• Thuộc tính
Tên đề tài Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL trong lĩnh vực pháp luật quốc tế , điều ước quốc tế.
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thẩm định dự án, dự thảo văn bản QPPL trong lĩnh vực pháp luật quốc tế , điều ước quốc tế.

TS. Hoàng Phước Hiệp - Vụ Pháp luật Quốc tế và Hợp tác quốc tế

 

Thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế ở nước ta là vấn đề đang được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đến nay có không ít ý kiến khác nhau ở nước ta về vấn đề này.

I. Về vị trí của Điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia và vấn đề thẩm định các điều ước quốc tế trong pháp luật Việt nam.

1. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về điều ước quốc tế. Tuy vậy, có thể nêu lên đây ba định nghĩa về điều ước quốc tế để nghiên cứu:

Thứ nhất, đó là định nghĩa về điều ước quốc tế được ghi trong Công ước Viên năm 1969 về Luật các Điều ước quốc tế. Theo điều 1 của Công ước Viên năm 1969 "Điều ước quốc tế là thoả thuận quốc tế được ký kết giữa các quốc gia dưới hình thức văn bản và được pháp luật quốc tế điều chỉnh không kể thoả thuận quốc tế đó nằm trong một văn bản, hai hoặc một số văn bản gắn với nhau và không kể tên gọi cụ thể của các văn bản đó như thế nào"

Thứ hai, đó là định nghĩa về điều ước quốc tế được ghi trong Công ước Viên năm 1986 về Luật các Điều ước quốc tế giữa quốc gia và tổ chức quốc tế, và giữa các tổ chức quốc tế với nhau." Theo Điều 2 của Công ước Viên năm 1986: "Điều ước quốc tế là thoả thuận quốc tế theo pháp luật quốc tế và được ký kết dưới hình thức văn bản giữa một hoặc một số quốc gia với một hoặc một số tổ chức quốc tế hoặc giữa các tổ chức quốc tế vơí nhau không kể thoả thuận đó nằm trong một văn bản, hoặc một số văn bản có quan hệ gắn bó với nhau và không kể tên gọi cụ thể của nó như thế nào".

Thứ ba, đó là định nghĩa được ghi trong Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế năm 1998 của nước ta. Theo quy định tại Điều 2 pháp lệnh" Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết là thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luạt quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như Hiệp ước, công ước, định ước,hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết theo quy định của Pháp lệnh này".

Đó là ba định nghĩa được quan tâm đạc biệt. Tuy vậy, trong thực tiễn tồn tại không ít Điều ước quốc tế "bất thành văn bản", Điều ước quốc tế dạng "quân tử". Nhưng Việt Nam chúng ta, theo quy định của pháp luật hiện hành về Điều ước quốc tế thì chúng ta chỉ thừa nhận loại điều ước quốc tế thành văn bản mà thôi.

2. Vị trí của Điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào chủ thuyết mà mỗi quốc gia cụ thể theo đuổi.

Có thể nghiên cứu vấn đề nay qua hai chủ thuyết cơ bản về quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia: Thuyết nhất nguyên và thuyết nhị nguyên. Thuyết nhất nguyên quan niệm rằng pháp luật quốc gia có thể là bộ phận của pháp luật quốc tế hoặc ngược lại. Như vậy theo thuyết này, điều ước quốc tế trong một hoàn cảnh nào đó sẽ là bộ phận của pháp luật quốc gia. Xuất phát từ chủ thuyết như vậy, một số nước quy định điều ước quốc tế nằm ở vị trí khá cao (sau Hiến pháp) trong trật tự các văn bản quy phạm pháp luật của nước mình. Việc ký kết một điều ước quốc tế nhất định bắt buộc quốc gia phải điều chỉnh pháp luật của nước mình cho phù hộp với nội dung của điều ước quốc tế cụ thể. Ngoài ra các tổ chức , cá nhân các nước hữu quan có thể viện dẫn đến điều ước quốc tế mà nước đó ký kết hoắc tham gia để tranh tụng trước cơ quan tư pháp và các cơ quan nhà nước (kể cả toà án tư pháp) cũng có thể áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế mà nước mình đã ký kết, tham gia để giải quyết cấc vấn đề phát sinh.

