• Thuộc tính
Tên đề tài Một số nội dung cơ bản của hương ước qua các giai đoạn phát triển của nó
Nội dung tóm tắt
 
 
 
 
Nội dung toàn văn

Phát biểu

của đồng chí Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội thảo

(Phát biểu khai mạc + phát biểu kết thúc)

 

 

 

Xin trân trọng giới thiệu đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lên phát biểu.

 

Kính thưa đồng chí Yngong Niekđam, chủ tịch Hội đồng dân tộc, Uỷ viên Thường vụ của Quốc hội.

 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Bá Anh, chủ tịch UBND tỉnh Daklak.

 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân, phó chủ tịch.

 

Kính thưa đồng chí Bloc Êban, thiếu tướng, chủ tịch hội Cựu chiến binh.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Daklak.

 

Đồng chí Châu Khắc Sương, Thường vụ tiểu ban tuyên giáo.

 

Đồng chí Pe, Thường vụ tiểu ban dân vận.

 

Đồng chí A Ngọc Phòng, chủ tịch.

 

Kính thưa các đồng chí đại diện các cơ quan TƯ, ở đây chúng tôi biết được có Bộ Văn hoá, đại diện Bộ Văn hoá, có Ban Văn hoá tư tưởng, Bộ Văn phòng Quốc hội và một số các ban khác.

 

Kính thưa các đồng chí đại diện Sở Tư pháp của 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

 

Kính thưa tất cả các đồng chí đại biểu các cơ quan xung quanh tỉnh.

 

Trước hết cho phép tôi thay mặt Bộ Tư pháp cám ơn Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Daklak đã phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức cuộc hội thảo có nhiều ý nghĩa về mặt phương tiện và lý kuận này tại thành phố Buôn Mê Thuật, một địa danh lịch sử có sự, có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả nước. Tôi rất vui mừng và xin nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt đông dủ của các đồng chí đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành TƯ, Sở Tư pháp và Văn hoá Thông tin của 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã quan tâm và về dự hội nghị này. Nhân dịp này tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn với đồng chí Yngong Niekđam, chủ tịch Hội đồng đân tộc Quốc hội, mặc dù rất bận rộn công tác ở Quốc hội, nhất là hôm nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang họp phiên họp thường kỳ và đồng chí đã dành cho hội nghị chúng ta sự quan tâm sự ưu ái bằng việc là có mặt để chỉ đạo hội nghị này.

 

Thưa các đồng chí, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, toàn dân và toàn quân chúng ta đã triển khai thi hành đường lối đổi mới của Đảng, trong đó việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự của dân do dân vì dân, một hệ thống pháp luật XHCN đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mười năm qua cũng là mười năm mà hệ thống pháp luật Việt Nam đã được đẩy mạnh, tăng cường và ngày càng hoàn chỉnh. Sự ra đời của một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh đó đang đóng góp tích cực vào cái công cuộc cái sắc bén của sự nghiệp đổi mới. Nó vừa thể hiện ý chí của nhân dân, hoàn thành quyền lợi, lợi ích của nhân dân vừa là công cụ để hướng dẫn nhân dân, tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng và hăng hái tham gia xây dựng sự nghiệp đổi mới. Pháp luật ngày càng đầy đủ, đó là niềm vui chung của chúng ta đồng thời thì trong quá trình đó đã đặt ra những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ tiếp tục hoàn chỉnh và cái điều hết sức quan trọng là bảo đảm cho hệ thống pháp luật đó có hiệu lực thực tế, thực sự là thể hiện ý chí của nhân dân, nguyện vọng của nhân dân và đóng được vai trò công cụ sắc bén.

 

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ đó thì bên cạnh những vui mừng lớn lao mà chúng ta có thể có quyền tự hào thì một vấn đề nữa đặt ra cũng làm chúng ta phải băn khoăn là không ít những văn bản pháp luật đã ban hành thì chưa đi vào cuộc sống, không phải đã được ban hành thì tự nhiên được mọi người tôn trọng, làm theo. Và một điều cũng làm chúng ta băn khoăn là những văn bản pháp luật đó được ban hành thì không phải tất cả đều đã phản ảnh được tâm tư nguyện vọng và phản ảnh được cái phong tục tập quán, phản ảnh được những bản sắc văn hoá đã hình thành trong nhiều năm tháng của dân tộc, nhất là một đất nước có nhiều dân tộc như dân tộc Việt Nam chúng ta. Từ đó đã đặt ra một vấn đề làm thế nào để hoàn chỉnh nội dung các qui định của pháp luật và điều quan trọng hơn đó là các qui định pháp luật đó đã được ban hành thì phải được tôn trọng chấp hành trong thực tế. Hội nghị TƯ V như chúng ta đã biết đã đề ra một cái chủ trương hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu hiện nay, đó là cần phải khuyến khích việc xây dựng hương ước, ban hành những qui chế hiệu qủa ở các thôn bản.

 

Các bạn đều hiểu được trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng như trong hoạt động chung hàng ngày thì Bộ Tư pháp là cái cơ quan giúp cho Chính phủ về mặt lập pháp và tư pháp, thường xuyên được hỏi những vấn đề là làm thế nào để thể hiện trong cuộc sống thực hiện được cái chủ trương của Nghị quyết TƯ V là khuyến khích việc ban hành các hương ước và những luật tục mà hiện nay trên thực tế nhân dân đang tôn trọng thì chính những quá trình này phối hợp với một số cơ quan TƯ đặc biệt là Ban Văn hoá tư tưởng và Bộ Văn hoá, Bộ Tư pháp đã triển khai việc nghiên cứu hương ước và luật tục ở nhiều địa phương. Để làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc nghiên cứu này thì phối hợp các cơ quan có trách nhiệm ở TƯ của tư pháp và tổ chức một số hội thảo khoa học và cái hội thảo đầu tiên được chúng tôi tổ chức ở Hải Hưng với đại diện của nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Và tại hội nghị đó đã thảo luận nêu nhiều vấn đề về việc cái tình hình xây dựng hương ước hiện nay, việc kế thừa những tập quán phong tục đã hình thành trong nhiều năm của đất nước, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu phạm vi qui mô của các hương ước và cái mối quan hệ của nó đối với pháp luật của nhà nước và làm thế nào vừa hương ước vừa phản ảnh được cái phong tục tập quán truyền thống của dân ta, đồng thời lại phù hợp với đường lối đổi mới, trở thành công cụ tổ chức cuộc sống cộng đồng ở thôn xã. Đất nước ta là một đất nước có nhiều dân tộc, tính đến nay đúng 54 dân tộc và tuyệt đại dân cư đang sống ở nông thôn, là nơi hương ước luật tục đang có tác dụng nhất định.

 

Trong tình hình đó để tiếp tục bảo đảm phát huy vai trò của pháp luật, thể hiện đường lối đổi mới của Đảng đồng thời cũng phản ảnh kế thừa phong tục tập quán của nhân dân thì việc tiếp tục tìm ra một cơ sở lý luận và thực tiễn để trình lên các cơ quan Nhà nước, cơ quan lãnh đạo Đảng làm cơ sở cho việc ban hành những chủ trương về khuyến khích và đề cao vai trò của hương ước và luật tục là một điều mà chúng tôi nghĩ rằng hết sức bức xúc và có ý nghĩa thời sự.

 

Hơn nữa, năm 1995, Quốc hội chúng ta đã thông qua Bộ luật Dân sự, đây là bộ luật lớn nhất Nhà nước ta từ trước đến nay. Bộ luật Dân sự cũng là một bộ luật mà nó đề cập đến những vấn đề tổ chức cuộc sống cộng đồng ở thôn xã, đây là những vấn đề liên quan đến những sinh hoạt đời thường của người dân, những vấn đề hộ muôn tiền sản đều được qui định trong Bộ luật Dân sự. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì luật Hôn nhân và Gia đình được ban hành năm 1986 hiện nay cần được sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đổi mới xây dựng nền kinh tế thị trường. Việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự cũng như việc xây dựng và trình Quốc hội trong năm nay và sang năm luật Hôn nhân Gia đình mới và cũng có một luật hết sức quan trọng nữa là luật Dân tộc mà trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã được đặt ra và hiện nay Hội đồng dân tộc cũng như ban Dân tộc và miền núi của Chính phủ cũng đang triển khai xây dựng đang đặt ra những vấn đề rất bức xúc là xác định vị trí của tập quán, luật tục và hương ước như thế nào.

 

Trong Bộ luật Dân sự, như chúng ta biết, có những điều đã trực tiếp đề cập đến tập quán. Chúng tôi sơ bộ tìm ra thì có tới bốn điều: điều thứ tư đã nói đến việc xác lập thực hiện quyền nghĩa vụ dân sự, phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp tình đoàn kết tương thân tương ái mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Điều 14 của Bộ luật Dân sự cũng đề ra một nguyên tắc rất là quan trọng, nó là cái điểm cụ thể hoá cái nguyên tắc vừa mà chúng tôi vừa nói đến. Điều 14 của Bộ luật Dân sự có nói trong trường hợp pháp luật không qui định thì có thể áp dụng tập quán trong việc điiều chỉnh những quan hệ dân sự của người dân. Điều 252, điều 629 của Bộ luật Dân sự cũng thừa nhận cái vai trò của tập quán trong cái giao lưu dân sự.

 

Như vậy không những về mặt chủ trương mà trong thực tế pháp luật của Nhà nước ta đã ghi nhận vai trò của tập quán trong đời sống xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay của chúng ta là cần thể hiện những tập quán đó dưới hình thức như thế nào thì hương ước cũng như luật tục chính là cái hình thức mà hiện nay ở nhiều địa phương theo như tôi biết, theo những thông tin mà chúng tôi nắm được thì có thể nói trên cả ba miền đất nước từ miền Bắc đến miền Nam đến miền Trung, từ miền xuôi đến miền ngược và cả ở Tây Nguyên chúng ta thì cái việc xây dựng hương ước luật tục đang được triển khai dưới sự chỉ đạo của chính quyền và mặt trận các cấp. Vấn đề đặt ra hiên nay là chúng ta kế thừa nhưng mà trên cơ sở chọn lọc, chúng ta tiếp thu cái truyền thống của quá khứ nhưng không phải tràn lan mà có lựa chọn. Thế thì những tập quán, luật tục nào cần được thừa nhận và sự thừa nhận đó cần được thể hiện dưới hình thức nào tức là bằng hình thức văn bản nào. Thì ở đây có nhiều vấn đề về mặt nguyên tắc đã đặt ra, chúng tôI hiểu là ta phát huy luật tục và hương ước, những qui tắc của sinh hoạt cộng đồng nhưng phải bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng của đường lối đổi mới.

 

Từ đó đặt ra một vấn đề là cần xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh và một cái thuật ngữ thường nói trong công tác lập pháp lập qui là phạm vi và đối tượng điều chỉnh của hương ước của luật tục. Cho đến nay thì những quyết định này trước hết bao gồm đén những sinh hoạt đời thường, đó là vấn đề ma chay cưới xin, đó là vấn đề lễ hội, đó là vấn đề tổ chức và duy trì trật tự trị an ở thôn xóm, ở bản làng.

 

Có đồng chí cũng đã xem và cho rằng nên xem hương ước và luật tục như là một bộ luật tự quản của thôn bản. Nhưng từ đó dặt ra một vấn đề phải chăng trong trường hợp đó hương ước và luật tục sẽ thay thế pháp luật của Nhà nước, thay vào đó là sự chuyển hoá những qui định của pháp luật thành qui định của thôn bản. Thì đó là vấn đề về mặt nội dung của hương ước của luật tục mà hiện nay chúng tôi trong cái công việc điều hành chỉ đạo chung cũng như công tác nghiên cứu đang đặt ra phải xác định rõ.

 

Về mặt thẩm quyền cái trình tự ban hành văn bản này thì hiện nay trong thực tế cũng đang có những vấn đề cần phải được sự chỉ đạo và trước hết cần có sự chỉ đạo về mặt chủ trương. Có nơi thì hương ước và luật tục được dòng họ hoặc già làng đưa ra. Trong trường hợp đó thì vai trò của chính quyền đến đâu, vai trò của Hội đồng nhân dân, của MTTQ địa phương như thế nào, vì Hội đồng nhân dân và Mặt trận đó cùng là những cái cơ quan và tổ chức tập hợp quần chúng và phản ảnh nguyện vọng tâm tư của quần chúng. Hội đồng nhân dân là cơ quan Nhà nước và Mặt trận là tổ chức xã hội rộng rãi, như vậy đặt ra một vấn đề ai là người có quyền khởi xướng hoặc xây dựng hương ước và luật tục ở một địa phương. Và như hiện nay chúng ta biết thì chính quyền của chúng ta tổ chức theo ba, bốn cấp : trung ương và ở địa phương thì có ba cấp: tỉnh, huyện, hoặc là tỉnh, thành phố, huyện, quận và thành phố thuộc tỉnh và xã phường, buôn làng. Thế thì cái hương ước này, luật tục này cần được xây dựng ở cái tầng nào, ở cấp xã phường hay là ở thôn, ở làng ở bản, ở cái cấp dưới của xã. Đây cũng là một vấn đề đang đặt ra và chúng tôi cũng không dấu diếm rằng đang có sự lúng túng vì khi nói đến hương ước tức là chúng ta hiểu nó đó là trong phạm vi từng thôn, từng làng, từng bản một, nghĩa là ở dưới cấp xã. Trong trường hợp đó vai trò cuả chính quyền địa phương đến đâu. Hơn nữa nếu như chúng ta nghiên cứu so sánh cái hương ước, cái luật tục trong quá khứ và với những cái văn bản mà hiện nay chúng ta có được thì có một vấn đề đang được đặt ra về mặt nội dung, đó là nếu như trong quá khứ thì vai trò của họ, của gia tộc là rất quan trọng còn hiện nay ở nông thôn chúng ta, dù ở miền xuôi hay ở miền núi, ở cao nguyên thì vai trò của tổ chức Đảng, các đoàn thể xã hội lại rất quan trọng, còn cái vai trò của dòng họ, của gia tộc thì đương nhiên trong tình hình mới cũng cần tính đến để phát huy nhưng phát huy như thế nào lại cũng là một vấn đề cần phải xem xét.

 

Và nói đến hương ước, nói đến luật tục thì có một tình hình phổ biến là hương ước và luật tục bao giờ cũng kèm theo những biện pháp xử lý, chế tài. Người không tuân theo thì thường được thường bị phê phán mà không những bị phê phán, bị lên án về mặt dư luận mà trong thực tế còn có thể bị áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm khắc vì đã trái với qui định chung của thôn bản.

Vấn đề đặt ra thế trong trường hợp đó những biện pháp chế tài xử lý này đến mức độ nào thì chấp nhận vì theo cái pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm về hành chính thì ngay Uỷ ban, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cũng không có quyền đặt ra những cái biện pháp xử lý mà chỉ là cơ quan áp dụng mà thôi. Thế thì hiện nay hương ước và luật tục ở cái cấp xã, bản thôn thì có quyền qui định đến đâu và dựa vào đâu để qui định. Nếu làm trái những qui định của pháp luật thì chấp nhận đến đâu. Đây là những vấn đề về mặt lý luận cả về mặt thực tiễn đang đặt ra một cái bức xúc.

 

Hơn nữa qua nghiên cứu thì chúng tôi thấy được một tình hình cũng rất đáng suy nghĩ là nếu như không có sự chỉ đạo chặt chẽ, nếu như không có sự hướng dẫn chu đáo thì việc xây dựng và thông qua hương ước và luật tục lại là hình thức làm sống lại những tập quán, những truyền thống lạc hậu. Chẳng hạn ở một số địa phương đã có tình hình phân biệt giữa dân chính cư và dân ngụ cư, phân biệt giữa nam giới và phụ nữ. Thì đấy lại không phải là cái mà chúng ta cần khuyến khích cho nên đây cũng đặt ra một vấn đề rằng cần phải có sự chỉ đạo hoặc sự hướng dẫn chặt chẽ từ phía Đảng, từ phía Nhà nước và ở đây tôi xin nói rõ đó là từ phía các cơ quan pháp luật của địa phương cũng như các cơ quan văn hoá tư tưởng. Nếu không có sự chỉ đạo này thì việc khuyến khích xây dựng hương ước và luật tục lại là một hình thức khuyến khích trở lại với những thói quen truyền thống mà hiện nay trong thời kỳ đổi mới, trong cái thời kỳ theo lý tưởng XHCN chúng ta không thể chấp nhận. Từ đó chúng tôi thấy rằng cần phải tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo để tranh thủ được ý kiến rộng rãi của các giới các ngành, của nhân dân ở nhiều địa phương.

 

Đối với Tây Nguyên chúng ta thì chúng tôi nghĩ rằng Tây Nguyên là một vùng, địa danh không những có tên tuổi về lịch sử mà đồng thời cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc có một cái truyền thống văn hoá lâu đời và có những tập quán sinh hoạt riêng. Thì trong vấn đề này, một cái điều mà chúng tôi cả thấy rất bức xúc đó là Bộ Tư pháp chúng tôi cũng là cơ quan được Quốc hội, được Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho xây dựng dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình mới, và ở đây có một vấn đề rất lớn trong hôn nhân và gia đình thì hơn bất kỳ một lĩnh vực nào khác là nơi còn có dấu ấn rất rõ nét của phong tục tập quán, của truyền thống lâu đời. Từ việc cưới xin đến quan hệ trong gia đình đều là những vấn đề mà phong tục tập quán đang chi phối nặng nề. Thì ở đây cần có sự sàng lọc, đồng thời cũng tính đến trình độ dân trí hiện nay, cái trình độ phát triển hiện nay mà thừa nhận những tập quán và phong tục lạc hậu.

