• Thuộc tính
Tên đề tài Tìm kiếm mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong một số dân tộc ít người
Nội dung tóm tắt
 
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương đường lối, chính sách và văn bản pháp luật quan trọng nhằm phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao dân trí cho đồng bào khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người, song tình hình tôn trọng và thực hiện pháp luật của đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc vẫn đang là vấn đề rất đáng quan tâm. Sự lộn xộn, tuỳ tiện và tình trạng vi phạm pháp luật nhiều lúc, nhiều nơi xảy ra nghiêm trọng. Lý giải thực trạng này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song trong đó có thể khẳng định một nguyên nhân quan trọng là pháp luật không được phổ biến giáo dục một cách cơ bản, thường xuyên cho cán bộ, nhân dân nói chung và cho đồng bào dân tộc khu vực miền núi nói riêng. Kết quả khảo sát cho thấy các đợt phổ biến giáo dục pháp luật chỉ đến được với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (70%), cấp huyện (30%) và cấp xã chỉ 1 - 2%, còn đối tượng nhân dân hầu như không! Do đó, không đem lại kết quả mong muốn. Cho tới nay, chúng ta cũng chưa có được một nội dung, phương pháp và mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc, cũng chưa có một cơ quan, một công trình khoa học nào nghiên cứu về vấn đề này. Điều này cho thấy, chúng ta chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc. Do vậy cần có những nhận thức mới và cách làm mới để trên cơ sở đó tăng cường hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc.

Mục đích nghiên cứu của đề tài là:

+ Có được một đánh giá cơ bản, chính xác và khoa học về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc ít người; nêu được những kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích phù hợp với đặc thù miền núi, dân tộc (theo vùng, miền và số nhóm dân tộc điển hình) trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến giáo dục pháp luật của ngành tư pháp và các ngành chức năng từ trung ương đến cơ sở.

+ Nêu được các yêu cầu đổi mới cả về lý luận và thực tiễn phổ biến giáo dục pháp luật, trên cơ sở thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật và nhận định về một số mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở miền núi và dân tộc. Từ đó lựa chọn được những nội dung, phương pháp, hình thức, đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn ngay từ năm 1995 và trong thời gian tiếp sau như: phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí, tuyên truyền; hoà giải; một số loại hình trường lớp; các sinh hoạt truyền thống phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp, một số ngành hữu quan trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

+ Cùng với việc lựa chọn, nghiên cứu các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật đã có ở miền núi và dân tộc ít người, nêu được những kiến nghị, đề xuất và các giải pháp cơ bản, có tính khả thi ứng dụng cao trong thực tiễn.

I. THỰC TRẠNG PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Ở KHU VỰC MIỀN NÚI VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về việc phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi, nhưng chưa có một chỉ thị, nghị quyết cụ thể về phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi. Trên phạm vi toàn quốc, trong số 54 dân tộc chung sống, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ trên 80%, còn các dân tộc khác chỉ chiếm trên 13%. Các dân tộc này sống rải rác khắp nơi ở các tỉnh miền núi và đồng bằng, suốt từ Bắc vào Nam. Hơn nữa lại ở những vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị quốc gia, cũng như về kinh tế của cả nước như: sát biên giới các nước láng giềng, diện tích chiếm đến 3/4 của cả nước, có nhiều tài nguyên khoáng sản quý... Mặt khác, nếu so sánh với vùng xuôi thì sự chênh lệch về các mặt đời sống - xã hội của đồng bào dân tộc ít người vẫn là những con số đáng lo ngại. Tình trạng mù chữ có nơi tới 80 - 90%. Ngoài đói rét, trình độ văn hoá thấp còn có những khó khăn về y tế (thiếu trạm xá, thiếu y bác sỹ, thiếu thuốc men) và về dân số - trẻ em 14 tuổi đã là lao động chính, có em đã đi lấy chồng, lấy vợ; Tỷ lệ tăng dân số rất nhanh (một phụ nữ sinh ít nhất là 4 đến 5 con, nhiều là 7 đến 11 con), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương, bệnh biếu cổ… đang ở mức lo ngại. Cơ sở hạ tầng thấp kém, nhiều xã không có đường giao thông, phương tiện đi lại còn rất thô sơ (ngựa). Các tệ nạn nghiện hút, mê tín, tảo hôn, xưng vua, chặt phá rừng bừa bãi và những luật tục trái với pháp luật như thách cưới, phạt vạ, lấy nhiều vợ, nhiều chồng… vẫn còn đang tồn tại.

1. Thực trạng công tác tổ chức cán bộ làm công tác phổ biế giá dục pháp luật

Trong số 53 Sở Tư pháp trên phạm vi toàn quốc thì có gần 20 Sở Tư pháp thuộc các tỉnh miền núi. Qua nhiều bước thăng trầm về tổ chức, từ năm 1990 - 1995 hệ thống tổ chức ngành tư pháp từ trung ương đến cơ sở mới đi vào ổn định và từng bước củng cố.

Với chức năng là cơ quan có trách nhiệm chính trong phổ biến giáo dục pháp luật, ngay từ khi thành lập lại ngành theo Nghị định 143-HĐBT ngày 22/11/1981, của Hội đồng Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã rất chú trọng đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (trước là Vụ Tuyên truyền giáo dục pháp luật), Nhà xuất bản Pháp lý, Báo Pháp luật và Tạp chí Dân chủ - pháp luật được thành lập chứng tỏ sự nhận thức đúng đắn và sự quan tâm của Nhà nước với công tác này. Ở các Sở Tư pháp, sau khi thành lập cũng có ngay Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật hoặc ghép với Phòng Văn bản pháp quy, với số cán bộ từ 3- 5 đồng chí. Tuy nhiên, thực trạng lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các Sở Tư pháp miền núi hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm: qua khảo sát ở các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Sơn La, Lào Cai… cho thấy, chỉ có từ một đến hai cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhưng kiêm nhiệm cả công tác văn bản pháp quy, thậm chí có nơi kiêm nhiệm cả công tác tổ chức… Vì vậy, cùng với việc chú trọng xây dựng tổ chức và lực lượng cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, một số Sở Tư pháp đã chú ý và tạo điều kiện vật chất ban đầu cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (phương tiện, kinh phí, bồi dưỡng cán bộ..).

2. Nét chung về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật (trên phạm vi toàn quốc, không chỉ ở khu vực miền núi):

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản có hệ thống, tập trung giới thiệu, giải thích rõ các tư tưởng, quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền và các văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật hiện hành. Nội dung này được quán triệt, chỉ đạo thống nhất ngay từ khi xây dựng văn bản dự thảo đến khi công bố văn bản và suốt cả quá trình thực hiện pháp luật.

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật ứng dụng: Giải thích, hướng dẫn pháp luật trong hành vi, trong đời thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân; phản ánh quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống.

+ Thông tin, phản ảnh những kiến nghị, đề xuất của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.

Đó là những nội dung chính, khái quát trong phổ biến giáo dục pháp luật. Song bên cạnh đó, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn được các Sở Tư pháp, các ngành từ trung ương đến địa phương chọn lựa sao cho phù hợp để phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả như: tập trung chuyên sâu một nội dung, một chuyên đề cho một hay nhiều đối tượng.

Riêng ở miền núi, thực trạng nổi bật là nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, thiếu tính hệ thống. Các Bộ luật cơ bản, quan trọng tuy đã được Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo nhưng cũng chỉ làm được ở cấp tỉnh (cho báo cáo viên, cho cán bộ chủ chốt) và ở một vài huyện, còn cấp xã và các cụm dân cư khác không triển khai được (kể cả Hiến pháp 1992, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động…). Ngay cả ở một số địa phương có phong trào khá, được cấp Uỷ chính quyền quan tâm chỉ đạo tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật như: Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Quảng Bình… việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật cũng chỉ dừng ở thực trạng trên.

3. Về hình thức phổ biến giáo dục pháp luật

Hình thức tuyên truyền miệng được sử dụng rộng rãi và phù hợp với các hội nghị, tập huấn, sinh hoạt và toạ đàm theo nhóm nhỏ dân cư làng bản, qua hoà giải. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trên báo, đài, thông tin cổ động cũng rất phù hợp ở miền núi trong các ngày lễ hội, trợ phiên, tết cổ truyền… cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Các câu lạc bộ pháp luật (tổ chức sinh hoạt theo giới, độ tuổi, theo chuyên đề…) tuy có tác dụng tốt ở đồng bằng, đô thị nhưng khó tổ chức ở miền núi vì khó khăn về địa điểm, báo cáo viên, duy chỉ ở các tỉnh Tây nguyên là áp dụng được (sinh hoạt ở các nhà rông do các già làng chủ trì - tất nhiên, phải có tư pháp làm cố vấn). Thi tìm hiểu pháp luật có tác dụng rất tốt nhưng khó áp dụng ở miền núi. Các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật vừa là mô hình tốt đồng thời còn là biện pháp tốt để tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả. Hình thức này được áp dụng tốt ở các tỉnh Sông Bé, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Yên Bái… Còn ở các tỉnh khác, tuy không có Hội đồng phối hợp, nhưng các cơ quan nhà nước phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật theo chức năng ở các địa phương.

II. NHỮNG MÔ HÌNH PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CÓ TÍNH ĐIỂN HÌNH

1. Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí, tuyên truyền

Báo chí là phường tiện truyền thông hết sức đa dạng cả về loại hình và hình thức thể hiện. Bằng đặc trưng của hoạt động báo chí là tuyên truyền, giáo dục, định hướng hành vi, phổ biến giáo dục pháp luật. Hoạt động báo chí tuyên truyền rất gắn bó với đời sống tinh thần và tâm lý nhận thức của đồng bào dân tộc. Nếu tổ chức tốt thì báo chí tuyên truyền hoàn toàn có khả năng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc với hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát tại một số tỉnh miền núi thì đa số đồng bào dân tộc không có điều kiện quan hệ với thế giới xung quanh bằng kênh thông tin báo chí. Điều này xuất phát từ nguyên nhân

+ Từ phía đồng bào dân tộc: nghèo, không có tiền mua, không có thời gian đọc, không đọc được do trình độ văn hóa thấp...

+ Từ phía báo chí:

- Báo in, các báo trung ương và báo ngành (pháp luật) đều bằng tiếng Việt, phù hợp với đối tượng của khu vực thành thị và miền xuôi. Chỉ duy nhất có tờ tin “dân tộc và miền núi” có thêm một thứ tiếng thiểu số, song số lượng phát hành còn quá ít so với nhu cầu. Ở địa phương chỉ có báo tỉnh đảng bộ, đều in bằng tiếng Việt. Nhìn chung, nội dung các sản phẩm báo chí đa dạng tổng hợp, song chưa thiết thực và phù hợp với đặc điểm tâm lý tiếp nhận của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hoàn toàn vắng bóng các bản tin, ảnh mầu đẹp gần gũi về thị hiếu với từng dân tộc, từng tỉnh, từng huyện.

- Phát thanh, phương tiện có lợi thế nhất ở địa bàn này. Bởi vì chỉ cần có phương tiện thu, người dân dù có mù chữ, dù có ở cách xa các trung tâm thì thông tin vẫn đến được nhanh nhậy. Song chất lượng phát sóng hạn chế, nội dung các chương trình giành cho cư dân các dân tộc thiểu số nghèo nàn. Chương trình đài trung ương và đài địa phương về nội dung pháp luật đã có chú ý nhưng tản mạn, chưa thực sự gần gũi, thiết thực với bản thân dân tộc thiểu số. Các chương trình phát bằng các thứ tiếng của đồng bào thiểu số, nói chung chưa đủ sức hấp dẫn về nội dung và thời lượng phát. Một bộ phận không nhỏ cư dân hướng tới thông tin của các đài nước ngoài(1).

- Truyền hình, những chương trình chuyên đề về pháp luật rất thiếu ở khu vực miền núi. Đó còn chưa kể đến tình trạng nghèo nàn về phương tiện tiếp nhận đối với đồng bào khu vực này.

- Cùng với các loại hình báo chí như trên đã đề cập, các phương tiện hoạt động có tính chất văn hoá như phim ảnh, nói chuyện, lễ hội, thư viện, sinh hoạt văn nghệ... ở khu vực này cũng nằm trong tình trạng trì trệ, nghèo nàn, yếu kém. Qua hoạt động văn hoá này mà nội dung giáo dục phổ biến tuyên truyền pháp luật được triển khai là rất có lợi song điều này chỉ dựa vào hoạt động của cơ sở.

Để duy trì, phát huy được hiệu quả của mô hình này, Đề tài đề xuất những biện pháp sau:

- Biện pháp đầu tiên, có tính chất bao trùm và có ý nghĩa chiến lược là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào dân tộc. Trước hết là tăng cường phát triển kinh tế- văn hoá.

- Cải tiến công tác phát hành báo chí, để các phương tiện thông tin đại chúng này đến nhanh, đến kịp thời và nhiều hơn với đồng bào dân tộc. Muốn làm tốt biện pháp này cần:

+ Phát hành báo chí đúng phương hướng, đúng đối tượng (phải xuất phát từ đặc điểm của từng vùng, miền…. để chuyền tải thông tin pháp luật đến với đồng bào có hiệu quả).

+ Có chính sách trợ giúp và cấp không các sách báo cần thiết về pháp luật cho đồng bào (in chữ to, đẹp, ngắn gọn, hình ảnh rõ…).

- Tăng cường các phương tiện thông tin ở miền núi: xây dựng các trạm tiếp sóng phát thanh và truyền hình; xây dựng và duy trì hiệu quả các đội thông tin tuyên truyền; sản xuất và bán rẻ các máy thu thanh cho đồng bào; các nhà văn hoá của làng, thôn, bản cần được trang bị máy thu hình, thu thanh và tủ sách, báo về pháp lý…

- Cải tiến nội dung, hình thức thông tin để các phương tiện đại chúng có thể phục vụ tốt hơn công tác phổ biến giáo dục pháp luật;

- Xuất bản, phát hành những ấn phẩm theo từng chuyên đề về pháp luật (như về bảo vệ rừng, về giao thông, về đất đai...) phù hợp với trình độ tiếp nhận và tâm lý, phong tục của đồng bào dân tộc.

- Kiện toàn tổ chức ngành tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, xã, chú trọng xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi.

2. Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc

Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là một hình thức sử dụng người thực, việc thực để đưa pháp luật đi vào lòng dân, vào cuộc sống sâu sắc hơn các hình thức khác. Cán bộ hoà giải bằng vụ việc cụ thể đã vận dụng các quy định của pháp luật để khuyên bảo, thuyết phục, phân tích đúng sai, làm cho hai bên hiểu biết pháp luật và tôn trọng pháp luật. Công tác hoà giải có liên quan đến nhiều vụ việc, vận dụng nhiều văn bản pháp luật, sẽ đưa được nhiều quy định pháp luật vào trong nhân dân. Khi trình độ pháp luật của nhân dân được nâng lên thông qua công tác hoà giải thì các bên lại là người truyền đạt lại cho các thành viên của cộng đồng các quy định của pháp luật về vấn đề mà họ trải qua. Cứ như vậy, qua nhiều năm nhân dân trong khu vực dân cư được nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải hiệu quả hơn một số hình thức khác ở chỗ đưa pháp luật vào cuộc sống sâu hơn, nhân dân tiếp thu tự nguyện, nhất là hiệu quả hơn đối với đồng bào dân tộc ít người vì họ rất tin sự thật vụ việc cụ thể.

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải có một số đặc trưng nổi bật:

- Phạm vi phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải rộng hơn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.

- Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải cũng sâu sắc hơn - vì qua mỗi vụ việc hoà giải, các bên hoà giải được giải thích pháp luật tỉ mỉ, sâu và cụ thể về một việc cụ thể.

- Chủ thể (người hoà giải) đa dạng, tạo ra đội ngũ phổ biến giáo dục pháp luật đông nhất, gắn bó với dân nhất. Qua khảo sát cho thấy thành phần tham gia các tổ hoà giải rất đa dạng: phổ biến là cán bộ về hưu, phụ nữ, thanh niên, đội trưởng đội sản xuất, trưởng bản, già làng. Các trưởng bản, già làng là những người gần gũi và rất có uy tín với cộng đồng. Trong tổng số 492.373 vụ hoà giải năm 1994 tại 6 tỉnh, ó 279.400 vụ hoà giải thành, trong đó có tới 861 vụ hoà giải theo phong tục, tập quán, còn hoà giải theo quy định của pháp luật chỉ có 436 vụ).

- Đối tượng (người được hoà giải) cũng đa dạng: theo giới, lứa tuổi…

- Hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) kết quả hòa giải thành (vì kết quả hoà giải sẽ có tác dụng tích cực, phổ biến được nhiều quy phạm pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho nhân dân); (ii) xây dựng mạng lưới hoà giải mạnh ở cơ sở (đòi hỏi phải có các Ban Tư pháp cấp xã, phường đủ mạnh để có khả năng chỉ đạo, hướng dẫn và tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn và củng cố tốt các tổ hoà giải; (iii) Năng lực, trình độ và uy tín của mỗi thành viên trong tổ hoà giải.

 Tuy vị trí, vai trò và tác dụng của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải rất lớn, song thực tế là ở vùng dân tộc ít người, tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải còn yếu, các thành viên của tổ hoà giải hoạt động theo quy định của pháp luật không đáng kể, do đó hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải còn hạn chế. Nguyên nhân do nhiều yếu tố song có thể tập trung vào 2 điểm chính là: người làm công tác hoà giải (uy tín, chuyên môn, độ tuổi) và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động hoà giải (chế độ chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ các tài liệu cần và đủ về pháp lý…). Ở khu vực miền núi, do trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển kém, cơ sở hạ tầng thấp cùng với việc tồn tại những phong tục, tập quán cũ lạc hậu, như nghiện hút, mê tín, cờ bạc, chặt phá rừng, du canh du cư, tảo hôn, thách cưới… đều là những khó khăn chi phối trực tiếp đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải.

Để phát huy hiệu quả của mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, đề tài đã làm sáng tỏ và thống nhất một số khái niệm cơ bản sau:

- Hành vi vi phạm nhỏ, là hành vi vi phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội ít hơn so với các hành vi vi phạm khác - chưa đến mức phải xử phạt hành chính hoặc phải truy tố trước toà án. Các bên có thể thương lượng, thoả thuận với nhau để giải quyết.

- Tranh chấp nhỏ trong nhân dân, chủ yếu là tranh chấp dân sự trong các lĩnh vực hôn nhân - gia đình, xây dựng, điện nước, lối đi... , giá trị vụ việc tranh chấp không lớn, hoặc mức độ không căng thẳng, có thể giải quyết bằng hoà giải và thông qua người hoà giải dàn xếp các bên tự nguyện giải quyết.

Đối với mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua tổ chức hòa giải, đề tài có những kiến nghị sau:

- Phải đào tạo, bồi dưỡng và ổn định lực lượng cán bộ làm công tác hoà giải; có chế độ chính sách cụ thể của Nhà nước với người làm hoà giải (có thể trợ cấp hàng tháng từ 50-100.000 đồng).

- Cung cấp và phát không sách báo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải và tài liệu pháp lý cần thiết. Việc này nên giao cho các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các Ban Tư pháp xã, phường làm.

- Phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, định kỳ của ngành tư pháp từ trung ương đến cơ sở. Thực hiện tổng kết, đánh giá theo chuyên đề về mô hình này để rút kinh nghiệm và hướng dẫn chung trên phạm vi toàn quốc.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc thông qua các sinh hoạt truyền thống

Đây là vấn đề khó và mới đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đưa pháp luật vào đời sống đồng bào dân tộc là rất cần thiết, song phải tôn trọng các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Muốn vậy, phải cụ thể hoá được pháp luật của Nhà nước thành những điều luật cụ thể hay những quy định dưới luật, phù hợp với từng dân tộc, từng khu vực và để thực hiện trước tiên phải nắm vững đặc điểm sinh hoạt truyền thống của các dân tộc ít người.

Trong các loại hình sinh hoạt truyền thống như sinh hoạt kinh tế truyền thống, hoạt động văn hoá xã hội truyền thống, sinh hoạt theo phong tục, tập quán truyền thống… thì loại hình sinh hoạt văn hoá xã hội truyền thống và sinh hoạt theo phong tục tập quán là loại hình cần được nghiên cứu để vận dụng phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn cả. Đặc trưng của loại hình sinh hoạt này là: vị trí của gia đình - dòng họ, làng bản ở vùng miền núi và dân tộc rất quan trọng, chế độ già làng, trưởng tộc có vai trò rất to lớn trong xã hội của các dân tộc; các phong tục, tập quán truyền thống có những tập quán tốt đẹp và có cả những tập quán phong tục lạc hậu (như tục nối nòi, tục thách cưới, tục ở rể, tục phạt vạ khi vợ chồng bỏ nhau); vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo… ở vùng dân tộc và miền núi có chiều hướng phát triển khá nhanh; nền văn hoá dân gian từ lâu đời đã có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt văn hoá tinh thần của tất cả các dân tộc. Nhất là với các dân tộc ít người thì văn hoá dân gian lại càng gắn bó.

Có một sự thật hiển nhiên là đồng bào dân tộc nhiều nơi "đói luật", song lại tuân thủ các luật tục, phong tục của họ một cách rất tự giác và nghiêm chỉnh. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải giáo dục pháp luật với những hình thức phù hợp, trên cơ sở kế thừa và chọn lọc các luật tục, phong tục tích cực để pháp luật của Nhà nước được thực hiện tốt hơn.

Đối với mô hình trên đây, đề tài đã nêu bật các điều kiện kết hợp giữa sinh hoạt truyền thống với phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc như sau:

+ Phải xác định rõ đặc điểm của các dân tộc ở miền núi, từ đó mới chọn lựa được các nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả.

+ Nghiên cứu, kế thừa được các yếu tố hợp lý của luật tục của các dân tộc, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước và đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

+ Tranh thủ và phát huy vai trò của các trưởng bản, già làng, trưởng tộc, trưởng họ… trong phổ biến giáo dục pháp luật;

Riêng đối với ngành Tư pháp và các ngành hữu quan trên cơ sở chức năng của mình cần xác định đúng những nội dung pháp luật cần thiết để phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng núi và đồng bào dân tộc - với những hình thức, phương pháp thích hợp; Phải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và kiến nghị được với Đảng, Nhà nước có những biện pháp khả thi đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc như: cấp kinh phí chuyên biệt cho công tác này, chính sách đãi ngộ với các trưởng bản, già làng, trưởng tộc, trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, có biên chế ổn định cho tư pháp xã, phường… Mặt khác, phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa tư pháp với các ngành khác để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật.

4. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua loại hình trường lớp ở miền núi và dân tộc

Thực hiện chủ trương "đưa giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học từ phổ thông đến đại học trung học chuyên nghiệp và các trường của các đoàn thể nhân dân" theo chức năng của mình, từ năm 1983 đến nay hai ngành tư pháp và giáo dục - đào tạo đã phối hợp từng bước để triển khai việc dạy và học pháp luật ở các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực tiễn đã chứng minh và khẳng định rõ ràng rằng giáo dục pháp luật trong các nhà trường là mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, có hệ thống và cần được nghiên cứu triển khai tốt ở khu vực miền núi và dân tộc ít người. Ở miền núi và dân tộc ít người, ngoài các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh và một số huyện, còn có mô hình "lớp ghép" cho con em đồng bào dân tộc. Lớp ghép là trong cùng một lớp học có học sinh lớp 1, 2, 3 và do một giáo viên dạy. Kiểu lớp này là phù hợp (vì học sinh tại các làng bản có số lượng ít) và thuận lợi (vì được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí, được tổ chức UNESCO tài trợ). Về chương trình học, ngoài các nội dung chương trình được xếp làm phần "cứng" (học bắt buộc), các địa phương miền núi đã có sáng tạo chọn, dạy cho học sinh những văn bản luật rất cần thiết đối với miền núi, dân tộc và phù hợp với lứa tuổi các em như Luật Giao thông đường bộ, Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hôn nhân và gia đình… Cá biệt có một số Sở Tư pháp phối hợp với nhà trường và ngành chức năng dịch một số luật ra tiếng dân tộc để học sinh học cho thuận tiện, như ở tỉnh Gia Lai (tiếng Gia Lai, tiếng Ba Na…).

Điểm đặc thù của giáo dục pháp luật trong nhà trường ở miền núi, dân tộc ít người là:

- Từ lãnh đạo các cơ quan chức năng ở tỉnh, huyện, xã đến lãnh đạo và giáo viên các trường ở miền núi, dân tộc ít người đều nhận thức và khẳng định việc giáo dục pháp luật trong nhà trường là cần thiết và cấp bách, nhưng hiện nay ở vùng miền núi và dân tộc ít người việc dạy và học pháp luật còn nhiều hạn chế và khó khăn, mới chỉ có thể thực hiện được khá tốt (có quy củ, nề nếp) tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

- Trình độ dân trí, văn hoá của người học thấp, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc lối sống và hành động theo lệ làng (như phạt người ăn cắp gà, lợn phải trả bằng trâu, bò hoặc tiền, vật gấp nhiều lần; kết hôn bằng việc giao cồng; bỏ nhau phạt đền…), lại không thạo tiếng Kinh nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức pháp luật.

- Giáo viên không được đào tạo cơ bản, đầy đủ về pháp luật Nhà nước, không nắm chắc phong tục tập quán và tiếng dân tộc. Chưa có giáo viên là người dân tộc để dạy trong làng. Khi dạy, giáo viên phải dịch ra tiếng dân tộc và so sánh với lệ làng thì học sinh mới tập trung nghe và mới hiểu, nhưng nhiều vấn đề pháp luật trong tiếng dân tộc không có khái niệm nên không thể giải thích được cho học sinh hiểu và mất nhiều thời gian. Trong các trường phổ phông dân tộc nội trú thầy giáo được học sinh tin yêu như "Già làng", gắn bó như cha mẹ nên có vị thế tốt trong việc giáo dục các em về mọi mặt, kể cả pháp luật.

- Việc áp dụng chương trình, nội dung giáo dục pháp luật (giáo dục công dân) chung toàn quốc hiện nay cho học sinh dân tộc, miền núi là chưa phù hợp, lượng kiến thức nhiều, phức tạp và chưa thiết thực, chưa gắn nhiều với thực tế.

- Sách giáo khoa, tài liệu, phương tiện phục vụ dạy - học pháp luật không đầy đủ, không có kịp thời, có nơi hiện đang dạy sách cũ đã thay thế từ lâu. Thư viện nhà trường không có sách báo pháp luật để giáo viên và học sinh đọc. Khi soạn bài lên lớp giáo viên ít tìm đọc tài liệu vì không có và không hiểu.

- Vị trí môn học này chưa được coi trọng (không thi tốt nghiệp và thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp) nên giáo viên không hứng thú dạy và học sinh không học tập nghiêm túc.

Đề tài đưa ra các kiến nghị:

+ Đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật trong các trường nội trú tỉnh, mở rộng đến các trường phổ thông huyện, xã và các "trung tâm văn hoá cụm dân cư"; Đưa pháp luật vào các lớp ghép và cả các lớp xoá mù chữ.

+ Xây dựng một chương trình chung cho các trường dân tộc miền núi, trong đó phải chú ý các yêu cầu: không tham về chương trình, nội dung đơn giản, dễ hiểu và thiết thực, chỉ nên dạy tinh thần các văn bản luật cần thiết; Phần "cứng" của chương trình cần dạy tri thức cơ bản, tăng phần "mềm" dành cho địa phương dạy những luật mới cần thiết, liên quan đến học sinh, đồng bào dân tộc, miền núi . Ở những địa phương có điều kiện, nên biên soạn và dịch ra tiếng dân tộc.

+ Cần có giáo viên người địa phương, người dân tộc, hoặc người Kinh biết song ngữ Kinh - dân tộc. Giáo viên phải được đào tạo cơ bản (kể cả về pháp luật) và dạy chuyên trách môn giáo dục công dân. Nhà nước phải có chương trình tổng thể về việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy giáo dục công dân trong các trường nói chung và ở vùng miền núi, dân tộc nói riêng.

+ Sở Tư pháp phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo quan tâm đưa tài liệu phục vụ dạỵ, học pháp luật về các trường, cung cấp sách, báo pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật cho các trường coi đó là biện pháp hỗ trợ để dạy, học tốt môn giáo dục công dân.

III. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA NGÀNH TƯ PHÁP TRONG TỔ CHỨC PHỐI HỢP GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Ở MIỀN NÚI

Trong tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật thực tiễn từ nhiều năm qua, vị trí, vai trò của ngành tư pháp từ trung ương đến địa phương đều được khẳng định; Một số mô hình phối hợp đã có và đã phát huy tác dụng hoặc còn hạn chế ở các tỉnh miền núi và dân tộc như:

- Hội đồng phối hợp (thường có ở địa phương). Mô hình này xuất hiện sau khi thành lập lại ngành tư pháp (1982). Qua trên 10 năm hoạt động, loại hình này vẫn được duy trì (tuy ít) ở các tỉnh miền núi, nông thôn. Có thể tóm tắt mô hình này ở một số điểm chính sau:

- Về tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ tư pháp làm ủy viên thường trực hoặc Phó Chủ tịch làm Ủy ban nhân dân ủy viên thường trực trực ; với sự tham gia của các ngành, đoàn thể ở địa phương như: nội chính, mặt trận, phụ nữ, thanh niên,...

- Về nhiệm vụ: Hội đồng này có nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về kế hoạch, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, từng thời kỳ; chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kế hoạch bằng cách phân công trách nhiệm từng thành viên; quyết định các biện pháp phối hợp chung của Hội đồng và các thành viên khác; sơ kết, tổng kết hoạt động của Hội đồng và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.

- Về hoạt động, thường theo chế độ hội nghị (3 tháng, 6 tháng, cuối năm) và qua các báo cáo định kỳ của các thành viên do Tư pháp tổng hợp, ngay cả khi một số nơi không còn Hội đồng thì quan hệ phối hợp song phương vẫn duy trì có kết quả.

Ở hình thức Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, việc chỉ đạo theo kế hoạch đảm bảo được sự tập trung thống nhất các ngành, đoàn thể đều nắm được các định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ chung của việc giáo dục pháp luật từng thời kỳ, huy động được khả năng, điều kiện của nhiều ngành vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, loại hình này có hạn chế là do người phụ trách Hội đồng thường là các đồng chí lãnh đạo nên ít có thời gian tham gia hoạt động. Các cuộc họp không được tổ chức thường xuyên, Hội đồng quá đông thành viên (có nơi có tới 30 - 40 đồng chí) cho nên việc tham gia và điều hành các cuộc họp định kỳ rất khó. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng một số Hội đồng chỉ hoạt động mang tính chất hình thức, do đó chất lượng, hiệu quả hoạt động hạn chế.

Ở hình thức Ban chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật (cấp tỉnh, huyện), tư pháp vẫn có vai trò quan trọng (đầu mối phối hợp, tham mưu cho cấp uỷ...). Các ưu điểm và hạn chế của loại hình này tương tự như hình thức phối hợp đa phương ở trung ương trong các đợt phổ biến giáo dục pháp luật lớn, tập trung.

Ở hình thức phối hợp song phương (hai bên với nhau) trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, Thông tư liên bộ, ngành, đoàn thể. Có thể chia loại hình hoạt động này làm 2 nhóm:

+ Nhóm quan hệ phối hợp được hình thành do có một sự kiện pháp lý (văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, đoàn thể đó mà cần phải được phổ biến, tuyên truyền). Kinh phí, phương tiện cho loại hình này chủ yếu tới 3/4 là do ngành chủ quản đầu tư hoặc do kinh phí cấp từ trung ương.

- Nhóm quan hệ phối hợp được hình thành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể để thực hiện một nội dung và phục vụ một loại đối tượng ổn định, lâu dài như: Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức dạy và học pháp luật trong nhà trường; Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Tư pháp để giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp để tuyên truyền giáo dục pháp luật về thuế; Bộ Tư pháp phối hợp với báo, đài và các cơ quan hữu quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật...

Về mặt pháp lý, loại hình phối hợp này được ký kết bằng văn bản do Thủ trưởng đại diện 2 cơ quan cùng ký, đóng dấu (dưới dạng Nghị quyết liên tịch, Thông tư liên bộ...).

Ưu điểm của hình thức phối hợp này là: sự phối hợp chỉ đạo được duy trì thường xuyên lâu dài và toàn diện; nội dung, hình thức và biện pháp phổ biến giáo dục được lựa chọn, điều chỉnh qua từng giai đoạn; từng thời kỳ nên phù hợp, sát với đối tượng hơn. Việc phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ dừng ở việc giới thiệu văn bản pháp luật mới mà còn tiếp tục cả ở giai đoạn thực hiện văn bản đó. Mặt khác, theo loại hình này thì tính hệ thống của giáo dục được bảo đảm, tác động mang tính bền vững hơn, giải quyết được cơ bản một số nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật; trách nhiệm các bên khi phối hợp rõ ràng, việc chỉ đạo, kiểm tra... được duy trì trong suốt quá trình phối hợp.

Về hạn chế, loại hình này rất khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn. Bởi vì trên thực tế vấn đề tổ chức, cán bộ không ổn định mà luôn biến động (kể cả ngành Tư pháp và các ngành khác) vì vậy có lúc, có nơi không còn đầu mối phối hợp, thực hiện bị ngắt quãng, kém hiệu quả.

Ở hình thức phối hợp đa phương (nhiều ngành, đoàn thể...). Trong các đợt tuyên truyền tập trung có quy mô lớn, trên cơ sở một Chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, hoặc Quốc hội các ngành, đoàn thể hữu quan phối hợp xây dựng các kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm từng bên (kể cả phần kinh phí, biện pháp tổ chức thực hiện...), để chỉ đạo triển khai các kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật một cách thống nhất.

Ở loại hình này, ngành tư pháp (kể cả ở cấp Bộ, Sở) thường được giao các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch, chương trình chung; chủ trì các cuộc họp với các ngành, đoàn thể để thống nhất kế hoạch, nội dung, biện pháp triển khai; chủ trì các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, phóng viên, báo, đài; biên soạn tài liệu tập huấn, đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới...

Mô hình này có những ưu điểm như:

+ Các bên tham gia có kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo tập trung.

+ Huy động được sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành nhiều cấp. Làm phổ biến giáo dục pháp luật có quy mô, tập trung và đảm bảo được kế hoạch thời gian.

+ Đảm bảo được các yêu cầu, điều kiện của công tác phổ biến giáo dục pháp luật như: kinh phí, phương tiện, lực lượng...

Bên cạnh đó, việc phối hợp đa phương cũng có những hạn chế. Việc phối hợp thường xuyên chỉ có hiệu quả trong những đợt tập trung lớn, phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn của văn bản pháp luật cần phổ biến giáo dục, phụ thuộc vào ngành, cấp và văn bản liên quan, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá... Sau đó thường bị buông lơi.

Ngành tư pháp ở địa phương chưa làm được nhiệm vụ và giữ được vị trí là đầu mối của sự phối hợp. Chỉ có 1 số tỉnh đã có Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật hoặc Ban chỉ đạo, hay hoạt động theo Chỉ thị của cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật mới có tác dụng; song mô hình này cũng chỉ có được ở một số tỉnh.

Ngoài 3 mô hình trên, ở một số tỉnh (như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Gia Lai, Thừa Thiên Huế...) nhưng phối hợp theo chức năng hoặc phối hợp tổ chức theo Chỉ thị, Quyết định của cấp ủy hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện. Mô hình này phù hợp với các tỉnh miền núi và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.

IV. NHỮNG KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT Ở MIỀN NÚI VÀ DÂN TỘC ÍT NGƯỜI

1. Tăng cường sự lãnh chỉ đạo và hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương về phổ biến giáo dục pháp luật

Sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn này thể hiện ở các công việc sau:

- Cấp uỷ, chính quyền các cấp; các Bộ, ngành ở trung ương phải kịp thời phê duyệt kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật ngắn hạn, dài hạn theo quý, năm hoặc theo đợt do ngành tư pháp và pháp chế ngành xây dựng và soạn thảo;

- Kịp thời ra các văn bản (Chỉ thị, Nghị quyết) để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật.

- Tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng việc tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, cá nhân ở ngành và địa phương… theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/ lần.

2. Nhanh chóng sắp xếp, ổn định bộ máy ngành tư pháp từ trung ương đến cấp xã, phường, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách phổ biến giáo dục pháp luật này phải đảm bảo yêu cầu:

+ Đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn (chuyên môn pháp lý; nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, am hiểu về miền núi, dân tộc).

+ Chú trọng các nguồn chính như: cán bộ chuyên trách ở các phường phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp, của pháp chế các ngành; báo cáo viên của ngành tuyên huấn, đoàn thể, văn hoá - thông tin; các phóng viên, biên tập viên báo đài; lực lượng giáo viên dạy pháp luật trong các trường; cán bộ làm công tác nghiệp vụ của 1 số ngành: thuế, kiểm lâm, hải quan, đất đai, toà án, kiểm sát, công an, các trưởng bản, già làng…

Việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ này phải theo hướng đáp ứng yêu cầu trên. Ngay từ năm 1995, Nhà nước phải có sự đầu tư và quan tâm đúng mức về kinh phí, phương tiện chuyên biệt và một số chế độ đãi ngộ đặc biệt (với già làng, trưởng bản, với giáo viên dạy pháp luật và với phóng viên báo, đài địa phương).

3. Ổn định và hoàn thiện một cơ chế thống nhất về phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật - Trong đó ngành Tư pháp là đầu mối và trung tâm của sự phối hợp

Trên cơ sở trách nhiệm và chức năng của mình, ngành tư pháp tham mưu, tư vấn cho cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân địa phương trong các khâu: lập kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật định kỳ hoặc theo đợt; giúp cấp trên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương; làm đầu mối phối hợp; trực tiếp tham gia một số hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được giao; nêu các kiến nghị, đề xuất và giải pháp thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương; tổng hợp kết quả công tác này để báo cáo cấp ủy, Ủy ban nhân dân địa phương và Bộ Tư pháp.

4. Quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật từ trung ương đến cơ sở theo các hướng

- Nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu hiểu biết, sử dụng pháp luật của từng loại đối tượng đã được chọn lựa ở địa bàn miền núi, dân tộc.

- Phạm vi và hiệu quả tác động, phương thức và điều kiện tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật (từng hình thức cụ thể trong đó chú trọng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật qua hoạt động báo chí - tuyên truyền, qua hoà giải qua các sinh hoạt truyền thống, qua 1 số loại hình trường lớp).

- Tập hợp được sự tham gia đông đảo của các cơ quan hữu quan như Ủy ban Dân tộc và miền núi, văn hoá thông tin, tư pháp, báo, đài, các ngành kinh tế và đặc biệt phải tranh thủ được sự giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế có thiện chí.

5. Tập trung và đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin pháp luật (sách, báo, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật) và tư vấn pháp luật

Phục vụ nhu cầu tìm hiểu, sử dụng pháp luật của cán bộ, nhân dân. Có chế độ "đơn đặt hàng" về việc biên dịch, in ấn và phát hành các sách văn bản, sách pháp luật phổ thông… bằng tiếng dân tộc; có trợ giá 1 phần của Nhà nước; nâng cao chất lượng các tủ sách pháp lý, các hoạt động tư vấn pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

6. Bảo đảm kinh phí chuyên biệt, cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc ít người

a) Ở Trung ương: Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính lập kế hoạch kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật để trình Chính phủ duyệt. Sau khi kế hoạch kinh phí được duyệt, Bộ Tài chính, các Sở Tài chính cấp đủ số kinh phí cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (giao cho ngành tư pháp làm đầu mối).

b) Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm duyệt cấp kinh phí định kỳ hoặc theo đợt phục vụ phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương theo kế hoạch của trung ương hoặc cấp uỷ, chính quyền điạ phương giao cho Sở Tư pháp xây dựng. Phải đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và trợ cấp ổn định cho các trưởng ban, già làng… hàng tháng. Đầu tư phương tiện giáo dục pháp luật cho các đội thông tin lưu động, nhà văn hoá, Ban Tư pháp, câu lạc bộ, tủ sách pháp lý, các trường nội trú và các lớp xoá mù chữ...




(1) Theo khảo sát của Khoa báo chí - Phân viện Báo chí trung ương 6/1993 ở huyện miền núi thường nghe đài nước ngoài như Thuận Châu, tỉnh Sơn La (đài Trung Quốc, BBC), Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình (BBC và REI), Yên Bình tỉnh Yên Bái (BBC - Hoa Kỳ); Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn (Bắc Kinh – BBC - RFI); Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn (Bắc Kinh – BBC - RFI); Đồng Hỉ, tỉnh Bắc Thái (RFI - Manila bằng tiếng H’mông).

 

 

Nội dung toàn văn

 

 

Bộ tư pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tìm kiếm mô hình phổ biến

giáo dục pháp luật có hiệu quả trong

một số dân tộc ít người

 

 

 

 

 

Đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý cấp bộ

Mã số:

 

 

 

 

 

 

 

Cơ quan chủ trì:

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý

Bộ tư pháp

Chủ nhiệm đề tài:

Nguyễn Duy Lãm

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội 1995

 

 

Bộ tư pháp

Số: 101/NCKH

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------o0o----------

 

Hà nội, ngày 6 tháng 4 năm 1995

 

Bộ trưởng bộ tư pháp

 

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 4 tháng 6 năm 1993 của chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ tư pháp;

Căn cứ quyết định số 282 ngày 20 tháng 6 năm 1980 của Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước (nay là Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường) quy định thể thức đánh giá và nghiệm thu các công trình khoa học - kỹ thuật;

Căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu các đề tài khoa học năm 1994 của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý;

Theo đề nghị của đồng chí Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý;

Quyết định

Điều 1:

 

Thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứukhoa học cấp Bộ năm 1994 "Tìm kiếm mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong một số dân tộc ít người" gồm các đồng chí có tên trong danh sách kèm theo quyết định này.

Điều 2:

 

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài "Tìm kiếm mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong một số dân tộc ít người" có trách nhiệm tiến hành các công việc theo các thủ tục đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định.

Điều 3:

 

Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, các đồng chí có tên trong danh sách chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Bộ trưởng Bộ tư pháp

 

 

 

 

 

Nguyễn Đình Lộc

 

 

danh sách các thành viên hội đồng

nghiệm thu đề tài

"Tìm kiếm mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả

trong một số dân tộc ít người"

 

(Kèm theo Quyết định số 101/NCKH ngày 6/4/1995

của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

 

 

 

 

1.Chủ tịch Hội đồng

-Đồng chí PTS. Nguyễn Đình Lộc, Bộ trưởng Bộ tư pháp

2.Uỷ viên phản biện

-Đồng chí GS.TS. Phan Hữu Đật, Tổng biên tập Tạp chí "Dân tộc và miền núi"

3.Uỷ viên phản biện

-Đồng chí PTS. Nguyễn Đức Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ tư pháp.

4.Uỷ viên phản biện

-Đồng chí Phạm Ngọc Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Uỷ ban Dân tộc và miền núi.

5.Uỷ viên

-Đồng chí Đàm Xuân Toan, Phó Vụ trưởng Vụ theo dõi hoạt động Tư pháp, Ban nội chính Trung ương.

6.Uỷ viên

-Đồng chí PGS. PTS. Vũ Quốc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7.Uỷ viên - Thư kỳ Hội đồng

-Đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Tổng biên tập Tạp chí "Dân chủ và Pháp luật", Bộ tư pháp.

 

 

 

Những người thực hiện đề tài

 

Chủ nhiệm đề tài:

 

Nguyễn Duy Lãm

Cử nhân luật, Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Thư ký đề tài:

 

Nguyễn Đắc Bình

Cử nhân luật, Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Thư ký đề tài:

 

Hoàng Đức Thắng

Cử nhân luật, Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

 

Những người thực hiện các chuyên đề

 

Chuyên đề 1:

 

Nguyễn Duy Lãm

Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Nguyễn Đắc Bình

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Hoàng Đức Thắng

Chuyên viên Viện nghiên cứu khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Chuyên đề 2:

 

Nguyễn Duy Lãm

Vụ trưởng Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Trần Thế Phiệt

PTS. Giảng viên khoa báo chí tuyên truyền, Học Viện

Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phạm Thị Hoà

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Chuyên đề 3:

 

Vũ Văn Lý

Phó văn phòng Bộ Tư pháp

Nguyễn Đắc Bình

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Nguyễn Phương Thảo

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Chuyên đề 4:

 

Nguyễn Trường

Chuyên viên Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đinh Xuân Thảo

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Nguyễn Đăng Thìn

Chuyên viên Vụ giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo

chuyên đề 5:

 

Nguyễn Hữu Ngà

PTS, Phó Chủ nhiệm khoa dân tộc, Học Viện

Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguyễn Hoàng Hải

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Chuyên đề 6:

 

Nguyễn Văn Hoan

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Nguyễn Đắc Bình

Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp

Phạm Xuân Trường

Chủ nhiệm khoa đào tạo tại chức, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguyễn Bình

Chuyên viên Cục văn hoá thông tin cơ sở, Bộ Văn hoá Thông tin

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

kết quả nghiên cứu của đề tài

 

 

 

Mục lục

 

 

Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu của đề tài

1

Chuyên đề 1:

Thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và một số dân tộc ít người và nhận định về mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả

26

Chuyên đề 2:

Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc ít người thông qua hoạt động báo chí tuyên truyền

51

Chuyên đề 3:

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

80

Chuyên đề 4:

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường lớp ở miền núi.

98

Chuyên đề 5:

Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc ít người thông qua các sinh hoạt truyền thống

119

Chuyên đề 6:

Vị trí vai trò của ngành Tư pháp trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

151

Phụ lục 1:

Phụ lục tham khảo về tình hình, thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc ít người.

177

 

 

 

báo cáo phúc trình

 

Đề tài "tìm kiếm mô hình phổ biến

giáo dục pháp luật có hiệu quả

trong một số dân tộc ít người"

 

I/Tính cấp thiết của việc nghiên cứu:

Cuộc cải cách sâu sắc nền kinh tế nước ta và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra cho những người làm công tác khoa học pháp lý, các cơ quan xây dựng và bảo vệ pháp luật, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội…nhiều công việc cấp bách. Một trong số những công việc ấy là phải từng bước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đủ về cơ cấu, khoa học về nội dung, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, có khả năng thực thi và phải đạt được yêu cầu, mục tiêu rất cơ bản, lâu dài và khó khăn là: tất cả mọi người trong xã hội đều "sống và làm việc theo pháp luật", tích cực tham gia quản lý Nhà nước và xã hội bằng pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu trên đây, theo chúng tôi, tất yếu phải đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân với tất cả các điều kiện và phương tiện hiện có của Nhà nước. Bởi lẽ, hiệu quả của pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái tồn tại của pháp luật trong đó ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân phải trở thành một nguyên tắc, một yêu cầu bắt buộc. Trong những đối tượng cần chú trọng và quan tâm phổ biến giáo dục pháp luật phải đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc và miền núi. Việc phổ biến giáo dục pháp luật cho họ phải được tiến hành đồng thời với việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Chính phủ về việc phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi. Mặt khác, việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng này không chỉ bắt đầu từ bây giờ mà còn phải tiến hành trong suốt cả thời gian về sau với những nội dung, phương pháp và mô hình phù hợp, thích ứng với đặc thù miền núi và dân tộc.

Thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua đã khẳng định: Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương đường lối, chính sách và nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao dân trí cho đồng bào khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để phục vụ những yêu cầu và nhiệm vụ nói trên. Song tình hình tôn trọng và thực hiện pháp luật ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc hiện nay đang là vấn đề rất đáng quan tâm!

Không ai lại không thừa nhận rằng, pháp luật là công cụ đặc biệt quan trọng để Nhà nước quản lý xã hội, để các công dân, tổ chức tự hướng dẫn xử sự của mình sao cho phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội. Vì thế nếu có pháp luật rồi mà không tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, không đưa được pháp luật vào trong cuộc sống thì Nhà nước cũng như công dân biết lấy gì làm chuẩn mực cho hoạt động của mình. Sự lộn xộn, tuỳ tiện và tình trạng vi phạm pháp luật có lúc, có nơi xảy ra rất nghiêm trọng, trở thành một điều không thể tránh khỏi. ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người thì thực trạng này lại càng trở nên phức tạp. Ví dụ các tệ nạn nghiện hút, tảo hôn, mê tín dị đoan, chặt phá rừng bừa bãi, nhiều "lệ làng" lấn át cả các quy định của pháp luật như cưới không đăng ký kết hôn, giết người vì mê tín dị đoan, Uỷ ban nhân dân xã tự ý giải quyết ly hôn, phạt vạ v.v.. Lý giải thực trạng này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song trong đó có thể khẳng định một nguyên nhân quan trọng là pháp luật không được phổ biến giáo dục pháp luật một cách cơ bản, thường xuyên cho các cán bộ, nhân dân nói chung và cho đồng bào dân tộc, khu vực miền núi nói riêng.

Nói tóm lại, có pháp luật nhưng không tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, không đưa được pháp luật vào cuộc sống thì tất yếu - không thể nói đến hiệu quả của pháp luật được. Mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất của Đề tài là tìm kiếm mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở khu vực niềm Núi và đồng bào dân tộc.

Vì thế vấn đề này phải được đặt ra và nghiên cứu trên một phạm vi tương đối toàn diện, khoa học và sâu sắc. ở đây, vấn đề không chỉ là phải nghiên cứu thế nào là mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, mô hình đó áp dụng với đối tượng nào và ở phạm vi nào; với những biện pháp và điều kiện cơ bản nào để có hiệu quả thiết thực mà còn phải phân tích, lý giải một cách kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc, những nguyên nhân gì đã tạo nên thực trạng đó, giải quyết những nguyên nhân đó cần phải có những điều kiện, giải pháp gì- và cơ bản hơn là phải có được những kiến nghị, đề xuất có giá trị về khoa học và thực tiễn nhằm cải thiện được thực trạng đó, với những giải pháp khả thi.

Việc lựa trọn và nghiên cứu đề tài này còn được coi là cấp bách không chỉ vì thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực miên Núi và đồng bào dân tộc ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, mà còn vì trong thực tiễn những năm qua việc phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc được tiến hành không thường xuyên, có lúc chỉ là hình thức, có những đối tượng quan trọng, cơ bản cần phổ biến giáo dục pháp luật thì lại không được phổ biến giáo dục pháp luật kết quả khảo sát cho thấy các đợt phổ biến giáo dục pháp luật chỉ đến được với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (70%), cấp huyện (30%) và cấp xã chỉ 1 - 2%, còn đối tượng nhân dân hầu như không! Do đó, không đem lại kết quả mong muốn. Điều này thể hiện: cho tới nay chúng ta chưa có được một nội dung, phương pháp và mô hình phổ biến giáo dục pháp luật, có hiệu quả ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc. Cũng chưa có một cơ quan, một công trình khoa học nào nghiên cứu về vấn đề này. Thực tế này phản ánh một nhận thức đơn giản và chưa thống nhất của chúng ta về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc. Quan niệm này cần phải được thay đổi. Chỉ khi nào việc phổ biến giáo dục pháp luật được nhận thức như một quy luật, một nhu cầu thường xuyên và bản thân công việc đó phải được coi như là một hoạt động khoa học thực sự thì khi đó các cơ quan hữu trách mới có trách nhiệm và quan tâm đúng mức đến công tác này. Vì thế, vấn đề phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc trở nên bức thiết. Chúng ta rất cần có những nhận thức mới và những cách làm mới để trên cơ sở đó mà tăng cường hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc.

Một lý do quan trọng nữa cần phải xúc tiến sớm việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng và đề tài này trong thực tế là vì thực trạng của pháp luật (tính hệ thống của nó) và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật bao giờ cũng là thước do trình độ hoàn thiện pháp luật của cả cộng đồng trong quốc gia chứ không chỉ ở miền núi và dân tộc ít người điều đó thể hiện nền văn minh pháp lý của cả quốc gia.

Một xã hội văn minh không thể tồn tại trên một thực trạng dân trí pháp lý thấp kém, pháp luật không được phổ biến giáo dục thường xuyên, có nề nếp, lại càng không thể có sự phân biệt hoặc ưu đãi trong việc tôn trọng chấp hành pháp luật giữa miền xuôi và miền núi, giữa đồng bào dân tộc này với dân tộc khác.

II/Mục tiêu nội dung và kết quả nghiên cứu:

A-Mục tiêu nghiên cứu: mục tiêu cơ bản của đề tài là:

+Có được một đánh giá cơ bản, chính xác và khoa học về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người; nêu được những kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích phù hợp với đặc thù miền Nui, dân tộc (theo vùng, miền và số nhóm dân tộc điển hình). Trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến giáo dục pháp luật của ngành Tư pháp và các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở.

+Nêu được các yêu cầu đổi mới cả về lý luận và thực tiễn phổ biến giáo dục pháp luật trên cơ sở thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật và nhận định về một số mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở miền núi và dân tộc, từ đó lựa chọn được những nội dung, phương pháp, hình thức, đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn ngay từ năm 1995 và trong thời gian tới như: phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí, tuyên truyền; lớp; thông qua hoà giải; thông qua một số loại hình trường lớp; thông qua các sinh hoạt truyền thống phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp, một số ngành hữu quan trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

+Cùng với việc lựa chọn, nghiên cứu các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật đã có ở miền núi và dân tộc ít người nêu được những kiến nghị, đề xuất và các giải pháp cơ bản, có tính khả thi ứng dụng cao trong thực tiễn.

B. Nội dung và kết quả nghiên cứu:

Nội dung và phạm vi nghiên cứu của đề tài còn mới mẻ và rất khó khăn: Sự hiểu biết chưa đầy đủ về miền núi, dân tộc, việc tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi cũng như các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả chưa nhiều, thời gian nghiên cứu ngắn các điều kiện cần và đủ để tổ chức nghiên cứu, khảo sát điều tra xã hội học phục vụ đề tài đều thiếu; Sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan hữu trách như: Uỷ ban dân tộc và miền núi của Chính phủ, Bộ văn hoá thông tin, Bộ giáo dục và đào tạo… chưa thường xuyên. Song với sự cố gắng, nỗ lực và đầy trách nhiệm của tập thể tác giả tham gia thực hiện đề tài, cùng với sự quan tâm ủng hộ của Bộ khoa học công nghệ và môi trường, Lãnh đạo Bộ tư pháp, Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý, sự giúp đỡ của Uỷ ban nhân dân và Sở tư pháp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên -Huế, Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La, Khoa dân tộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Đề tài đã được hoàn thành và đạt được những kết quả quan trọng.

1- Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá cơ sở khoa học về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc; Nắm được các đặc điểm cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục… ở một số tỉnh miền núi và đồng bào dân tộc có tính điển hình của cả nước.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý và cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó có được những mô hình, nội dung, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc.

a- Cho đến nay, vấn đề thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật và mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở miền núi và dân tộc vẫn chưa có một tài liệu chính thức nào nghiên cứu. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về việc phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi, nhưng chưa có một chỉ thị, nghị quyết cụ thể về phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là:

- Muốn phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc có hiệu quả, trước tiên phải có sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ và cơ sở vật chất phải có một đầu mối có trách nhiệm chuyên tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghiên cứu, điều tra xã hội học và thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật cũng như đặc điểm về kinh tế - xã hội, văn hoá giáo dục ở các tỉnh miền núi và dân tộc. Trên phạm vi toàn quốc, trong số 54 anh em dân tộc chung sống, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ trên 80%, còn các dân tộc khác chỉ chiếm trên 13%. Các dân tộc này sống rải rác khắp nơi ở các tỉnh miền núi và đồng bằng suốt từ Bắc vào Nam, hơn nữa lại ở những vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị quốc gia, cũng như về kinh tế của cả nước như: Sát biên giới các nước láng giềng, diện tích chiếm đến 3/4 của cả nước, có nhiều tài nguyên khoáng sản quý.v.v. Mặt khác, nếu so sánh với vùng xuôi thì sự chênh lệch về các mặt đời sống - xã hội của đồng bào dân tộc ít người vẫn là những con số đáng lo ngại: Tình trạng mù chữ có nơi tới 80 - 90%, có tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, đã tập trung công sức để xoá mù chữ ở huyện cho hơn 1.000 người nhưng sau một năm số người này lại tái mù chữ trở lại; Đáng nói là đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã trung bình chỉ có trình độ lớp 4, lớp 5 (kể cả bổ túc), cá biệt có cả Bí thư Đảng uỷ xã không biết chữ (!?); Trẻ em đến tuổi đi học không thích đi học không những vì thiếu trường, thiếu thầy cô giáo, thiếu sách giáo khoa - mà còn vì đói ăn, thiếu quần áo. Khảo sát ở 6 tỉnh Lào Cai, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Bình, Sơn La, Thừa Thiên - Huế kết quả cho thấy, có tỉnh thiếu ăn từ 3 - 6 tháng/1 năm có vùng quanh năm chỉ ăn ngô, sắn.

Ngoài đói rét, trình độ văn hoá thấp còn có những khó khăn về y tế (thiếu trạm xá, thiếu y- bác sỹ, thiếu thuốc men) và về dân số - trẻ em 14 tuổi đã là lao động chính, có em đã đi lấy chồng, lấy vợ; Tỷ lệ tăng dân số rất nhanh (một phụ nữ sinh ít nhất là 4 đến 5 con, nhiều là 7 đến 11 con) tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, còi sương, bệnh biếu cổ… đang ở mức lo ngại. Cơ sở hạ tầng thấp kém, nhiều xã không có đường giao thông, phương tiện đi lại còn rất thô sơ (ngựa) v.v.

