về chống phân biệt đối xử, đảm bảo an ninh công cộng…

Hai là, thành lập bộ máy quản lý KTBĐ. Ở nhiều địa phương của Pháp, bộ máy quản lý KTBĐ được thành lập. Ví dụ: Thành phố Paris thành lập Paris Conseil de la Nuit (tạm dịch là “Hội đồng cuộc sống về đêm”) từ năm 2014, do phó thị trưởng phụ trách cuộc sống về đêm và văn hóa lãnh đạo[32]

Ba là, chính sách tài chính hỗ trợ các địa điểm văn hóa nghệ thuật về đêm. Cụ thể, thành phố Paris có chính sách hỗ trợ đầu tư vào các địa điểm tổ chức sự kiện âm nhạc, dự án hỗ trợ cải tạo điểm biểu diễn, sân khấu dưới 300 người, tài trợ cho các dự án văn hóa nghệ thuật mới về đêm và chính quyền hỗ trợ cho các tụ điểm ban đêm bằng một khoản hỗ trợ tương đương 6 tháng tiền thuê địa điểm.[33]

2.1.3. Vương quốc Hà Lan

Hà Lan là một trong các quốc gia có KTBĐ phát triển nhất tại châu Âu. Một số thực tiễn tốt về phát triển KTBĐ tại Hà Lan bao gồm:

Một là, có chức danh thị trưởng ban đêm (‘nachtburgemeester’ or ‘Night Mayor’) để quản lý KTBĐ của địa phương. Thị trưởng ban đêm đã được tiên phong thành lập ở Hà Lan, sớm hơn ở các quốc gia khác. Thị trưởng ban đêm ở các đô thị tại Hà Lan chủ yếu có vai trò tượng trưng, không trực tiếp tham gia vào việc quyết định chính sách ở thành phố nơi họ được bầu.

Hai là, nới rộng thời gian kinh doanh trong KTBĐ. Thị trưởng đêm vận động để một số câu lạc bộ và tụ điểm ban đêm sẽ không đóng cửa và kinh doanh 24/7[34].

2.2. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA Ở CHÂU Á

2.2.1. Trung Quốc

Trong xu thế chung khi KTBĐ đem lại nguồn thu khổng lồ cho các quốc gia, Trung Quốc trong những năm gần đây đã chú trọng đến phát triển KTBĐ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam…thông qua các nỗ lực chung của chính phủ và doanh nghiệp.[35] Cụ thể:

- Một là, hàng loạt biện pháp thúc đẩy KTBĐ đã được đưa ra với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền. KTBĐ không chỉ đơn giản là sự phát triển về kinh tế mà còn phải đảm bảo an toàn, chất lượng cho “cuộc sống về đêm” và phù hợp với “văn hóa đêm” ở mỗi quốc gia.

- Hai là, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến phát triển KTBĐ ở cả cấp trung ương và địa phương bởi lẽ mỗi địa phương có những đặc điểm đặc thù riêng về điều kiện phát triển KTBĐ bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách an ninh trật tự và an toàn xã hội.[36]

- Ba là, ở cấp địa phương, chính sách phát triển KTBĐ được ban hành để đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đặc thù văn hóa của địa phương.[37]

2.2.2. Nhật Bản

Tại Nhật Bản, khái niệm KTBĐ đề cập đến hoạt động kinh tế diễn ra vào ban đêm, giờ hoạt động chính từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng[38]. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển KTBĐ, không chỉ để tăng nguồn thu quốc gia mà còn nhằm thúc đẩy ngành du lịch tại đây.[39] Cụ thể:

- Một là, Nhật Bản đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là điều kiện cơ bản để cho các thành phố của Nhật Bản khai thác các tiềm năng, thế mạnh và có các sáng kiến để phát triển KTBĐ phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình.

- Hai là, Nhật Bản đã tiến hành đẩy mạnh cải cách hệ thống thuế và tài chính địa phương. Chính sách miễn thuế chỉ được dụng đối với người tiêu dùng nước ngoài được miễn thị thực hoặc có thị thực tạm thời với thời gian lưu trú dưới 3 tháng ở Nhật Bản.[40]

- Ba là, Nhật Bản thành lập Hiệp hội KTBĐ Nhật Bản (Japanese Night-time Economy Association, viết tắt là JNEA). JNEA đã đưa ra các mục tiêu phát triển để hỗ trợ các loại hình kinh doanh dịch vụ ban đêm và đời sống của một số người như những nghệ sỹ, các câu lạc bộ, các công ty kinh doanh dịch vụ…[41]

- Trong năm 2019, Cơ quan Du lịch Nhật Bản đã thành lập 13 mô hình kinh doanh hoạt động vào ban đêm như một phương tiện thúc đẩy nền kinh tế hoạt động vào ban đêm. Những địa điểm giải trí nhỏ, lẻ này có thể trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch bởi vì là những địa điểm văn hóa đặc biệt của địa phương.

- Các địa phương ở Nhật Bản đã có rất nhiều sáng kiến khai thác các thế mạnh để phát triển KTBĐ[42]

- Hiện nay, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử trên máy vào ban đêm cũng là một loại hình dịch vụ giải trí mang lại lợi nhuận đáng kể cho nước Nhật. 

2.2.3. Một số quốc gia Đông Nam Á

Trong thời gian gần đây, một số đô thị Châu Á như Bangkok, Thượng Hải và Singapore đang nổi lên như những thành phố có KTBĐ sôi động và giàu bản sắc địa phương. Tìm hiểu kinh nghiệm phát triển KTBĐ của các quốc gia này sẽ đem lại những giá trị tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện chính sách và pháp luật về KTBĐ thời gian tới.

Kinh tế ban đêm tại Thái Lan

Từ lâu, Thái Lan đã nổi lên như một quốc gia du lịch của châu Á. Bangkok vượt qua cả London và New York để đứng đầu danh sách “thành phố đáng tham quan nhất” của Euromonitor International[43], xếp hạng đứng thứ 10 trong danh sách các thành phố có cuộc sống về đêm tốt nhất thế giới.[44] Một số nét chính:

- Chính phủ Thái Lan đã có những chiến lược để Bangkok biến thành một “thành phố không ngủ” với hàng loạt các hoạt động về đêm như ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm.

- Thái Lan cũng có chiến lược để lựa chọn phát triển loại hình giải trí thế mạnh của mình là hộp đêm và quán bar.[45]

- Bangkok cũng chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối các trung tâm mua sắm với các bến tàu điện trên cao, các con đường ngầm… thuận tiện cho du khách.[46]

- Chính phủ Thái Lan cũng có chính sách thuế nhằm thu hút du khách tiêu dùng, đó là hoàn lại thuế giá trị gia tăng (thuế suất 7%) cho khách du lịch. Hàng thủ công địa phương của Thái Lan cũng được miễn thuế giá trị gia tăng.

- Từ năm 2017, Cục Cảnh sát Du lịch của Thái Lan thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã được thành lập, cùng với đó tạo ra ứng dụng di động “I Lert U” có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Thái trên các nền tảng kỹ thuật số để khách du lịch có được sự an tâm trong suốt chuyến du lịch của mình tại Thái Lan[47].

Kinh tế ban đêm tại Singapore

Singapore được biết đến là một đảo quốc nhỏ và cũng là quốc gia nhỏ nhất ở Đông Nam Á với một số nét chính như sau:

- Singapore quy hoạch 3 khu vực dành cho vui chơi, giải trí, kinh doanh ban đêm sầm uất nhất là khu vực ven sông của Vịnh Marina, khu hộp đêm của Clarke Quay và đại lộ mua sắm trên đường Orchard.

- Về ngành nghề kinh doanh, Chính phủ Singapore mặc dù tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giải trí ban đêm hoạt động nhưng cũng kiểm soát rất chặt chẽ với các khu vực này để đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự công cộng…Một trong những lĩnh vực kinh doanh nổi tiếng của Singapore trong khu vực cũng như trên thế giới hiện nay đó là kinh doanh sòng bài (casino).[48]

- Năm 2013, để thúc đẩy KTBĐ phát triển cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm, Singapore đã thành lập Hiệp hội kinh doanh ban đêm (Singapore Nightlife Business Association - SNBA) với tính chất là một tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ban đêm[49].

- Về giao thông đô thị, Singapore được xem một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng kết nối liên thông đến các khu vực phát triển KTBĐ.[50]

- Về chính sách du lịch, chính phủ Singapore có chính sách hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn.

Kinh tế ban đêm tại Malaysia

Từ năm 2010, Malaysia bắt đầu thực hiện Chương trình chuyển đổi quốc gia (National Transformation Program) trong đó bao gồm 02 chương trình là chuyển đổi Chính phủ (Government Transformation Program) và Chuyển đổi kinh tế (Economy Transformation Program, viết tắt là ETP), trong đó nhiều chính sách về phát triển KTBĐ đã được nêu ra trong ETP.[51] Sau đây là một số nét chính:

- Chính phủ Malaysia lựa chọn phát triển 4 loại hình dịch vụ là sự kiện, giải trí, spa và thể thao, tập trung các loại hình này thành các khu vực để thiết lập các khu vui chơi giải trí riêng biệt.

- Chính phủ Malaysia cũng quy hoạch riêng đối với thủ đô Kuala Lumpur với mục tiêu khu vực này sẽ được thiết kế để thu hút khách du lịch với cơ sở vật chất 24 giờ, an toàn công cộng, giao thông và cơ sở hạ tầng nhưng nó sẽ vẫn tách biệt với các khu dân cư và tôn giáo.

