• Thuộc tính
Tên đề tài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới
Nội dung tóm tắt
 
 

Ở nước ta, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” ra đời cùng với sự ra đời của Hiến pháp 1980. Kể từ đó, giáo dục pháp luật có thể xem là một phương hướng có tính độc lập tương đối trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nhu cầu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật mới thực sự trở nên bức xúc trong những năm đổi mới, công tác giáo dục pháp luật mới từng bước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, bồi dưỡng ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý cho nhân dân lao động.

Giáo dục pháp luật trở thành đòi hỏi cấp bách của Nhà nước và xã hội, trước hết bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới. Nếu như quá trình dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội; cải cách bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao nhân tố con người trong sự phát triển xã hội…, đang tiến hành ở nước ta không tồn tại bên ngoài pháp luật, thì cũng tương tự như vậy các quá trình đó không thể thiếu vắng hoạt động giáo dục pháp luật với mục đích cung cấp và bồi dưỡng tri thức, tình cảm và thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Hiện nay ở nước ta, cuộc sống đang đặt ra đòi hỏi bức bách về nâng cao trình độ dân trí về mặt pháp luật, giải quyết sự bất cập giữa tốc độ xây dựng và ban hành văn bản pháp luật ngày một gia tăng để đáp ứng các quá trình đổi mới với trình độ ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý còn thấp kém của nhân dân lao động mà đặc biệt là ở những người có chức vụ trong bộ máy nhà nước và thế hệ trẻ đang và sẽ gánh vác trực tiếp sự nghiệp đổi mới. Giải quyết mâu thuẫn giữa hai mặt thống nhất đó không thể không đổi mới và tăng cường công tác giáo dục pháp luật. Đề tài: “Một số vấn đề lý luận thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới” ra đời trong điều kiện nói trên và nhằm góp phần phục vụ cho các quá trình đổi mới.

Đề tài, một mặt, nhằm giải quyết một số vấn đề lý luận cơ bản của giáo dục pháp luật còn ít được quan tâm nghiên cứu ở nước ta; mặt khác, đây là đề tài mang tính ứng dụng trong mối quan hệ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng tổ chức, chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật của ngành tư pháp. Do vậy, khi thực hiện cần đặt ra mục tiêu cơ bản của đề tài là:

1. Làm rõ một số phạm trù cơ bản về lý luận giáo dục pháp luật mà thực tiễn chưa được nghiên cứu hoặc còn có những quan niệm khác nhau, nhưng lại có ý nghĩa thiết thực chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật.

2. Đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta, đặc biệt là những năm đổi mới vừa qua. Việc đánh giá thực trạng phải được tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục pháp luật từ nhận thức, nội dung, hình thức, phương tiện, phương pháp, đến tổ chức và chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật. Từ đó rút ra những thành công, thiếu sót và bài học kinh nghiệm của hoạt động giáo dục pháp luật.

3. Xác định phương hướng và giải pháp đổi mới về tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật trong điều kiện đổi mới ở nước ta. Các phương hướng và giải pháp chủ yếu được thực hiện trong mối quan hệ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng tổ chức, chỉ đạo và quản lý quá trình giáo dục pháp luật của ngành tư pháp mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách nên tập trung vào 4 lĩnh vực:

- Phổ biến giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giáo dục pháp luật trong các nhà trường.

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của toà án.

- Và tổ chức phối hợp trong tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, đề tài được triển khai thành 5 chuyên đề. Trong đó một chuyên đề trực tiếp giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản chung về giáo dục pháp luật. Bốn chuyên đề còn lại đi vào các lĩnh vực cụ thể của hoạt động giáo dục pháp luật đổi mới và tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta trong điều kiện đổi mới.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Với mục đích đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn giáo dục pháp luật và mặt khác làm cơ sở lý luận và định hướng quan niệm cho việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề khác của đề tài, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu 8 phạm trù cơ bản sau đây:

1. Bản chất của giáo dục pháp luật

Đây là vấn đề xuất phát, quyết định nội dung của một loạt các khái niệm, phạm trù khác của lý luận giáo dục pháp luật, đồng thời định hướng các hoạt động thực tiễn. Vì vậy, có thể nói rằng toàn bộ hoạt động giáo dục pháp luật phụ thuộc vào việc xác định bản chất của giáo dục pháp luật.

Đề tài đã phân tích các thiếu sót khác nhau trong quan niệm về bản chất của giáo dục pháp luật và đi đến kết luận ở nước ta bản chất của giáo dục pháp luật chưa được quan niệm rõ ràng, nhất quán. Các quan niệm đó, thường phiến diện, giản đơn, một chiều, không tạo ra khả năng (nếu không muốn nói là cản trở) triển khai hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.

Để xác định đúng đắn bản chất của giáo dục pháp luật, tức là tìm kiếm một khái niệm thế nào gọi là giáo dục pháp luật, các nhà nghiên cứu đã xuất phát từ quan niệm về giáo dục theo nghĩa rộng và hẹp trong khoa học giáo dục. Và, đặt ra câu hỏi liệu có khái niệm giáo dục pháp luật hay không? Nếu có thì nên vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp để xác định nội hàm của khái niệm giáo dục pháp luật.

Theo quan niệm giáo dục cả ở nghĩa rộng lẫn hẹp của khoa học sư phạm, thì con người nói chung là khách thể chịu ảnh hưởng, tác động của các điều kiện khách quan và chủ quan để hình thành ý thức, tình cảm và hành vi pháp luật. Do vậy, để hình thành khái niệm giáo dục pháp luật cần vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa hẹp giáo dục pháp luật là sự tác động định hướng chỉ của nhân tố chủ quan mà không đưa ảnh hưởng của nhân tố khách quan vào nội hàm của khái niệm. Bởi vì:

- Thứ nhất, sự hình thành ý thức pháp luật cá nhân của con người là sản phẩm của một quá trình phức tạp. Trong đó có nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng và tác động. Tuy thế bao giờ cũng phân biệt các điều kiện khách quan là nhân tố ảnh hưởng, còn các nhân tố chủ quan là những nhân tố tác động. Nhân tố ảnh hưởng có thể là tự phát theo chiều này hay chiều khác, còn nhân tố tác động bao giờ cũng tự giác, có ý thức, có chủ định theo một hướng xác định trước. Giáo dục pháp luật chính là sự tác động của nhân tố chủ quan.

- Thứ hai, xây dựng khái niệm giáo dục pháp luật theo nghĩa hẹp của giáo dục có ý nghĩa phân biệt khái niệm giáo dục pháp luật khác khái niệm hình thành ý thức pháp luật. Hai khái niệm này có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một.

- Thứ ba, xuất phát từ nghĩa hẹp của khái niệm giáo dục để hình thành khái niệm giáo dục pháp luật cho phép chỉ ra mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng”. Giáo dục pháp luật là cái riêng, cái “đặc thù” trong mối quan hệ với giáo dục theo nghĩa hẹp là cái chung, cái phổ biến. Cái riêng vừa mang những đặc điểm chung lại vừa thể hiện những nét đặc thù.

Để chỉ ra giáo dục pháp luật có những nét đặc thù, khác một cách tương đối với các dạng giáo dục khác, đề tài chỉ ra ba đặc điểm khác biệt sau đây:

- Một là, giáo dục pháp luật có mục đích riêng của mình. Đó là sự tác động định hướng của nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen xử sự phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Hai là, giáo dục pháp luật có nội dụng riêng của mình. Đó là sự chuyển tải các tri thức tình cảm, hành vi pháp luật cho người được giáo dục.

- Ba là, xét trên các yếu tố chủ thể, khách thể đối tượng, hình thức, phương pháp tác động định hướng cũng có thể chỉ ra các nét đặc thù của giáo dục pháp luật.

Từ sự phân tích nói trên rút ra kết luận: bản chất của giáo dục pháp luật là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật hiện hành với các hình thức, phương tiện phương pháp đặc thù.

Đối với nước ta, việc quan niệm giáo dục pháp luật như trên có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi vì, khi mà tri thức, tình cảm và thói quen xử sự theo pháp chế chưa có điều kiện khách quan đầy đủ và thuận lợi để hình thành, thì vai trò của nhân tố chủ quan đặc biệt quan trọng, không thể chờ đợi, ỷ lại vào các điều kiện khách quan mà phải bằng nỗ lực chủ quan tức là bằng hoạt động có tổ chức, có định hướng, có ý thức tự giác cao của chủ thể giáo dục nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen pháp luật ở đối tượng giáo dục.

Với quan niệm về bản chất của giáo dục pháp luật như đã nói ở trên, thì các khái niệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật, dạy và học pháp luật đều thuộc nội hàm của khái niệm chung là giáo dục pháp luật. Tất cả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, dạy và học pháp luật đều là các hoạt động định hướng của nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quan tuân thủ pháp luật. Do vậy, không nên đồng nhất tuyên truyền, phổ biến pháp luật với giáo dục pháp luật và cũng không nên quan niệm giáo dục pháp luật chỉ là quá trình dạy và học pháp luật. Tất cả các quá trình đó đều là các hình thức giáo dục pháp luật. Do đó, cần thống nhất sử dụng một thuật ngữ chung là giáo dục pháp luật.

2. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật với các dạng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và các dạng giáo dục khác

Giáo dục pháp luật phải được xem xét trong mối quan hệ với hệ thống các dạng giáo dục, đặc biệt là các dạng giáo dục gần gũi với nó, giúp chúng ta tìm hiểu những nét riêng, chung, những điểm tiếp cận, những tác động qua lại bổ sung và những ảnh hưởng lẫn nhau. Theo phương pháp đó, những người nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ thống nhất giữa giáo dục pháp luật với các dạng giáo dục pháp luật gần gũi với nó (như giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức…). Nhận thức sâu sắc mối quan hệ thống nhất này có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Bởi vì, điều đó cho phép và đòi hỏi phải tính toán sự tác động tổng hợp của các dạng giáo dục khi lập kế hoạch, khi tổ chức thực hiện để tìm kiếm các biện pháp phối hợp nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là hình thành hành vi hợp pháp. Việc giáo dục pháp luật chỉ có thể thực hiện có hiệu quả trong mối quan hệ thống nhất tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.

Cùng với luận điểm nói trên, đồng thời cần phải thấy rằng giáo dục pháp luật có tính độc lập tương đối. Bởi vì giáo dục pháp luật có cấu trúc bên trong của chính mình. Việc thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết điều đó chỉ ra rằng không thể hoà ẩn giáo dục pháp luật vào trong các dạng giáo dục khác (như giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức) với hy vọng thông qua các dạng giáo dục này để đạt mục đích của mình. Tính biện chứng đòi hỏi phải phân biệt và nhận ra cái riêng trong cái chung, cái tổng thể, nhận ra cái duy nhất trong cái đặc thù. Cần phải phân biệt một cách rõ ràng các dạng khác nhau của giáo dục. Có như vậy mới tính toán được các đặc điểm, hình thành các mục đích, tìm kiếm các hình thức, phương pháp, nội dung phù hợp, chỉ ra hiệu quả đạt được của quá trình giáo dục. Từ đó đề tài khẳng định: cả giáo dục chính trị và giáo dục đạo đức dù sử dụng tất cả các khả năng to lớn và sức mạnh tác động kỳ diệu của chúng cũng không thể thay thế được giáo dục pháp luật - một dạng giáo dục có mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp và phương tiện thực hiện riêng của mình. Đối với nước ta, việc thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật càng có ý nghĩa thực tiễn cấp bách bởi vì trên thực tế luận điểm này chưa được thừa nhận một cách chắc chắn và sâu sắc trong đời sống Nhà nước và xã hội.

3. Mục đích của giáo dục pháp luật

Việc xác định đúng đắn mục đích của giáo dục pháp luật đặc biệt cần thiết, chẳng những vì nó là một phạm trù quan trọng của lý luận giáo dục mà còn là nhu cầu cấp bách của thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật. Các phạm trù khác của lý luận giáo dục pháp luật như nội dung, hình thức, phương pháp và đặc biệt là hiệu quả của giáo dục pháp luật phụ thuộc trực tiếp vào việc xác định mục đích của giáo dục pháp luật.

Sau khi phân tích các quan niệm khác nhau về mục đích của giáo dục pháp luật đang tồn tại ở nước ta, đề tài cho rằng phải xác định mục đích của giáo dục pháp luật sao cho phản ảnh được sự mong đợi của xã hội, phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan hiện có, để khả năng đạt được nó là hiện thực, phản ánh được mối quan hệ trực tiếp với thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật, giúp cho việc xác định và nâng cao hiệu quả của hoạt động đó. Từ quan niệm như vậy, đề tài đã xác định các mục đích của giáo dục pháp luật trong điều kiện ở nước ta như sau:

- Một là, hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho công dân - mục đích nhận thức.

Ở nước ta khi mà nhìn chung xã hội đang ở trong trạng thái kém hiểu biết về pháp luật thì mục đích nói trên giữ vị trí hàng đầu. Đồng thời, trong mối quan hệ với các mục đích khác, mục đích nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi vì, tri thức pháp luật càng đầy đủ thì tình cảm pháp luật càng mạnh mẽ. Cường độ của cảm xúc được quy định bởi mức độ đạt được của mục đích nhận thức. Tri thức pháp luật tạo nên cơ sở cho sự định hướng lòng tin ổn định vào các giá trị của pháp luật. Hơn nữa, tri thức pháp luật gúp cho con người tổ chức một cách có ý thức hành vi của mình và tự kiểm tra hành vi từ các quan điểm, chuẩn mực pháp luật.

Cấu trúc của mục đích nhận thức bao gồm:

+ Hình thành tri thức cơ bản, tối thiểu có hệ thống về pháp luật.

+ Mở rộng, làm sâu sắc tri thức pháp luật.

+ Am hiểu thấu đáo pháp luật.

+ Biết đánh giá một cách tin tưởng các hành vi pháp luật.

- Hai là, hình thành lòng tin pháp luật hay còn gọi là mục đích cảm xúc.

Trong cơ cấu tâm lý của ý thức pháp luật của cá nhân con người, có một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là lòng tin. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, con người nếu thiếu lòng tin thì hành vi của nó thường lệch khỏi các chuẩn mực xã hội. Lòng tin vững chắc vào pháp luật là cơ sở hình thành động cơ của hành vi hợp pháp.

Đặc điểm quan trọng của mục đích cảm xúc, đó chính là sự kích thích tính lĩnh hội các thông tin pháp lý, các tri thức pháp luật.

Cấu trúc của mục đích cảm xúc bao gồm:

+ Giáo dục tình cảm công bằng

+ Giáo dục tình cảm trách nhiệm

+ Giáo dục tình cảm khoan dung

+ Và giáo dục tình cảm pháp chế.

Sau khi phân tích nội dung của các tình cảm đối với pháp luật kể trên và mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng, đề tài đã chỉ ra trạng thái tình cảm pháp luật ở nước ta hiện nay, đặc biệt là các dạng tình cảm sợ hãi pháp luật, bất chấp pháp luật làm cho mục đích giáo dục tình cảm pháp luật ở nước ta càng trở nên cấp thiết.

- Ba là, sự hình thành động cơ và hành vi tích cực pháp luật.

Trước hết, đề tài khẳng định rằng trong hệ thống các mục đích của giáo dục pháp luật, động cơ và hành vi tích cực pháp luật có ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì, kết quả cuối cùng của giáo dục pháp luật phải được thể hiện ở hành vi xử sự theo pháp luật của con người. Những mục đích về nhận thức và tình cảm ở trên là để phục vụ cho mục đích hình thành động cơ và hành vi.

Con đường đúng đắn để đạt được mục đích hình thành động cơ và hành vi hợp pháp tích cực pháp luật chỉ có thể nhờ vào quá trình giáo dục pháp luật một cách kiên trì bằng nhiều hình thức và phương tiện để mọi người hiểu biết một cách sâu sắc về sự cần thiết, hợp lý và lợi ích của các quy định pháp luật đối với xã hội nói chung cũng như đối với mỗi thành viên của nó. Con đường để đạt được mục đích này là một quá trình phức tạp và khó khăn. Bởi vì, đó là quá trình giáo dục lòng tin vào giá trị và sự cần thiết của pháp luật trở thành ý thức tự giác làm cơ sở cho sự hình thành thói quen. Thói quen đến lượt mình lại có tác động trở lại củng cố lòng tin và cứ thế sự tác động qua lại giữa chúng dẫn tới hành vi thói xử sự thường ngày.

Cơ cấu của thói quen hành vi hợp pháp do tác động của quá trình giáo dục pháp luật và thường tồn tại dưới các dạng sau:

+ Thói quen tuân theo các quy phạm pháp luật;

+ Thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý;

+ Thói quen sử dụng các quy phạm pháp luật;

+ Thói quen áp dụng pháp luật.

Các dạng thói quen nói trên tồn tại trong thể thống nhất phối hợp.

Sau khi chỉ ra các mục đích của giáo dục pháp luật nước ta hiện nay, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một mặt phải thừa nhận tính nhiều tầng, cấp của các mục đích giáo dục pháp luật để biết sử dụng các hình thức, phương tiện và phương pháp khác nhau để đạt được mục đích cuối cùng. Mặt khác, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng đầu tiên hãy tập trung sức lực để đạt được mục đích đầu, sau đó đạt mục đích thứ hai và cuối cùng đạt mục đích thứ ba. Tất cả các mục đích tác động qua lại lẫn nhau và tạo thành một hệ thống thống nhất. Các mục đích có thể phân làm hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất của giáo dục pháp luật tác động lên ý thức pháp luật. Đó là quá trình tác động để hình thành các quan niệm, quan điểm… về pháp luật, tức là các yếu tố của hoạt động tư tưởng nhận thức của con người. Cấp độ thứ hai tác động lên cấu trúc tâm lý bên trong và bên ngoài của con người như mục đích, động cơ, tình cảm, thói quen… Chính vì vậy, ở cấp độ đầu có thể chia ra ba nhóm: đầu tiên là sự am hiểu pháp luật, thứ hai là hình thành lòng tin vào sự cần thiết của pháp luật và cuối cùng là đạt được sự đồng cảm đối với pháp luật.

Ở cấp độ thứ hai bao gồm việc hình thành tình cảm tôn trọng pháp luật thái độ không khoan nhượng đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm; hình thành hành vi pháp chế, tập quán và thói quen xử sự theo pháp luật, và cuối cùng là hình thành thói quen của hành vi tích cực pháp luật.

Liên hệ với thực tiễn giáo dục pháp luật ở nước ta cho thấy, do chưa nhận thức đầy đủ hệ thống các mục đích giáo dục pháp luật nói trên, nên đã hạn chế hiệu quả của giáo dục pháp luật. Việc tiến hành giáo dục pháp luật ở nước ta thời gian qua không dựa trên sự tác động qua lại của các mục đích nên không khoa học, không đồng bộ, và không phối kết hợp tốt. Vì thế giáo dục pháp luật phải tiến hành trên cơ sở xác định đúng đắn các mục đích của giáo dục pháp luật.

4. Vai trò của giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay

Các nhà nghiên cứu đề tài cho rằng, giáo dục pháp luật ở nước ta chưa tương xứng với đòi hỏi và nhu cầu của cuộc sống, một phần do nhận thức không đầy đủ, đúng đắn vai trò của giáo dục pháp luật. Vì vậy, cần phải khẳng định vai trò của giáo dục pháp luật trong chuyên đề lý luận.

Trước hết vai trò của giáo dục pháp luật bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật, nếu như pháp luật là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì giáo dục pháp luật giúp cho Nhà nước (các cơ quan và nhân viên nhà nước) và mỗi công dân biết sử dụng phương tiện đó.

Đối với nước ta, khi mà đại đa số dân cư chưa biết sử dụng phương tiện pháp luật thì giáo dục pháp luật càng đóng vai trò quan trọng.

Giáo dục pháp luật so với các dạng giáo dục gần gũi với nó có vai trò trực tiếp trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý nhà nước, khắc phục sự bảo thủ của tư duy, những tư tưởng ích kỷ và cục bộ, kích thích các hành vi tự giác và xây dựng. Chính vì thế, đổi mới hệ thống chính trị nói chung, cải cách bộ máy nhà nước nói riêng đang tiến hành ở nước ta trên thực tế không thể tiến hành và tồn tại ở bên ngoài quá trình giáo dục pháp luật, không thể không tính đến kết quả và mức độ giáo dục pháp luật.

Đề tài còn phân tích vai trò của giáo dục pháp luật trong mối quan hệ với dân chủ hoá đời sống xã hội, với việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của xã hội và cá nhân công dân và đi đến kết luận: để cho nền dân chủ ngày một phát triển ăn sâu bám chắc vào cơ thể xã hội, trở thành nếp sống bình thường của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn bộ xã hội không thể tách rời nó với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho người lao động.

5. Chủ thể, khách thể, đối tượng giáo dục pháp luật

Chủ thể, khách thể, đối tượng của giáo dục pháp luật là những phạm trù cơ bản của lý luận giáo dục. Việc xác định nội dung, phương pháp hình thức giáo dục pháp luật để đạt hiệu quả cao phụ thuộc phần lớn vào việc nghiên cứu đánh giá đúng đắn, đầy đủ toàn diện các phạm trù sẽ nghiên cứu trong phần này.

Khách thể giáo dục pháp luật là ý thức pháp luật và những thói quen nếp sống, ứng xử hợp pháp của công dân, của các nhóm người, của cộng đồng và của toàn xã hội, thể hiện trình độ nhất định của nền văn hoá pháp lý. Còn đối tượng giáo dục pháp luật là những công dân hay những nhóm, cộng đồng xã hội cụ thể tiếp nhận sự tác động định hướng của hoạt động giáo dục pháp luật mà ý thức pháp luật và hành vi của họ là khách thể của giáo dục pháp luật.

Về khách thể, các tác giả tập trung phân tích hai yếu tố cơ bản của ý thức pháp luật là tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật. Về đối tượng của giáo dục pháp luật, các tác giả chỉ ra cơ sở phân loại các đối tượng giáo dục pháp luật, các vấn đề cần nghiên cứu đối với mỗi loại đối tượng và nhấn mạnh các đối tượng cần phải tập trung giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Trong đó, các đối tượng sau đây cần tập trung sự chú ý trong hoạt động giáo dục pháp luật:

- Cán bộ viên chức nhà nước. Đây là đối tượng có vai trò “kép” trong mối quan hệ với giáo dục pháp luật với những đòi hỏi rất cao về sự hiểu biết pháp luật trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, mặt khác họ lại là chủ thể của giáo dục pháp luật lại càng phải trở thành tấm gương của sự am hiểu pháp luật.

- Các nhà kinh doanh thuộc các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế rất năng động, đa dạng nhưng lại phải tồn tại trong trạng thái bình đẳng với những khung pháp lý định sẵn của Nhà nước. Vì vậy, các quan hệ kinh tế đều tồn tại trong môi trường pháp luật, hơn bất kỳ ai, những nhà doanh nghiệp phải hiểu biết pháp luật của Nhà nước.

- Thanh thiếu niên - thế hệ công dân trẻ tuổi là lực lượng nòng cốt của đất nước khi bước vào thế kỷ XXI.

- Và cuối cùng, những người sống trong những điều kiện khó khăn, được Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, nhằm đảm bảo cho sự bình đẳng trước pháp luật của họ (như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi…).

Cần lưu ý rằng việc lựa chọn những nhóm đối tượng để tập trung giáo dục pháp luật còn phải căn cứ vào yêu cầu thực tế của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhất định và việc lựa chọn đó hoàn toàn không thay thế cho nguyên tắc cơ bản trong giáo dục pháp luật là cá thể hoá đối tượng tác động.

Đối với chủ thể giáo dục pháp luật, các nhà nghiên cứu đề tài quan niệm đó là tất cả những người mà theo chức năng nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội đã tham gia góp phần thực hiện các mục đích của giáo dục pháp luật. Quan niệm đó đòi hỏi phải phân loại chủ thể để làm rõ trách nhiệm, vị trí và vai trò của từng chủ thể trong hoạt động giáo dục pháp luật. Có hai loại chủ thể giáo dục pháp luật sau đây:

- Thứ nhất, là chủ thể chuyên nghiệp. Đây là những chủ thể có nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp tác động hình thành các mục đích của giáo dục pháp luật.

- Thứ hai, là chủ thể không chuyên nghiệp. Đây là những người và tổ chức mà nhiệm vụ chủ yếu trực tiếp không phải là giáo dục pháp luật nhưng thông qua các hoạt động của mình có nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật (như đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các viên chức trong các cơ quan hành pháp, các tổ chức và thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội …).

Hai chủ thể trên có vị trí và trách nhiệm khác nhau trong hoạt động giáo dục pháp luật nhưng đều phải có định hướng xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật trong từng thời kỳ. Mỗi loại chủ thể phải xác định rõ nội dung phương thức, phạm vi hoạt động giáo dục pháp luật của mình. Yêu cầu đối với mọi chủ thể của giáo dục pháp luật là trình độ hiểu biết, năng lực tổ chức công việc, phẩm chất, nhân cách và tính gương mẫu tuân thủ pháp luật.

Để cụ thể hoá yêu cầu đối với mỗi loại chủ thể giáo dục pháp luật, các nhà nghiên cứu còn phân nhỏ các nhóm chủ thể nói trên như các chủ thể làm việc trong các cơ quan tư pháp, các cơ quan và cá nhân làm công tác giáo dục pháp luật trong các loại trường…

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kiến nghị cần tập trung quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng về pháp luật cho các chủ thể: giáo viên dạy pháp luật trong các nhà trường, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các chuyên mục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các luật gia làm việc trong các cơ quan tư pháp và tư vấn pháp lý…

6. Nội dung giáo dục pháp luật

Nội dung giáo dục pháp luật là một trong những phạm trù tạo nên hệ thống các phạm trù của lý luận giáo dục pháp luật, khi đề cập đến phạm trù này, đề tài đã đi sâu giải quyết vấn đề sau đây:

- Phạm vi và đặc điểm của nội dung giáo dục pháp luật. Về vấn đề này, mặc dầu còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đề tài cho rằng việc xác định phạm vi của nội dung giáo dục pháp luật phải xuất phát từ các mục đích của giáo dục pháp luật như đã nói ở phần trên. Tuy nhiên, tri thức pháp luật giữ vị trí đầu tiên, làm tiền đề cho sự hình thành tình cảm và thói quen tuân theo pháp luật. Vì vậy xuất phát từ cả ba mục đích của giáo dục pháp luật có thể hình dung nội dung của giáo dục bao gồm một số phạm vi sau đây:

+ Các thông tin về pháp luật (bao gồm cả tri thức khoa học về pháp luật và cả các quy định của pháp luật thực định).

+ Các thông tin về thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và bảo vệ pháp luật (ví dụ tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm).

+ Các thông tin về kết quả điều tra xã hội học pháp luật.

+ Các thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể đối với công dân.

Bằng việc cung cấp, trang bị thường xuyên nội dung giáo dục pháp luật, người được giáo dục sẽ có một hệ thống tri thức cần thiết về pháp luật và thực tiễn pháp luật. Từ phạm vi nội dung của giáo dục pháp luật trên có thể rút ra một số đặc điểm sau đây của nội dung giáo dục pháp luật:

+ Một là, nội dung của giáo dục pháp luật là các thông tin cơ bản về pháp luật tồn tại dưới trạng thái động. Điều đó bắt nguồn từ sự phát triển của các tri thức lý luận về khoa học luật học và quan trọng hơn đó là sự đổi mới, và hoàn thiện thường xuyên của hệ thống pháp luật của đất nước.

+ Hai là, các thông tin pháp luật thuộc nội dung giáo dục pháp luật chứa đựng trong mình nó các yếu tố mâu thuẫn. Thông thường đó là mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật thực định, mâu thuẫn giữa pháp luật thực định với thực tiễn tuân thủ, thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. Những mâu thuẫn trong nội dung giáo dục pháp luật thường có tác động tiêu cực. Vì vậy, chủ thể giáo dục cần nhận thức để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp.

- Xác định những nội dung cơ bản của giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng trong hoạt động giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục thì cần có ba yêu cầu tối thiểu, cơ bản thuộc nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng. Đó là:

+ Yêu cầu tối thiểu về nội dung giáo dục pháp luật cho mọi công dân. Như một số hiểu biết, thông tin cơ bản về hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước để thực thi pháp luật; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định; một số thủ tục, trình tự pháp lý để bảo vệ các quyền. lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ của công dân. Ở mức độ này, giáo dục pháp luật là yếu tố quan trọng giúp cho mỗi công dân ý thức được về vị trí công dân của mình trong quan hệ với Nhà nước và với công dân khác, biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì và khi cần thiết biết mình phải đến đâu, làm gì, là như thế nào để bảo vệ các quyền đó.

+ Yêu cầu riêng về giáo dục pháp luật theo nhu cầu ngành nghề. Nội dung giáo dục pháp luật được mở rộng và chuyên sâu hơn so với mức tối thiểu đã phân tích ở trên, bao gồm: hệ thống những khái niệm cơ bản của khoa học pháp lý thường gặp trong thực tiễn (bản chất nhà nước và pháp luật, các nguồn và hình thức pháp luật, các quan hệ pháp luật...); một số pháp luật thực định liên quan đến lĩnh vực hoạt động và vùng "quan tâm" của đối tượng; các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động nghề nghiệp; quá trình tố tụng và vị trí của các chủ thể tố tụng để thực hiện, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ đó.

+ Yêu cầu về giáo dục pháp luật chuyên ngành cho những người hành nghề pháp luật. Đây là cấp độ cao nhất của giáo dục pháp luật  bởi vì những hiểu biết về thái độ tình cảm cũng như kỹ năng sử dụng pháp luật của các luật gia phải là chuẩn mực của ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật.

7. Hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật

Hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật là những khái niệm cơ bản trong lý luận giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quan niệm thống nhất, đầy đủ về những vấn đề này nên đã hạn chế hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật. Vì vậy, đề tài trước hết tập trung làm rõ 3 khái niệm này.

- Hình thức giáo dục pháp luật là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình giáo dục pháp luật, thể hiện nội dung giáo dục pháp luật.

- Phương tiện giáo dục pháp luật là các công cụ, các kênh truyền tải nội dung giáo dục pháp luật từ chủ thể đến đối tượng giáo dục pháp luật nhằm đạt được các mục tiêu của giáo dục pháp luật.

- Phương pháp giáo dục pháp luật là cách thức biện pháp tổ chức và chuyển tải nội dung giáo dục pháp luật.

Đề tài đã chỉ rõ các hình thức giáo dục pháp luật có tính phổ biến như: dạy và học trong các trường học; tuyên truyền giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến nói chuyện pháp luật, câu lạc bộ pháp luật; và các hình thức giáo dục pháp luật đặc thù như định hướng giáo dục pháp luật qua các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, qua hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội… cũng như nêu ra những thiếu sót và phiến diện trong việc sử dụng các hình thức giáo dục pháp luật nói trên và chỉ ra các quan niệm đúng đắn trong nhận thức về hình thức giáo dục pháp luật.

Về các phương tiện giáo dục pháp luật, cần phải sử dụng rộng rãi và có chất lượng hơn các phương tiện: tuyên truyền giáo dục bằng lời nói trực tiếp; bằng các phương tiện thông tin đại chúng; bằng các mô hình nhìn thấy được; bằng các loại hình văn học nghệ thuật và bằng viết ra các quyết định cá biệt của các cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền.

Về phương pháp giáo dục pháp luật, đề tài đã chú ý phân biệt hai loại nhóm phương pháp: nhóm các phương pháp áp dụng cho một hoạt động giáo dục pháp luật cụ thể và nhóm các phương pháp mang tính tổng thể áp dụng cho quá trình giáo dục pháp luật. Phương pháp giáo dục pháp luật rất phong phú đa dạng, nghệ thuật sử dụng các phương pháp là ở chỗ tìm kiếm và áp dụng các phương pháp phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng giáo dục pháp luật.

8. Hiệu quả của giáo dục pháp luật

Xung quanh vấn đề xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật đang có nhiều quan niệm khác nhau. Sự khác nhau trong quan niệm bắt nguồn từ tính phức tạp của việc xác định kết quả cụ thể của mỗi hoạt động giáo dục pháp luật. Để xác định hiệu quả của bất kỳ một công việc nào, phương pháp luận cơ bản là xuất phát từ các thuộc tính tạo nên bản chất của chính công việc đó. Tức là xuất phát từ mối quan hệ nội tại, tất yếu tạo nên chính nó, không thể sử dụng cả yếu tố bên ngoài quá trình để tính toán hiệu quả. Chính vì thế việc xác định hiệu quả của giáo dục cũng phải dựa vào phương pháp luận đó.

Như phần trên đã phân tích, giáo dục pháp luật là quá trình tác động của các nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức pháp luật, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, kết quả đạt được các mục đích do sự tác động định hướng của các nhân tố chủ quan phải được xem là hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Để xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật, đề tài đã lưu ý đến 3 loại chỉ số sau đây gắn liền với các mục đích của giáo dục pháp luật:

- Một là, các chỉ số nói lên trạng thái của tri thức pháp luật ở đối tượng giáo dục trước và sau khi có sự tác động của giáo dục. Trong đó, chú ý đến trạng thái am hiểu pháp luật ở đối tượng giáo dục là chỉ số quan trọng nhất.

- Hai là, các chỉ số nói về trạng thái tình cảm pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật trước và sau khi tác động giáo dục. Trong đó, tập trung sự chú ý về sự đổi thay lòng tin ở các dạng tình cảm công bằng, không khoan nhượng và trách nhiệm.

- Ba là, chỉ số nói về trạng thái của động cơ và hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật. Trong các chỉ số này cần chú ý đến chỉ số nói về thói quen kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm đoán, thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; thói quen tìm đến và sử dụng các cơ quan, tổ chức pháp luật để nhận được sự giúp đỡ, tư vấn về pháp luật khi cần giải quyết đúng đắn, hợp pháp các tình huống pháp luật cụ thể; thói quen bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác; thói quen vận dụng tổng hợp các tri thức pháp luật để áp dụng trong cuộc sống.

Từ những nội dung trên, có thể xem hiệu quả của giáo dục pháp luật là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động giáo dục pháp luật để đạt được sự đổi thay ở đối tượng tác động về tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật phù hợp với các mục đích đã đặt ra mà chi phí về vật chất và tinh thần ít nhất. Từ đó khái quát thành một công thức chung xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Đó là:  a  =  (b – c) / p

Trong đó: a là hiệu quả; b là trạng thái của đối tượng sau khi tiến hành giáo dục; c là  trạng thái của đối tượng trước khi giáo dục và p là chi phí về vật chất và tinh thần.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHỮNG NĂM QUA Ở NƯỚC TA

Việc đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật được tiến hành dựa trên các yếu tố tạo nên chính quá trình giáo dục pháp luật. Vì vậy, thực trạng giáo dục pháp luật chẳng những được đánh giá một cách khoa học mà còn có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc tổ chức, chỉ đạo và quản lý hoạt động đó của Bộ Tư pháp.

1. Xét trên phương diện nhận thức của các loại chủ thể giáo dục pháp luật

- Đối với Đảng và Nhà nước nói chung, là những chủ thể lãnh đạo và quản lý quá trình giáo dục pháp luật, kể từ khi ban hành Hiến pháp năm 1980 đến nay, đặc biệt là những năm đổi mới gần đây đã nhận thức khá sâu vị trí vai trò của giáo dục pháp luật trong hệ thống giáo dục của đất nước. Điều đó thể hiện một loại Nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của Chính phủ. Trên thực tiễn, các văn bản này đã được tổ chức thực hiện ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, so với nhu cầu và đòi hỏi của đối tượng giáo dục, nhu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới cả về nhận thức lý luận lẫn tổ chức thực tiễn nhìn chung chưa đáp ứng. Vì thế, ở các cấp độ và các thời điểm khác nhau hoạt động giáo dục pháp luật chưa được coi trọng thường xuyên, hiệu quả của giáo dục pháp luật còn thấp. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật không được coi trọng, do đó đã ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động giáo dục pháp luật.

- Đối với các chủ thể như các cơ quan thông tin đại chúng, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các cơ quan tư pháp… Cũng đã có những đổi mới những cũng tồn tại nhiều thiếu sót về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật.

2. Xét trên phương diện xác định nội dung của giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục pháp luật đã chú ý trang bị cho đối tượng giáo dục pháp luật những tri thức pháp luật qua hệ thống các văn bản pháp luật mà Nhà nước đã ban hành, đã bước đầu chú ý giáo dục pháp luật qua các hoạt động áp dụng pháp luật, và bảo vệ pháp luật, đặc biệt là qua các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, nội dung giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, các đối tượng giáo dục pháp luật đều được “dùng chung một món” chưa có các “thực đơn” cụ thể phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Điều đó có nghĩa là xác định được những tri thức tối thiểu, cơ bản, cần và đủ cho mọi loại đối tượng: chưa có sự phân loại theo nghề nghiệp, trình độ, giới tính, tuổi tác, địa bàn dân cư sinh sống… để xác định nội dung giáo dục pháp luật phù hợp. Nội dung của giáo dục pháp luật phải từ thấp lên cao, từ cơ sở cơ bản đến các quy định pháp lý thực định, phải từng bước nâng cao tạo thành một hệ thống tri thức có quan hệ mật thiết nội tại. Có thể nói khái quát rằng tất cả các chủ thể giáo dục pháp luật chưa dựa trên các căn cứ khoa học để xác định nội dung giáo dục pháp luật. Việc xác định nội dung giáo dục pháp luật hiện thời còn thể hiện tính chắp vá, chạy theo việc phục vụ thời sự, giản đơn, một chiều, thiếu hệ thống…

3. Xét về phương diện hình thức giáo dục pháp luật

Nhìn chung, những năm qua, các hình thức giáo dục pháp luật cổ truyền đều được sử dụng vào việc giáo dục pháp luật. Đó là phổ biến, tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật qua các buổi nói chuyện, hội nghị tập huấn về pháp luật; xuất bản và phát hành rộng rãi các loại sách báo pháp luật; dạy và học pháp luật trong các trường học… Tuy nhiên, trong mỗi hình thức cổ truyền này còn có nhiều hình thức cụ thể phong phú, đa dạng chưa được tìm kiếm và sử dụng. Các hình thức giáo dục pháp luật chưa tồn tại trong thể thống nhất, phối hợp bổ sung và phát huy sức mạnh tổ hợp của cả hệ thống các hình thức.

Mặt khác, ngoài các hình thức giáo dục pháp luật cổ truyền còn có nhiều hình thức giáo dục khác khá phong phú, thiết thực đơn giản mà hiệu quả cao chưa được khai thác sử dụng. Ví dụ giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, dịch vụ pháp lý; qua các tổ chức giúp đỡ pháp lý chưa được chú trọng phát triển. Vì vậy, việc tìm kiếm các hình thức giáo dục pháp luật mới là một trong những phương hướng tăng cường và nâng cao hiệu quả của giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay ở nước ta.

4. Xét trên phương diện tổ chức thực tiễn và lực lượng trực tiếp giáo dục pháp luật

Xét trên phương diện chủ thể trực tiếp thực hiện công tác giáo dục pháp luật, trong hơn mười năm qua, đặc biệt là mấy năm đổi mới gần đây, đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổ chức và lực lượng đó bao gồm:

- Các cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật của ngành tư pháp, trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, tổ chức này còn thiếu ổn định, có lúc bị giải thể (ngay cả ở Bộ Tư pháp đã có thời điểm giải thể Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, mới được thành lập lại mấy năm gần đây); đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giáo dục pháp luật trong các tổ chức này ít về số lượng, non yếu về nghề nghiệp do chưa được quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ.

Các tổ chức này lại thiếu sự phối hợp theo một cơ chế hợp lý.

- Các cán bộ tuyên huấn, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị xã hội. Tuy có chú trọng định hướng giáo dục pháp luật trong hoạt động của mình, nhưng thiếu tri thức và thực tiễn pháp luật nên hạn chế kết quả giáo dục pháp luật trên thực tế.

- Các phóng viên, biên tập viên các báo, đài truyền thanh, truyền hình về chuyên mục pháp luật. Lực lượng này ngày một đông đảo có nghiệp vụ báo đài nhưng thiếu tri thức pháp luật, nên hoạt động giáo dục pháp luật thiếu bài bản, chưa khoa học, nhiều khi mới chỉ theo các đòi hỏi mang tính “thời vụ” của thời sự chính trị, các thông tin còn chắp vá, bề nổi, thậm chí một số báo còn nặng về vụ án giật gân với các tình tiết ly kỳ với mục đích thương mại mà xem thường việc bồi dưỡng tình cảm và lòng tin vào pháp luật…

- Các giáo viên dạy pháp luật trong các trường đã bước đầu hình thành và đã định hướng được nội dung, chương trình dạy pháp luật. Tuy nhiên, đội ngũ này còn chắp vá, thiếu tri thức cơ bản về pháp luật chưa tìm ra hình thức phù hợp để đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy trong các trường, đặc biệt là các trường phổ thông và đại học, trung học chuyên nghiệp. Bộ giáo trình chuẩn về giáo dục pháp luật trong các hệ trường chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. Nội dung dạy và học pháp luật còn tuỳ tiện, thiếu khoa học.

- Ngoài các tổ chức và lực lượng chuyên nghiệp nói trên, một lực lượng đông đảo các luật gia, luật sư hoạt động trong các cơ quan tư pháp, trong các cơ quan quyền lực nhà nước trung ương và địa phương, trong các tổ chức kinh tế, xã hội cũng đã bước đầu có sự định hướng giáo dục pháp luật trong hoạt động của mình. Một loạt các tổ chức mới ra đời như các văn phòng tư vấn pháp lý ở các thành phố lớn, các phòng công chứng, giám định, hộ tịch… Vai trò của các luật gia ngày càng được đề cao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tổ chức giúp đỡ pháp lý cho người lao động chưa rộng khắp, trình độ của các luật gia bất cập với những đòi hỏi mới.

- Một số luật gia hoạt động trong các cơ quan tư pháp chưa thực sự trở thành tấm gương tuân thủ pháp luật, cũng hạn chế tác dụng giáo dục pháp luật.

- Cùng với các tổ chức có đội ngũ luật gia hoạt động chuyên nghiệp, trong các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng đã bước đầu hình thành đội ngũ những người vừa làm nghiệp vụ, vừa thực hiện chức năng giáo dục pháp luật (như trong lĩnh vực quản lý ruộng đất, thuế, đầu tư, môi trường). Đây là lực lượng quan trọng nối liền việc thực hiện pháp luật với việc giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, tổ chức và lực lượng này chưa nhiều, trong hoạt động của mình nặng về yếu tố quản lý mệnh lệnh hơn là thuyết phục giáo dục pháp luật.

- Việc tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật đòi hỏi một cơ chế phối kết hợp chặt chẽ trên cơ sở giữa các tổ chức, lực lượng giáo dục pháp luật nói trên. Tuy nhiên, cơ chế đó chưa ra đời ở nước ta, việc giáo dục pháp luật thiếu sự phối kết hợp đồng bộ từ một trung tâm có hiệu lực cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Một điều bất hợp lý kéo dài hàng chục năm nay là cơ sở vật chất và một kinh phí Nhà nước chỉ cung cấp và đầu tư cho hoạt động xây dựng pháp luậ,t mà không có một khoản ngân sách nào dành cho việc giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ ĐỔI MỚI VÀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỔI MỚI Ở NƯỚC TA

Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ đặt ra ban đầu của đề tài, phương hướng, giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả của giáo dục pháp luật chỉ đặt ra trong bốn lĩnh vực.

- Một là, giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hai là, giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông.

- Ba là, giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của Toà án.

- Bốn là, tổ chức phối hợp trong giáo dục pháp luật.

Bốn lĩnh vực nói trên có quan hệ chặt chẽ với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành tư pháp. Vì vậy, các phương hướng giải pháp và kiến nghị đề ra trước hết có ý nghĩa trực tiếp cho việc chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật của ngành tư pháp và các cơ quan nhà nước hữu quan có chức năng tuyên truyền giáo dục pháp luật.

1. Các phương hướng giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng

Giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu được thực hiện qua các loại hình báo viết, báo nói và báo hình. Đề tài trước hết, bằng phương pháp phân tích so sánh để khẳng định vị trí vai trò và tác dụng của báo chí đối với đời sống xã hội trong đó có đời sống pháp luật. Từ đó khẳng định: sẽ mất đi một phần ý nghĩa quan trọng của báo đài nếu thiếu hẳn nội dung phản ảnh đời sống pháp luật trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa chính là báo đài phải định hướng giáo dục pháp luật, có chọn lọc, có trọng tâm, tránh sa vào các vụ việc giật gân, với mục đích thương mại. Cần chú ý tính điển hình, giáo dục tình cảm đúng đắn đối với pháp luật, bồi dưỡng kinh nghiệm, lòng tin và thói quen tuân theo pháp luật.

Mấy năm đổi mới vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã có bước phát triển trong hoạt động giáo dục pháp luật. Trong số 350 tờ báo và tạp chí (kể cả tạp chí chuyên ngành), 53 tỉnh thành có đài phát thanh (trong đó có 6 đài truyền hình, 31 đài phát thanh và truyền hình, 68 trạm phát lại truyền hình); 2 đài phát thành và truyền hình  quốc gia  đã có hơn 1/3 cho ra đời chuyên mục pháp luật hoặc các trang viết về pháp luật. Bước đầu báo đài đã góp phần nâng cao trình độ dân trí về mặt pháp luật. Tuy nhiều đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật qua báo đài còn đòi hỏi bức xúc của sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta. Để thực hiện điều đó, phương hướng giáo dục pháp luật qua báo đài là:

- Nắm vững đặc thù của từng loại báo đài (đặc trưng, phạm vi và đối tượng tác động, ưu điểm và hạn chế của từng loại) để lựa chọn hình thức, nội dung, phương pháp thích hợp, sáng tạo những chuyên mục hấp dẫn (từ đặt tên, lựa chọn lượng thông tin đến thể loại…) trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa báo, đài với các cơ quan bảo vệ pháp luật và thi hành án (từ việc xây dựng kế hoạch đến việc tổ chức bòi dưỡng kiến thức pháp luật cho phóng viên, biên tập viên); thường xuyên thông tin hai chiều cho báo đài các thông tin pháp lý trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho báo đài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

Những kiến nghị cụ thể nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật qua các phương tiện truyền  thông đại chúng:

- Hàng năm, Bộ Tư pháp với chức năng là đầu mối trong việc chỉ đạo phối hợp hoạt động giáo dục pháp luật, cần chủ động phối hợp với Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương, Bộ Văn hoá Thông tin và một số Bộ, ngành hữu quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm chỉ đạo, hướng dẫn giáo dục pháp luật cho các phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy giáo dục pháp luật mới bảo đảm được tính hệ thống, tính thống nhất, tính định hướng và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, phối hợp.

- Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp phải là cơ quan tư vấn cho báo đài trong việc xác định yêu cầu và nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với từng văn bản pháp luật qua các phương tiên thông tin đại chúng.

- Ngành tư pháp từ trung ương đến địa phương là đầu mối tổ chức kịp thời thông tin và cung cấp thông tin về hoạt động xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật để báo đài có thông tin chính xác.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho báo đài tiếp cận thực tế để thu thập thông tin.

- Cần có chế độ tập huấn kỹ về các văn bản pháp luật, cần phải có giáo dục cùng với việc bồi dưỡng định kỳ về pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Tiến tới việc hình thành thống nhất các môn học hay các học trình pháp luật trong chương trình đào tạo báo chí bậc đại học; trước mắt mở các lớp đại học luật cho đội ngũ hiện có bằng các hình thức phù hợp.

- Cần có kinh phí chuyên biệt (Bộ Tư pháp là đầu mối) cho hoạt động giáo dục pháp luật qua phương tiện truyền thông tin.

- Mở rộng và tìm kiếm các hình thức giáo dục pháp luật mới, các cuộc thi viết các bài về giáo dục pháp luật với các phần thưởng xứng đáng.

- Về mô hình cụ thể, tuy có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng có thể theo hai hướng chính sau:

+ Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”

+ Trang pháp luật (như tuổi trẻ và pháp luật, kinh doanh và pháp luật).

- Cần có chế độ tổng kết hàng năm về công tác giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá thông tin và Ban Tư tưởng Văn hoá trung ương.

2. Các phương hướng giải pháp và kiến nghị về đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

Trước khi đề ra các phương hướng, giải pháp và kiến nghị, đề tài đã xác định các quan điểm xuất phát của việc giáo dục pháp luật trong các trường học là đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa chiến lược, cần được tiến hành ngay từ lớp học, cấp học thấp nhất (phổ thông cơ sở), và được thực hiện bằng hai con đường cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: dạy học và hoạt động ngoài lớp, ngoài trường. Mục đích dạy và học trong trường học là nhằm hình thành tri thức và ý thức pháp luật, làm cơ sở cho sự hình thành hành vi và thói quen phù hợp với các chuẩn mực pháp luật.

Về thực trạng giáo dục pháp luật trong các trường học, những người nghiên cứu đề tài đã có sự tổng kết khá chu đáo và cụ thể cả về những gì đạt và chưa đạt được. Từ đó đã đề ra mục tiêu, các hướng xác định, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các trường phổ thông, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Về các trường phổ thông, mục tiêu của giáo dục pháp luật là giúp cho học sinh hình thành được cơ sở ban đầu nhưng rất quan trọng của ý thức sống và làm việc theo pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn về ý thức pháp luật sau này; đồng thời hình thành dần dần thái độ và hành vi tích cực pháp luật. Để thực hiện mục tiêu đồng thời là phương hướng này việc thiết kế nội dung giáo dục pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc: (i) phải phục vụ cho mục tiêu nói trên; (ii) vừa bảo đảm tính khoa học vừa bảo đảm tính giáo dục; (iii) phải có tính hệ thống, đồng tâm và liên tục phát triển; (iv) vừa đảm bảo tính lý luận khoa học ở một chừng mực cần thiết, vừa bảo đảm tính thực tiễn; (v) vừa sức học sinh; (iv) nội dung giáo dục pháp luật được dưa vào nội dung các môn học, trước hết là các môn đạo đức và giáo dục công dân.

Với các nguyên tắc chỉ đạo trên, căn cứ vào điều kiện, quỹ thời gian chặt chẽ của từng cấp, lớp học, nội dung giáo dục pháp luật được xác định và đưa vào nhà trường phổ thông theo hướng sau:

- Ở cấp tiểu học: một số quy tắc và hành vi pháp luật cụ thể đơn giản (đi bộ, đi xe đạp trên đường phố, vui chơi ở nơi công cộng; tuân theo nội quy, kỷ luật ở nhà trường; bổn phận với cha mẹ, ông bà…) được tích hợp trong bộ môn đạo đức.

- Ở cấp phổ thông cơ sở, môn “Giáo dục công dân” bao gồm các chuẩn mực hành vi pháp luật nhằm thực hiện các quyền lợi và bổn phận của công dân - học sinh được sắp xếp theo trình tự mở rộng phạm vi hoạt động: từ trong gia đình đến nhà trường, bạn bè và trong một số sinh hoạt cộng đồng (thí dụ: nghĩa vụ tôn trọng, chấp hành luật lệ giao thông, không xâm phạm bí mật thư tín, bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử văn hoá…). Công dân - học sinh cuối cấp phổ thông cơ sở cũng được tìm hiểu sơ bộ về tổ chức và công việc của các loại cơ quan nhà nước có liên quan nhiều đến đời sống của mỗi công dân, về cách thức tiếp cận tới các cơ quan đó khi cần thiết.

- Ở cấp phổ thông trung học, nội dung giáo dục pháp luật tiếp tục đưa vào môn “Giáo dục công dân” và được nâng cao thành một hệ thống các tri thức về nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, về hệ thống pháp luật thực định về ý thức trách nhiệm công dân.

Trong những năm tới, thực hiện chủ trương xây dựng các trường phổ thông trung học phân ban, nội dung giáo dục pháp luật sẽ được sử dụng một quỹ thời gian lớn hơn hiện nay và sẽ được bổ sung hoàn thiện theo hướng: trang bị thêm cho học sinh cuối cấp phổ thông một số kiến thức pháp luật cơ bản để cùng với những tri thức về pháp luật thực định cụ thể, các em sẽ có khả năng tự tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật khác nhau trong cuộc sống tự lập sau này.

Về phương hướng chỉ đạo giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông là phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh dưới sự tác động chủ đạo của giáo viên. Vận dụng phối hợp một cách hợp lý các hình thức tổ chức dạy học với các hình thức tổ chức giáo dục. Với các phương hướng chỉ đạo đó, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật cần hướng đến việc thực hiện: các tiết kể chuyện và các tiết thực hành cũng như các hoạt động ngoài lớp, ngoài trường ở bậc tiểu học. Các tiết lên lớp, các hoạt động ngoài lớp, ngoài trường ở bậc trung học cơ sở, trung học phân ban.

Ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề mục tiêu của giáo dục pháp luật là giúp cho người học hình thành văn hoá pháp luật nói chung và văn hoá pháp luật nghề nghiệp nói riêng, trong đó có sự thống nhất giữa ý thức, thái độ và hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật để chuẩn bị cho họ ra đời tham gia hoạt động nghề nghiệp. Với mục tiêu này giáo dục pháp luật nhằm hướng đến biết sống theo pháp luật, biết hành nghề theo pháp luật, biết tuyên truyền pháp luật, biết bảo vệ pháp luật.

Định hướng chung trong việc xác định nội dung giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề là: nội dung giáo dục pháp luật phải phù hợp với mục tiêu đào tạo; nội dung giáo dục pháp luật phải bao gồm các tri thức pháp luật phổ thông (nâng cao so với bậc phổ thông) và tri thức pháp luật nghề nghiệp; nội dung thực tiễn phải hệ thống, vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn và phù hợp với năng lực nhận thức và kinh nghiệm sống của người học. Nội dung giáo dục pháp luật trong các trường này bao gồm các vấn đề: nhập môn pháp luật và một số luật, ngành luật cụ thể, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan đến nghề nghiệp của người học sau khi ra trường.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật trong trường học, đề tài đã đưa ra một số kiến nghị sau:

- Một là, nâng cao trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội… trong việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đáng chú ý trong kiến nghị nay là đề nghị xây dựng “Chương trình quốc gia về phổ cập giáo dục pháp luật” hay “Chương trình quốc gia về giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường”.

- Hai là, xây dựng và hoàn chỉnh nội dung giáo dục pháp luật trong các loại trường.

- Ba là, cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường theo phương hướng phát huy vai trò chủ thể nhận thức; tìm kiếm đa dạng hoá các hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật hấp dẫn; gắn với thực tiễn sinh động của xã hội; kiểm tra đánh giá kết quả của giáo dục pháp luật một cách chặt chẽ nghiêm túc.

- Bốn là, đảm bảo các điều kiện tối cần thiết trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường cả giáo viên, cơ sở vật chất và kinh phí. Cần đặc biệt quan tâm việc hình thành ổn định một đội ngũ giáo viên chuyên dạy pháp luật ở các nhà trường; xây dựng quy hoạch, kế hoạch và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về pháp luật cho đội ngũ này theo chức danh - tiêu chuẩn chung của ngành giáo dục - đào tạo.

- Năm là, đảm bảo sự chỉ đạo và phối hợp giữa các lực lượng trong công tác giáo dục pháp luật, trong đó quan trọng nhất là giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tư pháp.

- Sáu là xây dựng một môi trường xã hội ngày càng lành mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục pháp luật đối với thế hệ trẻ.

3. Phương hướng, giải pháp, kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Để giải quyết vấn đề, đề tài đã xác định bản chất và đặc trưng của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử. Bản chất của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là tác động định hướng lên nhận thức về tính chất nghiêm minh của pháp luật xét xử cả trên bình diện nội dung lẫn hình thức. Những nét đặc trưng của nó là:

- Phạm vi xét xử của Tòa án tương đối rộng thuộc nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Vì vậy, giáo dục pháp luật thông qua xét xử đối với các loại vụ án khác nhau là khác nhau.

- Chủ thể của giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử không phải là một người mà là nhiều người với các vị trí pháp lý khác nhau. Đó là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, luật sư, bào chữa viên…

- Đối tượng giáo dục pháp luật cũng đa dạng, có thể là bị cáo, đương sự, những người tham gia tố tụng khác và mọi người tham dự phiên toà. Những người này khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, nhận thức… do đó phương pháp giáo dục cũng phải khác nhau và mức độ tiếp nhận tác động giáo dục pháp luật cũng khác nhau.

- Việc giáo dục pháp luật phải liên quan đến nội dung, tình tiết của một vụ án cụ thể và từ đó khái quát lên thành nhận thức về một lĩnh vực.

- Giáo dục pháp luật bằng người thật, việc thật trực quan, cụ thể.

- Giáo dục pháp luật mang tính phòng ngừa sâu sắc.

- Giáo dục pháp luật thông qua các bản án, quyết định với việc áp dụng pháp luật nội dung và pháp luật hình thức.

Từ bản chất và các đặc trưng nói trên của giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử chứng tỏ vị trí quan trọng của Tòa án trong giáo dục pháp luật. Nội dung của giáo dục pháp luật được thể hiện ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xét xử. Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử nội dung giáo dục pháp luật là cung cấp và giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng. Ở giai đoạn xét xử tại phiên toà, đó là giải thích và phổ biến nội quy, quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập đến toà, công bố cáo trạng hay nội dung vụ kiện, làm rõ những quy định bị vi phạm và chịu hậu quả pháp lý như thế nào, làm rõ các cấu thành tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đề tài cũng đã xác định các chủ thể giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử và nhấn mạnh sự thống nhất trong việc vận dụng giải thích và áp dụng các quy định pháp luật của các chủ thể đóng vai trò quan trọng trong giáo dục pháp luật. Đối tượng giáo dục pháp luật được phân làm hai loại. Loại thứ nhất, là đối tượng giáo dục pháp luật xác định; đối tượng thứ hai là tất cả những người đến dự phiên toà (trừ loại thứ nhất). Với các đối tượng khác nhau, khi tiến hành giáo dục pháp luật phải sử dụng phương pháp khác nhau.

Những người thực hiện đề tài cũng đã tiến hành điều tra xã hội học để xác định thực trạng của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử và chỉ ra rằng hoạt động xét xử chưa chú ý đúng mức định hướng giáo dục pháp luật. Phương hướng đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là nâng cao chất lượng của các phiên toà, chất lượng các bản án và quyết định, và nâng cao uy tín của chủ thể giáo dục pháp luật (cụ thể là thẩm phán, kiểm sát viên…).

Để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử đề tài đề xuất các yếu tố quyết định sau đây:

- Một là, nâng cao trách nhiệm giáo dục pháp luật của chủ thể giáo dục pháp luật trong đó vị trí hàng đầu thuộc về thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

- Hai là, nâng cao tính lập luận, tính đúng đắn và chính xác của các quyết định và bản án.

- Ba là, đảm bảo thực hiện đầy đủ đúng đắn các thủ tục xét xử.

- Bốn là, đổi mới hình thức xét xử theo hướng nghiêm trang, dân chủ, thu hút nhiều người tham dự.

- Năm là, kịp thời phối kết hợp đưa tin về hoạt động xét xử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Sau cùng, để giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử đạt được hiệu quả, đề tài đề xuất các kiến nghị sau:

(i) Lựa chọn và bổ nhiệm thẩm phán có đầy đủ tiêu chuẩn như Pháp lệnh đã quy định. Sau khi bổ nhiệm cần có định kỳ tập huấn bồi dưỡng cho thẩm phán. Cần đưa vào chương trình đào tạo bồi dưỡng thẩm phán và hội thẩm nhân dân những vấn đề về giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử nói riêng.

(ii) Nâng cao chất lượng xét xử bằng việc sớm ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật không còn phù hợp.

(iii) Sớm trang bị trang phục xét xử thống nhất nhằm đảm bảo tính trang nghiêm.

(iv) Xây dựng một hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp đủ mạnh để giúp cho việc xét xử kịp thời, nhanh chóng chính xác.

(v) Thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và những người có liên quan tham dự phiên toà.

(vi) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, giữa Tòa án với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các phiên toà được xét xử.

4. Phương hướng, giải pháp và kiến nghị tăng cượng sự chỉ đạo tổ chức và phối hợp trong hoạt động giáo dục pháp luật

Trước hết đề tài nhấn mạnh tính cấp thiết và là nhu cầu khách quan của sự phối hợp tổ chức và chỉ đạo trong hoạt động giáo dục pháp luật và xem đó là một trong những điều kiện cơ bản bảo đảm hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Hệ thống các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo giáo dục pháp luật bao gồm: sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết định của hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của hệ thống các cơ quan hành pháp và sự tham gia phối hợp của các tổ chức quần chúng. Mỗi cơ quan trong hệ thống có vị trí, nội dung và phương thức lãnh đạo chỉ đạo hoạt động đặc thù trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo như ở nước ta, đề tài đã cố gắng đi sâu phân tích, tìm kiếm các nội dung và phương thức lãnh đạo cụ thể của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong hoạt động giáo dục pháp luật. Những nội dung và phương thức lãnh đạo ấy là phù hợp với vai trò của Đảng cầm quyền và có khả năng thực thi.

Trong hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước có vai trò không kém phần quan trọng. Nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Hoạt động giáo dục pháp luật của hệ thống cơ quan này gắn liền với chức năng nhiệm vụ của nó do Hiến pháp và luật quy định. Vì vậy, cùng với quá trình lập pháp, lập quy, giám sát và hoạt động đại biểu phải tiến hành đồng thời hoạt động giáo dục pháp luật, ví như khi Quốc hội xem xét quyết định chương trình xây dựng pháp luật phải đồng thời xác định mục tiêu yêu cầu của việc phổ biến tuyên truyền đạo luật đó. Khi quyết định ngân sách xây dựng luật phải kết hợp quyết định ngân sách dùng cho phổ biến tuyên truyền đạo luật đó. Ngay cả trong quá trình dự thảo luật, công bố luật phải kết hợp trong mình nó sự định hướng giáo dục pháp luật.

Đối với các cơ quan hành pháp, đứng đầu là Chính phủ, là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật trong cả nước cũng như ở mỗi ngành, mỗi địa phương. Vai trò đó trước hết thuộc về Chính phủ thể hiện ở việc lập và trình Quốc hội dự án phổ biến giáo dục pháp luật cùng với việc trình dự án luật hay pháp lệnh. Trong dự án đó bắt buộc phải có dự toán ngân sách cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

- Ở địa phương và các ngành cũng tương tự như vậy. Chính phủ trực tiếp hoặc phân công cho các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, phân cấp cho Ủy ban nhân dân trong việc chủ trì thực hiện các chương trình kế hoạch giáo dục pháp luật. Ở từng Bộ, ngành, Bộ trưởng chịu trách nhiệm và ở địa phương, cơ sở Chủ tịch Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục pháp luật đã được quốc hội, Chính phủ phê duyệt, phân công trách nhiệm - Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đảm bảo ổn định tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp và sử dụng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật. Đồng thời thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của các chương trình kế hoạch đó ở từng ngành, từng địa phương và trong phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện vai trò tổ chức chỉ đạo nói trên, một mặt Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân bằng các quy định, chỉ thị hoặc thông tư liên tịch, liên ngành tạo ra cơ chế chỉ đạo, phối hợp hợp lý, khoa học có hiệu quả giữa các ngành, giữa các cơ quan nhà nước và đoàn thể quần chúng. Mặt khác, mỗi Bộ, ngành trong Chính phủ và hệ thống các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành đó ở địa phương có nội dung chỉ đạo riêng theo phương thức tổ chức, chỉ đạo chuyên ngành. Đề tài đã chỉ ra phương thức tổ chức chỉ đạo chuyên ngành cho mỗi loại cơ quan trong hoạt động giáo dục pháp luật như các cơ quan giáo dục đào tạo, các cơ quan văn hóa thông tin các cơ quan kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội, y tế và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong hệ thống các cơ quan hành pháp, ngành tư pháp có vị trí đặc biệt đối với hoạt động giáo dục pháp luật. Đề tài đã giành một phần đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Ngành tư pháp, đứng đầu là Bộ Tư pháp được pháp luật quy định có một trong những chức năng là quản lý thống nhất công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ “hướng dẫn hoặc tổ chức phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền pháp luật trong cán bộ công nhân viên chức nhà nước và trong nhân dân”. Việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp được đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ: “trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình pháp luật dài hạn và hàng năm”.

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ nói trên, sự phối hợp giữa các ngành tư pháp với các ngành, các đoàn thể giữ vai trò quan trọng. Ngành tư pháp hướng dẫn và phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, nội dung biện pháp giáo dục pháp luật cụ thể phù hợp đối tượng, điều kiện của ngành và đoàn thể; giúp đỡ tài liệu, giúp xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật về cả nội dung lẫn nghiệp vụ giáo dục; phối hợp xây dựng các điểm, các mô hình giáo dục pháp luật. Về nội dung phối hợp cụ thể, các tác giả đề tài đã chỉ ra sự phối hợp giữa ngành tư pháp với Ban Tư tưởng văn hoá, Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đảng, trường hành chính, với các cơ quan bảo vệ pháp luật… Sự phối hợp với các ngành các cơ quan khác nhau có nội dung khác nhau dựa trên chức năng, nhiệm vụ của ngành, cơ quan đó.

Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức và cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật ở Bộ Tư pháp, và ở địa phương đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật của ngành tư pháp. Sau khi điểm qua thực trạng bộ máy trực tiếp thực hiện chức năng phổ biến giáo dục pháp luật ở Bộ Tư pháp và địa phương, các tác giả nhấn mạnh rằng: để đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực giáo dục pháp luật, ngành tư pháp đã từng bước khắc phục những khó khăn khách quan để xây dựng tổ chức, củng cố lực lượng làm công tác này từ trung ương đến địa phương, nhưng vẫn còn có rất nhiều hạn chế, cần phải được nghiên cứu chỉ đạo để hoàn thiện và nâng cao chất lượng một cách cơ bản.

Trên cơ sở phân tích, tổng hợp tình hình thực tiễn hơn mười năm qua, các tác giả đề tài đã khái quát thành một số mô hình phối hợp trong việc giáo dục pháp luật và chỉ rõ những ưu nhược điểm của mỗi mô hình.

Ở trung ương việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật được thực hiện chủ yếu bằng hai hình thức:

- Phối hợp đa phương (nhiều ngành, đoàn thể) trên cơ sở chỉ thị, kế hoạch giáo dục về một văn bản pháp luật mới hay một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý tập trung. Hình thức phối hợp này có ưu điểm là dựa trên một kế hoạch với nội dung, biện pháp chỉ đạo tập trung; huy động được sức mạnh khả năng của nhiều ngành, nhiều cấp thực hiện trong một thời gian nhất định; các điều kiện thực hiện như ngân sách, phương tiện kỹ thuật được đảm bảo. Tuy nhiên, hình thức phối hợp này mang tính thời vụ, xong đợt là kết thúc thường không có theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tổng kết, đánh giá sau đó. Xét về tính hệ thống của việc truyền tải tri thức trong giáo dục chưa đảm bảo nên độ bền vững về tri thức và lòng tin ở đối tượng giáo dục còn bị hạn chế.

- Phối hợp 2, 3 bên trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên bộ, ngành, đoàn thể. Ưu điểm của hình thức phối hợp này là sự phối hợp chỉ đạo được duy trì thường xuyên, toàn diện, nội dung, hình thức giáo dục được lựa chọn, điều chỉnh qua từng giai đoạn nên sát với đối tượng giáo dục; tính hệ thống của giáo dục được đảm bảo; trách nhiệm của mỗi bên phối hợp rõ ràng… Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ chưa đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng nên việc thực hiện phối hợp trên thực tế có nơi, có lúc thiếu liên tục, kém hiệu quả.

Ở địa phương các hình thức phối hợp phong phú và đa dạng hơn. Qua thực tiễn, những người nghiên cứu đã tổng kết và khái quát thành một số mô hình sau:

- Thành lập và duy trì hội đồng phối hợp pháp luật thông thường do một lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm chủ tịch nhằm chỉ đạo theo kế hoạch thống nhất, tập trung hoạt động giáo dục pháp luật ở địa phương.

- Phối hợp 2, 3 bên trên cơ sở ban hành và thực hiện các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên ngành.

- Thành lập ban chỉ đạo giáo dục pháp luật ở các cấp khi có các đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng như tuyên truyền Hiến pháp, các Bộ luật…

- Ban hành quy chế phối hợp giáo dục pháp luật. Chất lượng hiệu quả của giáo dục pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các mô hình tổ chức phối hợp, vì đó, là Bộ Tổng chỉ huy của toàn bộ hoạt động giáo dục pháp luật. Các mô hình phối hợp có thể tồn tại và hoàn thiện hay không lại phụ thuộc vào một số điều kiện đảm bảo cơ bản. Các điều kiện đó là:

+ Phải tạo ra các cơ sở pháp lý cho việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật. Điều kiện này bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật quy định nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong hoạt động giáo dục pháp luật và cả các văn bản chỉ đạo mục tiêu, nội dung, trách nhiệm, nguyên tắc phối hợp giáo dục pháp luật trong từng thời kỳ.

+ Phải ổn định tổ chức, ổn định cán bộ và có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, chỉ đạo ở các cơ quan, đoàn thể. Đây là điều kiện có tính quyết định trong việc tổ chức, chỉ đạo phối hợp giáo dục pháp luật.

+ Phải đảm bảo các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác giáo dục pháp luật ở từng cấp, từng ngành.

+ Phải tạo ra một cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân và các cơ quan nhà nước, đoàn thể với việc thực hiện các chương trình giáo dục pháp luật.

Để đẩy mạnh và tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong những năm tới, Ban chủ nhiệm đề tài đã đề xuất 3 kiến nghị có tính cấp bách trước mắt và có khả năng thực thi sau đây:

- Một là, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân  và Ủy ban nhân dân các cấp cần đưa các mục tiêu giáo dục pháp luật vào chương trinh, kế hoạch công tác hàng năm và giành một khoản ngân sách riêng cho hoạt động giáo dục pháp luật. Bộ Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phân bố ngân sách giáo dục pháp luật cho các ngành, các cấp theo các chương trình nội dung đã được duyệt.

Cuối năm và định kỳ tiến hành việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình và sử dụng ngân sách cho giáo dục pháp luật.

- Hai là, trên cơ sở các chương trình chung, các ngành các cấp phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể, vừa giải quyết những nội dung cụ thể, trước mắt, vừa giải quyết từng bước những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài: xây dựng lực lượng, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

- Ba là, sớm hình thành một cơ chế phối hợp chỉ đạo linh hoạt từ trung ương trong giáo dục pháp luật.

Trong cơ chế đó, trừ những chương trình mà Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm, các chương trình giáo dục pháp luật của Chính phủ do trực tiếp Thu tướng (hoặc Phó Thủ tướng) phụ trách với cơ quan tham mưu thường trực là Bộ Tư pháp. Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cũng tập trung vào đầu mối này, trừ những chương trình giáo dục pháp luật theo chuyên đề gắn với chương trình xây dựng luật do các cơ quan khác chủ trì (ví dụ Luật Đất đai do Tổng cục Quản lý ruộng đất, Luật Môi trường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì soạn thảo…).

IV. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

1. Một số điểm mới của đề tài

a. Lần đầu tiên trong thực tiễn giáo dục pháp luật ở nước ta, những vấn đề lý luận cơ bản, chung về giáo dục pháp luật mới có dịp nghiên cứu và bàn luận để thống nhất các quan niệm với tính cách là các phạm trù khoa học. Các ý kiến khác nhau về: giáo dục pháp luật là gì; giáo dục pháp luật có những mục đích gì cần phải đạt được; nội dung của giáo dục pháp luật quan niệm thế nào cho đúng; các hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật có những đặc trưng gì; khách thể và đối tượng giáo dục khác nhau như thế nào; các tiêu chí xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật… đã được phân tích, lập luận khoa học. Từ đó, hình thành một hệ thống các quan niệm lý luận thống nhất về những phạm trù nói trên. Các phạm trù lý luận đó có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn giáo dục pháp luật.

b. Trên cơ sở chính xác hoá và thống nhất các quan niệm về các phạm trù lý luận cơ bản của khoa học giáo dục pháp luật qua các hình thức cổ truyền mà các dạng giáo dục khác nhau thường sử dụng. Đề tài đã phát hiện và kiến giải những nét đặc trưng của giáo dục pháp luật trong việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trong dạy và học pháp luật và trong hoạt động xét xử của Toà án. Đề tài đã có luận giải hợp lý khi đưa ra kết luận rằng giáo dục pháp luật vừa phải “hút” vào trong mình nó những hình thức, phương tiện và phương pháp giáo dục nói chung vừa phải tìm kiếm và phát huy những nét đặc thù riêng có để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật.

c. Lần đầu tiên thực trạng của hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta trong những năm qua được phân tích đánh giá dựa trên các yếu tố cơ bản tạo nên quá trình giáo dục pháp luật. Những gì đạt được và chưa đạt được của hoạt động giáo dục pháp luật đều được lần lượt phân tích, đánh giá trên các phương diện: nhận thức của chủ thể và đối tượng giáo dục pháp luật, trình độ đạt được của các mục đích, xác định nội dung giáo dục pháp luật, sử dụng các hình thức và phương tiện giáo dục, đến cả việc tổ chức thực hiện trên thực tế. Cũng theo phương pháp đó, thực trạng giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực: giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, dạy và học pháp luật trong các trường phổ thông, định hướng giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của Tòa án đều được phân tích đánh giá một cách sâu sắc, xác thực. Với việc đánh giá thực trạng giáo dục pháp luật trong các mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên chính mình, đã góp phần hình thành các phương hướng và giải pháp đổi mới và tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật có tính xác thực.

d) Giáo dục pháp luật đòi hỏi sự tác động định hướng, đồng bộ của cả một hệ thống các chủ thể, vừa trực tiếp vừa gián tiếp bao gồm cả các tổ chức Đảng, tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế… Khi đề cập đến vấn đề giáo dục pháp luật, trong tư duy lý luận cũng như trong thực tiễn thường tập trung đến các chủ thể trực tiếp mà xem thường hoặc ít chú ý đến các chủ thể “gián tiếp” tác động đến quá trình giáo dục pháp luật. Vấn đề này đã được đề tài giành sự chú ý nghiên cứu một cách nghiêm túc.

đ. Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục pháp luật bao gồm các cơ quan Đảng, lãnh đạo quản lý của các cơ quan nhà nước ở trung ương, các tổ chức đoàn thể quần chúng, mặc dầu với tư cách là các chủ thể gián tiếp của giáo dục pháp luật, nhưng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đó. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ phối hợp, lãnh đạo giữa các chủ thể của hệ thống này theo chiều dọc cũng như theo chiều ngang, đề tài đã khái quát thành các mô hình phối hợp trong hoạt động giáo dục pháp luật, chỉ rõ ưu, nhược điểm của mỗi mô hình và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả của các mô hình phối hợp.

2. Khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu

 Do những điểm mới đạt được nêu trên, kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để biên soạn thành tập tài liệu về giáo dục pháp luật trong điều kiện đổi mới, với mục đích hướng dẫn, chỉ đạo nhận thức lý luận khoa học và tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật. Các phương hướng, giải pháp và kiến nghị có khả năng thực thi,với tư cách là chủ thể tổ chức, chỉ đạo quản lý hoạt động giáo dục pháp luật trong cả nước. Bộ Tư pháp có thể sử dụng để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Công trình nghiên cứu này có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy và học tập ở các trường cũng như những người hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực tổ chức thực hiện pháp luật.

Nội dung toàn văn

Bộ tư pháp

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu

Đề tài: "một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới"

 

 

 

 

 

Ở nước ta, khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” ra đời cùng với sự ra đời của Hiến pháp 1980. Kể từ đó, giáo dục pháp luật có thể xem là một phương hướng có tính độc lập tương đối trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nhu cầu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật mới thực sự trở nên bức xúc trong những năm đổi mới, công tác giáo dục pháp luật mới từng bước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, bồi dưỡng ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý cho nhân dân lao động. Giáo dục pháp luật trở thành đòi hỏi cấp bách của Nhà nước và xã hội, trước hết bắt nguồn  từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới. Nếu như quá trình dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội; cải cách bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao nhân tố con người trong sự phát triển xã hội…, đang tiến hành ở nước ta không tồn tại bên ngoài pháp luật, thì cũng tương tự như vậy các quá trình đó không thể thiếu vắng hoạt động giáo dục pháp luật với mục đích cung cấp và bồi dưỡng tri thức, tình cảm và thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà nội - 1994

 

 

 

Mục lục

 

Tóm tắt kết quả nghiên cứu …

A1-A38

Chuyên đề 1: những vấn đề lý luận chung về giáo dục pháp luật

1

pts.Trần Ngọc Đường - Dương Thanh Mai

 

i- Bản chất của giáo dục pháp luật

2

ii- Mối quan hệ giữa GDPL với giáo dục chính trị tư tưởng giáo dục đạo đức và các dạng giáo dục khác

9

iii- Mục đích của GDPL

15

iv- Vai trò của GDPL ở nước ta hiện nay

28

V- Chủ thể, khách thể, đối tượng GDPL

32

VI - Nội dung GDPL

5

VII - Hình thức, phương tiện, phương pháp GDPL

61

VIII- Hiệu quả GDPL

69

Chuyên đề 2: tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng

 

PTS Hồng Vinh- Nguyễn Đắc Bình

 

I- Báo chí và đời sống xã hội

76

II- Một số thành tựu bước đầu của báo chí trong TTGDPL

87

III- Nâng cao hiệu quả của TTGDPL trên báo chí

98

IV- một số vấn đề đặt ra trong TTGDPL trên báo chí trong giai đoạn hiện nay

110

 

Chuyên đề 3: giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung hoc chuyên nghiệp và dạy nghề (không chuyên luật)

 

 

GS Đặng Vũ Hoạt -PTS Trần Doanh

 

Trương Thị Phương -Dương Thanh Mai

 

 

 

Mấy lời mở đầu

134

Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc GDPL trong nhà trường

139

Phần thứ hai: Mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tổ chức GDPL trong trường phổ thông

158

Phần thứ ba: Định hướng về mục tiêu, nội dung phương pháp và hình thức tổ chức GDPL trong các trường Đại học, Cao đẳng, THCN và dạy nghề (không chuyên luật)

178

Phần thứ bốn: Những kiến nghị, đề xuất

186

Tổng hợp kết quả khảo sát

 

Chuyên đề 4: PHổ BIếN, GIáO DụC PHáP LUậT THôNG QUA HOạT ĐộNG XéT Xử

 

PTS. Đặng Quang Phương -Nguyễn Văn Hoan …

 

 

 

I- Khái niệm và những nết đặc trưng của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử

213

II- Nội dung, chủ thể, đối tượng của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử

218

III-Thực trạng PBGDPL thông qua hoạt động xét xử

224

IV- Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả và các yếu tố quyết định hiệu quả PBGDPL thông qua hoạt động xét xử

228

V- Kiến nghị và giải pháp nhằm làm cho công tác PBGDPL thông qua hoạt động xét xử đạt kết quả cao

238

Tổng thuật các tham luận và kết quả khảo sát

242

Chuyên đề 5: ngành tư pháp trong việc chỉ đạo tổ chức phối hợp gDPL- các điều kiện bảo đảm hiệu quả phối hợp gdpl

Dương Thanh Mai - Nguyễn Duy Lãm

 

I- Tính cấp thiết về mặt lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu chuyên đề - phạm vi nghiên cứu

253

II- Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo GDPL

Vị trí của ngành tư pháp

254

III- Các mô hình tổ chức phối hợp GDPL

273

IV- Các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức phối hợp GDPL- kiến nghị và đề xuất

281

Tóm tắt các tham luận hội thảo

285

 

 

 

 

danh mục một số bài báo đã đăng liên quan đến đề tài

-----------

1. Đổi mới nhận thức và tổ chức thực tiễn công tác giáo dục pháp luật.

Trần Ngọc Đường-Tạp chí Nhà nước và pháp luật 4/1990

2. Văn hoá pháp lý với quá trình dân chủ

Trần Ngọc Đường-Tạp chí Nghiên cứu lý luận 6/1990

3. Định hướng giáo dục pháp luật trong quá trình xét xử tại phiên toà

Trần Ngọc Đường - Tạp chí TAND, 11/1990

4. Giáo dục pháp luật trong sự nghiệp nâng cao dân trí hiện nay ở Việt Nam

Dương Thanh Mai-Số 1/1992 Tạp chí Giáo dục và Đào tạo thường xuyên

5. Một vài suy nghĩ từ thực trạng GDCD trong trường phổ thông

Dương Thanh Mai- T/C Pháp chế XHCN, số 6/1993.

6. Bộ môn giáo dục công dân trước yêu cầu đổi mới

Dương Thanh Mai - T/C Dân chủ và Pháp luật - số 6/1993.

7. Xây dựng tủ sách thông tin - tư liệu pháp lý của TAND với việc phổ biến, giáo dục pháp luật

Dương Thanh Mai - T/C dân chủ và pháp luật - số 12/1993.

8. Một vài suy nghĩ về đổi mới công tác GDPL trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và quản lý kinh tế bằng pháp luật- Kỷ yếu Hội thảo pháp luật kinh tế thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX-03, Đề tài VX03-13-Dương Thanh Mai

 

Lời nói đầu

Để góp phần đổi mới và tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay, đề tài: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới" được phê duyệt và tổ chức nghiên cứu. Đây là đề tài cấp Bộ do Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật và Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu trong 2 năm 1992 và 1993.

Đề tài được chia thành 5 hướng và cũng là 5 nhiệm vụ cần phải nghiên cứu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. Những vấn đề lý luận chung về giáo dục pháp luật.
  2. Giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
  3. Giáo dục pháp luật trong các nhà trường.
  4. Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.
  5. Tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật và vai trò của ngành tư pháp trong tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật.

Khi thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài cũng như những người nghiên cứu nhận thấy những điều kiện thuận lợi để hoàn thành đề tài. Đó là các tư tưởng chỉ đạo trong các văn kiện Đại hội VI và VII đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương khoá VII (tháng 11 năm 1991), các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đó còn là thực tiễn khá phong phú của hoạt động lập pháp và lập quy cũng như hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật trong điều kiện đổi mới những năm qua ở nước ta. Đó cũng là nhu cầu và đòi hỏi bức xúc của đời sống xã hội. Đồng thời, đề tài có ý nghĩa lý luận, thực tiễn thiết thực cho hoạt động tư pháp, nên được các đồng chí lãnh đạo Bộ tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ.

Mặt khác, cũng không thể không nhận thấy những khó khăn khi thực hiện đề tài. Về mặt lý luận giáo dục pháp luật ở nước ta còn quá non trẻ. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản của nó chưa được làm rõ.

Về mặt thực tiễn, qua hơn 10 năm tính từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá IV) tháng 11 năm 1980 đến nay thực hiện chủ trương giáo dục pháp luật-một dạng giáo dục có tính độc lập tương đối đã thu được những thành tích bước đầu nhưng vẫn còn nhiều tồn tại thiếu sót chưa được tổng kết. Đặc biệt, trong điều kiện đổi mới, công tác giáo dục pháp luật cũng đặt ra những nhu cầu mới, cần được định hướng trong quá trình nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo thực tiễn. Tất cả hãy còn mới mể và đang ở phía trước.

Xuất phát từ nhu cầu của sự nghiệp đổi mới cũng như góp phần chỉ đạo hoạt động thực tiễn giáo dục pháp luật của ngành tư pháp, Bộ Tư pháp đã giao cho chúng tôi thực hiện đề tài nói trên.

Do tính chất mới mẻ về lý luận và phong phú, đa dạng về mặt thực tiễn nền đề tài chỉ hạn chế trong phạm vi 5 hướng nghiên cứu nói trên, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách và thiết thực nhất trong hoạt động giáo dục pháp luật gắn chặt với chức năng nhiệm vụ của ngành tư pháp. Đề tài đã lôi cuốn gần 20 nhà khoa học và hoạt động thực tiễn, đã tổ chức 9 cuộc hội thảo chuyên đề ở cả hai miền Nam, Bắc và tiến hành điều tra xã hội học ở nhiều đối tượng thuộc nhiều địa phương và ngành nhằm thu thập thông tin và xử lý các vấn đề đặt ra của đề tài. Mặc dầu tập thể các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn tham gia nghiên cứu đề tài đã có nhiều cố gắng, song chắc chắn những gì đạt được mới là bước đi đầu tiên trên con đường khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

Rất mong nhận được sự đóng góp của tất cả những ai quan tâm đến đề tài này.

Tóm tắt kết quả nghiên cứu

ở nước ta, khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" ra đời cùng với sự ra đời của Hiến pháp 1980. Kể từ đó, giáo dục pháp luật có thể xem là một phương hướng có tính độc lập tương đối trong hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, nhu cầu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật mới thực sự trở lên bức xúc trong những năm đổi mới vừa qua ở nước ta. Công tác giáo dục pháp luật mới từng bước đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, bồi dưỡng ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý cho nhân dân lao động.

Giáo dục pháp luật trở thành đòi hỏi cấp bách của Nhà nước và xã hội, trước hết bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật trong sự nghiệp đổi mới. Nếu như quá trình dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội; cải cách bộ máy Nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao nhân tố con người trong sự phát triển xã hội,… đang tiến hành ở nước ta không tồn tại bên ngoài pháp luật, thì cũng tương tự như vậy các quá trình đó không thể thiếu vắng hoạt động giáo dục pháp luật với mục đích cung cấp và bồi dưỡng tri thức, tình cảm và thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Hiện nay ở nước ta, cuộc sống đang đặt ra đòi hỏi bức bách nâng cao trình độ dân trí về mặt pháp luật, giải quyết sự bất cập giữa tốc độ xây dựng và ban hành văn bản pháp luật ngày một gia tăng để đáp ứng các quá trình đổi mới với trình độ ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý còn thấp kém của nhân dân lao động mà đặc biệt là ở những người có chức vụ trong bộ máy Nhà nước và thế hệ trẻ đang và sẽ gánh vác trực tiếp sự nghiệp đổi mới. Giải quyết mâu thuẫn giữa hai mặt thống nhất đó không thể không đổi mới và tăng cường công tác giáo dục pháp luật. Đề tài: "Một số vấn đề lý luận thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới" ra đời trong điều kiện nói trên và nhằm góp phần phục vụ cho các quá trình đổi mới.

