• Thuộc tính
Tên đề tài Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Nội dung tóm tắt

 

Ngày 08 tháng 11 năm 2013, sau gần 10 kiên trì bền bỉ phấn đấu, Thủ tưởng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083 QĐ/TTg về phê duyệt Đề án “xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp” (sau đây gọi tắc là Đề án 2083).

 Mục tiêu tổng quát của Đề án là “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đối với Học viện Tư pháp, Đề án 2083 trở thành cơ hội lớn cho tương lai phát triển nhà trường, giai đoạn 2013 – 2015, tầm nhìn 2020. Song phải làm gì và làm thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn “Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”? Tất cả những người tham gia xây dựng Đề án nói riêng cũng như toàn Học viện nói chung đều nhận thức sâu sắc rằng, giải pháp tối ưu nhất nhưng cũng khó khăn nhất, cần nhiều quyết tâm chính trị và sự đầu tư toàn diện nhất là “chinh phục đỉnh cao chất lượng đào tạo”.

Hiện tại là thời điểm mà hơn bao giờ hết, vấn đề chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng, chất lượng cơ sở đào tạo của Học viện nói chung trở thành ưu tiên hàng đầu cho giải pháp đột phá về phát triển Học viện. Tính từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 6 năm 2015, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được tổng số 47.721 học viên, trong đó số học viên được đào tạo là 34.750 học viên, số học viên được bồi dưỡng là 12.971 lượt học viên. Đa số học viên tốt nghiệp đã được bổ nhiệm CDTP và sau khi bổ nhiệm đã phát huy tốt kiến thức được học; có phương pháp làm việc khoa học; tác nghiệp thành thạo; rút ngắn thời gian làm quen với công việc; tự tin khi thực hiện nhiệm vụ được giao... Trong số các học viên được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, có nhiều học viên được giữ chức vụ lãnh đạo Toà án, Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực, quân khu... Nhưng bức tranh chung về chất lượng đào tạo này chưa phải là kết quả đúc rút từ cơ chế đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp, theo cách tiếp cận và quy định hiện hành về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Sở dĩ có hiện trạng này là vì từ khi thành lập (năm 1998) đến nay, các chương trình đào tạo của Học viện vẫn chưa được định vị rõ rang, minh thị trong hệ thống giáo dục quốc dân.  

Cho đến thời điểm Bộ Chính trị ra Thông báo số 116-TB/TW ngày 27 tháng 11 năm 2012 về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân: “Để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân, đồng ý để Tòa án nhân dân được đào tạo nghề Thẩm phán và Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đào tạo nghề Kiểm sát viên”, thì đối với hai chức danh Thẩm phán và Kiểm sát viên, thay vì chỉ đào tạo tại Học viện Tư pháp như trước đây, nay đã có thêm cơ sở các đào tạo của ngành Tòa án, Kiểm sát và đến năm 2016 là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng tổ chức đào tạo nghiệp vụ luật sư. Một sự thay đổi căn bản về thể chế điều chỉnh hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, đó là mô hình đào tạo chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo khác nhau, thay thế mô hình trước đây chỉ đào tạo tại Học viện Tư pháp.

Khi kết nối những “mảnh ghép” nêu trên qua lăng kính tiếp cận của tư duy hệ thống sẽ thấy vấn đề quan trọng, cấp bách đối với Học viện Tư pháp hiện nay là: Học viện không thể đứng ngoài công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Công cuộc này tại Học viện chính là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo chức danh tư pháp. Mục tiêu chiến lược của đổi mới cần được xác định là xây dựng và phát triển bền vững vị trí hàng đầu về thương hiệu đào tạo chức danh tư pháp song song hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, phân đấu vươn lên trở thành cơ sở đào tạo nghề Luật có uy tín trong cộng đồng ASEAN, thực hiện trách nhiệm xã hội vê cung cấp dịch vụ pháp lý vì cộng đồng và nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng.

Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn chiến lược đó, toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo tư pháp tại Học viện phải nhanh chóng được đưa vào khuôn khổ thể chế và vận hành chuyên nghiệp của Hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo nghề Luật. Đây là sự đột phá về quản trị đào tạo hướng theo mục tiêu chất lượng.

Tuy nhiên, về vấn đề quản lý chất lượng nói chung và đảm bảo chất lượng đào tạo nói riêng, Học viện Tư pháp mới chỉ có một số hoạt động bước đầu tiếp cận ở góc độ, phạm vi rất nhỏ hẹp. Mặc dù yêu cầu khẳng định chất lượng, nâng cao chất lượng luôn đặt đặt ra nhưng Học viện chưa đầu tư hoạt động nghiên cứu thực sự bài bản và có hệ thống về đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP phù hợp với tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và với đặc thù của lĩnh vực đào tạo này.

Từ thực tiễn nêu trên, việc đặt vấn đề nghiên cứu đề tài  “HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN” trong khuôn khổ đề tài cấp bộ là hết sức cấp bách và thiết thực.

2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU THUỘC LĨNH VỰC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo là chủ đề khoa học đã được Bộ Giáo dục đào tạo và nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam triển khai nghiên cứu, thực hiện trong thực tiễn. Đã có nhiều công trình được công bố dưới dạng đề tài khoa học, hội thảo hoặc bài viết đăng tạp chí chuyên ngành về vấn đề này và trong khuôn khổ công trình nghiên cứu này các tác giả có sử dụng tham khảo (thông tin chi tiết thể hiện trong danh mục tài liệu tham khảo của Đề tài đính kèm theo Báo cáo này).

Trong thời gian qua, một số công trình, đề tài khoa học nghiên cứu về đào tạo các chức danh tư pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về chất lượng đào tạo ở, góc độ và mức độ khác nhau đã được Bộ Tư pháp và Học viện Tư pháp triển khai.

* Một số đề tài cấp Bộ: Đề tài: Phương pháp đào tạo các chức danh tư pháp,  PGS.TS.Phan Hữu Thư (chủ nhiệm), 2009; Đề tài: Xây dựng cơ chế thi tuyển quốc gia đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, PGS.TS.Nguyễn Văn Huyên (chủ nhiệm), 2010; Đề án: Xây dựng hệ thống các biện pháp áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp, PGS.TS. Phan Hữu Thư (chủ nhiệm), 2010; Đề tài: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp giai đoạn 2011-2015, TS. Phan Chí Hiếu (chủ nhiệm), 2011; Đề tài: Xây dựng cơ chế thi tuyển tư  pháp quốc gia đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên (chủ nhiệm), 2011.

* Các đề tài cấp cơ sở do Học viện Tư pháp thực hiện: Nghiên cứu khả năng, điều kiện xây dựng, áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, TS. Lê Mai Anh (chủ nhiệm), 2012; Đổi mới phương pháp đánh giá học viên trong đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp, ThS. Trần Minh Tiến (chủ nhiệm), 2011; Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo CDTP, Ths.Đồng Thị Kim Thoa, 2013; Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động NCKH, TS.Lê Lan Chi (chủ nhiệm), 2014; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới, TS.Lê Mai Anh (chủ nhiệm), 2013; Đánh giá chất lượng cấp chương trình, TS.Lê Lan Chi (chủ nhiệm), 2014.

Nội dung các đề tài nêu trên, từ nhiều góc độ và cách các tiếp cận khác nhau đã hướng đến vấn đề chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, do khuôn khổ còn hạn hẹp và nội dung nghiên cứu chỉgiới hạn ở vấn đề cụ thể trong khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng hoặc nghiên cứu khoa học nên các đề tài nêu trên đều chưa giải quyết một cách trực tiếp, sâu sắc và toàn diện các vấn đề thuộc hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP tại HVTP. Bên cạnh đó, nhiều đề tài vốn triển khai từ trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP, nên việc nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp vẫn để ngỏ cho đến khi triển khai thực hiện đề tài này.

Ngoài các công trình nghiên cứu nêu trên, Học viện Tư pháp cũng đã có một số hoạt động khoa học được tổ chức dưới hình thức các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học trong khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế thuộc Dự án JUDGE (CANADA) giai đoạn 2007 – 2012, có nội dung tiếp cận bước đầu để tìm hiểu về kiểm định chất lượng, văn hóa chất lượng trong hoạt động đào tạo tư pháp. Đánh giá chung, tuy các hoạt động khoa học nêu trên chưa thực sự đề cập sâu sắc đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, nhưng các hoạt động nghiên cứu đơn lẻ trên có giá trị tạo những khởi nguồn quan trọng và nền tảng cho việc  triển khai thực hiện Đề tài này.

Với bối cảnh tổng quan trên, có thể khẳng định, đề tài “HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN” là một đề tài khoa học mới, không trùng lặp với những công trình nghiên cứu đã được công bố tại Học viện Tư pháp.

3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

 Việc thực hiện đề tài hướng vào những mục đích sau:

Thứ nhất, làm thay đổi nhận thức chung của tập thể lãnh đạo Học viện, đội ngũ cán bộ chủ chốt, giảng viên, chuyên viên, học viên và những đối tác hợp tác của Học viện hiểu đúng được tầm quan trọng, chức năng và giá trị quản trị đào tạo chuyên nghiệp của hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Thứ hai, trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo bên trong cơ sở đào tạo cho toàn thể thành viên cộng đồng sư phạm nhà trường, từ cao nhất là Giám đốc Học viện đến toàn thể giảng viên, chuyên viên làm công tác quản lư đào tạo và chú trọng đặc biệt trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo chất lượng đào tạo cho đội ngũ giảng viên trong và ngoài Học viện, những người mà kết quả hoạt động của họ có tác động tích cực đến việc đổi mới và thường xuyên cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập trong Học viện’

Thứ ba, Kết quả thực hiện đề tài còn có mục đích quan trọng là đặt nền tảng lý luận và thực tiễn căn bản cho việc nhận diện, tiếp cận phù hợp với mô h́nh lư thuyết về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện trong thời gian tới.

Đề tài có các nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, nghiên cứu các vấn đề lý thuyết về cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp áp dụng tại Học viện Tư pháp từ góc độ các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo

Thứ hai, đánh giá thực trạng hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp, trong đó làm rõ những kết quả đã đạt được, những điểm hạn chế, tồn tại và bất cập cần khắc phục để khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện  cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp trong thời gian tới;

Thứ ba, kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện việc đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp áp dụng tại Học viện Tư pháp đối với Chương trình đào tạo, và  cơ sở đào tạo, cùng những điều kiện đảm bảo thực hiện (thực chất là giải pháp và điều kiện để ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài vào thực tiễn hoạt động đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện).

4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Xây dựng hệ thống ĐBCL của HVTP là một đề tài có tính chất và nội dung rộng và phức tạp. Trong khuôn khổ đề tài và điều kiện thực tế hạn hẹp về về thời gian và nguồn lực thực hiện, Chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài xác định phạm vi nghiên cứu chính chủ yếu tập trung vào các thành tố và vấn đề chính yếu về đảm bảo chất lượng đào tạo tại Học viện Tư pháp, trong đó chú trọng 03 yếu tố: (1) Mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và chính sách chất lượng trong chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp; (2) Tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng cấp cơ sở đào tạo, cấp chương trình đào tạo và các công cụ đánh giá chất lượng khác; (3) Quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình trong đảm bảo chất lượng bên trong.

Những nội dung khác về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cũng được đề cập ở những mức độ nhất định để đảm bảo tính hệ thống, toàn diện của vấn đề nghiên cứu, làm cơ sở nền tảng cho việc tiếp tục phát triển các hoạt động nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

5.1.TIẾP CẬN TỔNG QUAN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

5.1.1. Một số vấn đề về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng đào tạo (Vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam; Đặc thù hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp; Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo CCDTP...).

5.1.2. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo. 

  5.1.3. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng chiến lược phát triển Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp: Cơ sở lý luận; Các yếu tố tác động đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

 5.2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

5.2.1. Chính sách chung trong công tác kiểm soát, quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp.

5.2.2. Bộ tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí đánh giá chất lượng. 

5.2.3 Thiết chế quản lý chất lượng

5.2.4. Văn hóa chất lượng  

5.2.5. Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng

5.2.6. Nguồn lực và biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.

5.2.7. Đánh giá chung về những thành tựu, kết quả bước đầu trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo; những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để nâng cao hiệu quả đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian tới; và sự cần thiết thay đổi chính sách chất lượng và hệ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

5.3. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP.

5.3.1. Giải pháp xây dựng thể chế về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

5.3.1.1. Xây dựng tuyên ngôn sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp - nền tảng của chính sách chất lượng và hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

5.3.1.2. Xây dựng văn hóa chất lượng trong hoạt động của Học viện Tư pháp

5.3.1.3. Lập kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2015- 2020

5.3.1.4. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí  đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

5.3.1.5. Xây dựng thiết chế quản lý chất lượng (đơn vị chuyên trách)

5.3.2. Giải pháp xây dựng, thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

5.3.2.1. Quy trình đảm bảo chất lượng bên trong: Tự đánh giá chất lượng

5.3.2.2. Một số đề xuất bước đầu về mô hình đánh giá bên ngoài (kiểm định độc lập) chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

5.3.3. Giải pháp tăng cường nguồn lực và biện pháp thực hiện trong cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

5.3.3.1. Nguồn nhân lực của hệ thống đảm bảo chất lượng

5.3.3.2. Phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá trong quản lý chất lượng

5.3.3.3. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động đảm bảo chất lượng

* Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu thực hiện đề tài:

Phương pháp tiếp cận của Đề tài là tuân theo quy luật khách quan của sự vận động và phát triển tổ chức, phù hợp với tổ chức bộ máy của cơ sở đào tạo công lập, hoạt động tự chủ, hướng ra cộng đồng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu phát triển hiện đại, bền vững đối với Học viện có sứ mệnh đào tạo nghề Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao của Việt Nam.

Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng và nhà nước ta về cải cách tư pháp, về công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, về đổi mới toàn diện nền giáo dục đào tạo.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống, như phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh đối chiếu, tiếp cận thực tiễn, phỏng vấn, điều tra xã hội học, hội thảo chuyên đề...đã được sử dụng nhằm có được kết quả nghiên cứu khách quan, chính xác, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

 

 

6. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC

Đề tài là công trình đầu tiên tại Học viện Tư pháp đưa ra cách tiếp cận chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, phù hợp với những biến đổi hiện đang diễn ra trong thực tiễn của ngành cũng như xã hội, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Trên cơ sở các nghiên cứu chuyên đề, đề tài đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu của đề tài, cụ thể là các nội dung sau:

- Tổng kết đặc thù hệ thống đào tạo hiện nay của Học viện Tư pháp và một số kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế để làm căn cứ cho việc đề xuất mô hình đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với Học viện Tư pháp.

- Đề xuất  cơ chế  đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp (đảm bảo bên trong, đảm bảo bên ngoài, quy trình, công cụ… )

- Đề xuất kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.

* Khả năng ứng dụng, các lợi ích mang lại và tác động của kết quả nghiên cứu

Từ mục tiêu và những nội dung nghiên cứu, Đề tài sau khi được nghiệm thu sẽ có khả năng ứng dụng trực tiếp trong lĩnh vực quản trị đào tạo tại Học viện Tư pháp, đồng thời có giá trị tham khảo đối với các cơ sở đào tạo nghề luật khác.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài có ý nghĩa góp phần thay đổi hệ thống quản lý chất lượng đào tạo và từng bước khẳng định thương hiệu của Học viện Tư pháp. Một số kiến nghị của đề tài nghiên cứu có thể được phát triển thành chính sách hoặc quy định pháp luật (liên tịch, liên ngành), nhằm nhất thể hóa các quy định về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, các giải pháp đổi mới của đề tài khi được áp dụng sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh, tạo đà cho bước phát triển của Học viện Tư pháp trong giai đoạn mới.

7. TỔNG QUAN CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU: CÁC LUẬN ĐIỂM CHÍNH VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

 

Chương 1. MÔ HÌNH HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

1.1. Tổng quan về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Đề tài nghiên cứu làm sáng tỏ những nội dung sau đây về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

-                   Hoạt động đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam

-         Vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam

-         Đặc thù hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và tác động đối với việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo

·        Đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy của HVTP

·        Đặc thù về đối tượng đào tạo của HVTP

·        Đặc thù về mục tiêu đào tạo của HVTP

·        Đặc thù về triết lý đào tạo và công nghệ đào tạo

·        Đặc thù về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy

·        Đặc thù về nguồn nhân lực đào tạo của HVTP

·        Đặc thù về nguồn lực vật chất phục vụ đào tạo của HVTP

·        Đặc thù về cơ chế phối hợp trong hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp

Những điểm đặc thù trên trực tiếp tác động đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất luợng đào tạo – bồi dưỡng các chức danh tư pháp.

1.2. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo 

Tiếp cận hiện đại về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy: Hệ thống đảm bảo chất lượng là một thành tố chính của hệ thống quản lý chất lượng. “Đảm bảo chất lượng là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch và có hệ thống, được tiến hành trong hệ thống chất lượng và được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo sự tin tưởng thỏa đáng rằng thực thể (tổ chức) sẽ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng”. Hệ thống đảm bảo chất lượng gồm 02 thành tố chính: Đảm bảo chất lượng bên trong và đảm bảo chất lượng bên ngoài.

Đề tài đã nghiên cứu một số kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo tư pháp của một số nước và vấn đề vận dụng đối với Học viện Tư pháp

Trên thế giới hiện có nhiều mô hình hệ thống ĐBCL trong giáo dục đào tạo trong đó, nổi bật hơn cả là mô hình ĐBCL của Hoa Kỳ và các nước Bắc Mỹ; mô hình ĐBCL của các nước châu Âu, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hoặc mô hình do các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB), Mạng lưới chất lượng châu Á Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), tổ chức các Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). Trong quá trình tiếp cận với nhiều mô hình đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay được hình thành theo hướng của mô hình Bắc Mỹ, song có yếu tố phù hợp với mô hình đảm bảo chất lượng của Châu Á - Thái Bình Dương.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài cho phép rút ra một vài nhận định chung và khuyến nghị về kinh nghiệm quốc tế, nước ngoài trong xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần vận dụng đối với Học viện Tư pháp như sau:

Một là, lĩnh vực đào tạo nghề luật (đào tạo tư pháp) vừa có những đặc điểm, yêu cầu chung như với các lĩnh vực giáo dục đại học,  vừa có những điểm đặc thù, do đó khi đề xuất phương án thiết kế hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần phải lưu ý đến có những yếu tố, tiêu chí riêng phù hợp với tính chất của đào tạo tư pháp..

Hai là, trong xu thế hội nhập quốc tế về cải cách tư pháp, về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp và các chiến lược khác của đất nước, việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp nên theo hướng tham khảo kết hợp những điểm phù hợp trong hướng dẫn của các tổ chức quốc tế có uy tín và thành tựu của các nước ngoài tiên tiến, trong đó nổi bật là hướng dẫn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn của đào tạo tư pháp của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators) cũng như các quốc gia khác có hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và đào tạo nghề luật.

Đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo tư pháp của một số cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam và vấn đề vận dụng đối với Học viện Tư pháp

Trong điều kiện của Đề tài, việc nghiên cứu kinh nghiệm về các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam được thực hiện chủ yếu đối với 03 cơ sở đào tạo là: Trường Đại học Luật Hà Nội, và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

            Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn công tác đảm bảo chất lượng của một số cơ sở đào tạo như trên, Đề tài khuyến nghị một số vấn đề về vận dụng kinh nghiệm đối với Học viện Tư pháp trong nghiên cứu xây dựng hệ tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo.

1.3. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng chiến lược phát triển Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp

           Trên cơ sở lý thuyết chung về hệ thống đảm bảo chất lượng và phân tích các yếu tố tác động đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp gồm (1) Quy định pháp luật (về địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp thuộc hệ thống nào); (2) Chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp; (3) Mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo và cách thức tổ chức hoạt động đào tạo, Đề tài đề xuất mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp như sau:

Với sự hiện diện của Đề án Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/11/2013), toàn thể cộng đồng sư phạm của Học viện phải nhận thức rõ tình huống đứng trước ”ngã rẽ chiến lược“ của thời kỳ phát triển mới, đó là chuyển đổi từ "Mô hình đào tạo – bồi dưỡng theo địa chỉ“ sang  “Mô hình đào tạo – bồi dưỡng bắt đầu với sự tập trung vào người học - nhu cầu xã hội và kết thúc bằng sự hài lòng của người học – nhu cầu xã hội”.

Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận của Học viện Tư pháp trong công trình nghiên cứu này là: Mô hình “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo CCDTP tại HVTP” nhìn từ góc độ cấu trúc hệ thống dự kiến được thiết kế trên cơ sở tham chiếu hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện hành; hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và bước đầu tiếp cận học hỏi một số kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo tư pháp, với cấu trúc các thành tố chính là những nguyên lý, quy tắc vận hành chung và có những nội dung cụ thể trong từng thành tố, bộ phận phù hợp với đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và đào tạo nghề luật ở Việt Nam và ở HVTP.

HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO                                                CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

Đảm bảo chất lượng (QA) => Tạo niềm tin về chất lượng, đảm bảo hoặc cải tiến CL liên tục

Thể chế

(1)

Quy trình, thủ tục

(2)

Các nguồn lực và biện pháp thực hiện                             (3)

Chính sách CL (1.1):

(Sứ mênh, mục tiêu PT, chiến lược PT, chính sách, mục tiêu CL, KH chất lượng, cơ chế quản lý

=>

SỔ TAY CHẤT LƯỢNG

Bộ tiêu chuẩn CL, tiêu chí đánh giá CL (1.2):

- Chuẩn quốc gia

- Chuẩn quốc tế

=> Đăng ký kiểm định chất lượng

Thiết chế quản lý CL (1.3)

(đơn vị chuyên trách về ĐBCL)

Văn hóa chất lượng

(1.4)

ĐBCL bên trong (IQA) (2.1)

- Quy trình giám sát

- Các quy chuyên biệt

- Quy trình đánh giá nội bộ (ĐG giá trong/tự ĐG), gồm:

+ ĐGCL cấp cơ sở đào tạo

+ ĐGCL chương trình đào tạo

- Cải tiến chất lượng

ĐBCL bên ngoài (EQA) (2.2)

- Đối sánh (trình ĐBCL trong nước, quốc tế)

- KĐCL (đánh giá CL từ bên ngoài và công nhận):  Quy trình ba bước: (i) Tự đánh giá – (ii) Đánh giá ngoài và (iii) Thẩm định – công nhận đạt chuẩn

Nhân lực tham gia (3.1):

- Lãnh đạo

- Đội ngũ CBGV

- Cán bộ chuyên trách công tác ĐBCL

- Học viên

Phương pháp và công cụ (3.2)

- Công cụ giám sát

- Công cụ đánh giá

(ĐG học viên; ĐG giảng viên; ĐG chương trình, ĐG sản phẩm nghiên cứu; ĐG đơn vị)

Cơ sở vật chất (3.3)

- Hệ thống thông tin

- Tài chính, ngân sách

- Nguồn tài liệu, học liệu

                 

Về cơ bản, các thành tố của hệ thống đảm bảo chất lượng gồm 3 nhóm:

- Nhóm thể chế về đảm bảo chất lượng gồm chính sách chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí đánh giá chất lượng, thiết chế quản lý chất lượng (đơn vị chuyên trách) và văn hóa chất lượng;

- Nhóm quy trình, thủ tục gồm quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng bên trong và quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng bên ngoài;

- Nhóm các nguồn lực và biện pháp thực hiện gồm nguồn nhân lực; phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá; cơ sở vật chất.

Các nội dung nghiên cứu cụ thể về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong các phần tiếp theo chủ yếu dựa trên mô hình này.

            Đối với Học viện Tư pháp, tạo dựng và phát triển nền tảng Văn hoá tổ chức về bản chất là tạo dựng hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống, hình thành trong quá trình phát triển Học viện. Đây là công việc được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho Học viện Tư pháp.

Kết luận chương 1

1. Hệ thống đào tạo – bồi dưỡng các chức danh tư pháp của HVTP căn bản dựa trên ba trụ cột: Trụ cột Thể chế, Bộ máy tổ chức; Trụ cột Chương trình và Nguồn lực đào tạo; Trụ cột Quản trị đào tạo.

Những đặc thù riêng trong mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Tư pháp nói chung và trong đào tạo các CDTP tại HVTP (về mô hình tổ chức bộ máy, về đối tượng đào tạo, mục tiêu đào tạo, triết lý đào tạo và công nghệ đào tạo, về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nguồn nhân lực đào tạo, nguồn lực vật chất phục vụ đào tạo, về phối hợp đào tạo…)  đã, đang và sẽ chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ hoạt động của Học viện trên mọi lĩnh vực. Trong tiến trình xây dựng và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại, việc nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi phải có hệ giải pháp toàn diện và đồng bộ cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo được xây dựng phù hợp với các đặc thù này.

2. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp phụ thuộc rất lớn vào (i) Quy định pháp luật (về địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo thuộc hệ thống nào) (ii) Cách thức tổ chức hoạt động đào tạo; (iii) Mục tiêu đào tạo chức danh tư pháp và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; (iv) Bối cảnh chung của công tác đào tạo CDTP trong tình hình mới.

 Lĩnh vực đào tạo nghề luật (đào tạo tư pháp) có những đặc điểm, yêu cầu chung như với các lĩnh vực giáo dục đại học, đồng thời cũng có những điểm đặc thù, do đó trong việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần phải có những nét riêng nhất định.

Trong bối cảnh chung của Học viện Tư pháp giai đoạn 2015-2020 và thời gian tiếp theo cần có những đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động, hướng tiếp cận của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo CCDTP tại HVTP” nhìn từ góc độ cấu trúc hệ thống dự kiến được thiết kế trên cơ sở tham chiếu hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện hành; hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và bước đầu tiếp cận học hỏi một số kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo tư pháp,  với cấu trúc các thành tố chính là những nguyên lý, quy tắc vận hành chung và có những nội dung cụ thể trong từng thành tố, bộ phận phù hợp với đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và đào tạo nghề luật ở Việt Nam và ở HVTP.

Sứ mệnh của Học viện Tư pháp là phải trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp. Trong bối cảnh cạnh tranh đào tạo để tồn tại và phát triển, cùng với những hạn chế cố hữu đã bám rễ, ăn sâu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp nhiều năm qua thì việc tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra của hoạt động đào tạo bồi dưỡng là vấn đề cấp bách, vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu xuyên suốt trong lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược của Học viện.

 

Chương 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

2.1. Chính sách chung về kiểm soát, quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Từ năm 2006, cùng với việc nghiên cứu, áp dụng hệ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng ISO 9000, vấn đề chất lượng bắt đầu được quan tâm từ khía cạnh khoa học với sự học hỏi kinh nghiệm của một số nước về đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực đào tạo tư pháp. Với điều kiện còn nhiều hạn chế cả về khách quan, chủ quan nhất định, hệ thống này chưa thực sự đầy đủ, toàn diện nhưng cũng đã bước đầu mang lại những tác động tích cực đến các mặt công tác của Học viện.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là từ yêu cầu của việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO, lần đầu tiên Học viện Tư pháp đã xây dựng được Tuyên ngôn sứ mệnh và chính sách chất lượng của mình. Những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn sứ mạng và chính sách chất lượng đến năm 2012  của Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức nào (cấp Học viện hay cấp Bộ) được tiến hành đồng bộ, toàn diện đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp cũng như đánh giá việc thực hiện Tuyên ngôn sứ mạng và chính sách chất lượng nêu trên. Từ năm 2012, Học viện Tư pháp chưa xây dựng được Tuyên ngôn sứ mệnh và chính sách chất lượng mới trong điều kiện có nhiều thay đổi của tình hình khách quan, chủ quan ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của Học viện.

Trước sự phát triển và “chính thức hóa” công tác đảm bảo chất lượng đào tạo Đại học, Học viện Tư pháp đã quan tâm nhiều hơn tới công tác đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp. Điểm đáng lưu ý là trên cơ sở hợp tác giữa Học viện Tư pháp với Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (Dự án JUDGE), năm 2012 Học viện Tư pháp đã biên soạn và xuất bản cuốn “Sổ tay kiểm định chất lượng”, gồm các nội dung chi tiết liên quan tới hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài. Với cuốn Sổ tay này, lần đầu tiên, vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng tại Học viện Tư pháp được đề cập một cách toàn diện và cụ thể, có tính tới đặc thù mô hình đào tạo của Học viện Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà sau khi được ban hành, cuốn Sổ tay kiểm định chất lượng mới dừng lại ở tài liệu tham khảo cho cán bộ, giảng viên nhà trường chứ chưa được sử dụng như một công cụ hữu hiệu cho công tác đảm bảo chất lượng tại Học viện.

2.2. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Trong bối cảnh chung của hoạt động đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cấp cơ sở đào tạo, cấp chương trình đào tạo theo đúng nguyên tắc, phương pháp đã được công nhận và áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Học viện Tư pháp vẫn thực hiện các hoạt động đánh giá chất lượng song không phải với tư cách là một bộ phận của đảm bảo chất lượng mà là một phần của hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo nói chung. Nổi bật nhất là hoạt động đánh giá học viên, đánh giá giảng viên và người lao động.

Về đánh giá học viên, tiêu chí đánh giá học viên gắn liền với việc đánh giá ý thức và kết quả học tập của học viên. Các tiêu chí cụ thể được thể hiện trong Quy chế đào tạo của Học viện, trên cơ sở các quy định chung về đánh giá người học của Luật giáo dục đại học, Điều lệ trường Đại học.

Về đánh giá giảng viên và người lao động, theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan như Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức, Học viện Tư pháp thực hiện chế độ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng năm. Bên cạnh các quy định chung, Học viện Tư pháp đã xây dựng các văn bản, quy chế riêng liên quan tới đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động phù hợp với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của Học viện, như Quy chế giảng viên (ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-HVTP ngày 5/1/2012 của Giám đốc Học viện Tư pháp), Quy chế chi tiêu nội bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 116/QĐ-HVTP  ngày 24/8/2010 của Giám đốc Học viện Tư pháp), Quy chế làm việc (ban hành kèm theo Quyết định số 213/QĐ-HVTP ngày 22/12/2010 của Giám đốc Học viện Tư pháp)… Đối với giảng viên, ngoài các tiêu chí đánh giá chung như đối với viên chức, việc đánh giá giảng viên tập trung vào các tiêu chí về chất lượng, thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Học viện Tư pháp đã bước đầu có các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá từng mặt, từng chủ thể của quá trình đào tạo đã được hình thành và áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, tiêu chí này chủ yếu được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực hiện các quy định pháp luật liên quan về đào tạo và quản lý cán bộ mà không được quan niệm là một bộ phận của hệ thống đảm bảo chất lượng.

2.3. Thiết chế quản lý chất lượng

Học viện Tư pháp, tại thời điểm này, tuy chưa có bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng, song định hướng về việc thành lập bộ phận này đã được tiếp cận ngay trong quá trình đổi mới cơ cấu tổ chức của Học viện theo Đề án vị trí việc làm. Một thuận lợi của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng thiết chế đảm bảo chất lượng là đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, luôn có ý thức đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JUDGE, Học viện Tư pháp đã xây dựng được đội ngũ giảng viên nòng cốt được trang bị khá bài bản kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo.

2.4. Văn hóa chất lượng

Văn hóa chất lượng là hệ thống các giá trị, chuẩn mực và thói quen làm việc có chất lượng đã định hình của mọi thành viên trong đơn vị nhằm thực hiện công việc được giao một cách tốt nhất. Giai đoạn 1998 – 2015, Học viện Tư pháp đã bước đầu tạo dựng được văn hóa chất lượng của đơn vị. Tuy nhiên, do hiện trạng thiếu cặp nhật về hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung, văn hóa và thiết chế quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp chưa hiện diện một cách thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp.Mặc dù chất lượng đào tạo luôn được quan tâm, thậm chí được coi là yêu cầu có tính chất sống còn đối với sự phát triển của Học viện, song văn hóa chất lượng chưa trở thành một phần tất yếu trong nhận thức, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại Học viện. Từ năm 2011, với sự hỗ trợ của Dự án JUDGE, đội ngũ giảng viên nòng cốt của Học viện đã được trang bị những kiến thức và kinh nghiệm bước đầu về công tác đảm bảo chất lượng. Đây là những hạt nhân đầu tiên về đảm bảo chất lượng, góp phần vào việc tạo dựng văn hóa chất lượng tại Học viện.

            2.5. Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng 

            2.5.1. Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng bên trong

            Năm 2006, với sự ra đời của Bộ quy trình ISO, hàng loạt quy trình giải quyết công việc đã được xác định. Bên cạnh đó, các Quy chế đào tạo, Quy chế phối hợp giữa các đơn vị của Học viện Tư pháp với cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, Quy chế hoạt động khoa học của Học viện Tư pháp...đã thể hiện một số quy trình liên quan tới đảm bảo chất lượng bên trong, dù không được đề cập một cách trực tiếp. Tuy nhiên, một cách khái quát, quy trình đánh giá chất lượng bên trong cả ở cấp cơ sở đào tạo và cấp chương trình đào tạo chưa được xây dựng tại Học viện Tư pháp. Hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong đã được thực hiện trong một số mặt hoạt động cơ bản của Học viện:

Đánh giá học viên

Đánh giá học viên là hoạt động thường xuyên được tiến hành tại Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, đánh giá học viên mới được tiếp cận dưới góc độ một hoạt động đào tạo theo Quy chế đào tạo nhằm thu thập thông tin phục vụ việc xác định kết quả học tập của học viên. Với góc độ này, hoạt động đánh giá học viên tại Học viện có nhiều điểm đặc thù, đạt được những thành công nhất định nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Những hạn chế trong hoạt động đánh giá kết quả học tập như nêu trên bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây: Học viện Tư pháp chưa có đầy đủ thể chế riêng, quy định chi tiết về phương pháp đánh giá kết quả học tập; quy trình xây dựng đề thi một cách cụ thể chi tiết.

Đánh giá giảng viên

Để đảm bảo chất lượng giảng viên, trong các khóa đào tạo Học viện Tư pháp đều tổ chức đánh giá giảng viên. Việc đánh giá giảng viên được thực hiện dưới nhiều hình thức mà phổ biến là: (i) thông qua hoạt động đánh giá công tác, bình xét thi đua hàng năm (đối với giảng viên cơ hữu); (ii) thông qua công tác tổng kết hoạt động giảng dạy của các bộ môn, các khoa; (iii) thông qua đối thoại trực tiếp của lãnh đạo Học viện với học viên; và (iv) thông qua việc phát phiếu khảo sát, phiếu thăm dò ý kiến đánh giá của học viên về đội ngũ giảng viên. Các hoạt động này, tuy chưa được tiến hành thật sự bài bản, đều đặn song đã là kênh thông tin hữu hiệu để Học viện Tư pháp nắm được điểm mạnh, điểm hạn chế của đội ngũ giảng viên – đặc biệt là ý kiến từ phía người học – từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Đánh giá viên chức và người lao động tham gia hoạt động quản lý, phục vụ đào tạo

Để duy trì và nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ đào tạo, Học viện Tư pháp luôn quan tâm tới việc đánh giá chất lượng công tác của đội ngũ viên chức, người lao động tham gia quản lý, phục vụ đào tạo. Tuy nhiên, hoạt động đánh giá đội ngũ này chủ yếu được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về đánh giá viên chức, người lao động mà chưa tính tới đặc thù đào tạo của Học viện Tư pháp.

Quy trình, công cụ đảm bảo chất lượng bên ngoài

Hoạt động kiểm định chất lượng với 03 bước: Tự đánh giá – Đánh giá ngoài – Công nhận đạt chuẩn chưa được thực hiện tại Học viện. Điều này do nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu thể chết liên quan tới hoạt động này, Học viện Tư pháp không chịu sự ràng buộc về kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, một số hoạt động mang hơi hướng đánh giá ngoài đã được thực hiện tại Học viện như hoạt động khảo sát, đánh giá độc lập của đơn vị tư vấn Investconsult Group trong khuôn khổ Dự án JUDGE (năm 2010).  Kết quả khảo sát độc lập này rất có ý nghĩa trong việc giúp Học viện Tư pháp “nhận diện” về chất lượng đào tạo của mình.

2.6. Nguồn lực và biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

- Đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên người lao động và học viên Học viện Tư pháp có nhiều ưu thế để có thể thực hiện tốt hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp. Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nguồn nhân lực tham gia đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp còn một hạn chế lớn là chưa có những cán bộ chuyên trách về công tác này nên hoạt động đảm bảo chất lượng chưa được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Mặt khác, sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên và học viên Học viện Tư pháp tới công tác đảm bảo chất lượng, về cơ bản, vẫn dừng lại ở quyết tâm chính trị và nhận thức chung về chất lượng đào tạo chứ chưa phải là hoạt động đảm bảo chất lượng một cách đúng nghĩa.

- Thực trạng nguồn lực vật chất đầu tư cho công tác đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp: Song song với đầu tư cho công tác xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy cũng từng bước được đổi mới: tăng cường số lượng trang thiết bị (máy tính, máy chiếu) trực tiếp trên giảng đường; bổ sung, thay thế, nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ làm việc, giảng dạy. Thư viện được quan tâm ngoài đầu tư thêm nhiều đầu sách còn đang dần hiện đại hoá, nâng cấp thành thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, học viên và cán bộ, viên chức.Học viện Tư pháp đã xuất bản đầy đủ các bộ giáo trình phục vụ các chương trình đào tạo hiện hành và chú trọng biên soạn các tài liệu khác phục vụ giảng dạy và học tập.

Những thuận lợi về cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư như nêu trên đã góp phần đáng kể giúp Học viện Tư pháp nâng cao chất lượng hoạt động nói chung và là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong thời gian tới.

2.7. Đánh giá chung

           2.7.1.Những thành tựu, kết quả bước đầu trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo

           Trong bối cảnh hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo chưa được thực hiện một cách thật sự bài bản, Học viện Tư pháp đã đạt được những thành tựu, kết quả bước đầu, tạo động lực cho việc xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong tương lai.

           Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng: Về cơ bản Học viện đã thực hiện được mục tiêu đào tạo đề ra, cung cấp kịp thời số lượng các chức danh tư pháp được đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ các chức danh tư pháp. Sau khi kết thúc các khoá đào tạo, học viên được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản; cập nhật kiến thức pháp luật mới; làm quen với môi trường nghề nghiệp và tiếp thu kinh nghiệm thực tế từ các chức danh tư pháp, được giáo dục đạo đức nghề nghiệp và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Điều này đã được các cơ quan có thẩm quyền (như Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII ghi nhận). Trong số các học viên được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, chấp hành viên, có nhiều học viên được giữ chức vụ lãnh đạo toà án, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực, quân khu, nhiều học viên đã trưởng thành và hiện nay đã là các trưởng các văn phòng, công ty luật, văn phòng công chứng có uy tín...

Học viện chưa tiến hành khảo sát các đơn vị sử dụng lao động về việc đánh giá chất lượng đào tạo một cách quy mô, bài bản. Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát đánh giá trung lập về chất lượng đào tạo thẩm phán của Đơn vị tư vấn Investconsult Group, dưới sự tài trợ của Dự án JUDGE (Canada), cho thấy chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp khá là khả quan. Trong 17 năm xây dựng và phát triển, việc đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp đã từng bước phát triển về quy mô, số lượng, phạm vi và mô hình đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần quan trọng cho công cuộc cải cách tư pháp nói chung, tạo dựng uy tín và vị thế trong đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng. Kết quả này đạt được do một nguyên nhân quan trọng là sự thống nhất nhận thức của toàn thể các cá nhân, đơn vị trong Học viện về mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

2.7.2. Những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để nâng cao hiệu quả đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian tới

-  Học viện Tư pháp chưa tiếp cận công tác đảm bảo chất lượng một cách chính thức theo chuẩn mực chung của quốc gia và quốc tế;

- Các thành tố cơ bản của hệ thống đảm bảo chất lượng hầu như chưa hiện diện tại Học viện Tư pháp (ngoại trừ một vài yếu tố nhỏ lẻ mới chỉ hình thành ở mức độ sơ khai như Tuyên ngôn sứ mạng, Quy trình giải quyết công việc theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000…);

- Hoạt động đảm bảo chất lượng được thực hiện manh mún, tự phát trong một số khâu, một số mặt của hoạt động đào tạo chứ chưa mang tính toàn diện, hệ thống.

So với công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học, Học viện Tư pháp đang đi sau một bước. So với cơ sở đào tạo chức danh tư pháp tại một số nước, Học viện Tư pháp cũng chưa tiếp cận được với những thành tựu đảm bảo chất lượng ở các cơ sở này. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nổi bật là:

- Thể chế liên quan đến đào tạo chức danh tư pháp chưa hoàn thiện, hiện tại chưa có quy định gì về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp;

            - Địa vị pháp lý của Học viện Tư pháp chưa tạo cơ hội cho Học viện thực hiện hoạt động đảm bao chất lượng đúng nghĩa, theo những ràng buộc chung đối với giáo dục đại học;

            - Học viện Tư pháp chưa quyết tâm, chưa nhạy bén trong việc triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng. So với một số cơ sở đào tạo đại học cũng như các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp khác, Học viện Tư pháp là đơn vị thực hiện khá sớm các công việc liên quan tới đảm bảo chất lượng như xây dựng bộ quy trình ISO, xây dựng Sổ tay kiểm định chất lượng, tập huấn giảng viên về đảm bảo chất lượng...song các kết quả nêu trên không được phát huy để kịp thời xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cho Học viện.

 

Chương 3. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI  HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

3.1. Giải pháp xây dựng thể chế về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.1. Xây dựng tuyên ngôn sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp - nền tảng của chính sách chất lượng và hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.1.1.Những vấn đề đặt đối với Học viện Tư pháp khi xây dựng sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi, giai đoạn 2015- 2020

Một là, đánh giá đúng bối cảnh của Học viện để có căn cứ xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng phù hợp.

Hai là, nhận diện đầy đủ thế mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục để cải thiện chất lượng đào tạo và quản trị đào tạo.

3.1.1.2. Xây dựng Mục tiêu, Sứ mệnh và Giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp, giai đoạn 2015 - 2020

Mục tiêu tổng quát của Học viện Tư pháp giai đoạn tới được xác định là phấn đấu “xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Từ mục tiêu tổng quát này, trong giai đoạn 2015 – 2020, những mục tiêu chính mà Học viện xây dựng chủ yếu nhằm vào đổi mới căn bản nền tảng hệ thống đào tạo và quản trị đào tạo là:

-   Chuẩn hóa hệ thống Chương trình đào tạo chức danh tư pháp, hệ thống Chương trình bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp theo nhu cầu xã hội kết hợp với mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng về diện và lượng;

-   Chuyên nghiệp hóa năng lực hoạt động và năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Hệ thống Quản trị đào tạo;

-   Đạt và thường xuyên cải thiện chỉ số hài lòng của cộng đồng xã hội và người học đối với các Chương trình, Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng do Học viện cung cấp;

-   Duy trì và phát triển bền vững năng lực hội nhập của Học viện vào cộng đồng đào tạo nghề luật trong nước và hướng mạnh vào Cộng đồng đào tạo nghề Luật trong khu vực châu Á;

-   Thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;

-   Hiện hữu hình ảnh một Học viện hàng đầu về đào tạo nghề Luật, phát triển hài hòa trong môi trường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp dựa trên nguyên lý thống nhất trong đa dạng, năng động, thân thiện với cộng đồng, là biểu tưởng của tinh thần thượng tôn pháp luật và là “ngọn hải đăng” cho những khát vọng phấn đấu vì công lý và các quyền con người cơ bản.

3.1.2. Xây dựng văn hóa chất lượng trong hoạt động của Học viện Tư pháp

Theo khuyến nghị của các đối tác hợp tác quốc tế và chuyên gia nước ngoài[1] về xây dựng hệ thống ĐBCL, ba trụ cột chính mà Học viện Tư pháp cần đạt được trong thời gian tới là xây dựng, phát triển Môi trường, Nguồn lực và Công cụ phù hợp để thực hiện việc kiểm định và thường xuyên cải thiện chất lượng đào tạo CDTP. Giá trị vật chất và tinh thần của ba Trụ cột này là đồng thời tạo dựng hệ thống ĐBCL, trong đó:

- Yếu tố Môi trường gắn với xây dựng nền tảng tính thần của ĐBCL là văn hóa chất lượng, là sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi mà Học viện theo đuổi và phấn đấu;

- Yếu tố Nguồn lực gắn với đầu tư nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế cho triển khai việc xây dựng và áp dụng hệ thống ĐBCL tại Học viện;

- Yếu tố Công cụ gắn với xây dựng thể chế, quy trình, kế hoạch chiến lược cùng hệ thống tiêu chuẩn đo lường, kiểm soát và cải thiện chất lượng của cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo CDTP.

Đề tài đã nghiên cứu, đề xuất quy trình các bước cụ thể Học viện Tư pháp có thể tiến hành việc xây dựng văn hóa chất lượng.

3.1.3. Lập kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2015- 2020

Lập kế hoạch chiến lược được coi là một nỗ lực có tổ chức để Học viện đưa ra các quyết định và các hành động cơ bản hướng đến việc hiện thực hóa hệ thống đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp. Trong từng giai đoạn phát triển, Lập kế hoạch chiến lược đem lại cho Học viện những lợi ích quan trọng.

            Đề tài đã nghiên cứu chi tiết quy trình thiết lập và cấu trúc một kế hoạch chiến lược trong hoạt động đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo. Những tiếp cận tổng quan trên đây về lập kế hoạch chiến lược đối với cơ sở đào tạo trong đảm bảo chất lượng là thông tin cần thiết đối với Học viện Tư pháp, đơn vị đang trong giai đoạn nghiên cứu và triển khai thực hiện trên thực tế hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên nghiệp.

3.1.4. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

3.1.4.1.  Hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo

Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo được sử dụng là công cụ để đánh giá chất lượng đào tạo theo nghĩa, xem xét chất lượng việc giảng dạy, học tập và chương trình đào tạo, dựa vào kiểm tra chi tiết các chương trình học, cơ cấu và hiệu quả của một cơ sở đào tạo, xem xét bên trong và các cơ chế kiểm soát chất lượng của cơ sở đào tạo đó. Như vậy, hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo là “thước đo” để đánh giá toàn diện về cơ sở đào tạo trong đó trọng tâm là đánh giá chương trình đào tạo.

Đối với Học viện Tư pháp, việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tại Học viện Tư pháp nói chung và xác định hệ tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá nói riêng cần tính đến (i) đặc thù đào tạo của Học viện; (ii) các quy định pháp luật về kiểm định chất lượng đào tạo; và (iii) tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố liên quan, có một số phương án được đề xuất để xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp như: (i) sử dụng hệ tiêu chí, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học; (ii) cơ bản sử dụng hệ tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đại học, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí theo kinh nghiệm của AUN; và (iii) xây dựng hệ tiêu chí đánh giá riêng của Học viện Tư pháp.

Đối với Học viện Tư pháp, phương án sử dụng nguyên vẹn bộ tiêu chí của Bộ Giáo dục Đào tạo không khả thi vì những bất ổn nội tại của bộ tiêu chí này cũng như sự khác biệt về đặc thù đào tạo của Học viện so với các cơ sở giáo dục đại học – đối tượng mà bộ tiêu chí này hướng đến. Với phương án 2, việc tham khảo kinh nghiệm của AUN là cần thiết, do sự gần gũi với điều kiện Việt Nam, song đây vẫn là bộ tiêu chí dành riêng cho cơ sở giáo dục đại học, chưa có những yếu tố tương đồng với thực tiễn đánh giá cơ sở đào tạo nghề tư pháp ở một số nước. Công trình nghiên cứu này đề xuất xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đào tạo, gồm 10 tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời có bổ sung bổ sung 01 tiêu chuẩn và một số tiêu chí theo kinh nghiệm của AUN và của Hiệp hội các nhà đào tạo tư pháp Hoa Kỳ phù hợp với đặc thù đào tạo tại Học viện Tư pháp. Việc lựa chọn phương án này bước đầu có thể sẽ gây khó khăn cho Học viện Tư pháp do các tiêu chuẩn, tiêu chí có phần chặt chẽ hơn song về lâu dài phương án này sẽ giúp Học viện định hướng và phát triển phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề tư pháp.

3.1.4.2. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo - giải pháp cơ bản trong đảm bảo chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

a) Xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo

Xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp gắn với nguyên lý đảm bảo chất lượng đào tạo cần chú trọng các yêu cầu cơ bản như sau:

Một là, xây dựng chuẩn đầu ra phải tính toán rất kỹ đến năng lực và điều kiện thực hiện của Học viện Tư pháp, và cần đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất giữa chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo các CDTP với việc thiết kế các môn học, chuyên đề.

Hai là, khung năng lực chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp nên được xây dựng theo cấu trúc 3 nhóm tiêu chí: cốt lõi: (1) Kiến thức – (2) Kỹ năng – (3) Phẩm chất, thái độ.

Ba là, vấn đề “chuẩn đầu ra chung và chuẩn đầu ra riêng cho các chương trình đào tạo: Mỗi chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp cho từng CDTP cần có chuẩn đầu ra riêng; đồng thời kết nối, đối sánh các chương trình để tìm ra các điểm chung hoặc tương đồng, và có thể khái quát hóa một số nội dung/tiêu chí cụ thể chung trong khung năng lực của chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo (đặc biệt là đối với những chương trình có tính liên kết mạnh mẽ như đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ luật sư – với xu thế sẽ tiến tới đào tạo chung 03 chức danh Thẩm phán-Kiểm sát viên-Luật sư; hoặc đào tạo luật sư theo chương trình 12 tháng và đào tạo Luật sư thương mại quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế…).

Đề tài này đề xuất bước đầu Khung năng lực nghề nghiệp các CDTP cần tham khảo khi xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp như sau:

* Yêu cầu về kiến thức (tri thức chuyên môn)

(i) Những kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và kiến thức bổ trợ về một trong các lĩnh vực sau: xét xử (cho chức danh Thẩm phán); kiểm sát (cho chức danh Kiểm sát viên); Luật sư, Luật sư thương mại quốc tế (cho chức danh Luật sư); thi hành án (cho chức danh chấp hành viên); công chứng (cho chức danh công chứng viên), đấu giá (cho chức danh đấu giá viên)…

- Các kiến thức cơ bản về nghề nghiệp: Hệ thống cơ quan tư pháp-bổ trợ tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan và mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức đó; Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của CDTP được đào tạo và bổ nhiệm; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của CDTP được đào tạo, bổ nhiệm;

- Các kiến thức bổ trợ nghề nghiệp: Văn hoá tư pháp, tâm lý tư pháp; Kiến thức bối cảnh (sự hiểu biết hợp lý về các bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, triết học, đạo đức và văn hóa của pháp luật); Kiến thức liên ngành (là những kiến thức của ngành khoa học có liên quan) phục vụ cho các hoạt động nghề nghiệp chính yếu của lĩnh vực được đào tạo và bổ nhiệm CDTP.

(ii) Những kiến thức chuyên môn nghề nghiệp (tương ứng với chuyên ngành đào tạo), gồm : Quy định pháp luật (luật nội dung, luật tố tụng) và quy chế nghiệp vụ liên quan đến việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp được pháp luật quy định; Kiến thức về tổ chức, quản lý các hoạt động nghề nghiệp.

* Yêu cầu về kỹ năng

(i) Kỹ năng chung bắt buộc (kỹ năng “cứng’’)

- Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp (theo chức danh/chuyên ngành được đào tạo); thường bao gồm các loại cơ bản/quan trọng sau: Xây dựng, quản lý hồ sơ vụ việc; Phát hiện, xác định vấn đề/tình huống pháp lý và thực tiễn; Áp dụng pháp luật; Soạn thảo văn bản; Ra các quyết định giải quyết vụ việc; kỹ năng quản trị vụ việc trong hoạt động quản lý tư pháp và hành chính[2]

- Kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề: Đánh giá, phân tích, lập luận trong khi giải quyết vấn đề; Thực hiện các hoạt động nghề nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề/vụ việc đảm bảo đúng pháp luật và đạt hiệu quả…

(ii) Kỹ năng bổ trợ (kỹ năng“mềm”): Kỹ năng giao tiếp, ứng xử; thuyết trình; làm việc nhóm; khả năng sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc ngoại ngữ thông dụng khác); khả năng ứng dụng tin học và công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn…

*  Yêu cầu về phẩm chất- thái độ; gồm các nhóm chính sau: (i) Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân;(ii) Trách nhiệm, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ;(iii) Khả năng cập nhật kiến thức, tư duy sáng tạo trong công việc.

Đây là cơ sở để quy định chi tiết chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ của người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) khi ban hành chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp.

b) Hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Chương trình đào tạo các chức danh tư pháp là chương trình đào tạo nghề đặc biệt tại một trường nghề không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc tổ chức đào tạo chưa theo hệ thống tín chỉ và cũng không thật sự là đào tạo theo niên chế. Các vấn đề về pháp lý và đặc điểm giáo dục của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp còn phải tiếp tục được làm rõ trong quá trình xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Do đó, về mặt phương pháp luận, Học viện Tư pháp lựa chọn một Bộ tiêu chuẩn sẵn có và xét thấy hợp lý hơn cả để sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với đặc thù đào tạo của Học viện.

Trên cơ sở các định hướng như đã nêu trên, Đề tài đề xuất 02 phương án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản của Bộ công cụ đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp:

            PHƯƠNG ÁN 1: BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo và tham khảo thêm tiêu chí của Đại học Quốc gia Hà Nội).

PHƯƠNG ÁN 2:  BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo và tham khảo thêm bộ tiêu chí của AUN).

Hai phương án này đều có 14 nhóm tiêu chí cụ thể và cơ bản có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên có một số điểm khác biệt về cách thức trình bày, sắp xếp và gọi tên các tiêu chí.

3.2. Giải pháp xây dựng, thực hiện các quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

3.2.1. Quy trình đảm bảo chất lượng bên trong: Tự đánh giá chất lượng

Tự đánh giá (hay còn gọi là đánh giá nội bộ) là một khâu quan trọng trong hoạt động kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo. Đây là bước đầu tiên, nền tảng trong toàn bộ quy trình kiểm định chất lượng đào tạo. Có thể hiểu tổng quát, hoạt động tự đánh giá là quá trình cơ sở đào tạo tự xem xét, nghiên cứu trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để đánh giá, báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của mình.

Hoạt động tự đánh giá được phân loại thành các cấp độ, với quy trình và chủ thể đánh giá riêng. Trên cơ sở các phân tích về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, Đề tài đã đề xuất các quy trình đánh giá chất lượng bên trong của Học viện Tư pháp, bao gồm:

 3.2.1.1.Đánh giá cấp cơ sở đào tạo (Học viện Tư pháp)

3.2.1.2. Đánh giá giảng viên

3.2.1.3. Đánh giá các đơn vị phòng, trung tâm, cơ sở

3.2.1.4. Đánh giá cấp chương trình đào tạo

3.2.1.5. Các quy trình đảm bảo chất lượng chuyên biệt cho các hoạt động đào tạo các CDTP và bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp ứng dụng từ mô hình đảm bảo chất lượng của AUN-QA (gồm a) Quy trình giám sát,  b) Quy trình đánh giá nội bộ, c) Quy trình đảm bảo chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ISO 9001)

Trong các quy trình nêu trên, Học viện Tư pháp cần đặc biệt chú trọng Quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo ngay trong thời gian đầu triển khai vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng. Đề tài đề xuất giải pháp để Học viện Tư pháp xây dựng được quy trình đánh giá phù hợp, giải quyết được các tồn tại hiện nay với việc tham khảo có chọn lọc các quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo đang được áp dụng đối với các cơ sở đào tạo hiện nay, phù hợp với khung pháp lý về quy trình đảm bảo chất lượng cấp chương trình của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay và sự phân tích quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo mới được áp dụng đối với các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

3.2.2. Một số đề xuất bước đầu về mô hình đánh giá bên ngoài (kiểm định độc lập) chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Cơ chế đánh giá ngoài và triển khai cơ chế này đối với đào tạo các chức danh tư pháp hiện tại cũng như thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn vì ở Việt Nam, cộng đồng đào tạo nghề Luật còn non trẻ. Trên thực tế, Học viện Tư pháp cũng như các cơ sở đào tạo của Viện Kiểm sát tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đều chưa có nhiều thực tiễn về công tác đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp. Việc hình thành cơ chế (bao gồm cả thể chế và thiết chế) đánh giá ngoài đối với chất lượng đào tạo chức danh tư pháp ở Việt Nam đang chưa có tiền lệ. Như vậy, thiết chế đánh giá ngoài đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp phụ thuộc vào mô hình đào tạo được chuẩn hóa sau khi Pháp lệnh đào tạo các chức danh tư pháp được ban hành theo kế hoạch xây dựng luật và pháp luật của quốc hội.

Đề tài đề xuất hai phương án thực hiện như sau:

Một là: Sử dụng các thiết chế đánh giá ngoài hiện có thuộc hệ thống giáo dục đại học.

Hai là: Thiết lập hệ thống tổ chức đánh giá ngoài riêng đối với các cơ sở đào tạo tư pháp, trong đó có Học viện Tư pháp.

Trước mắt, khi chưa có đủ điều kiện, có thể sử dụng các tổ chức chuyên trách về kiểm định chất lượng đào tạo trong việc tổ chức đánh giá (theo mô hình đánh giá đồng cấp), nhưng cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng áp dụng riêng đối với Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo tư pháp. Về cơ bản, quy trình đánh giá ngoài đối với Học viện Tư pháp sẽ được thực hiện theo phương pháp, cách thức như trong các hoạt động đánh giá ngoài hiện đang áp dụng đối với các cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam.

Về lâu dài, khi hệ thống này phát triển mạnh hơn, sẽ tính đến việc đề nghị hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Bộ/Ngành chủ quản hữu quan trong việc xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng riêng với Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo tư pháp.

3.3. Giải pháp tăng cường nguồn lực và biện pháp thực hiện trong cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

3.3.1. Nguồn nhân lực của hệ thống đảm bảo chất lượng

Từ nguyên lý chung là hoạt động đảm bảo chất lượng cần sự tham gia thường xuyên của cả cộng đồng sư phạm nhà trường trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn pháp luật, hợp tác quốc tế, Học viện Tư pháp cần huy động đội ngũ công chức lãnh đạo, viên chức, người lao động và học viên tham gia thực hiện tốt hoạt động đảm bảo chất lượng và có biện pháp để tăng cường năng lực cho toàn bộ đội ngũ này. Học viện Tư pháp cần phát huy mô hình hoạt động của đội ngũ giảng viên nòng cốt và đào tạo bồi dưỡng nhóm viên chức chuyên trách về đảm bảo chất lượng, từng bước nhân rộng những hạt nhân cho công tác xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng của Học viện. Trước mắt, cần thành lập bộ phận chuyên trách về công tác này và tiến tới tronng tương lai có đơn vị cấp Phòng/Trung tâm về đảm bảo chất lượng để công tác này được thực hiện một cách bài bản, khoa học.

3.3.2. Phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá trong quản lý chất lượng

Hệ công cụ đánh giá, giám sát theo mô hình đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) được vận dụng tại Học viện Tư pháp theo hướng chọn lọc, cải biến để phù hợp với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp, đáp ứng các yêu cầu sau: (1) phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo; (2) phù hợp với các thành tố khác của hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là với hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo và đánh giá cấp chương trình; (3) thuận lợi cho quá trình triển khai giám sát, đánh giá.

Đề tài đã nêu giải pháp cụ thể trong vận dụng mô hình của AUN vào Học viện Tư pháp để xây dựng hệ công cụ giám sát, đánh giá trong quản lý chất lượng gồm:

(1) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Đánh giá học viên

(2) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên

(3) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng cơ sở vật chất

(4)  Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng dịch vụ hỗ trợ học viên

(5) Công cụ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) hoặc tự đánh giá

(6)  Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Thẩm định qua đồng nghiệp

(7) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Hệ thống thông tin công chúng

(8) Công cụ ĐBCL đặc biệt: Sổ tay chất lượng

3.3.3. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động đảm bảo chất lượng

Các giải pháp chính trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy - học tập và đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong thời gian tới gồm hai nhóm chính: (1) Xây dựng, mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng trụ sở của Học viện tại Hà Nộ, thành phố Hồ Chí Minh; (2) Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài liệu giảng dạy và học tập và chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, xuất bản giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Kết luận chương 3

Quá trình nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng nhằm tìm kiếm những giải pháp cho việc xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với đặc thù của Học viện Tư pháp cho phép đưa ra những kết luận quan trọng dưới đây:

Thứ nhất, đã đến lúc Học viện Tư pháp cần quan tâm một cách đầy đủ tới công tác đảm bảo chất lượng thông qua việc nghiên cứu, học hỏi các mô hình đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước để tìm kiếm mô hình phù hợp nhất với điều kiện của Học viện.

Thứ hai, trong hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cấp chương trình cần được đặc biệt quan tâm. Duy trì đánh giá cấp chương trình nhằm không ngừng cải tiến, hoàn thiện theo lộ trình các chương trình đào tạo là cách để Học viện Tư pháp có được lợi thế cạnh tranh so với các cơ sở có cùng chức năng đào tạo chức danh tư pháp.

Thứ ba, cùng với tự đánh giá như một nhu cầu tự thân, đánh giá ngoài cần được quan tâm. Tuy nhiên, đánh giá ngoài tại Học viện Tư pháp nên có sự khác biệt so với kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học bằng việc nhấn mạnh yếu tố đánh giá đồng cấp, các cơ sở đào tạo cùng chức năng đánh giá lẫn nhau để rút ra kinh nghiệm chung cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Nguyên lý đánh giá cơ sở đào tạo chức danh tư pháp vẫn hoàn toàn có thể tham chiếu cơ chế hiện hành của hệ thống đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục đại học hiện có của Việt Nam, nhưng hệ tiêu chí Đánh giá trong nêu trên sẽ đảm bảo tính đặc thù riêng có của mô hình đào tạo chức danh tư pháp, về bản chất là mô hình đào tạo những người hành nghề hoặc được bổ nhiệm vào vị trí bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý.



[1] Học viện Tư pháp chủ yếu tiếp nhận kinh nghiệm và sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia thuộc Dự án JUDGE (Canada) giai đoạn 2007-2012.

[2] Vận dụng từ nội dung nghiên cứu, hướng dẫn của Hiệp hội quốc tế các tổ chức đào tạo tư pháp (IOJT) và một số nước thành viên IOJT; và kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở của Học viện Tư pháp về xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp, năm 2012. 

 

Nội dung toàn văn

BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

 

1. SỰ CẦN THIẾT NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Ngày 08 tháng 11 năm 2013 là ngày được lưu giữ mãi trong lịch sử 17 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Tư pháp, bởi vào ngày này, tập thể sư phạm nhà trường sau gần 10 năm kiên trì bền bỉ phấn đấu đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2083 QĐ/TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp” (sau đây gọi tắt là Đề án 2083).

 Mục tiêu tổng quát của Đề án là “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đối với Học viện Tư pháp, Đề án 2083 trở thành cơ hội lớn cho tương lai phát triển nhà trường, giai đoạn 2013 – 2015, tầm nhìn 2020. Song phải làm gì và làm thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn “Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”. Tất cả những người tham gia xây dựng Đề án nói riêng cũng như toàn Học viện nói chung đều nhận thức sâu sắc rằng, giải pháp tối ưu nhất nhưng cũng khó khăn nhất, cần nhiều quyết tâm chính trị và sự đầu tư toàn diện nhất là “chinh phục đỉnh cao chất lượng đào tạo”.

Hiện tại là thời điểm mà hơn bao giờ hết, vấn đề chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng, chất lượng cơ sở đào tạo của Học viện nói chung trở thành ưu tiên hàng đầu cho giải pháp đột phá về phát triển Học viện. Nhìn vào bức tranh chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam sẽ thấy hàng thế kỷ nay, vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của đất nước thường xuyên được đặt ra. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc bằng cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng càng trở lên bức thiết hơn bao giờ hết. Cố thủ tướng Singapore, Ông Lý Quang Diệu đã từng khuyên Việt Nam, có thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Mà thắng về kinh tế mới có độc lập, chủ quyền trọn vẹn. Hay như Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam cũng đã đưa nhận xét rất đáng suy ngẫm, đó là thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Và nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho Việt Nam hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trực diện với những thách thức từ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có cả Học viện Tư pháp, vì đối tượng đầu vào của Học viện là những Cử nhân Luật các hệ đào tạo hiện nay trên cả nước.

Bên cạnh đó, bức tranh về hoạt động đào tạo tại Học viện Tư pháp cũng đang hiện diện với những “khoảng màu” sáng, tối khác nhau. Tính từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 6 năm 2015, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được tổng số 47.721 học viên, trong đó số học viên được đào tạo là 34.750 học viên, số học viên được bồi dưỡng là 12.971 lượt học viên. Con số này nói lên những điều gì? Về số lượng, đó là thành tích lao động, học tập của toàn Học viện, người học và người sử dụng sản phẩm đào tạo. Về chất lượng, cũng không khó nhìn nhận rằng, các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp về cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu trang bị cho học viên kỹ năng nghiệp vụ cơ bản ban đầu; cập nhật kiến thức pháp luật mới; giúp học viên bước đầu làm quen với môi trường nghề nghiệp và tiếp thu kinh nghiệm thực tế từ các CDTP; được giáo dục đạo đức nghề nghiệp và rèn luyện bản lĩnh chính trị. “Đa số học viên sau khi tốt nghiệp đã được bổ nhiệm các chức danh tư pháp, vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn, có đóng góp tích cực vào hiệu quả hoạt động tư pháp trong những năm qua”[1]. Theo đánh giá độc lập của Đơn vị Tư vấn InvestConsult Group thì “kiến thức và kỹ năng của học viên (Thẩm phán) đã có sự thay đổi rõ rệt sau khi tham gia khoá học, đặc biệt là kỹ năng xét xử và phương pháp làm việc (từ 2.32 lên 4.29) và (từ 2.91 lên 4.13)”[2]. Đa số học viên tốt nghiệp đã được bổ nhiệm CDTP và sau khi bổ nhiệm đã phát huy tốt kiến thức được học; có phương pháp làm việc khoa học; tác nghiệp thành thạo; rút ngắn thời gian làm quen với công việc; tự tin khi thực hiện nhiệm vụ được giao... Trong số các học viên được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, có nhiều học viên được giữ chức vụ lãnh đạo Toà án, Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực, quân khu... Nhưng bức tranh chung về chất lượng đào tạo này chưa phải là kết quả đúc rút từ cơ chế đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp, theo cách tiếp cận và quy định hiện hành về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Sở dĩ có hiện trạng này là vì từ khi thành lập (năm 1998) đến nay, các chương trình đào tạo của Học viện vẫn chưa được định vị rõ ràng, minh thị trong hệ thống giáo dục quốc dân.  

Cho đến thời điểm Bộ Chính trị ra Thông báo số 116-TB/TW ngày 27 tháng 11 năm 2012 về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân: “Để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân, đồng ý để Tòa án nhân dân được đào tạo nghề Thẩm phán và Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đào tạo nghề Kiểm sát viên”, thì đối với hai chức danh Thẩm phán và Kiểm sát viên, thay vì chỉ đào tạo tại Học viện Tư pháp như trước đây, nay đã có thêm cơ sở các đào tạo của ngành Tòa án, Kiểm sát và đến năm 2016 là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng tổ chức đào tạo nghiệp vụ luật sư. Một sự thay đổi căn bản về thể chế điều chỉnh hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, đó là mô hình đào tạo chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo khác nhau, thay thế mô hình trước đây chỉ đào tạo tại Học viện Tư pháp.

Khi kết nối những “mảnh ghép” nêu trên qua lăng kính tiếp cận của tư duy hệ thống sẽ thấy vấn đề quan trọng, cấp bách đối với Học viện Tư pháp hiện nay là: Học viện không thể đứng ngoài công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Công cuộc này tại Học viện chính là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo chức danh tư pháp. Mục tiêu chiến lược của đổi mới cần được xác định là xây dựng và phát triển bền vững vị trí hàng đầu về thương hiệu đào tạo chức danh tư pháp song song hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, phấn đấu vươn lên trở thành cơ sở đào tạo nghề Luật có uy tín trong cộng đồng ASEAN, thực hiện trách nhiệm xã hội về cung cấp dịch vụ pháp lý vì cộng đồng và nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng.

Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn chiến lược đó, toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo tư pháp tại Học viện phải nhanh chóng được đưa vào khuôn khổ thể chế và vận hành chuyên nghiệp của Hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo nghề Luật. Đây là sự đột phá về quản trị đào tạo hướng theo mục tiêu chất lượng.

 Đối với hệ thống các trường đại học Việt Nam, việc quản trị chất lượng đào tạo thông qua hệ thống đảm bảo chất lượng đã được tiến hành từ cách đây hàng chục năm. Riêng tại Học viện, do không thuộc hệ thống các trường đại học theo sự quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên suốt trong quá trình 17 năm đào tạo chức danh tư pháp, hệ thống đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo vẫn đang để ngỏ. Trong điều kiện thay đổi căn bản về thể chế đào tạo với sự tham gia thị phần đào tạo chức danh tư pháp của những cơ sở đào tạo khác nhau như hiện nay thì việc quản lý toàn diện chất lượng đào tạo là yêu cầu tất yếu. Để xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống đảm bảo chất lượng với những nguyên lý, cấu trúc, quy trình, công cụ và công nghệ đảm bảo chất lượng phúc tạp, đòi hỏi đáp ứng đồng thời các yêu cầu về tư duy, giải pháp kỹ thuật, nguồn lực vật chất, nguồn nhân lực, nhất là yêu cầu về xây dựng “Văn hóa chất lượng” – nền tảng cho sự hiện hữu của hệ thống đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp thì phải có những nghiên cứu toàn diện, sâu sắc và có tính ứng dụng hiệu quả về hệ thống này. Song, thời điểm hiện tại, những kiến thức chuyên môn, kỹ năng, tư duy, thái độ tích cực của đại bộ phận các thành viên trong Học viện, từ tập thể lãnh đạo Học viện, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị đến hệ thống giảng viên, chuyên viên về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo còn rất hạn chế. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, chính sách chất lượng, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn phát triển Học viện đối với giai đoạn 2013 – 2020 chưa được tuyên ngôn và truyền thông chính thức đến với giảng viên, chuyên viên, học viên, người sử dụng sản phẩm đào tạo và rộng ra là đối với các chủ thể liên quan và cộng đồng xã hội. Đây là hiện trạng không thể kéo dài lâu thêm đối với một cơ sở đào tạo nghề Luật đang tổ chức đào tạo chương trình đào tạo sau đại học.

Trong thời gian qua, Học viện Tư pháp đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp cơ sở về hoạt động đào tạo các CDTP (xây dựng chiến lược đào tạo, chương trình đào tạo, thi tuyển tư pháp quốc gia, phương pháp đánh giá học viên, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài về mô hình đào tạo một số CDTP, đổi mới hoạt động đào tạo…). Tuy nhiên, về vấn đề quản lý chất lượng nói chung và đảm bảo chất lượng đào tạo nói riêng, Học viện Tư pháp mới chỉ có một số hoạt động bước đầu tiếp cận ở góc độ, phạm vi rất nhỏ hẹp. Mặc dù yêu cầu khẳng định chất lượng, nâng cao chất lượng luôn đặt đặt ra nhưng Học viện chưa đầu tư hoạt động nghiên cứu thực sự bài bản và có hệ thống về đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP phù hợp với tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và với đặc thù của lĩnh vực đào tạo này.

Từ thực tiễn nêu trên, việc đặt vấn đề nghiên cứu đề tài  “HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN” trong khuôn khổ đề tài cấp bộ là hết sức cấp bách và thiết thực. Để chuẩn bị cho việc triển khai nghiên cứu đề tài này, ngay từ những năm 2011- 2012, tại Học viện Tư pháp, với sự tài trợ của Dự án JUDGE, Canada và một số tổ chức quốc tế của Cộng hòa liên bang Đức (Quỹ IRZ), những hoạt động mang tính chất nghiên cứu ban đầu, phục vụ việc đăng ký và đầu tư nghiên cứu đề tài đã được triển khai thông qua việc tổ chức một số hội thảo quốc và hoạt động biên soạn  tài liệu chuyên đề về đảm bảo chất lượng (“Sổ tay hướng dẫn về kiểm định chất lượng đào tạo chức danh tư pháp”). Tổng hợp kết quả các hoạt động trong các  năm 2011 - 2012 và kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ, Học viện Tư pháp mới có đầy đủ những nền tảng lý thuyết, kinh nghiệm tham khảo từ thực tiễn trong nước và quốc tế để xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong thời gian tới.

2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU THUỘC LĨNH VỰC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo là chủ đề khoa học đã được Bộ Giáo dục đào tạo và nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam triển khai nghiên cứu, thực hiện trong thực tiễn. Đã có nhiều công trình được công bố dưới dạng đề tài khoa học, hội thảo hoặc bài viết đăng tạp chí chuyên ngành về vấn đề này và trong khuôn khổ công trình nghiên cứu này các tác giả có sử dụng tham khảo (thông tin chi tiết thể hiện trong danh mục tài liệu tham khảo của Đề tài đính kèm theo Báo cáo này).

Trong thời gian qua, một số công trình, đề tài khoa học nghiên cứu về đào tạo các chức danh tư pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp về chất lượng đào tạo ở, góc độ và mức độ khác nhau đã được Bộ Tư pháp và Học viện Tư pháp triển khai.

* Một số đề tài cấp Bộ: Đề tài: Phương pháp đào tạo các chức danh tư pháp,  PGS.TS.Phan Hữu Thư (chủ nhiệm), 2009; Đề tài: Xây dựng cơ chế thi tuyển quốc gia đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, PGS.TS.Nguyễn Văn Huyên (chủ nhiệm), 2010; Đề án: Xây dựng hệ thống các biện pháp áp dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp, PGS.TS. Phan Hữu Thư (chủ nhiệm), 2010; Đề tài: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp giai đoạn 2011-2015, TS. Phan Chí Hiếu (chủ nhiệm), 2011; Đề tài: Xây dựng cơ chế thi tuyển tư  pháp quốc gia đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huyên (chủ nhiệm), 2011.

* Các đề tài cấp cơ sở do Học viện Tư pháp thực hiện: Nghiên cứu khả năng, điều kiện xây dựng, áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, TS. Lê Mai Anh (chủ nhiệm), 2012; Đổi mới phương pháp đánh giá học viên trong đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp, ThS. Trần Minh Tiến (chủ nhiệm), 2011; Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo CDTP, Ths.Đồng Thị Kim Thoa, 2013; Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động NCKH, TS.Lê Lan Chi (chủ nhiệm), 2014; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới, TS.Lê Mai Anh (chủ nhiệm), 2013; Đánh giá chất lượng cấp chương trình, TS.Lê Lan Chi (chủ nhiệm), 2014.

Nội dung các đề tài nêu trên, từ nhiều góc độ và cách các tiếp cận khác nhau đã hướng đến vấn đề chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, do khuôn khổ còn hạn hẹp và nội dung nghiên cứu chỉ giới hạn ở vấn đề cụ thể trong khía cạnh đào tạo, bồi dưỡng hoặc nghiên cứu khoa học nên các đề tài nêu trên đều chưa giải quyết một cách trực tiếp, sâu sắc và toàn diện các vấn đề thuộc hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các CDTP tại HVTP. Bên cạnh đó, nhiều đề tài vốn triển khai từ trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP, nên việc nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp vẫn để ngỏ cho đến khi triển khai thực hiện đề tài này.

Ngoài các công trình nghiên cứu nêu trên, Học viện Tư pháp cũng đã có một số hoạt động khoa học được tổ chức dưới hình thức các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học trong khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế thuộc Dự án JUDGE (CANADA) giai đoạn 2007 – 2012, có nội dung tiếp cận bước đầu để tìm hiểu về kiểm định chất lượng, văn hóa chất lượng trong hoạt động đào tạo tư pháp. Đánh giá chung, tuy các hoạt động khoa học nêu trên chưa thực sự đề cập sâu sắc đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, nhưng các hoạt động nghiên cứu đơn lẻ trên có giá trị tạo những khởi nguồn quan trọng và nền tảng cho việc  triển khai thực hiện Đề tài này.

Với bối cảnh tổng quan trên, có thể khẳng định, đề tài “HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN” là một đề tài khoa học mới, không trùng lặp với những công trình nghiên cứu đã được công bố tại Học viện Tư pháp.

3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

 Việc thực hiện đề tài hướng vào những mục đích sau:

Thứ nhất, làm thay đổi nhận thức chung của tập thể lãnh đạo Học viện, đội ngũ cán bộ chủ chốt, giảng viên, chuyên viên, học viên và những đối tác hợp tác của Học viện hiểu đúng được tầm quan trọng, chức năng và giá trị quản trị đào tạo chuyên nghiệp của hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Thứ hai, trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo bên trong cơ sở đào tạo cho toàn thể thành viên cộng đồng sư phạm nhà trường, từ lãnh đạo Học viện đến toàn thể giảng viên, chuyên viên làm công tác quản lý đào tạo và chú trọng đặc biệt trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo chất lượng đào tạo cho đội ngũ giảng viên trong và ngoài Học viện, những người mà kết quả hoạt động của họ có tác động tích cực đến việc đổi mới và thường xuyên cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập trong Học viện.

Thứ ba, Kết quả thực hiện đề tài còn có mục đích quan trọng là đặt nền tảng lý luận và thực tiễn căn bản cho việc nhận diện, tiếp cận phù hợp với mô hình lý thuyết về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện trong thời gian tới.

Đề tài có các nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, nghiên cứu các vấn đề lý thuyết về cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp áp dụng tại Học viện Tư pháp từ góc độ các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo

Thứ hai, đánh giá thực trạng hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp, trong đó làm rõ những kết quả đã đạt được, những điểm hạn chế, tồn tại và bất cập cần khắc phục để khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện  cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp trong thời gian tới;

Thứ ba, kiến nghị các giải pháp tổ chức thực hiện việc đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp áp dụng tại Học viện Tư pháp đối với Chương trình đào tạo và  cơ sở đào tạo, cùng những điều kiện đảm bảo thực hiện (thực chất là giải pháp và điều kiện để ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài vào thực tiễn hoạt động đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện).

4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Xây dựng hệ thống ĐBCL của HVTP là một đề tài có tính chất và nội dung rộng và phức tạp. Trong khuôn khổ đề tài và điều kiện thực tế hạn hẹp về về thời gian và nguồn lực thực hiện, Chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài xác định phạm vi nghiên cứu chính chủ yếu tập trung vào các thành tố và vấn đề chính yếu về đảm bảo chất lượng đào tạo tại Học viện Tư pháp, trong đó chú trọng 03 yếu tố: (1) Mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và chính sách chất lượng trong chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp; (2) Tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng cấp cơ sở đào tạo, cấp chương trình đào tạo và các công cụ đánh giá chất lượng khác; (3) Quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình trong đảm bảo chất lượng bên trong.

Những nội dung khác về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cũng được đề cập ở những mức độ nhất định để đảm bảo tính hệ thống, toàn diện của vấn đề nghiên cứu, làm cơ sở nền tảng cho việc tiếp tục phát triển các hoạt động nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.

5. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

* Đề tài tập trung vào những nội dung chính sau:

1.TIẾP CẬN TỔNG QUAN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

1.1. Một số vấn đề về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng đào tạo (Vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam; Đặc thù hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp; Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo CCDTP...).

1.2. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo. 

   1.3. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng chiến lược phát triển Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp: Cơ sở lý luận; Các yếu tố tác động đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

2.1. Chính sách chung trong công tác kiểm soát, quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp.

2.2. Bộ tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí đánh giá chất lượng. 

2.3 Thiết chế quản lý chất lượng

2.4. Văn hóa chất lượng  

2.5. Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng

2.6. Nguồn lực và biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.

2.7. Đánh giá chung về những thành tựu, kết quả bước đầu trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo; những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để nâng cao hiệu quả đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian tới; và sự cần thiết thay đổi chính sách chất lượng và hệ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

3. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP.

3.1. Giải pháp xây dựng thể chế về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.1. Xây dựng tuyên ngôn sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp - nền tảng của chính sách chất lượng và hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.2. Xây dựng văn hóa chất lượng trong hoạt động của Học viện Tư pháp

3.1.3. Lập kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2015- 2020

3.1.4. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí  đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.5. Xây dựng thiết chế quản lý chất lượng (đơn vị chuyên trách)

3.2. Giải pháp xây dựng, thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

3.2.1. Quy trình đảm bảo chất lượng bên trong: Tự đánh giá chất lượng

3.2.2. Một số đề xuất bước đầu về mô hình đánh giá bên ngoài (kiểm định độc lập) chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

3.3. Giải pháp tăng cường nguồn lực và biện pháp thực hiện trong cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

3.3.1. Nguồn nhân lực của hệ thống đảm bảo chất lượng

3.3.2. Phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá trong quản lý chất lượng

3.3.3. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động đảm bảo chất lượng

* Các phương pháp nghiên cứu chủ yếu thực hiện đề tài:

Phương pháp tiếp cận của Đề tài là tuân theo quy luật khách quan của sự vận động và phát triển tổ chức, phù hợp với tổ chức bộ máy của cơ sở đào tạo công lập, hoạt động tự chủ, hướng ra cộng đồng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu phát triển hiện đại, bền vững đối với Học viện có sứ mệnh đào tạo nghề Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao của Việt Nam.

Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng và nhà nước ta về cải cách tư pháp, về công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, về đổi mới toàn diện nền giáo dục đào tạo.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, các phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống như phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh đối chiếu, tiếp cận thực tiễn, phỏng vấn, điều tra xã hội học, hội thảo chuyên đề...đã được sử dụng nhằm có được kết quả nghiên cứu khách quan, chính xác, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

6. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC

Đề tài là công trình đầu tiên tại Học viện Tư pháp đưa ra cách tiếp cận chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, phù hợp với những biến đổi hiện đang diễn ra trong thực tiễn của ngành cũng như xã hội, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.

Trên cơ sở các nghiên cứu chuyên đề, đề tài đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu của đề tài, cụ thể là các nội dung sau:

- Tổng kết đặc thù hệ thống đào tạo hiện nay của Học viện Tư pháp và một số kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế để làm căn cứ cho việc đề xuất mô hình đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với Học viện Tư pháp.

- Đề xuất  cơ chế  đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp (đảm bảo bên trong, đảm bảo bên ngoài, quy trình, công cụ )

- Đề xuất kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.

* Khả năng ứng dụng, các lợi ích mang lại và tác động của kết quả nghiên cứu

Từ mục tiêu và những nội dung nghiên cứu, đề tài sau khi được nghiệm thu sẽ có khả năng ứng dụng trực tiếp trong lĩnh vực quản trị đào tạo tại Học viện Tư pháp, đồng thời có giá trị tham khảo đối với các cơ sở đào tạo nghề luật khác.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa góp phần thay đổi hệ thống quản lý chất lượng đào tạo và từng bước khẳng định thương hiệu của Học viện Tư pháp. Một số kiến nghị của đề tài nghiên cứu có thể được phát triển thành chính sách hoặc quy định pháp luật (liên tịch, liên ngành), nhằm nhất thể hóa các quy định về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, các giải pháp đổi mới của đề tài khi được áp dụng sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh, tạo đà cho bước phát triển của Học viện Tư pháp trong giai đoạn mới.

7. TỔNG QUAN CÁC KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

 

Chương 1

MÔ HÌNH HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC

CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

1.1. Tổng quan về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

1.1.1. Vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam

1.1.1.1. Hoạt động đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào chính thức quy định đầy đủ về khái niệm “các chức danh tư pháp”. Từ các quy định về cán bộ, công chức, gắn với vị trí, vai trò và các đặc trưng của hoạt động tư pháp, có thể hiểu, “Chức danh tư pháp” là thuật ngữ để chỉ cấp bậc, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi vị trí chuyên môn, nghiệp vụ tư pháp trong hệ thống các cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp (gồm Cơ quan Toà án, Cơ quan Kiểm sát, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Quốc phòng, Cơ quan Thi hành án, Cơ quan Tư pháp ở cơ sở, Cơ quan Giám định, Tổ chức hành nghề luật sư, Tổ chức hành nghề công chứng, Tổ chức hành nghề đấu giá…), gắn với những người có chức danh trong hoạt động tư pháp, phù hợp với những quyền hạn và chức trách cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động tư pháp, được quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, các chức danh tư pháp theo cách hiểu trên có thể gồm:

·  Thẩm phán;  Thẩm tra viên; Thư ký ; Hội thẩm nhân dân thuộc các Toà án nhân dân;

·  Kiểm sát viên thuộc các Viện kiểm sát nhân dân;

·  Điều tra viên- Theo Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, chức danh điều tra viên thuộc về cơ quan điều tra của Lực lượng cảnh sát nhân dân và an ninh nhân dân; cơ quan điều tra của quân đội nhân dân; cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân; các cán bộ được phân công tiến hành điều tra theo thẩm quyền thuộc Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm;

·  Giám thị, quản giáo thuộc cơ quan quản lý trại giam của Bộ Công an;

·  Chấp hành viên thuộc các cơ quan thi hành án dân sự;

·  Luật sư thuộc các đoàn luật sư, làm việc tại các văn phòng luật sư hoặc các công ty luật;

·  Công chứng viên thuộc các Phòng công chứng nhà nước hoặc các văn phòng công chứng;

·  Đấu giá viên thuộc các Trung tâm đấu giá hoặc các tổ chức hành nghề đấu giá;

·  Giám định viên tư pháp (gồm giám định viên tư pháp và người giám định theo vụ việc);

·  Cán bộ tư pháp cấp cơ sở.

Các chức danh tư pháp nêu trên được phân thành các nhóm như sau:

- Nhóm chức danh điều tra- truy tố- xét xử gồm có Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư kí Toà án, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Điều tra viên

- Nhóm chức danh bổ trợ tư pháp gồm Luật sư[3], chuyên viên tư vấn pháp luật, Bào chữa viên nhân dân, Chuyên viên trợ giúp pháp lí

- Nhóm chức danh hành chính tư pháp gồm có Công chứng viên, Hộ tịch viên, Giám định viên tư pháp

- Nhóm chức danh tư pháp khác (thuật ngữ này được hiểu theo nghĩa tương đối) gồm có Chấp hành viên[4], Trọng tài viên.

Nghề nghiệp của các chức danh tư pháp nêu trên có những đặc điểm căn bản về:

Pháp luật là chuẩn mực, là nội dung và phương tiện hoạt động của các chức danh tư pháp. Yêu cầu về trình độ hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật là yêu cầu chung, có tính chất nền tảng được chuẩn hoá đối với mỗi chức danh tư pháp.

Tính chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo trong hoạt động nghề nghiệp. Ngoài tiêu chuẩn nền là kiến thức pháp luật, các chức danh tư pháp phải đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ năng, nghiệp vụ theo chương trình đào tạo nghề tại cơ sở đào tạo và qua thực tiễn công tác.

Tính độc lập và chế độ trách nhiệm cá nhân đối với mỗi chức danh tư pháp.

 Tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phẩm chất của người hành nghề luật.

1.1.1.2. Vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống đào tạo nghề luật và các chức danh tư pháp tại Việt Nam

Trước năm 1998, đội ngũ các chức danh tư pháp mới chỉ được trang bị các kiến thức pháp luật ở trình độ cao đẳng, đại học luật, chưa qua đào tạo nghề một cách bài bản, có hệ thống. Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo pháp luật khác có nhiệm vụ đào tạo kiến thức pháp luật cơ bản và là nơi cung cấp chủ yếu nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp. Trường Cao đẳng Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng kiểm sát, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành Kiểm sát. Trường Cán bộ Toà án thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ ở trình độ cao đẳng toà án, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Toà án. Trong giai đoạn này, để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên… không bắt buộc phải qua đào tạo nghề.

Trước yêu cầu của việc xây dựng đội ngũ các chức danh tư pháp ngang tầm với sự nghiệp đổi mới đất nước, năm 1996, Bộ Tư pháp đã thành lập Trung tâm bồi dưỡng Thẩm phán nhằm góp phần chuẩn hoá trình độ cho các Thẩm phán theo Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 1993. Ngày 11/02/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, có nhiệm vụ đào tạo Thẩm phán và các chức danh tư pháp (CDTP) khác theo các hình thức tập trung và tại chức.

Việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp đã mở ra mô hình đào tạo mới - đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Tiếp tục khằng định công tác đào tạo các CDTP ở nước ta trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ rõ “nghiên cứu thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp  và nghiên cứu khoa học tư pháp”. Ngày 19 /3 /2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW trong đó có nội dung “giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác xây dựng Đề án thành lập Học viện Tư pháp nhằm thống nhất công tác đào tạo nghề cho các CDTP”.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án thành lập Học viện Tư pháp (HVTP) Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 18/11/2003 phê duyệt Đề án thành lập Học viện Tư pháp,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/ 02/2004 về việc thành lập HVTP và giao Học viện Tư pháp nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các CDTP khác; nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2004, HVTP trở thành“cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp”.

Ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị có Thông báo số 116 –TB/TW kết luận về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện chủ trương “xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp” như Nghị quyết số 49 –NQ/TW, ngày 02 -6 -2005 của Bộ Chính trị đã xác định. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành Tòa án nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đồng ý để Tòa án nhân dân tối cao được đào tạo nghề thẩm phán và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được đào tạo nghề kiểm sát viên”.

Ngoại trừ chức danh điều tra viên do Bộ Công an đảm nhiệm, hiện có 03 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp:

- Học viện Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) có nhiệm vụ đào tạo nghề cho các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Ðấu giá viên, Thừa phát lại, Lý lịch tư pháp...

- Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát (thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao) có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và các chức danh khác thuộc đội ngũ cán bô, công chức, viên chức ngành kiểm sát.

- Trường cán bộ Tòa án (thuộc Tòa án nhân dân tối cao) có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và cán bộ của ngành Tòa án.

Theo quy định của Luật Luật sư, Liên đoàn Luật sư cũng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư. Hiện nay, Liên đoàn Luật sư đang khẩn trương xúc tiến các công việc để thành lập trường đào tạo Luật sư, dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành đào tạo nghiệp vụ Luật sư từ năm 2016.

Như vậy, đối với chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư thì không chỉ có Học viện Tư pháp mới có nhiệm vụ đào tạo như trước đây, mà nay có nhiều cơ sở cùng song song có chức năng và nhiệm vụ đào tạo.

1.1.2. Đặc thù hoạt động đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và tác động đối với việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo

Hệ thống đào tạo – bồi dưỡng các chức danh tư pháp của HVTP từ năm 2013 trở về trước (trước khi đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo CDTP được phê duyệt) căn bản dựa trên ba trụ cột: Trụ cột thể chế, bộ máy tổ chức; Trụ cột chương trình và nguồn lực đào tạo; Trụ cột Quản trị đào tạo. Hệ thống đào tạo này phù hợp với điều kiện, bối cảnh xã hội khi các chức danh tư pháp chỉ được đào tạo tại HVTP nên HVTP đã gặt hái được nhiều thành quả nhất định.

Sau khi Bộ Chính trị cho phép TANDTC và VKSNDTC cùng được đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg  ngày 08/11/2013 Phê duyệt Đề án “Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP”  thì mô hình đào tạo – bồi dưỡng “theo địa chỉ” của HVTP từ nhiều năm nay không còn phù hợp, cần phải chuyển sang mô hình đào tạo – bồi dưỡng  “tập trung vào người học – đáp ứng nhu cầu xã hội”. Việc chuyển đổi mô hình đào tạo – bồi dưỡng sẽ đáp ứng và làm thỏa mãn các yêu cầu của người học nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung. Mô hình này được coi là điểm xuất phát cho những chính sách, kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn, định hướng chiến lược của HVTP. Sự hài lòng của người học và xã hội về chất lượng cung cấp dịch vụ đào tạo và chương trình đào tạo chính là đích hướng tới của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện trong tương lai.

Để đánh giá đúng chất lượng đào tạo hiện nay, HVTP cần xây dựng “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo” trên cơ sở vận dụng mô hình “Hệ thống đảm bảo chất lượng trong đào tạo ĐH” với cấu trúc các thành tố chính là những nguyên lý, quy tắc vận hành chung và có những nội dung cụ thể trong từng thành tố, bộ phận phù hợp với đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và đào tạo nghề luật ở Việt Nam và ở HVTP. Chỉ trên cơ sở đánh giá đúng tính đặc thù trong hoạt động đào tạo các CDTP tại HVTP mới  xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của HVTP phù hợp. Đó là những đặc thù sau đây:

1.1.2.1.  Đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp

Tổ chức bộ máy Học viện Tư pháp gắn với sứ mệnh là cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp tại Việt Nam trong hơn 15 năm vừa qua. Với khởi nguồn tách ra từ trường Đại học Luật Hà Nội năm 1998 theo mô hình Trường đào tạo các chức danh tư pháp (1998 – 2004) sau đó nâng cấp thành Học viện Tư pháp từ năm 2004 đến năm nay, trong hơn 15 năm qua, sự đặc thù về tính chất mô hình tổ chức bộ máy của Học viện Tư pháp luôn có những trở ngại khó vượt qua về thể chế khi đặt vấn đề HVTP có thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không ? Cho đến nay, hàng loạt các vấn đề về hệ thống tín chỉ, mã ngành đào tạo, chương trình đào tạo của Học viện cần được chuẩn hóa theo hướng nào, theo tiêu chí của trường đại học hay trường nghề trực thuộc bộ, ngành vẫn đang là nội dung rất cần được tháo gỡ. Hiện nay, trong bối cảnh Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án “xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”, với việc quay trở lại cơ chế đào tạo riêng thẩm phán, kiểm sát viên của TANDTC và VKSNDTC và sự tham gia của Liên đoàn luật sư Việt Nam vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng Luật sư thì vấn đề điều chỉnh, đổi mới tổ chức bộ máy  của Học viện Tư pháp tất phải được đặt ra.Vấn đề này khi xây dựng  hệ thống đảm bảo chất lượng có thể thông qua sự điều chỉnh sứ mệnh của Học viện Tư pháp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

           1.1.2.2.  Đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện Tư pháp

Khác với đối tượng tuyển sinh trong các trường đại học, để được tham dự các khóa đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, các thí sinh phải là người có thời gian nhất định (thâm niên công tác) làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống tư pháp (trừ chức danh luật sư và công chứng là thí sinh tự do) và đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân luật. Tính đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện Tư pháp là: i) Đa dạng và không đồng đều về trình độ đầu vào, do được đào tạo cử nhân luật theo nhiều loại hình đào tạo khác nhau (chính quy, tại chức, từ xa...); ii) Đa dạng về lứa tuổi của người học (có nhiều người ở độ tuổi 40 – 50 và cá biệt một số trên 60 tuổi nhưng lại có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp) và khác nhau về bối cảnh xã hội, nghề nghiệp của học viên (ứng viên tham gia chương trình đào tạo luật sư có thể đang làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, giữ nhiều cương vị khác nhau); iii) Đa dạng về hình thức tuyển sinh đầu vào, có lớp thi tuyển đầu vào thông qua kỳ thi tuyển, có lớp xét tuyển dựa trên hồ sơ căn cứ việc đáp ứng tiêu chuẩn pháp luật quy định.

Điểm tích cực có thể khẳng định được là đối tượng đầu vào của các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp có những lợi thế là có cùng một mặt bằng tri thức và kiến thức về pháp luật. Điều này tạo được khả năng đáp ứng tốt với nội dung chương trình, phương pháp đào tạo mà Học viện thiết kế cho các khóa đào tạo chức danh tư pháp hiện hành. Các chương trình đào tạo của Học viện vì vậy giảm tải được việc đào tạo lý thuyết để tập trung sâu vào đào tạo kỹ năng nghiệp vụ của từng chức danh tư pháp. Nhưng mặt trái của sự đa dạng hóa đối tượng đào tạo với nhiều loại hình, nhiều nội dung đào tạo khác nhau chính là sự thiếu vắng các kiến thức cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội của người học, là sự không đồng đều về kiến thức pháp luật. Với môi trường nghề nghiệp sẽ đảm nhận trong tương lai, vốn luôn đòi hỏi sự am hiểu một cách cơ bản, nhanh nhạy những kiến thức kinh tế - văn hóa,  xã hội, kỹ năng làm việc trong môi trường xã hội hiện đại và toàn cầu hóa để giải quyết những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân thì đặc điểm đồng nhất về tiêu chuẩn đã qua đào tạo “Cử nhân Luật”  trở thành điểm bất lợi cho “Sản phẩm đào tạo”mà Học viện đưa ra xã hội. 

           1.1.2.3. Đặc thù về mục tiêu đào tạo của Học viện Tư pháp

Thứ nhất, đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, đảm bảo trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản ban đầu.

Thứ hai, Trau dồi, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho học viên nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp.

Thứ ba, cập nhật kiến thức mới trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động xét xử, kiểm sát, luật sư, công chứng, thi hành án... để học viên có năng lực, trình độ giải quyết được những vụ việc, vấn đề thực tiễn đang phát sinh.

Thứ tư, tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp cho các học viên thông qua các hoạt động thực tập tại chỗ (diễn án), tư vấn pháp luật thông qua trung tâm tư vấn pháp luật, thực tập tại các cơ quan tư pháp

Các đặc thù này phải được xem xét, cân nhắc kỹ khi xác định sứ mệnh của HVTP.

1.1.2.4. Đặc thù về triết lý đào tạo và công nghệ đào tạo

Trong hành trình 17 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tư pháp đã từng bước hình thành, phát triển phương châm hành động: Tạo nên sự khác biệt bởi nguyên lý và công nghệ đào tạo. Nguyên lý và công nghệ đào tạo của Học viện Tư pháp được biểu hiện như sau:

- Quy trình đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học phải được triển khai phù hợp với Tuyên ngôn sứ mạng và Chính sách chất lượng, theo đó, song song với việc tạo môi trường đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học thân thiện, trong sạch, công khai, minh bạch, Học viện Tư pháp phối hợp và hợp tác với cơ quan tư pháp, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và đội ngũ giảng viên để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ giảng viên và học viên. Mọi hoạt động của Học viện Tư pháp đều mang tính nhân bản sâu sắc, hướng vào người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học phải được tiến hành phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý của dân tộc, phù hợp chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của nhà nước và mang tính hiện đại sâu sắc.

- Đạo đức học tư pháp hay rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho người học được xem là một nội dung quan trọng trong quá trình đào tạo tại Học viên Tư pháp. Học viên của Học viện Tư pháp trước hết phải được rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp song song với quá trình đào tạo kiến thức pháp luật để sau khi ra trường, người học vừa nắm được kiến thức pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, vừa có kỹ năng hành nghề vừa được trang bị các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc và có đạo đức nghề nghiệp.

- Gắn kết giữa cập nhật kiến thức mới với việc rèn luyện kỹ năng thực hành luôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học tại Học viện Tư pháp. Vì vậy, Học viện Tư pháp (i) Không giảng dạy lý thuyết thuần tuý theo phương pháp thuyết trình truyền thống mà cập nhật kiến thức mới kết hợp với sử dụng hồ sơ thực tế để rèn luyện kỹ năng để học và nhắc lại lý thuyết, (ii). Học bài thông qua diễn án (simulation), (iii) Học bài thông qua làm – “learning by doing” tại Trung tâm thực hành nghề luật, (iv) Học bài thông qua quá trình làm bài thi, (v) Rèn luyện kỹ năng nói thông qua thi hùng biện, (vi) Rèn luyện kỹ năng viết qua viết tiểu luận, soạn thảo văn bản tố tụng…

- Rèn luyện tư duy luật học là sợi chỉ đỏ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học tại Học viện Tư pháp. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ tư pháp năng động, sáng tạo, có khả năng làm việc độc lập, có bản lĩnh nghề nghiệp, biết xử lý các tình huống một cách chính xác, đúng pháp luật, có lý có tình.

Công nghệ đào tạo của Học viện Tư pháp là:

- Kết hợp khả năng hướng dẫn chủ đạo của Giảng viên, trên cơ sở sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và các học liệu trong quá trình đào tạo và tự đào tạo, tạo cơ hội cho học viên học tập sáng tạo  Đây là một quy trình đào tạo hiện đại, theo đó, giảng viên là người giữ vai trò hướng đạo và không làm thay công việc của người học. Ngoài những bài giảng liên quan đến rèn luyện kỹ năng buộc người học phải được hướng dẫn trực tiếp và tự mình thực hiện qua chu trình công nghệ trình bày dưới đây. Các bài học lí thuyết được thực hiện theo phương pháp sẽ tạo một phần cơ hội cho học viên tự nghiên cứu có sự hướng dẫn của giảng viên, sau đó phân tích, tổng hợp và phản hồi lại theo cách của người học thông qua các hoạt động đào tạo như: thi, ngoại khóa, thực hành. Quy trình giảng và học nhất thiết phải sử dụng các thiết bị kỹ thuật như máy tính, projector, mạng internet, phiếu kỹ thuật…

- Kết hợp các quy trình nghe, nhìn, nói, viết và thực hành. Nghe: nghe giảng bài, nghe tranh luận, thảo luận....; Nhìn: xem các đoạn film ngắn, các đoạn video minh hoạ, các bộ film về phiên toà, điều tra, bào chữa...Nói: đối thoại trực tiếp với giáo viên, với đồng nghiệp trên lớp. Tham gia thi hùng biện, diễn án, hội thảo… Viết: làm các bài thi, viết tiểu luận, viết bài bào chữa, bản án và các văn bản tố tụng… Thực hành: đóng vai các chức danh tư pháp trong các phiên toà giả định, tư vấn trực tiếp cho khách hàng tại Trung tâm thực hành nghề luật, thực tập tại các cơ sở tư pháp trong và ngoài nước (nếu có).

- Vận dụng linh hoạt các phương pháp đào tạo hiện đại, lấy người học làm trung tâm, kết hợp thuyết trình, đối thoại, học theo nhóm nhỏ, tọa đàm, diễn án, sử dụng mô hình để tăng cường tính sáng tạo của người học.

- Sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật trong giảng dạy.

Công nghệ đào tạo của Học viện Tư pháp là một “tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”[5]. Các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện này có thể được sử dụng trong một mối liên kết với nhau, có thể sử dụng riêng lẻ để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong các nguồn lực tạo nên công nghệ đào tạo thì yếu tố con người là quan trọng hơn cả. Con người với tư cách là người giảng dạy, người sử dụng thiết bị, người học và người thực hiện việc tổ chức quản lý là nguồn lực chủ yếu của công nghệ đào tạo. Từ yếu tố chủ đạo này, công nghệ đào tạo tại Học viện Tư pháp gắn kết các thành phần còn lại của công nghệ đào tạo để tạo ra sản phẩm đó là chất lượng đào tạo. Vì vậy, công nghệ đào tạo của Học viện Tư pháp trước hết là sự kết hợp khả năng hướng dẫn chủ đạo của Giảng viên, trên cơ sở sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và các học liệu trong quá trình đào tạo. Tiếp đó là sự kết hợp các quy trình nghe, nhìn, nói, viết và thực hành. Sau nữa là sự vận dụng linh hoạt các phương pháp đào tạo hiện đại, lấy người học làm trung tâm, kết hợp thuyết trình, đối thoại, học theo nhóm nhỏ, tọa đàm, diễn án, mô hình để tăng cường tính sáng tạo của người học.

1.1.2.5. Đặc thù về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy

Các chương trình đào tạo CDTP đặt trọng tâm vào trang bị nội dung và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho các học viên. Do đó, thời lượng chương trình dành cho rèn luyện kỹ năng thường tương đương hoặc nhiều hơn so với thời lượng của các nội dung còn lại của chương trình, đảm bảo ở mức độ cần và đủ để học viên có thể lĩnh hội và rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Tương ứng với đó là cấu trúc chương trình đào tạo được thiết kế thành các cấu phần chính gồm: i) Phần chung và kiến thức bổ trợ, cập nhật kiến thức pháp luật, ii) Phần kiến thức kỹ năng, iii) Phần thực tập, iv) Phần chuyên sâu và tốt nghiệp. Các nhóm nội dung này được cấu trúc thành ba phần lớn: Chuyên đề (chiếm tối đa 20% tổng thời lượng), Kỹ năng (chiếm tối đa 50% tổng thời lượng), Thực tập và thi tốt nghiệp ( tối đa 30% tổng thời lượng chương trình). Cấu trúc này khác với các chương trình đào tạo cử nhân luật và đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo luật khác ở Việt Nam hiện nay (phần lớn đã và đang áp dụng theo hệ tín chỉ). Cách cấu trúc chương trình đào tạo CDTP của Học viện phù hợp với tính chất đào tạo nghề Luật sau đại học.

Phù hợp với đặc thù về mục tiêu đào tạo, đối tượng đào tạo, thì phương pháp đào tạo áp dụng trong giảng dạy các chức danh tư pháp là phương pháp đào tạo tư pháp dành cho người lớn, có đặc trưng căn bản là sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn trong quá trình truyền đạt và lĩnh hội kiên thức. Nội dung của phương pháp này là phát huy tính tích cực, chủ động của người học, lấy người học làm trung tâm. Những phương pháp dạy học được áp dụng là phương pháp song giảng; phương pháp giải quyết tình huống (case study); thảo luận nhóm; thực hành đóng vai. Phương pháp đào tạo của Học viện Tư pháp thể hiện rõ đặc thù là hướng mạnh vào xây dựng tư duy và kỹ năng phản biện, tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận công lý, chú trọng hình thành kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể cho từng chương trình đào tạo CDTP, gắn lý luận, pháp lý với thực tiễn nghề nghiệp, chú trọng hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phối hợp trong thực hiện công việc cho học viên.

Từ những điểm đặc thù trên có thể rút ra những điểm cần chú ý khi xây dựng hệ thống đảm bảo chất luợng đào tạo – bồi dưỡng các chức danh tư pháp:

Thứ nhất, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp của Học viện có thời lượng đào tạo ngắn, chương trình dài nhất là 12 tháng, chỉ đủ để cung cấp những khối kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản; chưa thể hiện đặc thù về văn hóa, về công nghệ đào tạo về tính khoa học, tính mở, tính hội nhập của từng modul bài học; chưa tạo điều kiện cho việc đánh giá về chất lượng, về tính khoa học, hiện đại theo các kênh độc lập và đa diện.

Chính vị thế độc tôn trong đào tạo chức danh tư pháp 15 năm qua cũng cho thấy một mặt trái khác trong chương trình, đó là việc chậm đổi mới nội dung chương trình đào tạo. Việc chỉnh sửa chương trình đào tạo hàng năm của Học viện chủ yếu xuất phát từ những thay đổi của luật thực định; các tác động từ đổi mới công nghệ, khoa học, văn hóa, xã hội chưa thật sự được quan tâm để đổi mới chương trình đào tạo

Thứ hai, chương trình đào tạo chức danh tư pháp vẫn đang tập trung cao cho mục tiêu đào tạo nghề, phần giáo dục đạo đức, hành vi ứng xử nghề nghiệp, kỹ năng sống và làm việc trong môi trường xã hội dân sự hiện đại, hội nhập quốc tế chưa thực sự được chú trọng. Số lượng các giờ học dành cho khối kiến thức, kỹ năng mềm còn hạn chế. Chưa có chương trình đào tạo mang tính chất tự chọn (trừ chương trình đào tạo luật sư 12 tháng) để đáp ứng nhu cầu của học viên.

Thứ ba, chương trình, phương pháp đào tạo dành cho từng chức danh nên có sự độc lập nhất định. Điều này cũng cần được cân nhắc khi xây dựng hệ tiêu chí phục vụ cho hoạt động đánh giá chất lượng bên trong vì sẽ không thể áp cùng một loại tiêu chí cho tất cả các chương trình đào tạo chức danh tư pháp khác nhau. Sẽ phải xây dựng các tiêu chí chung và riêng đối với từng chức danh, do vậy, cơ chế đánh giá bên trong chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp phải được thiết kế theo nguyên lý mở.

Thứ tư, đặc thù về thể chế và tổ chức bộ máy, là Học viện không chịu sự điều chỉnh về hoạt động chuyên môn đào tạo của hệ thống quản lý giáo dục quốc dân, mặc dù trong quyết định số 23/2004/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp được xác định hoạt động theo Điều lệ trường đại học. Đặc điểm này cho thấy một câu hỏi lớn khó lý giải, đó là Học viện Tư pháp trong thiết kế hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo có bắt buộc phải tuân theo quy định về quản lý, đảm bảo chất lượng hiện hành do Bộ giáo dục và đào tạo quy định không? Đặc biệt, khi xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo bên ngoài phải hết sức chú ý đặc điểm này.

1.1.2.6. Đặc thù về nguồn nhân lực đào tạo của Học viện Tư pháp

Mô hình đào tạo tại Học viện Tư pháp là mô hình đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ nên Học viện áp dụng phương pháp đào tạo song giảng với sự kết hợp giữa giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành cùng lên lớp trong một giờ giảng. Các lớp học được chia nhỏ ở quy mô từ 25-30 học viên cùng một lớp, nhằm tăng cường hoạt động tương tác giữa giảng viên và học viên. . Đặc biệt, Học viện rất chú trọng việc thực hành nghề của học viên dưới sự hướng dẫn khoa học của các giảng viên kiêm nhiệm là những người có chức danh tư pháp, có nhiều kinh nghiệm nghề trong các cơ quan tư pháp. Do vậy, tham gia giảng dạy tại Học viện, ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu còn có hàng trăm giảng viên kiêm chức được mời từ TANDTC, VKSNTC, các Tòa án và VKSND các tỉnh, thành trong cả nước, một số luật sư giỏi của các Đoàn Luật sư, các công chứng viên, chấp hành viên, cán bộ Tư pháp.... Ngoài ra, Học viện còn mời các chuyên gia pháp luật ở Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành khác cùng với một số giảng viên của trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật... Với hơn 50% số giờ giảng do giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm, nhưng số giảng viên này thuộc nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, Học viện Tư pháp thường bị động và gặp khó khăn trong công tác bố trí, bảo đảm lịch học do các giảng viên chưa có cơ chế điều động chính thức tham gia giảng tại Học viện mà chủ yếu là sắp xếp lịch công tác của cá nhân để nhận thực hiện lịch giảng cho Học viện. Mặt khác, HVTP cũng chưa có cơ chế đánh giá giảng viên thỉnh giảng nên chất lượng giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng chủ yếu được nhận diện qua kênh phản hồi từ phía học viên. Đặc thù này của Học viện Tư pháp dẫn đến việc không thể hoàn toàn áp dụng hệ thống và tiêu chí kiểm định, cải thiện chất lượng nguồn lực giảng viên hiện nay đang áp dụng tại hệ thống các trường đại học của Việt Nam. Vì vậy, tính chất và hiệu quả của việc đánh giá, cải thiện chất lượng nguồn lực giảng viên thỉnh giảng của Học viện sẽ phải có tiêu chí riêng để đo lường thực chất kết quả hoạt động giảng dạy.

1.1.2.7. Đặc thù về nguồn lực vật chất phục vụ đào tạo của HVTP

 Hệ thống giáo trình của HVTP có sự khác biệt lớn so với các cơ sở đào tạo luật (bậc cử nhân và sau đại học), vì phần lớn đều là giáo trình kỹ năng, hướng dẫn các công việc phải làm của từng chức danh tư pháp nên mang đậm nét tính nghề nghiệp tư pháp.Tài liệu phục vụ giảng dạy chủ yếu là hồ sơ tình huống về các vụ việc thực tiễn đã được giải quyết và hệ thống các loại sách tham khảo như: Sổ tay Thẩm phán, Sổ tay Hội thẩm nhân dân, Sổ tay Kiểm sát viên, Sổ tay Luật sư... Các tập phiếu kỹ thuật các môn học của Thẩm phán; Ngân hàng đề thi các môn học, các trích đoạn phim VIDEO… Hệ thống tài liệu này có tác dụng bổ trợ, làm phong phú thêm kiến thức tham khảo cho giảng viên và học viên khi tổ chức thực hiện các bài học trong chương trình đào tạo.

Nguồn lực vật chất mà Học viện sử dụng phục vụ hoạt động đào tạo được cung cấp từ ngân sách nhà nước và do người học phải chi trả. Là một đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động đào tạo của Học viện chịu sự chi phối đa chiều của cả cơ chế thị trường và sự điều chỉnh của cơ chế tài chính theo Luật Ngân sách. Vì vậy, công cụ dùng làm thước đo chỉ số và mức độ hài lòng từ người học, người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp, đơn vị chủ quản đối với chương trình đào tạo của Học viện cũng sẽ phải có sự đa dạng.

 

1.1.2.8. Đặc thù về cơ chế phối hợp trong hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp

Đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, lý lịch tư pháp... hơn 15 năm qua là một trong những hoạt động đào tạo chức danh tư pháp “theo địa chỉ”, đáp ứng trực tiếp và cụ thể nhu cầu sử dụng cán bộ tư pháp trong cả nước. Với đặc điểm về đối tượng và mục tiêu đào tạo, Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đã nhận được sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị trong đó quan trọng và cơ bản nhất là sự phối hợp của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam trên nhiều khâu từ công tác tuyển sinh đến tổ chức đào tạo. Sự phối hợp này là nhân tố quan trọng để hoạt động đào tạo chức danh tư pháp đạt hiệu quả. Trong thời gian tới khi triển khai hoạt động đào tạo chung các chức danh tư pháp thì sự phối hợp càng cần thiết. Đặc điểm này cần được chú ý khi xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng từ bên ngoài hướng đến việc tạo niềm tin cho các bên liên quan.

            Những đặc thù riêng trong mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Tư pháp đã, đang và sẽ chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ hoạt động của Học viện trên mọi lĩnh vực. Trong tiến trình xây dựng và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại, việc nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi phải có hệ giải pháp toàn diện và đồng bộ cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo được xây dựng phù hợp với các đặc thù này.

1.2. Kinh nghiệm trong nước và quốc tế về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo 

1.2.1. Tiếp cận hiện đại khái niệm về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên thế giới và ở Việt Nam

1.2.1.1. Về chất lượng đào tạo

Tại Hội thảo Giáo dục Thế giới chào Thế kỉ XXI được tổ chức tại Paris năm 1999, chất lượng được hiểu là “khái niệm đa chiều, bao gồm tất cả các chức năng và hoạt động của trường đại học: giảng dạy và các chương trình đào tạo, nghiên cứu và sự uyên bác, cán bộ, sinh viên, cơ sở hạ tầng và môi trường chuyên môn”. Đánh giá chất lượng của một chương trình đào tạo hay một khoá học là làm việc với những tiêu chí và những mong đợi khác nhau. Có thể nêu ra một số quan điểm về chất lượng để hình dung được tính chất đa dạng của vấn đề này:

Có quan điểm cho rằng, “Chất lượng một trường đại học phụ thuộc vào chất lượng hay số lượng đầu vào của trường đó”, nghĩa là “nguồn lực = chất lượng”. Đây là quan điểm truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc nếu cơ sở đó có đầu vào là các học viên tốt, các giảng viên tốt, cơ sở vật chất tốt, có nguồn tài chính dồi dào thì chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sẽ tốt, có chất lượng cao. Quan điểm này bỏ qua sự tác động của quá trình đào tạo, bồi dưỡng diễn ra đa dạng, liên tục trong một thời gian dài.

Tương tự, cũng có quan điểm khẳng định, “chất lượng = đầu ra”, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, các học viên có việc làm, giữ nhiều vị trí quan trọng, có khả năng cung cấp các hoạt động đào tạo thì chất lượng là tốt. Điểm giống nhau của hai quan điểm đã nêu là đã bỏ qua sự phát triển của quá trình đào tạo và bỏ qua mối quan hệ nhân quả của đầu vào.

Hoặc có quan điểm lại nhìn nhận, chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng được đo bằng “giá trị gia tăng”, nghĩa là lấy “đầu ra” trừ đi “đầu vào”, chẳng hạn điểm trung bình của học viên ở đầu vào là 5, sau khi tốt nghiệp, điểm trung bình là 7, giá trị gia tăng là 2, như vậy đào tạo có chất lượng và hiệu quả. Quan điểm này sẽ làm này sinh rất nhiều vấn đề, như làm thế nào để có thể tìm ra được hiệu số của chúng, khó có thể thiết kế được mức đo chung và cũng không đánh giá được mối quan hệ giữa các yếu tố của quá trình đào tạo, bỏ qua vai trò quan trọng của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Còn có nhiều quan điểm khác nhau nữa, như chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chất lượng là sự phù hợp với mục đích, chất lượng là sự phù hợp với tiêu chuẩn…

Tuy nhiên, quan điểm mà hiện nay Tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQAHE - International Network of Quality Assurance in Higher Education) và nhiều cơ sỏ giáo dục ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang thống nhất về hiểu khi cho rằng, chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và mục tiêu đó phải phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Chất lượng giáo dục được đánh giá thông qua việc so sánh kết quả đạt được với mục tiêu được đặt ra, chất lượng là sự đáp ứng được mục tiêu, là sự đánh giá mức độ đạt được của các đặc tính mong muốn, từ các kết quả hoạt động theo một số tiêu chuẩn, tiêu chí hay mục tiêu cụ thể nào đó là[6] . Quan niệm Chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu nhấn mạnh vào nhu cầu đáp ứng hay thỏa mãn các tiêu chuẩn chung được xác định bởi một tổ chức công nhận chất lượng hay tổ chức đảm bảo chất lượng, tập trung hướng vào hiệu quả của các quá trình hoạt động tại một học viện hay một chương trình trong việc hoàn thành các mục tiêu và sứ mệnh được đề ra. “Sự phù hợp với mục tiêu” là một định nghĩa về chất lượng cho phép cơ sở đào tạo xác định “chất lượng” được biểu thị thông qua việc đạt được sứ mệnh và các mục tiêu.   

Theo Quyết định số 76/2007/QĐ-BGD ĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, chất lượng “là sự đáp ứng mục tiêu do nhà trường đề ra, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước”. Chất lượng phù hợp với mục tiêu nhưng mục tiêu không phải là bất biến mà mục tiêu được xem là một đích tới luôn thay đổi theo thời gian. Từ đó, chất lượng được xác định như “một khái niệm có tính tương đối và có ý nghĩa chỉ đối với những ai đánh giá nó ở thời điểm nào đó và theo chuẩn mực, mục đích nào đó, nghĩa là chất lượng luôn có tính lịch sử cụ thể. Nghiên cứu giáo dục Việt nam qua các thời kỳ, sẽ không khó để d nhận thấy các quan niệm về chất lượng nêu trên có sự tương thích với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Giai đoạn từ 1985 trở về trước: Chất lượng = Tuyển chọn khắt khe

Giai đoạn 1986-2003: Chất lượng = Nguồn lực đầy đủ

Giai đoạn từ 2004 đến nay: Chất lượng = Đáp ứng tiêu chuẩn

Các tiêu chuẩn chất lượng của một trường đại học theo quy đinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT) gồm 10 khía cạnh như sau: 1. Sứ mạng và mục tiêu của trường đại học (Tiêu chuẩn 1); 2. Tổ chức và quản lý (Tiêu chuẩn 2); 3. Chương trình giáo dục (Tiêu chuẩn 3); 4. Hoạt động đào tạo (Tiêu chuẩn 4); 5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên (Tiêu chuẩn 5); 6. Người học (Tiêu chuẩn 6); 7. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ (Tiêu chuẩn 7); 8. Hoạt động hợp tác quốc tế (Tiêu chuẩn 8); 9. Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác (Tiêu chuẩn 9); 10. Tài chính và quản lý tài chính (Tiêu chuẩn 10). Những tiêu chuẩn này được xác định là thước đo năng lực, hiệu quả đảm bảo chất lượng đối với một cơ sở giáo dục đại học nói chung tại Việt Nam.

1.2.1.2. Đảm bảo chất lượng

Theo tài liệu chính thức TCVN 8402-1994, quản lý chất lượng là tập hợp các hoạt động của chức năng quản lý chung, xác định chính sách chất lượng, mục đích và trách nhiệm, thực hiện chúng thông qua các biện pháp như lập kế hoạch chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng trong khuôn khổ hệ thống chất lượng. Hệ thống chất này gồm cơ cấu tổ chức, các thủ tục, quá trình và các nguồn lực cần thiết để thực hiện quản lý chất lượng. Có thể hình dung các cấp độ quản lý chất lượng qua sơ đồ sau:

 

Ba cấp độ quản lý chất lượng:

Kiểm soát chất lượng (Quality Control),

Đảm bảo chất lượng (Quality Assurance)

Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management - TQM)[7]

 

Qua sơ đồ trên thì Kiểm soát chất lượng (quality control)là hình thức quản lý chất lượng đã được sử dụng lâu đời nhất, được thực hiện ở khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất/đào tạo nhằm phát hiện và loại bỏ toàn bộ hay từng phần sản phẩm cuối cùng không đạt các chuẩn mực chất lượng (ví dụ không đạt các thông số kỹ thuật). Với người học, họ còn mất nhiều cơ hội khác trong khi phải theo đuổi một chương trình học tập nhưng cuối cùng không được tốt nghiệp Kiểm soát chất lượng được những chuyên gia chất lượng như kiểm soát viên hoặc thanh tra viên chất lượng tiến hành sau quá trình sản xuất hoặc dịch vụ. Thanh tra (Inspection) và kiểm tra (Test) là hai phương pháp phù hợp nhất được sử dụng rộng rãi trong giáo dục để xem xét việc thực hiện các chuẩn đề ra như: các chuẩn đầu vào, chuẩn quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra.

Còn Đảm bảo chất lượng (Quality Assurance- QA) về bản chất nhằm Chất lượng đào tạo được đảm bảo bởi hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ thống này sẽ chỉ ra chính xác phải làm thế nào và theo những tiêu chuẩn nào. Các tiêu chuẩn chất lượng được sắp xếp theo những hình thức nhất định trong Hệ thống ĐBCL. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng là xây dựng Văn hóa chất lượng trong tổ chức. Đảm bảo chất lượng là cấp độ quản lý chất lượng tiến bộ hơn kiểm soát chất lượng, được thực hiện trước và trong quá trình đào tạo. Đảm bảo chất lượng nhằm phòng ngừa sự xuất hiện những sản phẩm có chất lượng thấp. Chất lượng được thiết kế theo các chuẩn mực và đưa vào quá trình đào tạo, nhằm bảo đảm sản phẩm đầu ra đạt được những thuộc tính đã định trước. Đảm bảo chất lượng là phương tiện tạo ra sản phẩm không có sai sót do lỗi trong quá trình đào tạo gây ra, vì thế chất lượng được giao cho mỗi người tham gia trong quá trình đào tạo. Từ ý tưởng này mà người ta quan tâm đến việc tạo nên một nền văn hoá chất lượng khi áp dụng mô hình đảm bảo chất lượng để những người trực tiếp  tạo r “sản phẩm dào tạo” phải tự nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng, biết cách làm thế nào để đạt được chất lượng cao hơn và tự mình mong muốn làm điều đó, hoặc vận động những người khác cùng làm tốt như hoặc làm tốt hơn bản thân họ.

Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management - TQM) (Ashworth và Harvey, 1994) là cấp độ quản lý chất lượng cao nhất hiện nay. Quản lý chất lượng tổng thể có mối quan hệ chặt chẽ với đảm bảo chất lượng, tiếp tục và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng. Quản lý chất lượng là việc tạo ra nền văn hoá chất lượng, nơi mà mục đích của mọi người trong  nhà trường là làm hài lòng người học (trên phương diện học thuật). Những nơi như thế không cho phép họ cung cấp các sản phẩm có chất lượng thấp. Quản lý chất lượng tổng thể là quá trình nghiên cứu những kỳ vọng và mong muốn của khách hàng, thiết kế sản hẩm và dịch vụ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Triết lý của quản lý chất lượng tổng thể là tất cả mọi người đều là người quản lý chất lượng của phần việc mình được giao và hoàn thành nó một cách tốt nhất. Các nội dung chính của quản lý chất lượng tổng thể gồm: i) cải tiến liên tục; ii) cải tiến từng bước; iii) hệ thống tổ chức phải hướng tới khách hàng. Các thành tố quan trọng trong hệ thống quản lý chất lượng[8] bao gồm:

- Kiểm soát chất lượng (Quality Control)

- Đảm bảo chất lượng (Quality Assurance): giá trị bên trong + tác động bên ngoài

- Thanh tra chất lượng (Quality Inspection)

- Kiểm định chất lượng (Quality Accreditation)

- Đánh giá chất lượng

- Chính sách chất lượng và kế hoạch chiến lược chất lượng.

So sánh 03 cấp độ của quản lý chất lượng có thể nhận thấy, đảm bảo chất lượng là sự mở rộng phạm vi quản lý chất lượng cho những người thừa hành. Điều này không có nghĩa dẫn đến triệt tiêu kiểm soát chất lượng. Ở nhiều khâu, kiểm soát chất lượng vẫn có mặt trong môi trường đảm bảo chất lượng. Quản lý chất lượng tổng thể có mối quan hệ chặt chẽ với đảm bảo chất lượng, tiếp tục và phát triển đảm bảo chất lượng. Quản lý chất lượng tổng thể là sự tiếp tục của đảm bảo chất lượng theo chiều sâu. Việc xác định mối liên hệ giữa đảm bảo chất lượng với kiểm soát chất lượng và quản lý chất lượng tổng thể có ý nghĩa quan trọng, giúp lãnh đạo nhà trường hoạch định chính sách chất lượng. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa 03 cấp độ của quản lý chất lượng, theo đó đảm bảo chất lượng ở cấp độ thứ hai, là phương thức quản lý chất lượng phù hợp với hoạt động đào tạo hay những tổ chức/đơn vị mà công tác quản lý chất lượng mới được triển khai, nhận thức về chất lượng và các vấn đề liên quan đến chất lượng trong tổ chức/đơn vị còn hạn chế.

Như vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng là một thành tố chính của hệ thống quản lý chất lượng. “Đảm bảo chất lượng là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch và có hệ thống, được tiến hành trong hệ thống chất lượng và được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo sự tin tưởng thỏa đáng rằng thực thể (tổ chức) sẽ đáp ứng các yêu cầu về chất lượng”. Hệ thống đảm bảo chất lượng gồm 02 thành tố chính: Đảm bảo chất lượng bên trong và đảm bảo chất lượng bên ngoài.

Có ba bước cơ bản đối với việc thành lập một hệ thống đảm bảo chất lượng: (1) thiết lập sứ mạng của nhà trường, (2) thiết kế các phương pháp và (3) lập các chuẩn mực. Trong tiến trình này, cần chú ý tiến hành các hoạt động then chốt sau: Xác định sứ mạng hay mục đích của trường đại học; xác định các chức năng mà các trường đại học thực hiện và tầm quan trọng trong việc thực hiện sứ mạng; xác định các mục tiêu của mỗi chức năng và đặt ra các chỉ số thực hiện định tính và định lượng của chúng; thành lập các quy trình quản lý, giám sát; thành lập hệ thống kiểm định chất lượng nhằm đánh giá việc trường đại học thực hiện các chức năng và xác định các lĩnh vực cần có sự cải tiến.

Cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục giữa các quốc gia có những khác biệt và dựa vào 04 yếu tố sau: (1) cơ quan thành lập và điều hành tổ chức việc đảm bảo chất lượng ở cấp quốc gia (chính phủ hoặc phi chính phủ); (2) loại hình hoặc phương thức hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (kiểm định, kiểm toán hoặc đánh giá); (3) nguồn cấp kinh phí (nhà nước hoặc trường đại học); và (4) sự tham gia của quốc tế (có hoặc không có sự tham gia của quốc tế).

Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) phù hợp với giáo dục đào tạo Việt Nam hiện nay có giá trị đồng thời là phương thức quản lý chất lượng khi nền tảng nhận thức về chất lượng và các vấn đề liên quan đến chất lượng của các trường đại học còn hạn chế. Triển khai công tác đảm bảo chất lượng một cách đầy đủ, toàn diện sẽ giúp các trường đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường đồng thời khẳng định uy tín, thương hiệu với xã hội.

Trên thế giới hiện có nhiều mô hình hệ thống ĐBCL trong giáo dục đào tạo trong đó, nổi bật hơn cả là mô hình ĐBCL của Hoa Kỳ và các nước Bắc Mỹ; mô hình ĐBCL của các nước châu Âu, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hoặc mô hình do các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB), Mạng lưới chất lượng châu Á Thái Bình Dương (APQN), Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), tổ chức các Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO). Trong quá trình tiếp cận với nhiều mô hình đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục trên thế giới, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam hiện nay được hình thành theo hướng của mô hình Bắc Mỹ, song có yếu tố phù hợp với mô hình đảm bảo chất lượng của Châu Á - Thái Bình Dương.

Về tổng thể, mô hình hệ thống ĐBCL trong đào tạo – theo tiêu chuẩn và kinh nghiệm của các nước và tổ chức quốc tế nêu trên – thường có 03 thành tố: (1) ĐBCL bên trong; (2) ĐBCL bên ngoài (hệ thống đánh giá ngoài); và (3) Các tổ chức ĐBCL (các tổ chức đánh giá ngoài và các tổ chức kiểm định chất lượng).Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm thực hiện đề tài cho rằng, mô hình ĐBCL của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network, viết tắt là AUN)[9] là mô hình cần được Học viện Tư pháp nghiên cứu tham khảo sâu, do đây là mô hình hiện đang được Bộ Giáo dục đào tạo Việt Nam và nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam ứng dụng, thực hiện và đăng ký kiểm định chất lượng[10]. AUN đã cấu trúc hệ thống đảm bảo chất lượng gồm 03 thành phần chính: ĐBCL bên trong, ĐBCL bên ngoài và kiểm định chất lượng. Hệ thống đảm bảo chất lượng này gồm:

(1) Đảm bảo chất lượng bên trong (IQA) là đảm bảo cho cơ sở đào tạo, một hệ thống hay một chương trình có chính sách và cơ chế hoạt động đáp ứng những mục tiêu và chuẩn mực nhất định. ĐBCL bên trong gồm: Giám sát ; Đánh giá (nội bộ); Cải tiến.

(2) Đảm bảo chất lượng bên ngoài (EQA) được thực hiện bởi một tổ chức hoặc cá nhân bên ngoài cơ sở đào tạo. Đánh giá viên đánh giá hoạt động của cơ sở  đào tạo, hệ  thống hay chương trình để quyết định xem  mức độ  đáp  ứng các tiêu chuẩn. ĐBCL bên ngoài gồm các hoạt động: Đối sánh; Kiểm toán chất lượng; Đánh giá (ngoài). ĐBCL bên ngoài là các hoạt động ĐBCL diễn ra từ bên ngoài nhà trường, tập trung chủ yếu ở các hoạt động đối sánh, kiểm toán và đánh giá chất lượng. ĐBCL bên ngoài góp phần tạo ra một sự nhìn nhận cân bằng hơn, giải thích một cách thuyết phục hơn về chất lượng của nhà trường đối với xă hội. ĐBCL bên ngoài là một kênh thông tin quan trọng, giúp nhà trường cải thiện chất lượng. Kiểm định chất lượng (KĐCL) là quá trình đánh giá chất lượng từ bên ngoài, kèm theo sự công nhận mức độ đạt được của đơn vị về chất lượng dựa theo một bộ tiêu chuẩn nhất định. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) xây dựng một Quy trình KĐCL chương trình giáo dục khá chặt chẽ[11].

Kiểm định chất lượng là tiến trình đánh giá chất lượng từ bên ngoài, được sử dụng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo và các chương trình để được công nhận là đáp ứng các tiêu chí, chuẩn mực và  khẳng định chất lượng giáo dục của chương trình, cơ sở đào tạo. Đây là quá trình đánh giá chất lượng từ bên ngoài, kèm theo sự công nhận mức độ đạt được của đơn vị về chất lượng dựa theo một bộ tiêu chuẩn nhất định).

Theo Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) thì đối với một cơ sở đào tạo, “đảm bảo chất lượng bên trong bao gồm bộ máy, các nguồn lực và các nguồn thông tin nhằm thiết lập, duy trì, và phát triển chất lượng các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng” (AUN, 2007, tr.22). Đảm bảo chất lượng bên trong nếu được phối hợp có hiệu quả với đảm bảo chất lượng từ bên ngoài sẽ tạo ra một cơ chế bền vững cho việc duy trì và phát triển chất lượng của nhà trường.

Theo hướng dẫn của AUN [Vroeijenstijn, 2006], hệ thống ĐBCL bên trong gồm 04 thành tố cơ bản: 1) hệ thống các công cụ giám sát, 2) hệ thống các công cụ đánh giá, 3) hệ thống các quy trình ĐBCL chuyên biệt và 4) hệ thống các công cụ ĐBCL chuyên biệt.

(1) Hệ thống các công cụ giám sát (monitoring instruments) gồm những công cụ ghi nhận các chỉ báo về các hoạt động cốt lõi (KPI: key performance indicator) của đơn vị.

(2) Hệ thống các công cụ đánh giá (evaluation instruments) cho biết các chỉ báo, nhận xét định tính từ sinh viên, giảng viên và các bên liên quan về các học phần, chương trình giáo dục, quá trình triển khai dạy và học, hiệu quả nghiên cứu khoa học, dịch vụ sinh viên...

(3) Hệ thống các quy trình ĐBCL chuyên biệt (special QA processes) gồm những quy định, quy trình liên quan đến các hoạt động bên trong đơn vị nhằm duy trì đều đặn, thường xuyên công tác ĐBCL. Công tác ĐBCL theo tiêu chuẩn ISO 9000 đặc biệt quan tâm đến việc hình thành các quy trình công việc đáp ứng tiêu chuẩn đề ra.

(4) Hệ thống các công cụ ĐBCL chuyên biệt (specific QA instruments) như cách phân tích SWOT, được tiến hành sau một chu kỳ hoạt động của trường, nhằm xác định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của đơn vị; từ đó có những điều chỉnh chiến lược cho các chu kỳ kế tiếp. Để tiếp cận cách phân tích này, nhà trường cần tiến hành quá trình tự đánh giá nhằm kiểm soát sự phát triển đúng hướng và đúng cách của trường và tầm soát các mục tiêu đã đạt được.

Bốn thành tố cơ bản nêu trên thể hiện trong sơ đồ tổng quát dưới đây:

Đảm bảo chất lượng bên trong

 

Các công cụ giám sát

 

Tiến trình học tập của học viên

Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn, tỷ lệ bỏ học

Phản hồi từ  người sử dung lao động và cựu học viên

Hiệu suất nghiên cứu

Các công cụ đánh giá

 

Đánh giá giảng viên do học viên thực hiện

Đánh giá môn học và chương trình học

Đánh giá kết quả nghiên cứu

Đánh giá các dịch vụ phục vụ học viên

 

 

 

 

 

 

Các quy trình ĐBCL chuyên biệt

 

ĐBCL trong công tác đánh giá sinh viên

ĐBCL trong công tác nhân sự

ĐBCL trong quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị

ĐBCL trong việc hỗ trợ người học

 

 

 

 

 

 

Các công cụ ĐBCL chuyên biệt

 

Phân tích SWOT (tự đánh giá)

Kiểm toán nội bộ/ đồng nghiệp

Hệ thống thông tin

Sổ tay chất lượng

 

 

 

 

Rà soát

 

Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA về chất lượng cơ sở đào tạo từ chỗ có 11 tiêu chuẩn (nhóm tiêu chí)[12] xoay quanh các hoạt động cốt lõi của một trường đại học (i) Hoạt động dạy và học tập; ii) Hoạt động nghiên cứu; iii) Đóng góp cho xã hội và thúc đẩy, phát triển cộng đồng) đến nay đã tiếp tục được phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 07 mức là: 1 = không có (không có tài liệu, kế hoạch, minh chứng ); 2 = chủ đề này của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới chỉ nằm trong kế hoạch; 3 = có tài liệu, nhưng không có minh chứng rõ ràng; 4 = có tài liệu và minh chứng; 5 = có minh chứng rõ ràng về hiệu quả trong lĩnh vực xem xét; 6 = chất lượng tốt; 7 = xuất sắc. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của tất cả các tiêu chí. Ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN là 4.0[13].