- Malaysia cũng có chính sách nhằm hỗ trợ theo hướng hiện đại hóa đối với những khu vực bán lẻ truyền thống, đặc biệt là cửa hàng tạp hóa nhỏ, hàng rong và các chợ đêm theo hướng mở rộng số lượng các cửa hàng lớn, hiện đại; hỗ trợ các nhà kinh doanh nhỏ thông qua các sáng kiến cải tiến về kỹ năng, công nghệ thông tin, quy trình hoạt động và dịch vụ khách hàng.[52]

- Chính phủ Malaysia có chính sách hỗ trợ về tài chính khá linh hoạt. Theo đó, Chính phủ trao quyền cho Cơ quan Phát triển công nghiệp Malaysia (Malaysian Industrial Development Authority  - MIDA) và các cơ quan khác nếu thích hợp, đàm phán về các ưu đãi tài chính được yêu cầu với các nhà đầu tư trong từng trường hợp cụ thể.[53]

- Trước cả Thái Lan, Malaysia đã thành lập lực lượng cảnh sát riêng để thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực du lịch. Cảnh sát du lịch tại Malaysia được quyền xử phạt nghiêm khắc, kể cả trục xuất ngay các tội phạm liên quan đến hoạt động du lịch như hướng dẫn viên “chui”.[54]

2.3. KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA Ở CHÂU ĐẠI DƯƠNG

2.3.1. Australia

          KTBĐ không chỉ là một lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh ở Australia mà còn là khu vực kinh tế có tính chất phức tạp. Trong giai đoạn 2019 - 2020, với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng của KTBĐ bị ảnh hưởng đáng kể. Sau đây là một số nét chính:

- Việc quy hoạch KTBĐ được chú trọng, các thành phố Australia phân loại KTBĐ thành hai loại là KTBĐ khu vực lõi (Core NTE) và KTBĐ không phải khu vực lõi (Non-Core NTE). Việc phân loại chi tiết, vị trí và giờ mở cửa của tất cả các địa điểm đều có thông tin do Google Maps cung cấp.

- Tham gia vào quản lý KTBĐ có rất nhiều cơ quan, tổ chức cả công và tư như: Cơ quan quản lý vốn quốc gia; Tổng cục phát triển kinh tế và ngân khố, Tổng cục Phát triển bền, Hội đồng Di sản, Câu lạc bộ Nghệ thuật - Sự kiện, Hiệp hội khách sạn Australia, Viện Quy hoạch Australia, Hiệp hội vận chuyển và dịch vụ, Chủ sở hữu đất v.v..

          - Thành lập Hội đồng về Kinh tế ban đêm (Night Time Economy Councils’ Committee (NTECC) để chia sẻ thông tin về các phương pháp tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng năng lực và phát triển quan hệ đối tác hợp tác xung quanh các sáng kiến phát triển KTBĐ của địa phương.[55]

- Có một sự khác biệt chính sách giữa kinh tế buổi tối (chủ yếu là ăn uống và có sự tham gia nhiều hơn của các gia đình) và kinh tế đêm muộn (do thanh niên chiếm ưu thế và có mức độ tham gia nhiều vào các hoạt động giải trí và liên quan đến việc sử dụng rượu, do đó được quản lý chặt chẽ hơn).

- Chính quyền nhiều bang có chính sách hỗ trợ tài chính đối với các chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí, văn hóa, giảm tiền thuê địa điểm v.v..

2.3.2. New Zealand

 KTBĐ trong hoạt động du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế New Zealand. Sau đây là một số nét chính:

          - Chính quyền các địa phương đã có nhiều đổi mới trong việc cấp giấy phép, Các thành phố đã kéo dài giờ mở cửa của các phòng trưng bày, bảo tàng, thư viện và phòng tập thể dục, đồng thời giới thiệu hoặc mở rộng hoạt động mua sắm vào ban đêm.[56]

          - Từ năm 2014, nhiều thành phố tại New Zealand đã tiến hành xây dựng  chiến lược phát triển KTBĐ trong đó nhấn mạnh sự giao thoa giữa văn hóa công cộng và văn hóa thương mại, đẩy mạnh phát triển giao thông, bao gồm giao thông công cộng và xe đạp. Chính sách phát triển KTBĐ cũng hướng đến các đối tượng khác nhau, như người cao tuổi và thanh niên.

- An toàn nơi công cộng là một vấn đề được chú ý khi phát triển KTBĐ. An toàn nơi công cộng và nhận thức về sự an toàn cũng là một tiêu chí trong chiến lược phát triển về KTBĐ, đồng thời chú ý cân bằng lợi ích của cư dân, các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm và khách hàng của họ và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền địa phương. 

2.4. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Qua nghiên cứu sự phát triển KTBĐ của các quốc gia nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

- Phát triển KTBĐ đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chính sách đồng bộ để áp dụng thống nhất, đồng thời khai thác thế mạnh của mỗi địa phương. Sự khác biệt về bản sắc văn hóa cần được xem xét khi đưa ra các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ KTBĐ của mỗi quốc gia.

- Không có các chính sách chung cho hoạt động KTBĐ mà mỗi địa phương sẽ tự xây dựng chính sách phát triển và quản lý riêng phù hợp với KTBĐ tại địa phương, tuy nhiên tập trung thành 5 nhóm chính: quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; thiết lập bộ máy quản lý và cơ chế quản lý, khuyến khích phát triển các lĩnh vực thuộc về KTBĐ, giám sát và hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra khi vận hành các hoạt động KTBĐ.

- Chính quyền địa phương có vai trò hết quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển KTBĐ, bởi tính sáng tạo và giàu bản sắc độc đáo từ địa phương, do đó cần đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương về thẩm quyền và khả năng tổ chức mô hình quản lý. Hiện nay, mô hình quản lý KTBĐ tại địa phương của nhiều quốc gia theo xu hướng thành lập cơ quan chuyên trách về KTBĐ để phối hợp với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ, giám sát, quản lý.

- Các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương cần có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ánh sáng, khu vui chơi giải trí để có khả năng phục vụ và thu hút khách du lịch.

- Để KTBĐ phát triển lành mạnh, tạo sức hút cho du khách hoạt động kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an ninh, trật tự đối với các địa điểm hoạt động cung cấp dịch vụ phải được chú trọng và thực hiện hiệu quả.[57]

- KTBĐ là công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xác định rõ đối tượng tham gia vào KTBĐ để có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Có thể phân nhánh từng khung giờ của hoạt động KTBĐ để có những chính sách phát triển và quản lý khác nhau về chiến lược, mục tiêu đối với mỗi khung giờ, mỗi đối tượng tham gia.

- Có chiến lược quy hoạch phù hợp các khu vực tập trung phát triển KTBĐ (khu vực lõi) và những khu vực có hoạt động KTBĐ khác để có những chính sách quản lý, khuyến khích ưu đãi phù hợp.

- Có quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu vực phát triển KTBĐ tập trung, quy mô lớn với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm.

- Bên cạnh phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh giải trí ban đêm, các quốc gia đều xác định một vài loại hình kinh doanh giải trí ban đêm đặc trưng làm thế mạnh và mũi nhọn để phát triển.

- Sự phát triển của KTBĐ luôn gắn liền với sự thành công của chính sách phát triển du lịch và phát triển bản sắc văn hóa.

- Để hỗ trợ cho hoạt động du lịch được chuyên nghiệp, tạo tâm lí an tâm, thoải mái cho du khách, rất nhiều quốc gia thành lập Lực lượng cảnh sát du lịch để đảm bảo an ninh cho các hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước, con người nơi du khách đến thăm.

- Các hiệp hội nghề nghiệp (bao gồm hiệp hội về kinh tế ban đêm hoặc các hiệp hội theo ngành nghề trực tiếp tham gia KTBĐ) luôn đóng vai trò khá tích cực và chủ động trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm hoặc đưa ra các tham vấn, kiến nghị với Chính phủ thực thi các chính sách hoặc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm.

 

CHƯƠNG 3                                                                                                                      THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

3.1. THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.1.1. Chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế ban đêm

Để thực hiện được chính sách phát triển KTBĐ ở Việt Nam, cần phải có chính sách phù hợp. Chính sách của Đảng và Nhà nước (chính sách công) là cơ sở nền tảng, định hướng để thể chế hóa pháp luật[58], thậm chí có quan điểm khẳng định “không có pháp luật phi chính sách, pháp luật ngoài chính sách”[59]. Như vậy, có thể khẳng định, pháp luật là một công cụ quan trọng, hữu hiệu khi để thể hiện chính sách và đảm bảo thực hiện chính sách trên thực tế.

- Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nhiều nội dung phù hợp với KTBĐ, cụ thể:

(i) Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị;

(ii) Phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam;

(iii) Ban hành và thực hiện các chính sách phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn;

(iv) Ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo[60];

- Về chủ trương cụ thể khuyến khích phát triển KTBĐ ở cấp độ trung ương hiện nay chỉ có “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/07/2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 1129), trong đó có những yêu cầu mà khi thực hiện cần phải thể chế hóa thành các quy định pháp luật để thực hiện, bao gồm:

(i) Ưu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người dân Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch;

(ii) Khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề/hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống,...;

(iii) Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý xã hội trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế, dựa trên nguyên tắc thị trường, đồng thời xử lý hiệu quả các rủi ro, hệ lụy tiêu cực từ hoạt động KTBĐ.

(iv) Chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển KTBĐ; Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển KTBĐ;

(v) Nghiên cứu, đề xuất mô hình thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch tại các địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách v.v..

Tuy nhiên, những giải pháp này mới nằm ở tầm chính sách, tức là cần được cụ thể hóa thành quy định để thực hiện.

3.1.2. Chính sách của các địa phương về kinh tế ban đêm

Đề án 1129 xác định chính quyền cấp tỉnh được chủ động nghiên cứu xây dựng và thực hiện Chương trình/kế hoạch cũng như các giải pháp thúc đẩy KTBĐ theo thẩm quyền; và đề xuất sáng kiến phát triển KTBĐ với cấp có thẩm quyền (nếu vượt quá thẩm quyền của địa phương).

