• Thuộc tính
Tên đề tài Những vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ
Nội dung tóm tắt
 
 
 

Đề tài này được thực hiện trong năm 1990 nhằm góp phần xây dựng những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, qua đó đưa ra những quan điểm cơ bản về việc xây dựng phương hướng lập pháp trong điều kiện mới và kiến nghị một cơ chế làm luật hợp lý.

I. NHỮNG NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT NƯỚC TA HIỆN NAY

Dựa trên những quan điểm chung thống nhất đó là quan điểm lịch sử, coi trọng những tiến bộ của pháp luật, bám sát thực tiễn, có tư duy pháp lý mới và tầm nhìn chiến lược pháp luật, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra những đánh giá thực trạng pháp luật nước ta.

Hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Nhà nước ta đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật đáp ứng được các nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Sau Đại hội Đảng lần VI, pháp luật đã có những bước phát triển mạnh mẽ và mới về chất. Nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh và văn bản pháp quy đã được ban hành, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cũng được đổi mới về tổ chức và hoạt động, nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực này cũng đã được ban hành.

Bên cạnh những thành tựu, pháp luật nước ta cũng có những nhược điểm và thiếu sót. Đó là:

-  Pháp luật dựa trên tư duy cũ, nhận thức cũ về chủ nghĩa xã hội, vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, cứng nhắc, còn tuyệt đối hóa tất cả những gì thuộc về Nhà nước, coi nhẹ những cái không thuộc Nhà nước. Ngay cả những văn bản mới ban hành cũng còn mang tính chắp vá, tạm thời nhằm giải quyết tình thế. Khi Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua Cương lĩnh, chiến lược và Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội mới, Nhà nước sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi và sửa đổi nhiều luật quan trọng về tổ chức nhà nước. Đây sẽ là cơ sở để sửa đổi và ban hành nhiều văn bản pháp luật mới.

- Pháp luật còn mang nặng chủ nghĩa duy ý chí, tách khỏi hiện thực khách quan của cuộc sống. Pháp luật của ta chưa phải là ý chí của Nhà nước, của nhân dân lao động mà là ý chí của người đứng đầu ngành đó, lĩnh vực đó.

- Pháp luật nước ta thiếu hệ thống, không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tất cả các văn bản luật do Quốc hội thông qua, các Pháp lệnh do Hội đồng Nhà nước thông qua chưa kịp thời, còn quá ít, mặc dù đang theo xu hướng tăng lên (trong 6 năm từ 1980-1986: 23 Luật, Pháp lệnh được thông qua. Năm 1987: 4 Luật, Pháp lệnh đã được thông qua. Năm 1988: 8 Luật, Pháp lệnh đã được thông qua. Năm 1989: 13 Luật, Pháp lệnh đã được thông qua. Năm 1990: 29 Luật, Pháp lệnh đã được thông qua). Phần lớn các văn bản là do Hội đồng Bộ trưởng ban hành dưới hình thức Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư (mỗi năm có khoảng 500 văn bản); các ngành, các cấp ban hành một khối lượng văn bản lớn hơn nhiều. Các văn bản dưới luật, văn bản áp dụng pháp luật không ban hành kịp thời để thi hành luật gây cản trở, làm đình trệ, thậm chí triệt tiêu hiệu lực pháp luật của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Một số văn bản dưới luật còn trái hoặc vi phạm Hiến pháp và luật, văn bản của ngành, địa phương này mâu thuẫn với văn bản của ngành, địa phương kia gây ra tình trạng thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Pháp luật nước ta thiếu cơ sở khoa học và ít căn cứ thực tiễn. Nhiều văn bản luật của nước ta, kể cả những văn bản mới ban hành còn thiếu cơ sở khoa học, đối tượng, phạm vi điều chỉnh không rõ, “lấn sân” nhau; có những vấn đề quan trọng chưa được quy định, trái lại có những quy định thừa, quá tỉ mỷ, vụn vặt, nhưng các nguyên tắc cơ bản thì thiếu; đặc biệt là có những quy định sơ hở, nên bị lợi dụng đã gây tác hại không nhỏ trong đời sống xã hội. Chính do thiếu cơ sở khoa học và ít căn cứ thực tiễn đã làm cho văn bản pháp luật nước ta ít nhiều mang tính hình thức, không có điều kiện hiện thực để thực thi.

Theo nhóm thực hiện đề tài, muốn xây dựng một văn bản có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn thì trước hết phải đổi mới quy trình xây dựng và ban hành luật; phải thu hút, tập hợp nhiều lực lượng, phải gia công, tích tụ chất xám pháp lý của nhiều người, từ các nhà lãnh đạo đến các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ pháp luật ở các ngành, các cấp. Điều có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản là phải xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp lý có đủ trình độ để làm nhiệm vụ quan trọng này.

- Pháp luật nước ta chưa thể hiện đúng mức mặt tổ chức, xây dựng, đây là mặt chủ yếu của pháp luật xã hội chủ nghĩa, mà còn thiên về mặt bảo vệ, trấn áp, trừng trị, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế cũng nặng về cưỡng bức, trấn áp, dùng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, chưa quan tâm đến mặt tổ chức, xây dựng, khuyến khích, động viên. Nguyên lý “Nhà nước nào, pháp luật ấy” phải được quán triệt trong xây dựng pháp luật. Nhà nước xã hội chủ nghĩa – Nhà nước chuyên chính vô sản, chức năng chủ yếu của nó tổ chức, xây dựng, thì đương nhiên Nhà nước đó phải có chức năng trấn áp, bảo vệ thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng đó không phải là mặt chủ yếu. Như vậy, pháp luật xã hội chủ nghĩa phù hợp với bản chất xã hội chủ nghĩa, có chức năng chủ yếu là tổ chức, xây dựng, là công cụ quan trọng, có hiệu quả nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải chăng, trong một thời gian dài ta chưa nhận thức đúng và đến nay cũng không ít người nhận thức không đầy đủ về chức năng, vai trò của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiệm vụ chủ yếu là chống giặc ngoài, thù trong cho nên pháp luật lúc này chủ yếu là bảo vệ, trấn áp, chưa có điều kiện tổ chức xây dựng, nhưng khi nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tổ chức xây dựng đất nước, việc xây dựng các văn bản pháp luật về kinh tế, về phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa về bảo vệ các quyền con người, quyền công dân vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới, nhất là đối với về kinh tế, về cải cách lớn bộ máy Nhà nước, nhưng việc xây dựng pháp luật, đạt được kết quả nhiều hơn vẫn là trong lĩnh vực bảo vệ, trấn áp. Hai bộ luật hình sự và tố tụng hình sự là hai bộ luật đầu tiên ở nước ta thể hiện trình độ lập pháp có bước phát triển mới, nhưng trong khi đó sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cuộc sống xã hội đòi hỏi cấp bách phải có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Kinh doanh, Luật Thương mại, Luật về rừng, Luật Dầu khí, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hợp tác xã ... thì vẫn chưa được ban hành. Sự chậm trễ này đã gây tác hại nhất định và có lĩnh vực tác hại nghiêm trọng. Các văn bản pháp luật về kinh tế đã được ban hành vẫn chưa tạo ra được môi trường pháp lý thuận lợi, chưa khuyến khích, khơi dậy những tiềm năng, giải phóng mọi năng lực sản xuất, khuyến khích làm giàu, ích nước lợi nhà; vẫn chỉ tạo những hành lang chật hẹp, hạn chế, răn đe; nhưng mặt khác, lại có những “lỗ hổng”, có những sơ hở bị lợi dụng, gây nên những tác hại không nhỏ.

- Pháp luật nước ta chưa thể chế hoá một cách kịp thời, chuẩn xác, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng. Việc thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật còn chậm trễ, không đầy đủ và có những trường hợp sai lệch; mặt khác, khi thể chế hoá cũng có hiện tượng rập khuôn, sao chép, cứng nhắc theo đường lối chính sách của Đảng, nên pháp luật ít hiệu lực và kém hiệu quả.

II. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT TRONG CHIẾN LƯỢC ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Những quan điểm, nhận thức mới về pháp luật xã hội chủ nghĩa

Trên cơ sở thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề tài đã phân tích bản chất, nội dung của pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều này được thể hiện ở một số điểm sau đây:

- Để quản lý xã hội, Nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể thiếu pháp luật và pháp luật phát triển ngày càng nhiều khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng mở rộng, đó là một đòi hỏi khách quan, mang tính tất yếu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết, pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ rất có hiệu quả để tổ chức, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng dẫn hành động của tất cả mọi công dân. Trong chủ nghĩa xã hội, nhất là ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội còn tồn tại các thành phần kinh tế, các giai cấp tầng lớp, có các lợi ích khác nhau, có những nguyện vọng khác nhau, do đó mà có những tư tưởng, nhận thức và chính kiến khác nhau. Pháp luật phải đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, điều hoà, điều tiết các lợi ích, nguyện vọng, mâu thuẫn, kết hợp lợi ích cá nhân, tập thể, Nhà nước làm cho mọi người đi đúng đường, nhằm đúng đích của chủ nghĩa xã hội.

- Pháp luật xã hội chủ nghĩa vẫn có một chức năng quan trọng là cưỡng bức, bảo vệ, trừng trị, trấn áp kẻ thù của cách mạng, chống lại những kẻ thoái hoá, biến chất phạm tội, phản bội hoặc chống lại tổ chức, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới xã hội chủ nghĩa, xét về bản chất của pháp luật và dân chủ xã hội chủ nghĩa thì không thể tồn tại mâu thuẫn, bởi lẽ pháp luật nước ta là ý chí, nguyện vọng và bảo vệ lợi ích của nhân dân, pháp luật càng phát triển sẽ là đảm bảo pháp lý vững chắc cho các quyền dân chủ của nhân dân, đồng thời chống lại những kẻ vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Đương nhiên, pháp luật của ta cũng phải tước bỏ, hạn chế một số quyền tự do nào đó của những phần tử đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

- Một vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn là cần hiểu đúng mối quan hệ giữa kinh tế với nhà nước và pháp luật. Các Mác đã nói pháp luật của một nước không thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế của nước đó. Trước đây, một thời gian tương đối dài ở nước ta cũng như một số nước xã hội chủ nghĩa xây dựng một nền kinh tế “nhà nước hoá”, không tồn tại các thành phần kinh tế, không có sản xuất hàng hoá, hầu như là một xã hội thuần khiết, “công hữu, công quản, công ích”. Do đó ta đã xây dựng nên một bộ máy nhà nước, một hệ thống pháp luật thích ứng với cơ sở kinh tế đó. Hơn nữa ta cũng mắc sai lầm, duy ý chí, bất chấp quy luật, dùng mệnh lệnh hành chính, dùng pháp luật, dùng sự ưu việt của chế độ chính trị để thúc đẩy, để bỏ qua những giai đoạn, những quy luật phát triển của kinh tế. Thực tế đã chứng minh những sai lầm đã mang lại những hậu quả tiêu cực nặng nề cho nền kinh tế. Pháp luật có tính tương đối của nó và có tác động ngược trở lại đối với kinh tế, sự tác động ngược trở lại của pháp luật có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm, hoặc làm cho kinh tế phát triển chệch hướng. Pháp luật với chức năng và bản chất cách mạng, sáng tạo của nó là công cụ đầy hiệu lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ có tác động làm cho kinh tế phát triển mạnh mẽ theo quỹ đạo của xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần xây dựng một Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó bộ máy nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được phân định rõ ràng, rành mạch theo hiến pháp và luật, có phân công giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân cấp giữa nhà nước ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương; mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân và ngược lại quan hệ giữa công dân và Nhà nước phải được quy định đầy đủ bằng các quy định pháp luật cụ thể..

- Xã hội xã hội chủ nghĩa không phải nảy sinh trên miếng đất riêng của mình, mà nó phát sinh từ trong lòng xã hội cũ, tức là xã hội tư bản, cho nên trên mọi lĩnh vực, chủ nghĩa xã hội còn mang vết tích của xã hội tư bản, trong đó có vết tích của pháp quyền tư sản. Thực tiễn nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, thích ứng với nền kinh tế có các giai cấp, tầng lớp khác nhau, pháp luật nước ta dựa trên nền tảng kinh tế và cơ sở xã hội đó, tất nhiên phải có những vết tích, những mảng, những bộ phận, những yếu tố của pháp luật tư sản. 

- Hiện nay nước ta cũng tồn tại các giai cấp, các tầng lớp nên có những lợi ích khác nhau, nhưng có mục đích chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, muốn vậy phải đẩy mạnh được sản xuất hàng hoá, phải giải quyết được thất nghiệp, phải dân chủ hoá, phải đảm bảo các quyền con người, và quyền công dân, thực hiện công bằng xã hội.... Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đó, pháp luật phải khơi dậy và sử dụng được mọi năng lực sản xuất. Muốn vậy, pháp luật không chỉ thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của giai cấp thống trị, mà cần thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân lao động. Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc, thể hiện chuyên chính của giai cấp vô sản, pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ của chuyên chính vô sản, nó phải thể hiện đúng đắn và đầy đủ đường lối của Đảng cộng sản.

- Pháp luật gắn liền với Nhà nước, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì pháp luật của ta cũng là của dân, do dân, vì dân. Tính dân chủ của pháp luật, trước hết phải được thể hiện ở chỗ nhân dân không đứng ngoài chính trị, nhân dân thực sự tham gia vào việc hình thành nên các cơ quan nhà nước, tham gia vào công việc nhà nước, quản lý nhà nước, kiểm tra mọi hoạt động của cơ quan và nhân viên nhà nước; mặt khác, pháp luật phải đảm bảo được các quyền xã hội, các quyền chính trị, các quyền con người và các quyền công dân. Bản chất dân chủ của pháp luật cũng thể hiện ở chỗ do chính nhân dân thảo luận, góp ý kiến vào việc xây dựng pháp luật và pháp luật phải do những người đại biểu của nhân dân trực tiếp thông qua.

Xuất phát từ nhận thức mới về pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đề tài đã rút ra kết luận khi xây dựng pháp luật phải dựa trên các nguyên tắc:

- Pháp luật phải phục vụ không chỉ lợi ích của giai cấp công nhân mà còn phục vụ lợi ích của nhân dân lao động.

- Pháp luật phải quán triệt nguyên tắc dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩng vực của đời sồng xã hội.

- Pháp luật phải thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, mở đường cho mọi người phát triển tài năng mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước.

- Pháp luật phải là công cụ tổ chức, xây dựng có hiệu quả nhất, đồng thời phải bảo vệ, trấn áp kịp thời phần tử chống đối.

- Pháp luật không chỉ hạn chế, tước bỏ, cưỡng bức, mà phải khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho mọi người có tự do, dân chủ ngày càng đầy đủ hơn.

- Pháp luật phải tập hợp, đoàn kết mọi công dân, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi dân tộc, tôn giáo trong nước, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

2. Xây dựng pháp luật, tăng cường pháp chế theo đường lối của Đảng

Đảng ta, từ khi thành lập đến nay, đã có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò to lớn của pháp luật đối với việc quản lý xã hội, xây dựng đất nước. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta - đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh - đã chủ trương tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và ban hành Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đồng thời Chủ tịch nước đã ban hành hàng loạt các Sắc lệnh để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Nhà nước đã thông qua Hiến pháp 1959, ban hành các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về các quyền tự do dân chủ của công dân và nhiều Sắc lệnh, Nghị định. Từ sau năm 1975, nước nhà được thống nhất, mở ra giai đoạn mới xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, Nhà nước đã ban hành Hiến pháp 1980 và nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) một giai đọan mới, giai đoạn đổi mới sâu sắc toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, hàng loạt Luật, Pháp lệnh được ban hành, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế để thay thế hầu hết các văn bản pháp luật cũ. Theo dự thảo Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và dự thảo Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước ta đang chuẩn bị sửa đổi toàn diện và cơ bản Hiến pháp 1980, sẽ sửa đổi nhiều luật quan trọng khác, đồng thời ban hành nhiều Luật và Pháp lệnh mới.

Đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ của Đảng ta là: xây dựng xã hội - xã hội chủ nghĩa, trong đó nhân dân ta được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, nhân dân lao động làm chủ đất nước; đất nước ta có nền kinh tế phát triển cao và nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, công bằng xã hội và dân chủ được đảm bảo; các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau; tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Từ Đại hội Đảng lần thứ VI, cùng với việc đề ra đường lối đổi mới, Đảng ta đã nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và nhân dân; chống tệ nạn quan liêu và những hành vi xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân; ngăn chặn và khắc phục dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan; tiến hành cải cách lớn về tổ chức bộ máy nhà nước để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhà nước, nhưng có phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có hiệu lực cao trên cơ sở ứng dụng những thành quả khoa học, kỹ thuật quản lý.

Khi xây dựng pháp luật cần thiết phải nghiên cứu truyền thống, tập quán, đặc điểm dân tộc, văn hoá của đất nước ta. Đó là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới nội dung của pháp luật. Pháp luật nước ta phải là sản phẩm trí tuệ của nhân dân Việt Nam, được xây dựng trên nước Việt Nam và để cho người Việt Nam thực hiện.

Đảng ta cũng đã chỉ ra: việc nghiên cứu, tổng kết hơn 45 năm xây dựng Nhà nước và pháp luật, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm là rất cần thiết. Quan điểm cho rằng: pháp luật thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và pháp luật của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp cần phải thay đổi, huỷ bỏ, không vận dụng vào giai đoạn này được là một quan điểm sai lầm. Nhiều văn bản thời kỳ trước vẫn có ý nghĩa tham khảo, thậm chí có những văn bản còn là nền tảng tư tưởng cho văn bản pháp luật hiện nay như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959, các văn bản pháp luật lao động, pháp luật báo chí, luật hình sự, luật dân sự, luật hôn nhân - gia đình...

Cùng với việc nghiên cứu, tổng kết áp dụng pháp luật Việt Nam trong những năm qua, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và hiện nay vẫn có ý nghĩa quan trọng, ngay cả khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ thì vẫn có những điểm để chúng ta nghiên cứu, học tập, từ đó có thể rút ra được những bài học cho việc xây dựng Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu kinh nghiệm về pháp luật của các nước tư bản cũng cần được chú trọng. Theo Lê nin, Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ là Nhà nước giống như kiểu Nhà nước tư sản, nhưng do giai cấp công nhân lãnh đạo, như vậy pháp luật trong thời kỳ này cũng phải là pháp luật giống như pháp luật tư sản nhưng thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ quá độ cũng cần phải phù hợp với hạ tầng cơ sở là nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần ở nước ta. Hiện nay chúng ta hiểu về pháp luật tư sản còn ít, còn sơ sài, khi đã mở cửa làm ăn với các nước tư sản thì điều quan trọng và không thể thiếu được là phải hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về pháp luật tư sản.

Do phải sống quá lâu dưới chế độ phong kiến thực dân nên tư tưởng phong kiến, gia trưởng, đứng trên pháp luật, lợi dụng sơ hở của pháp luật để tư lợi đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người, trong đó có cả những người có chức quyền. Tư tưởng tìm mọi cách trốn tránh pháp luật, cục bộ địa phương, vô chính phủ, “phép vua thua lệ làng” cũng còn phổ biến, dẫn đến nhiều vi phạm pháp luật... Bởi vậy, việc nghiên cứu ý thức pháp luật cũng là vấn đề quan trọng và cần thiết, từ đó có những phương thức tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu, có lòng tin đối với pháp luật thời kỳ mới.

Xây dựng pháp luật và tăng cường pháp chế hiện nay phải có một hệ thống quan điểm pháp lý, một tư duy pháp lý mới. Nhận thức mới và tư duy pháp lý mới này sẽ giúp chúng ta xây dựng pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, giải quyết được những câu hỏi về lý luận đang đặt ra như: những vấn đề các loại hình sở hữu tồn tại và phát triển như thế nào; có đặt ra vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa nữa không; vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, nền kinh tế sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước được phát triển như thế nào... Ngay cả hình thức văn bản pháp luật cũng cần phải có quan điểm thống nhất, trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ta đã có điều kiện để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh chưa, hay chỉ nên xây dựng các văn bản dưới luật vừa nhanh, khi cần thiết dễ sửa, các văn bản loại này có thể thay thế luật được không...

3. Phương hướng xây dựng pháp luật trong những năm tới

Xuất phát từ những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ, về tác dụng và vai trò to lớn của pháp luật trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần phải đổi mới căn bản toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta, xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh phải đạt được 3 yêu cầu cơ bản:

+ Phải đủ các ngành luật quan trọng theo truyền thống và hiện đại;

+ Phần lớn các văn bản phải đạt được trình độ pháp điển hoá (Bộ luật, Luật);

+ Nội dung phải đạt được trình độ cao của tri thức pháp lý dân tộc và thời đại.

Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, hệ thống pháp luật được xây dựng theo 5 hướng sau:

3.1. Xây dựng pháp luật trong cơ chế quản lý nền kinh tế sản xuất hàng hoá với cơ cấu nhiều thành phần

Vấn đề cấp bách của nước ta hiện nay là phải nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển thật nhanh nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá, từ cách quản lý tập trung, quan liêu, mệnh lệnh sang quản lý theo chế độ hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chuyển từ việc dùng phương pháp mệnh lệnh hành chính sang phương pháp khuyến khích kinh tế (vật chất), lấy lợi ích cá nhân người lao động làm động lực trực tiếp.

Sự phát triển nhiều loại hình hoạt động kinh tế trong tất cả các thành phần kinh tế, tất yếu phải xây dựng một cơ chế pháp luật mới để một mặt, đảm bảo pháp lý khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; mặt khác, đảm bảo sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, đảm bảo sự bảo hộ, hướng dẫn và kiểm soát hữu hiệu của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Pháp luật trong lĩnh vực kinh tế không gò bó, thành kiến, hẹp hòi, mà động viên khuyến khích mọi sáng kiến, sáng tạo. Các cơ sở của chủ nghĩa xã hội không chỉ được hình thành trong các xí nghiệp quốc doanh, trong các hợp tác xã, mà còn được hình thành trong các công ty, trong doanh nghiệp tư nhân, trong xí nghiệp liên doanh... Pháp luật kinh tế phải thể hiện được tư tưởng, đường lối khuyến khích mọi thành phần kinh tế dưới sự quản lý của Nhà nước.

3.2. Pháp luật được xây dựng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, mà trước hết là cải cách lớn bộ máy Nhà nước

Hệ thống chính trị nước ta bao gồm Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cách mạng. Đảng ta từ khi thành lập cho đến nay luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Ngày nay trước yêu cầu mới của cách mạng đòi hỏi Đảng ta phải cải tiến sự lãnh đạo của mình, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, chỉnh đốn Đảng, nhưng tuyệt đối không được làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, mà trái lại phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nước ta. Hiến pháp, pháp luật nước ta đều khẳng định rõ ràng vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tổ chức bộ máy nhà nước ta trước yêu cầu đổi mới đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Muốn tiến hành cuộc cải cách lớn bộ máy nhà nước thì cần phải có những nhận thức mới, quan điểm mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trước hết, là tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thể hiện tập trung quyền lực của nhân dân, phải khắc phục tình trạng hoạt động hình thức và kém hiệu quả. Quốc hội phải gồm các đại biểu có năng lực, hoạt động thường xuyên. Quốc hội là một tổ chức hoạt động tập thể, không thể có “thủ trưởng” của Quốc hội (Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội) và cũng không thể có thường trực (Đoàn chủ tịch Quốc hội) thay mặt Quốc hội để giải quyết các công việc của Quốc hội, mà chỉ có Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội để điều hành các cuộc họp của Quốc hội, giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo hoạt động của các Uỷ ban của Quốc hội, làm công tác đối ngoại của Quốc hội...

Không tổ chức Hội đồng Nhà nước, mà có chức Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu hành pháp (gần giống như Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1959).

Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành cao nhất của quyền lực nhà nước. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo công tác của các Bộ trưởng. Hội đồng Chính phủ có họp bàn tập thể, nhưng quyền quyết định tối hậu là thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Ở các địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp không phải là cơ quan quyền lực nhà nước mà là cơ quan đại biểu nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên. Có chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, nhưng không có cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân như hiện nay.

Đổi Uỷ ban nhân dân thành Uỷ ban hành chính, Chủ tịch Uỷ ban hành chính do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Thủ tướng chính phủ lãnh đạo Uỷ ban hành chính các cấp; theo dõi và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đảm bảo tính công minh, chính xác khi điều tra, truy tố xét xử, không làm oan người vô tội; đảm bảo tính độc lập xét xử của thẩm phán; cần nghiên cứu thành lập Tòa án kinh tế, Tòa án hành chính. Chức năng chính của Viện kiểm sát là công tố, cần xem xét chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát có trùng lặp với chức năng của Thanh tra nhà nước không.

Pháp luật trong đổi mới hệ thống chính trị có vai trò quan trọng, Nhà nước ta đang tích cực sửa đổi cơ bản và toàn diện Hiến pháp 1980; sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng cùng với sửa đổi Hiến pháp như Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Tổ chức toà án.

Đổi mới bộ máy nhà nước phải theo các nguyên tắc :

- Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Quyền lực nhà nước thống nhất không phân chia, nhưng có phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng giữa 3 cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chính phủ và Tòa án cũng là những cơ quan quyền lực nhà nước. Ba cơ quan nhà nước này đều thực thi quyền lực nhà nước do Hiến pháp, các luật quy định.

Sự phân công giữa 3 quyền không phải đối lập nhau, mà phối hợp với nhau, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Thống nhất 3 quyền ở trung ương, nhưng có phân cấp, giao quyền cho các chính quyền địa phương trong một Nhà nước thống nhất, chứ không phân chia quyền lực như kiểu Nhà nước liên bang, không có Nhà nước trung ương và Nhà nước địa phương, không có quyền lực nhà nước trung ương và quyền lực nhà nước địa phương.

- Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp không phải là một hệ thống cơ quan quyền lực chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại biểu ở địa phương, không phải là cơ quan quyền lực ở địa phương, mà phải tuân thủ pháp luật và các quyết định của chính quyền cấp trên, là cơ quan có tính tự quản ở địa phương, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ.

- Chính phủ, Ủy ban hành chính các cấp là hệ thống cơ quan hành pháp chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, Chính phủ theo dõi và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Ủy ban hành chính tỉnh không phải là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, do Hội đồng nhân dân bầu ra.

Một quan điểm rất cơ bản cần được khẳng định: Nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị, là công cụ của chuyên chính giai cấp, được thể hiện ở tổ chức bộ máy nhà nước mà chủ yếu là ở cơ quan hành pháp. Nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta không chia ba quyền, quyền lực thuộc về nhân dân thể hiện tập trung ở Quốc hội, chuyên chính giai cấp vô sản thể hiện ở cả ba cơ quan nhà nước, nhưng thể hiện tập trung ở hành pháp nắm các lực lượng vũ trang, nắm tất cả các cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng nhất của đất nước.

3.3. Xây dựng pháp luật bảo đảm và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân

Đảng ta đã tổng kết bài học “lấy dân làm gốc” và đề ra phát huy dân chủ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa có mục đích rõ ràng, cụ thể, được thể hiện trước hết ở các quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân, các quyền con người được quy định trong Hiến pháp, và các luật. Trong lĩnh vực kinh tế công dân phải có các quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền nhượng tài sản, quyền lao động. Dân chủ trong chính trị, công dân phải có các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia vào quản lý nhà nước, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do biểu tình... Trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hoá, giáo dục, y tế, bảo hiểm... công dân phải có các quyền cơ bản như học tập, nghiên cứu khoa học, phát minh sáng chế, sáng tác, bảo vệ sức khoẻ... Công dân cần có các quyền rất quan trọng như tự do đi lại, kể cả đi ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về tổ quốc, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng... Đặc biệt là công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự.

3.4. Pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, trấn áp, thực hiện chuyên chính của nhà nước

Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng cần phải sửa đổi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, chính trị thời kỳ này. Ta đã ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Tổ chức điều tra án hình sự, sắp ban hành Pháp lệnh Xét, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân...

Thời gian tới, yêu cầu đòi hỏi cần ban hành Bộ luật Hành chính, đây là bộ luật quan trọng để quản lý hành chính nhà nước nhất là trong tình hình hiện đang rất lộn xộn trong xã hội ta.

Cần thiết phải nghiên cứu thành lập Tòa án hành chính, để tách tài phán hành chính ra khỏi quản lý hành chính thì việc xét xử vi phạm hành chính mới có kết quả và đúng với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cần sớm thành lập Tòa án kinh tế hoặc Tòa án thương mại thay cho trọng tài kinh tế nhà nước, cũng là tách cơ quan tài phán kinh tế ra khỏi cơ quan quản lý kinh tế để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

3.5. Pháp luật có liên quan đến lĩnh vực các quan hệ quốc tế

Nhà nước ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Pháp luật Điều tra hình sự, Pháp lệnh Hải quan, và sắp ban hành Pháp lệnh Khu chế xuất, Pháp lệnh về Quy chế người nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh Công nhận và thi hành án dân sự và quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Các lĩnh vực về công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế là rất phức tạp khi xuất hiện những điều ước quốc tế mới, xuất hiện những xung đột pháp luật, đòi hỏi phải được nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với pháp luật nước ta.

Các luật, pháp lệnh trong lĩnh vực này ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải qua thực tiễn đúc rút kinh nghiệm để sửa đổi, bổ sung, ban hành những luật mới đáp ứng những yêu cầu mới trong giao lưu quốc tế về nhiều lĩnh vực giữa nước ta với thế giới.

III. VỀ CƠ CHẾ LÀM LUẬT

1. Quan niệm

1.1. Quá trình làm luật

Quá trình làm luật là một quá trình vận hành tổng thể một bộ máy tham gia vào việc làm luật. Đó là sự lãnh đạo của Đảng, công việc soạn thảo và ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, sự tham gia vào các công đoạn soạn thảo của các đoàn thể nhân dân, tổ chức hỏi ý kiến nhân dân hoặc trưng cầu dân ý. Như vậy, quá trình làm luật là một bộ phận của quá trình quản lý Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở thực hiện nền dân chủ.

Quá trình làm luật là một quá trình phân tích các quan hệ xã hội và nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với những quan hệ đó, những quan hệ mới phát sinh, những quy định của pháp luật đã lỗi thời. Nó là một bộ phận của khoa học pháp lý. Với những đặc điểm và tính phức tạp đó, phải xây dựng một cơ chế làm luật, bảo đảm một quá trình khoa học , hợp lý .

1.2. Những công đoạn của quá trình làm luật

Quá trình làm luật qua 10 công đoạn sau:

1.Sáng kiến lập pháp;

2.Lập chương trình xây dựng pháp luật;

3.Phân công các cơ quan soạn thảo;

4.Xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền;

5.Thực hiện soạn thảo (kỹ thuật lập pháp);

6.Sự trao đổi và tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan;

7.Trình dự thảo luật;

8.Hỏi ý kiến nhân dân (trưng cầu dân ý);

9.Các cơ quan có thẩm quyền thông qua;

10.  Công bố.

Quá trình gồm 10 bước trên không nhất thiết làm xong bước này mới được làm tiếp bước khác, mà có thể được thực hiện xen kẽ, miễn là đảm bảo đầy đủ các hoạt động cần thiết của quá trình làm luật.

1.3. Về các cơ quan tham gia vào quá trình làm luật

Theo Điều 86 Hiến pháp 1980 và thực tiễn lập pháp ở nước ta, những cá nhân, tổ chức, cơ quan tham gia vào quá trình làm luật gồm:

- Đại biểu Quốc hội;

- Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ);

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Các đoàn thể như: Công đoàn, Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...

- Các cơ quan của Quốc hội (các Ủy ban, các hội đồng);

- Quốc hội và Hội đồng nhà nước.

1.4. Cơ chế làm luật

Cơ chế làm luật thể hiện tập trung trên ba vấn đề chủ yếu, có liên quan mật thiết với nhau như sau:

Một là về tổ chức, gồm những người, tổ chức tham gia vào quá trình làm luật.

Hai là về quy chế, thẩm quyền, sự phân công, cách phối hợp trong quá trình làm luật và trình tự làm luật .

Ba là cách làm luật, các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến quy tắc làm luật, liên quan đến công việc soạn thảo của cơ quan có trách nhiệm.

2. Sáng kiến lập pháp

Ở nước ta, vấn đề sáng kiến lập pháp đặt ra không rõ ràng, Điều 86 Hiến pháp 1980 ghi rất nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân đại biểu Quốc hội đều có quyền trình dự án luật trong khi trên thực tế, việc đại biểu Quốc hội tự soạn thảo một đạo luật là không có. Đề tài đề nghị tách vấn đề sáng kiến lập pháp với vấn đề soạn thảo, tách vấn đề soạn thảo với quyền trình dự án luật trước Quốc hội. Sáng kiến lập pháp là quyền đề nghị với Quốc hội nên xây dựng và ban hành một đạo luật nào . Sáng kiến lập pháp có thể bao gồm những tổ chức, cơ quan cá nhân đã ghi trong Điều 86 Hiến pháp 1980 và có thể mở rộng thêm. Các cơ quan chính quyền địa phương, các công dân cũng có thể có sáng kiến lập pháp, đề nghị đến Quốc hội cần ban hành một đạo luật. Quốc hội nhận được sáng kiến đó cũng phải thảo luận chấp nhận hay không chấp nhận như những đề nghị của các cơ quan đã quy định trong Điều 86 Hiến pháp 1980.

3. Soạn thảo pháp luật

Thời kỳ này, việc soạn thảo pháp luật tập trung vào các cơ quan, tổ chức sau:

- Các Bộ: chiếm đại bộ phận trong việc soạn thảo các bộ luật, đạo luật, pháp lệnh.

- Các đoàn thể nhân dân (Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ): soạn thảo một số luật, pháp lệnh.

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng nhà nước.

Theo Đề tài, sự phân công này là không hợp lý bởi:

- Các cơ quan, tổ chức soạn thảo thường có khuynh hướng đưa ra những quy định có lợi cho mình, ít khi quan tâm đến quyền lợi chung, lợi ích chung của toàn xã hội, toàn thể bộ máy.

- Người tổ chức thi hành pháp luật (là các Bộ, Uỷ ban nhân dân) khi soạn thảo thường đưa ra những quy định quá cao hoặc quá thấp, những quy định này không thực hiện được hoặc không phù hợp thực tiễn.

Trên cơ sở các ý kiến nhằm khắc phục những bất hợp lý về quyền soạn thảo pháp luật, đề tài đề nghị việc soạn thảo pháp luật sẽ theo cơ chế sau: mỗi đạo luật đều thành lập một ban dự thảo gồm Bộ chủ quản, các chuyên gia về lĩnh vực đó (nhà kinh tế, luật gia, nhà tâm lý, xã hội...), đại diện các đoàn thể, Toà án, Viện kiểm sát (nếu cần có) và đại diện Văn phòng Quốc hội. Ban dự thảo sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng.

4. Hệ thống lập pháp, lập quy - Thẩm quyền lập pháp, lập quy

Hệ thống lập pháp ở nước ta gồm: Hiến pháp (ở địa vị tối cao); Bộ luật và các đạo luật; Pháp lệnh (trước đây là Sắc lệnh hoặc Sắc luật); Nghị quyết; Nghị định; Thông tư; Chỉ thị; Quyết định.

4.1. Hiến pháp, do biến động của kinh tế, xã hội, Hiến pháp không được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời nên Hiến pháp trở thành hình thức, chưa ở địa vị tối cao trong hệ thống lập pháp. Một số luật có quy định không phù hợp Hiến pháp nhưng lại thực thi trong cuộc sống. Vấn đề bảo vệ Hiến pháp chưa được đặt ra. Nếu muốn thực hiện nguyên tắc Hiến pháp: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, trước hết phải thực hiện nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống lập pháp, lập quy.

4.2. Bộ luật và các đạo luật được ban hành trong nhiều lĩnh vực, có giá trị pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp. Trong thời gian gần đây, Nhà nước ta đã chú ý ban hành trong nhiều lĩnh vực các bộ luật và đạo luật quan trọng, có tác dụng lớn trong cả đối nội và đối ngoại.

4.3. Pháp lệnh, số lượng các pháp lệnh ban hành trong những năm 1989, 1990 cao hơn nhiều so với việc ban hành các bộ luật, đạo luật. Trên thực tế nó không khác gì một đạo luật. Đây là một thực tế bất hợp lý, cần khắc phục. Theo đề tài, pháp lệnh phải được xem là một văn bản dưới luật và chỉ nên ban hành trong một số lĩnh vực nhất định như là để giải thích Hiến pháp và luật.

4.4. Nghị định là văn bản do Chính phủ ban hành để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Thực tế ở nước ta, nghị định không chỉ đóng vai trò quy định chi tiết. Một số trường hợp, nghị định vượt ra ngoài khuôn khổ đó và đưa ra những quy định mới. Một số nhận xét cho rằng như vậy nghị định đã vượt quá tầm, như là một đạo luật hoặc pháp lệnh. Ngược lại, cũng có những nhận xét cho rằng đó là hợp lý trong điều kiện còn nhiều biến động, các quan hệ xã hội chưa ổn định, không thể sớm đưa thành luật mà chỉ nên ban hành bằng nghị định.

Đề tài đã phác thảo sơ bộ tiêu chuẩn để lựa chọn hình thức văn bản ban hành là đạo luật hay nghị định như sau:

a. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Nó có thể bao quát phạm vi toàn xã hội, đụng chạm đến các quyền và nghĩa vụ của công dân hoặc chỉ điều chỉnh trong phạm vi các cơ quan nhà nước, trong một ngành, một lĩnh vực, một địa phương, một nghề nghiệp, một giới.

b. Thẩm quyền Hiến định cho Quốc hội và Chính phủ. Hiến pháp nước ta đã có một số quy định về thẩm quyền của Quốc hội ban hành các đạo luật như quy định tổ chức Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Toà án, Viện kiểm sát, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, quy định về thuế.

Đề tài kiến nghị nên tổng kết ghi thẳng vào Hiến pháp những trường hợp nào, lĩnh vực nào phải ban hành bằng một đạo luật. Nếu không thể ghi hết vào Hiến pháp thì nên có một đạo luật về thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy. Theo đề tài những lĩnh vực, những trường hợp sau đây cần được quy định thành luật:

- Quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân, đặc biệt khi quy định thêm nghĩa vụ.

- Quy định về tổ chức cơ quan nhà nước (nên phân biệt với tổ chức công sở).

- Thuế và sửa đổi thuế.

- Những lĩnh vực theo thông lệ quốc tế đều do Quốc hội quy định (Luật đầu tư nước ngoài, Luật hàng hải, Luật thương mại, Luật dân sự, Luật tố tụng, Luật lao động...).

Những trường hợp khó phân biệt với Nghị định thì nên đưa ra một cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội (như Uỷ ban pháp luật của Quốc hội) đánh giá và kết luận.

c. Độ chín muồi của các quan hệ xã hội khi Chính phủ ban hành một nghị định mang tính chất luật, cân nhắc thấy rằng chưa thể ban hành một đạo luật bởi: vấn đề còn mới mẻ chưa có kinh nghiệm, các quan hệ xã hội mới xuất hiện cần làm thử một thời gian. Quy phạm luật chỉ nên điều chỉnh các quan hệ xã hội tương đối ổn định.

4.5. Thông tư, Chỉ thị, Quyết định nằm trong hệ thống lập quy thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính: Hội đồng Bộ trưởng, Bộ, Uỷ ban nhân dân.

Quy định của Hiến pháp về các loại văn bản này còn sơ sài. Chưa có một văn bản luật nào giải thích về vị trí, nội dung, trình tự và thủ tục ban hành các văn bản này. Do đó hoạt động lập quy khá lộn xộn, nhiều văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã trái ngược với pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương, sai thẩm quyền ban hành, nội dung không được nhân dân đồng tình, sai về hình thức văn bản ban hành (Ủy ban nhân dân ra Sắc lệnh hoặc Lệnh).

4.6. Các điều ước quốc tế, hiệp định mà Việt Nam có ký kết hoặc tham gia

Chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế, ký kết nhiều hiệp định với các nước, hoặc với một nước hoặc một số nước. Những điều khoản của những công ước, hiệp định đó ký có thể phù hợp với Hiến pháp, luật nước ta, hoặc có thể không phù hợp. Vì vậy, khi ký kết các điều ước quốc tế hoặc hiệp định phải phù hợp với Hiến pháp và Luật, không được ký nếu có những điều khoản trái với Hiến pháp và Luật. Hoặc phải sửa lại các điều khoản của Hiến pháp và luật cho phù hợp.

Ở một số nước, nguyên tắc hệ thống đặt trong một trật tự sau: (i) Hiến pháp: vị trí tối thượng; (ii) Các điều ước quốc tế: vị trí thứ hai; (iii) Các đạo luật: vị trí thứ ba..

Ở nước ta, chưa có sự sắp xếp hệ thống, việc ký kết các điều ước quốc tế và các hiệp định và thi hành các điều ước quốc tế  chỉ mang tính chất đối ngọai.

Kết luận: đã đến lúc phải đưa ra những ý niệm rõ rệt về hệ thống lập pháp, lập quy, thẩm quyền lập pháp, lập quy nhằm xây dựng một trật tự lập pháp, bảo đảm tính hệ thống, tính thống nhất, khắc phục tình trạng phân tán, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống lập pháp, lập quy. Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu tiếp một bước về hệ thống lập pháp, lập quy của ta trong điều kiện hợp tác quốc tế hiện nay.

 

Nội dung toàn văn

Bộ Tư pháp

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

..........

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết quả nghiên cứu đề tài:

Những vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ

 

 

 

 

 

 

Mã số: 96 - 98 - 010

 

 

Năm 1990

 

Nhóm đề tài:

..............

 

1- Nguyễn Niên: Phó tiến sĩ luật học, giáo sư cấp I, chuyên viên phòng Hội đồng Bộ trưởng - Chủ nhiệm đề tài.

2- Nguyễn Vĩnh Oanh: Phó tiến sĩ, Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương - phó Chủ nhiệm.

3- Nguyễn Văn Thảo: Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp.

4- Nguyễn Đình Lộc: Phó tiến sĩ luật học, Phó Chủ nhiệm uỷ ban xây dựng pháp luật của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

5- Hoàn Văn Hảo: Phó tiến sĩ luật học, Trưởng khoa Quản lý Nhà nước - Học Viện Nguyễn ái Quốc.

6- Phan Hữu Chi: Vụ trưởng Vụ xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp.

7- Nguyễn Văn Luật: Phó tiến sĩ luật học, chuyên viên Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.

8- Nguyễn Cửu Việt: Phó tiến sĩ luật học, khoa luật trường Đại học Tổng hợp.

 

Thư ký đề tài: - Nguyễn Hoàn Oanh chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

- Lê Khắc Hải, chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

 

Bộ tư pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

=*= Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc

Số: 03-QATD --------------o0o---------------

 

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 1991

 

Bộ trưởng Bộ tư pháp

 

- Căn cứ Nghị định số 143-HĐBT ngày 22 .11.1981 của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 42-HĐBT ngày 17.3.1988 của Hội đồng Bộ trưởng qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ tư pháp.

- Căn cứ quyết định số 282 ngày 20 .6 .1980 của chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học - kỹ thuật.

Căn cứ và kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1990 của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

Quyết định

Điều 1: Thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

Điều 2: Các đồng chí có tên trong danh sách kèm theo là thành viên của các Hội đồng đánh giá, nghiệm thu chính thức 8 đề tài nghiên cứu khoa học năm 1990.

 

Điều 3: Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài có trách nhiệmtiến hành công việc theo các thủ tục đã được uỷ ban khoa học nhà nước quy định.

Điều 4: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

K/T bộ trưởng bộ tư pháp

Thứ trưởng thứ nhất

 

 

Trần Đông

Danh sách hội đồnh đánh gía và nghiệm thu

 

Đề tài: "Những vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ". Mã số : 86 – 90 – 010.

(Kèm theo Quyết định số 03/QĐTP ngày 24.1.1991).

..................................

 

1. Đồng chí Trần Đông, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng.

2. Đồng chí Nguyễn đức Tuấn, Phó tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Phó Chủ tịch Hội đồng.

3. Đồng chí Nguyễn văn Yên, Vụ trưởng – Bộ Tư pháp – Uỷ viên.

4. Đồng chí Đinh trung Tụng, Phó tiến sĩ, Phó vụ trưởng, Bộ Tư pháp – Uỷ viên phản biện.

5. Đồng chí Trần ngọc Đường, Phó tiến sĩ Khoa Nhà nước và pháp luật Học viện Nguyễn ái Quốc – Uỷ viên.

6. Đồng chí Nguyễn thái Cẩm, Cố vấn cao cấp Văn phòng HĐBT – Uỷ viên phản biện.

7. Ban Nội chính Trung ương - cơ quan phản biện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời nói đầu

 

 

Đề tài: "Những vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ".

 

 

Đăng ký trước Uỷ ban khoa học nhà nước nhằm góp phần xây dựng những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành của ta, đưa ra những quan điểm cơ bản về việc xay dựng phương hướng lập pháp trong điều kiện mới và kiến nghị một số cơ chế làm luật hợp lý.

Theo kế hoạch đề tài được nghiệm thu vào năm 1990 nhưng vì có sự thay đổi công tác trong nhóm dề tài nên nghiệm thu chậm.

Bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và tính thời sự của đề tài, nghiệm thu vào tháng 4 năm 1991, nhóm đề tài sẽ lần lượt phúc trình các kết quả nghiên cứu trong năm 1989, 1990 và trình bầy thêm những vấn đề mới xuất phát từ những quan điểm của dự thảo Cương lĩnh và chiến lược đang được toàn dân thảo luận và xuất phát từ những quan điểm sửa đổi Hiến pháp trong điêù kiện xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đi lên CNXH, xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN ở nước ta trong điều kiện thời đại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục lục

 

Phần tổng thuật:

Những nhận xét và đánh giá thực trạng xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay.

Phướng hướng xây dựng pháp luật trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.

Phần báo cáo chuyên đề:

"Thực trạng pháp chế và một vài kiến nghị" – Nguễn vĩnh Oánh, Vụ trưởng – Ban Nội chính TW.

"Một vài suy nghĩ về phương hướng xây dựng hệ thống pháp luật phục vụ sự nghiệp đổi mới hiện nay". Nguyễn đình Lộc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

"Một vài suy nghĩ về yêu cầu cơ bản của hệ thống pháp luật trong thời kỳ quá độ ở nước ta". Hoàng văn Hảo – Học viện Nguyễn ái Quốc.

"Mấy vấn đề về phương hưỡngây dựng pháp luật từ nay đến năm 2000". Phan hữu Chi – Vụ trưởng - Bộ Tư pháp.

"Pháp luật phục vụ đổi mới". Nguyễn cửu Việt, Khoa luật - Trường Đại học Tổng hợp.

Phần trình bày lịch sử pháp luật Việt nam từ năm 1945 đến nay, và báo cáo các hội thảo, kết quả điều tra, hỏi ý kiến các cơ quan trung ương và địa phương.

Lịch sử pháp luật Việt nam từ năm 1945 đến nay. Nguyễn hoàng Oanh, Chuyên viên Viện NCKHPL Bộ Tư pháp.

Báo cáo Hội thảo.

Kết quả điều tra hỏi ý kiến các cơ quan Trung ương và Địa phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần I

Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài: "những vấn đề lý luận về xây dựng và thực hiện pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ"

----:----

 

Phần I

những nhận xét và đánh giá thực trạng pháp luật nước ta hiện nay

-------------

 

Trong hơn 45 năm tồn tại, Nhà nước cách mạng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để quản lý đất nước trong các giai đoạn của đất nước. Từ Đại hội Đảng lần tứ VI, cùng cuộc đổi mới được tiến hành, pháp luật được xác định vai trò, vị trí mớicủa nó trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, nên pháp luật có nhưng bước phát triển mới, đạc biệt trong 2 năm gần đây. Ngày nay, nói đến pháp luật, ỳ các cấp lãnh đạo đến mọi người dân ai cũng thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của nó , ai cũng mong muốn và đòi hỏi đất nước phải nhanh chóng có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đưa đất nược vào kỷ cương , trật tự pháp luật , đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân, giữ cho đất nước ổn định và phát triển về mọi mặt. chính do sự quan tâm đến pháp luật , nên có những ý kiến nhận xét , đánh giá pháp luật khác nhau, đặc biệt trong những người lãnh đạo và trong giới nghiên cứu pháp lý lại càng có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.Vì vậy việc đánh giá thực trạng pháp luật vừa có ý nghĩa lý luận , vừa có ý nghĩa thực tiễn to lớn . Việc đánh giá thực trạng pháp luật đúng đắn sẽ rất có ích cho việc định hướng , định chiến lược cho việc xây dựng pháp luật nước ta trong những năm tới phù hợp với chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nước ta .

 

I.- Một số quan điểm đánh giá thực trạng pháp luật nước ta.

Có những ý kiến đánh giá thực trạng pháp luật nước ta khác nhau,thậm chí trái ngược nhau là do nhiều lẽ , nhưng chủ yếu là chưa có những quan điểm chung( thống nhất) để đánh giá.

 

1. Phải có quan điểm lịch sử khi đánh giá thực trạng pháp luật nước ta.Nước ta đang trong giai đoạn đổi mới sâu sắc, toàn diện, đó là đòi hỏi khách quan, cấp bách có ý nghĩa sống còn. Các lý luận về chủ nghĩa xã hội, mô hình xây dựng CNXH, về thời kỳ quá độ, về xây dựng nền kinh tế XHCN... mà từ trước tới nay ta coi là kinh điển, là lý luận tuyệt đối đúng, là công thức về CNXH mà phải nhất nhất tuân theo không được tranh cãi thì ngày nay với tư duy lý luận mới cần phải được nghiên cứu, xem xét lại để vận dụng cho phù hợp với thời đại, với điều kiện nước ta, đó là biện chứng của sự phát triển. Về thời kỳ quá độ lên CNXH, trước đây ta khẳng định rằng có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên CNXH thì ngày nay ta phải xác định đó là một thời kỳ lâu dài, phức tạp, phải trải qua hàng loạt bước quá độ, bước trung gian, không thể là bước quá độ trực tiếp tiến thẳng lên CNXH được.Về xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ cũng phải có những nhận thức mới như cải tạo và sử dụng các thành phần kinh tế trong thới kỳ quá độ là lâu dài; cải tạo XHCN nhưng một thời gian dài vẫn giữ các hình thức sở hữu khác nhau; hiểu và vận dụng tư tưởng hợp tác. Trong lĩnh vực kinh tế, quản lý kinh tế cần phải có những quan điểm, lý luận, nhận thứcmới về nền kinh tế hàng hoá dưới CNXH, nền kinh tế thị trường có điều tiết, vấn đề cạnh tranh dưới CNXH, vấn đề kế hoạch hoá tập trung và quyền tự chủ của cơ sở, vấn đề 3 lợi ích, mà trước hết là lợi ích của người lao động, vấn đề hàng hoá sức lao động, vấn đề chất sám...

Loại bỏ những quan điểm, nhận thức cũ kỹ, sách vở, giáo điều, duy ý chí và với việc đổi mới tư duy sẽ có những nhạnn thức mới, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới trên mọi mặt đới sông xã hội, trên cơ sở đó Nhà nước ta đã và đang khẩn trương thể chế hoá thành pháp luật để đưa vào cuộc sống.

