• Thuộc tính
Tên đề tài Công tác thẩm định văn bản qui phạm pháp luật ở một số nước
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

phụ lục vi:

Công tác thẩm định văn bản qui phạm pháp luật

ở một số nước

Tổng thuật: ThS. Lê Hải Yến*

Công tác thẩm định là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản qui phạm pháp luật và được giao cho một số cơ quan nhất định thực hiện. Nhìn chung, theo qui định ở các nước, về mặt thủ tục thì thẩm định là khâu bắt buộc.

ở đa số các nước Châu Âu, Bộ Tư pháp là cơ quan được giao trách nhiệm chính trong hoạt động thẩm định, có sự tham gia của các Vụ pháp chế của các Bộ, ngành. Cũng có nước công việc này chủ yếu được giao cho một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm chính (Tham chính viện ở Pháp).

I- Cơ quan, tổ chức thẩm định (cơ cấu tổ chức bộ máy, thẩm quyền):

1. Cộng hoà Pháp:

ở Pháp, công tác thẩm định do nhiều cơ quan thực hiện theo một trình tự luật định

Cơ quan Tổng thư ký Chính phủ giữ vai trò thẩm định về mặt pháp lý đối với tất cả các trình tự, thủ tục mà dự thảo luật phải tuân thủ.

Tham chính viện là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thẩm định các dự thảo luật, pháp lệnh , văn bản pháp qui của cơ quan hành pháp.

Tham chính viện là cơ quan độc lập với tất cả các Bộ. Công việc được tổ chức theo nguyên tắc tập thể. Tham chính viện gồm các luật gia chia thành bốn Ban chuyên trách từng lĩnh vực cụ thể. Mỗi Ban có một báo cáo viên. Vai trò của báo cáo viên là rất quan trọng. Đứng đầu ban là Trưởng ban. Ban thảo luận tập thể dưới sự chủ trì của Trưởng ban. Một đại diện của Chính Phủ phải có mặt trong phiên họp của Ban. Tham chính viện gồm khoảng 200-250 nhân viên, khoảng1/3 nhân viên được giao trách nhiệm thực thi quyền hành pháp được biệt phái sang làm việc tại các bộ, ngành.

Hội đồng Bảo hiến kiểm tra dự thảo luật có điểm gì trái Hiến pháp và có thể được ban hành hay không. Hội đồng Bảo hiến gồm 9 nhân viên nhiệm kỳ 9 năm và không gia hạn, ngoài ra nhân viên đương nhiên và vĩnh viễn là các cựu Tổng thống Pháp.

 

Bộ Tư pháp hầu như không giữ một vai trò đặc biệt trong quá trình thẩm định mà chỉ giữ vai trò tương tự như Bộ chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp chỉ bắt buộc phải tham gia vào công tác chuẩn bị dự thảo trong trường hợp dự thảo qui định những chế tài hình sự. Trong lĩnh vực dân sự, Bộ Tư pháp có quyền chủ động đưa ra dự thảo luật).

Nguyên tắc cơ bản của công tác thẩm định là mang tính chất tư vấn. Chính phủ có thể theo hoặc không theo ý kiến của Tham chính viện, công tác của Tham chính viện không mang tính công khai.

2. Cộng hoà Liên bang Đức:

Tại CHLB Đức, nhiệm vụ thẩm định được giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp Liên bang, trong đó Bộ Tư pháp Liên bang là cấp thẩm định trung tâm.

Tất cả các dự án xây dựng pháp luật ở tất cả các cấp, từ dự án luật điều chỉnh về các vấn đề chung, đến các văn bản điều chỉnh các vấn đề riêng lẻ đều phải được thẩm định về sự cần thiết, về hiệu lực pháp lý và tính rõ ràng rành mạch của văn bản.

Bộ Nội vụ và Tư pháp Liên bang tham gia vào việc kiểm tra các qui phạm pháp luật về tính phù hợp với luật cơ bản (Hiến pháp) cũng như trong các trường hợp còn lại mà sảy ra những nghi ngờ về việc áp dụng của luật cơ bản.

Với nhiệm vụ thẩm định luật, Bộ Tư pháp Liên bang tham gia vào tất cả các hoạt động xây dựng pháp luật của các bộ Liên bang.

Nhiệm vụ thẩm định luật tại Bộ Tư pháp Liên bang được tiến hành thông qua các Phòng khác nhau, trong đó có các phòng chuyên ngành theo từng lĩnh vực và các phòng có kinh nghiệm trong hoạt động thẩm định (được gọi là Phòng đồng thẩm định). Một phòng đặc biệt chịu trách nhiệm thẩm định các vấn đề cơ bản của thẩm định hình thức pháp lý của văn bản, cũng như chịu trách nhiệm thẩm định các dự thảo luật của chính Bộ Tư pháp Liên bang. Đối với các vấn đề có nội dung quá lớn thì sẽ có bộ phận đặc biệt của Bộ chịu trách nhiệm thẩm định.