Một thực trạng khác cũng rất đáng quan tâm và cần được nghiên cứu để có sự chọn lựa, kế thừa những phong tục hay, tập quán tốt của dân tộc ít người, đồng thời đấu tranh, dần dần khắc phục những tập tục lạc hậu đang tồn tại và thậm chí có nơi đang phát triển làm phương hại đến thuần phong mỹ tục và ý thức pháp luật của cộng đồng dân tộc. Ví dụ các tệ nạn nghiện hút, mê tín, tảo hôn, xưng vua, chặt phá rừng bừa bãi và những luật tục trái với pháp luật như thách cưới, phạt vạ, lấy nhiều vợ, nhiều chồng v.v..

b/Thực tiễn công tác phổ biến giáo dục pháp luật những năm qua ở miền núi và dân tộc cho thấy: Xây dựng pháp luật đã khó nhưng phổ biến giáo dục pháp luật để pháp luật đi vào cuộc sống đồng bào miền núi và dân tộc còn khó hơn nhiều. Như đã khái quát, tóm tắt ở phần trên. Qua theo dõi và qua khảo sát thực tế ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Khu 4 cũ và Tây nguyên thì việc phổ biến giáo dục pháp luật ở đây còn rất khó khăn, ngay cả những đợt sinh hoạt pháp lý rộng lớn, có quy mô và có sự chỉ đạo từ Trung ương, có kinh phí… nhưng cũng chỉ phổ biến giáo dục được cho số cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và rất ít cấp xã, còn đến dân không làm được. Có làm thì cũng chỉ qua loa chiếu lệ. Có một thực tế hiển nhiên là nhiều văn bản luật quan trọng đó Nhà nước ban hành đã lâu nhưng dân không biết (kể cả Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự), Luật đất đai… chưa nói đến văn bản pháp luật khác. Mặt khác do dân trí thấp nên việc phổ biến giáo dục pháp luật là bằng hình thức phổ biến miệng, nơi điều kiện thì qua đài phát thanh, vidio, ti vi, còn báo chí thì vừa chậm lại vừa do không biết đọc nên càng hạn chế tác dụng… Các sinh hoạt truyền thống như lễ hội, ngày văn hoá dân tộc, sinh hoạt trong dòng họ v.v.. Tuy có truyền thống từ lâu đời và gắn bó với các đời sống dân tộc nhưng cũng chưa thể và chưa có nơi nào gắn các sinh hoạt truyền thống đó hoặc tận dụng nó để phổ biến giáo dục pháp luật một cách có hiệu quả. Vì thế, việc tìm kiếm và chọn lựa được một mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có tính chất như "khuôn mẫu" lại càng phức tạp và khó hơn nhiều.

Tóm lại, tuy mới ở mức khái quát một cách cơ bản và phạm vi nghiên cứu còn hẹp, song các tác giả của chuyên đề 1 đã dựng lên được một bức tranh khá tổng quát và sinh động về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc. Đó là một thành công có ý nghĩa quan trọng và có giá trị tham khảo cao. Đặc biệt là các kiến nghị và các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc, đó là:

+Phải nhanh chóng đổi mới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật và hướng dẫn tổ chức thực hiện kế hoạch đó. Sự chỉ đạo, hướng dẫn này phải đáp ứng yêu cầu: kịp thời và có trọng tâm, trọng điểm. Riêng với các tỉnh miền núi và dân tộc, Bộ tư pháp phải phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cụ thể để các Sở tư pháp tổ chức thực hiện.

Trong những năm tới, mà trước mắt là năm 1995, nên chọn một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên làm thí điểm về phổ biến giáo dục pháp luật (mỗi vùng 01 tỉnh) để từ đó được rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng;

+Cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật .

Phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gan tới phải được gắn liền với chương trình cải cách một bước nên hành chính quốc gia, với mục tiêu là: nhằm xây dựng nền hành chính trong sạch, sử dụng đúng quyền lực, từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực, hiệu quả công việc của Nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân… xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật.

Đây là yêu cầu bắt buộc nếu như chúng ta thực sự muốn nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác này. Không thể áp dụng những nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật của miền xuôi để áp dụng ở miền núi và đồng bào dân tộc. Điều đó đòi hỏi phải có nội dung, hình thức và phương pháp cụ thể theo từng chuyên đề, từng vùng miền và từng đối tượng (theo các nhóm dân tộc điển hình). Đặc biệt là phát huy và sử dụng tốt các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc mà đề tài đã đề cấp đến.

+Đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật .

-Trước hết từ nay đến năm 2000 kiện toàn và ổn định được lực lượng cán bộ chuyên trách, phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương. Lực lượng này phải đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, am hiểu về dân tộc, miện Núi. Các Sở Tư pháp nên có phòng hoặc bộ phận phổ biến giáo dục pháp luật riêng với số cán bộ từ 3 đến 5 người.

-Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cung cấp đủ tài liệu, sách báo pháp luật liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Riêng khu vực miền núi phải phát không và nên có tài liệu in bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông để cán bộ làm phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi tiện sử dụng.

-Trong năm 1995, Bộ Tư pháp sớm thực hiện chủ trương hỗ trợ kinh phí và phương tiện cho các Sở Tư pháp miền núi về công tác phổ biến giáo dục pháp luật và khẩn trương trình Chính phủ duyệt đề án phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới.

-Hằng năm Quốc hội, Chính phủ dành một khoản kinh phí chuyên biệt phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

2. Lần đầu tiên vấn đề phổ biến giáo dục pháp luật được nghiên cứu và đề cập một cách tương đối toàn diện và có hệ thống, có cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Điều này thể hiện rõ nét trong việc chọn lựa và tập trung nghiên cứu 6 chuyên đề của đề tài. Có thể coi các chuyên đề đó, trừ chuyên đề số 1 về thực trạng và mô hình phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc có giá trị định hướng và là cơ sở cho việc nghiên cứu của các chuyên đề sau, còn các chuyên đề khác đều tập trung vào từng lĩnh vực, từng hình thức đặc thù có giá trị như những mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có tính điển hình, đó là:

a) Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí, tuyên truyền.

Trong thời đại ngày nay, không ai có thể phủ nhận được vị trí, vai trò của báo chí trong việc phổ biến, giáo dục đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với toàn xã hội. Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc thông qua hoạt động báo chí, tuyên truyền chính là một biểu hiện cụ thể của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong qúa trình lãnh đạo cách mạng, coi việc "giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trọg những nhiệm vụ có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam".(1)

 

Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi đã coi việc phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề chủ yếu, trước mắt cần tập trung giải quyết: "Tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện hiện đại như máy thu thanh, thu hình, cát sét, băng ghi hình để cải tiến và nâng cao các chương trình phát thanh truyền hình ở địa phương, phổ biến các văn hoá phẩm và tài liệu có nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu và truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chú trọng sử dụng ngôn ngữ dân tộc và chữ viết (nếu có) trong công tác thông tin, tuyên truyền".(1)

 

Việc lựa chọn và nghiên cứu mô hình này mà chuyên đề đề cập tới xuất phát từ những đặc điểm đặc thù của việc phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng dân tộc ít người thông qua hoạt động báo chí tuyên truyền. Chuyên đề đã khẳng định. Đưa pháp luật đến với dân tộc ít người là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân… Trong đó, báo chí, tuyên truyền là lĩnh vực có nhiều thế mạnh nhất. Bằng đặc trưng các hoạt động báo chí, tuyên truyền, với nhận thức, giáo dục, định hướng của nó- Báo chí có khả năng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật. Hơn nữa, đời sống tinh thần và tâm lý nhận thức của đồng bào dân tộc rất dễ đến với hoạt động báo chí tuyên truyền, mà nếu tổ chức tốt thì báo chí tuyên truyền hoàn toàn có khả năng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc có hiệu quả cao.

 

Trong phần đánh giá thực trạng của hoạt động báo chí tuyên truyền ở vùng dân tộc, chuyên đề đã tập trung nghiên cứu và phân tích có cơ sở khoa học về các nguyên nhân dẫn đến hiện trạng "đói" và "nghèo" thông tin về pháp luật, trong đó có một nguyên nhân cơ bản, quan trọng là về phương tiện. Qua khảo sát thực tế ở một số xã miền núi phía Bắc cho thấy: Máy thu thanh chiếm tỷ lệ thấp, có xã như xã Dải lung (Mèo vạc - Hà Giang) chỉ có 3 chiếc trong số 4.778 dân; xã Mường sang- Mộc châu- Sơn La tuy ở gần đô thị nhưng cũng chỉ có 74 máy thu thanh trên số dân 7.256 người; xã Thành Công, Thạch Thành, Thanh Hoá chỉ có 5 máy thu hình trên 3.373 dân, xã Na công- Than uyên (Lào Cai) có 5.333 dân thì có 16 máy (bình quân 331 người một máy).

Về báo viết, tuy có nhiều và phổ biến hơn, ít tổn phí hơn nhưng thực trạng cũng rất đáng quan tâm: vừa ít về số lượng lại nghèo nàn về chủng loại. Trong 22 xã được khảo sát ở 12 tỉnh phía Bắc thì các số liệu thu được là:

-Báo nhân dân: Có 7 xã chỉ có 01 tờ; 3 xã có 2 tờ, thị xã Phong thổ (Lai Châu) có 3.307 dân mà chỉ có 2 tờ báo lưu hành là tờ Nhân dân và tờ Báo Lai Châu (mỗi loại 2 tờ). Xã Xuân phú, huyện Thọ xuân (Thanh Hoá) cũng chỉ có 2 loại báo: Nhân dân và Văn hoá thông tin với số lượng mỗi loại 2 tờ trên 4.574 người.

Những số liệu trên đây, có thể giúp chúng ta rút ra một thực trạng đáng lưu ý là đa số đồng bào dân tộc ở khu vực miền núi không có điều kiện quan hệ với thế giới xung quanh bằng kênh thông tin báo chí. Vì vậy, nếu không tiếp nhận thông tin báo chí (dù cho nhu cầu chủ quan hay tác động khách quan) thì cố nhiên tình trạng "Đói" Thông tin "mù" về pháp luật là lẽ đương nhiên. Chính vì vậy, việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí tuyên truyền ở miền núi và dân tộc phải được nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tác dụng của loại hình này, đồng thời coi đó là một mô hình phù hợp với đặc thù miền núi, dân tộc. Muốn duy trì và phát huy được hiệu quả của mô hình này, theo chúng tôi cần tiến hành những biện pháp dưới đây:

-Biện pháp đầu tiên, có tính chất bao trùm và có ý nghĩa chiến lược là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao mọi mặt đời sống cho đồng bào dân tộc.

 

Trước hết là tăng cường phát triển kinh tế- văn hoá.

-Cải tiến công tác phát hành báo chí, để các phương tiện thông tin đại chúng này đến nhanh, đến kịp thời và nhiều hơn với đồng bào dân tộc. Muốn làm tốt biện pháp này cần:

+Phát hành báo chí đúng phương hướng và đúng đối tượng (phải xuất phát từ đặc điểm của từng vùng, miền…. để chuyền tải thông tin pháp luật đến với đồng bào có hiệu quả).

+Có chính sách trợ giúp và cấp không các sách báo cần thiết về pháp luật cho đồng bào (in chữ to, đẹp, ngắn gọn, hình ảnh rõ…)

-Tăng cường các phương tiện thông tin ở miền núi: xây dựng các trạm tiếp sóng phát thanh và truyền hình; xây dựng và duy trì hiệu quả các đội thông tin tuyên truyền; Sản xuất và bán rẻ các máy thu thanh cho đồng bào; Các nhà văn hoá của làng, thôn, bản cần được trang bị máy thu hình, thu thanh và tủ sách, báo về pháp lý…

-Cải tiến nội dung, hình thức thông tin để các phương tiện đại chúng có thể phục vụ tốt hơn công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Xuất bản, phát hành những ấn phẩm theo từng chuyên đề về pháp luật (Ví dụ: Về bảo vệ rừng, về giao thông, về đất đai v.v..) phù hợp với trình độ tiếp nhận và tâm lý, phong tục của đồng bào dân tộc.

-Kiện toàn tổ chức ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cấp huyện, xã, chú trọng xây dựng lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi.

b) Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc:

 

Mặc dù công tác hoà giải đã có từ rất lâu đời trong đời sống thường nhật của nhân dân ta, nhưng chưa có các nhà khoa học lý luận và thực tiễn nghiên cứu và khẳng định phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là một mô hình có hiệu quả, đặc biệt là ở miền núi và đồng bào dân tộc. Các tác giả của chuyên đề (chuyên đề 3) đã nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học về mô hình này với phương pháp lịch sử, biện chứng và khá toàn diện để khẳng định rằng: Thông qua việc hoà giải các vụ việc hàng ngày ở cơ sở, các thành viên của tổ hoà giải rút ra nhiều kinh nghiệm giáo dục, thuyết phục, cảm hoá, động viên, giải thích các bên tranh chấp thông suốt trên cơ sở pháp luật. Họ là những người phổ biến, giáo dục pháp luật với lực lượng đồng nhất, có hiệu quả nhất. Điều đó đòi hỏi phải tổng kết, đánh giá và khẳng định đây là một trong những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.

 

Tại hội nghị chuyên đề công tác tư pháp toàn quốc (tháng 8-1994) tại thành phố Đà nẵng, các địa phương đều đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tổ hoà giải trong đời sống xã hội, góp phần to lớn vào việc củng cố đoàn kết toàn dân, ngăn chặn kịp thời những vi phạm và tội phạm, giảm bớt nhiều vụ việc phải đưa lên Toà án nhân dân cấp Huyện giải quyết, góp phần vào việc phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân. Điều này cũng là sự khẳng định mô hình tổ hoà giải là thích hợp và được chấp nhận trong thực tế.

 

ở vùng dân tộc ít người, qua khảo sát cho thấy thành phần tham gia các tổ hoà giải rất đa dạng: phổ biến là cán bộ về hưu, phụ nữ, thanh niên, đội trưởng đội sản xuất, trưởng bản, già làng (98%). Điều này thể hiện rõ vai trò và vị trí của các trưởng bản, già làng- họ là những người gần gũi và rất có uy tín với cộng đồng. Xin đơn cử một ví dụ: Tổng số vụ hoà giải 1 năm qua khảo sát bằng phiếu ở 6 tỉnh (188 phiếu) là 492.373 vụ việc, trong đó hoà giải thành 279.400 vụ, có tới 861 vụ hoà giải theo phong tục, tập quán, còn hoà giải theo quy định của pháp luật chỉ có 436 vụ.

Như vậy, tuy vị trí, vai trò và tác dụng của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải rất lớn, song có thể nhận xét là ở vùng dân tộc ít người tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải còn yếu, các thành viên của tổ hoà giải hoạt động theo quy định của pháp luật không đáng kể, do đó hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải còn hạn chế.

 

Có 3 nguyên nhân cơ bản của thực trạng này được các tác giả phân tích và sát đúng với thực tế là:

+Các cấp uỷ, chính quyền và cơ quan tư pháp địa phương chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của công tác hoà giải, chưa tổ chức tốt việc phổ biến giáo dục pháp luật gắn với công tác hoà giải trong nhân dân.

+Thành viên các tổ hoà giải chưa được bồi dưỡng các kiến thức pháp luật cần thiết, liên quan đến cuộc sống của nhân dân vùng dân tộc ít người như: Hiến pháp 1992, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai, các Luật thuế, Luật bảo vệ và phát triển rừng… Họ không có tài liệu pháp lý và tài liệu hướng dẫn công tác hoà giải. Nếu không giải quyết được nguyên nhân này thì không thể nói đến phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.

+Kinh phí hoạt động của các tổ hoà giải không có, người làm hoà giải chủ yếu là do tự nguyện và bằng uy tín của mình. Vì thế họ không có điều kiện và không khuyến khích được họ tích cực tham gia công tác hoà giải.

Để phát huy hiệu quả của mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, theo chúng tôi cần phải làm sáng tỏ và thống nhất một số khái niệm cơ bản dưới đây:

-Thế nào là hành vi vi phạm nhỏ? theo các tác giả thì vi phạm nhỏ trong nhân dân là hành vi trái Luật hiện hành nhưng mức độ nguy hiểm cho xã hội ít hoặc những hành vi trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

Như vậy, về thực chất, hành vi vi phạm nhỏ mức độ nguy hiểm cho xã hội ít hơn so với các hành vi vi phạm khác - chưa đến mức phải xử phạt hành chính hoặc phải truy tố trước Toà án. Các bên có thể thương lượng, thoả thuận với nhau để giải quyết.

-Tranh chấp nhỏ trong nhân dân: Chủ yếu là tranh chấp dân sự trong các lĩnh vực hôn nhân - gia đình, xây dựng, điện nước, lối đi, v.v..

Hiện nay, có ý kiến cho rằng mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tranh chấp có giá trị bằng tiền ít. Có ý kiến lại cho rằng, có những vụ tranh chấp trong việc mua bán nhà hàng trăm cây vàng nhưng lại giải quyết được bằng hoà giải. Lý do này theo họ thì tranh chấp nhỏ không phải chỉ là giá trị tiền của vụ tranh chấp đó là nhỏ hay ít- mà tranh chấp nhỏ còn phụ thuộc và mức độ tranh chấp không căng thẳng.

Như vậy, có thể hiểu một cách thống nhất tranh chấp nhỏ có nghĩa là giá trị vụ việc tranh chấp không lớn, hoặc mức độ không căng thẳng, có thể giải quyết bằng hoà giải và thông qua người hoà giải dàn xếp các bên tự nguyện giải quyết.

Điều đáng chú ý trong mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là việc sử dụng người thực, việc thực để đưa pháp luật vào cuộc sống một cách sâu sắc và có hiệu quả hơn các hình thức khác. Điều này thể hiện ở chỗ là bằng lời nói, việc làm cụ thể, gắn với các quy định pháp luật hiện hành mà người hoà giải tác động một cách có ý thức, có chủ định tới người được hoà giải theo 1 trình tự hay quá trình nhất định (có thể lâu hay nhanh) cho đến khi đạt được hiệu quả (mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết ổn thoả) thì quá trình đó mới chấm dứt.

Mặt khác, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải có một số đặc trưng nổi bật:

-Phạm vi phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải rộng hơn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.

-Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải cũng sâu sắc hơn - vì qua mỗi vụ việc hoà giải, các bên hoà giải được giải thích pháp luật tỉ mỉ, sâu và cụ thể về một việc cụ thể.

-Chủ thể (người hoà giải) đa dạng, tạo ra đội ngũ phổ biến giáo dục pháp luật đông nhất, gắn bó với dân nhất.

-Đối tượng (người được hoà giải) cũng đa dạng: theo giới, lứa tuổi…

Hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người phụ thuộc vào kết quả hoà giải thành vì kết quả hoà giải sẽ có tác dụng tích cực, phổ biến được nhiều quy phạm pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho nhân dân.

Một yếu tố nữa là hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải ở vùng dân tộc ít người còn phụ thuộc vào việc xây dựng mạng lưới hoà giải mạnh ở cơ sở. Yếu tố này đặt ra yêu cầu là phải có các ban Tư pháp cấp xã, phường đủ mạnh để có khả năng chỉ đạo, hướng dẫn và tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn và củng cố tốt các tổ hoà giải.

Yếu tố thứ 3 ảnh hưởng đến hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải phụ thuộc vào năng lực, trình độ và uy tín của mỗi thành viên trong tổ hoà giải. Điều này đặt ra yêu cầu thực tế là người cán bộ hoà giải ngoài lòng nhiệt tình, uy tín cá nhân ra còn phải có kiến thức pháp lý, am hiểu phong tục tập quán dân tộc và đặc biệt là phải biết làm công tác hoà giải.

Xuất phát từ vị trí, tác dụng và vai trò của hoà giải, thông qua hoà giải để phổ biến giáo dục pháp luật, chuyên đề này đã khái quát được các mô hình tổ chức hoà giải hiện nay ở vùng dân tộc ít người như sau:

+Hoà giải theo mô hình tổ hoà giải (do các Ban Tư pháp xã, phường giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức và hướng dẫn).

+Hoà giải do cá nhân có uy tín đối với đồng bào dân tộc ít người (già làng, trưởng bản, trưởng họ, bà cô….) - Mô hình này rất phổ biến.

+Hoà giải do các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội- mô hình này ít có hiệu quả vì mang nặng tính chất quyền uy và phán xử. Thành công của chuyên đề này, theo chúng tôi không những đã phác hoạ được một bức tranh khá toàn cảnh về công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải ở vùng dân tộc ít người, bước đầu làm rõ một số khái niệm cơ bản; Phân loại và định hình được các đối tượng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hòa giải… mà còn thành công ở các kiến nghị, đề xuất cùng một số giải pháp cơ bản có giá trị tham khảo cao hơn nữa nếu các kiến nghị và giải pháp này được các cấp có thẩm quyền đưa vào ứng dụng thực tế sớm thì chắc chắn hiệu quả của loại hình này cao hơn, cụ thể là:

-Phải đào tạo, bồi dưỡng và ổn định lực lượng cán bộ làm công tác hoà giải (đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân), cộng với việc bồi dưỡng, đào tạo phải có chế độ chính sách cụ thể của Nhà nước với người làm hoà giải (có thể trợ cấp hàng tháng từ 50-100.000 đồng).

-Cung cấp và phát không các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải và tài liệu pháp lý cần thiết. Theo chúng tôi việc này nên giao cho các Sở tư pháp, Phòng tư pháp và các ban Tư pháp xã, phường làm.

-Muốn các tổ hoà giải hoạt động tốt phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, định kỳ của ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở; Cần tiếp tục xúc tiến việc tổng kết, đánh giá theo chuyên đề về mô hình này để rút kinh nghiệm và hướng dẫn chung trên phạm vi toàn quốc.

c) Phổ biến, giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc thông qua các sinh hoạt truyền thống.

 

Đây là vấn đề khó và mới đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Xuất phát từ những đặc điểm chung của các dân tộc ở miền núi có ảnh hưởng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những người nghiên cứu chuyên đề này đã có nhiều cố gắng để phân tích sâu các đặc điểm của sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc, trên cơ sở đó nhận định và đánh giá đúng đắn những ảnh hưởng của nó tới công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đưa pháp luật vào đời sống đồng bào dân tộc là rất cần thiết, song phải tôn trọng các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Muốn vậy, phải cụ thể hoá được pháp luật của Nhà nước thành những điều luật cụ thể hay những quy định dưới luật, phù hợp với từng dân tộc, từng khu vực. Để thực hiện biện pháp quan trọng này trước tiên phải nắm vững đặc điểm sinh hoạt truyền thống của các dân tộc ít người.

 

Trong lịch sử xã hội ta, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng, sinh hoạt truyền thống là những yếu tố rất quan trọng của nền văn hoá dân tộc. Khi nói đến sinh hoạt truyền thống của các dân tộc cũng có nghĩa là nói đến văn hoá truyền thống - bởi vì, các sinh hoạt văn hoá, từ văn hoá vật chất, văn hoá xã hội, văn hoá tinh thần đều có truyền thống của nó và được kế thừa, chọn lọc từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ chế độ này sang chế độ khác. Do đó, vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận trước tiên là phải hiểu rõ khái niệm: Thế nào là truyền thống? theo các nhà nghiên cứu dân tộc học thì: truyền thống là những giá trị kinh tế, xã hội, đạo đức, tư tưởng, phong tục, tập quán, lối sống… được tạo ra từ quá khứ; đã trở nên ổn định và có sức sống mạnh mẽ được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống đó tác động đến mọi xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu của cách mạng tư tưởng văn hoá; Muốn đưa pháp luật vào đời sống xã hội của các dân tộc không thể tách rời các truyền thống tốt đẹp và phải sử dụng các yếu tố truyền thống đó để phục vụ cho mục tiêu này.

Việc nghiên cứu các loại hình sinh hoạt truyền thống và đặc điểm của nó sẽ góp phần quan trọng vào việc xác định nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với các dân tộc ít người.

Trong các loại hình sinh hoạt truyền thống (sinh hoạt kinh tế truyền thống, hoạt động văn hoá xã hội truyền thống, sinh hoạt theo phong tục, tập quán truyền thống… thì loại hình sinh hoạt văn hoá xã hội truyền thống và sinh hoạt theo phong tục tập quán là loại hình cần được nghiên cứu để vận dụng phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn cả, bởi lẽ:

 

-Thứ nhất: trong loại hình sinh hoạt văn hoá, xã hội truyền thống, vị trí của gia đình - dòng họ, làng bản ở vùng miền núi và dân tộc rất quan trọng. Vì gia đình - dòng họ, làng bản gắn liền với cuộc sống của đồng bào dân tộc từ nhiều đời nay. Đồng thời, phải chú ý đến vị trí vai trò, của các trưởng bản, già làng. Chế độ già làng có vai trò rất to lớn trong xã hội của các dân tộc Thượng (Tây nguyên). Già làng là người tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có sự am hiểu sâu rộng về cách thức làm ăn, về phong tục tập quán, về quan hệ đối nội, đối ngoại… và là người có vai trò trong việc điều hành và quyết định các công việc trong làng, bản.

Đối với người H'mông, trưởng tộc là người có vai trò quan trọng nhất trong các việc có liên quan đến dòng họ. Trưởng tộc được coi là "gốc họ", "nắm tay dân ở mở tay dân đi", và đại diện cho cả dòng họ trong mọi công việc. Thể hiện rõ nhất vai trò của trưởng tộc là cứ vào ngày 6/6 âm lịch hàng năm, trong lễ "Nào sồng" (ăn ước) của người H'mông, trưởng tộc phán định những (điều luật) mà cả cộng đồng nhất thiết phải tuân theo. Ví dụ: không được tháo nước từ ruộng người khác sang ruộng mình; Không được thả rông châu ngựa khi chưa thu hoạch song; Không được vào nương ngô, nương lúa của người khác khi ngô đã già, lúa đã chín, không được trộm cắp… Vấn đề đặt ra ở đây là nếu thuyết phục được trưởng bản già làng, trưởng tộc và nếu những người này am hiểu pháp luật thì chắc chắn tiếng nói của họ khi phổ biến giáo dục pháp luật sẽ có hiệu quả rất cao.

 

-Thứ hai: trong sinh hoạt văn hoá - xã hội, vấn đề hôn nhân và gia đình ở các dân tộc ít người còn gắn rất chặt với các phong tục, tập quán truyền thống nhưng mang tính chất lạc hậu như tục nối nòi, tục thách cưới, tục ở rể, tục phạt vạ khi vợ chồng bỏ nhau. Do đó, việc đưa Luật hôn nhân và gia đình vào cuộc sống là cuộc đấu tranh gian khổ và lâu dài vì nó vấp phải sức ỳ của các tập quán cũ rất lạc hậu, sự chống đối của tư tưởng phong kiến, gia trưởng, tuy nhiên, phải kế thừa được những yếu tố tích cực, tốt đẹp trong hôn nhân, gia đình các dân tộc như: Kính già, yêu trẻ, vợ chồng hoà thuận, anh chị em thương yêu nhau, quan hệ tốt với láng giềng, làng bản…

-Thứ ba: vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo… ở vùng dân tộc và miền núi cũng rất đáng quan tâm. Từ sau năm 1975 đến nay, tệ mê tín dị đoan và đạo giáo lại có chiều hướng phát triển khá nhanh. Một số dân tộc ít người ở vùng núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Sơn La) và phía Nam như Gia Lai, Kom Tum… đang là miếng đất phát triển của đạo tin lành. Đây chính là điều mà chúng ta cần quan tâm khi phổ biến giáo dục pháp luật để phát huy nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực và nhất là ngăn chặn được âm mưu xấu của kẻ thù trong việc tuyên truyền chống phá và chia rẽ các dân tộc trên đất nước ta.

-Thứ tư: nền văn hoá dân gian từ lâu đời đã có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt văn hoá tinh thần của tất cả các dân tộc. Nhất là với các dân tộc ít người thì văn hoá dân gian lại càng gắn bó. Ví dụ: trường ca Đam san, múa Rông chiêng ở Tây nguyên, hát lượn, múa ô, múa sạp, của đồng bào Thái, Tày, Nùng ở phía Bắc, chợ phiên của người H'mông… cho nên cũng cần phải có sự nghiên cứu, tìm tòi công phu để lựa chọn được những nội dung và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả thiết thực.

Thứ năm: vấn đề luật tục ở các dân tộc và luật pháp cần phải được nghiên cứu khoa học, trong mối quan hệ tổng hoà và biện chứng. Ai cũng biết rằng pháp luật là do Nhà nước ban hành và buộc mọi người phải tuân theo. Còn luật tục, phong tục lại do dòng họ hoặc trưởng tộc đặt ra và kế truyền từ đời này sang đời khác. Có một sự thật hiển nhiên là đồng bào dân tộc nhiều nơi do "đói luật", song lại tuân thủ các luật tục, phong tục của họ một cách rất tự giác và nghiêm chỉnh. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải giáo dục pháp luật với những hình thức phù hợp, trên cơ sở kế thừa và chọn lọc các luật tục, phong tục tích cực để pháp luật của Nhà nước được thực hiện tốt hơn.

Đối với mô hình trên đây, tác giả đã nêu bật các điều kiện kết hợp giữa sinh hoạt truyền thống với phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc như sau:

 

+Phải xác định rõ đặc điểm của các dân tộc ở miền núi. ý nghĩa của điều kiện này là nếu không xác định được rõ đặc điểm của các dân tộc miền núi, sẽ không thể chọn lựa được các nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả.

+Nghiên cứu, kế thừa được các yếu tố hợp lý của luật tục ở các dân tộc. Đây là một quan điểm đúng đắn vừa có tính lịch sử và vừa có tính toàn diện, phù hợp với các quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lên Nin. Chúng ta không phủ nhận các luật tục, phong tục mà phải nghiên cứu, chọn lọc để kế thừa những yếu tố, những mặt tích cực của luật tục phong tục. Trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước và đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trên phạm vi quốc gia.

+Tranh thủ và phát huy vai trò của các trưởng bản, già làng, trưởng tộc, trưởng họ… trong phổ biến giáo dục pháp luật; Nên coi trọng việc sử dụng mạng lưới quyền lực của họ trong quản lý, điều hành các công việc trong họ tộc, làng bản. Muốn vậy phải tranh thủ được họ và phải có chế độ chính sách phù hợp, đồng thời phải giao cho ngành Tư pháp việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên và nề nếp cho họ. Có như vậy mới tạo ra một lực lượng đông đảo, gần gũi với đồng bào dân tộc khi phổ biến giáo dục pháp luật.

Riêng đối với ngành Tư pháp và các ngành hữu quan trên cơ sở chức năng của mình cần xác định đúng những nội dung pháp luật cần thiết để phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng núi và đồng bào dân tộc - với những hình thức, phương pháp thích hợp; Phải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và kiến nghị được với Đảng, Nhà nước có những biện pháp khả thi đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc như: cấp kinh phí chuyên biệt cho công tác này, chính sách đãi ngộ với các trưởng bản, già làng, trưởng tộc, trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, có biên chế ổn định cho Tư pháp xã, phường… Mặt khác, phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Tư pháp với các ngành khác để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật.

d) Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua loại hình trường lớp ở miền núi và dân tộc vấn đề này được nghiên cứu xuất phát từ vai trò và ý nghĩa rất chiến lược của Đảng và Nhà nước ta cũng như các cơ quan chức năng trong việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng. Thực hiện chủ trương "đưa giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học từ phổ thông đến đại học trung học chuyên nghiệp và các trường của các đoàn thể nhân dân" theo chức năng của mình, từ năm 1983 đến nay hai ngành Tư pháp và Giáo dục - đào tạo đã phối hợp từng bước để triển khai việc dạy và học pháp luật ở các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực tiễn đã chứng minh và khẳng định rõ ràng rằng giáo dục pháp luật trong các nhà trường là mô hình phổ biến giáo dục có hiệu qủa, có hệ thống và cần được nghiên cứu triển khai tốt ở khu vực miền núi và dân tộc ít người.

-Phạm vi và đối tượng giáo dục pháp luật ở chuyên đề này tập trung vào đối tượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú và trường phổ thông miền núi; Đối tượng người lớn trong các lớp xoá mù chữ; và sau xoá mù chữ, giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân và cán bộ quản lý giáo dục ở miền núi và dân tộc ít người.

-Nội dung nghiên cứu tập trung vào việc xác định những kiến thức cơ bản, tối thiểu, phổ thông về pháp luật cần giáo dục cho các đối tượng nói trên; Đồng thời xác định được yêu cầu về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục pháp luật.

 

-Quan trọng hơn cả là chuyên đề chú ý tới việc nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa ngành Giáo dục - đào tạo với ngành Tư pháp và các ngành khác để giáo dục pháp luật thông qua loại hình trường lớp ở miền núi.

ở miền núi và dân tộc ít người, ngoài các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh và một số huyện, còn có mô hình "lớp ghép" cho con em đồng bào dân tộc. Lớp ghép là trong cùng một lớp học có học sinh lớp 1, 2, 3 và do một giáo viên dạy. Kiểu lớp này là phù hợp, vì học sinh tại các làng bản có số lượng ít và thuận lợi, vì được Bộ giáo dục - đào tạo cấp kinh phí, được tổ chức UNESCO tài trợ.

Điều đáng quan tâm và cần nghiên cứu ở loại hình này mà các tác giả đề cập tới là ngoài các nội dung chương trình được xếp làm phần "cứng" (học bắt buộc), các địa phương miền núi đã có sáng tạo chọn, dạy cho học sinh những văn bản luật rất cần thiết đối với miền núi, dân tộc và phù hợp với lứa tuổi các em như Luật giao thông, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật hôn nhân và gia đình… Cá biệt có một số Sở tư pháp phối hợp với nhà trường và ngành chức năng dịch một số Luật ra tiếng dân tộc để học sinh học cho thuận tiện, như ở tỉnh Gia Lai (tiếng Gia lai, tiếng Ba na…).

Qua khảo sát, điều tra xã hội học ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên về chương trình, nội dung môn giáo dục công dân cho thấy: phần pháp luật nói riêng với học sinh dân tộc là quá nặng, quá nhiều nội dung. Các bài về pháp luật chưa phù hợp đặc thù học sinh dân tộc nên khó tiếp thu; Việc giành cho kiểm tra và thực hành 2 tiết là qúa ít. Do đó nhiều giáo viên kiến nghị nên tăng thời gian thực hành, cho học sinh đi thăm quan hoặc dự các giờ ngoại khoá. Xin đơn cử một ví dụ: khi hỏi 33/186 phiếu với học sinh học trường dân tộc nội trú thì chỉ có 17,7% học sinh thích học tất cả các bài trong chương trình. Điều này đặt ra cho các nhà giáo dục và Tư pháp vấn đề phải nghiên cứu và xây dựng lại chương trình sao cho phù hợp với đồng bào dân tộc và miền núi.

Chuyên đề đã đưa ra ba kiến nghị mà theo chúng tôi - cần được nghiên cứu để tham khảo, vận dụng vào thực tế, đó là:

+Đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật trong các trường nội trú tỉnh, mở rộng đến các trường phổ thông huyện, xã và các "trung tâm văn hoá cụm dân cư"; Đưa pháp luật vào các lớp ghép và cả các lớp xoá mù chữ.

+Cần xây dựng một chương trình chung cho các trường dân tộc miền núi, trong đó phải chú ý các yêu cầu: không tham về chương trình, nội dung đơn giản, dễ hiểu và thiết thực, chỉ nên dạy tinh thần các văn bản luật cần thiết; Phần "cứng" của chương trình cần dạy tri thức cơ bản, tăng phần "mềm" dành cho địa phương.

+ở những địa phương có điều kiện, nên biên soạn và dịch ra tiếng dân tộc.

Ngoài ra, mô hình giáo dục pháp luật với nội dung và chương trình cụ thể ở cả 3 cấp (I, II, III) và các lớp xoá mù chữ mà những người nghiên cứu chuyên đề đã đề cập cũng rất đáng quan tâm.

đ) Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật ở miền núi: Để thực hiện và áp dụng có hiệu quả các mô hình giáo dục pháp luật đã nêu ở các phần a, b, c, d của đề tài, không thể không nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn về vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi dân tộc. Việc tổ chức và phối hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật là một quy luật tất yếu khách quan, đặc biệt là đối với các ngành Tư pháp (với tư cách là trung tâm, là đầu mối của sự phối hợp).

Trong tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật thực tiễn từ nhiều năm qua, vị trí, vai trò của ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương đều được khẳng định; Các chuyên đề của đề tài đều nhấn mạnh đến sự cần thiết và tác dụng của việc tổ chức phối hợp của ngành Tư pháp. Có thể nói rằng, không thể tiến hành công tác phổ biến giáo dục pháp luật mà lại không có sự tổ chức phối hợp, với lý do đó chuyên đề đã đi sâu phân tích, lý giải một số mô hình phối hợp đã có và đã phát huy tác dụng hoặc còn hạn chế ở các tỉnh miền núi và dân tộc như:

-Hội đồng phối hợp (cấp tỉnh, huyện).

-Ban chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật (cấp tỉnh, huyện).

-Phối hợp song phương (hai bên với nhau).

-Phối hợp đa phương (nhiều bên).

-Phối hợp theo chức năng (từng cơ quan, ngành với nhau).

-Phối hợp theo chỉ thị, nghị quyết của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân các cấp.

Và tập trung vào 4 lĩnh vực cần phối hợp tốt ở miền núi là: giáo dục pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng và văn hoá thông tin cơ sở; Giáo dục pháp luật qua việc giải quyết các tranh chấp nhỏ (hoà giải) trong nội bộ nhân dân; Giáo dục pháp luật qua một số loại hình trường lớp (phổ thông, dân tộc nội trú, các trường Đoàn thể, trường hành chính…); Giáo dục pháp luật qua các hình thức các sinh hoạt truyền thống.

Điều đạt được của chuyên đề là đã khái quát được thực trạng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi, trên cơ sở đó phân tích một số mô hình phối hợp điển hình. Từ đó nghiên cứu và đề xuất những giải pháp có tính khả thi đối với công tác phối hợp giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc. Mặt khác, cũng góp phần làm rõ thêm nội dung, hình thức và cơ chế của việc phối hợp - trong đó điều cốt lõi là xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành Tư pháp, các ngành hữu quan trong tổ chức phối hợp giáo dục pháp luật.

III. Những kiến nghị và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc ít người.

 

Cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, việc nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và tác dụng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật 1 bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng tư tưởng của Đảng cho cán bộ, nhân dân nói chung và đồng bào các dân tộc ít người nói riêng không những là nhiệm vụ mà còn yêu cầu, mục tiêu của tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, với tư cách là đầu mối và trung tâm của việc tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật - ngành Tư pháp càng có vị trí và vai trò quan trọng.

Như đã trình bầy ở các phần trên của Đề tài, trong tất cả 6 chuyên đề, cùng với việc tập trung nghiên cứu lý luận, thực tiễn của thực trạng, mô hình và nội dung, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc các kiến nghị, đề xuất đều được nghiên cứu, cân nhắc và chọn lọc kỹ lưỡng. Các kiến nghị, đề xuất đều kèm theo những giải pháp cụ thể và khá cơ bản. Nếu những kiến nghị và giải pháp này được các cấp có thẩm quyền chấp nhận thì chắc chắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Đồng thời, đó cũng chính là những thuận lợi và bảo đảm cần thiết cho ngành Tư pháp và các ngành chức năng trong việc nâng cao dân trí pháp lý để đồng bào dân tộc "Sống và làm việc theo pháp luật".

Theo chúng tôi, có thể sắp xếp các kiến nghị, đề xuất theo các nhóm và theo thứ tự dưới đây:

1. Tăng cường sự lãnh chỉ đạo và hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương về phổ biến giáo dục pháp luật:

 

Đây là điều kiện và là biện pháp có tính quyết với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm giúp đỡ của các cấp Uỷ đảng, chính quyền địa phương… thì không thể tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu qủa được. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn này thể hiện ở các công việc sau:

-Cấp uỷ, chính quyền các cấp; các Bộ, ngành ở Trung ương phải kịp thời phê duyệt kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật ngắn hạn, dài hạn theo quý, năm hoặc theo đợt do ngành Tư pháp và Pháp chế ngành xây dựng và soạn thảo;

-Kịp thời ra các văn bản (Chỉ thị, Nghị quyết) để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật.

-Tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng việc tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, cá nhân ở ngành và địa phương… theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/ lần.

2. Nhanh chóng sắp xếp, ổn định bộ máy ngành Tư pháp từ Trung ương đến cấp xã, phường, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Một vấn đề đặt ra là, nếu không có một đội ngũ cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật (từ Trung ương đến cơ sở) thì dù có kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật rồi cũng không thể tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật được. Đây là định hướng có tính chất cơ bản, chiến lược và quyết định đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách phổ biến giáo dục pháp luật này phải đảm bảo yêu cầu:

+Đủ về số lượng và giỏi về chuyên môn (chuyên môn pháp lý; nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, am hiểu về miền núi và dân tộc).

+Chú trọng các nguồn chính như: cán bộ chuyên trách ở các phường phổ biến giáo dục pháp luật của Sở tư pháp, của pháp chế các ngành; báo cáo viên của ngành tuyên huấn, đoàn thể, văn hoá - thông tin; các phóng viên, biên tập viên báo đài; lực lượng giáo viên dạy pháp luật trong các trường; cán bộ làm công tác nghiệp vụ của 1 số ngành: Thuế, Kiểm lâm, Hải quan, Đất đai, Toà án, Kiểm sát, Công an, các trưởng bản, già làng…

Việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ này phải theo hướng đáp ứng yêu cầu trên. Ngay từ năm 1995, Nhà nước phải có sự đầu tư và quan tâm đúng mức về kinh phí, phương tiện chuyên biệt và một số chế độ đãi ngộ đặc biệt (với già làng, trưởng bản, với giáo viên dạy pháp luật và với phóng viên báo, đài địa phương).

3. ổn định và hoàn thiện một cơ chế thống nhất về phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật - Trong đó ngành Tư pháp là đầu mối và trung tâm của sự phối hợp.

 

Trên cơ sở trách nhiệm và chức năng của mình, ngành Tư pháp tham mưu, tư vấn cho cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân địa phương trong các khâu: Lập kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật định kỳ hoặc theo đợt; giúp cấp trên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương; làm đầu mối phối hợp; trực tiếp tham gia một số hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được giao; nêu các kiến nghị, đề xuất và giải pháp thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương; Tổng hợp kết qủa công tác này để báo cáo cấp Uỷ, Uỷ ban nhân dân địa phương và Bộ tư pháp.

4. Quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến cơ sở theo các hướng:

 

-Nghiên cứu về thực trạng và nhu cầu hiểu biết, sử dụng pháp luật của từng loại đối tượng đã được chọn lựa ở địa bàn miền núi, dân tộc.

-Phạm vi và hiệu qủa tác động, phương thức và điều kiện tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật (từng hình thức cụ thể trong đó chú trọng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật qua hoạt động báo chí - tuyên truyền, qua hoà giải qua các sinh hoạt truyền thống, qua 1 số loại hình trường lớp).

-Tập hợp được sự tham gia đông đảo của các cơ quan hữu trách: Uỷ ban dân tộc và miền núi, văn hoá thông tin, Tư pháp, báo, đài, các ngành kinh tế và đặc biệt phải tranh thủ được sự giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế có thiện chí.

5. Tập trung và đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin pháp luật (sách, báo, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật) và tư vấn pháp luật.

 

Phục vụ nhu cầu tìm hiểu, sử dụng pháp luật của cán bộ, nhân dân. Có chế độ "đơn đặt hàng" về việc biên dịch, in ấn và phát hành các sách văn bản, sách pháp luật phổ thông… bằng tiếng dân tộc; có trợ giá 1 phần của Nhà nước; nâng cao chất lượng các tủ sách pháp lý, các hoạt động tư vấn pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

6. Bảo đảm kinh phí chuyên biệt, cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và dân tộc ít người:

 

a) ở Trung ương: Trên cơ sở các Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch xây dựng pháp luật và phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, Bộ tư pháp phối hợp với Bộ tài chính lập kế hoạch kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật để trình Chính phủ duyệt. Sau khi kế hoạch kinh phí được duyệt, Bộ tài chính, các Sở tài chính cấp đủ số kinh phí cần thiết cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (giao cho ngành Tư pháp làm đầu mối).

b) ở địa phương: Ngoài ngân sách Trung ương cấp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm duyệt cấp kinh phí định kỳ hoặc theo đợt phục vụ phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương theo kế hoạch của Trung ương hoặc cấp uỷ, chính quyền điạ phương giao cho Sở tư pháp xây dựng. Phải đảm bảo được kinh phí hoạt động thường xuyên và trợ cấp ổn định cho các Trưởng ban, Già làng… hàng tháng. Đầu tư phương tiện giáo dục pháp luật cho các đội thông tin lưu động, nhà văn hoá, Ban tư pháp, câu lạc bộ, tủ sách pháp lý, các trường nội trú và các lớp xoá mù chữ.v.v..

7. Sau khi Đề tài được Hội đồng nghiệm thu, Bộ trưởng Bộ tư pháp duyệt chủ trương và đầu tư về cán bộ và kinh phí để triển khai thực hiện ở một số tỉnh. Trước mắt tổ chức áp dụng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật thông qua báo chí - tuyên truyền thông tin lưu động (phối hợp với Bộ văn hoá thông tin) và thông qua các trường phổ thông dân tộc nội trú, các lớp xoá mù chữ (phối hợp cùng các Vụ chức năng của Bộ Giáo dục - Đào tạo).

 

 

chuyên đề 1

thực trạng phổ biến giáo dục

pháp luật ở miền núi và đồng bào

dân tộc ít người và nhận định về mô

hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu qủa

 

Thực hiện: Nguyễn Duy Lãm

 

Nguyễn Đắc Bình

Hoàng Đức Thắng

 

I/ Thực trạng nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và một số dân tộc ít người.

 

Từ sau Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước đang đặt ra yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt nam xã hội chủ nghĩa, đưa xã hội vào nề nếp, trật tự kỷ cương. Thực hiện mục tiêu và yêu cầu đó không chỉ liên quan đến việc phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có khả năng thực thi - mà còn phải quan tâm đến một nhiệm vụ và yêu cầu chiến lược rất cơ bản, rất quan trọng có tính lâu dài là xây dựng cho được một xã hội công dân, trong đó tất cả mọi người, mọi tầng lớp nhân dân đều tự giác và tôn trọng pháp luật, thực hiện tốt pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật.

Từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao (Nghị định số 38-CP ngày 4/6/1993) cho ngành Tư pháp. Bên cạnh các mặt công tác khác, công tác phổ biến giáo dục pháp luật giữ vị trí quan trọng trong công tác giáo dục chính trị của Đảng, vì thế, phải đẩy mạnh việc phổ biến giáo dục pháp luật một cách thường xuyên, rộng khắp và có hệ thống trong mọi đối tượng cán bộ, nhân dân, với tất cả các điều kiện và phương tiện hiện có của Nhà nước. Trong những đối tượng cần chú trọng và tập trung phổ biến giáo dục pháp luật phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng cán bộ, nhân dân khu vực miền núi và đồng bào dân tộc ít người. Việc phổ biến giáo dục pháp luật cần tiến hành đồng thời với việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước một cách phù hợp, thiết thực có hiệu quả với đặc thù miền núi và dân tộc.

Thực tiễn và lý luận của công tác phổ biến giáo dục pháp luật những năm qua cho thấy - mặc dù Đảng và Nhà nước ta cũng như nhiều cấp ngành từ Trung ương đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, các văn bản pháp quy quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi trong đó có việc giáo dục pháp luật để nâng cao dân chí pháp lý nói chung và nói riêng cho cán bộ miền núi và đồng bào dân tộc), đã tập trung đầu tư kinh phí vật chất không nhỏ để phục vụ những nhiệm vụ nói trên; song tình hình tôn trọng và thực hiện pháp luật ở vùng miền núi hiện nay đang là vấn đề rất đáng quan tâm, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, tảo hôn, xưng vua, mê tín dị đoan, cờ bạc, chặt phá rừng bừa bãi, du canh du cư, bệnh tật .v.v. và các vi phạm pháp luật khác vẫn xảy ra. Điều nhức nhối, nóng bỏng nhất là cùng với việc kinh tế phát triển, chậm lại đi đôi với trình độ dân trí quá thấp, nạn mù chữ và tái mù chữ có lúc tới 70%. ở một số tỉnh vùng cao cá biệt có nơi tới 93% mù chữ, trẻ em bỏ học ngày càng nhiều, trình độ cán bộ quản lý cấp xã văn hoá chỉ lớp 4, 5 còn lại hầu như chưa hết phổ thông cơ sở (tất nhiên trong đó cả cán bộ làm Tư pháp xã)… Vì thế, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành từ lâu nhưng chưa được phổ biến giáo dục đến dân, ngay cả các đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quy mô, có kế hoạch, có kinh phí cấp từ Trung ương nhưng việc tổ chức nghiên cứu cũng chỉ đến được cấp huyện 30% và rất ít cán bộ cấp xã (5%). Còn đối tượng nhân dân thì chỉ từ 2 - 3% (nhưng cũng chỉ ở những nơi có điều kiện).

Tình hình trên đây đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ngành Tư pháp và các ngành hữu quan là phải nghiên cứu, đánh giá một cách chính xác, có cơ sở khoa học về tình hình, thực trạng việc phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi để từ đó có kế hoạch, nội dung biện pháp giáo dục pháp luật phù hợp; có sự phối hợp đồng bộ thường xuyên của ngành Tư pháp với các ngành khác để phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở miền núi và đồng bào dân tộc trên phạm vi toàn quốc.

Qua khảo sát và điều tra xã hội học bằng phiếu ở 8 tỉnh miền núi và dân tộc ít người, với một số dân tộc điển hình ở phía Bắc, miền Trung, khu 4 cũ và Tây nguyên như: dân tộc Khùa, Sách, Mường, Thái, Mông, Vân kiều, Pacô, Nguồn, Dao, Khơmú, Cao lanh, Tày, Gia rai, Bana… cho thấy:

-Với đối tượng là cán bộ cơ sở: 96/188 phiếu khi hỏi về trình độ văn hoá chỉ từ lớp 5 đến lớp 7 là: 51,0%; lớp 7 đến 10 (kể cả bổ túc) là 84/188 = 44,6%; cao đẳng: 8/188 = 4,4%; đại học 0%.

-Trong số cán bộ được khảo sát, tập chung có 6 đối tượng sau:

+Tư pháp xã, huyện 30/188 = 15,9%

+Hoà giải 38 = 20,2%

+Chính quyền 29 = 15,4%

+Đoàn thể 46 = 24,4%

+Hưu trí 14 = 7,4%

+Giáo viên 31 = 16,4%.

Khi hỏi về nguyên nhân vi phạm pháp luật thì 62% ý kiến cho rằng vi phạm pháp luật là do đời sống kinh tế khó khăn, 45,7% cho rằng vì không biết pháp luật nên vi phạm, 40,4% cho rằng vì pháp luật không được phổ biến giáo dục pháp luật kịp thời.

Nội dung pháp luật cần được phổ biến giáo dục, tỷ lệ cao nhất là Hiếp pháp (52,1%), Luật hôn nhân và gia đình 51%, Luật đất đai 50%, Luật bảo vệ và phát triển rừng 47,3%, các quyết định của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân địa phương chỉ có 18,6%.

Cũng qua khảo sát, có thể xác định được các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật dưới đây là có ưu thế hơn cả:

-Tuyên truyền miệng 94,6%, qua hoà giải 73,4%, qua lễ hội 66,7%, qua ngày văn hoá dân tộc 48,9%, qua phiên chợ 75%, qua thi tìm hiểu pháp luật 94,1%.

Những cơ sở pháp lý của việc nhận thức:

 

Trong nhiều năm qua, tại các Đại hội Đảng và Hội nghị Bộ Chính trị, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng các khoá đã có nhiều Nghị quyết quan trọng định hướng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và khu vực miền núi nói riêng. Như Nghị quyết 22 Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội miền núi ngày 22/11/1989. Và Quyết định 72 của Chính phủ ngày 13/3/1990 về một số chủ trương chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Trong đó đều xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đứng trên quan điểm toàn diện và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã xác định: "Coi trọng giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, Đại học) của các đoàn thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ Trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho nhân dân…".(1)

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1990) một lần nữa khẳng định: "Điều quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, thường xuyên giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong nhân dân".(2)

 

Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ III Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười cũng nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng Đảng viên phải được tiến hành đồng bộ trên cả mọi mặt: Giáo dục Đảng viên về lý luận chính trị, về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, về quản lý kinh tế, xã hội, về nghiệp vụ, chuyên môn…".

Thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 1980, 1992 đều quy định một nhiệm vụ của Chính phủ "tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền Hiếp pháp và pháp luật trong nhân dân".

Ngày 7/12/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Chỉ thị số 315 - CT-HĐBT về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, chỉ thị chỉ rõ: "Thủ trưởng các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp cần nhận rõ tuyên truyền giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là biện pháp chủ yếu để xây dựng ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phải có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào nề nếp, thường xuyên".

"Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, mà cũng là trách nhiệm của các cơ quan, trước hết là các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí và các đoàn thể…".

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 315 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ngày 22/10/1987 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành tiếp Chỉ thị số 300-CT-HĐBT về một số biện pháp cấp bách nhằm quản lý xã hội bằng pháp luật; Chỉ thị khẳng định: "Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân theo Chỉ thị số 315- CT ngày 7/12/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng".

Ngoài các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các luật hoặc Nghị định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội đều có quy định về nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật:

-Luật Công đoàn (Điều 4, khoản 2): "Công đoàn có trách nhiệm tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật; giáo dục người lao động ý thức chấp hành và tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, tích cực xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc…".

-Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định tại Điều 4 "Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với các cơ quan, tổ chức (Công an, Thanh tra, Tư pháp, Toà án, các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội) trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, xây dựng pháp luật, thống kê nghiên cứu các tội phạm…".

-Luật Báo chí quy định tại Điều 6 về nhiệm vụ và quyền hạn của Báo chí: "Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Phát hiện biểu dương gương tốt, nhân tố mới, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác…".

Riêng đối với ngành Tư pháp, ngoài một số nhiệm vụ cụ thể được Chính phủ giao trong Chỉ thị 315 (ngày 7/12/1982) và Chỉ thị 300 (ngày 22/10/1987) về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật. Nghị định số 143 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 22/1/1981 cũng như Nghị định 38-CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ tư pháp đã quy định tại Điều 1: "Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thống nhất về công tác tư pháp, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật…".

Khoản 6 Điều 2 Nghị định 38 - CP quy định: "Trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến giáo dục pháp luật dài hạn và hàng năm, phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học…".

Từ những cơ sở pháp lý của việc nhận thức về vị trí, vai trò của tuyên truyền giáo dục pháp luật như đã nêu trên, có thể khẳng định rằng Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, đồng thời, cũng có những quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành về tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Song các cấp, các ngành và đặc biệt là các cấp, ngành có trách nhiệm chính trong tuyên truyền giáo dục pháp luật và phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật có nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của tuyên truyền giáo dục pháp luật hay không, có coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành và cấp mình hay chỉ coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của một hoặc vài ngành nào đó dẫn đến nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của phổ biến giáo dục pháp luật. Vì thế việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao. Thực trạng này cần phải được nghiên cứu, phân tích rõ để trên cơ sở đó đặt ra những giải pháp đúng hơn trong việc xác định nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật sao cho có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Nhà nước nói chung và ở khu vực miền núi nói riêng trong tiến trình đổi mới hiện nay của đất nước.

II/ Thực trạng tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật:

 

1. Xây dựng và tổ chức lực lượng làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật

 

Trong số 53 Sở tư pháp trên phạm vi toàn quốc thì có gần 20 Sở tư pháp thuộc các tỉnh miền núi. Qua nhiều bước thăng trầm về tổ chức, từ năm 1990 trở lại đây hệ thống tổ chức ngành Tư pháp từ Trung ương đến cơ sở mới đi vào ổn định và từng bước củng cố.

Với chức năng là cơ quan có trách nhiệm chính trong phổ biến giáo dục pháp luật, ngay từ khi thành lập lại ngành theo Nghị định 143 của Hội đồng Bộ trưởng (1981) Bộ tư pháp đã rất chú trọng đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Vụ phổ biến giáo dục pháp luật (trước là Vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật), Nhà xuất bản pháp lý, Báo pháp luật và Tạp chí Dân chủ - pháp luật được thành lập chứng tỏ sự nhận thức đúng đắn và sự quan tâm của Nhà nước với công tác này. ở các Sở Tư pháp, sau khi thành lập cũng có ngay phòng phổ biến giáo dục pháp luật hoặc ghép với phòng văn bản pháp quy, với số cán bộ từ 3- 5 đồng chí. Tuy nhiên, thực trạng lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các Sở tư pháp miền núi hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm: qua khảo sát ở các tỉnh: Gia lai, Kon tum, Thừa thiên - Huế, Quảng bình, Sơn la, Lào cai… cho thấy chỉ có từ một đến hai cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhưng kiêm nhiệm cả công tác văn bản pháp quy, thậm chí có nơi kiêm nhiệm cả công tác tổ chức… cho nên cùng với việc chú trọng xây dựng tổ chức và lực lượng cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật một số Sở tư pháp đã chú ý và tạo điều kiện vật chất ban đầu cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (phương tiện, kinh phí, bồi dưỡng cán bộ..).

Cho đến nay, trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật lại càng có vị trí quan trọng, đòi hỏi phải được đổi mới về cả nội dung, phương thức, đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật, lực lượng cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi. Về biên chế, nếu không thành lập được phòng phổ biến giáo dục pháp luật riêng cũng phải có 3, 4 đồng chí chuyên trách phổ biến giáo dục pháp luật. Thực tế đã chỉ rõ rằng, từ Văn bản của Đảng và Nhà nước đến nhận thức đúng đắn và sau đó là đến hoạt động chỉ đạo, thực hiện là những khoảng cách còn rất xa, là cả một quá trình nhận thức, việc làm cụ thể của các cấp, các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, của những tổ chức, những con người gắn bó với sự nghiệp này.

2. Nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật:

 

a) Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật:

 

Đây là vấn đề quan trọng, cốt lõi của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nét chung về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay không chỉ ở khu vực miền núi và trên phạm vi toàn quốc là:

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản có hệ thống, tập trung giới thiệu, giải thích rõ các tư tưởng, quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền và các văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật hiện hành (nội dung này được quán triệt, chỉ đạo thống nhất ngay từ khi xây dựng văn bản dự thảo đến khi công bố văn bản và suốt cả quá trình thực hiện pháp luật).

+ Phổ biến, giáo dục pháp luật ứng dụng: Giải thích, hướng dẫn pháp luật trong hành vi, trong đời thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân; phản ánh quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống.

+ Thông tin, phản ảnh những kiến nghị, đề xuất của nhân dân với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.