Chuẩn AUN-QA đối với chương trình đào tạo bao gồm 15 tiêu chuẩn cơ bản về các nội dung sau:

* Đánh giá thiết kế chương trình đào tạo:

–     Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

–     Khung chương trình đào tạo                                

–     Nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo

* Đánh giá thực hiện chương trình đào tạo

–     Chiến lược dạy và học

–     Cách đánh giá người học

–     Chất lương giảng viên

–     Chất lượng nhân viên hỗ trợ

–     Chất lượng người học                  

–     Tư vấn và hỗ trợ người học

–     Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị

–     ĐBCL tiến trình dạy & học

–     Hoạt động phát triển đội ngũ

* Đánh giá kết quả chương trình đào tạo

–     Phản hồi của các bên

–     Kết quả đầu ra                              

–     Sự hài lòng của các bên liên quan.

Về cơ bản, nội dung các tiêu chuẩn, tiêu chí có nhiều điểm đồng nhất với hệ tiêu chuẩn, tiêu chí do Bộ Giáo dục đào tạo xây dựng cho hệ thống các trường đại học; bên cạnh đó cũng có nhiều điểm ưu việt hơn, cần được xem là yêu cầu cao hơn đối với Việt Nam trong chiến lược đảm bảo chất lượng.

Ngoài Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), chúng ta cũng cần chú trọng các nguyên tắc/ tiêu chí của hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (European Association for Quality Assurance in Higher Education - ENQA) năm 2005[14] và Mạng lưới Đảm bảo chất lượng Châu Á – Thái bình dương (Asia-Pacific Quality Network - APQN)[15] (được gọi là Các nguyên tắc Chiba về ĐBCLBT - Chiba Principles [APQN, 2008])[16]:

Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu  – ENQA

Mạng lưới Đảm bảo chất lượng                           Châu Á – Thái bình dương (APQN)

1. Chính sách và qui trình đảm bảo chất lượng

(3) Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cùng các chính sách và qui trình hoạt động (bộ máy, chính sách, qui trình)

 

(2) Những mục tiêu hoạt động của nhà trường

(1) Xây dựng và phát triển nếp văn hóa đảm bảo chất lượng trong toàn trường

(5) Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển chất lượng toàn diện

2 – (4) Xét duyệt và định kỳ rà soát các chương trình đào tạo và việc cấp văn bằng, chứng chỉ

3. Đánh giá người học

 

4. Đảm bảo chất lượng đối với đội ngũ giảng dạy

(6) Chất lượng của đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu được duy trì và phát triển

5. Nguồn tài nguyên hỗ trợ học tập

 

6. Hệ thống thông tin:

 

7 - (7) Công khai các thông tin về nhà trường, về các chương trình đào tạo, văn bằng chứng chỉ được cấp và những thành tựu của nhà trường

Hai bộ tiêu chuẩn của AUN và ENQA có điểm chung là đều quan tâm đến các hoạt động cốt lõi của cơ sở đào tạo. Điểm khác biệt là AUN chú trọng hơn đến hoạt động tự đánh giá, xây dựng hệ thống văn bản ĐBCL và kiểm toán nội bộ; còn ENQA chú trọng hơn đến hoạt động phát triển các chương trình giáo dục, trong đó: i) Tích hợp mô hình đảm bảo chất lượng bên trong (ĐBCLBT) vào chiến lược/chương  trình công  tác hàng năm của nhà trường; ii) Phân công thực hiện các tiêu chí ĐBCLBT; iii) Xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá tiến độ/hiệu quả thực thi ở các đơn vị và chính sách khen thưởng-chế tài.

Từ kết quả nghiên cứu bước đầu về nguyên lý chung của hệ thống đảm bảo chất lượng trong giáo dục đào tạo nói chung và đảm bảo chất lượng bên trong của cơ sở đào tạo theo cách tiếp cận quốc tế hiện đại, có thể rút ra một số vấn đề quan trọng cần lưu ý trong quá trình xây dựng hệ thống ĐBCLbên trong như sau: Một là, Xây dựng Văn hóa Chất lượng trong nhà trường là yêu cầu hàng đầu để phát triển ĐBCLBT; Hai là, nâng cao chất lượng các Chương trình đào tạo là trọng tâm của hoạt động ĐBCLBT; Ba là, công khai thông tin là yêu cầu thường xuyên của ĐBCLBT.

Để xây dựng và thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng của các trường đại học, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật:

 - Luật Giáo dục năm 2005 (Điều 17, 58, 99) và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (Chương II, Điều 38-40);

- Luật Giáo dục đại học năm 2012;

- Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

- Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp;

- Quyết định 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học (sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT);

- Các văn bản hướng dẫn của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ban hành: Hướng dẫn tự đánh giá cho các trường đại học; Hướng dẫn sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học.

Các văn bản trên là những công cụ pháp lý quan trọng để triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Theo các văn bản này, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam có các cấu phần chính sau:

- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong: Đảm bảo chất lượng bên trong (internal quality assurance, viết tắt là IQA) là đảm bảo cho cơ sở đào tạo, một hệ thống hay một chương trình có chính sách và cơ chế  hoạt động đáp ứng những mục tiêu và chuẩn mực nhất định

- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài (external quality assurance, viết tắt là EQA) hay hệ thống đánh giá ngoài bao gồm các chủ trương, quy trình và công cụ đánh giá, được thực hiện bởi các tổ chức đánh giá ngoài và các tổ chức kiểm định độc lập hoặc các tổ chức, cá nhân bên ngoài cơ sở đào tạo đánh giá hoạt động của cơ sở  đào tạo, hệ  thống hay chương trình để đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục của chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo (hoạt động kiểm định chất lượng).

Công tác đảm bảo chất lượng bên trong của cơ sở đào tạo được tiến hành thông qua việc thực hiện 04 chức năng cơ bản, bao gồm:

(1) Xác lập chuẩn: Là chức năng quan trọng đầu tiên của đảm bảo chất lượng, theo đó, các cơ sở đào tạo dựa trên sứ mạng, mục tiêu của đơn vị để xây dựng các chuẩn mực chất lượng cần đạt được. Đó là chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn phương pháp đào tạo, chuẩn cơ sở vật chất và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Các chuẩn chất lượng đồng thời thể hiện những yêu cầu, hay kì vọng mà nhà trường phải phấn đấu để đạt được.

(2) Xây dựng các qui trình, thủ tục nhằm đạt được các chuẩn mực nêu trên thông qua việc xác định rõ các thành tố: Đầu vào, quá trình, đầu ra của quy trình.

(3) Xác định các tiêu chí đánh giá để đánh giá đầu vào, quá trình, đầu ra của các qui trình, nhằm giúp các thành viên trong trường và khách hàng nhận biết quá trình thực hiện cũng như mức độ đạt được của các qui trình.

(4) Vận hành, đo lường, đánh giá, thu thập và xử lý số liệu. Nhà trường cần thu thập các số liệu về chất lượng; tiến hành xử lí số liệu thường xuyên, liên tục để có những thông tin chính xác nhằm đánh giá công tác đảm bảo chất lượng và có cơ sở đưa ra những biện pháp điều chỉnh hữu hiệu.

Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng, các cơ sở đào tạo cần chú trọng các nguyên tắc cơ bản sau:

(1) Tiếp cận và nắm rõ các yêu cầu của người học để xây dựng các qui trình và tiêu chuẩn cho sản phẩm đầu ra có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của người học.

(2) Đảm bảo chất lượng phải là vấn đề quan tâm và thực hiện nghiêm túc, tự giác của tất cả các thành viên trong nhà trường. Từng người, từng tổ nhóm hiểu rõ, quan tâm và có trách nhiệm đối với chất lượng; phối hợp với nhau nhịp nhàng, thống nhất nhằm phục vụ tối đa nhu cầu và thật sự vì người học.

(3) Mọi bộ phận trong trường đều phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng.

Tựu chung lại, những nội dung cốt lõi nêu trên về chất lượng, quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được coi là những lý thuyết quan trọng đối với Học viện Tư pháp để tham khảo, vận dụng trong quá trình dự thảo hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp và các giải pháp đổi mới công tác đào tạo, quản trị đào tạo thời gian tới

 

 

1.2.2. Kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo tư pháp của một số nước và vấn đề vận dụng đối với Học viện Tư pháp

Theo một số tài liệu của Tổ chức Quốc tế về đào tạo tư pháp (IOJT)[17] và kết quả nghiên cứu khảo sát của tổ chức này[18] về kinh nghiệm quốc tế của các nước trên thế giới, một Chương trình Đào tạo Tư pháp thường xuyên có chất lượng bao gồm các yếu tố cơ bản:

(A) Phát triển và chuẩn hóa Chương trình Đào tạo và Giáo dục Tư pháp thường xuyên, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực dựa trên kỹ năng và cải thiện hiệu suất hoạt động tư pháp;

(B) Xây dựng kế hoạch và phát triển chiến lược trong đó xác định các mục tiêu và đối tượng, các ưu tiên, cấu trúc và nội dung của Chương trình Đào tạo và dịch vụ;

(C) Thiết lập một Cơ cấu quản trị, hoặc Hội đồng cho cơ quan đào tạo tư pháp, bao gồm đại diện của cơ quan tư pháp, các chuyên gia giáo dục và người đại diện cho lợi ích cộng đồng;

(D) Các thành viên liên quan của ngành tư pháp tham gia lập kế hoạch, thành lập, quản lý và đánh giá chương trình đào tạo tư pháp;

(E) Tiến hành phân tích nhu cầu đào tạo toàn diện, trong đó bao gồm hoạt động tham khảo ý kiến của đại diện các ngành nghề, cộng đồng kinh doanh và các đại diện của xã hội dân sự;

(F) Thực hiện việc đánh giá các nguồn lực để thiết lập và thực hiện các chương trình giáo dục tư pháp thường xuyên, bao gồm cơ sở hạ tầng cố định, nguồn nhân lực và ngân sách thường xuyên;

(G) Sử dụng nguồn lực hiện có ở bất cứ nơi nào có liên quan và phù hợp;

(H) Áp dụng các nguyên tắc đào tạo người lớn và chuyên nghiệp trong việc thiết kế và cung cấp dịch vụ đào tạo;

(I) Phát triển thường xuyên chương trình ToT (đào tạo giảng viên);

(J) Thiết kế và thực hiện hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators) đề ra các Nguyên tắc và tiêu chuẩn của giáo dục tư pháp thường xuyên (Principles and standards of judicial branch education)  như sau:

Nguyên tắc I: Nhu cầu giáo dục tư pháp: Giáo dục chính thức cho nhân viên ngành tư pháp là cần thiết để duy trì niềm tin của công chúng và sự tự tin trong hệ thống tư pháp. Trong nguyên tắc này, có 03 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Trách nhiệm đào tạo tư pháp (judicial branch education – JBE) nằm trong ngành tư pháp dưới sự lãnh đạo của Chánh án Tòa án tối cao; 2) Cơ hội đào tạo nên đưa ra cho tất cả các cá nhân trong ngành tư pháp; 3) cơ quan tư pháp tạo điều kiện về thời gian để nhân viên tham gia vào các hoạt động đào tạo phù hợp với chức năng công việc và phát triển nghề nghiệp của mỗi người.

Nguyên tắc II -Tổ chức và các nguồn lực: Ngành tư pháp của mỗi bang cần có một tổ chức để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Trong nguyên tắc này, có 06 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Mỗi tổ chức đào tạo tư pháp nên có một tuyên bố rõ ràng, bằng văn bản về sứ mệnh và mục tiêu phát triển của mình; 2) Mỗi tổ chức đào tạo tư pháp có một giám đốc chuyên trách và sự hỗ trợ của nhân viên cơ hữu; 3) Tổ chức đào tạo tư pháp tạo cơ hội cho nhân viên duy trì và nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp; 4) Tổ chức đào tạo tư pháp sẽ làm việc với các ủy ban tư vấn đào tạo, bổ nhiệm chánh án hoặc các cơ quan chỉ định thích hợp; 5) Trong biên chế và hoạt động của mình, tổ chức JBE cần thúc đẩy sự công bằng để tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, định hướng giới tính, tuổi tác, khuyết tật, tình trạng kinh tế xã hội và dân tộc; 6) Tổ chức đào tạo tư pháp cần có nguồn lực thích hợp để lập kế hoạch cho và cung cấp giáo dục có hiệu quả theo thời gian (xem tiêu chuẩn 4.4).

Nguyên tắc III- Giáo dục để đáp ứng nhu cầu thay đổi nghề nghiệp của cán bộ tư pháp. Trong nguyên tắc này, có 04 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Nhân viên ngành tư pháp mới được cung cấp các hướng dẫn về nội dung đào tạo, tài liệu văn bản và một hoặc một số cố vấn; 2) Nhân viên ngành tư pháp nên thường xuyên tham gia hoạt động đào tạo tư pháp toàn diện, theo hướng nâng cao chuyên môn, phát triển cá nhân; 3) Chương trình đào tạo tư pháp nên chú trọng các kỹ năng đặc biệt và kiến thức cần thiết cho mỗi vị trí công tác cá nhân, hướng đến hiệu suất công việc và trách nhiệm nâng cao lòng tin của công chúng và sự tự tin trong hệ thống tư pháp; 4) Nhân viên ngành tư pháp nên được khuyến khích phát triển các quan điểm về chức năng, vị trí ngành tư pháp, và được chia sẻ kiến thức, kỹ năng và thái độ với những đồng nghiệp khác, cả trong nước và quốc tế.

Nguyên tắc IV-Sử dụng các phương pháp giáo dục dành cho người lớn: Chương trình Giáo dục tư pháp nên sử dụng phương pháp giáo dục người lớn thích hợp để đánh giá nhu cầu, thiết kế và thực hiện chương trình giảng dạy, và đánh giá kết quả. Trong nguyên tắc này, có 05 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Tổ chức đào tạo nên thường xuyên đánh giá và phân tích nhu cầu học tập, trách nhiệm, và hiệu suất; 2) Mỗi hoạt động đào tạo và tài liệu giảng dạy liên quan nên có một tuyên bố rõ ràng, ngắn gọn bằng văn bản về mục tiêu học tập cần đạt được (cụ thể, thực tế và đo lường được) và kế hoạch dự định để đạt được những mục tiêu này; 3) Hoạt động học tập ngành tư pháp cần thúc đẩy sự tham gia tích cực của tất cả các phong cách học tập khác nhau; 4) Môi trường vật lý cho các hoạt động đào tạo nên hỗ trợ học tập và các mục tiêu học tập; 5) Phương pháp đánh giá nên xác định xem các hoạt động học tập đạt được các mục tiêu học tập đã nêu và đáp ứng mong đợi của người tham gia hay không.

Nguyên tắc V: Giảng viên: Để giúp người học xác định rõ ràng mục tiêu đào tạo, giảng viên đào tạo tư pháp cần phải có kinh nghiệm về kỹ năng học tập của người lớn, kỹ thuật và các vấn đề có liên quan. Trong nguyên tắc này, có 05 tiêu chuẩn cụ thể: 1): Giảng viên phải có những kỹ năng để phát triển chương trình đào tạo và giáo dục đạo đức cho học viên người lớn, sử dụng các phương pháp giáo dục người lớn thích hợp; 2) Giảng viên cần phù hợp với học viên mà họ đào tạo, nên bao gồm các thẩm phán và nhân viên ngành tư pháp. Tất cả các giảng viên JBE nên được tham gia thường xuyên vào chương trình phát triển giảng viên; 3) Giảng viên phải tích hợp phong cách học tập và quan điểm (thế giới quan) đa dạng trong đào tạo tư pháp; 4) Giảng viên đào tạo phải tham gia vào hoạt động đánh giá thường xuyên và liên tục đối với mục tiêu, chương trình, kỹ thuật giảng dạy của mình để xác định rằng họ đáp ứng nhu cầu của người học (xem thêm tiêu chuẩn 4.5); 5) Ngành tư pháp phải cung cấp thời gian cho nhân viên để tham gia giảng dạy tại một tổ chức đào tạo đã yêu cầu dịch vụ của họ, được chi trả các chi phí thực tế và cần thiết.

Nguyên tắc VI- Các nguồn lực: Các tổ chức đào tạo tư pháp phải cung cấp cho nhân viên các nguồn lực để họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiểu biết, năng động, hiệu quả. Trong nguyên tắc này, có 05 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Nhân viên ngành tư pháp sẽ nhận được được tài liệu bao gồm sách hướng dẫn, tài liệu chuyên khảo và các ấn phẩm khác giúp họ thực hiện nhiệm vụ bình thường một cách hiểu biết, hiệu quả; 2) Tất cả các nhân viên ngành tư pháp sẽ nhận được các tài liệu nghiên cứu như là thành tố của chương trình đào tạo; 3) Các tổ chức đào tạo tư pháp nên duy trì, hoặc phân phối cho tòa án địa phương để duy trì, một thư viện cho mượn tài liệu văn bản, băng hình và ấn phẩm điện tử; 4) Các tổ chức đào tạo tư pháp sẽ làm việc với nhân viên công nghệ tư pháp, lập kế hoạch và áp dụng công nghệ thích hợp để tăng cường việc cung cấp cho các JBE.

Nguyên tắc VII- Tiếp cận và hợp tác: Giáo dục tư pháp sẽ giúp tất cả các nhân viên ngành tư pháp phát triển kỹ năng trong tiếp cận cộng đồng, cộng tác cộng đồng, lãnh đạo cộng đồng, và dịch vụ công cộng, và các tổ chức JBE nên mô hình hóa những kỹ năng trong tất cả các công việc của mình. Trong nguyên tắc này, có 05 tiêu chuẩn cụ thể: 1) Tất cả các chương trình đào tạo tư pháp và tài liệu liên quan nên tìm cách cải thiện dịch vụ trong cộng đồng, trong đó nhân viên ngành tư pháp tăng cường niềm tin của công chúng và sự tự tin trong ngành tư pháp, 2) Tổ chức đào tạo tư pháp làm việc chặt chẽ với ngành tư pháp, văn phòng thông tin công cộng, tổ chức dịch vụ của tòa án, các ủy ban và các đối tác cộng đồng để phát triển hoạt động tiếp cận công chúng, người sử dụng tòa án, và các nhà hoạch định chính sách về tòa án; 3) Tổ chức đào tạo tư pháp phát triển các chương trình giáo dục và tài liệu có thể trợ giúp nhân viên ngành tư pháp thực hiện các chương trình tiếp cận cộng đồng của họ tại địa phương và cộng đồng; 4) Tất cả các nhân viên ngành tư pháp nên tham gia vào chương trình đào tạo và các dự án tiếp cận, hợp tác cộng đồng để tăng cường lòng tin của công chúng và sự tự tin trong ngành tư pháp.

Nguyên tắc VIII – Đào tạo tư pháp ở phạm vi quốc tế: Những nguyên tắc và tiêu chuẩn đào tạo tư pháp tại Hoa Kỳ cũng áp dụng đối với đào tạo tư pháp ở các nước khác. Đặc biệt, giảng viên và chương trình đào tạo phát triển ở phạm vi quốc tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như trong nước và các tiêu chuẩn sau đây: 1) Các nguyên tắc và tiêu chuẩn của đào tạo tư pháp nên sẵn sàng để có thể dịch chuyển sang các hệ thống tư pháp khác; 2) Tổ chức đào tạo tư pháp tại Hoa Kỳ cần phải nỗ lực hỗ trợ các nhánh đào tạo tư pháp ở quốc gia khác thông qua việc trao đổi giảng viên và chia sẻ các nguồn lực.

* Một số kết luận và khuyến nghị về vận dụng kinh nghiệm quốc tế, nước ngoài về đảm bảo chất lượng đào tạo đối với Học viện Tư pháp

Xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo là vấn đề còn tương đối mới đối với nhiều cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề ở Việt Nam. Đối với Học viện Tư pháp, vấn đề này càng khó khăn hơn do thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động trong hơn 17 năm từ khi thành lập đến nay chưa đủ cơ sở để xác định địa vị pháp lý và mô hình tổ chức, hoạt động trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong lĩnh vực đào tạo nghề tư pháp, cơ chế và mô hình hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đảm bảo chất lượng đào tạo nói riêng cũng chưa thực sự được thể hiện rõ trong thực tiễn – kể cả trong nước và quốc tế.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài cho phép rút ra một vài nhận định chung và khuyến nghị về kinh nghiệm quốc tế, nước ngoài trong xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần vận dụng đối với Học viện Tư pháp như sau:

Một là, lĩnh vực đào tạo nghề luật (đào tạo tư pháp) vừa có những đặc điểm, yêu cầu chung như với các lĩnh vực giáo dục đại học,  vừa có những điểm đặc thù, do đó khi đề xuất phương án thiết kế hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần phải lưu ý đến có những yếu tố, tiêu chí riêng phù hợp với tính chất của đào tạo tư pháp.. Nét riêng nổi bật nhất cần được nhận diện đó là đào tạo chức danh tư pháp thuộc lĩnh vực đào tạo chuyên sâu nghề luật cho những người sẽ trở thành chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp. Điều này dẫn đến mục tiêu của giáo dục tư pháp (JBE) là để nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp nói chung bằng cách liên tục cải thiện cá nhân và năng lực chuyên môn của tất cả những người thực hiện chức năng tư pháp hoặc hành nghề luật trong xã hội. Đây là quá trình quá trình đào tạo bậc cao và toàn diện, gồm kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho các đối tượng được đào tạo. Vì vậy, hoạt động đào tạo cần được tiến hành phù hợp với đặc điểm và đáp ứng những yêu cầu riêng của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đây là lĩnh vực đào tạo người lớn (theo quan niệm của Hoa Kỳ như trình bày trên đây thì hoạt động đào tạo này cần tập trung vào đánh giá nhu cầu đào tạo, mục tiêu học tập, các hoạt động học tập, phương pháp đào tạo người lớn và phát triển giảng viên. Hoạt động đào tạo nghề cho người lớn được tiến hành và đặt trong bối cảnh của ngành tư pháp). Đây là những nét khác biệt cơ bản so với giáo dục đại học, cần được lưu ý trong quá trình Học viện Tư pháp của Việt Nam nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hai là, trong xu thế hội nhập quốc tế về cải cách tư pháp, về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược cải cách tư pháp và các chiến lược khác của đất nước, việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp nên theo hướng tham khảo kết hợp những điểm phù hợp trong hướng dẫn của các tổ chức quốc tế có uy tín và thành tựu của các nước ngoài tiên tiến, trong đó nổi bật là hướng dẫn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn của đào tạo tư pháp của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators) cũng như các quốc gia khác có hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và đào tạo nghề luật.

1.2.3. Kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo của một số cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam và vấn đề vận dụng đối với Học viện Tư pháp

Trong điều kiện của Đề tài, việc nghiên cứu kinh nghiệm về các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo luật của Việt Nam được thực hiện chủ yếu đối với các cơ sở đào tạo: Trường Đại học Luật Hà Nội, và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

1.2.3.1. Hệ thống và hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội

Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội có sự tham gia của toàn bộ các giảng viên, nhân viên và sinh viên của Trường. Đơn vị chuyên trách là Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo được thành lập năm 2006. Cấp trên chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Trung tâm là Phó Hiệu trưởng (phụ trách đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo).Hoạt động đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Luật Hà Nội bao gồm 03 nhóm chính:

- Nhóm hoạt động hỗ trợ giảng dạy và hỗ trợ cho quản lý đào tạo (tập huấn phương pháp giảng dạy, đào tạo giảng viên trẻ, hướng dẫn xây dựng đề cương môn học, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008…).

- Nhóm các hoạt động đánh giá (xây dựng báo cáo Tự đánh giá cơ sở đào tạo, đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng môn học, đánh giá giảng viên)

- Nhóm các hoạt động khảo thí (quản lý đề thi, tổ chức thi, chấm thi…).

* Nhóm hoạt động hỗ trợ giảng dạy và hỗ trợ cho quản lý đào tạo

Nhóm này tổ chức các khoá học về Sư phạm tương tác và xây dựng Hồ sơ Môn học theo hệ thống tín chỉ; Giáo án điện tử; đào tạo giảng viên trẻ; Quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ; hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với nước ngoài; Phương pháp học đại học ngành luật; xây dựng Đề cương chi tiết môn học; xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008…)

* Nhóm các hoạt động đánh giá tập trung vào công tác xây dựng Báo cáo Tự đánh giá trong Kiểm định chất lượng Giáo dục đại học và phục vụ cho Đánh giá ngoài; đánh giá chất lượng môn học; đánh giá chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo đã chủ trì xây dựng được các công cụ đánh giá sau: Bộ tiêu chuẩn đánh giá giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội về hai hoạt động chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Quy trình đánh giá giảng viên theo Bộ tiêu chuẩn trên; Các công cụ hỗ trợ cho việc đánh giá giảng viên (các hướng dẫn, các bảng biểu, các phiếu điều tra, các mẫu báo cáo…). Hiện nay, Bộ tiêu chuẩn và Quy trình đánh giá hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên đang được rà soát lại theo ý kiến đóng góp của các đơn vị trong Trường và đã được áp dụng thí điểm cho một số giảng viên của Trường.

* Nhóm các hoạt động khảo thí hướng dẫn và hỗ trợ cho các bộ môn xây dựng Ngân hàng Đề thi tốt nghiệp đại học và trung cấp hệ vừa làm vừa học; Tham gia chấm thi trắc nghiệm khách quan các môn học thuộc chương trình đào tạo; Thực hiện việc ra đề thi cho các đợt thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp; Tổ chức thi tiếng Anh theo chuẩn TOEIC cho sinh viên chính quy; Tham gia vào Ban đề thi do Hội đồng thi tuyển sinh và Hội đồng thi tốt nghiệp của Trường huy động)

1.2.3.2. Hệ thống và hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo của khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội

Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội duy trì Bộ phận đảm bảo chất lượng đào tạo thuộc Phòng Quản lý đào tạo và khoa học, hoạt động dưới sự chỉ đạo của phó trưởng Khoa trong một thời gian. Đến nay, đề án thành lập Phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt và triển khai thực hiện. Khoa Luật luôn chú trọng công tác tăng cường năng lực cho nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng, liên tục cử người tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về đảm bảo chất lượng giáo dục (các khóa kiểm định viên AUN, khóa kiểm định viên giáo dục do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức). 

Các hoạt động đảm bảo chất lượng của Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội bao gồm:

a) Thực hiện công tác xây dựng Báo cáo tự đánh giá và công tác hỗ trợ cho đánh giá ngoài.

b) Thực hiện các công việc thuộc phạm vi hậu kiểm định. Căn cứ các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và thực tế của Khoa, Bộ phận đảm bảo chất lượng tiến hành cân đối các nguồn lực, lập kế hoạch và đề xuất lãnh đạo Khoa cho triển khai thực hiện.

c) Xây dựng kế hoạch triển khai đánh giá việc thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng của Khoa Luật. Công tác xây dựng văn hóa chất lượng ở Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được chú trọng thực hiện với quy trình 06 bước, bao gồm: Bước 1 : Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho tất cả các cán bộ, giảng viên trong toàn Khoa; Bước 2 : Ban hành các qui chế, quy định về đảm bảo chất lượng giáo dục trong đơn vị (bao gồm quy định về đánh giá chất lượng, quy định xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng, các quy trình ISO trong đơn vị…). Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục của đơn vị; Bước 3 : Hướng dẫn, tập huấn để triển khai các quy định về đảm bảo chất lượng giáo dục; Bước 4 : Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch nhiệm vụ năm học và kế hoạch đảm bảo chất lượng tích hợp với các nội dung thực hiện văn hóa chất lượng. Bước 5 : Triển khai kiểm tra, giám sát định kỳ, chú trọng các đánh giá từ bên ngoài đơn vị để xác định những mặt tích cực và những điểm còn hạn chế; Bước 6: Tổ chức sơ kết, tổng kết về xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng, phát hiện những điển hình tiêu biểu của đơn vị trong các hoạt động đảm bảo chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng để phổ biến và nhân rộng, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế và các biện pháp để khắc phục và cải tiến.

d) Thực hiện Quy chế ba công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Thực hiện công tác giảng viên tự đánh giá: Lập kế hoạch và triển khai cho các giảng viên tự đánh giá. Bộ phận đảm bảo chất lượng tiến hành phát và  thu nhận phiếu khảo sát, xử lý kết quả khảo sát, viết báo cáo và nộp báo cáo tổng kết cho ĐHQGHN.

e) Thu thập ý kiến phản hồi của sinh viên.

f) Điều tra khảo sát sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp về đánh giá chương trình đào tạo và các kỹ năng xin việc.

g) Điều tra tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

h) Cung cấp các số liệu của Đại hoc quốc gia theo các tiêu chí xếp hạng cho tổ chức xếp hạng đại học (QS, Webometrics).

i) Rà soát, đánh giá chất lượng một số chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Ví dụ: Chương trình đào tạo thạc sĩ luật hợp tác quốc tế và kinh doanh quốc tế (liên kết với các trường đại học của Pháp).

j) Phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc tổ chức đánh giá, chấm điểm web của các Khoa theo tiêu chí xếp hạng của Webometrics nhằm nâng cao chất lượng và quảng bá các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời cung cấp số liệu phục vụ công tác thi đua khen thưởng.

k) Thẩm định đề cương các môn học hệ đại học và sau đại học theo Khung chương trình mới đã được phê duyệt.

Mặc dù vậy, hoạt động đảm bảo chất lượng của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội còn có một số hạn chế nhất định: Các hoạt động tương đối nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa thành các mảng công việc mang tính ổn định. Hầu hết công việc được thực hiện một cách thụ động theo yêu cầu của các cơ quan cấp trên. Nhân sự của Bộ phận đảm bảo chấtt lượng chưa ổn định và còn thiếu so với yêu cầu công việc. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đảm bảo chấtt lượng chưa đáp ứng đủ yêu cầu (chưa có phòng riêng, thiếu máy móc chuyên dụng, tủ đựng tài liệu, phiếu khảo sát, minh chứng KĐCL...).

1.2.3.3.Vận dụng kinh nghiệm đối với Học viện Tư pháp

            Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn công tác đảm bảo chất lượng của một số cơ sở đào tạo như  trên, nhóm tác giả thực hiện Đề tài khuyến nghị một số vấn đề về vận dụng kinh nghiệm đối với Học viện Tư pháp trong nghiên cứu xây dựng hệ tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo  như sau:

Thứ nhất, tôn trọng và đảm bảo quyền của người học được tiếp cận chương trình đào tạo, bồi dưỡng có tính chất và giá trị tinh hoa nghề Luật ứng dụng, được giảng dạy, tư vấn bởi giảng viên giỏi chuyên môn, yêu nghề, chuyên nghiệp về phong cách làm việc, hiện đại về phương pháp giảng day và chuẩn mực về đạo đức, lối sống;

Thứ hai, sự tận tâm, thiện chí trong việc đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận công lý từ các dịch vụ tư pháp do Học viện cung cấp;

Thứ ba, sự chuyên nghiệp trong việc tạo lập môi trường lao động, học tập của giảng viên, người lao động, học viên và quản trị nhà trường;

Thứ tư, thái độ và hành động kiên định bảo vệ và tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền, tạo sự phát triển hài hòa về nhân cách, đào tạo kỹ năng quản trị chuyên nghiệp các mối quan hệ cá nhân, cộng đồng trong triết lý và nội dung của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và dịch vụ tư pháp;

Thứ năm, thực tiễn hóa yêu cầu phát triển đỉnh cao việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhân đạo, nhân văn của mọi thành viên, đơn vị của Học viện.

Tương đồng với những nội hàm căn bản nêu trên, đặt trong bối cảnh hiện tại của HVTP, yêu cầu xây dựng văn hóa chất lượng để đặt nền móng cho hệ thống đảm bảo chất lượng cần tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau đây:

-  Có được sự cam kết chắc chắn về quyết tâm của Lãnh đạo Học viện và tập thể giảng viên, chuyên viên, người lao động nhà trường đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống ĐBCL đào tạo các chức danh tư pháp;

-  Tạo dựng một hệ thống kết nối hiệu quả với hệ thống tư pháp và cộng đồng nghề Luật trong nước, trong khu vực và trên thế giới về trao đổi thông tin, giao tiếp phối hợp, quản lý thông tin, dự liệu phục vụ cho sự hoạt động của hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp;

-  Xây dựng và sử dụng hệ thống tiêu chuẩn, công cụ đo lường, đánh giá chất lượng, bảo đảm luôn có sự góp ý phản hồi từ phía các đối tượng chính có liên quan (sinh viên, giảng viên, và các tổ chức khác) để cải thiện thường xuyên chất lượng  hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, nguồn nhân lực pháp luật và cách dịch vụ pháp lý do Học viện Tư pháp cung cấp;

-  Xây dựng các hệ thống báo cáo, nhằm trao đổi thông tin về các bài học thành công một cách hiệu quả, đồng thời tìm kiếm nguồn tài chính phù hợp và bổ sung để hình thành, duy trì, phát triển bền vững hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp theo hướng liên tục cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống này.

Qua nghiên cứu, liên quan đến hoạt động đánh giá trong mô hình đảm bảo chất lượng tại Học viện Tư pháp, nhóm tác giả thực hiện đề tài cho rằng, việc vận dụng kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo luật cần lưu ý một số vấn đề sau:

*  Đối với việc đánh giá cơ sở đào tạo (đánh giá Học viện)

Đánh giá đơn vị (cơ sở đào tạo) là tự đánh giá cấp Học viện và là nội dung đánh giá quan trọng nhất để có thể nhận diện, xem xét và đánh giá chất lượng từ trong nội bộ Học viện với mục tiêu, khắc phục điểm yếu, hạn chế, sửa đổi, cải thiện chất lượng cung cấp chương trình, dịch vụ đào tạo, khả năng và trách nhiệm xã hội từ các chương trình đào tạo và dịch vụ đào tạo, từ đó xây dựng, định vị thương hiệu đào tạo cũng như uy tín của Học viện Tư pháp trên cả nước. Đánh giá đơn vị về bản chất là hoạt động đánh giá quan trọng nhất, thể hiện tầm ảnh hưởng và được triển khai trên tất cả các phương diện của Học viện Tư pháp, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tài chính, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, công tác học viên, quản trị, hành chính và các công tác liên quan khác, từ đó nêu lên được các điểm mạnh, điểm còn tồn tại, các biện pháp để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong sứ mệnh, tầm nhìn của Học viện.

Đối với mỗi lần tổ chức đánh giá trong, việc đánh giá đơn vị thường phải diễn ra trong khoảng thời hạn dài, từ 5 đến 7 tháng, bao gồm nhiều công việc, nhiều hoạt động và liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều thiết chế khác nhau trong Học viện. Thông thường, nếu ở các trường đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, cứ 05 năm sẽ tiến hành tự đánh giá một lần. Riêng với Học viện Tư pháp, tuy là một cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp, nhưng trong quyết định thành lập đã xác định Học viện hoạt động theo Điều lệ trường đại học, nên hoàn toàn có thể áp dụng theo cách này của các trường đại học khi tiến hành đánh giá đơn vị của Học viện. Điểm mấu chốt là đối với Học viện là phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn phù hợp để áp dụng hiệu quả việc đánh giá đơn vị trong thời gian tới. 

 

*  Đánh giá chương trình đào tạo

Nếu ở các cơ sở đào tạo luật đã và đang thực hiện hoạt động tự kiểm định với chu kỳ đánh giá chương trình đào tạo thường diễn ra 5 năm một lần thì ở Học viện Tư pháp, do chương trình đào tạo dài nhất cũng chỉ là 12 tháng, thêm vào đó là việc chịu tác động trực tiếp từ hệ thống văn bản pháp luật luôn được sửa đổi đến nội dung bài giảng trong chương trình đào tạo nên việc đánh giá chương trình đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp của HVTP chắc chắn sẽ phải thiết kế theo hướng ngắn hơn, cụ thể là chu trình chậm nhất 3 năm một lần. Căn cứ để tiến hành hoạt động tự đánh giá chương trình đào tạo các CDTP sẽ kết hợp giữa tham khảo tiêu chí kiểm định hiện hành của Bộ Giáo dục và đào tạo hiện áp dụng cho các trường đại học và tiêu chí tự xây dựng của HVTP, phù hợp với đặc thù đào tạo tại Học viện. Thành phần Hội đồng tự đánh giá chương trình đào tạo do Giám đốc quyết định thành lập đối với từng chương trình, song phải có sự tham gia của Lãnh đạo Học viện, Hội đồng Học viện, Hội đồng khoa học và đào tạo; Trưởng phòng đào tạo và các Trưởng phòng khác; các ban, khoa, tổ bộ môn, giảng viên có uy tín tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học liên quan đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng được đánh giá và nhất là những người làm công tác quản lý các chức danh tư pháp và đặc biệt là những người đang hành nghề luật.

Trong cấp độ đánh giá chất lượng cấp chương trình, hoạt động đánh giá giảng viên có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng:

Đánh giá giảng viên là hoạt động thường xuyên, liên tục hàng năm. Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, hàng năm, hoặc từng khoá đào tạo, chất lượng giảng dạy của giảng viên cần được tiến hành đánh giá. HVTP có giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng cùng tham gia giảng các khóa đào tạo chức danh tư pháp với tỷ lệ đảm nhiệm giờ giảng giữa hai hệ thống giảng viên là tương đương 50/50.. Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng và thời lượng đảm nhiệm của giảng viên thỉnh . Từ đặc thù này, cơ chế đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên của HVTP sẽ có nhiều khác biệt so với các trương đại học. Chẳng hạn, hệ thống tiêu chí đánh giá giảng viên của Học viện Tư pháp cần phải thiết kế các tiêu chí về đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng tham gia đảm nhiệm các chương trình đào tạo chức danh tư pháp; tiêu chí về năng lực áp dụng chuyên nghiệp phương pháp giảng dạy hiện đại của giảng viên thỉnh giảng; tiêu chí về năng lực cặp nhật, vận dụng tình huống nghề nghiệp thực tiễn vào hoạt động giảng dạy của giảng viên cơ hữu...

1.3. Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng chiến lược phát triển Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp

1.3.1. Các yếu tố tác động đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố sau:

(1) Quy định pháp luật (về địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp thuộc hệ thống nào);

(2) Chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp;

(3) Mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo và cách thức tổ chức hoạt động đào tạo.

Dưới đây là một số yếu tố tác động đã và đang đặt ra cho Học viện Tư pháp nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập cần được nhận diện và giải quyết thỏa đáng: 

1.3.1.1 Quy định pháp luật (về địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp) 

Học viện Tư pháp là một cơ sở đào tạo nghề, được thành lập trên cơ sở chủ trương xây dựng “cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp”[19] có cơ cấu tổ chức bộ máy và sự vận hành bộ máy nhà trường giống với mô hình trường đại học, nhưng là trường đào tạo loại nghề đặc biệt trong xã hội, nghề dành cho những người hoạt động theo chức danh tư pháp được bổ nhiệm. Theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ,“Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động theo Điều lệ trường đại học”. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay về mặt pháp lý là Học viện Tư pháp không được công nhận là cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, theo Điều 4 Luật Giáo dục. Theo văn bản pháp lý về thành lập Học viện Tư pháp thì mô hình thể chế và cơ cấu tổ chức nhà trường có những điểm đặc thù so với các cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam. Bởi vì, bên cạnh Điều lệ trường Đại học (và do đó sẽ bao gồm cả Luật Giáo dục đại học), Học viện Tư pháp cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 125/2011/NĐ-CP về trường của cơ quan nhà nước. Như vậy, địa vị pháp lý của Học viện Tư pháp theo văn bản hiện hành vừa có tính chất Trường thuộc bộ, ngành, vừa được cấu trúc và hoạt động tuân theo sự điều chỉnh của luật giáo dục đại học và điều lệ trường đại học. Việc hoạt động theo hai cơ chế với những điểm khác biệt đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và hoạt động của Học viện Tư pháp.

Ngoài ra, một điều cần lưu ý là thể chế về đào tạo các chức danh tư pháp chưa được xây dựng và hoàn thiện. Do lĩnh vực đào tạo này không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp nhìn chung không điều chỉnh đầy đủ hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Các đạo luật chuyên ngành như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Luật sư, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan cũng chỉ mới có quy định về nhiệm vụ đào tạo, điều kiện về chứng chỉ đào tạo trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về cơ chế đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó bao gồm cả mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo thuộc lĩnh vực này.Thực tế nêu trên kéo theo một loạt các vấn đề đặc thù và đi liền với đó là những khó khăn, vướng mắc về thể chế mà Học viện Tư pháp nói riêng và các cơ sở đào tạo nghề tư pháp nói chung đang gặp phải, nổi bật là:

- Thứ nhất, Trình độ đào tạo của người tốt nghiệp đào tạo nghề các chức danh tư pháp cần được xác định là trình độ đào tạo sau đại học (có quan điểm cho rằng là bậc Thạc sỹ luật hay một trình độ tương đương).

- Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách đặc thù trong đào tạo nghề các CDTP – đặc biệt là chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là 03 chức danh quan trọng trong lĩnh vực hoạt động tư pháp - nhằm khuyến khích, thu hút người giỏi (giảng viên, học viên) tham gia các chương trình đào tạo và bảo đảm việc các cơ quan tư pháp tuyển dụng, sử dụng người đã tốt nghiệp từ các chương trình đào tạo này.

- Thứ ba, Việc tuyển sinh để đào tạo nguồn bổ nhiệm một số chức danh tư pháp (như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư) cần duy trì hai hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển để phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau (người đã trong biên chế của cơ quan tư pháp được cử đi đào tạo và người chưa vào biên chế của các cơ quan tư pháp). Bên cạnh đó, có thể cần phải tính đến việc thực hiện thi tuyển tư pháp quốc gia như một số nước trên thế giới có cơ chế đào tạo gắn chặt với tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh tư pháp.

- Thứ tư, Vấn đề mối liên hệ giữa đào tạo và tuyển dụng nhân lực của các cơ quan tư pháp, mô hình hiện nay là Tòa án, Viện kiểm sát tuyển dụng vào biên chế của ngành trước rồi sau đó mới cử cán bộ đi học để tạo nguồn cho việc thi tuyển chọn và bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên. Hiện cũng có quan điểm đề xuất việc đổi mới cơ chế đào tạo thông qua việc thống nhất đào tạo nghề bắt buộc trước khi vào biên chế Tòa án, Viện kiểm sát.

- Thứ năm, Hoạt động đào tạo một số chức danh tư pháp (như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư) do các Bộ, Ngành khác nhau quản lý và thực hiện nên cơ chế phối hợp liên ngành có vị trí, vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, thẩm quyền ban hành chương trình khung đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư cần được quy định thống nhất theo hướng quy định cho một cơ quan có thẩm quyền (như Hội đồng phối hợp liên ngành) hoặc phân cấp cho từng Bộ, Ngành chủ quản cơ sở đào tạo thực hiện.

- Thứ sáu, Công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng đào tạo trong lĩnh vực đào tạo nghề tư pháp có mối liên hệ nhất định nhưng không hoàn toàn đồng nhất với lĩnh vực giáo dục đại học. Do đó, có quan điểm cho rằng có thể sử dụng cơ chế kiểm định chất lượng của giáo dục đại học trong đào tạo nghề tư pháp, nhưng quan điểm khác lại cho rằng cần xây dựng một mô hình kiểm định chất lượng đào tạo độc lập cho của lĩnh vực này.

- Thứ bảy, Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo nghề các chức danh tư pháp cũng là vấn đề có nhiều điều cần lưu ý. Ngoại trừ các chức danh tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, thì đối với hoạt động đào tạo một số chức danh tư pháp (như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư), hiện cũng chưa xác định được rõ ràng Chính phủ có phải là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý công tác đào tạo nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư là Chính phủ hay không. 

Đặc thù về địa vị pháp lý trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam và những khó khăn, bất cập, vướng mắc về thể chế đào tạo như nêu trên sẽ trực tiếp ảnh hưởng, tác động đến việc xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp.

             1.3.1.2. Chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp, Đề án phát triển Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp và yêu cầu đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo

Theo Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp (phê duyệt tháng 11/2013 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp đã và đang đặt ra những yêu cầu cụ thể và khá lớn đối với công tác đào tạo tư pháp nói chung và Học viện Tư pháp nói riêng[20].

Sau hơn 10 năm ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp ngày càng nâng cao, phần lớn các các chức danh tư pháp vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ cán bộ trong các ngành tư pháp vẫn còn trong tình trạng mất cân đối, chưa hợp lý giữa các vùng, miền; thiếu hụt số cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có khả năng xử lý các vụ án phức tạp, có kiến thức ngoại ngữ và kỹ năng giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài. Một bộ phận không nhỏ các CDTP chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng tranh tụng tại phiên tòa. Các kiến thức bổ trợ tư pháp, đặc biệt là kiến thức về giám định tư pháp và kỹ thuật điều tra hình sự còn thiếu hụt, dẫn tới những hạn chế trong việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Bên cạnh đó, nhiều bất cập, hạn chế kiến thức xã hội, kiến thức hội nhập kinh tế - quốc tế, quản trị hành chính - tư pháp, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật trong hoạt động tư pháp chưa được khắc phục.

Như vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng chưa ngang tầm với yêu cầu công việc, đặc biệt là yêu cầu về cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội. Một số cán bộ chưa được đào tạo chính quy mà chủ yếu trưởng thành từ hoạt động thực tiễn nên có những hạn chế nhất định về kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp.

Đứng trước yêu cầu xây dựng và kiện toàn đội ngũ CDTP, công tác đào tạo các CDTP là khâu then chốt và cần được quan tâm đặc biệt, tiếp tục được đổi mới về mô hình và nội dung đào tạo, tập trung rèn luyện đạo đức, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, trong đó có một số kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu và kiến thức về hội nhập quốc tế.

Ngày 8 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2083/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã xác định từ nay đến năm 2020, Học viện Tư pháp sẽ trở thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong đó, giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, Học viện Tư pháp phải:

- Nâng cao chất lượng đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, thực hiện thí điểm đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Mở rộng quy mô đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2015, tổng quy mô đào tạo các chức danh tư pháp khoảng 12.600 người (trung bình 4.200 người/năm).

- Tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới cho các chức danh tư pháp và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 đạt quy mô bồi dưỡng khoảng 36.000 lượt người. Từng bước mở rộng hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp với quy mô khoảng 10.000 lượt người/năm, tập huấn kiến thức pháp luật cho các cơ quan, tổ chức ngoài ngành tư pháp với quy mô khoảng 3.300 lượt người/năm.

- Xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Học viện Tư pháp có trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Đến năm 2015, đội ngũ giảng viên cơ hữu đạt số lượng 65 người, trong đó giảng viên đã từng là chức danh tư pháp chiếm khoảng 40%; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Học viện Tư pháp phải:

- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nhu cầu xã hội; phát triển mạnh mẽ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trọng tâm là các chương trình chuyên sâu theo chuyên ngành và vị trí nghề nghiệp; mở rộng quy mô, phạm vi, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và hình thức liên kết đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

- Đào tạo chung nguồn bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trên cơ sở kết quả thí điểm trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược cải cách tư pháp. Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên, Trọng tài viên, Trợ giúp viên pháp lý, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký Thi hành án dân sự và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Đến năm 2020, phấn đấu đạt quy mô đào tạo các chức danh tư pháp trong 05 năm khoảng 39.750 người (trung bình 7.950 người/năm).

- Mở rộng quy mô bồi dưỡng một số chức danh tư pháp và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đến năm 2020 đạt số lượng khoảng 120.000 lượt người. Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng chuyên sâu trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật theo mục tiêu phục vụ hội nhập quốc tế; bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô khoảng 50.000 lượt người; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tư pháp và nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu đó, đòi hỏi Học viện Tư pháp phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều khâu, nhiều mặt, trong đó có việc khẩn trương xây dựng, thực hiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.

           1.3.1.3. Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo CCDTP - yếu tố then chốt, có tính chất quyết định đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo

Đào tạo các chức danh tư pháp nói chung và tại Học viện Tư pháp nói riêng nhằm hướng đến các mục tiêu cơ bản sau đây[21]:

- Trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho học viên để hình thành và phát triển n năng lực cá nhân tương ứng với yêu cầu nghề nghiệp của từng chức danh.

- Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan bổ trợ tư pháp và thi hành pháp luật khác, góp phần chuẩn hóa đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư  và các chức danh tư pháp khác đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đảm bảo thực thi công lý và quyền con người.

- Việc đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư (đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, cấp chứng chỉ nghề Luật sư trong một chương trình chung) nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp chung cho những người được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, công nhận Luật sư nhằm thực hiện nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, góp phần tạo cơ sở thực hiện chủ trương lựa chọn để bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ Luật sư. Mục tiêu đào tạo này được xác định trên cơ sở quán triệt tinh thần mới của Hiến pháp 2013 (Điều 103) và định hướng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Luật sư và các luật khác có liên quan.

Các mục tiêu nêu trên được thực hiện trong bối cảnh của chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo sẽ đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi lớn đối với hoạt động đào tạo, với tinh thần chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan tư pháp và bổ tư pháp ở nước ta hiện nay và trong thời gian tới.

Mục tiêu đào tạo đó thể hiện rõ nét trong hệ thống chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo mà Học viện Tư pháp xây dựng, thực hiện.

Chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp (“Chuẩn đầu ra quy định đối với học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp”) là hệ thống các tiêu chí (về định tính và định lượng như kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất-thái độ) mà Học viện Tư pháp xây dựng và quy định đối với học viên từng chức danh tư pháp, phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu quản lý chất lượng của Học viện Tư pháp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp cũng như nhu cầu của xã hội trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc sử dụng các CDTP. Bản chất của CĐR gắn với một chương trình đào tạo chức danh tư pháp cụ thể chính là kết quả đào tạo “chuyển hóa” vào chất lượng năng lực, kỹ năng, thái độ ứng xử của người học được nâng lên hay thay đổi theo hướng tích cực sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện.

Hệ thống các tiêu chí của “Chuẩn đầu ra quy định đối với học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp” có thể được thay đổi theo thời gian để phù hợp với nhu cầu thực tế và năng lực thực hiện của Học viện Tư pháp, đồng thời được xem một trong những căn cứ quan trọng để Học viện Tư pháp chuẩn hoá các khâu trong quá trình đào tạo như: xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo, xây dựng kế hoạch giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học viên, xây dựng quy trình quản lý kết quả học tập của học viên, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và các biện pháp thực hiện… Cũng từ hệ thống các tiêu chí đó, Học viện xây dựng kế hoạch hoạt động sát với thực tế nhằm đạt được các mục tiêu của hệ thống đảm bảo chất lượng. Đồng thời, Học viện Tư pháp cũng thông qua kết quả của các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo để ngày càng hoàn thiện chuẩn đầu ra trong các chương trình đào tạo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 là Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các CDTP khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các CDTP theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế[22].

Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo các CDTP là yếu tố then chốt, tác động có tính chất quyết định đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nói chung, đặc biệt là các tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo, từ đó định ra các yêu cầu đối với hoạt động đào tạo (một số yếu tố cụ thể gồm: các tiêu chí xây dựng chương trình, chương trình chung, chương trình riêng, đội ngũ giáo viên (chú trọng luân chuyển, thực tập nghề để nắm bắt kỹ năng thực tiễn), phương pháp đào tạo phải đảm bảo để học viên khi vào nghề phải hành nghề được; giáo trình, tài liệu….) và các thành tố của cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo.Vai trò của chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo trong hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp được thể hiện cụ thể như sau:

*  Đối với Học viện

 Chuẩn đầu ra là cơ sở để Học viện Tư pháp định vị mục tiêu chất lượng khi xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đảm bảo sản phẩm đào tạo đáp ứng  nhu cầu nhân lực của xã hội. Thông qua chuẩn đầu ra, Học viện (i) công khai để người học biết được các kiến thức và kỹ năng sẽ được trang bị sau khi tốt nghiệp một chương trình đào tạo CDTP; (ii) công khai để cán bộ quản lý đổi mới công tác quản lý đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá; đồng thời, xác định rõ nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các hoạt động giảng dạy, phục vụ giảng dạy và quản lý nhằm giúp học viên vươn lên trong học tập và tự học để đạt chuẩn đầu ra; (iii) công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Học viện nhằm để người học, nhà tuyển dụng biết và giám sát việc thực hiện những cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo; tạo cơ hội tăng cường hợp tác, gắn kết giữa Học viện và các nhà sử dụng lao động trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho xã hội[23].

Khi xây dựng chuẩn đầu ra, Học viện Tư pháp sẽ tự rà soát và xác định lại mục tiêu của chương trình đào tạo theo các chuẩn đầu ra và làm căn cứ đổi mới nội dung, kết cấu chương trình, phương pháp dạy-học, thi-kiểm tra - đánh giá và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Nói cách khác, nội dung chuẩn đầu ra sẽ được tích hợp vào trong chương trình đào tạo với những cấp độ, phạm vi phù hợp để đảm bảo chương trình đào tạo đó đáp ứng được chuẩn đầu ra đã xác định.

Việc thiết kế các khóa học bằng cách sử dụng chuẩn đầu ra sẽ đảm bảo quy trình đào tạo được thực hiện theo phương pháp lấy người học làm trung tâm. Xây dựng chuẩn đầu ra cũng sẽ hỗ trợ công tác đảm bảo chất lượng và hình thành các chuẩn đào tạo khác, như chuẩn đầu vào, chuẩn nội dung chương trình, giáo trình, chuẩn phương pháp dạy-học, chuẩn thi kiểm tra đánh giá, chuẩn cơ sở vật chất, tài chính và chuẩn tổ chức quản lý; giúp ích cho giảng viên, nhà trường và các nhà quản lý giáo dục trong việc quản lý chất lượng đào tạo theo kết quả đầu ra của người học; giúp xác định năng lực đầu ra của người học ở mỗi trình độ theo ngành đào tạo làm cơ sở cho việc miễn trừ, công nhận văn bằng một cách hiệu quả[24].

* Đối với giảng viên

Chuẩn đầu ra là cơ sở để thiết kế lại nội dung giảng dạy; lựa chọn phương pháp dạy học tích cực, lượng hóa rõ ràng về các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học viên, qua đó thực hiện được tính tích cực trong công tác đào tạo; giúp đội ngũ giảng viên tập trung vào những kỹ năng và kiến thức thức mà họ mong muốn học viên đạt được trong chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp.

*Đối với học viên

Hệ thống chuẩn đầu ra tạo cơ hội để học viên tự lượng hóa được mục đích học tập cá nhân, xác định cụ thể các yêu cầu đối với bản thân, từ đó không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện theo các chuẩn đầu ra, nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo và xã hội. Điều lý tưởng nhất đối với một chương trình đào tạo là sự tương đồng giữa mục tiêu chương trình đào tạo với mục tiêu học tập của người học, khi đó động lực phấn đấu của học viên được thôi thúc và bảo đảm bởi diều kiện tốt nhất từ phía nhà trường. Chuẩn đầu ra sẽ cung cấp những thông tin tốt trong hồ sơ học tập của học viên, cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng về những kiến thức và kỹ năng của học viên khi tốt nghiệp.

* Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động và xã hội

Chuẩn đầu ra quy định đối với học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp là cơ sở để các cá nhân, tổ chức đánh giá khả năng cung ứng nhân lực của Học viện, từ đó xác định được nguồn cung cấp nhân lực phù hợp với yêu cầu lao động. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức sử dụng lao động cũng có thể lựa chọn chính xác nguồn nhân lực tiềm năng để phối hợp với Học viện thực hiện đào tạo theo địa chỉ.

Việc thực hiện chuẩn đầu ra giúp xã hội có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có cơ sở giám sát hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp và yêu cầu điều chỉnh hoạt động để thực hiện đúng chuẩn đầu ra đã được xác định.

1.3.2. Đề xuất mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

1.3.2.1.Mô hình chung về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

Với sự hiện diện của Đề án Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/11/2013), toàn thể cộng đồng sư phạm của Học viện phải nhận thức rõ tình huống đứng trước ”ngã rẽ chiến lược“ của thời kỳ phát triển mới, đó là chuyển đổi từ "Mô hình đào tạo – bồi dưỡng theo địa chỉ“ sang  “Mô hình đào tạo – bồi dưỡng bắt đầu với sự tập trung vào người học - nhu cầu xã hội và kết thúc bằng sự hài lòng của người học – nhu cầu xã hội”. Ý nghĩa của mô hình đào tạo – bồi dưỡng sau khi chuyển đổi là các yêu cầu của người học nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung được coi là điểm xuất phát cho những chính sách, định hướng chiến lược, kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn, kế hoạch dài hạn mà Học viện cần tập trung đáp ứng. Sự hài lòng của người học và xã hội về chất lượng cung cấp dịch vụ đào tạo và chương trình đào tạo chính là đích hướng tới của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Mô hình này là quá trình khép kín và được định hướng bởi sự hài lòng của người học và nhu cầu xã hội. Việc chuyển đổi tư duy chiến lược về quản trị hệ thống đào tạo theo định hướng trên trong thời điểm này được xác định là bước chủ động cần có để chuyển đổi nhà trường từ cơ chế vận hành cũ sang cơ chế vận hành mới, có ý nghĩa chủ động hội nhập nhanh với thay đổi về cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đào tạo – bồi dưỡng trên cơ sở Nghị định 16/2015 của chính phủ quy định về Cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận của Học viện Tư pháp trong công trình nghiên cứu này là: Mô hình “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo CCDTP tại HVTP” nhìn từ góc độ cấu trúc hệ thống dự kiến được thiết kế trên cơ sở tham chiếu hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện hành; hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và bước đầu tiếp cận học hỏi một số kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo tư pháp, với cấu trúc các thành tố chính là những nguyên lý, quy tắc vận hành chung và có những nội dung cụ thể trong từng thành tố, bộ phận phù hợp với đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và đào tạo nghề luật ở Việt Nam và ở HVTP.

Về cơ bản, các thành tố của hệ thống đảm bảo chất lượng gồm 3 nhóm:

- Nhóm thể chế về đảm bảo chất lượng gồm chính sách chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí đánh giá chất lượng, thiết chế quản lý chất lượng và văn hóa chất lượng;

- Nhóm quy trình, thủ tục gồm quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng bên trong và quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng bên ngoài;

- Nhóm các nguồn lực và biện pháp thực hiện gồm nguồn nhân lực; phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá; cơ sở vật chất.

HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO                                                CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

Đảm bảo chất lượng (QA) => Tạo niềm tin về chất lượng, đảm bảo hoặc cải tiến CL liên tục

Thể chế

(1)

Quy trình, thủ tục

(2)

Các nguồn lực và biện pháp thực hiện                             (3)

Chính sách CL (1.1):

(Sứ mênh, mục tiêu PT, chiến lược PT, chính sách, mục tiêu CL, KH chất lượng, cơ chế quản lý

=>

SỔ TAY CHẤT LƯỢNG

Bộ tiêu chuẩn CL, tiêu chí đánh giá CL (1.2):

-Chuẩn quốc gia

-Chuẩn quốc tế

=> Đăng ký kiểm định chất lượng

Thiết chế quản lý CL (1.3)

 

Văn hóa chất lượng

(1.4)

ĐBCL bên trong (IQA) (2.1)

- Quy trình giám sát

- Các quy chuyên biệt

- Quy trình đánh giá nội bộ (ĐG giá trong/tự ĐG), gồm:

+ ĐGCL cấp cơ sở đào tạo

+ĐGCL chương trình đào tạo

- Cải tiến chất lượng

ĐBCL bên ngoài (EQA) (2.2)

- Đối sánh (trình ĐBCL trong nước, quốc tế)

- KĐCL (đánh giá CL từ bên ngoài và công nhận):  Quy trình ba bước: (i) Tự đánh giá – (ii) Đánh giá ngoài và (iii) Thẩm định – công nhận đạt chuẩn

Nhân lực tham gia (3.1):

- Lãnh đạo

- Đơn vị chuyên trách về ĐBCL

- Đội ngũ CBGV

- Cán bộ chuyên trách công tác ĐBCL

- Học viên

Phương pháp và công cụ (3.2)

- Công cụ giám sát

- Công cụ đánh giá

(ĐG học viên; ĐG giảng viên; ĐG chương trình, ĐG sản phẩm nghiên cứu; ĐG đơn vị)

Cơ sở vật chất (3.3)

- Hệ thống thông tin

- Tài chính, ngân sách

- Nguồn tài liệu, học liệu

                 

Các nội dung nghiên cứu cụ thể về hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong các phần tiếp theo chủ yếu dựa trên mô hình này.

1.3.2.2. Xây dựng Văn hóa chất lượng Học viện Tư pháp, nền tảng của sự tồn tại và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

            Đối với Học viện Tư pháp, tạo dựng và phát triển nền tảng Văn hoá tổ chức về bản chất là tạo dựng hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống, hình thành trong quá trình phát triển Học viện. Đây là công việc được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho Học viện Tư pháp.

 Văn hóa chất lượng của Học viện được định lượng qua hệ thống giá trị, vốn được coi là thước đo đúng và sai, xác định những gì nên làm và không nên làm trong cách hành xử chung và riêng của mỗi thành viên trong Học viện. Những giá trị này thường được phân chia thành hai loại là các giá trị đã hình thành, được vun đắp trong suốt 17 năm xây dựng, trưởng thành của Học viện (đoàn kết, chia sẻ, tinh thần cống hiến vì lợi ích chung, vượt khó khăn hoàn thành nhiệm,…) và những giá trị mới mà tập thể giáo viên, học viên mong muốn Học viện sẽ có được thông qua sự tạo lập từng bước, nhằm đem đến sự phát triển mới, phù hợp với yêu cầu của xã hội (như sự chuyên nghiệp, hợp tác phát triển, đồng thuận, sáng tạo, năng động. kỷ cương, trách nhiệm, dân chủ…)

Văn hóa chất lượng là hệ thống các giá trị, chuẩn mực và thói quen làm việc có chất lượng đã định hình của mọi thành viên trong đơn vị, nhằm thực hiện công việc được giao một cách tốt nhất.  Văn hóa chất lượng phải được thấm nhuần trong những quy tắc hành động, phương châm hành động và cách hành xử với công vụ của tất cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học.

Văn hóa chất lượng có nhiều biểu hiện khác nhau. Ở cấp độ đơn vị, văn hóa chất lượng biểu hiện qua việc xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bao gồm việc xây dựng được chiến lược tốt về đảm bảo chất lượng của đơn vị, xây dựng bộ phận thường trực về đảm bảo chất lượng làm việc có hiệu quả,… Ở cấp độ cá nhân, được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, đảm bảo đủ số lượng sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu, chi phí hợp lí, đáp ứng kỹ năng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ… Đây chính là những chỉ báo để đánh giá việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng trong đơn vị.

Có nhiều cách tiếp cận về chất lượng, nhưng phù hợp hơn cả vấn là tiếp cận chất lượng theo hướng, đó là sự phù hợp với mục tiêu phát triển nhà trường trong từng giai đoạn. Chất lượng được biểu thị thông qua việc đạt được sứ mệnh và các mục tiêu đề ra trong Tuyên ngôn sứ mệnh, tầm nhìn. Việc có đạt được trên thực tế mục tiêu hay không lại phụ thuộc vào văn hóa chất lượng. Với một cơ sở đào tạo đang chuẩn bị để thực hiện quá trình xây dựng và từng bước chuẩn hóa, hoàn thiện hệ thống kiểm định và cải thiện chất lượng đào tạo như HVTP thì việc đặt nền móng cho hệ thống này sẽ phải gắn với một số vấn đề quan trọng:

- Một là, thống nhất nhận thức đối với quá trình xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm định, cải thiện chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại HVTP, theo đó đặt ra ba  nội dung quan trọng là phương pháp luận về đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống các nguyên tắc đảm bảo chất lượng và văn hóa tổ chức của Học viện.

- Hai là, xác định trách nhiệm của cộng đồng sư phạm nhà trường đối với việc xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm định, cải thiện chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại HVTP.

- Ba là, phương pháp, lộ trình và những đảm bảo cần thiết cho việc xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm định, cải thiện chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Ngoài ba vấn đề trên, việc xây dựng hệ thống kiểm định và cải thiện chất lượng đào tạo chức danh tư pháp còn gắn với tăng cường hỗ trợ từ hoạt động hợp tác quốc tế cho lộ trình xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm định, cải thiện chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện. Đây là những công việc mà Học viện cần có sự đầu tư thỏa đáng cả về nguồn lực và trí tuệ để xây dựng cho được nền móng vững chắc của hệ thống đảm bảo chất lượng.

Đối với điều kiện hiện tại của Học viện Tư pháp, để xây dựng nền tảng văn hóa nhà trường nói chung và văn hóa chất lượng nói riêng thì điều căn bản cần làm ngay là xây dựng sứ mệnh, mục tiêu và chuẩn xác lại hệ giá trị cốt lõi phù hợp với điều kiện và tình hình mới của giai đoạn 2015 - 2020.

Kết luận chương 1

1. Hệ thống đào tạo – bồi dưỡng các chức danh tư pháp của HVTP căn bản dựa trên ba trụ cột: Trụ cột Thể chế, Bộ máy tổ chức; Trụ cột Chương trình và Nguồn lực đào tạo; Trụ cột Quản trị đào tạo. Những đặc thù riêng trong mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Tư pháp nói chung và trong đào tạo các CDTP tại HVTP (về mô hình tổ chức bộ máy, về đối tượng đào tạo, mục tiêu đào tạo, triết lý đào tạo và công nghệ đào tạo, về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nguồn nhân lực đào tạo, nguồn lực vật chất phục vụ đào tạo, về phối hợp đào tạo…)  đã, đang và sẽ chi phối mạnh mẽ đến toàn bộ hoạt động của Học viện trên mọi lĩnh vực. Trong tiến trình xây dựng và phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, hiện đại, việc nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi phải có hệ giải pháp toàn diện và đồng bộ cũng như hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo được xây dựng phù hợp với các đặc thù này.

2. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp phụ thuộc rất lớn vào (i) Quy định pháp luật (về địa vị pháp lý và cơ chế hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo thuộc hệ thống nào) (ii) Cách thức tổ chức hoạt động đào tạo; (iii) Mục tiêu đào tạo chức danh tư pháp và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; (iv) Bối cảnh chung của công tác đào tạo CDTP trong tình hình mới.

 Lĩnh vực đào tạo nghề luật (đào tạo tư pháp) có những đặc điểm, yêu cầu chung như với các lĩnh vực giáo dục đại học, đồng thời cũng có những điểm đặc thù, do đó trong việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo cần phải có những nét riêng nhất định. Trong bối cảnh chung của Học viện Tư pháp giai đoạn 2015-2020 và thời gian tiếp theo cần có những đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động, hướng tiếp cận của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng “Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo CCDTP tại HVTP” nhìn từ góc độ cấu trúc hệ thống dự kiến được thiết kế trên cơ sở tham chiếu hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện hành; hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và bước đầu tiếp cận học hỏi một số kinh nghiệm của một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo tư pháp,  với cấu trúc các thành tố chính là những nguyên lý, quy tắc vận hành chung và có những nội dung cụ thể trong từng thành tố, bộ phận phù hợp với đặc thù của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và đào tạo nghề luật ở Việt Nam và ở HVTP.

Sứ mệnh của Học viện Tư pháp là phải trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp. Trong bối cảnh cạnh tranh đào tạo để tồn tại và phát triển, cùng với những hạn chế cố hữu đã bám rễ, ăn sâu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp nhiều năm qua thì việc tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra của hoạt động đào tạo bồi dưỡng là vấn đề cấp bách, vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu xuyên suốt trong lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược của Học viện.