Trên cơ sở Đề án 1129, nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành chính sách phát triển KTBĐ riêng của mình. Theo khảo sát của nhóm tác giả, hiện có 08 địa phương có đề án phát triển KTBĐ ở mức độ khác nhau (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bình Thuận); 05 địa phương đang triển khai xây dựng (Quảng Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Hậu Giang); 05 địa phương có ban hành văn bản liên quan đến phát triển KTBĐ (Tuyên Quang, Ninh Bình, Thừa thiên – Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu).

Nhóm tác giả lựa chọn các địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang để bình luận, đánh giá về thực trạng ban hành và thực thi các chính sách phát triển KTBĐ.

Trên cơ sở nghiên cứu chính sách, định hướng và những giải pháp do các địa phương đề ra, có thể đi đến một số nhận xét như sau:

- Thẩm quyền ban hành và nội dung chính sách phát triển KTBĐ ở mỗi địa phương rất khác nhau.

- Một số vướng mắc, bất cập và các giải pháp tháo gỡ về chính sách, pháp luật do các địa phương đề xuất là chưa hoàn toàn phù hợp với Quyết định 1129 hoặc các quy định pháp luật hiện hành.

- Còn nhiều vấn đề pháp lý vướng mắc, bất cập trong việc phát triển KTBĐ chưa được địa phương nhận diện để có kiến nghị rà soát, sửa đổi.

Có thể kết luận, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTBĐ tại thời điểm này còn tương đối chung chung, chưa thật sự cụ thể. Dưới góc độ chính sách vĩ mô, không có nội dung nào lớn cản trở việc phát triển KTBĐ ở Việt Nam mà ngược lại, hầu hết các chủ trương, định hướng đều có tính chất khuyến khích phát triển KTBĐ ở Việt Nam. Dưới góc độ Nhà nước, Đề án 1129 mới dừng lại ở mức độ thí điểm, có hiệu lực không cao trong khi khung khổ pháp luật vẫn còn nhiều rào cản để đưa chính sách phát triển KTBĐ vào thực tế.

3.2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ MỘT SỐ LĨNH VỰC CỤ THỂ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.2.1. Pháp luật về quy hoạch đô thị

Theo quan điểm của các nhà chuyên môn, quy hoạch đô thị là một lĩnh vực hoạt động hết sức phức tạp bởi tính chất đa ngành (multi-disciplinary) và đa phương diện (multi-dimension). Về hình thức, quy hoạch đô thị được thể hiện ở đồ án quy hoạch gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh. Một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến công tác quy hoạch đô thị gồm: (i) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (ii) Chính sách của Nhà nước về phát triển đô thị; (iii) Môi trường pháp lý và thủ tục hành chính trong quản lý đô thị; (iv) Mức độ hội nhập quốc tế và sự phát triển kinh tế thị trường.

Thực trạng chính sách quy hoạch đô thị

Chính sách phát triển đô thị, trong đó có công tác quy hoạch đô thị đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách khá rõ nét. Có thể kể đến như: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thông qua; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, v.v.. Như vậy, về mặt chính sách, mặc dù không đề cập trực diện đến KTBĐ nhưng những nội dung trên cũng hết sức cơ bản để thúc đẩy phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách phát triển KTBĐ dưới góc độ quy hoạch cũng còn một số hạn chế nhất định, chính sách về đất đai không theo kịp thực tế, không tạo cơ hội cho du lịch phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch về chất lượng dịch vụ, do đó không thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Vấn đề quy hoạch không gian KTBĐ còn nhiều vướng mắc.[61]

Thực trạng pháp luật về quy hoạch đô thị

Theo đánh giá của Quốc hội về hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch thì về thành tựu, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành có liên quan đã khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.[62]

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong hơn 10 năm thực hiện Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Quy hoạch năm 2017, còn một số bất cập sau đây:

- Chính sách và hệ thống cơ sở pháp lý còn chồng chéo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất ở một số nội dung.

- Quy định về quy hoạch tổng thể quốc gia và khái niệm “tích hợp quy hoạch” trong Luật Quy hoạch năm 2017 chưa rõ về nội hàm, chưa được quy định cụ thể trong quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đã được điều chỉnh, tuy nhiên, các chỉ tiêu vẫn quy định chung cho các loại đô thị, khi triển khai cần căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, miền.

- Một số nội dung như việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án và trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, việc huy động và sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, việc xử lý trường hợp các quy hoạch cùng cấp phù hợp với quy hoạch cấp trên nhưng mâu thuẫn với nhau chưa được quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch. Các quy định pháp luật có liên quan đến quy hoạch trong một số văn bản luật còn mâu thuẫn, chồng chéo và khó triển khai trên thực tiễn.

- Luật Quy hoạch đô thị quy định không rõ ràng về vai trò của cộng đồng trong hoạt động quy hoạch, không chỉ rõ quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong quy hoạch đô thị.

- Một số nội dung, thuật ngữ liên quan đến công tác quy hoạch còn chưa rõ.

- Một số quy hoạch được phê duyệt đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, không theo kịp sự phát triển của xã hội.[63] Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch lại không được thực hiện trên thực tế.[64]

3.2.2. Pháp luật về du lịch

KTBĐ thường được gắn với hoạt động du lịch do mối quan hệ ràng buộc hai chiều cũng như giao thoa của hai lĩnh vực kinh tế này. Trên thực tế, phần lớn những khách hàng tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ KTBĐ là khách du lịch, với nhu cầu chính là nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. KTBĐ giúp gia tăng khả năng thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu của du khách, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch. Ngược lại, sự phát triển của ngành du lịch sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của KTBĐ.

Ở góc độ chính sách và pháp luật, KTBĐ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội. Do vậy, chính sách và pháp luật phát triển KTBĐ về cơ bản phải xuất phát từ chính sách và pháp luật của các ngành liên quan, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Hệ thống chính sách, pháp luật ở Việt Nam dành mối quan tâm đáng kể tới phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế. Điều này thể hiện qua Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch năm 2017, Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 v.v..

Các chính sách về phát triển du lịch bao gồm: (i) Chính sách và pháp luật về đầu tư cho du lịch; (ii) Chính sách và pháp luật về xúc tiến, quảng bá du lịch; (iii) Chính sách và pháp luật về đa dạng hoá sản phẩm du lịch; (iv) Chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông qua du lịch; (v) Chính sách và pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch; (vi) Chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch; (vii) Chính sách khôi phục du lịch hậu khủng hoảng Covid-19.

Bên cạnh những ưu điểm, pháp luật về du lịch còn một số hạn chế sau:

- Việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch được khuyến khích, song chưa rõ cơ chế khuyến khích.

- Chưa mở rộng chính sác khuyến khích hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch là người nước ngoài mua hàng và tiêu dùng tại chỗ.

- Quy định về chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch đã được đề cập đến trong nhiều năm nhưng chưa hiệu quả.

- Quy định về phát triển các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch đều chưa tính đến các yêu cầu đặc thù đối với các hoạt động du lịch về đêm.

- Đối với mục tiêu khôi phục lĩnh vực du lịch hậu khủng hoảng COVID-19, các giải pháp về chính sách và pháp luật chưa được nhấn mạnh vào các biện pháp tức thì.

3.2.3. Pháp luật về các ngành nghề đặc thù của kinh tế ban đêm

Như đã phân tích ở Chương 1, KTBĐ được thúc đẩy bởi 3 lĩnh vực cốt lõi, gồm lĩnh vực giải trí, lĩnh vực ẩm thực và lĩnh vực đồ uống. Lĩnh vực giải trí như các buổi biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật; các hoạt động thể thao; các trung tâm giải trí; hoạt động casino và các hoạt động cá cược khác. Lĩnh vực ẩm thực, gồm các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê hoặc các dịch vụ bán đồ ăn mang về. Lĩnh vực đồ uống, gồm cơ sở bán lẻ rượu, các quán bar, pub và các cơ sở tương tự.[65]

Bên cạnh quy định phù hợp, pháp luật hiện hành còn một số bất cập sau:

- Thủ tục hành chính bị chia tách, đồng thời đi kèm là các công việc thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế nên mất nhiều thời gian và chi phí;

- Còn nhiều giới hạn về thời gian hoạt động của các ngành nghề KTBĐ;

- Điều kiện đầu tư cơ sở casino phải đi kèm một dự án đầu tư trị giá ít nhất 2 tỷ đô là rào cản lớn;

- Các mô hình kinh doanh đồ uống như bar, pub hay lounge chưa có quy định cụ thể để quản lý;

- Yêu cầu thông báo trước đối với biểu diễn nghệ thuật không bán vé, quy định thủ tục với trường hợp biểu diễn nghệ thuật có bán vé còn phức tạp;

- Trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính chứ không giám sát thực chất;

- Việc hạn chế hoạt động quảng cáo của cơ sở kinh doanh casino sẽ hạn chế việc thu hút các du khách nước ngoài;

- Hoạt động mua sắm, ẩm thực về ban đêm chưa được điều chỉnh cụ thể.

3.2.4. Pháp luật về lao động

Dưới góc độ chính sách, chính sách lao động được hiểu là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ nhằm mục đích để sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực lượng lao động đó. Dưới góc độ pháp luật, pháp luật lao động là tổng thể những quy định điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực lao động có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

Bên cạnh những nội dung phù hợp, có một số vấn đề mới mà pháp luật lao động hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn liên quan đến KTBĐ, cụ thể:

- Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đến những người làm việc không có quan hệ lao động làm nảy sinh những bất cập;

- Thừa nhận và cho phép công việc, ngành nghề mới hoạt động vào ban đêm luôn phải giải quyết vấn đề lợi ích kinh tế và vấn đề xã hội;

- Còn có những quy định khắt khe đối với ngành nghề, công việc sử dụng lao động nữ, lao động chưa thành niên và vấn đề làm việc ban đêm;

- Chính sách và quy định trả công đối với người lao động trong KTBĐ còn chưa phù hợp khi về bản chất, người lao động cũng chỉ làm việc thời gian theo quy định và được nghỉ ngơi trong thời gian còn lại của một ngày.