Theo tên gọi của nó, đề tài này vừa nhằm giải quyết một số vấn đề lý luận cơ bản của giáo dục pháp luật còn ít được quan tâm nghiên cứu ở nước ta, vừa mang tính chất ứng dụng trong mối quan hệ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng tổ chức, chỉ đạo hoạt động giáo dục của ngành tư pháp. Do vậy, khi nhận thực hiện đề tài này, chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu cơ bản sau đây:

1. Làm rõ một số phạm trù cơ bản về lý luận giáo dục pháp luật mà trong thực tiễn chưa được nghiên cứu hoặc còn có những quan niệm khác nhau, nhưng lại có ý nghĩa thiết thực chỉ đạo hoạt động giáo luật. Mục tiêu này nhằm giải quyết những phạm trù chung trước khi đi vào những cái riêng của giáo dục pháp luật để không đụng phải "cái chung" trong khi giải quyết cái riêng, cái cụ thể.

2. Đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta, đặc biệt là những năm đổi mới vừa qua. Việc đánh giá thực trạng phải được tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các yếu tố cấu thành hoạt động giáo dục pháp luật từ nhận thức, nội dung, hình thức, phương tiện, phương pháp đến tổ chức và chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật. Từ đó rút ra những thành công, thiếu sót và bài học kinh nghiệm của hoạt động giáo dục pháp luật.

3. Xác định phương hướng và giải pháp đổi mới về tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật trong điều kiện đổi mới ở nước ta. Các phương hướng và giải pháp chủ yếu được thực hiện trong mối quan hệ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng tổ chức, chỉ đạo và quản lý quá trình giáo dục pháp luật của ngành tư pháp mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách nên tập trung vào 4 lĩnh vực:

- Phổ biến giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giáo dục pháp luật trong các nhà trường.

- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của Toà án.

- Và tổ chức phối hợp trong tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, đề tài được triển khai thành 5 chuyên đề. Trong đó một chuyên đề trực tiếp giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản, chung về giáo dục pháp luật. Bốn chuyên đề còn lại đi vào các lĩnh vực cụ thể của hoạt động giáo dục pháp luật đổi mới và tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta trong điều kiện đổi mới.

Bằng sự cố gắng và nỗ lực của những người trực tiếp tham gia thực hiện đề tài, 5 chuyên đề đã hoàn thành đúng thời gian và tiến độ, được thể hiện đề tài, 5 chuyên đề đã hoàn thành đúng thời gian và tiến độ, được thể hiện thành tập kỷ yếu với tổng cộng… trang đánh máy. Một phần kết quả nghiên cứu của các tác giả đã được công bố trên các tạp chí như tạp chí Nhà nước và pháp luật, Tạp chí dân chủ và pháp luật, Tạp chí nghiên cứu lý luận và Tạp chí Toà án nhân dân.

Qua các chuyên đề ấy, có thể nêu lên một cách khái quát các cái mới sau đây:

1. Lần đầu tiên trong thực tiễn giáo dục pháp luật ở nước ta, những vấn đề lý luận cơ bản, chung về giáo dục pháp luật mới có dịp nghiên cứu và bàn luận để thống nhất các quan niệm với tính cách là các phạm trù khoa học- Các ý kiến khác nhau về: Giáo dục pháp luật là gì? Giáo dục pháp luật có những mục đích gì cần phải đạt được? Nội dung của giáo dục pháp luật quan niệm thế nào cho đúng? Các hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật có những đặc trưng gì? khách thể và đối tượng giáo dục khác nhau như thế nào? Xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật đưa vào các tiêu chí nào?… Đã được phân tích, lập luận khoa học. Từ đó hình thành một hệ thống các quan niệm lý luận thống nhất về những phạm trù nói trên. Các phạm trù lý luận đó có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn giáo dục pháp luật.

2. Trên cơ sở chính xác hoá và thống nhất các quan niệm về các phạm trù lý luận cơ bản của khoa học giáo dục pháp luật qua các hình thức cổ truyền mà các dạng giáo dục khác nhau thường sử dụng. Đề tài đã phát hiện và kiến giải những nét đặc trưng của giáo dục pháp luật trong việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trong dạy và học pháp luật và trong hoạt động xét xử của Toà án. Đề tài rất có lý khi đưa ra kết luận rằng giáo dục pháp luật vừa phải "hút" vào trong mình nó những hình thức, phương tiện và phương pháp giáo dục nói chung vừa phải tìm kiếm và phát huy những nét đặc thù riêng có để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật.

3. Lần đầu tiên thực trạng của hoạt động giáo dục pháp luật ở nước ta trong những năm qua được phân tích đánh giá dựa trên các yếu tố cơ bản tạo nên quá trình giáo dục pháp luật. Những gì đạt được và chưa đạt được của hoạt động giáo dục pháp luật đều được lần lượt phân tích, đánh giá trên các phương diện: nhận thức của chủ thể và đối tượng giáo dục pháp luật, trình độ đạt được của các mục đích, xác định nội dung giáo dục pháp luật, sử dụng các hình thức và phương tiện giáo dục, đến cả việc tổ chức thực hiện trên thực tế. Cũng theo phương pháp đó, thực trạng giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực: giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng, dạy và học pháp luật trong các trường phổ thông, định hướng giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của Toà án đều được phân tích đánh giá một cách sâu sắc, xác thực. Với việc đánh giá thực trạng giáo dục pháp luật trong các mối quan hệ giữa các yếu tố tạo nên chính mình, đã góp phần hình thành các phương hướng và giải pháp đổi mới và tăng cường hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật có tính xác thực.

4. Giáo dục pháp luật đòi hỏi sự tác động định hướng, đồng bộ của cả một hệ thống các chủ thể, vừa trực tiếp vừa gián tiếp bao gồm cả các tổ chức Đảng, tổ chức xã hội, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế … Khi đề cập đến vấn đề giáo dục pháp luật, trong tư duy lý luận cũng như trong thực tiễn thường tập trung đến các chủ thể trực tiếp mà xem thường hoặc ít chú ý đến các chủ thể "gián tiếp" tác động đến quá trình giáo dục pháp luật. Vấn đề này đã được đề tài giành sự chú ý nghiên cứu một cách nghiêm túc.

+ Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục pháp luật bao gồm các cơ quan Đảng, lãnh đạo quản lý của các cơ quan Nhà nước ở trung ước, các tổ chức đoàn thể quần chúng, mặc dầu với tư cách là các chủ thể gián tiếp của giáo dục pháp luật, nhưng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đó. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ phối hợp, lãnh đạo giữa các chủ thể của hệ thống này theo chiều dọc cũng như theo chiều ngang, đề tài đã khái quát thành các mô hình phối hợp trong hoạt động giáo dục pháp luật, chỉ rõ ưu, nhược điểm của mỗi mô hình và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả của các mô hình phôí hợp.

Khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu:

Do những điểm mới đạt được nêu trên, kết quả nghiên cứu có thể dụng để biên soạn thành tập tài liệu về giáo dục pháp luật trong điều kiện đổi mới, với mục đích hướng dẫn, chỉ đạo nhận thức lý luận khoa học và tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật. Các phương hướng, giải pháp và kiến nghị có khả năng thực thi,với tư cách là chủ thể tổ chức, chỉ đạo quản lý hoạt động giáo dục pháp luật trong cả nước. Bộ Tư pháp có thể sử dụng để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Công trình nghiên cứu này có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho viẹc nghiên cứu giảng dạy và học tập ở các trường cũng như những người hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực tổ chức thực hiện pháp luật.

Để có một ý niệm rõ hơn về những gì đã đạt được, dưới đây sẽ trình bày tóm lược những nội dung chính của 5 chuyên đề đã được những người nghiên cứu thực hiện:

I- Một số vấn đề lý luận chung về giáo dục pháp luật:

 

Cách đây 8 thập kỷ, V.I Lê Nin đã viết: "Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trươc khi giải quyết những vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi sẽ khong sao tránh khỏi "vấp ngã" những vấn đề chung mội cách không tự giác. Mà mù quáng "vấp" phải những vấn đề đó trong trường hơp riêng, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có sự giao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc"().

Tuân theo phương pháp luận có tính nguyên tắc nói trên, đề tài đã giành một phần riêng để nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản, chung của khoa học giáo dục pháp luật, với mục đích đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn giáo dục pháp luật và mặt khác làm cơ sở lý luận và định hướng quan niệm cho việc triển khai nghiên cứu các chuyên đề khác của đề tài. Trong chuyên đề này, những người thực hiện đã tập trung nghiên cứu 8 phạm trù cơ bản sau đây:

1. Bản chất của giáo dục pháp luật:

Đây là vấn đề xuất phát, quyết định nội dung của một loạt các khái niệm, phạm trù khác của lý luận giáo dục pháp luật, đồng thời định hướng các hoạt động thực tiễn. Vì vậy, có thể nói rằng toàn bộ hoạt động giáo dục pháp luật phụ thuộc vào việc xác định bản chất của giáo dục pháp luật.

Những người nghiên cứu đã phân tích các thiếu sót khác nhau trong quan niệm về bản chất của giáo dục pháp luật và đi đến kết luận ở nước ta bản chất của giáo dục pháp luật chưa được quan niệm rõ ràng, nhất quán. Các quan niệm đó, thường phiến diện, giản đơn, một chiều, không tạo ra khả năng (nếu không muốn nói là cản trở) triển khai hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.

Để xác định đúng đắn bản chất của giáo dục pháp luật, tức là tìm kiếm một khái niệm thế nào gọi là giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu đã xuất phát từ quan niệm về giáo dục theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp trong khoa học giáo dục. Và, đặt ra câu hỏi liệu có khái niệm giáo dục pháp luật hay không? Nếu có thì nên vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp để xác định nội hàm của khái niệm giáo dục pháp luật.

Những người nghiên cứu cho rằng theo quan niệm giáo dục cả ở nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp của khoa học sư phạm thì con người nói chung là khách thể chịu ảnh hưởng và tác động của cả các điều kiện khách quan và cả các nhân tố chủ quan để hình thành ý thức, tình cảm và hành vi pháp luật. Do vậy cần và có thể hình thành khái niệm giáo dục pháp luật cần vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa hẹp giáo dục pháp luật là sự tác động định hướng chỉ của nhân tố chủ quan mà không đưa ảnh hưởng của nhân tố khách quan vào nội hàm của khái niệm. Sở dĩ như vậy vì:

- Thứ nhất: Sự hình thành ý thức pháp luật cá nhân của con người là sản phẩm của một quá trình phức tạp. Trong đó có nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng và tác động. Tuy thế bao giờ cũng phân biệt các điều kiện khách quan là nhân tố ảnh hưởng, còn các nhân tố chủ quan là những nhân tố tác động. Nhân tố ảnh hưởng có thể là tự phát theo chiều này hay chiều khác, còn nhân tố tác động bao giờ cũng tự giác, có ý thức, có chủ định theo một hướng xác định trước. Giáo dục pháp luật chính là sự tác động của nhân tố chủ quan.

- Thứ hai, xây dựng khái niệm giáo dục pháp luật theo nghĩa hẹp của giáo dục có ý nghĩa phân biệt khái niệm giáo dục pháp luật khác khái niệm hình thành ý thức pháp luật. Hai khái niệm này có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một.

- Thứ ba, xuất phát từ nghĩa hẹp của khái niệm giáo dục để hình thành khái niệm giáo dục pháp luật cho phép chỉ ra mối quan hệ giữa "cái chung" và "cái riêng". Giáo dục pháp luật là cái riêng, cái "đặc thù" trong mối quan hệ với giáo dục theo nghĩa hẹp là cái chung, cái phổ biến. Cái riêng vừa mang những đặc điểm chung lại vừa thể hiện những nét đặc thù.

Để chỉ ra giáo dục pháp luật có những nét đặc thù, khác một cách tương đối với các dạng giáo dục khác, những người nghiên cứu chỉ ra ba đặc điểm khác biệt sau đây:

- Một là, giáo dục pháp luật có mục đích riêng của mình. Đó là sự tác động đính hướng của nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen xử sự phù hợp với các qui định của pháp luật.

- Hai là, giáo dục pháp luật có nội dụng riêng của mình. Đó là sự chuyển tải các tri thức tình cảm, hành vi pháp luật cho người được giáo dục.

- Ba là, xét trên các yếu tố chủ thể, khách thể đối tượng, hình thức, phương pháp tác động định hướng cũng có thể chỉ ra các nét đặc thù của giáo dục pháp luật.

Từ sự phân tích nói trên, những người nghiên cứu rút ra kết luận: Bản chất của giáo dục pháp luật là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật hiện hành với các hình thức, phương tiện phương pháp đặc thù.

 

Đối với nước ta việc quan niệm giáo dục pháp luật như nói trên có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn. Bởi vì khi mà tri thức, tình cảm và thói quen xử sự theo pháp chế chưa có điều kiện khách quan đầy đủ và thuận lợi để hình thành thì vai trò của nhân tố chủ quan đặc biệt quan trọng, không thể chờ đợi ỷ lại vào các điều kiện khách quan mà phải bằng nỗ lực chủ quan tức là bằng hoạt động có tổ chức, có định hướng, có ý thức tự giác cao của chủ thể giáo dục nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen pháp luật ở đối tượng giáo dục.

Với quan niệm về bản chất của giáo dục pháp luật như nói trên thì các khái niệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến pháp luật, dạy và học pháp luật đều thuộc nội hàm của khái niệm chung là giáo dục pháp luật. Tất cả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, dạy và học pháp luật đều là các hoạt động định hướng của nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quan tuân thủ pháp luật. Do vậy không nên đồng nhất tuyên truyền, phổ biến pháp luật với giáo dục pháp luật và cũng không nên quan niệm giáo dục pháp luật chỉ là quá trình dạy và học pháp luật. Tất cả các quá trình đó đều là các hình thức giáo dục pháp luật. Vì vậy cần thống nhất sử dụng một thuật ngữ chung là giáo dục pháp luật.

2. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật với các dạng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và các dạng giáo dục khác

Giáo dục pháp luật phải được xem xét trong mối quan hệ với hệ thống các dạng giáo dục, đặc biệt là các dạng giáo dục gần gũi với nó, giúp chúng ta tìm hiểu những nét riêng, chung, những điểm tiếp cận, những tác động qua lại bổ sung và những ảnh hưởng lẫn nhau. Theo phương pháp đó, những người nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ thống nhất giữa giáo dục pháp luật với các dạng giáo dục pháp luật gần gũi với nó (như giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức…). Nhận thức sâu sắc mối quan hệ thống nhất này có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Bởi vì điều đó cho phép và đòi hỏi phải tính toán sự tác động tổ hợp của các dạng giáo dục khi lập kế hoạch, khi tổ chức thực hiện để tìm kiếm các biện pháp phối hợp nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là hình thành hành vi hợp pháp. Việc giáo dục pháp luật chỉ có thể thực hiện có hiệu quả trong mối quan hệ thống nhất tổ hợp của cả hệ thống giáo dục.

Cùng với luận điểm nói trên, đồng thời cần phải thấy rằng giáo dục pháp luật có tính độc lập tương đối. Bởi vì giáo dục pháp luật có cấu trúc bên trong của chính mình. Việc thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết điều đó chỉ ra rằng không thể hoà ẩn giáo dục pháp luật voà trong các dạng giáo dục khác (như giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức) với hy vọng thông qua các dạng giáo dục này để đạt mục đích của mình. Tính biện chứng đòi hỏi phải phân biệt và nhận ra cái riêng trong cái chung, cái tổng thể, nhận ra cái duy nhất trong cái đặc thù. Cần phải phân biệt một cách rõ ràng các dạng khác nhau của giáo dục. Có như vậy mới tính toán được các đặc điểm, hình thành các mục đích, tìm kiếm các hình thức, phương pháp, nội dung phù hợp, chỉ ra hiệu quả đạt được của quá trình giáo dục. Từ đó những người nghiên cứu khẳng định: Cả giáo dục chính trị và giáo dục đạo đức dù sử dụng tất cả các khả năng to lớn và sức mạnh tác động kỳ diệu của chúng cũng không thể thay thế được giáo dục pháp luật - một dạng giáo dục có mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp và phương tiện thực hiện riêng của mình. Đối với nước ta, việc thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật càng có ý nghĩa thực tiễn cấp bách bởi vì trên thực tế luận điểm này chưa được thừa nhận một cách chắc chắn và sâu sắc trong đời sống Nhà nước và xã hội.

3. Mục đích của giáo dục pháp luật

Việc xác định đúng đắn mụcđích của giáo dục pháp luật đặc biệt cần thiết chẳng những vì nó là một phạm trù quan trọng của lý luận giáo dục mà còn là nhu cầu cấp bách của thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật. Các phạm trù khác của lý luận giáo dục pháp luật như nội dung, hình thức phương pháp và đặc biệt là hiệu quả của giáo dục pháp luật phụ thuộc trực tiếp vào việc xác định mục đích của giáo dục pháp luật.

Sau khi phân tích các quan niệm khác nhau về mục đích của giáo dục pháp luật đang tồn tại ở nước ta, những người nghiên cứu cho rằng phải xác định mục đích của giáo dục pháp luật sao cho phản ảnh được sự mong đợi cụ thể của xã hội, phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan hiệncó, để khả năng đạt được nó là hiện thực, phản ảnh được mối quan hệ trực tiếp với thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật, giúp cho việc xác định và nâng cao hiệu quả của hoạt động đó. Từ quan niệm như vậy những người nghiên cứu đã xác định các mục đích của giáo dục pháp luật trong điều kiện ở nước ta như sau:

- Một là, hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho công dân, gộp chung là mục đích nhận thức

 

ở nước ta khi mà nhìn chung xã hội đang ở trong trạng thái kém hiểu biết về pháp luật thì mục đích nói trên giữ vị trí hàng đầu. Đồng thời trong mối quan hệ với các mục đích khác, mục đích nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi vì, tri thức pháp luật càng đầy đủ thì tình cảm pháp luật càng mạnh mẽ- Cường độ của cảm xúc được qui định bởi mức độ đạt được của mục đích nhận thức. Tri thức pháp luật tạo nên cơ sở cho sự định hướng lòng tin ổn định vào các giá trị của pháp luật. Hơn nữa tri thức pháp luật gúp cho con người tổ chức một cách có ý thức hành vi của mình và tự kiểm tra hành vi từ các quan điểm, chuẩn mực pháp luật.

Theo quan điểm của những người nghiên cứu cấu trúc của mục đích nhận thức bao gồm các cấu tứ sau:

+ Hình thành tri thức cơ bản, tối thiểu có hệ thống về pháp luật.

+ Mở rộng và làm sâu sắc tri thức pháp luật.

+ Am hiểu thấu đáo pháp luật.

+ Biết đánh giá một cách tin tưởng các hành vi pháp luật.

- Hai là, hình thành lòng tin pháp luật hay còn goi là mục đích cảm xúc

 

Trong cơ cấu tâm lý của ý thức pháp luật của cá nhân con người, có một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là lòng tin. Các nhà tâm lýhọc chỉ ra rằng con người nếu thiếu lòng tin thì hành vi của nó thường lệch khỏi các chuẩn mực xã hội. Lòng tin vững chắc vào pháp luật là cơ sở hình thành động cơ của hành vi hợp pháp.

Đặc điểm quan trọng của mục đích cảm xúc, đó chính là sự kích thích tình cảm thụ (lĩnh hội) các thông tin pháp lý, các tri thức pháp luật.

Cấu trúc của mục đích cảm xúc bao gồm:

+ Giáo dục tình cảm công bằng

+ Giáo dục tình cảm trách nhiệm

+ Giáo dục tình cảm khoan dung

+ Và giáo dục tình cảm pháp chế.

Sau khi phân tích nội dung của các tình cảm đối với pháp luật kể trên và mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng, những người nghiên cứu chỉ ra trạng thái tình cảm pháp luật ở nước ta hiện nay, đặc biệt là các dạng tình cảm sợ hãi pháp luật, bất chấp pháp luật làm cho mục đích giáo dục tình cảm pháp luật ở nước ta càng trở nên cấp thiết.

- Ba là, sự hình thành động cơ và hành vi tích cực pháp luật

 

Trước hết, những người nghiên cứu khẳng định rằng trong hệ thống các mục đích của giáo dục pháp luật, động cơ và hành vi tích cực pháp luật có ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì suy cho cùng kết quả cuối cùng của giáo dục pháp luật phải được thể hiện ở hành vi xử sự theo pháp luật của con người. Những mục đích về nhận thức và tình cảm ở trên là để phục vụ cho mục đích hình thành động cơ và hành vi.

Con đường đúng đắn để đạt được mục đích hình thành động cơ và hành vi hợp pháp tích cực pháp luật chỉ có thể nhờ vào quá trình giáo dục pháp luật một cách kiên trì bằng nhiều hình thức và phương tiện để mọi người hiểu biết một cách sâu sắc về sự cần thiết, hợp lý và lợi ích của các qui định pháp luật đối với xã hội nói chung cũng như đối với mỗi thành viên của nó. Con đường để đạt được mục đích này là một quá trình phức tạp và khó khăn. Bởi vì đó là quá trình giáo dục lòng tin vào giá trị và sự cần thiết của pháp luật trở thành ý thức tự giác làm cơ sở cho sự hình thành thói quen. Thói quen đến lượt mình lại có tác động trở lại củng cố lòng tin và cứ thế sự tác động qua lại giữa chúng dẫn tới hành vi thói xử sự thường ngày.

Những người nghiên cứu đã chỉ ra cơ cấu của thói quen hành vi hợp pháp do tác động của quá trình giáo dục pháp luật thường tồn tại trước các dạng cụ thể sau:

+ Thói quen tuân theo các quy phạm pháp luật

+ Thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý

+ Thói quen sử dụng các quy phạm pháp lý

+ Thói quen áp dụng pháp luật.

Các dạng thói quen nói trên tồn tại trong thể thống nhất phối hợp.

Sau khi chỉ ra các mục đích của giáo dục pháp luật nước ta hiện nay, những người nghiên cứu lưu ý rằng một mặt phải thừa nhận tính nhiều tầng cấp của các mục đích giáo dục pháp luật để biết sử dụng các hình thức, phương tiện và phương pháp khác nhau để đạt được mục đích cuối cung. Mặt khác sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng đầu tiên hãy tập trung sức lực để đạt được mục đích đầu, sau đó đạt mục đích thứ hai và cuối cung đạt mục đích thứ ba. Tất cả các mục đích tác động qua lại lẫn nhau và tạo thành một hệ thống thống nhất. Các mục đích có thể phân làm hai trình độ. Trình độ thứ nhất của giáo dục pháp luật quan hệ đến việc tác động lên ý thức pháp luật. Đó là quá trình tác động để hình thành các quan niệm, quan điểm… về pháp luật, tức là các yếu tố của hoạt động tư tưởng nhận thức của con người. Trình độ thứ hai quan hệ đến việc tác động lên cấu trúc tâm lý bên trong và bên ngoài của con người như mục đích, động cơ, tình cảm, thói quen… chính vì vậy ở trình độ đầu có thể chia ra ba nhóm mức độ: đầu tiên là sự am hiểu pháp luật, thứ hai là hình thành lòng tin vào sự cần thiết của pháp luật và cuối cùng là đạt được sự đồng cảm đối với pháp luật.

ở trình độ thứ hai bao gồm các mức độ: hình thành tình cảm tôn trọng pháp luật thái độ không khoan nhượng đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm; hình thành hành vi pháp chế, tập quán và thói quen xử sự theo pháp luật, và cuối cùng là hình thành thói quen của hành vi tích cực pháp luật.

Những người nghiên cứu đã liên hệ với thực tiễn giáo dục pháp luật ở nước ta và chỉ ra rằng do chưa nhận thức đầy đủ hệ thống các mục đích giáo dục pháp luật nói trên nên đã hạn chế hiệu quả của giáo dục pháp luật. Việc tiến hành giáo dục pháp luật ở nước ta thời gian qua không dựa trên sự tác động qua lại của hệ thống các mục đích nên không khoa học, không đồng bộ, và phối kết hợp tốt. Vì thế giáo dục pháp luật phải tiến hành trên cơ sở xác định đúng đắn các mục đích của giáo dục pháp luật.

4. Vai trò của giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay

 

Những người nghiên cứu cho rằng giáo dục pháp luật ở nước ta chưa tương xứng với đòi hỏi và nhu cầu của cuộc sống một phần do nhận thức không đầy đủ đúng đắn vai trò của giáo dục pháp luật. Vì vậy cần phải khẳng định vai trò của giáo dục pháp luật trong chuyên đề lý luận.

Trước hết vai trò của giáo dục pháp luật bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật nếu như pháp luật là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì giáo dục pháp luật giúp cho Nhà nước (các cơ quan và nhân viên Nhà nước) và mỗi công dân biết sử dụng phương tiện đó.

Đối với nước ta, khi mà đại đa số dân cư chưa biết sử dụng phương tiện pháp luật thì giáo dục pháp luật càng đóng vai trò quan trọng.

Giáo dục pháp luật so với các dạng giáo dục gần gũi với nó có vai trò trực tiếp trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý Nhà nước, khắc phục sự bảo thủ của tư duy, những tư tưởng ích kỷ và cục bộ, kích thích các hành vi tự giác và xây dựng. Chính vì thế đổi mới hệ thống chính trị nói chung, cải cách bộ máy Nhà nước nói riêng đang tiến hành ở nước ta trên thực tế không thể tiến hành và tồn taị ở bên ngoài quá trình giáo dục pháp luật, không thể không tính đến kết quả và mức độ giáo dục pháp luật.

Những người nghiên cứu còn phân tích vai trò của giáo dục pháp luật trong mối quan hệ với dân chủ hoá đời sống xã hội, với việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của xã hội và cá nhân công dân và đi đến kết luận: Để cho nền dân chủ ngày một phát triển ăn sâu bám chắc vào cơ thể xã hội trở thành nếp sống bình thường của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn bộ xã hội không thể tách rời nó với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho người lao động.

5. Chủ thể, khách thể, đối tượng giáo dục pháp luật

 

Chủ thể, khách thể, đối tượng của giáo dục pháp luật là những phạm trù cơ bản của lý luận giáo dục. Việc xác định nội dung, phương pháp hình thức giáo dục pháp luật để đạt hiệu quả cao phụ thuộc phần lớn vào việc nghiên cứu đánh giá đúng đắn, đầy đủ toàn diện các phạm trù sẽ nghiên cứu trong phần này.

Những người nghiên cứu, trước hết phân biệt hai khái niệm khách thể và đối tượng của giáo dục pháp luật. Sau khi phân tích các quan niệm khác nhau về khách thể và đối tượng giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu cho rằng khách thể giáo dục pháp luật là ý thức pháp luật và những thói quen nếp sống, ứng xử hợp pháp của công dân, của các nhóm người, của cộng đồng và của toàn xã hội, thể hiện trình độ nhất định của nền văn hoá pháp lý. Còn đối tượng giáo dục pháp luật là những cá nhân công dân hay những nhóm, cộng đồng xã hội cụ thể tiếp nhận sự tác động địnhhướng của hoạt động giáo dục pháp luật mà ý thức pháp luật và hành vi của họ là khách thể của giáo dục pháp luật.

Chuyên đề cũng giành một phần quan trọng để chỉ ra nội dung khoa học của khách thể và đối tượng của giáo dục pháp luật. Về khách thể các tác giả tập trung phân tích hai yếu tố cơ bản của ý thức pháp luật là tâm lý pháp luật và hệ tư tưởng pháp luật. Về đối tượng của giáo dục pháp luật, các tác giả chỉ ra cơ sở phân loại các đối tượng giáo dục pháp luật, các vấn đề cần nghiên cứu đối với mỗi loại đối tượng và nhấn mạnh các đối tượng cần phải tập trung giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Theo những người nghiên cứu thì các đối tượng sau đây cần tập trung sự chú ý trong hoạt động giáo dục pháp luật:

- Cán bộ viên chức Nhà nước. Đây là đối tượng có vai trò "kép" trong mối quan hệ với giáo dục pháp luật với những đòi hỏi rất cao về sự hiểu biết pháp luật trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước, mặt khác họ lại là chủ thể của giáo dục pháp luật lại càng phải trở thành tấm gương của sự am hiểu pháp luật.

- Các nhà kinh doanh thuộc các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế rất năng động, đa dạng nhưng lại phải tồn tại trong trạng thái bình đẳng với những khung pháp lý định sẵn của Nhà nước. Vì vậy các quan hệ kinh tế đều tồn tại trong môi trường pháp luật, hơn bất kỳ ai, những nhà doanh nghiệp phải hiểu biết pháp luật của Nhà nước.

- Thanh thiếu niên - thế hệ công dân trẻ tuổi là lực lượng nòng cốt của đất nước khi bước vào thế kỷ 21.

- Và cuối cùng là những người sống trong những điều kiện khó khăn, được Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp để đảm bảo cho sự bình đẳng trước pháp luật của họ (như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi…).

Những người nghiên cứu lưu ý rằng việc lựa chọn những nhóm đối tượng để tập trung giáo dục pháp luật còn phải căn cứ vào yêu cầu thực tế của tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhất định và việc lựa chọn đó hoàn toàn không thay thế cho nguyên tắc cơ bản trong giáo dục pháp luật là cá thể hoá đối tượng tác động.

Đối với chủ thể giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu quan niệm đó là tất cả những người mà theo chức năng nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội đã tham gia góp phần thực hiện các mục đích của giáo dục pháp luật. Quan niệm đó, đòi hỏi phải phân loại chủ thể để làm rõ trách nhiệm, vị trí và vai trò của mình trong hoạt động giáo dục pháp luật.

Theo những người nghiên cứu, cần phải phân làm hai loại chủ thể giáo dục pháp luật sau đây:

- Thứ nhất, là chủ thể chuyên nghiệp. Đây là những chủ thể có nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp tác động hình thành các mục đích của giáo dục pháp luật.

- Thứ hai, là chủ thể không chuyên nghiệp. Đây là những người và tổ chức mà nhiệm vụ chủ yếu trực tiếp không phải là giáo dục pháp luật nhưng thông qua các hoạt động của mình có nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật (như đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các viên chức trong các cơ quan hành pháp, các tổ chức và thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội …).

Sau khi phân tích hai loại chủ thể trên có vị trí và trách nhiệm khác nhau trong hoạt động giáo dục pháp luật nhưng đều phải có định hướng xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật trong từng thời kỳ. Mỗi loại chủ thể phải xác định rõ nội dung phương thức, phạm vi hoạt động giáo dục pháp luật của mình. Những người nghiên cứu chỉ rõ yêu cầu đối với mọi chủ thể của giáo dục pháp luật là trình độ hiểu biết, năng lực tổ chức công việc, phẩm chất, nhân cách và tính gương mẫu tuân thủ pháp luật.

Để cụ thể hoá yêu cầu đối với mỗi loại chủ thể giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu còn phân nhỏ các nhóm chủ thể trong mỗi loại nói trên như các chủ thể làm việc trong các cơ quan tư pháp, các cơ quan và cá nhân làm công tác giáo dục pháp luật trong các loại trường…

Cuối cùng những người nghiên cứu kiến nghị cần tập trung quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng về pháp luật cho các chủ thể: giáo viên dạy pháp luật trong các nhà trường, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các chuyên mục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các luật gia làm việc trong các cơ quan tư pháp và tư vấn pháp lý…

6. Nội dung giáo dục pháp luật:

Nội dung giáo dục pháp luật là một trong những phạm trù tạo nên hệ thống các phạm trù của lý luận giáo dục pháp luật, khi đề cập đến phạm trù này, những người nghiên cứu đã đi sâu giải quyết vấn đề sau đây:

- Phạm vi và đặc điểm của nội dung giáo dục pháp luật. Về vấn đề này, mặc dầu còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng những người nghiên cứu cho rằng việc xác định phạm vi của nội dung giáo dục pháp luật phải xuất phá từ các mục đích của giáo dục pháp luật như đã nói ở phần trên. Tuy nhiên tri thức pháp luật giữ vị trí đầu tiên, làm tiền đề cho sự hình thành tình cảm và thói quen tuân theo pháp luật. Vì vậy xuất phát từ cả ba mục đích của giáo dục pháp luật có thể hình dung nội dung của giáo dục bao gồm một số phạm vi sau đây:

+ Các thông tin về pháp luật (bao gồm cả tri thức khoa học về pháp luật và cả các qui định của pháp luật thực định).

+ Các thông tin về thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và bảo vệ pháp luật (ví dụ tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm).

+ Các thông tin về kết quả điều tra xã hội học pháp luật

+ Các thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể đối với công dân.

Bằng việc cung cấp, trang bị thường xuyên những nội dung giáo dục pháp luật người được giáo dục sẽ có một hệ thống tri thức cần thiết về pháp luật và thực tiễn pháp luật. Từ phạm vi thuộc nội dung của giáo dục pháp luật trên có thể rút ra một số đặc điểm sau đây của nội dung giáo dục pháp luật:

+ Một là, nội dung của giáo dục pháp luật là các thông tin cơ bản về pháp luật tồn tại dưới trạng thái động. Điều đó bắt nguồn từ sự phát triển của các tri thức lý luận về khoa học luật học và quan trọng hơn đó là sự đổi mới, và hoàn thiện thường xuyên của hệ thống pháp luật của đất nước.

+ Hai là, các thông tin pháp luật thuộc nội dung giáo dục pháp luật chứa đựng trong mình nó các yếu tố mâu thuẫn. Thông thường đó là mâu thuẫn giữa các qui định trong hệ thống pháp luật thực định, mâu thuẫn giữa pháp luật thực định với thực tiễn tuân thủ, thi hành, áp dụng và bảo vệ pháp luật. Những mâu thuẫn trong nội dung giáo dục pháp luật thường có tác động tiêu cực. Vì vậy chủ thể giáo dục cần nhận thức để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp.

- Xác định những nội dung cơ bản của giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng trong hoạt động giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục. Những người nghiên cứu đã chỉ ra ba mức độ tối thiểu, cơ bản thuộc nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng.

7. Hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật:

 

Hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật là những khái niệm cơ bản trong lý luận giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quan niệm thống nhất, đầy đủ về những vấn đề này nên đã hạn chế hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật. Vì vậy những người nghiên cứu trước hết tập trung làm rõ 3 khái niệm này.

- Hình thức giáo dục pháp luật là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình giáo dục pháp luật, để thể hiện nội dung giáo dục pháp luật.

- Phương tiện giáo dục pháp luật là các công cụ, các kênh truyền tải nội dung giáo dục pháp luật từ chủ thể đến đối tượng giáo dục pháp luật nhằm đạt được các mục tiêu của giáo dục pháp luật.

- Phương pháp giáo dục pháp luật là cách thức biện pháp tổ chức và chuyển tải nội dung giáo dục pháp luật.

Sau khi phân biệt sự khác nhau trong nội hàm của 3 khái niệm trên, chuyên đề này đã chỉ rõ các hình thức giáo dục pháp luật có tính phổ biến như dạy và học trong các trường học; tuyên truyền giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến nói chuyện pháp luật, câu lạc bộ pháp luật; và các hình thức giáo dục pháp luật đặc thù như định hướng giáo dục pháp luật qua các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, qua hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội … Chuyên đề cũng đã chỉ ra các thiếu sót và phiến diện trong việc sử dụng các hình thức giáo dục pháp luật nói trên và chỉ ra các quan niệm đúng đắn trong nhận thức về hình thức giáo dục pháp luật.

Về các phương tiện giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu cho rằng cần phải sử dụng rộng rãi và có chất lượng hơn các phương tiện: tuyên truyền giáo dục bằng lời nói trực tiếp; bằng các phương tiện thông tin đại chúng; bằng các mô hình nhìn thấy được; bằng các loại hình văn học nghệ thuật và bằng viết ra các quyết định cá biệt của các cơ quan Nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền.

Về phương pháp giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu đã chú ý phân biệt hai loại nhóm phương pháp: nhóm các phương pháp áp dụng cho một hoạt động giáo dục pháp luật cụ thể và nhóm các phương pháp mang tính tổng thể áp dụng cho quá trình giáo dục pháp luật. Phương pháp giáo dục pháp luật rất phong phú đa dạng, nghệ thuật sử dụng các phương pháp là ở chỗ tìm kiếm và áp dụng các phương pháp phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng giáo dục pháp luật.

8. Hiệu quả của giáo dục pháp luật

 

Xung quanh vấn đề xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật đang có nhiều quan niệm khác nhau. Sự khác nhau trong quan niệm bắt nguồn từ tính phức tạp của việc xác định kết quả cụ thể của mỗi hoạt động giáo dục pháp luật. Vì vậy những người nghiên cứu chú ý trước hết về phương pháp luận trong việc xác định hiệu quả. Để xác định hiệu quả của bất kỳ một công việc nào phương pháp luận cơ bản là xuất phát từ các thuộc tính tạo nên bản chất của chính công việc đó. Tức là xuất phát từ mối quan hệ nội tại, tất yếu tạo nên chính nó, không thể sử dụng cả yếu tố bên ngoài quá trình để tính toán hiệu quả. Chính vì thế việc xác định hiệu quả của giáo dục cũng phải dựa vào phương pháp luận đó.

Như phần trên đã viết giáo dục pháp luật là quá trình tác động của các nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức pháp luật, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, kết quả đạt được các mục đích do sự tác động định hướng của các nhân tố chủ quan phải được xem là hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Để xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật, những người nghiên cứu đã lưu ý đến 3 loại chỉ số sau đây gắn liền với các mục đích của giáo dục pháp luật:

- Một là, loại các chỉ số nói lên trạng thái của tri thức pháp luật ở đối tượng giáo dục trước và sau khi có sự tác động của giáo dục. Trong đó chú ý đến trạng thái am hiểu pháp luật ở đối tượng giáo dục là chỉ số quan trọng nhất.

- Hai là, loại các chỉ số nói về trạng thái tình cảm pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật trước và sau khi tác động giáo dục. Trong đó tập trung sự chú ý về sự đổi thay lòng tin ở các dạng tình cảm công bằng, không khoan nhượng và trách nhiệm.

- Ba là, loại chỉ số nói về trạng thái của động cơ và hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật. Trong loại các chỉ số này cần chú ý đến chỉ số nói về thói quen kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm đoán, thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; thói quen tìm đến và sử dụng các cơ quan, tổ chức pháp luật để nhận được sự giúp đỡ, tư vấn về pháp luật khi cần giải quyết đúng đắn, hợp pháp các tình huống pháp luật cụ thể; thói quen bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác; thói quen vận dụng tổng hợp các tri thức pháp luật để áp dụng trong cuộc sống.

Từ những điều nói trên, có thể xem hiệu quả của giáo dục pháp luật là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động giáo dục pháp luật để đạt được sự đổi thay ở đối tượng tác động về tri thức, tình cảm và hành vi tích cức pháp luật phù hợp với các mục đích đã đặt ra mà chi phí về vật chất và tinh thần ít nhất.

Chuyên đề này cũng đã chỉ ra các dữ kiện cụ thể để tính toán hiệu quả của giáo dục pháp luật. Từ đó khái quát thành một công thức chung xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Đó là: a = b - c

 

p

trong đó a là hiệu quả; b là trạng thái của đối tượng sau khi tiến hành giáo dục, c: trạng thái của đối tượng trước khi giáo dục và p là chi phí về vật chất và tinh thần trong quá trình giáo dục.

Sau cùng những người nghiên cứu đề xuất các điều kiện nhằm đảm bảo quá trình giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao ở trên cả ba cấp độ: vĩ mô, vi mô và từng cá nhân thuộc đối tượng giáo dục pháp luật.

Để giáo dục pháp luật đạt được hiệu quả đòi hỏi cả chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục sự tác động qua lại một cách thường xuyên, có hệ thống.

III. Đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật trong những năm qua ở nước ta

 

Với phương pháp mới, việc đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật được tiến hành dựa trên các yếu tố tạo nên chính quá trình giáo dục pháp luật.

Vì vậy, thực trạng giáo dục pháp luật chẳng những được đánh giá một cách khoa học mà còn có ý nghĩa chỉ đạo hoạt động thực tiễn giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc tổ chức, chỉ đạo và quản lý hoạt động đó của Bộ tư pháp.

1. Xét trên phương diện nhận thức của các loại chủ thể giáo dục pháp luật những người nghiên cứu nhận xét rằng:

- Đối với Đảng và Nhà nước nói chung, là những chủ thể lãnh đạo và quản lý quá trình giáo dục pháp luật, kể từ khi ban hành hiến pháp năm 1980 đến nay, đặc biệt là những năm đổi mới gần đây đã nhận thức khá sâu vị trí vai trò của giáo dục pháp luật trong hệ thống giáo dục của đất nước. Điều đó thể hiện một loại nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật của Chính phủ. Trên thực tiễn các văn bản này đã được tổ chức thực hiện ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên so với nhu cầu và đòi hỏi của đối tượng giáo dục, nhu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới cả về nhận thức lý luận lẫn tổ chức thực tiễn nhìn chung chưa đáp ứng. Vì thế ở các cấp độ và các thời điểm khác nhau hoạt động giáo dục pháp luật chưa được coi trọng thường xuyên, hiệu quả của giáo dục pháp luật còn thấp. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật không được coi trọng, do đó đã ảnh hưởng triển khai các hoạt động giáo dục pháp luật.

- Đối với các chủ thể như các cơ quan thông tin đại chúng: Các trường từ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các cơ quan tư pháp… Cũng đã có những đổi mới những cũng tồn tại nhiều thiếu sót về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật (thể hiện ở các chuyên đề 2, 3, 4, 5).

2. Xét trên phương diện xác định nội dung của giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục pháp luật đã chú ý trang bị cho đối tượng giáo dục pháp luật những tri thức pháp luật qua hệ thống các văn bản pháp luật mà Nhà nước đã ban hành, đã bước đầu chú ý giáo dục pháp luật qua các hoạt động áp dụng pháp luật, và bảo vệ pháp luật, đặc biệt là qua các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, nội dung giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, các đối tượng giáo dục pháp luật đều được "dùng chung một món" chưa có các "thực đơn" cụ thể phù hợp cho các đối tượng khác nhau. Điều đó có nghĩa là xác định được những tri thức tối thiểu, cơ bản, cần và đủ cho mọi loại đối tượng: chưa có sự phân loại theo nghề nghiệp, trình độ, giới tính, tuổi tác, địa bàn dân cư sinh sống… để xác định nội dung giáo dục pháp luật phù hợp. Nội dung của giáo dục pháp luật phải từ thấp lên cao, từ cơ sở cơ bản đến các qui định pháp lý thực định, phải từng bước nâng cao tạo thành một hệ thống tri thức có quan hệ mật thiết nội tại. Có thể nói khái quát rằng tất cả các chủ thể giáo dục pháp luật chưa dựa trên các căn cứ khoa học để xác định nội dung giáo dục pháp luật. Việc xác định nội dung giáo dục pháp luật hiện thời còn thể hiện tính chấp vá, chạy theo việc phục vụ thời sự, giản đơn, một chiều, thiếu hệ thống…

3. Xét về phương diện hình thức giáo dục pháp luật

Nhìn chung, những năm qua, các hình thức giáo dục pháp luật cổ truyền đều được sử dụng vào việc giáo dục pháp luật. Đó là hình thức phổ biến, tuyên truyền giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật qua các buổi nói chuyện, hội nghị tập huấn về pháp luật; xuất bản và phát hành rộng rãi các loại sách báo pháp luật; dạy và học pháp luật trong các loại trường học; … Tuy nhiên, trong mỗi hình thức cổ truyền này còn có nhiều hình thức cụ thể khá phong phú, đa dạng chưa được tìm kiếm và sử dụng. Các hình thức giáo dục pháp luật chưa tồn tại trong thể thống nhất, phối hợp bổ sung và phát huy sức mạnh tổ hợp của cả hệ thống các hình thức.

Mặt khác, ngoài các hình thức giáo dục pháp luật cổ truyền còn có nhiều hình thức giáo dục khác khá phong phú, thiết thực đơn giản mà hiệu quả cao chưa được khai thác sử dụng. Ví dụ giáo dục pháp luật qua hoạt động tư vấn, dịch vụ pháp lý; qua các tổ chức giúp đỡ pháp lý chưa được chú trọng phát triển. Vì vậy việc tìm kiếm các hình thức giáo dục pháp luật mới là một trong những phương hướng tăng cường và nâng cao hiệu qủa của hoạt động giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay ở nước ta.

4. Xét trên phương diện tổ chức thực tiễn và lực lượng trực tiếp giáo dục pháp luật

Xét trên phương diện chủ thể trực tiếp thực hiện công tác giáo dục pháp luật, trong hơn mười năm qua, đặc biệt là mấy năm đổi mới gần đây, đã có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổ chức và lực lượng đó bao gồm:

- Các cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật của ngành tư pháp, trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Tuy nhiên tổ chức này còn thiếu ổn định, có lúc bị giải thể (ngay cả ở Bộ Tư pháp cũng giải thể Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, mới được thành lập mấy năm gần đây); đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giáo dục pháp luật trong các tổ chức này ít về số lượng, non yếu về nghề nghiệp do chưa được quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ.

Các tổ chức này lại thiếu sự phối hợp theo một cơ chế hợp lý.

- Các cán bộ tuyên huấn, báo cáo viên tuyên truyền viên trong các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Tuy có chú trọng định hướng giáo dục pháp luật trong hoạt động của mình, nhưng thiếu tri thức và thực tiễn pháp luật nên hạn chế kết quả giáo dục pháp luật trên thực tế.

- Các phóng viên, biên tập viên của các báo, đài truyền thanh truyền hình về chuyên mục pháp luật. Lực lượng này ngày một đông đảo có nghiệp vụ báo đài nhưng thiếu tri thức pháp luật nên hoạt động giáo dục pháp luật thiếu bài bản, chưa khoa học, nhiều khi mới chỉ theo các đòi hỏi mang tính "thời vụ" của thời sự chính trị, các thông tin còn chắp vá, bề nổi, thậm chí một số báo còn nặng về vụ án giật gân với các tình tiết ly kỳ với mục đích thương mại mà xem thường việc bồi dưỡng tình cảm và lòng tin vào pháp luật…

- Các giáo viên dạy pháp luật trong các trường đã bước đầu hình thành và đã định hướng được nội dung, chương trình dạy pháp luật. Tuy nhiên đội ngũ này còn chắp vá, thiếu tri thức cơ bản về pháp luật chưa tìm ra hình thức phù hợp để đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy trong các trường, đặc biệt là các trường phổ thông và đại học trung học chuyên nghiệp. Bộ giáo trình chuẩn về giáo dục pháp luật trong các hệ trường chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. Nội dụng dạy và học pháp luật còn tuỳ tiện, thiếu khoa học.

- Ngoài các tổ chức và lực lượng chuyên nghiệp nói trên, một lực lượng đông đảo các luật gia, luật sư hoạt động trong các cơ quan tư pháp, trong các cơ quan quyền lực Nhà nước Trung ương và địa phương, trong các tổ chức kinh tế, xã hội cũng đã bước đầu có sự định hướng giáo dục pháp luật trong hoạt động của mình. Một loạt các tổ chức mới ra đời như các văn phòng tư vấn pháp lý ở các thành phố lớn, các phòng công chứng, giám định hộ tịch… Vai trò của các luật gia ngày càng được đề cao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên tổ chức giúp đỡ pháp lý cho người lao động chưa rộng khắp, trình độ của các luật gia bất cập với những đòi hỏi mới.

- Một số luật gia hoạt động trong các cơ quan tư pháp chưa thực sự trở thành tấm gương tuân thủ pháp luật, cũng hạn chế tác dụng giáo dục pháp luật.

- Cùng với các tổ chức có đội ngũ luật gia hoạt động chuyên nghiệp, trong các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cũng đã bước đầu hình thành đội ngũ những người vừa làm nghiệp vụ vừa thực hiện chức năng giáo dục pháp luật (như trong lĩnh vực quản lý ruộng đất, thuế, đầu tư, môi trường). Đây là lực lượng quan trọng vừa nối liền việc thực hiện pháp luật với việc giáo dục pháp luật. Tuy nhiên tổ chức và lực lượng này chưa nhiều, trong hoạt động của mình nặng về yếu tố quản lý mệnh lệnh hơn là thuyết phục giáo dục pháp luật.

- Việc tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật đòi hỏi một cơ chế phối kết hợp chặt chẽ trên cơ sở giữa các tổ chức, lực lượng giáo dục pháp luật nói trên. Tuy nhiên cơ chế đó chưa ra đời ở nước ta, việc giáo dục pháp luật thiếu sự phối kết hợp đồng bộ từ một trung tâm có hiệu lực cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Một điều bất hợp lý kéo dài hàng chục năm nay là cơ sở vật chất và một kinh phí Nhà nước chỉ cung cấp và đầu tư cho hoạt động xây dựng pháp luật mà không có một khoản ngân sách nào dành cho việc giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống.

Tóm lại, gần 13 năm qua, kể từ ngày có nghị quyết của Đảng về việc giáo dục pháp luật (nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành thế giới 8 tháng 11 năm 1980) có phải xem là thời kỳ đầu, mang tính thể nghiệm mò mẫm, làm cơ sở và tiền đề cho bước phát triển sau này trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

III. Phương hướng giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả của giáo dục pháp luật trong điều kiện đổi mới ở nước ta.

 

Xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ đặt ra ban đầu của đề tài, phương hướng, giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả của giáo dục pháp luật chỉ đặt ra trong 4 lĩnh vực.

- Một là, giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hai là, giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông.

- Ba là, giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử của toà án

- Bốn là, tổ chức phối hợp trong giáo dục pháp luật.

Bốn lĩnh vực nói trên có quan hệ chặt chẽ với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành tư pháp. Vì vậy các phương hướng giải pháp và kiến nghị đề ra trước hết có ý nghĩa trực tiếp cho việc chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật của ngành tư pháp và các cơ quan Nhà nước hữu quan có chức năng tuyên truyền giáo dục pháp luật.

1) Các phương hướng giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu được thực hiện qua các loại hình báo viết, báo nói và báo hình. Những người nghiên cứu trước hết bằng phương pháp phân tích so sánh để khẳng định vị trí vai trò và tác dụng của báo chí đối với đời sống xã hội trong đó có đời sống pháp luật. Từ đó khẳng định: Sẽ mất đi một phần ý nghĩa quan trọng của báo đài nếu thiếu hẳn nội dung phản ảnh đời sống pháp luật trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa chính là báo đài phải định hướng giáo dục pháp luật, có chọn lọc, có trọng tâm, tránh sa vào các vụ việc giật gân, với mục đích thương mại. Cần chú ý tính điển hình, giáo dục tình cảm đúng đắn đối với pháp luật, bồi dưỡng kinh nghiệm lòng tin và thói quen tuân theo pháp luật.

Mấy năm đổi mới vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã có bước phát triển trong hoạt động giáo dục pháp luật. Trong số 350 tờ báo và tạp chí (kể cả tạp chí chuyên ngành), 53 tỉnh thành có đài phát thanh (trong đó có 6 đài truyền hình, 31 đài phát thanh và truyền hình, 68 trạm phát lại truyền hình); 2 đài phát thành và truyền hình quốc gia đã có hơn 1/3 cho ra đời chuyên mục pháp luật hoặc các trang viết về pháp luật. Bước đầu báo đài đã góp phần nâng cao trình độ dân trí về mặt pháp luật. Tuy nhiều đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật qua báo đài còn đòi hỏi bức xúc của sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta. Để thực hiện điều đó phương hướng giáo dục pháp luật qua báo đài là:

- Nắm vững đặc thù của từng loại báo đài (đặc trưng, phạm vi và đối tượng tác động, ưu điểm và hạn chế của từng loại) để lựa chọn hình thức, nội dung, phương pháp thích hợp, sáng tạo những chuyên mục hấp dẫn (từ đặt tên, lựa chọn lượng thông tin đến thể loại…) trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật. Đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa báo, đài với các cơ quan bảo vệ pháp luật và thi hành án (Từ việc xây dựng kế hoạch đến việc tổ chức bòi dưỡng kiến thức pháp luật cho phóng viên, biên tập viên); thường xuyên thông tin hai chiều cho báo đài các thông tin pháp lý trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho báo đài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

Các kiến nghị cụ thể nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả của giáo dục pháp luật qua các phương tin thông tin đại chúng:

- Hàng năm, Bộ Tư pháp với chức năng là đầu mối trong việc chỉ đạo phối hợp hoạt động giáo dục pháp luật, cần chủ động phối hợp với Ban tư tưởng văn hoá trung ương, Bộ văn hoá thông tin và một số Bộ ngành hữu quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm chỉ đạo hướng dẫn hoạt động giáo dục pháp luật cho các phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy giáo dục pháp luật mới bảo đảm được tính hệ thống, tính thống nhất, tính định hướng và tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, phối hợp.

- Bộ tư pháp và các Sở tư pháp phải là cơ quan tư vấn cho báo đài trong việc xác định yêu cầu và nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với từng văn bản pháp luật qua các phương tiên thông tin đại chúng.

- Ngành tư pháp từ trung ương đến địa phương là đầu mối tổ chức kịp thời thông tin và cung cấp thông tin về hoạt động xây dựng pháp luật, bảo vệ pháp luật để báo đài có thông tin chính xác.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho báo đài tiếp cận thực tế để thu thập thông tin.

- Cần có chế độ tập huấn kỹ về các văn bản pháp luật cần phải có giáo dục cùng với việc bồi dưỡng định kỳ về pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Tiến tới việc hình thành thống nhất các môn học hay các học trình pháp luật trong chương trình đào tạo báo chí bậc đại học; trước mắt mở các lớp đại học luật cho đội ngũ hiện có bằng các hình thức phù hợp.

- Cần có kinh phí chuyên biệt (do Bộ tư pháp là đầu mối) cho hoạt động giáo dục pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng.

- Mở rộng và tìm kiếm các hình thức giáo dục pháp luật mới, các cuộc thi viết các bài về giáo dục pháp luật với các phần thưởng xứng đáng.

- Về mô hình cụ thể, tuy có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng có thể theo hai hướng chính sau:

+ Chuyên mục "Pháp luật và cuộc sống"

+ Trang pháp luật (như tuổi trẻ và pháp luật, kinh doanh và pháp luật).

- Cần có chế độ tổng kết hàng năm về công tác giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng giữa Bộ tư pháp, Bộ Văn hoá thông tin và Ban tư tưởng- văn hoá trung ương.

2) Các phương hướng giải pháp và kiến nghị về đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Trước khi đề ra các phương hướng, giải pháp và kiến nghị, những người nghiên cứu đã xác định các quan điểm xuất phát của việc giáo dục pháp luật trong các trường học:

+ Một là, giáo dục pháp luật trong các trường học là đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa chiến lược.

+ Hai là, giáo dục pháp luật cần được tiến hành ngay từ lớp học, cấp học thấp nhất (phổ thông cơ sở).

+ Ba là, giáo dục pháp luật trong trường học được thực hiện bằng hai con đường cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Con đường dạy học và con đường hoạt động ngoài lớp, ngoài trường.

+ Bốn là, mục đích dạy và học trong trường học là nhằm hình thành tri thức và ý thức pháp luật, làm cơ sở cho sự hình thành hành vi và thói quen phù hợp với các chuẩn mực pháp luật.

Về thực trạng giáo dục pháp luật trong các trường học, những người thực hiện đề tài đã có sự tổng kết khá chu đáo và cụ thể cả về những gì đạt được và chưa đạt được. Từ đó đã đề ra mục tiêu, các hướng xác định, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các trường phổ thông, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Về các trường phổ thông, mục tiêu của giáo dục pháp luật là giúp cho học sinh hình thành được cơ sở ban đầu nhưng rất quan trọng của ý thức sống và làm việc theo pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn về ý thức pháp luật sau này; đồng thời hình thành dần dần thái độ và hành vi tích cực pháp luật. Để thực hiện mục tiêu đồng thời là phương hướng này việc thiết kế nội dung giáo dục pháp luật phải bảo đảm các nguyên tăcác sau:

- Nội dung giáo dục pháp luật phải phục vụ cho mục tiêu nói trên.

- Nội dung giáo dục pháp luật vừa bảo đảm tính khoa học vừa bảo đảm tính giáo dục.

- Nội dung giáo dục pháp luật phải có tính hệ thống, đồng tâm và liên tục phát triển.

- Nội dung giáo dục pháp luật vừa đảm bảo tính lý luận khoa học ở một chừng mực cần thiết vừa bảo đảm tính thực tiễn.

- Nội dung giáo dục pháp luật vừa sức học sinh.

- Nội dung giáo dục pháp luật được dưa vào nội dung các môn học, trước hết là các môn đạo đức và giáo dục công dân.

Với các nguyên tắc chỉ đạo trên, căn cứ vào điều kiện, quỹ thời gian chặt chẽ của từng cấp, lớp học, nội dung giáo dục pháp luật được xác định và đưa vào nhà trường phổ thông theo hướng sau:

- ở cấp tiểu học: một số quy tắc và hành vi pháp luật cụ thể đơn giản (đi bộ, đi xe đạp trên đường phố, vui chơi ở nơi công cộng; tuân theo nội quy, kỷ luật ở nhà trường; bổn phận với cha mẹ, ông bà…) được tích hợp trong bộ môn Đạo đức.

- ở cấp phổ thông cơ sở: Môn "Giáo dục công dân" bao gồm các chuẩn mực hành vi pháp luật nhằm thực hiện các quyền lợi và bổn phận của công dân - học sinh được sắp xếp theo trình tự mở rộng phạm vi hoạt động: từ trong gia đình đến nhà trường, bạn bè và trong một số sinh hoạt cộng đồng (thí dụ: nghĩa vụ tôn trọng chấp hành luật lệ giao thông, không xâm phạm bí mật thư tín, bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử văn hoá…). Công dân - học sinh cuối cấp phổ thông cơ sở cũng được tìm hiểu sơ bộ về tổ chức và công việc của các loại cơ quan Nhà nước có liên quan nhiều đến đời sống của mỗi công dân, về cách thức tiếp cận tới các cơ quan đó khi cần thiết.

- ở cấp phổ thông trung học: Nội dung giáo dục pháp luật tiếp tục đưa vào môn "Giáo dục công dân" và được nâng cao thành một hệ thống các tri thức về nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, về hệ thống pháp luật thực định về ý thức trách nhiệm công dân.

Trong những năm tới, thực hiện chủ trương xây dựng các trường phổ thông trung học phân ban, nội dung giáo dục pháp luật sẽ được sử dụng một quỹ thời gian lớn hơn hiện nay và sẽ được bổ sung hoàn thiện theo hướng: trang bị thêm cho học sinh cuối cấp phổ thông một số kiến thức pháp luật cơ bản để cùng với những tri thức về pháp luật thực định cụ thể, các em sẽ có khả năng tự tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật khác nhau trong cuộc sống tự lập sau này.

Về phương hướng chỉ đạo giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông là phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh dưới sự tác động chủ đạo của giáo viên. Vận dụng phối hợp một cách hợp lý các hình thức tổ chức dạy học với các hình thức tổ chức giáo dục. Với các phương hướng chỉ đạo đó, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật cần hướng đến việc thực hiện: các tiết kể chuyện và các tiết thực hành cũng như các hoạt động ngoài lớp, ngoài trường ở bậc tiểu học. Các tiết lên lớp, các hoạt động ngoài lớp, ngoài trường ở bậc trung học cơ sở, trung học phân ban.

ở các trường Đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề mục tiêu của giáo dục pháp luật là giúp cho người học hình thành văn hoá pháp luật nói chung và văn hoá pháp luật nghề nghiệp nói riêng, trong đó có sự thống nhất giữa ý thức, thái độ và hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật để chuẩn bị cho họ ra đời tham gia hoạt động nghề nghiệp. Với mục tiêu này giáo dục pháp luật nhằm hướng đến biết sống theo pháp luật, biết hành nghề theo pháp luật, biết tuyên truyền pháp luật, biết bảo vệ pháp luật.

Định hướng chung trong việc xác định nội dung giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề là: nội dung giáo dục pháp luật phải phù hợp với mục tiêu đào tạo; nội dung giáo dục pháp luật phải bao gồm các tri thức pháp luật phổ thông (nâng cao so với bậc phổ thông) và tri thức pháp luật nghề nghiệp; nội dung thực tiễn phải hệ thống vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn và phù hợp với năng lực nhận thức và kinh nghiệm sống của người học. Nội dung giáo dục pháp luật trong các trường này bao gồm các vấn đề: nhập môn pháp luật và một số luật, ngành luật cụ thể, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan đến nghề nghiệp của người học sau khi ra trường.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật trong trường học, những người nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể, có thể tóm lược như sau:

- Một là nâng cao trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội… trong việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đáng chú ý trong kiến nghị nay là đề nghị xây dựng "Chương trình quốc gia về phổ cập giáo dục pháp luật" hay "Chương trình quốc gia về giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường".

- Hai là xây dựng và hoàn chỉnh nội dung giáo dục pháp luật trong các loại trường.

- Ba là cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường theo phương hướng phát huy vai trò chủ thể nhận thức; tìm kiếm đa dạng hoá các hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật hấp dẫn; gắn với thực tiễn sinh động của xã hội; kiểm tra đánh giá kết quả của giáo dục pháp luật một cách chặt chẽ nghiêm túc.

- Bốn là đảm bảo các điều kiện tối cần thiết trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường cả giáo viên, cơ sở vật chất và kinh phí. Cần đặc biệt quan tâm việc hình thành ổn định một đội ngũ giáo viên chuyên dạy pháp luật ở các nhà trường; xây dựng quy hoạch kế hoạch và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về pháp luật cho đội ngũ này theo chức danh - tiêu chuẩn chung của ngành giáo dục - đào tạo.

- Năm là đảm bảo sự chỉ đạo và phối hợp giữa các lực lượng trong công tác giáo dục pháp luật, trong đó quan trọng nhất là giữa Bộ giáo dục đào tạo với Bộ Tư pháp.

- Sáu là xây dựng một môi trường xã hội ngày càng lành mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục pháp luật đối với thế hệ trẻ.

3) Phương hướng, giải pháp và kiến nghị đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.

Để giải quyết vấn đề này những người thực hiện đề tài đã xác định bản chất và đặc trưng của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử. Những người nghiên cứu cho rằng bản chất của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là tác động định hướng lên nhận thức về tính chất nghiêm minh của pháp luật xét xử cả trên bình diện nội dung lẫn hình thức. Những nét đặc trưng của nó là:

- Phạm vi xét xử của Toà án tương đối rộng thuộc nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Vì vậy, giáo dục pháp luật thông qua xét xử đối với các loại vụ án khác nhau là khác nhau.

- Chủ thể của giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử không phải là một người mà là nhiều người với các vị trí pháp lý khác nhau. Đó là thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, luật sư, bào chữa viên…

- Đối tượng giáo dục pháp luật cũng đa dạng, có thể là bị cáo, đương sự, những người tham gia tố tụng khác và mọi người tham dự phiên toà. Những người này khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, nhận thức… do đó phương pháp giáo dục cũng phải khác nhau và mức độ tiếp nhận tác động giáo dục pháp luật cũng khác nhau.

- Việc giáo dục pháp luật phải liên quan đến nội dung, tình tiết của một vụ án cụ thể và từ đó khái quát lên thành nhận thức về một lĩnh vực.

- Giáo dục pháp luật bằng người thật, việc thật trực quan, cụ thể.

- Giáo dục pháp luật mang tính phòng ngừa sâu sắc.

- Giáo dục pháp luật thông qua các bản án, quyết định với việc áp dụng pháp luật nội dung và pháp luật hình thức.

Từ bản chất và các đặc trưng nói trên của giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử chứng tỏ vị trí quan trọng của toà án trong giáo dục pháp luật.

Những người nghiên cứu đã xác định nội dung của giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xét xử. ở giai đoạn chuẩn bị xét xử nội dung giáo dục pháp luật là cung cấp và giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng. ở giai đoạn xét xử tại phiên toà, đó là giải thích và phổ biến nội quy, quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập đến toà, công bố cáo trạng hay nội dung vụ kiện, làm rõ những qui định pháp luật bị vi phạm và chịu hậu quả pháp lý như thế nào, làm rõ các cấu thành tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đề tại cũng đã xác định các chủ thể giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử và nhấn mạnh sự thống nhất trong việc vận dụng giải thích và áp dụng các qui định pháp luật của các chủ thể đóng vai trò quan trọng trong giáo dục pháp luật.

Về đối tượng giáo dục pháp luật theo những người nghiên cứu cần phân làm hai loại. Loại thứ nhất là đối tượng giáo dục pháp luật xác định và đối tượng thứ hai là tất cả những người đến dự phiên toà (trừ loại thứ 1). Với các đối tượng khác nhau, khi tiến hành giáo dục pháp luật phải sử dụng phương pháp khác nhau.

Những người thực hiện đề tài cũng đã tiến hành điều tra xã hội học để xác định thực trạng của giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử và chỉ ra rằng hoạt động xét xử chưa chú ý đúng mức định hướng giáo dục pháp luật.

Phương hướng đổi mới và tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là nâng cao chất lượng của các phiên toà, chất lượng các bản án và quyết định, và nâng cao uy tín của chủ thể giáo dục pháp luật (cụ thể là thẩm phán, kiểm sát viên…).

Để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử những người nghiên cứu đề xuất các yếu tố quyết định sau đây:

- Một là, nâng cao trách nhiệm giáo dục pháp luật của chủ thể giáo dục pháp luật trong đó vị trí hàng đầu thuộc về thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

- Hai là, nâng cao tính lập luận, tính đúng đắn, tính chính xác của các quyết định và bản án.

- Ba là, đảm bảo thực hiện đầy đủ đúng đắn các thủ tục xét xử.

- Bốn là, đổi mới hình thức xét xử theo hướng nghiêm trang, dân chủ, thu hút nhiều người tham dự.

- Năm là, kịp thời phối kết hợp đưa tin về hoạt động xét xử trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau cùng, để giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử đạt được hiệu quả, những người nghiên cứu đề xuất các kiến nghị sau:

- Thứ nhất lựa chọn và bổ nhiệm thẩm phán có đầy đủ tiêu chuẩn như pháp lệnh đã qui định. Sau khi bổ nhiệm cần có định kỳ tập huấn bồi dưỡng cho thẩm phán. Cần đưa vào chương trình đào tạo bồi dưỡng thẩm phán và hội thẩm nhân dân những vấn đề về giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử nói riêng.

- Thứ hai, nâng cao chất lượng xét xử bằng việc sớm ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu, sửa đổi bổ sung những qui định pháp luật không còn phù hợp.

- Thứ ba, sớm trang bị trang phục xét xử thống nhất nhằm đảm bảo tính trang nghiêm.

- Thứ tư, xây dựng một hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp đủ mạnh để giúp cho việc xét xử kịp thời, nhanh chóng chính xác.

- Thứ năm, thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và những người có liên quan tham dự phiên toà.

- Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan bảo về pháp luật, giữa toà án với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các phiên toà được xét xử.

4. Phương hướng, giải pháp và kiến nghị tăng cượng sự chỉ đạo tổ chức và phối hợp trong hoạt động giáo dục pháp luật

 

Trước hết đề tài nhấn mạnh tính cấp thiết và là nhu cầu khách quan của sự phối hợp tổ chức và chỉ đạo trong hoạt động giáo dục pháp luật và xem đó là một trong những điều kiện cơ bản bảo đảm hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Những người thực hiện đề tài đã phân tích vai trò của hệ thống các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo giáo dục pháp luật. Hệ thống đó bao gồm sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết định của hệ thống các cơ quan quyền lực Nhà nước, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của hệ thống các cơ quan hành pháp và sự tham gia phối hợp của các tổ chức quần chúng. Mỗi cơ quan trong hệ thống có vị trí, nội dung và phương thức lãnh đạo chỉ đạo hoạt động đặc thù trong lĩnh vực giáo dục pháp luật. Những người nghiên cứu đã tìm kiếm và chỉ rõ những nét đặc thù đó ở mỗi hệ thống các cơ quan giáo dục pháp luật.

Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo như ở nước ta, những người nghiên cứu đã cố gắng đi sâu phân tích, tìm kiếm các nội dung và phương thức lãnh đạo cụ thể của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong hoạt động giáo dục pháp luật. Những nội dung và phương thức lãnh đạo ấy là phù hợp với vai trò của Đảng cầm quyền và có khả năng thực thi.

Trong hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động giáo dục pháp luật, hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước có vai trò không kém phần quan trọng. Nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Hoạt động giáo dục pháp luật của hệ thống cơ quan này gắn liền với chức năng nhiệm vụ của nó do Hiến pháp và luật qui định. Theo những người nghiên cứu và đề xuất thì cùng với quá trình lập pháp, lập quy, giám sát và hoạt động đại biểu phải tiến hành đồng thời hoạt động giáo dục pháp luật, ví như khi quốc hội xem xét quyết định chương trình xây dựng pháp luật phải đồng thời xác định mục tiêu yêu cầu của việc phổ biến tuyên truyền đạo luật đó. Khi quyết định ngân sách xây dựng luật phải kết hợp quyết định ngân sách dùng cho phổ biến tuyên truyền đạo luật đó. Ngay cả trong quá trình dự thảo luật, công bố luật phải kết hợp trong mình nó sự định hướng giáo dục pháp luật.

Đối với các cơ quan hành pháp, đứng đầu là chính phủ, là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật trong cả nước cũng như ở mỗi ngành, mỗi địa phương. Vai trò đó trước hết thuộc về Chính phủ thể hiện ở việc lập và trình quốc hội dự án phổ biến giáo dục pháp luật cùng với việc trình dự án luật hay pháp lệnh. Trong dự án đó bắt buộc phải có dự toán ngân sách cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

- ở địa phương và các ngành cũng tương tự như vậy. Chính phủ trực tiếp hoặc phân công cho các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, phân cấp cho UBND trong việc chủ trì thực hiện các chương trình kế hoạch giáo dục pháp luật. ở từng Bộ, ngành, Bộ trưởng chịu trách nhiệm và ở địa phương, cơ sở chủ tịch UBND chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các kế hoạch giáo dục pháp luật đã được quốc hội, Chính phủ phê duyệt, phân công trách nhiệm - Chính phủ - Bộ trưởng, Chủ tịch UBND đảm bảo ổn định tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp và sử dụng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật. Đồng thời thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của các chương trình kế hoạch đó ở từng ngành, từng địa phương và trong phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện vai trò tổ chức chỉ đạo nói trên, một mặt Chính phủ, Chủ tịch UBND bằng các qui định, chỉ thị hoặc thông tư liên tỉnh liên ngành tạo ra cơ chế chỉ đạo, phối hợp hợp lý, khoa học có hiệu quả giữa các ngành, giữa các cơ quan Nhà nước và đoàn thể quần chúng. Mặt khác mỗi Bộ, ngành trong Chính phủ và hệ thống các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, ngành đó ở địa phương có nội dung chỉ đạo riêng theo phương thức tổ chức, chỉ đạo chuyên ngành. Những người nghiên cứu đã chỉ ra phương thức tổ chức chỉ đạo chuyên ngành cho mỗi loại cơ quan trong hoạt động giáo dục pháp luật như các cơ quan giáo dục đào tạo, các cơ quan văn hóa thông tin các cơ quan kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội, y tế và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trong hệ thống các cơ quan hành pháp, ngành tư pháp có vị trí đặc biệt đối với hoạt động giáo dục pháp luật. Đề tài đã giành một phần đi sâu nghiên cứu vấn đề này.

Ngành tư pháp đứng đầu là Bộ Tư pháp được pháp luật qui định có một trong những chức năng là quản lý thống nhất công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời Bộ Tư pháp có nhiệm vụ "hướng dẫn hoặc tổ chức phối hợp các ngành về công tác tuyên truyền pháp luật trong cán bộ công nhân viên Nhà nước và trong nhân dân". Việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp được đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ: "trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình pháp luật dài hạn và hàng năm".

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ nói trên, sự phối hợp giữa các ngành tư pháp với các ngành, các đoàn thể giữ vai trò quan trọng.

Những người nghiên cứu chỉ rõ các nội dung chung và các nội dung cụ thể cần phải phối hợp. Nội dung phối hợp chung bao gồm: ngành tư pháp hướng dẫn và phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, nội dung biện pháp giáo dục pháp luật cụ thể phù hợp đối tượng, điều kiện của ngành và đoàn thẻ; giúp đỡ tài liệu, giúp xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật về cả nội dung lẫn nghiệp vụ giáo dục; phối hợp xây dựng các điểm, các môhình giáo dục pháp luật. Về nội dung phối hợp cụ thể, các tác giả đề tài đã chỉ ra sự phối hợp giữa ngành tư pháp với Ban tư tưởng văn hoá, Bộ Văn hoá thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng với Bộ Giáo dục đào tạo, các trường Đảng, trường hành chính, với các cơ quan bảo vệ pháp luật … Sự phối hợp với các ngành các cơ quan khác nhau có nội dung khác nhau dựa trên chức năng, nhiệm vụ của ngành, cơ quan đó.

Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức và cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật ở Bộ Tư pháp, và ở địa phương theo các tác giả đề tài là phương hướng đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật của ngành tư pháp. Sau khi điểm qua thực trạng bộ máy trực tiếp thực hiện chức năng phổ biến giáo dục pháp luật ở Bộ Tư pháp và địa phương các tác giả nhấn mạnh rằng để đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong linhh vực giáo dục pháp luật, ngành tư pháp đã từng bước khắc phục những khó khăn khách quan để xây dựng tổ chức, củng cố lực lượng làm công tác này từ Trung ương đến địa phương, nhưng vẫn còn có rất nhiều hạn chế, cần phỉa được nghiên cứu chỉ đạo để hoàn thiện và nâng cao chất lượng một cách cơ bản.

Trên cơ sở phân tích, tổng hợp tình hình thực tiễn hơn mười năm qua các tác giả đề tài đã khái quát thành một số mô hình phối hợp trong việc giáo dục pháp luật và chỉ rõ những ưu nhược điểm của mỗi mô hình này.

ở trung ương việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật được thực hiện chủ yếu bằng hai hình thức:

- Phối hợp đa phương (nhiều ngành, đoàn thể ) trên cơ sở chỉ thị, kế hoạch giáo dục về một văn bản pháp luật mới hay một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý tập trung. Hình thức phối hợp này có ưu điểm là dựa trên một kế hoạch với nội dung, biện pháp chỉ đạo tập trung; huy động được sức mạnh khả năng của nhiều ngành, nhiều cấp thực hiện trong một thời gian nhất định; các điều kiện thực hiện như ngân sách, phương tiện kỹ thuật được đảm bảo. Tuy nhiên hình thức phối hợp này mang tính thời vụ xong đợt là kết thúc thường không có theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tổng kết, đánh giá sau đó. Xét về tính hệ thống của việc truyền tải tri thức trong giáo dục chưa đảm bảo nên độ bền vững về tri thức và lòng tin ở đối tượng giáo dục còn bị hạn chế.

- Phối hợp 2, 3 bên trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên bộ, ngành, đoàn thể. Ưu điểm của hình thức phối hợp nàylà sự phối hợp chỉ đạo được duy trì thường xuyên, toàn diện, nội dung, hình thức giáo dục được lựa chọn, điều chỉnh qua từng giai đoạn nên sát với đối tượng giáo dục; tính hệ thống của giáo dục được đảm bảo; trách nhiệm của mỗi bên phối hợp rõ ràng… Tuy nhiên do lực lượng cán bộ chưa đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng nên việc thực hiện việc phối hợp trên thực tế có nơi có lúc thiếu liên tục, kém hiệu quả.

ở địa phương các hình thức phối hợp phong phú và đa dạng hơn. Qua thực tiễn, những người nghiên cứu đã tổng kết và khái quát thành một số mô hình sau:

- Thành lập và duy trì Hội đồng phối hợp pháp luật thông thường do một đồng chí lãnh đạo UBND làm Chủ tịch nhằm chỉ đạo theo kế hoạch thống nhất, tập trung hoạt động giáo dục pháp luật ở địa phương.

- Phối hợp 2, 3 bên trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên ngành.

- Thành lập ban chỉ đạo giáo dục pháp luật ở các cấp khi có các đợt sinh hoạt chính trị- pháp lý quan trọng như tuyên truyền Hiến pháp, các Bộ luật…

- Ban hành quy chế phối hợp giáo dục pháp luật. Chất lượng hiệu quả của giáo dục pháp luật phục thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các mô hình tổ chức phối hợp, vì đó là Bộ tổng chỉ huy của toàn bộ hoạt động giáo dục pháp luật. Các mô hình phối hợp có thể tồn tại và hoàn thiện hay không lại phụ thuộc vào một số điều kiện đảm bảo cơ bản. Theo những người nghiên cứu, các điều kiện đó là:

+ Phải tạo ra các cơ sở pháp lý cho việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật. Điều kiện này bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật qui định nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động giáo dục pháp luật và cả các văn bản chỉ đạo mục tiêu, nội dung, trách nhiệm, nguyên tắc phối hợp giáo dục pháp luật trong từng thời kỳ.

+ Phải ổn định tổ chức, ổn định cán bộ và có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, chỉ đạo ở các cơ quan, đoàn thể. Đây là điều kiện có tính quyết định trong việc tổ chức, chỉ đạo phối hợp giáo dục pháp luật.

+ Phải đảm bảo các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác giáo dục pháp luật ở từng cấp, từng ngành.

+ Phải tạo ra một cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân và các cơ quan Nhà nước, đoàn thể với việc thực hiện các chương trình giáo dục pháp luật.

*

* *

Để đẩy mạnh và tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong những năm tới, những người nghiên cứu đề tài đề xuất 3 kiến nghị có tính cấp bách trước mắt và có khả năng thực thi sau đây:

- Một là, Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp cần đưa các mục tiêu giáo dục pháp luật vào chương trinh, kế hoạch công tác hàng năm và giành một khoản ngân sách riêng cho hoạt động giáo dục pháp luật. Bộ Tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước phân bố ngân sách giáo dục pháp luật cho các ngành, các cấp theo các chương trình nội dung đã được duyệt.

Cuối năm và định kỳ tiến hành việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình và sử dụng ngân sách cho giáo dục pháp luật.

- Hai là, trên cơ sở các chương trình chung, các ngành các cấp phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể, vừa giải quyết những nội dung cụ thể, trước mắt, vừa giải quyết từng bước những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài: Xây dựng lực lượng, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục pháp luật.

- Ba là, sớm hình thành một cơ chế phối hợp chỉ đạo linh hoạt từ trung ương trong giáo dục pháp luật.

Trong cơ chế đó, trừ những chương trình mà Quốc hội giao cho các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm, các chương trình giáo dục pháp luật của Chính phủ do trực tiếp Thu tướng (hoặc Phó thủ tướng) phụ trách với cơ quan tham mưu thường trực là Bộ Tư pháp. Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cũng tập trung vào đầu mối này, trừ những chương trình giáo dục pháp luật theo chuyên đề gắn với chương trình làm luật do các cơ quan khác chủ trì (ví dụ luật đất đai do Tổng cụ quản lý ruộng đất, Luật môi trường do Bộ Khoa học và công nghệ môi trường chủ trì…).

Do định hướng của đề tài, một số vấn đề lý luận và thực tiễn khác của giáo dục pháp luật chưa có dịp đề cập ở đây như định hướng giáo dục pháp luật qua hoạt động lập pháp và lập quy; giáo dục pháp luật qua các hoạt động giúp đỡ pháp lý… Vì vậy ít nhiều đề tài còn có hạn chế về nội dung và phạm vi. Việc nghiên cứu toàn diện hơn, do đó, chắc chắn sẽ được đặt ra trong những năm tới.

Mặc dầu tập thể những người nghiên cứu thực hiện đề tài này đã có nhiều cố gắng. Song chắc chắn rằng, không phải mọi vấn đề đặt ra đã được đào sâu ở mức độ cần thiết. Hơn nữa do tính phong phú của những vấn đề đã được những người nghiên cứu đề cập, bản tóm tắt này chắc chắn chưa phản ảnh đầy đủ thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Do vậy việc tiếp xúc với toàn bộ các chuyên đề là việc làm cần thiết đối với tất cả những ai muốn có một đánh giá đầy đủ và hoàn chỉnh những gì mà đề tài này đã đạt được.

 

 

Mục lục

Tóm tắt kết quả nghiên cứu

Chuyên đề 1: Những vấn đề lý luận chung về giáo dục pháp luật

 

PTS. Trần Ngọc Đường - Dương Thanh Mai

I. Bản chất của giáo dục pháp luật

II. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và các dạng đạo đức khác.

III. Mục đích của giáo dục pháp luật

IV. Vai trò của giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay.

V. Chủ thể, khách thể, đối tượng giáo dục pháp luật.

VI. Nội dung của giáo dục pháp luật.

VII. Các hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật.

Chuyên đề 2: Tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng

 

PTS. Hồng Vinh - Nguyễn Đắc Bình

I. Báo chí với đời sống xã hội.

II. Một số thành tựu bước đầu của báo chí trong tuyên truyền giáo dục pháp luật.

III. Nâng cao hiệu quả của tuyên truyền giáo dục trên báo chí

IV. Một số vấn đề đặt ra trong tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo chí trong giai đoạn hiên nay.

Chuyên đề 3: Giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học , cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (không chuyên luật)

 

GS. Đặng Vũ Hoạt - PTS. Trần Doanh

Trương Thị Phương - Dương Thanh Mai

I. Mấy lời mởi đầu

II. Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường.

III. Phần thứ hai: Mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tỏ chức giáo dục pháp luật trong trường phổ thông

IV. Phần thứ ba: Định hướng về mục tiêu, nội dung phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề (không chuyên luật)

V. Phần thứ bốn: Những kiến nghị, đề xuất.

VI. Tổng hợp kết quả khảo sát

Chuyên đề 4: Phổ biến ,Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

 

PTS. Đặng Quang Phương - Nguyễn Văn Hoan

I. Khái niệm và những nét đặc trưng của Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.

I. Nội dung, chủ thể, đối tượng của Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.

III. Thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử trong thời gian qua.

IV. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả và các yếu tố quyết định hiệu quả của Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.

V. Kiến nghị và giải pháp nhằm làm cho công tác hổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử đạt kết quả cao.

VI. Tổng thuật các tham luận và kết quả khảo sát.

Chuyên đề 5: Ngành tư pháp trong việc chỉ đạo tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật - Các điều kiện đảm bảo hiệu quả phối hợp giáo dục pháp luật

 

PTS. Dương Thanh Mai - Nguyễn Duy Lãm

I. Tính cấp thiết về mặt lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu chuyên đề - phạm vi nghiên cứu.

II. Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục pháp luật - Vị trí của ngành tư pháp.

III. Các mô hình tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật

IV. Các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật - kiến nghị và đề xuất

V. Tóm tắt các tham luận hội thảo.

 

Danh mục một số bài báo đã đăng liên quan tới đề tài

 

1. Đổi mới nận thức và tổ chức hực tiễn công tác giáo dục pháp luật - Trần Ngọc Đường - Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4 năm 1990.

2. Văn hoá pháp lý với quá trình dân chủ hoá - Trần Ngọc Đường - Tạp chí nghiên cứu lý luận số 6 năm 1990

3. Định hướng giáo dục pháp luật trong quá trình xét xử tại phiên toà - Trần Ngọc Đường - Tạp chí Toà án nhân dân tháng 11 năm 1990.

4. Giáo dục pháp luật trong sự nghiệp nâng cao dân trí hiện nay ở Việt nam - Dương Thanh Mai số 1 năm 1990 - Tạp chí giáo dục và Đào tạo thường xuyên

5. Một vài suy nghĩ từ thực trạng giáo dục pháp luật trong trường phổ thông - Dương Thanh Mai - Tạp chí pháp chế XHCN số 6 năm 1991.

6. Bộ môn giáo dục công dân trước yêu cầu đổi mới - Dương Thanh Mai - Tạp chí dân chủ và pháp luật - số 12 năm 1993.

7. Xây dựng tủ sách thông tin - Tư liệu pháp lý của Toà án nhân dân với việc phổ biến, giáo dục pháp luật - Dương Thanh Mai - Tạp chí dân chủ và pháp luật số 12 năm 1993.

8- Một vài suy nghĩ về đổi mới công tác giáo dục pháp luật trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và quản lý kinh tế bằng pháp luật - Kỷ yếu Hội thảo pháp luật kinh tế thuộc trương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX03, đề tài VX03-13 - Dương Thanh Mai.

 

Chuyên đề 1

Những vấn đề lý luận chung về giáo dục pháp luật

Người thực hiện: PTS: Trần Ngọc Đường và Dương Thanh Mai

Về phương diện lý luận, giáo dục pháp luật bao gồm nhiều nội dung. Chuyên đề nàychỉ đi sâu nghiên cứu một số khái niệm, phạm trù có tính chất chung với tư cách là cơ sở lý luận phục vụ trực tiếp cho đề tài: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tuyên truyền giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới".

Những người nghiên cứu chuyên đề này mong muốn qua nghiên cứu của mìn, đưa ra được một số quan niệm chung về một số khái niệm và phạm trù thuộc lý luận giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, các chuyên đề khác của Đề tài phát triển và làm phong phú thêm những vấn đề lý luận chung trong lĩnh vực giáo dục pháp luật ở các mặt khác nhau của nó Như vậy, trước khi đi váo giải quyết những cái riêng mà các chuyên đề khác phải nghiên cứu, chuyên đề này phải giải quyết những cái chung để không đụng phải cái chung khi đi vào cái riêng.

Do vậy, nhiệm vụ của chuyên đề này là tìm kiếm và phân tích các quan niệm khác nhau thuộc nội hàm của một số khái niệm và phạm trù chung của lý luận, giáo dục pháp luật, từ đó rút ra các quan niệm hợp lý cần phải chấp nhận và ý nghĩa thực tiễn của các quan niệm chung, hợp lý đó. Tuy là cơ sở lý luận cho các chuyên đề khác của đề tài, nhưng ở một chừng mực nhất định, những người nghiên cứu chuyên đề cũng cố gắng đề xuất một số suy nghĩ nhằm định hướng các hoạt động thực tiễn trong hoạt động giáo dục pháp luật nhìn từ phương diện lý luận.

Về những vấn đề lý luận giáo dụ pháp luật, ở nước ta, chưa được nhiên cứu nhiều. Vì vậy, đây cũng chỉ là những phác thảo ban đầu dựa vào một số tài liệu ít ỏi ở trong và ngoài nước cộng vơí những suy ngẫm của các nhà nghiên cứu.