 

Chương 2

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO

 CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHỨC DANH TƯ PHÁP

TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

2.1. Chính sách chung trong công tác kiểm soát, quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Trong thời gian từ năm 1998 đến 2012, Học viện Tư pháp đã đào tạo được một số lượng lớn học viên ở tất cả các chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên...Thành tựu đào tạo của Học viện đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh phục vụ cải cách tư pháp. Trong suốt quá trình từ khi thành lập đến nay, việc tạo lập, duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, viên chức người lao động của Học viện Tư pháp. Tuy nhiên, sự quan tâm tới chất lượng đào tạo tại Học viện Tư pháp giai đoạn 1998 đến 2012 phần nhiều mang tính chất tự thân, gắn liền với yêu cầu phát triển cơ sở đào tạo và thể hiện quyết tâm chính trị của đội ngũ lãnh đạo Học viện hơn là xuất phát từ nhận thức khoa học về đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều này được lý giải trước hết bởi bối cảnh chung về đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Trước năm 2007, vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung chưa phải là vấn đề được quan tâm nhiều ở nước ta. Trong giáo dục phổ thông, giáo dục đại học vấn đề chất lượng đào tạo cũng được nhìn nhận chủ yếu từ góc độ quyết tâm chính trị của mỗi cơ sở đào tạo, tự nhận thức chất lượng là yêu cầu tất yếu để duy trì, phát triển cơ sở đào tạo. Từ năm 2006, cùng với việc nghiên cứu, áp dụng hệ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng ISO 9000, vấn đề chất lượng bắt đầu được quan tâm từ khía cạnh khoa học với sự học hỏi kinh nghiệm của một số nước về đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực đào tạo tư pháp. Với điều kiện còn nhiều hạn chế cả về khách quan, chủ quan nhất định, hệ thống này chưa thực sự đầy đủ, toàn diện nhưng cũng đã bước đầu mang lại những tác động tích cực đến các mặt công tác của Học viện.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là từ yêu cầu của việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO, lần đầu tiên Học viện Tư pháp đã xây dựng được Tuyên ngôn sứ mệnh và chính sách chất lượng của mình. Những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn sứ mạng và chính sách chất lượng đến năm 2012  của Học viện Tư pháp bao gồm:

“Học viện Tư pháp là trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp, là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ chiến lược cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước CHXHCN Việt Nam.

Học viện Tư pháp tạo nên sự khác biệt bởi nguyên lý và công nghệ đào tạo của riêng mình, do đó, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức của Học viện Tư pháp cam kết:

1. Mọi hoạt động của Học viện tư pháp đều mang tính nhân bản sâu sắc, hướng vào người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội.

2. Xây dựng môi trường đào tạo thân thiện, trong sách, công khai, minh bạch.

3. Liên tục nâng cao chất lượng đào tạo với phương châm: ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngay mai tốt hơn ngày hôm nay.

4. Phối hợp và hợp tác với cơ quan tư pháp trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và đội ngũ giảng viên để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

5. Thực hiện nghiên cứu khoa học ứng dụng nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên

6. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế nhằm tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế cho đội ngũ giảng viên và học viên”.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức nào (cấp Học viện hay cấp Bộ) được tiến hành đồng bộ, toàn diện đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp cũng như đánh giá việc thực hiện Tuyên ngôn sứ mạng và chính sách chất lượng nêu trên. Từ năm 2012, Học viện Tư pháp chưa xây dựng được Tuyên ngôn sứ mệnh và chính sách chất lượng mới trong điều kiện có nhiều thay đổi của tình hình khách quan, chủ quan ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của Học viện.

Cùng với Tuyên ngôn và Chính sách chất lượng, trong Bộ tài liệu ISO, Học viện Tư pháp đã xây dựng 24 quy trình công việc liên quan tới các mảng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Các quy trình công việc đã bước đầu được vận dụng vào thực tiễn công tác, giúp việc triển khai các công việc khoa học, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc là những bước đi đầu tiên, những thành tựu ban đầu trong việc xây dựng Bộ quy trình ISO không được kế thừa và phát triển tại Học viện Tư pháp. Bộ quy trình được áp dụng trong một số công việc song chủ yếu dừng lại ở việc phân định các bước thực hiện công việc mà chưa nhấn mạnh việc giám sát, duy trì và nâng cao chất lượng công việc. Việc đăng ký, đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn ISO cũng không được tiếp tục triển khai và đến nay có nhiều nội dung bộc lộ những hạn chế, bất cập cần chỉnh sửa, bổ sung. (Chi tiết xem thêm Phụ lục 3 của Báo cáo này).

Từ năm 2007, công tác đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo nước ta có nhiều khởi sắc trên cơ sở các văn bản:

- Nghị quyết số 37-2004/QH11 của Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3/12/2004 đã chỉ rõ "Lấy việc quản lý chất lượng làm nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục hàng năm";

- Ngày 2/8/2004 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT-BGD&ĐT,  trong đó yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, các trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc "khẩn trương xây dựng và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục".

- Ngày 2/12/2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học.

Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã chính thức đã được ban hành theo Quyết định số 76/2007/ QĐ-BGD ĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007.

Trước sự phát triển và “chính thức hóa” công tác đảm bảo chất lượng đào tạo Đại học, Học viện Tư pháp đã quan tâm nhiều hơn tới công tác đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp. Điểm đáng lưu ý là trên cơ sở hợp tác giữa Học viện Tư pháp với Dự án phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (Dự án JUDGE), năm 2012 Học viện Tư pháp đã biên soạn và xuất bản cuốn “Sổ tay kiểm định chất lượng”, gồm các nội dung chi tiết liên quan tới hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài. Với cuốn Sổ tay này, lần đầu tiên, vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng tại Học viện Tư pháp được đề cập một cách toàn diện và cụ thể, có tính tới đặc thù mô hình đào tạo của Học viện Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà sau khi được ban hành, cuốn Sổ tay kiểm định chất lượng mới dừng lại ở tài liệu tham khảo cho cán bộ, giảng viên nhà trường chứ chưa được sử dụng như một công cụ hữu hiệu cho công tác đảm bảo chất lượng tại Học viện.

Trước thời điểm năm 2012, sự phát triển của Học viện thiếu vắng các mục tiêu chiến lược. Học viện hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được xác định trong Quyết định thành lập, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác hàng năm. Từ năm 2012, với sự thay đổi trong định hướng cho công tác đào tạo theo hướng song song đào tạo chức danh tư pháp tại nhiều cơ sở đào tạo thay vì tập trung một đầu mối tại Học viện Tư pháp, việc xác định mục tiêu chiến lược được đặc biệt quan tâm với hàng loạt các Đề tài nghiên cứu khoa học về định hướng phát triển Học viện Tư pháp trong tình hình mới. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2083 phê duyệt Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, một trong các nội dung của Đề án là xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Học viện Tư pháp. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Học viện Tư pháp là “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Các mục tiêu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và phát triển nhà trường được xác định cho 02 giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 và từ năm 2016 đến năm 2020. Những mục tiêu được xác định trong Đề án là cơ sở định hướng để Học viện Tư pháp xây dựng chiến lược phát triển Học viện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Chiến lược phát triển Học viện chưa được xây dựng và phê duyệt chính thức như một tài liệu độc lập trong Hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện.

2.2. Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng

Trong bối cảnh chung của hoạt động đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cấp cơ sở đào tạo, cấp chương trình đào tạo theo đúng nguyên tắc, phương pháp đã được công nhận và áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Học viện Tư pháp vẫn thực hiện các hoạt động đánh giá chất lượng song không phải với tư cách là một bộ phận của đảm bảo chất lượng mà là một phần của hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo nói chung. Nổi bật nhất là hoạt động đánh giá học viên, đánh giá giảng viên và người lao động.

Về đánh giá học viên, tiêu chí đánh giá học viên gắn liền với việc đánh giá ý thức và kết quả học tập của học viên. Các tiêu chí cụ thể được thể hiện trong Quy chế đào tạo của Học viện, trên cơ sở các quy định chung về đánh giá người học của Luật giáo dục đại học, Điều lệ trường Đại học. Theo Quy chế đào tạo hiện hành, việc đánh giá học viên bao gồm các tiêu chí:

- Sự có mặt trong hoạt động học tập (số buổi lên lớp, số buổi vắng mặt);

- Kết quả  bài kiểm tra thường xuyên, bài thi học phần;

- Kết quả bài tập thực hành, diễn án, thực tập.

Về đánh giá giảng viên và người lao động, theo quy định của các văn bản pháp luật liên quan như Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức, Học viện Tư pháp thực hiện chế độ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng năm. Bên cạnh các quy định chung, Học viện Tư pháp đã xây dựng các văn bản, quy chế riêng liên quan tới đánh giá cán bộ, viên chức, người lao động phù hợp với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của Học viện, như Quy chế giảng viên (ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-HVTP ngày 5/1/2012 của Giám đốc Học viện Tư pháp), Quy chế chi tiêu nội bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 116/QĐ-HVTP  ngày 24/8/2010 của Giám đốc Học viện Tư pháp), Quy chế làm việc (ban hành kèm theo Quyết định số 213/QĐ-HVTP ngày 22/12/2010 của Giám đốc Học viện Tư pháp)… Đối với giảng viên, ngoài các tiêu chí đánh giá chung như đối với viên chức, việc đánh giá giảng viên tập trung vào các tiêu chí về chất lượng, thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, với tư cách là một bộ phận quan trọng của hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cấp cơ sở và cấp chương trình đào tạo cần được đầu tư xây dựng phù hợp với chuẩn mực chung và đặc thù đào tạo của mỗi cơ sở. Tại Học viện Tư pháp, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá từng mặt, từng chủ thể của quá trình đào tạo đã được hình thành và áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, tiêu chí này chủ yếu được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực hiện các quy định pháp luật liên quan về đào tạo và quản lý cán bộ mà không được quan niệm là một bộ phận của hệ thống đảm bảo chất lượng.

2.3. Thiết chế quản lý chất lượng

Đảm bảo chất lượng không phải là công việc riêng của lãnh đạo hay một đơn vị riêng mà là công việc chung, cần được đồng thuận thực hiện bởi các tập thể, cá nhân trong Học viện. Đối với nhiều cơ sở đào tạo đại học, thành lập bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng với tính chất là đơn vị đầu mối được xác định là yêu cầu bắt buộc, đảm bảo để hoạt động này vận hành chuyên nghiệp..

Đối với Học viện Tư pháp, tại thời điểm này, tuy chưa có bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng, song định hướng về việc thành lập bộ phận này đã được tiếp cận ngay trong quá trình đổi mới cơ cấu tổ chức của Học viện theo Đề án vị trí việc làm. Một thuận lợi của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng thiết chế đảm bảo chất lượng là đội ngũ cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, luôn có ý thức đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với Dự án JUDGE, Học viện Tư pháp đã xây dựng được đội ngũ giảng viên nòng cốt được trang bị khá bài bản kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo.

2.4. Văn hóa chất lượng

Văn hóa chất lượng là hệ thống các giá trị, chuẩn mực và thói quen làm việc có chất lượng đã định hình của mọi thành viên trong đơn vị nhằm thực hiện công việc được giao một cách tốt nhất. Văn hóa chất lượng phải được thấm nhuần trong những quy tắc hành động, những thói quen của tất cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhằm tạo ra cho xã hội những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu cao nhất. Văn hóa chất lượng của cơ sở đào tạo có nhiều biểu hiện khác nhau. Ở cấp độ đơn vị, văn hóa chất lượng biểu hiện qua việc xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bao gồm việc xây dựng được chiến lược tốt về đảm bảo chất lượng của đơn vị, xây dựng bộ phận thường trực về đảm bảo chất lượng làm việc có hiệu quả,… Ở cấp độ cá nhân, văn hóa chất lượng được biểu hiện qua việc hoàn thành công việc có chất lượng cao, đúng thời hạn, đảm bảo đủ số lượng sản phẩm, đáp ứng đúng yêu cầu, chi phí hợp lí, đáp ứng kỹ năng làm việc nhóm, đoàn kết, dân chủ,… đây chính là những chỉ báo để đánh giá việc xây dựng và thực hiện văn hóa chất lượng trong đơn vị.

Với quan niệm về văn hóa chất lượng như nêu trên, có thể thấy giai đoạn 1998 – 2012, Học viện Tư pháp đã bước đầu tạo dựng được văn hóa chất lượng của đơn vị. Tuy nhiên, do hiện trạng thiếu cập nhật về hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung, văn hóa và thiết chế quản lý chất lượng đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp chưa hiện diện một cách thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp.Mặc dù chất lượng đào tạo luôn được quan tâm, thậm chí được coi là yêu cầu có tính chất sống còn đối với sự phát triển của Học viện, song văn hóa chất lượng chưa trở thành một phần tất yếu trong nhận thức, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại Học viện.

Từ năm 2011, với sự hỗ trợ của Dự án JUDGE, đội ngũ giảng viên nòng cốt của Học viện đã được trang bị những kiến thức và kinh nghiệm bước đầu về công tác đảm bảo chất lượng. Đây là những hạt nhân đầu tiên về đảm bảo chất lượng, góp phần vào việc tạo dựng văn hóa chất lượng tại Học viện.

.           2.5. Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng 

            2.5.1 Quy trình và công cụ đảm bảo chất lượng bên trong

            Năm 2006, với sự ra đời của Bộ quy trình ISO, hàng loạt quy trình giải quyết công việc đã được xác định. Bên cạnh đó, các Quy chế đào tạo, Quy chế phối hợp giữa các đơn vị của Học viện Tư pháp với cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, Quy chế quản lý hoạt động khoa học của Học viện Tư pháp...đã thể hiện một số quy trình liên quan tới đảm bảo chất lượng bên trong, dù không được đề cập một cách trực tiếp. Có thể tìm thấy trong các văn bản này quy trình liên quan tới tiến trình học tập của học viên (việc xác định thời gian có mặt, vắng mặt; Xét từ góc độ đảm bảo chất lượng, các quy trình trong Bộ quy trình ISO có liên quan mật thiết với quy trình giám sát và đảm bảo chất lượng chuyên biệt. Các vấn đề về tiến trình học tập của học viên; tỉ lệ học viên tốt nghiệp, phản hồi của thị trường lao động và cựu học viên; đánh giá hiệu suất nghiên cứu khoa học; đảm bảo chất lượng trong công tác đánh giá học viên; đảm bảo chất lượng trong công tác nhân sự...

Tuy nhiên, nhìn chung Học viện Tư pháp chưa thực sự có quy trình đánh giá chất lượng bên trong cả ở cấp cơ sở đào tạo và cấp chương trình đào tạo một cách rõ nét. Hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong đã được thực hiện trong một số mặt hoạt động cơ bản của Học viện như sau:

2.5.1.1 Đánh giá học viên

Đánh giá học viên là hoạt động được tiến hành thường xuyên, song mới chỉ được tiếp cận dưới góc độ đảm bảo thực hiện Quy chế đào tạo nhằm thu thập thông tin phục vụ việc xác định kết quả học tập của học viên (theo Quy chế số 25/QC-BGD&ĐT ngày 26/6/2006 về công tác đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Quy chế đà tạo của Học viện Tư pháp (ban hành theo Quyết định số 80/QĐ-HVTP ngày 31/03/2008 về "Cụ thể hóa một số điểm trong Quy chế về công tác đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng tại Học viện Tư pháp", Quyết định số 143/QĐ-HVTP ngày 22 tháng 08 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 80/QĐ-HVTP ngày 31/03/2008, Quyết định số 174/ QĐ-HVTP ngày 01 tháng 11 năm 2010…). Một số nội dung cơ bản trong đánh giá kết quả học tập của học viên là:

- Hình thức đánh giá chủ yếu là hình thức viết với ưu điểm là rèn luyện kỹ năng viết, khả năng tổng hợp kiến thức cho sinh viên, nhược điểm là dễ phát sinh các tiêu cực như quay cóp, sử dụng tài liệu... Các hình thức thi vấn đáp, trắc nghiệm, thi hùng biện, viết bài luận… chưa được áp dụng phổ biến, thường xuyên. Kết luận chung là các hình thức đánh giá kết quả học tập tại Học viện Tư pháp khá đa dạng, phong phú nhưng còn thiếu sự đồng bộ và thống nhất.

- Về mục đích đánh giá, hiện nay chủ yếu là đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết. Hoạt động đánh giá chẩn đoán bước đầu được thực hiện thông qua tiến hành bài kiểm tra đầu vào đối với chức danh Thẩm phán và Luật sư.

- Quy trình ra đề thi, tổ chức kiểm tra đánh giá được thể hiện trong Bộ tài liệu của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 (Quy trình 9.03).  

Một số đánh giá chung về đánh giá kết quả học tập của học viên tại Học viện Tư pháp:

-Về ưu điểm: Đánh giá kết quả học tập luôn được Học viện Tư pháp coi trọng. Quy trình đánh giá kết quả học tập cơ bản đã đảm bảo được tính minh bạch, công khai. Hoạt động đánh giá kết quả học tập đã thể hiện được mục tiêu đánh giá để phát triển, để nhận thức được hạn chế từ đó, có biện pháp khắc phục.

Về hạn chế, hiện còn có sự không thống nhất và đồng nhất trong đánh giá kết quả học tập của các chức danh tư pháp; các bài thi còn có nhiều khiếm khuyết và chưa đạt được mục tiêu của đánh giá (đề thi thường có nhiều tình huống hay, có tính phức tạp, làm nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng các câu hỏi và đáp án còn thiên về cấp độ kiểm tra kiến thức hoặc đáp án cho câu hỏi có xu hướng chuyển lên cấp độ tư duy phê phán (cấp độ II) còn đơn giản, chưa chú trọng đến việc phát triển kỹ năng cho học viên một cách toàn diện, tích cực.

Những hạn chế trong hoạt động đánh giá kết quả học tập như nêu trên bắt nguồn từ nguyên nhân chính là Học viện Tư pháp chưa có quy định chi tiết về phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên (có một số quy định về cách thức tính điểm kết quả học tập song nội dung, quy trình ra đề thi, kỹ thuật chi tiết để xây dựng một đề thi phù hợp với đặc điểm nghề chưa được quy định.

2.5.1.2. Đánh giá giảng viên

Hiện nay, Học viện Tư pháp có 60 giảng viên (trong đó có 02 phó giáo sư, 12 tiến sỹ, 36 thạc sỹ; về ngạch viên chức có 24 giảng viên chính; về nghiệp vụ CDTP có 19 người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư). Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Học viện Tư pháp còn xây dựng được đội ngũ giảng viên kiêm chức với số lượng khoảng 250 người (ở cả hai miền) là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn; các chuyên gia pháp luật hàng đầu đang công tác tại ngành Toà án, ngành Kiểm sát, các Đoàn Luật sư, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật; các giảng viên giỏi đang công tác tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hàng năm, 100% giảng viên của Học viện Tư pháp được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp sư phạm (thông qua các chương trình bồi dưỡng phương pháp sư phạm do Học viện tổ chức và các chương trình bồi dưỡng tại Trung tâm đào tạo Việt Nam – Singapore (VSTC); dự án Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (JUDGE) do Canada tài trợ; trường Thẩm phán Quốc gia (ENM) Bordeaux, Cộng hoà Pháp; Viện nghiên cứu và đào tạo Tư pháp Nhật Bản; Vương quốc Anh…

Kết quả khảo sát đối với học viên đã qua đào tạo tại Học viện cho thấy, những ý kiến đánh giá đều đánh giá cao trình độ, năng lực thực tế của đa số giảng viên Học viện Tư pháp. Một số giảng viên cơ hữu còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn hoặc giảng viên thỉnh giảng chưa chủ động, thiếu thời gian đầu tư áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin  trong hoạt động giảng dạy.

Để đảm bảo chất lượng giảng viên, Học viện Tư pháp đã tổ chức đánh giá giảng viên dưới nhiều hình thức: (i) thông qua hoạt động đánh giá công tác, bình xét thi đua hàng năm (đối với giảng viên cơ hữu); (ii) thông qua tổng kết hoạt động giảng dạy của các bộ môn, các khoa; (iii) thông qua đối thoại trực tiếp của lãnh đạo Học viện với học viên; (iv) khảo sát, phiếu thăm dò ý kiến đánh giá của học viên. Các hoạt động này, tuy chưa được tiến hành thật sự bài bản, đều đặn song cũng là kênh thông tin hữu hiệu để Học viện Tư pháp nắm được điểm mạnh, điểm hạn chế của đội ngũ giảng viên – đặc biệt là ý kiến từ phía người học – từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

2.5.1.3. Đánh giá viên chức, người lao động tham gia hoạt động quản lý, phục vụ đào tạo

Nhóm viên chức, người lao động tham gia các công việc quản trị, phục vụ đào tạo tại Học viện Tư pháp hiện trên 90 người. Đội ngũ này có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhìn chung, đội ngũ này về cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp đắc lực vào thành công của các khóa đào tạo. Hoạt động đánh giá đội ngũ này chủ yếu mới được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về đánh giá viên chức, người lao động mà chưa tính tới đặc thù đào tạo của Học viện Tư pháp. Vì thế, hình thức đánh giá chủ yếu là đánh giá cuối năm cùng với hoạt động bình xét thi đua. Có một số hình thức thu thập thông tin khác như thông qua đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Học viện với học viên song thông tin thu được còn khá ít ỏi. Học viện Tư pháp chưa có được những kênh chính thức để thu thập phản hồi của học viên và những người có liên quan về chất lượng công việc của đội ngũ viên chức, người lao động tham gia quản lý và phục vụ đào tạo. Điều này gây khó khăn cho công tác đánh giá đối với nhóm đối tượng này, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động đào tạo tại Học viện có nhiều điểm đặc thù (đối tượng học viên là người lớn, người đang công tác tại các cơ quan tư pháp...).

2.5.2. Quy trình, công cụ đảm bảo chất lượng bên ngoài (đánh giá ngoài)

Do trước năm 2013, Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo duy nhất tại Việt Nam đào tạo các chức danh tư pháp, chưa có cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực để so sánh, nên  hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (đối sánh với các cơ sở đào tạo khác và kiểm định chất lượng độc lập) hầu như chưa được thực hiện tại Học viện. Một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu thể chế về hoạt động này trong bối cảnh Học viện Tư pháp chưa thực sự chịu sự ràng buộc theo cơ chế kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Thời gian qua, có một số hoạt động có tính chất đánh giá độc lập đã được thực hiện tại Học viện như hoạt động khảo sát, đánh giá độc lập của đơn vị tư vấn Investconsult Group trong khuôn khổ Dự án JUDGE (năm 2010).  Kết quả khảo sát độc lập này có ý nghĩa nhất định giúp Học viện Tư pháp “nhận diện” về chất lượng đào tạo nghiệp vụ xét xử (thẩm phán) cũng như các chức danh tư pháp khác.

2.6. Nguồn lực và biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

2.6.1. Thực trạng nguồn nhân lực tham gia hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

Theo nguyên lý chung, đảm bảo chất lượng đào tạo là công việc của toàn bộ cơ sở đào tạo. Với Học viện Tư pháp, thực tế cả cộng đồng sư phạm thường xuyên tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn pháp luật, hợp tác quốc tế. Đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên người lao động và học viên có nhiều ưu thế để có thể thực hiện tốt hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp. Cụ thể là:

- Đối với lãnh đạo Học viện: Các thế hệ lãnh đạo Học viện Tư pháp đều chung nhận thức và quyết tâm duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp. Đây là nền tảng quan trọng cho việc đảm bảo chất lượng. Không chỉ dừng ở quyết tâm chính trị, lãnh đạo Học viện rất quan tâm tới công tác hoàn thiện thể chế, phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các mặt hoạt động khác của Học viện.

- Đối với đội ngũ giảng viên: Bên cạnh lợi thế chung về chất lượng giảng viên phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề, Học viện Tư pháp đã xây dựng được đội ngũ giảng viên nòng cốt được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây là những hạt nhân cho công tác xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện trong thời gian sắp tới.

- Đối với học viên: Học viên tham gia các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp rất đa dạng về lứa tuổi, thâm niên công tác, tính chất công việc trước khi tham gia khóa đào tạo song đều có đặc điểm chung là đã có bằng cử nhân luật, có thời gian tham gia công tác thực tiễn. Điều này tạo cho các học viên tính chủ động, độc lập trong quá trình học tập cũng như đánh giá về chất lượng đào tạo của Học viện. Do đó, thông tin về chất lượng đào tạo từ học viên khá đa dạng và có độ tin cậy cao, là một trong những cơ sở để Học viện nhận diện được thực trạng chất lượng đào tạo và tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nguồn nhân lực tham gia đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp còn một hạn chế lớn là chưa có những cán bộ chuyên trách về công tác này nên hoạt động đảm bảo chất lượng chưa được thực hiện một cách bài bản, khoa học. Mặt khác, sự quan tâm của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên và học viên tới công tác đảm bảo chất lượng, về cơ bản, vẫn dừng lại ở quyết tâm chính trị và nhận thức chung về chất lượng đào tạo chứ chưa phải là hoạt động đảm bảo chất lượng một cách bài bản, thường xuyên.

 

2.6.2. Thực trạng nguồn lực vật chất đầu tư cho công tác đảm bảo chất lượng đào tạo

Trước đây Học viện Tư pháp có trụ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại số 10 Phan Văn Trường, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đối với phía Nam, một phần nhỏ được tổ chức đào tạo tại 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP. HCM, còn lại chủ yếu được đào tạo tại Trường Cán bộ thành phố số 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Trụ sở số 10 Phan Văn Trường với tổng diện tích đất 1.750 m2, với tổng diện tích xây dựng 4.725,8 m2 sàn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Cơ sở Học viện tại đây được thành lập từ năm 2004 và được giao quản lý và sử dụng trụ sở tại số 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức có diện tích đất hơn 2.650 m2 nhưng chỉ có một toà nhà nhỏ 2 tầng cũ được xây dựng từ trước những năm 70. Toà nhà này chỉ bố trí được 1 giảng đường học khoảng 100 chỗ ngồi, nên cơ sở Hồ Chí Minh phải đi thuê cơ sở vật chất của Trường cán bộ thành phố (tại địa chỉ 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh).

Đến năm 2013, dự án đầu tư xây dựng trụ sở Học viện Tư pháp tại Hà Nội đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên diện tích đất gần 1,7 hécta, với diện tích sàn xây dựng 28.370 m2. Cơ sở Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh đến cuối năm 2014 cũng đã chuyển đối tác liên kết đến Trường đoàn Lý Tự Trọng, quận Thủ Đức. Đối với địa điểm 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức năm 2014 đã được phê duyệt dự án đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2016, Học viện Tư pháp có thể đưa vào sử dụng trụ sở này với diện tích sàn xây dựng khoảng 13.000 m2.

Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy cũng từng bước được đổi mới: tăng cường số lượng trang thiết bị (máy tính, máy chiếu) trực tiếp trên giảng đường; bổ sung, thay thế, nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ làm việc, giảng dạy. Thư viện được quan tâm ngoài đầu tư thêm nhiều đầu sách còn đang dần hiện đại hoá, nâng cấp thành thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, học viên và cán bộ, viên chức.

Về hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập: Học viện Tư pháp đã xuất bản đầy đủ các bộ giáo trình phục vụ các chương trình đào tạo hiện hành và chú trọng biên soạn các tài liệu khác phục vụ giảng dạy và học tập như: Sổ tay Thẩm phán, Sổ tay Luật sư, Cẩm nang Hội thẩm, Ngân hàng đề thi; sách Hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo; Sổ tay đào tạo; các bộ Phiếu kỹ thuật dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập. Để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo nghề có nhiều đặc thù, Học viện Tư pháp đã thu thập, biên tập và photo nhân bản hơn 1.500 bộ hồ sơ tình huống từ các vụ việc đã được giải quyết trong thực tế. Nhiều hồ sơ tình huống đã được xây dựng thành kịch bản, dựng phim và phát trên chương trình Toà tuyên án, do Học viện Tư pháp phối hợp với Ban Thanh, thiếu niên (VTV6) – Đài truyền hình Việt Nam thực hiện. Các kịch bản này cũng đã được xuất bản dưới dạng tài liệu tham khảo. Ngoài ra, Học viện Tư pháp còn nhân bản các VCD chương trình Toà tuyên án làm tài liệu giảng dạy và học tập. Hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập về cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đặc điểm riêng trong công tác đào tạo của Học viện.

Những thuận lợi về cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư như nêu trên đã góp phần đáng kể giúp Học viện Tư pháp nâng cao chất lượng hoạt động nói chung và là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong thời gian tới.

2.7. Đánh giá chung

           2.7.1. Về những thành tựu, kết quả bước đầu trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo

           Trong bối cảnh hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo chưa được thực hiện một cách thật sự bài bản, Học viện Tư pháp đã đạt được những thành tựu, kết quả bước đầu, tạo động lực cho việc xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong tương lai. Thành tựu này thể hiện ở sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp tại Học viện tư pháp trong thời gian vừa qua. Cụ thể là: từ tháng 6 năm 2005 đến tháng 6 năm 2015, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được tổng số 47.721 học viên, trong đó số học viên được đào tạo là 34.750 học viên, số học viên được bồi dưỡng là 12.971 lượt học viên. So với số lượng đào tạo trước năm 2005, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được một số lượng các chức danh tư pháp rất đáng ghi nhận, tăng 147%.

Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng: Tự đánh giá chất lượng đào tạo trong 10 năm, Học viện Tư pháp đã thực hiện  được mục tiêu đào tạo đề ra, cung cấp kịp thời số lượng các chức danh tư pháp được đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ các chức danh tư pháp. Sau khi kết thúc các khoá đào tạo, học viên được trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản; cập nhật kiến thức pháp luật mới; làm quen với môi trường nghề nghiệp và tiếp thu kinh nghiệm thực tế từ các chức danh tư pháp, được giáo dục đạo đức nghề nghiệp và rèn luyện bản lĩnh chính trị[25].

Cho đến nay, Học viện chưa tiến hành khảo sát các đơn vị sử dụng lao động về việc đánh giá chất lượng đào tạo một cách quy mô, bài bản. Tuy nhiên, qua cuộc khảo sát đánh giá trung lập về chất lượng đào tạo thẩm phán của Đơn vị tư vấn Investconsult Group, dưới sự tài trợ của Dự án JUDGE (Canada), cho thấy chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp khá là khả quan; có 30.6% học viên đánh giá khoá đào tạo của Học viện đã trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng xét xử của thẩm phán, 63,1% học viên cho rằng khoá đào tạo của Học viện đã trang bị cơ bản các kỹ năng để làm việc và 2.5% học viên đánh giá Học viện đã cung cấp cho học viên các kiến thức và kỹ năng làm việc toàn diện, sâu sắc. 

Trong 17 năm xây dựng và phát triển, việc đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp đã từng bước phát triển về quy mô, số lượng, phạm vi và mô hình đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần quan trọng cho công cuộc cải cách tư pháp nói chung, tạo dựng uy tín và vị thế trong đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng. Kết quả này đạt được do một nguyên nhân quan trọng là sự thống nhất nhận thức của toàn thể các cá nhân, đơn vị trong Học viện về mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

2.7.2. Về những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được giải quyết, khắc phục để nâng cao hiệu quả đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đảm bảo chất lượng trong thời gian qua của Học viện Tư pháp còn những tồn tại, hạn chế cơ bản là:

- Chưa tiếp cận công tác đảm bảo chất lượng một cách chính thức theo chuẩn mực chung của quốc gia và quốc tế;

- Các thành tố cơ bản của hệ thống đảm bảo chất lượng hầu như chưa hiện diện tại Học viện Tư pháp (ngoại trừ một vài yếu tố nhỏ lẻ mới bước đầu hình thành như Tuyên ngôn sứ mạng, Quy trình giải quyết công việc theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000…);

- Hoạt động đảm bảo chất lượng được thực hiện manh mún, tự phát trong một số khâu, một số mặt chứ chưa mang tính toàn diện, hệ thống.

So với công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục đại học, Học viện Tư pháp đang đi sau một bước. So với cơ sở đào tạo chức danh tư pháp tại một số nước, Học viện Tư pháp cũng chưa tiếp cận được với những thành tựu đảm bảo chất lượng ở các cơ sở này.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nổi bật là:

- Thể chế liên quan đến đào tạo chức danh tư pháp chưa hoàn thiện, hiện tại chưa có quy định cụ thể về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp;

            - Địa vị pháp lý của Học viện Tư pháp chưa tạo cơ hội cho Học viện thực hiện hoạt động đảm bao chất lượng đúng nghĩa, theo những ràng buộc chung đối với giáo dục đại học;

            - Học viện Tư pháp chưa quyết tâm, chưa nhạy bén trong việc triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng. So với một số cơ sở đào tạo đại học cũng như các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp khác, Học viện Tư pháp là đơn vị thực hiện khá sớm các công việc liên quan tới đảm bảo chất lượng như xây dựng bộ quy trình ISO, xây dựng Sổ tay kiểm định chất lượng, tập huấn giảng viên về đảm bảo chất lượng...song các kết quả nêu trên không được phát huy để kịp thời xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng cho Học viện.

Kết luận chương 2

Học viện Tư pháp đã có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo các chức danh tư pháp. Là cơ sở đầu tiên, “đầu mối” đào tạo nhiều chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp luôn chú trọng tới vấn đề chất lượng đào tạo. Chất lượng cũng chính là yếu tố giúp Học viện khẳng định được ưu thế của mình trong lĩnh vực đào tạo tư pháp. Thời gian vừa qua, hoạt động đảm bảo chất lượng tại Học viện Tư pháp đã được thực hiện ở mức độ nhất định và đạt được những thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà về cơ bản công tác đảm bảo chất lượng chưa được thực hiện một cách bài bản, hệ thống tại Học viện, biểu hiện ở một số nét sau đây:

- Học viện Tư pháp chưa xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng với các thành tố như tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá; hệ công cụ đánh giá, giám sát...

- Văn hóa chất lượng chưa trở thành một giá trị đặc trưng của Học viện Tư pháp, chưa trở thành ý chí, thói quen và truyền thống giúp Học viện duy trì củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo;

- Các thiết chế đảm bảo chất lượng chưa được tạo dựng tại Học viện Tư pháp nên hoạt động đảm bảo chất lượng còn mang tính chất tự phát, manh mún.

Từ thực trạng nêu trên, xuất phát từ những đòi hỏi của quá trình xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn cũng như những yêu cầu của thực tiễn đào tạo tư pháp trong thời gian tới, hơn lúc nào, Học viện Tư pháp cần xây dựng và vận hành một hệ thống đảm bảo chất lượng phù hợp với đặc thù đào tạo của Học viện, phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của hệ thống pháp luật về đào tạo tư pháp trong thời gian sắp tới.

 

 

Chương 3

GIẢI PHÁP XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP

TẠI  HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

3.1. Giải pháp xây dựng thể chế về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

3.1.1. Xây dựng tuyên ngôn sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp - nền tảng của chính sách chất lượng và hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp

Tuyên ngôn Sứ mệnh (MISSION STATEMENT) được định nghĩa là Tuyên bố mô tả rõ ràng những yếu tố quan trọng nhất đối với chiến lược hoạt động của Học viện Tư pháp trong điều kiện phát triển hiện tại. Tuyên ngôn sứ mệnh còn đóng vai trò là minh chứng đáng tin cậy cho mục tiêu và cam kết chất lượng đối với sản phẩm đào tạo của học viện, vì thế phải được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu, thích hợp với Học viện trong điều kiện cụ thể, nhằm chuyển tải vào nó tinh thần và văn hoá nhà trường, tránh đồng nhất với slogan mang tính quảng bá về Học viện Tư pháp.

Khác với tuyên ngôn sứ mệnh là ảnh chụp về tương lai nhà trường, Tuyên ngôn Tầm nhìn là bản đồ chỉ ra lộ trình Học viện dự định phát triển. Việc tích hợp hai tuyên ngôn này sẽ cho phép hình dung được bức tranh về đích hướng tới của Học viện và cung cấp một sự chỉ dẫn hợp lý để tiến tới đích đó. Tuyên ngôn về tầm nhìn bao hàm hai bộ phận và một trong hai bộ phận đó là hệ Giá trị cốt lõi (Core values) là những giá trị tạo thành nền tảng để trên cơ sở đó, Học viện tổ chức và quản lý mọi hoạt động của mình.

3.1.1.1.Những vấn đề đặt đối với Học viện Tư pháp khi xây dựng sứ mệnh, mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi, giai đoạn 2015- 2020

Một là, đánh giá đúng bối cảnh của Học viện để có căn cứ xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng phù hợp.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đều khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật, cán bộ có chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, trong đó chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp theo các chức danh.

Từ khi thành lập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán và các chức danh tư pháp khác đầu tiên ở nước ta (năm 1996) đến nay, công tác đào tạo nghề các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp đã đạt nhiều kết quả, góp phần từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng công tác tư pháp. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp và nhất là các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật tố tụng lớn sẽ được sửa đổi bổ sung thì công tác đào tạo các chức danh tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, như: chưa có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đào tạo một cách bài bản, khoa học; sự đầu tư của Nhà nước chưa tương xứng với tầm quan trọng của hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp; mô hình đào tạo chậm được đổi mới… Từ đó dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hoạt động tư pháp, cải cách tư pháp; công tác đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư chưa thực sự góp phần quan trọng làm chuyển biến chất lượng công tác xét xử cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Những hạn chế, bất cập nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo chưa thực sự được chú trọng.

Bối cảnh khách quan của Học viện sau chặng đường 17 năm (1998-2015) là biến cố liên quan đến chuyển đổi cơ chế đào tạo chức danh tư pháp ở Việt Nam, theo đó việc đào tạo chức danh tư pháp không còn chỉ do Học viện Tư pháp thực hiện mà những cơ sở đào tạo trực thuộc hai ngành Tòa án, Viện kiểm sát và Liên đoàn luật sư cũng đã được giao tham gia vào hoạt động đào tạo các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Bên cạnh đó, bối cảnh tình hình và những yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực tư pháp trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, yêu cầu của việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và những thay đổi quan trọng của các bộ luật về tố tụng trong thời gian tới sẽ là nền tảng lý luận, pháp lý căn bản của việc tiếp tục đổi mới, phát triển mô hình đào tạo nghề luật hiện đại mà Học viện đã có hơn 15 năm thử nghiệm và ứng dụng thành công.

Một trong những định hướng lớn mang tính chiến lược cho giai đoạn 2013 – 2020 đối với Học viện Tư pháp là chủ động đổi mới, chủ động hội nhập dựa trên triết lý phát triển thống nhất trong đa dạng và mô hình “đàn sếu bay” để hiện diện hài hòa, bền vững và năng động với cộng đồng đào tạo nghề Luật ở Việt Nam. Với triết lý và mô hình này, Học viện vừa phát huy được thế mạnh sẵn có của “chiếc nôi đầu tiên” về đào tạo chức danh tư pháp nhằm giữ vững vị thế hàng đầu trong đào tạo nghề Luật ở Việt Nam, vừa chủ đông, uyển chuyển và linh hoạt khi vận hành cơ chế cạnh tranh về thị phần đào tạo.

Hai là, nhận diện đầy đủ thế mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục để cải thiện chất lượng đào tạo và quản trị đào tạo.

- Những điểm mạnh: Những đặc điểm căn bản về thể chế, thiết chế, triết lý, chương trình, phương pháp, công nghệ và nguồn lực đào tạo chức danh tư pháp được thể nghiệm và ứng dụng thành công trong 17 năm của Học viện cần được đánh giá là điểm mạnh cơ bản của Học viện. Đến thời điểm hiện tại, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện đạt được sự phổ cập cơ bản về nội dung chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp chức danh đào tạo, cặp nhật thực tế phát triển của pháp luật thực định và khoa học pháp lý, hiện đại hóa từng bước việc phát triển chương trình đào tạo, nâng cấp và đổi mới thường xuyên chương trình đào tạo truyền thống kết hợp với phát triển chương trình đào tạo mới, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại dành cho đối tượng học viên người lớn trong môi trường tư pháp.

 

- Những hạn chế buộc phải xóa bỏ và khắc phục:

+ Hệ tư duy của cơ chế đào tạo cũ vẫn còn tồn tại cố hữu, trở thành rào cản trong mọi hoạt động hành chính, đào tạo, tổ chức và phát triển nguồn lực.

+ Sự thiếu chuyên nghiệp của hệ thống quản trị đào tạo. Hoạt động quản trị đào tạo không tuân thủ nghiêm quy trình ISO, chưa vận hành theo quy tắc của hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên nghiệp, nguồn nhân lực thiếu sự đào tạo chuyên nghiệp để thực thi nhiệm vụ là những điểm yếu khá phổ biến của hệ thống quản trị đào tạo nhìn từ cả phương diện vận hành bộ máy và quản trị nguồn lực con người.

+  Chưa có Kế hoạch chiến lược cho thời kỳ mới (2015 – 2020), điều này làm cho hoạt động tổng thể của nhà trưởng dễ bị động, bị tổn thương do những biến động của tình hình thực tế, đồng thời cũng dễ dẫn đến việc tùy hứng trong chỉ đạo và điều hành công việc của các cấp lãnh đạo, sự thiếu hiệu quả trong phối hợp công tác giữa các đơn vị trong và ngoài Học viện.

3.1.1.2. Xây dựng Mục tiêu, Sứ mệnh và Giá trị cốt lõi của Học viện Tư pháp, giai đoạn 2015 - 2020

Mục tiêu tổng quát của Học viện Tư pháp giai đoạn tới được xác định là phấn đấu “xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo nghề Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng các chức danh tư pháp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Từ mục tiêu tổng quát này, trong giai đoạn 2015 – 2020, những mục tiêu chính mà Học viện xây dựng chủ yếu nhằm vào đổi mới căn bản nền tảng hệ thống đào tạo và quản trị đào tạo là:

-   Chuẩn hóa hệ thống Chương trình đào tạo chức danh tư pháp, hệ thống Chương trình bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp theo nhu cầu xã hội kết hợp với mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng về diện và lượng;

-   Chuyên nghiệp hóa năng lực hoạt động và năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Hệ thống Quản trị đào tạo;

-   Đạt và thường xuyên cải thiện chỉ số hài lòng của cộng đồng xã hội và người học đối với các Chương trình, Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng do Học viện cung cấp;

-   Duy trì và phát triển bền vững năng lực hội nhập của Học viện vào cộng đồng đào tạo nghề luật trong nước và hướng mạnh vào Cộng đồng đào tạo nghề Luật trong khu vực châu Á;

-   Thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;

-   Hiện hữu hình ảnh một Học viện hàng đầu về đào tạo nghề Luật, phát triển hài hòa trong môi trường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp dựa trên nguyên lý thống nhất trong đa dạng, năng động, thân thiện với cộng đồng, là biểu tưởng của tinh thần thượng tôn pháp luật và là “ngọn hải đăng” cho những khát vọng phấn đấu vì công lý và các quyền con người cơ bản.

Để có cơ sở soạn thảo một bản Tuyên ngôn sứ mệnh có sức mạnh truyền cảm hứng và niềm tin vào tương lai tươi sáng thì việc nhận diện đúng hệ giá trị cốt lõi mà Học viện cần bảo tồn, theo đuổi và phát triển bền vững là vô cùng cần thiết. Sự trải nghiệm của hệ thống đào tạo chức danh tư pháp sau 17 năm hoạt động cho phép đúc kết hệ Giá trị cốt lõi (Core values) của Học viện Tư pháp như sau:

-   Bảo tồn, tôn vinh và phát triển bền vững mô hình, công nghệ đào tạo chức danh tư pháp trong môi trường tôn trọng quyền con người cơ bản, công lý và lẽ công bằng;

-   Tuân thủ sự thượng tôn pháp luật trong tư duy và hành động của toàn hệ thống đào tạo và quản trị đào tạo;

-   Coi trọng sức mạnh truyền thống và hiện đại của đoàn kết nội bộ, lấy trách nhiệm xã hội làm động lực gắn kết và phát triển hài hòa với cộng đồng đào tạo nghề luật trong nước và trong khu vực; 

-   Rèn luyện tính bản lĩnh, độc lập và khả năng phối hợp hiệu quả cho người học thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp các chức danh tư pháp

-   Mô hình quản trị đào tạo và nguồn lực đào tạo chuyên nghiệp và hiện đại hóa

-   Tạo dựng sự trải nghiệm hoạt động nghề nghiệp thực tiễn một cách chân thực và sống động trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp chức danh tư pháp

-   Tôn trọng và phát triển hài hòa các giá trị tuyền thống (đoàn kết, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, cống hiến cho lợi ích chung) đi đôi với xây dựng và phát huy những giá trị mới (dân chủ, kỷ cương, năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động thực tiễn).

Với những mục tiêu và hệ giá trị cốt lõi được xác định như trên thì từ nay đến năm 2020, Sứ mệnh của Học viện Tư pháp là trở thành Trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp và cung ứng dịch vụ tư vấn pháp lý cùng các sản phẩm nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng, phục vụ yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao cho đất nước.

Nguyên lý phát triển bền vững dựa trên nền tảng hệ thống giá trị cốt lõi của cơ chế đào tạo chức danh tư pháp đã qua 17 năm thể nghiệm mô hình và công nghệ đào tạo để hòa nhập hài hòa mà không hòa tan, phù hợp với điều kiện, tình hình mới của Học viện Tư pháp. Nói cách khác, sự phát triển tới đây của Học viện là bảo tồn bền vững giá trị cốt lõi về đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu các chức danh tư pháp, từng bước khai thác, khẳng định vững chắc mô hình đào tạo chức danh tư pháp mở rộng, gắn với thực tiễn phát triển hệ thống tư pháp Việt Nam hiện đại. Định hướng này để tránh “lạc hướng” trong quá trình tìm kiếm những giá trị hấp dẫn nhằm tiếp tục khẳng định đặc tính và bản sắc đặc sắc của thể chế đào tạo chức danh tư pháp vốn đã được định hình trong thực tiễn xây dựng và phát triển Học viện Tư pháp.

3.1.2. Xây dựng văn hóa chất lượng trong hoạt động của Học viện Tư pháp

Theo khuyến nghị của các đối tác hợp tác quốc tế và chuyên gia nước ngoài[26] về xây dựng hệ thống ĐBCL, ba trụ cột chính mà Học viện Tư pháp cần đạt được trong thời gian tới là xây dựng, phát triển Môi trường, Nguồn lực và Công cụ phù hợp để thực hiện việc kiểm định và thường xuyên cải thiện chất lượng đào tạo CDTP. Giá trị vật chất và tinh thần của ba Trụ cột này là đồng thời tạo dựng hệ thống ĐBCL, trong đó:

- Yếu tố Môi trường gắn với xây dựng nền tảng tính thần của ĐBCL là văn hóa chất lượng, là sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi mà Học viện theo đuổi và phấn đấu;

- Yếu tố Nguồn lực gắn với đầu tư nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế cho triển khai việc xây dựng và áp dụng hệ thống ĐBCL tại Học viện;

- Yếu tố công cụ gắn với xây dựng thể chế, quy trình, kế hoạch chiến lược cùng hệ thống tiêu chuẩn đo lường, kiểm soát và cải thiện chất lượng của cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo CDTP.

Từ việc nhận diện vai trò quan trọng của văn hóa Học viện thì vấn đề đặt ra là xây dựng tư duy về văn hóa chất lượng của Học viện như thế nào, nhất là trong điều kiện, tình hình mới của Học viện Tư pháp đối với thời kỳ hậu 15 năm xây dựng và trường thành?

Sứ mệnh của Học viện Tư pháp là phải trở thành Trung tâm lớn Đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp. Trong bối cảnh cạnh tranh đào tạo để tồn tại và phát triển, cùng với những hạn chế cố hữu đã bám rễ, ăn sâu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp nhiều năm qua thì việc tạo dựng và phát triển văn hóa chất lượng nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động và chất lượng các sản phẩm đầu ra của hoạt động đào tạo bồi dưỡng là vấn đề cấp bách, vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu xuyên suốt trong lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược của Học viện.

Để hình thành văn hóa chất lượng, trước hết, cần phổ biến rộng rãi cho tất cả các chủ thể liên quan hiểu đúng giá trị, ý nghĩa và lợi ích do chất lượng đem lại. Sau đó, phải ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế, quy định về đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong đơn vị như các quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, đánh giá chất lượng, quy định về xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng, các quy trình ISO trong đơn vị. Tiếp đó, xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch nhiệm vụ từng năm và kế hoạch đảm bảo chất lượng trong đó lồng ghép các nội dung thực hiện văn hóa chất lượng. Bên cạnh đó, triển khai kiểm tra, giám sát định kì, chú trọng các đánh giá từ bên ngoài đơn vị để xác định những mặt tích cực và những điểm còn hạn chế, những điển hình tiêu biểu của đơn vị trong các hoạt động đảm bảo chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng. Cuối cùng, tổ chức sơ kết, tổng kết về xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng, phát hiện những điển hình tiêu biểu để phổ biến và nhân rộng, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế và đưa ra các biện pháp cải tiến.

Học viện Tư pháp có thể tiến hành việc xây dựng văn hóa nhà trường theo các bước như sau:

-   Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của nhà trường trong tương lai;

-   Xác định giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công. Đây là bước cơ bản nhất. Các giá trị cốt lõi phải là các giá trị không phai nhòa theo thời gian, là trái tim và linh hồn của Học viện;

-    Xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn (khắc họa bức tranh lý tưởng tương lai mà Học viện sẽ vươn tới). Đây là định hướng để xây dựng văn hóa nhà trường;

-    Đánh giá văn hóa hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa nào cần thay đổi.

-   Nghiên cứu, đề xuất giải pháp để thu hẹp khoảng cách của những giá trị văn hóa hiện có và văn hóa tương lai của nhà trường

-   Xác định vai trò của lãnh đạo Học viện trong việc dẫn dắt, thay đổi và phát triển văn hóa nhà trường

-   Soạn thảo kế hoạch, phương án hành động cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác nhau để có thể thực thi được kế hoạch đó;

-   Phổ biến nhu cầu thay đổi, viễn cảnh tương lai để mọi người cùng chia sẻ, từ đó động viên tinh thần, tạo động lực để đội ngũ cán bộ giáo viên trong nhà trường có sự đồng thuận, hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực tham gia xây dựng, phát triển văn hóa mới cho nhà trường;

-   Giúp cho mọi người, mọi bộ phận nhận rõ những trở ngại của sự thay đổi một cách cụ thể, từ đó, động viên, khích lệ các cá nhân mạnh dạn từ bỏ thói quen cũ không tốt, chấp nhận vất vả để có sự thay đổi tích cực hơn;

-   Thể chế và mô hình hóa để củng cố, cải thiện liên tục sự thay đổi văn hóa; coi trọng việc xây dựng và động viên mọi người noi theo các hình mẫu lý tưởng phù hợp với mô hình văn hóa nhà trường đang hướng tới. Sự khích lệ kèm theo một cơ chế khen thưởng có sức động viên thiết thực là rất cần thiết;

-    Thường xuyên đánh giá văn hóa nhà trường và thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại; đặc biệt là các giá trị học tập không ngừng và thay đổi thường xuyên.

3.1.3. Lập kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2015- 2020

Giống như những công cụ quản lý hiện đại, kế hoạch chiến lược được sử dụng cho mục đích các công việc của Học viện thực hiện được tốt hơn, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo các mọi thành viên trong nhà trường đang làm việc cùng hướng tới các mục tiêu chung, đánh giá và điều chỉnh định hướng của Học viện phù hợp với thay đổi của diều kiện mới. Lập kế hoạch chiến lược được coi là một nỗ lực có tổ chức để Học viện đưa ra các quyết định và các hành động cơ bản hướng đến việc hiện thực hóa hệ thống đảm bảo chất lượng chuyên nghiệp. Trong từng giai đoạn phát triển, Lập kế hoạch chiến lược đem lại cho Học viện những lợi ích quan trọng:

 - Tập trung vào tư duy và hành động mang tính chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo, đầu tư cho định hướng phát triển tương lai, đồng thời tạo dựng được một cách tiếp cận tiên phong đối với quản trị mọi mặt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

- Định hướng hành động và tập trung vào các kết quả đạt được của hoạt động đảm bảo chất lượng.

- Góp phần tập trung sự chú ý và các nguồn lực vào giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo thay vì cố giải quyết đồng thời nhiều vấn đề cùng một lúc.

- Nhận diện được đang và sẽ làm công việc gì trong quá trình hiện thực hóa hệ thống chuyên nghiệp về đảm bảo chất lượng, thấy rõ hơn việc cần khắc phục những hạn chế, điểm yếu nào trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp.

            Về lý thuyết, việc lập một kế hoạch chiến lược trong hoạt động đảm bảo chất lượng cơ sở đào tạo cần trải qua 11 bước căn bản sau:

·  Bước 1: Lập kế hoạch cho kế hoạch. Tập thể lãnh đạo Học viện cùng đội ngũ cán bộ chủ chốt cần đi đến sự thống nhất về: Mục tiêu và nhu cầu cho nỗ lực; Sự sẵn sàng của toàn Học viện về các nguồn nhân lực và tài chính, văn hoá và cam kết; Mẫu và thời hạn của các báo cáo; Cam kết về các nguồn lực tài chính, nghiệp vụ và quy trình; Các bước/quá trình cần phải tuân theo. Để triển khai trên thực tế, cần thành lập Ban chỉ đạo cùng với một số các nhóm công tác.

·  Bước 2:  Đạt được và duy trì cam kết. Tập hợp và thu hút tập thể giảng viên, viên chức, người lao động đồng thuận với yêu cầu và những nội dung cơ bản của việc Lập kế hoạch chiến lược và tất cả các bên liên quan chính cần tham dự vào quá trình lập kế hoạch ở mức độ khác nhau. Ban Giám đốc cần biểu quyết chính thức khi phê duyệt kế hoạch mà Học viện sẽ ban hành.

·  Bước 3: Các nhu cầu và mong muốn của Học viên và bên hữu quan   (người học, người sử dụng sản phẩm đào tạo).

·  Bước 4: Phân tích bên trong và bên ngoài. Để phát triển các kế hoạch mang tính thực tế, rất cần phải xem xét cẩn thận các điểm mạnh và các điểm yếu của Học viện, cũng như cần xem xét môi trường bên ngoài để tìm ra các thời cơ và các nguy cơ tiềm ẩn mà Học viện có thể phải đương đầu trong tương lai. Kỹ thuật SWOT (mặt mạnh, mặt yếu, thời cơ và nguy cơ) là công cụ đơn giản và hiệu quả để thu thập thông tin.

·  Bước 5: Lập định hướng chiến lược. Lập kế hoạch chiến lược cho phép người thực hiện tạm rời khỏi các nhiệm vụ hàng ngày để suy nghĩ đến bức tranh lớn lớn về tương lai Học viện, tức là để thiết lập định hướng chiến lược cho Học viện thông qua việc phát biểu rõ ràng về các giá trị, tầm nhìn và sứ mệnh của Học viện.

·  Bước 6:  Xác định các vấn đề chiến lược là các vấn đề cấp thiết đối với tương lai của Học viện, các vấn đề phải được giải quyết để Học viện thực hiện sứ mệnh của mình.

·  Bước 7: Các mục đích, mục tiêu và đo lường việc thực hiện.

·  Bước 8: Xây dựng các chiến lược và các kế hoạch hành động (gồm các chiến lược hiện tại, các chiến lược tiềm năng phản ánh nhiệm vụ pháp lý, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị của Học viện…).

·  Bước 9: Thực hiện kế hoạch (chỉ ra các chi tiết về việc làm thế nào để thực hiện mỗi chiến lược; Phân công nhân sự thực hiện; Các bước hành động; Các thời gian biểu và thời hạn chót; Thông tin về chi phí và nguồn lực vật chất).

·  Bước 10: Theo dõi thực hiện/đánh giá kết quả.  

·  Bước 11: Quá trình Dự thảo và sửa chữa. Người thực sự sẽ viết kế hoạch thông thường là một trong số Phó Giám đốc hoặc uỷ thác cho một thành viên của Ban hoặc một chuyên gia tư vấn đang làm việc cho Ban lập kế hoạch.

Những tiếp cận tổng quan trên đây về lập kế hoạch chiến lược đối với cơ sở đào tạo trong đảm bảo chất lượng là thông tin cần thiết đối với Học viện Tư pháp, đơn vị đang trong giai đoạn nghiên cứu và triển khai thực hiện trên thực tế hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên nghiệp.

Cấu trúc cơ bản của Kế hoạch bao gồm:

1. Giới thiệu của người đứng đầu (Giám đốc Học viện) về kế hoạch chiến lược.

2. Tóm tắt về kế hoạch chiến lược, trong đó đề cập sứ mệnh và tầm nhìn; nhấn mạnh các mục tiêu lâu dài; mô tả ngắn gọn quá trình phát triển kế hoạch.

3. Phát biểu Sứ mệnh và Tầm nhìn bởi người đứng đầu Học viện.

4. Tóm tắt lịch sử và hoạt động chính của Học viện.

5. Các vấn đề quan trọng cấp bách và các chiến lược.

6. Các mục tiêu và mục đích của kế hoạch chiến lược (theo các đơn vị chương trình hoặc nhóm chương trình).

7. Các mục tiêu và mục đích quản lý.

8. Phụ lục (các tài liệu cần thiết cho các thành viên có nghĩa vụ thực thi kế hoạch).

(Chi tiết xem Phụ lục 1 của Báo cáo này).

Việc lập kế hoạch chiến lược về xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, giai đoạn 2015- 2020 có  những vấn đề lớn sau:

- Học viện đã và đang có những thay đổi rất quan trọng đòi hỏi một sự điều chỉnh căn bản chính sách chất lượng cũng như định vị lại sứ mệnh, tầm nhìn phát triển Học viện.

- Việc liên tục thay đổi người đứng đầu Học viện đang thực tế ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển nền tảng tinh thần và tâm hồn nhà trường, đó là những gián đoạn của sự phát triển văn hóa nhà trường, dẫn tới sự thiếu gắn kết chặt chẽ trong nội bộ cộng đồng sư phạm, thiếu chia sẻ thích hợp, đồng cảm sâu sắc và đồng thuận cao trong việc xác định mục đích, mục tiêu, chính sách chất lượng, sứ mệnh, tầm nhìn cũng như các chiến lược của tương lai Học viện.

- Toàn bộ nguyên lý, nội hàm và giải pháp xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp trong Đề án 2083 chỉ có thể trở thành hiện thực nếu Học viện có được một bản kế hoạch chiến lược trả lời được bốn cấu hỏi cốt lõi: Học viện đang ở đâu trong tiến trình phát triển so với cơ sở đào tạo khác cùng hệ thống và so với chính mình? Học viện muốn phát triển đến đâu và theo định hướng nào trong tương lai? Học viện làm thế nào để đạt được mục tiêu phát triển và bằng cách nào để Học viện đánh giá được sự tiến bộ của chính mình?

- Vấn đề “quyết tâm chính trị” của từ tập thể lãnh đạo Học viện (mà quan trọng nhất là người đứng đầu) đến toàn thể thành viên cộng đồng sư phạm nhà trường phải có và được chuyển hóa thành tư duy chiến lược.

- Vấn đề chuẩn bị nguồn lực vật chất, trong đó quan trọng nhất là điều kiện tài chính từ nội lực của Học viện phục vụ chiến lược đảm bảo chất lượng mọi mặt hoạt động của nhà trường cần được đặt ra một cách nghiêm túc trong quá trình lập kế hoạch chiến lược.

- Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp mà Học viện đầu tư thiết kế phải hoạch định được một lộ trình thực hiện, định lượng và đánh giá chuẩn xác hiệu quả đạt được mục tiêu chiến lược.

- Tái khởi động hệ thống quy trình thực hiện các công việc trong các đơn vị của Học viện theo ISO 9000. Đây là công cụ đã được Học viện đầu tư xây dựng từ những năm trước, có vai trò phát huy tốt hiệu quả quản trị đào tạo chuyên nghiệp và không thể lãng phí bằng việc thay thế công cụ quản lý khác.

 

* Về lộ trình thực hiện Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng

Học viện Tư pháp tiến hành xây dựng, thực hiện Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng từ nay đến năm 2020 với lộ trình cần phù hợp với lô trình thực hiện Đề án 2083 về Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Cụ thể các giai đoạn là:

- Giai đoạn 1: từ nay đến năm 2016. Nội dung cơ bản trong giai đoạn này nghiên cứu, triển khai các bước khởi động cho quá trình tập trung các chính sách, nguồn lực bắt tay xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng. Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài này có ý nghĩa là nền móng để tiếp tục những hoạt động nghiên cứu sâu rộng hơn.

- Giai đoạn 2: từ 2016 đến 2018 và từ 2018 đến năm 2020. Lộ trình thực hiện các công việc cụ thể của xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng (theo các giải pháp đề xuất trong Báo cáo tổng hợp này) sẽ song hành, gắn kết với lộ trình của Đề án 2083 và các Đề án thành phần khác như Đào tạo chung ba chức danh Thẩm phán-Kiểm sát viên-Luật sư, Đề án đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Đề án tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Kết thúc giai đoạn này vào năm 2020, Học viện Tư pháp sẽ phấn đấu định hình, vận hành ổn định hệ thống đảm bảo chất lượng để từ đó xây dựng kế hoạch chiến lược về quản lý chất lượng cho giai đoạn tiếp theo sau năm 2020.

3.1.4. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

3.1.4.1.  Hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo

a) Căn cứ xây dựng

Các tiêu chuẩn và hệ tiêu chí đánh giá chất lượng giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là một thành tố thuộc nhóm “thượng tầng kiến trúc” của hệ thống quản lý chất lượng, có ý nghĩa định hướng, chi phối đối với các yếu tố thuộc nhóm quy trình, thủ tục và nhóm nguồn lực, biện pháp thực hiện.

Trong mối quan hệ với các thành tố khác thuộc nhóm cơ chế, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng chịu sự chi phối của chính sách chất lượng đồng thời có tác động qua lại với thiết chế quản lý và văn hóa chất lượng.

Về phạm vi, hệ tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo cần được xác định một cách toàn diện, trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá mọi mặt của cơ sở đào tạo. Nói cách khác, nếu tiêu chuẩn là mức độ yêu cầu và điều kiện mà đơn vị cần đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thì tiêu chí là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo được sử dụng là công cụ để đánh giá chất lượng đào tạo theo nghĩa, xem xét chất lượng việc giảng dạy, học tập và chương trình đào tạo, dựa vào kiểm tra chi tiết các chương trình học, cơ cấu và hiệu quả của một cơ sở đào tạo, xem xét bên trong và các cơ chế kiểm soát chất lượng của cơ sở đào tạo đó. Như vậy, hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo là “thước đo” để đánh giá toàn diện về cơ sở đào tạo trong đó trọng tâm là đánh giá chương trình đào tạo.

Đối với Học viện Tư pháp, việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tại Học viện Tư pháp nói chung và xác định hệ tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá nói riêng cần tính đến (i) đặc thù đào tạo của Học viện; (ii) các quy định pháp luật về kiểm định chất lượng đào tạo; và (iii) tham khảo kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố liên quan, đã có nhiều phương án được đề xuất để xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp như: (i) sử dụng hệ tiêu chí, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học; (ii) cơ bản sử dụng hệ tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đại học, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí theo kinh nghiệm của AUN; và (iii) xây dựng hệ tiêu chí đánh giá riêng của Học viện Tư pháp.

Đối với Học viện Tư pháp, phương án sử dụng nguyên vẹn bộ tiêu chí của Bộ Giáo dục Đào tạo không khả thi vì những bất ổn nội tại của bộ tiêu chí này cũng như sự khác biệt về đặc thù đào tạo của Học viện so với các cơ sở giáo dục đại học – đối tượng mà bộ tiêu chí này hướng đến. Với phương án 2, việc tham khảo kinh nghiệm của AUN là cần thiết, do sự gần gũi với điều kiện Việt Nam, song đây vẫn là bộ tiêu chí dành riêng cho cơ sở giáo dục đại học, chưa có những yếu tố tương đồng với thực tiễn đánh giá cơ sở đào tạo nghề tư pháp ở một số nước. Công trình nghiên cứu này đề xuất xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp cơ bản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục đào tạo, gồm 10 tiêu chuẩn Việt Nam, đồng thời có bổ sung bổ sung 01 tiêu chuẩn và một số tiêu chí theo kinh nghiệm của AUN và của Hiệp hội các nhà đào tạo tư pháp Hoa Kỳ phù hợp với đặc thù đào tạo tại Học viện Tư pháp.

Việc lựa chọn phương án này bước đầu có thể sẽ gây khó khăn cho Học viện Tư pháp do các tiêu chuẩn, tiêu chí có phần chặt chẽ hơn song về lâu dài phương án này sẽ giúp Học viện định hướng và phát triển phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề tư pháp.

b) Cơ cấu, nội dung hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo đối với Học viện Tư pháp:

Tiêu chuẩn

Tiêu chí

(Tiêu chuẩn Việt Nam (ký hiệu VN): phần chỉnh sửa, bổ sung so với tiêu chí do Bộ giáo dục đào tạo quy định  để chữ đậm, nghiêng; Tiêu chuẩn bổ sung từ AUN (ký hiệu AUN) và tham khảo kinh nghiệm của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (ký hiệu USA): phần chữ nghiêng thường)

Tiêu chuẩn 1. Sứ mệnh và mục tiêu của đơn vị đào tạo

 

VN.1.1. Sứ mạng của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của đơn vị; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế của đất nước

VN.1.2. Mục tiêu của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo đào tạo kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật là nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc (2) bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện.

AUN.1.3. – USA 2.1.  Sứ mạng và mục tiêu của Học viện được công bố công khai, rộng rãi.

Tiêu chuẩn 2. Tổ chức và quản lý

 

VN.2.1. Cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với Điều lệ trường đại học; được cụ thể hoá trong quy chế về tổ chức và hoạt động của Học viện.

VN.2.2. Có hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động của Học viện.

VN.2.3. Chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, người quản lý, giảng viên và nhân viên được phân định rõ ràng.

VN.2.4. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong Học viện hoạt động hiệu quả và hàng năm được đánh giá tốt; các hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể thực hiện theo quy định của pháp luật.

VN.2.5. Có tổ chức đảm bảo chất lượng đào tạo, gồm trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách; có đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động đánh giá nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của Học viện.

VN.2.6. Có các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của Học viện; có chính sách và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của Học viện.

VN.2.7. Thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý về các hoạt động và lưu trữ đầy đủ các báo cáo của Học viện.

AUN.2.8. Học viện thu thập, phân tích và sử dụng các thông tin để quản lý hiệu quả những hoạt động cốt lõi (đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và tư vấn pháp luật)

 

 

 

Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo

VN.3.1. Chương trình đào tạo của Học viện được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định khác hiện hành; có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới; có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

VN.3.2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, trang bị các kỹ năng cụ thể và kiến thức cần thiết cho mỗi vị trí chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp được đào tạo (USA.3.3.); đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp; đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó. [27]

VN.3.3. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

VN.3.4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức đào tạo và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

VN.3.5. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác có liên quan.

VN.3.6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

AUN.3.7. Học viện xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chương trình đào tạo (programme specifications) kèm theo một tuyên bố rõ ràng, ngắn gọn bằng văn bản về mục tiêu học tập cụ thể, thực tế và đo lường được, thiết kế dự kiến và thực hiện để đạt được những mục tiêu này (USA.4.2)

AUN.3.8. Các chương trình đào tạo (curriculum) mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học; sử dụng phương pháp giáo dục người lớn thích hợp để đánh giá nhu cầu, thiết kế và thực hiện chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả[28]) (USA.4.)

AUN.3.9. Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của Học viện

AUN.3.10. Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, phẩm chất/ thái độ để đạt chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo

AUN.3.11. Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo của quốc gia. 

AUN.3.12. Học viện có biện pháp và nguồn lực đánh giá thường xuyên và phân tích nhu cầu đào tạo, trách nhiệm thực hiện, mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra.  (+USA 4.1)

USA.7.1+ 7.2. Các chương trình và tài liệu đào tạo có hướng đến phát triển kỹ năng kết nối cộng đồng và các dịch vụ công cộng của người học trong hoạt động nghề nghiệp tương lai. Học viện có chương trình cộng tác chặt chẽ với cơ quan tư pháp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các đối tác cộng đồng để phát triển và thể chế hóa các chương trình kết nối cộng đồng gắn với hoạt động đào tạo và tư vấn pháp luật.

Tiêu chuẩn 4. Hoạt động đào tạo

VN.4.1. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của người học theo quy định.

VN.4.2. Thực hiện công nhận kết quả học tập của người học theo niên chế kết hợp với học phần.

VN.4.3. Có kế hoạch và phương pháp đánh giá hợp lý các hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm của người học.

VN.4.4. Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với h́nh thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích luỹ của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

VN.4.5. Kết quả học tập của người học được thông báo kịp thời, được lưu trữ đầy đủ, chính xác và an toàn. Văn bằng, chứng chỉ được cấp theo quy định và được công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

VN.4.6. Có cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của đơn vị, tình hình học viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp.