 

Thì cũng xin báo cáo các đồng chí lãnh đạo và nhiều các đồng chí đại biểu hôm nay là việc thừa nhận và khuyến khích ghi nhận trong pháp luật Hôn nhân và Gia đình những phong tục tập quán tốt đẹp thì đã được đặt ra từ khi chúng ta xây dựng luật Hôn nhân Gia đình năm 1959 và tiếp đó luật Hôn nhân Gia đình năm 1986 cũng đã dành một qui định rằng cần phải thừa nhận điều này nhưng mà trên thực tế thì trước đây Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thời đồng chí Trường Chinh đến Hội đồng Nhà nước thời đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Chí Công thì đều đã lúng túng và chưa ban hành được những cái văn bản để hướng dẫn riêng cho đồng bào dân tộc áp dụng những tập quán phong tục trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

 

Đến phần này khi xây dựng luật Hôn nhân và Gia đình mới thì vấn đề này lạI được đặt ra, nhất là dưới ánh sáng của Nghị quyết TƯ V đã ghi rõ ràng là cần phảI khuyến khích việc xây dựng hương ước và khuyến khích việc áp dụng thừa nhận những tập quán phong tục tốt đẹp thì vấn đề đã được đặt ra một cách bức xúc và thực tiễn. Thì chúng tôi trong nhiều cuộc họp của Uỷ banThường vụ Quốc hội thường được ghi nhận, được nghe những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Yngong Niekđam và đồng chí thường xuyên lưu ý trong công tác lập pháp lập qui là phải tính đến phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và cũng tính đến cái phong tục tập quán phù hợp với trình độ hiện nay của dân tộc, đòi hỏi một cái gì đó cao, cao quá đối với các dân tộc chúng ta hiện nay cũng là điều không phù hợp và không thích hợp cho nên đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi thấy được rằng không thể không tranh thủ ý kiến rộng rãĩ của các miền và đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên chúng ta. Thì một trong những lý do mà chúng tôi và nhất là được sự đồng ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Bá Anh và các đồng chí khác trong lãnh đạo tỉnh thì đã cho phép cùng với Bộ Tư pháp chúng tôi tổ chức cái hội thảo này tại thành phố Buôn Mê Thuột tỉnh Daklak của chúng ta là cùng chờ đợi một cái kết quả mà chúng tôi cho rằng sẽ rất là hữu ích đối với công tác lập pháp lập qui nói chung của Nhà nước chúng ta và Bộ Tư pháp chúng tôi có trách nhiệm tham gia tích cực đồng thời cũng sẽ đóng góp tích cực vào cái việc xây dựng một cái quan niệm thể hiện cái thái độ đối với luật tục và hương ước trong cái luật Hôn nhân Gia đình hiện nay đang triển khai xây dựng.

 

Thì với lý do như vậy, Bộ Tư pháp chúng tôi đã phối hợp với UBND tỉnh chúng ta để tổ chức hội thảo này, đồng thời có sự tham gia tích cực của Ban Văn hoá Tư tưởng, Bộ Văn hoá và nhiều cơ quan khác, TƯ cũng như ở địa phương. Phần tôi, thay mặt cho Bộ Tư pháp chúng tôi xin nói rõ, nêu rõ lại cái lý do mà chúng tôi thấy cần tổ chức phối hợp với UBND tỉnh đây để phối hợp tổ chức cái hội thảo này và chờ rất nhiều những ý kiến của các đồng chí của 10 tỉnh và đặc biệt là các đồng chí ở Daklak. Với một niềm tin là các đồng chí tỏ sự quan tâm sâu sắc với sự có mặt của mình ở hội nghị này thì chắc chắn những ý kiến của các đồng chí đóng góp rất phong phú và chúng tôi tin rằng hội nghị chúng ta sẽ thành công tốt đẹp. Với niềm tin như vậy thì chúng tôi xin thay mặt cho Bộ Tư pháp một lần nữa xin cám ơn lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan TƯ và 10 tỉnh thành đã tham gia vào hội thảo này và xin chúc hội thảo chúng ta thành công tốt đẹp.

 

 

 

 

Phát biểu bế mạc hội thảo của đồng chí Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

 

Kính thưa đồng chí Yngong Niekđam, chủ tịch Hội đồng dân tộc.

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Daklak.

 

Thưa đại diện các cơ quan của TƯ, của ban Tư pháp và Văn hoá 10 tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

 

Kính thưa tất cả các đồng chí.

 

Đến giờ phút này chúng tôi tự cho phép mình đánh giá rằng hội thảo mà chúng ta tổ chức là đã thành công tốt đẹp. Với Bộ Tư pháp chúng tôi lần đầu tiên chúng tôi có được cái dịp tiếp xúc một cách rộng rãi và phải nói rằng rất phong phú với những thông tin rất quí từ bản địa để có được một hình dung bước đầu hết sức sơ bộ nhưng cũng rất toàn diện về một cái lĩnh vực, về một cái vấn đề hết sức phức tạp nhưng có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống các dân tộc chúng ta, đó là vấn đề nông thôn, vấn đề hương ước.

 

Kính thưa các đồng chí,

 

Là cơ quan tổ chức phối hợp với UBND tỉnh Daklak, chúng tôi xin phép trước hết cám ơn tác giả, những đồng chí đại diện cho các cơ quan Văn hoá và Tư pháp cũng như một số cơ quan khác hưởng ứng lời mời của chúng tôi đã chuẩn bị những báo cáo công phu. Chúng tôi nghĩ rằng là hơn 15 bản báo cáo, mỗi bản báo cáo đều có những sắc thái riêng nhưng đều thể hiện ý thức trách nhiệm, sự quan tâm sâu sắc và sự hiểu biết rất rộng vấn đề mà các đồng chí trình bày. Chính những báo cáo có chất lượng đó đã giúp chúng tôi và có thể nói rằng những cái đã giúp hội nghị chúng ta giành được cái thành công mà chúng ta có thể lúc đầu không ngờ tới, ít ra thì chúng tôi, Bộ Tư pháp, thì không hình dung được nội dung lại phong phú như thế này.

 

Thưa các đồng chí

 

Đề cập đến vấn đề luật tục và hương ước tức là đề cập đến một vấn đề rất sống động trong đời sống của dân tộc Việt Nam là một đất nước nhiều đa dân tộc đã tồn tại hàng nghìn năm. Nói luật tục tức là nói đến phong tục tập quán đã hình thành trong nhiều năm, trong nhiều thế hệ và hiện nay nó dẫu qua bao biến động vẫn đang còn được nhân dân nhiều dân tộc tôn trọng và tồn tại song song bên cạnh pháp luật của Nhà nước. Đây là một tình hình vì vậy đặt ra cho chúng ta đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu sâu sắc, phải có sự kết hợp giữa pháp luật của Nhà nước và phong tục tập quán của nhân dân ở các miền. Chính trong những năm đổi mới này trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng mà chúng ta được trang bị những quan niệm mới cho thấy những cội nguồn mà có lúc chúng ta đã xem nhẹ.

 

Vì vậy chính dưới ánh sáng của đường lối đổi mới này mà hiện nay chúng ta có điều kiện, có cơ sở tư tưởng quan niệm để xem xét lại những vấn đề là sản phẩm là giá trị văn hoá dân tộc của chúng ta. Trong quá trình xây dựng pháp luật gần đây thì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ đã có những văn bản đề cập đến cần phải xem xét phát huy tác dụng mặt tích cực của những tập quán, của những luật tục và cả những hương ước mà đã hình thành trong nhiều năm và hiện nay đang có phong trào mới là khuyến khích sự xây dựng và phát huy các tác dụng của nó.

 

Khi nói đến hương ước và tập quán thì trước hết chúng ta nghĩ đến Bộ luật Dân sự vì lần đầu tiên trong pháp luật nước ta Bộ luật Dân sự đã khẳng định ở những nguyên tắc lớn của nó cái tầm quan trọng sự cần thiết đề cao vai trò của tập quán của truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Và pháp luật Bộ luật Dân sự còn cho phép trong trường hợp pháp luật chưa qui định thì được áp dụng tập quán của từng địa phương thay cho pháp luật, thì đó là một cái qui định rất mới và đòi hỏi cụ thể hoá hoặc sự nghiên cứu rất công phu. Hơn nữa hiện nay thì trong cái cao trào mới chúng ta xây dựng con người mới trên cơ sở kế thừa tiếp thu cái vốn quí của dân tộc, điều này đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu một cách trân trọng những cái giá trị của quá khứ để lại. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình cách đặt vấn đề của các vị đại biểu chúng ta và chúng ta xây dựng luật tục và hương ước này là để tăng cường tình cái đoàn kết dân tộc lòng thành quả đấu tranh mà bao nhiêu năm nay chúng ta xây dựng nên.

 

Cũng vì vậy nghiên cứu luật tục phải từ góc độ phát huy bảo đảm cái khối Đại đoàn kết dân tộc trong một đất nước đa dân tộc như Việt Nam chúng ta. Tấm gương của nhiều dân tộc trong việc không duy trì được tình đoàn kết này là đã dẫn đến những cái hậu quả thật là đau thương ở châu Âu, ở châu Phi cùng nhiều dân tộc khác nhắc nhở chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Đồng thời quá trình xây dựng con người mới đó cũng là một quá trình gạn đục khơi trong, kế thừa nhưng biết khắc biết nâng cao và đẩy lên nữa những cái truyền thống của quá khứ. Vì vậy ở đây chúng tôi thấy rằng có một ý kiến hết sức xúc... xác đáng rằng chúng ta trân trọng tập tục và hương ước nhưng không phải duy trì nó trong hiện trạng mà phải nâng cao nó để nó tiếp cận với văn minh và tiến bộ hiện nay của thời đại. Thì đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi thấy chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm.

 

Có một ý kiến nữa mà chúng tôi thấy rằng cũng phải lưu ý, đó là mối quan hệ giữa pháp luật và tập tục hương ước. Không có quyền và không cho phép chúng ta đối lập luật tục và pháp luật của Nhà nước mà phải xem luật tục và hương ước như là một cái điều bổ sung cho pháp luật bởi vì khả năng của pháp luật không bao quát được hết mọi chi tiết mọi đặc thù của từng cộng đồng dân tộc thì luật tục mà hương ước chính là cái bổ xung cho. Cũng vì vậy luật tục không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Thì theo chúng tôi đó cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý.

 

Tuy nhiên, như có nhiều đồng chí đã nói, luật tục cũng như hương ước ra đời trong những hoàn cảnh nhất định. Nó không cố định mà cũng thường xuyên được bổ sung và nhiều qui định của luật tục cũng thay đổi qua thời gian do sự thay đổi của hoàn cảnh. Cũng vì vậy chúng ta xem luật tục không phải như một cái gì cố định mà cũng nghiên cứu nó từ góc độ là những cái gì phù hợp, thích hợp với thời đại của chúng ta, đáp ứng được yêu cầu xây dựng cuộc sống mới, đáp ứng được yêu cầu thực hiện khối Đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng được yêu cầu là phát huy những nội lực hiện nay tiềm tàng trong dân.. dân cư chứ không phải để duy trì những cái bảo thủ lạc hậu. Tuy nhiên, vấn đề luật tục vấn đề hương ước là một vấn đề rất phức tạp và không dễ dàng giải quyết trong một cuộc hội thảo, tuy là hội thảo của chúng ta đây trong 2 ngày có rất nhiều báo cáo nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đưọc tất cả các vấn đề được đặt ra.

 

Vì vậy về phía chúng tôi xin báo cáo với hội nghị là sẽ về xem xét lại, đánh giá lại hay đúng hơn tức là cân nhắc lại những báo cáo này và làm thành một tập kỷ yếu. Đây là hội nghị thứ hai mà chúng tôi tổ chức, tiếp sau cái hội nghị ở Hải Hưng, vì vậy cái tập tài liệu này cùng với tập tài liệu ở hội nghị Hải Hưng sẽ là một cơ sở ban đầu cho việc tiếp tục nghiên cứu một cái vấn đề hết sức phức tạp này. Đồng thời qua đây, qua hội nghị này chúng tôi nghĩ ý nghĩa của nó không đơn thuần chỉ là một nơi cung cấp thông tin mà đồng thời chúng tôi hiểu cũng đang đặt ra những vấn đề cho Đảng và cho Nhà nước và trước hết cho các cơ quan có trách nhiệm chúng ta phải có những biện pháp xử lý chứ không phải tiếp tục duy trì để cho tập tục và hương ước tồn tại trong trạng thái không có sự quản lý của Nhà nước. Có một tình hình qua hội nghị này chúng ta thấy rõ đó là lâu nay tập tục đã ra đời một cách tự nhiên tựa nhu cầu cuộc sống của các cộng đồng. Thì dẫu miền Nam đã giải phóng hơn 20 năm và miền Bắc đã hơn 50 năm thì nó vẫn tồn tại một cách tự nhiên và thiếu sự chỉ đạo hướng dẫn từ phía Nhà nước, từ phía các cơ quan Nhà nước.

 

Bên cạnh mặt tích cực thì những mặt tiêu cực của nó vẫn tiếp tục phát huy, hơn nữa chính vì chúng ta để nó tồn tại một cách tự nhiên cho nên trước cơ chế thị trường và như nhiều những cái thông tin, trước âm mưu của một số lực lượng thù địch đang định dùng tôn giáo để làm biến chất biến dạng cái tâm lý của dân tộc thì nhiều tập quán tốt đẹp nếu chúng ta không biết giữ gìn kịp thời, duy trì nó thì cũng sẽ mai một đi theo thời gian. Vì vậy việc làm này, chúng tôi nghĩ sau hội nghị này chúng tôi sẽ có những báo cáo kiến nghị lên Chính phủ, lên ban Bí thư và lên các cơ quan của Đảng, của Chính phủ Nhà nước để có một cái phương thức nhất định hướng dẫn phát huy mặt tốt và duy trì cái dạng tích cực của hương ước cũng như của luật tục và có sự chỉ đạo như thế nào đây để cho những cái tập tục lạc hậu hạn chế dần từng bước một đi hiệu quả tiêu cực của nó.

 

Có ý kiến của nhiều đồng chí chúng tôi cũng nhận thức được rằng việc ngay đối với những luật tục lạc hậu thì việc xóa bỏ nó cũng không đơn giản, vì ở đây là liên quan đến vấn đề thói quen truyền thống của các dân tộc, là nếp sống của nhiều người, vì vậy việc thay đổi đó phải đòi hỏi có thời gian và có nhiều biện pháp tích cực. Thì về mặt này chúng tôi nghĩ rằng về phía Bộ Tư pháp, như Bộ Văn hoá và các cơ quan ở TƯ và chúng tôi nghĩ rằng cả chính quyền địa phương nữa cũng phảii có những cái, có cái phối hợp làm thế nào để ta có sự chỉ đạo chung và không đơn thuần chỉ là chỉ đạo mà có cả những biện pháp về mặt tổ chức, về mặt văn hoá, về mặt kinh tế, về mặt tư tưởng để tác động đến cái tình hình này. Thì về mặt này mà nói chúng tôi đồng tình với nhiều cái ý kiến của các đồng chí rằng bên cạnh việc phát huy mặt tốt mặt tích cực của luật tục như là sự bổ sung cho pháp luật cuả Nhà nước và cũng là để phát huy truyền thống, những cái giá trị nhân văn đã hình thành qua lịch sử nhiều năm của các dân tộc thì chúng ta cũng phải tự giác từng bước một đẩy lùi những cái tập tục lạc hậu hiện đang ở cản trở bước đi lên của các dân tộc, hiện đang là nguồn gốc gây ra những đau thương không cần thiết cho nhiều cộng đồng. Nhưng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề tuyên truyền mà là đây là cả một vấn đề đòi hỏi sự kết hợp tổng hợp giữa nhiều biện pháp.

 

Chúng tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đồng chí rằng chúng ta muốn xoá bỏ các tập tục lạc hậu thì cần phải phát triển kinh tế, phải phát triển giao thông vận tải, phải đưa văn hoá vào quần chúng, xoá nạn mù chữ và nhiều biện pháp khác nữa. Thì đây là cái công việc mà đòi hỏi cả chính quyền TƯ cũng như chính quyền địa phương, các cơ quan Đảng phải có sự phối hợp chặt chẽ liên tục và không ngừng thì mới dần dần đẩy lùi được các tập tục lạc hậu vốn đang là tồn tại tuy không phổ biến khắp nơi nhưng nó cũng khá dai dẳng ở từng cộng đồng một. Và chúng tôi nghĩ đây chính là một công việc rất lâu dài thì trong phần kiến nghị chúng tôi gửi lên ban Bí thư chắc chắn việc này phải để trễ.

 

Nhưng cái điều rất quan trọng đó là ngay từ bây giờ phải chăng chúng ta phải có sự phối hợp để từng bước một có những biện pháp, có thể lúc đầu vẫn còn cá biệt nhưng sau dần dần chuyển sang đồng bộ để mà phát huy được mặt tích cực của luật tục và hương ước đồng thời cũng đẩy lùi được những cái hậu quả tương tự của nó. Thì cái mặt này chúng tôi thấy Bộ Tư pháp chúng tôi cũng như bộ Văn hóa và các cơ quan của Đảng cần có cái sự phối hợp về mặt cơ chế, về mặt biện pháp.

 

Như đồng chí Lãm sáng nay đã báo cáo với các đồng chí, trong hội nghị này Bộ Tư pháp chúng tôi mấy năm nay tuy chưa có sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ như của Ban Bí thư nhưng cũng đã cố gắng thể hiện là làm thế nào có những cái biện pháp đưa pháp luật vào nhân dân mà trước hết ở đây đối với đồng bào vùng sâu vùng xa vùng dân tộc ít người. Thì chúng tôi đã tổ chức một cái cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong đồng bào dân tộc và hiện nay như đồng chí Lãm thông báo tới cuối tháng 10 chúng tôi sẽ tổ chức cái hội nghị toàn quốc về vấn đề đưa pháp luật vào các dân tộc thiểu số. Tất nhiên ở đây cũng có vấn đề mà đồng chí... đồng chí đã nêu ra cái dân tộc Kinh thế nào thì đương nhiên với dân tộc Kinh chúng ta cũng phải có cách nhưng mà rõ ràng đối với từng dân tộc một nhất là các dân tộc chúng ta ở vùng sâu vùng xa, ở đây có những cái hạn chế về mặt không gian thời gian về mặt điều kiện thì cũng có những cái sức lực và những biện pháp riêng đặc thù chưa thích hợp.