Đó là những nội dung chính, khái quát trong phổ biến giáo dục pháp luật. Song bên cạnh đó, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn được các Sở tư pháp, các ngnàh từ Trung ương đến điạ phương chọn lựa sao cho phù hợp để phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả như: tập trung chuyên sâu một nội dung, một chuyên đề cho một hay nhiều nhóm đối tượng.

Riêng ở miền núi, thực trạng nổi bật là nội dung phổ biến giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, thiếu tính hệ thống. Các Bộ luật cơ bản, quan trọng tuy đã được Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo nhưng cũng chỉ làm được ở cấp tỉnh (cho báo cáo viên, cho cán bộ chủ chốt) và ở một vài huyện, còn cấp xã và các cụm dân cư khác không triển khai được (kể cả Hiến pháp 1992, Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động…) Ngay cả ở một số địa phương có phong trào khá, được cấp Uỷ chính quyền quan tâm chỉ đạo tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật như: Cao bằng, Sơn la, Lào cai, Yên bái, Gia lai, Quảng bình… Song việc triển khai phổ biến giáo dục pháp luật cũng chỉ dừng ở thực trạng trên.

b) Các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật (xem bảng 1 trang11)

 

Thực tế công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi những năm qua cho thấy, với sự năng động, sáng tạo của các Sở tư pháp, các cơ quan hữu quan, nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Có thể khẳng định là dù còn có những hạn chế nhất định nhưng những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đã ngày càng được mở rộng và phát huy được tác dụng, phù hợp với đặc thù miền núi. Hình thức tuyên truyền miệng được sử dụng rộng rãi và phù hợp với các Hội nghị, tập huấn, sinh hoạt và toạ đàm theo nhóm nhỏ dân cư làng bản, qua hoà giải. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trên báo, đài, thông tin cổ động cũng rất phù hợp ở miền núi trong các ngày lễ hội, trợ phiên, tết cổ truyền… cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Các câu lạc bộ pháp luật (tổ chức sinh hoạt theo giới, độ tuổi, theo chuyên đề…) tuy có tác dụng tốt ở đồng bằng, đô thị nhưng khó tổ chức ở miền núi vì khó khăn về địa điểm, báo cáo viên. Duy chỉ ở các tỉnh Tây nguyên là áp dụng được (sinh hoạt ở các nhà rông do các già làng chủ trì - tất nhiên, phải có tư pháp làm cố vấn). Thi tìm hiểu pháp luật có tác dụng rất tốt nhưng khó áp dụng ở miền núi. Các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật vừa là mô hình tốt đồng thời còn là biện pháp tốt để tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả. Hình thức này được áp dụng tốt ở các tỉnh Sông bé, Lào cai, Sơn la, Cao bằng, Yên bái… Còn ở các tỉnh khác, tuy không có Hội đồng phối hợp nhưng phối hợp theo chức năng hoặc song phương để phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương. Ưu điểm và hạn chế của hoại hình này sẽ được phân tích ở chuyên đề "Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật".

Muốn phổ biến giáo dục pháp luật có hệ thống, có tính chiến lược lâu dài, phải tính đến hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc dạy và học pháp luật ở các loại trường, nhất là các trường phổ thông trung học dân tộc nội trú, trường phổ thông cơ sở… (hình thức này được nghiên cứu kỹ ở chuyên đề giáo dục pháp luật thông qua các trường).

 

 

Biểu 1

 

 

TT

 

Năm

Các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật

 

Ghi chú

Miệng

Câu lạc bộ PL

Hội đồng phối hợp

Bản tin sách báo

Đưa PL vào T.H

Qua báo đài

Thi tìm hiểu PL

Hình thức khác

1

1983

40/40

 

14/40

26/40

1/40

     

Năm 1983 đến 1990 chỉ có 40 tỉnh, thành.

2

1985

40/40

16/40

18/40

36/40

6/60

14/40

6/40

 

3

1987

40/40

16/40

18/40

36/40

8/40

16/40

8/40

 

4

1988

40/40

5/40

18/40

 

24/40

20/40

3/40

 

5

1989

               

1989 do biến động bộ máy ngành nên 0 có số liệu

6

1992

53/53

4/53

10/53

6/53

53/53

53/53

4/53

 

7

1993

53/53

-

8/53

6/53

-

-

2/53

 

8

1994

53/53

-

-

8/53

-

-

3/53

 

 

 

III/ Một số đặc điểm kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực miền núi và dân tộc ít người mà công tác phổ biến giáo dục pháp luật cần chú ý:

 

Trên đây, chúng tôi đã trình bày về thực trạng chung của đời sống đồng bào dân tộc miền núi và vùng cao cũng như về thực trạng phổ biến giáo dục pháp luật trong một số năm qua. Từ thực tiễn khảo sát cũng như kinh nghiệm phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các cán bộ trực tiếp làm công tác này đều thống nhất một khẳng định luận, đó là: đời sống văn hoá - xã hội - kinh tế - pháp lý của đồng bào miền núi và dân tộc ít người có những đặc thù riêng khác hẳn với khu vực miền xuôi nói riêng và các địa bàn khác trên toàn lãnh thổ nói chung. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật muốn đạt hiệu xuất cao cả về mục tiêu giáo dục tri thức pháp lý cũng như giảm các điều kiền chi phí vật chất cần thiết, nhất thiết phải tìm hiểu kỹ lưỡng và tận dụng các đặc thù riêng có này. Phân tích sâu hơn về luận điểm trên, dưới đây chúng tôi xin tổng kết từ thực trạng khảo sát một số đặc điểm về kinh tế - văn hoá - xã hội của đồng bào dân tộc ít người mà theo chúng tôi, các đặc điểm này có ý nghĩa mật thiết đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đồng bào dân tộc ít người hiện nay.

1/ Các dân tộc ở miền núi, vùng cao có đời sống rất thấp kém. Về kinh tế đói ăn triền miên và phổ biến, (nhiều dân tộc tại một số địa phương đói ăn từ 8 đến 9 tháng/năm). Về văn hoá tinh thần, đa số dân mù chữ. Nền kinh tế mang tính tự cấp tự túc là chủ yếu do đó dẫn đến sự biệt lập cao giữa các khu vực dân cư. Người dân sống trong các thôn, bản chỉ có nhu cầu giao lưu tình cảm, ít có nhu cầu tiếp thu các tri thức, văn hoá, các chuẩn mực mới (trong đó có pháp luật). Tâm lý dân tộc tự ty, hẹp hòi rất phức tạp và xử sự chủ yếu mang tính cảm tính (chữa bệnh ở bệnh viện khỏi rồi về cúng tạ ơn Trời).

2/ Do địa dư hành chính rất rộng, phương tiện giao thông khó khăn nên ở miền núi và vùng cao, đơn vị xã chưa thực sự đóng vai trò đơn vị hành chính cấp cơ sở mà có thể coi thôn, bản vùng cao là đơn vị cơ sở (có thôn, bản cách trung tâm xã đến 4 ngày đi bộ).

3/ Tâm lý dân tộc chiếm địa vị độc tôn trong suy nghĩ của người dân tộc; tâm lý này bao gồm các tư tưởng dân tộc cục bộ và dân tộc địa phương. Các cộng đồng, các cụm dân cư, các dòng họ có phong tục, tập quán, nghi lễ riêng.

4/ Phong tục tập quán nói chung và luật tục địa phương nói riêng rất phong phú. Luật tục không chỉ mang tính dân tộc mà còn mang tính khu vực. Luật tục có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống đồng bào dân tộc và bao gồm cả các luật tục tốt, có ý nghĩa tích cực như lễ xuống đồng, quy ước phòng ngừa kẻ gian, cứu giúp lẫn nhau… Song cũng có nhiều hủ tục như thách cưới nặng nề, tang ma kéo dài, bắt cóc trả nợ… cần được sàng lọc kỹ lưỡng.

5/ Các dân tộc có vốn văn hoá dân gian riêng và có tín ngưỡng dân tộc riêng với nhiều nét tri thức văn hoá dân tộc tiến bộ như các chỉ dẫn (từ nhiều đời xưa) về hạn chế sinh đẻ, về nhân giống gia súc…. song nhiều năm về trước vốn văn hoá này từng bị đồng nghĩa với mê tín dị đoan (nhất là các lễ hội và các hoạt động của thầy mo, thầy cúng) và bị phá huỷ, dẫn đến bỏ trống môi trường cho các đạo giáo ngoại lai xâm nhập. Điển hình cho điều này là thực trạng nhiều vùng tại các tỉnh biên giới phía bắc nước ta đã bị đạo Tin lành, Thiên chúa giáo lợi dụng và xâm nhập nặng nề, thu hút rất đông đồng bào dân tộc đi đạo và tin theo đạo. ở đây một điểm đáng lưu ý là phương thức tuyên truyền đạo tin lành vào vùng đồng bào dân tộc tỏ ra rất có hiệu quả. Sơ lược phân tích, phương pháp tuyên truyền này có mấy điểm chính như sau:

- Giản lược kinh thánh và chia thành nhiều tập nhỏ (mỗi tập chừng vài ba trang).

- Dân ca hoá kinh thánh.

- Cho Cha đạo đi rao giảng tới tận làng bản.

- Lợi dụng già làng trưởng bản làm công cụ tuyên truyền.

- Chú trọng truyền miệng trực tiếp, đặt ra nhiều khúc hát và tranh ảnh.

- Phát, tặng không quà và radio (để bắt đài nước ngoài tuyên truyền đạo thiên chúa bằng tiếng dân tộc).

- Trong kinh thánh, răn dạy đồng bào bỏ bớt hủ tục, chăm lao động, bỏ trộm cắp, yêu kính người già….

Vậy nên chăng muốn đẩy lùi ảnh hưởng các đạo giáo ngoại lai, cần khích lệ văn hoá truyền thống.

6/ Vai trò già làng, trưởng bản là cực kỳ quan trọng, tác động tới mọi mặt của đời sống đồng bào dân tộc. Thực tế khảo sát cho thấy những vị này là người có khả năng nhất về thời gian, điều kiện tiếp xúc, uy tín, hiểu biết tâm lý dân tộc và quyền uy để giúp phổ biến, tuyên truyền pháp luật.

7/ Tại khu vực miền núi vùng cao có hai loại hình kinh tế là loại hình kinh tế nương rẫy và loại hình kinh tế ruộng nước với 3 vùng dân cư khác nhau là vùng nông thôn vùng cao, vùng nông thôn vùng trung và thấp, vùng thị trấn thị xã. Mỗi vùng, mỗi loại hình kinh tế có môi trường xã hội, phong cách ứng xử và tâm lý phong tục khác nhau. Mỗi vùng có một công cụ tuyên truyền có hiệu quả nhất: ở thị trấn thị xã là ti vi; ở nông thôn vùng thấp là radio (đài Trung ương và đài địa phương); ở nông thôn vùng cao là radio và truyền miệng trực tiếp.

8/ ở khu vực dân tộc, có 3 thiết chế chi phối đời sống dân tộc.

a. Thiết chế gia đình, với hai thành viên đóng vai trò quan trọng nhất là chủ gia đình và người già (người cao tuổi nhất trong gia đình).

b. Thiết chế dòng họ, với đối tượng quan trọng nhất trong thiết chế này là: Trưởng họ: đóng vai trò thủ lĩnh cả về kinh tế, văn hoá, tinh thần, quyết định ý thức và hướng đi của cả dòng họ.

Bà cô: là tàn dư của chế độ mẫu hệ, phần nào đóng vai trò người bảo vệ ý thức dòng họ của cả họ, là người duy nhất có quyền thay đổi luật tục (trong dân tộc Hmông) và có tác động rất mạnh tới các vấn đề hôn nhân và gia đình.

c. Thiết chế cộng đồng bản, với các đối tượng quan trọng nhất là:

+ Về mặt tổ chức, các thôn bản vùng cao thường có hai vị đóng cùng một vai trò như trưởng làng. Ví dụ như đối với dân tộc Hmông, mỗi thôn, bản có hai vị trưởng làng:

Seo phải (tương đương lý trưởng miền xuôi).

Lùng thầu: đóng vai trò trưởng bản, trực tiếp tổ chức thực hiện mọi công việc chung.

+ Về mặt ý thức, tín ngưỡng: thầy mo, thầy cúng.

+ Về mặt tri thức: tại mỗi cộng đồng bản thường có một người có hiểu biết sâu về văn hoá, tri thức của cộng đồng, được cộng đồng công nhận như người đại diện về văn hoá tinh thần do cả cộng đồng. Ví dụ như trong các thôn bản vùng cao của người Hmông có tráng kê là người cãi lý, nắm chắc lịch sử truyền thống dân tộc cũng như lý lẽ, lập luận, tri thức chung để biện bác khi cần cho cả cộng đồng (nói cách khác, đây là người nắm "cái lý của người mèo").

9/ Phương tiện chủ yếu đóng vai trò điều chỉnh thiết chế cộng đồng bản nói trên là các bản QUY ƯớC (tương tự như Hương ước của các làng miền xuôi); Nội dung chủ yếu trong các bản quy ước gồm 4 vấn đề sau:

- Bảo vệ trị an.

- Bảo vệ rừng.

- Chăn thả gia súc (và cấm thả rông gia súc).

- Các công việc ít của cộng đồng. Và một số công việc khác.

Quy ước này thường do chính quyền địa phương dựa trên các quy định của pháp luật và luật tục địa phương xây dựng nên, có vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh hành vi xử sự hàng ngày của bà con dân tộc.

10/ Đặc điểm văn hoá của đồng bào dân tộc là văn hoá theo mùa vụ. Do các điều kiện khách quan nên việc sản xuất ở vùng cao chỉ có thể tiến hành theo mùa vụ nên thì giờ nhàn rỗi và lễ hội cũng tập trung vào 1 mùa trong năm (tháng 10 - tháng 4). Do đó các hoạt động tuyên truyền trái mùa này sẽ khó thu hút được đồng bào.

IV/ Vài nét về mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả:

 

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực miền núi nói chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng. Nhiều phương thức phổ biến giáo dục đã được triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó nổi bật là các phương thức phổ biến giáo dục pháp luật qua công tác hoà giải, qua giáo dục pháp luật trong nhà trường, qua báo chí tuyên truyền, qua các sinh hoạt văn hoá truyền thống, qua việc phủ sóng phát thanh và truyền hình tới các điạ phương vùng sâu, vùng xa…(Phân tích đánh giá cụ thể về các phương thức này sẽ được trình bầy chi tiết trong các chuyên đề tiếp sau của đề tài). Có thể nói rằng mỗi phương thức đều có những nét ưu việt riêng về khả năng tuyên truyền tri thức pháp lý cũng như có lợi thế riêng về công tác tổ chức kỹ thuật. Song không một phương thức nào trong các phương thức kể trên có thể đảm đương một cách độc lập vai trò phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi và đạt được hiệu quả tổng hợp thay thế cho tất cả các phương thức khác. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định được một phương thức chung nhất khả dĩ có thể đảm đương vai trò phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi hay nói cách khác là xây dựng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả ở miền núi và một số dân tộc ít người. Xuất phát từ thực tế khảo sát và tổng kết kinh nghiệm phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương những năm qua, chúng tôi thấy rằng không thể có một mô hình chung cứng nhắc cho việc phổ biến giáo dục pháp luật tại mọi đơn vị cơ sở thuộc địa bàn miền núi, vùng cao mà phải áp dụng một mô hình có tính linh hoạt, dễ áp dụng và dễ cải biến cho phù hợp thực tế địa phương.

 

Chúng tôi xin đưa ra một mô hình khung để các địa phương có thể vận dụng trong phổ biến giáo dục pháp luật.

Sơ đồ về nội dung của mô hình "Khung"

 

 




 

 


Mô hình khung

 

 

 

 

GDPL qua trường học

Trường Trường Trường khác

phổ thông Dân tộc

nội trú

 

 

Giáo dục pháp luật qua sinh hoạt truyền thống

 

 

 

Già làng Lễ hội Ngày văn hoá

Trưởng bản

 

GDPL qua tổ hoà giải

 

 

 

Tổ Tổ Tổ

3 người 5 người 7 người ….

 

 

 

GDPL qua báo chí tuyên truyền

 

 

Báo Trung ương

Báo địa phương

Đài phát thanh …..

 

GDPL qua phương thức riêng của địa phương

 

"Quy ước hoá" luật

thực định

Đội thông tin cơ sở

…………….

 

Phương thức khác

 

 

Hỗ trợ song song từ nguồn nước ngoài

Tuyên truyền bằng khuyến khích vật chất

…………………..

 

 

Theo ý kiến riêng của chúng tôi, có thể coi mô hình "khung" nói trên là một mô hình nhiều cấp trong đó "mô hình khung" tự nó là mô hình cấp I, các phương thức tuyên truyền (như giáo dục pháp luật qua trường học) là mô hình cấp II và các giải pháp cụ thể (như giáo dục pháp luật qua trường dân tộc nội trú) là các mô hình cấp III. Trên cơ sở mô hình khung này các địa phương có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp và có hiệu quả.

Tuy nhiên, từ một số nhận xét thực tế nêu trên, kết hợp với các nghiên cứu đã có của đề tài và nguyện vọng của các cán bộ điạ phương, có thể khái quát nên một số đặc tính mà bất cứ một mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả nào - nên chăng - cần phải có. Nội dung cụ thể giản lược như sau:

1. Đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật cần được xác định rõ ngay là đồng bào miền núi trong đó trọng tâm là đồng bào dân tộc với thiểu số biết chữđa số mù chữ và tái mù chữ. Do đó, phương thức phổ biến giáo dục pháp luật nên:

a) Sống động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, sử dụng nhiều công cụ tượng thanh, tượng hình, tăng cường tối đa việc phổ biến giáo dục trực tiếp bằng miệng có minh hoạ.

b) Cần chú trọng tâm lý cục bộ dân tộc và cục bộ địa phương, khích động lòng tự tôn dân tộc; tập trung đối tượng tác động vào những người giữ các cương vị quan trọng trong 3 thiết chế cộng đồng dân tộc như đã phân tích trên.

c) Đặt mục tiêu là xây dựng những nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật lâu dài, bền vững cho đồng bào dân tộc thông qua việc nhấn mạnh những nội dung gần gũi với văn hoá truyền thống và luật tục dân tộc.

d) Phải tính tới các đặc trưng văn hoá, lối sống của các dân tộc vùng cao (ví dụ: Phổ biến bằng tiếng dân tộc và tập trung vào mùa vụ nông nhàn, mùa lễ hội…). Việc phổ biến giáo dục pháp luật cần làm thường xuyên và có hệ thống.

2. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật nên được xác định rõ những nội dung pháp luật nào cần được phổ biến giáo dục ở vùng cao, trong đó ưu tiên cụ thể theo thứ tự các nội dung nào. Trong những năm tới tập trung phương tiện và nhân lực để phổ biến giáo dục một số nội dung pháp luật gần gũi và thiết thực với đồng bào như Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, pháp luật về giao thông đường bộ, một phần Luật hình sự, Luật dân sự…

3. Việc phổ biến giáo dục pháp luật phải do nhiều mô hình cùng thực hiện mới có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, trong các mô hình nên chăng cần có sự đánh giá theo thứ tự ưu tiên để có định hướng tập trung đầu tư. Ví dụ, thứ tự ưu tiên một số mô hình có thể sắp xếp như sau:

1) Phổ biến giáo dục pháp luật qua trưởng bản, già làng và các nhân vật có uy tín khác trong cộng đồng dân tộc.

2) Qua các phương tiện thông tin đại chúng.

3) Qua các tổ hoà giải.

4) Qua việc dạy và học trong các trường phổ thông cơ sở, trường dân tộc nội trú.

5) Qua các lễ hội truyền thống.

6) Qua công tác truyền thông văn hoá với công cụ chủ chốt là các đội thông tin lưu động.

7) Qua việc xây dựng các bản quy ước thôn bản miền cao.

8) Các hình thức khác…

Có thể có lý thuyết chung về một mô hình song việc thực hiện mô hình đó lại tuỳ thuộc vào các điều kiện hoàn cảnh cụ thể địa phương và cộng đồng dân tộc nơi mô hình được áp dụng. Do đó, mô hình có hiệu quả cho từng địa phương nên được chính cơ sở xây dựng cho sát hợp thực tế (cấp tỉnh là phù hợp). Các cơ quan Trung ương chỉ tham khảo, định hướng và chỉ đạo thực hiện.

4. Trong mô hình được dự kiến nên có ngay phần dự liệu về các điều kiện đảm bảo thực hiện mô hình, đặc biệt là về cán bộ và tài chính. Các cán bộ thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật ngoài kiến thức chuyên môn nên được cơ quan chức năng địa phương huấn luyện về kiến thức có liên quan tới vùng dân tộc và đặc biệt là nên được dạy tiếng dân tộc. Các công tác chuẩn bị về kỹ thuật cũng cần phải được mô hình lưu tâm kỹ lưỡng hơn (ví dụ: tài liệu nên gồm những phần nào; bằng tiếng gì; tương quan giữa phần quy định luật gốc và phần hướng dẫn giải thích thế nào cho phù hợp….).

5. Việc phổ biến giáo dục pháp luật không thể tách rời với thực trạng chung về kinh tế - xã hội. Một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chỉ có thể đạt hiệu quả cao nếu dựa trên một hoàn cảnh kinh tế xã hội phù hợp. Do đó trong mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cần có phần giả thiết quy rõ mô hình này được nghiên cứu áp dụng cho môi trường cụ thể nào; các chỉ số, tiêu chuẩn để đánh giá xem môi trường thực tế có giống với môi trường giả định không; các điều kiện áp dụng mô hình (nếu có)… nhằm làm tăng tính khả thi của mô hình. Đặc biệt, nếu có thể nên chú trọng tương quan giữa luật thực định và luật tục dân tộc, biên soạn các tài liệu trong đó chuyển đổi các quy phạm luật thực định thành những quy định cụ thể, gần gũi và dễ hiểu hơn đối với đồng bào dân tộc đồng thời tiện dụng cho việc lấy thực tế tại các địa phương để chứng minh.

Ngoài các khía cạnh về mặt nội dung của mô hình như đã phân tích trên đây, mặt khác cũng hết sức quan trọng trong việc xây dựng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu qủa, đó là thủ tục nghiên cứu, đánh giá, thiết kế và xét duyệt mô hình. Xuất phát từ các phân tích đánh giá trên đây, theo chúng tôi, Nhà nước mà cụ thể là các cơ quan hữu trách cần có quy chế rõ ràng về việc chỉ đạo các địa phương tự xây dựng mô hình riêng cho mình dựa trên mô hình "khung" nói trên, sau đó xét duyệt và tổ chức phối hợp thực hiện (về điều này chúng tôi xin được trình bày rõ hơn trong một phần khác của đề tài).

V- Phương pháp và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả giáo dục pháp luật ở miền núi:

 

Trước đó, một số nhà khoa học lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật đã nghiên cứu và xác lập một công thức để tính toán hiệu quả của giáo dục pháp luật như sau:

a =

Trong đó, a là hiệu quả của giáo dục pháp luật.

b là trạng thái của đối tượng giáo dục sau khi tiến hành giáo dục (về tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật).

c là trạng thái của đối tượng trước khi tiến hành giáo dục (xét cả 3 mặt tri thức, tình cảm và hành vi pháp luật).

p là phí tổn vật chất và tinh thần trong hoạt động giáo dục pháp luật.

Theo chúng tôi, khó mà có một công thức chung để làm phương pháp hay tiêu chí đánh giá hiệu qủa của phổ biến giáo dục pháp luật. Bởi vì, xung quanh việc tính toán hiệu quả của phổ biến giáo dục, pháp luật còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng hiệu quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật là mức độ thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế. ý kiến khác lại cho rằng mục đích của một đạo luật hay một văn bản luật đạt được trong thực tế dưới sự tác động của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Một số ý kiến khác khẳng đinh: không thể tính toán được hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật - bởi lẽ sự hình thành ý thức pháp luật là kết quả của sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, không thể tách rời được.

Như vậy, muốn xác định được phương pháp và chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật, trước tiên cần có nhận thức đúng và thống nhất cả về mặt lý luận và thực tiễn của khái niệm hiệu quả giáo dục pháp luật, đó là kết quả có thể đạt được dưới sự tác động giáo dục định hướng để đạt được sự thay đổi ở đối tượng tác động về tri thức, tình cảm và hành vi tích cực pháp luật phù hợp với mục đích đặt ra và chi phí về vật chất, tinh thần ít nhất.

 

Từ khái niệm trên, qua thực tiễn chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy phương pháp để đánh giá hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật gồm các yếu tố chính sau:

a) Có kế hoạch chuẩn và định kỳ về phổ biến giáo dục pháp luật (quý, tháng, năm).

b) Có lực lượng cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật.

c) Biết tổ chức phối hợp với các ngành khác.

d) Có hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp, thiết thực.

đ) Có điều kiện đảm bảo cho phổ biến giáo dục pháp luật (kinh phí, phương tiện, sự quan tâm chỉ đạo…).

Cố nhiên, việc đánh giá hiệu quả của công tác này không chỉ dựa vào 5 yếu tố vừa nêu, mà còn cần phải xét đến mục đích cuối cùng mà hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật muốn đạt tới, đó là ý thức pháp luật của các đối tượng cần phổ biến giáo dục pháp luật, cụ thể ở đây là đồng bào các dân tộc ít người. Điều đó thể hiện ở sự hiểu biết pháp luật, thái độ chấp hành pháp luật và hành vi ứng xử hàng ngày của đối tượng giáo dục pháp luật cao hay thấp? Tỷ lệ vi phạm pháp luật tăng hay giảm? Pháp luật có đi vào cuộc sống không?

Mặt khác, muốn đánh giá chính xác hiệu quả của phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự tổng kết đánh giá kịp thời về công tacs này của các cơ quan có trách nhiệm, trong đó có vai trò của các Sở tư pháp, pháp chế ngành ở địa phương.

VI- Các điều kiện đảm bảo công tác phổ biến giáo dục pháp luật:

 

Muốn tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả phải có các điều kiện đảm bảo đó là:

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương về phổ biến giáo dục pháp luật: đây là điều kiện có yếu tố quyết định, bởi vì nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền… thì không thể tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Mặt khác, điều kiện này cũng là tiền đề để cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, xác định, định hướng phổ biến giáo dục pháp luật. Thực tiễn cho thấy, nếu có kế hoạch và có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương đến cơ sở (như qua các đợt sinh hoạt chính trị pháp lý tập trung) thì việc phổ biến giáo dục pháp luật sẽ thuận lợi và đạt kết quả tốt.

b) Cùng với việc ổn định và xây dựng lực lượng, tổ chức của ngành Tư pháp phải đảm bảo điều kiện xây dựng, đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

 

Từ năm 1980, do yêu cầu về sắp xếp lại tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng (từ Trung ương đến địa phương) nên đã giải thể Vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật ở Bộ Tư pháp; một số Sở tư pháp bị thu gọn thành 1 phòng thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, một số Sở vẫn tồn tại độc lập nhưng thu gọn về tổ chức và biên chế đến mức khó có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Do không có lực lượng cán bộ làm công tác này (từ Trung ương đến cơ sở) cho nên thời kỳ 1988 - 1990 là thời kỳ "suy thoái" của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cả về số lượng và chất lượng.

Từ năm 1990 đến nay, do việc từng bước ổn định tổ chức, có lực lượng chuyên trách (tuy còn ít và chưa mạnh về chất lượng nhưng công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã thu được, kết quả, bước đầu có hiệu quả tốt trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống).

c) Duy trì và tổ chức tốt sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với các ngành chức năng là điều kiện quan trọng để triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả, với nhiều đối tượng cụ thể:

Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao dân trí pháp lý, đưa pháp luật vào cuộc sống - đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chiến lược của Đảng và Nhà nước là xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế phổ biến giáo dục pháp luật là trách nhiệm chung của tất cả mọi cấp, mọi ngành. Song không phải chỉ đơn phương một cơ quan, một tổ chức tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Sự phối hợp này phải trở thành 1 hệ thống, thường xuyên và có nền nếp, có quy chế hoạt động với sự phân công trách nhiệm rõ của từng cơ quan từng tổ chức xã hội. Đó cũng chính là yêu cầu, mục tiêu và là điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả.

d) Phải có những nội dung, hình thức và đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với từng điều kiện cụ thể:

Cùng một nội dung văn bản luật nhưng không thể đem phổ biến giáo dục pháp luật cho tất cả mọi đối tượng. Phải từ nội dung chính ấy để chọn lựa những vấn đề cơ bản, thích ứng với đối tượng cần phổ biến giáo dục pháp luật, mặt khác phải chú ý mối quan hệ giữa nội dung và hình thức - có nghĩa là phải lựa chọn được những hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thích ứng với nội dung văn bản luật cần phổ biến giáo dục. Ví dụ: muốn phổ biến giáo dục Luật bảo vệ và phát triển rừng cho đồng bào dân tộc phải chọn những nội dung cơ bản, những điều khoản cụ thể, rồi chọn hình thức phù hợp để tuyên truyền giáo dục. ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum có một cách làm rất thực tế là: muốn đưa pháp luật bảo vệ rừng vào đồng bào phải giao rừng cho đồng bào. Từ đó nói rõ ý nghĩa, tác dụng của rừng với cuộc sống của mọi người và của xã hội thế nào? Do đó cần phải giữ và bảo vệ rừng.

đ) Đảm bảo kinh phí, phương tiện vật chất và tài liệu kịp thời đủ số lượng và chất lượng phục vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật

 

Xây dựng pháp luật đã khó, nhưng làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật để đưa pháp luật thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều. Bài học thực tế từ nhhiều năm qua chỉ rõ: Nơi nào có sự quan tâm, đầu tư thích hợp cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật và cơ quan tham mưu, đầu mối phối hợp là tư pháp tốt thì ở đó công tác phổ biến giáo dục pháp luật hoạt động có hiệu quả tốt. ở nhiều địa phương, nhất là ở miền núi - mặc dù có kế hoạch hướng dẫn của trung ương về phổ biến giáo dục pháp luậl. Song không phải tỉnh nào, huyện nào cũng làm được- bởi một lẽ là không có kinh phí, không có các điều kiện để thực hiện. Xin đơn cử việc thực hiện kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật thuế mà Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính ký năm 1991, 1992 (số 252 và 495). Mặc dù ngành thuế có điều kiện hơn hẳn về kinh phí tuyên truyền so với các Sở Tư pháp song việc phổ biến giáo dục pháp luật thuế cũng chỉ làm được ở vài tỉnh chứ chưa phải là đều khắp. Thậm chí có tỉnh đã chuẩn bị kỹ từ nội dung, kế hoạch… nhưng chỉ vì không có kinh phí và phương tiện nên phải dừng lại.

Trong thực hiện chỉ đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xuất phát từ thực tế các địa phương và ngay cả ở trung ương, Bộ Tư pháp đã xây dựng 1 đề án tổng thể về phổ biến giáo dục pháp luật- trong đó có phần về kinh phí riêng biệt cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Bộ cũng chỉ đạo và hướng dẫn các Sở phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của việc tổ chức phối hợp để phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Hiện nay, vấn đề kinh phí, phương tiện, tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật đang được từng bước tháo gỡ. Theo chúng tôi, nếu điều kiện này thực hiện được thì chắc chắn sẽ đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu qủa cao hơn nhiều.

e) Phải tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật gắn với việc tổng kết, nghiên cứu khoa học lý luận và thực tiễn về phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò và tác dụng rất quan trọng, là nội dung không thể thiếu của công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng, công tác này thực sự ngày càng được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Song có một thực trạng nổi cộm, bức bách đặt ra mà mãi tới những năm 1992 - 1993 đến nay mới bắt đầu được chú ý, đó là việc nghiên cứu khoa học về lý luận và thực tiễn của công tác này. Ngoài 1 số đề tài chủ yếu làm ở nước ngoài về giáo dục ý thức pháp luật (từ năm 1987 đến 1989…), đến nay mới có một vài đề tài cấp Bộ chuyên về phổ biến giáo dục pháp luật.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là phải gắn việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật với việc tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để có thể đánh giá, tìm được những kinh nghiệm hay bài học tốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác này. Trong những năm tới việc nghiên cứu, ứng dụng công tác phổ biến giáo dục pháp luật phải được coi trọng và đầu tư đúng mức mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay của Đảng và Nhà nước.

VII- Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Xuất phát từ tình hình, thực trạng của công tác này, và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả phải có các giải pháp cơ bản và lâu dài, để đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời phải được tiến hành từng bước, với những mục tiêu cụ thể. Có như vậy mới có thể đáp ứng và phục vụ được những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật không có nghĩa là đoạn tuyệt với những cách làm cũ mà phải có tính kế thừa, chọn lọc và bổ sung những cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Đặc biệt là khai thác được hết khả năng tiềm tàng, tổng hợp trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan đầu mối và cơ quan hữu quan có nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật. Theo chúng tôi, cần tập trung nghiên cứu, tiến hành công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng sau:

1. Đổi mới sự chỉ đạo, hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật. Sự chỉ đạo, hướng dẫn này phải kịp thời và có trọng tâm, trọng điểm. Hàng năm, Bộ tư pháp có kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật với những nội dung, hình thức, phương pháp cụ thể để hướng dẫn, chỉ đạo các Sở tư pháp miền núi. Trong chỉ đạo phải có kiểm tra, tổng kết đánh giá kịp thời công tác này. Đặc biệt là đối với khu vực miền núi và đồng bào dân tộc, với những hình thức như theo chuyên đề, theo cụm và theo từng nhóm đối tượng cụ thể.

2. Đổi mới về lý luận và thực tiễn công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Yêu cầu này là bắt buộc và phải được sớm tiến hành; phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm hàng quý, hàng năm và sau mỗi đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý có tính quy mô. Cùng với việc hướng dẫn chỉ đạo phải coi trọng phương châm lấy cơ sở, bám cơ sở để tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật. Cần chọn một số địa phương, ngành làm điểm tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật - từ đó nhân ra diện rộng với quy mô toàn quốc. Trước mặt trong những năm tới chọn 8 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, khu 4 cũ và Tây nguyên để thử nghiệm. Tổ chức nghiên cứu 1 số đề tài khoa học cấp Bộ và Nhà nước về công tác này, trên cơ sở đó tổng kết lý luận và thực tiễn công tác phổ biến giáo dục pháp luật - chọn lựa được các mô hình, các phương pháp tốt để ứng dụng và chỉ đạo chung.

3. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật.

 

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật là tất yếu khách quan. Phải có những nội dung phù hợp với hình thức và cùng với nó là các phương pháp tiến hành thực sự khoa học, cụ thể. Với từng đối tượng cần có nội dung, hình thức và phương pháp phổ biến giáo dục khác nhau như theo nhóm đối tượng, theo chuyên đề, theo từng thời gian. Cần sử dụng nhiều hơn các hình thức có tác dụng tốt trong phổ biến giáo dục ở miền núi như sinh hoạt ở dòng họ, các ngày lễ hội, tết cổ truyền, chợ phiên và thông qua công tác hoà giải v.v..

4. Đổi mới các điều kiện đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

 

- Trước hết, cần đảm bảo có đủ lực lượng cán bộ chuyên trách làm phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương. Lực lượng này phải đủ về số lượng và giỏi về chất lượng (có khả năng viết, nói và am hiểu về miền núi, dân tộc) đồng thời phải đảm bảo tính ổn định lâu dài. Bộ tư pháp kiến nghị với Chính phủ tăng biên chế cho ngành Tư pháp và pháp chế các ngành. ở các Sở tư pháp cần có phòng phổ biến giáo dục pháp luật với biên chế từ 4 - 5 người. Hàng năm Bộ tư pháp phối hợp với các Ban, ngành hữu quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, nghiệp vụ báo chí cho lực lượng cán bộ này.

- Có đủ tài liệu, sách báo pháp luật và các tài liệu khác liên quan đến nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật cho các Sở tư pháp. Riêng khu vực miền núi nên phát không.

- Sớm đầu tư trang thiết bị cho các Sở tư pháp miền núi, ít nhất mỗi Sở có 1 máy ảnh, 1 máy catset, 1 đầu vidio để phục vụ phổ biến giáo dục pháp luật. Hàng năm, Bộ tư pháp cấp 1 phần kinh phí cho các Sở tư pháp để phổ biến giáo dục pháp luật. Bộ tư pháp sớm trình Chính phủ duyệt đề án phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới. Hàng năm Quốc hội, Chính phủ dành 1 khoản kinh phí chuyên biệt tương xứng với kinh phí xây dựng pháp luật cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

 

 

Chuyên đề 2

 

Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi

và đồng bào dân tộc ít người thông qua

hoạt động báo chí - tuyên truyền.

 

 

 

 

 

Những người thực hiện:

 

1.

Nguyễn Duy Lãm - Vụ trưởng vụ phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ tư pháp.

 

 

2.

PTS Trần Thế Phiệt - Giảng viên khoa báo chí - Phân viên báo chí - tuyên truyền, Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

 

3.

Phạm Thị Hoà - Chuyên viên Vụ phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ tư pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục lục

 

I-Vị trí, chức năng, tác dụng của hoạt động báo chí tuyên tuyền đối với đời sống tinh thần con người nói chung, đối với việc phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

1-Báo chí với đời sống xã hội hiện đại nói chung.

2-Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi là một trong những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng-Nhà nước.

3-Phổ biến giáo dục cho đồng bào thiểu số là việc làm bức xúc.

II-Thực trạng báo chí - tuyên truyền tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

1-Tình hình khái quát.

2-Một số hoạt động khảo sát cụ thể...

3-Nhu cầu thông tin hiểu biết về pháp luật yếu kém.

4-Chất lượng nội dung thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin, báo chí.

III-Đề xuất, kiến nghị về mô hình báo chí- tuyên truyền có hiệu quả nhằm phổ biến giáo dục pháp luật cho đông bào thiểu số:

1-Không ngừng đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào thiểu số.

2-Cải tiến công tác phát hành báo chí để các phương tiện thông tin đại chúng này nhanh chóng đến kịp thời với đồng bào thiểu số.

3-Không ngừng tăng cường phương tiện thông tin và tiếp nhận thông tin báo chí cho đồng bào thiểu số.

4-Cải tiến nội dung và hình thức thông tin.

5-Xuất bản, phát hành ấn phẩm theo chuyên đề pháp luật phù hợp với trình độ tiếp nhận, tâm lý, phong tục, tập quán cho đồng bào thiểu số.

6-Xây dựng đội văn hoá thông tin cơ sở trong phạm vi lãnh thổ...

7-Xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào thiểu số.

 

Kết luận:

 

 

 

 

I- Vị trí, chức năng, tác dụng của hoạt động báo chí-tuyên truyền đối với đời sống tinh thần - con người nói chung, đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

1-Hiện nay, báo chí là một hiện tượng đặc biệt phổ biến, tác động từng giờ, từng ngày vào xã hội, quan hệ với từng tổ chức, từng thành viên, từng địa phương. Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của xã hội có những bước phát triển to lớn và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, quy mô, phạm vi hình thức hoạt động báo chí - tuyên truyền ngày càng mở rộng. Nó thu hút sự quan tâm chú ý của đại bộ phận xã hội, trở thành một phương tiện có sức mạnh, được sử dụng vào mục đích rất khác nhau như nhân đạo, kinh doanh, kinh tế, chính trị, quân sự.... Không có một đảng phái chính trị, một tổ chức, lực lượng kinh tế- xã hội nào mà không sử dụng báo chí như một phương tiện thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của mình.

Nói đến báo chí là nói đến loại hình của nó như báo in, thông tấn, hoạ báo, phát thanh, truyền hình, nói đến nhật báo, tuần báo, tập san, tạp chí, bản tin, các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình hết sức phong phú, đa dạng. Sự phức tạp của báo chí còn nằm trong loại hình các sản phẩm, tài liệu đựơc sử dụng trong các chương trình phát sóng. Ngoài các loại tác phẩm, tài liệu chỉ xuất hiện trong báo chí, còn có thể thấy sự hiện diện của các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, nhạc, kịch, hội hoạ, điêu khắc... trong các ấn phẩm định kỳ, sản phẩm báo chí, sự đa dạng của báo chí ngày càng tăng lên. Ngày nay, với màn ảnh truyền hình, con người có thể tiếp thu tri thức mà không cần phải đến trường học, tham gia tranh luận một số vấn đề cuộc sống đặt ra...

Vì vậy, ngày nay không ai còn nghi ngờ gì nữa sự tác động của báo chí-thông tin tuyên truyền đến đời sống tinh thần con người. Người ta đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghệ, về sự bùng nổ thông tin. Thế nhưng, tựu chung lại vị trí, tác dụng, chức năng của báo chí- tuyên truyền thể hiện cụ thể ở những bình diện nào? Điều này, cần một lần nữa khẳng định lại.

a/ Trước tiên báo chí là một công cụ đắc lực, sắc bén trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Đây là một quan điểm rất cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Trong thực tế lịch sử, không có giai cấp nào không sử dụng báo chí là một vũ khí lợi hại. Đã, đang và sẽ không có một nền báo chí trung lập, "vô tư"; "không phục vụ chính trị", đứng trên mọi giai cấp. Chừng nào xã hội còn có giai cấp chừng đó sẽ còn tồn tại hoạt động báo chí như một phương tiện, một công cụ trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, văn hoá. Đảng ta và Nhà nước ta ý thức được điều đó và công khai quan điểm này. Cụ thể là: Đảng và Nhà nước đã sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng vào việc cải biến xã hội, trực tiếp tham gia vào biến đổi đời sống chính trị, tư tưởng văn hoá của nhân dân...

b/ Hoạt động báo chí- tuyên truyền có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, động viên cổ vũ, tập hợp lực lượng quần chúng. Chủ nghĩa Mác Lê nin đã chỉ rõ rằng: Khi chưa có các tổ chức cách mạng chân chính lãnh đạo thì quần chúng có thể tự phát nổi lên chống áp bức bóc lột - ngay cả bản thân giai cấp tiên tiến như công nhân cũng không thể tự mình có ý thức xã hội chủ nghĩa mà cần có Đảng tiên phong giác ngộ cho họ. Cho nên nhiệm vụ đầu tiên của Đảng vô sản là "đưa vào phong trào công nhân tự phát những ý tưởng chủ nghĩa thật rõ rệt" (1). Thực chất, đây là vấn đề kết hợp lý luận với thực tiễn làm cho phong trào cách mạng của quần chúng từ tự phát chuyển thành tự giác - Do đó, các Đảng cộng sản, các lãnh tụ cách mạng đã sử dụng báo chí để tuyên truyền, cổ động tư tưởng cách mạng vào trong các tổ chức quần chúng, rồi từ đó tập hợp lực lượng thành lập chính Đảng của giai cấp công nhân. Thực tế lịch sử cách mạng của nước ta cũng đã theo con đường như vậy. Báo chí tuyên truyền đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giác ngộ, giáo dục, tập hợp quần chúng.

Ngày nay, vai trò này của báo chí, tuyên truyền vẫn không hề giảm sút. Trong thời kỳ đổi mới, nhất là lúc mà Đảng ta, Nhà nước ta đang xây dựng một xã hội có ý thức " sống và làm việc theo pháp luật" thì vai trò hoạt động báo chí càng được đề cao... Miền núi và vấn đề dân tộc là vấn đề có tính chất nóng bỏng của không những đất nước ta mà còn của cả thời đại. Cho nên trong những năm qua, báo chí đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của miền núi và các dân tộc thiểu số. Giờ đây, trong khi chúng ta đang xây dựng một nhà nước - pháp quyền thì thông tin, báo chí sẽ làm gì cho nhiệm vụ chiến lược này đối với các dân tộc thiểu số.

 

 

  1. Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi thông qua hoạt động văn hoá, thông tin báo chí là một biểu hiện cụ thể của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong qúa trình lãnh đạo cách mạng.

Đảng, nhà nước ta coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó là chính sách "Đoàn kết tất cả các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng và tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do, hạnh phúc chung". Qua các giai đoạn cách mạng, chính sách đó đã được Đảng ta bổ sung, cụ thể phát và triển cho phù hợp với từng thời kỳ. Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976) đã quyết nghị: "Chính sách dân tộc của Đảng ta thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp đỡ tiến bộ, cùng làm chủ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .(1)

Đến năm 1982, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V có ghi: "Đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV về chính sách dân tộc đồng thời những vấn đề mới về công tác dân tộc của Đảng, phải tăng cường hơn nữa khối đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và cùng làm chủ tập thể... "Văn kiện Đại hội Đảng VI chỉ đạo cụ thể hơn: "sự nghiệp đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đòi hỏi tăng cường công tác nghiên cứu về dân tộc và công tác điều tra xã hội học, hiểu biết đầy đủ những khác biệt cụ thể của từng vùng, từng dân tộc. Trên cơ sở đó, bổ sung cụ thể hoá và thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc, tránh những sai lầm rập khuôn chủ quan áp đặt những hình thức tổ chức không phù hợp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở các vùng dân tộc"(2). Đi vào phát triển một nền kinh tế thị trường trong Nghị quyết của Đảng lần thứ VII có ghi: "đoàn kết bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Có chính sách phát triển kinh tế hàng hoá ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương, để làm giầu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ đất nước".

Để cụ thể đường lối, chủ trương này, Đảng, Nhà nước có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết trong các lĩnh vực khác nhau (3).Đáng chú ý nhất là nghị quyết của Bộ Chính trị số 22/NQ-TW ngày 27 tháng 11 năm 1990 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi và quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 72/HĐBT ngày 13 tháng 3 năm 1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi. Đảng ta nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: "phát triển kinh tế - xã hội miền núi là bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế quốc dân"(4). Xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc, tôn trọng đồng bào các dân tộc ít người, tạo điều kiện cho các dân tộc miền núi tiến kịp miền xuôi mà vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc của mình, đó luôn là một quan điểm chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm này đồng thời cũng là nguyên tắc được khẳng định trong hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 "nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc".

Riêng đối với lĩnh vực thông tin, báo chí, trong các Nghị quyết của Đảng, Quyết định của chính phủ đã đưa ra những yêu cầu phát triển , các biện pháp tổ chức thực hiện. Nghị quyết 22 của Bộ chính trị coi việc phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề chủ yếu, trước mắt cần tập chung giải quyết: "Tăng cường các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện hiện đại như máy thu thanh, cát sét, máy thu hình, băng ghi hình để cải tiến và nâng cao các chương trình phát thanh, truyền hình ở địa phương, phổ biến các văn hoá phẩm và tài liệu có nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu và truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chú trọng sử dụng ngôn ngữ dân tộc (và chữ viết nếu có) trong công tác thông tin tuyên truyền". Dưới ánh sáng những chủ trương đó, trong thời gian gần đây những biện pháp như sóng phát thanh, truyền hình cả nước đã đã tạo sự phát triển khá sôi động. Nhiều địa phương miền núi đã được đầu tư lắp đặt hệ thống chuyển tiếp tín hiệu từ vệ tinh để truyền phát lại chương trình của trung ương. Một số tỉnh có chủ trương tích cực trong việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cơ quan văn hoá, báo chí, phát thanh truyền hình trên lãnh thổ của mình.

3- Đưa nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động báo chí tuyên truyền là việc làm cần thiết và cấp bách. Bởi vì sau khi Nhà nước đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, một việc làm bức xúc được đặt ra là: Phải làm gì để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng thiết thực, chấm dứt tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương, phép nước, tạo nên nếp sống và làm việc theo pháp luật trong đời sống xã hội và trong mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Muốn vậy có rất nhiều việc phải làm. Khâu đầu tiên và cơ bản nhất là giải quyết vấn đề nhận thức. Đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhằm xoá nạn mù luật trong dân chúng. Trong xã hội ta, và đặc biệt là trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay, nhân dân rất cần nắm luật để sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo pháp luật , dùng pháp luật làm công cụ giám sát hoạt động của các cơ quan và các công dân, để đấu tranh chống mọi hành vi phạm pháp luật và đòi hỏi các vi phạm phải được sử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật....

Địa bàn miền núi và vùng dân cư các dân tộc thiểu số rất trộng lớn chiếm tới 3/4 diện tích cả nước, có truyền thống đấu tranh cách mạng. đưa pháp luật đến với nhân các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các hoạt động chính trị, xã hội. Trong đó, báo chí tuyên tuyền là lĩnh vực có nhiều thế mạnh nhất. Bằng đặc trưng các hoạt động thông tin báo chí tuyên truyền, với nhận thức, giáo dục, định hướng của nó, báo chí có khả năng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. Hơn nữa, đời sống tinh thần và tâm lý nhận thức của đồng bào thiểu số rất dễ đến với hoạt động báo chí tuyên truyền. Nếu tổ chức tốt thì báo chí tuyên truyền hoàn toàn có khả năng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đông bào thiểu số.

 

 

  1. Thực trạng báo chí tuyên truyền tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

1- Có thể phác hoạ bức tranh tổng quát về ttình hình văn hoá thông tin ở miền núi như sau: Cho đến nay. hoạt động văn hoá, thông tin báo chí ở vùng núi đã có nhiều chuển biến, nhiều nếp sống văn hoá dân tộc lành mạnh đã được khuyến khích, được khởi động. Những tập tục lạc hậu dần dần bị xoá bỏ, phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng phát triển, nhiều xã có đội văn nghệ, thông tin, tuyên truyền hoạt động tốt. Mấy năm gần đây, nhiều huyện đựơc trang bị một số máy móc hiện đại phục vụ cho thông tin, tuyên truyền cổ động như: đầu vidio, máy nổ, âm ly, cát xét.... Song do địa bàn phức tạp, đi lại khó khăn, dân cư rải rác, còn nạn du canh du cư nên số người được cung cấp thông tin, xem văn hoá nghệ thuật còn thấp, nếu không muốn nói là còn quá thấp. ở Tuyên Quang có 66 xã, huyện Sông Mã (Sơn La), huyện Than Uyên (Yên Bái) đã có nhiều năm không đựơc xem phim. Đời sống vật chất khó khăn, kẻ sấu lợi dụng tôn giáo tuyên truyền gây mất lòng tin ở Nhà nước, chế độ. ở đây chưa nói đến hiện trạng đồng bào thiểu số còn "đói" và "mù" về sự hiểu biết pháp luật.

Chúng ta đã phủ sóng truyền hình đến cả nước, nhiều huyện vùng cao đã có trạm truyền thanh sách báo, tranh ảnh, báo chí nói về đề tài vùng núi và dân tộc thiểu số vừa thiếu vừa chưa phù hợp tính dân tộc.... Trong 9 huyện trọng điểm mà trung ương đầu tư vào vùng cao ở phương Bắc thì có 3 huyện chưa có thư viện, 4 thư viện đã ngừng hoạt động, chỉ có 2 thư viện hoạt động nhưng trong tình trạng cầm chừng. Trong 27 huyện vùng cao còn lại thì 4 huyện chưa có thư viện, 9 huyện thư viện ngừng hoạt động, 14 huyện hoạt động cầm chừng. Tỉnh Cao Bằng có 10 thư viện thì 9 thư viện ngừng hoạt động. ở huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái, một huyện có truyền thống nhiều mặt, cách thành phố Thái Nguyên chừng 20 km, trong 36 xã chỉ có 10 xã có báo Nhân dân nhưng lại rất thất thường, còn lại 26 xã hầu như báo chí không có.

2- Một số hoạt động khảo sát cụ thể về thực trạng thông tin báo chí- tuyên truyền ở một số địa phương miền núi:

 

 

  1. Trước tiên về phương tiện tiếp nhận:

Đối với chính những người cán bộ tư pháp, hoà giải; phóng viên báo, đài và cán bộ các cơ quan phối hợp... hàng ngày tiếp nhận thông tin về pháp luật qua báo chí và các phương tiện nghe nhìn, sẽ thế nào? với đối tượng này, phiếu điều tra được phát cho 188 người ở 7 địa phương (Gia Lai; Kon Tum, Quảng Bình, Huế, Sơn La, Lào cai, Khoa dân tộc học thuộc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. trong đó có 14 dân tộc khác nhau (Kinh, Khùa, Sách, Mường, Thái, Vân Kiều, Nguồn, Dao, Khơ mú, Cao Lan, Hà Nhì, Hmông, Sán Dìu, Sán Chỉ). Kết quả như sau (xem bảng số 1 và số 2): (1)

 

 

Đọc báo

Thường xuyên

Thỉnh thoảng

Nhân dân

47,8%

67,0%

Quân đội nhân dân

18%

47,3%

Báo Lao động

15,9%

41,4%

Tiền phong

17,5%

48,9%

Pháp luật

21,85

29,7%

Đại đoàn kết

11,1%

21,8%

Giáo dục thời đại

6,38%

14,3%

Báo công an

10,1%

15,4%

Phụ nữ

13,8%

22,3%

Báo địa phương

43,0%

35,1%

 

Bảng tổng kết số 2:

 

 

Phương tiện nghe nhìn

Thường xuyên

 

Thỉnh thoảng

 

Truyền hình trung ương

27/188

14,3%

15/188

7,9%

Đài tiếng nói Việt Nam

31/188

16,4%

16/188

8,5%

Đài địa phương

59/188

31,3%

27/188

14,3%

Nghe nói truyện tập huấn

22/188

11,7%

42/188

22,3%

 

 

Đây là phiếu điều tra với đối tượng cần phải nhanh nhậy tiếp cận thông tin để rồi từ đó tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho quần chúng. Thế nhưng kết quả điều tra cho thấy đội ngũ cán bộ này ở miền núi rất nghèo về thông tin mới, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay từ báo nhân dân, số người này thường xuyên đọc chỉ chiếm chưa đầy một nửa người được hỏi. Tờ "Pháp Luật" ở đối tượng này cũng chỉ có 51,5 % số người được hỏi đọc (ở mức độ thường xuyên chỉ 21,8% và thỉnh thoảng đọc chiếm 29,7%). Tình hình này ở hình thức nghe nhìn còn thấp hơn. Số người được hỏi nghe đài tiếng nói Việt Nam thường xuyên chỉ có 14,3 %, đài truyền hình Trung ương là 16,4% và 21%.

Đối với nhân dân, tiếp nhận nguồn thông tin pháp lý trên báo và đài lại càng thấp hơn. Điều tra trong 6 tỉnh (Gia Lai, Kon tum, Quảng Bình, Huế, Lào Cai, Sơn La) ở 6 xã với số lượng 49 phiếu phát ra. Kết quả phản ảnh như sau:

- Số người thỉnh thoảng nghe đài, xem ti vi và dọc sách báo là:

31/49 = 63,2%

- Còn thường xuyên là 15/49 = 36,7%.

Trong số này sự lựa chọn loại hình thích hợp nhất là:

+ Phát thanh có 27/49 = 55,1%

+Báo chí 15/49 = 31%

+Truyền hình 20/49 = 40,8%

Số người được hỏi cũng cho biết số phương tiện tiếp nhận ở gia đình họ:

- Máy thu hình: 14/49 = 28,5%

- Máy thu thanh: 29/49 = 59,1%

- Sách báo: 14/49 = 28,5%

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số "đói" và "nghèo" thông tin. Song nguyên nhân chủ yếu phải kể đến phương tiện. Để làm rõ cho nhận định này, cần khảo sát cụ thể hơn. Điều tra ở một xã miền núi phía Bắc ta thấy: Máy thu thanh chiếm tỷ lệ thấp, có xã quá thấp như xã Dải Lưng - Mèo Vạc - Hà Giang, chỉ có 3 chiếc trong số 4.778 dân. ở các xã gần đô thị số máy thu thanh có nhích lên song vẫn chưa đáp ứng với tỷ lệ số dân. Ví dụ: Xã Mường Sang- Mộc châu- Sơn La có 74 máy thu thanh với số dân là 7.256 người; xã An Trường - Yên Sơn - Tuyên Quang có 200 chiếc trên 7.000 dân.

- Số đầu máy thu hình và đầu vidio càng thấp hơn. Có xã hầu như không có như: Dải Lưng - Mèo Vạc - Hà Giang. Xã Thành Công,Thạch Thành - Thanh Hoá với 3.373 dân chỉ có 5 chiếc máy thu hình. Xã Na Cang-Than Uyên- Lào Cai với 5.333 người có 16 máy ( tức bình quân 331 người có 1 máy).

- Báo viết là loại phổ biến hơn, ít tốn phí hơn nhưng tình hình cũng không có gì sáng sủa lắm. Nó vừa quá ít về số lượng lại càng nghèo nàn về chủng loại. Trong 22 xã được điều tra ở 12 tỉnh thì số báo nhân dân là phổ biến hơn cả nhưng số lượng quá ít: có 7 xa chỉ có 1 tờ, 3 xã có 2 tờ - Thị xã Phong Thổ với 3.307 dân chỉ có 2 tờ báo lưu hành là: Nhân dân và Lai Châu, với số lượng mỗi loại là 2 tờ. Xã Xuân Phú huyện Thọ Xuân - Thanh hoá cũng chỉ có 2 loại báo: Nhân dân và Văn hoá thông tin với số lượng mỗi loại 2 số trên 4.574 người. chúng tôi làm một phép so sánh như sau: Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh có số lượng báo viết cao nhất, bình quân cũng chỉ 0,1 số báo/người.

(Cụ thể: Báo nhân dân 47 tờ

Báo quân đội nhân dân 7 tờ

Tiền phong 58 tờ

Phụ nữ 32 tờ

Nhi đồng 51 tờ

Lao động 22 tờ

Quảng Ninh 64 tờ

Tổng cộng: 281 tờ trên số dân: 2.684 người).

 

Xã thấp nhất trong 12 xã mà chúng tôi khảo sát là Mường Sang-Mộc Châu-Sơn La chỉ có 2 tờ/7256 người.

Bình quân: 0,0003 tờ/người (1).

Số liệu này cho thấy nhiều vùng dân cư miền núi, hầu như quanh năm suốt tháng vắng bóng báo trí trong đời sống sinh hoạt của người dân thiểu số.

3- Từ những dữ liệu trên, có thể rút ra một thực trạng đáng lưu ý nữa là đa số cư dân khu vực miền núi không có điều kiện quan hệ với thế giới xung quanh bằng cầu thông tin qua báo chí. Và nếu không tiếp nhận thông tin báo chí (dù cho nhu cầu chủ quan hay tác động của khách quan) thì có nghĩa là không có sự kích thích hình thành các nhu cầu thông tin tiếp theo, trong đó kể cả nhu cầu hiểu biết về pháp luật.