Nội dung của chuyên đề bao gồm 8 vấn đề cơ bản sau đây:

1. Bản chất của giáo dục pháp luật.

2. Tính độc lập tương đối của gáo dục pháp luật trong hệ thống các dạng giáo dục hiện nay.

3. Mục đích của giáo dục pháp luật.

4. Vai trò của giáo dục pháp luật.

5. Chủ thể, khách thể, đối tượng của giáo dục pháp luật.

6. Nội dung của giáo dục pháp luật.

7. Các hình thức, phương pháp và phương tiện giáo dục pháp luật.

8. Hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Dưới đây là các nội dung của các phần trên.

Phần I - bản chất của giáo dục pháp luật

Một trong những vấn đề cơ bản của lý luận giáo dục pháp luật là làm rõ bản chất của giáo dục pháp luật. Đây là khái niệm xuất phát, quyết định nội dung của một loạt các khái niệm, phạm trù khác của lý luận và định hướng các hoạt động thực tiễn. Vì vậy, toàn bộ lý luận về giáo dục pháp luật phụ thuộc vào việc xác định như thế nào bản chất và nội hàm của khái niệm xuất phát này.

ở nước ta, cho đến nay những vấn đề lý luận của giáo dục pháp luật chưa được nghiên cứu một cách đày đủ và hệ thống. Bởi vậy, ngay khái niệm giáo dục pháp luật là gì vẫn chưa có quan niệm rõ ràng, nhất quán. Trong sách báo và trong thực tiễn hiện nay đang tồn tại một số quan niệm khác nhau về giáo dục pháp luật sau đây:

- Thứ nhất: Một số ý kiến cho rằng giáo dục pháp luật là một bộ phận của giáo dục chính trị tư tưởng và giáo dục đạo đức. Điều đó có nghĩa là nếu tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng hay đạo đức thì trên thực tế có thể đạt được sự tôn trọng ở người lao động, hay nói cách khác, sự hình thành ý thức pháp luật ở quần chúng nhân dân lao động được xem như là sản phẩm phụ của quá trình giáo dục chính trị tư tương hay giáo dụ đạo đức. Giáo dục pháp luật được hút vào trong giáo dục chính trị, tư tưởng hay đạo đức.

- Thứ hai: Một số quan niệm khác lại đồng nhất giáo dục pháp luật với tuyên truyền, phổ biến hay giải thích pháp luật. đây chỉ là công việc của các phương tiện thông tin đại chúng, của bộ máy tuyên truyền.

- Thứ ba: Còn một số quan điểm khác lại cực đoan hơn, họ lại cho rằng không có khái niệm giáo dục pháp luật. Pháp luật là các quy tắc có tính bắt buộc chung, mọi người phải có nghĩa vụ tuân thủ. Do vậy, không thể đặt vấn đề giáo dục pháp luật. Cái gọi là giáo dục pháp luật thực chất chỉ là phổ biến pháp luật, nội hàm của nó không bao hàm tuyên truyền, giải thích pháp luật. Pháp luật không thể là cái gì đó có thuộc tính tuyên truyền, quảng cáo.

Tất cả các quan niệm nói trên, theo chúng tôi đều là phiến diện, giản đơn, một chiều, chưa thấy hết đặc thù của sự tác động, giá trị xã hội vốn có của pháp luật. Vì vậy các quan niệm ấy hoặc đã vô tình hoặc cố ý hạ thấp vai trò và giá trị xã hội của pháp luật. Trong thực tiễn, các quan niệm đó đã không tạo khả năng (nếu không muốn nói là cản trở) triển khai hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật và tất nhiên hiệu lực và hiệu quả của pháp luật bị giảm sút. Vì vậy, tìm kiếm bản chất của khái niệm giáo dục pháp luật có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

Để đưa ra được khái niệm giáo dục pháp luật, trước hết, các nhà nghiên cứu khoa học thường xuất từ khái niệm giáo dục theo quan niệm khoa học sư phạm. Trong khoa học sư phạm, giáo dục thường được hiểu dưới hai phương diện, hẹp và rộng.

Theo nghĩa hẹp rộng, giáo dục là một quá trình ảnh hưởng của những điều kiện khách quan (như chế độ xã hội, trình độ phát triển kinh tế, môi trường sống...) và cả của những nhân tố chủ quan (tác động tự giác, định hướng của nhân tố con người).

Theo nghĩa hẹp, giáo dục đó là một quá trình tác động định hướng của chỉ nhân tố chủ quan lên khách thể giáo dục. Như vậy, những ảnh hưởng hay tác động của các yếu tố khách quan không nằm trong nội hàm của khái niệm giáo dục.

Vấn đề đặt ra là có khái niệm giáo dục pháp luật hay không nếu có thì nên vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp. Để xác định nội hàm của khái niệm giáo dục pháp luật.

Trước hết, theo chúng tôi, phải khẳng định rằng có tồn tại khái niệm giáo dục pháp luật. Bởi vì, theo quan niệm giáo dục cả ở nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp của khoa học sư phạm thì con người nói chung là khách thể chịu ảnh hưởng và tác động của cả các điều kiện khách quan và cả các nhân tố chủ quan để hình thành ý thức, tình cảm và hành vi pháp luật. Vậy thì nên hiểu giáo dục pháp luật theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp của khái niệm giáo dục trong khoa học sư phạm. Theo chúng tôi, cần vận dụng khái niệm giáo dục theo nghĩa hẹp để hình thành khái niệm giáo dục pháp luật. Bởi vì:

- Thứ nhất, Mặc dù sự hình thành ý thức của con người là quá trình ảnh hưởng tác động thống nhất của các điều kiện khách quan lẫn các nhân tố chủ quan. Nhưng những nhà kinh điển, của chủ nghĩa Mác-Lênin, lẫn những nhà lý luận giáo dục đều phân biệt hai mặt của quá trình đó. Về các điều kiện khách quan CácMác, Anghen và V.I Lênin cho rằng, trong quá trình giáo dục con người lao động không được tách dời những điều kiện tồn tại của xã hội như chế độ kinh tế, chính trị với những giai đoạn cụ thể của sự phát triển xã hội đó. Không có sự hoàn thiện "văn hoá trừu tượng của cá nhân" mà trước hết là sự thay đổi các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đời sống con người sẽ tạo ra khả năng phát triển đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy nghiên cứu sự ảnh hưởng của các điều kiện khách quan lên việc hình thành ý thức con người được các nhà giáo dục học quan tâm trước tiên khi tiến hành hoạt động giáo. CácMác là người đầu tiên khám phá ra tính không tưởng của các quan niệm về việc dường như xã hội có thể thay đổi nhờ vào chỉ một điều làm tốt hơn hệ thống giáo dục. V.I Lênin cũng đã khẳng định rằng những người nông dân tin vào ưu thế của chính quyền xô viết "Không phải từ những cuốn sách", không phải "bằng việc đọc các Sắc lệnh", điều đó có nghĩa là "cần phải thuyết phục một cách thực tế" đối với người nông dân tuy thừ nhận ảnh hưởng của các điều kiện khách quan là to lớn đối với việc hình thành ý thức của cá nhân con người, nhưng các nhà kinh điển lại nhấn mạnh tác động cực kỳ quan trọng của nhân tó chủ quan, mà hoạt động giáo dục định hướng, có tổ chức, có chủ định của các cơ quan, Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội. Là yếu tố hành đầu CácMác đã viết: "Con người vốn là sản phẩm của hoàn cảnh và giáo dục và do đó con người thay đổi" . V.I Lênin cũng đã nhấn mạnh ý thức chính trị, ý thức pháp luật được hình thành trong quá trình giáo dục. Người cho rằng giáo dục là phương pháp hoạt động chính của các tổ chức đảng và của các cơ quan Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần nói rằng: "Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa".

Như vậy sự hình thành ý thức cá nhân của con người là sản phẩm của một quá trình phức tạp, trong đó có nhiều yếu tố cùng ảnh hưởng và tác động. Tuy thế bao giờ cũng phải phân biệt các điều kiện khách quan là những nhân tố ảnh hưởng, còn những nhân tố chủ quan là những nhân tố tác động. Nhân tố ảnh hưởng có thể là tự phát theo chiếu này hoặc chiều khác, còn nhân tố tác động bao giờ cũng là tự giác, có ý thức, có chủ định theo một hướng xác định.

Thứ hai, xây dựng khái niệm giáo dục pháp luật xuất phát từ nghĩa hẹp của giáo dục có ý nghĩa trong việc phân biệt phạm trù giáo dục pháp luật với phạm trù hình thành ý thức pháp luật. Hai phạnm trù này có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Hoạt động giáo dục pháp luật là sự tác động của nhân tố chủ quan mà trước hết là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định thành một hệ thống của nhiều chủ thể. Còn sự hình thành ý thức pháp luật là sản phẩm của các ảnh hưởng của điều kiện khách quan lẫn sự tác động định hướng của nhân tố chủ quan. Sự phân biệt hai phạm trù này có ý nghĩa quan trọn ở chỗ tạo ra khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật. Nếu thừa nhận giáo dục pháp luật có nội hàm khác với sự hình thành ý thức pháp luật thì việc xác định nội dung, phương hướng hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục pháp luật chắc chắn sẽ rõ ràng, chính xác hơn nhiều. Thực tiễn chỉ ra rằng kết quả của giáo dục chỉ đạt được khi xác định đúng đắn nội dung, hình thức, phương tiện và phương pháp giáo dục, đồng thời có nghệ thuật, khéo léo định hướng các yếu tố đó phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ và đối với từng loại khách thể giáo dục khác nhau. Ngược lại, nếu buông trôi, thả lỏng thì các ảnh hưởng tiêu cực khách quan sẽ có điều kiện lan rộng.

- Thứ ba: Xuất phát từ nghĩa hẹp của khái niệm giáo dục trong khoa học sư phạm để hình thành khái niệm giáo dục pháp luật cho phép chỉ ra mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng. Giáo dục pháp luật là cái riêng, cái đặc thù trong mối quan hệ với giáo dục nói chung là cái chung, cái phổ biến. Cái riêng vừa phải mang những đặc điểm chung lại phải vừa thể hiện những nét đặ thù. Vì vậy, giáo dục pháp luật vừa phải hút vào trong nói những nét chung của quá trình giáo dục, sử dụng các hình thức các phương pháp của giáo dục nói chung lại vừa phải chứng tỏ mình có những nét riêng, đặc thù.

Để chứng tổ giáo dục pháp luật là một hoạt động định hướng có những nét đặc thù, khác một cách tương đối với các dạng giáo dục khác, theo chúng tôi là ở ba điểm sau đây:

- Thứ nhất, giáo dục pháp luật có mục đích riêng của mình. Đó là hoạt động nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen xử xự phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Thứ hai, Giáo dục pháp luật có nội dung riêng của mình. Đó là sự tác động định hướng với nội dung cơ bản là chuyển tải tri thức của nhân loại nói chung và của một Nhà nước nói riêng về hai hiện tượng Nhà nước và pháp luật, trong đó pháp luật thực định hiện hành của Nhà nước là một bọ phận cực kỳ quan trọng.

- Thứ ba, Xét trên các yếu tố chủ thể, khách thể, đối tượng, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật, cũng có thể chỉ ra các nét đặc thù riêng có của giáo dục pháp luật. Ví dụ như giáo dục pháp luật so với các dạng giáo dục khác đó là quá trình tác động liên tục, thường xuyên, lâu dài hơn chứ không phải là sự tác động một lầ của chủ thể lên đối tượng giáo dục. Vì thế giáo dục pháp luật trở thành sợi chỉ đỏ xuyên qua gia đình, trường học, các tập thể lao động, các tổ chức Đảng, Nhà nước và đoàn thể xã hội. Nhân tố con người với hành vi và hành động hợp pháp đóng vai trò chủ đạo trong qua trình tác động qua lại giữa người giáo dục (Chủ thể) với người được giáo dục (đối tượng). Người được giáo dục tức là người chịu tác động có tổ chức, có định hướng các thông tin pháp luật. Vì thế hiểu biết trình độ, đặc biệt là đặc điểm nhân thân của người được giáo dục pháp luật là đòi hỏi hàng đầu đối với người giáo dục. Đồng thời người giáo dục cần phải nắm vững trí thức pháp luật, biết cách chuyển tải nó mà hơn thế nữa phải là tấm gương, là hình mẫu trong việc tuân theo pháp luật. Bởi vì trong giáo dục pháp luật thì nguyên tắc "anh hãy làm giống tôi" có ảnh hưởng to lớn lên người được giáo dục pháp luật.

Tóm lại, từ những sự phân tích nói trên rõ ràng phải hình thành khái niệm giáo dục pháp luật xuất phát từ nghĩa hẹp của khái niệm giáo dục. Vì thế bản chất của giáo dục pháp luật đó là hoạt động có định hướng, có tổ chức. có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành. Như vậy, giáo dục pháp luật chỉ là một yếu tố của quá trình hình thành ý thức pháp luật ở cá nhân con người và đóng vai trò chủ đạo trong quá trính đó. Hai khái niệm giáo dục pháp luật và hình thành ý thức pháp luật không đồng nhất về bản chất nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. Hình thành ý thức pháp luật có nội hàm rộng hơn giáo dục pháp luật, việc phân biệt này đối với nước ta càng có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, khi mà tri thức, tình cảm và thói quen xử xự theo pháp luật chưa có điều kiện về mặt khách quan đầy đủ và thuận tiện thì vai trò của nhân tố chủ quan hế sức quan trọng. Không thể chờ đợi, ỷ lại vào các điều kiện khách quan mà phải bằng nỗ lực chủ quan tức là bằng hoạt động có tổ chức, có định hướng, có ý thức tự giáo cao của chủ thể giáo dục nhằm hình thành tri thức, tình cảm và thói quen pháp luật ở đối tượng giáo dục. Với quan điểm về bản chất của giáo dục pháp luật như đã nói ở trên, ở nước ta, trong điều kiện hiện nay, việc trang bị tri thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm và thói quen pháp luật cho nhân dân lao động là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, của tất cả các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế... (chủ thể của giáo dục). Trong đó, trước hết thuộc về hệ thống các cơ quan có chức năng giáo dục đào tạo con người. Không tổ chức việc định hướng giáo dục pháp luật trong hoạt động của mình trái với bản chất của giáo dục và đặc biẹet là trong điều kiện hiện nay của nước ta không thể hình thành được ý thức pháp luật ở người lao động.

Phần II - mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật

với giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức

và các dạng giáo dục khác

Như trên đã viết giáo dục pháp luật có mục đích, nội dung, phương tiện, phương pháp, hình thức,... đặc thù. Điều đó chứng tỏ giáo dục pháp luật phải được xem như là một dạng giáo dục trong hệ thống giáo dục. Vì vậy giáo dục pháp luật phải được xem xét trong mối quan hệ hệ thống. Nghiên cứu mối quan hệ hệ thống với các dạng giáo dục gần gũi nó như giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kinh tế... giúp chúng ta tìm hiểu những nét riêng, chung, những điểm tiếp cận, những sự tác động qua lại bổ sung và những kênh ảnh hưởng lẫn nhau.

Như đã biết giáo dục pháp luật là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều dạng, nhiều nhánh, nhiều hình thức, phương pháp và phương tiện khác nhau tác động lên ý thức con người. Giáo dục pháp luật là một dạng trong hệ thống giáo dục chung đó, nó có mối quan hệ với tất cả các dạng khác nhau của hệ thống, cùng với điều đó và vì điều đó mà giáo dục pháp luật hướng đến điều chỉnh được hành vi của con người, điều chỉnh được mối quan hệ giữa nó với những người khác. Giáo dục pháp luật liên kết một cách hữu cơ và tương hỗ với các giáo dục khác, trước hết là các dạng giáo dục có cùng mục đích tác động lên hành vi của con người, lên sự hợp lý của hành trong mối quan hệ với xã hội. Đó chính là các dạng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kinh tế...

- Trước hết, giáo dục pháp luật tác động tương hỗ một cách sâu sắc với giáo dục chính trị, tư tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà V.I Lênin đã nhấn mạnh "luật là biện pháp chính trị, là chính trị", ý chí của nhân dân trong việc củng cố và bảo vệ lợi ích cơ bản của mình thường được thể chế thành các quy tắc pháp luật. Hiện nay với đường lối chính trị của Đảng ta - Chỗ dựa về đổi mới mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội đã đi vào tất cả các mặt hoạt động lập pháp, chỉ đạo nội dung của pháp luật. Có thể thấy rằng mỗi quy phạm pháp luật đều là phương tiện củng cố ghi nhận một giá trị xã hội, một quy tắc mà xã hội cần, xã hội ủng hộ, nhằm bảo vệ không những lợi ích của Nhà nước mà còn của mỗi công dân. Bởi vậy khi thực hiện giáo dục pháp luật tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị, hình thành ở đối tượng giáo dục những quan hệ giá trị xác định đoí với chính trị. Ngược lại, giáo dục chính trị có những sự đan xen nhất định trong nội dung của mình những tư tưởng pháp lý. Trong quá trình giáo dục chính trị không thể không sử dụng một vài hiện tượng pháp lý cụ thể, những quan điểm chính trị pháp lý nhất định. Chính vì thế giáo dục chính trị khích thích lợi ích trong việc điều chỉnh pháp luật, củng cố quan hệ tích cực con người đối với những đòi hỏi của pháp luật. Mối quan hệ đan xen, qua lại phức tạp và chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật và giáo dục chính trị đòi hỏi các chủ thể giáo dục phải kết hợp và bổ sung cho nhau trong quá trình giáo dục.

- Giữa pháp luật và đạo đức (Phù hợp với tiến bộ xã hội) có sự đan xen về nội dung. Các quan niệm về bằng, thiện ác, nhân đạo, tự do, lương tâm, danh dự... không có dự đối lập giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật là chỗ dựa, là cơ sở của việc hình thành đạo đức mới. Các nguyên tắc cơ bản của đạo đức mới được thể chế hoá thành các quy phạm pháp luật. Do đó, pháp luật bảo vệ và phát triển đạo đức, bảo vệ tính cong bằng, chủ nghĩa nhân đạo, tự do, lòng tin và lương tâm con người. Vì vậy giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn thường ngày những nguyên tắc của đạo đức, củng cố các nghĩa vụ đạo đức, thiết lập quan hệ không dung thứ với các biểu hiện chống đối xã hội, bảo vệ hạnh phúc gia đình, bồi dưỡng thế hệ trẻ, khích thích sự giúp đỡ đồng chí, tính lương thiện thật thà.

Có thể nói một số mặt nhất quán trong giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức tác động lên con người sau đây:

- Tác động vào lòng tin đối với sự cần thiết tuân theo những nguyên tắc cơ bản của đạo đức mới,

- Tác động vào lòng tin đối với giá trị xã hội của pháp luật,

- Tác động vào lòng tin những qua phạm đơn giản của đạo đức và pháp luật trong đời sống thực tế hàng ngày đều hướng đến hoàn thiện những mối quan hệ lẫn nhau giữa con người.

Giáo dục đạo đức là một quá trình phức tạp của một chuỗi những tác động bên ngoài lên cấu trúc tâm lý của cá nhâ nhằm hướng đến hình thành mục đích, sự định hướng giá trị, những nét đặc trưng về phẩm chất, ý trí của đạo đức mới. Do vậy, giáo dục pháp luật cùng với giáo dục đạo đức đảm bảo sự điều chỉnh bên ngoài đối với hành vi của con người. Bởi vì lòng tin sẽ chuyển thành mục đích, định hướng giá trị và hành động. Như vậy sự thống nhất của giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức được thể hiện cuối cùng ở hành vi hợp pháp. Nhận thức sâu sắc thống nhất có ý nghĩa thực tiễn to lớn, bởi vì sự tác động tổ hợp của hai dạng sẽ được tăng cường. Tính toán sự tác động tổ hợp này khi lập kế hoạch, khi tổ chức thực hiện chắc chắn sẽ có biện pháp phối hợp hữu hiệu nhằm đạt được mục đích cuối cùng là hình thành hành vi hợp pháp. Do đó trong hoạt động thực tiễn các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội là những chủ thể giáo dục cần phải tìm kiếm các biện pháp giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức với tư cách là các biện pháp bổ sung hữu cơ cho nhau nhằm đảm bảo tăng cường tác động lên tình cảm, hình thành hành vi hợp pháp, hợp đạo đức con người.

- Hiện nay ở nước ta đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục kinh tế trong mối quan hệ với sự nghiệp đổi mới cơ bản tư duy kinh tế và quản lý kinh tế. Tất nhiên giáo dục kinh tế mà nội dung hàng đầu của nó là những tri thức, những hình thức, phương pháp và cơ cấu kinh tế... Đặc biệt quan trọng là những tư duy và phương pháp kinh tế mới như hạch toán, tiền tệ, thị trường... Để trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các quan hệ kinh tế mới. Nhưng các quan hệ kinh tế ở mức độ này hay mức độ khác được thể hiện thành các hình thức pháp lý, thiếu các hình thức pháp lý thích hợp các quan hệ kinh tế khó lòng thực hiện. Điều đó có nghĩa rằng bên cạch giáo dục kinh tế cấn phải tiến hành giáo dục pháp luật gồm việc giải thích, phổ biến, học tập nghiên cứu những văn kiện quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn kiện quy phạm liên quan trực tiếp đến việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế.

Cũng tương tự như trên giáo dục pháp luật có mối quan hệ với các dạng giáo dục khác. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, nghiên cứu mối quan hệ tổ hợp, đan xen giữa các dạng giáo dục có ý nghĩa lý luận thực tiễn cấp bách. Bởi vì tính tổ hợp đan xen ấy đang đòi hỏi một phương pháp tổ hợp đối với công tác giáo dục, tức là thực tiễn đang đòi hỏi sự thống nhất chặt chẽ giữa các dạng giáo dục. Điều đó chỉ ra rằng khi tiến hành giáo dục pháp luật đòi hỏi các chủ thể giáo dục phải thường xuyên tính toán sự tác động qua lại của các yếu tố khác nhau thuộc hệ thống giáo dục. Việc giáo dục pháp luật chỉ có thể hoàn thành và có hiệu quả trong mối quan hệ thống nhất tổ hợp của cả hệ thống giáo dục. Tất cả các dạng giáo dục cần phải được tiến hành đồng thời và cùng tác động qua lại lẫn nhau. Thực tiễn giáo dục chứng minh luận điểm này là hoàn toàn đúng dắn.

Cùng với luận điểm nói trên, đồng thời phải khẳng định rằng giáo dục pháp luật có tính độc lập tương đối, nó phải được thừa nhận là một dạng giáo dục độc lập trong hệ thống giáo dục. Hoàn toàn có cơ sở khoa học để thừa nhận giáo dục pháp luật như là một phương hướng độc lập, cơ sở khoa học đó là giáo dục pháp luật có cấu trúc bên trong riêng biệt của mình. Cấu trúc bên trong của giáo dục pháp luật có thể được chia ra các bộ phận sau đây với nội hàm riêng biệt, đặc thù sẽ trình bày ở các phần sau:

- Thứ nhất, có mục đích riêng của mình.

- Thứ hai, Các chủ thể giáo dục đa dạng, phong phú có đặc điểm và đòi hỏi riêng.

-Thứ ba, Các hình thức và phương tiện sử dụng để đạt được mục đích cũng các những nét riêng biệt.

- Thứ tư, Nội dung và phương pháp giáo dục cũng mang những nét đặc thù riêng.

Hiện nay ở nước ta, mặc dù trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đã thừa nhận giáo dục pháp luật là một phương hướng giáo dục độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế luận điểm này chưa được ăn sâu bám rễ chắc chắn trong đời sống Nhà nước và xã hội. Vì vậy cấu trúc bên trong của giáo dục pháp luật chưa hình thành một cách rõ nét, một mặt, chưa thấy rõ mục đích của giáo dục pháp luật, mặt khác chưa nghiên cứu tìm kiếm nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện thích hợp. ý thức tâm lý của chủ thể giáo dục pháp luật thì bàng quang, chờ đợi, thậm chí chưa xác định tư cách chủ thể của mình.

Việc thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết, cần phải khẳng định rằng không thể hoà lẫn giáo dục pháp luật vào trong các dạng giáo dục khác (như giáo dục chính trị, đạo đức) với hy vọng thông qua các dạng giáo dục này để đạt mục đích của mình. Tính biện chứng đòi hỏi phải phân biệt và nhận ra cái riêng trong cái chung, cái tổng thể, nhận ra cái duy nhất trong cái đặc thù. Điều đó, chỉ ra rằng cùng với tính hệ thống và tổ hợp của quá trình giáo dục cần phải phân biệt một cách rõ ràng các dạng khác nhau của giáo dục. Có như vậy mới tính toán được các đặc điểm, hình thành các mục đích, tìm kiếm được các hình thức, phương pháp, nội dung phù hợp, chỉ ra được hiệu quả đạt được của quá trình giáo dục. Thực tiễn đã chỉ ra rằng việc thực hiện và tuân thủ pháp luật là công việc không đơn giản, thiếu hẳn một phương hướng giáo dục có tính độc lập là giáo dục pháp luật, không giải quyết được công việc đó. Cả giáo dục chính trị và giáo dục đạo đức dù sử dụng tất cả các khả năng to lớn và sức mạnh, tác động kỳ diệu của chúng cũng không thể thay thế được giáo dục pháp luật - một dạng giáo dục có mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp và phương tiện thực hiện riêng của mình. Nhưng lợi ích và nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đang đòi hỏi một cách khẩn thiết phảp phân biệt giáo dục pháp luật như là một cấu trúc riêng của sự tác động lên ý thức và hành vi của con người.

Thừa nhận tính độc lập tương đối của giáo dục pháp luật còn có ý nghĩa thực tiễn ở chỗ:

- Thứ nhất: Đối với các cơ quan, tổ chức chuyên trách làm công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là chuyên trách giáo dục pháp luật, chẳng những cho phép mà còn đòi hỏi và bắt buộc phải sử dụng và tìm kiếm các hình thức, phương pháp, nội dung... đặc thù cho quá trình giáo dục.

- Thứ hai: Đối với các cơ quan và tổ chức có chức năng kinh tế - xã hội bắt buộc phải định hướng giáo dục pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng của mình.

- Thứ ba: đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp buộc phải đem vào nội dung hoạt động của mình định hướng giáo dục pháp luật. Thực tiễn chỉ ra rằng các hoạt động lập pháp, lập quy, áp dụng và bảo vệ pháp luật nếu định hướng hoạt động của mình vào việc giáo dục pháp luật thì đây là những kênh cung cấp tri thức, bồi dưỡng tình cảm và hướng dẫn hành vi hợp pháp rất tốt.

Phần III - Mục đích của giáo dục pháp luật

Một trong những yếu tố tạo nên cấu trúc bên trong đặc thù của giáo dục pháp luật là mục đích của nó. Việc khám phá các mục đích xã hội cần phải đạt được trong quá trình giáo dục pháp luật chiếm vị trí quan trọng trong lý luận giáo dục pháp luật. Bởi vì các phạm trù nội dung, hình thức, phương pháp của giáo dục pháp luật trong nhiều trường hợp phụ thuộc vào việc xác định những mục đích xã hội nào được đặt trước quá trình giáo dục. Ví dụ như, truyền bá tri thức pháp luật được coi là mục đích của giáo dục pháp luật thì khi đó giáo dục pháp luật có thể xem là đồng nhất hình thức học và dạy pháp luật. Nếu mục đích của giáo dục pháp luật chỉ là nhằm hình thành lòng tin vào pháp luật ở người lao động thì khi đó giáo dục pháp luật chỉ hạn chế trọng việc lựa chọn các phương pháp, phương tiện tác động hướng đến về cơ bản vào yếu tố ý thức tình cảm của cá nhân con người mà không đụng đến các mặt khác của đối tượng tác động. Nếu cho rằng phòng ngừa vi phạm pháp luật là mục đích của giáo dục pháp luật thì chắc chắn chủ thể và khách thể của giáo dục pháp luật sẽ được rút ngắn phạm vi, số lượng, các phương tiện và phương pháp giáo dục pháp luật cũng không cần phải sử dụng nhiều. Rõ ràng xác định đúng đắn, chính xác hay phiến diện, sai lầm mục đích của giáo dục pháp luật có ảnh hưởng đến chất lượng tốt hay xấu của giáo dục pháp luật. Bởi vì việc xác định mục đích của giáo dục pháp luật quy định việc xác định hình thức, phương tiện, phương pháp và nội dung của giáo dục

Ngoài ý nghĩa quan trọng nói trên, mục đích của giáo dục pháp luật còn là phạm trù giúp cho việc xác định hiệu quả của quá trình giáo dục. Không dựa vào mục đích của giáo dục pháp luật, chẳng những không thể đánh giá mà còn không thể tiến hành tìm kiếm các chỉ số xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Khi tiến hành tìm kiếm và xác định mục đích của giáo dục pháp luật đã xuất hiện những kiến giải khác nhau. Một số người cho rằng giáo dục pháp luật có mục đích rất rộng rãi bao gồm từ việc hình thành thái độ đúng đắn đói với lao động và sở hữu xã hội, bồi dưỡng tình cảm làm chủ, tình đồng chí, chủ nghĩa yêu nước, cho nên hình thành thói quen tuân theo những quy phạm pháp luật, củng cố pháp chế thiết lập trật tự pháp luật. Một số khác lại xác định rằng pháp luật biểu hiện của các quan điểm chính trị, thể hiện các nguyên tắc đạo đức về công bằng, nhận đạo... Vì thế mục đích của giáo dục pháp luật là tạo ra khả năng lớn lên của văn hoá chính trị ở công dân, thiết lập trong ý thức công dân các quan điểm đạo đức chính thống. Một kiến giải khác lại cho rằng giáo dục pháp luật có mục đích nhận thức, tình cảm và hành vi hợp pháp ở người lao động. Mục đích nhận thức bao gồm tri thức về các quy phạm pháp luật, những quan điểm về chúng và cách đánh giá về mặt pháp lý các sự kiện xã hội. Mục đích cảm xúc (tình cảm) bao gồm tình cảm công bằng, tình cảm trách nhiệm và tình cảm pháp chế. Mục đích hành vi bao gồm hành vi tham gia của công dân vào các quá trình hoạt động pháp luật của Nhà nước, lựa chọn các phương án của hành vi và hình thành thói quen tuân theo pháp luật. Cuối cùng một số tác giả cho rằng giáo dục pháp luật chỉ có một mục đích chung là nâng cao trình độ ý thức pháp luật ở người lao động, phát triển toàn diện văn hoá pháp lý ở họ hoặc chỉ là sự hình thành lòng tin sâu sắc vào sự cần thiết tuân theo pháp luật hoặc đảm bảo hành vi hợp pháp tự giác hoặc củng cố pháp chế và trật tự pháp luật.

Nhiều nhà khoa học cho rằng tất cả các ý kiến nói trên về mục đích giáo dục pháp luật chưa phải là tốt ưu nhìn từ phương diện lý luận và thực tiễn của vấn đề. Bởi vậy, ý kiến chung nhấn mạnh cần phải xác định mục đích giáo dục pháp luật như thế nào phản ánh được mong đợi cụ thể của xã hội, phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan của xã hội để khả năng đạt được nó là hiện thực, phản ánh được mối quan hệ trực tiếp với thực tiễn hoạt động giáo dục pháp luật giúp cho việc xác định và nâng cao hiệu quả của hoạt động đó. Dựa vào các đòi hỏi này theo chúng tôi, các mục đích sau đây là phù hợp hơn cả đáp ứng mong đợi của xã hội ta, phù hợp với thực tiễn để có khả năng trơ thành hiện thực và giúp ích cho việc đánh giá, nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật ở nước ta trong từng thời kỳ. Một là, trang bị, cung cấp, bồi dưỡng và nâng cao tri thức pháp luật, xuất phát từ đòi hỏi của các đối tượng giáo dục pháp luật khác nhau phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Hai là, hình thành lòng tin vào pháp luật. Ba là, xây dựng thói quen vững chắc xử xự theo những đòi hỏi của pháp luật.

Trong lý luận cũng như trong thực tiễn giáo dục pháp luật còn nảy sinh quan niệm cho rằng các mục đích của giáo dục pháp luật có một trật tự thứ bậc, thường chia ba bậc khác nhau sau đây:

- Bậc 1, là hình thành hệ thống tri thức pháp luật được gọi là mục đích gần.

- Bậc 2, là hình thành lòng tin vào pháp luật gọi là mục đích giữa hay là mục đích trung gian.

- Bậc 3, là hình thành động cơ, thói quen của hành vi tích cực pháp luật và hợp pháp gọi là mục đích cuối cùng.

Việc phân chia thứ bậc của các mục đích giáo dục pháp luật như nói trên có ưu điểm là phản ánh được con đường vận động của quá trình giáo dục, cho phép tính toán chính xác hơn đặc điểm đặc thù của giáo dục pháp luật trong hệ thống các dạng giáo dục thống nhất. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc phân chia thành các mục đích gần, mục đích trung gia, mục đích cuối cùng không phản ánh được cấu trúc bên trong thống nhất của quá trình giáo dục pháp luật. Điều đó gây ra ấn tượng về mặt nhận thức rằng giáo dục pháp luật không tồn tại trong một thể thống nhất, đó là quá trình tác động dời rạc theo từng công đoạn, trước hết là trang bị tri thức, sau đó là bồi dưỡng tình cảm và cuối cùng mới là giáo dục thói quen xử xự hợp pháp. Lý luận và thực tiễn giáo dục pháp luật chỉ ra rằng khi xác định mục đích cần phải chú ý đến những nhu cầu và lợi ích xã hội. Trong việc xác định mục đích của bất kỳ một công việc nào bao giờ cũng đòi hỏi phải ý thức về những điều kiện khách quan và những khả năng chủ quan của hoạt động, lường trước một kết quả thực tế sẽ xảy ra. Do vậy, giữa các mục đích có mối quan hệ lẫn nhau không tách dời, chúng phối hợp, bổ sung cho nhau, mối quan hệ không tách dời giữa các mục đích là đòi hỏi khách quan bắt nguồn từ chính bản chất của hoạt động của con người. Tóm lại, một mặt thừa nhận tính nhiều tầng cấp của các mục đích giáo dục pháp luật đòi hỏi phải sử dụng các hình thức, phương tiện và phương pháp khác nhau để đạt được mục đích cuối cùng. Nhưng mặt khác sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng đầu tiên hãy tập trung sức lực để đạt được mục đích đầu, sau đó đạt mục đích giữa và cuối cùng đạt mục đích thứ ba. Tất cả các mục đích tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành một hệ thống thống nhất. Do vậy trong khi tiến hành giáo dục pháp luật phải hướng hoạt động nhằm vào cả 3 mục đích, tất nhiên, phải tính toán tính nhiều tầng cấp của nó. Như vậy dùng thuật ngữ "Thứ bậc" của các mục đích không phản ánh được hai mặt này của quá trình giáo dục pháp luật. Do đó, theo chúng tôi cần thay thế bằng thuật ngữ "trình độ của các mục đích giáo dục. Nếu cần phân là hai trình độ: Trình độ thứ nhất và trình độ thứ hai, Trình độ đầu của giáo dục pháp luật quan hệ đến sư tác động lên ý thức pháp luật. Đó là việc hình thành các quan niệm, quan điểm... về pháp luật, tức là các yếu tố về hoạt động tư tưởng nhận thức của con người. Trình độ thứ hai quan hệ tới việc tác động lên cấu trúc tâm lý bên trong và bên ngoài của con người như mục đích, động cơ, tình cảm, thói quen... Chính vì vậy mục đích ở trình độ đầu có thể chia ra 3 nhóm mức độ:

- Nâng cao sự am hiểu pháp luật,

- Hình thành lòng tin vào sự cần thiết xã hội và lợi ích của các quy phạm pháp luật.

- Đạt được sự đồng cảm đối với pháp luật.

ở trình độ thứ hai có thể chia ra các mức độ:

- Hình thành tình cảm tôn trọng luật.

- Hình thành thái độ không khoan nhượng đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

- Hình thành hành vi pháp chế, tập quán và thói quen xử xự theo pháp luật.

- Hình thành hành vi tích cực pháp luật.

Dựa vào các luận điểm nói trên, chúng tôi tập trung phân tích ý nghĩa xã hội và nội dung của một số mục đích giáo dục pháp luật trong điều kiện của nước ta hiện nay.

1. Mục đích hình thành, làm sâu sắc và từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho công dân gọi chung là mục đích nhận thức.

Trong điều kiện nước ta, khi mà nhìn chung xã hội đang ở trạng thái kém hiểu biết về pháp luật, nếu không muốn nói là mù pháp luật thì mục đích nói trên giữ vị trí hàng đầu. Bởi vì sự am hiểu pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển ý thức pháp luật, tư duy pháp lý và hình thành tính tích cực pháp luật ở con người. Chính vì thế V.I LêNin đã xem nó là điều kiện cần thiết để tiếp xúc với chính trị và văn hoá, là cơ sở của tích cực pháp luật ở người lao động. gười viết rằng: Sự am hiểu trong đó có sự am hiểu pháp luật là điều kiện cần thiết mà thiếu nó không nên nói về chính trị. Người mù chữ thì đứng ngoài chính trị, trước hết cần phải hiểu điều sơ đẳng đó. Vì vậy, trước khi nói về việc mở rộng và nâng cao tri thức pháp lý thì hãy nói đến việc thông qua giáo dục pháp luật mà trang bị cho con người những kiến thức cơ bản về pháp luật như giá trị xã hội của pháp luật, vai trò điều chỉnh của nó.

Trong mối quan hệ với các mục đích khác của giáo dục pháp luật thực tiễn chỉ ra một cách xác đáng rằng trong đại đa số trường hợp mức độ gần đạt tới mục đích cảm xúc phụ thuộc vào trình độ tri thức pháp luật về quy phạm, về nguyên tắc pháp lý, về sự am hiểu trong việc đánh giá các sự kiện pháp lý... Mối quan hệ này cho chúng ta một nhận xét rằng các mục đích của cảm xúc không phải lúc nào cũng nhận biết được nhưng thông qua sự xâm nhập của tri thức và sự hiểu đạt sự am hiểu ấy mà đánh giá và nhìn nhận cảm xúc. Do đó, có thể kết luận: tri thức pháp luật càng đầy đủ thì tình cảm pháp lý càng mạnh mẽ. Bởi vì, tình cảm pháp luật được nuôi dưỡng trên cơ sở các khái niệm, các quan niệm, tư tưởng về pháp luật, thiếu những điều kiện đó không thể tồn tại cảm xúc pháp luật. Nhấn mạnh ý nhĩa đặc biệt của tri thức trong việc hình thành lòng tin Ph.Anghen đã viết: "Tôi cần phải có một tri thức đầy đủ để tạo cho mình môt lòng tin xác định, bất luận thế nào cũng cần phải nắm vững nó". Như vậy cường độ của cảm xúc được quy định mức độ đạt được của mục đích nhận thức của quá trình giáo dục. Tri thức pháp luật tạo nên cơ sở của sự định hướng lòng tin ổn định vào các giá trị của pháp luật. Hơn nữa, tri thức pháp luật giúp cho con người tổ chức một cáchcó ý thức hành vi của mình và tự kiểm tra hành vi từ các quan điểm, chuẩn mực pháp lý.

Cần lưu ý rằng am hiểu tri thức pháp luật đó không phải là một sự am hiểu đơn giản một vài quy phạm pháp luật nào đó mà là sự am hiểu có hệ thống với những nhận thức thấu đáo về nội dung, ý nghĩa của pháp luật, biết cách đánh giá một cách tin tưởng các sự kiện pháp lý với hành vi này hay hành vi kia là hợp pháp hay không hợp phá, hợp lý hay không hợp lý. Vì thế mở rộng khối lượng tri thức và từng bước nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật là những yếu tố hết sức qan trọng trong cấu trúc của mục đích nhận thức.

Tóm lại trong cấu trúc của mục đích nhận thức chứa đựng các cấu tử theo trình độ sau:

- Hình thành tri thức pháp luật.

- Mở rộng và làm sâu sắc tri thức pháp luật.

- Am hiểu thấu đáo pháp luật.

- Biết cách đánh giá một cách tin tưởng các hành vi pháp lý.

2. Mục đích hình thành lòng tin pháp luật hay còn gọi là mục đích cảm xúc

Sự hành thành lòng tin vào pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì có tri thức pháp luật mà thiếu tình cảm tôn trọng đối với pháp luật thì không dự đoán và đảm bảo hành vi hợp pháp, không giữ vững được các nhiệm vụ đặt ra. Quá trình thực hiện các quy phạm pháp luật đó là sự tác động qua lại của các đòi hỏi thể hiện trong pháp luật với ý thức của cá nhân con người. Trong cơ cấu tâm lý của ý thức cá nhân có một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là lòng tin. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng con người nếu thuế lòng tin thì hành vi của nó thường lệnh khỏi các chuẩn mực xã hội. Thực tiễn thực hiện pháp luật chỉ ra sự đúng đắn của luận điểm này. Nếu một người nào đó thiếu lòng tin đối với pháp luật thông thường người đó có hành vi lệch khỏi chuẩn mực pháp luật, lòng tin vững chắc vào pháp luật là cơ sở hình thành động cơ của hành vi hợp pháp.

Sự hình thành lòng tin vững chắc của công dân vào sự cần thiết tuân theo những quy phạm pháp luật không chỉ là mục đích của giáo dục pháp luật mà còn là khả năng quan trọng. Trong mối quan hệ với vấn đề này một nhà luật học người đã viết: "con người tin vào tính công bằng của những đòi hỏi của quy phạm pháp luật thì không cần một sự tác động bổ sung nào của Nhà nước để thực hiện những đòi hỏi ấy, có được lòng tin vào tính công bằng của pháp luật con người sẽ có các hành vi hợp pháp phù hợp với các đòi hỏi của quy phạm pháp luật một cách độc lập và tự nguyên. Lòng tin vào tính công bằng của pháp luật sẽ hướng dẫn hành vi hợp pháp cho con người".

Đặc điểm quan trọng của mục đích cảm xúc, đó chính là sự kích thích tính cảm thụ (lĩnh hội) các thông tin pháp lý, các tri thức pháp luật.

Mục đích cảm xúc của giáo dục pháp luật bao gồm việc giáo dục tình cảm công bằng, tình cảm trách nhiệm, tình cảm không khoan nhượng và tình cảm pháp chế. Tất cả các tình cảm này quan hệ lẫn nhau và phụ thuộc và nhau.

- Giáo dục tình cảm công bằng đó là giáo dục cho con người biết đánh giá các quy phạm pháp luật, biết soạn thảo các tiêu chuẩn đánh giá về tính công bằng của pháp luật, biết quan hệ với người khác và với chính mình bằng các quy phạm pháp luật.

- Giáo dục tình cảm trách nhiệm đó là quá trình là cho người được giáo dục ý thức được những nghĩa vụ pháp lý cơ bản của mình, thực hiện những mệnh lệnh pháp luật, hoàn thành không điều kiện những nghĩa vụ pháp lý trong các mối quan hệ pháp luật với chủ thể bên kia.

- Giáo dục tình cảm không khoan nhượng đối với những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm là giáo dục ý thức không thể khoan dung đối với những biểu hiện chống đối pháp luật. Kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng tình cảm không khoan nhượng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi tích cực trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

- Giáo dục tình cảm pháp chế là quá trình giáo dục nhằm hình thành ý thức tuân thủ pháp luật - Nguyên tắc xử xự của công dân trong mối quan hệ với nhau và với các cơ quan Nhà nước. Điều đó có nghĩa là người được giáo dục phải hình thành ý thức rằng mọi quyết định của mình phải dựa vào cơ sở của luật. Đây là tình cảm pháp luật rất quan trọng, bởi vì nếu tình cảm pháp chế phát triển sẽ giúp cho con người chống lại được những hành vi pháp luật bằng sự lên án các vi phạm ấy nhằm khôi phục lại nguyên tắc pháp chế và truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm.

Trong thực tế, không ít người có tri thức pháp luật nhưng họ không có tình cảm đúng đắn đối với pháp luật nên không xử xự theo đúng các quy định của pháp luật. ở nước ta có thể nhìn thấy những tình trạng sau:

- Một bộ phận không nhỏ công dân nước ta - do bị ảnh hưởng nặng nề của hệ thống pháp luật phong kiến và thực dân với những hình phạt tàn khốc, độc ác và dã man, lại thiếu tri thức pháp luật của xã hội mới và do những thiếu sót hạn chế trong lĩnh vực pháp luật của chúng ta - tình cảm pháp luật ở họ là tính cảm sợ hãi chứ không được xây dựng trên cơ sở niềm tin vào pháp luật. Việc tuân thủ pháp luật không thể chỉ dựa trên tình cảm sợ hãi pháp luật. Sự sợ hãi không bao giờ dẫn con người đến những hành vi xử xự tích cực đối với pháp luật. Nó đối lập với dân chủ và hành vi tích cực của con người.

- Ngược lại, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, tri thức pháp luật không đến nỗi kém nhưng vì họ không có tình cảm đúng đắn đối với pháp luật nên có hành vi vi phạm pháp luật một cách cố ý và thậm chí là tội phạm. Tình cảm pháp luật ở họ là tình cảm khinh thường pháp luật, đặt mình cao hơn pháp luật hiên hành để mưu cầu những lợi ích cá nhân.

3. Sự hình thành động cơ và hành vi tích cực pháp luật

Trước hết cần phải khẳng định rằng trong hệ thống các mục đích giáo dục pháp luật, mục đích động cơ và hành vi tích cực pháp luật có ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì suy cho cùng kết quả cuối cùng của giáo dục pháp luật phải được thể hiện ở hành vi xử xự theo pháp luật của con người. Những mục đích về nhận thức và tình cảm ở trên là để phục vụ cho mục đích hình thành động cơ và hành vi.

Mặc dù có nhiều yếu tố tác động để hình thành hành vi ở con người, nhưng chắc chắn rằng trong số các yếu tố tác động để hình thành hành vi, động cơ hợp pháp, đó là hoạt động giáo dục pháp luật. Vì vậy cung cấp tri thức, giáo dục lòng tin sâu sắc vào sự cần thiết phải tuân theo một cách tự nguyện những mệnh lệnh của pháp luật là những yếu tố rất quan trọng mhằm hình thành động cơ và hành vi hợp pháp. Những tình cảm công bằng, bình đẳng, ý thức trách nhiệm và không khoan dung đối với các vi phạm pháp luật là những yếu tố tâm lý tư tưởng không tách dời với việc hình thành hành vi hợp pháp tự giác và tích cực. Như vậy, nhờ vào những thôi thúc nội tâm, những tình cảm và lòng tin vững chắc vào pháp luật ở con người mới hình thành được động cơ và hành vi hợp pháp, tự nguyện và tích cực. Rõ ràng con đường đúng đắn để đạt được mục đích hình thành động cơ và hành vi hợp pháp tích cực pháp luật chỉ có thể nhờ vào quá trình giáo dục pháp luật một cách kiên trì bằng nhiều hình thức và phương tiện để mọi người hiểu biết một cách sâu sắc về sự vần thiết, hợp lý và lợi ích của các mệnh lệnh pháp luật đối với xã hội nó chung cũng như đối với tất cả các thành viên của nó. Makazenke nhà giáo dục học của xã hội Xô viết trước đây rất có lý khi viết rằng: "Việc giáo dục các hành vi xử xự đúng đắn hoàn toàn không phải để người khác khen ngợi mà là để hình thành thói quen xử xự. Giáo dục thói quen như vậy công việc khó khăn hơn ý thức giáo dục". Sự tuân theo những quy phạm pháp luật trở thành thói quen là biểu hiện của lòng tin nội tâm và sự chuẩn bị bước vào xử xự phù hợp với sự đòi hỏi của quy phạm pháp luật trên cơ sở của tính tự giác cao độ. Thói quen trong đại bộ phận trong các trường hợp là kết quả của ý thức sâu sắc và sự lặp đi lặp lại nhiều lần của một hành động này hay hành động khác. Đó là hành động mà sự thực hiện trở thành đòi hỏi của con người bắt nguồn từ ý thức tự giác. Hành vi xử xự hợp pháp trỏ thành thói quen đó là quá trình tác động dựa trên cùng một loại quan hệ pháp luật được lặp đi lặp lại trong những hoàn cảnh pháp lý tương tự nhau.

Việc hình thành ở quần chúng lao động thói quen xử xự theo những đòi hỏi của pháp luật là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn, đó là quá trình giáo dục lòng tin vào giá trị và sự cần thiết của pháp luật trở thành ý thức tự giác pháp luật cao làm cơ sở cho sự chuyển hoá thành thói quen. Thói quen đến lượt mình lại có tác động trở lại củng cố lòng tin và cưa thế sự tác động qua lại giữa chungs dẫn đến những hành vi thói quen hành ngày.

Việc hình thành những thói quen của hành vi hợp pháp do giáo dục pháp luật mà có thường tồn tại dưới các dạng cụ thể sau:

- Thói quen tuân theo những quy phạm pháp luật. Đó là thói quen kiềm chế không thực hiện những hành vi cấm đoán.

- Thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý. Đó là thói quen của hành vi tích cực pháp luật trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình.

- Thói quen sử dụng các quy phạm pháp luật. Đây là thói quen sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và người khác và của xã hội nói chung.

- Thói quen áp dụng pháp luật. Đây là thói quen biết vận dụng pháp luật một cách thành thạo các tri thức pháp luật trong thực tiễn cuộc sống.

Tất cả các dạng thói quen trên tạo thành mục đích của giáo dục pháp luật.

Tóm lại, từ tất cả những điều nói trên có thể đi đến kết luận rằng giáo dục pháp luật đó là quá trình tác động định hướng của các nhân tố chủ quan nhằm hình thành tri thức pháp luật (mục đích nhận thức) lòng tin pháp luật (mục đích cảm xúc) và động cơ, hành vi hợp pháp (mục đích hành vi). Giữa các mục đích có sự đan xen quan hệ qua lại thống nhất chặt chẽ. Từ tri thức pháp luật đến tính tự giác, từ tính tự giác đến tính tích cực, từ tính tính tích cực tới thói quen xử xự theo pháp luật.

Thực tiễn giáo dục pháp luật ở nước ta chỉ ra rằng do nhận thức không đầy đủ hệ thống các mục đích giáo dục nói trên nên đã hạn chế hiệu quả của công tác giáo dục. Việc tiến hành giáo dục pháp luật không dựa trên sự tác động qua lại của hệ thống các mục đích nên thiếu khoa học, đồng bộ và phối hợp, các hình thức, phương tiện và phương pháp giáo dục dường như chỉ tập trung trang bị cho các quy định pháp lý thực hiện thực định hiện hành của Nhà nước. Vì thế mấy năm gần đây, mặc dù trên các thông tin đại chúng đã mở nhiều chuyên mục tuyên truyền giải thích pháp luật, nhưng chất lượng chưa đáp ứng việc hình thành hệ thống các mục đích nói trên người lao động. Nội dung của nó còn thiếu tính nhất quán, liên tục và hệ thống trong việc chuyển tải tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật. Trên các trang báo đặc biệt là các báo pháp luật (ở trung ương cũng như địa phương) có nơi có lúc còn chạy theo bề mặt giản đơn một chiều, thường dựa vào các vụ án có tình tiết ly kỳ, giật gân khích thích tính tò mò của người đọc nhiều hơn là trang bị tri thức và bồi dưỡng tình cảm đúng dắn đối với pháp luật. Tuyên truyền giải thích pháp luật bằng các phương tiện thông tin đại chúng để đạt được việc hình thành ở người lao động hệ thống các mục đích nói trên, kinh nghiệm chỉ ra rằng phải tiến hành một cách kiên trì, chọn lọc các sự kiện pháp lý một cách chín chắn chọn lọc, cụ thể, đơn giản, với các kết luận chính xác, thể hiện thái độ dứt khoát của Nhà nước và xã hội. Chính vì thế giáo dục pháp luật phải tiến hành trên cơ sở xác định đúng đắn các mục đích của giáo dục pháp luật.

Phần IV - vai trò của giáo dục pháp luật ở nước ta hiện nay

Trước hết, vai trò của giáo dục pháp luật bắt nguồn từ vai trò và giá trị xã hội của pháp luật. Nếu như pháp luật là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội, là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì giáo dục pháp luật giúp cho Nhà nước (các cơ quan và nhân viên của nó) và công dân biết sử dụng phương tiện đó. Đối với nước ta khi mà đại đa số dân cư chưa biết sử dụng phương tiện pháp luật thì giáo dục pháp luật càng đóng vai trò quan trọng.

Trong hệ thống giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, lao động... giáo dục pháp luật có ý nghĩa trực tiếp trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Bời vì, những tri thức pháp lý, tình cảm pháp lý đúng đắn và hành vi hợp pháp chiếm vị trí hàng đầu trong việc sử dụng quyền lực Nhà nước tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, mở rộng quyền và tự do của mỗi người. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng đổi mới các quan hệ xã hội trong môi trường quản lý Nhà nước, khắc phục bảo thủ của tư duy, những tư tưởng ích kỷ và cụ bộ khích thích các hành vi tự giác và xây dựng. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, làm xuất hiện và củng cố những phẩm chất tích cực của ý thúc và hành vi quản lý, mặt khác, tạo ra khả năng không tiếp nhận những hiện tượng tiêu cực, chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý. Chính vì thế, đổi mới hệ thống chính trị nói chung, cải cách bộ máy Nhà nước nói riêng đang tiến hành ở nước ta, trên thực tế không thể tiến hành và tồn tại bên ngoài quá trình giáo dục pháp luật, không thể không tính đến kết quả và mức độ giáo dục pháp luật.

Mấy năm qua do thành tựu bước đầu của sự nghiệp đổi mới và do chính sự nghiệp đổi mới đòi hỏi, trong xã hội ta đã bước đầu xuất hiện nhu cầu và lợi ích chung "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Nhu cầu và lợi ích ấy chẳng những bắt nguồn từ những đòi hỏi của việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước, tăng cường pháp chế mà còn bắt nguồn từ đòi hỏi phải nâng cao trình độ văn hoá pháp lý cho mỗi người công dân. Văn hoá pháp lý chỉ có thể hình thức và phát triển trên cơ sở giáo dục pháp luật. Văn hoá pháp lý quy định trình độ, ý thức pháp luật của một xã hội, chất lượng của hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt là tính ổn định của trật tự pháp luật trong nước. Văn hoá pháp lý của một nước phụ thuộc vào văn hoá pháp lý của mỗi cá nhân công dân. Khi nói một người nào đó có văn hoá pháp lý là nói lên sự thống nhất giữa tri thức và tình cảm hành vi của người đó đối với pháp luật. Trong điều kiện dân chủ hoá đất nước, xem đó là mục đích và động cơ phát triển xã hội, thì văn hoá pháp lý là một yếu tố không thể tách dời với quá trình ấy. Nếu thừa nhận dân chủ chân chính không thể tồn tại bên trên hay bên ngoài pháp luật thì văn hoá pháp lý là khả năng và phương tiên sử dụng dân chủ. Do vậy, thành quả của dân chủ hoá, và do đó thành quả chung của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc một phần rất quan trọng vào trình độ văn hoá pháp lý của mỗi thành viên trong xã hội. Bởi văn hoá pháp lý là một yếu tố của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Văn hoá pháp lý đóng vai trò hình thành bầu không khí pháp luật của xã hội mà trong đó dân chủ được thực hiện và phát triển. Trật tự pháp luật của xã hội đòi hỏi tạo lập bầu không khí thuận lợi đó. Bởi vì bầu không khí pháp luật được tạo lập trước hết phụ thuộc vào tính tích cực pháp luật và sự phối hợp tính tích cực đó và mọi thành viên trong xã hội. Ví như cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay không thể thành công nếu không tạo lập được bầu không khí pháp luật của toàn xã hội.

Với tư cách là một nhân tố tích cực trong quá trình triển khai và thực hiện dân chủ, cũng như các hình thức văn hoá khác, văn hoá pháp lý tác động nên các quan hệ xã hội bằng ba chức năng cơ bản: Thông tin, tâm lý và tổ chức.

Sự tác động thông tin của văn hoá pháp lý lên các quan hệ ch chủ yếu bằng sự truyền bá các thông tin thông qua các hiện tượng pháp lý khác nhau. Giá trị xã hội của các thông tin này là ở chỗ phản ánh vai trò tổ chức các quan hệ xã hội bằng phương tiện pháp luật, phản ánh thái độ của Nhà nước và xã hội đối với các sự kiện pháp lý cụ thể. Những thông tin này tạo ra khả năng hình thành ở công dân những tri thức pháp luật cần thiết trong việc thực hiện dân chủ, trong mối quan hệ lẫn nhau và quan hệ với Nhà nước theo những quy tắc pháp lý cụ thể.

Sự tác động tâm lý tích cực của văn hoá pháp lý lên ý thức của cá nhân công dân chỉ xảy ra khi những nguyên tắc pháp lý được thể hiện trong các hiện tượng pháp lý cụ thể phù hợp với những mong muốn, đòi hỏi, lợi ích và ý chí của nhân dân vì thế, củng cố và thực hiện đúng đắn các nguyên tác pháp lý cơ bản như: Nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân: Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật: bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân: Công bằng xã hội; tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và của tất cả đảng viên, nhân viên cơ quan Nhà nước và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật... là những tác động tâm lý tích cực của văn hoá pháp lý lên ý thức pháp luật của người lao động. Ngược lại, những biểu hiện vi phạm các nguyên tắc trên, đặc biệt là những vi phạm pháp luật của các cơ quan và nhân viên của nó là những tác động tâm lý tiêu cực đối với việc hình thành ý thức pháp luật của công dân. Hiện nay, những vi phạm thô bạo, trầm trọng và kéo dài những nguyên tắc nói trên trong các vụ việc cụ thể của đời sống xã hội ở nước ta là những cản trở tai hại đối với việc hình thành tâm lý pháp lý tích cực ở người lao động. Trong điều kiện đó giáo dục pháp luật càng có ý nghĩa cấp bách.

Văn hoá pháp lý tác động lên quá trình dân chủ hoá còn được thực hiện bằng các biện pháp giúp đỡ quản lý như luật sư, công chứng cố vấn pháp lý, dịch vụ pháp lý... So với nhiều nước thì mạng lưới giúp đỗ quản lý ở nước ta còn rất ít về số lượng và non kém về chất lượng nên tác động tổ chức của văn hoá pháp lý lên các quan hệ xã hội ít phát huy tác dụng. Điều đó cũng đòi hỏi giáo dục pháp luật phải được tiến hành sâu rộng trong quảng đại quần chúng nhân dân.

Chính vì vai trò to lớn của giáo dục pháp luật đối với quá trình quản lý nhà nước, dân chủ hoá đời sống xã hội và hình thành phát triển văn hoá pháp lý ở người lao động mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI đã xác định: "Cần coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền giải thích pháp luật. Đưa việc giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường của đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học) của các đoàn thể nhân dân: các cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức quản lý và hiểu biết về pháp luật. Cần phải sử dụng nhiều hình thức và phương pháp phong phú để giáo dục nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp lý cho nhân dân".

Tóm lại, để cho nền dân chủ ngày một phát triển ăn sâu bám chắc vào cơ thể xã hội trổ thành nếp sống bình thường của mỗi người, mỗi tổ chức và toàn bộ xã hội không thể tách rời nó với quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế và đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho người lao động. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Phần V - Chủ thể, khách thể, đối tượng của giáo dục pháp luật

Giáo dục pháp luật có chủ thể, khách thể và đối tượng giáo dục của mình. Chúng có những nét đặc thù sẽ được xem xét ổ các phần sau đây:

I. Các khái niệm: Chủ thể, khách thể, đối tượng giáo dục pháp luật.

Nói đến giáo dục trước hết là nói đến tác động giữa người giáo dục và người được giáo dục. ở đây, chúng ta sẽ làm rõ khái niệm, vị trí, yêu cầu, của từng phía: người giáo dục và người được giáo dục, cũng như mối quan hệ tương tác hai chiều giữa họ trong quan hệ giáo dục pháp luật.

1) Khách thể và đối tượng giáo dục pháp luật:

Khách thể của đối tượng giáo dục pháp luật là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận giáo dục. Việc xác định nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp để đạt được hiệu quả giáo dục cao phụ thuộc phần lớn vào việc nghiên cứu, đánh giá đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về khách thể của giáo dục .

a)Phân biệt khái niệm khách thể và đối tượng:

- Về khách thể:

Trong từ điển tiếng Việt (1992) viết:

Khách thể (trang 487): Là đối tượng chịu sự chi phối của hành động, trong quan hệ đối lập với đối tượng gây ra hành động gọi là chủ thể.

Trong từ điển Triết học (trang 93) (NXB tiến bộ Mockva 1986) viết: Khách thể là cái mà hoạt động nhận thức và hoạt động khác của chủ thể hướng vào, nó tồn tại không phụ thuộc vào chủ thể, theo nghĩa hẹp là đối tượng của nhận thức.

Trong lý luận giáo dục học (NXB giáo dục 1987) viết: Khách thể (hay đối tượng) giáo dục là cá nhân và tập thể học sinh.

- Về đối tượng:

Trong từ điển tiếng việt 1992 (trang 344) viết: là người, vật, hiện tượng mà con người nhằm vào trong suy nghĩ, hành động.

Trong từ điển triết học (trang188): Đối tượng của nhận thức là những mặt, những đặc tính và những quan hệ của khách thể được nghiên cứu nhằm một mục đích nhất định trong những điều kiện, những tình huống nhất định, được ghi lại trong kinh nghiệm và được đưa vào trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người.

Những nhà khoa học khác nhau về cùng một khách thể có những đối tượng nhận thức khác nhau.

Trong lý luận giáo dục học không phân biệt khách thể hay đối tượng. Nhưng trong lý luận giáo dục pháp luật lại có những quan niệm khác nhau:

+ Trong luận án phó tiến sỹ: "ý thức pháp luật XHCN là vấn đề GDPL cho nhân dân lao động, (M.1997), tác giả Nguyễn Đình Lộc đã phân tích khái niệm khách thể của GDPL trong các công trình nghiên cứu lý luận của các học giả Liên Xô (cũ) trước đó được hiểu chung, không có gì phải bàn cãi, là nhân dân lao động và như vậy thì không có gì đặc trưng cho GDPL. Tuy nhiên, theo tác giả, tính độc lập của GDPL được qui định bởi tính độc lập của ý thức pháp luật với tính cách là một hình thái của ý thức xã hội. Cụ thể hơn, con người sống và hành động trong môi trường Nhà nước pháp luật vối vai trò là công dân có một địa vị pháp lý công dân đặc biệt. Địa vị đó xác định vị trí, tình trạng của công dân trong xã hội và trong nhà nước, xác định tình trạng của các quan hệ tồn tại giữa cá nhân và xã hội, công dân và nhà nước. Do đó, chính trạng thái công dân - Các nét đặc trưng của con người - công dân - là khách thể trực tiếp của GDPL.

Trên cơ sở đánh giá rằng trong nhà nước XHCN môi trường Nhà nước pháp luật là môi trường quan trọng, chủ yếu nhất động chạm tới tất cả các câu hỏi liên quan trực tiếp tới đồi sống của công dân: lao đông, trả công, các quyền tự do trính trị, sở hữu nhà ở, nghỉ ngơi, học hành... công dân nhận được những các đó trên cơ sở pháp luật bằng việc tham gia vào các quan hệ pháp luật nào đó mà phần lớn trong số các quan hệ đó Nhà nước là một bên chủ thể với các đại diện là các nhân viên, cán bộ nhà nước, những người có chức, có quyền. Dưới góc độ này họ là đối tượng đặc biệt quan trọng của giáo dục pháp luật. Tiếp sau đó là các đối tượng thanh thiếu niên và nhân dân lao động nói chung:

+ Nhóm tác giả khác trong cuốn "tổ chức và hiệu quả trong GDPL" (M.1983) của viện hàn lâm KHXH Liên xô (cũ) bao gồm R.A.KEPUMO6,H.T Kodey, A.B Muykebur, A. Cyxapeb) cho rằng khách thể trực tiếp của hoạt động GDPL là một bộ phận nhất định của ý thức con người, của đồi sống nội tâm, đó là ý thức pháp luật và trình độ văn hoá pháp lý được hình thành trên cơ sở của ý thức pháp luật và được thể hiện trong hành động của cá nhân hay cộng đồng xã hội khác nhau (sách đã dẫn trang 20) .

Các luật gia Việt nam nghiên cứu về GDPL cũng đi đến những quan điểm chung: Khách thể của GDPL là ý thức pháp luật và những thói quen, nếp sống, ứng xử hợp pháp của công dân, của các nhóm, cộng đồng và toàn xã hội, thể hiện trình độ nhất định của nền văn hoá pháp lý. Còn đối tượng của GDPL là cá nhân công dân hay những nhóm, cồng đồng xã hội cụ thể tiếp nhận tác động của các hoạt động GDPL mà ý thức pháp luật và hành vi của họ là khách thể của GDPL.

b) Nội dung khoa học của khách thể và đối tượng:

Trong các tài liệu nghiên cứu lý luận chung về Nhà nước pháp luật của các học giả Việt nam và một số nước XHCN trước đây, ý thức pháp luật được hiểu là một hình thái ý thức xã hội bao gồm hệ tưởng pháp luật và các yếu tố tâm lý xã hội về pháp luật.

+ Hệ tư tưởng pháp luật là tổng thể những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, học thuyết về pháp luật.

Hệ tư tưởng pháp luật được hình thành dựa trên nhu cầu, khuynh hướng và hiểu biết về các học thuyết cũng như pháp luật thực định gắn liền với các hoạt động hàng ngày trong đời sống trính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, gia đình của các công dân, các nhóm xã hội. Đó là một quá trình nhận thức mang tính chất tự giác, chủ động của các chủ thể, ý thức pháp luật dưới tác động trực tiếp có tổ chức, đinh hướng của hoạt động giáo dục pháp luật, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khách quan,gián tiếp (các điều kiện kinh tế - xã hội, pháp chế... )

+ Các yếu tố tâm lý - xã hội như cảm giác, tình cảm, tâm trạng, lòng tin đối với pháp luật nói chung cũng như sự đánh giá, động cơ, tâm lý khi tham gia các quan hệ pháp lý cụ thể.

Đây là yếu tố mang tính tự phát kinh nghiệm nhiều hơn nhưng được điều chỉnh, định hướng để trở thành sức mạnh nôi tâm trên cơ sở của tri thức, của các hoạt động giáo dục thực tiễn.

Từ hai yếu tố trên của ý thức pháp luật, hoạt động GDPL phải nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là hành động hợp pháp là thói quen, nếp sống theo pháp luật của mỗi công dân, mỗi nhóm, cộng đồng xã hội và toàn xã hội .

Trên cơ sở các nghiên cứu ta có thể phác thảo sơ đồ cấu tạo của khách thể GDPL: Việc nghiên cứu sâu về qúa trình hình thành ý thức pháp luật của con người và xã hội Việt nam gắn với các đặc điểm về lịch sử , kinh tế - chính trị - xã hội, tâm lý, truyền thống dân tộc nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của đề tài này. Hiện nay Viện nhà nước pháp luật thuộc viện KH-XH nhân văn đang tiến hành nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về ý thức pháp luật (nằm trong chương trình quốc gia về chiến lược con người).

Đề tài này chỉ giới hạn ở việc xác định các yếu tố của ý thức pháp luật với tính cách là khách thể của hoạt động giáo dục pháp luật.

- Đối tượng GDPL - theo quan niệm đã nêu ở trên là các công dân, các cộng đồng - công dân và bao quát nhất là xã hội - công dân được tiếp nhận các hoạt động GDPL. Mỗi đối tượng với địa vị công dân, địa vị pháp nhân cụ thể có những nhu cầu, khả năng và điều kiện tiếp nhận tác động GDPL khác nhau và phạm vi, mức độ phát huy kết quả GDPL khác nhau. Do đó, luôn tồn tại những yêu cầu, đòi hỏi khách quan đối với các chủ thể GDPL là phải xác định được các nội dung, hình thức, phương tiện, biện pháp riêng để tiếp cận tới đối tượng GDPL một cách có hiệu quả.

Trong phạm vi đề tài, chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề liên quan tới nghiên cứu đối tượng GDPL sau đây:

+ Thứ nhất, cơ sở phân loại đối tượng GDPL:

Trong một số bài viết về đối tượng tuyên tryền, đối tượng của công tác giáo dục tư tưởng thường phân loại đối tượng dựa vào các căn cứ như: Điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần; quy luật sinh học (lứa tuổi, giới tính...). Từ đó có những cách phân loại đối tượng khác nhau:

+ Theo dân tộc;

+ Theo giai cấp và tầng lớp xã hội;

+ Theo dân cư địa lý;

+ Theo tín ngưỡng;

+ Theo lứa tuổi, giới tính...

Theo chúng tôi, nhân tố cơ bản, điểm xuất phát cho việc phân loại đối tượng GDPL là các trạng thái, địa vị công dân của đối tượng GDPL "Các cách phân loại khác nhau sẽ dựa trên việc xem xét, đánh giá các yếu tố phản ánh những khía cạnh khác nhau của địa vị pháp lý của công dân (các quyền và nghĩa vụ) trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia với tư cách là một chủ thể. Trên cơ sở phân loại đó, các chủ thể GDPL sẽ lựa chọn các nội dung, hình thức giáo dục pháp luật phù hợp nhằm trang bị cho từng đối tượng những tri thức cần thiết để họ thực hiên các quyền và nghĩa vụ tương xứng với địa vị pháp lý - công dân của họ trong các quan hệ pháp luật.

Việc công dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp luật thường xảy ra theo hai cách: trên cơ sở pháp luật, các công dân tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể khi tham gia các quan hệ pháp luật (quan hệ pháp luật dân sự, pháp luật lao động, pháp luật kinh doanh...).

- Trên cơ sở pháp luật, dưới tác động trực tiếp, tích cực của các cơ quan Nhà nước, công dân mới có thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ của mình (quan hệ pháp luật hành chính, pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng...).

Do đó, có thể đưa ra một số cách phân loại đối tượng GDPL trên cơ sở kết hợp cả các yếu tố chung của các quá trình giáo dục tư tưởng và yếu tố đặc trưng của GDPL:

+ Theo năng lực chủ thể của công dân (năng lực pháp luật và năng lực hành vi) có thể phân loại đối tượng giáo dục pháp luật thành: công dân thành niên, công dân chưa thành niên, công dân có năng lực pháp luật hạn chế (người Nước ngoài tại Việt nam, người phạm tội bị hạn chế các quyền, lợi ích nhất định...) hoặc năng lực hành vi pháp luật hạn chế .

+ Theo vị trí chủ thể của công dân trong các quan hệ pháp luật có thể phân loại thành: công dân đại diện cho chính mình hoặc công dân khác trong quan hệ pháp luật với Nhà nước, tổ chức xã hội với công dân khác.

- Đại diện hợp pháp của các cá nhân trong quan hệ pháp luật với công dân, với pháp nhân hay với cơ quan nhà nước.

- Đại diện hợp pháp của nhà nước trong quan hệ pháp luật với công dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế.

+ Theo nghề nghiệp trong mối liên quan với pháp luật và các hoạt động pháp luật có thể phân loại thành:

- Các công dân hoạt động chuyên nghiệp trong các cơ quan lập, hành, tư pháp, các tổ chức hành nghề pháp luật, tư vấn, hỗ trợ pháp luật.

- Hoạt động nghề nghiệp do các ngành luật riêng biệt điều chỉnh.

Theo tính chất riêng của việc điều chỉnh có thể phân loại thành đối tượng có các quyền riêng biệt ưu tiên ( như phụ nữ, trẻ em...) hoặc đối tượng có các nghĩa vụ đặc biệt trong thời gian, điều kiện nhất định (người vi phạm pháp luật, tội phạm, tái phạm...).

- Thứ hai, các vấn đề cần nghiên cứu ở mỗi loại đối tượng GDPL:

Để chuẩn bị cho việc xác định nội dung, hình thức, biện pháp GDPL phù hợp, cần làm rõ:

+ Đặc điểm các điều kiện kinh tế - xã hội, dân tộc, địa lý ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi xử sự của đối tượng trong quan hệ với pháp luật; Thực trạng hiểu biết pháp luật, vi phạm, tôn trọng pháp luật.

+ Lợi ích, nhu cầu, mối quan tâm tới pháp luật và GDPL.

+ Điều kiện, khả năng nhận thức GDPL và duy trì phát huy (hay hạn chế) kết quả GDPL.

Các phương pháp nghiên cứu đối tượng GDPL: Chủ yếu là các phương pháp xã hội hoá pháp luật (thực ngiệm, điều tra dư luận xã hội, phỏng vấn, đàm thoại, hội thảo lấy ý kiến trực tiếp của đối tượng, của các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý đối tượng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp mà đối tượng là thành viên...).

- Thứ ba, các đối tượng GDPL trong điều kiện hiện nay cần tập trung nghiên cứu.

+ Cán bộ, viên chức nhà nước:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cán bộ viên chức nhà nước tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách là đại diện cho Nhà nước để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Thái độ và hành vi xử sự đúng pháp luật hay không của họ là thí dụ sống động, là tấm gương phản chiếu tính pháp chế trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước.

"Trước con mắt của quần chúng thì mỗi sai sót của một cơ quan Nhà nước, của mỗi cán bộ đều gây một ấn tượng không tốt đối với tất cả các cơ quan, các cán bộ Nhà nước nói chung" (Báo cáo chính trị tại Đại hội đảng IV).

Hoạt động của viên chức gắn liền với cả ba khâu quan trọng là xây dựng pháp luật, thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong đó phổ biến nhất và cũng là phức tạp nhất là việc thực hiện, áp dụng pháp luật trong từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ mà họ tham gia. Để có thể áp dụng các qui phạm pháp luật trong các quan hệ pháp luật cụ thể, viên chức phải hiểu biết pháp luật chuyên ngành và các pháp luật liên quan, hiểu tâm lý đối tượng tác động của pháp luật, có khả năng, kinh nghiệm, tổ chức công việc. Và đặc biệt là thái độ tuân thủ pháp luật của chính họ (từ pháp luật nội dung đến pháp luật tố tụng, từ pháp luật chung, pháp luật chuyên ngành đến qui chế viên chức và các qui định về nhiệm vụ, cách thức tiến hành công việc của cơ quan Nhà nước mà họ là đại diện...).

ở đây, ta cần chú ý đến vai trò kép của viên chức Nhà nước trong mối quan hệ với GDPL. Xét ở góc độ thứ nhất, họ là đối tượng của GDPL với những yêu cầu về tri thức pháp luật, tình cảm, thái độ như trên đã phân tích, từ đó cần phải được tiếp nhận GDPL gắn liền với giáo dục đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trong các nhà trường đến bồi dưỡng nâng cao thường xuyên trong quá trình làm việc. Xét ở góc độ khác, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể của Nhà nước trong các quan hệ pháp luật họ lại là chủ thể giáo dục pháp luật. Bằng việc giải thích nội dung các điều luật cần được áp dụng, căn cứ pháp lý để áp dụng các điều luật đó cũng như làm rõ các hiệu quả pháp lý (tích cực hay tiêu cực) việc tuân theo hay vi phạm điều luật, bằng việc áp dụng trên thực tế các điều luật... Các viên chức Nhà nước là người trực tiếp, có tác động rất mạnh đến hiểu biết, nhận thức, thái độ, tình cảm của nhân dân đối với pháp luật. Với tư cách này, viên chức phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng trong việc giáo dục pháp luật và trước tiên, họ phải có ý thức đầy đủ về trách nhiệm chủ thể GDPL của mình trong khi tiến hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Do đó trong các nghị quyết ,chỉ thị của Đảng và chính phủ, vấn đề GDPL đối với cán bộ, viên chức luôn luôn đặt vào vị trí quan trọng.

Nghị quyết hội nghị trung ương VIII (Khoá IV) 10/1980 nêu rõ: "Các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ công tác tư tưởng giáo dục trong Đảng và trong nhân dân về nội dung Hiến pháp, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật... tổ chức cho cán bộ, Đảng viên trước hết là cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng nghiên cứu kỹ những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp quyền theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - LêNin, về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước XHCN".

Nghị quyết đại hội Đảng VI khẳng định "các cán bộ quản lý hành chính Nhà nước (từ bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch các cấp, cục, vụ trưởng...) đều phải là những người hiểu biết nguyên tắc và chế độ quản lý hành chính, hiểu biết pháp luật, hiểu biết chuyên môn... Các cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cương vị chủ chốt từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã từ Tổng giám đốc đến cán bộ quản lý cơ sở đều phải qua các lớp bồi dưỡng định kỳ có sát hạch, theo chương trình thiết thực và có hệ thống về đường lối chính sách, cơ chế quản lý và kiến thức quản lý mới, về chuyên môn nghiệp vụ và về pháp luật".

Nhận định về tình hình vi phạm pháp luật, báo cáo chính trị tại đại hội Đảng VII xác định một trong các nguyên nhân là "Đội ngũ cán bộ viên chức Nhà nước ít được đào tạo bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm về tổ chức và quản lý Nhà nước nhất là từ khi chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý mới về kinh tế - xã hội, hiệu suất lao động và công tác còn thấp". Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2000" của đảng đã nêu yêu cầu:

"Phát triển nhiều hình thức đào tạo lại, đào tạo và bồi dưỡng bộ máy cán bộ trong bộ máy quản lý Nhà nước và các nhà kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế theo kịp yêu cầu của cơ chế quản lý mới và nắm bắt được kiến thức quản lý hiện đại".

+ Loại đối tượng thứ hai cần nghiên cứu trong giáo dục pháp luật là các nhà kinh doanh trong các thành phần kinh tế.

Thực hiện đường lối đổi mới, Hiến pháp 1992 đã xác định địa vị pháp lý của các thành phần kinh tế (Quốc doanh, tập thể, cá thể, tư bản tư nhân và tư bản Nhà nước) trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật cũng qui định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật (Đ.22)" và "Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân làm thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật" (Đ.28).

Thực tế đã chứng minh sức sống và đóng góp quan trọng của từng thành phần kinh tế trong sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm gần đây. Mặt khác, dưới góc độ quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật thực tế cũng cho thấy "hoạt động kinh tế tuy năng động hơn nhưng còn nặng tính tự phát, thiếu trật tự, kỷ cương" về phía Nhà nuớc thì: "Những nhân tố then chốt đảm bảo cho kinh tế thi trường phát triển đầy đủ và được điều tiết theo hướng XHCN, loại trừ nguy cơ gây rối loạn bên trong và sự thao túng bên ngoài, là hệ thống pháp chế và bộ máy Nhà nước, công tác kế hoạch hoá và hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp nòng cốt đều có nhiều yếu kém, tiêu cực".

Về phía người kinh doanh còn khá nghiêm trọng "lối làm ăn chạy theo lợi nhuận bất kể giá nào dẫn đến vi phạm pháp luật, lừa đảo, hối lộ, làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế, xâm phạm ngiêm trọng tài sản XHCN và của công dân làm cho "kỷ cương, kỷ luật và pháp luật không ngiêm, bất công xã hội tăng lên. Do đó, việc hình thành các khung pháp lý trong cơ chế kinh tế mới cho các hoạt động kinh doanh phải được tiến hành đồng thời với việc giáo dục pháp luật, tạo thành ý thức và thói quen hành động trong khuôn khổ pháp lý đó của mọi thành phần kinh tế, mọi chủ sản xuất, kinh doanh. (Đại hội VII, trang 25 ).

+ Loại đối tượng thứ ba là thanh thiếu niên - thế hệ công dân trẻ tuổi hôm nay và là lực lượng nòng cốt của đất nước khi bước vào thế kỷ 21. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 đã xác định "con người mới là người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khoẻ và lao động giỏi, sống có văn hoá và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính". Thế hệ công dân đó sẽ sống trong "một cộng đồng xã hội văn minh trong đó có các giai cấp, tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ góp phần xây dựng Nhà nước Việt Nam giàu mạnh".

Để thế hệ công dân đó có được đầy đủ ý thức trách nhiệm công dân, có thể thực hiện tích cực các nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của mình, thì giáo dục pháp luật, giáo dục công dân phải được tiến hành ngay từ trong trường phổ thông, đại học, dạy nghề và trong quá trình lao động, sản xuất của họ hôm nay, là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách dời của quá trình giáo dục - đào tạo toàn diện. Bên cạch đó, thực trạng hiểu biết pháp luật yếu kém và tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở thanh thiếu niên xảy ra nghiêm trọng đặt ra những yêu cầu thực tế, bức xúc phải có các biện pháp giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa cấp bách trong đó có giáo dục pháp luật là một biện pháp quan trọng.

+ Loại đối tượng cuối cùng là những người sống trong điều kiện khó khăn, được Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp để đảm bảo cho sự bình đẳng trước pháp luật của họ (phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em...).

Cuối cùng, cần nhấn mạnh lại hai điểm quan trọng về mặt lý luận cần phải chú ý là: Việc lựa chọn những nhóm đối tượng để nghiên cứu và tập trung các hoạt động giáo dục pháp luật còn tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong từng giai đoạn nhất định.

Việc lựa chọn nhóm đối tượng giáo dục pháp luật làm cơ sở cho việc xác định nội dung, hình thức pháp luật chung cho nhóm đối tượng hoàn toàn không thay thế nguyên tắc cơ bản nhất trong giáo dục pháp luật là "cá thể hoá" đối tượng giáo dục, tức là các hoạt động giáo dục pháp luật cụ thể phải được lựa chọn và áp dụng cụ thể với từng đối tượng trên cơ sở đầu tiên là nhu cầu, khả năng tiếp nhận và các điều kiện tiếp nhận giáo dục pháp luật của cá nhân họ và sau đó là của nhóm đối tượng mà họ là đại diện.

2. Chủ thể của giáo dục pháp luật

Theo từ điển tiếng Việt 1992 (trang 190) thì chủ thể là đối tượng gây ra hành động, trong quan hệ đối lập với đối tượng bị sự chi phối của hành động, gọi là khách thể.

Theo lý luận của giáo dục học, chủ thể giáo dục là thầy giáo, cô giáo và tất cả những người làm công tác giáo dục.

Trong một số công trình nghiên cứu về giáo dục pháp luật của các học giả Liên Xô cũ thtường đưa ra hai khái niệm là chủ thể giáo dục pháp luật và hệ thống lãnh đạo giáo dục pháp luật trong đó chủ thể là các cá nhân còn hệ thống lãnh đạo là các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỏ chức xã hội và mối quan hệ giữa chúng trong việc phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật.

Chủ thể của giáo dục pháp luật được hiểu là tất cả những người mà theo chức năng, nhiệm vụ hay trách nhiệm xã hội đã tham gia góp phần thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật.

2.1. Phân loại chủ thể giáo dục pháp luật.

Rải rác trong các tài liệu nghiên cứu về giáo dục pháp luật có những cách phân loại chủ thể khác nhau như chủ thể trực tiếp và gián tiếp, chủ thể chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp...

Căn cứ vào mức độ liên quan giữa các mục tiêu giáo dục pháp luật và chức năng, nhiệm vụ do luật định của công dân, cá nhân mà phân ra chủ thể chuyên nghiệp và chủ thể không chuyên nghiệp là hợp lý hơn cả.

+ Chủ thể chuyên nghiệp, là những người mà nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp là thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật.

Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Đảng hay các tổ chức xã hội, các chủ thể chuyên nghiệp gồm có:

- Các báo cáo viên, cổ động viên, tuyên truyền viên về pháp luật ở các hệ thống Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội ở các cấp;

- Các phóng viên, biên tập viên các báo, đài, truyền hình phụ trách các nội dung liên quan đến pháp luật hoặc các chuyên mục pháp luật;

- Giáo viên giảng dạy pháp luật trong các nhà trường từ phổ thông đến đại học, trung học chuyên nghiệp, và dạy nghề, các trường Đảng, hành chính, đoàn thể;

- Các cán bộ, chuyên gia là công tác nghiên cứu và chỉ đạo giáo dục pháp luật tại các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp pháp luật, các tổ chức xã hội;

Đây là lực lượng lòng cốt của các chủ thể giáo dục pháp luật.

+ Chủ thể không chuyên nghiệp, là những người phải là nhiều việc với nhiều mục đích khác nhau nhưng trong đó có nhiệm vụ là thực hiện các mục tiêu giáo dục pháp luật.

- Đó là: Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý Nhà nước (Điều 38 - Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992).

- Đại biểu Hội đồng nhân dân phải gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, động viên nhân dân chấp hành pháp luật, chính sách và tham gia quản lý công việc của Nhà nước (Luật tổ chức Hội đồn nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp năm 1989).

- Các cán bộ thuộc cơ quan hành pháp, tư pháp có một phần nhiệm vụ là giáo dục pháp luật, Ví dụ như kiểm sát viên "Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm pối hợp.... để tuyên truyền giáo dục pháp luật" (Điều 5). Cán bộ Toà án nhân dân "Bằng hoạt động của mình, Toà án góp phần giáo dục công dân trng thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật... (Điều 1).

- Các cán bộ thành viên của các tổ chức chính trị, xã hội, Đảng, đoàn, công đoàn, phụ nữ...

- Các luật gia đang hành nghề dịch vụ, tư vấn pháp luật, luật sư bào chữa...

- Các cán bộ, nhân viên ở các ngành kinh tế, quản lý Nhà nước về một lĩnh vực kinh tế nào đó (thuế, đất đai, rừng, thuỷ lợi...) trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, phỏ biến giáo dục pháp luật chuyên ngành cho các đối tượng bị quản lý và nhân dân nói chung.

Và cuối cùng chủ thể của giáo dục pháp luật là chính các công dân bằng sự gương mẫu trong ý thức và trách nhiệm thi hành pháp luật trong đời sống đã có tác dụng ảnh hưởng giáo dục tích cực đến hiểu biết, nhận thức của các công dân khác (bố mẹ, ông bà trong gia đình đối với con cái, thầy cô giáo chủ nhiệm và bộ môn trong nhà trường, già làng trong thôn, bản và các vùng núi cao...).

2.2. Các vấn đề cần nghiên cứu về chủ thể GDPL:

Một vấn đề thực tế đặt ra là, trong nhận thức của xã hội, cũng như của chính nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, trách nhiệm GDPL dường như là chỉ thuộc về một số cơ quan và cá nhân chuyên trách như tư pháp, công an, giáo dục, báo chí... Và ngay trong những cơ quan đó thì ý thức về trách nhiệm chủ thể GDPL của lãnh đạo, nhân viên cũng không đầy đủ do đó cũng không có định hướng và nội dung hoạt động cụ thể để thực hiện các mục tiêu GDPL.

Với mỗi loại chủ thể GDPL cần nghiên cứư làm rõ một số vấn đề như vị trí, trách nhiệm chủ thể trong quá trình GDPL, phương thức, phạm vi hoạt động của từng loại chủ thể và các yêu cầu về trình độ, năng lực đào tạo và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện GDPL.

