• Thuộc tính
Tên đề tài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng
Nội dung tóm tắt
 

Trong việc phản ánh tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thì lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là một trong những nội dung được báo chí quan tâm đặc biệt và phản ánh khá thường xuyên. Việc phản ánh của báo chí về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đã đạt được những kết quả nhất định, được dư luận đồng tình. Nhiều vụ việc nhờ có báo chí mà bị phát hiện và được xử lý thoả đáng. Sự phối, kết hợp theo chức năng của mình giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, hành chính ngày càng được thực hiện ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.

Sự phối, kết hợp đó xuất phát từ những đòi hỏi khách quan mà báo chí cách mạng cũng như hoạt động tư pháp đặt ra. Đó là:,giải quyết các vụ án một cách khách quan, công minh, đúng pháp luật; bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy vậy, theo chức năng của mình, mỗi cơ quan lại có những phương thức khác nhau để thực hiện mục đích đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào các quy định của pháp luật về tố tụng mà trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, phát hiện và xử lý tội phạm và người phạm tội; giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, kinh tế... và bảo đảm cho các quyết định của toà án được thi hành nghiêm túc. Việc giải quyết các vụ án đó phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về tố tụng và phải trải qua nhiều giai đoạn tố tụng để bảo đảm sự đúng đắn và chính xác của các quyết định của toà án. Còn các cơ quan báo chí thì coi hoạt động tố tụng là một đối tượng phản ánh của mình và tiếp cận đến đối tượng phản ánh đó bằng phương thức riêng của báo chí. Ngoài việc tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc để phản ánh một cách trung thực, chính xác thì báo chí còn phải phản ánh một cách kịp thời, nhạy bén và có dự báo. Sự khác nhau đó đã diễn ra trên thực tế nhưng lại chưa được luật pháp về báo chí điều chỉnh cụ thể. Phản ánh của báo chí trong nhiều trường hợp chưa ăn khớp, chưa phản ánh đúng với diễn biến và kết quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố xét xử và thi hành án. Độ “vênh” ấy có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sự điều chỉnh của pháp luật đối với mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được quy định một cách đầy đủ, chặt chẽ; chưa xác định được điểm dừng và giới hạn của báo chí khi phản ánh một lĩnh vực phức tạp như lĩnh vực hoạt động tố tụng; đồng thời cũng chưa làm rõ ranh giới quyền tự do báo chí trong việc phản ánh hoạt động tố tụng; quyền tự do báo chí với việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và hội thẩm; quyền tự do báo chí với việc bảo vệ và giữ gìn bí mật tư pháp... Do vậy, một yêu cầu đặt ra là phải sớm nghiên cứu để hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí, cũng như các quy định điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Với yêu cầu đó, phạm vi nghiên cứu đặt ra cho đề tài là trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến mối quan hệ phối hợp giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định đó trong những năm gần đây; để từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện một số quy định của luật báo chí và một số quy định của luật tố tụng về lĩnh vực này.

I. VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ TRONG VIỆC PHẢN ÁNH ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

1. Chức năng, nhiệm vụ chung của báo chí

Báo chí có chức năng chung là thông tin thời sự. Cho đến nay, chưa có một phương tiện nào có thể thay thế khả năng thông tin nhanh nhạy và kịp thời, đồng thời lại có tính chất đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình. Thông tin đại chúng cần được hiểu qua những nội dung như sau :

- Đối tượng tác động, tức là đối tượng tiếp nhận thông tin là xã hội rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp, thành phần xã hội.

- Nhu cầu thông tin và quyền được thông tin của nhân dân được thực hiện qua các phương tiện này.

- Thông tin báo chí nhằm góp phần hình thành đời sống tinh thần lành mạnh, qua đó tác động tích cực vào giải quyết các nhiệm vụ mà quá trình phát triển của xã hội đề ra.

- Có sự tham gia của đông đảo nhân dân vào hoạt động của các cơ quan báo chí

Thông tin đại chúng thể hiện tính chất phổ biến rộng rãi về đối tượng và nội dung tác động của thông tin. Ngoài những đặc điểm này, thông tin cũng cần thiết phải mang tính chất cập nhật, thời sự.

Như vậy, thông tin thời sự là chức năng đầu tiên của báo chí, trong đó “thông tin” là chức năng; “thời sự” là đối tượng tiếp cận, điểm xuất phát và là nội dung cơ bản của thông tin báo chí. Chính sự gắn bó hữu cơ này đã phân biệt giữa báo chí với các loại hình văn học và các tác phẩm nghệ thuật, các bản báo cáo kinh nghiệm, các bài giảng trên giảng đường...

Thông tin là chức năng đầu tiên, cũng là chức năng phổ biến của báo chí. Nên thuộc hệ thống chính trị - xã hội nào, báo chí cũng đều chứa đựng khả năng thông tin thời sự và từ đó có tác dụng đối với xã hội. Vấn đề đặt ra là tác dụng tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, các trạng thái tác dụng đó chịu sự chi phối bởi tính mục đích của thông tin. Tính mục đích này gắn liền với tính giai cấp, tính dân tộc.

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, tính chất xã hội hóa ngày càng cao, đòi hỏi thông tin phải đáp ứng kịp thời, chính xác. Thông tin trong thời đại khoa học kỹ thuật vừa bao hàm cả sự nhận biết về sự thật vừa xảy ra, vừa bao hàm cả sự nhận biết về khả năng sắp diễn ra. Như vậy, thông tin thời sự không thể không đề cập tới những dự báo, những phán đoán cần thiết được rút ra từ những sự kiện đã xảy ra. Dựa vào thành quả của khoa học kỹ thuật, dựa vào những thỏa ước có tính khả thi, thông tin ngày nay cho phép xuất hiện những dự báo chắc chắn sẽ xảy ra. Và chính những thông tin dự báo xác đáng này đã tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, con người áp dụng những dự liệu hoặc những biện pháp ứng phó, xử lý thích hợp.

Như vậy, thông tin trên báo chí có khả năng cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về sự vật và hiện tượng đang vận động, phát triển hoặc tiêu vong và những khả năng tất yếu vận động theo quy luật. Sự hiểu biết qua thông tin trên báo chí không chỉ dừng lại ở những hiện tượng bề mặt của cuộc sống mà còn có thể nhận biết từ quá trình diễn biến của sự vật trong bối cảnh lịch sử, xã hội đến hành động theo những định hướng được xác lập qua thông tin. Bởi vậy thông tin trên báo chí sẽ dẫn tới sự nhận thức về tự nhiên và xã hội của mỗi thành viên trong xã hội. Nói cách khác chức năng thông tin của báo chí tất yếu sẽ dẫn tới chức năng nhận thức và giáo dục.

Thực tế cho thấy, chừng nào báo chí đi đúng quy luật của sự phát triển, bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, khách quan đúng với bản chất của sự vật thì báo chí phát huy được tác dụng và hiệu quả mong muốn. Ngược lại, nếu báo chí không nắm được quy luật phát triển của xã hội, thông tin trái với bản chất của sự việc sẽ gây tác hại lớn về nhận thức, về giáo dục và hậu quả gây ra cho xã hội sẽ không thể lường hết được.

V.L Lênin đã cho rằng vai trò của tờ báo không chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng giáo dục chính trị mà còn là tranh thủ những bạn đồng minh chính trị. Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể.

Trong quá trình giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo Đảng cộng sản, tờ báo là phương tiện để xây dựng lực lượng cách mạng và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp vô sản, giành lại chính quyền về tay nhân dân.

Trong công cuộc xây dựng CNXH, báo chí là phương tiện tích cực để xây dựng một xã hội mới - báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng mà còn là diễn đàn của nhân dân.

Để hoàn thành tốt chức năng cơ bản của mình, báo chí nước ta đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết của Bộ chính trị năm 1958, trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng của Đảng đã chỉ đạo chung đối với báo chí, có thể tóm tắt thành những nhiệm vụ cơ bản sau đây của báo chí:

Một là, báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân, đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Hai là, báo chí có nhiệm vụ đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, làm cho mọi người hiểu được thực chất của nội dung sự kiện đó.

Ba là, báo chí có nhiệm vụ phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến; phát hiện những nhân tố mới và khẳng định được những yếu tố tích cực còn đang tiếp diễn. Việc làm này còn có ý nghĩa hạn chế được cái lạc hậu, cái chậm tiến;

Bốn là, báo chí phải dũng cảm đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, giảm sút ý chí chiến đấu, các hiện tượng tham nhũng, bè phái, lợi dụng chức quyền, vi phạm quyền dân chủ của dân... Đây là nhiệm vụ vừa lâu dài, khó khăn nhưng rất cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Năm là, báo chí có nhiệm vụ xây dựng xã hội lành mạnh, phát huy và bảo vệ truyền thống quý báu của dân tộc, đóng góp công sức phòng ngừa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

2. Báo chí trong công cuộc đổi mới

Trong công cuộc đổi mới chung của đất nước báo chí nước ta đã có những khởi sắc và đóng góp tích cực. Nội dung thông tin trên báo chí, phát thanh, truyền hình ngày càng đa dạng, phong phú và cập nhật. Nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, pháp lý trong và ngoài nước đã được đông đảo quần chúng quan tâm. Việc đổi mới thông tin, cải tiến việc đưa tin, khắc phục lối mòn thông tin một chiều, phản ánh chân thực cuộc sống, giảm đáng kể những tin xã giao, lễ tân..., giành nhiều số lượng trang, bài cho việc phản ánh công cuộc xây dựng xã hội mới và đấu tranh chống tiêu cực đã làm cho báo chí ngày càng gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người lao động, sức chiến đấu của báo chí ngày càng được nâng cao, được nhân dân hoan nghênh và tin cậy.

Thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, báo chí cũng đã góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới. Báo chí cũng đã kịp thời phát hiện và phê phán những khuynh hướng và hành động lệch lạc trong quá trình đổi mới, phát hiện những hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế, phê phán những cán bộ thoái hóa, biến chất... nhiều vụ việc tiêu cực do báo chí đưa ra ánh sáng và kiên trì đấu tranh bằng công luận đã được xử lý công minh theo pháp luật. Qua đó, nhiều vụ việc tiêu cực đã được ngăn chặn do tác dụng giáo dục, răn đe của công luận. Sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung và cách thức thông tin trên báo chí đã góp phần tạo nên bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Báo chí nhìn chung đã làm tốt chức năng “là diễn đàn của nhân dân”, thông qua báo chí mà nhân dân có thể đóng góp trực tiếp vào việc hình thành đường lối, chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nhờ đó mà mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân được tăng cường, sức mạnh của công luận được nhân lên. Có những sự kiện pháp lý rất quan trọng như việc chuẩn bị ban hành Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Bân sự năm 1995, thông qua báo chí mà nhân dân đã đóng góp hàng triệu ý kiến quý báu, có tính chất như là những cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tích và cố gắng kể trên, báo chí cũng bộc lộ một số thiếu sót, nhược điểm như:

- Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí đã có những bài đấu tranh phê phán sắc sảo. Do thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh này nên về cơ bản, báo chí đã trở thành niềm tin, là chỗ dựa của nhân dân trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Song điều đáng chú ý là còn thiếu sự lựa chọn và đi đúng hướng. Đáng lẽ báo chí cần đi sâu điều tra, phát hiện những sự việc, hành động sai trái có tính tiêu biểu, tập trung vào những trọng điểm gây thiệt hại cho kinh tế và xã hội, bị nhân dân ca thán, chê trách từ đó rút ra những bài học để giáo dục, ngăn ngừa, thì một số tờ báo lại gặp việc gì nêu việc ấy, thiếu sự phân tích và ít đề xuất được ý kiến giải quyết.

- Đối với hoạt động tư pháp, còn một vài tờ báo, nhà báo chưa thực sự đề cao trách nhiệm khi đưa tin, bài về các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo những ý kiến trái ngược nhau không đáng có. Từ những tài liệu được thu thập theo quy trình làm báo, các nhà báo đã thông qua báo chí nêu ra những lý lẽ của cá nhân mình phản bác, phủ nhận sự thật về vụ án và đơn phương bác bỏ kết luận của các cơ quan tố tụng một cách suy đoán. Các bài báo này đã gây sự hiểu lầm trong công luận về sự thật của vụ án và sự nghiêm minh của pháp luật.

Có những vụ án, báo chí đã tập trung định hướng dư luận phán xét trước khi toà án xét xử, gây nên sức ép tâm lý đối với Hội đồng xét xử, dẫn đến tình trạng toà án đã có sự lựa chiều để xử theo công luận.

Báo cáo của Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khoá V, trước Đại hội lần thứ VI Hội nhà báo Việt Nam tháng 3/1995 đã nhận định: “Trong những đấu tranh chống tiêu cực, có những vụ việc báo chí đưa ra còn thiếu chính xác hoặc chưa đúng với bản chất sự việc; có bài viết xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Báo chí cũng còn “cửa quyền”, chưa thực hiện đúng những quy định trong luật báo chí như đăng sai không đính chính, viết bài phê bình nhưng không cho đối tượng bị phê bình nói lại. Có vụ việc cấp thẩm quyền cao nhất đã kết luận, nhưng cơ quan báo chí vẫn tiếp tục đưa ý kiến phản bác, làm nhiễu dư luận xã hội...”, “...cơ chế cũng có tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp và tư cách cá nhân một số nhà báo. Có người vì đồng tiền hoặc vì lợi ích nhỏ nhen đã đánh mất phẩm chất của mình, đi đến uốn cong ngòi bút, bóp méo sự thật, thậm chí làm nhiễu thông tin”. Đó cũng chính là những vấn đề cần phải khắc phục trong tình hình hiện nay, cũng như lâu dài để bảo đảm sự trung thực, khách quan của báo chí đối với hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA BÁO CHÍ VỚI CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

1. Một số nét về pháp luật điều chỉnh hoạt động báo chí

1.1 Pháp luật về báo chí ở một số nước

Pháp luật là những quy tắc, xử sự do Nhà nước đặt ra và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế. Việc hình thành Luật Báo chí cũng như các điều khoản trong các đạo luật khác có quan hệ đến hoạt động của báo chí là do nhu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí nhằm phát huy các khả năng tích cực và hạn chế các khả năng tiêu cực của báo chí đối với xã hội.

Quan hệ giữa pháp luật và báo chí xuất hiện từ khi có báo chí hiện đại. Trước thế kỷ XVIII, Luật Báo chí chủ yếu vẫn dừng lại ở một số quy định có tính nguyên tắc trong các chiếu chỉ của nhà Vua. Ở nước Anh, năm 1625 Vua Saclơ I đã lập ra một phòng kiểm duyệt báo chí, lấy tên là Phòng Tinh Tú (Star chamber). Tất cả báo chí ở Vương quốc Anh đều phải tuân theo những quy định do Phòng này đưa ra. Ngoài nhiệm vụ theo dõi, ngăn chặn, cơ quan này được coi như một tòa án đặc biệt xét xử các vụ vi phạm về báo chí, không cho phép chống án và cũng không có Đoàn bồi thẩm khi xử án. Phòng Tinh Tú ở Anh là hình thức quản lý đầu tiên của Nhà nước đối với báo chí. Cho dù lúc này Nhà nước Anh đã có Luật đối với các lĩnh vực hoạt động khác, song đối với báo chí vẫn áp dụng hình thức quản lý theo Sắc lệnh. Đến thế kỳ XIX, các vụ án về báo chí ở Anh vẫn được xét xử dựa theo các đạo luật và văn kiện như: Hiến chương (1215), Luật Habeas Corpus act (1679), Luật Phỉ báng (1972) hoặc các đạo luật khác.

Ở Pháp từ năm 1728, đã có đạo dụ của nhà Vua bắt đánh và bỏ tù những người viết, in những bài báo phá hoại. Năm 1800, dưới thời NapoLeon đệ nhất có Sắc luật về báo chí. Luật Báo chí hoàn chỉnh của Pháp ra đời năm 1881. Luật Báo chí năm 1881 của Pháp đã được áp dụng có hạn chế ở 3 kỳ nước ta trước năm 1945.

Cùng với sự vận động của lịch sử xã hội, báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, tác động và có ảnh hưởng ngày càng lớn vào sự phát triển của xã hội. Ngày nay, không một quốc gia nào không có báo chí và không một lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội nào không hiểu vai trò to lớn của báo chí trong đời sống chính trị - xã hội. Với nhận thức ấy, các quốc gia dần dần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về báo chí và luôn luôn sửa chữa, hoàn thiện, làm cho hệ thống pháp luật đó phù hợp với tình hình thực tế cũng như với mục tiêu chính trị của mình. Ở nhiều nước trên thế giới, Luật Báo chí được tách ra thành Luật cho báo in, Luật cho phát thanh và Luật cho truyền hình (Italia, Pháp...).

Ngoài các đạo luật chuyên về báo chí, ở các nước, thông thường báo chí còn bị quản lý và chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, về tự do của công dân, về trách nhiệm đối với văn hóa, tiến bộ xã hội... và được quy định thành các điều khoản trong các đạo luật về từng lĩnh vực hoạt động xã hội cụ thể.

Do vai trò, tác động của báo chí đã vượt ra ngoài khuôn khổ từng quốc gia, ảnh hưởng không ít đến các quan hệ quốc tế nên ngay sau khi thành lập, Liên hiệp quốc đã có những cố gắng nhằm hình thành những văn bản có tính chất luật pháp quốc tế về báo chí. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các cố gắng này đều chưa đạt kết quả. Các tổ chức báo chí quốc tế OIJ, FIJ, Liên đoàn các nhà xuất bản mới chỉ thỏa thuận được một điện thoại nhân đạo đặt tại Thụy Sỹ với mục đích cứu trợ những nhà báo bị nguy hiểm. Việc không thể thông qua được các văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến báo chí, chủ yếu do sự không thống nhất về lợi ích giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển. Trên thực tế, sự bất bình đẳng về trật tự thông tin quốc tế đang có lợi cho các nước giàu, làm cho các nước này có khả năng dùng báo chí tác động vào môi trường quốc tế theo hướng có lợi. Các nước giàu không muốn từ bỏ đặc lợi này, trong khi đó các nước chậm phát triển đấu tranh chống lại sự đặc quyền thông tin hiện đang nằm trong tay của một số ít các nước giàu có.

Một vấn đề khác rất quan trọng của báo chí được luật pháp của hầu hết các nước quan tâm đó là quyền tự do báo chí. Tự do báo chí là một khẩu hiệu được đưa ra từ giữa thế kỷ XVII, trong cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ, dân chủ chống lại ách áp bức phong kiến, quý tộc. Ngày nay, tự do báo chí được tuyên bố, ghi nhận trong đạo luật cơ bản (Hiến pháp) và Luật Báo chí của hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới. Tự do báo chí trở thành một tiêu chuẩn quốc tế, một quyền cơ bản của con người, một trong những tiêu chí đánh giá nền dân chủ ở mỗi quốc gia. Điều 19 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc ghi: “mọi người đều có quyền tự do tin tưởng và tự do ngôn luận. Quyền đó bao gồm quyền không phải lo sợ về những ý kiến của mình và quyền tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến những thông tin và những ý tưởng bằng bất kỳ một phương tiện thông tin nào, không xem xét đến các đường biên giới”.

Nói đến tự do báo chí, trong các văn bản Quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia đều thống nhất những nội dung sau: (i) Quyền tự do phát và nhận thông tin báo chí (quyền được cung cấp thông tin cho nhà báo; quyền phát biểu quan điểm, nguyện vọng của cá nhân trên các phương tiện thông tin; quyền được đọc các loại báo, tạp chí, nghe các đài, xem mọi chương trình truyền hình không phân biệt nguồn gốc; (ii) Quyền tự do nghề nghiệp của nhà báo, bao gồm quyền đi lại, giao tiếp với nguồn tin, hoạt động nghiệp vụ, công bố các tác phẩm báo chí, truyền phát các tác phẩm theo hệ thống thông tin liên lạc...

Tuy vậy, về nguyên tắc, quyền tự do báo chí bao giờ cũng có giới hạn. Giới hạn quyền tự do báo chí được hình thành trên cơ sở những giá trị đạo đức, trật tự, phúc lợi công cộng cũng như tính chất xã hội, lợi ích kinh tế và mục đích chính trị của từng quốc gia. Mục 29, Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hiệp quốc ghi nhận: “Trong khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế đã được pháp luật quy định với mục đích công nhận và tôn trọng các quyền tự do của người khác và để đáp ứng các nhu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

Tuyên ngôn nhân quyền Pháp 1789, sau khi khẳng định tự do báo chí là một trong những quyền quý giá nhất của con người, cũng đã nói rõ: “khi lạm dụng quyền tự do đó sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật pháp”.

Hiến pháp của nước Cộng hòa Ấn Độ quy định: “Nhà nước có quyền đưa ra Luật nhằm hạn chế tự do báo chí vì chủ quyền và sự thống nhất đất nước, an ninh của Nhà nước, quan hệ với nước ngoài” (Điều 29).

Khi nói đến tự do báo chí ở Mỹ, người ta thường nhắc đến Điều luật được bổ sung sau đây của Hiến pháp Mỹ: “không một ai, kể cả Tổng thống và Quốc hội có quyền đưa ra một đạo luật nhằm hạn chế quyền tự do báo chí”. Song thực tế hoạt động báo chí ở Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ bởi Luật các đạo luật và Sắc lệnh về đủ mọi lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Năm 1917, Quốc hội Mỹ thông qua Luật về Tội do thám và một năm sau lại cho ra đời tiếp Luật về Tội bạo động. Theo các luật này, sẽ bị coi là tội phạm nếu ai đó viết “các phóng sự và tuyên bố không đúng nhằm cản trở hoạt động và thành công của các lực lượng vũ trang hay hỗ trợ cho đối phương”. Năm 1953, Bộ luật Hình sự của Mỹ được bổ sung một điều, cho phép truy tố việc đăng tải các tài liệu mà Chính phủ cho là bí mật. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ ra Sắc lệnh coi mọi tài liệu in ra có hại cho nền quốc phòng đều coi là bí mật.

Pháp luật của các nước trên thế giới đều quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của các công chức trong bộ máy nhà nước về việc phát ngôn hay đưa ra cho giới báo chí những nguồn tin. Với những tin tức quan trọng, liên quan đến an ninh, quân sự hay quan hệ quốc tế đều do những người có thẩm quyền đưa ra. Với lý do an ninh, ổn định xã hội, các nước đều đưa vào luật những quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị đương thời. Thông thường, những thông tin chống lại chế độ chính trị bao giờ cũng bị coi là phản động, chống lại đất nước nói chung và do đó bị khép tội nặng.

Ví dụ, ở Mỹ năm 1918, Quốc hội thông qua đạo luật cấm phổ biến bất kỳ loại ấn phẩm nào phê phán hình thức tổ chức và quản lý của nước Mỹ.

Ở các nước công nghiệp phát triển, quyền giữ bí mật nguồn tin của nhà báo được ghi vào luật pháp. Nhà báo được phép giữ bí mật nguồn cung cấp tài liệu cho mình viết tác phẩm. Song thực chất, quyền đó sẽ không còn giá trị khi bản thân thông tin đó bị quy vào một tội nào đó. Việc quy tội, nhiều khi lại phụ thuộc phần nhiều vào toà án. Trong vô vàn thứ luật lưu hành, người ta rất dễ ghép nhà báo vào một tội danh nào đó, đơn giản nhất là gây rối trong xã hội. Hơn nữa, trong một số trường hợp cụ thể, nhất là liên quan đến toà án, quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực.

Toà án cũng như chính khách ở các nước trên thế giới đều được các đạo luật bảo vệ trước các ngón đòn báo chí. Luật pháp bảo vệ thanh danh từng thành viên trong xã hội, đồng thời tạo ra một hàng rào an toàn cho các chính khách, các cơ quan tư pháp hành pháp và lập pháp. Những thông tin xúc phạm đến các cơ quan và cán bộ trong bộ máy nhà nước mà không có chứng lý đầy đủ đều bị khép vào tội vi phạm an ninh nhà nước.

Những gì liên quan trực tiếp đến toà án được các đạo luật quy định rất rõ ràng. Báo chí bắt buộc phải tôn trọng toà án, bị hạn chế trong việc công bố các tài liệu của toà án. Hầu hết các nước đều cấm báo chí bình luận công việc của toà án khi vụ án chưa kết thúc, cũng như việc chống án chưa có ý kiến kết luận của toà cấp trên. Những tài liệu này được coi là bí mật và có ảnh hưởng đến việc xử án. Nếu cơ quan báo chí nào công bố thì bị trừng phạt như tội làm lộ bí mật nhà nước. Trong trường hợp này các quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực. Ở một số nước trên thế giới pháp luật cấm không được truyền thanh hay truyền hình trực tiếp từ phòng xử án.

 Nói chung các trường hợp phóng viên báo chí bị khép vào tội không tôn trọng toà án sẽ bị trừng phạt nặng, bị truy tố, phạt tù chứ không đơn giản là bị phạt tiền.

1.2. Pháp luật Việt Nam về báo chí từ 1945 đến nay

Ở Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền, trong Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời do Hồ Chủ Tịch tuyên bố ngày 28/8/1945, Nội các lâm thời gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin - Tuyên truyền do ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng để quản lý công tác báo chí, xuất bản của Nhà nước. Tiếp đó Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946, đây là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về báo chí của nhà nước ta cho tới ngày nay. Tuy vậy, do bối cảnh lịch sử, khi chúng ta phải tiến hành ngay cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, nên chưa có điều kiên để xây dựng một hệ thống pháp luật về báo chí hoàn chỉnh như các chế định ghi trong Hiến pháp. Song, trên thực tế các quyền cơ bản về chính trị, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng... đã được thực thi trong cuộc sống. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tờ báo, bài báo, tác phẩm văn học ra đời trong giai đoạn này đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén, động viên nhân dân đứng lên đánh đuổi quân thù, góp phần xuất sắc vào chiến thắng của dân tộc.

Khi hoà bình được lập lại trên miền Bắc, để khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, ngày 14/12/1956 Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh số 282/SL quy định về chế độ báo chí. Sắc lệnh gồm 3 chương và 19 điều. Chương II của Sắc lệnh quy định về quyền lợi và hoạt động của báo chí gồm 9 điều (từ Điều 4 đến Điều 12 ). Theo đó, “Quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí được đảm bảo”.

Tất cả các báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận. Không phải kiểm duyệt trước khi in. Trong trường hợp khẩn cấp, xét cần phải tạm thời đặt kiểm duyệt, Hội đồng chính phủ sẽ quyết định”.

Để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ đúng đối tượng, Điều 9 Sắc lệnh cũng quy định một số ràng buộc đối với báo chí. Báo chí phải tuân theo quy định: (i) Không được tuyên truyền chống pháp luật của nhà nước. Không được cổ động nhân dân không thi hành hoặc chống lại những luật lệ và những đường lối chính sách của Nhà nước. Không được viết bài có tính chống lại chế độ dân chủ, chia rẽ nhân dân, chống lại chính quyền nhân dân, chia rẽ nhân dân và chính quyền, nhân dân và bộ đội. Không được gây ra những dư luận hoặc những hành động có hại cho an ninh trật tự xã hội.... (ii) Không được tiết lộ bí mật quốc gia như: những bí mật quốc phòng, những hội nghị cơ mật chưa có công bố chính thức của cơ quan có trách nhiệm, những vụ án đang điều tra chưa xét xử, những bản án mà toà án không cho phép công bố, những tài liệu, số liệu và những cơ sở kiến thức về kinh tế tài chính mà các cơ quan có thẩm quyền chưa công bố; (iii) Không được tuyền truyền dâm ô, truỵ lạc, đồi bại.

Về trách nhiệm của báo chí, Điều 10 quy định: “báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến danh dự của một tổ chức hay một cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự; ngoài ra đương sự có quyền yêu cầu tòa án xét xử”.

Báo chí nào cố tình vi phạm Điều 9 và Điều 10 sẽ bị phạt cảnh cáo, tịch thu ấn phẩm, đình bản tạm thời, đình bản vĩnh viễn hoặc bị phạt tiền (từ năm vạn đồng đến một triệu đồng), bị truy tố trước tòa án. Người chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí có thể bị phạt tù từ một tháng đến hai năm, hoặc cả hai hình phạt đó. Nếu đương sự phạm vào những luật lệ khác, tòa án sẽ chiếu theo những luật lệ ấy mà trừng phạt thêm.

Ngày 9/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 297/TTg quy định chế độ và quyền lợi của những người làm công tác báo chí chuyên nghiệp. Theo đó khi sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, người làm công tác báo chí có quyền: (i) Viết tin, đưa tin mà không phải chịu sự kiểm duyệt trước của bất cứ một cơ quan chính quyền nào; (ii) Phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Chính phủ; (iii) Đưa ra dư luận những âm mưu, những hành động có phương hại đến lợi ích của nhân dân.

Đối với các phiên tòa xử công khai của tòa án, nhà báo được dành một chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán để lấy tài liệu viết báo (Điều 6).

Cùng ngày 9/7/1957, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 298/TTg quy định chi tiết thi hành Luật số 100/SL/ L002 ngày 20/05/1957 về chế độ báo chí.

Theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này, nếu tòa soạn không đăng bài cải chính, đăng chậm, đăng không đúng thể thức quy định thì đương sự có quyền khiếu nại tòa án nơi xuất bản của tờ báo. Tòa án xét xử theo thủ tục xét xử nhanh (thủ tục cấp thẩm) trong hạn ba ngày. Nếu tòa án xét cần phải cải chính ngay, thì tòa soạn phải đăng bài cải chính trong số báo gần nhất, mặc dù có đơn chống án. Nếu có đơn chống án, thì tòa phúc thẩm phải xét xử xong trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

Sau khi Hiến pháp 1959 ra đời, một loạt các văn bản pháp luật về báo chí được ban hành như Nghị định số 207/CP ngày 01/12/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định về phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, điện ảnh nước ngoài hoạt động trên nước ta; Nghị định số 61/CP ngày 14/6/1962 quy định những vấn đề thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước. Các văn bản này chủ yếu đưa ra những nguyên tắc chung cho tất cả các cơ quan, viên chức nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bí mật của Nhà nước, trong đó có các cơ quan báo chí và nhà báo phải tuân thủ, thực hiện.

Pháp luật cũng quy định rõ các cơ quan báo chí phải có trụ sở và in ở một nhà in nhất định. Nếu tờ báo nào thay đổi trụ sở, nhà in, nhân viên ban biên tập, mở rộng phạm vi phát hành mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm quản lý báo chí biết thì coi như phạm pháp.

Bước sang thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhiều biến đổi trong đời sống kinh tế, đời sống xã hội đã diễn ra. Để thích ứng và phù hợp với yêu cầu của xã hội, ngày 02/01/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký Lệnh số 29LCT/HĐNN8 công bố Luật Báo chí đã được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989. Luật gồm 7 chương và 31 điều. Tiếp đó, ngày 20/4/1992 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 133/HĐBT quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí.

Về nội dung, các quy định trong Luật Báo chí năm 1990 đã thể hiện được tinh thần đổi mới của Đảng. Điều 1 của Luật Báo chí đã ghi rõ: “Báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”. “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình” (Điều 2). Luật Báo chí lần này vẫn không thừa nhận tư nhân có quyền ra báo chí, điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong khi Đảng chủ trương đổi mới, mở rộng dân chủ nhưng không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lợi dụng dân chủ để chống lại nhân dân, chống lại thành quả cách mạng mà nhân dân phải hy sinh bao xương máu mới dành được. Xuất phát từ quan điểm này, Điều 2 của Luật quy định rõ: “báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”.

Để thực thi nhiệm vụ của mình, báo chí có quyền “phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”(Điều 6). Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin (Điều 7). Khi phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bằng văn bản, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết (Điều 8). Báo chí “không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân” (Điều 10).

Điều cốt lõi của các điều luật này khẳng định chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực là phát hiện chính xác vụ việc tiêu cực, góp phần tìm ra nguyên nhân, nêu bài học kinh nghiệm; còn phía các cơ quan tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời theo chức năng của mỗi cơ quan theo luật định.

Nếu cơ quan báo chí vi phạm pháp luật báo chí thì “người đứng đầu cơ quan báo chí tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (Điều 28).

Tiếp theo Luật Báo chí và Nghị định số 133/HĐBT, ngày 5/11/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 384/HĐBT về tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản; ngày 20/11/1990 Bộ Văn hoá - Thông tin, Thể thao và Du lịch ra Thông tư số 1312b/TT-VP hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài các văn bản pháp luật trực tiếp về báo chí, thời kỳ này Đảng và Nhà nước còn ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí như Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước (1992); Chỉ thị số 08 ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác báo chí, xuất bản.

Tóm lại, pháp luật về báo chí trong giai đoạn này đã được xây dựng hoàn chỉnh hơn. Lần đầu tiên từ ngày giành độc lập, Nhà nước đã ban hành một văn bản pháp luật hoàn chỉnh dưới dạng Luật Báo chí. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo được mở rộng hơn. Báo chí được quyền in ở bất kỳ nhà in nào, được mở rộng phạm vi phát hành mà không cần xin phép. Đồng thời, Luật không cấm việc đăng tải các vụ án như các văn bản pháp luật thời kỳ trước.

2. Quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng

Với chức năng xã hội của báo chí đã phân tích ở phần trên, có thể thấy mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể xã hội đều là đối tượng phản ánh của báo chí. Trong số các cơ quan nhà nước, thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính là đối tượng phản ánh có tính chất khá ưu tiên của báo chí. Nguyễn nhân là do hoạt động tố tụng có mục tiêu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích chính đáng của công dân. Mỗi một hành vi tố tụng đều gắn liền với những lợi ích về tinh thần, về vật chất của mỗi tổ chức, cơ quan hay cá nhân công dân. Xuất phát từ đặc thù của hoạt động tố tụng, báo chí phản ánh hoạt động tố tụng cũng có phương thức đặc thù, không giống như phản ánh các hiện tượng khác của xã hội.

a) Báo chí phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua những sự kiện và vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật. Phương thức này có đặc thù là gắn với thông tin thời sự, gắn với người thật, việc thật.

b) Từ những sự kiện biểu dương hoặc phê phán các biểu hiện và thái độ đối với pháp luật, báo chí có khả năng tạo cho công luận có những thông tin mới, ngoài tác dụng về nhận thức, có thể có cả tác dụng về tổ chức. Bằng việc thông tin toàn diện kết hợp với tuyên truyền điển hình, giới thiệu nhân tố mới trong việc chấp hành pháp luật, báo chí có thể định hướng cho bạn đọc suy nghĩ đúng về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

c) Bên cạnh đó, báo chí kết hợp giữa các dòng thông tin. Sự kết hợp thông tin đa chiều này về thực chất là thực hiện quyền thông tin và quyền được thông tin của công dân về những vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật của công dân cũng như của các cơ quan tiến hành tố tụng.

d) Ngoài ra, việc phản ánh các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng có sự kết hợp tính tập trung với tính liên tục. Việc tập trung thể hiện ở chủ đề, đề tài và hình thức thể hiện. Tính liên tục thể hiện ở chỗ báo chí phản ánh hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng nối tiếp nhiều số báo, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình. Việc tập trung kết hợp với liên tục sẽ làm nổi bật vấn đề định nêu làm cho người đọc dễ thấy, từng bước thâm nhập vào họ để tạo cho họ những suy nghĩ đúng đắn.

2.1. Báo chí phản ánh việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

Trong việc thực hiện cải cách bộ máy nhà nước trong đó có cải cách tư pháp mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra thì tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đã từng bước được kiện toàn theo hướng nâng cao hiệu lực và hiệu quả để góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới. Báo chí đã luôn luôn bám sát và phản ánh kịp thời những vấn đề về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đánh giá những kết quả hoạt động của các cơ quan này trong nhiều năm. Trên cơ sở đó đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn, đổi mới tổ chức của các cơ quan nói trên. Về lĩnh vực này, báo chí đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận: phổ biến và giới thiệu rộng rãi các văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, các pháp lệnh về giải quyết các vụ án dân sự, lao động, kinh tế và các vụ án hành chính hay Pháp lệnh Tổ chức luật sư, Nghị định giám định tư pháp..., Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua việc giới thiệu, phổ biến những quy định của pháp luật về tố tụng, cán bộ và nhân dân có điều kiện tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và những quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Báo chí cũng đã phản ánh kịp thời những thay đổi về tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều tin, bài trong những năm qua đã thường xuyên và liên tục giới thiệu quá trình bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự (1993) theo Chỉ thị số 266/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc bàn giao toàn diện về công tác thi hành án dân sự từ toà án sang cơ quan của Chính phủ, kiện toàn tổ chức và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chấp hành viên; những kết quả bước đầu quan trọng của công tác thi hành án dân sự sau khi bàn giao. Báo chí cũng đưa tin bài về tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án,....

Một hình thức khác trong mối quan hệ này là việc báo chí biểu dương gương người tốt, việc tốt hoặc các nhân tố mới. Chẳng hạn như khi biết một cán bộ nào đó của cơ quan điều tra, liêm khiết, không nhận hối lộ, hoặc không chịu sức ép của một người nào đó muốn làm sai lệch hồ sơ vụ án thì báo chí sẽ đưa tin biểu dương kịp thời.

Bên cạnh đó, báo chí cũng rất coi trọng việc phê phán hoặc nêu ra những vấn đề bất cập trong những hoạt động xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, kể cả những tiêu cực của cả cán bộ, nhân viên các cơ quan này.

2.2. Báo chí đưa tin, bài phản ánh về những hiện tượng tiêu cực, những vi phạm pháp luật và tội phạm

Ở dạng này, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phân ra ở nhiều góc độ:

Thứ nhất, báo chí tự phát hiện. Theo Điều 83, điểm 3 Bộ luật Tố tụng hình sự thì tin tức đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hình sự. Những loại bài, tin phản ánh này do các cơ quan báo chí tự phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ chính xác của những thông tin đưa ra. Mặt khác, Điều 8 và Điều 9 Luật Báo chí cũng quy định: cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho cơ quan báo chí cách giải quyết (Điều 8).

Từ những bài, tin đăng trên báo chí và những thông tin bằng văn bản do báo chí phát hiện về tội phạm chuyển đến, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc những người có trách nhiệm phải trả lời cho các cơ quan báo chí về những vấn đề mà báo đã nêu ra. Tuy nhiên, trong thực tế, mối quan hệ này ít được các cơ quan tiến hành tố tụng chú ý, mà phần lớn là không có ý kiến trả lời. Có thể nói đây là thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà pháp luật chưa có những quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này.

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng diễn theo một trong hai hướng:

Hướng thứ nhất, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp hoặc cơ bản phù hợp với những thông tin của báo chí nêu ra.

Hướng thứ hai, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng không như các thông tin trên báo chí. Xu hướng này lại có thể diễn ra hoặc là cơ quan báo chí thừa nhận kết luận hoặc là không thừa nhận kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp không thừa nhận, báo chí lại tiếp tục nêu vấn đề trên báo và thậm chí chỉ trích cơ quan ra kết luận, có khi gay gắt.

Thứ hai, báo chí viết, đưa tin về những vụ việc vi phạm pháp luật do các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý và cung cấp thông tin. Theo Luật Báo chí, những vụ án đang được điều tra, hoặc chưa xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí. Trong trường hợp không được cung cấp thông tin thì báo chí tự tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ. Trường hợp được cung cấp thì mối quan hệ giữa báo chí và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xảy ra hai khả năng:

Khả năng thứ nhất, quan điểm của báo chí phù hợp với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở đây sẽ không có mâu thuẫn và do có quan điểm ủng hộ của báo chí thì sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Trường hợp này tạo được sức mạnh xã hội trấn áp tội phạm và có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Thời gian qua, số vụ loại này luôn chiếm đa số.

Khả năng thứ hai, quan điểm của một số báo chí phù hợp với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, còn một số báo chí khác lại không đồng tình. Trong trường hợp này không chỉ xảy ra sự tranh luận giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà đôi khi còn có sự cọ sát quan điểm ngay trong các cơ quan báo chí với nhau, có khi ở trong ngay một toà soạn báo.

Cuộc sống luôn vận động và phát triển nên trong đời sống xã hội và trong đời sống báo chí tồn tại những ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau về một hiện tượng, một sự kiện, hay một lĩnh vực nào đó là lẽ thường tình. Chính sự khác biệt này đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng, cân nhắc kỹ hơn trong quá trình điều tra, nghiên cứu khi đưa ra các quyết định xử lý, hạn chế những oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý oan người vô tội. Có thể nói, nhiều báo đã không bị sa đà vào những vụ khiếu kiện tràn lan không có điểm dừng mà đã biết lựa chọn ra những vụ việc có tính chất điển hình mà thông qua việc giải quyết của các cơ quan chức năng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho nhiều ngành, nhiều cấp và cho cả người dân. Tuy nhiên, thời gian qua sự phản ánh những sai phạm thường tập trung vào các loại việc: bắt, giam, giữ; các vụ việc tham nhũng, buôn lậu... và nếu xem xét kỹ “sự cọ sát” trên các báo sẽ thấy: cùng một sự việc, một số báo này nói khác báo kia, ngay cùng một tờ báo nói về một sự việc, thì số báo sau lại nói khác hoàn toàn số báo trước ...

Nguyên nhân của hiện tượng trên có nhiều và rất đa dạng, trong đó có hạn chế hiểu biết pháp luật của những người trực tiếp viết bài. Cùng một sự kiện nhưng có liên quan tới nhiều quan hệ xã hội nên nó bị điều chỉnh bởi nhiều ngành luật khác nhau. Cuộc sống, nhất là đời sống kinh tế lại luôn biến động, cái cũ chưa mất đi, cái mới lại chưa phát triển nên pháp luật cũng luôn biến động, thay đổi. Điều này đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các nhà báo và các toà soạn báo trong việc xác định, xử lý các hiện tượng, sự việc xảy ra cái gì là phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Chính sự bất cập này đã tạo kẽ hở trong việc thu thập và công bố thông tin. Nhiều trường hợp người viết báo quá tin vào tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp mà không kiểm tra, xác minh tính chân thực của thông tin, nên khi thông tin được đăng tải đã gây ra nhiều phức tạp. Cá biệt do quan điểm xử lý một vụ án cụ thể nào đó chưa được thống nhất giữa những cơ quan tiến hành tố tụng, còn tồn tại nhữg ý kiến khác nhau, nên cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng muốn thông tin cho báo chí để qua báo chí tranh thủ dư luận xã hội ủng hộ quan điểm xử lý của cơ quan mình. Cũng có trường hợp để bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình mà có cơ quan tiến hành tố tụng đã cung cấp thông tin cho báo chí một cách thiên lệch, hoặc do người viết, cơ quan báo chí thiếu khách quan trong việc đưa tin nên xã hội phải tiếp nhận những sản phẩm kém chất lượng. Nhiều trường hợp do nhận thức khác nhau nên thể hiện khác nhau ở các báo chí. Đây là sự khác biệt đương nhiên làm cho thông tin đa dạng, là những tiền đề gợi mở cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định hướng điều tra và giải quyết vụ án một cách nhanh, chắc chắn và hiệu quả.

3. Một số vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng

Trong lĩnh vực hoạt động tố tụng, mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng cần bảo đảm những vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:

3.1. Báo chí cần tôn trọng sự thật khi phản ánh về việc thực hiện pháp luật

Nói và viết đúng sự thật là thuộc tính thông tin của báo chí cách mạng. Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, việc viết tin, bài phê bình lại càng phải đảm bảo đúng sự thật. Bởi lẽ, theo Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì tin tức do báo chí cung cấp là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Bằng hoạt động thu thập và phản ánh tin tức của mình, báo chí có thể phát hiện dấu hiệu của tội phạm. Đến lượt mình, cơ quan điều tra căn cứ vào các tin tức do báo chí đưa ra để xem xét và quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Mặc dù, tin tức do báo chí cung cấp cũng chỉ là một trong các nguồn tin do các cơ quan tiến hành tố tụng nhận được. Song tin tức trên báo chí là tin công khai, thường là có địa chỉ và đã được sơ bộ thẩm tra nên xác suất tin cậy nhiều hơn. Đặc biệt các tin tức này rất được các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra quan tâm xử lý.

Nguyên tắc tôn trọng sự thật đòi hỏi bản thân từng nhà báo, toà soạn phải có thái độ khách quan, phải bình tĩnh để tránh sai sót và sơ hở trong thu thập tài liệu chứng cứ và đưa tin. Những chi tiết và số liệu đưa ra trong bài phê bình công khai phải dựa trên những chứng cứ có thể kiểm chứng được; hạn chế tối đa sử dụng chi tiết và con số mà đằng sau nó chứa đựng những vấn đề xã hội phức tạp. Nguyên tắc tôn trọng sự thật có nghĩa là: không được lấy cái phiến diện làm cái toàn diện, lấy hình thức làm bản chất, lấy cái thứ yếu làm cái chủ yếu và càng không thể lấy cái ngẫu nhiên làm cái tất nhiên để phản ánh về quá trình giải quyết các vụ án. Thực tế cuộc sống cho thấy không thể loại trừ những yếu tố thiếu chính xác trong một bài báo phê bình, nhưng sự việc làm cốt lõi cho nội dung một bài phê bình thì đòi hỏi phải chính xác, có thật. Vi phạm điều này có nghĩa là rơi vào phạm vi vu cáo, vi phạm pháp luật. Thông thường “phê” phải đi với “bình”. Lời bình sắc sảo là cần thiết và phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người viết báo. Nhưng sắc sảo phải đi đôi với nhân hậu, có lý có tình; phải có gợi ý về cách tháo gỡ, lối thoát hoặc sửa chữa. Tuyệt đối tránh khuynh hướng cay cú, thổi phồng sự việc, muốn sử dụng báo chí để dẫn dắt các cơ quan tiến hành tố tụng đi theo quan điểm của mình.

Nguyên tắc tôn trọng sự thật đòi hỏi phải đưa tin đúng. Đưa tin sai, không đúng với bản chất của sự việc là có hại; nhưng không phản ánh những gì cần phản ánh thì gây ra thiệt hại cũng không nhỏ. Chính vì vậy, nhà báo trước hết phải trung thực với chính mình trước khi có thể xác định tính trung thực của thông tin mà mình lựa chọn và công bố.

Lợi thế nghề nghiệp của nhà báo, của báo chí có thể đem lại những ích lợi cho xã hội nhưng lợi thế nghề nghiệp đó cũng có thể đem lại hậu quả không tốt khi đưa ra những thông tin không chuẩn xác, sai lệch, những thông tin không cần đưa, không có giá trị, đưa thông tin không đúng lúc, không đúng đối tượng mặc dù chỉ là do sơ xuất, thiếu cân nhắc. Chính những điều đó dẫn đến hiệu quả xã hội của báo chí thấp và không nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

3.2. Báo chí cần tuân thủ các quy định của luật báo chí và luật tố tụng

Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và của cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng.

Trong chế độ ta, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhà nước do dân tổ chức ra để quản lý xã hội, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Để quản lý xã hội, Nhà nước làm ra luật pháp và đặt mình hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng không phải chỉ nhằm thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn phải bảo đảm cho pháp luật của Nhà nước được mọi người tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Như vậy, các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng tuy khác nhau về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động nhưng lại có cùng một mục đích chung trong lĩnh vực bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật. Cả hai loại cơ quan, cũng như cán bộ nhân viên của các cơ quan đó đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật như bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào khác.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật đòi hỏi trước hết phải bảo đảm địa vị tối cao của luật, nghĩa là từ việc xây dựng pháp luật đến việc thực thi pháp luật luôn luôn phải xuất phát từ luật, trên cơ sở luật để thi hành luật. Nói cách khác cơ quan báo chí cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện chức năng của mình trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định, thực hiện thẩm quyền trên cơ sở pháp luật và phù hợp với pháp luật. Nguyên tắc này bác bỏ xu hướng bản vị, cục bộ, vin vào đặc điểm của ngành, của lĩnh vực mình để tùy tiện không chấp hành luật hay chấp hành sai pháp luật.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực thực hiện pháp luật. Trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có pháp luật để quản lý ngành ấy, lĩnh vực ấy. Tùy theo chức năng từng ngành, từng đơn vị mà tiến hành tổ chức để pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh. Trách nhiệm này trước hết thuộc về thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Họ nhất thiết phải nắm vững những luật lệ của Nhà nước để vận dụng vào công tác quản lý theo phạm vi trách nhiệm của mình. Đồng thời phải gương mẫu trong việc chấp hành và thực thi pháp luật ở lĩnh vực mình phụ trách cũng như trong cuộc sống thường ngày.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật còn cần phải phê phán, khắc phục những quan niệm sai cho rằng để đạt được kết quả trong việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của một ngành hay cơ quan nào đó, đôi khi cũng phải “vượt rào” hay tìm chỗ hở của pháp luật để “lách”, vượt qua... Đây là một quan niệm sai lầm, từ một sự vi phạm pháp luật chỉ có thể sinh ra các vi phạm pháp luật khác. Đã vi phạm pháp luật thì chắc chắn không thể có khả năng giành thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực công tác nào.

Cuối cùng nguyên tắc này cũng đòi hỏi phải kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi phạm pháp. Không để một việc vi phạm pháp luật, một tội phạm nào không bị phát hiện và có biện pháp xử lý thích đáng, theo đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3.3. Bảo đảm quyền tự do báo chí và trách nhiệm của nhà báo

Trong điều kiện ở Việt Nam, Hiến pháp, Luật Báo chí cùng nhiều văn bản pháp quy khác đã thể chế hoá quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các nhà báo tự do hành nghề trong khuôn khổ mà pháp luật đã quy định. Mọi công dân đều có quyền phát biểu ý kiến trên công luận về mọi vấn đề, miễn là có tính chất xây dựng và phù hợp với lợi ích chung của đất nước.

Khi nói về tự do báo chí, cần phải khẳng định rằng tự do cho ai và tự do của ai. Rõ ràng quyền tự do báo chí không đồng nghĩa với “tự do vô hạn” hòng gây rối, phá hoại ổn định chính trị - xã hội, cản trở công cuộc đổi mới, kích động nhân dân, đưa ra những luận điểm đồi truỵ, mê hoặc nhân dân.

Báo chí nói chung và báo nói riêng được tự do thực hiện quyền thông tin của mình, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền thông tin của người khác. Tự do phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Dân chủ phải đi đôi với pháp luật. Tự do báo chí gắn với đạo đức và trách nhiệm trước cộng đồng. Chính vì vậy, báo chí một mặt cần phản ánh một cách khách quan, trung thực với tinh thần xây dựng cao về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, để góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án, mặt khác cũng cần kiên quyết đấu tranh với những cá nhân và tổ chức lợi dụng quyền tự do báo chí để đả phá, kích động dư luận, gây mặc cảm đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng - một dạng hoạt động cực kỳ khó khăn và phức tạp trong hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung.

3.4. Báo chí cần khách quan trong việc phản ánh các sự kiện, các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

Việc phản ánh của báo chí đối với hoạt động tố tụng là một biểu hiện của nguyên tắc công khai trong hoạt động của toà án với tính cách là một cơ quan tư pháp có vị trí trung tâm. Nhưng việc phản ánh đó lại thông qua lăng kính chủ quan của các nhà báo.

Diễn biến của quá trình tố tụng đối với một vụ án đòi hỏi ở chừng mực nhất định phải được thông tin trên báo chí. Các nhà báo, các nguồn cung cấp thông tin không thể giữ mãi tình trạng găm tin, tưởng chừng như là có lợi nhưng thực ra lại rất phản tác dụng vì dễ gây ra những dư luận lệch lạc trong quần chúng đối với hoạt động tư pháp.

Những sự kiện khách quan được thông tin riêng hay được thông tin trong mối liên hệ tổng quát tự nó sẽ đem đến cho người tiếp nhận thông tin những khả năng tự lý giải và từ đó họ sẽ cảm thấy thích thú, chủ động và tự giác nhận thức thông tin theo một định hướng đúng đắn và khách quan. Vì vậy cần hết sức tránh cái khiên cưỡng và cái cường điệu trong lập luận dù có vẻ là sắc bén. Cuộc sống nói chung và đời sống pháp luật nói riêng là một chuỗi sự kiện khách quan đan xen, nối tiếp nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến hoàn thiện từ cục bộ đến toàn bộ. Vì vậy, khi thông tin về các sự kiện của đời sống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực giải quyết các vụ án thì yêu cầu khách quan được đặt ra không kém với yêu cầu khách quan của việc điều tra, truy tố và xét xử.

Tính khách quan của sự phản ánh phụ thuộc rất lớn vào người cầm bút. Bởi vì hiện thực cuộc sống được báo chí phản ánh như thế nào, chân thật đến đâu, với mục đích gì, có nhiều hay ít lượng thông tin, có đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc không và tính chiến đấu của báo chí ở mức độ nào, tất cả phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhà báo, của người viết thông qua khả năng nhận thức hiện thực khách quan cũng như sự nhạy bén chính trị, kinh nghiệm và trình độ nghề nghiệp của họ. Vì vậy, hiện thực được phản ánh trên báo chí mang dấu ấn đậm nét của nhà báo.

Về vấn đề khách quan và trung thực của báo chí V.I.Lê Nin đã dạy: cần phải quan tâm một cách có hệ thống đến việc thành lập một nền báo chí trung thực...và “thuộc tính quan trọng của công tác báo chí là sự trung thực...”, đó cũng là phương châm, là nguyên tắc hoạt động của báo chí khi phản ánh về đề tài pháp luật. Về vấn đề này có những ý kiến cho rằng nhà báo khi phản ánh về các vụ án nên đứng ở vị trí thứ ba tức là đứng ở vị trí quan sát để rồi phản ánh trung thực và công tâm sự việc đang được theo dõi mà không làm thay việc của tòa án.

Khi nhà báo đứng ở vị trí thứ ba, nếu muốn phát biểu chính kiến của mình thì cũng chỉ dừng ở mức đưa ra giả định là có vi phạm pháp luật; đồng thời cũng có thể nêu kiến nghị để các cơ quan có thẩm quyền làm rõ vấn đề....

Tuy nhiên, nếu không có người đứng ở vị trí thứ hai (người tố cáo, khiếu nại, người cung cấp các thông tin) là những người trung thực thì nhà báo khó lòng mà đứng ở vị trí khách quan được.

3.5. Báo chí không làm thay các cơ quan tiến hành tố tụng

Nhiệm vụ của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội và người phạm tội; giải quyết đúng đắn các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, lao động và kinh tế; thông qua đó mà giáo dục ý thức pháp luật cho mọi công dân. Đó là những nhiệm vụ trực tiếp và chủ yếu của các cơ quan nói trên và những nhiệm vụ này được pháp luật quy định rất chặt chẽ.

Còn báo chí khi phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, có thể đưa ra những lời nhận xét, bình luận nhưng không thể thay các cơ quan tiến hành tố tụng để phán quyết về vụ án. Điều này có hai lý do :

(i) Phán quyết các vụ án không phải là nhiệm vụ của báo chí.

2. Cơ quan báo chí nhìn tổng thể không có khả năng và phương tiện để giải quyết một vụ án cụ thể dù cho các cơ quan này có thu thập, đưa ra một số chứng cứ, thậm chí cả những chứng cứ có tính chất quyết định đối với vụ án.

Vì vậy, báo chí chỉ có thể dừng lại ở mức độ phản ánh, bình luận, lý giải vấn đề, đặt ra những giả thiết và câu hỏi để cho bạn đọc cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét và cũng không ngoài mục đích là tìm ra sự thật trong vụ án chứ không thể thay cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát mà truy tố bị can, thay tòa án mà xét xử bị cáo, phán quyết về ly hôn, chia tài sản, thừa kế...

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc áp dụng các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành, có thể đưa ra một số kiến nghị sau:

Hoạt động tố tụng là một hoạt động đặc thù của bộ máy tư pháp, đồng thời đây cũng là hoạt động phức tạp về nội dung và tính chất bởi thủ tục tố tụng đối với mỗi loại vụ việc lại khác nhau: tố tụng hình sự khác tố tụng dân sự và các thủ tục tố tụng hành chính, kinh tế, lao động. Mỗi thủ tục tố tụng lại gồm nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có thể nói tố tụng hình sự là phức tạp nhất. Xuất phát từ đặc thù đó cần quy định một cách hợp lý nhất mức độ, phạm vi, thời điểm phản ánh của báo chí về hoạt động này.

Đề tài không đồng tình với ý kiến cho rằng sự phản ánh của báo chí đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng là rất khó do bản thân hoạt động tư pháp là hoạt động phức tạp nhiều giai đoạn, vì vậy không thể quy định một giới hạn mà pháp luật dành cho báo chí để phản ánh. Tức là không nên pháp luật hóa vấn đề này: “Việc đăng tải những tin tức về một phiên tòa hình sự sắp diễn ra có ý nghĩa xã hội rất to lớn và đó chính là một phương tiện thực sự thu hút sự chú ý của công dân đối với quá trình tố tụng tại phiên tòa. Nội dung và tính chất của các bài đăng tại đó có thể rất khác nhau, việc pháp luật hóa chúng là không nên”. Lý do không đồng tình ở đây chính là ở chỗ quyền tự do báo chí chứ không thể là tự do không có giới hạn, sự tự do đó, hay nói cách khác là một hành lang phản ánh cần phải được pháp luật điều chỉnh để bảo đảm tính khách quan, tính chính xác và đề cao trách nhiệm của cơ quan báo chí cũng như người cầm bút. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án không phải là vùng cấm, nhưng cũng không có nghĩa là một vùng được phép phản ánh một cách tự do tuyệt đối. Hơn nữa, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như hoạt động của báo chí trong việc phản ánh hoạt động của các cơ quan này cũng đều chung một mục đích là giải quyết công minh và đúng pháp luật các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hành chính nhằm góp phần giữ gìn pháp chế và trật tự pháp luật XHCN... chính do mục đích chung đó mà cần thiết phải có một cơ chế pháp luật dù là đơn giản để điều chỉnh sự phối hợp giữa hai loại cơ quan này, làm cho hoạt động của chúng đều đạt được hiệu quả cao nhất tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Trước hết, các văn bản pháp luật về báo chí, cũng như về tố tụng cần quy định phạm vi, mức độ và loại vấn đề mà báo chí có thể thông tin đối với hoạt động tố tụng, cụ thể là:

1. Phạm vi thông tin. Tất cả những vụ án, trừ những vụ liên quan đến giữ gìn bí mật Nhà nước, hoặc có liên quan đặc biệt đến việc giữ gìn luân thường đạo lý, hay thuần phong mỹ tục của dân tộc thì báo chí đều có quyền phản ánh và đưa ra những nhận xét, bình luận của mình.

2. Mức độ phản ánh. Đối với vụ án hình sự ở giai đoạn khởi tố và điều tra, báo chí có thể đưa ra những tin tức mà căn cứ vào đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời có thể đưa tin về việc khởi tố đối với vụ án. Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, báo chí có thể đưa tin có tính chất thông báo kết quả điều tra nhưng không kết tội bị cáo. Việc bị can có tội hay không có tội (theo điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự) là thuộc thẩm quyền của tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan báo chí có thể cung cấp thêm thông tin, chứng cứ cho cơ quan điều tra bằng nhiều cách và các cơ quan này sẽ thu thập chứng cứ theo trình tự mà pháp luật quy định.

 Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự cần có quy định rõ là đối với các phiên tòa xét xử công khai của tòa án, nhà báo được dự, được liên hệ với tòa án để lấy tài liệu viết báo, được mang máy ghi âm, máy ghi hình (viđeo) nếu tòa án đồng ý. Việc phản ánh phiên tòa sau khi tòa tuyên án là quyền của nhà báo. Nhà báo có quyền nhận xét, đánh giá và nêu ý kiến của mình về các quyết định trong bản án. Như vậy, phạm vi, mức độ phản ánh của báo chí sau phiên tòa hình sự sơ thẩm được mở rộng hơn.

Đối với vụ án hành chính, kinh tế... về nguyên tắc báo chí có thể phản ánh kết quả xét xử từ giai đoạn sơ thẩm, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến bí mật Nhà nước hoặc cần giữ gìn bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ vì các thủ tục tố tụng trên đây thường tuân theo nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự (đã được quy định trong các pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động), nên nếu để báo chí phản ánh ý kiến, nguyện vọng của các đương sự sẽ dẫn đến những cuộc tranh cãi không có thời điểm kết thúc trên mặt báo, gây khó khăn cho cơ quan xét xử. Và cũng giống như khi phản ánh kết quả xét xử các vụ án hình sự, báo chí có thể phân tích, đánh giá, nêu vấn đề từ khía cạnh pháp lý và có những kiến nghị phù hợp, mà không phán quyết thay cho tòa án.

Đối với kết quả của các phiên tòa phúc thẩm và giám đốc thẩm về hình sự cũng như dân sự, nhà báo có quyền phản ánh đầy đủ những quyết định của tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm. Nếu vụ án bị đưa ra xử đi xử lại nhiều lần, nhiều cấp thì báo chí nên phản ánh một cách đầy đủ từ đầu diễn biến của sự việc để người đọc có một thông tin nhất quán và hệ thống về vụ án.

Nếu chấp nhận những quan niệm có tính nguyên tắc trên đây thì vấn đề đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung các quy định của các văn bản pháp luật về báo chí cũng như về tố tụng theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí cũng như các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phối hợp đúng mức và có hiệu quả với nhau trong việc báo chí phản ánh hoạt động của các cơ quan này. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các điều 6,7,8,9,10 và 28 của Luật Báo chí. Việc sửa đổi này phải đặt trong việc sửa đổi các quy định khác về báo chí nói chung. Trong đó, đặc biệt lưu ý các quy định về trách nhiệm của nhà báo khi phản ánh hoạt động tố tụng và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp tin tức về hoạt động tố tụng cho báo chí.

Riêng về Điều 28 Luật Báo chí - xử lý vi phạm, cần lưu ý đến đoạn 2 khoản 1: “cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Trong Nghị định số 133-HĐBT hướng dẫn thi hành Luật Báo chí chỉ mới đề cập đến trường hợp thiệt hại về vật chất mà chưa đề cập đến thiệt hại về tinh thần và trình tự bồi thường như thế nào. Như vậy, Luật Báo chí cần quy định rõ trong trường hợp báo chí gây thiệt hại về tinh thần cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thì phải bồi thường thiệt hại về tinh thần theo các Điều 27, 613, 614 và 615 của Bộ luật Dân sự.

Trên tinh thần đó, cũng cần quy định trong các Bộ luật Tố tụng hình sự (hiện hành), Bộ luật tố tụng dân sự (đang được soạn thảo) về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo khi đưa tin về việc tiến hành tố tụng để tạo ra sự thống nhất giữa Luật Báo chí với pháp luật tố tụng về vấn đề này. Các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật nói trên cũng sẽ tuân thủ tinh thần đó.

Tóm lại, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần tổng rà soát lại những quy định của pháp luật về báo chí cũng như về tố tụng để hoàn thiện một cách cơ bản các quy định điều chỉnh mối quan hệ phối hợp đúng đắn và có hiệu quả giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm góp phần giải quyết các vụ án theo đúng pháp luật và công minh. Làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào các cơ quan pháp luật cũng như vào báo chí. Vì không thể để tình trạng chỉ tin tưởng ở cơ quan pháp luật mà mất lòng tin ở cơ quan báo chí và ngược lại. Chỉ có như vậy thì các cơ quan pháp luật mới là chỗ dựa của nhân dân và các cơ quan báo chí mới thực sự là diễn đàn của nhân dân./.
 
 
 

 

Nội dung toàn văn

bộ tư pháp

viện nghiên cứu khoa học pháp lý

 

 

 

 

 

 

đề tài khoa học cấp bộ

Mã số: 95-98-109-/ĐT

 

 

 

 

 

 

 

một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện

các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh

mối quan hệ giữa báo chí với hoạt động

của các cơ quan tiến hành tố tụng

 

 

 

 

 

 

Chủ nhiệm đề tài:

Nguyễn Tất Viễn

Cơ quan chủ trì:

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Bộ Tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

hà nội – 1997

 

 

Bộ Khoa học Công nghệ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa ViêtNam

Và môi trường

Trung tâm thông tin tư liệu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Khoa học và công nghệ qg

Số: .../..

Hà Nội Ngày 01 tháng 08 năm 1995

- Căn cứ Quyết định 271/QĐ ngày 6.6.1980 của chủ Nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước về việc đăng ký đề tài nghiên cứu Khoa học và Công nghệ và nộ báo cáo kết quả nghiên cứu;

- Căn cứ Quyết định 478/TCCP ngày 18.9.1990 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước về việc giao nhiệm vụ đăng ký đề tài và kết quả nghiên cứu cho Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia;

Chứng nhận đăng ký

Đề Tài nghiên cứu khoa học và công nghệ

Số đăng ký: 95-98-109/DT

Tên đề tài: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mã số đề tài (nếu có): Cấp Bộ

Thuộc chương trình (Nếu có):

Số hợp đồng (Nếu có):

Thời gian bắt đầu: 00/05/94

Dự kiến kết thúc: 00/05/95

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn tất Viễn

Cơ quan chủ trì: Viện nghiên cứu khoa học Pháp lý

Cơ quan quản lý: Bộ Tư pháp

Hồ sơ số: 7554, lưu tại trung tâm Thông tin Tư liệu khoa học và Công nghệ Quốc gia, 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

T/L. Bộ trưởng

Bộ Khoa học , Công nghệ và môi trường

Giám đốc

Trung tâm Thông tin Tư liệu

Khoa học và Công nghệ Quốc gia

 

bộ tư pháp cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt

Số 756/QĐ-TP Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1997

bộ trưởng bộ tư pháp

- Căn cứ vào Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

- Căn cứ quyết định số 282/QĐ ngày 20 tháng 6 năm 1980 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Môi trường) quy định về thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học – kỹ thuật;

- Căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1994-1995 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý;

- Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

quyết định

Điều 1.

 

Thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ; "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh môí quan hệ giữa báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng", mã số: 95-98-109/ĐT.

Danh sách đoàn viên Hội đồng kèm theo Quyết định này.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 2.

Hội đồng đán giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệm tiến hành công việc theo các thủ tục đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định.

Điều 3.

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách Hội đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

k/t bộ trưởng bộ tư pháp

Thứ trưởng

 

Nguyễn văn Sản

 

danh sách hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh môí quan hệ giữa báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng"

Mã số: 95-98-109/ĐT

(Kèm theo Quyết định số 756/QĐ-TP ngày 29 tháng 10 năm 1997)

1. PTS. Nguyễn Đình Lộc Chủ tịch Hội đồng

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

2. PTS. Nguyễn Hồng Vinh Phản biện 1

Tổng biên tập Báo nhân dân

3. Cử nhân Nguyễn Duy Lãm Phản biện 2

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo

dục pháp luật, Bộ Tư pháp

4. PTS. Hoàng Thế Liên Thư ký Hội đồng

Viện trưởng Viện nghiên cứu

khoa học pháp lý, Bộ Tư Pháp

5. PTS. Lưu Văn Kiền Uỷ viên

 

Phó Vụ trưởng Vụ báo chí-Xuất bản

Ban tư tưởng văn hoá trung ương

6. PGS.PTS. Lê Minh Tâm Uỷ viên

Q. hiệu trưởng Trường Đại học Luật

Hà nội, Tổng biên tập tạp chí Luật học

7. PTS. Võ Khánh Vinh Uỷ viên

 

 

 

 

 

 

nhóm thực hiện đề tài

1. Chủ nhiệm đề tài:

Nguyễn Tất Viễn

Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp.

