• Thuộc tính
Tên đề tài Một số vấn đề lý luận, pháp lý và nguyên tắc tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài
Nội dung tóm tắt
 
Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài là một trong những nhiệm vụ của các trại giam thuộc Bộ Công an. Công tác này giữ vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai đoạn hợp tác và hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa. Ngoài ra, công tác này còn có vị trí không nhỏ trong đấu tranh chống các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, bảo vệ độc lập chủ quyền, cũng như góp phần vào xử lý các mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước ngoài.

Gần đây, do lợi dụng chính sách mở cửa, nhiều đối tượng nước ngoài đã chọn Việt Nam làm địa điểm để tiến hành các hoạt động phạm pháp, phạm tội. Nếu trước đây chủ yếu các tội phạm an ninh quốc gia mà đằng sau là các cơ quan tình báo, các Nhà nước chống Việt Nam, thì ngày nay đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mang tính đặc trưng của giai đoạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: buôn bán phụ nữ trẻ em, bắt cóc tống tiền, lừa đảo, buôn bán hêrôin xuyên quốc gia, giết người thuê, làm tiền giả... Do sự đấu tranh có hiệu quả của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhiều vụ án được vạch trần đưa ra ánh sáng, nhiều đối tượng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật hình sự Việt Nam bằng bản án phạt tù và phải chấp hành án trong các trại giam của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, tổ chức thực hiện ở cơ sở những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, thu được các kết quả tích cực. Hàng trăm phạm nhân hết án, hoặc được đặc xá trở về tổ quốc đã có những nhận thức đúng đắn về chính sách giam giữ, thi hành án hình sự của nhà nước ta, về hệ thống trại giam và đội ngũ cán bộ chiến sĩ cảnh sát trại giam Việt Nam. Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao thừa nhận thiện chí, sự hợp tác của phía Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề có liên quan đến phạm nhân là người nước ngoài thi hành án trong các trại giam thuộc Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với kết quả đạt được, thực tiễn quản lý, giam giữ, giáo dục đối tượng người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ do tính chất tội phạm mà chủ yếu vì chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ, cũng như thiếu một đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, hoạt động thi hành án phạt tù của lực lượng cảnh sát trại giam còn chịu sự chi phối bởi các quan hệ quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Do đó, trong thực tiễn công tác, chúng ta vấp phải rất nhiều vướng mắc, có những vướng mắc không thể tháo gỡ được. Đơn cử việc tha phạm nhân – một thủ tục hành chính rất đơn giản đối với phậm nhân là người Việt Nam thì hầu như trường hợp nào cũng có những trở ngại. Trong 2 đợt đặc xá năm 1998 và 2000, hàng chục phạm nhân đã có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước nhưng không thể tha được, hoặc tha được nhưng không trục xuất được. Ngoài ra, còn có những phạm nhân được tha nhưng không chắc chắn là người nước ngoài. Các nội dung khác của quá trình thi hành án phạt tù cũng hầu hết đều gặp phải những vướng mắc tương tự. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các trại giam, đến hiệu lực pháp luật trong tổ chức giam giữ, giáo dục phạm nhân mà còn gây ra những phức tạp trong mối quan hệ của các cơ quan Nhà nước Việt Nam với các Nhà nước có công dân bị bắt giam ở Việt Nam.

Nguyên nhân của tình trạng về phía chủ quan một phần do cán bộ chiến sỹ của chúng ta chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của công tác này nên có nơi, có lúc còn để xảy ra những sai lầm thiếu sót; chưa kết hợp hài hòa các yêu cầu nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại giao trong đối sách cũng như trong công tác quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa có được một hệ thống các quy phạm pháp luật về quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân người nước ngoài. Ngoài các quy định chung áp dụng cho tất cả mọi loại phạm nhân, hầu như chưa có một văn bản cấp Bộ, Liên ngành nào điều chỉnh lĩnh vực này. Trong khi đó, do sự khác biệt về địa vị pháp lý, yêu cầu quản lý, giam giữ, đối sách và giáo dục phạm nhân là người nước ngoài và người Việt Nam có sự khác biệt nhau rất căn bản.

Tình hình thực tiễn trên chính là lý do cho việc lựa chọn đề tài “Tổ chức thi hành án phạt tù với phạm nhân người nước ngoài đang thi hành án phạt tù trong các trại giam của Bộ Công an”

1.    Mục tiêu của đề tài

Ø  Khái quát về mặt lý luận và pháp lý những vấn đề cơ bản nhất của việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài.

Ø  Đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành bản án phạt tù với phạm nhân là người nước ngoài.

Ø  Cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, ban hành những quy phạm pháp luật, điều chỉnh lĩnh vực thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài.

2.    Nhiệm vụ của đề tài

Ø  Tổng hợp phân tích làm rõ những vấn đề lý luận và pháp lý liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân đang thi hành hình phạt tù trong các trại giam.

Ø  Khảo sát phân tích tình hình phạm nhân và mô tả, phân tích thực trạng tổ chức quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân là người nước ngoài đang thi hành án phạt tù trong các trại giam của V26.

3.    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1.  Đối tượng nghiên cứu

Công tác tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân đang thi hành án trong trại giam thuộc V26 – Bộ Công an.

3.2.  Phạm vi nghiên cứu

Tất cả các trại giam thuộc Bộ Công an đang quản lý giam giữ phạm nhân là người nước ngoài.

4.    Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, trong quá trình nghiên cứu sẽ sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau:

Ø  Phương pháp phân tích tổng hợp các tài liệu lý luận có liên quan đến nội dung đề tài.

Ø  Phương pháp tổng kết.

Ø  Phương pháp sử dụng toán thống kê.

Ø  Phương pháp quan sát.

Ø  Phương pháp điều tra xã hội học:

s  An két.

s  Trò chuyện, phỏng vấn (cán bộ và phạm nhân).

s  Toạ đàm với các chuyên gia.

5.    Cấu trúc đề tài

Đề tài gồm phần mở đầu, 3 chương và phần kết luận:

Ø  Phần mở đầu gồm:

s  Tính cấp thiết của đề tài.

s  Mục tiêu nghiên cứu.

s  Nhiệm vụ nghiên cứu.

s  Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

s  Phương pháp nghiên cứu.

s  Cấu trúc đề tài.

Ø  Phần nội dung gồm:

s  Chương I: Một số vấn đề lý luận, pháp lý và nguyên tắc tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài.

s  Chương II: Thực trạng tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài bị kết án phạt tù tại Việt Nam.

s  Chương III: Dự báo tình hình tội phạm do người nước ngoài thực hiện trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài.

Ø  Kết luận.

 

Nội dung toàn văn

Chương I

Một số vấn đề lý luận, pháp lý và
nguyên tắc tổ chức thi hành bản án phạt tù
đối với phạm nhân là người nước ngoài

1. Người nước ngoài và địa vị pháp lý của phạm nhân là người nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Trước khi nghiên cứu khái niệm phạm nhân là người nước ngoài, chúng tôi muốn phân tích, làm rõ khái niệm người nước ngoài và địa vị pháp lý của họ trong hệ thống luật pháp Việt Nam.

1.1. Khái niệm người nước ngoài

Do hiện tượng di dân tự nhiên hoặc do các biến động và giao lưu chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa,... từ thời xa xưa và hầu hết ở các quốc gia đều có một bộ phận cư dân từ nước khác đến sinh sống, làm việc một thời gian, thường xuyên hoặc lâu dài. Cũng vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, quốc gia nào cũng có vấn đề người nước ngoài và quản lý người nước ngoài để họ không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của nước sở tại. Tuy nhiên, quan niệm thế nào là người nước ngoài; quản lý họ như thế nào thì không hoàn toàn giống nhau và phụ thuộc vào hệ thống luật pháp của mỗi Nhà nước. Hiện nay có hai quan niệm phổ biến:

ỉ Một là: theo nghĩa rộng, người nước ngoài gồm tất cả những người không mang quốc tịch nước sở tại. Theo nghĩa này những người không là công dân của nước sở tại tức là người nước ngoài, bao gồm cả những người không có quốc tịch hoặc mang quốc tịch nước khác. Luật pháp một số nước như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ai Len, Ba Lan,... quan niệm người nước ngoài theo nghĩa này.

ỉ Hai là: theo nghĩa hẹp, người nước ngoài được hiểu là những người không có quốc tịch nước sở tại nhưng có quốc tịch nước ngoài. Theo khái niệm này người nước ngoài đồng nghĩa với khái niệm là công dân của nước ngoài và không mang quốc tịch nước sở tại. Như vậy người không có quốc tịch không phải là người nước ngoài.

ở Việt Nam, pháp luật xác định người nước ngoài theo nghĩa rộng. Tại Khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam năm 1992 quy định: "Người nước ngoài" là người không có quốc tịch Việt Nam. Khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cũng quy định: Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, nghĩa là người không mang quốc tịch Việt Nam, mà người đó đang cư trú hoặc làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai khái niệm trên chưa được hoàn toàn đầy đủ, trong một số trường hợp có thể dẫn đến hiểu sai lệch. Gần đây, ngày 1/6/1998, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Luật Quốc tịch Việt Nam. Tại Điều 2 Luật này quy định: "Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài (người có quốc tịch nước ngoài) và người không có quốc tịch, thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam". Cũng tại Điều 3 Luật trên chỉ công nhận nguyên tắc một Quốc tịch đối với công dân Việt Nam. Từ các quy định trên có thể rút ra: Người có quốc tịch Việt Nam sẽ là công dân Việt Nam, là người Việt Nam. Người không có quốc tịch Việt Nam không phải là công dân Việt Nam, không phải người Việt Nam mà là người nước ngoài. Cách hiểu này vừa phù hợp với xu hướng của đời sống quốc tế và luật quốc tế hiện nay, vừa phù hợp với đặc điểm tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cho phép chúng ta xử lý các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài hợp lý, hợp tình và công bằng.

Tuy khái niệm người nước ngoài ở Việt Nam được hiểu như đã trình bày ở trên, nhưng địa vị pháp lý của những người nước ngoài ở Việt Nam không giống nhau. Theo thông lệ quốc tế có thể chia thành các nhóm người sau:

ỉ Nhóm người có quốc tịch nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao, hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự bao gồm những người làm việc trong các cơ quan ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự và một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

ỉ Nhóm người có quốc tịch nước ngoài định cư tại Việt Nam, số này thông thường có xu hướng gia nhập quốc tịch Việt Nam và thôi quốc tịch nước ngoài, thường gặp ở những người lấy vợ hoặc chồng là người Việt Nam rồi ở lại làm ăn sinh sống tại Việt Nam hoặc cộng đồng người Hoa.

ỉ Nhóm người có quốc tịch nước ngoài thường trú ở Việt Nam để làm ăn, sinh sống lâu dài.

ỉ Nhóm người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam có thời hạn như học tập, làm ăn, du lịch.

ỉ Nhóm người không có quốc tịch. Đây là nhóm người không được bảo vệ ngoại giao từ bất cứ quốc gia nào.

1.2. Địa vị pháp lý của người nước ngoài ở Việt Nam

Địa vị pháp lý của người nước ngoài được hiểu là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài tại Việt Nam. Các quyền và nghĩa vụ này được ghi nhân trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của Nhà nước ta trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các quốc gia nước ngoài hữu quan và nguyên tắc chung đã nêu trong Hiến pháp.

ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đầy đủ địa vị pháp lý của người nước ngoài mà chỉ tập hợp những quy định riêng lẻ trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong các ngành luật khác nhau của hệ thống pháp luật Việt Nam như: Nhà nước, Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự... Bao trùm nhất, chung nhất, làm cơ sở để xác định địa vị pháp lý của người nước ngoài là quy định tại Điều 81 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng và tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam".

Khái quát lại chúng ta có thể nêu lên một số điểm cơ bản về địa vị pháp lý của người nước ngoài như sau:

ỉ Người nước ngoài được hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lý tương tự như công dân Việt Nam nếu như họ tham gia vào các quan hệ pháp lý.

ỉ Người nước ngoài không có đầy đủ các quyền cũng như nghĩa vụ phải thi hành như công dân Việt Nam.

ỉ Sự hạn chế về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài dựa trên quy định của pháp luật bao gồm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc thừa nhận.

Từ các đặc điểm này và các nhóm người nước ngoài như đã trình bày ở trên có thể chia ra các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người nước ngoài sau đây:

 

Quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao và lãnh sự dành cho những người nước ngoài công tác tại cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài, các cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đây là những ưu đãi đặc biệt nước ta dành cho nhóm người này trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan nói trên và thành viên của họ thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của họ tại Việt Nam.

 

Theo Công ước Viên năm 1961 (từ Điều 20 đến Điều 28), cơ quan đại diện ngoại giao có quyền:

s Bất khả xâm phạm về thân thể. Viên chức ngoại giao không thể bị bắt hoặc giam giữ dưới bất kỳ hình thức nào. Nước nhận đại diện phải đối xử với sự kính trọng thích đáng và có những biện pháp hợp lý để tránh xúc phạm đến thân thể, tự do và phẩm cách của họ.

s Bất khả xâm phạm về nhà ở, tài liệu, thư tín và phương tiện đi lại.

s Tự do đi lại trong phạm vi mà pháp luật nước sở tại quy định, trừ những vùng lãnh thổ có quy định riêng vì lý do an ninh và bí mật quốc gia.

s Miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính của nước sở tại trừ trường hợp các vụ kiện về sở hữu tư nhân, nghề tự do, hoạt động thương mại, thừa kế đối với viến chức ngoại giao với tư cách cá nhân.

s Miễn thuế

s Ưu đãi hải quan.

Những quyền này cũng dành cho thành viên gia đình viên chức ngoại giao nếu họ là người nước ngoài.

Bên cạnh các nhân viên ngoại giao, các quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho người nước ngoài trong các cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế được quy định tại Chương 4 Pháp lệnh Ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoài giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1973 nhìn chung giống như quyền ưu đãi, miễn trừ ngoài giao của cơ quan đại diện ngoại giao.

Quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự về cơ bản giống như quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao nhưng mức độ hạn chế hơn. Theo Công ước Viên năm 1963 cũng như Pháp lệnh Ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam như sau:

Viên chức lãnh sự có thể bị bắt hoặc bị tạm giữ để chờ xét xử trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng và theo quyết định của cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo Điều 43 Công ước Viên 1963, các viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự không chịu sự tài phán của cơ quan tư pháp hoặc hành chính có thẩm quyền nước tiếp nhận về hành động của mình trong khi thừa hành nhiệm vụ. Nhân viên cơ quan lãnh sự có thể được mời làm chứng trong quá trình tiến hành tố tụng về tư pháp hoặc hành chính, nhưng không bắt buộc phải cung cấp chứng cứ về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chức năng của mình.

Ngoài những vấn đề trên, nhân viên lãnh sự được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ khác như nhân viên cơ quan đại diện ngoại giao.

 

Quyền cư trú

Theo tinh thần Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam 1992 thì Nhà nước ta cho phép và bảo hộ tính mạng tài sản và quyền lợi hợp pháp của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nếu họ đến Việt Nam phù hợp với luật pháp Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhập cảnh, người nước ngoài phải đăng ký cư trú tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nơi cư trú của họ dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng tại địa phương mình. Không cho phép người nước ngoài đăng ký cư trú tại khu vực cấm người nước ngoài cư trú. Nếu người nước ngoài đăng ký thường trú hoặc tạm trú được Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao cấp giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú. "Giấy chứng nhận thường trú" bị thu hồi khi người đó đi định cư ở nước khác hoặc bị trục xuất. "Giấy chứng nhận tạm trú" có giá trị không quá 1 năm kể từ ngày cấp, có thể gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng; có thể bị huỷ bỏ nếu người tạm trú không còn lý do tạm trú hoặc bị trục xuất. Sau khi đã đăng ký, việc đi lại của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được quy định như sau:

s Người nước ngoài muốn vào khu vực cấm người nước ngoài cư trú, đi lại thì phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

s Ngoài khu vực cấm, người nước ngoài thường trú đi lại không phải xin phép.

s Người nước ngoài tạm trú đi lại trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đăng ký tạm trú và các địa phương khác phù hợp với mục đích tạm trú đã đăng ký thì không phải xin phép, trong trường hợp đến các địa phương ngoài phạm vi nói trên thì phải xin phép.

s Trong khi đi lại, nếu người nước ngoài lưu trú lại qua đêm ở ngoài nơi đã đăng ký cư trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật.

Như vậy, pháp luật Việt Nam cho phép người nước ngoài được cư trú nhưng phải chịu những hạn chế nhất định. Đây là một yêu cầu tất yếu để bảo vệ chủ quyền, quản lý và đấu tranh chống các hành vi phạm pháp, phạm tội của người nước ngoài. Đây cũng là một thông lệ quốc tế mà luật pháp của hầu hết các quốc gia đều đặt ra những hạn chế đối với người nước ngoài. Ví dụ: Sắc lệnh số 46-488 của nước Cộng hòa Pháp ghi rõ: "Bộ Nội vụ có thể thông báo những vùng mà người nước ngoài không được lưu trú vì lý do an ninh và không được ra ngoài những vùng đó, nếu không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" (Điều e). Luật cư trú của Bungari cũng quy định: "Để giữ gìn an ninh và trật tự xã hội, Bộ Nội vụ có thể giới hạn nơi sinh hoạt của ngoại kiều ở một số vùng nhất định" (Điều 16 khoản 2). Vấn đề này liên quan rất nhiều đến việc ra các quyết định của những cơ quan có thẩm quyền đối với những phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt tù nếu họ không bị trục xuất hoặc lưu lại Việt Nam để chờ quyết định trục xuất.

 

Quyền hành nghề: Về nguyên tắc, người nước ngoài được tự do lựa chọn nghề nghiệp theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn đối với một số nghề nghiệp đặc biệt và cấm không được làm một số nghề nhất định. Đối với các nghề cho thuê nhà nghỉ trọ, khắc con dấu; in và sao chụp (photocopy), sửa chữa súng săn, sản xuất đạn súng săn, cho thuê súng săn, kinh doanh có sử dụng đến chất nổ, chất độc mạnh, phóng xạ, nghề giải phẫu thẩm mỹ (thay đổi hình dạng, đặc điểm con người) thì người nước ngoài sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, trước khi triển khai việc kinh doanh phải có văn bản gửi Bộ Công an nói rõ về việc đầu tư, sản xuất kinh doanh, địa điểm, tên người chủ đầu tư và danh sách những người làm trong cơ sở.

Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, người nước ngoài không được làm những nghề sau:

s Không được trồng rừng, khai thác các loại làm thổ sản như gỗ, song, mây, tre... và các loại dược liệu.

s Không được làm nghề sửa chữa các loại máy thông tin, máy thu phát thanh, thu phát hình.

s Không được làm nghề lái xe, các loại phương tiện vận tải.

s Không được làm nghề in, khắc chữ.

s Không được làm Tổng biên tập báo, tạp chí; Tổng giám đốc, Giám đốc đài phát thanh, đài truyền hình. Không được làm nhà báo.

s Không được làm công chứng viên.

Trên đây chúng tôi đã trình bày một số nội dung về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó có thể rút ra một số kết luận sau: người nước ngoài có địa vị pháp lý khác biệt với người Việt Nam, nhưng họ được pháp luật Việt Nam bảo hộ và có quyền tham gia vào các quan hệ xã hội với người Việt Nam một cách bình đẳng, trong đó có các quan hệ pháp lý. Mặt khác, vì là người nước ngoài nên đồng thời được Nhà nước mà họ mang quốc tịch bảo hộ phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Địa vị pháp lý đặc biệt này được thể hiện trong các quan hệ pháp lý bình thường mà họ tham gia và trong các quan hệ pháp lý đặc biệt nảy sinh khi họ vi phạm pháp luật bị xử lý về mặt hình sự trở thành bị can, bị cáo hoặc phạm nhân.

1.3. Khái niệm phạm nhân là người nước ngoài và tổ chức thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài

Phần trên chúng tôi đã trình bày khái quát vấn đề: Thế nào là người nước ngoài? Trong phần này chúng tôi tiếp tục làm rõ vấn đề: Thế nào là phạm nhân người nước ngoài và việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài. Đây là những vấn đề lý luận chủ yếu đề tài có nhiệm vụ phải kiến giải.

Theo Điều 1 của Quy chế trại giam thì: "Phạm nhân là những người đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam". Như vậy, những người nước ngoài vi phạm pháp luật hình sự, bị kết án phạt tù được đưa vào trại giam thì trong thời gian ở trại giam họ là phạm nhân người nước ngoài. Người bị kết án phạt tù nhưng chưa đến trại giam thi hành án thì chưa phải là phạm nhân, chưa có các quyền và nghĩa vụ mới phải thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù.

Làm rõ khái niệm phạm nhân là người nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Một là: Để phân biệt với các bị can, bị cáo, bị án người nước ngoài ở các giai đoạn trước của tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử). Với địa vị pháp lý mới, phạm nhân có những quyền và nghĩa vụ mới nảy sinh mà ở các giai đoạn trước đó họ không có như: bị quản lý trong trại giam, bị hạn chế tự do đi lại, được lao động, học tập, gặp gỡ thân nhân... Hai là: Để phân biệt phạm nhân là người nước ngoài và phạm nhân Việt Nam. Tại Điều 36 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù quy định: "Người nước ngoài, người không có quốc tịch bị toà án Việt Nam kết án tù thì phải chấp hành hình phạt theo quy định của pháp lệnh này, nếu pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia không quy định khác" Quy định này chính là căn cứ pháp lý cơ bản nhất để lực lượng Cảnh sát trại giam dựa vào tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài. Hiện nay trong các hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký với các nước không có một điều khoản đặc biệt nào về thi hành án phạt tù của công dân các nước đó tại Việt Nam. Như vậy, về nguyên tắc việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài cũng tương tự như đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự phân biệt giữa quản lý nghiệp vụ của cơ quan thi hành án với quản lý hành chính tư pháp. Về mặt quản lý hành chính tư pháp, người nước ngoài không được xem xét như một chủ thể đặc biệt, không có một địa vị pháp lý riêng hay nói cách khác là không có quyền và nghĩa vụ gì đặc biệt so với phạm nhân là người Việt Nam. Trong thực tế, do tính chất đối tượng khác hẳn người Việt Nam, yêu cầu quản lý nghiệp vụ cũng phải có sự khác biệt, nhiều khi rất cơ bản mới có thể tổ chức thực hiện được nghiêm chỉnh bản án phạt tù. Trên lý thuyết, về địa vị pháp lý (quyền, nghĩa vụ) với tư cách phạm nhân, người nước ngoài không có gì khác người Việt Nam, nhưng việc tổ chức thi hành bản án lại làm nảy sinh rất nhiều vấn đề pháp lý mới mà khi xử lý, cơ quan thi hành án và các cơ quan hữu quan không thể xử lý theo cơ chế, trình tự như đối với mọi phạm nhân Việt Nam khác. Ba là: Để phân biệt giữa hoạt động tổ chức thi hành án phạt tù của trại giam (một trong những cơ quan thi hành án phạt tù) – nơi chấp hành phạt tù của phạm nhân với khái niệm quản lý Nhà nước và thi hành án phạt tù – để chỉ hoạt động của các cơ quan khác và người có trách nhiệm triển khai thi hành bản án quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật ở ngoài xã hội buộc những người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân phải đến trại giam để chấp hành bản án.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đi đến khái niệm về tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài như sau:

Thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài là hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật của trại giam để buộc những người nước ngoài bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân phải chấp hành bản án phạt tù tại trại giam nhằm mục đích giáo dục họ trở thành người lương thiện.

Như vậy, khái niệm tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài có nghĩa là dùng để chỉ hoạt động của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong việc quản lý, giam giữ phạm nhân là người nước ngoài trong thời gian họ ở trại giam. Khái niệm này nhằm phân biệt với thi hành án phạt tù nói chung và quản lý Nhà nước về thi hành án phạt tù. Từ khái niệm này, đề tài chỉ tập trung giải quyết những vấn đề có liên quan đến người nước ngoài trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Cảnh sát trại giam.

