• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế
Nội dung tóm tắt

Quá trình hội nhập quốc tế ở các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Điều đó cũng có nghĩa là, đi đôi với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thì việc hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp quốc tế được coi là một bảo đảm hữu hiệu trong cơ chế hợp tác của các quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Toà án và các cơ quan tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cho đến nay, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam với các nước chủ yếu được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp (và pháp lý) được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam với nước ngoài. Còn đối với các nước chưa ký kết Hiệp định này, thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua con đường ngoại giao. Trong các văn bản pháp luật hiện hành, Nhà nước ta vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật hay pháp lệnh điều chỉnh một cách tổng thể các vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế, mà mới chỉ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các quy định đơn lẻ, tản mạn chủ yếu mang tính nguyên tắc về tương trợ tư pháp hoặc liên quan gián tiếp đến tương trợ tư pháp như: về nội dung có Bộ luật Hình sự (với các quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi phạm tội tại Việt Nam); Bộ luật Dân sự (Phần thứ bảy với các quy tắc lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài); Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật Hàng hải (với các quy định liên quan đến cơ chế hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực dịch vụ hàng không, hàng hải, vận chuyển hàng hoá và hành khách...); Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.... Về tố tụng có Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (với các quy định về việc xác định thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam trong các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài); Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài...

Như vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đây, xét về nội dung thì chỉ có một số rất ít các văn bản là có tính chất chuyên ngành về tương trợ tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, các văn bản này được ban hành đã lâu, hiệu lực thấp, tính ràng buộc về mặt pháp lý không cao, nhiều quy định cho đến nay đã không còn phù hợp, không đáp ứng được các yêu cầu do thực tiễn phát sinh, nên ít phát huy được hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống về công tác tương trợ tư pháp, củng cố cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho công tác này, sẽ góp phần phục vụ trực tiếp vào việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, có giá trị pháp lý cao tạo cơ sở ổn định cho các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam, là yêu cầu hết sức cấp thiết. 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm sáng tỏ luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế.     

Trong phạm vi nghiên cứu của một đề tài cấp Bộ, đề tài tập trung vào 4 nhóm vấn đề cơ bản sau đây:

- Nghiên cứu cơ sở lý luận của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

- Nghiên cứu pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp ở một số nước (Liên Xô (cũ) và Đông Âu, Mỹ, Canada, Ôxtrâylia, Anh...). Từ đó đúc rút những kinh nghiệm bổ ích để vận dụng vào việc xây dựng Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam.

- Nghiên cứu cơ sở pháp luật và thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua.

- Nghiên cứu xây dựng đề án Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam, đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo, dự kiến bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh.

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

1. Về phương diện quốc tế

1.1. Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, thì các quốc gia - chủ thể cơ bản của luật quốc tế hiện đại - phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau.

Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ngày càng được đề cao, bởi lẽ, để giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, thì bản thân một quốc gia hoặc một nhóm nước nằm trong khu vực nhất định, không thể giải quyết được một cách ổn thoả, nếu không có sự hợp tác trên bình diện quốc tế. Mặt khác, nhu cầu hợp tác quốc tế là xuất phát từ lợi ích của các quốc gia trong xu hướng hội nhập và vì thế không chỉ giới hạn trong phạm vi các vấn đề có tính phổ cập (như ổn định hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển kinh tế - khoa học kỹ thuật...), mà đã được mở rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó lĩnh vực pháp luật và tư pháp luôn giữ vai trò then chốt.

1.2. Nhu cầu hợp tác và tương trợ về tư pháp giữa các quốc gia ngày càng trở nên bức thiết và có tầm quan trọng to lớn bên cạnh sự hợp tác về nhiều mặt giữa các nước. Điều đó được giải thích bởi cùng với xu hướng hội nhập, trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ngày càng có nhiều người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống. Trong các giao lưu hàng ngày về mọi mặt giữa cá nhân, pháp nhân nước ngoài với công dân, pháp nhân của nước sở tại đã làm phát sinh nhiều quan hệ, tranh chấp thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế - thương mại... đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời. Khi Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước thụ lý và giải quyết các quan hệ, tranh chấp đó (là các quan hệ, tranh chấp có yếu tố nước ngoài), thì không chỉ căn cứ vào hệ thống pháp luật và dựa vào sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng của nước mình, mà nhiều trường hợp cần có sự tương trợ, giúp đỡ của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì mới có thể giải quyết ổn thoả các vấn đề đặt ra. Do vậy, sự hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp, phải được nhìn nhận như một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các giao lưu về mọi mặt giữa các quốc gia nói chung.

2. Khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế

Thông qua cách tiếp cận một số khái niệm về tương trợ tư pháp quốc tế theo các hệ thống pháp luật khác nhau, đề tài rút ra một số điểm chung về khái niệm này, trước hết đó là việc thực hiện uỷ thác tư pháp (về dân sự và hình sự). Phạm vi uỷ thác tư pháp rộng hay hẹp là tuỳ thuộc vào nội dung và tính chất của vụ việc uỷ thác được yêu cầu. Song tựu trung lại, phạm vi uỷ thác tư pháp thường bao gồm việc tống đạt giấy tờ, lấy lời khai, cung cấp chứng cứ, xác minh địa chỉ... nhằm mục đích chủ yếu là phục vụ cho quá trình tố tụng quốc tế. Ngoài ra, trong trường hợp không có điều ước quốc tế liên quan, thì hoạt động tương trợ tư pháp và pháp lý ở các nước thường được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

Đối với Việt Nam, khái niệm "tương trợ tư pháp" cho đến nay vẫn chủ yếu được hiểu trên cơ sở phạm vi các vấn đề được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết với nước ngoài. Tuy nhiên, phạm vi các vấn đề trong các Hiệp định tương trợ tư pháp hiện nay không thống nhất. Do đó, nếu tổng hợp toàn bộ nội dung của 13 Hiệp định tương trợ tư pháp mà ta đã ký, thì sẽ có một khái niệm tương đối rộng về tương trợ tư pháp quốc tế. Tức là, ngoài phạm vi các vấn đề giống như các nước (đã nêu trên đây), thì còn bao gồm vấn đề dẫn độ, xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền, bảo hộ pháp lý, năng lực pháp luật của cá nhân, pháp nhân... Còn trong các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước ta thì  chưa có quy định về khái niệm tương trợ tư pháp. Trong một số công trình khoa học, khái niệm tương trợ tư pháp cũng chỉ được đề cập dưới các góc độ nghiên cứu khoa học (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp) với phạm vi các vấn đề không đầy đủ và thống nhất.   

Qua tham khảo pháp luật và thực tiễn của một số nước, nhất là trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam với các nước, cũng như quá trình thực hiện tương trợ tư pháp giữa Nhà nước ta với các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, đề tài đã đưa ra khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế để có thể tham khảo, vận dụng trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh Tương trợ tư pháp như sau:

Tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua Toà án và các cơ quan tư pháp) giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở điều ước quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm đảm bảo việc thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.

Từ khái niệm này, cần lưu ý những điểm sau:

Một là, thực chất của hoạt động tương trợ tư pháp chính là sự hỗ trợ, giúp đỡ giữa các quốc gia về các vấn đề tư pháp. Các vấn đề tư pháp, nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì chỉ bao gồm một số hành vi tố tụng riêng biệt. Điều này cũng đồng nghĩa với bản chất của vấn đề tương trợ tư pháp là việc hỗ trợ thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt (như thực hiện uỷ thác điều tra, thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ...). Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì có thể bao gồm cả sự bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật (lựa chọn pháp luật áp dụng) trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế.

Hai là, cơ sở pháp lý (hay còn gọi là nguyên tắc) của việc thực hiện tương trợ tư pháp là điều ước quốc tế (song phương hoặc đa phương) giữa các quốc gia; nếu không có điều ước quốc tế thì tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại - nguyên tắc phổ biến trong quan hệ quốc tế được nhiều nước áp dụng.

Ba là, cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp, về nguyên tắc đều do pháp luật của mỗi quốc gia quy định, song thông thường là cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp bao gồm: i) Toà án (là chủ yếu) và các cơ quan tư pháp khác (kiểm sát, công an); ii) Các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền (cả ở trung ương và địa phương) như ngoại giao, tư pháp, Uỷ ban nhân dân; iii) Các cơ quan bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định, hộ tịch, luật sư. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động tương trợ tư pháp lâu nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn do các cơ quan trong các ngành Toà án, tư pháp, công an và ngoại giao thực hiện.

Bốn là, lĩnh vực tư pháp bao gồm cả dân sự (theo nghĩa rộng, gồm cả hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế - thương mại) và hình sự (điều tra, thu thập chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ, thi hành án).

Cuối cùng, mục đích của hoạt động tương trợ tư pháp, xét cho cùng, là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân của các quốc gia trên lãnh thổ của nhau. Đương nhiên, việc đảm bảo thi hành pháp luật được coi là mục tiêu cơ bản của hoạt động tương trợ tư pháp, bên cạnh mục tiêu củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác về nhiều mặt giữa các quốc gia hữu quan.

3. Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa các nước

Cơ sở pháp lý quốc tế chung nhất của việc thực hiện tương trợ tư pháp giữa các quốc gia là điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm cho rằng, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về tương trợ tư pháp để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, cũng như chưa có một điều ước quốc tế (đa phương) nào quy định được một cách đầy đủ tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp, do đó, phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của mỗi loại điều ước, mà tương trợ tư pháp được đề cập dưới các góc độ khác nhau. Đề tài đề cập đến một số điều ước quốc tế điển hình về các lĩnh vực tương trợ tư pháp giữa các quốc gia để thấy rõ hơn tính đa dạng, phức tạp của loại hoạt động này.     

a) Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý giữa các nước XHCN trước đây là loại điều ước song phương, khá phổ biến và thường có phạm vi rất rộng, bao gồm cả các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của nhiều nước là ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với phạm vi hẹp, chỉ bao gồm tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hoặc hình sự, dẫn độ mà không bao gồm các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật. Thực tế thời gian qua, Nhà nước ta đã ký với Pháp Hiệp định tương trợ tư pháp với phạm vi hẹp.

b) Điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp([1]) chủ yếu bao gồm:

Công ước La Hay ngày 1/3/1954 về các vấn đề tố tụng dân sự. Trên cơ sở Công ước này, nhiều quốc gia ký kết với nhau điều ước song phương về các vấn đề tố tụng như Hiệp định Pháp - Đức ngày 6/5/1961; Hiệp định Đức - Áo ngày 6/6/1959 v.v...

Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về tống đạt các giấy tờ tư pháp và phi tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại được thông qua tại Hội nghị La Hay thứ 10 về tư pháp quốc tế. Thành viên là các nước châu Âu (đã tham gia Công ước ngày 1/3/1954), Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nhưng Công ước này sau đó chỉ được một số rất ít nước phê chuẩn. Để thực hiện tương trợ tư pháp, Công ước ngày 15/11/1965 quy định mỗi nước thành viên phải thành lập một hoặc một số cơ quan trung ương; việc tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua các cơ quan trung ương này (chứ không thông qua cơ quan lãnh sự của các nước). Tuy nhiên, cách thức cụ thể thực hiện uỷ thác tư pháp ra sao, thì do pháp luật và thực tiễn của mỗi nước quy định, nếu không bị các quốc gia thành viên phản đối.

Công ước La Hay ngày 18/3/1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài chỉ có một số ít nước tham gia, trong đó có Anh, Mỹ, Cộng hòa liên bang Đức. Theo quy định của Công ước, việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của nhân chứng, đương sự ở nước ngoài được thực hiện thông qua viên chức Lãnh sự hoặc "viên chức cao cấp" (commissioner) của Toà án có thẩm quyền.

Công ước EEC ngày 27/9/1968 về trách nhiệm quốc tế và thi hành các quyết định dân sự của Toà án. Công ước này, về nguyên tắc, không quy định những vấn đề chung về tương trợ tư pháp, mà dẫn chiếu đến cam kết của các quốc gia thành viên trong các thoả thuận liên quan. Tuy nhiên, liên quan đến việc thi hành án, Công ước cho phép thực hiện một số hành vi uỷ thác từ nước yêu cầu đến nước được yêu cầu, như tống đạt tài liệu, giấy tờ đảm bảo cho việc thi hành án...

Ngoài ra, vấn đề tương trợ tư pháp còn được quy định trong nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác như: Công ước La Hay ngày 1/2/1971 về công nhận và thi hành bản án nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại; Công ước giữa các nước Bắc Âu về công nhận và thi hành bản án năm 1932; Công ước Brúcxen về thẩm quyền và việc thi hành các bản án dân sự và thương mại năm 1968 (áp dụng giữa các nước EEC); Công ước giữa các nước châu Mỹ về giá trị ngoài lãnh thổ của các bản án và các quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1979; Công ước châu Âu về uỷ thác hình sự năm 1972; Công ước mẫu về uỷ thác hình sự do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1990...

4. Tương trợ tư pháp - xét từ phương diện trong nước

Ở Việt Nam, tương trợ tư pháp giữ vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nhưng vì chưa có văn bản pháp luật quy định một cách toàn diện các vấn đề về tương trợ tư pháp, nên thực tế chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tương trợ tư pháp, đặc biệt là với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế. Các Toà án nhân dân địa phương còn lúng túng trong việc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện uỷ thác tư pháp. Cho nên nhiều vụ án xét xử bị chậm so với thời hạn luật định. Vì vậy, việc làm rõ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn, phục vụ xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế là điều hoàn toàn phù hợp và có tính cấp bách. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII (Nghị quyết 8) "... phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp...".

II. KINH NGHIỆM VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC

1. Tương trợ tư pháp ở nước công nghiệp phát triển

1.1. Trong hệ thống pháp luật của các nước công nghiệp phát triển, kể cả những nước theo truyền thống pháp luật lục địa (Civil Law) và những nước theo truyền thống luật án lệ (Common Law) - là những hệ thống pháp luật phát triển, có bề dày lịch sử - các quy định về tương trợ tư pháp quốc tế có một vị trí quan trọng. Trong đó, ở Cộng hòa liên bang Đức các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp được quy định trong 24 điều của Bộ luật Dân sự, cũng như trong Luật Tư pháp quốc tế ngày 25/7/1986. Ở Pháp, ngoài Bộ luật Dân sự (Bộ luật Napoleon năm 1804) còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế. Ở Anh, vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật về trọng tài năm 1975, Luật về di chúc năm 1963, Luật về nuôi con nuôi năm 1968, Luật công nhận quyết định của Toà án về ly hôn và ly thân năm 1971, Luật về chứng cứ trong tố tụng năm 1975, Luật về miễn trừ quốc gia năm 1978 ... Ngoài ra, các tập án lệ (như Tập án lệ Daixi) cũng là nguồn rất quan trọng về tương trợ tư pháp quốc tế ở Vương quốc Anh. Ở Mỹ, trong các đạo luật về tư pháp quốc tế của các bang đều có các quy định về tương trợ tư pháp quốc tế. Một trong các luật mới nhất là Luật Tư pháp quốc tế được ban hành tại bang Luidiana năm 1991 cũng dành một phần quy định về tương trợ tư pháp. Ngoài ra, giống như ở Anh, các tập án lệ được biên soạn tại Mỹ cũng là nguồn khá quan trọng về tương trợ tư pháp, trong đó phải kể tới Tập tổng luật về xung đột pháp luật (gồm 3 tập) được xuất bản năm 1971.

Một đặc điểm đáng chú ý là các nước công nghiệp phát triển (kể cả các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law và Common Law) ít ký kết điều ước song phương về tương trợ tư pháp. Vấn đề tương trợ tư pháp thường được quy định trong các điều ước quốc tế đa phương. Đây chính là cơ hội tiến tới nhất thể hoá các hoạt động tương trợ tư pháp của các quốc gia thành viên và tạo cơ sở để cho hoạt động này của các nước xích lại gần nhau, góp phần vào việc giải quyết xung đột pháp luật giữa các nước trong lĩnh vực này.

1.2. Tương trợ tư pháp quốc tế theo pháp luật và thực tiễn của các nước Common Law, điển hình là Vương quốc Anh và Ôxtrâylia, có nhiều điểm đặc trưng cho hệ thống luật án lệ. Trước hết, đối với các nước này, thuật ngữ "tương trợ pháp lý" hoặc "hợp tác tư pháp" chỉ bao gồm các hoạt động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực điều tra, tố tụng và thi hành bản án về hình sự và dân sự. Nói cách khác, mục tiêu chính của sự hợp tác về tư pháp quốc tế chỉ là nhằm thực thi tốt pháp luật hoặc hỗ trợ thi hành pháp luật, tránh để lãnh thổ của các quốc gia trở thành thiên đường tội phạm.

Về hình sự, phạm vi tương trợ tư pháp bao gồm các nội dung chủ yếu là: thu thập chứng cứ và lấy lời khai, kể cả việc thực hiện thư yêu cầu điều tra; cung cấp tài liệu, chứng cứ; nhận dạng và xác định nơi cư trú của cá nhân; thực hiện việc khám xét và tịch thu; tống đạt giấy tờ... Còn các vấn đề khác như dẫn độ, thi hành bản án hình sự của nước ngoài và chuyển giao người đang ở tù để chấp hành hình phạt thường được quy định trong các điều ước riêng có tính chất chuyên ngành.

Về dân sự, phạm vi tương trợ tư pháp chủ yếu bao gồm việc thực hiện uỷ thác tư pháp về chuyển giao giấy tờ, tài liệu; công nhận và thi hành bản án, quyết định về dân sự hoặc thương mại của Toà án hoặc Trọng tài nước ngoài (trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại).

Nhìn chung, sự hợp tác về tương trợ tư pháp trong khuôn khổ các nước theo hệ thống pháp luật Common Law (điển hình là Anh và Ôxtrâylia), không có những điểm khác nhau căn bản so với các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law (Pháp, Đức, Thuỵ Điển). Thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp được quy định rõ trong các điều ước quốc tế cũng như pháp luật trong nước, nhất là các vấn đề về cách thức, thời hạn, ngôn ngữ, địa điểm, thẩm quyền, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp, hình thức của văn bản yêu cầu, cũng như các trường hợp từ chối thực hiện tương trợ tư pháp.

Điểm “xích lại gần nhau” của hai hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law về tương trợ tư pháp, là ở chỗ, phạm vi các vấn đề thuộc hoạt động tương trợ tư pháp, cũng như cơ sở pháp lý của hoạt động tương trợ tư pháp, về cơ bản là giống nhau.

1.3. Hoạt động tương trợ tư pháp ở một số nước Bắc Âu, điển hình là Thuỵ Điển, có những điểm khác so với nhiều nước theo hệ thống pháp luật Civil Law. Trước hết, phạm vi tương trợ tư pháp ở Thuỵ Điển, chỉ riêng trong lĩnh vực dân sự - thương mại, cũng được hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp với những nội dung khác nhau. Theo nghĩa rộng, tương trợ tư pháp là một trong những nội dung quan trọng của tư pháp quốc tế và được hiểu là hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của các quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề thuộc về tư pháp quốc tế như: hỗ trợ việc tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ; phân định thẩm quyền của Toà án và xác định Toà án có thẩm quyền; công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án và quyết định của Trọng tài nước ngoài; lựa chọn pháp luật áp dụng (để giải quyết xung đột pháp luật) trong một số lĩnh vực cụ thể.

Theo nghĩa hẹp, tương trợ tư pháp là việc hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các công việc cụ thể trong tố tụng dân sự, bao gồm: tống đạt giấy tờ; thu thập chứng cứ ở nước ngoài; áp dụng pháp luật nước ngoài; trao đổi thông tin pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho công dân nước ngoài; miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu; miễn cược án phí khi tham gia tố tụng; bảo hộ công dân (và quyền lợi của trẻ em); công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

Thuỵ Điển cũng chú trọng việc tham gia điều ước đa phương về tương trợ tư pháp (đã tham gia 11 Công ước của Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế), thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế để thực hiện tương trợ tư pháp. Theo các chuyên gia Thuỵ Điển, việc tham gia điều ước quốc tế đa phương là một đảm bảo tốt nhất trong việc các quốc gia thực hiện tương trợ tư pháp cho nhau và họ khuyên Việt Nam nên sớm xem xét khả năng gia nhập một số điều ước quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế([2]) (như Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự liên quan đến việc bắt cóc trẻ em quốc tế; Công ước La Hay năm 1956 về tống đạt giấy tờ tư pháp và phi tư pháp ra nước ngoài; Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ cho các vụ kiện dân sự và thương mại).

2. Tương trợ tư pháp ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu

Trong thời kỳ tồn tại Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế giữa các nước này chủ yếu được thực hiện trên tinh thần hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa các quốc gia có cùng chế độ chính trị - kinh tế. Các hoạt động tương trợ tư pháp chủ yếu thiên về các vấn đề dân sự (theo nghĩa rộng), trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ, chủ yếu mang tính hình thức và nặng về thủ tục.

Ở nhiều nước tương trợ tư pháp quốc tế và các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp được quy định trong các đạo luật chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động... Các nước Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Nam Tư thì có hẳn Luật tư pháp quốc tế điều chỉnh một cách hệ thống các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có nhiều quy định liên quan đến vấn đề về tương trợ tư pháp quốc tế, nhất là phần tố tụng dân sự quốc tế. Đó là điểm tiến bộ nhằm nhất thể hoá việc điều chỉnh các hoạt động về tư pháp quốc tế, dễ thực hiện và áp dụng.

Các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Liên Xô với các nước XHCN (cũ) thường điều chỉnh khá toàn diện các vấn đề về tương trợ tư pháp quốc tế trong các lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, hình sự, dẫn độ, kể cả vấn đề bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền (trên phạm vi rộng). Trong thời kỳ tồn tại của mình, Liên Xô đã ký trên 30 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trong đó có Việt Nam (năm 1981). Các nước Đông Âu cũng ký kết nhiều Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp, trong đó có Việt Nam.

Cùng với các Hiệp định tương trợ tư pháp, Liên Xô cũ và các nước Đông Âu còn tham gia một số điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp hoặc liên quan đến vấn đề này như: Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài; Công ước La Hay về các vấn đề tố tụng dân sự năm 1954; Công ước La Hay 1965 về tống đạt các giấy tờ tư pháp và phi tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại; Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài; Công ước loại bỏ các yêu cầu về hợp thức hoá các loại giấy tờ chứng thực của nước ngoài 1961; Công ước về tạo điều kiện liên hệ với Toà án nước ngoài năm 1980...

Theo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, cơ quan đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự là Bộ Tư pháp, về hình sự là Viện kiểm sát tối cao (Viện công tố). Vấn đề chi phí thực hiện tương trợ tư pháp (nhất là uỷ thác tư pháp của nước ngoài) về nguyên tắc thì phát sinh trên lãnh thổ nước nào thì nước đó chịu.

Qua kinh nghiệm về tương trợ tư pháp của một số nước như nêu trên đây, có thể rút ra một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế - cũng giống như các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ giữa các quốc gia trong các lĩnh vực khác - là một thực tiễn hết sức bình thường và khách quan trong đời sống quốc tế và luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Vai trò của tương trợ tư pháp là hết sức thiết thực, ngoài việc trực tiếp phục vụ cho quá trình xét xử của Toà án đối với các vụ án dân sự, hình sự, còn là biện pháp đảm bảo thực thi pháp luật của quốc gia trong trường hợp liên quan đến một quốc gia khác hoặc đương sự ở nước ngoài, đồng thời còn góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

Thứ hai, đối với nhiều nước hiện nay việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp được dựa trên cơ sở điều ước quốc tế, nói cách khác sau khi điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp phát sinh hiệu lực, thì nhiều quốc gia trực tiếp thi hành, không thông qua hình thức chuyển hoá (thành pháp luật trong nước). Vì vậy, các điều ước quốc tế luôn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động này. Pháp luật quốc gia cũng là cơ sở để thực hiện tương trợ tư pháp, trong trường hợp không có điều ước.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền và chức năng thực hiện tương trợ tư pháp, tuỳ thuộc vào bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia mà có các quy định khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn thuộc Toà án. Cơ chế thực hiện uỷ thác tư pháp có thể bằng hình thức trực tiếp giữa các Toà án với nhau, có thể thông qua cơ quan trung ương. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế thì việc tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao (qua cơ quan trung ương). Đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì tương trợ tư pháp giữa các quốc gia được các Toà án trực tiếp thực hiện với nhau, trong một số rất ít trường hợp mới phải thông qua cơ quan trung ương (ví dụ như thủ tục dẫn độ tội phạm theo thủ tục của Cộng hòa liên bang Đức).  

Thứ tư, phạm vi tương trợ tư pháp, về cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau về phạm vi các vấn đề thuộc hoạt động tương trợ tư pháp giữa các hệ thống pháp luật không nhiều. Điều đó phản ánh một thực tế là trong điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nhiều mặt giữa các quốc gia, thì xu hướng nhất thể hoá các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp (kể cả về dân sự và hình sự) đang trở thành hiện thực. Việc giải quyết sự xung đột pháp luật giữa các quốc gia (kể cả về luật nội dung và luật hình thức) cũng góp phần quan trọng vào tiến trình “xích lại gần nhau” giữa các hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo việc dễ vận dụng và phát huy hiệu lực cao trên thực tế.

III. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

1. Lược sử quá trình hình thành và phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam

a) Giai đoạn từ 1945 đến 1980

Phù hợp với đặc điểm chung của thời kỳ này (chưa chú trọng quản lý nhà nước bằng pháp luật), pháp luật về tương trợ tư pháp còn rất sơ khai, mặc dù thực tế cuối những năm 70 đã bắt đầu phát sinh các yêu cầu về tương trợ tư pháp. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của thời kỳ này phải kể đến Thông tư số 11/TATC ngày 12/7/1974 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về nguyên tắc và thủ tục giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có quy định về việc thực hiện uỷ thác tư pháp. Tuy nhiên, phạm vi các vấn đề thuộc lĩnh vực uỷ thác tư pháp còn rất hạn hẹp, chủ yếu liên quan đến vấn đề ly hôn. Đối với những vụ việc tương trợ tư pháp cụ thể, các Toà án và cơ quan tư pháp nước ta chủ động giải quyết trên cơ sở pháp luật Việt Nam, nếu cần thiết hợp tác với nước ngoài thì yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự thực hiện thông qua đường ngoại giao. Trong giai đoạn này giữa Việt Nam với các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, chưa hình thành cơ sở pháp lý quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của sự hợp tác quốc tế điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này.

Quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam chủ yếu được đặt ra với các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là với Liên Xô. Do đó, các quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài phát sinh, cũng chủ yếu giữa công dân, pháp nhân nước ta với công dân, pháp nhân các nước này. Đây là giai đoạn đặt nền móng cho sự hợp tác tiếp theo giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp ở thời kỳ sau.

b) Giai đoạn từ 1980 đến 1992.

Trong giai đoạn này, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế được thực hiện chủ yếu trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp. Các uỷ thác tư pháp được thực hiện chủ yếu liên quan đến các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Có thể đánh giá tổng quan về việc thực hiện tương trợ tư pháp trong giai đoạn này như sau:

Thứ nhất, việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp đã tạo ra cơ sở pháp lý tương đối ổn định cho việc điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thừa kế... có yếu tố nước ngoài; bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của công dân Việt Nam ở các nước đã ký kết điều ước. Chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ với các nước trong công tác tư pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng những quy phạm pháp luật mới bổ khuyết cho các ngành luật trong nước, nhất là về tư pháp quốc tế và tố tụng dân sự, dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.    

Thứ hai, thông qua việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, chúng ta có cơ hội và kinh nghiệm để triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, dần dần tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong thời kỳ này, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp được ban hành (như Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế của Bộ Tư pháp; các văn bản của Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; các đạo luật về tố tụng hình sự, dân sự...). 

Thứ ba, uỷ thác tư pháp do Toà án nước ngoài yêu cầu liên quan đến quyền nhân thân và tài sản, hôn nhân và gia đình, lao động... được các cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện ngày càng gia tăng và chiếm tới 80% các vụ việc uỷ thác tư pháp quốc tế (các cơ quan của Việt Nam yêu cầu phía nước ngoài thực hiện chỉ khoảng 20% vụ việc). Điều đó cho thấy, các quan hệ, giao lưu dân sự của công dân Việt Nam với công dân của các nước ngày càng được mở rộng - tình trạng này trước đây chưa từng có. Chính kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là ở chỗ Việt Nam chưa có cơ sở pháp luật trong nước đủ đảm bảo cho việc thực hiện một cách thống nhất công tác tương trợ tư pháp quốc tế phát sinh ngày càng nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp và phạm vi đa dạng.

c) Giai đoạn từ 1992 đến nay:

Năm 1992, Nhà nước ta ban hành Hiến pháp mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập. Cùng với đó, việc xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm trước hết phục vụ sự đổi mới về kinh tế, trong đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực này được ban hành, đã tạo ra một bước ngoặt, một cơ hội, thời cơ mới cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của các cơ quan nhà nước ta.