Trái lại, những nước theo thuyết nhị nguyên lại quan niệm điều ước quốc tế tồn tại độc lập với pháp luật quốc gia tuy chúng có liên hệ mật thiết với nhau.Điều ước quốc tế không được coi là bộ phận của pháp luật quốc gia, không được xếp vào thứ bậc của các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia. Để thực hiện các quy phạm điều ước quốc tế trong phạm vi quốc gia, cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phải "chuyển hoá ’’, tức phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhất định để thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình theo các điều ước quốc tế đó. Việc " chuyển hoá" này ở các nước cũng rất khác nhau, có nước chuyển hoá tất cả nội dung cam kết quốc tế thành văn bản quy phạm pháp luật trong nước, có nước chỉ " chuyển hoá" một số vấn đề nhất định (thường là vấn đề pháp luật trong nước chưa quy định hoặc có quy định trái với cam kết quốc tế), còn những vấn đề khác (thường là những vấn đề pháp luật trong nước đã có quy định phù hợp) thì không phải chuyển hoá thành nội luật.

.3. ở Việt Nam chúng ta cũng có ý kiến khác nhau về vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình thảo luận dự luật về trình tự và thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo đã không đưa điều ước quốc tế vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Pháp lệnh năm 1998 cũng có cách nhìn nhận phù hợp với cách nhìn nhận được phản ánh trong Luật ban hành văn bản quy phạm quy phạm pháp luật, tức bỏ cách gọi "điêù ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam’’được ghi trong pháp lệnh năm 1989 mà tiếp nhận cách gọi chính xác là "điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là một bên ký kết’’. Xuất phát từ cơ sở pháp lý đó có thể khẳng định Việt Nam không thừa nhận quan điểm nhất nguyên luận, coi điều ước quốc tế là bộ phận của văn bản quy phạm pháp luật trong nước mà nó là bộ phận của pháp luật quốc tế. Đây là quan điểm của các nước XHCN phổ biến cho đến nay.

4. Về vấn đề thẩm định điều ước quốc tế trong pháp luật Việt Nam.

Vấn đề thẩm định điều ước quốc tế đã được quy định tại điều 5 khoản 3, Điều 12 khoản 1 của pháp lệnh năm 1998, được cụ thể hoá tại điều 3, 4 và 5 của Nghị định số 161/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Theo hai văn bản này, việc thẩm định điều ước quốc tế sẽ được tiến hành trong những trường hợp, theo những nội dung và thủ tục như sau:

Thứ nhất, không phải mọi điều ước quốc tế đều phải thẩm định mà chỉ thẩm định các dự thảo điều ước quốc tế có điều khoản traí hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, UBTVQH ban hành ( Điều 5 Pháp lệnh ) và các điều ước quốc tế nhiều bên do các Bộ, ngành đề xuất việc gia nhập trong đó có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nói trên ( Điều 12 Pháp lệnh).

Thứ hai, thủ tục thẩm định các điều ước quốc tế được quy định khá rõ trong điều 5 Pháp lệnh 1998 và điều 3, 4 Nghị định số 161 /1999/NĐ-CP, tổng quát như sau:

- Bộ tư pháp là cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định điều ước quốc tế ;

- Cơ quan đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên có trách nhiệm yêu cầu Bộ tư pháp cấp ý kiến thẩm định điều ước quốc tế;

- Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp để lấy ý kiến thẩm định gồm :

Công văn yêu cầu thẩm định.

Tờ trình về đàm phán, ký hoặc gia nhập điều ước quốc tế ;

Văn bản điều ước quốc tế;

Các tài liệu, thông tin khác liên quan đến việc thẩm định.

- Thời gian thẩm định là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu thẩm định. Trong trường hợp cần thiết thì phải thành lập Hội đồng thẩm định.

- ý kiến thẩm định lập thành văn bản gửi cho cơ quan đề xuất, Bộ ngoại giao, VP chính phủ.