1.4. Cơ sở pháp lý về thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài tại Việt Nam

Nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn An ninh quốc gia bảo vệ chủ quyền đất nước, chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với việc thi hành án hình sự người nước ngoài đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, các hiệp định tương trợ pháp lý, hiệp định lãnh sự Việt Nam tham gia ký kết. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng làm cơ sở cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát trại giam. Ngoài ra còn phải kể thêm một nguồn nữa đó là các hiệp định đa phương mà Việt Nam thừa nhận hoặc tham gia ký kết như các Công ước quốc tế.

Hiện nay chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào riêng về thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài, nhưng ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có những đề cập ở các góc độ khác nhau về phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm nói chung và thi hành hình phạt hình sự nói riêng đối với người nước ngoài.

Tại Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Hình sự quy định: "Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Như vậy có nghĩa là với mọi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ nước ta dù chủ thể tội phạm là người Việt Nam hoặc không phải là người Việt Nam đều phải được phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn xử lý trên cơ sở luật pháp Việt Nam (trừ các đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự).

Tại Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà là công dân của nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hoạt động tố tụng được "tiến hành theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp" Như vậy, trong giai đoạn thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành án Việt Nam sẽ phải tuân thủ những điều ước trong các hiệp định Việt Nam đã ký kết (nếu có), trường hợp không có quy định thì tuân thủ theo luật của Việt Nam.

Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trục xuất người nước ngoài "đã bị toà án Việt Nam kết án về tội hình sự và đã chấp hành "Lệnh trục xuất" thì thủ trưởng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Trung ương hoặc Giám đốc Công an tỉnh có quyền tạm giữ để áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Tại Thông tư liên ngành số 01-TTLN của Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao quy định: "Đối với công dân nước ngoài và người không quốc tịch, cư trú làm ăn, sinh sống tại Việt Nam thì áp dụng luật pháp Việt Nam như đối với công dân Việt Nam (Mục đ, Điểm 1, Phần 1).

Cụ thể hoá việc thi hành án phạt tù, Điều 39 Quy chế trại giam quy định: "Phạm nhân là người nước ngoài được giam ở khu vực riêng của trại giam".

Các tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, chế độ lao động, học tập, nhận gửi thư, gửi quà, việc khiếu nại, tố cáo, việc xét giảm, tạm đình chỉ thi hành án, khen thưởng, kỷ luật đối với phạm nhân là người nước ngoài đến thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù và Quy chế này, "trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia có quy định khác".

Như vậy, dù ở các văn bản khác nhau cũng đều quy định việc thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài về cơ bản là như với người Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt Việt Nam đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thi hành án, việc tham gia ký kết các điều ước của Việt Nam còn rất đơn giản và thiếu. Chúng ta đã ký nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với các nước nhưng về phần thi hành án hầu như không có nội dung gì. Vấn đề thi hành án phạt tù được đề cập đến nhiều hơn trong các hiệp định lãnh sự, nhưng các nội dung đề cập trong những văn bản này còn quá chung chung và đơn giản. Ví dụ tại Khoản 1 và 3 Điều 39 Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Ba Lan quy định:

Cơ quan có thẩm quyền của Nước tiếp nhận lãnh sự thông báo ngay và không quá thời hạn 3 ngày cho viên chức lãnh sự biết về việc một công dân nước cử lãnh sự bị bắt, bị giam giữ hoặc bị hạn chế tự do dưới một hình thức nào khác...

Khi một công dân nước cử lãnh sự sau khi bị kết án, chịu xử phạt, bị tước quyền tự do viên chức lãnh sự có quyền đến thăm và giao thiệp với người này.

Về tổng quát các điều ước này chưa tạo ra khung pháp lý để giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thi hành bản án phạt tù đối với người nước ngoài. Chính vì vậy, trên thực tế (chúng tôi sẽ phân tích ở Chương II) cả về phía Việt Nam và nước ngoài đều gặp rất nhiều khó khăn khi phải giải quyết các vấn đề cụ thể trong quá trình thi hành bản án phạt tù.

Khi xem xét đến vấn đề địa vị pháp lý và tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với người nước ngoài, hoặc khi giải quyết những xung đột pháp lý xảy ra trong quá trình thi hành án phạt tù không thể thiếu được một căn cứ rất quan trọng làm nền tảng chung cho mọi quốc gia (trong đó có Việt Nam) đó là "Những nguyên tắc, tiêu chuẩn tối thiểu trong việc đối xử với tù nhân" được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về Phòng chống tội ác và đối xử với tội phạm tổ chức tại Giơnevơ năm 1955 và được Hội đồng kinh tế xã hội phê chuẩn bằng Nghị quyết 633C ngày 31/7/1957 và Nghị quyết 2067 ngày 13/5/1977. Trong đó chỉ ra những nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các loại phạm nhân trên thế giới. Chúng ta có thể dựa trên các nguyên tắc này để giam giữ phạm nhân của bất kỳ quốc gia nào dù có ký hay không ký các hiệp ước song phương về lãnh sự và tương trợ tư pháp với nước đó hay không. Chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản của Công ước:

Các loại tù nhân khác nhau sẽ giam giữ trong các nhà tù riêng hoặc các khu của nhà tù có tính đến tuổi, giới tính, hành vi phạm tội (Điều 8).

Tất cả các nhà tù không cho phép tù nhân mặc quần áo của mình. Tù nhân phải được cung cấp quần áo vừa với người phù hợp với khi hậu và đủ để giữ sức khoẻ. Những quần áo này không được quá cũ hoặc quá rách (Điều 17).

Mọi tù nhân được cung cấp có sự quản lý theo giờ thường lệ những thức ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khoẻ và thể lực, đủ số lượng và được nấu nướng tốt (Điều 20).

Kỷ luật và trật tự phải được duy trì chặt chẽ nhưng không được vượt quá sự cần thiết đối với việc giam giữ an toàn và đời sống cộng đồng có thật tự tốt (Điều 27).

Tù nhân có quốc tịch nước ngoài phải được giao tiếp với đại diện ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự của nước người đó mang quốc tịch.

Mọi tiền nong, đồ vật quý, quần áo và những đồ vật khác thuộc về người tù mà theo quy định của nhà tù anh ta không được phép giữ khi vào tù phải được cất giữ ở nơi an toàn. Việc cất giữ phải được người tù ký nhận (Điều 43).

Mọi tù nhân thi hành án đều phải lao động tuỳ theo sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình do cán bộ y tế xác định (Khoản 2 Điều 71).

 

Trong phạm vi cho phép, thực hiện giáo dục cho tù nhân phải được kết hợp với hệ thống giáo dục của nước đó sao cho sau khi được thả họ có thể tiếp tục việc học tập không gặp khó khăn (Điều 77).

Thực tiễn hoạt động của hệ thống trại giam Việt Nam về cơ bản không có gì mâu thuẫn hoặc trái với những nguyên tắc quốc tế này. Do đó, có thể coi các quy định của Công ước này là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để chúng ta tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài. Những quy định này cùng các quy định đơn hành khác trong các hiệp định song phương, hoặc các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam tuy chưa thành một hệ thống hoàn chỉnh về thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài nhưng cũng đã quy định được về cơ bản quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, trách nhiệm của các chủ thể tham gia thi hành án, xác định nguyên tắc xử lý, trình tự hoạt động khi giải quyết các xung đột, các vấn đề pháp lý nảy sinh trong trại giam.

Trong tương lai, để đảm bảo sự thống nhất về tổ chức và hoạt động thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài, chúng ta bắt buộc phải xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh dựa trên: Luật pháp quốc tế, các hiệp định song phương Việt Nam đã ký kết với các nước khác và Luật Hình sự, Tố tụng hình sự nước ta để tạo ra một khung pháp lý hoàn chỉnh cho lĩnh vực này.

1.5. Nội dung cơ bản của việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

Việc tổ chức thi hành bản án phạt tù của trại giam được quy định bởi hệ thống các thao tác, tác động vào phạm nhân từ khi họ bắt đầu đặt chân đến trại giam cho đến khi họ ra khỏi trại giam. Nói cách khác, đây là hoạt động của cơ quan thi hành án (trại giam) bảo đảm cho người bị kết án thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý đặc biệt của họ trong thời gian ở trại giam. Những nội dung cơ bản của hoạt động này gồm:

1.5.1. Tiếp nhận người bị kết án phạt tù vào trại giam

Nhận phạm nhân vào trại giam là hoạt động mở đầu của tổ chức thi hành án phạt tù. Theo quy định tại Điều 8 Quy chế trại giam, thì trại giam chỉ nhận các đối tượng vào trại giam khi trong hồ sơ có:

s Bản án phạt tù hoặc quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật.

s Quyết định thi hành bản án.

s Danh chỉ bản án của phạm nhân.

s Hồ sơ sức khoẻ.

s Những tài liệu khác có liên quan đến thân nhân phạm nhân (nếu có).

s Nhận xét thái độ chấp hành quyết định thi hành án, việc thi hành án tại nơi giam trước đây của phạm nhân (nếu là phạm nhân chuyển trại).

Với đối tượng là người nước ngoài cũng phải có đầy đủ các loại giấy tờ trên. Những giấy tờ này trước hết đảm bảo cho việc người bị đưa đến trại giam đúng là bị án trong bản án hoặc quyết định của toà án chứ không phải người nào khác. Ngoài ra, nó còn khẳng định đó là người nước ngoài hay không phải người nước ngoài để có biện pháp tổ chức quản lý thích hợp. Trên thực tế, do chưa thống nhất về nhận thức khái niệm người nước ngoài và do không được quyền quản lý hộ chiếu, chỉ dựa vào danh chỉ bản và lời khai của phạm nhân nên bản thân cơ quan thi hành án đã có lúc thống kê nhầm lẫn người Việt Nam là người nước ngoài, hoặc người nước ngoài này sang nước khác, hoặc nhầm lẫn giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài, kết quả là đã có lúc chúng ta tha cả người Việt Nam ra các nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc và bị những nước này không tiếp nhận vì không phải là công dân của họ.

1.5.2. Quản lý, giam giữ phạm nhân

Nội dung thứ hai của tổ chức thi hành bản án phạt tù là quản lý, giam giữ phạm nhân. Nghĩa là phạm nhân người nước ngoài được quản lý như thế nào trong thời gian họ ở trại giam.

Khi vào trại giam phạm nhân được học tập nội quy, quy chế trại giam, được sắp xếp vào các đội từ 20 – 30 người, trung bình 2 đội ở trong 1 buồng giam. Tất cả phạm nhân đều phải ở trong buồng giam, khi ra khỏi buồng giam phải có lệnh của Giám thị. Hàng ngày khi phạm nhân ra khỏi trại giam để đi lao động học tập sinh hoạt và khi trở về buồng giam đều phải kiểm danh, điểm diện. Phạm nhân giữa các buồng giam không được tự ý liên hệ gặp gỡ nhau. Phạm nhân không được tiêu tiền mặt (kể cả Việt Nam đồng và ngoại tệ) và sử dụng phiếu để mua hàng hoá trong căng tin của trại giam. Định kỳ hoặc bất thường, Giám thị trại giam có thể tổ chức kiểm tra người, tư trang, chỗ ở của phạm nhân.

Đúng ngày hết hạn chấp hành hình phạt tù, người chấp hành xong hình phạt tù được trả tự do. Giám thị trại giam ký giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù và trao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, trả lại đồ vật, tiền lưu ký, tiền vé xe, tiền thưởng lao động (nếu có) cho họ. Đối với người Việt Nam vấn đề này là một thủ tục hành chính đơn giản, nhưng đối với người nước ngoài đây là một điều bế tắc vì họ chỉ tạm trú ở Việt Nam mà theo luật pháp hiện hành, tại Điều 14 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam quy định sau khi chấp hành xong bản án phạt tù người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam. Trại giam không có tiền để cấp cho họ mua vé máy bay. Luật pháp của ta không quy định đầy đủ thủ tục thi hành hình phạt trục xuất. Nếu họ không có tiền và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc thân nhân gia đình phạm nhân không cấp vé máy bay và tiền ăn đường thì Cục quản lý trại giam lại phải đứng ra lo việc này, nhiều khi là số tiền rất lớn, nhưng không có một khoản ngân sách nào dành cho chi phí này. Ngoài ra, theo chức năng nhiệm vụ thì đây không phải là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát trại giam. Đó là chưa kể một số người nước ngoài có vợ con là người Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam. Bản thân họ không phạm tội nghiêm trọng mà chỉ là những tội do vô ý. Nếu trục xuất thì không cần thiết và gây ra những hậu quả xấu đối với cuộc sống vợ con, gia đình họ. Có trường hợp không thể trục xuất được vì họ còn có các nghĩa vụ pháp lý khác tiếp tục phải thi hành như hình phạt bổ sung bằng tiền.

Những quy định trên đây về quản lý giam giữ nhằm tước bỏ khả năng tiếp tục chống đối của phạm nhân, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho họ và quản lý chặt chẽ họ. ở nước ta, mỗi năm có nhiều lượt người vào và ra khỏi trại giam. Vì vậy, việc có những quy định chặt chẽ là cần thiết để hạn chế những sai sót, nhầm lẫn, thất lạc phạm nhân cũng như chống phá của họ là yêu cầu không thể thiếu được. Đặc biệt, đối với người nước ngoài vấn đề "thất lạc" phạm nhân sẽ nảy sinh nhiều phức tạp khác về pháp lý và ngoại giao không thể lường hết được.

1.5.3. Tổ chức ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chữa bệnh của phạm nhân

Theo quy định của Chính phủ, chế độ sinh hoạt của phạm nhân gồm: Mỗi phậm nhân được 2m2 bệ gạch men hay ván sàn hoặc giường. Tiêu chuẩn ăn tối thiểu mỗi tháng 15kg gạo thịt, cá 800g, đường 300g, rau xanh 15kg, nước chấm 0,5l. Mỗi năm được phát 2 bộ quần áo dài, 2 bộ quần áo lót, 2 khăn mặt, 1 đôi dép. Hàng tháng phạm nhân được cấp 0,2kg xà phòng, một năm được cấp 1 chiếu, 4 năm được cấp 1 màn, 1 chăn. Trong thời gian ở trại, phạm nhân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần. Nếu ốm phạm nhân được điều trị tại bệnh xá của trại hoặc đưa vào cơ sở y tế chuyên khoa của địa phương. Chế độ như trên về cơ bản phù hợp với nhu cầu tối thiểu của người Việt Nam, nhưng với những người Mỹ, Nhật, Châu Âu thì mức này quá thấp. Khi phạm nhân chết, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan y tế gần nhất để lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết và thông báo cho thân nhân gia đình biết. Sau 24 giờ nếu thân nhân họ không đến thì tổ chức chôn cất. Quy định này trên thực tế chỉ thực hiện được với người nước ngoài có thân nhân ở Việt Nam. Các trường hợp khác, hầu như trại giam không thông báo cho gia đình họ cũng như cơ quan lãnh sự biết. Đây là một thiếu sót cần được khắc phục.

Trong quá trình thi hành án, phạm nhân được hoạt động thể dục, văn hoá, thể thao, văn nghệ, được đọc sách báo, nghe đài tiếng nói Việt Nam và xem vô tuyến truyền hình.

Tóm lại, việc đảm bảo chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt của phạm nhân là một yêu cầu khách quan không thể thiếu được giúp cho họ có đủ sức khỏe, phát triển bình thường về tâm lý, thể chất để có thể chấp hành đầy đủ hình phạt tù, đồng thời cũng chứng tỏ thái độ nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với phạm nhân. Ngoài ra, vấn đề này có một ý nghĩa quan trọng nữa là chống các thế lực thù địch lợi dụng để làm phức tạp các vấn đề ngoại giao, cũng như vu cáo chúng ta vi phạm quyền con người của phạm nhân.

1.5.4. Tổ chức lao động, học tập cho phạm nhân

Phạm nhân là người nước ngoài được chia thành các tổ đội để đi lao động, học tập và sinh hoạt. Phạm nhân phải lao động mỗi ngày 8 giờ, được nghỉ các ngày lễ, chủ nhật, tết theo quy định chung của Nhà nước. Ngoài giờ lao động theo quy định chung, trại giam có thể tổ chức cho phạm nhân lao động cải hiện cho bữa ăn theo nguyện vọng cá nhân.

Phạm nhân được học văn hoá để xoá mù chữ. Tất cả phạm nhân được nghe phổ biến thời sự chính sách, được học các chương trình giáo dục công dân vào thời gian thích hợp (mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi học 2 giờ). Trong từng nhà giam có thể tổ chức Ban tự quản của phạm nhân. Ban tự quản do Hội nghị hàng năm của phạm nhân bầu và được Giám thị ra quyết định công nhận.

Việc tổ chức lao động, học tập cho phạm nhân là người nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Chỉ có trên cơ sở tham gia một cách tích cực vào các loại hình hoạt động này họ mới không nhàn cư vi bất thiện, hoàn thiện dần dần nhân cách cá nhân, nhận thức ra sai phạm của bản thân, hiểu và tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của Việt Nam. Nếu chỉ đơn thuần giam giữ chặt chẽ phạm nhân như trong thời kỳ tạm giam, không bắt buộc phạm nhân phải lao động hoặc có bất kỳ hoạt động nào khác sẽ không đạt được hiệu quả giáo dục và không có sự chuẩn bị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái hoà nhập của họ với cộng đồng sau khi ra khỏi trại giam. Mặt khác, các quy định của chúng ta cũng phù hợp với những chuẩn mực quốc tế về thi hành án phạt tù. Trong "Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với phạm nhân" được thông qua và công bố theo Nghị quyết Đại hội đồng số 45/111 ngày 14/12/1990 có ghi: "Tất cả các tù nhân sẽ có quyền tham gia vào các hoạt động văn hoá, giáo dục nhằm phát triển đầy đủ nhân cách" (Điều 6) và "Phải thực hiện và khuyến khích những nỗ lực nhằm xoá bỏ hình phạt biệt giam hoặc hạn chế sử dụng nó" (Điều 7).

1.5.5. Tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư, quà, khiếu tố

Pháp luật thi hành án phạt tù Việt Nam cho phép mọi phạm nhân được gặp thân nhân mỗi tháng 1 lần, mỗi lần không quá 1 giờ, trừ những lần Giám thị đồng ý có thể được gặp lâu hơn nhưng cũng không quá 3 giờ. Phạm nhân ở trại loại 2, loại 3 có nhiều cố gắng trong lao động, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy chế, nội quy của trại giam được gặp gỡ thân nhân từ 24 giờ đến 48 giờ. Đối với phạm nhân thuộc trại loại 1 nếu có thành tích đặc biệt cũng được Giám thị trại xét cho gặp thân nhân (là vợ hoặc chồng) đến 24 giờ.

Phạm nhân ở các trại loại 2, loại 3 được gửi mỗi tháng 2 lá thư, phạm nhân ở trại loại 1 được gửi mỗi tháng 1 lá thư, các thư gửi và nhận đều phải qua kiểm duyệt.

Phạm nhân ở trại loại 2, loại 3 mỗi tháng được nhận 1 gói quà (không quá 7kg). Phạm nhân ở trại loại 1 mỗi tháng được nhận 1 gói quà (không quá 5kg). Phạm nhân được gửi đơn thư khiếu nại tố cáo đến các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan cấp trên của trại giam. Các cơ quan, đơn vị khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của phạm nhân phải xác minh, làm rõ và trả lời cho phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

1.5.6. Tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù

Tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là những chế định pháp luật rất quan trọng. Phạm nhân sẽ được xem xét để tạm đình chỉ thi hành án phạt tù hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù khi có đủ điều kiện theo luật định. Cụ thể, theo Điều 62 Luật Hình sự thì những người sau đây có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù:

s Bị bệnh nặng được tạm đình chỉ cho đến khi sức khỏe được phục hồi.

s Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

s Là người lao động duy nhất trong gia đinh, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được tạm đình chỉ đến 1 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

s Bị kết án về một tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ thì được tạm đình chỉ đến một năm.

Việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù áp dụng với những người có nhiều tiến bộ nếu đã chấp hành được 1/3 mức án đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải đảm bảo chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

Chế định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thể hiện tính chất nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội, đồng thời cũng là đòn bẩy kích thích phạm nhân nghiêm chỉnh chấp hành bản án, không vi phạm quy chế, nội quy trại giam. Tuy nhiên, đối với phạm nhân là người nước ngoài, chúng ta ít có điều kiện để họ bộc lộ đầy đủ và chứng minh "quyết tâm cải tạo", "có tiến bộ" để được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

1.5.7. Tha phạm nhân ra khỏi trại giam

Quá trình tổ chức thi hành một bản án phạt tù của trại giam bắt đầu từ khi họ đặt chân đến trại giam và kết thúc sau khi họ hết án được tha ra khỏi trại giam.

Theo quy định của Quy chế trại giam, trước kh hết thời hạn 2 tháng, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương nơi phạm nhân sẽ về cư trú biết. Đúng ngày hết hạn, Giám thị trại giam ký giấy ra trại, cấp tiền tầu, xe, tiền ăn đường, trả lại tài sản gửi lưu ký của họ và đư họ ra khỏi trại giam. Đến đây bản án phạt tù đã thi hành xong, trại giam coi như đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây là một thao tác hành chính rất đơn gian, chỉ cần 1 cán bộ hồ sơ làm trong vòng 10 phút, nhưng trên thực tế đối với người nước ngoài vấn đề này không đơn giản, nhiều khi phải mất hàng năm trời và huy động tổng hợp nhiều cơ quan mới tổ chức thực hiện được (Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ở thực trạng trong chương II).

Trên đây, chúng tôi đã trình bày những nội dung chủ yếu của việc tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân. Quá trình này bao gồm hoạt động của hai đối tác: cơ quan thi hành án (trại giam) và phạm nhân. Trong đó trách nhiệm tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài là công việc thuộc thẩm quyền (chủ thể tổ chức thực hiện) chủ yếu của Ban giám thị các trại giam đảm bảo cho bản án và quyết định của Toà án được thực hiện với nhiệm vụ khi vào trại giam họ là đối tượng phạm tội, khi ra khỏi trại giam họ là người lương thiện. Tổ chức thi hành bản án phạt tù trong trại giam thực chất là quản lý chặt chẽ người bị kết án phạt tù, tước bỏ các điều kiện tự do hoạt động của họ trong một thời gian nhất định, không cho họ tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, đồng thời cũng là sự trừng phạt của luật pháp, bắt buộc phạm nhân phải trả giá cho tội phạm mà họ đã gây ra. Bên cạnh đó, trại giam còn có nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng sức khỏe và tổ chức các hoạt động giáo dục để làm chuyển biến nhận thức và hành động của họ. Việc giáo dục phạm nhân, quản lý phạm nhân nói chung, phạm nhân là người nước ngoài nói riêng rất phức tạp, cần phải có thời gian, điều kiện vật chất, kỹ năng và nghệ thuật sư phạm của các cán bộ quản lý. Như vậy tổ chức thi hành án phạt tù cho phạm nhân người nước ngoài là một dạng hoạt động mang tính tổ chức và điều chỉnh bằng phượng tiện pháp luật chặt chẽ, nghiêm cẩn để các quyền và nghĩa vụ pháp luật của phạm nhân được thực hiện đầy đủ. Đồng thời đây còn là một quá trình giáo dục mà chủ thể giáo dục là cán bộ quản lý, khách thể giáo dục là phạm nhân và môi trường giáo dục là trại giam. Quá trình tổ chức và điều chỉnh bằng các phương tiện pháp luật là các cơ quan Nhà nước dùng tổ chức bộ máy, phương tiện, cán bộ và các quy định của luật pháp buộc các chủ thể và khách thể của quá trình thi hành án phải hành động hoặc không được hành động theo các tiêu chí cụ thể trong các quan hệ xã hội nhất định nhằm đảm bảo an toàn trại giam cũng như quyền lợi của chính phạm nhân. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp vì không thể coi phạm nhân người nước ngoài như phạm nhân người Việt Nam vì họ có những đặc thù riêng về phong tục, tập quán, ngôn ngữ và các quan hệ pháp lý khác do họ là người nước ngoài. Trong quá trình thi hành án nảy sinh ra những vấn đề pháp lý cũng như các xung đột pháp luật khác có lịch sử lâu dài là Hình sự và Tố tụng hình sự. Ngoài ra, trong quá trình thi hành án phạt tù, phạm nhân là người nước ngoài còn được quan tâm, bảo vệ của quốc gia mà họ mang quốc tịch thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định lãnh sự mà Việt Nam đã ký, cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đóng trên đất Việt Nam. Mặt khác, vấn đề thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách khai thác để sử dụng vào các mục đích chính trị của họ đối với nước ta. Chính vì vậy, trong tổ chức thi hành án phạt tù việc quản lý và điều chỉnh bằng pháp luật đối với loại đối tượng này phải rất chặt chẽ và giữ vị trí chủ yếu.