Trong thời kỳ này, cùng với các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế được mở rộng, các giao lưu về dân sự, thương mại ... có yếu tố nước ngoài cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhà nước ta đã mở rộng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, kể cả với các nước không có cùng chế độ chính trị - kinh tế với Việt Nam([3]) và tiến hành tham gia một số điều ước quốc tế đa phương liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp (năm 1995 Việt Nam gia nhập Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài). Một đặc điểm nổi bật của thời kỳ mới này là số lượng uỷ thác tư pháp của Toà án và cơ quan tư pháp nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam tăng lên rất nhiều, kể cả của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, phạm vi tương trợ tư pháp ngày càng mở rộng và tính chất uỷ thác ngày càng phức tạp.  

Tóm lại, công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta đã được hình thành ngay sau khi đất nước giành được độc lập. Sự phát triển của công tác tương trợ tư pháp quốc tế luôn gắn liền với chính sách đối ngoại rộng mở của đất nước, tuy ở các mức độ khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử, nhưng đã góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

2. Tình hình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

2.1. Tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại và lao động

a. Tình hình thực hiện uỷ thác tư pháp.

Việc thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy, mặc dù chúng ta còn thiếu văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, song các cơ quan nhà nước đã cố gắng thực hiện một khối lượng lớn công việc uỷ thác tư pháp theo yêu cầu của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, cũng như các nước chưa ký kết Hiệp định này. Phạm vi uỷ thác tư pháp thường bao gồm các việc chính như sau:

Thứ nhất, uỷ thác tư pháp do Toà án nước ngoài yêu cầu Toà án Việt Nam thực hiện.

Uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự trong vụ kiện truy nhận cha và cấp dưỡng nuôi con là loại uỷ thác chiếm đa số trong những năm 80 và nửa đầu 90 (khoảng trên 100 vụ/năm), phần lớn do các nước Đông Âu và Cộng hoà liên bang Đức chuyển cho ta. Ngoài ra, trong năm 1999 đã phát sinh loại việc uỷ thác tư pháp mới là thực hiện giám định máu để xác định cha cho con (Cộng hòa Séc yêu cầu Toà án nhân dân thành phố Hà Nội). Đây là loại việc đòi hỏi chi phí khá cao (khoảng 3.000.000 đồng cho 1 lần giám định), nhưng Việt Nam vẫn nghiêm chỉnh thực hiện.  Uỷ thác tống đạt giấy tờ liên quan đến các vụ ly hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài (khoảng trên 50 vụ/năm) là loại việc đang phát sinh ngày một nhiều, chủ yếu do các Toà án của Cộng hoà liên bang Đức yêu cầu. Ngoài ra, uỷ thác tống đạt giấy tờ về vụ kiện thương mại (hợp đồng mua bán hàng hoá) cũng là loại việc mới phát sinh trong những năm gần đây.

Thứ hai, uỷ thác tư pháp do Toà án Việt Nam yêu cầu Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện.

Uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai của đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong vụ kiện ly hôn là loại việc chiếm đa số (khoảng 95% vụ việc do Toà án Việt Nam yêu cầu). Trong thời gian qua còn phát sinh loại việc mới, lần đầu tiên Toà án nhân dân thành phố Hà nội yêu cầu Toà án Cộng hoà Séc lấy lời khai đương sự là công dân Séc trong vụ án ly hôn với công dân Việt Nam. Tòa án Cộng hoà Séc đã nghiêm chỉnh thực hiện yêu cầu này.

Ngoài ra, các uỷ thác về việc lấy lời khai của đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong các vụ kiện dân sự do Toà án trong nước xét xử (đòi thừa kế, chia tài sản, thay đổi họ tên...) cũng đang có xu hướng tăng lên (khoảng 10 vụ/năm).

Trong các năm qua, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi thực hiện nhiều nhất các uỷ thác tư pháp của nước ngoài, cũng là nơi đã yêu cầu Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện uỷ thác nhiều nhất (chiếm 80% vụ việc uỷ thác của Toà án trong nước ra nước ngoài). Riêng trong năm 1999, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 70 vụ việc uỷ thác ra nước ngoài liên quan đến việc đòi ly hôn giữa công dân Việt Nam với người Đài Loan, nhưng Toà án Đài Loan mới chỉ thực hiện được 30 vụ việc do Toà án TP Hồ Chí Minh yêu cầu. Điều này gây trở ngại không nhỏ đến thời hạn xét xử của Toà án Việt Nam.

Nhìn chung, việc thực hiện các uỷ thác tư pháp (với các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như với các nước chưa ký kết Hiệp định) trong 3 năm trở lại đây đã đi vào nề nếp, đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đánh giá về những tồn tại của công tác này, có thể nêu lên một số nhược điểm và nguyên nhân cơ bản như sau:

Một là, tiến độ thực hiện uỷ thác tư pháp, về cơ bản, còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các Toà án địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, thiếu phương tiện đi lại, chưa có biện pháp chế tài đối với bị đơn không thi hành giấy gọi đến Toà án, do địa chỉ của đương sự cần được tống đạt giấy tờ và lấy lời khai không được chính xác. Các Toà án Việt Nam thường phải mất rất nhiều thời gian cho việc xác minh địa chỉ của đương sự ghi trong hồ sơ uỷ thác. Có những uỷ thác không thể thực hiện được do không thể tìm được địa chỉ của đương sự, hoặc đương sự đã chuyển nơi ở, thậm chí có nhiều trường hợp đương sự vẫn đang sống bất hợp pháp tại nước có Toà án gửi uỷ thác, hoặc đã trốn sang nước khác. Thực trạng này xảy ra nhiều đối với các uỷ thác của Cộng hoà Séc trong các vụ kiện truy nhận cha và cấp dưỡng con.

Hai là, về chất lượng thực hiện uỷ thác, nhiều Toà án địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 163/HTQT ngày 25/3/1991 về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài. Bên cạnh đó, còn nhiều Toà án chưa quan tâm đúng mức đến viêc thực hiện uỷ thác tư pháp, trong hồ sơ thực hiện uỷ thác còn thiếu giấy tờ theo hướng dẫn, Biên bản tống đạt giấy tờ được lập không theo quy định (không đầy đủ các chữ ký của thẩm phán (chủ toạ), của cán bộ thư ký, của người nhận tống đạt và nhiều khi còn không có dấu của Toà án). Đặc biệt, các Toà án còn chưa quan tâm thực hiện đúng quy định về thủ tục liên hệ với Toà án nước ngoài và gửi hồ sơ cho Toà án nước ngoài; không có Công văn trả lời Toà án nước ngoài về kết quả thực hiện uỷ thác...

Ba là, việc thực hiện uỷ thác tư pháp do Toà án trong nước yêu cầu thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài về việc tống đạt giấy tờ và lấy lời khai công dân Việt Nam đang tạm trú ở nước ngoài, là đương sự trong các vụ kiện về dân sự, lao động và hôn nhân gia đình, đã được Toà án trong nước xem xét và đang thụ lý, nhìn chung giải quyết còn rất chậm.

Bốn là, trong 3 năm trở lại đây, các vụ việc uỷ thác do Toà án nước ta đề nghị Toà án nước ngoài hỗ trợ thực hiện các hành vi tư pháp ngày càng nhiều, nhất là đối với các nước (và vùng lãnh thổ) chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta (như Đài Loan). Trong khi chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật trong nước quy định về trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước, nên việc thực hiện các uỷ thác đó phải thông qua đường ngoại giao. Tiến độ, chất lượng, thời gian thực hiện các uỷ thác này từ phía Toà án nước ngoài thường không đảm bảo yêu cầu, không đáp ứng được đòi hỏi của Toà án trong nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên là:

- Do việc liên lạc giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam với cơ quan tư pháp nước ngoài chưa được nhanh chóng, thuận lợi nên mất nhiều thời gian để chuyển uỷ thác.

- Địa chỉ của đương sự (người nhận) không chính xác, do cơ quan nước ngoài ghi sai âm tiếng Việt (hoặc thiếu dấu), đương sự không ghi địa chỉ cụ thể.

- Do thiếu văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp về uỷ thác.

- Do tình trạng quản lý hộ tịch, hộ khẩu, cũng như một số công tác tư pháp khác của ta còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thực hiện uỷ thác tư pháp. Việc bàn giao công tác quản lý và đăng ký hộ tịch từ cơ quan công an sang tư pháp đã được tiến hành từ rất lâu, song vẫn có một số nơi cơ quan công an không bàn giao sổ sách đăng ký hộ tịch cho cơ quan tư pháp. Đây là một thực tế gây không ít khó khăn cho việc xác minh địa chỉ, tống đạt giấy tờ.

- Do lâu nay chúng ta chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và vị trí quan trọng của công tác tương trợ tư pháp quốc tế, cũng như những tác động, ảnh hưởng của công tác này đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của Nhà nước ta. Vì thế nên các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan Toà án và tư pháp, chưa có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng đối với việc thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, chưa đề ra được một kế hoạch chiến lược tổng thể cũng như kế hoạch cụ thể của mỗi ngành liên quan đến lĩnh vực công tác này; đồng thời các cơ quan chức năng cũng chưa đề ra các biện pháp và cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện Hiệp định thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

- Về tổ chức, các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp (nhất là Toà án) không có bộ phận chuyên trách về tương trợ tư pháp quốc tế, không tập trung thống nhất vào một đầu mối, cán bộ phụ trách lĩnh vực công tác này thường bị thay đổi. Mặt khác, cán bộ thực hiện tương trợ tư pháp hầu hết chưa được đào tạo bồi dưỡng đầy đủ về tư pháp quốc tế, chưa được tập huấn nghiệp vụ về công tác thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp. Vì vậy, trình độ kiến thức pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực tương trợ tư pháp của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác uỷ thác tư pháp còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực này ở các cơ quan nhà nước và trong nhân dân mới ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, việc dịch các công văn, tài liệu trong các hồ sơ của Toà án nước ngoài cũng là vấn đề khó khăn cho việc thực hiện tương trợ tư pháp. Phần lớn các uỷ thác của phía nước ban thường được gửi kèm bản dịch ra tiếng Việt, nhưng cũng còn  nhiều uỷ thác đặc biệt là các uỷ thác điều tra hình sự được lập bằng tiếng nước ngoài, trong khi đó trình độ ngoại ngữ của cán bộ trực tiếp làm công tác uỷ thác tư pháp còn hạn chế nên không đảm bảo được việc dịch chính xác và nhanh chóng toàn bộ các uỷ thác tư pháp của nước ngoài.

b. Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài:

Việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, trước hết, là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đã đưa ra trong các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết; mặt khác là nhằm thực hiện một số mục tiêu cơ bản như sau:

Thứ nhất, bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam trên lãnh thổ các nước đã ký kết Hiệp định, đồng thời bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân các nước ký kết Hiệp định trên lãnh thổ Việt Nam. Đây chính là biểu hiện cao nhất của việc thi hành nghĩa vụ pháp lý quốc tế trên cơ sở điều ước. Điều này đã được khẳng định rõ trong Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993.

Thứ hai, việc Toà án Việt Nam tiến hành công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, cũng là sự tôn trọng và khẳng định hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định đó trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam (theo nguyên tắc có đi có lại).

Thứ ba, để nhận thức thêm ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đối với quá trình tố tụng dân sự quốc tế của Toà án nước ta, điều cần thiết là phải làm rõ một số vấn đề có tính lý luận về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa nó với các vấn đề tư pháp quốc tế của Việt Nam nói chung và với các giai đoạn của tố tụng dân sự quốc tế ở Việt Nam nói riêng.

Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, đối với các quốc gia liên quan, phải được coi là giai đoạn cuối cùng khép lại toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế. Xét về mặt trình tự thì đây là một bước, một giai đoạn không thể thiếu được của quá trình tố tụng, nếu kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (đến khởi kiện, xét xử, ra quyết định, thi hành). Mặt khác, vấn đề công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài còn là một nội dung quan trọng của tư pháp quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm. Do đó, việc công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài còn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu dân sự giữa các quốc gia ngày càng phát triển, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực dân sự, kinh tế, văn hoá - xã hội.

Thực tế ở Việt Nam có rất ít bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam đúng theo các quy định của Pháp lệnh, mặc dù số lượng đơn yêu cầu của đương sự được gửi đến Việt Nam không phải là ít([4]). Vì theo quy định của Pháp lệnh (Điều 2 khoản 1) Toà án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Nhà nước Việt Nam về vấn đề này. Trong khi đó, hầu hết các bản án, quyết định dân sự nước ngoài do đương sự yêu cầu công nhận tại Việt Nam là của Toà án và cơ quan có thẩm quyền khác của các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta (nhiều nhất là bản án ly hôn của công dân Việt Nam do Toà án Cộng hòa liên bang Đức xử).

Ngoài ra, trong thời gian qua còn phát sinh một số trường hợp công dân Việt Nam (thường trú trong nước) có đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Lý do yêu cầu không công nhận thường là do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đã vi phạm quyền tham gia tố tụng của đương sự (không có giấy triệu tập hợp lệ đương sự dự phiên toà, không tống đạt bản án để đương sự thực hiện quyền kháng cáo...). Trong các trường hợp này, Toà án Việt Nam áp dụng các quy định của Pháp lệnh ngày 17/4/1993 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 để xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

c. Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài:

Vấn đề công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp, Công ước New York năm 1958, cũng như Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995.

Thực tiễn công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài cũng còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải khắc phục, giống như tình trạng công nhận và thi hành bản án dân sự của Toà án nước ngoài. Trước hết là về vấn đề văn bản hướng dẫn thi hành. Một số cơ quan cho rằng hiện nay chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995, nên về thủ tục không thể giải quyết được. Trên thực tế, các quyết định của trọng tài Nga đã qua hai lần được Toà án Việt Nam "xét xử lại" (lần thứ nhất tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và lần thứ hai tại Toà án nhân dân tối cao), nhưng vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam. Đứng trên quan điểm lý luận, đề tài cho rằng việc Toà án Việt Nam xét xử lại (về mặt nội dung) các quyết định của trọng tài nước ngoài, thực chất là xét xử lại vụ tranh chấp, là điều khó được chấp nhận, nếu không nói là vi phạm pháp luật và đi ngược lại quan điểm đã thống nhất giữa các bộ, ngành chức năng trong quá trình dự thảo Pháp lệnh và trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Chính điều đó cũng dẫn đến một hậu quả đáng tiếc là các quyết định của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam cũng không được đảm bảo thi hành ở Nga. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều năm quyết định của Trọng tài Việt Nam về khoản nợ của doanh nghiệp Nga đối với Vietnam Airlines đã không được thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện một cách dè dặt, từng phần một. Trong khi đó, các quyết định của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam lại được công nhận và thi hành một cách suôn sẻ tại Viên, Hồng Kông và Singapore.

Mặt khác, do cách giải thích của Việt Nam (liên quan đến 2 điều khoản bảo lưu khi gia nhập Công ước New York 1958) về khái niệm tranh chấp thương mại theo nghĩa hẹp (chỉ bao gồm 14 hành vi mua bán hàng hoá) - chính là hàng rào ngăn cản việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nhiều quyết định của trọng tài nước ngoài. Điều này đã gây bất lợi cho Việt Nam trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ vốn và công nghệ nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc đổi mới đất nước.  

2.2. Tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự

a. Trong hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa nước ta với các nước, thì tương trợ tư pháp về hình sự (theo nghĩa rộng) đóng vai trò quan trọng và dành một vị trí đặc biệt trong nội dung của các Hiệp định này. Đề tài cho rằng, phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự có thể hiểu rất rộng, từ việc thực hiện nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự với những điều kiện chặt chẽ, đến việc dẫn độ người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án với những thủ tục tố tụng hết sức phức tạp (bắt người để dẫn độ, chuyển giao người bị dẫn độ, hoãn dẫn độ, từ chối dẫn độ...).

Tình hình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự thể hiện ở một số điểm cần lưu ý khi xây dựng Pháp lệnh Tương trợ tư pháp sau:

Thứ nhất, còn có sự khác biệt giữa pháp luật nước ta với pháp luật một số nước hiện nay về hình phạt tử hình. Ví dụ: trong trường hợp Toà án nước ta yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ người phạm tội (bị áp dụng khung hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam) để thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo pháp luật của nước ngoài (được yêu cầu) thì không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội này. Điều đó làm cho yêu cầu dẫn độ của ta không thể thực hiện được, vì phía nước ngoài dựa trên chính sách hình sự nhân đạo quốc tế, từ chối dẫn độ người phạm tội, nếu người đó bị Việt Nam áp dụng khung hình phạt tử hình (mà pháp luật của nước ngoài đó không có hình phạt này).

Thứ hai, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội ở nước ngoài đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự một lần ở nước ngoài, pháp luật hình sự của một số nước có quy định tương đối rõ ràng. Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định công dân Nhật Bản phạm tội ở nước ngoài, đã bị nước ngoài kết án, thì vẫn có thể bị xét xử lại ở Nhật Bản, nếu người đó phạm vào tội nghiêm trọng được quy định trong luật hình sự Nhật Bản. Bộ luật hình sự của Việt Nam (Điều 6) cũng có quy định tương tự như vậy, nhưng có thể được áp dụng đối với cả người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định.   

Thứ ba, mặc dù từ năm 1991 Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức hình sự quốc tế - INTERPOL - nhưng do nhiều nguyên nhân, Việt Nam chưa phát huy hết vai trò của một nước thành viên và thiết lập cơ chế hợp tác hữu hiệu với các nước thành viên, nên việc đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự quốc tế còn nhiều hạn chế. Do đó, trong cơ chế hợp tác song phương với các nước đã ký kết với nước ta Hiệp định tương trợ tư pháp và đồng thời là thành viên của INTERPOL, chúng ta cần khai thác thế mạnh này trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự. Thực tế cho thấy, việc tham gia INTERPOL và việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (dẫn độ) không có gì ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, thậm chí còn có tác động tích cực trong đấu tranh chống tội phạm hình sự.

b. Dẫn độ là một nội dung quan trọng của hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết với các nước. Nội dung chủ yếu về dẫn độ trong các Hiệp định bao gồm: thủ tục yêu cầu dẫn độ, nghĩa vụ dẫn độ, từ chối dẫn độ, hoãn dẫn độ, dẫn độ tạm thời, văn bản yêu cầu dẫn độ, chuyển giao đồ vật, quá cảnh, chi phí dẫn độ v.v...

Qua quá trình thực hiện vấn đề dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, có thể thấy rõ một điều rằng, việc xây dựng đầy đủ các quy phạm thống nhất trong các Hiệp định đã tạo điều kiện thuận lợi (về cơ sở pháp lý) cho hoạt động dẫn độ tội phạm ở mỗi nước kết ước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các Hiệp định này ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, quy định trong các Hiệp định đã ký kết chưa phát huy được hiệu quả, hay nói cách khác là các cơ quan có thẩm quyền của nước ta chưa thật sự quan tâm đến việc thi hành Hiệp định về các vấn đề dẫn độ, bởi các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện các quy định về dẫn độ tội phạm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ có 01 văn bản là Thông tư liên ngành số 139/TTLN quy định nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, trong đó có một số quy định chung về trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với vấn đề dẫn độ. Văn bản này hiệu lực pháp lý không cao, được ban hành đã khá lâu nên nhiều quy định đã lạc hậu, không thích ứng với tình hình mới. Việc thực hiện dẫn độ cũng như yêu cầu dẫn độ phải qua rất nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, nhưng các thủ tục này lại không được quy định trong Thông tư, nên cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng  còn rất hạn chế.

Thứ hai, thực tế cho thấy đã phát sinh nhiều vụ án hình sự liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan trong nước có thể yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ về nước để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng các cơ quan trong nước chưa chủ động đưa ra đề nghị này.

3. Đánh giá chung về thực trạng tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam

Trong 45 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế đã thể hiện vai trò tích cực, góp phần làm ổn định đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, củng cố uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như đã đề cập ở các phần trên, là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các Toà án địa phương, trong đó có công lao không nhỏ của đội ngũ những người trực tiếp tham gia công tác này trong điều kiện pháp luật về lĩnh vực này chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này cần được khắc phục. Một trong những tồn tại lớn nhất và cũng là nguyên nhân của tình trạng hoạt động tương trợ tư pháp kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, là chúng ta chưa có văn bản pháp luật (luật, pháp lệnh) điều chỉnh lĩnh vực này. Việc thiếu pháp luật trong nước, cũng như pháp luật chưa hoàn thiện, đều dẫn đến việc Toà án giải quyết chậm trễ hoặc thậm chí không giải quyết nổi các vụ việc dân sự, kể cả hình sự, có yếu tố quốc tế.

Tình hình tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp, kế hoạch tổng thể cho mỗi lĩnh vực, gây nên tình trạng thiếu cân bằng, thiếu thống nhất trong các hoạt động cụ thể. Các Toà án địa phương hầu như chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này. Trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác tư pháp chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Tình hình tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, như đã phân tích ở trên, cũng còn nhiều tồn tại và yếu kém. Mặc dù được giao là cơ quan đầu mối ở trung ương về vấn đề này, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa thường xuyên tổng kết tình hình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm qua 20 năm thi hành các Hiệp định đã ký kết. Cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan đầu mối là Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng còn nhiều hạn chế. Điều đó thực sự là một khó khăn, trở ngại đối với Việt Nam trước yêu cầu mở rộng đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, thiếu cơ sở thực tiễn để đánh giá khả năng về việc Nhà nước Việt Nam sẽ tham gia một số điều ước quốc tế đa phương về lĩnh vực này trong tương lai. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, hiện tượng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài và bị nước ngoài trục xuất, không tiếp tục cho cư trú nữa, đang diễn ra ở nhiều nước. Trong khi đó chúng ta cũng chưa có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về lĩnh vực công tác này trong mối liên hệ với công tác tương trợ tư pháp quốc tế về hình sự, cũng như với tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm (do Bộ Công an chủ trì), về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các lĩnh vực công tác tuy khác nhau về hình thức, nhưng có nhiều điểm chung về mặt nội dung và yêu cầu. Do đó, cần đặt công tác tương trợ tư pháp về hình sự trong tổng thể các lĩnh vực hoạt động về đấu tranh phòng chống tội phạm, nhận trở lại công dân Việt Nam bị trục xuất do vi phạm pháp luật nước ngoài ..., để từ đó có các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước (ngoại giao, công an, tư pháp, Toà án, kiểm sát) mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng phức tạp do thực tiễn phát sinh.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Cơ sở của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, trước hết là sự hiện diện của các điều ước quốc tế liên quan, trong đó Hiệp định tương trợ tư pháp giữ vai trò chủ đạo. Xét về mặt nguyên tắc, trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế nói chung hay Hiệp định tương trợ tư pháp nói riêng (mà Việt Nam đã tham gia, ký kết) trước hết thuộc về Nhà nước. Do đó, trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về tương trợ tư pháp xuất phát từ điều ước cần có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, trước hết là Toà án và các cơ quan thuộc Chính phủ. Việc Nhà nước ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, có giá trị pháp lý cao cho công tác này, là điều rất cần thiết.

Đề tài cho rằng, giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam là cần xây dựng một đạo luật riêng về tương trợ tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, trước tình hình Quốc hội quá bận rộn, chưa thể có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để ban hành luật, thì việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế là một giải pháp tối ưu, có tính khả thi hơn cả. Liên tiếp trong ba năm qua Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ đưa dự án Pháp lệnh này vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội và vừa qua đề nghị này đã được chấp nhận: dự án Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật (thuộc danh mục các văn bản soạn thảo) năm 2001.

2. Về các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta, đề tài kiến nghị trong khi chưa có Pháp lệnh, cần phải thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, để cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đang chủ trì việc sửa đổi Thông tư liên ngành số 139/TTLN, cũng như soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện các Thông tư này, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan địa phương thi hành tốt Hiệp định. Dự kiến sau này những quy định của các Thông tư cũng sẽ được nâng lên thành các quy định của dự thảo Pháp lệnh.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tương trợ tư pháp để tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện công tác này. Trên tinh thần đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 theo hướng mở rộng cho phép công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn liên quan đến công dân Việt Nam do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài giải quyết, là điều hết sức cần thiết. Cùng với việc cho ghi chú theo thủ tục hộ tịch (trong Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998), thì việc mở rộng cho phép công nhận các bản án ly hôn sẽ góp phần tháo gỡ hơn nữa sự ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ xin kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, nên cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế trong việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn của công dân Việt Nam (liên quan đến tài sản có tại Việt Nam) do Toà án các nước đó xét xử.

Ngoài ra, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành chức năng cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện tương trợ tư pháp đối với các Toà án và cơ quan tư pháp địa phương, cũng như phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án và các cơ quan tư pháp trong nước liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp. 

Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết, gắn liền với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.

Thứ năm, tiến hành củng cố một cách căn bản đội ngũ cán bộ, kiện toàn công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở các cơ quan chức năng.

3. Kiến nghị những nội dung cơ bản và cơ cấu của dự thảo pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế

Dự thảo Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở kết quả cụ thể của đề tài nghiên cứu, đặc biệt trên các luận điểm khoa học đúng đắn và đúc rút thực tiễn của Việt Nam trong nhiều năm qua về lĩnh vực này, có sự tham khảo chọn lọc các kinh nghiệm quý báu của các nước. Ban Chủ nhiệm đề tài kiến nghị cụ thể như sau:

3.1. Sự cần thiết ban hành Pháp lệnh.

Như các phần trên đã trình bày, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt đối với hoạt động của Toà án và các cơ quan tư pháp. Tương trợ tư pháp được thực hiện trong nhiều lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, hình sự ... Việc ban hành Pháp lệnh không những tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết, mà còn tạo điều kiện quan trọng để thực hiện tốt các điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực này mà Nhà nước sẽ ký kết hoặc tham gia, trong đó có các điều ước liên quan đến vấn đề dẫn độ.     

Pháp lệnh tạo cơ sở vững chắc cho công tác phối hợp của các bộ, ngành ở trung ương trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài và hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan địa phương trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế. Việc mở rộng ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, nhất là việc thực hiện tốt công tác này không những góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, mà còn củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ tích cực cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

3.2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh bao gồm các vấn đề tương trợ tư pháp về dân sự (theo nghĩa rộng) và hình sự (kể cả dẫn độ) với các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam, cũng như các nước chưa ký kết điều ước quốc tế. 

Pháp lệnh Tương trợ tư pháp quốc tế quy định các vấn đề về khái niệm, nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, cách thức, cơ chế phối hợp và quản lý nhà nước trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân trong các quan hệ có yếu tố nước ngoài.

Pháp lệnh cần điều chỉnh các vấn đề cơ bản sau đây:

a) Nguyên tắc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp; thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế (các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế được ký kết giữa Việt Nam với các nước; trong trường hợp không có điều ước quốc tế, thì tương trợ tư pháp được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại).

b) Phạm vi khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế theo nghĩa rộng - như đã trình bày trên đây - và các thuật ngữ thuộc khái niệm này, theo nghĩa cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

c) Điều kiện thực hiện tương trợ tư pháp: quy định những điều kiện cụ thể về hồ sơ, ngôn ngữ, thời hạn, chi phí... thực hiện tương trợ tư pháp.

d) Trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp: quy định thủ tục, trình tự phù hợp đối với việc thực hiện tương trợ tư pháp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự, hình sự theo yêu cầu của Toà án, cơ quan tư pháp nước ngoài tại Việt Nam. Có thể áp dụng trình tự, thủ tục chung của Pháp lệnh đối với việc thực hiện uỷ thác tư pháp trong nước (do Toà án địa phương yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện).

đ) Yêu cầu đối với hồ sơ uỷ thác tư pháp quốc tế (giấy tờ, tài liệu, thủ tục về dịch văn bản, công chứng, hợp pháp hoá...).

e) Quản lý nhà nước về công tác tương trợ tư pháp quốc tế: nội dung quản lý nhà nước; hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước; nhiệm vụ của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm và cơ chế phối hợp công tác giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong công tác quản lý nhà nước.

g) Quy định về việc thành lập Nhóm công tác liên ngành về tương trợ tư pháp quốc tế (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động...).

3.3. Bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh:

Dự kiến dự thảo Pháp lệnh gồm Lời nói đầu, 5 chương với 33 điều, quy định những vấn đề cơ bản như sau:

Lời nói đầu: Nêu lên các căn cứ và mục đích của việc ban hành Pháp lệnh là nhằm củng cố, nâng cao hơn nữa hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế về nhiều mặt và phục vụ quá trình hội nhập quốc tế.

Chương I: Những quy định chung

Quy định có tính nguyên tắc về các vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế như phạm vi khái niệm, nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế...).

Chương II: Tương trợ tư pháp quốc tế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia

Quy định việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự với các nước.

Chương III: Tương trợ tư pháp quốc tế với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế (theo nguyên tắc có đi có lại)                                  

Quy định việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động, hình sự, dẫn độ trên nguyên tắc có đi có lại.

Chương IV: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế

Quy định về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của mỗi ngành và cơ quan địa phương trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp; về việc thành lập và nguyên tắc tổ chức, hoạt động (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) của Nhóm công tác liên ngành về tương trợ tư pháp. 

Chương V: Điều khoản cuối cùng

Quy định các biểu mẫu giấy tờ dùng trong công tác tương trợ tư pháp quốc tế; hiệu lực của Pháp lệnh; trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.



([1]) Đây chủ yếu là các điều ước giữa các nước tư bản chủ nghĩa; Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây không tham gia.

([2]) Tài liệu Toạ đàm về tương trợ tư pháp do Sida (Thuỵ Điển) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8-9/9/1999.