Thứ ba, nội dung thẩm định bao gồm tính hợp hiến, sự phù hợp và tính thống nhất của dự thảo điều ước quốc tế , của điều ước quốc tế nhiều bên mà Việt Nam dự kiến gia nhập với các văn bản quy phạm pháp luật do QH, UBBTVQH ban hành và quan điểm của cơ quan thẩm định ( Bộ tư pháp hoặc Hội đồng thẩm định liên ngành ) về những kiến nghị của cơ quan đề xuất đàm phán ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế liên quan đến phương án xử lý những điều trái hoặc chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội ,UBTVQH.

Như vậy, pháp luật nước ta quy định khá rõ về việc thẩm định các điều ước quốc tế .

Tuy vậy, trong thực tiễn hoạt động thẩm định điều ước quốc tế, có không ít những vấn đề đặt ra cần phải có một giải pháp lâu dài về vấn đề này.

Có thể tóm tắt một số điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất , có một văn bản của chính phủ về ODA và về quản lý vay và trả nợ nước ngoài (Nghị định số 87/CP ngày 5.8.1997, NĐ 90-1998 NĐ-CP ngày 7.11.1998) quy định rộng hơn "thống nhất ý kiến giữa Bộ tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước với cơ quan chủ trì đàm phán (Hiệp định, thoả thuận vay hoặc bảo lãnh vốn vay nước ngoài) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định những điều khoản không phù hợp với các văn bản Luật và Pháp lệnh" .Trong nhiều trường hợp , Bên nước ngoài (người cho vay) yêu cầu phải có văn bản "ý kiến pháp lý" của Bộ tư pháp về tính hợp pháp của các văn kiện vay và các hoạt động liên quan của các cơ quan, cá nhân Việt Nam tham gia quá trình vay vốn nước ngoài.

Bên cạnh đó các văn bản của Chính phủ về đầu tư theo hợp đồng BOT,BTO,BT có vôn đầu tư nước ngoài còn giao cho Bộ tư pháp thẩm quyền thẩm định phương án của các nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tham gia hợp đồng BOT,BTO,BT về áp dụng pháp luật nước ngoài được ghi trong hợp đồng. Các vấn đề này đã vượt ra ngoài phạm vi của Pháp lệnh năm 1998 về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế và nói chung phù hợp với thông lệ và thực tiễn quốc tế các nước.

Thứ hai, có một số văn bản quốc tế (không biết thuộc dạng gì) có những điều khoản trái hoặc chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc Hội, UBTVQH nhưng không được Bộ Tư pháp hoặc Cơ quan trung ương thẩm định. Chẳng hạn, các văn bản thoả thuận của địa phương về các vấn đề khác nhau với tổ chức, cá nhân nước ngoài; các văn bản của các tổ chức phi chính phủ ở Trung ương và địa phương, các văn bản "cho vay lại" của Bộ Tài chính ký với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước theo các điều kiện của nhà tài trợ nước ngoài, và nhiều trường hợp khác.

II. Về vị trí của các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và việc thẩm định các văn bản đó.

Việc thẩm định các dự án ,dự thảo văn bản quy phạm pháp luật này,về cơ bản, không có gì đặc biệt so với việc thẩm định các dự án ,dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác . Các yêu cầu về tổ chức công tác thẩm định, về nội dung cần thẩm định cũng như thực trạng hoạt động thẩm định có thể rơi vào tình trạng tương tự như việc tổ chức và hoạt động thẩm định các văn bản bản khác. Tuy vậy , ở đây cũng có một số vấn đề cần cân nhắc ,tính toán ( sẽ nói rõ ở mục 3 dưới đây).

III. Thực trạng tổ chức công tác thẩm định và hoạt động thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế.

1.Việc tổ chức công tác thẩm định.

Việc tổ chức công tác thẩm định ở nước ta nói chung và ở Bộ Tư pháp nói riêng ,về cơ bản ,đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với loại hoạt động pháp luật mới mẽ này trong điều kiện không ít khó khăn về mọi mặt của các cơ quan liên quan. Tuy vậy, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhiều yêu cầu mới của tình hình đã được đặt ra , mức độ phức tạp của vấn đề nội dung thẩm định ngày càng tăng, một số vấn đề đã phát sinh cần được nghiên cứu xử lý.