Vị trí, trách nhiệm của từng loại chủ thể:

Để hoạt động GDPL được thực hiện một cách có hệ thống, thường xuyên và có hiệu quả, các chủ thể GDPL cần phải:

a) Xác định rõ nhiệm vụ mục tiêu cụ thể của mình trong hoạt động GDPL để xây dựng các chương trình kế hoạch từng thời kỳ.

Đối với các chủ thể chuyên nghiệp thì đó là các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn chủ yếu (Thực hiện chương trình môn học pháp luật đối với giáo viên, thực hiện các trang, chuyên mục pháp luật đối với phóng viên, biên tập viên pháp luật...). Đối với các chủ thể không chuyên nghiệp, vấn đề này thường ít được chú ý đến trong khi xây dựng chương trình hoạt động của cá nhân và tổ chức. Do đó, các hoạt động GDPL được các chủ thể này thực hiện phần nhiều theo tính chất "thời vụ" đuợc đâu hay đó thậm chí chưa trở thành ý thức trách nhiệm, không quan tâm tới đối tượng do mình tác động cũng như hiệu quả giáo dục do mình tiến hành. Thông thường, hoạt động giáo dục của các chủ thể không chuyên nghiệp gắn liền với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Chính do đó, hình thức tiến hành giáo dục pháp luật ở đây thường là giáo dục cá biệt (đối tượng trực tiếp có quan hệ với lĩnh vực chuyên môn của chủ thể như: những người tham dự phiên toà do thẩm phán chủ trì, những người có nhu cầu tư vấn về một vấn đề pháp lý nào đó, chủ kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế...). Vì vậy, các nội dung mục tiêu GDPL ở đây cũng rất cụ thể và cần phải được chuẩn bị "thường trực" trong từng giai đoạn từng bước tiến hành công việc chuyên môn. Khi xây dựng kế hoạch công tác chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời phải xác định các mục tiêu, nội dung GDPL cần thiết cho đối tượng mình quản lý, phục vụ (thí dụ khi triển khai thực hiện các luật thuế mới, các cơ quan thuế từng cán bộ thuế có trách nhiệm xác định các nội dung, kế hoạch phổ biến, giáo dục cho các đối tượng nộp thuế những hiểu biết cần thiết về sắc thuế đó, về phương thức thu, về quyền và lợi ích của người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như trách nhiệm pháp lý khi vi phạm... từ đó tạo những điều kiện thuận lợi về mặt nhận thức tâm lý, dư luận xã hội cho việc thu thuế)

b) Xác định rõ nội dung, phương thức, phạm vi hoạt động GDPL của từng chủ thể.

Đối với các chủ thể chuyên nghiệp: Nội dung giáo dục pháp luật thường là rộng, bao hàm một loạt các vấn đề pháp luật gắn với những chương trình chung về xây dựng và thực tiễn pháp luật hoăc là gắn với những chương trình giảng dạy tương đối ổn định trong các nhà trường. Các phương pháp, biện pháp chung tương đối "truyền thống" của hoạt động giáo dục, tuyên truyền thường được áp dụng như: diễn thuyết, báo cáo tại các hội nghị, các tụ điểm dân cư, thông tin và các hình thức khác trên báo chí, giảng dạy trên lớp và giáo dục ngoài giờ... phạm vi tác động của các chủ thể chuyên nghiệp thường rộng: từ qui mô toàn quốc (các chủ thể ở các cơ quan chuyên trách GDPL ở các báo, đài, truyền hình trung ương), đến qui mô địa phương và từng cơ sở (trường học, xí nghiệp, thôn, xã...).

Đối với các chủ thể không chuyên nghiệp: Nội dung GDPL thường hẹp hơn, cụ thể hơn gắn liền với nhu cầu của đối tượng được giáo dục hoặc với yêu cầu chuyên ngành của chủ thể (thí dụ: các thẩm phán thực hiện nội dung GDPL thông qua một phiên toà thường gắn liền với các vấn đề pháp lý được giải quyết trong vụ án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình hay lao động: nội dung giáo dục pháp luật thông qua một hoạt động dịch vụ, tư vấn pháp lý của các luật gia thường gắn ngay với nhu cấu của khách hàng về sự việc pháp lý cần tư vấn; nội dung phổ biến giáo dục pháp luật của các Đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân sau mỗi kỳ họp là các văn bản mới được thông qua...

Phương thức, phương pháp thực hiện giáo dục pháp luật của các chủ thể không chuyên đòi hỏi một sự sáng tạo, linh hoạt, không "kinh điển" vì đó thường là giáo dục cá biệt, trực tiếp giữa chủ thể và đối tượng giáo dục pháp luật trong những tình huống rất đời thường. Thông qua việc giải thích làm sáng tỏ những nội dung pháp luật cụ thể để giúp hình thành nhận thức về một chủ trương, chính sách lớn (từ cái riêng đến cái chung). Một đặc điểm nữa của phương thức giáo dục pháp luật các biệt này là việc giáo dục pháp luật thường gắn liền với việc áp dụng, vận dụng pháp luật để xử lý, để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đối tượng và chủ thể giáo dục pháp luật ở đây đồng thời là các chủ thể của những quan hệ pháp luật, các quyền và nghĩa vụ pháp lý chính là nội dung được giáo dục. Do đó, hiệu quả giáo dục pháp luật cũng rất cụ thể, rất sống động (thể hiện ở việc đối tượng giáo dục có thái độ như thế nào trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật đang được xem xét...). Mặt khác, đặc điểm này cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với chủ thể giáo dục, là biểu hiện sinh động nhất phương châm giáo dục "nói và làm".

c. Xác định rõ yêu cầu đối với từng loại chủ thể.

Cũng như mọi chủ thể giáo dục khác, các chủ thể giáo dục pháp luật có những yêu cầu cụ thể về trình độ hiểu biết, về năng lực tổ chức công việc, về phẩm chất, nhân cách và tính gương mẫu tuân thủ pháp luật. Chỉ trên cơ sở xác định rõ những yêu cầu này mới có được một định hướng và biện pháp xây dựng lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục của họ. ở đây chỉ xin dừng lại ở yêu cầu về trình độ hiểu biết pháp luật. Có những quan điểm cho rằng đã là người đi giáo dục pháp luật thì phải là luật gia, phải được đào tạo chuyên luật và có bằng cấp về luật. Lại cũng có quan điểm cho rằng "giáo dục là sự nghiệp của toàn dân" theo nghĩa là chỉ cần có một nền học vấn cơ sở về văn hoá, chuyên môn nhất đinh, với các văn bản luật trong tay là mỗi người đều có thể trở thành chủ thể của giáo dục pháp luật.

Theo chúng tôi, cả hai quan điểm trên đều có những cái đúng nhưng chưa đủ và nếu tuyệt đối hoá và ngược lại, quá coi nhẹ yêu cầu về trình độ hiểu biết pháp luật của chủ thể giáo dục pháp luật đều sẽ dẫn đến một cách nhìn chưa toàn diện về vấn đề chủ thể giáo dục pháp luật trong những điều kiện thực tế của đất nước hiện nay.

ở đây cần phân loại chủ thể:

- Đối với các chủ thể giáo dục pháp luật chuyên nghiệp và các chủ thể không chuyên nhưng làm việc tại các cơ quan, tổ chức tư pháp chuyên biệt (Toà án, kiểm sát, đoàn luật sư, trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý) thì yêu cầu về trình độ hiểu biết pháp luật phải cao, ít nhất là cử nhân luật, cao đẳng luật và được chuẩn hoá từng bước trong điều kiện hiện nay. Chúng ta không thể chấp nhận và thoả hiệp với một thực trạng hiện nay là 100% giáo viên dạy giáo dục công dân ở các trường phổ thông cơ sở và khoảng 80% ở các trường phổ thông trung học chưa được đào tạo bồi dưỡng về pháp luật. Mặt khác, chúng ta cũng thể đòi hỏi phải thay thế ngay đội ngũ đó bằng các cử nhân luật, việc sử dụng và bồi dưỡng giáo viên gắn với cả một loạt vấn đề kinh tế, xã hội trong và ngoài ngành giáo dục trong nhiều năm đã qua và sắp tới. Do đó, cần có cách tiếp cận thực tế, linh hoạt nhưng kiên trì theo từng mục tiêu đã đặt ra trong quá trình chuẩn hoá, đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ các nhà GDPL đông đảo và quan trọng này.

- Đối với các chủ thể không chuyên khác cần nhấn mạnh hơn yêu cầu về hiểu biết pháp luật chuyên ngành gắn với các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của họ. Yêu cầu này được thực hiện cùng với quá trình đưa GDPL vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường đoàn thể từng ngành, để mà trang bị kiến thức pháp lý cơ sở vừa gắn với đào tạo luật với đào tạo chuyên môn. Ngoài ra, cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trong việc đào tạo các " cử nhân kép" ( Luật kinh tế, luật kỹ sư, luật văn chương...) cho các ngành kinh tế, văn hoá, xã hội.

Gắn với yêu cầu hiểu biết pháp luật chung và chuyên ngành đối với các chủ thể GDPL còn có một yêu cầu rất quan trọng là hiểu biết về trạng thái ý thức pháp luật, tâm lý pháp lý, nhu cầu và điều kiện cụ thể để tiếp nhận pháp luật và tác động GDPL của các đối tượng được giáo dục. Những hiểu biết đó là yếu tố rất cần thiết cho việc tìm ra được cách tiếp cận thích hợp nhất cua chủ thể với đối tượng GDPL.

Từ việc xác định rõ các yêu cầu đối với chủ thể GDPL có thể đề ra những biện pháp định hướng qui hoạch, đào tạo bồi dưỡng và tổ chức công việc của các chủ thể sao cho phù hợp nhất với các điều kiện làm việc của họ để đạt được các mục tiêu GDPL.

Các chủ thể cần tập trung nghiên cứu hiẹn nay, theo chúng tôi là: Đội ngũ giáo viên giảng dạy GDCD hay GDPL trong nhà trường, phóng viên cộng biên tập viên các chuyên mục pháp luật của các báo đài cộng các luật gia đang thực hành pháp luật tại các cơ quan toà án, kiểm sát, công an, tư pháp, các tổ chức nghề nghiệp (hội luật gia, đoàn luật sư, dịch vụ tư vấn pháp luật...)

Phần VI : Nội dung giáo dục pháp luật.

Nội dung GDPL là yếu tố quan trọng của quá trình GDPL. Xác định đúng nội dung GDPL là đảm bảo cần thiết để GDPL có hiệu quả thiết thực. Trong lý luận về GDPL cần làm rõ một số vấn đề liên quan tới nội dung GDPL như: phạm vi của nội dung GDPL so với các nội dung giáo dục khác; các yêu cầu thực tế đối với việc thực hiện các nội dung GDPL.

1) Phạm vi và đặc điểm của nội dung gdpl.

Về phạm vi của GDPL có một số quan niệm khác nhau: hoặc là khoác cho GDPL có những nhiệm vụ và nội dung quá rộng (như giáo dục các quan điểm Mác- LêNin về đạo đức, về Nhà nước, Đảng cộng sản...) làm mất tính độc lập đặc thù của GDPL; hoặc là bó hẹp GDPL vào trong phạm vi giáo dục của chính pháp luật (của các qui phạm pháp luật), làm cho GDPL chỉ còn mang tính chất "khai trí pháp luật" đơn thuần.

Theo chúng tôi, cách tiếp cận đúng đắn đối với việc xác định phạm vi của nội dung GDPL là phải xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ của GDPL. Mục đích đó là:

- Trang bị tri thức pháp luật;

- Bồi dưỡng tình cảm, tâm lý pháp lý;

- Hướng dẫn hình thành thói quen xử xự theo pháp luật.

Cả ba mức độ mục tiêu này phải được đặt ra với mỗi hoạt động giáo dục pháp luật, không phải theo thứ tự trước sau, bởi vì chính thực tế cuộc sống, mỗi hiện tượng pháp lý mà công dân tham gia hay chứng kiến điều có tác động đồng thời tới tri thức, tình cảm và hành động của họ trong mối quan hệ với pháp luật (Ví dụ khi người dân nghe hay xem Toà án xét xử một vụ án cụ thể, họ sẽ biết về các quy định của pháp luật được áp dụng để xử lý vụ việc, có thái độ, tình cảm rõ ràng đòi hỏi sự công bằng, nghiêm minh, không tha thứ đối với tội phạm... và sẽ có định hướng cho ứng xử của mình trong các tình huống tương tự). Do đó, mỗi hoạt động giáo dục pháp luật đều phải nhằm định hướng cho người được giáo dục cả về tri thức, tình cảm, hành vi. Tuy nhiên, tri thức pháp luật vẫn giữ vị trí đầu tiên, có tính chất tiền đề để hình thành nhận thức đúng đắn và khả năng lựa chọn hành vi hợp pháp, tích cực. Chính vì vậy, nội dung giáo dục pháp luật có thể bao gồm một phạm vi tương đối rộng nhưng có đặc thù riêng, không lẫn với các nội dung giáo dục khác, đó là:

- Các thông tin về pháp luật (gồm cả kiến thức pháp luật cơ bản và văn bản pháp luật thực định).

- Các thông tin về thực hiện pháp luật, về tình hình phạm pháp, phạm tội, về việc điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật.

- Các thông tin về kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học về thực hiện, áp dụng pháp luật, về vị trí, tác động của từng văn bản pháp luật lên đời sống kinh tế - xã hội, lên từng đối tượng đồng thời phản ánh những nhu cầu, yêu cầu, đề xuất của các tầng lớp dân cư, các chuyên gia pháp luật và các ngành khác về việc hoàn thiện pháp luật.

- Các thông tin hướng dẫn thi hành pháp luật cụ thể của công dân (quyền và nghĩa vụ pháp luật, các quy trình, thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp).

Bằng việc được cung cấp, trang bị thường xuyên những loại thông tin trên, người được giáo dục pháp luật sẽ có được một hệ thống những tri thức cần thiết về pháp luật và thực tiễn pháp luật, có khả năng sử dụng những tri thức đó để phân tích, lý giải một cách có khoa học, có căn cứ về những vấn đề thực tế mà họ gặp hay chứng kiến, từ đó định hướng cho hành vi của mình. Đương nhiên đó là một quá trình tác động rất lâu dài, từ nhiều phía bằng nhiều hình thức khác nhau của chủ thể giáo dục pháp luật và quá trình tự chọn lọc, tiếp thu theo nhu cầu, điều kiện của người được giáo dục.

Từ phạm vi nội dung định hướng trên, ta có thể thấy một vài đặc điểm của nội dung giáo dục pháp luật cần phải được tính đến trong quá trình thực hiện trong điều kiện hiện nay.

- Đặc điểm đầu tiên của nội dung giáo dục pháp luật là trạng thái động của các thông tin cơ bản trong nội dung giáo dục pháp luật. Trạng thái động đó có hai nghĩa tích cực và tiêu cực và được quy định bởi sự thiếu ổn định, luôn biến động của hệ thống pháp luật thực định và một phần hệ thống các quan niệm, tri thức cơ bản của khoa học pháp lý (điều này rất khác với các môn khoa học tự nhiên toán, vật lý, hoá học... với những định lý, định luật có giá trị lâu dài). Đặc biệt trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, hệ thống pháp luật thực định vừa thiếu, vừa chồng chéo, vừa kém hiệu quả, kém hiệu lực, thời gia sống của một số văn bản không cao, kể cả các văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiện pháp, bộ luật, luật... cũng ở trạng thái luôn sửa đổi, bổ sung. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước và những thay đổi lớn lao trên thế giới, khoa học pháp luật cũng đang đổi mới, nhiều quan niệm, khái niệm cũng đang được nhận thức lạimột cách cơ bản. Đó là sự tất yếu phù hợp với yêu cầu khách qua, mang một ý nghĩa tích cực nhưng vè góc độ giáo dục, đó là những nét đặc thù đòi hỏi người giáo dục phải lựa chọn các nội dung giáo dục pháp luật sao cho vừa có phần cứng (tương đối ổn định) vừa có phần mền (linh động) để đảm bảo hai yêu cầu của quá trình giáo dục pháp luật là tính hệ thống và tính cập nhập. Đồng thời với nội dung giáo dục pháp luật luôn phát triển, biến động như vậy đòi hỏi quá trình dạy và học phải liên tục, thường xuyên đối với mỗi người nếu không muốn trở thành lạc hậu hay tái mù về pháp luật.

- Một đặc điểm nữổtc nội dung giáo dục pháp luật là bản thân các thông tin cơ bản của nội dung giáo dục pháp luật đã chức đựng những mần sống của những mâu thuẫn nội tại, đó là:

+ Mẫu thuẫn, chồng chéo trong bản thân hệ thống pháp luật thực định (sự không theo kịp pháp luật so với yêu cầu của cuộc sống khách quan, sự chồng chéo giữa văn bản pháp luật, đôi khi là cả sự mâu thuẫn, vi hiến của một số văn bản luật, dưới luật...).

+ Mâu thuẫn giữa các nguyên tắc, quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật, niều nơi, nhiều lúc rất nghiêm trọng kể cả từ phía các cơ quan, công chức Nhà nước và đặc biệt là từ chính các cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó, các thông tin về thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật lại dẫn đến những tác động giáo dục trái ngược, mâu thuẫn, tích cực cũng có nhưng tiêu cực cũng lớn. Người được giáo dục sau khi tiếp nhận thông tin, có thể sử dụng nó để tuân thủ pháp luật nhưng cũng có thể sử dụng để né tránh, vi phạm pháp luật nếu họ thấy. Trên thực tế, có khả năng thoát được sự trừng phạt, xử lý của pháp luật mà vẫn có lợi cho mình (trốn thuế, trốn đăng ký kinh doanh...).

Đặc điểm này cần được nhận thức đối với những người làm công tác giáo dục pháp luật để lựa chọn phương pháp tiếp cận tới nội dung giáo dục pháp luật cho từng đối tượng một cách phù hợp, giúp học có cái nhìn đúng đắn, biện chứng về quá trình hoàn thiện pháp luật và từng bước đưa pháp luật vào đời sống với những bước "thăng trầm", tiến, lùi của nó, những mâu thuẫn và thống nhất của tiến trình đổi mới, phát triển khoa học pháp lý và pháp luật thực định của nước ta.

2. Những nội dung cơ bản của giáo dục pháp luật.

Một hướng quan trọng của việc nghiên cứu lý luận nội dung của giáo dục pháp luật là xác định các mức độ yêu cầu nội dung giáo dục pháp luật thích hợp cho từng loại đối tượng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, đặc điểm của đối tượng. Trong phạm vi của chuyên đề lý luận, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu những yêu cầu, mức độ giáo dục pháp luật chung, không đi sâu vào từng loại đối tượng (là nhiệm vụ của các chuyên đề khác nhau hoặc của các đề tài tiếp theo).

2.1. Trong các hình thức giáo dục mang tính phổ cập chung (như qua các phương tiện thông tin đại chúng) hay cho từng nhóm đối tượng (qua việc học và dạy pháp luật trong các nhà trường ở từng cấp, bậc học) cần xác định các cấp độ tối thiểu hay chuyên ngành trong nội dung giáo dục pháp luật. Theo chúng, tôi có thể làm ba mức độ yêu cầu nội dung pháp luật.

a. Yêu cầu tối thiểu về nội dung giáo dục pháp luật cho mọi công dân.

Để một công dân sống trong một xã hội được quản lý bằng pháp luật, họ phải có những hiểu biết tói thiểu về pháp luật và những kỹ năng nhất định để sử dụng pháp luật hay các tổ chức, cơ quan pháp luật thực hiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng nư các nghĩa vụ của mình trước gia đình, trước Nhà nước, xã hội. Những hiểu biết và kỹ năng đó chính là nội dung tối thiểu của giáo dục pháp luật phổ cập, bao gồm:

- Một số hiểu biết, thông tin cơ bản về hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy Nhà nước để thực thi pháp luật.

- Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định.

- Một số thủ tục, trình tự pháp lý để bảo vệ các quyền. lợi ích hợp pháp và thực hiện các nghĩa vụ của công dân.

ở mức độ này, giáo dục pháp luật là yếu tố quan trọng giúp cho mỗi công dân ý thức được về vị trí công dân của mình trong quan hệ với Nhà nước và với công dân khác, biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì và khi cần thiết biết mình phải đến đâu, làm gì, là như thế nào để bảo vệ các quyền đó.

b. Yêu cầu riêng về giáo dục pháp luật theo nhu cầu ngành nghề.

Mỗi công dân trong từng lĩnh vực hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội có những nhu cầu hiểu biết và kỹ năng sử dụng các công cụ pháp luật khác nhau ở mức độ cao hơn và mang tính định hướng nghề nghiệp rõ hơn. Do đó, nội dung GDPL owr cấp độ này cũng phải được mở rộng và chuyên sâu hơn so với mức tối thiểu đã phân tích ở trên. Nội dung đó theo chúng tôi có thể bao gồm:

- Một hệ thống những khái niệm cơ bản của khoa học pháp lý thường gặp trong thực tiễn (bản chất nhà nước và pháp luật, các nguồn và hình thức pháp luật, các quan hệ pháp luật...).

- Một số pháp luật thực định liên quan đến lĩnh vực hoạt động và vùng "quan tâm" của đối tượng.

- Các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động nghề nghiệp; quá trình tố tụng và vị trí của các chủ thể tố tụng để thực hiện, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ đó.

c) yêu cầu về GDPL chuyên ngành cho những người hành nghề pháp luật.

Đây là cấp độ cao nhất của GDPL bởi vì những hiểu biết về thái độ tình cảm cũng như kỹ năng sử dụng pháp luật của các luật gia phải là chuẩn mực của ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật.

Sự hiểu biết (tri thức pháp luật) của đối tượng này bao gồm cả những quan điểm, những học thuyết về nhà nước và pháp luật trong lịch sử và hiện tại, hiểu biết tương đối toàn diện về hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyên sâu của từng người (TD: Dân sự, hành chính, hình sự...). Kỹ năng của họ không chỉ dừng ở việc tuân thủ mà chủ yếu là vận dụng chính xác linh hoạt pháp luật vào các quan hệ pháp luật, vào việc xử lý giải quyết (hoặc tư vấn cho việc xử lý giải quyết) các tranh chấp vi phạm pháp luật. Một kỹ năng quan trọng và đặc thù của đối tượng này là sáng tạo pháp luật, là khả năng tham gia vào việc hoàn thiện pháp luật.

2.2. Trong các hình thức giáo dục mang tính cá thể hoá cao (qua hoạt động xét xử, qua các hoạt động tư vấn, dịch vụ pháp luật ...) thì nội dung của giáo dục pháp luật thường tập trung vào việc cung cấp, giải thích về các quy phạm pháp luật cụ thể, về những hậu quả pháp lý do việc chấp hành hay vi phạm các quy phạm đó, những hướng dẫn hành vi, xử xự cụ thể trong các tình huống cụ thể. ở đây, các nội dung giáo dục pháp luật thường phải gắn với các khía cạnh đạo đức, tâm lý, với các cơ sở kinh tế - xã hội của quy phạm pháp luật để tạo nên nhận thức đúng, tâm lý sẵn sàng và thiện chí de thực hiện ngay các quyền và nghĩa vụ công dân mà tình huống pháp lý cụ thể đòi hỏi ở họ.

3. Từ việc xác định phạm vi, đặc điểm và các mức độ yêu cầu về nội dung giáo dục pháp luật có thể thấy rằng khó có một hình thức giáo dục pháp luật hay một chủ thể giáo dục pháp luật riêng biệt nào có thể đáp ứng được việc truyền tải toàn bộ các yêu cầu, phạm vi nội dung để đặt tới mục tiêu giáo dục pháp luật đặt ra cho mỗi đối tượng. Do đó, cần phải suy nghĩ, nghiên cứu các phương pháp phối hợp với nhiều hình thức, phương tiện giáo dục pháp luật và pối hợp các chương trình mục tiêu giáo dục pháp luật của các chủ thể khác nhau để bổ sung, hỗ trợ những mặt mạnh, giảm bớt những hạn chế của từng hình thức, phương tiện (ví dụ, tính hệ thống nhưng lại chậm bổ sung các chương trình dạy học pháp luật trong các nhà trường, cần được hỗ trợ bằng các chương trình giáo dục pháp luật mang tính cập nhật cao trên các phương tiên thông tin đaị chúng): Đây là vấn đề mang tính định hướng trong việc chỉ đạo quá trình giáo dục pháp luật.

 

Phần VII: Hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật

Việc xác định đúng, đủ nội dung giáo dục pháp luật cho từng đối tượng là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho việc đạt tới mục tiêu của giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, nội dung giáo dục pháp luật không thể tự đi vào nhận thức, tình cảm của người được giáo dục mà phải qua những kênh truyền tải thông tin, các cách thức, biện pháp tác động nhất định phù hợp với khả năng tiếp cận của đối tượng. Do đó, hiệu quả giáo dục pháp luật phụ thuộc vào không chỉ nội dung mà còn phụ thuộc vào các yếu tố tiếp theo của quá trình giáo dục pháp luật, đó là hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật. Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước cũng luôn nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề này.

1. Khái niệm hình thức, phương tiện và phương pháp giáo dục pháp luật.

Việc làm rõ các khái niệm tưởng chừng như đơn giản và đã rõ ràng là cần thiết vì cho đến nay, trong nghiên cứu lý luận giáo dục pháp luật vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn đề này, đặc biệt là giữa hình thức và phương tiện.

a. Theo nghĩa gốc của các từ trong từ điển tiếng Việt 1992 của Viện khoa học xã hội Việt Nam thì:

- Hình thức là cái chứa đựng hoặc biểu hiện nội dung, là cách thể hiện, cách tiến hành một hành động.

- Phương tiện, là cái dùng để làm một việc, để đặt được một mục đích nào đó.

- Phương pháp, là cách thức nhận thức, nghiên cứu hiện tượng, hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó.

Trong giáo dục học, khái niệm hình thức giáo dục được hiểu là các hình thức tổ chức hoạt động phối hợp giữa người giáo dục và người được giáo dục, phương tiệng là những vật mang nội dung, còn phương pháp giáo dục là các con đường, cách thức, biện pháp hoạt động để chiếm lĩnh nội dung giáo dục và đạt được mục đích giáo dục pháp luật.

Trong các nghiên cứu về giáo dục pháp luật của các luật gia Liên xô (cũ) đã đưa ra nhiều khái niệm khác nhau, thí dụ: Một số người đồng nhất hình thức và phương tiện GDPL, coi các hình thức và phương tiện giáo dục tư tưởng nói chung cũng là các hình thức, phương tiện GDPL, không có gì đặc trưng riêng cho GDPL.

Về khái niệm chung, chúng tôi ủng hộ và cho là hợp lý một quan điểm được tương đối nhiều chuyên gia đưa ra:

Hình thức GDPL: là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình GDPL, để thực hiện nội dung GDPL.

Phương tiện GDPL: Là các công cụ, các kênh truyền tải nội dung GDPL từ chủ thể đến đối tượng để đạt mục tiêu GDPL.

Phương pháp GDPL: Là các cách thức, biện pháp tổ chức quá trình GDPL.

Tính đặc thù và độc lập tương đối của mục tiêu và nội dung GDPL đòi hỏi phải tìm kiếm những hình thức phương tiện và phương pháp vừa mang tính phổ biến của giáo dục chung vừa có tính đặc thù của GDPL để truyền tải nội dung và đạt được muc tiêu đã đặt ra.

2. Các hình thức GDPL

Trong các nghiên cứu về GDPL có thể thấy các cách phân định hình thức GDPL rất khác nhau, Muykebur và một số tác giả (1) coi là có 3 nhóm hình thức GDPL: dạy và học pháp luật trong các nhà trường, các hình thức phổ cập (các bài giảng, hội thảo) và các hình thức cổ động. Trong khi đó Hepru-mol.B.A lại xác định 3 hình thức chủ yếu của GDPL là: dạy và học pháp luật trong các nhà trường, tuyên truyền và cổ động pháp luật (tuyên truyền miệng và qua báo chí); GDPL qua thực tiễn pháp luật (lập, hành, tư pháp). Ngoài ra còn có các hình thức khác (bằng văn học nghệ thuật, giáo dục cá biệt...)

Qua thực tiễn cũng như qua nghiên cứu lý luận về mục tiêu, nội dung, chủ thể, đối tượng GDPL, chúng tôi thấy rằng có thể chia các hình thức GDPL thành 2 loại:

a) Các hình thức GDPL mang tính phổ biến, truyền thống của giáo dục tư tưởng chung, đó là:

- Phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức quần chúng, địa bàn dân cư...; các hội nghị, hội thảo pháp luật...

- Các câu lạc bộ pháp luật, các đội thông tin cổ động pháp luật... các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

- Tuyên truyền qua báo chí, phương tiện TTĐC.

- Qua các hình thức văn học nghệ thuật.

b) Dạy và học pháp luật trong các nhà trường: bao gồm hai nhóm chính:

+ Dạy và học pháp luật trong các nhà trường không chuyên luật (các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học; các trường đoàn thể (Đảng, đoàn, công đoàn, phụ nữ); các trường bồi dưỡng thuộc các ngành) với cấp độ 1 và 2 của nội dung GDPL.

+ Dạy và học pháp luật trong các nhà trường, khoa chuyên luật với cấp độ 3 của nội dung GDPL.

b) Các hình thức GDPL đặc thù:

a) Định hướng GDPL trong các hoạt động lập, hành và tư pháp của các cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, toà án, viện kiểm sát).

- GDPL qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng, tổ chức nghề nghiệp pháp luật (tổ hoà giải, dịch vụ, tư vấn pháp luật).

Cần phải dừng lại để phân tích kỹ hơn về các loại hình này. Câu hỏi trước tiên đặt ra là GDPL bắt đầu từ khâu nào trong quá trình xây dựng - thực hiện - hoàn thiện pháp luật để từ đó có căn cứ lý giải vì sao phải có định hướng GDPL trong các hoạt động lập, hành và tư pháp.

Có những quan điểm cho rằng GDPL là khâu đầu tiên trong quá trình thực hiện pháp luật sau khi văn bản pháp luật được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Như vậy GDPL sẽ bắt đầu sau quá trình xay dựng mới hay sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và là cầu nối giữa quá trình lập pháp và hành pháp. Với quan niệm này nội dung GDPL chủ yếu là thông tin về văn bản pháp luật và hình thức chính là phổ biến, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi giới thiệu pháp luật, qua việc dạy pháp luật trong nhà trường.

Có quan niệm khác cho rằng GDPL không chỉ là khâu đầu tiên mà còn đi liền suốt quá trình thưc hiện pháp luật, do đó, nội dung GDPL còn bao gồm cả các thông tin về việc áp dụng và thi hành pháp luật, về việc thi hành và vi phạm pháp luật, về những tác động điều chỉnh tích cực cũng như những hạn chế, không phù hợp của văn bản đối với các văn bản kinh tế - xã hội khách quan. Để thực hiện các nội dung đó, ngoài các hình thức trên còn phải chú trọng các hình thức câu lạc bộ, tọa đàm, diễn đàn, trao đổi ý kiến (trực tiếp hoặc trên báo, đài ...) giữa những người là đối tượng tác động của văn bản pháp luật với các nhà làm luật, thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật...

Chúng tôi cho rằng cả hai quan niệm trên đều có phần đúng nhưng chưa đủ. GDPL bắt đầu từ khâu phát hiện nhu cầu và sự quan tâm của công dân tới việc phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mà họ đang tham gia. Sau đó GDPL phải được tiến hành cùng quá trình xây dựng pháp luật để cung cấp kịp thời các thông tin về dự thảo văn bản và phản ánh ý kiến đóng góp của văn bản của nhân dân cũng như của các chuyên gia pháp luật, kinh tế... Việc định hướng GDPL trong quá trình lập pháp, lập qui sẽ góp phần tạo ra nhận thức bước đầu đứng đắn và tâm lý thuận lợi của nhân dân để tiếp nhận văn bản sau khi được ban hành. Bằng cách đó pháp luật có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực thực tế của mình tốt hơn dựa trên tâm lý tự giác chấp hành của công dân. Giáo dục pháp luật trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật sẽ tác động đến ý thức và khả năng, trách nhiệm của công dân trong việc đề suất và tham gia sửa đổi, hoàn thiện pháp luật.

Thực tế những năm qua cho thấy, những văn bản pháp luật được thông tin, phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến cán bộ, nhân dân trong quá trình dự thảo (Hiến pháp, luật đất đai, một số luật thuế...) đã có chất lượng ngày một cao hơn, thể hiện tốt hơn vai trò điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội khách quan đang biến đổi, phát triển nhanh chóng. Thí dụ điển hình là việc GDPL trong qua trình ban hành, thực hiện, sửa đổi, bổ sung các luật thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập... Nhờ rất nhiều hình thức thông tin, phổ biến giải thích, giáo dục pháp luật về thuế, đặc biệt là việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về việc giải thích, giáo dục trực tiếp của cán bộ thuế đối với người nộp thuế... Nên các chủ doanh nghiệp và các đối tượng nộp thuế đã từ chỗ đối lập, phản ứng, thường xuyên vi phạm pháp luật thuế dẫn đến chỗ đã ý thức dần trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế, từ đó một mặt tích cực thực hiện nghiêm túc hơn các luật thuế, mặt khác chủ động tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện dần các luật thuế sao cho chúng thể hiện hài hoà hơn lợi ích của cá nhân họ trong mối quan hệ với lợi ích của Nhà nước và lợi ích cộng đồng. Do đó, xét về hình thức thì "thời gian sống" của văn bản pháp luật thuế thường ngắn hay sửa đổi nhưng bản chất các luật đó đang ngày càng tiếp cận với cuộc sống thật hơn vì chúng đang được hoàn chỉnh bởi chính các đối tượng nộp thúê dưới sự định hướng của Nhà nước. Cũng chính vì thế mà TTGDPL thuế đã được đánh giá là một biện pháp thu thuế quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định tài chính quốc gia.

Các cơ quan và công chức Nhà nước chịu trách nhiệm về hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, chính là những chủ thể trực tiếp và có nhiều khả năng nhất để thực hiện các nội dung GDPL thông qua nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đó là hình thức giáo dục sinh động nhất, có tác động mạnh nhất lên ý thức, tình cảm, hành vi của người được giáo dục. Nội dung giáo dục pháp luật trong các tình huống này thuờng là sát với nhu cầu tìm hiểu của người được giáo dục (thí dụ nhu cầu tư vấn về một vấn đề pháp luật nào đó), gắn với lợi ích cụ thể của người được giáo dục (thí dụ điều luật được áp dụng để quyết định tội danh và hình phạt trong vụ án hình sự, để giải quyết tranh chấp dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...). Hình thức giáo dục thông qua các hoạt động nghiệp vụ thường mang tính cá thể hoá cả về nội dung và đối tượng GDPL. Đây là một vấn đề rất quan trọng về mặt lý luận nhưng chưa được nhận thức đầy đủ trong thực tiễn. Thừa nhận nó như một hình thức GDPL sẽ tạo nên sự đổi mới rất lớn trong cách nghĩ cách làm GDPL, giống như chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp (bao cấp về giáo dục) sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý Nhà nước (tạo cơ hội để người dân tiếp cận pháp luật).

Các phương pháp áp dụng trong một hoạt động GDPL cụ thể:

Đó là các cách thức, biện pháp để đặt vấn đề, tiếp cận vấn đề cần thông tin, giáo dục; để giải thích, làm rõ các tư tưởng chính trị, pháp luật, các nguyên tắc pháp luật, nội dung các qui phạm pháp luật; để lý giải bản chất các hiện tượng pháp lý một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục, đảm bảo tính mục đích của GDPL và đảm bảo tác động hai chiều giữa chủ thể và đối tượng GDPL.

Người giáo dục với những hiểu biết, kinh nghiệm về pháp luật và các lĩnh vực liên quan cần phải sử dụng các phương pháp GDPL như phương pháp sư phạm, phương pháp tư duy, lôgic, phương pháp tâm lý, phương pháp thực hành, giải quyết các tình huống cụ thể, trực quan... để chuẩn bị và tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục các hoạt động cụ thể (như biên soạn tài liệu, đề cương tuyên truyền; chuẩn bị bài nói diễn thuyết; chuẩn bị tiếp xúc với cử toạ (thẩm phán, luật sư tại phiên toà ...) hoặc với những đối tượng riêng biệt (các luật gia tư vấn pháp luật). Một nguyên tắc chung khi sử dụng các phương pháp này là kết hợp lý luận, nguyên tắc với thực tiễn thi hành pháp luật.

Các phương pháp tổ chức GDPL chung sẽ được nghiên cứu sâu hơn ở chuyên đề 5 (cả lý luận và thực tiễn) nhằm đưa ra những mô hình lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp GDPL... có hiệu quả trong những điều kiện cụ thể ở từng cấp, từng địa phương ngành. Sau đó đáp ứng các yêu cầu riêng của từng công dân trên nền hiểu biết tối thiểu chung cho mọi người). Việc GDPL sẽ không chỉ là nhiệm vụ riêng biệt của một cơ quan nào mà nó là một mục tiêu, một định hướng, một bộ phận cấu thành trong hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, từng công chức, thành viên của tổ chức... Do đó sẽ huy động được các lực lượng vật chất và con người cho GDPL. Từ quan niệm và phân loại hình thức GDPL như trên, dẫn đến yêu cầu về chỉ đạo qúa trình GDPL sao cho:

- Các chủ thể phải xác định rõ định hướng, yêu cầu, nội dung GDPL ngay trong khi xây dựng các chương trình công tác nghiệp vụ, chuyên môn từng thời kỳ hoặc từng sự việc (một phiên toà, một quyết định giải quyết khiéu nại, tố cáo...). Trên cơ sở đó, chuẩn bị các điều kiện vật chất, cán bộ... đủ để tổ chức hình thức GDPL phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn.

- Để truyền tải một nội dung GDPL cần phải kết hợp các hình thức GDPL khác nhau nhằm phát huy hết sức mạnh tác động của từng hình thức, bổ sung, hỗ trợ, bù đắp cho những hạn chế của từng loại hình.

3. Các phương tiện giáo dục pháp luật.

Trong các tài liệu nghiên cứu về phương tiện GDPL cũng có những cách phân định khác nhau và đôi khi là sự phân biệt không rõ giữa hình thức và phương tiện, thí dụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng được coi là một tổ chức quá trình GDPL hay chỉ là phương tiện GDPL. (các báo, đài, truyền hình...)

Theo chúng tôi, các phương tiện chủ yếu để GDPL là:

- Bằng lời nói trực tiếp (tuyên truyền miệng);

- Bằng các phương tiện thông tin đại chúng;

- Bằng những hiện vật nhìn thấy được;

- Bằng các loại hình văn hoá nghệ thuật.

Trong một hình thức GDPL có thể và cần sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, thí dụ hình thức dạy và học pháp luật trong nhà trường vừa sử dụng lời nói (thầy, cô giáo giảng bài; trao đổi thảo luận giữa thày và trò...) vừa bằng những hiện vật (giáo cụ trực quan: Biểu báo, Biểu mẫu, tranh ảnh cổ động...) hoặc bằng các loại sách văn hoá pháp lý...

ở đây, có thể xem xét một loại phương tiện đặc thù của GDPL là các quyết định (bằng lời nói hay văn bản) của các cơ quan hay tổ chức trong hoạt động thi hành và bảo vệ pháp luật. Tất cả những việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung chỉ thật sự có ý nghĩa tích cực, lành mạnh đến ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật của người dân khi họ thấy được những quyết định đứng đắn, nghiêm minh, công bằng trong việc áp dụng các điều luật cụ thể để giải quyết các tình huống, các quan hệ pháp luật cụ thể. Bản thân các qui phạm pháp luật, các quyết định của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ở các cơ quan hành pháp, tư pháp đã chứa đựng yếu tố giáo dục rất lớn và là phương tiện truyền tải nội dung GDPL trực tiếp nhất.

Trên thực tế hiện nay, việc nghiên cứu để sử dụng và phát huy tác dụng của một số phương tiện như tranh, biển, cổ động, các loại sổ bỏ túi, tờ rơi, hay các loại hình nghệ thuật (phim ảnh, sân khấu...) chưa được nhiều, chưa được quan tâm và đầu tư ở mức cần thiết.

4. Phương pháp giáo dục pháp luật.

Với quan niệm phương pháp GDPL là hệ thống các cách sử dụng để tiến hành hoạt động GDPL thì cần phân biệt hai loại:

- Các phương pháp áp dụng trong một hoạt động GDPL cụ thể.

- Các phương pháp tổ chức áp dụng trong quá trình GDPL tổng thể.

 

Phần VIII- Hiệu quả của giáo dục pháp luật

Xung quanh việc tính toán hiệu quả của giáo dục pháp luật đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng kết quả của giáo dục pháp luật là mức độ thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế. Có ý kiến khác lại cho rằng mục đích của một đạo luật hay một văn bản pháp luật đạt được trong thực tế dưới sự tác động của hoạt động giáo dục pháp luật chính là hiệu quả của giáo dục pháp luật. Một ý kiến khác lại cho rằng không thể tính toán được hiệu quả của giáo dục pháp luật, bởi sự hình thành ý thức pháp luật là kết quả của sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, không thể tách bạch được.

Sở dĩ còn nhiều quan niệm khác nhau về hiệu quả của giáo dục pháp luật vì khái niệm này gắn liền với khái niệm pháp luật và ý thức pháp luật. Pháp luật và ý thức pháp luật lại là các khái niệm phức tạp, có nhiều thuộc tính trong mối quan hệ với nhiều hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội. Chính vì vậy cần phải hiểu thế nào cho đúng hiệu quả của giáo dục pháp luật.

Trước hết cần phải chú ý đến phương pháp luận của việc xác định hiệu quả. Việc tính toán hiệu quả của bất kỳ một công việc nào cũng phải xuất phát từ các thuộc tính tạo nên bản chất của chính công việc đó. Tức là xuất phát từ mối quan hệ nội tại, tất yếu tạo nên chính nó, không thể sử dụng các yếu tố bên ngoài quá trình để tính toán hiệu quả. Do đó, việc tìm hiểu hiệu quả của giáo dục pháp luật trước hết phải tìm kiếm ngay trong bản thân giáo dục pháp luật chứ không phải những quá trình, những mối liên hệ xảy ra bên ngoài giáo dục pháp luật. Những kết quả thu được không liên quan tới hoạt động định hướng, có ý thức và tính toán trước không thể là chỉ số nói về hiệu quả của giáo dục pháp luật. Trong Bộ tư bản Các Mác đã viết: "Các tính chất của sự vật không phát sinh từ mối liên hệ với các sự vật khác mà chỉ được phát hiện trong moói liqqn hqqj ấy". Do vậy, phương pháp tìm hiểu hiệu quả của giáo dục pháp luật phải xuất phát từ ngay bản chất của giáo dục pháp luật.

Như các phần trên đã viết, giáo dục pháp luật là quá trình tác động nhằm hình thành tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, kết quả đạt được trong các mục đích do sự tác động định hướng phải được coi là hiệu quả. Điều đó có nghĩa là từ trạng thái ban đầu khi chưa có sự tác động định hướng của giáo dục pháp luật. ở đối tượng tác động đã có sự thay đổi như thế nào về tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật. Đó chính là số đo về hiệu quả của giáo dục pháp luật đạt được trên thực tế như thế nào để tính toán hiệu quả của giáo dục pháp luật. Khi xác định trạng thái của xã hội trước và sau khi có sự tác động của giáo dục pháp luật cần chú ý đến 3 loại chỉ số sau:

- Loại chỉ số thứ nhất, nói lên trạng thái của tri thức pháp luật ở đối tượng trước và sau khi tác động giáo dục. Trước khi giáo dục pháp luật dự kiến tác động có lượng tri thức pháp luật như thế nào, có thể đó là sự hiểu biết pháp luật nói chung (trạng thái tri thức pháp luật chung) và đặc biệt là tri thức về đạo luật hay văn bản quy phạm pháp luật nhằm để tác động bồi dưỡng. Sau khi giáo dục sự thay đổi ở đối tượng giáo dục pháp luật về tri thức pháp luật nói chung, hay pháp luật cụ thể đã có sự mở rộng nâng cao đến đâu. Có thể nói sự am hiểu pháp luật là chỉ số cơ bản nói lên trạng thái tri thức pháp luật trước và sau khi có sự tác động giáo dục pháp luật.

- Loại chỉ số thứ hai nói về trạng thái tình cảm pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật trước và sau khi tác động giáo dục. Trong số các tình cảm pháp luật chú ý sự thay đổi về lòng tin ở ba dạng tình cảm: công bằng, không khoan nhượng và trách nhiệm. Có thể nói, các loại chỉ số thứ hai tập trung nói về sự thay đổi lòng tin vào pháp luật sau khi có sự tác động của giáo dục.

- Loại chỉ số thứ ba là nói về trạng thái của động cơ và hành vi tích cực pháp luật ở đối tượng giáo dục pháp luật, Các chỉ số thuộc loại này bao gồm:

+ Chỉ số nói về thói quen kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm đoán;

+ Chỉ số nói về hành vi sử dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý khi lợi ích hợp pháp của người khác và của xã hội nói chung bị xâm hại;

+ Chỉ số nói về thói quen biết vận dụng tổng hợp các tri thức pháp luật của một lĩnh vực hay một vấn đề nào đó để áp dụng đúng đắn trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

Ba loại chỉ số phản ánh ba trạng thái nói trên là ba loại chỉ số cơ bản nhất, quan trọng nhất khi xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật. Ngoài ra nó còn được đo bằng các chỉ số về vật chất và tinh thần. đó chính là chỉ số nói về những phí tổn về vật chất và tinh thần để đạt được sự thay đổi sau khi có sụ tác động giáo dục. Tất nhiên đây cũng chỉ là chỉ số giúp cho việc tiến hành giáo dục pháp luật suy tính trước để tìm kiếm hình thức, phương tiện ngắn nhất, đỡ tốn kém nhất về vật chất và tinh thần mà đưa lại hiệu quả cao nhất.

Như vậy, hiệu quả của giáo dục pháp luật là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động giáo dục pháp luật định hướng để đạt được sự thay đổi ở đối tượng tác động về tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật phù hợp với mục đích đã đặt ra mà chi phí về vật chất và tinh thần ít nhất.

Theo định nghĩa trên thì điểm xuất phát là trạng thái của đối tượng giáo dục pháp luật, điểm kết thúc là trạng thái của đối tượng giáo dục pháp luật sau khi đã tiến hành giáo dục pháp luật. Trạng thái sau khi tiến hành giáo dục pháp luật phải khác trạng thái trước khi giáo dục pháp luật, nhưng sự khác nhau đó phải nằm trong mục đích đã đặt ra. Không phải bất kỳ kết quả nào cũng nói lên hiệu quả của giáo dục pháp luật. Chỉ có những kết quả nói lên sự thay đổi về tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật dưới sự tác động của hoạt động giáo dục pháp luật mới là hiệu quả của nó.

Khi xác định các chỉ số nói trên cần chú ý rằng nếu nói hiệu quả của giáo dục pháp luật là kết quả của sự tác động của hoạt động giáo dục theo nx mục đích đã được định hướng, thì chỉ số để xác định hiệu quả là cái dùng làm thước đo kết quả đó.

Các loại chỉ số nói trên phải là những yếu tố khách quan hoặc chủ quan cho phép được rằng giáo dục pháp luật đã tạo nên được trạng thái khác so với trạng thái khi giáo dục. Nó chỉ rõ kết quả thực tế đạt được do sự tác động của hoạt động giáo dục pháp luật. Như vậy, những chỉ số đó chỉ có thể nằm trong phạm vi của các mục đích của việc giáo dục pháp luật đặt ra, không thể tìm ở các phạm vi khác.

Nói cụ thể, các chỉ số để tính toán hiệu quả của giáo dục pháp luật cần tập trung vào các sự kiện sau đây:

- Thứ nhất, tìm kiếm những dữ kiện cụ thể nói lên trạng thái tri thức của đối tượng giáo dục pháp luật trước khi tiến hành giáo dục pháp luật. Sau đó tìm kiếm những dữ kiện cụ thể về những kết quả cụ thể nói lên trạng thái tri thức của đối tượng giáo dục pháp luật sau khi tiến hành giáo dục pháp luật.

- Thứ hai, tìm kiếm những dữ kiện cụ thể nói lên trạng thái tình cảm pháp luật của đối tượng giáo dục pháp luật trước khi tiến hành giáo dục pháp luật. Sau khi tìm kiếm những dữ kiện cụ thể về những kết quả cụ thể nói lên trạng thái tình cảm pháp luật của đối tượng giáo dục sau khi tiến hành giáo dục.

- Thứ ba, tìm kiếm những dữ kiện cụ thể nói lên trạng thái hành vi pháp luật của đối tượng giáo dục pháp luật trước khi tiến hành giáo dục pháp luật. Sau đó, tìm kiếm những dữ kiện cụ thể nói về trạng thái của hành vi của đối tượng giáo dục pháp luật sau khi tiến hành giáo dục.

- Thứ tư, những dữ kiện cụ thể về những mục đích đã đạt và chưa đạt được của hoạt động giáo dục pháp luật.

- Thứ năm, những dữ kiện nói về những kiếm khuyết, thiếu sót của quá trình giáo dục pháp luật.

Trong các chỉ số nói về hiệu quả của giáo dục pháp luật, cần chú ý đến yếu tố về mối tương quan giữa các chỉ số đạt được. Trong mỗi loại chỉ số cũng có những dữ kiện chính phụ khác nhau, Rõ ràng là trong số các chỉ số về hành vi hợp pháp, tích cực pháp luật đạt được càng nhiều thì hiệu quả của giáo dục pháp luật đạt được càng cao.

Ngoài những dữ kiện nói trên còn cần phải tính thêm những chỉ số nói về những phí tổn về vật chất và tinh thần phải bỏ ra trong quá trình giáo dục pháp luật.

Từ tất cả những điều nói ở trên, có thể trình bày hiệu quả của giáo dục pháp luật bằng công thức sau: a =(b-c)/p.

Trong đó: a - Hiệu quả của giáo dục pháp luật.

b - Trạng thái của đối tượng giáo dục pháp luật sau khi tiến hành giáo dục (về tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật).

c - Trạng thái của đối tượng giáo dục pháp luật trước khi tiến hành giáo dục (Xét cả về ba mặt tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật).

p - Phí tổn về vật chất và tinh thần trong hoạt động giáo dục pháp luật.

Việc xác định các trạng thái b, c có thể tiến hành bằng phương pháp điều tra xã hội học. Phiếu điều tra càng chi tiết, cụ thể về từng mức độ khác nhau của mục đích đặt ra thì việc xác định hiệu quả càng chính xác, đứng dắn.

Để cho công tác giáo dục pháp luật đật hiệu quả cần có nhiều điều kiện. Có cả những điều kiện nằm bên ngoài quá trình giáo dục pháp luật như trình độ văn hoá, điều kiện kinh tế- xã hội, môi trường sống của đối tượng giáo dục pháp luật, chất lượng xây dựng pháp luật, bầu không khí chính trị, đạo đức của đất nước... Và cả những điều kiện gắn liền với quá trình giáo dục pháp luật. Trong đó cần chú ý các điều kiện sau:

- ở cấp độ vĩ mô đó là sự định hướng đứng đắn của đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội đối với công tác giáo dục pháp luật. Sự nỗ lực của các chủ thể giáo dục pháp luật trong mối quan hệ với hệ thống giáo dục nói chung. Sự đổi mới và vận dụng sáng tạo các hình thức, phương tiện, phương pháp giáo dục pháp luật phù hợp. Bầu không khí dân chủ pháp luật của đất nước.

ở câp độ vĩ mô đó là sự thừa nhận trong các tập thể, trong các cơ quan Nhà nước, trường học, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội sự định hướng giáo dục pháp luật và tiến hành thường xuyên trong tổ chức mình hoạt động giáo dục pháp luật. Đó là tấm gương tuân thủ pháp luật của những người có chức, có quyền trong các tổ chức đó. Đó còn là sự tạo lập trong các tiểu môi trường chính thức (như gia đình, tổ, đội, phòng, lớp học...) và không chính thức (chẳng hạn như nhóm bạn bè...) sự thừa nhận gia trị xã hội của pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức...

- ở cấp độ từng cá nhân con người đó là những điều kiện để tiếp nhận các giá trị của pháp luật như trình độ văn hoá, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp, quan hệ gia đình...

Giáo dục pháp luật đạt được hiệu quả đòi hỏi cả người giáo dục (chủ thể) và người được giáo dục (đối tượng giáo dục) sự tác động qua lại một cách thường xuyên, có hệ thống.

 

 

CHUYÊN đề 2

tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng

Người thực hiện: PTS Hồng Vinh và Nguyễn Đắc Bình

I. Báo chí và đời sống xã hội .

1. Báo chí - Hoạt động thông tin đại chúng.

"Thông tin đại chúng" là thuật ngữ cơ bản nhất của lý luận báo chí. Việc tìm hiểu nó có ý nghĩa như là điều kiện cơ sở để tìm hiểu các vấn đề khác trong hoạt động báo chí nói chung và TTGDPL thông qua loại hình này nói riêng. Bởi vì, "thông tin đại chúng" là bản chất của hoạt động báo chí, chính bản chất này qui định tính chất của sản phẩm báo chí và phương thức hoạt động của người làm báo.

Trước hết, từ "đại chúng" trong thuật ngữ "thông tin đại chúng" mà chúng ta đề cập có nội dung sau:

- Đối tượng tác động của thông tin là xã hội rộng rãi, bao gồm các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau.

- Những nhu cầu thông tin của nhân dân được ưu tiên đảm bảo và là thước đo năng lực hoạt động thông tin báo chí.

- Mục đích của thông tin là nhằm hình thành đời sống tinh thần lành mạnh của xã hội, qua đó tác động tích cực vào việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

- Đảm bảo sự phổ biến rộng rãi, dễ hiểu, giúp cho đại đa số các thành viên xã hội có khả năng tiếp cận và thu nhận thông tin.

Có sự tham gia của rộng rãi quần chúng nhân dân vào công việc của các cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho các thành viên của xã hội có thể tham gia vào việc giải quyết các nhiệm vụ chung, các công việc của xã hội.

Như vậy, về bản chất, từ "đại chúng" trong trường hợp này là thể hiện tính phổ biến rộng rãi về nội dung và đối tượng tác động thông tin nói chung và thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật nói riêng. Nó phân biệt với các loại hình thông tin chuyên biệt. Như thông tin liên lạc, thông tin khoa học, thông tin nghề nghiệp, thông tin cá nhân...

Trong lý luận báo chí và trong thực tiễn, từ thông tin cũng được sử dụng với những ý nghĩa khác nhau trong các tình huống cụ thể như:

- Thông tin là một loại hình hoạt động để chuyển đi các nội dung thông báo; hoạt động thông tin không chỉ có ở xã hội loài người mà ngay trong thiên nhiên (giữa các loài vật với nhau) cũng có.

- Thông tin được dùng để chỉ chất lượng, nội dung của thông báo nói chung. Trong trường hợp này người ta xem xét chất lượng, nội dung thông báo bằng "Lượng thông tin" được chuyển đến đối tượng tiếp nhận.

Là một thuật ngữ nền tảng của báo chí, "thông tin" liên quan trực tiếp đến tính hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, đến những đòi hỏi về những phương pháp, hình thức sáng tạo của nhà báo, đến nguyên tắc về sự tác động qua lại giữa báo chí với công chúng. Tất cả các vấn đề lý luận trong lĩnh vực báo chí đều liên quan đến thuật ngữ này.

Để hiểu được đặc trưng của thông tin trong báo chí, cần xem xét các tác phẩm báo chí (sản phẩm của nhà báo, của công tác viên - hay nói đúng hơn là sản phẩm của người làm báo) trong mối quan hệ biện chứng giữa nhà báo - tác phẩm - công chúng. Tác phẩm báo chí gồm nhiều loại hình phông phú, từ những tin tức, bài báo, tư liệu đến các chương trình phát thanh, truyền hình... Mỗi tác phẩm báo chí cụ thể là một văn bản thông báo - một nhịp cầu chuyển tải thông tin đến công chúng. Thông tin trong tác phẩm báo chí khi chưa được công chúng tiếp nhận thì mới là thông tin khả năng. Việc công chúng không tiếp nhận các văn bản thông báo, không mua và đọc báo, không nghe các chương trình phát thanh, không xem các chương trình tuyền hình, sẽ phá vỡ kỹ năng thực hiện thông tin trong mối quan hệ nhà báo - tác phẩm -công chúng. ở đây, tính chất quan hệ giữa văn bản tác phẩm báo chí với công chúng được quy định bởi lượng thông tin được công chúng tiếp nhận và sau đó là quá trình biến các thông tin tiếp nhận ấy thành thông tin thực tế. Sau thông tin khả năng, thông tin tiếp nhận là một cấp độ mới của quá trình thông tin. Những gì mà công chúng tiếp nhận được qua việc tiếp xúc với tác phẩm báo chí chính là tiền đề để hình thành thông tin thực tế. Quá trình hình thành thông tin thực tế được thực hiện bởi công chúng, nó chịu ảnh hưởng không chỉ của thông tin tiếp nhận mới, mà còn bị tác động bởi nguồn thông tin đã được tích luỹ trước đó, cũng như chịu ảnh hưởng bởi tất cả các yếu tố trong đời sống tinh thần. Bởi vì thông tin thực tế chính là những tri thức thức, tiêu chuẩn, giá trị được hình thành ở khách thể thông tin (công chúng) do sự tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách làm, phương hướng và mục tiêu hành động của họ.

Xét đến cùng, chất lượng của thông tin khả năng trong văn bản tác phẩm báo chí - chính là mức độ đáp ứng nhu cầu về thoong tin của công chúg bao gồm mọt loại yếu tố như tính thời sự, hấp dẫn, phù hợp lợi ích, sức gây ấn tượng tâm lý mạnh mẽ, tính thuyết phục... (sẽ được phân tích ở phần II của chuyên đề khi nói đến hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo chí). Công chúng tiếp thu những gì thoả mãn nhu cầu của mình từ lượng thông tin khả năng trong các tác phẩm báo chí. Dưới tác động của thông tin tiếp nhận những quan điểm, thái độ, cách nhìn nhận, phương pháp, mục tiêu hành động của công chúng được tạo dựng, hệ thống hoá hay làm sâu sắc thêm ở những mức độ nhất định, hoặc ngược lại, những quan niệm, thái độ, phương pháp đó bị xem xét lại, phá vỡ, bổ sung hoặc lược bớt đi. Bước tiếp theo là hoạt động thực tiễn của nhân dân. Như vậy, chỉ có những văn bản mà trong đó thông tin khả năng được đảm bảo cả về chất lượng mới tạo ra hiệu quả thông tin.

Những luận điểm chung này có ý nghĩa quan trọng đối với nhà báo (chủ thể). Chúng liên quan hữu cơ với ba giai đoạn trong hoạt động sáng tạo báo chí: (1). Chiếm lĩnh và phản ánh đời sống hiện thực; (2). Xây dựng văn bản tác phẩm (Các thể loại khác nhau); (3). Công chúng tiếp nhận các tác phẩm báo chí.

Đối với nhà báo, tác phẩm báo chí là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực chuyên môn. Có nhiên, sự hình thành tác phẩm báo chí là một quá trình phức tạp, thống nhất của các yếu tố: chủ nghĩa, cú pháp và tính thực dụng. Nó phục thuộ vào nội dung thông tin khách quan của các sự kiện, hiện tượng, quá trình trong đời sống hiện thực và tài năng của cá nhân nhà báo trong việc phát hiện, tìm hiểu, chiếm lĩnh những nội dung thông tin ấy để phản ánh vào tác phẩm của mình (nhất là khi viết về đề tài pháp luật). Với sự chặt chẽ về khuôn khổ, phạm vi, đặc trưng và đối tượng của từng báo (viết, nói, hình) thì báo chí luôn đòi hỏi sự xúc tích về chữ nghĩa trong các tác phẩm. Lý luận và thực tế việc tuyền truyền giáo dục pháp luật trên các báo đài, những năm qua cho thấy: Trên mặt báo, trên sóng phát thanh và truyền hình không cho phép những cách diễn đạt dài dòng, rắc rối, làm cho người tiếp nhận khó theo dõi. Sự chính xác của kết cấu, sự chặt chẽ của mối quan hệ giữa các bộ phận trong các tác phẩm báo chí là một yêu cầu đặt ra thường xuyên với người làm báo trong quan hệ giữa nhà báo - tác phẩm - công chúng. Vì thế trong quá trình sáng tạo của người làm báo nói chung và trong lĩnh vực viết về pháp luật nói riêng cần phân tích thực tế cuộc sống để nắm bắt được yêu cầu về thông tin của công chúng và khả năng phát hiện, phản ánh hiện thực đáp ứng nhu cầu đó. Cho nên, để đạt được tính thực dụng, lượng thông tin pháp luật trên báo chí cần được lựa chọn, liên kết và triển khai sao cho thể hiện được tính phong phú, đa dạng của hiện thực cuộc sống và pháp luật. Một tác phẩm báo chí riêng rẽ không thể giải quyết được nhiệm vụ này (bởi lẽ, mỗi loại báo chí đều có đặc thù, phạm vi và đối tượng riêng) cho nên nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều thể loại (tác phẩm), nhiều loại hình phương tiện, liều lượng chuyển tải thông tin cũng khác nhau, với các góc độ và phương pháp tiếp cận khác nhau. Có như vậy, các phương tiện thông tin đại chúng mới triển khai trước xã hội bức tranh toàn cảnh nhiều hình, nhiều vẻ, nhiều sắc màu của thực tiễn. Điều đó sẽ giúp cho công chúng ghi nhận và tiếp cận thực tiễn cuộc sống pháp luật một cách toàn diện. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà các số báo. các chương trình phát thanh, truyền hình... được tạo bởi nhiều thể loại khác nhau, nhưng cùng một nội dung và cố nhiên với những tính chất, góc độ, phương pháp thông tin phong phú. Đó là điều kiện cần thiết mà yêu cầu xã hội đặt ra đòi hỏi đối với toàn bộ hệ thống báo chí, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, phát triển con người có văn hoá và văn hoá pháp lý một cách toàn diện.

2. Báo chí ra đời từ nhu cầu phát triển của xã hội con người và phục vụ tích cực sự phát triển đó của xã hội.

Cụm từ báo chí là tên gọi tắt các loại hình của hệ thống thông tin đại chúng: Báo viết (gồm báo và tạp chí); báo nói, cong gọi là báo điện tử vì nói chuyển tải tiếng nói, âm thanh đi khắp nơi qua làn sóng điện tử phát từ đài phát thanh; Báo hình (ti vi) cũng là báo điện tử vì nói chuyển tải tiếng và hình ảnh tới người nhìn và người nghe bằng hệ thống tín hiện và điện tử. Trong các loại hình nêu trên, báo viết ẳa đời sớm nhất ở Châu Âu vào khoảng thế kỷ 16 khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu manh nha, khi việc buôn bán giữa các vùng trong chính nước sở tại cũng như giữa nước đó với các nước trên thế giới đòi hỏi thông tin kịp thời về giá cả. Sau này, khi chủ nghĩa tư bản phát triển thì nhu cầu thông tin của các nhà tư bản mở rộng ra nhiều bình diện của đời sống xã hội. Không phải ngẫu nhiên chữ tờ báo ở một số nước Châu Âu có chữ gốc "Ga dét" là tên gọi một phương tiện thông tin xuất hiện đầu tiên tại thành phố Venizơ (Italia) ở thế kỷ 16. Hồi ấy, những thương nhân đã cho ra đời một bản tin thông báo nhanh giá cả thị trường và ai cần bản tin đó thì bỏ ra một đồng tiền "Ga dét". Vậy là, từ nhu cầu trước hết của các nhà buôn, tờ báo đã xuất hiện trong đời sống xã hội con người. Lịch sử xã hội con người luôn luôn vận động và phát triển, hướng tới những hình thái xã hội cao hơn và tiến bộ hơn. Theo đà đó báo chí cũng không ngừng phát triển từ một tờ tin ngắn có tính chất thông báo giá cả, đến những bản tin thông báo các chủ trương cai trị đất nước của giai cấp tư sản; từ tờ báo khổ hẹp ra hàng tháng (nguyêt báo) đến hàng tuần (tuần báo), rồi hàng ngày (nhật báo), đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của loại hình báo viết, phục vụ đắc lực yêu cầu của giai cấp tư sản trong các thế kỷ 18 và 19. Qua báo chí, họ muốn khẳng định vai trò của giai cấp tư sản trước lịch sử, mà yêu cầu trước tiên và trên hết là xác lập vai trò lãnh đạo và điều hành của họ đối với toàn bộ quá trình phát triển xã hội. Đến chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản - thì báo chí đã phát triển rộng rãi không chỉ ở chính quốc, mà ở các nước thuộc địa, nhằm tuyên truyền cho mưu đò xâm chiếm thị trường thế giới và khai thác tận cùng tài nguyên và suức lao động rẻ mạt ở các nước thuộc địa. Điều đáng lưu ý là, giai cấp tư sản khi làm cách mạng tư sản để lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ tư sản, đã chú ý ngay từ đầu việc sử dụng báo chí làm công cụ trọng yếu phục vụ những mưu toan đó. Và khi thiết lập được Nhà nước tư sản, họ nắm rất chặt báo chí để củng cố vị trí thống trị và triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung rất quan trọng được đề cập thường xuyên trên báo chí lúc bấy giờ là những quy chế, quy định thiết lập trật tự xã hội, những chủ trương, chính sách khuyến khích sản xuất và buôn bán, những biện pháp ngoại giao nhằm thiết lập quan hệ có lợi của họ với các nước trên thế giới... Nói tóm lại, nội dung đó chính là nội dung pháp luật.

ở thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản có công lao rất lớn là phá bỏ chủ nghĩa phong kiến trì trệ, tạo ra sức sản xuất phát triển vượt bậc so với hình thái kinh tế xã hội phong kiến, theo đó báo chí tư sản cũng đóng vai trò tích cực và tiến bộ vì góp phần đáng kể thúc đẩy xã hội tư sản tiến lên. Nhưng đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thì bọn tư bản đã dùng báo chí để phát triển chủ nghĩa vô sanh, cổ vũ việc xâm chiếm thuộc địa nhằm vơ vét tài nguyên và thực hiện ước mơ bá chủ toàn cầu. Thực tế phũ phàng đó đề nặng cuộc sống của giai cấp công nhân trong các nước tư bản cũng như nhân dân lao động ở các nước thuộc địa. Một mặt, giai cấp tư sản dùng báo chí để bưng bít những hành vi tàn ác của chúng, nhưng mặt khác, giai cấp công nhân và nhân dân lao động lại dùng báo chí để vạch trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của chúng, kêu gọi giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại làm cách mạng lật đổ chế độ tư sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân lao động, thiết lập một chế độ xã hội mới. Cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 đã nổ ra ở nước Nga, tại một khâu yếu nhất trong dây chuyền của hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thành công. Một Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện trên 1/6 trái đất. Tạo nên sự kiện lịch sử vĩ đại đó có công lao to lớn của hệ thống báo chí của những nhà cách mạng tiền bối, của giai cấp vô sản và nhân dân lao động, trong đó có những tờ báo nổi tiếng từ thời Các Mác, Angghen như tờ Rênani, sông ranh... Những người từng quan tâm nghiên cứu báo chí không bao giời quên những bài viết chiến đấu nổi tiếng chống lại ý thức hệ tư sản trên những tờ báo, cũng như các bài báo phân tích sâu sắc xu hướng phát triển tất yếu của chủ nghĩa xã hội, những bài kêu gọi giai cấp cần lao hãy vùng lên làm cách mạng phá bỏ xiềng xích của chủ nghĩa tư bản để xây dựng thế giới đại đồng... đăng trên các tờ báo những năm đầu của thế kỷ 20 ở nước Nga. Thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai. Trong hai cuộc chiến tranh đó, những cách mạng chân chính và giai cấp vô sản ở các nước đã dùng báo chí vạch rõ bản chất hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc và kêu gọi các dân tộc đoàn kết lại dưới ngọn cờ của Đảng Mác xít để ngăn chặn thẩm họa đẩy loại người đến chỗ diệt vong. Sức mạnh của con người đã được báo chí khơi dạy, tiếng nói chính nghĩa của nhân loại đã được vang lên khắp trái đất nhờ báo chí, và sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa phát xít đã được báo chí khẳng định và truyền tải niềm tin đó đến với giai cấp cần lao. Một loại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Đông Nam á ra đời sau cuộc chiến tranh thế giới lần hai, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân loại, thế giới hình thành hai hệ thống chính trị quan trọng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Và cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng cơ bản đó của thời đại cũng được phản ánh đa dạng và sinh động trên hệ thống thông tin đại chúng của các nước trong mấy thập kỷ qua. Hiện nay, loài người đang chuẩn bị bước vào thế kỷ 21 đã và đang nuôi khát vọng về một trật tự thế giới hoà bình, ổn định và phát triển. Hệ thống báo chí cách mạng ở các nước đang coi nó là nhiệm vụ trọng tâm của mình và đang tìm cách thể hiện sinh động những hoài bão chân chính đó.

Tóm lại, báo chí ra đời từ nhu cầu phát triển của xã hội con người và phục vụ tích cực sự phát triển đó của xã hội.

3. Con người và pháp luật được thể hiện rõ nét trên báo chí.

Các Mác đã nêu một định nghĩa có sức khái quát lớn về con người - đó là sự tổng hoà những mối quan hệ xã hội. Xét về bản chất, đối với báo chí, con người cũng là nhân vật trung tâm, vì xét cho cùng động lực tạo ra sự phát triển mọi mặt của lịch sử đều do con người tạo nên. Lẽ đương nhiên, trong xã hội có giai cấp, khi một hình thái kinh tế xã hội mới ra đời thì giai cấp thống trị luôn tìm cách củng cố địa vị của mình, đồng thời trấn áp các giai cấp đối lập về quyền lợi. Trong hàng loạt các biện pháp để đạt mục tiêu cơ bản, giai cấp tư sản đã triệt để sử dụng sức mạnh của báo chí. Cũng chính vì vậy, họ mệnh danh báo chí "là quyền lực thứ tư của xã hội" (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Điều khác biệt cơ bản của hai hệ thống báo chí vô sản và tư sản là ở chỗ. Báo chí vô sản phản ánh cuộc sống của đông đảo nhân dân lao động và đấu tranh bảo vệ lợi ích của số đông quần chúng, mà lợi ích của số đông ấy cũng là lợi ích của giai cấp lãnh đạo. Cũng chính vì vậy mà mỗi khi xây dựng các văn bản pháp luật, pháp quy và kể cả Hiến pháp - đạo luật cơ bản của một nước - thì Đảng cầm quyền cũng như Nhà nước ở quốc gia đó đều công khai các văn bản dự thảo để lấy ý kiến công khai của mọi tầng lớp nhân dân. Báo chí vừa chuyển tải các văn bản quan trọng đó, vừa phản ánh kịp thời những ý kiến đóng góp của nhân dân trên mọi bình diện của đời sống pháp luật. Điều đáng chú ý là, các kỳ họp của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - đều dành thời gian thích đáng thảo luận và tranh luận các luật dự định ban hành. Việc thảo luận và tranh luận công khai đó, được hệ thống thông tin đại chúng phản ánh kịp thời.

Quá trình tranh thủ lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân xây dựng Hiến pháp và pháp luật là việc làm có ý nghĩa sâu sắc thể hiện sinh động bản chất Nhà nước của ta là bản chất Nhà nước của dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nói cách khác, mọi việc xây dựng hệ thống pháp luật đều vì con người Việt Nam và cho con người Việt Nam. Từ việc xây dựng Hiến pháp năm 1992 định rõ hướng đi lên của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, đến việc xây dựng pháp luật về đất đai, về thuế sử dụng đất nông nghiệp, về các doanh nghiệp cũng như về đầu tư nước ngoài... Trong các kỳ họp của Quốc hội khoá 8 và 9 gần đây, đều thể hiện rõ lợi ích của các tầng lớp nhân dân và người lao động cụ thể gắn bó với lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng. Báo chí không chỉ phản ánh quá trình hình thành các văn bản có ý nghĩa đó, mà điều quan trọng hơn nữa là chú ý việc đưa pháp luật vào cuộc sống - mặt thứ hai, nhưng cực kỳ quan trọng của đời sống pháp luật. Điều dễ nhận thấy là, trong thời gian qua, nội dung của mặt thứ hai này chưa được phản ánh đậm đà như mặt thư nhất (có nguyên nhân chủ quan và khách quan sẽ được phân tích ở phần sau), nhưng điều đó có thể ghi nhận là ý thức coi trọng việc tuyên truyền, phản ánh đời sống thực tiễn pháp luật được hình thành rõ nét trong ý thức của ban biên tập nhiều báo, đài; và nếu xem xét ở một số báo, đài riêng biệt thì thấy rõ nội dung đưa pháp luật vào cuộc sống cũng đã được thể hiện thành công bước đầu.

4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật với công cuộc đổi mới đất nước.

Sẽ mất đi một ý nghĩa quan trọng của hoạt động báo chí trong thời kỳ đổi mới nếu báo, đài thiếu hẳn nội dung phản ánh đời sống pháp luật trong cuộc sống ngồn ngộn sự kiện buồn vui khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần với sự vận động của cơ chế thị trường có sự điều hành của Nhà nước. Các văn kiện của các Hội nghị trung ương Đảng khoá 6 và 7 gần đây đều lưu ý các ngành, các cấp có biện pháp thiết thực nhằm phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường, đồng thới hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực của nó. Trong hàng loạt biện pháp cần thiết đó, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên báo, đài có vị đặt biệt quan trọng. Chưa bao giờ cuộc sống của người nông dân sau luỹ tre xanh lại bức bách cần hiểu rõ nội dung Luật đất đai, Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và nhiều chính sách xã hội khác liên quan đến nông thôn và nông nghiệp như hiênj nay; Người công nhân, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã... tìm tòi đọc báo và nghe đài để hiểu thế nào là "cổ phần hóa", cổ đồng, công ty trách nhiệm hữu hạn... và những quy định cụ thể để thực hiện nó. Cũng chưa bao giờ những đơn khiếu kiện về tranh chấp nhà cửa, đất đai... ở nhiều nơi lại rộ lên như thời gian qua. Và trong số thư bạn đọc gửi đến các báo, đài ở trung ương cũng như địa phương thì nội dung nêu trên chiếm một phần khá lớn. Một mặt, báo, đài làm chức năng phản ánh những đòi hỏi chính đáng đó; Mặt khác, làm cầu nối giữa các cơ quan chức năng đó đã được đăng tải trến báo, và phát trên đài, gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc, làm cho các tầng lớp nhân dân củng cố niềm tin vào chế độ mới.

Cố nhiên báo chí không sa đà vào những vụ việc khiếu kiện tràn lan, mà trong thực tiẽn thi hành pháp luật đa dạng đó, các báo, đài biết chọn ra những vụ việc, có tính điển hình, mà thông qua việc giải quyết sử lý của cơ quan chức năng, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm có ích cho nhiều ngành nhiều cấp và nhiều cơ sỏ. Một đòi hỏi không kém phần quan trọng nữa là, thông qua việc xem xét, giải quyết những vụ, việc có tính điển hình đó, báo chí không được xa rời, một trong những chức năng quan trọng của mình trong thời kỳ đổi mới đất nước là giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc gắn liền với ý thức giáo dục công dân tôn trọng pháp luật. Mọi biểu hiện tuyên truyền nhằm làm rối rắm tình hình trật tự xã hội và an ninh chính trị, hoặc gây sự nghi ngờ chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân... đều làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của công cuộc đổi mới toàn diện đát nước mà nhân dân ta đang bền bỉ thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng.

II. Một số thành tựu bước đầu của báo chí trong TTGDPL

1. TTGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những nội dung sinh động của sự đổi mới báo chí.

Sau Đại hội VI của Đảng 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế. Cùng với sự đổi mới lớn lao của đất nước, báo chí cũng tự đổi mới mình, và đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ. Số lượmg các tờ báo, tạp chí, các đài phát thanh, đài truyền hình ở trung ương và địa phương tăng lên đáng kể. Đến nay, cả nước có khoảng 350 tờ báo và tạp chí, 53 tỉnh, thành phố có đài phát thanh (trong đó có 6 đài truyền hình, 31 đài phát thanh và thuyền hình và 68 trạm phát lại truyền hình); hai đài quốc gia là đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam. Nội dung và hình thức tuyên truyền của nhiều báo, đài cũng có bước tiến đáng kể: phạm vi đề tài được đề cập rộng hơn (cả nhân tố tích cực lẫn tiêu cực); Các thể tài được sử dụng phong phú và đa dạng hơn; đã in ấn đẹp hơn có nhiều tranh, ảnh hấp dẫn hơn. Nét nổi bật trong bước tiến về nội dung là hầu hết các báo, đài đều đề cập đề tài pháp luật với cuộc sống. Đây cũng là một trong những vấn đề mà bạn đọc, bạn nghe đài và bạn xem truyền hình rất quan tâm. Cán bộ và nhân dân ta không chỉ hướng thú khi theo dõi báo, đài phản ánh kịp thời những luật và Phá lệnh mới, những chính sách mới về kinh tế, xã hội; mà còn được báo, đài giải đáp những vướng mắc băn khoăn của nhân dân trong quá trình thực hiện pháp luật và chính sách trong thực tiễn đời sống với hàng loạt chuyên mục mới xuất hiện ngày càng đa dạng trên các báo, đài như thông tin pháp luật và chính sách mới (báo nhân dân); trả lời bạn nghe đài (đài tiếng nói Việt Nam), hộp thư truyền hình (Đài truyền hình Việt Nam) và nhiều chuyên mục hàm chức nội dung pháp luật trên các báo, đài khác, đã mang đến cho bạn đọc lượng thông tin có sức khái quát về những văn bản pháp luật hoặc các chính sách mới được ban hành; đồng thời góp sức giải đáp những yêu cầu của bạn đọc mong muốn được bổ sung, hoàn thiện những văn bản đó. Rõ ràng hiệu quả tuyên truyền (xét về chức năng vốn có của báo chí) và hiệu quả xã hội (xét về bình diện đóng góp của xã hội) của báo chí, đều được nâng lên rõ nét. Nhấn mạnh điều đó không có nghĩa là báo, đài đã hoàn toàn làm tốt nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mà ở đây chỉ muốn nhấn mạnh một khía cạch vốn rất quan trong trong mối liên hệ giữa báo chí với sự nghiệp đổi mới đất nước. Đó chính là: trong khi tham gia tuyên truyền công cuộc đổi mới đất nước, các báo đài đã chú ý mở rộng phạm vi đề tài tuyên truyền, trong đó có đề tài pháp luật, thông qua nhiều chuyên mục sinh động, có sức cuốn hút bạn đọc. Đó cũng là một trong những đặc trưng rõ nét của sự nghiệp đổi mới báo chí. Trên cơ sở đó, có thể nói rằng tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các báo, đài là một trong những nội dung sinh động của đổi mới báo chí.

2. Sự đóng góp cụ thể của báo chí qua nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Nếu chỉ liệt kê số lượng bài, tin của báo, đài đã tuyên tuyền về đề tài pháp luật thì khó có thể đánh giá hết ý nghĩa và tác dụng của sự nghiệp đổi mới báo chí trên lĩnh vực này. Vấn đề cốt lõi theo chúng tôi là sự nhìn nhận các khía cạch của nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật mà báo, đài đã chuyển tải đến bạn đọc. Vì vậy, chúng tôi muốn giới hạn các mốc thời gian từ 1991 đến nay - Tức là khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương công bố dự thảo Hiến pháp mới để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân – một sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta. Cũng từ mốc đó, Quốc hội khoá 8 và 9 đã dành phần lớn thời gian xem xét, thảo luận và thông qua các luật có liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân cả nước.

Sự đóng góp tích cực của báo chí thể hiện trước hết ở khía cạch phản ánh sinh động các hoạt động lập pháp (từ việc xây dựng văn bản đến quá trình lấy ý kiến nhân dân để chỉnh lý, bổ sung; sau đó trình Quốc hội xem xét, thảo luận và phê chuẩn). Trong quá trình dân chủ hoá đời sống và xã hội theo hướng Nghị quyết Đại hội VI của Đảng ta, chưa có bao giờ các tầng lớp nhân dân ta quan tâm theo dõi và góp ý kiến xây dựng sôi nổi và đầy tinh thần trách nhiệm công dân vào bản Hiến pháp 1992 như trong thời gian qua, mặc dù đó không phải việc mới mẻ, chúng ta đã từng có những đợt góp ý xây dựng và bổ sung các Hiến pháp 1959 và 1980, những rõ ràng với đợt thảo luận góp ý cho bản Hiến pháp 1992 đã phản ánh một chất lượng mới các ý kiến đa dạng cũng như một chất lượng mới, việc phản ánh các hoạt động lập pháp trên các báo, đài. Điều đó có phần dễ hiểu vì ý thức chính trị và trình độ dân trí của nhân dân được nâng cao một bước; Vì nhãn quan nhìn nhận và năng lực thể hiện của đội ngũ làm báo trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng được naang cao do sự đòi hỏi bức xúc của thực tiễn đời sống xã hội trong thời mở cửa.

Trong tờ trình về (bản dự thảo lần thứ tư, sửa đổi Hiến pháp 1980) do đồng chí Võ Chí Công thay mặt Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp đọc trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 8, có nhấn mạnh "các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là các báo, đài đã tham gia tích cực". Bản báo cáo cho biết tính đến ngày 28-2-1992 Quốc hội đã nhận được 74 bản báo cáo tổng hợp của 98 đoưn vị bộ, ban ngành, đoàn thể và gần 300 thư góp ý kiến cá nhân cùng nhiều ý kiến đăng trên các báo, đài... phản ánh sự hưởng ứng rộng lớn của hơn 9 triệu người tham gia thảo luận, góp ý kiến vào bản dự thảo Hiến pháp. Đó cũng là biểu hiện rõ nét ý thức chính trị và trách nhiệm công dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Những việc làm có ý nghĩa sâu sắc đó được phản ánh sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Riêng trên báo nhân dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong dịp này đã có nhiều hình thức sinh động, phản ánh sự kiện chính trị trọng đại này của đất nước. Cùng với các tờ báo khác đăng tải các ý kiến đa dạng của công nhân, nông dân, binh sĩ, tri thức xung quanh nội dung cơ bản của Hiến pháp, báo nhân dân đã giành 6 chỗ đăng những phỏng vấn của phóng viên bản báo đối với đại diện những tập thể người lao động, từ anh đạp xích lô ở Thành phố Hồ Chí Minh đến bác nông dân ở vùng lúa đồng bằng sông Cửu long; từ người công nhân bốc vác ở cảng Hải Phòng đến những tri thức ở Viện Nghiên cứu Khoa học... ý kiến trả lời phỏng vấn ngắn gọn nhưng đạt lên tình cảm và trách nhiệm công dân đối với đạo luật cơ bản có ý nghĩa hoạch định đường đi nước bước của dân tộc ta trong thời kỳ đổi mới. Sau khi Hiến pháp được thông qua, báo đăng toàn văn và có bài tóm lược những ý chính của hàng trăm thư bạn đọc và nhận mạnh những vấn đề chung nhất, tiêu biểu nhất của nhân dân cả nước gửi gắm vào bản Hiến pháp mới này. Đợt tuyên truyền tập trung đó, một lần nữa khẳng định rằng, báo chí chuyển tải đến bạn đọc những thông tin thời sự thiết thân của cuộc sống hàng chục triệu người; đồng thời báo chí cũng phản ánh nhanh nhậy những tâm tư, ý nguyện, những kiến nghị rất đời thường khi đón nhận những văn bản pháp luật quan trọng như vậy.

Như đã thành nếp, mỗi một văn bản luật đều được báo nhân dân thể hiện theo các trình tự; Bước 1, đăng toàn văn dự luật; Bước 2, đăng các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân; Bước 3, đăng một số bài phân tích những mấu chốt của các luật đó do các chuyên gia viết, sau khi đã đăng toàn văn luật mới vừa được Quốc hội thông qua.

Thực tiễn đã chỉ rõ, việc tuyên truyền kịp thời nội dung các hoạt động lập pháp, là một bước quan trọng, nhưng báo chí phản ánh việc đưa các văn bản pháp luật đó vào cuộc sống càng quan trọng hơn. Bởi vì xét cho cùng, pháp luật tác động vào xã hội trên hai bình diện cơ bản: Một là, có những luật, bộ luật phản ánh được các khía cạch của đời sống xã hội; đồng thời kiểm soát và định hướng được sự phát triển của xã hội; Hai là, những văn bản đó đi vào thực tiễn có thực sự phát huy tác dụng tích cực hay chỉ là hình thức.

Nhận thức được đòi hỏi biện chứng đó. nhiều báo, đài đã có kế hoạch tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn về đề tài pháp luật trong từng thời kỳ. Việc các báo tuyên truyền Hiến pháp 1992 cũng như lập pháp trong từng kỳ họp Quốc hội là một ví dụ về ý thức chuẩn bị tuyền truyền có bài bản và có hệ thống, trong đó nổi bật lên là kế hoạch tuyên truyền dài hạn, nghĩa là có bước đi cụ thể trong từng thời gian với những tin, bài thích hợp với từng chủ đề như trên báo, đài. Còn kế hoạch ngắn hạn, ngiã là từng luật cụ thể, từ việc phân tích những vấn đề then chốt của mỗi một văn bản dến việc phản ánh các hoạt động ở các cơ sở, địa phương, cơ quan, trường học... nhằm quán triệt pháp luật. pháp lệnh có nội dung thiết thân với từng đơn vị.

Có thể tóm lước nội dung tuyên truyền pháp luật được đề cập trên báo, đài theo những vấn đề nổi bật sau đây:

a. Thông tin các nội dung cơ bản của văn bản luật, pháp lệnh.

Đối với các báo hàng ngày như nhân dân, quân đội nhân dân, thông tấn xã Việt Nam... thường đăng toàn văn các văn bản đó... còn các báo hàng tuần hoặc tạp chí thường đăng tóm tắt những nội dung cơ bản.

Nhìn chung, trên bình diện này, các báo, đài đều coi trong việc thông tin gắng chặt với việc giải đáp vướng mắc của nhân dân khi vận dụng pháp luật vaò cuộc sống.