([3]) Ngày 23/3/1993 Việt Nam ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Ba Lan; trong năm 1998 ký 3 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước Liên bang Nga, CHDCND Lào, CHND Trung Hoa; ngày 24/02/1999 ký với CH Pháp.

([4]) Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 1996-1997 có khoảng 150 trường hợp (công dân Việt Nam và người nước ngoài) đến Bộ Tư pháp có đơn yêu cầu Toà án nước ta công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự do Toà án nước ngoài xét xử (chủ yếu về ly hôn), nhưng Bộ Tư pháp từ chối nhận đơn vì đều không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh ngày 17/4/1993.

 

Nội dung toàn văn

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

*

 

 

A. PHẦN THỨ NHẤT

SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

I. BỐI CẢNH CHUNG

 

1. Ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà không có quan hệ hợp tác với các quốc gia khác. Quan hệ hợp tác quốc tế đã trở thành nhu cầu nội tại của bản thân mỗi quốc gia và được mở rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng, trong đó sự hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia luôn đóng vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh bước sang năm thứ 15 thực hiện công cuộc Đổi Mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo (từ Đại hội Đảng VI cuối năm 1986), tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập khu vực và thế giới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Về mặt quốc tế, cho đến nay Nhà nước ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước trên thế giới; có quan hệ về hợp tác kinh tế, tài chính, tín dụng với hơn 200 tổ chức quốc tế và diễn đàn quốc tế; có quan hệ buôn bán với hơn 100 nước, trong đó với 60 nước đã ký kết Hiệp định về thương mại ở cấp Chính phủ; các công ty, doanh nghiệp của trên 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (tính đến đầu năm 2000). Trong tháng 7/2000 chúng ta đã ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Hiện nay chúng ta đang tích cực tiến hành đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Về mặt trong nước, sau ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tổng số lượng vốn của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tuy bị giảm đáng kể, nhưng vẫn đạt 32 tỷ USD theo đăng ký, trong đó có khoảng 15,7 tỷ USD của các dự án đã và đang được triển khai thực hiện (số liệu tính đến đầu năm 2000). Cùng với đó là đội ngũ các chuyên gia, cán bộ, nhân viên của các công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh sản xuất, làm ăn với các đối tác Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, đặc biệt của các doanh nghiệp, mặc dù còn ở mức độ khiêm tốn, nhưng trong vài năm trở lại đây cũng đã

đạt tốc độ khá cao, chủ yếu là sang Lào, Cămpuchia, Tiệp Khắc (cũ), Liên bang Nga và một số nước khác.

Những năm qua, số lượng công nhân Việt Nam được gửi đi lao động hợp tác ở nước ngoài cũng tăng lên đáng kể, trong đó phải kể đến lao động nước ta được gửi đi Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản và một số nước khác[1].

Cùng với đó, số lượng khách du lịch nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam cũng ngày càng tăng lên[2]. Với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, hàng năm trung bình cũng có trên 1,5 triệu lượt người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau.

Tất cả tình hình trên đây đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập, phát triển quan hệ về mọi mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức và diễn đàn quốc tế, và đặc biệt đã làm gia tăng hết sức mạnh mẽ các quan hệ, giao lưu về dân sự - kinh tế có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh. Các quan hệ về hôn nhân và gia đình, lao động, thừa kế ... có yếu tố nước ngoài trong các năm qua cũng tăng lên. Chỉ riêng về tình hình kết hôn và nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, trung bình mỗi năm cũng có hàng ngàn vụ kết hôn và nuôi con nuôi được đăng ký. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1995 đến năm 1999 đã có 48.923 trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có số lượng đông nhất (trên 20.000 trường hợp, chiếm gần 41%). Điều đặc biệt là số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan cũng ngày càng tăng lên (trên 10.500 trường hợp, chiếm 21,5%), trong đó riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 1/2.

Tình hình người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cũng ngày một tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1995 đến 1999 đã có 9.322 trẻ em thuộc 56/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3] được người nước ngoài nhận làm con nuôi, trong đó trẻ em Việt Nam được làm con nuôi tại Pháp là 3.407 (36,5%) và chiếm trên 1/3 tổng số trẻ em nước ngoài được nhận làm con nuôi tại Pháp [4].

Như vậy, cùng với nhịp độ phát triển mạnh mẽ của các quan hệ kinh tế - thương mại "có yếu tố nước ngoài" trong bối cảnh hết sức năng động tại các đô thị, thành phố lớn, đã làm phát sinh ngày càng nhiều các quan hệ về dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Đó là chưa kể trong những năm qua, tình hình xâm canh, xâm cư ở các khu vực biên giới và kéo theo là tình trạng chung sống như vợ chồng (không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền) của công dân Việt Nam ở các khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng, cũng diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng gia tăng. Cùng với đó, là số phụ nữ Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài (Trung Quốc, Cămpuchia...) cũng đã lên tới ngót 2.000 người.

Tất cả tình hình trên đây kéo theo những hậu quả tất yếu là làm phát sinh ngày càng nhiều các vụ án về hình sự, tranh chấp về dân sự, kinh tế - thương mại, hôn nhân và gia đình, thừa kế... có yếu tố nước ngoài đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Điều này không thể giải quyết được, nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ về tư pháp giữa nước ta và các nước hữu quan.

Do đó, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế giữ vai trò hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Nó được coi là hoạt động tất yếu và không thể thiếu được khi Toà án và các cơ quan nhà nước giải quyết các vụ việc phát sinh có yếu tố quốc tế. Hoạt động tương trợ tư pháp chủ yếu do các cơ quan tư pháp của các quốc gia thực hiện, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động... trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân và Nhà nước trên lãnh thổ của nhau[5].    

2. Nhu cầu hội nhập quốc tế ngày nay đã trở thành một đòi hỏi có tính tất yếu khách quan của mọi quốc gia trong tiến trình phát triển. Quá trình hội nhập quốc tế ở các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Điều đó cũng có nghĩa là, đi đôi với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thì việc hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp quốc tế được coi là một đảm bảo hữu hiệu trong cơ chế hợp tác của các quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Toà án và các cơ quan tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong bối cảnh mở rộng quan hệ quốc tế theo xu thế hội nhập của Nhà nước ta hiện nay, như đã được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII (Nghị quyết Trung ương 8), điều cần thiết là "phải tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp, về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội". 

Do đó, tương trợ tư pháp quốc tế, cũng giống như tương trợ giữa các quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng..., phải được nhìn nhận như một yếu tố khách quan, một quy luật tất yếu của thế giới không ngừng vận động và phát triển. Có như thế mới hiểu được một cách đầy đủ và nhất quán về ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập khu vực và thế giới của Nhà nước ta. 

3. Xét về mặt lý luận, các quốc gia thực hiện tương trợ tư pháp cho nhau chủ yếu trên cơ sở điều ước quốc tế (điều ước song phương hoặc đa phương). Trong trường hợp không có điều ước quốc tế, các nước thường áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện tương trợ tư pháp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

Cho đến nay, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam với các nước chủ yếu được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp (và pháp lý) được ký kết giữa Nhà nước ta với nước ngoài[6]. Còn đối với các nước chưa ký kết Hiệp định này, thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao. Trong các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước ta liên quan đến lĩnh vực này, hầu như chưa có quy định về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động tương trợ tư pháp với các nước không có điều ước quốc tế[7], hoặc nếu có thì chủ yếu được quy định trong các văn bản pháp luật mà xét về tính chất thì lại không thuộc phạm vi tương trợ tư pháp[8].

Xét về cơ sở pháp lý trong nước, cho đến nay Nhà nước ta vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật hay pháp lệnh điều chỉnh một cách tổng thể các vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế, mà mới chỉ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các quy định đơn lẻ, tản mạn chủ yếu mang tính nguyên tắc về tương trợ tư pháp hoặc liên quan gián tiếp đến tương trợ tư pháp như: về luật nội dung chúng ta có Bộ luật hình sự (với các quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hành vi phạm tội tại Việt Nam); Bộ luật dân sự (phần thứ bảy với các quy tắc lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài); Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật hàng hải (với các quy định liên quan đến cơ chế hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực dịch vụ hàng không, hàng hải, vận chuyển hàng hoá và hành khách...); Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (với các quy định về giải quyết xung đột pháp luật và giải quyết xung đột thẩm quyền trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài)...; về tố tụng có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (với các quy định về việc xác định thẩm quyền xét xử của Toà án Việt Nam trong các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài...; các văn bản của Chính phủ có Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch (với các quy định về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài); Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994 của Chính phủ về thủ tục đăng ký kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài và các văn bản của các Bộ, ngành như Thông tư của Toà án nhân dân tối cao (với các quy định về việc hướng dẫn xét xử đối với các vụ án về hình sự, dân sự, lao động, kinh tế có yếu tố nước ngoài); Thông tư liên ngành số 139/TT-LB ngày 12/3/1984 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Toà án NDTC, Viện KSNDTC hướng dẫn thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam với Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu v.v...

Như vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đây, xét về nội dung thì chỉ có một số rất ít các văn bản là có tính chất chuyên ngành về tương trợ tư pháp quốc tế[9]. Tuy nhiên, các văn bản này được ban hành đã lâu, hiệu lực thấp, tính ràng buộc về mặt pháp lý không cao, nhiều quy định cho đến nay đã không còn phù hợp, không đáp ứng được các yêu cầu do thực tiễn phát sinh, nên ít phát huy được hiệu quả trên thực tế.  

II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

1. Về lâu dài, việc nghiên cứu đề tài này là nhằm:

Trước hết, phục vụ đắc lực cho công tác thi hành pháp luật ở nước ta, nhất là pháp luật liên quan đến yếu tố quốc tế, kể cả về hình sự (điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố, xét xử, thi hành án), dân sự-kinh tế-thương mại (điều tra, khởi tố, xét xử, thi hành án) và lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, tạo ra cơ sở lý luận cho công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta và góp phần hoàn thiện nền khoa học tư pháp quốc tế của Việt Nam.

2. Mục tiêu trước mắt, như tên gọi của đề tài, là nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng Pháp lệnh về tương trợ tư pháp quốc tế. Qua việc nghiên cứu, đánh giá, tổng kết những mặt đã làm được và chưa làm được trong công tác thực hiện tương trợ tư pháp ở Nhà nước ta qua các thời kỳ khác nhau, kết hợp với việc vận dụng kinh nghiệm tương trợ tư pháp của các nước trong khu vực và các nước khác trên thế giới, từ đó có các kiến nghị cụ thể về việc triển khai hoạt động tương trợ tư pháp trong thời gian tới đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện pháp luật về tố tụng tư pháp quốc tế của Việt Nam.

Việc ban hành Pháp lệnh về tương trợ tư pháp sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động về tương trợ tư pháp quốc tế của Toà án và các cơ quan tư pháp khác, đưa công tác này vào nền nếp, đồng thời tăng cường năng lực thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế của những người trực tiếp thực hiện công việc này tại các cơ quan Toà án, Kiểm sát, cơ quan điều tra và các cơ quan tư pháp khác của Việt Nam.

Mặt khác, thông qua cơ chế hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp, đề tài còn nêu lên kiến nghị về việc tham gia một số công cụ pháp lý quốc tế, phù hợp với yêu cầu hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nước ASEAN về đấu tranh phòng chống tội phạm, dẫn độ tội phạm nguy hiểm, và đề cao hoạt động tương trợ tư pháp giữa các quốc gia thành viên về các vấn đề hình sự và dân sự nói chung. Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh còn nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho công tác đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước này, tham gia các Công ước quốc tế và thực hiện các điều ước quốc tế đó.    

3. Đóng góp về mặt khoa học của đề tài, trước hết ở chỗ, đây là một công trình chuyên khảo đầu tiên trong khoa học pháp lý của Nhà nước ta nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề về lý luận và thực tiễn của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế - một lĩnh vực hoạt động đã diễn ra từ lâu và khá quen thuộc đối với các cơ quan tư pháp nước ta, nhưng từ trước đến nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về lĩnh vực này một cách đầy đủ và có hệ thống[10].

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài còn có thể được công bố, phổ biến rộng rãi nhằm cung cấp thông tin cho các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động của các cơ quan sau đây:

- Các cơ quan thực hiện chức năng xây dựng pháp luật về tố tụng tư pháp quốc tế (bao gồm Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao);

- Các cơ quan thi hành, thực hiện pháp luật (Bộ Công an, các cơ quan Toà án và Kiểm sát địa phương, các cơ quan công chứng, hộ tịch, giám định tư pháp...);

- Các Viện, Trung tâm nghiên cứu về khoa học pháp lý;

- Các cơ sở đào tạo luật, thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.  

III. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

1. Các chuyên đề do cộng tác viên thực hiện được tập trung vào 4 nhóm vấn đề cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về cơ sở lý luận (xét dưới góc độ pháp luật quốc tế cũng như pháp luật trong nước) của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thứ hai, về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp ở một số nước (Liên Xô (cũ) và Đông Âu, Mỹ, Canada, Ôxtrâylia, Anh...). Từ đó đúc rút những kinh nghiệm bổ ích để vận dụng vào việc xây dựng Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam.

Thứ ba, về cơ sở pháp luật và thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua. Các tác giả tập trung đánh giá về thực trạng các văn bản pháp luật của Nhà nước ta trong lĩnh vực tương trợ tư pháp (từ khi thành lập nước đến nay); phân tích tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp; thực trạng hoạt động của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương về tương trợ tư pháp; những tác động, ảnh hưởng của công tác tương trợ tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Các chuyên đề phân tích về những điểm bất cập, tồn tại trong công tác tương trợ tư pháp ở nước ta và đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm khắc phục các mặt tồn tại đó, hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hoạt động tương trợ tư pháp trong tình hình hiện nay.

Thứ tư, về việc xây dựng đề án Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam, đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo, dự kiến bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh.

Nội dung của các chuyên đề trên đây đã được trình bày, thảo luận kỹ tại các hội nghị khoa học do Ban Chủ nhiệm tổ chức với sự tham gia của các cộng tác viên và chuyên gia pháp lý có trình độ chuyên sâu trên từng lĩnh vực cụ thể.

2. Trên cơ sở nội dung các chuyên đề nghiên cứu, kết quả hội nghị khoa học, khảo sát điều tra và tham khảo pháp luật, thực tiễn nước ngoài về lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế, chúng tôi hoàn thành bản Báo cáo phúc trình về kết quả nghiên cứu của đề tài, gồm ba phần với các nội dung cơ bản như sau:  

Phần thứ nhất: Sự cần thiết và mục đích nghiên cứu đè tài.

Phần thứ hai: Những kết quả chính của đề tài nghiên cứu:

- Cơ sở lý luận của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế (ở các nước và ở Việt Nam).

- Kinh nghiệm về tương trợ tư pháp quốc tế ở một số nước.

- Pháp luật và hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam.

Phần thứ ba: Kết luận và kiến nghị (về việc xây dựng dự án Pháp lệnh về tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam). 

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Đề tài được thực hiện trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu khoa học duy vật, biện chứng lấy nền tảng là các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm, đường lối chính sách đổi mới của Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước.

Những phương pháp khoa học cơ bản được sử dụng để hoàn thành việc nghiên cứu đề tài bao gồm:

1. Phương pháp lịch sử cụ thể:

Lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Nhà nước ta trong hơn 50 năm qua gắn liền với lịch sử của đất nước qua các thời kỳ với những nhiệm vụ cách mạng khác nhau. Trong từng giai đoạn của quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển đất nước, các cơ quan nhà nước đã thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế với các mức độ, phạm vi và yêu cầu khác nhau. Có thể khái quát quá trình hình thành và phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Nhà nước ta theo những giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước từ năm 1945 đến nay như sau:

a) Giai đoạn từ khi thành lập nước đến năm 1980: đây là giai đoạn khởi đầu của các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế.

b) Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1992: là giai đoạn thực hiện chủ yếu các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (cũ).

c) Giai đoạn từ năm 1992 đến nay: là giai đoạn phát triển đa dạng, đa phương của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế giữa Việt Nam với các nước có chế độ chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau. Sự đa dạng của tương trợ tư pháp được thể hiện không chỉ ở phạm vi địa lý, mà còn ở phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp thuộc nhiều lĩnh vực quan hệ pháp luật (với các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như chưa ký kết Hiệp định). Đây cũng là giai đoạn mà pháp luật Việt Nam đã có bước phát triển mới trong việc thể chế hoá các chính sách về tương trợ tư pháp quốc tế.

2. Phương pháp phân tích tổng hợp:

Hoạt động tương trợ tư pháp được phân tích, mổ xẻ, đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ, trên nhiều bình diện khác nhau. Về ý nghĩa kinh tế - xã hội, đề tài đã làm sáng tỏ vị trí, vai trò cũng như những ưu điểm, thành tựu quan trọng của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng nêu lên nhiều khiếm khuyết của hoạt động này, kể cả từ cơ sở pháp luật cũng như thực tiễn của việc thực hiện tương trợ tư pháp. Đồng thời đề tài cũng tổng hợp, đúc rút nhiều kinh nghiệm bổ ích từ hoạt động tương trợ tư pháp được thể hiện trong các điều ước quốc tế, cũng như pháp luật một số nước về lĩnh vực này, làm nền móng cho việc xây dựng Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế của Nhà nước ta.

3. Phương pháp so sánh:

Đề tài đã áp dụng phương pháp so sánh trong việc nghiên cứu, đánh giá và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Từ đó tiếp thu một cách có chọn lọc những kinh nghiệm hay, những ý tưởng, luận điểm, chế định tiến bộ để vận dụng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những mặt yếu kém, bất cập trong hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, đưa ra những kiến nghị nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

4. Phương pháp thống kê, khảo sát, điều tra xã hội học:

Để phục vụ việc nghiên cứu đề tài, Ban Chủ nhiệm đã tiến hành một số cuộc khảo sát thực tế (tại Hà Nội, Lao Cai, Cao Bằng và một số tỉnh biên giới phía Nam) nhằm thu thập thông tin, nắm tình hình thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp với nước ngoài tại những địa bàn biên giới, kết hợp với việc phân tích, tổng hợp kết quả nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài. Qua đó thống kê các hoạt động tương trợ tư pháp trong một số lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch, dân sự có yếu tố nước ngoài. Kết quả khảo sát và các số liệu thống kê, điều tra xã hội học[11] (theo mẫu phiếu của Ban Chủ nhiệm) là những tài liệu thực tế có giá trị chứng minh về các nhận định, đánh giá về thực trạng thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta.   

V. QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

Đề tài bắt đầu được triển khai thực hiện ngay sau khi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt (tháng 3/1998). Từ đó cho đến khi hoàn thành, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tập trung thực hiện các công việc chính như sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị đề cương nghiên cứu

- Xác định nội dung, mục tiêu, phạm vi, phương pháp nghiên cứu của đề tài thông qua việc tổ chức 02 hội nghị giữa Ban Chủ nhiệm và các cộng tác viên tham gia nghiên cứu đề tài, đồng thời xác định các công việc cần làm trong từng giai đoạn nghiên cứu.

- Trên cơ sở xác định nội dung nghiên cứu của đề tài, tiến hành lập Đề cương nghiên cứu và xây dựng danh mục các chuyên đề nghiên cứu trên từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời ký kết hợp đồng nghiên cứu với các cộng tác viên là các chuyên gia pháp luật ở các bộ, ngành và cơ quan khác[12].

Giai đoạn 2: Triển khai nghiên cứu.

- Tổ chức 02 cuộc họp giữa Ban Chủ nhiệm với các cộng tác viên để góp ý, thông qua các đề cương nghiên cứu (theo yêu cầu của Ban Chủ nhiệm).

- Các cộng tác viên thực hiện việc nghiên cứu đề tài trên từng chuyên ngành hẹp, theo yêu cầu của Ban Chủ nhiệm. Trên cơ sở đề cương chi tiết về phạm vi các vấn đề cần nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài, Ban Chủ nhiệm đã ký hợp đồng với cộng tác viên và đã nhận được 13 bài nghiên cứu về các chuyên đề đã đăng ký theo từng lĩnh vực nhất định. Nhìn chung, các bài viết đều có chất lượng đạt yêu cầu, bám sát những vấn đề mà Ban Chủ nhiệm đã đặt ra đối với từng chuyên đề cụ thể. Nhiều bài viết có chất lượng cao, được hoàn thành công phu, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

- Tiến hành sưu tầm, dịch và biên dịch một số tài liệu tham khảo nước ngoài phục vụ việc nghiên cứu đề tài.

- Tiến hành một số cuộc thăm dò, điều tra xã hội học và khảo sát tại một số địa phương nhằm phục vụ việc nghiên cứu đề tài[13].

Giai đoạn 3: Nghiệm  thu các chuyên đề do cộng tác viên thực hiện.

- Tổ chức 02 hội nghị khoa học nhằm đánh giá, góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện đối với các chuyên đề chưa hoàn thành, và tiến hành nghiệm thu các chuyên đề đã hoàn thành do cộng tác viên thực hiện. 

- Ban Chủ nhiệm chuẩn bị Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài.

Giai đoạn cuối cùng: Hoàn thành Báo cáo phúc trình về kết quả nghiên cứu đề tài và tiến hành bảo vệ, nghiệm thu đề tài.

 

B. PHẦN THỨ HAI:

NHỮNG KẾT QUẢ CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

 

 

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

 

1. Về phương diện quốc tế

1.1. Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, thì các quốc gia - chủ thể cơ bản của Luật quốc tế hiện đại - phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Từ đó có thể nói, hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp cũng được coi là một biểu hiện sinh động của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia.

Nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia ngày càng được đề cao, một mặt bởi lẽ, để giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu (như bảo vệ môi trường; chống tội phạm quốc tế, chống buôn bán ma tuý, phụ nữ và trẻ em; chống nạn không tặc, hải tặc v.v...), thì bản thân một quốc gia hoặc một nhóm nước nằm trong khu vực nhất định, không thể giải quyết được một cách ổn thoả, nếu không có sự hợp tác trên bình diện quốc tế. Mặt khác, nhu cầu hợp tác quốc tế, đều xuất phát từ lợi ích của các quốc gia  trong xu hướng hội nhập và vì thế không chỉ giới hạn trong phạm vi các vấn đề có tính phổ cập (như ổn định hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển kinh tế-khoa học kỹ thuật...), mà đã được mở rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, trong đó lĩnh vực pháp luật và tư pháp (hiểu theo nghĩa rộng) luôn giữ vai trò then chốt.

1.2. Nhu cầu hợp tác và tương trợ về tư pháp giữa các quốc gia ngày càng trở nên bức thiết và có tầm quan trọng to lớn bên cạnh sự hợp tác về nhiều mặt giữa các nước. Điều đó được giải thích bởi cùng với xu hướng hội nhập, trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ngày càng có nhiều người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống. Trong các giao lưu hàng ngày về mọi mặt giữa cá nhân, pháp nhân nước ngoài với công dân, pháp nhân của nước sở tại đã làm phát sinh nhiều quan hệ, tranh chấp thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế-thương mại... đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời. Khi Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước thụ lý và giải quyết các quan hệ, tranh chấp đó (là các quan hệ, tranh chấp có yếu tố nước ngoài), thì không chỉ căn cứ vào hệ thống pháp luật và dựa vào sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng của nước mình, mà trong nhiều trường hợp cần có sự tương trợ, giúp đỡ của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì mới có thể giải quyết ổn thoả các vấn đề đặt ra. Do vậy, sự hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp, phải được nhìn nhận như một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các giao lưu về mọi mặt giữa các quốc gia nói chung, hay giữa các chủ thể khác của pháp luật quốc gia nói riêng.

Xu hướng hợp tác về tương trợ tư pháp được đặt ra ngày càng nhiều đối với những nước mà trên lãnh thổ của nước đó có số lượng đông người nước ngoài cư trú, cũng như đối với các nước có nhiều công dân sinh sống ở nước ngoài. Đồng thời, với xu hướng mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế và hội nhập quốc tế, thì nhu cầu tương trợ tư pháp càng trở nên bức thiết. Xét về mặt lý luận, quốc gia thực hiện quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ của mình trên mọi phương diện, đặc biệt là quyền tài phán. Nhưng quốc gia khó có thể thực hiện được quyền tài phán đối với công dân của mình có hành vi vi phạm pháp luật song hiện tại họ đang cư trú ở nước ngoài, nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước nước ngoài hữu quan (có thể là dẫn độ tội phạm, thu thập chứng cứ, uỷ thác điều tra, tống đạt giấy tờ v.v...). Tuy nhiên, phạm vi, mức độ, cách thức trợ giúp đến đâu, phần lớn lại phụ thuộc vào ý chí (chủ quyền) của quốc gia được yêu cầu. Do vậy, xét về mặt này trên phương diện quốc tế, thì tương trợ tư pháp còn được hiểu như một biểu hiện cụ thể của chủ quyền quốc gia và các quốc gia khác phải hết sức tôn trọng, không được ép buộc hay can thiệp dưới bất cứ hình thức nào. Chẳng hạn như đối với vấn đề dẫn độ, pháp luật của hầu hết các nước, kể cả Việt Nam[14], đều không chấp nhận việc dẫn độ công dân của nước mình cho nước khác. Và như vậy, dưới góc độ tương trợ tư pháp, việc dẫn độ hay từ chối dẫn độ chính là biểu hiện của quyền chủ quyền quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ quốc tế.

2. Về khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế.  

2.1. Căn cứ vào phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp, trên cơ sở phù hợp với tính chất và mức độ quan hệ giữa các quốc gia với nhau, cũng như xuất phát từ nhu cầu tương trợ tư pháp do thực tiễn đặt ra ở mỗi quốc gia trong từng thời kỳ mà các nước đưa ra một số học thuyết hay khái niệm tương ứng về tương trợ tư pháp. Nói như vậy để thấy rằng, trong khoa học pháp lý hiện nay, khó có thể tìm thấy một khái niệm (hay học thuyết) được thừa nhận chung, làm chuẩn mực cho một cách hiểu thống nhất về tương trợ tư pháp, xét trên bình diện quốc tế (điều này cũng là bình thường, giống như thực trạng trên thế giới cho đến nay vẫn tồn tại một số quan niệm khác nhau về nguồn của pháp luật nói chung, là phụ thuộc vào việc nước đó theo hệ thống pháp luật nào trong hai hệ thống điển hình là Civil Law và Common Law).

Dưới đây chúng tôi xin đề cập về "tương trợ tư pháp quốc tế" theo pháp luật và thực tiễn của một số nước, để qua đó thấy được tính phức tạp của khái niệm này:

Cộng hoà Liên bang Đức: vào những năm 60, tương trợ tư pháp quốc tế được nhiều Luật gia CHLB Đức hiểu là việc tống đạt giấy tờ và thực hiện uỷ thác tư pháp về việc thu thập chứng cứ. Sau này phạm vi tương trợ tư pháp được hiểu rộng hơn, bao gồm cả việc trao đổi thông tin về pháp luật, gửi tài liệu giấy tờ và thông báo của Toà án hoặc cơ quan tư pháp khác, thậm chí cả việc thi hành các quyết định về án phí. Theo Sắc lệnh về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự ngày 19/10/1956, thì trong lĩnh vực dân sự, tương trợ tư pháp còn được hiểu là sự hỗ trợ về dân sự của các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích phục vụ quá trình tố tụng của Toà án trong nước cũng như Toà án nước ngoài. Như vậy, phạm vi tương trợ tư pháp theo quan niệm của các Luật gia Đức được hiểu tương đối rộng.

Cộng hoà Pháp: cũng giống như Đức, phạm vi tương trợ tư pháp - theo quan niệm của các Luật gia Pháp - bao gồm việc tống đạt giấy tờ và thực hiện uỷ thác tư pháp (cả về dân sự và hình sự), miễn án phí và lệ phí Toà án cho người nước ngoài, đưa ra chứng cứ trên cơ sở pháp luật nước ngoài, công nhận và thi hành các phán quyết v.v...

Thuỵ Điển: trong lĩnh vực dân sự và thương mại, tương trợ tư pháp được coi là một bộ phận quan trọng của tư pháp quốc tế và được hiểu theo hai nghĩa rộng - hẹp khác nhau, nhưng chủ yếu bao gồm các nội dung về tống đạt giấy tờ; thu thập chứng cứ; áp dụng pháp luật nước ngoài; công nhận và thi hành bản án của Toà án và quyết định của trọng tài nước ngoài; trao đổi thông tin pháp luật; miễn hợp pháp hoá các giấy tờ[15] v.v...  

Hệ thống luật Anh-Mỹ (Commmon Law): tương trợ tư pháp trước hết bao gồm việc tống đạt giấy tờ và uỷ thác tư pháp về thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, khác với các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa, Toà án Anh và Mỹ thực hiện việc lấy lời khai của những người làm chứng hiện đang ở nước ngoài thông qua viên chức cao cấp (commissioner) của Toà án có thẩm quyền, bằng hình thức thẩm vấn thẳng và thẩm vấn chéo đại diện của các bên. Kết quả thẩm vấn (thường là thoả thuận của đại diện các bên) được gửi cho Toà án có thẩm quyền. Thủ tục này được áp dụng năm 1930 trong vụ Ngân hàng Pháp kiện Ngân hàng Treis và Công ty Ekvitebl Trast (Hoa Kỳ) về việc thanh toán vàng Nga. Nhân chứng trong vụ kiện này là các kỹ sư và công nhân của nhà máy luyện vàng Nga đã rời sang Berlin vào thời điểm phát sinh tranh chấp. Việc thẩm vấn rõ ràng sẽ không thực hiện được, nếu không có sự hỗ trợ tư pháp từ các cơ quan có thẩm quyền của Đức, phù hợp với pháp luật Nga

 

(liên quan đến công dân Nga ở nước ngoài).