2. Phó chủ nhiệm đề tài:

Lê Cảnh Thuận

Tổng biên tập Báo Pháp luật, Bộ Tư pháp

 

3. Thư ký đề tài:

- Trần Nho Thìn

Phó trưởng ban biên tập

 

Tạp chí Dân chủ và Pháp luạt Bộ Tư pháp

- Trần mạnh Đạt

Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp

4. Các cộng tác viên chính:

- Nguyễn Văn Thảo

Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp

Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu khoa học pháp lý, BộTư Pháp

 

- PTS. Khuất Văn Nga

Viện trưởng Viện NCKH kiểm sát

 

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

- PTS. Trần đình Nhã

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ

- Vũ Thế Lân

Phó Ban chính trị – xã hội, Báo Nhân dân

 

- Vũ Khắc Xương

Chánh toà Hành chính, Toà án nhân dân tối cao

 

- Bùi Đình Khôi

Thư ký toà soạn Tạp chí Người làm báo.

 

 

Mục lục

 

Lời nói đầu

Phần I: Tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài

A. Vai trò của báo chí trong việc phản ánh đời sống xã hội

 

I .Chức năng và nhiệm vụ chung của báo chí

II. Báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước

B.Những vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa

 

báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng

I. Một số nét về pháp luật với hoạt động báo chí

1. Pháp luật về báo chí ở một số nước trên thế giới

2. Pháp luật về báo chí ở Việt Nam từ 1945 đến nay

II. Quan hệ giữa báo chívới các cơ quan tiến hành tố tụng

1. Báo chí phản ánh việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của

các cơ quan tiến hành tố tụng

2. Báo chí đưa tin, bài phản ánh về những hiện tượng tiêu cực

những vi phạm pháp luật và tội phạm

III. Một số vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa

báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng

1. Báo chí cần tôn trọng sự thật khi phản ánh về việc thực hiện

pháp luật

2. Báo chí cần tân thủ các quy định của luật báo chí và luật

tố tụng

3. Bảo đảm quyền tự do báo chí và trách nhiệm của nhà báo

4. Báo chí cần khách quan trong việc phản ánh các sự kiện,

các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng

5. Báo chí không làm thay các cơ quan tiến hành tố tụng

C. Một số kiến nghị

 

 

Phần II: Các chuyên đề

1. Một số vấn đề thực tiễn trong việc phản ánh của báo chí

đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

Vũ Thế Lân

 

Phó Ban chính trị – xã hội , Báo Nhân dân

2. Vai trò của báo chí trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

Nguyễn Tất Viễn

Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật Bộ Tư pháp

3. Báo chí với hoạt động điều tra tội phạm

PTS. Trần Đình Nhã

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ

4. Báo chí và hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của 75

Viện kiểm sát nhân dân

PTS. Khuất Văn Nga

Viện trưởng ViệnNCKH kiểm sát

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

5. Báo chí với việc phản ánh hoạt động xét xử của Toà án

Vũ Khắc Xương

Chánh toà Hành chính, Toà án nhân dân tối cao

6. Nhà báo nên ở vị trí thứ ba

Bùi Đình Khôi

Thư ký toà soạn, Tạp chí Người làm báo

7. Lịch sử hình thành và phát triển các quy định pháp luật của

Nhà nước ta về báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến

hành tố tụng

Trần Nho Thìn

Phó ban biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật,

Bộ Tư pháp

8. Tìm hiểu một số mối quan hệ giữa pháp luật và báo chí trên

thế giới

Lê Cảnh Thuận

Tổng biên tập báo Pháp luật, Bộ Tư pháp

Phần III: Khảo sát - Điều tra – Thông tin – Tư liệu

1. Kết quả phiếu khảo sát, điều tra

2. Lược thuật một số ý kiến của các cộng tác viên đề tài

tại Hội nghị khoa học

3. Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi

hành Luật báo chí (20.4.1992)

4. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt

Nam về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao

chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản (31.3.92)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời nói đầu

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định: "Nhìn tổng quát công cuộc đổi mới 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa rất quan trọng"(1). Trong sự nghiệp đổi mới đó, báo chí đã không ngừng được đổi mới và có những đóng góp không nhỏ vào thành tựu của đất nước. Báo chí đã phản ánh khá kịp thời và toàn diện các mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, đã cố gắng thể hiện tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, tham gia tích cực vào quá trình thực hiện các quyết sách lớn của đảng và Nhà nước, phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân trong quá trình đổi mới và đi lên của đất nước.

Trong việc phản ánh tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước thì lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp như điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là một trong những nội dung được báo chí quan tâm đặc biệt và phản ánh khá thường xuyên, có thể nối là hàng ngày trên một hoặc nhiều phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, đài phát thanh, đài truyền hành từ trung ương đến địa phương). Việc phản ánh của báo chí về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng theo đánh giá chung đã ddạt được những kết quả nhất định, được dư luận đồng tình. nhiệm vụ việc nhờ có báo chí mà bị phát hiện và được xử lý thoả đáng. Sự phối, kết hợp theo chức năng của mình giữa báo chí và cá cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giaỉ quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, các tranh chấp lao động, kinh tế, các vụ án hành chính được thực hiện đã ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.

Sự phối hợp đó xuất phát từ những đồi hỏi khách quan mà báo chí cách mạng cũng như hoạt động tư pháp đặt ra và được quy định bởi mục đích chung mà các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan báo chí đều hướng tới, đó là giải quyết các vụ án một cách khách quan, công minh, đúng pháp luật, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy vậy, theo chức năng của mình, mỗi cơ quan lại có những phương thức khác nhau để thực hiện mục đích đó. Các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào các quy định của pháp luật về tố tụng mà trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, phát hiện và xử lý tội phạm và người phạm tội; giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, kinh tế... và báo đảm cho các quyết định của Toà án được thi hành nghiêm chỉnh. Việc giải quyết các vụ án đó phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về tố tụng và phải trải qua nhiều giai đoạn tố tụng để bảo đảm sự đúng đắn và chính xác của các quyết định của Toà án. Còn các cơ quan báo chí thì coi hoạt động tố tụng là một đối tượng phản ánh của mình và tiếp cận đến đối tượng phản ánh đó bằng phương thức riêng của báo chí. Ngoài việc tôn trọng sự thật khách quan của vụ việc để phản ánh một cách trung thực, chính xác thì báo chí lại phải phản ánh một cách kịp thời, nhạy bén và có dự báo.Chính sự khác nhau đó đã diễn ra trên thực tế nhưng lại chưa được luật pháp về báo chí điều chỉnh cụ thể. Trên thực tế đã và đang tồn tại một sự chưa ăn khớp nhất định giữa việc phản ánh của báo chí với diễn biến và kết quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố xét xử và thi hành án. Độ "vênh" ấy có nhiều nguyên nhân chủ yếu là sự điều chỉnh của pháp luật đối với mối quan hệ giữa báo chí và các quan hệ tiến hành tố tụng chưa được quy định một cách đầy đủ, chặt chẽ, chưa xác định được điểm dừng và giới hạn của báo chí khi phản ánh một lĩnh vực phức tạp như lĩnh vực hoạt động tố tụng, đồng thời cũng chưa làm rõ ranh giới quyền tự do báo chí trong việc phản ánh hoạt động tố tụng; quyền tự do báo chí với việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm; quyền tự do báo chí với việc bảo vệ và giữ gìn bí mật tư pháp... Do vậy, một yêu cầu đặt ra là phải sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí và một số quy đinhj của pháp luật về tố rụng điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong những năm qua, đã có một số bài viết nghiên cứu đăng trên các tạp chí về vấn đề này như Tạp chí Nhà báo và công luận (nay là Tạp chí Người làm báo), Tạp chí Tuyên truyền... Đồng thời tại một số Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm cũng đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận về vấn đề quan hệ giữa báo chí và các hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố xét xử và thi hành án nhưng nhìn chunh chưa có sự nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện về mặt lý luận cũng như chưa có tổng kết một cách cơ bản về vấn đề này. Do đó, việc nghiên cứu đề tài về hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh một quan hệ giữa báo chí với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng càng có ý nghĩa cấp bách hơn trong tình hình hiện nay.

Với yêu cầu đó, phạm vi nghiên cứu đặt ra cho đề tài là trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến mối quan hệ phối hợp giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định đó trong những năm gần đây mà đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện một số quy định của Luật báo chí và một số quy định của luật tố tụng về lĩnh vực này.

Đề tài chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án mà không đi nghiên cứu trên diện rộng mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan pháp luật nói chung, tức là chỉ giới hạn ở mối quan hệ với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã tập trung vào các nội dung chín như: Những vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của báo chí trong việc phát hiện dấu hiệu của tội phạm để khởi tố vụ án theo Điều 83 của Bộ luật tố tụng hình sự, phản ánh của báo chí đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra các tác giả còn đi sâu tìm hiểu các quy định pháp luật của một số nước và các quy định của pháp luật Việt Nam từ năm 1945 đến nay về chế độ báo chí. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị nhằm sửa đổi bổ sung một số quy định của Luật báo chí, Bộ luật tố tụng hình sự, các Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, các tranh chấp kinh tế và lao động.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã dựa trên quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tương Hồ Chí Minh về báo chí vô sản, đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể hoá như phương phương pháp lịch sử, phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

phần i

tổng thuật kết quả nghiên cứu đề tài

 

a. vai trò của báo chí trong việc phản ánh đời sống xã hội :

I. chức năng và nhiệm vụ chung của báo chí :

Báo chí có chức năng chung là thông tin thời sự. Cho đến ngày nay , chưa có một phương tiện nào có thể thay thế khả năng thông tin nhanh nhạy và kịp thời, đồng thời lại có tính chất đại chúng như báo chí, phát thanh truyền hình. thông tin đại chúng cần được hiểu qua những nội dung như sau :

- Đối tượng tác động, tức là đối tượng tiếp nhận thông tin là xã hội rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp, thành phần xã hội.

- Nhu cầu thông tin và quyền được thông tin của nhân dân được thực hiện qua các phương tiện này.

- Thông tin báo chí nhằm góp phần hình thành đời sống tinh thần lành mạnh, qua đó tác động tích cực vào giải quyết các nhiệm vụ mà quá trình phát triển của xã hội đề ra.

- Có sự tham gia của đông đảo nhân dân vào hoạt động của các cơ quan báo chí

Như vậy, thông tin đại chúng là thể hiện tính chất phổ biến rộng rãi về đối tượng và nội dung tác động của thông tin. Ngoài những đặc điểm này, thông tin cũng cần thiết phải mang tính chất cập nhật, thời sự.

Thông tin thời sự nhanh nhạy và rộng khắp kể cả về không gian và thời gian. Nhiều sự kiện quan trọng xảy ra ngày nay do có báo chí nên chỉ trong một thời gian ngắn đã đem tới cho mỗi người những lượng thông tin cần thiết mà họ quan tâm.

Như vậy, thông tin thời sự là chức năng đầu tiên của báo chí, trong đó "thông tin" là chức năng; "thời sự" là đối tượng tiếp cận, điểm xuất phát và là nội dung cơ bản của thông tin báo chí. Chính sự gắn bó hữu cơ này đã phân biệt giữa báo chí với các loại hình văn học và các tác phẩm nghệ thuật, các bản báo cáo kinh nghiệm, đến các bài giảng trên giảng đường...

Thông tin là chức năng đầu tiên, cũng là chức năng phổ biến của báo chí. Cho dù thuộc hệ thống chính trị - xã hội nào, báo chí cũng đều chứa đựng khả năng thông tin thời sự và từ đó tạo nên tác dụng đối với xã hội. Vấn đề đặt ra là tác dụng tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực. Các trạng thái tác dụng đó chịu sự chi phối bởi tính mục đích của thông tin. Tính mục đích này gắn liền với tính giai cấp, tính dân tộc. Nói cách khác, mục đích của thông tin luôn có tính khuynh hướng.

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, tính chất xã hội hóa ngày càng cao, đòi hỏi thông tin phải đáp ứng kịp thời, chính xác. Thông tin trong thời đại khoa học kỹ thuật vừa bao hàm cả sự nhận biết về sự thật vừa xảy ra, vừa bao hàm cả sự cần biết về khả năng sắp diễn ra. Như vậy, thông tin thời sự không thể không đề cập tới những dự báo, những phán đoán cần thiết được rút ra từ những sự kiện đã xảy ra. Dựa vào thành quả của khoa học kỹ thuật, dựa vào những thỏa ước có tính khả thi, thông tin ngày nay cho phép xuất hiện những dự báo chắc chắn sẽ xảy ra. Và chính những thông tin dự báo xác đáng này đã tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, con người áp dụng những dự liệu hoặc những biện pháp ứng phó, xử lý thích hợp.

Nhìn chung lại, thông tin trên báo chí có khả năng cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về sự vật và hiện tượng ddang vận động, phát triển hoặc tiêu vong và những khả năng tất yếu vận động theo quy luật. Sự hiểu biết qua thông tin trên báo không chỉ dừng lại ở những hiện tượng bề mặt của cuộc sống mà còn có thể nhận biết từ quá trình diễn biến của sự vật trong bối cảnh lịch sử, xã hội đến hành động theo những định hướng được xác lập qua thông tin. Bởi vậy thông tin trên báo chí sẽ dẫn tới sự nhận thức về tự nhiên và xã hội của mỗi thành viên trong xã hội. Nói cách khác chức năng thông tin của báo chí tất yếu sẽ dẫn tới chức năng nhận thức và giáo dục.

Vấn đề đặt ra là người làm báo và cơ quan báo chí sẽ thực hiện được chức năng nào, với mục đích gì và phục vụ ai?.

Thực tế cho thấy, chừng nào báo chí đi đúng quy luật của sự phát triển, bám sát thực tiễn, phản ánh trung thực, khách quan đúng với bản chất của sự vật thì báo chí phát huy được tác dụng và hiệu quả mong muốn. Ngược lại, nếu báo chí không nắm được quy luật phát triển của xã hội, thông tin trái với bản chất của sự việc sẽ gây tác hại lớn về nhận thức, về giáo dục và hậu quả gây cho xã hội sẽ không thể lường hết được.

V.L Lê - nin đã cho rằng vai trò của tờ báo không chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng giáo dục chính trị mà còn là tranh thủ những bạn đồng minh chính trị. Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể.

Trong quá trình giải phóng dân tộc, Đảng cộng sản lãnh đạo tờ báo là phương tiện để xây dựng lực lượng cách mạng và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp vô sản, giành lại chính quyền về tay nhân dân.

Trong công cuộc xây dựng CNXH, báo chí là phương tiện tích cực để xây dựng một xã hội mới - báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng mà còn là diễn đàn của nhân dân với vai trò :

a). Động viên, cổ vũ hành động cách mạng của nhân dân.

b). Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm trang bị và nâng cao ý thức cách mạng, ý thức phát luật cho cán bộ, nhân dân;

c). Tổ chức lãnh đạo quần chúng, chỉ đạo dư luận và hành động cách mạng của nhân dân theo đường lối , quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

d). Là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại những quan điểm xuyên tạc của kẻ địch, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ thành tựu mà nhân dân ta đã và đang đạt được trong công cuộc đổi mới.

đ). Là phương tiện để xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Để hoàn thành tốt chức năng cơ bản của mình, báo chí nước ta đã được giao nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết của Bộ chính trị năm 1958 : "nhiệm vụ của báo chí phải căn cứ vào nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng mà định ra".

Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định : "các phương tiện thông tin đại chúng có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng, đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực khác, đề cập và chỉ rõ phương hưỡng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, xây dựng du luận xã hội lành mạnh, động viên quần chúng tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng".

Căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng của Đảng đã chỉ đạo chung đối với báo chí, có thể tóm tắt thành những nhiệm vụ cơ bản sau đây của báo chí :

Một là : báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân, đồng thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với Đảng với Nhà nước.

Hai là : báo chí có nhiệm vụ đi sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, làm cho mọi người hiểu được thực chất của nội dung thông tin về sự kiện đó.

Ba là : báo chí có nhiệm vụ phát hiện và phản ánh trung thực những điểm

hình tiên tiến, ủng hộ và cổ vũ những nhân tốt mới, không dừng lại ở những sự kiện đã xảy ra ( hoặc mới xảy ra), báo chí còn phát hiện những nhân tố mới và khẳng định được những yếu tố tích cực còn đang tiếp diễn. Việc làm này còn có ý nghĩa hạn chế được cái lạc hậu, cái chậm tiến;

Bốn là : báo chí phải dũng cảm đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, giảm sút ý chí chiến đấu, các hiện tượng tham nhũng, bè phái, lợi dụng chức quyền, vi phạm quyền dân chủ của dân ... Đây là nhiệm vụ vừa lâu dài, khó khăn nhưng rất cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Năm là : báo chí có nhiệm vụ xây dựng xã hội lành mạnh, phát huy và bảo vệ truyền thống quý báu của dân tộc, đóng góp công sức phòng ngừa và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

 

 

 

 

II. báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước :

 

Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ sau Đại hội VI của Đảng, báo chí nước ta đã có những khởi sắc và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới chung của đất nước.

Đến nay, cả nước đã có trên 400 cơ quan báo chí và tạp chí với khoảng 360 triệu bản in. Nội dung thông tin trên báo chí phát thanh, truyền hình ngày càng đa dạng, phong phú và cập nhật. Nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, pháp lý trong và ngoài nước đã được đông đảo quần chúng quan tâm.

Thông tin trên các báo, tạp chí ngày càng phong phú, đa dạng ; đề cập nhiều vấn đề đổi mới của đất nước, phản ánh và bình luận những sự kiện trọng yếu trên thế giới. Báo chí đã cố gắng đổi mới thông tin, cải tiến việc đưa tin, khắc phục lối mòn thông tin một chiều, phản ánh chân thực cuộc sống, giảm đáng kể những tin xã giao, lễ tân v.v... giành nhiều số lượng trang, bài cho việc phản ánh công cuộc xây dựng xã hội mới và đấu tranh chống tiêu cực. Chính sự cải tiến đổi mới này đã làm cho báo chí thời gian qua ngày càng gần gũi với cuộc sống hàmg ngày của người lao động, sức chiến đấu của báo chí ngày càng được nâng cao, được nhân dân hoan nghênh và tin cậy. Các chủ đề được các báo chí đề cập thời gian qua khá phong phú. Có thể nói không một lĩnh vực nào có quan hệ đến cuộc sống người dân và vận mệnh đất nước bị bỏ qua, các sự kiện lớn trên thế giới đền được thông tin và bình luận. Thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới. Báo chí cũng đã kịp thời phát hiện và phê phán những khuynh hướng và hành động lệch lạc tronh quá trình đổi mới, phát hiện những hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế, phê phán những cán bộ thoái hóa, biến chất... nhiều vụ tiêu cực do báo chí đưa ra ánh sáng và kiên trì đấu tranh bằng công luện đã được xử lý công minh theo pháp luật. Có nhiều vụ việc tiêu cực đã được ngăn chặn do tác dụng giáo dục, răn đe của công luận. Có thể nói, sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung và cách thức thông tin trên báo chí đã góp phần kiến tạp bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội. Báo chí nhìn chung đã làm tốt chức năng "là diễn đàn của nhân dân", thông qua báo chí mà nhân dân có thể đóng góp trực tiếp vào việc hình thành đường lối, chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nhờ đó mà mới liên hệ giữa Đảng Nhà nước và nhân dân được tăng cường, sức mạnh của công luận được nhân lên. Có những sự kiện pháp lý rất quan trọng như việc chuẩn bị ban hành Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Bân sự năm 1995, thông qua báo chí mà nhân dân đã đóng góp hàng triệu ý kiến quý báu, có tính chất như là những cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tích và cố gắng báo chí thời gian qua cũng bộc lộ một số thiếu sót, nhược điểm. Sau một thời gian dài, báo chí thiên đưa tin một chiều, nặng về thành tích, dưới ánh sáng Nghị quyết VI của Đảng, đã cố gắng phản ánh thực tế chân thật hơn, hoàn thiận hơn. Song từ đấy cũng xuất hiện thiên hướng một số báo chí trượt sang chiều nhấn mạnh những khuyết điểm.

Trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí đã có những bài đấu tranh phê phán sắc sảo. Do thể hiện rõ bản lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh này nên về cơ bản, báo chí đã trở thành niềm tin, là chỗ dựa của nhân dân trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Song điều đáng chú ý là còn thiếu sự lựa chọn và đi đúng hướng. Đáng lẽ báo chí cần đi sâu điều tra, phát hiện những sự việc, hành động sai trái có tính tiêu biểu, tập trung vào những trọng điểm gây thiệt hại cho kinh tế và xã hội, bị nhân dân ca thán , chê trách từ đó rút ra những bài học để giáo dục , ngăn ngừa thì có báo chí lại dường như gặp việc gì nêu việc ấy một cách gần như ngẫu nhiên, thiếu sự phân tích và ít đề xuất được ý kiến giải quyết. Đối với hoạt động tư pháp , còn một vài tờ báo, nhà báo chưa thực sự đề cao trách nhiệm khi đưa tin, bài về các hoạt động của các cơ quantiến hành tố tụng, tạo những ý kiến trái ngược nhau không đáng có. Từ những tài liệu được thu thập theo quy trình làm báo, các nhà báo đã thông qua báo chí nêu ra những lý lẽ của cá nhân mình phản bác, phủ nhận sự thật về vụ án và đơn phương bác bỏ kết luận của các cơ quan tố tụng một cách suy đoán. Các bài báo này đã gây sự hiểu lầm trong công luận về sự thật của vụ án và sự nghiêm minh của pháp luật, như vụ án thầy giáo Lê Văn Nguyên phạm tội cố ý gây thương tích ở Hà nội; Vụ án cướp 5 con vịt ở thành phố Hồ Chí Minh các vụ án về yến sào ở tỉnh Nghĩa Bình (cũ)...

Có những vụ án báo chí đã tập trung định hướng dư luận phán xét trước khi toà án xét xử, gây nên sức ép tâm lý đối với Hội đồng xét xử án, dẫn đến tình trạng Toà án đã có sự lựa chiều để xử theo công luận.

Báo cáo của Ban chấp hành của hội nhà báo Việt Nam khoá V trước Đại hội lần thứ VI Hội nhà báo Việt Nam tháng 3/1995 đã nhận định: " Trong những đấu tranh chống tiêu cực, có những vụ việc báo chí đưa ra còn thiếu chính xác hoặc chưa đúng với bản chất sự việc; có bài viết xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Báo chí cũng còn "cửa quyền", chưa thực hiện đúng những quy định trong luật báo chí như đăng sai không đính chính, viết bài phê bình nhưng không cho đối tượng bị phê bình nói lại. Có vụ việc cấp thẩm quyền cao nhất đã kết luận, vẫn còn có cơ quan báo chí vẫn tiếp tục đưa ý kiến phản bác, làm nhiều dư luận xã hội...", " ... cơ chế cũng có tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp và tư cách cá nhân một số nhà báo. Có người vì đồng tiền hoặc vì lợi ích nhỏ nhen mà mất phẩm chất của mình, đi đến uốn cong ngòi bút, bóp méo sự thật, thậm chí làm nhiễu thông tin". đó cũng chính là những vấn đề cần phải khắc phục trong tình hình hiện nay cũng như lâu dài để bảo đảm sự trung thực, khách quan của sự phản ánh trên báo chí đối với hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

 

 

b. những vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng :

 

i. một số nét về pháp luật với hoạt động báo chí :

1. Pháp luật về báo chí ở một số nước trên thế giới :

Pháp luật là những quy tắc, xử sự của mọi người do Nhà nước đặt ra và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế. Việc hình thành Luật báo chí cũng như các điều khoản trong các đạo luật khác có quan hệ đến hoạt động của báo chí là do nhu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí nhằm phát huy các khả năng tích cực và hạn chế các khả năng tiêu cực của báo chí đối với xã hội.

Quan hệ giữa pháp luật và báo chí xuất hiện từ khi có báo chí hiện đại. Trước thế kỷ XVIII, Luật báo chí chủ yếu vẫn dừng lại ở một số quy định có tính nguyên tắc trong các chiếu chỉ của nhà Vua. ở nước Anh, năm 1625 Vua Saclơ I đã lập ra một phòng kiểm duyệt báo chí, lấy tên là Phòng Tinh Tú (Star chamber). Tất cả báo chí ở vương quốc Anh đều phải tuân theo những quy định do Phòng này đưa ra. Ngoài nhiệm vụ theo dõi, ngăn chặn, cơ quan này được coi như một Tòa án đặc biệt xét xử các vụ vi phạm về báo chí, không cho phép chống án và cũng không có Đoàn bồi thẩm khi xử án.

Phòng Tinh Tú ở Anh là hình thức quản lý đầu tiên của Nhà nước đối với báo chí. Cho dù lúc này Nhà nước Anh đã có Luật đối với các lĩnh vực hoạt động khác, song đối với báo chí vẫn áp dụng hình thức quản lý theo sắc lệnh.

Cho đến thế kỳ XIX, các vụ án về báo chí ở Anh vẫn được xét xử dựa theo các đạo luật và văn kiện như : Hiến chương (1215), Luật Habeas Corpus act (1679), Luật phỉ báng (1972) hoặc các đạo luật khác.

ở nước Pháp từ năm 1728 đã có đạo dụ của nhà Vua bắt đánh và bỏ tù những người viết, in những bài báo phá hoại. Năm 1800, dưới thời Napo Leon đệ nhất có sắc luật về báo chí. Luật báo chí hoàn chỉnh của Pháp ra đời năm 1881 (Loi Sur la liberté de presse). Luật báo chí năm 1881 của Pháp đã được áp dụng có hạn chế ở 3 kỳ nước ta trước năm 1945.

Cùng với sự vận động của lịch sử xã hội, báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, tác động và có ảnh hưởng ngày càng lớn vào các tiến trình xã hội. Ngày nay, không một quốc gia nào không có báo chí và không một lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội nào không hiểu vai trò to lớn của báo chí trong đời sống chính trị - xã hội. Với nhận thức ấy, các quốc gia dần dần hoàn chỉnh hệ thống luật về báo chí và luôn luôn sửa chữa, hoàn thiện, làm cho hệ thống pháp luật đó phù hợp với tình hình thực tế cũng như với mục tiêu chính trị của mình. ở nhiều nước trên thế giới, Luật báo chí được tách ra thành Luật cho báo in, Luật cho phát thanh và Luật cho truyền hình (Italia, Pháp...).

Ngoài các đạo luật chuyên về báo chí, ở các nước, thông thường báo chí còn bị quản lý và chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, về tự do của công dân, về trách nhiệm đối với văn hóa, tiến bộ xã hội.v.v. những trách nhiệm này được quy định thành các điều khoản trong các đạo luật về từng lĩnh vực hoạt động xã hội cụ thể.

Do vai trò, tác động của báo chí đã vượt ra ngoài khuôn khổ từng quốc gia, ảnh hưởng không ít đến các quan hệ Quốc tế nên ngay sau khi thành lập, Liên hiệp quốc đã có những cố gắng nhằm hình thành những văn bản có tính chất luật pháp Quốc tế về báo chí. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các cố gắng này đều chưa đạt kết quả. Các tổ chức báo chí Quốc tế OIJ, FIJ, Liên đoàn các nhà xuất bản mới chỉ thỏa thuận được một điện thoại nhân đạo đặt tại Thụy Sỹ với mục đích cứu trợ nhưngx nhà báo bị nguy hiểm. Việc không thể thông qua được các văn bản luật Quốc tế liên quan đến báo chí chủ yếu do sự không thống nhất về lợi ích giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển. Trên thực tế, sự bất bình đẳng về trật tự thông tin Quốc tế đang có lợi cho các nước giàu, làm cho các nước này có khả năng dùng báo chí tác động vào môi trường Quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Các nước giầu không muốn từ bỏ đặc lợi này, trong khi đó các nước chậm phát triển đấu tranh chống lại sự đặc quyền thông tin hiện đang nằm trong tay của một số ít các nước giàu có.

Một vấn đề khác rất quan trọng của báo chí được luật pháp của hầu hết các nước quan tâm đó là quyền tự do báo chí.

Tự do báo chí là một khẩu hiệu được đưa ra từ giữa thế kỷ XVII, trong cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ, dân chủ chống lại ách áp bức phong kiến, quý tộc. Ngày nay, tự do báo chí được tuyên bố, ghi nhận trong Luật cơ bản (Hiến pháp) và Luật báo chí của hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới. Tự do báo chí trở thành một tiêu chuẩn Quốc tế, một quyền cơ bản của con người, một trong những tiêu chí đánh giá nền dân chủ ở mỗi quốc gia. Điều 19 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc ghi : "mọi người đều có quyền tự do tin tưởng và tự do ngôn luận. Quyền đó bao gồm quyền không phải lo sợ về những ý kiến của mình và quyền tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến những thông tin và những ý tưởng bằng bất kỳ một phương tiện thông tin nào, không xem xét đến các đường biên giới".

Nói đến tự do báo chí, trong các văn bản Quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia đều thống nhất những nội dung sau :

- Tự do phát và tự do nhận thông tin của công dân.

- Tự do hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

Quyền tự do phát và nhận thông tin báo chí bao gồm quyền được cung cấp thông tin cho nhà báo; quyền phát biểu quan điểm, nguyện vọng của cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng; quyền được đọc các loại báo, tạp chí, nghe các đài, xem mọi chương trình truyền hình không phân biệt nguồn gốc.

Quyền tự do nghề nghiệp bao gồm quyền đi lại, giao tiếp với nguồn tin, hoạt động nghiệp vụ, công bố các tác phẩm báo chí, truyền phát các tác phẩm theo hệ thống thôgn tin liên lạc.v.v.

Tuy vậy, về nguyên tắc, quyền tự do báo chí bao giờ cũng có hạn định, khuôn khổ. Không một tổ chức quốc tế, một quốc gia nào thừa nhận tự do báo chí tuyệt đối. Khuôn khổ, hạn định quyền tự do báo chí được hình thành trên cơ sở những giá trị đạo đức, trật tự, phúc lợi công cộng cũng như tính chất xã hội, lợi ích kinh tế và mục đích chính trị của từng quốc gia.

Mục 29, tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hiệp quốc ghi nhận :

"Trong khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế đã được pháp luật quy định với mục đích công nhận và tôn trọng các quyền tự do của người khác và để đáp ứng các nhu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung".

Tuyên ngôn nhân quyền Pháp 1789, sau khi khẳng định tự do báo chí là một trong những quyền quý giá nhất của con người cũng đã nói rõ : "khi lạm dụng quyền tự do đó sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật pháp". Hiến pháp của nước Cộng hòa ấn độ quy định : "Nhà nước có quyền đưa ra Luật nhằm hạn chế tự do báo chí vì chủ quyền và sự thống nhất đất nước, an ninh của Nhà nước, quan hệ với nước ngoài" (Điều 29).

Khi nói đến tự do báo chí ở Mỹ, người ta thường nhắc đến điều bổ sung sau đây của Hiến pháp nước Mỹ : "không một ai, kể cả Tổng thống và Quốc hội có quyền đưa ra một đạo luật nhằm hạn chế quyền tự do báo chí". Nếu chỉ nhìn nhận điều này trong Luật cơ bản của nước Mỹ, người ta dễ lầm tưởng về một nền báo chí tự do tuyệt đối ở đất nước này. Song, trên thực tế hoạt động báo chí Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ bởi một luạt các đạo luật và Sắc lệnh về đủ mọi lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Năm 1917 Quốc hội Mỹ thông qua Luật về tội do thám và một năm sau lại cho ra đời tiếp Luật về tội bạo động. Theo các luật này, sẽ bị coi là tội phạm nếu ai đó viết "các phóng sự và tuyên bố không đúng nhằm cản trở hoạt động và thành công của các lực lượng vũ trang hay hỗ trợ cho đối phương".

Năm 1953, Bộ luật hình sự của Mỹ được bổ sung thêm một điều, cho phép truy tố viẹc đăng tải các tài liệu mà Chính phủ cho là bí mật. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ ra Sắc lệnh coi mọi tài liệu in ra có hại cho nền quốc phòng đều coi là bí mật.

Pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của các công chức trong bộ máy Nhà nước về việc phát ngôn, đưa ra cho giới báo chí những nguồn tin cụ thể. Đối với những tin tức quan trọng, liên quan đến an ninh, quân sự hay quan hệ quốc tế đều do những người có thẩm quyền đưa ra. Với lý do an ninh, ổn định xã hội, các nước đều đưa vào luật những quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị đương thời. Thông thường, những thông tin chống lại chế độ chính trị bao giờ cũng bị coi là phản động, chống lịa đất nước nói chung và do đó bị khép tội nặng.

Ví dụ, ở Mỹ năm 1918, Quốc hội thông qua đạo luật cấm phổ biến bất ký loại ấn phẩm nào phê phán hình thức tổ chức và quản lý của nước Mỹ.

Trong chế độ Việt Nam cộng hòa trước đây (chế độ ngụy quyền ở miền nam Việt Nam), với sự hà khắc của luật lệ, quyền tự do ngôn luận ví hạn chế rất nhiều, thậm chí bị bóp nghẹt. Ví dụ Điều 303 Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam cộng hòa (ban hành ngày 20/12/1972) khi nói về mối quan hệ giữa tòa án với báo chí đã hạn chế quyền của báo chí :"Ngoại trừ trường hợp đặc biệt được Chánh thẩm cho phép ngay khi phiên toà khai mạc, cấm không được sử dụng máy ghi âm hoặc phát thanh, máy truyền hình, chiếu bóng, máy chụp hình, nếu không sẽ có thể bị phạt vạ từ bốn ngàn đồng đến mười ngàn đồng..."

ở các nước công nghiệp phát triển, quyền giữ bí mật nguồn tin của nhà báo được ghi vào luật pháp. Nhà báo được phép giữ bí mật nguồn cung cấp tài liệu cho mình viết tác phẩm. Điều đó, về hình thức tưởng như là rất tự do, tuy nhiên, về thực chất, quyền đó sẽ không còn giá trị khi bản thân thông tin đó bị quy vào một tội nào đó. Việc quy tội, nhiều khi lại phụ thuộc phần nhiều vào toà án. Trong vô vàn thứ luật lưu hành, người ta rất dễ ghép nhà báo vào một tội danh nào đó, đơn giản nhất là gây rối trong xã hội. Hơn nữa, trong một số trường hợp cụ thể, nhất là liên quan đến Toà án, quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực.