Để hiểu rõ thêm về tình hình tiếp nhận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta có thể tham khảo điều tra xã hội học sau(2). Đối tượng điều tra là ở 12 tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi tỉnh đến 1 xã, mỗi xã phát phiếu điều tra cho một số người ngẫu nhiên. Tổng cộng 167 phiếu đã thu để xử lý thì có 43 người kinh +124 người dân tộc (trong đó: 31 người Tầy + 21 người Mường + 14 người H'mông + 16 người Thái + 12 Cao Lan + 7 người Sán Dìu + 5 người Dao + 2 người Hà Nhì + 2 người Paco + 1 người Sán Chỉ + 11 người Nùng + 1 người Ngải).

Sau đây là kết quả tổng hợp về tình hình tiêu thụ các phương tiện thông tin báo chí: (Xem bảng tổng kết số 3).

 

 

 

TT

 

Câu hỏi

Tổng số phiếu

Không

Số lượng

%

Số lượng

%

1

Đầu Vidio?

167

19

11

148

89

2

Có đặt mua tạp chí không?

167

24

14

143

86

3

Có mua báo không?

167

40

23

127

77

4

Có máy thu hình không?

167

61

36

106

64

5

Có máy thu thanh không?

167

99

59

68

41

 

 

Bảng tổng hợp phản ánh sự nghèo nàn của các phương tiện tiếp nhận thông tin báo chí. Bảng tổng hợp từ cuộc điều tra sau sẽ làm rõ thêm nhận định này.

 

 

Xem bảng tổng kết số 4:

 

 

TT

 

Câu hỏi

Số phiếu thu được

Thường xuyên

Thỉnh thoảng

Không

số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

 

Có nghe báo cáo thời sự không?

167

13

8

37

22

117

70

 

Có xem biểu diễn văn nghệ không?

167

11

6

83

50

73

44

 

Có đọc sách không?

167

37

22

69

41

61

37

 

Có nghe đài tỉnh không?

167

32

19

78

47

57

34

 

Có xem phim không?

167

25

15

93

56

49

29

 

Có đọc báo không?

167

56

33,5

68

41

43

25,5

 

Có xem truyền hình không?

167

67

40

63

38

37

22

 

Có nghe đài TNVN không?

167

75

45

69

41

23

14

 

 

 

Bảng tổng hợp số 5:

Nguyên nhân không tiếp nhận thông tin báo chí ở các khu vực miền núi phía bắc.

 

   

Lai Châu

6

Phiếu

Sơn la 12-

Hoà Bình 15-

Lào Cai 9-

Yên Bái 15-

Hà Giang 6-

Tuyên

Quang

21-

Bắc Thái 15-

Lạng Sơn 21-

Cao Bằng 12-

Th Hoá 14-

Quảng Ninh 21-

Tổng cộng 167

Tỷ lệ %

 

Không có thời gian rỗi

2-

6-

2-

0

4-

3-

11-

9-

5-

8-

7-

9-

66-

39,5

 

không có tiền mua

2-

9-

3-

2-

6-

0

9-

9-

5-

9-

2-

5-

61

36,5

 

Không thấy bán báo ở địa phương

2-

4-

3-

4-

7-

4-

6-

3-

3-

7-

2-

6-

51

30,5

 

Không viết những điều không thiết thực

0

0

1-

0

2-

1-

0

0

2-

0

0

1-

7

4,2

 

Báo viết dài khó hiểu

0

1-

0

1-

1-

4-

1-

1-

1-

0

0

1-

11

6,6

 

Báo viết không hay

0

0

0

0

1-

0

0

2-

3-

0

0

2-

8

4,8

 

Không có máy thu thanh

1-

2-

3-

0

4-

1-

4-

4-

1-

2-

0

5-

27

16,1

 

Chương trrình phát thanh không hay

0

0

0

0

3-

2-

1-

3-

1-

0

0

0

10

6,0

 

Chất lượng phát sóng không tốt

0

3-

0

1-

3-

1-

1-

3-

4-

1-

1-

5-

23

13,7

 

Không có máy thu hình

2-

6-

4-

0

7-

0

9-

2-

5-

3-

2-

6-

46

27,5

 

Chương trình truyền hình không hay.

0

0

0

0

4-

0

1-

1-

2-

0

0

1-

9

5,4

 

Không thu được sóng hình

0

1-

1-

0

1-

2-

1-

0

0

0

0

3-

9

5,4

 

Không biết chữ

0

3-

2-

1-

5-

0

1-

0

4-

0

1-

0

17

10,2

 

Không quan tâm

0

7-

2-

3-

1-

0

4-

2-

4-

0

2-

12-

40

23,9

 

Các lý do khác

1-

0

1-

1-

1-

1-

1-

0

0

0

1-

0

7

4,2

 

Từ kết quả điều tra, chúng ta có thể rút ra nhiều vấn đề. Điều đáng lo ngại nhất là bộ phận cư dân vùng này hoàn toàn không tiếp nhận thông tin báo chí, tuyên truyền: 25,5% số người đựơc hỏi thừa nhận hoàn toàn không đọc báo; 14% thì không bao giờ nghe đài tiếng nói Việt Nam. Còn lại thì tiếp nhận thông tin ở mức độ "thỉnh thoảng", hạn chế (41% thỉnh thoảng có đọc báo, 47% thỉnh thoảng có nghe đài). Đối với người tiếp nhận thông tin báo chí không thường xuyên, cũng có nghĩa là họ không có sự thúc bách về nhu cầu thông tin, không hình thành một sự lựa chọn nhằm vào những định hướng cần thiết, huống hồ những định hướng về pháp luật, những hiểu biết cơ bản về pháp luật đối với đời sống...

Để tìm nguyên nhân hiện tượng nhân dân không tiếp nhận thông tin, báo chí, từ cuộc điều tra chúng tôi đã tổng hợp ở một biểu mẫu khác. Biểu mẫu này gợi cho người trả lời 15 nguyên nhân khác nhau. Sau đây là kết quả điều tra (xem bảng tổng hợp số 5).

Nguyên nhân tình trạng không tiếp nhận thông tin, qua kết quả khảo sát 167 phiếu ở 12 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy: 39,5% là không có thời gian rỗi rãi, 36,5% là không có kinh phí mua các phương tiện, 30,5% lại không tìm được để mua, 27,5 % không có máy thu hình.... Đây là những nguyên nhân chủ yếu thuộc về lĩnh vực kinh tế- Thực trạng thấp kém về mặt kinh rế của đồng bào thiểu số là một trở ngại lớn nhất, điều kiện quan trọng nhất chỉ phối hợp khả năng tiếp nhận thông tin báo chí tuyên truyền. Cho nên, nếu có giải pháp nào về phổ biến giáo dục pháp luật được đề cập tới, phải tìm đến yếu tố kinh tế là biện pháp hàng đầu.

Cùng với yếu tố kinh tế, bao giờ cũng có yếu tố văn hoá song hành. Đó là sự chi phối lẫn nhau có tính chất biện chứng hai chiều. Mức sống kinh tế thấy không thể có khả năng nâng cao về văn hoá. Trình độ văn hoá thấp cũng có nghĩa là nhu cầu thông tin báo chí cũng thấp. Thông qua điều tra được biết rằng 10,2% không đọc báo là do không biết chữ, 23,9% không quan tâm báo chí vì không có nhu cầu... Trong việc phát triển văn hoá nói chung hay thông tin về pháp luật nói riêng, yếu tố "tiên phong" rất quan trọng. Đây là những cột trụ lan toả thông tin thuyết phục các cư dân xung quanh bằng những hành vi cụ thể, yếu tố hạt nhân này thường là những người có uy tín trong cộng đồng bằng quan hệ huyết thống, quan hệ chính quyền, trình độ hiểu biết... Vùng đồng bào thiểu số, yếu tố vượt trội, yếu tố hạt nhân đạt đến khả năng thuyết phục về tri thức văn hoá là rất hạn chế. Ngay cả đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở. Bởi vì đội ngũ này rất hạn chế về trình độ văn hoá. Thậm trí, điều khó tin là có cả Bí thư đảng uỷ xã mù chữ (1) Xã Mường Sang, huyện mộc Châu- Sơn La có 95,4% dân mù chữ; xã Dải Lùng- Mèo Vạc- Hà Giang có 97,86% mù chữ, xã Na Canh- Than Uyên- Lào Cai: 90% mù chữ, xã Xuân Phú - Thọ Xuân - Thanh Hoá: 87,3% mù chữ... Cho nên, kết quả điều tra 6 tỉnh ở 3 vùng Tây nguyên, Trung bộ và miền núi phía Bắc (Gia Lai, Kon tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La) cho thấy rằng: Nhân dân thường xuyên nghe đài phát thanh, xem truyền hình xem sách báo chỉ chiếm 36,8%, còn tỷ lệ người thỉnh thoảng mới tiếp nhận thông tin từ các phương tiện này chiếm đến 63,2%.

 

 

  1. Điều cần đề cập ở đây nữa là chất lượng thông tin, nội dung thông tin, nhất là mật độ thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Báo in: Các báo trung ương và báo ngành (pháp luật) đều bằng tiếng Việt, phù hợp với đối tượng của khu vực thành thị và miền xuôi. Chỉ duy nhất có tờ tin "dân tộc và miền núi" có thêm một thứ tiếng thiểu số song số lượng phát hành còn quá ít so với nhu cầu- ở địa phương chỉ có báo tỉnh đảng bộ, đều in bằng tiếng Việt. Nhìn chung, nội dung các sản phẩm báo chí đa dạng tổng hợp, song chưa thiết thực và phù hợp với đặc điểm tâm lý tiếp nhận của các dân tộc thiểu số. Hoàn toàn vắng bóng các bản tin, ảnh mầu đẹp gần gũi về thị hiếu với từng dân tộc, từng tỉnh, từng huyện.

-Phát thanh: Phương tiện có lợi thế nhất ở địa bàn này.

Hơn nữa, tính chất phổ cập loại máy thu thanh dễ dàng hơn. Tổng hợp 49 phiếu điều tra nhân dân 6 tỉnh (Gia Lai, Kon tum, Quảng Bình, Huế, Lào Cai, Sơn La) cho thấy điều này. Vả lại nhân dân vẫn thích sử dụng phương tiện này. Xem bảng sau:

Bảng tổng kết số 6

 

 

Phương tiện

Có (%)

Không (%)

Thích (%)

Phát thanh

59,1

-

55,1

Truyền hình

28,5

-

40,8

Sách báo

28,5

-

30,6

 

 

Bởi vì chỉ cần có phương tiện thu, người dân dù có mù chữ, dù có ở cách xa các trung tâm thì thông tin vẫn đến được nhanh nhậy. Song chất lượng phát sóng hạn chế, nội dung các chương trình giành cho cư dân các dân tộc thiểu số nghèo nàn. Chương trình đài trung ương và đài địa phương về nội dung pháp luật đã có chú ý nhưng tản mạn, chưa thực sự gần gũi, thiết thực với bản thân dân tộc thiểu số. Các chương trình phát bằng các thứ tiếng của đồng bào thiểu số, nói chung chưa đủ sức hấp dẫn về nội dung và thời lượng phát. Một bộ phận không nhỏ cư dân hướng tới thông tin của các đài nước ngoài.(1)

-Truyền hình sẽ có sức mạnh cải tạo lớn về mọi mặt đời sống tinh thần cho người dân miền núi. Vấn đề đặt ra đối với báo hình là phủ sóng đi đôi với việc sản xuất chương trình, đặc biệt là những chương trình chuyên đề về pháp luật. Cả hai mặt này đều còn rất yếu, rất thiếu ở khu vực miền núi. Đó còn chưa kể đến tình trạng nghèo nàn về phương tiện tiếp nhận đối với đồng bào khu vực này.

-Cùng với các loại hình báo chí như trên đã đề cập, các phương tiện hoạt động có tính chất văn hoá như phim ảnh, nói chuyện, lễ hội, thư viện, sinh hoạt văn nghệ... ở khu vực này cũng nằm trong tình trạng trì trệ, nghèo nàn, yếu kém. Qua các hoạt động văn hoá này mà nội dung giáo dục phổ biến tuyên truyền pháp luật được triển khai là rất có lợi song điều này chỉ dựa vào hoạt động của cơ sở.

Song điều kiện văn hoá, giao lưu, cơ sở vật chất khó khăn về địa lý làm cho hoạt động văn hoá khó phát huy, triển khai được.

Tóm lại, mặc dầu đã có những cố gắng và đã có những thành tựu đáng kể, song thực trạng thông tin báo chí, tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là lạc hậu, còn trì trệ so với tình hình chung ở đồng bằng và đô thị. Thực trạng đó là kết quả trực tiếp của các yếu tố như trình độ kinh tế, văn hoá của vùng này thấp kém, sự hạn chế về khả năng, điều kiện tiếp nhận thông tin, thiếu vắng những yếu tố thúc đẩy đồng bộ hợp lý. Ngược lại, tình hình đó cũng chính là một trong những nguyên nhân làm chậm sự vận động tích cực của các yếu tố xã hội khác. Mối quan hệ biện chứng ấy đòi hỏi có sự tác động thích ứng bằng nhiều biện pháp đồng bộ, có trọng điểm mới có thể tạo ra bước phát triển của thông tin báo chí. Trong bối cảnh như vậy, với phương pháp luận chỉ đạo như thế thì việc thông tin phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin báo chí mới có hiệu quả, mới thường xuyên và lâu dài được.

III- Đề xuất kiến nghị về mô hình báo chí- tuyên truyền có hiệu quả nhằm phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào thiểu số.

Đất nước chúng ta đang trong tiến trình đổi mới. Mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội văn minh là nhiệm vụ cho mọi miền đất nước, cho tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam. Một trong những biện pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược này là chúng ta phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi người dân phải sống và hành động theo pháp luật. Thông tin báo chí tuyên truyền phải tham gia tích cực, tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược này. Để góp phần phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, thông tin báo chí - tuyên truyền phải thấy rõ và nhìn thẳng vào thực trạng, mạnh dạn đổi mới hoạt động, đưa báo chí trở thành một công cụ đắc lực trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng theo các mô hình và biện pháp trước đây.

1- Biện pháp đầu tiên, có tính chất bao trùm và có ý nghĩa chiến lược, là đẩy mạnh sự nghiệp dổi mới, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào thiểu số.

Khâu đầu tiên là tăng cường phát triển kinh tế.

Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước cần khẳng định lại vị trí kinh tế miền núi trong cơ cấu kinh tế trong cả nước, khẩn trương xây dựng quy hoạch toàn diện, tiến hành việc phân vùng kinh tế, phát huy tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, khai thác khả năng từng vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế chuyên ngành làm cho khu vực miền núi phát triển kinh tế mạnh mẽ và nhịp nhàng. Đặc biệt chú ý đến thế mạnh của miền núi như nghề rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi. Ba thế mạnh đó hiện hiện nay và lâu dài chỉ có thể phát triển tốt khi có sự tác động của ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hoá- Điều đáng lưu tâm là rừng và đất rừng phải được Nhà nước thống nhất quản lý theo pháp luật và chính sách, đồng thời phải kết hợp với sự bảo vệ trực tiếp của nhân dân địa phương. Miền núi phải tiếp tục phát triển đàn gia súc, phát triển công nghiệp- ở các vùng sẵn có nguyên liệu, chú ý phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng, thuỷ điện cũng là khả năng hiện thực của miền núi cần được trung ương nghiên cứu, giúp đỡ, đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa giao thông vận tải là một yêu cầu rất lớn, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hoá. Bởi vì hiện nay 15 tỉnh miền núi phía Bắc có 5581 km đường bộ, 5489 km đường tỉnh, 12.717 km đường huyện, 10.961 km đường xã và 12.506 km đường sông. Mật độ tổng quát là 0,18km/km2. Chỉ số này phản ảnh giao thông ở miền núi còn ở mức độ quá thấp kém.

Đi đôi với phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế với cách làm phù hợp dựa trên tình hình các dân tộc miền núi. Trình độ văn hoá thấp kém như hiện nay là một trong những trở ngại rất lớn đến sự phát triển của đồng bào thiểu số. Nâng cao trình độ văn hoá cho đồng bào thiểu số là một vấn đề cấp bách, có ý nghĩa to lớn đến việc thúc đẩy toàn bộ mặt khác. Cụ thể cần kíp là việc xoá nạn mù chữ, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá, đồng thời phát triển công tác giáo dục phổ thông, công tác văn hoá, văn nghệ phải làm tốt hơn nữa chức năng tuyên truyền giáo dục pháp luật. Trong lĩnh vực văn hoá quần chúng, cần chú trọng phát huy và sử dụng mọi hình thức văn nghệ dân tộc lành mạnh, phản ánh được những đặc điểm riêng của từng dân tộc. Tôn trọng tiếng nói, chữ viết, nền nghệ thuật các dân tộc, khuyến khích các dân tộc học tiếng nói và chữ viết phổ thông. Trên cơ sở hoạt động văn hoá, giáo dục cần có những bộ phận nghiên cứu biên soạn những tài liệu về pháp luật phổ thông để phổ biến rộng rãi cho quần chúng.

áp dụng các biện pháp phát triển đồng bộ giữa kinh tế và văn hoá, tạo nên những điều kiện cần và đủ để phát triển thông tin báo chí tuyên truyền. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn và có hiệu quả việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng vào quần chúng. Ngược lại, việc phát triển và hoàn thiện hoạt động thông tin báo chí cũng góp phần đắc lực vào việc thực hiện những mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra cho miền núi, góp phần xoá bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ phát triển hiện nay giữa các vùng dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam. Trước đây, trong Đại hội Đảng lần thứ VI có nhấn mạnh: "phát triển các hoạt động văn hoá, thông tin đang là nhu cầu lớn trong đời sống nhân dân. Phải tăng nhiều lượng xuất bản sách và một số loại báo hàng ngày quan trọng, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh. Phấn đấu để các xã và huyện đều có đài và trạm truyền thanh, cung ứng đủ số pin cần thiết cho các vùng nông thôn để nghe đài. Tạo điều kiện mở rộng mạng lưới truyền hình. Cố gắng bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật để đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, công tác bảo tồn, bảo tàng(1).

2- Cải tiến công tác phát hành báo chí để các phương tiện thông tin đại chúng này đến nhanh, đến kịp thời và nhiều hơn với đồng bào thiểu số.

Nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đặt ra cho hoạt động báo chí cũng là mục đích cao nhất của công tác phát hành báo chí là: Làm thế nào các sản phẩm báo chí đến với người tiếp nhận nhanh nhất để "mọi người đọc và suy nghĩ, hành động theo sự hướng dẫn của báo chí" nhiệm vụ của nó được quán triệt ở một số công việc sau:

-Báo chí phát hành đúng phương hướng và đối tượng. Mỗi loại hình báo chí (báo viết, báo ảnh, báo nói và báo truyền hình) đều có đối tượng phục vụ nhất định chức năng của công tác phát hành báo chí là phân phối báo chí cho đúng hướng, hợp đối tượng và phải đảm bảo yêu cầu chính trị, từng nơi, từng địa điểm. Phải xuất phát từ đặc điểm của vùng núi và dân tộc để chuyển tải thông tin đến với quần chúng đạt hiệu quả.

-Trong cơ chế thị trường cần quán triệt quan điểm chỉ đạo sau: Báo chí khác với các loại hàng hoá thông thường, không thể thả nổi, muốn mua bao nhiêu thì mua, người có, người không. Trong điều kiện dân trí vùng đồng bào thiểu số còn thấp, vận chuyển khó khăn, đời sống còn nghèo, báo chí, thông tin cố gắng phát hành đều và rộng khắp nhằm đạt mục đích chính trị là chủ yếu. Vì vậy, có loại báo, có số báo, nhất là những sản phẩm muốn đạt yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng công dân nhất là ở vùng miền núi và dân tộc thiểu số thì cần phải bao cấp ...

-Xuất phát từ nhiệm vụ định hướng tư tưởng, nâng cao hiểu biết, hướng dẫn thị hiếu cho quần chúng, báo chí cần phải được phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Ngoài những tính toán về kinh doanh, khuyến khích kinh tế, cần phải có một chủ trương, chính sách hợp lý để phổ cập một số loại báo chí, một số sản phẩm báo chí. Làm sao người dân có trong tay hay có cơ hội đến với báo chí, lúc đó chúng ta mới có điều kiện để đưa nội dung cần thiết vào từng trang viết, từng buổi phát sóng...

Triển khai chỉ thị 08/CT-TW của Ban bí thư trung ương Đảng về việc đưa báo Nhân dân (A02), Báo Quân đội nhân dân (A12) và báo địa phương đến với các chi bộ Đảng cơ sở nông thôn miền núi đã bước đầu cải thiện được tình hình. Song, nếu khâu phát hành từ trung ương về tỉnh, xuống huyện đã nhanh hơn, đều hơn thì trì trệ nhất hiện nay là khâu từ huyện về xã, nhất là các xã đồng bào thiểu số xã xôi hẻo lánh "thậm trí có hiện tượng Uỷ Ban nhân dân xã không cáo báo nhân dân để đọc. Báo chí phát hành chậm thời gian, nhất là ở các khâu cuối, khi đến xã, chi bộ thường bị "dồn toa tới 5, 10, 15 số... ở Yên Thái (Chi Lăng) báo của Đảng thường đọng lâu vì không có người đem báo phát cho các thôn bản, rồi các đồng chí ở cơ sở thôn bản cũng lười lên xã lấy. Điển hình là bản Khoái có đồng chí Bí thư chi bộ không có báo đọc trong xuốt 2 quý năm 1993. Các xã Y Tịch, Vạn Linh, Gia Lộc (huyện Chi Lăng) báo bị đọng tới 3 tháng. Hiện tượng báo Đảng về đến chỗ đồng chí Phó bí thư chi bộ mà Bí thư không biết, như một số chi bộ, Đảng bộ thị trấn Lộc Bình, Tư Đoan, Nam Quan (huyện Lộc Bình). Có chi bộ chỉ cách bưu điện chừng 20m mà báo vẫn bị chậm tới 3 ngày như chi bộ ở khu phố An Ninh huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn...(1)

 

Một thực tế hiển nhiên là trong lúc một số cơ quan báo chí ở các thành phố lớn có điều kiện kinh doanh trên tờ báo của mình sống bằng nghề nghiệp chuyên môn của mình thì cơ quan báo chí một số tỉnh miền núi nằm trong tình trạng rất khó khăn bởi sức ép của giá cả, của phát hành phí cao. Cho nên nếu tiến hành hạch toán kinh doanh khép kín ỏ các tờ báo địa phương miền núi cũng đồng nghĩa với hình thức bóp chết tờ báo đó. Vì vậy, muốn tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân thì phải có biện pháp nâng đỡ cho một số báo chí phát hành ở miền núi. Nên chăng làm như một số địa phương miền núi tỉnh Yên Bái đã sử dụng biện pháp bao cấp mua báo cho từng chi bộ, đưa báo đến tận tay người đọc (tất nhiên có chọn lọc) bằng kinh phí của tỉnh nhà.

3-Không ngừng tăng cường về phương tiện thông tin và tiếp nhận thông tin báo chí cho đồng bào thiểu số.

Trong phần thực trạng thông tin báo chí ở miền núi, chúng tôi đã có dịp nêu rõ phương tiên thông tin của đồng bào thiểu số rất nghèo nàn. Nhà nước cần nhanh chóng trang bị thiết bị phương tiện thông tin phù hợp với địa bàn miền núi. Hơn thế, phương tiện kỹ thuật phải đảm bảo hiệu quả thông tin của báo chí. Trong thực tế, nội dung thông tin của báo chí tốt không tách rời kỹ thuật, biểu hiện trên các phương tiện truyền dẫn thông tin kỹ thuật biểu hiện tốt sẽ giúp cho nội dung bộc lộ hết thế mạnh của nó. Ngược lại, kỹ thuật kém sẽ làm phương hại đến nội dung, có khi có tác dụng tiêu cực: Chẳng hạn một bài báo hay một văn bản luật quan trọng nhưng nếu kỹ thuật in tồi, (chữ nhỏ, lèm nhèm...) thì chẳng ai muốn đọc, một chương trình phát thanh hay, nội dung nhiều người chờ đón nhưng phát sóng quá ngắn, âm lượng, thanh sắc không rõ thì sẽ không có hiệu quả thông tin. Một buổi truyền hình có nội dung hấp dẫn nhưng sóng hình méo mó thì chỉ đem lại cho người xem sự khó chịu... Vì vậy trang bị thông tin tốt, hiện đại để chuyển tải tốt nội dung thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật, là điều kiện bảo đảm, sự thành công của hoạt động báo chí ở vùng núi.

Muốn đầu tư phương tiện thu nhận thông tin cho địa phương miền núi cần quan tâm đến trang bị phương tiện gọn nhẹ, hợp với túi tiền của nhân dân. Nên chăng, tổ chức những xí nghiệp vừa sản xuất vừa nghiên cứu các phương tiện nghe nhìn cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Những cơ quan nghiên cứu và xí nghiệp sản xuất các phương tiện nghe nhìn này cần được nhà nước trợ giá, khuyến khích, đầu tư thích đáng.

Ngoài những phương tiện thu, phát, tiếp nhận thông tin, cũng cần lưu ý cả những phương tiện khắc phục gọn nhẹ, cơ động cho các đội văn nghệ, tuyên truyền đi đến được những vùng sâu, vùng xa... Phương tiện ở đây cần được hiểu rộng hơn: Đó là củng cố, phát triển các thư viện, các hiệu sách báo, các nhà văn hoá thông tin cơ sở... Việc này gắn liền với việc xây dựng các điểm, các cụm xã có một trung tâm văn hoá, kinh tế chính trị... Trong điều kiện dân trí còn thấp, kinh tế nghèo nàn càng cần có những phương tiện thông tin báo chí giản đơn, dễ hiểu, càng cần quan tâm đặc biệt tới các phương tiện công cộng ở nơi đông người, có thể tăng cường các sản phẩm cho không, hấp dẫn về thị hiếu. Tính toán để có những ấn phẩm định kỳ, ít trang, khổ nhỏ, nhiều mầu, tranh ảnh, in bằng 2 thứ tiếng phổ thông (phổ thông và địa phương) trong đó minh hoạ cho những nội dung pháp luật thiết thực nhất, cơ bản nhất…

Trong những năm tới, mục tiêu đề ra cho cong tác văn hoá, văn nghệ, thông tin báo chí miền núi là bảo đảm cho các đơn vị xã có đầy đủ các phương tiện tiếp nhận thông tin như sách, báo, máy thu thanh, thu hình vì khả năng phủ sóng và phát thanh truyền hình có thể khắc phục được khoản cách địa lý xã xôi, hiểm trở đưa lượng thông tin nhanh đến các vùng đó. Các đội thông tin lưu động các xã miền núi cần được trang bị đầy đủ, các phương tiện này để tổ chức đọc báo, nghe đài, tuyên truyền trong phạm vi toàn xã, lúc đó nội dung phổ biến giáo dục pháp luật mới có điều kiện đi vào đời sống cơ sở địa phương miền núi.

ở những trung tâm văn hoá mới, cần tiến tới lập những đài, trạm phát thanh địa phương, trạm chuyển tiếp truyền hình qua vệ tinh. Cần đầu tư khôi phục, củng cố , phát triển sao cho mỗi trung tâm văn hoá ở vùng cao có một đội chiếu phim lưu động, một đội văn hoá lưu động, phòng thông tin, triển lãm, 01 thư viện hay một phòng đọc sách báo, các tổ chức này có những chuyên đề tuyên truyền, trong đó có chuyên đề phổ biến, giáo dục, pháp luật. Như vậy mỗi huyện vùng cao sẽ dần hình thành một số trung tâm văn hoá tập chung ở từng cụm, xã làm nhiệm vụ tiếp nhận và lan toả thông tin của trung ương cũng như địa phương. Trung tâm này đóng vai trò hạt nhân, điểm sáng của vùng, miền dân tộc thiểu số.

4- Cải tiến nộidung và hình thức thông tin để các phương tiện thông tin đại chúng có phục vụ tốt hơn nữa cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào thiểu số.

Đây đó, hoặc lúc này lúc khác có những vấn đề tưởng như vô lý- đồng bào thiểu số không nghe đài phát thanh trung ương hoặc địa phương mà nghe đài nước ngoài giảng đạo kito bằng tiếng địa phương. Nghịch lý này không còn cách lý giải nào hơn là vấn đề chất lượng thông tin từ nội dung đến hình thức, chất lượng chương trình phát thanh chưa thu hút đựoc sự quan tâm của đồng bào thiểu số chúng ta. Điều này liên quan đến chất lượng của hoạt động thông tin báo chí.

Một trong những biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động thông tin báo chí ở vùng đồng bào thiểu số là sử dụng nhiều hình thức thích hợp, hấp dẫn, dễ nghe, dễ xem, dể hiểu, dễ đến những nơi dẻo cao biên giới.

Địa bàn xa xôi hẻo lánh , tính đa dân tộc sống đan xen nhau khiến cho hoạt động thông tin báo chí mang thêm tính chất phức tạp của nó. Vì vậy không thể áp dụng hoàn toàn các sản phẩm thông tin có nội dung và hình thức giống như miền xuôi được. Do đặc điểm về địa lý, về tâm lý dân tộc cho nên cơ cấu báo viết, báo phát thanh, truyền hình phải đựơc cân nhắc. Việc đưa báo viết đến tận các làng bản khó khăn hơn phát thanh và truyền hình do phải đi lại trên địa hình xa xôi, cách trở. Báo phát thanh cần được chú trọng đầu tư và phát triển ở cả trung ương và địa phương. Việc phục hồi tổ chức và hoạt động các đài phát thanh khu vực Việt Bắc- Tây Bắc- Tây Nguyên - Vùng đồng bào Khơ me... sẽ rất hợp lý và chắc chắn mang lại hiệu quả tốt trong tình hình mới. Mặt khác tăng cường các hình thức lưu động gọn nhẹ, phát triển các đài, trạm phát thanh, truyền hình ở địa phương với nội dung giản dị, thiết thực, khai thác các yếu tố tâm lý, phong tục, tập quán từng vùng, miền... Cần tổ chức tuyên truyền cho miền núi, tuyên truyền bằng tiếng và chữ của các dân tộc bên cạnh phổ cập tiếng và chữ phổ thông. Thông tin báo chí phải lấy nội dung nâng cao văn hoá, giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, định hướng tư tưởng, tình cảm, thị hiếu làm trọng tâm song không quên đan xen một cách tế nhị, khéo léo nội dung pháp luật. Các hình thức báo chí địa phương phải bám sát đi sâu vào thực trạng trình độ hiểu biết pháp luật và việc thực hiện pháp luật của đồng bào thiểu số.

Cải tiến nội dung và hình thức thông tin pháp luật cho đồng bào thiểu số cần lưu ý đến dặc thù từng loại hình báo chí. Trên cơ sở những thế mạnh của báo viết, báo phát thanh, báo ảnh và truyền hình, các cơ quan quản lý báo cũng như các nhà báo có những nội dung và hình thức phục vụ đồng bào thiểu số hiệu quả hơn. Nội dung và hình thức ở khía cạnh tác phẩm báo chí lại phụ thuộc chủ yếu vào chủ thể sáng tạo, hoặc nhà báo, hoặc một tập thể những người làm báo. Dù thế nào, điều cốt lõi là tác phẩm báo chí dù hình thức và loại hình nào, phải có nội dung tốt. Tiền đề đảm bảo một tác phẩm có báo chí tốt, hay là ở chỗ thể hiện sinh động, sáng tạo những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thể hiện được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và thái độ của đồng bào thiểu số trong thời điểm đổi mới, trong thời kỳ xây dựng một nhà nước pháp quyền.

Trong cải tiến nội dung và hình thức, không thể không quan tâm đến đầu tư sáng tạo các chuyên mục giáo dục, phổ biến pháp luật trong hoạt động thông tin báo chí. Trên báo nhân dân, thứ hai hàng tuần có chuyên mục: "Nhà nước an ninh- Quốc phòng", nay là "Thông tin pháp luật chính sách mới". Báo giáo dục và thời đại từ năm 1987 đến nay có "Pháp luật với nhà trường"; Báo Đại đoàn kết có: "Dân chủ và pháp luật", rồi "Pháp luật với tuổi trẻ" (Báo tiền phong), "Pháp luật với đời sống" (Báo tuần tin tức), Đài tiếng nói Việt Nam có chuyên mục "Nhà nước và pháp luật"; Đài truyền hình Trung ương có mục "Hộp thư bạn xem truyền hình".

Cần lưu ý thêm là các chuyên mục ở các báo trên, nên có những chuyên san, chuyên đề định hướng thông tin. Và một trong những chuyên đề đó cần và nên dành cho phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào thiểu số. Điều này chưa ai đề xuất và chưa có một hoạch định có tính chất kế hoạch và pháp lý để chuyên đề dành cho việc phổ biến giáo dục pháp luật trên báo chí đến với dân tộc thiểu số sát hợp với đối tượng hơn.

Hiện nay ấn phẩm báo chí về dân tộc và miền núi còn quá ít ("Dân tộc và miền núi" của Thông tấn xã Việt Nam, "Dân tộc và thời đại" của Hội Dân tộc học Việt Nam). ở đài tiếng nói Việt Nam có buổi phát thanh đại gia đình các dân tộc. Đây là những cố gắng của báo chí hướng đến vấn đề dân tộc, trong đó có vấn đề pháp luật với dân tộc. Tuy nhiên so với yêu cầu và thực tiễn cuộc sống, các ấn phẩm báo chí này cũng mới đề cập đến những vấn đề chung chung, không có điều kiện đi vào những vấn đề chuyên sâu, vừa đạt yêu cầu phổ cập, vừa nâng cao của việc truyền bá, giáo dục pháp luật cho đồng bào thiểu số.

Tóm lại khi đề xuất việc cải tiến nội dung và hình thức của các phương tiện thông tin báo chí tuyên truyền là đúng trên nhiều bình diện. Xét cả một nền báo chí thì phải sử dụng nhiều loại hình báo chí, nhiều chủng loại khác nhau, đa dạng hoá chương mục, hình thức thể hiện, đa dạng hoá loại thể tác phẩm báo chí. Xét về bản chất tác phẩm báo chí là sự kết hợp nhuần nhuyễn quan hệ giữa nội dung và hình thức. Lĩnh vực này thuộc về lao động sáng tạo của nhà báo, sự phối hợp của tập thể hoạt động báo chí...

Dù ở bình diện nào đi nữa, đồng bào thiểu số chờ đợi ở thông tin báo chí những nội dung thiết thực, bổ ích, những hình thức hấp dẫn- Thông tin về pháp luật thuộc phạm trù khái niệm, bao gồm những quan điểm, quan niệm, , những quy định... Cần phải có cách lý giải, phân tích, bình giải, cách phản ảnh, hình thức truyền đạt sáng tạo-sao cho thông tin pháp luật được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, nôi dung thấu tình đạt lý, đầy sức thuyết phục. Đó mới là sự lao động chân chính của người làm công tác tư tưởng văn hoá trên địa bàn cực kỳ khó khăn, phức tạp này-Địa bàn miền núi với các dân tộc thiểu số.

5-Xuất bản, phát hành những ấn phẩm theo chuyên đề pháp luật phù hợp với trình độ tiếp nhận, với tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số:

Để khắc phục tình trạng thấp kém về trình độ văn hoá, khả năng tiếp nhận thông tin còn hạn chế của đông bào các dân tộc thiểu số, cần khảo sát nghiên cứu đặc điểm tình hình miền núi, trình độ chính trị, văn hoá, giáo dục ... để xuất bản những sách báo phù hợp. Trong đó các chuyên đề về pháp luật cần được biên soạn một cách có hệ thống, nâng dần từ dễ đến khó, từ cụ thể đến khái quát, trừu tượng. Nó cần được triển khai toàn diện, từ trong nhà trường phổ thông đến ngoài xã hội, từ các tổ chức hành chính đễn các tổ chức đoàn thể. Những ấn phẩm này phục vụ cho các hình thức thông tin báo chí, tuyên truyền ở các địa phương người dân tộc. ấn phẩm biên soạn dưới hai yêu cầu:

1/Phần cứng (phần bắt buộc), chung cho mọi địa bàn dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam.

2/Phần mềm, phần dành cho sắc thái từng vùng, miền dân tộc khác nhau (ví dụ có thể: Vùng Việt Bắc - Vùng Tây Bắc - Tây Nguyên - Đồng bào Chăm -Khơme…).

-Các ấn phẩm này sẽ phục vụ các hình thức thông tin ở các địa phương. Không nên coi nhẹ hình thức thông tin nào bởi vì tri thức, hiểu biết pháp luật đến với người thiểu số bằng nhiều hình thức thông tin. Kết quả thăm dò bằng phiếu phản ánh rõ tác dụng tổng hợp của tuyên truyền đối với nông dân. Cụ thể:

 

1) Phiếu điều tra số 1 cho đối tượng cán bộ tư pháp hoà giải, phóng viên báo, đài và cán bộ các cơ quan phối hợp. Câu hỏi: "Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả và phù hợp ở địa phương". Trong 188 người được hỏi, trả lời như sau:

 

 

Tuyên truyền miệng

94,6%

(178/188 phiếu)

Thi tìm hiểu pháp luật

94,1%

(177/188 - )

Qua phiên trợ

75%

(141/188 - )

Qua hoà giải

73,4%

(138/188 - )

Ngày văn hoá dân tộc

48,9%

(92/188 - )

Qua xét xử của toà án

45,7%

(86/188 - )

Ngày lễ

36,7%

(69/188 - )

 

 

2) Cũng câu hỏi đó, với đối tượng giáo viên dậy môn giáo dục công dân lớp 8, 9 các trường phô thông nội trú 6 tỉnh (Gia Lai, Kon tum, Huế, Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La) kết quả như sau:

 

 

Dậy ở nhà trường

73,9%

34/46 phiếu

Tuyên truyền miệng

58,6%

27/46 phiếu

Tuyên truyền trên báo, đài

36,5%

26/46 phiếu

Qua thi tìm hiểu

41,3%

19/46 phiếu

Thông tin cổ động

28,2%

13/46 phiếu

Qua ngày văn hoá dân tộc

28,2%

13/46 phiếu

Qua xét xử các phiên toà

13%

6/46 phiếu

Qua lễ hội

10,08%

5/46 phiếu

 

 

3) Phiếu hỏi ý kiến số 3: Dành cho đối tượng học sinh phổ thông và lớp 8,9 trường phổ thông nội trú ở 6 tỉnh trong ba miền khác nhau. Câu hỏi: "Hàng ngày, em thường tiếp nhận đựơc những thông tin nào về pháp luật theo các nguồn dưới đây". 186 em đã trả lời theo phân bố sau:

 

 

 

Qua giờ giáo dục công dân:

48,9%

91/186 phiếu

Qua truyền hình Trung ương và địa phương:

17,7%

33/186 phiếu

Qua đài phát thanh (Trung ương- địa phương):

14,5%

27/186 phiếu

Qua sinh hoạt đoàn đội:

9,6%

18/186 phiếu

Qua sách, báo:

9,1%

17/186 phiếu

Qua xét xử toà án:

4,8%

9/186 phiếu

 

 

Từ kết quả điều tra trên đây, ta thấy việc biên soạn để xuất bản những ấn phẩm chuyên đề pháp luật là rất cần thiết và chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt.

Để có được những ấn phẩm chuyên đề pháp luật. Bộ tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đài, báo chí, bộ văn hoá, uỷ ban dân tộc và miền núi... tổ chức các cuộc thi viết về pháp luật dưới nhiều hình thức, nhiều thể loại khác nhau. Mục đích các tác phẩm này là để phục vụ việc phổ biến, truyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào thiểu số. Chọn lọc những sáng tác tốt, in ấn, tung vào khu vực miền núi. Nó vừa là sản phẩm trực tiếp đến tay người dân, vừa là công cụ cho các bộ phận làm nội dung tuyên truyền, cổ động, giải thích.

Một hướng khác của xuất bản ấn phẩm là biên soạn xây dựng những chương trình nhất định, cung cấp thiết bị và chương trình đó cho các địa phương, đi sâu vào quần chúng tuyên truyền. Ví dụ như chương trình "Lời khuyên của già bản" chẳng hạn. Những ấn phẩm này có thể dưới nhiều hình thức: Phát thanh, vidio, truyền hình, tập ảnh, một số bài viết, kịch bản phục vụ các đội văn nghệ, ca dao, hò vè, tấu, nhạc...

6- Xây dựng những đội thông tin cơ sở hoạt động trong phạm vi lãnh thổ nhất định để đưa pháp luật vào đời sống đồng bào thiểu số:

-Trong thực tế như hiện nay, đòi hỏi những đội thông tin cơ sở chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật là rất khó. Đội này chuyên môn hoá được như vậy là rất đáng quý. Song lãnh thổ hoạt động của nó phải rộng lớn hơn, chịu sự chỉ đạo của Bộ tư pháp. Có lẽ bước đầu chỉ nên thành lập đội tuyên truyền pháp luật ở các vùng dân tộc phía Bắc và tây Nguyên. Những thí điểm về tổ chức và hoạt động của nó sẽ có tác dụng mở rộng thêm các vùng miền khác.

-Song mô hình tổ chức đội văn hoá, tuyên truyền tổng hợp là hợp lý và có tính khả thi hơn. Đội văn hoá tuyên truyền này có nhiều nội dung trong đó có chuyên đề về pháp luật. Hình thức thể hiện của nó cũng đa dạng, sinh động, hấp dẫn. Có thể sử dụng các hình thức nghệ thuật để chuyền tải các nội dung pháp luật. Đội văn hoá tuyên truyền lưu dộng này có thể làm nhiều chức năng, văn hoá, nghệ thuật, chiếu vidio, bán hoặc phân phát ấn phẩm sách báo, nói chuyện, toạ đàm ...(1)

Phối hợp với các ngày lễ hội của địa phương, các phiên chợ huyện, xã, cụm, đội văn hoá tuyên truyền này sẽ có những hoạt động thích hợp.

7- Một vấn đề lớn cần quan tâm đến trong vấn đề giải pháp lâu dài là đội ngũ làm công tác giáo dục, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào thiểu số.

Yêu cầu chung đặt ra là bản thân họ phải không những thông hiểu về pháp luật mà còn hiểu biết sâu sắc đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội miền núi, có khả năng tiếp xúc thường xuyên với môi trường tại chỗ, có các điều kiện để giao tiếp như ngôn ngữ và phương tiện đi lại. Đội ngũ này có thể là người ở đồng bằng và đô thị nhưng thiết tha với sự nghiệp miền núi, gắn bó với dân tộc thiểu số. Song để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đội ngũ này chủ yếu phải là người địa phương. Đây là một đề xuất không dễ gì giải quyết trong điều kiện như hiện nay nếu đòi hỏi đội ngũ đó chỉ làm công tác này. Giải pháp thực tiễn nhất là đội ngũ những người địa phương miền núi (người thiểu số hay người kinh) tham gia phổ biến giáo dục pháp luật hoạt động theo chế độ cộng tác viên, bán chuyên nghiệp. Bộ tư pháp, Sở tư pháp nắm danh sách đội ngũ này, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ và có chế độ nhất định khuyến khích, động viên. Họ là những người có uy tín ở các cơ quan địa phương có điều kiện, có uy tín với nhân dân. Khi họ nắm bắt được hiểu biết về pháp luật, chính họ là hạt nhân tuyên truyền giáo dục quần chúng. Đội ngũ này không phân biệt ngành nghề, vị trí công tác. Nên đa dạng hoá đội ngũ và có chế độ sinh hoạt gặp gỡ hàng quí, hàng năm.

Từ đề xuất giải pháp đó bắt buộc chúng ta phải nhìn nhận, xem xét giải quyết đội ngũ trên hai bình diện: Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ và có chế độ chính sách, sinh hoạt thích hợp. Có như vậy mới duy trì hoạt động thường xuyên lâu dài và có hiệu quả. Mặt khác khi xây dựng đội ngũ nên hết sức lưu ý hai tính chất: Đây là cán bộ hoạt động thông tin báo chí tuyên truyền và tính chất giáo dục phổ biến pháp luật.

Sẽ không có đội ngũ cán bộ địa phương cộng tác lĩnh vực mới mẻ này nếu không có những biện pháp tích cực, cụ thể, hợp lý. Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, quy hoạch tổ chức, cần nhanh chóng tổ chức đào tạo tại chỗ với mục đích cụ thể(1).

Kết luận

1/ Pháp luật là một vũ khí quan trọng trong công cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước. Sau khi giành được độc lập, pháp luật giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong công cuộc dựng nước, thiết lập nhà nước pháp quyền. Cần có pháp luật đầy đủ bảo vệ mọi quyền lợi của Nhà nước và công dân, giữ gìn trật tự kỷ cương. Có như vậy mới có thể làm cho dân giầu nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, hàng loạt các đạo luật và pháp lệnh đã được ban hành. ở miền xuôi, thành thị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang tiến hành. Song nó không thể dùng các hình thức và biện pháp như thế đối với miền núi, đối với dân tộc thiểu số. Phải từ thực trạng miền núi, từ đặc điểm các dân tộc để tiến hành sự nghiệp "Xoá mù về pháp luật" cho vùng đất rộng lớn và quan trọng này của tổ quốc.

2/Bằng những đặc trưng của hoạt động báo chí tuyên truyền nội dung phổ biến giáo dục pháp luật có thể trở thành một hình thức đột phá khẩu trong công cuộc giải quyết nhận thức, ý thức trách nhiệm và tình cảm công dân trước pháp luật đối với đồng bào thiểu số. Báo chí hoàn toàn có khả năng trở thành diễn đàn bàn bạc, trao đổi, tranh luận, học tập về pháp luật của đồng bào thiểu số. Tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, báo chí tuyên truyền thiết thực và cụ thể thành người lính xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

3/Khả năng trên có thành sự thực được là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, do công tác lãnh đạo và chỉ đạo là do các quan hệ kết hợp, phối hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành báo chí, văn hoá và pháp luật. điều quan trọng ở đây là đổi mới thực sự và nhanh chóng để biến những giải pháp đề xuất trong chuyên đề nghiên cứu này thành những biện pháp khả thi. Từ quan điểm tư duy đổi mới của Đảng, từ tấm lòng và nhiệt tình với sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp các dân tộc thiểu số nói riêng, hoạt động báo chí tuyên truyền cùng với các hoạt động khác nhất định có nhiều biện pháp để tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào ở miền núi có hiệu quả. Các dân tộc thiểu số sẽ là những thành viên trong đại gia đình cộng đồng người Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chuẩn bị hành trang tốt về luật pháp để tiến xa hơn trong xây dựng đất nước.

________

 

 

 

 

 

Chuyên đề 3

 

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua

công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít ngươì

 

Thực hiện

: Vũ Văn Lý

 

Phó Vụ trưởng vụ TCCB - Bộ Tư pháp

Nguyễn Đắc Bình - Nguyễn Phương Thảo

Chuyên viên Vụ PBGD pháp luật.

 

I. Sự cần thiết nghiên cứu phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

1. Cơ sở pháp lý của vấn đề:

Dù pháp luật được xây dựng đủ để điều chỉnh quan hệ xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội...Cũng chỉ có ý nghĩa nếu như pháp luật đi vào cuộc sống và phù hợp với đòi hỏi thực tế trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Để pháp luật đi vào cuộc sống của nhân dân thì một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật có tầm quan trọng như vậy nên Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 315.CT ngày 7-12-1982 và Chỉ thị số 300.CT ngày 20-10-1987 chỉ rõ: "đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân". Bộ Tư pháp được giao phối hợp với các bộ có liên quan và Uỷ Ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.

Thực hiện hiến pháp năm 1992, Quốc hội giao cho Chính phủ nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp. Một nhiệm vụ rất quan trọng của chính phủ là" lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật (Luật Tổ chức Chính phủ). Chính phủ đã giao cho cơ quan chuyên môn của mình là Bộ Tư pháp thực hiện" Trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và hàng năm; phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo xây dựng chương trình giảng dậy pháp luật trong các trường học"(Điều 2, Nghị định 38-CP). Những cơ sở pháp lý nêu trên thể hiện Nhà nước ta đề cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong nhân dân, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác hoà giải vốn có từ rất lâu trong nhân dân ta, các tổ hoà giải đựơc thành lập để giải quyết những vi phạm và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật. Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức toà án nhân dân đều ghi nhận" ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật" (Điều 127 Hiến pháp). Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ "Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn công tác hoà giải các tranh chấp trong nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết hoạt động của các tổ hoà giải"(Điều 2, Nghị định 38-CP).

Phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải có liên quan chặt chẽ với nhau. Muốn giải quyết những vi phạm pháp luật và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật thì phải làm cho nhân dân hiểu biết pháp luật. Để nhân dân hiểu biết pháp luật đòi hỏi các cơ quan có chức năng phải thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật; nhất là đồng bào ở vùng dân tộc ít người trình độ văn hoá còn thấp kém và ít hiểu biết các văn bản pháp luật.

Có hiểu biết pháp luật thì khi giải quyết hoặc tham gia giải quyết các vi phạm và tranh chấp nhỏ, nhân dân mới tuân theo quy định của pháp luật. Hai công tác này đều đựơc ghi nhận trong hiến pháp và các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao là tiền đề, là cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu vấn đề phổ biến, giáo dục pháo luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

2- Cơ sở lý luận và thực tiễn việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải:

a/Cơ sở lý luận:

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đựơc Đảng ta rất quan tâm, coi đó là một trong những điều kiện để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng lần thứ VII đã chỉ rõ: "Điều kiên để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân"(1).

Muốn nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và tuân thủ pháp luật của nhân dân thì phải triển khai phổ biến giaó dục pháp luật bằng nhiều hình thức. Riêng công tác hoà giải có mối liên hệ với việc phổ biến giáo dục pháp luật và là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu PBGD pháp luật thông qua công tác hoà giải chưa đựơc các cơ quan có trách nhiệm quan tâm đúng mức và chưa coi nó là một hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. vì vậy cần tiến hành nghiên cứu làm rõ những khái niệm; hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải, phân biệt nó với những hình thức khác để khẳng định hiệu quả của mô hình này và cần được triển khai trong những năm tới.

Mặt khác, công tác hoà giải đã tồn tại lâu đời và ngày nay phát triển sâu rộng trong nhân dân. Vì vậy công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là một yêu cầu khách quan, cần được tổng kết, đánh giá khẳng định trên cơ sở khoa học.

b/Cơ sở thực tiễn: Khi nhân dân ta sống tập trung thành những cụm dân sư (xóm, thôn, phố, làng, bản) thì bắt đầy nẩy sinh những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ở cụm dân cư. Trước đây; khi chưa có tổ hoà giải thì trong các khu vực dân cư đã có người hoà giải các vụ việc xẩy ra để giữ mối đoàn kết nhân dân. Người hoà giải lúc ấy là người có uy tín trong nhân dân thuyết phục các bên mâu thuẫn, tranh chấp bằng truyền thống đoàn kết dân tộc, tình làng nghĩa xóm, quan niệm đạo đức và kinh nghiệm sống của bản thân. Công tác hoà giải có tác dụng thiết thực trong việc củng cố khối đoàn kết nhân dân nên tự nó khẳng định vị trí của mình và được nhân dân thừa nhận tồn tại một cách khách quan. Khi cách mạng tháng 8-1945 thành công, Nhà nước ta tiếp tục kế thừa và phát triển công tác hoà giải rộng khắp trong nhân dân bằng một số hướng dẫn trong các văn bản pháp luật. ở Hội nghị chuyên đề công tác tư pháp toàn quốc (tháng 8-1994) tại thành phố Đà Nẵng, các địa phương đều đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tổ hoà giải trong đời sống xã hội, góp phần to lớn vào việc củng cố đoàn kết toàn dân, ngăn chặn kịp thời những vi phạm và tội phạm, giảm bớt nhiều vụ việc phải đưa lên toà án nhân dân cấp huyện giải quyết, góp phần vào việc phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân(1). Điều đó chứng minh mô hình tổ hoà giải thích hợp và đựơc chấp nhận trong thực tế.

Từ những năm 60 đến nay các tổ hoà giải được thành lập ngay trong dân cư, các thành viên của tổ hoà giải do dân cử ra và gắn bó hàng ngày với nhân dân. Một đội ngũ cán bộ hoà giải đông đảo ở cơ sở đã trực tiếp, kịp thời hoà giải các xích mích trong quan hệ hôn nhân gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư; hoà giải các mâu thuẫn tranh chấp về tài sản và các quyền lợi khác trong nhân dân, giáo dục vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Dù ở miền đồng bằng hay ở vùng dân tộc ít người thì công tác hoà giải phải gắn liền với nhiều lĩnh vực pháp luật. Thông qua việc hoà giải các vụ việc hàng ngày ở cơ sở, các thành viên của tổ hoà giải rút ra nhiều kinh nghiệm giáo dục, thuyết phục, cảm hoá, động viên, giải thích các bên tranh chấp thông xuốt trên cơ sở pháp luật. Họ là những người phổ biến, giáo dục pháp luật với lực lượng đông nhất, có hiệu quả nhất. Điều đó đòi hỏi phải tổng kết đánh giá và khẳng định đây là một trong những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.

3-Từ trước đến nay công tác phổ biến giáo dục pháp luật được nghiên cứu và triển khai thực hiện tách rời công tác hoà giải. Thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hoà giải có mối liên quan chặt chẽ và tương hỗ với nhau. Vấn đề đặt ra cần tiến hành nghiên cứu những điểm chung, mối liên hệ giữa hai công tác này từ đó để kết luận mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là một trong những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả ở vùng dân tộc ít người.

II-Nội dung nghiên cứu:

1-Khái quát thực trạng hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

ở vào thời kỳ qua độ, nền kinh tế nước ta còn thấp, mức sống của đồng bào các dân tộc ít người còn rất thấp nhiều so với đồng bào miền xuôi, nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, ít hiểu biết pháp luật. Từ chỗ ít hiểu biết pháp luật nên đồng bào các dân tộc ít người không hiểu được hành vi trong các mâu thuẫn, tranh chấp của mình vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật v.v…Trong 188 phiếu khảo sát ở các tỉnh Gia Lai, Kon tum, Quảng Bình, Huế, Sơn La, Lào Cai... (bao gồm đồng bào khùa, Kinh, Sách, Mường, Thái, Vân Kiều, Nguồn, Dao, Khơ mú, Cao Lan, Hmong, Sán Dìu, Sán chỉ...) theo các đối tượng: Cán bộ hoà giải, cán bộ tư pháp, cán bộ quản lý, các cơ quan liên quan khác(1) thì nguyên nhân vi phạm pháp luật do đời sống kinh tế khó khăn: 117/188 phiếu (62,2%), không biết pháp luật: 86/188 phiếu (45,7%), không phổ biến giáo dục pháp luật 76/188 (40,4 %). Kết quả trên chứng minh rằng nhân dân ở vùng dân tộc ít người có trình độ hiểu biết pháp luật ít. Ngược lại trong đời sống cộng đồng của các dân tộc ít người mối quan hệ xã hội càng trở nên phức tạp và phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trên các lĩnh vực. Thực tế đang đòi hỏi chúng ta cần có nhiều biện pháp tích cực, kịp thời để ngăn ngừa không để cho việc nhỏ biến thành lớn, nguy hiểm. Trước năm 1990 cấp uỷ Đảng và Uỷ Ban nhân dân các tỉnh miền núi (như Hà Tuyên (cũ); Cao Bằng... ) đã quan tâm xây dựng và củng cố các tổ hoà giải. Những năm này phong trào hợp tác hoá mạnh, vận động đồng bào các dân tộc ít người định canh định cư, bảo vệ và phát triển rừng do đó việc xây dựng, củng cố tổ hoà giải có thuận lợi và ổn định. Nhiều Sở Tư pháp chủ động biên soạn tài liệu để hướng dẫn tổ chức và hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban Tư pháp xã và tổ hoà giải (như Hà Tuyên cũ và Cao Bằng). Từ sau năm 1990 tình hình kinh tế- xã hội phát triển, sự chênh lệch về mọi mặt giữa miền xuôi và miền núi khá xa. Phòng Tư pháp cấp huyện bị giải tán sát nhập vào văn phòng Uỷ Ban nhân dân cùng cấp và ở cấp xã không có cán bộ tư pháp chuyên trách đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc. Có địa phương có cơ quan tư pháp không nắm đựoc bao nhiêu tổ hoà giải còn hoạt động, thậm chí sát nhập tổ hoà giải vào tổ chức quần chúng khác. Do mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống vẫn phát sinh nên các cơ quan, đoàn thể quần chúng đã trực tiếp giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp để giữ đoàn kết thôn, xóm, bản, làng (có thể không hoàn toàn là hoà giải). Ví như các cơ quan toà án, công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã, hội phụ nữ, các già làng. Năm 1993 hệ thống cơ quan Tư pháp địa phương được củng cố và được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, hoạt động hoà giải. Tuy nhiên ở cơ sở công tác hoà giải còn bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Tháng 8-1994 qua 188 phiếu khảo sát ở 6 tỉnh: Gia Lai, Kon tum, Lào Cai, Sơn La, Quảng Bình, Huế đã phản ảnh 2.123 tổ hoà giải với số người tham gia là 9.926 người (bình quân mỗi tổ hoà giải 4 người). Trong số thành viên hoà giải chỉ có 50,4% được bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết qua tập huấn ngắn hạn tại cơ sở.

ở vùng dân tộc ít người thành viên tổ hoà giải rất đa dạng, phổ biến là cán bộ về hưu, phụ nữ, thanh niên, đội trưởng đội sản xuất, già làng, tổ trưởng tổ dân cư , giáo viên. Qua khảo sát cho thấy 98% các tổ hoà giải có các già làng tham gia, 68% có giáo viên tham gia... Điều đó thể hiện các thành viên tổ hoà giải ở vùng dân tộc ít người là những người gần gũi và có uy tín với công đồng, họ là những người có tiếng nói với sức thuyết phục cao và hiệu quả. Tổng số vụ hoà giải trong năm (qua 188 phiếu khảo sát) là 492.373 vụ việc, trong đó hoà giải thành 279.400 vụ việc, hoà giải không thành là 212.973 vụ việc. Phân tích có 861 vụ hoà giải theo phong tục tập quán, còn hoà giải theo quy định của pháp luật chỉ có 436 vụ.

Tóm lại, ở vùng dân tộc ít người tổ chức các hoạt động của tổ hoà giải còn yếu, các thành viên tổ hoà giải hoạt động theo quy định của pháp luật không đáng kể do đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải kém hiệu quả.