Nội dung này được nhiều báo, đài thể hiện qua các chuyên mục đa dạng. Ví dụ: chuyên mục "thông tin pháp luật và chính sách mới" (báo nhân dân); " hộp thư truyền hình" (đài truyền hình Việt nam); "ý kiến bạn nghe đài" (đài tiếng nói Việt nam); "giải đáp pháp luật"; (báo quân đội nhân dân);v.v...Có thể coi đây là một trong những cách tuyên truyền sinh động thu hút sự chú ý của bạn đọc và đạt hiệu quả tuyên truyền rõ nét.

b) phản ánh hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật, như Viện kiểm sát, Toà án, Công an, Thanh tra, Trọngtài kinh tế... Đây cũng là cách thông tin thời sự những việc làm nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của các cơ quan bảo vệ pháp luật, được bạn đọc hết sức quan tâm, theo dõi xem những vụ, việc đó được xử lý thể nào...

c) phản ánh các vụ, việc vi phạm pháp luật và mỗi bài học kinh nghiệm được rút ra từ mỗi vụ án.

Đây cũng là hình thức thể hiện có sức hấp dẫn khá đông bạn đọc. Ngoài thể tài thông tấn đưa tin nhanh về các vụ, việc vi phạm pháp luật, nhiều báo đài đã tập trung sử dụng thể tài phóng sự điều tra nêu rõ quá trình diễn biến vụ án, vạch rõ những âm mưu hủ đoạn xảo quyệt của người gây án, nêu tác hại nhiều mặt của vụ án đối với đời sống xã hội... Những bài viết này thường được thể hiện trên báo, đài khi mỗi vụ việc đang diễn biến hoặc đã kết thúc được các cơ quan pháp luật khởi tố và đưa ra truy tố trước toà án.

Thực tiễn chỉ rõ: Nếu những bài viết được chuẩn bị tư liệu công phu, có điều tra, đối chiếu chứng cứ tỉ mỉ, và người viết lại có cái "tâm" trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ cao, thì tác dụng xã hội ủa những bài phóng sự điều tra này rất lớn. Người đọc không chỉ nắm được bản chất của vụ án, mà còn rút ra được bài học răn mình và răn mọi người qua từng vụ án. Còn đối với những người có trách nhiệm quản lý một đơn vị hành chính hay đơn vị kinh tế thì những bài báo như vậy là sự giúp ích rất thiết thực cho họ trong quá trình quản lý cán bộ cũng như quản lý sản xuất và hành chính...

Tuy nhiên, cũng cần nêu lên một hiện tượng không lành mạnh là, do tác động của cơ chế thị trường, một số ít báo chí ở nơi này, nơi khác vào những thời điểm cụ thể, đã đăng tải những vụ án giật gân với cách viết miêu tả bạo lực, rùng rợn những "pha" làm tình trơ trẽn.. gây tác hại về tư tưởng thẩm mỹ cho bạn đọc nhất là cho lớp thanh, thiếu niên. Hiện tượng "thương mại hoá" báo chí đó, đã và đang được khắc phục có hiệu quả.

d) Nêu ý kiến tiếp thu phê bình của các đơn vị có vụ, việc đăng trên báo chí.

Đây là một trong những nội dung thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận của nhân dân ta trttong chế độ mới. Sau mỗi bài báo đài phê bình có địa chỉ, từng đơn vị liên quan sự việc mà bài baó nêu, đều có quyền trả lời nói rõ sự việc ấy là đúng hay sai, bản chất của vấn đề và nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ sở ...Thực tiễn chỉ rõ, trong những năm qua, việc tiếp thu phê bình trên báo, đài phản ánh rõ mấy xu hướng sau đây:

1.d) Do nhận thức đúng vai trò quan trọng của công luận, những người lãnh đạo các đơn vị được báo đài phê bình có ý thức nghiêm túc xem xét bản chất sự việc, tìm nguyên nhân dẫn đến sai lầm và mong được báo, đài giúp cơ sở tìm cách khắc phục.

2.d) Xu hướng "tiếp thu phê bình" cho "qua chuyện" nghĩa là có bài trả lời đúng luật báo chí qui định, bởi lẽ trong bài viết cũng tỏ ra nghiêm túc xem xét..., nhưng trên thực chất, họ không sử lý và giải quyết các vấn đề nhức nhối ở cơ sở mà bài báo đã nêu.

3.d) Xu hướng tìm mọi cách phủ định bài phê bình, thậm chí có nơi, có lúc một số người lãnh đạo đơn vị, cơ quan tìm cách đe doạ người viết bài phê bình, đồng thời tìm cách lập hồ sơ, giấy tờ giả để "hợp pháp hoá" những việc làm sai trái của họ.

Tuy nhiên, chân lý bao giờ cũng cụ thể và được sáng tỏ theo thời gian. ý thức nghiêm túc tiếp thụ phê bình và sự hợp tác chân thành với báo chí của những đơn vị được báo, đài phê bình là bài học kinh nghiệm có ý nghĩa sâu sắc nhiều mặt giúp các đơn vị đó sửa chữa khuyết điểm, xây dựng đơn vị trong sạch và tiến bộ. Đây là tác đông tích cực và rất quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội. Sự trợ lực to lớn của báo chí còn thể hiện ở chỗ, dựa vào các vụ việc tiêu cực nêu trên đài báo các cơ quan thực thi pháp luật đã khẩn trương kiểm tra, điều tra và tìm cách nhăn chặn những tác hại xảy ra (nếu sự việc mới bắt đầu chớm nở) hoặc nhanh chóng đưa ra truy tố trước pháp luật (nếu sự việc chín muồi và có đủ chứng cứ pháp lý).

3. Tác động tích cực của TTGDPL trên báo chí.

Qua nội dung trình bày ở các phần trên, có thể nói rằng trong những năm qua sự đóng góp tích cực của báo chí vào công cuộc đổi mới đất nước thể hiện khá rõ nét trên hai bình diện: Tuyên truyền, cổ cũ những nhân tố mới tích cực và phát hiện, phê phán những hành vi tiêu cực đang cản trở hướng đi lên của xã hội ta. Trong lĩnh vực tuyên truyền giáo dục pháp luật, báo chí cũng thể hiện tương đối rõ nét hai mặt quan trọng này. Dù biểu dương hay phê phán, các báo, đài đều hướng tới mục tiêu cao cả trong lĩnh vực tuyên truyền này là:

a. Nâng cao ý thức công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Đây là một biểu hiện rất lành mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua khảo sát thư bạn đọc ở nhiều báo, đài thì thấy một trong những vấn đề họ quan tâm tìm hiểu và mong muốn được giải thích căn kẽ là pháp luật và chính sách mới. Điều đó phản ánh trình độ dân trí được nâng cao, đồng thời cũng phản ánh sự đòi hỏi bức xúc của thực tiễn đời sống xã hội khi đất nước chấp nhận cơ chế kinh tế thị trườngthì mặt tích cực và tiêu cực của nó cứ đan xen nhau, gây ra những rối rắm mới trong đời sống pháp luật. Khẩu hiệu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật được nêu lên từ thực tế đa dạng và phức tạp đó. Một mặt đó là đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, đó cũng là nguyện vọng chung của đông đảo nhân dân mong muốn xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, trong đó Nhà nước mở rộng dân chủ đi đôi với thiết lập trật tự kỷ cương xã hội. Báo chí đã và đang góp sức tuyên truyền nhằm làm cho sự phát triển của xã hội ta theo hướng lành mạnh đó.

b. Tạo dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu.

Điều này dễ nhận thấy rõ nét một khi các báo, đài đưa tin biểu dương những tấm gương dũng cảm chiến đấu chống lại bọn tội phạm chuyên trấn lột treen các xe khách hoặc gây án giết người cướp của, những tấm gương các chiến sĩ công an nhân dân liêm khiết, không nhận hối lộ, bị kẻ xấu o ép đe doạ tính mạng, vẫn kiên trung thi hành nhiệm vụ. Hàng trăm lá thư bạn đọc hoan nghênh những con người như vậy và không ít bạn đọc xin được ủng hộ vật chất cho những người vì chống tội phạm mà bị thương hoặc hy sinh. Sau những bài phóng sự điều tra về các vụ việc tiêu cực, các báo, đài đều nhận được nhiều thư bạn đọc biểu thị thái độ đồng tình với các cơ quan thông tin đại chúng, lên án các hành vi tiêu cực và kiến nghị với các cơ quan chức năng những biện pháp xử lý. Những dòng thư bạn đọc ấy được các báo, đài trích đăng, tạo nên dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu.

c) Góp sức đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm.

Một nét đáng chú ý trong sự đóng góp tích cực của báo chí là thông tin kịp thời những nội dung pháp luật và các chủ trương, chính sách quản lý xã hội của Nhà nước ta đến đông đảo nhân dân ở mọi vùng đất nước. Qua điều tra xã hội học trong lĩnh vực phạm tội hình sự và dân sự thì thấy có khá nhiều trường hợp do không hiểu biết về pháp luật (ví dụ điển hình nhất là hiện tượng vi phạm luật giao thông diễn ra ở nhiều tỉnh và thành phố) . Nhằm góp phần khắc phục hiện tượng đó, báo chí cùng các cơ quan chức năng tổ chức cuộc thi tìm hiểu luât lệ an toàn giao thông, xây dựng những bộ phim truyền hình về chủ đề này và chiếu rộng rãi trong công chúng, gây được sự chú ý của dư luận xã hội, tác động tích cực vào việc lập lại trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng.

Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự cũng như khắc phục các tệ nạn xã hội, vấn đề có phần phức tạp hơn. Nhưng đưa các bài phóng sự điều tra về vụ án, những bài học kinh nghiệm rút ra từ đây cũng có tác dụng tìm hiểu giáo dục ý thức ìm hiểu nội dung bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự và từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác với các hoạt động tội phạm, khơi dạy trách nhiệm phòng chống tội ở mỗi xóm, ấp, phường, xã ở từng địa phương.

Tóm lai, bằng nhiều cách thể hiẹn đa dạng và phong phú, các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đông đảo cán bộ và nhân dân. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xét về thực chất là quá trình giáo dục, hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; là quá trình mở rộng dân chủ gắn liền với việc thiết lập trật tự, kỷ cương trên mọi bình diện của đời sống xã hội.

Không thể tạo ra bầu không khí xã hội lành mạnh, cũng như không thể phát huy được hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương, nếu công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật bị coi nhẹ; nếu các phương tiện thông tin đại chúng chưa được huy động mạnh mẽ để tham gia lĩnh vực tuyên truyền có ý nghĩa chính trị xã hội nhiều mặt này. Đương nhiên, sự đóng góp tích cực của báo chí trên bình diện này có thể được phát huy tác dụng nhiều hơn nữa nếu các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng các cơ quan khác có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; nếu từng báo, đài thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm cải tiến nội dung và phương pháp tuyên truyền trong tưngf thời gian cụ thể.

III.Nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo chí.

Như đã trình bày và phân tích ở phần I và II của chuyên đề, không ai có thể phủ nhận vị trí, vai trò cũng như tác dụng to lớn của báo chí trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội- nhất là trong công tác TTGDPL. Vì thế, làm thế nào để xác định hiệu quả và nâng cao hiẹu quả của báo chí trong TTGDPL là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về vấn đề lý luận và thực tiễn của việc TTGDPL trên báo chí (chủ yếu ở phạm vi báo viết, báo nói báo bình). Mặt khác việc duy trì ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả TTGDPL trên báo chí không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là nhiệm vụ có tính chiến lược trong đổi mới hoạt động báo chí nói riêng và đổi mới công tác TTGDPL nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Vấn đề trước tiên, có ý nghĩa tiền đề của việc nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo chí là cần phải nắm vững đặc thù của tưng loại báo chí; làm rõ khái niệm "hiệu quả" tuyên truyền của báo chí; phân tích khẳng định ý nghĩa tích cực của việc sáng tạo, những chuyên mục hấp dẫn về pháp luật trên báo chí, sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các cơ quan chức năng để TTGDPL; các điều kiện cần và đủ để nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo chí.

1. Khái niệm "hiệu quả" tuyên truyền giáo dục pháp luật của báo chí và việc nâng cao hiệu quả báo chí trong TTGDPL.

"Hiệu quả" là một phạm trù khoa học, đồng thời cũng là mục tiêu mà con người phải tiến đến trong hoạt động của mình, vì vậy nói đến hiệu quả báo chi phải xuất phát từ sự tồn tại của bản thân báo chí. ở đây cần phân biệt hiệu quả của báo chí khác với hiệu quả của lao động sản xuất. Đối với hiệu quả của lao động sản xuất, người ta đều phải lượng hoá được bằng cách cân, đong, đo đếm qua số lượng và chất lượng sản phẩm, qua hao phí lao động, hoặc qua giá trị sử dụng của nó. Còn hiệu quả của báo chí ít khi thể hiện cụ thể, khó đo lường và không phải lúc nào cũng tác động trực tiếp vào những tập thể người cụ thể, cũng có những bài báo có tác động ngay, song thông thường phải đi đường vòng,phải có thời gian nhất định, phản ánh qua nhiều bậc trung gian, vừa đa dạng (tức là cùng một lúc nhằm nhiều mục tiêu) vừa tổng hợp (cuối cùng qui về một mục đích cơ bản). Tuy vậy, nhìn tổng quát sau một quá trình nhất định, hiệu quả của hoạt động báo chí thế nào cũng biểu hiện cụ thể, như tác động vào nhận thức, ứng xử của con người trong cụôc sống thường nhật hay vào tâm lý xã hội, đưa vào tâm lý thực tiễn, có tác dụng giáo dục, lôi cuốn và cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Hiệu quả của báo chí trong TTGDPL không thể tính toán bằng tiền, mà là thể hiện trước hết ở việc cung cấp những thông tin mới nhất về các hoạt động xây dựng, chấp hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội; ở tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa và vận động quần chúng sống và làm việc theo pháp luật. Trên cơ sở đó, hoạt động của quần chúng trên các lĩnh vực kinh tế- chính trị- văn hoá- xã hội... có thể được chuyển đổi bằng nhận thức cái mới, sự việc mới trong tâm tư, tình cảm, và hành động hăng hái của họ trong lao động, sản xuất, kinh doanh; và trong ứng xử hàng ngày giữa những con người thể hiện có hiểu biết văn hoá, pháp lý cao hơn.

Nói đến hiẹu quả baó chí là nói đến mục đích mà thông tin báo chí mong đạt được sao cho người tiếp nhận thông tin có thể tin cậy được. Do vậy, ở bất kỳ thể loại nào, một tác phẩm báo chí muốn có hiệu quả trước hết phải là môt tác phẩm hay, nội dung của nó phải phong phú, mang lại cho người đọc, người nghe, người xem một lượng thông tin mới, phản ánh đúng thực tiễn, thể hiên rõ những quan điểm đúng, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưỏng trong từng thời kỳ; hình thức của thông tin phải hấp dẫn; phải thoả mãn nhu cầu mỹ cảm và gây được tác động sâu lắng đến tình cảm và suy nghĩ của đối tượng- không những "tác phẩm" ấy làm cho người đọc, người xem và người nghe thích thú, mà còn khơi gợi được suy nghĩ theo hướng đúng (ủng hộ cái đúng đấu tranh cho cái sai), và thúc đẩy được hành động tích cực của họ, đồng thòi tác động vào tình cảm và lý trí của đối tượng, vừa có tác động trước mắt, vừa để lại tình cảm lâu dài.

Tuy nhiên, do đối tượng, phạm vi tác động và phục vụ của mỗi phương tiện thông tin đại chúng khác nhau, cho nên hiệu quả của từng loại hình báo chí cũng khác nhau (cả về tính chất và mức độ). Song xét trên tổng thể toàn bộ hệ thống báo chí thì hiệu quả của báo chí biểu hiện rõ nét tren những mặt sau:

- Truyền thông đến đại chúng nhân dân những thông tin cần thiết, có chọn lọc, với số lượng thoả đáng và chất lượng cao, qua đó hướng dẫn suy nghĩ, khơi chiều dư luận, thúc đẩy hành động cách mạng của quần chúng.

- Góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của mỗi đối tượng, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng, trong thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội nói chung và xây dựng, thực hiện pháp luật nói riêng.

Giáo dục ý thức pháp luật và lối sống làm viẹc theo pháp luật trong công cuộc đổi mới hiện nay- đó cũng là một tiêu chuẩn quan trọng của con người có văn hoá pháp lý của một xã hội văn minh.

Muốn đánh giá hiệu quả của báo chí trong TTGDPL, không thể không phân tích những yếu tố cấu thành nên nó, các yếu tố này đồng thời cũng chính là điều kiện bảo đảm hiệu quả của công tác TTGDPL trên báo chí.

Như đã phân tích ở trên, trước hết- tác phẩm báo chí phải có nội dung tốt, bao gồm nhiều tác phẩm hay, yếu tố này đòi hỏi một tiền đề có tính quyết định là: đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước phải đúng, phải đi vào cuộc sống thực tế. Báo chí không thể phản ánh, vì làm như vậy nhiều khi không có hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược trở lại. Ví dụ: chỉ thông tin các văn bản pháp luật, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng... Mà không có thông tin, phản ánh việc thực hiện cùng những vấn đề cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp; không có đấu tranh phê phán mà chỉ có biểu dương (tức là chỉ có "chống" mà không có "xây" hoặc chỉ có "xây" mà không có"chống"... ). Vì thế báo, đài cần qua hoạt động thực tiễn của mình kịp thời phát hiện những chỗ chưa đúng trong chính sách, pháp luật và kiến nghị, bổ sung những điểm cần thiết, thành công của báo chí trong việc tuyên truyền "khoán sản phẩm" trong nông nghiệp là một thành công và một kinh nghiệm quí về hiệu quả tuyên truyền của báo chí.

Một trong những yếu tố nêu hiệu quả của công tác tuyên truyền báo giới là việc sử dụng tổng hợp các cơ sở vật chất - kỹ thuật của người làm báo, nhằm làm sáng tạo nội dung tốt; đồng thời có một đội ngũ những người làm báo (viết về đề tài pháp luật) có đủ tri thức cần thiết về pháp luật - kể cả lãnh đạo các báo, đài đến phóng viên, biên tập viên và các cộng tác viên. Không thể có tình trạng được giao viết về một vấn đề, một nội dung mà người viết lại không hề được trang bị hoặc am hiểu nhất định về vấn đề và nội dung đó. Tiếp đó là vấn đề phương tiện kỹ thuật đảm bảo hiệu quả tuyên truyền của báo chí; trên thực tế, nội dung tốt không thể tách rời vấn đề kỹ thuật, biểu hiện trên các phương tiện truyền dẫn thông tin. Kỹ thuật biểu hiện tốt sẽ giúp cho nội dung bộc lộ hết thế mạnh của nó. Trái lại, kỹ thuật tồi làm hại đến nội dung, thậm chí gây tác hại tiêu cực: một bài báo rất hay, một văn bản luật quan trọng nhưng nếu in chữ quá nhỏ lại lèm nhèm thì sẽ chẳng ai muốn đọc; một chương trình phát thanh rất hay, nội dung cần nhiều người biết nhưng sóng phát thanh quá ngắn, âm lượng không rõ... thì cái hay, cái quan trọng ấy cũng chẳng thể đạt được hiệu quả mong muốn: một buổi truyền hình trang trọng, nhưng sóng hình méo mó, thuyết minh không khớp với hình thì chỉ gây tác động tiêu cực. Thiếu điện, thiếu pin báo chậm đến tay người đọc... hiện nay đang là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tuyên truyền của báo chí. Do đó, không thể tách rời nội dung vớ hình thức - bất kỳ một nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật cũng cần phải có cái vỏ vật chất tương ứng để tải nó đến với đối tượng phục vụ. Vì thế, phải chăm lo xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần nhấn mạnh rằng - hiệu quả của báo chí gắn chặt với trình độ tay nghề, khả năng tư duy lý luận, độ sâu rộng của lượng tri thức và những kinh nghiệm thực tiễn được tích luỹ, sự quán triệt các nhiệm vụ công tác chính trị tư tưởng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Một trong những điều kiện quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề đó chính là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí.

2. Nắm vững đặc thù của từng loại báo chí (báo viết, nói và báo hình) trên cơ sở đó có hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả tuyền truyền, giáo dục pháp luật.

Trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nói riêng và trong công tác giáo dục tư tưởng nói chung từ trước đến nay, chúng ta đã sử dụng nhiều phương tiện thông tin, tuyên truyền bằng miệng với nhiều hình thức, tuyên truyền, giáo dục trên các báo chí, sách và các ấn phẩm khác, các loại hình văn hoá, nghệ thuật... nhưng có thể khẳng định là báo chí (báo viết, báo nói, báo hình) có vị trí và vai trò rất quan trọng và được sử dụng thường ngày, càng ngày càng quan trọng được độc giả quan tâm. muốn nâng cao hiệu quả TTGD của loại hình này cần nắm vững đặc thù của từng loại, có như vậy mới có biện pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. ở đây, chỉ nghiên cứu những phương tiện cơ bản là báo viết, báo nói và báo hình.

a) Báo viết (bao gồm cả báo ngày, báo tuần, tạp chí... )Đặc thù chung của báo viết thể hiện ở các yếu tố sau:

- Mang tính thời sự kịp thời, nhanh nhạy (báo ngày)

- Phục vụ nhiều loại đối tượng, ở nhiều thời điểm khác nhau, phạm vi tác động khá rộng.

- Tác động vào người đọc bằng các tít của báo, bằng cách trình bày, in ấn, cách thể tài kết hợp với hội hoạ trên mặt báo.

Song, bên cạnh những ưu điểm và lợi thể của báo viết nêu trên, báo viết cũng có những hạn chế nhất định:

- Số lượng bản in có hạn, nội dung bị hạn chế bởi số lượng trang, dòng, ví dụ: có khi phải đăng tải vài số báo mới hết một văn bản luật.

- Phải phát hành qua bưu điện nên dễ bị ảnh hưởng bởi việc lưu thông (ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có khi báo phải hàng tuần mới tới).

- Mỗi tờ báo chỉ phục vụ được một loại hay một nhóm đối tượng.

b) Báo nói (phát thanh): là tờ báo nói tổng hợp, có khả năng chứa đựng nội dung phong phú, có kỹ thuật đặc biệt (âm thanh, nhạc, lời nói... )nên có thể truyền cảm sâu sắc tới tâm lý, tình cảm, tư tưỏng của người nghe.

- Truyền tin nhanh, kịp thời và có phạm vi tác động nhiều đối tượng cùng một lúc.

- Phục vụ được tất cả các loại đối tượng, với phương tiện kỹ thuật điện tử nên tác dụng và hiệu quả hơn hẳn báo viết, khắc phục được hạn chế của báo viết.

Ngoài các đặc trưng trên, báo nói có những ưu điểm: - tiếng nói được phát đi trên một bình diện rộng, không bị ảnh hưởng bởi không gian, thời gian, đến được tất cả các loại đối tượng:

- Báo nói có thể sử dụng các hình thức nghệ thuật hấp dẫn hơn báo viết, với nhiều hình thức, thể loại như: ghi nhanh, thu nhanh, toạ đàm, phỏng vấn, câu chuyện truyền thanh...

từ đó làm tăng thêm tính hấp dẫn, sức thuyết phục người nghe.

- Thời gian một ngày gồm nhiều chương trình, không giới hạn số dòng, số trang như báo viết nên lượng thông tin lớn hơn.

Tuy có nhiều ưu điểm hơn báo viết, nhưng báo nói vẫn có những hạn chế mà chỉ báo hình mới có thể khắc phục và bổ sung được như:

- Lời nói, âm thanh chỉ thoảng qua tai- người nghe chưa có điều kiện để đi sâu phân tích những vấn đề trừu tượng.

- Người nói, người nghe không trực tiếp thấy nhau cho nên sự truyền câu cũng bị hạn chế.

- Trong khi nghe đài, người ta có thể làm việc khác, có những vấn đè đọc lên người nghe không nghe được, khi muốn nghe lại khôngcó nên người nghe hiểu vấn đề không sâu sắc.

- Phát thanh có tính toàn quốc và quốc tế lớn nên việc góp ý, phê bình trên đài hạn chế hơn báo viết.

- Sóng phát thanh bị ảnh hưởng bởi địa lý như miền núi, hải đảo... cho nên ảnh hưởng tới việc TTGD.

- Điều kiện kinh tế- văn hoá của nhân dân (có thiết bị thu thanh hay không).

- Với những hạn chế trên, để bổ sung cho báo nói rất cần có báo hình (truyền hình).

c) Báo hình: Cũng là báo tổng hợp, có ưu thể lớn là người xem cùng một lúc vừa được nghe, được xem hình ảnh, người thật việc thật. Vì thế tác dụng TTGD lớn hơn, báo hình có sức hấp dẫn, cảm thụ người xem nhẹ nhàng (nhất là với truyền hình mầu);

Mặc dù có những ưu điểm trên, nhưng báo hình cũng có những hạn chế như:

- Phạm vi phát sóng bị hạn chế (trên 100 km phải có trạm tiếp âm, tiếp sóng).

- Để có một chương trình phát, phải đi từ kịch bản, phân cảnh dựng phim, quay phim, in tráng, duyệt, lồng tiếng, lồng nhạc... Vì vậy chuơng trình truyền hình có những hạn chế nhất định.

- Chương trình phát vaò một giờ cố định, tất cả mọi đối tượng cùng xem một lúc, vì thế tác động và hiệu quả với người xem cũng bị hạn chế.

Qua phân tích so sánh đặc trưng, ưu thế, hạn chế của 3 loại báo kể trên ch chúng ta thấy là: muốn nâng cao hiệu quả TTGD trên ba loai hình này phải có sự nghiên cứu, chọn lựa khoa học, phù hợp với tính năng tác động từng loại; khai thác những ưu thế chung và riêng của từng loại và khắc phục những hạn chế hiện thời. Do vậy, cần phải sử dụng tổng thể cả ba loại hình báo chí mới có thể nâng cao hiệu quả của nó trong TTGDPL.

3. Sáng tạo những chuyên mục hấp dẫn để nâng cao hiệu quả TTGD trên báo chí.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo chí. Mỗi loại báo đều có những thể tài và chuyên mục khác nhau , cách thể hiện khác nhau.Do đó có thể xây dựng một chuyên mục TTGD nhưng cách thể hiện lại khác nhau, điều đó được qui định bởi chính tính năng, tác dụng và phạm vi tác động của mỗi loại báo.

Thực tế TTGDPL trên báo đài những năm qua đã có thể khẳng định: muốn nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo, đài tất yếu phải có sự sáng tạo, cải tiến kịp thời các chuyên mục hấp dẫn- Được công chúng đồng tình ủng hộ thì mới có hiệu quả và mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công chúng.

Trong công tác TTGDPL trên các báo, đài từ nhiều năm qua, có nhiều chuyên mục thể hiện sự sáng tạo, đa dạng và có tác dụng tốt. Đó là các chuyên mục về pháp luật trên các báo, đài ở trung ương và địa phương như chuyên mục Nhà nước và pháp luật của Đài tiếng nói Việt Nam (hình thành từ tháng 7 năm 1989 với sự giúp đỡ của Vụ TTGDPL - Bộ Tư pháp); Chuyên mục Nhà nước an ninh và quốc phòng trên báo nhân dân (thứ hai hàng tuần), nay là thông tin pháp luật và chính sách mới. Trên các số báo ra thứ ba và thứ năm hàng tuần; chuyên mục "Dân chủ và pháp luật" trên báo đại đoàn kết (định kỳ hành tuần); Chuyên mục "pháp luật và Nhà trường); trên báo giáo dục và thời đại có từ năm 1987 đến nay (ra hàng tuần); mục hộp thư bạn xem truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam (phát thứ 5 hàng tuần) Mục ý kiến bạn nghe đài của Đài tiếng nói Việt Nam (phát hàng ngày); chuyên mục Pháp luật và tuổi trẻ trên báo Tiền phong, "pháp luật và đời sống" trên báo tuần tin tức (ra hàng tuần).... Nhiều báo, tạp chí khác ở trung ương tuy không có hẳn một chuyên mục với tên riêng như các báo, đài trên, những vẫn có trang chuyên về pháp luật. ở các địa phương, đến nay đã có trên 40 tờ báo và đài phát thanh. Tuyền hình có chuyên mục riêng về pháp luật, với nhiều tên gọi khác nhau như "pháp luật và đời sống", "Nhà nước và pháp luật", "Tìm hiểu pháp luật" , "kinh tế với pháp luật" .... Việc liệt kê những chuyên mục trên giúp chúng ta khẳng định và chứng minh thêm việc sáng tạo những chuyên mục hấp dẫn để TTGDPL trên các báo, đài.

Tuy nhiên, để sáng tao, duy trì thường xuyên các chuyên mục về pháp luật nói trên, một vâbs đề có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn là: Sức hấp dẫn của chuyên mục phải được quy định bởi 4 yếu tố cơ bản, đó là: - Sức khái quát cao, - nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, - phong phú đời thường pháp luật, - để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, người nghe và người xem. Bốn yếu tố này chính là yêu cầu bắt buộc đối với việc sáng tạo một chuyên mục hấp dẫn. Không thể có sự hấ dẫn cho người nghe, xem và đọc nếu chuyên mục chỉ có một thể tài giới thiệu văn bản, giải đáp pháp luật hoặc đưa tin, viết bài... mà không có sự sáng tạo bằng những thể khác như tiểu phẩm, câu chuyện truyền hình, truyền thanh, văn học pháp lý, bài học từ một vụ án...

4. Để nâng cao hiệu quả TTGDPL trên báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các cơ quan chức năng.

Sự phối hợp này là cần thiết và rất thực tế, dành rằng chức năng, nhiệm vụ của báo, đài và các cơ quan chức năng khác nhau (nhất là đối với các cơ quan bảo vệ và thực hiện pháp luật). Song nếu không có sự phối hợp thì ắt sẽ có tình trạng "trăm hoa đua nở" theo kiểu hình thức, hoặc coi TTGDPL không phải là của các cơ quan báo, đài mà chỉ là của riêng các cơ quan xây dựng, bảo vệ và thực hiện pháp luật. Từ quan niệm và nhận thức không đúng như trên, đã dẫn đến tình trạng nhiều lúc, nơi và nhiều cơ quan ít quan tâm đến công tác này, thậm chí coi TTGDPL cũng như một hoạt động thương mại - Nếu có cơ quan nào đó đầu tư kinh phí, phương tiện... mới làm, còn không thì không làm hoặc có làm thì chỉ là hình thức.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản quan trọng khẳng định rõ vị trí, vai trò của công tác TTGDPL và xác định rõ trách nhiệm của các báo, đài cũng như các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội về TTGDPL. Sau các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước (kể cả luật và các văn bản dưới luật), việc tổ chức phối hợp giữa báo, đài với các cơ quan hữu quan trong TTGDPL đã có những biến chuyển đáng kể, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác TGDPL, việc phối hợp này theo mô hình nào là phù hợp, song phương hay đa phương, đầu mối phối hợp ra sao, cơ quan nào là chính, những điều kiện gì cần và đủ để tổ chức phối hợp có hiệu quả... đó là những vấn đề cần được tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm ứng dụng chung, cần phải làm một cách nghiêm túc, khoa học mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu quả của TTGDPL trên báo chí.

Thực tế của việc tổ chức phối hợp TTGDPL trên báo, đài có thể khái quát tập trung ở ba yếu tố cơ bản sau:

a. Các cơ quan chức năng, đầu mối phối hợp TTGDPL như Bộ Tư pháp, Ban tư tưởng - văn hoá trung ương và các cơ quan chức năng khác sớm có thông báo kịp thời chủ trương, kế hoạch xây dựng pháp luật cũng như thực tiễn thi hành pháp luật ở cơ sở, ngành... với hình thức như tổ chức họp báo thường kỳ hoặc đột xuất, tổ chức hội thảo chuyên đề, các hội nghị tổng kết hoặc bằng văn bản (kế hoạch cụ thể). Điều quan trọng là sau những thông báo đó, nên có sự gợi mở các định hướng, yêu cầu về nội dung, đối tượng, hình thức, quy mô, cần TTGDPL với từng móc thời gian cụ thể theo năm, quý, tháng hoặc theo từng đợt các báo, đài có căn cứ định hướng TTGDPL, kịp thời. Đây là một trong những cơ sở để nâng cao hiệu quả của TTGDPL.

b. Góp sức cùng các báo, đài tổ chức lục lượng cộng tác viên cho chuyên mục, đồng thời cơ quan chủ quản về pháp luật trực tiếp viết về những chủ đề trọng tâm trong từng thời kỳ, góp ý kiến cho kế hoạch tuyên truyền với từng báo, đài cho sát hợp.

Có chuyên mục rồi nhưng để cho chuyên mục sống theo đúng nghĩa (ổn định, lâu dài, gây sức hấp dẫn cho công chúng, được công chúng đồng tình ủng hộ..) lại là một vấn đề không đơn giản. Bởi vì, có được chuyên mục nhưng không đủ tin, bài... ch chuyên mục thì chuyên mục không thể có được các thể tài hấp dẫn, nội dung tác phẩm của người viết (nhà báo, cộng tác viên) nghèo nàn thì hình thức sẽ khô cứng.

Tại ba Hội nghị chuyên đề của Bộ Tư pháp tổ chức tháng 8 nâưm 1992 tại Đồ sơn - Hải phòng, tháng 10 năm 1992 ở Cần Thơ và mới đây ở Tuyên Quang (cụm 6 tỉnh miền phía bắc) đã khẳn định sự cần thiết phải duy trì các chuyên mục pháp luật trên các báo đài. Chúng ta có một đội ngũ những người làm báo đông đảo, có kinh nghiêm và có trình độ nghiệp vụ báo chí, song chưa phải tất cả đều có trình độ và kiến thức cần thiết về pháp lý và sự am hiểu vê thực tế xây dựng các văn bản pháp luật cũng như thực hiện nó ttgg đời thường. Mặt khác, viết về đề tài pháp luật là một vấn đề khó khăn, nếu không am hiểu pháp luật sẽ dẫn đến sai và phản hiệu quả - thậm chí có thể gây tác hại (dẫn chỉ một câu chữ). Đã có một nhà báo có tên tuổi, lâu năm làm báo nhưng do chưa có kiến thức pháp lý cho nên khi viết bài chống tiêu cực ở một địa phương đã viết sai thuật ngữ, ví dụ như 100% cán bộ của công ty "phạm tội", thực tế chỉ là 100% cán bộ của công ty có hành vi vi phạm pháp luật - chỉ hai chữ vậy thôi nhưng mức độ rất khác nhau, bởi vì theo pháp luật đã phạm tội là phải bị truy tố, phải chịu trách nhiệm hình sự, còn có hành vi vi phạm pháp luật thì lại ở mức khác, có khi chỉ bị cảnh cáo, phạt tiền hoặc xử lý hành chính mà chưa đến mức bị truy tố về hình sự.

Để tổ chức được lực lượng cộng tác viên cho chuyên mục, các báo, đài cần có phóng viên chuyên trách viết về mảng này. Kinh nghiệm của các báo Hải phòng, Long An, Đài phát thanh và truyền hình Cần Thơ... là một mô hình tốt, đã lấy cán bộ tốt nghiệp đậi học luật về làm phóng viên của chuyên mục (cố nhiên có bồi dưỡng thêm nghiệp vụ báo chí); Thứ hai là phối hợp các ngành hữu quan xây dựng một lự lượng cộng tác viên tích cực, có uy tín (như của báo pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) chuyên viết sâu về từng mảng; Thứ ba, là để có lực lượng cộng tác viên của mình, các báo, đài nói trên đếu có mọt chế độ nhuận bút riêng cho cộng tác viên hoặc có chế độ khoán lương cho từng cộng tác viên. Tất nhiên kinh nghiệm thứ 3 này khó có thể áp dụng cho tất cả các báo, đài, nhưng theo chúng tôi, ba bài học nói trên đều là yếu tố quyết định việc duy trì, và nâng cao hiệu quả chuyên mục pháp luật. Báo, đài nào có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, tích cực viết bài, tin ... thì chắc chắn báo, đài đó sẽ có nhiều chuyên mục, nhiều thể tài phong phú, hấp dẫn khi viết về đề tài pháp luật.

Cùng với việc tổ chức lực lượng cộng tác viên cho chuyên mục, để có định hướng đúng về nội dung, chủ đề TTGDPL trên báo, đài - nhất thiết cần có sự phối hợp, góp ý, tham gia xây dựng kế hoạch TTGDPL từng báo, đài trong từng thời gian (năm, quý, tháng) hoặc theo từng chủ đề. Có làm như vậy TTGDPL trên chuyên mục mới có tính định hướng đúng, có hệ thống, mới phong phú đời thường pháp luật và mới có thể đạt hiệu quả mong muốn.

c. Rút kinh nghiệm thường xuyên về TTGDPL trên báo chí cả về nội dung của như hình thức. Đây cũng chính là nội dung và yêu cầu để duy trì chuyên mục pháp luật trên báo, đài.

Nếu không tổ chức rút kinh nghiệm về vấn đề này thì chuyên mục sẽ dễ có hai khả năng, vẫn có chuyên mục nhưng nội dung khô cứng, hình thức nghèo nàn - không có sức hấp dẫn; Thứ hai, là chuyên mục chỉ tồn tại một thời gian rồi mất đi. Tuy nhiên, việc rút kinh nghiệm đúng là cần thiết và rất quan trọng, nhưng vấn đề là rút kinh nghiệm thế nào về nội dung, hình thức. Có thể có rất nhiều cách, nhưng theo chúng tôi có thể vận dụng tốt một số kinh nghiệm dưới đây:

- Tổ chức Hội thảo chuyên đề (giữa các báo, đài với cộng tác viên) để trao đổi, rút kinh nghiệm;

- Dùng phương pháp điều tra, thống kê, so sánh (Sử dụng phiếu mở để khảo sát, thăm dò ý kiến của các đối tượng độc giả về chuyên mục, về từng thể loại, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm cho nội dung và hình thức của chuyên mục.

- Tổ chức các cuộc thi viết về pháp luật trên báo chí với nhiều thể tài khác nhau, do nhiều đối tượng tham dự (tuỳ theo thời gian ngắn hay, theo chủ đề lựa chọn...) chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm, nhiều thể tài phong phú cho chuyên mục.

IV. Một số vấn đề đặt ra trong công tác TTGDPL trên báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng cũng như trong TTGDPL, các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, các ấn phẩm văn hoá nghệ thuật và các loại hình khác) có vị trí, vai trò rất quan trọng.

+ Là công cụ đắc lực trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và văn hoá.

Giai cấp tư sản sử dụng các phương tiện thông tin để bảo vệ quyền và lợi ích cho giai cấp tư sản nhằm bào chữa cho hành động tước đoạt của cải vật chất và tinh thần mà người lao động đã làm ra. Trong nội dung tuyên truyền, bằng cách này hay cách khác giai cấp tư sản luôn chứng minh cho trật tự trong xã hội tư sản tồn tại là hợp lý. Sự hợp lý ấy được giải thích bằng số phận, bằng cái triết lý người có của người có công, còn trên các diễn đàn giai cấp tư sản nói sách báo là vô tư là không phục vụ chính trị, là đứng trên mọi giai cấp.

Để truyền bá tư tưởng và lối sống của mình, giai cấp tư sản rất coi trọng vai trò của văn hoá - tư tưởng, đắt mấy cũng mua, rẻ mấy cũng bán. Đặc biệt ngày nay, khi xu thế đối thoại của thế giới đang được đẩy mạnh, trong điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng với việc mở rộng giao lưu văn hoá thì cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ tiếp tục diễn ra gay gắt và rất tinh vi. Mọi phương tiện truyền thông xã hội và các hoạt động nghệ thuật sẽ được sử dụng và huy động vào trận giao tranh giành giật con người. Vì thế, giai cấp tư sản đã đi bằng nhiều con đường và số lượng các báo, ấn phẩm văn hoá, các băng nhạc, băng viđiô, các chương trình phát thanh... để xâm nhậm vào các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng bờ cõi của chúng và phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế.

Giai cấp vô sản sử dụng các phương tiện thông tin để nhằm cung cấp thông tin. TTGD và nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ tri thức cho toàn xã hội, sử dụng các phương tiện thông tin để phục vụ việc quản lý xã hội, phát triển nền sản xuất - xã hội và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân lao động một cách có ý thức, tự giác, sáng tạo.

- Bằng những phương tiện thông tin với những hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn; giai cấp vô sản đã truyền bá những kiến thức khoa học giáo dục... xây dựng những tư tưởng tình cảm giữa mối quan hệ con người với con người trong xã hội mới- con người với xã hội, với tình cảm đất nước,với dân tộc. Nói cách khác: Đảng của giai cấp vô sản đã sử dụng các phương tiện thông tin vào việc cải biến xã hội, các phương tiện thông tin đã trực tiếp tham gia việc biến đổi đời sống chính trị, tư tưởng- văn hoá của toàn xã hội làm biến đổi đời sống tinh thần của người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc cách mạng XHCN.

+ Các phương tiện thông tin đại chúng có khả năng cổ vũ, động viên và tập hợp lực lượng quần chúng.

Chủ nghĩa Mác- lênin đã chỉ rõ: trong thực tiễn do yêu cầu của cuộc sống, khi chưa có tổ chức cách mạng chân chính lãnh đạo, quần chúng có thể nổi dậy chống áp bức bóc lột. Nhưng sự nổi dậy ấy chỉ có tính chất tự phát- ngay bản thân giai cấp công nhân cũng không thể tự mình có ý thức xã hội chủ nghĩa. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của Đảng vô sản là "đưa vào phong trào công nhân tự phát những lý tưởng XHCN thật rõ rệt" thực chất đây là vấn đề kết hợp lý luận vói thực tiễn làm cho phong trào cách mạng của quần chúng từ tự phát chuyển thành tự giác.

Trong quá trình vận động của cuộc cách mạng vô sản, các lãnh tụ cách mạng và các Đảng cộng sản đã sử dụng các phương tiện thông tin để tuyên truyền cổ động, để tuyền bá những tư tưởng cách mạng trong các tổ chức quần chúng lao động. Và từ những tổ chức còn đang rời rạc, chưa thống nhất- các lãnh tụ cách mạng đã dùng phương tiện thông tin làm công cụ để tập hợp lực lượng và thành lập một chính Đảng của giai cấp công nhân.

Thực tế lịch sử cách mạng ở các nước đều chứng minh khả năng cổ vũ động viên và tập hợp lực lượng của các phương tiện thông tin khi nó được sử dụng như một công cụ để tuyên truyền cổ động quần chúng hành động cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần quan trọng và tích cực vào quản lý, giáo dục mọi người có ý thức "sống và làm theo pháp luật".

Nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò và vị trí quan trọng trên đây của các phương tiện thông tin đại chúng trong thời kỳ mới của cách mạng, cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

1. Thống nhất nhận thức về các loại phương tiện thông tin, tuyên truyền cổ động- nhất là đối với báo chí.

Như đã phân tích ở các phần trên- báo chí có chức năng rất quan trọng là "thông tin". Do đó phải hiểu rõ một số khái niệm cơ bản có tính phổ thông và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phổ biến và nâng cao kiến thức pháp luật trong nhân dân.

Hiện nay, có nhiều quan điểm và nhiều cách hiểu khác nhau trong việc nhận thức về các loại phương tiện thông tin tuyên truyền cổ động, quan điểm của chúng tôi thống nhất với quan điểm của nhiều học giả nghiên cứu và làm công tác TTGDPL như đã trình bày ở mục (1) phần I trong chuyên đề. Khái niệm tuyên truyền, phổ biến muốn nói đến cấp độ và mức độ của quá trình tổ chức thực hiện TTGDPL. tuyên truyền phổ biến là hoạt động có ý thức, mục đích, mang tính liên tục hay từng giai đoạn của chủ thể tuyên truyền tới khách thể; tuyên truyền về một vấn đề, một nội dung pháp luật nào đó; trên cơ sở đó người được tuyên truyền, phổ biến nắm và hiểu được vấn đề, một nội dung pháp luật- từ đó có suy nghĩ và định hướng cho hành vi của mình để chấp hành đúng pháp luật đó.

Khái niệm nâng cao kiến thức pháp luật nói đến cấp độ và mức độ cao hơn trong TTGDPL. Trong TTGDPL, có thể hiểu qui trình này bắt đầu từ phổ biến, tuyên truyền- đến giáo dục nâng cao, và cuối cùng là tổ chức thực hiện. giáo dục pháp luật là hoạt động mang tính hệ thống, có tính liên tục, của chủ thể tuyên truyền tác động vào khách thể tuyên truyền để nhằm trang bị cho họ những kiến thức cần thiết (từ những tri thức ban đầu cuả giai đoạn tuyên truyền, phổ biến để nâng cao hiểu biết của mình về pháp luật hoặc về một nội dung, một vấn đề nào đó. Không thể tiến hành việc giáo dục, nâng cao tri thức pháp luật cho khách thể cần giáo dục và nâng cao, mà lại chưa có việc tuyên truyền, phổ biến- tức là phải đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, đó là mối quan hệ biện chứng đúng đắn giữa phổ biến và giáo dục để nâng cao kiến thức pháp luật cán bộ, nhân dân.

- Cuộc cách mạng tư tưởng- văn hoá có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội- tác động trực tiếp đến việc hình thành con người mới XHCN. Thực tế những năm qua cho thấy; khi nào buông lỏng giáo dục tư tưởng, coi nhẹ việc TTGD đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì trước sau sẽ dẫn đến trật tự kỷ cương xã hội không tốt, xuống cấp về đạo đức,vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội nảy sinh, tái phát.

Tuy vậy, trên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại những loại ý kiến khác nhau, đặc biệt là nhận thức và quan niệm về các phương tiện thông tin đại chúng. Những ý kiến này nảy sinh khi chúng ta xoá bỏ cơ chế hành chính bao cấp để chuyển sang hạch toán, kinh doanh. Có ý kiến cho rằng: báo chí, điện ảnh, sân khấu cũng là hàng hoá, mà đã là hàng hoá thì phải tính đến giá trị và giá trị sử dụng, phải tính đến lỗ lãi như các loại hàng hoá khác.

Từ nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa chính trị của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác, cho nên một số tờ báo và nhà xuất bản đã sử dụng những tờ báo, quyển sách đó để làm kinh tế, tính lỗ lãi hạch toán kinh doanh thực sự. Từ đó xuất hiện khuynh hướng "thương mại hoá" chạy theo lợi nhuận đơn thuần khá nặng nề dẫn đến đua nhau đăng những tin, bài, hình ảnh giật gân câu khách. Cũng có những bài báo quyển sách có khuynh hướng chính trị lệch lạc, phủ định quá khứ tốt đẹp, miêu tả đên tối thực trạng , tuyên truyền cho lối sống thực dụng...".

Vì thế vấn đề đặt ra là: để giải quyết đúng nhận thức nói trên, trước tiên phải trở lại quan điểm nhận thức và khẳng định: Những phương tiện thông tin đại chúng không phải đơn thuần là hàng hoá mà là những sản phẩm có gía trị cao về tư tưởng và chính trị. Do đó không chỉ phải tính lỗ lãi đơn thuần về mặt kinh tế. Các công cụ đó là của Đảng và Nhà nước ta để làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục tư tưởng chính trị và TTGDPL, đó là diễn đàn của quần chúng, là cầu nối của Đảng và Nhà nước với nhân dân. Cho nên không thể tính đến giá trị sử dụng một cách đơn thuần- cái "lãi" của các phương tiện thông tin đại chúng đem lại là tạo ra gía trị tư tưởng cao, tạo ra lớp người mới XHCN.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ nhận thức một chiều như vậy (không tưởng) mà cần phải có sự quan tâm đàu tư cần thiết cho các phương tiện thông tin để nâng cao hiệu quả của nó trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ VII khoá VI đã chỉ rõ: Trong ngân sách Nhà nước cần phải giành một phần thích đáng cho việc xây dựng cơ sở kỹ thuật, các phương tiện làm công tác tư tưởng, các hoạt động thông tin báo chí, văn hoá văn nghệ. Cần có chính sách tài chính cho các hoạt động báo chí xuất bản, thông tin cổ động, văn hoá văn nghệ thích hợp với tính chất và hoạt động của mỗi loại nhiệm vụ" (trang 24).

Đó là những định hướng rất rõ, rất đúng và phù hợp với quan diện của Đảng ta.

2. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa hoạt động lập pháp và hoạt động TTGD, giám sát việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, yêu cầu và mục tiêu của hoạt động lập pháp đã và đang là nhiệm vụ cấp bách của Đảng và Nhà nước từ sau đại hội VII của Đảng đến nay đã có những kết quả bước đầu rất quan trọng về kinh tế- chính trị- xã hội, trong đó có công tác xây dựng và tiến hành pháp luật. Với gần 100 luật và pháp lệnh được Nhà nước ban hành, bổ sung sửa đổi để hoàn thiện, đặc biệt là pháp lệnh về kinh tế, dân sự, hình sự, tài chính và pháp luật hành chính..., nhiệm vụ TTGDPL cho cán bộ, nhân dân, đưa pháp luật vào cuộc sống - đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những biện pháp, hình thức phù hợp, cụ thể trong từng giai đoạn để TTGDPL có hiệu quả. Do đó, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa hoạt động lập pháp và hoạt động TTGDPL, giám sát việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật những năm qua cho thấy; xây dựng pháp luật đã khó, nhưng phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức xã hội và mọi công dân hiểu nắm được, tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật... lại càng khó hơn. Một văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành phải qua rất nhiều công đoạn, bắt đầu từ việc dự thảo, công bố để cán bộ, nhân dân đóng góp ý kiến đến việc hoàn chỉnh để trình quốc hội thông qua sau đó mới đến việc tổ chức thực hiệnvà ngay trong quá trình tổ chức và thực hiện pháp luật- vẫn cần có sự nghiên cứu, đóng góp của cán bộ, nhân dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.Nói như vậy, để thấy rằng pháp luật sẽ chỉ là hình thức nếu không đi vào cuộc sống, không được thực hiện một cách nghiêm minh. Chính vì thế, mối quan hệ giữa hoạt động lập pháp và hoạt động TTGDPL phải có mối quan hệ biện chứng hữu cơ vơí nhau. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phải được tiến hành ngay từ khi văn bản pháp luật đó còn là dự thảo, cho đến khi đã được công bố và có hiệu lực thi hành và rồi. Chính thông qua TTGDPL- mà chủ yếu là trên các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, nhân dân mới có điều kiện để tiếp thu, nắm bắt và tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần làm tăng giá trị của pháp luật trong quản lý xã hội và trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, cũng qua đó để kiểm tra, giám sát việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Để giải quyết mối quan hệ này, ngoài việc các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần có những thông tin kịp thời cho báo chí về hoạt động lập pháp, Thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật... còn tự thân các báo, đài cũng có nhiệm vụ "tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

Phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác.....

Đồng thời,báo chí cũng cần đăng tải, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước những ý kiến đóng góp của nhân dân về những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, để Đảng và Nhà nước nghiên cứu, bổ sung kịp thời. Góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và nâng cao giá trị của pháp luật trong cuộc sống và trong quản lý, điều hành đất nước. Đó cũng chính là thước đo hiệu quả của pháp luật và đồng thời là một trong những sức sống quan trọng của báo chí XHCN.

3. Báo chí tham gia TTGDPL, đồng thời cũng phải gương mẫu chấp hành pháp luật- trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh luật chấp hành báo chí.

Điều 69 hiến pháp 1992 của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam qui định: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin... " Điều 33 cũng ghi "ngiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam", Luật báo chí của Nhà nước ta 1989 cũng đã qui định rất rõ vai trò, chức năng của báo chí, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức hoạt đông của báo chí. Điều 2 Luật báo chí qui định: "... Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ;không một tổ chức cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân..."

Những điều ghi nhận trên được khẳng định : hiến pháp- luật cơ bản của Nhà nước và có hiệu lực pháp lý cao nhất thừa nhận hoạt động của báo chí, đồng thời cũng xác định những danh giới mà hoạt động này không được vi phạm. Những danh giới đó được xác định bởi các đạo luật, các văn bản dưới luật có liên quan đến những vấn đề mà người làm báo cần đề cập. Ngoài những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật, báo chí còn phải tuân theo những qui ước xã hội (phong tục, tập quán về lối sống, đạo đức xã hội, những qui định khác của các tổ chức, đoàn thể xã hội mà người làm báo phải coi như những "đạo luật" không thành văn cần phải tuân theo khi hoạt động nghề nghiệp.

Đó cũng là thực tiễn của lập pháp ở các nước trên thế giới. Tuyên ngôn nhân quyền của liên hợp quốc năm 1948 ghi rõ: "mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận và quyền tìm, nhận và truyền đạt thông tin ... (mục 19)"."trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do ngôn luận của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế đã được pháp luật qui định với mục đích công nhận và tôn trọng các quyền được của người khác và để đáp ứng nhu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung..." (mục 29).

Trong tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (1789) ghi: "một trong những quyền quí nhất của con người là tự do truyền đạt tư tưởng và ý kiến. Vì thế mọi công dân đều có quyền nói, viết in ấn hoàn toàn tự do trừ khi lạm dụng quyền tự do đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Hiến pháp ấn độ qui định ở điều 19: "tất cả các cộng dân đều có quyền tự do phát biểu và ngôn luận... " đồng thời xác nhận để Nhà nước có quyền đưa ra luật nhằm hạn chế tự do báo chí và chủ quyền, sự thống nhất của đất nước, an ninh của Nhà nước, quan hệ với người nước ngoài...", Ngày 10-11-1917, trong sắc lệnh về báo chí do lênin ký có ghi: " hễ khi trật tự mới được củng cố... đối với báo chí sẽ thiết lập quyền tự do hoàn toàn trong phạm vi chịu trách nhiệm trước toà án, phù hợp với luật pháp rộng rãi và tiến bộ nhất về mặt này" và chỉ 3 tháng sau CMT10 Nga hội đồng dân uỷ đã ra sắc lệnh thành lập toà án cách mạng báo chí để xét xử "những tội ác và những những tội phạm bằng con đường báo chí".

Như vậy, mặc dù báo chí có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, TTGDPL nhưng chính hoạt động của baó chí luôn phải gắn liền với qui định của pháp luật- bởi vì "pháp luật là một hệ thống những chuẩn mực xã hội có tính bắt buộc được Nhà nước dùng sức mạnh bảo đảm"( từ điển bách khoa luật học- Matxcơva1984).

ở nước ta, ngay sau khi CMT8 - 1945 công, mặc dù phải đói phó với những vấn đề phức tạp ở trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ. Chính phủ đã phải thi hành chế độ kiểm duyệt báo chí theo sắc lệnh số 41 ngày 29-3-1946. Tuy nhiên sắc lệnh cũng quyết định thành lập Hội đồng kiểm duyệt gồm 5 người trong đó có một đại biểu báo giới để xem xét việc khiếu nại những bài bị kiểm duyệt.

Cho đến cuối năm 1956, ở nước ta mới có 29 báo hàng ngàyvà hàng tuần (trong đó có 9 tờ của tư nhân) và 22 tạp chí, đặc san, trước yêu cầu của tình hình mới Chủ tịch nước đã ký sắc lệnh số 282 ngày 14- 12- 1956 về chế độ báo chí. Sau khi được Quốc hội thông qua Sắc lệnh này đã trở thành luật số 100/ SL-L002 ngày 20-5-1957 qui định chế độ báo chí. Sau đó chính phủ đã ban hành Nghị định số 297 Ttg ngày 9-7-1957 qui định chế độ và quyền lợi của những người làm công tác báo chí chuyên nghiệp, tiếp đó ban hành Nghị định 298 (9/7/57) qui định chi tiết thi hành luật về chế độ báo chí.

Tinh thần của đạo luật và các văn bản tiếp đó là

- Đảm bảo quyền tự do ngôn luận của nhân dân .

- Báo chí không được tuyên truyền những điều:

+ Chống pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước, chế độ

+ Phá hoại sự nghiệp củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ.

+ Chia rẽ dân tộc, làm tổn hại tình hình hữu nghị với nhân dân các nước, tuyên truyền cho chủ nghĩa đế quốc, cho chiến tranh.

+ Tiết lộ bí mật quốc gia;

+ Dâm ô truỵ lạc, đồi bại...

Đây là đạo luật đầu tiên cho báo chí Việt nam của Nhà nước ta.

Luật báo chí mới năm 1989 (thay thế luật cũ năm 1957) đã qui định chi tiết, đầy đủ hơn luật báo chí cũ 1957 tiếp đó nghị định 133-HĐBT ngày 20-4-1992 đã qui định chi tiết thi hành luật báo chí. Nghị định đã qui định cụ thể những điều bảo đảm cho quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, những điều này phản ánh sự phát triển của báo chí cần có những qui định ngày càng rõ ràng, tỉ mỉ về những giới hạn mà báo chí không thể vượt qua: "tin bài viết về các vụ án và hành vi gây tội ác không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn. Không được đăng tải phát tranh ảnh gây cảm giác kích dâm (trừ những tranh ảnh nghệ thuật phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí) "đăng, phát tin bài có đời tư, công bố thư riêng của công dân phải được sự đồng ý của người được miêu tả, người viết thư, người nhận thư họăc người chủ sở hữu hợp pháp của bức thư đó"; "không được đăng, phát tin bài hủ tục, mê tín...". Nghề làm báo đòi hỏi chính nhà báo phải am hiểu luật pháp. Nhà báo phải là người "có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghề nghiệp báo chí do nhà nước qui định". "không được tiết lộ bí mật nhà nước".

Rõ ràng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong TTGDPL và vì thế cả người làm báo đến cơ quan báo chí rất cần phải gương mẫu chấp hành pháp luật- mà trước mắt là chấp hành nghiêm chỉnh luật báo chí. Để không vi phạm những điều không được thông tin trên báo chí (điều 5 luật báo chí, 9 điều trong nghị định133). Như vậy, am hiểu pháp luật và gương mẫu chấp hành pháp luật là vấn đề luôn gắn với mọi hoạt động của nghiệp vụ người làm báo. Đó cũng là thực tiễn báo chí trên thế giới và cả nước ta.

4. Tao điều kiện cho báo chí làm tốt công tác TTGDPL

Để báo chí thực sự làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và thật sự tương xứng với vị trí, vai trò của báo chí trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói chung và TTGDPL nói riêng, việc tạo điều kiện để báo chí làm tốt công tác TTGDPL phải được coi là nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước và của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan xây dựng bảo vệ pháp luật, các tổ chức xã hội và mọi công dân.

Để làm tốt yêu cầu trên, cần thực hiện 3 yếu tố dưới đây:

a) Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật (từ kinh tế, phương tiện đến các điều kiện khác) để có thể TTGDPL một cách sâu rộng và kịp thời, có hiệu quả trên báo, đài.

Trước tiên cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị số 08 của Ban bí thư TW Đảng ngày 31-3-1992 về tăng cường lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác báo chí, xuất bản: " Nhà nước có chính sách tài chính thích hợp, nhất là đối với một số sách báo chính trị và tạo điều kiện phát triển sự nghiệp báo chí xuất bản, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể sớm phủ sóng phát thanh truyền hình trong cả nước, đảm bảo báo Đảng và các báo tw đến đều đặn các vùng đất nước. Nhà nước có chính sách khuyến khích sản xuất nhiều đài thu thanh đơn giản, gía rẻ để bán rộng rãi cho nhân dân nghe đài của ta".

Việc tăng cường cơ sở vật chất- kỹ thuật (có cơ sở vật chất, phương tiện tốt và đa dạng, để báo, đài TTGDPL- không chỉ là trách nhiệm và mối quan tâm của Đảng,Nhà nước mà còn có sự trợ giúp của chính các ngành chức năng tham gia phối hợp TTGDPL. Thực tiễn TTGDPL những năm qua đã cho chúng ta những bài học bổ ích: ví dụ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế (có nội dung TTGD) của các Bộ ngành TW (đầu tư ngân sách cho TTGD về thuế... ) Sự phối hợp và hỗ trợ tích cực đó của các ngành chức năng cùng với các chính sách đúng đắn của Nhà nước chắc chắn từng bước sẽ tạo điều kiện để các báo đài tham gia tích cực hơn vào TTGDPl.

b) Thường xuyên nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên về pháp luật với nhiều hình thức như: mở các lớp tập huấn ngắn ngày, học tại chức, hội thảo theo chuyên đề...

Báo chí không thể TTGDPL tốt nếu như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên trên báo, đài không có kiến thức gì về pháp luật. Có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt mà đội ngũ làm báo không có nghiệp vụ (trong đó có nghiệp vụ pháp lý) thì cũng không thể TTGDPL tốt được.

Việc trang bị kiến thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và các cộng tác viên báo, đài hiện nay đang là yêu cầu bức thiết. Chúng ta biết rằng viết về pháp luật đã khó nhưng viết cho đúng pháp luật lại càng khó hơn (nhất là với người viết không được trang bị kiến thức pháp lý) mặt khác, viết sai pháp lý (từ sử dụng thuật ngữ đến diễn giải, phân tích, bình luận hoặc viết tin, bài...) sẽ dẫn đến tác dụng tiêu cực trên báo đài- nơi mà bạn đọc luôn tin tưởng gửi gắm.

Những năm gần đây, trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác TTGDPL và yêu cầu đổi mới công tác báo chí. Nội dung pháp luật đã và đang là đề tài được quan tâm ở tất cả các báo, đài cả ở TW và địa phương. Cùng với việc tuyển chọn phóng viên, biên tập viên có trình độ pháp lý, nhiều báo, đài chú trọng đào tạo kiến thức pháp lý cho đội ngũ những người viết về đề tài pháp luật, kinh nghiệm tốt nhất và đồng thời là mô hình đầu tiên trong việc này là mô hình phối hợp giữa lãnh đạo báo nhân dân với Bộ tư pháp và trường đại học luật Hà nội để mở lớp đại học pháp lý tại chức đầu tiên cho các cán bộ lãnh đạo và phóng viên báo Nhân dân và một số báo, đài khác.

Đối với những lớp ngắn hạn bồi dưỡng về pháp lý, hoặc các hội thao, các buổi sinh hoạt chuyên đề... các phóng viên, biên tập viên chưa thể tham gia các lớp chính qui... thì việc dự những hình thức đó là thích hợp nhất.

Song, ngoài những hình thức kể trên- chúng tôi xin đề xuất một hình thức khác để các phóng viên, biên tập viên báo đài ở TW và Hà nội có thể có điều kiện tham dự- Đó là mô hình thành lập câu lạc bộ pháp luật giành cho phóng viên viết về pháp luật. Câu lạc bộ này sẽ sinh hoạt định kỳ theo tháng hoặc theo đợt (khi có nội dung TTGDPL đột xuất, tập trung), sẽ là nơi hội tụ của những người viết về pháp luật. Câu lạc bộ trên do vụ PBGDPL và một hay hai cơ quan báo, đài ở TW phối hợp tổ chức. Hình thức câu lạc bộ này không phức tạp, kinh phí cũng đơn giản hơn mà các điều kiện để sinh hoạt, học tập về nghiệp vụ pháp lý. Do đó cần được nghiên cứu, xem xét và có thể làm thử ngiệm từ 1994.

Hình thức Hội thảo chuyên đề (với từng nội dung cụ thể) cũng là một hình thức tốt cần được nghiên cứu và phát triển.

c) Có chính sách khen thưởng thích đáng những phóng viên, cán bộ ở mỗi báo, đài có đóng góp tích cực trong tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Theo chúng tôi, đây là biện pháp tốt để động viên, thu hút lực lượng những người tham gia viết về đề tài pháp luật. Trong nghiệp vụ làm báo, dù viết bất kỳ thể tài nào người viết cũng phải mất nhiều công sức, thời gian mới có thể có sản phẩm, riêng viết về đề tài pháp luật còn khó hơn, nhất là khi viết đấu tranh chống tiêu cực, viết phóng sự điều tra... thì giá trị một bài viết có khi phải trả cả bằng máu của người viết.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này (luật báo chí), song đó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan hữu quan khi tham gia tuyên truyền giáo dục pháp luật. Hàng năm, Bộ Tư pháp, Ban Tư tương văn hoá trung ương, Bộ Văn hoá thông tin và Hội nhà báo Việt Nam nên có cuộc họp đánh giá, khen thưởng những phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên có tác phẩm hay về pháp luật. Để làm được việc này, trước mắt theo chúng tôi à tổ chức một cuộc thi viết về pháp luật trên các báo, đài trên phạm vi toàn quốc. Chắc chắn cuộc thi này sẽ thu hút được nhiều người trong và sẽ có nhiều tác phẩm tốt, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các báo, đài.

 

Kỷ yếu chuyên đề tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng

I. trích các thâm luận tại ba cuộc hội thảo.

1. Hội thảo ở Đồ Sơn - Hải Phòng với các tỉnh thành phía Bắc tháng 8 năm 1992.

2. Hội thảo ở tỉnh Cần Thơ với các tỉnh, thành phía Nam tháng 10 năm 1992.

3. Hội thảo cụm sáu tỉnh miền núi và trung du phía Bắc tổ chức tại Tuyên Quang tháng 8 năm 1993.

II. kết quả khảo sát, điều tra bằng phiếu.

* *

*

I. trích các thâm luận tại ba cuộc hội thảo.

1. Về vị trí, vai trò tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo, đài.

* Đồng chí Hồng Vinh, Phó tiến sĩ báo chí - Uỷ viên Ban biên tập, Trưởng Ban chính trị xã hội Báo nhân dân, phát biểu về việc xây dựng và tổ chức chuyên mục "Nhà nước và pháp luật" trên báo nhân dân - đã nhấn mạnh và khẳng định quan điểm, nhận thức của lãnh đạo báo nhân dân về vị trí việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các báo Đảng là:

"Xuất phát từ quan điểm nhận thức và tính toàn diện của tờ báo nhân dân, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, trong những năm gần đây, tờ báo đã giành được vị trí thích đáng cho công tác tuyên truyền về Nhà nước và pháp luật...".

"... Trong quá trình triển khai đưa các Nghị quyết của Đảng và Chỉ thị của Nhà nước vào cuộc sống. Việc tuyên truyền giáo dục pháp luật qua hệ thống báo chí có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào việc biến khẩu hiệu - Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật" trở thành hiện thực trên đất nước ta.

* Đồng chí Lê Thông - Chủ nhiệm chương trình phát thanh "Nhà nước và pháp luật" Đài tiếng nói Việt Nam: "... Bộ phận biên tập Đài tiếng nói Việt Nam đã quyết định thành lập chương trình phát thanh "Nhà nước và pháp luật", chương trình phát thanh này có chức năng tuyên truyền cho công tác xây dựng chính quyền và quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước và giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân".

* Đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng - Phụ trách chương trình nhà trường Đài tiếng nói Việt Nam: "... Phải coi trọng phương tiện thông tin đại chúng là của mọi nf, mọi ngành... chương trình nhà trường và pháp luật đã gây ra được cảm tình của người xem, là chuyên mục bổ ích cho các học sinh. Vì ý nghĩa to lớn "trồng người" giáo dục pháp luật được coi trọng như những phần học khác...

* Đồng chí Hồng Hạnh, phụ trách mục "Hộp thư truyền hình" - đài truyền hình Việt Nam: Đã từ lâu, hộp thư truyền hình là một trong những chương trình được người xem quan tâm. Bởi vì qua chương trình này, nhân dân hiểu và được giải đáp một cách cụ thể về chính sách, chế độ và những quy định phải thực hiện của pháp luật... Nội dung tuyên truyền về pháp luật và các chế độ chính sách bao giờ cũng được giành vị trí chủ yếu trong một buổi phát...".

* Đồng chí Hoàng Đồng, Chủ nhiệm chương trình "tiếp chuyện bạn nghe đài" - đài tiếng nói Việt Nam: "Xuất phát từ yêu cầu của người nghe, Tuyên truyền giải đáp về pháp luật là một nội dung thường xuyên từ khi có chương trình "tiếp chuyện ban nghe đài" trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam...

* Đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ - pháp luật: "Việc Ban biên tập chúng tôi chủ trương mở chuyên mục pháp luật về thuế xuất phát từ tầm quan trọng của thuế đối với tài chính quốc gia và với toàn xã hội... chúng tôi cho rằng về lâu dài, cần tạo ra được một sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện pháp luật thuế, làm cho mọi người có thói quen pháp luật trong việc chấp hành pháp luật về thuế. ở đây vai trò của các cơ quan thông tin đại cúng có ý nghĩa rất lớn".

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Ban bạn đọc Báo giáo dục và thời đại: "Chúng tôi quan niệm rằng, báo không phải là sách giáo khoa nên tính hệ thống không được đặt ra bằng tính thời sự, những pháp luật mới được Nhà nước ban hành, những vụ án mới xảy ra là báo phải nắm bắt kịp thời và triển khai ngay bài vở để tuyên truyền, phỏ biến những nội dung pháp luật đó cho giáo viên, học sinh... Từ thực tế pháp luật và qua các vụ án bạn đọc được hiểu thêm và vận dụng được các khía cạch của pháp luật và sự phức tạp, phong phú của các tình huống trong xã hội.

* Đồng chí Nguyễn Đình Hảo - Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội "Sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự nghiệp xây dựng thủ đô trật tự, giàu đẹp và văn minh đặt ra cho công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật những yêu cầu mới, hình thức tuyên truyền phải nhanh nhạy, rộng khắp, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Để là được điều đó, chúng tôi nhận thức được là phải tận dụng hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng rộng khắp từ Trung ương tới cơ sở...".

* Đồng chí Huỳnh Ngọc Chi - Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh: "Báo, đài là các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng tuyên truyền, giáo dục về mọi mặt, trong đó có pháp luật đến cán bộ, nhân dân rộng rãi nhất, thường xuyên nhất... việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các báo đài ở thành phố được Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm".

* Đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng "Trong kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật hàng năm của Sở Tư pháp, việc xây dựng kế hoạch và củng cố chương mục "tìm hiểu pháp luật" trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong các phương thức tuyên truyền được Sở Tư pháp đặc biệt quan tâm...."

* Đồng chí Gám đốc Sở Tư pháp Nghệ An "Tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo, đài ở Nghệ An là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh nên Lãnh đạo Sở Tư pháp rất quan tâm đến việc tìm cách làm mới để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật theo hướng mở rộng chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp với các ngành để tuyên truyền giáo dục pháp luật theo chuyên đề.

 

* Đồng chí Lê Xuân Đông Giám đốc Sở tư pháp tỉnh Yên Bái "Việc phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng có một ý nghĩa quan rọng và đem lại hiệu quả thiết thực...".

* Đồng chí Hoàng Thanh Kính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang "Tuyên truyền pháp luật trên báo, đài có ý nghĩa quan trọng và tác dụng to lớn... Thông qua báo, đài pháp luật được đi vào tất cả mọi tầng lớp nhân dân vì ai cũng được nghe, được đọc và được nhìn thấy trên màn ảnh. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo, đài thông qua chuyên mục Nhà nước và pháp luật là hình thức có ưu thế và tác dụng lớn nhất, góp phần giáo dục pháp luật cho toàn dân, củng cố động viên lòng tin của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa".

 

* Đồng chí Trịnh Văn Đông, Phó giám đốc Sở tư pháp tỉnh Tây Ninh "So với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, chuyên mục pháp luật trên báo, đài là một hình thức có tính kịp thời và thường xuyên nhất, đồng thời trong một lúc tuyên truyền được cho nhiều người...".

* Đồng chí Kim Hoàn, Tổng biên tập Báo Hải Phòng "Ban biên tập chúng tôi luôn xác định rõ vị trí, vai trò và chức năng của mình là tiếng nói của Đảng, diễn đàn của nhân dân, Để thực hiện các chức năng này, báo Hải Phòng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước với nhiều hình thức đa dạng...".

 

* Đồng chí Hoàng Hạnh Lợi, Phụ trách chương trình pháp luật và cuộc sống - đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "Với tên gọi Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi hiểu rõ vai trò, chức năng của mình trong việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với người dân trong cuộc sống hàng ngày...".

* Đồng chí Trần Bình Long, phóng viên Báo Sài Gòn Giải phòng "Trong những năm qua, thực tế cuộc sống và thực tiễn hoạt động báo chí đã giúp chúng tôi nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về ý nghĩa, tác dụng việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cuộc sống. Chúng tôi coi đó như là một nội dung hết sức quan trọng của công tác báo chí. Góp phần trực tiếp quan trọng vào việc biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thành ý chí thống nhất của toàn dân, thành điều kiện thực tế để nhân dân phát huy quyềm làm chủ của mình... Từ thực tế hoạt động xã hội, bổ sung để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật của Nhà nước...".

 

2. Về nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo, đài.

Cùng với việc khẳng định rõ vị trí, vai trò và tác dụng của báo, đài trong tuyên truyền giáo dục pháp luật - Báo cáo đãn đề Hội thảo của Vụ Tuyên truyền giáo dục pháp luật, lời khai mạc của Lãnh đạo Bộ Tư pháp - (Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Hiến tại ba Hội nghị) và các ý kiến khác nhau của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, Uỷ ban ba tỉnh đăng cai Hội thảo cũng như ý kiến của các đại biểu tham luận đều đã xác định rõ nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo, đài đều tập trung vào hai nội dung chính sau:

- Giáo dục pháp luật cơ bản - phổ biến, tuyên truyền, giáo dục văn bản pháp luật mới, giới thiệu các quan điểm về xây dựng Nhà nước và pháp quyền Việt Nam. Nội dung phải đảm bảo tính hệ thống, thống nhất.

- Giáo dục pháp luật ứng dụng - Giải thích, hướng dẫn pháp luật trong hành vi, trong đời thường, phản ánh hoạt động thực thi pháp luật, đấu tranh phê bình với các vi phạm pháp luật, tuyên truyền các điển hình gương mẫu chấp hành pháp luật.

* Đồng chí Hồng Vinh, Báo nhân dân "Căn cứ vào các Nghị quyết của đảng và Nhà nước, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống... trên chuyên mục Nhà nước và pháp luật tờ báo đã đề cập đến những nội dung sau:

- Làm rõ bản chất của Nhà nước do dân, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Phản ánh kịp thời các hoạt động của Quốc hội - Cơ quan quyền lụ Nhà nước cao nhất mà chức năng hàng đầu là lập pháp (đăng toàn văn các văn bản luật, đăng các bài giải thích rõ các quan điểm cơ bản về các luật đó...).

- Phản ánh có tính định hướng của các Hội đồng nhân dân các cấp.

- Nêu rõ những nội dung chủ yếu của quá trình dân chủ hoá xã hội.

- Phản ánh sinh động hoạt động của các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.

- Tích cực đấu tranh chống các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật...

* Đồng chí Lê Thông, Chương trình Nhà nước và pháp luật - đài tiếng nói Việt Nam "Hiện nay nội dung tuyên truyền giáo dục của chương trình gồm hai mảng chính:

 

- Nhà nước (bao gồm công tác xây dựng chính quyền và quản lý chính quyền bằng pháp luật).

- Pháp luật (Tuyên truyền, giới thiệu văn bản; Giới thiệu pháp luật có hệ thống, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, giải đáp pháp luật...

* Đồng chí Hồng Hạnh, Hộp thư truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam "Nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật là các chính sách và pháp luật mới, giải đáp chính sách, pháp luật".

* Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Báo giáo dục và thời đại: "Nội dung tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo chúng tôi là: Văn bản luật mới và đang hiện hành, các tình huống pháp luật, các chế độ chính sách... và tham gia chốg tiêu cực..", đồng thời cũng chú ý đến tính thiết thực phục vụ đối tượng thầy và trò (tuổi vị thành niên, liên quan đến ngành giáo dục như an toàn giao thông, vị thành niên phạm tội...).

 

3. Về hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật

* Đài truyền hình Việt Nam (Buổi tiếp chuyện bạn nghe đài): Hình thức chính là hỏi đáp pháp luật và giới thiệu nội dung cơ bản của văn bản luật; chương trình phát hàng ngày, 5h45 và 10h45, mỗi chương trình 15 phút.

Chỉ tính trong hai năm 1990, 1991: trong số 85.000 thư (1990) thì đã có 24647 thư hỏi về pháp luật chiếm 27,9%. Năm 1991, gần 80.000 thư, trong đó có 24.244 thư về pháp luật chiếm 30,56%.

* Tạp chí dân chủ và pháp luật: Sử dụng các thể loại một cách triệt để như: phỏng vấn, phóng sự điều tra, nghiên cứu trao đổi ý kiến thông tin, bài viết điển hình, bài phê phấn vi phạm pháp luật... trả lời thư bạn đọc...

 

* Báo Hải Phòng."Trước hết chúng tôi duy trì hình thức tuyên truyền trực diện như đang giới thiệu các văn bản pháp luật khi mới ban hành,... Sau đó đăng các bài giải thích, hướng dẫn, thực hiện pháp luật của Nhà nước thông qua các chuyên mục như: "Tìm hiểu chính sách pháp luật", "trả lời bạn đọc" - Các chuyên mục này đã có từ lâu và được duy trì thường xuyên trên báo... ngoài một số hình thức tuyên truyền giáo dục trực diện hầu hết các nội dung tin, bài đăng báo Hải Phòng đều có liên quan chính sách, pháp luật... chẳng hạn qua chuyên mục "người đất cảng" trên báo Hải phòng hàng ngày, chúng tôi góp phần động viên cổ vũ mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, còn các mục "lượm lặt hàng ngày", "Tin Toà án..." thường là phê phán các vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Mục bạn đọc viết - viết theo đơn, thư bạn đọc" tập trung nêu các ý kiến khen chê, kiến nghị về các hành vi vi phạm pháp luật, ttẹ nạn xã hội, khuyến khích mọi người sóng và làm việc theo pháp luật...

* Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (chương trình pháp luật và cuộc sống): "Hàng tháng đài chúng tôi nhận trên 2000 đơn, thư của bạn nghe gửi về - trong đó 1/3 là đơn khiếu tố có nội dung về pháp luật... chúng tôi lập ra tiết mục "trả lời thư bạn đọc" phát hàng ngày. Tháng 9 năm 1990 Ban biên tập quyết định thành lập chương trình "Pháp luật và cuộc sống" phát vào thứ 3, 5, 7 hàng tuần.

 

* Báo Sài Gòn - giải phóng (Trong ba năm 90-92), Tính đến tháng 10 năm 1992: về số lượng bài xã luận, bình luận, phản ánh ý kiến, không kể tin và các bài trả lời bạn đọc khoảng 380 bài, trung bình 100 bài/năm từ tháng 5 năm 1992, số báo thứ 5 hàng tuần đều có mục "trả lời pháp luật", rieng tờ thứ 7 thường xuyên dành một tỷ lệ thích hợp đăn các bài phản ánh tình hình chấp hành pháp luật... Riêng công tác bạn đọc mỗi năm chúng tôi nhận gần 4000 thư (9 tháng đầu năm 1992 đã có 3000 thư) trong đó 80% đơn thư liên quan đến pháp luật... Chúng tôi cố gắng sử dụng tất cả các thể loại liên quan đến báo chí để tuyên truyền giáo dục pháp luật, từ xã luận, bình luận. Tuy nhiên với mỗi nội dung pháp luật chúng tôi lựa chọn hình thức thích hợp để tuyên truyền có hiệu quả hơn".

* Trích Báo dẫn đề của Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật tại ba Hội thảo trên: Nhìn chung tuy mức độ khác nhau, hình thức khác nhau nhưng hầu hết các báo, đài đã tuyên truyền giáo dục pháp luật một cách có hệ thống, thường xuyên, toàn diện với những hình thức đa dạng, phong phú...

 

4. Biện pháp tổ chức thực hiện:

Trên gần 30 tham luận tại 3 hội thảo (không kể các báo cáo của các tỉnh thành và báo, đài khác, có thể tóm lược khái quát một số biện pháp tổ chức thực hiện duy trì chuyên mục pháp luật trên báo đài Là:

- Có sự nhận thức đúng đắn của việc tuyên truyền giáo dục pháp luật (từ báo nhân dân đến các báo chuyên ngành, báo các tỉnh và đài phát thanh, đài truyền hình TW, địa phương.

- Có sự tổ chức phối hợp giữa báo, đài với cơ quan tư pháp (từ xây dựng kế hoạch, ký kế hoạch liên tịch 2 bên, cung cấp chuyên gia pháp lý, trực tiếp viết bài, tổ chức bồi dưỡng cho phóng viên, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật theo chuyên đề... )và cơ quan bảo vệ pháp luật để tạo nguồn bài cho chuyên mục và có định hướng tuyên truyền đúng.

- Sự năng động của báo, đài (nhất là của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên viết về pháp luật ).

- Biết sử dụng hợp lý đội ngũ cộng tác viên cho chuyên mục.

- Nội dung, thể tài, hình thức được dư luận hoan nghênh, có tác dụng thiết thực.

- Có sự tài trợ về kinh phí cho chuyên mục (như kinh nghiệm của báo Long an, báo nhân dân, Tạp chí dân chủ- pháp luật , Báo hải phòng, Báo tuyên quang, báo, đài vĩnh phú; báo, đài Hà nội; báo, đài TPHCM...

II. Kết quả điều tra xã hội học (khảo sát bằng phiếu)

(xem bảng phụ lục 1 và 2)

BBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBB

Chuyên đề 3:

giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

(không chuyên luật)

Giáo sư Đặng Võ Hoạt- PTS Trần Doanh

Dương Thanh Mai- Trương Thị Phượng

Mấy lời mở đầu

1) Tính cần thiết và mục đích của chuyên đề.

1.1 Sự nghiệp đổi mới của đất nước đặt ra yêu cầu cấp bách phải từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền, đưa xã hội vào nề nếp, kỷ cương và quản lý Nhà nước bằng pháp luật .

điều đó không chỉ liên quan đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội , có khả năng thực thi mà còn phải quan tâm đến một công việc cơ bản, lâu dài và khó khăn hơn, đó là xây dựng cho được xã hội công dân, trong đó mọi người mọi tầng lớp nhân dân đều coi trọng pháp luật tự nguyện chấp hành có năng lực pháp lý và tinh thần bảo vệ pháp luật , tích cực tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội đảm bảo ý chí nguyện vọng của nhân dân được thực hiện và ngăn chặn tất cả mọi sai lầm, tiêu cực có thể xẩy ra trong quá trình thi hành pháp luật .

Để đáp ứng yêu cầu trên, cần phải đẩy mạnh pháp luật sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân với tất cả mọi điều kiện và phương tiện hiện có của xã hội . Trong khi chú ý đến mọi đối tượng, cần phải đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ tương lai của dân tộc. Cần phải giáo dục pháp luật cho họ ngay từ tấm bé trong nhà trường phổ thông và trong suốt quá trình đào tạo nghề nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề để họ có thể trở thành những công dân hữu ích sống và làm việc theo pháp luật , những nhà lãnh đạo quản lý đất nước theo pháp luật , hết lòng phục vụ nhân dân, chống lại mọi hành vi vi phạm pháp luật . Trong khi sử dụng và phát huy hiệu quả mọi tổ chức, phương tiện của xã hội cho việc giáo dục pháp luật , cần phải thấy hết vị trí quan trọng và tiềm năng to lớn của các nhà trường trong công tác này để có sự tính toán, đầu tư công sức, tiền của một cách hợp lý để nhà trường có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

1.2 Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, mặc dù chúng ta có nhiều cố gắng trong việc ban hành nhiều văn bản pháp qui mới nhằm từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống pháp luật ở nước ta, nhưng việc thi hành pháp luật trong xã hội hiện nay vẫn là vấn đề khó khăn, gay cấn nhất. tình trạng phá vỡ kỷ cương, coi thường phép nước vẫn diễn ra phổ biến có nơi có lúc còn nghiêm trọng hơn trước. Điều đáng báo động là tình trạng vi phạm pháp luật của tầng lớp thanh thiếu niên hết sức nghiêm trọng và nó cũng đã lan vào cả trong nhà trường. Nhiều hiện tượng chưa từng có trước đây nay cũng lan ra, tuy còn là cá biệt nhưng phải hết sức đề phòng, hạn chế và loại bỏ, đó là tình trạng học sinh mang hung khí đến trường, các vụ học sinh xô xát tong và ngoài nhà trường gây ra đổ máu chết người, có học sinh đâm chết ban có học sinh đánh thày và thậm chí đâm thày bị thương. Điều đó đặt ra cho xã hội và nhà trường một trọng trách phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục đạo đức và pháp luật cho thế hệ trẻ và phải làm cho công tác này thật sự có hiệu quả.

1.3 Trong 6 năm qua, chúng ta cũng đã đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường phổ thông. Nhờ đó học sinh cũng đã tiếp thu được một số kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân và moọt số qui định của pháp luật hiện hành. Bước đầu hình thành ở học sinh thái độ và hành vi tôn trọng kỷ luật, pháp luật thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày ở trường, trong gia đình và ngoài xã hội . Số vụ vi phạm pháp luật ở một số địa phương có giảm đi... Tuy nhiên, việc đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường thời gian qua mới chỉ là bước đầu trong giai đoạn mò mẫm thử nghiệm, còn có rất nhiều hạn chế và tồn tại về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục cũng như những điều kiện thực hiện. Điều đó đòi hỏi phải được khắc phục để có thể tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông; đồng thời cần triển khai một cách chặt chẽ công tác này đồng bộ trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

1.4 Vì vậy, việc tăng cường và cải tiến giáo dục pháp luật trong mọi nhà trường hiện nay là có tính cấp thiết.

2. Các nhiệm vụ nghiên cứu:

2.1 Phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường

2.2 Xây dựng mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các tổ chức giáo dục pháp luật trong trường phổ thông.

2.3 Định hướng về mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

2.4 Nêu lên những kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

3. Các phương pháp nghiên cứu:

a) các phương pháp chủ yếu:

- Phân tích lý luận

- Tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực giáo dục pháp luật trong nhà trường.

- Lấy ý kiến chuyên gia trong các lĩnh vực pháp lý, giáo dục học, tâm lý, xã hội học và các nhà hoạt động thực tiễn có liên quan.

- Tiến hành điều tra khảo sát ở mức độ cần thiết.

b) các phương pháp hỗ trợ.

- Tiến hành đàm thoại với các đối tượng có liên quan (các học sinh ,sinh viên, các giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường, các bậc cha mẹ...).

- Tiến hành quan sát những hoạt động có liên quan đến giáo dục pháp luật ơ trong các nhà trường và một số môi trường xã hội .

- Phân tích các kết quả học tập của học sinh, sinh viên qua các bài kiểm tra, qua các kỳ thi.

4. Các lực lượng phối hợp.

Viện khoa học -giáo dục và Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật .

Viên nhà nước và pháp luật , Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Viện nghiên cứu đại học

Bộ nội vụ

Sở giáo dục hà nội

Bảo việt

Vụ quản lý học sinh- sinh viên, Vụ đại học, Vụ trung học chuyên nghiệp

Vụ giáo viên

5. các công việc hính đã tiến hành.