Toà án cũng như chính khách ở các nước trên thế giới dều được các đạo luật bảo vệ trước các ngón đòn báo chí. Luật pháp bảo vệ từng thanh danh từng thành viên trong xã hội, đồng thời tạo ra một hàng rào an toàn cho các chính khách, các cơ quan tư pháp hành pháp và lập pháp. Những thông tin xúc phạm đến các cơ quan và cán bộ trong bộ máy Nhà nước mà không có chứng lý đầy đủ đều bị khép vào tội vi phạm an ninh Nhà nước. đạo luật về phỉ báng của nước Anh dày 960 trang gồm 3980 trường hợp cụ thể.

Những gì liên quan trực tiếp đến toà án được các đạo luật quy định rất rõ ràng. Báo chí bắt buộc phải tôn trọng toà án,bị hạn chế trong việc công bố các tài liệu của toà án. Hầu hết các nước đều cấm báo chí bình luận công việc của toà án khi vụ án chưa kết thúc cũng như việc chống án chưa có ý kiến kết luận của toà cấp trên. Những tài liệu thuộc diện được coi là bí mật và có ảnh hưởng đến việc sử án nếu cơ quan báo chí nào công bố thì bị trừng phạt như tội lộ bí mật nhà nước. Trong những trường hợp này các quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực. ở một số nước trên thế giới pháp luật cấm không được truyền thanh hay truyền hình trực tiếptừ phòng sử án.

Nói chung các trường hợp báo chí bị khép vào tội không tôn trọng Toà án sẽ bị trừng phạt nặng , bị truy tố , phạt tù chứ không đơn giản là bị phạt tiền.

 

2. Pháp luật về báo chí ở việt nam từ 1945 đến nay

ở việt nam, ngay sau khi giành được chính quyền, trong tuyên cáo thành lập chính phủ lâm thời do Hồ chủ tịch tuyên bố ngày 28 tháng 8 năm 1945, Nội các lâm thời gồm 12 bộ,trongv đó có bộ thông tin - tuyên truyền do ông Trần huy Liệu làm bộ trưởng để quản lý công tác báo chí, xuất bản của nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Tiếp đó quốc hội thông qua hiến pháp năm 1946, đây là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về báo chí của nhà nước ta cho tới ngày nay.

Tuy vậy, do bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khi hiến pháp 1946 vừa ban hành, đất nước ta phải tiến hành ngay cuộc kháng chiến chống thực dân pháp nên chưa có điều kiên để xây dựng một hệ thống pháp luật về báo chí hoàn chỉnh như các chế định ghi trong hín pháp. Song, trên thực tế các quyền cơ bảnvề chính trị, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng ... đã được thực thi trong cuộc sống.

Lịch sử đã ghi nhận nhiều tờ báo, bài báo, tác phẩm văn học gia đời trong giai đoạn này đã thực sự chở thành vũ khí sắc bén, động viên nhân dân đứng lên đánh đuổi quân thù, góp phần xuất sắc vào chiến thắng của dân tộc.

Khi hoà bình được lập lảitên miền bắc, đẻ khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, sắc lệnh gồm 3 chương 19 điều.

Chương II của sắc lệnh quy định về quyền lợi và hoạt động của báo chí gồm 9 điều (từ điều 4 đến điều 12 ). Đây là phần cơ bản của sắc lệnh quy định:"Quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí được đảm bảo .

Tất cả các báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận. Không phải kiểm duyệt trước khi in. Trong trường hợp khẩn cấp, xét cần phải tạm thời đặt kiểm duyệt, Hội đòng chính phủ sẽ quyết định".

Để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ đúng đối tượng, điều 9sắc lệnh cũng quy định một số ràng buộc đối với báo chí: " để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng một cách đúng đắn, báo chí phải tuân theo những quy định sau đây:

a) Không được tuyên truyền chống pháp luật của nhà nước. Không được cổ động nhân dân không thi hành huặc chống lại những luật lệ và những đường lối chính sách của nhà nước. Không được viết bài có tính chống lại chế độ dân chủ của nhân dân , chia rẽ nhân dân, chống lại chính quyền nhân dân, chia rẽ nhân dân và chính quyền, nhân dân và bộ đội. Không được gây ra những dư luận huặc những hành động có hại cho an ninh trật tự xã hội.

...

d) Không được tiết lộ bí mật quốc gia như: những bí mật quốc phòng, những hội nghị cơ mật chưa có công bố chính thức của cơ quan có trách nhiệm, những vụ án đang điều tra chưa xét sử, những bản án mà toà án không cho phép công bố, những tài liệu, số liệu và những cơ sở kiến thức về kinh tế tài chính mà ủy ban kế hoạch Nhà nước hoặc các cơ quan có thẩm quyền chưa công bố.

e) Không được tuyền truyền dam ô, truỵ lạc, đồi bại.

Về trách nhiệm của báo chí, Điều 10 quy định : "báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến danh dự của nọi tổ chức hay một cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự; Ngoài ra đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xét xử".

Báo chí nào cố tình vi phậm Điều 9 và Điều 10 sẽ bị phạt cảnh cáo, tịch thu ấn phẩm, đình bản tạm thời, đình bản vĩnh viễn hoặc bị phạt tiền (từ năm vạn đồng đến một triệu đồng), bị truy tố trước Tòa án. Người chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí có thể bị phạt tù từ một tháng đến hai năm, hoặc cả hai hình phạt đó. Nếu đương sự phạm vào những luật lệ khác, Tòa án sẽ chiếu theo những luật lệ ấy mà trừng phạt thêm.

Tiếp đó ngày 09/07/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số : 297/TTg quy định chế độ và quyền lợi của những người làm công tác báo chí chuyên nghiệp. Trong khi sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, người làm công tác báo chí có quyền :

- "Viết tin, đưa tin mà không phải chịu sự kiểm duyệt trước của bất cứ một cơ quan chính quyền nào".

- Phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân góp ý kiến vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Chính phủ.

- Đưa ra dư luận những âm mưu, những hành động có phương hại đến lợi ích của nhân dân".

Đối với các phiên tòa xử công khai của Tòa án, nhà báo được dành một chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các Thẩm phán để lấy tài liệu viết báo (Điều 6).

Cùng ngày 9/7/1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 298/TTg quy định chi tiết thi hành Luật số 100/SL/L002 ngày 20/05/1957 về chế độ báo chí.

Theo quy định tại điều 23 của Nghị định này, nếu Tòa soạn không đang bài cải chính, đăng chậm , đăng không đúng thể thức quy định thì đương sự có quyền khiếu nại Tòa án, tùy theo nơi xuất bản của tờ báo. Tòa án xét xử theo thủ tục xét xử nhanh (thủ tục cấp thêm) trong hạn ba ngày. Nếu Tòa án xét cần phải cải chính ngay, thì Tòa soạn phải đăng bài cải chính trong số báo gần nhất, mặc dù có đơn chống án. Nếu có đơn chống án, thì Tòa phúc thẩm phải xét xử xong trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

Sau khi Hiến pháp 1959 ra đời, một loạt các văn bản pháp luật về báo chí được ban hành như Nghị định số 207/CP ngày 01/12/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định về phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, điện ảnh nước ngoài hoạt động trên nước ta, Nghị định số 61//CP ngày 14/6/1962 quy định những vấn đề thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ ngày 20/6/1962 đã ra Thông tư quy định biện pháp, tổ chức giữ gìn bí mật của Nhà nước để thi hành Nghị định 69/CP ngày 14 tháng 6 của Hội đồng Chính phủ.

Các văn bản này chủ yếu đưa ra những nguyên tắc chung cho tất cả các cơ quan, viên chức Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bí mật của Nhà nước, trong đó có các cơ quan báo chí và nhà báo phải tuân thủ, thực hiện.

Tóm lại, trong giai đoạn này các văn bản pháp luật về báo chí của Nhà nước ta tuy ít về số lượng (một sắc lệnh, hai Nghị định) nhưng các quy định về quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo khá rõ ràng. Do hoàn cảnh đất nước phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhiệm vụ chung của cách mạng giai đoạn này là phục vụ chủ yếu cho chiến đấu nên đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành phải tuân theo chế độ tập trung cao nên báo chí cũng phải chịu sự chi phối của quy luật này. Luật quy định báo chí không được đăng tải các vụ án đang điều tra chưa xét xử và Tòa án có quyđfn không cho phép báo chí đăng tải những vụ án đã xét xử nếu xét thấy không cần thiết. Nếu cá nhân, đơn vị báo chí vi phạm các quy định về báo chí có thể bị phạt tiền, phạt tù từ 01 tháng đến hai năm hoặc phải chịu cả hai hình phạt. Ngoài ra nếu phạm vào những luật lệ khác, Tòa án sẽ chiếu theo những luật lệ ấy mà trừng phạt thêm.

Pháp luật cũng quy định rõ các cơ quan báo chí phải có trụ sở và in ở một nhà in nhất định. Nếu tờ báo nào thay đổi trụ sở, nhà in, nhân viên ban biên tập, mở rộng phạm vi phát hành mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm quản lý báo chí biết thì coi như phạm pháp.

Về quyền lợi của nhà báo, pháp luật thời kỳ này cũng đã trao cho nhiều quyền như viết tin, đưa tin không phải chịu sự kiểm duyệt trước của bất kỳ một cơ quan chính quyền nào.

Nhà báo được quyền tham dự các phiên tòa xử công khai của Tòa án, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các Thẩm phán để lấy tài liệu. Khi nhà báo đến các thư viện, các cơ quan Nhà nước để tra cứu, sưu tầm tài liệu chỉ cần đưa thẻ nhà báo mà không phải đưa bất kỳ giấy tờ gì khác.v.v.

Bước sang thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhiều biến đổi trong đời sống kinh tế, đời sống xã hội đã diễn ra. Để thích ứng và phù hợp với yêu cầu của xã hội, ngày 02/1/1990 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh số 29LCT/HĐNN8 công bố Luật báo chí đã được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989. Luật gồm 7 chương và 31 điều. Tiếp đó, ngày 20/4/1992 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hnàh Nghị định số 133/HĐBT quy định chi tiết thi hành Luật báo chí.

Về nội dung, các điều trong Luật báo chí năm 1990 đã thể hiện được tinh thần đổi mới của Đảng. Điều I của Luật báo chí đã ghi rõ :

"Báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân". Và "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình" (Điều 2). Luật báo chí lần này vẫn không thừa nhận tư nhân có quyền ra báo chí, như khẳng định "báo chí là diễn đàn của nhân dân". Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong khi Đảng chủ trương đổi mới, mở rộng dân chủ nhưng không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào lợi dụng dân chủ để chống lại nhân dân, chống lại thành quả cách mạng mà nhân dân phải hy sinh bao xương máu mới dành được. Xuất phát từ quan điểm này, Điều 2 của Luật quy định rõ : "báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước , tập thể và công dân".

Để thực thi nhiệm vụ của mình, báo chí có quyền "phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác"(Điều 6). Đối với vụ án đương được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thôg tin (Điều 7). Khi phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều ra, Viện kiểm sát bằng văn bản, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết (Điều 8). Pháp luật quy định báo chí "không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" (điều 10).

Điều cốt lõi của các điều luật này khẳng định chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực là phát hiện chính xác vụ việc tiêu cực, góp phần tìm ra nguyên nhân, nêu bài học kinh nghiệm, còn phía các cơ quan tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời theo chức năng của mỗi cơ quan theo luật định.

Nếu các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật về báo chí thì "người đứng đầu cơ quan báo chí tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự"(Điều 28).

Ngoài luật báo chí và Nghị định của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, ngày 5/11/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra nghị quyết số 384/HĐBT về tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản. Bộ văn hoá - Thông tin, thể thao và du lịch ngày 20 tháng 11 năm 1990 ra Thông tư số 1312b/TT - VP hướng dẫn thi hành Nghị quyết Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài các văn bản pháp luật trực tiếp vê báo chí, thời kỳ này Nhà nước còn ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí như Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước (1992). Ngoài ra, ngày 31 tháng 3 năm 1992 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 08 về công tác báo chí, xuất bản.

Tóm lại, pháp luật về báo chí trong giai đoạn này đã được xây dựng hoàn chỉnh hơn. Lần đầu tiên từ ngày giành độc lập, Nhà nước đã ban hành một văn bản pháp luật hoàn chỉnh dưới dạng Luật về báo chí. Các quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo được mở rộng hơn. Báo chí được quyền in ở bất kỳ nhà in nào, được mở rộng phạm vi phát hành mà không cần xin phép. Luật không cấm việc đăng tải các vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình. Khi phát hiện hoặc nhận những dấu hiệu tội phạm thì cơ quan báo chí chuyển ngay cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm thụ lý và phải trả lời cho cơ quan báo chí cách giải quyết.

II. quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng:

Do chức năng xã hội của báo chí đã phân tích ở phần trên, có thể thấy mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể xã hội đều là đối tượng phản ánh của báo chí. Trong số các cơ quan Nhà nước, thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, các tranh chấp kinh tế, lao động, các vụ án hành chính là đối tượng phản ánh có tính chất khá ưu tiên của báo chí. điều này có lý do là hoạt động tố tụng có mục tiêu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích chính đáng của công dân, mỗi một hành vi tố tụng đều gắn liền với những lợi ích về tinh thần, về vật chất của mỗi tổ chức, cơ quan hay cá nhân công dân. Xuất phát từ đặc thù của hoạt động tô tụng, báo chí phản ánh hoạt động tố tụng cũng có phương thức đặc thù, không giống như phản ánh các hiện tượng và quá trình khác của xã hội.

a- Báo chí phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua những sự kiện và vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật. Phương thức này có đặc thù là gắn với thông tin thời sự (sự kiện thời sự và vấn đề thời sự ) gắn với người thật, việc thật, ví dụ báo chí phát hiện những dấu hiệu của tội phạm và đề nghị khởi tố vụ án hình sự, phản ánh quá trình xét xử như vụ Nguyễn Văn Mười Hai, vụ án TAMEXCO.

b- Từ những sự kiện biểu dương hoặc phê phán các biểu hiện và thái độ đối với pháp luật, báo chí đều có khả năng tạo cho công luận có những thông tin mới, ngoài tác dụng về nhận thức, có thể có cả tác dụng về tổ chức. Bằng việc thông tin toàn diện kết hợp với tuyên truyền điển hình, giới thiệu nhân tố mới trong việc chấp hành pháp luật, báo chí có thể định hướng cho bạn đọc suy nghĩ đúng về hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

c- Bên cạnh đó, báo chí kết hợp giữa các dòng thông tin (thông itn nhiều chiều). Sự kết hợp thông tin nhiều chiều này về thực chất là thực hiện quyền thông tin và quyền được thông tin và quyền được thông tin của công dân về những vấn đề liên quan đến việc thực thi pháp luật của công dân cũng như của các cơ quan tiến hành tố tụng.

d- Ngoài ra, việc phản ánh các hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có sự kết hợp tính tập trung với tính liên tục. Việc tập trung thể hiện ở chủ đề, đề tài và hình thức thể hiện. Tính liên tục thể hiện ở chỗ nối tiếp nhiều số báo, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình. Việc tập trung kết hợp với liên tục sẽ làm nổi bật vấn đề định nêu làm cho ngưì đọc dễ thấy, từng bước thâm nhập vào họ để tạo cho họ những suy nghĩ đúng đắn.

Từ những suy nghĩ chung nhất đó, đã tạo ra mối quan hệ khách quan theo những quy luật nhất định trong việc phản ánh của báo chí về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

1/ Báo chí phản ánh việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Xét trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan pháp luật thì một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là báo chí phản ánh được quá trình hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong việc thực hiện cải cách bộ máy Nhà nước trong đó có cải cách tư pháp mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra thì tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đã từng bước được kiện toàn theo hướng nâng cao hiệu lực và hiệu quả để góp phần tích cực vào thành công sự nghiệp đổi mới. Báo chí đã luôn luôn bám sát và phản ánh kịp thời những vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án, đánh giá nhữngkết quả hoạt động của các cơ quan này trong nhiều năm và trên cơ sở đó lại nhiều góp ý kiến cho việc tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn, đổi mới tổ chức của các cơ quan nói trên. Về lĩnh vực này, báo chí đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận: Phổ biến và giới thiệu rộng rãi các văn bản pháp luật như Bộ luật tố tụng hình sự, các pháp lệnh về giải quyết các vụ án dân sự, lao động, kinh tế và các vụ án hành chính hay các pháp lệnh về tổ chức luật sư, Nghị định về giám định tư pháp..., Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, pháp lệnh thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền. Thông qua việc giới thiệu, phổ biến những quy định của pháp luật về tố tụng, cán bộ và nhân dân có điều kiện tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và những quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Ngoài việc giới thiệu về các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng báo chí cũng đã phản ánh kịp thời những thay đổi về tổ chức của cơ quan này. Nhiều tin, bài trong những năm qua đã thường xuyên và liên tục giới thiệu quá trình và quá trình của đợt bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự (1993), theo chỉ thị 266/TTg của Thủ tuớng Chính phủ, trong đó có việc bàn giao toàn diện về công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang cơ quan của Chính phủ, kiện toàn tổ chức và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chấp hành viên, những kết quả bước đầu quan trọng của công tác thi hành án dân sự sau khi bàn giao. Báo chí cũng đưa tin bài về tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, Hội thẩm, thư ký Toà án, giám đinh viên.... hoặc tin về việc Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán toà án nhân dân các cấp.

Một hình thức khác trong mối quan hệ này là việc báo chí biểu dương gương người tốt, việc tốt huặc các nhân tố mới. Đối với loại tin, bài phản ánh này có rất nhiều cơ quan báo chí rất coi trọng. Chẳng hạn như khi biết một cán bộ nào đó của cơ quan điều tra, liêm khiết, không nhận hối lộ, hoặc không chịu sức ép của một người nào đó muốn làm sai lệch hồ sơ vụ án thì báo chí sẽ đưa tin biểu dương kịp thời và sẽ cùng góp sức đấu tranh chống lại và việc làm sai trái đó.

Bên cạnh đưa tin nêu gương người tốt, việc tốt, báo chí cũng rất coi trọng việc phê phán hoặc nêu ra những vấn đề bất cập trong những hoạt động xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, kể cả những tiêu cực của cả cán bộ, nhân viên các cơ quan này.

Thí dụ: Một số báo cáo phản ánh quá trình xử lý vụ án Nguyễn Tùng Dương (vụ án cầu Chương Dương ), việc xử lý vụ buôn lậu của Công ty Prô-mê- xim (Bộ Thương Mại ), vụ án làm chết người ở Công an phường Phương Mai (Hà Nội) hay các tin tức về đường dâybuôn lậu ma tuý lớn mà số người liên quan chủ yếu là cán bộ trong các cơ quan công an có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống các hành vi phạm tội liên quan đến ma tuý v.v...

2/ Báo chí đưa tin, bài phản ánh về những hiện tượng tiêu cực, những vi phạm pháp luật và tội phạm.

ở dạng này, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phân ra ở nhiều góc độ:

Thứ nhất, báo chí tự phát hiện. Theo Điều 83, điểm 3 Bộ luật tố tụng hình sự thì tin tức đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hình sự. Những loại bài, tin phản ánh này do các cơ quan báo chí tự phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ chính xác của những thông tin đưa ra. Mặt khác, Điều 8 và Điều 9 Luật báo chí cũng quy định: cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoạc Viện Kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho cơ quan báo chí cách giải quyết (Điều8).

Từ những bài, tin đăng trên báo chí và những thông tin bằng văn bản do báo chí phát hiện về tội phạm chuyển đến, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc những người có trách nhiệm phải trả lời cho các cơ quan báo chí về những vấn đề mà báo đã nêu ra. Tuy nhiên, trong thực tế, mối quan hệ này ít được các cơ quan tiến hành tố tụng chú ý, mà phần lớn là không có ý kiến trả lời. Có thể nói đây là thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà pháp luật chưa có những quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này.

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng diễn biến theo một trong hai hướng:

Hướng thứ nhất, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp hoặc cơ bản phù hợp với những thông tin của báo chí nêu ra.

Hướng thứ hai, kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng không đúng với các thông tin trên báo chí. Xu hướng này lại có thể diễn ra hoặc là cơ quan báo chí thừa nhận kết luận hoặc là không thừa nanj kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp không thừa nhận, báo chí lại tiếp tục nêu vấn đề trên báo và thậm chí chỉ trích cơ quan ra kết luận, có khi gay gắt. Thí dụ: vụ Bùi Thị An Tình ở Hải Hưng nấu cao da trâu giả làm cao sơn dương, trù dập người khiếu nại, tố cáo, vụ án cầu Chương Dương (ở giai đoạn điều tra ) hay vụ án Đào Đức Sơn - Thợ ảnh ở thị xã Cao Bằng...

Thứ hai, báo chí viết, đưa tin về những vụ việc vi phạm pháp luật do các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý và cung cấp thông tin. Theo Luật báo chí, những vụ án đang được điều tra, hoặc chưa xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong trường hợp không được cung cấp thông tin thì báo chí tự tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ (như trên đã trình bày). Trường hợp được cung cấp thông tin thì mối quan hệ giữa báo chí và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xẩy ra hai khả năng:

Khả năng thứ nhất, quan điểm của báo chí phù hợp với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng. ở đây sẽ không có mâu thuẫn và qua quan điểm ủng hộ của báo chí thì sẽ nhận được sự đồng tình của dư luạan xã hội. Trong trường hợp này tạo được sức mạnh xã hội trấn áp tội phạm và có tác dụng tích cực trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Thời gian qua, số vụ loại này luôn chiếm đa số.

Khả năng thứ hai, quan điểm của một số báo chí phù hợp với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, còn một số báo chí khác lại không đồng tình. Khà năng này đã có trong thực tế và không phải là ít. Trong trường hợp này không chỉ xảy ra sự tranh luận giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng và có sự cọ sát quan điểm ngay trong các cơ quan báo chí với nhau, có khi ở trong ngay một toà soạn báo.

Cuộc sống luôn vận động và phát triển nên trong đời sống xã hội và trong đời sống báo chí tồn tại những ý kiến khác nhau thậm chí đối lập nhau về một hiện tượng, một sự kiện, hay một lĩnh vực nào đó là lẽ thường tình. Chính sự khác biệt này đã giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng, cân nhắc kỹ hơn trong quá trình điều tra, nghiên cứu khi đưa ra các quyết định xử lý, hạn chế những oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý oan người vô tội. Có thể nói, nhiều báo đã không bị sa đà vào những vụ khiếu kiện tràn lan không có điểm dừng mà đã biết lựa chọn ra những vụ việc có tính chất điển hình mà thông qua việc giải quyết của các cơ quan chức năng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho nhiều nghành, nhiều cấp và cho cả công dân. Tuy nhiên thời gian qua sự phản ánh những sai phạm thường tập trung vào các loại việc: bắt, giam, giữ; các vụ việc tham nhũng, buôn lậu... và nếu xem xét kỹ "sự cọ sát" trên các báo sẽ thấy: cùng một sự việc, một số báo này nói khác báo kia, ngay cùng một tờ báo nói về một sự việc, thì số báo sau lại nói khác hoàn toàn số báo trước ...

Nguyên nhân của hiện tượng trên thấy có nhiều và rất đa dạng như do hạn chế hiểu biết pháp luật của những người trực tiếp viết bài. Cùng một sự kiện nhưng có liên quan tới nhiều các quan hệ xã hội nên nó bị điều chỉnh bởi nhiều nghành luật khác nhau. Cuộc sống nhất là đời sống kinh tế lại luôn biến động, cái cũ chưa mất đi, cái mới lại chưa phát triển nên pháp luật cũng luôn biến động, thay đổi. điều này đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các nhà báo và các toà soạn báo trong việc xác định, sử lý các hiện tượng, sự việc sẩy ra cái gì là phù hợp huặc klhông phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Chính sự bất cập này đã tạo kẽ hở trong thu nhập và công bố thông tin. Nhiều trường hợp người viết báo quá tin vào tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp mà không kiểm tra, xác minh tính chất thực của thông tin nên khi thông tin được đăng tải đã gây ra nhiều phức tạp, phiền toái. Cá biệt do quan điểm sử lý một vụ án cụ thể nào đó chưa được thống nhất giữa những cơ quan tiến hành tố tụn, còn tồn tại những ý kiến này ý kiến khácnên cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng muốn thông tin cho báo chí để qua báo chí chanh thủ dư luận xã hội ủng hộ quan điểm sử lý của cơ quan mình. Cũng có trường hợp để bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành, địa phương mình mà có cơ quan tiến hành tố tụng đã cung cấp thông tin cho báo chí một cách thiên lệch, huặc do người viết, cơ quan báo chí thiếu khách quan trong việc đưa tin nên xã hội phải tiếp nhận những sản phẩm kém chất lượng. Nhiều trường hợp do nhận thức khác nhau nên thể hiện khác nhau ở các báo chí. Đây là sự khác biệt đương nhiên làm cho thông tin đa dạng và cũng là những tiền đề gợi mở cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định hướng điều tra và giải quyết vụ án một cách nhanh, chắc chắn và có hiệu quả.

III - một số vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong điều kiện hiện nay, nhờ cónhững thành tựu quan trọng về khoa học kỹ thuật, các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí) đã và đang phát triển mạnh mẽ. Mỗi hệ thống thông tin đại chúng hiện đại của một quốc gia có thể dễ dàng truyền các ấn phẩm phát sóng hoặc ấn phẩm báo chí của mình đến mọi địa điểm, mọi đối tượng có nhu cầu tìm hiểu thông tin. Chính do đặc điểm này mà báo chí một mặt được sử dụng để góp phần nâng cao dân trí, thực hiện quyền được thông tin của công dân theo hiến pháp quy định. Trong lĩnh vực hoạt động tố tụng, mối quan hệ của báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng cần bảo đảm những vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:

1. Báo chí cần tôn trọng sự thật khi phản ánh về việc thực hiện pháp luật.

Nói và viết đúng sự thật là thuộc tính thông tincủa báo chí cách mạng. Trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, việc viết tin, bài phê bình lại càng phải đảm bảo đúng sự thật. Bởi lẽ, theo Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự, thì tin tức do báo chí cung cấp là một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Bằng hoạt động thu thập và phản ánh tin tức của mình, báo chí có thể phát hiện dấu hiệu của tội phạm. đến lượt mình, cơ quan điều tra căn cứ vào các tin tức do báo chí đưa ra để xem xét và quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Mặc dù, tin tức do báo chí cung cấp cũng chỉ là một trong các nguồn tin do các cơ quan tiến hành tố tụng nhận được. Song tin tức trên báo chí là tin công khai, thường là có địa chỉ và đã được sơ bộ thẩm tra nên xác suấttin cậy nhiều hơn. đặc biệt các tin tức này rất được các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra quan tâm xử lý. Vì đây là tin do cơ quan báo chí có thẩm quyền đưa ra, đã được nhiều người biết và theo dõi, giám sát xem các cơ quan có trách nhiệm xử lý ra sao.

Nguyên tắc tôn trọng sự thật đòi hỏi bản thân từng nhà báo, toà soạn phải có thái độ khách quan, phải thực sự bình tĩnh để tránh sai sót và sơ hở trong thu thập tài liệu chứng cứ và đưa tin. Những chi tiết và số liệu đưa ra trong bài phê bình công khai phải dựa trên những chứng cứ có thể kiểm chứng được; hạn chế tối đa sử dụng chi tiết và con số mà đằng sau nó chứa đựng những vấn đề xã hội phức tạp. Nguyên tắc tôn trọng sự thật có nghĩa là : không được lấy cái phiến diện làm cái toàn diện, lấy hình thức làm bản chất, lấy cái thứ yếu làm cái chủ yếu và càng không thể lấy cái ngẫu nhiên làm cái tất nhiên để phản ánh về quá trình giải quyết các vụ án. Thực tế cuộc sống cho thấy không thể loại trừ những yếu tố thiếu chính xác trong một bài báo phê bình, nhưng cái sự việc làm cốt lõi cho nội dung một bài phê bình thì đòi hỏi phải chuính xác, có thật. Vi phạm điều này có nghĩa là rơi vào phạm vi vu cáo, vi phạm pháp luật. Thông thường "phê" phải đi với "bình". Lời bình sắc sảo là cần thiết và phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người viết báo. Nhưng sắc sảo phải đi đôi với nhân hậu, có lý có tình; phải có gợi ý về cách tháo gỡ, lối thoát hoặc sửa chữa. Tuyệt đối tránh khuynh hướng cay cú, thổi phồng sự việc, muốn sử dụng báo chí để dẫn dắt các cơ quan tiến hành tố tụng đi theo quan điểm của mình.

Nguyên tắc tôn trọng sự thật đòi hỏi bản thân từng nhà báo, toà soạn báo phải có thái độ khách quan, phải thực sự bình tĩnh để tránh sai sót và sơ hở trong thu thập tài liệu chứng cứ và đưa tin. Những chi tiết và số liệu đưa ra trong bài phê bình công khai phải dựa trên những chứng cứ có thể kiểm chứng được; hạn chế tối đa sử dụng chi tiết và con số mà đằng sau nó chứa đựng những vấn đề xã hội phức tạp. Nguyên tắc tôn trọng sự thật có nghĩa là : không được lấy cái phiến diện làm cái toàn diện, lấy hình thức làm bản chất, lấy cái thứ yếu làm cái chủ yếu và càng không thể lấy cái ngẫu nhiên làm cái tất nhiên để phản ánh về quá trình giải quyết các vụ án. Thực tế cuộc sống cho thấy không thể loại trùe những yếu tố thiếu chính xác trong một bài báo phê bình, nhưng cái sự việc làm cốt lõi cho nội dung một bài phê bình thì đòi hỏi phải chính xác, có thật. Vi phạm điều này có nghĩa là rơi vào phạm vi vu cáo, vi phạm pháp luật. Thông thường "phê" phải đi với "bình". Lời bình sắc sảo phải đi đôi với nhân hậu, có lý có tình; phải có gợi ý về cách tháo gỡ, lối thoát hoặc sửa chữa. Tuyệt đối tránh khuynh hướng cay cú thổi phồng sự việc, muốn sử dụng báo chí để dẫn dắt các cơ quan tiến hành tố tụng đi theo quan điểm của mình.

Nguyên tắc tôn trọng sự thật đòi hỏi phải đưa tin đúng. Đưa tin sai, không đúng với bản chất của sự việc đã đành là có hại. Nhưng không phản ánh những gì cần phản ánh thì sẽ gây ra thiệt hại cũng không nhỏ. Chính vì vậy, nhà báo trước hết phải trung thực với chính mình trước khi có thể xác định tính trung thực của thông tin mà mình lựa chọn và công bố.

Lợi thế nghề nghiệp của nhà báo, của báo chí có thể đem lại những ích lợi cho xã hội nhưng lợi thế nghề nghiệp đó cũng có thể đem lại hậu quả không tốt khi đưa ra thông tin không chuẩn xác, đưa thông tin sai lệch đưa những thông tin không cần đưa, lựa chọn những chi tiết không có giá trị để đưa cũng như không đưa những thông tin cần đưa, thông tin không đúng lúc, không đúng đối tượng dù chỉ là sơ xuất, thiếu cân nhắc. Chính những điều đó dẫn đến hiệu quả xã hội của báo chí bị thấp và ít nhất là không được nhân dân đồng tình ủng hộ.

2. Báo chí cần tuân thủ các quy định của luật báo chí và luật tố tụng.

 

Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của bộ máy Nhà nước nối chung và của cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng.

Trong chế độ ta, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhà nước do dân tổ chức ra để quản lý xã hội, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Để quản lý xã hội, Nhà nước làm ra luật pháp và đặt mình hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng không phải chỉ nhằm thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn phải bảo đảm cho pháp luật của Nhà nước được mọi người tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Như vậy, các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng tuy khác nhau về chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động như lại có cùng một mục đích chung trong lĩnh vực bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật. Cả hai loại cơ quan, cũng như cán bộ nhân viên của các cơ quan đó đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật như bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào khác.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật đòi hỏi trước hết phải bảo đảm địa vị tối cao của luật, nghĩa là từ việc xây dựng pháp luật đến việc thực thi pháp luật luôn luôn phải xuất phát từ luật, trên cơ sở luật để thi hành luật. Nói cách khác cơ quan báo chí cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện chức năng của mình trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định, thực hiện thẩm quyền trên cơ sở pháp luật và phù hợp với pháp luật. Nguyên tắc này bác bỏ xu hướng bản vị, cục bộ, vin vào đặc điểm của ngành, của lĩnh vực mình để tùy tiện không chấp hành luật hay chấp hành sai pháp luật.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật đòi hỏi phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực thực hiện pháp luật. Trong quản lý Nhà nước , quản lý xã hội, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có pháp luật để quản lý ngành ấy, lĩnh vực ấy (báo chí có Luật báo chí, cơ quan điều tra có Pháp lệnh điều tra, Tòa án có Luật tổ chức Tòa án...) . Tùy theo chức năng từng ngành, từng đơn vị mà tiến hành tổ chức đểp háp luật được thực thi nghiêm chỉnh. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Họ nhất thiết phải nắm vững những luật lệ của Nhà nước để vận dụng vào công tác quản lý theo phạm vi trách nhiệm của mình. Đồng thời phải gương mẫu trong việc chấp hành và thực thi pháp luật ở lĩnh vực mình phụ trách cũng như trong cuộc sống thường ngày.