Bộ Tư pháp ban hành cuốn sách tham khảo về Hình thức pháp lý và các chỉ dẫn về các trường hợp riêng biệt được áp dụng cho việc trình bày về mặt hình thức pháp lý của dự thảo luật. Bộ Nội vụ ban hành cuốn sách tham khảo về việc chuẩn bị cho các dự thảo luật.

3. Cộng hoà uzbeckistan:

Việc thẩm định về mặt pháp lý có thể do bộ phận pháp chế của cơ quan soạn thảo hoặc của cơ quan ban hành văn bản hoặc Bộ Tư pháp thực hiện.

Dự thảo văn bản qui phạm pháp luật nhất thiết phải được thẩm định về mặt pháp lý.

Cơ quan ban hành văn bản qui phạm pháp luật có thể quyết định việc "thẩm định khác", hoạt động thẩm định này có tính tuỳ nghi không bắt buộc. Người tham gia thẩm định là những tổ chức, cá nhân không trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo văn bản. Các nhà khoa học, các chuyên gia nước ngoài và của các tổ chức quốc tế có thể được mời tham gia đánh giá chất lượng dự thảo văn bản đã được trình.

4. Cộng hoà Liên bang Nga:

Bộ Tư pháp Liên bang Nga có thể thẩm định về mặt pháp lý dự thảo các văn bản theo yêu cầu của các cơ quan hành pháp Liên bang và theo thoả thuận bằng hợp đồng được ký giữa cơ quan đó và Bộ Tư pháp. Bộ phận pháp chế của cơ quan hành pháp Liên bang kiểm tra dự thảo văn bản qui phạm pháp luật trước khi được ký.

Bộ Tư pháp Liên bang Nga có quyền kiểm tra các cơ quan hành pháp Liên bang trong việc xác định loại văn bản qui phạm pháp luật phải được đăng ký nhà nước (Đăng ký nhà nước bao gồm việc thẩm định về mặt pháp lý sự phù hợp của văn bản với hệ thống pháp luật) và trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan hành pháp Liên bang gửi văn bản qui phạm pháp luật để đăng ký nhà nước.

Bộ Tư pháp mời chuyên gia cao cấp và cán bộ khoa học ngoài biên chế tham gia thẩm định các văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp Liên bang được gửi đăng ký nhà nước trong trường hợp cần thiết.

Các bộ, ngành có liên quan xem xét, chấp thuận đối với Dự thảo văn bản qui phạm pháp luật (nếu sự chấp thuận đó là bắt buộc theo qui định của pháp luật hoặc nếu văn bản đó qui định nhiệm vụ liên quan đến các bộ, ngành).

Tổ chức pháp chế của cơ quan hành pháp Liên bang tham gia vào việc soạn thảo văn bản.

5. Thuỵ Điển:

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về văn bản pháp luật trong các lĩnh vực: luật hành chính và Hiến pháp, luật tố tụng, luật dân sự, luật hình sự.

Phòng xem xét về mặt ngôn ngữ và pháp lý của văn bản dự thảo thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng của văn bản qui phạm pháp luật do các Bộ xây dựng. Các chuyên gia ngôn ngữ sẽ thực hiện việc tư vấn, đào tạo hoặc phát triển các kỹ năng khác để nâng cao chất lượng của các văn bản do các cơ quan Chính phủ hoặc các Uỷ ban soạn thảo.

II- Trình tự, thủ tục thẩm định:

1. Cộng hoà Pháp:

1.1. Thẩm định và kiểm tra trong quá trình ban hành luật, pháp lệnh:

Quá trình này có 4 giai đoạn:

1.1.1. Giai đoạn cấp Bộ: ở giai đoạn này, công tác thẩm định không mang tính chất bắt buộc. Các Bộ có toàn quyền tự do trong việc yêu cầu thẩm định, tham khảo ý kiến tư vấn về mặt nội dung. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có quyền ra chỉ thị yêu cầu Bộ đó hỏi ý kiến của các Bộ khác có liên quan đến dự thảo luật trước khi Chính phủ ra quyết định, hiện nay, theo tinh thần cải cách pháp luật thì Bộ chủ trì soạn thảo phải làm báo cáo nghiên cứu những ảnh hưởng về mặt pháp lý cũng như về mặt kinh tế, tài chính, xã hội của dự thảo luật. Về mặt pháp lý, giai đoạn này, công việc thẩm định do chính Vụ pháp chế của Bộ, ngành chịu trách nhiệm thực hiện.

1.1.2. Giai đoạn cấp Chính phủ: ở giai đoạn này một số dự án luật phải tham khảo ý kiến của tất cả các cơ quan bắt buộc phải lấy ý kiến theo qui định của pháp luật.