Thì về mặt này chúng tôi xin thông báo trước và mong có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức mà trước hết là Bộ Văn hoá và Ban Văn hoá pháp luật. Bộ Tư pháp chúng tôi trong mấy năm qua cũng đã có một số hình thức chẳng hạn ở một số Sở Tư pháp đã được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã cho dịch những luật của Nhà nước sang tiếng dân tộc và phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thì đây cũng là một cách nhưng mà cách làm này nó cũng chưa theo một kế hoạch, một cái.. cách bài bản cho nên nó cũng chỉ là bước đầu và cho nên hiệu quả cũng hạn chế. Chúng tôi nghĩ rằng rồi đây chúng tôi cũng sẽ bàn với Bộ Văn hoá để có cái hình thức và cả bộ Giáo dục và bộ Đào tạo nữa để có những hình thức thế nào để đưa pháp luật vào các tầng lớp dân cư trong cộng đồng các dân tộc thiểu số chúng ta là một vấn đề chúng tôi thấy là rất là thiết thực.

 

Có một ý nữa mà chúng tôi thấy rằng cũng cần phải quan tâm mà nhiều đồng chí trong hội nghị này đã đề cập đến, đó là bồi dưỡng đào tạo cán bộ từ cộng đồng các dân tộc thiểu số, có hiểu biết pháp luật và chính họ là những người sẽ mang kiến thức, mang ánh sáng mới của Đảng được thể hiện trong pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Chúng tôi cho rằng cách tốt nhất để đẩy lùi những tập quán hủ tục đó là đưa pháp luật đến với nhân dân.

 

Vì sao những nguyên tắc rất tiến bộ của chúng ta về luật Hôn nhân và Gia đình được ban hành từ năm 1989 đến nay mà nhiều nơi vẫn còn những cái tập quán phải nói là rất lạc hậu về mặt hôn nhân và gia đình. Nó thuần tuý chỉ mang là một cái tập quán mà không thể hiện cái nhân sinh quan tiến bộ nào cả, mà không phản ảnh được cái tiến bộ của xã hội chúng ta đồng thời cũng không phải là tâm tư nguyện vọng gì của người dân mà thuần tuý chỉ là một cái tập quán cổ hủ cần phải thay bỏ, cần phải sửa đổi như là vợ chết thì lấy em vợ chị vợ chẳng hạn, thì đó là một tập quán rất đáng kinh sợ nhưng hiện nay ở một số vùng đồng bào chúng ta vẫn còn tồn tại. Vì vậy mà chúng tôi cho rằng ở đây đòi hỏi những biện pháp hết sức kiên trì, liên tục và đồng bộ phối hợp của cơ quan TƯ, của cơ quan địa phương và trước hết của các cơ quan pháp luật và cơ quan văn hoá tư tưởng. Thì về mặt này chúng tôi xin hứa và xin cam kết với các đồng chí hiện nay có đại diện Bộ Văn hoá ở đây và Ban Văn hoá tư tưởng ở đây là về phía Bộ Tư pháp chúng tôi phải sự chủ động cùng với các đồng chí có cái sự phối hợp chặt chẽ này làm thế nào cáii sự phát triển, sự tồn tại và sự phát triển của luật tục và hương ước là có sự điều tiết có sự chỉ đạo của Nhà nước chứ không để nó tự bia, tự phát triển ra. Và chính trong quá trình đó mà chúng ta sẽ dần dần đưa những nội dung mới bằng tập tục hiện nay đang tồn tại trong nhân dân ở một số cộng đồng làm cho những cái luật tục đó theo cách mà lâu nay chúng ta thường nói, tức là " bình cũ " nhưng có " rượu mới ". Có cái nội dung mới, có cái tư tưởng mới và phản ảnh được không những thói quen tập quán của dân tộc mà đồng thời cũng là tư tưởng mới và nhân sinh quan mới, cái sự tiến bộ và văn minh của xã hội chúng ta hiện nay.

 

Có một ý rất trực tiếp mà chúng tôi cũng suy nghĩ và chắc chắn cái điều này thì đề nghị các đồng chí giám đốc Sở Tư pháp và giám đốc Văn hoá của 10 tỉnh có mặt ở đây đó là : hiện nay chúng ta có Bộ luật Dân sự mà trong đó bao gồm đến 838 điều như đồng chí Nha nói nó dày đến một tấc, không đến một tấc đâu nhưng mà nói thật ra cũng là phải là bộ luật dài nhất của chúng ta từ trước đến nay. Thế thì làm thế nào bộ luật này đi vào quần chúng trong lúc mà bộ luật này như chúng tôi phát biểu hôm khai mạc là cáii bộ luật về đời sống nhân dân. Tất cả những vấn đề đó tất cả những vấn đề thiết thân trong cuộc sống hàng ngày của người dân là được thể hiện trong Bộ luật Dân sự.

 

Nếu như nhân dân chúng ta ở các dân tộc cộng đồng này vẫn tiếp tục sống như lối cũ trong lúc đó có một bộ luật mới như thế này thì đó rõ ràng là một sự lãng phí rất lớn và đồng thời cũng là một cái, một cái thiệt thòi rất lớn cho các đồng bào của chúng ta ở các dân tộc. Thì hiện nay đang có một cái ý mà chúng tôi thấy rằng phải chăng nêu ra đây để chúng ta ngẫm thử, đó là từ những vấn đề chung nhất của bộ luật chúng ta biên soạn lại thành những cái cuốn sách ngắn gọn, rút tỉa lại thành những câu rất ngắn về những vấn đề thiết thân hơn đối với người dân ở các vùng đồng bào dân tộc để mà dịch sang tiến dân tộc rồi đưa đến cho người dân từ vấn đề .... trong này có vấn đề tài sản, vấn đề thừa kế, vấn đề kết hôn, vấn đề nuôi con nuôi, vấn đề giám hộ rồi vấn đề hàng xóm chung, chung ... chung rãnh chung ruộng mương và nhà cửa gần nhau .v.v.. bao nhiêu vấn đề cụ thể trong này nếu chúng ta đưa đến với quần chúng thì chắc chắn đây là một cái cẩm nang hết sức quí và tự người dân hiểu được rằng chế độ mới qui định như thế nào và người ta đối chiếu với những luật tục đó để thấy được cái nào tốt đẹp thực sự là tiến bộ để nhân dân tự sửa.

Và tiếp theo Bộ luật Dân sự thì chúng tôi nghĩ rằng những bộ luật mới sắp đến sẽ được ban hành vào cuối năm nay như luật Hôn nhân và Gia đình hoặc là bộ luật Hình sự. Luật Hôn nhân Gia đình mới, như đồng chí Bình đã phát biểu với các đồng chí hôm qua thì hiện nay nó cũng là chỉ một... một... một luật, một đạo luật chỉ có khoảng độ sáu chục điều, 58 điều thì sắp đến nó phải có khoảng 250 điều cố gắng qui định rất chi tiết cụ thể những vấn đề về hôn nhân gia đình của các dân tộc chúng ta. Thì rồi đây chúng tôi cũng sẽ, khi mà được thông qua thì cũng sẽ có những hình thức làm thế nào mà giới thiệu nó, đưa nó đến với nhân dân, đến với quần chúng, trước hết là đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta.

 

Rồi ngay bộ luật Hình sự mà cuối năm nay cũng thông qua hoặc là đầu sang năm thì chúng tôi cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta cũng phải tính đến, phải có cái kế hoạch làm thế nào để giúp cho nhân dân biết được rằng chế độ chúng ta, Nhà nước chúng ta đã cấm cái gì và đang trừng trị những loại tội nào, thì những loại tội nào mà liên quan thiết thân đối với cái sinh hoạt đời thường của người dân cũng cần phải có cách giúp cho người dân được biết. Thì về phía Bộ Tư pháp chúng tôi, chúng tôi sẽ có cái kế hoạch làm thế nào đấy phối hợp với các cơ quan tư pháp địa phương và các cơ quan văn hoá văn nghệ để có, có những cái biện pháp cụ thể về sự kiện, vấn đề này. Tóm lại chúng tôi thấy rằng hội nghị này của chúng ta, hội nghị pháp luật của chúng ta có thể nói là một cái kích thích lớn, là một cái dịp rất quí để không chỉ như các đồng chí ở Daklak cho rằng đây cũng là dịp rất quí để các đồng chí nghiên cứu luật tục của địa phương mà đây cũng là cái dịp rất quí đối với các cơ quan TƯ có cái cơ sở nghiên cứu suy nghĩ để từ những thông tin này, từ những thực tế này mà có được những biện pháp thiết thực và điều rất quan trọng là báo cáo với cơ quan cấp trên để có những cái chỉ đạo chung đối với cả nước, nhất là nước phía bắc, tỉnh có đồng bào đân tộc có những cái biện pháp chỉ đạo chặt chẽ. Bằng cách này mà chúng ta dần dần từng bước một đưa cái quan niệm, cái đường lối mới của Đảng đến với toàn dân đồng thời cũng phát huy được những cái truyền thống tốt đẹp đã hình thành hàng nghìn năm của dân tộc.

 

Thì như vậy chúng tôi hiểu hội nghị này chỉ là một trong những cái hội nghị cần phải được tiến hành mà đối với hội nghị này đã được tiến hành như tiếp theo hội nghị này xin báo cáo các đồng chí luôn là Bộ Tư pháp sẽ dự kiến phối hợp với Bộ Văn hoá và các, một số tỉnh cụ thể là đồng bằng sông Cửu long, nơi mà có nhiều đồng bào Khme hoặc là các tỉnh phía Bắc, Việt Bắc Tây Bắc cũ thì cũng có rất nhiều đồng bào dân tộc mà ở đấy chúng tôi cũng chưa có dịp để nghiên cứu sâu thì chúng tôI cũng phải tiếp tục tổ chức những hội nghị tới trong năm nay. Làm thế nào cho cái nguồn thông tin về vấn đề luật tục hương ước của chúng ta ngày càng phong phú và sâu sắc để từ đó chúng ta định ra được, có thể nói là nếu không phải là một quốc sách thì cũng là một chiến lược đối với vấn đề này để chúng ta hoàn toàn tự giác trong việc phát huy sức mạnh của nó, cái điều hoà và cái bản sắc tốt đẹp của nó đồng thời cũng đẩy lùi từng bước một cách có định hướng những mặt tiêu cực và chắc chắn cái điều đó sẽ góp phần rất nhiều vào việc xây dựng con người mới của cộng đồng 54 dân tộc chúng ta dù là Kinh là H’mông, Êđê hay Tày, Nùng .v.v..

 

Thì đến đây chúng tôi nghĩ rằng xin phép sẽ không có đi vào cụ thể hơn nữa vì thật ra những tài liệu mà chúng tôi có được cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn, suy nghĩ kỹ hơn và phải biên tập lại để thành một tập kỷ yếu. Thì về phần chúng tôi xin thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp xin cám ơn tất cả các đồng chí đã hưởng ứng lời mời của chúng tôi để tới dự hội nghị này và một lần nữa xin cám ơn lãnh đạo tỉnh, các đồng chí ở Uỷ ban, ở Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND và nhiều huyện của tỉnh Daklak đã về dự hội nghị, ủng hộ chúng tôi trong cái việc tổ chức hội nghị này. Chúng tôi tin rằng hội nghị này là cái thời điểm cho cái sự hợp tác mới rất chặt chẽ của chúng ta trong tương lai để phát huy hiệu quả của nó. Một lần nữa xin cám ơn tất cả các đồng chí, chúc tất cả các đồng chí sức khoẻ ( vỗ tay ).

 

_______________________

 

Một số nội dung cơ bản

của hương ước qua các giai đoạn

phát triển của nó

 

 

Bùi Xuân Đính

 

Viện Dân tộc học

 

 

Mở đầu

 

Trước cách mạng tháng 8-1945, ở hầu hết các làng xã (1) trên vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ và Bắc trung bộ đều có các văn bản ghi chép về tục lệ của từng cộng đồng cư dân đó, thường được gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng tên phổ biến nhất là Hương ước. Đây là nguồn tài liệu có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt văn bản học, sử học, dân tộc học và luật học.

 

Hương ước (hay lệ làng thành văn) gồm những điều khoản hay qui ước của làng về nhiều mặt đời sống của từng cộng đồng dân cư đó, từ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức cùng các mối quan hệ xã hội, lệ cưới, lệ tang, khuyến khích học hành, tổ chức thờ cúng... đến việc bảo đảm các nghĩa vụ sưu thuế, binh dịch với nhà nước phong kiến. Hương ước, như một số nhà nghiên cứu đã nhận xét, là "Cương lĩnh tinh thần", "Cương lĩnh về nếp sống" của mỗi cộng đồng cư dân Việt ở nông thôn, là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong làng, giữa làng với nhà nước phong kiến. Những qui ước ấy được tuân thủ qua nhiều thế hệ, trở thành tập tục hay những "Thông lệ pháp lý" được nước phong kiến mặc nhiên thừa nhận như những văn bản pháp lý. Hương ước không chỉ là công cụ để quản lý làng xã mà còn là công cụ để nhà nước phong kiến can thiệp sâu vào đời sống từng làng nhằm buộc từng đơn vị tụ cư ấy bảo đảm các nghĩa vụ sưu thuế binh dịch với nhà nước. Như vậy trên bình diện luật học, nghiên cứu Hương ước góp phần tìm hiểu một kiểu quản lý xã hội hay một hệ thống các quy tắc điều chỉnh xã hội đã từng tồn tại ít ra là hơn 500 năm nay trên một vùng nông thôn rộng lớn của nước ta, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về quản lý xã hội nông thôn bằng Hương ước, về việc giải quyết mối quan hệ giữa tục lệ, tập quán và pháp luật, giữa phép nước và lệ làng trong việc quản lý xã hội nông thôn ở nước ta hiện nay. Xét về mặt đồng đại, các nhà nghiên cứu cho rằng Hương ước của các loại hình làng (phân theo địa vực miền Bắc, miền Trung hay theo cơ sở kinh tế xã hội... ) đều có một nội dung tương đối thống nhất, tức là gồm các điều khoản hay qui ước về nếp sống của cộng đồng làng (đương nhiên được biểu hiện cụ thể ở từng làng) còn xét về lịch đại, Hương ước làng xã đã trải qua ba giai đoạn phát triển như sau:

 

1- Từ trước năm 1921 tức là trước cuộc cải lương hương chính của người Pháp, Hương ước do các làng xã tự soạn thảo. Nhà nước phong kiến chưa "chỉ đạo nội dung " biên soạn nội dung Hương ước.

 

2- Hương ước cải lương: ra đời cùng với cuộc "cải lương hương chính" của thực dân Pháp vào năm 1921. Cùng với việc thay thế bộ máy quản lý làng xã cũ, thực dân Pháp đưa ra bản "Hương ước mẫu" để các làng xã vận dụng soạn thảo.

 

3- Hương ước mới (quy ước làng) ra đời cùng với việc "Tái lập làng tiểu nông" từ khi thực hiện khoán X (1989), sau hơn 40 năm Hương ước cũ không tồn tại trong làng xã.

 

Dưới đây, xin trình bày những nội dung chính của Hương ước qua các giai đoạn phát triển của nó.

 

 

I

 

Một số nội dung cơ bản của Hương ước trước cải lương

 

Trước khi trình bày những nội dung cơ bản của hương-khoán ước, xin giới thiệu đôi nét về diện mạo của nó về mặt văn bản. Như đã trình bày, những bản lệ làng thành văn trước cuộc cải lương hương chính của thực dân Pháp đều do các làng xã tự soạn thảo. Bởi vậy, cả nội dung và hình thức chúng đều không hoàn toàn nhất quán với nhau. Về hình thức, đa số các bản Hương ước đều được viết trên giấy. Có làng khắc hương ứơc trên ván gỗ (làng Thọ Trai, Hà Bắc), có làng lại khắc trên các lá đồng (sách đồng làng Đông lao-Hà Tây). Tuỳ theo cách ghi chép của từng làng mà Hương ước được gọi bằng những tên khác nhau: hương biên, hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, tục lệ, cự khoán, điều ước, điều lệ...

 

Trong nội dung của nó, tuỳ điều kiện cụ thể của từng làng mà mỗi bản Hương ước gồm nhiều hay ít các điều khoản và tỉ lệ các điều khoản của từng vấn đề có những chênh lệch khác nhau và sự sắp xếp chúng cũng theo những trình tự khác nhau. ở những làng "nho học", làng "khoa bảng", các điều khoản khuyến khích việc học hành, qui định các chế độ của làng đối với những khoa cử chiếm nhiều hơn và được ghi lên trên đầu (làng Quỳnh Đôi thuộc tỉnh Nghệ An). Những làng có nhiều người làm quan, các điều khoản quy định việc khao vọng, chúc mừng lại chiếm vị trí đầu tiên và với số lượng nhiều hơn (làng Mộ Trạch thuộc tỉnh Hải Hưng ). Tương tự, ở các làng có chế độ thờ cúng phiền phức (nhất là các làng thờ những vị thành hoàng là người có công với đất nước) thì các điều khoản liên quan tới lịch thờ cúng và các nghi lễ hội hè lại chiếm số lượng nhiều hơn, chẳng hạn Hương ước làng Yên Sở (Hà tây) hay làng cổ Ninh (Nam Hà), làng Tam Sơn (Hà Bắc), làng Đào xá (Vĩnh Phú)... Những làng mà sự phân tầng "đẳng cấp" trong cộng đồng phức tạp thì các điều khoản liên quan tới vấn đề này chiếm một số lượng đáng kể ( cũng Hương ước làng Yên sở). Có những làng dành ra những bản khoán ước riêng đối với một số vấn đề nào đó của đời sống làng xã, chẳng hạn. Kiều trì tam phiên khoán (khoán về tổ chức 3 phiên* của thôn kiều trì, xã Phú Diễn huyện Từ liêm(Hà nội), hay khoán hội, khoán phe (khoán về việc tổ chức hội tư văn) của làng Quỳnh Đôi (Nghệ An )... Về nội dung cụ thể của hương-khoán ước do mỗi làng, tuỳ theo đặc điểm riêng mà có những tập tục, qui ước riêng; bởi vậy, nhìn chung các điều khoản ghi trong Hương ước rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, chắt gạn những dị biệt của từng làng, chúng tôi thấy, Hương ước phản ánh những nội dung chính sau đây:

 

 

1. Những qui ước liên quan tới cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng

 

Đây là một nội dung chính của Hương ước bao gồm phần lớn các điều khoản liên quan tới nhiều mặt của đời sống xã hội làng xã.