VN.4.7. Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi tốt nghiệp và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. 

AUN.4.8. Học viện có chiến lược giảng dạy và học tập “lấy người học làm trung tâm”; giúp người học tiếp thu và sử dụng kiến thức, kỹ năng một cách khoa học và theo định hướng ứng dụng/thực hành.

AUN.4.9. Học viện xây dựng môi trường giảng dạy và học tập để người học tham gia vào quá trình một cách có ý thức; cung cấp các chương trình đào tạo với nhiều môn học lựa chọn, lộ trình học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương thức và thời gian học tập phù hợp.

AUN.4.10. Học viện tạo cho người học mọi cơ hội học tập, giao lưu, phát triển trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp. 

AUN.4.11. Các loại hình và phương pháp kiểm tra đánh giá được phổ biến đến mọi bên liên quan; tuân thủ các chuẩn đo lường đánh giá trong đào tạo và quy trình đảm bảo chất lượng bên trong. 

AUN.4.12. Có quy định về quy trình khiếu nại kết quả kiểm tra đánh giá. 

AUN.4.13. Có quy trình và phương pháp phù hợp, khả thi để thu thập phản hồi từ các bên liên quan về chất lượng đào tạo của Học viện

Tiêu chuẩn 5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên

 

 VN.5.1. Có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý đáp ứng mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị; có quy trình, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm rõ ràng, minh bạch.

VN.5.2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ; được đảm bảo sự công bằng (USA.2.5).

VN.5.3. Có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước để duy trì và nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp (USA.2.3).

VN.5.4. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

VN.5.5. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình học viên/giảng viên.

VN.5.6. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định chung và đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

VN.5.7. Đội ngũ giảng viên được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hoá của đội ngũ giảng viên theo quy định; có tỷ lệ hợp lý người đã hoặc đang hành nghề chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc có kinh nghiệm công tác pháp luật thực tiễn.

USA.5.1. Giảng viên có kỹ năng  phát triển chương trình đào tạo và giáo dục đạo đức cho học viên người lớn; sử dụng được các phương pháp giáo dục người lớn thích hợp[29].

USA 5.4. Giảng viên tham gia vào hoạt động đánh giá thường xuyên và liên tục đối với mục tiêu, chương trình và kỹ thuật giảng dạy của mình để xác định việc đáp ứng nhu cầu của người học.

USA.5.5. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với giảng viên làm việc theo chế độ biệt phái từ các cơ quan tư pháp để tham gia chương trình đào tạo tương ứng với chức danh họ đang đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.

VN.5.8. Đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên đủ số lượng, có năng lực chuyên môn và được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

AUN.5.9. Học viện có các quy trình phù hợp về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên.

AUN.5.10. Xây dựng và duy trì đội ngũ giảng viên và nhân viên hỗ trợ có chất lượng cao thông qua xác định rõ trách nhiệm và đánh giá công việc thường xuyên; đề cao đạo đức nghề nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên, nhân viên và đánh giá hiệu quả các khoá đào tạo này. 

AUN.5.11. Học viện tổ chức đánh giá cán bộ, giảng viên, nhân viên và thi đua, khen thưởng định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật. Hệ thống đánh giá cán bộ viên chức phù hợp, có phương pháp xây dựng, đáp ứng nhân lực có chất lượng và năng lực thực hiện các hoạt động cốt lõi: giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho xã hội và cộng đồng

Tiêu chuẩn 6. Người học

 

VN.6.1. Người học được hướng dẫn đầy đủ về chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá và các quy định trong quy chế đào tạo của Học viện

VN.6.2. Người học được đảm bảo chế độ chính sách xã hội, được khám sức khoẻ theo quy định y tế học đường; được tạo điều kiện hoạt động, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao và được đảm bảo an toàn trong khuôn viên của đơn vị đào tạo. 

VN.6.3. Công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học được thực hiện có hiệu quả.

VN.6.4. Công tác Đảng, đoàn thể có tác dụng tốt trong việc rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học.

VN.6.5. Có các biện pháp cụ thể, có tác dụng tích cực để hỗ trợ việc học tập và sinh hoạt của người học.

VN.6.6. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các nội quy của đơn vị đào tạo cho người học. 

VN.6.7. Hỗ trợ học viên đạt được chất lượng học tập thông qua khả năng của các giảng viên cung cấp môi trường vật chất và tư liệu, môi trường xã hội hoặc hỗ trợ việc học, phù hợp với các hoạt động liên quan; có các hoạt động hỗ trợ hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

VN.6.8. Người học được giới thiệu làm nguồn ứng viên thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp sau khi tốt nghiệp.

VN.6.9. Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện  trước khi tốt nghiệp

AUN. 6.10. Học viên được đánh giá theo tiêu chí, quy định và quy trình đã công bố, áp dụng nhất quán; có các quy trình rõ ràng để đảm bảo việc đánh giá học viên; để đảm bảo chất lượng các kỳ thi; có quy trình giải quyết khiếu nại.

USA.4.5: Phương pháp đánh giá học viên được xác định một cách tích cực, cả trong và sau khi đào tạo, để đánh giá mức độ đáp ứng mong đợi, mục tiêu của người học trong các hoạt động học tập.

Tiêu chuẩn 7: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ

 

VN.7.1. Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ phù hợp với sứ mạng nghiên cứu và phát triển của đơn vị.

VN.7.2. Có các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch.

VN.7.3. Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài nghiên cứu khoa học và phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của đơn vị đào tạo. 

VN.7.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp và xây dựng, thực thi pháp luật nói riêng.

VN.7.5. Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học có thể bù đắp một phần kinh phí của đơn vị dành cho các hoạt động này.

VN.7.6. Các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, gắn kết với các viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị đào tạo khác và các doanh nghiệp. Kết quả của các hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp vào phát triển các nguồn lực của Học viện

VN.7.7. Có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định; có các biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

AUN.7.8. Học viện có quy định về an toàn và sức khoẻ đối với cán bộ quản lí, giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên;

AUN.7.9. Học viện có quy định và hướng dẫn về các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D); đảm bảo các đối tượng liên quan tuân thủ quy định và hướng dẫn này. 

AUN.7.10. Học viện có quy định và hướng dẫn trong công tác tư vấn, phục vụ cộng đồng và xã hội.

AUN.7.11. Học viện hỗ trợ hiệu quả các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và sáng tạo phục vụ sứ mệnh của Học viện và các lợi ích xã hội.

AUN.7.12. Học viện cam kết tuân thủ các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu khoa học và đạo đức nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 8. Hoạt động hợp tác quốc tế 

VN.8.1. Các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước. 

VN.8.2. Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo có hiệu quả, thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật; các chương trình trao đổi giảng viên và người học, các hoạt động tham quan khảo sát, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đào tạo (USA.8.2.)

VN.8.3. Các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học có hiệu quả, thể hiện qua việc thực hiện dự án, đề án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các chương trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

Tiêu chuẩn 9: Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác  

 

VN.9.1. Thư viện của đơn vị có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học. Có thư viện điện tử được nối mạng, phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học có hiệu quả.  (USA.6.1. và 6.3.)

VN.9.2. Có đủ số phòng học, giảng đường lớn, phòng thực hành, phục vụ cho dạy, học và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

VN.9.3. Có đủ trang thiết bị dạy và học để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đảm bảo về chất lượng và sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của các chương trình đang đào tạo, bồi dưỡng.

 

VN.9.4. Cung cấp đầy đủ thiết bị tin học để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học và quản lý.

VN.9.5. Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định. 

VN.9.6. Có đủ phòng làm việc cho các cán bộ, giảng viên và nhân viên cơ hữu theo quy định.

VN.9.7. Có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3981-85. Diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định.

VN.9.8. Có quy hoạch tổng thể về sử dụng và phát triển cơ sở vật chất trong kế hoạch chiến lược của đơn vị.

VN.9.9. Có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản, trật tự, an toàn cho cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học.

AUN.9.10. Nhà trường có hệ thống thông tin quản lý về giảng dạy và học tập; về nghiên cứu; và thường xuyên công bố các thông tin định lượng và định tính về nhà trường, về các chương trình đào tạo và bằng cấp mà nhà trường cung cấp

Tiêu chuẩn 10: Tài chính và quản lý tài chính

 

VN.10.1. Có những giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, tạo được các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Học viện

VN.10.2. Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính trong Học viện được chuẩn hoá, công khai hoá, minh bạch và theo quy định.

VN.10.3. Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của Học viện

AUN.10.4-(USA2.6 + 4.4) Học viện đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các mục đích và mục tiêu; có nguồn lực thích hợp để lập kế hoạch và thực hiện đào tạo có hiệu quả; môi trường vật chất cho các hoạt động đào tạo đảm bảo hỗ trợ học tập và các mục tiêu học tập của học viên.

 

 

Tiêu chuẩn 11. Đảm bảo chất lượng

 

AUN.11.1. Học viện công khai các chính sách và quy trình phù hợp để bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo và văn bằng của Học viện; cam kết phát triển văn hóa chất lượng; phân định rõ vai trò của các bên liên quan; xây dựng và triển khai chiến lược không ngừng cải tiến chất lượng của Học viện

AUN.11.2. Học viện có hệ thống giám sát chặt chẽ các hoạt động của đơn vị. Các chỉ số giám sát tối thiểu gồm: đánh giá người học, hệ thống theo dõi tiến bộ người học, tỷ lệ tốt nghiệp và thôi học, phản hồi của thị trường sử dụng lao động và cựu học viên, số lượng công trình công bố và tổng giá trị các nguồn tài trợ.

AUN.11.3. Học viện định kỳ (tối thiểu 5 năm một lần) tiến hành thẩm định/đánh giá nội bộ (tự đánh giá) các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ phục vụ cộng đồng); có biện pháp, phương tiện kiểm tra mức độ phù hợp của các thành tựu đạt được so với mục tiêu đã đề ra; sử dụng các kết quả tự đánh giá của hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ

AUN.11.5. Hc vin có S tay cht lưng (nêu rõ mi quy đnh, quy trình và th tc liên quan đến ĐBCL); s tay cht lưng đưc công b, ph biến đến ging viên, hc viên và mi ngưi có liên quan

Trong kết quả khảo sát ý kiến của cán bộ giảng viên của Học viện Tư pháp về các nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí nêu trên dự kiến áp dụng đối với Học viện Tư pháp (78 người được hỏi), số người nhất trí với từng tiêu chí cụ thể có khác nhau, nhưng nhìn chung tỷ lệ nhất trí là 40 – 50%. Đồng thời, đa số ý kiến đánh giá thực trạng Học viện đáp ứng từng tiêu chí trong thực tế hiện tại là: Đạt yêu cầu (35-50%), Loại Tốt (13-26%), còn lại là các mức khác. Đáng lưu ý là rất ít ý kiến đánh giá ở mức Không đạt yêu cầu hoặc mức Xuất sắc.

(Chi tiết xem thêm Phụ lục 2.1. của Báo cáo này)

Một vấn đề nữa liên quan tới việc xây dựng và áp dụng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo là sự cần thiết, thời điểm áp dụng đối với Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp hiện không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nên về nguyên tắc sẽ không chịu sự ràng buộc về kiểm định chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viện Tư pháp có nên nghiên cứu, xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo, vốn chủ yếu được dành cho kiểm định chất lượng đào tạo (đánh giá ngoài)? Việc xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo phù hợp với đặc thù đào tạo của Học viện Tư pháp là cần thiết. Bởi lẽ, trước khi dành cho đánh giá ngoài, hệ tiêu chí này sẽ là “thước đo” để Học viện Tư pháp tự đánh giá về mình một cách toàn diện từ đó thấy được mặt mạnh, mặt yếu, những vấn đề cần tập trung để đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh có nhiều cơ sở cùng tham gia đào tạo tư pháp và Học viện Tư pháp muốn khẳng định ưu thế đào tạo của mình.  Mặt khác, việc xây dựng hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo cũng là tiền đề cho quá trình kiểm định chất lượng sau này, khi mà hệ thống pháp luật về đào tạo chức danh tư pháp được hoàn chỉnh với những quy định liên quan tới kiểm định và đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực đào tạo này.

3.1.4.2. Xây dựng hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo - giải pháp cơ bản trong đảm bảo chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

a) Xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo

* Quan điểm và giải pháp cơ bản

Mặc dù cho đến nay Học viện đã xây dựng và thực hiện gần 10 chương trình đào tạo khác nhau ứng với từng chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, thư ký tòa án, chấp hành viên, công chứng viên, đấu giá viên, lý lịch tư pháp...), song trong một thời gian dài chưa chú trọng việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Từ năm 2013 đến nay, các chương trình đào tạo mới được xây dựng hoặc chỉnh sửa bổ sung bước đầu tiếp cận xây dựng chuẩn đầu ra (trong nội dung chương trình có nêu các chuẩn đầu ra gắn với mục tiêu đào tạo). Tuy nhiên, Học viện Tư pháp chưa công bố chính thức một chuẩn đầu ra nào (theo hình thức ban hành Quyết định công bố chuẩn đầu ra như các cơ sở giáo dục đại học khác đã và đang thực hiện). Trong một số chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp hiện đã có chuẩn đầu ra trong văn bản phê duyệt chương trình, nội dung chuẩn đầu ra còn có nhiều điểm chưa hợp lý (về kiến thức, về kỹ năng, hoặc về phẩm chất, thái độ), chưa đúng tầm hoặc chưa thể hiện được đúng tính chất, yêu cầu theo mục tiêu đào tạo chung và mục tiêu riêng của từng chương trình. Điều này dẫn đến việc nhiều người có nhận định rằng chuẩn đầu ra của một số chương trình chưa thực sự là “chuẩn”.

Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do Học viện chưa có cam kết đảm bảo chất lượng, chưa thực sự chú trọng đến các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng để xây dựng chuẩn đầu ra.

Ở thời điểm hiện nay và trong những năm tới, Học viện Tư pháp cần xây dựng hệ thống các tiêu chí của Chuẩn đầu ra quy định đối với học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo các chức danh tư pháp  theo các định hướng cơ bản, quan trọng như sau:

(1) Xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật về tiêu chuẩn bổ nhiệm, sử dụng các CDTP và nhu cầu của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp,  của xã hội về năng lực nghề nghiệp của các CDTP được tuyển dụng, bổ nhiệm; đồng thời căn cứ vào hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra (cụ thể là: Công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo và các tài liệu hướng dẫn khác có liên quan)

(2) Xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm trong nước[30] (vận dụng kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam có tính hướng nghiệp, tiếp cận nghề ở mức độ cao và rõ nét) và nước ngoài[31] phù hợp với đặc điểm, mục tiêu, yêu cầu đào tạo nghề CDTP tại Học viện Tư pháp.

(3) Xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp được thực hiện phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo các CDTP (hiện tại và tương lai hiện thực hóa Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP).

* Một số đề xuất, kiến nghị về xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp gắn với nguyên lý đảm bảo chất lượng đào tạo

Một là, xây dựng chuẩn đầu ra phải tính toán rất kỹ đến năng lực và điều kiện thực hiện của Học viện Tư pháp, và cần đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất giữa chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo các CDTP với việc thiết kế các môn học, chuyên đề. Ngoài ra, cần chú ý các yếu tố tác động đến việc xây dựng chuẩn đầu ra gồm: nguồn lực tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất đủ để thực hiện chuẩn đầu ra; đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và chất lượng; nhu cầu của Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp đối với hoạt động nghề nghiệp của các CDTP, những khía cạnh chính trị và luật pháp trong môi trường hoạt động nghề luật...

Hai là, về các tiêu chí cốt lõi của khung năng lực chuẩn đầu ra, trong điều kiện bước đầu tiếp cận với hoạt động xây dựng, công bố chuẩn đầu ra và chưa thể có những nghiên cứu thấu đáo về mô hình CDIO (những ưu điểm, tính phù hợp với mô hình này với hoạt động đào tạo nghề của Học viện Tư pháp), khung năng lực chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp nên được xây dựng theo cấu trúc 3 nhóm tiêu chí: cốt lõi: (1) Kiến thức – (2) Kỹ năng – (3) Phẩm chất, thái độ.

Ba là, vấn đề “chuẩn đầu ra chung và chuẩn đầu ra riêng cho các chương trình đào tạo: Về tổng thể thì mỗi chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp cho từng CDTP cần có chuẩn đầu ra riêng; đồng thời kết nối, đối sánh các chương trình để tìm ra các điểm chung hoặc tương đồng, và có thể khái quát hóa một số nội dung/tiêu chí cụ thể chung trong khung năng lực của chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo (đặc biệt là đối với những chương trình có tính liên kết mạnh mẽ như đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ luật sư – với xu thế sẽ tiến tới đào tạo chung 03 chức danh Thẩm phán-Kiểm sát viên-Luật sư; hoặc đào tạo luật sư theo chương trình 12 tháng và đào tạo Luật sư thương mại quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế…).

Theo dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp (do Học viện Tư pháp chủ trì xây dựng cùng với các cơ quan, đơn vị và cá nhân khác tham gia theo phân công của Bộ Tư pháp) tháng 4/2015, chuẩn kiến thức, kỹ năng, phẩm chất của người tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư (ba chức danh tư pháp chính hiện đang được Học viện Tư pháp đào tạo), gồm[32]:

a) Nắm vững vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư;

b) Thực hành thuần thục các hoạt động nghề nghiệp theo yêu cầu của chức danh được đào tạo; nắm vững kỹ năng nghiệp vụ của các chức danh khác trong hoạt động tố tụng;

c) Tuân thủ pháp luật; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp.

Ở mức độ cụ thể hơn, người tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

a) Hiểu được đặc điểm, yêu cầu, vị trí, vai trò của Thẩm phán trong hoạt động tư pháp và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán.

b) Có năng lực xét xử các vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện.

c) Có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán.

Người tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

-  Hiểu được đặc điểm, yêu cầu, vị trí, vai trò của Kiểm sát viên trong hoạt động tư pháp và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Kiểm sát viên.

- Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp các vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp huyện.

- Có ý thức tuân thủ pháp luật, kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Kiểm sát viên.

Người tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề luật sư phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

- Hiểu được đặc điểm, yêu cầu, vị trí, vai trò của Luật sư; quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.

- Thực hiện được các hoạt động nghề nghiệp của Luật sư sau khi hoàn thành chương trình tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.

- Có ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư.

Người tốt nghiệp chương trình đào tạo chung nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

-  Hiểu được đặc điểm, yêu cầu, vị trí, vai trò của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư trong hoạt động tư pháp; quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

- Thực hiện được các hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán sơ cấp, Kiểm sát viên sơ cấp và Luật sư.

- Có ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Thẩm phán, Kiểm sát, Luật sư.

Trong khuôn khổ còn hạn hẹp, Đề tài này đề xuất bước đầu Khung năng lực nghề nghiệp các CDTP cần tham khảo khi xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp như sau:

* Yêu cầu về kiến thức (tri thức chuyên môn)

(i) Hiểu và vận dụng được những kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và kiến thức bổ trợ về một trong các lĩnh vực sau: xét xử (cho chức danh Thẩm phán); kiểm sát (cho chức danh Kiểm sát viên); Luật sư, Luật sư thương mại quốc tế (cho chức danh Luật sư); thi hành án (cho chức danh chấp hành viên); công chứng (cho chức danh công chứng viên), đấu giá (cho chức danh đấu giá viên)…Bao gồm các nhóm chính sau:

- Các kiến thức cơ bản về nghề nghiệp: Hệ thống cơ quan tư pháp-bổ trợ tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan và mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức đó; Vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của CDTP được đào tạo và bổ nhiệm; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của CDTP được đào tạo, bổ nhiệm;

- Các kiến thức bổ trợ nghề nghiệp: Văn hoá tư pháp, tâm lý tư pháp; Kiến thức bối cảnh (sự hiểu biết hợp lý về các bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, triết học, đạo đức và văn hóa của pháp luật)[33]; Kiến thức liên ngành (là những kiến thức của ngành khoa học có liên quan) phục vụ cho các hoạt động nghề nghiệp chính yếu của lĩnh vực được đào tạo và bổ nhiệm CDTP[34].

(ii) Hiểu và vận dụng được những kiến thức chuyên môn nghề nghiệp (tương ứng với chuyên ngành đào tạo)

- Quy định pháp luật (luật nội dung, luật tố tụng) và quy chế nghiệp vụ liên quan đến việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp được pháp luật quy định;

- Kiến thức về tổ chức, quản lý các hoạt động nghề nghiệp.

* Yêu cầu về kỹ năng

(i) Kỹ năng chung bắt buộc (kỹ năng “cứng’’), bao gồm:

- Kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành nghề nghiệp (theo chức danh/chuyên ngành được đào tạo); thường bao gồm các loại cơ bản/quan trọng sau: Xây dựng, quản lý hồ sơ vụ việc; Phát hiện, xác định vấn đề/tình huống pháp lý và thực tiễn; Áp dụng pháp luật; Soạn thảo văn bản; Ra các quyết định giải quyết vụ việc; kỹ năng quản trị vụ việc trong hoạt động quản lý tư pháp và hành chính[35]

- Kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề: Đánh giá, phân tích, lập luận trong khi giải quyết vấn đề; Thực hiện các hoạt động nghề nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề/vụ việc đảm bảo đúng pháp luật và đạt hiệu quả…

(ii) Kỹ năng bổ trợ (kỹ năng“mềm”): Kỹ năng giao tiếp, ứng xử; thuyết trình; làm việc nhóm; khả năng sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc ngoại ngữ thông dụng khác); khả năng ứng dụng tin học và công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn…

*  Yêu cầu về phẩm chất- thái độ

(i) Phẩm chất đạo đức, ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân;

- Trung thành với Tổ quốc

- Tinh thần “phụng công thủ pháp”, “chí công vô tư”

- Có lòng yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp.

(ii) Trách nhiệm, tác phong nghề nghiệp, thái độ phục vụ

- Tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, có bản lĩnh và ý thức phấn đấu luôn hoàn thành công việc được giao;

- Tác phong làm việc chuyên nghiệp; tự tin, độc lập và sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ và công việc được giao.

- Thích ứng với mọi môi trường làm việc và có ý thức phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất nghề nghiệp và phát triển, hoàn thiện năng lực nghề nghiệp.

(iii) Khả năng cập nhật kiến thức, tư duy sáng tạo trong công việc

- Khả năng cập nhật kiến thức bằng ý thức tự giác, tự học để nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

- Khả năng nắm bắt môi trường, thể chế quốc gia và quốc tế[36]

- Tư duy sáng tạo trong công việc và hoạt động nghề nghiệp.

Đây sẽ là cơ sở để quy định chi tiết chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ của người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) khi ban hành chương trình đào tạo chung hoặc riêng nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư .

Tựu trung lại, việc xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp cần có sự đầu tư đồng bộ từ thể chế, chính sách, phương pháp triển khai và nguồn lực đảm bảo thực hiện, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố sau đây:

- Lãnh đạo Học viện Tư pháp, các đơn vị trực thuộc và cộng đồng sư phạm cần sớm đạt được sự đồng thuận và nhận thức chung về sự cần thiết, ý nghĩa và những yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng, công bố chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP trong tổng thể hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính sự quyết tâm cao và ủng hộ mạnh mẽ này sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, triển khai xây dựng và hiện thực hóa chuẩn đầu ra trong hoạt động đào tạo.

- Việc xây dựng CĐR các chương trình đào tạo các CDTP cần được thực hiện theo một quy trình thống nhất và được Giám đốc Học viện cùng Ban Chỉ đạo xây dựng CĐR phê duyệt làm căn cứ để các đơn vị triển khai và bố trí các nguồn lực cần thiết.

- Do việc xây dựng CĐR trong đào tạo các CDTP là vấn đề mới đối với Học viện Tư pháp nên cần tích cực sớm triển khai, có thời gian và minh chứng cụ thể về sự thành công để thống nhất trong nhận thức, từ đó tạo ra sự đồng thuận và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và cả học viên trong quá trình triển khai thực hiện.

- Cần tập trung xây dựng, củng cố và tăng cường hệ thống bảo đảm chất lượng để khi chuẩn đầu ra được công bố công khai sẽ song hành với việc chứng minh năng lực đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng để người học, nhà tuyển dụng biết, giám sát và hợp tác cùng thực hiện.

b) Hệ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

* Căn cứ xây dựng

Về việc xác định Bộ tiêu chuẩn để đánh giá cấp Chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp hay của bất kỳ một cơ sở đào tạo nào khác có yếu tố đặc thù về chương trình đào tạo, bài toán cần phải giải quyết là tự xây dựng một bộ tiêu chuẩn đặc thù hoặc lựa chọn một bộ tiêu chuẩn sẵn có phù hợp hoặc tương đối phù hợp với đặc thù của mình. Có thể nói, việc xác định Bộ tiêu chuẩn nào đối với Học viện Tư pháp phụ thuộc vào nhiều biến số như sau:

- Nếu việc đánh giá cấp chương trình đào tạo chức danh tư pháp đặt trong tổng thể việc đánh giá đơn vị đào tạo để qua đó, giúp Học viện Tư pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tính hiệu quả của bộ máy, các hoạt động tạo ra chất lượng chương trình đào tạo thì các tiêu chuẩn, công cụ được xác định trong Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học do Bộ giáo dục đào tạo ban hành là tương đối phù hợp, thuận lợi cho việc đánh giá ngoài và công nhận mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục Việt Nam, đồng thời góp phần đưa Học viện Tư pháp lại gần hơn với “sân chơi” chung của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Theo phương án này, đánh giá chương trình chỉ là một đối tượng, một tiêu chuẩn trong kiểm định cơ sở đào tạo và dẫn tới hai hạn chế: chưa đủ độ sâu để đánh giá đầy đủ, chi tiết chương trình đào tạo; phụ thuộc vào thời điểm chín muồi để tổ chức đánh giá toàn bộ cơ sở đào tạo.

            - Nếu việc đánh giá cấp chương trình đào tạo ngoài các mục tiêu cơ bản của đánh giá, Học viện Tư pháp muốn hướng đến việc được công nhận đạt chuẩn khu vực hoặc quốc tế, góp phần đưa Học viện hội nhập sâu vào môi trường đào tạo toàn cầu thì bắt buộc phải áp dụng các Bộ tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định nước ngoài mà Bộ tiêu chuẩn AUN-QA là một sự lựa chọn phổ biến do sát hợp và vừa tầm với các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam, được nhiều cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam lựa chọn (bên cạnh Bộ tiêu chuẩn AUN-QA áp dụng cho các chuyên ngành đào tạo kỹ thuật-công nghệ).              

            - Nếu việc đánh giá cấp Chương trình đào tạo chức danh tư pháp nhằm cải tiến một/một số chương trình đào tạo nhất định để khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của Học viện qua một chương trình tiên tiến của Học viện, thì việc áp dụng có chọn lọc Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội là tương đối phù hợp. Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế chỉ để đánh giá chương trình đào tạo theo sự lựa chọn của cơ sở đào tạo. Mặt khác, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học quốc gia đã tích hợp tương đối đầy đủ Bộ tiêu chuẩn AUN-QA và đã khai thác triệt để các điểm hợp lý của Bộ tiêu chuẩn AUN-QA, đã đánh giá thỏa đáng việc cơ sở đào tạo đặt những mục tiêu gì, mong muốn người tốt nghiệp đạt được những gì về kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho ngành nghề mà họ theo học và thực tế họ đã đạt được những gì cũng như xem xét sự thỏa mãn của người học, của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến chức danh được đào tạo, của người sử dụng người tốt nghiệp chương trình đào tạo. Do vậy, đề tài đề xuất tham khảo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên ngành đào tạo đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn tự đánh giá chương trình đào tạo theo nhiều chuyên ngành khác nhau theo chuẩn của AUN-QA. Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chuẩn, công cụ và quy trình đánh giá chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tương tự như các chương trình đào tạo kỹ năng nghề đang tiến hành tại Học viện Tư pháp vẫn chưa có tiền lệ. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài là rất cần thiết và Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo luật của Hoa Kỳ hoặc một số quốc gia có thệ thống đào tạo tư pháp phát triển có thể là một nguồn tham khảo hữu ích.

Đối với các chương trình đào tạo ngắn hạn, hiện nay Học viện Tư pháp đang đồng thời tổ chức nhiều chương trình đào tạo dài hạn và rất nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn (các chương trình bồi dưỡng). Việc đánh giá chương trình đào tạo dài hạn thông thường cần được đánh giá toàn diện hơn với phạm vi tiêu chuẩn, công cụ đánh giá rộng cũng như phải tuân thủ các quy trình đánh giá toàn diện. Bởi lẽ, chất lượng của các chương trình đào tạo dài hạn được quyết định bởi nhiều yếu tố và thời gian thực hiện chương trình kéo dài, có ảnh hưởng lớn đến đối tượng đào tạo nói riêng và xã hội nói chung. Với các đặc thù của chương trình đào tạo ngắn hạn (về thời lượng, nội dung, đối tượng, mức độ ảnh hưởng đến đối tượng đào tạo), việc đánh giá các chương trình đào tạo ngắn hạn cần được nhận thức là đánh giá hệ thống các chương trình đào tạo ngắn hạn mà không phải là một chương trình đào tạo cá thể. Mỗi chương trình đào tạo cá thể sẽ chỉ cung cấp các thông tin là minh chứng để đánh giá mức độ đạt chuẩn đối với các tiêu chuẩn kiểm định. Các thông tin để trở thành minh chứng phải mang tính phổ biến, tiêu biểu, lặp lại ở nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn.

Tóm lại, qua so sánh và phân tích các đặc điểm về chương trình đào tạo các chức danh tư pháp nêu tại phần 1.2, có thể nhận thấy những vấn đề cần lưu ý khi lựa chọn và điều chỉnh để xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội:

Thứ nhất, về vị trí pháp lý của cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo: Học viện Tư pháp là trường của Bộ ngành nhưng hoạt động theo Điều lệ trường đại học, chương trình đào tạo các chức danh tư pháp không theo chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Học viện Tư pháp không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nên vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và đào tạo hết sức mờ nhạt. Do đó, nếu đặt ra tham vọng thực hiện khâu đánh giá ngoài và kết luận đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với Học viện Tư pháp tại thời điểm hiện nay là chưa khả thi.

Thứ hai, về cấu trúc chương trình đào tạo và thời lượng của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp: Chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp tương đối ngắn về thời gian so với chương trình đào tạo của các trường đại học (chủ yếu là 12 tháng, ngoài ra còn có một số chương trình 6 tháng, thậm chí 3 tháng). Vì vậy, việc đánh giá cấu trúc của chương trình cũng như thời lượng đào tạo là chưa có tiền lệ, việc đánh giá giảng viên và học viên trong những chương trình đào tạo có thường lượng không lớn, không theo một khóa học thông thường cũng sẽ là một trở ngại đáng kể.

Thứ ba, về đội ngũ giảng viên và học viên: Việc đánh giá giảng viên, học viên ngoài khó khăn về thường lượng đào tạo của chương trình thì còn có những đặc thù về thành phần, cấu trúc (giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng chiếm tỷ lệ ngang nhau) đòi hỏi có tiêu chí đánh giá phù hợp, không áp dụng trực tiếp các tiêu chí đánh giá như đối với giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo đại học. Học viên cũng tương đối đa dạng, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp khi thiết kế tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá người học

Thứ tư, về phương pháp đào tạo: Nếu áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học hiện hành thì thiếu quy định về tiêu chuẩn, thậm chí là tiêu chí đánh giá phương pháp đào tạo các chức danh tư pháp phù hợp, và đây là tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ phải được điều chỉnh lại khi thực hiện công tác đánh giá chương trình đào tạo.

Thứ năm, quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài cơ sở đào tạo như chính sách của Bộ chủ quản, các ngành tư pháp. Sự chi phối của bối cảnh, của các yếu tố bên ngoài đối với một cơ sở đào tạo đã được tính đến trong các Bộ tiêu chuẩn kiểm định. Tuy nhiên, khi đánh giá cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp, đây là yếu tố cần được tính đến một cách hợp lý để đo lường chính xác và xử lý hợp lý các vấn đề hữu quan.

Thứ sáu, việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp còn gặp phải khó khăn về vấn đề địa điểm đào tạo và tổ chức bộ máy của Học viện theo địa điểm đào tạo. Học viện có trụ sở tại Hà Nội và cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh với rất nhiều hạn chế về nguồn lực so với trụ sở tại Hà Nội nhưng lại tổ chức thực hiện chương trình đào tạo ngang với trụ sở Hà Nội, thậm chí có số lượng người học nhiều hơn tùy theo từng thời kỳ. Do đó, đánh giá chương trình đào tạo còn phải lưu ý tính thống nhất và tính hợp lý, hài hòa về nguồn lực và các vấn đề hữu quan khác ở hai đầu đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, Học viện Tư pháp chưa thể áp dụng trực tiếp, đương nhiên một Bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp chương trình đào tạo nào đang sẵn có. Chương trình đào tạo các chức danh tư pháp là chương trình đào tạo nghề đặc biệt tại một trường nghề không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc tổ chức đào tạo chưa theo hệ thống tín chỉ và cũng không thật sự là đào tạo theo niên chế. Các vấn đề về pháp lý và đặc điểm giáo dục của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp còn phải tiếp tục được làm rõ trong quá trình xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Do đó, về mặt phương pháp luận, Học viện Tư pháp lựa chọn một Bộ tiêu chuẩn sẵn có và xét thấy hợp lý hơn cả để sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với đặc thù đào tạo của Học viện. Cách làm này giúp Học viện Tư pháp trong giai đoạn quá độ hiện nay không đi trệch xu thế kiểm định chất lượng, phù hợp với điều kiện hoạt động theo điều lệ trường đại học của Học viện, đồng thời đáp ứng được quy luật của mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù, từng bước điều chỉnh và thích ứng để tiến tới đăng ký kiểm định trong giai đoạn sau năm 2020.

* Cơ cấu, nội dung của hệ tiêu chí đánh giá

Trên cơ sở các định hướng như đã nêu trên, Đề tài đề xuất 02 phương án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cơ bản của Bộ công cụ đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp:

            PHƯƠNG ÁN 1: BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo và tham khảo thêm tiêu chí của Đại học Quốc gia Hà Nội)

NHÓM TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Tiêu chuẩn 1. Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp[37]

1.1. Mục tiêu của chương trình đào tạo đảm bảo tính phù hợp với điều kiện bổ nhiệm/hành nghề các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luật, phù hợp vơi quy hoạch nguồn nhân lực tư pháp; nhu cầu của người học và của người sử dụng lao động; phù hợp với nguồn lực của cơ sở đào tạo;

1.2. Mục tiêu của chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh , mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của Học viện Tư pháp;

1.3. Chương trình đào tạo các chức danh tư pháp có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống;

1.4. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp bao gồm kiến thức, thái độ, kỹ năng nghề nghiệp mà người học khi tốt nghiệp cần đạt được, được xác định rõ ràng và được thể hiện trong chương trình đào tạo các chức danh tư pháp;

1.5. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các chức danh tư pháp chú trọng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp của từng chức danh, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn 2. Xây dựng, đánh giá, phát triển chương trình đào tạo các chức danh tư pháp

2.1. Quy trình xây dựng Chương trình đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp được thực hiện theo quy định pháp luật về đào tạo tư pháp và các quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có sự tham khảo chương trình của các cơ sở đào tạo tư pháp có uy tín trong nước và thế giới, có sự tham gia của các ngành tư pháp, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các chức danh tư pháp và người đã tốt nghiệp.

2.2. Chương trình đào tạo các chức danh tư pháp được định kỳ bổ sung, điều chỉnh[38] dựa trên kế quả đánh giá, ý kiến phản hồi từ các cơ quan, tổ chức sử dụng kết quả đào tạo, người đã tốt nghiệp, các tổ chức và cá nhân khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

Tiêu chuẩn 3. Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo các chức danh tư pháp

3.1. Các môn học trong chương trình đào tạo các chức danh tư pháp có đóng góp vào việc đạt chuẩn đầu ra;

3.2. Chương trình đào tạo thể hiện sự hợp lý giữa kiến thức chung về nghề nghiệp và kỹ năng bổ trợ; kỹ năng nghề; thực tập; 

3.3. Nội dung chương trình đào tạo các chức danh tư pháp đảm bảo triết lý đào tạo, được triển khai trong chiến lược dạy và học;

3.4. Nội dung chương trình đào tạo các chức danh tư pháp mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học, phù hợp với sự phát triển của hệ thống pháp luật và thực tiễn tư pháp.

NHÓM TIÊU CHUẨN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Tiêu chuẩn 4. Hướng dẫn thực hiện chương trình

4.1. Có tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo các chức danh tư pháp

4.2. Tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình nêu rõ mục tiêu, chuẩn đầu ra, các môn học trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá;

4.3. Tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình được thông báo công khai cho tất cả các đối tượng liên quan, bảo đảm thấu hiểu và thông suốt trong toàn Học viện.

Tiêu chuẩn 5. Chiến lược (kế hoạch) giảng dạy và học tập

Chiến lược dạy và học là sự cụ thể hóa sứ mạng, mục tiêu của Học viện Tư pháp trong hoạt động đào tạo, thể hiện sinh động trong chương trình đào tạo, tích hợp các tiêu chí trong tiêu chuẩn này ở các Bộ tiêu chuẩn kiểm định, đặc biệt học tập kinh nghiệm AUN và Bộ kiểm định đào tạo luật sư của Hoa Kỳ[39], đề tài cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá như sau:

5.1. Khoa hoặc bộ môn có chiến lược giảng dạy và học tập rõ ràng và phù hợp, bao gồm cả chiến lược giảng dạy và học tập đối với hoạt động thực tập nghề luật bên ngoài cơ sở đào tạo;

5.2. Chiến lược giảng dạy và học tập được thiết kế để người học thu nhận và vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách khoa học;

5.3. Chiến lược giảng dạy và học tập lấy người học làm trung tâm, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng học tập;

5.4. Chiến lược giảng dạy và học tập thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp tư pháp và kỹ năng mềm.

Tiêu chuẩn 6. Đánh giá kết quả học tập của học viên

6.1. Việc đánh giá bao gồm thi tuyển sinh hoặc kiểm tra đầu vào, đánh giá trong quá trình học tập và thi tốt nghiệp;

6.2. Việc kiểm tra, đánh giá nhằm xác định mức độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tư pháp mà người học đạt được so với mục tiêu môn học/khóa học;

6.3. Phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập đa dạng và có tính liên tục;

6.4. Việc đánh giá kết quả học tập bám sát chuẩn đầu ra và nội dung của chương trình;

6.5. Việc đánh giá kết quả học tập phải được tập hợp, báo cáo để phân loại trình độ người học, làm cơ sở để bồi dưỡng, phát triển hoạt động giảng dạy đối với cá nhân người học;

6.6. Quy định về kiểm tra đánh giá, bao gồm cả tiêu chí đánh giá, hình thức thi và đề thi mẫu, được công bố công khai;

6.7. Các chuẩn đánh giá rõ ràng và nhất quán.

Tiêu chuẩn 7. Chất lượng học viên

7.1. Áp dụng các quy định và các tiêu chí tuyển sinh/kiểm tra phân loại đầu vào để sàng lọc chất lượng đầu vào;

7.2. Quy trình chí tuyển sinh/kiểm tra phân loại đầu vào được triển khai minh bạch theo đúng quy định;

7.3. Các chiến lược và biện pháp quảng bá về  chương trình đào tạo để thu hút người giỏi vào học được hoạch định và triển khai trên thực tế;

Tiêu chuẩn 8. Hoạt động hỗ trợ và tư vấn học viên

8.1. Hệ thống theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên được chuẩn hóa đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời;

8.2. Học viên được tư vấn, hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả trong suốt quá trình học tập; Triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho học viên (đầu vào là thí sinh tự do) tốt nghiệp[40].

8.3. Hoạt động cố vấn cho người học được triển khai phù hợp, thỏa đáng;

8.4. Môi trường vật chất, xã hội và thể chất cho học viên là thỏa đáng.

Tiêu chuẩn 9. Đội ngũ giảng viên

9.1. Đội ngũ giảng viên đủ trình độ, năng lực, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tư pháp;

9.2. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và có cơ cấu phù hợp giữa giảng viên kiêm chức và giảng viên cơ hữu để thực hiện nhiệm vụ đào tạo;

9.3. Có sự điều động, phối hợp, giao lưu chuyên môn thường xuyên giữa giảng viên các khoa, cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong cùng một lĩnh vực tư pháp và trong cùng một khoa đào tạo theo chức danh;

9.4. Vai trò và mối quan hệ công tác giữa các giảng viên trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy với bộ môn, khoa chuyên môn, với vai trò quản lý hành chính được phân định rõ ràng và nhận thức đầy đủ;

9.5. Việc phân công giảng dạy, ra đề, chấm thi, hướng dẫn thực tập phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng của giảng viên;

9.6. Có quy định về định mức công việc, chế độ tham gia thực tiễn nghề luật và chế độ khen thưởng để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập;

9.7. Có quy định rõ về trách nhiệm giải trình của giảng viên;

9.8. Có các quy định về đánh giá, tham vấn và bố trí lại giảng viên;

9.9. Có chiến lược, quy hoạch và lộ trình đào tạo sau đại học và đào tạo thực tiễn nghề nghiệp tư pháp, phát triển đội ngũ trên cơ sở nhu cầu phát triển chuyên môn nghiệp vụ;

9.10. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ được thực hiện theo chiến lược, quy hoạch và lộ trình, phù hợp với nhu cầu đã được xác định, đồng đều tại cả cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tiêu chuẩn 10. Đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên và nhân viên 

10.1. Đội ngũ cán bộ thư viện đủ về số lượng và thành thạo nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình;

10.2. Đội ngũ cán bộ phòng thực hành (phòng diễn án, phòng kỹ thuật hình sự, phòng hỏi cung...) đủ về số lượng và thành thạo nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình;

10.3. Đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ về số lượng và thành thạo nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu  thực hiện chương trình;

10.4. Đội ngũ cán bộ các bộ phận dịch vụ hỗ trợ người học đủ về số lượng và thành thạo nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục.

Tiêu chuẩn 11. Cơ sở vật chất và trang thiết bị

11.1. Hệ thống thư viện của Học viện Tư pháp đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, số hóa được các giáo trình, tài liệu do Học viện Tư pháp xuất bản.

11.2. Hệ thống thiết bị giáo dục, học liệu đáp ứng tốt yêu cầu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

11.3. Hệ thống phòng học, phòng chức năng (phòng diễn án phòng thực nghiệm điều tra- kỹ thuật hình sự, phòng thực hành nghề luật...) đáp ứng yêu cầu cầu giảng dạy, học tập nghiệp vụ tư pháp.

11.4. Cơ sở vật chất và dịch vụ ăn nghỉ, giải trí, sinh hoạt cộng đồng đáp ứng nhu cầu cơ bản của người học.

11.5. Hệ thống thông tin liên lạc ra bên ngoài và liên lạc nội bộ được trang bị đầy đủ, bảo đảm nhanh chóng, thông suốt.

11.6. Thiết kế nội ngoại thất của cơ sở vật chất bảo đảm được cảnh quan sư phạm của một cơ sở đào tạo và đào tạo tư pháp.

Tiêu chuẩn 12. Quy trình đánh giá chương trình đào tạo[41]

12.1. Chương trình được đánh giá theo chu kỳ hợp lí;

12.2. Các môn học và khóa đào tạo được người học đánh giá một cách có hệ thống;

12.3. Các thông tin phản hồi của các bên liên quan được sử dụng để cải tiến  chất lượng và phát triển chương trình;

12.4. Có quy trình đảm bảo chất lượng để không ngừng cải tiến chất lượng giảng dạy - học tập và kiểm tra đánh giá.

Tiêu chuẩn 13. Thu thập thông tin phản hồi và mức độ đánh giá phản hồi

13.1. Có hệ thống thu thập thông tin phản hồi của các cơ quan tư pháp cử cán bộ đi học và thị trường lao động về chất lượng chương trình giáo dục;

13.2. Có hệ thống thu thập thông tin phản hồi của người học và cựu học viên về chất lượng chương trình giáo dục;

Tiêu chuẩn 14. Sản phẩm đào tạo và nghiên cứu, trợ giúp pháp lý (kết quả đầu ra)

 14.1. Tỉ lệ tốt nghiệp phản ánh trung thực kết quả học tập của người học trong quá trình đào tạo;

14.2. Tỉ lệ người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc cấp chứng chỉ hành nghề (đối với người học đăng ký tập sự luật sư, công chứng) ở mức phù hợp;

14.3. Hoạt  động nghiên cứu khoa học của người học có đóng góp hiệu quả cho khoa học xét xử, kiểm sát, tranh tụng và phản biện chính sách;

14.4. Hoạt  động trợ giúp pháp lý của người học đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng nghề cho học viên và trách nhiệm cộng đồng của Học viện Tư pháp.

Trong kết quả khảo sát ý kiến của học viên của Học viện Tư pháp về các nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí nêu trên dự kiến áp dụng đối với Học viện Tư pháp (có 352 người cung cấp ý kiến), số người nhất trí với từng tiêu chí cụ thể có khác nhau, Đồng thời, đa số ý kiến đánh giá thực trạng Học viện đáp ứng từng tiêu chí trong thực tế hiện tại là: Đạt yêu cầu (nhìn chung tỷ lệ nhất trí là 35 – 50%), Đạt yêu cầu ở mức Tốt (20-30%). Có một số rất ít (thường tỷ lệ là dưới 5%) đánh giá ở mức chưa đạt. Đáng lưu ý là hầu như không có ý kiến nào đánh giá ở mức Xuất sắc.

(Chi tiết xem thêm Phụ lục 2.3. của Báo cáo này)

            PHƯƠNG ÁN 2:  BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo và tham khảo thêm bộ tiêu chí của AUN)

I. NỘI DUNG, CÂU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT (VN)

1.1. Chương trình đào tạo của đơn vị được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

1.2. Có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới;

1.3. Có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

1.4.Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống

1.5.Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật để trở thành các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

1.6.Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

1.7.Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

1.8.Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.

1.9.Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

2. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN

2.1.Đơn vị xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chi tiết chương trình đào tạo (programme specifications).

2.2.Các chương trình đào tạo (curriculum) có sự cân bằng tốt giữa kiến thức và kỹ năng chung với kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học.

2.3.Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của đơn vị.

2.4.Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ để đạt chuẩn đầu ra (chương trình môn học thể hiện bề rộng và chiều sâu, chú trọng cả các nội dung lý thuyết và thực hành, thực tập theo yêu cầu nghề nghiệp cần đào tạo)

2.5.Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo. 

2.6.Đơn vị có biện pháp và nguồn lực đánh giá mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra (kết quả-mục tiêu học tập mong muốn của học viên)

3.Kế hoạch (chiến lược) giảng dạy và học tập

3.1.Khoa hoặc bộ môn có kế hoạch giảng dạy, học tập rõ ràng

1.2. Các kế hoạch giảng dạy và học tập cho phép học viên thu nhận và sử dụng tốt kiến thức có tính học thuật 

3.3. Các kế hoạch giảng dạy và học tập hướng tới người học và khích lệ chất lượng học tập

3.4. Các kế hoạch giảng dạy và học tập thúc đẩy các hoạt động học tập tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho học tập

4.  Đánh giá học viên

4.1. Đánh giá học viên bao gồm học viên đầu vào, học viên trong quá trình học tập và các bài thi tốt nghiệp

4.2. Việc đánh giá dựa theo các tiêu chí

4.3. Việc đánh giá học viên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau

4.4. Việc đánh giá phản ánh kết quả (mục tiêu) học tập mong muốn và nội dung chương trình

4.5. Tiêu chí đánh giá rõ ràng và được thông báo công khai

4.6. Các phương pháp đánh giá bao hàm được các mục tiêu của chương trình

4.7. Các tiêu chuẩn được áp dụng trong đánh giá là rõ ràng, nhất quán

5. Chất lượng đội ngũ giảng viên

5.1. Đội ngũ giảng viên hiểu rõ các nhiệm vụ của họ

5.2. Có đủ giảng viên để giảng dạy chương trình một cách thỏa đáng

5.3. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên dựa trên các phẩm chất học thuật tương xứng

5.4. Các vai trò và quan hệ giữa các giảng viên được xác định và thấu hiểu rõ ràng

5.5. Các nhiệm vụ được phân bổ phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng

5.6. Các hệ thống quản trị công việc và khuyến khích được thiết kế để hỗ trợ chất lượng dạy và học

5.7. Trách nhiệm của các giảng viên được quy định tốt

5.8. Có các quy định về đánh giá, trợ giúp và tuyển dụng lại giảng viên

5.9. Việc chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu được lập kế hoạch và thực hiện tốt

5.10. Có hệ thống đánh giá năng lực, phẩm chất hữu hiệu

6. Chất lượng nhân viên quản lý

6.1. Nhân viên quản lý thư viện có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

6.2. Nhân viên quản lý các phòng thực hành có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

6.3. Nhân viên quản lý các phòng máy tính có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

6.4. Nhân viên quản lý các dịch vụ hỗ trợ học viên có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

7. Chất lượng học viên

7.1. Có chính sách tuyển sinh (chọn học viên đầu vào) rõ ràng

7.2. Quy trình quản lý học viên đầy đủ, thích hợp

7.3. Khối lượng học tập thực tế phù hợp với khối lượng học tập đã dự tính

8. Tư vấn và hỗ trợ học viên

8.1. Có hệ thống theo dõi sự tiến triển của học viên thích hợp, thỏa đáng

8.2. Học viên nhận được các tư vấn, hỗ trợ và phản hồi thích hợp về việc học tập của họ

8.3. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học tập cho học viên đảm bảo thỏa đáng, phù hợp

8.4. Môi trường vật chất, xã hội và thể chất cho học viên là thỏa đáng

9. Các trang thiết bị và cơ sở vật chất

9.1. Các trang thiết bị giảng dạy (giảng đường, phòng nhỏ) thích hợp, đầy đủ

9.2. Thư viện đầy đủ và hiện đại

9.3. Các phòng thực hành đầy đủ và hiên đại

9.4. Các phòng máy tính đầy đủ và hiện đại

9.5. Các tiêu chuẩn về môi trường sức khỏe và sự an toàn đáp ứng yêu cầu ở mọi khía cạnh

10. Đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập

10.1. Chương trình môn học được phát triển bởi sự hợp tác của tất cả các giảng viên

10.2. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các học viên

10.3. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động và các bên liên quan

10.4. Chương trình được đánh giá định kỳ vào những thời điểm hợp lý

10.5. Chương trình và các môn học là đối tượng để học viên đánh giá

10.6. Phản hồi từ các bên liên quan được sử dụng để cải tiến chương trình

10.7. Quy trình giảng dạy và học tập, sự phối hợp đánh giá, các phương pháp đánh giá và hoạt động đánh giá luôn được coi là yếu tố trong đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng 

11. Các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)

11.1. Có kế hoạch rõ ràng về nhu cầu đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên quản lý

11.2. Các hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phù hợp với các nhu cầu đã xác định

12. Phản hồi của các bên có liên quan

12.1. Có sự phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ các bên liên quan (gồm người sử dụng lao động)

12.2. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ học viên và các cựu học viên đã tốt nghiệp

12.3. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ đội ngũ cán bộ,giảng viên

13. Kết quả đầu ra

13.1. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thỏa đáng và tỷ lệ trượt tốt nghiệp ở mức có thể chấp nhận

13.2. Thời gian trung bình để tốt nghiệp là thỏa đáng

13.3. Khả năng được tuyển dụng của người tốt nghiệp là thỏa đáng

13.4. Cấp độ của các hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và học viên là thỏa đáng

14. Sự hài lòng của các bên liên quan

14.Sự phản hồi từ các bên có liên quan là thỏa đáng.

Trong kết quả khảo sát ý kiến của giảng viên Học viện Tư pháp về các nội dung tiêu chuẩn, tiêu chí nêu trên dự kiến áp dụng đối với Học viện Tư pháp (có 70 người cung cấp ý kiến), số người nhất trí với từng tiêu chí cụ thể có khác nhau, nhưng nhìn chung đa số ý kiến đánh giá thực trạng Học viện đáp ứng từng tiêu chí trong thực tế hiện tại là: Đạt yêu cầu tỷ lệ nhất trí là 38 – 60%. Đạt yêu cầu ở mức Tốt là 10-20%. Có một số rất ít (thường tỷ lệ là dưới 5%) đánh giá ở mức chưa đạt. Đáng lưu ý là hầu như rất ít có ý kiến nào đánh giá ở mức Xuất sắc.

(Chi tiết xem thêm Phụ lục 2.2. của Báo cáo này)

Hai phương án thiết kế Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình nêu trên đều có 14 nhóm tiêu chí cụ thể và cơ bản có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên có một số điểm khác biệt về cách thức trình bày, sắp xếp và gọi tên các tiêu chí. Phương án 1 tích hợp các tiêu chí phù hợp theo quy định của Bộ Giáo dục đào tạo đối với trường đại học và cả các tiêu chí của AUN thông qua sự tham khảo, vận dụng trực tiếp các nội dung đã được một số cơ sở đào tạo đại học (điển hình là Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyển hóa thành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình (do đó có thể nói là đã được “Việt hóa”. Phương án 2 có cơ cấu nội dung các thành phần như Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chương trình của AUN. Nhóm nghiên cứu của Đề tài đề nghị Học viện Tư pháp sẽ tiếp nhận cả hai phương án này và có khảo cứu chuyên sâu hơn nữa trong quá trình triển khai hoạt động ứng dụng kết quả Đề tài vào thực tiễn để lựa chọn một trong hai phương án thiết kế này.

3.2. Giải pháp xây dựng, thực hiện các quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

3.2.1. Quy trình đảm bảo chất lượng bên trong: Tự đánh giá chất lượng

Tự đánh giá (hay còn gọi là đánh giá nội bộ) là một khâu quan trọng trong hoạt động kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo. Đây là bước đầu tiên, nền tảng trong toàn bộ quy trình kiểm định chất lượng đào tạo. Có thể hiểu tổng quát, hoạt động tự đánh giá là quá trình cơ sở đào tạo tự xem xét, nghiên cứu trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để đánh giá, báo cáo về tình trạng chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của mình.

Việc tự đánh giá phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:

- Đảm bảo quá trình tự đánh giá liên tục. Yêu cầu này đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, phải có sự tham gia của nhiều đơn vị và cá nhân trong toàn Học viện bao gồm: Lãnh đạo Học viện Tư pháp, Lãnh đạo các Khoa, các Phòng, Trung tâm, giảng viên và học viên...

- Đảm bảo tính khách quan, trung thực và công khai, minh bạch. Các giải thích, nhận định, kết luận đưa ra trong quá trình tự đánh giá phải dựa trên các minh chứng cụ thể, rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy, bao quát hết các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp, bao gồm: Mô tả, làm rõ thực trạng của trường; Phân tích, giải thích, so sánh và đưa ra những nhận định; chỉ ra những điểm mạnh, những tồn tại và những biện pháp khắc phục; Lập kế hoạch hành động để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.   

Hoạt động tự đánh giá được phân loại thành các cấp độ, với quy trình và chủ thể đánh giá riêng, bao gồm:

 3.2.1.1.Tự đánh giá đơn vị - cấp cơ sở đào tạo (Học viện Tư pháp)

Đánh giá đơn vị là tự đánh giá cấp trường của Học viện Tư pháp. Đây là nội dung đánh giá quan trọng nhất để nhìn nhận, xem xét và đánh giá chất lượng Học viện Tư pháp, từ đó khẳng định thương hiệu, uy tín của Học viện Tư pháp.

Quy trình đánh giá chất lượng đơn vị (tự đánh giá cấp trường của Học viện Tư pháp). Đây là nội dung đánh giá quan trọng nhất để nhìn nhận, xem xét và đánh giá chất lượng Học viện Tư pháp, từ đó khẳng định thương hiệu, uy tín của Học viện Tư pháp. Qui trình này có những nội dung chính sau:

Đánh giá tổng thể trên tất cả các phương diện của Học viện Tư pháp, bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tài chính, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, công tác học viên, quản trị, hành chính và các công tác liên quan khác. Từ đó nêu lên được các điểm mạnh, điểm bất cập còn tồn tại, các biện pháp khắc phục để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu chính đã đề ra;

Đánh giá chất lượng đơn vị diễn ra trong khoảng thời gian dài hạn, thường từ 5 đến 7 tháng, bao gồm nhiều hoạt động và công việc liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau ở Học viện Tư pháp;

Đánh giá chất lượng đơn vị được thực hiện theo chu kỳ 5 năm một lần, được thực hiện bởi Hội đồng đánh giá;

Đánh giá chất lượng đơn vị là hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu đánh giá. Việc thu thập dữ liệu thông tin của Học viện Tư pháp và thu thập dữ liệu thông tin của trường mà Học viện Tư pháp lựa chọn lấy làm mẫu để làm tương quan so sánh khi tiến hành tự đánh giá. Đây là một hoạt động khó và phức tạp, do cách thức và phương pháp thống kê, biểu mẫu ở mỗi cơ sở đào tạo, mỗi phòng, khoa là khác nhau, nên số liệu thu thập được chỉ mang tính tương đối. Bên cạnh đó, để thu thập ý kiến của học viên cũng tốn khá nhiều thời gian, nên việc đánh giá cần rất nhiều thời gian, nhân lực và tài lực lực do có quá nhiều thông tin phải được tổng hợp tốt mới có căn cứ để đánh giá tốt và sát với tình hình thực tế của Học viện Tư pháp so với mẫu lựa chọn đánh giá được.

Quy trình tự đánh giá cụ thể bao gồm:

- Thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng đào tạo của của Học viện Tư pháp (sau đây gọi tắt là Hội đồng tự đánh giá) được thành lập theo Quyết định của Giám đốc Học viện Tư pháp. Hội đồng tự đánh giá có thể thành lập Ban thư ký và Ban cố vấn để giúp thực hiện các công việc đánh giá, gồm các thành viên có kinh nghiệm, chuyên môn trong Học viện và các chuyên gia bên ngoài tham gia vào quá trình tự đánh giá cho đơn vị mình.

- Đưa ra chuẩn để so sánh (so sánh với ai, trên những phương diện nào); phải lựa chọn các chuẩn đánh giá; quy mô học viên (số lượng).

- Xác định các chuyên gia trong trường và bên ngoài có thể thực hiện hoạt động tự đánh giá.

- Thu thập dữ liệu đánh giá gồm: (i) Thu thập dữ liệu của nhà trường; (ii) Thu thập dữ liệu của cơ sở đào tạo khác được lấy làm mẫu để đánh giá.

- Nhóm chuyên gia viết báo cáo.

Toàn bộ các công việc mà cơ sở đào tạo phải tiến hành khi tự đánh giá được mô tả chi tiết trong phần quy trình tự đánh giá.

Các khó khăn trong quá trình đánh giá thường là: Các số liệu được thống kê theo những cách khác nhau; Có những số liệu chưa được thống kê hoặc rất khó thống kê; Thời gian để thu thập ý kiến của học viên có thể mất nhiều thời gian do  phải thực hiện nhiều bước: thiết kế phiếu khảo sát, thực hiện khảo sát, thống kê kết quả khảo sát; Việc thực hiện tự đánh giá cần đầu tư khá nhiều thời gian, công sức với sự tham gia của nhiều người cho nhiều công việc từ thiết kế mẫu, khảo sát, phỏng vấn đối tượng...

3.2.1.2. Đánh giá giảng viên

Theo mô hình của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần có các quy định ĐBCL đặc biệt về chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, gồm:

·         Các quy trình phù hợp về tuyển dụng cán bộ, giảng viên

·         Các quy trình phù hợp về đánh giá cán bộ giảng viên

·         Các quy trình phù hợp về hoạt động phát triển đội ngũ.

Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, hàng năm, hoặc từng khoá đào tạo nên tiến hành đánh giá giảng viên.

Học viện Tư pháp cần phải tiến hành đánh giá cả giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng với các tiêu chí riêng cho mỗi nhóm giảng viên. Việc đánh giá giảng viên sẽ có thể tạo ra sự căng thẳng về tâm lý đối với các giảng viên. Vì thế, điều quan trọng là phải xây dựng được tiêu chí đánh giá hợp lý, khách quan và bình đẳng. Có 2 kênh đánh giá giảng viên: đồng nghiệp đánh giá và học viên đánh giá. Trên cơ sở đánh giá này, nhà trường sẽ có cơ chế khen thưởng hợp lý.

* Đối với giảng viên cơ hữu:

Việc đánh giá giảng viên cơ hữu dựa trên nhiều tiêu chí. Theo Điều 8 Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-HVTP ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Giám đốc Học viện Tư pháp thì định mức làm việc của giảng viên cơ hữu được quy định cho  03 nhóm hoạt động (giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, xã hội (hay còn gọi là chuẩn mực thực hiện các công việc khác). Có hai nhóm giảng viên có xu hướng sẽ không hài lòng với các tiêu chuẩn đánh giá, đó là:

Thứ nhất là các giảng viên kì cựu, thường tập trung vào công tác giảng dạy nên những thay đổi mang tính đột phá có thể khiến họ khó thích ứng và thoải mái. Vì thế, khi đánh giá nên tập trung hơn vào các chuẩn dành cho hoạt động giảng dạy.

Thứ hai là các giảng viên trẻ do chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và kiến thức nên phải bố trí thời gian giảng dạy vừa phải để họ có thể nghiên cứu khoa học một cách hợp lý trong khi họ phải khẳng định uy tín của bản thân, khoa nên cử một giảng viên lâu năm kèm cặp, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Theo quy định của pháp luật, các giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp  phải tự làm Phiếu đánh giá viên chức hàng năm. Cần có sự kết hợp giữa đánh giá viên chức hàng năm vào hoạt động tự đánh giá trong kiểm định chất lượng đào tạo để tạo nên sự hiệu quả, tránh lãng phí về thời gian, công sức, vật chất của Học viện, các khoa và từng cá nhân giảng viên.

Quy trình đánh giá phân loại được tiến hành theo các bước như sau:

a) Bước 1: Giảng viên nộp bản tự đánh giá, phân loại của mình dựa trên các tiêu chí của quy định và nộp cho lãnh đạo đơn vị.

b) Bước 2: Căn cứ vào bảng tổng hợp vi phạm, lãnh đạo tổ chức họp để xét phân loại cho nhân sự thuộc đơn vị mình; Thông báo công khai kết quả phân loại trong toàn thể đơn vị và giải quyết các ý kiến thắc mắc (nếu có).

c) Bước 3: Lãnh đạo đơn vị ghi nhận xét của tập thể và ký xác nhận kết luận cho từng cá nhân trong đơn vị, nộp kết quả phân loại và bản tự đánh giá của các cá nhân về Phòng Tổ chức Cán bộ.

d) Bước 4: Căn cứ vào kết quả phân loại của các đơn vị, Phòng Tổ chức cán bộ tổng hợp trình Giám đốc xét duyệt.

Những lưu ý khi tiến hành đánh giá:

- Phải xây dựng các chuẩn so sánh sao cho phù hợp.

- Để tránh thiên vị, tình cảm cá nhân trong việc đánh giá thì phải có một quy trình đánh giá minh bạch, thông tin công khai về quy trình, nội dung, tiêu chí đánh giá và công bố công khai kết quả đánh giá.

- Cần tạo được niềm tin của học viên vào ý nghĩa, vai trò của hoạt động đánh giá học viên của giảng viên.

-  Những nhận xét khác của học viên là rất quan trọng (các đề xuất, kiến nghị của giảng viên phải được ghi nhận và tôn trọng).

- Việc học viên đánh giá giảng viên phải được tiến hành khi không có giảng viên trên lớp.

* Đối với giảng viên thỉnh giảng

Việc đánh giá giảng viên thỉnh giảng cần có một cơ chế với các tiêu chí và quy trình riêng. Báo cáo của giảng viên thỉnh giảng cần theo mẫu riêng, chủ yếu nói về các công việc mà họ đã làm. Vì thế, việc đánh giá giảng viên thỉnh giảng chỉ là đánh giá ở 3 mức độ: Không chấp nhận được; chấp nhận được và tốt.

3.2.1.3. Đánh giá các đơn vị phòng, trung tâm, cơ sở

Nhà trường có hai đánh giá theo hai đối tượng: đơn vị hành chính và đơn vị hành chính hỗ trợ giảng dạy (đánh giá mức độ phục vụ công tác quản lí hành chính, phục vụ học viên). Thông thường hàng năm, các đơn vị đều có các báo cáo tổng kết hoạt động năm công tác của đơn vị mình và được tiến hành đánh giá gắn với công tác thi đua khen thưởng của Học viện Tư pháp.

Học viện Tư pháp là một cơ sở đào tạo không quá lớn về quy mô. Vì thế, việc đánh giá đơn vị phòng, trung tâm và cơ sở cần được gắn kết với hoạt động tự đánh giá của Học viện Tư pháp về chu kỳ, quy trình, nội dung, phạm vi… để tiết kiệm được thời gian, chi phí tiến hành công việc.

3.2.1.4. Quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo

Đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là yêu cầu thiết yếu trong công tác quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo, là phương thức xác định mức độ đáp ứng của chương trình đối với các mục tiêu và chuẩn mực chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả các lĩnh vực hoạt động của Học viện Tư pháp. Để đánh giá một cách chính xác mức độ đạt chuẩn của chương trình đào tạo, Học viện Tư pháp phải xây dựng được quy trình đánh giá phù hợp, giải quyết được các tồn tại hiện nay với việc tham khảo có chọn lục các quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo đang được áp dụng đối với các cơ sở đào tạo hiện nay.

a) Quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo hiện nay theo quy định của pháp luật

Khung pháp lý về quy trình đảm bảo chất lượng cấp chương trình của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay bao gồm :

 - Luật Giáo dục 2005 (Điều 17, 58, 99) và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (Chương II, Điều 38-40);

- Luật Giáo dục đại học năm 2012;

- Các Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

- Thông tư số: 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28  tháng 12  năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ;

- Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp;

Theo các quy định nêu trên, quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo mới được áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân; các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy trình này bao gồm 6 bước: bước 1. Thành lập Hội đồng tự đánh giá => bước 2. Lập kế hoạch tự đánh giá => bước 3. Thu thập, phân tích và xử lý thông tin, minh chứng => bước 4. Viết báo cáo tự đánh giá => bước 5. Lưu trữ và sử dụng báo cáo tự đánh giá => bước 6. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự giá.

Trong  quy trình này, hai bước đặc biệt quan trọng bao gồm: thu thập, phân tích và xử lý thông tin, minh chứng, viết báo cáo tự đánh giá.

Trong thời điểm hiện tại và trước mắt, đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp là tự đánh giá, theo các bước của tự đánh giá. Các bước này được thiết kế theo quy trình tự đánh giá của kiểm định chất lượng 6 bước như quy định của Thông tư 38 để phù hợp với thông lệ chung, bảo đảm tính quy lát của tự đánh giá và giúp cho Học viện dần thích nghi với môi trường kiểm định để đăng ký kiểm định sau khi trải qua giai đoạn quá độ mang tính chất “tập rượt”. Quy trình 6 bước này cũng cần tập trung vào 2 bước chính nêu trên (bước 3 -4) và phải được chi tiết hóa phù hợp với đặc thù đánh giá cấp chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp.

b) Đề xuất giải pháp xây dựng quy trình đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp

Bước 1. Thành lập Hội đồng tự đánh giá

Học viện Tư pháp với đặc thù của chương trình đào tạo nghề, đòi hỏi sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình. Quá trình này mang tính mở và gắn kết cao với thực tiễn so với các chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác. Vì vậy, quy trình đánh giá ở đây được hiểu là quy trình tự đánh giá nhưng về chủ thể đánh giá, không nhất thiết mang tính chất khép kín “tự thân vận động” mà có sự tham gia của đại diện Học viện, đại diện cơ quan chủ quản  và đại diện các đối tác sử dụng kết quả đào tạo của Học viện với thành phần hợp lý và sự lựa chọn những người có hiểu biết và tâm huyết về kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo

- Trên cơ sở tham mưu của bộ phận làm công tác kiểm định chuyên trách, Giám đốc Học viện sẽ quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá và Ban thư ký giúp việc cho Hội đồng.

