• Thuộc tính
Tên đề tài Đánh giá thực trạng tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay
Nội dung tóm tắt

Phần A:

THÔNG TIN CHUNG VỀ NHIỆM VỤ

I. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

1. Các căn cứ pháp lý thực hiện nhiệm vụ

Người dân tham gia trực tiếp, gián tiếp vào việc quản lý nhà nước và giám sát thực thi pháp luật là một trong những trụ cột chính của thể chế quản trị công,[1] đồng thời là biểu hiện cụ thể của quyền dân chủ đã được ghi nhận tại Điều 28 của Hiến pháp năm 2013.[2]

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của nước ta đã có các quy định liên quan đến việc người dân tham gia giám sát thực thi pháp luật BVMT. Theo khoản 1 Điều 5 của Luật BVMT năm 2014, Nhà nước “tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”. Cũng theo Luật BVMT năm 2014, vai trò của người dân trong giám sát thực thi pháp luật BVMT được thể hiện qua một số quy định như: được tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường (Điều 21); quyền của đại diện cộng đồng dân cư (Điều 146); khiếu nại, khởi kiện, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật BVMT (Điều 162). Chương XV của Luật BVMT năm 2014 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác BVMT. Theo đó, Nhà nước trao quyền cho các tổ chức và cộng đồng dân cư để thực thi một số chức năng trong quá trình tham vấn, góp ý, phản biện, giám sát các quyết định liên quan đến môi trường cũng như quá trình thực thi các quy định về BVMT.[3] Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2014 (Điều 128-131) cũng cụ thể hóa các quy định về nghĩa vụ công khai thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin vào ngày 06/4/2016 (có hiệu lực từ 01/7/2018), theo đó người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Điều này đã tạo điều kiện để người dân, tổ chức có được những thông tin cần thiết trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT. Vai trò tham gia giám sát thực thi pháp luật BVMT của người dân cũng được quy định trong các văn bản pháp luật khác, đặc biệt là quy định về trách nhiệm tham vấn cộng đồng trong quá trình lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT mới[4] để thay thế Luật BVMT năm 2014. Luật BVMT năm 2020 tiếp tục ghi nhận chính sách “tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT” (khoản 1, Điều 5) cũng như trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư… Luật này cũng tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư khi lập Báo cáo ĐTM, trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo thông qua nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật BVMT năm 2014 nhằm phát huy vai trò giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư. Luật bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT. Luật cũng bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT (khoản 5 Điều 159 Luật BVMT năm 2020).

Có thể thấy, các quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật BVMT ở nước ta.

2. Sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ

Việt Nam bắt đầu chú trọng đến công tác BVMT từ thập kỷ 90.[5] Sau hơn 3 thập kỷ, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT tương đối toàn diện và đầy đủ. Đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43). Điều này đã thể hiện sự quan tâm ngày càng đúng mức hơn của Nhà nước đối với công tác BVMT.

Có thể thấy, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật tốt, công tác BVMT chỉ đạt được hiệu quả khi công tác thực thi pháp luật được coi trọng đúng mức và đi kèm với đó là đảm bảo được việc giám sát quá trình thực thi pháp luật. Nhằm tạo bước chuyển biến trong việc ứng phó, xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, khá nhiều giải pháp đã được triển khai. Ví dụ, từ năm 2017,[6] Tổng cục Môi trường đã tổ chức lập, vận hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống đường dây nóng đã góp phần phát hiện, xử lý hàng nghìn vấn đề, điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc đã được Tổng cục Môi trường phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời. Một số vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh như Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương sử dụng tro lò đốt rác thải để san lấp mặt bằng; nước thải công nghiệp nhuộm chưa xử lý tại các xã Phú Phúc, Hòa Hậu (Lý Nhân - Hà Nam) chảy thẳng ra sông Hồng gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được xử lý.

Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến nghiêm trọng ở không ít địa phương. Dù mức xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đã tăng đáng kể, số lượng các vụ vi phạm môi trường vẫn có xu hướng tăng. Ví dụ, trong năm 2013, riêng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 13.386 vụ vi phạm, tăng 34% so với  năm 2012.[7] Gần đây, theo Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 01/10/2019 đến 31/7/2020) của Bộ Công an, lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.[8] Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên… diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Không ít doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí khiến các lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải... bị ô nhiễm nghiêm trọng…

Có thể nói ô nhiễm môi trường ở nước ta chưa được kiểm soát tốt, trong đó có nguyên nhân từ việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Giám sát thực thi pháp luật chưa hiệu quả cũng góp phần dẫn đến những hạn chế trong việc phòng tránh và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật BVMT. Thực tế cho thấy đến nay sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát trong lĩnh vực BVMT nói chung, thực thi pháp luật BVMT nói riêng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Nội dung, phương thức người dân tham gia giám sát thực thi pháp luật về BVMT được quy định rải rác trong Luật BVMT (2014 và năm 2020). Trong đó, Luật BVMT chưa quy định quyền tham gia trực tiếp vào hoạt động BVMT (trong đó có hoạt động giám sát thực thi pháp luật) mà chỉ quy định quyền tham gia gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hay đại diện cộng đồng dân cư. Cơ chế bảo đảm quyền tham gia giám sát trực tiếp của người dân đối với việc thực thi pháp luật về BVMT (bao gồm các yếu tố chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức thực hiện và chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ đảm bảo việc thực thi của quyền này) có phần chưa thực sự rõ ràng.

Ngay cả đối với nội dung, phương thức giám sát gián tiếp, hầu như Luật BVMT năm 2014, 2020 chưa có quy định cụ thể. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 có một chương riêng quy định về chức năng phản biện và giám sát của Mặt trận, nhưng vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT thông qua chủ thể này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường của các cơ quan nhà nước (CQNN) còn khá chung chung, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) năm 2016 cũng còn những hạn chế nhất định (ví dụ nội dung lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin trong Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin[9] dễ đến sự tùy nghi, lạm dụng trong thực tiễn…). Trong thực tiễn, liên quan đến lập Báo cáo ĐTM, người dân cũng chưa được tiếp cận đầy đủ với những thông tin về nội dung Báo cáo và nhiều khi chưa tham gia trực tiếp, hiệu quả vào quá trình tham vấn Báo cáo; các tổ chức quần chúng ở tất cả các cấp - từ trung ương đến địa phương - và các nhóm công dân hay các nhà nghiên cứu khó có thể tiếp cận được các dự thảo Báo cáo và thậm chí cả các bản Báo cáo đã được phê duyệt.

Mặc dù Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung quy định về thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT nhưng vấn đề quan trọng là trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý. Luật BVMT năm 2020 chỉ mới đề cập đến trách nhiệm giải trình của chủ dự án khi tham vấn Báo cáo ĐTM.[10] Trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý trong các văn bản pháp luật khác[11] vẫn còn khá chung chung, chưa đầy đủ (hầu như thiếu yếu tố chịu trách nhiệm), chưa thực sự tạo cơ chế bảo đảm cho người dân thực thi quyền giám sát thực thi pháp luật BVMT.

Một điểm quan trọng là hiện nay còn thiếu cơ chế hỗ trợ người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BVMT. Điều này thực sự cần thiết bởi nhiều vấn đề liên quan đến môi trường (giám định, xác định thiệt hại…) cần nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh phí. Do đó, nhiều khi người dân không thể theo đuổi các vụ khiếu nại, tố cáo hay khởi kiện liên quan đến BVMT…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật... Để phục vụ tốt cho các chức năng này thì cần có các thông tin thực tiễn về thực thi pháp luật nói chung, trong đó có thông tin về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật BVMT. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tư pháp góp ý, thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng như phục vụ trực tiếp cho việc quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT. Đồng thời, sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ sẽ bao gồm bản thảo Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, phát huy hiệu quả vai trò của người dân vào công tác BVMT trong thời gian tới.

Chính vì vậy, việc Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ Đánh giá thực trạng tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay” là thực sự cần thiết.