Có được những nhận thức mới nói trên, Đảng và Nhà nước ta phải trải qua một quá trình tương đối lâu dài, đã phải trả giá, có cả những giá quá đắt, cho những bài học, kinh nghiệm của quá khứ.Chủ nghĩa xã hội đã có những mô hình và đã được thực hiện trong một thời gian tương đối lâu dài và đã mang lại những thành quả không thể phủ nhận nói lên lối sống, sức hấp dẫn, tính ưu việt của CNXH. Nhưng cái ưu điểm nếu giữ quá lâu sẽ trở thành khuyết điểm, về sự vật luôn vận động và phát triển. ở nước ta từ cách mạng tháng tám đến nay, Nhà nước cách mạng non trẻ đã được xây dựng, củng cố và pháy triển thành một Nhà nước có sức mạnh vô cùng to lớn bảo vệ vững chắc tổ quốc đánh baị các loại kẻ thù hùng mạnh và hung hãn nhất của mọi thời đại, để xây dựng CNXH trên đất nước ta và đã đạt được những thành tựu nhất định. Pháp luật cách mạng ta cũng hình thành và phát triển cùng với Nhà nước, pháp luật đã có vai trò quan trọng, là công cụ quản lý của Nhà nước cách mạng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta phát hiện những sai lầm, thiếu sót và đề ra đường lối, chính sách đổi mới thì tất nhiên pháp luật cũng phải đổi mới cho phù hợp, Nhà nước nào pháp luật ấy; chính sách nào pháp luật ấy. Không thể phủ nhận được vai trò của Nhà nước cách mạng hơn 40 năm qua, thì cũng không thể phủ nhận được vai trò của pháp luật. Chúng ta không hài lòng với sự quản lý kếm lực của Nhà nứơc, với sự non yếu của pháp luật của nước ta hiện nay trong công cuộc đổi mới, nhưng không vì thế mà phủ định vai trò và tác dụng to lớn của pháp luật nước ta cũng như hiện nay.

2. Đánh giá pháp luật nước ta phải rất coi trọng những tiến bộ của pháp luật trong vái năm gần đây.Pháp luật nước ta có vai trò rất quan trọng trong các thời kỳ, các giai đoạn cách mạng, nhưng vai trò của pháp luạt càng được thể hiện rõ ràng trong vài năm gần đây phục vụ cho đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Xét về mặt số lượng thì chỉ hai năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều pháp lệnh bàng vài chục năm trước đây; Còn nếu xét về nội dung thì pháp luật đã thể chế hoá kịp thời, đúng đắn, sáng tạo đường lối của Đảng. Pháp luật trong thời gian vừa qua đã chú trọng lĩnh vực kinh tế, huy động mọi năng lực sản xuất các thành phần kinh tế, mở cửa cho nước ngaói đầu tư vào nước ta, một cơ chế quản lý kinh tế mới bằng pháp luật đã hình thành trên đất nước ta.

Dân chủ thực sự trong mọi mặt đời sống xã hội là bản chất đích thực của CNXH để giải phóng con người, đồng thời gắn liền đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước để thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân là những nội dung chủ yếu của công cuộc đổi mới cũng dã được pháp luật hoá. Các văn bản luật và Pháp lệnh đã được ban hành trong lĩnh vực này đã làm cho công cuộc đổi mới được định hướng vững chắc, không thể chệch hướng hay đảo ngược.Những bài học xương máu của các nước XNCH Đông âu trong lĩnh vực mở rộng đân chủ,cải tổ hệ thống chính trị dẫn tới một chế độ XHCN đã cho ta càng thấy rõ sâu sắc vai trò của pháp luật nước ta trong lĩnh vực này thời gian qua.

Những tiến bộ pháp luật trong vài năm qua đã nâng cao một bước ý thức pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tô chức xã hội, trong cán bộ và nhân dân ta. Trong các kỳ họp Quốc hội, các đai biểu Quốc hội đã cố gắng giành nhiều thời gian để thảo luận, thông qua các Luậ; các phiên họp của HĐND, của HĐBT cũng giành nhiều thời gian để thảo luận thông qua Luật và Pháp lệnh. Cơ chế xây dựng pháp luật cũng đã ngày càng được đúc rút kinh nghiệm vừa nhanh, vừa có hiệu quả. Việc công bố các dự án Luật, Pháp lệnh trên các phương tện thông tin đại chúng, việc thảo luận đóng góp ý kiến của nhân dân thực sự đã nâng cao thêm một bước ý thức pháp luật của nhân dân và góp phần nâng cao chất lượng của văn bản và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

3. Nhận xét và đánh giá vai trò pháp luật nước ta phải có quan điểm thực tiễn. Pháp luật thuộc lĩnh vực ý chí là bộ phận của thượng tầng kiến trúc, nó phải dựa trên hạ tầng cơ sở, dựa trên tồn tại xã hội. Tồn tại xã hội ta trong hơn 40 năm qua là nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, tiểu nông phân tán, năng suất lao động rất thấp, xã hội ta còn mang nặng tàn tích phong kiến trên mọi lĩnh vực, nhiều phong tục tập quán lạc hậu; ý thức, tư tưởng phong kiền còn nặng nề trong nhan dân ta và trong cả các cấp lãnh đạo; các cuộc chiến tranh liên tiếp, kéo dài và ác liệt đã làm đảo lộn tất cả sự ổn định của đời sống xã hội; cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt diễn ra trên mọi lĩnh vực. Mặt khác, nước ta là thành viên của cộng đồng XHCN cũng không thể thoát ra khởi cái chung về thành công và thất bại của cộng đồng, ấy là chưa nói đến những ảnh hưởng của các nước XHCN lớn đối với nước ta.

Nhữnh yếu tố nói trên cũng phải được tính đến khi đánh giá pháp luật nước ta, vì đó là cơ sở thực tiễn cho sự đánh giá, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý và thực tiễn là khách quan, có khách quan thì mới khoa học.

Chỉ có dựa trên thực tiễn, thì mới loại bỏ được cách đánh giá chủ quan nêu hình và tư liệu.

Ngoài các thực tiễn khách quan, còn có một thực tiễn chủ quan của giai cấp cầm quyền ở nước ta. Pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền, mà giai cấp cầm quyền trong Nhà nước ta lại chưa có kinh nghiệmquản lý Nhà nước, chưa được huấn luyện, thiếu kiến thức pháp luật cũng là yếu tố rất quan trọng trong khi đánh giá pháp luật nước ta.Cũng cần nói thêm rằng,đội quân pháp lý chuyên nghiệp có vai trò rất quan trọng giúp việc xây dựng và thực thi pháp luật một thời gian dài cũng không được đào tạo và là một binh chủng rất yếu treen mặt trận pháp lý.

Với quan điểm thực tiễn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật thì không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của pháp luật nước ta trong hơn 40 năm qua, còn mặt yếu kém, khuyết tật của hệ thống pháp luật nước ta cũng là tất yếu khách quan.

4. Đánh giá pháp luật nước ta phải có tư duy pháp lý mới, tầm nhìn chiến lược pháp luật.

 

Nếu xét theo quan điểm lịch sử, quan điểm thực tiễn thì có thể nói pháp luật của ta ít thiếu sót, khuyết tật, nhưng muốn tiến lên, muốn đổi mới npháp luật, muốn nâng tầm pháp luật phục vụ sự nghiệp đổi mới thì phải đánh giá phán luật trên cơ sở tư duy pháp lý mới, tầm nhìn chiến lược pháp luật. Có thể khái quát như sau:

- Có những lý luận và nhận thức về pháp luật và đã thể hiện thành quy phạm pháp luật trước đây là đúng, hiện nay vẫn đúng, nhưng phải được phát triển, bổ sung và vận dụng cho phù hợp với hiện tại. Hiện nay có một quan điểm cực đoan cho rằng đã đổi mới pháp luật thì tất cả những cái cũ đều là sai, đều phải xoá bỏ và thay thế, tức là phủ định sạch trơn. Đó là quan điểm sai lầm. Kế thừa và phát triển, biện chứng của sự phát triển, trong lĩnh vực pháp luật càng phải có kế thừa và phát triển, kể cả kế thứa và phát triển pháp luật của các kiểu pháp luật khác nhau. Pháp luật cách mạng nước ta đã trải qua các thời kỳ và giai đoạn cách mạng khác nhau nhưng có cùng chung một bản chất, một giai cấp cầm quyền, dù ngày nay có đổi mới nhưng không thay đổi bản chất của pháp luật, mà chỉ nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết tật của pháp luật trước đây, mang lại giá trị đích thực của pháp luật XHCN. Một thí dụ điển hình là ở nước ta có 3 hiến pháp đã kế thừa và phát triển không ngừng, chứ không phải là phủ định nhau. Hiện nay trong đổi mới pháp luật, việc rất quan trọng là sửa đổi Hiến pháp 1980, sửa đổi cơ bản và toàn diện nhưng vẫn kế thừa và phát triển để cho hiến pháp phù hợp với đường lối đổi mới hiện nay. Ta có thể kể ra rất nhiều thí dụ tương tự trong các ngành pháp luật khác nhau.

- Có những quy phạm pháp luật trước đây là đúng nhưng với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi. Pháp luật có tính ổn định, nhưng pháp luật cũng có tính năng động, pháp luật công thức hoá các quan hệ xã hội, mà các quan hệ xã hội vốn luôn thay đổi, nhất là trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta thì các quan hệ xã hội lại càng thay đổi nhanh chóng, cho nên pháp luật cũng phải thay đổi cho phù hợp. Đặc biệt trong lĩng vực kinh tế, trước đây phục vụ cho kháng chiến nên phải tập trung cao độ, thực hiện chế độ bao cấp, phân phối bình quân, sản xuất để trợ cấp, tự túc không cần hạch toán kinh doanh, nhưng ngày nay chuyển sang nền sản xuất hàng hoá thì mọi quy phạm pháp luật phải được thay đổi nhanh chóng và kịp thời cho phù hợp với những quan hệ kinh tế mới, bảo thủ trần trứ là rất có hại. Trước đây , việc thực hiện nền dân chủ XHCN chủ yếu trong lĩnh vực chính trị và trong hoàn cảnh chiến tranh chưa có điều kiện mở rộng bằng nhiều hình thức, nhưng ngày nay đòi hỏi phải mở rộng dân chủ toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, văn học, nghệ thuật.

- Có những quan điểm pháp lý, quy phạm pháp luật trước đây cho là sai và đến nay lại càng sai và rất có hại phải nhanh chóng xoá bỏ. Chẳng hạn, pháp luật trước đây không coi các chủ thể trong các thành phần kinh tế là bình đẳng trước pháp luật khi tham gia các quan hệ sản xuất, kinh doanh; chỉ chú ý đến quốc doanh, miệt thị, coi thường, thành kiến với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; người lao động trong quốc doanh bao giờ cũng được đánh giá cao hơn người lao động trong các thanhf phần kinh tế tập thể, còn người lao động làm ăn cá thể được coi là kém cỏi, lạc hậulà chống lại đường lối tiến lên XHCN; sản xuất với bất cứ giá nào, không cần tính toán lỗ lãi... Ngày nay những quan điểm pháp lý sai lầm như thế không phải đã hết, chỉ có điều là nó liên tưởng, nó không chỉ không phù hợp mà rất có hại cho công cuộc đổi mới.

- Có những quan điểm pháp lý trước đây ta cho là sai thì ngày nay trong điều kiện mới lại là đúng. Trước đây khi nói đến kinh tế hàng hoá, sử dụng các đòn bẩy kinh tế, khuyến khích vật chất đối với người lao động thì bị phê phán là xa rời bản chất CNXH, đi theo con đường TBCN; hay trong nông nghiệp đã phê phán quyết liệt kiểu khoán hộ. Dân chủ là bản chất CNXH, trước đây dân chủ xhưa được mở rộng, dân chủ hình thức, có rất nhiều hiện tượng vi phạm dân chủ, nen đã có kiến nghi về thực hiện và mở rộng dân chủ, có ý kiến phê bình sai lầm của lãnh đạo, phê phán công khai cán bộ các cấp thoái hoá, biến chất....thì bị phê phán. Ngày nay, những quan điểm như trên là rất đúng, phù hợp với công cuộc đổi mới , thúc đấy xã hội ta phát triển.

II.- Về thực trạng pháp luật nước ta.

Hơn 40 năm xây dựng và phát triển Nhà nước cách mạng, mặc dầu phải tập trung sức vào nhiều những nhiệm vụ to lớn của cách mạng, nhưng Nhà nước ta đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật đáp ứng được các nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Ngay sau cách mạng tháng tám thành công, Nhà nước non trẻ dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xây dựng được bản hiến pháp dân chủ tiến bộ nhất trong vùng Đông Nam á và đã ban hành hàng loạt các sác lệnh "chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm" mang lại các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, giữ vững nền độc lập của đất nước. Từ năm 1975, nước nhà thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, sau khi thống nhất nước nhà về mặt Nhà nướcvà thống nhất pháp luật, Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1980 và nhiều văn bản pháp luật để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trong đó bước đầu đã chú ý xây dựng pháp luật về kinh tế.

Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, pháp luật đã có những bước phát triển mạnh mẽ và mới về chất: nhất là vài năm lại đây Nhà nước ta đã ban hành một số lượng lớn văn bản luật, bao gồm các bộ luật, luật và Pháp lệnh, Hội đồng Bộ trưởng mỗi năm cũng ban hànhkhoảng 500 văn bản pháp quy, đặc biệt trong lĩnh vực luật kinh tế đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh bước đầu phù hợp với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và cơ chế quản lý kinh tế mơí, mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào nước ta, việc tôn trọng quyền con người, mở rộng dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, đổi mới hệ thống chính trị, nhất là đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng đến HĐND và UBND các cấp cũng được chú ý và đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.

Tuy đạt được nhữnh thành tựu trong xây dựng pháp luật, nhưng pháp luật nước ta vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm và thiếu sót.

1. Hiện nay pháp luật nước ta, trừ những văn bản mới ban hành gần đây, là pháp luật dựa trên tư duy cũ, nhận thức cũ về CNXH, về pháp luật XHCN, là pháp luật của cơ chế cũ. Cũng cần nói rằng ngày cả những văn bản mới ban hành cũng có chắp vá, tạm thời, ứng đáp với tình thế, sắp tới Đại hội Đảng lần thứ VII sẽ thông qua Cương lĩnh, chiến lược và Nghị quyết Nhà nước sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi và sửa đổi nhiều luật quan trọng về tổ chức Nhà nước sẽ là cơ sở để sửa đổi và ban hành nhiều văn bản pháp luật mới.

2. Pháp luật nước ta, trừ những văn bản mới ban hành, là sản phẩm còn mang nặng chủ nghĩa duy ý chí, tách khỏi hiện thực khách quan của công sống, tách khỏi cơ sở kinh tế. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, từ đó các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, cơ sở xã hội ... cũng còn nhiều biến động và phức tạp, cho nên Nhà nước không thể tự ý công hữu, công quản, công ích tất cả, không thể dùng phương pháp quản lý và hình thức phâp phối theo kiểu bao cấp, bình quân có tính chất cộng sản chủ nghĩa, thực tế đã chứng minh sự sai lầm của chung ta và đã bác bỏ những sản phẩm pháp lý duy ý chí của chúng ta. C.Mác đã nói một xã hội tiến lên theo quy luật của nó, chứ không phải theo sắc chỉ của nhà vua. Trong thời kỳ bước vào chính sách kinh tế mới ở nước nga, Lên nin đã vạch rõ sai lầm lớn nhất của Nhà nước lúc bấy giờ là đã dùng phương pháp mệnh lệnh hành chính, tập trung cao độ và dùng phương pháp phân phối bình quân theo kiểu cộng sản chủ nghĩa.

3. Pháp luật nước ta thiếu hệ thống không đồng bộ thiếu thống nhất, chắp vá, phần lớn là các văn bản dưới luật.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật đòi hởi phải có một hệ thống pháp luật và pháp luật phải đồng bộ.Các quan hệ xã hội trong một thể chế Nhà nước vốn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tất cả các quan hệ xã hội đòi hởi phải được điều chỉnh bằng một hệ thống pháp luật bao gồm các văn bản luật và các văn bản dưới luật, không thể để có tình trạng là luật cơ bản (Hiến pháp)được ban hành, nhưng nhiều đạo luật theo nhiều điều khoản Hiến pháp không được ban hành hay có ban hành hay có ban hành thì cũng rất chậm trễ; rồi tiếp đến là ban hành luật, nhưng nhiều văn bản dưới luật, văn bản áp dụng luật không ban hành kịp thời để thi hành luật. Vì vậy thực tiễn pháp luật đã xảy ra một hiện tượng " ngược đời " là văn bản có giá trị pháp lý thấp lại cản trở, làm đình trệ, thậm chí triệt tiêu hiệu lưcpháp luật của văn bản có giá trị pháp lý coa hơn.

Tính đồng bộ của pháp luật cũng có ý nghĩa rất quan trọng, nếu pháp luật khgông đồng bộ thì có nghĩa là có nhiều lĩnh bỏ ngỏ, pháp luật trở nên mất cân đối, khập khiễng và cũng dẫn tới cản trở, triệt tiêu hiệu lực của nhau.

Tính thống nhất của pháp luật là một nguyên tứac rất quan trọng của một nền pháp chế, không thể có tình trạng văn bản dưới luật trái với hoặc vi phạm Hiến pháp và luật, văn bản dưới luật thay thế cho luật, văn bản của ngành này, địa phương này mâu thuẫn với văn bản của ngành kia, địa phương kia.

Vì ban hành trong những thời gian khác nhau, nhất là từ khi có cơ chế quản lý mới, Nhà nước cũng đã phải nhanh chóng ban hành những văn bản mới cho phù hợp, tuy vậy cũng không thể kịp thời và đồng bộ được, nhiều những văn bản ban hành đã từ lâu nay vẫn còn hiện hành, tình trạng chắp vá là chưa thể khắc phục.

Đến nay nước ta vẫn chưa có một hệ thống pháp luật mà chỉ là một hệ thống pháp quy (luật lệ). Tất cả các văn bản luật do Quốc hội thông qua, các Pháp lệnh do Hội đồng Nhà nước thông qua còn quá ít, phần lớn các văn bản là do Hội đồng Bộ trưởng ban hành dưới hình thức Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư (mỗi năm có khoảng 500 văn bản); các ngành, các cấp ban hành một khối lượng lớn hơn nhiều. Việc hệ thống hoá, rà soát văn bản đã và đang được tiến hành khẩn trương đã phát hiện ra rất nhiều văn bản chồng chéo, lỗi thời, vi phạm pháp chế của rất nhiều văn bản.ở nước ta có một xu hướng là nên ra nhiếu các văn bản dưới luật thay cho luật vừa dễ thông qua, vừa quy định được tỉ mỷ, và khi cấn thì dễ thay đổi, đó là xu hướng không đúng vô hình chung đã hạ thấp vai trò lập pháp của Quốc hội, vi phạm pháp chế, vi phạm tính thống nhất của pháp chế, nảy nở tư tưởng cục bộ, bản vị địa phương làm lỏng lẻo kỷ cương Nhà nước.

4. Pháp luật nước ta được xây dựng thiếu cơ sở khoa học và ít căn cứ thực tiễn. Xây dựng một văn bản pháp luật là một công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc và nghiêm túc từ kỹ thuật lập pháp đến lý luận, quan điểm, nội dung pháp lý của các chế định, các quy phạm nghiên cứu trong nước và nước ngoài; nghiên cứu cả tập quán, lịch sử, xã hội, văn hoá tư tưởng...Nhiều văn bản luật của nước ta, kể cả những văn bản mới ban hành còn thiếu cơ sở khoa học, đối tượng, phạm vi điều chỉnh không rõ, "lấn sân" nhau; có những vấn đề quan trọng chưa được quy định, trái lại có những quy định thừa; có những nguyên tắc cơ bản thì thiếu, nhưng lại có những quy phạm quá tỉ mỷ, vụn vặt thành ra thừa; đáng tiếc là có những quy định sơ hở, nên bị lợi dụng đã gây tác hại không nhỏ trong đời sống xã hội.

Mỗi văn bản luật là một công trình tổng kết thực tiễn sâu sắc, đây không phải là tổng kết có tính chất hành chính, tổng kết thực tiễn vụn vặt, tổng kết theo đường mòn, rút ra từ thực tiễn những bài học, nhưng quan điểm, những lý luận khoa học. Trong các văn bản pháp luật nước ta có nhiều quy phạm không đi vào được cộng sống, chính là do nó không phù hợp với thực tiễn, không được cộng sống chấp nhận.

Một sai lầm phổ biến và nghiêm trọng trên đất nước ta trong những năm qua là chủ nghĩa duy ý chí, trong lĩnh vực pháp luật cũng diễn ra như vậy, nhiều quy phạm pháp luật là sản phẩm của ý chí chủ quan của những người lãnh đạo, tách khỏi cơ sở kinh tế - xã hội, không tuân theo các quy luật khách quan.

Chính do thiếu cơ sở khoa học và ít căn cứ thực tiễn đã làm cho văn bản pháp luật nước ta ít nhiều mang tính hình thức, không có những điều kiện hiện thực để thi hành. Cuộc sống đã chứng kiến một hiện trạng là càng nhiều văn bản, càng nhiều vi phạm; pháp luật càng cấm thì không những không cấm được, mà vi phạm lại tăng nhiều thêm. Pháp luật trên giấy và pháp luật cuộc sống không đồng tâm, mà lại lý tâm chính là do thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

Muốn xây dựng một văn bản có cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn thì trước hết phải đổi mới quy trình làm luật, ban hành luật về văn bản pháp quy; phải thu hút, tập hợp nhiều lực lượng, phải gia công, tích tụ chất xám pháp lý của nhiều người, từ người lãnh đạo các ngành luật pháp luật, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, cns bộ pháp luật ở các ngành, các cấp; điều có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản là phải xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ pháp lý có đủ trình độ để làm nhiệm vụ quan trọng này.

5. Pháp luật nước ta chưa thể hiện đúng mức mặt tổ chức, xây dựng, đây là mặt chủ yếu của pháp luật XHCN, mà còn thiên về mặt bảo vệ, trấn áp, trừng trị, ngay cả trong lĩnh vực kinh tế cũng nặng về cưỡng bức, trấn áp, dùng mệnh lệnh hành chính là chủ yếu. Nguyên lý "Nhà nước nào, pháp luật ấy" phải được quán triệ trong xây dựng pháp luật. Nhà nước XHCN – Nhà nước chuyên chính vô sản, theo Lênin, chức năng chủ yếu của nó là tổ chức, xây dựng, đương nhiên nó phải có chức năng trấn áp, bảo vệ thành quản của xã hội chủ nghĩa, những đó không phải là mặt chủ yếu. Như vậy pháp luật XHCN, phù hợp với bản chất XHCN, có chức năng chủ yếu là tổ chức, xây dựng, là công cụ quan trọng, có hiệu quả nhất để xây dựng CNXH. Phải chăng, trong một thời gian dài ta chưa nhận thức đúng và đền nay cũng còn không ít người nhận thức không đầy đủ về chức năng, vai trò của pháp luật XHCN.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiệm vụ chủ yếu lúc này là chống giặc ngoài, thù trong cho nên pháp luật lúc này cũng chủ yếu là bảo vệ, trấn áp, chưa có điều kiện tổ chức xây dựng, nhưng khi nước nhà thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tổ chức xây dựng đất nước, những việc xây dựng các văn bản pháp luật về kinh tế, về phát triển nền dây chủ XHCN về bảo vệ các quyền con người, quyền công dân vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới, nhất là đối với về kinh tế, về cải cách lớn bộ máy Nhà nước, nhưng việc xây dựng pháp luật, theo chúng tôi, đạt được kết quả nhiều hơn vẫn là trong lĩnh vực bảo vệ, trấn áp. Hai bộ luật hình sự và tố tụng hình sự là hai bộ luật đầu tiên ở nước ta thể hiện trình độ lập pháp đã có bước phát triển mới, những trong khi đó sự nghiệp xây dựng CHXN, cuộc sống xã hội đòi hỏi cấp bách phải có bộ luật dân sự, bộ luật lao động, luật kinh doanh, luật thương mại, luật về rừng luật dầu khí, luật doanh nghiệp Nhà nước, luật hợp tác xã ... thì vẫn còn chậm trễ, sự chậm trễ này đã có tác hại nhất định và có lĩnh vực tác hại nghiêm trọng. ở đây cũng cần nêu lên một hiện tượng đáng suy nghĩ là trong các văn bản pháp luật về kinh tế vẫn chưa tạo ra được môi trường pháp lý thuận lợi, chưa khuyến khích, khơi dậy những tiền năng, giải phóng mọi năng lực sản xuất, khuyến khích làm giầu, ích nước lợi nhà; vần còn có những hành lanh chật hẹp, hạn chế, răn đe; nhưng mặt khác, lại có những "lỗ hổng", có những cơ sở bị lợi dụng, gây nên những tác hại không nhỏ.

6. Pháp luật nước ta chưa thể chế hoá một cách kịp thời, chuẩn xác, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng. Mối quan hệ giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước được thể hiện tập trung nhất là ở pháp luật, không thể có sự khác biệt, cách biệt giữa đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, Đảng lãnh đạo xã hội cũng bằng pháp luật. Nếu như trước đây có một thời gian Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối chính sách, dùng đường lối chính sách thay pháp luật thì ngày nay không nên và không thể làm như vậy, nếu như Đảng không nêu, không thể bao biện làm thay Nhà nước.

Đảng lãnh đạo chính trị, đường lối của Đảng là những định hướng chính trị, Nhà nước phải thể chế hoá, cụ thể hoá để đưa nó vào cuộc sống. Đã đến lúc phải có những nhận thức đúng đắn và khoa học là Đảng lãnh đạo có quyền lực chính trị, chứ không thể có quyền lực Nhà nước hoặc "trên quyền lực" Nhà nước; chỉ có Nhà nước mới có quyền lực Nhà nước, quyền lực ấy chỉ có thể được thể hiện bằng pháp luật. Quan hệ của công người với tư cách công dân là quan hệ với Nhà nước thông qua pháp luật.

Pháp luật nước ta vừa qua có nhược điểm là thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật còn chậm trể, không đầy đủ và có những trường hợp sai lệch; mặt khác, khi thể chế hoá cũng có hiện tượng rập khuân, sao chép, cứng nhắc theo đường lối chính sách của Đảng, nên pháp luật ít hiệu lực và kém hiệu quả.

Quá trình xây dựng và phát triển pháp luật nước ta đã ban hành được một khối lượng văn bản khá lớn; 3 bản pháp quy của Chính phủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nội dung của pháp luật đã thể hiện đúng đắn các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, là công cụ cực kỳ quan trọng của Nhà nước đáp ứng được các nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng nước ta. Đây là pháp luật XHCN trong thời gian đầu của thời kỳ quá độ, đặt cơ sở, nền móng cho việc xây dựng và phát triển pháp luật nước ta trong những năm tới.

 

Phần II

Phương hướng xây dựng pháp luật trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

--------

 

I.Những quan điềm, nhận thức mới về pháp luật XHCN.

Sự xuất hiện Nhà nước đông thpì xuất hiện pháp luật, khi nói đến một Nhà nước cũng đông thời nói đến pháp luật của nước đó. Nhà nước nào cũng quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước XHCN có vai trò khác với các nhà trước đây ở chỗ nó quản lý mọi mặt đời sống xã hội. Ngoài chức năng vốn có của nhà nước, nhà nước XHCN có một chức năng chủ yếu, cách mạng, sáng tạo là tổ chức xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN văn minh và có trình độ cao hơn so với CNTB. Một xã hội càng văn minh thì các quan hệ xã hội càng phát triển phong phú và đa dạng, nhà nước XHCN quản lý xã hội ấy bằng một hệ thống phát triển phong phú và đa dạng. Như vậy có thể khẳng định, dưới CNXH phá luật được phát triển và sẽ phát triển nhiều hơn so với CNTB; chẳng hạn trong lĩnh vực kinh tế gồm nhiều ngành luật như luật dân sự, luật doanh nghiệp tư nhân, luật công ty, luật doanh nghiệp Nhà nước, luật hợp tác xã, luật đầu tư nước ngoài, luật ngoại thương...

Như vậy, Nhà nước XHCN quản lý xã hội không thể thiếu pháp luật và pháp luật phát triển ngày càng nhiều khi CNXH được xây dựng mở rộng, đó là một đòi hởi khách quan, mang tính tất yếu trong quá trình xây dựng CNXH. Trước hết, pháp luật XHCN là công cụ rất có hiệu quả đã tổ chức, xây dựng CNXH, hướng dẫn hành động của tất cả mọi công dânvào quỹ đạo của CNXH. Chúng ta đều rõ di huấn của V.I Lênin là dưới CNXH không phải mọi người đều biết làm việc cho CNXH, mà không cần đến bất cứ một quy phạm pháp luật nào. Trong CNXH, nhất là ở giai đoạn đầu của CNXH còn tồn tại các thành phần kinh tế, thậm chí còn tồn tại lâu dài, còn tồn tại các giai cấp tầng lớp, có các lợi ích khác nhau, có những nguyện vọng khác nhau, do đó mà có những tư tưởng, nhận thức và chính kiến khác nhau.Pháp luật phải đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, điều hoà, điều tiết các lợi ích, nguyện vọng, mâu thuẫn, kết hợp lợi ích cá nhân, tập thể, nhà nước làm cho mọi người đi đúng đường, nhằm đúng đích của CNXH. Pháp luật XHCN có tính cách mạng, sáng tạo, là những lời hiệu triệu của chính quyền cách mạng đối với hàng triệu triệu quần chúng lao động, vai trò to lớn của pháp luật XHCN chính là ở chỗ đó.

Đã là pháp luật, dù là pháp luật XHCN vẫn có một chức năng quan trọng là cưỡng bức, bảo vệ, trừng trị, trấn áp kẻ thù của cách mạng, chống lại những kẻ thoái hoá, biến chất phạm tội, phản bội hoặc chống lại tổ chức, phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH. Ngày nay, mọi người đều rõ, mọi loại kẻ thù, phản động ở ngoài nước cũng như trong nước lợi dụng mọi nơi mọi lúc, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, bằng mọi thủ đoạn mưu đồ nham hiểm, tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta.

Cũng cần nói đến một số người không nhỏ vốn là người lao động, là cán bộ, Đảng viên do thoái hoá biến chất, hư hỏng, đi đến chỗ tham ô, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản XHCN, tài sản công dân, phạm nhiều tội hình sự nguy hiểm, thậm chí có kẻ phạm tội gián điệp, phản quốc....

Muốn bảo vệ chế độ, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì phải có pháp luật, chúng ta không thể lơi là, mất cảnh giác, coi nhẹ xây dựng pháp luật trong lĩnh vực này.

Ngày nay, trong sinh hoạt của cộng đồng quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, các quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc cũng rất đa dạng và phong phú trong mọi lĩnh vực. Các hiệp định song phương, đa phương các điều ước quốc tế giữa nước ta và các nước được ký kết ngày càng nhiều, các công ước quốc tế nước ta tham gia ký kết hoặc công nhận cũng ngày càng nhiều. Pháp luật trong lĩnh vực này có vai trò rất quan trọng (cả tư pháp và công pháp quốc tế) phù hợp với chính sách "mở cửa" của Nhà nước ta, làm cho nước ta hoà nhập vào sinh hoạt của cộng đồng quốc tế.

Khi nói về pháp luật XHCN, có những học giả cho rằng nhà nước XHCN Nhà nước chuyên chính vô sản sử dụng rất hạn chế pháp luật, giữa chuyên chính vô sản bao giờ cũng tồn tại mâu thuẫn, không dung hoà. Các Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo nhà nước XHCN, nên lấy đường lối, thay thế pháp luật Nhà nước, pháp lụât không còn là công cụ của nhà nước để quản lý xã hội. Đúng là ở các nước XHCN trong một thời gian tương đối dài đã diễn ra hiện tượng như vậy, đây là sai lầm nên các Đảng cộng sản đã sửa chữa và đã rút ra một bài học kinh nghiệm là thời kỳ nào thiếu pháp luật, buông lỏng pháp chế thì xã hội thiếu kỷ cương, lộn xộn và gây nên tác hại không nhỏ. Chúng ta đều đã rõ, Nhà nước chuyên chính vô sản một nhà nước dân chủ "gấp triệu lần so với nhà nước tư sản", nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nhà nước phải quản lý, chăm lo mọi mặt đời sông xã hội ,nên pháp luật ngày càng được phát triển, mở rộng, phong phú và đa dạng. ở nước ta trong vìa năm gần đây đã ban hành 45 luật và pháp lệnh, và hàng ngàn văn bản pháp quy của HĐBT là chứng minh hùng hồn cho quan điểm trên.

Một vấn đề được nêu ra là giữa pháp luật và dân chủ luôn tồn tại những mâu thuẫn, nếu pháp luật càng phát triển thì dù muốn hay không, dân chủ ít nhiều bị hạn chế, bị thu hẹp. Đúng là trong xã hội tư bản có chứa đụng mâu thuẫn này, nhưng dưới XHCN, xét về bản chất của pháp luật và dân chủ XHCN thì không thể tồn tại mâu thuẫn này, bởi lẽ pháp luật nước ta là ý chí, nguyện vọng và bảo vệ lợi ích của nhân dân, pháp luật càng phát triển sẽ là đảm bảo pháp lý vững chắc cho các quyền dân chủ của nhân dân, đồng thời chống lại những kẻ vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Đương nhiên, pháp luật của ta cũng phải tước bỏ, hạn chế một số quyền tự do nào đó của những phần tử đi lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ ta. Thực chất của sự nghiệp đổi mới là dân chủ đang đòi hỏi một sự đổi mpí tương ứng pháp luật về dân chủ, nhất là dân chủ về kinh tế và chính trị, bảo đẩm các quyền của con người, của công dân.

Một vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn là cần hiểu rõ mối quan hệ giữa kinh tế vơí nhà nước và pháp luật. Các Mác đã nói pháp luật của một nước không thể cao hơn trình độ phát triển kinh tế của nước đó. Trước đây, một thời gian tương đối dài ở nước ta cũng như một số nước XHCN xây dựng một nền kinh tế "nhà nước hoá" hầu như tất cả, không tồn tại các thành phần kinh tế, không có sản xuất hàng hoá, hầu như là một xã hội thuần khiết, "công hữu, công quản, công ích". Do đó ta đã xây dựng nên bộ máy nhà nước, một hệ thống pháp luật thích ứng với cơ sở kinh tế đó. Hơn nữa ta còn mắc sai lầm, duy ý chí, bất chấp quy luật, đã tưởng rằng dùng mệnh lệnh hành chính, dùng pháp luật, dùng sự ưu việt của chế độ chính trị đẻ thức đẩy, để bỏ qua những giai đoạn, những quy luật phát triển của kinh tế, thực tế đã chứng minh nhữnh sai lầm và mang lại những hậu quả tiêu cực nặng nề cho nền kinh tế. Đúng như Các Mác đã nói, kinh tế tự mở đường đi theo quy luật của nó, tất cả các dân tộc không phải theo các sắc chỉ của nhà vua. Đương nhiên pháp luật có tính tương đối của nó và có tác động ngược trở lại đối với kinh tế, sự tác động ngược trở lại của pháp luật có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm, hoặc làm cho kinh tế phát triển chệch hướng. Pháp luật với chức năng và bản chất cách mạng, sáng tạo của nó là công cụ đầy hiệu lực của Nhà nước XHCN sẽ có tác động làm cho kinh tế phát triển mạnh mẽ theo quỹ đạo của XHCN. Khi nói đến vai trò, tác dụng và ý nghĩa to lớn của pháp luật XHCN, có ý kiến là hiện nay ta phải xây dựng "nhà nước pháp luật". ở đây không đi sâu vào nội dung của thuyết này, nhưng đây là một thuyết tiến bộ trong lý luận pháp luật tư sản mà ngày nay ta cần nghiên cứu và vận dụng nó trong CNXH. Chúng ta cần xây dựng một nhà nước pháp luật, trong đó bộ máy nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được phân định rõ ràng, rành mạch theo hiến pháp và các luật có phân công giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp, phân cấp giữa nhà nước ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương; mối quan hệ giữa nhà nước và công dân và ngược lại quan hệ giữa công dân và nhà nước phải được quy định đầy đủ thành pháp luật để gắn bó nhà nước với công dân và công dân với nhà nước vừa tránh quan liêu, lộng quyền từ phía cơ quan, nhân viên nhà nước, vừa tránh tự do vô tổ chức, địa phương, cục bộ, đấu tranh đòi quyền nhưng không làm nghĩa vụ công dân, các quan hệ giữa công với công dân trong một cộng đồng, dân tộc là muôn màu muôn vẻ phải được quy định bằng pháp luật để mọi công dân xử sự với nhau trong quan hệ cộng đồng xã hội trên cơ sở nhân ái, giúp đỡ, đoàn kết, hợp tác, phát triển theo khẩu hiệu "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Thuyết nhà nước pháp luật còn thể hiện ở một mặt khác là đã có nhà nước thì phải có pháp luật, về lý luận cũng như thực tiễn luôn chứng minh sự gắn bó không thể tách rời giữa nhà nước và pháp luật, nếu nhà nước mà không có pháp luật thì không phải là nhà nước nữa, mà chỉ là một tổ chức chính trị xã hội như các tổ chức chính trị xã hội khác.

Khi nói về mối quan hệ giữa kinh tế với nhà nước và pháp luật, vận dụng vào thực tiễn nước ta hiện nay, ta càng thấy sáng tỏ biết bao về quan điểm của Mác là "phải sử dụng chân trời chật hẹp của pháp quyền tư sản". Đã có một thời gian, ta có quan niệm không đúng là cách mạng vô sản phải đập tan bộ máy nhà nước tư sản, huỷ bỏ pháp luật tư sản; pháp luật XHCN không có "kế thừa" pháp luật tư sản. Thực tiễn trong quá trình xây dựng CNXH đã bác bỏ quan niệm sai lầm nói trên. Chính Mác cũng đã nói, xã hội XHCN không phải nảy sinh trên miếng đất riêng của mình, mà nó phát sinh từ trong lòng xã hội cũ, tức là xã hội tư bản, cho nên trên mọi lĩnh vực, CNXH còn mang vết tích của xã hội tư bản, trong đó có vết tích của pháp quyền tư sản, đó là luận điểm khoa học, không thể bác bỏ được. Thực tiễn nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, thích ứng với nền kinh tế có các giai cấp, tầng lớp khác nhau, pháp luật nước ta dựa trên nền tảng kinh tế và cơ sở xã hội đó, tất nhiên phải có những vết tích, những mảng; những bộ phận, những yếu tố của pháp luật tư sản.

Hiện nay còn có một quan điểm (thuyết) đa nguyên chính trị, dân chủ đa nguyên, từ đó đi tới chỗ phủ định tính giai cấp của pháp luật. Pháp luật là sản phẩm của đấu tranh giai cấp đến mức không thể điều hoà được, pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, dưới CNXH nó thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân lao động, nó không thể là ý chí chung của mọi giai cấp tư sản thống trị do các đảng tư sản lãnh đạo. ở đây cũng cần phải nói rằng, ở các nước tư bản thường có hai hay một số đảng lãnh đạo, nhưng thực chất cũng chỉ là một Đảng. Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước XHCN là một nguyên tắc, thể hiện chuyên chính của giai cấp vô sản, pháp luật XHCN là công cụ của chuyên chính vô sản, nó phải thể hiện đúng đắn và đầy đủ đường lối của Đảng cộng sản. Có một quan niệm sai lầm là nếu chỉ có một Đảng lãnh đạo là không dân chủ và phải có nhiều Đảng lãnh đạo mới là dân chủ. Nếu xét vì thực chất, chứ không phải nhìn hình thức bên ngoài, thì dân chủ không phải là ở chỗ có một hay nhiều Đảng lãnh đạo, mà là ở chỗ Đảng đó là của ai, phục vụ lợi ích cho ai. Đối với Đảng tư sản thì đã quá rõ là của giai cấp tư sản, thống trị và bóc lột quần chúng lao động. Còn Đảng cộng sản là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mục đích duy nhất của nó là giải phóng người lao động khỏi áp bức và bóc lột, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Chỉ có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản thì mới thực hiện sự đảm bảo và phát triển được nên dân chủ XHCN.

Với những quan điểm, nhận thức mới về pháp luật XHCN, ta có thể rút ra một số nhận xét:

Pháp luật của ta hiện nay không chỉ thể hiện ý chí và lợi ích của giai cấp công nhân , mà còn thể hiện ý chí lợi ích của nhân dân lao động.

Hiện nay nước ta còn tồn tại các giai câp, các tầng lớp nên có những lợi ích khác nhau, nhưng có mục đích chung là xây dựng XHCN, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, muốn vậy phải đẩy mạnh được sản xuất hàng hoá, phải giả quyết được thất nghiệp và không đủ việc làm, phải dân chủ hoá, phải đảm bảo các quyền con người, và quyền công dân, thực hiện công bằng xã hội.... Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đó, pháp luật phải khơi dậy và sử dụng được mọi năng lực sản xuất, muốn vậy pháp luật không chỉ thể hiện ý chí nguyện vọng, lợi ích của giai cấp thống trị, mà còn thể hiện ý chí và lợi ích của nhân dân lao động.

Bản chất của pháp luật nước ta hiện nay là dân chủ XHCN, là quyền làm chủ của nhân dân.

Pháp luật gắn liền với nhà nước, nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì pháp luật của ta cũng là của dân, do dân, vì dân. Bản dân chủ của pháp luật, trước hết phải được thể hiện ở chỗ nhân dân không đứng ngoài chính trị, nhân dân thực sự tham gia vào việc hình thành nên các cơ quan nhà nước, tham gia vào công việc nhà nước, quản lý nhà nước, kiểm tra mọi hoặt động của cơ quan và nhân viên nhà nước; mặt khác, pháp luật phải đảm bảo được các quyền xã hội, các quyền chính trị, các quyền con người và các quyền công dân. Bản chất dân chủ của pháp luật còn thể hiện ở chỗ do chính nhân dân thảo luận, góp ý kiến và phải do những người đai biểu của nhân dân trực tiếp thông qua.

Xuất phát từ bản chất, nội dung của pháp luật nước ta hiện nay, khi xây dựng pháp luật phải dựa trên các nguyên tắc:

Pháp luật phải phục vụ không chỉ lợi ích của giai cấp công nhân mà còn phục vụ lợi ích của nhân dân lao động.

Pháp luật phải quán triệt nguyên tắc dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩng vực của đời sồng xã hội.

Pháp luật phải thể hiện tính nhân đạo XHCN, mở đường cho mọi người phát triển tài năng mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước.

Pháp luật phải là công cụ tổ chức, xây dựng có hiệu quả nhất, đồng thời phải bảo vệ, trấn áp kịp thời những phần tử chốnh đối.

Pháp luật không chỉ hạn chế, tước bỏ, cưỡng bức, mà phải khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho mọi người có tự do, dân chủ ngày càng đầy đủ hơn.

Pháp luật phải tập hợp, đoàn kết mọi công dân, mọi tầng llớp, mọi giai cấp, mọi dân tộc, tôn giáo trongnước, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới để xây dựng XHCN.

II.- Xây dựng pháp luật , tăng cường pháp chế theo đường lối của đảng

 

Đảng ta, từ khi thành lập đến nay, đã có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò to lớn của pháp luật. Ngay sau khi giành được chình quyền, mặc dầu đất nước gặp muôn vàn khó khăn, hầu như " ngàn cân treo sợi tóc", Đảng ta đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và ban hành hiến pháp nước Việt nam dân chủ cộng hoà, đồng thời Chủ tịch nước đã ban hành hàng loặt các sắc lệnh để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực của đới sống xã hội. Sau khi miền bắc được hoàn toàn giải phóng, Nhà nước đã thông qua Hiến pháp 1959, ban hành các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về các quyền tự do dân chủ của công dân và nhiều Sắc lệnh, nghị định. Từ sau năm 1975, nước nhà được thống nhất, mở ra giai đoạn mới xây dựng CNXH trong phạm vi cả nước, Nhà nước đã ban hành hiến pháp 1980 và nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) một giai đọan mới, giai đoạn đổi mới sâu sắc toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, hàng loạt Luật, Pháp lệnh được ban hành, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế để thay thế hầu hết các văn bản pháp luật cũ. Hiện nay, theo dự thảo cương lĩnh xây dựng XHCN và dự thảo chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước ta đang chuẩn bị sửa đổi toàn diện và cơ bản Hiến pháp 1980, sẽ sửa đổi nhiều luật quan trọng khác, và ban hành nhiều Luật và Pháp lệnh mới.

Trong xây dựng pháp luật hiện nay cần phải quán triệt đường lối xây dựng XHCN trong thời kỳ quá đoọ của đảng ta là: Xã hội - Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội con người được giải phóng, nhân dân lao động làm chủ đất nước, có nến kinh tế phát triển cao và nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân, công bằng xã hội và dân chủ được đảm bảo, các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng và giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Từ Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, phát triển dân chủ toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Đảng ta đề ra là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuôn thủ pháp luật của cán bộ và nhân dân ta. Chống tệ nạn quan liêu và những hành vi xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân, ngăn chặn và khắc phục dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan. Tiến hành cải cách lớn về tổ chức bộ máy nhà nước để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoặt động theo nguyên tắc tập chung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhà nước, nhưng có phân công, phân cấp rành mạch, bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoặt động có hiệu lực cao trên cơ sở ứng dụng những thành quả khoa học, kỹ thuật quản lý.

Khi xây dựng pháp luật cần thiết phải nghiên cứu truyền thống, tập quán, đặc điểm dân tộc, văn hoá của đất nước ta. Đó là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới nội dung của pháp luật. Pháp luật nước ta phải là sản phẩm trí tuệ của Việt nam, được xây dựng trên nước việt nam và để cho người Việt nam thực huện. Mọi sự giáo điều, rập khuân, máy móc, du nhập từ bên ngoài, không có nghiên cứu, chọn lọc thì cuộc sống của xã hội Việt nam sẽ không chấp nhận.

Hơn 45 nẵm xây dựng Nhà nước và pháp luật cách mạng cần phải nghiên cứu nghiêm túc, tổng kết sâu sắc để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết. Cần bác bỏ một nhân thức không đúng cho rằng pháp luật trước đây là ở thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, và sau đó là pháp luật của thời kỳ tập trung,quan liêu, bao cấp phải thay đổi, huỷ bỏ không có cái gì có thể vận dụng vào giai đoạn này được, một thái độ phủ định quá khứ. Kinh nghiệm xây dựng pháp luật thời gian qua đã cho thấy nội dung những văn bản ban hành trước đây, có văn bản ban hành từ thời gian đầu của cách mạng vẫn có ý nghĩa đặt nền tảng tư tưởng cho văn bản pháp luật hiện nay. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959 là những ví dụ điển hình, ũng có những ví dụ tương tự như vậy trong luật lao động, luật báo chí, luật hình sự, luật dân sự, luật hôn nhân - gia đình...

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước XHCN trước đây và hiện nay vẫn có ý nghĩa quan trọng. Trước đây, một thời gian dài ta nghiên cứu, học tập các nước XHCN một cách giản đơn, máy móc, rập khuôn, nhưng sau chính biến vài năm qua, các nước XHCN Đông âu đã biến đổi thì có ý kiến cho rằng không có gì để nghiên cứu học tập cả. Nếu thực sự có thái độ khoa học, xem xét những diễn biến, thực trạng xã hội và pháp luật của các nước này, chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho việc xây dựng XHCN, xây dựng nhà nước và pháp luật XHCN.

Việc nghiên cứu kinh nghiệm về pháp luật của các nước Tư bản cũng cần được chú trọng. Trước đây, khi nói đến nhà nước và pháp luật tư sản thì có một thái độ cực đoan cho rằng đây là những công cụ bóc lột, áp bức của giai cấp tư sản, nên chúng ta không cần nghiên cứu, không thể áp dụng vào CNXH được, nếu có ai nói đến pháp luật tư sản, tính thừa kế của pháp luật tư sản, nghiên cứu những học thuyết về nhà nước và pháp luật tư sản ... thì bị truy chụp, phê phán là sai lầm về lập trường, quan điểm. Ngày nay với nhận thức mới, tư duy mới thì thấy rằng pháp luật XHCN có kế thừa pháp luật Tư sản, chính Các Mác cũng đã nói như vậy. Ngày chúng ta đều đã rõ, các học thuyết tư sản như "thuyết nhà nước pháp luật" thuyết " tam quyền phân lập", nền dân chủ tư sản thể hiện trong các tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, thể hiện trong các Hiến pháp nhà nước tư sản cần được nghien cứu ngiêm túc và vận dụng những luật nhận hợp lý vào việc xây dựng nhà nước và pháp luật của ta. Đúng như Mác đã nói khi hắt chậu nước tắm thì không nên hắt cả em bé đi. Nhà nước XHCN trong thời kỳ quá độ theo Lê nin là nhà nước giống như kiểu nhà nước tư sản, nhưng do giai cấp công nhân lãnh đạo, như vậy pháp luật trong thời kỳ này cũng phải là pháp luật giống như pháp luật tư sản nhưng thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ quá độ như nói trên cũng phù hợp với hạ tầng cơ sở là nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần ở nước ta hiện nay. Hiện nay chúng ta hiểu về pháp luật tư sản còn ít, còn sơ sài, khi đã mở cửa làm ăn với các nước tư sản thì điều quan trọng và không thể thiếu được là phải hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về pháp luật tư sản.

Việc nghiên cứu ý thức pháp luật cũng là vấn đề quan trọng và cần thiết khi xây dựng và thực hiện pháp luật. Hiện nay ý thức pháp luật của nhân dân ta và của cán bộ ở trình độ thấp do nhiều nguyên nhân gây nên: Nước ta không trải qua thời kỳ có pháp luật tư sản, mà chỉ có pháp luật phong kiến thực dân, chiến tranh kéo dài đã làm đảo lộn trật tự pháp luật, kỷ cương xã hội, pháp luật nước ta hiện nay chưa thành hệ thống hoàn chỉnh, nhiều văn bản pháp luật không còn phù hợp với cuộc sống nên khó thi hành hoặc không thi hành được, pháp luật mới ban hành có nhiều sơ hở nên bị lợi dụng, nhiều người có chức, có quyền vi phạm pháp luật có nhiều trường hợp nghiêm trọng về tư tưởng gia trưởng, phong kiến đứng trên hay đứng ngoài pháp luật: Tư tưởng của người sản xuất nhỏ cũng luôn tìm mọi cách chốn tránh pháp luật; tư tưởng cục bộ địa phương, vô chính phủ, phép vua thua lệ làng cũng dẫn đến vi phạm pháp luật... Muốn tăng cường pháp chế thì phải không ngừng tuyên truyền giáo dục nâng cao dần ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân ta, bởi lẽ ý thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật, là lòng tin, là tình cảm đối với pháp luật.

Xây dựng pháp luật và tăng cường pháp chế hiện nay phải theo đường lối đổi mới của Đảng mà trước hết là phải có một hệ thống quan điểm pháp lý, một tư duy pháp lý mới. Nhận thức tất nhiên là một quá trình, đổi mới ở nước ta cũng chỉ mới bắt đầu, nhưng lý luận về xây dựng XHCN trong thời kỳ quá độ cũng đã có nhiều nhận thức mới, quan điểm mới. Cái mà chúng ta cần, nhưng vẫn còn thiếu là chưa có một hệ thống lý luận, quan điểm pháp lý để chỉ đạo cho việc xây dựng pháp luật ở nước ta. Chẳng hạn, những vấn đề các loại hình sở hữu tồn tại và phát triển như thế nào. Vấn đề cải tạo XHCN có còn đặt ra nữa không, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh là thế nào, nền kinh tế sản xuất hàng hoá XHCN là thế nào, cơ chế thị trường có điều tiết là thế nào, vấn đề bản pháp luật nước ta thời kỳ quá độ, tính giai cấp, tính dân chủ, tính nhân đạo, tính nhân dân, tính dân tộc .... phải được thể hiện như thế nào. Ngay cả hình thức văn bản pháp luật cũng cần phải có quan điểm thống nhất, trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ta đã có điều kiện để xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh chưa, hay chỉ nên xây dựng nhiều các văn bản dưới luật vừa nhanh, khi cần thiết dễ sửa, các văn bản loại này có thể thay thế luật được không, vấn đề kế hoạch hoá xây dựng luật và dự báo, vấn đề chiến lược xây dựng và phát triển pháp luật ở nước ta...

III. Phương hướng xây dựng pháp luật trong những năm tới.

 

Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây và hiện nay đã nhấn mạnh phải xây dựng một hệ thống pháp luậthoàn chỉnh, tăng cường pháp chế XHCN, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đi vào thời kỳ ổn định và phát triển của đất nước.