Mặc dù người nước ngoài không phải là công dân Việt Nam, nhưng quá trình giam giữ cũng đồng thời là quá trình giáo dục họ để họ trở thành người lương thiện. Việc giúp đỡ để những người tù tiến bộ trước hết xuất phát từ lợi ích của chính cơ quan thi hành án, nhằm đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ, đồng thời cũng là dịp để họ tìm hiểu và có thái độ đúng đắn về hệ thống luật pháp, đất nước, con người Việt Nam, cũng như sau này không tái phạm, không gây ra những nguy hiểm cho xã hội ở tổ quốc họ. Tuy nhiên, giáo dục người nước ngoài rất khó khăn vì khả năng của đội ngũ cán bộ quản lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, đặc điểm tâm lý, nên nhiều nội dung giáo dục như văn hoá, thẩm mỹ, đạo đức không thể thực hiện hoặc hiệu quả rất hạn chế. Vì vậy, trong tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài giữa quản lý và giáo dục thì việc quản lý bằng pháp luật và nghiệp vụ công an giữ vị trí chủ yếu, quan trọng hơn cả.

 

2. Những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

2.1. Tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia hoặc ký kết

Hoạt động thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài là một khâu của quá trình tố tụng hình sự và là một hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, do có yếu tố nước ngoài nên hoạt động này phải vừa đảm bảo không vi phạm chủ quyền quốc gia vừa không gây tổn hại cho chính sách đối ngoại. Điều đó có nghĩa là phạm nhân có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không chỉ pháp luật Việt Nam là nguyồn duy nhất để điều chỉnh địa vị pháp lý của phạm nhân là người nước ngoài, bởi vì vấn đề đối xử với phạm nhân có liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam thừa nhận hoặc ký kết. Đây là một nội dung tương đối đặc thù do địa vị pháp lý của người chấp hành án vừa là phạm nhân vừa là người nước ngoài tạo ra. Từ khi vào trại giam, hay nói cách khác từ một công dân tự do nước ngoài đang sống ở Việt Nam trở thành phạm nhân của Việt Nam dường như họ có được nhiều quyền hơn trước. Khi còn ở ngoài xã hội, theo thông lệ quốc tế họ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Luật pháp Việt Nam không chấp nhận cho người nước ngoài được hưởng các quyền và nghĩa vụ mà luật nước ngoài dành cho công dân của họ. Luật pháp các nước có thể cho công dân của họ các quyền này quyền khác nhưng luật pháp Việt Nam khước từ các quyền đó và như vậy sự cho phép đó không tạo ra hậu quả pháp lý gì khi công dân của họ sống trên đất Việt Nam. Tuy nhiên, khi không còn là công dân bình thường mà trở thành phạm nhân thì lại có nhiều vấn đề pháp lý nảy sinh hơn do địa vị một phạm nhân là người nước ngoài gây ra. Khi trở thành phạm nhân, họ là đối tượng điều chỉnh trước hết của hai văn bản mang tính quốc tế, đó là: "Những nguyên tắc, tiêu chuẩn tối thiểu trong việc đối xử với tù nhân" (Được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về phòng chống tội ác và đối xử với tội phạm tổ chức tại Giơnevơ năm 1955 và được Hội đồng kinh tế xã hội phê chuẩn bằng Nghị quyết số 663C (XXIV) ngày 31/7/1957 và 2067 (LXH) gnày 13/5/1977), "Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân" (Được thông qua và công bố theo Nghị quyết đại hội đồng số 46/111 ngày 11/12/1990). Ngoài ra, địa vị pháp lý của phạm nhân người nước ngoài cũng có thể là đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế song phương (các hiệp định lãnh sự, tương trợ tư pháp và pháp lý, cam kết, ghi nhớ...) giữa Việt Nam và một số quốc gia.

Như vậy, khi ở ngoài xã hội không có sự khác biệt đáng kể giữa người Việt Nam và người nước ngoài nhưng trong trại giam sẽ có hai nhóm phạm nhân với những chế độ pháp lý không giống nhau. Dĩ nhiên, việc tổ chức thi hành bản án của hai nhóm này cũng có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là phải có những ưu đãi, đặc quyền dành cho phạm nhân người nước ngoài. Như đã trình bày ở trên, pháp luật nước ta không thừa nhận sự vận hành của pháp luật nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tức là địa vị pháp lý của người nước ngoài trong đó có phạm nhân phải được xác định theo pháp luật Việt Nam. Tại Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam năm 1992 có ghi:

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam của người nước ngoài, bảo hộ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp khác của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam trên cơ sở pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hay tham gia.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Việt Nam.

Tại Điều 34 của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù ghi nhận: Phạm nhân là người nước ngoài được giam ở khu vực riêng trong trại giam. Xuất phát từ đây các tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, chế độ lao động, học tập, nhận, gửi thư, gửi quà, việc khiếu nại, tố cáo, việc xét giảm, tạm đình chỉ thi hành án, khen thưởng, kỷ luật đối với phạm nhân là người nước ngoài đều thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế trại giam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia có quy định khác.

Trên tinh thần của các quy định này thì người nước ngoài phạm tội bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân của toà án Việt Nam phải được áp dụng luật Việt Nam trong tổ chức thi hành án, đồng thời phải nêu được địa vị pháp lý của họ, các quyền và nghĩa vụ của họ mà pháp luật nước ta thừa nhận để quản lý giáo dục họ, nhất là để giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh khi thực hiện các chế định tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha phạm nhân ra trại hoặc khi phạm nhân phạm tội mới, chết, trốn...

Quan điểm này phải được phổ biến, thấm nhuần đến từng cán bộ, chiến sỹ công tác tại các trại giam cũng như phổ biến giáo dục cho phạm nhân là người nước ngoài hiểu, nắm được, để thực hiện đúng trong quá trình chấp hành án. Quan điểm này đòi hỏi phải đấu tranh và khắc phục sai lầm: Một là: Coi phạm nhân người nước ngoài như phạm nhân người Việt Nam, từ đó dẫn đến cách tổ chức quản lý giáo dục bình thường, không có gì khác với phạm nhân Việt Nam nhất là khi xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án. Hai là: Hữu khuynh, nương nhẹ, chỉ tổ chức giam giữ một cách thuần tuý, sợ va chạm với phạm nhân vì họ là người nước ngoài.

 

2.2. Nguyên tắc thống nhất một đầu mối trong thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài

Vấn đề thi hành án phạt tù nói chung dựa trên nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án phạt tù. Chính phủ lại giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thi hành án phạt tù đối với các bản án do Toà án quân sự và Toà án nhân dân tuyên.

Nguyên tắc này đảm bảo cho hoạt động thi hành án phạt tù được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất tuân thủ pháp luật và đạt hiệu quả, khắc phục tình trạng chia rẽ, cát cứ, thiếu sự phối hợp trong quá trình thi hành bản án phạt tù.

Thực tế hiện nay việc thi hành bản án phạt tù đối với người nước ngoài chưa hoàn toàn giao cho lực lượng Cảnh sát trại giam đảm nhận. Các trại giam của Bộ Quốc phòng cũng có thể giam giữ người nước ngoài nếu như các đối tượng này bị Toà án Quân sự xét xử. Trong ngành Công an còn nhiều lực lượng tham gia phối hợp (Tổng cục I, A18, A24, V12, V11). Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác có liên quan đến Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Bộ đội biên phòng. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức này, nhưng trong thực tế bộc lộ rất nhiều lúng túng, vướng mắc làm giảm hiệu quả thi hành án. Chỉ có một cơ chế tập trung thống nhất mới có thể khắc phục được những sơ hở thiếu sót trong quản lý, đảm bảo cho sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành Công an, giữa các biện pháp hành chính và nghiệp vụ, giữa yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và đối ngoại.

 

Chương II

Thực trạng tổ chức thi hành án phạt tù
đối với phạm nhân là người nước ngoài
bị kết án phạt tù tại việt nam

1. Tình hình đặc điểm phạm nhân có quốc tịch nước ngoài

1.1. Diễn biến tình hình số liệu phạm nhân

Mặc dù số người nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất nhiều và số phạm pháp, phạm tội hàng năm rất lớn nhưng trên thực tế, số phạm nhân là người nước ngoài trong nhiều năm qua tăng lên không dáng kể (biểu 1).

Biểu 1: Số liệu phạm nhân có quốc tịch nước ngoài

Năm bắt

1996

1997

1998

1999

Cộng

Các tội ma tuý

2

9

5

15

31

Hoạt động tư pháp

0

0

2

0

2

Kinh tế

0

0

0

1

1

Mục A

3

0

0

3

6

Mục B

10

15

10

12

47

XP hôn nhân

1

0

0

0

1

XP sở hữu XHCN

0

0

0

1

1

XP sở hữu công dân

6

6

2

14

28

XP tính mạng

9

7

3

7

26

Tổng

31

37

22

53

143

Qua biểu trên cho thấy số lượng đối tượng là người nước ngoài bị kết án phạt tù hàng năm tăng lên không đáng kể, thậm chí có năm còn giảm so với năm trước (1998). Tuy vậy, không có nghĩa là tình trạng phạm pháp, phạm tội của người nước ngoài ít, mà chủ yếu vì do địa vị pháp lý đặc biệt của loại đối tượng này có liên quan đến chính sách đối ngoại, bị ràng buộc bởi quan hệ quốc tế nên chính sách xử lý có khác với người Việt Nam. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các trường hợp nước ngoài phạm tội (trừ trường hợp được ưu đãi miễn trừ ngoại giao) thì việc bắt, giam giữ, xét xử như là người Việt Nam, nhưng trong thực tiễn không hoàn toàn như vậy mà có sự cẩn trọng, "nương nhẹ" nhất định. Chẳng hạn khi bắt, khởi tố, điều tra xét xử các vụ án có yếu tố nước ngoài đều phải thực hiện chế độ thông tin báo cáo đặc biệt, phải xin ý kiến lãnh đạo cấp trên trước khi áp dụng biện pháp ngăn chặn (trừ trường hợp quả tang hay khẩn cấp). Nhiều trường hợp phải xin ý kiến quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Quá trình điều tra không chỉ chặt chẽ về trình tự tố tụng hình sự mà còn phải cân nhắc về chính trị, ngoại giao, nhằm đảm bảo kỷ cương luật pháp Việt Nam đồng thời lại hết sức "mềm dẻo" tránh để những phần tử thù địch vu cáo chúng ta về "dân chủ", "nhân quyền". Vì vậy, nhiều vấn đề phải xử lý về công pháp nhưng lại đưa ra giải pháp xử lý tư pháp. Nhiều đối tượng đáng lẽ phải xử lý bằng hình phạt tù nhưng chúng ta lại đẩy đuổi, trục xuất, cảnh cáo, xử phạt hành chính. Thậm chí ngay việc định tội danh (nhất là với các tội xâm phạm an ninh quốc gia) cũng là cả một nghệ thuật. Nhiều khi chúng ta phải truy tố về một tội danh khác không để cho các thế lực thù địch kiếm cớ bôi nhọ, vu khống ta về nhân quyền, vừa giữ vững được chủ quyền và an ninh quốc gia, trấn áp được tội phạm vừa tranh thủ được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là trường hợp xử lý các vụ Lý Tống, Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Ngọc Đạt... Chính vì vậy, hoạt động phòng chống tội phạm do người nước ngoài gây ra của chúng ta có hiệu quả, nhưng tỷ lệ bị xử án phạt tù rất thấp (năm 1996 chúng ta bắt giữ xử lý 262 đối tượng phạm pháp, phạm tội nhưng chỉ có 31 đối tượng bị kết án phạt tù, chiếm tỷ lệ 1/8). Có thể hiểu những đối tượng là người nước ngoài bị kết án phạt tù là kết quả của cả một sự cân nhắc xem xét, tính toán rất thận trọng của nhiều cấp, nhiều ngành chứ không đơn thuần như đối với phạm nhân khác là người Việt Nam. Do đó, tuy phạm pháp nhiều nhưng người nước ngoài là phạm nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số đối tượng phạm pháp.

1.2. Trình độ văn hoá, hiểu biết của phạm nhân là người nước ngoài

Một đặc điểm chung là trình độ văn hoá của phạm nhân nước ngoài tương đối thấp, không chỉ so với mặt bằng văn hoá của nước họ mà cả so với người Việt Nam.Trong số phạm nhân chỉ có 11,4% có trình độ văn hoá phổ thông trung học nhưng lại có tới 6,5% trình độ tiểu học và 21% mù chữ. Như vậy phạm nhân có quốc tịch nước ngoài thuộc nhóm có văn hoá thấp. Đó cũng là tình hình chung phù hợp với tình hình tội phạm ở Việt Nam và toàn thế giới. Phạm nhân bao giờ cũng thuộc nhóm người có trình độ văn hoá thấp nhất (ở Mỹ tội phạm được thực hiện chủ yếu trong nhóm người da đen, người di cư – những nhóm người có văn hoá thấp nhất). Do trình độ văn hoá thấp nên họ không có điều kiện kiếm được những việc làm có tính chất "trí tuệ", thu nhập thấp. Lao động thuần tuý cơ bắp là chính. Do sự căng thẳng mệt mỏi của công việc lại ít có khả năng tự kiềm chế, dễ tìm đến các kết thúc như rượu chè, cờ bạc, ma tuý, từ đó từng bước dẫn đến con đường phạm tội. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, số người nước ngoài có mặt ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu gồm những người sang Việt Nam làm việc và những người du lịch. Những cán bộ công nhân trong các công ty, tập đoàn kinh tế đa phần đều là những nhà chuyên môn, được chọn lựa và quản lý theo kỷ luật của các tổ chức kinh tế, ít có điều kiện tham gia vào các quan hệ xã hội một cách đầy đủ, do đó khả năng phạm pháp, phạm tội ít. Số phạm pháp, phạm tội chủ yếu là người Hoa, người Campuchia không có nghề nghiệp, sinh viên học kém, những người du lịch thuộc dạng những người sang làm ăn tự do, "tây ba lô", nhập cảnh trái phép... là nhóm người có vị trí xã hội rất thấp ở ngay tổ quốc họ. Đặc điểm trình độ văn hoá thấp cũng tạo ra nhiều thuận lợ cho công tác quản lý, giam giữ của ta. Họ không có các hoạt động chống đối "trí tuệ" trong quá trình thi hành án. Nếu chúng ta thực hiện đúng chế độ, chính sách, pháp luật, đảm bảo đủ các điều kiện sống, sinh hoạt bình thường cho họ thì quá trình tổ chức thi hành án phạt tù đơn thuần chỉ là quá trình "nhốt" họ trong trại giam cho đến hết thời hạn. Cơ quan thi hành án chỉ cần tập trung đối phó với các vấn đề pháp lý đặc biệt xảy ra trong quá trình thi hành án chứ ít phải quan tâm đến đối sách trong tổ chức giam giữ họ hàng ngày.

Bên cạnh nhóm trình độ văn hoá thấp, một số phạm nhân có trình độ văn hoá cao (khoảng 1,2% có trình độ văn hoá đại học). Tuy nhiên, đây chủ yếu là người nước ngoài gốc Việt Nam. Tuy là người nước ngoài nhưng thực chất họ là người Việt Nam. Số này đa phần phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia như Lý Tống, Nguyễn Đan Quế, Phạm Văn Thành... Số này có trình độ văn hoá, lại có ý thức chính trị chống đối, do bản chất căm thù chế độ cùng với tư cách công dân nước ngoài nên gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án phạt tù đối với họ. Tuy nhiêu, do ý thức mình là những "tù nhân chính trị", số này bề ngoài tuân thủ nghiêm chỉnh quy chế, nội quy trại giam, tôn trọng cán bộ, không bộc lộ, không làm những gì để có thể bị xử kỷ luật. Quản lý, giáo dục số này luôn luôn chứa đựng những yếu tố bùng nổ, nguy hiểm nhưng đồng thời ít phải đối phó với những vụ việc xảy ra hàng ngày như trốn trại, cướp súng, đánh nhau, trộm cắp,...

1.3. Độ tuổi phạm nhân

Kết quả nghiên cứu khảo sát toàn bộ số phạm nhân là người nước ngoài cho thấy tuổi trung bình của loại đối tượng này cao (biểu 2)

Biểu 2: Độ tuổi phạm nhân có quốc tịch nước ngoài

Độ tuổi

18 – d30

30 – d45

45 – d60

≥ 60

D18

Cộng

Các tội ma tuý

7

19

4

0

0

31

Hoạt động tư pháp

1

1

0

0

0

2

Kinh tế

0

1

0

0

0

1

Mục A

1

3

2

0

0

6

Mục B

14

26

6

1

0

47

XP hôn nhân

0

1

0

0

0

1

XP sở hữu XHCN

1

0

0

0

0

1

XP sở hữu công dân

12

14

1

0

1

28

XP tính mạng

10

12

4

0

0

26

Tổng

46

77

17

2

1

143

 

Qua biểu trên cho thấy lứa tuổi dưới 30 chiếm 28%; từ 30 đến 45 chiếm 50%. Như vậy có thể nói đây là độ tuổi trung bình không quá già, không quá trẻ. ở độ tuổi này phạm nhân đã đủ độ chín chắn để suy nghĩ, hành động sao cho có lợi nhất đối với bản thân, biết kiềm chế các xung đột bản thân.

Do không còn ở lứa tuổi trẻ, cộng với sự ít hiểu biết về địa lý, tình hình xã hội, con người Việt Nam, nên những hoạt động có tính chất manh động bột phát ít khi diễn ra. Nhìn chung số này sống trầm lặng, ít vi phạm nội quy kỷ luật. ít có điều kiện và trên thực tế chưa xảy một vụ trốn trại, chống đối cán bộ, gây án, phạm tội mới nào của phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài (ngoại trừ hai vụ trốn của Lý Tống ở Xuân Phước, Trần Mạnh Quỳnh ở trại Nam Hà. Nhưng đây là những đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia gốc Việt Nam). Vì vậy, như đã trình bày ở trên, tuy không được phép mất cảnh giác nhưng việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài không cần phải tập trung nhiều vào đối sách nghiệp vụ (ngoại trừ số xâm phạm an ninh quốc gia gốc Việt Nam) mà cần tập trung vào thực hiện chế độ chính sách, pháp luật đối với họ.

1.4. Đặc điểm về địa vị xã hội, nghề nghiệp

Địa vị xã hội, nghề nghiệp của mỗi con người nói chung và phạm nhân nói riêng có liên quan rất nhiều đến việc hình thành và phát triển các thuộc tính tâm lý cá nhân của họ. Vì vậy việc nghiên cứu địa vị xã hội, nghề nghiệp phạm nhân là một yêu cầu không thể thiếu được của cơ quan thi hành án phạt tù.

Nhìn chung, số phạm nhân quốc tịch nước ngoài có địa vị xã hội thấp: Làm nông nghiệp 21,6%, làm ăn tự do 38,4%; kinh doanh 4,4%, làm các nghề thuộc lĩnh vực lao động trí óc 4,2%; không nghề 31,4%. Như vậy, số có nghề nghiệp, có chuyên môn cao hơn một chút so với phạm nhân Việt Nam phạm các tội hình sự trong các trại giam của Bộ Công an (68,4% làm nông nghiệp và không nghề). Tuy nhiên, đây cũng là nhóm có trình độ chuyên môn thấp không chỉ so với công dân nước họ mà cả công dân Việt Nam đang ở ngoài xã hội. Trong thang bậc xã hội, nghề nghiệp địa vị xã hội thấp làm cho con người thiếu điều kiện để phát huy khả năng sở trường của mình. Địa vị xã hội thấp không chỉ ảnh hưởng đến mức sống bản thân, gia đình mà còn tạo ra những đặc điểm tâm lý, thói quen ứng xử, nếp sống văn hoá thấp. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến họ không làm chủ được bản thân, tự mình hoặc mù quáng bị lôi kéo đi vào con đường phạm tội.

Do trình độ tay nghề chuyên môn thấp nên lao động của phạm nhân chỉ bó hẹp trong các hoạt động lao động chân tay giản đơn, năng suất thấp. Lao động của phạm nhân vừa ít hiệu quả kinh tế và rất khó trở thành một phương tiện để tác động giáo dục họ. Vấn đề đặt ra cho công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài là phải tổ chức và hướng họ vào các hoạt động lao động sản xuất để khắc phục tâm lý nhàm chán, nhàn cư vi bất thiện cũng như giữ gìn nâng cao sức khỏe là một yêu cầu bắt buộc với loại đối tượng này.

Cũng từ sự phân tích này, chúng ta có thể yên tâm tổ chức các loại hình lao động như đối với phạm nhân Việt Nam không phải nghĩ đến yếu tố nước ngoài để chiếu cố trong lao động bởi vì về bản chất số này cũng không có sự khác biệt đáng kể với người Việt Nam về mức sống, nghề nghiệp và văn hoá. Lao động cơ bắp, lao động giản đơn, lao động nông nghiệp, thủ công nghiệp đang là loại hình chủ yếu ở trại giam Việt Nam cũng phù hợp với họ và hoàn toàn cần thiết phải tổ chức hoặc bắt buộc họ tham gia lao động bình thường. Không vì lý do họ là người nước ngoài mà châm chước chiếu cố dẫn đến sự không công bằng giữa phạm nhân Việt Nam và phạm nhân nước ngoài.

1.5. Quốc tịch

Từ sự phân tích quốc tịch cho thấy phạm nhân là người nước ngoài rất đa dạng về quốc tịch (biểu 3).

Biểu 3: Thống kê quốc tịch phạm nhân là người nước ngoài

 

Quốc tịch

Anh

úc

CPC

Canada

Đ.Loan

H.Kông

H.Lan

T.Lan

Lào

Mỹ

Singapo

T.Quốc

Khác

Cộng

Cấc tội ma tuý

0

1

1

1

0

0

0

0

20

1

0

7

0

31

Hoạt động tư pháp

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

2

0

2

Kinh tế

0

0

1

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1

Mục A

0

0

2

0

0

0

0

1

0

2

0

0

1

6

Mục B

0

0

4

0

1

1

1

0

4

0

1

35

0

47

XP hôn nhân

0

0

1

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1

XP sở hữu XHCN

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1

0

1

XP sở hữu công dân

1

0

9

0

0

1

0

0

2

0

1

13

1

28

XP tính mạng

0

0

2

0

0

1

0

0

1

0

0

21

1

26

Tổng

1

1

20

1

1

3

1

1

27

3

2

79

3

143

 

 

Qua biểu trên ta thấy trong trại giam Việt Nam là cả một "hợp chủng quốc" về màu da, lục địa, thể chế chính trị. Sự đa dạng quốc tịch với nhận thức lối sống, phong tục, tập quán khác nhau buộc chúng ta phải chiếu cố xem xét cho họ được có những đặc quyền riêng trong cuộc sống, sinh hoạt. Ví dụ người Mỹ cho phép ăn bánh mì, người hồi giáo được dùng dầu rán thay mỡ, Châu Âu dùng dĩa khi ăn,... Bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng có thuận lợi nhất định: Do sự đa dạng, khác biệt về phong tục, tập quán, tôn giáo, lối sống nên phạm nhân không thể câu kết thành một khối để chống phá, yêu sách với trại giam.