Nguyên tắc tuân thủ pháp luật còn cần phê pháp, khắc phục những quan niệm sai cho rằng để đạt được kết quả trong việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của một ngành hay cơ quan nào đó, đôi khi cũng phải "vượt rào" hay tìm chỗ hở của pháp luật để "lách", vượt qua... Đây là một quan niệm sai lầm, vì rằng từ một sự vi phạm pháp luật chỉ có thể sinh ra các vi phạm pháp luật khác. Đã vi phạm pháp luật tì chắc chắn không thể có khản năng giành thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực công tác nào.

Cuối cùng nguyên tắc này cũng đòi hỏi phải kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi phạm pháp. Không để một việc vi phạm pháp luật, một tội phạm nào không bị phát hiện và có biện pháp xử thích đáng, theo đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Bảo đảm quyền tự do báo chí và trách nhiệm của nhà báo :

 

Trước hết cần có thái độ rõ ràng trước hai quan điểm cơ bản khác nhau về tự do thông tin.

Trong thời kỳ còn chiến tranh lạnh cho đến cuối những năm 1980, tại các diễn đàn của Liên hợp quốc đặc biệt là UNESCO đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt về quyền tự do thông tin. Cuộc tranh luận đó đã phát sinh hai quan điểm khác nhau : các nước phương Tây chủ trương học thuyết "tự do thông tin, tuyệt đối và cho rằng báo chí có quyền đưa bất cứ tin tức và thông tin nào mà họ muốn và không phải chịu trách nhiệm đối với tin tức và thông tin nào mà họ muốn và không phải chịu trách nhiệm đối với tin tức và thông tin đó. Ngược lại, các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước phát triển thì vẫn cho rằng một mặt phải công nhận quyền tự do thông tin trong sự phù hợp với luật pháp Quốc tế, mặt khác, những người thực hiện các hoạt động thông tin, báo chí phải có nghĩa vụ tuân theo các quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của mình. Tức là nhà báo có quyền tự do tìm kiếm thông tin, nhận hoặc truyền bá thông tin nhưng sự tự do đó không phải là tuyệt đối mà phải gắn liền với các nguyên tắc khác trong lĩnh vực thông tin. Có thể nói cho đến này chưa có một văn bản pháp lý quốc tế nào dành cho bất kỳ ai quyền tự do thông tin vô điều kiện. Về điểm này có thể xem xét đến ý kiến của Gie - phie- xơn một luật gia của Mỹ ở thế kỷ XVIII. Khi bình luận về Tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ, ông cho rằng người ta không thể bị tước quyền được nói, viết hoặc xuất bản sách về bất cứ điều gì trừ những thực tế bịa đặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tự do, nghèo đói và danh dự của người khác. Có thể nói ngay từ thế kỷ XVIII, quan niệm tự do thông tin của Gie- phie- xơn đã thể hiện khái niệm tự do thông tin hiện đại hơn và đúng đắn hơn khái niệm của những người chủ trương tự do thông tin vô điều kiện ở thế kỷ XX. Trong báo cáo của Uỷ ban quốc tế nghiên cứu về vấn đề thông tin ở UNESCO năm 1980, khái niệm tự do thông tin đã được chỉ rõ là:tự do thông tin phải được điều hoà với một nghĩa vụ tuân thủ pháp luật.

Trong điều kiện ở Việt Nam, Hiến pháp, Luật báo chí cùng nhiều văn bản pháp quy khác đã thể chế hoá quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Các nhà báo tự do hành nghề trong khuôn khổ mà pháp luật đã quy định. Mọi công dân đều có quyền phát biểu ý kiến trên công luận về mọi vấn đề, miễn là có chất xây dựng và phù hợp với lợi ích chung của đất nước.

Khi nói về tự do báo chí, cần phải khẳng định rằng tự do cho ai và tự do của ai. Rõ ràng quyền tự do báo chí không đồng nghĩa với "tự do vô hạn" hòng gây rối, phá hoại ổn định chính trị - xã hội, cản trở công cuộc đổi mới, kích động nhân dân, đưa ra những luận điểm đồ truỵ, mê hoặc nhân dân.

Báo chí nói chung và báo nói riêng được tự do thực hiện quyền thông tin của mình, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền thông tin của người khác. Tự do phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Dân chủ phải đi đôi với pháp luật. Tự do báo chí gắn với đạo đức và trách nhiệm trước cộng đồng. đó là thực chất của tự do báo chí ở nước ta. Chính vì vậy, báo chí một mặt cần phản ánh một cách khách quan, trung thực với tinh thần xây dựng cao về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, để góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án, mặt khác cũng cần kiên quyết đấu tranh với những cá nhân và tổ chức lợi dụng quyền tự do báo chí để đả phá, kích động dư luận, gây mặc cảm đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng - một dạng hoạt động cực kỳ khó khăn và phức tạp trong hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung.

4. Báo chí cần khách quan trong việc phản ánh các sự kiện, các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

việc phản ánh của báo chí đối với hoạt động tố tụng là một biểu hiện của nguyên tắc công khai trong hoạt động của Toà án với tính cách là một cơ quan tư pháp có vị trí trung tâm. Nhưng việc phản ánh đó lại thông qua lăng kính chủ quan của nhà báo và của Tổng biên tập.

Diễn biến của quá trình tố tụng đối với một vụ án đồi hỏi ở chừng mực nhất định phải được thông tin trên báo chí. Các nhà báo, các nguồn cung cấp thông tin không thể giữ mãi tình trạng găm tin, tưởng chừng như là có lợi nhưng thực ra lại rất phản tác dụng vì dễ gây ra những dư luận lệch lạc trong quần chúng đối với hoạt động tư pháp.

Những sự kiện khách quan được thông tin riêng hay được thông tin trong mọi liên hệ tổng quát tự nó sẽ đem đến cho người tiếp nhận thông tư những khả năng tự lý giải và từ đó họ sẽ cảm thấy thích thú, chủ động và tự giác nhận thức thông tin theo một định hướng đúng đắn và khách quan. Vì vậy cần hết sức tránh cái khiên cưỡng và cái cường điệu trong lập luận dù có vẻ là sắc bén. Cuộc sống nói chung và đời sống pháp luật nói riêng là một chuỗi sự kiện khách quan đan xen, nối tiếp nhau, từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến hoàn thiệnm từ cục bộ đến toàn bộ. Vì vậy, khi thông tin về các sự kiện của đời sống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực giải quyết các vụ án thì yêu cầu khách quan được đặt ra không kém với yêu cầu khách quan của việc điều tra, truy tố và xét xử.

Tính khách quan của sự phản ánh phụ thuộc rất lớn vào người cầm bút. Bởi vì hiện thực cuộc sống được báo chí phản ánh như thế nào, chân thật đất đâu, với mục đích gì, có nhiều hay ít lượng thông tin, có đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc không và tính chiến đấu của báo chí ở mức độ nào, tất cả phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhà báo, của người viết thông qua khả năng nhận thức hiện thực khách quan. Sự nhạy bén chính trị, kinh nghiệm và trình độ nghề nghiệp của họ. Vì vậy, hiện thực được phản ánh trên báo chí mang dấu ấn đậm nét của nhà báo. Do đó, sự vô tư và khách quan của sự phản ánh trên báo sẽ quyết định tính khách quan của sự phản ánh trên báo chí. Bên cạnh những kết quả mà báo chí đã đạt được trong quá trình phản ánh đời sống pháp luật, thời gian vừa qua, những hiện tượng tiêu cực của báo chí do thiếu khách quan cũng đã xuất hiện cần phải sớm ngăn chặn.

Về vấn đề khách quan và trung thực của báo chí V.I.Lê Nin đã dạy : cần phải quan tâm một cách có hệ thống đến việc thành lập một nền báo chí trung thực...và "thuộc tính quan trọng của công tác báo chí là sự trung thực ...", đó cũng là phương châm, là nguyên tắc hoạt động của báo chí khi phản ánh về đề tài pháp luật. Về vấn đề này có những ý kiến cho rằng nhà báo khi phản ánh về các vụ án nên đứng ở vị trí thứ ba tức là đứng ở vị trí quan sát để rồi phản ánh trung thực và công tâm sự việc đang được thei dõi mà không làm thay việc của Tòa án.

Khi nhà báo đứng ở vị trí thứ ba, nếu muốn phát biểu chính kiến của mình thì cũng chỉ dừng ở mức : "theo chúng tôi ...". "phải chăng... đã vi phạm pháp luật?".

Nhà báo cũng có thể nêu kiến nghị ví dụ : "chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu trách làm rõ vấn đề...". vì nêu như vậy để tránh khả năng đối tượng phản ánh bị oan thật thì cũng mới bị oan trên giả định, giả thiết chứ chưa bị oan thật. Và khi giả định của nhà báo không đứng thì cũng không vì thế mà bị mất uy tín. Ngược lại nhà báo cũng sẽ rất thoải mái khi trả lời "giả định mà tôi đưa ra là không đúng sự thật".

Nhưng nếu không có người đứng ở vị trí thức hai (người tố cáo, khiếu nại, người cung cấp các thông tin) là những người trung thực thì nhà báo khó lòng mà đứng ở vị trí khách quan được.

5. Báo chí không làm thay các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Nhiệm vụ của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội và người phạm tội; giải quyết đúng đắn các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; các tranh chấp lao động và tranh chấp kinh tế, thông qua đó mà giáo dục ý thức pháp luật cho mọi công dân. đó là những nhiệm vụ trực tiếp và chủ yếu của các cơ quan nói trên và những nhiệm vụ này được pháp luật quy định rất chặt chẽ.

Còn báo chí khi phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thì chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, có thể có đưa ra những lời nhận xét, bình luận nhưng không thể thay các cơ quan tiến hành tố tụng để phản quyết về vụ án. Điều này có hai lý do :

 

1. Phán quyết các vụ án không phải là nhiệm vụ của báo chí.

 

2. Cơ quan báo chí nhìn tổng thể không có khản năng và phương tiện để giải quyết một vụ án cụ thể dù cho các cơ quan này có thu thập, đưa ra một số chứng cứ, thậm chí cả những chứng cứ có tính chất quyết định đối với vụ án.

 

Vì vậy, báo chí chỉ có thể dừng lại ở mức độ phản ánh, bình luận, lý giải vấn đề, đặt ra những giả thiết và câu hỏi để cho bạn đọc cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét và cũng không ngoài mục đích là tìm ra sự thật trong vụ án chú quyết không thể thay cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát mà truy tố bị can, thay tòa án mà xét xử bị cáo, phán quyết về ly hôn, chia tài sản, thừa kế.v.v...

Nhìn chung, báo chí cần phải xác định được điểm dừng của mình khi phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. ví dụ trong bài viết : về việc đình chỉ sai một vụ án ở Quảng Ninh, tác giả đặt câu hỏi "ai kiểm sát viện kiểm sát" và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng khôi phục lại vụ án. Kết quả là vụ án này đã được không phục, bị can đã bị xử lý. Hay bài điều tra về cái chết của em Nguyễn Văn Thanh 13 tuổi ở Vĩnh Phú, báo thiếu niên Tiền phong đã đề nghị giám định khai quật tử thi. Kết quả giám định cho thấy Phó trưởng công an xã Hiền Lương (Sông Thao) đã đánh chết em. Thế nhưng giám định từ huyện lên tỉnh đều kết luận là em Thanh bị chết vì phổi tràn dịch do sốt nhiễm trùng. Báo chí dừng lại ở kiến nghị như vậy là hợp lý.

c. Một số kiến nghị :

 

Nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành TW Đảng khóa VII ngày 18/02/1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay đã đặt ra yêu cầu rất quan trọng đối với các phương tiện thông tin đại chúng là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí, coi trọng công tác bồi dưỡng cán bộ báo chí. Chú trọng biểu dương, cổ vũ những gương tốt, những nhân tố mới, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đòi hỏi phải coi trọng việc nâng cao chất lượng thông tin đại chúng, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng của thông tin; coi trọng việc phát hiện và đề cao các nhân tố mới, đồng thời với việc phát hiện và phê phán các hiện tượng tiêu cực. Về vấn đề này, tại Hội nghị báo chí, xuất bản toàn quốc năm 1992, đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đã chỉ rõ "là kênh thông tin công khai, báo chí có sức mạnh to lớn tạo ra công luận hỗ trợ cho cuộc đấu tranh nhưng cũng chính vì thế mà người làm báo càng phải đề cao trách nhiệm trước xã hội, thông tin một cách trưung thực, chính xác, thận trọng công tâm. Sự phối hợp đúng đắn giữa cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực đạt hiệu quả cao, bảo đảm đã đưa tin là chính xác, đã đưa công khai là có thể xét xử được".

Trên cơ sở phân tích, đánh giá việc áp dụng các quy định của luật pháp về tố tụng hiện hành, có thể đưa ra một số kiến nghị dưới đây :

Hoạt động tố tụng là một hoạt động đặc thù của bộ máy tư pháp, đồng thời đây cũng là hoạt động phức tạp về nội dung và tính chất bởi thủ tục tố tụng đối với mỗi loại vụ việc lại khác nhau : tố tụng hình sự khác tố tụng dân sự và các thủ tục tố tụng hành chính, kinh tế, lao động. Mỗi thủ tục tố tụng lại gồm nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có thể nói tố tụng hình sự là phức tạp nhất. Xuất phát từ đặc thù đó cần quy định một cách hợp lý nhất mức độ, phạm vi, thời điểm phản ánh của báo 1chí về hoạt động này.

ở đây, chúng ta không thể đồng tính với ý kiến cho rằng sự phản ánh của báo chí đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng là rất khó do bản thân hoạt động tư pháp là hoạt động phức tạp nhiều giai đoạn, vì vậy không thể quy định một giới hạn mà pháp luật dành cho báo chí để phản ánh. (1)Tức là không nên pháp luật hóa vấn đề này : "Việc đăng tải những tin tức về một phiên tòa hình sự sắp diễn ra có ý nghĩa xã hội rất to lớn và đó chính là một phương tin thực sự thu hút sự chú ý của công dân đối với quá trình tố tụng tại phiên tòa. Nội dung và tính chất của các bài đăng tại đó có thể rất khác nhau, việc pháp luật hóa chúng là không nên(2). Lý do không đồng tình ở đây chính là ở chỗ quyền tự do báo chí chứ không thể là tự do không có giới hạn, sự tự do đó, hay nói cách khác là một hành lang phản ánh cần phải được pháp luật điều chỉnh để bảo đảm tính khách quan, tính chính xác và đề cao trách nhiệm của cơ quan báo chí cũng như người cầm bút. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án không phải là vùng cấm nhưng cũng không có nghĩa là một vùng được phép phản ánh một cách tự do tuyệt đối. Hơn nữa, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như hoạt động của báo chí trong việc phản ánh hoạt động của các cơ quan này cũng đều chung một mục đích là giải quyết công minh và đúng pháp luật các vụ án hình sự. Dân sự, lao động, kinh tế, hành chính nhằm góp phần giữ gìn pháp chế và trật tự pháp luật XHCN... chính do mục đích chung đó mà cần thiết phải có một cơ chế pháp luật dù là đơn giản để điều chỉnh sự phối hợp giữa hai loại cơ quan này, làm cho hoạt động của chúng đều đạt được hiệu quả cao nhất tùy theo chức năng và nhiệm vụ của môĩ cơ quan.

Trước hết, trong các văn bản pháp luật về báo chí cũng như về tố tụng cần quy định phạm vi, mức độ và loại vấn đề mà báo chí có thể thôngtin đối với hoạt động tố tụng cụ thể là :

 

1. Phạm vi thông tin : tất cả những vụ án, trừ những vụ liên quan đến giữ gìn bí mật Nhà nước, hoặc có liên quan đặc biệt đến việc giữ gìn luân thường đạo lý hay thuần phong mỹ tục của dân tộc thì báo chí đều có quyền phản ánh và đưa ra những nhận xét, bình luận của mình.

2. Về mức độ phản ánh : Đối với vụ án hình sự ở giai đoạn khởi tố và điều tra, báo chí có thể đưa ra những tin tức mà căn cứ vào đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời có thể đưa tin về việc khởi tố đối với vụ án. Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, báo chí có thể đưa tin có tính chất thông báo kết quả điều tra nhưng không kết tội bị cáo. Việc bị can có tội hay không có tội (theo điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự) là thuộc thẩm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan báo chí có thể cung cấp thêm thông tin, chứng cứ cho cơ quan điều tra nhưng có thể cung cấp bằng nhiều cách và các cơ quan này sẽ thu thập chứng cứ theo trình tự mà pháp luật quy định. 1

 

ở giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự cần có quy định rõ lầ đối với các phiên tòa xét xử công khai của Tòa án, nhà báo được dự, được liên hệ với Tòa án để lấy tài liệu viết báo, được mang máy ghi âm, máy ghi hình (viđio) nếu Tòa án đồng ý. Việc phản ánh phiên tòa sau khi Tòa tuyên án là quyền của nhà báo. Nhà báo có quyền nhận xét, đánh giá và nêu ý kiến của mình về các quyết định trong bản án. Như vậy, phạm vi, mức độ phản ánh của báo chí sau phiên tòa hình sự sơ thẩm được mở rộng hơn.

Đối với vụ án hành chính, kinh tế... về nguyên tắc báo chí có thể phản ánh kết quả xét xử từ giai đoạn sơ thẩm, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến bí mật Nhà nước hoặc cần giữ gìn bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ vì các thủ tục tố tụng trên đây thường tuân theo nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự (Điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; Điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Điều 3 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động) nên nếu để báo chí phản ánh ý kiện, nguyện vọng của các đương sự sẽ dẫn đến những cuộc tranh cãi không có thời điểm kết thúc trên mặt báo, gây khó khăn cho cơ quan xét xử. Và cũng giống như khi phản ánh kết quả xét xử các vụ ám hình sự, báo chí có thể phân tích, đánh giá, nêu vấn đề từ khía cạnh pháp lý và có những kiến nghị phù hợp, mà không phán quyết thay cho Tòa án cấp trên.

Đối với kết quả các phiên tòa phúc thẩm và giám đốc thẩm về hình sự cũng như dân sự, nhà báo có quyền phản ánh đầy đủ những quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm. Nếu vụ án bị đưa ra xử đi xử lại nhiều lần, nhiều cấp thì báo chí nên phản ánh một cách đầy đủ từ đầu diễn biến của sự việc để người đọc có một thông tin nhất quán và hệ thống về vụ án.

Nếu chấp nhận những quan niệm có tính nguyên tắc trên đây thì vấn đề đặt ra là phải sửa đổi, bổ sung các quy định của các văn bản pháp luật về báo chí cũng như về tố tụng theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí cũng như các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phối hợp đúng mức và có hiệu quả với nhau trong việc báo chí phản ánh hoạt động của các cơ quan này. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các điều 6,7,8,9,10 và 28 của Luật báo chí. Việc sửa đổi này phải đặt trong việc sửa đổi luật báo chí nói chung. Trong đó, đặc biệt lưu ý các quy định về trách nhiệm của nhà báo khi phản ánh hoạt động tố tụng và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp tin tức về hoạt động tố tụng cho báo chí.

Riêng về Điều 28 Luật báo chí - xử lý vi phạm, cần lưu ý đến đoạn 2 khoản 1 : "cơ quan báo chí, công dân thông tin gây thiệt hại cho tỏ chức, công dân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự". Trong Nghị định 133- HĐBT hướng dẫn thi hành Luật báo chí chỉ mới đề cập đến trường hợp thiệt hại về vật chất mà chưa đề cập đến thiệt hại về tinh thần và trình tự bồi thường như thế nào. Như vậy, Luật báo chí cần quy định rõ trong trường hợp báo chí gây thiệt hại về tinh thần cho cá nhân, cơ quan tổ chức thì phải bồi thường thiệt hại về tinh thần theo các Điều 27,613,614 và 615 của Bộ luật dân sự.

Theo tin thần đó, theo chúng tôi cũng cần quy định trong các Bộ luật tố tụng hình sự (hiện hành), Bộ luật tố tụng dân sự (đang được soạn thảo) về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự (đang được soạn thảo) về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo về việc tiến hành tố tụng để tạo ra sự thống nhất giữa Luật báo chí với Luật tố tụng về vấn đề này. Các văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật nói trên cũng sẽ tuân thủ tin thần đó.

Tóm lại, đã đến lục các cơ quan có thẩm quyền cần tổng rà soát lại những quy định của pháp luật về báo chí cũng như về tố tụng để hoàn thiện một cách cơ bản các quy định điều chỉnh mối quan hệ phối hợp đúng đắn và có hiệu quả giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm góp phần giải quyết các vụ án theo đúng pháp luật và công minh. Làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào các cơ quan pháp luật cũng như vào báo chí. Vì không thể để tình trạng chỉ tin tưởng ở cơ quan pháp luật mà mất lòng tin ở cơ quan báo chí và ngược lại.

Chỉ có như vậy thì các cơ quan pháp luật mới là chỗ dựa của nhân dân và các cơ quan báo chí mới thực sự là diễn đàn của nhân dân./.

 

Một số vấn đề thực tiễn trong việc phản ánh

của báo chí đối

với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

 

Vũ Thế Lân

 

Phó Ban chính trị - xã hội Báo Nhân dân

 

 

i. vai trò của báo chí trong đời sống xã hội.

 

Báo chí, theo Lê Nin, là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể. Trong tuyên truyền, vận động và tập hợp quần chúng báo chí là một công cụ và vũ khí lợi hại nhất, nhanh nhạy nhất, phổ cập nhất. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, thời đại được gọi là "xã hội hóa thông tin", thì báo chí , các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò cực kỳ quan trọng. Báo chí đưa đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân không phải đối với riêng từng người, từng nhà, mà một cách đồng loạt, đồng thời, tức thì tới hàng chụ triệu người và cho đến tận hang cùng ngõ hẻm, từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo. Báo chí tập hợp quần chúng rộng rãi dưới ngọn cờ và các khẩu hiệu chính trị - xã hội. Báo chí dấy lên những phong trào, những cao trào, cả cách mạng lẫn phản cách mạng. Bởi vậy, báo chí thật sự là một thứ vũ khí sắc bén và vô cùng lợi hại. Nếu nó đi đúng đường, đúng hướng thì đó là một sức mạnh ghê gớm. Nhưng ngược lại thì tác hại khó có thể lường hết được. Chúng ta không thể hình dung sự nghiệp đổi mới từ sau đại hội lần thứ VI của Đảng đến nay mà không có sự tham gia của báo chí; cũng như không thể hình dung nổi công cuộc dân chủ hóa đời sống xã hội, sự phát triển của đời sống văn hóa, tinh thần, sự nâng cao dân trí lại không có vai trò của báo chí.

 

ở nước ta, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, sự nghiệp báo chí của ta đã có những bước phát triển mới, cả về số lượng và chất lượng. Riêng về báo in, cả nước hiện đang có 400 tờ báo và tập chí xuất bản định kỳ. Ngoài ra, còn có hàng trăm tờ thông tin khoa học, kỹ thuật do các Viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học xuất bản. Lượng thông tin của báo chí ngày càng được mở rộng. Là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tự văn hóa, khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân dân ta, phát hiện biểu dương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác. Thực hiện nhiệm vụ đó, từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, báo chí đã cố gắng bám sát các nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trên các lĩnh vực dân chủ hóa, công khai hóa và trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực nói chung, chống tham nhũng, buôn lậu nói riêng, báo chí đem lại lòng tin cho quần chúng; thúc đẩy các cơ quan Nhà nước giải quyết nhanh chóng hơn một số vụ việc tiêu cực.

 

Mặt khác, báo chí còn là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

ii. hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng là một trong những đối tượng phản ánh của báo chí.

Do chức năng xã hội của báo chí như nói ở phần trên, cho nên mọi hoạt động của tổ chức xã hội, các cơ quan Nhà nước đều là đối tượng phản ánh của báo chí, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng. Và từ đây phát sinh mối quan hệ qua lại giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Phân tích mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng, chúng ta có thể thấy mối quan hệ đó thể hiện ở những dạng dưới đây :

Một là báo chí phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác xây dựng lực lượng và nâng cao nghiệp vụ.

 

Trong mối quan hệ này, báo chí thường đưa tin bài, ảnh về những hoạt động sắp xếp, củng cố tổ chức, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ của một cơ quan tiến hành tố tụng nào đó. Chẳng hạn như tin : Cục cảnh sát điều tra (Bộ Nội vụ) tổ chức tập huấn pháp lệnh tổ chức điều tra cho các điều tra viên. Hoặc tin : Chủ tịch nước bổ nhiệm hơn 100 thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Một hình thức khác trong mối quan hệ này là việc báo chí biểu dương gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới. Đối với loại tin bài phản ánh này có thể khẳng định là nhiều cơ quan báo chí rất coi trọng. Chẳng hạn như : khi phát hiện có một điều tra viên, một kiểm sát viên, hay một Thẩm phán nào đó liêm khiết không nhận hối lộ, hoặc không chịu sức ép của một thế lực nào đó muốn làm sai lệch hồ sơ vụ án thì báo chí chắc chắn sẽ biểu dương kịp thời và cũng sẽ đấu tranh chống lại thế lực đó. Mặt khác, trong loại tin, bài phản ánh này chúng tôi cũng được biết rất được các đồng chí lãnh đạo các nghành và các cơ quan có liên quan rất hoan nghênh. Cùng với việc biểu dương gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, báo chí cũng rất quan tâm phê phán hoặc nêu ra những vấn đề bất cập trong những hoạt động xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, kể cả những tiêu cực của cán bộ, nhân viên các cơ quan đó. Có thể kể ra đây hàng loạt những bài báo phản ảnh về loại quan hệ này như : một số báo phản ánh quá trình xử lý vụ Nguyễn Tùng Dương (vụ án cầu Chương dương), việc xử lý vụ buôn lậu của công ty Prô-mê-xim (Bộ Thương mại), vụ án làm chết người ở phường Phương mai (Hà nội)... những bất cập có thể là do năng lực nghiệp vụ yếu, có thể là do sơ suất dẫn đến kết tội oan một người như vụ Nguyễn Văn Tỏ (ở Kiên Giang). Có không ít tiêu cực là do vụ lợi hoặc mối quan hệ ràng buộc dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, như vụ án Lữ Anh Đồi. Trong đó, cấp trên thủ tiêu cấp dưới để bịt đầu mối vụ án khác (Minh Hải). Cũng có không ít trường hợp vì vụ lợi hoặc mối quan hệ ràng buộc, bao che người của mình, cấp dưới của mình mà đình chủ vụ án thiếu căn cứ như việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đình chỉ vụ án Prô-mê-xim nói trên và vụ án xảy ra ở Viện kiểm sát tỉnh Lạng Sơn mà báo Đại Đoàn Kết nêu ra. Các vụ án này đã được phục hồi điều tra, trong đó vụ Prô-mê-xim đã được xét xử.

 

Hai là, báo chí viết bài, tin phản ảnh về những vụ tiêu cực ngoài xã hội.

ở dạng này, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phân ra các góc độ sau :

Thứ nhất : báo chí tự phát hiện. Theo điều 83, điểm 3, Bộ luật tố tụng hình sự thì tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hình sự. Những loại bài, tin phản ánh này do các cơ quan báo chí tự phát hiện, điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ chính xác những thông tin của mình. Mặt khác, Điều 8 và Điều 9 Luật báo chí cũng quy định : cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo cáo ngay cho cơ quan điều tra, hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết (Điều 8). Báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự nhân phẩm của công dân thì phải cải chính và xin lỗi (Điều 9).

Từ những bài, tin trên báo và những thông tin bằng văn bản do báo chí chuyển đến phát hiện về tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể không khởi tố vụ án hình sự, hoặc khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc những người có chức vụ phải trả lời trên báo chí về những vấn đề báo chí nêu ra. Trong thực tế hoạt động báo chí, chúng tôi thấy mối quan hệ này ít được các cơ quan tiến hành tố tụng chú ý, mà phần lớn là không trả lời báo chí. Có thể nói đó là thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà chưa thấy có quy định pháp luật đủ hiệu lực để ràng buộc.

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự. Mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng diễn biến theo một trong hai xu hướng sau:

Xu hướng thứ nhất: kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp, hoặc cơ bản là phù hợp với những thông tin trên báo chí. đây là xu hướng lý tưởng nhất mà các nhà báo mong đợi. Trong thực tế hoạt động báo chí nhiều năm qua không hiếm những vụ việc báo chí nêu các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết luận đúng.

Xu hướng thứ hai: Kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng không giống với những thông tin trên báo chí. ở đây, lại nảy sinh hai vấn đề nữa. Vấn đề thứ nhất: cơ quan báo chí thừa nhận kết luận đó. Vấn đề thứ hai: cơ quan báo chí không thừa nhận kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng. do vậy, tiếp tục nêu vấn đề trên báo, và thậm chí chỉ trích cơ quan ra kết luận, có khi đến gay gắt. Xin lấy vụ án: anh Đào Đức Sơn, thợ ảnh ở thị xã Cao Bằng bị bắt tạm giam và bị phạm nhân Hưng "sẹo" đánh chết làm một thí dụ. Phiên toà sơ thẩm lần đầu cách đây gần một năm chuẩn bị kết thúc thì được hoãn lại vì có tình tiết mới. đó là việc bị cáo khai rằng, sở dĩ hắn đánh chết anh Sơn vì nhận được thư của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng (anh Dũng) bảo đánh chết anh Sơn và sẽ được giảm án. Vừa qua, phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai đã mở và tuyên án tử hình Hưng "sẹo". Ngày 12/03/1996, báo Đại Đoàn kết nêu lại vụ án này và đặt vấn đề trách nhiệm của Dũng trong việc bắt tạm gia anh Sơn để xảy ra cái chết của anh. Không phải không có trường hợp nảy sinh xung đột, mà thường là cơ quan tiến hành tố tụng đe doạ khởi tố nhà báo. Cũng đã có trường hợp khởi tố. Tất nhiên, những trường hợp này không nhiều và sau đó có sự dàn xếp dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng rút lại quyết định hoặc từ bỏ ý định khởi tố nhà báo.

Thứ hai, báo chí viết, bài, tin về những vụ việc vi phạm pháp luật do các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện xử lý, và được cung cấp thông tin. Theo điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự, những vụ án đang được điều tra, hoặc chưa xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền cung cấp thông tin hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí. trong trường hợp không cung cấp thông tin thì báo chí tự điều tra như phân tích ở phần trên. Còn trường hợp cung cấp thông tin, thì qua nhiều năm hoạt động báo chí, tôi thấy mối quan hệ của báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phân ra thành hai dạng sau :

1. Xu hướng thứ nhất : quan điểm của báo chí và quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng giống nhau. Và như vậy, không có nảy sinh mâu thuẫn. Đối với những vụ án được báo chí đồng tình, chắc chắn cũng sẽ được dư luận xã hội ủng hộ. Trong trường hợp này tạo được sức mạnh xã hội trấn áp tội phạm và có tác dụng cao trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Thực tế hoạt động báo chí thấy rằng, số vụ loại này bao giờ cũng chiếm đa số.

2. Xu hướng thứ hai : quan điểm của một số báo chí thống nhất với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, còn một số báo chí khác lại không đồng tình. Loại này không phải là ít. Trong những trường hợp như vậy, không chỉ nảy sinh "sự cọ xát" giữa một số báo chí với cơ quan tiến hành tố tụng mà còn nảy sinh "sự cọ xát" trên báo chí, nghĩa là giữa các nhà báo với nhau.

Như chúng ta đã biết, trong đời sống xã hội cũng như trong đời sống báo chí, những ý kiến khác nhau về một hiện tượng, một sự kiện, hay một vấn đề nào đó, là lẽ thường tình. Thậm chí đây còn là yếu tố của sự phát triển. Đối với việc xử lý các vụ án, thì sự cụ xát ấy giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng hơn trong việc xem xét vụ án, trước khi quyết định xử lý. Sự cọ xát ở đây thường tập trung vào các loại việc : bắt, giam, tha; các vụ việc tham nhũng, buôn lậu... Chẳng hạn, việc xét xử vụ án giáo viên Lê Văn Nguyên ở quận Ba Đình, Hà nội phạm tội cố ý gây thương tích. Nhiều tờ báo, trong đó có báo giáo dục và thời đại cho rằng, Tòa án Ba Đình "bẻ cong pháp luật". Sau khi Tòa án thành phố Hà nội xử phúc thẩm các tờ báo đó vẫn tiếp tục phản ứng kết luận : y án sơ thẩm của Tòa án Hà nội. Trong khi đó tôi đã viết bài trên báo nhân dân ủng hộ kết luận của Tòa án. Vì vậy, mà có tờ báo đã viết hẳn một bài báo lớn tranh luận với tôi. Rốt cuộc, trong một cuộc họp báo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Hưng đã khẳng định các cơ quan pháp luật cao nhất của Nhà nước đã xem xét lại vụ án khẳng định hai cấp Tòa án đã quyết định đúng. Một thí dụ khác là vụ án 4.000 tấn thép, tức vụ đường dây 500KV. Một số tờ báo đưa ra bằng chứng về trách nhiệm của Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, trong vụ án này, một số tờ báo khác lại đứng ra bênh vực, trong đó có tờ báo đăng bài ca ngợi Bộ trưởng này ngay trước phiên tòa được đưa ra xét xử.

Nếu xem xét kỹ "sự cọ xát" giữa các ngòi bút như trên ta sẽ thấy : cùng một sự việc, một tờ báo này nói khác với một số tờ báo kia. Ngay cùng một tờ báo, nói về một vụ việc, thì số báo sau nói ngược số báo trước. Nguyên nhân của tình trạng này không ít và cũng rất đa dạng. Muốn "bảo vệ" hay "cứu" ai đó, đơn vị nào đó, không ít người viết thường thiên về sử dụng những tài liệu (chứng cứ) gỡ tội, muốn "đánh " ai thì lại thiên về sử dụng chứng cứ "buộc tội". Cũng có người biết do cả tin vào các báo cáo, tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người nào đó của cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp một chiều mà thiếu sự thẩm tra xác minh đã tung lên báo.