Xuất phát từ những nhận thức mới về XHCN trong thời kỳ quá độ, về tác dụng và vai trò to lớn của pháp luật trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần phải đổi mới căn bản toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta, xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh phải đạt được ba yêu cầu cơ bản: phải đủ các nghành luật quan trọng theo truyền thống và hiện đại; Phần lớn các văn bản phải đạt được trình độ pháp điển hoá (Bộ luật, Luật); Nội dung phải đạt được trình độ cao của tri thức pháp lý dân tộc và thời đại. Đương nhiên, xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đòi hỏi phải có một thời gian tương đối dài, nhưng đường ta cần đi, đích ta cần đạt đến phải được khẳng định ngay từ bây giờ.

Xây dựng hệ thống pháp luật nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH theo 5 (năm) hướng sau:

1. Xây dựng pháp luật trong cơ chế quản lý nền kinh tế sản xuất hàng hoá với cơ cấu nhiều thành phần.

 

Vấn đề cấp bách của nước ta hiện nay là phải nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khung hoảng kinh tế - xã hội, phải chuyển thật nhanh nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế sản xuất hành hoá, từ cách quản lý tập trung, quanliêu, mệnh lệnh sang quản lý theo chế độ hạch toán kinh doanh XHCN, từ dùng phương pháp mệnh lệnh hành chính sang phương pháp khuyến khích kinh tế (vật chất) lấy lơị ích cá nhân người lao độnh làm động lực trực tiếp.

Trong vài năm lại đây, nhà nước đã hướng sự chú ý vào xây dựng pháp luật kinh tế, nhiều văn bản luật ra đời: Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam, Luật đất đai, các Luật về thuế, Luật hàng hải, Pháp lệnh ngân hàng nhà nước, Pháp lệnh hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp, Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt nam, Pháp lệnh tài nguyên khoáng sản, Pháp lệnh về tài nguyên thuỷ sản, Pháp lệnh đo lường, Pháp lệnh chất lượng hàng hoá, Pháp lệnh hợp đồng lao động, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh Trọng tài kinh tế ... Thời gian sắp tới, Nhà nước sẽ ban hành Bộ luật dân sự, Luật về rừng, Luật mỏ, Luật nước, Luật dầu khí, Luật hàng không, Luật bảo vệ môi trường, Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã nông nghiệp, Luật lao động và nhiều Pháp lệnh.

Sự phát triển nhiều loại hình hoạt động kinh tế trong tất cả các thành phần kinh tế, tất yếu phải xây dựng một cơ chế pháp luật mới để một mặt, đảm bảo pháp lý khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, mặt khác, đảm bảo sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, bảo hộ, hướng dẫn và kiểm soát hữu hiệu của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Chúng ta nhớ lại tư tưởng của Lê nin trong thời kỳ "chính sách kinh tế mới" là toà án của chính quyền Xô viết phải kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh tế, nhưng không mảy may làm ảnh hưởng, cản trở đến sản xuất kinh doanh của họ. Pháp luật trong lĩnh vực kinh tế không gò bó, thành kiến, hẹp hòi, mà động viên khuyến khích mọi sáng kiến, sáng tạo. Các cơ sở của CNXH không chỉ được hình thành trong các xí nghiệp quốc doanh, trong các hợp tác xã, mà còn được hình thanh trong các công ty, trong doanh nghiệp tư nhân, trong xí nghiệp liên doanh... và trong mọi thành phần kinh tế. Pháp luật kinh tế phải khắc phục các tư tưởng giáo điều, giản đơn về CNXH như khuôn, tất cả các loại lợi ích vào một lợi ích cao nhất là lợi ích Nhà nước; tất cả các loại lợi ích khác trong xã hội, nhất là lợi ích cá nhân phải "hy sinh" vì lợi ích Nhà nước. Pháp luật kinh tế phải thể hiện được tư tưởng, đường lối khuyến khích mọi thành phần kinh tế dưới sự quản lý của Nhà nước như một dàn đại hợp xướng dưới sự chỉ huy thống nhất của nhạc trưởng là Nhà nước cùng hoà âm bản nhạc XHCN.

 

2. Pháp luật trong đổi mới hệ thống chính trị, mà trước hết là cải cách lớn bộ máy Nhà nước.

 

Hệ thống chính trị nước ta bao gồm Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cách mạng. Đảng ta từ khi thành lập đã độc quyền lãnh đạo cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Ngày nảytước yêu cầu mới của cách mạng đòi hỏi Đảng ta phải cải tiến sự lãnh đạo của mình, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, chỉnh đốn Đảng, nhưng tuyệt đối không được làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, mà trái lại phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thốnh chính trị nước ta. Hiến pháp, pháp luật nước ta khẳng định và ghi nhận rõ ràng vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhà nước ta, hơn 45 năm xây dựng và trưởng thành dưói sự lãnh đạo của Đảng đã hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của mình. Nhà nước ta có một bộ máy hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, có một đội ngũ cán bộ dược đào tạo, nhiều người có trình độ cao, có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, tư tưởng XHCN, nhưng tại sao sự quản lý của Nhà nước lại kém hiệu lực và hiệu quả. Theo chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay trước yêu cầu đổi mới đang bộc lộ nhiều khuyết điểm. Muốn tiến hành được một cuộc cải cách lớn bộ máy nhà nước thì cần phải có những nhận thức mới, quan điểm mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trước hết là tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thể hiện tập trung quyền lực của nhân dân, phải khắc phục tình trạng hoạt động hình thức và kém hiệu quả của Quốc hội. Quốc hội phải gồm các đại biểu có năng lực hoạt động thường xuyên, Quốc hội là một tổ chức hoạt động tập thể không thể có "thủ trưởng" của Quốc hội (Chủ tịch đoàn chủ tịch Quốc hội) và cùng thể có Uỷ ban thường vụ hay thường trực (Đoàn chủ tịch Quốc hội) thay mặt Quốc hội để giải quyết các công việc của Quốc hội, mà chỉ có Chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội để điều hành các cuộc họp của Quốc hội, giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo hoạt động của các Uỷ ban thường trực của Quốc hội, làm công tác đối ngoại của Quốc hội v..v.

Không tổ chức Hội đồng Nhà nước, mà có chức Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu hành pháp (gần giống như Chủ tịch nước theo Hiến pháp 1959).

Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành cao nhất của quyền lực Nhà nước. Thủ tướng là người đứng đầu (thủ trưởng) Chính phủ, lãnh đạo công tác của các Bộ trưởng. Hội đồng Chính phủ có họp bàn tập thể, nhưng quyền quyết định tối hậu là thuộc Thủ tướng Chính phủ.

ở các địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp không phải là cơ quan quyền lực Nhà nước mà là cơ quan đại biểu nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên. Có chức danh chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, nhưng không có cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân như hiện nay.

Đổi Uỷ ban nhân dân thành Uỷ ban hành chính, Chủ tịch Uỷ ban hành chính do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Thủ tướng chính phủ lãnh đạo Uỷ ban hành chính các cấp; theo dõi và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đảm bảo tính công minh, chính xác khi điều tra, truy tố xét xử, không làm oan người vô tội; đảm bảo tính độc lập xét xử của thẩm phán toà án cần nghiên cứu thành lập toà án kinh tế , toà án hành chính . Chức năng chính của Viện kiểm sát là công tố , cần xem xét chức năng kiẻm sát chung của Viện kiẻm sát có trùng lặp với chức năng của thanh tra nhà nước không .

Pháp luật trong đổi mới hệ thống chính trị có vai trò quan trọng , Nhà nước ta đang tích cực sửa đổi cơ bản và toàn diện Hiến pháp 1980 ; sửa đỏi , bổ sung các luật quan trọng cùng với sửa đổi Hiến pháp như luật bầu cử Quốc hội , Luật tổ chức HĐBT, Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật tổ chức Viện kiểm sát , Luật tổ chức toà án .

 

Đổi mới bộ máy nhà nước phải theo các nguyên tắc :

 

Trong nền dân chủ XHCN , Nhà nước phải thể hiện tất cả quền lực thuộc về nhân dân , dưới sự lãnh đạo của Đảng . Đổi mới bộ máy nhà nước tuyệt đối không đựơc đi chệch quan điểm này .

Quyền lực nhà nước thống nhất không phân chia , nhưng có phân định chức năng , nhiệm vụ rõ ràng giữa 3 cơ quan nhà nước ( Lập pháp , Hành pháp , Tư pháp ) .

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất , Chính phủ và Toà án cũng là những cơ quan quyền lực nhà nước . Ba cơ quan nhà nước này đều thực thi quyền lực nhà nước do Hiến pháp , các Luật quy định .

Sự phân công giữa 3 quyền không phải đối lập nhau , mà phối hợp với nhau , trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất .

Thống nhất 3 quyền ở trung ương , nhưng có phân cấp , giao quyền cho các chính quyền địa phương trong một nhà nước thống nhất , chứ không phân chia quyền lực như kiểu nhà nước liên bang, không có nhà nước trung ương và nhà nước địa phương , không có quyền lực nhà nước trung ương và quyền lực nhà nước địa phương .

Quốc hội và HĐND các cấp không phải là một hệ thống cơ quan quyền lực chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương . Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất , HĐND là cơ quan đại biểu ở địa phương , không phải là cơ quan quyền lực ở địa phương ,mà phải chuyên trách pháp luật và các quyết định của chính quyền cấp trên , là cơ quan có tính tự quản ở địa phương ,dưới sự lãnh đạo thống nhất của Chinh phủ .

Chính phủ và UBHC các cấp là hệ thống cơ quan hành pháp chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương , Chính phủ theo dõi và giám sát hoạt động của HĐND các cấp . Thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm chủ tịch UBHC tỉnh . UBHC tỉnh là cơ quan chấp hành của HĐND, do HĐND bầu ra . UBHC không phải là cơ quan

 

Một quan điểm rất cơ bản cần được khẳng định là Nhà nước là công cụ của giai cấp thóng trị , là công cụ của chuyên chính giai cấp được thể hiện ở tổ chức bộ máy nhà nước nhưng chủ yếu là ở cơ quan hành pháp . Nhà nước Nô lệ , Phong kiến không có tam quyền phân lập , nhưng chuyên chính của Chủ nô , của Phong kiến là ở hành pháp nắm quân đội , toà án , nhà tù , cảnh sát . Nhà nước Tư bản theo thuyết tam quyền phân lập , nhưng thực chất thể hiện chuyên chính tư sản cũng là ở hành pháp , Tổng thống có quyền phủ quyết các đạo luật , ở một số nước có quyền giải tán nghị viện ... Nhà nước XHCN của ta không chia ba quyền , quyền lực thuộc về nhân dânthể hiện tập trung ở Quốc hội , chuyên chính giai cấp vô sản thể hiện ở cả ba cơ quan nhà nước , nhưng thể hiện tập trung ở hành pháp nắm các lực lượng vũ trang , nắm tất cả các cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng nhất của đất nước . Kinh nghiệm lịch sử trước kia và ở các nước XHCN Đông Âu vừa qua cho thấy ,nếu không chuẩn bị đầy đủ cả về nhận thức , quan điểm cũng như hành động để xây dựng tổ chức và tăng cường hoạt động của hệ thống hành pháp, đủ mạnh , có hiệu lực thì cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn và có khi mất chế độ .

 

3 . Xây dựng pháp luật bảo đảm và phat huy nền dân chủ XHCN . Bảo vệ các quyền con người và quyền công dân .

 

 

Phát huy dân chủ XHCN vừa là yêu cầu , nguyện vọng của nhân dân , vừa là động lực cơ bản của đổi mới . Chính do phát huy dân chủ mà Đảng ta đề ra được đường lối đổi mới đúng đắn và thực hiện đường lối đó có kết quả trong cuộc sống . Bản chất của XHCN là giải pháp con người , mang lại quyền làm chủ cho nhân dân . Dân chủ là một hình thức nhà nước , chế độ XHCN là chế độ dân chủ . Lê nin cho rằng không thể giữ vững được thắng lợi của mình , làm cho CNXH chiến thắng , nếu không thực hiện dân chủ một cách đầy đủ .

Dân chủ là tư tưởng , thế giới quan của giai cấp công nhân chỉ có học thuyết Mác – Lênin mới là học thuyết khoa học thực sự về dân chủ . Dân chủ là một phương tiện xã hội- chính trị đấu tranh của quần chúng do các quyền dân chủ , tự do của con người . Dân chủ là một nguyên tắc , phương pháp , chế độ hoạt động của tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị . Dân chủ là sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ . Cuối cùng , dân chủ là một hình thức của nhà nước , của quản lý nhà nước , của xây dựng nhà nước .

Đảng ta đã tổng kết bài học "lấy dân làm gốc" và đề ra phải phát huy dân chủ trong mọi mặt của đời sống xã hội . Phát huy dân chủ không phải là một khái niệm trừu tượng , chung chung , phi giai cấp , cho nên phải bác bỏ quan điểm đa nguyên chính trị , dân chủ đa nguyên , xã hội đa cực ... Dân chủ XHCN có mục đích rõ ràng , cụ thể , được thể hiện trước hết ở các quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân các quyền con người được quy định trong Hiến pháp , và các Luật . Trong lĩnh vực kinh tế công dân phải có các quyền tự do kinh doanh , quyền sở hữu , quyền thừa kế , quyền nhượng tài sản , quyền lao động . Dân chủ trong chính trị , công dân phải có các quyền bầu cử, ứng cử , tham gia vào quản lý nhà nước , tự do lập hội , tự do báo chí , tự do biểu tình ... Trong các lĩnh vực khoa hoc , công nghệ , văn hoá , giáo dục , y tế , bảo hiểm ... Công dân phải có các quyền cơ bản như học tập , nghiên cứu khoa học , phát minh sáng chế , sáng tác , bảo vệ sức khoẻ ... Công dân cần có các quyền rất quan trọng như tự do đi lại , kể cả đi ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về tổ quốc , tự do cư trú , tự do tín ngưỡng ... Đặc biệt là công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể , quyền được bảo vệ tính mạng , nhân phẩm , danh dự .

Mặc dầu đã có những thành tựu trong lĩnh vực này , nhưng hiện tưiựng vi phạm quyền dân chủ , vi phạm quyền con người và quyền công dân còn sảy ra nhiều và nghiêm trọng , pháp luật trong lĩnh vực này , chưa được đổi mới , còn đọng lai ở những nguyên tắc chung và nhiều quy định đã lạc hậu so với tình hình hiện nay .

 

4 . Pháp luât trong lĩnh vực bảo vệ , trấn áp , thực hành chuyên chính của nhà nước .

 

 

Khi nhà nước ta thực hiện chức năng tổ chức , xây dựng đã ban hành các văn bản pháp luật về kinh tế , về tổ chức bộ máy nhà nước , về dân chủ , quyền con người và quyền công dân , trong đó cũng đã có cả mặt bảo vệ , trấn áp , thực hiện chuyên chính . Trong hoàn cảnh tình hình phức tạp hiện nay ở nước ta cũng như trên thế giới thì nhà nước ta không thể coi nhẹ , mất cảnh giác , mà vẫn phải tăng cường chức năng bảo vệ , trấn áp , thực hiện chuyên chính với tất cả mọi kẻ thù của XHCN .

Nhà nước ta đã ban hành bộ luật hình sự , Bộ luật tố tụng hình sự , nhưng cần được phải sửa đổi để phù hợp với tình hình kinh tế , xã hội , chính trị hiện nay . Ta đã ban hành pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính , pháp lệnh thanh tra , Pháp lệnh về tổ chức điều tra án hình sự ,sắp ban hành pháp lệnh xét giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ...

Thời gian tới , yêu cầu đòi hỏi cần ban hành Bộ luật hành chính , đây là Boọ luật quan trọng để quản lý hành chính nhà nước (cai trị) để lập lại trật tự , kỷ cương xã hội hiện đang rất lộn sộn trong xã hội ta .

Cần thiết phải nghiên cứu thành lập toà án hành chính , để tách tài phán hành chính ra khỏi quản lý hành chính thì việc xét xử vi phạm hành chính mới có kết quả và đúng với nguyên tắc pháp chế XHCN .

Cần sớm thành tào án kinh tế ? hay toà án thương mại thay cho trọng tài kinh tế nhà nước hiện nay , cũng là tách cơ quan tài phán kinh tế ra khỏi cơ quản quản lý kinh tế , để tránh " vừa đá bóng vừa thổi còi" .

 

5 . Pháp luật có liên quan đến lĩnh vực các quan hệ Quốc tế .

 

 

Nước ta là thành viên của Liên hợp quốc , có quan hệ ngoại giao với hơn 100 nước và tham gia vào hơn 50 tổ chức quốc tế . Các quan hệ quốc tế rất đa dạng và phức tạp khi "vừa hợp tác vừa đấu tranh" , "mở cửa" với tất cả các nước trên thế giới thì pháp luật trong lĩnh vực này có vai trò rất quan trọng .

Nhà nước ta đã ban hành luật đầu tư nước ngoài ở Việt nam , Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế , Pháp luật về hình sự ,Pháp lệnh hải quan , và sắp ban hành pháp lệnh khu chế xuất , Pháp lệnh về quy chế người nước ngoài tại Việt nam , Pháp lệnh về công nhận và thi hành án dân sự và quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt nam .

Các lĩnh vực về công pháp quốc tế , và nhất là các lĩnh vực về tư pháp quốc tế là rât phức tạp khi xuất hiện những điều ước quốc tế mới , xuất hiện những xung đột pháp luật , đòi hỏi phải được nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với pháp luật nước ta .

Các luật , pháp lệnh trong lĩnh vực này , ta chưa có nhiều kinh nghiệm , nên phải qua thực tiễn đúc rút kinh nghiệm để sửa đổi , bổ sung ban hành những luật mới để đáp ứng với những yêu cầu mới trong giao lưu quốc tế về nhiều lĩnh vực giữa nước ta với thế giới .

 

 

Sửa đổi , bổ sung và xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh ; nâng cao trình độ xây dựng pháp luật , nắm vững pháp luật và quản lý theo pháp luật ; nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật cho nhân dân , không ngừng tăng cường pháp chế XHCN là nhiệm vụ rất quan trọng của nhà nước ta hiện nay . Pháp luật có vai trò to lớn trong công cuộc đổi mới , Pháp luật ghi nhận thành quả và định hướng đường lối đổi mới của Đảng ta để nhân dân ta không đi lệch hướng con đường XHCN và cũng là để chống lại mọi mưu toan và hành vi của mọi loại kẻ thù ở trong và ngoài nước chống lại sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta .

 

 

 

 

Phần ba

 

 

 

Về cơ chế làm luật

 

 

I . Quan niệm .

1 . Quá trình làm luật bao gồm nhiều hoạt động , nhiều công đoạn nối tiếp , do nhiều cơ quan thực hiện nên phải đặt trong một trình tự hợp lý , khoa học, sự phân công rành mạch , phối hợp chặt chẽ giữa cáccơ quan Nhà nước .

 

Quá trình làm luật là một quá trình vận hành tổng thể một bộ máy tham gia vào việc làm luật . Đó là sự lãnh đạo của Đảng , công việc soạn thảo và ban hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước , sự tham gia vào các công đoạn soạn thảo của các đoàn thể nhân dân , tổ chức hỏi ý kiến nhân dân hoặc trưng cầu dân ý . Như vậy , quá trình làm luật là một bộ phận của quá trình quản lý Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở thực hiện nền dân chủ .

 

Quá trình làm luật là một quá trình phân tích các quan hệ xã hội và nhu cầu điều chỉnh pháp luật ddối với những quan hệ đó ,những quan hệ mới phát sinh , những quy định của pháp luật đã lỗi thời . Nó là một bộ phận của khoa học pháp lý . Với những đặc điểm và tính phức tạp đó , phải xây dựng một cơ chế làm luật , bảo đảm một quá trình khoa học , hợp lý .

 

2 . Về những công đoạn của quá trình làm luật .

Sáng kiến lập pháp

Lập chương trình xây dựng pháp luật

Phân công các cơ quan soạn thảo

Xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền

Thực hiện việc soạn thảo ( kỹ thuật lập pháp )

Sự trao đổi và tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan

Trình dự thảo luật

Hỏi ý kiến nhân dân (trưng cầu dân ý)

Các cơ quan có thẩm quyền thông qua

Công bố .

Quá trình 10 bước kể trên không nhất thiết cắt khúc ra , làm xong bước này làm tiếp bước khác mà có thể làm xen kẽ ,miễn đảm bảo đầy đủ các hoạt động cần thiết của quá trình làm luật .

 

3 . Về các cơ quan tham gia vào quá trình làm luật .

 

 

Theo điều 86 Hiến pháp 1980 và thực hiện lập pháp ở nước ta , những người , tổ chức , cơ quan tham gia vào quá trình làm luật , gồm :

 

Đại biểu Quốc hội

Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng , cácBộ )

Toà án nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Các đoàn thể : Công đoàn , Mặt trận , Đoàn thanh niên , Hội phụ nữ ...

Các cơ quan của Quốc hội ( các uỷ ban , các hội đồng )

Quốc hội và Hội đồng nhà nước

 

4 . Cơ chế làm luật thể hiện tập trung trên ba vấn đề chủ yếu , có liên quan mật thiết :

Một là tổ chức , bao gồm những người ,những tổ chức tham gia vào quá trình làm luật .

Hai là quy chế , thẩm quyền , sự phân công , cách phối hợp trong quá trình làm luật và trình tự làm luật .

Ba là cách làm luật , các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến quy tắc làm luật , liên quan đến công việc soạn thảo của cơ quan có trách nhiệm .

 

II . Sáng kiến lập pháp

 

ở nước ta , vấn sáng kiến lập pháp đặt ra không rõ ràng , Điều 86 Hiến pháp 1980 ghi rất nhiều tổ chức , cơ quan , cá nhân đai biểu Quốc hội đều có quyền trình dự án Luật .Trên thực tế , không một đại biểu Quốc hội nào có điều kiện tự soạn thảo một đạo luật . Sau nay , nếu chế độ đại biểu Quốc hội được đổi mới , các đại biểu có đièu kiện soạn thảo một đạo luật nào đó thì cũng không phải là một tình hình phổ biến

Vì vậy cần tách vấn đề sáng kiến lập pháp với vấn đề soạn thảo , tách vấn đề soạn thảo với quyền trình dự án luật trước Quốc hội .

Sáng kiến lập phgáp là quyền đề nghị với Quốc hội nên xây dựng và ban hành một đạo luật . Sáng kiến lập pháp có thể bao gồm những tổ chức , cơ quan cá nhân đã ghi trong điều 86 Hiến pháp 1980 và có thể mở rộng thêm .Các cơ quan chính quyền địa phương , các công dân cũng có thể có sáng kiến lập pháp , quyền đề nghị đến Quốc hội cần ban hành một đạo luật . Quốc hội nhận được sáng kiến đó cũng phải thảo luận chấp nhận hay không chấp nhận như những đề nghị của các cơ quan đã nghi trong điều 86 Hiến pháp 1980 .

 

III . Soạn thảo pháp luật .

 

Hiện nay , việc soạn thảo pháp luật tập trung vào lọai các cơ quan, tổ chức :

Các bộ chiếm đại bộ phận trong việc soạn thảo các Bộ luật , Đạo luật , Pháp lệnh .

Các đoàn thể nhân dân (Công đoàn , Đoàn thanh niên , Hội phụ nữ )soạn thảo một số Luật , Pháp lệnh .

Toà án nhân dân tối cao , Viện kiểm sát nhân dân tối cao .

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước .

Sự phân công đó có phần nào phân tán và không hợp lý :

Các cơ quan , tổ chức soạn thảo có khuynh hướng đưa ra những quy định có lợi cho mình , ít khi quan tâm đến quyền lợi chung , lợi ích chung của toàn xã hội , toàn thể bộ máy .

Người tổ chức thi hành pháp luật, nói chung , tập trung vào Chính phủ , các Bộ , các Uỷ ban nhân dân . Vì vậy , khi soạn thảo nếu không có ý kiến của Chính phủ , thường đưa ra những quy định quá cao hoặc quá thấp , những quy định này không thực hiện được hoặc chạy theo đuôi thực tiễn .

 

Do những bất hợp lý đó , hiện nay có ba loại ý kiến về quyền soạn thảo văn bản .

ý kiến thứ nhất : tập trung công việc soạn thảo vào văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước . Cơ quan này sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và soạn thảo pháp luật . Các cơ quan tổ chức khác như Chính phủ (kể cả các Bộ ), các đoàn thể , Toà án , Viện kiểm sát ,tham gia ý kiến vào các dự thảo .

ý kiến thứ hai : Công việc soạn thảo đại bộ phận các Luật , Pháp lệnh hiện nay do Chính phủ (các Bộ) đảm nhiệm .

Việc thi hành pháp luật đều tập trung vào Chính phủ (kể cả các luật , pháp lệnh do các đoàn thể , Toàn án , Kiểm sát soạn thảo ) .

Để tránh tâm lý cục bộ và việc soạn thảo đạt chất lượng , phù hợp thực tế nên có một cơ chế mới về soạn thảo : Mỗi đạo luật đều thành lập một ban dự thảo gồm Bộ chủ quản , các chuyên gia về lĩnh vực đó (nhà kinh tế , luật gia , nhà tâm lý , xã hội ...) đại diện các đoàn thể , Toà án , Viện kiểm sát (nếu cần có) và đại diện VP Quốc hội .

Ban dự thảo sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của một Phó thủ tướng .

ý kiến thứ ba : Để như hiện nay

Đề tài này nghiêngvề ý kiến thứ hai .

Về thẩm quyền trình các dự án luật phụ thuộc vào việc soạn thảo : Nếu theo phương án thứ nhất thì quyền trình các dự luật thuộc Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước : Theo phương án hai thì thuộc về chính phủ : Theo phương án ba thì giữ nguyên hiện trạng .

 

 

IV. Hệ thống lập pháp, lập quy (licrarchie des textes) Thẩm quyền lập pháp, lập quy .

 

 

ở nước ta , hệ thống lập được hình thành trong các giai đoạn cùng với sự phát triển của hệ thống bộ máy Nhà nước tuy có sự khác nhau chút ít nhưng về cơ bản là giống nhau . Hệ thống đó bao gồm :

Hiến pháp ở địa vị tối cao

Bộ luật và các đạo luật

Pháp lệnh (trước đây là Sắc lệnh hoặc Sắc luật )

Nghị quyết

Nghị định

Thông tư

Chỉ thị

Quyết định .

 

Vì chưa có một ý niệm rõ rệt về hệ thống nên sự sắp đặt của chúng ta còn có tính chất tự nhiên , ít căn cứ khoa học , không đầy đủ và có một số khuyết điểm . 1 . Hiến pháp : trên thực tế chưa ở địa cao nhất của hệ thống lập pháp , lập quy. Do sự biến động quá lớn của kinh tế và xã hội , Hiến pháp không kịp thời tu hỉnh , sửa đổi nên một số luật đã đưa ra những quy định không phù hợp Hiến pháp nhưng lại có tác dụng trong cuộc sống nên Hiến pháp đã trở thành hình thức . Chưa có một công trình nào nghiên cứu kỹ lưỡng về địa vị tối cao của Hiến pháp , về vấn đề bảo vệ Hiến pháp và phán xét khi có tình trạng vi Hiến . Nếu muốn thực hiện nguyên tắc Hiến pháp : Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật , trước hết phải thực hiện nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống lập pháp, lập quy .

2 . Bộ luật và các đạo luật . Trong thời gia gần đây đã được nhà nước ta chú ý ban hành trong nhiều lĩnh vực , được xếp ở vị trí cao nhất sau Hiến pháp , có tác dụng lớn trong cả đối nội và đối ngoại .

 

3 . Pháp lệnh xếp sau các Bộ luật và đạo luật , trên thực tế nó không khác gì một đạo luật . Đó là một tình hình không hợp lý . Tình trạng bất hợp lý phải được chú ý khắc phục càng sớm càng tốt nếu chúng ta xem xét số lượng các Pháp lệnh phát hành trong những năm 1989 , 1990, cao hơn nhiều so với việc ban hành các Bộ luật , Đạo luật .

Pháp lệnh phải được xem là một văn bản dưới Luật và chỉ nên ban hành trong một số lĩnh vực nhất định như là để giải thích Hiến pháp và Luật để quyết định những vấn đề cụ thể , quan trọng của đất nước .

 

4. Nghị định là một văn bản lập quy để tổ chức thi hành Hiến pháp , Luật , Pháp lệnh do Chính phủ banhành . Sự xếp đặt nghị định trong hệ thống lập pháp lập quy như hiện naylà hợp lý . Nó là văn bản chỉ riêng Hội đồng Bộ trưởng mới được ban hành nhằm quy định chi tiết để thi hành Hiến pháp ,các Đạo luật , Pháp lệnh .

Thực tiễn lập pháp ở nước ta cũng cho thấy Nghị định không chỉ đóng vai trò quy định chi tiết . Một số trường hợp , Nghị định vượt ra ngoài khuân khổ đó , đưa ra những quy định mới . Một số nhận xét cho rằng như vậy Nghị định đã vượt quá tầm ,như là một Đạo luật hoặc Pháp lệnh . Ngược lai cũng có những nhận xét cho rằng đó là hợp lý trong điều kiện còn nhiều biến động , các quan hệ xã hội chưa ổn định , không thể sớm đưa thành Luật mà chỉ nên ban hành bằng Nghị định .

Đây là một vấn đề quan trọng của sự phân biệt giữa quyền lập quy . Xét về mặt tổ chức , đó là một nội dung phân định trách nhiệm và quyền hạn giữa Quốc hội và Chính phủ .

 

5. Vấn đề tiêu chuẩn và các điều kiện phan biệt trường hợp nào chọn hình thức một Đạo luật , trường hợp nào chọn hình thức Nghị định là một vấn đề được đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa được tổ chức nghiên cứu .

Nghiên cứu vấn đề nay cần phải dựa trên cơ sở của việc tổng kết lập pháp , có quan hệ đến việc xây dựng Hiến pháp . Vì vậy đề tài này chỉ phác thảo sơ bộ những điểm có tính chất thiết kế ban đầu nhằm làm sáng tỏ một bước vấn đề này .

Một dự thảo văn bản pháp luật muốn chọn hình thức Luật hoặc Nghị định cần dựa vào những điểm chủ yếu được xem như tiêu chuẩn để lựa chọn .

 

a)Phạm vi điều chỉnh của dự thảo . Nó có thể bao quát phạm vi toàn xã hội , đụng chạm đến các quyền và nghĩa vụ của công dân hoặc chỉ điều chỉnh trong phạm vi các cơ quan Nhà nước , trong một nghành , một lĩnh vực , một địa phương ,một nghề nghiệp , một giới .

b)Thẩm quyền Hiến định cho Quốc hội và Chính phủ . Hiến pháp nước ta đã có một số quy định về thẩm quyền của Quốc hội ban hành các đạo luật như quy định tổ chức Quốc hội , Hội đồng bộ trưởng , Toà án , Viện kiểm sát , HĐND , UBND, quy định về thuế . So với thực tiễn làm luật , còn rất nhiều lĩnh vực đã được quy định bằng đạo luật . Nên tổng kết ghi thẳng vào Hiến pháp những trường hợp nào , lĩnh vực nào phải ban hành bằng một đạo luật . Nếu không thể ghi hết vào Hiến pháp thì một đạo luật về thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy (actes normatifs) phải ghi rõ . ít nhất những lĩnh vực , những trường hợp sau đây cần được quy định thành Luật :

Đụng chạm đến quyền và nghĩa vụ của công dân , đậc biệt là đạt thêm các nghiã vụ.

Tổ chức cơ quan Nhà nước (nên phân biệt với tổ chức công sở ).

Thuế và sửa đổi thuế .

Những lĩnh vực theo thông lệ Quốc tế đều do Quốc hội quy định (Luật đầu tư nước ngoài , Luật hàng hải , Luật thương mại , Luật dân sự , Luật tố tụng , Luật lao động ...)

Những trường hợp khó phân biệt với Nghị định thì nên đưa ra một cơ quan có thẩm quyền của Quốc hôị (như UB pháp luật của Quốc hội ) đánh giá và kết luận . Thí dụ : những năm trước đây Chính phủ ban hành điều lệ về xí nghiệp quốc doanh ( Điều lệ 50 và Nghị định 217). Có ý kiến cho rằng cần ban hành một đạo luật , nếu ban hành một Nghị định thì vượt quá phạm vi của Chính phủ .

 

c)Độ chín mùi của các quan hệ xã hội khi Chính phủ ban hành một Nghị định mang tính chất luật , cân nhắc thấy rằng chưa thể ban hành một đạo luật thường xuất phát từ một căn cứ chủ yếu : Vấn đề còn mới mẻ chưa có kinh nghiệm , các quan hệ xã hội mới xuất hiện , cần làm thử một thời gian.

Độ chín mùi của các quan hệ xã hội là lý do rất quan trọng , tiêu chuẩn để lựa chọn nên dùng hình thức Luật hay Nghị định .

 

Quy phạm luật chỉ nên điều chỉnh các quan hệ xã hội tương đối ổn định .

 

Trên đây là ba tiêu chuẩn quan trọng cần phân tích một cách tổng hợp trong từng điều kiện , hoàn cảnh cụ thể để lựa chọn hình thức Luật hoặc Nghị định (xem sơ đồ phụ lục)

 

6. Thông tư ,Chỉ thị , Quyết định nằm trong hệ thống lập quy thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính : Hội đồng Bộ trưởng , Bộ , Uỷ ban nhân dân .

Quy định của Hiến pháp còn sơ sài , chưa có một văn bản luật nào giải thích về vị trí , nội dung , trình tự và thủ tục ban hành các văn bản này . Do đó hoạt động lập quy khá lộn xộn , nhiều văn bản của UBND Tỉnh , có những trường hợp là cấp huyện cấp xã có những quyết định , Chỉ thị trái ngược với pháp luạt của cơ quan Nhà nước trung ương – nhiều trường hợp UBND viện cớ đặc điểm địa phương đề ra những văn bản lập quy hoặc những quyết định hành chính sai trái :

Vượt quyền hoặc lạm quyền

Trái pháp luật

Không được nhân dân đồng tình

Không dùng những hình thức mà Hién pháp quy định mà dùng những hình thức không được phép . Thí dụ : UBND ra Sắc lệnh hoặc Lệnh

 

7. Phần trên đã trình bày, đã đến lúc phải đưa ra những ý niệm rõ rệt về hệ thống lập pháp , lập quy , thẩm quyền lập pháp , lập quy nhằm xây dựng một trật tự lập pháp , bảo đảm tính hệ thống , tính thống nhất , khắc phục tình trạng phân tán , mâu thuẫn , chồng chéo trong hệ thống lập pháp , lập quy .

Trên cơ sở đó , cần nghiên cứu tiếp một bước về hệ thống lập pháp , lập quy của ta trong điều kiện hợp tác Quốc tế hiện nay .

Chúng ta đã tham gia nhiều Công ước Quốc tế , ký kết nhiều hiệp định với các nước , hoặc với một nước hoặc một số nước . Những điều khoản của những Công ước , Hiệp định đã ký có thể phù hợp với Hiến pháp ,Luật nước ta , có thể không phù hợp .

 

Vậy , khi ký kết sẽ tuân theo Hiến pháp và Luật , không được ký nếu có những điều khoản trái với Hiến pháp và Luật . Hoặc có thể tuân theo một nguyên tắc khác là tham gia ký kết , sửa lại các điều khoản của Hiến pháp và Luật cho phù hợp .

ở một số nước nguyên tắc hệ thống đặt trong một trật tự sau :

Hiến pháp vị trí tối thượng

Các điều ước Quốc tế vị trí thứ hai

Các Đạo luật vị trí thứ ba

 

ở nước ta , chưa có sự sắp xếp hệ thống , việc ký kết các điều ước Quốc tế và thi hành Nó là ý niệm của các nhà Đối ngoại .

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phân tích các điều kiện lựa chọn

Hình thức văn bản

Luật hoặc Nghị định

 

 

 

ppp PPppphạm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần II

 

 

Báo cáo các chuyên đề

 

 

.......................................................

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thực trạng pháp chế và một vài kiến nghị

 

 

...........................................

 

Nguyễn Vĩnh Oánh

 

Phó tiến sĩ luật học

.......

 

 

ở nước ta , chính quyềng nhân dân được thiết lập đến nay đã 45 năm . Suốt mấy chục năm liên tục , Nhà nước ta phải tập trung Sức lãnh đạo chống giặc ngoại xâm , vì thế chưa xây dựng được nền pháp chế hoàn chỉnh . Để từng bước khắc phục tình trạng đó , từ ngày nước nhà thống nhất , Đảng và Nhà nước đã quan tâm , coi trọng việc tăng cường pháp chế XHCN . Quốc trong tất cả các nhiệm kỳ họp đều dành thời gian thích đáng để xem xét , cho ý kiến thông qua nhiều đạo luật về các lĩnh vực khác nhau . Hơn ba năm qua , Quốc hội , Hội đồng Nhà nứoc đã ban hành được khối lượng lớn các văn bản pháp luật , xây dựng mới và bổ sung 23 Luật , 32 Pháp lệnh .

Trong một số cuộc hội thảo gần đây cũng như một số người quan tâm đến lĩnh vực này đều có chung một nhận xét : Nước ta vừa thiếu pháp luật , lại vừa thừa pháp luật . Thật vậy , nước ta đang thiếu luật , có thể nói là thiếu gay gắt . Nếu hiểu theo nghĩa, có luật rồi nhưng ban hành không đồng bộ , không có hướng dẫn kịp thời , việc tuyên truyền, giáo dục mọi người không thấu đáo thì pháp luật đã ban hành không được tuân thủ , thậm chí những người thừa hành , hay còn gọi là người "cầm cân nẩy mực" về pháp luật lại vi phạm pháp luật . Nếu chỉ xét riêng về mặt pháp luật , có thể nêu nên nhận xét về thực trạng pháp luật nước ta như sau : Trừ một số văn bản gần đây , Pháp luật của ta còn mang nặng những nhận thức cũ , vẫn bị đeo đẳng bởi tư tưởng bao cấp , theo một cơ chế cứng nhắc , chưa gắn với hiện thực khách quan của cuộc sống và nhịp độ đổi mới trên tất cả các lĩnh vực : Còn tuyệt đối hoá tất cả những gì thuộc về Nhà nước , gắn với quản lý Nhà nước , sở hữu Nhà nước , lợi ích Nhà nước , kinh tế Nhà nước , coi nhẹ những gì không thuộc về Nhà nước , hay còn gọi là ý chí của nhân dân lao động , mà là ý chí của người đứng đầu ngành đó , lĩnh vực đó . Theo cách làm một số luật trước đây , thì ngành nào xây dựng luật của ngành đấy . Nếu chưa có ý kiến của ngành khác , xin ý kiến cấp trên , cũng không thể có ý kiến đóng góp sâu được , vì vậy pháp luật mà ngành chủ quản xây dựng vẫn là ý chí và vì quyền lợi của ngành đó , chưa phải là ý chí chung của Nhà nước .

Một khía cạnh khác nữa là pháp luật của ta có tình trạng thiên về mặt bảo vệ , trấn áp . Ngay trong lĩnh vực kinh tế , chỉ chú ý đến cưỡng bức , trấn áp , xử lý mệnh lệnh hành chính là chủ yếu , chứ chưa quan tâm đến mặt tổ chức , xây dựng , khuyến khích , động viên . Có ý kiến cho rằng pháp luật của ta còn mang nặng tính hình thức , văn bản ban hành không sát , chưa phù hợp với cuộc sống , nhất là thiếu các điều kiện cần thiết để thực hiện . Có tình trạng có văn bản ban hành mâu thuẫn , chồng chéo nhau. Đây là kẽ hở tạo ra quan liêu , xửa quyền , tham nhũng , tạo vỏ bọc cho bọn làm ăn bất chính lũng đoạn trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế .

Xuất phát từ những nhận thức mới về xây dựng CNXH ở nước ta , một đòi hỏi cần thiết là phải đổi mới hệ thống pháp luật .

Một là , cần sửa đổi cơ bản Hiến pháp 1980 . Đó là cái gốc để mở rộng dân chủ , đổi mới kinh tế gắn với cải cách hệ thống chính trị , thay đổi tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước . Muốn vậy , theo chúng tôi , trước hết cần phải cải cách toàn bộ hệthống pháp luật . Đây là công việc rất khó khăn , phức tạp , đòi hỏi có bước chuẩn bị chu đáo , không nóng vội . Muốn làm được điều đó , cần tập trung lực lượng cán bộ có trình độ , có kiến thức vững vàng về pháp luật . về kinh tế và thực tiễn . Điều cần nhấn mạnh là , muốn làm luật nhanh chóng phải có cách làm luật hợp lý , khoa học, định rõ trình tự , trách nhiệm của người soạn thảo , người thẩm tra , người được hỏi ý kiến , các cơ quan lãnh đạo Đảng , Nhà nước cho ý kiến trong quá trình xây dựng và ngay cả ngay cách thông qua của Quốc hội cũng cânf dược xác định rõ ràng . Việc tổ chức xây dựng một đạo luật không nên giao hẳn cho một ngành , một đơn vị chủ trì , mà mỗi luật cần thành lập một tiểu ban gồm các chuyên gia của các Bộ có liên quan , cùng dự thảo . Có như vậy mới bảo đảm tính khách quan , trong đó Bộ tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc điều hoà , phối hợp các mặt làm luật .

 

Hai là , công tác tuyên truyền , giáo dục , phổ biến pháp luật cần được đặt thành một bộ phận của công tác chính trị , tư tưởng của Đảng , coi đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của nội dung giáo dục phẩm chất đạo đức , xây dựng con người mới , làm sao cho ý thức tôn trọng pháp luật phải trở thành một đức tính của con người , một tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội .

 

Ba là , tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành , và tuân thủ pháp luật . Cần có cơ chế hoặc từng tổ chức , từng cán bộ và mọi người dân tự giác , tôn trọng chấp hành . Các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tào án , Kiểm sát , Thanh tra , Nội vụ , Thủ trưởng các ngành các cấp cần phải trực tiếp kiểm tra phát hiện những vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh đúng người ,đúng tội .

Bốn là , phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân trong việc giám sát các cơ quan Nhà nước , các cán bộ , nhân viên Nhà nước , nhất là những người có chức có quyền trong việc thi hành và chấp hành pháp luật . Coi trọng các ý kiến đóng góp qua thư tố giác , khiếu nại có địa chỉ của công dân về các việc làm vi phạm pháp luật của cán bộ , nhân viên các cơ quan Nhà nước . các khiếu nại , tố cáo có địa chỉ phải được xem xét và giải quyết nhanh chóng trong một thời gian nhất định .

 

Năm là , phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm , tội phạm gắn với việc xây dựng con người mới , xã hội mới . Mọi vi phạm ,tội phạm bất cứ xảy ra ở đâu , do ai gây ra đều phải được phát hiện kịp thời , xử lý nghiêm minh không có ngoại lệ , việc xử lý phải cương quyết , thận trọng , triệt để , không để lọt kẻ phạm tội , không là oan người ngay , bảo đảm đúng chính sách , đúng pháp luật và kịp thời ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

một số suy nghĩ về :

 

 

Phương hướng xây dựng hệ thống pháp luật

 

phục vụ sự nghiệp đổi mới hiện nay

..........................................................

 

Nguyễn đình lộc

Văn phòng Quốc hội

và Hội đồng Nhà nước.

 

.................

 

 

1 . Thử thách đánh giá một số tiến bộ của pháp luật nước ta trong những năm gần đây .

 

 

Nếu nhìn một cách toàn cục , có thể nói rằng , tuy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại phức tạp đang đặt ra , về cơ bản trong những năm gần đây hệ thống pháp luật nước ta đã có những bước tiến đáng khích lệ và sẽ là không quá khi dùng những từ như "chưa từng có", "tiến bộ vượt bậc" ... Để xác định tính chất , đặc trưng của những thành tựu trong hoạt động lập pháp đã đưa lại một sinh khí thật sự mới mẻ . Sự kiện nổi bật gần đây nhất là hoạt động lập pháp năm 1990 của Quốc hội khoá VIII với hai kỳ họp khoá 7 , 8 (tháng 6 và tháng 12) và của Hội đồng Nhà nước, cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội với 8 phiên họp , kết quả là : 1 Bộ luật , 10 Đạo luật , 4 quy chế và nội quy , 14 Pháp lệnh , 29 văn bản đã được thông qua . Nếu chúng ta nhớ lại rằng trước đây trong nhiều trường hợp Quốc hội nước vẫn đều đặn một năm hai kỳ họp mà trong nhiều năm liền , có khi suất cả một nhiệm kỳ 5 năm Quốc hội không thông qua một luật nài và cơ quan thường trực- Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ thông qua được một , hai Pháp lệnh , thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng : Hoạt động lập pháp của cơ quan lập pháp trong năm 1990 là sự kiện chưa hề có trong lịch sử 44 năm 8 nhiệm kỳ của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta . và đó không phải là sự kiện cá biệt đột xuất . Sự tăng trưởng tốc tộ , bước đi của hoạt động lập pháp của Nhà nước ta đánh dấu từ Hiến pháp 1980 và đặc biệt trong ba naưm gần đây , từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI , đã trở thành một hiện tượng bình thường trong sinh hoặt của xã hội ta . "Được mùa pháp luật" là nhận xét gần như phổ biến được nhiều người đồng tình . Những con số sâu đây chứng thực cho hiện tượng không bình thường đã trở thành bình thường đó :

 

 

Trong 6 năm từ 1980- 1986 : 23 Luật , Pháp lệnh được thông qua ;

1987 : 4 Luật , Pháp lệnh đã được thông qua

1988 : 8 Luật , Pháp lệnh đã được thông qua

1989 : 13 Luật , Pháp lệnh đã được thông qua

1990 : 29 Luật , Quy chế , Pháp lệnh đã được thông qua

 

 

- Nhưng sự tăng trưởng cao trong nhịp độ ban hành các văn bản pháp luật chỉ nói là đặc tính số lươngj của hoạt đọng lập pháp trong thời gian qua .Nếu xét đến nội dung của các văn bản pháp luật, tính chất của các quy định đã được ban hành , chúng ta sẽ thấy rõ , hoạt động lập pháp của các cơ quan quyền lực nước ta , cùng với Hiến pháp 1980 và đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI , đã vượt qua cái vòng , có thể nói là : "luẩn quẩn" của thời kỳ trước đây .

 

Trong những năm từ Hiến pháp 1959 đến những năm đầu của thập kỷ 80 , tuy ít ỏi nhưng các cơ quan quyền lực Nhà nước ta cung ban hành được một số văn bản luật , Pháp lệnh . Điều đáng nói là các văn bản pháp luật đó chỉ xoay quanh các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước , từ Luật bầu cử đến Luật tổ chức Quốc hội , Hội đồng Bộ trưởng , Hội đồng nhân dân , Toà án nhân dân , Viện kiểm sát nhân dân . Đây là những văn bản pháp luật rất cần thiết và phải được ban hành , nhất là sau các lần sửa đổi Hiến pháp đưa đến các thay đổi lớn trong cơ cấu , chức năng , nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước . (1)

Nhưng hoạt động lập pháp, nếu chỉ dừng lại hoặc chủ yếu chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh trong khuân khổ của các vấn đề tổ chức bộ máy , thì nói một cách chặt chẽ , đang dừng lai ở phạm vi "nội bộ" tổ chức chính quyền , trong khi chức năng , vai trò của pháp luật là điều chỉnh cả một hệ thống các quan hệ xã hội đa dạng của xã hội công dân .

(1) Xem "Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà" , 1976 "Tổ chức Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam" , 1987 .

 

Nét đặc trưng tiêu biểu của hoạt động lập pháp từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI là ,cùng với cố gắng đáp ứng kịp thời nhu cầu sửa đổi , bổ sung , ban hành mới nhằm xây dựng một hệ thống văn bản tổ chức bộ máy ít nhiều hoàn chỉnh phục vụ được nhiệm vụ đổi mới trong lĩnh vực này , thì lần đầu tiên hoạt động lâp pháp nước ta , vượt qua , có thể nói , cái vòng "luẩn quẩn" về tổ chức bộ máy , đã mở rộng phạm vi điều chỉnh , vươn tới những lĩnh vực sống động của xã hội công dân : Đất đai , Tài chính , Ngân hàng , Thuế , Đầu tư nước ngoài , Doanh nghiệp tư nhân , Công ty , Chuyển giao công nghệ , Chất lượng hàng hoá , Bảo vệ tài nguyên khoáng sản , Thuỷ sản . Sinh khí mới của hệ thống pháp luật Việt nam hiện đại được đánh dấu không chỉ bằng sự tăng trươngr tốc độ ban hành , sự mở rộng phạm vi điểu chỉnh mà còn ở cả phương thức xây dựng , ban hành các văn bản pháp luật . Đó không phải là sản phẩm của một thiểu số người chuyên môn, cũng không phải là công việc riêng của các cơ quan chuyên trách mà đã mang đậm tính chất dân chủ của một sinh hoạt xã hội theo tinh thần đổi mới cả về mặt nội dung lẫn phương thức thực hiện .Nó đang thực sự trở thành nơi biểu hiện sinh độngvà đồng thời là đòn bảy của sự nghiệp đổi mới .

 

từ những nhận xét sơ bộ trên đây có thể đưa ra một kết luận chung, cũng chỉ có tính chất sơ bộ là : Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta đã xuất hiện sự chuyển hướng, phải xem là mạnh mẽ , mở ra khả năng và triển vọng hiện thực đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng, ban hành pháp luật, mở rộng ngày càng bao quát phạm vi điều chỉnh với một chất lượng hứa hẹn khả năng trở thành đòn bảy thực sự của toàn bộ công cuộc đổi mới đã được bắt đầu triển khai và đã thu được thành quả bước đầu .

 

Nhưng với tất cả những tiến bộ hoạt động lập pháp, nói trên , đất nước ta vẫn là một nơi còn "đói pháp luật" , "chưa thực sự có pháp chế" đồng thời , những tiến bộ đáng khích lệ bước đầu lai đang đặt ra hành loạt vấn đề cần xử lý , nếu nhìn nhận các thành tựu đã đạt được từ yêu cầu , tính chất của nhiệm vụ đổi mới . Bản thân hoạt đông lập pháp, ở tất cả các công đoạn, quy trình cũng như từ hình thức đến nội dung đòi hỏi một sự đỏi mới sâu sắc, căn bản, toàn diện. Những thành tựu đã đặt được thực chất chỉ mới là một sự khởi sắc bước đầu, và còn nhiều việc phải làm, đẻ có thể đưa hoạt động lập pháp cũng như bản thân hệ thống pháp luật nước ta, lên ngang tầm của chức năng, vảitò, nhiêm vụ của một đòn bẩy thực sự có hiệu lực của sự nghiệp đổi mới trước mắt và sẽ được triển khai lâu dài đều khắp .

 

2. Thứ xác định đặc trưng của giai đoạn và tính đặc thù của nhiệm vụ lập pháp hiện nay.

 

 

Xác định tính chất sâu sắc, căn bản, toàn diện của nhiệm vụ đổi mới của hoạt động lập pháp và của bản thân hệ thống pháp luật hiện nay là điều rất cần thiết, nhưng là việc làm có phần đơn giản. Vấn đề quan trọng, khó khăn, phức tạp hơn nhiều là việc xác định các phương thức, tìm kiếm và triển khai các biện pháp thích đáng đưa vào vận hành cả guồng máy lập pháp thể hiện ddược tính chất nói trên. Và điều đó trước hết phụ thuộc vào việc nhận thức đúng đắn đặc trưng của giai đoạn với những đặc thù riêng biệt .

 

Chúng ta thường nói rằng cơ chế cũ tập trung, quan liêu, baocấp, lỗi thời đã bộc lộ những biểu hiện hết sức đậm nét những mặt tiêu cực của nó đã được đẩy lùi từng bước, nhưng chưa biến mất, tức là còn tiếp tục ở một mức độ nhât định "tác yêu, tác quái" đến tình hình, còn cơ chế đổi mới dại thể tuy đã được nhận thức với những đường hướng cơ bản, đang từng bước định hình, nhưng chưa hoàn chỉnh . Nói một cách khác, xã hội ta đang ở trong bước triển biến từ một trạng thái này qua một trạng thái khác, khác biệt về chất. Đây chính là đặc trưng quá độ của giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, bước quá độ đó lại đang diễn ra trongmột xã hội đang tồn tại những khó khăn, phức tạp, những vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách của một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội chưa kết thúc đòi hỏi việc thi hành, áp dụng những biện pháp tình thế đưa đất nước ra khỏi trạng thái khủng hoảng nhăm ổn định tình hình .