        Mặt khác, tương trợ tư pháp theo luật Anh-Mỹ (Legal Assistance) còn được hiểu là việc hỗ trợ lẫn nhau giữa Toà án các nước trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và thi hành án về dân sự cũng như hình sự.

Liên xô (cũ) và các nước Đông Âu: phụ thuộc vào phạm vi nội dung các vấn đề được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan, tương trợ tư pháp được hiểu là việc thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự và hình sự của Toà án nước ngoài, thông qua các hành vi tố tụng riêng biệt, bao gồm cả việc tống đạt giấy tờ [16]. Các hành vi tố tụng riêng biệt ở đây thường bao gồm: lập, tống đạt giấy tờ; điều tra thu thập chứng cứ; công nhận và thi hành án dân sự của Toà án và quyết định của trọng tài nước ngoài; khám xét, thu giữ, chuyển giao vật chứng; trưng cầu giám định; lấy lời khai của các bên cũng như nhân chứng; tiến hành truy cứu hình sự; dẫn độ để truy tố hình sự hoặc thi hành án hình sự.

Tóm lại, thông qua cách tiếp cận một số khái niệm về tương trợ tư pháp quốc tế theo các hệ thống pháp luật khác nhau, có thể rút ra một số điểm chung về khái niệm này, trước hết đó là việc thực hiện uỷ thác tư pháp (về dân sự và hình sự). Phạm vi uỷ thác tư pháp rộng hay hẹp là tuỳ thuộc vào nội dung và tính chất của vụ việc uỷ thác được yêu cầu. Song tựu trung lại phạm vi uỷ thác tư pháp thường bao gồm việc tống đạt giấy tờ, lấy lời khai, cung cấp chứng cứ, xác minh địa chỉ ... nhằm mục đích chủ yếu là phục vụ cho quá trình tố tụng quốc tế.

Ngoài ra cần nhấn mạnh một điều mà thực tiễn tư pháp quốc tế đã cho thấy rằng, trong trường hợp không có điều ước quốc tế liên quan, thì hoạt động tương trợ tư pháp và pháp lý ở các nước (dù theo hệ thống luật châu Âu lục địa, luật Anh-Mỹ hay bất kỳ hệ thống pháp luật nào) thường được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi (nguyên tắc có đi có lại thường được áp dụng trong việc công nhận và thi hành các phán quyết liên quan đến tài sản của Toà án hoặc Trọng tài).

2.2. Đối với Việt Nam, khái niệm "tương trợ tư pháp" cho đến nay vẫn chủ yếu được hiểu trên cơ sở phạm vi các vấn đề được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết với nước ngoài. Tuy nhiên, phạm vi các vấn đề trong các Hiệp định tương trợ tư pháp hiện nay không thống nhất. Do đó, nếu tổng hợp toàn bộ nội dung của 13 Hiệp định tương trợ tư pháp mà ta đã ký, thì sẽ có một khái niệm tương đối rộng về tương trợ tư pháp quốc tế. Tức là, ngoài phạm vi các vấn đề giống như các nước (đã nêu trên đây), thì còn bao gồm vấn đề dẫn độ, xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền, bảo hộ pháp lý, năng lực pháp luật của cá nhân, pháp nhân v.v...

Còn trong các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước ta thì cho đến nay chưa có quy định về khái niệm tương trợ tư pháp. Trong một số công trình khoa học, nhất là các Giáo trình Luật tư pháp quốc tế (của Trường đại học luật Hà Nội, Khoa luật Trường đại học quốc gia Hà Nội cũng như một số cơ sở đào tạo luật khác), khái niệm tương trợ tư pháp cũng chỉ được đề cập dưới các góc độ nghiên cứu khoa học (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp) với phạm vi các vấn đề không đầy đủ và thống nhất[17].   

Tóm lại, qua tham khảo pháp luật và thực tiễn của một số nước, nhất là trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam với các nước, cũng như quá trình thực hiện tương trợ tư pháp giữa Nhà nước ta với các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, chúng tôi thử nêu lên một khái niệm có tính chất chung nhất về tương trợ tư pháp quốc tế để có thể tham khảo, vận dụng trong việc xác định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh về vấn đề này như sau:

Tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua Toà án và các cơ quan tư pháp) giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở điều ước quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm đảm bảo việc thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.

Như vậy, từ khái niệm nêu trên, có thể rút ra một số điểm cần lưu ý như sau:

Một là, thực chất của hoạt động tương trợ tư pháp chính là sự hỗ trợ, giúp đỡ giữa các quốc gia về các vấn đề tư pháp. Các vấn đề tư pháp, nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì chỉ bao gồm một số hành vi tố tụng riêng biệt. Điều này cũng đồng nghĩa với bản chất của vấn đề tương trợ tư pháp là việc hỗ trợ thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt (như thực hiện uỷ thác điều tra, thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ v.v...). Còn hiểu theo nghĩa rộng, thì có thể bao gồm cả sự bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật (lựa chọn pháp luật áp dụng) trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế.

Hai là, cơ sở pháp lý (hay còn gọi là nguyên tắc) của việc thực hiện tương trợ tư pháp là điều ước quốc tế (song phương hoặc đa phương) giữa các quốc gia; nếu không có điều ước quốc tế thì tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại - nguyên tắc phổ biến trong quan hệ quốc tế được nhiều nước áp dụng.

Ba là, cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp, về nguyên tắc đều do pháp luật của mỗi quốc gia quy định, song thông thường là cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp bao gồm: i) Toà án (là chủ yếu) và các cơ quan tư pháp khác (Kiểm sát, Công an); ii) Các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền (cả ở trung ương và địa phương) như ngoại giao, tư pháp, Uỷ ban nhân dân; iii) Các cơ quan bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định, hộ tịch, luật sư. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động tương trợ tư pháp lâu nay ở Việt Nam chủ yếu vẫn do các cơ quan trong các ngành Toà án, Tư pháp, Công an và Ngoại giao thực hiện là chính.

Bốn là, lĩnh vực tư pháp bao gồm cả dân sự (theo nghĩa rộng, gồm cả hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế - thương mại) và hình sự (điều tra, thu thập chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ, thi hành án).

Cuối cùng, mục đích của hoạt động tương trợ tư pháp, xét cho cùng, là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân của các quốc gia trên lãnh thổ của nhau. Đương nhiên, việc đảm bảo thi hành pháp luật được coi là mục tiêu cơ bản của hoạt động tương trợ tư pháp, bên cạnh mục tiêu củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác về nhiều mặt giữa các quốc gia hữu quan.

Như vậy, nếu thống nhất được cách hiểu về khái niệm tương trợ tư pháp với phạm vi nội dung các vấn đề như nêu trên đây, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn thảo Pháp lệnh sau này. Tất nhiên, việc đưa ra một khái niệm có tính  khái quát như vậy cũng khó có thể bao hàm hết các vấn đề cụ thể được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp, nếu không có sự giải thích và hướng dẫn một cách cặn kẽ.

3. Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa các nước.

Cơ sở pháp lý quốc tế chung nhất của việc thực hiện tương trợ tư pháp giữa các quốc gia là điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm cho rằng, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về tương trợ tư pháp để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, cũng như chưa có một điều ước quốc tế (đa phương) nào quy định được một cách đầy đủ tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp, do đó, phù hợp với phạm vi và đối tượng điều chỉnh của mỗi loại điều ước, mà tương trợ tư pháp được đề cập dưới các góc độ khác nhau. Chúng tôi muốn đề cập đến một số điều ước quốc tế điển hình về các lĩnh vực tương trợ tư pháp giữa các quốc gia để thấy rõ hơn tính đa dạng, phức tạp của loại hoạt động này.     

a) Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý giữa các nước XHCN trước đây là loại điều ước song phương, khá phổ biến và thường có phạm vi rất rộng, bao gồm cả các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật[18]. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay của nhiều nước là ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với phạm vi hẹp, chỉ bao gồm tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hoặc hình sự, dẫn độ mà không bao gồm các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật. Thực tế thời gian qua, Nhà nước ta đã ký với Pháp Hiệp định tương trợ tư pháp với nội dung như vậy (không bao gồm các vấn đề hình sự, dẫn độ, bảo hộ pháp lý, xung đột pháp luật).

b) Điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp[19] chủ yếu bao gồm:

Công ước La Hay ngày 1.3.1954 về các vấn đề tố tụng dân sự. Trên cơ sở Công ước này, nhiều quốc gia ký kết với nhau điều ước song phương về các vấn đề tố tụng như Hiệp định Pháp-Đức ngày 6.5.1961; Hiệp định Đức-Áo ngày 6.6.1959 v.v...

Công ước La Hay ngày 15.11.1965 về tống đạt các giấy tờ tư pháp và phi tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại được thông qua tại Hội nghị La Hay thứ 10 về tư pháp quốc tế, thành viên là các nước châu Âu (đã tham gia Công ước ngày 1.3.1954), Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nhưng Công ước này sau đó chỉ được một số rất ít nước phê chuẩn.

Để thực hiện tương trợ tư pháp, Công ước ngày 15.11.1965 quy định mỗi nước thành viên phải thành lập một hoặc một số cơ quan trung ương; việc tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua các cơ quan trung ương này (chứ không thông qua cơ quan lãnh sự của các nước). Tuy nhiên, cách thức cụ thể thực hiện uỷ thác tư pháp ra sao, thì do pháp luật và thực tiễn của mỗi nước quy định, nếu không bị các quốc gia thành viên Công ước phản đối.

Công ước La Hay ngày 18.3.1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài chỉ có một số ít nước tham gia, trong đó có Anh, Mỹ, CHLB Đức. Theo quy định của Công ước, việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của nhân chứng, đương sự ở nước ngoài được thực hiện thông qua viên chức Lãnh sự hoặc "viên chức cao cấp" (commissioner) của Toà án có thẩm quyền.

Công ước EEC ngày 27.9.1968 về trách nhiệm quốc tế và thi hành các quyết định dân sự của Toà án. Công ước này, về nguyên tắc, không quy định những vấn đề chung về tương trợ tư pháp, mà dẫn chiếu đến cam kết của các quốc gia thành viên trong các thoả thuận liên quan. Tuy nhiên, liên quan đến việc thi hành án, Công ước cho phép thực hiện một số hành vi uỷ thác từ nước yêu cầu đến nước được yêu cầu, như tống đạt tài liệu, giấy tờ đảm bảo cho việc thi hành án.  

Ngoài ra, vấn đề tương trợ tư pháp còn được quy định trong nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác như: Công ước La Hay ngày 1/2/1971 về công nhận và thi hành bản án nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại; Công ước giữa các nước Bắc Âu về công nhận và thi hành bản án năm 1932; Công ước Brúcxen về thẩm quyền và việc thi hành các bản án dân sự và thương mại năm 1968 (áp dụng giữa các nước EEC); Công ước giữa các nước châu Mỹ về giá trị ngoài lãnh thổ của các bản án và các quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1979; Công ước châu Âu về uỷ thác hình sự năm 1972; Công ước mẫu về uỷ thác hình sự do Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1990 v.v...

4. Tương trợ tư pháp - xét từ phương diện trong nước.

4.1. Trong quá trình thực hiện đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia sao cho phù hợp để phục vụ quá trình hội nhập quốc tế, nhất là về lĩnh vực kinh tế, là một yêu cầu hết sức quan trọng. Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp cũng có những yêu cầu như vậy. Như đã nói ở trên, hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp phải được coi như một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu không thể thiếu được trong bối cảnh mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế thị trường và hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế của Nhà nước ta. Do đó, đã đến lúc chúng ta không thể "làm ngơ" hoặc có những nhận thức không đầy đủ về lĩnh vực công tác này.

Tương trợ tư pháp ngày càng trở thành một hoạt động không thể thiếu được của Toà án và các cơ quan tư pháp khác, góp phần đảm bảo cho pháp luật của mỗi nước được thi hành nghiêm chỉnh trong những hoàn cảnh nhất định. Hoạt động trợ giúp về mặt pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia không chỉ thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các nước, mà thực sự còn là nhu cầu nội tại của bản thân mỗi quốc gia mà thông qua đó, các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức thực hiện công tác này có cơ hội để trao đổi, học tập kinh nghiệm, mở rộng sự hiểu biết về công tác chuyên môn này trên các lĩnh vực cụ thể. Việc thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp còn góp phần quan trọng củng cố, nâng cao vai trò và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. 

4.2. Trong quá trình Toà án thụ lý, xem xét và giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả dân sự và hình sự), để đảm bảo quyền lợi cho các bên, cũng như để quá trình tố tụng diễn ra một cách công bằng và khách quan, thì tương trợ tư pháp đóng một vai trò hết sức thiết thực. Thực tiễn xét xử các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, cũng như hình sự có tính chất quốc tế của Toà án Việt Nam cho thấy, khi Thẩm phán xét xử không chỉ thuần tuý dựa trên các chứng cứ pháp lý và lời khai của đương sự và những người liên quan có mặt trên lãnh thổ Việt Nam để ra phán quyết, mà phải căn cứ vào các nhân chứng, chứng cứ và những chi tiết, sự kiện quan trọng khác ở nước ngoài liên quan đến vụ án.

Năm 1995 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử một số vụ án bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ qua biên giới (Trung Quốc, Cămpuchia), cũng phải thông qua đường ngoại giao yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hỗ trợ thực hiện một số hành vi tố tụng riêng biệt (thu thập chứng cứ, xác minh lời khai nhân chứng...). Đặc biệt trong những năm gần đây, các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài do Toà án Việt Nam xét xử diễn ra ngày càng nhiều[20], trong đó nổi lên tình trạng ly hôn giữa một bên ở trong nước ly hôn với một bên ở nước ngoài (là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài). Trong năm 1998 vụ việc này chiếm 35,9% tổng số ly hôn có yếu tố nước ngoài[21]. Có thể nói, các hoạt động uỷ thác tư pháp quốc tế nhằm phục vụ cho việc giải quyết ly hôn của Toà án Việt Nam diễn ra mạnh trong năm 1998, kể cả với các nước, vùng lãnh thổ chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam (nhất là Đài Loan). Đặc biệt, trong vụ án lớn Epco - Minh Phụng cho thấy, một trong những bị cáo (con trai Tăng Minh Phụng) trốn ra nước ngoài (Canada), mọi người đều đổ lỗi cho tên này là chủ mưu trong việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây rất nhiều khó khăn cho công tác xét xử. Nhưng Toà án và các cơ quan tư pháp của Việt Nam lại không có cơ sở để yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ, vì giữa Việt Nam và Canada chưa có điều ước quốc tế về vấn đề này.

Do đó, xét về phương diện trong nước, tương trợ tư pháp giữ vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nhưng vì chưa có văn bản pháp luật quy định một cách toàn diện các vấn đề về tương trợ tư pháp, nên thực tế chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tương trợ tư pháp, đặc biệt là với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế. Các Toà án nhân dân địa phương còn lúng túng trong việc yêu cầu phía nước ngoài thực hiện uỷ thác tư pháp. Cho nên nhiều vụ án xét xử bị chậm so với thời hạn luật định. Vì vậy, việc làm rõ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn, phục vụ xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế là điều hoàn toàn phù hợp và có tính cấp bách. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VII (Nghị quyết 8) "... phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp...".

II. KINH NGHIỆM VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC

1. Tương trợ tư pháp ở  nước công nghiệp phát triển.

1.1. Trong hệ thống pháp luật của các nước công nghiệp phát triển, kể cả những nước theo truyền thống pháp luật lục địa (Civil Law) và những nước theo truyền thống luật án lệ (Common Law) - là những hệ thống pháp luật phát triển, có bề dày lịch sử - các quy định về tương trợ tư pháp quốc tế có một vị trí quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của các giao lưu kinh tế, thương mại, dân sự, lao động và quá trình quốc tế hoá ngày càng cao độ đời sống kinh tế - xã hội đã làm cho chế định tương trợ tư pháp quốc tế của các nước này ngày càng trở nên xích lại gần nhau hơn, có nhiều điểm tương đồng và được nhất thể hoá trong nhiều điều ước đa phương và song phương về tương trợ tư pháp.

- Ở CHLB Đức hiện nay các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp được quy định trong 24 điều của Bộ luật dân sự, cũng như trong Luật về tư pháp quốc tế ngày 25/7/1986.

- Ở Pháp, ngoài Bộ luật dân sự (Bộ luật Napoleon 1804) còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có các quy định liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế.

- Ở Anh, vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật về trọng tài năm 1975, Luật về di chúc năm 1963, Luật về nuôi con nuôi năm 1968, Luật công nhận quyết định của Toà án về ly hôn và ly thân năm 1971, Luật về chứng cứ trong tố tụng năm 1975, Luật về miễn trừ quốc gia năm 1978 ... Ngoài ra, các tập án lệ (như Tập án lệ Daixi) cũng là nguồn rất quan trọng về tương trợ tư pháp quốc tế ở Vương quốc Anh.

- Ở Mỹ, trong các đạo luật về tư pháp quốc tế của các bang đều có các quy định về tương trợ tư pháp quốc tế. Một trong các luật mới nhất là Luật tư pháp quốc tế được ban hành tại bang Luidiana năm 1991 (có hiệu lực ngày 2/1/1992) cũng dành một phần quy định về tương trợ tư pháp. Ngoài ra, giống như ở Anh, các tập án lệ được biên soạn tại Mỹ cũng là nguồn khá quan trọng về tương trợ tư pháp, trong đó phải kể tới Tập tổng luật về xung đột pháp luật (gồm 3 tập) được xuất bản năm 1971.

Một đặc điểm đáng chú ý là các nước công nghiệp phát triển (kể cả các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law và Common Law) ít ký kết điều ước song phương về tương trợ tư pháp. Như đã nói ở trên, vấn đề tương trợ tư pháp thường được quy định trong các điều ước quốc tế đa phương. Đây chính là cơ hội tiến tới nhất thể hoá các hoạt động tương trợ tư pháp của các quốc gia thành viên và tạo cơ sở để cho hoạt động này của các nước xích lại gần nhau, góp phần vào việc giải quyết xung đột pháp luật giữa các nước trong lĩnh vực này.

1.2. Tương trợ tư pháp quốc tế theo pháp luật và thực tiễn của các nước Common Law, điển hình là Vương quốc Anh và Ôxtrâylia, có nhiều điểm đặc trưng cho hệ thống luật án lệ. Trước hết, đối với các nước này, thuật ngữ "tương trợ pháp lý" (legal assistance) hoặc "hợp tác tư pháp" (judicial cooperation) chỉ bao gồm các hoạt động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực điều tra, tố tụng và thi hành bản án về hình sự và dân sự[22] (khái niệm dân sự được hiểu theo nghĩa rất rộng). Nói cách khác, mục tiêu chính của sự hợp tác về tư pháp quốc tế chỉ là nhằm thực thi tốt pháp luật hoặc hỗ trợ thi hành pháp luật, tránh để lãnh thổ của các quốc gia trở thành thiên đường tội phạm.

Về hình sự, phạm vi tương trợ tư pháp bao gồm các nội dung chủ yếu là: thu thập chứng cứ và lấy lời khai, kể cả việc thực hiện thư yêu cầu điều tra; cung cấp tài liệu, chứng cứ; nhận dạng và xác định nơi cư trú của cá nhân; thực hiện việc khám xét và tịch thu; tống đạt giấy tờ... Còn các vấn đề khác như dẫn độ, thi hành bản án hình sự của nước ngoài và chuyển giao người đang ở tù để chấp hành hình phạt thường được quy định trong các điều ước riêng có tính chất chuyên ngành.

Về dân sự, phạm vi tương trợ tư pháp chủ yếu bao gồm việc thực hiện uỷ thác tư pháp về chuyển giao giấy tờ, tài liệu; công nhận và thi hành bản án, quyết định về dân sự hoặc thương mại của Toà án hoặc Trọng tài nước ngoài (trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc có đi có lại).

Nhìn chung, sự hợp tác về tương trợ tư pháp trong khuôn khổ các nước theo hệ thống pháp luật Common Law (điển hình là Anh và Ôxtrâylia), không có những điểm khác nhau căn bản so với các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law (Pháp, Đức, Thuỵ Điển). Thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp được quy định rõ trong các điều ước cũng như pháp luật trong nước, nhất là trên các vấn đề về cách thức, thời hạn, ngôn ngữ, địa điểm, thẩm quyền, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp, hình thức của văn bản yêu cầu, cũng như các trường hợp từ chối thực hiện tương trợ tư pháp.

Điểm “xích lại gần nhau” của hai hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law về tương trợ tư pháp, theo chúng tôi là ở chỗ, phạm vi các vấn đề thuộc hoạt động tương trợ tư pháp, cũng như cơ sở pháp lý của hoạt động tương trợ tư pháp, về cơ bản là giống nhau.

1.3. Hoạt động tương trợ tư pháp ở một số nước Bắc Âu, điển hình là Thuỵ Điển, có những điểm khác so với nhiều nước theo hệ thống pháp luật Civil Law nói chung. Trước hết, phạm vi tương trợ tư pháp ở Thuỵ Điển, chỉ riêng trong lĩnh vực dân sự - thương mại, cũng được hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp với những nội dung khác nhau. Theo nghĩa rộng, tương trợ tư pháp là một trong những nội dung quan trọng của tư pháp quốc tế và được hiểu là hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của các quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề thuộc về tư pháp quốc tế như: hỗ trợ việc tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ; phân định thẩm quyền của Toà án và xác định Toà án có thẩm quyền; công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án và quyết định của Trọng tài nước ngoài; lựa chọn pháp luật áp dụng (để giải quyết xung đột pháp luật) trong một số lĩnh vực cụ thể.

Theo nghĩa hẹp, tương trợ tư pháp là việc hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các công việc cụ thể trong tố tụng dân sự, bao gồm: tống đạt giấy tờ; thu thập chứng cứ ở nước ngoài; áp dụng pháp luật nước ngoài; trao đổi thông tin pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho công dân nước ngoài; miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu; miễn cược án phí khi tham gia tố tụng; bảo hộ công dân (và quyền lợi của trẻ em); công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài.

Thuỵ Điển cũng chú trọng việc tham gia điều ước đa phương về tương trợ tư pháp (đã tham gia 11 Công ước của Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế), thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế để thực hiện tương trợ tư pháp. Theo các chuyên gia Thuỵ Điển, việc tham gia điều ước quốc tế đa phương là một đảm bảo tốt nhất trong việc các quốc gia thực hiện tương trợ tư pháp cho nhau và họ khuyên chúng ta nên sớm xem xét khả năng gia nhập một số điều ước quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế[23] (như Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự liên quan đến việc bắt cóc trẻ em quốc tế; Công ước La Hay năm 1956 về tống đạt giấy tờ tư pháp và phi tư pháp ra nước ngoài; Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ cho các vụ kiện dân sự và thương mại).

2. Tương trợ tư pháp ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu:

Tương trợ tư pháp quốc tế là một lĩnh vực khá phát triển ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu từ sau đại chiến thế giới II, khi các nhà nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được hình thành. Trong những năm 70 quan hệ hợp tác về tương trợ tư pháp giữa Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Hoạt động tương trợ tư pháp được quy định cả trong các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước.

Ở nhiều nước tương trợ tư pháp quốc tế và các vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp được quy định trong các đạo luật chuyên ngành như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật lao động v.v... Các nước Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Nam Tư thì có hẳn Luật tư pháp quốc tế điều chỉnh một cách hệ thống, tổng thể các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có nhiều quy định liên quan đến vấn đề về tương trợ tư pháp quốc tế, nhất là phần tố tụng dân sự quốc tế. Đó là điểm tiến bộ nhằm nhất thể hoá việc điều chỉnh các hoạt động về tư pháp quốc tế, dễ thực hiện và áp dụng.

Các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Liên Xô với các nước XHCN (cũ) thường điều chỉnh khá toàn diện các vấn đề về tương trợ tư pháp quốc tế trong các lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, hình sự, dẫn độ, kể cả vấn đề bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền (trên phạm vi rộng). Trong thời kỳ tồn tại của mình, Liên Xô đã ký trên 30 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, trong đó có Việt Nam (1981). Các nước Đông Âu cũng ký kết nhiều Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp, trong đó có Việt Nam.

Cùng với các Hiệp định tương trợ tư pháp, Liên Xô cũ và các nước Đông Âu còn tham gia một số điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp hoặc liên quan đến vấn đề này như: Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài; Công ước La Hay về các vấn đề tố tụng dân sự năm 1954; Công ước La Hay 1965 về tống đạt các giấy tờ tư pháp và phi tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại; Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài; Công ước loại bỏ các yêu cầu về hợp thức hoá các loại giấy tờ chứng thực của nước ngoài 1961; Công ước về tạo điều kiện liên hệ với Toà án nước ngoài năm 1980 v.v...

Theo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, cơ quan đầu mối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự là Bộ Tư pháp, về hình sự là Viện Kiểm sát tối cao (Viện Công tố). Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy, vấn đề chi phí thực hiện tương trợ tư pháp (nhất là uỷ tư pháp của nước ngoài) về nguyên tắc thì phát sinh trên lãnh thổ nước nào thì nước đó chịu.

Tóm lại, trong thời kỳ tồn tại Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của các nước này với nhau chủ yếu được thực hiện trên tinh thần hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa các quốc gia có cùng chế độ chính trị-kinh tế. Các hoạt động tương trợ tư pháp chủ yếu thiên về các vấn đề dân sự (theo nghĩa rộng), trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ, chủ yếu mang tính hình thức và nặng về thủ tục.

Qua kinh nghiệm về tương trợ tư pháp của một số nước như nêu trên đây, chúng ta có thể rút ra một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế - cũng giống như các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ giữa các quốc gia trong các lĩnh vực khác - là một thực tiễn hết sức bình thường và khách quan trong đời sống quốc tế và luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Vai trò của tương trợ tư pháp là hết sức thiết thực, ngoài việc trực tiếp phục vụ cho quá trình xét xử của Toà án đối với các vụ án dân sự, hình sự, còn là biện pháp đảm bảo thực thi pháp luật của quốc gia trong trường hợp liên quan đến một quốc gia khác hoặc đương sự ở nước ngoài, đồng thời còn góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

Thứ hai, đối với nhiều nước hiện nay việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp được dựa trên cơ sở điều ước quốc tế, nói cách khác sau khi điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp phát sinh hiệu lực, thì nhiều quốc gia trực tiếp thi hành, không thông qua hình thức chuyển hoá (thành pháp luật trong nước). Vì vậy, các điều ước quốc tế luôn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động này. Pháp luật quốc gia cũng là cơ sở để thực hiện tương trợ tư pháp, trong trường hợp không có điều ước.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền và chức năng thực hiện tương trợ tư pháp, tuỳ thuộc vào bộ máy nhà nước của mỗi quốc gia mà có các quy định khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn thuộc Toà án. Cơ chế thực hiện uỷ thác tư pháp có thể bằng hình thức trực tiếp giữa các Toà án với nhau, có thể thông qua cơ quan trung ương. Thông thường, trong trường hợp không có điều ước quốc tế thì việc tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua đường ngoại giao (qua cơ quan trung ương). Đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì tương trợ tư pháp giữa các quốc gia được các Toà án trực tiếp thực hiện với nhau, trong một số rất ít trường hợp mới phải thông qua cơ quan trung ương (ví dụ như thủ tục dẫn độ tội phạm theo thủ tục của CHLB Đức).  

Thứ tư, phạm vi tương trợ tư pháp, về cơ bản là giống nhau. Sự khác nhau về phạm vi các vấn đề thuộc hoạt động tương trợ tư pháp, có chăng, cũng không nhiều giữa các hệ thống pháp luật. Điều đó phản ánh một thực tế là trong điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về nhiều mặt giữa các quốc gia, thì xu hướng nhất thể hoá các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp (kể cả về dân sự và hình sự) đang trở thành hiện thực. Cùng với đó, việc giải quyết sự xung đột pháp luật giữa các quốc gia (kể cả về luật nội dung và luật hình thức) cũng góp phần quan trọng vào tiến trình “xích lại gần nhau” giữa các hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo việc dễ vận dụng và phát huy hiệu lực cao trên thực tế.

III. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM

1. Lược sử quá trình hình thành và phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam.

a) Giai đoạn từ 1945 đến 1980:

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã chú trọng việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật với các nước trên thế giới. Có thể nói, việc mở rộng quan hệ hợp tác về nhiều mặt với các nước đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam với các nước, cũng như về tương trợ tư pháp xét theo nghĩa hẹp.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, chỉ từ những năm 50 trở đi, khi các nước xã hội chủ nghĩa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, thì việc hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp mới hình thành. Trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, bên cạnh sự ủng hộ và giúp đỡ về chính trị, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, các nước còn tiếp nhận đào tạo nhiều công dân Việt Nam thuộc các ngành, nghề khác nhau, trong đó có pháp luật. Thời kỳ những năm 60, 70 Việt Nam đã gửi sang Liên Xô cũ và các nước Đông Âu hàng vạn công dân để học tập, đào tạo, nghiên cứu. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp nhận nhiều chuyên gia, cán bộ của các nước này sang Việt Nam công tác, giúp đỡ và huấn luyện cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhiều quan hệ xã hội có tính chất quốc tế phát sinh đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh, nhất là các quan hệ về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thừa kế có yếu tố nước ngoài.