Vấn đề đa quốc tịch cũng đặt ra cho chúng ta một yêu cầu không thể thiếu được là phải nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý trước hết là tiếng Anh thì mới có thể điều hành tốt được tập thể phạm nhân.

2. Hệ thống trại giam và hình thức quản lý giam giữ phạm nhân người nước ngoài

Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, hệ thống trại giam hiện nay gồm 3 loại: Trại giam loại 1 là nơi chấp hành hình phạt tù của phạm nhân tái phạm nguy hiểm, có mức án 20 năm, chung thân, xâm phạm an ninh quốc gia. Trại loại 2 giam giữ các phạm nhân có mức án từ 5 năm đến dưới 20 năm, phạm nhân tái phạm. Trại giam loại 3 là nơi giam giữ phạm nhân có mức án dưới 5 năm và không thuộc 2 loại trên.

Cũng theo Điều 36 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù thì người nước ngoài được giam riêng. Như vậy, người nước ngoài vừa phải giam riêng vừa phải chia thành 3 loại trại theo tính chất mức độ tội phạm. Tuy nhiên, do điều kiện giam giữ, khả năng đội ngũ cán bộ và do yêu cầu nghiệp vụ, đối ngoại nên trong những năm gần đây số phạm nhân là người nước ngoài trong toàn quốc được dồn lại giam ở 4 trại: N.H, T.Đ, X.L, TX. Các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (đều là người nước ngoài gốc Việt) được giam chung với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia khác là người Việt Nam. Các đối tượng là người nước ngoài khác phạm tội hình sự thường được giam vào một số đội ở khu vực riêng của các Trại giam T.X, T.Đ và X.L. Vì số lượng ít và nếu tập trung tại một số nơi sẽ thuận lợi cho đối sách nghiệp vụ cũng như đối ngoại, nên chúng ta cũng không thể tổ chức giam riêng vào 3 loại trại theo tính chất tội phạm và mức án được. Như vậy, trên thực tế việc tổ chức giam giữ phạm nhân có quốc tịch nước ngoài đã không hoàn toàn theo các quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và gồm 2 loại mô hình: Mô hình thứ nhất là giam chung phạm nhân là người nước ngoài và người Việt Nam (sơ đồ 1). Mô hình thứ hai là giam riêng hoàn toàn phạm nhân là người nước ngoài (sơ đồ 2).

Mô hình giam giữ lẫn phạm nhân người nước ngoài với phạm nhân người Việt Nam chủ yếu là ở Trại giam N.H đối với số phạm tội xâm phạm ANQG gốc Việt Nam và gần đây là một số đội của Trại giam T.X. Mô hình này có ưu điểm là làm cho phạm nhân từng bước "quên" mất quốc tịch của mình từ đó bớt chống đối, yêu sách. Mặt khác, trong số này nhiều người thực chất vẫn là người Việt Nam, nên bản thân các đối tượng cũng không nhận thức đầy đủ mình là người nước ngoài để đòi hỏi được giam riêng. Về phía cơ quan thi hành án cũng không thấy cần thiết phải giam riêng. Theo chúng tôi cách làm này tạm thời hợp lý trong đối sách với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia và ở trại nào có nhiều phạm nhân là người nước ngoài đã từng sống lâu năm ở Việt Nam. Lâu dần theo thời gian, họ tạm thời quên đi vị trí nước ngoài của mình, từ đó bớt yêu sách và dựa vào thế "người nước ngoài" để cố tình chống đối, vi phạm Quy chế, Nội quy trại giam. Thực tế ở Trại giam T.X sau khi tiếp nhận phạm nhân là người nước ngoài chúng ta đã tổ chức thành các đội giam riêng. ỷ thế là người nước ngoài, một số phần tử xấu kích động chống đối, thậm chí tổ chức không ăn cơm của trại giam để yêu sách, gây tiếng vang chờ Đại sứ quán can thiệp. Gần đây trại T.X đã xé lẻ số này và giam lẫn vào các đội có chọn lọc và cán bộ có trình độ quản lý. Từ đó tình trạng vi phạm Nội quy giảm hẳn. Chúng tôi cho rằng mô hình này là hợp lý đối với những trại số lượng phạm nhân người nước ngoài không nhiều. Tuy nhiên nếu có những người nước ngoài thật sự (người nước ngoài gốc không phải là người Việt Nam) phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì việc giam giữ họ cùng với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia người Việt vừa sai quy định, vừa rất phức tạp cần phải có sự tính toán thận trọng.

Đây là mô hình giam riêng các phạm nhân hình sự thường là người nước ngoài vào cùng một đội, một buồng giam ở Trại giam T.Đ hiện nay, Trại giam X.L trước đây, không căn cứ vào 3 loại trại như trong Pháp lệnh Thi hành án phạt tù. Chúng tôi cho rằng hình thức này là hợp lý, là phù hợp khi số lượng này chiếm nhiều trong một trại giam. Tuy nhiên, nếu không sửa đổi quy định pháp luật mà vẫn cứ giam trong một buồng giam, một đội phạm nhân đối tượng của cả 3 loại trại là rất nguy hiểm và phức tạp. Hiện nay chưa cần và chưa thể giam người nước ngoài theo 3 laọi trại nhưng ở mỗi trại giam phải tổ chức phân loại và giam riêng theo loại. Cũng về mô hình giam giữ, có ý kiến cho rằng cần có trại giam riêng để giam số người nước ngoài. Chúng tôi cho rằng như vậy là không cần thiết vì pháp luật của chúng ta không thừa nhận một đặc quyền, đặc lợi nào cho người nước ngoài. ở các nước khác trên thế giới việc người này đến nước khác làm ăn sinh sống và phạm tội có tính chất phổ biến (ở Thuỵ Sỹ phạm nhân nước ngoài chiếm 58%; ở Bỉ 41%; ở Đức, Pháp, Thuỵ Điển, áo chiếm từ 25-29%) nên hầu hết luật pháp các nước đều xử lý giống nhau với người nước ngoài vi phạm pháp luật. Chúng ta cũng cần phải "bình thường hoá" vấn đề giam giữ phạm nhân người nước ngoài. Mặt khác, trong một trại giam nếu có cả người Việt Nam và người nước ngoài, thì phạm nhân người nước ngoài sẽ thấy trách nhiệm nghĩa vụ phải tuân thủ nội quy trại giam, lao động, học tập sinh hoạt bình thường như mọi phạm nhân Việt Nam, không dám đòi đặc quyền, đặc lợi.

3. Đặc điểm đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục phạm nhân người nước ngoài

Khảo sát ở trại XL, TĐ, NH, TX thì trong tổng số các đồng chí cán bộ quản giáo trực tiếp phụ trách đội và cán bộ trực trại thường xuyên tiếp xúc với số người nước ngoài thì có 80% được đào tạo nghiệp vụ Công an. Trong đó đại học (tại chức) chiếm tỷ lệ 19%. Tuy nhiên, điều đáng nói là sô sngày không có kiến thức ngoại ngữ; trình độ chính trị, pháp luật vốn sống xã hội rất hạn chế. Sở dĩ như vậy cũng xuất phát từ tình trạng chung của đội ngũ cán bộ Cảnh sát trại giam. Từ nhiều chục năm nay, Bộ không đào tạo cán bộ trại giam ở bậc đại học. Các cán bộ có trình độ đại học ở trại giam hiện nay chủ yếu là từ các lĩnh vực khác chuyển về, số tốt nghiệp đại học chủ yếu là học tại chức. Vì vậy, hầu hết cán bộ trại giam đều có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại kó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm công tác nhưng thiếu kiến thức một cách hệ thống về pháp lý, tâm lý, giáo dục. Việc "tự học" trong môi trường trại giam gần như là "không tưởng" vì hầu hết các trại đặt ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh, ít thông tin, ít điều kiện để nâng cao trình độ, trong khi đó cường độ lao động và thời gian lao động rất lớn, không còn thời gian để nghỉ ngơi giải quyết các vấn đề của cuộc sống cá nhân chứ chưa nói đến việc học tập nâng cao trình độ. Chính vì thiếu kiến thức xã hội và phương pháp sư phạm nên cán bộ trại giam ngại tiếp xúc với phạm nhân nhất là số người nước ngoài gốc Việt phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Nói đến quản lý phạm nhân là người nước ngoài thì mấu chốt là phải nắm được ngoại ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế không có một cán bộ nào ở trại giam (kể cả Trưởng, Phó trưởng phân trại, Giám thị, Phó giám thị) biết tiếng Anh. Trong 3 trại giam chỉ có một chiến sĩ nghĩa vụ biết tiếng Anh sơ sơ ở trình độ phổ thông và gần đây Trại giam T.X mới tuyển thêm một nữ chiến sỹ có trình độ cao đẳng Anh ngữ. Vì vậy, ngoại trừ các đối tượng biết tiếng nói lại cho nhau thì việc giao tiếp giữa cán bộ và phạm nhân chủ yếu qua cử chỉ, hoặc qua phiên dịch là phạm nhân biết cả tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc. Tình trạng không hiểu biết lẫn nhau dẫn đến việc tổ chức thi hành án phạt tù ở một số trại chỉ còn là gom đối tượng lại để quản lý. Các hoạt động giáo dục cần phải thông qua tiếng nói và chữ viết không thể thực hiện được. Cán bộ không thể năm được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của phạm nhân. Trong một chừng mực nhất định, không chính xác, không khách quan. Bản thân một số đối tượng cũng muốn nhân điều kiện này làm lơ, bỏ qua việc thực hiện những quy định của trại. Một số muốn tiếp xúc để tìm hiểu chính sách, chế độ cũng không thể tiếp xúc được với cán bộ. Sách báo và vô tuyến truyền hình phát bằng tiếng Việt họ không hiểu, do đó họ mù tịt về tình hình nước ta và thế giới. Cũng vì bất đồng ngôn ngữ, nên nhiều hoạt động giáo dục không thể triển khai bình thường như đối với phạm nhân là người Việt Nam.

Chúng tôi nêu lên thực trạng này để nhấm mạnh vấn đề cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có chất lượng trong các trại giam có người nước ngoài. Không có một đội ngũ cán bộ có trìh độ chuyên môn cao, kiến thức xã hội rộng, hiểu biết ngoại ngữ, thì chưa thể nâng cao chất lượng công tác thi hành án phạt tù. Vấn đề này phải được coi là một công việc trọng tâm, hàng đầu, cấp bách trong thời gian tới khi mà theo quy luật khách quan số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài sẽ tăng lên do kết quả của chính sách mở cửa, hội nhập của Nhà nước ta cũng như tiến trình toàn cầu hoá.

4. Thực trạng tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

4.1. Nhập phạm nhân vào trại giam và hồ sơ phạm nhân

Nhập phạm nhân vào trại giam và mở hồ sơ phạm nhân là khâu mở đầu hoạt động tổ chức thi hành án phạt tù của trại giam. Yêu cầu vệc thi hành án nghiêm chỉnh các bản án phạt tù và quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân. Vì vậy, Điều 136 Hiến páhp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi: "Các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang và mọi công dân tôn trọng, mọi người và đơn vị hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành". Quy định này buộc các chủ thể trong quan hệ pháp luật thi hành án phạt tù phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định phạt tù hoặc bản án phạt tù của Toà án. Về phía trại giam, một chủ thể quan trọng trong việc tổ chức thi hành bản án phạt tù, các quan hệ xã hội, quan hệ pháp lý xung quanh lĩnh vực này thực sự bắt đầu từ khi phạm nhân vào trại giam. Do đó, hoạt động nhận phạm nhân vào trại giam có một vị trí quan trọng.

Khi người bị kết án phạt tù được đưa đến trại giam thi hành án, bên cạnh giao người cần phải có các loại giấy tờ sau:

s Bản án phạt tù hoặc Quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

s Quyết định thi hành bản án.

s Danh chỉ bản của phạm nhân.

s Hồ sơ sức khoẻ.

s Những tài liệu khác có liên qua đến thân nhân phạm nhân (nếu có).

s Nhận xét thái độ chấp hành quyết định thi hành án, việc thi hành án ở trại giam trước đây của phạm nhân (nếu là phạm nhân chuyển trại).

Đồng thời với việc nhận phạm nhân, hồ sơ phạm nhân được mở gồm những tài liệu trên, ngoài ra còn có thêm các tài liệu sau:

s Bản tự khai của phạm nhân sau khi học nội quy trại giam.

s Các bản kiểm điểm của phạm nhân.

s Các bản nhận xét về thái độ chấp hành án và quyết định phân loại chấp hành án.

s Các quyết định khen thưởng, kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù.

Tuy nhiên, do chủ yếu là sự khác biệt ngôn ngữ, nên các tài liệu ban đầu trong hồ sơ nhập trại và cả trong quá trình thi hành án rất nghèo nàn. Do các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại giao nên quá trình điều tra truy tố xét xử đối với bị can, bị cáo là người nước ngoài rất chặt chẽ, đầy đủ và chứng cứ, tài liệu, nhưng hồ sơ từ trại tạm giam đến trại giam ngoại trừ bản án và quyết định thi hành án là những văn bản bắt buộc, hầu như không còn tài liệu gì khác. Từ đó dẫn đến tình trạng hoạt động phạm tội của các đối tượng bên ngoài rất khẩn trương trên mọi lĩnh vực từ xâm nhập trái phép, buôn lậu, làm tiền giả, thành lập các công ty ma, buôn bán phụ nữ, lừa đảo,... nhưng thái độ của đối tượng, quá trình từ khi bị bắt cho đến đưa ra xét xử không thể hiện đầy đủ trong hồ sơ, nên cơ quan thi hành án không thể năm được, từ đó gây khó khăn cho việc phân loại, thực hiện đối sách ngay từ ban đầu. Cũng do trong hồ sơ nhập trại không có hộ chiếu phạm nhân nên việc phân loại phạm nhân chủ yếu căn cứ vào lời khai của đối tượng và danh chỉ bản. Từ đó dẫn đến tình trạng một số đối tượng trốn ra nước ngoài chưa nhập quốc tịch nước khác nhưng lại khai nhận là người nước ngoài để được hưởng sự chiếu cố trong quá trình thi hành án. Đợt đặc xá vừa qua có những đối tượng chưa nhập quốc tịch Trung Quốc và Mỹ cũng được xem xét như là người nước ngoài, đến khi có Quyết định tha của Chủ tịch nước thì nước ngoài lại không nhận vì không phải công dân của họ, khiến chúng ta rơi vào tình trạng đã tha nhưng không thả được. Chúng tôi cho rằng việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài là không đúng. Nếu quản lý hộ chiếu thì ở giai đoạn tố tụng trước khi chuyển sang giai đoạn tố tụng sau cùng với hồ sơ phải kèm theo hộ chiếu. Tình trạng phạm nhân ra trại sau hàng chục năm, được chuyển qua nhiều cơ quan tố tụng, nhiều trại tạm giam, trại giam không biết họ chiếu của họ ở đâu để làm thủ tục xuất cảnh là một sự luộm thuộm của các cơ quan bảo vệ luật pháp. Mặt khác, do thiếu cơ chế trao đổi thông tin nên đã từ nhiều năm nay một số Chính phủ, các tổ chức của Liên hợp quốc và phi chính phủ hiểu sai lệch về tình hình số lượng phạm nhân XPANQG hoặc người nước ngoài đang bị giam giữ tại Việt Nam. Một số tổ chức chống đối của người Việt Nam lưu vong đã triệt để lợi dụng sự không rõ ràng đó để tuyên truyền xuyên tạc công tác thi hành án của ta. Đơn cử ngay trong Đặc xá đợt 1 năm 2000, phía Mỹ và úc đề nghị Chính phủ ta đặc xá 36 phạm nhân thì đã có 7 trường hợp đã tha từ lâu, còn 11 trường hợp V26 không trực tiếp quản lý. Cũng do ngôn ngữ bất đồng nên việc tổ chức cho phạm nhân học tập nội quy trại giam và viết bản tự khai phải thông qua phiên dịch, chủ yếu là phạm nhân là người gốc Việt hoặc người Hoa biết tiếng Anh làm phiên dịch nên hiệu quả các bản tự khai rất kém, chung chung, do đó chúng ta không thể hiểu được đối tượng.

Cũng về vấn đề nhập phạm nhân. Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù, trong vòng 7 ngày, Giám thị trại giam phải thôg báo cho toà án đã ra quyết địh thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án và thân nhân người bị kết án biết. Trên thực tế việc thông báo cho thân nhân, gia đình hầu như ít được thực hiện, kể cả với số đối tượng có thân nhân gia đình đang sinh sống ở Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự hạn chế về ngoại ngữ, cũng như nhận thức chưa đầy đủ của chúng ta về vấn đề này. Ngoài ra, do chưa có hướng dẫn của Bộ nên Giám thị trại không biết phải gửi cho địa chỉ nào: Gia đìh hay cơ quan quản lý đối tượng, hay lãnh sự quán, đại sứ quán? Đây là một thiếu sót, sơ hở về mặt pháp lý cần phải được khắc phục. Trên thực tế nếuk hi có dịp đặc xá, hoặc một sự kiện nào đó thường có rất nhiều yêu cầu đề nghị của các cá nhân tổ chức từ bên ngoài xin tha cho phạm nhân, trong đó có cả phạm nhân quốc tịch nước ngoài. Không ít danh sách nước ngoài cung cấp cho Việt Nam là không có thực. Loại trừ những ý đồ chính trị xấu chống Việt Nam của các thế lực thù địch, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là chúng ta chưa thông báo cho phía nước ngoài (bao gồm cả thân nhân của họ) biết về việc bắt giữ và nơi giam công dân và thân nhân của họ. Tình trạng này cần sớm được khắc phục để ngăn chặn những sự hiểu lầm cũng như sự cố tình xuyên tạc chống đối Việt Nam trên lĩnh vực thi hành án phạt tù.

Vấn đề cập nhật thông tin trong hồ sơ phạm nhân, như đã trình bày ở trên rất yếu một phàn do khả năng ngoại ngữ của cán bộ ta và một phần do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của công tác hồ sơ. Vì vậy, hồ sơ của chúng ta chưa thể hiện đầy đủ bộ mặt pháp lý và chân dung thực tế về sức khoẻ, thái độ, tình hình đối tượng. Trong điều kiện bình thường không có vấn đề gì, nhưng khi cần thống nhất đối sách trong nội bọ ngành Công an cũgn như giữa Công an và Ngoại giao, chúng ta thiếu tài liệu căn cứ. Trong trường hợp có những vấn đề pháp lý phát sinh (ví dụ phạm nhân chết, phía nước ngoài can thiệp xin được tha), chúng ta cũng thiếu căn cứ, cơ sở để báo cáo Bộ, đề xuất với Nhà nước.

4.2. Thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân người nước ngoài

Theo các quy định hiện hành, phạm nhân là người nước ngoài được ở trong buồng giam chung, chỗ nằm tối thiểu là 2m2, có bệ gạch men hoặc ván sàn. Mức ăn tối thiểu là 15kg gạo, 15kg rau xanh, nước chấm 0,5l, 0,8kg thịt, cá một tháng. Ngày lễ tết phạm nhân được ăn thêm nhưng không quá 5 lần tiêu chuẩn ngày thường. Mỗi năm phạm nhân được cấp 2 bộ quần áo, 2 khăn mặt, 1 đôi dép. Phạm nhân được khám chữa bệnh tại bệnh xá của trại, trong trường hợp ốm nặng được đưa đi điều trị tại các bệnh viện Nhà nước. Phạm nhân được đọc sách báo và tham gia cá hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao.

Trên thực tế, mắc ăn của phạm nhân người nước ngoài như quy định trên đây là rất thấp, vì hầu hết các nước ngoài đều có mức sống cao hơn Việt Nam. Mức sống dành cho phạm nhân lại còn thấp hơn mức sống bình thường của người dân Việt Nam. Mặt khác, phạm nhân là người Việt do có khả năng lao động nặng nhọc, sản xuất có hiệu quả và có thể tổ chức nhiều loại hình sản xuất thậm chí ở ngoài khu vực trại giam đóng nên được thưởng thêm bằng tiền và hiện vật từ phía trại giam cũng như cán bộ trực tiếp quản lý. Phạm nhân là người nước ngoài bị quản lý chặt chẽ hơn. Cả phía bản thân họ cũng như trại giam đều không muốn có sự "bung ra" trong lao động sản xuất. Vì vậy, ngoài phần cung cấp của Nhà nước thì sự bao cấp của trại giam đối với họ không đáng kể. Mặt khác, phạm nhân là người Việt Nam còn được sự thăm gặp cung cấp tiền, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, phần thuốc chữa bệnh thường xuyên của gia đình. Trong khi đó, ngoài trừ một số đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, còn hầu hết các đối tượng hình sự thường nước ngoài không nhận được quà, tiền của gia đình họ. Các cơ quan đại diện ngoại giao đến thăm phạm nhân hầu như không bao giờ cho họ tiền hoặc hiện vật. Bản thân Lý Tống (quốc tịch Mỹ) cũng đã bày tỏ thái độ không cần phía Mỹ thăm gặp để khỏi mất thì giờ vì không được gì. Chính vì vậy, nhìn chung mức sống của các đối tượng này rất thấp và thấp hơn so với phạm nhân Việt Nam, do đó ít nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Mặc dù các trại giam đã tạo các điều kiện thuận lợi nhất về ăn ở, có sự ưu đãi nhất định cho họ nhưng cũng chỉ ở mức độ hạn hẹp.

Mặc dù có quy định cho phép phạm nhân ốm đau nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo được đưa đi điều trị tại các bệnh viện của tỉnh, huyện nơi trại giam đóng nhưng trên thực tế việc này rất ít khi được thực hiện. Đưa một phạm nhân đi chữa bệnh, ngoài sự tốn kém về kinh phí chữa trị (hầu như trại phải bỏ tiền sản xuất của đơn vị để chi) còn nảy sinh nhiều phức tạp khác nếu như phạm nhân lợi dụng cơ hội để trốn. Mặt khác, về tâm lý các bác sỹ và nhân viên y tế cũng không thích chữa bệnh cho phạm nhân, nhất là phạm nhân là người nước ngoài vì bên cạnh một số tiền bồi dưỡng nho nhỏ không đáng kể của trại họ không được gì mà lại phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu có những sai sót về chuyên môn.

Việc tổ chức cho phạm nhân tham gia các hoạt động văn hoá thể thao đã được các trại giam chú ý. Tuy nhiên, phạm nhân là người nước ngoài chỉ tham gia với tư cách người xem, chứ không phải chủ thể hoạt động. Sách báo, ti vi và cả chương trình phát thanh của trại đều phát bằng tiếng Việt. Chúng ta cũng có 15 phút phát bằng tiếng Pháp và Anh của đài truyền hinh Việt Nam nhưng đều phát vào giờ "giới nghiêm" của trại do đó phạm nhân không được xem. Vì vậy, hầu hết phạm nhân (trừ số biết tiếng Việt) mù tịt về thời sự, chính sách, thời gian nhàn rỗi của họ không biết dùng vào việc gì ngoài tán chuyện vặt theo nhóm quốc tịch và làm vệ sinh cá nhân. Vì vậy, những năm tháng thi hành án thực sự đối với họ là thời gian đi tù. Cuộc sống của họ diễn ra trong trại giam đơn điệu, tẻ nhạt hơn so với phạm nhân là người Việt Nam.