Nguyên nhân cơ bản là:

-Các cấp uỷ, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp địa phương chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của công tác hoà giải; chưa tổ chức tốt việc phổ biến giáo dục pháp luật gắn với công tác hoà giải trong nhân dân.

-Thành viên tổ hoà giải chưa chưa đựơc bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến đời sống của nhân dân vùng dân tộc ít người như hiến pháp năm 1992, bộ luật hình sự, luật hôn nhân gia đình, luật đất đai, các luật thuế, luật bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản dưới luậtvvv. Họ không có tài lliệu pháp lý và tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải. Đó là một trở ngại lớn nếu cơ quan tư pháp các cấp không quan tâm thì cơ sở không đủ khả năng khắc phục. Nếu không giải quyết được trở ngại đó thì không thể nói đến hiệu quả của công tác hoà giải và càng không thể nói đến phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.

-Những năm gần đây do xoá bỏ bao cấp nên kinh phí hoạt động của các tổ hoà giải không có, sách báo và tài liệu pháp lý không được cung cấp, cán bộ hoà giải không có chế độ chính sách, nhất là ở vùng các dân tộc ít người, chủ yếu họ tham gia công tác hoà giải bằng sự tự nguyện và bằng chính uy tín của mỗi người, do đó họ càng không có điều kiện và khuyến khích được việc tích cực tham gia công tác hoà giải.

2- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.

2.1-Một số khái niệm.

a/Khái niệm giải quyết vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân.

Giải quyết vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân được hiến pháp năm 1992 và luật tổ chức Toà án nhân dân ghi nhận. Tuy vậy, đến nay cũng chưa có ai đưa ra một khái niệm đầy đủ, hoặc một bài viết nào để giải thích khái niệm này.

Trước hết, vi phạm nhỏ trong nhân dân là hành vi trái pháp luật hiện hành nhưng mức độ ít nguy hiểm cho xã hội hoặc những hành vi trái đạo đức xã hội chủ nghĩa và thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc ta.

Về thực chất, hành vi vi phạm nhỏ trong nhân dân đều giống những hành vi vi phạm đựoc xác định là tội phạm trong bộ luật hình sự hoặc những hành vi vi phạm hnàh chính mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với hành vi vi phạm thuộc tội hình sự. ở nước ta có nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết vi phạm hành chính như cơ quan công an, uỷ ban nhân dân, cơ quan hải quan, các cơ quan giao thông đưòng bộ, đường sắt, quản lý thị trường... với nhiều mức sử phạt: Cảnh cáo, phạt tiền, thu giấy phép, tịch thu, phạt lao động công ích, giam hành chính, biện pháp phạt lao động cải tạo.

Hành vi vi phạm nhỏ mức độ ít nguy hiểm cho xã hội, chưa đến mức phải phạt hành chính hoặc truy tố trước toà án. Tổ hoà giải cơ sở có nhiệm vụ phân công cán bộ hoà giải gặp gỡ các bên để giúp họ "Thương lượng với nhau tự giải quyết".

Tranh chấp nhỏ trong nhân dân chủ yếu là tranh chấp dân sự, đa dạng theo lĩnh vực hôn nhân-gia đình, xây dựng, điện nước, lối đi, bờ cõi, cây cối... Có ý kiến cho rằng mâu thuẫn tranh chấp nhỏ là giá trị tiền của vụ tranh chấp nhỏ, ít. Có ý kiến lại cho rằng có những vụ tranh chấp trong việc mua bán nhà hàng trăm cây vàng nhưng giải quyết bằng hoà giải ở cơ sở vẫn có kết quả tốt. Vì vậy họ cho rằng tranh chấp nhỏ không phải chỉ là giá trị tiền của vụ tranh chấp nhỏ, ít mà tranh chấp "nhỏ " còn phụ thuộc vào mức độ tranh chấp không căng thẳng.

Theo chúng tôi, hiểu tranh chấp nhỏ nghĩa là giá trị vụ việc tranh chấp không lớn hoặc mức độ không căng thẳng, có thể giải quyết bằng hoà giải và thông qua người hoà giải dàn xếp các bên tự nguyện giải quyết. Như vậy, việc giải quyết vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết mà do các bên tự nguyện giải quyết thông qua cán bộ hoà giải. Cán bộ của tổ hoà giải là những người có uy tín do nhân dân tín nhiệm lựa chọn. Hiện nay tổ hoà giải chủ yếu giải quyết:

-Các mâu thuẫn, tranh chấp về tài sản và các quyền lợi khác trong nhân dân.

-Những xích mích trong quan hệ hôn nhân gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư.

b/Khái niệm hoà giải:

Hoà giải là quá trình hoạt động có mục đích của cán bộ tổ hoà giải chủ động giúp các bên (trong vụ việc vi phạm và tranh chấp nhỏ) tự dàn xếp, thương lượng với nhau để giải quyết theo đúng pháp luật và phù hợp với quan niệm đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Trong một vụ việc hoà giải thì cán bộ của tổ hoà giải có vai trò rất quan trọng là kịp thời giải quyết tại chỗ các xích mích, tranh chấp nhỏ để củng cố khối đoàn kết toàn dân, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, bằng biện pháp giáo dục, thuyết phục cảm hoá, động viên, giải thích để giúp cho các bên đạt tới sự thoả thuận hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên, cán bộ của tổ hoà giải không áp dụng bất cứ hình thức gì để ép buộc, gây tác động vào một trong hai bên để buộc họ thoả thuận. Công tác hoà giải là một công tác đòi hỏi người cán bộ hoà giải phải kiên trì, gặp gỡ từng bên để thuyết phục, giúp cho mối quan hệ của họ từ căng thẳng, gay gắt tìm đựơc những kênh đối thoại với nhau, thương lượng với nhau. Trong quá trình hoà giải người cán bộ hoà giải còn phải dùng kinh nghiệm, vốn sống của mình, có tình cảm trong sáng và uy tín để tìm ra những nhu cầu của từng bên; phải hiểu biết pháp luật cần thiết về vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp để tìm cách hoà giải để chỉ cho đôi bên thấy cái đúng, cái sai của mình, qua đó giúp cho các bên đi đến tự nguyện bàn bạc, giải quyết với nhau.

Hoà giải những vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân khác với giải quyết một vụ án hoặc hoà giải một vụ dân sự tại toà án nhân dân. Toà án nhân dân xét xử nhằm phán quyết người có lỗi, phạm tội; có bên đúng, bên sai. Toà án áp dụng các quy định trong các điều khoản của luật định để tuyên bản án, quyết định hình phạt. Còn hoà giải trong một vụ án dân sự là một thủ tục bắt buộc, cần thiết. Điều 40, Luật hôn nhân gia đình năm 1986 quy định khi vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có đơn xin ly hôn thì toà án nhân dân tiến hành điều tra và hoà giải. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29-11-1989 cũng quy định trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án. Như vậy hoà giải trong trình tự giải quyết vụ án dân sự là một thủ tục độc lập và bắt buộc, đựơc tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm. Toà án nhân dân tuy có vai trò chủ động nhưng không ép buộc các đương sự; hoà giải tại toà án để các đương sự có quyền tự định đoạt quyền và lợi ích liên quan đến mình phù hợp với các quy định của pháp luật. Hoà giải trong một vụ án dân sự dù hoà giải thành hay không thành toà án nhân dân phải có biên bản và lưu giữ hồ sơ.

Ngược lại,hoà giải những vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân bằng miệng ,không hỏi cung ,không bắt buộc có biên bản hoà giải thành hay không thành và không lưu giữ hồ sơ.

Công tác hoà giải có ý nghĩa và vai trò to lớn trong đời sống xã hội , góp phần vào củng cố đoàn kết nhân dân ngăn chặn kịp thời những vi phạm pháp luật và tội phạm, giảm bớt nhiều vụ việc phải đưa lên toà án nhân dân cấp huyện giải quyết , đỡ tốn tiền bạc và thời giờ của nhân dân.

c/ Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định giải quyết các vi phạm và tranh chấp nhỏ theo đúng quy định của pháp luật .Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản về công tác hoà giải.Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh rằng khi xã hội phát triển thì các mâu thuẫn ,tranh chấp trong nội bộ nhân dân xuất hiện trên nhiều lĩnh vực : Hôn nhân gia đình ,nhà cửa đất đai, xây dựng điện nước, sử dụng diện tích công cộng, vay mượn... những mâu thuẫn tranh chấp ấy đều có liên quan đến văn bản pháp luật hiện hành như: Luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, các văn bản pháp luật quy định về xây dựng, các văn bản pháp luật về dân sự...

Khi tiến hành hoà giải một vụ việc cụ thể, cán bộ hoà giải phải dựa vào pháp luật làm chuẩn mực, làm căn cứ phân tích, giải thích, đưa ra lời khuyên để hướng các bên đạt tới sự tự nguyện giải quyết. Người hoà giải phải vô tư, khách quan, không một chút thiện vi, tình cảm phải trong sáng. Giải quyết các vi phạm và tranh chấp nhỏ trong nhân dân không theo quy định của pháp luật thì kết quả hoà giải sẽ không bền vững, kém hiệu quả, đúng sai lẫn lộn dẫn đến một thời gian nào đó vụ việc lại tiếp tục xảy ra. Thực tế ở một vài nơi do tổ hoà giải chưa nắm vững pháp luật nên đã giải quyết cả vụ việc thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân. Ví như, ở Long An có tổ hoà giải đã giải quyết cho ly hôn hoặc giải quyết cả ruộng đất.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải pháp luật đã có đủ để điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội trên các lĩnh vực. Giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật là nguyên tắc, nhưng cũng còn có căn cứ vào cả những quan niệm đạo đức xã hội chủ nghĩa. Cán bộ hoà giải có khi còn sử dụng cả những câu ca dao, tục ngữ để đi vào lòng người để khuyên bảo, thuyết phục. Nhiều địa phương đã đặt ra phương châm hoà giải như "hoà giải phải lý, tình trọn vẹn", "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, đảm bảo thấu tình đạt lý..." Hiện nay các dân tộc ít người có một số trường hợp các già làng, trưởng tộc, trưởng bản đã dùng uy tín và quyền uy của mình với cộng đồng để phân xử (không phải là hoà giải) vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở những phong tục tập quán, quan niệm đạo đức vốn có của dân tộc, một dòng họ, làng bản trái với quy định của pháp luật hiện hành, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam và quan niệm của nền đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là hiện tượng cần khẩn trương khắc phục.

d/Hình thức phổ biến giáo dục thông qua công tác hoà giải và các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác.

Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải là một hình thức sử dụng người thực, việc thực để đưa pháp luật đi vào lòng dân, vào cuộc sống sâu sắc hơn các hình thức khác. Người cán bộ hoà giải bằng vụ việc cụ thể đã vận dụng các quy định của pháp luật để khuyên bảo, thuyết phục, phân tích đúng sai theo pháp luật làm cho hai bên hiểu biết pháp luật và tôn trọng pháp luật. Công tác hoà giải có liên quan đến nhiều vụ việc, vận dụng nhiều văn bản pháp luật, sẽ đưa được nhiều quy định pháp luật vào trong nhân dân. Khi trình độ pháp luật của nhân dân được nâng lên thông qua công tác hoà giải thì các bên lại là người truyền đạt lại cho các thành viên của cộng đồng các quy định của pháp luật về vấn đề mà họ trải qua. Cứ như vậy qua nhiều năm nhân dân trong khu vực dân cư sẽ đựơc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải sẽ hiệu quả hơn một số hình thức khác ở chỗ đưa pháp luật vào cuộc sống sâu hơn, nhân dân tiếp thu tự nguyện, nhất là hiệu quả hơn đối với đồng bào dân tộc ít người vì họ rất tin sự thật vụ việc cụ thể.

Ngoài hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải còn có những hình thức khác là: tuyên truyền miệng, qua các phiên toà xét xử của toà án, qua ngày lễ hội, qua phiên chợ, thi tìm hiểu pháp luật... trong số 188 phiếu khảo sát thì số người trả lời hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả như sau: Hình thức phổ biến miệng: 178/188 phiếu (chiếm 94,6%), qua xét xử của toà án: 86/188(45,7%), ngày văn hoá dân tộc: 92/188 (42,8%), qua ngày lễ hội: 69/188 (36,7%), qua phiên chợ: 141/188 (75%), thi tìm hiểu pháp luật: 177/188 (94,1%), qua hoà giải: 138/188 (73,4%).

Kết qủa trên chứng minh rằng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải được khẳng định vị trí của mình trong các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác và phù hợp với điều kiện ở vùng dân tộc ít người. Từ đó có thể rút ra những đặc trưng cơ bản của hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải so với các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác là:

- Phạm vi phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải rộng hơn, có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực đời sống của nhân dân (hôn nhân - gia đình, đất đai, nhà cửa, đánh nhau không gây thương tích v.v…).

- Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải sâu sắc hơn. Vì qua mỗi vụ việc hoà giải, các bên hoà giải được giải thích pháp luật tỷ mỉ, sâu về một việc cụ thể nên hiệu quả giáo dục cao.

- Chủ thể (người hoà giải) đa dạng, tạo ra đội ngũ phổ biến giáo dục pháp luật đông nhất, gắn bó với dân nhất, để vận động nhân dân tôn trọng pháp luật (như người làm hoà giải gồm các cụ phụ lão, hội viên Hội phụ nữ, Đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội viên Hội cựu chiến binh, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…).

- Đối tượng (người được hoà giải): Cũng đa dạng theo lứa tuổi (thanh thiếu niên, trung niên, các cụ già…), theo giới (nam, nữ), theo nghề nghiệp (công nhân nông dân, trí thức…)v.v. do đó vận dụng pháp luật để phổ biến giáo dục pháp luật khác nhau và phương pháp pháp phổ biến giáo dục cũng khác nhau. Với những đặc thù trên làm cho việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải đạt hiệu quả cao.

2.2 Những vấn đề đúc kết về hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

a. Hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người phụ thuộc vào kết quả "hoà giải thành" nhiều vụ việc. Kết quả hoà giải sẽ có tác dụng tích cực phổ biến được nhiều quy phạm pháp luật cho nhân dân, nâng cao được sự hiểu biết và ý thức pháp luật. Đây là một hình thức có hiệu quả vì khi nhân dân đã hiểu biết pháp luật thì vô hình chung chúng ta có một đội ngũ tuyên truyền pháp luật, vận động các thành viên trong cùng cộng đồng thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần vào việc đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Hiệu quả việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải còn phụ thuộc vào việc xác định đúng mục đích hoà giải là hoà giải kịp thời những mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân, không để việc nhỏ biến thành việc lớn, không để vụ việc đơn giản thành phức tạp gây nguy hiểm và hậu quả xấu. Phương châm hoà giải là giáo dục, thuyết phục, cảm hoá, khơi dậy trong nhân dân bản chất tốt đẹp và kế thừa truyền thống của dân tộc ta là tôn trọng pháp luật, lẽ phải, công bằng, đạo đức, đoàn kết… Hoà giải phải thấu tình đạt lý, có nghĩa là phải trên cơ sở quy định của pháp luật. Hoà giải tốt tác dụng phổ biến giáo dục pháp luật sẽ có hiệu quả cao.

b. Hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người phụ thuộc vào việc xây dựng mạng lưới hoà giải mạnh ở cơ sở. Ban Tư pháp cấp xã phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng tổ hoà giải rộng khắp trong các khu vực dân cư, chú trọng giới thiệu để nhân dân lựa chọn những người có uy tín với cộng đồng dân tộc ít người như già làng, trưởng bản, trưởng tộc, bà cô làm thành viên hoặc tổ trưởng tổ hoà giải. Các cơ quan Tư pháp địa phương có kế hoạch tổ chức bồi dưõng những kiến thức pháp luật cần thiết có liên quan đến đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ít người. Ví như tổ chức soạn thảo tài liệu cho tổ hoà giải về Luật hôn nhân - gia đình, Luật đất đai, Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ và phát triển rừng v.v… ở những nơi có điều kiện cần soạn thảo kiến thức pháp lý cần thiết bằng tiếng của mỗi dân tộc ít người cho nhân dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Có một mạng lưới hoà giải mạnh ở cơ sở là có một mạng lưới phổ biến, giáo dục pháp luật rộng và có hiệu quả trong nhân dân.

c. Hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải tuỳ thuộc rất lớn vào các thành viên của tổ hoà giải. Người cán bộ hoà giải bằng nhiệt tình, kinh nghiệm và vốn sống phong phú nhưng phải biết kết hợp với quy định của pháp luật trong công tác hoà giải. Sự kết hợp hài hoà, linh hoạt giữa hai mặt đó thì việc phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc ít người sẽ có hiệu quả cao.

Tổ hoà giải như cơ thể sống phải thường xuyên được chăm lo bồi dưỡng, thành viên tổ hoà giải phải bổ sung những người có uy tín với cộng đồng dân tộc ít người làm cho tổ hoà giải thực sự là tổ chức quần chúng có tác dụng thiết thực.

2.3 Các mô hình tổ chức hoà giải hiện nay ở vùng dân tộc ít người.

a) Hoà giải theo mô hình tổ hoà giải.

Hiện nay ở vùng dân tộc ít người hoà giải theo mô hình tổ hoà giải là chủ yếu. Tổ hoà giải được thành lập theo đơn vị dân cư: xóm, thôn, làng, bản hoặc theo số hộ. Thành viên tổ hoà giải gồm: phụ lão, cán bộ hưu trí, thanh niên, đảng viên, đội trưởng đội sản xuất, tôn giáo, cựu chiến binh, già làng, tổ trưởng tổ dân cư, giáo viên…

Thông thường các tổ hoà giải do Ban Tư pháp xã, phường giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Các thành viên được tập huấn về pháp luật và nghiệp vụ nên trong công tác hoà giải có hiệu quả hơn.

b) Hoà giải do cá nhân có uy tín đối với đồng bào dân tộc ít người (Trưởng bản, già làng…).

ở những nơi chưa tổ chức và củng cố được tổ chức tổ hoà giải thì thực tế công việc hoà giải có thể do già làng, giáo viên thực hiện. Cá nhân tự nguyện hoà giải xuất phát từ uy tín bản thân với cộng đồng; muốn làng, bản bình yên. Nhưng họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sống, đạo đức, phong tục tập quán theo quan niệm của dân tộc họ trải qua bao đời nay. Có những vụ hoà giải đạt kết quả ổn thoả tốt đẹp, phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng còn nhiều hạn chế vì có những phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam vẫn dùng vào việc phân xử, ép buộc các bên mâu thuẫn, tranh chấp tuân theo… Ban Tư pháp xã không thể quản lý và hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ cho đối tượng này do đó hiệu quả công việc không cao.

c) Một hình thức khác ở vùng dân tộc ít người là hoà giải của các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội: Uỷ ban nhân dân cơ sở, Công an, Toà án nhân dân, các đoàn thể quần chúng như Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, có một số ít nơi thành lập Ban hoà giải cấp xã gồm đại diện tất cả cơ quan đoàn thể. Tuy nhiên, hình thức hoà giải qua các cơ quan, đoàn thể mang nặng quyền uy và phán xử.

3. Nội dung, đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật trong quá trình hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu thực tế của công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người cho chúng ta thấy rằng: cần phải chọn lựa được nội dung pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể mới có thể tiến hành công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải có hiệu quả thiết thực được. Trong phạm vi chuyên đề này chúng tôi chỉ đề cập đến một số lĩnh vực pháp luật chủ yếu và ở một số nhóm dân tộc điển hình.

a) Nhóm dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn la, Lào cai) với các nhóm dân tộc điển hình như Thái, Mông, Tày, Nùng, Dao.

Qua khảo sát, điều tra xã hội học bằng phiếu và qua thực tiễn những năm qua cho thấy có 8 nội dung pháp luật chủ yếu cần được nghiên cứu, chọn lọc khi phổ biến giáo dục thông qua công tác hoà giải như: Hiến pháp 1992, có 98 phiếu trên 188 phiếu quan tâm nhiều đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là các quyền tự do thân thể tính mạng và tài sản công dân, (chiếm 52,1%). Tiếp đến là Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, trong đó phải chọn lựa và giải thích khoa học được các hành vi có thể cấu thành tội phạm, các tội phạm và khung hình phạt tương ứng, chính sách hình sự của Nhà nước, các thủ tục tố tụng, thẩm quyền các bên khi tham gia tố tụng, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và công dân… Thứ ba là Luật hôn nhân và gia đình rồi đến các luật thuế, luật đất đai, luật bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính; cuối cùng là các quy định, Quyết định của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân.

Trong quá trình hoà giải, với từng nhóm đối tượng phải có nội dung pháp luật rất cụ thể mới có thể phổ biến giáo dục có hiệu quả, pháp luật mới đi vào cuộc sống, ví dụ: Khi hoà giải 1 vụ tảo hôn, ly hôn thì người làm công tác hoà giải phải nắm vững kiến thức chuyên sâu về điều khoản nào của Luật hôn nhân gia đình quy định về vấn đề đó; ngoài Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh các hành vi đó còn có pháp luật khác điều chỉnh không? Mặt khác phải phân tích có lý có tình để đối tượng được hoà giải hiểu rõ các quy định của pháp luật, thấy được tình người cũng như các hậu quả khác sẽ xảy ra khi tảo hôn, ly hôn không những với chính mình mà cho cả gia đình, con cái họ hàng mình nữa.

Cái khó của công tác hoà giải và đặc biệt là thông qua hoà giải để phổ biến giáo dục pháp luật gồm nhiều yếu tố. Song có thể quy tụ vào 2 điểm chính là: người làm công tác hoà giải (uy tín, chuyên môn, độ tuổi) và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động hoà giải (chế độ chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ các tài liệu cần và đủ về pháp lý v.v…). ở khu vực miền núi, do trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển kém, cơ sở hạ tầng thấp cùng với việc tồn tại những phong tục, tập quán cũ lạc hậu như nghiện hút, mê tín, cờ bạc, chặt phá rừng, du canh du cư, tảo hôn, thách cưới v.v… đều là những khó khăn chi phối trực tiếp đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải.

Khi khảo sát về nguyên nhân vi phạm pháp luật thì có tới 117 phiếu/188 phiếu (62,2%) cho rằng nguyên nhân chính là do đời sống kinh tế khó khăn, 48,9% cho rằng thiếu pháp luật; 45,7% cho rằng không biết pháp luật và 40,4% cho rằng do không được phổ biến giáo dục pháp luật, còn lại 31,3% ý kiến cho rằng vi phạm pháp luật là do mọi người thờ ơ. Con số 31,3% trong số phiếu được hỏi đã trả lời như trên, đặt ra câu hỏi cho những người bảo vệ và thực hiện pháp luật: vì sao pháp luật không được phổ biến giáo dục, vì sao nhân dân thờ ơ? Làm gì để pháp luật đi vào cuộc sống?

Từ những nội dung pháp luật trên, theo chúng tôi có các nhóm đối tượng dưới đây cần được phổ biến giáo dục pháp luật:

- Cán bộ làm công tác quản lý các cấp (tập trung chủ yếu vào đối tượng cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn, bản…). Đây là nhóm đối tượng gần dân nhất và do dân bầu nên. Vì thế nếu các đối tượng này không nắm được pháp luật, không gương mẫu chấp hành pháp luật thì không thể điều hành, quản lý được xã hội ở địa phương. Pháp luật không thể đi vào cuộc sống.

- Các Trưởng bản, già làng, bà cô, trưởng họ: Nhóm đối tượng này có đặc điểm nổi bật là vai trò và quyền lực của họ do uy tín của chính họ tạo nên. Các quyết định của họ nhiều khi có hiệu lực hơn cả mệnh lệnh và văn bản của cấp có thẩm quyền. Qua khảo sát ở 8 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên chúng tôi thấy đối tượng này chiếm tới trên 70% trong số các thành phần tham gia làm công tác hoà giải. "Nắm tay dân ở, dắt tay dân đi" chính là quyền lực và vai trò của Trưởng bản, già làng. Chính vì thế, nếu nhóm đối tượng này được quan tâm bồi dưỡng về pháp luật, về chế độ chính sách và có đầu mối tập trung, định hướng trong chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền và Tư pháp thì hiệu quả của việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải càng cao hơn nhiều.

- Nhóm đối tượng thanh niên và thiếu niên: Nhóm đối tượng này rất cần được quan tâm để phổ biến giáo dục pháp luật cho họ đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự, hôn nhân - gia đình, hành chính, đất đai, thuế và bảo vệ rừng. Tuy không đi sâu vào việc phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể cho đối tượng này nhưng phải có một kế hoặch chiến lược đối với họ mới có thể giúp họ thực sự trở thành những chủ nhân của bản làng, vùng dân tộc được. Trong hoà giải, mặc dù tỷ lệ Đoàn viên thanh niên tham gia các tổ hoà giải chưa cao (41,5%) nhưng trong các vụ hoà giải có đối tượng thanh niên thì tiếng nói của họ cũng rất đáng chú ý. Đặc biệt nếu người đó lại là già làng (già làng là người có uy tín được suy tôn lên chứ không phân biệt già hay trẻ).

- Nhóm đối tượng là nhân dân nói chung: ở đây cần chú trọng vào nhóm đối tượng nhân dân của các dân tộc ít người có tính điển hình như người Mông, Dao, Tày, Mường. Theo chúng tôi, xét tính điển hình của nhóm đối tượng này phụ thuộc vào mấy yếu tố sau:

+ Tỷ lệ dân số (chiếm số đông) + Cụm dân cư

+ Trình độ dân trí + Theo thời vụ

+ Tính cộng đồng, gắn bó + Họ tộc

b) Nhóm dân tộc ít người ở các tỉnh miền Trung, khu 4 cũ và Tây nguyên.

Như đã nêu ở phần (a), cùng với các nội dung pháp luật và các nhóm đối tượng điển hình đã nêu. Qua thực tế cho thấy đồng bào dân tộc ít người ở khu 4 cũ, miền Trung và Tây nguyên có 1 số nét khác với dân tộc ít người ở phía Bắc (chữ viết, tiếng nói, phong tục…) ví dụ như phong tục lễ bỏ mả (cúng cơm cho người chết ở mả), lễ đâm trâu, lễ gieo lúa, lễ ăn gạo mới… của người Bana, Gia rai và Ê đê. Hoặc tập tục lạc hậu người chết không được chôn (phải để 2, 3 ngày đợi ăn hết rượu thịt mới cho chôn). Cả người Bana và Gia rai đều có tập tục là khi làm lễ cúng lúa mới hoặc cúng khi làm rẫy, khi gặt đều không tiếp khách lạ vào lúc đó. Nếu không nắm được tập tục này thì người làm phổ biến giáo dục pháp luật cũng như người làm hoà giải chắc chắn sẽ không thành công.

Trong hôn nhân luật pháp quy định rõ tuổi kết hôn của nam và nữ, thủ tục đăng ký kết hôn, ly hôn… nhưng người Bana (Tây nguyên) khi kết hôn phải thêm lễ trao vòng tay (khi trao vòng tay xong là vợ chồng chính thức và sau 6 tháng đến 1 năm mới tuyên bố chính thức. Còn khi đã cưới nhau nhưng không có con mà bỏ nhau thì người bỏ vợ phải đền 1 con bò cho người bị bỏ, 1 con bò cho họ hàng ăn phạt, 1 con heo cho làng. Nếu vợ chồng có con mà bỏ nhau thì cứ nộp phạt cho mỗi đứa con 1 con bò, mẹ 1 con và làng 1 con - và đến lúc đó mới được công nhận là đã bỏ vợ (ly hôn). Cho nên có nhiều cặp vợ chồng do mẫu thuẫn hoặc điều kiện khách quan không ở với nhau được nhưng cũng không thể bỏ nhau được vì không có trâu bò, heo để nộp phạt.

Nêu dẫn chứng như vậy, theo chúng tôi - việc lựa chọn đúng nội dung pháp luật và đối tượng để phổ biến giáo dục pháp luật khi hoà giải không những là yêu cầu bắt buộc mà còn là cơ sở khoa học của những người nghiên cứu và tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật và làm công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người.

4. Những phương tiện và điều kiện vật chất đảm bảo phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.

a) Đào tạo, bồi dưỡng và ổn định lực lượng cán bộ làm công tác hoà giải: Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Giải quyết được yêu cầu này là điều kiện tiên quyết để tiến hành hoà giải và phổ biến giáo dục pháp luật. Cố nhiên cùng với việc đào tạo bồi dưỡng lực lượng này về nghiệp vụ hoà giải, kiến thức pháp lý… cần phải có chế độ chính sách cụ thể với họ để yên tâm công tác. Đây là nguyện vọng rất chính đáng và cũng là thực tế không chỉ ở các tỉnh miền núi mà còn là của các nước đối với người làm công tác hoà giải.

b) Cung cấp (phát không) các sách báo, tài liệu pháp lý cho cán bộ làm công tác hoà giải: Với người làm công tác hoà giải ở miền núi, sách báo và tài liệu pháp lý là thứ cẩm nang rất quý của họ. Cần cung cấp kịp thời và thường xuyên các sách báo, tài liệu pháp lý mới cập nhận để họ nghiên cứu, tiếp cận và vận dụng vào chuyên môn. Theo chúng tôi, nên giao cho các Sở tư pháp, Phòng tư pháp và ban Tư pháp xã việc này, những nơi chưa ổn định được hệ thống tư pháp, cơ sở thì chính Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở nơi đó có trách nhiệm cung cấp. Như vậy mới giúp được những người làm công tác hoà giải có điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn - cho dù nhiệm vụ đó là do họ tự nguyện.

Mặt khác, ngoài các sách, báo, tư liệu pháp lý phổ thông, ngành Tư pháp cần kiến nghị với Nhà nước và các ngành hữu quan như Uỷ ban dân tộc và miền núi của Chính phủ, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Bộ văn hóa - thông tin, Bộ tài chính… tổ chức in ấn bằng tiếng dân tộc các tài liệu, sách báo pháp lý cấp không cho cán bộ làm hoà giải ở cơ sở ít nhất mỗi tổ cũng phải có đủ các sách báo và tài liệu pháp lý cần thiết.

c) Định kỳ 6 tháng, hàng năm… cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác hoà giải cho cán bộ hoà giải vùng dân tộc và miền núi: Các tài liệu này nên giao cho ngành Tư pháp biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia hoặc Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc in ấn, phát hành. Bộ tư pháp, các Sở tư pháp nghiên cứu, chọn lựa các nội dung pháp luật cần thiết để biên soạn tài liệu này, đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải và các tài liệu chuyên đề khác có thông tin pháp luật.

III/ Một số kiến nghị, đề xuất:

Công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người có vai trò quan trọng đối với việc phổ biến, giáo dục pháp luật do đó cần phải kiện toàn củng cố tổ chức và đổi mới hoạt động của tổ hoà giải. ở vùng dân tộc ít người nhân dân sống rất xa nhau, để giải quyết kịp thời các vụ việc phải tổ chức hoà giải ít nhất 5 người do 1 tổ trưởng phụ trách. Tổ trưởng tổ hoà giải cần lựa chọn các già làng, trưởng bản, trưởng tộc. Phạm vi hoạt động của mỗi tổ hoà giải khoảng dưới 15 hộ.

Ban Tư pháp cấp xã giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải, có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cần thiết và nghiệp vụ hoà giải cho cán bộ hoà giải. Tổ hoà giải mỗi tháng sinh hoạt 1 lần để kiểm điểm công tác, bàn phương hướng hoạt động của tháng tới và trao đổi kinh nghiệm làm hoà giải.

Uỷ ban nhân dân cấp xã dành một khoản ngân sách tạo điều kiện cho các tổ hoà giải có kinh phí mua giấy bút tài liệu cần thiết và bồi dưỡng cho các thành viên tổ hoà giải hoạt động. Để tăng cường hoạt động của các tổ hoà giải ở vùng dân tộc ít người, chính quyền cơ sở, các đoàn thể quần chúng vận động các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tập thể và tư nhân đóng góp để làm tặng phẩm cho các tổ hoà giải và cán bộ hoà giải có nhiều thành tích. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm Uỷ ban nhân dân các cấp và cơ quan Tư pháp các cấp tiến hành sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hoà giải với những hình thức khen thưởng thích hợp cho đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác hoà giải (như giấy khen, tặng phẩm có giá trị).

Phổ biến giáo dục pháp luật có rất nhiều hình thức, trong đó phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở vùng dân tộc ít người có một vai trò, tác dụng lớn được khẳng định trong thực tiễn và trong lý luận. Những năm qua công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là ở vùng dân tộc ít người chưa được quan tâm thích đáng. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ hoà giải chưa được tổ chức có kế hoạch và thường xuyên nên công tác hoà giải còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Thực tế ngày càng phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân cần phải vận dụng pháp luật, do đó trong công tác hoà giải phải luôn luôn coi phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ của tổ hoà giải. Đặc biệt trong công tác hoà đến nay chưa có văn bản pháp lý dưới luật để quy định tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải. Bộ tư pháp cần phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành nghiên cứu xây dựng Pháp lệnh về hoà giải để tăng cường công tác hoà giải đáp ứng được thực tiễn hiện nay.

 

 

chuyên đề 4

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua

một số loại hình trường lớp ở miền núi.

 

 

Thực hiện:

Đinh Xuân Thảo

CV. Vụ PBGDPL Bộ Tư Pháp

Nguyễn Trường - chuyên viên Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ giáo dục đào tạo.

 

 

Hơn 10 năm qua, Đảng và Chính phủ đã ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị trong đó khẳng định một biện pháp cơ bản, chiến lược và hữu hiệu để xây dựng và nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân là "đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học, các cấp học" từ phổ thông đến Đại học, trung học chuyên nghiệp và các trường của các Đoàn thể nhân dân. Theo chức năng của mình, hai ngành Tư pháp và Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp từng bước nghiên cứu, triển khai việc đưa giáo dục pháp luật vào các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân song song với tiến trình cải cách giáo dục ở hệ phổ thông và đổi mới các chương trình, mục tiêu ở hệ Đại học và trung học chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên trong cả nước. Qua sơ kết, tổng kết và tìm hiểu thực tế ở một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng và thành phố cho thấy việc "Giáo dục pháp luật trong các nhà trường" là một mô hình có hiệu quả, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chất chiến lược lâu dài. Mô hình đó cần được nghiên cứu áp dụng ở dân tộc miền núi và khu vực ít người.

Để xác định mô hình (nội dung, phương pháp) phổ biến giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường lớp ở miền núi, trước hết chúng ta phải nắm được thực trạng hiểu biết pháp luật ở miền núi, từ đó đặt ra yêu cầu về kiến thức pháp luật cơ bản cần phổ biến giáo dục ở miền núi.

I/Thực trạng hiểu biết pháp luật ở miền núi.

 

1. Thực trạng và nhu cầu về hiểu biết pháp luật và giáo dục pháp luật trong nhà trường ở miền núi.

Tình hình và thực trạng hiểu biết pháp luật nói chung ở khu vực miền núi và đồng bào dân tộc được nêu rõ, đầy đủ tổng quát ở chuyên đề 1 (phần I) của đề tài. ở đây chỉ đề cập đến thực trạng hiểu biết pháp luật và giáo dục pháp luật trong phạm vi nhà trường. Đối tượng nghiên cứu ở đây là học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông miền núi; người lớn trong các lớp xoá mù chữ; và sau xoá mù chữ, giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân và cán bộ quản lý giáo dục ở địa bàn miền núi, dân tộc ít người.

Để nắm được thực trạng và nhu cầu giáo dục pháp luật, hiểu biết pháp luật của các đối tượng nói trên, nhằm có cơ sở thực tiễn cho việc xác định yêu cầu xây dựng chương trình, nội dung giáo dục pháp luật qua loại hình trường lớp ở miền núi, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khảo sát, điều tra xã hội học một số trường phổ thông dân tộc nội trú, trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, các "lớp ghép" lớp xoá mù chữ tại các tỉnh Quảng bình, Thừa thiên - Huế, Gia lai, Kon tum, Lào cai, Sơn la.

Qua nghiên cứu khảo sát, điều nổi bật đầu tiên là các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc ít người (như: Xê đăng, Khơ mú, Sách, Tày, Dao, Mường, Khùa, Pa kô, Vân kiều, Ba na, Gia rai, Dẻ triêng, Cà tu, Thái, Nùng, H' mông, Sán dìu, Ê đê, Tà ôi, Chàm, Brâu, Ta dong, Rờ mâm, Nghao, A rim, Ma coong, Rục….) đang có sự chênh lệch đời sống kinh tế - văn hoá quá nhiều so với các tỉnh đồng bằng thành thị. Đời sống của đồng bào dân tộc còn khó khăn, nghèo nàn lạc hậu, sống rải rác ở các vùng xa, vùng sâu, đường xá đi lại khó khăn, làm nương rẫy, ăn ngô, khoai sắn là chính, có vùng thiếu ăn quanh năm, cơ sở hạ tầng thấp kém, có nơi quản lý theo kiểu "Chúa đất" trưởng bản, già làng. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu còn nặng nề trong tiềm thức và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Nhiều làng bản chưa có trường học, trình độ dân trí thấp, không thạo tiếng kinh, số người mù chữ còn chiếm tỷ lệ đáng quan tâm (tới 80, 90%) có nơi hàng năm xoá mù trên 1000 người thì đều tái mù vì không dạy lại. Trẻ em đến tuổi đi học không huy động đến trường được vì các em không thích đi học hoặc không có trường, tỷ lệ bỏ học cao (có nơi 8%/năm). Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (trình độ), như toàn huyện Mang Yang tỉnh Gia lai có 600 giáo viên, chỉ có 82 giáo viên được đào tạo cơ bản, còn lại chỉ đào tạo 2, 3 tháng tại huyện, hiện nay còn thiếu hàng trăm giáo viên, phải lấy lớp 4 bồi dưỡng, đào tạo để làm giáo viên làng (mô hình 4+3). Trường làng làm bằng tranh tre, nứa, lá, trời mưa bị dột nát không ngồi học được. Phần lớn học sinh chỉ học đến lớp 4 - 5, hoặc 7 - 8 là bỏ, rất ít em học đến lớp 12.

Trước tình hình khó khăn về giáo dục ở miền núi và dân tộc ít người, đã có hai quan điểm; một là, bỏ một bộ phận, tập trung dạy cho một một bộ phận chờ sau này phát triển có điều kiện mới phổ cập tất cả; hai là, dạy cho tất cả đến lớp 1 - 2.

Để đào tạo cán bộ nguồn, cốt cán lâu dài cho địa phương, hiện nay đang thực hiện việc chọn học sinh vùng sâu, vùng xa, con em dân tộc ít người vào các trường phổ thông dân trộc nội trú. Các tỉnh có miền núi và dân tộc đều có trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, vài trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và xã (theo chương trình 7/1991 của Bộ giáo dục và Đào tạo).

Tại các trường này, Nhà nước đầu tư nuôi và dạy hoàn toàn từ cấp 1 đến cấp 3. Học sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú đã có quy hoạch cho lâu dài nên ngoài kinh phí Trung ương, các địa phương cũng có trách nhiệm và quan tâm chu đáo. Học sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú là do cử tuyển chủ yếu từ con em dân tộc ít người, ngoài ra có từ 10 - 15% học sinh người kinh ở vùng cao, vùng sâu. Về độ tuổi lấy giao động hơn tuổi quy định chung 2 - 3 tuổi cá biệt có cao hơn vài tuổi. Khảo sát 186 em học lớp 8, 9, 10 và 11, có 138 em từ 16 đến 20 tuổi, 48 em từ 20 đến 27 tuổi. Giữa trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và tỉnh có sự liên thông với nhau về chương trình, phương pháp, dạy và quy trình cử tuyển…

Các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thường đặt tại thị xã, trung tâm tỉnh lỵ (là chủ trương của Bộ giáo dục - Đào tạo để các em học sinh tiếp xúc với văn minh đô thị), có quy mô nuôi dạy từ 200 đến 300 học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, đội ngũ cán bộ giáo viên mỗi trường có 15 đến 30 người là những giáo viên được chọn lựa có năng lực, và trách nhiệm.

Ngoài các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện đã nói trên ở một số làng, bản có mô hình "lớp ghép" cho các cháu con em đồng bào dân tộc. Lớp ghép là trong một phòng học cùng một lúc có học sinh lớp 1, 2, 3 do một giáo viên dạy, kiểu lớp ghép này phù hợp vì học sinh tại các làng bản ít và có thuận lợi vì được Bộ giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí và tổ chức UNESCO tài trợ. Số học sinh phổ thông ở các trường, lớp khác của vùng dân tộc, miền núi thì có khó khăn trên nhiều phương diện gắn với hoàn cảnh tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Trở lại với trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, chúng ta thấy chương trình giáo dục nói chung và giáo dục công dân nói riêng đều như ở các trường phổ thông trong cả nước. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh, trình độ của thầy và trò ở các trường này có khác nhau nên thực trạng và kết quả giáo dục cũng khác nhau.

Kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy:

Môn giáo dục công dân được dạy theo chương trình chung từ lớp 6 với 33 tiết/năm, 1 tiết/tuần. Thầy và trò đều nhận thức: Việc đưa pháp luật vào nhà trường là cần thiết, 151/186 học sinh (81,1%) thích học pháp luật vì hiểu pháp luật để làm theo pháp luật. 34/46 giáo viên (73,9%) thừa nhận hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp ở địa phương là dạy ở các trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tư pháp đã quan tâm, theo dõi để đảm bảo giảng dạy môn này nghiêm túc. Ngoài chương trình chung, địa phương đã chọn dạy cho học sinh những văn bản luật có liên quan với miền núi, dân tộc và lứa tuổi các em như Luật giao thông, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Luật chăm sót bảo vệ trẻ em, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật hôn nhân và gia đình… Có nơi nhà trường cùng Sở tư pháp phối hợp dịch một số luật ra tiếng dân tộc để học sinh tiện học tập, nghiên cứu như tiếng Gia rai và Bana ở tỉnh Gia lai. So với học sinh ở đồng bằng, thành thị, học sinh dân tộc, miền núi có hiểu biết hẹp, tầm nhìn hạn chế, ảnh hưởng của phong tục tập quán và lệ làng sâu sắc nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật có nhiều khó khăn, từ đó có một số không thích học pháp luật và chất lượng học tập không cao. Có 35/86 học sinh (18,8% không thích học pháp luật vì khó học, không có tài liệu đầy đủ. Khi yêu cầu nêu tên 6 văn bản luật được biết rõ thì 78/186 học sinh (41,9%) nêu đúng từ 1 đến 3 văn bản, 57/186 học sinh (30,6%) nêu đúng từ 4 đến 6 văn bản, 51/186 học sinh (27,4%) không nêu được văn bản nào. Về tuổi kết hôn theo luật hôn nhân và gia đình, có 147/186 học sinh (79,0%) nói đúng, 39/186 học sinh (20,9%) nói sai. Về tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự có 143/186 học sinh (76,8%) trả lời đúng, 43/186 học sinh (23,1%) trả lời sai. Nguồn thông tin pháp luật đến với học sinh chủ yếu qua học môn giáo dục công dân (48,9% học sinh được khảo sát thừa nhận), tiếp theo là qua truyền hình Trung ương và địa phương (17,7%), qua đài phát thanh (14,8%), qua đọc sách báo (9,1%), qua xét xử của Toà án (4,8%), qua sinh hoạt Đoàn (0,6%).

Đội ngũ giáo viên dạy giáo dục công dân chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, sử dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dôi dư, gán giờ (giáo viên cấp 2 dạy 18 tiết/tuần, giáo viên cấp 3 dạy 16 tiết/tuần, giáo viên chủ nhiệm 14 tiết + 2 tiết giáo dục công dân). Không có giáo viên chuyên được đào tạo pháp luật cơ bản nên chưa nắm chắc pháp luật và không có phương pháp đặc trưng giảng dạy bộ môn giáo dục công dân. Khi yêu cầu nêu tên 10 văn bản luật, chỉ có 58,6% (27/46 giáo viên nêu được đầy đủ). Hỏi về tuổi bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân có 4,3% (2/46) giáo viên trả lời sai… Vì lý do đó nên mặc dù nhà trường không quan niệm giáo dục công dân là môn phụ, nhưng nó đã trở thành môn phụ, giáo viên dạy không hào hứng, học sinh khó tiếp thu, có nơi bỏ giờ, hoặc sử dụng giờ dạy giáo dục công dân vào việc khác như kể chuyện, sinh hoạt lớp hoặc lao động… Qua khảo sát, 148/186 học sinh (79,5%) trả lời giáo viên giảng bài giáo dục công dân là dễ hiểu, 38/186 học sinh (20,5%) trả lời là khó hiểu. Bản thân giáo viên cũng cho rằng việc dạy pháp luật trong các trương phổ thông hiện nay là khó (30/46 giáo viên - 65,2%) vì giáo viên chưa được đào tạo về pháp luật, lại ít tài liệu phục vụ cho việc dạy và học pháp luật. Chỉ có 50% (23/46) giáo viên được hỏi trả lời là thích dạy môn giáo dục công dân, 50% trả lời không thích dạy vì khó dạy, học sinh khó tiếp thu và vì nó như là môn phụ chưa được học sinh và xã hội quan tâm đúng mức.

Chương trình, nội dung môn giáo dục công dân nói chung, phần pháp luật nói riêng đối với học sinh dân tộc là quá nặng, nhồi nhét nhiều vấn đề. Cấu trúc các bài từ đầu đến cuối là lôgíc, nhưng không phù hợp đặc thì học sinh dân tộc nên khó tiếp thu. Một số giáo viên cho rằng, cấu trú bài 1 tiết đơn là khó cho việc soạn bài, nên ghép một bài 3 - 4 tiết. Giành cho kiểm tra và thực hành 2 tiết là quá ít, nên tăng thời gian thực hành, cho học sinh đi tham quan. Bốn tiết trống dành cho địa phương không có hướng dẫn cụ thể nên giáo viên lúng túng trong việc lựa chọn vấn đề dạy cho học sinh (thường chọn chủ đề truyền thống địa phương, tục lệ, lễ tết…). Ngoài chương trình chung cần có những tiết cho học sinh dân tộc (gắn đặc thù dân tộc) như giáo dục luật: Bảo vệ và phát triển rừng, hôn nhân và gia đình… Khi giảng giáo viên có thể đảo tiết (3 lên 1…) cho học sinh dễ tiếp thu. Gắn giáo dục đạo đức với giáo dục pháp luật, ví dụ: Bài lòng thủy chung (cuối lớp 7) cần gắn với Luật hôn nhân và gia đình, liên hệ với phong tục tập quán đồng bào dân tộc, miền núi.

2. Những nét đặc thù của giáo dục pháp luật trong các trường lớp ở miền núi, dân tộc ít người và các kiến nghị.

Từ việc phân tích tài liệu, số liệu thông tin thu thập được qua nghiên cứu, khảo sát, đối chiếu với lý luận và thực tiễn chung, chúng tôi rút ra được những cái riêng, những nét đặc thù của giáo dục pháp luật trong nhà trường ở miền núi, dân tộc ít người như sau:

- Từ lãnh đạo các cơ quan chức năng ở tỉnh, huyện, xã đến lãnh đạo và giáo viên các trường ở miền núi, dân tộc ít người đều nhận thức và khẳng định việc giáo dục pháp luật trong nhà trường là cần thiết và cấp bách, nhưng hiện nay ở vùng miền núi và dân tộc ít người việc dạy và học pháp luật còn nhiều hạn chế và khó khăn, mới chỉ có thể thực hiện được khá tốt (có quy củ, nề nếp) tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

 

- Trình độ dân trí, văn hoá của người học thấp, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc lối sống và hành động theo lệ làng (như phạt người ăn cắp gà, lợn phải trả bằng trâu, bò hoặc tiền, vật gấp nhiều lần; kết hôn bằng việc giao cồng; bỏ nhau phạt đền…) lại không thạo tiếng kinh nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức pháp luật.

- Giáo viên không được đào tạo cơ bản, đầy đủ về pháp luật Nhà nước, không nắm chắc phong tục tập quán và tiếng dân tộc. Chưa có giáo viên làng để dạy trong làng. Cả trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia lai chỉ một mình thầy hiệu trưởng là người dân tộc, trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm Daktô (Kon tum) cũng chỉ có 1 giáo viên là người dân tộc các trường khác cũng chủ yếulà giáo viên người Kinh (26/46 chiếm 56,5%). Khi dạy, giáo viên phải dịch ra tiếng dân tộc và so sánh với lệ làng thì học sinh mới tập trung nghe và mới hiểu, nhưng nhiều vấn đề pháp luật tiếng dân tộc không có khái niệm nên không thể giải thích được cho học sinh hiểu và mất nhiều thờigian, 1 tiết dạy không hết bài. Trong các trường phổ phông dân tộc nội trú thầy giáo được học sinh tin yêu như "Già làng", gắn bó như cha mẹ nên có vị thế tốt trong việc giáo dục các em về mọi mặt, kể cả pháp luật.

- Việc áp dụng chương trình, nội dung giáo dục pháp luật (giáo dục công dân) chung toàn quốc hiện nay cho học sinh dân tộc, miền núi là chưa phù hợp, lượng kiến thức nhiều, phức tạp và chưa thiết thực, chưa gắn nhiều với thực tế. Chỉ có 17,7% (33/186) học sinh thích học tất cả các bài trong chương trình, 40,8% (76/186) học sinh thích học các bài giáo dục nhân trí, lễ nghĩa, 44% (82/186) học sinh thích học về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bài học nào giáo viên liên hệ được với thực tế thì học sinh mới hiểu, vấn đề gì trừu tượng (như cơ cấu bộ máu Nhà nước, tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân… là cái không nhìn thấy, không phân biệt được) thì học sinh không hiểu được. Kết quả khảo sát chỉ có 6,9% học sinh thích học bài về tổ chức bộ máy Nhà nước.

- Sách giáo khoa, tài liệu, phương tiện phục vụ dạy - học pháp luật không đầy đủ, không có kịp thời, có nơi hiện đang dạy sách cũ đã thay thế từ lâu. Thư viện nhà trường không có sách báo pháp luật để giáo viên và học sinh đọc. Khi soạn bài lên lớp giáo viên ít tìm đọc tài liệu vì không có và không hiểu.

- Vị trí môn học này chưa được coi trọng (không thi tốt nghiệp và thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp) nên giáo viên không hứng thú dạy và học sinh không học tập nghiêm túc.

Để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của tình hình thực trạng đa nêu trên, chúng tôi kiến nghị:

 

- Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, đồng thời mở rộng đến các trường phổ thông huyện, xã và các "Trung tâm văn hoá cụm dân cư". ở làng bản chủ yếu phấn đấu phổ cập tiểu học (lớp 4, 5) là nghỉ học do đó phải đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường sớm hơn (từ cấp I), đưa vào các "lớp ghép" và cả các "lớp xoá mù chữ".

- Trên cơ sở chương trình giáo dục công dân chung cho cả nước, xây dựng một chương trình chung cho các trường dân tộc miền núi, trong đó chú ý:

+ Chương trình không tham quá, nội dung phải đơn giản, thiết thực, chỉ nên dạy tinh thần của những luật cần thiết, không dạy cả văn bản luật. Phần chung (phần cứng) dạy tri thức cơ bản, tăng phần riêng (phần mềm) giành cho địa phương dạy những luật mới cần thiết, liên quan đến học sinh, đồng bào dân tộc, miền núi theo yêu cầu và mục tiêu:

+ Gắn với thực tế địa phương.

+ Tăng hoạt động ngoại khoá.

+ Nếu có thể, cần biên soạn, dịch ra tiếng dân tộc.

-Cần có giáo viên người địa phương, người dân tộc, hoặc người Kinh biết song ngữ Kinh - dân tộc. Giáo viên phải được đào tạo cơ bản (kể cả về pháp luật) và dạy chuyên trách môn giáo dục công dân (78,2% giáo viên nhất trí đề nghị). Nhà nước phải có chương trình tổng thể về việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy giáo dục công dân trong các trường nói chung và ở vùng miền núi, dân tộc nói riêng (80,4% giáo viên đề nghị). Trước mắt đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền úi quan tam kinh phí bồi dưỡng giáo viên dạy giáo dục công dân (một số tỉnh đã làm). Muốn soạn giáo án có chất lượng tốt, giáo viện dạy giáo dục công dân cho học sinh miền núi, dân tộc phải đi thực tế miền núi, tìm hiểu phong tục tập quán và lệ làng của dân tộc, phải suy nghĩ tìm tòi nhiều, tốn thời gian, công sức do đó cần phải có chế độ đãi ngộ thoả đáng.

- Sở tư pháp phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo quan tâm đưa tài liệu phục vụ dạỵ, học pháp luật về các trường, cung cấp sách, báo pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật cho các trường coi đó là biện pháp hỗ trợ để dạy, học tốt môn giáo dục công dân ở miền núi (86,9% giáo viên được hỏi tán thành).

- Kết quả học tập môn giáo dục công dân phải là căn cứ đánh giá điểm hạnh kiểm của học sinh. Sớm đưa vào quy chế thi tốt nghiệp, chuyển cấp, thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp có môn giáo dục công dân. Trước mặt học sinh thi vào đại học luật phải thi môn giáo dục công dân hoặc lấy kết quả học môn này là một căn cứ để dự tuyển vào đại học Luật (qua khảo sát có 84,7% giáo viên dạy giáo dục công dân đồng tình). Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và có hình thức khen thưởng cho những học sinh đạt thành tích cao trong học tập môn pháp luật.

II/ Yêu cầu về kiến thức pháp luật cơ bản cần phổ biến giáo dục ở miền núi.

 

Trên cơ sở thực trạng và những đặc thù của giáo dục pháp luật trong các trường lớp ở miền núi và dân tộc ít người, đối chiếu với chương trình, nội dung giáo dục pháp luật trong các nhà trường nói chung để xác định:

1. Những kiến thức pháp luật phổ thông cơ bản tối thiểu cần đưa vào trường học cho các đối tượng học sinh tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú, học viên các lớp xoá mù và sau xoá mù.

a) Mục tiêu giáo dục pháp luật trong các trường lớp nói trên là trang bị cho học sinh những hiểu biết pháp luật cơ sở và gắn liền với đời sống sinh hoạt ở miền núi, giúp cho học sinh hiểu được những vấn đề đơn giản, chính yếu về Nhà nước, pháp luật, mối quan hệ giữa Nhà nước - xã hội - cá nhân, để từ đó học sinh xác định vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh - công dân trong nhà trường cũng như đối với Nhà nước và xã hội; rèn luyện nhân cách của người học sinh, người công dân, người lao động tương lai, để chủ động trong ứng xử và tham gia tích cực vào các quan hệ của đời sống Nhà nước và đời sống xã hội.

b) Chương trình, nội dung cụ thể về giáo dục pháp luật trong các trường lớp ở miền núi, dân tộc.

 

Với mục tiêu giáo dục pháp luật như đã nói ở trên, trong các trường lớp ở miền núi, dân tộc cần coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa nội dung môn học pháp luật (trang bị kiến thức trên các giờ giảng với những hoạt động ngoại khoá, thực hành rèn luyện kỹ năng).

- Chương trình, nội dung môn học:

Yêu cầu cơ bản của môn học về pháp luật trong các trường lớp dân tộc, miền núi là trên cơ sở chương trình chung thống nhất, đảm bảo tính kế thừa và phát triển liên tục trong việc tĩch luỹ kiến thức pháp luật từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông trung hcọ trong cả nước có tính đến sự khác biệt giữa các vùng cao, biên giới vùng nông thôn để xây dựng chương trình, nội dung với liều lượng thông tin pháp luật vừa đủ và phù hợp với nhu cầu người học.

+ ở các lớp phổ thông cơ sở (cấp I) đưa vào dạy một số quy phạm pháp luật gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, học tập của học sinh như: quy tắc xử sự ở nơi công cộng, quy tắc giao thông đường bộ, luật phổ cập giáo dục tiểu học, luật chăm sóc bảo vệ trẻ em, luật lao động… nhằm xây dựng văn hoá pháp lý nền tảng, tạo dần thói quen, hành vi ứng xử theo chuẩn mực pháp luật, có ý thức tôn trọng pháp luật.

+ ở cấp II đưa vào dạy các quyền và nghĩa vụ công dân về trật tự an toàn giao thông, về hôn nhân gia đình, về lao động, về dân sự, về bảo vệ rừng.

+ ở cấp III dạy một số tri thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, giới thiệu sâu hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và một số pháp luật cụ thể như: pháp luật về Lao động, Dân sự, Đất đai, Rừng, Hôn nhân và gia đình, Hành chính, Hình sự, Nghĩa vụ quân sự.

+ Đối với trẻ em và mọi người lớn không có điều kiện học theo trường lớp chính quy thì nội dung giáo dục pháp luật lồng ghép trong chương trình văn hoá xoá mù chữ phải ngắn gọn, thiết thực không nặng về lý luận chủ yếu gắn với cuộc sống nhu cầu hiểu biết của từng đối tượng người học (sẽ trình bày kỹ ở phần III của chuyên đề).

Người học sau khi xoá mù chữ (khoảng 7 triệu người) tuổi từ 15 đến 35 sống rải rác ở các vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu trình độ văn hoá tương đương lớp 3, 4, cuộc sống nghèo khổ 2/3 là phụ nữ đang làm ăn lam lũ, nội dung pháp luật lồng ghép vào các chương trình nên tập trung vào các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gắn với lao động sản xuất, làm kinh tế, bảo vệ sức khoẻ, môi trường và bảo vệ hạnh phúc gia đình nhằm củng cố cho mọi người học kỹ năng đọc chữ tránh mù trở lại và giúp họ có hiểu biết pháp luật hiện hành để có thể tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và đấu tranh bảo vệ người khác, giúp người khác hiểu và thực hiện đúng pháp luật, vươn lên làm chủ cuộc sống và tham gia tích cực vào sinh hoạt cộng đồng.

- Các hoạt động ngoại khoá, thực hành pháp luật cần tăng thời gian nhiều hơn so với chương trình chung, nhằm gây hứng thú và phù hợp trình độ học sinh miền núi để rèn luyện kỹ năng áp dụng và thực hành pháp luật trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá về pháp luật ngoài giờ giảng trên lớp cần có nội dung, hình thức phong phú phù hợp như:

+ Tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ pháp lý.

+ Tham gia giữ gìn trật tự trị an ở khu nhà ở và trật tự giao thông trên đường xá.