1) tổ chức 4 hội thảo khoa học - thực tiễn

- Hội thảo về thưc tiễn tổ chức quá trình giảng dạy pháp luật trong các trường phổ thông từ 1987-1992-tháng 2-1992.

- Hội thảo về tổ chức phối hợp các lực lượng để thực hiện giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông tháng 5 - 1992.

- Hội thảo về chương trình nội dung môn giáo dục công dân trong các trường phổ thông - tháng 6- 1992.

2) Tiến hành 3 đợt điêù tra xã hội học, khảo sát về hiểu biết pháp luật , nhu cầu giáo dục pháp luật của học sinh, sinh viên, giáo viên và thực trạng giáo dục pháp luật trong các nhà trường.

- ở các trường phổ thông: đầu 1992

- ở các trường đại học , cao đẳng: 10/92- 2/93

- ở các trường Đảng, trường hành chính, trường ngành, đoàn thể: 3-6/1993

3) tổ chức 2 đợt lấy ý kiến chuyên gia về các nội dung nghiên cứu, chương trình giáo dục pháp luật .

- Đợt 1: Lấy ý kiến chuyên gia pháp lý, giáo dục về chương trình môn giáo dục công dân trong trường phổ thông (7-10/1992)

- Đợt 2: Lấy ý kiến chuyên gia pháp lý, giáo dục về định hướng hoàn thiện và tăng cường giáo dục pháp luật trong tất cả các bậc học, cấp học thuộc hệ thóng giáo dục quốc dân (tháng 3-7/1993)

4) Tổ chức các hội nghị làm việc giữa cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo giáo dục pháp luật của 2 ngành Tư pháp và giáo dục kể cả ở cấp cao nhất (Bộ trưởng 2 bộ )

Phần thứ nhất

cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường

I. Những quan điểm xuất phát của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường.

1. Giáo dục pháp luật trong nhà trường- một yêu cầu có tính khách quan.

1.1 Nhà trường chúng ta có nhiệm vụ xây dựng cho thế hệ trẻ nhân cách người công dân, người lao động, người chủ tương lai xứng đáng của đất nước, của dân tộc, biết sống, lao động và học tập trong xã hội mới với vô vàn mối quan hệ đa dạng. Muốn như vậy, một trong những vấn đề quan trọng đăc biệt là làm cho học sinh, sinh viên dần dần hình thành một cách tự giác những hành vi ứng xử theo những chuẩn mực nhất định: đồng thời, đề phòng và khắc phục những sai lệch so với những chuẩn mực đã được qui định đó.

Chuẩn mực xã hội là những vấn đề yếu tố không thể thiếu được của việc quản lý xã hội ; là một trong những phương tiện có tác dụng định hướng, điều tiết hành vi của cá nhân hay của nhóm xã hội trong những điều kiện nhất định. Bên cạnh đó nó còn là một trong những phương tiện mà xã hội sử dụng để kiểm tra hành vi của họ.

Chuẩn mực xã hội chỉ điều tiết những hành vi có tính xã hội. Đó là những hành vi liên quan đến mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân, các tập thể, các giai cấp có liên quan đến xã hội nói chung.

Vì vậy, chuẩn mực xã hội phải phản ánh những qui tắc, những yêu cầu, những yêu cầu, những giới hạn của cái có thể và cái được phép cũng như cái không được làm trong hành vi cá nhân. Nói một cách khác, chuẩn mực xã hội nói chung mang tính cho phép, bắt buộc, và cấm đoán. Để đảm bảo được yếu tố bắt buộc và nhất là yếu tố cấm đoán, xã hội lại qui định những sự trừng phạt cần thiết.

1.2 Trong xã hội tồn tại nhiều hệ thống chuẩn mực: bên cạnh chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực thẩm mỹ, chuẩn mực tôn giáo... còn có chuẩn mực pháp luật .

Những chuẩn mực pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Chúng bao gồm hệ thống các qui tắc nhằm chỉ đạo hành vi ứng sử của mọi người trong xã hội . Chúng qui định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của công dân, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, các nhân viên nhà nước... Như vậy là chúng qui định:

- Những cái được hưởng, những cái được làm và những giới hạn tương ứng;

- Những cái phải làm có tính mệnh lệnh bắt buộc;

- Những cái cấm đoán không được làm;

- Và những hình thức, mức độ trừng phạt, phục hồi hay khích lệ đảm bảo cho việc thực hiện 3 loại qui định trên, đặc biệt là qui định cấm đoán.

Đặc điểm nôi bật của các chuẩn mực pháp luật là chúng được thực hiện bằnh sức mạnh, quyền lực Nhà nước. Trong xã hội ta, chúng nhằm bảo vệ lợi ích chung và lợi ích của mỗi công dân, phục vụ cho sự hình thành và phát triển những mối quan hệ tốt đẹp.

1.3 Học sinh phổ thông là những thành viên của cộng đồng, là những công dân đang trên bước đường trưởng thành, là những người lao động tương lai.

Đối vơi các em, hiểu biết pháp luật là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được của học vấn phổ thông và ý thức pháp luật là một thành phần quan trọng không thể thiếu được của nhân cách .

Vì vậy,ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với vốn học vấn đó, với ý thức pháp luật đó, các em đã phải dần dần biết sống, học tập và làm việc theo pháp luật một cách tự giác. Và sau khi ra đời, các em lại phải biết sống, lao động và học tập theo pháp luật với đầy đủ trách nhiệm nghĩa vụ và quyền hạn của người công dân, góp phần xây dựng một xã hội có kỷ cương nề nếp.

Do đó có thể nói rằng, việc giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông có chiến lược to lớn.

1.4 Học sinh các trường trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề là thành viên của cộng đồng nhưng họ là những công dân đã trưởng thành, là những cán bộ trung cấp,

Đối với họ, hiểu biết pháp luật là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được không những của học vấn chung mà còn của học vấn nghề nghiệp và ý thức pháp luật là một bộ phận quan trọng không thể thiếu không những của nhân cách người công dân mà còn của nhân cách người cán bộ trung cấp, người công dân. Nhờ vậy họ không những biết sống và làm việc theo pháp luật với tư cách là người công dân trưởng thành mà hơn nữa còn biết sống và làm việc theo pháp luật, bảo vệ pháp luật với tư cách là những người đã có cương vị xã hội , đã có những vị trí nhất định trong nghề nghiệp của mình.

Do đó, việc giáo dục pháp luật cho học sinh các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề là có ý nghĩa trực tiếp đối với người lao đông tương lai.

1.5 Đối với sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong vốn học vấn chung, đặc biệt là trong vốn học vấn nghề nghiệp của họ không thể thiếu được một bộ phận quan trọng- Những hiểu biết về pháp luật : pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Và bên cạnh đó, ý thức pháp luật là một bộ phận quan trọng không những của nhân cách người công dân mà còn của nhân cách người cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý.

Nhờ vậy, họ không những biết sống và làm việc theo pháp luật với tư cách người công dân mà hơn nữa, còn biết sống và làm việc theo pháp luật , bảo vệ pháp luật với tư cách là người đã có cương vị xã hội quan trọng, những vị trí chủ chốt ở các tầng bậc trong hệ thống nghề nghiệp của mình.

1.6 Do đó, có thể nói rằng, giáo dục pháp luật trong nhà trường, từ phổ thông đến trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đến cao đẳng và đại học, là một yêu cầu khách quan nhằm chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời, biết sống và làm việc theo pháp luật , góp phần xây dựng dần dần một xã hội có kỷ cương.

2. Giáo dục pháp luật trong nhà trường dần được thực hiện ngay từ lớp 1.

2.1 Vào lớp 1 trẻ em, có bước nhảy vọt với những chuyển biến rất cơ bản trong đời sống và hoạt động của chúng.

a) từ chơi đến học:

Vào lớp 1, trẻ em phải chuyển từ hoạt động chủ đạo của lứa tuổi trước đó là vui chơi sang hoạt động học tập với nghĩa đúng của nó:

- Học để nắm chùm chìa khoá quan trọng để bước vào đời: tập đọc tập viết và tập làm toán.

- Học theo một chương trình có hệ thống và thống nhất mang tính quốc gia với những nội dung khoá học được trình bày trong SGK.

- Học theo một qui trình, qui phạm chặt chẽ, thể hiện bằng sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên với học sinh.

Trong điều kiện học tập như vậy, trẻ phải hoàn thành trách nhiệm của người học sinh đã được pháp luật qui định.

b) từ tự do đến ghép mình vào những nội qui mang tính pháp chế:

Vào lớp 1, trẻ phải chuyển từ lối sống tự do hoặc gắn vào nếp sinh hoạt của gia đình hay của nhà trường, lớp mẫu giáo sang lối tuân thủ một cách nghiêm túc những nội qui của nhà trường mang tính pháp chế, thống nhất trong phạm vi cả nước.

Trong một "thể chế xã hội "đầu tiên với kỷ cương như vậy, trẻ phải biết tự kìm chế lối sống tự do trước đây để sớm thích ứng với lối sống mới của nhà trường.

c) Từ quan hệ gia đình đến quan hệ xã hội :

Vào lớp 1 cũng là lúc trẻ vươn ra khỏi những mối quan hệ gia đình, bạn bè thân thuộc trước đó để bước vào một thế giới các mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn, với những đối tượng mới:

- Quan hệ với các thày, cô giáo: không chỉ có khía cạnh tình cảm, đạo lý, tôn ti trật tự mà còn có khía cạnh công việc, pháp lý.

- Quan hệ với bạn bè cùng lớp học, không chỉ là quan hệ thân tình thoải maí trong vui chơi mà có khi còn mang tính đại diện cho cả những tổ chức xã hội đầu tiên của trẻ như tập thể trường, lớp, tổ, nhóm, sao nhi đồng, tập thể, đội thiếu niên tiền phong...

Trong hoàn cảnh này, trẻ phải biết thay đổi và điều chỉnh một số thói quen tình cảm thường gắn với mối quan hệ gia đình trước đây để có thể hoà nhập vào các mối quan hệ mới của trường học.

2.2 Như vậy là, ngay từ lớp 1, trẻ em đã dần dần phải thích ứng với những nếp sống, những hoạt động, những mối quan hệ phù hợp với chuẩn mực pháp luật nói riêng và chuẩn mực xã hội nói riêng.

Chính đó là cơ sở ban đầu rất quan trọng để càng ngày càng giáo dục pháp luật cho các em một cách có hệ thống, từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ riêng lẻ đến khái quát... khi các em học lên lớp trên, bậc học trên- trung học, cao đẳng, đại học- hoặc khi các em sang học nghề...

3. Giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên được thực hiện bằng 2 con đường cơ bản có mối quan hệ mật thiết với nhau: con đường dạy- học và con đường hoạt động ngoài lớp ngoài trường.

3.1 Giáo dục pháp luật bằng con đường day- học có thể được thực hiện với 2 khả năng: giáo dục pháp luật trở thành môn học (bbọ môn) độc lập và giáo dục pháp luật qua các môn học (bộ môn) khác.

a) đối với trường phổ thông:

a.1 Giáo dục pháp luật không có khả năng trở thành môn học độc lập. Đó là vì:

- Một là, với đặc điểm tâm- sinh lý và trình độ nhận thức của mình, học sinh phổ thông hiện nay không có khả năng học quá nhiều môn học dàn trải qua các năm học, với phạm vi và độ sâu không hợp lý, trong đó vừa có những điều thừa vừa có những điều thiếu;

- Hai là, xu hướng chung hiện nay trên thế giới là tích hợp 2 hoặc nhiều môn học có liên quan mật thiết với nhau về nội dung để thành một môn học tích hợp; nhờ vậy học sinh không bị phân tán sự chú ý, trái lại lại có điều kiện nắm được những tri thức tích hợp; những tri thức vốn huộc về những môn học riêng biệt, nay được gắn với nhau, liên kết với nhau một cách hữu co trong môn học, giúp cho học sinh nắm được mối quan hệ liên môn, dễ nhớ, dễ vận dụng những điều đã học;

- Ba là, đối với học sinh phổ thông, các em chưa cần và không cần đi quá sâu về pháp luật ; trái lai các em chỉ cần những hiểu biết phổ thông tối thiểu cần thiết để ý thức được những quyền và nghiã vụ công dân đã được pháp luật qui định để từ đó, có thái độ tôn trọng pháp luật và có những hành động phù hợp với chuẩn mực pháp luật .

a.2 Thực tiễn dạy- học giáo dục sinh động đã chứng tỏ rằng ở trường phổ thông, giáo dục pháp luật có khả năng được thực hiện qua nhiều môn học với các mức độ khác nhau từ thấp đến cao: liên hệ lồng ghép, tích hợp.

Môn đạo đức có nhiều khả năng giáo dục pháp luật cho học sinh tiểu học theo hướng thống nhất với các chuẩn mực pháp luật , đạo đức. Như vậy có nghĩa là khi dạy các chuẩn mực đạo đức nào đó thì có thể khai thác những chuẩn mực này vừa trên bình diện đạo đức, vừa trên bình diện pháp luật .

Bên cạnh đó, môn giáo dục công dân có nhiều khả năng giáo dục pháp luật cho học sinh cấp 2 và phổ thông trung học một cách có hệ thống với những chương trình bao gồm một số vấn đề cơ bản về pháp luật nhằm giúp các em ý thức được đúng đắn và đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân, làm cơ sở cho những hành vi đúng đắn phù hợp với các chuẩn mực pháp luật đã được qui định.

b) Đối với các trường trung học, dạy nghề:

b.1 giáo dục pháp luật khó có thể trở thành môn học độc lập. Đó là vì:

- Một là đang có xu hướng xây dựng những môn học tích hợp làm cho kế hoạch đào tạo được gọn nhẹ hơn.

- Hai là học sinh các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề chưa cần thiết phải đi sâu vào khoa học pháp lý. Họ chỉ cần nắm được những tri thức pháp luật cơ bản, phổ biến cần thiết nhất đối với mọi công dân, đồng thời cần nắm được những tri thức pháp luật cần thiết để có thể vận dụng được vào nghề nghiệp cụ thể của họ.

b.2 Do vậy, giáo dục pháp luật trong các trường trung học, dạy nghề trước mắt có thể tích hợp vào bộ môn chính trị.

c) Đối với các trường cao đẳng,đại học:

c.1 Giáo dục pháp luật nên trở thành một bộ môn độc lập, vừa cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về pháp luật , cần thiết về pháp luật có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp sau nàycủa họ. ở đây, cơ sở lý luận và thực tiễn của những vấn đề được học là có ý nghĩa quan trọng.

c.2 Đó là vì sinh viên sẽ trở thành những cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý không những phải có ý thức và thói quen hoạt động nghề nghiệp theo đúng pháp luật , phải biết tổ chức và chỉ đạo các hoạt động nghề nghiệp theo đúng pháp luật . Mà trong nhiều trường hợp còn góp phần xây dựng những văn bản dưới luật có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp.

c.3 Vì vây, đối với sinh viên, chúng ta cần giúp cho họ xây dựng được văn hoá pháp luật cần thiết, trong đó có sự thống nhất giữa tri thức, thái độ và hành vi pháp luật .

3.2 Giáo dục pháp luật không những được thực hiện bằng con đường dạy- học mà còn bằng con đường ngoài lớp, ngoài trường với những hoạt động đa dạng hấp dẫn ( như nghe thời sự pháp luật ,trực tiếp tham dự các phiên toà, tham gia tuyên truyền pháp luật , bảo vệ trật tự trị an, an toàn giao thông đường bộ...). Qua đó, học sinh , sinh viên sẽ được thể nghiệm một cách sinh động những điều đã học về pháp luật vào cuộc sống và làm cho chúng phong phú hơn, sâu sắc hơn.

4. Giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải hình thành được ở họ ý thưc pháp luật , làm cơ sở cho việc hình thành hành vi thói quen hành vi phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật .

4.1 ý thức pháp luật là một mặt của ý thức xã hội . Nó là sự thống nhất giữa tri thức pháp luật và niềm tin pháp luật .

Tri thức pháp luật được cung cấp cho học sinh, sinh viên ngày càng có hệ thống, ngày càng được mở rộng và đào sâu. Tri thức này được họ nắm một cách tự giác thì sẽ trở thành niềm tin đúng đắn, sẽ có tác dụng thúc đẩy những hành động phù hợp với pháp luật .

Quá trình hình thành niềm tin pháp luật ở học sinh được thể hiện như sau:

- Nắm được tri thức pháp luật .

- Tin về mặt lý luận cũng như mặt thực tiễn đối với tính đúng đắn của những tri thức đó.

- Có lòng mong muốn tuân theo những yêu cầu đã nắm được về mặt pháp luật .

- Có hành vi phù hợp với quan điểm đúng đắn của mình.

- Có sự hài lòng về hành vi đúng đắn của mình đã được hình thành.

- Có thái độ không khoan nhượng đối với hành vi mâu thuẫn với những chuẩn mực pháp luật đã được qui định

4.2 Trên cơ sở ý thức pháp luật đã được hình thành, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên tình cảm và rèn luyện cho họ hành vi và thói quen pháp luật .

Với ý thức pháp luật qua kinh nghiệm thực tế của bản thân, qua thể nghiệm trong cuộc sống, ở học sinh, sinh viên hình thành tình cảm tích cực đối với các chuẩn mực xã hội , pháp luật ; họ mong muốn được thực hiện chúng họ hài lòng về những hành vi tốt và cắn rứt lương tâm khi họ vi phạm những chuẩn mực đã định. Do đó, có thể nói chính tình cảm tích cực này tạo nên sự ý thức bên trong để họ chuyển ý thức pháp luật thành hành vi đúng đắn một cách thoải mái tự giác.

Muốn hình thành hành vi phù hợp với chuẩn mực pháp luật , học sinh, sinh viên cần rèn luyện trong cuộc sống, trong mọi tình huống.

Kết quả thể hiện các hành vi có thể được đánh giá qua 4 chỉ tiêu:

- Một là nội dung chuẩn mực pháp luật

-Hai là tính chất phổ biến của sự thể hiện hành vi

- Ba là tính bền vững của sự thể hiện hành vi

- Bốn là động cơ hành vi

Hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm hình thành ở học sinh tói quen hành vi phù hợp với chuẩn mực pháp luật. Thói quen hành vi gắn liền với nhu cầu về hành vi.

Những quan điểm trên đây liên quan mật thiết với nhau: Trên cơ sở khẳng định giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là một yêu cầu khách quan có tính chiến lược, giáo dục pháp luật cần được tiến hành ngay từ lớp 1, chúng ta phải tận dụng hai con đường giáo dục pháp luật liên quan mật thiết với nhau - con đường dạy - học các môn học (bộ môn) và con đường hoạt động ngoài lớp, ngoài trường và qua đó, giúp cho học sinh hình thành được ý thức pháp luật, tình cảm pháp luật làm cơ sở cho sự hình thành hành vi và thói quen hành vi phù hợp với pháp luật.

II. Thực trạng giáo dục pháp luật trong nhà trường.

A. Thực trạng giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông.

1. Về chương trình và tài liệu giáo dục pháp luật.

1.1 Có thể nói rằng, trước năm 1987, việc giáo dục pháp luật cho học sinh phổ thông không được quan tâm. Tình trạng này dẫn đến cả thầy lẫn trò không có những hiểu biết cần thiết về pháp luật. Từ đó, đã xẩy ra nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật, có khi nghiêm trọng (như học sinh ăn cắp, đánh chém bạn bè, thậm chí doạ dẫm và đánh thầy cô giáo...)

1.2. Từ năm học 1987 - 1988, với sụ ban hành Chỉ thị số 300/CôNG Tác của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Bộ Giáo dục cũ cùng với Bộ Tư pháp đã phối hợp với nhau để thực sự tiến hành giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong đó có trường phổ thông.

- Hai tập tài liệu: "Một số nội dung giáo dục pháp luật" tạm thời đã được biên soạn và đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 8, 9 và học sinh các lớp 10, 11, 12.

- Việc giảng dạy này không có tính chất bắt buộc, chính khoá, song cũng được tiến hành trong 8 tiết/lớp (ghép vào các giờ học thời sự, chính trị hay đạo đức).

1.3. Cũng vào năm học 1987 - 1988, chương trình môn đạo đức ở cấp 1 đã được soạn thảo xong, làm cơ sở cho việc viết sách giáo khoa dần dần cho các lớp từ 1 đến 5. rong đó, một mặt đã quan tâm giáo dục cho học sinh những chuẩn mực đạo đức, một mặt cũng đã quan tâm giáo dục cho các em một số chuẩn mực sơ giản về pháp luật nhằm bước đầu giúp các em có cơ sở hình thành dần dần ý thức tôn trọng pháp luật, biết sống và học tập theo pháp luật.

1.4. Cũng từ năm học 1987 - 1988, trong tiến trình cải cách giáo dục, môn đạo đức ở các lớp 6,7 và môn chính trị ở các lớp 8, 9 miền nam và các lớp 8 ở Miền Bắc được thay thế bằng một môn gọi là giáo dục công dân.

Chương trình môn học này gồm hai phần:

- Phần 1: Các chuẩn mực đạo đức của người công dân (học ở các lớp 6,7).

- Phần 2: Các chuẩn mực pháp luật (học ở các lớp 8, 9).

ở đây cần nhấn mạnh rằng, việc đưa nội dung giáo dục pháp luật vào nhà trường phổ thông một cách có hệ thống thay cho môn chính trị là một bước chuyển biến đúng đắn. Nội dung giáo dục pháp luật được tập trung vào vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân với hai chủ đề cơ bản là công dân và Nhà nước, nhằm thiết thực chuẩn bị cho số đông học sinh sẽ ra trường sau khi học hết phổ thông cơ sở.

Tuy nhiên, chương trình còn có những hạn chế nhất định:

- Nhìn chung, nội dung cao so với trình độ nhận thức của học sinh các lớp 8, 9.

- Có nhũng phần rườm rà không cần thiết.

- Có những phần ở lớp 9 chưa thiết thực đối với học sinh.

1.5 Cũng trong quá trình cải cách giáo dục , môn chính trị và môn đạo đức ở phổ thông trung học được thay thế dần từng năm bằng môn giáo dục công dân bắt ddầu từ năm 1990- 1991.

Môn học này bao gồm 3 phần:

Phần I: "cơ sở thế giới quan khoa học" (học ở lớp 10)

Phần 2: "Những vấn đề của thời đại ngày nay"và "Một số vấn đề về đạo đức và truyền thống đạo đức của dân tộc" (học ở lớp 11)

Phần 3: " Một số vấn đề cơ bản xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay" và "Một số vấn đề pháp luật nước Cộng hoà xã hội hủ nghĩa Việt nam" (học ở lớp 12)

Như vậy là, ở lớp 12 học sinh được giáo dục pháp luật một cách có hệ thống hơn, có phạm vi rộng hơn và mức độ cao hơn so với nội dung giáo dục pháp luật ở các lớp dưới

Tuy nhiên, do được soạn thảo trước khi có những biến động lớn về chính trị trên thế giới cũng như chưa có các quan điểm soi sáng tình hình chung trên thế giới và tình hình chung trong nước của Đại hội đại biểu đảng cộng sản Việt nam lần thứ VII và bên cạnh đó, Hiến pháp mới chưa được ban bố nên chương trình chưa có điều kiện nhìn nhận một cách đầy đủ và phù hợp với những vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra. Trong tình hình mới, trong đó có cả những vấn đề pháp luật .

Vì vậy, trong khi phần chương trình lớp 10 chưa đưa vào sử dụng tù năm 1990-1991 thì các phần chương trình lớp 11và 12 được bổ sung, hoàn thiện và được đưa vào giảng dạy ở lớp 11 từ năm học 1990-1991. ở lớp 12 từ năm 1992-1993.

1.6 trên cơ sở chương trình đã được xây dựng, các bộ sách (SGK cho học sinh và sách hướng dẫn cho giáo viên) về các môn đạo đức, giáo dục công dân đã được đưa vào sử dụng.

2. Về tổ chức giáo dục pháp luật .

2.1 Nhìn chung, việc giáo dục pháp luật ở hầu hết các tỉnh đã được thực hiện 100% số trường phổ thông cơ sở và tuyệt đại đa số trường phổ thông trung học. ở các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu chỉ có khoảng 70-80% số trường tiến hành giáo dục pháp luật cho học sinh do có khó khăn về giáo viên và về sách.

Có một hiện tượng xẩy ra ở không ít trường phổ thông trung học là đến năm học 1990-1991 khi bắt đâù cải cách giáo dục đến lớp 10 với môn giáo dục công dân thì ở các lớp 11-12 không cho học sinh học chính trị, pháp luật tạm thời do bộ giáo dục đào tạo hướng dẫn.

2.2 Trong quá trình giáo dục pháp luật các trường đã sử dụng nhiều hình thức nội khoá cũng như ngoại khoá như: giảng dạy trên lớp; tổ chức học tập nội qui, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, nói chuyện ngoại khoá và giải đáp pháp luật, tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy chữa cháy , bảo vệ rừng.

2.3. Để tiến hành giáo dục pháp luật cho học sinh ở nhiều địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các tổ chức quần chúng với nhiều hình thức như:

- Phối hợp tập huấn giáo viên;

- Báo cáo ngoại khoá về thời sự pháp luật;

- Giúp trường tài liệu, tư liệu giảng dạy, bảng biểu giao thông phục vụ cho dạy và học pháp luật;

- Tổ chức giao ước thi đua an toàn giữa đường, phường, xã;

- Tổ chức giới thiệu cho cha mẹ học sinh nội dung giáo dục pháp luật để phối hợp giáo dục các em;

- Tổ chức dự giờ, đánh giá, rút kinh nghiệm.

3. Đánh giá sơ bộ kết quả giáo dục pháp luật.

3.1. Nhìn chung công tác giáo dục pháp luật trong trường phổ thông đã có những chuyển biến tốt.

a. Cán bộ quản lý và giáo viên đã nâng cao một bước nhận thức của mình về sự cần thiết của chúng tôi giáo dục pháp luật.

b. Giáo dục pháp luật được triển khai nhanh. Chương trình giáo dục pháp luật đã được xây dựng và được thực hiện chủ yếu qua các môn đạo đức và giáo dục công dân, hệ thống sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy về hai môn này đã được biên soạn và đưa vào sử dụng; Các hình thức giáo dục pháp luật ngày càng phong phú; Các lực lượng giáo dục ở nhiều nơi đã phối hợp chặt chẽ với nhau để tiến hành giáo dục pháp luật cho học sinh.

c. Học sinh.

- Có nhu cầu học pháp luật;

- Đã có một số hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của công dân và một số quy định cụ thể của pháp luật hiện hành (Luật lệ giao thông, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hình sự, Luật bảo vệ rừng và công trình thuỷ lợi...).

- Đã hình thành bước đầu thái độ và hành vi tôn trọng kỷ luật, pháp luật được thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày ở trong và ngoài nhà trường.

- Đã tham gia ngày càng tích cực các hoạt động như duy trì trật tự, kỷ cương trong trường, đấu tranh với phần tử xấu gây rối trật tủtong trường, phát hiện những người phá hoại đường sắt và báo kịp thời mvs công an...

3.2. Bên cạnh những kết quả trên, công tác giáo dục pháp luật trong trường phổ thông còn nhiều tồn tại.

a. Về chỉ đạo.

- Tuy có chủ trương, có chương trình và sách, có bồi dưỡng giáo viên, nhưng chỉ đạo chưa sát sao, chưa thường xuyên, có thời gian buông lỏng.

- Thiếu cán bộ chí đạo có năng lực.

b. Về chương trình và sách giáo dục công dân.

- Nói chung nặng nhất là lớp 9;

- Một vài phần rườm rà, không thiết thực.

- Tài liệu tham khảo quá ít ỏi.

c. Về đội ngũ giáo viên.

- Không ổn định do được chọn từ các nguồn khác nhau (giáo viên chính trị, văn, sử, đại, toán, lý, hoá... hiệu trưởng, hiệu phó, cán bộ đoàn...) nên luôn luôn biến động theo nhiệm vụ được phân công từng năm học.

- Không chuyên thì 100% số giáo viên giáo dục công dân ở cấp 2 là giáo viên kiêm nhiệm; 20% số giáo viên giáo dục công dân ở phổ thông trung học là các giáo viên thừa được chuyển hẳn sang dạy giáo dục công dân, không có người nào được đào tạo chính quy về giáo dục công dân nói chung và pháp luật nói riêng.

- Không được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ và có hệ thống, phương thức và nội dung bồi dưỡng còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Do đó, giáo viên dạy giáo dục công dân nói chung, pháp luật nói riêng còn thiếu kiến thức cơ bản, thiếu hiểu biết thực tiễn về pháp luật, thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Một số không hứng thú, không yên tâm đối với việc giảng dạy của mình.

d. Về môi trường giáo dục pháp luật.

- Nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của chúng tôi giáo dục pháp luật cho học sinh chưa thống nhất trong phạm vi toàn xã hội, nên ở một số địa phương, các cấp chính quyền ít hoặc không quan tâm giúp đỡ và phối hợp với nhà trường trong chúng tôi giáo dục pháp luật.

- Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội tràn lan, nhiều khi rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến giáo dục pháp luật trong nhà trường , học sinh giảm niềm tin vào những điều thầy cô dạy và sách viết, bản thân giáo viên cũng không thật hiểu và tin vào những điều mình giảng.

- Vai trò của gia đình trong giáo dục pháp luật chưa được phát huy đầy đủ, ít cha mẹ quan tâm đến giáo dục con cái. Một số cha mẹ không gương mẫu, vi phạm pháp luật, thậm chí vào tù ra tội.

B. Thực trạng giáo dục pháp luật trong các trường đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

1. Về chương trình và tài liệu giáo dục pháp luật.

1.1. Phải nói ngay rằng, cho đến nay chưa xây dựng được các chương trình giáo dục pháp luật có tính chất bắt buộc đối với mọi học sinh, sinh viên để đưa vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

1.2. Riêng đối với các trường đại học, năm 1985, Bộ Giáo dục đại học - Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề (cũ) đã biên soạn "Pháp luật Việt nam", song trong chương trình lại không có sự phân phối thời gain. Vì vậy, chỉ có một số trường sử dụng tài liệu này.

2. Về tổ chức giáo dục pháp luật.

2.1. ở các trường nói chung, nội dung giáo dục pháp luật dành cho mọi học sinh, sinh viên chỉ được thực hiện một cách chắ vá bằng cách lồng ghép vào các môn học Mác -Lênin (như trường sư phạm, các trường kinh tế...).

2.2. ở một số khoa, trường có chương trình giáo dục pháp luật gắn với chuyên ngành. Ví dụ như khoa báo chí, Khoa sử trường Đại học Tổng hợp ở giai đoạn đào tạo cơ bản đã có các môn học như Luật báo chí, lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và thế giới, các trường kinh tế ở giai đoạn đào tạo cơ bản đã có các môn pháp luật kinh tế...

2.3. ở các trường cao đẳng, đại học còn có các chương trình pháp luật chuyên ngành.

3. Những vấn đề tồn tại trong giáo dục pháp luật.

3.1. Về chỉ đạo.

- Chưa có sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Giáo dục - Đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Chưa có sự phối hợp mang tính tổ chức và có hệ thống giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tư pháp trong công tác giáo dục pháp luật ở trong các trường này.

3.2. Về chương trình và tài liệu.

- Chưa có các chương trình và các tài liệu giáo dục pháp luật chính thống có tính chất bắt buộc đối với mọi sinh viên hoặc học sing các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Thiếu hệ thống tài liệu tham khảo về pháp luật.

3.3. Về giáo viên (cán bộ giảng dạy).

- Giáo viên dạy pháp luật phần lớn là các giáo viên chính trị kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo có hệ thống chuyên ngành pháp lý.

- ở một số trường, không có người dạy pháp luật phải mời người ngoài trường vào dạy.

3.4. Về môi trường giáo dục pháp luật.

Cũng như đối với công tác giáo dục pháp luật ở các trường phổ thông, tình trạng tiêu cực xã hội tràn lan, việc xử lý những tình huống vi phạm pháp luật không được nghiêm minh... đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Như vậy là công tác giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề rõ ràng là có tính cấp thiết, là có ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài nhằm giáo dục và đào tạo thế hệ trẻthành những công dân, những lao động biết sống và làm việc theo pháp luật, có ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh có kỷ cương.

 

Phần thứ hai

Mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong trường phổ thông

I. Mục tiêu giáo dục pháp luật trong trường phổ thông

1. Mục tiêu cơ bản.

Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông nhằm mục đích cơ bản là giúp cho học sinh hình thành được cơ sở ban đầu nhưng rất quan trọngcr ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển cao hơn về ý thức pháp luật sau này, đồn thời hình thành dần dần thái độ và những hành vi tương ứng, tích cực rèn luyện để trở thành người c trưởng thành có thói quen tôn trọng và bảo vệ pháp luật trong xã hội có kỷ cương.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Về tri thức cần giúp cho học sinh nắm bắt được:

- Sự cần thiết và lợi ích của pháp luật;

- Những tri thức phổ thông, cơ bản về pháp luật ngày càng có hệ thống;

- Tinh thần và nội dung cơ bản của một số luật;

- Nghĩa vụ tuân thủ và bảo vệ pháp luật;

2.2. Về thái độ cần giáo dục cho học sinh.

- Thái độ tôn trọng pháp luật;

- Thái độ đồng tình ủng hộ đối với những hành vi phù hợp với những chuẩn mực pháp luật đã quy định.

- Thái độ phản đối đối với hành vi trái pháp luật;

- Thái độ bảo vệ pháp luật.

2.3. Về kỹ năng và hành vi cần giúp học sinh:

- Có kỹ năng vận dụng những điều đã học để phân biệt, phân tích và đánh giá những hành vi phù hợp hay không phù hợp với những chuẩn mực pháp luật;

- Rèn luyện những hành vi phù hợp với những chuẩn mực pháp luật;

- Có lời nói và hành động tỏ sự đồng tình ưng hộ đối với những trường hợp tôn trọng pháp luật, có lời nói và hành vi không đồng tình, không ủng hộ đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật, lạm dung pháp luật.

- Có kỹ năng và thói quen tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng,

Những mục tiêu trên đây được thể hiện ở từng bậc học với phạm vi và mức độ thích hợp.

II. Nội dung giáo dục pháp luật trong trương phổ thông.

1. Những nguyên tắc xây dựng nội dung giáo dục pháp luật trong trường phổ thông.

1.1. Nguyên tắc.

Nội dung giáo dục pháp luật phải phục vụ cho mục tiêu giáo dục phổ thông.

Giáo dục phổ thông hình thành ở học sinh cơ sở ban đầu rất quan trọng của nhân cách người công dân, người lao động tương lai, biết sống và làm việc theo pháp luật.

Vì vậy, nội dung giáo dục pháp luật trong trường phổ thoong phải giúp cho học sinh hình thành được cơ sở ban đầu của ý thức pháp luật, dần dần rèn luyện được hành vi, và thói quen hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật trong cuộc sống nhà trường, gia đình và xã hội.

1.2 Nghuyên tắc 2:

Nội dung giáo dục pháp luật vừa đảm bảo được tính khoa học,vừa đảm bảo được tính giáo dục .

Nội dung giáo dục pháp luật phải đảm bảo cung cấp cho học sinh những tri thức phổ thông, cơ bản về pháp luật và những hiểu biết ở mức độ tối thiểu cần thiết về một số luật, ngành luật nhất định, một cách chính xác, có luận cứ khoa học.

Mặt khác, nội dung giáo dục pháp luật phải đảm bảo giáo dục được cho học sinh cơ sở bước đầu của ý thức pháp luật (trong đó niềm tin pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng) , thaí độ tích cực đốivới việc thực hiện pháp luật , đặc biệt là hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật đã được qui định.

ở đây tính khoa học và tính giáo dục của nội dung giáo dục pháp luật thống nhất với nhau:

- Tính khoa học giúp cho tính giáo dục có luận cứ khoa học, không rơi vào tình trạng giáo dục máy móc gò bó;

- Ngược lại tính giáo dục đòi hỏi định hướng cho tính khoa học, tránh được tình trạng "học pháp luật để mà học" không mang lại hiệu quả giáo dục

1.3 Nguyên tắc 3:

Nội dung giáo dục pháp luật phải có tính liện tục, tính hệ thống và tính đồng tâm.

Nội dung giáo dục pháp luật cần đảm bảo cho học sinh được giáo dục liên tục từ lớp 1- 12.

Nội dung giáo dục pháp luật cần đi từ chỗ chưa có hệ thống rõ rệt ở tiểu học đến chỗ ngày càng có hệ thống với một logic nhất định ở cấp 2 và ở phổ thông trung học.

Nội dung giáo dục pháp luật cần có tính đồng tâm, những điều đã được học ở các lớp tiểu học được lập lại được mở rộng và được đào sâu owr các lớp cấp 2 (trung học cơ sở trong tương lai) và một số điều đã được học ở các lớp cấp 2 sẽ được lặp lại, được mở rộng và đào sâu ở các lớp phổ thông trung học (trung học phân ban trong tương lai) .

ở đây, tính liên tục, tính hệ thống và tính đồng tâm thống nhất với nhau

- Liên tục phải có tính hệ thống.

- Tính hệ thống được thực hiện trong tính liên tục.

- Tính đồng tâm được thực hiện trong tính liên tục và tính hệ thống.

1.4 Nguyên tắc 4:

Nội dung giáo dục pháp luật vừa đảm bảo được tính lý luận ở chừng mực cần thiết vừa đảm bảo được tính thực tiễn.

Nội dung giáo dục pháp luật cung cấp cho hoc sinh cơ sở lý luận của pháp luật ở chừng mực cần thiết, nhất là đối với cấp 2 và phổ thông trung học, giúp cho các em học pháp luật có luận cứ và từ đó để tạo được niềm tin tự giác.

Song phải gắn cơ sở lý luận này với thực tiễn, với đời sống trong trường, trong cộng đồng địa phương, trong cộng đồng quốc gia, hướng dẫn học sinh tập vận dụng những điều đã học về pháp luật vào thực tiễn, vào cuộc sống hàng ngày, từ đó làm cho các em thấy viêch học pháp luật là thiết thực.

1.5 Nguyên tắc 5:

Nội dung giáo dục pháp luật phải vừa sức học sinh.

Học sinh tiểu học có trình độ nhận thức còn thấp, tư duy cụ thể còn chiếm vai trò rất quan trọng, có tính hay bắt chước, kinh nghiệm sống còn nghèo nàn, nên chưa có đầy đủ năng lực nhận thức các chuẩn mực pháp luật trên bình diện lý luận. Vì vậy, các chuẩn mực pháp luật đưa vào tiểu học chưa thể có tính hệ thống, mặt khác lại cần đưa ra dưới dạng các mẫu hành vi cụ thể, tương tự như khi giáo dục đạo đức.

Học sinh cấp 2 và nhất là học sinh phổ thông trung học đã có trình độ nhận thức cao hơn, tư duy trừu tượng ngày càng phát triển, kinh nghiệm sống ngày càng phong phú. Vì vậy các em có khả năng nắm được nội dung pháp luật ngày càng có hệ thống, ngày càng có phạm vi rộng và có mức độ sâu.

1.6 Nguyên tắc 6:

Nội dung giáo dục pháp luật được đưa vào nội dung các môn học, trước hết là môn đạo đức và môn giáo dục công dân, phải là bộ phận hữu cơ của môn học này.

Giáo dục pháp luật có thể được thực hiện qua các môn học, trước hết là môn đạo đức và môn giáo dục công dân.

Nội dung giáo dục pháp luật không đươc làm "méo mó" không được làm ngheò nàn mà phải đảm bảo được tính khoa học, tính hệ thống và làm phong phú thêm nội dung các môn học đó.

Tránh khiên cưỡng gò ép mất tự nhiên.

Những nguyên tắc trên đây có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Chúng là cơ sở để xây dựng nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông, trước hết qua môn đạo dức và môn giáo dục công dân.

II Nội dung giáo dục pháp luật qua môn đạo đức ở tiểu học.

2.1 Chuẩn mực hành vi đạo đức và chuẩn mực hành vi pháp luật

Học sinh tiểu học do trình độ nhận thức còn yếu, tư duy cụ thể còn chiếm vai trò quan trọng, có tính hay bắt chước, kinh nghiệm sống còn nghèo nàn, nên chưa có đủ nặng lực nhận thức các chuẩn mực đạo đức cũng như các chuẩn mực pháp luật trên bình diện lý luận. Vì vậy trong quá trình giáo dục , các chuẩn mực này được đưa ra dưới dạng chuẩn mực hành vi: chuẩn mưch hành vi đạo đức và chuẩn mưch hành vi pháp luật .

Hai loại chuẩn mực này có mối quan hệ mật thiết với nhau:

- Một là, các chuẩn mực hành vi đạo đức và các chuẩn mực hành vi pháp luật đều đảm bảo chức năng điều chỉnh hành vi của con người, tuy phương thức bảo đảm khác nhau: các chuẩn mực hành vi đạo đức điều chỉnh hành vi trên cơ sở niềm tin cá nhân và dư luận xã hội ; còn các chuẩn mực hành vi pháp luật lại điều chỉnh hàh vi trên cơ sở cưỡng chế của Nhà nước.

- Hai là, trong nhiều trường hợp, các chuẩn mực hành vi đạo đức phải được bảo đảm bằng pháp luật , nên các chuẩn mực hành vi đạo đức này đồng thời cũng là các chuẩn mưc hành vi pháp luật (ví như; kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ... một mặt thuộc về đạo đức của con cái; song mặt khác lại là nghĩa vụ được Luật hôn nhân gia đình qui định).

2.2 Mục tiêu giáo dục pháp luật ở tiểu học.

a) Về tri thức, giúp cho hoc sinh:

- Hiểu và nắm được một số chuẩn mực hành vi pháp luật đơn giản, phổ biến cần thiết nhất phù hợp với lứa tuổi trong các mối quan hệ đối với học tập, đối với mọi người từ gia đình đến nhà trường, xã hội đối với tài sản công dân, đối với tự nhiên...

- Biết được ý nghĩa của các chuẩn mực đó;

- Thấy rõ nghĩa vụ phải thực hiện các chuẩn mực hành vi pháp luật đã định:

b) Về thái độ, giáo dục của học sinh:

- Thái độ tôn trọng những chuẩn mực hành vi pháp luật , lòng mong muốn bản thân trở thành những người con ngoan trong gia đình, những học sinh tốt trong nhà trường, những công dân nhỏ tuổi có ích cho xã hội - những người có kỷ luật, sống và học tập theo pháp luật ;

- Thái độ đồng tình với những hành vi phù hợp, không đồng tình với nhữg hành vi không phù hợp với những chuẩn mực hành vi pháp luật đã được học.

c) Về kỹ năng, và hành vi giáo dục cho học sinh

- Phân biệt được cái đúng, cái sai so với những chuẩn mực hành vi đã qui định:

- Biết ủng hộ, biết làm theo cái đúng, biết chê trách, biết tránh những cái sai.

2.3 Nội dung giáo dục ở tiểu học qua môn đạo đức.

a) Với những mục tiêu nói trên, chương trình môn đạo đức đã chức đựng những chuẩn mực hành vi pháp luật đơn giản, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh tiểu học.

a.1 Các chuẩn mực hành vi nhằm thực hiện tốt quyền và bổn phận học tập (đã được qui định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Luật phổ cập giáo dục tiểu học).

a.2 Các chuẩn mực hành vi nhằm thực hiên nghĩa vu, bổn phận của con cái đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người lớn... (đã được qui định trong: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật phổ cập giáo dục tiểu học).

a.3 Các chuẩn mực hành vi nhằm; tôn trọng luật lệ giao thông, bảo vệ tự do thư tín, bảo vệ tài sản của công dân, bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ các công trình công cộng, các di tích văn hoá, bảo vệ môi trường...

b. Những chuẩn mực trên được thể hiện trong các bài ở các lớp sau:

- Lớp 1: Đi học đều và đúng giờ

Đi bộ trên vỉa hè

Qua đường theo đèn hiệu

Vâng lời ông bà cha mẹ

Đi xin phép về chào hỏi

Không hái hoa phá cây nơi công cộng

- Lớp 2: Chăm chỉ học bài, làm bài

Làm vui lòng ông bà cha mẹ

Không tham của rơi

Giữ trật tự, vệ sinh nơi công cộng

Thương yêu loài vật có ích

- Lớp 3: Không nản khi gặp bài khó, việc khó

Biết ơn thày giáo, cô giáo

Kính trọng người phục vụ trong trường

Biết ơn ông bà, cha mẹ

Quan tâm chăm sóc anh chị em

Giúp đỡ người tàn tật và không may

Tôn trọng thư từ và đồ dùng của người khác.

- Lớp 4: Tích cực, chủ động trong mọi việc

Tôn trọng biết ơn ngưòi lao động

kính trọng, giúp đỡ người già phụ nữ

Lễ phép với người lớn

Tôn trọng qui định ở các nơi công cộng

Bảo vệ các di tích văn hoá và các công trình công cộng

- Lớp 5: Biết ơn Bác Hồ

Biết ơn thương binh liệt sỹ và người có công với nước

Tôn trọng các cơ quan và người đang phục vụ nhân dân

Bảo vệ tài nguyên và môi trường sống.

3. Nội dung giáo dục pháp luật qua môn giáo dục công dân ở trung học cơ sở (cấp 2).

3.1 Mục tiêu giáo dục pháp luật ở trung học cơ sở

a) Về trí thức, giúp cho học sinh nắm được:

- Các quyền và nghĩa vụ của công dân trong mọi lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội ;

- Các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với công dân

- Bản chất và tổ chức bộ máy Nhà nước.

b) Về thái độ giáo dục cho học sinh:

- Thái độ tôn trọng pháp luật , thái độ tôn trọng quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của Nhà nước.

- Thái độ đồng tình với những hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật, những hành vi thực hiện pháp luật đúng đắn quyền và nghĩa vụ công dân.

- Thái độ phản đối những hành vi không phù hợp với các chuẩn mực pháp luật, những hành vi thưch hiện sai trái quyền và nghĩa vụ công dân.

Thái độ bảo vệ pháp luật, bảo vệ Nhà nước.

c. Về hành vi giáo dục cho học sinh:

- Hình thành được hành vi và thói quen phù hợp với các chuẩn mực pháp luật , các quyền và nghĩa vụ của công dân

- Biết ủng hộ cái đúng, phản đối và ngăn chặn cái sai trong việc thực hiện các chuẩn mực pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

3.2 Nội dung giáo dục pháp luật qua môn giáo dục công dân ở trung học cơ sở (cấp 2)

a) Với những mực tiêu nói trên, nội dung giáo dục pháp luật ở trung học cơ sở bao gồm những vấn đề sau:

- Công dân với pháp luật

- Công dân với Nhà nước

- Nhà nước với công dân

- Sống và làm việc theo pháp luật .

b) Nội dung trên đây chiếm toàn bộ chương trình giáo dục công dân lớp 8 và lớp 9

Lớp 8:

- Sơ lược về công dân- Nhà nước - Pháp luật

- nghĩa vụ và quyền của công dân trong đời sống gia đình.

- Các quyền tự do cuả công dân.

- Quyền, và nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước về trật tự an toàn xã hội .

- Quyền, và nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của Nhà nước về giáo dục, văn hoá và khoa học- kỹ thuật.

Lớp 9.

- Nhà nước quản lý nền kinh tế quốc dân, quyền và nghĩa vụ kinh tế, lao động của công dân.

- Nhà nước phát huy dân chủ, quyền và nghĩa vụ của công dân.

-Nhà nướ cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam là nhà nước của nhân dân Việt nam.

- Bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.

c) Nội dung giáo dục pháp luật trên đây, so với chương trình cũ, đã có nhữg cải tiến nhất định:

- Đã giảm nhẹ khối lượng tri thức bằng cách tập trung vào các yêu cầu cơ bản và thiết thực đối vơí người công dân;

- Đã có cố gắng phản ánh tinh thần và nội dung đổi mới về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Về Nhà nước và Pháp luật được thực hiện trong Hiến pháp 1992 và các văn kiện khác, giúp cho học sinh có được những hiểu biết về pháp luật trong điều kiện xã hội đang đổi mới.

- Đã tập trung làm rõ 2 vấn đề cơ bản: quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và nghĩa vụ của Nhà nước đối với công dân, trong đó, nội dung trung tâm là công dân (quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước được xếp theo các lĩnh vực của đời sống xã hội , thể hiện rõ ở các qui định cụ thể của pháp luật, mặt khác các chức năng nhiệm vụ quản lý xã hội của Nhà nước được bố trí học đồng thời với các quyền và nghĩa vụ của công dân trong mỗi bài cụ thể

4 - Nội dung giáo dục pháp luật qua môn giáo dục công dân ở phổ thông trung học và ở trung học phân ban.

4.1 Mục tiêu giáo dục pháp luật ở phổ thông trung học.

a) Về trí thức, giúp cho học sinh nắm được:

- Tính tất yếu của sự quản lý xã hội của Nhà nước bằng pháp luật .

- Tinh thần và nội dung cơ bản của một số luật, ngành luật;

- Trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện các chuẩn mực pháp luật .

b) Về thái độ, giáo dục cho học sinh:

- Thái độ tôn trọng pháp luật ,

- Thái độ đồng tình với những hành vi phù hợp với pháp luật , thái độ phản đối những hành vi vi phạm pháp luật ;

- Thái độ bảo vệ pháp luật , bảo vệ Nhà nước

c) Về hành vi giáo dục cho học sinh:

- Hành vi và thói quen tôn trọng pháp luật , sống và làm việc theo pháp luật, bảo vệ pháp luật ;

- Biết phân tích, đánh giá có luận cứ những hành vi phù hợp với pháp luật hay vi phạm pháp luật ;

- Biết tuyên truyền, vận động những người khác tôn trọng và làm theo pháp luật

4.2 Nội dung giáo dục pháp luật qua môn giáo dục công dân ở phổ thông trung học.

a) Nội dung giáo dục pháp luật ở phổ thông trung học

- Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật .

- Tinh thần và nội dung cơ bản của một số luật và ngành luật.

- trách nhiệm tôn trong pháp luật của công dân .

b) Nội dung này đã được đưa vào nội dung môn giáo dục công dân phổ thông trung học và được dạy ở lớp 12:

Một số vấn đề pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam

- Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật

- Luật Nhà nước và Hiến pháp 1992

- Luật dân sự và hợp đồng dân sự

- Luật lao động , hợp đồng lao động

- Pháp luật về thuế

- Luật hôn nhân và gia đình

- Luật hành chính và pháp lệnh sử phạt vi phạm hành chính

- Luật hình sự và bộ luật hình sự

- Pháp luật tố tụng và luật tố tụng hình sự

-Luật tố tụng hình sự

- Pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân

- Nâng cao trách nhiệm của công dân

c) Nội dung giáo dục pháp luật trên đây có mấy điểm đáng chú ý:

- Một là, nội dung mở đầu bằng việc cung cấp cho học sinh những hiểu biết về vai trò quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước để giúp cho các em thấy tính tất yếu của việc quản lý Nhà nước bằng hệ thống pháp luật .

- Hai là, từ xuất phát điểm đó, nội dung giới thiệu cho học sinh một số luật, ngành luật cụ thể, thiết thực, giúp cho các em nắm được những khái niệm cơ bản , những nguyên tắc chung và nhất là quyền và nhiệm vụ công dân trong quan hệ pháp luật do các luật và các ngành luật đó điều chỉnh.

- Ba là, trên cơ sở này nội dung giáo dục pháp luật đưa ra những yêu cầu nhằm kích thích học sinh nậng cao trách nhiệm công dân bằng những hành động thiết thực.

5. Nội dung giáo dục pháp luật ở trung học phân ban.

Năm 1993, để tiến tới chỗ xây dựng bậc trung học mới, trong đó có trung học phân ban (tương ứng với phổ thông trung học), Bộ giáo dục đào tạo chủ trương xây dựng kế hoạch đào tạo và chương trình các môn học, trước hết ho trung học phân ban, trong đó có môn giáo dục công dân .

5.1 Mục tiêu giáo dục pháp luật ở trung học phân ban.

a) Về trí thức, giúp cho học sinh nắm được:

- Sự cần thiết phải có pháp luật

- Một số khái niệm pháp luật cơ bản

- Tinh thần và nội dung cơ bản của Hiến pháp và một số pháp luật cụ thể.

- Trách nhiệm của công dân đối với việc thực hiện pháp luật .

b) Về thái độ giúp cho học sinh:

- Có thái độ tôn trọng pháp luật

- Có thái độ đồng tình đối với những hành vi phù hợp với pháp luật và thái độ phản đối những hành vi vi phạm pháp luật ;

- Có thái độ bảo vệ pháp luật, bảo vệ Nhà nước

c) Về hành vi giáo dục cho học sinh.

- Hành vi và thói quen tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật , bảo vệ pháp luật ;

- Biết phân tích, đánh giá có luận cứ những hành vi phù hợp hay không phù hợp với pháp luật ,

- Biết tuyên truyền vận động những người khác tôn trọng và làm theo pháp luật .

5.2 Nội dung giáo dục pháp luật qua môn giáo dục công dân ở trung học phân ban.

a) Nội dung giáo dục pháp luật ở trung học phân ban.

- Pháp luật và đời sống

- Một số khái niệm pháp luật cơ bản

- Hiến pháp

- Pháp luật về lao động

- Pháp luật về dân sự

- Pháp luật về thuế

- Pháp luật về hành chính

-Pháp luật về hình sự

- Pháp luật về hôn nhân và gia đình

- Công ước quốc tế về quyền trẻ em và luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ở Việt nam

- Pháp luật về tố tụng lao động , dân sự , hôn nhân, gia đình và hình sự

- Nâng cao ý thức công dân

c) Nội dung trên đây có một số điểm đáng chú ý:

- Một là, nội dung giáo dục pháp luật ở lớp 12 được thực hiện trong mối quan hệ với nội dung giáo dục công dân ở các lớp 10-11:

ở lớp 10 có các vấn đề:

Công dân

Gia đình

Cộng đồng

Quốc gia

Nhân loại

ở lớp 11 có các vấn đề

Công dân với kinh tế

Công dân với đạo đức

- Hai là, nội dung giáo dục pháp luật ở lớp 12 bao gồm 3 loại vấn đề:

Loại vấn đề thứ nhất bao gồm những tri thức pháp luật cơ bản nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn của cuộc sống. những cơ sở này chính là công cụ giúp cho Nhà nước quản lý xã hội , nhưng đồng thời cũng là công cụ để cho người công dân có thể dựa vào đó để đòi và hưởng quyền của mình đặc biệt là để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Từ đó, học sinh sẽ có ý thức được ý nghĩa thiết thực của việc học pháp luật (phần này chiếm khoảng 1/3 chương trình bao gồm một số vấn đề lý luận và lịch sử Nhà nước , pháp luật Việt Nam và thế giới, các kiểu Nhà nước và pháp luật ...).

Loại vấn đề thứ 2 bao gồm những khái niệm pháp luật cơ bản nhất. Đó là những công cụ tối thiểu cần thiết giúp cho ngưòi công dân có thể hiểu được những qui định, những văn bản pháp luật , giúp họ có thể tự tìm hiểu pháp luật , biết cách sử dụng pháp luật để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (thí dụ: quy phạm pháp luật , quan hệ pháp luật , trách nhiệm pháp lý...). Phần này chiếm khoảng 1/3 chương trình.

Loại vấn đề thứ 3 bao gồm những hiểu biết về Hiến pháp đạo luật cơ bản nhất- đồng thời bao gồm những hiểu biết về một số pháp luật cụ thể tác động thường xuyên, phổ biến đến mọi người dân nói chung, đến mỗi người thuộc thế hệ trẻ nói riêng. Trên cơ sở đó, giúp cho mỗi công dân điều chỉnh được hành vi của mình cho phù hợp với các chuẩn mực pháp luật đã qui định. (Phần này chiếm khoảng 1/3 còn lại của chương trình).

- Ba là, kết thúc nội dung giáo dục pháp luật ở lớp 12, đồng thời cũng là kết thúc môn giáo dục công dân theo chương trình, có bài nâng cao ý thức của công dân nhằm giúp cho học sinh nhìn lại một cách khái quát và khắc sâu pham trù công dân , chuẩn bị thiết thực và chủ dộng bước vào đời.

III Phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật ở trường phổ thông.

1. phương hướng chỉ đạo chung.

Việc lựa chọn và vận dụng các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật qua 2 môn đạo đức và giáo dục công dân không thể tách rời việc lựa chọn và vận dụng các phương pháp và các hình thức dạy- học 2 môn này. sau đây là phươg pháp chỉ đạo chung:

1.1 phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của học sinh dưới tác động tác động chủ đạo của giáo viên.

1.2 Vận dụng phối hợp một cách hợp lý các phương pháp dạy- học với nhau, các phương pháp dạy học với các phương pháp giáo dục pháp luật

1.3 Vận dụng phối hợp một cách hợp lý các hình thức tổ chức dạy học với nhau, các tổ chức dạy học với các hình thức tổ chức giáo dục .

1.4 đảm bảo cả hiệu quả dạy học, cả hiệu quả giáo dục trong sự thống nhất với nhau

2. Phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật ở tiểu học.

2.1 Như trên đã trình bày, ở tiểu học giáo dục pháp luật được thực hiện bằng cách đưa ra cho học sinh những chuẩn mực pháp luật đơn giản dưới dạng các chuẩn mực hành vi cụ thể

Chuẩn mực hành vi pháp luật cụ thể được đưa ra cho học sinh dưới dạng các mẫu hành vi pháp luật .

Các mẫu hành vi pháp luật được giới thiệu với học sinh thông qua một chuyện kể pháp luật .

Mỗi chuyện kể được thực hiện trong 2 tiết (mỗi tuần 1 tiết) : tiết kể chuyện và tiết thực hành.

Qua tiết kể chuyện học sinh sẽ rút ra được từ chuyện kể những qui tắc pháp luật hay chuẩn mực pháp luật cụ thể đơn giản.

Qua tiết thưc hành, học sinh được luyện tập những kỹ năng, những hành vi ứng với bài học rút ra từ chuyện kể.

Giữa tiết kể chuyện và tiết mục thực hành của 1 bài, học sinh bước đầu thực hiện những bài tập (nặng về luyện tập)

Giữa tiết thực hành bài trước và tiết kể chuyện bài tiếp theo, học sinh thực hiện những bài tập (nặng về vận dụng những điều đã học, được giáo dục vào cuộc sống hàng ngày).

2.2 Các phương pháp có thể vận dụng là:

- Kê chuyện

- Giảng giải

- Trình bày trực quan

- Đàm thoại

- Luyện tập

(các phương pháp dạy học)

- Tập thói quen

- Rèn luyện

- Nêu gương

(các phương pháp giáo dục )

Kinh nghiệm cho thấy như sau:

- Để tiến hành tốt tiết kể chuyện, nói chung các phương pháp chủ yếu có thể được vận dụng là kể chuyện, giảng giải, trình bày trực quan, đàm thoại, nêu gương...

- Để tiến hành tốt tiết thưc hành nói chung các phương pháp chủ yếu có thể được vận dụng là: luyện tập, ntập thói quen, nêu gương.

Trong thời gian giữa tiết thực hành bài trước và tiết kể chuyện bài sau, các phương pháp chủ yếucó thể vận dụng là: tập thói quen và rèn luyện.

2.3 các hình thức tổ chức có thể vândụng là:

- Bài kể chuyện về pháp luật

- Làm theo mẫu hành vi pháp luật do giáo viên biểu diễn

- Trò chơi, nhất là trò chơi sắm vai, với nội dung giáo dục pháp luật

- Tập nhận xét, đánh giá hành vi của người khác và tự nhận xét , tự đánh giá hành vi bản thân mình so với các chuẩn mực pháp luật .

- Tập xử lý các tình huống pháp luật

- Thi tìm hiểu pháp luật

3. Phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật ở trung học (trung học cơ sở , phổ thông trung học, trung học phân ban).

3.1 Giáo dục pháp luật ở trung học có thể được tiến hành vói sự lựa chọn và vận dụng các phưong pháp chủ yếu như:

- Thuyết trình;

- Đàm thoại;

- Trình bày thực trạng;

- Đọc sách và tài liệu;

- Luyện tập.

(Các phương pháp dạy học)

- Tập thói quen;

- Rèn luyện.

(Các phương pháp giáo dục).

Kinh nghiêm thực tễn đã chứng minh rằng:

- Trong các giờ học nội khoá, giáo viên thường vận dụng phối hợp thuyết trình, trình bày trực quan với đàm thoại nhằm thu hút học sinh làm việc tích cực.

- để giờ học có hiệu quả với sự chủân bị bài và sự tham gia tích cực các ý kiến của học sinh, nên hướng dẫn các em học sác giáo khoa trước khi lên lớp.

- Để giúp cho học sinh tập vận dụng những điều đã học cần giúp cho các em luyện tập (làm các bài tập tình huống, các bài tập thực tế...).

- Để giúpcho học sinh chuyển từ ý thức pháp luật sang hành vi và thói quen phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, cần khuyến khích và tổ chức cho các em tập thói quen và rèn luyện trong các tình huống thực trong cuộc sống hàng ngày và sự đấu tranh có động cơ tích cực.

- Tuyệt đối tránh lối dạy thụ động, học thụ động lý thuyết suông khô khan, xa rời cuộc sống hàng ngày.

3.2 Giáo dục pháp luật ở trung học có thể được thực hiện với nhiều hình thưc khác nhau:

- Lên lớp

- Thảo luận, tranh luận về những chủ đề pháp luật

- Báo cáo thời sự pháp luật : xem phim

- Khảo sát đánh giá tình hình thực hiện pháp luật ở địa phương nơi học sinh ở

- Thi tìm hiểu pháp luật

- Tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng

- Dự các buổi xử án

- Tham gia bảo vệ trị an, an toàn giao thông đường bộ

- Bảo vệ các công trình công cộng...

Như vậy là đối với nhà trường phổ thông, chúng tôi đã dần dần hoàn thiện mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật và đang được thử nghiệm bước đầu. Chúng ta cần tiếp tục thử nghiệm để có thể rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc hoàn thiện và nâng cao tiếp theo.

Phần thứ 3

Định hướng về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

I Định hướng về mục tiêu giáo dục pháp luật trong nhà trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề

1. Mục tiêu cơ bản

Giáo dục pháp luật trong các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề- nói chung là các trường đào tạo nghề ở các trình độ khác nhau- nhằm giúp cho sinh viên, học sinh hình thành được văn hoá pháp luật nói chung, văn hoá pháp luật nghề nghiệp nói riêng; trong đó có sự thống nhất giữa ý thức, thái độ, hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật; chuẩn bị ra đời tham gia hoạt động nghề nghiệp với tư cách là cán bộ khoa học , cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ở các trình độ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hoặc là công nhân với các nghề đa dạng, có ý thức sống, lao động nghề nghiệp theo pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ và tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng.

Như vậy,với mục tiêu này, nhà trường sẽ giúp cho sinh viên, học sinh:

- Biết sống theo pháp luật

- Biết hành nghề theo pháp luật

- Biết bảo vệ pháp luật

- Biết tuyên truyền pháp luật .

Từ mục tiêu trên, chúng tôi dịnh hướng cho các hoạt động cụ thể:

2. Mục tiêu cụ thể cho các trường đại học, cao đẳng:

a) Về trí thức, giúp cho sinh viên nắm được.

- những vấn đề lýluận cơ bản về Nhà nước và pháp luật

- những vấn đề cơ bản về pháp luật chuyên ngành có liên quan đến nghề nghiệp tương lai.

- Tinh thần và nội dung cơ bản của một số luật, ngành luật cụ thể

- Trách nhiệm của cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, có trình độ đại học, cao đẳng trong việc nắm pháp luật và hành nghề theo pháp luật

b) Về thái độ giáo dục cho sinh viên:

- Thái độ tôn trọng pháp luật nói chung, pháp luật chuyên ngành nói riêng

- Thái độ bảo vệ pháp luật, bảo vệ Nhà nước

c) Về hành vi giáo dục cho sinh viên:

- Có hành vi và thói quen sống làm việc theo pháp luật, hành nghề theo pháp luật ;

- Biết bảo vệ và kiên quyết bảo vệ pháp luật, chống lại những hành vi trái pháp luật

- Biết tuyên truyền, vận động các người khác tôn trọng và làm theo pháp luật .

3. mục tiêu cụ thể cho các trường trung học và dạy nghề.

a) Về tri thức, giúp cho học sinh nắm được:

- những tri thức pháp luật cơ bản, phổ biến, cần thiết nhất đối với mọi công dân .

- những tri thức pháp luật cần thiết phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp sau này.

b) Về thái độ giáo dục cho học sinh:

- Thái độ tôn trọng pháp luật nói chung, pháp luật có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của mình nói riêng

- Thái độ bảo vệ pháp luật, bảo vệ Nhà nước .

c) Về hành vi, giáo dục cho hcọ sinh:

- Có thói quen sống và làm việc theo pháp luật, hành nghề theo pháp luật ;

- Biết bảo vệ và kiên quyết bảo vệ theo pháp luật, chống lại hành vi pham pháp;

- Biết tuyên truyền và vận động người khác tôn trọng và làm theo pháp luật .

II. Định hướng về nội dung giáo dục pháp luật trong cá trường đại học, cao đẳng, trung hcọ chuyên nghiệp và dạy nghề

1. những định hướng chung về nội dung giáo dục pháp luật :

1.1 Nội dung giáo dục pháp luật phải phù hợp với mục tiêu đào tạo: góp phần đào tạo những cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý hoặc những công nhân biết sống và hành nghề theo pháp luật trên các cương vị công tác của mình trong xã hội .

1.2 Nội dung giáo dục pháp luật phải giúp cho sinh viên, hcọ sinh hiểu và nắm được những vấn đề cơ bản của pháp luật phổ thông, pháp luật chuyên ngành một cách có luận cứ vững vàng; đồng thời được giáo dục hành vi và thói quen tuân thủ pháp luật, bảo vệ pháp luật trong quá trình sống, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp sau này.

1.3 Nội dung giáo dục pháp luật phải có tính hệ thống; phải đảm bảo được mối quan hệ giữa pháp luật phổ thông và pháp luật chuyên ngành.

1.4 Nội dung giáo dục pháp luật phải giúp cho sinh viên, học sinh nắm được những vấn đề pháp luật vừa trên bình diện lý luận ở độ cần thiết vừa trên bình diện thực tế sinh động.

1.5 Nội dung giáo dục pháp luật phải phù hợp với năng lực nhận thức và kinh nghiệm sống của sinh viên và học sinh để giúp cho họ phát triển được năng lực tư duy pháp luật gắn liền với nghề nghiệp của họ.

2. Định hướng nội dung giáo dục pháp luật ở đại học cao đẳng.

2.1 ở đại học, cao đẳng, sinh viên có thể học những vấn đề cơ bản như:

- Nhập môn pháp luật

- Pháp luật chuyên ngành (có liên quan đến nghề nghiệp tương lai của sinh viên)

- Một số luật, ngành luật cụ thể.

2.2 Nội dung giáo dục pháp luật này có thể được thực hiện như sau:

- Trong giai đoạn đào tạo 1, sinh viên có thể học nhập môn pháp luật và một số luật, ngành luật cụ thể dưới dạng một bộ môn độc lập, có tính bắt buộc.

- Sang giai đoạn đào tạo 2, sinh viên có thể học pháp luật chuyên ngành với tư cách là môn học độc lập có tính bắt buộc và một số nội dung pháp luật gắn liền (nằm trong) các môn chuyên ngành.Song mục tiêu, phạm vi hoạt động và mức độ nội dung tuỳ thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường, từng loại ngành cụ thể.

Như vậy, trong giai đoạn đào tạo 1, sinh viên sẽ nắm được những tri thức cơ bản cần thiết về pháp luật làm cơ sở cho họ nắm pháp luật chuyên ngành trong giai đoạn đào tạo 2.

3. Định hướng nội dung giáo dục pháp luật trong các trường trung học và dạy nghề.

Học sinh các trường trung hcọ chuyên nghiệp và dạy nghề có thể học:

- Những vấn đề pháp luật phổ thông

- Những vấn đề có liên quan đến nghề nghiệp tương lai

- Tinh thần và nội dung một số luật ngành luật cần thiết

III Định hướng về phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

 

1. Định hướng chung về phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật .

Việc lựa chọn và vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường đại học và cao đẳng được thực hiện theo định hướng chung như sau:

1.1 Phát huy được tính tích cực, độc lập sáng tạo nói chung, tính tích cực tư duy nghề nghiệp gắn với pháp luật nói riêng ở sinh viên, học sinh dưới tác động chủ đạocủa giáo viên.

1.2 Vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học với nhau, các phương pháp dạy học và giáo dục với nhau.

- Vận dụng phối hợp các tổ chức, hình thức dạy học với nhau,các hình thức tổ chức dạy học với các hình thức tổ chức giáo dục với nhau.

- Đảm bảo được cả hiệu quả dạy học, cả hiệu qủa giáo dục nói chung và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

2. Định hướng và phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các trường đại học và cao đẳng.

2.1 Về phương pháp giáo dục pháp luật .

ở đại học và cao đẳng, trong quá trình giáo dục pháp luật, có thể vận dụng phối hợp nhiều phương pháp như:

Diễn giảng (

Trình bày trực quan ( Các phương pháp dạy học

Đàm thoại (

Đọc sách về tài liệu (

Luyện tập... (

Rèn luyện... ( Phương pháp giáo dục

Kinh nghiệm cho thấy: (

- Diễn giải là phương pháp có vị trí và vai trò rất quan trọng trong qúa trình dạy học ở đậi học và cao đẳng. Vì vậy, nó cần vận dụng một cách khoa học để có thể cung cấp cho sinh viên những tri thức có hệ thống về pháp luật , trên cơ sở các phương pháp như trình bày trực quan và đôi khi cả đàm thoại.

- Sinh viên có trình độ nhận thức và phát triển cao hơn nhiều so với học sinh, đồng thời họ cũng đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sống, nên cần yêu cầu và tổ chức cho họ đọc sách và tài liệu phục vụ cho việc học pháp luật : có thể đọc trước và sau khi nghe giảng trên lớp. Nhờ vậy, tính tích cực nhận thức của họ sẽ được kích thích phát triển và hiệu quả dạy học- giáo dục pháp luật sẽ được nâng cao.

- Điều quan trọng là cần hướng dẫn và tổ chức cho họ luyện tập một cách có hệ thống nhằm tập vận dụng những điêù đã học vào các tình huống pháp luật khác nhau có liên quan tới nghề nghiệp tương lai của họ qua hệ thống các bài tập mô phỏng hay bài tập thực tế.

- Một điều có tầm quan trọng hơn nữa, đó là hướng dẫn và tổ chức cho họ rèn luyện, đặc biệt là tự rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày để có thể hình thành và phát triển được những hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật , tự kìm chế hành vi trái pháp luật .

2.2 Về hình thức tổ chức giáo dục pháp luật .

ở đại học và cao đẳng, có thể sử dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục như:

Diễn giảng

Xêminê Về những chủ đề pháp luật

Báo cáo thời sự pháp luật : xem phim

Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật

Thi tìm hiểu pháp luật

Dự các buổi xử án

Tuyên truỳên pháp luật trong cộng đồng

Làm các bài tập ngiên cứu về đề tài pháp luật

Tham gia bảo vệ trật tự trị an...

Mỗi hình thức trên đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định, nên cần vận dụng phối hợp chúng một cách hợp lý với nhau theo hướng tạo cho sinh viên tham gia hoạt động, qua đó họ có cơ hội nâng cao nhận thức và niềm tin pháp luật, đặc biệt là có cơ hội rèn luyện hành vi thói quen hoạt động phù hợp các chuẩn mực pháp luật, đồng thời tâp vận dụng những điềuđã học vào thực tiễn.

3. Định hướng về phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

3.1 Về phương pháp giáo dục pháp luật

ở trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề trong quá trình giáo dục pháp luật, có thể vận dụng phối hợp nhiều phương pháp như:

Thuyết trình (

Trình bày trực quan (

Đàm thoại ( Các phuơng pháp dạy học

Đọc sách và tài liệu (

Luyện tập... (

Tập thói quen (

Rèn luyện ( Các phương pháp giáo dục

Kinh nghiệm cho thấy

- Thuyết trình là vai trò quan trọng trong quá trình dạy học ở trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Đó là vì nó giúp cho học sinh thu lượm tri thức một cách có hệ thống.

Thuyết trình thường được kết hợp một cách hợp lý với các phương pháp trình bày trực quan và đàm thoại trong các giờ học trên lớp.

- Học sinh trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề cần được hướng dẫn và cần được khuyến khích đọc sách và tài liệu về pháp luật về pháp luật nhằm chuẩn bị mở rộng, đào sâu, bổ sung cho các bài học trên lớp. Tuy nhiên, do năng lực sách và tài liệu của họ bị hạn chế so với sinh viên, nên chỉ yêu cầu họ đọc sách và tài liệu một cách vừa sức.

- Việc sử dụng phương pháp luyện tập cần được quan tâm đúng mức nhằm giúp cho học sinh tập vận dụng những tri thức pháp luật vào các tình huống gắn với nghề nghiệp tương lai cuả họ.

- Trong quá trình giáo dục pháp luật, cần tạo cơ hội cho học sinh trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề được tập thói quen và đặc biệt là được rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày nhằm hình thành và phát triển được những hành vi phù hợp với các chuẩn mực pháp luật

3.2 Về hình thức tổ chức giáo dục pháp luật

ở trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề, có thể sử dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục pháp luật như:

Lên lớp

Thảo luận, tranh luận về các chủ đề pháp luật

Báo caó thời sự pháp luật : xem phim

Khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật

Thi tìm hiểu pháp luật

Dự các buổi xử án

Tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng

Các hình thức tở chức này cần được vận dụng phối hợp hợp lý với nhau với nội dung giáo dục pháp luật đã qui định cho các trường trunh học chuyên nghiệp và dạy nghề. Qua đó, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động trên lớp, trong trường, ngoài trường, tạo điều kiện để nắm và vận dụng những điều dã học về pháp luật , đặc biệt là rèn luyện về hành vi và thói quen hành vi phù hợp các chuẩn mực pháp luật trong xã hội .

Phần thứ tư:

Những Kiến nghị

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong các hệ thống trường học, trên cơ sở thực trạng giáo dục pháp luật, những thành tựu cũng như những tồn tại trong lĩnh vực này chúng tôi xin nêu những kiến nghị sau đây:

I Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội ... Trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.

1. Công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là có tính xã hội kết quả của nó phụ thuộc vào phạm vi, mức độ, phương thức tham gia của toàn xã hội. Sự thành bại của nó sẽ có ảnh hưởng tốt, xấu một cách trực tiếp hay gián tiếp không những đến toàn xã hội mà còn đến từng địa phương, từng gia đình và từng thành viên của cộng đồng. Vì vậy, cần bằng nhiều biện pháp giáo dục tuyên truyền, làm cho mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức xã hội ... nâng cao nhận thức về ý nghĩa trước mắt cũng như ý nghĩa lâu dài- ý nghĩa có tính chiến lược- Của công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trong các hệ thống nhà trường. Góp phần giáo dục cho họ trở thành những người công dân, những người lao động có văn hoá pháp luật, biết sốngvà làm việc theo pháp luật, có ý thức bảo vệ pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội có kỷ cương.

Từ đó, mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội, xác định được trách nhiệm và từ đó hoàn thành trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh sinh viên

- Vừa tham gia giáo dục pháp luật, vừa gương mẫu chấp hành pháp luật ;

- Muốn tham gia giáo dục pháp luật có hiệu quả, có sức thuyết phục thì phải gương mẫu chấp hành pháp luật, có gương mẫu chấp hành pháp luật thì mới có thể góp phần giáo dục pháp luật có sức thuyết phục, có hiệu quả.

2. Nghành giáo dục - Đào tạo và ngành tư pháp cần ý thức đâỳ đủ vai trò nòng cốt của mình trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên:

- Chủ động đề xuất mực tiêu, nội dung các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật, cũng như kế hoạch thực hiện ;

- Chủ động tổ chức phối hợp các lực lượng tham gia giáo dục pháp luật, Khai thác làm thế mạnh riêng cho từng lực lượng:

- Chỉ đạo một cách khoa học kế hoạch thực hiện giáo dục pháp luật .

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, và hiệu quả giáo dục pháp luật một cách có phương pháp.

3. Trong ngành giáo dục đào tạo, nhà trường cần ý thức đầy đủ vai trò chủ đạo của mình trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên với sự phối hợp chặt chẽ của gia đình xã hội :

- Chủ động và sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật(với mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức... giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo và những điều kiện cụ thể của trường mình:

- Chủ động sáng tạo trong việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật giữa nhà trường và xã hội .

- Phát huy được tính tích cực của chủ thể học sinh, sinh viên trong quá trình giáo dục pháp luật

- Tiến hành có ý thức và có phương pháp việc kiểm tra, đánh giá kết quả và hiệu quả giáo dục trong học sinh, sinh viên.

4. Trên cơ sở nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác giáo dục pháp luật nói chung và công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên nói riêng, cần có thể xây dựng :

Chương trình quốc gia về phổ cập giáo dục pháp luật (trong đó, phần giáo dục pháp luật trong nhà trường có một vị trí đặc biệt).

- Hoặc chương trình quốc gia về giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường.

II Xây dựng và hoàn chỉnh nội dung giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường.

1. Nội dung giáo dục pháp luật trong trường phổ thông:

Trong trường tiểu học, công tác giáo dục pháp luật cần được tiếp tục thực hiện qua môn đạo đức và qua hoạt động ngoại khoá phù hợp với đặc điểm hoá tuổi của các em. Tuy nhiên có một số điểm cần chú ý như sau:
- Chuẩn xác hoá các chuẩn mực pháp luật cần giáo dục cho học sinh từ luật hôn nhân và gia đình, luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, luật phổ cập giáo dục tiểu học.

- Trên cơ sở đó, hợp lý hoá hơn nữa cấu trúc của chương trình môn đạo đức ở các lớp.

b) Ngoài môn đạo đức, cần nghiên cứu và khai thác khả năng giáo dục pháp luật cho học sinh tiểu học qua các môn học khác, đặc biệt là môn tự nhiên- xã hội .

1.2 Trường trung học cơ sở.

ở trường trung học cơ sở, công tác giáo dục pháp luật cần được tiếp tục thực hiện qua môn giáo dục công dân và qua hoạt động ngọai khoá. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý:

a) Rà soát lại nội dung giáo dục pháp luật ở các lớp 8và 9 (công dân với Nhà nước, Nhà nước với công dân ) để tiếp tục phát hiện và loại trừ những điều không thiết thực, làm nội dung nặng nề và bổ sung, điều chỉnh những điều cần thiết.

b) Đồng thời, nghiên cứu và khai thác khả năng giáo dục pháp luật qua nội dung giáo dục đạo đức ở các lớp 6-7 nhằm đảm bảo được tính liên tục của giáo dục pháp luật từ tiểu học lên trung học cơ sở, từ những lớp dưới lên những lớp trên của trung học cơ sở.

Mặt khác, cũng cần nghiên cứu và khai thác một cách hợp lý khả năng giáo dục pháp luật qua các môn học khác.

1.3 Phổ thông trung học và trung học phân ban:

a. ở trường phổ thông trung học, giáo dục pháp luật cần được tiếp tục thực hiện qua môn giáo dục công dân và qua hoạt động ngoại khoá, song chúng tôi cần:

+ Rà soát lại nội dung giáo dục pháp luật đang được thực hiện tập trung vào học kỳ 2 lớp 12 nhằm.

- Hoàn chỉnh cách tiếp cận

- Chuẩn xác hoá các luật, các ngành luật cần cho học sinh học

- Chuẩn xác hoá phạm vi và mức độ nội dung cần học về mỗi luật, mỗi ngành luật nói trên.

+ Nghiên cứu và khai thác khả năng hợp lý giáo dục pháp luật trong các phần khác của nội dung môn giáo dục công dân . ở lớp 10 đến nửa đầu lớp 12:

+ Đồng thời cũng cần nghiên cứu và khai thác hợp lý khả năng giáo dục pháp luật qua các môn học khác ở phổ thông trung học

b) ở trường trung học phân ban (đang tiến hành thực nghiệm) nội dung giáo dục pháp luật cần được tiếp tục thực hiện qua môn giáo dục công dân và hoạt động ngoại khoá. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý.

+ Năm học 93-94 nội dung môn giáo dục công dân mới được thực hiện ở lớp 10. Đến năm học 94-95 thực hiện ở lớp 11. và đến năm học 95-96 mới thực hiện ở lớp 12. Như vậy nội dung giáo dục pháp luật sẽ được học chung trong cả năm học lớp 12 sau đây một năm nữa.

+ Ngay bây giờ

- Cần quan tâm khai thác hợp lý khả năng giáo dục pháp luật qua nội dung lớp 10 của môn giáo dục công dân (công dân -gia đình-cộng đông- quốc gia- nhân loại)

- Cần có dự kiến khai thác hợp lý khả năng giáo dục pháp luật qua nội dung môn giáo dục công dân lớp 11 (ccông dânvà kinh tế, công dân và đạo đức)

- Thử rà soát lại nội dung giáo dục pháp luật sẽ dạy ở lớp 12 để có thể hoàn chỉnh được trước khi viết sách giáo khoa.

+ Ngoài ra cũng nên nghiên cứu khả năng hình thành môn học pháp luật hay chuyên đề pháp luật dành cho học sinh ban khoa học xã hội để chuẩn bị cho một số em nào đó có khả năng và nguyện vọng vào học trong các trường đại học, cao đẳng pháp luật trong tương lai

+ Đồng thời, ở trung học phân ban chúng ta cũng nên nghiên cứu, khai thác hợp lý khả năng giáo dục pháp luật của các môn học khác.

2. Nội dung giáo dục pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.

2.1 Cần nhanh chóng xây dựng :

- Các chương trình giáo dục pháp luật phổ thông (bao gồm cả một số luật hay ngành luật phổ biến), thống nhất dành riêng cho tất cả các trường trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề.

- Các chương trình giáo dục pháp luật có tính chất chuyên ngành thống nhất dành riêng cho nhóm trường trung học chuyên nghiệp hoặc nhóm trường dạy nghề có nội dung chuyên môn như nhau hoặc gần như nhau.

2.2 Cần nghiên cứu khả năng thực hiện các loại chương trình trên sao cho hợp lý không nặng nề.

- hoặc tích hợp cả 2 loại chương trình vào môn chính tri (mac-lênin)

- Hoặc tích hợp chương trình giáo dục pháp luật phổ thông vaò môn chính trị và chương trình giáo dục pháp luật có tính chất chuyên ngành được thực hiện bằng một môn học độc lập.

3. Nội dung giáo dục pháp luật owr các trường đại học, cao đẳng (không chuyên luật)

3.1 Cần nhanh chóng.

- Xây dựng được chương trình thống nhất về nhập môn pháp luật dành riêng cho tất cả các trường đại học và tất cả các trường cao đẳng.

- Rà soát lại và hoàn thiện các chương trình giáo dục pháp luật chuyên ngành dành riêng cho các nhóm trường có tính chất chuyên môn giống nhau hoặc gần giống nhau, hoặc dành riêng cho những trường có tính chất chuyên môn đặc thù.

3.2 Cần nghiên cứu khả năng thực hiện các loại chương trình nói trên. Qua thăm dò ý kiến thì:

- Cả 2 loại chương trình nên thực hiện bằng các môn (hay các học phần có số đơn vị học trình thích hợp) độc lập.

- Chương trình nhập môn pháp luật (và có thể cả một số luật hay ngành luật phổ biến) nên được học trong giai đoạn đào tạo 1 (đào tạo cơ bản ), còn chương trình giáo dục pháp luật chuyên ngành nên được học trong giai đoạn đào tạo 2 (đào tạo chuyên ngành)

III Cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường.

1. Phương hướng chung.

1.1 Phát huy vai trò chủ thể nhận thức của học sinh, sinh viên đưa họ vào các hoạt động và thực sự hoạt động dưới sự chỉ đạo của thàyvà qua đó, họ sẽ nắm được những tri thức về pháp luật hình thành ý thức pháp luật làm cơ sở cho sự hình thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực phù hợp với các chuẩn mực pháp luật .

1.2 Các hoạt động phải đa dạng hấp dẫn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của học sinh, sinh viên, gắn liền với thực tiễn sinh động của xã hội đang đổi mới, gắn liền với nghề nghiệp tương lai của họ. Qua đó giúp cho họ thấy việc học pháp luật là cần thiết, là mang lại lợi ích thiết thân đối với họ.

1.3 Việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục pháp luật là rất cần thiết nhằm giúp cho học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện theo các chuẩn mực pháp luật đã được qui định. Tự kìm chế hành vi sai trái so, với những chuẩn mực này.

2. Một số điểm cụ thể

2.1 ở tiểu học cần đặc biệt quan tâm đến tiết thực hành sao cho tiết học này được thực hiện bằng nhiều hình thức, tự nhiên, hấp dẫn, gây được những ấn tượng sâu, luyện được cho học sinh những kỹ năng, những hành vi phù hợp với những chuẩn mực pháp luật , những mẫu hành vi pháp luật được giới thiệu trong bài kẻ chuyện trước đó.

2.2 ở trung học cơ sở, trung học phân ban, phổ thông trung học, cần quan tâm:

- Tiến hành bài giảng trên lớp một cách sinh động: Có những ví dụ liên hệ thực tế về thực hiện pháp luật ở trong nước, ở địa phưong; có sự tham gia của học sinh trên cơ sở các em đã được chuẩn bị bài trước khi nghe giảng...

- Tổ chức cho học sinh tập giải quyết những bài tập: khảo sát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật (qua sách, báo,đài, qua thực tế địa phương) ; giải quyết những tình huống pháp luật ( hoặc mô phỏng hoặc có thực...)

- Tổ chức cho học sinh thâm gia các lớp ngoại khoá (nghe nói chuyện về pháp luật ,tham gia tuyên truyền về pháp luật; dự các cuộc xử án...)

2.3 ở trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề cần quan tâm gắn việc giáo dục pháp luật nói chung và dạy học pháp luật nói riêng với hoạt động nghề nghiệp tương lai cuả họ

2.4 ở các trường đại học, cao đẳng cần quan tâm:

- Gắn việc dạy học - giáo dục pháp luật với hoạt động nghề nghiệp tương lai của học sinh mà trong hoạt động này, họ có tư cách là cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ quản lý có trình độ cao ;

- Thu hút sinh viên vào việc làm các bài tập nghiên cứu theo những đề tài về pháp luật .

IV Đảm bảo những điều kiện tối cần thiết cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

1. Đội ngũ giáo viên.