4.3. Tổ chức lao động sản xuất cho phạm nhân

Lao động của phạm nhân, theo quan điểm của giáo dục học XHCN là một phương tiện giáo dục quan trọng, một nội dung giáo dục chủ yếu nhằm làm cho phạm nhân thấy được trách nhiệm cần phải lao động, chỉ rõ cho họ thấy giá trị của lao động, dần dần làm quen với lao động. Lao động của phạm nhân tuy không theo đuổi mục đích kinh tế đơn thuần nhưng cũng nhằm làm ra của cải vật chất, giảm bớt một phần chi phí cho Nhà nước và buộc phạm nhân phải đền vù cho xã hội những thiệt hại mà họ đã gây ra cho xã hội.

Do đặc điểm của hệ thống trại giam Việt nam chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên các hình thức tổ chức lao động cho phạm nhân đến nay vẫn là chăn nuôi, trồng trọt là chính.

Hiện nay ở các trại giam đang có 2 quan điểm và 2 cách tổ chức lao động cho phạm nhân là người nước ngoài khác nhau:

Một là: cho rằng việc giáo dục lao động cho số này không cần thiết vì họ là người nước ngoài, nếu có tiến bọ thực sự cũgn là "đào tạo" giúp nước khác, nước ta không có lợi ích gì. Mặc khác, nếu bặt lao động nặng nhọc như người Việt, phạm nhân sẽ phản ứng, nhất là số "tù chính trị". Ngoài ra số này ít, sản phẩm của họ làm ra có hay không, nhiều hay ít không ảnh hưởng gì đến kinh tế của trại và càng không có giá trị gì đối với xã hội. Vì vậy, nhiều đối tượng trong suốt quá trình thi hành án hầu như không làm gì ngoại trừ phục vụ sinh hoạt cá nhân. Tình trạng này dẫn đến đối tượng chấp hành lao động, không chống phá nhưng làm việc uể oải, chây lười, không quan tâm đến kết quả lao động (ở trại T.X có ngày hơn 60% lượt phạm nhân xin nghỉ đến trạm xá khám bệnh xin thuốc, trong khi đó nhiều nhất đối với phạm nhân người Việt Nam cũng chỉ 5%).

Chúng tôi cho rằng việc chiếu cố cho phạm nhân nước ngoài trong lao động là hữu khuynh, bỏ phí một nguồn nhân lực và không có lợi cho sức khỏe của họ, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa phạm nhân là người Việt Nam và người nước ngoài. Những đối tượng chống đối hoặc nhận thức thấp sẽ cho rằng chúng ta sợ họ, buộc phải chiếu cố ưu đãi họ, từ đó dẫn đến các hành động vi phạm nội quy kỷ luật. Mặt khác, phạm nhân Việt Nam sẽ nảy sinh tư tưởng suy bì, so sánh về chính sách, chế độ. Đứng ở góc độ giáo dục mọi sự ưu đãi phạm nhân người nước ngoài đều mang ý nghĩa phản giáo dục.

 

Hai là: Tổ chức lao động bình thường, có sự chiếu cố ít nhiều về sức khoẻ, thời gian lao động. Phạm nhân được giao chỉ tiêu định mức về số lượng và kết quả hoàn thành, có sự kiểm tra giám sát của tập thể đội phạm nhân và cán bộ. Việc đánh giá kết quả chấp hành án va khen thưởng tinh thần, vật chất cũng phải dựa trên kết quả lao động của họ. Về hình thức, thì những phạm nhân có tay nghề chuyên môn kỹ thuật cao có thể được bố trí làm lẻ hoặc xen kẽ vào các đội lao động thủ công phạm nhân người Việt Nam (cơ khí, mộc, chăm sóc cây cảnh...) Thực tiễn cáchlàm này cho thấy lúc đầu phạm nhân chưa quen nhưng ngay sau đó đã thích nghi và hoàn toàn có khả năng lao động như mọi phạm nhân người Việt Nam. Họ bắt đầu quan tâm đến hiệu quả sản xuất đến, sản phẩm của mình làm ra. Trong thực tế ở Trại giam T.Đ, phạm nhân rất chú trọng đến kinh tế phụ, kinh tế lô, đội để tự cải thiện mức sống của mình. Chúng tôi cho rằng lao động vừa sức được phạm nhân tán thành vì có lợi cho sức khoẻ, thư gian và quên đi tình trạng tù tội của họ, từ đó giảm bớt những ý nghĩ và hành động tiêu cực. Không thể vì bất kỳ lý do gì mà châm chước, giảm nhẹ trong lao động của người nước ngoài.

 

4.4. Tổ chức giáo dục phạm nhân

Bên cạnh tổ chức lao động, yêu cầu đặt ra cho các trại giam là phải tổ chức giáo dục công dân, văn hoá, đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ cho họ để giúp họ có những nhận thức, hiểu biết đúng đắn về đường lối chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta; hiểu biết đúng đắn về các quy định pháp luật, thừa nhận tội lỗi, chấp nhận hình phạt đối với bản thân, từng bước thay đổi cả về tư tưởng nhận thức và hoạt động. Tiến hành các hoạt động giáo dục, phạm nhân là một nội dung quan trọng của việc tổ chức thi hành bản án phạt tù đối với phạm nhân trong trại giam.

Thực tiễn hiện nay các trại giam chưa chú trọng đầy đủ và còn đơn giản, đơn điệu trong các hoạt động giáo dục, có phần xem nhẹ giáo dục. Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở mức quản lý phạm nhân, thực hiện chế độ chính sách và giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh là chính chứ trại giam chưa thực sự là nơi giáo dục họ. Hầu hết các trại có giam người nước ngoài (trừ số xâm phạm an ninh quốc gia) đều không thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, đạo đức, văn hoá, thẩm mỹ (Trại giam T.X đã tổ chức 2 lớp học tiếng Việt cho 98 phạm nhân nhưng kết quả cũng rất hạn chế). Hoạt động tương đối cókết quả chỉ là giáo dục lao động nhưng cũng còn rât snhiều hạn chế như đã trình bày ở trên. Do ngôn ngữ bất đồng, cán bộ chúng ta phải sử dụng vốn ngoại ngữ (tiếng Anh) ít ỏi ở trường phổ thông để giải thích các quy định pháp lý, trong đó có nhiều điều giải thích bằng tiếng Việt với người Việt cũng đã rất khó khăn. Đơn giản như việc tổ chức cho phạm nhân mơi vào trại học Nội quy trại giam, một yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ phạm nhân nào để có biết và thực hiện đúng những điều được làm và không được phép làm trong thời gian ở trại cũng không đạt được yêu cầu vì tình trạng "tam sao thất bản" qua một phạm nhân biết tiếng Việt (chủ yếu là người Hoa) phiên dịch lại. Việc tổ chức các lớp học thời sự, chính sách, pháp luật hoặc nhận xét đánh giá kết quả chấp hành án của tập thể phạm nhân hầu như chỉ là hình thức, không thực sự chính xác vì phải qua phiên dịch (là phạm nhân) mà độ tin cậy về chất lượng dịch cũng như thái độ người dịch chỉ ở mức thấp.

Sở dĩ có tình trạng trên là do sự yếu kém về ngoại ngữ và phương pháp sư phạm, kiến thức xã hội của các cán bộ quản giáo, giáo dục. Số vốn ngoại ngữ của hầu hết cán bộ là số 0 nên công tác giáo dục chỉ được làm chiếu lệ. Việc giải thích chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành không thực hiện được. Giáo dục cá biệt giữ vị trí quan trọng trong việc làm chuyển đổi tư tưởng phạm nhân nhưng do không có kiến thức ngoại ngữ, không nắm được đặc điểm tâm lý của người nước ngoài, nên không thể tiến hành. Pháp luật nước ta không cấm mà còn tạo điều kiện cho phạm nhân được gửi thư và nhận thư, quà của gia đình. Tuy nhiên vấn đề tưởng chừng rất đơn giản này cũng không dễ thực hiện được. Trại giam không có kinh phí mua tem cho phạm nhân. Ngoài ra, do chúng ta không biết tiếng và chữ nước ngoài nên việc kiểm tra thư tín (được Quy chế trại giam cho phép tiến hành công khai cả thư đến và đi) hầu như không thực hiện được. Trường hợp phạm nhân có vấn đề, hoặc do các yêu cầu nghiệp vụ nào đó thì cách duy nhất là huỷ bỏ quyền này của họ bằng biện pháp nghiệp vụ. Đây là cách làm bất đắc dĩ nhưng không còn cách nào khác. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, nếu có phải thông qua sự giải thích, điều hành của đội trưởng là phạm nhân biết tiếng Việt nên hiệu quả rất thấp. Bên cạnh đó, không ít cán bộ cihến sỹ còn chưa đánh giá đúng vai trò của công tác giáo dục. Họ chỉ đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ, không để phạm nhân đau yếu, trốn, tự sát là đã hoàn thành nhiệm vụ, còn giáo dục không cần tihết, phạm nhân tốt hoặc xấu hết thời hạn đều phải ra trại, đều bị trục xuất. Mặt khác, cá tài liệu phục vụ cho học tập bằng tiếng nước ngoài không có, việc giải thích thông qua phạm nhân làm phiên dịch không có gì đảm bảo chắc chắn. Vì vậy hiện nay công tác giáo dục phạm nhân vẫn là khâu yếu nhất, trong tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài. Qua các đợt xét phân loại thi đua đều đạt 80-85% loại khá, tốt, nhưng như đã trình bày ở trên, căn cứ để đánh giá thái độ chấp hanh fán của phạm nhân người nước ngoài thườgn là nhẹ hơn so với người Việt, chủ yếu ở chỗ họ có vi phạm chống đối chứ không phải thái độ nhận tội lỗi và tham gia tích cực vào các hoạt động theo yêu cầu của trại giam.

4.5. Công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

Theo các quy định pháp luật hiện hành, phạm nhân đã chấp hành được 1/3 thời hạn nếu có tiến bộ thì được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Qua cá kỳ đặc xá phạm nhân người nước ngoài cũng là đối tượng được ưu tiên xem xét. Đặc xá năm 1998, Nhà nước ta tha cho 22 phạm nhân phạm tội hình sự có quốc tịch nước ngoài, đặc xá năm 2000 chúng ta cũng tha cho 90 phạm nhân là người nước ngoài. Hoạt động này đều được các trại giam tiến hành và phạm nhân đều tỏ ra quan tâm, mong muốn được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Việt xét giảm thời hạn chủ yếu dựa trên tiêu chí phạm nhân đã chứng tỏ sự hối lỗi, tiến bộ. Tuy nhiên, do ta chưa có đủ điều kiện để cho phạm nhân tự bộc lộ qua cá hoạt động hàng ngày của họ, do đó việc đánh giá thế nào là tiến bộ còn phiến diện, chủ yếu dựa trên việc phạm nhân có chống đối hay không, có vi phạm nội quy trại giam hay không. Trong khi đó đối với pham nhân là người Việt Nam sự chứng tỏ quyết tâm cải tạo phải được nhìn thấy cụ thể qua kết quả lao động và tham gia các hoạt động trong tập thể phạm nhân hàng ngày.

Chế định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù được dành cho nhữgn phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng nhưng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Trên thực tế chúng ta thường áp dụng với những phạm nhân mắc các bệnh nặng như lao, viêm gan, HIV, AIDS mà ít có khả năng sống sót. Việc cho họ về với gia đình lúc này vừa mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, vừa tránh được nhiều phức tạp có thể xảy ra khi phải xử lý trường hợp phạm nhân chết. Tuy nhiên đối với người nước ngoài chế định này hầu như không được thực hiện vì các lý do. Một là: Chúng ta không thể cho họ trở về đất nước họ để chữa bệnh, sau khi khỏi lại sang Việt Nam để thi hành án tiếp tục. Hai là: Nếu giao cho địa phương trước đây họ cư trú quản lý trong thời gian họ được tạm đình chỉ thì không địa phương nào nhận vì họ là ngoại kiều. Nếu giao cho các cơ quan đại diện ngoại giao bảo lãnh thì chưa có văn bản nào hướng dẫn và trên thực tế đây là vấn đề mới đặt ra cho cả các cơ quan lãnh sự: Họ bảo vệ quyền lợi cho công dân của họ ở nước ta nhưng họ không có nghĩa vụ là một chủ thể tham gia công tác thi hành án phạt tù của Việt Nam (quản lý người được tạm đình chỉ). Ba là: Nếu đối tượng khỏi bệnh, hoặc hết thời hạn được tạm đình chỉ mà bỏ trốn thì trách nhiệm của những người đề xuất hoặc ra quyết định không nhỏ. Do đó các toà án buộc phải rất thận trọng khi xem xét quyết định (trên thực tế chưa có đối tượng nào được tạm đình chỉ thi hành án). Chúng tôi cho rằng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các loại phạm nhân, việc cho phạm nhân tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cần phải áp dụng đối với người nước ngoài, nếu như xét thấy họ có đủ điều kiện có thể buộc thân nhân họ đóng một khoản tiền bảo lãnh. Hiện nay, số phạm nhân là người nước ngoài chưa nhiều, nhưng đến một lúc nào đó, số này sẽ rất đông, có những người đã đăng ký thường trú tại Việt Nam vì có vợ con là người Việt Nam, trong số họ có những người có nhu cầu chính đáng được tạm đình chỉ, thậm chí đi ra nước ngoài chữa bệnh, hoặc những cá nhân là "chủ thể đặc biệt" được sự quan tâm của các nhà hoạt động chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế có uy tín với Việt Nam đề nghị thì chúng ta không thể chỉ vì họ là người nước ngoài mà không cho họ được hưởng quyền lợi tạm đình chỉ. Vấn đề là ở chỗ có thủ tục pháp lý và cơ chế như thế nào để đảm bảo cho việc thực hiện chế định này được nghiêm minh, đối tượng không được lợi dụng để lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

4.6. Giải quyết các trường hợp phạm nhân phạm tội mới

Trường hợp phạm nhân phạm tội mới trong trại giam thì họ phải được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo trình tự tố tụng của Việt Nam. Mặc dù phạm nhân phạm tội mới xảy ra chưa nhiều, nhưng trên thực tế đã xảy ra với Trần Manh Quỳnh (quốc tịch Mỹ) phạm tội trốn khỏi nơi giam bị xử lần thứ hai với mức tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Tuy nhiên, do bị can là người nước ngoài nên vấn đề thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của cấp nào cũng là một vấn đè đang có nhiều tranh cãi và quan điểm chưa hoàn toàn thống nhất. Với đối tượng bị kết án xâm phạm an ninh quốc gia thì Tổng cục I bắt đưa về trại giam B14 để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, việc đối tượng có phạm tọi thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia hay không thì chưa chắc chắn. Bởi vì ngay cả một hành vi khách quan là trốn khỏi nơi giam cũng có thể đối tượng phạm tọi Trốn khỏi nơi giam (Điều 113, Chương XXII: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp), hoặc cũng có thể đối tượng phạm tội Chống phá trại giam (Điều 90, Chương XI: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia). Chúng tôi cho rằng cần phải bình thường hoá việc điều tra, truy tố, xét xử đối với phạm nhân là người nước ngoài phạm tội mới. Về trình tự thủ tục tố tụng tiến hành bình thường như mọi bị can khác theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Về trật tự hành chính thì Giám thị trại giam báo cáo Tổng cục I (đối với bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia), Tổng cục II (đối với bị can phạm các tội hình sự thường). Tuy nhiên, có một vấn đề rất dễ dẫn đến "quên" của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử là ít chú ý đến khía cạnh nước ngoài trong quá trình tố tụng như cá bị can người nước ngoài phạm tội ở ngoài xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ trong hầu hết các hiệp định lãnh sự Việt Nam ký song phương với các nước đã quy định phải thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự biết về việc công dân nước họ bị bắt giữ vì đã phạm pháp, phạm tội để họ đối thoại và giao thiệp, bảo vệ quyền lợi cho công dân của họ. Do người nước ngoài phạm tội mới trong trại giam, chúng ta thường quên không thông báo cho cơ quan lãnh sự biết. Điều này khong chỉ vi phạm các thoả thuận chung mà còn có thể làm nảy sinh những rắc rối pháp lý nghiêm trọng nếu bản án mới dành cho bị can (đồng thời là phạm nhân) những hình phạt nghiêm khắc nhất hoặc các vấn đề có liên quan đến bồi thường thiệt hại và hình phạt bổ sung bằng tiền.

4.7. Tổ chức tiếp xúc lãnh sự và thăm gặp thông thường

Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù thì phạm nhân được gặp thân nhân, gia đình mỗi tháng 1 lần, mỗi lần 1 giờ, trường hợp đặc biệt kông quá 3 giờ. Đối với những người có tiến bộ thì có thể được gặp thân nhân là vợ hoặc chồng tại nhà thăm gặp từ 24 giờ đến 48 giờ. Ngoài ra theo các hiệp định lãnh sự đã ký giữa Việt Nam và cá nước thì các cơ quan lãnh sự được quyền tiếp xúc lãnh sự với công dân của họ đang bị thi hành án tại Việt Nam. Quy định pháp luật rõ ràng như trên nhưng trong thực tế vấn đề này đang là một trong những vấn đề vướng mắc nhất hiện nay.

Đối với việc thăm gặp thông thường, như đã trình bày ở trên, do sự thông báo của chúng ta không đầy đủ và việc nhập cảnh vào Việt Nam để thăm thân nhân bị bắt giam chưa có tiền lệ nên chúng ta chưa ghi nhận được một vụ thăm thân nhân nào của người nước ngoài không phải là người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài. Trên thực tế chỉ diễn ra một số vụ thăm gặp của những người Việt kiều thăm người nhà gốc Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài khi họ về thăm quê hương hay về làm việc tại Việt Nam, hoặc thân nhan của phạm nhân là công dân Việt Nam đang sống và làm việc tại Việt Nam. Đối với các cơ quan tổ chức có người nước ngoài trước đây làm việc muốn đi thăm phạm nhân thì một là do họ it quan tâm, hai là chưa có quy định cụ thể nên cũng không có cuộc thăm nào được thực hiện. Luật pháp nước ta chỉ cho phép thân nhân được gặp, do đó một tổ chức nước ngoài nào muốn gặp phạm nhân phải xin phép. Bản thân họ cũng không biết gửi đơn xin phép đế đâu (Bộ Ngoại giao hay Bộ Công an). Về phía ta thì vì không có quy định nên đều phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ, từ đó dẫn đến rất mất thời gian và lãnh đạo Bộ cũng thiếu căn cứ pháp lý để chỉ thị cho cấp dưới. Cũng về vấn đề này, do cảnh giác với người nước ngoài (mặc dù họ gốc Việt Nam) nên chúng ta không giải quyết cho bất kỳ trường hợp nào được gặp 24/24 giờ (với vợ hoặc chồng) tại nhà nghỉ của trại giam, bất kể phạm nhân có tiến bộ hay không. Trong khi đó có những người vợ từ cách xa nhiều nghìn km đến để thăm chồng rất tốn kém và vất vả. Mặt khác, sau này khi việc đi lại giữa các nước trong khối ASEAN không cần phải thị thực nhập cảnh, người nước ngoài đặc biệt là Lào, Campuchia, Thái Lan sẽ đến thăm người thân dễ dàng không kém gì người trong nước ta, nếu chúng ta ngăn cản, phạm nhân và các gia đình họ sẽ đối chiếu với các quy định pháp luật để đòi hỏi bắt buộc cơ quan thi hành án đáp ứng quyền lợi của họ. Theo chúng tôi, việc thoả mãn những tình cảm riêng tư của phạm nhân là cần thiết, phù hợp vơi sluật phap svà có ý nghĩa nhân đạo cao cả. Chúng ta không thể vì lý do "người nước ngoài" mà gây khó khăn và không chiếu cố đến quyền lợi của họ và thân nhân (vợ hoặc chồng) họ.

Vấn đề tiếp xúc lãnh sự hiện nay diễn ra rất chậm chạp và còn nhiều phiền phức. Thông thường muốn đi thăm phạm nhân, cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán) phải gửi công hàm sang Bộ ngoại giao, Bộ ngoại giao gửi công văn cho V26, V26 báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ rồi trả lời có cho gặp hoặc không và gặp vào tơhì gian nào. Các cuộc gặp này thường kéo dài khoảng 20 phút tại nhà thăm gặp của trại giám có chứng kiến của cán bộ trại. Do ta không có quy định cụ thể nên có trại yêu cầu đại diện lãnh sự phải ký vào biên bản cuộc gặp (nhiều trường hợp họ không chịu ký vì họ không biết chúng ta viết gì vào đó), có trại không yêu cầu. Do trại không có phiên dịch nên có lúc phiên dịch của lãnh sự quán, hoặc trường hợp đối với phạm nhân Thái Lan chúng ta phải lấy phạm nhân biết tiếng Thái để phiên dịch. Vì vậy, V26 và các trại giam rất không chủ động và việc bố trí tiếp xúc lãnh sự trở nên phức tạp. Có trường hợp chúng ta không muốn cho thăm gặp vì yêu cầu nghiệp vụ (kẻ cả thân nhân và lãnh sự) phải lấy lý do đối tượng đang vi phạm Quy chế và Nội quy trại giam. Tuy nhiên, do không có một văn bản công khai, cụ thể về vấn đề này nên việc hạn chế này không có lợi về đối ngoại hoặc không tranh thủ được sự đồng tình của thân nhân gia đình họ, nhất là trong trường hợp họ từ nước ngoài đến Việt Nam rất vất vả và tốn kém, lo nhiều thủ tục mà vẫn không được gặp thân nhân... Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần phải được sớm khắc phục bằng một văn bản liên tịch Công an – Ngoại giao càng sớm càng tốt.

4.8. Phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức tha phạm nhân

Việc tha phạm nhân sau khi hết thời hạn thi hành án thuộc thẩm quyền của Giam sthị trại giam. Đúng ngày hết hạn tu, Giám thị cấp cho họ giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, cấp cho họ một bộ quần áo (nếu họ không có quần áo thường), tiền tầu xe, tiền ăn đường để họ trở về nơi cư trú. Theo Điều 14 Quy chế trại giam thì "Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành hình phạt tù, Giám thị trại giam thông báo trước (bằng văn bản hoặc cử cán bộ làm việc trực tiếp) về kết quả thi hành án, những hình phạt bổ sung phải chấp hành (nếu có) và những thông tin cần thiết khác về phạm nhân cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị nơi phạm nhân trở về sinh sống có điều kiện sắp xếp, tạo lập cuộc sống bình thường cho họ"

Vấn đề rất rõ ràng nhưng trong thực hiện đều gặp phải những vướng mắc không thể giải quyết được. Trước hết, Giám thị trại giam không có quyền trao đổi và cũng không có khả năng để thông báo trước 2 tháng cho chính quyền địa phương nơi phạm nhân sẽ về cư trú biết. Đối với những người thuần tuý nước ngoài, nếu có thể, trại giam cũng chỉ thông báo được ch Vụ Lãnh sự ngoại giáo hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó Bộ Ngoại giao thông báo cho phía nước ngoài. Tuy nhiên do chưa có quy định nên trong thực tế với mỗi trường hợp, mỗi nơi có cách xử lý khác nhau.

Cho đến nay chúng ta chưa thực hiện được việc thông báo trước 2 tháng cho thân nhân phạm nhân biết ngày họ hết án. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thi hanh hình phạt bổ sung hoặc mua vé máy bay cho phạm nhân về nướ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng có phạm nhân được tha nhưng không biết tha về đâu và ai lo vé, từ đó đã có quyết định tha nhưng vẫn phải lưu họ lại ở trại giam có khi cả tháng trời. Nếu số này trốn hoặc gây án, trại giam sẽ gặp rất nhiều rắc rối vì lúc này họ không còn là phạm nhân nữa. Yêu cầu phải giữ nhưng lại không được "quản" số này vẫn là một bài toán hóc búa đối với các trại giam giam người nước ngoài.