+ Các buổi nghe nói chuyện xem phim kịch về đề tài pháp luật, dự các phiên toà xét xử lưu động…

2. Phương pháp xây dựng chương trình giáo dục pháp luật.

Phương pháp đưa các nội dung pháp luật vào chương trình học hiện nay ở các nhà trường phổ thông là: thích hợp vào môn "Đạo đức" (bậc tiểu học) và môn "Giáo dục công dân" (bậc phổ thông trung học). Đối với các trường lớp miền núi, dân tộc cũng áp dụng phương pháp trên, ngoài ra có thể nghiên cứu để lồng ghép liên môn với môn học khác (không nhất thiết chỉ trong môn giáo dục công dân) như: tập đọc (tiếng Việt) ở tiểu học, xoá mù; giáo dục dân số, gia đình, môi trường... hoặc có những bài độc lập về pháp luật .

Mỗi lớp học khoảng 30 - 33 tiết, rải đều mỗi tuần 1 tiết hoặc dồn ghép. Một bài có thể 1 tiết hoặc nhiều tiết. Cách viết bài đơn giản, rõ ràng tránh nặng về lý luận và qúa tải về kiến thức, sử dụng ngôn từ phù hợp, trong sáng và có thể dịch ra một số tiếng dân tộc.

3. Phương pháp và hình thức giảng dạy, học tập pháp luật.

- Phương pháp thông dụng: lên lớp thuyết trình giảng giải, thảo luận, kiểm tra, giáo viên phải chuẩn bị kỹ bài, chọn vấn đề trọng tâm, khái niệm mới khó hiểu để tập trung giảng giải cho học sinh nắm được...

- Phương pháp đặc thù là giảng giải so sánh pháp luật với luật tục, lệ làng, giáo viên gợi ý, nêu vấn đề để học sinh tự liên hệ, nhận thức sau đó giáo viên lý giải, kết luận. Học trên thực địa, mô hình thiết bị dạy học.

III/ Giáo dục pháp luật cho nông dân các dân tộc ít người.

Phần trên chủ yếu đề cập đến giáo dục pháp luật cho học sinh trong các trường đào tạo văn hoá chính quy từ phổ thông cơ sở (cấp I, II) đến phổ thông trung học (cấp III). Trong phần này chúng tôi đề cập sâu vấn đề: Giáo dục pháp luật cho đối tượng người lớn ở vùng dân tộc (chủ yếu là nông dân) thông qua giáo dục xoá mù chữ.

1. Đối tượng của giáo dục pháp luật.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 2 triệu người mũ chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35. Những người này sống tập trung chủ yếu ở nông thôn, nhất là những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng núi, nơi cư trú của đồng bào các dân tộc ít ngươì. Vì thế, giáo dục người lớn ở vùng dân tộc chủ yếu là giáo dục biết chữ cho nông dân.

Hơn nữa, trong số những nông dân mù chữ này, có tới 2/3 là phụ nữ. Do đó, giáo dục biết chữ ở vùng dân tộc chủ yếu là giáo dục biết chữ cho phụ nữ.

Từ những nhận định, trên chúng ta xác định đối tượng của giáo dục pháp luật cho người lớn thất học trong hệ thống giáo dục phi chính quy ở vùng dân tộc ít người là nông dân, trong đó có phụ nữ chiếm đa số.

2. Chính sách cải cách nông nghiệp và những yêu cầu đặt ra đối vói giáo dục pháp luật.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết tiếp theo của Trung ương là quá trình cụ thể hoá và phát triển định hướng đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI vào lĩnh vực đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp.

a/ Với Nghị quyết 10, nhu cầu ruộng đất của nông dân được đáp ứng, nên họ hăng hái lao động và đã nhanh chóng tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mặt khác, Nghị quyết cũng đã thúc đẩy tâm lý truyền thống quí trọng đất đai của nông dân và kích thích nhu cầu sử dụng đất ngày một cao của họ.

Nhưng cũng từ sau khi thực hiện Nghị quyết 10, tình trạng kiện tụng tranh chấp đất đai đã diễn ra trên diện rộng dẫn đến sự mất đoàn kết giữa các dân tộc và trong từng dân tộc. Những cán bộ đi xa trở về mất đất. Dân rẻo cao, rẻo giữa chuyển cư xuống vùng thấp do cuộc vận động định canh, định cư nay bị đòi đất Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có phần là do nông dân hiểu và thực hiện chưa đúng quy định của luật sử dụng đất đai, được biểu hiện ở một số nhận thức lệch lạc trong nông dân, về vấn đề này. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để đòi lại ruộng đất vốn là của cha ông trước đây, dù là từ rất lâu đất đai đó đã được điều chuyển cho nông dân khác hoặc được chính quyền địa phương sử dụng cho những nhu cầu khác.

Đến nay, đa số các vụ tranh chấp đã được giải quyết, nhưng muốn để nông dân thực sự an tâm đầu tư công, của sử dụng có hiệu quả ruộng đất lâu dài và muốn cho những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân xung quanh việc tranh chấp ruộng đất được giải quyết kịp thời và êm đẹp thì điều quan trọng là nông dân phải nắm được những quy định của pháp luật về đất đai, những điều được phép làm và những điều không được phép làm.

b/ Mặt khác, giờ đây hộ gia đình nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ được quyền tự tổ chức sản xuất và mua sắm trang thiết bị, tự do lưu thông hàng hoá, tự lo làm nghĩa vụ đối với nhà nước, tự lo tổ chức cuộc sống của gia đình mình v.v... Như vậy, nông dân còn cần phải quan tâm đến một số vấn đề khác như: Những luật lệ quy định về quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đó là những điều khuyến khích hay cấm kỵ đối với những hoạt động cụ thể, các thủ tục hợp đồng kinh tế, lãi suất ngân hàng, tín dụng và nghĩa vụ đóng thuế, xử lý tài sản và nghĩa vụ đối với con cái.

Trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất, hàng hoá, ngoài việc thiếu thông tin kinh tế, sự kém hiểu biết pháp luật thường dẫn đến do dự, kém quyết đoán, có thể dẫn đến lỡ thơì cơ gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh của hộ.

c/ Thế nhưng nông dân, trong đó đông đảo là phụ nữ mà chị em đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nếu không là chủ hộ (khoảng 20 - 25 % số hộ) thì cũng trực tiếp tham gia quản lý kinh tế gia đình - ít được giáo dục pháp luật. Ngoài ra, họ cũng ít có điều kiện tiếp thu giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Rõ ràng nông dân nói chung hay những phụ nữ nông dân các dân tộc nói riêng đang gặp phải một mâu thuẫn to lớn, giữa một bên là những đòi hỏi của hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức cuộc sống gia đình, với một bên là sự thiếu hụt những hiểu biết cần thiết về pháp luật để giúp họ duy trì, phát triển kinh tế hộ. Chính mâu thuẫn này làm nảy sinh các yêu cầu giáo dục pháp luật cho nông dân .

3. Những yếu tố tác động đến quá trình giáo dục pháp luật cho người lớn ở các lớp xoá mù chữ vùng dân tộc.

a/ Mâu thuẫn cơ bản mang tính đặc trưng của giáo dục người lớn là mâu thuẫn giữa quỹ thời gian hạn hẹp của học viên do bận rộn sản xuất kinh doanh và công việc gia đình con cái, với dung lượng tài liệu kiến thức cần học tập trong chương trình. Thời gian có thực thường ít hơn thời gian cần thiết để tiếp thu kiến thức trong điều kiện học viên không thể tách rời sản xuất, kinh doanh. Việc giải quyết mâu thuẫn này là phải tối ưu hoá khối lượng kiến thức đưa vào chương trình sao cho học viên có thể thực hiện ngay những bài tập ở lớp có sự hướng dẫn của giáo viên.

b/ Một mâu thuẫn nữa thường gặp trong lớp học người lớn là sự không cân đối, không ăn khớp giữa chế độ lao động với chế độ lớp học. Việc học tập cần liên tục mà học viên do đó buộc về công việc làm ăn sinh sống thường bỏ học đứt quãng (ngày mùa, họp hành, con cái ốm đau v.v...) cách khắc phục mâu thuẫn này là.

+ Hướng dẫn học viên tìm hình thức học tập thích hợp với thời gian lao động của họ.

+ Trong cấu trúc nội dung kiến thức học tập ở một số lĩnh vực trong đó có giáo dục pháp luật, không nên quá câu nệ về tính hệ thống mà có thể cấu tạo với nội dung có tính độc lập tương đối (chẳng hạn mỗi buổi học là một vấn đề trọn vẹn) để khi học viên bận không thể đến lớp, lúc đi học trở lại, không bị hẫng trong việc tiếp nhận bài mới.

c/ Riêng đối với phụ nữ dân tộc ít người thời gian trở thành yếu tố gây cấn nhất. Ngày lao động của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới. Phổ biến là họ phải làm việc từ 15 đến 18 giờ/ngày. Nhưng khi mùa vụ có thể phải làm việc tới 20 giờ/ngày. Vì vậy sự lựa chọn nội dung và hình thức học tập trở nên hết sức khắt khe. Phải chọn đúng vấn đề cần kíp, gắn liền với lợi ích nóng bỏng sống còn đối với phụ nữ và gia đình họ. Phải tổ chức hình thức học tập thích hợp với chế độ lao động của họ. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hấp dẫn được chị em, giục giã họ dừng tay làm việc để đến với sinh hoạt học tập.

d/ Các học viên dân tộc mà chúng ta đang bàn lại là những người đang được hưởng thụ một chương trình quốc gia về giáo dục biết chữ bằng tiếng phổ thông. Thế nhưng khả năng hoạt động tiếng Việt cuả họ nói chung còn yếu và không đồng đều ở mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tộc người và địa bàn. Nông dân, đặc biệt là phụ nữ là tầng lớp có trình độ giao tiếp bằng tiếng phổ thông rất hạn hẹp. Nhiều người chỉ sử dụng đọc khẩu ngữ giới hạn trong một số giao dịch sinh hoạt hàng ngày. Nhưng cũng không ít người, đặc bệt là những người cư trú ở vùng cao, vùng sâu lại không biết tiếng phổ thông.

Đây là trở ngại lớn về mặt ngôn ngữ trong việc truyền thụ kiến thức hành dụng cho học viên. Để vượt qua khó khăn này, kiến thức pháp luật đưa vào chương trình phải hết súc đơn giản, rõ ràng và được biểu đạt những lời lẽ hết sức ngắn gọn dễ hiểu.

đ/ Ngoài ra, sự lĩnh hội nội dung pháp luật phụ thuộc vào trình độ kỹ năng biết chữ. Dung lượng kiến thức pháp luật chỉ có thể tăng trưởng tương ứng với trình độ phát triển kỹ năng biết chữ. Vì thế, ở giai đoạn đầu của quá trình giáo dục biết chữ khi kỹ năng biết chữ mới được xác lập, trình độ nói nghe - đọc - viết còn rất thấp thì kiến thức pháp luật của chương trình cũng phải hết sức đơn giản về nội dung lẫn hình thức biểu đạt. Càng về sau, khi các kỹ năng biết chữ đã phát triển, thì kiến thức pháp luật có thể được mở rộng và nâng cao.

4. Mục đích, nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục pháp luật cho người lớn ở các lớp xoá mù chữ vùng dân tộc.

a/ Góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, mục đích giáo dục pháp luật ở các lớp xoá mù chữ vùng dân tộc là giúp cho học viên hiểu đúng và làm đúng một số quy định của pháp luật với những yêu cầu cần khuyến khích hay hạn chế, những nghĩa vụ và quyền lợi, những ưu tiên hay cấm kỵ liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống của hộ gia đình nông nghiệp.

b/ Nội dung giáo dục pháp luật cho đối tượng này được cân nhắc lựa chọn trong sự ràng buộc của những yêu cầu của công cuộc đổi mới đối với miền núi, những yếu tố tác động đến việc giáo dục pháp luật và mục đích của giáo dục pháp luật như đã nêu ở những phần trên. Từ đó, chúng tôi đề nghị nội dung giáo dục Pháp luật bao gồm các vấn đề sau:

- Những quy định của luật đất đai về quyền sử dụng, quyền thừa kế, chuyển nhượng ruộng vườn đất đai.

- Một số quy định của pháp luật liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của nông dân trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp như hợp đồng kinh tế, mua bán đổi chác, chuyển nhượng tài sản, vật tư, hàng hoá, lợi tức ngân hàng, tín dụng và nghĩa vụ đóng thuế.

- Những quy định của Luật hôn nhân và gia đình và Luật dân sự có liên quan đến tuổi kết hôn của thanh niên nam nữ; phân chia tài sản; giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ giữa con trai và con gái, con cả, con thứ, con trong giá thú và con ngoài giá thú; nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng đối với con cái, đối với tài sản chung trong trường hợp ly hôn; ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…

Đương nhiên, nội dung trên khi đưa vào chương trình cần được sắp xếp theo nguyên tắc phát triển từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và phải tương ứng với trình độ, kỹ năng biết chữ của người học.

c/ Nội dung giáo dục pháp luật cho dù đã được xây dựng đạt được đến mức hợp lý tối đa, sẽ vẫn chưa có thể biến thành hiện thực nếu chưa đề xuất ra được các phương pháp học tập và hình thức học tập hữu hiệu. ở nước ta ngành giáo dục người lớn, trong thập kỷ vừa qua đã nhiều lần tiến hành tổng kết và hội thảo quốc gia nhằm tìm kiếm các phương pháp dạy, học và hình thức giáo dục cho chương trình giáo dục biết chữ. Qua những tổng kết và hội thảo trên, chúng ta có thể rút ra hai kết luận:

Một là các phương pháp dạy - học, phải giúp người học đạt được các mục tiêu học tập, phù hợp với nội dung học tập và điều quan trọng nhất là phải chú ý đến những đặc điểm học tập của người lớn - đó là:

 

- Nhu cầu hiểu biết: Khi người học hiểu rõ sự cần thiết phải học tập các kiến thức kỹ năng, thái độ mới, họ sẽ tích cực học tập. Nếu không thấy rõ sự cần thiết này, họ sẽ không tích cực chủ động trong quá trình học tập. Khi người học càng hiểu rõ thì họ càng tích cực hơn.

- Thái độ sẵn sàng học tập: Người lớn sẽ học tập có kết quả tốt khi họ có thái độ sẵn sàng học tập. Điều này có nghĩa là nội dung học tập phải phù hợp với yêu cầu, điều kiện thể chất và tinh thần của người học.

- Nhu cầu tự điều khiển việc học tập: Người lớn có nhu cầu tự điều khiển cuộc sống riêng của họ cũng như cách thức học tập của họ. Người lờn muốn được tôn trọng và chịu trách nhiệm về các hoạt động của họ với sự giúp đỡ khi cần thiết.

- Kinh Nghiệm: Người lớn tuy mù chữ nhưng không dốt nát. Họ có rất nhiều kinh nghiệm trong đời sống vì vậy vịêc dạy học cần dựa vào các kinh nghiệm này, sử dụng các kinh nghiệm này như một nguồn lực và người học có thể học tập lẫn nhau.

- Sự phù hợp: Người lớn học tập vì họ muốn biết các kiến thức để giúp họ giải quyết những khó khăn và các vấn đề cuả họ. Vì vậy việc học tập phải đáp ứng những nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống của gia đình họ. Như vậy nội dung học tập được tập hợp dưới dạng các vấn đề hơn là các môn học.

Căn cứ vào những đặc điểm trên phương pháp dạy học cho người lớn cần phải:

- Đa dạng;

- Không vi phạm thô bạo các quan niệm riêng của người học;

- Người học là trung tâm;

- Tạo điều kiện để cho người học tích cực tham gia vào quá trình học tập. Một số phương pháp nhằm nâng cao tính tích cực và sự tham gia của người học vào quá trình học tập có thể bao gồm: Nghiên cứu cá nhân, thảo luận nhóm, tranh luận, diễn đàn, tham quan thực tế, thực tập kỹ năng v.v... Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng.

Việc lựa chọn phương pháp dạy học - học phụ thuộc vào mục tiêu, nội dung dạy - học, kiến thức vốn có của người học, phương tiện dạy - học và thời gian dạy - học.

 

Dưới đây là một số gợi ý về mục tiêu dạy học cụ thể và các phương pháp phù hợp với các mục tiêu đó: (*)

 

Mục tiêu học tập

Gợi ý về phương pháp

Kiến thức:

- Truyền đạt kiến thức và tiếp thu các thông tin

 

 

- Hiểu và áp dụng thông tin

 

- Thuyết trình.

- Thuyết trình nhỏ.

- Đọc tài liệu.

- Thảo luận.

- Nêu vấn đề và đề xuất các giải pháp cho vấn đề.

- Thực hành giải quyết các vấn đề có thực trong đời sống.

Kỹ năng

- Hình thành các kỹ năng mới, và thực hiện các kỹ năng mới.

 

- Thực hành tham gia giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống.

Thái độ, hành vi:

- Có được những ứng xử mới phù hợp với luật lệ và phong tục tập quán tién bộ.

 

- Thạm quan thực tế hoà giải, xét xử.

- Tranh luận

- Báo cáo thu hoạch.

 

(*) Tác giả tự lập.

Hai là : Về hình thức học tập, có hai hình thức học tập sau đây được ghị nhận là tương đối có hiệu quả nhất mà chúng ta có thể vận dụng vào việc giáo dục pháp luật cho nông dân:

 

Lên lớp theo chuyên đề: Hình thức này được thự c hiện theo quy trình sau:

+ Tạo bối cảnh thích hợp cho vấn đề xuất hiện; định hướng các yêu cầu cần phải đạt được sau khi thảo luận;

+ Giới thiệu vấn đề mới bằng phương pháp thuyết trình nhỏ;

+ Thảo luận nhóm để nắm vững tri thức mới;

+ ứng dụng tri thức mới vào việc thực hành giải quyết các vấn đề có thực xuất hiện trong cộng đồng có nội dung liên quan đến vấn đề đang học;

+ Các nhóm báo cáo kết quả làm việc;

+ Giáo viên tóm lược và giúp học viên tự đánh giá các giải pháp mà họ nêu ra, đồng thời nhấn mạnh các điểm quan trọng nhằm chốt lại kiến thức cơ bản.

Trong hình thức lên lớp này, các phương pháp dạy học được sử dụng chủ yếu là: Thuyết trình nhỏ - Thảo luận - Thực hành. Các phương tiện dạy học như phấn, bảng, tranh, ảnh, sơ đồ, biểu đồ… được sử dụng để hỗ trợ cho việc dạy học.

Đọc - Thảo luận tài liệu có hướng dẫn: Hình thức này được thực hiện theo quy trình sau:

+ Giáo viên nêu yêu cầu và giao nhiệm vụ học tập cho người học;

+ Chia lớp học thành từng tổ, phân phát tài liệu để cho học viên tự đọc;

+ Học viên thảo luận theo câu hỏi;

+ Các tổ báo cáo kết quả thảo luận trước lớp.

+ Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học viên; hệ thống hoá lại kiến thức mới và nhấn mạnh các trọng điểm để khắc sâu kiến thức.

Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong hình thức dạy - học này là thảo luận; đối thoại trực tiếp giữa các học viên. Phương pháp này đặt người học vào vị trí trung tâm, phát huy cao độ tính chủ động, tích cực vào quá trình học tập. Giáo viên chỉ làm nhiệm vụ cung cấp tư liệu định hướng phương pháp và dẫn dắt học viên tìm tòi, khám phá kiến thức.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, chúng ta nên tổ chức cho học viên tham dự một số buổi hoà giải hay xét xử của toà án diễn ra ở địa phương. Hình thức học tập này có thể thực hiện theo quy trình sau:

Buổi 1

Cho học viên tham dự buổi hoà giải / xét xử.

Buổi 2:

- Về lớp, giáo viên tóm tắt sự việc và phán quyết của cơ quan hoà giải, xét xử.

- Các học viên đánh giá và nêu cảm nghĩ của mình.

- Giáo viên chốt buổi thu hoạch bằng việc cung cấp một số kiến thức pháp luật và cách ứng xử thích hợp rút ra từ buổi hoà giải, xét xử.

5. Những điều kiện tối thiểu đảm bảo việc giáo dục Pháp luật cho người lớn ở các lớp xoá mù chữ vùng dân tộc.

a/ Biên soạn tài liệu giáo khoa pháp luật cho học viên người lớn. Tài liệu này cần:

- In cỡ to đậm nét để học viên rễ đọc.

- Có xen tranh, ảnh (kênh hình) để giảm bớt tính trìu tượng của ngôn ngữ, tạo dễ dàng cho người học tiếp thu thông tin qua kênh chữ.

b/ Huấn luyện giáo viên: Hiện nay lực lượng dạy học ở các lớp giáo dục biết chữ ở vùng dân tộc chủ yếu là giáo viên tiểu học và phần nào là giáo viên không chuyên như thanh niên có văn hoá, cán bộ chuyên môn của ngành, bộ đội biên phòng, cán bộ nghỉ hưu... Hầu hết các giáo viên này chưa được đào tạo, bồi dưỡng (dù chỉ vài ba ngày) về pháp luật và phương pháp dạy - học người lớn. Do đó, họ cần được bồi dưỡng cả kiến thức pháp luật (vừa đủ để dạy học viên) lẫn phương pháp dạy học. Để việc bồi dưỡng có thể thấm đến nhiều giáo viên và ít tốn kém, chúng ta nên biên soạn sẵn các bài dạy (bao gồm cả kiến thức và phương pháp) rồi in thành tập mỏng phát cho giáo viên để họ tự bồi dưỡng và chuẩn bị cho việc dạy - học.

c/ Về mặt tổ chức, cần hình thành một nhóm chuyên viên hỗn hợp liên bộ (Bộ giáo dục đào tạo và Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm biên soạn những tài liệu kể trên.

IV. Trách nhiệm của các ngành hữu quan trong việc phối hợp triển khai giáo dục Pháp luật vào các loại hình trường lớp ở miền núi, dân tộc.

- Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục pháp luật ở nhà trường, hạt nhân của sự tổ chức phối họp là mối hợp tác chặt chẽ giữa hai ngành Tư pháp và Giáo dục đào tạo.

Trên cơ sở của các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thông tư, Chỉ thị, hướng dẫn giữa hai Bộ, sự phối hợp được triển khai ở mọi khâu: nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chương trình và biên soạn sách, tài liệu giảng dạy pháp luật, tổ chức giáo dục pháp luật (nội và ngoại khoá) tại các trường lớp, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy pháp luật…

Các Sở, Phòng tư pháp và giáo dục đào tạo ở địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các trường, lớp thuộc phạm vi mình phụ trách triển khai tổ chức thực hiện việc giáo dục pháp luật theo chương trình nội dung đã ban hành.

Sở giáo dục đào tạo chủ động trong việc bồi dưỡng giáo viên dạy giáo dục công dân, phối hợp với các cơ quan tư pháp, bảo vệ luật (Tư pháp, Công an, Toà án, Kiểm sát) mời giáo viên đến (nhất là ở cấp III).

-Hai ngành Tư pháp và Giáo dục đào tạo chủ động xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ quan, các ngành, giữa gia đình - nhà trường - cụm dân cư để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục pháp luật, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh, hỗ trợ cho công tác giáo dục pháp luật cho học sinh (có thể tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật, thi ứng xử theo pháp luật vào các dịp nghỉ hè, lễ hội ở địa phương).

- Các cơ quan văn hoá thông tin đại chúng ở địa phương có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan giáo dục và cơ quan bảo vệ pháp luật, thực hiện chương trình phổ cập giáo dục pháp luật (thông qua các hình thức: Tin bài, chuyên trang, chuyên mục về "Pháp luật và nhà trường", tổ chức các trung tâm sinh hoạt văn hoá cho học sinh - thanh thiếu niên trong đó có đưa vào các nội dung pháp luật.

- Giáo dục pháp luật phải được xã hội hoá với sự tham gia, hỗ trợ của các cơ quan kinh tế, văn hoá, xã hội, các cơ quan pháp luật, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong nước cũng như của cả tổ chức quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế (như tổ chức SIDA - Thuỵ Điển quan tâm về vấn đề giáo dục pháp luật ở miền núi, dân tộc).

Ngoài ngành Giáo dục - đào tạo và Tư pháp, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và điều kiện phối hợp thường xuyên trong việc tổ chức giáo dục pháp luật cho học sinh dân tộc miền núi là công ty Bảo hiểm , Thuế, Kiểm lâm, Đoàn, Đội, Mặt trận, Ban dân tộc miền núi....).

 

 

Tài liêu tham khảo

Đảng cộng sản việt Nam. Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI) ngày 5/4/1988.

Nguyễn Hà Phan: Một số vấn đề xây dựng nông thôn mới ở miền núi, Tạp chí cộng sản, 6 - 93, trang 10 -13.

Trung tâm nghiên cứu khoa học về phụ nữ: Vấn đề đào tạo việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo khổ đối với phụ nữ Việt Nam hiện nay. (Kỷ yếu Hội nghị), Hà Nội 1990.

Unesco/Proap: "Tài liệu huấn luyện cán bộ xoá mù chữ". (Tài liệu dịch), Tập I, II và IV. Vụ bổ túc văn hoá - Bộ Giáo dục và đào tạo - Hà nội 1990.

Vụ giáo dục thường xuyên - Bộ Giáo dục và đào tạo. "Hội thảo quốc gia về xoá mù chữ cho phụ nữ", 12/1994 (Kỷ yếu Hội nghị).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề v

Phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi

Và đồng bào dân tộc ít người thông qua

các sinh hoạt truyền thông

Những người thực hiện:

PTS: Nguyễn Hữu Ngà - Phó trưởng khoa

Dân tộc - Học viện CTQG HCM

Nguyễn Hoàng Hải - chuyên viên

 

Vụ PBGDPL Bộ Tư Pháp

 

 

A - Đặc điểm chung của dân tộc ở miền núi có ảnh hưởng đến - công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Nước ta có 54 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (87% dân số cả nước), còn 53 dân tộc ít người chỉ chiếm 13% dân số.

Trong 53 dân tộc ít người, có một số dân tộc sống ở các thành thị và đồng bằng Sông Cửu Long như: Hoa, Chăm, Khơme.

Ngày nay, người kinh cũng đã có mặt ở nhiều khu vực miền núi - ở Việt Bắc chiếm 50%, ở Tây Nguyên chiếm 70% số dân cư. Như vậy, ở miền núi hiện nay có trên 50 dân tộc đang sinh sống.

Địa bàn miền núi chiếm 3/4 diện tích cả nước, lại có tới trên 50 dân tộc với 24 triệu người. Vì vậy miền núi có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với cả nước - cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng và môi trường sinh thái.

Do điều kiện sinh sống ở miền núi (giao thông đi lại khó khăn, địa hình dốc, bị chia cắt, khí hậu ở các vùng khác nhau...) nên hầu hết các dân tộc ít người còn đang ở trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp. ở một số dân tộc còn những tàn dư của công xã nguyên thuỷ (chế độ mẫu hệ của một vài dân tộc ở Tây Nguyên). Một số dân tộc còn ở trong giai đoạn phát triển của phong kiến sơ kỳ (các dân tộc ở Tây bắc, Việt bắc cũ).

Tóm lại, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc ít người ở miền núi không đều nhau, còn thuộc các giai đoạn ứng sử khác nhau. Đây là đặc điểm cần nghiên cứu trong quá trình phổ biến giáo dục pháp luật.

Một đặc điểm khác cần quan tâm là các dân tộc ở miền núi cư trú rất phân tán và xen kẽ. Tất cả các tỉnh miền núi đều có nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Các tỉnh ở Tây bắc, Việt bắc có tới trên dưới 20 dân tộc cư trú. Tình trạng cư trú xen kẽ phổ biến ở cấp xã, bản. Có nơi, một xã có 3 đến 4 thành phần dân tộc chung sống. Với đặc điểm này, để giữ vững và củng cố mối quan hệ đoàn kết với các dân tộc, việc phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

Trên 50 dân tộc sinh sống ở miền núi nước ta có những dân tộc sinh sống với truyền thống rất phong phú, đa dạng. Song tính đa dạng, phong phú này không mâu thuẫn, bài trừ lẫn nhau mà nó gắn bó, hoà nhập trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với đặc thù này, cơ quan nhà nước thực hiện giáo dục pháp luật ở các dân tộc phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính đa dạng và tính thống nhất, Nhà nước hay cơ quan Nhà nước trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục pháp luật là đại diện cho Nhà nước thống nhất của các dân tộc, đưa pháp luật vào đời sống các dân tộc để phát huy vai trò của các dân tộc cùng tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước vững mạnh.

Đưa pháp luật vào đời sống các dân tộc, song phải tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Do vậy, phải cụ thể hoá được pháp luật của Nhà nước thành những điều luật cụ thể hay những quy định dưới luật phù hợp với từng dân tộc, hay phù hợp với từng khu vực. Ví dụ: Luật hôn nhân và gia đình không thể áp dụng cho các dân tộc đều giống nhau. Bởi vậy đạo luật năm 1986, ở điều 55, chương X có ghi: "đối với các dân tộc thiểu số, Hội đồng Nhà nước căn cứ luật này và tình hình cụ thể để có những quy định thích hợp". Mặt khác, cơ quan Nhà nước như Ngành tư pháp cần phối hợp với các cơ quan như hữu quan văn hoá - thông tin, giáo dục đào tạo, chính quyền các cấp xác định nội dung và hình thức giáo dục pháp luật phù hợp, trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những yếu tố truyền thống của các dân tộc - thông qua các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội; kế thừa và tiếp nhận được luật tục của các dân tộc.

Các cơ quan Nhà nước thực hiện giáo dục pháp luật có nhiệm vụ đưa pháp luật của Nhà nước vào đời dống nhân dân, đồng thời phát biểu được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, những vấn đề khó khăn, phức tạp trong đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc. Bởi vậy, phải xây dựng được mối quan hệ máu thịt, quan hệ hoà hợp, thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước với đồng bào các dân tộc. Để xây dựng được mối quan hệ đó, cần có những cán bộ tư pháp là người của các dân tộc, được đào tạo, bồi dưỡng về luật pháp, được đưa trở về cùng sống, cùng làm việc, đồng thời tuyên truyền pháp luật trong đồng bào...

Ngành tư pháp cùng các cơ quan hữu quan, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời có sự thống nhất về phạm vi hoạt động, duy trì việc phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên, liên tục.

B - Đặc điểm sinh hoạt truyền thống của các dân tộc miền núi:

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng - vì mỗi dân tộc có thể ứng xử hay lối sống trong một môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Sinh hoạt truyền thống là những yếu tố quan trọng của văn hoá.

Khi nói đến sinh hoạt truyền thống của các dân tộc cũng có nghĩa là nói đến văn hoá truyền thống. Vì các sinh hoạt văn hoá từ văn hoá vật chất, văn hoá xã hội, văn hoá tinh thần đều có truyền thống của nó.

Truyền thống, theo quan niệm chung là những giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, đạo đức, tư tưởng, phong tục, tập quán, lối sống... được tạo ra trong quá khứ; đã trở lên ổn định, có sức sống mạnh mẽ, được chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống tác động đến mọi xã hội và tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi dân tộc là quá trình phát triển liên tục, có mối quan hệ chặt chẽ, biết phát huy mặt tích cực của truyền thống chính là khai thác một nguồn động lực quan trọng và công cuộc xây dựng xã hội mới, đồng thời giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.

Đặt vấn đề như vậy vì phổ biến giáo dục pháp luật là một bộ phận của cách mạng tư tưởng văn hoá; muốn đưa được pháp luật vào đời sống xã hội của các dân tộc không thể tách rời truyền thống, phải sử dụng các yếu tố truyền thống, để phục vụ cho mục tiêu này.

Việc nghiên cứu các loại hình sinh hoạt truyền thống và đặc điểm của nó là góp một phần xác định nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp ở các dân tộc thuộc khu vực miền núi.

1. Các loại hình sinh hoạt truyền thống:

a - Sinh hoạt kinh tế truyền thống:

Hầu hết các dân tộc ở miền núi đều canh tác nương rẫy là chủ yếu. Chỉ có một số các dân tộc ở vùng thấp, thung lũng biết làm ruộng nước như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Sán Dìu...

Canh tác nương rẫy thường gắn liền với du canh du cư, phá rừng đốt nương làm rẫy.

Khái quát có hai dạng thức canh tác nương rẫy truyền thống:

+ Theo chu trình mở: Phương thức này là phổ biến ở các dân tộc, đại biểu là người Mông, Dao, Khơ Mú... ở đâu thuận tiện cho việc canh tác thì người ta tới đó lập bản làng, tiến hành làm nương, làm rẫy. Khi độ màu của đất đã kém, diện tích đất có thể khai phá làm nương rẫy đã cạn thì người ta lại đi tìm những vùng đất mới. Các nương rẫy có thể được bỏ hóa một thời gian cho cỏ cây mọc lại, qua 5 đến 10 năm lại tiến hành canh tác. Phương thức này tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường sinh thái do đốt phá rừng. Về mặt xã hội nó gắn liền với du canh, du cư và đói nghèo.

+ Theo chu trình khép kín: Phương thức này đã tồn tại trong lịch sử, trong điều kiện đất rộng, người thưa nó đã cho phép con người có thể định cư, song vẫn du canh trong phạm vi một vùng đất cố định.

ở nước ta, do dân số tăng nhanh, nên phương thức canh tác của chu trình mở chiếm ưu thế tuyệt đối ở tất cả các vùng trong cả nước.

Việc đốt phá rừng hàng loạt để canh tác nương rẫy ngày càng ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái. Diện tích rừng của cả nước hiện còn 28%. ở các tỉnh miền núi phía bắc rừng chỉ còn dưới các trận lũ lụt lớn trong những năm 1991 - 1992 ở Lai châu, Sơn la, 1993 ở miền Trung và Tây nguyên, 1994 ở đồng bằng sông Cửu Long là hậu quả của nạn chặt đốt phá rừng bừa bãi khắp nơi.

Canh tác nương rẫy ở nhiều nơi đã gắn với việc trồng và hút thuốc phiện. Hiện nay ở các vùng người Mông số người nghiện hút là đông đảo. Thuốc phiện đã gây tác hại sức khoẻ của người hút, làm truỵ đồi phong hoá và thoái hoá giống nòi... Canh tác nương rẫy ngày càng ảnh hưởng đến tiêu cực đến môi trường sinh thái: xưa kia ruộng đất còn rộng, người còn thưa, rừng núi còn bạt ngàn thì canh tác nương rẫy là phương thức chinh phục đồi núi. Với ý nghĩa đó, nương rẫy có những yếu tố tích cực của nó. Song, hiện nay dân số ngày càng tăng lên, việc đốt phát rừng hàng loại làm nương rẫy càng ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Do con người tác động vào tự nhiên vượt quá giới hạn đều gây ra hậu quả như hạn hán, lũ lụt; chính con người đã chịu sự trừng phạt của tự nhiên mà nguyên nhân do con người gây ra. Việc phát trụi rừng để làm nương rẫy như ở Tây bắc đã vượt quá giới hạn về việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Khi người dân đã không ý thức được đầy đủ, hoặc do hoàn cảnh đã không tự điều chỉnh được hành vi của mình thì Nhà nước cần phải có chính sách, phải sử dụng luật pháp để điều chỉnh hành vi của công dân nhằm bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng.

Đề cập tới một số nét cơ bản của sinh hoạt kinh tế truyền thông của các dân tộc ở miền núi, qua đó cho thấy những vấn đề đặt ra đối với việc phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc ở miền núi như:

- Việc làm

- Việc giao đất, giao rừng.

- Việc bảo vệ rừng.

- Việc không trồng cây thuốc phiện và cai nghiện...

b - Hoạt động văn hoá xã hội truyền thống:

Gia đình - dòng họ, làng bản có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của các dân tộc ở miền núi - do trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau , nên tổ chức xã hội ở các dân tộc còn mang các yếu tố truyền thống khác nhau:

- Các dân tộc ở Trường sơn - Tây nguyên còn mang nhiều tàn dư của chế độ mẫu hệ. ở đó, người phụ nữ được coi trọng hơn nam giới trong gia đình cũng như trong xã hội.

- Đa số các dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi phía bắc còn mang nhiều tàn dư của chế dộ phụ hệ. ở đây người đàn ông có vị trí trụ cột trong gia đình cũng như trong xã hội.

Trước đây, ở nhiều vùng vẫn tồn tại loại hình gia đình lớn phổ biến ở Tây nguyên. Trong các gia đình như vậy, người ta làm chung hưởng chung các thành quả lao động. Ngày nay, gắn liền với tiến bộ xã hội, gia đình nhỏ là phổ biến.

Các gia đình (dù là lớn, nhỏ) đều gắn bó với nhau trong cộng đồng làng bản. Trong gia đình, trong làng bản có truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau lúc mùa vụ, khi làm nhà, trong ma chay, cưới xin.

Ví dụ: Người Phù lá ở Bảo thắng (Lào cai) không bao giờ lại làm nương, làm ruộng một mình. Họ thực hiện đổi công với nhau trong các khâu: làm nương, gieo hạt, gặt hái, làm mương... trong thời điểm mùa vụ họ có thể chia thành nhiều nhóm giúp nhau, mỗi nhóm 15 - 20 người; nếu cần có thể tập trung 40-50 người. Người Phú lá ở Tuần giáo (Lai châu) đến vụ thu hoạch cả bản đều đến gặt giúp cho gia đình neo đơn và có người cao tuổi nhất trước.

Các dân tộc ở Tây nguyên, sau khi đã giải thể nhà dài, chia ra các gia đình nhỏ, họ có thể ăn riêng, ở riêng, song vẫn làm chung trong một số công việc...

Việc điều hành các hoạt động của bản làng ở mỗi dân tộc cũng không giống nhau.

Chế độ già làng có vai trò rất to lớn trong xã hội của các dân tộc Thượng tây nguyên. Già làng là người tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có sự am hiểu sâu rộng về cách thức làm ăn, về phong tục tập quán, về quan hệ đối nội, đối ngoại. Mọi sự tranh chất về đất đai, nguồn nước, lâm thổ sản đều phải do già làng đứng ra giải quyết. Già làng là cố vấn cao nhất về phong tục tập quán, về kinh nghiệm sản xuất, về đối nhân xử thế cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Già làng giữ vai trò dẫn dắt đồng bào của mình.

Đối với người Mông, trưởng tộc là người có vai trò quan trọng nhất trong các việc có liên quan đến dòng họ. Trưởng tộc được coi là "gốc họ", "nắm tay dân ở, mở tay dân đi". Ông ta là người đại diện cho dòng họ trong mọi công việc đối nội, đối ngoại. Hàng năm, theo lịch truyền thống vào ngày mồng 6 tháng 6 người Mông tổ chức lễ "Nào sồng" (ăn ước). Trong lễ đó người trưởng tộc phán định những điều luật mà cả cộng đồng nhất thiết phải theo như: không được tháo nước từ ruộng của người khác sang ruộng của mình, không được thả rông trâu ngựa khi chưa thu hoạch song; không được vào nương ngô, nương lúa của người khác khi ngô đã già, lúa đã chín, không được ăn trộm, ăn cắp...

Nếu thuyết phục được trưởng tộc hơn nữa, nếu trưởng tộc am hiểu pháp luật thì tiếng nói của trưởng tộc khi giáo dục pháp luật chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Đối với các dân tộc cư trú ở vùng thấp, thung lũng, như Mường, Thái, thì vai trò của già làng, trưởng tộc vẫn còn ý nghĩa, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi nội bộ của dòng họ. Người đứng đầu trong bản là người có uy tín về đạo đức, hiểu biết các xử thế và trong cách làm ăn, có năng lực tổ chức...

Có ảnh hưởng của già làng, trưởng bản, trưởng tộc ở các dân tộc trình độ khác nhau, song muốn đưa được pháp luật tới đồng bào các dân tộc, phải tranh thủ, thuyết phục được họ và cố nhiên phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ.

Trong sinh hoạt văn hoá - xã hội, vấn đề hôn nhân và gia đình ở các dân tộc ít người còn gắn rất chặt với phong tục tập quán truyền thống. Các dân tộc Gia rai, Êđê, Chư ro, Rag lai... còn bảo lưu nhiều tàn dư của xã hội mẫu quyền. Tục nối nòi của người Êđê là một điển hình của tàn dư cũ còn lại. ở các dân tộc tày, khi cưới chồng về nhà vợ. Tính chất hôn nhân theo tình yêu vẫn còn; nhưng trong nhiều trường hợp đã thể hiện tính chất mua bán. Hôn lễ đã trở lên phức tạp, gồm có các bước: lễ dạm, lễ cưới, lễ lại mặt.

Các dân tộc Khơ Mú, Xinh mun, Vân kiều, Bana, Tà ổi, Cơ tu... chuyển sang chế độ phụ quyền, ít nhiều còn rơi rớt dấu về mẫu quyền. ở các dân tộc này khi lấy nhau vợ về nhà chồng. Hôn nhân mang tính chất mua bán. Hôn lễ phức tạp.

Các dân tộc mường, Nùng, Tày, Thái, Mông có ảnh hưởng sâu đậm của quan hệ phong kiến - gia trưởng. Khi kết hôn vợ về nhà chồng. Tính chất mua bán trong hôn nhân thể hiện ở tục thách cưới, điển hình là tiền mua đầu cô dâu ở người Thái. (Trước đây đồ thách cưới thường là một tạ gạo nếp, 1 tạ thịt lợn, 12 ống thịt trâu bò, 3 gói cá khô (mỗi gói 4 con), 12 lẵng trứng (mỗi lẵng 4 quả), gói trầu không, một đôi gà, hai đôi vòng bạc. Mọi thứ đồ ăn thức uống trong ngày cưới nhà trai phải chịu chi phí hoàn toàn). ở các dân tộc này, hôn lễ phức tạo mang nhiều yếu tố tín ngưỡng Nguyên thủy được thể hiện như xem bói, so tuổi, chọn ngày lành tháng tốt vv... Tục ở rể khá nặng nền, trước đây, thời gian ở rể thường từ 10 - 12 năm, thậm trí tới 20 năm, thời gian gần đây được rút ngắn còn năm, 3 năm.

Tóm lại, quan hệ hôn nhân và gia đình ở các dân tộc còn ảnh hưởng của xã hội nguyên thủy, phong kiến, gia trưởng.

Trong thời gian gần đây, nạn tảo hôn vẫn còn rất phổ biến ở các dân tộc.

Việc đưa luật hôn nhân và gia đình vào cuộc sống là cuộc đấu tranh gian khổ và lâu dài vì nó vấp phải sức ỳ của tập quán cũ, sự chống đối của tư tưởng phong kiến - gia trưởng còn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, việc thực hiện đạo luật này, phải kế thừa và phát triển những yếu tố tích cực, tốt đẹp trong hôn nhân và gia đình các dân tộc như: Kính già, yêu trẻ, vợ chồng hoà thuận, anh chị em thương nhau, quan hệ tốt đối với láng giềng, làng bản...

Để thực hiện đạo luật hôn nhân và gia đình ở các dân tộc ít người, cần giải quyết những vấn đề cụ thể như:

+ Xây dựng được những nghi thức mới phù hợp với từng dân tộc, giảm bớt tốn kém không cần thiết.

+ Có quy định thích hợp với từng dân tộc (tuổi kết hôn, ở rể...).

+ Đảm bảo bình đảng nam nữ.

+ Giáo dục pháp luật về hôn nhân thường xuyên trong thanh niên.

+ Khắc phục tư tưởng phong kiến - gia trưởng.

+ Khắc phục những tàn dư của xã hội nguyên thuỷ (tục nối nòi ở người Êđê)...

Một tồn tại nữa là sự trỗi dậy của mê tín dị đoan, các tập tục cũ trong ma chay cũng đang trở lại. ở các dân tộc thiểu số, người chết thường để trong nhà đến 3-4 ngày; trong thời gian đó, việc cúng ma, ăn uống rất tốn kém cho gia đình có người chết.

Hiện nay ở một số dân tộc ít người và vùng xa, vùng sâu...1là các tập tục cũ lạc hậu trong cưới xin ma chay và mê tín dị đoan đang phục hồi và có ảnh hưởng xấu tới trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc miền núi là rất cần thiết và phải có nội dung sát hợp gắn với việc bài trừ dần các tập tục lạc hậu, trái pháp luật.

Về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ở các dân tộc cho thấy: ở tất cả các dân tộc, đều có quan niệm vạn vật hữu linh, các nghi lễ thờ cúng gia đình hay làng bản còn phổ biến.

Tục thờ cúng tổ tiên gia đình, tổ tiên dòng họ, tục thờ thành hoàng... là những hình thức tín ngưỡng, các nghi lễ đã ăn sâu vào nếp sống của các dân tộc, trở thành phong tục tập quán, trở thành một yếu tố văn hoá dân tộc của mỗi dân tộc ở nước ta. Mỗi dịp thờ cúng tế lễ đều là những dịp sinh hoạt cộng đồng và sinh hoạt văn hoá dân gian. Mỗi dịp đó đều là dịp lễ hội, bên cạnh nội dung thờ thần còn có các hình thức sinh hoạt văn nghệ, đua tài, là dịp gặp gỡ giao duyên của trai gái trong làng bản hoặc trong vùng.

Một trong những đặc điểm chung của tín ngưỡng các dân tộc là các nghi lễ thờ cúng liên quan tới nghề nông. Trong các nghi lễ nông nghiệp, nổi bật là tục thờ thần lúa, hồn lúa và các nghi lễ cầu cúng hồn lúa với mục đích mong thần lúa đem lại mùa màng bộ thu. Các dịp xuống đồng vào mùa cày cấy, mùa gặt đều là dịp nghi lễ cầu cúng và lễ hội dân gian.

Tín ngưỡng thờ thành hoàng và những lễ hội gắn liền với tục thờ đó là nội dung cho toàn bộ sinh hoạt tinh thần của làng xã. Mỗi dịp tế lễ là một lần chấn chỉnh nề nếp ăn ở, cư xử, hành vi, nói năng, tư thế của các thành viên trong làng, bản.

Bên cạnh những hình thức tín ngưỡng cổ truyền, một bộ phận cư dân các dân tộc thiểu số chịu ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại lai như thiên chúa giáo, tin lành...

Trước cách mạng tháng 8, các giáo sĩ người Pháp truyền giáo ở các vùng dân tộc Mường, Nùng, Tày, Mông, Bana... ảnh hưởng trong trong đồng bào không lớn. Gần đây giáo hội thiên chúa giáo trở lại phục hồi các xứ họ đạo trong vùng các dân tộc thểu số Đạo tin lành thực sự từ cuối những năm 1940 được đưa vào vùng dân tộc Tây nguyên. Các dân tộc Cơ ho, Raglai, Mạ, Dao đã được mục sư ngoại tộc truyền đạo tin lành.

Từ sau năm 1975, nhất là 1985 đến nay số người dân tộc theo đạo tin lành tăng nên rất nhanh. Một số dân tộc ít người ở miền núi phía bắc như Mông, Dao đang là miếng đất phát triển của đạo tin lành...

Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm và chú ý trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật để phát huy nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực, ngăn chặn âm mưu xấu của kẻ thù.

Thực tiễn cho thấy, ở các vùng dân tộc còn bảo tồn và duy trì được các yếu tố tích cực trong tín ngưỡng dân gian, lễ hội thì ở bản trật tự xã hội được đảm bảo, các tôn giáo ngoại lai khó thâm nhập.

Trong lĩnh vực văn hoá dân gian, từ xa xưa ở các bản làng, Sóc, Plây... đã có các loại hình như trường ca, truyện cổ, tục ngữ, thành ngữ, dân ca, âm nhạc, múa, lễ hội... Những giá trị văn hoá dân gian phản ảnh những nhận thức, triết lý của cộng đồng về vũ trụ, nhân sinh, về chân - thiện - mỹ của các dân tộc trong những hoàn cảnh kinh tế - xã hội và môi trường cụ thể.

Văn hoá dân gian hiện nay vẫn tồn tại và có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của các dân tộc. Trường ca Đam san, múa rồng thiêng... vẫn còn in đậm trong đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hoá của đồng bào Tây nguyên. Hát lượn múa ô, múa sạp, tung còn, lượn cọi, hát then, chợ phiên cảu các dân tộc ở miền núi phía bắc có nội dung sinh hoạt văn hoá cộng đồng; ngày nay còn được đưa vào nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng (như ở Chi lăng, Tân trào, Bắc sơn...).

Những năm gần đây, một số lễ hội truyền thống ở các vùng Tày, Hoà an (Cao bằng) Chi lăng (Lạng Sơn), Quảng hoà (Cao bằng, An dương (Tuyên Quang)... được phục hồi.

Với những sinh hoạt truyền thống tốt đẹp, phù hợp với pháp luật cần được chọn lọc, kế thừa và phát triển. Việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các sinh hoạt truyền thống này phải đảm bảo hai yêu cầu:

- Phát huy những yếu tố tích cực trong sinh hoạt truyền thống.

- Đưa được pháp luật vào đời sống của đồng bào các dân tộc.

Phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp trong các dịp lễ hội có điều kiện để truyền đạt một số nội dung tới số đông quần chúng; trong phổ biến giáo dục pháp luật phải làm thường xuyên có lễ hội chỉ có thể tổ chức một số ngày trong năm.

c- Luật tục ở các dân tộc và luật pháp:

Các dân tộc ở miền núi là những thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các dân tộc đều có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân theo luật pháp quốc gia. Song ở nhiều dân tộc, luật tục vẫn còn có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của họ.

Giữa phong tục tập quán với luật tục của các dân tộc và luật pháp của Nhà nước có mối quan hệ với nhau. Luật tục được hình thành trên cơ sở phong tục tập quán của một dân tộc đó là những quy ước của cộng đồng buộc mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân theo. Nếu không tuân theo phải chịu "hình phạt"còn luật pháp được xây dựng dựa trên cơ sở - kinh tế - xã hội của cả cộng đồng dân tộc, quốc gia.

Phong tục là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận, tự nguyện làm theo.

ở thời kỳ thị tộc đã có luật tục quy định như:

- Tù trưởng của thị tộc phải do Hội nghị của thị tộc bầu ra, không ai được tự phong, tự nhận.

- Chỉ Hội nghị thị tộc mới có quyền bãi miễn chức tù trưởng.

- Người trong cùng một thị tộc không được quan hệ hôn nhân với nhau.

- Mọi tài sản đều thuộc sở hữu chung của thị tộc.

- Mọi thành viên của thị tộc có bổn phận giúp đỡ nhau...

Luật tục đã tồn tại từ buổi bình minh của xã hội loài người, biến xã hội văn minh. Luật tục đã trải qua quá trình phát triển lâu dài từ luật tục truyền miệng đế luật tục thành văn.

ở nước ta, dân tộc Thái, một số dân tộc ở Tây nguyên như Bana, Êđê, Gia rai, Cơ ho... có luật tục thành văn.

Luật tục của các dân tộc có những quy định rất cụ thể như:

+ Quy định địa phận giữa các làng

+ Quy định quan hệ hôn nhân.

+ Quy định trật tự xã hội.

Luật tục của các dân tộc có nhiều "hình phạt", từ thấp tới cao, từ phạt bạc, rượu, lợn trâu... đến giết chết kẻ phạm tội. Trong khung hình phạt không có hình phạt tù giam.

Có thể nói luật pháp ra đời trên cơ sở kế thừa luật tục. Về điểm này, có thể nêu một số ví dụ:

- Trong luật tổ chức Nhà nước, việc phân chia đơn vị hành chính cấp cơ sở là xã, điểm này có sự tiếp nối, kế thừa cách phân chia làng, bản trong luật tục.

- Trong quan hệ hôn nhân, luật pháp kế thừa luật tục ở điểm quy định cấm hôn nhân giữa những người có quan hệ trực hệ với nhau trong luật tục không có quy định tuổi kết hôn, còn luật họ đã có sự phát triển hoàn thiện hơn là quy định tuổi kết hôn nam là 20 với nữ là 18.

Do dó, yêu cầu đặt ra là phải giáo dục pháp luật với những hình thức phù hợp, trên cơ sở kế thừa và trọn lọc các luật tục tích cực, đúng pháp luật.

2. Đặc điểm sinh hoạt truyền thống của các dân tộc ở miền núi:

Mỗi loại hình sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt xã hội, sinh hoạt văn hoá của các dân tộc ở miền núi đều mang tích truyền thống rõ . Có một số đặc trưng cơ bản như:

a- Các sinh hoạt truyền thống mang tích cộng đồng:

Với nền tảng kinh tế là nông nghiệp, nền tảng xã hội là công xã nông thôn, lực lượng sản xuất thấp kém, lại phải đương đầu với nạn ngoại xâm liên miên, chống chọi với điều kiện tự nhiên khắc nhiệt nên tính cộng đồng ở các dân tộc được duy trì và củng cố. Làng bản là một công xã nông thôn (hay công xã nông thôn láng giềng) có nghĩa là quan hệ trong công xã theo huyết thống hoặc không theo huyết thống; song các thành viên trong công xã có sự liên kết, hợp tác với nhau để khai phá đất rừng, khai khẩn đất rừng, chống thú dữ, xây dựng các công trình thuỷ lợi, chống giặc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm, đồng bào các dân tộc ở miền núi đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc. Trong mọi sinh hoạt của bản làng, và cộng đồng đã trở thành ý thức thường xuyên, nó được định dạng như giá trị của văn hoá, trở thành tiêu chuẩn về đạo đức.

Bản làng các dân tộc ở nước ta là một loại hình công xã nông thôn rất điển hình ở phương đông - đây là những công xã tự do, song không hoàn toàn biệt lập, mà cố kết chặt chẽ trong quan hệ làng - nước; có ý thức chung về một cộng đồng quốc gia thống nhất.

b- Các sinh hoạt truyền thống mang tính chất dân chủ:

Làng, bản của các dân tộc ở miền núi mang tàn dư của công xã nông thôn, thực chất là chế độ dân chủ theo khu vực. Các hình thức sinh hoạt dân chủ được thể chế hoá thành lệ làng. Lệ làng có những quy định đảm bảo quyền lợi cho các thành viên, đồng thời cho cả cộng đồng. Bởi vậy các thành viên có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ một cách tự giác. Đây là nét đẹp trong đời sống xã hội. Trong gia đình, con cái tôn trọng bố, mẹ, anh em thương yêu, hoà thuận; ngoài làng, mọi công việc chung được bàn bạc dân chủ, khi đã thành quyết định thì mọi thành viên tự giác chấp hành.

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng xã hội mới, trong đó pháp luật là nền tảng, là công cụ điều chỉnh mọi hành vi của công dân; bởi vậy cần phải sử dụng những mặt tích cực trong truyền thống của làng xã để thực hiện quản lý xã hội theo pháp luật. Muốn phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc ở miền núi có hiệu quả cần phải quan tâm tới lệ làng; phải có hình thức và các bước tiến hành phù hợp với phong tục tập quán của từng vùng, phải phát huy được truyền thống dân chủ của đồng bào dân tộc. Thực hiện được điều đó thì việc phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện pháp luật mới có kết quả.

c- Sinh hoạt truyền thống mang tính giáo dục:

Trong sinh hoạt kinh tế, từ gia đình, dòng họ đến cộng đồng đều là trường học để chuyền lại cho các thế hệ kế tiếp hiểu rõ những quy định, kinh nghiệm trong quản lý, điều hành sản xuất, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, diệt vải vv...

Trong sinh hoạt xã hội, gia đình, dòng họ, cộng đồng chỉ là trường học giáo dục cho các thế hệ ý thức được đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mọi thành viên trong từng lĩnh vực cụ thể; giáo dục cho mỗi thành viên tự giác tuân thủ trật tự của xã hội.

Trong sinh hoạt văn hoá truyền thống, bao giờ cũng giúp cho mọi người thấy được cái hay, cái đẹp của dân tộc. Ví dụ:

ở Tây nguyên - thông qua sinh hoạt văn hoá đã giáo dục cho các thành viên trong cộng đồng ý thức về dân tộc của mình, giáo dục lòng dũng cảm, tinh thần thượng võ...

ở các dân tộc miền núi phía bắc - qua các sinh hoạt văn hoá đã giáo dục cho các thành viên trong cộng đồng về nguồn gốc tổ tiên, về truyền thống đấu tranh, về những hình thức nghệ thuật dân tộc...

Từ những đặc điểm đó, cho chúng ta những cơ sở khoa học để xác định sự kết hợp giữa sinh hoạt truyền thống với phổ biến giáo dục pháp luật ở các dân tộc miền núi phải thiết thực, phải gắn với những vấn đề của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào dân tộc. Việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các sinh hoạt truyền thống, gắn được với các sinh hoạt truyền thống sẽ biến quá trình giáo dục pháp luật từ chỗ bị bắt buộc trở thành nhu cầu, tự giác của đồng bào.

d- Các hoạt động truyền thống bị chi phối bởi "quan hệ dòng họ":

Trong nhiều dân tộc, quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình quan hệ gia trưởng đã chuyển thành quan hệ giữa già làng với dân. Đối với các dân tộc ở Tây nguyên, vị trí của bà chủ nóc vẫn có ý nghĩa trong đời sống xã hội của dòng họ. Chủ trương chia gia đình lớn mẫu hệ thành các gia đình nhỏ là phù hợp với sự giải phóng sức lao động và phát triển kinh tế hàng hoá. Song cần nghiên cứu và duy trì quan hệ cộng đồng trong các tộc người này - cụ thể như việc giao đất giao rừng cho tập thể gia đình mẫu hệ quản lý và sản xuất có nhiều thuận lợi. Vì trong quá trình giải thể đại gia đình mẫu hệ thành các tiểu gia đình, xu hướng còn phổ biến là ăn riêng, ở riêng, song vẫn làm chung. Tâm lý của các dân tộc ở đây rất sợ cộng đồng tộc người bị phá vỡ.

Vai trò của quan hệ dòng họ và tổ chức dòng họ rất được coi trọng trong các dân tộc.

ở làng, bản của người Tày, Thái, Nùng, Mường. .. được xác lập trên cơ sở một dòng họ chủ đạo, và có sự thu nạp các thành viên từ các làng khác, dòng họ khác. Trong lịch sử đã hình thành lên những dòng họ có thế lực ở vùng Tày, Thái, Mường, Nùng... Vì duy trì thế lực của các dòng họ nên chế độ tự quản đã có sức sống mạnh mẽ và tồn tại lâu dài; đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có tình trạng "phép vua thua lệ làng". Yếu tố dòng họ có mặt tích cực là cô kết, gắn bó các thành viên trong làng bản, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; song dòng họ còn bảo lưu nhiều tàn dư của xã hội cũ mang tính chất bảo thủ, lạc hậu trong ma chay, cưới xin... Bởi vậy việc giáo dục pháp luật ở các vùng dân tộc không thể bỏ qua sự quan tâm tới quan hệ dòng họ, quan hệ dòng tộc.