Để tiến hành giáo dục pháp luật trong nhà trường, điều kiện đầu tiên có tính chất quyết định là cần có một đội ngũ giáo viên.

- Được đào tạo về pháp luật

- Có trình độ sư phạm

- Đủ về số lượng

- Và gương mẫu về chấp hành pháp luật

1.1 Đội ngũ giáo viên ở truờng phổ thông.

a) Đối với đội ngũ giáo vên đang giảng dạy:

+ Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình bồi dưỡng chu kỳ 1992-96 của bộ giáo dục đào tạo trong đó:

- Có nội dung bồi dưõng đại trà ( những tri thức cơ bản về pháp luật ...) phù hợp với từng đối tượng giáo viên: tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, trung học phân ban;

- Có nội dung bồi dưỡng riêng cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân (ngoài những tri thức pháp luật được nâng cao, còn những lý thuyết và thực hành trong dạy học giáo dục pháp luật ).

+ Cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng dạy giáo dục công dân dưới hình thức kiêm nhiệm; từ đó:- chuyển hẳn một số giáo viên bộ môn sang dạy giáo dục công dân .

- hoặc giao hẳn cho một số giáo viên bộ môn phụ trách thêm môn giáo dục công dân .

Dù trong trường hợp nào, số giáo dục này cũng cần được đào tạo lại về pháp luật và phương pháp dạy- học giáo dục pháp luật và được chuẩn hoá về trình độ.

b) đối với đội ngũ giáo viên tương lai:

+ Toàn bộ sinh viên học sinh tất cả các loại hình trường sư phạm cần được học.

- Nhập môn pháp luật .

- Pháp luật chuyên ngành về giáo dục đào tạo

- Một số luật, ngành luật phổ biến

+ Song đối với sinh viên, học sinh sư phạm sẽ ra phụ trách môn giáo dục công dân ở trường phổ thông, ngoài nội dung nói trên được nâng cao, cần được học thêm vấn đề có liên quan về nội dung và phương pháp dạy học - giáo dục pháp luật ở các bậc phổ thông.

Kinh nghiệm cho thấy

- Sinh viên khoa giáo dục chính trị trường đại học sư phạm sẽ được đào tạo để có đủ khả năng dạy môn giáo dục công dân, trong đó có nội dung pháp luật .

- Học sinh các trường cao đẳng sư phạm sẽ được đào tạo để có đủ khả năng dạy được một môn văn hoá cơ bản và môn giáo dục công dân, trong đó có nội dung pháp luật .

c) Một giải pháp cấp bách nhằm bổ sung kịp thời đội ngũ dạy giáo dục công dân là.

- Nghiên cứu một chương trình đào tạo ngắn hạn về sư phạm cho các sinh viên tốt nghiệp đại học pháp lý có nguyện vọng muốn trở thành giáo viên phổ thông;

- Nghiên cứu một chương trình đào tạo ngắn hạn về pháp luật cho một số sinh viên, học sinh năm cuối các trường đại học, cao đẳng sư phạm có nguyện vọng trở thành giáo viên giáo dục công dân (tất nhiên phải có chính sách thu hút họ);

- Nghiên cứu một chương trình đào tạo ngắn hạn về pháp luật cho các giáo viên bộ môn có nguyện vọng hoặc điều động sang dạy môn giáo dục công dân.

1.2. Đội ngũ giáo viên các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

a. Đối với đội ngũ giáo viên hiện đang giảng dạy:

- Nghiên cứu một chương trình bồi dưỡng đại trà về pháp luật cho mọi giáo viên;

- Nghiên cứu một chương trình bồi dưỡng pháp luật và phương pháp dạy học - giáo dục pháp luật cho các giáo viên chính trị; hoặc cử các giáo viên này đi đào tạo lại ở khoa giáo dục chính trị đại học sư phạm hoặc ở đại học pháp lý.

b. Đối với đội ngũ giáo viên dạy pháp luật trong tương lai, họ phải được đào tạo chính quy về pháp luật, về phương pháp dạy học - giáo dục pháp luật.

1.3. Đội ngũ giáo viên (cán bộ giảng dạy) các trường đại học, cao đẳng.

a. Đối với đội ngũ giáo viên đang giảng dạy:

- Nghiên cứu một chương trình bồi dưỡng đại trà về pháp luật cho mọi giáo viên;

- Nghiên cứu một chương trình bồi dưỡng pháp luật và phương pháp dạy học - giáo dục pháp luật cho các giáo viên phụ trách dạy pháp luật cho sinh viên, học sinh trên cơ sở chuẩn hoá trình độ của họ;

- Cử dần các giáo viên phụ trách dạy pháp luật đi đào tạo lại ở đại học pháp lý.

b. Đối với đội ngũ giáo viên dạy pháp luật tương lai, họ phải có trình độ cử nhân luật và trình độ sư phạm cần thiết.

Trước mắt, trường đại học pháp lý nghiên cứu một chương trình đào tạo sư phạm ngắn hạn cho một số sinh viên năm cuối để họ trở thành giáo viên pháp luật ở các trường đại học, cao đẳng không chuyên luật.

Nhà nước nên nghiên cứu việc thành lập một trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy pháp luật tại tất cả các hệ thống trường từ phổ thông đến đại học (kể cả đại học luật).

2. Sách giáo khoa về pháp luật và các tài liệu, phương tiện có liên quan.

Bên cạnh điều kiện đội ngũ giáo viên, phải nói đến điều kiện sách giáo khoa, các tài liệu và các phương tiện có liên quan đến giạy học- giáo dục pháp luật.

2.1. Các chủng loại sách và tài liệu:

a. Cho học sinh, sinh viên:

- Sách giáo khoa

-Sách bài tập và hướng dẫn thực hành

-Sách về tài liệu đọc thêm

b. Cho giáo viên:

- Bản chương trình và giải thích chương trình

- Sách hướng dẫn phương pháp (có tính chất gợi ý)

-Sách bồi dưỡng nâng cao trình độ

- Tài liệu tham khảo (tạp chí về pháp luật, tài liệu đọc thêm ...)

2.2. Số lượng và chất lượng sách:

- Đảm bảo cho mỗi học sinh, sinh viên mỗi giáo viên đều có trong tay các chủng loại sách và tài liệu cần thiết.

- Đảm bảo cho nội dung sách phù hợp với chương trình, chuẩn xác, phong phú, sinh động, dễ hiểu.

Đảm bảo cho hình thức sách được đẹp, không có sai sót về kỹ thuật.

2.3. Phương tiện:

-Nghiên cứu và sản xuất các phương tiện dạy học - giáo dục pháp luật (tranh, phim viđêô, sơ đồ, biểu đồ ...)

- Nghiên cứu, khuyến khích và tạo điều kiện cho mỗi trường có một tủ sách hoặc một bộ phận thư viện dành cho dạy học - giáo dục pháp luật .

3. Kinh phí

Kinh phí, dưới một góc độ nào đó, lại là một điều kiện tiên quyết. Nếu không có nó, hoặc có nó nhưng không đủ mức cần thiết thì chúng ta cũng không thể có 2 điều kiện trên: đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, tài liệu và các phương tiện dạy học ...và do đó, chúng ta cũng không thể giáo dục pháp luật đạt được kết quả và hiệu quả mong muốn.

Vì vậy, nhà nước cần đầu tư kinh phí ở mức độ cần thiết cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Cụ thể là cần đảm bảo chi cho:

- Hoạt động đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên,

- Biên soạn và cung cấp đầy đủ, kịp thời các sách và tài liệu cần thiết,

- Nghiên cứu, sản xuất và phân phối các phương tiện dạy học,

- Nghiên cứu khoa học về giáo dục pháp luật trong nhà trường v.v...

V. Đảm bảo sự chỉ đạo và sự phối hợp các lực lượng trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

1. Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ tư pháp là lượng nòng cốt trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường (đã nói ở trên).

2. Với vai trò nòng cốt, hai Bộ phải là người đứng đầu ra thu hút các lực lượng tham gia công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và tổ chức sự phối hợp các hoạt động một cách có tổ chức, có kế hoạch, có phương pháp giữa các lực lượng nhằm đạt được kết quả và hiệu quả giáo dục tối ưu. Muốn vậy, trước hết cần nghiên cứu và kiến nghị Nhà nước ra một văn bản pháp quy quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng tổ chức xã hội trong công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên và đồng thời quy định việc khen thưởng và tránh phạt đối với những trường hợp có thành tích hoặc không hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ.

3. Trên cơ sở đoa, cần chỉ đạo việc thiết kế, thử nghiệm các mô hình liên kết giáo dục pháp luật.

- Mô hình liên kết giữa các ngành, các tổ chức;

- Môt hình liên kết giữa nhà trường - gia đình - cụm dân cư.

Để từ đó, tạo ra được môi trường giáo dục kín với sức mạnh tổng hợp.

4. Đồng thời, cần chỉ đạo một số điểm thực nghiệm về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục pháp luật ở một số trường đại diện cho các loại hình trường.

5. Để công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được tiến hành đồng bộ theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ... Cần tiến hành kiểm tra,đánh giá có kết hoạch vói phương pháp đảm bảo tính khách quan.

VI. Xây dựng một môi trường xã hội ngày càng lành mạnh

1. Nhà trường với quá trình giáo dục nói chung, với quá trình giáo dục pháp luật nói riêng có mối quan hệ mật thiết với môi trường xã hội. Môi trường xã hội có khả năng tác động tích cực nhưng đồng thời cũng có khả năng tác động tiêu cực tới nhà trường, đến quá trình giáo dục nói chung và quá trình giáo dục pháp luật nói riêng

Vì vậy vấn đề đặt ra là nhà trường

- Cần khai thác triệt để những tác động tích cực

- Và đồng thời hạn chế ngăn chặn những tác động tiêu cực.

2. Song, trên bình diện vĩ mô, Nhà nước bằng mọi biện pháp của mình cần xây dựng được một xã hội ngày càng lành mạnh, ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ những hiện tượng tiêu cực đang lan tràn trong xã hội gây ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục pháp luật cho học sinh sinh viên.

+ Cần xây dựng và thực hiện chương trình phổ cập pháp luật trong toàn dân; Đưa giáo dục pháp luật vào các trường Đảng, trường Hành chính, trường Bồi dưỡng nghiệp vụ của các ngành, các đoàn thể (công đoàn, thanh niên, phụ nữ)

+ Đồng thời kiên quyết và xử lýnhững hành động vi phạm pháp luật của các loại đối tượng, từ những người dân thường đến những người xây dựng pháp luật, những người thi hành luật, những người bảo vệ luật...

+ Từ đó, dần dần tạo ra được môi trường giáo dục pháp luật thuận lợi cho các trường học.

Những kiến nghị trên đây là có tính đồng bộ nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả giáo dục pháp luật trong các trường học

Mấy Lời Kết Luận

Từ những phần đã trình bày, chúng ta có thể rút ra kết luận sau đây:

1. Công tác giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, day nghề là có tính cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước phải biết sống và làm việc theo pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi phạm pháp, góp phần qua trọng vào việc xây dựng một xã hội lành mạnh có kỷ cương.

2. Trong mấy năm qua, chúng ta có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và thực hiện mục tiêu, nội dung, các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông từ tiểu học đến phổ thông trung học và gần đây cả trung học phân ban. Những thử nghiệm ban đầu đang được tiến hành và tiếp tục được tiến hành.

3. Song trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục pháp luật chưa được tiến hành một cách liên tục và đông bộ; có những trường chưa quan tâm đến công tác này. Đẻ tiến hành giáo dục pháp luật một cách có tổ chức, có kế hoạch bước đầu chúng ta đã có những định hướng sơ bộ về mục tiêu, nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật cho các trường nói trên. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục rà soát lại để có cơ sở cho việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa.

4. Công tác giáo dục pháp luật là một trong những phương pháp cực kỳ khó khăn vì nó liên quan tới việc xoá bỏ nếp sống tự do, vô kỷ luật khinh thường luật pháp... đã "bắt rễ" khá sâu vào bộ phận không nhỏ nhân dân ở nơi này, nơi kia; thậm chí một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ quan có quyền lực. Những nếp sống này đã ảnh hưởng đến nhà trường, đến học sinh, sinh viên.

Muốn đạt được kết quả và hiệu quả cao trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, chúng ta phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội đối với công tác này. Phải tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh nội dung giáo dục pháp luật trong các hệ thống nhà trường, phải cải tiến các phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật, phải có những điều kiện không thể thiếu được về đội ngũ giáo viên, về sách giáo khoa và các tài liệu, về các phương tiện dạy học; phải tăng cường sự chỉ đạo và sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục pháp luật; và mặt khác phải thông qua các điều kiện kiên quyết và hợp lý của Nhà nước, xây dựng được một xã hội ngày càng lành mạnh, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh trong nhà trường .

vài số liệu về kết quả khảo sát thực trạng dạy và học ở trường phổ thông

(Vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật , Bộ tư pháp, Vụ giáo dục phổ thông, Bộ giáo dục đào tạo)

I Học sinh- nhu cầu và kiến nghị (

Hàm phiếu trắc nghiệm 4328 học sinh: ( 2222 Nữ

tai 28 trường phổ thông cơ sở và phổ ( 2106 Nam

thông trung học (

+ Học sinh cần học pháp luật không

98,41% học sinh cần học pháp luật

0,69% học sinh không thích học pháp luật

0,9% học sinh không có ý kiến gì

+ Học sinh cần và thích họ gì nhất

58,62% học sinh cần học luật đường bộ

45,01% học sinh cần học luật hình sự

33,04%học sinh cần học luật hôn nhân gia đình, dân sự

28,26% học sinh cần học luật kinh tế, đất đai, rừng...

+ Sự hiểu biết pháp luật của học sinh

- Về tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự

79,39% học sinh cho rằng tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự là 18

16,82% " " "

2,08% " " "

- Với hành vi không tố giác tội phạm

49,86% học sinh cho rằng không tố giác là không phù hợp với đạo đức nhưng không phải là phạm tội

44,87% cho rằng không tố giác là phạm tội

4,14% cho rằng không tố giác là bình thường

- Các kiến nghị của học sinh

90,75% kiến nghị Nhà nước tăng cường tuyên truyền

Giáo dục pháp luật cho dân, tăng cường in sách, báo pháp luật phổ thông cho các em.

69,76% học sinh kiến nghị với người lớn phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật mà Nhà nước đã ban hành.

17,01% học sinh kiến nghị Nhà nước phải xét xử nghiêm minh, kịp thời, công bằng và đúng luật.

9,59% học sinh kiến nghị mọi người hãy dũng cẩm đấu tranh chống vi phạm pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật.

II. Giáo viên (làm phiếu trắc nghiệm 166 giáo viên, 122 nữ, 66 nam)

+ Chuyên môn: Hầu hết giáo viên hiện đang dạy môn giáo dục công dân là giáo cưviện từ các bộ môn: Chính trị, văn, sử, toán, lý, sinh vật, nhạc, hoạ, ngoại ngữ, kỹ thuật... chuyển sang hoặc kiêm nhiệm.

100% giáo viên đang dạy môn giáo dục công dân không được đào tạo chính quy về luật.

48,19% giáo viên đang dạy môn giáo dục công dân không qua bồi dưỡng về nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy pháp luật.

32,53% giáo viên đang dạy môn giáo dục công dân được bồi dưỡng kiến thức pháp lý.

+ Sự hiểu biết pháp luật của giáo viên:

- Về tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự.

50,60% giáo viên cho rằng tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ 18 tuổi.

42,77% giáo viên cho rằng tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ 16 tuổi.

5,42% giáo viên cho rằng tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi.

- Đối với hành vi vi phạm pháp luật của học sinh (đánh người thành thương).

72,89% giáo viên cho rằng "nên cảnh cáo toàn trường).

10,24% giáo viên cho rằng nên phê bình trước lớp.

8,43% giáo viên cho rằng nên chuyển cơ quan pháp luật xư lý.

3,61% giáo viên cho rằng nên buộc thôi học cho về địa phương quản lý.

4,8% giáo viên không có ý kiến gì.

+ Những yêu cầu và kiến nghị của giáo viên:

82,53% giáo viên kiến nghị Nhà nước phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong toàn dân, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt quan tâm tới vùng núi xa xôi, hẻo lánh.

64,27% giáo viên kiến nghị Nhà nước phải xét xử công minh, kịp thời các vi phạm pháp luật, tạo môi trường pháp luật và kỷ cương xã hội tốt cho giáo viên dạy pháp luật.

37,95% giáo viên kiến nghị Nhà nước phải cung cấp giáo viên chuyên cho môn giáo dục công dân, cần đào tạo chính quy giáo viên giảng dạy pháp luật cho học sinh.

58,43% giáo viên kiến nghị hai ngành tư pháp và giáo dục, đào tạo cần mở lớp bồi dưỡng, tập huấn cấp bách về kiến thức pháp lý cho giáo viên.

51,80% giáo viên kiến nghị ngành giáo dục - đào tạo cần cung cấp đủ sách, tài liệu cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân.

82,53% yêu cầu tăng giáo dục pháp luật.

Phương tiện thông tin về pháp luật

học sinh

giáo viên

- Vô tuyến truyền hình

- Loa, đài truyền thanh

- Báo chí các loại

- Nghe nói chuyện pháp luật

- Học pháp luật tại trường

- Theo dõi phiên toà xét xử

- Sinh hoạt Đảng, Đoàn thanh niên, Công đàn, Đội thiếu niên.

74,19%

 

64,09%

 

39,97%

19,60%

25,05%

83,13%

77,10%

68,67%

42,77%

 

26,74%

24,09%

+ Vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Vụ giáo dục phổ thông - Bộ Giáo dục - đào tạo thực hiện khảo sát và làm phiếu trắc nghiệm 4328 học sinh, 166 giáo viên tại 28 trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Nam Ninh (cũ) TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Tây Ninh (thời gian khảo sát từ 11-3 đến 4-5-1991). Phiếu trắc nghiệm được xử lý trên máy vi tính tại phòng máy tính trường đại học pháp lý - Hà Nội.

Sinh viên: 500 phiếu

67,8% - báo chí

62,2% - truyền hình

53,4% truyền thanh

50,4% giáo dục pháp luật trong trường

49,6% yêu cầu tuyên truyền giáo dục pháp luật

39,6% yêu cầu xử lý nghiêm

12,8% yêu cầu hoàn chỉnh pháp luật

 

Báo cáo kết quả thăm dò học sinh - sinh viên đại học- - Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề

Thực hiện Chỉ thị số 274 ngày 25-7-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và đào tạo đã cho phép Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ quản lý học sinh, sinh viên kết hợp với Viện khoa học giáo dục Việt Nam, tổ chức công việc đầu tiên là khảo sát thăm dó dư luận học sinh, sinh viên tại 8 trường đại học, cao đẳng ở thủ đo Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Mục đích của khảo sát thăm dò là nắm thực trạng hiểu biết pháp luật, nhu cầu và tình cảm của học sinh, sinh viên đối với việc học pháp luật, nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác nghiên cứu các đối tượng tiếp nhận giáo dục pháp luật, trong đó học sinh, sinh viên là đối tượng quan trọng, để từ đó thống nhất các quan điểm xây dựng chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường sao cho phù hợp từng loại đối tượng.

Việc khảo sát thăm dò học sinh, sinh viên đã được tiến hành từ tháng 10 năm 1992 đến tháng 2-1993, theo nguyên tắc tự nguyện, trực tiếp, số lượng phiếu 500. đẩi tượng thăn dò có tuổi đời từ 18 đến 21 theohọc khoá đầu và khoá cuối các trường đại học tổng hợp, đại học bách khoa, đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm Hà Nội, đại học kinh tế, cao đẳng sư phạm TP. Hồ Chí MInh và đại học Cần Thơ.

Với báo cáo kết quả khảo sát thăn dò này, chúng tôi mới thực hiện được một phần nhiệm vụ ban đầu, kể từ hơn một năm Chính phủ ra Chỉ thị số 274. Hy vọng rằng các kết quả thăm dò này sẽ phục vụ ít nhiều cho công việc nghiên cứu, triển khai tiếp theo của Đề án giáo dục pháp luật trong các nhà trường, nếu như Đề án được Lãnh đạo hai Bộ duyệt, báo cáo kết quả thăm dò học sinh, sinh viên bao gồm các phần sau:

I. Thực trạng hiểu biết pháp luật: Sự hiểu biết pháp luật cơ sở đối với mọi công dân, mà chúng tôi lựa chọn để lập câu hỏi trắc nghiệm là các lĩnh vực hình sự, thuế, hôn nhân gia đình, một số chức năng nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước cấp cơ sở. Câu trả lời viết của học sinh, sinh viên trên phiếu có thể mắn được thực trạng hiểu biết pháp luật của học sinh, sinh viên. Kết quả xử lý phiếu cho thấy:

69,6% đã trả lời đúng theo quy định của Bộ luật hình sự (tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 đối với các tội nghiêm trong do cố ý, tuổi 16 đối với mội tội phạm).

7,4% trả lời sai (tuổi 16 và 18).

(So với kết quả khảo sát: học sinh phổ thông 79,39% "từ 18"; 16,82% "từ 16"; 2,08%"từ 14 (đúng)

Về tuổi kết hôn:

71,0% trả lời đúng theo luật định (nam 20, nữ 18):

4,6% trả lời sai (Nam dưới 20, nữ dưới 18)

Về một số chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân, Toà án, công sự, tư pháp, kết quả cho thấy:

76% trả lời đúng = Kết hôn ở Uỷ ban nhân dân

73,8% trả lời đúng = giải quyết ly hôn ở toà án

Còn 3,4% trả lời sai rằng = Kết hôn ở toà án;

3,8% trả lời sai rằng = Kết hôn ở Tư pháp;

4,8% trả lời sai rằng = ly hôn ở Tư pháp; (có thể có sự nhầm lẫn vì tư pháp xã, phường thường làm công tác hoà giải các việc về hôn nhân và gia đình).

 

Số liệu trên cho thấy đa phần học sinh, sinh viên trả lời đúng, chỉ trên- dưới 4% trả lời sai.

- Riêng lĩnh vực thuế là lĩnh vực mà công tác tuyên truyền mới được tăng cường. Nhà nước ta đã làm tốt công tác tuyên truyền các sắc thuế mới, và sử lý các vi phạm kịp thời ngay trong chương trình giáo dục công dân hệ phổ thông cũng đã có bài về thuế, vì vậy, nhìn chung học sinh, sinh viên đã có những hiểu biết nhất định, có ý thức tham gia thực hiện nghiêm chỉnh các sắc thuế, nhiều nhất là trong lĩnh vực thuế nông nghiệp (49,8% học sinh, sinh viên có tham gia trực tiếp vào các quan hệ thuế nhà đất, thuế nông nghiệp...) Tuy nhiên không tránh khỏi sự nhầm lẫn giữa thuế với các loại lệ phí (phí qua cầu, phà, phí sát sinh, phí trước bạ...) và cũng có không ít học sinh, sinh viên còn hiểu lệch lạc, nặng nề về nghĩa vụ nộp thuế, cho nên, chỉ có 35,4% học sinh, sinh viên trả lời "nộp thuế là nghĩa vụ đương nhiên của mọi công dân khi có các quan hệ về thuế" (số còn lại cho rằng: Nộp thuế là bắt buộc, là cưỡng bức).

II. Quan điểm, tình cảm và thái độ của học sinh, sinh viên về pháp luật và thực trạng pháp luật .

1/ Về quan điểm, tình cảm đối với pháp luật: Học sinh, sinh viên với tuổi đời từ 18-21, đã có kiến thức xã hội và vốn sống nhất định và hiểu rằng: Muốn một đất nước phồn thịnh, văn minh,có kỷ cương thì cả Nhà nước và công dân đều cần đến pháp luật, 82,6% học sinh, sinh viên cho rằng công dân cần pháp luật, coi pháp luật là chuẩn mực. 78,2% học sinh, sinh viên cho rằng Nhà nước cần pháp luật. Đây thực sự là sự tôn trọng, sự đề cao của học sinh, sinh viên đối với vai trò của pháp luật trong xã hội. Pháp luật cần cho cả 2 phía: Nhà nước và công dân.

Riêng đối với công dân, không chỉ là việc "cần pháp luật" mà còn "cần phải hiểu rõ pháp luật", 61,4% học sinh, sinh viên cho rằng cần pháp luật; 29,0% cho rằng cần hiểu rõ pháp luật. Chỉ 1% thờ ơ, không quan tâm tới pháp luật. Tuy nhiên cũng là con số đáng quan tâm.

Qua các số liệu trên, thấy rằng học sinh, sinh viên của chúng ta ngày hôm nay thực sự có quan điểm tích cực, có cá nhìn khách quan về bản chất của một xã hội công dân, trong đó người công dân (con người) ở vị trí trung tâm, người công dân cần đến pháp luật, cần hiểu rõ pháp luật quy định và cho phép cái gì. Cấm cái gì... Để tự mỗi công dân, với kiến thức pháp luật của mình, sẽ làm chủ hành vi của mình và tự hướng dẫn mình theo chuẩn mực pháp luật.

2. Thái độ của học sinh, sinh viên đối với thực trạng thi hành pháp luật hiện nay.

- Việc thi hành pháp luật hiện nay có nơi, có lúc không nghiêm, thậm chí có nơi vi phạm rất trầm trọng. Theo học sinh, sinh viên, thực trạng này có nhiều nguyên nhân:

38,8% học sinh cho rằng do việc xử lý các vi phạm không nghiêm.

18% cho rằng do pháp luật không được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng.

13,2% cho rằng trong bộ máy Nhà nước còn có hiện tượng lợi dung chức quyền.

12,2% cho rằng pháp luật quy định thiếu đồng bộ.

Về bản thân người vi phạm pháp luật cũng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan 32% cho rằng con người phạm tội là do cuộc sống, hoàn cảnh sống quá khó khăn; 23,4% cho rằng do bản thân con người có quá nhiều ham muốn mà lại lười lao động và 2,4% thì cho rằng do con người có ý thức, có tư tương chống đối kỷ cương xã hội.

Trước thực trạng pháp luật bị vi phạm nhiều như hiện nay, học sinh, sinh viên có nhận xét, đánh giá tính khách quan. Mọi hành vi phạm tội đâu phải do "người nghèo", do "cuộc sống quá khó khăn" hoặc do "thiếu pháp luật", đương nhiên không loại trừ những vấn đề trên cũng chính là những "tác nhân gây bệnh". Nhưng con đường dẫn tới tội phạm cũng là từ ý thức chủ quan, từ thói lười lao động và quá nhiều ham muốn của từng cá nhân. Vì lẽ đó, để nâng ý thức làm chủ bản thân, ý thức tuân thủ pháp luật của từng người thì một hệ thống pháp luật chặt chẽ, cộng với các hoạt động truyền bá và phổ cấp pháp luật tơi từng người dân là điều kiện quan trọng để đảm bảo trật tự kỷ cương Nhà nước và pháp luật.

Trong nhiệm vụ truyền bá và phổ cập pháp luật này giữ vai trò quan trọng và có tính quyết định là các phương tiện thông tin đại chúng.

III. Các điều kiện, phương tiện giao tiếp pháp luật có kết quả.

Các phương tiện thông tin thực sự đã góp phần chuyển thông tin pháp luật tới mọi công dân nhanh và có hiệu quả nhất: 67,8% học sinh sinh viên cho rằng loại hình báo chí là loại hình giúp cho mọi người hiểu pháp luật nhiều nhất. Kể tời là 62,2% cho rằng phương tiện truyền hình có hiệu quả nhiều nhất, 53,4% là phương tiện truyền thanh.

Trên đất nước ta hiên nay đã có 800 ịa phương được phủ sóng truyền thanh và 750 địa phương đã phủ són truyền hình. vì vậy, nếu phát huy hơn nữa năng lực chuyển tải các thông tin pháp luật tới mọi người dân thì với hệ thống các tin, bài, hình ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh tinh thần và nội dung của pháp luật thì hiệu quả nâng cao ý thức pháp luật, sự hiểu biết và tình cảm pháp luật của người dân sẽ tăng lên. Các số liệu trên thể hiện vị trí và tác dụng của các phương tiện thông tin đại chúng trong sự nghiệp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Một hình thức truyền bá có hiệu quả sâu sắc, có tính hệ thống và toàn diện là hình thức giáo dục pháp luật trong các nhà trường (theo giờ học trên lớp hoặc sinh hoạt ngoaị khoá. 50,4% học sinh, sinh viên cho rằng kiến thức pháp uật mà họ tiếp nhận được chủ yếu là qua việc học pháp luật trong nhà trường.

IV. Nhu cầu học pháp luật của học sinh sinh viên.

Từ thực tế này, 82,8% học sinh, sinh viên tự thấy rất cần học pháp luật trong nhà trường chỉ có 0,2% cho rằng "không cần học pháp luật"và 4,2% thì "không cần lắm". Ngược lại dòng thờ gian, cũng với câu hỏi để tìm hiểu nhu cầu học pháp luật và tình cảm của học sinh đối với môn học, trong đợt khảo sát ngày 3-4-1991 có tới 98,42% học sinh phổ thông thấy rằng "cần học pháp luật " chỉ có 0,69% "không cần học pháp luật" so sánh 2 số liệu trên ở 2 trình độ, lứa tuổi khác nhau, thời gian thực hiện thăm dò cũng khác nhau, nhưng cả học sinh phổ thông và học sinh, sinh viên đại học đèu cùng một mong muốn một tình cảm đối với việc pháp luật .

Một môn học, khi đã được đối tượng tiếp nhận, sự giáo dục về mặt hình thức, thì vấn đề còn lại rất quan trọng là nội dung của môn học, chúng tôi đã đặt ra nhiều nội dung mà chúng tôi cho rằng là rất quan trọng để hỏi, thì thấy rằng kiến thức pháp luật mà học sinh cần được trang bị, cần hiểu biết lại thuộc những vấn đề gắn với cuộc sống, không cao siêu về mặt lý luận.

66,2% học sinh, sinh viên cần hiểu biết về quyền và nghĩa vụ cơ bản

59,4% về những qui định của Nhà nước về kinh doanh

57,0 Về hình sự

45,6% về đất đai

44,4%về thuế

Qua số liệu trên mới chỉ phản ánh một phần nhu cầu, tình cảm chủ quan, còn chưa được lựa chọn ký càng của học sinh, sinh viên. Nhưng sẽ là những dự báo cần thiết cho nhà nghiên cứu trong quá trình thiét kế chương trình giáo dục pháp luật biên soạn tài liệu, sách giáo khoa các tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh.

V. Các kiến nghị, đề xuất của học sinh, sinh viên.

Sự mong muốn, nhu cầu và đòi hỏi của hoc sinh, sinh viên đối với việc đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường nhằm cung cấp hành trang pháp luật tối thiểu cần thiêt cho các em bước vào đời. Đó thực sự là những đòi hỏi khách quan xuất phát từ yêu cầu của con người, của Nhà nước và của cả cộng đồng xã hội . Song song với việc mong muốn được học pháp luật trong nhà trường, 49,6% học sinh, sinh viên yêu cầu Nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý toàn bộ xã hội, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng hơn, thường xuyên hơn, 39,6% yêu cầu Nhà nước phải xử lý nghiêm người vi phạm pháp luật, 12,8% yêu cầu Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Nếu từ phía Nhà nước thực hiện đầy đủ 3 yêu cầu trên thì đương nhiên về phía công dân sẽ thực hiện nghiêm pháp luật. Học sinh, sinh viên hiểu như vậy nên hỉ có 2,2% cho rằng "công dân cần tự giác chấp hành pháp luật ".

Một suy nghĩ mà chúng tôi cho rằng cũng có thể thuận chiều, néu chỉ nhìn từ phía công dân đòi hỏi, yêu cầu Nhà nước và xã hội nhưng mặt khác mỗi công dân, khi đã được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật rồi, với tư cách là một chủ thể, cũng cần phải biết tự giác chấp hành pháp luật để tạo ra một xã hội có kỷ cương. Vấn đề nâng cao ý thức tự giác thực hiện pháp luật cho học sinh, sinh viên theo chúng tôi là nội dung của qúa trình giáo dục pháp luật trong nhà trường.

VI các đề xuất sau kết quả thăm dò.

Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, trước nhiều trào lưu của các cuộc cải biến nền văn minh, xã hội của chúng ta không dửng dưng mà phải hoà nhập với những thành tựu của thế giới đã tiến bộ, và nay phù hợp với xu thế đi lên của đất nước ta. Các cuộc cách mạng về công nghiệp, tin học đã được thế hệ trẻ của chúng ta tiếp nhận với trí thông minh và sáng tạo. chúng tôi được biết Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và đầu tư thích đáng cho các lĩnh vực này để giúp cho thế hệ trẻ có thể dễ dàng hoà nhập vào cộng đồng thế giới, tự tin bước vào cuộc sống hiện đại. Trong chiến lược phát triển giáo dục tới thế kỷ 21 tin học, ngoại ngữ sẽ được phổ cập bắt buộc. Dự tính đến 1995 tất cả các trường phổ thông, phổ thông trung học và đến năm 2000 tất cả các trường phổ thông trung học sẽ có máy vi tính, sẽ có giáo viên dạy ngoại ngữ dể giảng dạy. Thực sự tin học và ngoại ngữ sẽ là phương tiện, là cầu nối cho thế hệ trẻ của chúng ta hoà nhập vào cộng đồng thế giới. Còn pháp luật chúng ta tự hỏi, pháp luật có thực sự cần cho cuộc sống của chúng ta, pháp luật sẽ giúp hành trang gì cho hành chục,hành triệu học sinh, sinh viên bước vào thế kỷ 21. Qua kết quả thăm dò học sinh, sinh viên và đề xuất từ yêu cầu kiến nghị của họ, chúng tôi xin phép đề nghị:

1. Trong khi còn nghiên cứu để thống nhất xây dựng hoàn chỉnh chương trình môn học, Bộ giáo dục đào tạo, Bộ tư pháp có kế hoạch khẩn trương triển khai các hoạt động giáo dục pháp luật , đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của học sinh, sinh viên. Trước mắt trong những năm 1994-1995 có thể thành lập các nhóm chuyên gia xung kích làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các nhà trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Tham gia nhóm này có thẻ là baỏ vệ pháp luật có khả năng truyền đạt các thông tin pháp luật hiện hành. Lãnh đạo 2 Bộ giao cho các vụ chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động xung kích này (khảo sát, phân các loại trường, lưa tuổi, vùng, thiết kế nội dung phù hợp với đối tượng) phục vụ trực tiếp các yêu cầu của từng đối tượng học sinh, sinh viên cần gì và ở từng địa phương cần gì.

2. Vì đối tượng là học sinh, sinh viên lứa tuổi 18-25 ham học hỏi, ham học hỏi và ưa thích các hoạt động văn hoá văn nghệ nên đề nghị các ngành giáo dục đào tạo kết hợp với đoàn thanh niên cộng sản HCM tăng cường chỉ đạo công tác đoàn, xây dựng các câu lạc bộ thanh niên tìm hiểu pháp luật, tổ chức các cuộc thi ca hát, triển lãm, có gắn nội dung pháp luật trong các nhà trường, trong các dịp nghỉ hè và lễ kỷ niệm.

3. Các cơ quan văn hoá- thông tin của Nhà nước, các loại báo chí của 2 ngành dành mọi ưu tiên đăng tải các nội dung giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên ở những vùng núi cao, biên giới vùng xa xôi hẻo lánh, các ưu tiên về các phương tiện sách báo. Đói với các nhà trường ở quá sâu xa cần có chính sách tài trợ, phát không các loại sách, báo pháp luật cho học sinh phổ thông.

Ngân sách giáo dục cần tăng thêm đầu sách báo pháp lý cho các thư viện của từng trường học, củng cố công tác thư viện, hướng dẫn học sinh học, tìm hiểu pháp luật qua hệ thống sách báo của thư viện nhà trường. Phát động học sinh, sinh viên tìm đọc sách báo pháp luật .

Chuyên đề IV phổ bíên giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

PTS Đặng quang phượng

nguyễn văn hoan

I Khái niệm và những nét đặc trưng của phổ biến giáo dục pháp luật hông qua hoạt động xét xử

1) Khái niệm:

- Như đã được đặt vấn đề trong sự cần thiết nghiên cứu đề tài khoa học về lý luận và thực tiễn phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền là xây dựng một Nhà nước mà trong đó các mối quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật và trong đó mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật. Muốn vậy, đồng thời vói việc ban hành một cách đầy đủ và đồng bộ các văn bản pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, cần phải bảo đảm cho các văn bản pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh nghĩa là các văn bản pháp luật cần phải được phổ biến rộng rãi đêns mọi tầng lớp nhân dân và giáo dục họ thực hiện nghiêm chỉnh. Bác hồ đã nói tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo luật Hôn nhân gia đình: "đạo luật này chưa phải đã làm mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt "

Phổ biến giáo dục pháp luật có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và bằng nhiều biện pháp khac nhau. Một trong những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật rất quan trọng. Đó là phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử. đây là một hình thức có vị trí rất quan trọng không những được công nhận trong cuộc sống, mà còn. được khẳng định trực tiếp hay được phản ánh gián tiếp trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta. Theo qui định tại điều 127 của Hiến pháp 1992 : "toà án nhan dân tối cao, các toà án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án khác do luận định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam". Điều đó nói lên rằng nhiệm vụ chủ yếu của toà án lầ xét xử. Đồng thời theo qui định tại điều 1 luật tổ chức toà án nhân dân năm 1992: " Bằng hoạt động của mình, toà án góp phần giáo dục công dân trung thành với tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật , tôn trọng những qui tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật khác". Hoạt động xét xử của toà án không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm giáo dục họ tuân theo pháp luật và các qui tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa bọn phạm tội mới.

Hoạt động xét xử, bản thân nó đã mang nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Trong một phiên toà, về hình thức mỗi một hành vi của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng đều phải theo một điều khoản nào đó của luật tố tụng; về nội dung , tất cả những vấn đề nêu trên trong đơn kiện, cáo trạng, khi xem xét chứng cứ, thẩm vấn, tranh luận, định tội, lượng hình, đều phải đối chiếu vói các qui định của pháp luật . Pháp luật được đặc biệt làm sáng tỏ trong quá trình giải thích, tranh luận tại phiên toà mà thông qua đó toà án giáo dục cho những người có liên quan đến vụ án nhận thức về quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân, về ý thức xã hội của các thành viên.

Phiên toà chính là nơi thể hiện thái độ của Nhà nước, của xã hội, của công lý trước một hành vi trái pháp luật của công dân. ở đó người ta chờ đợi để được phán xét, phân định trắng đen, phải trái, thiện ác... vì thế nội dung tuyên truyền có sức thâm nhập mạnh mẽ vào đối tượng tuyên truyền và thông qua dó toà án giáo dục được thái độ, tình cảm của công dân đối với pháp luật của ta. Phiên toà có sức mạnh giáo dục vì nó chính là nơi lấy người thật, việc thật cụ thể để giáo dục chung.

Mỗi hình thức tuyên truyền có một con đường riêng của mình để đi vào đối tượng tuyên truyền. Diễn ca pháp luật đi vào đối tượng tuyên truyền bằng chất thơ. Tiểu phẩm đi vào đối tượng bằng chất kịch... còn hoạt động xét xử đi vào đối tượng bằng tính chất nghiêm minh của nó. Nghiêm minh ở đây bao hàm cả mặt nội dung , cả về công tác xét xử.

Toà án nhân dân tiến hành xét xử công khai, đó là điều kiẹn thuận lợi để tuyên truyền giáo dục pháp luật . Đối tượng tuyên truyền còn được mở rộng bằng cách tăng cường xét xử lưu động và thông tin cho quảng đại quần chúng nhân dân biết trước và sau khi xét xử. Từ đó có thể hiểu PBGDPL thông qua hoạt động xét xử như sau: Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử bằng việc thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và những vụ án khác do pháp luật qui định . Toà án cùng với kiểm sát viên, luật sư và một ssố chủ thể khác làm cho những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên toà biết pháp luật, hiểu pháp luật và hậu quả pháp lý cho việc vi phạm pháp luật.không thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng tình cảm của họ đối với công lý và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của họ.

2. Những nét đặc trưng

Theo qui định của luật tổ chức toà án nhân dân thì hoạt động xét xử của toà án có những nét đặc trưng và do đó việc PBGDPL thông qua hoạt động xét xử có những nét đặc trưng so với phổ biến, giáo dục pháp luật khác như sau:

- Thứ nhất là phạm vi xét xử của toà án tương đối rộng thuộc nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đó là xét xử những vụ án hình sự, tức là xét xử trừng trị người có hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm; xét xử những vụ án dân sự, tức là những chanh trấp về quyền sở hữu, thừa kế, vay mượn, mua bán ... trong nhân dân với nhau; xét xử những vụ án về hôn nhân và gia đình; tức là những việc về ly hôn, nuôi con, truy nhận cha cho con... ; xét xử những chanh trấp về lao động, tức là những chanh trấp trong quan hệ lao động buộc thôi việc. tranh chấp giữa người làm công với chủ tư nhân, học sinh học nghề, giáo vien dạy nghề và thực tập sinh sản xuất ở ngoài nước bị buộc phải bồi thường phí tổn đào tạo cho Nhà nước, vì bị thi hành kỷ luật... và xét xử những vụ án khác theo qui định của pháp luật. Điều đó nói lên rằng việc phổ biến giáo dục pháp luật trong việc xét xử những loại vụ án khác nhau phải rất khác nhau.

- Thứ hai là chủ thể của phổ biến giáo dục pháp luật trong hoạt động xét xử không phải là một người mà có nhiều người dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó là, thẩm phán, hội thẩm nhân dân,kiểm sát viên, thư ký toà án và có thể là những nhà chuyên môn hay đại diện của cơ quan Nhà nước được mời tham gia phiên toà luật sư.

- Thứ ba là đối tượng của chủ thể phổ biến giáo dục pháp luật cũng rất đa dạng, có thể là bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các đương sự những người tham gia tố tụng khác và những người tham dự phiên toà. Những đối tượng này về giới tính khác nhau, độ tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, dân tộc khác nhau... do đó, phương pháp PBGDPL cũng phải khác nhau.

- Thứ tư là phổ biến, giáo dục pháp luật về những lĩnh vực có liên quan đến việc giải quyết một vụ án cụ thể. Trong từng trường hợp cụ thể có thể PBGDPL ở lĩnh vực khác nhưng ít nhiều phải có liên quan tới vụ án đang phải giải quyết.

Ví dụ: Khi xét xử một vụ án hình sự thì chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến vụ án đó. Tuy nhiên có thể sang lĩnh vực khác như luật kinh tế, dân sự nhưng có thể liên quan tới việc xét xử vụ án hình sự; chứ không được phổ biến giáo dục những qui định của pháp luật không có liên quan, như phổ biến giáo dục pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng...

- Thứ năm là thông qua một sự việc có thật trong cuộc sống để phổ biến giáo dục pháp luật về sự việc tương tự tức là PBGDPL bằng người thật, việc thật, phổ biến giáo dục trực tiếp bằng mắt nhìn thấy, tai nghe thấy.

- Thứ sáu là việc tham gia tố tung hình sự của các tổ chức xã hội và công dân vừa là quyền vừa là nghĩa vụ theo qui định của luật tố tụng, nhằm góp phần đấu tranh, chống và phòng ngừa tội phạm.

- Thứ bảy là hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử rất đa dạng từ việc tuân theo thủ tục tố tụng, hoặc là xét xử lưu động và bằng việc ra bản án quyết định... Trong trường hợp cần thiết, cùng với việc ra bản án quyết định. Toà án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điêù kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó. Đồng thời theo qui định tại điều 12 luật tổ chức toà án nhân dân thì: cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị, có trách nhiệm nghiên cứu thực hiện và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhậ được kiến nghị phải thông báo cho toà án về việc đó.

Những đặc trưng trên đây của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử nói lên vị trí quan trọng của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử, lợi thế của hình thức phổ biến giáo dục pháp luật này, tính đa dạng, phong phú của hình thức này, nhưng đồng hời cũng nói lên tính phức tạp khó khăn của hình thức này: hiệu quả của nó phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

II. Nội dung chủ thể, đối tượng của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử.

1. Nội dung của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử.

Hoạt động xét xử của tòa án khá rộng, về phạm vi và thẩm quyền của chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Về trình tự nó bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm và xét xử giám đốc thẩm. Về thời gian nó được tính từ ngày nhận hồ sơ vụ án do viện kiểm sát chuyển đến cho đến khi bản án quyết định có hiệu lực thi hành. Trong mỗi công việc cụ thể đều chứa đựng nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, không phải chỉ ở phiên toà. Đồng thời cũng cần phải phân biệt nội dung phổ biến giáo dục pháp luật tuy ở cùng một giai đoạn như nhau, nhưng đối với các loại vụ án khác nhau cũng rất khác nhau. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các vụ án khác nhau thì khác nhau:

- Nếu là vụ án hình sự thì qua việc nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ giải quýet các khiếu nại, yêu cầu những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cầ thiết cho việc mở phiên toà. Trong thời hạn luật định phải ra một quyết định qui định tại điều khoản 2 điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự. Đồng thời toà án có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn... Như vậy nội dung PBGDPL trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự là phải làm rõ các căn cứ pháp luật, viện dẫn các qui định của pháp luật khi giải quyết các khiếu nại và yêu cầu, phải có đầy đủ căn cứ, có sức thuyết phục khi ra các quyết định...

- Nếu là vụ án dân sự thì từ thời điểm thụ lý vụ án cho đến khi xét xử cần tiến hành điều tra hoà giải. Trong giai đoạn này cần phổ biến những qui định pháp luật, phân tích đúng sai. Chỉ đến khi cần thiết mới mở phiên toà...

Nội dung của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử tại phiên toà nói chung có thể được thể hiện bằng các việc sau đây:

- Thứ nhất là bằng việc phổ biến nội qui phiên toà, tức là phổ biến cho những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên toà biết các qui định pháp luật cần phải thực hiện tại phiên toà, giải thích cho họ biết hậu quả pháp lý của việc vi phạm nội qui phiên toà.

- Thứ hai là việc giải thích cho những người được triệu tập đến phiên toà quyền và nghĩa vụ của họ. Điều đó có nghĩa là phổ biến cho họ biết pháp luật qui định của họ những quyền và nghĩa vụ nào, việc đảm bảo cho họ thực hiện quyền và nghĩa vụ đó.

- Thứ ba là công bố cáo trạng (nếu là vụ án hình sự ) hay là công bố nội dung vụ kiện (nếu là vụ án dân sự theo nghĩa rộng). Trong cáo trạng phải làm rõ bị cáo bị truy tố về tội gì, phạm điều nào của Bộ luật hình sự, những chứng cứ xác định tội trạng của bị cáo, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ; thân nhân của bị cáo và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. đặc biệt phần cáo trạng cần ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng. Nếu là vụ kiện dân sự thì cần nêu nội dung đơn kiện, lý do tại sao, cơ sở nào.

- Thứ tư là bằng việc xét hỏi tại phiên toà, làm rõ những qui định nào của pháp luật đã bị vi phạm và việc vi phạm đó theo qui định của pháp luật sẽ chịu hậu quả pháp lý như thế nào. giải thích pháp luật .

- Thứ năm là tranh luận tại phiên toà, có thể nói rằng giai đoạn này nội dung phổ biến giáo dục pháp luật được thể hiện rõ nét nhất. Nếu là vụ án hình sự thì kiểm sát viên trình bày lời luận tội.ở đây, cần phải làm rõ hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm hay không, nếu là có cấu thành tội phạm thì cần có kết luận phạm tội gì, qui định tại điều nào của Bộ luật hình sự . Qui định đó như thế nào, chế tài ra sao. Nếu có quyền bào chữa thì người bào chữa có quyền viện dẫn các qui định của pháp luật để tranh luận với kết luận của viện kiểm sát.

- Thứ sáu, trên cơ sở đó, ở giai đoạn nghị án, hội đồng nghị án phải thể hiện đưởctong bản án nội dung PBGDPL . Một bản án không chỉ đạt mục đích trừng trị người phạm tội, mà cần làm cho họ hiều là họ đã phạm pháp như thế nào, ở điều nào. Không phải chỉ riêng người phạm tội mà những người tham gia tố tụng khác, những người tham dự phiên tòa cũng phải biết, hiểu các qui định của pháp luật , các văn bản mới của pháp luật .

_ Thứ bảy là cùng với việc đưa bản án, toà án ra quyết định yêu cầu cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dung những biện pháp cần thiết để khắc phục những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.

Đối với các vụ án dân sự khi ra bản án, quyết định, toà án phải làm rõ căn cứ vào qui định nào của pháp luật, ai vi phạm điều nào qui định nào của pháp luật. Có như vậy không những có căn cứ để giải quyết đúng vụ án đó mà còn để cho những người tham dự phiên toà biết, tránh những tranh chấp tương tự xảy ra.

Nội dung của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử còn xuất phá từ qui dịnh của Hiến pháp: "công dân có nghiã vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật " (điều 79). Thực tiễn xét xử của toà án cho thấy rằng: có những bị cáo hoặc đương sự đã bào chữa rằng: do họ không biết pháp luật mà vi phạm. Đièu đó có nghĩa rằng do khi xét xử toà án cần phải làm rõ cho họ biết nguyên tắc: "không ai được coi là không biết pháp luật" Bằng cách gián tiếp nguyên tắc này được thể hiện trong đoạn cuối lời nói đầu và trong khoản 1 điều 5 Bộ luật hình sự. Khi xét xử, toà án và những người khác có trách nhiệm làm rõ tầm quan trọng của PBGDPL. Bởi lẽ, đối với pháp luật xã hội chủ nghiã nói chung, luật hình sự nói riêng, việc hiểu biết được đặt ra cho mỗi người chẳng những để tránh vi phạm, tránh trở thành người phạm tội, mà quan trọng hơn là với sự hiểu biết ấy mỗi người có thể sử dụng luật hình sự như một vũ khí đấu tranh chống tội phạm, đánh bật mọi mầm mống của vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm nói riêng ra khỏi cộng đồng đời sống xã hội của chúng tôi, bảo vệ cuộc sống công bằng, nhân đạo.

Để không còn những lời bào chữa như trên, việc phổ biến giáo dục pháp luật cần được tổ chức sâu rộng trong mọi tầng lớp quần chúng. Điều đó đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan Nhà nước nói chung, toà án, viện kiểm sát nói riêng, cần đặt mục đích PBGDPL đúng vị trí quan trọng của nó.

2. Chủ thể của PBGDPL thông qua công tác xét xử là tất cả những người viện dẫn và giải thích (khoa học ) pháp luật trước phiên toà, các chủ thể này gồm những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng: thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, luật sư , thư ký phiên toà những chuyên gia đại diện cho các cơ quan Nhà nước được mời đến phiên toà để làm rõ những vấn đề liên quan đến khoa học của họ.

Đương nhiên khi sử dụng quyền tự bào chữa của mình, người bị hại, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn dân sự cũng phải viện dẫn và giải thích pháp luật . Khi đó những lời gỡ tội được xếp vào 9 loại của luật sư". những lời buộc tội được xếp vào "loại của công tố viên" . Và như vậy, PBGDPL ở phiên toà có tính chất đa chủ thể. đặc điểm này khiến nó khác biệt với tất cả các hình thức TTGDPL khác (một tiểu phẩm về pháp luật chẳng hạn, khi diễn trên sân khấu, dù có nhiều diễn viên nhưng chỉ có một chủ thể đó là tác giả). các hình thức tuyên truyền khác chỉ có một chủ thể người) dẫn dắt quá trình nhận thức của đối tượng còn trong trường hợp này các chủ thể đều tác đông vào quá trình nhận thức của đối tượng. Tính chất đa chủ thể là chi phối 2 hậu quả trái ngược nhau của kết quả hoạt động xét xử. Trước một hành vi của "đương sự " các chủ thể đều viện dẫn pháp luật và dùng đạo lý để tranh luận:

- Nếu lý giải và kết luận của các chủ thể thống nhất với nhau trên nền tảng pháp luật thì niềm tin của đối tượng vào toà án, vào pháp luật , vào công lý sẽ vô cùng vững chắc.

- Nếu lý giải và kết luận của các chủ thể mâu thuẫn với nhau, đối tượng

sẽ rất hoang mang và điều đó được phản ánh ở tính chất 2 mặt- tác dụng hay phản tác dụng- của một phiên toà. để đạt được tác dụng tích cực, đương nhiên với mỗi việc của các chủ thể phải tìm được điểm hội tụ, đó là một điều 1 khoản hoặc một điểm nào đó trong hệ thống pháp luật. Nhưng để mình đến được điểm đó và vạch đường cho "chủ thể đồng sự" đến được điểm đó, mỗi chủ thể phải có trình độ pháp lý, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, năng lực vận dụng đạo lý, năng lực phản ứng trước mọi tình huống, mức độ nghiên cứu sự việc, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp...

3. Đối tượng của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử.

Theo định nghĩa chung đó là tất cả những người được truyền đạt nội dung xét xử của một phiên toà. Nhưng ở đây chỉ giới hạn trong những người có mặt và đáng lẽ phải có mặt ở hội trường xét xử. Những đối tượng này có thể chia ra 2 loại:

- đối tượng xác định, những người có quan hệ chính tới vụ việc gồm: bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự. Gọi là xác định những người này đựoc xác định rõ về thân nhân giới tính, lứa tuổi, thành phần, cư dân...

- Đối tượng chung: những người có mặt trong hội trường xét xử trừ những đối tượng trên.

Với đối tượng xác định: vấn đề có ý nghĩa hơn cả là phương pháp giáo dục đối tuợng tại phiên toà. Vì là đối tượng xac định nên có thể căn cứ vào lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tầng lớp...để áp dụng một phương pháp , một hình thức giáo dục thích hợp nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao. Tâm thế của loại này là muốn biết mình được , thua như thế nào. Vì thế họ phải suy nghĩ, phân tích từng điều Luật , từng lời giải thích của các chủ thể. Nếu xác định chứng cứ tốt, thẩm vấn, luận tội, định tội là đúng họ sẽ thấy pháp luật là nghiêm minh, sẽ chấp hành và nâng các ý thức chấp hành pháp luật. Ngược lại nếu vì phẩm chất hoặc năng lực những người tiến hành tố tụng hoặc Luật sư không nhìn thấy được thực tế, không xử được đúng người đúng tội, đúng pháp luật, bỏ sót tội phạm hoặc xử oan, thậm chí chỉ người trong cuộc mới biết, thì họ sẽ coi thường pháp luật hoặc thậm chí phát sinh tiêu cực .Với đối tượng này, tâm lý hiếu thắng cũng có thể cản trở họ đến với lẽ phải. Nhưng về phía chủ quan họ là những người có năng lực hành vi nghĩa là họ nhận thức được hành vi của mình và đối chiếu với chuẩn mực của xã hội để thấy được cái mà xã hội gọi là bức chân dung tự hoạ về mình, òn về phía khách quan, những người tiến hành tố tụng và Luật sư sẽ giứp họ nhận ra được họ.

Về mặt tâm lý, người bị hại, nguyên đơn thường có tâm lý phủ định với ý kiến của Luật sư, còn bị cáo và bị đơn thường có tâm thế phủ định đối với ý kiến của công tố viên hoặc Luật sư của nguyên đơn, những yếu tố đó dễ dẫn đến sự loại bỏ tâm thế tích cực và họ càng muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của "phe mình" để đạt tới điều chủ quan họ mong muốn mà thường là trái với kết quả họ mong muốn. Đó là những vấn đề mà khi viết cáo trạng, trong suốt quá trình buộc tội của công tố viên; trong khi tiếp xúc với thân chủ, trong cả quá trình gỡ tội của Luật sư phải lưu ý để các đương sự tránh được tình trạng này. Bởi vì có một bản án đúng là cái đích cuối cùng của toà nhưngchưa phải là cái đích cuối cùng cuả người PBGDPL. Môĩ bên "Đương sự" phải thực sự nhận thức được thái độ đúng, sai của họ thể hiện trên bản án hoặc quyết định của họ trên toà án, như vậy mới có hiệu quả giáo dục đối với họ.

Với đối tượng chung: công lý bao giờ cũng được mọi người quan tâm. Đây là cơ sơ tâm thế của loại đối tượng chung. Họ muốn biết những tranh chấp trong xã hội được toà án nhân dân Nhà nước giải quyết như thế nào; công bằng hay thiên vị, nghiêm khắc hay nương nhẹ ... Điều đó cũng tác động mạnh khi họ theo dõi được diễn biên và kết luận của phiên toà, qua đó cũng giứp họ hiểu và nâng cao ýthức pháp luật. Với đối tượng này, vấn đề có ý nghĩa hơn cả là thông tin trước khi xét xử, hình thức xử và tuyên truyền sau khi xét xử.

III. Thực trạng của công việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử trong thời gian qua.

1. Có quan điểm cho rằng (rất đáng tiếc là có cả những người làm công tác bảo vệ pháp luật) nói đến xét xử, nếu là hình sự thì nhiệm vụ và mục đích của cơ quan bảo vệ pháp luật là chứng minh tội phạm và trừng trị người phạm tội; nếu là dân sự thì phán xét ai thắng, ai thua, không cần phổ biến, giáo dục pháp luật. Thật là một quan điểm sai lầm. Nhìn chung thời gian qua công việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử đạt được những kết quả nhất định và bước đầu đã được chú trọng. Toà án, viện kiểm sát trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình đã làm đúng theo pháp luật quy định . Thể hiện là niềm tin của nhân dân vào các quyết định của toà án, tin tưởng và thi hành nghiêm chỉnh (xem phụ lục). Nhưng nếu nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc thì công việc này chưa được chú trọng. Khi xét xử nếu chỉ chú ý đến việc giải quyết việc cụ thể mặc dù các căn cứ đúng pháp luật nhưng do không chú ý đến mục đích PBGDPL thông qua công việc xét xư của mình nên không phổ biến các quy định của pháp luật , giải thích cặn kẽ các quy định của pháp luật và không có sự giáo dục răn đe nếu vi phạm thì hậu quả ra sao.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi thì mặc dù điều 87 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định "toà án ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc phạm tội mới cần phải điều tra" nhưng trong năm 1992 các toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc tw chỉ khởi tố 10 vụ án. Một con số rất nhỏ so với thực tế. Hoặc điều 199 Bộ Luật tố tụng hình sự thì: "cùng với việc ra bản án, toà án ra quyết định yêu cầu cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết...". Nhưng thực tế, trong năm 1992 theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì cũng chỉ có con số hàng chục mà thôi.

Hiệu quả của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử trong thời gian qua còn được chứng minh qua khối lượng giải quyết đơn khiếu nại của toà hình sự , toà dân sự, toà án nhân dân tối cao. Đó là do có sư phổ biến giáo dục pháp luật ở toà án cấp dưới chưa tốt nên dẫn đến khiếu nại sai thẩm quyền, sai đối tượng.

Chúng tôi thử làm một cuộc khảo sát nhỏ bằng việc hỏi ý kiến những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng thì kết quả cho thấy khá thú vị và phần nào cũng chứng minh được thực trạng công việc phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua như sau.

a) hỏi 20 người tham dự phiên toà là có nghe rõ thư ký phiên toà đọc nội quy phiên toà và có nghe rõ chủ toạ phiên toà giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng không. Kết quả trả lời:

- có nghe rõ 10-50%

- không nghe được: 5-25%

- không chú ý: 5-25%

b) Hỏi 20 người tham dự phiên toà là có biết rõ căn cứ pháp luật toà án áp dụng hay không. Kết quả trả lời:

1) - có biết rõ: 10-50%

- không chú ý: 7-35%(chỉ nghe qua đài thôi)

- Không hiểu vì sao 3-15%

2) tác dụng giáo dục tốt: 14-70%

chưa có tác dụng: 4-20%

tác dụng chưa tốt : 2-10%

c) Hỏi 5 thẩm phán đã chú ý đến việc giáo dục pháp luật khi xét xử chưa .

Kết quả trả lời: đã chú ý: 4-80%

chưa chú ý: 1-20%

d) Hỏi 5 hội thẩm đã chú ý đến việc giáo dục pháp luật khi xét xử chưa. Kết quả trả lời: đã chú ý: 3-60%

chưa chú ý: 2-40%

e) Hỏi 5 kiểm sát viên với câu hỏi đã chú ý đến việc phổ biến giáo dục pháp luật khi duy trì quyền công tố chưa.

Kết quả trả lời: đã chú ý: 4-80%

chưa chú ý : 1-20%

Kết quả trên đây cũng chỉ là tương đối, vì các câu trả lời chúng tôi cũng chưa có cơ sở để đủ tin 100%. Nhưng phần nào cũng nói lên rằng thực sự vẫn còn chưa được chú ý đúng mức công việc quan trọng này khi xét xử .

2. Thực trạng về trang thiết bị của toà án.

Trước năm 1993 kinh phí toà án địa phương do địa phương cấp. Do tình hình kinh tế của đất nước còn khó khăn nên các toà án địa phương thiếu không có hội trường xét xử, hội trường xét xử lụp xụp, đổ nát, nhiều toà phải đi mượn phòng của cơ quan bạn làm hội trường xét xử hoặc xét xử ở những lán trại từ hồi sơ tán chống mỹ cứu nước. Từ 1982-1992 chỉ đầu tư được cho 11 tỉnh với mức từ 500 triệu đến 1 tỷ để xây dựng mới trụ sở ( Bắc thái, Quảng ninh, Sơn la, Nghệ an, Hà nam ninh, Quảng bình, Bến tre ...) và vừa xây dựng mới vừa nâng cấp cho hơn 20 huyện.

Trong thiết bị cho xét xử lưu động hầu như không có gì: xe ô tô, loa mirco... đều phải đi thuê, mượn, bàn ghế của hội đồng xét xử, công tố, Luật sư, thư ký đều cũ kỹ, ọp ẹp, vành móng ngựa cũng không đủ. Nhiều toà án không có máy chữ văn phòng phẩm tối thiểu, thậm chí con tem cũng thiếu. Công báo, các tập văn bản pháp luật, tư liệu, tài liệu cho thẩm phán hội thẩm nhân dân tham khảo cũng rất thiếu...

Năm 1992 TW đã hỗ trợ cho toà án địa phương.

- sửa chữa và xây mới 48 toà án tỉnh- 4,150tỷ

- sửa chữa và xây mới 192 toà án huyện- 6,320 triệu

- bổ sung xuống cấp 5 huyện- 120 triệu

cũng trong thời gian đó đã cấp cho thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký 2 bộ trang phục xuân, thu, đông.

IV. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả và các yếu tố quyết định hiệu quả của PBGDPL thông qua hoạt động xét xử.

1. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả.

Theo chúng tôi tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của công việc PBGDPL thông qua hoạt động xét xử chính là kết quả đã đạt được. Như vậy, thì có thể kể đến những tiêu chuẩn sau đây.

- Thứ nhất: như đã nói ở trên, nhiệm vụ của toà án là xét xử cho nên tiêu chuẩn đầu tiên phải là kết quả xét xử của toà án, trong đó có đóng góp một phần không nhỏ của viện kiểm sát, điều đó có nghĩa rằng nếu các bản án, quyết định của toà án đều đúng đắn, có những nhận định cơ sở, biết viện dẫn pháp luật, giải thích pháp luật đúng lúc và việc áp dụng pháp luật đúng đắn, tức là việc kết quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật đạt kết quả cao.

Năm 1991: - các tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm về hình sự gồm có: 13.112 vụ

- các toà án cấp tỉnh xét xử về phúc thẩm hình sự gồm có : 3.786 Vụ

Tuy chưa thật chính xác vì có nhiều huyện tỉnh chưa báo cáo hết con số hơn 13.000 vụ án hình sự xét xử sơ thẩm chỉ có3.786 vụ bị kháng cáo, kháng nghị- 28,87%

Năm 1992: - các toà án cấp huyện xét xử các vụ án sơ thẩm các vụ án hình sự gồm có: 18.555 vụ

- các toà án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự gồm có: 4.163 vụ

so sánh 4.163 vụ/ 18.555 vụ- 22,43%.

Về xét xử giám đốc thẩm:

Năm 1991: trong tổng số 3612 vụ án hình sự soơ thẩm của TAND thành phố trực thuộc TW có hiệu lực pháp luật và cộng với 3786 vụ phúc thẩm của toà án cấp này là 7398 vụ thì toà hình sự toà án nhân dân tối cao chỉ thụ lý giám đốc thẩm 91 vụ án (một tỷ lệ rất nhỏ: 91/7398 - 1,23%).

Năm 1992: - án hình sự của toà án cấp tỉnh có hiệu lực là: 7325 vụ (3162 vụ án hình sự sơ thẩm có hiệu lực cộng với 4163 vụ án hình sự phúc thẩm).

- Toà hình sự toà án nhân dân tối cao thu lý xét xử giám đốc thẩm là: 109 vụ (như vậy với tỷ lệ. 1,48%).

- Thứ hai là; kết quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử chính là việc bản án, quyết định của toà án đã có hiẹu lực pháp luật đã được các cơ quan Nhà nước đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi người tôn trọng hay chưa . Nếu không chấp hành vì lý do gì. phải chăng quyết định trong bản án chưa công bằng, chưa đúng pháp luật .

- Thứ ba: Nhận thức của mọi người công dân về hoạt động xét xử của toà án về các quyết định của toà án như thế nào. Nếu mọi người nâng cao ý thức pháp luật, nhận thức về pháp luật sâu rộng hơn có nghĩa là kết quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử cao.

- Thứ tư: Kết quả xét xử của toà án đã được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng như thế nào. Nếu được thông báo kịp thời, được sự ủng hộ của các phương tiện thông tin đại chúng, được sự ủng hộ của khán giả, thính giả thì có nghĩa là kết quả xét xử có hiệu lực.

2. các yếu tố quyết định hiệu quả.

các yếu tố quyết định hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử có nhiều, nhưng theo chúng tôi có mấy yếu tố chủ yếu sau:

Thứ nhất là chủ thể của phổ biến giáo dục pháp luật . Bởi lẽ yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả của công việc nhất định nào đó đầu tiên phải kể đến con người. Căn cứ vào địa vị pháp lý của mình trong tố tụng mà mỗi chủ thể thực hiện nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

a) Thẩm phán đặc biệt là thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà có vai trò quyết định đến hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật. Ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ đã phải xem xét đánh giá từng tài liệu có trong hồ sơ, giá trị của từng tài liệu, cơ sở pháp lý của từng tài liệu, cần chuẩn bị tốt kế hoạch xét hỏi, cần chú ý đến vấn đề trọng tâm, cần có sư chuẩn bị văn bản liên quan đến việc giải quyết vụ án. Khi xét xử thẩm phán đựoc phân công là chủ tọa phiên toà là người điều khiển toàn bộ diễn biến của phiên toà, ần phải thẩm vấn đúng kế hoạch, nhưng có nghệ thuật, khi cần thiết cho thời điểm thích hợp phổ biến văn bản pháp luật, giải thích pháp luật và giáo dục pháp luật cho từng đối tượng cụ thể nói riêng cho mọi người nói chung. Khi tranh luận bảo đảm quyền bình đẳng giữa các bên và khi nghị án cần soi rọi vào các quy định của pháp luật để xem xét những trường hợp cần khởi tố vụ án mới cần ra quyết định riêng biệt khác.

Với những yêu cầu như vậy thì thẩm phán phải là người có đầy đủ các tiêu chuẩn, năng lực để thực hiện nhiệm vụ này. Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm TAND là mổttong những căn cứ pháp luật nhằm bảo đảm yếu tố con người trong hoạt động xét xử và phổ biến giáo dục pháp luật về chuyên môn pháp lệnh quy định thẩm phán TAND các cấp phải có trình độ cao đẳng toà án hoặc đại học Luật (d.16, d.17, d.18 Pháp lệnh).

Thực trang cho thấy trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ thẩm phán các toà án các cấp chưa đâỳ đủ có người chỉ có trình độ sơ cấp pháp lý, có người chưa có. Bên cạnh đó có nhiều điều kiện khác cũng chưa đầy đủ hay chưa có.

Chỉ theo báo cáo của vụ tổ chức TAND tối cao thì trong 72 thẩm phán có 4 người mới có trình độ trung cấp có nhiều thẩm phán không được đào tạo lý luận nghiệp vụ có hệ thống, chính quy, nhiều thẩm phán còn thiếu kinh nghiệm thực tế, sự nắm bắt, am hiểu các quy định mới cuả pháp luật chưa đày đủ, kịp thời. Con số thống kê cho biết: trong 619 thẩm phán oà án tỉnh thì có 556 trình độ đại học hoặc tương đương, 54 sơ cấp, 9 trung cấp và chưa qua đào tạo pháp lý. Trong 1968 thẩm phán toà án huyện thì có 1110 có trình độ đại học hoặc tương đương, 626 có trình độ trung cấp, 223 sơ cấp và chưa qua pháp lý. Như vậy về trình độ chuyên môn, ở toà án nhân dân tối cao gần 95% thẩm phán đạt yêu cầu, ở toà án tỉnh gần 81% đạt yêu cầu và ở huyện gần 56% đạt yêu cầu.

b) Hội thẩm nhân dân. Đây là một chế định được Hiến pháp ghi nhận và được ghi lại trong nhiều đạo Luật khác "việc xét xử của TAND có Hội thẩm nhân dân tham gia, việc xét xử các toà án quân sự có hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật tố tụng. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với thẩm phán". Điều này nói lên vị trí, vai trò quan trọng của Hội thẩm nhân dân. Theo quy định của pháp luật thì chỉ có công dân Việt nam trung thành với tổ quốc, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật , có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao, có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lơi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì mới có thể được bầu hoặc cử làm hội thẩm. Như vậy đối tượng được bầu hoặc được cử làm hội thẩm rất rộng. Thực tiễn thời gian gần đây cho thấy các hội thẩm là những người có kiến thức pháp lý nhất định, là những người chuyên môn, chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, vì vậy khi xét xử nếu hội thẩm phát huy vị trí vai trò của mình phổ biến giải thích các quy định của pháp luật mà mình nắm chắc, hiểu sâu thì hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ đạt được tốt.

3. Kiểm sát viên: Việc phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ của kiểm sát viên duy trì quỳên công tố tại phiên toà . Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định: "trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan của toà án, công an, thanh tra, tư pháp và các cơ quan khác của Nhà nước ... trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật ". Tại phiên toà kiểm sát viên phải thể hiện những hành vi của mình đúng pháp luật. Khi công bố cáo trạng phải nếu rõ hành vi phạm tội, điều cấm của Luật hình sự, nguồn Luật hình sự khi thẩm vấn, tranh luận phải đưa ra được những căn cứ pháp luật, lập luận buộc tội phải chặt chẽ. Thực trạng đội ngũ kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp chúng tôi chưa có tài liệu chính thức, nhưng kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những điểm tương đồng với thẩm phán toà án nhân dân tối cao.

4. Luật sư: Đây là một chủ thể phổ biến giáo dục pháp luật. Trong thời gian gần đây, Luật sư đã phát huy được phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử. Tuy nhiên thực trạng cho thấy hiện nay vai trò của Luật sư trong việc phổ biến giáo dục pháp luật còn yếu, ít khi vận dụng đúng pháp luật, ít khi đưa ra những quy định của pháp luật để bào chữa, bảo vệ quyền lợi. Trong tổng số 562 Luật sư của 50 đoàn thì 301 có trình độ pháp lý, 225 có trình độ tương đương đại học.

5. Một số người khác: có một số người khác là những nhà chuyên môn, khi được mời ra phiên toà đã không phát huy được vị trí, vai trò của mình trong việc góp phần giải quyết vụ án cũng như trong việc phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng. đây còn là một điểm yếu.

Thứ hai là: Chất lượng bản án, quyết định của toà án. Tức là tính căn cứ pháp luật, tính đúng đắn bảo đảm sự nghiêm minh nhưng nhân đạo.

Thứ ba là: Thủ tục tố tụng tại phiên toà. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử. Ngay trước khi bắt đầu phiên toà việc thư ký phổ biến nội quy phiên toà cũng là phổ biến giáo dục pháp luật. Khi bắt đầu phiên toà, những thủ tục do pháp luật quy định nếu được thực hiện tốt thì tác dụng giáo dục của phiên toà tốt. Nhiệm vụ của chủ toạ phiên toà giải thích quyền và nghĩa vụ của những người đuợc triệu tập đến phien toà, quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch và người giám định và người làm công chứng... đã mang tính phổ biến giáo dục cao. Nếu thực hiện tốt những việc đó thì bảo đảm của việc phổ biến giáo dục pháp luật. Thủ tục xét hỏi tại phiên toà (nếu đầy đủ, có kế hoạch có nghệ thuật), sự linh hoạt của chủ toạ phiên toà cũng là yếu tố quýêt định của phổ biến giáo dục pháp luật. Tranh luận tại phiên toà, nghị án là những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật . Yếu tố quan trọng khác là phải bảo đảm những quy định chung vè thủ tục tố tụng tại phiên toà như xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục bảo đảm sự có mặt của những người tham gia tố tụng. Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật đặc biệt là giữa kiẻm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại...

Thứ tư là hình thức xét xử. Theo quy định của pháp luật thì việc xét xử của toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Chỉ trong trường hơp đặc biệt, cần giữ gìn bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội thì toà án mới xử kín nhưng cũng phải tuyên án công khai và xét xử công khai thì phụ thuộc vào xét xử tại trụ sở hay lưu động. Thực tiễn cho thấy xét xử lưu động phát huy cao nhất hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật. Thế nhưng viẹc xét xử lưu động của các toà án còn rất ít so với xét xử tại trụ sở toà án, bởi lẽ điều kiện, kinh phí còn hạn hẹp.

Hình thức xét xử còn có nghĩa là hình thức của hội trường xét xử, cơ sơ vật chất phục vụ cho xét xử. chúng tôi cho rằng đây cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Nếu hội trường xét xử có nội quy phiên toà, có khẩu hiệu mang tính phổ biến giáo dục pháp luật thì ngay từ đầu đã tạo nên sự trang nghiêm, ý thức pháp luật cho người dự phiên toà. Nếu cơ sơ vật chất phục vụ cho việc xét xử tốt như bàn ghế đúng kiểu cách phù hợp, hệ thống truyền thanh tốt... thì việc phổ biến giáo dục pháp luật sẽ đạt hiệu quả cao. đáng tiếc rằng hiện nay các toà án nói chung chưa có hội trường xét xử đúng nghĩa của nó, nếu có thì chưa thật đúng yêu cầu, cơ sở vật chất còn kém do điều kiện kinh tế của Nhà nước, kết quả kkhảo sát cho thấy 31,6% trả lời phiên toà kém trang nghiêm do bài trí, nghi thức, do đó hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử chưa cao.

Thứ năm là việc phối hợp đưa tin về hoạt động xét xử của toà án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc hoạt động xét xử của toà án (trước, trong và sau khi xét xử) các ảnh hưởng lớn đến việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, cho nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa toà án và các phương tiện thông tin đại chúng.

Khảo sát 800 sinh viên các trường đại họ tại Hà nội, thành phố Hồ chí Minh, Cần thơ; khảo sát 600 người tại 2 trường hành chính, Đảng, và các đoàn thể ngành; khảo sát 4328 học sinh phổ thông về nguồn tin pháp luật đã cho kết quả sau:

BBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBB

Kết quả trên cho thấy; tỷ lệ người tham dự phiên toà chỉ trong phạm vi 19,6% đến 36,74% trong khi đó tỷ lệ người nhận thông tin pháp luật pháp luật qua báochí rất cao (từ 64,9-76%) chứng tỏ rằng tuyên truyền về hoạt động xét xử có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Bảng phụ lục kết quả nghiên cứu của sở tư pháp Hà nội tình hình tham dự phiên toà còn cho thấy trong nông dân có 25% số người được hỏi đã dự phiên toà. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ: các phương tiện thông tin đại chúng cần có biẹn pháp để đưa thông tin pháp luật nói chungvà thông tin về hoạt động xét xử nói riêng đến cho nông dân

Trước khi xét xử toà án có thể tổ chức họp báo, có thể đề nghị thông tin về ngày, giờ, địa điểm, vụ án toà án sẽ đưa ra xét xử. Các phương tiện thông tin đại chúng cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cử người theo dõi, viết tin về hoạt động xét xử của toà án.

Trong khi xét xử toà án cần tạo điều kiện cho các phương tiện thông tin đại chúng tiếp cận, tham dự phiên toà. Có thể cần làm rõ những điểm cần phân tích, nhấn mạnh. Các phương tiện thông tin đại chúng cần cử người có kiến thức, năng lực tham dự phiên toà, chú ý lắng nghe ý kiến của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng để phân biệt những sự đúng sai trong vụ án và nhấn mạnh đến vấn đề cần đưa tin.

Sau khi xét xử cần đưa tin ngay, trong khi đó cần làm rõ các quyết định của toà án. Bằngviẹc đưa tin đó làm những người không có điều kiện tham dự phiên toà biết những quyết định của toà án, các quy định của pháp luật bị vi phạm , các quy định của pháp luật được áp dụng. Từ đó hình thành trong mọi người ý thức pháp luật và giáo dục mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Tiếc rằng việc đưa tin của chúng ta còn yếu, chưa đưa đầy đủ khách quan cho nên hiẹu quả còn hạn chế.

Thứ sáu là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những tiêu chuẩn của Nhà nước pháp quyền là mọi quan hệ xã hội đuợc điều chỉnh bằng pháp luật . đồng thời các quy định trong các văn bản pháp luật phải chặt chẽ, đày đủ, cụ thể, tức là chất lượng trong các văn bản pháp luật phải cao điều kiện này là sự bảo đảm kiên quyết để việc xét xử dễ dàng, không có sự tranh cãi, khiếu nại, khiếu kiện. Thực tiễn cho thấy trong những năm gần đây Nhà nước ta đã ban hành nhiều Luật, pháp lệnh, song hệ thống pháp luật của chúng ta còn rất thiếu và yếu tức là do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật lập pháp cho nêncó nhiều văn bản pháp luật trong đó quy định chưa đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, hiệu quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật còn bị hạn chế nhiều.

V. Kiến nghị giải pháp nhằm làm cho Công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử đạt được kết quả cao.

Xuất phát từ vị trí và những nét đặc trưng của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, với sự phân tích các vấn đề đã được nêu trên, đặc biệt là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả và các yếu tố quyết định hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, chúng tôi có một số kiến nghị và giải pháp để cho Công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử đạt kêt quả cao.

Thứ nhất là về con người: trong thời gian vừa qua Nhà nước ta đã ban hành 2 pháp lệnh quan trọng : pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm toà án nhân dân; pháp lệnh về kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. chúng tôi cho rằng điều đó là cần thiết và là một bước cải cách tư pháp tiêu chuẩn hoá cán bộ. Trong thời kỳ chuyển tiếp này chúng tôi đồng ý rằng chưa thể đào tạo ngay và đòi hỏi phải có ngay những người đủ tiêu chuẩn như pháp lênh qua định. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng càn thiết phải xây dựng một đội ngũ cán bộ làm Công tác xét xử vừa "hồng"vừa "chuyên".

Đặc biệt là trong thời gian đầu thực hiện việc tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán theo quy định của pháp luật chúng tôi cho rằng cần ưu tiên người đầy đủ tiêu chuẩn để đề nghị chủ tịch nước bổ nhiệm làm thẩm phán. Sau khi được bổ nhiệm chúng tôi cho rằng cần có định kỳ tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán. Chế định có hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là cần thiết. Tuy nhiên cần có sự sửa đổi, bổ sung làm sao hội thẩm nhân dân đóng vai trò giúp sức cho thẩm phán. Đối với người được bầu hoặc cử làm hội thẩm phải có đủ tiêu chuẩn, khi đã là hội thẩm nhân dân cần trau dồi nghiệp vụ, cần được bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn định kỳ.

Về kiểm sát viên cũng tương tự như thẩm phán phải thực hiện theo đúng quy định của pháp lệnh. Về Luật sư cũng cần có sự tuyển chọn và nhất thiết phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về Luật sư. Nếu Luật sư nào không có đủ tiêu chuẩn, trình độ nhất thiết không được hành nghề.

con người là mấu chốt của mọi công việc; do đó, chúng tôi đề nghị nên ưu tiên và chú trọng vấn đề này. chúng tôi cũng đề nghị trong chương trình đào tạo của trường đại học Luật cần bổ sungvào chương trình giảng dạy về phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật của những người tiến hành tố tụng trong Công tác xét xử.

Thứ hai là nâng cao chất lượng xét xử của toà án, muốn vậy chúng tôi đề nghị sớm ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu, sửa đôỉ, bổ sung những quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tế khách quan. Cần có sự sửa đổi, bổ sung về thủ tục tố tụng cho chặt chẽ và làm sao ngay tại phiên tòa những người tố tụng và Luật sư chú ý tiến hành giáo dục pháp luật .

Cần tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho toà án. không thể để tình trạng toà án không có trụ sở, không có hội truờng xét xử. Cấp đủ kinh phí hoạt động cho toà án, đặc biệt là bảo đảm kinh phí để toà án có thể tăng cường việc xét xử lưu động .

Thứ ba là cần có trang phục xét xử thống nhất bảo đảm tính trang nghiêm, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những người làm Công tác xét xử. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật mới cho cán bộ làm Công tác nghiên cứu, xét xử tiếp tục hoàn thiện trang thiết bị cho toà án, xây dựng tủ sách pháp lý ở mỗi một toà án.

Thứ tư là cần xây dựng một hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp đủ mạnh, giứp cho việc xét xử được kịp thời, nhanh chóng, chính xác.

Thứ năm là có biện pháp để mọi tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và những người có liên quan tham dự phiên toà, để bảo đảm việc xét xử công bằng, chính xác.

Thứ sáu là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, sự phối hợp giữa toà án với các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa tin về kết quả xét xử. Không nên xem toà án là cửa cấm đối với nhà báo. Muốn vậy cần có những quy định về cơ chế phối hợp, kế hoạch phối hợp giữa toà án với các cơ quan này.

Tóm lại: chúng tôi cho rằng trong công cuộc đổi mới hệ thống trính trị nói chung, cải cách tư pháp nói riêng chúng ta cần làm sao cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, ca cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Những kiến nghị, những giải pháp trên đây của chúng tôi chắc chắn rằng chưa đầy đủ và chưa phải là tốt, nhưng chúng tôi thấy rằng nếu làm tốt những kiến nghị trên chắc chắn rằng việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử đạt hiệu quả khả quan.

- Lý luận và thực tiễn chứng minh rằng các giai đoạn tố tụng (kể cả giai đoạn thi hành án) là một thể thống nhất, gắn bó hữu cơ với nhau. Qua khảo sát thực tiễn, trong báo cáo tham luận hội thảo đã có nhiều ý kiến đề cập đến những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới PBGDPL. Thông qua hoạt động xét xử; trong đó chất lượng của giai đoạn điều tra, tính chính xác của giai đoạn khởi tố, tính triệt để của giai đoạn thi hành án... đều ảnh hưởng đến hiệu quả PBGDPL trong giai đoạn xét xử.

Vì thế để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện chúng tôi đề nghị mở rộng chuyên đề này đối với tất cả các giai đoạn tố tụng kể cả giai đoạn thi hành án với tiêu đề là phổ biến giáo dục pháp luật trong các giai đoạn tố tụng.

Đặng quang Phương

Nguyễn văn Hoan

bản tổng thuât các tham luận

(qua các bản tham luận)

Hội thảo khoa học "phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử" tổ chức ngày 22-9-1993 có 34 đại biểu với thành phần: thẩm phán, Hội thẩm toà án nhân dân, Kiểm sát viên, Luật sư, Luật gia, các chuyên gia trong lĩnh vực này, phóng viên, biên tập viên một số báo và tạp chí. ở đây chúng tôi chỉ tổng thuật một số ý kiến của đại biểu qua các bản tham luận:

Thẩm phán TAND tối cao Đinh văn Quế:

"... Thông qua phiên toà để TTGDPL là một hình thức mang lại hiệu quả rất lớn. Song nếu phiên toà không được chuẩn bị chu đáo, thủ tục tố tụng tại phiên toà bị vi phạm, bản án của Hội đồng xét xử thiếu sức thuyết phục, thậm chí có trường hợp trái pháp luật thì việc TTGDPL không những không có hiệu quả mà còn phản tác dụng.

Nội dung TTGDPL thông qua phiên toà cũng rất phong phú, mỗi phiên toà có thể giáo dục hoặc một số vấn đề. Vì vậy khi mở phiên toà xét xử một vụ án ngoài yêu cầu giải quyết vụ án đề ra yêu cầu về TTGDPL qua phiên toà đó. Trên cơ sở đó mà chuẩn bị các vấn đề cần tiến hành trong quá trình xét xử. Thí dụ khi mở phiên toà xét xử bị cáo chưa thành niên phạm tội trộm cắp tài sản riêng của công dân. Hội đồng xét xử dự kiến sẽ làm rõ trách nhiệm của bố mẹ với con cái, của nhà trường với học sinh, thì trong quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành phiên toà, Hội đồng xét xử phải đề ra những yêu cầu cụ thể với người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Đặc biệt là trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên toà.

... Vấn đề có tính chất quyết định nhất cho việc TTGDPL tại phiên toà là việc xét hỏi. Mặc dù chủ tọa phiên toà là người chủ trì việc xét hỏi. Nhưng ngoài ra còn có hội thẩm nhân dân, thẩm phán kiểm sát viên, Luật sư cũng là những người xét hỏi. Các câu hỏi đó không chỉ phục vụ cho việc xác định sự thật của vụ án mà phải có nội dung TTGDPL. Đặt câu hỏi là một nghệ thuật cùng với việc đặt câu hỏi, từng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và giải thích cho bị cáo và chủ toạ được biết thêm về pháp luật. Việc giải thích cần chú ý tránh dài dòng, lạc đề. Trong quá trình xét hỏi phải tôn trọng các quy định của pháp luật, vô tư khách quan không truy chụp, không mớm hoặc ép cung để người được hỏi và người chủ toạ không có cảm giác là Hội đồng xét xử có thành kiến với người bị hỏi.

... Bản án mà chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử tuyên phản ánh toàn bộ diễn biến sự việc, quá trình điều tra truy tố, xét xử và cuối cùng là sự phán quyết của toà. Bản thân bản án đã là một tài liệu TTGDPL. Nhưng một bản án có nhiều mâu thuẫn, phản ánh không trung thực, vận dụng pháp luật sai sẽ phản tác dụng đối với người nghe. Người đọc bản án phải luyện tập để đọc được lưu loát, dõng dạc có sức truyền cảm và tác dụng tuyên truyền được nhân lên".