-Về việc tổ chức công tác thẩm định các văn bản quốc tế, như trên đã trình bày, công tác này đã được giao cho Bộ Tư pháp. Trên thực tế, ở Bộ Tư pháp , nếu các văn bản quốc tế này có nội dung không phức tạp, nhiều vấn đề đã rõ, đã được quy định trong các văn bản khác của pháp luật nước ta và nói chung không thuộc loại vấn đề có độ nhạy cảm cao , thì việc tổ chức thẩm định được giao cho Vụ PLQT-HTQT chủ trì chuẩn bị văn bản thẩm định .Vụ có thể tham khảo thêm ý kiến của các vụ khác nếu xét thấy cần thiết. Việc tổ chức công tác thẩm định loại văn bản quốc tế như vậy được coi là một trong những khâu của tổ chức công tác thường xuyên của Vụ PLQT-HTQT. Mô hình tổ chức công tác thẩm định loại văn bản này ở Vụ PLQT-HTQT chỉ có hai khâu: Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được giao phụ trách vấn đề cụ thể)_ Phó Vụ trưởng phụ trách vấn đề cụ thể(theo phân công,đ/c Hoàng Phước Hiệp phụ trách các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế còn đ/c Vũ Đức Long phụ trách các vấn đề phi kinh tế quốc tế). Đối với loại văn bản quốc tế có nội dung phức tạp , có vấn đề chưa rõ ,chưa có quy định giống hoặc tương tự trong các văn bản quy phạm pháp luật nước ta, hoặc thuộc loại văn bản có vấn đề nhạy cảm cao, thì việc tổ chức thẩm định được giao cho Vụ chủ trì phối hợp cùng các vụ khác trong Bộ chuẩn bị văn bản thẩm định. Trong nhiều trường hợp, Vụ PLQT-HTQT phải mời chuyên gia liên ngành để trao đổi ý kiến, làm sáng tỏ vấn đề cần thẩm định hoặc yêu cầu cung cấp thêm thông tin liên quan nội dung thẩm định. Tuy vấn đề có phức tạp đến đâu hoặc độ nhạy cảm của vấn đề có đến thế nào đi nữa thì việc thẩm định cũng chỉ có hai khâu như đối với loại văn bản khác được giao cho Vụ thẩm định. Cho đến ngày hôm nay, chưa có trường hợp nào phải thành lập Hội đồng thẩm định theo quy định của Nghị định số 101/CP, Nghị định số 161/1999/NĐ-CP của Chính phủ . Riêng đối với các văn bản quốc tế do Bộ Tư pháp chủ trì, về cơ bản, chưa tổ chức thẩm định theo yêu cầu mà chỉ họp liên ngành lấy ý kiến trực hoặc ý kiến bằng văn bản để làm các thủ tục trình các cơ quan cấp trên xem xét quyết định việc ban hành các văn bản đó.

-Việc tổ chức thẩm định các điều ước quốc tế về ODA, một số văn bản quốc tế có độ nhạy cảm cực cao (như Hiệp định thương mại Việt nam Hoa kỳ, Hiệp định biên giới Việt Trung trên bộ và vịnh Bắc bộ...), trên thực tế, không thể tổ chức được cho dù Bộ Tư pháp có yêu cầu và các văn bản đó thuộc diện phải được thẩm định theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn,trường hợp Hiệp định thương mại Việt nam –Hoa kỳnăm 2000. Cơ quan chủ trì đàm phán là Bộ Thương mại (nếu theo quy định của Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 2000 thì việc này phải giao cho Bộ ngoại giao mới đúng) đã hoàn toàn không gửi yêu cầu thẩm định đến Bộ Tư pháp, không gửi toàn văn dự thảo Hiệp định đến Bộ Tư pháp để tham gia ý kiến mà chỉ gửi một số chương ,điều của vòng đàm phán đầu tiên để góp ý kiến cho Bộ Thương mại mà thôi. Khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc thẩm định thì cán bộ có trách nhiệm của Bộ Thương mại thông báo là Bộ Chính trị đã xem xét và có ý kiến rồi, không phải thẩm định. Ngay đến khi Hiệp định đã được ký chính thức và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin , trên mạng INTERNET đã phát toàn văn Hiệp định , Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp các Bộ , ngành tổng rà soát văn bản trong nước để chuẩn bị thi hành Hiệp định , Bộ Thương mại vẫn không cung cấp bản sao Hiệp định đó cho Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ chung của Nhà nước . Chỉ khi Bộ Tư pháp phải chi ra một triệu đồng để mua mấy bản sao của Bộ Thương mại thì lúc đó các cán bộ có trách nhiệm của Vụ PLQT-HTQT và một số cán bộ khác mới có tài liệu để nghiên cứu vấn đề được giao rà soát