Tuy Bộ luật Hình sự năm 1999 có bổ sung thêm tội danh Trục xuất, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đi lại của ngườin ước ngoài tại Việt Nam (Điều 14) thì những người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam nếu họ "bị toà án Việt Nam kết án về tội hình sự và đã chấp hành xong hình phạt hoặc không còn nghĩa vụ chấp hành hình phạt" và họ bị trục xuất khi có "Lệnh trục xuất" của Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, hiện nay các ngành Ngoại giao, Toà an, Công an chưa có hướng dẫn về thi hành "Lệnh trục xuất" như thế nào, dẫn đến trong thực tế có nhiều cách làm không thống nhất. Đôi với một số trường hợp sau khi đối tượng hết án, hoặc được dặc xá thì V26 tổ chức giữ họ lại ở một địa điểm ngoài trại chờ A38 và đại diện lãnh sự quán, đại sứ quán đến để tổ chức bàn giao. Đây là một số trường hợp đối với người Trung Quốc. Cách làm này có thuận lợi là có người tiếp nhận và chúng ta không phải chịu trách nhiệm về vé máy bay. Tuy nhiên có vấn đề phức tạp nảy sinh: Lúc này họ không còn là phạm nhan, không còn chịu sự quản lý giam giữ của Giám thị trại giam, họ được nới lỏng các điều kiện sinh hoạt, đi lại. Nếu có đối tượng nào trốn thì chúng ta không có cơ sở để ra lệnh truy nã và không biết giải thích cho phía nước ngoài như thế nào khi họ đến nhận người của họ. Ngay trong nội bộ ngành Công an quy định về tổ chức thi hành Hình phạt trục xuất hoặc Lệnh trục xuất cũng chưa rõ. Mặc dù Điều 16 và Điều 17 Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thi hành bản án và quyết định trục xuất. Bản án và quyết định trục xuất phải được cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an giao cho người bị trục xuất chậm nhất 24 giờ trước khi thi hành. Trong trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện chấp hành án hoặc quyết định trục xuất thì cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp cưỡng chế trục xuất. Quy định như vậy dường như đã rõ những Cục A18 chỉ là Cục làm thủ tục hành chính về xuất, nhập cảnh chứ không phải là một Cục nghiệp vụ có nhiệm vụ áp giải trục xuất. Do đó, lực lượng Cảnh sát trại giam phải vượt biên ra khỏi phạm vi địa giới hành chính của mình (trại giam) để thi hành lệnh áp giải trục xuất, coi như đã vượt quá chức năng nhiệm vụ của mình.

Cách thứ hai là chúng ta đưa các đối tượng ra biên giới và cùng với Bộ đội biên phòng giao cho đồn biên phòng phía bên kia. Có những trường hợp phía bên kia tiếp nhận nhưng có trường hợp họ còn phải xác minh lại rồi mới nhận, thậm chí không nhận vì nói rằng chưa có ý kiến đại sứ quán, chúng ta phải đưa trở lại trại giam để chờ quyết định từ phía bạn. Có trường hợp Đại sự quán Trung Quốc không có ý kiến, Công an biên phòng Trung Quốc không nhận, chúng ta buộc phải đẩy đuổi đối tượng qua biên giới. Đây là việc làm bất đắc dĩ và cũng gây ra nhiều phức tạp về mặt ngoại giao nếu như sau này phía nước ngoài hoặc thân nhân của họ yêu cầu trả lời về số phận của người đã bị kết án phạt tù ở Việt Nam.

Trường hợp thứ ba là V26 đưa đối tượng xuống sân bay bàn giao coh A18 và đại diện lãnh sự quán nước có phạm nhân. Sau thủ tục ký nhận ở san bay, V26 hết nghĩa vụ và trách nhiệm. Đây là trường hợp thuận lợi nhất. Tuy nhiên, do cách thức thông báo vòng vèo như hiện nay, hầu như không một trường hợp nào phạm nhân hết hạn có thể về nước ngay được vì còn phải chờ lệnh trục xuất hoặc chờ cơ quan đại diện ngoại giao thu xếp được vé của người nhà hoặc của nhà nước họ. Và như vậy các trai giam lại phải tiếp tục quản lý những đối tượng này với những phức tạp như đã nêu trên, chưa kể các khoản kinh phí chi cho hoạt động này không nằm vào bất kỳ danh mục chi tiêu nào của trại giam. Đó là chưa kể trường hợp phạm nhân còn có nghĩa vụ thực hiện hình phạt bổ sung, trong đó có những trường hợp hình phạt trên lại đến hàng trăm tỉ đông, nhiều khi vượt quá khả năng thực hiện của đối tượng. Do chưa có cơ chế thi hành hình phạt này nên một số gia định đã chuyển tiền cho lãnh sự quán và lãnh sự quán đem đến nộp tại trại giam (Đợt đặc xá năm 1998 chúng ta đã thu được hơn một tỷ đồng). Một số khác do chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung, nếu Bộ trưởng Bộ Công an ra Lệnh trục xuất thì đã vi phạm Điều 14 của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam vì họ vẫn còn nghĩa vụ chấp hành hình phạt. Đồng thời tạo ra tiền lệ để các đối tượng khác coi thường hệ thống tư pháp và hình phạt Việt Nam: không chịu chấp hành hình phạt bổ sung bằng tiền – Điều mà không một toà án cơ quan thi hành án nước ngoài nào chấp nhận. Tuy nhiên, nếu giữ đối tượng thì trại giam lại phải tiếp tục quản lý họ. Lúc này chúng ta lại rơi vào tình trạng không thả được nhưng không có căn cứ pháp lý để giữ họ. Điển hình như trường hợp phạm nhân A Quý quốc tịch Singapo được hưởng đặc xá đợt 2/9/1998 nhưng gần 1 năm sau (2/7/1999) mới giải quyết xong. Tình trạng này đã khiến cho một số tổ chức và Chính phủ nghi ngờ sự thiếu thiện chí của Chính phủ ta trong việc đối xử với phạm nhân là người nước ngoài.

Thực trạng trên đây là những khó khăn mà cơ quan thi hành án phạt tù phải đối mặt, giải quyết trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa tìm được cơ chế tháo gỡ. Trong thời gian tới vấn đề tha phạm nhân người nước ngoài, buộc người nước ngoài phải thi hành hình phạt bổ sung vẫn là một thách thức đối với công tác thi hành án của chúng ta.

5. Nhận xét chung

Qua việc nghiên cứu việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài những năm gần đây chúng tôi đi đến một số nhận xét, kết luận như sau:

Trong thực tiễn người nước ngoai vi phạm pháp luật ở Việt nam có xu hướng ngày càng tăng. Người nước ngoài phạm vào hầu hết các tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (trừ các tội chủ thể là người Việt Nam) nhưng số người bị kết án phạt tù nhiều nhất là các tội ma tuý, xâm phạm sở hữu công dân (gọi tắt là xâm phạm sở hữu) và xâm phạm tính mạng. Sở dĩ như vậy vì các loại tội phạm này đều gây ra hậu quả nghiêm trọng đáng bị xử lý bằng hình luật, còn các vi phạm khác do chiếu cố yếu tố nước ngoài nên chúng ta thường dùng các biện pháp xử lý hành chính thích hợp thay cho xử lý hình sự. Cũng như các phạm nhân Việt Nam, đối tượng thuộc các nhóm tội phạm này hầu hết đều tha hoá về nhân cách, lối sống, có nhiều đặc điểm của bọn lưu manh côn đồ, vì vậy rất dễ có những hành động bột phát, manh động. Do đó, trong quá trình tổ chức giam giữ phải luôn luôn cảnh giác, không thể chủ quan cho rằng chúng không hiểu được hết, phong tục tập quán và luật pháp dẫn đến mất cảnh giác để phạm nhân trốn hoặc thực hiện tội phạm mới.

Vấn đề đối xử với người nước ngoài từ xưa đến nay vẫn là vấn đè phức tạp, nhât slà đối xử với người nước ngoài phạm tội vì hệ thống luật pháp và chính sách hình sự của các nước rất khác nhau, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề đối ngoại của đất nước (trường hợp Canada phản ứng với Việt Nam về việc xử lý mẹ con Nguyễn Thị Hiệp buôn bán my tuý là một ví dụ). Do đó, phải đặt vấn đề thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài trong khuôn khổ chính sách ngoại giao và chính sách hình sự của Nhà nước ta.

Công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài đã thu được nhiều kết quả tích cực, phần lớn phạm nhân không có biểu hiện chống đối, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại giam. Tuy nhiên, công tác này thường vấp phải những vướng mắc chủ yếu do thiếu hệ thống pháp luật liên quan đến việc tổ chức giam giữ họ. Chúng ta mới có các quy định chung nhưng còn thiếu các quy định cụ thể, do đó cấp cơ sở khi tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Sự phối hợp giữa các ngành các cấp trong và ngoài lực lượng Công an chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp từng ngành. Từ đó dẫn đén việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến người nước ngoài lúng túng, chậm trễ.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trại giam và cán bộ trực tiếp quản lý giam giữ phạm nhân là người nước ngoài còn thiếu kiến thức pháp luật, không có trình độ ngoại ngữ nên còn nhiều lúng túng trong quá trình tổ chức thi hanh fán phạt tù, đặc biệt là xử lý những vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình thi hành án phạt tù.

Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI, cùng với chính sách hội nhập mở cửa, Việt Nam sẽ tham gia quá trình toàn cầu hoá với một tốc độ nhanh hơn, đầy đủ hơn. Khi đó tình trạng người nước ngoài bị kết án phạt tù chắc chắn sẽ nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống pháp luật, hệ thống trại giam và đội ngũ cán bộ đủ mạnh để bình thường hoá, "Việt Nam hoá" việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài, góp phần vào cuộc đấu tranh giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của toàn Đảng, toàn quân, toàn thể lực lượng Công an và nhân dân ta.

 

Chương III

Dự báo tình hình tội phạm do người nước ngoài thực hiện trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

1. Dự báo tình hình tội phạm do người nước ngoài thực hiện trong thời gian tới

Về nguyên nhân khách quan, tình hinh ftội phạm có liên quan chặt chẽ đến tình hình kinh tế và xã hội của đất nước ta qua mỗi giai đoạn , mỗi thời ký, riêng với loại tội phạm có yếu tố nước ngoài còn liên quan nhiều đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tôi dự đoán trong thời gian tới chúng ta có thể kiềm chế, làm giảm một số loại tội phạm do người Việt Nam tiến hành nhưng đồng thời đẫy sẽ là thời điểm bùng nổ của các hoạt động phạm tội của người nước ngoài vì một số lý do sau:

 

Mấy năm qua chúng ta bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa. Tuy nhiên hệ thống luật pháp của ta vẫn chưa theo kịp củ trương, do đó một số ngành vẫn còn "đóng" hoặc chưa "sẵn sàng mở cửa đầy đủ" cho các Nhà nước và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam để hoạt động trên các l ĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, tham quan, du lịch. Thời gian tới, những quy định nào không còn phù hợp sẽ dần dần đựoc thay thế, bãi bỏ, tạo ra mộ tkhung pháp lý thông thoáng hơn cho người nước ngoài. Mặt khác, thời gian qua trừ ngoại giao còn các lĩnh vực khác của người nước ngoài ở Việt Nam vân xchỉ là những hoạt động mang tính chất thăm dò, mở đầu. Do đó số lượng người nước ngoài vào Việt Nam còn ít và có "chọn lọc". Tỉ lệ người tốt vào Việt Nam nhiều hơn người xấu. Vì vậy tỉ lệ phạm tội trong người nước ngoài cũng ít. Thời gian tới, do đã qua giai đoạn thăm dò tìm hiểu, cũng như hệ quả chung của tiến trình toàn cầu hoá, hội nhập với khu vực, sự có mặt của người nước ngoài ở các địa phương, các lĩnh vực và bằng các con đường khác nhau sẽ tăng lên nhanh chóng. Theo quy luật tự nhiên, tình trạng phạm pháp của người nước ngoài nhất là trong số xô bồ, không có chọn lọc cũng tăng lên theo tỷ lệ số lượng người nước ngoài vào Việt Nam.

Thời gian tới các loại đối tượng có nhiều khả năng phạm tội nhât svà gây khó khăn nhất cho hoạt động phòng ngừa và đấu tranh của ta vì chúng có cơ sở, hiểu biết, ngôn ngữ là Việt Kiều, người Hoa, người Campuchia sẽ vào Việt Nam thuận lợi hơn. DO việc sử dụng Smart Card thay thế hộ chiếu và thị thực cho công dân ASEAN khi đi lại trong khu vực, hoặc việc quy định miễn thị thực cho công dân của các nước trong họ chiếu công vụ, cũng như những đổi mới trong luật đầu tư và chính sách mua nhà của Việt Kiều... nên tội phạm kinh tế, ma tuý, lừa đảo và không loại trừ cả hoạt động "rửa tiền", tội phạm có tính chất Mafia, tội phạm xuyên quốc gia sẽ tăng lên. Không loại trừ nguy cơ tổ chức, móc nối giữa các đối tượng nước ngoài với các băng, ổ, nhóm tội phạm Việt nam trong các hoạt động khủng bố, bắt cóc, tống tiền, buôn bán phụ nữ và trẻ em, đưa người sang nước thứ 3, tổ chức mại dâm... nếu như chúng ta không có một chiến lược đấu tranh chống tội phạm đúng đăn. Đồng thời với tỉ lệ ngày càng nhiều người nước ngoài có mặt ở Việt Nam bằng cách hợp pháp, đây cũng là dịp thuận lợi để các đối tượng phạm tội hình sự thâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động phạm tội, nhất là người Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào.

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, thời gian tới cũng là thời điểm thuận lợi để các cơ quan tình báo, cá tổ chức và thế lực thù địch đẩy mạnh những hoạt động gây mất ổn định chính trị, diễn biến hoà bình, phá hoại các chính sách đối ngoại, kinh tế, văn hoá của Nhà nước ta. Đây cũng là thời điểm cực kỳ thuận lợi đẻ cho các cơ quan tình báo lớn đưa người vào Việt Nam với các danh nghĩa chính thức và không chính thức bằng con đường hợp pháp và bất hợp pháp. Do đó, không loại trừ nhiều loại tội phạm an ninh quốc gia đã giảm hẳn trong những năm cuối của của thế kỷ XX sẽ bùng nổ trở lại như: khủng bố, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn, hoạt động phỉ và phá hoại chính sách đoàn kết.

 

Ngoài ra, còn một yếu tố nữa khiến tình trạng tội phạm do người nước ngoài thực hiện tăng lên là do lợi ích kinh tế cục bộ sẽ có những đơn vị, ngành, địa phương hy sinh lợi ích quốc gia, tiếp tay tạo điều kiện cho người nước ngoài tiến hành các hoạt động phạm pháp, trở thành đồng phạm của các tổ chức tội pạhm có yếu tố nước ngoài. Điều này thời gian qua chỉ có biểu hiện đơn lẻ trong hoạt động của Hải quan, Bộ đội biên phòng,... nhưng nếu chúgn ta không quản lý chặt, đây sẽ là một nguy cơ như đã diễn ra ở một số nước SNG, Đông Âu vào thời điểm chuyển đổi cơ chế kinh tế xã hội. Dĩ nhiên, kéo theo sự phát triển của tộ phạm, số người bị kết án phạt tù là người nước ngoài cũng sẽ tăng them theo xu hướng đột biến.

Chúng tôi nêu lên một số dự báo xu hướng tội phạm liên quan đến người nước ngoài để thấy rằng nhiệm vụ tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài trong giai đoạn tới sẽ rất nặng nề. Nhà nước ta, Bộ Công an và lực lượng cảnh sát trại giam cần phải nghiên cứu chuẩn bị để giữ được thế chủ động, không bị lúng túng bất ngờ trong đối sách nói chung và tổ chức thi hành án nói riêng với các đối tượng là người nước ngoài.

2. Những giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài

Từ thực trạng tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài cũng như căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin kiến nghị một số đề xuất làm cơ sở cho việc hoạch định các giải pháp quản lý, giam giữ, phạm nhân, thực hiện bản án phạt tù đối với người nước ngoài trong thời gian tới.

2.1. Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài

Hiện nay chúng ta đã hình thành (tuy chưa hoàn chỉnh, còn nhiều vấn đề cần phải sửa đổi bổ sung) hệ thống pháp luật về xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài. Trong khi đó, trên lĩnh vực phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm do người nước ngoài thực hiện, còn ít các quy phạm pháp luật được nêu ra và nằm rải rác ở hàng chục văn bản khác nhau, không mang tính hệ thống, nhất là đối với việc tổ chức thi hành án phạt tù, các quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn rất ít, sơ lược và không cụ thể.

Việc tổ chức thi hành án phạt tù chỉ có thể được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn khi các hoạt động quản lý, giam giữ, giáo dục, thực hiện chế độ cihnhs sách đối với phạm nân được thể chế hoá bằng các quy định cụ thể của pháp luật thi hành án phạt tù. Hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều kiện đầu tiên, quan trọng và cơ bản nhất quyết định hiệu quả, chất lượng công tác tổ chức thi hành án pạht tù. Chỉ có trên cơ sở một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh mới cho phép quản lý chặt chẽ, tước bỏ mọi điều kiện chống đối, bịt kín những sơ hở thiếu sót trong quá trình quản lý giam giữ phạm nhân, cũng như xử lý đúng đắn những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thi hành án. Do đó, với chức năng của mình, ngành Công an cần đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật mới, sửa đổi bổ sung những văn bản và những quy phạm pháp luật không còn phù hợp điều chỉnh lĩnh vức thi hành án phạt tù của Nhà nước tại Việt Nam. Đây là yêu cầu đầu tiên, bắt buộc và cũng rát quan trọng đối với công tác này.

Hiện nay trong các văn bản pháp luật về thi hanh fán phạt tù còn thiếu rát nhiều quy định cụ thể như: Thông báo tình hình phạm nhân, tổ chức tiếp xúc lãnh sự và thăm gặp, tha hết án, xử lý vấn đề hình phạt bổ sung... Vì vậy, không chỉ các cán bộ cơ sở (trại giam) mà cả cơ quan quản lý cấp trên của trại giam cũng như các vụ, cục trong ngoài ngành có liên quan đều bị động lúng túng khi giải quyết những tình huống cụ thể hoặc đột xuất. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, có lúc làm cho phía nước ngoài có lý do nghi ngờ thiện chí của Chính phủ ta trong việc giải quyết vấn đề người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, hoặc làm giảm hiệu quả của việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài.

Từ tình hình trên chúng tôi xin đề xuất các giải pháp cụ thể sau:

2.1.1. Nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Thi hành án Hình sự

Để đồng bộ với các Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự cần nghiên cứu xây dựng dự luật Thi hành án Hình sự, trong đó có một chương riêng về thi hành án hình sự (trong đó có thi hành án phạt tù) đối với các đối tượng đặc biệt như người nước ngoài. Thực tế cho thây sviệc tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là ngườin ước ngoài không cần có sự ưu đãi đặc biệt so với phạm nhân là người Việt Nam va cần phải được "bình thường hoá", "Việt Nam hoá" nhưng phải có quy định riêng cho phù hợp với sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, điều kiện sống và địa vị pháp lý đặc biệt của người nước ngoài.

Về nội dung của Bộ luật thi hành án hinh fsự, theo chúgn tôi trong phần chung phải nêu lên được một sô snguyên tắc trong đó có nguyên tắc về tổ chức thi hành án hình sự đối với người nước ngoài. ở phần cụ thể cần phải quy định những vấn đề về mục đích, thủ tục, điều kiện của việc tổ chức thi hành án phạt tù. Đó là các quy định cụ thể như: Tổ chứ giam giữ, chế độ giam giữ, việc thông báo địa điểm thi hành án và kết quả thi hành án, chế độ tiếp xúc lãnh sự và thăm gặp thông thường, xử lý khi có phạm nhân ốm, chết, phạm tội mới, việc tạm đình chỉ thi hành án, cơ quan tổ chức quản lý phạm nhân được tạm đình chỉ thi hành án, việc tha phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt tù, dẫn độ tội phạm,... Quy định thi hành Bộ luật Thi hành án hình sự, đặc biệt là chương thi hành án hình sự đối với người nước ngoài phải đảm bảo được tính khoa học, tính chính xác, cụ thể, dễ nhận biết. Các quy phạm pháp luật phải hướng dẫn đầy đủ, thống nhất tất cả những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thi hành án hình sự hiện nay.

2.1.2. Xây dựng một Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, "Hướng dẫn thi hành quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù về việc thăm gặp phạm nhân là người nước ngoài đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam" (bao gồm cả tiếp xúc lãnh sự và thăm gặp khác)

Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trong những năm qua Bộ Công an (chủ yếu là V26 và Tổng cục I) đã phối hợp tích cực với Bộ Ngoại giao (Chủ yếu là Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) giải quyết các trường hợp xin tiếp xúc lãnh sự. Thái độ trách nhiệm của các cơ quan này đã nhận được sự tín nhiệm, biết ơn của một số cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt nam, hạn chế sự hiểu sai lệch về chính sách hình sự trong lĩnh vực thi hanh fán phạt tù của Nhà nước ta. Tuy nhiên, do chưa có một cơ quan thực sự chịu trách nhiệm và cũng không có quy định tạo ra cơ chế pháp lý cho hoạt động của các lực lượng cung có nhiệm vụ giải quyết nên tình trạng kéo dài, chậm giải quyết mang tính phổ biến, dẫn đến việc một số nước nghi ngờ thái độ thiện chí và trách nhiệm hợp tác của chúng ta, thấm chí cho rằng cơ quan an ninh Việt Nam cố tình gây khó dễ về vấn đề này. Mặt khác, nhu cầu thăm gặp của thân nhân gia đình họ là chính đáng, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù cũng thừa nhận và bảo hộ nhưgn lại không có bất kỳ quy định nào cụ thể về vấn đề này. Lý do xin nhập cảnh vào Việt Nam để thăm thân nhân đang thi hành án mặc dù rất chính đáng và cần thiết để họ động viên phạm nhân nghiêm chỉnh chấp hành bản án, bàn bạc việc xử lý các vấn đề hành chính dân sự, hình sự phát sinh ra do việc bị bắt thi hành án phạt tù, vấn đề các ngihã vụ khác phải tiếp tục thi hành,... nhưng cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam cũng như cá cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chưa sẵn sàng chấp nhận lý do này. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức cá nhân nước ngoài đến thăm và làm việc theo lời mời chính thức của các cơ quan, tổ chức cá nhân Việt Nam cũng có nhu cầu thăm trại giam, gặp phạm nhân, nhưng trong Pháp lệnh Thi hành án phạt tù không có quy định nào cho phép thăm gặp không phải là thân nhân. Tất cả những trường hợp này đều phải có những trình tự giải quyết riêng theo con đường ngoại giao, nhưng do thiếu thông tin nên đơn, công văn, công hàm nhiều khi không chính xác dẫn đến việc không được giải quyết thoả đáng hoặc kéo dài.

Từ những lý do trên, trong khi chờ đợi việc ban hành Luật Thi hành án phạt tù, trước mắt việc xây dựng một Thông tư liên tịch điều chỉnh vấn đề tiếp xác lãnh ự thăm gặp phạm nhân là người nước ngoài là một vân đề cấp bách, một đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn công tác thi hành án phạt tù, cũng như yêu cầu đối ngoại của Nhà nước ta. Chúng tôi đề nghị Bộ Công an chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật này. Theo chúng tôi, nội dung của Thông tư gồm một số vấn đề chính sau:

ỉ Về đối tượng thăm gặp: Tất cả phạm nhân không có quốc tịch và mang quốc tịch nước ngoài (kể cả số đã có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam).

ỉ Các hình thức thăm gặp: Tiếp xúc lãnh sự, thăm gặp của thân nhân, thăm gặp của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài với phạm nhân là người nước ngoài.

ỉ Cơ chế gặp:

s Với trường hợp tiếp xúc lãnh sự, bên có yêu cầu gửi công hàm đến Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự gửi công văn và bản sao công hàm đến cục V26, Cục V26 xem xét trả lời Cục Lãnh sự, sau đó Cục Lãnh sự trả lời phía nước ngoài bằng công hàm.

s Trường hợp thăm gặp thân nhân: Nếu thân nhân là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đang có mặt tại Việt Nam thì họ phải viết đơn cho Cục V26 – Bộ Công an. Cục V26 có trách nhiệm tiếp nhân đơn và trả lời đương sự.