Giai đoạn này có 3 đặc điểm cơ bản sau:

+ Thứ nhất: Bộ chủ trì soạn thảo yêu cầu Chính phủ can thiệp để giải quyết những điểm bất đồng giữa Bộ đó và các Bộ nghành hữu quan khác. Thủ tướng Chính phủ triệu tập phiên họp, Cơ quan tổng thư ký Chính phủ đảm nhiệm công tác thư ký phiên họp. Sau đó Thủ tướng Chính phủ hoặc một thành viên Văn phòng Chính phủ được uỷ quyền sẽ ra một quyết định trọng tài. Quyết định này được ghi lại trong báo cáo phiên họp mà Cơ quan Tổng thư ký Chính phủ sẽ gửi cho tất cả các Bộ, nghành liên quan đến việc soạn thảo văn bản pháp luật đó.

+ Thứ hai: giai đoạn tiếp theo là tham khảo ý kiến của tất cả các cơ quan bắt buộc phải lấy ý kiến theo qui định. Pháp luật qui định phải tham khảo ý kiến trong quá trình soạn thảo một số đạo luật nhưng nhiều khi việc tham khảo ý kiến cũng không mang tính chất bắt buộc. Có hai trường hợp bắt buộc phải có sự tham khảo ý kiến: Trường hợp thứ nhất: phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Kinh tế và xã hội đối với một số đạo luật như luật tài chính, luật kinh tế... Trường hợp thứ hai: bắt buộc phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân cử của lãnh thổ hải ngoại đối với những đạo luật liên quan đến lãnh thổ hải ngoại.

+ Thứ ba: Những biện pháp thẩm định về mặt pháp lý. Bộ Tư pháp hầu như không giữ một vai trò đặc biệt trong quá trình thẩm định này.

Cơ quan Tổng thư ký Chính phủ xem xét dự thảo luật trước Tham Chính viện. Cơ quan Tổng thư ký Chính phủ giữ vai trò thẩm định về mặt pháp lý đối với tất cả các trình tự, thủ tục mà dự thảo luật phải tuân thủ. Vai trò thẩm định của cơ quan này là giám sát xem các thủ tục có được tuân thủ nghiêm túc theo các qui định của pháp luật hay không.

Cơ quan Tổng thư ký Chính phủ yêu cầu Tham chính viện thẩm định đối với một dự thảo luật hoàn chỉnh và đã qua giai đoạn trọng tài. Khi trình lên Tham chính viện, dự thảo luật phải thể hiện toàn bộ những gì đã tiến hành ở giai đoạn cấp Bộ và giai đoạn cấp Chính phủ đã lấy ý kiến tham khảo bắt buộc.

Hồ sơ trình lên Tham chính viện bao gồm: văn bản dự thảo luật, tờ trình, báo cáo nghiên cứu ảnh hưởng về kinh tế, xã hội của luật và những ý kiến mà Hiến pháp qui định bắt buộc phải tham khảo đối với một dự án luật.

1.1.3. Giai đoạn cấp Nghị viện: Nghị viện tổ chức công tác thẩm định về mặt nội dung, tức là tính hợp thời của dự thảo. Nghị viện làm việc này một cách tự do thông qua vai trò của các Uỷ ban trực thuộc. Một khía cạnh truyền thống, đó là vai trò tư vấn của Uỷ ban pháp luật đối với những vấn đề hợp hiến. Có một điểm độc đáo là Chính phủ có thể trừng phạt những sáng kiến lập pháp của Nghị viện nếu sáng kiến đó vi phạm những nguyên tắc đã được qui định, đặc biệt là những nguyên tắc về thẩm quyền.

1.1.4. Giai đoạn sau khi dự thảo luật đã được thông qua và trước khi được ban hành: ở giai đoạn này phải nói đến việc kiểm tra tính hợp hiến của luật. Pháp luật qui định một số cơ quan nhà nước, một số Nghị sĩ không bằng lòng với kết quả biếu quyết thông qua dự luật có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo hiến xem xét lại dự luật trước khi ban hành. Hội đồng Bảo hiến kiểm tra xem dự thảo luật có điểm gì trái với Hiến pháp và có thể được ban hành hay không. Đây là một vai trò bắt buộc.

Trong trường hợp dự thảo luật được thông qua trái với một công ước quốc tế mặc dù đã có ý kiến cuả Tham chính viện thì việc xử lý vi phạm chỉ được các Toà án quốc tế xem xét sau khi luật đã được ban hành và công bố.

1.2. Thẩm định và kiểm tra trong quá trình ban hành văn bản pháp qui của cơ quan hành pháp:

Những thủ tục ban hành đối với mỗi loại văn bản lập qui được qui định bằng chính văn bản đã xác lập phạm vi thẩm quyền của cơ quan ban hành. Công việc thẩm định là bắt buộc nếu văn bản xác lập thẩm quyền qui định điều đó.