II. MỤC TIÊU CỦA NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu chung

Trên cơ sở đánh giá thực trạng người dân tham gia giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại địa phương, nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu chung là đưa ra được các giải pháp góp phần bảo đảm, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật BVMT tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

2. Mục tiêu cụ thể

(1) Rà soát, đánh giá được các quy định pháp luật hiện hành về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT;

(2) Đánh giá được thực trạng sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại địa phương trong thời gian qua, chỉ rõ những điểm hạn chế, bất cập đồng thời rút ra được nguyên nhân của các hạn chế, bất cập đó;

(3) Đề xuất được các giải pháp (hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật) góp phần bảo đảm, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật BVMT tại Việt Nam trong thời gian tới;

(4) Xây dựng được bản thảo Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam (quy định pháp luật về phạm vi, nội dung, quy trình, kĩ năng tham gia giám sát).

III. PHẠM VI CỦA NHIỆM VỤ

1. Phạm vi không gian

Trong khuôn khổ nguồn lực được duyệt, nhiệm vụ không thể thực hiện khảo sát trên tất cả các tỉnh trong phạm vi cả nước. Do vậy, nhiệm vụ triển khai khảo sát tại 10 địa phương nhưng vẫn bảo đảm tính đại diện vùng, miền, tính thời sự về thực thi pháp luật BVMT...

2. Phạm vi thời gian

Nhiệm vụ được triển khai thực hiện trong 02 năm (2021-2022). Trong đó năm 2021 là năm chuyển giao giữa Luật BVMT năm 2014 và Luật BVMT năm 2020. Vì vậy, việc đánh giá thực tiễn sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật BVMT sẽ bao gồm đánh giá thực tiễn tổ chức thi hành cả 02 đạo luật này. Theo đó, phạm vi thời gian đánh giá, khảo sát thực tiễn của nhiệm vụ được xác định từ năm 2015 đến nay.

IV. NỘI DUNG CỦA NHIỆM VỤ

1. Phân tích, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT

1.1. Rà soát, hệ thống hóa, tổng hợp hệ thống văn bản pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT (từ 2015 đến nay).

1.2. Đánh giá các quy định pháp luật cụ thể về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT.

2. Phân tích, đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại địa phương trong thời gian qua

2.1. Đánh giá tổng thể thực trạng thực thi pháp luật về BVMT tại các địa phương được khảo sát

2.2. Đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật về BVMT (ưu điểm, hạn chế):

(1) Chủ thể giám sát (người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư) và chủ thể bị giám sát (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân, tổ chức);

(2) Nội dung, phạm vi giám sát;

(3) Hình thức giám sát (tham gia trực tiếp/gián tiếp thông qua các tổ chức, đoàn thể);

(4) Phương thức giám sát (theo dõi, phản ánh trực tiếp; phản ánh thông qua cơ quan dân cử, các đoàn giám sát của cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, truyền thông; khiếu nại, tố cáo…);

(5) Cơ chế tiếp nhận, xử lý kết quả giám sát (phản ánh của người dân) (tiếp nhận, giải trình, xử lý…),;

(6) Các điều kiện bảo đảm sự tham gia giám sát (công khai, minh bạch thông tin quản lý của cơ quan nhà nước; quyền tiếp cận thông tin; cơ chế bảo vệ người dân trong một số trường hợp như khiếu nại, tố cáo…).

Từ đó, rút ra nguyên nhân của các hạn chế, bất cập.

3. Đề xuất các giải pháp góp phần bảo đảm, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động giám sát thực thi pháp luật BVMT tại Việt Nam trong thời gian tới

- Giải pháp hoàn thiện về hoàn thiện hệ thống pháp luật;

- Giải pháp về tổ chức thực thi pháp luật.

4. Xây dựng bản thảo Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam

 

V. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN, QUY MÔ VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1. Đối tượng khảo sát

Dựa trên nội dung, nhiệm vụ xác định 04 nhóm đối tượng khảo sát:

- Nhóm 1: Người dân (từ đủ 18 tuổi trở lên), doanh nghiệp;

- Nhóm 2: Các tổ chức (MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; cơ quan dân cử ở địa phương...);

- Nhóm 3: Cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT: Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; Sở Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan có liên quan;

- Nhóm 4: Một số cơ quan truyền thông, báo chí, luật sư...