Hội thẩm nhân dân toà án Hà nội Bùi Tâm :

"... Nếu một số kiến nghị nhằm giúp Hội thẩm nhân dân làm tốt nhiệm vụ được giao:

1. Cần đổi mới Công tác bồi dưỡng cho các Hội thẩm nhân dân nhằm giúp Hội thẩm nhân dân sớm nắm vững nghiệp vụ chuyên môn và pháp luật .

- Phát trước những văn bản Luật và dưới Luật do các cơ quan pháp luật hướng dẫn để Hội thẩm nhân dân nghiên cưú đề xuất vấn đề có thể xắp xếp theo trình tự một bài giảng kết hợp giải đáp những vấn đề lớn mà Hội thẩm nhân dân đề xuất, cung cấp hoặc mua giúp Hội thẩm nhân dân cả tạp chí toà án.

_ Chọn những Hội thẩm nhân dân đã từng Công tác một vài khoá báo cáo những kinh nghiệm hay và chưa hay, những mắc mứu trong quá trình xét xử.

- Tổ chức những buổi trao đổi, quán triệt quan điểm, đường lối xét xử của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo giải đáp những thắc mắc, đề nghị của Hội thẩm nhân dân.

- Hiện nay Hội thẩm nhân dân không có nơi ngồi nghiên cứu hồ sơ, yếu cầu bố trí nơi nghiên cứu hồ sơ kín đáo, bảo đảm bí mật, tránh mất mát.

- Hội thẩm nhân dân phải vận dụng trí tuệ, sức lực nên rất mệt nhọc, tốn kém nhiều năng lực, buổi trưa không có chỗ ăn nghỉ, thù lao thấp, 3-4 tháng không được lĩnh, cần khắc phục sớm tình trạng này.

- trang phục cho Hội thẩm nhân dâm cần được cấp phát đồng phục theo mẫu bảo đảm sự chững chạc, uy nghiêm xét xử tội phạm.

- Đề nghị toà án các cấp cần có người chuyên viết tin bài cho đài phát thanh và báo chí ( người này nên là thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân có năng khiếu và cũng có chế độ Công tác của họ). Cần tổng hợp rút ra bài học cho từng đối tưọng. Nếu chỉ đưa tin thì hiệu quả tuyên truyền rất hạn chế..."

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Phạm huỳnh Công

"... Để có hiệu quả TTGDPL, kiểm sát viên cần có trình độ chuyên môn, nắm vững pháp luật, có nhân quan chính trị và sự nhạy bén trước những diễn biến tại toà. Kiểm sát viên còn phải luôn có ý thức TTGDPL trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình".

Luật sư Trần Thị Phương Đức:

"... Người Luật sư dùng lời bào chữa của mình để bảo vệ hợp pháp cho bị cáo, góp phần thực hiện quyền bình đẳng, quyền dân chủ trước pháp luật của công dân đồng thời giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và quy tắc xã hội cho bị cáo góp phần bảo vệ pháp chế XHCN.

- Phiên toà nào cũng cần có Luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ cho bị hại hoặc đương sự, thể hiện sự tông trọng quyền được bảo vệ của ngươig công dân trước pháp luật .

Bài bào chữa của Luật sư ở các vụ án là một công cụ TTGDPL tốt vì nó phải khai thác những nguyên nhân dẫn đên phạm tội phải nêu lên được những cơ sơ pháp lý để giảm nhẹ hình phạt hoặc phản bác chứngcứ buộc tội để minh oan cho bị can. Nhưng không được vì bào chữa co thân chủ của mình mà quy kết, đổ lỗi cho người khác.

Một số ý kiến đề xuất:

1/ Trước hết những người cầm quyền trong các cấp và toàn bộ hệ thống các cơ quan phải thông hiểu pháp luật để không vi phạm .

2/ Khi xét xử cũng như khi điều tra phải hết sức khách quan công bằng. Người có tham gia, có liên quan phải có mặt trước toà để khai báo.

Những người cầm quyền, cơ quan chức năng không được chỉ thị, tác động vào công việc của toà để hội đồng xét xử độc lập suy nghĩ, phán xử.

3/ Chấm dứt việc xin chỉ thị cấp trên về vụ án nhất là mức án.

4/ Phải có kinh phí cho Công tác tuyên truyền sau phiên toà. Với cơ quan có bị can hoặc địa bàn cần phòng chống tội phạm, cần phổ biến trực tiếp kết quả phiên toà.

5/ Báo chí thông tin về vụ án từ lúc nào là đúng nhất, đưa vấn đề gì ... cần thống nhất. Báo chí cần phanh phui những sự kiện bị bưng bít đằng sau toà, dưới hình thức xử lý nội bộ.

6 / Người xét xử phải được trang bị nhiều kiến thức xã hội, tâm lý, văn học... Ngoài vốn pháp luật để có điều kiện hiểu thấu nội tâm bị can, đương sự...

Đồng chí Vũ Quốc Thuỳ vụ trưởng vụ quản lý toà án địa phương Bộ tư pháp:

"... Muốn có bản án đúng pháp luật và phiên toà xét xử tốt cần có thẩm phán giỏi và cơ sở vật chất đầy đủ, ngày càng hiện đại. Trình độ thẩm phán hiện nay tuy đã được nâng cao về mặt pháp lý, chính trị, văn hoá, nhưng vẫn chưa cơ bản, toàn diện, kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán của nhiều nước trên thế giới hiện nay là ngoài văn bằng học lực bậc đại học trở lên, còn phải đào tạo, bồi dưỡng thực tập về "nghề thẩm phán, nghề xét xử, nhất là trau dồi phẩm chất, tư chất thẩm phán, rèn luyện cả cử chỉ, lời nói ở phiên toà. Như Bác Hồ nói: "nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như vấn đề khác là vấn đề ở đời và làm người.... Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân...là để giúp mình thêm liêm khiết công bằng... "

Luật gia Ngô Văn Thâu:

"... Lối thế của hoạt động xét xư:

- ở ngay mục đích của nó;

- ở việc tiến hành bằng những hành vi pháp lý của nhiều chủ thể ;

- tiến hành hầu hết là công khai, có dông đảo quần chúng dự thính;

- Giải quyết một sự việc có thật trong đời sống. Xét theo góc độ giáo dục là giáo dục con người qua người thật, việc thật cũng có thể nói là hình thức giáo dục trực quan;

- Một lợi thế quan trọng cần được khai thác là tâm thế của đối tượng trước phiên toà.

Phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn để năng cao trình độ pháp lý và năng lực thực hành của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.

- cũng cần nghiên cứu một số yêu cầu khi tuyển dụng thẩm phán (hình thể, khả năng diễn đạt...)

- Tăng cường các phiên toà lưu động (cần quan niệm đầy đủ hơn về phiên toà điển hình).

- Tăng số lượng thẩm phán để không chạy theo vụ việc;

- ủng hộ, khuyến khích mời Luật sư, người bào chữa.

- gấp rút xây dựng Luật tố tụng dân sự, cải cách về điều tra dân sự (chuyển việc điều tra cho viện kiểm sát nhân dân để bảo đảm khách quan, độc lập của thẩm phán).

Nguyễn Quốc Việt, phó vụ trưởng vụ hình sự - hành chính Nhà nước - Bộ tư pháp :

"... Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, một điều kiện quan trọng bậc nhất quyết định hiệu quả giáo dục pháp luật qua hoạt động xét xử, dưới góc độ xây dựng pháp luật , là phải xây dựng một trình tự, thủ tục tố tụng khoa học, bảo đảm việc xét xử thật sự khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không bỏ sót tội phạm, không xử oan người vô tội.

Trình tự thủ tục này, nhất là đối với giai đoạn xét xử, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án. đặc biệt là đối với toà án cơ quan nhân danh Nhà nước kết tội một người cũng phải quy định để toà án thực sự độc lập khi xét xử, thật sự là trọng tài cho hai bên buộc tội và gỡ tội. Mặt khác cần có sự quy định, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, tránh tình trạng "trục trặc kỹ thuật", ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả giáo dục của hoạt động xét xử.

Khi xét xử toà căn cứ vào những điều Luật hiện hành. Nhưng nếu điều Luật đó không còn phù hợp với tình hình. kinh tế xã hội thì tác dụng giáo dục của phiên toà cũng không cao... Vì vậy việc kịp thời bổ sung sửa đổi những điều kiện đã lỗi thời có ý nghĩa lớn đối với việc nâng cao hiệu quả giáo dục của phiên toà.

Đồng chí Nguyễn Tất Viễn và Lê thu Hương, tạp chí dân chủ và pháp luật .

"... để báo chí TTGDPL có hiệu quả hơn, theo chúng tôi cần chú ý mấy điểm sau:

Đối với vụ án chưa xét xử, việc đưa tin cần hết sức thận trọng và có hạn chế. Thực tế có những vụ án chưa xử báo chí đưa tin thiếu chính xác, gây sức ép về tâm lý, gây khó khăn cho xét xử.

- những vụ án đã xử sơ thẩm nhưng có kháng cáo, tức là chưa có hiệu lực pháp luật, việc đưa tin cũng có mức độ, tránh kết luận chủ quan, ảnh hưởng tới việc xét xử phúc thẩm.

- Việc đưa tin án đã có hiệu lực pháp luật, nên nêu nhiệm vụ xử nghiêm, áp dụng đúng pháp luật để TTGDPL và tạo mối thiện cảm với cơ quan xét xử. Tất nhiên cũng có thể nêu nhận xét đánh giá vì bản án chưa nghiêm chưa đúng

Đồng chí Quốc Khánh phóng viên báo đại đoàn kết:

"... Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Kiên quyết xử những vụ tiêu cực trong cơ quan lập pháp.

Một thẩm phán kém cỏi, ăn hối lộ... thì không thể có uy tín, cần thực sự tôn trọng vai trò của Luật sư. Ngoài ra cần trang bị cho toà án cơ sở vật chất để xét xử.

Đối với phóng viên báo chí cần làm tốt Công tác tuyên truyền, cần trao đổi thông tin, phối hợp, tạo điều kiện để nhà báo được hoạt động theo đúng quy định của Luật báo chí tại phiên toà, cần cho phóng viên tiếp cận hồ sơ hoặc định kỳ thông báo cho các báo lịch xét xử.

bản tông hợp kết quả khảo sát hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Để có sự đánh giá khái quát về những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, chúng tôi đã khảo sát thăm dò dư luận bằng phiếu khảo sát trong một số đối tượng; cán bộ quản lý, cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp, cán bộ thuộc các đoàn thể quần chúng và chủ yếu là tất cả các cán bộ đoàn ở các địa bàn; thành thị, nông thôn, đồng bằng, trung du, miền núi, các cơ quan đơn vị quân đội.

1. Về sự quan tâm của nhân dân theo kết quả xét xử có 89,5% trả lời đến dự phiên toà vì muốn hiểu biết việc xét xử.

2. Trả lời cau hỏi liên quan đến tính đúng đắn, công bằng. nghiêm minh của bản án 78,9% trả lời cơ bản là đúng. Điều này phù hợp với con số thống kê về tỷ lệ án cải sửa của toà phúc thẩm TANDTC (cả 3 toà: Hà nội, Đà nẵng, TPHCM) 1989; 30,9%; 1990; 22,6%; 1991; 33,7%; 1992; 33,2%.

3. Đánh giá về năng lực và phẩm chất của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tại phiên toà: kết quả trả lời như sau.

Với thẩm phán chủ toạ phiên toà: rất tin 53%

tin: 94,7%

Không tin 0%

Với Hội thẩm nhân dân rất tin 15,8%

tin 78,9%

không tin 5,3%

với kiểm sát viên rất tin 10,5%

tin 78,9%

không tin 10,5%

với Luật sư rất tin 15,8%

tin 68%

không tin 5,3%

với thu ký phiên toà rất tin 26,3%

tin 73,7%

4. đánh giá về tính trang ngiêm của phiên toà 58,7% cho rằng phiên toà trang ngiêm.

a) nguyên nhân trang ngiêm

- do chủ toạ 63,1%

- do công an bảo vệ 68,4%

- do báo chi nghi thức 31,6%

- do ý thức người dự 47,4%

b) nguyên nhân không trang ngiêm:

-do chủ toạ vi phạm thủ tục tố tụng hoặc sử sai 10,5%

- do tính khí nhu nhược phong cách luộm thuộm của chủ toạ 15,8%

- do công an bảo vệ 15,8%

- do báo chí nghi thức 15,8%

- do ý thức người dự 10,5%

BBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBBB

Chuyên đề 5:

ngành tư pháp trong việc chỉ đạo, tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật - các điều kiện bảo đảm hiệu quả phối hợp giáo dục pháp luật

Người thực hiện : Dương Thanh Mai

Nguyễn Duy Lãm

I. Tính cấp thiết về mặt lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu chuyên đề- phạm vi nghiên cứu.

1. sự cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn.

Công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước đang đặt ra yêu cầu cấp bách nghiên cứu cải cách hệ thống chính trị nói chung, cải cách bộ máy hành chính quốc gia và cải cách tư pháp nói riêng. Trên cơ sở Hiến pháp 1992, hàng loạt các Luật tố tụng; Quốc hội, chính phủ, TAND, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và uỷ ban nhân dân... đã và đang được quốc hội thông qua. các nghị định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc chính phủ cũng đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện các hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý trong từng lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, pháp luật ... xây dựng pháp luật , giáo dục pháp luật , thực hiện và bảo vệ pháp luật là nhiệm vụ và luật định của nhiều cơ quan Nhà nước , tổ chức xã hội. do đó một vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nghiên cứu đề ra cơ chế hợp lý để phối hợp hoạt động của các cơ quan tổ chức đó, phải "Luật " hoá cơ chế và phương thức phối hợp theo những quy trình khoa học, đồng thời phù hợp với những điều kiện thực tiễn khách quan đang biến đổi mạnh mẽ. Nhiều dự thảo Luật, văn bản dưới Luật theo định hướng này dang nghiên cứu để ban hành như Luật về thẩm quyền và trình tự ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp giữa Bộ tư pháp và TANDTC trong Công tác quản lý toà án nhân dân địa phương...

Nghiên cứu về chủ thể phổ biến TTGDPL, đặc điểm, phương thức hoạt động và yêu cầu đối với từng chủ thể là một nội dung quan trọng của nghiên cứu lý luận giáo dục pháp luật đã đuợc đề cập trong chuyên đề lý luận. Trong hệ thống rất đa dạng các chủ thể giáo dục pháp luật có những chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động giáo dục pháp luật tác động tới đối tượng GDPL (như các tuyên truyền viên, báo cáo viên, giáo viên dạy pháp luật, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tại phiên toà...) nhưng cũng có những chủ thể chỉ "gian tiếp" tác động tới đối tượng giáo dục pháp luật thông qua hoạt động nghiên cứu vach ra định hướng nội dung hình thức, phương pháp GDPL, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa các chủ thể trực tiếp nhằm đat được mục đích chung của GDPL trong phạm vi toàn xã hội, góp phần giải quyết các công việc chung cuả nền pháp chế. Việc nghiên cứu về những chủ thể này trong lý luận về GDPL còn đang là vấn đề để ngỏ.

Thực tiễn hoạt động GDPL những năm qua cho thấy một nhu cầu bức bách nhằm năng cao hiệu quả GDPL là phải có một hệ thống quản lý thống nhất hoạt động GDPL. có một cơ chế phối hợp hợp lý giữa các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ GDPL theo những chương trình kế haọch chung sao cho phát huy được hết tính chủ động, khả năng của từng chủ thể, đồng thời kết hợp, hỗ trợ tốt nhất giữa những chủ thể khác nhau phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương. Nhiều cuộc hội thảo khoa học, hội nghị sơ tổng kết liên quan tới vấn đề GDPL cho từng đối tượng cụ thể nói riêng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chưc hữu quan. Về việc phải có những văn bản pháp lý của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, của chính phủ quy định, bảo đảm cho việc phối hợp, điều hành chung hoạt động GDPL với sự đầu tư tương xứng cần thiết của Nhà nước. ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều hình thức tổ chức phối hợp GDPL với những thành công thất bại đã được tiến hành trong những năm qua nhưng chưa có x nghiên cứu tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm chung, mô hình hoá và "Luật hoá" do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Nhiều cách làm tốt trong thời kỳ bao cấp nay đã trở nên kém hiệu quả, không còn khả năng thực thi trong điều kiện mới, đòi hỏi phải có những điều chỉnh định hướng mới.

Chuyên đề này được đưa vào đề tài nhằm khắc phục sự khiếm khuyết đó trong nghien cứu lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Tính thời sự của vấn đề còn được khẳng định sau khi vấn đề chính phủ ban hành nghị định 38-Cp ngày 4-6-1993 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Bộ tư pháp, trong đó quy định nhiệm vụ trung tâm phối hợp TTGDPL của các cơ quan tư pháp từ TW đến địa phương.

2. Phạm vi nghiên cứu của chuyên đề:

Chuyên đề tập trung nghiên cứu, làm rõ các vấn đề sau:

- Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo GDPL, vị trí của ngành tư pháp trong hệ thống lãnh đạo và chỉ đạo và tổ chức GDPL.

- Các mô hình phối hợp và lãnh đạo tổ chức phối hợp GDPL.

- Các điều kiện bảo đảm hiệu quả phối hợp GDPL; các kiến nghị đề xuất.

II. Hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo TTGDPL. Vị trí của ngành tư pháp.

1, Hệ thống các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo GDPL.

Các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã xác định một cách nhất quán vị trí và trách nhiệm của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và các đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tăng cường pháp chế XHCN.

có thể tạm chia thành 3 hệ thống lãnh đạo Công tác giáo dục pháp luật như sau:

- Lãnh đạo của các cơ quan Đảng.

- Lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước (quốc hội, chính phủ... ).

- Lãnh đạo của các đoàn thể.

Theo chiều ngang sẽ nghiên cứu mối quan hệ phối hợp giữa các hệ thống này và theo chiều dọc phân tích mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo trong từng hệ thống ở các cấp trung ương, địa phương, cơ sở.

1.1 Lãnh đạo các cơ quan Đảng đối với Công tác GDPL

Điều 4 Hiến pháp 1992 đã khẳng định: Đảng cộng sản Việt nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Nhà nước và pháp luật

Các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các hội nghị Bộ chính trị, Ban bí thư trung ương hay ban chấp hành về các vấn đề liên quan tới quản lý Nhà nước tăng cường giáo dục pháp chế XHCN đều xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trong việc lãnh đạo Công tác giáo dục pháp luật .

Nghị quyết Họi nghị trung ương 8 khoá 4/1980 nêu rõ:

" Các cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ Công tác tuyên truyền giáo dục trong Đảng trong nhân dân về nội dung Hiến pháp, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân trong việc thi hành Hiến pháp. Tổ chức cho cán bộ Đảng viên, trước hết là cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng nghiên cứu kỹ những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp quyền theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- lênin về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước .

Nghị quyết Đại hôi Đảng lần thứ 5 xác định. "các cấp uỷ Đảng, các cơ quan Nhà nước, và các đoàn thể phải thường xuyên giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân...

a) Nội dung lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với GDPL.

trước khi đi vào các nội dung cụ thể. ở đây theo chúng tôi cần làm rõ một quan niệm đã và đang được đổi mới trong Công tác lãnh đạo của Đảng đối với GDPL. Như đã phân tích ở chuyên đề lý luận, trước đây có một thời kỳ dài, việc lãnh đạo quản lý Nhà nước chủ yếu bằng chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng chứ chưa phải bằng pháp luật. Trong giai đoạn đó, giáo dục chính trị, tư tưởng được coi là toàn bộ các hoạt động giáo dục. Giáo dục pháp luật không có vị trí độc lập của mình, các mục tiêu của GDPL như ý thức pháp luật và hành vi hợp pháp đươc hoà lẫn trong các mục tiêu giáo dục chính trị- tư tưởng, dường như con người có ý thức chính trị- tư tưởng vững vàng sẽ tự khắc là một công dân có đầy đủ hiểu biết và khả năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình và tham gia quản lý Nhà nước theo đường lối chính trị của Đảng, chính vì vậy trong giai đoạn đó, Đảng lãnh đạo GDPL về thực chất là lãnh đạo công tác giáo dục tư tưởng chính trị. Thí dụ, Nghị quyết 210/ TW (ngày 29-12-1970) về công tác giáo dục tư tưởng, lý luận, chính trị đối với cán bộ, Đảng viên khi đề cập đến nhiệm vụ nội dung, phương châm giáo dục lý luận chính trị và tư tưởng đã ghi: "Nâng cao một bước phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, năng lực vận dụng lý luận Mác-lênin, đường lối chính sách của Đảng vào thực tiễn công tác, năng lực tổ chức và quản lý kinh tế cho cán bộ, Đảng viên, trên cơ sở đó bảo đảm cho cán bộ, Đảng viên có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng chấp hành đúng đắn các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và xã hội bằng pháp luật, Đảng cũng đã đổi mới quan niệm về vị trí độc lập tương đối và mối quan hệ chặt chẽ của GDPL đôí với giáo dục chính trị, tư tưởng, từ đó xác định các nội dung, phương thức mới để lãnh đạo công tác GDPL.

Nội dung lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với GDPL tập trung ở các vấn đề sau:

- Đưa ra các mục tiêu, định hướng nội dung, và xác định trọng tâm GDPL trong từng thời kỳ phù hợp với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội chung của đất nước (ở trung ương) hay ở địa phương, cơ sở (các cấp uỷ Đảng địa phương, cơ sở.

- Xác định vị trí, trách nhiệm của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hay đoàn thể trong GDPL và phối hợp GDPL.

- Xắp xếp, đào tạo. bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo GDPL ở các cấp uỷ Đảng; bồi dưõng tập huấn về GDPL cho các cán bộ tuyên truyền, báo cáo viên pháp luật trong các cơ quan Đảng, lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng...

- Định kỳ kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm lãnh đạo chỉ đạo công tác lãnh đạo GDPL theo các định hướng đã định.

b) Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với GDPL.

ở từng cấp, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với GDPL khác nhau:

ở trung ương:

- Đại hội đại biểu toàn quốc- cơ quan tối cao của Đảng- ra các nghị quyết Đại hội trong đó có các vấn đề về phương hướng, yêu cầu GDPL cho cả nhiệm kỳ hoặc cả một thời kỳ dài (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ...), là văn bản có giá trị bắt buộc thực hiện đối với tất cả các tổ chức Đảng và cá nhân Đảng viên.

- Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng ra các nghị quyết hội nghị hay chỉ thị về từng vấn đề GDPL gắn vơi nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của đất nứoc về kinh tế, chính trị, xã hội trong từng thời kỳ cụ thể (thí dụ các chỉ thị của Bộ chính trị hay trung ương Đảng về chống tiêu cực (1986-1987) chống tham nhũng, buôn lậu (1992-1993)...

- Các Ban Đảng ( Nội chính, tuyên giáo...) hay cán bộ phụ trách lĩnh vực tương ứng của các cấp uỷ địa phương chủ động tổ chức hay tham gia vào các hình thức phối hợp GDPL ở địa phương (ban chỉ đạo, hội đồng phối hợp TTGDPL...) để xây dựng các kế hoạch, chương trình phổ biến GDPL ở địa phương, chù trì giao ban định kỳ về Công tác nội chính văn hoá, tư tưởng trong đó có các nội dung về GDPL; triển khai các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ tuyên huấn của Đảng ở địa phương, cơ sở.

ở cơ sở;

Các cấp uỷ Đảng cơ sở xây dựng và trực tiếp tổ chức thực hiện các kế hoạch, nội dung TTGDPL theo hướng dẫn của cấp trên và theo yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

1.2 Lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước đối với Công tác GDPL.

Trong hệ thống lãnh đạo này có thể chia thành 2 nhóm: sự lãnh đạo của các cơ quan quyền lực Nhà nước (quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp...) và các cơ quan thuộc chính phủ (chính phủ, các bộ ngành TW, uỷ ban nhân dân các cấp...)

a) Sự lãnh đạo của các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất:

- Cơ sở pháp lý.

Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong lĩnh vực pháp luật , Quốc hội có quyền làm Hiến pháp, Luật, sửa đổi Hiến pháp, quyết định chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, Luật; quyết định việc trưng cầu dân ý (Điều 84 Hiến pháp 1992). Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn giải thích Hiến pháp, Luật, pháp lệnh, nghị định của Quốc hội và uỷ ban thuờng vụ Quốc hội (Điều 91). Chủ tịch nươc có nhiệm vụ quyền hạn công bố Hiến pháp, Luật, pháp lệnh (điều 103). Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ bảo đảm nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương (điều 120) Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có nhiệm vụ phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước (điều 97 và điều 121 Hiến pháp 1992).

Ngoài ra, Quốc hội còn có nhiệm vụ rất quan trọng là "quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn ngân sách Nhà nước" (điều 84), Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về... kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách ở địa phương.

- Nội dung lãnh đạo : những nhiệm vụ Hiến pháp trên đồng thời cũng là cơ sơ pháp lý để xác định lãnh đạo của các cơ quan quyền lực Nhà nước đối với công tác GDPL. Theo chúng tôi đó là những nội dung chính sau:

+ KHi xem xét quyết định chương trình làm Luật, pháp lệnh, Quốc hội đồng thời cần xác định mục tiêu, yêu cầu của chương trình phổ biến tuyên truyền pháp luật, pháp lệnh đó và phê chuẩn ngân sách cho công tác PBGDPL cần với ngân sách cho việc làm Luật pháp lệnh. ở địa phương, Hội đồng nhân dân cũng cần xác định kế hoạch PBGDPL như một phần không thể thiếu về NGhị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, Luật ở địa phương, đồng thời cũng xác định phần ngân sách (trung ương và địa phương) dành cho công tác này. Đây là nội dung lãnh đạo quan trọng nhất của các cơ quan quyền lực Nhà nước ở trung ương và địa phương để bảo đảm tính mục tiêu, tính kế hoạch và bảo đảm kinh phí cho hoạt động GDPL trong phạm vi toàn quốc và ở từng địa phương cơ sở.

+ Trong quá trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Quốc hội và uỷ ban thường vụ Quốc hội trực tiếp hc giao cho các cơ quan cuả Quốc hội, chính phủ chù trì việc xây dựng thực hiện kế hoạch phổ biến, tuyên truyền và lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân vào những dự thảo Luật quan trọng (Hiến pháp, Luật đất đai. Luật lao động ...).

+ Khi công bố Hiến pháp, Luật, pháp lệnh; chủ tịch nước đồng thời xác định mục tiêu, yêu cầu PBGD các văn bản đó và giao trách nhiệm cho các cơ quan thuộc Quốc hội, chính phủ, các đoàn thể thực hiện các yêu cầu đã nêu.

+ Nội dung giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với việc thi hành Hiến pháp, Luật phaỉ bao gồm việc giám sát thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, chương trình kế hoạch PBGDPL, đưa pháp luật vào đời sống. Trong các kỳ họp Quốc hội hay Hội đồng nhân dân có quyền và yêu cầu các cơ quan cuả Quốc hội, chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch (nội dung và ngân sách) PBGDPL.

- Phương thức lãnh đạo :

+ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân lãnh đạo GDPL bằng các nghị quyết kỳ họp với các nội dung trên; trực tiếp chù trì việc phổ biến, lấy ý kiến nhân dân đối với các văn bản quan trọng nhất.

+ Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân trực tiếp tham gia lãnh đạo các hình thức phối hợp PBGDPL (Ban chỉ đạo, Hội đồng phối hợp TTGDPL...); trực tiếp phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong khi tiếp xúc với cử tri, trong khitheo dõi, đôn đốc kiểm tra việc giải quyết các đơn từ khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

b) Sự lãnh đạo của các cơ quan thuộc chính phủ:

- Cơ sở pháp lý.

Hiến pháp 1992, điều 112 quy định chính phủ có các nhiệm vụ, quyền hạn: lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; tổ chức và lãnh đạo công tác TTGD Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân; trình tự dự án Luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình... Bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước; căn cứ vào Hiến pháp, Luật các nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội, lệnh của chủ tich nước; các văn bản của chính phủ và thủ tướng đề ra các quyết định,chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành các địa phương, cơ sở (điều 116). Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, Luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và Luật của Hội đồng nhân dân.

PBGDPL là một nội dung cấu thành của quá trình xây dựng thực hiện chấp hành Hiến pháp, pháp luật do các cơ quan hành pháp đứng đầu chính phủ là người chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức, lãnh đạo công tác TTPBGD trong toàn quốc và ở từng ngành, từng địa phương.

- Nội dung lãnh đạo .

+ Khi trình dự án Luật, pháp lệnh rước quốc hội và uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng thời trình dự án PBGDPL chung (như một dự án độc lập cho từng thời kỳ) hoặc là một bộ phận bắt buộc trong các dự án Luật. Trong các dự án đó cần phải có các dự toán ngân sách cho công tác GDPL, bình đẳng với công tác xây dựng pháp luật hay các công tác giáo dục, văn hoá, xã hội khác. ở địa phương UBND trình HĐND các dự kiến kế hoach phát triển kinh tế - xã hội , ngân sách bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trong đó có dự kiến kế hoạch PBGDPL ở địa phương cùng với các điều kiện bảo đảm (kinh phí, tổ chức... ). ở từng Bộ, ngành trong dự toán kế hoạch ngân sách hoạt động hàng năm đều cần có dự kiến chi phí hoạt động cho nghiệp vụ PBGDPL do Bộ, ngành chịu trách nhiệm chù trì (do Quốc hội, chính phủ phân công hoặc theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong các văn bản về tổ chức hoạt động của Bộ ngành đó).

+ Chính phủ trực tiếp hoặc phân công cho các Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, phân cấp cho UBND trong việc chù trì thực hiện các chương trình kế hoạch PBGDPL (theo chuyên đề khi ban hành các văn bản Luật, pháp lệnh và theo kế hoạch thường kỳ hàng năm). ở từng Bộ, ngành, Bộ trưởng chịu trách nhiệm, và ở từng địa phương cơ sơ chủ tịch UBND chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các kế hoạch PBGDPL đã được Quốc hội chính phủ duyệt và phân công trách nhiệm.

+ Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND bảo đảm ổn định tổ chức, đào toạ bồi dưỡng, xắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trong phạm vi toàn quốc, từng ngành và từng địa phương theo những chức danh, tiêu chuẩn Nhà nước ban hành. lãnh đạo và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận pháp luật và hệ thống tư pháp rõ ràng,

+ Chính phủ, Bộ trưỏng, chủ tịch UBND thực hiện chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của các chương trình, kế hoạch PBGDPL ở từng ngành, từng địa phương và trong phạm vi toàn quốc.

-- Phương thức lãnh đạo : chia làm 2 loại:

+ lãnh đạo chỉ đạo chung:

Chính phủ, chủ tịch UBND lãnh đạo chỉ đạo bằng các chương trình, kế hoạch từng kỳ, hàng năm, bằng các quyết định, chỉ thị hoặc thông tư liên tịch, liên ngành, tạo ra một cơ chế chỉ đạo, phối hợp hợplý, khoa học có hiệu quả giữa các ngành, các cơ quan Nhà nước, và các đoàn thể.

+ Lãnh đạo chỉ đạo chuyên ngành:

Mỗi Bộ, ngành trong chính phủ và hệ thống cơ quan chhuyên môn, nghiệp vụ của các Bộ, ngành đó ở địa phương lại có nội dung và phương thức chỉ đạo riêng. Có thể chia thành các nhóm sau trong quan hệ với GDPL:

- các cơ quan giáo dục đào tạo chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo thống nhất về việc GDPL trong hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc các cấp học, bậc học, ngành học khác nhau.

+ Các cơ quan văn hoá thông tin nghệ thuật chịu trách nhiệm chỉ đạo và bảo đảm cho việc phổ biến, thông tin giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, phim ảnh, xuất bản, triển lãm về các loại hình về các loại hình thông tin, nghệ thuật khác.

+ Các cơ quan kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác TTGDPL gắn với việc triển khai và bảo đảm thi hành pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn.

+ Các cơ quan bảo vệ pháp luật (tư pháp, hải quan, trọng tài kinh tế, nội vụ... )chịu trách nhiệm chỉ đạo việc TTGDPL thông qua hoạt động thực tiễn thi hành và bảo vệ pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý...

Phương thức lãnh đạo của các Bộ, ngành, chuyên ngành là bằng các kế hoạch hàng năm và chuyên đề, các chỉ thị cả thủ tướng ngành trong phạm vi quản lý theo lĩnh vực và trong phạm vi ngành dọc, bằng các kế hoạch liên tịch, liên ngành thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học - thực tiễn cấp Bộ và cơ sở.

Toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong PBGDPL và có trách nhiệm theo Luật định trong lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các cơ quan này với các cơ quan lập pháp, hành pháp, các đoàn thể quần chúng sẽ được nghiên cứu trong phần về tổ chức phối hợp GDPL.

1.3 Lãnh đạo của các đoàn thể đối với công tác TTGDPL.

- cơ sở pháp lý:

Điều 9 Hiến pháp 1992 đã khẳng định "Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân có nhiệm vụ tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật ... Các Luật và điều lệ và tổ chức và hoạt động của từng tổ chức thành viên; công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ... đều có các điều khoản về trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật, vận động, giáo dục các thành viên của tổ chức có ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và từng thành viên (người lao động, phụ nữ, thanh niên...).

- Nội dung lãnh đạo của các đoàn thể trong công tác TTGDPL: Tuỳ theo yêu cầu giáo dục và nhu cầu của các đối tượng thuộc phạm vi giáo dục của đoàn thể ở trung ương. sẽ xây dựng các chương trình phổ biến và truyền thông về pháp luật hàng năm hoặc theo chuyên đề. Các chương trình này được thực hiện trong toàn bộ hệ thống tổ chức của cơ sơ, đến tận đoàn thể. Nội dung GDPL được chỉ đạo đưa vào các trường đoàn thể (đoàn, công đoàn, phụ nữ ...) để trang bị cho cán bộ, đoàn thể những hiểu biêt pháp luật cơ bản , đặc biệt là các pháp luật liên quan tới quyền lợi, nghĩa vụ cuả các đoàn thể và thành viên, để tổ chức thực hiện các mục tiêu của đoàn thể. Các báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình riêng của đoàn thể sẽ được chỉ đạo, huy động vào quá trình tham gia GDPL chung.

- Phương thức lãnh đạo : Bằng các chương trình, nghị quyết và nghị quyết liên tịch giữa các đoàn thể với các cơ quan Nhà nước để xác định kế hoạch, nội dung, xây dựng lực lượng, nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình nghị quyết đó.

Các đoàn thể trong khi thực hiện các quyền (sáng kiến pháp luật, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của thành viên trước pháp luật ...) sẽ đồng thời, PBGDPL một cách thiết thực, cụ thể cho các thành viên của mình.

Là các tổ chức xã hội có cơ sở rộng rãi đến tận từng đơn vị dân cư nhỏ nhất nên thông qua các phong trào, chiến dịch thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động bảo vệ pháp luật (tổ an ninh nhân dân, tổ hoà giải...) đưa việc PBGDPL đi sâu vào từng gia đình, ngõ xóm.

1.4 Vị trí của ngành tư pháp trong công tác PBGDPL

a) cơ sở pháp lý:

Các văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đều khẳng định vị trí quan trọng của ngành tư pháp trong công tác PBGDPL.

Ngay từ khi được thành lập lại, nghị định 143- HĐBT ngày 22-11-1981 đã quy định tại điều 1: "Bộ tư pháp là cơ quan của Hội đồng bộ trưởng có chức năng giứp HĐBT thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong cả nước... trong đó có công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật XHCN trong cán bộ và nhân dân, góp phần bảo đảm thi hành HIến pháp và pháp luật ". Nhiệm vụ của Bộ tư pháp là "hướng dẫn hoặc tổ chức phối hợp các ngành về công tác TTGD trong cán bộ, nhân viên Nhà nước và trong nhân dân" (điều 2 khoản 5) với các nội dung sau:

+ xây dựng các chương trình, kế hoạch TTGDPL hàng năm và theo chuyên đề. Hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, kế hoạch đó trong toàn quốc.

+ Tổ chức phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể để TTGDPL sâu rộng tới cán bộ nhân dân.

+ Nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác GDPL, kịp thời rút kinh nghiệm, hướng dẫn chung và báo cáo vấn đề này với hội đồng bộ trưởng hàng quý.

ở các địa phương, tư pháp và pháp chế ngành có nhiệm vụ giúp đỡ cơ quan lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền giáo dục pháp luật, giúp đỡ các ngành, các cấp về tài liệu, kinh nghiệm nghiệp vụ, về tổ chức và bồi dưỡng cán bộ chuyên nghiệp, báo cáo viênvà cộng tác viên về nội dung chủ yếu các điểm cần tuyên truyền trong mỗi văn bản mới.

Nghị định 38-Ct ngày 4-6-1993 thay thế nghị định 143-Ct về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của ngành tư pháp tiếp tục xác định: "Bộ tư pháp là cơ quan của chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất về công tác tư pháp, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật ...".

Việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL được đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của chính phủ: " trình chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trinh PBGDPL dài hạn và hàng năm".

b) Nội dung phối hợp giữa các ngành tư pháp với các ngành đoàn thể trong công tác TTGDPL.

b.1) Các nội dung chung:

- Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch TTGDPL đã được chính phủ hay UBND các cấp duyệt, ngành tư pháp hướng dẫn và phối hợp với ngành, đoàn thể xây dựng các kế hoạch nội dung , biẹn pháp TTGDPL cụ thể phù hợp với đối tượng, điều kiên của các ngành đoàn thể.

-Trong quá trình phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các kế hoạch TTGDPL, ngành tư pháp giúp đỡ về tài liệu (văn bản, sách giải thích, bình luận, đề cương tuyên truyền từng văn bản, các tư liệu tham khảo trong và ngoài nước về pháp luật và TTGDPL...) giúp xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác TTGDPL (báo cáo viên, phóng viên báo chí, giáo viên dạy pháp luật ...) về cả nội dung pháp luật và nghiệp vụ TTGDPL.

- Phối hợp xây dựng các điểm. các mô hình TTGDPL có hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng ngành, đoàn thể theo dõi, kiểm tra, rút kinh nghiệm về tổ chức và nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác TGDPL.

b.2) các nội dung phối hợp cụ thể với một số ngành.

- Với ban tư tưởng- văn hoá trung ương, Bộ văn hoá thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng: chỉ đạo việc thông tin, TTGDPL kịp thời, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đai chúng, qua các loại hình nghệ thuật, xuất bản sách pháp luật phổ thông với số lượng lớn để phổ cập rộng rãi.

- Với Bộ ngoại giao, Ban việt kiều trung ương, xây dựng kế hoạch và tuyên truyền giới thiệu HIến pháp, Luật nứơc ngoài cho người nước ngoài ở Việt nam và người Việt nam ở nước ngoài.

- Với bộ giáo dục- đào tạo, các trường Đảng, trường hành chính; xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, đào tạo- bồi dưỡng giáo viên dạy pháp luật để đưa giáo dục pháp luật có hệ thống vào tất cả các trường, bồi dưỡng thường xuyên về pháp luật cho các đại biểu dân cử và viên chức Nhà nước .

- Với các cơ quan, ngành tổ chức pháp luật : xây dựng lực lượng nòng cốt làm TTGDPL ở các cơ quan, tổ chức pháp luật (toà án, viện kiểm sát, hội Luật gia...); phối hợp trong việc thông tin về pháp luật và thực hiện bảo vệ pháp luật cho các cơ quan thông tin đại chúng, đưa các định hướng GDPL vào từng hoạt động xây dựng pháp luật, xét xử, tư vấn pháp luật ...

b.3) Các tổ chức làm công tác TTGDPL trong ngành tư pháp.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ngành tư pháp phải quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cán bộ làm công tác TTGDPL.

Sơ qua vài nét về quá trình hình thành và phát triển của các cơ quan thông tin, xuất bản và tham mưu về TTGDPL của Bộ.

- Vụ TTGDPL: Nghị định 143-HĐBT quy định trong tổ chức bộ máy của Bộ tư pháp có vụ TTGDPL (bao gồm cả tạp chí pháp chế XHCN và nhà xuất bản pháp lý). Tháng 6-1988 giải thể vụ TTGDPL, chia thành 2 bộ phận chuyên môn nhập vào hai đơn vị khác: bộ phận tuyên truyền pháp luật (về văn phòng) và bộ phận giáo dục pháp luật (về vụ tổ chức cán bộ).

Tháng 7-1990 thành lập lại vụ TTGDPL bằng quyết định số 95/ TCCB của Bộ trưởng Bộ tư pháp trong đó quy định nhiệm vụ của vụ TTGDPL:

- Giúp Bộ nghiên cứu xây dựng các kế hoạch xây dựng TTGDPL, hướng dẫn, đôn đốc, việc kiểm tra thực hiện các kế hoạch đó.

- Hướng dẫn phương pháp, nội dung TTGDPL cho các ngành, các cấp tư pháp.

- Đại diện Bộ tư pháp phối hợp với các cơ quan Nhà nước các cơ quan thong tin đại chúng, các đoàn thể để tổ chức TTGDPL trong nhân dân, trong các nhà trường.

-Tổng hợp tình hình hoạt động TTGDPL trong cả nước, đánh giá và đề xuất các biện pháp tăng cường TTGDPL để Bộ báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng.

Biên chế của vụ TTGDPL rất hạn chế, trong nhiều năm chỉ dừng trong con số 6-8 người (kể cả 2 lãnh đạo vụ ) hiện nay đã tăng lên 12. Chất lượng cán bộ được nâng cao dần, chuẩn hoá dần theo chức năng, tiêu chuẩn viên chức tư pháp do Bộ mới ban hành: 100% đã tốt nghiệp cử nhân Luật (trong và ngoài nước), qua các hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền, khả năng nghiên cứu và tổ chức hoạt động thực tiễn được nâng cao dần.

- Tạp chí dân chủ và pháp luật .

Tập san pháp chế XHCN được thành lập theo quyết định 106 QĐ/UBPC ngày 20-12-1977 của chủ nhiệm uỷ ban pháp chế sau chuyển thành tạp chí pháp chế XHCN (bằng công văn số 573- BTT ngày 10-12-1987) và sau thành tạp chí dân chủ và pháp luật (quyết định số 28/ QĐTC ngày 12-3-1992 của Bộ trưởng Bộ tư pháp). Năm 1984-1985 tách khỏi vụ TTGDPL về Viện nghiên cứu khoa học pháp lý. Năm 1992 tách khỏi Viện thành đơn vị độc lập trực thuộc Bộ.

Nhiệm vụ của tạp chí.

- Tuyên truyền và chỉ đạo, hướng dẫn công tác tư pháp và toà án.

- Nghiên cứu và phổ biến khoa học pháp luật nhằm nâng cao trình độ về lý luận và nghiệp vụ công tác tư pháp cho cán bộ làm công tác pháp luật .

- Thông tin hoạt động tư pháp ở trong nứoc.

Tạp chí hoạt động bằng ngân sách Nhà nước, theo phương thức có thu bù chi.

Số lượng phát hành tăng dần lên để đáp ứng yêu cầu của địa phương, cơ sở, Tạp chí có đội ngũ phóng viên, biên tập viên rất hạn chế về số lượng, phần lớn đều trẻ, có bằng cử nhân Luật và được bồi dưỡng ngắn hạn về báo chí, trình độ ngoại ngữ được nâng cao dần.

- Báo pháp luật :

Báo pháp luật thường thức thành lập theo giấy phép số 48- XB/BC ngày 11-3-1985 của Bộ văn hoá, đổi tên thành Báo pháp luật từ ngày 9-11-1988 bằng công văn số 707/BTT của Bộ thông tin tách khỏi vụ TTGDPL thành đơn vị độc lập trực thuộc Bộ. Nhiệm vụ của báo là tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thường thức trong các mặt đời sống, kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội . Đội ngũ phóng viên, biên tập viên bao gồm 12-15, số lượng báo phát hành hiện nay khoảng 4 vạn hoạt động theo phương thức tự hoạch toán.

- Nhà xuất bản pháp lý: Được thành lập theo quyết định số 56/NH_GD ngày 27-5-1978 của Bộ văn hoá thông tin với nhiệm vụ xuất bản các văn bản Nhà nước, sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật , sách hướng dẫn thi hành pháp luật, sách nghiên cứu lý luận về pháp luật, sách giáo trình giảng dạy và dạy pháp luật .

- Năm 1981-1982, Nhà xuất bản tách khỏi vụ TTGDPL thành đơn ị thrực thuộc bộ, năm 1992- 1993 tách khỏi Bộ để sát nhập vào Nhà xuất bản chính trị Quốc gia trực thuộc Ban tư tưởng văn hoá TW.

Ngoài các cơ quan chuyên trách trên, các vụ xây dựng pháp luật , vụ tổ chức- đào tạo, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Trường đại học Luật Hà nội và một số vụ chuyên môn khác của Bộ đều có trách nhiệm tham gia, phối hợp cùng vụ TTGDPL, Báo , tạp chí, để thực hiện nhiệm vụ TTGDPL từ trong quá trình xây dựng Luật đến tổ chức thực hiện Luật, trong quá trình đưa GDPL vào trong trường và tuyên truyền giới thiệu về hoạt động của tư pháp, toà án địa phương góp phàn củng cố tăng cường pháp chế trong phạm vi cả nước.

ở địa phương: Các sở tư pháp, mô hình tổ chức cơ quan TTGDPL rất khác nhau: nhóm chuyên viên làm công tác GDPL (ở những sở không có phòng), phòng pháp quy-tuyên truyền hoặc phòng TTGDPL độc lập với số lượng cán bộ từ 1-4 người. Có một điều ngịch lý là ở các tỉnh, địa bàn hoạt động rộng, đi lại khó khăn thì lại thường chỉ có 2 hoặc nhiều sở chỉ có một cán bộ TTGDPL, khó có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của sở trong công tác TTGDPL là: " xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến GDPL dài hạn và ngắn hạn ở địa phương, phối hợp với sở giáo dục - đào tạo và các cơ quan tổ chức có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong các trưòng học". (Thông tư số 12/TTLB ngày 26-7-1993 của Bộ tư pháp và ban tổ chức cán bộ chính phủ hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức cơ quan tư pháp địa phương).

Cán bộ làm công tác TTGDPL ở các sở tư pháp hầu hết đã có bằng cử nhân Luật, một số có trình độ trung cấp pháp lý, nhìn chung đo là những nhân tố tích cực, chủ động, sáng tạo, vuợt khó khăn để gắn bó và nang cao chất lương công việc.

ở cấp huyện thường chỉ có 1-2 cán bộ tư pháp làm chung tất cả các nhiệm vụ của tư pháp huyện, trong đó có nhiệm vụ "Tổ chức việc phổ biến, GDPL trong nhân dân, phối hợp với phòng giáo dục và các cơ quan tổ chức hữu quan tổ chúc thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong nhà trường" (Thông tư số12-TTLB ngày 26-7-1993).

Trình độ cán bộ chủ yếu là đại học và trung câp pháp lý, một số chưa qua đào tạo hay biến đổi về tổ chức do gặp khó khăn trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cũng như tích luỹ kinh nghiẹm thực tế.

ở tư pháp xã: không có cán bộ chuyên trách làm công tác TTGDPL thường là chưa qua đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về pháp luật do đó cũng có nhièu khó khăn, hạn chế khả năng sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện phổ biến, GDPL trong nhân dân và hướng dẫn quản lý hoạt động của các tổ hoà giải (mà một nội dung chủ yếu là phổ biến, giải thích pháp luật trong khi hoà giải).

Tóm lại. để bảo đảm yêu cầu của nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực TTGDPL, ngành tư pháp đã từng bước vượt qua những khó khăn khách quan để xây dựng tổ chức, củng cố lực lượng làm công tác TTGDPL từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, cần phải được nghiên cứu chỉ đạo để hoàn thiện và nâng cao chất lượng một cách cơ bản .

III. Các mô hình tổ chức phối hợp TTGDPL:

Trên cơ sơ các chức năng, nhiệm vụđược giao, các ngành, các cấp chính quỳên, các đoàn thể đã tiến hành công tác TTGDPL trong phạm vi ngành mình, cấp mình đồng thời tổ chức phôi hợp các ngành, đoàn thể khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về lực lượng, phương tiện và điều kiện bảo đảm cho công tác TTGDPL đạt hiệu quả cao hơn.

Trên cơ sở phân tích, tổng hợp tình hình hhực tiễn 12 năm qua, có thê khái quát thành các mô hình kết hợp TTGDPL, hiệu quả, ưu thế và nhược điểm của các loại hình như sau:

1. ở trung ương: Việc tổ chức TTGDPL được thực hiện chủ yếu bằng 2 hình thức.

- phối hợp đa phương trên cơ sơ chỉ thị, kế hoạch TTGD một văn bản pháp luật mới, một đợt sinh hoạt, chinh trị tập trung.

- phối hợp 2, 3 bên trên cơ sở các nghị quyết, kế hoạch, thông tư liên bộ, ngành, đoàn thể...

a) phối hợp đa phương (nhiều ngành, đoàn thể) trên cơ sở một chỉ thị, kế hoạch của Quốc hội, chính phủ.

Trong những năm qua, cùng với tiến trình xây dựng pháp luật, đã có những đợt sinh hoạt chính trị- pháp lý lớn trong đó công tác TTGDPL được tiến hành ở quy mô toàn quốc, thí dụ : tuyên truyền Bộ Luật hình sự (1986), Bộ Luật tố tụng hình sự (1988), Luật hôn nhân và gia đình (1987) Hiến pháp (1992). Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong các kỳ bầu cử mà gần đây nhất là phục vụ đợt bầu cử Quốc hội khoá 9). Đấu tranh chống tiêu cực (1986-1989)...

Trong các đợt tuyên truyền tập trung đó, tren cơ sở một chỉ thị, kế hoạch của Nhà nước (uỷ ban thường vụ Quốc hội hiện nay), chính phủ, các ngành, đoàn thể hữu quan đã phối hợp hành động, xây dựng các kế hoạch cụ thể, phân công các trách nhiệm, thực hiện các biện pháp chung để chỉ đạo triển khai các kế hoạch TTGDPL một cách thống nhất trong toàn quốc.

Trừ một vài Luật do uỷ ban thường vụ Quốc hội (giao cho văn phòng Quốc hội) trực tiếp chỉ đạo trong phần lớn các đợt tuyên truyền này, ngành tư pháp được giao các nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch, chương trình chung,

- chù trì các cuộc họp giữa các ngành, đoàn thể hữu quan để thống nhất kế hoạch, biện pháp triển khai,

- chù trì việc biên soạn các tài liệu tập huấn, tuyên truyền.

- chù trì các lớp tập huấn cán bộ chỉ đạo, báo cáo viên trong từng đợt, bồi dưỡng nội dung vănbản cho các phóng viên, biên tập viên các báo, đài...

Qua thực tiễn, hình thức phối hợp này có các ưu điểm và hạn chế sau:

- Ưu điểm.

+ Kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo tập trung.

+ Huy động được sức mạnh, khả năng của nhiều ngành, nhiều cấp tập trung trong một thòi gian nhất định cho việc tuyên truyền nội dung giáo dục đã xác định.

+ Các điều kiện cho việc tuyên truyềnvà phối hợp tuyên truyền pháp luật được bảo đảm: kinh phí tập trung (từ ngân sách của TW) phương tiện kỹ thuật, lực lượng cán bộ...

- Hạn chế: Sự phối hợp thường chỉ duy trì tập trung vào thòi gian tuyên truyền văn bản, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đánh giá sau đó thường bị buông lơi nên chưa phát huy được thế mạnh tác dụng tíh cực và bền vững của công tác tuyên truyền nhất là khi văn bản đã đi vào cuộc sống.

b) phối hợp 2,3 bên trên cơ sở các nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên Bộ, ngành, đoàn thể.

Trên cơ sở các văn bản của Nhà nước về TTGDPL, theo yêu cầu chính trị của từng ngành, đoàn thể, hình thức phối hợp giữa các ngành, đoàn thể đã được sử dụng nhiều và chứng tỏ được sức sống của mình. Phân tích cụ thể hơn thì ngay trong loại hình phối hợp này cũng phân thành 2 nhóm:

- Quan hệ phân phối được hình thành do có một sự kiện pháp lý (ban hành một văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực pháp lý của một ngành, đoàn thể) phải được tuyên truyền. Thí dụ, khi ban hành Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, pháp lệnh về hải quan...Trong trường hợp này, ngành "chủ quản" tổng cục quản lý ruộng đất trước đây, Bộ lâm nghiệp, trọng tài kinh tế ...) chủ động xây dựng hoặc phối hợp với tư pháp xây dựng các kế hoạch tuyên truyền; tập huấn, bồi dưõng phóng viên, báo cáo viên, bien tập viên các báo, đài về nội dung và tuyên truyền. Kinh phí và phương tiện cho hoạt động phối hợp, tuyên truyền kiểu này chủ yếu do ngành, đoàn thể đó dự trù khi lập kế hoạch tuyên truyền (từ ngân sách cấp cho hoạt động của ngành hoặc từ kinh phí xây dựng văn bản pháp luật ần tuyên truyền).

- Quan hệ phối hợp được hình thành trên cơ sơ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể để thực hiện một nội dung và phục vụ một đối tượng nhất định, lâu dài, thí dụ:

+ Bộ giáo dục - đào tạo phối hợp với Bộ tư pháp trong việc đưa giáo dục pháp luật vào các nhà trường.

+ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ tư pháp trong việc TTGDPL cho đoàn viên, thanh niên.

+ Bộ văn hoá- thông tin- thể thao, các báo, đài, truyền hình phối hợp với Bộ tư pháp, cán bộ, đoàn thể khác... trong việc xây dựng các chương trình, chuyên mục TTGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ đông...

+ Bộ tài chính (tổng cục thuế) phối hợp với Bộ tư pháp trong việc TTGDPL về thuế.

hình thức phối hợp còn được thực hiện thường xuyên bằng các nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên Bộ, đoàn thể...(Nghị quyết liên tịch số 04- NQLT ngày 16-11-1985 cuả ban bí thư trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ tư pháp (được tiếp tục bằng kế hoạch liên tịch ngày 15-11-1993), các kế hoạch liên Bộ tư pháp- tài chính- văn hoá- thông tin về TTGDPL về thuế hàng năm, kế hoạch liên Bộ tư pháp- giáo dục đào tạo về đưa giáo dục pháp luật vào các cấp học, bậc học... (11-1993).

- Ưu điểm của hình thức phối hợp này:

+ sự phối hợp được chỉ đạo thường xuyên, toàn diện.

+ Nội dung hình thức TTGDPL được lựa chọn, điều chỉnh qua từng giai đoạn, từng thời kỳ nên phù hợp, sát vơi đối tượng hơn. Việc TTGDPL không chỉ dừng ở việc giới thiệu vănbản pháp luật khi mới ban hành mà còn tiếp tục triển khai thực hiện văn bản (pháp luật trong hành động); cũng không chỉ dừng ở việc TTGD một văn bản mà do được duy trì thuờng xuyên nên mỗi khi có văn bản mới ban hành được tuyên truyền, giáo dục được thực hiện ngay, kịp thời, (thi dụ: các chuyên mục Nhà nước - pháp luật trên báo, đài, truyền hình...).

+ Tính hệ thống của giáo dục được bảo đảm, tác động mang tinh bền vững hơn, giải quyết được cơ bản một nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Sau gần 10 năm nghiên cứu thực hiện hiện nay môn GDCD đã được đưa vào chương trình chính khoá từ lớp 6-12. Các chuyên mục Nhà nước Nhà nước ở các báo, đài, trung ương và địa phương trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong việc giúp cho cán bộ, nhân dân tìm hiểu hệ thống pháp luật ở nước ta...

+ Bằng việc phối hợp thường xuyên, lâu dài đó đã tiến hành xây dựng được một lực lượng đông đảo các cán bộ tuyên truyền giáo dục chuyên trách (thí dụ: Đội ngũ hàng vạn giáo viên dạy giáo dục công dân , đội ngũ cán bộ tuyên truyền giáo dục pháp luật trong ngành thuế, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phóng viên chuyên về pháp luật ở các báo, đài.

+ Trách nhiệm của các bên phối hợp rõ ràng, việc chỉ đạo, kiểm tra, uốn nắn trong suốt quá trình phối hợp TTGDPL được duy trì.

- Hạn chế:

Để bảo đảm hiệu quả thực tế của các nghị quyết, kế hoạch này, mỗi bên phối hợp đều phải có lực lượng cán bộ đủ về số lượng, chất lượng và được phân công chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện cũng như phải có kinh phí, phương tiện hoạt động thường xuyên.

Đây là điều kiện hết sức khó thực hiện trên thực tế, đặc biệt do sự biến động về tổ chức cán bộ ở từng cơ quan dẫn đến tình trạng có nơi có lúc không còn đầu mối phối hợp, việc thực hiện ngắt quãng, kém hiệu quả. điều đó xảy ra ngay trong các cơ quan tư pháp- trung tâm của các quan hệ phối hợp TTGDPL.

2. ở địa phương:

Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, dựa tren các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, các hình thức phối hợp TTGDPL khá phong phú, đa dạng và được hoàn thiện dần qua sự thử thách, chọn lựa của thời gian và thực tế.

Qua theo dõi, tổng hợp tình hình chung, có thể khái quát thành các loại mô hình phối hợp sau;

a) Thành lập và duy trì các hội đồng phối hợp TTGDPL

Đây là hình thức phối hợp xuất hiện khá sớm (từ những năm 83-84) và ở nhiều địa phương (cao bằng, lai châu, thái bình, hải dương, cửu long, bến tre...). Qua gần 10 năm hoạt động hiện nay hình thức hội đồng phối hợp TTGDPL (cấp tỉnh, huyện, xã) vẫn được duy trì ở một số địa phương nhất là các tỉnh miền núi, nông thôn.

Mô hình chung của Hội đồng phối hợp TTGDPL có thể tóm tắt ở những điểm chính sau:

+ Tổ chức: Chủ tịch Hội đồng là một đồng chí lãnh đạo uỷ ban nhân dân (chủ tịch hoặc phó chủ tịch). Phó thường trực Hội đồng là lãnh đạo sở tư pháp. Các thành viên thường xuyên là lãnh đạo các cơ quan nội chính, văn hoá- thông tin, giáo dục, các đoàn thể (mặt trận tổ quốc, đoàn TNCS, phụ nữ...).

Các thành viên không thường xuyên: lãnh đạo các ngành có nội dung pháp luật cần tuyên truyền trong từng thời kỳ (nhà đất, cục thuế, công ty bảo hiểm, sở tài chính, sở lao động thương binh xã hội).

+ Nhiệm vụ:

- Tham mưu cho chủ tịch uỷ ban nhân dân về kế hoạch nội dung TTGD hàng năm, từng thời kỳ;

- Chỉ đạo và theo dõi thực hiện kế hoạch bằng việc phân công trách nhiệm hàng năm cho Hội đồng, quyết định các biện pháp phối hợp chung của Hội đồng và giưã các thành viên.

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động TTGDPL và phối hợp TTGDPL, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này.

+ Hoạt động : Hội đồng hoạt động theo chế độ Hội nghị (quý 6 tháng, đầu và cuỗi năm) và qua báo cáo định kỳ hàng năm do tư pháp tổng hợp. Các thành viên Hội đồng hoạt động theo kế hoạch chung và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình; giữa các thành viên có thể hình thành các kế hoạch, nghị quyết liên tịch cho từng giai đoạn hoặc lâu dài. Trên thực tế, ở một số địa phương các Hội đồng phối hợp TTGDPL đã ngừng tồn tại nhưng các quan hệ song phương theo truyền thống giữa các địa phương vẫn duy trì có hiệu quả.

Ưu điểm: Việc chỉ đạo theo kế hoạch thống nhất tập trung các ngành, đoàn thể đều nắm được định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ chung của TTGDPL trong từng thời kỳ, do đó thuận lợi khi thực hiện từng nội dung cụ thể.

Huy động được khả năng, điều kiện của nhiều ngành vào công tác TTGDPL.

Hạn chế: Do thành viên đều là các đồng chí lãnh đạo các ngành, đoàn thể nên thường rất bận, việc tham gia các kỳ họp của Hội đồng không được thường xuyên, việc phối hợp thòi gian kế hoạch giữa một số lượng khá lớn thành viên (có tỉnh tới gần 30 người- như lai châu) là rất khó khăn. Nếu thành viên là các chuyên viên thì không có thẩm quyền quyết định, phải qua nhiều khâu báo cáo trung gian kém hiệu lực.

Hoạt động của Hội đồng ở một số nơi còn hình thức chưa giúp giải quyết được khó khăn trong khi thực hiện các nhiệm vụ TTGDPl cụ thể giữa các thành viên của Hôị đồng.

ở một số tỉnh có truyền thống về hội đồng phối hợp TTGDPL (thái bình...) đã có những cải tiến về tổ chức và phương thức huy động nguồn lực và kinh phí cho Hội đồng như (giảm số lượng thành viên thường xuyên, tăng cường các thành viên không thường xuyên từ các ngành quản lý kinh tế xã hội với sự đống góp cụ thể về nội dung lục lượng và tài chính cho việc triển khai TTGDPL các nội dung liên quan trực tiếp tới hoạt động của ngành và theo yeeu cầu thực tế của địa phương.

b) phối hợp 2,3 bên trên cơ sở các nghị quyết liên tịch, kế hoạch, thông tư liên ngành.

Trên cơ sở các văn bản, chỉ thị của lãnh đạo địa phương hướng dẫn nghiệp vụ và các nghị quyết, thông tư liên ngành ở trung ương, ở các địa phương đã hình thành một cách phổ biến, có hiệu quả hình thức phối hợp hai, ba bên bằng các kế hoạch, nghị quyết liên ngành ở từng cấp. Hình thức này phổ biến ở các thành phố (Hà nội, Hải phòng, TPHCM...) và đa số tỉnh đồng bằng.

Các mối quan hệ này đang được mmở rộng cùng với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật , nhất là pháp luật về kinh tế . Các ngành kinh tế đã bắt đầu nhận thưc được vai trò làm công tác TTGDPL như một biện pháp hữu hiệu để làm nên hiệu quả kinh tế cụ thể do đó đã quan tâm, đầu tư cho công tác TTGDPL.

Các ưu điểm và hạn chế đã phân tích khi nói về mô hình phối hợp này ở trung ương.

c) Thành lập ban chỉ đạo TTGDPL ở các cấp khi có những đợt sinh hoạt chính trị- pháp lý quan trọng như tuyên truyền Hiến pháp các Bộ Luật , tuyên truyền phục vụ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...

Trên cơ sở các chỉ thị, kế hoạch cụ thể của trung ương trong từng đợt tuyên truyền, các cấp uỷ và lãnh đạo chính quyền địa phương đã quyết định thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền ở cấp mình và giao chỉ thị ra trách nhiệm của từng ngành trong việc phối hợp, đảm bảo điều kiện cho Ban chỉ đạo hoạt động có hiệu quả. Tư pháp thường là phó ban chỉ đạo của Ban.

Các ưu điểm và hạn chế của loại hình này tương tự như hình thức phối hợp đa phương ở trung ương trong ừng đợt tuyên truyền lớn, tập trung.

d) Ban hành quy chế phối hợp TTGDPL (bao gồm các nguyên tắc chung) của địa phương, làm cơ sở cho việc xây dựng các quan hệ phối hợp, cụ thể song phương, đa phương giữa các ban, ngành, đoàn thể khi có yêu cầu phát sinh.Kèm theo phần kỷ yếu: Yên bái, Sơn la...

Thực tiễn triển khai các mô hình phối hợp TTGDPL rất đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể, đặc trưng của từng ngành, từng địa phương nhưng nhìn chung lại vẫn phản ánh một xu thế vận động tích cực là : vị trí và ý nghĩa của công tác TTGDPL ngày càng được nhận thức đúng đắn, đầy đủ và cụ thể hơn ở các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể do đó việc chỉ đạo tổ chức phối hợp ngày càng theo hướng tích cực, hiệu quả hơn.

IV. Các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật. Các kiến nghị đề xuất.

1. Các điều kiện bảo đảm:

Chất lượng hiệu quả TTGDPl phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của các mô hình tổ chức phối hợp vì đo chính là bộ tổng chỉ huy của tất cả hoạt động GDPL. Các mô hình này phối hợp có thể tồn tại và hoàn thiện hay không lại phụ thuộc vào một số điều kiện bảo đảm cơ bản :

1.1 Phải tạo ra các cơ sở pháp lý cho việc tổ chức phối hợp GDPL:

- Đó là các văn bản quy định nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước (từ Quốc hội, chính phủ, Kiểm sát ở trung ương đến chính quyền, toà án, kiểm sát ở địa phương) các tổ chức nghề nghiệp, các đoàn thể xã hội ... trong việc thực hiện các mục tiêu GDPL. Các văn bản đó là các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành từ (Hiến pháp, Luật, pháp lệnh, nghi quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội, nghị định, chỉ thị của chính phủ đến các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của UBND...)

- Đó là các văn bản chỉ đạo mục tiêu, nội dung, trách nhiệm, nguyên tắc phối hợp TTGDPL từng thời kỳ, từng chuyên đề dưới dạng các chương trình, kế hoạch của cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền chung (Đảng, Quốc hội và UBND, chính phủ và HĐND...) hoặc các ngành, đoàn thể hoặc liên tịch giữa các ngành, đoàn thể.

1.2 Phải ổn định tổ chức, ổn định cán bộ và có quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, chỉ đạo ở các cơ quan đoàn thể.

Đây là yếu tố có tính chất quyết định trong khâu tổ chức thực hiện GDPL. Không có một tổ chức ổn định và một đội ngũ chuyên trách tham mưu, chỉ đạo GDPL thì không thể tiến hành công tác đó một cách có kế hoạch, có hệ thống, có tích luỹ và nâng cao trình độ tổ chức công việc từ cấp độ chỉ đạo thực tiễn đến cấp độ nghiên cứu lý luận.

Cần tiêu chuẩn hoá các chức danh viên chức làm công tác chỉ đạo TTGD ở từng cấp, từng ngành theo hướng bảo đảm các yêu cầu hiểu biết về chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền, giáo dục, khả năng nghiên cứu tham mưu và kỹ năng tổ chức phối hợp công việc.

1.3 Phải bảo đảm các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác TTGDPL.

Công tác GDPL cũng như các công tác giáo dục khác là loại hoạt động vì lợi ích lâu dài; kết quả, hiệu quả của nó không thể đo đếm trực tiếp được, cụ thể tức thời sau khi tiến hành hoạt động giáo dục. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, nguồn kinh phí cho các hoạt động này chủ yếu phải vẫn từ ngân sách Nhà nước do Quốc hội xem xét quyết định (ở quy mô toàn quốc) và HĐND (ở phạm vi địa phương). Ngoài ra, có thể huy động một phần từ các ngành kinh tế từ các chương trình hợp tác với các nước, các tổ chức phi chính phhủ ở ngoài nước trong khuôn khổ hợp tác ở cấp quốc gia hay trực tiếp nganh, cơ sở.

Các phương tiện làm việc tối thiểu cho cơ quan và cán bộ TGDPL phổ biến ở các cấp là:

- tủ sách thông tin, tư liệu pháp luật (văn bản Luật và dưới Luật, tạp chí, báo của các ngành bảo vệ pháp luật ...và một số báo quan trọng ở trung ương và địa phương.

- Máy ảnh, ghi âm, ghi hình.

- Pho to co py.

1.4 Phải tạo một cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân và các cơ quan Nhà nước, đoàn thể với việc thực hiện các chương trình TTGDPL.

Các đối tượng chịu sự tác động của pháp luật và giáo dục pháp luật là các nhân tố tích cực trong việc giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả TTGDPL, trong đó cần phải có cơ chế và tạo điều kiện để họ tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và giáo dục pháp luật (các nghiên cứu điều tra xã hội học)về ý kiến của tùng loại đối tượng với các vấn đề về giáo dục pháp luật qua các đại biểu nhân dân, qua các đoàn thể...

Việc kiểm tra từ phía các cơ quan lãnh đạo chung đối với việc thực hiện các chương trình GDPL dảm bảo cho viêc nâng cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai các kế hoạch GDPL.

Từ thực tiễn GDPL những năm qua, chúng tôi xin đề xuất những vấn đề sau:

1. Quốc hội, chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp đưa các mục tiêu GDPl vào chương trình kế hoạch công việc hàng năm, dành một khoản ngân sách riêng cho TTGDPL. Bộ tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước phân bổ ngân sách TTGDPL cho các ngành, các cấp theo chương trình nội dung đã được duyệt.

Cuối năm và định kỳ tiến hành việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình và sử dụng ngân sách cho TTGDPL.

2. Trên cơ sở các chương trình chung, các ngành, các cấp phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể, vừa giải quyết những nội dung cụ thể, trước mắt, vừa giải quyết từng bước những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; xây dựng lực lượng, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực GDPL.

3. Nghiên cứu hình thành một cơ chế phối hợp chỉ đạo linh động từ trung ương trong công tác TTGDPL. Theo chúng tôi, trừ những chương trình TTGDPL mà Quốc hội (giao cho những cơ quan của Quốc hội) đảm nhiệm, chương trình GDPL của chính phủ do trực tiếp thủ tướng (phó thủ tướng) phụ trách với cơ quan tham mưu thường trực là Bộ tư pháp. Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cũng tập trung vào đầu mối này, trừ những chương trìnhTTGDPL theo chuyên đề gắn với chương trình làm Luật do cơ quan khác chù trì (Luật đất đai do tổng cục QLRĐ, Luật môi trường do Bộ KH_CN và MT chù trì...

tóm tắt các tham luận tại hội nghị chuyên đề về phối hợp giáo dục pháp luật

(tháng 8-1992 và 10-1992)

1. Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp TTGDPL giao thông cho thiếu niên, học sinh- trung tá Trần Điệp, phó cục trưởng cục cảnh sát giao thông- trật tự, Bộ Nội vụ.

Những năm qua cục cảnh sát giao thông- trật tự Bộ nội vụ cùng lực lượng cảnh sát giao thông cả nuức đã cố gắng phối hợp cùng ngành tư pháp, giáo dục tiến hành nhiều biện pháp, hình thức đẩy mạnh công tác TTGDPL chấp hành Luật lệ giao thông trong thiếu niên, học sinh phổ thông. Tính đến năm 1991- 1992, tất cả 54 tỉnh, thành phố đã triển khai công tác phổ cập giáo dục Luật lệ giao thông trong trường học theo chương trình, kế hoạch của Bộ giáo dục đào tạo. Đặc biệt có hàng chục địa phương có truyền thống làm tốt vấn đề này nhiều năm nay, đã trở thành phong trào thi đua: "Dạy tốt- học tốt- thực hiện tốt Luật lệ giao thông, gắn liền với phong trào "Em yêu đường sắt quê em" ở hầu hết các trường cấp 2, 3 có đường bộ, đường sắt chạy qua. Trong 3 năm trở lại đây số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh, thiếu niên giảm xuống rõ rệt; bình quân giảm từ 40-60 em thiệt mạng (khoảng chừng một lớp học) và từ 70-90 em bị thương tật do tai nạn giao thông, tức là giảm 10-15 % tổn thất của tai nạn xe cộ trút xuống các em. Trình độ hiểu biết và ý thức tuân thủ Luật lệ giao thông của học sinh tăng lên theo từng năm học.

... Về quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, các ngành chức năng trong công tác GDPL để thực hiện chỉ thị 300- HĐBT và chỉ thị 17 của Bộ giáo dục về "GDLLGT đường bộ cho học sinh", xin có một số đề xuất kiến nghị như sau:

- Cần xây dựng mô hình chỉ đạo công tác này thống nhất từ trung ương xuống các địa phương, cụ thể cần thành lập "Ban chỉ đạo tuyên truyền giáo dục pháp luật trung ương" do Bộ tư pháp làm trưởng ban, các thành viên gồm đại diện các Bộ giáo dục , Nội vụ, Văn hoá thông tin... Ban này sẽ giúp chính phủ chủ đạo và xây dựng chương trình hàng năm. ở cấp tỉnh cũng thành lập ban TTGDPL với thành phần tương tự, nếu ban chỉ đạo được thành lập sẽ tạo ra cơ cấu hoạt động và ràng buộc trách nhiệm của mỗi ngành tham gia với từng mục tiêu, công việc cụ thể phải làm.

- Đề nghị Bộ giáo dục đào tạo có văn bản chính thức ở cấp Bộ quy định rõ: Môn Luật lệ giao thông là môn dạy chính khoá có kiểm tra, chấm điểm như các môn học khác, phải có giáo viên chuyên trách, được đào tạo bồi dưỡng chu đáo về pháp luật, sớm hoàn thiện giáo trình giảng dạy và sách tham khảo cho giáo viên và học sinh.

2. Phối hợp TTGDPL trong các cơ quan bảo vệ pháp luật - Đàm xuân tam-phó vụ trưởng ban nội chính TW.

Lực lượng chủ yếu trong việc đấu tranh phòng chống các vi phạm, tội phạm là các cơ quan bảo vệ pháp luật: công an, kiểm sát, toà án, thanh tra, trọng tài... các cơ quan này tiếp xúc, đấu tranh trực diện với những đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật. ở mỗi một giai đoạn giải quyết vụ việc đồi hỏi phải luôn chú ý tới biện pháp: giải thích, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục cảm hóa và đương nhiên việc phát hiện và sử lý nghiêm minh cũng là những biện pháp thực hiện việc giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.

Một vấn đề cũng có tác dụng hết sức lớn tới hiệu quả của công tác TTGDPL đó là những hành động của những cán bộ, nhân viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật khi thừa hành nhiệm vụ. Nếu họ làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền, thuyết phục, xử lý nghiêm minh thì vụ việc nhanh chóng được giải quyết đạt hiệu quả cao, ngược lại nếu như họ xử lý thiếu công bằng, không chuẩn mực thì sự phản tác dụng sẽ mang lại hậu quả ngày càng lớn...

Chẳng hạn nếu không làm cho mọi người nghe và thấy những việc xét xử theo đúng pháp luật thì những hình thức khác của công tác TTGDPL đối với họ đều không đem lại kết quả. V: Lê nin đã chỉ ra: "công nhân chỉ có thể hiểu biết pháp luật khi họ được tự mình vận dụng nó, nghe và thấy những vụ việc xét xử căn cứ theo pháp luật đó..." (V:Lênin toàn tập. tập 4 NXB tiến bộ Matxcova 1978 trang 352).

a) Điều kiện phôi hợp.

- Trong hoạt động của mình mỗi cơ quan có quan hệ mật thiết với các cơ quan khác. Nói cách khác quá trình trước tạo tiền đề cho kế hoạch sau (chẳng hạn các giai đoạn tố tụng) vì thế sự phối hợp cần phải được tiến hành ngay từ đầu, tuỳ theo tính chất và đối tượng của vụ việc và xác định hình thức và nội dung của công tác tuyên truyền. Điều kiện này đặt ra nhằm tạo sự thống nhất, trách những hạu quả cùng một sự việc lại có những thông tin mâu thuẫn nhau, trái ngược nhau.

- Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn các ngành nội chính, đã có sự chỉ đạo trực tiếp thường xuyên đến hoạt động của các ngành này. Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong khối đã được xây dựng (có khối nội chính, có tổ chức, Đảng uỷ khối, trao đổi thông tin, có quy chế làm việc...). Thiết nghĩ đây là một trong những điều kiện cơ bản để tổ chức một bộ máy làm công tác TTGDPL có sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ khối, có quy chế chặt chẽ và có nội dung sát hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của toàn quốc cũng như của địa phương.

Căn cứ vào vị trí pháp lý của các ngành và những điều kiện trên theo chúng tôi có thể tổ chức một bộ máy (bao gồm các ngành nội chính, có sự tham gia của các ngành tuyên giáo, thông tin văn hoá...) điều hành công tác TTGDPL hoạt động thường xuyên có hiệu quả.

b) Về nội dung và phương pháp hoạt động phối hợp của các ngành bảo vệ pháp luật .

ở đây chỉ xin đề cập một số vấn đề mà theo chúng tôi là cần thiết và có tác dụng nhất.

- Như chúng ta biết mỗi một văn bản được xây dựng điều chỉnh một mối quan hệ xã hội nhất định, mỗi một cơ quan lại có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Do đó để văn bản đó được đi vào cuộc sống mỗi cơ quan phải chủ động xây dựng tuyên truyền cho văn bản đó phù hợp với ngành mình, như vậy ta mới có một nội dung phong phú để tuyên truyền cho văn bản đó.

Vấn đề này phải tiến hành từ ngay khi có sự xem xét, thông qua các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân...)

- Trong mỗi một giai đoạn tố tụng đều chứa đựng một yêu cầu về tuyên truyền giáo dục. Tuy nhiên theo chúng tôi giai đoạn xét xử (xét xử tại phiên toà, xét xử lưu động)và đó là giai đoạn thi hành án là điều kiện để tuyên truyền giáo dục rộng rãi nhất và hiệu quả nhất.

Trong thực tế cho thấy ở những phiên toà xét xử (đặc biệt là những phiên toà xét xử lưu động ) và khi thi hành án, số lượng người tham dự chứng kiến rất đông, đấy là lúc tác dụng tuyên truyền có hiệu quả nhất nếu như trước đó các ngành công an, kiểm sát, tòa án, tư pháp, thông tin...) có kế hoach phối hợp một cách chủ động, chu đáo. Tất nhiên điều hết sức cơ bản vẫn là bảo đảm tính công minh khi xét xử, nó sẽ là cội nguồn của hiệu quả tuyên truyền pháp luật .

- Trong mấy năm qua trên các hệ thống thông tin, báo chí đã có những chuyên mục về pháp luật đã góp phần tích cực vào nâng cao dân trí. giúp cho việc quản lý và điều hành Nhà nước dần đi vào nề nếp góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Song chúng tôi thấy còn có lúc lúng túng, bị động, chưa xúc tích do việc tổ chức bộ máy, sự phối hợp, sự quan tâm của các ngành còn chưa thường xuyên. Do đó theo chúng tôi cần thống nhất những chuyên mục nhất định trên các báo, đài có những yêu cầu cụ thể về nội dung và cuối cùng là sự thống nhất phân nhiệm rõ ràng trong các ngành để bảo đảm cho các chuyên mục có nội dung hoạt động xúc tích.

Một vấn đề chúng ta đáng quan tâm đó là có lúc có nơi ở báo naỳ hoặc bản tin khác đưa những thông tin về một vụ việc nào đó gây những tâm lý hoài nghi thiếu tin tương ở sự công minh của pháp luật ở khía cạnh khác song sự "phản ứng" của các ngành hữu trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật để sảng tỏ sự việc còn có lúc có nơi còn thiếu nhạy bén, kịp thời. Vấn đề này không những chỉ đòi hỏi ở sự chỉ đạo thống nhất trong việc phối hợp thống nhất mà vơi cả các cơ quan thông tin văn hoá cũng hết sức quan trọng.

c) Các kiến nghị, đề xuất.

+ Ngành tư pháp là đơn vị chủ động trong việc điều hành phối hợp giữa các ngành do đó Hội đồng bộ trưởng chỉ đạo để ngành tư pháp nhanh chóng kiện toàn và ổn định hệ thống tư pháp, đặc biệt là ngành tư pháp tỉnh, huyện, quận về pháp chế ngành, bố trí cán bộ có năng lực, có trách nhiệm thực hiện công tác này. Tăng cường kinh phí cho công tác TTGDPL.

- Các cơ quan Đảng, chính quyền ở trung ương (các ban của đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật các Bộ, ngành....) giữ mối quan hệ thường xuyên, tham gia tích cực trong việc xây dựng nội dung kế hoạch.

Cứ sau 3 tháng hoăc 6 tháng hoặc sau một đợt hoạt động có nội dung lớn, Bộ tư pháp chủ động tổ chức Hội nghị với sự tham gia của các ban, ngành liên quan rút kinh ngiệm và định ra những phương hướng hoạt động mới.

ở địa phương mối quan hệ giữa sở tư pháp, các ban tuyên giáo, nội chính, các Viện kiểm sát, toà án, công an, các cơ quan thông tin đại chúng, Đoàn thanh niên cộng sản và mặt trận... trong công tác TTGDPL phải được coi là phương tiện thông tin đại chúng phải làm nòng cốt trong công tác giáo dục này, mau chóng củng cố hội đồng phối hợp, tuyên truyền giáo dục pháp luật của tỉnh để tham mưu xây dựng kế hoạch, biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với từng thời kỳ và từng đối tượng. Thành lập hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục cấp huyện theo từng định hướng của hội đồng giáo dục tuyên truyền pháp luật để đưa vào hoạt động .

Xuất phát từ nhận thức về ý nghĩa nhận thức và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong toàn dân từ năm 1984 UBND tỉnh Lai châu đã thành lập hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật tỉnh vơi 12 thành viên do đồng chí chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm chủ tịch, đồng chí giám đốc sở tư pháp làm phó chủ tịch thường trực. Tổng kết qua 6 năm hoạt động của hội đồng (84-90) cho thấy Hội đồng đã hoạt động tích cực, có hiệu quả, sự phối hợp giữa các ngành đã làm cho công tác tuyên truyền được phong phú, đa dạng hơn, các ngành đã thật sự tương trợ nhau để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, song cũng còn rất nhiều hạn chế. Thực hiện chỉ thị 315, chỉ thị 300 của HĐBT và chỉ thị 30 của tỉnh uỷ Lai châu, năm 1990 tỉnh Lai châu đã quyết định củng cố Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật tỉnh, bổ sung cho Hội đồng 15 thành viên (tổng số thành viên hiện nay là 27). Cùng với việc tổ chức, để hội nghị hoạt động có nề nếp, đạt hiệu quả cao UBND tỉnh Lai châu cũng đã ban hành quy định về tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng. Bản quy định đã xác nhận: "Hội đồng phối hợp TTGDPL là một tổ chức phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật ..." "nhiệm vụ của Hội đồng là tham mưu cho tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác tuyên truỳền giáo dục pháp luật, kiến nghị với các ngành, các cấp ở địa phương những biện pháp thi hành pháp luật, đấu tranh phòng vi phạm pháp luật trong ngành và trong phạm vi toàn tỉnh..."

Trong những năm gần đây, nhất là từ 1990 trở lại đây Hội đồng phối hợp TTGDPL tỉnh Lai châu đã duy trì hoạt động thường xuyên hơn và từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật . Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của ngành các thành viên Hội đồng xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật. Trên cơ sở đó hội đồng xây dựng kế hoạch chung trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và đề ra biện pháp phối hợp giữa các thành viên. Hội đồng sinh hoạt thường kỳ mỗi quý một lần vào khoảng từ ngày 20 đến ngày 30 của tháng cuối quý. Trước các kỳ sinh hoạt các thành viên gửi báo cáo về cơ quan thường trực (sở tư pháp) vào ngày 15 của tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo chung của Hội đồng. Ngoài việc sinh hoạt thường kỳ hội đồng có thể sinh hoạt đột xuất khi cần thiết (triển khai tuyên truyền tập trung ngoài dự kiến kế hoạch...)

Nội dung của kỳ họp gồm ba vấn đề chính, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng, đánh giá tình hình tuyên truyền giáo dục tôn trọng và vi phạm pháp luật, đề ra các biện pháp tuyên truyền giáo dục đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật, bàn bạc, thảo luận đề ra nhiệm vụ và biện pháp hoạt động trong thời gian tiếp theo. Nội dung mỗi kỳ họp do Sở Tư pháp chuẩn bị.

Để Hội đồng hoạt động thường xuyên có hiệu quả, Sở Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo đôn đốc các thành viên, làm nhiệm vụ thông tin pháp lý thường xuyên, cung cấp tài liệu và soạn thảo đề cương tuyên truyền cho các thành viên, kinh phí hoạt động của Hội đồng do Sở Tư pháp dự trù trong kinh phí nghiệp vụ của mình.

Như vậy Sở Tư pháp đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự tồn tại và chất lượng hoạt động của Hội đồng, nó đã trở thành trung tâm điều chỉnh và là đầu mối duy nhất trong việc phối hợp hoạt động giữa các thành viên.

Từ năm 1990 đến nay Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật Lai Châu luôn được tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao hướng dẫn hoạt động của Hội đồng đi vào chiều sâu. Thường xuyên kiểm điểm rút kinh nghiệm trong các thời kỳ sinh hoạt có biểu dương khen ngợi, có phê bình khiển trách từ đó đã động viên các thành viên đồng thời tạo nên không khí thi đua giữa các thành viên, do vậy công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở địa phương đã từng bước được nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Qua 8 năm tồn tại và phát triển và hoạt động của Hội đồng tuyên truyền giáo dục pháp luật tỉh Lai Châu cho thấy đây là một tổ chức cần thiết dua trì, nó đã phát huy được sức mạnh tổng hựp của các ngành, các cấp, tập trung trí tuệ, tập hợp được một lực lượng rộng lớn làm công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Ngoài Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật đã có 3/8 huyện, thị tổ chức Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật. Qua thực tiễn hoạt động của các Hội đồng cấp huyện cho thấy nói đã phát huy được lợi thế của mình và đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, hiện nay Lai Châu đang tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo các huyện còn lại thành lập Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật để nhanh chóng đi vào hoạt động.

Trong việc duy trì và tổ chức hoạt động của Hội đồng tuyên truyền giáo dục pháp luật ở địa phương ngành tư pháp giữ vai trò quan trọng, đó là cơ quan thường trực của Hội đồng, là trung tâm thâu tóm của các đầu mối tập trung về một điểm thống nhất để từ đó phối hợp hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Trong những năm qua Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật Lai Châu đã hoạt động tích cực và đã đạt được một số kết quả nhất định như kịp thời triển khai các văn bản pháp luật - văn bản pháp quy ở ngay trong các ngành các cấp và những đợt vận động tập trung triển khai văn bản pháp luật mới, lấy ý kiến dự án luật pháp quy nhiều việc có hiệu quả thực sự góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương như triển khai dự thảo Hiến pháp ở Huyện Phong Thổ hoàn thành đongs thuế 100% cho Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần củng cố khắc phục do nhiều nuyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó có một nguyên nhân quan trọng là tỉnh mièn núi, biên giới, địa bàn rộng, dân cư không tập trung, có nhiều dân tộc sinh sống trình độ dân trí thấp, về kinh tế rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi xin kín nghị trung ương nên có chính sách ưu đãi cụ thể đối với miền núi, nên chăng bao cấp cho miền núi các loại tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, giúp Lai Châu củg cố hệ thống truyền thanh, truyền hình, phát thanh, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật... Bộ Tư pháp nên có những thông tin về kinh nghiệm hoạt động của các tỉnh để cùng tham khảo học tập rút ninh nghiệm./.

 

 

File đính kèm downloadTải về