Tuy vậy, pháp luật trong nước liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp trong thời kỳ này còn rất sơ khai. Ngoài các văn bản hướng dẫn về đường lối xét xử của Toà án tối cao đối với một số vụ án có yếu tố nước ngoài, hầu như Nhà nước ta chưa có văn bản pháp luật để điều chỉnh riêng về vấn đề tương trợ tư pháp. Lý do là trong thời kỳ này chúng ta chủ yếu thực hiện chính sách ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các dân tộc tiến bộ trên thế giới cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Ngay cả một số điều ước quốc tế đa phương đầu tiên mà Nhà nước ta tham gia trong thời kỳ này, cũng chủ yếu về việc đối xử nhân đạo với thường dân, với hàng binh, tù binh trong chiến tranh[24], hoàn toàn không đề cập đến lĩnh vực tương trợ tư pháp.

Từ cuối những năm 70, sau khi thống nhất đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng được mở rộng. Trong bối cảnh có nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, công tác, nghiên cứu và lao động, cũng như có nhiều chuyên gia, cán bộ nước ngoài vào Việt Nam công tác, làm việc đã làm phát sinh ngày càng nhiều các quan hệ về dân sự (theo nghĩa rộng) đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh, thì nhu cầu hợp tác về tương trợ tư pháp bắt đầu chính thức được đặt ra[25].

Như vậy, về thời kỳ 1945-1980 có thể rút ra một số điểm như sau:

Thứ nhất, phù hợp với đặc điểm chung của thời kỳ này (chưa chú trọng quản lý nhà nước bằng pháp luật), pháp luật về tương trợ tư pháp còn rất sơ khai, mặc dù thực tế cuối những năm 70 đã bắt đầu phát sinh các yêu cầu về tương trợ tư pháp. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của thời kỳ này phải kể đến Thông tư số 11/TATC ngày 12 tháng 7 năm 1974 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về nguyên tắc và thủ tục giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có quy định về việc thực hiện uỷ thác tư pháp. Tuy nhiên, phạm vi các vấn đề thuộc lĩnh vực uỷ thác tư pháp còn rất hạn hẹp, chủ yếu liên quan đến vấn đề ly hôn. Đối với những vụ việc tương trợ tư pháp cụ thể nảy sinh, các Toà án và cơ quan tư pháp nước ta chủ động giải quyết trên cơ sở pháp luật Việt Nam, nếu cần thiết hợp tác với nước ngoài thì yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự thực hiện thông qua đường ngoại giao. Trong giai đoạn này giữa Việt Nam với các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, chưa hình thành cơ sở pháp lý quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của sự hợp tác quốc tế điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này.

Thứ hai, quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam chủ yếu được đặt ra với các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là với Liên Xô. Do đó, các quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài phát sinh, cũng chủ yếu giữa công dân, pháp nhân nước ta với công dân, pháp nhân các nước này. Đây là giai đoạn đặt nền móng cho sự hợp tác tiếp theo giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp ở thời kỳ sau.

b) Giai đoạn từ 1980 đến 1992:

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 được Quốc hội thông qua đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của đất nước, kể cả về đối nội và đối ngoại, cũng như cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta.

Trong quan hệ quốc tế, việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước xã hội chủ nghĩa[26], trước hết là với CHDC Đức năm 1980, đã chính thức tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế cho hoạt động tương trợ tư pháp ở nước ta. Về mặt trong nước, việc ban hành Bộ luật hình sự (1985), Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật về tố tụng dân sự, đặc biệt là Thông tư liên ngành số 139 (1984), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (1989), Pháp lệnh thi hành án dân sự..., càng củng cố thêm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về tương trợ tư pháp quốc tế.

Việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp có ý nghĩa chính trị-pháp lý rất quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác về tư pháp giữa Việt Nam với các nước. Tư tưởng chỉ đạo của các Hiệp định tương trợ tư pháp đều xuất phát từ mong muốn tăng cường sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước ký kết, trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp của các nước thực hiện tốt các cam kết quốc tế, đồng thời khẳng định và thừa nhận việc bảo hộ các quyền nhân thân và tài sản của công dân nước này trên lãnh thổ nước kia.

Trước bối cảnh đó, việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đặt ra cho các cơ quan chức năng của Nhà nước yêu cầu mới là phải có cơ sở pháp lý để thiết lập một cơ chế phối hợp, đảm bảo việc tuân thủ các điều ước đã ký kết về tương trợ tư pháp. Vì vậy, ngày 12/03/1984 liên ngành TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đã ký Thông tư liên ngành số 139/TTLN quy định về việc thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Thông tư này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết.

Tóm lại, trong giai đoạn này, các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế được thực hiện chủ yếu trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp. Các uỷ thác tư pháp được thực hiện chủ yếu liên quan đến các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Có thể đánh giá tổng quan về việc thực hiện tương trợ tư pháp trong giai đoạn này như sau:

Thứ nhất, việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp đã tạo ra cơ sở pháp lý tương đối ổn định cho việc điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thừa kế... có yếu tố nước ngoài; bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân và tài sản của công dân Việt Nam ở các nước đã ký kết điều ước. Chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để hợp tác chặt chẽ với các nước trong công tác tư pháp và pháp luật, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng những quy phạm pháp luật mới bổ khuyết cho các ngành luật trong nước, nhất là về tư pháp quốc tế và tố tụng dân sự, dần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.    

Thứ hai, thông qua việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, chúng ta có cơ hội và kinh nghiệm để triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, dần dần tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Trong thời kỳ này, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp được ban hành (như Thông tư liên ngành số 139; các Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế của Bộ Tư pháp; các văn bản của Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; các đạo luật về tố tụng hình sự, dân sự v.v...). 

Thứ ba, các uỷ thác tư pháp do Toà án nước ngoài yêu cầu liên quan đến quyền nhân thân và tài sản, hôn nhân và gia đình, lao động... được các cơ quan có thẩm quyền trong nước thực hiện ngày càng gia tăng (trung bình khoảng trên 150 vụ/năm cuối những năm 80) và chiếm tới 80% các vụ việc uỷ thác tư pháp quốc tế (các cơ quan của ta yêu cầu phía nước ngoài thực hiện chỉ khoảng 20% vụ việc). Điều đó cho thấy, các quan hệ, giao lưu dân sự của công dân Việt Nam với công dân của nước ngoài ngày càng được mở rộng - tình trạng này trước đây chưa từng có. Chính kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là ở chỗ chúng ta chưa có cơ sở pháp luật trong nước đủ đảm bảo cho việc thực hiện một cách thống nhất công tác tương trợ tư pháp quốc tế phát sinh ngày càng nhiều, với tính chất ngày càng phức tạp và phạm vi đa dạng.

c) Giai đoạn từ 1992 đến nay:

Năm 1992 Nhà nước ta ban hành Hiến pháp mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập. Cùng với đó, việc xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm trước hết phục vụ sự đổi mới về kinh tế, trong đó nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp hoặc có nội dung liên quan đến lĩnh vực này được ban hành[27], đã tạo ra một bước ngoặt, một cơ hội, thời cơ mới cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của các cơ quan nhà nước ta.

Trong thời kỳ này, cùng với các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế được mở rộng, các giao lưu về dân sự, thương mại ... có yếu tố nước ngoài cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhà nước ta đã mở rộng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, kể cả với các nước không có cùng chế độ chính trị-kinh tế với Việt Nam[28] và tiến hành tham gia một số điều ước quốc tế đa phương liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp (năm 1995 Việt Nam gia nhập Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài). Một đặc điểm nổi bật của thời kỳ mới này là số lượng uỷ thác tư pháp của Toà án và cơ quan tư pháp nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam tăng lên rất nhiều, kể cả của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, phạm vi tương trợ tư pháp ngày càng mở rộng và tính chất uỷ thác ngày càng phức tạp (chúng tôi sẽ đánh giá cụ thể về vấn đề này ở các phần sau).  

Như vậy, tựu trung lại có thể nói, công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta đã được hình thành ngay sau khi đất nước giành được độc lập. Sự phát triển của công tác tương trợ tư pháp quốc tế luôn gắn liền với chính sách đối ngoại rộng mở của đất nước, tuy ở các mức độ khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử, nhưng đã góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

2. Tình hình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay:

Nghiên cứu, tổng kết về tình hình ký kết điều ước quốc tế và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như thực tiễn thi hành các điều ước và thực hiện pháp luật về tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, giúp chúng ta có cái nhìn thực tế hơn và sự đánh giá khách quan, đúng đắn hơn về công tác này. Từ đó có thể rút ra những điểm bất cập, những mặt tồn tại của công tác này để có thêm cơ sở thực tiễn phục vụ cho việc soạn thảo Pháp lệnh tương trợ tư pháp, là vấn đề hết sức cần thiết.

Chúng tôi xin phân tích, đánh giá trên từng nhóm vấn đề (thuộc phạm vi hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế) đã được các cộng tác viên đề cập trong các chuyên đề nghiên cứu như sau:

a) Tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại và lao động:

Đánh giá về thực tiễn thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp luật trong nước trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại và lao động, chúng tôi muốn đi sâu phân tích trên 3 khía cạnh cơ bản là: i) Tình hình chung về việc thực hiện các uỷ thác tư pháp; ii) Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và iii) Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

a.1. Tình hình thực hiện uỷ thác tư pháp:

Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp ở nước ta nhiều năm qua cho thấy, uỷ thác tư pháp về dân sự (theo nghĩa rộng) thường bao gồm: i) tống đạt cho đương sự giấy gọi ra Toà, quyết định của Toà án hay các giấy tờ khác; ii) lấy lời khai của các nhân chứng; iii) thu thập chứng cứ; iv) xác minh địa chỉ; v) trưng cầu giám định v.v...

Trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, việc thực hiện các uỷ thác tư pháp được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu. Nói cách khác, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (chủ yếu là Toà án) thường thực hiện các hoạt động uỷ thác tư pháp theo yêu cầu của quốc gia nước ngoài (trên cơ sở điều ước cũng như không có điều ước).

Xuất phát từ nhận thức cho rằng, khi Toà án nước ngoài tiến hành giải quyết các vụ việc về dân sự có liên quan đến công dân Việt Nam đang cư trú ở trong nước, thì Toà án nước ngoài khó có thể giải quyết được vụ việc một cách ổn thoả, nếu không có sự hỗ trợ của Toà án (và các cơ quan tư pháp khác) của nước ta trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp liên quan đến công dân Việt Nam đó. Giả sử các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (vì lý do nào đó) từ chối thực hiện uỷ thác do phía nước ngoài yêu cầu, thì rất có thể vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam sẽ không được giải quyết phù hợp với pháp luật của cả hai nước. Nói cách khác, trong trường hợp này, quyền và lợi ích chính đáng của các bên sẽ không được bảo đảm một cách khách quan và rất có thể các quyền hợp pháp của công dân Việt Nam sẽ không được đảm bảo.

Do đó, việc Toà án và các cơ quan tư pháp khác của Việt Nam thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế theo yêu cầu của phía nước ngoài (kể cả trong trường hợp không có điều ước), như đã nêu trên đây, là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ, trước hết, quyền lợi của công dân Việt Nam trong vụ việc do phía nước ngoài yêu cầu. Đồng thời qua đó còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, cũng như càng khuyến khích các chủ thể của pháp luật tham gia ngày một nhiều vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài, với sự yên tâm, tin tưởng rằng các tranh chấp phát sinh giữa họ (nếu có) sẽ được giải quyết một cách ổn thoả, thông qua sự trợ giúp hữu hiệu của hoạt động uỷ thác tư pháp quốc tế.

Việc thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế ở Việt Nam trong các năm qua cho thấy, mặc dù chúng ta còn thiếu văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, song các cơ quan nhà nước đã cố gắng thực hiện một khối lượng lớn công việc uỷ thác tư pháp theo yêu cầu của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, cũng như các nước chưa ký kết Hiệp định này. Nếu như trong những năm 80, số lượng uỷ thác tư pháp về dân sự của nước ngoài yêu cầu ta thực hiện chỉ chiếm khoảng trên 100 vụ/năm, thì trong 3 năm trở lại đây số lượng uỷ thác tư pháp loại này tăng lên rất nhiều (trung bình khoảng trên 300 vụ/1 năm). Riêng năm 1999 số lượng uỷ thác tư pháp về dân sự (hôn nhân và gia đình, lao động, thương mại) đã tăng lên tới 493 vụ, phát sinh nhiều việc mới, đặc biệt là việc uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự là người nước ngoài trong vụ kiện ly hôn do Toà án nước ta yêu cầu (chủ yếu đối với người Đài Loan, khoảng 70 vụ/năm).

Phạm vi uỷ thác tư pháp thường bao gồm các việc chính như sau:

Thứ nhất, các uỷ thác tư pháp do Toà án nước ngoài yêu cầu Toà án Việt Nam thực hiện.

Uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai đương sự trong vụ kiện truy nhận cha và cấp dưỡng nuôi con là loại uỷ thác chiếm đa số trong những năm 80 và nửa đầu 90 (khoảng trên 100 vụ/năm), phần lớn do các nước Đông Âu và Cộng hoà liên bang Đức chuyển cho ta. Ngoài ra, trong năm 1999 đã phát sinh loại việc uỷ thác tư pháp mới là phía Séc yêu cầu Toà án nhân dân thành phố Hà nội thực hiện giám định máu để xác định cha cho con. Đây là loại việc đòi hỏi chi phí khá cao (khoảng 3.000.000 đồng cho 1 lần giám định), nhưng chúng ta vẫn nghiêm chỉnh thực hiện.

Uỷ thác tống đạt giấy tờ liên quan đến các vụ ly hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài (khoảng trên 50 vụ/năm) là loại việc đang phát sinh ngày một nhiều, chủ yếu do các Toà án của CHLB Đức yêu cầu. Ngoài ra, uỷ thác tống đạt giấy tờ về vụ kiện thương mại (hợp đồng mua bán hàng hoá) cũng là loại việc mới phát sinh trong những năm gần đây.

Thứ hai, uỷ thác tư pháp do Toà án Việt Nam yêu cầu Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện:

Uỷ thác tống đạt giấy tờ và lấy lời khai của đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong vụ kiện ly hôn là loại việc chiếm đa số (khoảng 95% vụ việc do Toà án Việt Nam yêu cầu). Trong thời gian qua còn phát sinh loại việc mới, lần đầu tiên Toà án nhân dân thành phố Hà nội yêu cầu Toà án Cộng hoà Séc lấy lời khai đương sự là công dân Séc trong vụ án ly hôn với công dân Việt Nam. Phía Séc đã nghiêm chỉnh thực hiện yêu cầu này.

Ngoài ra, các uỷ thác về việc lấy lời khai của đương sự là công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài trong các vụ kiện dân sự do Toà án trong nước xét xử (đòi thừa kế, chia tài sản, thay đổi họ tên...) cũng đang có xu hướng tăng lên (khoảng 10 vụ/năm).

Trong các năm qua, Toà án nhân dân thành phố Hà nội và Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi thực hiện nhiều nhất các uỷ thác tư pháp của nước ngoài, cũng là nơi đã yêu cầu Toà án nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện uỷ thác nhiều nhất (chiếm 80% vụ việc uỷ thác của Toà án trong nước ra nước ngoài). Riêng trong năm 1999, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng 70 vụ việc uỷ thác ra nước ngoài liên quan đến việc đòi ly hôn giữa công dân Việt Nam với người Đài Loan, nhưng Toà án Đài Loan mới chỉ thực hiện được 30 vụ việc do Toà án TP Hồ Chí Minh yêu cầu. Điều này gây trở ngại không nhỏ đến thời hạn xét xử của Toà án Việt Nam.

 

Nhìn chung, việc thực hiện các uỷ thác tư pháp (với các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như với các nước chưa ký kết Hiệp định) trong 3 năm trở lại đây đã đi vào nền nếp, đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đánh giá về những tồn tại của công tác này, có thể nêu lên một số nhược điểm và nguyên nhân cơ bản như sau:

 

Một là, tiến độ thực hiện uỷ thác tư pháp, về cơ bản, còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các Toà án địa phương chưa có cán bộ chuyên trách, thiếu phương tiện đi lại, chưa có biện pháp chế tài đối với bị đơn không thi hành giấy gọi đến Toà án, do địa chỉ của đương sự cần được tống đạt giấy tờ và lấy lời khai không được chính xác. Các Toà án Việt Nam thường phải mất rất nhiều thời gian cho việc xác minh địa chỉ của đương sự ghi trong hồ sơ uỷ thác. Có những uỷ thác không thể thực hiện được do không thể tìm được được địa chỉ của đương sự, hoặc đương sự đã chuyển nơi ở, thậm chí có nhiều trường hợp đương sự vẫn đang sống bất hợp pháp tại nước có Toà án gửi uỷ thác, hoặc đã trốn sang nước khác. Thực trạng này xảy ra nhiều đối với các uỷ thác của Cộng hoà Séc trong các vụ kiện truy nhận cha và cấp dưỡng con.

 

 Hai là, về chất lượng thực hiện uỷ thác, nhiều Toà án địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 163/HTQT ngày 25.3.1991 về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án nước ngoài. Bên cạnh đó, còn nhiều Toà án (nhất là các Toà án các tỉnh phía Nam), chưa quan tâm đúng mức đến viêc thực hiện uỷ thác tư pháp, trong hồ sơ thực hiện uỷ thác còn thiếu giấy tờ theo hướng dẫn, Biên bản tống đạt giấy tờ được lập không theo quy định (không đầy đủ các chữ ký của Thẩm phán (chủ toạ), của cán bộ thư ký, của người nhận tống đạt và nhiều khi còn không có dấu của Toà án). Đặc biệt, các Toà án còn chưa quan tâm thực hiện đúng quy định về thủ tục liên hệ với Toà án nước ngoài và gửi hồ sơ cho Toà án nước ngoài. Mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ Tư pháp, nhưng nhiều trường hợp Toà án không làm đúng theo hướng dẫn, không có Công văn trả lời Toà án nước ngoài về kết quả thực hiện uỷ thác. Trong hướng dẫn của Bộ Tư pháp cũng đã nêu rõ về tính hợp lệ và hợp thức của một hồ sơ uỷ thác, nhưng nhiều Toà án của ta chưa quan tâm đến vấn đề này.

Ba là, việc thực hiện uỷ thác tư pháp do Toà án trong nước yêu cầu thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài về việc tống đạt giấy tờ và lấy lời khai công dân Việt Nam đang tạm trú ở nước ngoài, là đương sự trong các  vụ kiện về dân sự, lao động và hôn nhân gia đình, đã được Toà án trong nước xem xét và đang thụ lý, nhìn chung giải quyết còn rất chậm. Phải thừa nhận rằng trong những năm qua, đặc biệt là năm 1999, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng như các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở các nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện các yêu cầu này và đã thu được những kết quả khả quan, nếu so với những năm trước đây. Tuy vậy, loại uỷ thác này ngày một nhiều, do đó việc thực hiện cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của các Toà án trong nước, nhất là về mặt tiến độ thời gian (nhiều uỷ thác có khi phải hơn 1 năm mới có kết quả, trong khi đó Toà án bị phụ thuộc và khống chế bởi thời hạn thụ lý và phải đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự).

 

Bốn là, trong 3 năm trở lại đây, các vụ việc uỷ thác do Toà án nước ta đề nghị Toà án nước ngoài hỗ trợ thực hiện các hành vi tư pháp ngày càng nhiều, nhất là đối với các nước (và vùng lãnh thổ) chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta (như Đài Loan). Trong khi chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật trong nước quy định về trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước, nên việc thực hiện các uỷ thác đó phải thông qua đường ngoại giao[29]. Qua theo dõi cho thấy, tiến độ, chất lượng, thời gian thực hiện các uỷ thác này từ phía Toà án nước ngoài (được yêu cầu) thường không đảm bảo yêu cầu, không đáp ứng được đòi hỏi của Toà án trong nước.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại đã nêu trên đây trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp. Nhưng có thể nêu lên một số nguyên nhân cơ bản như sau:

- Do việc liên lạc giữa các cơ quan tư pháp của ta với cơ quan tư pháp nước ngoài chưa được nhanh chóng, thuận lợi; thường bị mất nhiều thời gian để chuyển uỷ thác. Địa chỉ của đương sự (người nhận) trong nhiều trường hợp không chính xác, do cơ quan nước ngoài ghi sai âm tiếng Việt (hoặc thiếu dấu), đương sự không ghi địa chỉ cụ thể (chỉ ghi tỉnh, không ghi huyện-xã), cũng là điều ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hiện uỷ thác tư pháp.

- Do thiếu văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các Hiệp định TTTP về uỷ thác.

- Do tình trạng quản lý hộ tịch, hộ khẩu, cũng như một số công tác tư pháp khác của ta còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thực hiện uỷ thác tư pháp. Việc bàn giao công tác quản lý và đăng ký hộ tịch từ cơ quan công an sang tư pháp đã được tiến hành từ rất lâu, song vẫn có một số nơi cơ quan công an không bàn giao sổ sách đăng ký hộ tịch cho cơ quan tư pháp. Đây là một thực tế gây không ít khó khăn cho việc xác minh địa chỉ, tống đạt giấy tờ.

- Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác uỷ thác tư pháp, nhìn chung có trình độ kiến thức pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực tương trợ tư pháp còn quá khiêm tốn (nếu không nói là quá hạn chế); việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực này ở các cơ quan nhà nước và trong nhân dân, nhìn chung còn mới ở giai đoạn đầu.

- Nguyên nhân sâu xa, có thể nói như vậy, là do lâu nay chúng ta chưa có được nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và vị trí quan trọng của công tác tương trợ tư pháp quốc tế, cũng như những tác động, ảnh hưởng của công tác này đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của Nhà nước ta. Vì thế nên các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan Toà án và tư pháp, chưa có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng đối với việc thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, chưa đề ra được một kế hoạch chiến lược tổng thể cũng như kế hoạch cụ thể của mỗi ngành liên quan đến lĩnh vực công tác này; đồng thời các cơ quan chức năng cũng chưa đề ra các biện pháp và cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện Hiệp định thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

- Về tổ chức, các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp (nhất là Toà án) không có bộ phận chuyên trách về tương trợ tư pháp quốc tế, không tập trung thống nhất vào một đầu mối, cán bộ phụ trách lĩnh vực công tác này thường bị thay đổi. Mặt khác, cán bộ thực hiện tương trợ tư pháp hầu hết chưa được đào tạo bồi dưỡng đầy đủ về tư pháp quốc tế, chưa được tập huấn nghiệp vụ về công tác thi hành Hiệp định TTTP.

Ngoài ra, việc dịch các công văn, tài liệu trong các hồ sơ của Toà án nước ngoài cũng là vấn đề khó khăn cho việc thực hiện tương trợ tư pháp. Phần lớn các uỷ thác của phía Bạn thường được gửi kèm bản dịch ra tiếng Việt, nhưng cũng còn  nhiều uỷ thác đặc biệt là các uỷ thác điều tra hình sự được lập bằng tiếng nước ngoài, trong khi đó trình độ ngoại ngữ của cán bộ trực tiếp làm công tác uỷ thác tư pháp còn hạn chế, không đảm bảo được việc dịch chính xác và nhanh chóng toàn bộ các uỷ thác tư pháp của nước ngoài.

Tóm lại, những nguyên nhân trên đây đã làm hạn chế đáng kể về chất lượng, hiệu quả của công tác uỷ thác tư pháp quốc tế.

a.2. Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài:

Theo lý luận về tư pháp quốc tế thì bản án, quyết định dân sự của Toà án một nước, về nguyên tắc, chỉ có hiệu lực và được thi hành trên lãnh thổ của nước có Toà án đã tuyên bản án, quyết định đó. Để bản án, quyết định đó được thi hành ở nước ngoài, thì các quốc gia liên quan phải ký kết điều ước quốc tế, trong đó thoả thuận về việc các nước ký kết công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế, thì vấn đề công nhận và thi hành tại một nước bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài phải được quy định trong pháp luật của nước đó, hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Xuất phát từ quan điểm trên đây, theo chúng tôi, việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, trước hết, là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết đã đưa ra trong các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, mặt khác là nhằm thực hiện một số mục tiêu cơ bản như sau:

Thứ nhất, bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam trên lãnh thổ các nước đã ký kết Hiệp định, đồng thời bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân các nước ký kết Hiệp định trên lãnh thổ Việt Nam. Đây chính là biểu hiện cao nhất của việc thi hành nghĩa vụ pháp lý quốc tế trên cơ sở điều ước.

Ngày nay, cùng với xu hướng quốc tế hoá trên toàn cầu, các mối quan hệ dân sự trong đời sống xã hội không chỉ phát sinh trong phạm vi một quốc gia, mà còn mở rộng ra phạm vi đa quốc gia. Do đó, trong việc giải quyết các tranh chấp, các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, thì Toà án Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu vào việc bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân Việt Nam, mà còn phải đảm bảo cả quyền lợi của bên đương sự là công dân hay pháp nhân của quốc gia nước ngoài, trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp. Điều này đã được khẳng định rõ trong Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1992.

Thứ hai, việc Toà án Việt Nam tiến hành công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, cũng là sự tôn trọng và khẳng định hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định đó trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam. Đây cũng có thể được coi là tiền đề, là điều kiện để Toà án nước ngoài tiến hành công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ nước đó bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam, trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đó không có điều ước quốc tế (theo nguyên tắc có đi có lại).

Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại là một thực tế được nhiều nước áp dụng, là thể hiện sự nhượng bộ, tôn trọng lẫn nhau có tính chất hai chiều khi quốc gia này với quốc gia khác tiến hành việc công nhận và thi hành các bản án, quyết định dân sự của nhau không trên cơ sở điều ước. Nếu một quốc gia nào đó căn cứ vào nguyên tắc chủ quyền một cách cứng nhắc, từ chối việc công nhận và cho thi hành quyết định của Toà án nước ngoài, thì vô hình chung quốc gia đó không những đã từ chối việc bảo vệ lợi ích của cá nhân, pháp nhân nước ngoài mà còn từ chối việc bảo vệ lợi ích của cá nhân, pháp nhân nước mình. Trong đời sống dân sự quốc tế có nhiều trường hợp, chủ thể của các vụ việc, tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài đồng thời gồm cả cá nhân, pháp nhân nước ngoài và cá nhân, pháp nhân của quốc gia. Ví dụ, các tranh chấp về mua bán tài sản, chia tài sản thừa kế, tài sản khi ly hôn, các tranh chấp về quan hệ lao động hay thương mại quốc tế... giữa một bên là cá nhân hoặc pháp nhân Việt Nam với một bên là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Trong trường hợp Toà án Việt Nam từ chối công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, thì điều đó sẽ gây ra không ít khó khăn, bất lợi cho chính Nhà nước Việt Nam bởi lẽ trong những trường hợp tương tự, Toà án quốc gia nước ngoài (áp dụng nguyên tắc báo phục quốc-trả đũa) sẽ từ chối công nhận và thi hành các bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam. Hậu quả kéo theo là, lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và của công dân, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam lẽ ra phải được bảo vệ, thì thực tế lại không được bảo vệ; tình huống xấu hơn là có thể dẫn đến việc đóng cửa các giao lưu dân sự và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài hữu quan.

Như vậy, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam không công nhận và thi hành hay cố tình "dây dưa" kéo dài việc công nhận và thi hành phán quyết của Toà án nước ngoài, nhất là của các nước đã ký kết điều ước quốc tế với nước ta, là một điều hoàn toàn bất lợi đối với Việt Nam trong hoàn cảnh đẩy mạnh sự hội nhập quốc tế.

Thứ ba, để nhận thức thêm ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đối với quá trình tố tụng dân sự quốc tế của Toà án nước ta, điều cần thiết là phải làm rõ một số vấn đề có tính lý luận về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa nó với các vấn đề tư pháp quốc tế của Việt Nam nói chung và với các giai đoạn của tố tụng dân sự quốc tế ở Việt Nam nói riêng như sau.

Trước hết, việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, cũng như việc công nhận và thi hành tại nước ngoài bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam, phải được coi là giai đoạn cuối cùng của toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế. Khi Toà án nước ngoài ra bản án, quyết định dân sự liên quan đến Việt Nam, mà người phải thi hành án là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành án đang có trên lãnh thổ Việt Nam, thì vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đó mới được đặt ra. Hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế do Toà án nước ngoài tiến hành (với sự trợ giúp tích cực của Toà án Việt Nam thông qua việc thực hiện các uỷ thác tư pháp như tống đạt giấy tờ, lấy lời khai công dân Việt Nam ...) hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn cuối cùng là thi hành bản án đó tại Việt Nam. Nếu Toà án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự đó của Toà án nước ngoài, và người phải thi hành là công dân Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án đó, thì quyền lợi của người được thi hành mới được đảm bảo và như vậy quá trình tố tụng dân sự quốc tế coi như đã kết thúc tốt đẹp. Ngược lại, nếu Toà án Việt Nam từ chối công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, thì việc giải quyết án kiện của Toà án nước ngoài coi như không thành công. Liên hệ đến việc yêu cầu Toà án nước ngoài công nhận và cho thi hành tại nước đó bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam, cũng xảy ra theo lô-gích tương tự.