Trường hợp các Hiệp định vay vốn nước ngoài cũng là thí dụ điển hình ở đây. Các hiệp định này thường do Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Tài chính đàm phán ký kết.Bộ Tư pháp chỉ được yêu cầu góp ý kiến chứ không được yêu cầu thẩm định cho dù nhiều trường hợp các hiệp định đó rơi vào diện phải thẩm định theo quy định của pháp luật. Trái lại, theo quy định của nhiều nước và phù hợp với thông lệ thương mại,tài chính,tín dụng quốc tế , sau khi Chủ tịch nước đã phê chuẩn hoặc Chính phủ đã phê duyệt văn kiện vay vốnnước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải cấp văn bản ý kiến pháp lý khẳng định sự hợp pháp của các hoạt động , bên đi vay đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật Việt nam để được giải ngân. Rõ ràng, trong trường hợp như vậy,Bộ Tư pháp thật khó xử lý vấn đề khác đi, không thể viện dẫn đến việc chưa thẩm định để đưa ra kết bác bỏ văn kiện đã được Chủ tịch nước phê chuân hoặc Chính phủ phê duyệt.

2. Về tình hình hoạt động thẩm định.

Tình hình hoạt động thẩm định nhìn chung ở nước ta và Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần thực hiện tốt các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh ký kết điều ước tế. Kết quả đáng khích lệ ở chỗ nhờ có hoạt động thẩm định này mà hệ thống pháp luật Việt nam ngày càng thống nhất hơn, đồng bộ hơn, ngày càng phản ánh đúng hơn ,rõ nét hơn đường lối , chủ trương của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau, ngày càng có nhiều giải pháp tối ưu hơn , phù hợp hơn trong điều kiện chuyển đổi và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Tuy vậy , vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu xử lý.

Thứ nhất, đó là vấn đề hồ sơ thẩm định các dự thảo văn bản quốc tế.

Điều 6 Nghị định số 161/1999/NĐ-CP quy định khá cụ thể về hồ sơ yêu cầu thẩm định.Trên thực tế,nhiều trường hợp hồ sơ chỉ có một công văn đơn giản vài ba dòng và một bản dự thảo điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt nam dư kiến tham gia.Không ít trường hợp bản dự thảo hoặc điều ước này chỉ bằng một thứ tiếng nước ngoài mà không có bản dịch ra tiếng Việt,hoặc có bản dịch tiếng Việt nhưng lại có nhiều sai sót không thể sử dụng để làm căn cứ thẩm định.Nhiều trường hợp không có bản giải trình ý kiến của cơ quan kiến nghị ký kết văn bản hoặc ý kiến của các cơ quan liên quan. Hồ sơ như vậy , trên thực tế và theo pháp luật là không hợp lệ , không thể thẩm định được, nhưng hoạt động thẩm định vẫn phải tiến hành vì không thể đòi hỏi được gì hơn từ phía cơ quan chủ trì văn bản. Tình trạng tương tự đôi khi cũng có gặp trong thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

Thứ hai, thời hạn thẩm định các văn bản quốc tế nhìn chung là quá ngắn so với yêu cầu chất lượng công tác thẩm định đặt ra. Thông thường, con đường đi của công văn giấy tờ từ Văn phòng Bộ đến Vụ trưởng Vụ PLQT-HTQT mất khoảng 1-3 ngày, từ Vụ trưởng đến Phó Vụ trưởng mất vài ba ngày cho dù Vụ trưởng không xử lý vấn đề chuyên môn nào. Đó là chưa nói đến trường hợp tài liệu khá dài , nội dung phức tạp, nhiều vấn đề chuyên sâu mà thời hạn còn lại quá ngắn nên cũng không thể có được các giải pháp như mong muốn.