- Số lượng các thành viên Hội đồng tùy theo từng chương trình nhưng theo thông lệ chung không được ít hơn 11 và không có nhiều hơn 30 thành viên trên nguyên tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Cụ thể, thành phần Hội đồng tự đánh giá chương trình bao gồm: a) Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Học viện; b) Hai Phó Chủ tịch, trong đó một Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc, một Phó Chủ tịch là Trưởng khoa có chương trình đào tạo được đánh giá;c) Thư ký là đại diện của đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng; d) Các thành viên gồm đại diện các đơn vị

- Thành viên Ban Thư ký bao gồm các cán bộ của bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng và có thể thuê 1 thành viên tổ chức kiểm định, cơ quan quản lý Nhà nước tham gia Ban thư ký trong suốt quá  trình kiểm định (Trung tâm khảo thí Đại học quốc gia Hà Nội, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và đào tạo).

Bước 2. Lập kế hoạch tự đánh giá

Hội đồng tự đánh giá xây dựng kế hoạch tự đánh giá nhằm sử dụng có hiệu quả thời gian và các nguồn lực của trường để đảm bảo đạt được mục đích của đợt tự đánh giá. Việc lập kế hoạch phải đáp ứng các yêu cầu tưởng như ngược nhau nhưng thống nhất với nhau, đó là: tuân thủ quy trình chung (quy trình tự đánh giá chương trình đào tạo nói chung) và thể hiện được cái riêng của cơ sở đào tạo, bao quát (các công việc) và cụ thể (chỉ rõ các bước, người tiến hành các bước).

Bước 3. Thu thập thông tin và minh chứng

Căn cứ vào các tiêu chí của từng tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình (theo kết quả nghiên cứu chi tiết thể hiện ở mục 3.1.4.1. của Báo cáo này) để tiến hành thu thập thông tin và minh chứng.

Hội đồng tự đánh giá phân công cụ thể cho các thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm tổ chức thu thập, phân tích và xử lý thông tin và minh chứng trước khi tiến hành viết báo cáo tự đánh giá.

Trong quá trình thu thập thông tin và minh chứng, phải chỉ rõ nguồn gốc của chúng. Có biện pháp bảo vệ, lưu trữ các thông tin, minh chứng, kể cả các tư liệu liên quan đến nguồn gốc của các thông tin và minh chứng thu được. Khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin để số hóa các minh chứng, tạo thuận tiện cho việc lưu trữ và đối chiếu khi cần thiết.

Bước 4. Xử lý, phân tích các thông tin và minh chứng thu được

Một số thông tin có thể sử dụng ngay để làm minh chứng nhưng một số thông tin khác phải qua xử lý, phân tích, tổng hợp mới có thể sử dụng để làm minh chứng cho các nhận định đưa ra trong báo cáo tự đánh giá. Thông tin, minh chứng thu được liên quan đến mỗi tiêu chí được trình bày trong Phiếu đánh giá tiêu chí.

 

Bước 5. Viết báo cáo tự đánh giá

Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo được trình bày một cách ngắn gọn, rõ ràng, chính xác và đầy đủ về các hoạt động của chương trình đào tạo, chỉ ra những điểm mạnh, những tồn tại, khó khăn và kiến nghị các giải pháp cải tiến chất lượng, kế hoạch thực hiện, thời hạn hoàn thành, thời gian tiến hành đợt tự đánh giá tiếp theo.

Kết quả tự đánh giá được trình bày thành một bản báo cáo về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo. Trong mỗi tiêu chuẩn, trình bày lần lượt theo từng tiêu chí. Đối với mỗi tiêu chí phải viết đầy đủ các phần: Mô tả và phân tích các hoạt động của Học viện liên quan đến tiêu chí; Điểm mạnh và những yếu tố cần phát huy; Những tồn tại; Kế hoạch hành động; Tự đánh giá, dựa trên kết quả đánh giá tiêu chí của các nhóm công tác. Báo cáo tự đánh giá phải chú trọng việc đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị  đối với Học viện Tư pháp với các giải pháp, biện pháp cụ thể và đề xuất lộ trình cần thực hiện. Bởi lẽ, kể cả trong trường hợp được đánh giá là đạt chuẩn thì bất cứ cơ sở đào tạo nào trong quá trình vận động và phát triển thì đều phải cố gắng đạt tới những mục tiêu phát triển cao hơn và khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết hiện tại. Báo cáo tự đánh giá nói riêng và hoạt động tự đánh giá nói chung phải chỉ ra “bệnh” và “thuốc chữa”, với “phác đồ điều trị” phù hợp.

Dự thảo báo cáo tự đánh giá cuối cùng phải được chuyển cho những người cung cấp thông tin và minh chứng để xác minh lại các thông tin, minh chứng đã được sử dụng và mức độ chính xác của các nhận định rút ra từ đó. Các nhóm công tác chịu trách nhiệm rà soát lại phần báo cáo có liên quan đến các công việc được giao. Các thành viên Hội đồng tự đánh giá ký xác nhận vào bản báo cáo tự đánh giá sau khi đã đọc và nhất trí với nội dung báo cáo tự đánh giá. Giám đốc Học viện - Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá phê duyệt báo cáo tự đánh giá.

c) Phương pháp, cách thức đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

Phương pháp đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo là phương pháp thực hiện 3 hoạt động chính: thu thập thông tin, minh chứng, phân tích xử lý thông tin, minh chứng và viết báo cáo đánh giá.

* Phương pháp thu thập thông tin và minh chứng (triển khai bước 3)

- Các nguyên tắc thu thập thông tin và minh chứng

+ Bảo đảm tính liên quan của thông tin và minh chứng: Khi thu thập thông tin và minh chứng, phải kiểm tra độ tin cậy, tính xác thực, mức độ phù hợp và liên quan đến tiêu chí; phải đặt vào vị trí người được hỏi để xem động cơ đưa ra thông tinh là gì, liệu những thông tin đó có chính xác và đầy đủ về thực trạng các thành tố liên quan đến chương trình đào tạo hay không?

+ Bảo đảm tính khách quan, có căn cứ của thông tin và minh chứng: Trong quá trình thu thập thông tin và minh chứng, phải chỉ rõ được nguồn gốc, xuất xứ, phải lưu trữ các thông tin, minh chứng, kể cả các tư liệu liên quan đến nguồn gốc của các thông tin và minh chứng thu được, có biện pháp bảo vệ các thông tin và minh chứng đó. Khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin để số hóa các minh chứng, thuận tiện cho việc lưu trữ và đối chiếu khi cần thiết.

- Các cách thức thu thập thông tin và minh chứng

+ Thu thập thông tin từ nguồn sẵn có để phục vụ tự đánh giá (Đọc các văn bản/tài liệu/ hồ sơ liên quan đến việc xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan tư pháp của Học viện Tư pháp, các công văn trả lời, các biên bản, kỷ yếu Hội thảo về xây dựng chương trình đào tạo để thu thập được các thông tin thể hiện sự tư vấn, góp ý, xây dựng, phản biện của các chủ thể hữu quan đối với một chương trình đào tạo của Học viện.

+ Chủ động tìm kiếm thông tin, minh chứng không sẵn có về chương trình đào tạo trong bối cảnh chưa có bề dày lưu trữ các văn bản, tài liệu thông qua các hoạt động: 1) Thống kê bằng biểu mẫu thống kê phù hợp với mục đích thu thập thông tin, minh chứng và cập nhật thông tin; 2) Điều tra bằng các bảng hỏi/phiếu hỏi; 3) Phỏng vấn (trực tiếp, qua email...); 3) Trao đổi/toạ đàm; 4) Quan sát trực tiếp (dự giờ giảng, giờ diễn án, giờ tự học...). Các cách thức thuộc nhóm này đều rất hữu hiệu trong việc tìm kiếm thông tin không sẵn có trong tự đánh giá nhưng sẽ có thể gặp phải các khó khăn về khả năng hợp tác, phối hợp của các đơn vị do các đơn vị sợ bị nhận diện những thiếu sót, hạn chế nên không hợp tác hoặc các cá nhân, đơn vị được khảo sát không có thời gian để trả lời các câu hỏi trong phiếu hỏi, trong phỏng vấn, tọa đàm. Với khó khăn này, cần làm tốt khâu tuyên truyền, vận động để các đơn vị nhận thức được bản chất và động cơ của kiểm định cũng như cần có sự chỉ đạo nhất quán, thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Học viện đối với các đơn vị để bảo đảm sự thành công của quá trình thu thập thông tin, minh chứng cũng như bảo đảm sự thành công của đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo.

- Phương pháp xử lý và phân tích các thông tin, minh chứng (triển khai bước 3): Về triển khai phương pháp, thông tin sau khi được thu thập, cần được đánh giá: (i) Thông tin thu đư­ợc có phù hợp, có thể coi là minh chứng đáng tin cậy hay không? (ii) giá trị phản ánh của thông tin để thông tin có thể được coi là minh chứng? (iii) Các minh chứng đó đã đầy đủ để công nhận đạt bao nhiêu phần trăm so với yêu cầu (nếu có đầy đủ minh chứng xác nhận đạt, ngược lại nếu không có đầy đủ minh chứng xác nhận chư­a đạt). Trên cơ sở phân tích thông tin, chủ thể đánh giá ghi “đạt” hay “chưa đạt”  vào cột tư­ơng ứng trong Phiếu ghi kết quả tự đánh giá. Những tiêu chí chư­a thực hiện sẽ được giải thích rõ lý do và đề xuất kế hoạch khắc phục.

- Phương pháp viết báo cáo tự đánh giá (triển khai bước 5)

Kết quả tự đánh giá được trình bày lần lượt theo các tiêu chuẩn. Đối với mỗi tiêu chí, cần có đầy đủ các phần về mô tả hiện trạng; điểm mạnh; điểm yếu; kế hoạch cải tiến chất lượng; tự đánh giá theo từng tiêu chí (đạt hoặc không đạt).

Cấu trúc của Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo gồm:

1)       Trang bìa chính và trang bìa phụ;

2)       Danh sách thành viên Hội đồng tự đánh giá;

3)       Mục lục;

4)       Danh mục, bảng biểu thống kê (nếu có);

5)       Giải thích các từ viết tắt (nếu có);

6)       Bảng tổng hợp kết quả tự đánh giá;

7)       Phần nội dung của Báo cáo tự đánh giá gồm các phần sau (xem Phụ lục5

a) Phần I. CƠ SỞ DỮ LIỆU KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Mục này cung cấp các thông tin tổng quát về đơn vị thực hiện chương trình đào tạo với các nội dung sau:

- Thông tin chung về Học viện Tư pháp - đơn vị thực hiện chương trình đào tạo;

- Giới thiệu khái quát về đơn vị thực hiện chương trình đào tạo;

- Các chỉ số về cán bộ, giảng viên, nhân viên của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo;

- Các chỉ số về người học của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo;

- Các chỉ số về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;

- Các chỉ số về cơ sở vật chất, thư viện, tài chính.

b) Phần II. TỰ ĐÁNH GIÁ

Phần này phân tích, đánh giá sâu các mặt hoạt động của chương trình đào tạo bằng cách chỉ ra những điểm mạnh và tồn tại, phân tích nguyên nhân, đưa ra kế hoạch và giải pháp khắc phục. Phần này được trình bày theo cấu trúc sau:

- ĐẶT VẤN ĐỀ:

Mô tả vắn tắt mục đích, quy trình tự đánh giá chương trình đào tạo, phương pháp và công cụ đánh giá để cung cấp thông tin về bối cảnh của hoạt động tự đánh giá nhằm giúp người đọc hiểu rõ nội dung của bản báo cáo. Đồng thời, phần này cũng mô tả sự tham gia của các thành phần (khoa, ban, phòng, giảng viên, nhân viên, người học,...), cách thức tổ chức các thành phần này tham gia hoạt động tự đánh giá, những lợi ích mà đơn vị thu được, giải thích phương pháp mã hoá các minh chứng trong báo cáo.

- TỔNG QUAN (phần tổng quan không quá 10 trang):

 Phần Tổng quan nhằm đạt hai mục đích:

+ Giúp người đọc hiểu được bối cảnh chung của Học viện Tư pháp về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, các vấn đề về tài chính, các vấn đề có ảnh hưởng đến tình hình chung của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo. Đơn vị cũng có thể đề cập tới các thay đổi so với lần tự đánh giá trước, ảnh hưởng của các thay đổi đó đối với toàn đơn vị thực hiện chương trình đào tạo (nếu có);

+ Chỉ ra những phát hiện chính trong quá trình tự đánh giá chương trình đào tạo; cung cấp cho người đọc những đánh giá tổng thể về các hoạt động của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo, so sánh với các yêu cầu của từng tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo bằng cách mô tả tóm tắt những điểm mạnh, những tồn tại và kế hoạch khắc phục của đơn vị; giúp người đọc hiểu được các vấn đề quan trọng mà đơn vị xác định được trong đợt chương trình đào tạo này.

- TỰ ĐÁNH GIÁ (theo từng tiêu chuẩn): Phần mô tả chi tiết kết quả (70 - 80 trang).

Đây là phần chính của báo cáo mô tả chi tiết kết quả tự đánh giá của chương trình đào tạo lần lượt theo các tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo, trong mỗi tiêu chuẩn lần lượt theo tổng tiêu chí. Với mỗi tiêu chí, trình bày lần lượt theo các nội dung: mô tả hiện trạng, đánh giá những điểm mạnh, những tồn tại, kế hoạch cải tiến chất lượng và kết quả tự đánh giá. Cụ thể như sau:

+ Mô tả: Mô tả đầy đủ, chi tiết, trung thực, khách quan hiện trạng hoạt động của Học viện Tư pháp theo từng tiêu chí. Phần mô tả phải ngắn gọn, súc tích, không quá chi tiết nhưng phải cụ thể, đảm bảo tính khái quát nhằm giúp người đọc hiểu rõ được hoạt động liên quan của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo;

+ Những điểm mạnh: phần này đơn vị đánh giá chất lượng, hiệu quả của các hoạt động theo từng tiêu chí, chỉ ra những mặt mạnh nổi bật của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí. Cần phân tích đưa ra các nhận định và giải thích nhằm giúp người đọc hiểu được vì sao đơn vị lại đánh giá như vậy;

+ Những tồn tại: chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động của đơn vị thực hiện chương trình đào tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí;

+ Kế hoạch cải tiến chất lượng: Học viện Tư pháp đưa ra kế hoạch để tiếp tục duy trì mặt mạnh và các giải pháp khắc phục các mặt còn tồn tại. Kế hoạch này phải cụ thể và khả thi, phải chỉ ra được các giải pháp khắc phục, các nguồn lực, thời gian hoàn thành và biện pháp giám sát;

+ Kết quả tự đánh giá: Đơn vị tự đánh giá mức độ đạt yêu cầu của tiêu chí theo thang điểm …. (xem mục 2. Bước 5).

c) Phần PHỤ LỤC

              Đây là phần cuối cùng của bản báo cáo. Phần này tập hợp toàn bộ các bảng biểu tổng hợp, số liệu thống kê, danh mục mã hoá các minh chứng... và các thông tin quan trọng khác nhằm bổ sung cho nội dung của báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo.

Thông qua các thông tin được trình bày trong phần phụ lục, kết hợp với các mô tả và phân tích trong phần chính của bản báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo, người đọc sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới các kết quả hoạt động của Học viện Tư pháp, mục tiêu và kế hoạch nhiệm vụ của Học viện Tư pháp và sẽ hình dung ra được bức tranh toàn cảnh về chương trình đào tạo, dự đoán về tình hình người học, phát triển của khoa, phòng/bộ môn, các môn học trong chương trình, các hoạt động khoa học công và dịch vụ, tình hình tài chính của Học viện Tư pháp.

 

3.2.1.5.  Quy trình đánh giá môn học

Đánh giá môn học là cấp độ thấp hơn đánh giá chương trình đào tạo, song có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động đào tạo, xuất phát từ mục đích ý nghĩa của hoạt động đánh giá này là trực tiếp giúp Bộ môn (và Khoa) có cơ sở xem xét điều chỉnh, cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy để từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Hoạt động này chủ yếu do hai nhóm chủ thể chính là học viên và giảng viên tham gia giảng dạy thực hiện.

Quy trình đánh giá môn học cũng có những bước cụ thể cần được tiến hành tương tự như đánh giá chương trình mặc dù đơn giản hơn (như có thể không cần thành lập Hội đồng đánh giá mà chỉ cần các bước: Lập kế hoạch đánh giá môn học; Xây dựng công cụ đánh giá (chuẩn bị Phiếu đánh giá); Tổ chức đánh giá - triển khai các hoạt động thu thập minh chứng - phát Phiếu đánh giá; Tập hợp kết quả thu thập ý kiến đánh giá; xử lý số liệu, thông tin; Lập báo cáo để rút kinh nhiệm; sử dụng kết quả đánh giá trong cải tiến hoạt động của bộ môn). Cách thức tiến hành chủ yếu là thông qua việc lấy ý kiến của người đánh giá, nên trong quy trình này việc thu thập minh chứng về ý kiến đánh giá thông qua các Phiếu đánh giá có tính chất chủ đạo.

Tham khảo vận dụng kinh nghiệm thực tiễn của các cơ sở đào tạo khác cũng như kinh nghiệm thực tiễn của chính mình, Học viện Tư pháp cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá môn học một cách có hệ thống và bài bản hơn. Từ góc độ quản lý, đảm bảo chất lượng, các hình thức đánh giá chính gồm:

- Đánh giá môn học thông qua Phiếu đánh giá môn học (Bảng câu hỏi) của học viên nhằm giúp Bộ môn có cơ sở xem xét điều chỉnh nội dung học phần, cải tiến phương pháp giảng dạy từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc thu thập ý kiến học viên nhằm thăm dò ý kiến đánh giá của học viên về môn học. Nội dung của Phiếu đánh giá môn học thường gồm 03 phần: (1) Phần 1 (Thông tin chung): những thông tin quản lý (Tên Khoa, tên môn học, tên giảng viên, số đơn vị học trình …); (2) Phần 2 (Thông tin tổng quát môn học): gồm các câu hỏi đóng và các câu hỏi mở về điểm mạnh hoặc điểm yếu nổi bật nhất của môn học (về môi trường học tập và hoạt động giảng dạy của giảng viên), những góp ý cải tiến môn học. (3) Phần 3 (Ý kiến đánh giá môn học): gồm các câu hỏi được chia theo các nhóm vấn đề cụ thể và câu cuối cùng nhằm đánh giá chung.

- Đánh giá môn học thông qua Phiếu đánh giá giảng viên từ ý kiến của học viên (về hoạt động giảng dạy của giảng viên gồm các nhóm yếu tố: (1) nội dung bài giảng, (2) tác phong thái độ, (3) tài liệu, phương tiện giảng dạy, (4) phương pháp giảng dạy) nhằm giúp giảng viên và Bộ môn có cơ sở xem xét điều chỉnh, cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy.

3.2.1.6. Các quy trình đảm bảo chất lượng chuyên biệt cho các hoạt động đào tạo các CDTP và bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp ứng dụng từ mô hình đảm bảo chất lượng của AUN-QA

a) Quy trình giám sát

Các nội dung cụ thể của quy trình giám sát gồm:

-      Giám sát qui trình tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn ở Học viện Tư pháp, cơ sở TP. Hồ Chí Minh hoặc ở các cơ sở liên kết đào tạo khác trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác;

-      Giám sát việc thực hiện qui trình đào tạo, cụ thể là qui trình tuyển sinh đầu vào, xét duyệt hồ sơ học viên và tổng kết, công nhận tốt nghiệp cuối khóa đào tạo, bồi dưỡng;

-      Giám sát nội dung chương trình đào tạo, cụ thể là qui trình biên soạn, sửa đổi giáo trình, tài liệu, quản lý đề cương môn học, qui trình ra đề thi hết môn và thi tốt nghiệp;

-      Giám sát đối tượng tham gia hoạt động đào tạo, cụ thể là quản lý việc giảng dạy của giảng viên; quản lý học tập, đánh giá kết quả học tập của học viên thông qua các bài tiểu luận, bài thi hết môn, các bài kiểm tra thực hành, bài thi tốt nghiệp;

-      Giám sát các chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế cũng như các công trình nghiên cứu khoa học khác;

-      Giám sát quá trình thu thập và xử lý thông tin phản hồi từ phía học viên và giảng viên.

Một quy trình giám sát đào tạo được thực hiện đúng và đầy đủ ngay từ khâu đầu tiên (tuyển sinh) đến khâu cuối cùng (thi tốt nghiệp) sẽ là những thước đo thực tế để đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp. Quy trình giám sát đào tạo được thực hiện tốt khi và chỉ khi hoạt động giám sát phải đảm bảo tính khách quan, liên tục, trung thực, công khai căn cứ vào những tiêu chí đánh giá cụ thể đã được thiết lập và biết đến, đồng thời được sự đồng ý, nhất trí bởi cộng đồng sư phạm của Học viện Tư pháp.

b) Quy trình đánh giá nội bộ

* Nội dung chính của đánh giá nội bộ:

- Đánh giá tổng thể toàn bộ hoạt động đào tạo & bồi dưỡng của Học viện Tư pháp cụ thể như mục tiêu, tổ chức quản lý, chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo, giảng viên - cán bộ nhân viên, học viên, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tài liệu và trang thiết bị học tập, tài chính.

Đánh giá sự phù hợp của chương trình đào tạo, bồi dưỡng so với nhu cầu nguồn lực sử dụng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước;

Đánh giá các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đã được xây dựng để xem xét và làm căn cứ cho những hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng có thể sau khi đó;

Đánh giá chất lượng đào tạo để giúp học viên có điều kiện tiếp cận với những phương pháp, mô hình đào tạo mới, hiện đại, hiệu quả xứng tầm với các cơ sở đào tạo tiên tiến trong nước cũng như quốc tế;

 

 

* Một số quy trình đánh giá nội bộ cụ thể:

- Quy trình đánh giá học viên (theo các tiêu chí của AUN-QA) bao gồm:

·         Quy trình đảm bảo chất lượng các kỳ thi.

·         Quy trình giải quyết khiếu nại.

-      Quy trình dịch vụ hỗ trợ học viên.

-      Quy trình ĐBCL đặc biệt: Chất lượng cơ sở vật chất (theo các tiêu chí của AUN-QA) cần ứng dụng tạo Học viện Tư pháp gồm các quy trình rõ ràng để đảm bảo chất lượng của cơ sở vật chất cần thiết cho việc học tập của người học phải đủ và phù hợp với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng gồm:

·      Kiểm tra thường xuyên các thiết bị máy tính

·      Kiểm tra thường xuyên về thư viện

·      Kiểm tra thường xuyên các phòng thực hành.

-      Quy trình phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) hoặc tự đánh giá theo đó tiến hành thường xuyên (tối thiểu là 05 năm một lần) việc tự đánh giá các hoạt động cốt lõi và đánh giá tổng thể nhà trường để phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu; từ đó xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng phù hợp.

c) Quy trình đảm bảo chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ISO 9001

Để thực hiện chính sách mục tiêu chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ ISO 9001, mục tiêu chất lượng của HVTP sẽ do Giám đốc HVTP quyết định cùng với Ban Giám đốc HVTP về các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể theo khái niệm chất lượng của hệ thống ISO 9000 về định hướng đào tạo với chất lượng cao theo xu thế toàn cầu hóa.

Từ những đặc trưng cơ bản chung nhất của qui trình đảm bảo chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ ISO 9001 và các thành tố của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ISO 9001 (gồm 5 mục chính là: (1) Khái quát chung về các yêu cầu của hệ thống chất lượng; (2) Các yêu cầu về trách nhiệm lãnh đạo; (3) Các yêu cầu quản lý nguồn lực; (4) Các yêu cầu liên quan đến các quá trình chính; (5) Các hoạt động đo lường, phân tích và cải tiến), qui trình đảm bảo chất lượng đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000/ ISO 9001 được ứng dụng ở HVTP có những nội dung chính sau:

(1)- Qui trình quản lý ngân hàng câu hỏi, đề thi – Nhằm mục đích là có được những qui định thống nhất, cách thức tiếp nhận và quản lý ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo tính chính xác, an toàn và bảo mật, đảm bảo tính khách quan, công bằng trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Do đó, qui trình này phải được xây dựng với người ra đề thi, người biên tập, người phê duyệt và những người có liên quan khác như Giám đốc, Phó Giám đốc, các bộ môn … cho những môn thi khác nhau, qua nhiều năm với các thông tin cụ thể như thời gian thi, số lượng học viên tham gia thi, số đề thi, số trang, hạng mục sửa đổi, tóm tắt nội dung hạng mục sửa đổi …

(2)- Qui trình tổ chức thi viết trên giấy sau khi kết thúc môn học và khóa học - Nhằm mục đích là có được những qui định thống nhất cách thức, các bước tổ chức thi viết trên giấy để đảm bảo việc tổ chức thi được khách quan, công bằng và chính xác.

(3)- Qui trình chấm thi viết trên giấy – nhằm mục đích có được qui định thống nhất cách thức chấm bài thi viết trên giấy bằng đáp án khung, chi tiết được công bố công khai để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình chấm thi.

(4)- Qui trình công bố điểm thi hết môn/ học phần/ tốt nghiệp – nhằm mục đích có được qui định thống nhất phương pháp tiến hành quá trình công bố điểm thi nhanh chóng, công khai, minh bạch và học viên có thể tra cứu điểm nhanh, thuận tiện.

(5)- Qui trình thu thập thông tin phản hồi của học viên về hoạt động giảng dạy, lý thuyết, tình huống, đối thoại, tọa đàm, diễn án… của giảng viên nói riêng và công tác quản lý học viên, hoạt động đào tạo, giảng dạy của HVTP nói chung – nhằm mục đích có được ý kiến phản hồi của học viên và tạo thêm kênh thu thập thông tin giúp thu thập phản hồi của học viên về giảng viên và hoạt động đào tạo, giảng dạy của HVTP một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

3.2.2. Một số đề xuất bước đầu về mô hình đánh giá bên ngoài (kiểm định độc lập) chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

3.2.2.1. Nguyên tắc, thiết chế đánh giá ngoài chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

a) Nguyên tắc đánh giá ngoài chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Việc đánh giá ngoài chất lượng đào tạo chức danh tư pháp phải tuân thủ các nguyên tắc dưới đây:

- Nguyên tắc thứ nhất, đánh giá ngoài phải thẩm định được tính chính xác và khách quan của văn bản báo cáo kết quả tự đánh giá của Học viện Tư pháp theo các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá đã ban hành.

- Nguyên tắc thứ hai, kiểm định độc lập phải đưa ra được các đề xuất, các khuyến nghị cho Học viện Tư pháp về các biện pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng của cơ sở đào tạo trong tương lai và tư vấn cho chủ thể có thẩm quyền  ban hành quyết định đánh giá kết quả kiểm định.

- Nguyên tắc thứ ba, nguyên tắc về phương thức thực hiện kiểm định độc lập: kiểm định độc lập phải thực hiện khảo sát và đánh giá trực tiếp tại cơ sở đào tạo về các thông tin mà văn bản báo cáo đã đưa ra.

Ngoài ra, còn có  nguyên tắc đặc thù dành cho chủ thể đánh giá - nguyên tắc tập trung dân chủ và đồng thuận ý kiến trong đoàn đánh giá, cụ thể đối với những nội dung không đạt được sự  đồng thuận trong  đoàn chuyên gia ĐGN, nếu sau 2 lần lấy ý kiến vẫn không đạt được sự nhất trí của trên 2/3 số thành viên thì Trưởng đoàn tổ chức họp đoàn để thảo luận trực tiếp và Trưởng đoàn đưa ra quyết định cuối cùng.  

b) Thiết chế thực hiện đánh giá ngoài đối với Học viện Tư pháp

Cơ chế đánh giá ngoài và triển khai cơ chế này đối với đào tạo các chức danh tư pháp hiện tại cũng như thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn vì ở Việt Nam, cộng đồng đào tạo nghề Luật còn non trẻ. Trên thực tế, Học viện Tư pháp cũng như các cơ sở đào tạo của Viện Kiểm sát tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đều chưa có nhiều thực tiễn về công tác đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp. Việc hình thành cơ chế (bao gồm cả thể chế và thiết chế) đánh giá ngoài đối với chất lượng đào tạo chức danh tư pháp ở Việt Nam đang chưa có tiền lệ. Như vậy, thiết chế đánh giá ngoài đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp phụ thuộc vào mô hình đào tạo được chuẩn hóa sau khi Pháp lệnh đào tạo các chức danh tư pháp được ban hành theo kế hoạch xây dựng luật và pháp luật của quốc hội.

Đề tài đề xuất hai phương án thực hiện như sau:

Một là: Sử dụng các thiết chế đánh giá ngoài hiện có thuộc hệ thống giáo dục đại học.

Hai là: Thiết lập hệ thống tổ chức đánh giá ngoài riêng đối với các cơ sở đào tạo tư pháp, trong đó có Học viện Tư pháp.

Trước mắt, khi chưa có đủ điều kiện, có thể sử dụng các tổ chức chuyên trách về kiểm định chất lượng đào tạo trong việc tổ chức đánh giá(theo mô hình đánh giá đồng cấp), nhưng cần có bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá áp dụng riêng đối với Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo tư pháp.

Về lâu dài, khi hệ thống này phát triển mạnh hơn, sẽ tính đến việc đề nghị hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Bộ/Ngành chủ quản hữu quan trong việc xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng riêng với Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo tư pháp.

c) Các chủ thể tham gia quá trình kiểm định chất lượng đào tạo

Theo thông lệ, Đoàn chuyên gia ĐGN đơn vị gồm từ 05 đến 07 thành viên tùy theo quy mô và tính chất của đợt KĐCL. Thành phần Đoàn chuyên gia ĐGN gồm Trưởng đoàn, Thư ký, các Ủy viên và Cố vấn.

Đối với Học viện Tư pháp, việc đáp ứng điều kiện có Giấy Chứng nhận hoặc chứng nhận đã qua khoá đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về ĐGN; hoặc do tổ chức nước ngoài tổ chức và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận là rất khó khăn nếu muốn có sự tham gia của đại diện các cơ quan tư pháp trong thành phần đoàn đánh giá ngoài. Trong khi đó, để hiểu và đánh giá đúng về hoạt động đào tạo với nhiều đặc thù của Học viện Tư pháp, lại cần có các chuyên gia am hiểu lĩnh vực đào tạo tư pháp. Tuy nhiên, nếu thành lập một đoàn đánh giá mà các thành viên không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn nghiệp vụ đánh giá thì rất khó bảo đảm tính chuyên môn của hoạt động đánh giá. Do đó, Đề tài đề xuất các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp và đào tạo tư pháp sẽ tham gia đoàn đánh giá ngoài với tư cách thành viên không thường trực. Họ có quyền tham gia đoàn đánh giá, có quyền thực hiện các hoạt động đánh giá, sử dụng các công vụ đánh giá, tiếp cận các minh chứng và thảo luận về kết quả đánh giá, họ không có quyền biểu quyết như các thành viên thường trực nhưng có quyền có ý kiến vào biên bản đánh giá, kết luận của đoàn đánh giá và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất của đoàn đánh giá.

Như vậy, điểm khác biệt duy nhất so với các thành viên có Giấy Chứng nhận hoặc chứng nhận đã qua khoá đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về ĐGN hoặc do tổ chức nước ngoài tổ chức và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận là họ không có quyền biểu quyết về kết quả đạt chuẩn đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí và kết luận đánh giá cuối cùng của đoàn đánh giá độc lập. Về nghĩa vụ, tất cả thành viên Đoàn chuyên gia ĐGN có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến hoạt động ĐGN bao gồm: nội dung báo cáo TĐG; các minh chứng của đơn vị; các thông tin dữ liệu thu được từ phỏng vấn, thăm quan, quan sát; các dự thảo báo cáo ĐGN và báo cáo ĐGN chính thức; các văn bản trao đổi thông tin trong Đoàn chuyên gia ĐGN và giữa Đoàn chuyên gia ĐGN với đơn vị.

Với thành phần đặc thù nêu trên, đoàn đánh giá độc lập kiểm định chất lượng của Học viện Tư pháp vừa bảo đảm yêu cầu về chuyên môn kiểm định, vừa  bảo đảm tính đặc thù của hoạt động đào tạo tư pháp, qua đó, kết quả đánh giá vừa có giá trị tham mưu cho công tác quản trị đào tạo nói chung và đào tạo tư pháp nói riêng, tham mưu cho chủ thể có thẩm quyền ra quyết định đạt chuẩn và đặc biệt là có giá trị đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp trong việc đặt ra các chính sách đào tạo và xác định chỉ tiêu đào tạo tư pháp.

d) Quy trình đánh giá ngoài chất lượng đào tạo chức danh tư pháp

Về cơ bản, quy trình đánh giá ngoài đối với Học viện Tư pháp sẽ được thực hiện theo phương pháp, cách thức như trong các hoạt động đánh giá ngoài hiện đang áp dụng đối với các cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam.

3.3. Giải pháp tăng cường nguồn lực và biện pháp thực hiện trong cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp

3.3.1. Nguồn nhân lực của hệ thống đảm bảo chất lượng

Từ nguyên lý chung là hoạt động đảm bảo chất lượng cần sự tham gia thường xuyên của cả cộng đồng sư phạm nhà trường trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn pháp luật, hợp tác quốc tế, Học viện Tư pháp cần huy động đội ngũ công chức lãnh đạo, viên chức, người lao động và học viên tham gia thực hiện tốt hoạt động đảm bảo chất lượng và có biện pháp để tăng cường năng lực cho toàn bộ đội ngũ này.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng hiện nay, các giải pháp cụ thể cho vấn đề này cụ thể là:

- Đối với lãnh đạo Học viện: Cần nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị và nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu cũng như tập thể lãnh đạo Học viện đầu tư cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách chất lượng, kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các mặt hoạt động khác của Học viện, hướng tới các hoạt động đảm bảo chất lượng một cách đúng nghĩa chứ không chỉ là nhận thức chung và quyết tâm chính trị.

 - Xây dựng thiết chế quản lý chất lượng (đơn vị chuyên trách)

Để phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về giáo dục đại học và xu thế chung của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam, Học viện Tư pháp cần từng bước thiết lập tổ chức quản lý chất lượng là đơn vị chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ đầu mối triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng. Ở thời điểm trước mắt, do điều kiện nhất định về tổ chức bộ máy chưa cho phép thành lập một đơn vị cấp Phòng của Học viện, cần xúc tiến thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng trực thuộc một trong số các đơn vị Phòng Đào tạo, Phòng Hành chính Tổng hợp.

Trong tương lai gần, cùng với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách chất lượng, Học viện cần phải có đơn vị chuyên trách cấp Phòng, có thể là Phòng hoặc Trung tâm Đảm bảo chất lượng hoặc Khảo thí và đảm bảo chất lượng. Đơn vị này cần được đầu tư cả về nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để đảm nhận trách nhiệm đầu mối vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng của Học viện Tư pháp.

- Đối với đội ngũ giảng viên, chuyên viên quản trị đào tạo: Học viện Tư pháp cần phát huy mô hình hoạt động của đội ngũ giảng viên nòng cốt và đào tạo bồi dưỡng nhóm viên chức chuyên trách về đảm bảo chất lượng, từng bước nhân rộng những hạt nhân cho công tác xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng của Học viện. Trước mắt, cần thành lập bộ phận chuyên trách về công tác này và tiến tới tronng tương lai có đơn vị cấp Phòng/Trung tâm về đảm bảo chất lượng để công tác này được thực hiện một cách bài bản, khoa học.

- Đối với học viên: Học viện Tư pháp cần cơ chế và biện pháp để thu hút  và tạo điều kiện cho học viên tham gia các chương trình đào tạo tại Học viện được tham gia vào hệ thống đảm bảo chất lượng thông qua các hoạt động đánh giá chất lượng nội bộ (đánh giá học viên, đánh giá giảng viên, đánh giá chương trình đào tạo) như đã được mô tả trong các nội dung cụ thể của Đề tài. Trong vấn đề này, những hướng dẫn của AUN (Mạng các trường đại học Đông Nam Á) và kinh nghiệm trong nước, nước ngoài rất hữu ích đối với Học viện Tư pháp để đảm bảo phát huy mạnh mẽ phương pháp đào tạo “lấy người học làm trung tâm”.

3.3.2. Phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá trong quản lý chất lượng

Là một thành tố của hệ thống đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo, hệ công cụ đánh giá, giám sát cần được xây dựng trên cơ sở những yêu cầu nhất định, phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo, với các thành tố khác của cơ sở đào tạo và đảm bảo tính khả thi, thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế.

Hệ công cụ đánh giá, giám sát theo mô hình đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) được vận dụng tại Học viện Tư pháp theo hướng chọn lọc, cải biến để phù hợp với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp, đáp ứng các yêu cầu sau: (1) phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo[42]; (2) phù hợp với các thành tố khác của hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là với hệ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo và đánh giá cấp chương trình; (3) thuận lợi cho quá trình triển khai giám sát, đánh giá.

 Giải pháp cụ thể trong vận dụng mô hình của AUN vào Học viện Tư pháp là:

(1) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Đánh giá học viên

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần xây dựng:

·         Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) trong đảm bảo chất lượng các kỳ thi, các học phần trong chương trình đào tạo.

·         Phương pháp và công cụ (quy trình, các biểu mẫu) giải quyết khiếu nại.

Một số điểm cần lưu ý về phương pháp đánh giá học viên:

            - Cần phải tập trung vào đánh giá những nội dung: kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà học viên thu nhận được trong khóa học; sự chuyên cần của học viên; ý thức, thái độ của học viên trong việc tham gia khóa học…). Đối với mỗi nội dung khác nhau thì cần phải xây dựng các tiêu chí và phương pháp, cách thức đánh giá khác nhau. Đối với đánh giá kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà học viên thu nhận được trong khóa học có thể đánh giá thông qua thi (thi viết, thi vấn đáp, viết bài thu hoạch), nhưng cũng có thể đánh giá thông qua khảo sát đánh giá của người sử dụng lao động để biết được sự thay đổi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của công chức, viên chức sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên, việc đánh giá thông qua đơn vị sử dụng công chức, viên chức sẽ có những bất cập nhất định do sự vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp từ khóa học vào thực tiễn giải quyết công việc lại phụ thuộc vào khả năng của từng người.

            - Tùy theo đặc thù của các khóa đào tạo, bồi dưỡng mà lựa chọn hình thức, cách thức đánh giá phù hợp (bài thi viết, thi vấn đáp, bài thu hoạch cuối khóa…);

            - Xây dựng các tiêu chí kiểm tra, tiêu chí viết bài thu hoạch; quy trình đánh giá học viên như quy trình tổ chức kiểm tra, viết bài thu hoạch, quy trình chấm bài kiểm tra, bài thu hoạch…. Đồng thời, bên cạnh việc đánh giá người học, Học viện Tư pháp cũng cần có các biện pháp, cách thức đánh giá khác để cùng đánh giá, cùng đối chứng, kiểm chứng.

            - Đối với đánh giá sự chuyên cần, đánh giá thái độ, ý thức học tập của học viên, Học viện Tư pháp có thể đánh giá thông qua các tiêu chí như thông qua điểm danh (từ cán bộ quản lý, từ giảng viên, áp dụng các công nghệ kiểm soát thông minh như camera, điểm danh bằng vân tay..), thông qua đánh giá của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy, đội ngũ cán bộ quản lý bằng các bảng hỏi, phiếu đánh giá… Để đánh giá chính xác và tránh tiêu cực, Học viện Tư pháp cần áp dụng nhiều cách thức, phương thức đánh giá khác nhau và có các cơ chế kiểm soát lẫn nhau.

(2) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần có những phương pháp nhằm đáp ứng chính mình về việc nhân lực có chất lượng và có năng lực thực hiện các hoạt động cốt lõi của nhà trường: giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho xã hội và cộng đồng:

·         Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) phù hợp về tuyển dụng cán bộ, giảng viên

·         Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) đánh giá cán bộ giảng viên phù hợp

·         Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) đánh giá các hoạt động phát triển đội ngũ.

Một số điểm cần lưu ý đặc biệt trong phương pháp đánh giá:

- Học viện Tư pháp cần xây dựng các quy định về tiêu chuẩn đối với nhân sự như về trình độ, kinh nghiệm…đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, giảng dạy và quản lý hoạt động bồi dưỡng.

- Học viện Tư pháp cần lấy ý kiến đánh giá từ chính người học về kiến thức, kỹ năng, năng lực, trình độ, thái độ…. của cán bộ, giảng viên, của người quản lý. Thông qua kết quả đánh giá của người học, Học viện Tư pháp sẽ sàng lọc và xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ công tác bồi dưỡng. Muốn vậy, Học viện Tư pháp cần phải xây dựng các tiêu chí để có thể đánh giá được đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ phục vụ. Đối với việc đánh giá này, Học viện Tư pháp cần xây dựng Phiếu đánh giá chất lượng của từng khóa học. Đối với những khóa học có thời gian dài, Học viện Tư pháp có thể tiến hành đánh giá theo tuần, học thậm chí cuối mỗi buổi giảng.

- Để nâng cao chất lượng nhân sự, Học viện Tư pháp cũng cần công bố, công khai kết quả đánh giá nhân sự để các nhân sự tham gia biết và có kế hoạch thay đổi, cải tiến chất lượng quản trị, giảng dạy.

(3) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng cơ sở vật chất

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp có phương pháp, công cụ rõ ràng để đảm bảo chất lượng của cơ sở vật chất cần thiết cho việc học tập của người học phải đủ và phù hợp với từng chương trình đào tạo của trường:

·      Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) Kiểm tra thường xuyên các thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập.

·      Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) Kiểm tra thường xuyên về thư viện.

·      Phương pháp và công cụ (quy trình, tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá) Kiểm tra thường xuyên các phòng thực hành, diễn án.

Một số điểm cần lưu ý đặc biệt trong phương pháp đánh giá:

               - Học viện Tư pháp cần phải xác định các tiêu chí, quy trình để theo dõi, kiểm soát chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các tiêu chí kiểm soát chất lượng cần phải tập trung vào các vấn đề chất lượng, thời hạn sử dụng, lịch trình sửa chữa, bảo dưỡng, tần suất hỏng học của các trang thiết bị. Các tiêu chí cần xây dựng thật chi tiết, cụ thể đối với từng loại trang thiết bị như hệ thống micro âm thanh, máy projector, máy tính, đèn chiếu ánh sáng, bàn ghế…Cùng với các tiêu chí và hệ thống kiểm soát chất lượng các trang thiết bị, Học viện Tư pháp cũng cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá, phiếu đánh giá và tổ chức lấy ý kiến đánh giá trực tiếp từ người học, người giảng, cán bộ quản lý lớp học đối với chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Phiếu đánh giá của người học, giảng viên, cán bộ quản lý là cơ sở quan trọng để đánh giá, kiểm định chất lượng cơ chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

- Về đảm bảo chất lượng trong xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng: Học viện Tư pháp cần áp dụng và xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá chất lượng chương trình, tài liệu cho phù hợp với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Học viện cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chi tiết, cụ thể và phù hợp hơn cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở quy định chung do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cùng với xây dựng các tiêu chí, quy trình thẩm định, đánh giá chương trình, tài liệu, Học viện Tư pháp cũng cần xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá của người học đối với nội dung chương trình, tài liệu.  Kết quả đánh giá của người học là cơ sở quan trọng để khẳng định chương trình, tài liệu có đạt chất lượng hay không đạt chất lượng, phù hợp hay không phù hợp.

(4)  Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Chất lượng dịch vụ hỗ trợ học viên

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần có phương pháp, công cụ rõ ràng để đảm bảo chất lượng dịch vụ hỗ trợ và tư vấn học viên. Các dịch vụ này bao gồm việc cố vấn học tập, tư vấn cho học viên và môi trường vật chất, tư liệu, đặc biệt là môi trường kiến tập, thực tập nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp – nhất là chương trình đào tạo luật sư, công chứng viên, đấu giá viên và các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội khác.

Để đảm bảo chất lượng phục vụ và hỗ trợ người học, Học viện Tư pháp cần xác định chính xác, cụ thể công tác phục vụ, công tác hỗ trợ người học gồm những nội dung gì và xây dựng các tiêu chí đánh giá đối với các nội dung này. Cùng với việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy trình, cách thức đánh giá chất lượng hộ trợ người học, Học viện Tư pháp cũng cần xây dựng Phiếu đánh giá chất lượng hỗ trợ người học, hộ trợ giảng dạy để lấy ý kiến đánh giá trực tiếp từ người học, từ giảng viên. Ý kiến đánh giá của người học, của giảng viên giảng dạy trong khóa học là căn cứ quan trọng để đánh giá và kiểm soát chất lượng trong hỗ trợ người học.

(5) Công cụ phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) hoặc tự đánh giá

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần tiến hành thường xuyên (tối thiểu là 05 năm một lần) việc tự đánh giá các hoạt động cốt lõi và đánh giá tổng thể nhà trường để phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu. Việc tự đánh giá này sẽ đưa ra một kế hoạch chất lượng.

Báo cáo tự đánh giá hoặc bản phân tích SWOT là một công cụ mạnh để tìm hiểu rõ hơn về chất lượng của các hoạt động cốt lõi và chất lượng của toàn bộ đơn vị. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá sẽ giúp trả lời những câu hỏi cơ bản như chúng ta có đang thực hiện những việc đúng bằng phương pháp đúng hay không, chúng ta có đang đạt được mục tiêu của mình hay không. Thông thường báo cáo tự đánh giá được thực hiện để phục vụ một đợt đánh giá ngoài hoặc kiểm định, vì cơ quan kiểm định hoặc chuyên gia đánh giá ngoài yêu cầu phải có báo cáo tự đánh giá làm cơ sở cho việc đánh giá. Nếu không có đánh giá ngoài thì việc tự đánh giá thường xuyên cũng sẽ có ích cho nhà trường.

(6)  Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Thẩm định qua đồng nghiệp

Theo tiêu chí của AUN-QA, bên cạnh hoạt động Tự đánh giá (TĐG), Học viện Tư pháp cần chú trọng tổ chức thẩm định qua đồng nghiệp ( các chuyên gia, các đồng nghiệp từ các bộ phận khác trong trường hoặc từ các trường khác kiểm tra lại các kết quả của báo cáo TĐG.

Học viện Tư pháp cần hoàn thiện các Phiếu đánh giá của học viên đối với chất lượng nội dung chương trình, tài liệu, giảng viên, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và công tác tổ chức lớp học. Đồng thời, Học viện Tư pháp cũng hoàn thiện Phiếu đánh giá của giảng viên tham gia giảng dạy đối với chương trình, tài liệu, học viên, cơ sở vật chất và công tác tổ chức lớp học; Phiếu đánh giá của của cơ quan sử dụng sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng của Học viện về chất lượng mà người học thể hiện sau khi tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp. Các Phiếu đánh giá cần phải xây dựng có đầy đủ các nội dung, các tiêu chí chính xác nhưng thật sự đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng và phù hợp với từng loại hình, chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

(7) Các công cụ ĐBCL đặc biệt: Hệ thống thông tin công chúng

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần thường xuyên cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo mà nhà trường cung cấp, kết quả học tập đầu ra dự kiến của các chương trình này, bằng cấp mà các chương trình đào tạo, các quy trình giảng dạy và kiểm tra đánh giá được sử dụng, các cơ hội học tập cho người học. Những thông tin được công bố còn có thể bao gồm ý kiến và định hướng nghề nghiệp của cựu học viên và các đặc điểm chung của toàn bộ học viên.

(8) Công cụ ĐBCL đặc biệt: Sổ tay chất lượng

Theo các tiêu chí của AUN-QA, Học viện Tư pháp cần xây dựng Sổ tay chất lượng trong đó nêu rõ mọi quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến việc ĐBCL. Sổ tay chất lượng bao gồm mọi văn bản (hoặc những tham chiếu đến các văn bản), quy trình và thủ tục liên quan đến các hoạt động trong quy trình đảm bảo chất lượng.

Học viện Tư pháp cần phải thường xuyên tiến hành đánh giá nội bộ, đánh giá độc lập đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức họp rút kinh nghiệm để cải tiến các tiêu chí, quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng. Nội dung đánh giá nội bộ cần tập trung vào những vấn đề sau: (1) Mục tiêu của chương trình, kết quả đầu ra đã đạt được; (2) Việc tuân thủ đúng, đầy đủ các quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chí đánh giá, kiểm soát chất lượng trong từng giai đoạn, từng hạng mục công việc; (3) Mức độ đạt chất lượng của từng hạng mục công việc, giai đoạn thực hiện công việc.

 

3.3.3. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động đảm bảo chất lượng

Các giải pháp chính trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy - học tập và đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp trong thời gian tới bao gồm:

- Sử dụng hiệu quả trụ sở mới tại Hà Nội, bảo đảm có đủ phòng học cho học viên và phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên, có thư viện hiện đại với đầy đủ số đầu sách cần thiết; có các phòng học đa năng và phòng học thực nghiệm (Phòng thực nghiệm điều tra, Phòng thực nghiệm hỏi cung, Phòng diễn án...); có ký túc xá và nhà ăn.

Tập trung năng lực tài chính cho việc đầu tư lập dự án xây dựng mới trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Xúc tiến việc xây dựng trụ sở Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực đào tạo của Học viện Tư pháp khu vực phía Nam.

- Đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống giảng đường, thư viện và phòng thực nghiệm điều tra, phòng diễn án. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tintrong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động quản lý, điều hành của Học viện; nâng cấp thư viện và xây dựng thư viện điện tử đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Cụ thể là:

+ Triển khai nâng cấp và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho thư viện; thực hiện liên kết thư viện điện tử của Học viện Tư pháp và chia sẻ nguồn thông tin với các cơ quan thông tin, thư viện thuộc khối nội chính và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thực hành pháp luật trong nước và trên thế giới;

+ Nâng cấp website Học viện Tư pháp thành Cổng thông tin điện tử của Học viện Tư pháp. Tin học hoá quản lý hành chính và quản lý đào tạo, bảo đảm các hoạt động được tin học hoá ở mức cao; quản lý và điều hành hiệu quả hoạt động của Học viện Tư pháp thông qua hệ thống thông tin điện tử và mạng máy tính, với các thông tin điều hành được chia sẻ, minh bạch và cập nhật kịp thời.

+ Triển khai nghiên cứu và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo: áp dụng phần mềm trong đào tạo; áp dụng các giải pháp giảng dạy trực tuyến; áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra và đánh giá chất lượng đào tạo…

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài liệu giảng dạy và học tập và chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, xuất bản giáo trình, tài liệu học tập, trong đó: xây dựng bài học mẫu, ngân hàng băng video các tình huống và phiên toà mẫu; số hoá và xây dựng các CD-ROM về tài liệu học tập, CD-ROM về hồ sơ tình huống; chuyển tải các tài liệu giảng dạy và học tập lên mạng internet để giảng viên, học viên có thể tra cứu một cách thuận lợi.

- Tăng cường vốn đầu tư của Nhà nước, các nguồn kinh phí từ hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, nguồn tài trợ, vốn vay ODA và các nguồn kinh phí khác để hiện đại hoá cơ sở vật chất của Học viện Tư pháp.

- Về xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng: Các giải pháp trọng điểm cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới bao gồm: Xây dựng các chương trình chuẩn trong đào tạo chức danh tư pháp và hệ thống giáo trình, tài liệu phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới; huy động tối đa các chuyên gia là những người có trình độ, có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp và đào tạo các CDTP tham gia xây dựng, phát triển hệ thống chương trình, giáo trình. Rà soát, chỉnh lý hệ thống giáo trình hiện có theo hướng cập nhật kiến thức mới, chuẩn hoá nội dung theo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh tư pháp mới thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Chú trọng cải tiến hệ thống hồ sơ tình huống, vụ việc điển hình; xây dựng hệ thống nguồn học liệu điện tử phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập.

Kết luận chương 3

Quá trình nghiên cứu về hệ thống đảm bảo chất lượng nhằm tìm kiếm những giải pháp cho việc xây dựng, vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với đặc thù của Học viện Tư pháp cho phép chúng ta đưa ra những kết luận quan trọng dưới đây:

Thứ nhất, đã đến lúc Học viện Tư pháp cần quan tâm một cách đầy đủ tới công tác đảm bảo chất lượng thông qua việc nghiên cứu, học hỏi các mô hình đảm bảo chất lượng trong và ngoài nước để tìm kiếm mô hình phù hợp nhất với điều kiện của Học viện.

Thứ hai, trong hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá cấp chương trình cần được đặc biệt quan tâm. Duy trì đánh giá cấp chương trình nhằm không ngừng cải tiến, hoàn thiện theo lộ trình các chương trình đào tạo là cách để Học viện Tư pháp có được lợi thế cạnh tranh so với các cơ sở có cùng chức năng đào tạo chức danh tư pháp.

Thứ ba, cùng với tự đánh giá như một nhu cầu tự thân, đánh giá ngoài cần được quan tâm. Tuy nhiên, đánh giá ngoài tại Học viện Tư pháp nên có sự khác biệt so với kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học bằng việc nhấn mạnh yếu tố đánh giá đồng cấp, các cơ sở đào tạo cùng chức năng đánh giá lẫn nhau để rút ra kinh nghiệm chung cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp. Nguyên lý đánh giá cơ sở đào tạo chức danh tư pháp vẫn hoàn toàn có thể tham chiếu cơ chế hiện hành của hệ thống đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục đại học hiện có của Việt Nam, nhưng hệ tiêu chí Đánh giá trong nêu trên sẽ đảm bảo tính đặc thù riêng có của mô hình đào tạo chức danh tư pháp, về bản chất là mô hình đào tạo những người hành nghề hoặc được bổ nhiệm vào vị trí bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý.

Cuối cùng, ngay từ bây giờ, Học viện Tư pháp cần tập trung xây dựng Kế hoạch chiến lược và chính sách chất lượng, tuyên ngôn sứ mệnh như là nền tảng cho quá trình hình thành văn hóa chất lượng và đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian sắp tới./.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

A. Tài liệu tiếng Việt

1.      Bộ Chính trị (2002), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp trong thời gian tới, Hà Nội.

2.      Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Hà Nội.

3.      Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.

4.      Bộ Giáo dục và đào tạo, Báo cáo số 760/BC-BGDĐT ngày 29/10/2009 về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.;

5.      Bộ Giáo dục và đào tạo (ngày 05/08/2008), 46/2008/CT-BGDĐT, Chỉ thị về việc tăng cường công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, Hà Nội.;

6.      Bộ Giáo dục và đào tạo (ngày 02/12/2004), Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học, Hà Nội.;

7.      Bộ Giáo dục và đào tạo (ngày 01/11/2007), Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, Hà Nội.

8.      Bộ Giáo dục và đào tạo (ngày 14/12/2007), Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Hà Nội;

9.      Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT và Thông tư số 37/2012/TT- BGDĐT sửa đổi Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học;

10.  Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 67/2007/QĐ-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung cấp chuyên nghiệp;

11. Bộ Giáo dục và đào tạo, Quyết định số 76/2007/ QĐ - BGDĐT - Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp;

12. Bộ Giáo dục và đào tạo, Thông tư số 60/2012/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục;

13. Bộ Giáo dục và đào tạo, Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT quy định về Quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Thay thế cho Quyết định số 76/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/12/2007;

14. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn Tự đánh giá trong KĐCL Giáo dục Đại học, Hà Nội năm 2006;

15. Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 18-20/03/2009), Tập huấn văn hóa chất lượng và vai trò, hoạt động của trung tâm đảm bảo chất lượng trường đại học, Dự án giáo dục đại học 2, Cục Khảo Thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục và Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng;

16. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn Tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục, tháng 10/2009;

17. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn Tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục, tháng 10/2009; có dẫn chiếu đến tài liệu của TS.Nguyễn Kim Dung, Viện NCGD, ĐH Sư phạm Tp. HCM;

18. Bộ Nội vụ (2011), Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/11/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

19. Bộ Nội vụ (2014), Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 04/12/2014 của Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức;

20. Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGD&ĐT ngày 06/6/2011 của liên bộ Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

21. Bộ Nội vụ  (2014), Công văn số 4524/BVN-ĐT ngày 27/10/2014 về việc hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

22. Bộ Tư pháp (2010), Quyết định số 787/QĐ-BTP ngày 15/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế quản lý chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp;

23. Bộ Tư pháp (2010), Quyết định số 1901/QĐ-BTP ngày 13/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp;

24. Chính phủ (2001), Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của về Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2001-2010

25. Chính phủ (2013), Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2013 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

26. Chính phủ (2013), Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;

27. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (ngày 06/06/2008), Hướng dẫn sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học, Hà Nội.

28. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (ngày 09/06/2008), Hướng dẫn tự đánh giá trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Hà Nội.

29. Đại học Quốc gia Hà Nội, Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 1164 /QĐ-ĐBCL ngày 20  tháng 4  năm 2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội);

30. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2006), Kỷ yếu hội thảo Đảm bảo chất lượng trong đổi mới giáo dục đại học, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh;

31. Học viện Tư pháp, Báo cáo kết quả đoàn khảo sát nước ngoài (Canada, Đức) của Học viện Tư pháp;

32. Học viện Tư pháp, Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, năm 2013;

33. Học viện Tư pháp, Sổ tay hướng dẫn KĐCL đào tạo các CDTP, NXB Tư pháp – Hà Nội 2012;

34. Học viện Tư pháp, Tài liệu Dự án JUDGE năm 2012

35. Học viện Tư pháp, Tài liệu hội thảo “Xây dựng hệ thống KĐCL tại HVTP”  lần 1, 2, 3 - Dự án JUDGE - năm 2011- 2012;

36. Lê Đức Ngọc (2008). Xây dựng Văn hoá chất lượng tạo nội lực cho cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời đại chất lượng. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 36, tháng 9.

37. Nguyễn Đức Chính (chủ biên), Nguyễn Phương Nga, Lê Đức Ngọc, Trân Hữu Hoan, John J. McDonald (2002), Kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

38. Nguyễn Quang Giao, Đảm bảo chất lượng giáo dục và kinh nghiệm của một số trường đại học trên thế giới, Tạp chí Khoa học và công nghệ, ĐH Đà Nẵng, số 4 (33) năm 2009.

39. Phạm Thị Ly, Học giả Fulbright 2008-2009, Tuyên ngôn Sứ mệnh và tầm nhìn của trường Đại học- Pratt Institute, New York, Hoa Kỳ.

40. Phạm Trọng Quát (2011). Đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng (http://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2149/N10834/day-manh-xay-dung-van-hoa-chat-luong.htm);

41. Quốc hội (2005), Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 thông qua ngày 27/6/2005, sửa đổi bổ sung bằng Luật Giáo dục số 44/2009/QH 12 ngày 4/12/2009;

42. Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định  số 1164 /QĐ-ĐBCL ngày 20  tháng 4  năm 2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) ;

43. ThS. Nguyễn Thanh Trọng, CN. Mai Thị Huyền Trang, Những vấn đề cơ bản về mô hình đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN – QA MODELS);

44. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG – HCM, Tài liệu tập huấn Tự đánh giá cấp chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN – QA, tháng 2 – 2011;

45. TS. Bill Lockhard, Giám đốc Dự án JUDGE tại Việt Nam, Bài viết “Cải thiện chất lượng toàn diện” 2012, CHƯƠNG SÁU – Một số quan điểm cuối cùng về Cải thiện chất lượng toàn diện. Tài liệu Dự án JUDGE của Học viện Tư pháp;

46. Vũ Thị Phương Anh (2006). Một vài đề xuất kiện toàn cơ chế đảm bảo chất lượng tại ĐHQG-HCM. Kỷ yếu hội thảo Đảm bảo chất lượng trong đổi mới giáo dục đại học, ĐHQG-HCM.

B. Tài liệu nước ngoài

1.      ASEAN Cooperation Initiative in Quality Assurance Approaches of Assessing Quality in Higher Education Institutions;

2.      Asean University Network, Quality-Assurance Manual for the implementation of the guidelines, 2010;

3.      Asean University Network, Quality-Assurance Guide to AUN Actual Quality Assessment at Programme Level, 2010;

4.      Methods and Procedures AUN Secretariat, Guide to AUN Actual Quality Assessment At Programme Level – Version No. 2.0, June 2011;

5.      Sandra E. Oxner, OC, BA, LL.B., Thạc sỹ, DCL (Hon.), LL.D. (Hon.)  Viện Giáo dục tư pháp liên bang,  Giáo dục tư pháp tiếp tục, tính toàn vẹn và năng lực, thẩm quyền, tham luận tại Hội nghị quốc tế và giới thiệu về cải cách tư pháp (Makati Shangri-La Hotel, Makati City, Philippines 28-ngày 30 Tháng 11, 2005), http://jrn21.judiciary.gov.ph/forum_icsjr/ICSJR_Canada (S Oxner).pdf

6.      ChafFee, E.E. và Sherr, L.A. (Năm 1992). Chất lượng: Chuyển đổi Giáo dục sau trung học (Quality: Transforming Postsecondary Education). ASHE-ERIC by The George Washington University, Washington, D.C;

7.      Harvey, L. and Green, D., Năm 1993, “Định nghĩa chất lượng” (‘Defining quality'), Kiểm tra và Đánh giá trong Giáo dục Đại học (Assessment and Evaluation in Higher Education), 18(1), trang 9–34;

8.      Mosteller, F. (Năm 1988). Mở rộng Phạm vi số liệu thống kê và Đào tạo thống kê (Broadening the Scope of statistics and Statistical Education). Những nhà thống kê học châu Mỹ - The American Statistician, 42,93-99;

9.      Nicholson, Karen (Năm 2011). Đảm bảo chất lượng trong Giáo dục đại học – Đánh giá về mặt lý thuyết (Quality Assurance in Higher Education – A Review of the Literature). Trường đại học McMaster, Dự án các Mong đợi ở các cấp trường đại học, Hội đồng Ontario;

10. Peters, T. (Năm 1987). Phát triển trong sự hỗn độn: Sổ tay dành cho Cải tiến Quản lý (Thriving on Chaos: Handbook for a Management Revolution), New York, Nhà xuất bản NY Knopf Random House;

11. Roberts H.V & Sergesketter, B.F. (Năm 1993). Chất lượng là cá nhân: Nền tảng đối với Quản lý Chất lượng Toàn diện (Quality is Personal: A Foundation for Total Quality Management). New York, NY: Sổ tay hướng dẫn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN CÁC PHỤ LỤC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 1:

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC VỀ  ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

 ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HVTP

Giai đoạn 2015 – 2020

 

Giới thiệu của Giám đốc Học viện Tư pháp

“Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng đào tạo chức danh tư pháp” được ban hành với mục tiêu tạo lập định hướng cho quá trình phát triển Học viện, giai đoạn 2015 – 2020. Kế hoạch này đã nhận được sự đồng thuận của toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp.

 Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Kế hoạch này sẽ thực sự trở thành “ngọn hải đăng” soi rọi con đường phát triển tương lai của Học viện Tư pháp, tạo động lực mạnh mẽ để tất cả  thành viên trong nhà trường cùng nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu đưa Học viện Tư pháp trở thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp, đưa Học viện lên vị trí hàng đầu trong số các cơ sở đào tạo nghề Luật tại Việt Nam và là nơi hiện thực hóa ước mơ của những người yêu chuộng công lý, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp bảo vệ các quyền con người cơ bản trong thời đại và xã hội tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao giá trị nhân văn và dân chủ.

Phù hợp với sứ mệnh của cơ sở đào tạo nghề Luật đầu tiên tại Việt Nam, Kế hoạch này vừa tạo dựng điểm tựa về tinh thần và tổ chức, vừa có tác dụng là công cụ quản trị hữu dụng để định vị mục tiêu, chiến lược và giải pháp thực hiện mục tiêu chung cho giai đoạn phát triển 2015 – 2020 của Học viện Tư pháp trong điều kiện, tình hình mới.  

1. Phân tích bối cảnh và tình hình của Học viện Tư pháp

1.1. Chức năng, nhiệm vụ, lịch sử hình thành và thành tựu đào tạo của Học viện Tư pháp

Trước yêu cầu của việc xây dựng đội ngũ các chức danh tư pháp ngang tầm với sự nghiệp đổi mới đất nước, năm 1996, Bộ Tư pháp đã thành lập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác nhằm góp phần chuẩn hoá trình độ cho các Thẩm phán theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 1993. Ngày 11 tháng 02 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp. Trường Đào tạo các chức danh tư pháp có nhiệm vụ đào tạo Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác theo các hình thức tập trung và tại chức.

Ngay sau khi được thành lập, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp đã đào tạo khóa nguồn thẩm phán đầu tiên với 104 học viên. Phát huy kết quả đạt được từ đào tạo nghiệp vụ xét xử, nhà trường tiếp tục tổ chức đào tạo nghiệp vụ các chức danh tư pháp khác như  công chứng viên, thư ký tòa án, chấp hành viên, luật sư.

Từ việc tổ chức thành công các khoá đào tạo Thẩm phán, Luật sư, Công chứng viên… mô hình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp dần được khẳng định. Tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Công chứng viên, Luật sư… được nâng lên một bước và chính thức được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh tư pháp đã mở ra mô hình đào tạo mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam: đào tạo kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Quá trình đào tạo nghề trang bị cho học viên một cách hệ thống các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, nhờ đó rút ngắn thời gian tự học tập, làm quen với công việc, tự tin hơn khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trước thực trạng nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp còn nhiều hạn chế cả về số lượng cũng như về chất lượng, để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 02/01/2002 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới”, trong đó nhận định về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ tư pháp và những bất cập của hệ thống đào tạo cán bộ tư pháp, đồng thời nêu rõ chủ trương thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp. Ngày 19 tháng 3 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW trong đó có nội dung: “giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác xây dựng Đề án thành lập Học viện Tư pháp nhằm thống nhất công tác đào tạo nghề cho các CDTP”. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án thành lập Học viện Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18 tháng 11 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Học viện Tư pháp. Ngày 25 tháng 02 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp và giao Học viện Tư pháp nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác; nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Từ năm 1998 đến ngày 30 tháng 6 năm 2013, Học viện đã đào tạo được tổng số 33.778 học viên các chức danh tư pháp, (trong đó có 29.927 học viên được cấp chứng chỉ tốt nghiệp, cụ thể là 13 khóa nghiệp vụ xét xử với 4.499 học viên; 02 khóa Thư ký Toà án với 99 học viên; 4 khóa nghiệp vụ kiểm sát viên với 873 học viên; 13 khóa nghiệp vụ luật sư với 17.783 học viên; 12 khóa nghiệp vụ thi hành án với 3.263 học viên; 13 khóa nghiệp vụ công chứng viên với 1.924 học viên; 4 khóa nghiệp vụ đấu giá viên với 317 học viên; 3 khóa nghiệp vụ lý lịch tư pháp với 125 học viên. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp còn làm tốt nhiệm đào tạo nguồn các chức danh tư pháp cho nước bạn Lào với 04 học viên thẩm phán, 20 học viên công chứng và 20 học viên thi hành án. Những thành tựu đào tạo của Học viện Tư pháp đã góp phần đáng kể vào công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, phục vụ cải cách tư pháp.

1. 2. Phân tích SWOT từ thực trạng Học viện Tư pháp

Bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội đất nước, thể chế pháp lý hiện hành về đào tạo chức danh tư pháp và thực tiễn hoạt động của Học viện Tư pháp qua 17 năm xây dựng và phát triển đã thể hiện rõ những điểm mạnh, điểm hạn chế, cơ hội và thách thức đặt ra cho Học viện như sau:

            1.2.1. Điểm mạnh

             + Học viện Tư pháp đã, đang và luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các ngành, tổ chức liên quan (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Liên đoàn Luật sự Việt Nam…) trong suốt thời gian từ khởi đầu thành lập (năm 1998) đến nay.

            +  Học viện Tư pháp đã bước đầu khẳng định được “thương hiệu” về đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, thể hiện qua chương trình, phương pháp, công nghệ đào tạo, nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực và nguồn lực vật chất phục vụ hoạt động đào tạo.