 

1. Trước hết là những qui ước liên quan tới các thiết chế tổ chức trong làng, chức năng, quyền hạn và lề lối làm việc của từng tổ chức cũng như của các thành viên trong đó:

 

 

Các thiết chế đó là xóm ngõ (tổ chức tập hợp người theo lớp tuổi kết hợp với huyết thống, địa vực cư trú); dòng họ (tổ chức tập hợp người theo quan hệ huyết thống); phe giáp ( tập hợp người theo địa vực kết hợp dòng họ của nam giới); phường hội (các tổ chức tập hợp người theo nguyên tắc tự nguyện dựa trên nghề nghiệp, chức nghiệp) và bộ máy quản lý hành chính làng xã (hội đồng kỳ mục và lý dịch).

 

Trong các thiết chế tổ chức này, xóm ngõ, phe giáp và hội đồng kỳ mục, lý dịch được Hương ước nhắc đến vì chúng có những vai trò quan trọng nhất định trong sinh hoạt làng xã. Xóm là đơn vị tổ chức bảo vệ an ninh cộng đồng. Hội đồng kỳ mục là cơ quan có toàn quyền tối cao đối với các mặt sinh hoạtt làng xã. Hội đồng lý dịch là đại diện cho nhà nước phong kiến ở làng, chịu trách nhịêm trước nhà nước về mặt dân đinh (quản lý hộ tịch, hộ khẩu), thuế, lính... Giáp là thiết chế giữ nhiều " trọng trách " nhất trong sinh hoạt làng xã, là đơn vị để quản lý nhân sinh "Phù sinh tống tử " tức công nhận thành viên mới sinh (lệ vào giáp), trưởng thành (lấy vợ, lấy chồng-lệ cheo), về già (lệ lên lão), và tổ chức đám tang khi người đó quá cố (lệ táng). Giáp còn là đơn vị phân bổ việc biện lễ và phục vụ tế lễ, rước sách thờ cúng thành hoàng, chia ruộng đất công;phân bổ sưu thuế. Do vậy vị trí quan trọng của giáp được nhắc nhiều trong các bản Hương ước.

 

Thiết chế dòng họ chỉ được nhấn mạnh trong "Hương ước cải lương" khi chính quyền cai trị Pháp thực hiện cuộc "Cải lương hương chính", thay thế hội đồng kỳ mục bằng hội đồng tộc biểu. Song cá biệt ở làng Trang liệt (huyện Tiên Sơn, Hà bắc) vào cuối thế kỷ thứ XIX, các chức dịch bất lực trong việc bảo vệ an ninh nên mười dòng họ trong làng đã tự lập ra qui ước gọi là Thập tộc tân ước.

 

Thiết chế phường, hội, họ chỉ được một số bản Hương ước đề cập, chủ yếu là một hai điều khoản về nguyên tắc thành lập và hoạt động. Song lại có làng lập bản Hương ước riêng tới vài chục điều về vấn đề này (làng Hậu Aí xã Vân canh-Hà tây).

 

Có thể coi các quy ước về thiết chế tổ chức này nhằm quản lý con người và làng xã theo chiều ngang hay theo mặt bằng.

 

2. Những quy ước về các quan hệ xã hội hay thứ bậc xã hội, bao gồm các quy ước về:

 

Lão quyền: quyền người già trong làng.

Nam quyền: quyền của nam giới trong sinh hoạt làng xã (chỉ có nam giới mới được vào giáp, mới được ra đình, nam giới mới được coi trọng).

Phụ quyền: Quyền của người cha trong gia đình chịu trách nhiệm về mọi hành vi của các thành viên trong gia đình.

Trưởng quyền: Quyền theo vị trí ngôi thứ, căn cứ vào phẩm hàm, chức tước, bằng sắc và tài sản. Đây là quan hệ "trội nhất", chủ đạo nhất, xuyên suốt đời sống làng xã.

 

Có thể coi đây là những quan hệ xã hội làng xã theo trục đứng mà nét nổi bật là sự phân biệt giữa "quan viên" và "bạch đinh", giữa già và trẻ, giữa "trên" và "dưới", giữa nam và nữ, giữa chính cư và ngụ cư. xin nêu một số biểu hiện chính của các quan hệ trên:

 

Trước hết, là các điều khoản về phân định ngôi thứ trong làng theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác tuỳ điều kiện mỗi làng. Làng Yên Sở (Hoài đức-Hà tây) là điển hình cho sự phân tầng "đẳng cấp" này. Những người có ngôi thứ ở đình được phân thành 11 cấp bậc tỉ mỉ rạch ròi*. Hương ước các làng đều có những điều khoản liên quan đến việc phân hạng cư dân này:

 

a) Những điều khoản qui định điều kiện gia nhập hệ thống cấp bậc, ngôi thứ trong làng, bao gồm điều kiện cần tức là bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản, tuổi tác và điều kiện đủ tức là lễ khao vọng. Thiếu một trong hai điều kiện trên đây, người ta không đươc ngồi ở vị trí mà mình muốn. Điều kiện một là tiên quyết và bắt buộc; nhưng điều kiện sau cũng rất quan trọng, thiếu nó thì điều kiện trên vô nghĩa, vì "vô vọng bất thành quan". Bởi vậy, tuỳ theo mỗi cấp bậc, Hương ước ghi rõ việc khao vọng: Số lễ vật và các loại lễ vật cùng thời điểm khao vọng cùng các nghi thức cụ thể. ở một số làng, đương sự không phải khao vọng mà được dùng tiền để thay thế gọi là tiền chiết can. ở hầu hết các làng, còn có ngôi thứ cho những người dùng tiền để mua ngôi, chẳng hạn ngôi xã nhiêu, trùm trưởng v. v. Việc này thường xảy ra khi làng bị thiếu hụt ngân sách để sửa lại đình, chùa xây cầu cống... Hương ước cũng dành ra những điều khoản cụ thể đối với việc này.

 

b) Đi kèm những điều khoản trên đây là các điều khoản quy định chức năng, quyền hạn, quyền lợi và nghĩa vụ của các thang bậc xã hội trong chia ruộng đất công, hội họp ở đình để bàn việc làng, việc biện lễ và tế lễ, thờ cúng thành hoàng, vị trí ngôi thứ ở chốn đình trung, việc phân chia phần biếu,.v.v. Những qui định cụ thể tuỳ theo đặc điểm của từng làng, nhưng xu hướng chung là những người ở thang bậc cao thường được trọng vọng và được hưởng quyền lợị nhiều hơn về mọi mặt. Đây là vấn đề nổi bật nhất trong đời sống xã hội làng xã. Những quy ứơc về việc cư xử giữa người với người trong làng xã chiếm số lượng tương đối trong Hương ước. Nhìn chung, Hương ước đề cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc làng xóm. Điều này thể hiện ở chỗ, trong Hương ước của nhiều làng, trước khi trình bầy các điều khoản cụ thể, đều khẳng định những mặt tốt đẹp trong quan hệ giữa người với người trong làng và mong muốn lập khoán ước để giữ gìn những quan hệ tốt đẹp ấy. Chẳng hạn, Hương ước làng Thuỵ khê (Quốc Oai-Hà tây) mở đầu có ghi "Tục dân chúng tôi rất là thuần phác, thực thà, không dối trá, trộm cắp, tranh đánh lẫn nhau, không có những thói xấu. Người trong làng đều theo giữ như cũ được lâu dài yên mạnh". Có làng còn đưa cả lời thề và " Lễ minh thệ " vào Hương ước khuyến khích dân làng ăn ở hoà thuận. Hầu hết các làng có những điều khoản phạt những cá nhân vi phạm. Khoán ước làng Phú cốc (Thanh oai - Hà tưy ) ghi, ai chửi mắng nhau phạt gà rượu và 3 mạch tiền. ở làng Dương liễu ai chửi bới, đánh nhau thì xã trưởng trình quan trên, tốn kém bao nhiêu, đương sự phải chịu, nếu cưỡng lại phạt 3 quan (tiền năm 1666 )*. Làng Mộ Trạch quy định nếu đánh chửi nhau thì tuỳ theo mức nặng nhẹ mà xử phạt, ai là người trái, bỏ trốn không đến nghe xử thì bị phạt nặng thêm, những người chửi trước và những người chửi bóng gió thì qui vào tội bất kính, nếu sự tình nặng, phạt một trâu giá 5 quan 2 mạch (Tiền năm 1772 ), nhẹ hơn phạt một lợn giá một quan và đều phải lễ tạ ông cha người tố cáo, nếu là thường dân chửi nhau thì nam phạt đánh gậy, nữ phạt đánh roi với mức 100 - 50 - 30 gậy, roi tuỳ theo tội nặng nhẹ. Có làng, Hương ước còn phạt cả những người đi ra khỏi làng gây sự với người làng khác. Cũng ở làng Mộ Trạch, ai đi chợ tổng, chợ huyện mà ỷ thế lăng mạ, đánh nhau với người làng khác, ức hiếp, mua của cải thì bị dẫn đi bêu ở chợ và đuổi về. ở hai làng La Nội và Y La, nếu có người làng khác đến tự ý tháo đê thì người giữ đê của làng phải giữ lại, cho người trình quan viên trong xã, không được gây gổ, nếu để gây gổ kiện tụng người giữ đê ấy phải chịu tội.

 

Đơn vị tiền ghi theo giá trị tiền ở thời điểm lập hương ước. Hương ước cũng đề cao việc mọi người giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày. Điều 74 Hương ước làng Quỳnh Đôi quy định mọi người phải đến giúp người khác lợp nhà, đưa ma mà không cần lời mời, khi đưa ma thì tuỳ tang chủ kính biếu, không được đòi hỏi. Điều 83 lại ghi, ai gặp người già cả mà không giúp sức mang vác thì bị phạt, hoặc ở điều 97: "Gặp loạn lạc, người trong làng phải giúp đỡ nhau, nếu không, khi trở về làng bị phạt 20 quan (tiền năm 1802) mới được ghi tên lại vào sổ làng (tức mới được công nhận lại là thành viên của làng), mới được làm nhà trong làng (*).

 

Tuy nhiên, khi đề ra những quy ước về quan hệ giữa người với người trong làng xã, một số làng đã có những quy định "quá tả", hoặc che dấu những "tính xấu" của người làng mình, hoặc gây bè kéo cánh. Cũng trong Hương ước làng Quỳnh Đôi, điều 91 có ghi, người trong làng đi ra ngoài gặp người làng nói bậy, làm bậy thì phải giấu (tức không được để lộ ra đó là người làng mình hay không được tố cáo). Hương ước làng Đồng Lư năm 1744 quy định, nếu làng bên cạnh mất nhiều hoa màu ở ngoài đồng theo đuổi (dò la) trong làng nhà thì xã, thôn trưởng phải giấu không nhận, nếu làng bên kia cậy đông người, xâm vào làng mình thì người trong làng nghe hiệu lệnh trên dưới cầm gậy đánh mạnh mẽ, ai nhút nhát không tham dự bắt phạt một quan tiền cổ (!). Đối với người ngụ cư, hầu hết các làng đều quy định hai điều kiện để họ được trở thành dân chính cư: Một là phải sinh sống ở làng ít nhất được 3 đời; hai là, phải có của cải để khao vọng. Dân ngụ cư bị dân hàng xã khinh miệt, không được sinh hoạt ở Giáp, ở làng.

 

Trong bối cảnh xã hội phong kiến, các quy ước về quan hệ giữa người với người trên đây cũng thấm nhuần tư tưởng nho giáo. Điều đó phần nào thể hiện ở tôn ty trật tự đẳng cấp, Làng Mộ Trạch qui định: Các sĩ thứ trong làng, các sĩ nhân ngụ cư, cùng các hầu binh, nô tỳ, "phải lễ độ" khi đi qua đền chùa, nhà cửa của các trưởng quan, các quan viên trưởng lão, các vị tôn kính phải ngả mũ nón chào ;đang ngồi trong hàng, thấy họ đến phải đứng dậy, nếu thất lễ thì sĩ thứ bị phạt, sĩ nhân ngụ cư thì khiển trách thầy dạy, hầu binh, nô tỳ thì khiển trách người nuôi dưỡng họ. Điều 83 hương ước làng Quỳnh Đôi ghi, khi ra đình, người ít tuổi và chức tước thấp phải chào hỏi người trên, ý thức hệ nho giáo thể hiện rõ nhất trong các qui ước quan hệ nam nữ. Nói chung làng xã ngăn cản quan hệ, sự tiếp xúc giữa nam - nữ và tình yêu lứa đôi. Làng Mộ Trạch quy định "Nam nữ phải cách biệt nhau, kẻ nào xúc phạm đến thân thể người con gái phạt gà, rượu giá 5 mạch tiền ". Làng Quỳnh Đôi "Mỗi xóm chọn một ông giáp biểu có đức tính công bằng để xét tính nết con trai, con gái trong làng, điều ước viết cho mỗi xóm một bản, giao cho bốn ông trùm trưởng bốn xóm giữ, mỗi năm đến ngày khai hạ đem khoán ra đọc cho mọi người biết ".

 

Một khía cạnh khác của quan hệ xã hội làng xã được phản ánh trong Hương ước là những qui định về người già trong làng xã. Nội dung của các qui định này liên quan đến:

 

- Tuổi lên lão ( da số các làng đều qui định ở tuổi 50 hoặc 55).

- Nghĩa vụ của người lên lão (khao lão hay vọng 1 lão)

- Quyền lợi của các hạng lão liên quan tới ngôi thứ ở đình, khẩu phần ăn uống mỗi khi làng, giáp có tiệc lệ, khẩu phần ruộng đất công, các quyền lợi vật chất khác khi làng tổ chức mừng thọ, quyền tham gia vào các việc quản lý làng xã, trong tế lễ rước sách.... Nhìn chung, hầu hết các làng đều có những qui ước chiếu cố đến quyền lợi của các bậc người già. Tuy nhiên về cơ bản, đó chỉ là sự thể hiện của tục trọng xỉ và sự chiếu cố, ưu tiên ấy cũng vẫn tuân thủ trật tự bằng cấp và chức tước. Từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, những quyền lợi "ưu đãi" không còn thuộc về các cụ nữa mà thuộc về những ngườicó phẩm hàm, bằng cấp, chức tước. Nguyên lý "xỉ tước" (trọng tuổi tác) đã phải nhường bước cho nguyên lý "quan tước" (trọng bằng cấp). Một khía cạnh khác liên quan tới thiết chế tổ chức và các quan hệ xã hội làng xã được phản ánh qua hương ước là việc chia cấp ruộng đất công. Làng Dương Liễu trong 37 điều khoản của hương ước được soạn vào các năm 1666, 1691 và 1739 có tới 13 điều về vấn đề này. Từ năm 1428, nhà nước phong kiến ban hành chính sách quan điền, nhằm thống nhất việc chia cấp ruộng đất trong các làng xã trên phạm vi cả nước, đến thời Gia Long, lại ban hành thể lệ quân cấp mới nhưng mỗi lầng đều có lệ chia cấp riêng. Trong thực tế, từ đầu thế kỷ XIX trở đi, chỉ trừ các làng ở ven sông hay các làng xã được hình thành dưới hình thức nhà nước khẩn hoang, ruộng đất công còn nhiều, việc chia cấp mới tuân thủ những qui định của nhà nước phong kiến; còn đa số các làng có ít ruộng công, việc chia cấp được vận dụnglinh hoạt. Có làng, số ruộng hoặc chủ yếu dùng để chia cho binh lính (ruộng lính), hay chia cho các giáp hoặc những người giữ đình giữ chùa cày cấy lấy hoa lợi dùng vào việc thờ cúng thành hoàng, hoặc chia cho các chức dịch dương thử. Có làng do ruộng công còn lại quá ít nên hàng năm cho bán thầu lấy tiền chia đều cho những trai đinh để bù vào số tiền thuế thân phải nộp cho nhà nước. Nhìn chung, trong việc chia cấp ruộng đất công, giáp là một đơn vị phân cấp và quản lý. Ruộng đất công của làng chia cho, chỉ được quyền sử dụng trong định kỳ chia cấp đó, không ai được bán. Hầu hết các làng đều phạt nặng những ai tự ý bán ruộng đất công, chẳng hạn ở làng Dương Liễu bán ruộng đất công của làng bị phạt 3 quan (tiền năm 1691). Đối tượng nhận ruộng đất công của làng phải làm tròn các nghĩa vụ mà làng đề ra. Nghĩa vụ này được qui định bởi mục đích của từng loại ruộng được chia cấp, chẳng hạn ruộng tế lễ phải nộp số thóc lúa hay xôi thịt, ruộng khẩu phần (ruộng chia cho đầu người) phải nộp thuế. ở làng Dương Liễu, ai không nộp đủ thuế phải giữ gia tài, làng Yên sở ai vi phạm điều trên đây bị nêu đất (giữ lại phần đất được chia và cả hoa mầu trên đó).

 

 

2. Những qui ước về việc bảo vệ an ninh làng xã

 

" Bảo vệ an ninh" (trật tự trị an) làng xã là một khái niệm rộng. Ngoài các điều khoản nhằm ngơn ngừa việc đánh chửi nhau như đã nêu ở trên, còn nổi lên trước hết ở các điều khoản nhằm hạn chế nạn trộm cắp trong làng.