Thủ tục thẩm định về tính hợp thời của dự thảo, những ý kiến cần thiết về nội dung những biện pháp hướng dẫn thi hành được qui định trong văn bản qui phạm, thủ tục thẩm định về mặt pháp lý các Nghị định là thủ tục thẩm định do Tham chính viện tiến hành.

Có hai loại Nghị định, loại Nghị định cần có ý kiến thẩm định cuả Tham chính viện và loại Nghị định thông thường.

+ Loại Nghị định cần có ý kiến thẩm định cuả Tham chính viện: Thủ tục thẩm định trước về mặt pháp lý đối với loại Nghị định này tương tự như thủ tục áp dụng đối với dự thảo luật. Chỉ có điểm khác biệt là đối với dự thảo nghị định, bản thân Bộ trưởng có thể tự mình yêu cầu Tham chính viện xem xét.

+ Loại Nghị định thông thường: là loại Nghị định không cần có ý kiến thẩm định cuả Tham chính viện.

2. Cộng hoà Liên bang Đức:

Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp Liên bang tham gia vào việc kiểm tra các qui phạm pháp luật về tính phù hợp với luật Cơ bản (Hiến pháp) cũng như các trường hợp còn lại mà nảy sinh những nghi ngờ về việc áp dụng của luật Cơ bản.

Thông thường các dự thảo luật được gửi đến Bộ Tư pháp Liên bang sau khi kết thúc quá trình chuẩn bị với một yêu cầu rõ ràng về việc thẩm định luật. Bộ Tư pháp Liên bang là cấp thẩm định cuối cùng về mặt hệ thống và hình thức pháp luật (thẩm định luật) trước khi Nội các ra nghị quyết về dự thảo luật của Chính phủ Liên bang, trước khi Chính phủ Liên bang cũng như các Bộ Liên bang ban hành pháp lệnh.

Các Phòng chuyên môn của các Bộ chủ trì có thể mời Bộ Tư pháp tham gia ngay từ quá trình chuẩn bị các dự án luật. Bộ phận thẩm định hình thức pháp lý của Bộ Tư pháp Liên bang tham gia vào việc xây dựng dự thảo luật.

3. Cộng hoà uzbeckistan:

Cơ quan soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật thành lập Uỷ ban soạn thảo. Bộ Tư pháp điều hoà công tác của các Bộ, Uỷ ban và Tổng cục nhà nước trong việc xây dựng dự thảo các văn bản qui phạm pháp luật.

Dự thảo văn bản qui phạm pháp luật sau khi soạn thảo được trình lên cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản cùng với Tờ trình, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản , người soạn thảo, tóm tắt nội dung của sự thảo, danh sách các cơ quan, tổ chức nhất trí với dự thảo, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có ý kiến có lập luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau đó.

4. Cộng hoà Liên bang Nga:

Việc soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp Liên bang được giao cho một hoặc một số dơn vị trực thuộc cơ quan hành pháp Liên bang. Dự thảo văn bản qui phạm pháp luật phải được các bộ, ngành có liên quan xem xét, chấp thuận nếu sự chấp thuận đó là bắt buộc theo qui định của pháp luật hoặc nếu văn bản đó qui định nhiệm vụ liên quan đến các bộ, ngành. Sự chấp thuận đối với văn bản qui phạm pháp luật được thể hiện bằng giấy thông hành.

Dự thảo văn bản qui phạm pháp luật trước khi được ký phải được bộ phận pháp chế của cơ quan hành pháp Liên bang kiểm tra. Sau khi kiểm tra, thủ trưởng bộ phận pháp chế của cơ quan hành pháp Liên bang cấp giấy thông hành.

Sau khi được ký ban hành (hoặc phê chuẩn) văn bản qui phạm pháp luật được gửi đến Bộ Tư pháp Liên bang để đăng ký nhà nước. Số lượng gửi là 6 bản (1 bản chính và 5 bản sao, các văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước thì số lượng là 2 bản: 1 bản chính và một bản sao).

III- phạm vi và Nội dung thẩm định:

1. Cộng hoà Pháp:

1.1. Thẩm định và kiểm tra trong quá trình ban hành luật, pháp lệnh:

Việc thẩm định và kiểm tra bao gồm các việc:

- Thẩm định về mặt pháp lý đối với tất cả các trình tự, thủ tục mà dự thảo luật phải tuân thủ (giám sát xem các thủ tục có được tuân thủ nghiêm túc theo các qui định của pháp luật hay không).

- Thẩm định về mặt nội dung, tức là tính hợp thời của dự thảo gồm các vấn đề:

. Sự phù hợp của dự thảo luật với toàn bộ những văn bản cấp cao hơn;

. Sự phù hợp (hoà nhập) với hệ thống pháp luật hiện hành.

i) Kiểm tra tính phù hợp của dự thảo luật với toàn bộ những văn bản cấp cao hơn:

Tham chính viện thẩm tra tính hợp hiến của dự thảo luật. Tham chính viện kiểm tra xem trong dự thảo luật có những qui định nào trái với Hiến pháp hiểu theo nghĩa rộng hay không (sự phù hợp với những điều khoản của Hiến pháp, lời nói đầu cuả Hiến pháp, những nguyên tắc cơ bản mà Hội đồng Bảo hiến đã đặt ra trong 20 năm án lệ và cả những luật tổ chức).