3.2.5. Pháp luật về tài chính công

Đối với quốc gia có KTBĐ phát triển tương đối muộn và chậm như Việt Nam, vai trò của Nhà nước nói chung và của tài chính công nói riêng là đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện dưới những khía cạnh sau đây: (i) Tài chính công sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực của nền kinh tế nói chung và KTBĐ nói riêng; (ii) Tài chính công là một công cụ khuyến khích phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội được Nhà nước ưu tiên, đồng thời hài hòa về thu nhập trong xã hội; (iii) Tài chính công góp phần tạo động lực cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực KTBĐ; (iv) Hiện nay lĩnh vực tài chính công đang có thêm một vai trò mới, đó là khả năng pha trộn giữa chính sách đối ngoại và đối nội.

Thứ nhất, pháp luật thuế chưa có sự khuyến khích phát triển KTBĐ, cụ thể:

- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cho các đối tượng dựa trên 02 tiêu chí đó là ưu đãi theo địa bàn (khó khăn và đặc biệt khó khăn) và theo ngành, lĩnh vực ưu đãi. Như vậy có thể thấy hiện nay, các chính sách về thuế không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế vào ban ngày và vào ban đêm.

- Về thuế giá trị gia tăng, đối với các lĩnh vực đặc thù của KTBĐ, hiện nay các sản phẩm, dịch vụ thuộc hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim được hưởng mức thuế suất 5%. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực thương mại thường ở mức thuế suất 10%. Một trong những lĩnh vực khuyến khích phát triển KTBĐ chính là ở lĩnh vực thương mại vì khách du lịch và người dân địa phương đều có nhu cầu mua sắm hoặc giải trí kết hợp với mua sắm vào ban đêm. Việc hoàn thuế GTGT chưa thực hiện đối với khách du lịch mua sắm và tiêu dùng tại chỗ.

- Về thuế tiêu thụ đặc biệt, pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đánh thuế đối với đồ uống có đường, thuế suất quá khác biệt giữa các loại đồ uống; đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với một số loại dịch vụ phổ biến trong KTBĐ như kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, cá cược, trò chơi điện tử có thưởng là “xung đột” với chính sách khuyến khích phát triển KTBĐ.

Thứ hai, pháp luật về phí, lệ phí chưa có khuyến khích đối với phát triển KTBĐ. Nhìn chung, các loại phí, lệ phí riêng liên quan đến ngành nghề KTBĐ thường tương đối cao, thủ tục hành chính còn phức tạp, chồng chéo.

Thứ ba, pháp luật về đầu tư công, hỗ trợ tài chính còn hạn chế: (i) Giá bán điện thấp nhất là vào giờ thấp điểm từ tính từ 22h00 hôm trước đến 4h00 hôm sau nhưng đây là chỉ khoảng thời gian này chiếm 50% thời gian hoạt động của KTBĐ; (ii) Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng: Danh mục ưu đãi đầu tư theo địa bàn chỉ tiếp cận theo địa phương (tính đến cấp huyện) và Khu kinh tế, khu công nghệ cao (kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo quy định của Chính phủ), không có quy định đối với các khu vực quy hoạch đặc thù để phát triển KTBĐ thuộc các địa phương; (iii) Chính sách ưu đãi về đất đai còn chưa có quy định ưu đãi tiền thuê đất với các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ.

3.2.6. Pháp luật về bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm

Quản lý nhà nước về KTBĐ bao gồm nhiều cơ quan, nhiều bộ phận, cá nhân có những quyền hạn, chức năng khác nhau nhằm đảm bảo tổ chức và quản lý có hiệu quả các lĩnh vực kinh tế. Pháp luật về quản lý nhà nước đối với KTBĐ bao gồm 2 bộ phận chính: Một là, pháp luật quy định về bộ máy quản lý Nhà nước; Hai là, pháp luật quy định nội dung quản lý từng lĩnh vực trong KTBĐ (đã được phân tích trong ở các mục trên).

Bộ máy quản lý nhà nước về KTBĐ bao gồm các bộ phận trong một cơ cấu chỉnh thể, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền lực nhà nước thực hiện việc quản lý một cách có hiệu quả đối với KTBĐ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”.[66]

Bộ máy quản lý nhà nước về KTBĐ bao gồm các bộ phận trong một cơ cấu chỉnh thể, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền lực nhà nước thực hiện việc quản lý một cách có hiệu quả đối với KTBĐ. Nhiều quốc gia trên thế giới thiết lập một cơ cấu tổ chức bộ máy riêng biệt chuyên quản hoạt động KTBĐ trực thuộc bộ máy chính quyền địa phương. Nhu cầu này xuất phát từ sự phức tạp của KTBĐ với cả những cơ hội và thách thức mà nó mang lại.

Theo Đề án 1129 thì việc quản lý KTBĐ ở Việt Nam chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện nhưng hiện chưa có cơ chế, quy định hình thành một cơ quan/bộ máy/một bộ phận chuyện trách quản lý đối với hoạt động KTBĐ. Bộ máy hành chính hiện nay có thời gian làm việc cơ bản là ban ngày, chưa có quy định cụ thể để thực hiện các công việc sau 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau.

Một số các thiết chế bộ máy quản lý có tính chất “thí điểm” liên quan được thành lập tại một số địa phương như Thanh tra an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm còn nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý để duy trì hoạt động.

 

CHƯƠNG 4                                                                                                     PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN                                               CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

 

4.1. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

Thứ nhất, việc phát triển KTBĐ cần có chính sách, chiến lược rõ ràng. Mỗi khu KTBĐ của địa phương cần có những đặc điểm riêng, tránh trùng lặp và một màu, từ đó có thể thu hút người dân và du khách. Ngoài ra, cần phân cấp cho các địa phương trong việc phát triển KTBĐ.

Thứ hai, có chủ trương và giải pháp mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ về đêm, từ ăn uống, giải trí, nghệ thuật đến mua sắm. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để xây dựng các chương trình giải trí hấp dẫn, phù hợp, đồng bộ.

Thứ ba, để phát triển KTBĐ, cần xây dựng khuôn khổ và chính sách khuyến khích các hoạt động về đêm lành mạnh với sự tham gia rộng rãi của mọi lứa tuổi.

Thứ tư, cần nâng cao nhận thức của Chính phủ, cán bộ, người dân về lợi ích và rủi ro của phát triển KTBĐ thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu.

Thứ năm, nên tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở hạ tầng công cộng cho KTBĐ, bao gồm hệ thống an sinh xã hội, giao thông và chăm sóc sức khỏe ... để cải thiện khả năng tiếp cận toàn diện và an toàn đối với các hoạt động ban đêm.

Thứ sáu, triển khai mạnh mẽ các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển KTBĐ, góp phần giảm gánh nặng chi phí cho hoạt động kinh doanh ban đêm. Các chính sách hỗ trợ phải minh bạch về điều kiện nhận.

Cuối cùng, có thể thấy Quyết định số 1129 thực chất là một dạng kế hoạch, đề án thí điểm mà không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên khi triển khai trên thực tế sẽ gặp phải những vướng mắc pháp lý thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội hoặc Chính phủ. Do đó, trong bối cảnh chưa thể sửa đổi tổng thể các văn bản luật có liên quan thì cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm những vấn đề mới để phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

4.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

4.2.1. Giải pháp hoàn thiện chính sách về kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Thứ nhất, về mặt chính sách, việc phát triển KTBĐ cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể để thực hiện. Nhà nước có thể thiết lập quyền hạn hoặc giao vai trò quản lý cho một cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về phát triển KTBĐ.

Thứ hai, cần “phân vai” rõ giữa trung ương và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện chính sách về KTBĐ. Trung ương tập trung ban hành chính sách chung, có tính nguyên tắc cho cả nước, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc của chính sách hiện có và của hệ thống pháp luật, còn chiến lược phát triển cụ thể và kế hoạch thực hiện sẽ giao hoặc phân cấp cho chính quyền địa phương.

Thứ ba, cần có những chính sách khuyến khích cụ thể để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ về đêm, từ ăn uống, giải trí, mua sắm đến tham gia các hoạt động nghệ thuật. Việc khai thác KTBĐ phải gắn với thế mạnh văn hóa, văn nghệ, thể thao và ẩm thực của địa phương.

Thứ tư, để phát triển KTBĐ, cần xây dựng khuôn khổ và chính sách khuyến khích các hoạt động về đêm lành mạnh với sự tham gia rộng rãi của mọi lứa tuổi.

Thứ năm, cần nâng cao nhận thức của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về lợi ích và rủi ro của phát triển KTBĐ thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu. Các cơ quan quản lý của Chính phủ cần thay đổi tư duy để không kìm hãm sự phát triển của KTBĐ.

Thứ sáu, cần có khung khổ pháp luật để khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng công cộng cho KTBĐ, bao gồm hệ thống an ninh, giao thông, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường… để cải thiện khả năng tiếp cận toàn diện và an toàn đối với các hoạt động ban đêm.

Thứ bảy, cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển KTBĐ. Chính sách khuyến khích cần chú ý đến khu vực tư nhân trên nguyên tắc bình đẳng và công bằng[67]. Để thúc đẩy KTBĐ phát triển, Chính phủ có thể xem xét thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ, hoặc miễn tiền thuê mặt bằng, thuê đất, sử dụng đất, hỗ trợ tiền điện v.v..

Thứ tám, Đề án 1129 cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện ở một số điểm sau:

- Về thời gian, cần điều chỉnh giới hạn khoảng thời gian này trong Đề án là 10 giờ tối như hiện nay thành 12 giờ đêm thì phù hợp. Mở rộng khung thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ KTBĐ cũng là đề xuất được sự ủng hộ của đa số người dân khi nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát lấy ý kiến.[68]

- Về không gian, cần bổ sung giải pháp trong trường hợp có sự đồng thuận của người dân thì vẫn ưu tiên phát triển các địa điểm KTBĐ gắn với khu dân cư, đồng thời cũng bảo đảm những nguyên tắc hài hòa lợi ích của người kinh doanh, khách du lịch và người dân sinh sống khu vực đó.