            + Học viện có tô chức bộ máy về đào tạo và quản trị đào tạo với bề dày kinh nghiệm về tổ chức, phát triển mô hình đào tạo các chức danh tư pháp;

+ Học viện xây dựng và phát triển bền vững mạng lưới các đối tác liên kết và hợp tác trong nước, nước ngoài và một số tổ chức quốc tế, thường xuyên trao dồi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo chức danh tư pháp, chia sẻ phương pháp và công nghệ tiên tiến về phát triển, mở rộng mô hình đào tạo chức danh tư pháp;

+  Học viện có cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống phòng làm việc, hội trường, ký túc xá, trang thiết bị phục vụ đào tạo, quản trị đào tạo mới được đầu tư trang bị lại từ năm 2013, .

+ Hoạt động của Học viện được chi trả từ ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp,

            1.2.2. Điểm hạn chế

            +  Khả năng chia sẻ, trải nghiệm kinh nghiệm thực tế cho học viện của đội ngũ giảng viên cơ hữu còn hạn chế, năng lực sư phạm của giảng viên thỉnh giảng chua đồng đều so với giảng viên cơ hữu;

.           +  Hệ thống quản trị đào tạo con chậm đổi mới, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên viên chưa cao;

+ Thể chế pháp lý điều chỉnh hệ thống đào tạo và quản trị đào tạo chưa hoàn thiện, bị chi phối bởi cơ chế đặc thù về đào tạo chức danh tư pháp

            +  Việc điều động giảng viên thỉnh giảng, bố trí môi trường trải nghiện, tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp cho Học viên phụ thuộc vào đối tác và ngành hữu quan.

+ Cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự tác động của cơ chế hành chính, thiếu tính mở, tính năng động và sáng tạo.           

            1.2.3.  Cơ hội

            +  Phát huy lợi thế cạnh tranh của cơ sở đào tạo đã có bề dày kinh nghiệm 17 năm thực hiện mô hình đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam, tổ chức xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật mới (NĐ 16/2015 về đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm).

            + Tận dụng tối đa sự hỗ trợ của chính phủ đối với quá trình hiện thực hóa đề án 2083 về xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo chức danh tư pháp; đề án 123 về liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế

            + Học viện có thế hệ cán bộ lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các khoa, phòng ban trẻ tuổi, năng động, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm, bài học quản lý của các thế hệ đi trước.   

            +  Phát huy sức mạnh, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng để mở rộng, phát triển và hoàn thiện các chương trình đào tạo chức danh tư pháp và bồi dưỡng chuyên môn pháp luật đáp ứng yêu cầu của ngành và nhu cầu xã hội

+ Sử dụng và phát triển bền vững hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ đào tạo chức danh tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới, cải cách về tư pháp và hội nhập quốc tế cao của các đối tác hợp tác trong và quốc tế cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tại Học viện, đặc biệt sau năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập.

+ Cơ hội chia sẻ, trải nghiệm, tiếp cận hiệu quả với hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp sau quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống này tại các cơ sở đào tạo đại học trong nước và quốc tế;

1.2.4.  Thách thức

+ Tác động không mong muốn từ mặt trái của tư duy, kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động đào tạo, quản trị đào tạo trong các đơn vị giáo dục công lập đến hiệu quả, chất lượng công tác đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại HVTP;

+ Rào cản từ thể chế chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất về đào tạo chức danh tư pháp trong việc xây dựng, mở rộng, phát triển mô hình đào tạo, nhất là mô hình đào tạo chức danh tư pháp tiên tiến, chất lượng cao;

+ Rào cản trong cơ chế phối hợp với các ngành, tổ chức hữu quan trong quản lý, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo nghề luật khác

+ Sự thiếu hụt về đội ngũ lãnh đạo, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, kỹ năng sư phạm và trải nghiệm nghề nghiệp chức danh tư pháp lâu năm do khách quan về chuyển giao thế hệ lãnh đạo, giang viên và chức danh tư pháp bắt đầu từ sau năm 2015

            +  Sự thiếu cập nhật của một bộ phận lãnh đạo, giảng viên, viên chức đối với những thay đổi, phát triển hiện đại của hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, khoa học pháp lý, khoa học quản trị đào tạo và các lĩnh vực khoa hộc xã học có giá trị hỗ trợ tích cực đối với yêu cầu đào tạo toàn diện của các chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại HVTP;.

1.      Định hướng chiến lược của Học viện Tư pháp

1.1 . Sứ mệnh của Học viện Tư pháp

Học viện Tư pháp trở thành Trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng, liên kết đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp và cung ứng dịch vụ tư vấn pháp lý cùng các sản phẩm nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng, phục vụ yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao cho đất nước.

1.2 . Tầm nhìn về đảm bảo chất lượng

Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu. Học viện Tư pháp phải luôn luôn tự đánh giá, kiểm tra chất lượng bằng nhiều phương pháp, nhiều nguồn thông tin để có giải pháp điều chỉnh cho thích hợp, nhằm mục đích ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Kiểm định chất lượng cần tập trung vào mục tiêu đào tạo, kết quả thực hiện, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và sự chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp để đảm bảo thực hiện thành công toàn bộ chiến lược phát triển.

1.3 . Các giá trị của Học viện Tư pháp

Các giá trị đã trở thành cốt lõi, truyền thống của Học viện Tư pháp sau 17 năm xây dựng, trưởng thành là:

- Bảo tồn, tôn vinh và phát triển bền vững triết lý đào tạo “thực học, thực nghề” của mô hình, công nghệ đào tạo chức danh tư pháp trong môi trường tôn trọng quyền con người cơ bản, công lý và lẽ công bằng;

- Tuân thủ sự thượng tôn pháp luật trong tư duy và hành động của toàn hệ thống đào tạo và quản trị đào tạo;

- Coi trọng sức mạnh truyền thống và hiện đại của đoàn kết nội bộ, lấy trách nhiệm xã hội làm động lực gắn kết và phát triển hài hòa với cộng đồng đào tạo nghề luật trong nước và trong khu vực; 

- Rèn luyện tính bản lĩnh, độc lập và khả năng phối hợp hiệu quả cho người học thông qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp các chức danh tư pháp

- Mô hình quản trị đào tạo và nguồn lực đào tạo chuyên nghiệp và hiện đại hóa là mục tiêu xuyên suốt;

- Tạo dựng sự trải nghiệm hoạt động nghề nghiệp thực tiễn một cách chân thực và sống động thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp chức danh tư pháp;

2.4.  Quan điểm phát triển của Học viện Tư pháp

-  Phát triển bền vững.

-  Coi trọng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế.

-  Đội ngũ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhân bản trong môi trường sư phạm thân thiện, văn hóa tổ chức gắn kết và tạo động lực để cống hiến và phát triển tài năng

-  Bộ máy chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, sáng tạo và hội nhập cao

- Thường xuyên cải thiện quy trình, công cụ, điều kiện, nguồn lực, môi trường đảm bảo chất lượng đối với chương trình và cơ sở đào tạo theo hướng phát triển hài hòa và hiện đại hóa

3. Xác định mục tiêu

3.1. Mục tiêu chung

- Chuẩn hóa hệ thống Chương trình đào tạo chức danh tư pháp, hệ thống Chương trình bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp theo nhu cầu xã hội và mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng về diện và lượng;

- Chuyên nghiệp hóa năng lực hoạt động và năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của Hệ thống Quản trị đào tạo;

- Đạt và thường xuyên cải thiện chỉ số hài lòng của cộng đồng xã hội và người học đối với các Chương trình, Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý ứng dụng do Học viện cung cấp;

- Duy trì và phát triển bền vững năng lực hội nhập của Học viện vào cộng đồng đào tạo nghề luật trong nước và hướng mạnh vào Cộng đồng đào tạo nghề Luật trong khu vực châu Á;

- Thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;

     - Văn hoá chất lượng trong toàn Học viện Tư pháp trở thành yếu tố cốt lõi để thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn pháp luật. Kiểm định chất lượng đào tạo được thực hiện theo các chuẩn đặc thù phù hợp với đặc trưng đào tạo nghề tư pháp trên cơ sở kế thừa những điểm phù hợp trong Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kinh nghiệm của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN), Hiệp hội các nhà đào tạo tư pháp Hoa Kỳ. Chú trọng xây dựng, phát triển các yếu tố đảm bảo chất lượng một cách toàn diện từ đội ngũ cán bộ, giảng viên; hệ thống giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất...

- Hiện hữu hình ảnh một Học viện hàng đầu về đào tạo nghề Luật, phát triển hài hòa trong môi trường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp dựa trên nguyên lý thống nhất trong đa dạng, năng động, thân thiện với cộng đồng, là biểu tưởng của tinh thần thượng tôn pháp luật và là “ngọn hải đăng” cho những khát vọng phấn đấu vì công lý và các quyền con người cơ bản.

3.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, Học viện Tư pháp được kiểm định chất lượng (kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo) theo định hướng tiêu chuẩn chất lượng;

- Đến năm 2020, có ít nhất 60% các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp được tự đánh giá và/hoặc kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn chất lượng của Học viện Tư pháp.

- Đến năm 2020, Học viện Tư pháp có 100% giảng viên cơ hữu có trình độ sau đại học trong đó 40% giảng viên cơ hữu là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 80% giảng viên cơ hữu vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ của các chức danh tư pháp tương ứng với các chương trình đào tạo; đảm bảo 100% giảng viên thỉnh giảng được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

- Đến năm 2020, Học viện Tư pháp có cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, có nguồn tài chính đủ mạnh để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. 

4. Các giải pháp chiến lược

4.1. Tăng cường công tác lãnh đạo về tư tưởng, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong nhà trường.

4.2. Từng bước xây dựng cơ cấu tổ chức trong nhà trường.

4.3. Phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.

4.4. Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học.

4.5. Từng bước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới cơ chế chi tiêu tài chính và chăm lo đời sống cho cán bộ, giảng viên.

4.6. Đa dạng hóa các  mô hình đào tạo.

4.7. Gắn đào tạo với sử dụng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hợp tác quốc tế.

4.8. Tăng cường công tác quản lý học viên.

4.9. Xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường.

4.10. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong nhà trường

            5. Phân công thực hiện chiến lược

 Các đơn vị trong Học viện thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ đã được quy định trong “quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và vị trí việc làm đối với từng đơn vị, cá nhân, nhằm thực hiện các mục tiêu chung của nhà trường.

 

 

PHỤ LỤC 2: BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT

BỘ TƯ PHÁP

HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 

 
 
 

 

 

 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

 


Hà Nội, ngày      tháng       năm 2015

BÁO CÁO

Về việc phân tích số liệu điều tra của đề tài

Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại

Học viện Tư pháp – Thực trạng và giải pháp

                                   

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện đề tài: “Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp – Thực trạng và giải pháp”, Học viện Tư pháp đã tiến hành phát:

- 422 Phiếu hỏi về đánh giá chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp, trong đó:

+ 352 Phiếu hỏi dành cho học viên

+ 70 Phiếu hỏi dành cho cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp.

- 78 Phiếu hỏi về xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp dành cho cán bộ, giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức của Học viện Tư pháp.

Trên cơ sở tổng hợp kết quả của các phiếu điều tra thu về, chúng tôi xin phân tích cụ thể kết quả số liệu điều tra như sau:

A. Kết quả phân tích 352 Phiếu hỏi về đánh giá các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp dành cho đối tượng khảo sát là học viên.

Trong phiếu hỏi bao gồm các nội dung cần điều tra như: Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT (VN) về nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo; Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN về nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo và vấn đề thực hiện chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN của Học viện Tư pháp.

I. Kết quả khảo sát về nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo

1. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT (VN)

1.1. Chương trình đào tạo của đơn vị được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

-   1,7% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 6 phiếu;

-   2,6% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị không đáp ứng yêu cầu tương ứng 9 phiếu;

- 11,4% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 40 phiếu

- 48,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị đáp ứng được yêu cầu tương ứng 172 phiếu

- 20,7% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị đáp ứng tốt tương ứng 73 phiếu

- 9,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị đáp ứng rất tốt tương ứng 32 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

 

1.2. Có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới;

-   1,7% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 6 phiếu;

-   6,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị không đáp ứng yêu cầu tương ứng 22 phiếu;

- 18,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 64 phiếu

- 40,5% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới đáp ứng được yêu cầu tương ứng 143 phiếu

- 20,5% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới đáp ứng tốt tương ứng 72 phiếu

- 8,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới đáp ứng rất tốt tương ứng 31 phiếu

- 4% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới đáp ứng xuất sắc tương ứng 14 phiếu.

 

1.3. Có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

-   1,4% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp nhưng hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 5 phiếu;

-   2,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp nhưng không đáp ứng yêu cầu tương ứng 8 phiếu;

- 12,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp nhưng không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 43 phiếu

- 41,5% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu tương ứng 146 phiếu

- 24,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp đáp ứng tốt tương ứng 85 phiếu

- 12,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp đáp ứng rất tốt tương ứng 43 phiếu

- 6,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới đáp ứng xuất sắc tương ứng 22 phiếu.

 

1.4.Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống

-   1,7% người được hỏi có ý kiến về chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống nhưng hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 6 phiếu;

-   5,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống nhưng không đáp ứng yêu cầu tương ứng 8 phiếu;

- 15,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống nhưng không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 54 phiếu

- 37% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống đáp ứng được yêu cầu tương ứng 130 phiếu

- 23,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống đáp ứng tốt tương ứng 82 phiếu

- 9,9% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống đáp ứng rất tốt tương ứng 35 phiếu

- 7,7% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống đáp ứng xuất sắc tương ứng 27 phiếu.

 

1.5.Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật để trở thành các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

-   0,8% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo về nội dung mục 1.5 của đơn vị hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

-   6% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị về nội dung mục 1.5 không đáp ứng yêu cầu tương ứng 21 phiếu;

- 11,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị về nội dung mục 1.5 không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 40 phiếu;

- 42% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật để trở thành các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó ở mức độ đáp ứng được yêu cầu tương ứng 148 phiếu

- 23,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị về nội dung mục 1.5 đáp ứng tốt tương ứng 82 phiếu

- 9,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị về nội dung mục 1.5 đáp ứng rất tốt tương ứng 33 phiếu

- 7,4% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo về nội dung mục 1.5  của đơn vị đáp ứng xuất sắc tương ứng 26 phiếu.

 

1.6.Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

-   0,9% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 6 phiếu;

- 6% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị không đáp ứng yêu cầu tương ứng 21 phiếu;

- 11,4% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 40 phiếu

- 48,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu tương ứng 172 phiếu

- 20,7% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng tốt tương ứng 73 phiếu

- 9,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng rất tốt tương ứng 32 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

 

1.7.Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

-   1,1% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh không đáp ứng yêu cầu tương ứng 7 phiếu;

- 17,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 61 phiếu

- 42,9% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh đáp ứng được yêu cầu tương ứng 151 phiếu

- 21,6% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh đáp ứng tốt tương ứng 76 phiếu

- 8,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh đáp ứng rất tốt tương ứng 31 phiếu

- 6,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được định kỳ bổ sung, điều chỉnh đáp ứng xuất sắc tương ứng 23 phiếu.

 

1.8.Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.

-   1,4% người được hỏi có ý kiến chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 5 phiếu;

- 4,5% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác không đáp ứng yêu cầu tương ứng 16 phiếu;

- 18,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 64 phiếu

- 41,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác đáp ứng được yêu cầu tương ứng 145 phiếu

- 22,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác đáp ứng tốt tương ứng 79 phiếu

- 7,4% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác đáp ứng rất tốt tương ứng 26 phiếu

- 5,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác đáp ứng xuất sắc tương ứng 18 phiếu.

 

1.9.Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

-   0,6% người được hỏi có ý kiến cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 2 phiếu;

- 5,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá không đáp ứng yêu cầu tương ứng 18 phiếu;

- 17,1% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 60 phiếu

- 43,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá đáp ứng được yêu cầu tương ứng 152 phiếu

- 19,3% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá đáp ứng tốt tương ứng 68 phiếu

- 9,9% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá đáp ứng rất tốt tương ứng 36 phiếu

- 4,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác đáp ứng xuất sắc tương ứng 17 phiếu.

2. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn AUN

Mục đánh giá chung cho mục này khi được hỏi, kết quả:

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 3,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 11 phiếu;

- 13,6% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 48 phiếu

- 42,6,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 150 phiếu

- 26,2% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 93 phiếu

- 8,5% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 30 phiếu

- 4,8% người được hỏi cho rằng chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 17 phiếu.

            II. Kết quả khảo sát về thực hiện chương trình đào tạo (theo tiêu chuẩn của AUN)

            Mục 3: Nhận xét chung về kế hoạch giảng dạy và học tập

-   1,4% người được hỏi có ý kiến cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 5 phiếu;

- 2,3% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 8 phiếu;

- 11,1% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 39 phiếu

- 40,1% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 141 phiếu

- 29,2% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 103 phiếu

- 8,8% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 32 phiếu

- 7,1% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 25 phiếu.

            Mục 4. Về đánh giá học viên

-   0,9% người được hỏi có ý kiến cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 3 phiếu;

- 2,5% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 9 phiếu;

- 10,2% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 36 phiếu;

- 45,5% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 160 phiếu;

- 25,3% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 90 phiếu;

- 10,2% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 36 phiếu

- 5,4% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 19 phiếu.

            Mục 5 Chất lượng đội ngũ giảng viên

-   0,9% người được hỏi có ý kiến cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 3 phiếu;

- 2,3% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 8 phiếu;

- 7,4% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên  của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 26 phiếu;

- 45,5% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 160 phiếu;

- 24,1% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 85 phiếu;

- 12,8% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 46 phiếu

- 7% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 24 phiếu.

            Mục 6 Chất lượng nhân viên quản lý

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 3,4% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 12 phiếu;

- 15,2% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 53 phiếu;

- 41,8% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 148 phiếu;

- 24,3% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 86 phiếu;

- 8,5% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 30 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

            Mục 7 Chất lượng học viên

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 3,4% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 12 phiếu;

- 8% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 28 phiếu;

- 45,2% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 160 phiếu;

- 28% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 99 phiếu;

- 8,3% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 29 phiếu

- 6% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 21 phiếu.

            Mục 8 Tư vấn và hỗ trợ học viên

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 2,8% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 10 phiếu;

- 12,1% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 43 phiếu;

- 45,2% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 153 phiếu;

- 24,3% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 87 phiếu;

- 9,9% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 35 phiếu

- 6% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 21 phiếu.

            Mục 9.  Các trang thiết bị và cơ sở vật chất

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 3,4% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 12 phiếu;

- 12,8% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 45 phiếu;

- 41,9% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 147 phiếu;

- 21,9% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 77 phiếu;

- 12,2% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 44 phiếu

- 7% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 24 phiếu.

            Mục 10 Đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập

-   1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 1,7% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập  của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 6 phiếu;

- 11,7% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 41 phiếu;

- 46% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 163 phiếu;

- 21,6% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 76 phiếu;

- 12,2% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 43 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

            Mục 11. Các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)

- 1,1% người được hỏi có ý kiến cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 4 phiếu;

- 2% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 7 phiếu;

- 9,1% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 32 phiếu;

- 48,3% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 170 phiếu;

- 21,6% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)vcủa đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 76 phiếu;

- 12,2% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)vcủa đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 43 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

            Mục 12 Phản hồi của các bên có liên quan

-   0,9% người được hỏi có ý kiến cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 3 phiếu;

- 3,4% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 12 phiếu;

- 9,4% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 33 phiếu;

- 47,7% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 168 phiếu;

- 23,3% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 82 phiếu;

- 9,9% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 35 phiếu

- 5,4% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 19 phiếu.

            Mục 13. Kết quả đầu ra

-   0,9% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 3 phiếu;

- 1,3% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 5 phiếu;

- 8,8% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 31 phiếu;

- 45,5% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 160 phiếu;

- 26,4% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 93 phiếu;

- 11,4% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 40 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 20 phiếu.

            Mục 14 Sự hài lòng của các bên liên quan

-   0,9% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN hoàn toàn không đáp ứng tương ứng 3 phiếu;

- 1,4% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 5 phiếu;

- 10,5% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 37 phiếu;

- 46,6% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 164 phiếu;

- 22,7% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 80 phiếu;

- 11,9% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 42 phiếu

- 6% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng xuất sắc tương ứng 21 phiếu.

           

            Các ý kiến khác của Học viên:

a) Nội dung chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp cần được điều chỉnh, sửa đổi như thế nào để phù hợp hơn và đáp ứng tốt nhu cầu của người học:

            - Thời gian học cần rút ngắn từ 01 năm xuống còn 06 tháng.

            - Lịch học nên bố trí học các chiều hàng tuần.

            - Nên lược bỏ một số nội dung học.

            - Cần điều chỉnh lại thời gian thực tập tại đơn vị cơ sở. Đề nghị tăng thời gian thực tập lên khoảng 2-3 tháng

            - Thời gian đi thực tập phải điều chỉnh lại để khi học hết các chương trình cơ bản rồi mới để đi thực tập

- Nên tăng số giờ thực hành kỹ năng thực tế.

- Chương trình đào tạo cần tăng theo hướng tăng thêm thời gian đi thực tế.

            - Công khai minh mạch chương trình môn học, chương trình chi tiết bài học.

            -  Nội dung chương trình cần được thay đổi phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

            - Kết hợp lý thuyết với thực hành nhiều hơn nữa.

            - Hồ sơ tài liệu học tập cần được chuẩn bị kỹ càng hơn.

            - Bố trí thời gian thực tập hợp lý.

            - Việc đánh giá chất lượng học tập cần thay đổi.

- Cần lắp đặt lưới công nghệ thông tin, tin học hóa mọi lĩnh vực.

- Thiết kế chương trình cụ thể để học viên dễ dàng sắp xếp.

- Nên đào tạo theo mô hình toàn diện kiến thức nghiệp vụ kiểm sát + luật sư + thẩm phán bằng hình thức 3 trong 1.

- Tăng cường diễn án chung.

- Tổ chức diễn án chung với các giảng viên thỉnh giảng là những vai đã có thực tiễn để cho học viên cọ sát thực tế.

            - Không nên để 01 giảng viên dạy 01 lớp liên tục trong tuần.

            - Tăng cường biện pháp song giảng

            - Đề nghị thời gian thực tập bố trí vào cuối khóa học.

            - Chương trình cụ thể và lịch học rõ ràng.

            - Chương trình đào tạo cần tăng cường các môn học chuyên sâu về kỹ năng, tăng cường cọ sát giữa các học viên giữa các chức danh (KS, TP, LS).

            - Tăng cường thi đua học tập giữa các khoa, tạo nhận thức chung trong việc áp dụng pháp luật.

            - Giảm bớt các môn học lý thuyết (số tiết học lý thuyết còn nhiều) viêc thẹc tế còn nhiều hạn chế.

            -  Đầu tư nhiều hơn cho thư viện, tăng các đầu sách. Cần sắp xếp hợp lý khoa học hơn.

            - Giờ mở cửa thư viện muộn, đóng cửa sớm quá,  thư viện cần mở các ngày trong tuần.

            - Thời gian thực tập nên bố trí cuối khóa học trước khi tốt nghiệp để vận dụng kỹ năng đã học.

            - Bỏ bớt kỳ thi.

            - Không nên tạo quá nhiều áp lực về điểm số, trượt, học lại… cho học viên mà nên chú trọng khuyến khích tinh thần tự học, yêu ngành, yêu nghề.

            - Chương trình đào tạo khắt khe tạo tâm lý lo lắng, mệt mỏi cho học viên.

- Cần đào tạo đi sâu kỹ năng hơn,

            - Thiết kế lại chương trình quản lý học viên, hiện tại không khoa học. Việc kiểm tra thường xuyên hàng ngày bất hợp lý, tốn giấy.

            Tuy nhiên chất lượng giảng viên còn chưa đảm bảo, kỹ năng truyền đạt chưa tốt nên chưa truyền đạt được cho học viên tất cả các kiến thức cần thiết.

            - Cách tính điểm không hợp lý, không cần thiết tính nhiều loại điểm như vậy.

            - Xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với công tác đào tạo Các chức danh tư pháp.

           

b) Việc thực hiện các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp cần được cải tiến  như thế nào để đảm bảo, nâng cao chất lượng theo nhu cầu của người học:

            - Nên đưa nội dung học

            + Xây dựng kỹ năng nói của Học viên.

            + Xây dựng kỹ năng viết của Học viên.

-         Cần có đội ngũ cán bộ cơ hữu đông đảo hơn.

-         Cần bổ sung nhiều tài liệu.

            - Diễn án cần phân vai theo hình thức bốc thăm.

            - Đầu tư cho HV trực tiếp thực hiện các phương tiện điều tra, giám định để hình thành khái niệm và nhận thức kỹ năng sử dụng và nhận biết.

            - Tổ chức các hội thảo khoa học để HV tham gia

            - Tổ chức thi tuyển giáo viên thỉnh giảng theo đợt học và HV có điều kiện lựa chọn.

            - Đồng bộ các giải pháp giảng dạy khoa học hợp lý, phù hợp hơn.

            - Tổ chức học một số tiết cho 03 chức danh (KSV, LS, TP) để thống nhất việc áp dụng pháp luật tố tụng cũng như nhận thức chuẩn mực về luật nội dung.

            - Tăng cường diễn án chung, để tạo sự thi đua giữa các chức danh tư pháp, coi việc diễn án chung là chủ đạo vì đây là môi trường gắn với thực tế.

            - Bổ sung đa dạng và đầy đủ các hồ sơ phục vụ học tập.

            - Việc nghiên cứu, mổ xẻ 1 hồ sơ tình huống nên dài hơn, học sâu từng hồ sơ.

            - Kiểm tra thường xuyên điểm danh là không cần thiết.

            - Bài thu hoạch, bài tiểu luận còn mang tính hình thức, chưa chuyên sâu. Nên bỏ bớt.

            - Diễn án cần chú trọng vào chất lượng buổi diễn án chú không phải bài thu hoạch. Nên bố trí cho các học viên tham gia lần lượt, lấy điểm nghiên cứu, diễn trực tiếp…. để đào tạo kỹ năng KS tại phiên tòa.

            - Bài thu hoạch, bài tiểu luận không cần thiết.

            - Cần tổ chức các buổi học ngoại khóa, thực hiện điều tra, trại tạm giam, các phiên tòa kết hợp giữa các  chức danh.

             Đi sâu và kỹ năng kiểm sát tại phiên tòa.

            - Cần tổ chức nhiều hơn những buổi học ngoại khóa, thực nghiệm điều tra, thực nghiệm trại giam, khám nghiệm hiện trường, tham gia phiên tòa thực tế.

            - Đi sâu vào các kỹ năng kiểm sát tại phiên tòa, tổ chức diễn án, các học viên đều phải tham gia diễn án 1 lần.

            - Thay đổi giáo trình theo hướng tăng tính ứng dụng với các chức danh đào tạo

            - Học viện Tư pháp nên có nhiều các khóa học thực tập thực tế.

            - Tạo điều kiện cho các lớp đang học tại HVTp giao lưu học hỏi kinh nghiệm nhau.

            - Tăng cường kết hợp giữa đào tạo kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng đào tạo mềm.

           

c) Các ý kiến góp ý khác hoặc kiến nghị của Anh (Chị) về giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Tư pháp ?

           

-         Các đề thi kết thúc học phần cần ra đề mở hơn nữa, nội dung các vụ án, tình tiết, chứng cứ cần bổ sung.

-         Mở các buổi học kỹ năng mềm.

-         Tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ, trao đổi với những người làm trong ngành có nhiều kinh nghiệm

-         Để nâng cao chất lượng đào tạo của HVTP trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thỉnh giàng.

-         Xây dựng bộ giáo trình chuẩn cho các kiến thức đào tạo.

-         Hiện đại hóa cơ sở vật chất của thư viện về tất cả mọi mặt.

-         Xây dựng sửa đổi quy chế đào tạo theo hướng mở tạo điều kiện cho người học.

-         Cập nhật thường xuyên văn bản mới có hiệu lực pháp luật để kịp thời phổ biến cho học viên.

-         Nên mời các KSV thực tế nhiều hơn để học viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn.

-         Việc mời các giảng viên bên ngoài cần có sự lựa chọn lọc hơn trước khi lên lớp.

-         Tổ chức một lớp học với số lượng nguồn vừa phải gắn với 03 chức danh.

-         Nên tổ chức đi thực tế tại phiên tòa, trại giam, Học viện cảnh sát…

-         Mở các lớp kỹ năng mềm dạy về kỹ năng nghe nói, thuyết trình, hùng biện… điều này cần thiết.

-         Đánh giá chất lượng qua các bài thuyết trình, hùng biện.

-         Các kỹ năng phần mềm: đối đáp, thuyết trình trước đám đông.

-         Đánh giá chất lượng học viên qua các bài thi, bài vấn đáp, thuyết trình, hùng biện.

-         Chú trọng thêm đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết minh, khả năng lắng nghe đối đáp, tư duy lô gic.

-         Đánh giá chất lượng học viên qua các bài thi, bài vấn đáp, thuyết trình, hùng biện.

-         Chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, khả năng nghe đối đáp, kỹ năng nói trước đám đông, tư duy logic.

-         Điều kiện cơ sở vật chất ăn ở cho học viên

-         Thái độ của nhân viên, cán bộ học viên đối với học viên

-         Giáo viên chuyên môn giỏi lý thuyết và kinh nghiệm thực tế

-         Giảng viên ngoài kiến thức về ngành học cần phải nâng cao phương pháp giáo dục để đưa học viên tiếp cận bài học nhanh, hiệu quả, hiểu bài học sâu hơn.

-         Tăng cường bài tập tình huống kết hợp thực tế để học việc, có cơ hội học tập và trau dồi kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình làm việc sâu này.

-         Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất.

-         Rà soát các nội dung giảng dạy  sát với thực tế.

-         Có phương pháp đánh giá học viên phù hợp.

-         Chỉnh sửa hồ sơ, tài liệu phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

 

B. Kết quả phân tích 70 phiếu hỏi cán bộ, giảng viên về đánh giá các chương trình đào tạo của Học viện Tư pháp dành cho đối tượng khảo sát là cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp

I. Về nội dung, cấu trúc chương trình đào tạo

1. Đánh giá về nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN)

- 1,4% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN) không đáp ứng yêu cầu, tương ứng 1 phiếu;

- 11,4% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN) không đáp ứng yêu cầu, cần cải tiến tương ứng 8 phiếu;

- 58,6% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN) đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 41 phiếu;

- 22,8% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN) đáp ứng rất tốt yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

- 5,7% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo (VN) đáp ứng xuất sắc yêu cầu, tương ứng 4 phiếu.

2. Đánh giá về nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của AUN

- 7,2% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu, cần cải tiến tương ứng 5 phiếu;

- 58,6% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 41 phiếu;

- 25,7% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt yêu cầu, tương ứng 18 phiếu;

- 8,6% người được hỏi cho rằng nội dung, cấu trúc, chương trình đào tạo của đơn vị theo tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt yêu cầu, tương ứng 6 phiếu

II. Về thực hiện chương trình đào tạo

            Mục 3: Nhận xét chung về kế hoạch giảng dạy và học tập

- 4,3% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 3 phiếu;

- 51,4% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 36 phiếu;

- 31,4% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 22 phiếu;

- 12,9% người được hỏi cho rằng kế hoạch giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 9 phiếu

            Mục 4. Về đánh giá học viên

- 10% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 7 phiếu;

- 55,7% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 39 phiếu;

- 27,1% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 19 phiếu;

- 7,1% người được hỏi cho rằng đánh giá học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 5 phiếu

            Mục 5 Chất lượng đội ngũ giảng viên

- 12,9% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên  của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 9 phiếu;

- 45,7% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 32 phiếu;

- 35,7% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 25 phiếu;

- 5,7% người được hỏi cho rằng chất lượng đội ngũ giảng viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 4 phiếu

            Mục 6 Chất lượng nhân viên quản lý

- 14,3% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 10 phiếu;

- 58,6% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 41 phiếu;

- 22,8% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 16 phiếu;

- 4,3% người được hỏi cho rằng chất lượng nhân viên quản lý của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 3 phiếu

            Mục 7 Chất lượng học viên

- 15,7% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 11 phiếu;

- 57,1% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 40 phiếu;

- 24,3% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 17 phiếu;

- 2,9% người được hỏi cho rằng chất lượng học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 2 phiếu.

            Mục 8 Tư vấn và hỗ trợ học viên

- 1,4% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 1 phiếu;

- 14,3% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 10 phiếu;

- 54,3% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 38 phiếu;

- 27,1% người được hỏi cho rằng tư vấn và hỗ trợ học viên của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 19 phiếu;

            Mục 9.  Các trang thiết bị và cơ sở vật chất

- 18,55% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 13 phiếu;

- 58,6% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 41 phiếu;

- 18,55% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 13 phiếu;

- 4,3% người được hỏi cho rằng các trang thiết bị và cơ sở vật chất của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 3 phiếu

            Mục 10. Đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập

- 15,7% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 11 phiếu;

- 55,7% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 39 phiếu;

- 20% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 14 phiếu;

- 8,6% người được hỏi cho rằng đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 6 phiếu

            Mục 11. Các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)

- 1,4% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 1 phiếu;

- 7,2% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 5 phiếu;

- 60% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 42 phiếu;

- 21,4% người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 15 phiếu;

- 10%  người được hỏi cho rằng các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên) của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 7 phiếu

            Mục 12 Phản hồi của các bên có liên quan

- 2,9% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu tương ứng 2 phiếu;

- 10% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 7 phiếu;

- 58,6% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 41 phiếu;

- 22,8% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 16 phiếu;

- 5,7% người được hỏi cho rằng phản hồi của các bên có liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 4 phiếu

            Mục 13. Kết quả đầu ra

- 11,4% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 8 phiếu;

- 61,4% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 43 phiếu;

- 18,6 % người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 13 phiếu;

- 8,6% người được hỏi cho rằng kết quả đầu ra của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 6 phiếu

            Mục 14 Sự hài lòng của các bên liên quan

- 12,9% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN không đáp ứng yêu cầu cần cải tiến tương ứng 9 phiếu;

- 61,4% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng được yêu cầu tương ứng 43 phiếu;

- 14,3% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng tốt tương ứng 10 phiếu;

- 11,4% người được hỏi cho rằng sự hài lòng của các bên liên quan của đơn vị theo các tiêu chuẩn của AUN đáp ứng rất tốt tương ứng 8 phiếu

C. Kết quả phân tích 78 Phiếu hỏi về xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở đào tạo của Học viện Tư pháp dành cho đối tượng khảo sát là giảng viên, cán bộ HVTP

Tiêu chuẩn 1. Sứ mạng và mục tiêu của đơn vị đào tạo

1.1. Sứ mạng của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của đơn vị; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế của đất nước

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 12 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 19 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

1.2. Mục tiêu của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo đào tạokỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật là nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc (2) bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

1.3. Sứ mạng và mục tiêu của Học viện được công bố công khai, rộng rãi.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 16 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 35 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

Tiêu chuẩn 2. Tổ chức và quản lý

2.1. Cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với Điều lệ trường đại học; được cụ thể hoá trong quy chế về tổ chức và hoạt động của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

2.2. Có hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 53,8 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 42 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

2.3. Chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, người quản lý, giảng viên và nhân viên được phân định rõ ràng

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 53,8 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 42 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

2.4. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong Học viện hoạt động hiệu quả và hàng năm được đánh giá tốt; các hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Về việc xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 53,8 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 42 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

2.5. Có tổ chức đảm bảo chất lượng đào tạo, gồm trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách; có đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động đánh giá nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 53,8 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 42 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 29,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 23 phiếu

+ 37,2 % số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 29 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

2.6. Có các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của Học viện; có chính sách và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 53,8 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 42 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 21 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

2.7. Thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý về các hoạt động và lưu trữ đầy đủ các báo cáo của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 23% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 29 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

2.8. Học viện thu thập, phân tích và sử dụng các thông tin để quản lý hiệu quả những hoạt động cốt lõi (đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và tư vấn pháp luật) .

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo

3.1. Chương trình đào tạo của Học viện được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định khác hiện hành; có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới; có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu.

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 13 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

3.2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, trang bị các kỹ năng cụ thể và kiến thức cần thiết cho mỗi vị trí chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp được đào tạo; đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp; đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu.

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 12 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

3.3. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu.

+ 16,7 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 15 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 20 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

3.4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức đào tạo và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

3.5. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác có liên quan.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, phải có những giải pháp khắc phục ngay, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 42,3,% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

3.6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 57,7 % số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 45 phiếu

+ 12,8 % số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 10 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 20 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

3.7. Học viện xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chương trình đào tạo (programme specifications) kèm theo một tuyên bố rõ ràng, ngắn gọn bằng văn bản về mục tiêu học tập cụ thể, thực tế và đo lường được, thiết kế dự kiến và thực hiện để đạt được những mục tiêu này.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 28,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 38,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 30 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

3.8. Các chương trình đào tạo (curriculum) mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học; sử dụng phương pháp giáo dục người lớn thích hợp để đánh giá nhu cầu, thiết kế và thực hiện chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả)

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

3.9. Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của Học viện

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 19 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

3.10. Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, phẩm chất/ thái độ để đạt chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 19 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

3.11. Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo của quốc gia.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 14 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 20 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

3.12. Học viện có biện pháp và nguồn lực đánh giá thường xuyên và phân tích nhu cầu đào tạo, trách nhiệm thực hiện, mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra.    

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 19 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

3.13. Các chương trình và tài liệu đào tạo có hướng đến phát triển kỹ năng kết nối cộng đồng và các dịch vụ công cộng của người học trong hoạt động nghề nghiệp tương lai. Học viện có chương trình cộng tác chặt chẽ với cơ quan tư pháp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các đối tác cộng đồng để phát triển và thể chế hóa các chương trình kết nối cộng đồng gắn với hoạt động đào tạo và tư vấn pháp luật.    

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

Tiêu chuẩn 4. Hoạt động đào tạo

4.1. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của người học theo quy định.     

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

4.2. Thực hiện công nhận kết quả học tập của người học theo niên chế kết hợp với học phần.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

4.3. Có kế hoạch và phương pháp đánh giá hợp lý các hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm của người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

4.4. Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích luỹ của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 28,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 34,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 27 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

4.5. Kết quả học tập của người học được thông báo kịp thời, được lưu trữ đầy đủ, chính xác và an toàn. Văn bằng, chứng chỉ được cấp theo quy định và được công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 7 phiếu

+ 38,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 30 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

4.6. Có cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của đơn vị, tình hình học viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 28,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

4.7. Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi tốt nghiệp và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

4.8. Học viện có chiến lược giảng dạy và học tập “lấy người học làm trung tâm”; giúp người học tiếp thu và sử dụng kiến thức, kỹ năng một cách khoa học và theo định hướng ứng dụng/thực hành. 

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 13 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

4.9. Học viện xây dựng môi trường giảng dạy và học tập để người học tham gia vào quá trình một cách có ý thức; cung cấp các chương trình đào tạo với nhiều môn học lựa chọn, lộ trình học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương thức và thời gian học tập phù hợp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 19,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 15 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 21 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

4.10. Học viện tạo cho người học mọi cơ hội học tập, giao lưu, phát triển trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp.  

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 38,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 30 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 19 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

4.11. Các loại hình và phương pháp kiểm tra đánh giá được phổ biến đến mọi bên liên quan; tuân thủ các chuẩn đo lường đánh giá trong đào tạo và quy trình đảm bảo chất lượng bên trong.    

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

4.12. Có quy định về quy trình khiếu nại kết quả kiểm tra đánh giá

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 18 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

4.13. Có quy trình và phương pháp phù hợp, khả thi để thu thập phản hồi từ các bên liên quan về chất lượng đào tạo của Học viện .

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 21 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 20,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

Tiêu chuẩn 5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên

5.1. Có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý đáp ứng mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị; có quy trình, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm rõ ràng, minh bạch.   

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 21 phiếu

+ 35,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 28 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

 

5.2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ; được đảm bảo sự công bằng.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần phải có những giải pháp khắc phục ngay, tương ứng 1 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.3. Có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước để duy trì và nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9phiếu

5.4. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.5. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển đào tạo nhằm giảm tỷ lệ trung bình học viên/giảng viên.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.6. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy địnhchung và đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.7. Đội ngũ giảng viên được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hoá của đội ngũ giảng viên theo quy định; có tỷ lệ hợp lý người đã hoặc đang hành nghề chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc có kinh nghiệm công tác pháp luật thực tiễn.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

 

5.8. Giảng viên có kỹ năng  phát triển chương trình đào tạo và giáo dục đạo đức cho học viên người lớn; sử dụng được các phương pháp giáodục người lớn thích hợp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

5.9. Giảng viên tham gia vào hoạt động đánh giá thường xuyên và liên tục đối với mục tiêu, chương trình và kỹ thuật giảng dạy của mình để xác định việc đáp ứng nhu cầu của người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.10. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với giảng viên làm việc theo chế độ biệt phái từ các cơ quan tư pháp để tham gia chương trình đào tạo tương ứng với chức danh họ đang đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 47,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.11. Đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên đủ số lượng, có năng lực chuyên môn và được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

5.12. Học viện có các quy trình phù hợp về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

5.13. Xây dựng và duy trì đội ngũ giảng viên và nhân viên hỗ trợ có chất lượng cao thông qua xác định rõ trách nhiệm và đánh giá công việc thường xuyên; đề cao đạo đức nghề nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên, nhân viên và đánh giá hiệu quả các khoá đào tạo này.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 14 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 7 phiếu

5.14. Học viện tổ chức đánh giá cán bộ, giảng viên, nhân viên và thi đua, khen thưởng định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật. Hệ thống đánh giá cán bộ viên chức phù hợp, có phương pháp xây dựng, đáp ứng nhân lực có chất lượng và năng lực thực hiện các hoạt động cốt lõi: giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho xã hội và cộng đồng

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 21 phiếu

Tiêu chuẩn 6. Người học

6.1. Người học được hướng dẫn đầy đủ về chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá và các quy định trong quy chế đào tạo của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

6.2. Người học được đảm bảo chế độ chính sách xã hội, được khám sức khoẻ theo quy định y tế học đường; được tạo điều kiện hoạt động, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao và được đảm bảo an toàn trong khuôn viên của đơn vị đào tạo.   

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.3. Công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học được thực hiện có hiệu quả.   

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.4. Công tác Đảng, đoàn thể có tác dụng tốt trong việc rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 14 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

6.5. Có các biện pháp cụ thể, có tác dụng tích cực để hỗ trợ việc học tập và sinh hoạt của người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.6. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các nội quy của đơn vị đào tạo cho người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.7. Hỗ trợ học viên đạt được chất lượng học tập thông qua khả năng của các giảng viên cung cấp môi trường vật chất và tư liệu, môi trường xã hội hoặc hỗ trợ việc học, phù hợp với các hoạt động liên quan; có các hoạt động hỗ trợ hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.8. Người học được giới thiệu làm nguồn ứng viên thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp sau khi tốt nghiệp

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần phải có những giải pháp khắc phục ngay, tương ứng 1 phiếu

+ 2,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

6.9. Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện  trước khi tốt nghiệp

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

6.10. Học viên được đánh giá theo tiêu chí, quy định và quy trình đã công bố, áp dụng nhất quán; có các quy trình rõ ràng để đảm bảo việc đánh giá học viên; để đảm bảo chất lượng các kỳ thi; có quy trình giải quyết khiếu nại.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

6.11. Phương pháp đánh giá học viên được xác định một cách tích cực, cả trong và sau khi đào tạo, để đánh giá mức độ đáp ứng mong đợi, mục tiêu của người học trong các hoạt động học tập.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 16 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 18% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

Tiêu chuẩn 7: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ

7.1. Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ phù hợp với sứ mạng nghiên cứu và phát triển của đơn vị.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 28,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 41% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 32 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

7.2. Có các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

7.3. Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài nghiên cứu khoa học và phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của đơn vị đào tạo.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

7.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp và xây dựng, thực thi pháp luật nói riêng.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

7.5. Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học có thể bù đắp một phần kinh phí của đơn vị dành cho các hoạt động này.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần phải có những giải pháp khắc phục ngay, tương ứng 1 phiếu

+ 32,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 25 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

7.6. Các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, gắn kết với các viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị đào tạo khác và các doanh nghiệp. Kết quả của các hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp vào phát triển các nguồn lực của Học viện

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

7.7. Có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định; có các biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 29,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 23 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

7.8. Học viện có quy định về an toàn và sức khoẻ đối với cán bộ quản lí, giảng viên, kĩ thuật viên, nhân viên

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 28,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

+ 8,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 7 phiếu

7.9. Học viện có quy định và hướng dẫn về các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D); đảm bảo các đối tượng liên quan tuân thủ quy định và hướng dẫn này

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

7.10. Học viện có quy định và hướng dẫn trong công tác tư vấn, phục vụ cộng đồng và xã hội.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

7.11. Học viện hỗ trợ hiệu quả các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và sáng tạo phục vụ sứ mệnh của Học viện và các lợi ích xã hội.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 21 phiếu

+42,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

7.12. Học viện cam kết tuân thủ các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu khoa học và đạo đức nghiên cứu.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 46,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 36 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

Tiêu chuẩn 8. Hoạt động hợp tác quốc tế 

8.1. Các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

 

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

8.2. Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo có hiệu quả, thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật; các chương trình trao đổi giảng viên và người học, các hoạt động tham quan khảo sát, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đào tạo

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 41,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

8.3. Các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học có hiệu quả, thể hiện qua việc thực hiện dự án, đề án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các chương trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

9. Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác

9.1. Thư viện của đơn vị có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học. Có thư viện điện tử được nối mạng, phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học có hiệu quả.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 5,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 4 phiếu

+ 30,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 24 phiếu

+ 34,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 27 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

9.2. Có đủ số phòng học, giảng đường lớn, phòng thực hành, phục vụ cho dạy, học và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

9.3. Có đủ trang thiết bị dạy và học để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đảm bảo về chất lượng và sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của các chương trình đang đào tạo, bồi dưỡng

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 17 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

9.4. Cung cấp đầy đủ thiết bị tin học để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học và quản lý

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 28,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 39,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 31 phiếu

+ 19,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 15 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

9.5. Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

9.6. Có đủ phòng làm việc cho các cán bộ, giảng viên và nhân viên cơ hữu theo quy định.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

9.7. Có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3981-85. Diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

9.8. Có quy hoạch tổng thể về sử dụng và phát triển cơ sở vật chất trong kế hoạch chiến lược của đơn vị

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 34,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 27 phiếu

+ 15,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 12 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

9.9. Có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản, trật tự, an toàn cho cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 23,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 18 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

9.10. Nhà trường có hệ thống thông tin quản lý về giảng dạy và học tập; về nghiên cứu; và thường xuyên công bố các thông tin định lượng và định tính về nhà trường, về các chương trình đào tạo và bằng cấp mà nhà trường cung cấp.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

Tiêu chuẩn 10. Tài chính và quản lý tài chính

10.1. Có những giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, tạo được các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Học viện.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 42,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 33 phiếu

+ 20,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 16 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

10.2. Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính trong Học viện được chuẩn hoá, công khai hoá, minh bạch và theo quy định.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 44,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 35 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 13 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

10.3. Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của Học viện

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 26,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 21 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 10,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

10.4. Học viện đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các mục đích và mục tiêu;có nguồn lực thích hợp để lập kế hoạch và thực hiện đào tạo có hiệu quả; môi trường vật chất cho các hoạt động đào tạo đảm bảo hỗ trợ học tập và các mục tiêu học tập của học viên.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 43,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 34 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

Tiêu chuẩn 11. Đảm bảo chất lượng

11.1. Học viện công khai các chính sách và quy trình phù hợp để bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo và văn bằng của Học viện; cam kết phát triển văn hóa chất lượng; phân định rõ vai trò của các bên liên quan; xây dựng và triển khai chiến lược không ngừng cải tiến chất lượng của Học viện

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 52,6% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 41 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 14 phiếu

+ Còn lại 29,5% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 23 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 28,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 22 phiếu

+ 38,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 30 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 12,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 10 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 1 phiếu

11.2. Học viện có hệ thống giám sát chặt chẽ các hoạt động của đơn vị. Các chỉ số giám sát tối thiểu gồm: đánh giá người học, hệ thống theo dõi tiến bộ người học, tỷ lệ tốt nghiệp và thôi học, phản hồi của thị trường sử dụng lao động và cựu học viên, số lượng công trình công bố và tổng giá trị các nguồn tài trợ.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 50% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 39 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

11.3. Học viện định kỳ (tối thiểu 5 năm một lần) tiến hành thẩm định/đánh giá nội bộ (tự đánh giá) các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ phục vụ cộng đồng); có biện pháp, phương tiện kiểm tra mức độ phù hợp của các thành tựu đạt được so với mục tiêu đã đề ra; sử dụng các kết quả tự đánh giá của hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 2,6% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 2 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 48,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 38 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

+ 10,2% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

11.4. Học viện có phương pháp chặt chẽ để thu thập phản hồi từ những người có liên quan (ý kiến đánh giá của các chuyên gia, các đồng nghiệp từ các bộ phận khác trong trường hoặc từ các trường khác)

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần phải có những giải pháp khắc phục ngay, tương ứng 1 phiếu

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 24,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 19 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

11.5. Học viện có Sổ tay chất lượng (nêu rõ mọi quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến ĐBCL); sổ tay chất lượng được công bố, phổ biến đến giảng viên, học viên và mọi người có liên quan.

- Về việc Xác nhận đồng ý hay không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP

+ 56,4% số người được hỏi Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 44 phiếu

+ 16,7% số người được hỏi Xác nhận không đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP, tương ứng 13 phiếu

+ Còn lại 26,9% số người được hỏi không có ý kiến xác nhận, tương ứng 21 phiếu

- Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 1,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, cần có những giải pháp khắc phục, tương ứng 1 phiếu

+ 25,7% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 20 phiếu

+ 47,4% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 37 phiếu

+ 14,1% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 11 phiếu

+ 11,5% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 9 phiếu

12. Đánh giá chung

Về mức độ đánh giá về kết quả thực hiện:

+ 21,8% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này không đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ, sẽ đáp ứng được yêu cầu, tương ứng 17 phiếu

+ 50% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 39 phiếu

+ 17,9% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 14 phiếu

+ 10,3% số người được hỏi đánh giá tiêu chí này đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí Đảm bảo chất lượng, tương ứng 8 phiếu

 

 

 

 

BẢNG TỔNG HỢP KẾT QUẢ KHẢO SÁT

logo%20hoc%20vien%20tu%20phap%20TViet

ÐỀ TÀI NCKH CẤP BỘ 2014:                            HỆ THỐNG ÐẢM BẢO CHẤT LỰỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

-------------

PHỤ LỤC 2.1. KẾT QUẢ TỔNG HỢP KHẢO SÁT Ý KIẾN

XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CẤP

CƠ SỞ ĐÀO TẠO CỦA HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 (Dành cho giảng viên, cán bộ quản lý: 78 người cung cấp ý kiến)

 

Phần A -Thông tin chung về người được phỏng vấn

1. Họ và tên (không bắt buộc)...........................................................................

2. Tuổi:..............................................................................................................

3. Trình độ.......................................................................................................

4. Nghề nghiệp.............................................................................................................

5. Chức vụ (chức danh) đang đảm nhiệm................................................................

6. Thời gian công tác theo chức danh..............................................................năm

7. Cơ quan (tổ chức) đang làm việc..........................................................................

8. Đã tham gia khóa đào tạo chức danh tư pháp nào (ghi rõ thời gian, địa điểm)……..

Phần B. Nội dung thông tin, ý kiến

* Hướng dẫn:

- Tại cột (a) – thứ hai từ trái sang: Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP bằng cách đánh dấu (x) vào ô lựa chọn, nếu không đồng ý chọn thì đánh dấu (0)

- Tại các cột (1) đến (7): Đối với mỗi yếu tố được nêu, khoanh tròn con số và Ông/Bà cho là thích hợp nhất về mức độ thực hiện. Sử dụng Thang mức độ thực hiện dưới đây để chọn ô ghi mức độ thích hợp với ý kiến của Ông/Bà.

1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, phải có giải pháp khắc phục ngay;

2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, cần có những giải pháp khắc phục;

3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;

4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

5 = Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí ĐBCL.

 

 

Nội dung các tiêu chuẩn,                                  tiêu chí đánh giá

Mức độ đánh giá về kết quả thực hiện

Xác nhận đồng ý chọn tiêu chí áp dụng với HVTP (đánh dấu x hoặc 0)

 

Hoàn toàn không đáp ứng

Không đáp ứng yêu cầu

Không đáp ứng, cần cải tiến

Đáp ứng được yêu cầu

Đáp ứng tốt

Đáp ứng rất tốt

Đáp ứng

xuất sắc

(a)

1

2

3

4

5

6

7

Tiêu chuẩn 1. Sứ mạng và mục tiêu của đơn vị đào tạo

 

 

1

2

3

4

5

6

7

1.1. Sứ mạng của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của đơn vị; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hộivà chiến lược cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế của đất nước

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

12

(15,4%)

 

38

(48,7%)

 

19

(24,4%)

 

9

(11,5%)

 

 

1.2. Mục tiêu của Học viện Tư pháp được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo đào tạokỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật là nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc (2) bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

16

(20,5%)

 

34

(43,6%)

 

18

(23,1%)

 

10

(12,8%)

 

 

1.3.Sứ mạng và mục tiêu của Học viện được công bố công khai, rộng rãi.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

 

16

(20,5%)

 

 

35

(44,9%)

 

18

(23,1%)

 

 

9

(11,5%)

 

 

 

Tiêu chuẩn 2. Tổ chức và quản lý

 

1

2

3

4

5

6

7

2.1. Cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với Điều lệ trường đại học; được cụ thể hoá trong quy chế về tổ chức và hoạt động của Học viện.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

16

(20,5%)

 

33

(42,3%)

17

(21,8%)

12

(15,4%)

 

 

2.2. Có hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động của Học viện.

42 chọn x (53,8%)

13 chọn 0

(16,7%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

31

(39,7%)

16

(20,5%)

 

11

(14,1%)

 

2.3. Chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, người quản lý, giảng viên và nhân viên được phân định rõ ràng.

42 chọn x (53,8%)

13 chọn 0

(16,7%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

17 (21,8%)

33 (42,3%)

17 (21,8%)

11 (14,1%)

 

2.4. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong Học viện hoạt động hiệu quả và hàng năm được đánh giá tốt; các hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể thực hiện theo quy định của pháp luật.

42 chọn x (53,8%)

13 chọn 0

(16,7%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

32

(41%)

17 (21,8%)

11 (14,1%)

 

2.5. Có tổ chức đảm bảo chất lượng đào tạo, gồm trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách; có đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động đánh giá nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của Học viện.

42 chọn x (53,8%)

13 chọn 0

(16,7%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

23

(29,5%)

29

(37,2%)

15

(19,2%)

10

(12,8%)

 

 

2.6. Có các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của Học viện; có chính sách và biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của Học viện.

42 chọn x (53,8%)

13 chọn 0

(16,7%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

21

(26,9%)

34

(43,6%)

13

(16,7%)

10

(12,8%)

 

 

2.7. Thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý về các hoạt động và lưu trữ đầy đủ các báo cáo của Học viện.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

16

(20,5%)

 

35

(44,9%)

 

18

(23,1%)

 

9

(11,5%)

 

 

2.8. Học việnthu thập, phân tích và sử dụng các thông tin để quản lý hiệu quả những hoạt động cốt lõi (đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và tư vấn pháp luật)

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

20

(25,7%)

31 (39,7%)

17 (21,8%)

10

(12,8%)

 

 

Tiêu chuẩn 3: Chương trình đào tạo

 

1

2

3

4

5

6

7

3.1. Chương trình đào tạo của Học viện được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định khác hiện hành; có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vựccó uy tín trong nước hoặc trên thế giới; có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

13 (16,7)

34

(43,6%)

17 (21,8%)

14

(17,9%)

 

3.2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, trang bị các kỹ năng cụ thể và kiến thức cần thiết cho mỗi vị trí chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp được đào tạo; đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp; đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

12

(15,4%)

 

36

(46,2%)

16

(20,5%)

 

14 (17,9%)

 

3.3. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

15 (19,2%)

31 (39,7%)

20

(25,7%)

11 (14,1%)

 

3.4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức đào tạo và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

16

(20,5%)

 

31 (39,7%)

17 (21,8%)

13 (16,7)

 

3.5. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác có liên quan.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

1

(1,3%)

 

18

(23,1%)

 

33 (42,3%)

17 (21,8%)

9

(11,5%)

 

 

3.6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

45 chọn x (57,7%)

10 chọn 0

(12,8%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

19

(24,4%)

 

31 (39,7%)

20 (25,7)

8

(10,2%)

 

3.7. Học viện xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chương trình đào tạo (programme specifications) kèm theo một tuyên bố rõ ràng, ngắn gọn bằng văn bản về mục tiêu học tập cụ thể, thực tế và đo lường được, thiết kế dự kiến và thực hiện để đạt được những mục tiêu này.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

22

(28,2%)

30

(38,5%)

16

(20,5%)

 

10

(12,8%)

 

 

3.8. Các chương trình đào tạo (curriculum) mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học; sử dụng phương pháp giáo dục người lớn thích hợp để đánh giá nhu cầu, thiết kế và thực hiện chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả)

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

20 (25,7)

33 (42,3%)

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

3.9. Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của Học viện

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

17 (21,8%)

31 (39,7%)

19

(24,4%)

 

11 (14,1%)

 

3.10. Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, phẩm chất/ thái độ để đạt chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

16

(20,5%)

 

33 (42,3%)

19

(24,4%)

 

10

(12,8%)

 

 

3.11. Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo của quốc gia. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

14 (17,9%)

35

(44,9%)

 

20 (25,7)

9

(11,5%)

 

 

3.12. Học viện có biện pháp và nguồn lực đánh giá thường xuyên và phân tích nhu cầu đào tạo, trách nhiệm thực hiện, mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

32 (41%)

19

(24,4%)

 

9

(11,5%)

 

 

3.13. Các chương trình và tài liệu đào tạo có hướng đến phát triển kỹ năng kết nối cộng đồng và các dịch vụ công cộng của người học trong hoạt động nghề nghiệp tương lai. Học viện có chương trình cộng tác chặt chẽ với cơ quan tư pháp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các đối tác cộng đồng để phát triển và thể chế hóa các chương trình kết nối cộng đồng gắn với hoạt động đào tạo và tư vấn pháp luật.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

32 (41%)

18

(23,1%)

 

10

(12,8%)

 

 

Tiêu chuẩn 4. Hoạt động đào tạo

 

1

2

3

4

5

6

7

4.1. Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của người học theo quy định.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

33 (42,3%)

16

(20,5%)

 

11 (14,1%)

 

4.2. Thực hiện công nhận kết quả học tập của người học theo niên chế kết hợp với học phần.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

20 (25,7)

32 (41%)

18

(23,1%)

 

8 (10,2%)

 

4.3. Có kế hoạch và phương pháp đánh giá hợp lý các hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm của người học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

20 (25,7)

32 (41%)

18

(23,1%)

 

8 (10,2%)

 

4.4. Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích luỹ của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

22 (28,2%)

27

(34,6%)

18

(23,1%)

 

11 (14,1%)

 

4.5. Kết quả học tập của người học được thông báo kịp thời, được lưu trữ đầy đủ, chính xác và an toàn. Văn bằng, chứng chỉ được cấp theo quy định và được công bố trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

7

(8%)

30 (38,5%)

17 (21,8%)

10

(12,8%)

 

14 (17,9%)

4.6. Có cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của đơn vị, tình hình học viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

22 (28,3%)

31 (39,7%)

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

4.7. Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi tốt nghiệp và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

20 (25,7)

34

(43,6%)

16

(20,5%)

 

8 (10,2%)

 

4.8. Học viện có chiến lược giảng dạy và học tập “lấy người học làm trung tâm”; giúp người học tiếp thu và sử dụng kiến thức, kỹ năng một cách khoa học và theo định hướng ứng dụng/thực hành.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

13 (16,7)

37

(47,4%)

17 (21,8%)

11 (14,1%)

 

4.9. Học viện xây dựng môi trường giảng dạy và học tập để người học tham gia vào quá trình một cách có ý thức; cung cấp các chương trình đào tạo với nhiều môn học lựa chọn, lộ trình học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương thức và thời gian học tập phù hợp.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

15 (19,3%)

32 (41%)

21 (26,9%)

10

(12,8%)

 

 

4.10. Học viện tạo cho người học mọi cơ hội học tập, giao lưu, phát triển trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

17 (21,8%)

30

(38,4%)

19

(24,4%)

 

11 (14,1%)

 

4.11. Các loại hình và phương pháp kiểm tra đánh giá được phổ biến đến mọi bên liên quan; tuân thủ các chuẩn đo lường đánh giá trong đào tạo và quy trình đảm bảo chất lượng bên trong. 

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20

(25,7%)

33 (42,3%)

15 (19,2%)

9

(11,5%)

 

 

4.12. Có quy định về quy trình khiếu nại kết quả kiểm tra đánh giá. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

17 (21,8%)

34

(43,6%)

18

(23,1%)

 

9

(11,5%)

 

 

4.13. Có quy trình và phương pháp phù hợp, khả thi để thu thập phản hồi từ các bên liên quan về chất lượng đào tạo của Học viện

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

21

(26,9%)

31 (39,7%)

16

(20,6%)

 

10

(12,8%)

 

 

Tiêu chuẩn 5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên

 

1

2

3

4

5

6

7

 5.1. Có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản lý đáp ứng mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị; có quy trình, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm rõ ràng, minh bạch.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

21 (26,9%)

28

(35,9%)

17 (21,8%)

11 (14,1%)

 

5.2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ; được đảm bảo sự công bằng.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

1

(1,3%)

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

31 (39,7%)

17 (21,8%)

9

(11,5%)

 

 

5.3. Có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước để duy trì và nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20

(25,7%)

34

(43,6%)

14

(17,9%)

9

(11,5%)

 

 

5.4. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyęn môn, nghiệp vụ vŕ hoŕn thŕnh nhiệm vụ được giao.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

16

(20,5%)

 

35 (44,9%)

 

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

5.5. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển đào tạo nhằm giảm tỷ lệ trung bình học viên/giảng viên.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

17 (21,8%)

34

(43,6%)

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

5.6. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy địnhchung và đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

2

(2,6%)

16

(20,5%)

 

36 (46,2%)

15 (19,2%)

9

(11,5%)

 

 

5.7. Đội ngũ giảng viên được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hoá của đội ngũ giảng viên theo quy định; có tỷ lệ hợp lý người đã hoặc đang hành nghề chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hoặc có kinh nghiệm công tác pháp luật thực tiễn.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

20

(25,6%)

35 (44,9%)

13 (16,7)

9

(11,5%)

 

 

5.8. Giảng viên có kỹ năng  phát triển chương trình đào tạo và giáo dục đạo đức cho học viên người lớn; sử dụng được các phương pháp giáodục người lớn thích hợp.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

18

(23,1%)

 

33 (42,3%)

16

(20,5%)

 

10

(12,8%)

 

 

5.9. Giảng viên tham gia vào hoạt động đánh giá thường xuyên và liên tục đối với mục tiêu, chương trình và kỹ thuật giảng dạy của mình để xác định việc đáp ứng nhu cầu của người học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

17 (21,8%)

38

(48,7%)

 

14

(17,9%)

9

(11,5%)

 

 

5.10. Có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với giảng viên làm việc theo chế độ biệt phái từ các cơ quan tư pháp để tham gia chương trình đào tạo tương ứng với chức danh họ đang đảm nhiệm theo quy định của pháp luật.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

16

(20,5%)

 

37

(47,5%)

15 (19,2%)

9

(11,5%)

 

 

5.11. Đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên đủ số lượng, có năng lực chuyên môn và được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

36 (46,2%)

15 (19,2%)

9

(11,5%)

 

 

5.12.Học viện có các quy trình phù hợp về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, giảng viên.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

19

(24,4%)

 

34

(43,6%)

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

5.13. Xây dựng và duy trì đội ngũ giảng viên và nhân viên hỗ trợ có chất lượng cao thông qua xác định rõ trách nhiệm và đánh giá công việc thường xuyên; đề cao đạo đức nghề nghiệp; tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên, nhân viên và đánh giá hiệu quả các khoá đào tạo này. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

1

(1,3%)

1

(1,3%)

14 (17,9%)

38

(48,7%)

 

17 (21,8%)

7

(8%)

 

5.14. Học viện tổ chức đánh giá cán bộ, giảng viên, nhân viên và thi đua, khen thưởng định kỳ hàng năm theo quy định của pháp luật. Hệ thống đánh giá cán bộ viên chức phù hợp, có phương pháp xây dựng, đáp ứng nhân lực có chất lượng và năng lực thực hiện các hoạt động cốt lõi: giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho xã hội và cộng đồng

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

37 (47,4%)

21 (26,9%)

 

 

Tiêu chuẩn 6. Người học

 

 

 

 

 

 

 

 

6.1. Người học được hướng dẫn đầy đủ về chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá và các quy định trong quy chế đào tạo của Học viện

 

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

17 (21,8%)

32 (41%)

17 (21,8%)

11 (14,1%)

 

6.2. Người học được đảm bảo chế độ chính sách xã hội, được khám sức khoẻ theo quy định y tế học đường; được tạo điều kiện hoạt động, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao và được đảm bảo an toàn trong khuôn viên của đơn vị đào tạo. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

34

(43,6%)

14 (17,9%)

10

(12,8%)

 

 

6.3. Công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học được thực hiện có hiệu quả.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

32 (41%)

15 (19,2%)

10

(12,8%)

 

 

6.4. Công tác Đảng, đoàn thể có tác dụng tốt trong việc rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

14 (17,9%)

36 (46,2%)

17 (21,8%)

9

(11,5%)

 

 

6.5. Có các biện pháp cụ thể, có tác dụng tích cực để hỗ trợ việc học tập và sinh hoạt của người học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

17 (21,8%)

35 (44,9%)

15 (19,2%)

10

(12,8%)

 

 

6.6. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các nội quy của đơn vị đào tạo cho người học. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

18

(23,1%)

 

34

(43,6%)

15 (19,2%)

10

(12,8%)

 

 

6.7. Hỗ trợ học viên đạt được chất lượng học tập thông qua khả năng của các giảng viên cung cấp môi trường vật chất và tư liệu, môi trường xã hội hoặc hỗ trợ việc học, phù hợp với các hoạt động liên quan; có các hoạt động hỗ trợ hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

18

(23,1%)

 

34

(43,6%)

15 (19,2%)

10

(12,8%)

 

 

6.8. Người học được giới thiệu làm nguồn ứng viên thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp sau khi tốt nghiệp.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

1

(1,3%)

2

(2,5%)

18

(23,1%)

 

36 (46,2%)

13 (16,7)

8 (10,2%)

 

6.9. Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của Học viện  trước khi tốt nghiệp

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

18

(23,1%)

 

37 (47,4%)

12

(15,4%)

 

9

(11,5%)

 

 

6.10. Học viên được đánh giá theo tiêu chí, quy định và quy trình đã công bố, áp dụng nhất quán; có các quy trình rõ ràng để đảm bảo việc đánh giá học viên; để đảm bảo chất lượng các kỳ thi; có quy trình giải quyết khiếu nại.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

17 (21,8%)

37 (47,4%)

13 (16,7)

10

(12,8%)

 

 

6.11. Phương pháp đánh giá học viên được xác định một cách tích cực, cả trong và sau khi đào tạo, để đánh giá mức độ đáp ứng mong đợi, mục tiêu của người học trong các hoạt động học tập.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

16

(20,5%)

 

38

(48,7%)

 

14

(18%)

9

(11,5%)

 

 

Tiêu chuẩn 7: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ

 

1

2

3

4

5

6

7

7.1. Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ phù hợp với sứ mạng nghiên cứu và phát triển của đơn vị.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

22

(28,2%)

32 (41%)

13 (16,7)

10

(12,8%)

 

 

7.2. Có các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

34

(43,6%)

14 (17,9%)

10

(12,8%)

 

 

7.3. Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài nghiên cứu khoa học và phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của đơn vị đào tạo. 