Do vậy có thể nói rằng, bất luận trong mọi trường hợp, dù là công nhận hay không công nhận, thì thái độ và quyết định cuối cùng của quốc gia được yêu cầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đương sự, đến sự thành công hay thất bại của cả quá trình tố tụng dân sự quốc tế. Tuy vấn đề công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài là hoạt động cuối cùng của quá trình tố tụng, nhưng là khâu quan trọng nhất, khép lại toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế.

Nói tóm lại, công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, đối với các quốc gia liên quan, phải được coi là giai đoạn cuối cùng khép lại toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế[30]. Xét về mặt trình tự thì đây là một bước, một giai đoạn không thể thiếu được của quá trình tố tụng, nếu kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (đến khởi kiện, xét xử, ra quyết định, thi hành). Mặt khác, vấn đề công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài còn là một nội dung quan trọng của tư pháp quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm. Do đó, việc công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài còn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu dân sự giữa các quốc gia ngày càng phát triển, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực dân sự, kinh tế, văn hoá - xã hội.

Đánh giá chung về tình hình thực hiện Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993, chúng tôi thấy cho đến nay hầu như có rất ít bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được công nhận và thi hành tại Việt Nam đúng theo các quy định của Pháp lệnh, mặc dù số lượng đơn yêu cầu của đương sự được gửi đến Việt Nam không phải là ít[31]. Vì theo quy định của Pháp lệnh (Điều 2 khoản 1) Toà án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Nhà nước ta về vấn đề này. Trong khi đó, hầu hết các bản án, quyết định dân sự nước ngoài do đương sự yêu cầu công nhận tại Việt Nam là của Toà án và cơ quan có thẩm quyền khác của các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta (nhiều nhất là bản án ly hôn của công dân Việt Nam do Toà án CHLB Đức xử).

Ngoài ra, trong thời gian qua còn phát sinh một số trường hợp công dân Việt Nam (thường trú trong nước) có đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (điển hình là các vụ bà Nguyễn Thị Ninh ở Đồng Nai, bà Ngô Thị Thắm ở Sông Bé, anh Trịnh Văn Hứa ở Sơn La...). Lý do yêu cầu không công nhận thường là do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đã vi phạm quyền tham gia tố tụng của đương sự (không có giấy triệu tập hợp lệ đương sự dự phiên toà, không tống đạt bản án để đương sự thực hiện quyền kháng cáo...). Trong các trường hợp này, Toà án Việt Nam áp dụng các quy định của Pháp lệnh ngày 17/4/1993 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 để xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

a.3. Tình hình công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài:

Vấn đề công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài được thực trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp[32], Công ước New York năm 1958[33], cũng như Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995. Xét về mặt nguyên tắc, việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng giống việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ở chỗ, cơ sở để tiến hành  công nhận và cho thi hành là dựa trên điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia hoặc có đi có lại (nếu không có điều ước).

Phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ kinh tế - thương mại bằng trọng tài có rất nhiều ưu điểm so với việc giải quyết bằng Toà án. Do đó, xu thế chung từ nhiều thập kỷ nay người ta luôn coi trọng việc giải quyết tranh chấp thương mại - kinh tế bằng hình thức này. Điều tất nhiên, khi quyết định của trọng tài nước ngoài có hiệu lực, thì nó phải được công nhận và thi hành tại quốc gia được yêu cầu.

Mặc dù vậy, thực tiễn công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài cũng còn vấn đề tồn tại cần phải khắc phục, giống như tình trạng công nhận và thi hành bản án dân sự của Toà án nước ngoài. Trước hết là về vấn đề văn bản hướng dẫn thi hành. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nhận được 5 hồ sơ (4 của Nga, 1 của Pháp) yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài. Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Một số cơ quan cho rằng hiện nay chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995, nên về thủ tục không thể giải quyết nổi. Cũng có người cho rằng, trong Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam-Liên Xô trước đây (hiện nay Nga đang kế thừa) không quy định vấn đề công nhận và thi hành quyết định cuả trọng tài, nên không đủ cơ sở pháp lý quốc tế để giải quyết.

Tuy nhiên trên thực tế, các quyết định của trọng tài Nga đã qua hai lần được Toà án Việt Nam "xét xử lại" (lần thứ nhất tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và lần thứ hai tại Toà án nhân dân tối cao), cho đến nay vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam. Đứng trên quan điểm lý luận, chúng tôi cho rằng việc Toà án Việt Nam xét xử lại (về mặt nội dung) các quyết định của trọng tài nước ngoài, thực chất là xét xử lại vụ tranh chấp, là điều khó được chấp nhận, nếu không nói là vi phạm pháp luật và đi ngược lại quan điểm đã thống nhất giữa các bộ, ngành chức năng trong quá trình dự thảo Pháp lệnh và trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Vô hình dung chính điều đó cũng dẫn đến một hậu quả đáng tiếc là các quyết định của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam cũng không được đảm bảo thi hành ở Nga. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều năm quyết định của Trọng tài Việt Nam về khoản nợ của doanh nghiệp Nga đối với Vietnam Airlines đã không được thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện một cách dè dặt, từng phần một. Trong khi đó, các quyết định của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam lại được công nhận và thi hành một cách suôn sẻ tại Viên, Hồng Kông và Singapore.

Mặt khác, xin nói thêm là do cách giải thích của Việt Nam (liên quan đến 2 điều khoản bảo lưu khi gia nhập Công ước New York 1958) về khái niệm tranh chấp thương mại theo nghĩa hẹp (chỉ bao gồm 14 hành vi mua bán hàng hoá) - chính là hàng rào ngăn cản việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nhiều quyết định của trọng tài nước ngoài[34]. Điều này đã gây bất lợi cho Việt Nam trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ vốn và công nghệ nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc đổi mới đất nước.  

Dưới đây chúng tôi xin nêu lên 2 vụ việc cụ thể về hồ sơ yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài và cách giải quyết của Toà án Việt Nam để làm rõ thêm các nhận định nêu trên.

Vụ thứ nhất: Ngày 7/6/1997 tại Công văn số 228/PLQT Bộ Tư pháp đã chuyển cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hồ sơ yêu cầu công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Bên yêu cầu thi hành là Công ty cổ phần ENERGO NOVUS (LB Nga), yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Quyết định số 240/1995 và 241/1995 ngày 20/5/1996 của Toà án Trọng tài thương mại quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại công nghiệp Liên bang Nga. Bên phải thi hành là Tổng Công ty nhà nước CONFEKTIMEX (Tổng Công ty dệt may VINATEX), phải trả số tiền 364.346 USD, cũng như 16,82% hàng năm tiền lãi ngoại phụ của số tiền 182.722 USD kể từ ngày 1/1/1995 cho đến ngày thực trả, số tiền 10.840 USD bồi thường phí tổn tiền lệ phí trọng tài và số tiền 5.000 USD tiền bồi thường án phí. Nguyên nhân là do vi phạm hợp đồng mua bán thép dát mỏng giữa hai bên.

Ngày 18/11/1997 tại các Quyết định số 01/ST và 02/ST Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã áp dụng Điều 9 và Điều 16 khoản 1 điểm  a của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 14/9/1995, không công nhận quyết định số 241/1995 ngày 20/5/1996 của Toà án trọng tài thương mại quốc tế bên cạnh Phòng thương mại công nghiệp Liên bang Nga.

Tiếp đó, Công ty cổ phần ENERGO NOVUS Liên bang Nga có đơn kháng cáo 2 quyết định nói trên của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Ngày 4/6/1998 tại các Quyết định số 59/KTPT và 60/KTPT Toà án nhân dân tối cao (Toà Phúc thẩm tại Hà Nội) đã áp dụng Điều 16 khoản 1 điểm  a, d; khoản 2 điểm b của Pháp lệnh, giữ nguyên quyết định sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.   

Qua hai lần giải quyết của Toà án Việt Nam, điều cần nói ở đây là, trong khi pháp luật Việt Nam quy định "khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng không xét xử lại vụ tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài giải quyết, mà chỉ kiểm tra, đối chiếu quyết định của Trọng tài nước ngoài và giấy tờ kèm theo với quy định của Pháp lệnh... để ra quyết định" (Điều 15 khoản 4 Pháp lệnh ngày 14/9/1995), thì trên thực tế Hội đồng xét xử lại tiến hành xem xét, nghiên cứu, đánh giá lại nội dung của vụ tranh chấp đã được Trọng tài Nga giải quyết.

Vụ thứ hai: ngày 16/01/1998 tại Công văn số 26/TP-PLQT-HTQT Bộ Tư pháp đã chuyển cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hồ sơ của Ngân hàng CCRB (Singapore) đề nghị công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án chung thẩm ngày 25/11/1998 của Toà án Cấp cao Singapore liên quan đến tàu biển Wanling bị bắt giữ tại cảng Sài gòn. Theo phía Singapore, thì tàu Wanling là đối tượng thế chấp trong vụ kiện giữa một bên là COPERATIEVE CENTRALE RAIFFEISENBOERENLÊNBANK B.A (RABOBANK NEDERLAND) với một bên là YF LINE PTE LTD (cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều của Singapore trong hồ sơ vụ kiện hàng hải số 600/1998).

Đây là một vụ kiện phức tạp. Mục đích của việc bắt giữ tàu Wanling là liên quan đến khoản nợ của phía chủ tàu đối với bên Việt Nam. Nhưng tàu Wanling lại đồng thời là đối tượng thế chấp theo bản án của Toà án Cấp cao Singapore (trong vụ kiện hàng hải nêu trên). Do đó, Việt Nam phải trao trả tàu cho phía Singapore để thi hành bản án của Toà án Singapore, hay tiếp tục giữ lại để đảm bảo quyền tài phán của Việt Nam trong vụ kiện liên quan đến Việt Nam, là một thực tế rất khó xử lý. Nếu Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Toà án cấp cao Singapore, thì đương nhiên phải trao trả tàu cho Singapore, và như vậy khó có thể đảm bảo được rằng quyền tài phán của Toà án Việt Nam đối với khoản nợ mà chủ tàu có nghĩa vụ phải trả cho bên Việt Nam sẽ được thực hiện. Ngược lại, nếu Việt Nam thực hiện quyền tài phán của mình, thì thực chất là tiến hành xét xử một vụ tranh chấp mà đối tượng của nó lại thuộc một vụ án khác đã được Toà án cấp cao Singapore giải quyết, chắc chắn rằng phía Singapore sẽ từ chối công nhận và thi hành bản án đó của Toà án Việt Nam.  

Qua hai vụ việc trên đây cho thấy, vấn đề công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài không phải là vấn đề đơn giản, mặc dù đã có cơ sở pháp lý để giải quyết.   

b) Tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự:

b.1. Trong hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa nước ta với các nước, thì tương trợ tư pháp về hình sự (theo nghĩa rộng) đóng vai trò quan trọng và dành một vị trí đặc biệt trong nội dung của các Hiệp định này. Như đã nói ở trên, vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp quốc tế, do đó, hiểu như thế nào cho đúng về khái niệm tương trợ tư pháp về hình sự, cũng là điều không đơn giản. Có ý kiến cho rằng, thực chất của vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự là việc giải quyết xung đột pháp luật giữa hai hay nhiều quốc gia về thẩm quyền tài phán về hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội, dựa trên các nguyên tắc về lãnh thổ, về quốc tịch mà mỗi quốc gia đều có quyền đối với người phạm tội[35]. Đồng thời, cũng theo quan điểm này, thẩm quyền tài phán về hình sự được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự, quyền xét xử và thi hành án hình sự, mà còn bao gồm cả quyền yêu cầu dẫn độ và thực hiện dẫn độ người phạm tội.

Theo chúng tôi, nếu xét về bản chất, thì quan điểm trên đây không có gì sai, nhưng nếu chỉ hiểu tương trợ tư pháp về hình sự theo hướng đó, thì e rằng không đầy đủ. Khái niệm tương trợ tư pháp về hình sự cũng không nằm ngoài khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế nói chung. Nếu chỉ đứng trên góc độ phân định thẩm quyền để đưa ra khái niệm về tương trợ tư pháp hình sự, thì chúng tôi cho rằng mới chỉ đúng một nửa.

Để xác định đúng đắn thẩm quyền tài phán về hình sự, trước hết cần dựa vào pháp luật quốc gia của mỗi nước ký kết. Về vấn đề này, tại Điều 6 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 của nước ta (được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999) quy định Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền tài phán về hình sự không chỉ đối với mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn đối với công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và kể cả người nước ngoài phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu điều đó được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Các Bộ luật hình sự của Liên bang Nga 1996 (Điều 12), CHND Trung Hoa (Điều 7), Vương quốc Thuỵ Điển (Điều 2) và nhiều nước khác cũng có quy định tương tự.

Phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự có thể hiểu rất rộng, từ việc thực hiện nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự với những điều kiện chặt chẽ, đến việc dẫn độ người phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án với những thủ tục tố tụng hết sức phức tạp (bắt người để dẫn độ, chuyển giao người bị dẫn độ, hoãn dẫn độ, từ chối dẫn độ...). Do đó, khi đưa ra khái niệm tương trợ tư pháp về hình sự, còn phải dựa trên phạm vi nội dung các vấn đề mà khái niệm này hàm chứa.

Qua theo dõi tình hình ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật trong nước liên quan đến tương trợ tư pháp về hình sự, chúng tôi thấy nhìn chung pháp luật Việt Nam (Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự...) có các quy định phù hợp, không trái với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Có thể rút ra một vài nhận định như sau về tình hình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp trong thời gian qua về vấn đề hình sự:

Thứ nhất, còn có sự khác biệt giữa pháp luật nước ta với pháp luật một số nước hiện nay về hình phạt tử hình. Vấn đề này liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện yêu cầu uỷ thác tư pháp về dẫn độ. Trong trường hợp Toà án nước ta yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ người phạm tội (có thể bị áp dụng khung hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam) để ta thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo pháp luật của nước ngoài (được yêu cầu) thì không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội này. Điều đó làm cho yêu cầu dẫn độ của ta không thể thực hiện được, vì phía nước ngoài dựa trên chính sách hình sự nhân đạo quốc tế, từ chối dẫn độ người phạm tội, nếu người đó bị Việt Nam áp dụng khung hình phạt tử hình (mà pháp luật của nước ngoài đó không có hình phạt này). Vấn đề này cũng được đặt ra trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Ucraina[36].

Do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Pháp lệnh về tương trợ tư pháp quốc tế, khi quy định về tương trợ tư pháp hình sự, cần lưu ý đến điểm này.

Thứ hai, về vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội ở nước ngoài đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự một lần ở nước ngoài, hiện nay pháp luật hình sự của một số nước có quy định tương đối rõ ràng. Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định công dân Nhật Bản phạm tội ở nước ngoài, đã bị nước ngoài kết án, thì vẫn có thể bị xét xử lại ở Nhật Bản, nếu người đó phạm vào tội nghiêm trọng được quy định trong luật hình sự Nhật Bản. Bộ luật hình sự của Nhà nước ta (Điều 6, như đã nói ở trên) cũng có quy định tương tự như vậy, nhưng có thể được áp dụng đối với cả người nước ngoài phạm tội ở nước ngoài, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định.    

Thứ ba, mặc dù từ năm 1991 Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức hình sự quốc tế - INTERPOL - nhưng do nhiều nguyên nhân, chúng ta chưa phát huy hết vai trò của một nước thành viên và thiết lập cơ chế hợp tác hữu hiệu với các nước thành viên, nên việc đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự quốc tế còn nhiều hạn chế. Do đó, trong cơ chế hợp tác song phương với các nước đã ký kết với nước ta Hiệp định tương trợ tư pháp và đồng thời là thành viên của INTERPOL, chúng ta cần khai thác thế mạnh này trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự. Thực tế cho thấy, việc tham gia INTERPOL và việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (dẫn độ) không có gì ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, thậm chí còn có tác động tích cực trong đấu tranh chống tội phạm hình sự.

b.2. Dẫn độ là một nội dung quan trọng của hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết với các nước[37]. Xét về mặt hình thức, thì dẫn độ là việc quốc gia được yêu cầu tiến hành các biện pháp ngăn chặn và bắt giữ kẻ phạm tội đang cư trú, lẩn trốn trên lãnh thổ nước mình để trao cho quốc gia yêu cầu trên cơ sở các nguyên tắc và trình tự hết sức chặt chẽ nhằm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người bị dẫn độ. Dẫn độ còn được coi là sự biểu hiện thiện chí của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia, nhằm tạo điều kiện cho nhau thực thi quyền tài phán của mình đối với kẻ phạm tội, góp phần đấu tranh chống tội phạm quốc tế một cách có hiệu quả nhất[38]. Do vậy, dẫn độ không chỉ là đối tượng của quan hệ hợp tác, tương trợ và giúp đỡ giữa các quốc gia, mà còn được coi là thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự quốc tế và là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế vì liên quan chặt chẽ đến vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn đề có đi có lại và nguyên tắc quốc tịch của người bị dẫn độ (pháp luật của nhiều nước quy định không dẫn độ công dân của nước mình cho nước khác).

Vấn đề dẫn độ được quy định khá cụ thể và chi tiết trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước ta với các nước[39]. Nội dung chủ yếu về dẫn độ trong các Hiệp định bao gồm: thủ tục yêu cầu dẫn độ, nghĩa vụ dẫn độ, từ chối dẫn độ, hoãn dẫn độ, dẫn độ tạm thời, văn bản yêu cầu dẫn độ, chuyển giao đồ vật, quá cảnh, chi phí dẫn độ v.v...

Qua quá trình thực hiện vấn đề dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, có thể thấy rõ một điều rằng, việc xây dựng đầy đủ các quy phạm thống nhất trong các Hiệp định đã tạo điều kiện thuận lợi (về cơ sở pháp lý) cho hoạt động dẫn độ tội phạm ở mỗi nước kết ước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành các Hiệp định này ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, các quy định trong các Hiệp định đã ký kết chưa phát huy được hiệu quả, hay nói cách khác là các cơ quan có thẩm quyền của nước ta chưa thật sự quan tâm đến việc thi hành Hiệp định về các vấn đề dẫn độ, bởi các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện các quy định về dẫn độ tội phạm ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Trong một thời gian dài, hoạt động tương trợ tư pháp đã không được quan tâm đúng mức. Riêng về vấn đề dẫn độ, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết thi hành. Đây thực sự là vấn đề khó khăn lớn cho việc thực hiện Hiệp định, và vô hình chung đã biến các quy định trong Hiệp định trở thành hình thức, chỉ có giá trị trên giấy.

Thứ hai, trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ có 01 văn bản là Thông tư liên ngành số 139 quy định nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, trong đó có một số quy định chung về trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với vấn đề dẫn độ. Văn bản này chỉ ở tầm Thông tư, hiệu lực pháp lý không cao, được ban hành đã khá lâu nên nhiều quy định đã lạc hậu, không thích ứng với tình hình mới. Việc thực hiện dẫn độ cũng như yêu cầu dẫn độ phải qua rất nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, nhưng các thủ tục này lại không được quy định trong Thông tư, nên cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Công an-Kiểm sát-Toà án...) còn rất hạn chế.

Thứ ba, thực tế cho thấy đã phát sinh nhiều vụ án hình sự liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan trong nước có thể yêu cầu phía nước ngoài dẫn độ về nước để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng các cơ quan trong nước chưa chủ động đưa ra đề nghị này. Trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều công dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài, tập trung tại các nước Đông Âu, các nước thuộc Liên Xô cũ và CHLB Đức. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng ở Liên bang Nga trong năm 1994 đã xảy ra 29 vụ cướp, 5 vụ giết người và hàng trăm vụ bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ liên quan đến công dân Việt Nam. Hầu hết các vụ án này đều do phía Nga điều tra, truy tố và xét xử, nhiều trường hợp không thực hiện theo thủ tục dẫn độ đã được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam với Liên Xô trước đây mà hiện nay Nga là nước duy nhất trong số 15 nước cộng hoà đang kế thừa (trừ trường hợp năm 1994 phía Nga trao cho ta 29 bị can[40], Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp nhận và chỉ truy tố được 11 bị can, các trường hợp còn lại phải đình chỉ vì không có đủ căn cứ).

Hiện nay có khoảng 85.000 công dân Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Đức, nhưng trong đó chỉ có khoảng 50.700 người là có giấy phép cư trú, số còn lại đang trong diện chờ đợi. Tình hình người Việt Nam phạm tội ở Đức trong những năm qua cũng ở mức báo dộng. Nhưng do phía Đức không kế thừa Hiệp định ta đã ký với CHDC Đức trước đây, nên việc dẫn độ càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Trước tình hình đó, ngày 28/02/1996 Bộ Nội vụ của ta (nay là Bộ Công an) đã ký với Bộ Nội vụ CHLB Đức Nghị định thư về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tiễn cho thấy, phía Đức rất quan tâm đến việc đưa người Việt Nam phạm tội ở Đức đã thi hành án xong hoặc đang thi hành án nhưng cho miễn phần án còn lại để đưa về Việt Nam. Trên tinh thần đó, từ ngày 18/10/1995 đến 21/5/1997 phía Đức đã tổ chức đưa 24 lượt gồm 96 người Việt Nam phạm tội về Việt Nam. 

Tuy nhiên, Nghị định thư nêu trên chỉ có phạm vi hẹp, chủ yếu giới hạn hoạt động trong ngành cảnh sát, không phải là văn bản điều ước về vấn đề dẫn độ tội phạm nói chung, do đó, hiệu lực còn nhiều hạn chế.

Tựu trung lại, việc triển khai thực hiện các quy định về hình sự và dẫn độ trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta đã ký kết với nước ngoài trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Mặc dù được giao là cơ quan đầu mối ở trung ương về vấn đề này, nhưng Viện Kiểm sát NDTC chưa thường xuyên tổng kết tình hình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm qua 20 năm thi hành các Hiệp định đã ký kết. Cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan đầu mối là Bộ Tư pháp và Viện KSNDTC cũng còn nhiều hạn chế. Điều đó thực sự là một khó khăn, trở ngại đối với Việt Nam trước yêu cầu mở rộng đàm phán và ký kết với các nước Hiệp định tương trợ tư pháp, thiếu cơ sở thực tiễn để đánh giá khả năng về việc Nhà nước ta sẽ tham gia một số điều ước quốc tế đa phương về lĩnh vực này trong tương lai.

3. Đánh giá chung về thực trạng tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam:

Qua nội dung phân tích trên đây cho thấy, lịch sử hình thành và phát triển của lĩnh vực công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam đã phần nào phản ánh được chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế theo hướng đa phương, đa dạng hoá, càng đi sâu vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thì hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền, cùng có lợi, càng trở nên thiết thực và có ý nghĩa quan trọng. Thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp, chúng ta còn có thể tìm ra cơ chế giải quyết một cách hiệu quả các mối quan hệ phức tạp nảy sinh mà trong hệ thống pháp luật của Nhà nước không đủ cơ sở để đáp ứng.

Trong 45 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế đã thể hiện vai trò tích cực, góp phần làm ổn định đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, củng cố uy tín của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như đã đề cập ở các phần trên, là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các Toà án địa phương, trong đó có công lao không nhỏ của đội ngũ những người trực tiếp tham gia công tác này trong điều kiện pháp luật về lĩnh vực này chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này cần được khắc phục. Một trong những tồn tại lớn nhất và cũng là nguyên nhân của tình trạng hoạt động tương trợ tư pháp kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, là chúng ta chưa có văn bản pháp luật (luật, pháp lệnh) điều chỉnh lĩnh vực này. Mặc dù từ năm 1992 đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế, nhưng các quy định đó tản mạn, không thống nhất, đặc biệt còn có những khoảng trống nhất định chưa được pháp luật điều chỉnh như vấn đề tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam. Trong khi đó, thực tiễn thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế cũng như công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài cho thấy, số lượng uỷ thác tư pháp của các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta ngày càng tăng lên[41], tính chất ngày càng phức tạp; các bản án dân sự (chủ yếu về ly hôn) có đơn yêu cầu công nhận tại Việt Nam hầu hết là của Toà án các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta, ngày càng nhiều. Mặc dù trên thực tế Nghị định 83 về đăng ký đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ ách tắc trong việc ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch của công dân Việt Nam do ly hôn, chấm dứt nuôi con nuôi ở nước ngoài, song vẫn còn nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được liên quan đến yêu cầu công nhận tại Việt Nam bản án ly hôn có yếu tố nước ngoài nói chung.      

Việc thiếu pháp luật trong nước, cũng như pháp luật chưa hoàn thiện, đều dẫn đến việc Toà án giải quyết chậm chễ hoặc thậm chí không giải quyết nổi các vụ việc dân sự, kể cả hình sự, có yếu tố quốc tế. Những năm qua, tình hình công dân Việt Nam ở nước ngoài xin ly hôn với nhau hoặc với công dân trong nước ngày càng tăng. Theo các quy định hiện hành, đương sự muốn ly hôn tại Toà án Việt Nam thì ít nhất một bên phải về Việt Nam để tham gia vào quá trình tố tụng. Pháp luật không giải quyết việc ly hôn vắng mặt cũng như thông qua cơ chế uỷ quyền (đối với cả hai bên). Vì quy chế cư trú ở nước sở tại chưa rõ ràng nên các đương sự không thể về Việt Nam được. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao (tại báo cáo tổng kết công tác Toà án năm 1995), các đương sự có thể nộp đơn xin ly hôn tại Toà án nước sở tại. Nhưng vấn đề công nhận bản án ly hôn của Toà án các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp là một vấn đề không thể thực hiện được tại Việt Nam (theo Thông tư số 04/TTLN ngày 24/7/1993). Đây là tồn tại lớn trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự trong thời gian qua. Chính khó khăn này đã vô tình đẩy các đương sự vào việc sử dụng giấy tờ giả mạo để được kết hôn với công dân của nước sở tại, hoặc với công dân của nước khác. Toà án nhân dân tối cao, trong báo cáo tổng kết công tác năm 1998, thậm chí còn có hướng dẫn: đối với việc công dân Việt Nam đã ly hôn tại Toà án của nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, thì khi về Việt Nam, nếu đương sự có yêu cầu, thì Toà án Việt Nam xem xét giải quyết lại việc ly hôn đó (không công nhận bản án đã ly hôn do Toà án nước ngoài xét xử). Thực tế nhiều công dân Việt Nam đã phải theo thủ tục này, gây tốn kém thời gian và chi phí. Song điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, các quy định của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài đã không được áp dụng, không có tính khả thi, cho nên Toà án trong nước phải giải quyết lại vụ ly hôn của công dân Việt Nam đã được Toà án nước ngoài xét xử. Đó là một tồn tại cần có biện pháp khắc phục.

Tình hình tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp, kế hoạch tổng thể cho mỗi lĩnh vực, gây nên tình trạng thiếu cân bằng, thiếu thống nhất trong các hoạt động cụ thể. Các Toà án địa phương hầu như chưa bố trí được cán bộ chuyên trách thực hiện công tác này. Trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác tư pháp chưa theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Tình hình tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, như đã phân tích ở trên, cũng còn nhiều tồn tại và yếu kém. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, hiện tượng công dân Việt Nam vi phạm pháp luật nước ngoài và bị nước ngoài trục xuất, không tiếp tục cho cư trú nữa, đang diễn ra ở nhiều nước. Trong khi đó chúng ta cũng chưa có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về lĩnh vực công tác này trong mối liên hệ với công tác tương trợ tư pháp quốc tế về hình sự, cũng như với tình hình ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm (do Bộ Công an chủ trì), về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các lĩnh vực công tác tuy khác nhau về hình thức, nhưng có nhiều điểm chung về mặt nội dung và yêu cầu. Do đó, cần đặt công tác tương trợ tư pháp về hình sự trong tổng thể các lĩnh vực hoạt động về đấu tranh phòng chống tội phạm, nhận trở lại công dân Việt Nam bị trục xuất do vi phạm pháp luật nước ngoài ..., để từ đó có các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước (Ngoại giao, Công an, Tư pháp, Toà án, Kiểm sát) mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng phức tạp do thực tiễn phát sinh.

 

 

C. PHẦN THỨ BA

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

 

I. Hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế là một yêu cầu khách quan, ngày càng trở nên cần thiết và giữ vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Điểm qua lịch sử hình thành và phát triển của công tác này hơn 50 năm qua - như đã trình bày ở phần trên - cho thấy, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế luôn gắn liền với việc mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Hoạt động này ngày càng chiếm vị trí quan trọng, được đề cao và không thể thiếu được trong bối cảnh phát sinh ngày càng mạnh mẽ các quan hệ, giao lưu về mọi mặt của cá nhân và pháp nhân có yếu tố nước ngoài trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập.

Ở các nước công nghiệp phát triển cũng như nhiều nước khác vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế, cũng giống như nhiều vấn đề khác của tư pháp quốc tế, đã được "pháp điển hoá" từ lâu, việc thực hiện tương trợ tư pháp ở những nước này (cả về dân sự và hình sự) đã ở mức chính quy hoá, hiện đại hoá (vi tính hoá và có thể được cập nhật qua mạng Internet). Khái niệm, phạm vi hoạt động tương trợ tư pháp, phương thức thực hiện tương trợ tư pháp tuy có sự khác nhau trên từng mức độ nhất định là tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, nhưng tựu chung lại đều được quy định trong các điều ước quốc tế (cả song phương và đa phương), cũng như trong pháp luật quốc gia.