ở người Mông, tổ chức, điều hành mọi công việc đều theo dòng họ khép kín. Mỗi dòng, mỗi họ có luật lệ riêng. Những luật này mang tính chất quy ước, được cộng đồng người Mông thừa nhận và tuân theo nghiêm ngặt. Do tính cố kết theo dòng họ ("Sống một đoàn, chết một đống") nên dù ở nước nào người Mông vẫn có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Tổ chức dòng họ trong xã hội người Mông còn rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống, duy trì và sửa đổi phong tục tập quán. Do tổ chức xã hội dòng họ khép kín, người Mông hạn chế trong quan hệ với các cộng đồng dân tộc khác. Quan niệm về hệ thống thần linh, ma quỷ còn có vai trò lớn chế ngự trong xã hội của họ. Nhiều tập tục còn tồn tại, ví dụ:

Người cầm quyền dòng họ và bà cô dòng họ có vai trò quyết định trong mọi hoạt động của dòng họ. Trong đời sống xã hội của người Mông, tộc quyền gằn liền với thần quyền. Trong quan niệm của người Mông có cả một hệ thống thần, ma gồm: ma khách, ma bò, ma lợn, thần cửa, thần vườn, thần quản việc nhà... Theo người Mông, những thần ma này không những có uy lực trong cõi tâm linh, mà còn có ảnh hưởng tới cuộc sống và số phận cuả các thành viên trong mọi gia đình.

Tóm lại, yếu tố dòng họ và gắn liền với nó là phong tục tập quán còn có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc ở miền núi. Việc phổ biển giáo dục pháp luật ở khu vực này phải nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của quan hệ dòng họ và phong tục tập quán trong các dân tộc: trong tuyên truyền pháp luật cần giúp đồng bào thấy rõ mặt tích cực và cả mặt tiêu cực của quan hệ khép kín; giúp đồng bào từ bỏ các tập tục lạc hậu cũng có nghĩa là phá bỏ được rào ngăn cản để phổ biến giáo dục pháp luật được tốt hơn.

C- Điều kiện kết hợp giữa sinh hoạt truyền thống với phổ biến giáo dục pháp luật ở các dân tộc thuộc miền núi:

1. Xác định rõ đặc điểm của các dân tộc ở miền núi:

Như ở phần trên đã đề cập một số nét, trong phần này có thể đề cập một cách khái quát, có thể phân chia các dân tộc ở miền núi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội như sau:

+ Các dân tộc còn bảo lưu nhiều tàn dư của xã hội mẫu quyền, mẫu hệ như Gia rai, Ê đê, Chư ro, Raglai, Cơ ho...

+ Các dân tộc đã chuyển sang chế độ phụ quyền, song vẫn còn dấu vết mẫu quyền ở những mức độ khác nhau như Khơ Mú, Xin mun, Vân kiều, Bana, Tà ôi, Cơ tu...

+ Các dân tộc đã phân hoá giai cấp, đã đạt tới trình độ phát triển nhất định như Mường, Nùng, Tày, Thái...

Về cơ bản có thể phân chia ở ba mức độ như vậy, song nếu nhìn từ góc độ khác cho thấy: phổ biến các vùng dân tộc ở vùng thấp, thung lũng (Tày, Thái, Mường, Nùng ...) có điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội tốt hơn, có điều kiện giao tiếp, có cơ chế mở nên dễ tiếp thu các yếu tố mới nói chung, pháp luật nói riêng dễ hơn ở các dân tộc vùng sâu, vùng cao xa xôi.

Các dân tộc ở vùng cao, điển hình là dân tộc Mông, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đã khó khăn, sự giao tiếp ít, lại theo cơ chế khép kín theo dòng họ nên việc tiếp thu cái mới, pháp luật có gặp nhiều cản trở.

Còn một số dân tộc ở Tây Nguyên, phong tục tập quán còn ảnh hưởng nhiều trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào.

Nhìn chung các dân tộc ở miền núi nước ta dù ít hay nhiều đều còn duy trì những phong tục tập quán truyền thống, ít nhiều còn bị ảnh hưởng chính sách của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Xác định rõ đặc điểm của các dân tộc ở miền núi giúp chúng ta ý thức được sâu sắc việc phổ biến giáo dục pháp luật ở đây thực sự là bộ phận quan trọng của cách mạng xã hội, là một cuộc đấu tranh khó khăn, lâu dài, phức tạp, đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Đưa yếu tố mới vào đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc, song không phải là sự đoạn tuyệt với cái cũ, mà sự tiếp nối, phát huy những nét đẹp, những tinh hoa trong truyền thống của các dân tộc.

Từng lĩnh vực, từng phạm vi cần có sự nghiên cứu cụ thể để thấy mức độ giáo dục pháp luật tới đâu, cần phải cụ thể hóa pháp luật thành những điều quy định dưới luật như thế nào để phát huy được truyền thống dân chủ, ý thức cộng đồng và sự tự giác trong chế độ tự quản của đồng bào dân tộc.

2. Nghiên cứu, kế thừa được các yếu tố hợp lý của luật tục ở các dân tộc.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền - tức là quản lý Nhà nước bằng luật pháp. Nhưng trên thực tế hiện nay, ở nhiều dân tộc thuộc khu vực miền núi, việc đưa luật pháp vào đời sống của người dân còn hạn chế và rất khó khăn.

Muốn đưa được luật pháp vào các dân tộc, cần giải quyết được một trong những vấn đề cơ bản - đó là việc nghiên cứu, kế thừa tinh hoa ở các luật tục ở các dân tộc.

Luật tục điều chỉnh quan hệ xã hội trong một làng, trong một dân tộc. Còn luật pháp điều chỉnh quan hệ xã hội trong nhiều làng, trong nhiều nước và trong nhiều dân tộc. Như vậy luật pháp là bước phát triển cao của luật tục về phạm vi điều chỉnh cũng như mức độ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật nên nắm và hiểu luật tục, từ đó so sánh sự giống nhau khác nhau giữa luật pháp và luật tục, lý giải được cơ sở dẫn tới sự giống nhau và khác nhau.

Không thể đưa luật pháp vào dân mà không giảng giải lý do, nhất là những mối liên quan tiếp nối với luật tục, làm được như vậy sẽ khơi dậy trong người dân ý thức về cội nguồn, ý thức tự giác đối với việc tiếp thu về chấp hành pháp luật, nâng cao được dân trí.

Luật pháp cần phải tiếp nối được luật tục ở nhiều lĩnh vực, có thể ví dụ:

+ Việc quản lý đất rừng và rừng - luật tục của các dân tộc đều có quy định rất rõ về phạm vi giữa các bản, việc sử dụng các rừng đầu nguồn, việc sử dụng các ngồn nước; luật tục "chia bản, chia mường " (phân bản phân mường) của người Thái có ghi:"Cơm đồ nhà gác, Mường có sàn, bản có cột, trên có Châu, dưới có Mường có bản"(1). Mường có sàn, bản có cột ý nói là mường, bản đều có người cai quản. Các loại đất rừng, sông suối, rừng cấm thường mang theo tên bản, thuộc sở hữu công cộng của bản, chỉ người trong bản mới được sử dụng hoặc thu hái lâm thổ sản, đánh bắt muông thú... người dân bản khác đến đó thu hái là vi phạm luật tục.

Ngày nay việc áp dụng luật đất đai, luật bảo vệ và phát triển rừng không thể không kế thừa những yếu tố của luật tục nhằm thực hiện quyền làm chủ thực sự của dân đối với đất rừng và rừng, tránh để diễn ra tình trạng "cha chung không ai khóc" dẫn tới nạn phá rừng bừa bãi.

Luật tục của các dân tộc quy định hình phạt đối với tội ăn cắp rất nghiêm khắc. ở dân tộc Thái, nếu "ai ăn cắp trâu, phải phạt 25 lạng bạc, kèm theo rượu, trâu, phải cúng vía cho chủ trâu 3 lạng bạc và trả lại trâu đã lấy"(2). ở các dân tộc Tây nguyên như Gia rai, Bana... Luật tục quy định: Bắt quả tang trộm lúa trên nương, trộm trâu thì lần thứ nhất bị đánh cảnh báo, bắt được quả tang lần thứ hai thì chủ lúa, trâu có quyền đánh chết kẻ trộm. Luật tục quy định xử phạt đối với người phạm tội là không có giới hạn tuổi.

Luật pháp của chúng ta hiện nay có sự kế thừa luật tục ở chỗ quy định các khung hình phạt đối với kẻ phạm tội là từ thấp tới cao; song có quy định tuổi cụ thể với từng hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thực tế khách quan cho thấy, luật tục của các dân tộc vẫn còn có vai trò điều khiển các hoạt động con người và xã hội trong phạm vi địa phương. Bởi vậy cần tôn trọng và sử dụng các yếu tố hợp lý trong luật tục (lệ làng, lệ bản, lệ mường...) để cụ thể hóa pháp luật Nhà nước, đưa được pháp luật tới đồng bào các dân tộc.

3. Tranh thủ được sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ:

Việc điều hành các hoạt động của bản làng ở mỗi dân tộc có sự tín nhiệm và tiến cử các cá nhân cụ thể không giống nhau.

Tiếng nói của già làng dù mức độ thuyết phục có khác nhau ở các cộng đồng cư dân, song nói chung mọi việc trong làng đều có già làng can dự giải quyết. ảnh hưởng của già làng còn rất đậm nét trong đời sống các dân tộc ở Tây nguyên.

ở nhiều dân tộc, trưởng họ là người chủ trì nghi lễ của dòng họ, trông nom nhà thờ họ, triệu tập hội nghị tông tộc giải quyết mọi xích mích giữa các thành viên trong họ, các công việc về kinh tế - xã hội trong dòng họ; chủ trì các công việc có liên quan tới ma chay, cưới xin, ly hôn, phạt vạ...

ở người Mông còn tồn tại cơ chế dòng họ khép kín. Còn duy trì các tầng quyền lực có tính quyết định tới đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong họ. Người cầm quyền dòng họ có quyền tối cao; sau đó đến bà cô dòng họ - là người có quyền tách một họ ra nhiều dòng, nhập chi, dòng họ; chỉ bảo cho con cháu, sửa đổi luật lệ, phong tục tập quán, giải quyết các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn với các tộc người khác. Còn người cầm quyền ma khách có thể được phép sử đổi, uốn nắn một số tiểu tiết trong cúng thần, cúng ma... để giảm bớt phức tạp, tốn kém về vật chất. Việc thực hiện các chính sách như định canh định cư, giáo dục, y tế, công tác cán bộ hay việc áp dụng các đạo luật mới chỉ được thực hiện khi có ý kiến, mệnh lệnh của người cầm quyền.

Nên coi trọng việc sử dụng mạng lưới quyền lực của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ ở các dân tộc. Phát huy vai trò của họ, đồng thời gắn họ với việc thực hiện các chính sách, luật pháp của Nhà nước. Kinh nhiệm thực tế cho thấy, nếu cắt đứt quan hệ với mạng lưới quyền lực này sẽ rất khó thực hiện các chính sách cũng như giáo dục pháp luật ở các dân tộc.

Bởi vậy cần phải tranh thủ được sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để thuyết phục dân chúng hiện nay, ở nhiều vùng dân tộc ở miền núi còn tới 60-70%, thậm trí ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tới 90% số dân chưa biết chữ, đài báo không tới nơi được nên họ không nắm được, hoặc nắm không đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc giác ngộ, bồi dưỡng chính sách, pháp luật cho các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để họ dẫn dắt bà con làm theo là rất có hiệu qủa.

Muốn tranh thủ được những người có quyền lực ở các dân tộc phải hướng dẫn tận tình, mềm dẻo, kiên trì, giải thích phải ngắn gọn, khéo léo, tế nhị; phải phù hợp đặc điểm, tâm lý dân tộc. Đồng thời có chế độ đãi ngộ động viên bằng vật chất, mời đi tham quan... Hiện nay, mọi chủ trương chính sách về phát triển sản xuất, giữ vừng an ninh chính trị, xây dựng cuộc sống văn hoá mới, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch... đều do trưởng bản đi tiếp thu rồi về phổ biến, triển khai cho đồng bào trong bản thực hiện. Với vai trò rất quan trọng như vậy, song trưởng bản hiện nay không được hưởng phụ cấp xứng đáng. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách, chế độ thoả đáng đối với các trưởng bản già làng nhằm động viên họ tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội miền núi nói chung, cũng như việc phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc miền núi nói riêng.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp am hiểu luật pháp nắm vững đặc điểm của các dân tộc:

Việc phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc ở miền núi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; muốn thực hiện được nhiệm vụ này, cán bộ là nhân tố quyết định. Đối với công tác cán bộ, Lênin đã khẳng định rằng: "Nghiên cứu con người tìm những cán bộ có bản lĩnh, hiện nay đó là then chốt, nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định chỉ là mớ giấy lộn"(1).

Qua thực tiễn cách mạng ở nước ta, Bác Hồ đã khẳng định: "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"(2) .

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta xác định: "Thực hiện chính bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn trọng tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiếu số"(3).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc ở miền núi cần xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật, nắm vững đặc điểm các dân tộc. Bởi vì:

- Đồng bào các dân tộc ở miền núi nắm pháp luật và hiểu pháp luật còn hạn chế.

- Phổ biến giáo dục pháp luật phải phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, song phải gắn với luật pháp chung của Nhà nước.

- Phổ biến giáo dục pháp luật nhằm đưa pháp luật vào đời sống các dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Điều đáng quan tâm là vai trò "thủ lĩnh", người cầm quyền có yêu cầu rất cao, ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào các dân tộc. Bởi vậy cán bộ phải là người có đức tài, có trình độ hiểu biết về chuyên môn và có năng lực tổ chức thực tiễn.

Việc phổ biến giáo dục pháp luật cần có những cán bộ chuyên môn nắm vững pháp luật, đồng thời phải trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ các ngành các cấp.

Trước mắt cần trang bị cho cán bộ, Đảng viên ở cơ sở những kiến thức cần thiết về pháp luật, hướng dẫn cho họ cách thức làm có sự giúp đỡ của cán bộ ngành Tư pháp.

Về lâu dài, cần có sự quy hoạch, tuyển chọn người đi đào tạo theo địa chỉ, đào tạo xong sẽ đưa trở về phục vụ cho các dân tộc của mình.

Cán bộ làm công tác phố biến giáo dục pháp luật ở các dân tộc cần phải biết hai thứ tiếng: tiếng phổ thông (Việt) và tiếng dân tộc nơi công tác. Như vậy, đòi hỏi cán bộ phải hiểu biết về luật, đồng thời phải nắm được phương tiện cần thiết trong giao tiếp và ngôn ngữ mới có thể đưa luật vào đời sống đồng bào các dân tộc.

Hiện nay ở cấp xã chưa có cán bộ tư pháp, chuyên trách, theo kiến nghị của các địa phương, cơ sở xã cần có cán bộ chuyên trách để theo dõi tình hình và trực tiếp tham gia vào việc phổ biến giáo dục pháp luật. Ngành Tư pháp cần hoàn chỉnh hệ thống chân tiết tới cấp xã.

5. Cần xác định được những nội dung pháp luật cần thiết để phổ biến giáo dục ở các vùng dân tộc:

Như những đặc điểm đã nêu ở phần trên, đồng thời thực tế đang có những vấn đề nóng bỏng đặt ra cần giải quyết kịp thời; tình hình đòi hỏi cần xác định được những nội dung pháp luật cần thiết để phổ biến giáo dục ở các vùng dân tộc.

+Có thể nêu một số ví dụ để thấy sự cấp thiết của tình hình:

- Tình trạng du canh, du cư chưa được giải quyết, hiện còn khoảng 3 triệu người vẫn tiếp tục đốt phá rừng làm nương rẫy.

- Nạn khai thác rừng bừa bãi vẫn còn tiếp diễn - trong vòng 50 năm qua từ chỗ rừng che phủ được 60% diện tích, nay chỉ còn che phủ chưa được 30%, ở vùng Tây bắc chỉ còn 8%.

Môi trường sinh thái bị suy giảm nghiêm trọng - Hạn hán, lũ lụt xảy ra liên tiếp, khí hậu đang có những thay đổi khác thường... Nguyên nhân chính là do con người đã khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng tới mức cạn kiệt, song không có sự bù đắp, khôi phục kịp thời.

- Chưa có sự đầu tư thích đáng và có hiệu quả cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở miền núi, bởi vậy, những điều kiện cần thiết để đưa các dân tộc miền núi thoát khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu còn là vấn đề nan giải, lâu dài.

- Luật phổ cập giáo dục cấp 1 ở các dân tộc miền núi vẫn là vấn đề còn phải thực hiện trong nhiều năm tới. Bởi vì ở những vùng cao, vùng xa còn tới 90% cư dân chưa biết chữ.

- ở các vùng dân tộc hiện nay, nạn tảo hôn diễn ra phổ biến ở Sơn la, Lai châu có tới 60% số nam nữ thanh niên tảo hôn. Các tập tục cũ trong hôn nhân (mang tính chất mua bán) đang trỗi dậy...

- Đạo thiên chúa giáo, đạo tin lành đang phát triển ở các dân tộc Tây nguyên, các dân tộc miền núi phía bắc. Hiện tượng xưng vua (vàng chứ) trước đây chỉ có ở người Mông, hiện nay xuất hiện cả ở người Thái (việc xưng vua ở bản Pahé - Sơn la của người Thái tháng 10/1993 đã làm cho 53/75 người trong bản bị chết) . ở nhiều vùng dân tộc, còn phổ biến các loại ma thuật như ma lai, ma gà, ma cà rồng, các loại ma thuật, chài yểm ... đã dẫn tới những vụ giết người rất rùng rợn...

Những vấn đề đặt ra như vậy, không chỉ dùng luật tục, dùng hoà giải... mà phải dùng luật pháp để giải quyết; trước hết cần phổ biến giáo dục pháp luật để đồng bào các dân tộc tự ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tự giác điều chỉnh hành vi của mình theo pháp luật trong các lĩnh vực.

Trước mắt, để góp phần trực tiếp vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra, cần xác định những nội dung pháp luật để phổ biến giáo dục ở các vùng dân tộc miền núi như:

+ Hiến Pháp

+ Luật bảo vệ môi trường

+ Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng (đối với rừng đầu nguồn cần có những điều quy định cụ thể và chặt chẽ).

+ Luật đầu tư cho từng lĩnh vực cụ thể (trước hết là giao thông, thông tin liên lạc).

+ Luật phổ cập giáo dục tiểu học.

+ Luật hôn nhân và gia đình (cần có những quy định cụ thể như tuổi kết hôn, nghi thức trong hôn nhân...)

+ Nghiên cứu xây dựng và phổ biến giáo dục pháp luật dân tộc luật tôn giáo (nhiều tỉnh đã có đề nghị như Thừa thiên - Huế, Quảng Nam - Đã Nẵng...)

+ Luật lao động.

+ Luật thuế

+ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính...

Hiện nay ở miền núi, pháp luật của Nhà nước thường mới chỉ ở cán bộ chủ chốt huyện, xã, mức độ tới dân còn rất hạn chế, nhiều lý do, cụ thể:

- Trình độ dân trí thấp.

- Nhà nước có quá nhiều văn bản pháp luật.

- Đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở xã trình độ có hạn nên việc lựa chọn nội dung và cách truyền đạt còn lúng túng.

- Giữa luật pháp và luật tục có những vấn đề chưa tiếp nối kế thừa nên khó giải thích và đồng bào dân tộc khó tiếp thu.

Để đưa được pháp luật vào đời sống đồng bào các dân tộc ở miền núi cần tiến hành từng bước, trước hết cần lựa chọn những nội dung cần thiết và liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của người dân; cần phải cụ thể hoá các điều luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội thành những quy định cụ thể, để nhớ, để hiểu, (tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm tinh thần và nội dung đúng đắn của luật pháp).

Có thể nêu một số điểm cụ thể như:

Đối với Hiến pháp: qua điều tra phiếu khảo sát có 98/188 phiếu bằng 52,1%) cho rằng nên đề cập một số quy định chung nhất về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Nhà nước ta, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ luật nhà nước.

+ Luật hình sự: có 92/188 phiếu (bằng 48,9%), cho rằng nên phổ biến giáo dục pháp luật rõ, khái niệm tội phạm và hình phạt, trong hành vi được phép và không được phép, những tội xâm phạm đến tính mạng, tài sản của nhân dân...

+ Luật tố tụng hình sự: Có 96/188 phiếu (bằng 57%) nên đề cập các thủ tục cần phải được thực hiện để xác định tội phạm.

+ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính: có 77/188 phiếu (bằng 40,9%) nên đề cập phạm vi, quyền hạn của những người có thẩm quyền xử phạt hành chính; phạm vi, đối tượng của xử phạt hành chính.

Luật hôn nhân và gia đình: có 94/188 phiếu (bằng 50%). Nên đề cập đến quy định kết hôn (tuổi, các nghi thức cần thiết), ly hôn, trách nhiệm đối với con đẻ, con nuôi, các quy định đảm bảo xây dựng một gia đình văn minh, hạnh phúc.

+ Luật đất đai, luật bảo vệ và phát triển rừng: có 89/188 phiếu (bằng 47,3%). Nên đề cập đến quyền hạn và nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài ra, cần lựa chọn một số văn bản luật khác phù hợp với những địa phương, vùng có tính đặc thù...

6. Xác định các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp, kết hợp với sử dụng các phương tiện cần thiết:

Các dân tộc ở miền núi nước ta có nhiều loại hình sinh hoạt truyền thống (sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt văn hoá, xã hội); bởi vậy hình thức tuyên truyền pháp luật cũng phải đa dạng, phong phú, phải phù hợp với đặc điểm của mỗi loại hình sinh hoạt. Cần nghiên cứu những hình thức tuyên truyền cụ thể như:

+ Tuyên truyền bằng phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, ti vi,...). Hình thức này có những thuận lợi nhất định, vì:

- Trong cùng một thời gian có thể truyền được một lượng nội dung lớn, trên phạm vi tương đối rộng.

- Kết hợp được nhiều phương tiện để phục vụ cho việc tuyên truyền.

- Việc chuyển tải thông tin nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay dùng hình thức này còn hạn chế, vì:

Việc phủ sóng phát thanh và truyền hình chưa hết.

- Đồng bào các dân tộc miền núi còn nhiều người mù chữ, kể cả mù nghĩa…

Để khắc phục những hạn chế đó, cần xây dựng các trạm phát thanh của huyện, phát bằng tiếng dân tộc mà đồng bào trong vùng có thể nghe và hiểu được. ở những vùng xa, nên dùng caset, vidio phục vụ theo từng cụm dân cư.

+ Tuyên truyền miệng: Đây là hình thức tuyên truyền có kết quả tốt, nhưng cũng chỉ giới hạn ở mức độ nhất định vì chưa thiết lập được mạng lưới rộng khắp, khả năng lan truyền cũng có hạn.

+ Dùng tranh ảnh, Pano, áp phích chữ to, màu đẹp với những chuyên đề pháp luật cụ thể. Hình thức này cũng có tác dụng nhất định, song ở miền núi chỉ có thể sử dụng ở những trung tâm, gần đường giao thông.

+ Tập huấn pháp luật cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở (Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch...). Đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở là người hiểu dân, hiểu đặc điểm tình hình, phong tục tập quán của địa phương, họ là cầu nối giữ quần chúng với Đảng và Nhà Nước. Cần phải trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở những kiến thức pháp luật cần thiết qua các đợt tập huấn, qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước địa phương...

Về mặt chiến lược, cần xây dựng cán bộ chủ chốt cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tình trạng chung hiện nay ở các vùng dân tộc miền núi là cán bộ chủ chốt còn thiếu và yếu, chủ tịch xã văn hóa chỉ lớp 3,4 là phổ biến; thậm chí có nói chủ tịch xã chưa biết chữ (1).

+ Đưa nội dung pháp luật đến đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng tộc, lấy họ để làm cầu nối để giáo dục pháp luật cho toàn bộ dân bản. ở các vùng dân tộc miền núi, tiếng nói của già làng, trưởng bản, trưởng tộc thậm chí còn có tác dụng hơn cả chính quyền; họ có uy tín và được mọi người kính nể; nếu tranh thủ được họ, vận động được họ tham gia vào giáo dục pháp luật thì rất có hiệu quả. Họ đã nói thì dân nghe và làm theo.

Sử dụng được già làng, trưởng bản, trưởng tộc thì có thể kết hợp giáo dục pháp luật trong các dịp lễ hội, cúng giỗ, họp dòng họ...

Tuy nhiên, già làng, trưởng bản, trưởng tộc, còn mang nặng tư tưởng phong kiến - gia trưởng, việc thuyết phục được họ không phải là đơn giản! Cần phải kiên trì, hiểu được tâm lý, phải tôn trọng và có sự động viên thoả đáng.

Ngoài ra, phải sử dụng lực lượng bộ đội biên phòng đóng tại vùng biên giới, hải đảo cùng tham gia phổ biến giáo dục pháp luật. Bộ đội biên phòng ở gần với đồng bào các vùng xa xôi, hẻo lánh, họ hiểu được phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tâm lý của đồng bào. Vì vậy họ là lực lượng quan trọng tham gia vào việc phổ biến giáo dục pháp luật ở các vùng dân tộc miền núi.

Xác định được các hình thức, song cần phải có những phương tiện cần thiết mới có thể tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả. Địa hình miền núi phức tạp, hiểm trở, cho nên phương tiện giao thông rất cần thiết để giữ được mối quan hệ thường xuyên giữa cán bộ phổ biến giáo dục pháp luật và đồng bào dân tộc (đối tượng cần tuyên truyền). Cần có phương tiện như xe ô tô, xe máy, thậm chí ngựa cho cán bộ tuyên truyền pháp luật ở các vùng dân tộc miền núi.

Trong phổ biến giáo dục pháp luật, nếu có được các phương tiện truyền tải (thiết bị nghe, nhìn) hiện đại catset, video sẽ thu hút được sự chú ý của đối tượng, nâng cao hiệu qủa của việc tuyên truyền.

Các phương tiện chứa đựng nội dung pháp luật như các văn bản, sách, báo... về luật cần sử dụng bằng song ngữ (vừa tiếng phổ thông, vừa tiếng dân tộc). ở các vùng dân tộc, đồng bào các dân tộc thường dùng một ngôn ngữ chung để giao tiếp, ví dụ : ở Việt bắc, tiếng Tày được dùng để giao tiếp giữa các dân tộc; ở Tây bắc tiếng Thái được dùng trong giao tiếp... có thể sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp theo vùng làm công cụ tuyên truyền pháp luật.

7. Phối hợp giữa các cơ quan hữu quan:

Phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của Nhà nước. Trong đó Bộ Tư pháp có ..."Chức năng quản lý thống nhất về công tác tư pháp, xây dựng và tham gia xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật... đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và quản lý các công tác tư pháp khác được Chính phủ giao..." (NĐ 38/CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ tư pháp).

Như vậy, Bộ tư pháp giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước. Để làm tốt công tác này, Bộ tư pháp cần phối hợp với các cơ quan hữu quan như:

- Bộ Tài chính.

- Bộ Văn hoá thông tin.

- Bộ giáo dục - đào tạo.

- Bộ Quốc phòng.

- Tòa án, Viện kiểm sát tối cao.

- Uỷ ban dân tộc và miền núi.

Sự phối hợp giữa các Bộ tư pháp với các cơ quan hữu quan nhằm xây dựng nội dung pháp luật cần tuyên truyền, tổ chức lực lượng; phương hướng hỗ trợ về kinh phí và phương tiện phục vụ phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng các kế hoạch liên tịch hoặc Thông tư liên ngành trong việc phối hợp tuyên truyền pháp luật cho các dân tộc ở miền núi.

Bộ tư pháp cần củng cố hệ thống ngành dọc, quan tâm động viên, khuyến khích, có chế độ thoả đáng để cơ sở địa phương tích cực tham gia, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở các vùng dân tộc.

D- Những giải pháp lâu dài để đảm bảo PBGDPL ở miền núi có hiệu quả:

1. Phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi:

Pháp luật thộc kiến trúc thượng tầng, được xây dựng trên cơ sở hạ tầng tương ứng. ở nước ta, một quốc gia đa dân tộc - người kinh chiếm đa số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn các dân tộc thiểu số. Còn trên 50 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 1/7 số dân cả nước, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, kinh tế tới nay vẫn chủ yếu là tự cấp tự túc, xã hội còn mang nhiều tàn dư của các xã hội tiền phong kiến.

Để các dân tộc cùng tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh theo định hướng XHCN cần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế -xã hội ở miền núi.

Khắc phục sự phát triển không đều về kinh tế - xã hội giữa các tộc người là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội VII của Đảng xác định.

"Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Có chính sách phát triển kinh tế hàng hoá ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước" (1) .

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo được cơ sở để có thể PBGDPL được thuận lợi. Đồng thời việc PBGDPL cũng góp phần giác ngộ đồng bào các dân tộc về trách nhiệm và nghĩa vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng XHCN

2. Xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là xây dựng hệ thống đường giao thông ở miền núi:

ở đây, cơ sở hạ tầng vốn đã yếu kém, xuống cấp nghiêm trọng lại bị thiên tai phá huỷ thường xuyên; đặc biệt là hệ thống đường xá, cầu cống.

ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều xã chưa có đường ô tô tới ở các vùng núi phía tây thuộc Thanh - Nghệ - Tĩnh có nơi đồng bào chưa hề nhìn thấy ô tô bao giờ...

Cơ sở hạ tầng yếu kém, đường giao thông chưa xuống được tới các xã bản là trở ngại rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là trở ngại lớn cho việc PBGDPL.

Xây dựng được đường giao thông trước hết tới cụm xã, rồi tới xã sẽ tạo điều kiện để các đoàn công tác, các đội thông tin cơ sở, cán bộ làm nhiệm vụ PBGDPL có điều kiện để đến với dân được thuận tiện; đồng thời nhân dân có thể tới trung tâm của cụm xã, hoặc xã vào những dịp lễ hội... Tạo cơ sở để việc PBGDPL có thể đạt kết quả tốt.

3. Nâng cao dân trí:

Muốn nâng cao được dân trí, cần phải xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục ở miền núi.

Việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển lâu dài. Bở vậy Nhà nước đã đầu tư xây dựng các trường nội trú của các tỉnh, huyện... Thực hiện chính sách ưu tiên để tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc miền núi vào học các trường chuyên nghiệp.

Hiện nay, còn 12 dân tộc ít người chưa có người học đại học, 42 dân tộc ít người chưa có phó tiến sỹ. Theo số liệu điều tra năm 1989 cho thấy cứ 1000 người kinh thì có 11 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trên đại học, còn các dân tộc ít người cứ 1000 người chỉ có 2,4 người có trình độ cao đẳng trở lên.

ở miền núi, vùng thấp có 50% vùng cao có 20,30%, vùng xa, hẻo lánh chỉ có 3-5% biết chữ.

Nhìn chung trình độ dân trí ở các vùng dân tộc miền núi còn thấp; bên cạnh là tình trạng mù nghĩa khá phổ biến (vì không biết tiếng phổ thông, nên nghe đài không hiểu).

Hiện nay, còn trên 80 huyện miền núi chưa được phủ sóng truyền hình, báo chí, thư tín từ Trung ương tới các xã, bản xa chậm tới 20, 30 ngày.

Nhiều tập tục lạc hậu đang trỗi dậy như cờ bạc, nghiện hút, có tiêu cực mới nảy sinh như trộm cắp, đĩ điếm... Một số tôn giáo đang xâm nhập và có ảnh hưởng lớn ở các vùng dân tộc như Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài...

Yêu cầu trước mắt là phải xoá được mù chữ mù nghĩa thì việc PBGDPL mới có điền kiện đưa vào các dân tộc miền núi.

4. Xây dựng đội ngũ cán bộ:

Thực trạng cán bộ ở các vùng dân tộc hiện nay cho thấy là còn thiếu và yếu, đặc biệt là cán bộ cơ sở, hầu hết mới chỉ hết cấp I, nhiều nơi cán bộ xã không biết chữ.

ở các vùng dân tộc miền núi, cần chú ý xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở xã.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở xã ở các vùng dân tộc miền núi cần chú ý một số điểm sau:

- Đào tạo được cán bộ của tất cả các dân tộc. Hiện nay, một số dân tộc dân số ít có rất ít cán bộ tham gia vào việc quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương, hoặc việc đi học, đi đào tạo cũng rất hạn chế (Ví dụ: các dân tộc Cao lan, Bố y, La hủ, Chư ro...).

- Trang bị cho cán bộ dân tộc kiến thức mới kết hợp với củng cố những tri thức về tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội mang tính truyền thống của dân tộc.

- Cần có cơ cấu cán bộ hợp lý: Nên có cán bộ tại chỗ và cán bộ từ nơi khác tới; trong cơ cấu cán bộ nên có cả nam và nữ để xoá dần sự khác biệt giữa các vùng, đảm bảo sự bình đẳng nam nữ.

- Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt cán bộ dân tộc. Có chính sách thoả đáng đối với cán bộ công tác ở các vùng dân tộc hiện nay.

5. Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh:

Phải phát triển tổ chức Đảng xuống các buôn, bản, làng, xã; mỗi xã phải có chi bộ Đảng, mỗi bản làng phải có Đảng viên. Trong điều kiện hiện nay, người đảng viên không chỉ giác ngộ về mặt lý tưởng, mà phải có kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật... để đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức đời sống đồng bào, đấu tranh chống mọi thủ đoạn "diễn biến hoà mình" của địch.

Trong điều kiện Đảng nắm chính quyền, các tổ chức Đảng phải chăm lo phát triển Đảng viên, lựa chọn các đảng viên ưu tú để nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở chính quyền các cấp, thông qua đội ngũ cán bộ để đưa đường lối chính sách của Đảng, pháp luật và Nhà nước vào quần chúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đ- kết luận

PBGDPL thông qua các sinh hoạt truyền thống là một hình thức, đồng thời là biện pháp giáo dục pháp luật có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng, vì sinh hoạt truyền thống của các dân tộc gắn với nhiều lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. Nên cần phải có sự thống nhất về quan niệm và nhìn nhận một cách toàn diện về các loại hình sinh hoạt truyền thống của các dân tộ gắn với nhiều lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. Nên cần phải có sự thống nhất về quan niệm và nhìn nhận một cách toàn diện về các loại hình sinh hoạt truyền thống của các dân tộc; thấy được cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó để kết hợp PBGDPL có hiệu quả.

PBGDPL đối với các dân tộc ở miền núi nước ta cần phải tiến hành từng bước, thường xuyên. Lực lượng rất quan trọng cần được huy động vào việc tuyên truyền giáo dục pháp luật là già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; cán bộ chủ chốt ở cơ sở xã, bộ đội biên phòng…

Thông qua sinh hoạt truyền thống để PBGDPL chính là cách làm để tạo được nền tảng ý thức pháp luật cơ bản, vững chắc trong đồng bào các dân tộc miền núi.

Việc xây dựng xã hội mới văn minh, hiện đại theo định hướng XHCN ở các dân tộc miền núi không phải là sự đoạn tuyệt hay phá bỏ các yếu tố truyền thống, mà là quá trình đấu tranh xoá bỏ các tập tục lạc hậu có hại cho sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực của truyền thống. PBGDPL là một bộ phận của cách mạng tư tưởng - văn hoá, cách mạng xã hội, là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, lâu dài. Thông qua các sinh hoạt truyền thống chắc chắn sẽ tạo được động lực để góp phần thúc đẩy quá trình đưa pháp luật vào đời sống các dân tộc ở miền núi nhanh hơn.

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1

Viện dân tộc học

Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Hà Nội 1975.

2

Trường Chinh:

Đưa nhân dân các dân tộc Đaclak tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí cộng sản. Số 8 8 - 1983.

3

Bế Viết Đẳng

Nguyễn Khắc Tụng

Người dao ở Việt Nam NXB khoa học xã hội 1971.

4

Mạc Đường

Và tập thể

Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, Sở Văn hoá Lâm Đồng 1983.

5

Lã Văn Lô -

Đặng Nghiêm Vạn

Đại cương về nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam NXB khoa học xã hội- Hà Nội 1968.

6

Nguyễn Quốc Lộc Và Tập thể

Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên NXB Thuận Hoá, Huế 1984.

7

Hoàng Hoa Toàn

Người H'mông trong cuốn: Bộ đội cần biết về các dân tộc ở biên giới phía Bắc. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1983.

8

Nguyễn Tuấn Triết

Người RagLai ở Việt Nam NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1991.

9

Đặng Nghiêm Vạn

Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam - A ở Tây Bắc Việt Nam NXB khoa học xã hội, Hà nội 1972.

10

Đặng Nghiêm Vạn

và Tập thể

Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon tum. NXB khoa học xã hội 1981.

11

Viện dân tộc học

Các dân tộc ít người Việt Nam Tập I : Các tỉnh phía Bắc. Tập II : Các Tỉnh phía Nam, NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1978-1984.

12

Viện dân tộc học

Góp phần tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1977.

13

Viện dân tộc học

Góp phần nghiên cứu bản lĩnh bản sắc các dân tộc ở Việt Nam NXB khoa học xã hội 1980.

14

Cầm Trọng

Người Thái ở Tây bắc Việt Nam NXB khoa học xã hội Hà Nội 1978.

15

Đỗ Thuý Bình

Dòng họ và mối quan hệ giữa gia đình và dòng họ ở người Thái Tạp chí dân tộc học số 2 - 1984.

16

Phạm Quang Hoan

 

Gia đình cấu trúc loại hình, Tạp chí dân tộc học số 1, 2 - 1988.

17

Lê Ngọc Thắng

Lâm Bá Nam

Bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam NXB Văn hoá các dân tộc Hà Nội 1990.

18

Cầm Trọng- Nguyễn Ngọc Thanh

Làng bản của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Tạp chí dân tộc học 2 - 1993.

19

Đặng Nghiêm Vạn

Quan hệ giữa các tộc người trong một quốc gia dân tộc. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993.

20

Phạm Quang Hoan

Vai Trò các thiết chế xã hội truyền thống trong việc quản lý nguồn tài nguyên công cộng của người H' Mông. Tạp chí dân tộc học số 2-1994.

21

Nhiều Tác Giả

Bốn mươi năm văn hoá nghệ thuật các dân tộc thiểu số. NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1987.

22

Nguyễn Văn Huy

Văn hoá và nếp sống Hà Nhì, Lô Lô. NXB Văn hoá, Hà Nội 1985.

 

 

 

 

Chuyên đề 6

Vị trí, vai trò của ngành tư pháp

trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật

Nhóm thực hiện:

-Nguyễn Văn Hoan

-Nguyễn Đắc Bình

-Phạm Xuân Trường

-Nguyễn Bình

 

Trong những năm qua việc triển khai các mô hình tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương rất đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều điều kiện cụ thể, theo đặc trưng riêng của từng ngành, từng địa phương; song nhìn chung có thể khẳng định: tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật mà trong đó ngành Tư pháp là đầu mối đã và đang có những hiệu quả thiết thực, cần được khẳng định để từ đó thấy rõ hơn vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật. Chuyên đề này chỉ đề cập đến 1 phạm vi là vai trò, vị trí của ngành Tư pháp trong việc tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi.

I. Những đặc điểm kinh tế - xã hội ở miền núi chi phối tính chất của công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

Khác với vùng đồng bằng, khu vực miền núi có những đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội. Trước hết, xét về mặt dân số, dân tộc: trong số 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước ta, người kinh chiếm tới 87%, song sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, đô thị, còn lại là sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác ở khắp cả nước. Còn ở khu vực miền núi với trên 24 triệu người thì chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người chung sống và gắn bó với nhau từ ngàn đời nay. Về mặt địa lý: địa bàn miền núi chiếm tới 3/4 diện tích cả nước, chủ yếu là đất rừng và đồi núi, sát với biên giới các quốc gia láng giềng. Do đó, miền núi có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế - chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng.

Về văn hoá, xã hội: ở miền núi thường có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá gắn với phong tục, tập quán lâu đời từ thế hệ này đến thế hệ khác của đồng bào dân tộc và có sức tác động rất lớn đến đời sống văn hoá của họ như lễ hội, chợ phiên, ngày văn hoá dân tộc...

Trong quản lý hành chính, mặc dù vẫn có sự quản lý thống nhất về hành chính từ Trung ương đến địa phương, nhưng ở miền núi còn có cả "tổ chức" với "chức danh" rất đặc biệt như: Trưởng họ, già làng, bà cô... mà hiện nay vẫn được duy trì và hoạt động có hiệu quả, có ảnh hưởng lớn bên cạnh Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở. Thậm chí, có nơi mọi công việc ở làng, bản đó đều do "già làng" giải quyết, uy tín của già làng và quyết định của già làng có khi có hiệu lực cao hơn quyết định của cấp có thẩm quyền.

Những yếu tố trên tuy chưa phải đã được nêu và lý giải đầy đủ, song đó chính là những điểm đặc thù tạo thuận lợi và chi phối đến tính chất của việc tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi mà chúng tôi sẽ đề cập kỹ ở những phần sau.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi còn có những mặt khó khăn - mà theo tôi: nếu không có giải pháp khắc phục sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó biện pháp chủ yếu là tổ chức phối hợp để phổ biến giáo dục pháp luật ở khu vực miền núi. Các khó khăn đó là: - Tuy chiếm tới 3/4% diện tích cả nước nhưng mật độ dân cư quá thấp, có nơi chỉ có vài người trên 1 km2. - Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng và đúng đắn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi như: Nghị quyết 22 ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị (khoá VI) và sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 22 Bộ Chính trị, ngày 13/3/1990 Chính phủ lại có Quyết định số 72 để cụ thể hoá một bước việc thực hiện chủ trương, chính sách, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện đối với việc phát triển kinh tế - xã hội miền núi... Song nhìn chung kinh tế miền núi vẫn trong tình trạng kém phát triển, chủ yếu là độc canh, du cư và do ngân sách Nhà nước cấp (có tỉnh tới 90%).

- Trình độ dân trí thấp, có nơi tỷ lệ thất học và mù chữ chiếm tới 80 - 90%, ngay cả đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có người văn hoá mới lớp 1, lớp 2. Nhiều xã vùng cao không có trường học, giáo viên các cấp thiếu nghiêm trọng.

- Lực lượng cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật vừa thiếu về số lượng lại yếu về chất lượng, mặt khác lại luôn bị biến động nên ảnh hưởng nhiều tới việc tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

- Ngành Tư pháp là đầu mối tổ chức phối hợp nhưng ở miền núi còn nhiều huyện chưa có Phòng Tư pháp, cán bộ Ban Tư pháp xã chỉ kiêm nhiệm nên vai trò lu mờ...

- ảnh hưởng của các phong tục, tập quán, các tệ nạn xã hội còn nặng nề (cờ bạc, nghiện hút, chặt phá rừng, mê tín dị đoan, tảo hôn, thách cưới, lễ hội kéo dài, ăn uống lãng phí...). Đó là những khó khăn trực tiếp chi phối tính chất của việc tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

1. Thực trạng và vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành, các cấp chính quyền, các đoàn thể đã tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành mình, cấp mình, đồng thời tổ chức phối hợp với các ngành, đoàn thể khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về lực lượng, phương tiện, điều kiện cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao hơn. Thực tiễn nhiều năm qua đã hình thành những mô hình phối hợp sau:

a) ở Trung ương: việc phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện bằng các hình thức:

- Phối hợp giữa hai, ba bên trên cơ sở các Nghị quyết, kế hoạch ... của Liên Bộ, ngành, đoàn thể.

- Phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ để phổ biến giáo dục pháp luật.

b) ở địa phương: Hình thức phối hợp thông thường và có hiệu quả nhất là phối hợp trên cơ sở các Chỉ thị, kế hoạch phổ biến giáo dục một văn bản pháp luật, một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý lớn, tập trung và có quy mô rộng.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, vị trí của công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng được coi trọng và từng bước được quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Điều đó thể hiện chính ngay ở các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã chỉ rõ:

"Các cấp Uỷ Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể phải thường xuyên phổ biến, giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đưa việc giáo dục về pháp luật vào các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật".

"Các cơ quan Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước.

Các đoàn thể có nhiệm vụ giáo dục đoàn viên, hội viên của mình về chủ nghĩa xã hội, về pháp chế xã hội chủ nghĩa, về trách nhiệm và quyền hạn làm chủ tập thể ... Tuyên truyền thuyết phục quần chúng tự giác thi hành chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước".

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI - Báo cáo chính trị của Đảng cũng xác định: "Coi trọng giáo dục, tuyên truyền giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ Trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật...".

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII một lần nữa lại chỉ rõ: "Điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân...".

Trong Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 của Nhà nước ta đều quy định một nhiệm vụ của Chính phủ là "Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân".

Chỉ thị 315-CT ngày 7/12/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định: "các Bộ Quốc phòng, Đại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo dục, Tổng cục dạy nghề phối hợp cùng với Bộ Tư pháp xúc tiến gấp việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên về pháp lý để sớm đưa việc giáo dục pháp luật có hệ thống vào các trường học".

"Công tác tuyên truyền giáo dục không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, trước hết là các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí và các đoàn thể"...

Tuy chưa viện dẫn hết tinh thần nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Song có thể khẳng định được vị trí quan trọng của công tác này trong công tác giáo dục chính trị của Đảng và trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua khảo sát ở các tỉnh Gia Lai, Kon tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La, Khoa dân tộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì 121/188 phiếu (64,2%) cho rằng ngành Tư pháp có vai trò là đầu mối trong phối hợp, 84% cho rằng ngành Tư pháp có vai trò là tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để phổ biến giáo dục pháp luật, 35,1% ý kiến cho rằng ngành Tư pháp tự tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật và 96,2% ý kiến cho rằng ngành Tư pháp có vai trò phối hợp với các cơ quan khác trong phổ biến giáo dục pháp luật. Như vậy, theo chúng tôi - đó là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để ngành Tư pháp cũng như các ngành, đoàn thể khác tổ chức tốt hơn việc phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả.

2. Một số mô hình phối hợp điển hình trong phổ biến giáo dục pháp luật:

a) Phối hợp đa phương (nhiều ngành, đoàn thể...) với nhau trên cơ sở một Chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ. Trong các đợt tuyên truyền tập chung có quy mô lớn, trên cơ sở một Chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ hoặc Quốc hội các ngành, đoàn thể hữu quan phối hợp xây dựng các kế hoạch cụ thể, phân côngt trách nhiệm từng bên (kể cả phần kinh phí, biện pháp tổ chức thực hiện...) để chỉ đạo triển khai các kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật một cách thống nhất trong toàn quốc.

ở loại hình này, ngành Tư pháp (kể cả ở cấp Bộ, Sở) thường được giao các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch, chương trình chung; chủ trì các cuộc họp với các ngành, đoàn thể để thống nhất kế hoạch, nội dung, biện pháp triển khai; chủ trì các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt, báo cáo viên, phóng viên, báo, đài; biên soạn tài liệu tập huấn, đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới...

Qua thực tiễn của mô hình hoạt động phối hợp này ở các tỉnh đồng bằng và miền núi như Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu... cho thấy:

- Ưu điểm: + Các bên tham gia có kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo tập trung.

+ Huy động được sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành nhiều cấp. Làm phổ biến giáo dục pháp luật có quy mô, tập trung và đảm bảo được kế hoạch thời gian.

+ Đảm bảo được các yêu cầu và điều kiện của công tác phổ biến giáo dục pháp luật như: kinh phí, phương tiện, lực lượng cán bộ...

- Hạn chế: Việc phối hợp thường xuyên chỉ có hiệu quả trong những đợt lớn tập trung phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn của văn bản pháp luật cần phổ biến giáo dục, phụ thuộc vào ngành, cấp và văn bản liên quan, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá... Sau đó thường bị buông lơi.

Ngành Tư pháp ở địa phương chưa làm được nhiệm vụ và giữ được vị trí là đầu mối của sự phối hợp. Chỉ có 1 số tỉnh đã có Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật hoặc Ban chỉ đạo, hay hoạt động theo Chỉ thị của cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật mới có tác dụng; song mô hình này cũng chỉ có được ở một số tỉnh.

b) Mô hình phối hợp song phương (hai bên với nhau) trên cơ sở các Nghị quyết liên tịch, kế hoạch, Thông tư liên Bộ, ngành, đoàn thể:

 

Mô hình này hoạt động trên cơ sở các văn bản của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật, theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể. Hình thức phối hợp trực tiếp giữa các ngành, đoàn thể đã được sử dụng nhiều và có hiệu quả. Phân tích cụ thể và qua thực tiễn những năm qua có thể chia loại hình hoạt động này làm 2 nhóm:

- Nhóm quan hệ phối hợp được hình thành do có một sự kiện pháp lý (văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, đoàn thể đó mà cần phải được phổ biến, tuyên truyền). Ví dụ: Khi ban hành các Luật thuế, Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng ... thì các ngành chủ quản như Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính, Tổng cục Địa chính, Bộ Lâm nghiệp... sẽ chủ động lập kế hoạch hoặc phối hợp với ngành Tư pháp để xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp triển khai phổ biến giáo dục văn bản đó như: Bỗi dưỡng cho báo cáo viên, phóng viên, xây dựng chuyên mục trên báo đài, viết tài liệu tuyên truyền... Kinh phí, phương tiện cho loại hình này chủ yếu tới 3/4 là do ngành chủ quản đầu tư hoặc do kinh phí cấp từ Trung ương.

- Nhóm quan hệ phối hợp được hình thành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể để thực hiện một nội dung và phục vụ một loại đối tượng ổn định, lâu dài như: Bộ Giáo dục - đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức dạy và học pháp luật trong nhà trường; Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Tư pháp để giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp để tuyên truyền giáo dục pháp luật về thuế; Bộ Tư pháp phối hợp với Báo, đài và các cơ quan hữu quan tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật...

Về mặt pháp lý, loại hình phối hợp này thường được ký kết bằng văn bản do Thủ trưởng đại diện 2 cơ quan cùng ký, đóng dấu (dưới dạng Nghị quyết liên tịch, Thông tư liên Bộ...).

- Ưu điểm của hình thức phối hợp này là: Sự phối hợp chỉ đạo được duy trì thường xuyên lâu dài và toàn diện; nội dung, hình thức và biện pháp phổ biến giáo dục được lựa chọn, điều chỉnh qua từng giai đoạn; từng thời kỳ nên phù hợp, sát với đối tượng hơn. Việc phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ dừng ở việc giới thiệu văn bản pháp luật mới mà còn tiếp tục cả ở giai đoạn thực hiện văn bản đó; mặt khác, theo loại hình này thì tính hệ thống của giáo dục được bảo đảm, tác động mang tính bền vững hơn, giải quyết được cơ bản một số nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật; trách nhiệm các bên khi phối hợp rõ ràng, việc chỉ đạo, kiểm tra ... được duy trì trong suốt quá trình phối hợp.

+ Về hạn chế: Loại hình này rất khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn, bởi vì trên thực tế vấn đề tổ chức, cán bộ không có sự ổn định mà luôn biến động (kể cả ngành Tư pháp và các ngành khác) vì vậy có lúc, có nơi không còn đầu mối phối hợp, thực hiện bị ngắt quãng, kém hiệu quả. Vấn đề đặt ra là muốn đảm bảo hiệu quả hoạt động theo mô hình này tất yếu phải có đủ số cán bộ có chất lượng của cả 2 bên tham gia phối hợp, mặt khác số này phải được phân công chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện; phải có kinh phí và phương tiện thường xuyên để duy trì hoạt động phối hợp.

c) Thành lập và duy trì các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (thường có ở địa phương).

Hình thức này xuất hiện sau khi thành lập lại ngành Tư pháp (1982). Qua theo dõi một số năm chúng tôi thấy: - năm 1983: 14/40 tỉnh thành phố có quyết định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (cấp tỉnh đến huyện, xã).

- Năm 1984 - 1985: 18/40 tỉnh, thành có Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

- Năm 1986 - 1987: 20/40 tỉnh, thành có Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

- Năm 1988 - 1989: Do biến động về tổ chức nên chỉ còn 4/40 tỉnh thành giữ lại Hội đồng phối hợp (Cao Bằng, Hải Hưng, Thái Bình và Yên Bái).

- Năm 1993 - 1994: 8/53 tỉnh, thành có Hội đồng phối hợp.

Qua trên 10 năm hoạt động, loại hình này vẫn được duy trì (tuy ít) ở các tỉnh miền núi, nông thôn. Có thể tóm tắt mô hình này ở một số điểm chính sau:

- Về tổ chức: Chủ tịch Hội đồng thường là đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch tỉnh, Tư pháp làm Uỷ viên trực hoặc Phó chủ tịch trực, với sự tham gia của các ngành, đoàn thể ở địa phương như: Nội chính, Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Tuyên giáo...

- Về nhiệm vụ: Hội đồng này có nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, Chính quyền về kế hoạch, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm, từng thời kỳ; chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kế hoạch bằng cách phân công trách nhiệm từng thành viên; quyết định các biện pháp phối hợp chung của Hội đồng và các thành viên khác; sơ kết, tổng kết hoạt động của Hội đồng và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.

- Về hoạt động: thường theo chế độ Hội nghị (3 tháng, 6 tháng, cuối năm) và qua các báo cáo định kỳ của các thành viên do Tư pháp tổng hợp, ngay cả khi một số nơi không còn Hội đồng thì quan hệ phối hợp song phương vẫn duy trì có kết quả.

ở hình thức Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, việc chỉ đạo theo kế hoạch đảm bảo được sự tập trung thống nhất các ngành, đoàn thể đều nắm được các định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ chung của việc giáo dục pháp luật từng thời kỳ, huy động được khả năng, điều kiện của nhiều ngành vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Tuy nhiên, loại hình này có hạn chế là do người phụ trách Hội đồng thường là các đồng chí lãnh đạo nên ít có thời gian tham gia hoạt động. Các cuộc họp không được tổ chức thường xuyên, Hội đồng quá đông thành viên (có nơi có tới 30 - 40 đồng chí) cho nên việc tham gia và điều hành các cuộc họp định kỳ rất khó. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng một số Hội đồng chỉ hoạt động mang tính chất hình thức, do đó chất lượng, hiệu quả hoạt động hạn chế.

d) Thành lập Ban chỉ đạo phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp khi có các đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng như phổ biến, giáo dục Hiến pháp, các bộ luật; trong các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. ở loại hình này Tư pháp vẫn có vai trò quan trọng (đầu mối phối hợp, tham mưu cho cấp uỷ...). Các ưu điểm và hạn chế của loại hình này tương tự như hình thức phối hợp đa phương ở Trung ương trong các đợt phổ biến giáo dục pháp luật lớn, tập trung.

e) Ban hành quy chế phối hợp để phổ biến giáo dục pháp luật (quy chế này mang tính chất chung), làm căn cứ và cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các quan hệ phối hợp song phương, đa phương giữa các ban, ngành, đoàn thể khi có yêu cầu.

Tóm lại: thực tiễn triển khai các mô hình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật rất đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể mới có thể có hiệu quả, nhất là đối với khu vực miền núi và đồng bào dân tộc. Từ thực trạng đã nêu ở chuyên đề 1 và các chuyên đề khác, cần có sự nghiên cứu, tổng kết đánh giá nghiêm túc, khoa học về hoạt động, tổ chức của loại hình này ở phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở đó có giải pháp hữu ích cho việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật mà trong đó, ngành Tư pháp phải duy trì và giữ được vai trò và vị trí quan trọng là tham mưu và là trung tâm đầu mối của sự phối hợp. Mặt khác, không thể phủ nhận tác dụng của các mô hình tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, mà phải khai thác và phát huy được tất cả những thế mạnh của loại hình này để qua đó, làm rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Trong đó có cơ quan Tư pháp trong phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Đối với địa bàn miền núi, từ thực trạng trên - theo chúng tôi ngoài một số mô hình phối hợp đã nêu (Hội đồng phối hợp, phối hợp song phương, đa phương) cần duy trì thêm mô hình phối hợp theo chức năng và phối hợp tổ chức theo Chỉ thị, Quyết định của cấp Uỷ hoặc UBND cấp tỉnh, huyện (như của Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Gia Lai, Thừa Thiên Huế... đã làm). Bởi lẽ, mô hình này phù hợp với các tỉnh miền núi và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả.

II- Vai trò của ngành Tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin cổ động.

1) Một số nét cơ bản về thực trạng thông tin, cổ động ở miền núi.

Vấn đề phát triển các hệ thống thông tin đại chúng để đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng cao là một nhiệm vụ cấp bách của ngành Văn hoá - Thông tin. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, tới nay sóng phát thanh và truyền hình đã được phủ trên toàn bộ lãnh thổ bằng hệ thống hàng trăm trạm thu phát sóng FM ở các huyện, thị, miền núi. Mặc dù vậy, đưa thông tin tới được người dân ở vùng núi vẫn rất khó khăn.

Theo điều tra sơ bộ cho thấy các phương tiện như ti vi, radio ở vùng đồng bào các dân tộc còn rất ít. Cộng vào đó là những khó khăn về nguồn điện, rồi phải phát bằng tiếng dân tộc... khó khăn trên đã làm hạn chế tính hiệu quả, tính thiết thực của hệ thống truyền thông này. Để khắc phục, ngành Văn hoá - Thông tin đã chỉ đạo cơ sở xây dựng các đội thông tin lưu động (TTLĐ) (1) ở tỉnh và các huyện theo chỉ tiêu mỗi tỉnh có một đội của tỉnh làm nòng cốt cho phong trào, mỗi huyện có một đội . Đặc điểm của đội TTLĐ là ít người (chỉ từ 5-7 người) trang bị gọn nhẹ (máy nổ sách tay, Radio cát sét, ti vi 14 inch...). Một số nơi, đội còn được trang bị ô tô, mô tô... do vậy mà tính cơ động của đội rất cao, có thể đi được tới những vùng xa xôi hẻo lánh. Đặc biệt là các đội TTLĐ miền núi phần lớn là con em bà con dân tộc nên trong khi tuyên truyền họ có thể sử dụng tiếng dân tộc rất tốt, đây là một ưu thế mà các phương tiện truyền thông khác rất khó có thể thực hiện được. Vì đây là một lực lượng chủ lực làm công tác tuyên truyền ở miền núi nên Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp cho mỗi đội từ 10 - 12 triệu đồng. Riêng năm 1994 một số đội được cấp 45 triệu đồng. Điều này khẳng định sự quan tâm của Nhà nước và của ngành Văn hoá Thông tin tới công tác thông tin cổ động.