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

34

(43,6%)

15 (19,2%)

8 (10,2%)

 

7.4. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp và xây dựng, thực thi pháp luật nói riêng.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

37 (47,4%)

12

(15,4%)

 

8 (10,2%)

 

7.5. Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học có thể bù đắp một phần kinh phí của đơn vị dành cho các hoạt động này.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

1

(1,3%)

 

25

(32,1%)

38

(48,7%)

14 (17,9%)

 

 

7.6. Các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, gắn kết với các viện nghiên cứu khoa học, các đơn vị đào tạo khác và các doanh nghiệp. Kết quả của các hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp vào phát triển các nguồn lực của Học viện

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

 

19

(24,4%)

 

35 (44,9%)

14 (17,9%)

10

(12,8%)

 

 

7.7. Có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định; có các biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

23 (29,5%)

35 (44,9%)

12

(15,4%)

 

8 (10,2%)

 

7.8. Học viện có quy định về an toàn và sức khoẻ đối với cán bộ quản lí, giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên;

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

22

(28,2%)

36 (46,2%)

12

(15,4%)

 

7

(8,9%)

 

7.9. Học viện có quy định và hướng dẫn về các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D); đảm bảo các đối tượng liên quan tuân thủ quy định và hướng dẫn này.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,5%)

19

(24,4%)

 

36 (46,2%)

13 (16,7)

8 (10,2%)

 

7.10. Học viện có quy định và hướng dẫn trong công tác tư vấn, phục vụ cộng đồng và xã hội.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

35 (44,9%)

14 (17,9%)

9

(11,5%)

 

 

7.11. Học viện hỗ trợ hiệu quả các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học và sáng tạo phục vụ sứ mệnh của Học viện và các lợi ích xã hội.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

21 (26,9%)

33 (42,4%)

14 (17,9%)

8 (10,2%)

 

7.12. Học viện cam kết tuân thủ các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu khoa học và đạo đức nghiên cứu.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

19

(24,4%)

 

36 (46,2%)

15 (19,2%)

8 (10,2%)

 

Tiêu chuẩn 8. Hoạt động hợp tác quốc tế 

 

1

2

3

4

5

6

7

8.1. Các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước. 

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

19

(24,3%)

 

35 (44,9%)

13 (16,7)

10

(12,8%)

 

 

8.2. Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo có hiệu quả, thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật; các chương trình trao đổi giảng viên và người học, các hoạt động tham quan khảo sát, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị đào tạo

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

18

(23,1%)

 

35 (44,9%)

14 (17,9%)

10

(12,8%)

 

 

8.3. Các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học có hiệu quả, thể hiện qua việc thực hiện dự án, đề án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các chương trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

17 (21,8%)

35 (44,9%)

16

(20,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

Tiêu chuẩn 9: Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác  

 

1

2

3

4

5

6

7

9.1. Thư viện của đơn vị có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học. Có thư viện điện tử được nối mạng, phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học có hiệu quả. 

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

4

(5,2%)

24

(30,8%)

27 (34,6%)

15 (19,2%)

8 (10,2%)

 

9.2. Có đủ số phòng học, giảng đường lớn, phòng thực hành, phục vụ cho dạy, học và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

35 (44,9%)

14 (17,9%)

9

(11,5%)

 

 

9.3. Có đủ trang thiết bị dạy và học để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đảm bảo về chất lượng và sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của các chương trình đang đào tạo, bồi dưỡng.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

33 (42,3%)

17 (21,8%)

8 (10,2%)

 

9.4. Cung cấp đầy đủ thiết bị tin học để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học và quản lý.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

22

(28,3%)

31 (39,7%)

15 (19,2%)

9

(11,5%)

 

 

9.5. Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định. 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,5%)

18

(23,1%)

 

35 (44,9%)

13 (16,7)

10

(12,8%)

 

 

9.6. Có đủ phòng làm việc cho các cán bộ, giảng viên và nhân viên cơ hữu theo quy định.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,6%)

19

(24,4%)

 

33 (42,3%)

14 (17,9%)

9

(11,5%)

 

1

(1,3%)

9.7. Có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3981-85. Diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

2

(2,5%)

19

(24,4%)

 

35 (44,9%)

11 (14,1%)

10

(12,8%)

 

1

(1,3%)

9.8. Có quy hoạch tổng thể về sử dụng và phát triển cơ sở vật chất trong kế hoạch chiến lược của đơn vị.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

18

(23,1%)

 

27

(34,5%)

12

(15,4%)

 

10

(12,8%)

 

 

9.9. Có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản, trật tự, an toàn cho cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học.

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

 

18

(23,1%)

 

37 (47,4%)

13 (16,7)

9

(11,5%)

 

1

(1,3%)

9.10. Nhà trường có hệ thống thông tin quản lý về giảng dạy và học tập; về nghiên cứu; và thường xuyên công bố các thông tin định lượng và định tính về nhà trường, về các chương trình đào tạo và bằng cấp mà nhà trường cung cấp

 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

34

(43,6%)

14 (17,9%)

9

(11,5%)

 

1

(1,3%)

Tiêu chuẩn 10: Tài chính và quản lý tài chính

 

1

2

3

4

5

6

7

10.1. Có những giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, tạo được các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Học viện

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%) (27%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

33 (42,3%)

16

(20,5%)

 

8 (10,2%)

 

10.2. Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính trong Học viện được chuẩn hoá, công khai hoá, minh bạch và theo quy định.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20

(25,6%)

35 (44,9%)

13 (16,7)

9

(11,5%)

 

 

10.3. Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của Học viện

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

21 (26,9%)

34

(43,6%)

14 (17,9%)

8

(10,3%)

 

10.4. Học viện đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các mục đích và mục tiêu;có nguồn lực thích hợp để lập kế hoạch và thực hiện đào tạo có hiệu quả; môi trường vật chất cho các hoạt động đào tạo đảm bảo hỗ trợ học tập và các mục tiêu học tập của học viên.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

34

(43,6%)

14 (17,9%)

8 (10,2%)

1

(1,3%)

Tiêu chuẩn 11. Đảm bảo chất lượng

 

1

2

3

4

5

6

7

11.1. Học viện công khai các chính sách và quy trình phù hợp để bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo và văn bằng của Học viện; cam kết phát triển văn hóa chất lượng; phân định rõ vai trò của các bên liên quan; xây dựng và triển khai chiến lược không ngừng cải tiến chất lượng của Học viện. 

 

41 chọn x (52,6%)

14 chọn 0

(17,9%)

23 không ý kiến

(29,5%)

 

1

(1,3%)

22

(28,2%)

30 (38,5%)

14 (17,9%)

10

(12,8%)

 

1

(1,3%)

11.2. Học viện có hệ thống giám sát chặt chẽ các hoạt động của đơn vị. Các chỉ số giám sát tối thiểu gồm: đánh giá người học, hệ thống theo dõi tiến bộ người học, tỷ lệ tốt nghiệp và thôi học, phản hồi của thị trường sử dụng lao động và cựu học viên, số lượng công trình công bố và tổng giá trị các nguồn tài trợ.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

39

(50%)

9

(11,5%)

 

9

(11,5%)

 

 

11.3. Học viện định kỳ (tối thiểu 5 năm một lần) tiến hành thẩm định/đánh giá nội bộ (tự đánh giá) các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ phục vụ cộng đồng); có biện pháp, phương tiện kiểm tra mức độ phù hợp của các thành tựu đạt được so với mục tiêu đã đề ra; sử dụng các kết quả tự đánh giá của hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

2

(2,6%)

19

(24,4%)

 

38

(48,7%)

 

11 (14,1%)

8 (10,2%)

 

11.4. Học viện có phương pháp chặt chẽ để thu thập phản hồi từ những người có liên quan (ý kiến đánh giá của các chuyên gia, các đồng nghiệp từ các bộ phận khác trong trường hoặc từ các trường khác)

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

1

(1,3%)

1

(1,3%)

19

(24,4%)

 

37 (47,4%)

11 (14,1%)

9

(11,5%)

 

 

11.5. Học viện có Sổ tay chất lượng (nêu rõ mọi quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến ĐBCL); sổ tay chất lượng được công bố, phổ biến đến giảng viên, học viên và mọi người có liên quan.

44 chọn x

(56,4%)

13 chọn 0

(16,7%)

21 không ý kiến

(26,9%)

 

1

(1,3%)

20 (25,7)

37 (47,4%)

11 (14,1%)

9

(11,5%)

 

 

Đánh giá chung (tổng các mục 1 đến 11)

 

 

 

17 (21,8%)

39

(50%)

14 (17,9%)

8

(10,3%)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     logo%20hoc%20vien%20tu%20phap%20TViet

ĐỀ TÀI NCKH CẤP BỘ :  HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

-------------

 

PHỤ LỤC 2.2. KẾT QUẢ TỔNG HỢP PHIẾU KHẢO SÁT Ý KIẾN

VỀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA HỌC VIỆN TƯ PHÁP

(Dành cho giảng viên, cán bộ quản lý: 70 người cung cấp ý kiến)

 

 

Phần A -Thông tin chung về người được phỏng vấn

1. Họ và tên (không bắt buộc)................................................................................................

2. Tuổi:..................................................................................................................................

3. Trình độ.......................................................................................................................

4. Nghề nghiệp...................................................................................................................

5. Chức vụ (chức danh) đang đảm nhiệm........................................................................

6. Thời gian công tác theo chức danh........................................................................năm

7. Cơ quan (tổ chức) đang làm việc.......................................................................................

8. Đã tham gia khóa đào tạo chức danh tư pháp nào (ghi rõ thời gian, địa điểm)...................

.....................................................................................................................................

Phần B. Nội dung thông tin, ý kiến

Hướng dẫn:

Đối với mỗi yếu tố được nêu, khoanh tròn con số mà Ông/Bà cho là thích hợp nhất về mức độ thực hiện. Sử dụng thang điểm dưới đây để chọn ô ghi mức độ thích hợp với ý kiến của Ông/Bà.

 

Thang mức độ thực hiện:

1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, phải có giải pháp khắc phục ngay;

2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, cần có những giải pháp khắc phục;

3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;

4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

5 = Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí ĐBCL.

 

 

 

 


 

 

Nội dung các yếu tố

Mức độ đánh giá về kết quả thực hiện

Hoàn toàn không đáp ứng

Không đáp ứng yêu cầu

Không đáp ứng, cần cải tiến

Đáp ứng được yêu cầu

Đáp ứng tốt 

Đáp ứng rất tốt

Đáp ứng

xuất sắc

1

2

3

4

5

6

7

I. NỘI DUNG, CÂU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

 

 

 

 

 

 

 

1. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT (VN)

 

 

 

 

 

 

 

1.1. Chương trình đào tạo của đơn vị được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

 

 

6

(8,6%)

42

(60%)

19

(27,1%)

3

(4,3%)

 

1.2. Có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới;

 

 

7

(10%)

42

(60%)

17

(24,3%)

4

(5,7%)

 

1.3. Có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

 

 

5

(7,1%)

42

(60%)

17

(24,3%)

6

(8,6%)

 

1.4.Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống

 

 

 

6

(8,6%)

41

(58,6%)

18

(25,7%)

4

(5,7%)

1

(1,4%)

1.5.Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật để trở thành các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

 

 

5

(7,1%)

39

(55,7%)

23

(32,9%)

3

(4,3%)

 

1.6.Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

 

 

5

(7,1%)

39

(55,7%)

23

(32,9%)

3

(4,3%)

 

1.7.Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

 

 

4

(5,7%)

42

(60%)

18

(25,7%)

6

(8,6%)

 

1.8.Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.

 

 

4

(5,7%)

42

(60%)

20

(28,6%)

4

(5,7%)

 

1.9.Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

1

(1,4%)

 

1

(1,4%)

 

8

(11,4%)

42

(60%)

15

3

(4,3%)

 

Đánh giá tổng thể cho mục 1.

 

1

(1,4%)

 

8

(11,4%)

41

(58,6%)

16

(22,8%)

4

(5,7%)

 

2. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN

 

1

(1,4%)

7

(10%)

42

(60%)

17

(24,3%)

3

(4,3%)

 

2.1.Đơn vị xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chi tiết chương trình đào tạo (programme specifications).

 

 

5

(7,1%)

39

(55,7%)

23

(32,9%)

3

(4,3%)

 

2.2.Các chương trình đào tạo (curriculum) có sự cân bằng tốt giữa kiến thức và kỹ năng chung với kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học.

 

 

 

10

(14,3%)

41

(58,6%)

16

(22,8%)

3

(4,3%)

 

2.3.Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của đơn vị.

 

 

 

7

(10%)

39

(55,7%)

20

(28,6%)

4

(5,7%)

 

2.4.Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ để đạt chuẩn đầu ra (chương trình môn học thể hiện bề rộng và chiều sâu, chú trọng cả các nội dung lý thuyết và thực hành, thực tập theo yêu cầu nghề nghiệp cần đào tạo)

 

 

5

(7,1%)

41

(58,6%)

18

(25,7%)

6

(8,6%)

 

2.5.Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo. 

 

 

6

(8,6%)

42

(60%)

17

(24,3%)

4

(5,7%)

1

(1,4%)

 

2.6.Đơn vị có biện pháp và nguồn lực đánh giá mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra (kết quả-mục tiêu học tập mong muốn của học viên)

 

 

8

(11,4%)

42

(60%)

16

(22,9%)

4

(5,7%)

 

Đánh giá chung cho mục 2.

 

 

5

(7,2%)

41

(58,6%)

18

(25,7%)

6

(8,6%)

 

II. THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo tiêu chuẩn của AUN)

 

 

 

 

 

 

 

3.Kế hoạch (chiến lược) giảng dạy và học tập

 

 

 

 

 

 

 

3.1.Khoa hoặc bộ môn có kế hoạch giảng dạy, học tập rõ ràng

 

 

6

(8,6%)

33

(47,1%)

20

(28,6%)

11

(15,7%)

 

1.2. Các kế hoạch giảng dạy và học tập cho phép học viên thu nhận và sử dụng tốt kiến thức có tính học thuật 

 

 

4

(5,7%)

35

(50%)

21

(30%)

10

(14,3%)

 

3.3. Các kế hoạch giảng dạy và học tập hướng tới người học và khích lệ chất lượng học tập

 

 

4

(5,7%)

33

(47,2%)

22

(31,4%)

11

(15,7%)

 

3.4. Các kế hoạch giảng dạy và học tập thúc đẩy các hoạt động học tập tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho học tập

 

 

5

(7,1%)

29

(41,5%)

25

(35,7%)

11

(15,7%)

 

Nhận xét chung

 

 

3

(4,3%)

36

(51,4%)

22

(31,4%)

9

(12,9%)

 

4. Đánh giá học viên

 

 

 

 

 

 

 

4.1. Đánh giá học viên bao gồm học viên đầu vào, học viên trong quá trình học tập và các bài thi tốt nghiệp

 

 

10

(14,3%)

37

(52,9%)

17

(24,3%)

6

(8,6%)

 

4.2. Việc đánh giá dựa theo các tiêu chí

 

 

6

(8,6%)

38

(54,3%)

21

(30%)

5

(7,1%)

 

4.3. Việc đánh giá học viên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau

 

 

6

(8,6%)

39

(55,7%)

20

(28,6%)

5

(7,1%)

 

4.4. Việc đánh giá phản ánh kết quả (mục tiêu) học tập mong muốn và nội dung chương trình

 

 

5

(7,1%)

41

(58,6%)

18

(25,7%)

6

(8,6%)

 

4.5. Tiêu chí đánh giá rõ ràng và được thông báo công khai

1

(1,4%)

 

9

(12,9%)

34

(48,6%)

22

(31,4%)

4

(5,7%)

 

4.6. Các phương pháp đánhgiá bao hàm được các mục tiêu của chương trình

 

 

5

(7,1%)

41

(58,6%)

20

(28,6%)

4

(5,7%)

 

4.7. Các tiêu chuẩn được áp dụng trong đánh giá là rõ ràng, nhất quán

 

 

6

(8,6%)

38

(54,3%)

21

(30%)

5

(7,1%)

 

Nhận xét chung

 

 

7

(10%)

39

(55,7%)

19

(27,1%)

5

(7,1%)

 

5. Chất lượng đội ngũ giảng viên

 

 

 

 

 

 

 

5.1. Đội ngũ giảng viên hiểu rõ các nhiệm vụ của họ

 

 

5

(7,1%)

32

(45,8%)

28

(40%)

5

(7,1%)

 

5.2. Có đủ giảng viên để giảng dạy chương trình một cách thỏa đáng

 

 

8

(11,4%)

32

(45,8%)

25

(35,7%)

4

(5,7%)

1

(1,4%)

 

5.3. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên dựa trên các phẩm chất học thuật tương xứng

 

 

9

(12,9%)

32

(45,7%)

26

(37,1%)

3

(4,3%)

 

5.4. Các vai trò và quan hệ giữa các giảng viên được xác định và thấu hiểu rõ ràng

 

 

5

(7,1%)

35

(50%)

27

(38,6%)

3

(4,3%)

 

5.5. Các nhiệm vụ được phân bổ phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng

 

 

8

(11,4%)

33

(47,1%)

25

(35,7%)

4

(5,7%)

 

5.6. Các hệ thống quản trị công việc và khuyến khích được thiết kế để hỗ trợ chất lượng dạy và học

 

 

8

(11,4%)

33

(47,1%)

26

(37,2%)

3

(4,3%)

 

5.7. Trách nhiệm của các giảng viên được quy định tốt

 

 

7

(10%)

32

(45,7%)

27

(38,6%)

4

(5,7%)

 

5.8. Có các quy định về đánh giá, trợ giúp và tuyển dụng lại giảng viên

 

 

11

(15,7%)

31

(44,3%)

26

(37,1%)

2

(2,9%)

 

5.9. Việc chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu được lập kế hoạch và thực hiện tốt

 

 

10

(14,3%)

32

(45,7%)

25

(35,7%)

3

(4,3%)

 

5.10. Có hệ thống đánh giá năng lực, phẩm chất hữu hiệu

 

 

10

(14,3%)

29

(41,4%)

29

(41,4%)

2

2,9%)

 

Nhận xét chung

 

 

9

(12,9%)

32

(45,7%)

25

(35,7%)

4

(5,7%)

 

6. Chất lượng nhân viên quản lý

 

 

 

 

 

 

 

6.1. Nhân viên quản lý thư viện có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

 

 

14

(20%)

34

(48,6%)

20

(28,6%)

2

(2,9%)

 

6.2. Nhân viên quản lý các phòng thực hành có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

 

 

9

(12,9%)

39

(55,7%)

20

(28,6%)

2

(2,9%)

 

6.3. Nhân viên quản lý các phòng máy tính có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

 

 

12

(17,2%)

40

(57,1%)

16

(22,8%)

2

(2,9%)

 

6.4. Nhân viên quản lý các dịch vụ hỗ trợ học viên có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

 

 

9

(12,9%)

42

(60%)

17

(24,3%)

2

(2,9%)

 

Nhận xét chung

 

 

10

(14,3%)

41

(58,6%)

16

(22,8%)

3

(4,3%)

 

7. Chất lượng học viên

 

 

 

 

 

 

 

7.1. Có chính sách tuyển sinh (chọn học viên đầu vào) rõ ràng

2

(2,9%)

1

(1,4%)

 

12

(17,1%)

38

(54,3%)

14

(20%)

3

(4,3%)

 

7.2. Quy trình quản lý học viên đầy đủ, thích hợp

 

 

15

(21,4%)

36

(51,4%)

17

(24,3%)

2

(2,9%)

 

7.3. Khối lượng học tập thực tế phù hợp với khối lượng học tập đã dự tính

 

 

8

(11,4%)

43

(61,4%)

17

(24,3%)

2

(2,9%)

 

Nhận xét chung

 

 

11

(15,7%)

40

(57,1%)

17

(24,3%)

2

(2,9%)

 

8. Tư vấn và hỗ trợ học viên

 

 

 

 

 

 

 

8.1. Có hệ thống theo dõi sự tiến triển của học viên thích hợp, thỏa đáng

 

1

(1,4%)

14

(20%)

36

(51,4%)

17

(24,3%)

2

(2,8%)

 

8.2. Học viên nhận được các tư vấn, hỗ trợ và phản hồi thích hợp về việc học tập của họ

 

1

(1,4%)

10

(14,3%)

37

(52,9%)

20

(28,6%)

2

(2,8%)

 

8.3. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học tập cho học viên đảm bảo thỏa đáng, phù hợp

 

2

(2,85%)

11

(15,7%)

37

(52,9%)

18

(25,7%)

2

(2,85%)

 

 

8.4. Môi trường vật chất, xã hội và thể chất cho học viên là thỏa đáng

 

 

8

(11,4%)

40

(57,1%)

19

(27,2%)

2

(2,9%)

1

(1,4%)

 

Nhận xét chung

 

1

(1,4%)

10

(14,3%)

38

(54,3%)

19

(27,1%)

2

(2,9%)

 

9. Các trang thiết bị và cơ sở vật chất

 

 

 

 

 

 

 

9.1. Các trang thiết bị giảng dạy (giảng đường, phòng nhỏ) thích hợp, đầy đủ

 

 

13

(18,6%)

36

(51,4%)

16

(22,8%)

4

(5,8%)

1

(1,4%)

 

9.2. Thư viện đầy đủ và hiện đại

 

3

(4,3%)

15

(21,4%)

40

(57,1%)

10

(14,3%)

2

(2,9%)

 

9.3. Các phòng thực hành đầy đủ và hiên đại

 

2

(2,8%)

15

(21,4%)

41

(58,6%)

9

(12,9%)

3

(4,3%)

 

9.4. Các phòng máy tính đầy đủ và hiện đại

 

1

(1,4%)

16

(22,9%)

39

(55,7%)

11

(15,7%)

3

(4,3%)

 

9.5. Các tiêu chuẩn vể môi trường sức khỏe và sự an toàn đáp ứng yêu cầu ở mọi khía cạnh

 

1

(1,4%)

 

13

(18,6%)

41

(58,6%)

12

(17,1%)

3

(4,3%)

 

Nhận xét chung

 

 

13

(18,55%)

41

(58,6%)

13

(18,55%)

3

(4,3%)

 

10. Đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập

 

 

 

 

 

 

 

10.1. Chương trình môn học được phát triển bởi sự hợp tác của tất cả các giảng viên

 

 

10

(14,3%)

37

(52,8%)

17

(24,3%)

6

(8,6%)

 

10.2. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các học viên

 

 

13

(18,6%)

39

(55,7%)

11

(15,7%)

7

(10%)

 

10.3. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động và các bên liên quan

 

1

(1,4%)

 

9

(12,9%)

40

(57,1%)

15

(21,4%)

5

(7,2%)

 

10.4. Chương trình được đánh giá định kỳ vào những thời điểm hợp lý

 

1

(1,4%)

10

(14,3%)

39

(55,7%)

13

(18,6%)

7

(10%)

 

10.5. Chương trình và các môn học là đối tượng để học viên đánh giá

 

 

7

(10%)

43

(61,4%)

13

(18,6%)

7

(10%)

 

10.6. Phản hồi từ các bên liên quan được sử dụng để cải tiến chương trình

 

 

9

(12,8%)

42

(60%)

13

(18,6%)

6

(8,6%)

 

10.7. Quy trình giảng dạy và học tập, sự phối hợp đánh giá, các phương pháp đánh giá và hoạt động đánh giá luôn được coi là yếu tố trong đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng 

 

 

7

(10%)

43

(61,4%)

14

(20%)

6

(8,6%)

 

Nhận xét chung

 

 

11

(15,7%)

39

(55,7%)

14

(20%)

6

(8,6%)

 

11. Các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)

 

 

 

 

 

 

 

11.1. Có kế hoạch rõ ràng về nhu cầu đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên quản lý

 

 

10

(14,3%)

40

(57,1%)

14

(20%)

6

(8,6%)

 

11.2. Các hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phù hợp với các nhu cầu đã xác định

 

 

7

(10%)

42

(60%)

14

(20%)

7

(10%)

 

Nhận xét chung

 

1

(1,4%)

5

(7,2%)

42

(60%)

15

(21,4%)

7

(10%)

 

12. Phản hồi của các bên có liên quan

 

 

 

 

 

 

 

12.1. Có sự phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ các bên liên quan (gồm người sử dụng lao động)

 

2

(2,9%)

10

(14,3%)

38

(54,3%)

15

(21,4%)

5

(7,1%)

 

12.2. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ học viên và các cựu học viênđã tốt nghiệp

 

2

(2,9%)

9

(12,9%)

39

(55,7%)

16

(22,8%)

4

(5,7%)

 

12.3. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ đội ngũ cán bộ,giảng viên

 

1

(1,4%)

 

9

(12,9%)

39

(55,7%)

17

(24,3%)

4

(5,7%)

 

Nhận xét chung

 

2

(2,9%)

7

(10%)

41

(58,6%)

16

(22,8%)

4

(5,7%)

 

13. Kết quả đầu ra

 

 

 

 

 

 

 

13.1. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thỏa đáng và tỷ lệ trượt tốt nghiệp ở mức có thể chấp nhận

 

 

8

(11,4%)

44

(62,9%)

12

(17,1%)

6

(8,6%)

 

13.2. Thời gian trung bình để tốt nghiệp là thỏa đáng

 

 

 

 

8

(11,4%)

44

(62,9%)

12

(17,1%)

6

(8,6%)

 

13.3. Khả năng được tuyển dụng của người tốt nghiệp là thỏa đáng

 

1

(1,4%)

 

9

(12,9%)

42

(60%)

11

(15,7%)

7

(10%)

 

13.4. Cấp độ của các hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và học viên là thỏa đáng

 

1

(1,4%)

 

6

(8,6%)

46

(65,7%)

10

(14,3%)

7

(10%)

 

Nhận xét chung

 

 

8

(11,4%)

43

(61,4%)

13

(18,6%)

6

(8,6%)

 

14. Sự hài lòng của các bên liên quan

 

 

 

 

 

 

 

14.1. Sự phản hồi từ các bên có liên quan là thỏa đáng

 

1

(1,4%)

 

10

(14,3%)

41

(58,6%)

10

(14,3%)

8

(11,4%)

 

Nhận xét chung

 

1

(1,4%)

9

(12,9%)

42

(60%)

11

(15,7%)

7

(10%)

 

Đánh giá tổng thể

 

 

9

(12,9%)

43

(61,4%)

10

(14,3%)

8

(11,4%)

 

 

 

 

 

 

 

logo%20hoc%20vien%20tu%20phap%20TViet

ĐỀ TÀI NCKH CẤP BỘ 2014:                            HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CÁC CHỨC DANH TƯ PHÁP TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP-THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

-------------

PHỤ LỤC 2.3. KẾT QUẢ TỔNG HỢP PHIẾU KHẢO SÁT Ý KIẾN

VỀ ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỦA HỌC VIỆN TƯ PHÁP

(Dành cho học viên: 352 người cung cấp ý kiến)

 

Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2013-2014, Học viện Tư pháp đang triển khai đề tài nghiên cứu về thực trạng và giải pháp hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp.

Với tư cách là học viên đã và đang tham gia chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp, xin Anh (Chị) vui lòng cho biết ý kiến của mình về một số vấn đề được nêu dưới đây về đánh giá các chương trình đào tạo chức danh tư pháp. Ý kiến của Anh (Chị) sẽ góp phần thiết thực cùng với Học viện Tư pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong thời gian tới.

PhẦn A -Thông tin chung vỀ ngưỜi đưỢc phỎng vẤn

1. Họ và tên (không bắt buộc)............................................................................................

2. Tuổi:................................................................................................................................

3. Trình độ...........................................................................................................................

4. Nghề nghiệp.................................................................................................................

5. Chức vụ (chức danh) đang đảm nhiệm..........................................................................

6. Thời gian công tác theo chức danh...........................................................................năm

7. Cơ quan (tổ chức) đang làm việc.....................................................................................

8. Đã tham gia khóa đào tạo chức danh tư pháp nào (ghi rõ thời gian, địa điểm)........................

Phần B. Nội dung thông tin, ý kiến

Hướng dẫn:

Đối với mỗi yếu tố được nêu, khoanh tròn con số mà Anh (Chị) cho là thích hợp nhất về mức độ thực hiện. Sử dụng thang điểm dưới đây để chọn ô ghi mức độ thích hợp.

Thang mức độ thực hiện:

1 = Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, phải có giải pháp khắc phục ngay;

2 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, cần có những giải pháp khắc phục;

3 = Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL, nhưng chỉ cần giải pháp khắc phục nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu;

4 = Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

5 = Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

6 = Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí ĐBCL;

7 = Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí ĐBCL.

 


 

 

Nội dung các yếu tố

Mức độ đánh giá về kết quả thực hiện

Hoàn toàn không đáp ứng

Không đáp ứng yêu cầu

Không đáp ứng, cần cải tiến

Đáp ứng được yêu cầu

Đáp ứng tốt 

Đáp ứng rất tốt

Đáp ứng

xuất sắc

1

2

3

4

5

6

7

I. NỘI DUNG, CÂU TRÚC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

 

 

 

 

 

 

 

1. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT (VN)

 

 

 

 

 

 

 

1.1. Chương trình đào tạo của đơn vị được xây dựng theo quy định pháp luật về đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các quy định hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

6

(1,7%)

9

(2,6%)

40

(11,4%)

172

(48,8%)

73

(20,7%)

32

(9,1%)

20

(5,7%)

1.2. Có sự tham khảo chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực có uy tín trong nước hoặc trên thế giới;

6

(1,7%)

22

(6,3%)

64

(18,2%)

143

(40,5%)

72

(20,5%)

31

(8,8%)

14

(4%)

1.3. Có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.

5

(1,4%)

8

(2,3%)

43

(12,2%)

146

(41,5%)

85

(24,1%)

43

(12,2%)

22

(6,3%)

1.4.Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống

 

6

(1,7%)

18

(5,1%)

54

(15,3%)

130

(37%)

82

(23,3%)

35

(9,9%)

27

(7,7%)

1.5.Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật để trở thành các chức danh tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng lao động phù hợp với tính chất, mục tiêu của chương trình đào tạo đó.

3

21

40

148

82

33

26

1.6.Các chương trình đào tạo được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

 

3

(0,9%)

21

(6%)

40

(11,4%)

148

(41.9%)

82

(23%)

33

(9,4%)

26

(7,4%)

1.7.Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật khác.

4

(1,1%)

7

(2%)

61

(17,3%)

151

(42,9%)

76

(21,6%)

31

(8,8%)

23

(6,3%)

1.8.Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.

5

(1,4%)

16

(4,5%)

64

(18,2%)

145

(41,2%)

79

(22,2%)

26

(7,4%)

18

(5,1%)

1.9.Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

2

(0,6%)

18

(5,1%)

60

(17,1%)

152

(43,2%)

68

(19,3%)

36

(9,9%)

17

(4,8%)

Đánh giá tổng thể cho mục 1.

4

(1,1%)

14

(4%)

64

(18,2%)

145

(41,2%)

81

(23%)

26

(7,1%)

19

(5,4%)

2. Các tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn của AUN

4

(1,1%)

16

(4,5%)

52

(14,8%)

157

(44,6%)

79

(22,4%)

22

(6,3%)

22

(6,3%)

2.1.Đơn vị xuất bản và công bố rộng rãi các bản mô tả chi tiết chương trình đào tạo (programme specifications).

6

(1,7%)

12

(3,4%)

62

(17,6%)

142

(40,3%)

78

(21,9%)

33

(9,4%)

20

(5,7%)

2.2.Các chương trình đào tạo (curriculum) có sự cân bằng tốt giữa kiến thức và kỹ năng chung với kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; mang tính tích hợp và liên ngành, tạo hứng thú và thu hút người học.

 

6

12

62

143

77

33

20

2.3.Chương trình đào tạo phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, mục đích, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của đơn vị.

 

3

(0,9%)

16

(4,5%)

59

(16,8%)

133

(37,5%)

86

(24,4%)

33

(9,4%)

23

(6,5%)

2.4.Mỗi môn học trong chương trình đào tạo góp phần trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ để đạt chuẩn đầu ra (chương trình môn học thể hiện bề rộng và chiều sâu, chú trọng cả các nội dung lý thuyết và thực hành, thực tập theo yêu cầu nghề nghiệp cần đào tạo)

3

10

48

151

80

35

26

2.5.Bản mô tả các chương trình đào tạo xác định phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đạt chuẩn đầu ra và những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng theo yêu cầu của văn bằng/bằng cấp nghề nghiệp/nghiệp vụ được đào tạo. 

3

(0,9%)

10

(2,8%)

48

(13,6%)

151

(42,6%)

80

(22,7%)

35

(10%)

26

(7,4%)

2.6.Đơn vị có biện pháp và nguồn lực đánh giá mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra (kết quả-mục tiêu học tập mong muốn của học viên)

3

(0,9%)

10

(2,8%)

54

(15,3%)

149

(42%)

87

(24,7%)

29

(8,3%)

21

(6%)

 

Đánh giá chung cho mục 2.

4

(1,1%)

11

(3,2%)

48

(13,6%)

150

(42,6%)

93

(26,2%)

30

(8,5%)

17

(4,8%)

 

 

II. THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO (theo tiêu chuẩn của AUN)

 

 

 

 

 

 

 

3.Kế hoạch (chiến lược) giảng dạy và học tập

 

 

 

 

 

 

 

3.1.Khoa hoặc bộ môn có kế hoạch giảng dạy, học tập rõ ràng

4

(1,1%)

10

(2,8%)

37

(10,5%)

142

(40,3%)

98

(27,6%)

33

(9,4%)

29

(8,3%)

3.2. Các kế hoạch giảng dạy và học tập cho phép học viên thu nhận và sử dụng tốt kiến thức có tính học thuật 

4

(1,1%)

9

(2,6%)

42

(11,9%)

141

(40,1%)

99

(27,8%)

31

(8,8%)

27

(7,7%)

3.3. Các kế hoạch giảng dạy và học tập hướng tới người học và khích lệ chất lượng học tập

7

(2%)

9

(2,6%)

43

(12,2%)

147

(41,8%)

88

(25%)

33

(9,1%)

26

(7,3%)

3.4. Các kế hoạch giảng dạy và học tập thúc đẩy các hoạt động học tập tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho học tập

7

(2%)

6

(1,7%)

45

(12,8%)

143

(40,6%)

95

(27%)

27

(7,4%)

30

(8,5%)

Nhận xét chung

5

(1,4%)

8

(2,3%)

39

(11,1%)

141

(40,1%)

103

(29,2%)

32

(8,8%)

25

(7,1%)

4. Đánh giá học viên

 

 

 

 

 

 

 

4.1. Đánh giá học viên bao gồm học viên đầu vào, học viên trong quá trình học tập và các bài thi tốt nghiệp

3

(0,9%)

13

(3,7%)

35

(9,9%)

152

(43,2%)

93

(26,4%)

37

(10,2%)

20

(5,7%)

4.2. Việc đánh giá dựa theo các tiêu chí

3

(0,9%)

10

(2,8%)

37

(10,4%)

164

(46,6%)

88

(25%)

28

(8%)

22

(6,3%)

4.3. Việc đánh giá học viên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau

5

(1,4%)

12

(3,4%)

36

(10,2%)

152

(43,2%)

90

(25,6%)

40

(11,1%)

18

(5,1%)

4.4. Việc đánh giá phản ánh kết quả (mục tiêu) học tập mong muốn và nội dung chương trình

3

(0,9%)

10

(2,8%)

36

(10,2%)

168

(47,7%)

84

(23,9%)

31

(8,5%)

21

(6%)

4.5. Tiêu chí đánh giá rõ ràng và được thông báo công khai

5

(1,4%)

14

(4%)

34

(9,7%)

156

(44,3%)

87

(24,7%)

29

(7,95%)

28

(7,95%)

4.6. Các phương pháp đánhgiá bao hàm được các mục tiêu của chương trình

4

(1,2%)

10

(2,8%)

42

(11,9%)

151

(42,9%)

93

(26,4%)

35

(9,7%)

18

(5,1%)

4.7. Các tiêu chuẩn được áp dụng trong đánh giá là rõ ràng, nhất quán

3

(0,9%)

8

(2,3%)

38

(10,8%)

164

(46,6%)

86

(24,3%)

33

(9,1%)

21

(6%)

Nhận xét chung

3

(0,9%)

9

(2,5%)

36

(10,2%)

160

(45,5%)

90

(25,3%)

36

(10,2%)

19

(5,4%)

5. Chất lượng đội ngũ giảng viên

 

 

 

 

 

 

 

5.1. Đội ngũ giảng viên hiểu rõ các nhiệm vụ của họ

3

(0,9%)

8

(2,3%)

31

(8,8%)

146

(41,5%)

90

(25,6%)

48

(13,2%)

27

(7,7%)

5.2. Có đủ giảng viên để giảng dạy chương trình một cách thỏa đáng

4

(1,1%)

13

(3,7%)

47

(13,2%)

134

(38,1%)

82

(23%)

49

(13,9%)

24

(7%)

5.3. Việc tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên dựa trên các phẩm chất học thuật tương xứng

4

(1,1%)

8

(2,3%)

40

(11,4%)

135

(38,4%)

92

(26,1%)

49

(13,6%)

25

(7,1%)

5.4. Các vai trò và quan hệ giữa các giảng viên được xác định và thấu hiểu rõ ràng

3

(0,9%)

6

(1,7%)

34

(9,7%)

160

(45,5%)

82

(23,3%)

45

(12,4%)

23

(6,5%)

5.5. Các nhiệm vụ được phân bổ phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng

4

(1,1%)

7

(2%)

28

(8%)

151

(42,9%)

87

(24,3%)

53

(15,2%)

23

(6,5%)

5.6. Các hệ thống quản trị công việc và khuyến khích được thiết kế để hỗ trợ chất lượng dạy và học

4

(1,1%)

11

(3,1%)

38

(10,8%)

157

(44,6%)

78

(21,9%)

45

(12,8%)

20

(5,7%)

5.7. Trách nhiệm của các giảng viên được quy định tốt

4

(1,1%)

8

(2,3%)

33

(9,4%)

146

(41,5%)

91

(25,8%)

44

(12,2%)

27

(7,7%)

5.8. Có các quy định về đánh giá, trợ giúp và tuyển dụng lại giảng viên

5

(1,4%)

12

(3,4%)

36

(10,2%)

160

(45,5%)

81

(23%)

37

(10,2%)

22

(6,3%)

5.9. Việc chấm dứt hợp đồng, nghỉ hưu được lập kế hoạch và thực hiện tốt

5

(1,4%)

8

(2,3%)

29

(8,3%)

166

(47,2%)

79

(22,3%)

44

(12,2%)

22

(6,3%)

5.10. Có hệ thống đánh giá năng lực, phẩm chất hữu hiệu

3

(0,9%)

10

(2,8%)

31

(8,8%)

165

(46,7%)

80

(22,7%)

40

(11,1%)

24

(7%)

Nhận xét chung

3

(0,9%)

8

(2,3%)

26

(7,4%)

160

(45,5%)

86

(24,1%)

46

(12,8%

24

(7%)

6. Chất lượng nhân viên quản lý

 

 

 

 

 

 

 

6.1. Nhân viên quản lý thư viện có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

4

(1,1%)

14

(4%)

53

(15,2%)

144

(40,9%)

82

(23%)

34

(9,5%)

22

(6,3%)

6.2. Nhân viên quản lý các phòng thực hành có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

5

(1,4%)

11

(3,1%)

54

(15,3%)

149

(42,3%)

86

(24,1%)

29

(8,3%)

19

(5,4%)

6.3. Nhân viên quản lý các phòng máy tính có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

6

(1,7%)

14

(4%)

51

(14,5%)

150

(42,6%)

82

(23%)

31

(8,8%)

19

(5,4%)

6.4. Nhân viên quản lý các dịch vụ hỗ trợ học viên có thẩm quyền và năng lực trong việc cung cấp sự phục vụ tốt

6

(1,7%)

11

(3,2%)

54

(15,3%)

149

(42%)

85

(24,1%)

28

(8%)

20

(5,7%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

12

(3,4%)

53

(15,2%)

148

(41,8%)

86

(24,3%)

30

(8,5%)

20

(5,7%)

7. Chất lượng học viên

 

 

 

 

 

 

 

7.1. Có chính sách tuyển sinh (chọn học viên đầu vào) rõ ràng

3

(0,9%)

9

(2,6%)

36

(10,2%)

161

(45,5%)

89

(25,3%)

30

(8,5%)

25

(7,1%)

7.2. Quy trình quản lý học viên đầy đủ, thích hợp

5

(1,4%)

11

(3,1%)

35

(9,9%)

149

(42%)

98

(27,9%)

33

(9,4%)

22

(6,3%)

7.3. Khối lượng học tập thực tế phù hợp với khối lượng học tập đã dự tính

4

(1,1%)

16

(4,5%)

32

(9,1%)

162

(45,8%)

83

(23,6%)

35

(9,9%)

21

(6%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

12

(3,4%)

28

(8%)

160

(45,2%)

99

(28%)

29

(8,3%)

21

(6%)

8. Tư vấn và hỗ trợ học viên

 

 

 

 

 

 

 

8.1. Có hệ thống theo dõi sự tiến triển của học viên thích hợp, thỏa đáng

4

(1,1%)

16

(4,5%)

47

(13,3%)

155

(43,8%)

85

(24,2%)

27

(7,7%)

19

(5,4%)

8.2. Học viên nhận được các tư vấn, hỗ trợ và phản hồi thích hợp về việc học tập của họ

6

(1,7%)

15

(4,2%)

51

(14,5%)

146

(41,5%)

88

(24,7%)

28

(8%)

19

(5,4%)

8.3. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học tập cho học viên đảm bảo thỏa đáng, phù hợp

5

(1,5%)

14

(4%)

45

(12,8%)

150

(42,6%)

87

(24,3%)

30

(8,5%)

22

(6,3%)

8.4. Môi trường vật chất, xã hội và thể chất cho học viên là thỏa đáng

5

(1,4%)

10

(2,8%)

37

(10,5%)

149

(42,3%)

93

(26,1%)

32

(9,2%)

27

(7,7%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

10

(2,8%)

43

(12,1%)

153

(15,2%)

87

(24,3%)

35

(9,9%)

21

(6%)

9. Các trang thiết bị và cơ sở vật chất

 

 

 

 

 

 

 

9.1. Các trang thiết bị giảng dạy (giảng đường, phòng nhỏ) thích hợp, đầy đủ

3

(0,9%)

7

(2%)

20

(5,7%)

150

(42,6%)

88

(25%)

51

(14,1%)

34

(9,7%)

9.2. Thư viện đầy đủ và hiện đại

8

(2,3%)

19

(5,4%)

49

(13,9%)

137

(38,8%)

72

(20,5%)

46

(12,8%)

22

(6,3%)

9.3. Các phòng thực hành đầy đủ và hiên đại

9

(2,6%)

15

(4,2%)

52

(14,8%)

137

(38,8%)

68

(19,8%)

47

(12,8%)

24

(7%)

9.4. Các phòng máy tính đầy đủ và hiện đại

9

(2,6%)

15

(4,2%)

49

(13,9%)

136

(38,6%)

76

(21,4%)

45

(12,8%)

23

(6,5%)

9.5. Các tiêu chuẩn vể môi trường sức khỏe và sự an toàn đáp ứng yêu cầu ở mọi khía cạnh

4

(1,1%)

8

(2,3%)

35

(9,9%)

145

(41,2%)

88

(25%)

44

(12,2%)

29

(8,3%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

12

(3,4%)

45

(12,8%)

147

(41,9%)

77

(21,9%)

44

(12,2%)

24

(7%)

10. Đảm bảo chất lượng của quy trình giảng dạy và học tập

 

 

 

 

 

 

 

10.1. Chương trình môn học được phát triển bởi sự hợp tác của tất cả các giảng viên

4

(1,1%)

7

(1,9%)

42

(11,9%)

150

(42,6%)

92

(25,8%)

34

(9,7%)

24

(7%)

10.2. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các học viên

8

(2,3%)

6

(1,7%)

52

(14,8%)

149

(42%)

78

(22,2%)

39

(11,1%)

21

(6%)

10.3. Chương trình môn học được phát triển có sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động và các bên liên quan

5

(1,4%)

9

(2,6%)

40

(11,4%)

160

(45,2%)

77

(21,9%)

39

(11,1%)

23

(6,4%)

10.4. Chương trình được đánh giá định kỳ vào những thời điểm hợp lý

6

(1,7%)

8

(2,3%)

42

(11,9%)

160

(45,2%)

78

(22,2%)

37

(10,5%)

22

(6,2%)

10.5. Chương trình và các môn học là đối tượng để học viên đánh giá

4

(1,1%)

7

(2%)

38

(10,8%)

161

(45,8%)

86

(24,1%)

36

(10,2%)

21

(6%)

10.6. Phản hồi từ các bên liên quan được sử dụng để cải tiến chương trình

4

(1,1%)

10

(2,8%)

48

(13,6%)

150

(42,6%)

83

(23,3%)

37

(10,5%)

21

(6%)

10.7. Quy trình giảng dạy và học tập, sự phối hợp đánh giá, các phương pháp đánh giá và hoạt động đánh giá luôn được coi là yếu tố trong đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng 

4

(1,1%)

11

(3,1%)

37

(10,5%)

158

(44,9%)

79

(22,2%)

43

(12,2%)

21

(6%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

6

(1,7%)

41

(11,7%)

163

(46%)

76

(21,6%)

43

(12,2%)

20

(5,7%)

11. Các hoạt động phát triển đội ngũ (giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên)

 

 

 

 

 

 

 

11.1. Có kế hoạch rõ ràng về nhu cầu đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên quản lý

4

(1,1%)

9

(2,6%)

40

(11,4%)

165

(46,7%)

75

(21,4%)

39

(11,1%)

20

(5,7%)

11.2. Các hoạt động đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phù hợp với các nhu cầu đã xác định

4

(1,1%)

9

(2,6%)

32

(9,1%)

174

(49,4%)

70

(20,1%)

47

(13,2%)

16

(4,5%)

Nhận xét chung

4

(1,1%)

7

(2%)

32

(9,1%)

170

(48,3%)

76

(21,6%)

43

(12,2%)

20

(5,7%)

12. Phản hồi của các bên có liên quan

 

 

 

 

 

 

 

12.1. Có sự phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ các bên liên quan (gồm người sử dụng lao động)

3

(0,9%)

12

(3,4%)

42

(11,9%)

170

(48,3%)

72

(20,5%)

35

(9,9%)

18

(5,1%)

12.2. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ học viên và các cựu học viênđã tốt nghiệp

4

(1,1%)

16

(4,6%)

35

(9,9%)

163

(46,3%)

81

(23,1%)

36

(10,2%)

17

(4,8%)

12.3. Có ý kiến phản hồi một cách có hệ thống và thỏa đáng từ đội ngũ cán bộ,giảng viên

4

(1,1%)

12

(3,4%)

33

(9,4%)

164

(46,6%)

82

(23,3%)

38

(10,8%)

19

(5,4%)

Nhận xét chung

3

(0,9%)

12

(3,4%)

33

(9,4%)

168

(47,7%)

82

(23,3%)

35

(9,9%)

19

(5,4%)

13. Kết quả đầu ra

 

 

 

 

 

 

 

13.1. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thỏa đáng và tỷ lệ trượt tốt nghiệp ở mức có thể chấp nhận

6

(1,7%)

7

(2%)

27

(7,7%)

164

(46,6%)

93

(26,4%)

36

(10,2%)

19

(5,4%)

13.2. Thời gian trung bình để tốt nghiệp là thỏa đáng

3

(0,9%)

5

(1,4%)

30

(8,5%)

168

(47,7%)

89

(25,3%)

38

(10,8%)

19

(5,4%)

13.3. Khả năng được tuyển dụng của người tốt nghiệp là thỏa đáng

5

(1,4%)

7

(2%)

26

(7,4%)

163

(46,3%)

92

(26,1%)

41

(11,7%)

18

(5,1%)

13.4. Cấp độ của các hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và học viên là thỏa đáng

4

(1,1%)

6

(1,7%)

29

(8,3%)

164

(46,6%)

88

(25%)

43

(12,2%)

18

(5,1%)

Nhận xét chung

3

(0,9%)

5

(1,3%)

31

(8,8%)

160

(45,5%)

93

(26,4%)

40

(11,4%)

20

(5,7%)

14. Sự hài lòng của các bên liên quan

 

 

 

 

 

 

 

14.1. Sự phản hồi từ các bên có liên quan là thỏa đáng

4

(1,1%)

9

(2,6%)

32

(9,1%)

166

(47,2%)

77

(21,9%)

44

(12,4%)

20

(5,7%)

Nhận xét chung

3

(0,9%)

8

(2,3%)

37

(10,5%)

167

(47,4%)

72

(20,5%)

45

(12,7%)

20

(5,7%)

Đánh giá tổng thể

3

(0,9%)

5

(1,4%)

37

(10,5%)

164

(46,6%)

80

(22,7%)

42

(11,9%)

21

(6%)

 

 

PHỤ LỤC 3

DANH MỤC CÁC QUY TRÌNH ISO 9000 CỦA HỌC VIỆN TƯ PHÁP

(đánh giá sơ bộ và đề xuất chỉnh lý, bổ sung năm 2011 - 2012)

STT

QUY TRÌNH

TÌNH TRẠNG

ĐƠN VỊ ĐỀ XUẤT

LÝ DO

MÃ SỐ QT

Giữ nguyên

Sửa đổi

Mới

I.

Trong công tác quản lý, hành chính

1.       

Quy trình kiểm soát tài liệu

 

X

 

HC -TH

 

QT-01.01

2.       

Quy trình Quản lý văn thư

 

X

 

HC-TH

 

QT-01.02

3.       

Quy trình bảo mật văn bản

 

 

X

HC -TH

 

 

4.       

Quy trình kiểm soát hồ sơ

 

 

 

 

 

QT – 02

5.       

Quy trình đánh giá chất lượng nội bộ

 

X

 

 

 

QT – 03

6.       

Quy trình hành động khắc phục, hành động phòng ngừa

 

X

 

CHV

 

QT – 04

7.       

Quy trình xây dựng chiến lược phát triển của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

8.       

Quy trình xây dựng chương trình hoạt động của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

9.       

Quy trình xây dựng kế hoạch hoạt động của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

10.   

Quy trình xây dựng đề án của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

11.   

Quy trình sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy chế của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

12.   

Quy trình theo dõi, kiểm tra việc các đơn vị triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, quy chế, kế hoạch của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

13.   

Quy trình truyền đạt các quyết định, chỉ đạo, thông báo của Ban Giám đốc đến các đơn vị và cá nhân trong Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

14.   

Quy trình theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Lãnh đạo Học viện

 

 

X

HC-TH

 

 

15.   

Quy trình xây dựng báo cáo công tác tháng, quý, năm của Học viện.

 

 

X

HC-TH

 

 

16.   

Quy trình lập lịch công tác hằng tuần, tháng, quý, 6 tháng và năm của Lãnh đạo Học viện

 

 

X

HC-TH

 

 

17.   

Quy trình công tác thống kê

 

 

 

HC -TH

 

 

18.   

Quy trình Kiểm soát hồ sơ của hệ thống quản lý chất lượng

 

X

 

HC -TH

 

QT-02

19.   

Quy trình trình ký văn bản

 

 

X

HC -TH

 

 

20.   

Quy trình tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC -TH

 

 

II.

Trong công tác tổ chức, cán bộ

21.   

Quy trình tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, viên chức

 

X

 

HC-TH

 

QT - 17

22.   

Quy trình lựa chọn giảng viên kiêm chức và thuê chuyên gia

 

X

 

CHV

 

QT - 18

III.

Trong công tác thi đua, khen thưởng; khiếu nại, tố cáo

23.   

Quy trình công tác chuẩn bị và nghiên cứu hồ sơ để họp Hội đồng sáng kiến cơ sở

 

 

X

HC-TH

 

 

24.   

Quy trình công tác chuẩn bị và nghiên cứu hồ sơ để họp Hội đồng thi đua, khen thưởng của Học viện Tư pháp

 

 

X

HC-TH

 

 

25.   

Quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

 

 

X

HC-TH

 

 

IV.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

26.   

Quy trình xây dựng chương trình đào tạo

 

X

 

CHV

 

QT - 05

27.   

Quy trình sửa đổi chương trình

 

 

X

CHV

 

 

28.   

Quy trình biên soạn, sửa đổi giáo trình tài liệu

 

X

 

NCKH

CHV

 

QT -06

29.   

Quy trình biên soạn sửa đổi hồ sơ tình huống

 

X

 

CHV

 

QT - 07

30.   

Quy trình tuyển sinh

 

X

 

PĐT

 

QT - 08

31.   

Quy trình xây dựng thời khoá biểu, lịch học

 

X

 

PĐT

 

QT -09.01

32.   

Quy trình tổ chức hoạt động giảng dạy

 

X

 

CHV

 

QT -09.02

33.   

Quy trình tổ chức thi, kiểm tra

 

X

 

PĐT

 

QT -09.03

34.   

Quy trình quản lý học viên

 

X

 

PĐT

PCTHV

 

QT -09.04

35.   

Quy trình cấp chứng chỉ

 

X

 

PĐT

 

QT -09.05

36.   

Quy trình bồi dưỡng nghiệp vụ các chức danh tư pháp

 

 

 

 

 

QT - 10

37.   

Quy trình xây dựng và thực hiện liên kết đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước

 

 

X

PĐT

 

 

38.   

Quy trình theo dõi, giám sát lịch giảng của Khoa chuyên môn và giảng viên

 

 

X

PĐT

 

 

39.   

Quy trình xét điều kiện dự thi học phần, thi tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp, đánh giá, xếp loại học viên

 

 

X

PĐT

 

 

40.   

Quy trình xây dựng các văn bản về đào tạo

 

 

X

PĐT

 

 

41.   

Quy trình về phối hợp với CSTPHCM về công tác đào tạo

 

 

X

PĐT

 

 

42.   

Quy trình quản trị nội bộ các hoạt động của Phòng đào tạo

 

 

X

PĐT

 

 

43.   

Quy trình kiểm định chất lượng đào tạo của HVTP

 

 

X

PĐT

 

 

44.   

Quy trình về xử lý vi phạm của học viên các khoá đào tạo

 

 

X

PĐT

 

 

V.

Trong công tác nghiên cứu khoa học

45.   

Quy trình nghiên cứu khoa học

 

X

 

 

 

QT -11

46.   

Quy trình quản lý thư viện

 

X

 

 

 

QT -12

47.   

Quy trình đặt bài, tổ chức biên tập và phát hành tạp chí Nghề Luật

 

X

 

 

 

QT -13

VI.

Trong công tác tài chính kế toán

48.   

Quy trình  thanh toán và quản lý chứng từ kế toán

 

X

 

TCKT

 

QT 21.01

49.   

Quy trình thanh toán tiền mặt

 

X

 

TCKT

 

 

VII.

Trong công tác quản trị

50.   

Quy trình quản lý hạ tầng, trang thiết bị

X

 

 

PQT

 

 

51.   

Quy trình Mua hàng và đánh giá, lựa chọn nhà cung ứng

 

X

 

PQT

PTH

 

QT-20

52.   

Quy trình quản lý tài sản cố định

 

 

 

 

 

QT- 21.02

VIII.

Trong công tác tin học

53.   

Quy trình quản lý và cập nhật website

 

X

 

PTH

 

QT- 14

54.   

Quy trình quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa mạng tin học nội bộ

 

 

 

 

 

QT-15

IX.

Trong công tác hợp tác quốc tế

55.   

Quy trình lập kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế

 

X

 

HTQT

 

QT -16

56.   

Quy trình lễ nghi hội họp, khánh tiết

 

 

 

 

 

QT - 22

 

 



[1] Báo cáo số 4837/BC-UBTP12 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII ngày 09 tháng 4 năm 2011 về kết quả phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có CDTP.

[2] Báo cáo khảo sát hiệu quả chương trình đào tạo thẩm phán tại Học viện Tư pháp của Đơn vị Tư vấn độc lập InvestConsult Group trong Dự án Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở (JUDGE), năm 2010.

[3] Theo một số tài liệu gần đây của BCĐ CCTPTW (Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW) có chủ trương tách chức danh Luật sư khỏi bổ trợ tư pháp, tuy nhiên chưa có quy định khẳng định đây là chức danh tư pháp.

[4] Riêng đối với chức danh chấp hành viên hiện nay nếu phân loại đang gặp khó khăn do nhiều quan niệm khác nhau đối với chức danh này. Một số ý kiến cho rằng hoạt động thi hành án là một hoạt động mang tính hành chính tư pháp; một số ý kiến khác lại cho rằng hoạt động thi hành án là một hoạt động tố tụng, vì vậy chấp hành viên là một chức danh tư pháp. Đây chỉ là sự phân loại mang tính tương đối, không có ý đưa ra như một kết luận để tránh những tranh cãi không cần thiết về vấn đề này.

[5] Điều 2,Luật Khoa học và công nghệ .

[6] Xem thêm: Tài liệu Dự án JUDGE – TS. Bill Lockhart cung cấp cho Học viện Tư pháp  năm 2012.

[7] TS. Phạm Xuân Thanh, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC:  SỰ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM, Tạp chí Giáo dục. số 115, kỳ 1, tháng 6 năm 2005.

[8] Bộ GDĐT, Tài liệu tập huấn Tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục, tháng 10/2009; có dẫn chiếu đến tài liệu của TS.Nguyễn Kim Dung, Viện NCGD, ĐH Sư phạm Tp. HCM.

[9] Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục đại học trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á đã được thành lập. Tính đến nay, đã có 27 trường đại học đến từ 10 quốc gia trong khu vực trở thành thành viên của tổ chức này. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA). Đây cũng là cách mà mạng lưới các trường đại học ASEAN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường đại học đối tác trên thế giới, từng bước góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

[10] Mô hình AUN-QA là sự lựa chọn phù hợp cho các trường đại học Việt Nam, với ba lý do cơ bản sau: Một là, mô hình AUN-QA có sự liên kết với hệ thống đảm bảo chất lượng của khu vực và toàn thế giới, vì vậy nó có thể áp dụng vào các trường đại học của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Hai là, mô hình AUN-QA được thiết kế rõ ràng, cụ thể và không quá xa lạ với cách thức quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam đồng thời cũng phù hợp với quá trình cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam để nâng cao chất lượng và hội nhập vào nền giáo dục toàn cầu. Ba là, mô hình được xây dựng và sử dụng bởi AUN, trong đó có sự tham gia của các trường đại học lớn, có uy tín trong khu vực. Một lý do khác khi AUN được lựa chọn đó chính là bộ tiêu chuẩn này không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành mà tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình. Bộ tiêu chuẩn tập trung và những lĩnh vực mà bất kỳ chương trình đạo tạo nào cũng có như chuẩn đầu ra; khung chương trình; giảng viên và người học, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp cũng cần tham khảo mô hình của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu  (ENQA) và Mạng lưới Đảm bảo chất lượng châu Á – Thái bình dương (APQN) về cơ chế đảm bảo chất lượng bên trong.

[11] Xem thêm Điều 6.Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định  số 1164 /QĐ-ĐBCL ngày 20  tháng 4  năm 2011 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội)

[12] Số lượng 11 tiêu chuẩn bao gồm: Sứ mệnh; Mục tiêu; Mục đích; Chính sách, kế hoạch; Quản lý; Nguồn lực con người; Ngân sách; Hoạt động giáo dục; Hoạt động nghiên cứu; Phục vụ cộng đồng; Thành tựu đạt được.

[13] Hiện nay Việt Nam đã có một số chương trình học được AUN kiểm định theo chuẩn AUN-QA trong đào tạo kỹ sư, công nghệ thông tin, kinh doanh, Hóa học, Văn học, Tâm lý… đạt chuẩn ở mức có tài liệu và có minh chứng (Xem: Mạnh Tuấn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội,AUN-QA: Cái đích của những trường đại học hướng đến chất lượng, http://dantri.com.vn/khuyen-hoc/aunqa-cai-dich-cua-nhung-truong-dai-hoc-huong-den-chat-luong-472953.htm).

[15] Hội nghị hàng năm của APQN được tổ chức tại Chiba, nước Nhật vào tháng 2/2008

[17] Livingston Armytage, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu tư pháp, Australia (www.educatingjudges.com), Bối cảnh thể chế đào tạo tư pháp trong một nước đang phát triển, tài liệu Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về đào tạo tư pháp, 25-ngày 29 tháng 10/2009 tại Sydney- Australia của Tổ chức Quốc tế về đào tạo tư pháp (IOJT),

[18] Như trên, tlđd.

[19] Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, ngày 2/1/2002

[20] (i) Về số lượng: Đến năm 2015 cần bổ sung khoảng 2.400 Thẩm phán, 3.578 Kiểm sát viên; từ năm 2016 đến năm 2020 cần bổ sung khoảng 500 Thẩm phán và 2.500 Kiểm sát viên; bổ sung 9.000 Luật sư để đạt chỉ tiêu phát triển đội ngũ Luật sư từ 18.000 đến 20.000 vào năm 2020; khoảng 2.000 Công chứng viên và 2.400 Chấp hành viên. Ngoài ra, xuất phát từ đòi hỏi của xã hội và thực tiễn công tác tư pháp, nhiều lĩnh vực khác cũng cần được bổ sung, phát triển nguồn nhân lực với yêu cầu chuẩn hóa về chức danh tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó, cần chuẩn bị kế hoạch đào tạo các CDTP mới như Hộ tịch viên, Thừa phát lại, Thư ký Thừa phát lại... theo dự kiến sẽ được pháp luật quy định trong thời gian tới. Một số CDTP khác như Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký Thi hành án dân sự, Trọng tài viên, Trợ giúp viên pháp lý, Giám định viên... hiện đang được bồi dưỡng để bổ nhiệm và sau này cũng cần chuyển sang đào tạo để bổ nhiệm theo hướng chuyên nghiệp hóa và tương đồng với các CDTP khác.

(ii) Về chất lượng: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW), Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng các CDTP theo hướng: “rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh”, “nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ”, và đặc biệt là “đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”.

[21] Tham khảo: Dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp và Thuyết minh kèm theo,  tháng 4/2015.

[22] Theo Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013.

[23] Công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH v/v: hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo

[24] Công văn số 5543/BGDĐT-GDCN hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo TCCN.

[25] Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII tại Báo cáo số 4832/BC-UBTP12 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII ngày 09/4/2011 về kết quả phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp thì “Đa số học viên của Học viện Tư pháp sau khi tốt nghiệp đã được bổ nhiệm các chức danh tư pháp, vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn, có đóng góp tích cực vào hiệu quả hoạt động tư pháp trong những năm qua”. Trong số các học viên được bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, chấp hành viên, có nhiều học viên được giữ chức vụ lãnh đạo toà án, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực, quân khu, nhiều học viên đã trưởng thành và hiện nay đã là các trưởng các văn phòng, công ty luật, văn phòng công chứng có uy tín...

[26] Về vấn đề này, trong thời gian qua, Học viện Tư pháp chủ yếu tiếp nhận kinh nghiệm và sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia thuộc Dự án JUDGE (Canada) giai đoạn 2007-2012.

[27] Tham khảo Nguyên tắc và tiêu chuẩn của giáo dục tư pháp (Principles and standards of judicial branch education) của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators) : Nguyên tắc và tiêu chuẩn của giáo dục tư pháp (Principles and standards of judicial branch education) – Nguyên tắc III.

[28] Tham khảo: Nguyên tắc IV trong Nguyên tắc và tiêu chuẩn của giáo dục tư pháp (Principles and standards of judicial branch education) của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators): – Tài liệu dịch trong khuôn khổ Đề tài.

[29] Tham khảo: Nguyên tắc V trong Nguyên tắc và tiêu chuẩn của giáo dục tư pháp (Principles and standards of judicial branch education) của Hiệp hội quốc gia các nhà giáo dục tư pháp nhà nước của Hoa Kỳ (National Association of State Judicial Educators), Nguồn Tài liệu dịch của Đề tài.

[30] Chuẩn đầu ra đã được công bố và quy trình, phương pháp xây dựng của các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật (như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Huế…) cần được Học viện Tư pháp nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng; bởi vì xét về phương diện năng lực về kiến thức, trình độ thì chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo luật sẽ là một phần quan trọng trong “đầu vào” của các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp; và mối liên hệ giữa “chuẩn đầu vào” và “chuẩn đầu ra” của các chương trình này tất yếu cần được nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng.

[31] Học viện Tư pháp cần tìm hiểu và từng bước nghiên cứu ứng dụng kinh nghiệm về xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo của Tổ chức quốc tế CDIO (khối các trường đại học đào tạo ngành kỹ thuật) và đi liền với đó là thành tựu xây dựng chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam với sự tiếp cận CDIO trong thời gian qua. Về lĩnh vực đào tạo tư pháp, Học viện Tư pháp cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng khung năng lực nghề nghiệp cho các CDTP của Tổ chức quốc tế về đào tạo tư pháp (IOJT), các nước thành viên của Tổ chức này và các nước tiên tiến khác trên thế giới như CH Pháp (đại diện cho các nước thuộc hệ thống civil law) và vương quốc Anh (đại diện cho các nước thuộc hệ thống common law) đều cho thấy khả năng và sự phù hợp của việc Học viện Tư pháp tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm nước ngoài trong việc nghiên cứu xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo các CDTP.

[32] Tác giả có sử dụng kết quả nghiên cứu của Học viện Tư pháp trong việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp, tháng 3-4/2015.

[33] Tham khảo từ hướng dẫn của Uỷ ban về giáo dục pháp lý của Vương quốc Anh và kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở của Học viện Tư pháp về xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp, năm 2012.

[34] Vận dụng từ nội dung nghiên cứu, hướng dẫn của Hiệp hội quốc tế các tổ chức đào tạo tư pháp (IOJT) và một số nước thành viên IOJT; và kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở của Học viện Tư pháp về xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp, năm 2012.

[35] Vận dụng từ nội dung nghiên cứu, hướng dẫn của Hiệp hội quốc tế các tổ chức đào tạo tư pháp (IOJT) và một số nước thành viên IOJT; và kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp cơ sở của Học viện Tư pháp về xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo các CDTP tại Học viện Tư pháp, năm 2012.

[36] Vận dụng từ kinh nghiệm của Trường Thẩm phán quốc gia Pháp (ENM)

[37] Minh chứng đánh giá của tiêu chuẩn 1:

[38] Bản chất đây là phát triển chương trình đào tạo theo lý thuyết về xây dựng chương trình

[39] Theo tiêu chí đánh giá của Hoa Kỳ, xuất phát từ đặc thù đào tạo nghề nghiệp tư pháp và tính chất quan trọng của nghề nghiệp tư pháp, chiến lược dạy và học phải hướng tới cá nhân người học nên chúng tôi đưa tiêu chí này vào tiêu chuẩn về chiến lược dạy và học (tiêu chí 3.2).

[40] Đây là tiêu chí xác định trách nhiệm của Học viện Tư pháp đối với người học cũng như đối với xã hội khi định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho học viên trên cơ sở mối tương tác người chọn việc và việc chọn người. Đối tượng áp dụng là học viên có đầu vào là thí sinh tự do, đặc biệt là các thí sinh tham gia chương trình đào tạo chung 3 chức danh Thẩm phán – Kiểm sát viên – Luật sư. Cụ thể: a) Có các hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho người học sắp tốt nghiệp tại Học viện Tư pháp. b) Có các hoạt động liên hệ, phối hợp thường xuyên với Tòa án, Viện kiểm sát các cấp, Liên đoàn Luật sư, các đoàn luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cũng như cựu học viên để người học tiếp cận thông tin tuyển dụng.

[41] Một số bộ tiêu chuẩn sử dụng thuật ngữ đảm bảo chất lượng quy trình giảng dạy và học tập nhưng trong nội dung lại là các tiêu chí đánh giá quy trình giảng dạy và học tập.

 

[42] Đối tượng học viên đã có bằng Cử nhân Luật, nhiều người đã là công chức có thời gian công tác nhiều năm trong ngành tư pháp; Nội dung đào tạo thiên về thực tiễn, kỹ năng nghề nghiệp; Hoạt động đào tạo gắn bó chặt chẽ với công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng lao động sau đào tạo, nhiều lĩnh vực như đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên… là đào tạo theo địa chỉ; hành lang pháp lý cho hoạt động đào tạo chưa thật sự đầy đủ, thống nhất. 

 

File đính kèm downloadTải về