Nếu thân nhân đang ở nước ngoài thì phải trên cơ sở viết đơn và khi có sự đồng ý của Cục V26, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam sẽ xem xét cho nhập cảnh vào Việt Nam với lý do thăm thân nhân đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam. Cục V26 có trách nhiệm xem xét và giải quyết đơn xin đi thăm phạm nhân của thân nhân gia đình họ. Khi đã nhập cảnh vào Việt Nam, đương sự phải đến Cục V26 để lấy giấy phép đi thăm thân nhân.

s Trường hợp tổ chức, cá nhân đến Việt Nam theo lời mời của các tổ chức và các nhân muốn thăm gặp phạm nhân là người nước ngoài phải có đơn gửi Văn phòng Bộ Công an. Sau khi trao đổi thống nhất với V26, Văn phòng Bộ sẽ trả lời. Đương sự đến V26 để lấy giấy phép (hoặc giấy giới thiệu) để thăm phạm nhân.

ỉ Về nội dung thăm gặp (bao gồm cả tiếp xúc lãnh sự)

s Thăm hỏi sức khoẻ, điều kiện sống, sinh hoạt của phạm nhân.

s Tiếp nhận những nguyện vọng, yêu cầu của phạm nhân phía Việt Nam.

s Chuyển đơn, quà, sách báo cho phạm nhân (mỗi lần không quá 7kg). Nếu có ngoại tệ hoặc tiền ngân hàng Việt Nam phải gửi lưu ký.

s Kiến nghị với trại giam những vấn đề pháp lý (nếu có) có liên quan.

ỉ Vấn đề xử lý vi phạm khi thăm gặp

Trong trường hợp người thăm gặp hoặc đối tượng được thăm gặp có những vi phạm pháp luật, Quy chế, Nội quy trại giam thì xử lý như sau:

s Cán bộ trại giam lập biên bản vi phạm, yêu cầu đương sự ký vào biên bản.

s Đình chỉ cuộc thăm gặp và yêu cầu đương sự rời khỏi trại giam.

s Không được tiếp tục thăm gặp phạm nhân lần sau trong thời gian 6 tháng.

2.1.3. Xây dựng một Thông tư liên tịch gồm các Bộ, ngành: Công an, Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Ngoại giao về "Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài"

Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế trại giam quy định: người nước ngoài, người không có quốc tịch bị Toà án Việt Nam kết án thì phải chấp hành hình phạt theo quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù như mọi công dân Việt Nam, ngoại trừ "được giam ở khu vực riêng trong trại giam". Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở trên, do chưa có quy định trong các văn bản cấp Liên ngành, Bộ và hướng dẫn của V26, nên trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn khi phải xử lý các vấn đề: Thông báo cho thân nân phạm nhân trong vòng 7 ngày sau khi họ đến trại giam, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giải quyết người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam, tha người đã chấp hành xong hình phạt tù... Thực tiễn, các cấp có trách nhiệm khi phải xử lý những vấn đề này rất lúng túng. Không ít trường hợp chúng ta làm sai quy định pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả phức tạp vệ pháp lý và ngoại giao (ví dụ: Phạm nhân Robexue quốc tịch Pháp chết tại trại giam X.L năm 1998, chúng ta không thông báo cho lãnh sự quán. Một năm sau họ nhận được tin, lúc này họ đòi biên bản giám định pháp y, chúng ta phải phục hồi thủ tục rất phức tạp. Trong trường hợp này nếu vợ con thân nhân của họ kiện thì chúng ta sẽ rất khó xử lý). Vì vậy, cần có một thông tư iên tịch thống nhất quan điểm, cách giải quyết những vấn đề pháp lý đặc biệt, có liên quan đến phạm nhân là người nước ngoài (vì đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và vai trò, trách nhiệm của các Bộ – Ngành có khác nhau nên chúng tôi kkhông đưa phần thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự vào nội dung Thông tư này mà cần tạo thành một Thông tư riêgn như đề xuất ở 2.1.2) Theo chúng tôi nội dung của Thông tư sẽ hướng dẫn vấn đề sau:

ỉ Vấn đề thống báo nơi giam giữ phạm nhân cho thân nhân của phạm nhân.

ỉ Vấn đề tạm đìh chỉ thi hành án phạt tù.

ỉ Vấn đề giải quyết người đang chấp hành hình phạt tù chết trong trại giam.

ỉ Vấn đề thông báo trước ngày hết hạn tù của phạm nhân.

ỉ Vấn đề tha và trục xuất phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt tù.

Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia, đặc biệt là Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, V26 và các trại giam nơi phạm nhân thi hành án, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam (đại sứ quán hoặc lãnh sự quán), thân nhân gia đình phạm nhân. Trong đó, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, Cục V26, cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam là những đầu mối quan trọng. Khi có bất kỳ một vấn đề pháp lý phát sinh, trình tự, thủ tục làm việc của trại giam với các cơ quan hữu quan của Việt Nam như: Làm việc với cơ quan Điều tra, Toà án, Viện Kiểm sát theo trình tự như đối với phạm nhân là người Việt Nam, ngoài ra trại giam phải báo cáo Cục V26, V26 gửi công văn cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam. Cơ quan đại diện ngoài giao sẽ là đầu mối duy nhất, chủ thể chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án Việt Nam xử lý tất cả những vấn đề có liên quan đến phạm nhân. Chỉ có trên cơ sở một cơ chế như vậy với những quy định công khai, chi tiết, cụ thể mới đảm bảo được sự nghiêm minh, bình đẳng, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, phong tục tập quán, luật pháp quốc tế của Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, trên cơ sở Thông tư liên tịch này chúng ta mới có thể "bình thường hoá" việc giam giữ người nước ngoài mà chắc chắn sẽ ngày một nhiều, tránh được những sơ hở, thiếu sót trong lĩnh vực thi hành án phạt tù – lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ gây ra những phức tạp về quan hệ ngoại giao, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống đối, xuyên tạc, vu cáo, nói xấu... nhằm làm giảm uy tín nước ta trên trường quốc tế. Trước mắt, trong phạm vi thẩm quyền của Bộ trưởng, chúng ta có thể tạm thời giải quyết bằng biện pháp tình thế là dự thảo Chỉ thị của Bộ về phân công, phân cấp các lực lượng Công an nhân dân trong phối hợp thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài trên tinh thần sau:

s Sau khi nhận phạm nhân, trại giam phải thông báo cho cơ quan điều tra đã tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự người nước ngoài biết. Cơ quan này có nghĩa vụ bàn giao cho trại giam tư trang, hộ chiếu của phạm nhân còn lưu giữ để V26 quảnl ý như tài sản ký gửi và sẽ trao trả phạm nhân sau khi hết án.

s Việc thi hành hình phạt bổ sung trại giam phải thông báo và yêu cầu cơ quan thi hành án nơi đối tượng bị bắt giữ tiến hành ngay, không cần đợi đến lúc phạm nhân ra trại. tài sản thu được giao cho cơ quan nào sử dụng phải tính vào ngân sách.

s Công an các địa phương có trách nhiệm quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù theo thủ tục quản lý người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam.

s V26 thông báo trước 2 tháng để A18 biết làm các thủ tục xuất cảnh đối với phạm nhân đã thi hành xong hình phạt tù. A18 cấp gia hạn "Giấy chứng nhận thường trú" hoặc "tạm trú" cho những người còn phải lưu lại Việt Nam làm các nghĩa vụ pháp lý khác.

2.1.4. Sửa đổi Pháp lệnh Thi hành án phạt tù làm cơ sở để tổ chức lại hệ thống trại giam, giam giữ người nước ngoài.

Như đã trình bày ở Chương II, viếc giam giữ người nước ngoài ở nước ta hiện nay còn rất phân tán. Sở dĩ có tình trạng như vậy vì theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù chúng ta phải tổ chức giam giữ phạm nhân theo tính chất tội phạm mà họ đã thực hiện và mức án mà Toà án đã tuyên đối với họ. Như vậy, ít nhất cũng phải giam giữ người nước ngoài theo 3 loại trại; giam riêng người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và người phạm các tội khác. Việc tổ chức giam giữ theo loại trại là phù hợp với yêu cầu giam giữ phạm nhân người Việt Nam trên nguyên tắc phân hoá và cá thể hoá tội phạm để có đối sách, biện pháp quản lý giam giữ, giáo dục, tổ chức lao động sản xuất cho phù hợp. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài nếu tổ chức thành 3 loại trại giam, ít nhất ở nước ta cả 2 miền Nam Bắc phải có 8 trại dành cho loại đối tượng này, chưa kể đén trại giam của Bộ Quốc phòng. Trong điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện giam giữ của chúng ta còn quá thiếu thốn, trình độ độ ngũ cán bộ còn thấp (nhất là về pháp luật và ngoại ngữ) việc giam giữ mang tính dàn trải sẽ bộ lộ nhiều sơ hở, tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án cũng như các tổ chức, cá nhân phía nước ngoài có liên quan. Đó là chưa kế các trại giam của Bộ Quốc phòng rất nhỏ bé, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu gom tập trung các đối tượng vào một số trại giam không theo loại trại là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp các đối tượng khác loại ở chung gây án nghiêm trọng dẫn đến thương tật, chết người là phạm nhân người nước ngoài, có sự can thiệp của luật sư và các tổ chức quốc tế thì vấn đề sẽ rất phực tạp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung một điều vào Pháp lệnh Thi hành án phạt tù: "Trại giam giam giữ người nước ngoài là trại giam thuộc Bộ Công an để giam giữ người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch. Tuỳ theo tính chất tội phạm, Giám thị trại giam có thể bố trí giam chung hoặc giam riêng đối với phạm nhân là người Việt Nam theo hai loại: xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm khác". Trên cơ sở quy định như vậy, ở phía Bắc chúng ta để lại một trại, ở phía Nam một trại bao gồm cả các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (đối tượng này được giam riêng). Việc giam giữ người nước ngoài phạm tội do Toà án quân sự kết án cũng chuyển cho Bộ Công an quản lý vì Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý xuất nhập cảnh và Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền ra "Lệnh trục xuất" đối với người nước ngoài. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, việc tập trung các đối tượng là người nước ngoài bị kết án phạt tù vào 2 trại chuyên biệt của Bộ Công an là hợp lý hơn cả về nghiệp vụ quản lý giam giữ đồng thời giảm đi được mọt cơ chế phôi hợp trong tha và trục xuất người nước ngoài giữa hai Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Tập trung phạm nhân vào hai trại như trên, giúp chúng ta có điều kiện tổ chức tốt các mặt công tác quản lý, giáo dục, nâng cao mức sống phạm nhân và giải quyết những nvấn đè pháp lý phát sinh trong quá trình giam giữ họ. Sau khi đa xgom phạm nhân lại, chúng ta có thể công khai hoá địa điểm giam giữ, số lượng phạm nhân, các chính sách chế độ đối với phạm nhân, các quy định pháp lý có liên quan đến phạm nhân để các cá nhân, tổ chức nước ngoài tiện đến thăm gặp, tìm hiểu chính sách chế độ của Nhà nước ta đối với phạm nhân cũng như giao dịch tiếp xúc với các cơ quan liên quan của Việt Nam để giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan đén việc thi hành án phạt tù của phạm nhân. Vì vậy, các trại giam này phải gần Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có cảnh quan đẹp, giao thông đi lại thuận tiện, có sự đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ hiểu biết về luật pháp, tập quán quốc tế và ngoại ngữ. Để thuận tiện cho việc triển khai các nội dung giáo dục, trong một đội phạm nhân cần bố trí có phạm nhân đủ các quốc tịch, trong đó có phạm nhân là người nước ngoai gốc Việt Nam hoặc người nước ngoài biết tiếng Việt trong Hội đồng tự quản để làm cầu nối giữa trại giam và tập thể phạm nhân. Ngoài ra cơ chế "có thể" cho phép Giám thị các trại giam này được uyển chuyển linh hoạt trong việc tổ chức các đội phạm nhân hoặc là hoàn toàn người nước ngoài hoặc là giam chung với người Việt Nam. Trường hợp phạm nhân có biểu hiện co cụm, lợi dụng mác "nước ngoài" để chống đối thì chúng ta xé lẻ giam chung vào những đội phạm nhân là người Việt Nam là bộ đội, công chức hoặc nhân dân lao động phạm tội lần đầu để dùng tập thể này tá động lên số đối tượng người nước ngoài. Trường hợp một phân trại có nhiều phạm nhân trong đó có những phạm nhân gốc Việt Nam hoặc người Hoa, người Campuchia biết tiếng Việt, chúng ta có thể tổ chức thành những đội, những buồng giam và thậm chí cả một phân trại hoàn toàn là người nước ngoài. Nếu quy định "phạm nhân là người nước ngoài phải giam riêng" như trong Quy chế hiện nay là không phù hợp với thực tiễn, ít tính khả thi và như chúng tôi đã trình bày ở trên, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, nguy hiểm.

2.1.5. Tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định lãnh sự; nghiên cứu ký hiệp định chuyển giao phạm nhân với các nước

Hiện nay chúng ta đã ký một số hiệp định tương trợ tư pháp và lãnh sự với các nước. Tuy nhiên, do nhận thức chưa hết tính chất phứ tạp của tôi phạm có yếu tố tước ngoài nên hầu hết các hiệp định này còn rất chung chung, mới thiên về bảo vệ quyền lợi công dân của các nước ở nước ngoài, chưa thực sự là những hiệp định về hợp tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt trên lĩnh vực thi hành án phạt tù. Từ đó, dẫn đến sự không thống nhất quan điểm, cách xử lý một số vụ phạm tội mà đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật của cả hai bên (Ví dụ: Nguyễn Ngọc Đăng trong vụ Liên Đảng cách mạng bị giam giữ tại Xuân Phước sau đó chuyển đến Trại 5, Cảnh sát hoàng gia Canada có yêu cầu xin dẫn độ về nước để điều tra về vai trò cá nhân và vai trò của y trong tổ chức tội phạm buôn lậu ma tuý nhưng chúng ta không giải quyết). ở đây, bên cạnh sự giữ vững độc lập chủ quyền trong hoạt động tư pháp còn có sự hiểu không đầy đủ về nhau do chưa có một hiệp định giữa nước ta và Canada. Chúng tôi cho rằng trong thời đại ngày nay không loại trừ có những thế lực cố tính mưu toan can thiệp vào hoạt đọng thi hành án của chúng ta với những ý đồ chính trị, ngoại giao nhưng khả năng dùng cả một hệ thống pháp lý, bộ máy Nhà nước để bảo vệ cho một cá nhân phạm tội không có vai vế gì là điều ít có thể xảy ra. Do đó, nếu như trong trường hợp nứoc ngoài có yêu cầu dẫn độ để điều tra tội phạm nhất là các tội phạm hình sự thường không thuộc Chương Xâm phạm an ninh quốc gia thì chúng ta cần cân nhắc trên tinh thần chính trị, pháp lý quốc tế, ngoại giao để giải quyết vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa không làm tổn hại đến các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, việc giải quyết nhưng xvấn đề tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ chỉ có thể được thực hiện bằng Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý hoặc Hiệp định chuyển giao phạm giữa các Nhà nước, mới có đủ căn cứ pháp lý để giải quyết các xung đột pháp lý và ngoại giao liên quan đến tội phạm.

Như đã trình bày trong phần dự báo tội phạm, xu thế tất yếu phạm nhân là người nước ngoài thời gian tới sẽ tăng lên nhanh chóng, trở thành vấn đề "toàn cầu hoá". Việc giam giữ số này bao giờ cũng phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nhiều mặt nhưng vẫn sẽ không tránh khỏi những xung đột pháp lý do địa vị pháp lý là người nước ngoài của phạm nhân tạo ra. Vấn đề cần phải suy nghĩ là làm sao tránh phải giam giữ nhiều phạm nhân nhưng vấn đấu tranh chống tội phạm giữ vững chủ quyền quốc gia. Theo suy nghĩ của chúng tôi, chúng ta có thể ký các Hiệp định về chuyển giao phạm nhân để phạm nhân về nước họ thi hành án phạt tù. Trên thực tế, Thái Lan và một số nước khác đã xin nhận phạm nhân về sử lý ở nước họ nhưng chúng ta thiếu các căn cứ pháp lý để giải quyết vì không có Hiệp định. Vấn đề này không phải là chưa có tiền lệ trên thế giới. Các nước cộng đồng Châu Âu đã ký một Hiệp ước về chuyển giao phạm nhân và đã được hầu hết các nước phê chuẩn. Bản thân nước ta cũng đã chuyển giao lẻ tẻ một số đối tượng về nước họ tiếp tục thi hành án. Thiết nghĩ với những nước gần gũi như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, việc đàm phán để ký kết vấn đề này là một vấn đề đơn giản, dễ thực hiện.

2.2. Tăng cường giáo dục tiếng Việt, văn hoá, lịch sử Việt Nam cho phạm nhân người nước ngoài

Mặc dù Pháp lệnh Thi hành án phạt tù đặt ra mục tiêu giáo dục để phạm nhân trở thành người lương thiện, nhưng như đã trình bày ở trên, công tác giáo dục phạm nhân là người nước ngoài đang bị xem nhẹ, chủ yếu vì mấy lý do sau:

ỉ Về nhận thức, còn không ít người cho rằng số này không phải là công dân Việt Nam, việc họ có trở thành lương thiện hay không lương thiện, nước ta không được lợi ích gì.

ỉ So với các công tác khác của lực lượng Cảnh sát trại giam thì công tác giáo dục để làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức con người là khó nhất. Trong khi đó, trình độ pháp luật, kiến thức xã hội, hiểu biết về phong tục tập quán và nhất là trình độ ngoại ngữ của cán bộ giáo dục, quản giáo hiện nay rất thấp, còn khoảng cách rất xa giữa yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Do ít hy vọng vào khả năng có thể giáo dục được số này, nên không cần giáo dục, chỉ cần quản lý cho tốt là được.

Vì những lý do trên, nên ngoại trừ giáo dục lao động (mà không phải tất cả các trại đều làm tốt) thì hầu như chúng ta chưa tiến hành đầy đủ các tác động giáo dục khác đối với phạm nhân là người nước ngoài. Công tác giáo dục chỉ còn được hiểu là việc thực hiện chế độ chính sách ăn, mặc, ở, phòng chữa bệnh, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù – những công việc thuần tuý hành chính và không có liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao, ít được tổ chức cho phạm nhan người nước ngoài hặc họ tham gia với tư cách khách thể hơn là vai trò chủ thể.

Như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng xu hướng chung số phạm nhân người nươc sngoài sẽ ngày càng tăng lên. Chúng tôi cũng không đồng ý với quan niệm của một số người cho rằng cách tốt nhất là đẩy được số này về nước qua giảm án, đặc xá để khỏi "tốn kém" về chi phí và tránh được những rắc rối, phức tạp trong quá trình giam giữ họ. Đây là một nhận thức chưa đầy đủ. Trước hết, nếu các đối tượng này không bị trừng phạt thích đáng, khi về nước họ khinh nhờn, coi thường hệ thống luật pháp Việt Nam, nếu có điều kiện sẽ không ngần ngại sang Việt Nam (hợp pháp hoặc phi pháp) để hoạt động trở lại. Mặt khác, số này về nước sẽ tuyên truyền một cách cường điệu hoá sự "bất lực" của Hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc trừng phạt tội phạm, từ đó các đối tượng khác sẽ chọn Việt Nam làm địa bàn để thực hiện các tội phạm như buôn bán phụ nữ, rửa tiền, đưa người sang nước thứ 3, ma tuý... (thực tế các tổ chức tội phạm quốc tế nghiên cứu rất kỹ nhằm tìm ra các quốc gia lỏng lẻo về luật pháp hoặc hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan tư pháp để "xuất khẩu" tội phạm). Vì vậy, giải pháp trên nếu trở thành một chủ trương chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mặt nhưng sẽ có hại về lâu dài và chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây cũng như hiện nay nhưng sẽ không phù hợp khi chúng ta hội nhập đầy đủ với thế giới và khu vực trong tiến trình toàn cầu hoá, khi mà sự có mặt của người nước ngoài ở Việt Nam đông hơn tham gia đầy đủ hơn vào hầu hết các mặt đời sống kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội của đất nước ta. Mặt khac, hầu hết nhưng xngười nước ngoài phạm tội ở Việt Nam đều có tư tưởng quan điểm, cách nhận thức về đất nước, con người Việt Nam mơ hồ, lệch lạc. Trong số họ, không ít người mang nặng mặc cảm với đất nước ta do thiếu thông tin, bị xuyên tạc thông tin, hoặc do khác biệt về phong tục tập quán, lối sống, hệ tư tưởng. Do đó, thời giam ở trại giam là cơ hội tốt để giáo dục họ. Trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, giáo dục phạm nhân chính là cuộc đấu tranh tư tưởng. Trong cuộc đấu tranh này nếu một bên lùi bước, bên kia sẽ lấn tới và ngược lại. Nếu chúng ta xem nhẹ, bỏ qua công tác giáo dục, bỏ mặc để phạm nhân "tự giáo dục" thì trong điều kiện bất mãn, bực bội của hoàn cảnh trại giam, tư tưởng chống đối, căm thù đất nước, con người Việt Nam sẽ ngày một tăng lên, những hiểu biết lệch lạc của phạm nhân sẽ tăng lên. Không thể đòi hỏi phạm nhân hiểu đúng về chúng ta mà họ lại không được giáo dục, học tập. Về lâu dài, khi trở về tổ quốc các đối tượng này sẽ tuyên truyền làm cho gia đình, thân nhân họ và những người cộng tác nhận thức sai lệch về Việt Nam. Ngoài ra, ngay trong giai đoạn đang bị giam giữ, sự u mê về luật pháp, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, đất nước, con người Việt Nam sẽ khiến họ không phân biệt phải trái dẫn đến vi phạm quy chế, nội quy trại giam. Nếu làm tốt công tác giáo dục phạm nhân chúng ta không những bảo đảm kỷ cương luật pháp, công bằng pháp luật mà còn có lợi cả về đối ngoại trước mắt cũng như lâu dài. Trong lịch sử cận đại nước ta, nhiều tù binh là người da màu ở các nước thuộc địa Pháp, người da đen ở Mỹ và cả người da trắng ở Pháp, Mỹ bị bắt trong 2 cuộc chiến tranh, nhờ được giáo dục tốt sau này về nước đã trở thành những hạt nhân tích cực ủng hộ Việt Nam. Mặt khác, không phải tất cả những người nước ngoài bị kết án phạt tù đều phải bị trục xuất. Tại Mục C, Khoản 1, Điều 13 của Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì người nước ngoài có thể được thường trú tại Việt Nam nếu như "là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam" Như vậy, sẽ còn một bộ phận phạm nhân sau khi hết hạn tù có thể được tiếp tục ở lại Việt Nam, nếu số này không được giáo dục đầy đủ sau khi ra trại sẽ có nhiều khả năng tái phạm trở lại, tiếp tục gây nguy hại cho an ninh quốc gia và trật tự xã hội của nước Việt Nam. Việc tiến hành dạy Tiếng Việt và tổ chức các hoạt động giáo dục cho phạm nhân cũng phù hợp với "những nguyên tắc, tiêu chuẩn tối thiểu trong việc đối xử với tù nhân" của Liên Hợp Quốc. Tại Điều 77 có quy định như sau:

Phải có giáo dục nhiều hơn cho mọi tù nhân có khả năng có lợi nhờ đó, kể cả những giáo lý tín ngưỡng ở những nước có thể áp dụng được điều này. Giáo dục cho người mù chữ và tù nhân trẻ lài việc bắt buộc và ban quản lý phải chú ý đặc biệt điều đó.

Trong phạm vi cho phép thực hiện, giáo dục cho tù nhân phải được kết hợp với hệ thống giáo dục của nước đó sao cho sau khi được tha họ có thể tiếp tục học tập không gặp khó khăn.