Đặc biệt là, trong các trường hợp xử lý vụ án, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất, còn có những ý kiến khác nhau về điểm này hay điểm khác, từ đó, cơ quan nào cũng muốn thông tin cho báo chí ủng hộ quan điểm của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến "sự cọ xát" trên báo chí thường có tính gay gắt hơn. Có trường hợp những người viết xuất phát từ nhận thức khác nhau dẫn đến bài viết khác nhau. Sự khác nhau này thật đáng trân trọng, bởi nó mang tính khoa học và đó cũng là những gợi ý để các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu kỹ hơn về vụ việc đang thụ lý. Có khi vì lợi ích ngành mình, địa phương mình và các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp thôgn tin cho báo chí có phần thiên lệch, hoặc cơ quan báo chí và người viết thiên lệch. Cũng có trường hợp, "sự cọ xát" là do động cơ của những người viết khác nhau : trong đó người này quyết "đánh", người kia quyết "cứu".

iii. một số kiến nghị :

 

Những ý kiến khác nhau trên báo chí về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhìn cả dưới hai góc độ : biểu dương và phê bình rất đang được trân trọng và có ích cho xã hội nói chung và cho cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng, nếu xuất phát từ động cơ trong sáng, ý thức xây dựng của người cầm bút, với mong muốn góp phần làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng sẽ là không tốt, nếu vì động cơ vụ lợi, hai lợi ích riêng tư nào đó mà người viết công bố những bài báo không chính xác, gây nhiễu thông tin, gieo rắc nghi ngờ trong dư luận.

Đó là nói về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhưng nhìn dưới góc độ pháp luật, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, từ khi ban hành Luật Báo chí, cũng như các văn bản pháp luật khác có quan hệ đến vấn đền phản ánh của báo chí về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng rất ít được thực hiện trong thực tế.

Một mặt, có không ít bài báo phản ánh đúng sự vi phạm pháp luật của cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng không được xử lý nghiêm nhưn nó đã đước quy định trong Bộ luật hình sự, Chương về vi phạm các hoạt động tư pháp, thường là xử lú nội bộ, có trường hợp khởi tố rồi, sau một thời gian lại đình chỉ điều tra hoặc đưa vào dĩ vãng. Thí dụ vụ trưởng phòng điều tra an ninh Viẹn kiểm sát Hà nội. Có không ít bào báo phản ánh một vụ việc nào đó đúng thực tế, nhưng cũng không được cá cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, trư lời một cách nghiêm túc như trách nhiệm của các cơ quan đó đã được pháp luật ghị nhận. Điều 8 Luâth báo chí và Điều 7 điểm 3 Pháp lệnh tổ chức điều tea hình sự đã quy định: cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết. Thực tế bộ phận tiếp bạn đọc của các cơ quan báo chí thường xuyên làm việc này, nhưng nhận được hồi âm của các cơ quan tiến hành tố tụng là rất ít.

Mặt khác, cũng có không ít bào báo phản ánh chưa đúng sự thật về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng không chịu cải chính, xin lỗi như quy định của pháp luật (Điều 9 Luật báo chí), mà vẫn không bị xử lý.

Vì sao vậy ? Câu trả lời có thể nói là so các quy định của pháp luật, trong đó Luật báo chí thì còn rất chung chung. Thí dụ, điểm 3, Điều 21, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Luật báo chí quy định: "Cơ quan báo chí, tổ chưc, người có trách nhiệm vị phạm các quy định Điều 1,2,3 Nghị định này thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó hoặc người vi phạm có thể bị khiển trách hặc cảnh cáo". Từ có thể ở đây có nghĩa là có thể bị khiển trách có thể là không. Các quy định về trách nhiệm trả lời của các cơ quan tiến nhành tố tụng trong luật báo chí (Điều 8) cũng không có chế tài gì, cho nên họ không trr lời báo chí cũng là lẽ đương nhiên.

Nhưng điều đánh nói hơn cả là: có những quy định của Luật báo chí, cũng như Luật tố tụng khá cụ thể, nhưng không được thực hiện nghiêm trong thực tế.

Từ thực tế nói trên, chúng tôi kiến nghị, đã đến lúc cần rà soát lại các quy định của Luật báo chí có liên quan đến việc hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và các văn bản về tố tụng, nhất là tố tụng hình sự có liên quan đến hoạt động báo chí. Có những quy định cần cụ thể hoá, có những quy định cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm phát huy tác dụng của báo chí trong việc phản ánh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tungj, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan này trong mối quan hệ với báo chí ./.

 

 

 

Vai trò của báo chí

trong giai đoạn khởi tố vụ án hành sự

 

Nguyễn Tất Viễn

Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

 

ý nghĩa của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu tố tụng hình sự. Giai đoạn này bắt đầu bằng việc phát hiện những thông tin về tội phạm và kết thúc bằng việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Khởi tố vụ án hình sự là một khái niệm được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau; trước hết đó là một chế định của Luật tố tụng hình sự, tưc là tập hợp những quy phạm pháp luật tố tụng hình sự quy định về trình tự thủ tục khởi tố vụ án hình sự. Thứ hai, khởi tố vụ án hình sự được hiểu là một hành vi tố tụng mà khi hành vi này kết thúc thì các hành vị tố tụng điều tra cũng được bắt đầu tiến hành. Thứ ba, khởi tố vụ án hình sự được hiểu là một giai đoạn tố tụng độc lập trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Cũng như các giai đoạn khác của tố tụn hình sự, khởi tố vụ án hình sự cũng có những mục đích mà nhiệm vụ cụ thể mà những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể này đều tuân thủ mục đích và nhiệm vụ chung của tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý kịp thười và công minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự thể hiện ở việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về tội phạm, xác minh các tin báo, tố giác đó để kiểm tra tính hợp pháp của các lý do và căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. ở giai đoạn này, cũng có nhiệm vụ làm rõ các tình tiết loại trừ tố tụng đối với vụ việc, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, giữ gìn, bảo quản các dấu vết của vụ án theo những quy định của Luật tố tụng hình sự. Có thể nói, giai đoạn khởi tố vụ án hình sự tạo ra những điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ xác định người phạm tội và tội phạm ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo.

Tính chất quan trọng của mục đích và nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn khởi tố vụ án hình sự còn được quy định bởi các ý nghĩa chính trị – xã hội và ý nghĩa pháp lý của nó.

ý nghĩa chính trị – xã hội của giai đoạn này được thể hiện ở chỗ việc khởi tố kịp thời và đúng pháp luật sẽ là một biện pháp rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và lợi ích hợp pháp của công dân và ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi phạm tội. đồng thời cũng thể hiện sự phản ứng nhạy cảm và kịp thời của các cơ quan đấu tranh chống tội phạm nhằm xác định sự thật của vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, đồng thời khẳng định trên thực tế nguyên tăc không thể tránh khỏi hình phạt của người phạm tội mà V.I. Lê Nin đã nêu ra Việc phát hiện tội phạm và người phạm tội kịp thời sẽ tạo ra niền tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật. Bên cạnh đó việc không khởi tố vụ án hình sự khi có những căn cứ mà pháp luật quy định là không được khởi tố cũng sẽ tạo nên niền tin cho quần chúnh nhân dân vào sự công minh của pháp luật, đồng thời cũng tiết kiệm sức người, sức của cho Nhà nước vì nó đã không để các cơ quan điều tra, Kiểm sát, Toà án , thi hành án phải tiến hành tố tụng.

Ngược lại, việc không khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố kịp thời sẽ dễ dẫn đến việc tội phạm bị che dấu, chứng cứ bị thất thoát, bị tiêu huỷ làm cho việc điều tra khó khăn hơn, bị can có thể bỏ trốn ... và rất có thể dẫn đến hiện tượng oan sai do nhầm lẫn trong quá trình giải quyết vụ án.

ý nghĩa pháp lý của việc khởi tố vụ án hình sự đượcc thể hiện ở chỗ khi các cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố hình sự thì là lúc bắt đầu áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, tuy quyết định này chỉ là sơ bộ đánh giá nhưng cũng chỉ ra rằng tội phạm bị khởi tố là tội gì và thẩm quyền điều tra sữ thuộc về cơ quan nào. Và như vậy, chỉ sau khi khởi tố vụ án hình sự thì các hoạt động điều tra mới được tiến hành (trừ hành vi tố tụng cấp thiết như khám nghiệm hiện trường). Và cũng từ giai đoạn này, các quan hệ pháp luật tố tụng hình sự được xác lập.

Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng – một căn cứ quan trọng để khởi tố vụ án hình sự.

Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự Nhà nước ta quy định: "Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

Tố giác của công dân

Tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội;

Tin báo trên các phương tiện thông tin đại cúng;

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;

Người phạm tội thú tội".

Như vậy, trong 5 kênh (hay nguồn) cung cấp thông tin về các dấu hiệu tội phạm cho các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thì các tin tức trên các phương tiện thông tin báo chí là một kênh quan trọng. Tại hội nghị báo chí, xuất bản toàn quốc tháng 1/1992, Đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh "... Thông tin có nhiều kênh, báo chí, xuất bản là kênh công khai có tác động nhanh và sâu rộng. Nếu làm đúng thì hiệu quả tốt, làm sai thì tác động rất sấu đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước" và "... Sự phối hợp đúng đắn giữa cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm cho cuộc đấu tranh chống tiêu cực đạt hiệu quả cao bảo đảm đã đưa tin là chính xác, đã đưa công khai là có thể xét xử được". Như vậy vấn đề báo chí cung cấp thông tin cho các cơ quan bảo vệ pháp luật không chỉ còn là vấn đề trong phạm vi hạn hẹp của các cơ quan này mà đả trở thành mối quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Việc các tổ chức xã hội, cơ quan Nhà nước và công dân cung cấp tin tức về vi phạm pháp luật và tội phạm để đăng tải trên báo chí là sự thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được quy định tại Điều 2 Luật báo chí năm 1989 và Pháp lệnh về khiếu nại và tố cáo của công dân năm 1991. Tại Điều 4 Luật báo chí đã ghi rõ công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo, gửi tin, bài ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt: góp ý kiến, phê bình, kiến ghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí với cơ quan, tổ chức và cá nhân của các tổ chức, cơ quan đó. Khi nhận được tin tức, khiếu nại, tố cáo của công dân thì cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân, trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có trách nhiệm trách nhiệm trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến (Điêu5 luật báo chí). Như vậy, quy trình tiếp nhận tin tức của cơ quan báo chí được quy định khá chặt chẽ trong Luật báo chí, việc báo chí đăng các tin tức về vi phạm pháp luật và tội phạm là đã qua một sự chọn lọc, cân nhắc nhất định của Ban biên tập. Sau khi báo chí đăng hoặc phát sóng các tin tức này thì đông đảo bạn đọc trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng hình sự tiếp nhận và xử lý. So với các căn cứ khác để khởi tố vụ án hình sự thì các tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng có đặc thù là phạm vi người biết rất rộng, và những người đó chờ mong sự phản ứng của các cơ quan pháp luật đối với hành vi phạm tội và ngưoừi phạm tội. Ví dụ bài "Chỉ cách một đường phố mà ăn chênh lệch hơn ba tỷ đồng" của báo nhân dân đã dẫn đến vụ án của ông Vũ ngọc Hải (Bộ năng lượng) được xử lý kịp thời, hay bài "Cướp cạn giữa ban ngày" của báo Tuần tin tức đã dẫn đến việc xử lý Đặn đình Tám (Công ty kinh doanh tổmh hợp Tỉnh Thanh Hoá) ...

Trong bài báo có thể hiện quan điểm của tác giả và chừng nào đó là quan điểm của Toà soạn báo mà chỉ có thông qua Tào soạn báo thì tác giả bài báo mới công bố công khai được ý kiến của mình. M.I. Ka – nin đã có một nhận xét rất đáng lưu ý là bức thư đăng tải trên báo chí không còn là bức thư riêng, một sự khiếu nại riêng của cá nhân mà đã trở thành một tài liệu chung.

Việc báo chí đưa tin mà trong tin tức đó đã đăng (hay phát) đã có đầy đủ dữ kiện về tội phạm đã sảy ra hoặc đang thực hiện một tội phạm nào đó sẽ là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào việc tác giả bài báo hay Toà soạn đanhd giá bài báo ấy như thế nào có kiến nghị hay không có kiến nghị về khơỉ tố vụ án.

Cũng cần nói thêm rằng theo Điều 751 Bộ luật dân sự của nước ta thì tác giả có quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng. Khi khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố không thể công bố tác giả của bài baó trừ khi tác giả đó yêu cầu.

Cũng cần hiểu rông ra là những tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thể hiện bằng nhiều thể loại chứ không giới hạn ở vài thể loại báo chí. Các thể loại đó có thể là: Điều tra, Phóng sự, Bình luận, Đơn thư bạn đọc, ý kiến nhân dân trên các diễn đàn, Chuyên mục của báo chí ... Như vậy, khái niệm "tin báo chí trên phương tiện thông tin đại chúng" ở Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự theo chúng tôi là khái niệm tương đối hoàn chỉnh vì nó không giới hạn tin tức đó ở một thể loại nào của báo chí.

Các tin tức có thể đăng hoặc phát sóng trên các báo ngày, báo tuần, các tạp chí, các báo đài ở Trung ương và Địa phương, báo chí của ngành, các tổ chức xã hội được Bộ văn hoá thông tin cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 19,20,21 của Luật báo chí (Tin tức đăng trên báo tường không thể là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự).

Trường hợp cơ quan báo chí không đăng tin tức về tội phạm mà chuyển cho cơ quan Điều tra hoặc Kiểm sát hồ sơ vụ việc và vụ án được khởi tố thì căn cứ để khởi tố sẽ rơi vào điểm 2 Điều 83 (Tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội) hay điểm 1 Điều 83 của Bộ luật tố tụng hình sự (tố giác của công dân).

Nếu vụ án được khởi tố theo tin tức được đăng trên báo chí nhưng sau đó bị đình chỉ do có căn cứ tính chất minh oan (hành vi không cấu thành tội phạm; không có sự kiện phạm tội) thì báo chí phải cải chính; hoặc nếu sau này Toà án tuyên bố bị cáo không có tội thì cơ quan báo chí cần phải đăng lại đầy đủ tiến trình của vụ án để thông tin đầy đủ đến bạn đọc về sự vô tội của bị cáo.

Khi báo chí đã đăng tin về tội phạm, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 20 ngày. Đối với những trường hợp tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều dịa điểm thì thời hạn để giải quyết tin báo có thể dài hơn nhưng không được quá hai tháng. Nừu qua kiểm tra, xác minh mà thấy dấu hiệu của tội phạm đã rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi toó vụ án hình sự.

Nừu sau khi kiểm tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thấy có những trường hợp sau: không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người có hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác thì sẽ ra quyết định đình không khởi tố vụ án hình sự, còn nếu đã ra quyết định khởi tố thì phải huỷ bó quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan báo chí đăng tin, bài viết về lý do huỷ bỏ. Cơ quan báo chí theo Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự và Viện kiểm sát phải giải quyết khiếu nại đó.

Như vậy, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về báo chí đã có những quy định tương đối cụ thể về một trong những căn cứ khởi tố vụ án hình sự, đó là những tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Nừu những tin báo đó là khách quan thì chắc chắn các quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ở giai đoạn khởi tố vụ án hình sự sẽ đúng và chính xác và đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho những quyết định đúng đắn sau này của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án khi giải quyết vụ án. và chỉ có như vậy mới có sự phối hợp thực sự giữa cơ quan báo chí với cơ quan tiến hành đấu tranh trực tiếp chống tội phạm, góp phần làm cuộc đấu tranh chống tội phạm đạt kết quả cao ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo chí với hoạt động điều tra

Tội phạm

 

PTS. Trần Đình Nhã

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế

Bộ Nội vụ

 

đặt vấn đề

Báo chí với tư cách là một công cụ thông tin nhanh nhạy, không chỉ đơn thuàn là chuyển tải thông tin mà còn hướng dẫn dư luận; kịp thời phổ biến cái tốt, lên án cái sấu. Do vậy, báo chí có thể và cần thiết trở thành vũ khí quan trọng trong đấu tranh bài trừ tệ nạn, tàn dư tật sấu trong xã hội, mà điển hình nhất là các hành vi phạm tội.

Đấu tranh phòng chống tội phạm là nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn vừa có thành công vừa có thất bại cục bộ. Đấu tranh chống tội phạm là sự nghiệp chung của toàn dân, song trong đó, vai trò của cơ quan Nhà nước chuyên trách là không thể thiếu. Có thể nói, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong đó có cơ quan điều tra luôn luôn là các chủ thể "đứng mũi chịu sào" trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Để các cow quan chuyên trách chống tội phạm không đơn độc và vấp váp khi thực thi quyền và nghĩa vụ của mình, các cơ quan, tổ chức khác và từng công dân đều có trách nhiệm ủng hộ, phối hợp kiểm tra, giám sát. ở đây, vai trò của báo chí, với chức năng như trên, đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên báo chí tác động, hỗ trợ, phối hợp và giám sát hoạt động điều tra tội phạm đến đâu, ở phạm vi nào, và làm như thế nào để loại trừ những bất cập, thậm chí vướng mắc, xung đột đang từng nơi, từng lúc sảy ra trong quan hệ giữa báo chí và hoạt động điều tra tội phạm ... đang là những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu và sớm có lời giải đáp. bằng việc nghiên cứu, tìm hiểu vị trí của hoạt động điều tra tội phạm, đặc trưng của loại hoạt động này và phân tích vai trò của báo chí với hoạt động điều tra tội phạm, tác giả chuyên đề hướng tới việc đề xuất xây dựng mô hình phối hợp cần thiết giữa báo chí với hoạt động điều tra.

 

 

 

 

Vị trí của hoạt động điều tra tội phạm trong đấu tranh phòng và chống tội phạm

Vị trí, ý nghĩa của công tác điều tra tội phạm

Điều tra tội phạm là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện và làm rõ tội phạm và người phạm tội. Về nguyên tắc thì tội phạm và hình phạt phải do Toà án quyết định. Song để đưa một vụ án hình sự ra xét xử, đòi hỏi trước đó phải qua hàng loạt thủ tục điều tra. Kinh nghiệm cho hay, hiệu quả và chất lượng điều tra ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Toà án. Điều này giải thích tại sao Nhà nước ta lại không chỉ chú ý về mặt quy định thủ tục điều tra, tổ chức cơ quan điều tra, mà còn quan tâm đến việc đào tạo, bố trí, trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra. Có thể nói, lực lượng làm công tác điều tra từ trước đến nay bao giờ cũng đông và hùng hậu hơn so với lực lượng kiểm sát, xét xử.

Theo pháp luật hiện hành, cơ quan điều tra được tổ chức thành 5 kiểu hệ thông cơ quan đều tra và bên cạnh đó, còn có một loại cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Hải quan và Kiểm lâm, cũng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đây là một trong số 3 loại cơ quan được pháp luật tố tụng hình sự thừa nhận là các cơ quan tiến hành tố tụng.

Là một bộ phận trong hệ thống cơ quan tư pháp hình sự, hiệu suất và kết quả hoạt động của cơ quan điều tra có thể đánh giá qua hiệu quả của hệ thống tư pháp hình sự. Tuy nhiên, còn có thể đánh giá hoạt động điều tra qua những tiêu chí khác – như chỉ số tội phạm ẩn, số tội phạm được phát hiện và khởi tố, số bị khởi tố so với số bị truy tố đưa ra xét xử. Đặc biệt hiệu quả hoạt động điều tra phụ thuộc tất nhiều vào các chỉ số khác bảo đảm thời hạn điều tra, các vi phạm trong quá trình điều tra ...

Đăc trưng của hoạt động điều tra tội phạm

Điều tra tội phạm, như trình bày sơ bộ trên đây, là do một loạt cơ quan chuyên trách và bán chuyên trách tiến hành. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu dừng lại ở đó, vì ngoài phạm vi tố tung hình sự ra, còn có nhiều cơ quan khác tham gia vào hạt động điều tra. Các cơ quan trinh sát và các cơ quan kỹ thuật nghiệp vụ hình sự trong Công an nhân dân là thí dụ điển hình. Các cơ quan này được lập nên với mục đích trực tiếp tiến hành điều tra, khám phá và làm rõ tội phạm và người phạm tội. Chúng song song tồn tại và hoạt động bên cạnh cơ quan điều tra. Vì vậy, khi nói về hoạt động điều tra, không thể không đề cập đến các cơ quan này.

Điều tra hình sự là giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, khi sự việc còn chưa rõ ràng, còn dễ lẫn lộn. Bởi vậy, hơn bất cứ một giai đoạn tố tụng hình sự nào khác, trong điều tra tội phạm dễ có những quyết định không phù hợp với nhau, thậm chí trái ngược nhau. Đặc biệt, khi cơ quan điều tra và điều tra viên thiếu trình độ nghiệp vụ điều tra, trình độ pháp luật, thiếu bản lĩnh thì dễ hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội. Đó là chưa kể trường hợp cán bộ điều tra thoái hoá, biến chất cố tình làm sai pháp luật.

Điều tra tội phạm là công việc phức tạp, khó khăn nên bên cạnh hoạt động điều tra công khai - được pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh – còn có hoạt động điều tra bí mật. Sử dụng biện pháp điều tra bí mật là một ưu thế của bất cứ một cơ quan điều tra nào, song đây cũng là điều kiện dẫn đến lạm quyền, vi phạm pháp luật nếu không được kiểm tra, giám sát.

Do điều tra tội phạm là hoạt động đặc thù nên trong cơ quan điều tra có khuynh hướng đề cao tính ddặc thù, muốn hạn chế sự can thiệp, phản ánh của báo chí, và đây là một trong số các lý do dẫn đến "xung đột" giữa điều tra và báo chí.

Vai trò của báo chí đối với hoạt động điều tra tội phạm

Báo chí đối với việc phát hiện và khởi tố vụ án hình sự

Theo điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự thì tin do báo chí cung cấp là một trong số các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Bằng hoạt động thu thập và phản ánh tin tức của mình, báo chí có thể phát hiện dấu hiệu của tội phạm. Đến lượt, cơ quan điều tra căn cứ vào thông tin do báo chí đưa ra để xem xét và quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Mặc dù,tin do báo chí cung cấp cũng chỉ là một trong vô số nguồn tin mà hàng ngày các cơ quan điều tra nhận được. Song, do tin tức trên báo chí là công khai, thường là có địa chỉ và đã được thẩm tra sơ bộ nên xác suất tin cậy nhiều hơn. Và các tin này cũng thường được các cơ quan điều tra quan tâm xử lý hơn, vì họ hiểu rõ đó là tin do một cơ quan báo chí có thẩm quyền đưa ra, đã được nhiều người biết và theo dõi, giám sát xem các cơ quan có trách nhiệm xử lý ra sao.

Báo chí cung cấp thông tin, chứng cứ giúp cơ quan điều tra phát hiện nhanh chóng, chính xác và triệt để tội phạm và người phạm tội.

Với chức năng truyền thống là thông tin thời sự, báo chí trong thời gian gần đây tập trung đánh mạnh, đánh trúng các hành vi tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là các hành vi phạm tội. Bằng sự phát hiện tìm hiểu sâu sát và có bằng chứng, cơ quan báo chí đã đưa ra ánh sáng nhiều hành vi phạm tội, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ cần thiết để điều tra, phá án. ở đây, vai trò tích cực của báo chí thể hiện trên hai mặt.

Cung cấp thông tin, chứng cứ cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.

Góp phần cổ vũ định hướng tư duy, củng cố niềm tin nội tâm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, báo chí công luận đứng về phía công lý, bảo vệ những người thực thi công lý và cả những người ủng hộ công lý. Đây chính là hậu thuẫn tích cực cho hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động điều tra tội phạm noí riêng.

 

Báo chí góp phần ngăn chặn tiêu cực, thiếu sót trong hoạt động điều tra, đúc kết kinh nghiệm về hoạt động điều tra.

Điều tra tội phạm, cũng như bất cứ hoạt động xã hội nào khác, không thể tránh được thiếu sót và vi pham. Đối với việc phát hiện vi phạm trong hoạt động điều tra, vai trò của báo chí là không thể xem nhẹ.

Bên cạnh phát hiện những vi phạm, báo chí còn giữ vai trodf cảnh tỉnh, giám sát quan trọng trong hoạt động điều tra. Đây chính là tác dụng ngăn ngừa, răn đe của báo chí đối với bất cứ cơ quan, cán bộ điều tra nào thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng ...

Báo chí còn có tác dụng lớn trong việc phổ biến kinh nghiệm, tuyên truyền người tốt, việc tốt trong điều tra, đúc kết những kinh nghiệm hay, phê phán những bất cập, thiếu sót cần tránh cho hoạt động điều tra.

Những khuynh hướng, biểu hiện tiêu cực, bất cập của báo chí trong việc phản ánh và phối hợp với điều tra.

Thổi phồng vai trò báo chí, muốn sử dụng báo chí để dẫn dắt cơ quan điều tra theo quan điểm của mình.

Can thiệp sâu vào lĩnh vực, sự kiện thuộc diện được pháp luật quy định hạn chế thông tin.

Thiếu trách nhiệm trong việc phản ánh sự kiện, quá trình điều tra, xuất phát từ kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp còn bất cập, thậm chí do bản thân nhà báo tiêu cực.

Xây dựng mối quan hệ đúng đắn, hữu ích giữa báo chí và điều tra

Xác định rõ nguyên tắcphản ánh và nguyên tắc phối hợp giữa báo chí và điều tra.

Quy định cụ thể, hợp lý phạm vi, mức độ và loại vấn đề cấm thông tin, hạn chế thông tin.

Quy định lề lối phối hợp công tác, cung cấp tin giữa cơ quan báo chí, nhà báo với cơ quan điều tra, điều tra viên.

Xác định trách nhiệm của báo chí đối với hoạt động điều tra và trách nhiệm của cơ quan điều tra đối với báo chí.

Xây dựng mối quan hệ hai chiều: hiểu biết, tin cậy và có trách nhiệm với nhau giữa báo chí và cơ quan điều tra.

Tổ chức những cuộc toạ đàm, trao đổi tình hình ...

Rút kinh nghiệm qua từng vụ án, từng giai đoạn công tác.

Nghiên cứu học tập để hiểu biết đăc trưng nghề nghiệp, chức năng hoạt động của nhau.

Xử lý những trường hợp nhà báo hoặc cán bộ điều tra vi phạm các quy định về quan hệ giữa báo chí và điều tra, đồng thời không ngừng rút kinh nghiệm để xây dựng lề lối làm việc, phối hợp ngày càng tốt hơn ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo chí và hoạt động kiểm sát việc tuân theo

pháp luật của viện kiểm sát nhân dân

 

PTS, Khuất Văn Nga

Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học kiểm sát

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

Tác dụng tích cực của báo chí đối với hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của viện kiểm sát nhân dân

 

Báo chí là một nguồn tài liệu quan trọng trong việc phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm, tạo nguồn hình thành các căn cứ để tiến hành hoạt động kiểm sát có hiệu quả.

Điều 8 Luật báo chí quy định: cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan kiểm sát bằng văn bản, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết. Luật quy định như vậy nhưng ít cơ quan báo chí thực hiện theo phương thức này mà hầu như đại bộ phận được đăng tải công khai trên báo chí và cũng có tác dụng rất quan trọng cho hoạt động kiểm sát.

Đối với công tác kiểm sát chung, theo Điều 8 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 thì chỉ được tiến hành kiểm sát khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Vì vậy, báo chí được xác định là một nguồn tài liệu giúp cho Viện kiểm sát xây dựng các căn cứ để tiến hành kiểm sát. ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã bước đầu hình thành bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách để xử lý các thông tin về vi phạm pháp luật do báo chí đăng tải nhằm xác định các căn cứ để trực tiếp tiến hành kiểm sát. Mờy năm gần đây, cùng với các nguồn tài liệu khác, việc báo chí cung cấp những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực Ngân hàng, dự trữ quốc gia, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, thuế ... đã góp phần cho ngành kiểm sát xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm sát chung và thực hiện trực tiếp kiểm sát đối với một số cơ quan, tổ chức có vi phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương xã hội.

Đối với hoạt động kiểm sát hình sự và dân sự, báo chí cũng đã nêu nhiều vụ việc, phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, kể cả những vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo diều kiện cho Viện kiểm sát có tài liệu để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự; Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án hình sự và dân sự, đưa ra truy tố trước Toà án, gây được niềm tin trong công chúng và dư luận xã hội (có thể kể một số vụ như vụ Thân Trung Hiếu, vụ Vũ ngọc Hải, vụ Nguyễn tùng Dương ...). Báo chí cũng nêu được một số vụ việc và cán bộ kiểm sát vi phạm pháp luật (như vụ 62 Trần Phú – Nha Trang ...) góp phần củng cố sức mạnh của ngành kiểm sát nhân dân.

Báo chí góp phần phát huy hiệu quả và kết quả của hoạt động kiểm sát việc tuân thủ pháp luật.

Báo chí ở Trung ương và Địa phương thường xuyên đăng tải các kết quả của công tác kiểm sát như nôị dung các kết luận, kiến nghị và kháng nghị trong công tác kiểm sát chung, cáo trạng và luận tội, các kháng nghị của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án hình sự và dân sự làm cho công luận rộng rãi thấy rõ hiệu quả của hoạt động kiểm sát, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhiều tầng lớp xã hội ở nước ta.

Một số vướng mắc trong quan hệ giữa báo chí và hoạt đông kiểm sát.

Theo quy định tại Điều 7 Luật báo chí "đối với vụ án đang điều tra hoặc chưa xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung câps thông tin cho cơ quan báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin".

Thực hiện điều luật này, trong thực tế phát sinh một số ý kiến sau đây:

Báo chí đòi hỏi phải cung cấo những thông tin kịp thời, chính xác; nếu không thông báo kết quả phải chờ đến khi xét xử xong thì đã muộn, báo chí có đăng thì cũng giống như "phải đá con gà chết".

Nếu thực hiện quy định trên của Điều 7 Luật báo chí thì có thể dẫn đến báo chí đưa thông tin không đầy đủ những kết quả của hoạt động tố tụng hình sự, có trường hợp tạo ra một sức ép dư luận, hướng dẫn dư luận chưa đúng với thực tế của vụ án, gây khó khăn và sự hiểu nhầm cho công chúng đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc thực hiện điều 7 của Luật báo chí có mâu thuẫn với điều 10 của Bộ luật tố tụng hình sự không? Theo nguyên tắc về tố tụng hình sự (Điều 10) quy định: "không ai có thể bị coi là có tội nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Toà án". Việc một số báo sử dụng phương pháp truyền tin rộng rãi trong đó có nội dung quy kết những cá nhaan phạm tội khi chưa có bản án của Toà án, có vi phạm nguyên tắc cơ bản trên của tố tụng hình sự không ? Bởi vì cho đến ngay trước khi bản án có hiệu lực, đương sự là người thế nào cũng chỉ là người nghị can mà thôi. Và nếu Toà án đưa ra xét xử người nghi can không có tội thì biện pháp và phương thức giải quyết vấn đề này của báo chí cũng chưa được rõ ràng.

 

Đối với những vụ án đã qua xét xử Giám đốc thẩm, về nguyên tắc theo Điều 7, báo chí có thể phản ánh nội dung toàn diện của vụ án. Trong những trường hợp đó, các kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện kiểm sát có thể và không thể được toà án chấp nhận, thì việc phản ánh của báo chí như là sức mạnh của dư luận và nêu rõ sự khác nhau về đường lối xử lý của các ngành ở các vụ án sẽ đóng vai trò như thế nào trong đấu tranh chống tội phạm và đề cao xét xử ?

 

Khi Viện kiểm sát tiến hành hoạt động kiểm sát hình sự, cũng có một số vụ báo chí đã đăng tải thì việc phối hợp giữa cơ quan báo chí và Viện kiểm sát có biểu hiện chưa rõ chức trách của từng cơ quan. Đã có trường hợp gọi hỏi nhà báo đã viết bài đến Viện kiểm sát để cung cấp tài liệu, đòi hỏi nhà báo "chứng minh", "cung cấp" tài liệu như một nhân chứng, còn phía nhà báo cũng chưa hiểu rõ, coi hoạt động này của Viện kiểm sát là vi phạm luật báo chí, cho rằng báo chí chỉ có trách nhiệm đưa tin mà không có trách nhiệm chứng minh vụ việc đó (Một số việc trong vụ Thân trung Hiếu).

 

Đã xuất hiện trong thực tế giữa Viện kiểm sát và cơ quan báo chí không đồng nhất quan điểm về một vụ án. Cơ quan báo chí đã sử dụng lợi thế là phương tiện thông tị đại chúng rộng rãi, gây ra những căng thẳng lớn giữa hai cơ quan và phía báo chí đồi hỏi phải có một "cơ quan trọng tài" để giải quyết mâu thuẫn đó. Đặt vấn đề có một cơ quan trọng tài để giải quyết mâu thuẫn giữa cơ quan báo chí và Viện kiểm sát có lẽ chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Vì vậy, nhận thức của mỗi ngành về cùng vụ việc đã không đồng nhất. Và trên thực tế, vẫn chưa có cơ chế nào giải quyết để phù hợp với lợi ích chung.

 

Trong đấu tranh chống vi phạm và phạm tội nhất là đấu tranh chống tham nhũng, có ý kiến cho rằng: nếu báo chí phải chờ đến Toà án xét xử có hiệu lực pháp luật thì mọi việc đã xong suôi, việc đăng tải của báo chí mới được thực hiện thì hiệu quả tham gia đấu tranh chống tham nhũng (khi vụ việc đang tiến triển) của báo chí rất hạn chế.

 

Việc xử lý các tác giả viết báo không tuân thủ Điều 10 Luật báo chí nhìn chung còn ít và có những vi phạm còn bị xem nhẹ. Ngược lại, có trường hợp cá biệt, có Viện kiểm sát đã không nhận thức đúng tính chất vụ việc và vai trò báo chí, đã khởi tố trên danh nghĩa cả cơ quan báo chí như việc Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm hại lợi ích Nhà nước" xảy ra tại Toà báo tiền phong theo Điều 205a Bộ luật hình sự. Kết quả là bản khởi tố vụ án đã bị rút lại.