Ngoài ra, tham chính viện còn phải kiểm tra về tính phù hợp của dự thảo luật với luật quốc tế, cụ thể là các công ước, điều ước quốc tế mà Pháp đã phê chuẩn, các văn bản luật của Cộng đồng Châu Âu.

Trong quá trình thẩm định một dự thảo luật, Tham chính viện có thể thông báo trước với Chính Phủ những nguy cơ cho thấy Hội đồng Bảo hiến sẽ ra quyết định tuyên bố đạo luật đó có quy định trái Hiến pháp.

ii) Kiểm tra tính phù hợp của dự thảo luật trong toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành :

Nhiệm vụ này nhằm vào ba mục tiêu:

- Thứ nhất: Kiểm tra xem dự thảo luật có tôn trọng thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan khác hay không;

- Thứ hai: Kiểm tra xem dự thảo luật có hài hoà với những đạo luật khác hay không;

- Thứ ba: Kiểm tra mối liên hệ của dự thảo luật đó với các văn bản hỗ trợ.

i) Về mục tiêu thứ nhất: Tham chính viện có nhiệm vụ kiểm tra xem dự luật có vi phạm thẩm quyền (mà chủ yếu là thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật) của các cơ quan khác cùng tham gia vào quá trình soạn thảo hay không.

ii) Về mục tiêu thứ hai: Sự phù hợp (hài hoà) của dự thảo luật với các luật hiện hành khác (cùng thứ bậc).

Ngay trong quá trình soạn thảo, Bộ trưởng chịu trách nhiệm chuẩn bị tờ trình dự thảo luật liệt kê ngay trong Tờ trình danh mục tất cả các đạo luật sẽ bị sưả đổi hoặc bãi bỏ theo dự thảo mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn thẩm định về mặt pháp lý Tham chính viện khi viết lại dự thảo luật có nhiệm vụ liệt kê cụ thể tất cả những văn bản luật có thể bị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo tinh thần của dự thảo mới (chứ không nói một câu ngắn gọn là: Tất cả những văn bản trái với luật này đều bãi bỏ). Đây là một trong những chức năng của công tác thẩm định trước về mặt pháp lý một dự thảo luật.

iii) Về mục tiêu thứ ba: Kiểm tra sự hoà nhập của dự thảo trong hệ thống pháp luật: mối liên hệ của dự luật đó đối với các văn bản hỗ trợ.

Đây là vấn đề liên quan đến những văn bản hướng dẫn thi hành thấp hơn luật. Trong khâu thẩm định, các chuyên gia thẩm định cố gắng viết lại (bổ sung) vào dự thảo luật những điều khoản chỉ rõ tên cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và phạm vi thẩm quyền của những cơ quan đó.

1.2. Thẩm định và kiểm tra trong quá trình ban hành văn bản pháp qui của cơ quan hành pháp:

Công việc này gồm các nội dung sau:

- Xác định cơ sở thẩm quyền của cơ quan soạn thảo, chủ yếu là viện dẫn văn bản qui định phải ban hành Nghị định, ai có thẩm quyền lập qui trong vấn đề này.

- Kiểm tra việc thực hiện các thủ tục tư vấn, có nghĩa là các thủ tục thẩm định về tính hợp thời của dự thảo, cần phải tiến hành theo các qui định của văn bản xác lập thẩm quyền của cơ quan ban hành. Tham chính viện là cơ quan kiểm tra xem các cơ quan khác đã được hỏi ý kiến hay chưa, kiểm tra xem thủ tục lấy ý kiến tư vấn có được thực hiện một cách hợp lệ không (trong trường hợp Chính phủ không bắt buộc phải lấy ý kiến của các cơ quan nhưng Chính phủ vẫn làm việc đó).

- Kiểm tra xem dự thảo Nghị định có vi phạm những văn bản cấp cao hơn hay không (Hiến pháp, luật, luật tổ chức, công ước quốc tế), có vi phạm Nghị định có ý kiến của Tham chính viện không (đối với Nghị định thông thường).

- Kiểm tra xem dự thảo Nghị định có hài hoà với tất cả những văn bản qui phạm khác hay không, có nghĩa là phải liệt kê tất cả những văn bản có liên quan đến dự thảo có thể bị sửa đổi hoặc bãi bỏ, đây là vấn đề thẩm định về mặt kỹ thuật.