Như vậy, xét trên mọi góc độ, yêu cầu giáo dục đối với phạm nhân người nước ngoài là bắt buộc và cũng quan trọng như đối với phạm nhân người Việt Nam. Tuy nhiên, xuất phát từ khả năng thực tế, từ trình độ đội ngũ cán bộ, chúng ta chỉ nên tập trung vào một số nội dung sau:

ỉ Xây dựng tập thể phạm nhân lành mạnh (đội, buồng giam, phân trại) do ta năm và điều hành được. Tập thể này phải trở thành một chủ thể của quá trình giáo dục chứ không phải là một tập thể chống đối. Vì vậy, phải lựa chọn các đối tượng tiến bộ, có hiểu biết ít nhiều tiếng Việt vào vị trí Đội trưởng, Thư ký đội, Hội đồng tự quản. Để tạo ra một tập thể có kỷ luật phải khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh. Không vì họ là người nước ngoài mà dẫn đến xuê xoa, dễ dãi bỏ qua các hình thức kỷ luật, từ đó phạm nhân học tập lẫn nhau, coi thường, không tuân thủ nội quy, chống đối cán bộ. Tập thể phạm nhân phải là mộ ttập thể lao động với các yêu cầu rõ rết, bắt buộc về kết quả, định mức lao động. Lao động vừa sức, hợp lý sẽ có tác dụng tốt đến tâm lý, ý thức, nhân cách, sức khoẻ làm cho họ khuây khoả, giảm bớt những suy nghĩ tiêu cực, không "nhàn cư vi bất thiện", tự cho mình có đặc quyền, dặc lợi so với phạm nhân là người Việt Nam. Ngoài ra, phải tổ chức và tạo điều kiện cho phạm nhân đựoc tham gia đầy đủ vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, đời sống văn hoá xã hội của trại. Chừng nào phạm nhân không còn là người tham quan mà trở thành chủ thể của mọi hoạt động thì công tác giáo dục mới có hiệu quả.

Một trong những yêu cầu xây dựng tập thể phạm nhân trước hết phải tạo ra một tập thể không chống đối, biết tuân thủ quy chế, nội quy trại giam. Muốn làm được điều này, về mặt nghiệp vụ quản lý phải tạo ra sự liên kết mỏng manh giữa các phạm nhân. Như chúng tôi đã trình bày và phân tích ở trên, mặc dù có sự khác biệt rất lớn giữa các phạm nhân, mối liên hệ giữa họ với nhau rất mỏng manh, nhưng nếu tập thể phạm nhân kết hợp lại cũng sẽ tạo ra sức mạnh chống đối (như các vụ nhịn ăn, đòi yêu sách ở trại NH, TX và Trại 5). Nghệ thuật giáo dục loại đối tượng này đòi hỏi phải không tạo ra mâu thuẫn, xung đột nhưng đồng thời không được tạo ra sự liên kết tập thể phạm nhân. Vì vậy, cần phải nghiên cứu các đặc điểm tâm sinh lý, thói quen, lối sống, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch để bố trí trong một đội phạm nhân đa quốc tịch hoặc xé lẻ bố trí vào các đội phạm nhân có cả người Việt, hoặc tuy giam riêng nhưng tổ chức các sinh hoạt chung với phạm nhân Việt Nam. Với một tập thể như vậy, những phần tử xấu không dễ dàng tập hợp lực lượng, không thống nhất được chủ trương, yêu sách với trại giam và buộc phải phục tùng, tuân thủ sự phản lý, điều hành của cán bộ trại.

ỉ Cần đẩy mạnh tổ chức cho phạm nhân học tiếng Việt và giáo dục tuyên truyền phong tục tập quán của người Việt nam cho phạm nhân. Đây là một yêu cầu cần thiết nhằm làm cho phạm nhân có vốn từ vựng tối thiểu đủ để nắm được các quy định và chấp hành đầy đủ trong thời gian ở trại. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và không có gì vi phạm quyền con người. Do chưa có hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, nên ngoài việc mở các lớp tập trung thì biện pháp chủ yếu là bố trí sống xen kẽ, cùng lao động và học tập với những phạm nhân gốc Việt Nam, phạm nhân biết tiếng Việt, hoặc phạm nhân là người Việt Nam. Thông qua giao tiếp hàng ngày giữa người biết tiếng và không biết tiếng Việt số này sẽ nhanh chóng nắm được một số từ vựng tối thiểu. Việc đặt phạm nhân vào môi trường tiếng Việt thường xuyên thông qua ti vi có tác dụng rất tốt với khả năng tiếp thu của phạm nhân. Vì vậy, mỗi buồng giam phạm nhân đều phải có ít nhất một ti vi. Đồng thời, các trại giam người nước ngoài, tuỳ đặc điểm cụ thể có thể bố trí kéo dài thời gian xem tivi cho phạm nhân qua bản tin Tiếng Anh, Tiếng Pháp của vô tuyến truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, các trại giam cần liên hệ với các nhà trường phổ thông cơ sở để mời các giáo viên văn (trong đó có phần Tiếng Việt) vào dạy thêm cho phạm nhân mỗi tuần 2 buổi. Với trình độ chuyên môn và khả năng nắm bắt, sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ này, chắc chắn việc tiếp thu tiếng Việc của phạm nhân sẽ tốt hơn sự truyền thụ của cán bộ giáo dục trong trại.

ỉ Bên cạnh đó, phải tổ chức các lớp giảng về truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, bản sắc của người Việt Nam, đất nước con người Việt Nam. Việc tổ chức học tập phải đồng bộ từ giảng bài (thông qua phiên dịch) thảo luận, viết thu hoạch và giải đáp thắc mắc, cũng như cho phạm nhân xem các băng video về lễ hội, văn hoá, phong tục tập quán Việt Nam. Giảng viên phải làm cho phạm nhân hiểu và nắm được các vấn đề cơ bản về quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng như các phong tục, tập quán chủ yếu của người Việt. Đồng thời giới thiệu những chủ trương, chính sách lớn về đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Quá trình tổ chức thảo luận cần có sự điều khiển trực tiếp của cán bộ, không để các đối tượng quá khích lợi dụng để xuyên tạc lịch sử, đường lối chính sách của Nhà nước ta.

ỉ Không chỉ ở góc độ nhân quyền mà cả ơ góc độ giáo dục, chúng ta cần cho phạm n hân được đọc sách báo bằng tiếng nước họ, nếu xét thấy những sách báo này có nội dung tốt. Phòng giáo dục của Cục phải có trách nhiệm thẩm định và quyết định những loại sách báo, tài liệu nào phạm nhân có thể mang theo vào trại giam. Những loại nào bị cấm phải thu giữ hoặc tiêu huỷ. Chúng ta không vì sự ít hiểu biết về ngoại ngữ của chính mình mà cản trở quyền được học tập, trau dồi kiến thức thông qua sách báo của phạm nhân. Trong môi trường chật hẹp thiếu thốn, không hoặc ít hiểu biết về tiếng Việt lại không được học tập giải trí bằng sách báo ngôn ngữ, họ trở thanh fnhững người vừa "mù’ vừa "câm" vừa "điếc". Xét ở góc độ quyền con người và khía cạnh giáo dục, sự ngăn cản như trên là thiếu tính nhân đạo, có hại cho quá trình quản lý giam giữ phạm nhân của cơ quan thi hành án. Mặt khác, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù khuyến khích mọi phạm nhân tự học để nâng cao trình độ. Không có lý nào chỉ vì là người nước ngoài chúng ta lại ngăn cản việc đọc sách học tập của họ – nhu cầu tối thiểu trong xã hội văn minh ngày nay.

2.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ trại giam có đủ trình độ năng lực chuyên môn

Nói đến việc tổ chức thi hành án phạt tù trong trại giam tức là thực hiện các chế độ quản lý, giam giữ, chính sách pháp luật, là tiến hành các đối sách, là công tác giáo dục lao động văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ... Như vậy, về thực chất đây là sự hợp tác giữa cán bộ trại giam – chủ thể và phạm nhân – khách thể của quá trình tổ chức thi hành bản án phạt tù. Trong hoạt động này các trại giam cần phải có một đội ngũ cán bộ có chiều dày kinh nghiệmm bản lĩnh chính trị, tư chất khoa học, am hiểu pháp luật, sắc sảo nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ, năm vững chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Muốn giáo dục người khác, trước hết cán bộ trại giam phải được giáo dục, phải nổi trội hơn phạm nhân không chỉ về đạo dức tư cách mà cả học vấn, tài năng. Nếu thiếu những phẩm chất này thì dù một hệ thống pháp luật đầy đủ, một cơ chế hoạt động hợp lý đến mấy, các ý tưởng tốt đẹp cũng không thể trở thành hiện thực. Làm việc với con người đã khó, với phạm nhân khó hơn và với phạm nhân là người nước ngoài càng khó hơn nhiều. Thế nhưng trong thực tế hiện nay, trình độ đội ngũ cán bộ của ta rất bất cập. Phần lớn cán bộ trại giam chưa qua đào tạo hoặc được đào tạo tại chức (trung học và đại học) với rất nhiều hạn chế kể cả về trình độ văn hoá xã hội, kiến thức pháp luật, tâm lý sư phạm. Trong tất cả các trại giam không có một đồgn chí lãnh đạo nào có trình độ tiếng Anh, thậm chí ở mức tối thiểu bằng B. Vì vậy, việc giao dịch ra các chỉ thị, mệnh lệnh với phạm nhân chủ yếu bằng ký hiệu hoặc thông qua phạm nhân khác. Dĩ nhiên khi có yêu cầu cần phải làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn.

Từ thực trạng này đặt ra vấn đề phải coi việc xây dựng một đội ngũ cán bộ trại giamcó trình độ cao đáp ứng cho yêu cầu giam giữ phạm nhân là người nước ngoài trước mắt cũng như lâu dài là rất cấp bách.

Để có được đội ngũ cán bộ có chất lượng, phù hợp với yêu cầu công tác thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người nước ngoài cần lưu ý một số vấn đề sau:

ỉ Rà soạt lại và ưu tiên đào tạo bậc đại học cho đội ngũ cán bộ làm công tác ở các trại giam giam người nước ngoài theo hai hệ chính quy và tại chức để sau một số năm có được đội ngũ cán bộ có chất lượng. Giảm dần tỉ lệ đào tạo tại chức, trước mắt có thể cần duy trì hai hình thức nhưng về lâu dài tiến tới giảm và bỏ hình thức tại chức.

ỉ Cục V26 và Bộ cần nghiên cứu, có quy định đề bạt các đồng chí lãnh đạo (Giám thị, Phó giám thị, phụ trách phân trại) ở các trại giám người nước ngoài bên cạnh các tiêu chuẩn bắt buộc hiện hành phải có thêm một tiêu chuẩn ngoại ngữ tiếng Anh tối thiểu bằng C. Quy định này vừa xuất phát từ thực tiễn cũng như phù hợp với "Những nguyên tắc tiêu chuẩn tối thiểu trong việc đối xử với tù nhân" là: Giám đốc, người Phó giám đốc và đại bộ phận nhân việc phải nói được ngôn ngữ của số tù nhân đông nhất hay một ngôn ngữ mà số tù nhân đông nhất có thể hiểu được (Điều 51).

ỉ Các trại giam cần khuyến khích, tạo điều kiện về kinh phí thời gian để cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người nước ngoài được học tập ngoại ngữ. Coi đây là tiêu chuẩn bắt buộc trong đánh giá thi đua khen thưởng, đề bạt đối với đội ngũ này.

2.4. Thành lập trại định cư người nước ngoài ở Việt Nam

Như đã trình bày ở phần trên, thời gian tới số người nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường bất hợp pháp sẽ ngày một tăng. Việc xử lý hình sự hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam theo Bộ luật Tố tụng hình sự là không thích hợp và không phù hợp với tập quán quốc tế. Tuy nhiên, nếu chấp nhận cho số này được tạm trú chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc trục xuất đều tạo ra sự bất ổn về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, còn có một số người nước ngoài đang trong thời gian chờ thi hành Hình phạt trục xuất hoặc Lệnh trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an sau khi đã hết thời hạn chấp hành hình phạt tù. Trong số này có cả những người chúng ta không làm rõ được quốc tịch, hoặc mang quốc tịch nước ngoài nhưng có nguyện vọng được thường trú tại Việt Nam vì có vợ, con, thân nhân là người Việt Nam. Một số khác chưa thể trục xuất vì còn phải chờ thi hành các hình phạt bổ sung, làm nhân chứng cho các vụ án khác, hoặc chờ gia định gửi vé máy bay sang... Tất cả các đối tượng này cần được quảnl ý chặt chẽ để chờ sự phân loại, xử lý, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thanh flập các trại định cư nước ngoài ở Việt Nam danh cho các đối tượng trên do Bộ Công an quản lý. Các nước xung quanh chúng ta như Hồng Kông, Singapo, Thái Lan cũng đều thành lập các khu định cư để quản lý, phân loại người nước ngoài. Thiết nghĩ cách làm của họ hoàn toàn có thể học tập và vận dụng vào điều kiện Việt Nam. Trước mắt ở 2 thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể thí điểm xây dựng các trại định cư. Các đối tượng này sẽ được hưởng một chế độ sinh hoạt thoải mái, rộng rãi hơn so với phạm nhân nhưng không được ra ngoài khu định cư. Kinh phí chi cho hoạt động này ngoài một phần nhờ ngân sách của Nhà nước, kinh phí chủ yếu do bản thân, gia đình, công ty của họ chịu trách nhiệm và một phần tài trợ của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc và Phi chính phủ.

 

Kết luận

Tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân đang thi hành án trong các trại giam của Bộ Công an là một công tác quan trọng trong hoạt động thi hành án của lực lượng cảnh sát trại giam. Trong xu thế càng ngày càng gia tăng các hoạt động phạm tộ cũng như gia tăng tính chất phức tạp của tộ phạm có yếu tố nước ngoài đã đặt ra cho công tác này nhiều yêu cầu mới vừa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn cần phải được làm rõ. Công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài vẫn pải đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia vừa phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng của pháp luật trên nguyên tắc "mọi tội phạm đều phải bị trừng phạt", đồng thời phải phục vụ cho chính sách đối ngoại mở cửa của Đảng và Nhà nước ta. Từ thực tiễn công tác thi hành án, xem xét phân tích ở các góc độ chính trị, nghiệp vụ, pháp lý và đối ngoại có thể rút ra một số kết luận sau:

Cơ cấu thành phần, tính chất tội phạm của nhóm phạm nhân là người nước ngoài rất đa dạng, phức tạp

Việc tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân là người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do vị trí pháp lý đặc biệt của phạm nhân và do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, lối sống, phong tục tập quán.

Thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài đặt ra cho lực lượng cảnh sát trịa giam và các cơ quan Nhà nước có liên quan nhiều nhiệm vụ, yêu cầu phức tạp, nhưng nếu có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, một cơ chế phối hợp chặt chẽ, một đội ngũ cán bộ có trách nhiệm chúng ta hoàn toàn có thể "bình thường hoá" công tác này buộc phạm nhân phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tiếp thu giáo dục để trở thành người lương thiện.

Là một vấn đề mới nảy sinh trong những năm gần đây nên trong thực tiễn chúng ta chưa rút ra được những kinh nghiệm cần thiết. Các quy định pháp lý về quản lý giam giữ giáo dục còn thiếu hoặc chung chung gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện cần phải sớm được bổ sung hoàn thiện để tạo một hành lang pháp lý cho công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài.

Xuất phát từ thức tiễn việc tổ chức thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài, yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, của chính sách mở cửa và hợp tác trong xu thế toàn cầu hoá, đề tài đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân trong các trại giam như sau:

Một là: nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho công tác thi hành án phạt tù đối với người nước ngoài.

 

Hai là: Tăng cường giáo dục tiếng Việt, văn hoá, lịch sử Việt Nam cho phạm nhân là người nước ngoài.

Ba là: Xây dựng đội ngũ cán bộ trại giam có đủ trình độ năng lực chuyên môn.

 

Bốn là: Thành lập trại định cư người nước ngoài ở Việt Nam.

Tổ chức thi hành án phạt tù đối với phạm nhân người nước ngoài trong các trại giam của Bộ Công an là một đề tài rât rộng lớn bao gồm nhiều nội dung, nhiều vấn đề, có liên quan trực tiếp đến những lĩnh vực ngoài phạm vi trại giam, ngoài khuôn khổ phạm vi của đề tài và cũng cần được làm sáng tỏ thêm trong các đề tài khác. Trong phạm vi của một đề tài cấp Bộ, chúng tôi mới chỉ tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác quản lý, giam giữ giáo dục phạm nhân trong trại giam của cán bộ chiến sỹ lực lượng cảnh sát trại giam. Trong khuôn khổ hiểu biết có mức độ của mình chúng tôi cố gắng đề xuất những giải pháp thiết thực, mang tính khả thi và cấp bách để các cơ quan có trách nhiệm ngihên cứu trong việc sửa đổi pháp luật, điều chỉnh chủ trương công tác và tổ chức thực hiện.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự cộng tác giúp đỡ có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nghiên cứu của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ các trại giam Thủ Đức, Thanh Xuân, Xuân Lộc đã tận tình giúp đỡ cung cấp nhiều tư liệu quý để chúng tôi có thể hoàn thành công trình nghiên cứu của mình.

Chắc chắn đề tài còn nhiều thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự cộng tác giúp đỡ của tất cả các đồng chí và các bạn quan tâm đến lĩnh vực này.

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2000

Chủ nhiệm đề tài

 

Danh mục tham khảo tài liệu

Các văn bản của Đảng, Nhà nước, Ngành Công an

1. Bộ Nội vụ: Chỉ thị số 02-CT-BNV (V14) ngày 16/2/1992 về việc giải quyết công việc trên biên giới Việt – Trung.

 

2. Bộ Nội vụ: Thông tư số 09/BNV ngày 17/10/1992 hướng dẫn thực hiện các Quy chế khu vực biên giới.

 

3. Bộ Nội vụ: Thông tư số 04/BNV (A18) ngày 27/3/1993 hướng dẫn thực hiện Nghị định 04-CP ngày 18/1/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh...

 

4. Bộ Nội vụ: Thông tư số 08/BNV (A18) ngày 23/8/1993 hướng dẫn thực hiện Nghị định 48-CP ngày 8/7/1993 của Chính phủ về hộ chiếu và thị thực.

 

5. Bộ Nội vụ: Quyết định số 450-QĐ-BNV (V11) ngày 4/12/1993 quy định trách nhiệm, lề lối phối hợp trong các lực lượng Công an nhân dân đối với công tác quản lý người nước ngoài.

 

6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Quyết định 458/QĐ (V19) ngày 13/12/1993 về việc quản lý Nhà nước công tác thi hành án phạt tù trong lực lượng Công an nhân dân.

 

7. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Quyết định số 482/QĐ-BNV ngày 10/8/1995 ban hành Nội quy trại giam.

 

8. Bộ Nội vụ: Công văn số 84/BNV (V26) ngày 10/10/1996 hướng dẫn tổ chức xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân trong các phân trại thuộc trại giam.

 

9. Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp: Thông tư số 04/89/TT-LN ngày 15/8/1989 về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

 

10. Bộ Nội vụ, Toà án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính: Thông tư số 01/TT-LN ngày 10/1/1992 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản trong các vụ án hình sự và dân sự.

 

11. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội: Thông tư số 11/TT-LN ngày 20/12/1993 hướng dẫn việc giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hoá, dạy nghề, chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân.

 

12. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội: Thông tư số 12/TT-LN ngày 20/12/1993 hướng dẫn thực hiện chế độ ăn, mặc, ở, tổ chức phòng, chữa bệnh phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho phạm nhân.

 

13. Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/11/1991 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ cấp bách ở biên giới Việt Nam – Campuchia trước tình hình mới.

14. Chỉ thị 07-CT/TW ngày 28/2/1992 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số nhiệm vụ công tác trướ mắt ở biên giới phía Bắc trong điều kiện bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

15. Chỉ thị 46/BCN-TW ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo đổi mới phát triển du lịch trong tình hình mới.

16. Cục V26: Báo cáo Tổng kết công tác trại giam năm 1990, 1991, 1992, 1993, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 1999.

 

17. Cục V26: Công văn số 501/V26 (P3) ngày 6/6/1995, quy định về phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại.

 

18. Cục V26: Công văn số 317/V26 (P2) ngày 2/3/1998b về việc đưa người bị kết án tù ra khỏi trại giam.

 

19. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (12/11/1996).

20. Luật Quốc tịch Việt Nam (1998).

21. Luật hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2000.

22. Thông báo số 23-TB/TW ngày 12/12/1996 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về ý kiến của Bộ Chính trị về phân công các lực lượng quản lý, kiểm soát cửa khẩu quốc tế và xây dựng Pháp lệnh về Bộ đội biên phòng.

23. Thông báo số 115-TB/TW ngày 19/3/1998, ý kiến của Bộ Chính trị về dự án Luật Quốc tịch Việt Nam.

24. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

25. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Pháp lệnh Thi hành án phạt tù (8/3/1993)

 

26. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài.

 

27. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chứ quốc tế tại Việt Nam (1993).

 

28. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (2/12/1993)

 

29. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, VI VII, VIII.

 

Các công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, báo cáo khoa học

1. Nguyễn Ngọc Anh (1996), "Một số vấn đề thực tiễn ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự", Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Khoa học pháp lý và Bộ Tư pháp.

2. Bộ Tư pháp (1990), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với người nước ngoài, Đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 86-98-120 của Bộ Tư pháp.

3. Bộ Công an (1993), Quyết định số 450/QĐ-BNV (A11) ngày 4/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy định trách nhiệm, lề lối phối hợp trong các lực lượng Công an nhân dân đối với công tác quản lý người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Bùi Quảng Bạ (1997), Đổi mới và hoàn thiện pháp luật trong quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sỹ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

5. Công tác giáo dục cỉa tạo phạm nhân – Trần Quốc Hoàn – NXBCAND – Hà Nội 1972.

6. Chấn chỉnh công tác trinh sát trại giam trong công tác cải tạo phạm nhân – Đại tá Tô Quyền, Cục trưởng V26 – Tạp chí NCKHCN số 12/1991.

7. Cảnh sát trại giam với việc thực hiện quyền con người trong tại giam – Đại tá Nguyễn Xuân Thao, Phó Cục trưởng V26 – Tạp chí NCKHCA số 04/1992.

8. Đại tá Hồ Sỹ Tuệ, Cục trưởng B12 (6/1995), Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia Việt Nam – đề tài khoa học cấp Bộ.

9. Công tác quản lý tạm trú người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp – Đề tài khoa học cấp Bộ của Tổng cục CSND 8/1997.

10. Đại ta, TS Phạm Đức Chấn, Phó cục trưởng V26 (1998), Tổ chức lao động sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam của Bộ Công an – Đề tài khoa học cấp Bộ.

11. TS Nguyễn Hữu Duyện (1998), Công tác giáo dục phạm nhân Đặc biệt nguy hiểm xâm phạm An ninh quốc gia trong các trại giam thuộc Bộ Công an – Đề tài khoa học cấp Bộ.

12. TS Nguyễn Hữu Duyện (1998), Giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh trường giáo dưỡng – Giáo trình Đại học Cảnh sát nhân dân

13. Xử lý vi phạm pháp luật đối với người nước ngoài tại Việt Nam thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội – Thực trạng và giải pháp – Đề tài nghiên cứu khoa học trường Đại học An ninh nhân dân 1996.

 

Tài liệu nước ngoài

1. Luật Lao động – cải tạo Liên Xô (cũ).

2. Luật Thi hành án phạt tù Cộng hoà Liên bang Nga.

3. Luật Tố tụng hinh sự Cộng hoà Pháp.

4. Luật Tố tụng hình sự Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

5. Luật Tố tụng hình sự Hoa Kỳ.

File đính kèm downloadTải về