- Về các giải pháp, Đề án cần cụ thể hóa hơn về giải pháp “xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn đặc trưng của địa phương”. Đối với bộ máy quản lý nhà nước, Đề án cũng nên bổ sung những giải pháp cụ thể hơn theo hướng xây dựng một bộ máy gọn nhẹ, có người đứng đầu chuyên trách, có chức năng phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau để giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả.

Thứ chín, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng về mô hình KTBĐ, từ đó ban hành chính sách khuyến khích phát triển KTBĐ dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm những vấn đề mới để phát triển KTBĐ ở Việt Nam.

4.2.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam

4.2.1.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị

- Cần nhấn mạnh và quy định rõ việc lập quy hoạch chung và cơ chế phối hợp lập quy hoạch chung để hạn chế tình trạng “xung đột” giữa các loại quy hoạch.

- Chính phủ cần nghiên cứu và ban hành hướng dẫn về phương pháp tích hợp quy hoạch để làm cơ sở các cơ quan có trách nhiệm thực hiện.

- Nghiên cứu và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, trong đó quy định về quy chuẩn đối với các khu vực phát triển KTBĐ. Nghiên cứu để ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với mô hình đô thị thông minh để góp phần vận hành, quản lý KTBĐ được hiệu quả, dễ dàng hơn.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án và trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch.

- Bổ sung, chi tiết hóa quyền và trách nhiệm của cộng đồng tham gia vào quy hoạch đô thị.

- Quy định rõ (định tính hoặc định lượng) về nội dung một số thuật ngữ liên quan đến công tác quy hoạch.

4.2.1.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về du lịch

- Đa dạng hoá sản phẩm du lịch, có thể cụ thể hoá trách nhiệm của các cơ quan cụ thể trong hỗ trợ các doanh nghiệp và các địa phương, tận dụng và phát huy những yếu tố đặc sắc về văn hóa, du lịch của từng địa phương là ưu tiên trong phát triển KTBĐ.[69]

- Quy định và thực hiện công nhận các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, trong đó có việc phát triển điểm du lịch, tổ chức tour du lịch.

- Gắn việc công nhận chất lượng với yêu cầu về đa dạng hoá sản phẩm du lịch, trong đó có những sản phẩm du lịch thuộc phạm vi của KTBĐ.

- Thiết lập các cơ chế hỗ trợ khách du lịch như đường dây nóng, văn phòng hỗ trợ, cảnh sát du lịch. Các địa phương cần có các biện pháp cụ thể để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng các điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện.

- Đối với các chính sách phát triển du lịch hậu khủng hoảng gắn với sự khôi phục của KTBĐ, cần có những nghiên cứu và đánh giá về các yêu cầu về phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 và tác động của các biện pháp phục hồi.

4.2.1.3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về các ngành nghề đặc thù của KTBĐ

- Sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hành chính trước khi đi vào hoạt động với các ngành nghề KTBĐ như: Quy định về điều kiện diện tích sử dụng của phòng hát tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; Quy định cơ sở kinh doanh casino phải nằm trong tổng thể dự án đầu tư du lịch, dịch vụ trị giá tối thiểu 2 tỷ đô la Mỹ…

- Sửa đổi quy định về các thủ tục hành chính mà các cơ sở kinh doanh phải thực hiện trước khi đi vào hoạt động theo hướng gộp các điều kiện và thủ tục để cấp một giấy phép duy nhất

- Sửa đổi các quy định về vận hành và hoạt động để tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh KTBĐ: Đơn giản hóa thủ tục hành chính với hoạt động biểu diễn nghệ thuật; Mở rộng thời gian được phép hoạt động của các ngành nghề này, và không giới hạn thời gian hoạt động với một số ngành nghề nhất định; Sửa đổi các quy định về đảm bảo an ninh, trật tự theo hướng đơn giản hóa và áp dụng các biện pháp gián tiếp như các quy định về thực hành tốt nhất[70].

4.2.1.4. Giải pháp hoàn thiện pháp luật lao động

- Cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Lao động: “Chế độ lao động đối với… người làm việc không có quan hệ lao động do các văn bản pháp luật khác quy định nhưng tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này".

- Ghi nhận và áp dụng các quy định mới, đặc thù về điều kiện sử dụng lao động đối với hoạt động KTBĐ nhưng được nghỉ ngơi vào ban ngày nhằm: i) Bảo đảm quyền lợi cũng như tính đúng, đủ hao phí lao động vào ban đêm; ii) Chia sẻ lợi ích và khuyến khích sự phát triển của KTBĐ.

- Đổi mới quy định liên quan đến một số ngành nghề, công việc nhạy cảm phục vụ KTBĐ. Tuy nhiên, với các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thì phải có quy định chặt chẽ. Kinh nghiệm ở nhiều nước khi phát triển KTBĐ sẽ hình thành nên các khu riêng biệt, nhất là trong giai đoạn thí điểm.

- Sửa đổi các quy định liên quan đến lao động nữ và trẻ em. Thực tế, hầu hết các loại hình công việc giải trí, vui chơi về đêm có sự tham gia chủ yếu của lao động nữ (thậm chí là trẻ em như biểu diễn nghệ thuật).

4.2.1.5. Giải pháp hoàn thiện pháp luật tài chính công

- Đối với công tác quản lý thuế, cần tổ chức mô hình quản lý thuế phù hợp để làm nhiệm vụ giám sát, quản lý các lĩnh vực, khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ ở những thành phố lớn, các trung tâm du lịch. Mô hình quản lý thuế cần đảm bảo sự linh hoạt, gắn kết với bộ phận chuyên trách quản lý KTBĐ của địa phương.

- Nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo khu vực phát triển KTBĐ theo quy hoạch. Có thể lựa chọn việc quy định giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm kể từ khi hoạt động trong các khu vực quy hoạch KTBĐ đối với thu nhập từ những ngành nghề thuộc về KTBĐ và phát sinh doanh thu trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

- Đối với thuế giá trị gia tăng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách và pháp luật thuế giá trị gia tăng để khuyến khích phát triển KTBĐ, như quy định cho phép doanh nghiệp trực tiếp hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa mà khách du lịch nước ngoài mua tại các trung tâm thương mại thuộc các khu vực được quy hoạch phát triển KTBĐ; Giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ được mua bán, trao đổi tại khu vực quy hoạch phát triển KTBĐ của các địa phương trong khung thời gian KTBĐ;

- Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chính sách và pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số nội dung sau:

+ Bổ sung cơ sở thuế để quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biết đối với đồ uống có đường, kể cả loại có ga hoặc không ga;

+ Cần nghiên cứu sửa đổi mức thuế suất đối với các loại đồ uống chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng hài hòa và đồng nhất hơn; có thể tham khảo để đưa ra một mức thuế suất phù hợp, ví dụ ở mức 30% đến 40%;.

+ Nên sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để cho phép áp dụng thuế suất tuyệt đối với một số loại hàng hóa, trong đó có đồ uống;

+ Cần có chính sách đặc thù đối với một số loại hình dịch vụ đặc thù của KTBĐ như kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, cá cược, casino, trò chơi điện tử có thưởng để “tương thích” với chính sách khuyến khích phát triển KTBĐ;

- Cần nghiên cứu để sửa đổi quy định về các loại phí có liên quan theo hướng: (i) Giảm các mức phí liên quan đến KTBĐ; (ii) Rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, từ đó gộp các loại phí để tránh tình trạng chồng chéo;

- Về giá điện, đề nghị nghiên cứu xác định giờ thấp điểm đối với các khu vực quy hoạch phát triển KTBĐ là từ 20h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

- Ghi nhận việc ưu đãi đầu tư đối với các khu vực kinh tế đặc thù là khu vực phát triển KTBĐ. Trước mắt, ưu đãi đầu tư dành cho khu vực lõi của KTBĐ, tức là khu vực riêng có sự tách biệt với các khu dân cư.

- Đối với các nguồn tài chính hỗ trợ phát triển du lịch, cần có chính sách, quy định về việc hỗ trợ tài chính đối với các khu vực hoặc sản phẩm du lịch ban đêm, nhất là những sản phẩm gắn chặt với các yếu tố văn hóa của địa phương.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó cụ thể hóa việc hỗ trợ lãi suất cho các chủ thể hoạt động KTBĐ phục vụ du lịch.

- Bổ sung các chính sách trợ cấp về chi phí mặt bằng cho ngành nghề KTBĐ.

4.2.1.6. Giải pháp hoàn thiện về bộ máy quản lý nhà nước đối với KTBĐ

Nhóm giải pháp trước mắt:

- Nghiên cứu cơ chế hoạt động, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo sự hoạt động tại những nơi có KTBĐ phát triển. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, phản ánh những tồn tại, vướng mắc, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động KTBĐ và nêu các giải pháp, sáng kiến đối với chính quyền địa phương.

- Hoàn thiện cơ chế phân công giữa các cán bộ, công chức đảm bảo thời gian làm việc hợp lý giữa ban ngày và ban đêm. Nghiên cứu thí điểm cơ chế “xã hội hóa” để huy động các lực lượng tự quản, dân phòng v.v. bằng cách ký kết quy chế phối hợp, biên bản ghi nhớ hoặc hợp đồng cùng tham gia với chính quyền làm công tác kiểm soát và quản lý về an ninh trật tự bên cạnh các lực lượng chính quy.