 

Làng Mộ trạch phạt nặng (50 quan)những người làm nghề trộm cắp, phạt người ăn trộm ban đêm (ở nhà tư) 20 quan, trộm của công 10 quan tương tự, nếu ăn trộm ban ngày thì phạt 10 quan và 5 quan, ai thấy, tố giác thưởng 2 quan, biết mà không tố cũng bị phạt như vậy (tiền năm 1665), " nếu ăn trộm mà chưa bị bắt quả tang nhưng đã nhiều lần khả nghi thì đem sự tình phơi bày và xử phạt đuổi đi để dẹp mầm gian ". ở làng Dương liễu, hương ước năm 1691 qui định, ăn trộm ban ngày, nếu nhẹ phạt một quan, rất nhẹ phạt 3 mạch, nặng phạt 3 quan, số phạt tương tự đối với tội trộm ban đêm là 1 quan, 8 mạch và 3 quan. ở thôn Kiều Trì, hương ước năm 1859 phạt người ăn trộm ban ngày, nhẹ 3 mạch, nặng 6 mạch nếu người ấy là chức sắc phạt 1 quan 2 mạch; con số tương tự đối với người ăn trộm ban đêm là 6 mạch - 1 quan - 3 quan, nếu phải giải lên quan trên xét xử thì kẻ vi phạm phải chịu phí tổn cho việc đó. Việc đi trộm cắp ở ngoài làng càng bị trị tội nghiêm khắc. ở làng Dương Liễu, ai chứa trâu bò, của cải của người làng khác mà có người trách nhiệm đến truy xét thì người chứa chấp ấy phải chịu phạt 3 quan và các phí tổn. Làng Vĩnh lại, ai chứa kẻ gian phạt một con lợn giá 1 quan 2 tiền. Làng Kiều trì, ai chứa trâu bò, đồ vật của người làng khác phạt 3 quan.

 

Hương ước cũng có những điều khoản ngăn chặn tệ nạn cờ bạc. ở làng Mộ trạch, quan viên đánh bạc phạt lợn rượu giá 3 quan tiền sử và không cho dự quan viên ;nếu là nho sinh trúng thức, giám sinh, nho sinh sinh đồ thì phạt 2 quan sử tiền và đuổi khỏi hàng ngũ quan viên; nếu là văn thuộc, nhiêu nam phạt lợn rượu giá 2 quan tiền, không cho dự hương ẩm. ở thôn Lộc dư (Thường tín-Hà tây) ai ham cờ bạc bị phạt 2 quan, người tố cáo được hưởng 6 mạch tiền; nếu kẻ vi phạm có ngôi thứ từ bàn ba trở lên thì truất một bàn, từ bàn tư trở xuống phạt 3 roi. Xã Phú cốc (Thường tín-Hà tây) qui định ai đánh bạc phạt 3 quan, ai tố cáo thưởng 3 mạch, biết mà không tố cáo phạt 6 mạch (tiền năm 1687). Làng Quỳnh đôi người từ 18 tuổi trở lên đánh bạc phạt một quan rưỡi tiền, trẻ em từ 10 - 15 tuổi đánh bạc thì đánh 30 roi và bắt bố mẹ để xét hỏi. Các điều khoản ngăn ngừa quan hệ bất chính giữa nam và nữ cũng được ghi trong hương ước. Nói chung, lệ làng đã ngăn cản tình yêu nam nữ thì cũng rất nghiêm khắc với những quan hệ bất chính. Đa số các làng đều phạt vạ những người con gái chưa chồng mà chửa hoang, buộc họ phải rời khỏi làng sau khi bị cắt tóc, gọt đầu bôi vôi, có làng còn áp dụng nhục hình (như thả bè trôi sông). Về sau những hình thức này bị loại dần và thay thế vào đó là món tiền phạt vạ rất lớn. Làng Đồng lư, trong khoán ước năm 1744 có 6 điều qui định việc phạt những trường hợp thông dâm với vợ người khác, thông dâm khi còn có tang cha mẹ, tang chồng ; thông dâm khi chưa thành vợ chồng;thông dâm khi còn quan hệ anh em trong vòng năm đời;thông dâm với đàn bà goá ;thông dâm đến mức có thai mà đi phá thai. v. v. . .

 

Việc giữ gìn trật tự, trị an thôn xóm gắn liền với việc tổ chức vũ trang bảo vệ làng xã. Đây là một trong những vấn đề sống còn và thường xuyên của từng làng, được qui định tỉ mỉ trong hương ước. Có làng còn lập ra khoán ước riêng về điều lệ canh phòng như Kiều trì tam phiên khoán vừa dẫn ở trên.

 

Mỗi làng có những qui ước riêng về việc tổ chức vũ trang, canh phòng với những nét chung như sau: Trước hết, làng xã coi trọng việc lập các điếm canh, điếm tuần phòng, việc trang bị khí giới và đặc biệt là việc trồng, tu bổ và bảo vệ các luỹ tre bao quanh lầng - bộ áo giáp là " biểu tượng" của làng xã. Hương ước qui định trách nhiệm của từng xóm ngõ, phe giáp trong việc bảo vệ và tu bổ các luỹ tre theo định kỳ hàng năm, và phải chịu sự kiểm tra của các chức dịch. Làng Mộ trạch mỗi năm, các chức dịch đi kiểm tra hào luỹ của các xóm vào thượng tuần tháng hai đến hạ tuần thì khám lại, xóm ngõ nào bỏ bễ thì bị phạt. Việc đẵn tre ở luỹ phải được cả xóm, có khi phải được chức dịch đồng ý, nếu tự tiện đẵn sẽ bị phạt. Làng Đồng lư qui định, nếu tre ở luỹ tốt phủ xuống ruộng lúa nhà ai, chủ ruộng phải trình các cụ trong xóm để sai phiên tuần đến tra xét, nếu đúng mới cho đẵn, hay phạt cành ngay ở chỗ đó, nếu tự ý đem số cây đó về sẽ bị xử như tội ăn trộm; tuần phiên sửa cổng làng, điếm canh cần tre gỗ phải trình các chức dịch, chức dịch chỉ chỗ nào, đẵn chỗ đó và chỉ đẵn đủ dùng, nếu tuần phiên lợi dụng của công đem tre về nhà dùng thì coi như ăn trộm, bị phạt gấp đôi và đánh 30 roi việc bẻ trộm mang hay chặt củi ở luỹ bị nghiêm trị, làng Dương liễu, ai trộm tre, cây cối phạt 3 mạch, nếu cưỡng lại phạt 5 mạch. Làng Mộ trạch, ăn cắp tre, mang ban đđm phạt 3 quan, ban ngày phạt 1 quan. Cũng ở làng Đồng lư, ai tự ý đẵn tre, tuần phiên bắt được phạt 3 quan 6 tiền, ai tự tiện hái củi, bẻ cành khô luỹ bị phạt 6 tiền và đánh 30 roi, tuần phiên giữ gìn không cẩn thận, không biết việc vi phạm ấy thì cũng bị phạt như thế.

 

Cùng với những quy ước trên, hương ước cũng qui định tỷ mỉ việc lập ra lực lượng vũ trang hay các hội dân binh làng xã. Trên đại thể, công việc này được thực hiện theo các quy tắc sau:

 

- Các nam giới từ 18 đến 49 tuổi (trước tuổi lên một lão và thường là người không có ngôi thứ ở đình ) của các xóm được tổ chức thành các đội dân binh thường gọi là phiên tuần hay hàng phiên. Có làng, phiên tuần được huy động từ tuổi 16 đến 54 hoặc 59.

 

- Trai đinh của mỗi xóm được lập thành một đội gọi là một phiên. Mỗi phiên lại chia thành nhiều nhóm gọi là các dâu hay các bàn, lần lượt thay nhau làm nhiệm vụ. Cũng có làng chỉ lấy vào phiên những người từ 18 - 30 tuổi, lập thành những đội cơ động với số người nhất định. Qua tuổi 30, họ được nghỉ để lớp tuổi kế tiếp lần lượt thay thế.

 

- Phiên tuần của các xóm chịu sự điều động của trưởng phiên hay trùm phiên, có nơi gọi là khán thủ. Tất cả dưới quyền điều hành của người phụ trách việc bảo vệ trật tự trị an của làng xã là quản xã, xã khán hay trương tuần (vùng Thanh - Nghệ, Tĩnh gọi là hương kiểm) tuỳ tên gọi của từng làng.

 

Chế độ tuần tra, canh gác của các đội tuần phiên trên đây tuỳ thuộc tập tục từng làng, được ghi trong hương ước. Có làng từng dâu hay từng bàn thay nhau làm nhiệm vụ theo từng đêm hay từng tuần (mỗi tuần 10 ngày. Có làng cất lượt các đội cơ động theo định kỳ là một tháng, có khi tuỳ theo vụ hay theo năm. Lúc bình thường, phiên tuần ngày đêm phải canh gác "nội hương ấp, ngoại đồng điền "theo địa phận được giao. Mỗi làng có qui định về địa điểm gác, thời gian đóng mở cổng làng, việc đi lại ban đêm. Tháng củ mật (tháng giáp tết) những qui ước này càng nghiêm ngặt. Ngoài ra để bảo đảm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" hương ước cũng qui định rõ việc trình báo mỗi khi nhà có khách lạ. Chẳng hạn, thôn Kiều Trì, nhà ai có khách hoặc người lạ đến trú ngụ ban đêm phải mang 6 miếng trầu trình trương tuần, lý dịch; nếu không báo mà tuần phiên biết thì chủ nhà bị phạt lợn rượu giá 3 quan 6 mạch. Khi có động, việc ứng cứu tuỳ tập tục từng làng nhưng nét chung ở mọi làng là mọi người có trách nhiệm phải đến nơi có động. hương ước làng Miêu nha (Hải phòng) ghi rõ, hễ trong làng có bất thần nghe tiếng tù và, trống đình cáo cấp thì tất cả thượng hạ không cứ sang hèn, giầu nghèo, tuổi từ 18 đến 60 đều phải cầm lao, gậy chạy đến nơi tiếp cứu (2) Tương tự ở làng Quỳnh Đôi, ai không đến thì bị bắt phạt một con trâu để nghiêm phép làng và trường hợp lỗi như thế làng Mộ trạch phạt một con lợn. Hai làng La nội và ỷ La, các trai đinh không tham gia đuổi cướp bị phạt một quan tiền cổ. Nhiều làng còn quy trách nhiệm liên đới cho tất cả các thành viên trong làng đối với việc tuần phòng, lúc bình thường cũng như khi có động. Một số làng ở gần nhau có qui ước liên kết chống trộm cướp. khoán ước làng Liệp Cốc (Quốc Oai-Hà Tây) năm 1747, có ghi làng (4 tức Liệp Cốc-BXĐ) cùng với làng Đồng Lư kết hợp đánh cướp, kẻ cướp đến làng nào thì làng ấy đánh trống ngũ liên năm tiếng một làm hiệu, trai tráng cả hai làng phải lập tức mang vũ khí kéo đến nơi có động, trong đánh ra, ngoài đánh vào; ai bắt được kể gian hai làng họp thưởng 5 quan, làng kia thấy động hiệu mà không đến thì bị phạt một con trâu và 5 quan tiền cổ.

 

Thù lao cho tuần phiên trích từ tiền công quỹ của làng nhưng thường là lúa sương túc hay lúa bờ thu trên ruộng công và ruộng tư của mọi nhà trong làng, thường từ hai đến ba lượm (lúa tươi) một sào. Nhiều làng thu tiền với cả ruộng trồng các loại hoa mầu. Chẳng hạn, ở làng Kiều Trì, trên một sào ruộng trồng khoai nước, phiên tuần được thu một mạch tiền, ruộng khoai lang thu 36 văn, ruộng đậu lạc 12 văn.

 

ở làng Yên Sở-một làng trồng nhiều dừa, mỗi năm, trên một cây dừa (dù là dừa công hay dừa tư), phiên được thu một quả. Đôi khi phiên còn được hưởng một số quyền lợi khác. Chẳng hạn, cũng ở thôn Kiều Trì, nhà nào có cưới xin phải nộp cho phiên 2 quan tiền canh phòng;nhà nào mổ lợn, phiên (đương chức) được mời vào uống rượu, nhà nào có tang, phiên được một mâm xôi 10 đấu, một tảng thịt lợn 2 kg, một hũ rượu và 50 miếng trầu. Trong nhiệm kỳ, nếu không xảy ra trộm cắp, cả toán phiên được hưởng 7 quan. Làng Yên Sở, tất cả các phiên đương chức đựơc xếp vào một trong 11 cấp bậc dân hàng xã, với những quyền lợi riêng. Ngoài ra, hương ước còn qui định chế độ phạt đối với những trường hợp bỏ bễ, không hoàn thành nhiệm vụ. ở làng Lộc Dư (Thường tín-Hà tây) phiên tuần canh gác không cẩn thận để kẻ gian vào ăn trộm, mỗi con trâu bị mất phải bồi thường 30 quan, bò 20 quan. Làng Kiều Trì, nếu ban đêm xảy ra mất trộm, phiên tuần phải đền mỗi con trâu 10 quan, bò 6 quan, còn các của cải khác nếu bị mất thì căn cứ vào số súc vật có trong nhà mà đền, nhà nào có trâu bò phải đền 3 quan, nếu không có thì đền một quan ,ở ngoài đồng, nếu mất từ 3 lượm lúa trở lên phải đền 3 lượm, nếu mất từ một sào trở lên phải đền 3 gánh, mỗi gánh 14 lượm, nếu lúa còn đang " con gái " thì cứ mười cây đền thêm 3 văn, mạ mưòi lăm nắm đền 20 văn, khoán ước cứ mỗi ôm đền 6 văn, khoai lang mất một mét (chiều dài) đền 3 văn, mất một sào đền 18 văn, đậu đỗ thì chiểu giá đền tiền. Làng cũng nghiêm khắc xử phạt những tuần phiên lợi dụng chức quyền để làm việc xấu. ở làng Dương Liễu, nếu phiên lợi dụng canh gác đi ăn trộm súc vật, hoa quả thì phạt 3 quan hoặc phiên tự ý thả kẻ trộm sẽ bị "luận tội " và phạt 3 quan. ở làng Đồng Lư, phiên lợi dụng lúc làm nhiệm vụ để ăn trộm thì bị phạt gấp đôi kẻ trộm bình thường, truất không cho dự bàn ba, nếu nặng thì giải trình quan trên ,phiên mở cổng làng cho kẻ gian vào làng thì phải đền những của cải đã mất, phạt 10 quan (tiền năm 1829) nhẹ đánh 30 roi và đuổi về, nếu nặng thì trình quan. Hương ước cũng qui định chế độ khen thưởng đối với người có công trong việc chống trộm cướp. Làng Yên Sở qui định ai bắt được một tên cướp được thưởng 100 quan tiền đen (năm 1914), ai giết được một tên cướp thưởng 60 quan, bắt được một kẻ cắp thưởng 15 quan. Làng Vĩnh Lại (huyện Cẩm bình, Hải hưng) khoán ước năm 1807 qui định ai bắt được kẻ gian được miễn canh gác tuần phòng trong mười năm và cho phép khao vọng để vào hội tư văn ,nếu dân ngụ cư có công như vậy thì được dự vào sổ hương ẩm (tức được công nhận thành dân chính cư). ở làng Quỳnh Đôi, người có công được chia phần biếu khi có hội hè tế lễ, lại được miễn giảm phu dịch (nếu người ấy hết tuổi phu dịch thì cho một người khác là con, cháu hay con rể được hưởng suất ấy).

 

Cũng vậy, ở làng Hoè thị (Thường tín - Hà tây ) người có công được thưởng 15 quan (tiền năm 1750), 150 đấu gạo, 5 sào ruộng. Nếu chẳng may bị hại trong khi tham gia chống cướp thì được làng bồi thường. Làng Yên sở, ai bị chết thì làng cấp cho gia đình người ấy 100 quan tiền đen, cho một người (là con, cháu) được miễn trừ tạp dịch, ai bị thương nặng cấp tiền thuốc 50 quan, bị thương nhẹ cấp 10 quan. Làng Mộ trạch, ai bị thương cấp 50 quan, bị chết cấp 100 quan (tiền năm 1728) và cho một người con được miễn phu dịch cả đời. Những biện pháp thích đáng trên đây đã giúp cho các làng xã chủ động bảo vệ được trật tự trị an của mình.

 

 

3. Những quy ước nhằm bảo đảm đời sống tâm linh của cộng đồng

 

Đây là các điều khoản về tôn giáo tín ngưỡng mà việc tổ chức thờ cúng thành hoàng là trọng tâm. Nội dung cụ thể gồm:

 

- Lịch thờ cúng (số lễ vật, loại lễ vật).

- Việc tổ chức biện lễ thờ cúng.

 

Thông thường làng giao cho các giáp thay nhau hoặc cùng nhau đảm nhiệm. Trong đó, mỗi năm hay mỗi kỳ cầu cúng có một giáp đăng cai, tức giáp chịu trách nhiệm chính. Giáp lại phân cho các thành viên theo các trật tự tuổi tác. Ngoài ra các thủ từ (người coi gữi đền đình) và một số hạng dân (thường là các chức sắc, chức dịch, những người đỗ đạt, hội tư văn hội tư võ, v. v Tuỳ tập tục (từng làng) phải biện lễ. Nói chung, hầu hết các làng đều dành ra một sổ ruộng đất công dể phục vụ cho việc biện lễ này. Những tổ chức hay cá nhân đến kỳ biện lễ được cày cấy số ruộng công đó (diện tích, độ tốt xấu cụ thể của ruộng được cày cấy tuỳ thuộc địa vị, chức trách của họ trong việc biện lễ và loại lễ thức mà họ phải đảm nhận).

 

- Vịêc tổ chức thờ cúng rước sách gồm ba hoạt động :tế lễ do các chức sắc, chức dịch cùng hội tư văn đảm nhiệm, rước sách trước hoặc sau khi tế lẽ do trai đinh các giáp thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chức sắc, các nghi lễ, trò chơi, các cuộc đua tài giữa người các giáp trong làng. Cũng như việc biện lễ, việc phục vụ tế lễ, rước sách phải có giáp đăng cai đứng ra lo liệu. Nhìn chung việc cầu cúng (đặc biệt là việc tế lễ) được phân công theo trật tự ngôi thứ. Hương ước có qui định vị trí, chức năng theo trật tự ngôi thứ của các hạng cư dân trong làng trong tế lễ. Những người có phẩm hàm, chức tước cao được đảm nhận những chức trách quan trọng hơn trong tế lễ. Đó là " vinh dự" và uy thế, quyền lợi của họ. Kẻ vi phạm sự qui định đó sẽ bị làng phạt vạ và nhiều khi bị thù hằn, kiện cáo suốt đời.