Trong khi đó ở Việt Nam, như đã trình bày trên đây, nhu cầu về tương trợ tư pháp chỉ thực sự xuất hiện từ đầu những năm 80. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về sự chậm chễ thể chế hoá pháp luật, nên công tác tương trợ tư pháp quốc tế chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và nhân dân về lĩnh vực công tác này, nhất là về vị trí, vai trò, ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như tầm quan trọng của tương trợ tư pháp quốc tế trong các hoạt động tố tụng của Toà án, nhìn chung còn chưa thống nhất, thậm chí đôi khi còn bị xem nhẹ. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế chỉ được điều chỉnh một cách tản mạn, lồng ghép ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện tương trợ tư pháp theo các điều ước quốc tế đã ký kết cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá một cách hệ thống về công tác tương trợ tư pháp, củng cố cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho công tác này, trước hết phục vụ xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, có giá trị pháp lý cao tạo cơ sở ổn định cho các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam, là yêu cầu hết sức cấp thiết

Cơ sở của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, trước hết là sự hiện diện của các điều ước quốc tế liên quan trong đó Hiệp định tương trợ tư pháp giữ vai trò chủ đạo. Thời gian qua Nhà nước ta đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đặc biệt trong năm 1998 chúng ta đã tiến hành đàm phán và ký với Cộng hoà Pháp Hiệp định tương trợ tư pháp - nước tư bản đầu tiên, có thể nói như vậy, có chế độ chính trị xã hội hoàn toàn khác với nước ta. Việc ký Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Pháp có một ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Hiệp định tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Toà án và các cơ quan tư pháp của hai nước trong lĩnh vực tư pháp. Thông qua Hiệp định phía Pháp đã cam kết về việc Toà án Pháp sẽ tiến hành công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ Pháp các quyết định của Toà án Việt Nam (và ngược lại), đã thực sự nâng cao vị thế của Toà án Việt Nam trên trường quốc tế. Điều đó thực sự có lợi cho công tác xét xử của Toà án Việt Nam và qua đó có tác động tích cực đối với quá trình hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn mới. 

II. 1. Xét về mặt nguyên tắc, trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế nói chung hay Hiệp định tương trợ tư pháp nói riêng (mà Việt Nam đã tham gia, ký kết) trước hết thuộc về Nhà nước. Do đó, trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về tương trợ tư pháp xuất phát từ điều ước cần có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, trước hết là Toà án và các cơ quan thuộc Chính phủ. Việc Nhà nước ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, có giá trị pháp lý cao cho công tác này, là điều rất cần thiết.

Chúng tôi cho rằng, giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam là nên xây dựng một đạo luật riêng về tương trợ tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, trước tình hình Quốc hội quá bận rộn, chưa thể có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để ban hành luật, thì việc trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về tương trợ tư pháp quốc tế là một giải pháp tối ưu, có tính khả thi hơn cả. Liên tiếp trong ba năm qua Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ đưa dự án Pháp lệnh này vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội và vừa qua đề nghị này đã được chấp nhận: dự án Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật (thuộc danh mục các văn bản soạn thảo) năm 2001.

Với những kết quả nghiên cứu như đã trình bày trong các phần trên, chúng tôi xin nêu lên một số luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế như sau:

Thứ nhất, về hình thức văn bản, chúng tôi cho rằng việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về tương trợ tư pháp quốc tế dưới hình thức pháp lệnh (của Uỷ ban thường vụ Quốc hội) là giải pháp tối ưu trong điều kiện hiện nay, bởi các lý do sau đây:

- Phạm vi tương trợ tư pháp quốc tế (như đã nêu ở phần khái niệm trên đây) bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thương mại, hình sự, dẫn độ. Việc thực hiện tương trợ tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan thuộc Chính phủ (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an...), các cơ quan và chính quyền địa phương, mà còn liên quan nhiều đến chức năng của ngành Toà án, Kiểm sát và vì thế cần có sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các Bộ, ngành chủ quản. Việc ban hành pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tương trợ tư pháp quốc tế sẽ có giá trị ràng buộc (về nghĩa vụ pháp lý) đối với cả Toà án NDTC và Viện Kiểm sát NDTC trong việc thực hiện, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và sự chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết. Nếu xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thấp hơn mức pháp lệnh, ví dụ Nghị định của Chính phủ về tương trợ tư pháp, thì rõ ràng không thể đáp ứng được các yêu cầu này, nhất là không thể quy định nghĩa vụ thực hiện điều ước cho Toà án NDTC và Viện Kiểm sát NDTC được.

- Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn công tác xây dựng pháp luật ở nước ta cho thấy, giả sử nếu chúng ta tiến hành xây dựng một đạo luật về tương trợ tư pháp, thì đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức và sự đầu tư thích đáng cả về trí tuệ và kinh phí. Đó còn chưa kể trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội còn khá nhiều dự án luật tuy đã được đưa vào chương trình từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được thông qua.

Trong khi đó, việc xây dựng pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ không bị phụ thuộc vào thời gian họp của Quốc hội, cơ quan soạn thảo có thể báo cáo Chính phủ để trình dự án pháp lệnh cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội bất kỳ khi nào dự án được chuẩn bị xong. Như vậy sẽ không bị áp lực về mặt thời gian.

Thứ hai, xét về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đối chiếu với phạm vi nội dung các vấn đề dự kiến đưa vào dự thảo văn bản (chủ yếu các quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi và cách thức thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế về dân sự và hình sự; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước như Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan khác trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp...), thì xây dựng pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tương trợ tư pháp quốc tế là hoàn toàn phù hợp. Nếu xây dựng văn bản dưới hình thức Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực này chẳng hạn, thì rõ ràng không tương xứng với nội dung và phạm vi các vấn đề về tương trợ tư pháp như đã trình bày ở các phần trên. Đó là chưa kể một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp, như ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, cũng do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành bằng một pháp lệnh. 

2. Về các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở nước ta hiện nay, chúng tôi kiến nghị đưa vào dự thảo pháp lệnh một số quy định như sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành chức năng (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Toà án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC) cần phối hợp hướng dẫn thi hành tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết với các nước, đặc biệt là Hiệp định tương trợ tư pháp với Trung Quốc.

Trước mắt, để cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đang chủ trì việc sửa đổi Thông tư liên ngành số 139, cũng như soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện các Thông tư này, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan địa phương thi hành tốt Hiệp định. Dự kiến sau này những quy định của các Thông tư cũng sẽ được đưa nâng lên thành các quy định của dự thảo pháp lệnh.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tương trợ tư pháp để tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất cho việc thực hiện công tác này. Theo chúng tôi, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24 tháng 7 năm 1993, như kiến nghị của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, theo hướng mở rộng cho phép công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn liên quan đến công dân Việt Nam do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài giải quyết, là điều hết sức cần thiết. Cùng với việc cho ghi chú theo thủ tục hộ tịch (trong Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998), thì việc mở rộng cho phép công nhận các bản án ly hôn sẽ góp phần tháo gỡ hơn nữa sự ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ xin kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, trong chừng mực có thể được, thì cho phép áp dụng nguyên tắc có đi có lại với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế trong việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn của công dân Việt Nam (liên quan đến tài sản có tại Việt Nam) do Toà án các nước đó xét xử. Đây là nguyên tắc quan trọng của tư pháp quốc tế được nhiều nước (CHLB Đức, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, CH Pháp...) thừa nhận như đã giới thiệu ở phần trên.

Ngoài ra, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành chức năng cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện tương trợ tư pháp đối với các Toà án và cơ quan tư pháp địa phương, cũng như phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án và các cơ quan tư pháp trong nước liên quan đến công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp. Nội dung của các Hiệp định tương trợ tư pháp điều chỉnh các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, việc phối hợp phải được đặt ra từ giai đoạn soạn thảo, đàm phán Hiệp định cho đến giai đoạn thực hiện. Trong 3 năm trở lại đây cơ chế phối hợp giữa các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước trong việc soạn thảo, đàm phán và ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước Nga, Pháp, Lào, Trung Quốc... đã được thực hiện khá tốt. Cần duy trì cơ chế phối hợp này cả trong quá trình thực hiện các Hiệp định thì chắc chắn sẽ có bước chuyển mới về lĩnh vực công tác này.

Xin nói thêm, ở một số nước hiện nay (như Liên bang Nga, Ucraina...) Tổng thống ra quyết định thành lập Nhóm công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì để chuyên thực hiện các công việc như đàm phán, tổ chức thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp, cũng như điều phối hoạt động của các ngành trong quá trình thực hiện các Hiệp định này. Chúng tôi cho rằng trong dự thảo Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam cũng nên có quy định về nhóm công tác liên ngành, giống như cơ chế thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết, gắn liền với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Đây là một đảm bảo quan trọng cho việc thực hiện Pháp lệnh sau này. Cần thường xuyên tổ chức một số lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện tương trợ tư pháp cho cán bộ địa phương nơi đã thực hiện nhiều uỷ thác tư pháp, đặc biệt nên gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết với Trung Quốc và Lào, ưu tiên chương trình tập huấn cho các tỉnh có chung biên giới với các nước này. Đây là công việc cần làm sớm.

Thứ năm, phù hợp với hầu hết kiến nghị của các chuyên đề nghiên cứu, cần thiết phải tiến hành củng cố một cách căn bản đội ngũ cán bộ, kiện toàn công tác tương trợ tư pháp quốc tế ở các cơ quan chức năng. Đây là công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tư pháp - với tư cách là cơ quan đầu mối trung ương trong việc thực hiện Hiệp định về các vấn đề dân sự - cần tập trung chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể về việc kiện toàn công tác này (hiện nay Vụ Hợp tác quốc tế đã có đề án tăng cường năng lực thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế của Vụ, đang hoàn thiện để báo cáo Lãnh đạo Bộ cho ý kiến chỉ đạo triển khai).

III. KIẾN NGHỊ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ CƠ CẤU CỦA DỰ THẢO PHÁP LỆNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

Dự thảo Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở kết quả cụ thể của đề tài nghiên cứu, đặc biệt trên các luận điểm khoa học đúng đắn và đúc rút thực tiễn của Việt Nam trong nhiều năm qua về lĩnh vực này, có sự tham khảo chọn lọc các kinh nghiệm quý báu của các nước. Ban Chủ nhiệm đề tài xin kiến nghị cụ thể như sau:

1. Sự cần thiết ban hành Pháp lệnh:

Như các phần trên đã trình bày, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt đối với hoạt động của Toà án và các cơ quan tư pháp. Tương trợ tư pháp được thực hiện trong nhiều lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, hình sự ... Việc ban hành Pháp lệnh không những tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết, mà còn tạo điều kiện quan trọng để thực hiện tốt các điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực này mà Nhà nước sẽ ký kết hoặc tham gia, trong đó có các điều ước liên quan đến vấn đề dẫn độ[42].     

Pháp lệnh tạo cơ sở vững chắc cho công tác phối hợp của các bộ, ngành ở trung ương trong quá trình soạn thảo, đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài và hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan địa phương trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế. Việc mở rộng ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, nhất là việc thực hiện tốt công tác này không những góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, mà còn củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ tích cực cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh:

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh bao gồm các vấn đề tương trợ tư pháp về dân sự (theo nghĩa rộng) và hình sự (kể cả dẫn độ) với các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam, cũng như các nước chưa ký kết điều ước quốc tế. 

Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế quy định các vấn đề về khái niệm, nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, cách thức, cơ chế phối hợp và quản lý nhà nước trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân trong các quan hệ có yếu tố nước ngoài.

Pháp lệnh cần điều chỉnh các vấn đề cơ bản sau đây:

a) Nguyên tắc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp; thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế (các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế được ký kết giữa Việt Nam với các nước; trong trường hợp không có điều ước quốc tế, thì tương trợ tư pháp được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại).

b) Phạm vi khái niệm tương trợ tư pháp quốc tế theo nghĩa rộng - như đã trình bày trên đây - và các thuật ngữ thuộc khái niệm này, theo nghĩa cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

c) Điều kiện thực hiện tương trợ tư pháp: quy định những điều kiện cụ thể về hồ sơ, ngôn ngữ, thời hạn, chi phí... thực hiện tương trợ tư pháp.

d) Trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp: quy định thủ tục, trình tự phù hợp đối với việc thực hiện tương trợ tư pháp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực dân sự, hình sự theo yêu cầu của Toà án, cơ quan tư pháp nước ngoài tại Việt Nam. Có thể áp dụng trình tự, thủ tục chung của Pháp lệnh đối với việc thực hiện uỷ thác tư pháp trong nước (do Toà án địa phương yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện).

đ) Yêu cầu đối với hồ sơ uỷ thác tư pháp quốc tế (giấy tờ, tài liệu, thủ tục về dịch văn bản, công chứng, hợp pháp hoá...).

e) Quản lý nhà nước về công tác tương trợ tư pháp quốc tế: nội dung quản lý nhà nước; hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước; nhiệm vụ của Chính phủ, Toà án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC; trách nhiệm và cơ chế phối hợp công tác giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong công tác quản lý nhà nước.

g) Quy định về việc thành lập Nhóm công tác liên ngành về tương trợ tư pháp quốc tế (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động...).

3. Bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh:

Dự kiến dự thảo Pháp lệnh gồm Lời nói đầu, 5 chương với 33 điều, quy định những vấn đề cơ bản như sau:

DỰ THẢO

PHÁP LỆNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP QUỐC TẾ

Lời nói đầu: Nêu lên các căn cứ và mục đích của việc ban hành Pháp lệnh là nhằm củng cố, nâng cao hơn nữa hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế về nhiều mặt và phục vụ quá trình hội nhập quốc tế.

Chương I: Những quy định chung

Chương này chủ yếu bao gồm các quy định có tính nguyên tắc về các vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế như phạm vi khái niệm, nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiện tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế...). Cụ thể như sau:

Điều 1: Khái niệm về "tương trợ tư pháp quốc tế".

Điều 2: Phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 3: Ý nghĩa, vai trò của hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế đối với hoạt động tố tụng của Toà án và các cơ quan tư pháp ở Việt Nam.

Điều 4: Nguyên tắc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam.

Điều 5: Tiếng nói, chữ viết dùng trong hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 6: Các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam (cơ quan trung ương, cơ quan địa phương - theo nguyên tắc phân cấp) và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan này.

Điều 7: Quy định chung về thủ tục hợp pháp hoá, dịch và công chứng các giấy tờ, tài liệu nước ngoài liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp.

Điều 8: Quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 9: Nguyên tắc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp (danh nghĩa điều ước, phê chuẩn điều ước...).

Điều 10: Thành lập Nhóm công tác liên ngành thực hiện tương trợ tư pháp.

Điều 11: Nguyên tắc chuyển hóa Hiệp định tương trợ tư pháp vào pháp luật trong nước  

Chương II: Tương trợ tư pháp quốc tế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia

Chương này chủ yếu quy định việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự với các nước. Cụ thể như sau: 

Điều 12: Nội dung hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế (theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia).

Điều 13: Trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế về dân sự (theo nghĩa rộng, bao gồm các vấn đề liên quan đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản; hôn nhân và gia đình; lao động; thừa kế; kinh tế - thương mại; dịch vụ; bảo hiểm ...).

Điều 14: Trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế về hình sự (thực hiện uỷ thác tống đạt giấy tờ, bản án hình sự, giấy triệu tập người làm chứng, người giám định, thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, thi hành bản án hình sự, thông báo án tích ...).

Điều 15: Trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế về dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án (hồ sơ giấy tờ, nguyên tắc, điều kiện thực hiện dẫn độ, thủ tục giao nhận, cơ quan thực hiện, chi phí phát sinh ...).

Điều 16: Thời hạn thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp cụ thể (uỷ thác tư pháp về dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự ...).

Điều 17: Trình tự, thủ tục yêu cầu Toà án, cơ quan tư pháp nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam thực hiện uỷ thác tư pháp (về dân sự, hình sự) của Toà án và cơ quan tư pháp Việt Nam.

Điều 18: Vấn đề chi phí cho hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế (chi phí thường xuyên, chi phí phát sinh như yêu cầu giám định máu).

Chương III: Tương trợ tư pháp quốc tế với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế (theo nguyên tắc có đi có lại)                     

Chương này quy định việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động, hình sự, dẫn độ trên nguyên tắc có đi có lại. Cụ thể như sau:    

Điều 19: Nguyên tắc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam.

Điều 20: Điều kiện từ chối thực hiện tương trợ tư pháp.

Điều 21: Thủ tục, trình tự thực hiện uỷ thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự (theo nghĩa rộng).

Điều 22: Thủ tục, trình tự thực hiện uỷ thác tư pháp về hình sự, dẫn độ.

Điều 23: Chi phí cho việc thực hiện uỷ thác tư pháp quốc tế trong trường hợp không có điều ước quốc tế (về dân sự, hình sự, dẫn độ) .

Điều 24: Cơ chế và biện pháp phối hợp giữa các cơ quan nhà nước liên quan trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế với các nước chưa ký kết điều ước quốc tế (trong các vấn đề về dân sự, hình sự, dẫn độ).

Điều 25: Trình tự, thủ tục yêu cầu Toà án và cơ quan tư pháp nước ngoài thực hiện uỷ thác tư pháp của Toà án và cơ quan tư pháp Việt Nam trong các vấn đề dân sự, hình sự. 

Chương IV: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế

Chương này quy định về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của mỗi ngành và cơ quan địa phương trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp; về việc thành lập và nguyên tắc tổ chức, hoạt động (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn) của Nhóm công tác liên ngành về tương trợ tư pháp. Cụ thể như sau: 

Điều 26: Nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 27: Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp quốc tế ở Việt Nam.

Điều 28: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế (về dân sự và hình sự).

Điều 29: Trách nhiệm và cách thức phối hợp giữa các cơ quan thuộc Chính phủ với Toà án, Kiểm sát thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 30: Xử lý vi phạm.

Chương V: Điều khoản cuối cùng

Điều 31: Các biểu mẫu giấy tờ dùng trong công tác tương trợ tư pháp quốc tế.

Điều 32: Hiệu lực của Pháp lệnh.

Điều 33: Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

 

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

XÉT TRÊN BÌNH DIỆN QUỐC TẾ VÀ QUỐC GIA

(Một số vấn đề về cơ sở lý luận)*

----

Ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà không có quan hệ với quốc gia khác. Nói cách khác, quan hệ hợp tác quốc tế không chỉ là nhu cầu nội tại thiết thực của bản thân mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước, mà còn là trách nhiệm-nghĩa vụ của các quốc gia xét dưới góc độ pháp luật quốc tế[43]. Do đó, tương trợ tư pháp, cũng giống như tương trợ giữa các quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật..., phải được nhìn nhận như một yếu tố khách quan, một quy luật tất yếu của thế giới không ngừng vận động và phát triển. Có như thế, mới hiểu được một cách nhất quán và rõ ràng hơn về ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập khu vực và thế giới của Nhà nước ta.

Dưới đây, chúng tôi xin đề cập vấn đề tương trợ tư pháp xét dưới hai phương diện pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, qua đó có thể làm rõ hơn một số điểm về cơ sở lý luận của Đề tài nghiên cứu, phục vụ việc xây dựng Dự thảo Pháp lệnh tương trợ tư pháp quốc tế của Nhà nước ta trong tương lai.

I. VỀ PHƯƠNG DIỆN QUỐC TẾ

1. Tương trợ tư pháp quốc tế là một biểu hiện của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia - một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại.

Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc  ngày 24/10/1970 về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, thì các quốc gia - chủ thể cơ bản của Luật quốc tế hiện đại - phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Chúng ta đều biết ngày nay để giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu (như bảo vệ môi trường, chống tội phạm quốc tế, chống buôn bán ma tuý, phụ nữ và trẻ em; chống không tặc, hải tặc v.v...), thì bản thân một quốc gia hoặc một nhóm nước nằm trong khu vực nhất định, không thể giải quyết được một cách ổn thoả, nếu không có sự hợp tác trên bình diện quốc tế. Nhìn rộng ra, nhu cầu hợp tác quốc tế ngày nay không chỉ dừng lại trong phạm vi các vấn đề có tính phổ cập (như ổn định hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển kinh tế-khoa học kỹ thuật...), mà đã được mở rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, trong đó lĩnh vực pháp luật và tư pháp (hiểu theo nghĩa rộng) luôn giữ vai trò then chốt. Có thể nói, nhu cầu hợp tác về tư pháp giữa các quốc gia đang ngày càng trở nên bức thiết và có tầm quan trọng to lớn bên cạnh sự hợp tác về nhiều mặt giữa các nước. Điều đó được giải thích bởi thực tế là trên lãnh thổ của mỗi quốc gia ngày càng có nhiều người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống. Trong các giao lưu hàng ngày về mọi mặt giữa cá nhân, pháp nhân nước ngoài với công dân, pháp nhân của nước sở tại đã làm phát sinh nhiều quan hệ, tranh chấp thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế-thương mại... đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời. Khi Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước thụ lý và giải quyết các quan hệ, tranh chấp đó (là các quan hệ, tranh chấp có yếu tố nước ngoài), thì không chỉ căn cứ vào hệ thống pháp luật và dựa vào sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng của nước mình, mà trong nhiều trường hợp cần có sự tương trợ, giúp đỡ của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì mới có thể giải quyết ổn thoả các vấn đề đặt ra. Do vậy, sự hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp, phải được nhìn nhận như một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các giao lưu về mọi mặt giữa các quốc gia nói chung, hay giữa các chủ thể khác của pháp luật quốc gia nói riêng.

Xu hướng hợp tác về tương trợ tư pháp được đặt ra ngày càng nhiều đối với những nước mà trên lãnh thổ của nước đó có số lượng đông người nước ngoài cư trú, cũng như đối với các nước có nhiều công dân sinh sống ở nước ngoài. Xét về mặt lý luận, quốc gia thực hiện quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ của mình trên mọi phương diện, đặc biệt là quyền tài phán. Nhưng quốc gia khó có thể thực hiện được quyền tài phán đối với công dân của mình có hành vi vi phạm pháp luật song hiện tại họ đang cư trú ở nước ngoài, nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước nước ngoài hữu quan (có thể là dẫn độ tội phạm, thu thập chứng cứ, uỷ thác điều tra, tống đạt giấy tờ v.v...). Tuy nhiên, phạm vi, mức độ, cách thức trợ giúp đến đâu, phần lớn lại phụ thuộc vào ý chí (chủ quyền) của quốc gia được yêu cầu. Do vậy, xét về mặt này trên phương diện quốc tế, thì tương trợ tư pháp còn được hiểu như một biểu hiện cụ thể của chủ quyền quốc gia mà theo đó, các quốc gia khác phải hết sức tôn trọng, không được ép buộc hay can thiệp dưới bất cứ hình thức nào. Chẳng hạn như đối với vấn đề dẫn độ, pháp luật của hầu hết các nước, kể cả Việt Nam[44], đều không chấp nhận việc dẫn độ công dân của nước mình cho nước khác. Và như vậy, dưới góc độ tương trợ tư pháp, việc dẫn dộ hay từ chối dẫn độ chính là biểu hiện của quyền chủ quyền quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ quốc tế. Song ở đây, cần hiểu quyền và nghĩa vụ phải được đặt trong một thể hài hoà thống nhất, không tách rời nhau, luôn bổ sung và là điều kiện của nhau, tạo thành quy chế (địa vị) pháp lý của quốc gia trên trường quốc tế.       

2. Một số vấn đề về khái niệm tương trợ tư pháp.  

Căn cứ vào phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp, trên cơ sở phù hợp với tính chất và mức độ quan hệ giữa các quốc gia với nhau, cũng như xuất phát từ nhu cầu tương trợ tư pháp do tình hình thực tiễn đặt ra ở mỗi quốc gia trong từng thời kỳ mà các nước đưa ra một số học thuyết hay khái niệm tương ứng về tương trợ tư pháp. Nói như vậy để thấy rằng, trong khoa học pháp lý hiện nay, khó có thể tìm thấy một khái niệm (hay học thuyết) được thừa nhận chung, làm chuẩn mực cho một cách hiểu thống nhất về tương trợ tư pháp, xét trên bình diện thế giới (điều này cũng là bình thường, giống như thực trạng trên thế giới cho đến nay vẫn tồn tại một số quan niệm khác nhau về nguồn của pháp luật nói chung, là phụ thuộc vào việc nước đó theo hệ thống pháp luật nào (trong hai hệ thống điển hình là Civil Law và Common Law).

Dưới đây chúng ta cùng xem xét khái niệm "tương trợ tư pháp quốc tế" theo pháp luật và thực tiễn của một số nước:

Cộng hoà Liên bang Đức: tương trợ tư pháp quốc tế được hiểu là việc tống đạt giấy tờ và thực hiện uỷ thác tư pháp về việc thu thập chứng cứ[45]. Tuy nhiên, sau này phạm vi tương trợ tư pháp được mở rộng đối với cả việc trao đổi thông tin về pháp luật, gửi tài liệu giấy tờ và thông báo của Toà án hoặc cơ quan tư pháp khác, thậm chí bao gồm cả việc thi hành các quyết định về án phí. Còn theo Sắc lệnh về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự ngày 19/10/1956, thì tương trợ tư pháp được hiểu là sự hỗ trợ về dân sự của các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích phục vụ quá trình tố tụng của Toà án trong nước cũng như Toà án nước ngoài. 

Italia: phạm vi tương trợ tư pháp bao gồm cả việc công nhận và thi hành quyết định của Toà án nước ngoài[46]. Nhưng sau đó quan điểm này bị nhiều ý kiến phản đối.

Cộng hoà Pháp: vấn đề tống đạt giấy tờ và thực hiện uỷ thác tư pháp (L'entre aide judiciare) không thuộc khái niệm tương trợ tư pháp, mà trong mọi trường hợp được coi là hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Đó là việc tống đạt giấy tờ của Toà án, miễn án phí và lệ phí Toà án cho người nước ngoài (judicatum solvi), đưa ra chứng cứ trên cơ sở pháp luật nước ngoài, tống đạt giấy tờ, thực hiện uỷ thác tư pháp v.v...

Ngoài ra, thực tiễn quốc tế còn cho thấy, trong trường hợp không có điều ước quốc tế liên quan, tương trợ tư pháp và pháp lý ở các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa được thực hiện bằng con đường ngoại giao, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp dựa trên cơ sở pháp luật về tố tụng của quốc gia được yêu cầu; và tương trợ tư pháp sẽ không được thực hiện, nếu điều đó bị cấm theo pháp luật của quốc gia được yêu cầu.

Hệ thống luật Anh - Mỹ (Commmon Law): vấn đề tống đạt giấy tờ và uỷ thác tư pháp về thu thập chứng cứ thông thường chỉ được coi là "dịch vụ" và "thu thập chứng cứ" (service and evidence abroad). Khác với các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa, Toà án Anh và Mỹ thực hiện việc lấy lời khai của những người làm chứng hiện đang ở nước ngoài thông qua viên chức cao cấp (commissioner) của Toà án có thẩm quyền, bằng hình thức thẩm vấn thẳng và thẩm vấn chéo đại diện của các bên. Kết quả thẩm vấn (thường là thoả thuận của đại diện các bên) được gửi cho Toà án có thẩm quyền. Thủ tục này được áp dụng năm 1930 trong vụ Ngân hàng Pháp kiện Ngân hàng Treis và Công ty Ekvitebl Trast (Hoa Kỳ) về việc thanh toán vàng Nga. Nhân chứng trong vụ kiện này là các kỹ sư và công nhân của nhà máy luyện vàng Nga đã rời sang Berlin vào thời điểm phát sinh tranh chấp. Việc thẩm vấn rõ ràng sẽ không thực hiện được, nếu không có sự hỗ trợ tư pháp từ các cơ quan có thẩm quyền của Đức, phù hợp với pháp luật Nga (liên quan đến công dân Nga ở nước ngoài).

Như vậy, tương trợ tư pháp theo luật Anh-Mỹ (Legal Assistance) chỉ được hiểu là việc hỗ trợ lẫn nhau giữa Toà án các nước trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và thi hành án về dân sự và hình sự.

Liên xô (cũ) và các nước Đông Âu: phụ thuộc vào phạm vi nội dung các vấn đề được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan, tương trợ tư pháp được hiểu là việc thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự và hình sự của Toà án nước ngoài, thông qua các hành vi tố tụng riêng biệt, bao gồm cả việc tống đạt giấy tờ [47]. Các hành vi tố tụng riêng biệt ở đây thường bao gồm: lập, tống đạt giấy tờ; điều tra thu thập chứng cứ; công nhận và thi hành án dân sự của Toà án và quyết định của trọng tài nước ngoài; khám xét, thu giữ, chuyển giao vật chứng; trưng cầu giám định; lấy lời khai của các bên cũng như nhân chứng; tiến hành truy cứu hình sự; dẫn độ để truy tố hình sự hoặc thi hành án hình sự.