 

 

 

Mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và cơ quan Viện kiểm sát nhân dân.

 

Cần có những quy định pháp luật cụ thể hơn về mối quan hệ giữa báo chí và Viện kiểm sát nhân dân cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhằm giải quyết các vấn đề:

 

Biện pháp và trình tự cụ thể cơ quan báo chí cung cấp các thông tin vi phạm pháp luật và tội phạm cho Viện kiểm sát. Đồng thời xác định trách nhiệm rõ ràng hơn, cụ thể hơn đối với Viện kiểm sát trong những trường hợp đó; cụ thể hoá Điều 8 Luật báo chí bằng một thông tư liên ngành.

 

Cần quy định thời điểm và phương thức cơ quan báo chí được cung cấp tin khi đã khởi tố vụ án hình sự, thời điểm và cách phản ánh của báo chí khi vụ án chưa có bản án có hiệu lực của Toà án.

 

Trường hợp xuất hiện mâu thuẫn ý kiến giữa báo chí với cơ quan kiểm sát cần có quy định chung để giải quyết, hoặc giữa các cơ quan báo chí với nhau bất đồng quan điểm về vụ án đã đưa lên mặt báo, cũng phải được giải quyết thông qua việc hoạch định những thể thức chung, hạn chế việc sử dụng báo chí như là phương tiện chiến tranh ngôn luận, không xuất phát từ lợi ích chung.

 

Trường hợp có sự mâu thuẫn ý kiến, đường lối xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một vụ án thì việc phản ánh của báo chí trên nguyên tắc nhằm củng cố lòng tin vào công lý và phải coi việc không đồng ý kiến trong một số vụ việc là đương nhiên, thực hiện đúng Điều 10 Luật báo chí ./.

 

 

 

 

 

 

Báo chí với việc phản ánh hoạt động

Xét xử của toà án

 

Vũ khắc Xương

Cháng Toà hành chính

Toà án nhân dân tối cao

 

 

Sự cần thiết và tính nguyên tắc của việc báo chí phản ánh hoạt động xét xử của Toà án.

 

Hoạt động xét xử của Toà án là giai đoạn tố tụng có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng, nó phản ánh tiêu chuẩn của một nền công lý. Mỗi một bản án không chỉ tác động hoặc làm ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sinh mệnh chính trị, danh dự, nhân phẩm của một hay một số người là bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn hay những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan ... mà còn có thể gây ra thành một dư luận tích cực hoặc tiêu cực trong xã hội.

 

Hoạt động xét xử của Toà án là diễn đàn công khai góp phần giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật đối với quần chúng.

 

Báo chí tham gia phản ánh hoạt động xét xử của Toà án là nhằm phản ánh một lĩnh vực của đồi sống xã hội, nhằm hướng dẫ dư luận xã hội nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ hoạt động xét xử của Toà án nói chung và một số vụ án cụ thể đang được dư luận xã hội quan tâm, có ý nghĩa góp phần bảo vệ công lý đồng thời là diễn đàn của quần chún thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực hoạt động tư pháp, góp phần động viên quần chúng tham gia đấu tranh chống tội phạm, thiết lập trật tự kỷ cương công bằng xã hội.

 

Hoạt động xét xử của Toà án được tiến hành công khai, chỉ trừ một số loại việc có yêu cầu xử kín theo luật định, vì vậy, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình cũng như mọi cơ quan và tổ chức xã hội khác, các Toà án có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động của Toà án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin, đúng theo tinh thần Điều 7 Luật báo chí.

 

Đồng thời, theo Điều 7 Luật báo chí thì đối với các vụ án chưa được xét xử, hoặc có yêu cầu bảo vệ bí mật quốc gia, bảo vệ thuần phong mỹ tục, các Toà án có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó.

 

Luật báo chí quy định như vậy nhằm bảo đảm cho các Toà án và các cơ quan báo chí độc lập thực hiẹen đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Nhưng Toà án và các cơ quan báo chí đều là phương tiện của Nhà nước thực hiện quyền lực quản lý xã hội với mục đích chính trị chung. Vì vậy, giữa hai cơ quan phải có sự phối hợp để cùng thực hiện nhiệm vụ. Các Toà án phải tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và các cơ quan báo chí khi thu thập thông tin từ các nguồn khác về hoạt động của Toà án đối với những vụ phức tạp cũng nên có sự trao đổi thêm ý kiến với Toà án để đảm bảo sự chính xác của thông tin.

 

Thực tiễn việc báo chí đưa tin về hoạt động xét xử của Toà án.

 

Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, báo chí đã rất quan tâm về việc đưa tin về hoạt động xét xử của Toà án, các thông tin về công tác tư pháp nói chung và hoạt động của các Toà án nói riêng chiếm tỷ lệ đangs kể trên các trang báo phát hành. Nhiều bài báo có nội dung tốt, góp phần thông tin kịp thời việc xét xử của Toà án phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm bảo vệ công lý, công bằng xã hội, điển hình như các bài báo về vụ án Nguyễn sĩ Lý ở Nghệ An, vụ Nguyễn Văn Mười Hai ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ Dương văn Ba ở Ximexcol Minh Hải, vụ Nguyễn Ngọc ở Minh Hải và vụ án đường dây 500KV Bắc – Nam ...

 

Thông qua việc đưa tin hoặc biểu dương hoạt động xét xử của Toà án, báo chí đã trở thành một lực lượng chính trị xã hội thúc đẩy các Toà án tăng cường hoạt động xét xử, cải cách thủ tục tố tụng, xoá bỏ tệ quan liêu, thiếu trách nhiệm, nhạy bén với tình hình chính trị, xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án quan trọng, góp phần cùng các ngành trong khối nội chính đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các loại tội phạm về trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống yên bình của nhân dân; tích cực đấu tranhchống các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, bài trừ tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm ...

 

Tuy nhiên, cũng có những bài báo và nhà báo chưa thực tế đề cao trách nhiệm khi đưa tin về hoạt động xét xử của Toà án, nên tạo xung đột về quan điểm không đáng có với báo chí với kết luận của Hội đồng xét xử. Từ tài liệu thu thập theo quy trình làm báo, các Nhà báo đã thông qua báo chí nêu ra những lý lẽ của mình phủ nhận sự thật về vụ án và đơn phưoưng bác bỏ kết luận của Hội đồng xét xử một cách suy đoán. Những bài báo này đã gây sự hiểu lầm trong công luận về sự thật của vụ án và sự nghiêm minh của pháp luật, điển hình là vụ ở Thầy giáo Lê Văn Nguyên phạm tội cố ý gây thương tích (ở Hà nội), vụ án cướp 5 con vịt (ở Thành phố Hồ Chí Minh) ...

Trong hoạt động xét xử, nhiều Toà án đã chú ý lắng nghe ý kiến của báo chí để việc xét xử được thận trọng, chính xác đồng thời có nhiều bài viết trả lời những nội dung mà cơ quan báo chí nêu ý kiến chấp vấn trên mặt báo. Về phía cơ quan báo chí, cũng có nhiều tờ báo đăng tải kịp thời nội dung cải chính khi phát hiện ra có bài báo đưa tin thiếu chính xác. Nhưng cũng không phải không có Toà án đã không trả lời kịp thời những vấn đề mà công dân hoặc cacs cơ quan Nhà nước, Tổ chức xã hội nêu ra trên báo chí theo đúng quy định của Điều 8 Luật báo chí, đồng thời cũng còn có những cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cải chính trên báo chí theo quy định tại Điều 9 Luật báo chí.

 

Những hạn chế trong việc tuân thủ Luật báo chí và trong sự phối hợp giữa Toà án với cơ quan báo chí như nêu trên đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực của pháp luật và làm hạn chế tính dân chủ, công khai đối với hoạt động xét xử của Toà án.

 

Kết luận và kiến nghị

 

Xuất phát từ mục đích chính trị chung, các Toà án và cơ quan báo chí tuy đều hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nhưng sự phối hợp hoạt động là rất cần thiết. Báo chí chủ động phản ánh hoạt động xét xử của Toà án theo một chuyên mục có tính thời sự chính trị – xã hội. Thông qua báo chí, các Toà án cũng thực hiện việc công khai hoá mọi hoạt động xét xử theo luật định, góp phần đề cao pháp luật mở rông dân chủ, thực hiện công lý, công bằng xã hội. Do đó, giữa Toà án và cơ quan báo chí cần có sự phối hợp với nhau trong việc cung cấp thông tin và xử lý nguồn tin.

 

Các Toà án phải trả lời những kiến nghị mà công dân, cac cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đã nêu công khai trên báo. Đồng thời bài trả lời của Toà án đối với các vụ việc có kiến nghị cũng được cơ quan báo chí đăng tải trên mặt báo, không được biên tập, cắt xén, thêm bớt.

 

Những bài báo có nội dung không đúng sự thật về hoạt động xét xử của Toà án thì các cơ quan Toà án có quyền viết bài cải chính. Bài cải chính được cơ quan báo chí đăng tải kịp thời để định hướng công luận ./.

 

 

 

Nhà báo nên ở vị trí thứ ba

 

Bùi Đình khôi

Thư ký Tạp chí Người làm báo

 

Nhà báo chúng ta thường hay được tiếp cận với những vụ việc tranh chấp giữa bên A và bên B. ở đây, tôi không dùng từ "bên nguyên" và "bên bị" e bị hiểu lầm rằng chúng ta, những người làm báo – trở thành "quan toà". Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy, nhà baoc chúng ta hay nhảy ra "ngồi" nghế "thẩm phán" để phán quyết điều nọ, điều kia, trong khi đáng lẽ chúng ta chỉ ngồi ở vị trí quan sát và phản ánh trung thực sự việc cho công chúng theo dõi. Tôi tạm gọi nôm na là nhà báo ở vị trí thứ ba – có quyền phân tích, mổ xẻ, bình luận để phản ánh đúng thực tế khách quan, nhưng không nên "kết án" vội vã ngay bên A hay bên B theo chủ quan của mình.

 

Cũng cần chú ý một điều: với một vụ án mà tội phạm đã rõ ràng, không còn tranh cãi là kẻ phạm pháp có đúng là phạm pháp hay vô tội, thì báo chí không cần phải đứng vị trí thứ ba mà nên đứng vị trí thứ hai – vị trí quan sát để phản ánh đối tượng quan sát.

 

Trở lại vấn đề tranh chấp giữa bên A và bên B, chúng ta thường thấy sảy ra hiện tượng không thống nhất giữa các nhà báo. Có khi một tờ báo đứng về phía A, bảo vệ cho A, phê phán B sai trái. Một tờ báo khác thì ngược lại, đứng về phía B, phê phán A sai trái. Việc đó trong thời kỳ đổi mới báo chí, chúng tôi cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng giống như hai luật sư vốn là đồng nghiệp, bạn bè của nhau, có khi mỗi người bảo vệ cho một phía, ở bên nguyên hoặc bên bị. Như thế, không có nghĩa hai luật sư đó "đối đầu" nhau, rồi dẫn đến thù hằn nhau. Mỗi báo có cách nhìn của mình, có lý luận của mình. Song, dù cho có lý luận của mình như thế nào đi nữa, báo chí dứt khoát không được dùng lời lẽ xúc phạm bên mà mình phê phán. Cách tốt nhất là bằng lý lẽ và chứng cứ của mình để chỉ ra cái sai của bên A hoặc bên B. Tôi đã gặp trường hợp tranh chấp đất đai ở xã ái Mộ, huyện Gia Lâm, Hà nội. Một bên là ohó giáo sư, bên kia là một cán bộ giảng dạy, đều là cán bộ của trường Đại học Nông nghiệp I. Một tờ báo xuất bản ở Hà nội, khi đưa vụ việc này lên báo, đã đứng hẳn về phía phó giáo sư và miệt thị anh cán bộ giảng dạy một cách thậm tế và gọi anh ta bằng y, có lúc còn nói trống không, cứ như anh này là một tội phạm không bằng. Trong khi đó bản án phúc thẩm còn chưa có được tuyên, bản án sơ thẩm đang bị Vịên kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị. Anh cán bộ này uất ức đến khiếu nại với Toà soạn báo nọ thì chị phóng viên viết bài này được cử ra tiếp, lại tỏ ra rất trịnh thượng, không thèm nghe anh giáo (cỡ tuổi bố cô) trình bày lý lẽ. Trong trường hợp đó, nếu chi phóng viên kia có thái độ công minh, khách quan, thực sự cầu thị, lắng nghe, thậm chí tranh cãi để tìm ra chân lý thì chỉ có tăng thêm uy tín cho tờ báo mà thôi.

 

Khi nhà báo đứng ở vị trí thứ ba, nhà báo sẽ không sợ mất uy tín, nếu như không may mình phản ánh sai sự thật. Bởi vì, chúng ta không phải là thần thánh. Khi phát hiện ra sai trái của mình, chúng ta sẵn sàng phản ánh lại cho đúng thực tế khách quan. Bạn đọc sẽ thông cảm cho chúng ta. Cơ quan điều tra với cả một đội ngũ cảnh sát có khi còn bắt nhầm người vô tội. Hội đồng xét xử có học hành tử tế, có khi còn kết án oan cho người lương thiện. Vậy thì chúng ta – những người cầm bút - tránh sao khỏi có lúc suy diễn, đánh giá chủ quan ? Miễn là , nếu chúng ta đứng ở vị trí thứ ba để xem xét sự việc, không nghiêng về bên này hay bên kia, hoặc không "kết án" bên này bên kia thay cho "quan toà", chúng ta sẽ được dư luận tôn trọng. Điều đáng buồn hiện nay là có một số nhà báo lấy việc "đánh thuê", "cãi thuê" làm kế sinh nhai. Thậm chí khi nhận "hồ sơ vụ án" của bên nào đó, chưa biết chắc có "cãi" được hay không, đã ngã giá với người khiếu kiện. Và khi đã "có giá" rồi bằng mọi cách phải "cãi thắng" hoặc ít nhất là đưa được vài bài lên mặt báo để chứng tỏ với khách hàng là mình đã "hoàn thành nhiệm vụ" rồi thì "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".

 

Khi nhà báo đứng ở vị trí thứ ba, nếu có "kết tội" bên nào đó là sai phạm, chúng ta cũng chỉ nên dùng từ "theo chúng tôi, ông (bà) ... đã phạm vào điều ... của luật (hoặc nghị định...) hoặc đặt câu nghi vấn, đại loại phải chăng, ông (bà hoặc cơ quan X) đã vi phạm vào điều ... khoản ... của luật (hoặc nghị định) ?

 

Cũng có thể nên kiến nghị, đại thể: "chúng tôi đề nghị các cơ quan hữu trách làm rõ vấn đề : có phải ông , bà, cơ quan X đã ... hay không" ? Nếu như thế dẫu người bị nêu không may bị oan, cũng mới chỉ oan trên giả định chứ chưa phải oan thật. Và khi giả định của chúng ta là không đúng, chúng ta cũng không vì thế mà mất uy tín, chúng ta rất thoải mái trả lời "không" khi vấn đề nghi vấn đặt ra được thực tế trả lời ngược lại với điều chúng ta tưởng.

 

Tôi xin kể một ví dụ sảy ra ở Tạp chí Nhà báo và Công luận. Số 1 . 1991 của Tạp chí là số chuyên đề chống tham nhũng, trong đó có một bài báo nhan đề: "Bí mật quốc gia bị bán ?". Bài báo nêu lên hàng loạt sự kiện đáng ngạc nhiên về phía đói tác nước ngoài biết rất rõ những dữ liệu quan trọng thuộc bí mật quốc gia về mỏ dầu khí lớn của ta, khiến chúng ta bị hớ trong đàm phán với họ. Sau khi bài báo được đăng, một hôm có 4 vị khách đến Toà soạn, trong đó có một vị tự giới thiệu là Chánh văn phòng, một vị khác được giới thiệu là Bí thư đảng uỷ của Tổng công ty dầu khí (lúc đó), còn hai vị kia là hai chuyên gia. Họ đòi gặp Tổng biên tập, lúc đó là Đồng chí Phó tổng thư ký Trần Công Mân. Đồng chí Trần Công Mân đi vắng, tôi tự giới thiệu là cán bộ trong ban biên tập, xin phép được tiếp. Vị Chánh văn phòng liền chấp vấn tôi: "Các anh nói: chúng tôi bán bí mật quố gia, vậy thì đề nghị cho biết, chúng tôi bán cho ai, bán khi nào, bán ở đâu, và bán với giá như thế nào?" Tôi mỉm cười trả lời: "Chúng tôi không khẳng định điều này. Nhà báo chúng tôi chỉ đặt vấn đề nghi vấn. Các đồng chí thử xem lại cái tít, chúng tôi đặt dấu chấm hỏi chứ có phải đặt dấu chấm đâu!". Thế là 4 vị khách rút lui: sau này, chúng tôi được biết, cơ quan an ninh đã hỏi đến các vị và ê kíp ấy đã bị thay bằng một ban lãnh đạo mới. Tôi không dám chắc đó là do kết quả của bài báo. Nhưng, qua sự việc này chúng tôi có được một bài học hay về cách dùng loại câu trong khi đặt tít đã tránh được một cuộc chất vấn không dễ chút nào. Đấy là vì chúng tôi biết "đứng ở vị trí thứ ba".

 

Nhưng, trong ví dụ trên, ai ở vị trí thứ hai ? Xin được hiểu ngầm, họ là những người trung thực, đã tố cáo một số lãnh đạo của Tổng công ty dầu khí lúc đó "bán bí mật quốc gia cho nước ngoài".

 

Sở dĩ báo chí chúng ta chống tiêu cực thành công là nhờ những người trung thực, dám đứng ở vị trí thứ hai để chúng ta vững vàng trên vị trí thứ ba ./.

 

 

 

 

Lịch sử hình thành và phát triển các quy định

Pháp luật của nhà nước ta về báo chí với hoạt

động của các cơ quan tiến hành tố tụng

 

 

Trần Nho Thìn

PhóBanbiêntậpTạpchíDânchủvàPháp luật,

Bộ Tư pháp

 

 

Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về báo chí của nước ta từ khi giành được chính quyền đến nay có thể phân chia thành hai giai đoạn: Từ 1945 đến 1990 và từ 1990 tới nay.

 

I. Giai đoạn từ 1945 đến trước khi ban hành luật báo chí.

 

Ngay sau khi giành được chính quyền, trong tuyên cáo thành lập chính phủ lâm thời do Hồ Chủ tịch tuyên bố ngày 28.8.1945, Nội các lâm thời gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ thông tin – tuyên truyền do ông Trần hay liệu làm Bộ trưởng để quản lý công tác báo chí, xuất bản của Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Tiếp đó Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946, đay là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về báo chí của Nhà nước ta cho đến nay.

 

Các quyền cơ bản về chính trị của công dân của một nước tự do, độc lập như quyền tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do cư trú; tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài quy định tại Điều 10 của Hiến pháp 1946 được khẳng định và phát triển trong suốt các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992.

 

Tuy vậy, do bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khi Hiến pháp 1946 vừa ban hành, đất nước ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nên chưa có điều kiện để xây dựng hệ thông pháp luật về báo chí hoàn chỉnh như các chế định ghi trong Hiến pháp. Song, trên thực tế các quyền cơ bản về chính trị, nhất là tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng ... đã được thực thi trong cuộc sống. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tờ báo, bài báo, tác phẩm văn học ra đồi trong giai đoạn này đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén, động viên nhân dân đứng lên đánh đuổi quân thù, góp phần xuất sắc vào chiến thắng của dân tộc.

Khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, để khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí, Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh số 282/ SL ngày 14.12.1956 quy định về chế độ báo chí. Sắc lệnh gồm 3 chương và 19 điều.

Chương II của Sắc lệnh về quyền lợi và hoạt động của báo chí có 9 điều (từ Điều 4 đến Điều 12). đây là phần cơ bản của Sắc lệnh nhằm cụ thể hoá các chế định của Hiến pháp năm 1946. Điều 4 Sắc lệnh quy định: "Quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí được đảm bảo. Tất cả báo chí đều được hưởng quyền tự do ngôn luận. Không phải kiểm duyệt trước khi in. Trong trường hợp khẩn cấp, xét cần phải tạm thời đặt kiểm duyệt, Hội đồng Chính phủ sẽ quyết định".

Để báo chí hoạt động đúng tuân chỉ mục đích, phục vụ đúng đối tượng, Điều 9 Sắc lệnh cũng quy định một số ràng buộc đối với báo chí: "Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng một cách đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều kiện sau đây:

Không được tuyên truyền chống pháp luật Nhà nước. Không được cổ động nhân dân không thi hành hoặc chống lại những luật lệ và đường lối chính sách của Nhà nước. Không được viết bài có tính chất chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, chống lại chính quyền nhân dân, chia rẽ nhân dân và chính quyền, nhân dân và bộ đội. Không được gây ra những dư luận hoặc những hành động có hại cho an ninh trật tự của xã hội.

Không được tiết lộ bí mật quốc gia như: những bí mật quốc phòng, những hội nghị cơ mật chưa có công bố chính thức của cơ quan có trách nhiệm, những vụ án đang điều tra xét xử, những bản án mà Toà án không cho phép công bố, những tài liệu, số liệu về kinh tế tài chính mà Uỷ ban kế hoạch Nhà nước hoặc các cơ quan có thẩm quyền chưa công bố.

Không được tuyên truyền dâm ô, truỵ lạc, đồi bại".

Về trách nhiệm của báo chí, Điều 10 quy định: "Báo nào đăng bài vu khống, xúc phạm đến dang dự của một tổ chức hay cá nhân, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự; ngoài ra đương sự có quyến yêu cầu Toà án xét xử".

Báo chí cố tình vi phạm Điều 9 hoặc 10 sẽ bị phạt cảnh cáo, tịch thu ấn phẩm, đình bản tạm thời, đình bản vĩnh viễn hoặc phạt tiền (từ năm vạn đồng đến một triệu đồng), bị truy tố trước Toà án. Người chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí có thể bị phạt tù từ 1 tháng đến 2 năm, hoặc cả hai hình phạt đó. Nếu đương sự phạm vào những luật lệ khác, Toà án sẽ chiếu theo những luật lệ ấy mà trừng phạt thêm.

Tiếp đó ngày 9.7.1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 297/ TTg quy định chế độ và quyền lợi của những người làm công tác báo chí chuyên nghiệp. Trong khi sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, người làm công tác báo chí có quyền:

Viết tin, đưa tin mà không chịu sự kiểm duyệt trước của bất cứ một cơ quan chính quyền nào;

Phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân; góp ý vào việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Chính phủ;

Đưa ra dư luận những âm mưu, những hành động có phương hại đến lợi ích của nhân dân".

Đối với các phiên toà xử công khai của Toà án, Nhà báo được dành một chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với thẩm phán để lấy tài liệu viết báo (Điều6).

Cùng ngày 9.7.1957, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 298/TTg quy đinh chi tiết thi hành Sắc luật số 100/SL/L002 ngày 20.5.1957 về chế độ báo chí.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định này, nếu Toà soạn không đăng bài cải chính, đăng chậm, đăng không đúng thể thức quy định thì đương sự có quyền khiếu nại Toà án, tuỳ theo nơi xuất bản của tờ báo. Toà án xét xử theo thủ tục xét xử nhanh trong hạn ba ngày. Nếu Toà án xét cần phải cải chính ngay, thì Toà soạn phải đăng bài cải chính trong số báo gần nhất, mặc dù có đơn chống án. Nếu có đơn chống án, thì Toà phúc thẩm phải xét xử trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn.

Sau khi Hiến pháp 1959 ra đời, một loạt các văn bản pháp luật về báo chí được ban hành như Nghị định số 207/CP ngày 1.12.1961 của Hội đồng Chính phủ quy định về phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, điện ảnh nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt nam; Nghị định 61/CP ngày 14.6.1962 quy định những vấn đề thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ ngày 20.6.1962 đã ra Thông tư quy định biện pháp, tổ chức giữ gìn bí mật của Nhà nước để thi hành Nghị định 69/CP ngày 14.6. của Hội đồng Chính phủ.

Các văn bản này chủ yếu đưa ra các nguyên tắc chung cho tất cả các cơ quan, viên chức Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bí mật của Nhà nước, trong đó các cơ quan báo chí và Nhà báo phải tuân thủ thực hiện.

Tóm lại, trong giai đoạn này các văn bản pháp luật về báo chí của Nhà nước ta tuy ít về số lượng (1 Sắc lệnh, 2 Nghị định) nhưng các quy định về quyền lợi và trách nhiệm của các cơ quan báo chí và Nhà báo khá rõ ràng. Do hoàn cảnh đất nước phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, nhiệm vụ chung của cách mạng giai đoạn này là chủ yếu cho chiến tranh nên đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành phải tuân thủ theo chế độ tập trung cao nên báo chí cũng phải chịu chi phối của quy luật này. Luật quy định báo chí không được đăng tải các vụ án đang điều tra chưa xét xử và Toà án có quyền không cho phép báo chí đăng tải những vụ án đã xét xử nếu xét thấy không cần thiết. Nếu cá nhân, đơn vị báo chí vi phạm quy định về báo chí có thể bị phạt tiền phạt tù từ 1 tháng đến 2 năm hoặc phải cịu cả hai hình phạt. Ngoài ra nếu vi phạm những luật lệ khác, Toà án sẽ chiểu theo những luật lệ ấy mà trừng phạt thêm.

Pháp luật cũng quy định rõ các cơ quan báo chí phải có trụ sở cà in ở một nhà in nhất định. Nừu tờ báo nào thay đổi trụ sở, nhà in, nhân viên Ban biên tập, mở rộng phạm vi phát hành mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm quản lý báo chí biết thì coi như phạm pháp.

Về quyền lợi Nhà báo, pháp luật thời kỳ này cũng đã trao nhiều quyền như viết tin, đưa tin không phải sự kiểm duyệt trước của bất cứ một cơ quan chính quyền nào.

Nhà báo được quyền tham sự các phiên toà xử công khai của Toà án, được giành chỗ riêng, được liên lạc trực tóp với Thẩm phán để lấy tài liệu. Khi nhà báo đến các thư viện, các cơ quan Nhà nước để tra cứu, sưu tầm tài liệu chỉ cần đưa Thẻ nhà báo mà không phải đưa bất kỳ giấy tờ gì khác v.v...

II. giai đoạn từ sau khi ban hành luật báo chí (1990) tới nay:

Trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, có nhiều biến động cả vè đời sống kinh tế lẫn đời sống xã hội. Để phù hợp với tình hình mới, ngày 2.1.1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh số 29LCT/HĐNN8 công bố Luật báo chí đã được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28.12.1989. Luật gồm 7 chương và 31 điều. Tiếp đó, ngày 20.4.1992 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 133/HĐBT quy định chi tiết thi hành Luật báo chí.

Về nội dung các điều trong Luật báo chí năm 1990 đã tiếp cận được tinh thần đổi mới của Đảng. Điều 1 của Luật báo chí đã ghi rõ:

"Báo chí là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân". Và "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí pháta huy đúng vai trò của mình" (Điều 2). Luật báo chí lần này vẫn không thừa nhận tư nhân có quyền ra báo chí, nhưng khẳng định "Báo chí là diễn đàn của nhân dân". Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong khi Đảng chủ trương đổi mới, mở rộng dân chủ nhưng không cho phép bất kỳ cá nhân nào, tổ chức nào lợi dụng dân chủ để chống lại nhân dân, chống lại thành quả cách mạng mà nhân dân phải hy sinh bao xương máu mới giành được. Xuất phát từ quan điểm này, Điều 2 của Luật quy định rõ: "Báo chí, Nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụngquyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí đẻ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân".

Để thực thi nhiệm vụ của mình, báo chí có quyền "phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác" (Điều 6). Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin (Điều 7). Khi phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết (Điều 8). Pháp luật quy định báo chí "Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân" (Điều 10).

Điều cốt lõi các điều luật này khẳng định chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực và phát hiện chính xác vụ việc tiêu cực, góp phần tìm ra nguyên nhân, nêu bài học kinh nghiệm, còn phía các cơ quan tố tụng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời theo chức năng của mỗi cơ quan theo luật định.

"Nếu các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật về báo chí thì người đứng đầu cơ quan báo chí tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự" (Điều 28).

Ngoài Luật báo chí và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, ngày 5.11.1990 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 384/HĐBT về tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản. Bộ Văn hoá - thông tin, thể thao và du lịch ngày 20.11.1990 ra Thông tư số 1312b/TT-VP hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Chính phủ. Ngoài các văn bản pháp luật trực tiếp tới báo chí thời kỳ này Nhà nước còn ban hành một số văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động báo chí như Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước (1992). Ngày 31.3.1992 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 08 về công tác báo chí, xuất bản.

Tóm lại, pháp luật về báo chí trong giai đoạn này đã được xây dựng hoàn chỉnh hơn, lần đầu tiên từ ngày giành độc lập,Nhà nước đã ban hành một văn bản pháp luật hoàn chỉnh dưới dạng luật về báo chí. Các quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí và Nhà báo được mở rộng hơn. Báo chí được quyền in ở bất kỳ nhà in nào, được mở rộng phạm vi phát hành mà không cần phải xin phép. Luật không hạn chế việc đăng tải các vụ án đang điều tra, chưa xét xử. Các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng báo chí có quyèen thông tin theo các nguồn tài liệu của mình. Khi phát hiện hoặc nhận những dấu hiệu tội phạm thì cơ quan báo chí báo cho các cơ quan tố tụng và cơ quan tố tụng có trách nhiệm thụ lý và phải trả lời cho cơ quan báo chí cách giải quyết.

iii. nhận xét chung

- Pháp luật về báo chí của Nhà nước ta ít về số lượng và chậm được sửa đổi, bổ sung theo thoèi gian nên dẫn tới tình trạng có lúc quá khắt khe với báo chí và có nhiều lúc lại thả nổi, buông lỏng sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí.

- Trong quan hệ giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng, quy định từ chỗ không được đưa tin các vụ án chưa xét xử đến khi luật cho pháep báo chí được tự do đưa tin tất cả các vụ án trước và sau khi xét xử đều chưa tính đến trình độ dân trí, trình độ pháp luật của nhân dân nói chung và của đội ngũ các nhà báo, các cán bộ công tác ở cơ quan tố tụng nói riêng còn có những hạn chế nên tính khả thi của luật trong đời sống chưa cao, nhiều khi còn gây cản trở lẫn nhau trong hoạt động của các cơ quan này.

- Luật báo chí nói riêng và pháp luật nói chung chưa có chế định bồi thường vật chất cho cá nhân, tổ chức bị xâm hại đến uy tín, danh dự do báo chí gây ra và chưa có quy định các chế tài buộc các cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm trả lời các cơ quan báo chí theo như quy định tại Điều 8 Luật báo chí.

Đây là những tồn tại, khiếm khuyết của pháp luật về báo chí cần sớm được nghiên cứu, tổng kết và bổ sung kịp thời để Luật báo chí phát huy tính thiết thực trong cuộc sống./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tìm hiểu một số mối quan hệ

giữa pháp luật và báo chí trên thế giới

 

Lê Cảnh Thuận

Tổng biên tập báo Pháp luật

Bộ tư pháp

 

Đây là một đề tài rộng, thường được xem xét trên cả 3 bình diện:

- Luật pháp điều chỉnh các hoạt động báo chí;

- Tự do báo chí và sự tác động của thông tấn báo đến hoạt động tư pháp;

- Tính quốc gia và quốc tế của hoạt động báo chí – sự ràng buộc của pháp luật của từng quốc gia và hoạt động báo chí mang tính hoàn cầu.

Trong hạn hẹp của bài viết này, xin đại lược một số nét về mối quan hệ giữa pháp luật và báo chí ở một số nước.

1. Hai mặt của sự thống nhất giữa luật pháp và báo chí.

Pháp luật là một hình thức xã hội hoá các quan điểm, các giá trị của cộng đồng người tronmg khuôn khổ quốc gia. Tuy nhiên, đặc trưng của hình thức xã hội hoá bằng pháp luật có sự đảm bảo phổ biến thực hiện bằng bộ máy quyền lực kèm theo. Đối với báo chí cũng vậy, việc hình thành Luật báo chí cũng như những điều khoản trong Bộ luật khác có quan hệ đến hoạt động báo chí cũng phản ánh quá trình xã hội hoá các quan điểm, nguyên tắc về hoạt động báo chí trong mối quan hệ qua lại giữa báo chí và xã hội nói chung. Nói cách khác luật pháp về báo chí hình thành và phát triển do nhu cầu quản lý nhằm phát huy các khả năng tích cực và hạn chế các khả năng tiêu cực của báo chí đối với xã hội. Mặt khác cũng thấy rằng quan điểm về vai trò, vị trí, trách nhiệm của báo chí bao giờ cũng có tính lịch sử gắn bó hữu cơ với các quan hệ chính trị – xã hội.

Nói đến luật pháp về báo chí là nối đến luật báo chí và tất cả các luật về các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội có liên quan đến báo chí, bao gồm cả các văn bản dưới luật.

Thuật ngữ báo chí ở đây cũng được xem xét với nghĩa rộng của nó, bao gồm báo in, phát thanh , truyền hình...

Khi nói đến báo chí của một giai cấp, pháp luật của một giai cấp là nói đến sự đồng nhất về mục tiêu, về quyền lợi, nghĩa vụ. Đặt nó trong quá trình tác động qua lại của sự vận động, phát triển.

2. Lịch sử của quan hệ luật pháp – báo chí

Quan hệ giữa luật pháp và báo chí tất nhiên chỉ ra đời từ khi có báo chí hiện đại. Ban đầu, trước thế kỷ 18 Luật báo chí mới chỉ ở các dạng tiền thân của luật hoàn chỉnh. Các đại diện chính quyền quản lý báo chí dựa vào một số quy định có tính nguyên tắc trong các chiếu chỉ của nhà vua. ở Anh, năm 1625 vua Sác lơ 1 đã lập ra một phòng kiểm duyệt báo chí lấy tên là Phòng Tinh tú (Star chamber). Tất cả báo chí ở vương quốc Anh đều phải tuân theo những nguyên tắc do phòng này đưa ra. Ngoài việc theo dõi, ngăn chặn, cơ quan này còn được coi như một toà án đặc biệt xét xử các vụ vi phạm về báo chí, không cho phép chống án và cũng không có đoàn bồi thẩm khi xử án.