Nhóm giải pháp lâu dài:

- Cần nghiên cứu mô hình để hình thành cơ quan có chức năng quản lý KTBĐ như ở một số quốc gia. Có thể cân nhắc thành lập dưới hình thức cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh (có thể gọi là Hội đồng hoặc Ban) có chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong quản lý KTBĐ của địa phương. Về chức năng, cơ quan này có chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đến lĩnh vực KTBĐ của địa phương; chịu trách nhiệm tiếp nhận, chủ trì hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân, khách du lịch…

- Hình thành cơ chế phối hợp hiệu quả giữa bộ máy quản lý KTBĐ đối với các cơ quan khác khác. Theo đó, cần xác định bộ máy quản lý KTBĐ của địa phương không làm thay chức năng của các lực lượng nhà nước mà sắm vai trò như một người “điều tiết”, đầu mối và là “hạt nhân” trong hoạt động quản lý KTBĐ.

- Nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp của cộng đồng để tham gia quản lý KTBĐ. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tham gia một số khâu nhất định trong quy trình quản lý KTBĐ.

- Nghiên cứu thành lập Cục cảnh sát du lịch trực thuộc Bộ Công an và các phòng cảnh sát du lịch trực thuộc Công an tỉnh ở một số địa phương để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch nói chung và KTBĐ nói riêng, đồng thời tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hướng dẫn khách du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

- Đối với một số mô hình thí điểm quản lý một số lĩnh vực đang thực hiện, cần có giải pháp pháp lý dứt khoát hoặc nhân rộng mô hình sau thí điểm hoặc sớm kết thúc việc thí điểm để bộ máy quản lý có tính tập trung, thống nhất và ổn định.

- Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức theo hướng: Hoàn thiện chế định về phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương; nghiên cứu luật hóa cơ chế “thầu công vụ” hoặc ‘thuê ngoài’ bằng cách ký kết các hợp đồng hành chính đối với một số chức danh quản lý.

4.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ BAN ĐÊM Ở VIỆT NAM

- Công tác quy hoạch phải được chú trọng thực hiện một cách hiệu quả. Đối với các địa phương chưa có hoặc KTBĐ chưa phát triển, thì cần có quy hoạch để phát triển KTBĐ bền vững.

- Chú trọng tính đồng bộ trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn.

- Ở trung ương, cần đưa nội dung phát triển KTBĐ vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Chú trọng gắn kết công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KTBĐ với bảo vệ tài nguyên và môi trường.

- Ở địa phương, cần đưa nội dung phát triển KTBĐ vào trong nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố.

- Nghiên cứu quy hoạch và phát triển loại hình, số lượng, tăng tuyến đối với các phương tiện vận tải công cộng, đặc biệt trên một số tuyến giao thông quan trọng kéo dài thời gian hoạt động về đêm nhằm tăng cường kết nối các trung tâm đô thị về đêm, nhất là vào dịp cuối tuần.

- Quy hoạch phát triển thêm các hình thức giải trí mang tính văn hóa, truyền thống bản sắc của địa phương. Quy hoạch phát triển hệ thống hỗ trợ khách du lịch, người dân tham gia du lịch nói chung và KTBĐ nói riêng như hệ thống nhà vệ sinh công cộng, các điểm hướng dẫn, hỗ trợ xử lý sự cố v.v..

- Thí điểm phát triển các khu vực “hạt nhân” của KTBĐ được quy hoạch theo vùng kinh tế, đánh giá hiệu quả hoạt động KTBĐ và công tác quản lý hoạt động KTBĐ ở những nơi đã lựa chọn thí điểm để xây dựng hoàn thiện mô hình hoạt động KTBĐ. Cần xây dựng các tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động KTBĐ của các ngành, lĩnh vực thí điểm bao gồm các tiêu chí về tài chính, tiêu chí về xã hội, môi trường nhằm phát triển KTBĐ bền vững.

- Thực hiện việc công bố, công khai, cung cấp thông tin quy hoạch đô thị và lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch đô thị theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

- Ngoài công tác lập quy hoạch thì cần phải triển khai các hoạt động đầu tư, mua sắm để đưa quy hoạch vào thực tế như đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị chiếu sáng, viễn thông, camera an ninh, các điểm vui chơi giải trí công cộng, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường…

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  hiện đại và thiết bị giám sát tự động để quản lý hoạt động KTBĐ cũng như hoạt động quản lý thuế đối với các chủ thể tham gia hoạt động KTBĐ.

- Tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát để nắm tình hình về an ninh trật tự; bố trí lực lượng ứng trực ban đêm với mức độ cân xứng với lực lượng làm việc ban ngày để kịp thời giải quyết tình huống phát sinh.

- Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với các cộng đồng dân cư nơi có hoạt động KTBĐ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn có thể phát sinh, từ đó có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia và thích ứng với hoạt động KTBĐ.

- Đầu tư và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý KTBĐ nhằm giảm tải nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý như thiết lập hệ thống camera tại các khu vực công cộng, hỗ trợ và khuyến khích người dân trong khu vực lắp đặt hệ thống camera liên thông với hệ thống của phường, quận/huyện; hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí; xây dựng hệ thống chiếu sáng; xây dựng nhà vệ sinh công cộng; xây dựng đường dây nóng và các điểm hỗ trợ, tạo lập các ứng dụng trên điện thoại di động để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố giác của người dân và khách du lịch.

 

KẾT LUẬN

 

Thực tiễn trên thế giới cho thấy, từ thập niên 1990s trở đi, KTBĐ đã thể hiện những vai trò đáng kể đối với nền kinh tế gắn liền với kinh tế du lịch, công nghiệp sáng tạo và yếu tố văn hóa mang bản sắc địa phương và quốc gia. Tuy nhiên ở Việt Nam, KTBĐ vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Mặc dù vậy, hoạt động KTBĐ ở Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả khả quan và đóng góp ngày càng rõ nét đối với nền kinh tế. Khái niệm KTBĐ là các hoạt động tập trung vào các lĩnh vực “kinh doanh giải trí” với những đặc trưng: (i) Về thời gian, hoạt động KTBĐ thường được quan niệm là diễn ra từ 6 giờ chiều (tức 18 giờ) hằng ngày đến 06 giờ sáng hôm sau; (ii) Về lĩnh vực, KTBĐ thường tập trung vào các lĩnh vực ẩm thực, mua sắm, giải trí và các dịch vụ văn hóa; (iii) Về không gian, hoạt động KTBĐ thường tập trung ở những đô thị lớn hoặc những khu vực du lịch phát triển so với những khu vực khác. Để phát triển KTBĐ, trước tiên cần phải có chính sách phát triển KTBĐ và khung khổ pháp luật để chính sách đó thành hiện thực.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có KTBĐ phát triển cho thấy một số nét nổi bật như sau: (i) Phát triển KTBĐ đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chính sách đồng bộ để áp dụng thống nhất, đồng thời khai thác thế mạnh, bản sắc văn hóa và tính sáng tạo của mỗi địa phương; (ii) Chính sách phát triển KTBĐ tập trung thành 5 nhóm chính: quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; thiết lập bộ máy quản lý và cơ chế quản lý, khuyến khích phát triển các lĩnh vực thuộc về KTBĐ, giám sát và hạn chế những tiêu cực; (iii) Có chiến lược và quy hoạch phù hợp các khu vực tập trung phát triển KTBĐ; (iv) Sự phát triển KTBĐ luôn gắn liền với sự thành công của chính sách phát triển du lịch và bản sắc văn hóa; (vi) Thiết lập bộ máy quản lý chuyên biệt cho KTBĐ ở các mức độ khác nhau; (vii) Các hiệp hội KTBĐ hoặc hiệp hội nghề nghiệp luôn đóng vai trò khá tích cực để phát triển KTBĐ.

Chính sách phát triển KTBĐ bao gồm những chủ trương, định hướng và giải pháp của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích phát triển KTBĐ ở Việt Nam. Chính sách phát triển KTBĐ chủ yếu tập trung vào các cách thức để khuyến khích có kiểm soát những hoạt động giải trí, mua sắm, ẩm thực về đêm của người dân nhằm phát triển kinh tế. Ngoài những nội dung khuyến khích, chính sách quản lý KTBĐ còn bao gồm nội dung kiểm soát hoặc hạn chế đối với những hoạt động trong KTBĐ có nguy cơ gây ra rủi ro.

Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong phát triển kinh tế nói chung, trong đó có nhiều nội dung phù hợp với KTBĐ. Đề án phát triển KTBĐ tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện khá rõ nét chủ trương khuyến khích phát triển KTBĐ một cách sáng tạo và bài bản. Tuy nhiên, những giải pháp này mới nằm ở tầm chính sách, tức là cần được cụ thể hóa thông qua việc rà soát để sửa đổi, bổ sung chính sách và khung pháp lý về KTBĐ.

Khung khổ pháp luật về KTBĐ liên quan đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chủ yếu bao gồm tập trung vào những lĩnh vực pháp luật sau đây: (i) Pháp luật về đô thị, quy hoạch đô thị và không gian đô thị; (ii) Pháp luật về du lịch; (iii) Pháp luật điều chỉnh các ngành nghề đặc thù của KTBĐ; (iv) Pháp luật về tài chính công; (v) Pháp luật về lao động; (vi) Pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động KTBĐ.

Pháp luật về quy hoạch đô thị, bên cạnh những ưu điểm, chính sách phát triển KTBĐ dưới góc độ pháp luật quy hoạch cũng còn một số hạn chế nhất định: (i) chính sách và hệ thống cơ sở pháp lý còn chồng chéo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất, nhiều nội dung, thuật ngữ chưa được quy định rõ để thực hiện; (ii) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch vẫn quy định chung cho các loại đô thị; (iii) Không quy định rõ ràng về vai trò của cộng đồng, trong khi vai trò của cộng đồng rất quan trọng đối với quy hoạch KTBĐ.

Pháp luật về du lịch còn một số hạn chế sau: (i) Việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch chưa rõ cơ chế khuyến khích; (ii) Chưa quy định hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch là người nước ngoài mua hàng và tiêu dùng tại chỗ; (iii) Chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch chưa hiệu quả; (iv) Chính sách và quy định pháp luật chưa tính đến các yêu cầu đặc thù đối với các hoạt động du lịch về đêm.