2. Cộng hoà Liên bang Đức:

Phạm vi thẩm định luật của Bộ Tư Pháp Liên bang gồm nội dung các qui định luật và hình thức pháp lý của chúng.

a. Nội dung thẩm định:

- Lý do xây dựng dự thảo, các vấn đề cần thẩm định gồm:

. Hệ điều chỉnh nào là phù hợp với vấn đề đang cần được điều chỉnh? Cơ cấu hoặc trình tự nào của phía Nhà nước cần đặt ra nhằm đảm bảo bản tự đièu chỉnh trên được thực thi? Có tồn tại khả năng, là văn bản tự quản được Nhà nước qui định?

. Trong trường hợp nhiệm vụ được thực hiện bởi một tổ chức phi Nhà nước hoặc tư nhân: làm thế nào để bảo đảm rằng nhà cung cấp phi nhà nước sẽ phục vụ đúng lợi ích công cộng? Các biện pháp và cấp điều chỉnh nào cần phải có? Trong trường hợp việc thực hiện không đúng yêu cầu, nhiệm vụ này có thể chuyển giao trở lại cho cơ quan Nhà nước được không?

. Vấn đề này có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân được không? Nếu có thì các qui định pháp luật về mối quan hệ hợp tác này cần phải thoả mãn những yêu cầu gì? Có qui định nào trên thực tế là phù hợp và đạt yêu cầu nhằm đảm bảo những mối quan hệ hợp tác này được thực thi?

. Nếu một mục đích và chương trình điều chỉnh phù hợp với vấn đề này thì các nội dung tối thiểu nào của Nhà nước cần chú ý?

- Thẩm định về sự cần thiết, về hiệu lực pháp lý và tính rõ ràng rành mạch của văn bản. Việc thẩm định này dựa trên mười câu hỏi sau:

. Vấn đề cần điều chỉnh này có nảy sinh không.

. Đã tồn tại những giải pháp nào khác không.

. Vấn đề này có thuộc thẩm quyền của Liên bang không.

. Có cần phải ban hành một đạo luật không.

. Có phải tiến hành trong thời điểm này không.

. Phạm vi điều chỉnh của văn bản như thế nào.

. Hiệu lực về thời gian có cần phải giới hạn không.

. Việc điều chỉnh của văn bản này có gần gũi và dễ hiểu đối với nhân dân không.

. Sự điều chỉnh này có khả thi không.

. Chi phí lợi ích đem lại có tương quan không.

- Thẩm định về tính phù hợp của văn bản.

Trong phạm vi thẩm định tính hợp pháp thì Bộ Tư pháp Liên bang cần phải kiểm tra xem Dự thảo có trái với Hiến pháp không (thẩm định tính hợp hiến là điểm trung tâm của thẩm định luật), có phù hợp với văn bản luật có giá trị pháp lý cao hơn không,có phù hợp với luật công pháp Quốc tế và luật của Cộng đồng Châu Âu không và có dẫn đến huỷ bỏ các văn bản pháp luật tương đương khác không. Ngoài ra còn phải thẩm định, liệu các qui định có thể được đưa vào pháp luật hiện hành mà không có gặp bất cứ ngăn cản gì: như tính hệ thống là đúng? Có chú ý đến tính cao thấp trong hệ thống pháp luật? Các chỉ dẫn là rõ ràng? Có thể hạn chế được sự trùng lắp và mâu thuẫn trong các qui định pháp luật? Nội dung các qui định này có được xây dựng một cách rõ ràng và dễ hiểu với những người thực hiện không? Mối quan hệ giữa qui định pháp luật và các ngoại lệ là phù hợp? Các biện pháp trừng phạt là phù hợp và đúng mức? Liệu các qui định pháp luật sẽ được áp dụng mà không gặp bất cứ trở ngại gì? Liệu niềm tin vào tính bền vững của các qui định pháp luật có thể bị huỷ hoại do việc thay đổi một cách thường xuyên?.

Thẩm định tính hợp hiến là điểm trung tâm của thẩm định luật. Có thể hình dung được công việc này qua danh sách thẩm định dưới đây:

. Thẩm quyền lập pháp của Liên bang đối với các dự thảo lập pháp cụ thể được qui định trong điều nào của Hiến pháp hoặc xuất phát từ thẩm quyền nào? Trong thẩm quyền lập pháp cạnh tranh hoặc thẩm quyền lập pháp định khung thì có cần thiết phải có một đạo luật liên bang nhằm thiết lập các mối quan hệ xã hội bình đẳng trong toàn lãnh thổ liên bang hây chỉ nhằm bảo vệ cơ cấu luật pháp hoặc kinh tế trong lợi ích của toàn thể đất nước. Trong thẩm quyền lập pháp định khung thì có phải chú ý đến các qui định khung chỉ được phép chứa đựng các qui phạm điều chỉnh trong trường hợp ngoại lệ cũng có thể được áp dụng hoặc có hiêụ lực trực tiếp đối với các trường hợp cụ thể không?