Phòng Tinh tú ở Anh là hình thức quản lý đầu tiên của Nhà nước đối với báo chí ! Mặc dù lúc đóNhà nước đã có luật đối với các lĩnh vực hoạt động khác, song đối với báo chí vẫn áp dụng hình thức quản lý theo sắc lệnh.

Cho đến thế kỷ XIX, các vụ án về báo chí ở Anh vẫn được xét xử dựa theo các đạo luật và văn kiện như : Hiến chương (1215), Luật Habeas Corpus (1679), Luật phỉ báng 1792 hoặc các đạo luật khác.

ở nước Pháp từ năm 1728 đã có đạo dụ của nhà Vua bắt đánh và bỏ tù những người viết, in những bài báo phá hoại. năm 1800, dưới thời Napolêông đệ nhất có sắc luật về báo chí và luật báo chí hoàn chỉnh của Pháp ra đời năm 1881 (loi Sur la libertes de presse). Luật báo chí năm 1881 của Pháp đã được áp dụng có hạn chế ở ba kỳ nước ta trước năm 1945.

Cùng với sự vận động của lịch sử xã hội, báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, tác động có ảnh hưởng ngày càng lớn vào các tiến trình xã hội. Ngày nay, không có một quốc gia nào không có báo chí và không một lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội nào không hiểu vai trò to lứon của báo chí trong đời sống chính trị – xã hội. Với nhận thức ấy, các quốc gia dần dần hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về báo chí và luôn luôn sửa chữa, hoàn thiện, làm cho hệ thống luật pháp phù hợp với tình hình thực tế cũng như với mục tiêu chính trị của mình. ở nhiều nước trên thế giới, luật báo chí được tách thành luật cho báo in, luật cho phát thanh và luật cho truyền hình (như ở Italia, Pháp...)

Ngoài các luật báo chí, ở các quốc gia, thường thường báo chí còn bị quản lý và chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, về tự do công dân, về trách nhiệm đối với văn hoá, tiến bộ xã hội v. v... Những trách nhiệm này được quy định thành các điều khoản trong các luật về từng lĩnh vực hoạt động xã hội.

Do vai trò, động tác của báo chí đã vượt ra ngoài khuôn khổ từng quốc gia, ảnh hưởng không ít đến các quan hệ quốc tế nên ngay khi thành lập, Liên hiệp quốc đã có những cố gắng nhằm hình thành những văn bản có tính chất luật pháp quốc tế về báo chí ! đã có nhiều cuộc thảo luận ở Liên hiệp quốc và tổ chức trực thuộc nó là UNESCO về các vấn đề như luật đạo đức nghề nghiệp báo chí, vấn đề bảo về nhà báo hoạt động trong những khu vực nguy hiểm, trách nhiệm nhà báo hoạt động ở nước ngoài, quyền và trách nhiệm của hệ thống phát thanh truyền hình phát sóng từ quốc gia này đến quốc gia khác v.v... Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các cố gắng này đều chưa đạt kết quả. Các tổ chức báo chí quốc tế OIJ, FIJ, Liên đoàn các nhà xuất bản mới chỉ thoả thuận được một điện thoại nhân đạo đặt tại Thuỵ Sĩ với mục đích cứu trợ những nhà báo bị nguy hiểm. Việc không thể thông qua được các văn bản luật quốc tế liên quan đến báo chí chủ yếu do sự không thống nhất về lợi ích giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển. Trên thực tế, sự bất bình đẳng về về trật tự thông tin quốc tế đang có lợi cho các nước giầu, làm cho các nước này có khả năng dùng báo chí tác động vào môi trường quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Các nước giàu không muốn từ bỏ đặc lợi này.

3. Tự do báo chí – từ nguyên tắc đến thực tế

Tự do báo chí là một khẩu hiệu được đưa ra từ giữa thế kỷ XVII, trong cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ, dân chủ chống lại ách áp bức phong kiến quý tộc. Ngày nay, tự do báo chí được tuyên bố, ghi nhận trong luật cơ bản và luật báo chí của hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới. Tự do báo chí trở thành một tiêu chuẩn quốc tế, một quyền cơ bản của con người, một trong những tiêu chí đánh giá nền dân chủ ở mỗi quốc gia. Điều 19 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc ghi : "Mọi người đều có quyền tự do tin tưởng và tự do ngôn luận. Quyền đó bao gồm quyền không phải lo sợ về những ý kiến của mình về quyền tìm kiếm, tiếp nhận những thông tin và những ý tưởng bằng bất kỳ một phương tiện thông tin nào, không xem xét đến các đường biên giới".

Nói đến tự do báo chí, trong các văn bản quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia đề thống nhất những nội dung sau:

- Tự do phát và tự do nhận thông tin của công dân;

- Tự do hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

Quyền tự do phát và nhận thông tin báo chí gồm quyền được cung cấp thông tin cho nhà báo, quyền phát biểu quan điểm nguyện vọng của cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng, quyền được đọc lại các loại báo, tạp chí, nghe các đài, xem mọi chương trình truyền hình không phân biệt nguồn gốc.

Quyền tự do nghề nghiệp bao gồm quyền đi lại, giao tiếp với nguồn tin, hoạt động nghiệp vụ, công bố các tác phẩm báo chí, truyền phát các tác phẩm theo hệ thống thông tin liên lạc v.v...

Tuy vậy, về nguyên tắc, quyền tự do báo chí bao giờ cũng có hạn định, khuôn khổ. Không một tổ chức quốc tế nào, một quốc gia nào thừa nhận tự do báo chí tuyệt đối. Khuôn khổ, hạn định quyền tự do báo chí được hình thành trên cơ sở những giá trị đạo đức, trật tự, phúc lợi công cộng cũng như tính chất xã hội, lợi ích kinh tế và mục đích chính trị của từng quốc gia.

mục 29, Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hiệp quốc ghi nhận:

"Trong khi thực hiện các quyền tự do của mình, mọi người phải tuân thủ những hạn chế đã được pháp luật quy định với mục đích công nhận và tôn trọng các quyền tự do của người khác và để đáp ứng các nhu cầu về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung".

Tuyên ngôn nhân quyền Pháp 1789, sau khi khẳng định tự do báo chí là một trong những quyền quý giá nhất của con người cũng phải nói rõ: "Khi lạm dụng quyền tự do đó sẽ chịu trách nhiệm theo luật pháp". Hiến pháp của nước cộng hoà ấn độ quy định: "Nhà nước có quyền đưa ra luật nhằm hạn chế tự do báo chí vì chủ quyền và sự thống nhất của đất nưóc, an ninh của Nhà nước, quan hệ với nước ngoài" (Điều 29).

Khi nói đến tự do báo chí ở Mỹ người ta thường nhắc đến điều bổ sung sau đây của Hiến pháp nước Mỹ "Không một ai, kể cả Tổng thống và Quốc hội có quyền đưa ra một đạo luật nhằm hạn chế quyền tự do báo chí". Nếu chỉ nhìn nhận điều này trong luật pháp cơ bản của nước Mỹ người ta đã lầm tưởng một nền báo chí tự do tuyệt đối ở đất nưóc này. Song , khi giở các văn bản luật về các lĩnh vực khác, người ta sẽ nhanh chóng nhận thức ra bản chất của vấn đề. Hoạt động báo chí Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ bởi một loạt đạo luật và Sắc lệnh về đủ mọi lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Năm 1917 Quốc hội Mỹ thông qua luật về tội do thám và một năm sau cho ra đời tiếp luật về tội bạo động. Theo các luật này, sẽ bị coi là tội phạm nếu ai đó viết và truyền đi hay công bố "các phóng sự và tuyên bố không đúng nhằm cản trở hoạt động và thành công của các lực lượng vũ trang hay hỗ trợ cho đối phương".

Năm 1953, Bộ luật hình sự của Mỹ được bổ sung thêm một điều, cho phép truy tố việc đăng tải các tài liệu mà Chính phủ cho là bí mật. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ ra Sắc lệnh coi mọi tài liệu in ra có hại cho nền quốc phòng đều coi là điều bí mật.

Mặt khác, mức độ tự do báo chí cũng phụ thuộc vào một loạt các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là kinh tế. ở các nước công nghiệp phát triển, báo chí trở thành một ngành kinh doanh. Ai có vốn lớn, nghĩa là những nười giàu có mới có khả năng thành lập báo, đài phát thanh, truyền hình. Tất nhiên những ông chủ ấy được quyền chi phối mọi mặt của tờ báo trong khuôn khổ luật pháp.

ở một số điểm cụ thể trong vấn đề tự do báo chí cũng được hiểu một cách khác nhau. Ví dụ, những khoản trợ cấp mà Chính phủ dành cho các báo tại một số nước Bắc Âu nhằm tạo ra sự đa dạng của báo chí nước đó lại bị coi là sự can thiệp không thể chấp nhận của chính quyền tại những nước khác như Mỹ chẳng hạn. Chính vì thế, luật của Mỹ cấm Chính phủ tài trợ cho các cơ quan báo chí tư nhân.

4. Báo chí và các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an ninh – quốc phòng

Luật pháp về báo chí chủ yếu là xem xét quy định các tiêu chuẩn trong mối quan hệ giữa báo chí vơí các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như chính trị – văn hoá, kinh tế, giáo dục, an ninh – quốc phòng v.v...Về văn hoá - giáo dục, hầu hết các nước Châu á và Phương Đông đều có những quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của báo chí. Ví dụ, các đạo luật của các nước khu vực này nói chung đều cấm bạo lực, làm suy đồi nền văn hoá dân tộc. Việc bảo vệ và phát huy các truyền thống dân tộc được nhấn mạnh trong các luật báo chí.

ở các nước phương Tây, mối quan hệ này được phản ánh không đồng nhất ở từng quốc gia. ở một số nước, nhất là Mỹ, những vấn đề văn hoá, đạo đức không bị quy định thành các điều luật cấm đoán. Một số nước khác sử dụng luật pháp như hàng rào che chắn, bảo vệ các giá trị văn hoá, tinh thần, đạo đức. Xu hướng này thể hiện rõ nét nhất ở các nước Bắc Âu như Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch. ở Pháp, sau khi Tổng thống MItơrawng lên cầm quyền, ông đã sửa đổi luật cho phép tư nhân lập các đài phát thanh truyền hình. Sau một thời gian phát triển về tổ chức, các đài phát thanh – truyền hình tư nhân gây ra những rắc rối đe doạ các giá trị văn hoá xã hội vì thế đến năm 1987, Chính phủ buộc phải xiết lại cơ chế quản lý. Một Hội đồng quản lý phát thanh, truyền hình được lập ra bao gồm đại diện của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các nhà báo. Hội đồng này hàng năm xem xét tư cách, điều kiện của các đài phát thanh, truyền hình và quyết định việc cho phép tiếp tục hoặc cấm không được hoạt động. ở Mỹ cũng có một Hội đồng tương tự, 3 năm một lần rà soát, cấp giấy phép lại cho các đài phát thanh, truyền hình.

Trong quan hệ báo chí và công chúng, nổi bật lên là vấn đề quảng cáo. Quảng cáo là nguồn thu chính của các doanh nghiệp báo chí ở các nước trên thế giới. Xong quảng cáo lại ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng, gây khó chịu, bực bội và cả những hạn chế về tiếp nhận thông tin do quá trình tiếp nhận bị ngắt quãng. Chính vì thế ở một số nước người ta cũng đã bắt đầu đưa vào luật những quy định bắt buộc về thời thượng và cách thức quảng cáo. Luật truyền hình ở Italia ra đời năm 1990 quy định rõ thời gian phát chương trình 110 của bất cứ đài truyền hình nào chỉ được phép dừng lại không quá 3 lần vào thời gian quảng caó trong đó không quá 12 phút. Đó là một phương thức hạn chế tình trạng quảng cáo tràn lan trên các kênh truyền hình, không quan tâm đến lợi ích đông đảo công chúng trong xã hội. Trong báo in, hầu như quảng cáo không mấy ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận thông tin và khối lượng thông tin. Vì thế, hầu như không có nước nào quy định bắt buộc về tỷ lệ quảng cáo. Mỗi tờ báo tự chủ về tài chính đều phải có tính toán tỷ lệ và quảng cáo để đảm bảo khả năng kinh doanh có lợi.

Quan hệ giữa báo chí và an ninh – quốc phòng được luật pháp quan tâm đặc biệt. Hầu như luật pháp của tất cả các nước trên thế giới đều đưa ra những điều nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại tất cả những gì làm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, làm lộ các thông tin bí mật của Nhà nước, làm suy yếu khả năng quốc phòng.

Năm 1950, Quốc hội Mỹ thông qua luậy an ninh đối nội, Thượng viện Mỹ căn cứ luật này đã lập ra Uỷ ban Markarty chuyên điều tra các tội chống nước Mỹ trong đó có tội thông tin tuyên truyền trên báo chí có hại cho an ninh quốc phòng hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Các bang nước Mỹ bổ sung thêm bằng rất nhiều luật riêng. Mattuas trong cuốn sách "Mặt trái của nước Mỹ" (M.1968.NXB )

Tư tưởng, trang 192) đã nhận xét: "Thường thì các luật ở các bang và các chỉ thị của cảnh sát không được phân biệt rõ. Nhiều luật đã lỗi thời, người ta vẫn quen bãi bỏ chúng, khi cần lại đưa ra vận dụng".

Tương tự như vậy, ở nước Anh, luật pháp cũng quy định rất chật chẽ. Các đạo luật an ninh hạn chế quyền công bố lẫn quyền nhận thông tin liên quan đến an ninh quân sự.

Các đạo luật của nước Anh về thị trường nông nghiệp (1931), về ngân hàng (1946), về thống kê thương mại (1949). v.v... cấm những viên chức thông báo những tin tức nhất định cho báo chí.

Theo luật về đặc quyền của nghị viện ở Anh, báo chí không được thông tin về một số hoạt động của Quốc hội. Việc công bố các quyết định của Quốc hội và Chính phủ nếu không được sự đồng ý trước của Quốc hội coi như phạm luật.

Để đảm bảo kiểm tra chặt chẽ, một số nước như Anh, Pháp, Bộ trưởng bưu điện có quyền cấm phát hành các tài liệu có hại cho quốc gia.

Ngoài các đạo luật chính thức, các cơ quan an ninh, quân sự còn được giao nhiệm vụ thông tin, kiểm tra nội dung thông tin những vấn đề quân sự, quốc phòng. Ngoài việc tung ra những thông tin có ý đồ chính trị, các cơ quan an ninh, quân sự ở các nước phát triển còn đưa ra những thông báo, hướng dẫn, yêu cầu công bố hay không công bố, cách thức công bố ra sao đối với thông tin nào đó. Hoạt động này đặt ra trong khuôn khổ những đạo luật về an ninh, quốc phòng, với những quy định ngặt nghèo nên các cơ quan báo chí đều phải chấp nhận thực hiện.

Do những phức tạp, rắc rối liên quan đến an ninh, quốc phòng nên các báo, đài phát thanh và truyền hình của các nước ASEAN rất dè dặt và cẩn thận khi đề cập đến những vấn đề thuộc nội tình đất nước. Để đảm bảo chắc chắn về định hướng chính trị, thậm chí giới chức lãnh đạo ở các nước còn đưa ra những quy định cụ thể về tổ chức nhân sự. Những quy định được thực hiện còn chặt chẽ hơn cả luật. Ví dụ, ở Singapore, chỉ là đảng viên Đảng nhân dân tiến bộ mới được bổ nhiệm làm biên tập viên cao cấp.

Nói chung, luật về quan hệ báo chí với an ninh, quốc phòng luôn bị chi phối bởi tính chất của chế độ chính trị. Mặc dù các đạo luật đều cố gắng khách quan hoá các mục đích chính trị, xong thực chất ai cũng phải thừa nhận là các đạo luật ấy nhằm quản lý xã hội theo hướng có lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của thế lực chính trị nắm quyền lãnh đạo.

5. Báo chí và Nhà nước

quan hệ Nhà nứơc với báo chí là quan hệ quản lý, chi phối, định đoạt. Luật pháp phản ánh mối quan hệ đó, quy định mức độ, tính chất, phương pháp quản lý, điều hành hệ thống báo chí. Đó là một vấn đề có tính quy luật.

Xét về nghĩa rộng, quan hệ báo chí với Nhà nước cũng là quan hệ giữa báo chí với tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. ở đây chúng ta xét theo nghĩa hẹp nhất của vấn đề, đó là quan hệ giữa báo chí với các cơ quan cụ thể của Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Toà án được luật pháp hoá ra sao.

Trước hết, luật pháp của các nước trên thế giới bước đầu quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong bộ máy Nhà nước về việc phát ngôn, đưa ra cho giới báo chí những nguồn tin cụ thể. Đối với những tin tức quan trọng, liên quan đến an ninh, quân sự hay quan hệ quốc tế đều do những ngưowif có thẩm quyền đưa ra. Với lý do an ninh, ổn định xã hội, các nước đều đưa vào luật những quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị đương thời. Thông thường, những thông tin chống lại chế độ chính trị bao giờ cũng bị coi là phản động, chống lại đất nước nói chung và do đó bị khép tội nặng. Ví dụ, ở Mỹ năm 1918, Quốc hội thông qua đạo luật cấm phổ biến bất kỳ loại ấn phẩm nào phê phán hình thức tổ chức và quản lý của nước Mỹ.

ở các nước công nghiệp phát triển, quyền giữ bí mật nguồn tin của nhà báo được ghi vào luật pháp. Nhà báo được phép giữ bí mật nguồn cung cấp tài liệu cho mình viết tác phẩm. Điều đó, về hình thức tưởng như là rất tự do. Tuy nhiên, về thực chất, quyền đó không có nghĩa lý gì khi bản thân thông tin đó bị quy vào một tội nào đó. Việc quy tội, nhiều khi lại phụ thuộc phần nhiều vào quan toà. Trong vo vàn thứ luật lưu hành, người ta rất dễ ghép nhà báo vào một tội danh nào đó, đơn giản nhất là gây rối loạn trong xã hội. Hơn nữa, trong một số trường hợp cụ thể, nhất là liên quan đến toà án, quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực.

Toà án cũng như các chính khách ở các nước trên thế giới đều được các đạo luật bảo vệ trước các ngón đòn của báo chí. Luật pháp bảo vệ thanh danh cho từng thành viên trong xã hội, đồng thời tạo ra một hàng rào an toàn cho các chính khách, các cơ quan tư pháp, hành pháp và lập pháp. Những thông tin xúc phạm đến các cơ quan và cán bộ trong bộ máy Nhà nước mà không có chứng lý đâỳ đủ đều bị khép vào tội vi phạm an ninh Nhà nước. đạo luật về tội phỉ báng của nước Anh dày 960 trang, gồm 3980 trường hợp cụ thể.

Những gì liên quan trực tiếp đến toà án được các đạo luật quy định rất ngặt nghèo. Nói chung báo chí bắt buộc phải tôn trọng toà án. Hầu hết các nước đều cấm báo chí bình luận công việc của toà án khi vụ án chưa kết thúc cũng như việc chống án chưa có câu trả lời của toà cấp trên. Những tài liệu thuộc diện được coi là bí mật và có ảnh hưởng đến việc xử án, nếu cơ quan báo chí nào công bố cũng bị trừng phạt như tội lộ bí mật Nhà nước. Trong những trường hợp này các quyền bí mật nguồn tin không có hiệu lực. ở nhiều nước trên thế giới, người ta còn cấm việc truyền thanh hay truyền hình trực tiếp từ phòng xử án.

Nói chung các trường hợp báo chí bị khép vào tội không tôn trọng toà án sẽ bị trừng phạt nặng, bị truy tố, bỏ tù chứ không đơn giản là bị phạt tiền.

Trên đây là những nét khái quát về quan hệ báo chí và luật pháp trên phạm vi thế giới./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

phần iii

khảo sát - điều tra

thông tin – tư liệu

kết quả phiếu khảo sátđiềutra

 

1. Đề tài đã tiến hành khảo sát, điều tra ở một số địa phương như Hà Nội, Hà Tây, Nam Định.

2. Đối tượng hỏi ý kiến:

- Cán bộ làm việc trong cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử.

- Các cán bộ trong cơ quan thông tấn, báo chí.

3. Số phiếu phát ra : 120

Số phiếu nhận về : 80

Các phiếu hỏi ý kiến nhận về như sau:

Câu 1. Theo bạn, 10 năm qua (1986-1996)

Sự phản ánh của báo chí đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt được kết quả ở mức độ nào?

- Tốt 60,6%

- Trung bình 39%

- Chưa đạt 0%

Câu 2. Theo bạn, báo chí nên phản ánh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án từ thời điểm nào của quá trình tố tụng?

Tố tụng hình sự

- Khởi tố vụ án 12,1%

- Điều tra 17,3%

- Kết thúc điều tra 28,6%

- Kết thúc xét xử sơ thẩm 37%

- Kết thúc xét xử phúc thẩm 18%

Đối với các vụ án dân sự, HNGĐ, lao động, hành chính, kinh tế

 

- Trước khi xét xử sơ thẩm 30%

- Kết thúc xét xử sơ thẩm 50,8%

- Kết thúc xét xử phúc thẩm 18%

Câu 3. Theo bạn, nhà báo khi viết về đề tài pháp luật cần thiết kiến thức pháp lý ở mức nào?

- Đại cương 78%

- Chuyên sâu 21,5%

Câu 4. Theo bạn, báo chí có làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm không?

- Có 36,6%

- Không 63%

 

lược thuật một số ý kiến của các cộng tác viên đề tài tại hội nghị khoa học ngày 19.8.1994

 

Đồng chí Nguyễn Tất Viễn – Chủ nhiệm đề tài và đồng chí Lê Cảnh Thuận – Phó Chủ nhiệm đề tài đã trình bày những nội dung cơ bản của báo coá dẫn đề của đề tài.

Các ý kiến tại hội nghị đều đánh giá cao vai trò của báo chí. Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới của đất nước nói chung và đặc biệt là sự đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử có những đặc thù riêng nên sự phản ảnh của báo chí cũng phải thể hiện được nét riêng biệt.

Sau đây là một số ý kiến cụ thể của các đồng chí tại hội nghị tham gia với báo cáo dẫn đề của đồng chí Chủ nhiệm đề tài.

1. Đồng chí Vũ Thế Lân – Phó Ban chính trị - xã hội, Báo nhân dân

Mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng chúng ta có thể thấy thể hiện ở những điểm sau:

- Báo chí phản ảnh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác xây dựng lực lượng và nâng cao nghiệp vụ. Trong mối quan hệ này báo chí thường đưa tin, bài, ảnh về bồi dưỡng đào tạo cán bộ, gương người tốt việc tốt cũng như những tiêu cực của cán bộ, nhân viên các cơ quan đó.

- Báo chí viết bài, tin ảnh về những vụ việc tiêu cực ngoài xã hội. Trong mối quan hệ này giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể phân ra các góc độ sau:

+ Thứ nhất: Báo chí tự phát hiện. Các cơ quan báo chí tự điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ và chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật về độ chính xác của những thông tin của mình. Qua những bài của báo chí cũng như những thông tin bằng văn bản phát hiện về tội phạm do báo chí chuyển đến các cơ quan tiến hành tố tụng có thể khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Thực tế, mối quan hệ này ít được các cơ quan tiến hành tố tụng chú ý. Nhưng việc tự phát hiện của báo chí không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách dễ dàng.

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự, mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan tiến hành tố tuụng diễn biến theo hai xu hướng sau : Kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng phù hợp hoặc cơ bản là phù hợp với thông tin trên báo chí. Xu hướng khác : Kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng không giống với những thông tin trên báo chí xu hướng này lại xẩy ra hai vấn đề : 1, Cơ quan báo chí thừa nhận kết luận đó; 2,Cơ quan báo chí không thừa nhận kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, tiếp tục nêu vấn đề trên báo chí thậm chí gay gắt, chỉ chích cơ quan tố tụng. Đã có trường hợp nảy sinh xung đột mà thường là cơ quan tiến hành tố tụng đe doạ khởi tố nhà báo.

+ Thứ hai : Báo chí viết bài, tin về những vụ việc vi phạm pháp luật do các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện và được cung cấp thông tin. Qua nhiều năm hoạt động báo chí cho thấy mối quan hệ này có thể phân ra làm hai dạng:

1. Quan điểm của báo chí và quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng giống nhau. Trong trường hợp này đã tạo được sức mạnh xã hội trấn áp tội phạm và có tác dụng cao trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm.

2. Quan điểm của một số báo chí thống nhất với quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, còn một số báo chí khác lại không đồng tình. Trường hợp này không chỉ nảy sinh "sự cọ xát" giữa báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn nảy sinh "sự cọ xát" trên báo chí (giữa các nhà báo với nhau).

Vì vậy, đã đến lúc cần rà soát lại các quy định của Luật báo chí có liên quan đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và các văn bản pháp luật về tố tụng nhất là tố tụng hình sự có liên quan đến hoạt động của báo chí.

2.PTS. Trần Đình Nhã - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ

Nguồn tin do báo chí cung cấp là một trong vô số nguồn tin mà hàng ngày các cơ quan điều tra nhận được. Song do đặc thù của nguồn tin (công khai, được sơ bộ thẩm định...) nên thường được các cơ quan điều tra quan tâm xử lý hơn vì đã được nhiều người biết và theo dõi, giám sát các cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Các cơ quan báo chí một mặt cung cấp thông tin, chứng cứ cho cơ quan điều tra mặt khác góp phần cổ vũ, củng cố niềm tin cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Báo chí hướng cho dư luận bảo vệ công lý.

Báo chí góp phần ngăn chặn tiêu cực, thiếu sót trong hoạt động điều tra, đúc kết kinh nghiệm về hoạt động điều tra.

Chúng tôi thấy rằng để thuận lợi cho hoạt động báo chí trong khi phản ảnh các vụ việc cũng như hoạt động của các cơ quan tư pháp cần xác định rõ nguyên tắc phản ánh và nguyên tắc phối hợp giữa baó chí và cơ quan điều tra nói riêng và với các cơ quan tư pháp nói chung, cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp nhà báo hoặc cán bộ điều tra vi phạm các quy định về quan hệ giữa báo chí và điều tra viên, cũng như với các cán bộ làm công tác kiểm sát, xét xử.

3. Đồng chí Trần Nho Thìn – Phó trưởng ban Biên tập Tạp chí dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp.

Có thể nói các văn bản pháp luật về hoạt động của báo chí trong chế độ ta đã từng bước được hoàn thiện trong quá trình củng cố Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt Sắc lệnh 100/SL002 năm 1957 là một cột mốc rất quan trọng trong việc thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tăng cường sự quản lý của Nhà nước về báo chí. Riêng đối với hoạt động của Toà án. Nghị định 297/TTG năm 1957 của Chính phủ đã quy định khá rõ quyền của nhà báo trong việc dự phiên toà công khai và lấy tư liệu viết bài phản ánh. Và nếu báo chí khi có sai sót mà không đăng bài cải chính, đăng chậm, đăng không đúng thể thức thì đương sự có quyền kiện ra Toà án.

Có lẽ trong thời gian tới, cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật tố tụng khẳng định rõ nhà báo được phản ánh quá trình giải quyết vụ án từ thời điểm nào của quá trình tố tụng; trách nhiệm của nhà báo đối với việc phản ánh đó; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong sự phối hợp với báo chí. ở đây cũng cần lưu ý một điểm là cơ quan báo chí có phương tiện trong tay nên thường chủ động đưa tin bài, còn các cơ quan pháp luật thì lại không có phương tiện đó, do đó sự phối hợp đúng mức là rất cần thiết.

4. PTS. Khuất Văn Nga – Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Báo chí có tác dụng tích cực đối với hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật.

Theo quy định của Luật báo chí (Điều 7), trong thực tế đã phát sinh một số vướng mắc trong quan hệ giữa báo chí và hoạt động kiểm sát.

- Nếu thực hiện theo quy định của Điều 7 có thể dẫn đến báo chí đưa tin không đầy đủ những kết quả hoạt động tố tụng hình sự; thậm chí tạo ra một dư luận, một sức ép đối với các cơ quan tư pháp gây ra sự hiểu nhầm của công chúng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

- Nếu các cơ quan tư pháp chỉ chờ đến sau khi xét xử thì đã muộn vì báo chí đòi hỏi phải thông tin chính xác, kịp thời.

- Việc báo chí sử dụng phương pháp tuyên truyền rộng rãi trong đó có nội dung quy kết những cá nhân phạm tội khi chưa có bản án của Toà án là phải xem xét vì Bộ Luật tố tụng hình sự quy định "không ai có thể bị coi là có tội nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của toà án" (Điều 10).

- Khi Viện kiểm sát tiến hành hoạt động kiểm sát hình sự cũng có một số vụ việc báo chí đã đăng nhưng sự phối hợp giữa cơ quan báo chí và Viện kiểm sát có biểu hiện chưa hiểu rõ chức trách của từng cơ quan. Ví dụ: Viện kiểm sát gọi nhà báo đến yêu cầu chứng minh như một nhân chứng còn nhà báo lại quan niệm răngf chỉ có trách nhiệm đưa tin mà không có trách nhiệm chứng minh vụ việc đó.

Vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn về quan hệ giữa báo chí và Viện kiểm sát nhân dân.

5. Đồng chí Đặng Vũ Huân – Phóng viên Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư pháp.

ý kiến mà một số cộng tác viên nêu vẫn hơi nghiêng về phía mở rộng phạm vi phản ánh của báo chí trong các giai đoạn tố tụng trước khi xét xử. Về vấn đề này, luật báo chí và luật tố tụng có những chỗ vênh nhau, chưa chặt chẽ và chưa đồng bộ. Muốn xây dựng được một cơ chế phối hợp thực sự thì phải rà soát lại các quy định của cả Luật báo chí và Luật tố tụng. Không thể có hiện tượng cả hai cơ quan đều nhằm một mục đích chung nhưng phương pháp, phương tiện lại xa lạ với nhau. Cho đến nay, thực sự mà nói quyền của nhà báo đến đâu trong việc phản ánh hoạt động tư pháp cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp toà án thu máy ghi âm của phống viên mà không biết việc thu ấy đúng hay sai và ngược lại, báo chí lại luận tội bị cáo dù phiên toà chưa xét xử. Nếu có được một thông tư liên ngành hướng dẫn thi hành Luật báo chí, Nghị định 133/HĐBT thì rất tốt, sẽ thuận lợi nhiều cho các cơ quan báo chí cũng như cơ quan tiến hành tố tụng.

6. Đồng chíVũ Khắc Xương – Chánh Toà Hành chính, Toà án nhân dân tối cao.

Hoạt động xét xử của toà án là giai đoạn tố tụng có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng, phản ánh tiêu chuẩn của một nền công lý. Mỗi bản án không chỉ có tác động hoặc làm ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sinh mệnh, dânh dự, nhân phẩm và quyền lợi của một người hay một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... mà có thể gây thành một dư luận tích cực hay tiêu cực trong xã hội.

Báo chí phản ánh hoạt động xét xử của toà án là cần thiết và có tính nguyên tắc.

Thông qua báo chí, các toà án cũng thực hiện việc công khai mọi hoạt động xét xử theo luật định, góp phần đề cao pháp luật, mở rộng dân chủ, thực hiện công lý, công bằng xã hội.

Do đó, cơ quan báo chí và toà án cần có sự phối hợp chặt chẽ. Luật cần có quy định cụ thể về mối quan hệ này.

7. Đồng chí Lê Cảnh Thuận – Tổng biên tập báo Pháp luật, Bộ Tư pháp.

Báo chí và pháp luật là hai mặt của sự thống nhất.

Xét về nghĩa rộng, quan hệ báo chí với Nhà nước cũng là quan hệ giữa báo chí với tất các lĩnh vực trong đời sống xã hội. ở đây chúng ta xét theo nghĩa hẹp nhất của vấn đề, đó là quan hệ giữa báo chí với các cơ quan cụ thể của Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Toà án được luật pháp hoá ra sao.

Các nước trên thế giới đều quy định rất chặt chẽ trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong bộ máy Nhà nước về việc phát ngôn, đưa ra giới báo chí những nguồn tin cụ thể. Đối với những tin tức quan trọng, liên quan đến an ninh, quân sự hay quan hệ quốc tế đều do những người có thẩm quyền đưa ra. Với lý do an ninh, ổn định xã hội, các nước đều đưa vào luật những quy định nhằm bảo vệ chế độ chính trị đương thời.

ở các nước công nghiệp phát triển, quyền giữ bí mật nguồn tin của nhà báo được ghi vào luật pháp. Nhà báo được phép giữ bí mật nguồn tin cung cấp tài liệu cho mình viết tác phẩm. Tuy nhiên, về thực chất, quyền đó không có ý nghĩa gì khi bản thân thông tin đó bị quy vào một tội nào đó.

Trên thế giới, những gì liên quan trực tiếp đến toà án được các đạo luật quy định ngặt nghèo. Nói chung báo chí bắt buộc phải tôn trọng toà án. Hầu hết các nước đều cấm báo chí bình luận công việc của toà án khi vụ án chưa kết thúc. Cũng như việc chống án chưa có câu trả lời của toà án cấp trên.

Nói chung nhiều nước trên thế giới khi báo chí bị khép vào tội không tôn trọng toà án sẽ bị trừng phạt nặng, bị truy tố, bỏ tù chứ không đơn giản là bị phạt tiền.

Hội nghị còn đề cập tới nhiều vấn đề phông phú của đề tài.Trên đây chỉ là một số ý kiến mà chúng tôi thấy đã tập trung thể hiện phần nào nội dung nghiên cứu của đề tài./.

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về