Pháp luật hiện hành về ngành nghề đặc thù của KTBĐ còn một số bất cập sau: (i) Thủ tục hành chính bị chia tách, mất nhiều thời gian và chi phí; (ii) Còn nhiều giới hạn về thời gian hoạt động của các ngành nghề KTBĐ; (iii) Điều kiện đầu tư và hoạt động đối với một số loại hình còn là rào cản lớn; (iv) Trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính chứ không giám sát thực chất; (v) Hoạt động mua sắm, ẩm thực về ban đêm gần như chưa được điều chỉnh cụ thể.

Pháp luật lao động hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về KTBĐ, cụ thể: (i) Việc áp dụng của Bộ luật Lao động với người làm việc không có quan hệ lao động cần được quy định cụ thể; (ii) Chưa thừa nhận và cho phép một số công việc, ngành nghề mới hoạt động vào ban đêm; (iii) Còn có những quy định khắt khe đối với ngành nghề, công việc sử dụng lao động nữ, lao động chưa thành niên nhất là trong làm việc ban đêm; (iv) Chính sách và quy định trả công đối với người lao động trong KTBĐ còn chưa phù hợp.

Pháp luật về tài chính công liên quan đến KTBĐ còn một số hạn chế: (i) Chính sách về thuế hiện hành không có nội dung khuyến khích KTBĐ; (ii) Thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định ưu đãi đối với khu vực kinh tế đặc thù (khu kinh tế, khu công nghệ cao) nhưng không có khu vực quy hoạch KTBĐ; (iii) Thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực thương mại đa số các loại hàng hóa, dịch vụ khác đều ở mức thuế suất 10%, kể cả tiêu dùng, mua sắm tại các khu vực KTBĐ; (iv) Pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đánh thuế đối với đồ uống có đường, thuế suất quá khác biệt giữa các loại đồ uống; đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với một số loại dịch vụ phổ biến trong KTBĐ như kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, cá cược, trò chơi điện tử có thưởng là “xung đột” với chính sách khuyến khích phát triển KTBĐ. Các quy định về mức thu phí, lệ phí còn tương đối cao và có khuynh hướng trùng lặp hoặc thu nhiều lần, thủ tục còn phức tạp; chính sách về giá điện chưa thật sự hợp lý; ưu đãi về tín dụng, đất đai còn mờ nhạt.

Pháp luật về bộ máy quản lý nhà nước đối với KTBĐ còn nhiều bất cập: (i) Chưa có quy định về bộ máy quản lý nhà nước chuyên biệt về KTBĐ; (ii) Bộ máy hành chính hiện nay có thời gian làm việc cơ bản là ban ngày, chưa có quy định cụ thể để thực hiện các công việc sau 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau; (iii) Một số các thiết chế bộ máy quản lý có tính chất “thí điểm” liên quan được thành lập tại một số địa phương như Thanh tra an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm còn vướng mắc về cơ chế pháp lý để duy trì hoạt động.

Để phát triển KTBĐ, về mặt chính sách cần bổ sung, hoàn thiện những nội dung lớn như sau: (i) Việc phát triển KTBĐ cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể để thực hiện; (ii) Quan điểm chính sách là trung ương chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, tháo gỡ những vướng mắc của chính sách tổng thể và của pháp luật, còn chiến lược và kế hoạch thực hiện cụ thể sẽ giao hoặc phân cấp cho địa phương; (iii) Hoàn thiện khung khổ pháp luật để khuyến khích phát triển KTBĐ một cách cụ thể; có giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển KTBĐ; (iv) Đề án 1129 cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện để thực hiện hiệu quả. Quốc hội cần ban hành nghị quyết về chính sách phát triển KTBĐ làm cơ sở để Chính phủ quy định những nội dung đặc thù, cũng như thí điểm các ngành, lĩnh vực dịch vụ mới theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).  

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp luật điều chỉnh những lĩnh vực cơ bản liên quan đến KTBĐ cũng cần được hoàn thiện, cụ thể:

Một là, hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị: (i) Quy định rõ việc lập quy hoạch chung và cơ chế phối hợp lập quy hoạch chung để hạn chế tình trạng “xung đột” giữa các loại quy hoạch; (ii) Nghiên cứu và ban hành quy định về quy chuẩn đối với các khu vực phát triển KTBĐ; sửa đổi, bổ sung quy định về việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án và trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch; (iii) Bổ sung, chi tiết hóa quyền và trách nhiệm của cộng đồng tham gia vào quy hoạch đô thị; (iv) Quy định rõ (định tính hoặc định lượng) về nội dung một số thuật ngữ liên quan đến công tác quy hoạch.

Hai là, hoàn thiện pháp luật du lịch: (i) Xác định trách nhiệm của các cơ quan cụ thể và các địa phương trong nghiên cứu phát triển, công nhận các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch; (ii) Xây dựng các cơ chế hỗ trợ khách du lịch như đường dây nóng, văn phòng hỗ trợ, cảnh sát du lịch; (iii) Nghiên cứu và đánh giá về các yêu cầu về phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19 và tác động của các biện pháp phục hồi du lịch nói chung và KTBĐ nói riêng.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về các ngành nghề đặc thù của KTBĐ bao gồm: (i) Sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa điều kiện, thủ tục hành chính đối với các ngành nghề KTBĐ; (ii) Sửa đổi các quy định về vận hành và hoạt động để tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh KTBĐ theo hướng mở rộng thời gian được phép hoạt động của các ngành nghề; (iii) Đơn giản hóa các quy định liên quan đến thủ tục cấp phép, thông báo hoạt động biểu diễn nghệ thuật; (iv) Sửa đổi quy định về quảng cáo với kinh doanh casino.

Bốn là, hoàn thiện pháp luật về lao động: (i) Cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Lao động về chế độ lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động; (ii) Ghi nhận và áp dụng các quy định mới, đặc thù về điều kiện sử dụng lao động đối với hoạt động KTBĐ nhưng được nghỉ ngơi vào ban ngày; (iii) Đổi mới quy định liên quan đến một số ngành nghề, công việc nhạy cảm phục vụ KTBĐ; (iv) Sửa đổi các quy định liên quan đến lao động nữ và trẻ em trong một số công việc trong KTBĐ có sự tham gia của họ.

Năm là, hoàn thiện về bộ máy quản lý nhà nước đối với KTBĐ bao gồm nhóm giải pháp trước mắt và nhóm giải pháp lâu dài. Nhóm giải pháp trước mắt gồm: (i) Nghiên cứu cơ chế hoạt động, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện KTBĐ phát triển; (ii) Hoàn thiện cơ chế phân công giữa các cán bộ, công chức đảm bảo thời gian làm việc hợp lý giữa ban ngày và ban đêm cũng như đảm bảo chế độ, chính sách; (iii) Nghiên cứu thí điểm cơ chế “xã hội hóa” công tác kiểm soát và quản lý về an ninh trật tự. Nhóm giải pháp lâu dài bao gồm: (i) Hình thành cơ quan có chức năng quản lý KTBĐ chuyên trách với người đứng đầu cơ quan quản lý KTBĐ là chức danh chuyên trách; (ii) Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa bộ máy quản lý KTBĐ đối với các cơ quan khác của nhà nước khác; (iii) Nghiên cứu ban hành cơ chế phối hợp của cộng đồng để tham gia quản lý KTBĐ; (v) Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch; (vi) Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Luật Tổ chức chính quyền quản địa phương, Luật Cán bộ để tạo ra khung phát lý đồng bộ, thuận lợi cho mô hình lý KTBĐ ở Việt Nam.

Bên cạnh hoàn thiện pháp luật, cũng cần nhấn mạnh một số giải pháp lớn đảm bảo thực hiện chính sách và pháp luật về KTBĐ ở Việt Nam: (i) Công tác quy hoạch phải được chú trọng, đảm bảo tính đồng bộ trong việc lập quy hoạch; (ii) Phát triển thêm các hình thức giải trí mang tính văn hóa, truyền thống bản sắc của địa phương; (iii) Thí điểm phát triển các khu vực “hạt nhân” của KTBĐ theo vùng kinh tế; (iv) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  hiện đại vào quản lý hoạt động KTBĐ; (v) Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát của lực lượng chuyên trách; (vii) Thường xuyên đối thoại với các cộng đồng dân cư nơi có hoạt động KTBĐ.

 

 


[1] Heath, T, (1997) ‘The Twenty-Four Hour City Concept – A Review of Initiatives in British Cities’, Journal of
Urban Design,
Vol. 2, No.2, pp.193-204

[2] David Harvey (1989), “From Managerialism to Entrepreneurialism: The Transformation in Urban Governance in Late Capitalism”, Geografiska Annaler. Series B, Human Geography, No.71(1), p.3–17.

[3] Peter Bailey, P (1986), Music Hall: the Business of Pleasure, Open University Press.

[4] Dick Hobbs, Stuart Lister, Phil Hadfield, Simon Winlow, Steve Hall (2000), Receiving shadows: governance and liminality in the night-time economy”, British Journal of Sociology No.51(4), p.701-717

[5] Zhao Tong (2019), “The night-time economy flourishes in China”, People’s Daily Online, http://en.people.cn /n3/2019/0930/c90000-9619729.html, Sep. 30th 2019

[6] Báo cáo khảo sát xã hội học do tập thể tác giả thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, năm 2022

[7] Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/07/2020 phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam

[8] Chris Beer (2011), “Centres that never sleep? Planning for the night-time economy within the commercial centres of Australian cities”, Australian Planner No.48 (3), p.141–147

[9] Andreina Seijas (2018). A guide to managing your night time economy. Sound Diplomacy, London

[10] Andreina Seijas (2018), tlđd

[11] Thomas A. Kerr (2005), Đô thị hóa: Vai trò của người nghèo trong phát triển đô thị,  Tài liệu hướng dẫn của Ủy ban Liên hiệp quốc về kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP)

[12] Dean Cira và cộng sự (2011), Báo cáo đánh giá đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới

[13] Tuệ Mỹ, “Phát triển kinh tế ban đêm để phục hồi du lịch”, Báo điện tử VnEconomy, ngày 27/6/2022, https://vneconomy.vn/phat-trien-kinh-te-ban-dem-de-phuc-hoi-du-lich.htm

[14] Ngô Vương Anh (2014), “Nghĩ về công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản (bản điện tử), https://tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/28170/nghi-ve-cong-nghiep-sang-tao-o-viet-nam.aspx

[15] Elizabeth Currid (2008), The Warhol Economy: How Fashion, Art, and Music Drive New York City, Pricerton University Press.