- Việc chia biếu các lễ vật sau tế lễ cũng theo trật tự ngôi thứ. Cũng như trên, quy định này rất nghiêm ngặt. Ai vi phạm sẽ bị phạt vạ và bị thù hằn kiện cáo.

 

-Những kiêng kỵ trong các dịp hội hè tế lễ. Tất cả những vấn đề trên đây đều được quy định cụ thể và nghiêm nghặt. Nếu vi phạm có nghĩa là xúc phạm tới thần linh và bị thần linh giáng hoạ, không chỉ tới người vi phạm mà tới toàn thể dân làng.

 

Ngoài việc thờ cúng thành hòang, Hương ước cũng có những qui định về việc thờ phật. Nhiều làng có những qui ước về việc tổ chức các nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp như lễ gieo mạ (hay lễ bá cốc), lễ xuống đồng (hạ điền mở đầu vụ cấy) lễ lên đồng (tức lễ thượng điền khi cấy xong), lễ cơm mới(Lễ khi lúa ngoài đồng bắt đồng chín), v.v...

 

 

4. Những qui ước về việc bảo đảm các nghĩa vụ với nhà nước

 

Ngoài các qui ước nhằm giải quyết công vịêc trong làng, Hương ước còn có những điều khoản nhằm bảo đảm các nghĩa vụ của làng đối với nhà nước phong kiến. Trước hết là nghĩa vụ sưu thuế, gồm có hai loại :

 

Thuế đinh (Thời Pháp thuộc gọi là sưu) đánh vào các nam giới từ 18 đến 60 tuổi, và thuế điền (thuế ruộng đất). Hương ước làng Yên sở (điều 4, phần I) ghi khá chi tiết về việc phân bổ và thu các loại thuế này. Hương ước làng Dương Liễu có tới 5 điều về vấn đề đó. Thông thường mỗi năm đến kỳ bổ thuế, lý trưởng của xã đem bài chỉ thuế về, hội đồng kỳ mục họp với đại diện các giáp xét duyệt lại số thuế phải nộp, đối chiếu với sổ đinh, sổ đìên hiện có, từ đó phân bổ cho các giáp. Trưởng giáp phân bổ thuế cho các đối tượng và nhận rồi nộp cho lý trưởng; Lý trưởng nộp cho đại diện chính quyền nhà nước cấp trên. Bảo đảm đủ thuế cho nhà nước là việc hệ trọng đối với làng xã và mỗi người nông dân. Hương ước của các làng đều có những điều khoản liên quan tới việc nộp thuế, việc phạt những cá nhân không nộp đủ thuế hay lợi dụng dịp thu thuế để kiếm lời. ở làng Yên sở, ai không nộp đủ thuế sẽ bị làng thu khẩu phần ruộng đất công được chia và cả hoa mầu trồng trên đó. Làng Dương Liễu, ai lấy tiền thuế làm của riêng hay tiêu lạm phải trả lại và bị phạt 10 quan, giáp nào nộp thiếu thuế dưới một quan, không chỉ phải nộp đủ mà còn bị phạt 3 mạch, thiếu trên 5 quan phạt 5 mạch. Làng Đồng Lư, khoán ước năm 1744 quy định, xã trưởng, giáp trưởng thu lạm tiền từ một quan trở lên sẽ bị phạt 3 quan tiền cổ, bồi thường một thành hai, thu lạm dưới 9 tiền phạt cổ tiền 5 tiền, bồi thường một thành hai.

 

Sau việc sưu thuế, là việc bảo đảm các nghĩa vụ binh dịch. Tuỳ từng thời kỳ, Nhà nước bổ cho các làng một số lượng lính nhất định ( Làng Đồng Lư thời Cảnh Hưng có 4 người làng Yên Sở có 46 người, làng Mậu Hoà 6 người ). Tuổi đăng lính, quyền lợi và nghĩa vụ của người đi lính, việc xử phạt những người trốn lính (chưa tại ngũ cũng như đang tại ngũ)... tất cả đều được ghi trong hương ước. Tiêu biểu là Hương ước làng Quỳnh Đôi, các điều khoản về người đi lính chiếm tới 18 trong tổng số 118 điều của bản Hương ước. Nói chung, trai đinh của các làng từ 18 tuổi bắt đầu phải ghi tên vào sổ đăng lính để nhà nước điều động. Những người đi lính đều được làng xã dành cho một số ruộng đất công ( gọi là binh điền hay ruộng lính ), nhiều ít tuỳ từng làng. ở làng Yên Sở mỗi người được ba mẫu đất bãi, làng Mễ Trì ( Từ Liêm - Hà Nội ) mỗi người được hai mẫu ruộng và 5 quan tiền ; làng Trung Kính ( cũng ở Từ Liêm - Hà Nội ) mỗi người đi lính được ba mẫu ruộng và 30 quan tiền ( năm 1912 )... Cũng ở làng Yên Sở, những người đã và đang tại ngũ hợp thành một " đẳng cấp" riêng, gọi là tích xã binh. Làng nghiêm trị những người trốn đi lính hay đang ở lính mà đào ngũ. Làng Quỳnh Đôi quy định ai đút tiền để khỏi đi lính bị xoá tên khỏi sổ làng; Ai trốn lính bỏ nhà ra đi, nếu sau này trở về làng, làng không đến lợp nhà giúp, khi chết làng không đến đưa ma ; nếu trốn lần thứ hai thì làng bán ruộng vườn, của cải của người đó. Làng Yên Sở ai trốn lính bị thu khẩu phần ruộng đất công được chia. Việc bảo đảm các nghĩa vụ phu dịch với nhà nước cũng được ghi trong Hương ước. Công việc này tuỳ từng làng giải quyết. Có làng giao cho phiên tuần của các xóm, có làng chia đều cho các giáp. Một số làng còn cắt cử chức khán thủ quan đề đốc thúc thực hiện các việc công ích.

 

 

5. Những hình thức khen thưởng và xử phạt của hương ước

 

a) Các hình thức khen thưởng

 

Hình thức phổ biến nhất mà các làng áp dụng cho tất cả các loại công trạng là thưởng tiền hay hiện vật (chủ yếu là gạo, thóc). Số này được trích ra hoặc từ công quỹ, hoặc của người vi phạm mà người được thưởnh đã có công phát hiện hay cáo giác, tuỳ tập tục từng làng, tuỳ mức độ công trạng và tuỳ thời giá.

 

Một hình thức khen thưởng khác mà các làng khác áp dụng cho người có công là ban thêm hay tăng vị trí ngôi thứ trong làng, tuỳ thuộc vào công trạng và có khi là thành phần xuất thân của người đó. ở làng Vĩnh Lại, ai bắt được kẻ gian, ngoài các quyền lợi khác, còn được phép khao vọng để vào tư văn; nếu người ấy là dân ngụ cư thì được công nhận là dân chính cư ngay. Làng Mộ Trạch, những người đến ở làng mà tham gia bắt được trộm cướp cũng được thưởng như dân làng (thưởng 20 quan tiền sử, giá tiền năm 1728). Hai làng La Nội và ỷ la, ai bắt được trộm, được làm nhiêu nam, nếu chết trong khi bắt cứơp, ngoài việc được thưởng 2 mạch tiền cổ, một đấu gạo, còn được cho một người con (hoặc cháu) làm nhiêu nam nếu người con (hoặc cháu ) đó là quan viên thì được tăng một cấp. Cho giảm bớt một số nghĩa vụ phải đóng góp đối với người có công cũng là hình thức khen thưởng của lệ làng. Hình thức này chỉ áp dụng đối với những công trạng trong chống trộm cướp. Cũng ở làng Mộ Trạch, ai bắt được cướp, ngoài việc được phép khao vọng còn được miễn mười năm canh gác. ở làng Đồng Lư, ai bắt được kẻ trộm ban đêm thì mỗi nhà thưởng cho một tiền(năm 1744), cho miễn việc quan dịch suốt đời. Ngoài việc khen thư ởng, làng xã còn có các khoản bồi thường cho những người bị thiệt hại trong khi làm nhiệm vụ, đạc biệt là trường hợp bị thiệt hại khi tham gia chống bắt trộm cướp. Ngoài tiền trợ cấp thương tật hay tiền tuất, người bị nạn còn được giảm các nghĩa vụ đóng góp, không chỉ của bản thân mình mà đôi khi của cả con cháu, có khi là cả con rể, như đã trình bầy qua những ví dụ trên.

 

b) các hình thức xử phạt:

 

Những người vi phạm lệ làng phải chịu một trong những hình phạt sau:

 

- Phạt tiền hay hiện vật (trâu, lợn. gà, trâu, rượu) tuỳ theo mức độ của hành vi vi phạm. Số tiền nộp phạt được nộp vào công quỹ sau khi đã trích một phần (thường từ 2 - 3/10) để thưởng cho người cáo giác. Các hiện vật thu được nếu ít và nhỏ (như gà, trâu, rượu) thường do những người đảm nhiệm các công việc có kẻ vi phạm quản lý và sử dụng. Nếu hiện vật là trâu, lợn thì để làng(thường chỉ gồm những người có ngôi thứ, song có khi là toàn bộ nam giới từ trẻ con mới vọng giáp " ăn vạ ". Trường hợp này thường áp dụng đối với những cá nhân vi phạm nghiêm trọng (làm mất danh dự của làng, không tham gia bắt trộm cướp, xâm phạm phần biếu hay vị trí của người khác đến mức kiện cáo, thù hằn nhau v.v... ). Có trường hợp, toàn bộ nam giới trong làng đến " ăn vạ ", ai không có mặt thì được chia phần, ăn hết bao nhiêu, đương sự phải chịu. Trong trường hợp ấy đương sự chỉ có " mất nghiệp". Những vụ ăn vạ theo kiểu đó được Ngô Tất Tố miêu tả và phê phán trong hai thiên phóng sự " Tập án cái đình"(3) và " Việc làng"(4) của Ngô Tất Tố.

 

- Bắt bồi thường thiệt hại là hình thức xử phạt thứ hai của lệ làng. Mọi hành vi vi phạm quy ước, xâm phạm và làm hại đến quyền lợi, của cải riêng của người khác cũng như của làng, đương sự không chỉ chịu nộp phạt mà còn phải trả lại, đền bù cho người bị mất hay bị thiệt hại. Đối với người làm nhiệm vụ hay người có chức quyền vi phạm, việc xử phạt còn nghiêm khắc hơn, như chúng ta phần nào đã thấy qua ví dụ trên.

 

- Đánh đập cũng là hình thức xử phạt mà người làng xã áp dụng, nhằm làm cho kẻ vi phạm " đòn đau nhớ đời ". Qua các ví dụ trên, cho thấy đa số các làng đều đánh bằng roi và gậy, với mức độ khá nhiều (mức thấp nhất là thử 30 roi hay gậy trở lên). Việc đánh đập thường áp dụng đối với dân thường. Chẳng hạn, ở làng Mộ trạch, nếu quan viên đánh chửi nhau thì phạt tiền và hạ ngôi thứ, nhưng nếu là thường dân đánh chửi nhau thì nam đánh gậy, nữ đánh roi, với mức độ 100-50-30 gậy, roi, tuỳ theo tội nặng nhẹ. Tương tự, ở thôn Lộc Dư, chỉ những ai có ngôi thứ từ bàn thứ tư trở xuống bị đánh 30 roi, còntừ bàn ba trở lên thì bị hạ ngôi thứ.

 

- Hạ vị trí ngôi thứ của kẻ vi phạm cũng là hình thức xử phạt nặng của lệ làng. Như đã trình bày, toàn bộ dân làng được phân định thành những cấp bậc riêng tuỳ theo bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác. Vị trí ngôi thứ của từng người liên quan tới quyền lợi về nhiều mặt; khẩu phần ruộng đát công, phần chia biếu, những nghĩa vụ được giảm bớt, hay phải gánh vác. Đó không đơn thuần là quyền lợi vật chất mà còn là uy thế chính trị, tinh thần, là niềm tự hào của mỗi người và của cả con cháu họ. Mất ngôi thứ hay bị giáng chức, giáng ngôi thứ không chỉ mất quyền lợi vật chất mà còn là mất thể diện và mất danh dự trước dân làng. Bởi vậy, ngăn ngừa và hạn chế việc vi phạm lệ làng bằng hình thức hạ thấp vị trí ngôi thứ, nhằm đánh vào cả uy thế chính trị và quyền lợi kinh tế của những người muốn vượt khỏi " khuôn phép " của làng - đó là hình thức xử phạt tinh vi của lệ làng.

 

- Một hình thức xử phạt khác mà khá nhiều làng áp dụng đối với những trường hợp vi phạm lệ làng một cách nghiêm trọng. Đó là việc đuổi khỏi làng. Có thể nói đây là mức hình phạt cao nhất của làng xã đối với kẻ vi phạm. Bởi vì, đối với người nông dân Việt xưa kia, làng là tất cả. Làng là nơi có ruộng vườn riêng của họ, tạo ra cho họ những nguồn thu nhập theo lối tự cấp tự túc.

 

ở làng, ngoài tình cảm anh em, họ hàng, người nông dân còn có tình làng nghĩa xóm. Họ không chỉ được làng xóm bảo đảm cho những quyền lợi về khẩu phần ruộng đất công phần chia biếu, vị trí ngôi thứ trong các sinh hoạt của làng, mà còn được làng xóm quan tâm giúp đỡ những khi khó khơn : công nhận chứng giám các bước trưởng thành trong chu trình đời người. Với điều kiện kinh tế - xã hội ấy, nếu phải " bật " sang làng khác, người nông dân sống rất khó khăn, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, tinh thần vì phải chịu thân phận của người " ngụ cư ". ở làng Việt nào, những người ngụ cư cũng bị coi thường dù họ có giàu có đến mấy. Họ phải đứng ngoài các sinh hoạt cộng đồng của làng xã mà họ mới đến. Đối với người nông dân, phải đứng ngoài các sinh hoạt cộng động của làng mình đã là đỉều tủi hổ : thì bị gạt ra khỏi sinh hoạt cộng đồng ở nơi " đất khách quê người " còn là điều tủi hổ gấp ngàn lần. Bởi vậy, hệt như người nguyên thuỷ bám chặt lấy cái " cuống nhau của công xã nguyên thuỷ " (5) người nông dân Việt nam không dám tách rời "cuống nhau làng xã". Đó là lẽ sống còn của người nông dân. Và bị đuổi khỏi làng là hình phạt cao nhất, không khác gì "án tử hình " đối với họ. Đấy là căn nguyên sâu xa của việc các làng xã áp dụng hình thức xử phạt này.

 

Ngoài các hình thức xử phạt trên đây, một số làng còn áp dụng các hình thức lệ biệt khác. Làng Quỳnh Đôi có lệ định, vào dịp giáp hạt, hay mưa gió, bão lụt, nếu những gia đình nào giầu có, dân làng đến hỏi vay mà không cho vay, lại để thóc đem bán với giá cao, làng sẽ không cho người đến làm thuê mướn trong vụ cày cấy hay gặt hái. Đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn những người giầu có đầu cơ trong thời kỳ đói kém. Thực ra, làng xã không có quyền lực tuyệt đối để có thể ngăn chặn xu hướng phân hoá giàu nghèo tất yếu xẩy ra của một xã hội có tư hữu. Một hình thức khác mà một số làng áp dụng đó là việc tẩy chay đám ma của kẻ vi phạm. ở làng Quỳnh Đôi, chịu hình thức xử phạt này là những người cậy quyền thế đòi hỏi, yêu sách với dân làng; những người chốn lính bỏ nhà ra đi, những người tham tiền cheo. ở xã Tuy Lai (Mỹ đức, Hà tây), những người trong hội tư văn mà phạm tội bất hiếu, bất mục, tham lam vu cáo người khác, loạn luân trộm cắp, cờ bạc bị pháp luật nhà nước kết án thì bị đuổi khỏi hội và đến khi chết không được hội điếu phúng. Làng Mộ trạch, những quan viên có trách nhiệm mà can phạm thì bị đuổi khỏi hàng quan viên, đến khi chết không được ghi tên vào hàng tự điền (danh sách những người được làng thờ ). Tổ chức đám tang là giải quyết bước cuối cùng trong chu trình đời người, để những người sống trong cộng đồng chứng giám. Nếu lúc sống, người nông dân phải có gia đình, làng xóm thì khi chết cũng vậy. Bởi vậy, với mỗi người, điều quan trọng nhất được tập quán công nhận là khi chết, tang lễ tổ chức có to hay không, thể hiện ở chỗ có được đông đảo dân làng đưa đám hay không, có kèn trống của hội tư văn hay không, " sống dầu đèn, chết kèn trống ". Đối với họ, điều tủi hổ nhất là lúc còn sống không có ngôi thứ ở đình và khi chết không có người đi đưa đám. Điều đó đã ăn sâu trong tiềm thức người nông dân, nhất là khi họ bước vào tuổi già. Bởi vậy, họ lo cho cái chết ngay từ khi chuẩn bị lên lão. trừng phạt những người vi phạm lệ làng bằng sự đe doạ, tẩy chay đám tang là hình thức xử phạt nặng nề của làng xã. Xem xét các hình thức xét xử của lệ làng, có mấy điểm đáng lưu ý :

 

1. Mỗi người vi phạm lệ làng không chỉ chịu một mà thông thường phải chịu hai, ba hình thức xử phạt một lúc. Sự kết hợp các hình thức phạt tiền, đánh đập, hạ ngôi thứ và đuổi khỏi làng, v. v... là nét phổ biến trong cách xét xử của làng. Chính điều đó góp phần làm tăng thêm tính chất nghiêm khắc của tục lệ, hạn chế và ngăn ngừa các vụ việc vi phạm.