. Trong trường hợp Liên bang dự định thông qua hệ thống cơ quan của riêng mình để thi hành đạo luật: Qui định nào trong Luật cơ bản qui định thẩm quyền quản lý hành chính của Liên bang?

. Trong trường hợp các bang thi hành đạo luật và các qui định về việc thi hành đạo luật được xác định trong chính dạo luật này: Qui định nào trong Luật cơ bản cho phép Liên bang thi hành đạo luật?

. Trong trường hợp trong một đạo luật được thực hiện bởi các bang mà lại thiếu vắng qui định tại điều 104a khoản 1 luật cơ bản về việc Liên bang gánh vác chi phí thực hiện: Điều nào trong luật cơ bản cho phép Liên bang gánh vác một phần hay toàn bộ kinh phí này (thẩm quyền tài chính).

. Trong trường hợp đạo luật qui định về việc kinh phí thực hiện do bên thứ ba gánh chịu: Điều naò trong Luật cơ bản cho phépLiên bang điều chỉnh nhiệm vụ tài chính nhà nước này (thẩm quyền điều chỉnh tài chính).

. Liệu có cần thiết phải có sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang? Điều nào trong Luật cơ bản qui định về sự phê chuẩn này? Qui định nào trong dự thảo luật hoặc pháp lệnh bắt buộc phải có sự phê chuẩn và lý do?

. Trong trường hợp đạo luật có thể thay thế bằng việc ban hành một pháp lệnh (chuyển giao quyền lập pháp cho cơ quan hành pháp) : Uỷ quyền này có hợp pháp, Nội dung, mục đích và phạm vi của uỷ quyền này đã được xác định đầy đủ? Pháp lệnh này có cần thiết phải có sự phê chuẩn của Hội đồng liên bang?

. Trong trường hợp một pháp lệnh được ban hành: Pháp lệnh được hỗ trợ trên cơ sở uỷ quyền luật cụ thể nào? Nội dung, mục đích và phạm vi của uỷ quyền này được xác định như thế nào trong luật? Pháp lệnh sẽ tuân thủ khuôn khổ uỷ quyền này? Qui định nào trong uỷ quyền bắt buộc phải đưa vào pháp lệnh? Sự phê chuẩn là cần thiết?

. Liệu các quyền công dân cơ bản hoặc các quyền tương đương với quyền công dân cơ bản được qui định trong Luật cơ bản có thể bị ảnh hưởng bởi văn bản pháp luật sẽ được ban hành không? Liệu các thiết chế bảo đảm có thể bị ảnh hưởng bởi văn bản này?

. Liệu các quyết định khách quan có tác động đến các quyền công dân cơ bản trong các văn bản qui phạm pháp luật mà không phải là các qui phạm trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân có được chú ý? Liệu Nhà nước có đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công dân?

. Liệu các qui định pháp luật sẽ ban hành có phù hợp với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Điều 20 Luật cơ bản (Dân chủ, Nhà nước pháp quyền, phân chia quyền lực, Liên bang) và các nguyên tắc Hiến pháp chung đặc thù khác?

. Liệu các quan điểm và so sánh chủ yếu về các qui phạm điều chỉnh có được trình bày một cách thuyết phục trong phần Lý do của dự thảo luật và pháp lệnh không?

- Thẩm định liệu văn bản sẽ được xây dựng với một phạm vi đã định trước có thể đạt được mục tiêu cần điều chỉnh.

b. Về hình thức pháp lý và sự trình bày của văn bản:

Nhằm xem xét về các hình thức vào đề, cách thức trích dẫn, thay đổi các mệnh lệnh, các qui định về có hiệu lực cuả văn bản.

Xem xét sự thống nhất giữa các chỉ thị, trích dẫn và các viết tắt, xem xét sự thống nhất, đúng đắn của việc soạn thảo từ phần mở đầu đến kết luận của dự thảo.

3. Cộng hoà uzbeckistan:

Cơ quan thẩm định xem xét đánh giá về sự phù hợp của dự thảo văn bản qui phạm pháp luật với Hiến pháp và các văn bản qui phạm pháp luật khác; đồng thời xem xét và cho ý kiến về kỹ thuật soạn thảo văn bản.

Ngoài ra cơ quan ban hành văn bản qui phạm pháp luật có thể quyết định việc thẩm định dự thảo văn bản theo các tiêu chí khác: thẩm định về mặt kinh tế, tài chính, khoa học- kỹ thuật, môi trường ( được gọi là thẩm định khác).

4. Cộng hoà Liên bang Nga:

Bộ phận pháp chế của cơ quan hành pháp Liên bang kiểm tra về sự phù hợp của văn bản với hệ thống văn bản pháp luật của Liên bang Nga, với các qui tắc của ngôn ngữ tiếng Nga.

Bộ Tư pháp thẩm định về mặt pháp lý sự phù hợp của văn bản với hệ thống pháp luật.