2. Về quy mô, địa bàn khảo sát

Căn cứ vào các tiêu chí đã nêu (tại mục 1 - Phần III), nhiệm vụ khảo sát tại 10 địa phương sau:

- Miền Bắc: Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái, TP. Hà Nội;

- Miền Trung - Tây Nguyên: Nghệ An, TP. Đà Nẵng, Kon Tum;

- Miền Nam: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, An Giang.

3. Phương pháp thực hiện

Nhiệm vụ sử dụng các phương pháp thực hiện như sau:

3.1. Khảo sát chọn mẫu bằng phiếu hỏi

Có 03 loại mẫu phiếu khảo sát (áp dụng cho 03 nhóm đối tượng).[12] Số lượng phiếu khảo sát thu được như sau:

Loại phiếu

Hà Nội

Lạng Sơn

Yên Bái

Nghệ An

Đà Nẵng

Kon Tum

TP. HCM

Bình Dương

An Giang

Phú Thọ

Tổng cộng

Phiếu số 1: Dành cho người dân (người dân và doanh nghiệp)

220

150

178

180

184

181

164

173

146

183

1759

Phiếu số 2: Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên...

70

40

10

21

23

33

11

22

50

34

314

Phiếu số 3: Dành cho cán bộ

160

120

127

114

103

98

138

117

114

93

1184

Tổng cộng

450

310

315

315

310

312

313

312

310

310

3257

3.2. Tổ chức các hội thảo khoa học (kết hợp phỏng vấn sâu) với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức… địa phương

Tại mỗi địa phương, nhiệm vụ tổ chức các hội thảo khoa học như sau:

- Tổ chức hội thảo khoa học (kết hợp phỏng vấn sâu) tại 02 UBND cấp xã đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT (01 buổi/xã x 02 xã);

- Tổ chức 01 Hội thảo khoa học cấp huyện (kết hợp phỏng vấn sâu) đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT (01 buổi);

- Tổ chức 01 Hội thảo khoa học cấp tỉnh (kết hợp phỏng vấn sâu) đánh giá giá thực trạng sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT (02 buổi).

Tổng cộng qua khảo sát tại 10 địa phương thu được 122 báo cáo tham luận (kèm theo bảng số liệu của các cơ quan tài nguyên và môi trường, MTTQ Việt Nam các cấp).

3.3. Các hoạt động thu thập tư liệu   

Để bổ sung nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động phân tích, xử lý kết quả khảo sát, Ban chủ nhiệm đã tổng hợp thêm các tư liệu, các tình huống, vụ việc điển hình, thông tin thực tiễn của một số địa phương khác (ngoài 10 địa phương được đi khảo sát trực tiếp) từ nhiều nguồn như: tạp chí, mạng internet, các công trình nghiên cứu, các chuyên đề, báo cáo...

Ngoài các phương pháp nêu trên, các phương pháp chuyên ngành như phương pháp thống kê, phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp hệ thống, phương pháp dự báo cũng đã được sử dụng.

VI. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ

1. Xây dựng và hoàn thiện Thuyết minh nhiệm vụ

2. Hoạt động nghiên cứu tại chỗ

- Tập hợp, rà soát, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành quy định về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT làm căn cứ xây dựng thuyết minh chi tiết, phương án khảo sát, mẫu phiếu điều tra và kế hoạch khảo sát;[13]

- Tổng thuật các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến thực trạng pháp luật, thực tiễn sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT làm căn cứ xây dựng phương án khảo sát, mẫu phiếu điều tra và kế hoạch khảo sát.

3. Xây dựng phương án khảo sát, các mẫu phiếu điều tra, kế hoạch khảo sát tại địa phương

- Xây dựng phương án khảo sát;

- Xây dựng các mẫu phiếu khảo sát;

- Xây dựng kế hoạch khảo sát địa phương, công văn gửi địa phương;

- Tổ chức họp góp ý các mẫu phiếu khảo sát và kế hoạch khảo sát địa phương.

4. Khảo sát tại địa phương

4.1. Thành lập các đoàn khảo sát

Đoàn khảo sát tại mỗi địa phương bao gồm: 01 Trưởng đoàn, 01 thư ký nội dung, 01 thư ký hành chính và 03-04 thành viên đoàn khảo sát.