 

Sự trì trệ kéo dài của cơ chế cũ với những thói quen, nếp suy nghĩ đã định hình, hằn sâu trong tác phong của số đông, tính mới mẻ, và có thể nói là cả sự "lạ lẫm" của cơ chế mới, tính bức bách của tình hình ...Tất cả những yếu tố đó đều trực tiếp ảnh hưởng, chi phối không những nội dung của các quy định pháp luật cụ thể được ban hành mà cả cách thức phưong pháp, cách đi, tốc độ ban hành các văn bản chứa đựng các quy định đó. Pháp luật phải là công cụ triển khai, thúc đẩy sự chuyển nhanh bước quá độ, nhưng bản thân nó lại ở trong trạng thái quá độ, tự chuyển mình, tự khắc phục để vượt qua những trở ngại, tự đổi mới ngay trong quá trình quá độ, đổi mới của cả xã hội.

 

Sẽ là điều lý tưởng, nếu toàn bộ hoạt động lập pháp hiện nayđi trước được một bước đẻ thực sự trở thành đòn xóc thúc ddẩy được cả tiến trình xã hội . Nhưng cái lý tưởng chỉ có tính định hướng, cao hơn cái thực của đời thường. Pháp luật , bản thân nó, đã được ban hành ở giai đoạn nào, đều không chỉ thể hiện cái lý tưởng, cái cần có mà còn thể hiện, mang rất rõ dấu ấn của thời cuộc, thể hiện đặc trưng của cái hiện có : cả cái tích cực và cái tiêu cực. Trong trường hợp tối ưu, bằng hoạt động tự giác, có ý thức chỉ có thể hạn chế không hoàn toàn loại bỏ dược cái tiêu cực, "cái hạn chế lịch sử" .

Nói một cách khác, hệ thống pháp luật việt nam hiện nay phải vừa tự đổi mới theo kịp đà đổi mới của xã hội, lại vừa phải phát huy vai trò năng động, phục vụ đắc lực nhất chọ nghiệp đổi mới mọi mặt đời sống xã hội hiện nay. Hai quá trình đó không phủ định mà bổ sung cho nhau, giúp hoàn thiện (đương nhiên từng bước) hệ thống pháp luật nước nhà, thực hiện sự chuyển biến quá độ từ cái đã thành thói quen, công thức, sáo cũ để bước vào một trạng thái mới mẻ, khá nhiều lạ lẫm .

Tính thử nghiệm của chủ trương đổi mới cơ chế kinh tế –xã hội và của bản thân việc xây dựng, ban hành các quy định phục vụ sự nghiệp đổi mới của toàn xã hội làm cho hoạt động lập pháp trở thành một công việc không dễ dàng, cực kỳ phức tạp và đầy sống động. Nhiều vấn đề phươngpháp luận, nhận thức luận của hoạt động lập pháp và hệ thống luật đang đặt ra cho hoạt động thực tiễn và nghiên cứu khoa học pháp lý nước ta . Chúng ta không có sẵn một mô hình để rập khuôn, bắt chước. Vấn đề xây dựng một cơ sở lý luận có khả năng soi rọi cho hoạt động lập pháp từ phưong diện quy trình cũng nhưtừ phương diện nội dung trở thành tất yếu và bức xúc .

 

3. Thử điểm qua một số biểu hiện cụ thể đặc thù của hoạt động lập pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

 

 

Hệ thống pháp luật Việt nam hiện hành là sản phẩm của hoạt động lập pháp, lập quy trong suốt chiều dài lịch sử của chính quyền nhân dân. Nhiều quy định ban hành từ những ngày đầu của nền Cộng hoà dân chủ hiện vẫn còn hiệu lực. 45 năm qua lại là một khoảng thời gian cực kỳ sôi độngcủa lịch sử Việt nam với những biến thiên làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã hội Việt nam. Có thể rút ra nhiều quy kết từ quá trình hình thành, phát triển cũng như từ nội dung của các quy định pháp luật đã được ban hành. Nhưng đó là công việc của các nhà lịch sử pháp luật Việt nam. ở đây , có lẽ chỉ nên đề cập đến một số biểu hiện cụ thể đặc thù của hoạt động lập pháp và hệ thống pháp luật nước ta có quan hệ trực tiếp đến việc xác định phương hướng và nhiệm vụ xây dựng một hệ thôngs pháp luật có khả năng trở thành công cụ đắc lực của sự nghiệp đổi mới hiện nay.

 

3.1 Thử nói đến nhược điểm cơ bản của hệ thống pháp luật nước ta .

 

 

Phải nói rằng, pháp luật Việt nam đã liên tục phát triển trong suốt 45 năm qua. hàng chục ngàn văn bản pháp luật với hàng trăm ngàn quy định đã được các cơ quanNhà nước có thẩm quyền ban hành, nhưng nói rằng Việt nam đã có một hệ thống pháp luật ít nhiều hoàn chỉnh lại là điều chưa có đủ cơ sở .

Pháp luật được ban hành thường để đáp ứng một nhu cầu bức xúc do thực tiễn đấu tranh, xây dựng đất nước ở từng thời điểm hoặc trong một thời kỳ. Tình hình khẩn trương, yêu cầu thường bức bách, các văn bản pháp luật được ban hành vì vậy, thường mang tính "pháp quy đơn hành" . Trong hành chục ngàn các văn bản đó, số lượng văn bản luật là rất ít ỏi. Và gần như một ngịch lý ít ra là về mặt hình thức . Trong lúc một số lĩnh vực quan trọng của sinh hoạt cộng đồng như lao động, quan hệ dân sự cho đến nay vẫn chưa có các luật làm cơ sở điều chỉnh thì Việt nam ta lại một nước có một nền lập Hiến thật năng động : 45 năm mà có đến 3 luật cơ bản – 3 Hiến pháp với nhiều lần sửa đổi, bổ sung ; tổ chức bộ máy Nhà nước có lẽ là lĩnh vực mà hoạt động lập pháp dành cho sự ưu tiên rõ rệt : Trong số lượng ít ỏi các luật được ban hành trong 45 năm qua của cả 8 khoá Quốc hội đại bộ phận là các luật về bầu cử, tổ chức cơ quan Nhà nước từ Quốc hội, HĐBT , Toà án ND, Viện kiểm sát ND, HĐND và UBND các cấp .

Trong 45 năm phát triển, xã hội Việt nam đã nhiều lần chuyển giai đoạn, nhưng hoạt động lập pháp, lập quy thường không được chuyển kịp thời, nhiều văn bản được ban hành chỉ thích ứng với một thời kỳ đã không được sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ kịp thời, nên về danh nghĩa vẫn còn hiệu lực nhưng trên thực tế thưòng không còn được áp dụng, thi hành vì lâu ngày số lượng văn bản nay càng nhiều chồng chất, tích luỹ thêm nhiều chỉ làm sâu sắc thêm tính chắp vá, thiếu đồng bộ mà vẫn không làm cho pháp luật thành hệ thống, ít nhiều hoàn chỉnh nói theo nghĩa chặt chẽ của nó, Vẫn mang tính tản mạn, rời rạc, thiếu sự thống nhất nội tại vốn là một yêu cầu có tầm quan trọng hành đầu đối với một hệ thống pháp luật .

 

Đây có lẽ là nhược điểm cơ bản của pháp luật nước ta, nhìn từ góc độ lịch sử phát triển như từ bình diện phát huy hiệu quả và hiệu lực thực tế của nó .

 

Phải nói rằng, cho đén nay, sau hơn ba năm khẩn trương triển khai, hoạt động lập pháp, lập quy của Nhà nước ta vẫn chưa khắc phục được nhược điểm cơ bản này. Tình trạng thiếu đôngbộ trong hoạt động lập pháp, lập quy và về nội dung của các quy định ban hành đang là một tồn tại hạn chế đáng kể hiệu lực, hiệu quả thực tế của pháp luật . Một trong những dẫn chứng có thể minh hoạ cho hiện tượng này là việc ban hành các văn bản luật về Đầu tư, trong khi Đạo luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam được khẩn trương xây dựng và đã được ban hành 3 năm nay thì hệ thống các văn bản dưới luật đảm bảo thi hành đạo luật quan trọng này đến nay vẫn chưa được xây dựng đầy đủ . Mặt khác, trong khi luật Đầu tư nhằm thu hút sự đầu tư nước ngoài đã được xây dựng thì luật Đầu tư trong nưóc nhằm thu hút vốn tại chỗ của người trong nước đến nay vẫn chưa được ban hành. Điều đó, chắc chắn không tạo ra được môi trường đáng tin cậy vốn là điều kiện rất quan trọng cho hoạt động Đầu tư nói chung.

Từ dẫn chứng cụ thể này có thể rút ra một kết luận khá có tính khái quát, chung hơn : Tình trạng thiếu đồng bộ của một văn bản và của cả hệ thống pháp luật chính là một trong những nguyên nhân, nếu không phải là nguyên nhân duy nhất chủ yếu làm hạn chế ở mức độ không nhỏ tính hiệu quả và hiệu lực thực tế của văn bản và của cả hệ thống pháp luật .

 

3.2 Có thể nói đến tính quá độ chuyển tiếp của các quy định được ban hành.

 

 

Xin bắt đầu bằng một dẫn chứng cụ thể sau :

 

Tại một buổi họp của Uỷ ban pháp luật thẩm tra dự án Pháp lệnh "Trọng tài kinh tế" , sau khi phân tích các quy định khá đặc thù của dự án này, một luật gia – chuyêngia trong lĩnh vực Luật dân sự đã phát biểu : "Các quy định của dự án có tính chất "nửa dơi , nửa chuột" . Hiện nay chúng ta cần Toà án kinh tế , chứ không phải là trọng tài kinh tế, còn theo các quy định của dự án này cái cơ quan định thành lập, Trọng tài không ra trọng tài, nhưng Toà án kinh tế cũng không ra toà án kinh tế". Từ một nhận xét như vậy, Luật gia – chuyên gia đó đã đề nghị : Không nên ban hành một văn bản như thế vào lúc này . Nhưng kiến nghị đó đã không được chấp nhận. Uỷ ban pháp luật của Quốc hội đã ủng hộ dự án và khi trình ra Hội đồng Nhà nước, dự án Pháp lệnh Trọng tài kinh tế đã được thông qua.

Dẫn chứng trên đây có tính chất cá biệt, nhưng phản ánh một hiện tượng, một trạng thái pháp luật thể hiện một đặc thù mang tính quy luật hiện nay : Pháp luật trong bước quá độ từ cơ chế cũ qua cơ chế mới mang tính chất quá độ, để điều tiết những quan hệ, những hình thức xã hội mang tính quá độ, chuyển tiếp.

Thật nhẹ nhàng khi từ bỏ được cái cũ một cách dễ dàngvà cái mới ra đời một cách suôn sẻ . Thực tế cuộc sống lại diễn ra theo một chiều hướng khác, vì không chỉ là ý muốn , sự thành tâm mà còn là cả sự cải tạo thói quen, thay đổi tổ chức, điều chỉnh bộ máy, đổi mới con người, phương thức công tác, cung cách làm việc.

 

3.3 Một đặc thù khác của tình hình : Sự ra đời của một loạt quy định mới mẻ có phần lạ lẫm.

 

 

Trong hoạt động lập pháp hiện nay có một loại hiện tượng khác, khá đặc thù, đặc trưng cho bước quá độ đang diễn ra : Đó là trường hợp, khi do yêu cầu của thực tế cuộc sống một chế định cũ vốn đã tồn tại hàng chục nămvà vẫn được xem như là một trật tự đương nhiên, trước đòi hỏi mới của tình hình, phải được thay đổi một cách triệt để, căn bản bằng một chế định khác, hoàn toàn mới mẻ và có thể nói rất "lạ lẫm". Tiêu biểu cho loại hiện tượng này là việc Nhà nước ta ban hành 2 Pháp lệnh mới về Ngân hàng : Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng hợp tác xã tín dụng, Công ty tài chính thay thế một cách cơ bản chế định Ngân hàng Nhà nước đã tồn tại ở nước ta trong suốt mấy chục năm- sản phẩm của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

Nếu có dịp xem kỹ các quy định của hai Pháp lệnh này, chúng ta sẽ nhận ra một hiện tượng độc đáo, có vẻ không bình thường, có phần trái với thói quen, truyền thống làm luật : Là mỗi quy định một văn bản luật mới ra đời phải mang tính tổng kết thực tiễn và phải xuất phát từ thực tế Việt nam .

 

Hai luật : Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 21.12.1990, vừa rồi cũng thuộc loại tương tự .

 

Khá nhiều quy địng được đưa vào 4 văn bản này không phải là những quy kết rút ra từ thực tế Việt nam mà là sự cháp nhận những công thức, quy định có phần còn lạ lãmm, chấp nhận theo nhận thức của tư duy Lo gic. Theo một nghĩa nào đó, có thể xem đây như một sự sao chép kinh nghiệm của người khác, của nước ngoài . Phải thấy rằng, " nó mới với ta" nhưng lại "cũ với người", phải chăng bằng con đường này, chúng ta sẽ tránh bớt được sự mò mẫm, dò dẫm, vấp váp, rút ngắn được quá trình thử nghiệm, rút ngắn được thời gian đang là thứ rất quí giá đối với chúng ta . Trên bình diịen đó, phải chăng đây là cácg làm không bình thường, nhưng là một yêu cầu có tính tất yếu, mang tính quy luật. Vấn đè đặt ra là phải biết tiếp thu, vận dụng một cách thông minh trong quá trình chuyển hoá từ cái cũ, đang cần xoá bỏ đẻ chuyển sang một cái mới, chưa từng trải qua. Một số quy định pháp luật được ban hành sẽ mang tính thử nghiệmphải được kiểm chứng qua hoạt đôngj thực tiễn và phải xem sự rủi ro như là một trong những khả năng, một hậu qủa phải sẵn sàng chấp nhận.

Trong những trường hợp đó sự tỉnh táo trong việc áp dụng, thi hành, triển khai thực hiện, tổ chức để đưa quy định pháp luật vào cuộ sống và bằng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thường xuyên xem xét, đối chiếu hiệu quả và hiệu lực thực tế của quy định pháp luật với mục tiêu, ý đồ ban đầu, từ đó kịp thời phát hiện giá trị đích thực của quy định pháp luật để kịp thời có biện pháp cần thiết xử lý, điều chỉnh nội dung của quy định .

 

3.4 Phải chăng sửa đổi, bổ sung là một đặc thù mang tính quy luật.

 

 

Đến đây, một vấn đề khá lý thú thường dấy lên sự tranh luận với những ý kiến, đánh giá rất khác nhau về một hiện tượng vổnất bình thường trong hoạt động lập pháp của một Nhà nước : việc sửa đổi, bổ sung (kể cả huỷ bỏ) các quy định pháp luật hiện hành.

Phải nói rằng, cho đến nay, đối với một số người việc sửa đổi, bổ sung pháp luật luôn luôn bị đánh giá với hoạt động sửa sai cái sơ suất, thiếu sót, phiến diện của những người xây dựng pháp luật. Với ý nghĩa đó, vấn đề đặt ra là phải chu đáo, thận trọng từ đầu để : càng tránh được việc sửa đổi, bổ sung càng nhiều càng tốt.

Cách nhìn nhận vấn đề theo lối đó , có những yếu tố hợp lý nhất định vì trên thực tế trong một số trường hợp việc sửa đổi, bổ sung pháp luật đáng không phải đặt ra, nếu từ đầu công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo hơn.

Nhưng nhìn chung, đó thường không phải là lý do chủ yếu. Và nói theo nghĩa chặy chẽ của nó, vấn đề phải được đặt ra theo một cách khác : sửa đổi, bổ sung không những là công việc bình thường mà thường xuyên còn phải đặt ra trong hoạt động lập pháp. Nó chính là phương thức đặc thù của hoạt động lập pháp. Phải thấy rằng, tính hoàn chỉnh của một hệ thống pháp luật cũng như từng quy định của nó ở trong thế động. Cái mà hôm qua được xem là hoàn chỉnh thì hôm nay có thể đã bị xem là lỗi thời vì các quan hệ xã hội - đối tượng điều chỉnh của pháp luật, cũng luôn luôn động. Để pháp luật không tụt hậu mà luôn theo kịp sự vận động của quan hệ xã hội, nó thường xuyên phải được sửa đổi, bổ sung. Sửa đổi, bổ sung vì vậy phải được xem là phương tiện hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo cho hệ thống pháp luật có thể đạt đến trình độ hoàn chỉnh đích thực, phát huy được hiệu lực thực tế trong cuộc sống. Trong các bước quá độ giai đoạn quá độ, thời kỳ quá độ như ở nước ta hiện nay, hoạt động sửa đổi, bổ sung thường xuyên, tất yếu phải được đặt ra vì quan hệ xã hội và bản thân pháp luật đều mang tính quá độ. Lê nin nói đúng rằng : "Trong thời kỳ quá độ, pháp luật mang tính chất quá độ". Điểm qua hoạt động lập pháp từ tháng 11.1987 đến hết tháng 12.1990 chúng ta thấy : trong số 24 Luật và 32 Pháp lệnh được thông qua có 9 Luật sửa đổi , 15 Luật mới , tức là số luật sửa đổi bằng 3/5 số luật mới ; 5 pháp lệnh sửa đổi và 27 pháp lệnh mới tức là số pháp lệnh sửa đổi bằng 18,5% số pháp lệnh mới ; tổng hợp cả hai con số có thể thấy, nói chung số văn bản sửa đổi bằng 14/42 tức 1/3 số văn bản mới . Tỷ lệ không nhỏ đó nói nên đặc thf của hoạt động lập pháp của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Một biểu hiện khác khá tiêu biểu là khoảng thời gian từ văn bản sửa đổi đến văn bản mới thường lại không dài : Bộ luật tố tụng hình sự được thông qua tháng 6.1988 , có hiệu lực từ tháng 1.1989 đến kỳ họp tháng 6.1990 đã có một số điều được sửa đổi, bổ sung, Luật đàu tư nước ngoài tại Việt nam được thông qua tháng 12.1987 thì tháng 6.1990 cũng đã có sửa đổi, bổ sung .

 

Điều phải dứt khoát khẳng định là hiện tựng trên đây thể hiện sự đặc thù có tính chất quy luật cuả hoạt động lập pháp trong thời kỳ quá độ và việc trách cứ, phàn nàn rõ ràng là không thoả đáng – hệ quả của một sự hiểu lầm đáng tiếc.

 

3.5 Phải chăng đã dân chủ hoá, cần dân chủ hoá đến nơi.

 

 

Nếu nhìn một cách bao quát, điều hoàn toàn có thể khẳng định là : cùng với những tiến bộ về mặt tăng cường độ, bước đi và cả về mặt nội dung các quy định được ban hành thì hoạt động lập pháp của Nhà nước ta sau Hiến pháp 1980, nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ VI đã có những tiến bộ vượt bấc về mặt dân chủ hoá, đã trở thành một sinh hoạt dân chủ sống động đặc thù của sự nghiệp đổi mới. Có thể kể ra đây nhiều biểu hiện cụ thể của quá trình này : từ việc các cơ quan dự thảo văn bản, tổ chức thu nhập ý kiến của tầng lớp dân cư đến việc công bố rộng rãi những dự án đã được xây dựng công phu để lấy ý kiến nhân dân dưới nhiều hình thức : ở nhiều cấp từ xã, phường lên huyện, quận đến tỉnh, thành phố, đặc khu, với nhiều kênh : do mặt trận các cấp chủ trì, do các cơ quan dân cử cùng các cấp chủ trì và docác cơ quan chuyên môn các cấp chủ trì, qua con đường chính thức của các hội nghị, hội thảo đến các ý kiến từng người dân trực tiếp viết và gửi thẳng đến các cơ quan dự thảo . Việc xem xét và có quyết định về các dự án trình ra Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng được tiến hành theo một quy trình thể hiện tính dân chủ cao : Tranh luận và đấu tranh quan điểm công khai tại diễn đàn Quốc hội về mặt chủ trương ban hành đến nội dung, tính chất từng quy định. Hiện tượng một dự án pháp luật có khi phải qua nhiều lần xem xét mới được thông qua tại các kỳ họp Quốc hội hoặc các phiên họp của Hội đồng Nhà nước không còn là chuyện hiếm. Quốc hội và Hội đồng Nhà nước – những cơ quan đang giữ quyền lập pháp hiện nay, không còn là nơi chỉ để "thông cho qua" các dự án đã được chuẩn bị sẵn.

Hoàn toàn có thể kết luận : Dân chủ hoá hoạt đông lập pháp đã trở thành một hiện thực sống động của sự nghiệp đổi mới hiện nay. Nhưng đồng thời phải nhìn nhận rằng, dù sao, đó cũng chỉ là cái bắt đầu, sự khởi sắc một việc làm có tính chất tập dượt. Nói một cách chặt chẽ, khoa học, tính dân chủ đích thực của hoạt động lập pháp còn xa mới được thể hiện đầy đủ, vì điều trước tiên rất dễ hiểu là : đó chỉ mới là một sự mởi đầu, với những bước đi có phần còn chập chững, có khi còn mò mẫm.

Yêu cầu thực chất của nhiệm vụ dân chủ hoá hoạt động lập pháp, theo chúng tôi, thể hiện chủ yếu ở ba mặt, ba yêu cầu sau đây :

Người có điều kiện thực tế tham gia với những hình thức thích hợp vào các giai đoạn của quy trình lập pháp, bảo đảm cho pháp luật được ban hành là "do dân".

Điều chủ yếu, cốt lõi của vấn đề là các văn bản pháp luật được ban hành thể hiện được ý chí, nguyện vọng đích thực của nhân dân phản ánh trung thành, chíng xác lợi ích trước mắt, lâu dài, cơ bản của nhân dân.

Đông đảo nhân dân có điều kiện thực tế kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, bảo đảm để những lợi ích được pháp luật thể hiện trở thành hiện thực.

 

Để bảo đảm cho cả ba yêu cầu trên đây được thực hiệnphải triển khai đồng bộ một tập hợp các biện pháp, phương thức hoạt động, trong đó phát huy sự kết hợp dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện, quyền lực Nhà nước với hiệu lực của dư luận xã hội, của các phương tiện truyền thông đại chúng, tính công khai, tự do ngôn luận với phép nước, kỷ cương, trật tự là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Điều đặc biệt, việc huy động những tiềm năng của chế địng đại biểu dân cử, bảo đảm để từng đại biểu, từng cơ quan đại diện thực chất là người đại diện, thay mặt dân, có toàn quyền quyết địng các công việc xã hội thực sự và toàn quyền quyết định các vấn đề được đưa vào nội dung của các văn bản luậtđảm bảo trở thành các quy phạm điều chỉnh, hướng dẫn cả hệ thống quan hệ xã hội có ý nghĩa và tầm quan trọng hàng đầu hiện nay.phải kiên trì từng bước khắc phục bằng được tính hình thức, "nghiệp dư" không chuyên trách trong chế định đại biểu hiện nay. Trong chế định đại biểu, có lẽ "đây là vấn đề của những vấn đề" cho đến khi tình trạng, xét về mặt thẩm quyền, chức năng, người đại biểu có toàn quyền quyết định các vấn đề quốc tế dân sinhnhưng cách làm việc lại "xuân thu nhị kỳ", nhiệm, chức năng đại biểu chưa trở thành "sự nghiệp cuộc đời" chức danh đại biểu chỉ có tính chất danh nghĩa, tượng trưng, tiêu biẻunhiều hơnthì hiệu lực và hiệu quả của chế định này sẽ còn rất hạn chế, hoạt động lập pháp ban hành các luật chưa thể thực sự trở thành công việc của chính người đại biểu.Trong trường hợp hiệu lực của chế định "dân chủ trực tiếp" trong hoạt động lập pháp cũng bị hạn chế lây. ý nguyện của cử tri đã được phản ảnh với người đại biểu, ý kiến của nhân dân đã tham gia đối với các dự án luật, trong không ít trường hợp sẽ "không đến nơi". Cái gọi là dân chủ hoá hoạt động lập pháp dù có được triển khai bằng các hình thức rầm rộ, trên thực tế, tác dụng vẫn rất hạn chế.

Thực tế trên đây, một kết luận có thể được rút ra là : còn rất nhiều việc phải làm để dân chủ hoá hoạt động lập pháp thực sự trở thành hành vi, sự việc cụ thể và trở thànhbiểu hiện thực tế ngang tầm với nhiệm vụ đổi mới.

 

4. Thử xác định một phương hướng chính xây dựng hệ thống pháp luật của xã hội ta hiện nay.

 

Sự nghiệp đổi mới đang thực sự đòi hỏi, đòi hỏi một cách bức bách phải khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật của nước nhà, đưa hệ thống pháp luật ít ra theo được bước đi, tiến độ của công cuộc đổi mới. Điều đáng nói: đây đang là một đòi hỏi đã thâm nhập khá sâu rộng vào cuộc đời thường, một nhu cầu xã hội, một nguỵen vọng mang tính "đại trà" của xã hội công dân.

Việc đề cập, tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, cụ thể đòi hỏi phải có cả một công trình nghiên cứu công phu, một nỗ lực mang tính tập thể của nhiều nhà nghiên cứ, trong bài tham luận này chỉ thử xin đề cập đến vấn đề một cách khái quát, theo cách hiểu của bản thân, một số phương hướng chính xây dựng hệ thống pháp luật từ nay đến năm 1995 và có thể đến năm 2000.

4.1. Sự cần thiết kết hợp biện pháp đáp ứng như cầu tình thế, có tính quá độ, chuyển giai đoạn với yêu cầu có tính định hướng dài hơn.

 

Có lẽ diều này phải trở thành phương hướng chính chỉ đạo toàn bộ hoạt động lập pháp hiện nay. Vấn đề bức bách hiện nay của xã hội ta là phải ra khỏi, càng nhanh càng tốt, tình trạng khủng hoảng đã kéo dài, và hoạt động lập pháp phải góp phần đắc lực vào việc tìm lối ra. Hơn nữa, hệ thống pháp luật cũ không dễ dàng huỷ bỏ mà chỉ có thể tiến hành từng bước, bằng sự thay thề dần từng bộ phận trong từng lĩnh vực, có khi trong từng văn bản và cả trường hợp trong từng chế định của mỗi văn bản. Công việc vì vậy không phải là "hất chậu nước bẩn" mà là "khơi trong gạn đục". Đây phải trở thành phương châm xử lý tình hình.

Trên bình diện này, hoạt động lập pháp, xét theo thực chất, không phải là luôn luôn ban hành những văn bản hoàn toàn mới để đồng loạt thay thế những văn bản cũ, hiện hành, mà chính là từng bước đổi mới văn bản hiện hành, và khi cần thiết, thì ban hành những văn bản mới.

Nhưng "đổi mới" hệ thống pháp luật hiện hành không chỉ giới hạn trong phạm vi các biện pháp tình thế. Đặc biệt quan trọng là thấy và kết hợp được cả yêu cầu lâu dài của nhiệm vụ. Vấn đề không chỉ tìm lối ra cho vấn đề còn là: ra được thì đi đâu?

Phải nói rằng trong hoạt động thực tiễn của các cơ quan lập pháp nước ta, có thể nói, đã định hình hai phương thức cơ bản xử lý tình hình này:

1.Trong những lĩnh vực xã hội mà tri thức và thực tiễn pháp luật đã tích luỹ được tương đối phong phú, định hướng dài hơn, về cơ bản đã rõ nét thì Nhà nước ta sử dụng hình thức " pháp điển hoá" tức là xây dựng ngay các bộ luật khó "lấn điển" như Bộ luật hình sư, Bộ luật tố tụng hình sự. Hai bộ luật này sau khi ban hnàh tuy chỉ mới một thời gian ngắn đã có sự sửa đổi, bổ sung, nhưng đó chỉ là một số điều cụ thể, riêng biệt. Về cơ bản, đây sẽ là những bộ luật sẽ được áp dụng lâu dài.

2. Trong những lĩnh vực mà tri thức và thực tiễn pháp lý còn ít, còn mới mẻ hoặc quan hệ xã hội cũng chưa định hình rõ nét hoặc đang trong quá trình chuyển hoá thì Nhà nước cứ đúng phương thức ban hnàh các loại "văn bản pháp quy đơn hành" trong không ít trường hợp, nhà lập pháp chia tách một văn bản hoàn chỉnh theo các phần, các chương xây dựng và ban hành dưới hình dạng các pháp lệnh đơn hành, đặc trưng cho trường hợp này là các pháp lệnh đã và sẽ được Hội đồng Nhà nước lần lượt ban hành về pháp luật lao động : mỗi pháp lệnh điều chỉnh của một chương của Bộ luật lao động tương lai. Đối với các quan hệ pháp luật dân sự và tố tụng dân sự một bức tranh tương tự cũng đã được phác vẽ. Phạm vi điều chỉnh của mỗi pháp lệnh đã được Hội đồng Nhà nước thông qua và sẽ thông qua cũng là một nhóm quan hệ pháp luật thuộc một chặng đường của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự tương lai.

Cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng đặc thù này của hoạt động lập pháp cảu Nhà nước ta để có thái độ tự giác, có ý thức phát huy, sử dụng các phương thức này phục vụ yêu cầu đổi mới hoạt động lập pháp.

4.2. Phải từng bước làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, thực sự là cơ quan làm luật.

 

Luật là hình thức văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản của một nước. Đông thời, xét theo hình thức hình thành, luật cũng có văn bản pháp luật mang tính dân chủ cao nhất vì nó trực tiếp thể hiện ý chí của những đại biểu do dân bầu ra và được xây dựng bằng con đường dân chủ nhất. Vì vậy trong các Nhà nước dân chủ quyền lập pháp - làm luật - thuộc Quốc hội và Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền làm luật.

Hai loại vần đề lớn đang đặt ra cho xã hội ta trong lĩnh vực này :

Hiện nay, trên thực tế và theo quy định của Hiến pháp nhiều vấn đề thuộc loại "quốc gia đại sự", "quốc kế dân sinh" vẫn được ban hnàh dưới hình thức văn bản hoặc luật, hoặc pháp lệnh của Hội đông Bộ trưởng. Nói một cách khác, một tình hình chưa thật bình thường của xa hội ta là xét theo thực chất, Quốc hội chưa thật sự là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Đó là một hạn chế mang tính lịch sử, nhưng khắc phục tình trạng này không đơn giản : để trở thành và làm đúng chức năng cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, Quốc hội phải trở thành một cơ quan hoạt độnh thường xuyên;chứcphải do những người chuyên trách đảm đương: làm đại biểu phải trở thành một thứ nghề ....

2. Với tư cách làm việc hiện nay : Quốc hội họp xuân thu nhị kỳ, mỗi kỳ không thể kéo dài, dù có muốn Quốc hội cũng không thể thông qua nhiều luật và đối với từng luật, không phải tất cả các đại biểu có điều kiện đi sâu.Từ đó, xuất hiện tình hình : chức năng lập pháp Quốc hội phải dành một phần và là một phần đáng kể cho Hội đồng Nhà nước ra các pháp lệnh; mặt khác, các đại biểu đã thông qua các luật, phải huy động, dựa vào cả một bộ máy giúp việc. Xét theo từng đại biểu, một bộ phận đáng kể chỉ có điều kiện thông qua mà chưa thực sự làm luật.

Khắc phục các tình hình trên đây là bước tiến lớn trên con đường đổi mới hoạt động lập pháp, nhưng đó là quá trình phải qua từ nhiều bước và phải làm từng bước.

 

4.3)Trong hoạt động lập pháp hiện nay phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp từ sự kết hợp quyền lực với khoa học, đại biểu và chuyên gia, nhândân và nhà chuyên nghiệp.

 

Các mối quan hệ được đặt ra ở đây hiện nay đã phát sinh và đang được giải quyết, nhưng chỉ mới là bước đầu. Sự đổi mới một cách cơ bản, toàn diện, sâu sắc hoạt động lập pháp của Nhà nước ta trong một chừng mực đáng kể phụ thuộc trực tiếp vào việc giải quyết một cách đồng bộ các mối quan hệ này

Lập pháp trước hết là một quyền năng, thể hiện quyền lực Nhà nước. Nhưng quyền lực chỉ có hiệu lực thực tế, hiệu quả và ý nghĩa, tác dụng xã hội khi biết dựa trên một cơ sở khoa học và được thực thi một cách khoa học. Sự kết hợp giữa quyền lực và khoa học, vì vậy, có tầm quan trọng hàng đầu trong hoạt động lập pháp. các kinh nghiệm, bài học thành công và thất bại của của hoạt động lập pháp xác nhận tầm quan trọng và ý nghĩa cấp bách của sự kết hợp này. Trong đó, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các đại biểu và chuyên gia đang trở thành vấn đề cần được đạc biệt quan tâm. Sự chuyên nghiệp hoá ít nhất một phần đại biểu tạo ra khả năng thực tế để các đại biểu thực hiện được chức trách của mình, nhưng đièu đó không làm giảm sút ý nghĩa của các chuyên gia, đội ngũ chuyên viên đông đảo và có trình độ cao. Hơn nữa, chuyên trách hoá đại biểu là một quá trình. Trong hoàn cảnh đó, các chuyên gia lại càng cần thiết và phải trở thành trợ thủ đắc lực của đại biểu tropng việc thưcj hiện chức năng, thực thi quyền lực của mình. Nhưng hoạt động lập pháp trong ý nghĩa chẩn xác của nó luôn mang tính chất quần chúng rộng rãi. Làm thế nào để các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ban hành không phải là sản phẩm riêng biệt của các cơ quan đó và phải thực sự không chỉ vì dân của dân mà còn là do dân, thực sự do dân. Đồng thời, tính chất chuyên sâu của các văn bản pháp luật được trình và thông qua tại Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đang đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực và phải thấy rằng các nhà chuyên nghiệp bản thân cũng là một bộ phận của dân cử hoặc tự thân chính là đại biểu. Vấn đề quan trọng là sự cần thiết kết hợp nhuần nhuyễn tính nhân dân và tính chuyên nghiệp và đó chính là bảo đảm sức sống và khả năng đi vào cuộc sống của các quy định pháp luật phục vụ công cuộc đổi mới.

 

4.4)Từng bước xây dựng một hệ thống pháp luật thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, thực sự trở thành cơ chế điều chỉnh một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN.

 

Trong những năm gần đây, số lượng Luật, Pháp lệnh có nội dung kinh tế, điều chỉnh các quan hệ kinh tế chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong các văn bản Luật, Pháp lệnh được ban hành. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đấy mới chỉ là những tiến bộ bước đầu. còn nhiều vấn đè cần được tiếp tục xử lý để từng bước làm cho hệ thống pháp luật nước ta thực sự trở thành công cụ, phương tiện xây dựng cơ chế quản lý kinh tế mới đủ sức khuyến khích phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Vấn đề lớn đang đặt ra về mặt pháp lý cần được giải quyết như : thế nào là bình đẳng của các thành phần kinh tế ? Vị trí của kinh tế quốc doanh cần được thể chế hoá như thế nào để vừa bảo đảm được vai trò, tính chất của thành phần kinh tế này vừa không ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích các thành phần kinhnh tế cùng phát triển. Một vấn đề lớn chi phối lâu dài nội dung hệ thống pháp luật nước ta : Thế nào là định hướng XHCN đối với cả nền kinh tế, và nói riêng, các thành phần kinh tế tư nhân-cá thể ?

 

4.5)Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở thực sự đổi mới bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, tinh thông tiết kiệm, có hiệu quả, thực sự do dân, vì dân.

Đây không phải là vấn đề mới. Hệ thống văn bản pháp luật về Bộ máy Nhà nước được thường xuyên quan tâm xây dựng trong mấy chục năm qua. Nhưng vấn đề là ở chỗ : trước yêu cầu và chủ trương, đường lối đổi mới các văn bản đó đã bộc lộ rõ ràng các khuyết tật và cần được đổi mới một cách sâu sắc, cơ bản, toàn diện, từ các nguyên tắc đến các phươ3ng thức tổ chức và hoạt động của cả bộ máy Nhà nước ở tất cả các cấp. Vấn đề lớn có tính bao quát được đặt ra là cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ vào tổ chức và hoạt động của các cấp, các ngành phù hợp với đặc thù, tính chất của mỗi loại cơ quan. Vấn đề tập quyền và phân quyền, lập pháp và hành pháp, quyền lực Nhà nước và hành chính Nhà nước, quyền lực Nhà nước và quyền tự quản (tự trị) của địa phương, dân chủ và kỷ luật, vai trò của khoa học – kỹ thuật, vị trí của các nhà chính trị ... và ... đang đều là những vấn đề được đặt ra về mặt lý luận và thực tiễn và đang đòi hỏi các phương sách, đáp án xử lý để từng bước thể chế hoá một hệ thống văn bản thực sự trở thành cơ sở pháp lý đáng tin cậy xây dựng một bộ máy Nhà nước đủ hiệu lực quản lý xã hội thực sự có hiệu quả.

 

4.6)Hệ thống pháp luật được đổi mới phải thực sự bảo vệ quyền con người, quyền làm chủ, quyền được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ,có kỷ cương, trật tự của tất cả các thành viên xã hội.

 

Đây là một định hướng cơ bản phát triển hệ thống pháp luật mới. không thể nói đến CNXH nếu người dân không được tự do, không được hưởng công bằng trong xã hội, an cư để lạc nghiệp. Nhiều vấn đề lớn đang đặt ra : quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, dân chủ là mục tiêu và dân chủ là động lực ; dân chủ và kinh tế ; trình độ dân chủ và giới hạn của dân chủ ; dân chủ và văn hoá; dân chủ và kỷ cương xã hội ... Đây là việc cụ thể hoá và từng bước thể chế hoá thành hệ thống văn bản đủ hiệu lực bảo đảm quền con người để mọi người đủ tự tin, được hưởng sự an toàn pháp lý đồng thời xã hội xác lập, duy trì được kỷ cương, tổ chức là hai mặt hợp thành thể thống nhất của một xã hội pháp chế, một Nhà nước pháp quyền XHCN.

 

4.7)Chương trình hoá hoạt động lập pháp, lập quy bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, nhất quán của hệ thống pháp luật, điều chỉnh quan trọng bảo đảm phát huy hiệu lực và hiệu quả thực tế của cả hệ thống pháp luật trong quá trinhf đổi mới mọi mặt đời sống xã hội.

 

Trong những năm gần đây đã có những tiến bộ đáng kể về mặt này, hoạt động lập pháp đã từng bước đi vào chương trình, kế hoạch, nhưng nếu nói một cách chặt chẽ, đây mới chỉ mới là tập dượt, còn nhiều việc phải làm để hoạt động lập pháp, lập quy thực sự trở thành đối tượng của công tác kế hoạch, chương trình hoá. Vấn đề lớn đặt ra là tính hiện thực (khả thi) và hiệu quả xã hội của bản thân hoạt động kế hoạch hoá, chương trình hoá hoạt động xây dựng pháp luật. điều cần dứt khoát khẳng địng là : công tác chương trình hoá, kế hoạch hoá hoạt động lập pháp là điều kiện không thể thiếu của hoạt động lập pháp vào thế chủ động, đồng bộ, kịp thời phục vụ công cuộc đổi mới và điều quan trọng là tạo ra những điều kiện, môi trường cần thiết để hoạt động này có những bước đi vững chắc .

4.8)Vấn đề cơ bản, mấu chốt là bảo đảm thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật thực sự được tôn trọng.

 

Trong công tác pháp chế nói chung, đây có lẽ là khâu yếu nhất hiện nay. Pháp luật, dù đúng đắn đến đâu, tự nó không thể đi vào cuộc sống. Trong tình hình khối lượng các Luật, Pháp lệnh được ban hành ngày càng lớn, thì nhược điểm này càng bộc lộ ra rõ rệt và trên thực tế đang tạo nên tâm lý nghi ngờ, xem nhẹ bản thân hoạt động lập pháp.

Trên lĩnh vực này, nhiều vấn đề cụ thể cũng đang được đặt ra : Loại vấn đề hàng đầu là bảo đảm tính hiện thực, khả thi của chính các quy định pháp luật. pháp luật không chỉ là những lời kêu gọi, cổ vũ, càng không phải là một loại bánh vẽ, chỉ để nhìn mà không ăn được. Pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể, hiện thực. Pháp luật được ban hành, nếu không được đưa vào cuộc sống, không chỉ bị vô hiệu hoá mà còn phản tác dụng và điều rất tai hại là : các quan hệ xã hội vẫn vận động theo cách của mình, hoặc như dư luận thường nói : không theo luật Nhà nước thì theo "luật rừng". Vấn đề tổ chức thực hiện, thi hành luôn và hiện đang đòi hỏi có sự quan tâm lớn để ít nhất không vô hiệu hoá hoạt động lập pháp. Nhưng đây lại là vấn đề phải được trở thành đề tài của một chuyên đề lớn ra ngoài phạm vi của cuộc hội thảo này của chúng ta ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một vài suy nghĩ về những yêu cầu cơ bản của hệ thống pháp luật trong thời kỳ quá độ ở nước ta.

 

 

Hoàng văn hảo.

 

 

I

Cùng với sự phát triển của Nhà nước ta trên cơ sở Hiến pháp 1946 và những Hiến pháp tiếp theo, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Luật, Pháp lệnh và các văn bản dưới luật hình thành một hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trên nhiều lĩnh vực. Đó là thành quả quan trọng của quá trìng lập pháp ở nước ta. Và trên thực tế hệ thống pháp luật đó đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, cải tạo và xây dựng CNXH ở nước ta.

Thế nhưng, nếu xem xét một cách khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, có thể thấy rằng hệ thống pháp luật hiện hành cũng có những nhược điểm, khuyết tật, tuy đã được sửa chữa, bổ sung từ sau Đại hội VI của Đảng, nhưng đến nay, nó vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của công cuộc đổi mới XHCN. Thực trạng pháp luật hiện hành, theo tôi, đang chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt.

a).Mâu thuẫn giữa nội dung mà pháp luật ghi nhận với trình độ phát triển kimh tế xã hội trong buổi đầu của thời kỳ quá độ ở nước ta. Giữa pháp luật và đời sống hiện thực thường tiềm tàng những mâu thuẫn như là mâu thuẫn giữa cái vận động và cái tĩnh tại. Điều đáng nói ở đây là do chủ quan duy ý chílàm cho mâu thuẫn này trở nên gay gắt. Mặc dù pháp luật đã được sửa chữa và bổ sung, nhưng pháp luật hiện hành vẫn là hệ thống pháp luật được xây dựng trên cơ sở tư duy cũmà cái nền là Hiến pháp 1980. Đặc trưng của tư duy pháp lý cũ là tính chất giáo điều, duy ý chí thể hiện trong các điều luật, xa rời thực tế cuộc sống, do đó pháp luật trở nên hình thức phù hợp với cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của một Nhà nước quan liêu bao cấp.

b).Mâu thuẫn trong nội bộ hệ thống pháp luật. Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, trên cơ sở tư duy mới về nội dung kinh tế xã hộicủa thời kỳ quá độ, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới, nhưng về cơ bản vẫn trên nền tảng Hiến pháp 1980, do đó, khó tránh khỏi sự chồng chéo không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhaugây ra những khó khăn trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, nhất là trên lĩnh vực quản lý kinh tế, có những hoạt động nảy sinh từ cơ chế quản lý kinh tế mới nhưng không dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ, nên đã gây ra tổn thất không nhỏ cho Nhà nước và nhân dân.

c).Mâu thuẫn giữa pháp luật hiện hành và yêu cầu phát triển dân chủ. Nếu như thực chất của sự nghiệp đổi mới là dân chủ. và, nội dung dân chủ trong thời kỳ quá độ ở nước tađã được ghi rõ trong nghị quyết Trung ương lần thứ VI trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá tư tưởng ... Chính nội dung dân chủ ấy đang đòi hỏi một sự đổi mới tương ứng vàg đồng bộ về pháp luật, nhằm tạo ra cơ sở pháp lý mới cho các quá trình kinh tế xã hội, tạo ra những cơ chế tự bảo vệ, tránh được những hành vi tuỳ tiện, lộng quyền, tham nhũng , vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. xét theo yêu cầu này là rõ ràng, chúng ta đang thiếu nhiều luật, nhất là trên lĩnh vực quyền con người và các quan hệ pháp luật dân sự.

 

Từ sau Đại hội VI của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh do yêu cầu dân chủ và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Nhưng, trước quan hệ xã hội phức tạp, cho năng động và nhận thức của chúng ta mới chỉ là bước đầu, cho nên, ngay trong những Luật mới ban hành vẫn có những chế định không sát thực tế hoặc thiếu chặt chẽ tạo ra một số sơ hở trong quản lý (một số chế định trong Luật hình sự, trong quyết định 217 ...) Trước tình hình đó, nhân dân thì chưa hiểu pháp luật, chưa quen sống và làm việc theo pháp luật, chưa có ý thức đầy đủ và những điều kiện cần thiết để tham gia vào cuộc đấu tranh chống những hành vi phạm pháp; trong khi đó thì một bộ phận cán bộ và những kẻ xấu đã lợi dụng những sơ hở của pháp luật để tham nhũng, ăn cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân; đồng thời cũng cần thấy rằng, có nhiều cán bộ nhà nước thoái hoá biến chất, kể cả trong hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật, do đó đến khi có luật rồi vẫn không thi hành được....Toàn bộ tình hình trên dẫn đến pháp chế không nghiêm, kỷ cương Nhà nước bị buông lỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

II

Sự cần thiết dổi mới hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay là do hệ thống pháp luật cũ không thể bảo đảm cho sự phát triển năng động nền kinh tế, do yêu cầu dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội mà trung tâm là giải phóng con người như Nghị quyết lần thứ VI của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra. Xác định yêu cầu cơ bản của hệ thống pháp luật mới, theo tôi, phải căn cứ vào thực trạng pháp luật hiện hành; phải trên quan điểm kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc và những giá trị pháp lý chân chính mà loài người đã tích luỹ được; phải căn cứ vào yêu cầu mới của tiến bộ xã hội mang tính chất như là những đòi hỏi của thời đại.Từ những căn cứ ấy và xem xét vấn đề trên tổng thể (chưa bàn đến những ngành luật), chúng ta thử bàn về những yêu cầu cơ bản của hệ thống pháp luật trong thời kỳ quá độ ở nước ta.

Trước hết, hệ thống pháp luật mới phải được xây dựng sát với điều kiện kinh tế xã hội của thời kỳ quá độ ở Việt nam. Yêu cầu này phải được phản ánh trước hết trong Hiến pháp mới, cụ thể là:

Hệ thống mới phải tạo ra cơ sở pháp lý cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của các thành phần kinh tế, cả sở hữu tư liệu sản xuất, quản lý sản xuất cuãng như phân phối thu nhập dưới nhiều hình thức, đảm bảo cho các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính sách kinh tế gắn với chính sách xã hội, do đó, cơ chế quản láy kinh tế mới đang đặt ra hàng loạt vấn đề về mặt xã hội đòi hỏi có pháp luật bảo đảm. Một vài thí dụ:

Sự phân hoá giàu nghèo là điều không thể tránhkhỏi trong quá trình thực hiện triệt để có cơ chế quản lý kinh tế mới. Nhà nước sẽ phải chấp nhận thực tế khách quan ấy. Và phải có chính sách và pháp luật thích hợp vừa phát huy được mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất vừa đảm bảo được coong bằng xã hội trong điều kiện phức tạp đó.

Nhà nước thừa nhận sự tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế. Điều đó có nghĩa là còn sự bóc lột lao động trong thực tế. Vấn đề quan trọng ở đây là, njà nước cần có chính sách và pháp luật mới sao cho có thể vừa khuyến khích làm giầu lại vừa bảo đảm được quyền của người lao động trong các xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Quá trình chuyển từ chế độ tập trung bao cấp sang hạch toàn kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa khó tránh khỏi hiện tượng người thất nghiệp tăng lên. Điều đó càng dễ thấy trong điều kiện Việt nam những năm trước mắt với hơn 3 triệu người không có việc làm; người lao động ở nước ngài trở về; số lao động dôi ra do xí nghiệp không đứng vững được trước cơ chế quản lý mới; số học sinh, sinh viên ra trường không bố trí được việc làm; biên chế nhà nước khổng lồ chưa giải toả được....Tất cả những điều đó hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, trong đố cần có những đạo luật đảm bảo về mặt xã hội, như luật bảo hiểm xã hội và những luật khác.

Trên các lĩnh vực tôn giáo, dân tộc (hiện có hơn 8 triệu người mù chữ), trong điều kiện hiện nay cũng đòi hỏi có nhứng chính sách và pháp luật mới, bảo đảm cơ chế pháp lý cho các hoạt động về y tế, giáo dục...

Thứ hai, hệ thống pháp luật mới phải khuyến khích và đảm bảo phát huy tinh thần nhân đạo, bảo đảm yêu cầu pháp luật của dân chủ là vì con người. Nhân đạo vốn là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được thể hiện trong " phép nước lệ làng" và trong cách ứng sử của nhân dân. Dĩ nhiên, nội dung khái niệm nhân đạo cũng biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Tron g thời đại chúng ta, nội dung nhân đạo sâu sắc gắn với một chế độ xã hội không còn người bóc lột người, là xây dựng một chế độ xã hội mới mà bản chất của nó là giải phóng con người. Nội dung tư tưởng nhân đạo phải được quán triệt trong quá trình xây dựng pháp luật. Tiếc thay, trong quá trình phát triển của xã hội ta, do nhiều nguyên nhân, truyền thống nhân đạo chưa được phát huy đầy đủ, nhất là trong điền kiện chiến tranh kéo dài, thành tựu là to lớn, nhưng không phải không để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tâm lý và cách ứng xử của con người, chẳng hạn, cắt nghĩa thế nào về những hành vi tội ác giết người chỉ do những nguyên nhân hết sức đơn giản; sự thờ ơ lãnh đạm trước những hành vi tàn bạo đối với con người.... Tình hình đó có phần nào là do ảnh hưởng quả chiến tranh và phần nào là do thiếu pháp luật ? hoặc pháp luật trừng trị không nghiêm, chưa bảo đảm khuyến khích những hành vi lương thiện và tố giác những hành vi tội ác, chưa kết hợp tốt với dư luận xã hội trong quá trình thực hiệnpháp luật ... Vì vậy, hệ thống pháp luật mới phải làm sao trong xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, bảo vệ pháp luật phat huy được tinh thần nhân đạo, cùng dư luận xã hội ngăn chặn những hành vi tội ác đối với con người, xây dựng một nếp sống nhân đạo được pháp luật khuyến khích và bảo vệ.

 

Thứ ba,hệ thống pháp luật mới phải khuyến khích và mở rộng dân chủ. Mặc dù, lịch sử không để lại cho chúng ta một truyền thống dân chủ. Nhưng dân chủ là bản chất của chế độ mới, của Nhà nước kiểu mới mà chúng ta đang xây dựng. Hiện nay, dân chủ là thực chất của sự nghiệp đổi mới XHCN. Vì vậy, pháp luật có vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hoá đời sống Nhà nứoc xã hội. ở đây, thực tế đang đòi hỏi :

pháp luật thể chế hoá nền dân chủ trong mọi lĩnh vực như đã được chỉ ra trong nghị quyết trung ương VI, đặc biệt cần thể chế hoá trong lĩnh vực quyền, tự do cá nhân, quan hệ pháp luật dân sự mà ít nhiều bị lãng quên trong htời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp.

 

Thứ tư,hệ thóng pháp luật phải bảo đảm cho việc thi hành nghiêm chỉnh trong thực tế. Đây là vấn đề rất phức tạp, nên có khi có pháp luật rồi vẫn chưa có pháp chế. Trong điều kiện nước ta hiện nay, cần đặc biệt chú ý đến các mặt :

Muốn có pháp chế, pháp luật phải đựoc xây dựng trên cơ sở khoa học. Muốn vậy, phải dân chủ hoá quá trình làm luật.