2. Phương thức hoạt động của đội TTLĐ.

Tuyên truyền miệng là hoạt động trực tiếp và phổ biến của các đội thông tin lưu động. Ưu thế của hình thức này là có sự giao lưu trực tiếp giữa người nói và người nghe, vì vậy nó có sức truyền cảm làm cho người nghe dễ thu nhận thông tin hơn. Song nếu chỉ tuyên truyền bằng cách đọc tin tức, Chỉ thị, Nghị quyết... thì sẽ rất khó đi vào quần chúng nhất là đối với đồng bào các dân tộc. Vì vậy, đội TTLĐ sử dụng cả những lời ca, tiếng hát, điệu múa, tranh cổ động, triển lãm nhỏ để làm cho chương trình tuyên truyền sinh động, hấp dẫn.

Do đặc điểm của các tỉnh miền núi là dân cư ở thưa thớt nên các đội TTLĐ chủ yếu là bám vào các phiên chợ để tuyên truyền cổ động. Chợ ở miền núi không những là nơi giao lưu hàng hoá mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thu nhận thông tin. Người dân ở vùng cao đi chợ có khi phải mất 2-3 ngày, vì vậy tổ chức các sinh hoạt văn hoá, thông tin cho đồng bào ở chợ rất phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân miền núi và cũng qua sinh hoạt văn hoá ở chợ bà con các dân tộc hiểu thêm những thông tin mới về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài hình thức tuyên truyền ở chợ theo truyền thống, năm 1994 được Nhà nước phê duyệt, ngành văn hoá thông tin đã tiến hành xây dựng thí điểm ở sáu tỉnh miền núi 2 cụm văn hoá thông tin, với mức đầu tư cho mỗi cụm khoảng 100 triệu đồng. Cụm văn hoá sẽ được xây dựng ở những trung tâm dân cư. Mỗi cụm có 1 bộ Vidio, máy tăng âm, đàn óc gan... ở những nơi có điều kiện có thể xây dựng cả các khu thể thao, các cụm cổ động.

3- Phương pháp phối hợp trong việc tuyên truyền pháp luật ở các tỉnh miền núi và đồng bào dân tộc.

Ngành Văn hoá - thông tin sau nhiều năm kiên trì phấn đấu đã tạo dựng được một hệ thống tuyên truyền viên khá mạnh với một cơ sở vật chất ban đầu đủ để đảm đương công tác tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị ở vùng đồng bào các dân tộc, đặc biệt là tuyên truyền về luật pháp, vấn đề là phải làm sao tìm ra được một hình thức phối hợp để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất. Theo chúng tôi có thể tạm thời phân ra làm 2 cấp phối hợp: cấp Trung ương: giữa Bộ Văn hoá - Thông tin với Bộ Tư pháp và cấp thứ hai là ở các tỉnh, thành phố.

ở cấp Trung ương, với tư cách là một cơ quan chỉ đạo nghiệp vụ thì vấn đề phải lo đầu tiên là huấn luyện, đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nắm vững về phương pháp tuyên truyền pháp luật. Vì vậy, cần thường xuyên mở các lớp tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên này.

Song song với đào tạo, huấn luyện phải xuất bản các tài liệu tuyên truyền, gồm các tranh cổ động, hỏi - đáp pháp luật bằng các tờ gấp để phát tới tận tay người dân trong các buổi chợ phiên. Tài liệu cho đồng bào dân tộc phải phù hợp tâm lý và trình độ nhận thức của người dân. Theo như kinh nghiệm đã phối hợp với Uỷ ban quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình thì những tài liệu này phải ngắn, cô đọng và lời văn phải dễ hiểu, hình thức in đẹp. Tiến tới mức cao hơn có thể nghiên cứu xuất bản các băng hình về pháp luật để chiếu cho đồng bào các dân tộc (hiện nay hầu hết các đội TTLĐ ở miền núi đều có đủ bộ vidio).

- Cấp phối hợp thứ 2 là ở địa phương: cụ thể là giữa Sở Văn hoá - thông tin với Sở Tư pháp, ở cấp này, nhiệm vụ chủ yếu là chuyền tải hết các nội dung thông tin được cung cấp tới tận người dân bằng các hình thức giữa tuyên truyền miệng và văn nghệ cổ động. Đồng thời thu thập những ý kiến của quần chúng phải ánh lại với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hình thức này vẫn thường gọi là thông tin hai chiều. Đây là một phần công việc rất quan trọng đối với các tuyên truyền viên ở cơ sở, nếu không nắm được những kiến nghị, những tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thì không thể tuyên truyền, cổ động có hiệu quả.

4- Những yếu tố cần thiết đảm bảo việc liên kết có hiệu quả.

+ Thứ nhất là phải có đội ngũ chuyên gia về pháp luật của ngành Tư pháp để giúp đào tạo huấn luyện cho đội ngũ tuyên truyền viên của ngành văn hoá - thông tin những hiểu biết cơ bản về pháp luật.

+ Thứ hai là phải có kinh phí hỗ trợ các hoạt động phối hợp có phương tiện, đặc biệt là trong việc in các tài liệu tuyên truyền riêng cho các tỉnh miền núi.

+ Thứ ba là cần một cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành hữu quan.

III- Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong công tác hoà giải ở miền núi.

Từ năm 1982 công tác hoà giải được chuyển giao từ ngành toà án sang ngành Tư pháp. Theo Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ, Thông tư số 08/TT ngày 6/1/1982 và Công văn số 527/QLTP ngày 28/8/1984 của Bộ Tư pháp, công tác hoà giải có thể chia ra 2 nội dung chủ yếu:

1) Xây dựng, củng cố tổ chức hoà giải.

2) Chỉ đạo hoạt động hoà giải.

Với 2 nội dung trên, ngành Tư pháp từ Trung ương xuống cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng.

ở Trung ương, Bộ Tư pháp có trách nhiệm trình Chính phủ ban hành hoặc tự ban hành theo thẩm quyền các quy định về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách... đối với các tổ chức hoà giải, hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải, cùng với các ngành hữu quan (TANDTC, Uỷ ban dân tộc và miền núi...) ra các văn bản liên tịch về việc phối hợp trong công tác hoà giải; kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn hoạt động hoà giải ở địa phương; tổ chức nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết công tác hoà giải trong phạm vi toàn quốc.

ở địa phương, các cơ quan tư pháp thể hiện vai trò, vị trí của mình thông qua việc tham mưu cho UBND và trực tiếp thực hiện nhiều công việc về hoà giải.

Chuyên đề này xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác hoà giải ở miền núi và dân tộc đồng thời để xác định rõ và khẳng định vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong lĩnh vực này.

A- Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong việc xây dựng, củng cố tổ chức hoà giải ở miền núi:

1- Xây dựng các tổ hoà giải: Mặc dù công tác hoà giải đã được Hồ Chủ Tịch đề ra và được triển khai từ sau Cách mạng Tháng 8 thành công nhưng vấn đề xây dựng tổ hoà giải hiện nay vẫn đang và sẽ còn là vấn đề cần được cơ quan Tư pháp các cấp nghiên cứu và tổ chức thực hiện vì:

- Do nhiều nguyên nhân (thay đổi cơ quan chủ quản, thay đổi quy mô tổ chức của cơ quan chủ quản...) tổ hoà giải bị tan rã. Ví dụ: trong thời gian phòng Tư pháp huyện bị giải thể, năm 1985 Bình Thuận có 873 tổ hoà giải với 2014 tổ viên, đến 1987 chỉ còn 624 tổ với 1208 tổ viên. Đương nhiên ở những nơi tổ hoà giải bị tan rã khi khôi phục lại công tác hoà giải cần xây dựng lại tổ hoà giải.

- Cơ cấu dân cư thay đổi, các tổ chức kinh tế ra đời - thành lập một khu kinh tế mới, một doanh nghiệp mới... phải xây dựng ở đó các tổ hoà giải.

- Cao hơn nữa khi xây dựng mới một tổ hoà giải Ban tư pháp xã cần: tham mưu cho địa phương để có 1 mô hình tổ chức phù hợp.

2- Lựa chọn cán bộ hoà giải: phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc hiệp thương với các đoàn thể, tổ chức quần chúng lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn giới thiệu với Hội nghị đại biểu cán bộ nhân dân để Hội nghị biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín chọn những người vào tổ hoà giải. Ngoài những tiêu chuẩn như tiểu sử tốt, có tư tưởng tình cảm trong sáng, có kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống, có khả năng thuyết phục... Ban Tư pháp xã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm chọn được những người có hiểu biết pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật.

Trong lĩnh vực này cơ quan tư pháp còn có nhiệm vụ:

- Nghiên cứu đề xuất về nhiệm kỳ hoạt động của tổ hoà giải, cán bộ hoà giải là 1 "chức vụ được bổ nhiệm suốt đời" hay theo nhiệm kỳ của chính quyền.

- Chủ động đề xuất bổ sung khi cán bộ hoà giải già, yếu, chết.

- Chủ động đề xuất khi cán bộ hoà giải không còn xứng đáng giữ nhiệm vụ đó.

3- Xây dựng quy chế hoạt động của tổ hoà giải áp dụng thống nhất trong toàn xã.

4- Phân công, phối hợp giữa các tổ trong một vụ hoà giải.

5- Thiết lập sự phối hợp giữa trưởng bản, già làng với các tổ trong công tác hoà giải bởi vì vai trò của trưởng bản, già làng trong công tác hoà giải rất lớn.

6- Đề xuất về chế độ đãi ngộ và thực hiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ hoà giải: Hiện nay hoạt động hoà giải còn là 1 công tác tự nguyện vì vậy cán bộ hoà giải cần: đề xuất với cấp trên để sớm có chính sách chế độ, đề xuất vận dụng để có được kinh phí đã ngộ đối với cán bộ hoà giải.

7- Đề xuất và thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động hoà giải:

Hiện nay ở vùng núi, vùng sâu: khoảng 15 hộ thành lập 1 tổ hoà giải, mỗi tổ từ 3- 5 người, thành phần rất đa dạng: phụ lão, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Đảng viên, giáo viên, tôn giáo, đội trưởng sản xuất. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, cơ quan tư pháp cần đề xuất về quy mô, cơ cấu của tổ hoà giải.

Hiện nay tình hình mâu thuẫn trong nhân dân diễn biến phức tạp, mâu thuẫn không chỉ nằm trong quan hệ hôn nhân gia đình hoặc quan hệ tài sản, sinh hoạt cộng đồng xung quanh láng giềng mà phát triển ra nhiều lĩnh vực (vay mượn, đất đai...) trong dòng họ, trong thôn xã. Khi 2 đương sự có mâu thuẫn, tranh chấp ở 2 địa bàn thuộc 2 tổ hoà giải khác nhau, Ban Tư pháp xã cần phân công trách nhiệm và phối hợp giữa 2 tổ đó trong việc hoà giải. Cơ quan Tư pháp tham mưu xác lập các mối quan hệ tổ chức, thi đua, trong phạm vi thôn, bản, làng xã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động hoà giải ở địa phương.

B. Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong việc chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải ở miền núi.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của các tổ chức hoà giải do Chính phủ và Bộ Tư pháp quy định, căn cứ vào thực tiễn công tác hoà giải năm trước, căn cứ vào diễn biến tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; cơ quan tư pháp ra văn bản hướng dẫn cấp dưới, hướng dẫn các tổ hoà giải và tham mưu cho chính quyền ra văn bản hướng dẫn công tác hoà giải.

Một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan tư pháp là bồi dưỡng kiến thức cho các tổ viên hoà giải. Nội dung bồi dưỡng gồm có nghiệp vụ về hoà giải, kiến thức pháp lý cơ bản đặc biệt là phân biệt phạm vi điều chỉnh của các ngành luật, những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống kinh tế xã hội ở địa phương (Hôn nhân gia đình, thừa kế, nhà đất, nguồn nước, nếp sống văn hoá, sở hữu, hợp đồng dân sự), kinh nghiệm hoà giải ở các địa phương khác.

Có 4 hình thức bồi dưỡng cán bộ hoà giải hay được sử dụng là:

a/ Cung cấp các tài liệu cần thiết như tài liệu hướng dẫn công tác hoà giải, sổ tay cán bộ hoà giải, kinh nghiệm tiến hành hoà giải, các văn bản pháp luật, đề cương tuyên truyền pháp luật...

b/ Tổ chức tập huấn văn bản: Những văn bản liên quan nhiều đến đời sống kinh tế xã hội ở địa phương cần đựơc định kỳ tập huấn cho cán bô hoà giải, ở những kỳ tập huấn này ngoài nội dung văn bản nên tham khảo kinh nghiệm xét xử của toà án và kinh nghiệm hoà giải của các địa phương khác để có hướng dẫn về hoà giải trong lĩnh vực đó. Về đối tượng tập huấn nên chú ý tới cán bộ mới được bầu.

c/ Tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn: Nội dung của các lớp này là nghiệp vụ hoà giải, kinh nghiệm về hoà giải và kiến thức pháp lý cơ bản phần tập huấn văn bản chỉ là phụ.

d/ Tổ chức các Hội nghị rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về công tác hoà giải.

Để có đựơc nội dung bồi dưỡng huấn luyện tốt, cơ quan tư pháp cần nghiên cứu các tài liệu liên quan đến công tác hoà giải: Các tài liệu về xã hội học, tâm lý học, nghệ thuật tuyên truyền miệng, pháp luật hiện hành, đúc rút kinh nghiệm thông qua việc chỉ đạo điểm, qua việc khảo sát thực tế, qua tìm hiểu, học hỏi các báo cáo viên xuất sắc, qua các báo cáo định kỳ của các tổ hoà giải, qua các Hội thảo, Hội nghị sơ kết, tổng kết.

Trong từng hình thức bồi dưỡng, từng đợt bồi dưỡng ngành tư pháp cần phối hợp với các ban ngành đoàn thể hữu quan, chịu trách nhiệm lập kế hoạch bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng, tập huấn; Ban ngành chủ quản có thể giúp về báo cáo viên, tài liệu và đóng góp một phần kinh phí.

Tuỳ theo nội dung bồi dưỡng, đặc điểm về trình độ và số lượng cán bộ được triệu tập, khả năng đáp ứng về báo cáo viên mà cấp triệu tập có thể là cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả của việc bồi dưỡng, cơ quan Tư pháp cần nắm vững biến động về tổ chức của các tổ hoà giải, trình độ của cán bộ hoà giải trong phạm vi mình quản lý để triệu tập đúng đối tượng cho từng lớp bồi dưỡng.

Trong khi bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ hoà giải, cơ quan tư pháp phải chú ý 2 vấn đề:

1. Tìm đựơc gianh giới giữa hoà giải và xử lý hành chính,xét xử dân sự, xét xử hình sự, kỷ luật hành chính; giúp cán bộ hoà giải trong mỗi vụ việc phân biệt đựơc phong tục, luật tục của địa phương với pháp luật của nhà nước.

2. Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoà giải cho cán bộ hoà giải.

C. Một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của ngành tư pháp trong công tác hoà giải ở miền núi.

1-Bộ tư pháp sớm trình Chính phủ thông qua văn bản về tổ chức và hoạt động hoà giải.

2-Bộ tư pháp cần chỉ đạo chặt chẽ hơn đối với công tác hoà giải nói chung và công tác hoà giải ở vùng núi và dân tộc ít người nói riêng.

3-Sớm củng cố phòng tư pháp huyện đủ sức gánh vác đựơc công tác tư pháp, trong đó có công tác hoà giải, cụ thể là đủ khả năng tập huấn văn bản, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu về hoà giải cho cấp xã v.v...

4-Sớm củng cố Ban Tư pháp xã theo hướng:

- Đồng chí Phó chủ tịch nội chính làm trưởng ban.

- Có một cán bộ tư pháp chuyên trách.

- Định hình về thành phần của ban tư pháp xã.

5-Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho công tác hoà giải: Trước mắt tập chung vào các vấn đề:

-Phân định gianh giới giữa hoà giải và xử lý hành chính, xét xử dân sự, hình sự.

-Quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với trưởng bản, già làng, các tổ hoà giải.

-Kinh nghiệm hoà giải trong các lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, vườn, rừng...

6-Định kỳ mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ hoà giải.

7-Có chế độ cung cấp tài liệu văn phòng phẩm cho cán bộ hoà giải ở xã cần xây dựng tủ sách pháp lý để cán bộ hoà giải tham khảo khi cần thiết.

8-Có quy định của nhà nước về định xuất làm công tác hoà giải ở cơ sở (mỗi xã một định xuất).

IV. Vai trò của ngành tư pháp trong tổ chức, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường lớp ở mìên núi.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu phổ biến giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường lớp ở miền núi đã nêu ở chuyên đề 4 và từ thực trạng cũng như vị trí, vai trò của ngành tư pháp trong việc tổ chức, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi nêu trong phần I (mục 1) của chuyên đề, trong phần này sẽ trình bầy sâu thêm về trách nhiệm của ngành tư pháp cùng với các ngành hữu quan trong việc phối hợp triển khai giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường lớp ở miền núi mà các chuyên đề trước đã có đề cập.

1. Giáo dục pháp luật trong trường phổ thông, phôt thông dân tộc nội trú, các lớp xoá mù, và sau xoá mù chữ.

Hiện nay cả nước có 1.700 trường phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) , trong đó hơn 200 trường phổ thông và phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tất cả các trường, lớp đều có dậy môn đạo đức và giáo dục công dân (có nội dung pháp luật), song kết quả còn hạn chế, vì nhiều nguyên nhân: Đội ngũ giáo viên dậy môn giáo dục công dân vừa thiếu, vừa yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có giáo viên chuyên; chương trình, nội dung môn học chưa phù hợp (nặng nề, quá tải); sách giáo khoa, tài liệu, phương tiện phục vụ dậy và học pháp luật không đầy đủ; vị trí môn học chưa được coi trọng...Tình trạng đó đối với các trưòng phổ thông ở miền núi, dân tộc càng khó khăn hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, với vị trí, vai trò, chức năng của mình, ngành Tư pháp phải chủ động phối hợp với các ngành hữu quan, trước hết là ngành giáo dục-đào tạo để triển khai thực hiện công việc sau đây:

a- Bộ tư pháp phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo về đào tạo đội ngũ giáo viên: Hiện nay hầu hết giáo viên giảng dậy môn giáo dục công dân trong cả nước là kiêm nhiệm 100% giáo viên phổ thông cơ sở dậy giáo dục công dân không qua đào tạo có hệ thống, chủ yếu giảng dậy môn này là giáo viên chủ nhiệm lớp hay giáo viên kiêm nhiệm. Trong các trường phổ thông trung học thì thường là những giáo viên dôi dư từ các bộ môn khác chuyển sang hay chờ làm thủ tục về hưu. Tất nhiên tất cả đội ngũ này hoàn toàn chưa được bồi dưỡng về phương pháp giảng dậy môn học này theo kế hoạch tổng thể từ trung ương. Riêng đối với các trường ở vùng núi, vùng sâu thì trình độ còn thiếu và yếu kém hơn rất nhiều so với thành phố và các tỉnh đồng bằng, chính trong tình trạng trên Bộ tư pháp và Bộ giáo dục và đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ, lập đề án cụ thể và những giải pháp thích hợp. Trong tình hình hiện nay chúng ta có thể tiến hành 2 giải pháp:

+ Giải pháp thứ nhất gọi là giải giải pháp tình thế: Mục đích là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt do thực trạng của đội ngũ giáo viên để có thời gian tạo tiền đề cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn mực về kiến thức pháp luật.

Biện pháp để thực hiện giải pháp này:

- Tập trung mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên đang giảng dậy môn giáo dục công dân. Đồng thời hướng dẫn, bồi dưỡng cách giảng nội dung từng bài trong các tài liệu học sinh đang dùng (thời gian có thể vào dịp hè).

- Sử dụng đội ngũ giáo viên dôi dư của môn khác để bồi dưỡng cấp tốc, có như vậy số giáo viên này mới yên tâm không còn cảm thấy mình dư thừa.

-Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức triệu tập lớp học còn Bộ tư pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên và chương trình bồi dưỡng của lớp học.

+ Giải pháp thứ 2 gọi là giải pháp lâu dài nhằm đào tạo một đội ngũ giáo viên chuẩn. Muốn vậy trong các trường sư phạm, môn pháp luật phải đưa vào giảng dạy với tỷ lệ số tiết học cao trong tổng thể của thời gian đào tạo cho khoa học. Mục tiêu tới năm 1996 các trường sư phạm có tổ bộ môn giảng dậy pháp luật (giáo dục công dân); có chương trình ổn định và tới năm 2010 có đủ giáo viên chuyên dậy giáo dục công dân cho các trường phổ thông cũng như các trường trong hệ thống giáo dục.

Biện pháp thực hiện của giải pháp này:

-Phối hợp, lập dự án cho việc giảng dậy luật ở các trường nói chung và trường sư phạm nói riêng.

-Phối hợp trong việc cung cấp, đào tạo giáo viên luật cho các trường sư phạm.

-Cử giáo viên ở các trường phổ thông đi học đại học luật bằng hình thức chuyên tu, tại chức hay đào tạo từ xa.

-Phối hợp tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học luật về giảng dậy ở các trường phổ thông hay trường phổ thông dân tộc nội trú.

-Có chính sách ưu tiên đào tạo giáo viên vùng núi, vùng sâu. Đặc biệt chú ý đến việc đào tạo giáo viên tại chỗ, giáo viên là người dân tộc vùng cao, vùng sâu. Có thể bằng hình thức cử tuyển vv...

-Có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với học sinh tốt nghiệp Đại học luật, Đại học sư phạm tình nguyện về công tác ở vùng cao, vùng sâu.

b- Phối hợp về chuẩn bị cơ sở vật chất.

Hiện nay, tuy Nhà nước có đầu tư vật chất nhiều song các trường học ở vùng núi cao, vùng sâu còn nghèo nàn, có trường chưa thể gọi là trường học được. Đã thế ngân sách của Nhà nước hàng năm giành cho giáo dục còn bị một số địa phương bớt xén sử dụng vào việc khác. Sự nghiệp giáo dục chung, giáo dục con em dân tộc vùng núi cao, vùng sâu nói riêng ngoài việc đầu tư của nhà nước còn cần phải có sự đầu tư của địa phương, sự đóng góp của nhân dân hay tổ chức xã hội hoặc của các tổ chức từ thiện nước ngoài. Chỉ khi nào điều kiện cơ sở vật chất của các trường học tốt thì khi đó mới nói đến dậy tốt và học tốt. Để có cơ sở vật chất cho các trường phổ thông và trường phổ thông dân tộc nội trú ở miền núi, vùng sâu, Bộ Tư pháp và Bộ giáo dục và đào tạo cần có những biện pháp phối hợp chặt chẽ thường xuyên cụ thể như:

-Đầu tư thoả đáng cho các trường phổ thông và phổ thông dân tộc nội trú.

-Kiểm tra việc sử dụng kinh phí đầu tư, tránh tình trạng để các địa phương sử dụng không đúng mục đích. Muốn vậy Bộ tư pháp và Bộ giáo dục và đào tạo chỉ đạo Sở Tư pháp và Sở giáo dục và đào tạo ở điạ phương cùng tham gia giám sát, kiểm tra.

-Vận động, tạo điều kiện để các tổ chức từ thiện nước ngoài đầu tư cho các trường của con em dân tộc miền núi.

-Vận động các tổ chức xã hội, đoàn thể và nhân dân cùng đóng góp chăm lo cho việc xây dựng trường học.

c- Phối hợp về việc giúp học sinh con em dân tộc đựơc đi học.

Do đặc điểm địa lý của miền núi nước ta nên các em học sinh dân tộc đi học hết sức khó khăn nhất là các em ở độ tuổi học tiểu học hay phổ thông trung học cơ sở. Các em sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình mà các gia đình dân tộc vùng núi, vùng sâu hầu hết đều khó khăn về kinh tế. Nhà nước ta phát động chính sách "xoá đói, giảm nghèo", chính sách "định canh, định cư" nhiều năm nay song còn một bộ phận lớn người khơ me, Gia Rai, Tầy, Thái, Mường, Chăm, Vân Kiều, Pa kô... cuộc sống kinh tế vẫn trong tình trạng thiếu trước hụt sau, làm không đủ ăn. Chính vì vậy còn đông con em dân tộc nói trên chưa được đi học. Theo con số thống kê đầu năm 1994 ở Trà vinh, 17 ngàn hộ Khơ me thiếu đói, ở Sóc Trăng 13 ngàn hộ thiếu đói, ở các tỉnh Gia Lai, Kon tum, Yên bái, Cao bằng, Lai châu, Sơn La, lạng Sơn... tỷ lệ dân thiếu đói vẫn rất cao, có nơi hàng năm thiếu đói tới 5-7 tháng, lương thực chủ yếu là ngô, sắn... Với cuộc sống khó khăn như vậy việc tổ chức để các em có điều kiện đi học đã khó thì việc giáo dục pháp luật càng khó hơn. Những năm qua Nhà nước ta triển khai mở rộng mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú là hoàn toàn thích hợp, nhằm tạo điều kiện cho con em dân tộc vùng cao, vùng sâu đến tuổi cắp sách đến trường, để đào tạo lên cao và đào tạo cán bộ nguồn cho vùng miền núi, dân tộc. Mặt khác Bộ giáo dục và đào tạo với Bộ Tư pháp có sự phối hợp chỉ đạo các Sở, Phòng, Ban trong hệ thống giáo dục và Tư pháp ở các tỉnh, huyện cùng tham gia. Các biện pháp áp dụng với nhiều hình thức có thể là tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hỗ trợ vật chất... song phải được tiến hành thường xuyên liên tục. Các biện pháp cụ thể đó là:

-Tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng phim ảnh tới tận làng bản.

-Tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua lễ hội truyền thống hay phiên chợ.

-Thông qua chính quyền, đoàn thể ở các làng bản để phát động phong trào văn hoá, tìm hiểu pháp luật. Vận động các gia đình tạo điều kiện cho con tới trường.

-Mục tiêu đến năm 2000 mỗi bản, mỗi làng phải có trường phổ thông cấp tiểu học (đây chính là nguồn cung cấp học sinh cho các trường phổ thông dân tộc nội trú) mỗi xã đều có trường phổ thông cơ sở. Mỗi huyện hoặc 2 huyện có một trường phổ thông dân tộc nội trú và 2 trường phổ thông trung học.

-Phát động rộng rãi phong trào giúp đỡ học sinh dân tộc nghèo vượt khó.

d/ Phối hợp xây dựng nội dung, chương trình giáo dục pháp luật nội khoá cũng như ngoại khoá cho các lớp học, cấp học theo hướng đã nêu ra trong phần "yêu cầu về kiến thức pháp luật cơ bản cần phổ biến giáo dục ở miền núi" của chuyên đề 4.

2.Giáo dục pháp luật trong các trường Đảng, trường hành chính, trường chính trị và các trường đoàn thể.

Nhà nước ta có một hệ thống trường Đảng, trường hành chính, trường chính trị và các trường của đoàn thể như trường đoàn, trường phụ nữ, trường công đoàn ở các tỉnh hay thành phố, công tác tổ chức chuyên môn của trường này được sự chỉ đạo từ trung ương. Mỗi trường có chức năng nhiệm vụ riêng. Những năm gần đây do sự chuyển đổi cơ chế, sự phát triển của đất nước một số trường ở địa phương sát nhập lại thành trường mới (trường Đảng và trường hành chính nhập lại lấy tên là trường chính trị theo Quyết định của Ban bí thư). Trong hai năm tới các địa phương sẽ còn lại hệ thống trường chính trị trực thuộc Ban bí thư và TTGDTX trực thuộc Bộ giáo dục và đào tạo. Việc quy về một đầu mối một số trường đoàn thể tạo thuận lợi cho việc quản lý giáo dục nói chung. Trường chính trị mục đích là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước cho tỉnh, huyện, còn trung tâm giáo dục thường xuyên làm nhiệm vụ liên kết với các trường hay các trung tâm khác để giảng dậy văn hoá, chuyên môn ở mọi cấp học, đối với mọi lứa tuổi. Bởi vậy phạm vi chuyên đề này là giáo dục pháp luật ở miền núi thông qua các trưòng chính trị và các trung tâm giáo dục thường xuyên.

a/ Giáo dục pháp luật thông qua các trường chính trị. Mô hình trường chính trị theo quyết định của Ban bí thư là sự sát nhập của trường hành chính, trường Đảng với một số trường đoàn thể. Hiện nay các địa phương đang tiến hành sát nhập, công tác tổ chức khá phức tạp, song một số địa phương đã ổn định và giữ nguyên mục tiêu đào tạo của trường hành chính và trường Đảng là đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước cho địa phương. Đối tượng học là cán bộ chính quyền cấp xã, huyện và cán bộ đoàn thể. Hình thức học là tập trung bồi dưỡng theo định kỳ, tuỳ theo đối tượng yêu cầu của từng lớp học mà xây dựng nội dung giảng dạy cho phù hợp. Đặc điểm của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đội ngũ cán bộ cấp xã còn rất hạn chế về nhận thức, về hiểu biết song lại có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân dân vì họ do dân bầu ra, tiếng nói của họ đại diện cho chính quyền, đôi khi còn đại diện cho một dòng tộc. Chính vì vậy việc giáo dục pháp luật cho đối tượng này là hết sức cần thiết. Nếu họ hiểu biết pháp luật thì họ không chỉ làm việc tốt, mà còn tuyên truyền giáo dục pháp luật cho dân tốt hơn.

Một số biện pháp cụ thể:

-Lập kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý chính quyền địa phương.

-Xây dựng chương trình giảng dậy pháp luật cho cán bộ chính quyền, đoàn thể, huyện, xã. Các lớp bồi dưỡng tập trung mở vào đầu nhiệm kỳ ngay sau khi bầu cử xong, khi đã ổn định công tác tổ chức.

-Cử cán bộ đi học lớp chính quy đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận cho những nhiệm kỳ sau.

-Đội ngũ giáo viên giảng dậy cho các đối tượng này có thể mời ở trung ương, các trường Đại học hoặc giáo viên trường chính trị.

-Thành lập tổ bộ môn pháp luật. Biên soạn lại giáo trình, tài liệu học tập trên cơ sở nội dung giảng dậy môn pháp luật của trường Đảng và trường hành chính.

b/ Giáo dục pháp luật thông qua trung tâm giáo dục thường xuyên. Trước kia là trung tâm đào tạo tại chức đã tồn tại trên 30 năm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay các tỉnh đều có TTGD thường xuyên chịu sự quản lý của Bộ giáo dục và đào tạo mà trực tiếp là Sở giáo dục đào tạo ở các tỉnh. Nhiệm vụ của TTGD thường xuyên là đào tạo mọi cấp học và đối với mọi đối tượng (từ phổ thông đến đại học, sau đại học, ngoại ngữ, tin học, dậy nghề...). Đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa TTGD thường xuyên thường đặt ở tỉnh lỵ để tiện cho việc mở các khoá học khác nhau. Một số tỉnh đã mở các lớp học tập văn hoá, dậy nghề cho con em dân tộc ít người, kinh phí do tỉnh cấp. Do mục tiêu và nhiệm vụ của tuyên truyền giáo dục thường xuyên như vậy, nếu như có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp. Sở Giáo dục và đào tạo có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì việc giáo dục pháp luật cho con em dân tộc ít người thông qua mô hình các trung tâm giáo dục thường xuyên là có điều kiện. Tuy nhiên Bộ tư pháp, Bộ giáo dục và đào tạo phải có sự phối hợp thống nhất chỉ đạo thì mới có thể thực hiện tốt được.

Một số biện pháp cụ thể:

-Đối với các lớp tập trung học văn hoá thường là rất gấp về thời gian song không được bỏ chương trình giáo dục công dân mà Bộ giáo dục đào tạo đã quy định. Tuy nhiên có thể "mềm hoá" thay thế bằng chương trình ngoại khoá hay sinh hoạt văn hoá quần chúng.

-Đối với các lớp dậy nghề đối tượng này tuổi lớn hơn đã học từ lớp 9 trở lên nhất thiết phải giảng dậy môn pháp luật nhằm cung cấp lượng kiến thức về pháp luật sao cho khi ra trường các em hiểu được một số khái niệm về Nhà nước, về pháp luật, pháp chế, nắm đựơc trách nhiệm nghĩa vụ công dân của mình.

-Nội dung giảng dậy môn giáo dục pháp luật căn cứ vào đặc điểm mỗi lớp để đề ra nội dung cho thích hợp. Nhưng nhất thiết phải có trong kết cấu chương trình của lớp học, tránh tình trạng coi nhẹ, nếu có thời gian thì học, hết thì thôi.

-Đội ngũ giáo viên: Tuyên truyền giáo dục thường xuyên có ít biên chế, ít giáo viên, chủ yếu là bộ phận hành chính. Việc mở các lớp là liên kết với các trường. Vì vậy giảng dậy môn học này thường là giáo viên của trường hoặc mời giáo viên của trường chính trị hay giáo viên kiêm chức của Sở tư pháp.

V- Vị trí vai trò của ngành tư pháp trong việc phối hợp đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt truyền thống ở miền núi.

Trong chuyên đề 5 - "Phổ biến giáo dục pháp luật đối với các dân tộc ở miền núi thông qua các sinh hoạt truyền thống" đã khẳng định: Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hình thức sinh hoạt truyền thống là một hình thức của giáo dục pháp luật. Để hình thức giáo dục pháp luật này phát huy tốt tác dụng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng và hữu quan suốt cả quá trình tổ chức, triểm khai thực hiện, trong đó ngành tư pháp giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt truyền thống ở miền núi.

Như chúng ta đã biết, sinh hoạt truyền thống của các dân tộc ở miền núi rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua các loại hình sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội và mang tính đặc thù rõ nét như: Tính cộng đồng, tính dân chủ, tính giáo dục, quan hệ dòng họ... nên việc đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt nói trên sẽ có thuận lợi nhất định, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn.

Muốn vượt qua được các khó khăn, trở ngại, các cơ quan thực hiện giáo dục pháp luật phải nghiên cứu kỹ và nắm chắc những đặc điểm sinh hoạt truyền thống của các dân tộc ở miền núi và các điều kiện kết hợp giữa sinh hoạt truyền thống với phổ biến giáo dục pháp luật.

A- Trên cơ sở nắm được đặc điểm, thực trạng và nhu cầu giáo dục pháp luật thông qua hình thức sinh hoạt truyền thống ở miền núi, ngành tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu cho chính quyền và là đầu mối tổ chức phối hợp tiến hành các công việc sau đây để đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt truyền thống ở miền núi có hiệu quả.

1- Chọn nội dung pháp luật phù hợp để đưa vào từng hình thức sinh hoạt truyền thống.

Sau khi xác định được những nội dung pháp luật cần thiết để phổ biến giáo dục ở các vùng dân tộc, phải tiếp tục nghiên cứu xem từng nội dung pháp luật cụ thể nên sử dụng hình thức nào để tuyên truyền giáo dục có hiệu quả nhất. Đối với nội dung pháp luật cần đưa vào các hình thức sinh hoạt truyền thống, ngành tư pháp phối hợp với ngành văn hoá thông tin xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật bằng hoạt động thông tin cổ động cơ sở như sử dụng các loại hình văn hoá văn nghệ có lồng nội dung pháp luật để đưa vào sinh hoạt truyền thống. Ví dụ: Với các chợ phiên có thể sử dụng trạm tin, panô, kịch bản truyền thanh, vidio, tấu nói để tuyên truyền nội dung pháp luật đã chọn; với lễ hội truyền thông cần sử dụng các hình thức văn hoá dân gian như trường ca, hát, múa... để tuyên truyền.

Phối hợp với ngành giáo dục-đào tạo và các nhà trường xây dựng chương trình sinh - hoạt động ngoại khoá cho học sinh với nội dung sát hợp tình hình ở địa phương và bằng hình thức sinh hoạt truyền thống ở địa phương để các gia đình, bà con làng bản cùng tham dự và tiếp thu. Ngành tư pháp trực tiếp hoặc thông qua các ngành, các cộng tác viên tiếp xúc để tranh thủ, thuyết phục già làng, trưởng bản, trưởng tộc. Có sự đồng tình ủng hộ việc đưa pháp luật Nhà nước vào đời sống của đồng bào dân tộc. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho họ để tự họ truyền đạt lại cho đồng bào trong các dịp lễ hội và tự họ xây dựng lại nghi thức mới trên cơ sở kế thừa, phát triển những yếu tố tích cực của luật tục và phù hợp với luật pháp... Thông qua già làng, trưởng bản, trưởng họ giúp đồng bào các dân tộc từ bỏ các tập tục lạc hậu là phá bỏ được hàng rào ngăn cản để phổ biến giáo dục pháp luật được tốt hơn.

2- Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu.

Ngành tư pháp phối hợp với các ngành để xây dựng các chương trình (các đề tài mẫu) cho từng loại hình. Ví dụ thông qua sinh hoạt văn hoá truyền thống, ngành tư pháp phải xác định, cung cấp nội dung pháp luật, gợi ý các đề tài, trên cơ sở đó ngành văn hoá thông tin sẽ sáng tác, xây dựng các tiết mục, phát hành các văn hoá phẩm có lồng gép nội dung pháp luật để đưa vào sinh hoạt truyền thống.

Chương trình phải phong phú, hấp dẫn, phải thiết thực, gắn với đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào các dân tộc thì mới làm cho học thấy việc học tập pháp luật từ chỗ bị bắt buộc trở thành nhu cầu tự giác của mỗi người.

3-Bồi dưỡng lực lượng làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật..

Để đưa được pháp luật vào đời sống đồng bào các dân tộc ở miền núi cần xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật, nắm vững đặc điểm các dân tộc. Đội ngũ (lực lượng) làm nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật trước hết là những cán bộ chuyên môn của ngành Tư pháp nắm vững pháp luật, đồng thời còn là cán bộ của các ngành khác như văn hoá- thông tin, giáo dục- đào tạo, thanh niên, phụ nữ, cán bộ chính quyền cơ sở và cả trưởng bản, già làng chưa được đào tạo nên phải tổ chức bồi dưỡng trang bị kiến thức pháp luật nói chung và các chương trình, các chuyên đề cụ thể đã được xây dựng, biên soạn để đưa vào nhân dân thông qua các sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc.

Thực hiện nhiệm vụ trên, ngành tư pháp giữ vai trò chủ đạo. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương, cơ sở. Trước mắt cần trang bị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở những kiến thức cần thiết về pháp luật, hướng dẫn họ cách thức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân.

Về lâu dài, cần có quy hoạch tuyển chọn người đi đào tạo bồi dưỡng về pháp luật để có những cán bộ tư pháp là người của các dân tộc trở về cùng sống, cùng làm việc, đồng thời tuyên truyền pháp luật trong đồng bào.

4-Triển khai phổ biến nội dung chương trình pháp luật đã biên soạn thông qua các hình thức và phương tiện phù hợp với từng loại hình sinh hoạt truyền thống của từng dân tộc.

Ngành tư pháp chủ trì trong việc xây dựng nội dung chương trình nên phải phối hợp các ngành hữu quan, các cấp chính quyền trong việc xác định các hình thức phù hợp và các phương tiện cần thiết để phổ biến giáo dục pháp luật. Sau khi xác định được hình thức, tuyên truyền và phương tiện phục vụ tuyên truyền, các cơ quan chức năng trực tiếp thực hiện- như cơ quan văn hoá thông tin triển khai kẻ panô, áp phích, xây dựng bản tin, chiếu vidio... tại các chợ phiên, hội mùa... hoặc tự địa phương thực hiện- như sau khi có hướng dẫn của chính quyền, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, phụ lão cùng trưởng bản, già làng tự đổi mới nội dung các hình thức sinh hoạt truyền thống phù hợp với luật, bảo đảm vui vẻ, lành mạnh, tránh lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của nhân dân.

Trong quá trình thực hiện các công việc trên, cơ quan tư pháp địa phương có vai trò quan trọng, vừa là tham mưu, vừa là đầu mối đồng thời là người trực tiếp tham gia, thâm nhập vào các sinh hoạt truyền thống để làm công tác tuyên truyền pháp luật.

Cùng với cán bộ văn hoá thông tin địa phương, cán bộ Tư pháp có thể là người hoạt động văn hoá quần chúng, sáng tác và trình diễn những tiểu phẩm văn hoá văn nghệ có nội dung pháp luật. Làm được điều đó đòi hỏi người cán bộ tư pháp phải có trình độ, năng lực và có nhiệt tình cao đối với nghề nghiệp, đối với đồng bào các dân tộc.

B-Một số kiến nghị:

Để phát huy được vai trò của ngành tư pháp và các cơ quan hữu quan trong việc phối hợp đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt truyền thống ở miền núi có hiệu quả.

1-Bộ tư pháp cùng các ngành hữu quan như Bộ văn hoá thông tin, Uỷ Ban dân tộc miền núi cần ra văn bản liên tịch như Thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch về việc đưa nội dung pháp luật vào các hình thức sinh hoạt truyền thống của các dân tộc miền núi để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và tập trung vào các công việc như đã nêu ở phần trên.

2-Các ngành hữu quan nói trên cần có kế hoạch nghiên cứu khảo sát và xây dựng một chương trình quốc gia về giáo dục pháp luật ở miền núi để trình Chính phủ.

3-Nhà nước phải hỗ trợ về kinh phí cho việc trang bị phương tiện, kỹ thuật và các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ở miền núi với tinh thần "ưu tiên đặc biệt".

4-Ngành tư pháp sớm củng cố các Phòng tư pháp huyện và các Ban tư pháp xã để thực hiện nhiệm vụ đáp ứng vị trí, vai trò của mình như đã nêu trên đây.

 

 

Phụ lục tham khảo về

Tình hình, thực trạng phổ biến giáo dục

pháp luật ở miền núi và dân tộc ít người

 

Nơi khảo sát: Gia lai, Kon tum, Quảng bình, Thừa thiên - Huế, Lào cai, Sơn la, Khoa học dân tộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phiếu số 1 (188 phiếu)

Đối tượng: Cán bộ hoà giải, Tư pháp cơ sở, cán bộ quản lý, cơ quan phối hợp, báo đài…

Dân tộc: Khùa, Kinh, Sách, Mường, Thái, VKiều, Nguồn, Dao, Khơ mú, Cao lan, Hà nhi, H'mông, Sán dìu, Sán chỉ…

 

 

Độ tuổi:

-Từ 25 - 35:121/188 phiếu

 

-Từ 35 - 45: 67/188 phiếu

Văn hoá:

-Lớp 5 - 7 = 96/188 = 51,0%

 

-Lớp 7 - 10 = 84/188 = 44,6%

 

-Cao đẳng = 8/188 = 4,2%

 

-Đại học = 0

 

-Trung cấp = 0

 

Nghề nghiệp hiện tại:

 

 

-Tư pháp xã, huyện

30/188

=

15,9

-Hoà giải:

38

=

20,2

-Chính quyền:

29

=

15,4

-Đoàn thể:

46

=

24,4

-Hưu trí:

14

=

7,4

-Giáo viên:

31

=

16,4

 

 

Câu 1: Văn bản pháp luật đã được phổ biến giáo dục ở địa phương:

 

 

Hiến pháp:

98/188

=

52,1%

Luật hình sự:

92

=

48,9%

Luật tố tụng hình sự:

92

=

48,9%

Luật hôn nhân gia đình:

96

=

57,0%

Luật đất đai:

94

=

50,0%

Các luật thuế:

81

=

43,0%

Pháp lệnh về xử phạt hành chính:

77

=

40,9%

Luật bảo vệ và phát triển rừng:

89

=

47,3%

Quy định, Quyết của Uỷ ban nhân dân, Hội thẩm nhân dân:

35

=

18,6%

 

Câu 2: Thẩm quyền ban hành văn bản luật của Quốc hội và Chủ tịch nước:

 

 

 

Đúng:

98/188 (QH)

= 52,1

 

 

Câu 3: a) Nguyên nhân vi phạm pháp luật do:

 

 

Đời sống kinh tế:

117/188

=

62,2%

Thiếu pháp luật:

92/188

=

48,0%

Không biết pháp luật:

86/188

=

45,7%

Không được PBGD pháp luật:

76/188

=

40,4%

Thực hiện không nghiêm:

88/188

=

46,8%

Thờ ơ:

59/188

=

31,3%

 

b) Biện pháp giải quyết các nguyên nhân trên:

 

 

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần:

107/188

=

56,9%

Có pháp luật (PL) đầy đủ:

113/188

=

60,1%

Xử lý nghiêm minh các vi phạm PL:

99/188

=

52,6%

Kiện toàn tổ chức các cơ quan bảo vệ PL

83/188

=

44,1%

Cơ quan bảo vệ PL gương mẫu thực hiện PL

96/188

=

51,0%

Thường xuyên PBGDPL đến mọi người:

104/188

=

55,3%

 

Câu 4: a) Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả và phù hợp ở địa phương:

 

 

-Tuyên truyền miệng:

178/188

=

94,6%

-Qua xét xử của Toà án:

86/188

=

45,7%

-Qua hoà giải:

138/188

=

73,4%

-Ngày lễ hội:

69/188

=

36,7%

-Ngày văn hoá dân tộc:

92/188

=

48,9%

-Qua phiên chợ:

141/188

=

75,0%

-Thi tìm hiểu pháp luật:

177/188

=

94,1%

 

b) Mô hình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật:

 

 

-Hội đồng phối hợp (tỉnh, huyện, xã):

84/188

=

44,6%

-Ban chỉ đạo (tỉnh, huyện):

86/188

=

45,7%

-Theo kế hoạch liên tịch:

80/188

=

42,5%

-Theo Chỉ thị, Nghị quyết của Uỷ ban, HĐND:

91/188

=

48,4%

 

Câu 5: (Nguồn và mức độ tiếp nhận thông tin pháp lý)

 

a) Đọc báo

Thường xuyên

Thỉnh thoảng

-Nhân dân (+)

90/188 = 47,8

126/188 = 87,0

-Quân đội

34/188 = 18,0

89/188 = 47,3

-Lao động

30/188 = 15,9

78/188 = 41,4

-Tiền phong

33/188 = 17,5

92/188 = 48,9

-Pháp luật

41/188 = 21,8

56/188 = 29,7

-Đại đoàn kết

21/188 = 11,1

41/188 = 21,8

-Giáo dục thời đại

12/188 = 6,38

27/188 = 14,3

-Công an

19/188 = 10,1

29/188 = 15,4

-Phụ nữ

26/188 = 13,8

42/188 = 22,3

-Báo địa phương (+)

81/188 = 43,0

66/188 = 35,1

 

b) Nghe nhìn:

Thường xuyên

Thỉnh thoảng

-Truyền hình TW

27/188 = 14,3

15/188 = 7,9

-Đài phát thanh TW

31/188 = 16,4

16/188 = 8,5

-Đài địa phương

59/188 = 31,3

27/188 = 14,3

-Nghe nói chuyện + tập huấn:

22/188 = 11,7

42/188 = 22,3

 

Câu 6: Vai trò của ngành tư pháp trong tổ chức phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật:

 

-Là đầu mối

121

=

64,3

-Là tham mưu cho Uỷ ban nhân dân

158

=

84,0

-Tự tổ chức thực hiện

166

=

35,1

-Phối hợp với các cơ quan khác

181

=

96,2

 

Câu 7: a) Số tổ hoà giải ở địa phương: 2.123 tổ

- Số người tham gia: 9.926 người

- Số người 1 tổ: 3 5 7 10 (bình quân 3 người/1 tổ).

- Số người được bồi dưỡng về pháp luật: 5.010/9.926 = 50,47%

- Hình thức bồi dưỡng: tập huấn ngắn hạn tại cơ sở.

 

b) Thành phần tham gia tổ hoà giải

 

-Phụ lão, cán bộ hưu:

184 = 97,8

-Tôn giáo

15 = 7,9

-Phụ nữ

195 = 98,4

-Cựu chiến binh

31 = 16,4

-Thanh niên

180 = 95,7

-Già làng…

186 = 98,6

-Đảng viên

121 = 64,3

-Tổ trưởng dân cư

112 = 59,7

-Đội trưởng sản xuất:

133 = 70,7

-Giáo viên

68 = 36,1

 

c) Số vụ hoà giải 1 năm: 492.373 vụ

 

-Thành

279.400 vụ

 

 

-Không thành:

212.973 vụ

   

-Xô sát nhỏ:

918 vụ

=

0,186

-Đất đai:

837 vụ

=

0,169

-Hôn nhân:

368 vụ

=

0,074

-Biện pháp: 100% số vụ tiến hành hoà giải từ cơ sở (giải thích, thuyết phục).

-Cách làm:

     

+Số vụ theo phong tục

861 vụ

=

0,308

+Số vụ bằng pháp luật

436 vụ

=

0,156

 

-Kiến nghị, đề xuất:

 

+100% các ý kiến đều đề nghị ngành tư pháp + Chính quyền địa phương nên tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho những người làm công tác này theo các hình thức ngắn hạn, dài hạn khác nhau và theo từng chuyên đề 1.

+Nhà nước nên có chính sách sớm cho người làm hoà giải cụ thể với mức lương từ 50.000 - 100.000đồng/tháng 1 người.

+Mỗi tổ hoà giải nên có 5 người.

+Ngành Tư pháp + Nhà nước cấp không tài liệu pháp luật cho người làm hoà giải ở miền núi.

 

 

Tổng hợp phiếu số 2 (gv dạy gdcd lớp 8/9)

Các trường phổ thông dân tộc nội trú

(Quảng Bình, Huế, Gia Lai, Kon Tum, Lao Cai, Sơn La)

-------------------------

 

-Đối tượng: tuổi từ 25 - 47

-Trình độ: ĐHCĐ 9/46 = 19,5%

Lớp 12: (31/46 phiếu) = 67,3%

Lớp 10: (6/46 phiếu) = 13,0%

-Dân tộc: Thái: 8/46 =17,3%

Kinh: 26/46 = 56,5%

Tày: 2/46 = 4,3%

Mường: 2/46 = 4,3%

Gia rai: 2,46 = 4,3%

Câu 1: Kể tên 10 văn bản luật:

 

-10/10: 27/46 = 58,6%

-8/10: 8/46 = 17,3%

-6-7/10: 5/46 = 10,86%

-4-5/10: 3/46 = 6,52%

Câu 2: a) Tuổi kết hôn theo luật:

 

-Đúng: 46/46 = 100%

-Sai: 0

b) Tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự:

 

-18 tuổi: 46/46 = 100%

-20 tuổi: 0

c) Tuổi được tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND:

 

-18 tuổi: 44/46 = 95,6%

-20 tuổi: 2/46 = 4,3%

d) Việc tố giác tội phạm là:

 

-Phạm tội: 36/46 = 78,2%

-Vi phạm đạo đức: 22/46 = 47,8%

-Bình thường: 1/46 = 2,1%

Câu 3: a) Nguyên nhân vi phạm pháp luật:

 

-Do điều kiện kinh tế: 25/46 = 54,3%

+Do không biết pháp luật (PL): 34/46 = 73,9%

+Không được học pháp luật:

-Thực hiện PL không nghiêm: 29/46 = 63,1%

-Do thờ ơ, né tránh: 17/46 = 36,9

b) Biện pháp giải quyết:

 

-Có pháp luật đủ, kịp thời: 25/46 = 54,3%

-Xử lý nghiêm: 42/46 = 91,3%

-PBGDPL thường xuyên: 28/46 = 60,8%

-Cơ quan bảo vệ PL gương mẫu: 39/46 = 84,7%

Câu 4: Hình thức tuyên truyền phù hợp ở địa phương:

 

-Miệng 27/46 = 58,6%

-Báo, đài 26/46 = 56,5%

-Thông tin, cổ động 13/46 = 28,2%

-Dạy ở các trường 34/46 = 73,9%

-Qua xét xử của Toà án (TA) 7/46 = 15,2%

-Qua hoạt động xét xử của TA 6/46 = 13,0%

-Qua lễ hội 5/46 = 10,8%

-Ngày văn hoá dân tộc 13/46 = 28,2%

-Phiên chợ 9/46 = 19,5%

-Thi tìm hiểu 19/46 = 41,3%

Câu 5: a) Việc dạy pháp luật ở trường học là:

 

-Khó 30/46 = 65,2%

-Bình thường 13/46 = 28,2%

-Vì sao: khó tiếp thu, ít tài liệu, không được đào tạo về PL.

b) -Thích dạy môn GDCD 23/46 = 50%

-Lý do: hiểu PL, hoàn thiện nhân cách.

-Không thích dạy 23/46 = 50%

-Khó dạy, học sinh khó tiếp thu

Câu 6: a) Giáo viên tìm đọc tài liệu để dạy giáo dục công dân.

-Có 33/46 = 71,7%

(Để có kiến thức, dạy tốt).

-Không 13/46 = 28,3%

(Không có, không hiểu)

-Vì sao

b) Thư viện trường có sách báo PL không

 

-Đủ 1/46 = 2,1%

-Không đủ 37/46 = 80,4%

-Không có 6/46 = 13,0%

c) Có sự phối hợp với Thẩm phán, Toà án, Chánh án, Kiểm sát không

 

-Thường xuyên 18/46 = 39,1%

-ít 17/46 = 36,9%

-Không 5/46 = 10,8%

d) Môn GDCD cuối PTCS có nên thi không

 

-Có thi 39/46 = 84,7%

-Không 7/46 = 15,2%

-Vì sao? -Hoàn thiện nhân cách học sinh

-Làm theo PL.

đ) Biện pháp hỗ trợ để dạy GDCD ở miền núi

-Sách, báo, tài liệu PL 40/46 = 86,9%

-Thường xuyên tập huấn KTPL 37/46 = 80,4%

-Có lực lượng GV chuyên trách 36/46 = 78,2%.

 

 

Tổng hợp phiếu số 3 (186 Phiếu)

 

(Học sinh trường nội trú lớp 6 -11)

----------------

Tuổi: 16 - 20: 138 em

20 - 27: 48 em

Dân tộc: Xê đăng, Khơ mú, Sinh mun, Sách, Tày, Dao, Mường, Kinh, Khùa, Pacô, Vân kiều, Bana, Gia rai, Dẻ triêng, Cà tu, Thái, Sơ rá, Nùng, Sán dìu, H'mông, Ê đê, Tà ôi, Chàm.

Lớp: 8, 9: 97 em

10, 11: 89 em

Câu 1: Nêu tên 6 văn bản mà học sinh biết rõ:

-Từ 4 - 6 văn bản (nêu đúng) 57/186 = 30,6%

-Từ 1 - 3 78/186 = 41,9%

-Không nêu văn bản nào 51/186 = 27,4%

Câu 2: a) Tuổi kết hôn theo luật HNGĐ

 

-Đúng 147/186 = 79,0%

-Sai = 20,9%

b) Tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự

 

-Đúng 143/186 = 76,8%

-Sai 43/186 = 23,1%

Câu 3: Việc không tố giác tội phạm

-Là phạm tội 127/186 = 68,2%

-Không phạm tội 16/186 = 8,6%

-Không phù hợp đạo đức 9/186 = 4,8%

-Không liên quan 35/186 = 18,8%

-Là trách nhiệm của cơ quan PL 31/186 = 16,6%

Câu 4: a) Nguồn thông tin PL hàng ngày:

 

-Qua giáo dục công dân 91/186 = 48,9%

-Qua THTW, địa phương 33/186 = 17,7%

-Qua đài phát thanh 27/186 = 14,5%

-Qua sinh hoạt đoàn 18/186 = 9,6%

-Qua sách, báo 17/186 = 9,1%

-Qua xét xử của Toà án 9/186 = 4,8%.

b) Trong phương tiện thông tin trong gia đình:

 

-Rađiô 56/186 = 30,1%

-Ti vi 80/186 = 43,0%

-Loa truyền thanh 28/186 = 13,9%

-Sách, báo 128/186 = 68,8%

Câu 5: Học sinh thích học giáo dục công dân?

 

-Thích 151/186 = 81,1%

Lý do: hiểu PL, làm theo PL để hoàn thiện con người.

-Không thích 35/186 = 18,8%

Khó học, không có tài liệu.

Câu 6: a) Học sinh thích bài nào nhất

 

-Tất cả các bài 33/186 = 17,7%

-Đảng lãnh đạo, NN quản lý bằng PL, Bộ máy Nhà nước: 13/186 = 6,98%

-Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân:

82/186 = 44,0%

-Các bài GD nhân, trí, lễ nghĩa: 76/186 = 40,8%

b) Thầy, cô giảng bài:

 

-Dễ hiểu 148/186 = 79,56%

-Khó hiểu 20/186 = 20,4%.

 

 

tổng hợp phiếu số 4 (69 phiếu)

(Gia lai, Kon tum, Quảng bình, Huế,

Lào cai, Sơn la - 6 tỉnh - 6 xã)

------------------

 

Câu 1: Tìm hiểu tuổi kết hôn ở địa phương

-16 tuổi 15/49 = 30,6%

-18 - 20 34/49 = 69,38%

-Tuổi KH theo Luật (Nam 20, nữ 18)

+Đúng 29/49 = 79,6%

+Sai 10/49 = 20,4%

Câu 2: Khi có người lấy trộm trong gia đình, nhờ cơ quan nào giải quyết:

-Công an 36/49 = 73,4%

-Già làng 16/49 = 32,6%

-Toà án 12/49 = 24,4%

-Uỷ ban nhân dân 7/49 = 14,2%

-Tư pháp 4/49 = 8,1%

-Phụ nữ 2/49 = 4,0%

Câu 3: a) Tiếp nhận nguồn thông tin pháp lý trên báo, đài.

-Sốngười thỉnh thoảng nghe đài, ti vi, sách báo:

31/49 = 63,2%

-Thường xuyên nghe: 18/49 = 36,7%

-Thích nhất loại:

+Rađiô 27/49 = 55,1%

+Báo 15/49 = 30,6%

+Ti vi 20/49 = 40,8%

b) Phương tiện đại chúng ở gia đình:

-Ti vi 14/49 = 28,5%

-Rađiô 29/49 = 59,1%

-Sách, báo 14/49 = 28,5%

 

Phần 2: theo băng ghi âm

 

(đối tượng không biết chữ)

 

 

File đính kèm downloadTải về