Thứ ba, chất lượng nội dung thẩm định trong nhiều trường hợp còn bị hạn chế do các hoàn cảnh và lý do khác nhau. Trước tiên, có thể nói đến trình độ chuyên môn của cán bộ chịu trách nhiệm nghiên cứu điều ước cụ thể. Có những điều ước quốc tế, Bộ tư pháp không được tham gia đàm phán, không được chuyên gia am hiểu vấn đề giải trình cụ thể nhưng vẫn phải làm thẩm định trong thời hạn đã được chính phủ quy định. Có những điều ước quốc tế phức tạp như các Hiệp định của WTO, của Tổ chức Hải quan thế giới, của WIPO, ASEAN và của các tổ chức kinh tế quốc tế khác đề cập đến hàng loạt vấn đề chuyên sâu về thương mại quốc tế, tín dụng- ngân hàng quốc tế ... mà thực ra ta còn quá ít thông tin ,do vậy chất lượng nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp về thực chất tuỳ thuộc vào nổ lực của một vài cá nhân có kiến thức chuyên môn và có tâm huyết với ngành tư pháp. Đó là chưa nói đến trường hợp Việt Nam phải gia nhập "một tổ hợp" các điều ước quốc tế như đã từng làm với ASEAN và sẽ làm với WTO trong tương lai thì việc thẩm định "trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ" sẽ như thế nào?

Mặt khác, trong thực tế có hàng loạt điều ước quốc tế được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định nhưng chỉ cóvăn bản bằng tiếng nước ngoài , hoặc có bản dịch ra tiếng Việt nhưng chất lượng bản dịch không bảo đảm ,không đủ độ chính xác để thẩm định.

Thứ tư, lực lượng cán bộ chuyên môn của Nhà nước ta trong lĩnh vực pháp luật quốc tế , tư pháp quốc tế ,thương mại quốc tế...nói chung ,của Bộ Tư pháp nói riêngcòn quá ít, trình độ nghiệp vụ không đồng đều. Đã có một thời kỳ dài Việt Nam đã tập trung đào rạo , bồi dưỡng ,nâng cao trình độ cho cán bộ pháp lý về hình sự, dân sự, tố tụng dân sự , tố tụng hình sự và một số cán bộ lý luận chung về nhà nước và pháp luật , hành chính và quản lý chung. Mãng pháp luật về kinh tế , pháp luật quốc tế , pháp luật thương mại quốc tế ...ít được quan tâm. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trườngvà hội nhập kinh tế quốc tế , thì điểm khiếm khuyết này về mặt tổ chức cán bộ đã bộc lộ rõ ngay trong hoạt động của nhiều cơ quan nhà nước chúng ta. Hoạt động thẩm định dự án ,dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nàyđã được đặt lên vai một số ít người cókiến thức chuyên môn, buộc họ phải làm việc quá tải , trong khi đó mọi chế độ thì vẫn không có gì khác so với những cán bộ nhàn rỗi , ít việc trong cơ quan. Một sự phân công lao động như vậy trong cơ quan nhà nước đã gây ra những tâm tư khác nhau trong cán bộ có trình độ chuyên môn khác nhău, trong những cán bộ có năng lực của Bộ Tư pháp và ngay trong Vụ PLQT-HTQT, đặc biệt giữa những chuyên viên nhóm xây dựng pháp luật và nhóm hợp tác quốc tế,quản lý dự án hợp tác pháp luật.