Xây dựng một cơ chế thực hiện pháp luật, trong đó đặc biệt chú ý xác địng trách nhiệm của các cơ quan Nhà nướcđối với công dân, tạo ra cơ chế tự bảo vệ cho công dân, đồng thời, nâng cao văn hoá pháp lý cho công dân trong quá trình hình thành hệ thống pháp luật mới.

Việc tăng cường pháp chế trong bất cứ điều kiện nào cũng phải thông qua đấu tranh. Vì vậy, hệ thống pháp luật mới phải tạo ra cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh đó.

 

Trên đây là một số suy nghĩ về những yêu cầu của hệ thống pháp luật trong điều kiện mới ở nước ta, chưa có điều kiện để bàn sâu vào các ngành luật. Nhưng, theo tôi, những yêu cầu cơ bản nêu ra cũng cần được quán triệt trong quá trình xây dựng các ngành luật cụ thể ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mấy vấn đề về phương hướng xây dựng pháp luật từ nay cho đến năm 2000

..................................

 

Phan hữu chi

Bộ tư pháp

 

 

1. Thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế – xã hội của Đại hội Đảng lần thứ VI, nước ta đang trong thời kỳ chuyển hướng sang nền kinh tế hàng hoá. Nền kinh tế hàng hoá đó vận động theo cơ chế thị trường mà Nhà nước ta điều tiết bằng các công cụ và biện pháp, chủ yếu là biện pháp kinh tế.

2. Cùng với việc thực hiện chính sách đối ngoại mở cửa, Nhà nước ta cần đảm bảo môi trường chính trị – xã hội ổn định, đó là điều kiện không có không được cho sự phát triển của đát nước và mở rộng quan hệ buôn bán voứi bên mgoài. Nhân dân ta, cũng như những nhà kinh doanh trong nước, đặc biệt là các nhà kinh doanh nước ngoài không bỏ công, của vào việc phát triển kinh tế trong một môi trường đầy bất trắc và rủi ro. Bởi vậy, trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ không thể có một sự phát triển mạnh nếu thiếu sự ổn định chính trị và xã hội.

3. Các chính sách (policies) và tất nhiên là một hệ thống pháp luật thích hợp cùng với bộ máy thực thi pháp luật có hiệu quả là những công cụ hết sức cần thiết để thiết lập nên một trật tự ổn định và để mở đường chỉ lối cho sự phát triển của chặng đường đầu tiên chuyển hướng sang kinh doanh.

 

Ba năm qua, tuy Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh và văn bản thi hành phục vụ công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được một khung pháp luật kinh doanh đủ cho nền kinh tế hàng hoá với nhiều loại hình sở hữu vận động theo cơ chế "thị trường "mở" ở trong nước và cởi mở với nước ngoài, với những công cụ điều tiết vĩ mô có hiệu quả.

 

Do thiếu hoạch định ra một chiến lược pháp luật cho chặng đường đầu tiên, các luật, pháp lệnh và các văn bản thi hành luật có phần nào chắp vá và chồng chéo. số lượng ban hành vừa qua không ít, nhưng vẫn thiếu một số cái cơ bản, nên khi đưa ra thực thi đã gặp lúng túng. Vấn đề đặt ra cho mười năm tới – một thời gian không dài lắm – là xác định cần tập trung vào những luật gì có tính chất then chốt để tạo nên một khung pháp luật chắc chắn và rõ ràng, không có kẽ hở ở đó nhà kinh doanh trong và ngoài nước tìm được "luật chơi" lường trước được rủi ro, còn nhà quản lý cũng dựa vào đó để điều tiết "cách chơi" của các nhà kinh doanh cho đúng hướng, lành mạnh.

4. Đầu tiên phải làm là sửa đổi Hiến pháp 1980, Hiến pháp sửa đổi vẫn khẳng định chế độ Nhà nước đã nêu trong Hiến pháp 1980, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của đại đa số nhân dân ta, song cần đổi mới những quy định pháp luật căn bản về kinh tế – xã hội. Nếu Hiến pháp 1980 xác định xây dựng nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa trên khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, trong đó kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, thì Hiến pháp sửa đổi sắp tới cần công nhận rõ ràng khu vực tư nhân và việc bảo hộ sở hữu tư nhân, đặt quyền sở hữu tư nhân lên cùng ngang bằng với sở hữu Nhà nước. Tất nhiên, kinh tế quốc doanh cần nắm giữ vị trí then chốt của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, nhưng cần xoá bỏ bao cấp và độc quyền cùng những ưu đãi phi lý.

5. Các luật dân sự và thương mại có tác động lớn và trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt nam. Việc giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các cơ sở kinh tế quốc doanh việc đưa hầu hết hangf hoá và dịch vụ qua hệ thống thị trường đòi hỏiphải sớm bổ sung luật dân sự và thương mại để làm thành một khung cho quản lý kinh doanhcó hiệu quả và có trật tự. Năm qua, ta đã ban hành pháp luật về đất đai, hợp đồng "kinh tế", về thừa kế, về sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ, về trọng tài kinh tế Nhà nước, Luật hàng hải và mới đây về ngân hàng, thương mại, về công ty và vài thứ thuế, đó là kết quả của một sự nỗ lực trong công cuộc đổi mới. Song vẫn thiếu một số mắt xích quan trọng của khung pháp lý kinh doanh. Và hơn nữa có những quy định pháp luật cần xem xét sửa đổi vì kém hiệu quả kinh tế, đồng thời làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

6. Trong năm 1991 và vài năm tiếp theo, cần tập trung vào những vấn đề quan trọng là chế độ pháp lý về quyền Sở hữu, Tài sản, Đất đai, Tài nguyên, về trái vụ và hợp đồng, đưa ra các chế định về các loại hợp đồng chuyên biệt phổ biến, bổ sung Luật doanh nghiệp và các công ty (bao gồm cả cải tiến tổ chức và đổi mới quản lý quốc doanh), Luật phá sản , sửa đổi và bổ sung Luật thuế và các lệ phí, khắc phục những vết tích của chế độ kế toán thống kê bao cấp và đưa ra một chế độ kế toán thương mại phù hợp, thiết lập cơ quan kiểm toán, xây dưng một văn bản pháp luật về kiểm soát giá và chống độc quyền. Những vấn đề sau cùng vừa kể trên là các yếu tố cơ bản giúp các nhà kinh doanh có đủ thông tin để tính toán đúng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời phải xây dựng các toà thương mại đủ độ tin cậy, để các nhà kinh doanh có thể lựa chon một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp : trọng tài hoặc toà án thương mại. Nếu trọng tài không thoả mãn được các bên thì họ có quyền đưa việc tranh chấp đến toà án.

Song song với việc ra các vbăn bản pháp luật đơn hành, cần ngay từ bây giờ bắt tay vào việc tách từ các văn bản đơn hành đó , tút ra những quy địng trung để xây dựng Bộ luật dân sự và thương mại và Bộ luật tố tụng dân thương sự, làm hậu thuẫn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế khi nước ta bước vào thế kỷ 21.

7. Cũng cần đổi mới pháp luật về lao động. Trong nền kinh tế tập trung quan liêu và bao cấp, người lao động được Nhà nước tuyển dụng vào làm việc suốt đời trong quốc doanh, nên sức lao động trở nên trì trệ, thiếu năng động. Chuyển sang nền kinh tế thi trương cần thay đổi cơ bản chính sách tuyển dụng nhân công và luật lao động, đưa sức lao động vào thị trường dựa trên sự thoả thuận băng hợp đồng giữa bên sử dụng lao động với người lao động. Đồng thời cần đưa ra các thiết chế về đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, về bảo hiểm xã hội mới, tổ chức giới thiệu công ăn việc làm, cải tiến cách giải quyết tranh chấp lao động (trước hết thông qua con đường trọng tài tự lựa chọn rồi cần thiết mới đến toà án) cho phù hợp với sự biến động của nhân công trong giai đoạn đổi mới cơ chế kinh tế.

Một vài Pháp lệnh đã được ban hành theo hướng đó, và các dự thảo khác cũng đựoc chuẩn bị, để đi đến pháp đi ển hoá luật lao động và bảo hiểm xã hội.

8. Khung pháp luật dân sự và thương mại được xây dựng để quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và công ty (kể cả quốc doanh) trong nước, nhưng do Nhà nước ta thực hiện nền kinh tế thị trường có điều tiết vĩ mô mở cửa với nước ngoài, nên các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt nam cũng phải tuân thủ pháp luật nước chủ nhà và được pháp luật nước chủ nhà bảo đảm an toàn trong kinh doanh cho họ. Cho nên phải xây dựng một khung pháp luật dân sự và thương mại áp dụng trung cho cả các đối tượng trong nước và nước ngoài. Không nên chỉ nghĩ đến việc điều chỉnh bằng pháp luật cho riêng kinh tế trong nước, còn các tổ chức kinh doanh nước ngoài lại có một khung pháp luật riêng điều chỉnh. Đáng tiếc là cách suy nghĩ và cách làm không đúng này đã thể hiện trong luật doanh nghiệp tư nhân và luật công ty, trong pháp lệnh hợp đồng kinh tế và pháp lệnh trọng tài kinh tế Nhà nước, và rõ nhất là trong luật đất đai. Chúng ta chỉ nên tính đến việc ra những quy đinhj cụ thể riêng cho các đối tượng nước ngoài khi ddiều kiện kinh tế – xã hội thực tại của đát nước ta đòi hỏi, và cái đó còn phải cân nhắc kỹ hiệu quả trước mắt và lâu dài còn về một khung pháp luật bao gồm những nguyên tắc của luật dân sự, thương mại, lao động thì không thể áp dụng chung, trừ điều kiện mà điều kiện mà điều ước Quốc tế Việt nam tham gia quy địng khác.

Trong việc xây dựng khung pháp luật đó, cần tham khảo các công ước Quốc tế mà ta tham gia và có thể sẽ tham gia.

9.Trong mười năm tới, căn cứ vào Hiến pháp sửa đổi, chúng ta cần tổ chức lại nền quản lý hành chínhcủa đất nước nhằm loại trừ tệ quan liêu và nạn tham nhũng xoá bỏ những quan điểm tổ chức và quản lý siêu tập trung, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương đối với phạm vi thẩm quyền nhiệm vụ quản lý được giao, khắc phục bằng được tình trạng phân tán "phép vua thua lệ làng" ở mỗi cấp, đi đến lệ làng cao hơn lệnh quận, huyện, lệnh quan huyện cao hơn lệnh quan của tỉnh, thành phố và đôi khi còn cao hơn cả pháp luật của trung ương.

Về quản lý hành chính, mỗi cấp địa phương được giao quyền và trách nhiệm chăm lo cho một số lĩnh vực đời sống của nhân dân địa phương, còn việc quản lý Nhà nước thay mặt cho chính phủ trung ương đối với những lĩnh vực của trung ương như như ngân sách, thuế, hải quan, và giám sát địa phương chấp hành pháp luật và các quyết định của trung ương thì giao cho người đứng đầu tỉnh, thực thi công việc đó.

Tóm lại, trong công cuộc đỏi mới nền hành chính Quốc gia, cần xác định lại trong điều kiện mới quản cái gì và đối với mỗi cái quản đến mức nào,quản bằng cách nào và ai quản, và điều đó nên tính toán một cách hợp lý nhất, khắc phục quan điểm cục bộ, bản vị, địa phương.

Chỉ bằng một cuộc công tác nghiên cứu công phu, chúng ta mới dỡ ra được những hàng rào hành chính, thực hiện việc quản lý một cách hợp lý và có hiệu quả cho nền kinh tế quốc dân.

10. Song song với việc cải tiến tổ chức và quản lý hành chính, còn cần xúc tiến công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng các lực lượng kiểm soát giỏi về tài chính, kế toán, và thanh tra chuyên ngành về kỹ thuật, nghiệp vụ.

Việc tổ chức các cơ quan tài phán chuyên về thương mại là cần thiết trong nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường. Chính qua việc đăng ký vào "sổ các nhà kinh doanh" do toà án thương mại đảm nhiệm, các nhà kinh doanh mới được nhận là thể nhân hay pháp nhân, có tư cách pháp lý để làm các hành vi kinh doanh với khách hàng, được khởi kiện và đại diện cho đơn vị mình tham gia vụ kiện. Cũng chính toà thương mại tham gia các vụ khiếu nại vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ trong nội bộ công ty. Cũng chính toà thương mại mới có thẩm quyền ra quyết định thanh lý tư pháp, tuyên bố việc phá sản và ấn định thủ tục thanh lý tư pháp.

toà thương mại cần có đủ độ tin cậy và khách quan để các nhà kinh doanh trong nước, nhất là các nhà kinh doanh nước ngoài gởi gắm khi họ thấy qua trọng tài vẫn không thoả mãn được thì họ phải nhờ đến toà phán xử. Nếu không các nhà kinh doanh nước ngoài sẽ phải đưa ra trọng tài nước thứ ba.

Việc xác nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và công ty dẫn đến sự thay đôỉ tất yếu cơ chế báo cáo thỉnh thị "trước và trong" hoạt động kinh doanh bằng các cơ chế kiểm soát có tính chuyên nghiệp và kỹ thuật "sau". Đó là lực lượng kiểm soát tài chính giỏi, tiến hành kiểm soát trên cơ sở báo cáo định kỳ và các chứng từ về thu, chi tài chính, các bảng quyết toán và cân đối của các doanh nghiệp và công ty. Đó còn là lực lượng thanh tra lao động, kiểm thuỷ lâm, kiểm soat chống ô nhiễm môi trường ... hoạt động độc lập có quyền xử lý vi phạm và không thuộc sự chỉ đạo và quản lý của Uỷ ban thanhtra Nhà nước.

Để giúp đỡ về pháp lý và giúp các nhà kinh doanh trong các quyết định của họ, cần có các công ty luật và kiểm định các dự án đầu tư. Các công ty này làm nhiệm vụ tư vấn cần cho các nhà kinh doanh. Đó là những tổ chức tự quản, độc lập, không hưởng lương Nhà nước.

 

Trên đây là một số suy nghĩ về phương hướng và quan điểm xây dựng pháp luật trong chặng đường đầu chuyển hướng sang kinh doanh ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Pháp luật phục vụ sự nghiệp đổi mới

........................................

 

Nguyễn văn luật

 

Phó tiến sĩ luật học,

Chuyên viên văn phòng

Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

 

 

 

1. Bàn về pháp luật phục vụ sự nghiệp đổi mới – vai trò của pháp luật, lời giải đắp sẽ tuỳ thuộc vào chỗ xuất phát từ phương hướng đổi mới như thế nào ở nước ta ? và vì vậy, pháp luật ấy phải như thế nào ? là pháp luật gì ?

Quá trình đổi mới ở nước ta đang bắt đầu, thận trọng, đúng hướng, nhưng diễn ra nhất nhanh, với những yêu cầu bức bách trong mọi mặt của đời sống kinh tế -xã hội.

Mục tiêu của sự nghiệp đổi mới được khẳng định dứt khoát, nhất quán xây dựng CNXH theo cương lĩnh chính trị của Đảng, ý nguyện của nhân dân, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn nhất định lịch sử.

Đặc điểm nổi bật nhất, xét trên toàn bộ lịch sử xây dựng CNXH – ở nước ta hiện nay đang từng bước hình thành một hệ thống kinh tế – một trật tự kinh tế mới, một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, có kế hoạch (có điều tiết) . Lực lượng sản xuất đứng trước khả năng được giải phóng chưa từng có, do đó, sẽ dẫn đến những tiến bộ thực sự về năng suất và phân công lao động nghề nghiệp.

Đặc điểm này mang lại tác động sâu sắc đến nội dung các mối quan hệ xã hội. Đến lượt mình,các mối quan hệ xã hội ấy đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng pháp luật một cách đổi mới.

Pháp luật được đổi mới về nội dung, do cơ cấu kinh tế mới (xét cho cùng) quyết định. Với cơ cấu kinh tế ấy mà mục tiêu đã được xác định không đổi, thì dứt khoát, pháp chỉ có thể và phải là pháp luật của chế độ XHCN.

ở chế độ xã hội đó, tất cả quyền lực vẫn thuộc về nhân dân, thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, trước hết và chủ yếu, thông qua quản lý của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trên đây nói định tính của pháp luật. Định lượng nó mới là căn bản, khó khăn hơn nhiều lần. không thể không cần định tính, định lượng pháp luật ở ta, đặc biệt là lúc này. Tư tưởng chỉ đạo hành động -một nguyên lý.

Nhưng có người, tại diễn đàn khoa học, đã trịnh trọng bác bỏ thẳng thừng ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề nêu trên chỉ vì một lý sự – bất cần bàn vấn đề cơ sở kinh tế, đặc điểm của quan hệ xã hội quyết định nội dung, định tính, định lượng của pháp luật như thế nào ; đó là những vấn đề vô bổ, chẳng tích sự gì (!) ; "chỉ cần pháp luật hợp lý là đủ" (?)

"Pháp luật hợp lý" với cái gì ? pháp luật không cần hợp lý với cơ cấu kinh tế, quan hệ xã hội, với mục tiêu phương hướng xây dựng CNXH ở nước ta, thì chỉ còn có nghĩa phải phù hợp với lời phán của học giả ! thiết nghĩ, tối thiểu trước khi nói pháp luật cần phải hợp lý, không được phép quên rằng pháp luật đó để cho dân vì dân cả ?

2. Pháp luật ở nước ta là ý chí của nhân dân và đường lối, chính sách của Đảng, được Nhà nớc hoá, đề lên thành những quy phạm xử sự nhất định.

ý chí của nhân dân là ý chí tự do, tự giác, ý chí tự do – nhận thức được tất yếu khách quan. ý chí tự giác- được thể hiện một cách có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện bằng Nhà nước, chủ yếu thông qua Nhà nước.

Đường lối của Đảng lấy dân làm gốc, cách mạng, khoa học.

 

Những quy phạm xử sự được Nhà nước đề lên thành Luật phải phản ánh đung nội dung của chế độ kinh tế, bản chất của các mối quan hệ xã hội, đường lối và chinh sách của Đảng.

Pháp luật vừa thể hiện, vừa là hệ quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, là một trong những điều kiện nhất thiết cho thắng lợi của cơ chế mới trong quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Xây dựng, thi hành pháp luật là hoạt động chủ quan của Nhà nước, cho nên không phải bao giờ cũng tính được hết những diễn biến phức tạp, vận động không ngừng của thực tại. Khi giải quyết xong một loạt vấn đề này của nhiệm vụ pháp luật, sẽ lại xuất hiện một loạt vấn đề mới.

Một yêu cầu chính đáng được đặt ra là cần thiết xác địng vấn đề, xây dựng, từng bước thực hiện một chính sách pháp luật của Nhà nước trong điều kiện thực hiện cơ cấu kinh tế mới, cơ chế, cách thức quản lý mới, giải quyết có hệ thống toàn bộ những vấn đề cơ bản về pháp luật.

Trung tâm của pháp luật ở nước ta hiện nay là cái gì ? Điều đặt thành nội dung chủ yếu ở đây là việc chuyển tải những nội dung kinh tế –xã hội trong điều kiện mới vào quy phạm pháp luật. Chính sự chuyển tải này sẽ định lượng chất xã hội chủ nghĩa của pháp luật nước ta. Có nghĩa rằng, trong khi phải thừa nhận, xét cho cùng, pháp luật do cơ sở kinh tế- xã hội quyết định, thì nếu không xét cho cùng, pháp luật còn phụ thuộc vào hoạt động chủ quan của Nhà nước (thông qua con người) và sẽ tác động trở lại đối với các cơ sở kinh tế, cũng như đối với các phần hợp thành khác trong kiến trúc thượng tầng xã hội.

Cái nhìn thực dụng, hẹp hòi về "pháp luật hợp lý" không cho phép trả lời được câu hỏi gay gắt đến mức sống còn của dân tộc ; nó sẽ dẫn chúng ta tới đâu ? đổi mới để đưa đất nước đi lên CNXH hay đưa đất nước đi vào CNTB ?

Vì sao như vậy ? cái nguyên tắc tối cao, hợp lý, thống trị của CNTB là lôgic lợi nhuận,tích luỹ tư bản, tìm kiếm thặng dư ngày càng lớn hơn cho các nhà tư bản. Nguyên tắc ấy được áp dụng với cả hoạt động phi sản xuất. Pháp luật được tư sản nhìn nhận dưới góc độ định lượng như thế.

Còn ở ta, mọi hoạt động kinh tế sinh lợi, những hoạt động phi sản xuất đều cần thiết, nhưng cho toàn bộ các lợi ích, khả năng con người của nhân dân, làm phong phú phẩm chất ý nghĩa cuộc sống của hết thảy người lao động chân chính.

Đảng, Nhà nước ta đang đòi hỏi, đề ra và thực hiện mọi biện pháp phát triển kinh tế nhiều thành phần vì CNXH, vì hạnh phúc nhân dân. Điều đó mở ra những khả năng to lớn về đổi mới pháp luật. Con đường đi của pháp luật nước ta chính là vượt qua những khó khăn đó. Vì thế, công việc nghiên cứu cơ bản trong sự nghiệp phát triển của pháp luật phải bị chi phối bởi những điều kiện xã hội nước ta. sẽ dẫn đến nhận thức khách quan, và pháp luật được đánh dấu, trong nội dung của nó, những mục tiêu của CNXH, trở thành chìa khoá , một trong những công cụ của sự nghiệp đổi mới ./

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đề tài : Xây dựng pháp luật trong chặng đường đầu thời kỳ quá độ ở nước ta.

 

..............................

 

 

Vấn đề hoàn thiện pháp luật :

Một vài suy nghĩ và kiến nghị

.................................

 

 

Nguyễn cửu Việt

(Khoa luật - trường ĐHTH Hà Nội)

 

 

Theo tôi, khi nghiên cứu vấn đề hoàn thiện pháp lật thì trước hết cần phải giải quyết câu hỏi : thế nào là một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh ? Tiếp theo, cần tìm ra một cơ chế tối ưu để xây dựng được hệ thống pháp luật như vậy. Và tất nhiên, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh chỉ có giá trị thực tiễn khi nó được thực hiện trong cuộc sống, phát huy đầy đủ hiệu quả. Ba vấn đề là những mắt xích chủ yếu của cơ chế điều chỉnh pháp luật : xây dựng pháp luật- pháp luật- thực hiện pháp luật, và chúng có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ.

trong phạm vi báo cáo này, tôi chỉ có nguyện vọng nêu một số suy nghĩ bước đầu, một số quan điểm có thể nói còn thô sơ, chưa đầy đủ và thật chín muồi về các vấn đề lớn và phức tạp này.

 

I. Hệ thống pháp luật hoàn thiện :

 

Về phương diệnlý luận, có thể là cần thống nhất với nhau mà không cần bàn luận nhiềuvề vấn đề : thế nào là một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Mặt khác vấn đề này tuy đơn giản, nhưng là vấn đề cơ bản không thể bỏ qua. Hơn nữa, các kiến nghị thực tiễn phải bám sát vấn đề lý luận mới có tính hệ thống, vấn đề mới đựoc giải quyết một cách tổng thể và mới có hiệu quả. Vì vậy, ở vấn đề này cũng cần dừng lại chút ít.

Theo tôi, sách báo lý luận của khoa học pháp lý nêu ba đặc điểm, hay ba yêu cấu sau đây của một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh :

Phải có cơ cấuhoàn chỉnh, thống nhất và ổn địng;

Trong hệ thống pháp luật đó vai trò của các đạo luật, bộ luật ngày càng được đề cao, ngày càng "lấn chiếm" những lĩnh vực quan hệ xã hội quan trọngdo đó các văn bản đơn hành có giá trị pháp lý thấp hơn điều chỉnh;

Phải thoả mãn đầy đủ các yêu cầu hợp pháp (pháp chế) và hợp lý đề ra đối với nội dung và hình thưcs (cả hình thức pháp lý và hình thức cơ cấu- kỹ thuật) của văn bản pháp luật.

Ba đặc điẻm nói trên liên quan chặt chẽ với nhau. Trong hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất ổn định phải có vai trò xứng đángcủa các văn bản pháp luật đầu nguồn (Bộ luật, Đạo luật) và phải thoả mãn đầy đủ các yêu cầu hợp pháp và hợp lý đề ra đối với chúng. Và ngược lai, chỉ khi từng văn bản đắp ứng đầy đủ các yêu cầu hợp pháp và hợp lý, chỉ khi các Đạo luật chiếm lĩnh vị trí là công cụ điều chỉnh cơ bản và quan trọng hiện vẫn do nhiều văn bản khác quy định, thì hệ thống pháp luật mới có điều kiện bảo đảm tính hoàn thiện, thống nhất và ổn định.

Vậy nội dung cụ thể của các đặc điểm- yêu cầu nêu trên là như thế nào và cần làm gì để đạt được ?

 

1. Tính thống nhất, hoàn chỉnh và ổn định của hệ thống pháp luật :

Báo cáo này không làm nhiệm vụ đánh giá thực trạng pháp luật nước ta (điều này nhiều báo cáo khác đã đề cập) nhưng trên cơ sở những nhận định phổ biến, có thể nói rằng, hệ thống pháp luật nước ta chưa có đầy đủ ba đặc điểm trên. Tôi sẽ phân tích nguyên nhân và muốn đề cập ngay đến nọi dung chủ yếu của từng đặc điểm và thử đề xuất một vài ý kiến sơ bộ mang tính chất chung.

Cả ba yếu tố : tính thống nhât, hoàn chỉnh và ổn địnhlà thuộc tính của hệ thống. Khi nói đến tính hệ thống, theo tôi, cần xem xét cả hai mặt :hình thức cơ cấu và nội dung của hệ thống.

Về mặt hình thức cơ cấu, tính hệ thống được hiểu như tính tổng thể. Một hệ thống pháp luật bảo đảm tính chỉnh thể có thể hình dung như một hình chóp toàn vẹn mà đỉnh là Hiến pháp, rồi đến các ô tiếp cận là các Bộ luật, Đạo luật, sau đó chúng phân nhánh thành các văn bản dưới luật ở cấp độ khác nhau xếp theo thứ bậc cao thấp căn cứ vào hiệu lực pháp lý của từng loại văn bản. Mỗi ngành luật là những hình chóp nhỏ mà đỉnh là những văn bản đầu nguồn có tính pháp điển cao của ngành luật ấy (Bộ luật, Đạo luật).

Về mặt nội dung, một hệ thống pháp luật hoàn thiện đòi hỏi mọi lĩnh vực quan hệ xã hội cơ bản quan trọng đều cần ddược điều chỉnh, không có khoảng trống, đồng thời không có mâu thuẫn, bão hoà, không những trong nội bộ từng văn bản mà đối với cả ngành luật, và kể cả giữa các ngành luật khác nhau.

Căn cứ các lý do trên đây và thực trạng hệ thống pháp luật nước ta, có thể thấy rõ rằng công tác pháp điển hoá hiện nay cần đẩy mạnh theo hướng tăng cường xây dựng những văn bản đầu nguồncủa từng ngành luật hay từng chế định quan trọng của ngành. Cần sớm loại bỏ tình trạng tồn tại song song nhiều văn bản luật đơn hành trong cùng một ngành luật, không có văn bản pháp điển hoá cơ bản, đầu nguồn mà đáng ra phải có. Vì vậy vẫn cần nhắc lại những kiến nghị đã từng được bày tỏ trước đâylà, ở những lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của đông đảo công dân như quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, lao động, vi phạm hành chính và tố tụng hành chính, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, thương mại, hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế ... nên sớm ban hành những văn bản dưới hình thức luật.

khi nói về một hệ thống pháp luật có cơ cấu hoàn chcỉnh và thống nhất thì điều khó bỏ qua là vấn đề hệ thống nguồn văn bản dưới luật. ở đây nhiều chỗ cần làm trật tự hoá lại, cho chặt chẽ, hoàn chỉnh hơn.

Trước hêt, có thể nói rằng hệ thống văn bản của HĐBT còn quá rườm rà và quy định không chặt về mặt pháp lý cả đối với nội dung và trình tự ban hành. Đây là điều dễ nhận thấy khi so sánh những quy định tương ứng của Hiến pháp với các văn bản có liên quan của HĐBT (luật tổ chức HĐBT ngày 4.7.1981, thông tư số 02 ngày 11.1.1982 của Bộ trưởng tổng thư ký HĐBT "hướng dẫn việc xây dựng và ban hành văn bản", Quyết định số 169- HĐBT ngày 29.12.1981 của HĐBT về việc ban hành bản điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của HĐBT ...).

Nghiên cứu các văn bản này, hiến pháp quy định HĐBT ban hành 5 loại văn bản, trong đó 3 loại ban hành theo trình tự tập thể. Luật tổ chức HĐBT qui định Chủ tịch HĐBT ban hành 3 loại (có một loại là "quyết định" trùng tên với văn bản của HĐBT). Trong khi đó văn bản khác của HĐBT lại qui địnhcả 5 loại nói trên đều được thông qua trên hội nghị (Điều 27 điều lệ nói trên- QĐ số 169- HĐBT). Và cung giải thích được tại sao quyền của HĐNhà nước đình chỉ, sửa đổi, bãi bỏ văn bản của HĐBT chỉ áp dụng đối với 3 loại Nghị quyết, Nghị định, Quyết định mà thôi (Điều 100 Hiến pháp, Điều 31 Luật tổ chức Quốc họi và HĐNhà nước), tuy có thể "hiểu ngầm" vì đó là văn bản của tập thể HĐBT theo quy định của Hiến pháp. Hơn nữa, cũng không phân biệt được văn bản của HĐBT với văn bản của Chủ tịch HĐBT. Thêm vào đó cả hai văn bản này, cũng như tất cả các loại văn bản pháp luật khác ở nước ta, bất luận đó là văn bản của cơ quan hoạt động theo chế độ thủ trưởng hay thông qua qua trình tự tập thể, đều chỉ do một người ký. "thông tư" là dạng văn bản truyền thống của Bộ trưởng, phù hợp với chức năng hướng dẫn thi hành qui định của cơ quan cấp trên của nó, cũng được đưa vào danh mục văn bản của HĐBT và Chủ tịch HĐBT. Trong thực tế rất hiếm trường hợp HĐBT hoặc Chủ tịch HĐBT sử dụng hình thức văn bản này.

Rõ ràng hệ thống văn bản của HĐBT chỉ cần hai loại văn bản (như luật pháp hầu khắp các nước) là Nghị quyết và Nghị định, còn Chủ tịch HĐBT là Quyết định và Chỉ thị. còn Thông tư nên bỏ, dành cho cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan tương tự như Văn phòng HĐBT. Về trình tự ban hành, văn bản của HĐBT – cơ quan lãnh đạo tập thể, theo Hiến pháp hiện hành phải biểu quyết theo đa số. Còn hai loại văn bản của Chủ tịch HĐBT do Chủ tịch quyết định. Văn bản tập thể cần có hai chữ ký. Và hiẹu lực pháp lý văn bản của HĐBT cao hơn văn bản của Chủ tịch HĐBT. Thiết nghĩ, hệ thống văn bản như vậy đơn giản, mạch lạc, rõ ràng hơn và cũng phù hợp thực tế.

Đối với văn bản của Uỷ ban nhân dân(UBND) quy định như hiện nay về cơ bản tương đối phù hợp : Quyết định là văn bản tập thể của UBND, hiệu lực pháp lý cao hơn Chỉ thị là văn bản không bắt buộcban hành theo trình tự tập thể. Tuy nhiênở đây tôi không nói đến thực tiễn ban hành. Nó không hoàn toàn theo quy định này. Tôi chỉ muốn kiến nghị hợp lý hoá hệ thống văn bản do luật định.

Một là, văn bản được ban hanhdf theo trình tự tập thể duy nhất của UBND tại sao không gọi là "Nghị quyết" một tên gọi truyền thống phù hợp với cả nghĩa của ngôn từ lẫn thực tiễn áp dụng đối với văn bản loại này. Quốc hội, HĐNhà nước, HĐBT, HĐND ... đều có dạng văn bản "Nghị quyết". Vì vậy các cơ quan khác nhau ban hành những văn bản trùng tên không phải là điều đáng ngại, cơ bản là nội dung pháp lý.

Hai là, luật pháp không quy định cho Chủ tịch UBND quyền ra văn bản, trong khi Hiến pháp lại quy định chỉ một trong hai dạng văn bản của UBND là bắt buộc ban hành theo trình tự tập thể mà thôi. Phải chăng ở đây có ngụ ý là văn bản của Chủ tịch UBND cũng chính là văn bản của UBND ?

Rõ ràng , luật pháp hiện hành có phần chưa rạch ròi giữa văn bản của tập thể và của cá nhân cả đối với cấp UBND lẫn cấp HĐBT. Nên chăng cần quy định rằng : Uỷ ban nhân dân ban hành hai loại văn bản "Nghị quyết" và "Quyết định", Chủ tịch UBND ra "Chỉ thị". Nghị quyết ban hành trên hội nghị của uỷ ban, Quyết định có thể ban hành trên hội nghị hoặc không. Trong trường hợp không ban hành trên hội nghị thì nó cũng được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của uỷ ban, hiệu lực thấp hơn Nghị quyết, Chủ tịch ký và ghi rõ "thay mặt UBND" và phải trình uỷ ban phê chuẩn trên phiên họp gần nhất. Chỉ thị của Chủ tịch (hoặc của Phó chủ tịch, nếu được Chủ tịch uỷ quyền) thì rõ ràng phải có hiệu lực pháp lý thấp hơn Nghị quyết và Quyết định, để thi hành Nghị quyết và Quyết định.

Ngoài ra, cần quy định rõ cho cơ quan quản lý chuyên môn các cấp ( Thủ trưởng các cơ quan đó) quyền ban hanhf văn bản, vì Hiến pháp đã ngụ ý điều này một cách gián tiếp (Điều 124) mà các văn bản cụ thể hoá Hiến pháp đã bỏ qua không quy định, khiến cho thực tế ban hành văn bản loại này lộn xộn thêm.

Tất nhiên, hệ thống văn bản mà tôi đề xuất chỉ hợp lý trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý như hiện nay. Nếu cơ cấu bộ máy thay đổi, hệ thống văn bản phải thay đổi theo cho phù hợp. Theo suy nghĩ của chủ quan, tôi cho rằng hệ thống văn bản sẽ đơn giản hơn nữa nếu bộ máy quản lý, tổ chức và hoạt động theo chế độ Thủ trưởng. Nhưng vấn đề này vượt ra ngoài phạm vi báo cáo.

Cuối cùng,ở đặc điểm đầu tiên của hệ thống pháp luật hoàn thiện, cũng cần điểm qua về tính ổn định.

Tính ổn định của hệ thống pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phụ thuộc vào tất cả các yêu cầu- đặc điểm đã nói của hệ thống pháp luật hoàn thiện. Đồng thời tính ổn định đó còn phụ thuộc vào sự biến động, phát triển của cuộc sống khách quan. Bởi vậy ngoài việc phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, một hệ thống pháp luật chỉ có tính ổn định khi nhà làm luật trong lúc xây dựng hệ thống pháp luật ấy đã đưa vào nó những dự đoán chính xác trên cơ sở nắm bắt và vận dụng đúng đắn quy luật phát triển khách quan của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, tính ổn định của hệ thống pháp luật trong giai đoạn quá độ phải mang tính tương đối, phù hợp với sự biến động nhanh của xã hội. Nhưng vấn đề nay tôi không muốn đi sâu vì đã được bàn nhiều, hơn nữa nó cũng sẽ sáng tỏ thêm khi nghiên cứu đặc điểm thứ ba của hệ thống pháp luật.

 

2. Đặc điểm – yêu cầu thứ hai của hệ thống pháp luật hoàn thiện có liên quan đến đặc điểm, yêu cầu thứ nhất. Yêu cầu này (tức là vấn đề nâng cao vai trò của luật trong đời sống Nhà nước và xã hội) chúng ta cũng chưa đạt được.

Hiện nay nước ta có một thực tế là việc xây dựng các Bộ luật và Đạo luật gặp khó khăn (nguyên nhân của tình trạng này sẽ được đề cập tới ở phần cơ chế xây dựng pháp luật). Bởi vậy, chúng ta đang chấp nhận ban hành rộng rãi "Pháp lệnh" – một "giải pháp tình thế", một bước quá độ. Nhưng đó cũng là một bước tiến bộ so với trước.

 

Bước quá độ đó có dài hay không ?

 

Trên cơ sở đánh giá tiến độ xây dựng pháp luật như hiện nay thì việc xây dựng một Pháp lệnh cũng được xây dựng theo một trình tự khá chặt chẽ và thời gian khá dài. Vì vậy khi ban hành Pháp lệnh thì việc nâng lên thành Luật chưa rõ bao lâu mới làm được, nếu nó đáng nâng lên thành Luật.

Vì vậy, tôi cho rằng, một là, những văn bản điều chỉnh những vấn đề lớn, phạm vi rộng như đã nói ở trên nên nâng lên ngay thành Luật. Hai là , có thể căn cứ ban hành pháp lệnh,song đế kỳ họp gần nhất của Quốc hội những văn bản đó được đưa ra Quốc hội phê chuẩn để trở thành hiệu lực của Luật. Nên lưu ý rằng nguyên tắc này cũng được áp dụng ở một số nước, ví dự như Điều 122 của Hiến pháp Liên xô 1977. Tất nhiên phương thức này không thật phù hợp về phương diện lý luận,không phù hợp ngay với "cơ sở khoa học của mọi khoa học quản lý" như Zô- Bin từng nói là : mỗi người mang trên vai những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nhất định hãy làm công việc của chính mình. Trên thực tế nó cũng không hiệu quả, làm hình thành thông lệ không hay là Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao làm thay Xô viết tối cao. có lẽ vì vậy mà trong Hiến pháp sửa đổi hiện hànhcủa Liên xô điều này đã bị bãi bỏ. Nhưng ở nước ta hiện nay, nếu cơ chế bộ máy Nhà nước nói chung và tổ chức cơ quan quyền lực Nhà nước nói riêng chưa thay đoỏi căn bản, thì việc đưa ra quyết định như vậy còn hợp lý hơn là cứ duy trì tình trạng nhiều lĩnh vực hoàn toàn thuộc lĩnh vực thẩm quyền của Quốc hội (ví dụ : ban hành thuế Điều 10, Điều 85 Hiến pháp 1980) mà vẫn ban hành Pháp lệnh.

trong trường hợp Pháp lệnh có tính chất Luật đưa ra Quố hội phê chuẩn như nói trên, thì những Pháp lệnh nào không được Quốc hội phê chuẩn đương nhiên sẽ hết "hiệu lực tạm thời" mà nó đã có kể từ ngày ban hành đến ngày Quốc hội xem xét. Có như vậy, nguyên tắc pháp chế mới được bảo đảm.

Một mảng văn bản khác cần lưu ý về tổ chức bộ máy quản lý. Tôi cho rằng về tổ chức bộ máy, thẩm quyền các cơ quan quản lý lĩnh vực và ngành đang ở mức Pháp lệnhnhư thực tế đang làm là hợp lý, vì đã có văn bản gốc là Luật tổ chức HĐBT, Luật tổ chức HĐND và UBND- các cơ quản lý thẩm quyền chung đứng đầu hệ thống cơ quan quản lý các cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì văn bản chung về Bộ và Uỷ ban Nhà nước chỉ ở mức Nghị định như hiện nay (Nghị định 35 CP, ngày 9.2.1981) là không hợp lý bởi đó là loại cơ quan hiến định. Thực chất nó đã bị vô hiệu hoá từng phần do việc ban hành các Pháp lệnh về bộ máy quản lý. Vậy nên chăng, cần nâng văn bản đó lên thành Luật, ví dụ như cơ sở Luậtdo "Đại hội đại biểu nhân dân" (cơ quan cao hơn Quốc hội như hiện nay chẳng hạn) ban hành. Thực ra, đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu thêm.

Đối vớ lĩnh vực tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp hoặc thuộc cấp trên đóng ở địa phương thì, theo tôi, không nên ban hành bằng Nghị địng mà lại phân tán theo từng cấp như hiện nay trong khi hoàn toang vắng một văn bản chung ở cấp cao hơn điều chỉnh những vấn đề có tính nguyên tắc. Xét theo tính hợp lý của thứ bậc các văn bản, văn bản chung này cần là Pháp lệnh. Văn bản của HĐBT (thường là Nghị định) không nên là chức năng chế định ra bộ máy, dù là trực thuộc HĐBT, nếu loại cơ quan ấy đã được trực tiếp hoặc gián tiếp Hiến pháp định ra (trừ một số cơ quan lâm thời hoặc không điển hình- không phải là cơ quan hiến định).

 

Thiết nghĩ về mặt hình thức, một hệ thống pháp luật như vậy có thể đảm bảo vai trò thực tế của các Đạo luật.

 

Để nâng cao vai trò của Luật thì điều quan trọng là cần lưu ý yêu cầu về nội dung của từng đạo luậtvà của cả hệ thống luật. Có lẽ ai cũng thấy rõ rằng các văn bản luật của ta quá chừng, thường dành những quy định cụ thể cho pháp luật và nhất là cho Nghị định. Nói văn bản luật cần quy định những vấn đề chung có tính nguyên tắc hoặc nói luật cần chi tiết cụ thể, cũng đều có lý. Phải xuất phát từ quan điểm cụ thể, trong từng vấn đề cụ thể. Trên thực tế các văn bản dưới luật vẫn hay "làm thay" luật, hay nói cách khác vô hiệu hoá luật ở mức độ đáng kể. Đó là chưa nói đến thực tế trong các luụat vẫn thường áp dụng công thức chung nhất khung pháp lý là giao cho cơ quan này, cơ quan khác "quy định chi tiết việc thi hành" , " hướng dẫn thi hành" cả Đạo luật. về tình, hiệu lực của luật chỉ bắt đầu từ khi văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, bất luận hiệu lực của luật được ghi bắt đầu từ ngày nào. Không những thế, khi áp dụng người thi hành thường chỉ cần xem nội dung Nghị định. do văn bản luật quá chung và trao quyền "quy định chi tiết" tràn lan cho cơ quan cấp dưới, nên dẫn đến thực tế Quốc hội vẫn trao cho cơ quan cấp dưới quyền hạn thực ra là của chính mình, thậm chí loại "quyền hạn đặc biệt" mà Hiến pháp chỉ giao cho Quốc hội. Đấy là chưa kể hiện tượng "trao quyền bắc cầu" : Quốc hội trao quyền cho HĐNhà nước, Hội đồng Nhà nước trao quyền cho HĐBT hoặc thậm chí Bộ. Cơ chế này theo tôi cần xem xét một cách nghiêm túc từ quan điểm về một Nhà nước pháp quyền.

Tôi không muốn đi sâu thêm phân tích trong báo cáo này về tác hại thực tế của phương thức này trong tình hình mà văn bản của HĐBT và Bộ ban hành theo một trình tự thật chặt chẽ, cơ chế thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước đối với văn bản của Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ , Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa được định rõ và có bộ máy có hiệu lực thực hiện.

Để kết thúc điểm này, tôi thấy cần nói rằng, có nhiều vấn đề và lĩnh vực có ý nghĩa chung, do thiếu thực tế điều chỉnh pháp luật (quan hệ mới phát sinh chưa được loại văn bản nào điều chỉnh), hoặc vẫn do văn bản cấp Bộ, cấp Địa phương điều chỉnh, nay trong bước quá độ có thể tạm thời dùng Nghị định. Lý luận về pháp luật không phủ định điều này. Dưới giác độ này, văn bản của Hội đòng Bộ trưởng cũng có thể chứa đựng những quy định gốc, đầu nguồn (tất nhiên văn bản cấp Bộ và Địa phương thì hoàn toàn loại trừ). Song những loại quan hệ mới phát sinh đó, nếu quan trong và khi đã tương đối ổn định thì cần nâng ngay lên thành Luật. Đây cũng chính là phương thức góp phần làm tăng thêm vai trò và tính ổn định của các Đạo luật, của Hệ thống pháp luật.

 

3. Đặc điểm – yêu cầu thứ ba của hệ thống pháp luật hoàn thiệnlà các văn bản của nó phải thoả mãn đầy đủ các yêu cầu hợp pháp và hợp lý đề ra đối với nội dung và hình thức của các văn bản pháp luật.

Lý luận yêu cầu đối với các văn bản pháp luật là một vấn đề lớn, cần xem xét chuyên sâu. ở đây, tôi chỉ giới hạn nêu những nét chung nhất.

 

Hiến pháp 1980 đã ngụ ý văn bản "không thoả đáng’ là văn bản không hợp pháp hoặc không hợp lý, hoặc thiếu cả hai loại yêu cầu hợp pháp và hợp lý. Nếu không đắp ứng các yêu cầu hợp pháp văn bản nhất thiết sẽ bị loại bỏ hoặc sửa đổi, không có hiệu lực theo nguyên tắc pháp chế. Còn nếu không đắp ứng các nguyên tắc hợp lý thì tuỳ từng quan hệ giữa các cơ quan ban hành và cơ quan cấp trên của cơ quan đó, văn bản có thể bị sửa đổi, bãi bỏ hoặc không (ví dụ HĐNhà nước chỉ có quyền hạn sửa đổi, bãi bỏ, đình chỉ văn bản trái pháp luật của HĐBT). Trong nhiều trường hợp văn bản không hợp lý không có hiệu lực thực tế, vì một trong các văn bản không hợp lý là văn bản khong hiện thực- bất khả thi.

Yêu cầu hợp pháp đối với nội dung và hình thức văn bản tương đối dễ xác định. Đó là văn bản phải được ban hành trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan ; phải phù hợp với nội dung mục đích của luật và các văn bản pháp lý cao hơn; phải phù hợp với lợi ích của Nhà nước và Công dân; phải theo hình thức do luật định.

 

Yêu cầu hợp lý thì trừu tượng, khó xác định hơn. Có thể chỉ ra các yêu cầu chính sau đây :

 

1) Văn bản pháp luật cần mang tính cụ thể và tính phân hoá theo đối tượng điều chỉnh;

2) Cần mang quan điểm tổng thể và quan điểm hệ thống: các vấn đề giải quyết trong văn bản và trong các văn bản khác nhau phải đồng bộ, hài hoà, không mâu thuẫn và không để khoảng trống ...

3) Phải phù hợp với mục đích, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, mục đích kinh tế gắn liền với mục đích chính trị – xã hội ; phải được bảo đảm thực hiện bằng những điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính.

 

Tóm lại, văn bản phải phù hợp các điều kiện và nhu cầu cơ bản của đời sống Nhà nước và xãhội, rõ ràng, cụ thể, nhưng phải mang tính khái quát cao về nội dung điều chỉnh.

Ngoài ra, các yêu cầu hợp pháp và hợp lý còn bao hàm cả phương diện kỹ thuật lập pháp đối với những yếu tố của nó như : cơ cấu, bố cục văn bản, ngôn ngữ, phong cách (mạch lạc, ngắn gọn, không đa nghĩa ...).

Bên cạch những yêu cầu đối với nội dung và hình thức của văn bản (tức là đối với bản thân văn bản), cũng tồn tại các yêu cầu hợp pháp và hợp lý đối với trình tự xây dựng và ban hành văn bản. Lý do cũng dễ hiểu, bởi tính hợp pháp của trình tự xây dựng và ban hành là điều kiện, cơ sở bảo đảm tính hợp và pháp hợp lý của nội dung và hình thức văn bản.

Từ những điểm nói trên, có thể kết luận rằng; đặc điểm – yêu cầu thứ ba của hệ thống pháp luật hoàn thiện là cực kỳ quan trọng. Bởi thế, nó cần được quy định chặt chẽ và thống nhất. Đáng tiếc điều này cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.

Tôi thiết nghĩ các yêu cầu nói ở phần này cần quy định tập trung ở văn bản gốc của cơ chế xây dựng pháp luật. Đó có thể là "Luật về văn bản pháp luật". Tất nhiên trong văn bản cơ bản quy định cơ chế xây dựng pháp luật này sẽ không phải quy định tất cả các yêu cầu hợp pháp và hợp lý nói ở đây, mà chỉ ghi nhận những yêu cầu pháp chế cơ bản và yêu cầu cụ thể hoá chúng, các yêu cầu pháp chế đối với trình tự xây dựng pháp luật, hậu quả không tuân thủ các yêu cầu hợp pháp hợp lý. Còn đối với các yêu cầu hợp lý, văn bản này chỉ quy định những nét có tính nguyên tắc mà thôi. Bởi vì, đơn giản là chúng không mang tính pháp lý, nên không thể pháp luật hoá một cách chặt chẽ.

Vậy các yêu cầu hợp lý cụ thể đối với nội dung, hình thức văn bản và trình tự ban hành chúng thì quy định ở đâu ? Theo tôi, do tính không xác định một cách tương đối của chúng, cần được quy định dưới dạng một văn bản hướng dẫn, mang tính kiến nghị, áp dụng trong cả nước.

Căn cứ vào địa vị pháp lý của các cơ quan Nhà nước và yêu cầu đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật hiện nay, văn bản này nên ban hành dưới dạng một thông tư (hay tên khác cho phù hợp) của tổng thư ký Hội đồng Nhà nước thì "luật về văn bản pháp luật" cần trao, hoặc có thể dưới dạng văn bản Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đó là văn bản không mang tính pháp lệnh, nhằm hướng dẫn cụ thể, giải thích chi tiết các yêu cầu hợp lý đối với nội dung và hình thức văn bản, hay nói cách khác, về kỹ thuật lập pháp. Nếu thiết chế Nhà nước thay đổi thì văn bản này cần trao cho một cơ quan tương ứng của Quốc hội. Nhà làm luật cần chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất về cách làm luật.

 

II. Về cơ chế xây dựng pháp luật.

 

Trong phần trên, tôi đã có động chạn đến vấn đề cơ chế xây dựng pháp luật một số khía cạnh nhất định. Trong phần này, tôi nêu một số suy nghĩ bước đầu về một vài vấn đề quan trọng của cơ chế đó.

 

1. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật.

ở vấn đề này tôi muốn nêu hai ý kiến :

a).Về việc xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Đảng:

Những năm gần đây các văn bản pháp luật, kể cả những văn bản rất quan trọng, thường vẫn chỉ do các cơ quan có trách nhiệm trính chủ trình tổ chức soạn thảo.Trong quá trình soạn thảo cũng như giai đoạn thẩm tra và thông qua, các cơ quan này bám sát đường lối, chủ trương của Đảng nhờ có các cán bộ Đảng đồng thời là người có thẩm quyền trong các cơ quan đó. Chỉ đối với những vấn đề lớn còn vướng mắc thì mới xin ý kiến của cơ quan lãnh đạo Đảng mà thôi. Không còn thực tiễn đưa cả dự thảo văn bản luật để các cơ quan Đảng (mà trong trường hợp đó là đưa cho bộ máy giúp việc) duyệt trước. Đây tưởng chừng là một điều hiển nhiên. Song thực ra là kết quả của bước chuyển biến quan trọng về sự nhận thức đúng vai trò lãnh đạo cuả Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, về hình thức và phương pháp lãnh đạo, về phân định chức năng giữa Đảng và Nhà nước. Đó là một bước đổi mới tiến bộ cần ghi nhận.

Vậy thì, có cần "tể chế hoá" động tác xin ý kiến cơ quan Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật hay không ? Hội đồng Nhà nước khi thảo luận dự án "luật về văn bản pháp quy" đã tán thành với ý kiến của Uỷ ban pháp luật là : "Không nên quy định cụ thể về vai trò tổ chức Đảng các cấp trong trònh tự xây dựng và ban hành văn bản pháp luật. Hình thức và phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng pháp luật sẽ do Đảng quy định". Bản thân bước xin ý kiến có trong thực tiễn cần coi là động tác có tính chất truyền thống, không mang tính pháp lý, hình thành trên cơ sở vai trò vốn có và uy tín của Đảng trong đời sống Nhà nước và xã hội. trong các văn bản pháp luật cũng nên bỏ các quy định quen thuộc là "căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách nghị quyết của Đảng ...", mặt dù trên thực tế đó là những căn cứ quan trọng nhất để ban hành các văn bản pháp luật. Theo tôi, đây là một quan điểm khoa học cần thống nhất.