Pháp luật qui định những văn bản bắt buộc phải được đăng ký nhà nước (các văn bản có liên quan đến quyền, tự do, nghĩa vụ của con người và công dân, qui định địa vị pháp lý của các tổ chức, có tính liên nghành, kể các văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước). Đăng ký nhà nước bao gồm các công việc cụ thể : Thẩm định về mặt pháp lý sự phù hợp của văn bản với hệ thống pháp luật; ra quyết định về sự cần thiết đăng ký nhà nước đối với văn bản; cấp số đăng ký; đưa văn bản vào Sổ thống kê nhà nước các văn bản qui phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp Liên bang.

Bộ Tư pháp có thể từ chối đăng ký nhà nước nếu trong quá trình thẩm định về mặt pháp lý phát hiện ra rằng văn bản đó không phù hợp với các văn bản pháp luật của Liên bang Nga. Bộ Tư pháp phải lập luận về lý do từ chối đăng ký nhà nước. Người đứng đầu cơ quan hành pháp Liên bang ra quyết định bãi bỏ văn bản qui phạm pháp luật không được đăng ký nhà nước.

5. Thuỵ Điển:

Phòng xem xét về mặt ngôn ngữ và pháp lý của văn bản dự thảo thuộc Bộ Tư pháp xem xét các dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo luật trình ra Quốc hội, nhiệm vụ của các Uỷ ban và các quyết định khác để đảm bảo tính hợp pháp, nhất quán và thống nhất của các văn bản.

IV-thời hạn thẩm định:

1. Cộng hoà Liên bang Đức:

Thời hạn chấm dứt việc thẩm định thông thường là 4 tuần. Thời hạn này có thể rút ngắn khi tất cả các bên tham gia đồng ý. Đối với các dự thảo có phạm vi rộng và khó về mặt luật pháp thì thời hạn này có thể tự kéo dài lên 8 tuần, khi có đề nghị của một bộ, ngành trong khuôn khổ tham gia thẩm định.

Việc gửi dự thảo của các ban ngành cần chú ý rằng các bên tham gia phải được dành đủ thời gian để kiểm tra và thảo luận các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của họ.

Khi việc thẩm định luật diễn ra trong một phạm vi rộng và phải có sự tham gia của nhiều bộ phận thì yếu tố thời gian là bắt buộc.

2. Cộng hoà Liên bang Nga:

Chậm nhất là sau 10 ngày sau khi được ký ban hành (hoặc phê chuẩn) văn bản qui phạm pháp luật phải được gửi đến Bộ Tư pháp Liên bang để đăng ký nhà nước. Bộ Tư pháp Liên bang đăng ký nhà nước đối với văn bản qui phạm pháp luật trong thời hạn trước 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản.

 

Tài liệu tham khảo:

1- Tài liệu hội thảo về thẩm định văn bản pháp luật, rà soát văn bản, hệ thống hoá và pháp điển hoá - Thuyết trình viên: Ông Thierry Le Roy, Ông Guillaume Goulard (Thẩm phán Tham chính viện Pháp) - Nhà pháp luật Việt-Pháp - Hà Nội-10/1997.(Bản tiếng Việt).

2- Luật cơ bản của CHLB Đức do Hội đồng nghị viện thông qua ngày 08.05.1949, được Hội đồng nghị viện phê chuẩn và công bố trong Tờ công báo Liên bang số BGBI III 100-1 ngày 23.05.1949 tại Bonn và có hiệu lực từ 0h ngày 24.05.1949 - Trích "Bình luận luật cơ bản" do Sachs chủ biên, NXB C.F.Beck, 1998, tr.3.

- Từ chỉ thị xây dựng luật đến thông qua dự án luật, trong: Học viện liên bang về hành chính công (Chủ biên) thực tế lập pháp, 1984, tr 47 và 49.

- Sách chuyên khảo về Hình thức của pháp luật do Bộ Tư pháp liên bang xuất bản, 1991,tr.27.

- Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động chung của các bộ liên bang-20.7.2000.

- Quá trình xây dựng dự thảo luật của Chính phủ liên bang ở CHLB Đức của tác giả Erich Bulow trong cuốn Sách chuyên khảo về Luật Hiến pháp do Ernst Benda/Werner Maihofer/Hens-Jochen Vogel (Chủ biên), Tái bản lần thứ 2, NXB de Gruyter, 1995, tại chương 7 (Lập pháp), trang 1476-1479.

Tài liệu do Ths. Trần Đại Thắng (ĐHTH Humboldt - Berlin) cung cấp và dịch.

3- Tài liệu về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp Thuỵ Điển (Dịch từ bản tiếng Anh) – Người dịch: ThS. Đỗ Đình Lương-Bộ Tư pháp.

4- Luật về ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Cộng hoà Liên bang Nga, Cộng hoà Uzbeckistan (Dịch từ bản tiếng Nga) – Người dịch: TS. Hoàng Thị Ngân-Bộ Tư pháp.

 

 

File đính kèm ...