4.2. Về hoạt động khảo sát tại địa phương[14]

- Khảo sát bằng phiếu hỏi: Ban chủ nhiệm phát và hỏi phiếu trực tiếp đối với các đối tượng tại mỗi địa phương (thành phần các đối tượng cụ thể theo mục V).

- Tổ chức các hội thảo khoa học (kết hợp phỏng vấn sâu) với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở, dự kiến tại mỗi tỉnh/thành phố tổ chức 02 hội thảo, phỏng vấn tại 02 UBND cấp xã; 01 hội thảo tại UBND huyện; 02 buổi Hội thảo cấp tỉnh/thành phố về đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT.

4.3. Xây dựng báo cáo kết quả khảo sát tại các địa phương[15]

5. Xử lý kết quả phiếu khảo sát

6. Tổ chức một số hội thảo khoa học phục vụ cho hoạt động xây dựng kế hoạch khảo sát, phương án khảo sát, mẫu phiếu, xây dựng báo cáo kết quả nhiệm vụ

Tổ chức 05 hội thảo khoa học phục vụ cho các hoạt động chung về một số nội dung sau:

Năm 2021:

- Hội thảo khoa học 01 (02 buổi): Đánh giá tổng quan hệ thống pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT;

- Hội thảo khoa học 02 (02 buổi): Về phương pháp, kế hoạch, phương án khảo sát, mẫu phiếu của nhiệm vụ. 

Năm 2022:

- Hội thảo khoa học 01 (02 buổi): Một số vấn đề về thực tiễn người dân tham gia giám sát thực thi pháp luật về BVMT hiện nay;

- Hội thảo khoa học 02 (02 buổi): Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi góp phần bảo đảm, tăng cường sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật BVMT tại Việt Nam;

- Hội thảo khoa học 03 (02 buổi): Hoàn thiện Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam.

7. Xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả của nhiệm vụ

- Xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả của nhiệm vụ (trong đó có các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan có liên quan);

- Xây dựng bản thảo Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam.[16]

VII. SẢN PHẨM, ĐỊA CHỈ BÀN GIAO SỬ DỤNG

1. Kết quả, sản phẩm

- Sản phẩm trung gian: Thuyết minh nhiệm vụ; 03 mẫu phiếu khảo sát.

- Báo cáo tổng hợp kết quả của nhiệm vụ, trong đó nêu rõ kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT.

- Bản thảo Bộ tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về BVMT tại Việt Nam.

2. Địa chỉ bàn giao, ứng dụng

- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;

- Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật);

- Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ pháp chế).

 


[1] UN Department of Economic and Social Affairs, United Nations E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, New York, 2020, tr. 115.

[2] Điều 28 của Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

[3] Điều 144, 145, 146.

[4] Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, trừ khoản 3 Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2021.

[5] Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2015), Thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh tư pháp, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 3.

[6] Linh Chi (2021), Xử lý hàng nghìn phản ánh về ô nhiễm môi trường, https://baotainguyenmoitruong.vn/xu-ly-hang-nghin-phan-anh-ve-o-nhiem-moi-truong-319452.html, ngày 19/01/2021.

[7] Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2015), Thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh tư pháp, tlđd, tr. 3.

[8] Số liệu được Bộ Công an báo cáo tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Nguồn: Tuyết Chinh (2020), 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện, https://baotainguyenmoitruong.vn/19-682-vu-vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong-duoc-phat-hien-310603.html, ngày 14/9/2020.

[9] Quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 24 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Quy định này là không hợp lý bởi nếu thông tin thuộc danh mục được tiếp cận thì lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin là không cần thiết.

[10] Quy định tại khoản 5, Điều 33 của Luật BVMT năm 2020.

[11] Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan.

[12] Các đối tượng này vừa được điều tra chọn mẫu bằng phiếu hỏi vừa được khảo sát thông qua hội thảo khoa học. Riêng các đối tượng: đại diện cơ quan dân cử ở địa phương (nhóm 2) và nhóm 4 sẽ được tập trung tham vấn ý kiến tại các hội thảo khoa học. Nội dung các mẫu phiếu khảo sát xem lại Phụ lục 03.

[13] Xem Phụ lục 04.

[14] Xem Phụ lục 05.

[15] Xem Phụ lục 02.

[16] Xem Phụ lục 01.

 

Nội dung toàn văn
File đính kèm ...