 

b).Về văn bản liên tịch giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước:

 

Trong thực tiễn chúng thường hay gặp hiện tượng cơ quan Đảng "bao biện, làm thay" cơ quan Nhà nước, và điều này hầu như nghị quyết Đại hội Đảng nào cũng lưu ý tới. Có thể lấy ví dụ ngay ở cơ quan cấp cao nhất : Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm, Chỉ thị về giải quyết tranh chấp đất đai khoảng hai năm trước đâycủa Ban bí thư ... Tôi không đủu thông tin và thẩm quyền bàn về hiệu quả thực tế của loại văn bản này cũng như tính cấp thiết của chúng. Nhưng về mặt pháp lý có thể nói rằng chúng không phù hợp, bởi những văn bản đó chứa những quy định, mệnh lệnh trực tiếp cho các cơ quan Nhà nước, mang "tính Nhà nước" thuần tuý. Mà đã mang tính Nhà nước thì phải giao cho cơ quan Nhà nước ban hành, hoặc ít nhất là cùng cơ quan Đảng ban hành.

Vì vậy, tôi cho rằng trong trường hợp đồng thời cần có uy tín, vai trò trực tiếp của Đảng và cần huy động lực lượng cán bộ Đảng viên để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ quan trọng song song với sức mạnh được bảo đảm về mặt pháp lý của Nhà nước, cần áp dụng kiểu hình thức văn bản kiểu "Nghị quyết liên tịch" giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước tương ứng. Đối với quan hệ giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội khác cũng vậy. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo Nhà nước như nước ta, tôi cho rằng hình thức này còn phù hợp. Tuy nhiên, cần tính đến kinh nghiệm ở các nước XHCN đã trải qua là hình thức này bị lạm dụng làm giảm tính chủ động của Nhà nước, trở thành một kiểu hợp pháp hoá hiện tượng Đảng làm thay Nhà nước. Vấn đề là phạm vi áp dụng phải cụ thể và rất hạn chế, quy trình ban hành nó phải bảo đảm thực sự là "liên tịch" chứ không phải là sự áp dặt ý chí bên này cho bên kia, nghĩa là một bên phải giới hạn trong phạm vi chức năng lãnh đạo, một bên là quản lý, nếu nắm thật chắc, có thể không chỉ áp dụng ở cấp trung ương, mà cả địa phương.

 

2. Dân chủ hoá cơ chế xây dựng pháp luật :

 

Trước hêt, cho phép tôi được nhắc lại một luận điểm cơ bản thông thường : hoạt động xây dựng pháp luật ban hành văn bản pháp luật (pháp luật hiểu theo nghĩa rộng" là hình thức hoạt động cơ bản không chỉ của cơ quan quyền lực Nhà nước, mà của tất cả các loại cơ quan Nhà nước. Vì vậy, vấn đề dân chủ hoá cơ chế xây dựng pháp luật là một nọi dung cơ bản của công cuộc đổi mới hiện nay, hay chính xác hơn của đổi mới về mặt chính trị.

Vậy dân chủ hoá cơ chế xây dựng pháp luật bằng con đường nào ? Tôi xin tiếp cận từ các hình thức của dân chủ : dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện) và dân chủ trực tiếp, để xem xét, tìm câu giải đáp.

ở hình thức đầu tiên vấn đề mấu chốt là nâng cao vai trò các cơ quan quyền lực Nhà nước,trong cơ chế xây dựng pháp luật. đây lsf vấn đề đường lối, không cần bàn luận. Song bằng cách gì để đường lối đó thành hiện thực ?

theo tôi nghĩ, trước hết là làm sao khẳng định được trên thực tế cuộc sống vai trò tối cao của luật như đã nói ở phần I. Tiếp theo, làm sao thể hiện được vai trò của cơ quan đại diện quyền lực (dân cử) trong quy trình lập, thông qua, lãnh đạo thực hiện kế hoạch, tổ chức soạn thảo, trình tự thông qua, công bố, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện pháp luật.

Một loại chủ thể quan trọng của cơ chế xây dựng pháp luật là Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. ở đây, có vấn đề quan trọng mang tính quan điểm cần thống nhất : các Uỷ ban của Quốc hội, trong quy trình xây dựng luật và pháp lệnh, chỉ thẩm tra tính hợp pháp của các dự án hay thẩm tra cả tính hợp lý,nghĩa là xem xét toàn diện vấn đề nội dung văn bản có phù hợp với nhu cầu cuộc sống hay không ?

Đây là một vấn đề khoa học.

 

Trước hết, xin mạn phép trích ra đây một đoạn trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật của Quốc hội trình Hội đồng Nhà nước đối với dự án "Luật về văn bản pháp quy" (ngày 26.3.1990) :

Rõ ràng rằng , khi Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quyết định ban hành hay không ban hành một văn bản nào đó thì Quốc hội và Hội đồng Nhà nước có toàn quyền xem xét, đánh giá toàn diện mọi mặt, nghĩa là không chỉ xem xét dự án có hợp pháp hay không, mà phần chủ yếu là xem có đáp ứng được nhu caauf thực tiễn hay không ? Nghĩa là, phần mà Quốc hội, Hội đồng Nhà nước cần xem xét kỹ, phần phức tạp hơn là tính hợp lý của nội dung văn bản. Vai trò của Uỷ ban pháp luật cũng như các Uỷ ban khác là cơ quan có vai trò tham mưu của Quốc hôị là thẩm tra các dự án đó trước khi trình Quốcc hội và Hội đồng Nhà nước thì tất nhiên phải thẩm tra toàn diện, về mọi vấn đề mà Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cần xem xét và quyết định. Hạn chế các Uỷ ban Quốc hội chỉ thẩm tra tính hợp pháp của các dự án, về thực chất, là hạn chế quyền của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước một cách tương ứng. Rõ ràng đây là một sự lầm lẫn. Việc khoanh vùng trong "tính hợp pháp" của văn bản chỉ phù hợp với cơ quan thực hiện chức năng bảo đảm pháp chế như Toà án, Viện kiểm sát, Uỷ ban giám sát Hiến pháp ...

Vấn đề này sẽ không có gì phức tạp nếu chúng ta phân biệt rõ hai khái niệm "thẩm quyền của cơ quan ban hành" và thẩm quyền của cơ quan kiểm tra, giám sát văn bản". Thẩm quyền ban hành rộng hơn thẩm quyền kiểm tra, giám sát về nguyên tắc. quyền ban hành bao hàm mọi vấn đề được gói gọn trong hai yếu tố ; tính hợp pháp và hợp lý, còn quyền kiểm tra, giám sát thì chỉ áp dụng đối với tính hợp pháp. pháp luật nước ta cũng thể hiện nguyên tắc đó. Tuy nhiên, trong các quan hệ ở mỗi hệ thống và giữa hai hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý, chỉ có quan hệ giám sát của Hội đồng Nhà nước đối với văn bản của Hội đồng Bộ trưởng là giới hạn trong tính hợp pháp, còn mọi quan hệ khác đều áp dụng đối với văn bản "không thích đáng" nghĩa là bao hàm cả hai yếu tố hợp pháp và hợp lý, nhưng quan hệ giữa Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng ở đâylà quan hệ giám sát, không phải là quan hệ trong trình tự ban hành luật. Mà quyền thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội nói trên là thuộc phạm vi khái niệm thẩm quyền ban hành văn bản, nghĩa là bao hàm cả tính hợp pháp và hợp lý.

Song phạm vi nói trên của quyền thẩm tra văn bản không hề hạn chế quyền trình văn bản.

Theo luật pháp cũng như thực tiễn lập pháp nước ta cơ quan trình dự án hoàn toàn có quyền bảo vệ quan điểm của mình trước cơ quan có thẩm quyền ban hành, mặc dù các cơ quan thẩm tra phản đối từng phần hay toàn bộ dự án. Tuy nhiên trong trường hợp đó sự bảo vệ cũng có khó khăn.

Thực tiễn này khác một số nước khác. Ví dụ : theo luật pháp Mỹ thì Uỷ ban ngân sách của Quốc hội có quyền trả lại dự án cho cơ quan trình mà không bắt buộc phải chuyển cho Quốc hội thảo luận, chừng nào Uỷ ban chưa đồng tình với dự án đó. Và do cơ chế xây dựng pháp luật ngặt nghèo, trong đó có quyền hạn trên của Uỷ ban của Quốc hội và quyền phủ quyết của Tổng thống đối với nghị quyết của Quốc hội, nên tỉ lệ luật ban hành được so với dự án được trình ra Uỷ ban của Quốc hội và hai Viện của Quốc hội rất thấp (khoảng 1/10) (tra cứu về hợp chủng quốc Hoa kỳ, 1988, Tiếng nga).

Tôi nêu ví dự này không có nghĩa muốn nói rằng nên trao cho Uỷ ban của Quốc hội ra quyền hạn tương tự. Quyền hạn như vậy chỉ phù hợp nếu các cơ quan hành pháp được tổ chức lại một cách căn bản theo chế độ Chủ tịch nước và do đó, bộ máy hành pháp cũng có quyền hạn, tăng cường một cách xứng đáng. Tôi cho rằng người áp dụng pháp luật, người thực hiện quyền hành pháp không thể chỉ tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật ở mức chuẩn bị và bảo vệ dự án bằng cách giải trình, thuyết phục cơ quan lập pháp, mà không hề có quyền tham gia quyết định dưới một hình thức nào đó để vẫn không gạt bỏ quyền lập pháp của Quốc hội. Phải chăng đó là "chế định phủ quyết" của Chủ tịch nước – người vừa đứng đầu Nhà nước, vừa trực trực tiếp đứng đầu bộ máy hành pháp, đối với Nghị quyết của Quốc hội ? Quyền hạn này nếu được quy định chặt chẽ, theo tôi, không phủ định quyền quyết định toàn diện các vấn đề thuộc nội dung văn bản Quốc hội, nhưng đồng thời bảo đảm cho cơ quan hành pháp mà đại diịen là người đứng đầu có thể biểu lộ ý chí của mình về việc dự luật ấy có phù hợp với nhiệm vụ, với thực tiễn cuộc sống hay không một cách có hiệu lực nhất. Hiến pháp 1946 nước ta đã lập chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch nước cũng có quyền hạn trên đối với Quốc hội, tuy có "mềm" hơn muốn vượt qua sự phủ quyết của Chủ tịch nước, Nghị viện nước ta lúc đó không cần phải đại đa số đặc biệt như nhiều nước hiện nay, mà chỉ còn đa số thông thường (Điều 51). Thực tế này phải chăng không làm chúng ta suy nghĩ ?

Nhân đây, tôi xin có vài lời vượt ra khỏi phạm vi báo cáo về vấn đề thuyết tam quyền. phải chăng chúng ta cần xem xét lại một cách thực sự cần thị các nguyên tắc của thuyết tam quyền, coi nó như một thành tựu của trí tuệ nhân loại, có hạt nhân hợp lý mà chúng ta cần tiếp thu là sự phân công lao động một cách hợp lý như Anghen đã từng nói ? Quyền lực Nhà nước ở nước ta là thống nhất, "tất cả ... thuộc về nhân dân", song phải chăng nhân dân cỉ "sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ..." (Điều 6 Hiến pháp 1980), còn bộ máy hành pháp, xét xử không tham gia thực hiện quyền lực Nhà nước ? và vẫn cần nhắc lại rằng bộ máy Nhà nước ta theo Hiến pháp 1946 tổ chức theo nguyên lý thuyết tam quyền mà đó vẫn là một kiểu Nhà nước mới – Nhà nước dân chủ nhân dân !

Thêm vào đó, những sửa đổi gần đây trong Hiến pháp và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cũng là một cách không tự giác làm theo những nguyên lý mà Mông-téc-ki-ơ đã nêu cách đây mấy trăm năm là phải tách cơ quan quyền lực khỏi cơ quan chấp hành vì người làm Luật và giám sát thực hiện không thể đồng thời là người thi hành luật. ở đây có thể liên hệ tới tính độc lập tương đối của hai phạm trù nội dung và hình thức.

Trong hình thức dân chủ đại diện, có vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, cơ quan xã hội.

Điều 86 Hiến pháp có quy định không chỉ cơ quan Nhà nước cấp cao, mà các tổ chức xã hội, trong đó có các chính Đảng, có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội.Theo tinh thần Điều 87 Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thì quyền trình dự án pháp lệnh cũng tương tự. Xuất phát từ quy định này, các tổ chức xã hội có quyền chủ động đề xuất để Quốc hội đưa vào kế hoạch làm luật, pháp lệnh các văn bản mà mình quan tâm, và chủ động dự thảo để trực tiếp trình dự án đó, hoặc chủ động tham gia vào ngay từ giai đoạn đầu của quy trình soạn thảo một văn bản nào đó mà không nhất thiết phải chờ cơ quan soạn thảo "xin ý kiến". Điều này cũng xuất pháp từ nguyên tắc dân chủ. Và tất cả phải được quy định chặt chẽ trong cơ chế xây dựng pháp luật. Theo tôi, điều này sẽ góp phần đổi mới bản thân các tổ chức xã hội kể cả trong thực tiễn lẫn quan niệm, khắc phục tính hình thức vốn có. Đáng tiếc là Đều 26 Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước về lập kế hoạch xây dựng pháp luật không có vai trò của các tổ chức xã hội.Dĩ nhiên, quy định quyền phải đi song song với quy định cơ chế và tạo điều kiện bảo đảm quyền. Một trong những bảo đảm đó là tổ chức xã hội phải thực sự đổi mới theo nguyên tắc tự nguyện, chống "bao cấp" từ phía Nhà nước cũng như từ phía cơ quan Đảng về tổ chức và hoạt động để thực sự đại điện cho ý chí của các thành viên của mình, đồng thời phải được bảo đảm thông tin về thực tiễn pháp lý.

Hình thức dân chủ trực tiếp trong cơ chế xây dựng pháp luật : khi bàn về vấn đề này thực chấc là nói về quyền công dân trực tiếp tham gia quyết định ban hành pháp luật. Đặc trưng nhất là hình thức trưng cầu dân ý (biểu quyết toàn dân). Quyền tham gia đóng góp ý kiến không đặc trưng lắm cho hình thức dân chủ trực tiếp, nhưng trong thực tế được áp dụng phổ biến hơn, do nó thuận tiện.

Nghiên cứu luật pháp nước ta thì thấy rằng, Điều 100 (điểm 6) Hiến pháp 1980 quy định Hội đồng Nhà nước có quyền "quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân". Quy định này có thể hiểu bao hàm hai hình thức : biểu quyết toàn dân và lấy ý kiến nhân dân, nếu xéy theo nghĩa của ngôn từ và cú pháp. Trong thực tế có lẽ cũng như vậy.

Theo tôi, cơ chế xây dựng pháp luật dân chủ hơn và cũng được quy định chặt chẽ hơn, phải soi lại Hiến pháp 1946 một lần nữa. Hiến pháp 1946 quy định rõ việc bỏ phiếu toàn dân, cả căn cứ và trình tự áp dụng : "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và 70 (Điều 21) ; Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ được đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định" (Điều 32) và "sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây :

c).Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì đưa ra toàn dân phúc quyết"(Điều 70).

Những quy định này tuy chưa được áp dụng kể cả trong chiến tranh và những năm sau hoà bình, bởi tình hình cách mạng có những diễn biến phức tạp. Những điều đó không phủ nhận tính dân chủ, tiến bộ của các quy định đó, kể cả mặt kỹ thuật lập pháp. Theo, hình thức này không chỉ nên áp dụng trong những trường hợp nhất định đối với các văn bản luật, mà cả văn bản cấp địa phương. Còn hình thức lấy ý kiến nhân dân đã phổ biến, nên quy định rõ cả cơ chế thực hiện sao cho chặt chẽ và có hiệu quả : Văn bản loại gì, tính thời gian, phạm vi lấy ý kiến.

Liên quan trực tiếp đến hình thức dân chủ trực tiếp trong cơ chế xây dựng pháp luật là vấn đề đảm bảo thông tin về thực tiễn pháp lý cho công dân và thực hiện nguyên tắc công khai trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Quyền được thông tin của công dân và những nét chung đã được Luật báo chí ghi nhận. Nhưng quyền thông tin về thực tiễn pháp lý cần quy định cụ thể trong cơ chế xây dựng pháp luật. Thông tin rộng rãi cho nhân dân về thực tiễn pháp lý không chỉ là bảo đảm quan trọng cho dân chủ hoá cơ chế xây dựng pháp luật, mà còn là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện pháp luật.

Có thể kể ra nhiều nét thể hiện sự hạn chế của chúng ta trong mặt này, nhưng tôi chỉ muốn nhắc tới việc công bố và phổ biến văn bản. Về nguyên tắc cơ quan nào ban hành văn bản, cơ quan đó chịu trách nhiệm công bố chính thức. Không thể tán đồng với thực tiễn một cơ quan ký lệnh công bố, còn công tác công bố thật-viẹc xuất bản tài liệu được công bố lại do cơ quan khác chịu trách nhiệm thực hiện,quản lý. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm với những sai sót trong văn bản được công bố khi nó đến tay người thừa hành, loại văn bản một dấu không chính xác có thể hiểu sai và do đó thực hiện không đúng ? Vì vậy, việc Hội đồng Bộ trưởng quản lý ban hành "công báo" – là tờ công bố chính thức cả Luật và Pháp lệnh, theo tôi, là không hợp lý. Thực tiiễn này chỉ hợp lý nếu đứng đầu chính phủ là Chủ tịch nước-người có quyền phê chuẩn các đạo luật, tức là cũng chịu trách nhiệm trực tiếp về hình thức và nội dung văn bản. Đáng tiếc là cơ cấu tổ chức Nhà nướcđã thay đổi, mà cơ chế công bố pháp luật đi liền với nó không được đổi theo.

Nhân đây, cũng xin phép nói rằng, cần khắc phục thức tiễn không đúng là coi "công báo" như thứ chỉ lưu hành trong các cơ quan Nhà nước, công dân không biết đến. Một thực tế không đáng khuyến khích là việc dùng các dấu "mật" đủ loại tràn lan, cả những tít "lưu hành nội bộ" nhiều khi rất hình thức. Vì vậy, cần quy định rõ loại cơ quan nào có quyền ghi và loại văn bản nào mật, không phổ biến.

Nguên tắc công khai đi liền với dân chủ, là điều kiện của dân chủ. Khi nói về nguyên tắc công khai trong xây dựng pháp luật, một lần nữa tôi xin phép quay trở lại Hiến pháp 1946. Điều 30 quy định : "Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của Nghị viện.trong những trường hợp đặc biệt, Nghị viện có thể họp kín". Theo tôi, quy định này không chỉ tuyên bố nguyên tắc công khai mà còn quy định một cách rõ ràng, rành mạch, khúc triết nội dung cơ bản của nguyên tắc đó.

Đến Hiến pháp 1959 và 1980, thật đáng tiếc là nó không còn. Chỉ trong Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ghi nhận ở dạng tuyên bố : "Quốc hội họp công khai" mà không quy định nội dung cụ thể (Điều 6 Luật 1981). Do vây, trong thực tiễn vận dụng nguyên tắc này không phải đã hết băn khoăn. Nếu quyền của công dân được tự do làm quen với công việc của cơ quan do mình bầu ra không được bảo đảm bởi những quy định thật rõ ràng và chặt chẽ thì làm sao có được thông tin để tham gia ý kiến với Nhà nước về mọi mặt cũng như trong hoạt động xây dựng pháp luật ? Nhà nước ta không phải là tổ chức đứng trên xã hội, tách khỏi nhân dân, nhưng để thực sự trở thành "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" thì ở khía cạnh này cũng cần phải đổi mới mạnh mẽ.

 

3. Kế hoạch hoá hoạt động xây dựng pháp luật.

 

Trước hết như phần trên tôi đã trình bày, tổ chức xã hội có quyền đề xuất đưa vào kế hoạch làm luật và pháp lệnh mà mình quan tâm, bởi đó là một bảo đảm pháp lý của quyền trình dự án được quy định ở Điều 86 Hiến pháp 1980. Thiếu nó một phần của điều 86 sẽ không có giá trị thực tế. Vì vậy, ở khía cạnh này quy định của Điều 26 Luật nói trên phải bổ sung.

Thứ hai là, theo tôi, rất không Logic nếu cơ quan cấp trên giải quyết vấn đề về bản chất (ở đây là : việc Quốc hội thảo luận và thông qua Luật), còn cơ quan cấp dưới của nó lại quy định việc mà cơ quan cấp trên cần giải quyết (Hội đồng Nhà nưóc thông qua kế hoạch làm Luật). Như vậy, thực chất là gián tiếp quy định Hội đồng Nhà nước chỉ đạo hoạt động của Quốc hội. Có lẽ, đây là một trong những quy định vô tình làm "hình thức hoá" vai trò của Quốc hội. Mặt khác, kế hoạch xây dựng pháp luật phải do Quốc hội thông qua bởi nó là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội. Đây tưởng chừng là một điều đơn giản, là đương nhiên. Song thực tiễn không diễn ra như vậy. Vì vậy, thiết nghĩ cũng cần dừng lại đôi dòng.

Thực ra đây là vấn đề pháp lý cơ bản : mối tương quan giữa kinh tế, chính trị và pháp luật.

Pháp luật là công cụ trong tay Nhà nước để thực hiện đường lối chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, có khi thể chế hoá bản thân kế hoạch đó. Pháp luật định ra cơ chế pháp lý cụ thể làm nền tảng, tiền đề, tạo môi trường cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và định cơ chế cụ thể bảo đảm thực hiện phát triển kinh tế-xã hội trong cuộc sống. Bởi vậy, kế hoạch xây dựng pháp luật phải luôn xây dựng song song với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hai kế hoạch không những phải phù hợp với nhau một cách chung chung, mà liên quan với nhau chặt chẽ như quan hệ của bộ phận tạo thành hệ thống với hệ thống đó. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần có những quy định cơ bản về kế hoạch xây dựng pháp luật như : loại văn bản nào cần ban hành, thời gian và cơ quan chịu trách nhiệm chuẩn bị dự án và cơ quan tham gia xây dựng : Kế hoạch xây dựng pháp luật chi tiết hơn trong đó có thể ghi rõ, ví dụ như : mục đích ban hành, tính cấp thiết, nội dung cơ bản và đối tượng ... thì nên thông qua một văn bản riêng và tất nhiên, cũng do Quốc hội thông qua trên cùng một kỳ họp với các kế hoạch khác về phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến đặc của việc thực hiện kế hoạch xây dựng pháp luật : tỷ lệ số lượng văn bản được ban hành trong thực tế so với số văn bản được đưa vào kế hoạch xây dưngj không phải là tiêu chuẩn máy móc làm thước đo mức độ nghiêm túc thực hiện kế hoạch. ở đâycơ chế xây dựng pháp luật có ảnh hưởng lớn, nhất là phương thức tổ chức hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, để đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch cần có những tiêu chuẩn mềm dẻo và cụ thể hơn. Nhưng tất cả điều này không phủ nhận quan hệ khăng khít giữa chúng. Khi Quốc hội hoặc một cơ quan nào đó khác không thông qua một dự án nào đó thì đồng thời đã phải tính đến các biện pháp thay thế để điều chỉnh vấn đề mà dự án sẽ điều chỉnh. ở nhiều nước, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (trong đó ghi nhân những nội dung cơ bản của kế hoạch xây dựng pháp luật) còn được thông qua dưới hình thức một Đạo luật.

Công tác kế hoạch hoá hoạt động lập pháp đòi hỏi phải quy định rõ vai trò từng loại cơ quan trong cơ chế thực hiện kế hoạch xây dựng pháp luật. Quốc hội, sau khi thông qua kế hoạch, sẽ thực hiện sự lãnh đạo chung, giám sát thực hiện cũng như điều chỉnh bản thân kế hoạch đó. Hội đồng Nhà nước, do vị trí của mình, cũng thực hiện quyền lãnh đạo, tổ chức, điều phối chung việc thực hiện kế hoạch và giám sát việc thực hiện. Còn người quản lý trực tiếp việc thực hiện kế hoạchchính là người trình-người soạn thảo, tức là Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan Nhà nước khác, các tổ chức xã hội như quy định ở Điều 86 Hiến pháp. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp xây dựng những văn abnr lớn, theo tôi, cần thành lập những tiểu ban chuyên trách do Quốc hội (Uỷ ban của Quốc hội, Đại biểu quốc hội) chủ trì, trong đó có nhiều thành viên là đại biểu quốc hội, một số đại biểu và chuyên gia của các cơ quan, tổ chức hữu quan, có thể cả chuyên gia ở các cơ quan nghiên cứu. Hình thức này sẽ hạn chế tích cực bộ ngành.

Vấn đề này, ở cấp địa phương, theo tôi, cũng cần được quan niệm và giải quyết một cách tương tự. ở đây có căn cứ thực tiễn nhiều năm nhiều địa phương đã lập kế hoạch ban hành văn bản pháp quy song song với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (theo tư liệu của văn phòng Hội đồng Bộ trưởng những năm 1983, 1984).

Khi nói về vấn đề kế hoạch hoá hoạt động lập pháp không thể bỏ qua vấn đề bảo đảm về tài chính cho việc thực hiện kế hoạch. Là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch xây dựng pháp luật cần phải được đầu tư thích đángnhư một chính sách đầu tư cơ bản và quan trọng nhất của Nhà nước. Thực tiễn nhiều năm qua đã xem nhẹ, tuy nay đã phần nào có chuyển biến, song chưa thật được coi trọng đúng mức. Để quan niệmmột cách đúng mức, theo tôi, còn cần phải có quan điểm đánh giá về hiệu quả của pháp luật một cách toàn diện và khoa học. hiệu quả của pháp luật nói chung, cũng như của hầu hết các văn bản pháp luật nói riêng, khó đo được bằng các thước đo máy móc. Bởi lẽ, hiệu quả của chúng không chỉ căn cứ vào những mục tiêu trực tiếp, trước mắt, nhất thời, mà phần chủ yếu là mục tiêu gián tiếp, xa và lâu dài, không chỉ đơn thuần về phương diện kinh tế, mà có lẽ quan trọng hơn là về mặt chính trị-xã hội. Hay nói cách khác, không thể định lượng mà phải có các tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng. Chỉ riêng về tính hợp thời của văn bản đã có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả văn bản hoặc về mặt tích cực, hoặc tiêu cực.

Lý do trên đây cho phép kết luận rằng, kế hoạch đầu tư cho hoạt động lập pháp (phần ngân sách đầu tư cho cả kế hoạch xây dựng pháp luật phân phối theo từng dự án, tiến độ đầu tư ...) cũng cần được cơ quan thông qua kế hoạch xây dựng pháp luật phê chuẩn. Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo và quản lý việc thực hiện kế hoạch đầu tư này. Cơ quan tài chính của Nhà nước chỉ đóng vai trò "thủ kho". Nếu không cơ quan tài chính trên thực tế sẽ chi phối chính sách đầu đư cho chương trình xây dựng pháp luật và do đó, sẽ chi phối trực tiếp tiến độ và kêt quả thực hiện kế hoạch xây dựng pháp luật.

Để kết thúc các ý kiến về kế hoạch hoá hoạt động xây dựng pháp luật, tôi muốn nói thêm rằng, kế hoạch hoá hoạt động xây dựng pháp luật không loại bỏ hình thức "Đấu thầu dự án" (tôi tạm gọi như vậy), trong đó mở rộng sự tham gia của các cơ quan không được phân công soạn thảo hoặc tham gia ý kiến, không hạn chế quyền chủ động phản biện của mọi cơ quan, tổ chức, kể cả công dân-những chủ thể không thể tính hết để đưa vào kế hoạch, kể cả việc các chủ thể đó có thể đưa dự án của mình ra cơ quan chủ tríọan thảo để "đấu thầu", hoặc đưa trực tiếp ra cơ quan ban hành nếu chủ thể đó có quyền trình dự án theo quy định của pháp luật.

Tất cả những điều tôi đã trình bày trên đây, nếu là hợp lý thì đòi hỏi không chỉ là sửa đổi một cách cơ bản nhiều quy định hiện hành của Hiến pháp và Luật liên quan đến hệ thống pháp luậtvà cơ chế xây dựng pháp luật, mà đòi hỏi có nhiều chỗ, phải đổi mới một cách cơ bản tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi Pháp luật và Nhà nước là hai hiện tượng quan hệ gắn bó chặt chẽ, có quan hệ nhân quả qua lại trực tiếp với nhau. Đổi mới về mặt pháp luật phải đi song song với việc đổi mới về mặt Nhà nước. Tuy vậy, báo cáo này không thể đi sâu về mặt Nhà nước, nên các kiến nghị ở đây chủ yếu căn cứ vào cái nền của tổ chức Nhà nước hiện tại.

Về hệ thống pháp luật và cơ chế xây dựng pháp luật còn nhiều vấn đề quan trọng khác. Trong phạm vi báo cáo này, tôi chỉ xin đề cập đến những vấn đề mà theo tôi, cần quan tâm giải quyết trước tiên ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần III

 

Lịch sử, Hội thảo, Điều tra, Hỏi ý kiến

 

.............................

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lịch sử pháp luật Việt nam

Từ năm 1945 đến nay

.....................

 

 

Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, đến nay đã tròn 45 năm. Trong suốt chặng đường 45 năm ấy, pháp luật luôn luôn là một công cụ đắc lực để Nhà nước thực hiện sự quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật đang trở thành một nhu cầu tất yếu và vô cùng quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI nhấn mạnh : "quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không phải chỉ bằng đạo lý". Muốn vậy, cần phải cá một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất và hữu hiệu, thực sự là một công cụ sắc bén đáp ứng được nhu cầu quản lý đất nước trong giai đoạn mới đang có những sự biến đổi sâu sắc cả về đời sống kinh tế và xã hội này.

Để góp một phần vào việc nghiên cứu đề tài "Những vấn đề lý luận về xây dựng pháp luật trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ ở Việt nam". Chúng tôi thấy rằng cần thiết phải tiến hành nghiên cứu Lịch sử pháp luật Việt nam trong 45 năm qua đẻ có một cách nhìn tổng quan toàn bộ quá trình lập pháp của ta và thấy rõ đặc trưng của pháp luật trong từng giai đoạn cách mangj. Có nhìn rõ được thực trạng của hệ thống pháp luật hiện hành thì mới có thể đề ra được phương hướng, nội dung hoàn thiện và phát triển nó.

 

Nghiên cứu Lịch sử pháp luật là cả một khoa học vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong phạm vi tài liệu này, chúng tôi mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ của yêu cầu đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng xác định rằng, cần nghiên cứu vấn đề một cách nghiêm túc và tương đối chính xác để có thể đánh giá một cách khách quan, toàn diện quá trình phát triển của hệ thống pháp luật Việt nam.

Nghiên cứu Lịch sử pháp luật Việt nam, chúng tôi tạm phân chia quá trình lập pháp ra thành các giai đoạn, chủ yếu là dựa vào 3 cái mốc quan trọng của nền lập pháp nước nhà đó là việc ban hành các bản Hiến pháp 1946, 1959, và 1980, đồng thời đặt pháp luật vào trong các bối cảnh lịch sử mà nó ra đời để phân tích, đánh giá vai trò của pháp luật và tìm ra các đặc trưng, đặc điểm của hệ thống pháp luật trong từng thời kỳ của cách mạng Việt nam.

Các số liệu nêu ra trong tài liệu này mới chỉ đạt đến độ chính xác tương đối vì tài liệu chính mà chúng tôi dùng để nghiên cứu là công báo của Nhà nước ta, do đó có một số văn bản chúng tôi còn chưa đề cập tới.

Chúng tôi tạm chia Lịch sử quá trình lập pháp của nước ta ra thành các giai đoạn như sau :

 

I. Giai đoạn từ 1945 đến trước khi có Hiến pháp 1959 (Hiến pháp 1946).

 

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng dùng một loạt các sắc lệnh để thiết lập và củng cố chính quyênf. Với tinh thần không để đất nước một ngày không có pháp luật, chỉ đơn cử trong ngày 10.10.1945 Hồ Chủ Tịch đã ký ban hành 5 sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam Bộ cho đến khi ban hành những Bộ luật duy nhất cho toàn quốc, cho phép áp dụng luật lệ cũ không trái với chủ quyền Việt nam.

Liên tục trong 4tháng đầu tiên của chính quyền nhân dân, Chính phủ ta đã ban hành 77 sắc lệnh, 107 Nghị định và 6 Thông tư, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội của Nhà nước mới, đặt nhưng viên gạch đầu tiên cho hệ thống pháp luật Việt nam. Về tổ chức bộ máy, có sắc lệnh 3.10.1945 bãi bỏ các sở trước thuộc Phủ toàn quyền Đông dương, và sát nhập các sở đó vào các Bộ của Chính phủ lâm thời Việt nam, Sắc lệnh số 63 ngày 22.11.1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945 tổ chức Chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố, các Nghị địng quy định tổ chức bộ máy Bộ tư pháp (30.11.1945), tổ chức Bộ thanh niên, Bộ canh nông, Quốc gia giáo dục ...

Về hành chính Nhà nước có Sắc lệnh số 32 bãi bỏ 2 ngạch quan hành chính và quan tư pháp thuộc chế độ cũ, Sắc lệnh số 51 ngày 11.11.1945 ấn định những điều kiện cho công chức về hưu, Sắc lệnh số 55 ngày 5.11.1945 ấn định thể lệ về Hội đồng kỷ luật (đối với ngạch công chức), Sắc lệnh số 75 về việc trưng tập công chức ...

Về kinh tế – tài chính : có Sắc lệnh ngày 31.8.1945 về phát hành giấy bạc Việt nam, Sắc lệnh ngày 22.9.1945 bãi bỏ các nghiệp đoàn (của thực dân Pháp) trong toàn cõi Việt nam. Sắc lệnh ngày 10.10.1945 cho phép các công ty và hãng ngoại quốc được phép tiếp tục công việc doanh nghiệp nhưng phải tuân theo luật pháp Việt nam, Sắc lệnh ngày 27.9.1945 bãi bỏ các hạng môn bài chính đáng dưới 50đ và miễn hẳn số bách phân phụ thu cho các hạng môn bài từ 50đ trở lên, một số Sắc lệnh miễn giảm thuế nhằm cải thện đời sống nhân dân, khuyến khích sản xuất phát triển, ví dụ : Sắc lệnh ngày 7.9.1945 bãi bỏ thuế thân, Nghị định ngày 26.10.1945 cho phép giảm tô 20đ đối với các vùng bị nạn lụt, Sắc lệnh cấm xuất cảng thóc, gạo, ngô đỗ và các chế phẩm thuộc về ngũ cốc, Sắc lệnh sửa đổi luật lệ cũ về thuế đánh vào các tiền lãi thương mại, kỹ nghệ, canh nông, lương bổng ...

Về văn hoá giáo dục có Sắc lệnh ngày 20.9.1949 nội dung nhân dân phải tôn trọng đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ và tất cả những nơi có tính chất tôn giáo, Nghị định này 24.9.1945 của Bộ nội vụ cấp năng lực pháp luật cho Hội văn hoá cứu quốc Việt nam, Nghị định Bộ Quốc gia giáo dục quy định thể lệ cấp học bổng cho bậc trung học (19.9.1945) sắc lệnh 10.10.1945 thiết lập một Hội đồng cố vấn học chính, lập một quỹ tự trị cho trường Đại học Việt nam, một số Nghị định quy định cho phép xuất bản báo chí, ấn phẩm ...

Về tư pháp, có một số Sắc lệnh quy định việc thiết lập các toà án quân sự (15.9.1945) với thẩm quyền xét xử tất cả các tội phương hại đến nền độc lập của nước Việt nam dân chủ coọng hoà, đồng thời có Sắc lệnh về tổ chức toà án thường (xét xử tội không có mục đích phản cách mạng và các việc dân sự), sắc lệnh tổ chức toà án binh (xét xử các quân nhân phạm pháp), Sắc lệnh 20.10.1945 về tổ chức các đoàn thể luật sư, Nghị định 37 (30.11.1945) về tổ chức Bộ tư pháp ...

Về sở hữu có các Sắc lệnh số 5 ngày 15.10.1945 bãi bỏ quyền khai trương đường hoả xa Hải phòng-Vân nam, Sắc lệnh 3.10.1945 bãi bỏ các sở trước thuộc Phủ toàn quyền Đông dươngvà sát nhập các sở đó vào các Bộ của Chinhs phủ lâm thời Việt nam, Sắc lệnh 68 ngày 30.11.1945 quy định về việc trưng thu, trưng tập, trưng mua ... Về hình sự có các Sắc lệnh quy định về trừng phạttội đánh bạc, tội phá huỷ hay làm tổn hại của người khác ... và một số Sắc lệnh khác nhằm tăng cường hoạt động trấn áp bọn phản cách mạng ...

Những Sắc lệnh và Nghị định trên đây chính là những luật pháp đầu tiên của chính quyền nhân dân. Chính những pháp luật này cùng với các sách lược hêt sức khôn khéo, mềm dẻo của Đảng ta do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành và tinh thần đấu tranh của nhân dân, giữ vững được chính quyền, củng cố và phát huy những thành quả của cách mạng.

Sang năm 1946, là năm đầy những thử thách to lớn đối với chính quyền nhân dân.Nhà nước non trẻ vừa ra đời cùng lúc phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, lại thêm nạn đói hoành hành, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suất của Hồ Chủ Tịch, ta đã ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946, tạm thời hoà hoãn với Pháp, mặt khác tiếp tục củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Nhà nước ta đã dồn dập ban hành các Sắc lệnh và Nghị địnhđể quản lý đất nước. Trong năm 1946 đã ban hành tới 189 Sắc lệnh, 652 Nghị định, 59 Thông tư, đỉnh cao của thời kỳ này là việc xây dựng và thông qua được bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chìm đắm dưới ách đô hộ của thực dân và phong kiến, nhân dân ta đã có được một bản Hiến pháp của riêng mình, Hiến pháp của chính quyền mà mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. trong khi đất nước ta đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc như lúc này việc thông qua đước bản Hiến pháp là một thắng lợi vô cùng to lớn của nhân dân ta, thể hiện ý chí, quyết tâm sắc đá của Đảng và nhân dân ta để bảo vệ và củng cố chính quyền, biểu hiện tư tưởng vô cùng sáng suất của Hồ Chủ Tịch : quản lý đất nước bằng Hiến pháp và pháp luật. đây cũng là bản Hiến pháp đầu tiên trong cõi á Đông.

Cũng nhằm chấn chỉnh công tác xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, ngày 18.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Thông tư số 08 về thủ tục hành chính hướng dẫn các Bộ, các cơ quan Trung ương phân biệt giữa hai hình thức Sắc lệnh và Nghị định như sau :

 

Thuộc phạm vi Sắc lệnh : Chỉ ban hành Sắc lệnh trong trường hợp.

Quy định việc tổ chức một Bộ

Khi cơ quan phụ thuộc tiếp xúc với công chúng và khi hành động có thể phạm tới các dân quyền cốt yếu. Những vấn đề này đáng lẽ phải do một Đạo luật giải quyết, song trong khi chờ đợi Hiến pháp, ít ra phải có một Sắc lệnh quyết định.

 

Phạm vi Nghị định : các Bộ trưởng ra Nghị định khi :

Quy định vấn đề tổ chức trong phạm vi Bộ nếu được Sắc lệnh uỷ quyền.

áp dụng quy chế công chức cho các cá nhân (tuyển bổ, tặng thưởng, thuyên chuyển, trừng phạt) song phải hỏi ý kiến Bộ tài chính và Nha nhân viên Bộ nội vụ.

quy định trong phạm vi chuyên môn của Bộ, song phải căn cứ vào một Sắc lệnh đã ban hành. Nếu chưa có Sắc lệnh thì phải dự thảo Sắc lệnh đã, khi Sắc lệnh đã được ban hành rồi nếu Sắc lệnh có uỷ quyền cho Bộ trưởng định đoạt thì mới được ra Nghị định.

 

Thông tư 08 cũng quy định : "nếu gặp trường hợp khó phân biệt nên thảo Nghị định hay nên thảo Sắc lệnh, các Bộ nên gửi bản dự thảo Nghị định hoặc Sắc lệnh qua Nha pháp chính Bộ nội vụ để Nha ấy phát biểu ý kiến về phương diện pháp chế".

Hoặc : "khi gặp vấn đề công luật phức tạp, các Bộ nên gửi hồ sơ hỏi qua ý kiến Bộ nội vụ (Nha pháp chính) trước khi giải quyết lấy".

Đây cũng là một nét đặc thù của thời kỳ này. Lúc này cơ quan tư pháp chỉ có nhiệm vụ quản trị các toà án dân sự và thương sự, tổ chức các toà án, bổ nhiệm viên chức toà án, định cách thức tuyển cử viên chức ngạch tư pháp, dự thảo luật và Sắc lệnh về dân sự, thương sự và tố tụng thủ tục, quản lý danh sách Luật sư, dự thảo các Hiệp ước về tư pháp, thi hành các Hiệp ước Quốc tế về dân sự, thương sự và thủ hành tục tố tụng, quản lý văn khế, các đại tụng viên, hỗ gia viên, thừa phát lại, quyết định các vấn đề về quốc tịch ... (theo Nghị định 37 ngày 1.12.1945 về tổ chức Bộ tư pháp) Còn các việc về pháp chế do Nha pháp chính (Bộ nội vụ) tiến hành.

Nha pháp chính gồm có Ty pháp chế và Ty hành chính (theo Nghị định 174 của Bộ trưởng Bộ nội vụ về tổ chức Nha pháp chính ngày 31.5.1946).

Ty pháp chế có phòng pháp chế có nhiệm vụ : nghiên cứu, dự thảo các luật lệ về công pháp ; xét lại những dự án Nghị định hay quy định cho cấp kỳ trình duyệt ; phát biểu ý kiến về phương diện pháp chế và công luật đối với tất cả các dự thảo luật, sắc lệnh, nghị định hay nghị quyết do các cơ quan của Chính phủ gửi đến hỏi ý kiến ; công bố các đạo luật, sắc lệnh ,nghị định ... ngoài ra Ty pháp chế còn có phòng thông báo trông nom việc ấn loát, xuất bản và quản trị "Việt nam Quốc dân công báo".

Ty hành chính có phòng hành chính có nhiệm vụ : giải thích và thi hành những luật lệ về hành chính, tập trung và thẩm sát các việc hành chính đại cương cùng với các cơ quan của Chính phủ có thẩm quyền về các việc ấy; thi hành quyền kiểm soát của Chính phủ về hành chính; thi hành luật lệ về quyền tự do của công dân, tuyển cử, lập hội, hội họp; liên lạc với các cơ quan tư pháp giải quyết các việc có liên quan đến tư pháp ...

ở địa phương, Thông tư số 1418-NV-PC của Bộ trưởng Bộ nội vụ (16.5.1946) quy định cần có nhân viên chuyên môn ngạch hành chính giúp việc các cơ quan hành chính ở cấp Tỉnh và cấp huyện để thi hành các luật lệ hay chỉ thị do Chính phủ trung ương hay Uỷ ban hành chính cấp kỳ ban bố. Thông tư này đã hướng dẫn thành lập phòng hành chính (phòng giấy của Uỷ ban hành chính) để thi hành và giải thích các Luật , Sắc lệnh , Nghị định.

Phải nói rằng, trong tình hình đất nước đang gặp nhiều khó khăn như vậy, việc ban hành nhiều các văn bản pháp luật và nhất là một số văn bản như đã đơn cử trên đây đã thể hiện sự nhận thức đúng đắn và sự quan tâm chính đáng của Đảng và Chính phủ ta đối với vai trò của pháp luật và việc thực hiện pháp luật.

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn quốc huy động mọi lực lượng cho cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chính phủ đã ban hành một loạt các Sắc lệnh, Nghị định để tổ chức lại bộ máy chính quyền từ Trung ương đến Địa phương và các lĩnh vực khác để phù hợp với điều kiện thời chiến.

Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân này, bên cạnh nhiệm vụ phản đế, phản phong cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chính quyền nhân dân. nhà nước đã từng bước thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng", cải thiện đời sống cho nông dân(chiếm tuyệt đại đa số trong dân cư), ban hành chinh sách giảm tô (Sắc lệnh số 78-SL ngày 14.7.1949 quy đinh giảm tô 25% cho dân cày), buộc địa chủ cho nông dân được quyền lĩnh canh ruộng đất (Sắc lệnh 90-SL ngày 22.5.1950), tịch thu ruộng đất của bọn nguỵ quyền đem chia cho dân nghèo (Sắc lệnh số 75 ngày 1.7.1949) ban hành điều lệ tạm thời về thuế nông nghiệp (Sắc lệnh số 40 ngày 15.7.1951, quy định cấm bỏ hoang ruộng đất) ...

Năm 1953, Chính phủ đã ban hành một loạt các Sắc lệnh (Sắc lệnh 151-SLtrừng trị những địa chủ chống pháp luật trong khi và ở những nơi phat động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất, Sắc lệnh 149 ngày 12.4.1953 quy định về các chính sách mới đối với ruộng đất ... và Luật cỉ cách ruộng đất do Quốc hội thông qua ngày 4.12.1953 nhằm thực hiện các biện pháp kiên quyết để xoá bỏ sở hữu của thực dân Pháp và bọn Địa chủ phong kiến tay sai về ruộng đất, mang lại ruộng đất cho nông dân.

Việc ban hành và thực hiện thắng lợi Đạo luật về cải cách ruộng đất là một thắng lợi vô cùng to lón, đánh đấu một bước ngoặt mới trong Lịch sử dân tộc. lần đầu tiên trong Lịch sử dân tộc, ruộng đất thực sự là của nông dân. Đây là một thành của cách mạng lớn lao mà sau 20 năm đấu tranh gian khổ, Đảng ta mới giành lại được. Chính thắng lợi của cuộc cách mạng về ruộng đất đã động viên được lực lượng lớn của nhân dân góp phần giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp vào năm sau, năm 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện biên Lịch sử, hoàn thành vẻ vang hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân chủ nhân dân, đem lại nền hoà bình cho dân tộc.

Sau hoà bình lập lại, nhân dân bắt tay vào công cuộc xây dựng và khôi phục kinh tế ở miền Bắc, miền Nam tạm thời bị đé quốc Mỹ và tay sai chiếm đóng. Trong thời kỳ này, bên cạnh việc tập sức phát triển nông nghiệp, rất chú trọng phát triển nền công nghiệp quôca gia, xây dựng cơ sở vật chất để tiến lên CNXH. Trước khi hoà bình lập lại, ở nước ta chỉ có một số doanh nghiệp quốc gia được thành lập và hoạt đọng theo các Sắc lệnh 104-SL ngày 1.4.1948, Sắc lệnh 09 ngày 25.2.1949, Sắc lệnh 128 ngày 4.11.1952, Nghị định số 214-TTg ngày 31.10.1952 ban hành bản điều lệ tạm thời về doanh nghiệp quốc gia ... các doanh nghiệp quốc gia này thuộc sở hữu của Nhà nước, là cơ sở của chế độ dân chủ nhân dân có vai trò lãnh đạo và giúp đỡ các thành phần kinh tế khác và được cấp một số vốn riêng để hoạt động. Mỗi một doanh nghiệp có 1 giám đốc và 1 hoặc 2 phó giám đốc có trách nhiệm quản lý tài sản và vốn của doanh nghiệp xây dựng và phat triển doanh nghiệp. Giám đốc và phó giám đốc xí nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành chính, tài chính và nghiệp vụ trong quản lý doanh nghiệp. Sau 1954, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, Nhà nước còn công nhận và bảo hộ sở hữu của các nhà tư bản tư doanh : ví dụ: Điều lệ tạm thời số 464 TTg ngày 27.12.1955 quy định điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ các xí nghiệp tư doanh, Nghị định 420 TTg ngày 27.11.1959 ban hành điều lệ tạm thời về xí nghiệp công tư hợp doanh với tinh thần là chú trọng nguyên tắc tư nguyện của chủ xí nghiệp song đề cao vai trò của Nhà nước, "phụ trách xí nghiệp do Nhà nước bổ nhiệm", "trong xí nghiệp công ty hợp doanh, thành phần XHCN giữ vị trí lãnh đạo". Điều lệ quy định công ty hợp doanh là xí nghiệp cổ phần và "không kể xí nghiệp công tư hợp doanh có lãi hay không, cổ phần tư nhân được hưởng số lãi hàng năm cố định do Uỷ ban hành chính khu hoặc Tỉnh xét duyệt" (Điều 16 của bản điều lệ).

Đối với xí nghiệp quốc doanh, Nhà nước từng bước thực hiện chế độ hach toán kinh tế (Quyết định 130 TTg ngày 4.4.1957 . Nhà nước đã ban hành các thể lệ tạm thời số132TTg 4.4.1957 về nộp tiền lợi nhuận và tiền khấu haocủa xí nghiệp quốc doanh, thể lệ tạm thời số 133 về việc trích lập và sử dụng quỹ tiền thưởng của xí nghiệp, quyết định số 141 TTg 8.4.1957 về kiểm kê tài sản ,xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh, Quyết định số 198-TTg 18.4.1958 về việc kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọngở các xí nghiệp, các Bộ và tài sản rải rác ở các địa phương, Thông tư liên Bộ số 127 tháng 12.1958 về việc nộp vào kho bạc các khoản lợi nhuận khấu hao cơ bản và các khoản khác mà xí nghiệp quốc doanh phải nộp vào cho dự toán Nhà nước, Thông tư 137-TTg 4.4.1959 quy định nguyên tắc cấp vốn cho các xí nghiệp quốc doanh ...

Nhìn chung, việc quản lý các xí nghiệp quốc doanh rheo tinh thần của các văn bản này có đặc trưng nổi bật là Nhà nước quản lý theo kế hoạch hoá toàn diện đối với các xí nghiệp Nhà nước cấp vốn, giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh chi tiết từ khâu cấp vốn đâud tư đến khâu sản xuất và kể cả địa chỉ tiêu thụ và giao nộp sản phẩm. Xí nghiệp chỉ việc tiến hành hoạt động theo kế hoạch của Nhà nước, có hạch toán kinh tế nhưng theo tinh thần lỗ Nhà nước chịu. Xí nghiệp lấy mức chênh lệch giữa lỗ thực của sản xuất theo thống kê cuối năm với mức lỗ dự tính trong kế hoạch đầu năm đã được duyệt làm mức lãi của Xí nghiệp. Đây là những đặc tính của cơ chế quản lý hành chính, tập trung quan liêu bao cấp đã hình thành và tồn tại khá lâu trong nền kinh tế của ta.

Để tăng cường công tác pháp chế, thời kỳ này Chính phủ thành lập Vụ pháp chế trực thuộc Thủ tướng phủ để giúp Thủ tướng phủ trong công tác pháp chế thay cho Nha pháp chính thuộc Bộ nội vụ trước đây. Theo Nghị định thành lập số 504-TTg ngày 20.10.1957, Vụ pháp chế có nhiệm vụ giúp Thủ tướng phủ trong việc nghiên cứu các dự án luật và các vấn đề pháp lý, giúp Thủ tướng phủ trong việc soát lại các văn bản có tính chất pháp quy của các Bộ các Uỷ ban hành chính khu, Tỉnh, Thành phố ban hành để phù hợp với các nguyên tắc pháp trị dân chủ; làm các thủ tục về việc ban bố ban hành các Đạo luật, Sắc luật, Sắc lệnh và Nghị định, Thông tư Thông tư của Thủ tướng Chính phủ; Xuất bản công báo, soạn và xuất bản các tập luật lệ; góp ý với cơ quan chính quyền và đoàn thể về việc phổ biến các luật lệ trong cán bộ và nhân dân.