[16] Báo cáo khảo sát xã hội học do tập thể tác giả thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, năm 2022

[17] Robert Shaw (2014), “Beyond night-time economy: Affective atmospheres of the urban night”, Geoforum., No.51 (1), p. 87-95, http://dx.doi.org/10.1016/j.geoforum.2013.10.005

[18] Ilse van Liempt, Irina van Aalst and Tim Schwanen (2014), “Introduction: Geographies of the urban night”, Urban Studies, Vol.52 (3), p.407-421

[19] Cambridge University Press, Cambridge Dictionary, https://dictionary.cambridge.org

[20] Văn Tất Thu (2017), “Bản chất, vai trò của chính sách công”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước (điện tử), https://tcnn.vn/ news/detail/35801/Ban-chat-vai-tro-cua-chinh-sach-cong.html

[21] Lê Như Thanh và Lê Văn Hòa (2016), Hoạch định và thực thi chính sách công, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.10

[22] Nguyễn Thanh Tuyền và Hoàng Lê Anh (2005), “Mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử ”, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 22 (32), tháng 5-6 năm 2005

[23] Văn Tất Thu (2017), “Bản chất, vai trò của chính sách công”, Tạp chí Tổ chức Nhà nước (điện tử), https://tcnn.vn /news/detail/35801/Ban-chat-vai-tro-cua-chinh-sach-cong.html

[24] X.Wu, M.Ramesh & M.Howlett (2015), Policy capacity: A conceptual framework for understanding policy competences and capabilities, Policy and Society, Vol.34 (issue 3-4), p.165-171

[25] Xem thêm: Mai Tiến Dũng, “Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam”, Trang tin Chính phủ điện tử (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ), http://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-newsdetails-37599-14-186.html

[26] Đinh Dũng Sỹ (2008), “Chính sách và mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật trong hoạt động lập pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11, tháng 7/2008, tr. 38 - 43

[27] Đinh Dũng Sỹ (2008), “Chính sách và mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật trong hoạt động lập pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11, tháng 7/2008, tr. 38 - 43

[28] Xem thêm: TS. Trần Thị Quang Hồng (chủ biên), Phát triển không gian pháp lý thử nghiệm cho công nghệ tài chính và các lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2022

[29] PGS,TS. Phạm Tiến Đạt (2021), “Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KTBĐ ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính (kỳ 1 tháng 3/2021), tr.10-13

[30] Michele Acuto, Andreina Seijas, Jenny McAthur and Enora Robin (2022), Managing Cities at Night: A Practitioner Guide to the Urban Governance of the Night-Time Economy, Bristol University Press, 2022, p.14

[31] https://ntia.co.uk/about-us/

[32] Michele Acuto, Andreina Seijas, Jenny McAthur and Enora Robin (2022), Managing Cities at Night: A Practitioner Guide to the Urban Governance of the Night-Time Economy, Bristol University Press, 2022, p.14

[33] [33] Michele Acuto, Andreina Seijas, Jenny McAthur and Enora Robin (2022), Managing Cities at Night: A Practitioner Guide to the Urban Governance of the Night-Time Economy, Bristol University Press, 2022, p.52

 

[34] https://www.pbs.org/newshour/show/behind-amsterdams-infamous-club-scene-this-night-mayor-keeps-the-peace

[35] Nguyễn Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tình hình phát triển kinh tế ban đêm tại Trung Quốc.

[36] “Bức Tranh Kinh Tế Ban Đêm Trên Thế Giới và Cơ Hội Tại Việt Nam,” accessed March 26, 2022, http://consosukien.vn/buc-tranh-kinh-te-ban-dem-tren-the-gioi-va-co-hoi-tai-viet-nam.htm.

[37] “Nighttime Economy to Help Drive Growth,” accessed March 26, 2022, http://english.www.gov.cn/policies/policywatch/201908/13/content_WS5d5211d9c6d0c6695ff7ea21.html.

[38] モテナス日本オフィシャル, “Night-Time Economy in Japan – 6 Performance Examples|モテナス日本,” January 6, 2020, https://www.motenas-japan.jp/en/news/night-time-economy.html.

[39] Tư Báo Điện tử Nhà Đầu, “Sức hút phát triển kinh tế ban đêm - Bài 4: Động lực chính cho kế hoạch thúc đẩy du lịch tại Nhật Bản,” August 13, 2020, https://nhadautu.vn/suc-hut-phat-trien-kinh-te-ban-dem--bai-4-dong-luc-chinh-cho-ke-hoach-thuc-day-du-lich-tai-nhat-ban-d41320.html.

[40] “Tax-Free and Duty-Free in Japan,” accessed May 20, 2022, https://www.kanpai-japan.com/travel-guide/tax-free-duty-free-japan.

[41] Charles Budd (2020),“Japanese Nighttime Economy Association Aims to Tackle the Fallout on Nightlife from COVID-19”, Source: https://mixmag.asia/read/japanese-nighttime-economy-association-is-set-up-to-tackle-the-fallout-from-covid-19-local.

[42] Okada Noriko (2019), “Boosting Japan’s Nighttime Economy", NHK WORLD-JAPAN, Source: https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/backstories/578/.

[43] Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International là một tổ chức được thành lập vào năm 1972 với trụ sở chính tại London (Anh Quốc) với hơn 1000 chuyên gia nghiên cứu thị trường và chuyên gia tư vấn toàn cầu cung cấp thông tin thị trường của trên 80 quốc gia.

[44] https://edition.cnn.com/travel/article/best-nightlife-cities/index.html

[45] Ngân hàng Thế giới, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=TH

[46] Lê Hạnh, Kinh tế ban đêm – Kinh nghiệm Tokyo và Bangkok trong khai thác đặc điểm văn hóa phục vụ phát triển kinh tế ban đêm, Hai Phong news, https://haiphongnews.gov.vn/vn/tin-tuc/kinh-te-ban-dem-kinh-nghiem-tokyo-va-bangkok-trong-khai-thac-dac-diem-van-hoa-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-ban-dem-ct5689.html

[47] https://www.tatnews.org/2022/07/thailand-tourist-police-launches-i-lert-u-mobile-app-for-24-hour-assistance/

[48] Kim Thủy, “Làm Casino – Học Singapore cái gì?”, https://cafebiz.vn/thi-truong/lam-casino-hoc-singapore-cai-gi-201404241423395374.chn

[49] https://snba.org.sg/

[50] https://nhandan.vn/quy-hoach-do-thi-du-lich-kinh-nghiem-tu-singapore-post674610.html

[51] Nguyễn Tuyết Minh, Kinh nghiệm của Malaysia và bài học cải cách hành chính cho Việt Nam, http://thutuchanhchinh.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/noidung/tintuc/Lists/TinCucKiemSoatTTHC&ListId=feee6f8f-944a-4aa6-9c05-40b9c934337b&SiteId=c14f4b03-975c-4234-893b-d5c829a196a7&ItemID=53&SiteRootID=2e8917c2-7ae2-492c-8be8-dcfe4af71a94

[52] Economic Transformation Programme (ETP): A Roadmap for Malaysia, 2010, https://policy.asiapacificenergy.org/node/1271.

[53] Economic Transformation Programme (ETP): A Roadmap for Malaysia, 2010, https://policy.asiapacificenergy. org/node/1271, tr. 45.

[54] Sự cần thiết của việc thành lập cảnh sát du lịch tại Việt Nam, https://vhttdl.com/su-can-thiet-cua-viec-thanh-lap-canh-sat-du-lich-tai-viet-nam.html

[55] Yuwei Xiao, Qingning Chen, Julian Yang (2020), Harmonious Night Time Economy, Harmonious Night Time Economy - Braddon Precinct - Night Time Precinct Review and Strategy

[56] Rob Hayes (2020), “A chance to supercharge the night-time economy”, https://www.infometrics.co.nz/article/ 2020-07-a-chance-to-supercharge-the-night-time-economy.

[57] Matthew M.Chew, “Research on Chinese Nightlife Cultures and Night-Time Economies.”

[58] PGS,TS. Nguyễn Văn Quang chủ biên (2021), Giáo trình Đánh giá tác động về xã hội của chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.11

[59] TS. Đinh Dũng Sỹ (2008), “Chính sách  và mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật trong hoạt động lập pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11/2008.

[60] Đảng Cộng sản Việt Nam, tlđd, tr.20

[61] Nguyễn Hoàng Phương (2020), “Thực trạng và giải pháp kinh tế ban đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học và công nghệ giao thông vận tải, số 36, 5/2020, tr.84 – 87.

[62] Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030

[63] Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2022, tlđd

[65]https://www.planning.nsw.gov.au/-/media/Files/DPE/Manuals-and-guides/guide-for-establishing-and-managing-night-time-economy-uses-2019-01-24.pdf

[66] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XII và Đại hội XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[67] Nguyễn Ngọc Sơn (2022), tlđd.

[68] Báo cáo khảo sát xã hội học do tập thể tác giả thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, năm 2022

[69] Báo cáo khảo sát xã hội học do tập thể tác giả thực hiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, năm 2022

[70] Chẳng hạn, Hiệp hội các ngành kinh tế ban đêm Vương quốc Anh (NTIA) đã ban hành tiêu chuẩn thực hành tốt nhất (good practice) cho các hội viên tham khảo và thực hiện, truy cập tại https://ntia.co.uk/ntia-standards-of-good-practice/

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...