 

2. Khi xử phạt, nếu là lỗi nhẹ (phạt trầu, rượu, gà hay tiền với số lượng ít ) thì những người đương chức phụ trách bộ phận có kẻ vi pham, trực tiếp xét xử. Trường hợp vi phạm nặng (với hình thức phạt trâu lợn, có cỗ bàn ăn uống), phải có sự họp bàn thống nhất của cả hội đồng kỳ mục và hội đồng kỳ dịch. Trong trường hợp này, sau khi quyết định xử phạt chính thức có hiệu lực, mõ làng con người bị khinh rẻ nhất đảm nhiệm việc thông báo với toàn thể dân làng. Điều này càng làm giảm uy tín của kẻ vi phạm.

 

3. Nói chung, làng xã áp dụng chế độ xử phạt trực tiếp với kẻ vi phạm (ai làm người ấy chịu). Song ở một số làng, trong một số trường hợp, lệ làng áp dụng chế độ liên đới chịu trách nhiệm. Ngoài những người biết kẻ vi phạm mà không cáo giác, cả những xóm giềng, anh em thân thích của kẻ vi phạm cũng phải chịu sự trừng phạt củalệ làng. Chẳng hạn, ở làng Mộ trạch khoán ước năm 1772 quy định, xóm ngõ nào củng cố hào luỹ không tốt dể kẻ gian lẻn vào, nhổ trộm mạ, bẻ măng, hái củi, hiện còn dấu vết hoặc tường bị hỏng thì xướng xuất (người phụ trách tuần phiên) ngõ ấy và những gia đình gần đấy sẽ bị phạt gà, rượu giá 3 mạch. ở làng Đại Tảo (Huyện Tiên sơn, Hà bắc ), ai đang tại lính mà đào ngũ hay can án thì dòng họ của người đó phải đi tìm để giải quan trên và phải cử người thay thế. Cũng ở làng này, khi có người chết, các chức dịch làng xã đưa sổ khoán* ra xem lúc còn sống, người ấy có vi phạm khoán ước gì mà chưa nộp vạ đủ thì bắt thân nhân hoặc bà con trong họ phải nộp đủ mới cho cử hành chôn cất (6) làng Quỳnh Đôi, điều 57 của hương ước có ghi, ai trốn lính thì bắt bố, mẹ, anh em người đó. Không những vậy, một số làng còn có những biện pháp " cách ly " kẻ vi phạm với mọi người trong làng, kể cả anh em thân thuộc và các tổ chức mà người ấy tham gia. Cũng ở làng Quỳnh Đôi, ai trốn lính bỏ làng ra đi khi người đó trở về không ai được đến giúp lợp nhà, khi chết chỉ trừ những người có quan hệ thân thuộc với người đó ở mức để tang năm tháng mới được đến đưa ma, còn mọi người phải tẩy chay, nếu ai cố tình đến thì bị phạt một con lợn. ở làng Dương Liễu, ai dựa vào quyền thế mà vu cáo làng, làm tốn kém tiền của thì đến khi có việc ăn uống ở làng, ở giáp hoặc ở xóm ngõ, không ai được mời người đó đến dự ; nếu ai để phần cho kẻ vi phạm thì bị phạt 5 quan tiền, một hũ rượu (?), ai có việc vui mừng mời người ấy đến ăn uống, trò chuyện thì bị phạt 3 quan. ở một điều khác, làng này quy định, ai là thôn trưởng trốn trách nhiệm của mình thì không được xếp ngôi thứ trong làng, giáp nào cho người đó sinh hoạt thì bị phạt một quan tiền cổ. Tính chất liên đới chịu trách nhiệm này góp phần ngăn ngừa những hành vi vi phạm cũng như hành vi bao che cho kẻ vi phạm.

 

Sau cùng, xét tới quyền lực của làng trong việc giải quyết những kiện cáo trong làng. Nói chung làng nào cũng có quy định được ghi trong hương ước : tất cả các thành viên trong làng khi có mâu thuẫn, xích mích hay tranh chấp với nhau phải trình làng phân xử ;làng xử không được mới được phép đưa lên quan trên. Ai tự ý kiện lên quan trên không thông qua làng hay nếu không bằng lòng với việc làng phân xử thì mà tiếp tục đưa kiện quan trên nhưng quan trên xử giống như làng xử thì không chỉ bị phạt, mà còn phải chịu những phí tổn chi cho việc kiện cáo ấy. Chẳng hạn, làng Mộ Trạch, kẻ vi phạm điều trên vị phạt trâu, rượu. Làng Dương liễu, ai vu cáo kiện tụng làng xã thì tốn kém bao nhiêu con cháu phải đền cho dân để tạ tội, có thế " bản xã mới được hoà thuận". Đặc biệt ở làng Vĩnh Lại, ai " vượt làng " mà đi kiện cáo bị phạt 3 mạch, nếu vẫn khiếu nại để làng phải tốn kém thì bị đuổi khỏi sổ hương ẩm để " ngăn chặn cái thói nanh chuột, mỏ xẻ ".

 

Để bảo đảm tính chất nghiêm minh của hương ước, ở đa số các làng, vào tháng giêng hàng năm, thường tổ chức lễ minh thệ ( lễ ăn thề ) đem hương ước ra đọc cho toàn dân làng nghe và thề tuân thủ theo hương ước. Ai vắng mặt phải có trầu, cau xin phép ; nếu vắng mặt vô lý do bị phạt.

 

Như vậy dưới góc độ pháp lý, các bản hương ước có những yếu tố sau:

 

1. Đó là những quy ước của cộng đồng làng buộc mọi tổ chức và thành viên trong đó phải tuân thủ nghiêm túc.

 

2. Hầu hết các điều khoản ghi trong hương ước quy định quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của cá nhân đối với cộng đồng ; gắn liền với đó là những quy định thưởng phạt, khuyến cáo và răn đe nhằm thực thi hương ước.

 

3. Bên dưới văn bản hương ước đều có con dấu của hội đồng quản lý làng và bộ máy chính quyền phong kiến cấp xã cùng chữ ký của các đại diện của bộ máy đó.

 

4. Trên thực tế, hương ước được các thành viên làng xã thuộc mọi giai tầng xã hội chấp nhận và tuân thủ nghiđm túc qua nhiều thế hệ. Bởi thế có nhà nghiên cứu coi hương ước là " thông lệ pháp lý "

 

 

II

Hương ước cải lương

 

Phần trên là những nội dung cơ bản của các bản hương ước được soạn thảo trước khi thực dân Pháp can thiệp vào làng xã. Tuy vậy, cần lưu ý rằng không phải bản hương ước nào cũng có đầy đủ những nội dung như trên.

 

Như đã trình bày, tuỳ điều kiện cụ thể của từng làng mà hương ước có nội dung dài, ngắn và những điều khoản liên quan đến các mặt của đời sống làng xã chiếm tỉ lệ và vị trí khác nhau đồng thời áp dụng những hình thức xử phạt khác nhau. Đây chính là biểu hiện của tính đa dạng và cũng là tính độc lập tương đối của làng xã.

 

Năm 1858, thưc dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Sau cuộc chinh phục gần ba mươi năm, điều ước Pa-tơ-nốt 6 - 6 1984 đã khẳng định chủ quyền lâu dài của thực dân Pháp trên toàn bộ đất nước ta. Việt Nam từ một xã hội phong kiến trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến mà đặc trưng cơ bản là sự cấu kết giữa đế quốc và phong kiến. Trong hơn hai mươi năm, từ những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, đến những đại chiến thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp giữ nguyên cơ cấu làng Việt cổ truyền, duy trì những hủ tục nặng nề, kìm hãm nông thôn và nông dân Việt nam trong vòng lạc hậu để dễ bề thống trị và vơ vét bóc lột. Trong tình hình đó, những bản hương ước vẫn tồn tại và trong chừng mực nhất định, có tác dụng phục vụ ý đồ và duy trì và nắm nông thôn của thực dân Pháp. Thậm chí ở một số làng, những năm đầu tiên của thế kỷ XX vẫn còn soạn thảo hương ước.

 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai đối với Việt Nam và các thuộc địa khác. Để nắm được nông thôn mhằm phục vụ đắc lực cho chương trình khai thác ; bóc lột thuộc địa, lôi kéo nông dân khỏi ảnh hưởng của cách mạng, thực dân Pháp phải có một chủ trương mới đối với bộ máy quản lý làng xã và các tục lệ ở nông thôn. Bọn cai trị Pháp cho rằng, cách tổ chức của làng xã cổ truyền với hai bộ phận : hội đồng kỳ mục và hội đồng lý dịch rất lỏng lẻo, tuỳ tiện, kém hiệu lực, gây ra sự lũng đoạn, mọt ruỗng của chức dịch làng xã, tạo ra một tầng lớp cường hào đục khoét nông dân, lừa dối chính quyền bảo hộ bên trên về các nghĩa vụ sưu thuế binh dịch, sử dụng bừa bãi công quỹ, lấn chiếm ruộng đất công duy trì các hủ tục, cắt xén tham ô các khoản tiền cheo, tiền mua bán ngôi thứ, tiền để xây dựng các công trình công cộng ... gây ra sự bất bình trong nhân dân mà mũi nhọn chính chĩa vào những người Pháp. Bởi vậy " phải hạn chế nạn cường hào hoành hành ở nông thôn " - như báo chí của thực dân Pháp hồi đó tuyên truyền - bằng cách cải tổ bộ máy quản trị làng xã. Nhưng cải tổ bằng cách nào? Xem xét cơ cấu tổ chức của làng Việt, thực dân Pháp cho rằng, các dòng họ trong làng Việt có một sự cố kết chặt chẽ. Bởi vật, chỉ cần nắm được các dòng họ là nắm được làng xã và do vậy, cần phải thay thế hội đồng kỳ mục trước đây bằng một hội đồng mà thành viên là đại biểu các dòng họ (nên gọi là hội đồng tộc biểu hay hội đồng hương chính ). Nghị định số 1949 ngày 12 tháng 8 năm 1921 do Thống xứ Bắc kỳ ký quy định thành lập ở mỗi làng một hội đồng tộc biểu với số lượng thành viên tuỳ thuộc vào số dòng họ và số nhân khẩu trong làng;các tộc biểu phải từ 25 tuổi trở lên, biết chữ quốc ngữ và có tài sản. Nhiệm vụ của hội đồng là quản lý làng, thi hành các chỉ thị của nhà nước, phân bổ sưu thuế, dự toán và quyết toán ngân sách, quản lý tài sản v.v... Nghị định còn quy định việc bầu cử chánh phó hương hội (những người đứng đầu hội đồng tộc biểu, thay thế nhiệm vụ của các tiên thứ chỉ trước đây) cùng các tay chân giúp việc: thư ký, thủ quỹ, chưởng bạ, hộ lại..., trách nhiệm, quyền hạn của những thành viên đó. Cùng với việc thay hội đồng kỳ mục, thực dân Pháp cũng chấn chỉnh bộ máy lý dịch, bằng cách quy định lại nhiệm vụ, quyền hạn của nó. Nghị định 1949 còn nêu rõ, lý trưởng là trung gian giữa làng với nhà nước, có nhiệm vụ giữ con dấu, công văn, địa bạ, các chỉ thị của nhà nước, lo việc thu thuế, giữ gìn an ninh. Lý trưởng không có quyền tự ý quyết định việc làng, phải theo ý chung của hội đồng tộc biểu.

 

Một trọng tâm khác của công cuộc cải lương của thực dân Pháp là chấn chỉnh lại việc chi tiêu của làng xã : qui định việc lập lại ngân quỹ, các quy tắc chi thu, cho vay lấy lãi.

 

Toàn bộ những vấn đề trên đây được cụ thể hoá trong bản hương ước cải lương mà thực dân Pháp thống nhất soạn thảo cho các làng xã vận dụng. Mỗi bản gồm hai phần : phần chính trị, tức tổ chức hội đồng tộc biểu và lý dịch và phần hai là phong tục. Trong các bản hương ước mới này một số yếu tố tích cực của các bản hương ước cũ như việc canh gác tuần phòng, việc đường xá, cầu cống, bảo vệ sản xuất được bảo lưu và có cải tổ chút ít cho phù hợp. Một số vấn đề khác như ma chay, cưới xin, thực dân Pháp cũng hướng các làng làm theo ý chúng nhằm " xoá bỏ hủ tục " Ngược lại, một số vấn đề như việc chia cấp công điền, việc nộp cheo, tế tự, ngôi thứ trong làng v.v... đã in sưu vào nếp sống của từng làng, thực dân Pháp không thể đưa ra "mẫu cải tổ " được đành bất lực, do vậy, chúng chỉ khuyên các quan phủ, huyện hết sức "hiểu dụ " dân "cải cách" cho khỏi " phiền phí ".

 

Với cuộc cải lương hương chính, thực dân Pháp đã thực sự can thiệp sâu vào đời sống làng xã và trực tiếp nắm lấy bộ máy quản lý của từng đơn vị tụ cư đó. Tuy nhiên, vấn đề không hoàn toàn đơn giản. Hội đồng tộc biểu vấp phải sự phản ứng gay gắt của các kỳ mục cũ, dẫn tới những xung đột có hại cho việc quản trị làng xã giữa các cựu kỳ mục với các nhân viên trong hội đồng tộc biểu mà hậu quả nhất là sự phản ứng hoặc ngấm ngầm, hoặc công khai của các làng xã với chính quyền nhà nước. Về cơ bản. Pháp vẫn không khống chế chặt chẽ nông thôn. Vì vậy đến năm 1927 chúng phải lập lại hội đồng kỳ mục bên cạnh hội đồng tộc biểu, để cùng kiểm soát các công vịêc trong làng. Đến năm 1941, cả hai hội đồng trên đây đều bị bãi bỏ thay thế vào đó là hội đồng kỳ hào (với thành phần tập hợp rộng rãi như hội đồng kỳ mục trước đây. Sau hai lần cải cách, các làng xã sửa đổi lại một số điều khoản trong hương ước, chủ yếu là các điều khoản liên quan tới việc bầu cử và hoạt động của bộ máy quản trị làng xã.

 

Mặc dù không đạt được hoàn toàn ý đồ "cải lương"song một trong những thành công của người Pháp trong thời kỳ này là đã lợi dụng truyền thống quản lý làng xã của người Việt thông qua hương ước, khôn khéo đưa luật pháp của nhà nước bảo hộ vào trong lệ làng, hay nói một cách khác "lệ làng hoá phép nước ", khuôn tất cả các hương ước vào một khuôn mẫu chung có lợi cho thực dân Pháp để buộc các làng xã phải thực hiện. Một điều quan trọng khác là trong hương ước cải lương, các hình phạt hà khắc của làng xã mà hương ước cũ quy định như đánh đòn, đuổi khỏi làng, tẩy chay đám ma... đã bị loại bỏ, thay thế bằng hai hình phạt phổ biến nhất là phạt tiền (hay hiện vật ) và hạ vị trí ngôi thứ.

 

 

III

Hương ước mới

 

 

1. Bối cảnh và nguyên nhân ra đời.

 

 

Sau cách mạng tháng tám 1945, cơ cấu làng xã cũ bị giải thể, các bản hương ước không còn tồn tại và có giá trị trong việc điều hành đời sống làng xã. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn tự đề ra những quy ước mà pháp luật chưa đề cập tới để duy trì đời sống cộng đồng. Với cơ chế " khoán 10 " được thực hiện từ 1989, tình hình chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội ở nông thôn có nhiều thay đổi quan trọng. Làng, với tính cách là cộng đồng có thiết chế tổ chức riêng, phong tục tập quán, tâm lý và tín ngưỡng riêng đã dần " khẳng định lại " một cách toàn diện vị trí vai trò và chức năng quan trọng của nó trong quản lý kinh tế-xã hội từ việc xây dựng sở chính trị (chi bộ Đảng, các đoàn thể quần chúng ), chính quyền ( chức danh trưởng thôn ) đến quản lý kinh tế (quy mô hợp tác xã nông nghiệp ), xây dựng đời sống văn hoá cơ sở... đều tổ chức theo đơn vị làng ( hay thôn, bản ) là thích hợp. Mặt khác, so với cấp xã thời phong kiến, cấp xã của ta hiện nay lớn hơn nhiều, cả về số lượng đơn vị làng ( thôn ) hợp thành cũng như diện tích, dân số. Nếu thời phong kiến, kết cấu" nhất xã, nhất thôn " hay "nhất xã nhị thôn " (mỗi xã chỉ gồm một hoặc hai làng ) với số dân từ 1.000 - 1.500 dân là phổ biến thì giờ đây, quy mô cấp xã của ta lớn hơn rất nhiều : bình quân mỗi xã từ 4 - 5 thôn, thậm chí tới 9 - 10 thôn với số dân từ 6.000 - 8.000 dân. Số xã có số dân trên 10.000 người không ít.

 

Trong điều kiện trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã còn yếu, tâm lý cục bộ địa phương của một bộ phận quần chúng, thậm chí của cả cán bộ, đảng viên còn nặng nề thì quy mô trên đã làm cho việc quản lý kinh tế xã hội ở cấp hành chính cơ sở ngày gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Trong tinh hình đó, nhất là từ sau những diễn biến của cơ chế khoán 10, vai trò của làng cũ ( tức thôn ) được đề cao. Xu hướng tái lập " làng tiểu nông " đang có chiều hướng rõ nét. Trong tình hình trên đây, nhiều làng ở đồng bằng Bắc bộ đã soạn thảo ra các các bản quy ước làng làm " cơ sở pháp lý " để quản lý, điều chỉnh các mặt sinh hoạt của cộng đồng ; trong đó Hà Bắc là tiêu biểu. Theo báo cáo của Sở Văn Hoá thông tin và thể thao Hà Bắc thì cho tới cuối năm 1992, toàn tỉnh đã có gần 500 làng đã soạn thảo quy ước, riêng huyện Tiên Sơn đạt tỷ lệ cao nhất 127/144 làng. Việc có quy ước làng được coi là tiêu chuẩn đầu tiên để công nhận là " làng văn hoá " do tỉnh đề ra. Cũng theo báo cáo của Sở Văn hoá thông tin và thể thao tỉnh và qua khảo sát thực tế một số làng thì những bản Quy ước làng này bước đầu đã có tác dụng tích cực trong việc quản lý kinh tế xã hội ở từng làng, tạo ra sự chuyển biến tốt về nhiều mặt của mỗi cộng đồng cư dân đó.