Thứ năm, vấn đề kinh phí hỗ trợ cho công tác thẩm định các dự án, dự thảo văn bảnquy phạm pháp luật , điều ước quốc tế đang là vấn đề cấp bách. Từ trước đến nay, việc thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật,các điều ước quốc tế hoàn toàn dựa vào tinh thần yêu nghề, yêu công việc và trách nhiệm công tác được giao của cán bộ chứ không có một khoản vật chất nào dù rất nhỏ để khích lệ, động viên cán bộ trực tiếp công tác. Việc soạn thảo các điều ước quốc tế lại được coi như việc soạn thảo một thông tư , thậm chí được coi như một công văn của các bộ, các ngành,nghĩa là không có một khoản kinh phí nào và không được coi trọng như việc soạn thảo các luật , pháp lệnh. Trong khi đó nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác lại quy định "trong trường hợp có quy định của điều ước quốc tế trái với quy định của văn bản này thì tuân theo quy định của điều ước quốc tế". Thiết nghĩ không nên có sự phân biệt quá lớn như vậy trong hoạt động lập pháp, lập quy nói chung của Nhà nước ta, mà nên có cách nhìn đúng đắn hơn đối với lĩnh vực hoạt động xây dựng và thẩm định điều ước quốc tế.

Tóm lại, còn có quá nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ,điều ước quốc tế cần bàn để có giải pháp thoả đáng. Điểm nổi bật ở đây là thiếu một nhận thức đúng đấn về vị trí, vai trò, tác động ngược chiều của điều ước quốc tế lên toàn bộ hệ thống pháp luật trong nước,tác động theo các chiều hướng khác nhau lên quá trình thực hiện các chính sách, chủ trương của đảng cầm quyền đất nước. Sự quan tâm chú ý đúng mức của các cấp, các ngành đến hoạt động này có thể là nguồn động viên to lớn cho các cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thẩm định nói trên.

IV. Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thẩm định dự án , dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế .

1. Về phương hướng nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế (văn bản quốc tế), có thể nêu lên mấy quan điểm như sau:

Thứ nhất, cần phải xác định rõ hiệu quả tổ chức và hoạt động thẩm định các văn bản quốc tế là bộ phận cấu thành của hiệu quả tổ chức và thẩm định các văn bản pháp luật nói chung và phụ thuộc vào công tác tổ chức và cán bộ của Chính phủ. Cần có quan điểm đúng đắn trong lĩnh vực hoạt động này.

Thứ hai, xử lý đúng mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì văn bản _ Văn phòng Chính phủ theo hướng tăng cường giá trị đích thực của ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp,loại bỏ tình trạng "trốn thẩm định của Bộ Tư pháp", "tuân theo lệ của Văn phòng", sớn chấn chỉnh hoạt động thẩm định văn bản quốc tế theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, sớm tổ chức ,sắp xếp lại lực lượng cán bộ làm công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nói chung ,văn bản quốc tế nói riêng theo hướng chuyên môn hoá và tập trung đầu mối chuyên ngành. Cần tổ chức lại Vụ PLQT-HTQT theo hướng tách bộ phận hợp tác quốc tế ra khỏi bộ phận pháp luật quốc tế để có thêm cán bộ chuyên môn bổ trợ hoạt động thẩm định các văn bản trong lĩnh vực này.

2. Về giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế, có thể nêu lên một số điểm sau đây:

Thứ nhất, cần sớm nghiên cứu , đánh giá tình hình thực thi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc để có phương án sửa đổi , bổ sung thích hợp Luật đó trong điều kiện hiện nay và xây dựng văn bản mới liên quan. Cần có giải pháp hài hoà Luật đó với các văn bản liên quan, đặc biệt là Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế để có một quy chế thống nhất trong quy trình xây dựng và thẩm định các văn bản nói trên.

Thứ hai, cần có chế độ thích hợp , không phân biệt đối xử trong hoạt động xây dựng và thẩm định các văn bản trong lĩnh vực pháp luật quốc tế và các văn bản khác. Cần có một chương trình xây dựng các điều ước quốc tế hàng năm và dài hạn như đã có đối với các luật và pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ.

Thứ ba, cần sớm có kế hoạch cụ thể về bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực pháp luật quốc tế , kinh tế - thương mại - đầu tư quốc tế đủ trình độ để có thể làm công tác thẩm định các văn bản quốc tế trong điều kiện mới hiện nay. Việc đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết nhưng phải có lộ trình đáp ứng yêu cầu đặt ra của tình hình hội nhập quốc tế của Việt nam.

 

 

 

 

 

File đính kèm ...