Ngoài Vụ pháp chế của Thủ tướng phủ, Thong tư số 506-TTg ngày 26.10.1957 còn quy định : ở Trung ương có các bộ phận pháp chế ở các Bộ. Tuỳ theo khối lượng công tác, bộ phận pháp chế của Bộ có thể tổ chức thành phòng hay một bộ phận đặt trong Văn phòng Bộ hay một cơ quan trực thuộc Bộ như Phòng pháp chế thuộc Ban thanh tra ở Bộ lao động, Ban nghiên cứu pháp luật ở Bộ tư pháp ... Các bộ phận pháp chế ở các Bộ có nhiệm vụ nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo luật lệ do các boọ phận chuyên môn hay các cơ quan trực thuộc Bộ thảo ra để Bộ ban hành hay gửi lên cấp trên xét duyệt; nghiên cứu những vấn đề pháp lý liên quan đến công tác của Bộ; nghiên cứu và góp ý kiến về mặt pháp lý vào các dự thảo luật lệ chung của cơ quan khác gửi đến; làm các thủ tục về việc ban hành các Nghị định, Thôngtư của Bộ ; góp ý kiến với các cơ quan thuộc Bộ và các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan để phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của Chính phủ và các Bộ ban hành; sưu tầm các luật lệ, soát lại các văn bản của Bộ và các cơ quan trực thuộc về mặt pháp lý; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không hợp lệ hoặc trái với các luật lệ hiện hành và các nguyên tắc pháp lý chung. Thong tư 506-TTg cũng quy định quan hệ công tác giữa các cơ quan pháp chế ở Trung ương với nhau và với các cơ quan khác theo nguyên tắc : 1) không tập trung công việc nghiên cứu và soạn thảo các luật lệ vào một cơ quan duy nhất của Chính phủ; 2) Các Bộ lãnh trách nhiệm chủ yếu trong công tác xây dựng các luật lệ, tức là thể hiện các chính sách của mình vào văn bản để thi hành.

ở Địa phương cũng đặt ra một bộ phận pháp chế tại Văn phòng Uỷ ban hành chính khu, Tỉnh và Thành phố với nhiệm vụ: nghiên cứu về mặt pháp lý các dự thảo Nghị định, Quyết định,Thông tư, Chỉ thị của Uỷ ban ; Phối hợp với các cơ quan chính quyền và đoàn thể sở quan phổ biến trong cán bộ và nhân dân các luật lệ của cấp trên và của Uỷ ban hành chính ban hành; sưu tầm luật lệ cần thiết của Uỷ ban, soát lại các văn bản của cơ quan chính quyền cấp dưới về mặt pháp lý.

Về hình thức văn bản pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 527-TTg ngày 2.11.1957 ban hành bản điều lệ quy định chế độ chung về công văn giấy tờ ở các cơ quan đã quy định cụ thể về các hình thức văn bản như :

Luật do Quốc hội biểu quyết Chủ tịch nước ban bố

Sắc luật quy định những vấn đề thuộc phạm vi luật, ban hành giữa hai kỳ họp Quốc hội, do Chính phủ đề ra, Uỷ ban thường trực Quốc hội biểu quyết, Chủ tịch nước ban hành.

Sắc lệnh do Chủ tịch nước ban hành để ban bố luật; bổ nhiệm Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng , Thứ trưởng, Đại sứ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính, Phó chủ tịch và uỷ viên khu, Thành phố và các cán bộ cao cấp khác; thiết lập sửa đổi địa giới khu và Thành phố.

- Nghị định của Thủ tướng Chính phủ

- Nghị định của Bộ trưởng

Quyết định của Uỷ ban hành chính khu, Thành phố trực thuộc Trung ương.

- Quyết định của Uỷ ban hành chính Tỉnh, Huyện, Xã

- Quyết định của Bộ trưởng

- Điều lệ (kèm theo Sắc lệnh hay Nghị định, kết luận của sự thảo luận tập thể dùng làm căn cứ đề ra các Sắc lệnh, Nghị định, Quyết định để có hiệu lực thi hành.

- Chỉ thị

- Thông tư.

Kèm theo điều lệ, Nghị định 506 đã ban hành một bản bản phụ giải thích về các loại văn bản và các mẫu hướng dẫn cụ thể về từng loại văn bản.

Nghị định 506 bước đầu đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm pháp chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời kỳ này.

Trong năm 1957, Nhà nước cũng đã ban hành 5 Đạo luật gồm Luật về chế độ báo chí, Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền lập hội, Luật về bảo đảm quyền tự do thân thể và bất khả xâm phạm đối với nhả, thư tín đồ vật của nhân dân, Luật công đoàn; 15 Sắc lệnh và 4 Sắc luật. Năm 1958 có 2 Luật, 3 Sắc lệnh năm 1959 có 1 Đạo luật là Luật hôn nhân gia đình và 6 Sắc lệnh, đồng thời ngày 22.12.1959, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra Thông tư 499-TTg ban hành điều lệ mẫu HTX nông nghiệp bậc thấp.

Đến thời kỳ này, do tình hình kinh tế-xã hội có nhiều biến đổi lớn. "Hiến pháp 1946, Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy" (Lời Hồ Chủ Tịch) Ngày 23.1.1957, Quốc hội khoá 1 họp kỳ họp thứ 6, theo đề nghị của Ban thường trực Quốc hội, đề ra Nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ban sửa đổi Hiến pháp đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tính đến trước khi có bản Hiến pháp mới (Hiến pháp 1959), trong gần 15 năm đầu Chính phủ ta (kể cả các Bộ) đã ban hành hơn 600 Sắc lệnh (số liệu tính theo công báo trong đó có 1 năm thiếu công báo; trong đó có 57 Sắc lệnh về thuế, 37 Sắc lệnh về tổ chức bộ máy, 35 Sắc lệnh về sở hữu, 15 Sắc lệnh về hình sự, và trên 2300 Nghị định của Chính phủ và các Bộ, hơn 1000 Thông tư .

Đây là thời kỳ quản lý Nhà nước chủ yếu bằng Sắc lệnh và Nghị định (2300 Nghị định). Vì điều kiện chiến tranh Quốc hội không họp được do đó văn bản chủ yếu cụ thể hoá Hiến pháp chủ yếu là Sắc lệnh, chỉ có 9 Đạo luật (1 đạo luật về cải cách ruộng đất năm 1953 và 5 đạo luật ban hành năm 1957, 2 luật năm 1958 và 1 luật năm 1959). Dưới Sắc lệnh hình thức chủ yếu là Nghị định của Bộ trưởng, năm 1950 có thêm hình thức Nghị định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt trong thời kỳ này, cứ Sắc lệnh ban hành là có Nghị định thi hành ngay, có khi trong cùng một ngày.

Nhìn chung trong thời kỳ này, pháp luật đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thiết lập củng cố và giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân. Với đỉnh cao là Hiến pháp 1946 đã tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện và hoàn thành thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt nam trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trong bước đầu hình thành, hệ thống pháp luật của ta vẫn còn một số tồn tại cả về nội dung lẫn hình thức. Các quy định của Hiến pháp và một số văn bản khác vẫn còn mang tính chất tư sản. Nhiều lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc có điều chỉnh nhưng quy định còn tản mạn, chưa đầy đủ.

 

II. Giai đoạn II: Từ 1960 đến 1980 (Hiến pháp 1959).

 

Giai đoạn này được mở đầu bằng việc Nhà nước ta thông qua và ban hành Hiến pháp 1959.

Hiến pháp 1959 là Hiến pháp xây dựng CNXH ở miền Bắc và là cương lĩnh đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam.

Là Hiến pháp củ giai đoạn cách mạng XHCN. Hiến pháp 1959 đã quy định đường lối tiến lên của nước Việt nam dân chủ cộng hoà ""từ chế độ dân chủ nhaan đân lên Chủ nghĩa xã hội, bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo Chủ nghĩa xã hội biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến" (Điều 9 của Hiến pháp 1959).

 

Hiến pháp 1959 gồm Lời nói đầu và 112 điều chia thành 10 chương.

 

Về phưong diện pháp luật, Hiến pháp 1959 quy định "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp" (Điều 4) Quốc hội có quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp (Điều 5) Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá, có quyền giải thích pháp luật, ra Pháp lệnhvà sửa đổi hoặc bãi bỏ những Nghị định, Nghị quyết,Chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, Pháp luật, Pháp lệnh sửa đổi hoặc bãi bỏ những Nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 53).

Về quyền hạn của Chủ tịch nước, Điều 63 Hiến pháp 1959 quy định "Chủ tich nước Việt nam dân chủ cộng hoà căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội mà công bố pháp luật, pháp lệnh" ... Song thời kỳ này, do Quốc hội đã có điều kiện họp cho nên Hiến phpá 1959 quán triệt tinh thần quản lý đất nước băngf Hiến pháp và pháp luật mà không dùng hình thức Sắc lệnh, Sắc luật của Chủ tịc nước như thời kỳ trước. Đồng thời Hiến pháp 1959 cũng đề cao vai trò của tập thể Hội đồng Chính phủ, thực hiện mọi nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ là kết hợp chế độ lãnh đạo tập thể với chế độ Thủ trưởng. theo tinh thần này Điều 73 Hiến pháp 1959 quy định "Hội đồng Chính phủ căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và pháp lệnh mà quy định những biện pháp hành chính, ban bố những Nghị định, Nghị quyết và Chỉ thị ấy".

"Điều 74" Hội đồng Chính phủ có những quyền hạn sau:

Trình dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác ra trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Sửa đổi và bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Bộ, các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, sửa đổi và bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính các cấp.

Đình chỉ việc thi hành những Nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi hoặc bãi bỏ những Nghị quyết ấy.

Hiến pháp 1959 cũng quy định Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ được ra các quyết định, thông tư và Chỉ thị ,Hội đồng nhân đan được ra Nghị quyết và được sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình và Nghị quyết, quyết định không thích đáng của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính cấp dưới trực tiếp. Uỷ ban hành chính các cấp được ra các quyết định, Chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những quyết định, Chỉ thị ấy ...

Để cụ thể hoá Hiến pháp 1959, trong phiên họp thứ nhất ngày 14.7.1960, Quốc hội khoá II đã thông qua các Luật về tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ,Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Năm 1962 ban hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Đồng thời năm 1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, các Uỷ ban, Tổng cục nhằm kiện toàn bộ máy quản lý Trung ương cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Nhìn chung, từ khi ban hành Hiến pháp 1959 cho đến năm 1980 Nhà nước ta chú trọng đến việc tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. trong lĩnh vực này số lượng các văn bản pháp luật chiếm nhiều nhất. Đây cũng là một nét nói lên rằng Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề tổ chức bộ máyvà kịp thời cải tiến, kiện toàn tổ chức để phục vụ tốt nhu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng qua từng giai đoạn, thời kỳ. Ngoài các Đạo luật về tổ chức Hội đồng Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản dưới luật khác. Tiêu biểu là Nghị định số 72-CP ngày 1.11.1975 ban hành bản điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Quyết định 141-CP (19.6.1974) ban hành bản quy định cụ thể về chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ, Nghị quyết số 245-CP này 5.11.1974 quy diịnh về tinh giảm bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý các ngành sản xuất kinh doanh, quản lý xí nghiệp, sắp xế và sử dụng hợp lý cán bộ công nhân viểntong khu vực Nhà nước. Nghị định số 57-CP ngày 12.3.1974 ban hành bản phân ngành kinh tế quốc dân. Nghị định số 53-CP ngày 4.8.1977 ban hành điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quố doanh, Nghị định số 302-CP ngày 1.12.1978 ban hành bản điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh ...

ở Địa phương có Nghị định số 22-CP quy định hệ thống tổ chức các cơ quan Tổ chức và dân chính ở địa phương. Nghị định 24-CP quy định chi tiết mọi hoạt động của các đơn vị kinh tế trong nền kinh tế quốc dân (chủ yếu là các xí nghiệp quốc doanh) từ khâu kế hoạch, vật tư, vốn (tài chính), hợp đồng kinh tế, ngân hàng, lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, cho đến phân phối lợi nhuận và tiêu thụ sản phẩm ...

nhìn chung pháp luật kinh tế trong thời kỳ này phản ảnh và phục vụ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Nhà nước quản lý Xí nghiệp bằng cách giao các chỉe tiêu pháp lệnh (hệ thống 13 chỉ tiêu) đối với Xí nghiệp. Nhà nước định giá vật tư, cung cấp vốn cố định và vốn lưu động, địng thanh lương, chỉ định nơi tiêu thụ, quy định giá bán buôn (gồm giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp), giá bán lẻ, lợi nhuận để lại, thu quốc doanh ... Giám đốc Xí nghiệp cũng là do cấp trên bổ nhiệm và chỉ có quyền hạn nhất định nhằm thực hiện nhiẹem vụ và kế hoạch được Nhà nước (cấp trên) giao trực tiếp. Tuy vậy, trong điều kiện vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa tiến hành đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, cơ chế tập trung quan liêu này cung dã đạt được một số thành tựu nhất định. Năm 1964, miền Bắc đã tự bảo đảm được lương thực về cơ bản, tự giải quyết được 90% hàng tiêu dùng, đồng thời đã tạo được nguồn tích luỹ từ trong nước (theo báo cáo chính trị tại Đại hội IV). Nhưng bắt đầu từ 1965, miền Bắc phải chuyển hướng kinh tế từ thời bình sang thời chiến và cho đến 1975 là thời kỳ chống chién tranh phá hoại xen kẽ những thời kỳ ngắn khôi phục kinh tế. Tuy vậy trong những năm 70, số lượng các Xí nghiệp quốc doanh phát triển mạnh (năm 1975 gấp 10,5 lần so với năm 1955) đòi hỏi trình độ quản lý kinh tế phải thay đổi từng bước. Chủ trương của Nhà nước ta là xáo bỏ lối hành chính cung cấp, thực hiện quản lý XHCN lấy kế hoạch của Nhà nước làm trung thi hành chế độ hạch toán kinh tế, mở rộng quyền chủ động của Xí nghiệp trong sản xuất kinh doanh, phát triển quan hệ trực tiếp giữa Xí nghiệp (Chỉ thị 50 của Thủ tướng Chính phủ ngày 3.3.1975 về tăng cường và cải tiến một bước công tác quản lý trong tình hình mới để đẩy mạnh khôi phục sản xuất và ổn định đời sống công nhân viên chức ở các Xí nghiệp). Sau 1975, thực hiện xây dựng kinh tế ở cả hai miền Nam Bắc, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 09-CP ngày 29.1.1976 về chấn chỉnh tổ chức sản xuất, đưa quản lý kinh tế vào nề nếp, Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo Nghị định số 93-CP ngày 8.4.1977 đã mở rộng quyền chủ động cho các Xí nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 1978 ban hành điều lệ liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh nhằm cải tiến, sắp xếp lại sản xuất, xác định hình thức tổ chức sản xuất mới-hình thức liên hiệp các xí nghiệp (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV) ...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hiến pháp 1959 và Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp ban hành kèm theo Thông tư số 449-TTG ngày 7.12.1959 vẫn công nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với đất đai và tư liệu sản xuất đưa vào hợp tác xã. Thực hiện quá trình cải tạo XHCN ở miền Bắc, đến năm 1969, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua bản điều lệ (tóm tắt) Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao bước đầu quy định bằng pháp luật những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã. Theo điều lệ này, đất đai và tư liệu sản xuất của nông dân đã thuộc sở hữu tập thể, nông dân chỉ được sở hữu cá nhân ở đất 5% cho mỗi đầu người. Ngoài ra còn có các Nghị quyết số 125-CP ngày 28.6.1971 và Chỉ thị số 231-TTg ngày 24.9.1974 về tăng cường quản lý ruộng đất nhằm mục đích bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu XHCN ...

Pháp luật về dân sự trong thời kỳ này chưa được quan tâm và chú trọng do cơ chế hành chính tập trung quan liêu, tuyệt đối hoá vai trò kế hoạch, hợp đồng kinh tế (mang yếu tố tổ chức kế hoạch là chủ yếu) nên không có đIều kiện cho nền sản xuất hàng hoá và trao đổi hàng hoá phát triển. Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp hiện vật trực tiếp cho đội ngũ cán bộ công nhân viên –hạn chế sự tự do trao đổi hàng hóa, do đó trong thời kỳ này chỉ có một số văn bản pháp luật tản mạn quy định về sở hữu Nhà nước (đối với đất đai, Xí nghiệp, các tài sản khác thuộc sở hữu Nhà nước) và sở hữu riêng của công dân (Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tàI sản riêng của công dân này 21.10.1970), một số văn bản về giảI quyết tranh chấp nhà cửa, lao động, hôn nhân gia đình, về bồi thường thiệt hạI ngoàI hợp đồng, về hợp đồng mua bán, pháp sinh sáng chế (sở hữu công nghiệp) …

Về lĩnh vực hành chính, trong thời kỳ này chỉ có phần lớn văn bản quy định về trách nhiệm hành chính có liên quan đến các mặt của hoạt động quản lý Nhà nước như vi phạm thể lệ hảI quan, kinh tế, giá cả, thị trường, ngân hàng tiền tệ, chế độ quản lý rừng, lâm nghiệp, chế độ quản lý thuỷ sản, nông nghiệp, thuỷ lợi, về y tế, về đời sống và quyền công dân … Từ 1959 đến 1960 có hơn 100 văn bản của Hội đồng Chính phủ và các Bộ có quy định về trách nhiệm hành chính (số liệu tính theo công báo) trong đó về lĩnh vực tàI chính, tiền tệ, giá cả và quản lý thị trường chiếm hơn 30% văn bản. NgoàI những quy định lẻ tẻ về xử phạt ra, vẫn chưa có một văn bản nào quy định về những vấn đề chung như : nguyên tắc xử phạt hành chính, ranh giới giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự, đối tượng, xử phạt thẩm quyền xử phạt và hình thức xử phạt … chưa có văn bản nào quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, thủ tục hành chính và tố tụng hành chính …

Về hình sự, thời kỳ này có Nghị quyết 49 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 20.8.1961 về việc tập trung giáo dục, cảI tạo những phần tử có hành động nguy hạI cho xã hội. Năm 1967, có pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng. Năm 1970 có hai pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tàI sản XHCN, và các tội xâm phạm tàI sản riêng của công dân ngày 21.10.1970. Năm 1976 sau khi thống nhất hai miền Nam-Bắc coá Sắc luật 03/ SL76 của Chinh phủ cách mạng lâm thời quy định chung về tội phạm và hình phạt … Bắt đầu từ năm 1975, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương tiến hành xây dựng Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự, áp dụng chung cho cả nước (Quyết định số 172-CP ngày 5.9.1975 của Hội đồng chính phủ thành lập Ban dự thảo Bộ luật hình sự và tố tụng hình sự.

Trong lĩnh vực Quốc tế, hầu như chúng ta chưa có những quy định cần thiết để giảI quyết những vấn đề về hợp đồng và tranh chấp ngoạI thương.

 

Về phương diện pháp chế, năm 1968 từ đánh giá thực trạng của hệ thống pháp luật hiện hành "có những thiếu sót như ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn; mặt khác trong khi phát triển luật lệ mới, các cơ quan Nhà nước đã không chú ý thích đáng đến việc thường xuyên soát lạI và sắp xếp thành hệ thống hợp lý những luật lệ đã ban hành, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bãI bỏ những quy định không còn thích hợp, giảI quyết những quy định chồng chéo, mâu thuẫn". Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 128-CP ngày 8.8.1968 về việc tiến hành hệ thống hoá luật lệ nhằm một bước cảI tiến luật lệ của Nhà nước, làm cho luật lệ được gọn nhẹ, rõ ràng, chính xác và thống nhất hơn nữa chủ yếu trong những vấn đề quan trọng nhất về quản lý kinh tế-tàI chính quản lý văn hoá-khoa học-kỹ thuật, quản lý đời sống và quản lý Nhà nước. Đây là một việc làm để bước đầu rút kinh nghiệm và chuẩn bị cơ sở cho việc phát triển Pháp chế XHCN đI đôI với việc phát triển cách mạng XHCN ở nước ta.

ở miền Nam, trong thời kỳ tạm chiến, Mặt trận dân tộc giảI phóng miền Nam làm chức năng Nhà nước, tiến tới thành lập chế độ Cộng hoà miền Nam Việt namvới Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam. Cương lĩng của mặt trận, Nghị quyết cơ bản của ĐạI hội đạI biểu nhân dân miền Nam Việt nam, chương trình của Chính phủ cách mạng lâm thời … có giá trị như những văn bản pháp luật đã được thừa nhận trong thực tế và được nhiều luật gia (kể cả luật gia ở các nước tư bản) công nhận. Đấy là những sáng tạo của Đảng ta.

Sau khi miền Nam được giảI phóng, trong khi chờ đợi thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt nam đã ban hành một số Sắc luật: Sắc luật số 01 về việc tổ chức Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Sắc luật số 02 về bắt giam, khám người, khám nhà ở,khám đồ vật, Sắc luật số 03 về tội phạm và hình phạt, Sắc luật về bầu cử ĐạI biểu Quốc hội thống nhất … các Bộ cũng có ban hành một số Thông tư, Chỉ thị …

Quốc hội mới được bầu trong Tổng tuyển cử trong cả nước đã ra nhiều Nghị quyết quan trọng trong đó có Nghị quyết về việc Nhà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1959 trong khi chưa có Hiến pháp mới, thi hành Nghị quết ngày 2.7.1976 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, để đảm bảo cho mọi lĩnh vực hoạt động trong phạm vi cả nước đều có pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng pháp chế XHCN, đảm bảo việc thi hành được thống nhất và sát hợp với tình hình thực tế, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 76-CP ngày 25.3.1977 về hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước. Danh mục này gồm 653 văn bản chia thành 14 lĩnh vực là những vấn đề thiết yếu nhất, cấp bách nhất và có thể thi hành được ngay. Đây là việc làm rất có ý nghĩa vì thống nhất pháp chế là biểu hiện, là đIều kiện của việc thống nhất về mặt Nhà nước.

Thực hiện tinh thần Nghị quyết ĐạI hội Đảng lần thứ IV: "cần xây dựng và ban hành kịp thời một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, trong đó chú trọng xây dựng sớm luật kinh tế", Hội đồng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ đặt kế hoạch xây dựng những pháp luật cấp bách trong thời gian trước mắt (1977) và kế hoạch xây dựng pháp luật trong một thời gian dàI hơn (1977-1980) trong lĩnh vực thuộc Bộ mình quản lý, đồng thời giao trách nhiệm cho Uỷ ban pháp chế lập kế hoạch xây dựng những pháp luật chung không thuộc Bộ nào phụ trách.

Để thể chế hoá đường lối xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ trong phạm vi cả nước đã được Nghị quyết ĐạI hội Đảng lần thứ IV vạch ra, Nghị quyết của Quốc hội khoá IV đã thành lập ra một Uỷ ban dự thảo Hiến pháp mới, tức Hiến pháp 1980 sau này.

Tóm lạI, đây là thời kỳ quản lý đất nước chủ yếu bằng văn bản dưới luật. Trong 20 năm, Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khoảng 2238 văn bản. Mặc dù Nhà nước ta đã ban hành được Hiến pháp 1959 nhưng không có chủ trương rõ rệt về làm luật và pháp lệnh để cụ thể Hiến pháp. Về luật, từ 1960 đến-1980, Quốc hội chỉ ban hành 11 Đạo luật trong đó chủ yếu quy định về vấn đề tổ chức bộ máy và Luật về nghĩa vụ quân sự. (Năm 1960 có 7 Đạo luật, 1962 có 2 Đạo luật, 1965 có 1 Đạo luật và 1975 có 1 Đạo luật). Về pháp lệnh chỉ có 14 pháp lệnh quy định về một số thuế, hình sự, tập trung cảI tạo …

Nhìn chung, nếu tính cả về số lượng và chất lượng văn bản có thể nói rằng, trong khoảng 20 năm (1960-1980) là thời gian lập pháp tiêu điều nhất trong toàn bộ quá trình lập pháp của ta.

 

III. Giai đoạn III từ 1980 đến nay (Hiến pháp 1980)

Hiến pháp 1980 được Quốc hội khoá IV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 18.12.1980. Đây là Hiến pháp của thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Hiến pháp 1980 đúc rút kinh nghiệm của 35 năm nắm chính quyền, đồng thời cũng đúc kết kinh nghiệm của 35 năm lập Hiến của Việt nam, Hiến pháp 1980 phong phú về nội dung, rõ ràng về bản chất giai cấp, vừa hoàn chỉnh về cơ cấu, chính xác về thuật ngữ, tiến bộ về hoạt động và kỹ thuật lập pháp. Hiến pháp 1980 đã thể chế hoá đường lối xây dựng CNXH của cách mạng Việt nam được vạch ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV.

 

Hiến pháp 1980 gồm 12 chương, 147 Điều

 

Quán triệt và thể chế hoá chủ trương rất quan trọng của Đảng là tăng cường pháp chế XHCN, ngay ở chương I về chế độ chính trị- Điều 12 của Hiến pháp 1980 đã ghi: "Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN. Tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhân viên Nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hién pháp, Pháp luật, kiên quyết đấu tranh để phòng ngừa và chống các tội phạm, cá việc làm vi phạm Hiến pháp và pháp luật".

Trong chương VII nói về hiệu lực Hiến pháp, Điều 146 của Hiến pháp 1980 quy định: "Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp".

Hiến pháp 1980 cũng xác định một trật tự các văn bản và thẩm quyền ban hành, tạo điều kiện cho việc xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhấtvà ngày một hoàn chỉnh. Điều 82 quy định: Quốc hội cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp.

Hội đồng Nhà nước có quyền công bố Luật, ra Pháp lệnh và giải thích Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh (Điều 100).

Hội đồng nhân dân căn cứ vào Pháp luật của Nhà nước và quyết định của cấp trên, ra Nghị quyết để giải quyết mọi vấn đề của địa phương mình và kiểm tra việc thi hành các Nghị quyết đó (Điều117).

Về hệ thống cơ quan chấp hành thì Hội đồng Bộ trưởng căn cứ vào Hiến pháp, các luật và pháp lệnh, có thể ra 5 loại văn bản : Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó (Điều 109).

Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng căn cứ vào Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và các văn bản của Hội đồng Bộ trưởng, có quyền ra Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó (Điều111).

Uỷ ban nhân dân các cấp chiểu theo quyền hạn do Luật định, ra những Quyết định , Chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những văn bản đó (Điều124).

Để bảo đảm tính thống nhất, Hiến pháp còn quy định những cơ quan có thẩm quyền ra lệnh đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, trái với các văn bản của cấp trên, hoặc có nội dung không thích đáng.

Về thủ tục và phương pháp xây dựng văn bản, Hiến pháp còn quy định trong Điều 86 những cơ quan nào, những người nào có quyền sáng kiến pháp luật, tức là quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội: quy định thủ tục thông qua các loại văn bản: loại nào chỉ cần quá nửa tổng số Đại biểu, hoặc quá nửa tổng số Uỷ viên (chứ không phải quá nửa số Đại biểu hoặc số Uỷ viên có mặt) tán thành. Riêng Hiến pháp, muốn sửa đổi phải có được đa số đặc biệt (phải được ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc hôị) biểu quyết tán thành.

Tuy nhiên, những quy định trên đây của Hiến pháp mới chỉ là những quy định chung, để thực hiện tốt những văn bản này cần phải có các văn bản quy địnhcụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phương pháp ... xây dựng các văn bản pháp luật.

Bắt đầu từ sau Hiến pháp 1980 và việc thành lập Bộ tư pháp (1980), công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có những tiến bộ đáng kể. Đó là việc Hội đồng Nhà nước thông qua kế hoạch xây dựng pháp luật 5 năm (1981-1985). Lần đầu tiên xây dựng pháp luật nước ta đã được tiến hành theo kế hoạch. Theo kế hoạch đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn, đến năm 1985, đã ban hành được 43 văn bản trong đó có 4 Bộ luật, còn lại là Luật và Pháp lệnh.

Tuy mới chỉ đưa vào kế hoạch việc xây dựng các văn bản Luật và Pháp lệnh nhưng đây cũng là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm từng bước đưa công tác xây dựng pháp luật đi vào nề nếp.

Tiếp theo kế hoạch 5 năm (1981-1985), các năm sau đó, Hội đồng Nhà nước đã thông qua kế hoạch hàng năm gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Việc có chương trình, kế hoạch làm luật đã thúc đẩy công tác soạn thảo, phối hợp nghiên cứu và xem xét thông qua của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước. Trong công tác xây dựng pháp luật đã có một vài cải tiến theo hướng dân chủ như đã thành lập nhieèu ban soạn thảo ở các cấp Chính phủ, gắn bó các ngành có trách nhiệm là công đoàn, đoàn thanh niên,hội phụ nữ trong công tác soạn thảo. Đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với một số văn bản quan trọng. Nhiều dự thảo đã tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học tự nhiên và xã hội, các thế hệ khác nhau (kể cả cán bộ nghỉ hưu), tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến ở các miền có đặc điểm khác nhau ...đã có tác dụng nâng cao chất lượng văn bản. Để thúc đẩy nâng cao chất lượng làm luật, ngày 6.8.1988, Hội đồng Nhà nước đã ban hành quy chế xây dựng Luật và Pháp lệnh nhằm cải tiến một bước công tác soạn thảo, trình thông qua, thẩm tra dự thảo ... của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Có thể nói, thời kỳ từ 1981 đến nay là một thời kỳ làm luật khẩn trương nhất trong lịch sử quá trình lập pháp của ta. Số lượng các văn bản pháp luật của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ban hành nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây.

 

Về Bộ luật và các Đạo luật từ 1981 đến nay có:

1.Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981

2.Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 1981

3.Luật tổ chức Toà án nhân dân 1981

4.Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. 1981

5.Luật nghĩa vụ quân sự. 1982

6.Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt nam. 1982

7.Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND các cấp. 1983

8.Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân. 1984

9.Bộ luật hình sự. 1985

10.Luật Hôn nhân gia đình. 1987

11.Luật đất đai.1988

12.Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam. 1988

13.Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch. 1988

14.Bộ luật tố tụng hình sự. 1988

15.Luật quốc tịch Việt nam. 1988

16.Luật sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. 1988

17.Luật sửa đổi Luật tổ chức Toà án nhân dân. 1988

18.Luật sửa đổi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND. 1988

19.Luật bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. 1988

20.Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân. 1988

21.Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. 1988

22.Luật báo chí. 1988

23.Bộ luật hàng hải. 1990

24.Luật Công đoàn. 1990

25.Luật sửa đổi bổ sung Luật đầu tư. 1990

26.Luật thuế lợi tức 1990

27.Luật thuế doanh thu. 1990

28.Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. 1990

29.Luật sửa đổi bổ sung Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt nam. 1990

30.Luật sửa đổi bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự. 1990

31.Luật doanh nghiệp tư nhân. 1990

32.Luật Công ty. 1990

 

Về Pháp lệnhcó:

1- Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của pháp luật năm 1961 quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (của Uỷ ban thường vụ Quốc hội) 1981

2- Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ (của Uỷ ban thường vụ Quốc hội) 1981

3- Pháp lệnh quy định về việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, 1981

4- Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, 1982.

5- Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ Quốc gia, 1982

6- Pháp lệnh về thuế nông nghiệp, 1983.

7- Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp, 1983

8- Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc, 1983

9- Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích Lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, 1984.

10- Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều trong pháp lệnh ngày 25.11.1983 về việc phát hành Công trái xây dựng Tổ quốc, 1985.

11- Pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước. 1985

12- Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự. 1986

13- Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự. 1986

14- Pháp lệnh sửa đổi việc tính các định mức bằng tiền. 1986

15- Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt nam. 1987

16- Pháp lệnh bổ sung, sửa đổi một số điều trongđiều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá. 1987

17- Pháp lệnh tổ chức Luật sư. 1988

18- Pháp lệnh kế toán thống kê. 1988

19- Pháp lệnh nghĩa vụ lao đông công ích. 1988

20- Pháp lệnh sửa đổi bổ sung pháp lệnh thuế nông nghiệp. 1989

21- Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt nam. 1989

22- Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. 1989

23- Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều trong các pháp lệnh, điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá. 1989

24- Pháp lệnh tổ chức Điều tra hình sự. 1989

25- Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. 1989

26- Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản. 1989

27- Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. 1989

28- Pháp lệnh về Đê điều. 1989

29- Pháp lệnh thi hành án dân sự. 1989

30- Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. 1989

31- Pháp lệnh xử phạt hành chính. 1989

32- Pháp lệnh trọng tài kinh tế Nhà nước. 1990

33- Pháp lệnh hải quan. 1990

34- Pháp lệnh về thuế tài nguyên. 1990

35- Pháp lệnh thanh tra. 1990

36- Pháp lệnh bổ sung , sửa đổi pháp lệnh Toà án quân sự. `1990

37- Pháp lếnhửa đổi bổ sung Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự. 1990

38- Pháp lệnh ngân hàng Nhà nước Việt nam. 1990

39- Pháp lệnh Đo lường. 1990

40- Pháp lệnh Hợp đồng lao động. 1990

41- Pháp lệnh thừa kế. 1990 .

 

Để thi hành các văn bản Luật và Pháp lệnh này, Hội đồng Bộ trưởng cũng đã ra nhiều văn bản để cụ thể hoá. Trong 10 năm từ 1980 đến 1990 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành 778 văn bản, Chủ tịc Hội đồng Bộ trưởng ra 432 văn bản, Các Bộ và cơ quan ngang Bộ ra hơn 640 văn bản. Tuy nhiên việc xây dựng và ban hành văn bản của cấp Hội đồng Bộ trưởng vẫn chưa được đưa vào kế hoạch hoá do vậy vẫn còn gặp một số lúng túng, mâu thuẫn, chồng chéo trong việc soạn thảo và ban hành giữa các Bộ, các Ngành. Đã có Thông tư số 02- BT ngày 11.1.1982 của Bộ trưởng Tổng thư ký hướng dẫn một số vấn đề về nguyên tắc, thẩm quyền và hình thức văn bản đối với các cơ quan Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, các Uỷ ban nhân dân ... Nhưng, muốn đưa công tác văn bản pháp quy vào nề nếp, bảo đảm tính pháp chế XHCN, cần có một văn bản dưới hình thức một Đạo luật quy định một cách rõ ràng cụ thể về hình thức văn bản thẩm quyền, trình tự, từ khâu sáng kiến pháp luật đến khâu cuối cùng là công bố văn bản. Theo chúng tôi được biết, Hội đồng Bộ trưởng đã có kế hoạch xây dựng văn bản này nhưng hiện nay vẫn đang nằm trong quá trình soạn thảo.

Một ưu điểm nổi bật không thể không kể đến của pháp luật từ những năm 1980 trở lại đây là vừa tăng nhanh về số lượng vừa phong phú về nội dung mở rộng phạm vi và có phần bảo đảm về mặt chất lượng.

Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, Ngay trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VII đã thông qua 4 Đạo luật lớn: Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ngày 3.7.1981, Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4.7.1981, Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 3.7.1981, và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 4.7.1981. Năm 1983 ban hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND các cấp. Năm 1984 ban hành Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Năm 1986 ban hành Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự và Viện kiểm sát quân sự. Để nhanh chóng phù hợp với tình hình mới, đã có nhiều biến động, năm 1988, Quốc hội đã thông qua các Đạo luật sửa đổi bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND, Luật bầu cử đại biểu nhân dân ...

Về các văn bản của Hội đồng Bộ trưởng, trong thời gian qua đã có nhiều văn bản nhằmcải tiến bộ máy quản lý của các Bộ. Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 35-CP ngày 9.2.1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, Quyết định 169-HĐBT ban hành bản Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng Bộ trưởng, Nghị định 150-HĐBT ngày 3.12.1983 về tổ chức cơ quan Bộ, Nghị định 50-HĐBT ngày 22.3.1988 ban hành bản Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (mới) thay thế Điều lệ cũ ban hành theo Nghị định 93-CP năm 1977. Trong thời gian này, thực hiện chủ trương "cải cách lớn bộ máy Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành một loạt các van bản để sắp xếp, đổi mới lại bộ máy của các Bộ, các Uỷ ban, các Tổng cục nhằm đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới của các cơ quan quản lý vĩ mô này.

Trong lĩnh vực kinh tế, thời gian này là thời gian nhiều biến động nhất. Theo tinh thần của các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V và nhất là Đại hội Đảng lần thứ VI,chính sách quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước ta có nhiều thay đổi có tính bước ngoặt. Các chính sách này ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến pháp luật kinh tế.

Trong khu vực quốc doanh, nhằm cải tiến quản lý các Xí nghiệp quốc doanh, thực hiện cơ chế quản lý kinh tế XHCN lấy kế hoạch hoá làm trung tâm, gắn kế hoạch hoá với hach toán kinh tế và kinh doanh XHCN, phát huy tính chủ động sáng tạo, mở rộng quyền chủ động cho cơ sở, Hội đồng Bộ trưởng đã ra nhiều văn bản nhằm từng bước thực hiện sự đổi mới quản lý kinh tế. Đó là Quyết định số 25-CP ngày 23.1.1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm tiếp tục phát huy quyền chủ đôngj sản xuất -kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các Xí nghiệp quốc doanh.Sau đó năm 1982 có Quyết định số 146-HĐBT ngày 25.8.1984 về sửa đổi bổ sung Quyết định 25-CP để uốn nắn những lệch lạc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 25CP. Năm 1984, thực hiện tinh thần Hội nghị Trung ương lần 6 khoá V, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số156-HĐBT ngày 30.11.1984 về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh thay thế Quyết định 25CP và Quyết định 146CP. Năm 1985 có quyết định 285-HĐBT ngày 23.12.1985 về cải tiến công tác kế hoạch hoá ở Xí nghiệp ... Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ngày 8.4.1986 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 306 (dự thảo) và tiếp theo Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết 76 ngày 26.6.1986 về mở rộng quyền tự chủ về kinh tế và tài chính cho các Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Đây là một thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ nhất trong cơ chế quản lý kinh tế, đỉnh cao của sự đổi mới cơ chế quản lý Xí nghiệp quốc doanh là Quyết định 217-HĐBT ngày 14.11.1987 đã ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với Xí nghiệp quốc doanh. Theo tinh thần của Quyết định 217 các Xí nghiệp quốc doanh đứng đầu là Giám đốc Xí nghiệp được trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh một cách toàn diện trên các mặt kế hoạch, quản lý và sử dụng tài sản, trong việc tuyển dụng lao động và tiền lương, về hợp đồng kinh tế ... Quyết định 217 tuy có một số hạn chế nhưng cũng đã tạo điều kiện cho các Giám đốc Xí nghiệp phát huy quyền sáng tạo, năng động để đổi mới quản lý kinh doanh, tìm mặt hàng, chuyển dần sang cơ chế cạch tranh và tìm thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất phát triển.Tiếp theo Quyết định 217, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 50-HĐBT ngày 22.3.1989 ban hành Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh thay thế Điều lệ cũ ban hành từ năm 1977 nhằm đổi mới quản lý Xí nghiệp, Nghị định 27-HĐBT ngày 22.3.1989 ban hành Điều lệ Liên hiệp Xí nghiệp quốc doanh, Nghị định 98-HĐBT ban hành về quyền làm chủ của tập thể lao động trong xí nghiệp quốc doanh ...

Để phục vụ cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong Xí nghiệp quốc doanh, thời gian qua Nhà nước ta đã chú ý sửa đổi và cải tiến các hệ thống chính sách về thuế (các Luật về thuế lợi tức, thuế doanh thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990, thuế xuất, nhập khẩu năm 1988 ...), Ngân hàng (Pháp lệnh ngân hàng Nhà nước Việt nam năm 1990, các văn bản của Hội đồng Bộ trưởng quy định về các chính sách, mức thuế đối với khu vực kinh tế quốc doanh, tư nhân ...), Trọng tài kinh tế (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, Pháp lệnh Trọng tài kinh tế Nhà nước 1990), về lao động (Pháp lệnh hợp đồng lao động năm 1990) ...

Đối với khu vực kinh tế ngoài quố doanh, được đặc biệt chú trọng từ sau khi có Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Từ nhận định "lực lượng sản xuất của ta bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xã so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất", Nghị quyết Đại hội IV đã chỉ ra nhiệm vụ "thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu nhiều thành phần giải phóng mọi năng lực sản xuất" : Nghị quyết Đại hội nói rõ đó là "sự vận dụng quan điểm của Lê Nin coi nền kinh tế có nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ" và thừa nhận trong thời kỳ quá độ ở nước ta vẫn còn nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất hoõn hợp, đan kết với nhau.Chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần do Đại hội IV đề ra đã được cụ thể hoá và phát triển trong các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết 10,16 của Bộ chính trị và từng bước được cụ thể hoá bằng nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước. Đó là : Nghị quyết số 146-HĐBT ngày 26.11.1986 về phát triển kinh tế gia đình, Quyết định số 67 ngày 19.5.1986 của Ngân hàng Nhà nước Việt nam ban hành thể lệ tín dụng đối với cá thể và tư nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ, Nghị quyết số 17-HĐBT ban hành bản quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng vận tải, Nghị định số 25-HĐBT ngày 9.5.1988 ban hành bản quy định đối với chính sách gia đình trong hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuáat. Nghị định 28-HĐBT ngày 9.3.1988 về kinh tế tập thể, Quyết định số 18-NH/QĐ của Ngân hàng Nhà nước Việt nam ngày 27.4.1988 ban hành tạm thời thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với tư nhân, Hộ cá thể và kinh tế gia đình, Nghị định số 170-HĐBT ngày 14.11.1988 ban hành bản quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, Xí nghiệp tư doanh trong Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Nghị định số 146-HĐBT ngày 24.9.1988 về việc bổ sung và sửa đổi một số Điều trong các bản quy định ban hành kèm theo Nghị định số 27 và 28-HĐBT ngày 9.3.1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

Nhằm cụ thể hoá hơn nữa tinh thần của Nghị quyết Đại hội IV, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương và Bộ chính trị, làm cho nhân dân yên tâm bỏ vốn đầu tư vào sản xuất và dịch vụ, thu hút đầu tư trong nước Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 7 tháng 12 năm 1990 đã thông qua hai Đạo luật: Luật về doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty. Đây là một cố gắng lớn về phương diện lập pháp nhằm thực hiện chủ trương không để một lĩnh vực nào của đời sống xã hội không có Luật pháp điều chỉnh.

Trong lĩnh vực hành chính, đã có Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính do Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 30.11.1989 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.1990. Đây là một văn bản pháp luật quan trọng nhằm củng cố trật tự và kỷ luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Để thực hiện pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số74-CT ngày 13.3.1990 về việc tổ chức thi hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào quy định về thủ tục tố tụng hành chính, về chế độ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, về quy chế viên chức ...

Trong lĩnh vực dân sự, mới có một số Pháp lệnh như Pháp lệnh thi hành án dân sự (1989), Pháp lệnh về thừa kế (1990), ngoài ra do những yêu cầu cấp bách của việc xử lý các tranh chấp tài sản trong nhân dânnên có môtj số hướng dẫn của Toà án nhân dân Tối cao về một số lĩnh vực như thừa kế nhà cửa, bồi thường do gây thiệt hại, xử chia tài sản do ly hôn, cấp dưỡng nuôi con ... Trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường như hiện nay, rất nhiều loại các quan hệ về pháp luật dân sự chưa có pháp luật điều chỉnh ví dụ như quan hệ sở hữu (gồm quốc doanh, tập thể, cá thể), quan hệ hợp đồng và chế định bồi thường, trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại ngoài hợp đồng ...

Trong lĩnh vực hình sự. Đây là hình thức duy nhất được pháp điển và hệ thống hoá dưới hình thức Bộ luật. Năm 1985, đã xây dựng và ban hành Bộ luật hình sự và sau 3 năm thi hành, Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tế. Năm 1988, ban hành Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật này đã được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 1990.

Dưới hình thức Bộ luật, còn có các Pháp lệnh như Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ (1981), Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép (1982), Pháp lệnh tổchức Điều tra hình sự (1989).

Trong lĩnh vực Quốc tế, ta đã ký các Hiệp địnhTương trợ tư pháp với một số nước như: Cộng hoà dân chủ Đức (1980), Liên Xô (1981), Tiệp Khắc (1982), Hungari (1984), Cu Ba (1983) Bungari (1986), các Hiệp định về lãnh sự với Lào, Canada, Pháp ... Việt nam cũng tham gia phê chủn một số Điều ước Quốc tế ví dụ: 2 Công ước về nhân quyền (1982), Công ước Quốc tế về quyền Trẻ em (1990) ...

Năm 1988, đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt nam, nay Luật này được ban hành nhưng trên thực tế có một số Điều khoản chưa khuyến khích đầu tư do đó việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó năm 1990, Quốc hội đã ra Luật sửa đổi và bổ sung Luật này.

Nói tóm lại, từ 1980 đến nay là một thời kỳ lập pháp khẩn trương và sôi nổi, có sự mở rộng cả về phạm vi và phương thức ban hành, chất lượng văn bản có phần được nâng cao, pháp luật trong thời gian qua đã phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới kinh tế -xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành và công tác lập pháp vẫn còn một số thiếu sót. Sự chuyển biến của hệ thống pháp luật còn chưa kịp thời so với sự chuyển biến kinh tế-xã hội đang diễn ra ở nước ta.

 

Qua việc nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt nam, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật hiện hành của ta còn chưa hoàn chỉnh. Đây là nhược điểm cơ bản của pháp luật Việt nam. Tuy trong thực tế đã hình thành các ngành luật nhưng nhìn chung các chế định còn sơ sài và thiếu nhiều. Nhiều khi những vấn đề cơ bản nhất, cuộc sống đòi hỏi bức bách nhất lại chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc chỉ được điều chỉnh một chừng mực hạn chế và hiệu lực của các quy định không cao (do cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chỉ là quy định tạm thời). Điều này có thể thấy rõ trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, lao động, hành chính ... Trong khâu kế hoạch hoá xây dựng các văn bản nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của từng thời kỳ mà chưa chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai, hệ thống pháp luật mang tính chắp vá, tản mạn, rời rạc, nửa cũ nửa mới. Điều này có thể nhận thấy trong hầu hết các ngành luật (trừ lĩnh vực hình sự đã được hệ thống hoá, pháp điển hoá tương đối đầy đủ trong hai Bộ luật). Ví dụ, trong lĩnh vực dân sự, ngoài Sắc lệnh 87-SL ban hành từ năm 1950 quy định một số nguyên tắc về luật dân sự và một số quy định tản mạn của Chính phủ và hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân Tối cao, hầu như chưa có một quy định pháp luật cần thiết để điều chỉnh các vấn đề về sở hữu, về hợp đồng, về chế định bồi thường ... Có những văn bản ban hành từ lâu chưa hết hiệu lực nhưng trên thực tế không vận dụng được. Công tác rà soát và hệ thống văn bản tuy được quan tâm nhưng chất lượng chưa cao, vẫn còn bỏ sót nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản. Từ trước đến nay chúng ta đã tiến hành hai đợt thanh lý văn bản. Đợt 1 (theo Nghị quyết 76-CP năm 1976 – sau khi nước nhà thống nhất) đã thông qua một danh mục pháp luật thống nhất áp dụng chung cho cả nước gồm 644 văn bản. Đợt 2 (theo Chỉ thi 166-CT 1989) đã rà soát các văn bản của 20 Bộ và 26 Tỉnh, huỷ bỏ 1267/ 4328 văn bản của cấp Bộ và 7888/ 28397 văn bản của địa phương. Cần nâng cao công tác này để tiến tới có thể hệ thống hoá và pháp điển hoá các ngành luật.

Thứ ba, hệ thống pháp luật của ta thiéu đồng bộ, khập khiễng cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện ở chỗ còn thiếu hụt rất nhiều các quy định pháp lý cần thiết ngay cả trong từng ngành luật và giữa các ngành luật. Có một số quan hệ trong thực tế mới chỉ được một bộ phận của một ngành luật nào đó điều chỉnh mà thiếu các quy định có liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của các ngành luật khác, ví dụ để điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và chủ các xí nghiệp tư nhân cần có các quy định mới của luật lao động, luật dân sự ... nhưng hiện nay vẫn chưa có các quy định cần thiết của các ngành luật này, mặc dù luật về doanh nghiệp tư nhân và về công ty đã ra đời ... Hệ thống pháp luật của ta gồm chủ yếu là các văn bản dưới luật (chiếm tỷ trọng lớn) ngay cả trong một số lĩnh vực rất quan trọng như kinh tế, dân sự, dân chủ hoá xã hội ... cũng có rất ít văn bản luật và việc xây dựng còn rất chậm.

Mặc dù chiếm số lượng ít nhưng nhiều văn bản luật, pháp lệnh sau khi ra đời lại thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là tình trạng khá phổ biến trong pháp luật nước ta.

Tình trạng htiếu pháp luật và pháp luật không đồng bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng pháp luật không thống nhất kể cả ở Trung ương và Địa phương.

Thứ tư, chúng ta mới chú trọng tới việc xây dựng pháp luật về nội dung mà chưa quan tâm thích đáng đến pháp luật về hình thức. Chưa có các quy định câng thiết về cơ chế xây dựng pháp luật từ khâu sáng kiến pháp luật, kế hoạch hoá (cả văn bản dưới luật), soạn thảo đến khâu trình thông qua ... Cũng nheư về cơ chế thực hiện pháp luật (chưa chú trọng đưa pháp luật vào đời sống, chưa có quy định về phân tích hiệu lực pháp luật, tổng kết việc thực hiện pháp luật để là cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật). Ngay trong từng ngành luật cũng chỉ chú trọng pháp luật nội dung mà chưa có pháp luật về thủ tục. Ví dụ: Luật hành chính, Luật kinh tế ...

Thứ năm, hệ thống pháp luật của ta gồm quá nhiều hình thức và rất rườm rà lại chưa có tiêu chuẩn rõ ràng ddể phân biệt giữa các loại văn bản cho nên có tình trạng lộn xộn, vi phạm pháp chế trong khâu ban hành văn bản. Hiện nay vẫn còn tình trạng chưa phân biệt được lúc nào thì cần ban hành Luật, lúc nào ban hành văn bản dưới luật và ban hành Pháp lệnh. Trong thực tế, có nhiều loại văn bản ít được sử dụng, ví dụ: hình thức Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng trung bình một năm chỉ ban hành 2-5 lần, hình thức Thông tư của Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1981 đến nay cũng chỉ ban hành 1-2 lần. Một số loại văn bản chỉ mang tính chất điều hành và truyền đạt mệnh lệnh cấp trên cấp dưới mà khoong ban hành quy phạm, ví dụ: Chỉ thị của Hội đòng Bộ trưởng, Chỉ thị của Bộ trưởng và UBND, Thông tư của Bộ trưởng ...

Thứ sáu, trong những năm gần đây, do điều kiện kinh tế xã hội có nhiều biến động, đòi hỏi pháp luật phải kịp thời thể chế hoá các đường lối chủ trương chính sách của Đảng, do yêu cầu phải xây dựng gấp nên nhiều văn bản phải ra đời "ép" do vậy tính ổn định của pháp luật không cao. Đây là một lý do để giải thích hiện tượng trong mấy năm gần đây, chúng ta ban hành nhiều Pháp lệnh thay cho ban hành Luật. Mặt khác, công tác lập pháp của ta chưa được tiến hành một cách khoa học, nhiều văn bản khi xây dựng chưa có tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn và lý luận cả ở trong nước và ngoài nước, công tác định hướng và định lượng còn yếu do vậynhiều văn bản vừa ra đời đã phát hiện sai lầm, thiếu sót, khó thực hiện. Đây cũng là một tình trạng khá pgổ biến. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có nhiều lĩnh vực còn tương đối mới mẻ và lạ lẫm đối với chúng ta do vậy cần phải có sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức xây dựng và soạn thảo văn bản để đưa công tác xây dựng chất lượng đi vào nề nếp và đạt chất lượng ngày càng cao hơn ./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo cáo nội dung hội thảo khoa học

Ngày 16.3.1989

........................

 

 

Những người tham gia:

1. Đ/c Đào Trọng Truyến : Hiệu trưởng trường hành chính Trung ương.

2. Đ/c Phùng Văn Tửu : Phó Chủ tịch Quốc hội.

3. Đ/c Chế Viết Tấn : Phó Ban kinh tế Trung ương.

4. Đ/c Nguyễn Hiên : Phó tiến sĩ Luật học, Chủ nhiệm khoa Luật Trường ĐH Tổng hợp

5. Đ/c Nguyễn Vĩnh Oánh : Phó tiến sĩ Luật học , Phó Vụ trưởng Ban nội chính Trung ương. Ban chủ nhiệm Đề tài.