 

Các nhà nghiên cứu coi đây là hiện tượng " tái lập hương ước", tức soạn thảo lại các bản lệ làng thành văn, một công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong từng cộng đồng, để quản lý làng xã Tuy nhiên, hiện tượng " tái lập hương ước " trên đang đặ nhiều vấn đề cần thảo luận, không chỉ với các nhà quản lý cả với giới nghiên cứu khoa học Đó là, trong tình hiện nay, các làng xã có nên soạn thảo Quy ước không ? Nếu soạn thảo thì quy trình tiến hành ra sao, bố cục và nội dung các điều khoản như thế nào ? Giải thích quyết mối quan hệ với pháp luật ra sao v. v...

 

 

2. Quy trình soạn thảo và nội dung cơ bản của quy ước làng

 

Qua tìm hiểu thực tế ở Hà Bắc và một số tỉnh, chúng tôi thấy, việc soạn thảo Quy ước làng được tuân thủ theo quy trình sau:

 

- Đầu tiên, giao cho một số các cụ về hưu nắm vững luật pháp, am hiểu phong tục tập quán của làng.

- Thông qua chi bộ Đảng và đại hội mặt trận làng.

- Đưa về các đội sản xuất (dựa trên địa vực từng xóm) thảo luận.

-Thông qua đại hội toàn thôn (làng) và gửi lên Uỷ ban nhân dân xã phê duyệt. Sau đó tiến hành in ấn (hoặc đánh máy).

 

Từ một số bản quy ước đầu tiên này ngành văn hoá tỉnh Hà Bắc và các huyện đã đưa ra " mẫu chung " để các làng cụ thể hoá vào những điều kiện và đặc điểm của làng mình.

 

Nội dung của quy ước làng khá đa dạng. Dưới đây chúng tôi nêu những nét chính về nội dung của một số quy ước làng tiêu biểu. Trước hết về tên gọi, đa số các làng đều gọi là quy ước làng văn hoá. Khái niệm làng văn hoá do ngành văn hoá Hà Bắc khởi xướng là vấn đề còn đang thảo luận. Bởi vậy nhiều làng " thận trọng " hơn, chỉ gọi là Quy ước làng hay quy ước nông thôn. Có làng ghi rõ là qui ước về xây dựng nếp sống văn minh, lập lại kỷ cương trật tự xã hội Sau lời giới thiệu về lịch sử và những truyền thống tốt đẹp của làng, các bản Quy ước làng khẳng định mục đích, ý nghĩa của việc soạn thảo, sau đó trình bày những nội dung cụ thể, về phần này, mỗi làng đưa ra một nội dung gồm số lượng các điều khoản khác nhau và trật tự các vấn đề cũng khác nhau. Quy ước làng Hồi Quan ( được in ty pô vào tháng 7 - 1990, sớm nhất trong các bản quy ước làng ở tỉnh Hà Bắc ) gồm 4 phần: Xây dựng nếp sống văn hoá gồm 4 điều khoản về bảo vệ di tích, tổ chức ma chay, cưới xin, lập hội đồng niên (mỗi khoản này lại được cụ thể hoá bằng những tiểu mục khác ); Xây dựng kỷ cương trật tự xã hội thôn xóm gồm 4 điều về cấm cờ bạc, ngăn chặn nạn trộm cắp, gây rối trật tự, bảo vệ và giữ gìn các công trình công cộng, cấm nuôi chó và qui định việc đi lại ban đêm ; những quy ước về bảo vệ đồng tiền và những hình thức khen thưởng và xử phạt.

 

Làng Trang Liệt ( thuộc huyện Tiên Sơn ) - làng được công nhận là làng văn hoá đầu tiên của tỉnh.

 

Bản quy ước làng được chia thành 6 chương:

 

- Chương I : Những quy định chung ( 2 điều )

- Chương II: Lễ nghi tôn giáo: 4 điều quy định về Ban khánh tiết, Ban trưởng, Ban chạ là những thiết chế cũ của làng xã được khôi phục lại để đảm đương các công việc trong làng, việc lễ hội và việc tang ma.

- ChươngIII: Nếp sống văn hoá : 5 điều về lễ hội, cưới xin, tang ma, cải táng, bài trừ mê tín dị đoan.

- Chương IV : Đạo lý gia đình xã hội; 2 điều về các quan hệ trong gia đình, làng xóm.

- Chương V : An ninh trật tự xóm làng; 2 điều về chống cờ bạc trộm cắp, bảo vệ các công trình tập thể.

- ChươngVI : Tổ chức thực hiện, khen thưởng và kỷ luật 2 điều ( các hình phạt cụ thể ghi ở phụ lục riêng).

 

ở Quy ước thôn Trung ( xã Nghĩa Trung huyện Việt Yên ) ngoài những nội dung trên, còn có thêm chương bảo vệ sản xuất và quản lý đất đai ; đặc biệt có phần phụ lục về phạt vi cảnh theo quy ước làng gồm 9 mục với 44 điều khoản ( trong đó có mục quản lý điện ( 3 điều khoản ).

 

Quy ước nếp sống của làng Đông Cao ( tỉnh Thanh Hoá ) được trình bày tổng hợp hơn, gồm 4 phần chính :

 

- Văn hoá xã hội : 7 điều về xây dựng gia đình văn hoá mới, khuyến khích học hành, tổ chức cưới xin, tang ma, lễ hội, mừng thọ lão... theo đời sống mới.

 

- Xây dựng kinh tế : 5 điều về nghĩa vụ của người nhận ruộng khoán, khai hoang phục hoá đất đai, bảo vệ đường xá và các công trình thuỷ lợi, phát triển chăn nuôi trong mối liên quan với bảo vệ thành quả của sản xuất nông nghiệp.. .

 

- Trật tự an ninh : 4 điều về việc phạt những người say rượu, trộm cắp, gây gổ đánh nhau, về đăng ký tạm trú về giới nghiêm thôn xóm v. v.. .

 

- Quy định chung : 8 diều về lập quỹ của làng, hoạt động của tổ an ninh, việc xử kiện, thi hành. ..

 

3. Một vài nhận xét.

 

1. Nội dung của các bản quy ước làng nhìn chung khá toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật và chính sách của Đảng, nhà nước ; kế thừa được nhiều mặt tích cực của các bản hương ước cũ. Tuy nhiên, các điều khoản liên quan tới văn hoá xã hội và bảo vệ trị an thôn xóm vẫn là nội dung " trội " trong các bản quy ước.

 

2. Mặc dù soạn thảo Quy ước" phải tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật cùng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ; đồng thời kế thừa những mặt tích cực của phong tục tập quán cũ " như những hướng dẫn của ngành văn hoá và theo lời của một số thành viên " Ban soạn thảo Quy ước " của một số làng mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, song trên thực tế, trong nội dung của một số bản Quy ước có nhiều điểm không chỉ đi ngược lại với mục tiêu " xây dựng nếp sống văn hoá " mà còn mâu thuẫn với pháp luật của Nhà nước.

 

Trước hết, các bản Quy ước đó chính thức công nhận và khuyến khích hủ tục cũ trong ma chay, cưới xin, lễ hội như công nhận công nhận các bước chạm ngõ, ăn hỏi, việc cỗ bàn trong đám cưới ;đám ma phúng viếng phải có thủ lợn... Nhiều làng có qui định phân biệt quyền lợi giữa dân " chính cư" và "ngụ cư " như bắt người từ nơi khác đến sinh sống ở làng phải tuân theo qui ước làng hoặc người trong làng phúng viếng nhau được miễn phúng xôi thủ lợn; song người từ nơi khác đến phúng viếng buộc phải có; hoặc với đám cưới thì con gái con trai trong làng lấy nhau, làng mừng 20 kg thóc, nếu lấy chồng lấy vợ "thiên hạ " được mừng 10 kg. Tuy vậy cũng có nhiều làng đề ra những qui định " thái quá " như không cho mừng tiền cô dâu, chú rể, khi đưa dâu mỗi bên không quá 20 người.

 

Các qui ước làng cũng kế thừa nhiều mặt của qui ước về cơ cấu tổ chức của làng xã cũ. Có làng đã giải quyết tốt việc này như làng Trang Liệt phục hồi hai thiết chế : Ban trưởng và ban chạ. Ban trưởng là thiết chế gồm 48 người ở độ tuổi từ 49 tuổi trở xuống, lo mọi công việc công ích trong làng ( trong đó có cả việc lễ hội ). Còn Ban chạ gồm 48 người ở độ tuổi sau 48 người của ban trưởng, chuyên lo việc tang lễ, theo hướng đơn giản, tiết kiệm. Tuy nhiên có làng lại chủ trương phục hồi những thiết chế không có tác dụng thiết thực, thậm chí có thời gây tiêu cực trong đời sống làng xã. ở làng Đa Mai (thị xã Bắc Giang, Hà Bắc ) bản qui ước in rônêô có điều qui định, mỗi họ phải cử một " đại biểu tiên tiến nhất ", phải " kiện toàn ban tổ chức họ " để cùng xây dựng nếp sống của làng và điều hành việc làng.

 

Các làng cũng có những qui định chưa đúng hoặc không hợp tinh thần của pháp luật như việc cấm nuôi chó hay từ 22h trở đi, ai đi đâu phải có đèn thắp sáng cầm tay ; có làng " cực đoan " hơn, còn không cho mọi người đi lại trong làng, ngoài đồng; hay khi có lệnh giới nghiêm, ai đi ở ngoài đường không có đèn cầm tay thì người khác có quyền bắt giữ, đây là qui định của làng xã phong kiến nhằm kiểm soát và khống chế chặt chẽ nông dân, đề phòng " nông dân khởi nghĩa ", đã gây cho nhân dân phản ứng. Có làng lại qui định ai bán quán để khách hàng uống rượu say nói càn, thậm chí ai mời khách uống rượu say thì cả khách và chủ cùng bị phạt. Lại có làng qui định, ai có khách lạ mà không trình báo, nếu trong làng xẩy ra mất trộm thì cả chủ và khách phải chịu trách nhiệm. Có làng qui định người có vũ khí, chất nổ, chất cháy phải báo với chính quyền (lẽ ra phải qui định cấm mọi người không có trách nhiệm tàng trữ vũ khí, chất nổ, chất cháy ).

 

Một vấn đề khác cần được bàn đến là việc xử phạt được ghi trong qui ước. Nhìn chung, các làng đều dùng hình thức phạt tiền (quy ra thóc) hoặc phạt thóc :mức độ nặng nhẹ tuỳ theo lỗi vi phạm. Song nhiều làng đã áp dụng những biện pháp của lệ làng như ở làng Hồi Quan (Tiên Sơn, Hà bắc) ai cố tình vi phạm quy ước làng khi bố mẹ trăm tuổi hoặc khi bản thân đến tuổi lên lão phải đem trầu cau "nói lại " với làng. Có làng qui định " khi xẩy ra tranh chấp, lộn xộn thì tu mức độ có thể họp toàn xóm, toàn làng hay ban quản lý làng để giải quyết, ngườcó đơn yêu cầu phải chịu kinh phí cho các hội nghị này và người có sai phạm phải nghiêm chỉnh thực hiện kết luận của hội nghị, chịu tất cả các khoản chi phí. Đây dạng biểu hiện của việc " ăn vạ làng " thủa trước, là sự tái hiện việc các làng xã trừng phạt, khống chế nông dân không được " vượt làng " đi khiếu kiện lên trên. Nhiều làng có qui định phạt quá nhẹ những trường hợp đánh bạc, trộm cướp, lừa đảo đánh cãi nhau gây thương tích. Trong những trường hợp nghiêm trọng như thế, cá nhân vi phạm phải chịu hình phạt của luật nước, làng chỉ có quyền phạt ở một mức độ nhất định. Có làng đề ra qui định vượt lên trên cả pháp luật nhà nước, đi ngược với cả tập tục truyền thống được tôn trọng từ lâu đời, và được pháp luật bảo hộ như ở một làng thuộc tỉnh Hà bắc, ai vi phạm nặng qui ước làng thì bị đuổi khổi đoàn thể ( nếu là người khác đến thì đuổi về quê cũ ) và tước quyền thừa kế.

 

Một diều quan tâm khác là đứng tên ở bên dưới các bản qui ước này là các trưởng thôn, trưởng ban mặt trận thôn (làng ). Có nơi thêm cả hội trưởng hội bảo thọ, cụ thượng của làng, sau đó được chủ tịch uỷ ban nhân dân xã đóng dấu công nhận. Ngày xưa, hương ước của các làng để được công nhận tồn tại phải được cấp tỉnh (những năm đầu thế kỷ XX là cấp phủ, huyện) duyệt phê. Các bản quy ước làng vừa nêu rõ ràng có nhiều điểm không hợp pháp luật mà chỉ có uỷ ban nhân dân xã công nhận, không được một cơ quan pháp luật hay cơ quan chính quyền, văn hoá cấp trên nào xét duyệt là điều phải xem xét.

 

Ngoài ra, trong nhiều bản qui ước làng có sự chồng chéo, thậm chí "lẫn lộn " giữa quyền lực của làng với quyền của hợp tác xã nông nghiệp, giữa quyền của trưởng thôn với quyền của chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, giữa nghĩa vụ của các thành viên trong làng với tư cách là " dân làng " và tư cách xã viên hợp tác xã nông nghiệp...

 

3. Về hiệu lực thực tế của qui ước, qua khảo sát một số làng, chúng tôi thấy, việc xử phạt còn rất hạn chế bởi hai lẽ : một là theo quy chế phạt hành chính hiện hành thì cấp xã chỉ được phạt mức tối đa là 50.000 đồng trong khi có làng đề ra đề ra mức phạt cao nhất tới một tạ thóc (bằng khoảng 100.000 - 120.000 đồng); việc này ít nhiều cũng gây ra những phản ứng của những người vi phạm Quy ước khi bị phạt, mặc dù trước đó, họ cũng từng tham gia thảo luận và thoả thuận thông qua Quy ước. Hai là khi có người vi phạm, trưởng thôn cũng không có quyền phạt mà chỉ lập biên bản gửi lên xãđể xã phạt. ở một số làng, trưởng thôn có quyền phạt song khi thực thi nhiệm vụ, họ cũng "không nỡ " ra tay phạt người vi phạm, hơn nữa khi người đó là anh em họ hàng. Cho tới ngày nay, người Việt, nhất là người nông dân vẫn bị ràng buộc trong hàng loạt mối quan hệ họ hàng làng xóm nên việc dùng lý và luật để cư xử với nhau là điều vẫn dè dặt. Bởi vậy, ở hầu hết các làng có Quy ước, việc tuyên truyền, giáo dục và đưa các cá nhân vi phạm ra kiểm điểm trước dân làng, dùng dư luận thuyết phục, làm " sức ép " vẫn là biện pháp xử phạt chính và tỏ ra hiệu lực hơn mọi thứ hình phạt được ghi trong Quy ước. Điều này khác hẳn với hương ước ngày xưa là hiệu lực thực tế rất cao nhờ các hình phạt hà khắc ( cả về chính trị, kinh tế và các mặt khác), kết hợp với sức ép dư luận và những quan niệm về đạo đức và tín ngưỡng của cộng đồng. Tuy nhiên, do pháp luật kém hiệu lực, Quy ước mới soạn thảo và chưa đi vào đời sống nên ở nhiều làng, đã áp dụng những biện pháp " trừng phạt " của lệ làng xưa đối với những trường hợp tái phạm ( nhiều lần ) pháp luật và Quy ước làng như ở một làng nọ, cho dân quân đến dỡ mái nhà của những người trốn nghĩa vụ quân sự, dây dưa nộp thuế vì đây là một lệ cũ của làng ( cho tuần phiên đến dỡ mái nhà người trốn lính, không nộp thuế, theo quan niệm tín ngưỡng cũ của dân làng, nhà ai để người lạ nhảy lên mái nhà sẽ bị " lụn bại " ), có làng áp dụng biện pháp gần như " tẩy chay " đám tang của kẻ vi phạm hoặc của bố mẹ người đó.

 

4. Kỹ thuật lập văn bản trong Quy ước làng kém xa so với hương ước. Nhiều bản có nội dung với những lời lẽ nặng tính hô hào, nhắc lại chính sách. Nhiều bản lại chú trọng đề ra những chỉ tiêu phấn đấu trước mắt. Đọc quy ước của nhiều làng, không thấy sự khác biệt nhau lắm, có thể ghép tên một làng khác vào Quy ước một làng cũng khó phân biệt được.

 

 

chú thích

______

 

1. ở đây cần phân biệt hai khái niệm : Làng là từ Nôm, chỉ đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt, có địa vực riêng, cơ cấu tổ chức, lệ tục riêng... nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất. Còn Xã là từ Hán Việt, chỉ đơn vị hành chính cơ sở của nhà nước phong kiến ở nông thôn. Nói chung, trước cách mạng tháng 8 - 1945, mỗi làng trùng với một xã, nên người nông dân hay gọi ghép là làng xã, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một xã gồm nhiều làng, do vậy mỗi làng là một Thôn, khái niệm Hán Việt được dùng trong các văn bản hành chính.

 

2. Dẫn theo "Nông thôn Việt Nam trong lịch sử", tập I, nxb KHXH, Hà Nội, 1977, trang 238

 

3. Ngô Tất Tố. Toàn tập, tập I - NXB Văn Học, Hà Nội 1977

 

4. Ngô Tất Tố -"Việc Làng", NXB Mai Lĩnh, 1937

 

5. Ăng Ghen - "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước". nxb Sự Thật, 1972, tr 159

 

6. Dẫn theo "Nông thôn Việt Nam trong lịch sử", tập II, nxb KHXH, Hà Nội 1978, tr 214

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về