6. Đ/c Nguyễn Văn Thảo : Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

7. Đ/c Phạm Đình Tân : Bộ Tư pháp .

8. Đ/c Hoàng Văn Hảo : PTS Luật học, Chủ nhiệm khoa Nhà nước và Pháp luật – Học Viện Nguyễn ái Quốc TW.

9. Đ/c Phạm hữu Chi : Bộ Tư pháp .

10. Đ/c Phạm Nhâm : Vụ trưởng Ban nội chính Trung ương.

11. Đ/c Nguyễn Đình Lộc : Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

12. Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng : Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

13. Đ/c Vũ Khiêu : Giáo sư -Uỷ ban khoa học xã hội.

14. Đ/c Nguyễn Vượng : Văn phòng Trung ương.

15. Đ/c Nguyễn văn Huy : Viện quản lý kinh tế Trung ương.

16. Đ/c Lê Minh Tâm : Hiệu phó - Đại học Pháp lý Hà Nội.

17. Đ/c Nguyễn Quốc Thuỳ : Bộ Tư pháp.

18. Đ/c Hồng Long : Viện Mác – Lê Nin.

19. Đ/c Trần Đình Hảo : Phó tiến sĩ Luật học – Viện Nhà nước và Pháp luật.

20. Đ/c Lê Đình Khiêu : Ban Nội chính Trung ương.

21. Đ/c Nguyễn Văn Mạnh : Học viện Nguyễn ái Quốc.

22. Đ/c Nguyễn Bình : Bộ Tư pháp .

Và một số cán bộ của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp tham dự.

Nội dung : Đánh gía thực trạng Hệ thống pháp luật Việt nam.

Trích ý kiến của các đồng chí đã phát biểu:

1. Giáo sư Đoàn Trọng Truyến (Hiệu trưởng trường hành chính Trung ương).

.... Thông thường quản lý xã hội phải bằng pháp luật, ở ta thì lại khác, quản lý xã hội lại bằng các quy phạm dưới luật (pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng). Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm kỷ cương Nhà nước không được tôn trọng. Cơ quan Nhà nước hầu như không chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quy chế về vien chức Nhà nước không có, kỷ luật trong bộ máy Nhà nước của ta rất lỏng lẻo, viên chức Nhà nước không được chuyên môn hoá. Bản thân người cán bộ trong bộ máy quản lý không có nghề vì bộ máy thì lớn, nhân viên thì đông nhưng hiệu quả thì rất thấp.

2. Đ/c Chế viết Tấn (Phó trưởng Ban kinh tế Tung ương Đảng).

... Là một nhà kinh tế tôi mong muốn pháp luật của ta phải thực sự là động lực cởi trói sức lao động sản xuất của ta hiện nay. Nền kinh tế của ta đang ở trong tình trạng rối ren, lạm phát nghiêm trọng, pháp luật phải cùng đóng góp sức vào việc giải quyết khó khăn này. Tuy vậy pháp luật của ta rất thiếu (Thiếu nhất là về kinh tế đối ngoại, kinh tế tư nhân), cái mà có thì lại quá dài dòng nặng về thuyết lý hơn là quy định cái cụ thể. Xu thế chung hiện nay của thế giới đòi hỏi pháp luật phải ngắn gọn, rõ ràng và cụ thể như vậy mới dễ áp dụng, dễ thi hành. Cái cấp bách nhất hiện nay là phải xây dựng gấp luật đầu tư trong nước, luật ngân hàng, luật tài chính, luật lao động ...

3. Giáo sư Vũ Khiêu (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHXH).

... Vì do ta thiếu các Đạo luật cụ thể nên một số cá nhân, cơ quan, tổ chức nhân danh cách mạng,nhân danh Đảng, nhân danh tập thể để vi phạm quyền công dân. Pháp luật của ta chủ yéu bảo vệ quyền lợi của cơ quan Nhà nước, ít chú ý tới quyền lợi của người dân. Trong khi thi hành pháp luật chỉ nhấn mạnh trách nhiệm thi hành của công dân mà không chú trọng tới phía cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm gì. Theo tôi, thời gian qua pháp luật bảo đảm quyền dân chủ của ta là rất thiếu, chưa thấu suất tư tưởng "lấy dân làm gốc" như Đại hội IV đã đề ra.

4. Đ/c Hoàng văn Hảo (PTS Luật học, Chủ nhiệm khoa Nhà nước và pháp luật thuộc Học viện Nguyễn ái Quốc).

... Pháp luật của chúng ta xây dựng thời gian qua chỉ chú trọng tới tính giai cấp mà bỏ qua tính nhân văn. Chúng ta đã lẫn lộn gộp cả quyền con người vào quyền công dân. Thực ra quyền con người có phạm vi rộng hơn rất nhiều quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Pháp luật xây dựng phải vì con người không phải vì một cái gì đó mà làm lu mờ hoặc làm mất hết tính nhân văn của mỗi con người trong xã hội.

5. Đ/c Nguyễn Quốc Thuỳ (Vụ trưởng Vụ quản lý Toà án Địa phương Bộ Tư pháp).

... Loại tranh chấp khá phổ biến và phức tạp về mặt dân sự hiện nay là việc kiện về hợp đồng nhà ở và lao động. Cơ quan Toà án đang rất lúng túng trong việc xét xử và thi hành án đối với các vụ đòi lại nhà cho thuê và cho ở nhờ. Chủ sở hữu các ngôi nhà cho thuê đã gần nửa thế kỷ cho ở nhờ vì tình nghĩa, hợp đồng không còn thời hiệu, đã qua nhiều thập kỷ rồi nhưng muốn đòi lại nhà để ở đều phải chịu những điều kiện của người thuê hoặc ở nhờ đặt ra. Do thiếu những Đạo luật quan trọng về vấn đề này nên các cơ quan Toà án phải viện dẫn Thông tư hướng dẫn của Toà án Tối cao và các văn bản quy phạm của Hội đồng Bộ trưởng làm căn cứ để xét xử. Vô tình chúng ta đã biến Toà án Tối cao là cơ quan xét xử theo luật định thành cơ quan lập pháp. Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc của Hiến pháp.

6. Giáo sư Nguyễn Niên (PTS Luật học, Chủ nhiệm khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

... Đề tài nghiên cứu "xây dựng pháp luật trong chặng đường đàu của thời kỳ quá độ ở nước ta" có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất to lớn. Vấn đề này ở các nước XHCN khác cung đang được quan tâm và nghiên cứu rất nhiều. Theo chúng tôi để nghiên cứu nó một cách toàn diện, khoa học trước tiên phải đánh giá cho được thực trạng xây dựng và thực hiện pháp luật của chúng ta hiện nay ra sao. Chỉ trên tinh thần đánh giá cái đã có cả về số lượng và chất lượng chúng ta mới biết thiếu cái gì, cần xây dựng cái gì và nhất là xây dựng như thế nào cho tốt, cho phù hợp với sự nghiệp đổi mới hiện nay và sắp tới ...

Hệ thống pháp luật của ta hiện nay là chắp vá, thiếu hệ thống, không thống nhất, phần lớn là các văn bản quy phạm (dưới luật) không ăn khớp với thực trạng kinh tế - xã hội nước ta. Ngay cả những văn bản mới ban hành gần đây cũng có những quy định không phù hợp. Nhìn chung các văn bản pháp luật nước ta đã xây dựng yếu về cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn. Hiện nay tư duy lý luận pháp lý, hệ thống quan điểm pháp lý còn chưa được đổi mới bao nhiêu, nền khoa học pháp lý nước ta còn ở trình độ thấp (hay mới bắt đầu). Việc xây dựng như vậy còn việc tuân thủ thi hành pháp luật thì lại ở tình trạng xấu hơn. ở một số lĩnh vực pháp luật còn bị vi phạm nghiêm trọng.

7. Đ/c Phạm Đình Tân (nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Bộ Tư pháp).

... Đã đến lúc phải trả lại cho luật dân sự vị trí thích đáng của nó. Nhà nước bảo hộ quyền công dân được biểu thị ý muốn và trực tiếp ký hợp đồng với nhau trong việc mua bán nhà, đồ dùng, hàng hoá, thuê và cho thuê nhà ở, mượn tiền ...

Hiến pháp nói rõ Nhà nước bảo hộ sở hữu XHCN và sở hữu của công dân, bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân.

Trên thực tế những đối tượng được pháp luật bảo hộ ấy không được quy định đầy đủ, nhất là giữa các cá nhân. Một chế định về hợp đồng kinh doanh ban hành từ năm 1958 đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Việc mua bán nhà đã cho thuê, việc chủ nhà lấy lại nhà để ở lại không thể giải quyết được bằng hợp đồng dân sự giữa chủ nhà vơí người thuê nhà mà lại phải được cơ quan hành chính Nhà nước quyết định, đáng lý ra Nhà nước chỉ chứng thực và thu thuế trước bạ về mua, bán nhà. Thế là quan hệ hành chính đã thay thế luật dân sự. Cả trong nhiều trường hợp khác tình hình cũng như vậy.

8. Đ/c Nguyễn Văn Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp).

... Có hai khuynh hướng đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành, hoặc nhìn vào số lượng văn bản đã ban hành hoặc nhìn vào chất lượng, về tính thống nhất, tính thời sự, tính phù hợp với thực tiễn của hệ thống pháp luật. Cả hai cách đánh giá đều có mặt hay mặt dở, mặt mạnh mặt yếu, mặt chính xác mặt phiếm diện.

Tuy nhiên ở đây tôi chỉ đề cập tới vấn đề : nên làm như thế nào để đánh giá đúng thực trạng hệ thống pháp luật ở nước ta.

Pháp luật không chỉ phản ánh thụ động kinh tế, kinh tế thế nào thì pháp luật thế ấy. Thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng không có nghĩa là bê nguyên si các Nghị quyết của Đảng vào pháp luật.

Pháp luật không những phản ánh kinh tế, dù đó là điểm cốt lõi nhưng nó còn phản ánh những lĩnh vực khác của đời sống đặc biệt là phản ánh chính trị, phản ánh các mối quan hệ qua lại giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Trong điều kiện đổi mới, dân chủ và công khai các việc phản ánh các điều kiện chính trị trong pháp luật lại càng hết sức quan trọng. Không chỉ phản ánh kinh tế, chính trị mà pháp luật còn phản ánh truyền thống dân tộc, phong tục tập quán, đạo đức. Các quan hệ xã hội kể trên cần phải được chọn lọc để đặt ra các quy định pháp luật cần thiết điêù chỉnh.

Pháp luật luôn có tính thừa kế, chúng ta không thể một lúc xoá bỏ hết pháp luật cũ để làm ngay một hệ thống pháp luật mới. Cần phải xem xét và sử dụng những điều hợp lý của pháp luật cũ. Chính vì vậy phải đánh giá hệ thống pháp luật của ta một cách toàn diện, khoa học có căn cứ thực tế, thận trọng và tỉ mỉ ./.

 

Lược thuật cuộc hội thảo khoa học

Ngày 27.12.1990

...........................

 

 

Thành phần tham gia.

1. Đ/c Nguyễn Niên : Giáo sư Văn phòng HĐBT

2. Đ/c Nguyễn văn Thảo : Viện trưởng Viện NCKH pháp lý.

3. Đ/c Nguyễn đình Lộc : Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

4. Đ/c Phan hữu Chi : Vụ trưởng , Bộ Tư pháp.

5. Đ/c Nguyễn quốc Mậu : Phó Ban Nội chính Trung ương.

6. Đ/c Phan thế Hùng : Phó Ban Nội chính Trung ương.

7. Đ/c Nguyễn cửu Việt : Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

8. Đ/c Nguyễn văn Luật : PTS Văn phòng HĐBT.

9. Đ/c Nguyễn văn Thanh : PTS Ban Nội chính Trung ương.

10. Đ/c Hà hùng Cường : Vụ trưởng Bộ Tư pháp.

11. Đ/c Nguyễn văn yên : Vụ trưởng Bộ Tư pháp.

12. Đ/c Đinh trung Tụng : PTS Bộ Tư pháp .

13. Đ/c Lương đăng Huệ : PTS Bộ Tư pháp.

14. Đ/c Uông chu Lưu : PTS Bộ Tư pháp.

Và một số cán bộ nghiên cứu của Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp cùng tham gia.

I. Mục đích yêu cầu:

 

Đánh giá thực trạng tình hình xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay (đặc biệt là trong mấy năm đổi mới gần đây). Từ đó đề ra phương hướng, nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế xây dựng và cơ chế thực hiện pháp luật trong giai đoạn sắp tới.

II. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo.

 

1- Đ/c Nguyễn Niên: Giáo sư Văn phòng HĐBT: Dẫn đề "Nước ta đang ở trong giai đoạn mở đầu của sự nghiệp đổi mới. Các lý luận về CNXH, về thời kỳ quá độ từ trước tới nay ta coi là "kinh điển" hiện nay đang đựoc nghiên cứu và xem xét lại và nhất là vận dụng nó cho phù hợp với thời đại, đó là biện chứng của sự phát triển. Ngày nay đã xuất hiẹn một số quan điểm mới về kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường, thị trường sức lao động ... Nhà nước ta đang tích cực và khẩn trương thể chế hoá cái mới để đưa vào cuộc sống.

Cùng với những nhận thức mới về CNXH về thời kỳ quá độ, về nền kinh tế XHCN, một số vấn đề đặt ra là phải đồng thời nghiên cứu và vận dụng pháp luật tư sản. Từ trước tới nay chúng ta có những hiểu biết hết sức lệch lạc về pháp luật tư sản. Ngày nay với tư duy mới chúng ta nhận thức được rằng pháp luật XHCN có kế thừa pháp luật TS. Pháp luật XHCN của ta trước đây mang tính giáo điều, rập khuôn máy móc với pháp luật Liên Xô và một số nước XHCN. Hiện nay cần đặc biệt nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc và một số nước XHCN khác.

ý thức pháp luật cao hay thấp cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Chúng ta đều nhất chí rằng hiện nay ý thức pháp luật của nhân dân và cán bộ ta còn ở trình độ tháap do nhiều nguyên nhân gây nên. Pháp luật phong kiến và thực dân cung đã ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống pháp luật hiện tại vì thiếu hệ thống, không đồng bộ và sơ hở, tư tưởng cục bộ địa phương thường sảy ra. Mặt khác pháp luật không phù hợp với cuộc sống nên không thi hành được, những người có chức có quyền lại vi phạm nghiêm trọng.

Về mặt tổ chức xây dựng và thực hiện pháp luật: Từ trước đến nay, do không có một trình tự, thủ tục, công đoạn xây dựng pháp luật nên một dự án luật phải đi vòng vèo, dích dắc, tắc nghẽn hoặc mắc kẹt không ban hành được. Và vì không theo quá trình công nghệ nhất định nên mối quan hệ hiệp đồng giữa ngành chủ quản, Bộ tư pháp , các cơ quan nghiên cứu khoa học pháp lý, Hội đồng Bộ trưởng, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Quốc hội không nhất quán, chồng chéo, sự lãnh đạo của Ban Bí thư, Bộ chính trị cũng không được quy định thành chế độ rõ ràng nên đã ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật.

Việc tổ chức thực hiện pháp luật ở ta cũng là một khâu yếu kém, so với khâu xây dựng pháp luật, nó không được chú ý bằng nên sảy ra tình trạng có pháp luật nhưng không được thi hành. Điều nay cần nêu một tâm lý phổ biến có hại là coi thường pháp luật.

Việc chấp hành pháp luật trước hét là thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên trách giúp việc cho Bộ tư pháp và các Sở tư pháp có vai trò rất quan trọng, cần phải được đặt đúng vị trí, tăng cường tổ chức và cán bộ đủ mạnh để làm được nhiệm vụ quan trọng này ..."

2- Đ/c Nguyễn văn Thảo:

 

"...Trong mấy năm gần đây, pháp luật của chúng ta đã có một số tiến bộ đáng kể như tăng nhanh về số lượng, mở rộng phạm vi điều chỉnh, đã có sự chỉ đạo sát sao trong quá trình làm luật, thực hiện việc lấy ý kiến của nhân dân, pháp luật của chúng ta dần dần đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại sau đây:

Thứ nhất, Sự mâu thuẫn giữa tính tất yếu và tính phù hợp thể hiện như sau: Xét về mặt nội dung, nhiều quan hệ mới của nền kinh tế hàng hoá đã xuất hiện nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc chỉ mới được điều chỉnh ở một chừnh mực nhất định ví dụ trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh, lao động ... Nhìn chung hệ thống pháp luật hiện hành còn mâu thuẫn với trình độ phát triển kinh tế xã hội hiện đại, mâu thuẫn giữa tư duy cũ với tư duy mới, Đây là mâu thuẫn thứ nhất.

Mâu thuẫn thứ hai là mâu thẫn chính trong bản thân pháp luật, nội dung của pháp luật trước Đại hội IV hầu hết đều mang tư duy cũ, từ năm 1988 đến nay đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn chung pháp luật vẫn chưa thoát ra được những định chế và tư duy cũ. Hiến pháp 1980, đã có nhiều những điều không còn phù hợp nhưng vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung.

Mâu thuẫn thứ ba là mâu thuẫn giữa pháp luật với dân chủ. Hiện nay trong việc xây dựng pháp luật vẫn còn có sự lưỡng lự giữa quản lý chặt chẽ và buông lỏng.

Mâu thẫn thứ tư là mâu thuẫn giữa pháp luật và thực hiện pháp luật.

Thứ hai, Xét về mặt chất lượng nhiều cái mới chưa phù hợp, có nhiều sơ hở. Ví dụ : trong các Đạo luật đất dai, Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Pháp lệnh về thi hành án dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, về tín dụng nhân dân, về cấp hạn ngạch ...

Thứ ba, Quyền lập pháp và lập quy có nhiều điều còn bất hợp lý, pháp lệnh nhiều hơn luật, Hội đồng Bộ trưởng có quá nhiều hình thức đề ra văn bản. Địa phương cũng ra quá nhiều văn bản pháp quy.

Thứ tư, Trình tự xây dựng luật chưa hợp lý. Cần xây dựng một trình tự gồm các bước sau:

- Sáng kiến lập pháp

- Soạn thảo

- Xin ý kiến lãnh đạo

- Hỏi ý kiến nhân dân

- Thảo luận, tranh luận giữa các cơ quan có trách nhiệm

- Hoàn chỉnh dự thảo

- Thẩm tra chính thức

- Quốc hội và HĐND thông qua

- Sửa chữa

- Công bố.

Hiện nay, sáng kiến lập pháp thường bị nhầm lẫn với công tác soạn thảo.

Để giải quyết tồn tại trên đây chúng ta cần phải quán triệt các quan điểm chủ yếu như: Quản lý Nhà nước bằng pháp luật (Nhà nước háp quyền) đề cao vai trò các Đạo luật nhất là Hiến pháp: Pháp luật Việt nam phản ánh kinh tế Việt nam, Pháp luật phải phản ánh tất yếu kinh tế – xã hội đồng thời phải phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, truyền thống dân tộc, tâm lý xã hội ...: Nhất là cần quán triệt quan điểm cái gì pháp luật không cấm thì đều được làm ..."

3. Đồng chí Nguyễn Đình Lộc: Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

"... Hiện nay, nước ta đang ở trong một giai đoạn mà cơ chế cũ bị đẩy lùi nhưng chưa biến mất,cơ chế mới hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh. Chính đặc trưng của giai đoạn có ảnh hưởnh sâu sắc đến tính đặc thù của pháp luật. Hiện nay pháp luật của ta cũng đang ở trong trạng thái quá độ. Nhược điểm cơ bản của pháp luật Việt nam hiện nay là chưa hoàn chỉnh, thường chỉ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu bức bách của từng thời kỳ, văn bản luật còn ít, nhiều văn bản còn hiệu lực không vận dụng được. Hệ thống pháp luật do đó vẫn mang tính chắp vá, tản mạn, rời rạc, thiếu đồng bộ cả về nội dung và hình thức ban hành, thiếu rất nhiều văn bản về kinh tế, các văn bản còn khập khiễng. Nhưng xét trong điều kiện của thời kỳ quá độ ở nước ta hiện nay, tính quá độ chuyển tiếp của pháp luật cũng là điều tất yếu. Hiện nay đã xuất hiện sự ra đời của các quy định mới mẻ có phần lạ lẫm với chúng ta ví dụ Pháp lệnh về Ngân hàng tín dụng, Luật về doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty. ở đây chứng tỏ một điều : đây là sự chắp vá, sao chép kinh nghiệm ở nơi khác chứ không phải đúc rút kinh nghiệm ở Việt nam.Việc tiếp thu kinh nghiệm nếu phù hợp với chúng ta vẫn là điềi cần thiết nhưng cũng cần phải tỉnh táo để tránh sao chép máy móc và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro.

Vậy phải chăng sửa đổi bổ sung là một đặc thù mang tính quy luật? Sửa đổi bổ sung là phương thức đặc thù của pháp luật, trong thời kỳ quá độ sửa đổi, bổ sung là điều cần thiết (hiện nay số văn bản sửa đổi bằng 1/3 số văn bản mới).

Và một điều cần phải lưu tâm là trong công tác xây dựng và ban hành pháp luật phải tiến hành dân chủ hoá một cách triệt để.

Từ những đặc thù trên đây, theo tôi phương hướng chính trong việc xây dựng pháp luật là cần thiết phải kết hợp giữa nhu cầu thực tại và lâu dài, phải biết thừa kế cái cũ và tiếp nhận cái mới. Với những vấn đề mà chúng ta có nhiều kinh nghiệm nên ban hành ngay các Bộ luật, đối với những vấn đề mới mẻ có thể ban hành Pháp lệnh.

Phải từng bước dành cho Quốc hội chức năng lập pháp thực sự chứ không phải là cơ quan thông qua pháp luật như hiện nay. Phải chuyển hướng lại toàn bộ bộ máy hiện hành, phân định rạch ròi quyền làm luật của Quốc hội, Pháp lệnh Hội đồng Nhà nước, Nghị định và Thông tư của HĐBT.

Phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các đại biểu, chuyên gia.

Hệ thống pháp luật hiện nay về nội dung phải xây dựng theo 3 hướng: Định hướng XHCN, xây dựng hệ thống pháp luật là cơ sở để đổi mới hệ thống bộ máy Nhà nước: pháp luật phải bảo vệ quyền con người, đảm bảo công bằng xã hội ..."

4. Đồng chí Phan Hữu Chi: Vụ trưởng Vụ xây dựng pháp luật Bộ tư pháp.

"... Công tác xây dựng pháp luật và tăng cường pháp chế từ nay đến năm 2000 ở nước ta cần căn cứ và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 đó là ổn định phát triển kinh tế – xã hội cải thiện đời sống của nhân dân làm đà bước sang thế kỷ 21.

Việc đầu tiên là cần xây dựng một khung pháp luật mở đầu cho vấn đề đầu tư trong nước và nước ngoài (thuộc lĩnh vực kinh tế và dân sự). Căn cứ vào khung đó người dân biết họ được làm gì và làm như thế nào. Cần xác định rõ đặc điểm của nước ta hiện nay là thực hiện nền kinh tế thị trường có điều tiết, nền sản xuất nhỏ (Quyết định 217 – HĐBT không tính đến cơ chế vừa và nhỏ của nền kinh tế nước ta). Chúng ta đã đang hình thành 3 vùng kinh tế tập trung: 1) Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; 2) Đà Nẵng; 3) Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai, chúng ta có khả năng gọi vốn đầu tư trong nước và nước ngoài và 3 chương trình kinh tế lớn. Nhưng để huy động vốn đầu tư chúng ta cần phải hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực sau: (Sở hữu toàn dân, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, cá thể). Trước hết phải xác định các hình thức sở hữu làm nền cho chúng ta hoàn thiện luật đất đai, tài nguyên đây là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất.

Phải xây dựng được luật hợp đồng trên cơ sở hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Đặc biệt chú ý đến hợp đồng chuyên nghiệp để các cơ sở kinh tế có căn cứ pháp lý làm cơ sở để ký kết các hợp đồng. Hiện nay có những vấn đề mà chúng ta chưa tính đến. Ví dụ, hợp đồng vay vốn, hợp đồng bảo hộ đầu tư đa phương là vấn đề rất được quan tâm của các nhà kinh tế. Hợp đồng cho thuê tư liệu sản xuất đối với chúng ta cũng còn bỡ ngỡ. Hiện nay chúng ta còn thiếu hợp đồng nay.

Luật công ty cũng rất cần phải bổ sung và thay đổi lại cơ chế xin phép đăng ký kinh doanh. Đối với nước ta hình thức công ty hợp doanh và hợp vốn đơn giản rất phổ biến, pháp luật cần nhanh chóng điều chỉnh các mặt hoạt động của các loại công ty này.

Cần có bước chuyển mới đối với các doanh nghiệp quốc doanh, phải xác định được kinh tế quốc doanh giữ vị trí then chốt và Nhà nước đầu tư vốn. Những cơ sở quốc doanh nào tồn tại song song với tư nhân được điều chỉnh theo luật doanh nghiệp và chịu sự chi phối của luật kinh doanh và ở thế cạnh tranh bình đẳng với các thành phần khác.

Nên ra một quy định về cơ chế giải thề các Xí nghiệp quốc doanh và không thể đi cùng với luật phá sản. Hiện nay có nhiều Xí nghiệp vừa tự giải thể vừa tự chia vốn với nhau.

Dùng các biện pháp để nâng giá trị đồng tiền Việt nam. Ví dụ như cho một số Ngân hàng nước ngoài đặt chi nhánh tại Việt nam, ra luật về các phương tiện thanh toán (có thể bằng hình thức các thương phiếu), củng cố lại chế độ đối với Séc ...

Hoàn chỉnh hệ thống thuế, cần sử dụng hình thức thuế trị giá gia tăng, tránh đánh vào thuế doanh thu.

Cần có những quy định mới của pháp luật về bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Cần bổ sung pháp luật về kinh tế và dân sự nhất là vấn đề tổ chức tài phán trong lĩnh vực kinh tế và dân sự. Hiện nay trình độ phát triển kinh tế xã hội của ta còn kém, do đó chưa nên và cũng không nên tách biệt giữa luật dân sự và luật thương mại.

Phải hoàn thiện luật lao động vì ta đã chuyển sang cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường sức lao động rất phù hợp với hoàn cảnh Việt nam, phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động. Luật lao động cần phải thực hiện sự công bằng xã hội, kết hợp với luật lao động cần phải có luật về bảo hiểm xã hội, chính sách bảo trợ xã hội cũng cần được quan tâm. Thiết lập cơ chế giới thiệu việc làm và tập sự, phải có Sở lao động cho người lao động.

Trong lĩnh vực hành chính: Phải làm rõ phi tập trung hoá và dân chủ hoá. Phi tập trung hoá đối với mọi cấp đều cần, phải xác định rõ được thẩm quyền của Bộ trưởng và Chủ tịch HĐBT; Đồng thời phải thực hiện dân chủ hoá; xem lại thẩm quyền của cấp Tỉnh, Huyện ..

Luật ngân sách phải xây dựng rõ ràng, tránh tình trạng lộn xộn trong vấn đề ngân sách địa phương như hiện nay.

Về vấn đề thuyết phục cưỡng chế; cần đề cao tính công khai của pháp luật, bổ sung vào phần tội phạm kinh tế trong Bộ luật hình sự về tội chức vụ và các loại hình phạt. Việc đưa cơ chế phạt tiền và giam giữ ít ngày vào luật là việc cần cân nhắc ..."

5. Đ/c Nguyễn cửu Việt: (khoa luật trường ĐHTH Hà Nội)

 

"... Về yêu cầu nâng cao vai trò của luật trong đời sống Nhà nước và Xã hội. Hiện nay chúng ta đang tồn tại một thực tế là ban hành rộnh rãi Pháp lệnh, một "giải pháp tình thế", một bước quá độ thay cho luật. Đây cũng đã là một bước tiến bộ nhằm khắc phục tình trạng việc xây dựng các Bộ luật Đạo luật gặp nhiều khó khăn. Nhưng bước quá độ này có dài hay không? trên cơ sở đánh giá tiến độ xây dựng pháp luật như hiện nay thì việc xây dựng một pháp luật cũng được tiến hành theo một trình tự khá chặt chẽ và thời gian khá dài. Vì vậy, khi ban hành Pháp lệnh thì việc nâng lên thành luật chưa rõ bao lâu mới làm được, nếu nó đáng nâng lên thành luật.

Vì vậy tôi cho rằng, một là, những văn bản điều chỉnh những vấn đề lớn, phạm vi rộng như đã nói ở trên nên nâng ngay lên thành luật. Hai là, có thể ban hành Pháp lệnh song đến kỳ họp gần nhất của Quốc hội, những văn bản đó cần đưa ra Quốc hội phê chuẩn để trở thành hiệu lực của luật. ở nước ta hiện nay, nếu cơ chế bộ máy Nhà nước nói chung và tổ chức cơ quan quyền lực Nhà nước nói riêng chưa thay đổi căn bản, thì việc đưa ra quy định như vậy có lẽ còn hợp lý hơn là việc cứ duy trì tình trạng nhiều lĩnh vực hoàn toàn thuộc lĩnh vực thẩm quyền của Quốc hội (ví dụ : ban hành thuế Điều 10, Điều 83 Hiến pháp 1980) mà vẫn ban hành Pháp lệnh.

Trong trường hợp Pháp lệnh có tính luật cần đưa ra Quốc hội phê chuẩn như đã nói ở trên, thì những Pháp lệnh nào không được Quốc hội phê chuẩn đương nhiên sẽ hết "hiệu lực tạm thời" mà nó đã có kể từ ngày ban hành đến ngày Quốc hội xem xét. Có như vậy, nguyên tắc pháp chế mới được bảo đảm.

Một mảng văn bản khác cần lưu ý là về tổ chức bộ máy quản lý.Tôi cho rằng, vă bản về tổ chức bộ máy, thẩm quyền các cơ quan quản lý lĩnh vựcvà ngành đương ở mức Pháp lệnh như thực tế đang làm là hợp lý, là đã có văn bản gốc là Luật tổ chức HĐBT, Luật tổ chức HĐND và UBND các cơ quan quản lý thẩm quyền chung đứng đầu hệ thống cơ quan quản lý các cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp đó thì văn bản chung về Bộ và Uỷ ban Nhà nước chỉ ở mức Nghị định như hiện nay (Nghị định 35 - CP ngày 9.2.1981) là không hợp lý bởi đó là loại cơ quan Hiến định. Thực chất nó đã bị vô hiệu hoá từng phần do việc ban hành các Pháp lệnh về bộ máy quản lý. Vởy nên chăng, cần nâng văn bản đó lên thành luật. Dắt dây theo thì Luật tổ chức HĐBT lại phải nâng lên thành một văn bản gì đó cao hơn luật, ví dụ như cơ sở luật đó "Đại hội Đại biểu nhân dân" (một cơ quan cao hơn Quốc hội như hiện nay chẳng hạn) ban hành. Thực ra, đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.

Đối với lĩnh vực tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc thuộc cấp trên đóng ở địa phương thì theo tôi, không nên ban hành bằng Nghị định mà lại phân tán theo từng cấp như hiện nay trong khi hoàn toàn vắng một văn bản chung ở cấp cao hơn điều chỉnh những vấn đề có tính nguyên tắc. Xét theo tính hợp lý của thứ bậc các văn bản, văn bản chung này cần là Pháp lệnh. Văn bản của Hội đồng Bộ trởng (thường là Nghị định) không nên làm chức năng định chế ra bộ máy, dù là trực thuộc HĐBT, nếu loại cơ quan ấy đã được trực tiếp hoặc gián tiếp Hiến pháp định ra (trừ một số cơ quan lâm thời hoặc không điển hình – không phải là cơ quan Hiến định).

6. Đ/c Nguyễn văn Luật: PTS – Văn phòng HĐBT.

Nghiên cứu pháp luật không chỉ xuất phát từ chính bản thân pháp luật mà còn cần phải xuất phát từ vấn đề Nhà nước, từ yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền, và những vấn đề khác có liên quan.

Việc đổi mới pháp luật phải xuất phát từ mục tiêu chiến lược của Đảng, nhiệm vụ của Nhà nước, ý chí của nhân dân. Đặc trưng của việc đổi mới đời sống Nhà nước đời sống kinh tế – xã hội sẽ ảnh hưởng và quyết định đặc trưng của pháp luật trong giai đoạn mới. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chính sách đa dạng hoá nền kinh tế chính điều này quyết định nội dung của luật kinh tế, luật dân sự và một số ngành luật khác. Nhưng một vấn đề đặt ra là cơ cấu thượng tầng vẫn là XHCN còn cơ cấu hạ tầng lại thay đổi căn bản thì điều gì sẽ sảy ra trong vấn đề xây dựng pháp luật ? đây mới là vấn đề cần giải quyết. Chúng ta cũng cần có định hướng nội dung XHCN của pháp luật trong thời kỳ mới cần phải căn cứ vào một đề án xây dựng CNXH mà xác định nội dung của pháp luật trong giai đoạn moứi, cần phải xây dựng những luật gì ? nội dung của các luật đó như thế nào ?

Hiện nay có một số vấn đề được đặt ra trong việc xây dựng pháp luật là làm sao xây dựng để cho pháp luật trở thành tối cao, cần phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN xuất phát từ xã hội công dân (đây là điểm khác biệt với Nhà nước pháp quyền tư sản) ở nước ta chính là quan điểm lấy dân làm gốc. Trong lĩnh vực kinh tế cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh doanh những quy định pháp lý về ngân hàng, tiền tệ, tài chính, về tài phán kinh doanh. Theo tôi hiện nay khâu đột phá chính là pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước (hệ thống chính tri, quy chế viên chức ...), ngoài ra cũng cần chú ý đến những yêu cầu pháp luật nhằm bảo đảm đời sống văn hoá, xã hội ...

7. Đ/c Hà hùng Cường: Vụ trưởng – Bộ Tư pháp.

"Vấn đề về khung pháp luật thương mại hiện ta đã có luật đầu tư trong nước (kinh doanh của các thanh phần kinh tế) và luật đầu tư nước ngoài, như vây là tồn tại hai hệ thống. Nhưng nhìn chung luật đầu tư trong nước có vẻ như chưa thoáng và tỏ vẻ chặt chẽ hơn so với khu vực đầu tư nước ngoài (ví dụ vấn đề về thuế có một khoảng cách rất lớn giữa hai khu vực, đối với đầu tư nước ngoài thuế lợi tức từ 10 - 25%(chính khung này có nhiều sơ hở vì quy định một khoảng cách rất xa) trong khi đó đối với khu vực trong nước thuế lợi tức cao nhất có thể lên tới 50% hoặc 100%).

Đối với liên doanh và Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài theo luật đầu tư nước ngoài và Nghị định hướng dẫn thi hành đều quy định là công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng luật công ty mới ra đời không đề cập đến trong khi đó luật Việt nam quy định các Xí nghiệp nước ngoài đóng ở Việt nam là pháp nhân Việt nam và chịu trách nhiệm theo luật Việt nam.

Các quy định của pháp luật cũng không có sự nhất quán giữa hai khu vực như vấn đề lao động vấn đề thuế tài nguyên ...

Về vấn đề bảo đảm pháp luật cần phải thành lập Toà án Hiến pháp và Toà án hành chính. Hiện nay pháp chế XHCN đang có sự vi phạm nghiêm trọng, hiện tượng vi Hiến khá phổ biến vì Hiến pháp chậm được sửa đổi, các văn bản kể cả văn bản mới ban hành có nhiều điều trái Hiến pháp phải có Toà án hiến pháp để baỏ đảm tính tối cao của luật Hiến. Hiện nay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp quy của các cấp rất phổ biến, văn bản của ngành nọ chéo ngành kia, vô hiệu hoá lẫn nhau nhưng không được xét xử công khai, ví dụ: quy định của Sở công trình đô thị, trái với quy định của UBND ... do vậy cần phải có Toà án hành chính.

Trong công tác xây dnựg pháp luật có tình trạng tách rời giữa pháp luật trong nước và pháp luật Quốc tế. Từ trước đến nay nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế (đa phương, song phương) nhưng cơ quan tư vấn của Hội đồng Bộ trưởng lại không có trong tay cácdiều ước này ddể làm căn cứ khi xây dựng pháp luật Quốc tế. Hiện nay chúng ta ngày càng có sự tham gia rộng rãi, sâu sắc (hoà nhập) việc phân công lao động Quốc tế nhưng tư pháp quốc tế không được hoàn thiện, chưa có một trung tâm nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến người nước ngoài. Chúng ta cũng cần nhanh chóng đưa tin học vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật ..."

8. Đ/c Nguyễn Văn Yểu : Vụ trưởng – Bộ Tư pháp.

"... Quan niệm về xây dựng hệ thống pháp luật: Cần phải được xác định cả về định tính và định lượng của hệ thống pháp luật. Pháp luật của chúng ta hiện nay mới chỉ là pháp luật của thời kỳ quá độ chứ chưa phải là pháp luật XHCN. Vậy nội dung của nó ra sao? pháp luật kế thừa cái gì? kế thừa bao nhiêu? trên lĩnh vực gì?

Nội dung của hệ thống pháp luật cần chú ý cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ cả trong và ngoài quốc doanh. Nhiều năm qua chúng ta hầu như có ít luật mà ban hành rất nhiều văn bản cấp Bộ. Lâu nay chúng ta xây dựng quá chậm pháp luật về dân sự. Lẽ ra nó phải được ban hành song song hoặc trước lĩnh vực hình sự.

Về hình thức luật: phải làm thế nào để đơn giản, ít hình thức nhưng rõ ràng.

Trong việc ban hành văn bản pháp luật: để sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật cần nhanh chóng thể chế hoá các chủ trương của Đảng bảo đảm nhu cầu cấp bách của đời sống xã hội, phải kế thừa tiếp thu những mặt tiến bộ của cái cũ tiếp cận cái mới, để cho tính thực tiễn của các văn bản pháp luật. Nhưng đồng thời nếu có sơ hở thiếu sót và những quy định không thực tế phải được nhanh chóng mạnh dạn khắc phục ngay.

Cần ban hành ngay một quy trình làm luật dưới hình thức một Đạo luật.

Tăng cường công tác phổ biến pháp luật nhằm triệt để thi hành luật pháp chứ không chỉ dừng lại mức độ công bố chung chung. Hiện nay có tình trạng ngay cả tránh Văn phòng UBND Tỉnh cũng không được phổ biến về một Đạo luật có liên quan đến hoạt động của họ. Muốn làm tốt công tác này cũng cần phải tăng cường kinh phí Nhà nước cho nó, hiện nay khoản kinh phí Nhà nước chi cho việc ban hành, phổ biến, tuyên truyền pháp luật rất hạn chế ..."

9. Đ/c Nguyễn văn Thanh : PTS Ban nội chính.

"... Về vấn đề định hướng pháp luật XHCN hay tính chất chính tri của hệ thống pháp luật XHCN, theo tôi là một vấn đề khó khẳng định và không cần thiết. Vấn đề quan trọng là làm sao dể xây dựng nội dung của từng văn bản cho phù hợp với thực tế.

Chúng ta không nên gắn bó một cách máy móctính chất chính trị của hệ thống pháp luật với đặc điểm của cơ sở kinh tế – xã hội, đây không phải là mối quan hệ nhân quả mà cần nhấn mạnh yếu tố hợp lý và tính hiệu quả của pháp luật.

Về vấn đề thẩm quyền lập pháp, cơ quan lập pháp, phân chia thẩm quyền lập pháp: đây là một vấn đề pháp lý nhưng cũng là một vấn đề chính trị, vấn đề này phụ thuộc vào cơ chế xã hội hiện nay như vai trò của Đảng. Quốc hội là cơ quan chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp.

Theo tôi, chúng ta nên chuyển Uỷ ban pháp luật của Quốc hội thành một Thượng Nghị viện (nếu Quốc hội phủ quyết phải được 3/4 Thượng Nghị viện đồng ý). Thượng nghị viện này hoạt động thường xuyên. Nừu để như hiện nay Uỷ ban này chỉ có chức năng thẩm tra các dự án luật mà thôi.

Về nội dung của pháp luật trong thời kỳ quá độ: chương trình xây dựng pháp luật trong những năm tới cần ưu tiên vào 3 lĩnh vực: Dân sự – Kinh tế; Hành chính – Nhà nước và Tư pháp ... Trong lĩnh vự dân sự – kinh tế, từ trước đến nay chúng ta thiếu quyết tâm đáng kể để giải quyết vấn đề sở hữu trong khi đó lại quyết tâm giải quyết vấn đề thừa kế (Pháp lệnh về thừa kế)..."

10. Đ/c Phạm mạnh Hùng : Phó Ban nội chính TW.

"... Nhìn chung, pháp luật của chúng ta từ trước đến nay vẫn chưa thảo mãn được yêu cầu của đời sống kinh tế – xã hội, trong thới gian tới, pháp luật cần căn cứ và phù hợp với cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng. Hiện nay chúng ta đang có một sự chuyển biến lớn từ chỗ quản lý xã hội bằng đường lối, chính sách sang quản lý xã hội bằng pháp luật. Muốn vậy cần phải làm rõ ranh giới, chức năng giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Trong việc đánh giá thực trạng pháp luật hiện nay chúng ta cần làm sáng tỏ những mặt được, mặt mạnh của pháp luật, đồng thời phải có sự tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm thật tốt để hạn chế bớt những đạo luật vưà mới ra đời đã phải sửa đổi, bổ sung. Hiện nay trong chương trình làm luật của ta vẫn chưa có sự tính toán khoa học, không phân biệt dài – ngắn.

Trong điều kiện chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh như hiện nay, nếu thi hành quan điểm "được phép làm những cái gì mà pháp luật không cấm" là chưa có cơ sở, chưa phù hợp với thực tế Việt Nam ..."

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung ương

 

 

Đối tượng hỏi ý kiến: Các chuyên viên pháp lý của Bộ Tư pháp, các Bộ và các cơ quan khác ở Trung ương, các giảng viên học viên một số trường Đại học và Học viện Nguyễn ái Quốc Trung ương.

Số phiếu hỏi: 200

Số phiếu nhận đựợc: 150

Nội dung và kết quả hỏi ý kiến:

 

 

TT

 

1.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.

 

 

 

 

 

 

4.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6.

 

 

Nội dung câu hỏi

 

Về hình thức văn bản pháp lệnh.

 

a) Pháp lệnh của HĐNN.

 

- Chỉ nên ban hành trong trường hợp đề tặng huân, huy chương phong các danh hiệu Nhà nước ... không nêu ra các văn bản quy phạm.

 

- Vẫn ban hành như pháp lệnh hiện nay.

 

 

 

- Vẫn ban hành pháp lệnh nhưng phải sửa đổi và cải tiến lại

 

 

b) Văn bản pháp quy của HĐBT. Nêu gồm những hình thức nào ?

- Giữ nguyên 5 hình thức như hiện nay ?

- Bỏ hình thức Nghị quyết ?

- Bỏ Chỉ thị ?

- Bỏ Thông tư ?

 

c) Văn bản của Bộ trưởng.

 

- Giữ nguyên các hình thức như hiện nay (Quyết định, Chỉ thị, Thông tư) ?

- Bỏ hình thức Chỉ thị và Thông tư ?

- Thêm hình thức Nghị định ?

đ) Văn bản của UBND.

- Giữ nguyên như hiện nay (Quyết định, Chỉ thị) ?

- Bỏ Chỉ thị ?

- Thêm các hình thức khác ?

 

 

Thực trạng pháp luật Việt nam từ Hiến pháp 1980 đến nay có những ưu, khuyết điểm gì ?

a) Ưu điểm:

- Tăng nhanh về số lượng ?

- Bảo đảm về mặt chất lượng ?

- Dân chủ ?...

b) Khuyết điểm:

- Thiếu cụ thể ?

- Không đúng thẩm quyền ?

- Không phù hợp thực tế ?

- Mâu thuẫn ? ...

 

Hiện nay chúng ta thiếu luật lệ nào nhất ?

- Dân sự ?

- Kinh tế ?

- Hành chính ?

- Các lĩnh vực khác ?

 

Cách xây dựng một Đạo luật, Pháp lệnh hiện nay nên như thế nào ?

- Giao cho Bộ, Ngành soạn thảo như hiện nay ?

- Lập một nhóm chuyên gia gồm các ngành, lĩnh vực có liên quan đến dự luật, pháp lệnh đó ?

- Để Đại biểu Quốc hội tự soạn thảo nếu có kiến nghị ?

(Quốc hội là cơ quan chuyên trách và hoạt động thường xuyên)

 

Về chế độ công bố một Đạo luật.

- Một Đạo luật bắt đầu có hiệu lực như thế nào ?

-Từ ngày Chủ tịch HĐNN công bố ?

- Từ ngày Quốc hội thông qua ?

- Từ ngày ấn định trong Đạo luật đó hoặc trong Lệnh công bố Đạo luật đó ?

 

Có những tiêu chuẩn gì để phân biệt luật và văn bản dưới luật ?

- Nội dung vấn đề (phạm vi điều chỉnh) ?

- Cơ quan ban hành ? (thẩm quyền)

-Hiệu lực pháp lý ?

 

 

Đồng ý

 

 

 

 

 

 

 

 

30%

 

 

 

 

50

 

 

 

 

70

 

 

 

 

 

5

 

145

60

55

 

 

 

 

110

 

 

30

 

10

 

 

120

30

o

 

 

 

 

 

 

 

120

 

40

 

30

 

 

150

 

 

 

 

 

 

115

80

95

60

 

 

 

 

 

50

 

 

80

 

 

20

 

 

 

 

 

 

 

 

 

56

6

 

 

60

 

 

 

 

 

150

150

 

69

 

Tỷ lệ %

 

 

 

 

 

 

 

 

20%

 

 

 

 

33,3%

 

 

 

 

46,7%

 

 

 

 

 

3,3%

 

96,7%

40%

36,6%

 

 

 

 

73,3%

 

 

20%

 

6,7%

 

 

80%

20%

 

 

 

 

 

 

 

 

80%

 

26,7%

 

20%

 

 

100%

 

 

 

 

 

 

76,7%

53,3%

63,3%

40%

 

 

 

 

 

33,3%

 

 

53,3%

 

 

13,3%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

37,3%

4%

 

 

58,4%

 

 

 

 

 

100%

100%

 

46%

 

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ ban hành giữa hai kỳ họp của Quốc hội đến kỳ họp tiếp phải nâng lên thành luật ngay.

 

 

 

Chỉ mong đôn đốc và hướng dẫn thực hiện.

 

 

 

 

 

Chỉ mong được đôn đốc và hướng dẫn thực hiện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thực hiện tháng 9/1990.

Xây dựng và ban hành văn bản pháp quy

ở các Bộ và các UBND Tỉnh, Thành phố

..............................

 

Đối tượng điều tra: Pháp chế các Bộ, Ngành Trung ương, Văn phòng các UBND Tỉnh, Thành phố và các Sở Tư pháp.

Số phiếu hỏi: 50

Số phiếu nhận được: 15

Kết quả điều tra:

I.Về tình hình ban hành văn bản pháp quy trong năm 1990.

Số văn bản do pháp chế các Bộ, Ngành Trung ương ban hành.

 

TT

 

 

 

1.

2.

 

3.

4.

5.

Tên cơ quan

 

 

 

Pháp chế Bộ xây dựng

Pháp chế Bộ văn hoá - Thể thao – Du lịch.

Pháp chế Bộ thuỷ sản

Pháp chế Bộ tài chính

Pháp chế Tổng cục quản lý ruộng đất.

 

 

Hình thức văn bản

 

Quyết định Thông tư

 

1 10

2 3

 

0 4

3 15

3 5

Tổng số

 

 

 

11

5

 

4

18

8

 

 

 

Số văn bản do UBND Tỉnh ban hành.

 

 

 

Hình thức văn bản

Quyết định

Thông tư

1.

 

2.

 

3.

 

4.

 

5.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

UBND Tỉnh Long An

 

UBND Tỉnh Vĩnh Phú.

 

UBND Tỉnh Thanh Hoá.

 

UBND Đặc khu Vũng tầu – Côn Đảo.

 

105

 

95

 

73

 

87

 

16

161

 

37

 

36

 

43

 

18

 

161

 

132

 

112

 

130

 

34

 

 

II. Phát hiện một số thiếu sót trong các văn bản của Trung ương ban hành trong mấy năm gần đây.

Một số văn bản pháp luật có sơ hở.

Quyết định số 07 – NH/QĐ ngày 19.10.1988 ban hành Bản quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của HTX tín dụng Đô thị.

Pháp lệnhhợp đồng kinh tế năm 1989.

Quyết định 305 – CT ngày 30 .11.1988 của Chủ tịch Hôi đồng Bộ trưởng về cấp hạn ngạch và giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá.

Nghị định 64-HĐBT ngày 10.6.1989 quy định về chế độ và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Nghị quyết số 362 – CP ngày 29.11.1980 Về việc hợp tác sử dụng lao động với các nước XHCN.

Chỉ thị 108- HĐBT ngày 30.6.1988 về mở rộng hợp tác lao động và chuyên gia với nước ngoài.

Thông tư số 04 – LĐTBXH ngày 17.2.1989 về tuyển chọn lao động.

Quyết định 217 – HĐBT ngày 14.11.1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh XHCN đối với các Xí nghiệp Quốc doanh.

Quyết định 195 –HĐBT ngày 2.12.1989 bổ sung quyết định217 và việc kiểm kê giao tài sản cho giám đốc và kế toán trưởng.

Luật đất đai do Quốc hội thông qua ngày 8.1.1988.

Quyết định 186 –HĐBT ngày 31.5.1990 về đền bù thiệt hại cho đất nông nghiệp, đất có rừng khi sử dụng vào việc khác.

Quyết định 156 – NHNN của Tông giám đốc Ngân hàng nhà nước quy định thể lệ vay vốn ngân hàng.

Một số văn bản pháp luật ban hành nhưng chưa được quy định chi tiết, hướng dãn thực hiện.

Luật đất đai (8.1.1988)

Quyết định 186 – HĐBT ngày 31.5.1990 về đền bù thiệt hại cho đất nông nghiệp, đất có rừng khi sử dụng vào việc khác.

Luật bảo vệ sức khoẻ được Quốc hội thông qua ngày 30.6.1989.

Pháp lệnh sử phạt hành chính 1989.

Pháp lệnh Đê điều năm 1989.

Một số văn bản pháp luật không phù hợp, chồng chéo, khó thực hiện.

Pháp lệnh thuế nông nghiệp ngày 30.1.1987.

Nghị định 52- HĐBT ngày 27.5.1989 quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh sửa đổi, bổ sung thuế nông nghiệp.

Quyết định số 45 – HĐBT ngày 24.4.1989 về việc thu một phần viện phí y tế.

Thông tư 154 – HĐBT ngày 25.9.1989 hướng dẫn tổ chức UBND các cấp.

Nghị quyết số 186 – HĐBT ngày 27.11.1989 về việc phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương (ý kiến của các UBND).

Quyết định 138 – CT ngày 3.8.1989 của Bộ tài chính về việc thống nhất phát hành quản lý và sử dụng thu thuế thuốc lá, rượi, bia nhập khẩu vào Việt nam.

Nghị định 202 và 205 của HĐBT về tiền lương hu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh.

Quyết định 79 – HĐBT về chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng trợ cấp xã hội.

Quyết định 80 – HĐBT về đổi mới quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản.

Thông tư liên Bộ số 9 – LĐ/TT ngày 20.5.1989 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với giáo viên mẫu giáo và cô nuôi dạy trẻ ở xã, phường.

Chỉ thị 134 – HĐBT ngày 5.5.1990 về cấp đăng ký, thu thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu.

Quyết định 186 – HĐBT ngày 31.5.1990 về đền bù thiệt hại cho đất nông nghiệp, đất có rừng khi sử dụng vào việc khác.

Quyết định 240 – HĐBT ngày 26.6.1990 về chống tham nhũng.

Quyết định số 13- HĐBT ngày 1.2.1989 về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất.

 

.....................................................................................................................

 

 

File đính kèm downloadTải về