Qua nghiên cứu pháp luật của nhiều nước cho thấy, lý do từ chối thực hiện tương trợ tư pháp, thường là: yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước được yêu cầu hoặc việc thực hiện tương trợ tư pháp phát sinh hậu quả trái với trật tự công cộng. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng, ngay cả khái niệm "trật tự công" trong pháp luật của các nước cũng chưa có cách hiểu thống nhất. 

Đối với Việt Nam, khái niệm “tương trợ tư pháp” cho đến nay vẫn chủ yếu được giới Luật gia (và các cơ quan nhà nước) hiểu và nhìn nhận trên cơ sở phạm vi các vấn đề được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết với nước ngoài. Còn trong các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước thì có thể nói, khái niệm tương trợ tư pháp chưa được quy định một cách đầy đủ. Trong một số công trình khoa học, nhất là trong các Giáo trình Luật tư pháp quốc tế (của Trường đại học luật Hà Nội, Khoa luật Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số trường khác), khái niệm tương trợ tư pháp cũng chỉ được đề cập dưới hai góc độ (theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ này), với phạm vi các vấn đề không đầy đủ và thống nhất [48].   

*

Tựu trung lại, qua tham khảo pháp luật và thực tiễn của một số nước, nhất là trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam với các nước, cũng như quá trình thực hiện tương trợ tư pháp giữa Nhà nước ta với các nước chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, chúng tôi xin nêu lên một khái niệm chung về tương trợ tư pháp quốc tế như sau:

Tương trợ tư pháp quốc tế là việc các quốc gia (chủ yếu thông qua các cơ quan tư pháp như Toà án, Kiểm sát, Công an) hỗ trợ nhau về các vấn đề tư pháp (bao gồm cả dân sự và hình sự) trên cơ sở điều ước quốc tế liên quan hoặc trên nguyên tắc có đi có lại, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân mỗi nước trên lãnh thổ của nhau.

Theo cách hiểu này thì có một số vấn đề cần nhấn mạnh như sau:

Một là, cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp là do pháp luật của mỗi quốc gia quy định, song thông thường chủ yếu là cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp bao gồm: i) Toà án (là chủ yếu) và các cơ quan tư pháp khác (Kiểm sát, Công an); ii) Các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền (cả ở trung ương và địa phương) như ngoại giao, Uỷ ban nhân dân các cấp; iii) Các cơ quan bổ trợ tư pháp như công chứng, giám định, hộ tịch, luật sư. Đó là xét về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế, hoạt động tương trợ tư pháp lâu nay chủ yếu vẫn do Toà án, Kiểm sát, Công an thực hiện là chính.

Hai là, lĩnh vực tương trợ tư pháp bao gồm các vấn đề về dân sự (theo nghĩa rộng, gồm cả hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế - thương mại, dịch vụ, bảo hiểm v.v...) và hình sự (điều tra, thu thập chứng cứ, truy cứu trách nhiệm hình sự, dẫn độ, thi hành án...).

Ba là, mục đích tương trợ tư pháp, xét cho cùng, là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân của các quốc gia trên lãnh thổ của nhau. Tức là, bao gồm cả quyền và lợi ích của "phía nước ngoài", chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải của nước mình. Đây là điểm đặc thù của nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, trên cơ sở đảm bảo tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và các bên cùng có lợi.

Bốn là, phạm vi (nội dung) các vấn đề tương trợ tư pháp thường bao gồm: lập và chuyển giao hồ sơ; tống đạt giấy tờ; khám xét, thu giữ và chuyển giao các vật chứng; tiến hành giám định; lấy lời khai của bị cáo, người làm chứng, người giám định, đương sự hoặc những người khác; xem xét vật chứng tại phiên toà; công nhận và thi hành các quyết định; dẫn độ tội phạm; điều tra hình sự; cung cấp chứng cứ; thông báo án tích; trao đổi thông tin, tài liệu pháp luật v.v...      

Xét trên khía cạnh này, tương trợ tư pháp chủ yếu bao gồm các vấn đề thuộc lĩnh vực tố tụng (dân sự hoặc hình sự). Chúng ta thấy ở đây không có vấn đề bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền. Do đó, một số người cho rằng phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp như nêu trên đây là hiểu theo nghĩa hẹp.

Năm là, hình thức (cách thức) thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế chủ yếu thông qua việc thực hiện uỷ thác của Toà án hoặc cơ quan tư pháp khác đối với các hành vi tố tụng riêng biệt (gọi là uỷ thác tư pháp). Như vậy, uỷ thác tư pháp không chỉ là cách thức thực hiện tương trợ tư pháp giữa các quốc gia trên cơ sở điều ước quốc tế, mà còn được coi là biện pháp, hình thức trợ giúp hiệu quả về mặt tư pháp giữa các quốc gia chưa ký kết điều ước quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Do đó, trong các văn bản điều ước quốc tế cũng như pháp luật của quốc gia thường quy định đầy đủ những nội dung chi tiết về uỷ thác tư pháp (như mẫu hồ sơ, thời hạn thực hiện, ngôn ngữ, chi phí...).    

3. Tương trợ tư pháp theo các điều ước quốc tế.

Như đã trình bày ở trên, cơ sở pháp lý quốc tế chung nhất của việc thực hiện tương trợ tư pháp giữa các quốc gia là điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm cho rằng, cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về tương trợ tư pháp để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, cũng như chưa có một điều ước quốc tế (đa phương) nào quy định được một cách đầy đủ tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tương trợ tư pháp, do đó, phù hợp với phạm vi-đối tượng điều chỉnh của mỗi loại điều ước, mà tương trợ tư pháp được đề cập dưới các góc độ khác nhau. Sau đây chúng ta sẽ xem xét một số điều ước quốc tế điển hình về các lĩnh vực tương trợ tư pháp giữa các quốc gia.      

a) Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa các nước XHCN trước đây với nhau, cũng như với Việt Nam, chủ yếu là Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý (Hiệp định song phương), phạm vi thường rất rộng, bao gồm cả các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền[49]. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, các nước-kể cả Việt Nam-chỉ muốn ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp quy định các vấn đề trên phạm vi hẹp, không bao gồm các vấn đề về bảo hộ pháp lý, giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền. Thậm chí xu hướng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp theo từng lĩnh vực chuyên ngành (hoặc chỉ chuyên về hình sự, dẫn độ hoặc chuyên về tố tụng dân sự), không quy định xen kẽ, lồng ghép nhiều lĩnh vực với nhau, đang được các quốc gia ngày càng chú trọng, trong đó có Việt Nam[50].

Điều cần nói thêm là trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi Liên xô tan vỡ và hệ thống XHCN khủng hoảng, số lượng các điều ước quốc tế đa phương có nội dung liên quan đến tương trợ tư pháp hoặc tư pháp quốc tế nói chung ngày càng nhiều, ví dụ Công ước La Hay về nuôi con nuôi[51]. Ngoài ra, trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước hiện nay cũng đang có nhiều vấn đề đặt ra, như vấn đề hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, đòi hỏi phải được điều chỉnh bằng cơ chế điều ước. Trên thực tế, chúng ta đã ký kết với Cộng hoà Pháp và cũng chuẩn bị để ký kết với các nước khác Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi[52]. Đây là các văn bản điều ước liên quan nhiều đến lĩnh vực tư pháp quốc tế, mà để thực hiện nó chắc chắn phải thiết lập một cơ chế tương trợ tư pháp một cách chặt chẽ và có hiệu quả.         

b) Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong quan hệ các nước TBCN chủ yếu là các điều ước đa phương, điển hình là:

Công ước La Hay ngày 1.3.1954 về các vấn đề tố tụng dân sự. Trên cơ sở Công ước này, nhều quốc gia ký kết với nhau điều ước song phương về các vấn đề tố tụng như Hiệp định Pháp-Đức ngày 6.5.1961; Hiệp định Đức-Áo ngày 6.6.1959 v.v...

Công ước La Hay ngày 15.11.1965 về tống đạt các giấy tờ tư pháp và phi tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại được thông qua tại Hội nghị La Hay thứ 10 về tư pháp quốc tế, thành viên là các nước châu Âu (đã tham gia Công ước ngày 1.3.1954), Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nhưng Công ước này sau đó chỉ được một số rất ít nước phê chuẩn.

Để thực hiện tương trợ tư pháp, Công ước ngày 15.11.1965 quy định mỗi nước thành viên phải thành lập một hoặc một số cơ quan trung ương; việc tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua các cơ quan trung ương này (chứ không thông qua cơ quan lãnh sự của các nước). Tuy nhiên, cách thức cụ thể thực hiện uỷ thác tư pháp ra sao, thì do pháp luật và thực tiễn của mỗi nước quy định, nếu không bị các quốc gia thành viên Công ước phản đối. Do đó, ngay cả ngôn ngữ thực hiện Công ước cũng có thể bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Công ước La Hay ngày 18.3.1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài chỉ có một số ít nước tham gia, trong đó có Anh, Mỹ, CHLB Đức. Theo quy định của Công ước, việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của nhân chứng, đương sự ở nước ngoài được thực hiện thông qua viên chức Lãnh sự hoặc "viên chức cao cấp" (commissioner) của Toà án có thẩm quyền.

Công ước EEC ngày 27.9.1968 về trách nhiệm quốc tế và thi hành các quyết định dân sự của Toà án. Công ước này, về nguyên tắc, không quy định những vấn đề chung về tương trợ tư pháp, mà dẫn chiếu đến cam kết của các quốc gia thành viên trong các thoả thuận liên quan. Tuy nhiên, liên quan đến việc thi hành án, Công ước cho phép thực hiện một số hành vi uỷ thác từ nước yêu cầu đến nước được yêu cầu, như tống đạt tài liệu, giấy tờ đảm bảo cho việc thi hành án.  

Ngoài ra, vấn đề tương trợ tư pháp còn được quy định trong nhiều điều ước quốc tế quan trọng khác như: Công ước La Hay ngày 1/2/1971 về công nhận và thi hành bản án nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại; Công ước giữa các nước Bắc Âu về công nhận và thi hành bản án năm 1932; Công ước Brúcxen về thẩm quyền và việc thi hành các bản án dân sự và thương mại năm 1968 (áp dụng giữa các nước EEC); Công ước giữa các nước châu Mỹ về giá trị ngoài lãnh thổ của các bản án và các quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1979; Công ước châu Âu về chuyển giao tố tụng hình sự năm 1972; Công ước mẫu về chuyển giao tố tụng trong các vụ việc hình sự (Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1990) v.v...

Như vậy, vấn đề tương trợ tư pháp thời gian qua chủ yếu được quy định trong các điều ước quốc tế đa phương, và đây cũng được coi là xu hướng chung hiện nay. Song cũng có nhiều điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp được ký kết giữa các nước này. Thế nhưng, như đã nói ở trên, các nước thường chỉ ký kết điều ước trên từng lĩnh vực nhất định, trong đó rất chú trọng tương trợ tư pháp trên các vấn đề tố tụng.

4. Nghĩa vụ tuân thủ cam kết quốc tế về tương trợ tư pháp.

Đây là vấn đề xuất phát từ nguyên tắc Pacta sunt servanda, đòi hỏi mỗi quốc gia khi ký kết hoặc tham gia (gia nhập) điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, bất luận là điều ước đa phương hay song phương, đều phải nghiêm chỉnh tận tâm, tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế trong các điều ước đó. Nghĩa vụ tuân thủ điều ước quốc tế không cho phép bản thân quốc gia được thoái thác việc thực hiện nó, cho dù trong điều ước có điều khoản trái với pháp luật trong nước. Đồng thời, nghĩa vụ thực hiện điều ước còn có nghĩa, bản thân quốc gia phải có trách nhiệm phổ biến nội dung của điều ước đến các cơ quan nhà nước và toàn thể nhân dân, đảm bảo việc thi hành điều ước một cách hiệu quả trên thực tế. Do vậy, vấn đề chuyển hoá hay không chuyển hoá các điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, không phải là một yêu cầu bắt buộc (xét về mặt pháp lý quốc tế), mà thuần tuý chỉ là một công việc có tính kỹ thuật của bản thân mỗi quốc gia thành viên của điều ước. Cho nên quốc gia không thể viện cớ chưa (hoặc chậm) chuyển hoá điều ước quốc tế thành pháp luật trong nước để trì hoãn hoặc thoái thác nghĩa vụ thực hiện điều ước đã ký kết hoặc tham gia.

Trên cơ sở nhận thức như vậy, chúng tôi xin nêu lên một số vấn đề về tình hình ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp ở Việt Nam trong thời gian qua như sau:

Thứ nhất, hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết trong những năm 80-thời kỳ Việt Nam phát triển nền kinh tế kế hoạch, tập trung với cơ chế quản lý còn mang nặng tư duy quan liêu, bao cấp-do đó, nội dung của Hiệp định cũng chủ yếu là do phía nước ngoài soạn thảo; chúng ta gần như mặc nhiên chấp thuận, ít phải đàm phán về mặt nội dung. Đồng thời, trong một thời gian khá dài, chúng ta "ký chỉ để mà ký", tức là không quan tâm đúng mức đến việc thực hiện chúng ra sao. Nói một cách công bằng, thực tế cho đến nay chúng ta mới chỉ có một văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là Thông tư liên bộ số 139/TTLB ngày 12 tháng 3 năm 1984 của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao về việc thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng vì là văn bản do liên ngành ban hành, chưa ở tầm luật hay pháp lệnh, giá trị pháp lý không cao, do đó, tính khả thi thấp. Chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian khá dài Nhà nước ta hầu như không quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật nói chung (Nhà nước quản lý, điều hành xã hội chủ yếu bằng các kế hoạch, chỉ tiêu, mệnh lệnh). Cho nên mặc dù có văn bản liên ngành, song trên thực tế các hoạt động tương trợ tư pháp theo những nội dung quy định trong các Hiệp định này hầu như không được thực hiện một cách đầy đủ. Nói cách khác, các cơ quan nhà nước chưa quan tâm úng mức đối với việc thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết, chưa có sự phối hợp một cách thường xuyên và chặt chẽ trong các hoạt động tương trợ tư pháp phát sinh trên cơ sở Hiệp định; mặt khác, nhận thức của các cơ quan nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân về nội dung của Hiệp định nhìn chung là chưa đến nơi đến trốn.

Do đó, công tác tương trợ tư pháp (theo các Hiệp định đã ký kết) chỉ được thực hiện trong phạm vi hẹp đối với các hoạt động về uỷ thác tư pháp (do Toà án nước ngoài yêu cầu), với tính chất sự vụ, vụn vặt. Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện (chủ yếu là Toà án) không có kế hoạch chủ động trong việc thực hiện Hiệp định, gần như bị động trước yêu cầu của phía nước ngoài; hồ sơ giấy tờ thực hiện uỷ thác tư pháp trong một thời gian dài không được đồng bộ, thậm chí có những Toà án tỉnh còn gửi cả giấy tờ viết tay để chuyển ra sử dụng ở nước ngoài (như Thái Nguyên, Lạng sơn, Hà Tây...)[53]. Mặt khác, chúng ta chưa có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp với trình độ chuyên sâu về lĩnh vực tương trợ tư pháp (cả về dân sự và hình sự). Những người làm công tác này chỉ là kiêm nhiệm, thường xuyên bị thuyên chuyển, thay đổi. Tất cả những điều đó làm hạn chế nhiều đến hiệu quả của công tác tương trợ tư pháp ở nước ta.

Thứ hai, xuất phát từ nhận thức không đầy đủ và thiếu nhất quán về nghĩa vụ tuân thủ điều ước quốc tế của Nhà nước Việt Nam, cho nên thời gian qua đại bộ phận cán bộ làm công tác điều ước, nhất là đội ngũ công chức liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế, không thấy rõ được hết ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, cũng như những ảnh hưởng, tác động của nó đối với uy tín, vị thế của Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói, xét dưới góc độ trách nhiệm pháp lý quốc tế, việc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của quốc gia đó trong quan hệ đối ngoại. Đồng thời, điều đó không những làm giảm sút lòng tin của quốc tế đối với Việt Nam nói chung, mà còn hạ thấp uy tín, vị thế của các cơ quan nhà nước, nhất là của Toà án Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong vấn đề "dây dưa", chậm trễ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án hoặc quyết định của trọng tài các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam. Có thể nói, đây là điều bất lợi lớn nhất đối với Nhà nước trong tình hình chúng ta đang tiến hành sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách các thủ tục hành chính, ban hành các biện pháp và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế phục vụ quá trình đổi mới đất nước.

Trên đây chỉ là một vài nhận xét, đánh giá về tình hình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp trong thời gian qua. Qua đó để thấy rằng việc quốc gia không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, sẽ đem lại những hậu quả bất lợi như thế nào. Do đó, làm thế nào để tăng cường công tác thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, chúng tôi sẽ trở lại ở các phần sau.

II. VỀ PHƯƠNG DIỆN TRONG NƯỚC

1. Tương trợ tư pháp-một đòi hỏi khách quan trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Chúng ta đều biết, trong quá trình thực hiện đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì việc am hiểu "luật chơi" chung của thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập luôn đóng vai trò hết sức quan trọng[54]. Song điều đó chưa đủ, mà còn phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia sao cho phù hợp để có thể hội nhập được với quốc tế trên mọi phương diện, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Do vậy, hệ thống pháp luật của Nhà nước phải đảm bảo đầy đủ, tiến bộ, không bị lạc hậu so với thế giới.

Liên tưởng đến lĩnh vực tương trợ tư pháp cũng có những đòi hỏi tương tự như vậy. Như đã nói ở trên, chúng ta phải đạt được nhận thức chung là tương trợ tư pháp phải được coi như một hiện tượng, một yêu cầu, đòi hỏi hết sức khách quan và là một quy luật tất yếu, không thể thiếu được trong bối cảnh mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế thị trường và hướng tới mục tiêu hoà nhập quốc tế.

Do đó, đã đến lúc các cơ quan nhà nước và nhất là những cán bộ, công chức làm công tác này không thể "làm ngơ" hoặc nhận thức không đúng, không đầy đủ về lĩnh vực công tác hết sức quan trọng và rất nhạy cảm này trong quan hệ quốc tế.

Như đã phân tích ở các phần trên, tương trợ tư pháp đang ngày càng trở thành một hoạt động không thể thiếu được của cơ quan tư pháp bất kỳ quốc gia nào. Trợ giúp về mặt pháp luật và tư pháp trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau không những chỉ là một hoạt động thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các nước cùng phát triển, mà thực sự còn là nhu cầu nội tại của bản thân mỗi nước mà thông qua đó, các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức thực hiện công tác này có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm, mở rộng sự hiểu biết về công tác chuyên môn này trên các lĩnh vực cụ thể. Điều đó là hoàn toàn cần thiết và có lợi cho sự hoà nhập quốc tế, qua đó góp phần củng cố và nâng cao hơn vai trò và vị thế của các cơ quan tư pháp của quốc gia nói riêng trên trường quốc tế. 

2. Tương trợ tư pháp-một hoạt động không thể thiếu của Toà án.

Trong quá trình Toà án thụ lý, xem xét và giải quyết vụ kiện (theo nghĩa rộng, bao gồm cả vụ án về dân sự và hình sự) có yếu tố nước ngoài, để đảm bảo quyền lợi cho các bên cũng như cho quá trình tố tụng diễn ra một cách thuận lợi, công bằng và khách quan, thì tương trợ tư pháp đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thẩm phán thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử không có nghĩa là hoàn toàn thụ động và tự tin trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng chỉ thuần tuý dựa trên các chứng cứ pháp lý và lời khai của đương sự và những người liên quan có mặt trên lãnh thổ nước mình mà bỏ qua nhân chứng, chứng cứ và những chi tiết, sự kiện ở nước ngoài liên quan đến vụ án. Càng khó khăn và phức tạp hơn cho quá trình tố tụng nếu một trong các bên đương sự hoặc bị cáo lại đang cư trú ở nước ngoài. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề quan trọng bổ trợ khác nữa cần thiết cho quá trình tố tụng của Toà án (như trưng cầu giám định) nhưng sẽ không thể đáp ứng được trong trường hợp vụ án liên quan đến nhiều nước mà không có sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau.

Nói tóm lại, tương trợ tư pháp trong các vụ án có yếu tố nước ngoài, là một hoạt động không thể thiếu được của Toà án bất kỳ quốc gia nào. Thực tiễn hoạt động xét xử của các Toà án nước ta, nhất là đối với các Toà án Hà Nội[55], thành phố Hồ Chí Minh và những nơi có số lượng lớn các vụ án có yếu tố nước ngoài cho thấy, tương trợ tư pháp đang ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong hoạt động xét xử. Mặc dù nhận thức được như vậy, nhưng do nhiều nguyên nhân, kể cả chủ quan và khách quan, cho nên trên thực tế trong nhiều trường hợp Toà án vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi tiến hành giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài. Thời gian gửi và nhận hồ sơ uỷ thác ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam thường là khá lâu. Mặc dù đã có hướng dẫn của Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng, nhưng sự phối hợp giữa các ngành (Toà án, Ngoại giao-Lãnh sự, Tư pháp...) trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp vẫn còn khá chệch choạc. Tất cả những điều đó làm cho công tác xét xử của Toà án thường gặp nhiều khó khăn.

3. Pháp luật quốc gia-cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện tương trợ tư pháp quốc tế.

Ký kết và tham gia điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp là nhằm tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế cho việc thực hiện tương trợ tư pháp giữa các quốc gia. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nếu quốc gia không tạo ra được một thiết chế phù hợp và đủ mạnh để đảm bảo cho việc thực thi các điều ước đó. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước với đội ngũ cán bộ công chức có đủ năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thi hành nhiệm vụ, là yêu cầu thiết thực và có tầm rất quan trọng.

Đối với Nhà nước ta, như đã nói ở phần trên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định một cách tổng thể các vấn đề về tương trợ tư pháp. Do đó, trên thực tế chưa có một cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết. Việc thực hiện tương trợ tư pháp trong thời gian qua chủ yếu dưới hình thức uỷ thác tư pháp (như tống đạt giấy tờ, lấy lời khai, cung cấp thông tin pháp luật, thông báo bản án v.v...) do Toà án đảm nhiệm là chính. Cơ quan trung ương thi hành Hiệp định, đầu mối về các vấn đề dân sự là Bộ Tư pháp và về hình sự là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Nhưng các hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan chức năng trong các vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự thì hầu như không thực hiện được. Hoạt động dẫn độ tội phạm, uỷ thác truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển giao người bị kết án để thi hành án phạt tù... nhìn chung rất ít được thực hiện, hầu như "im lặng", mặc dù thực tế phát sinh không phải là ít.

Nguyên nhân của tình trạng trên đây thì có nhiều, song đáng nói hơn cả là chúng ta chưa có văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao (ở tầm luật hay pháp lệnh) quy định về vấn đề này.

Vì vậy, việc sớm ban hành Pháp lệnh về tương trợ tư pháp quốc tế là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay./.     

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HỘI NHẬP QUỐC TẾ *

 

Với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương đa dạng hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam đang thực sự hoà nhập vào cộng đồng quốc tế bằng cách tham gia tích cực vào quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế, xã hội. Sự kết hợp hài hoà giữa hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc dân tộc đã mang lại cho chúng ta nhiều thành công trong các mặt xây dựng kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và tăng cường đối ngoại..., từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội VI. Quá trình hội nhập quốc tế cũng đã làm nảy sinh ngày càng nhiều các mối quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động và hình sự mà những mối quan hệ này không thể được giải quyết một cách đầy đủ và thống nhất trong khuôn khổ pháp luật trong  nước. Hơn lúc nào hết, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cần đến một hệ thống pháp luật hoàn thiện và sự tương trợ tư pháp giữa nước ta và các nước có liên quan. Bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu về sự cần thiết của tương trợ tư pháp và pháp lý trong tình hình Việt Nam hội nhập quốc tế. Với nội dung như vậy, bài viết được chia làm ba phần: vấn đề tương trợ tư pháp trong quan hệ quốc tế, một số hoạt động tương trợ tư pháp của Việt Nam trong thời gian qua và sự cần thiết của tương trợ tư pháp trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế. Để tránh sự trùng lặp không cần thiết, chúng tôi không đi sâu giới thiệu về các khái niệm hoặc những vấn đề liên quan đến tương trợ tư pháp đã được nêu trong các đề tài nghiên cứu mà Cục Lãnh sự đã thực hiện trước đó. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí ở Bộ Tư pháp đã tạo điều kiện để chúng tôi có dịp nghiên cứu, trình bày về một vấn đề có liên quan mật thiết tới việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao đối với công dân ta ở nước ngoài.

I. TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ

1. Quyền tài phán quốc gia

Để điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân, pháp nhân và Nhà nước, mỗi quốc gia đều sử dụng những thẩm quyền phụ trợ khác nhau như thẩm quyền xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, sử dụng toà án xét xử và đưa ra các phán quyết .... Những thẩm quyền này được gọi chung là Quyền tài phán (Jurisdiction) - một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong luật pháp quốc tế. Theo một số học giả, quyền tài phán có liên quan tới cả luật quốc tế và luật quốc gia: Luật quốc tế xác định giới hạn của quyền tài phán quốc gia còn Luật quốc gia chỉ ra mức độ và biện pháp mà quốc gia có thể sử dụng để thực hiện quyền tài phán của mình [56].

Có nhiều nguyên tắc để xác định quyền tài phán quốc gia trong luật quốc tế nhưng quan trọng nhất là nguyên tắc tài phán lãnh thổ (territorial jurisdiction). Theo nguyên tắc này quốc gia có quyền tài phán đối với mọi mối quan hệ xảy ra trong lãnh thổ của nước mình. Trong vụ Lotus năm 1927,  Toà thường trực Toà án quốc tế  cho rằng: "một quốc gia... không thể thực  hiện quyền tài phán của mình trên lãnh thổ của một quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào, trừ phi điều này được quy định trong điều ước quốc tế..."[57]. Như vậy, theo  nguyên tắc này, không quốc gia nào lại có thể có thẩm quyền hợp pháp để đòi hỏi quyền tài phán ở bên ngoài lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, có một thẩm quyền tài phán khác cũng được thừa nhận trong luật pháp quốc tế, đó là quyền tài phán ngoài lãnh thổ hay còn gọi là trị ngoại pháp quyền (extra-territorial jurisdiction)[58]. Cơ sở của quyền tài phán ngoài lãnh thổ này là nguyên tắc quốc tịch theo đó, quyền và nghĩa vụ lẫn nhau giữa Nhà nước và công dân không bị hạn chế bởi không gian mà dựa trên cơ sở quyền tài phán về nhân thân (personal jurisdiction). Điều đó có nghĩa là quốc gia có quyền tài phán đối với công dân mình, không phụ thuộc vào việc họ ở đâu, hay nói khác đi là luật của một quốc gia có thể áp dụng bên ngoài lãnh thổ quốc gia đó đối với công dân và pháp nhân của mình. Trong vụ tranh chấp giữa Chính phủ Hoa kỳ và Blackmer, một công dân Hoa kỳ có dính líu vào vụ xì-căng-đan Teapot Dome, Toà án tối cao Hoa kỳ cho rằng, cho dù đã chạy sang Pháp sống nhưng Blackmer vẫn mang quốc tịch Hoa kỳ và theo đó, ông ta vẫn nằm dưới quyền tài phán của Nhà nước Hoa Kỳ và phải bị xét xử theo Luật pháp Hoa kỳ [59]. Như vậy, một cá nhân hay một pháp nhân có trụ sở hay hoạt động ở nước ngoài không những nằm dưới quyền tài phán của quốc gia nước ngoài đó mà còn nằm dưới quyền tài phán của Nhà nước mình.

Một nguyên tắc quan trọng được áp dụng để xác định quyền tài phán quốc gia ngoài lãnh thổ là nguyên tắc ảnh hưởng (the effects principle). Nguyên tắc này được biết đến một cách rộng rãi trong luật pháp quốc tế thông qua vụ Lotus năm 1927. Về vụ này, tiếp theo nguyên tắc tài phán lãnh thổ, toà thường trực Toà án quốc tế cho rằng một quốc gia có thể có quyền tài phán đối với hành vi xảy ra bên ngoài lãnh thổ của mình, khi hành động đó gây ảnh hưởng ở bên trong lãnh thổ. Thổ Nhĩ kỳ đã không hành động sai khi bắt giữ hay xét xử viên sỹ quan Pháp về tội vi phạm pháp luật của Thổ Nhĩ kỳ ở ngoài lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ [60]có quyền được áp dụng luật của mình thậm chí đối với cá nhân và pháp nhân không có quốc tịch của mình khi cá nhân hay pháp nhân này thực hiện hành vi ở ngoài biên giới quốc gia nhưng lại kéo theo hậu quả cho bên trong biên giới quốc gia và gây tổn thất cho quốc gia đó (hay cho cá nhân, pháp nhân có quốc tịch của quốc gia đó).

 

2. Xung đột về quyền tài phán quốc gia và sự cần thiết của tương trợ tư pháp trong quan hệ quốc tế

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu một vài nét về quyền tài phán quốc gia và một số nguyên tắc xác định quyền tài phán quốc gia trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế, việc thực hiện quyền tài phán quốc gia để giải quyết các vấn đề có yếu tố nước ngoài không đơn giản và những nguyên tắc để xác định quyền tài phán trong luật quốc tế đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Khi giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, liệu có thể chỉ áp dụng luật của một quốc gia này mà không tính đến luật  của các quốc gia liên quan khác hoặc liệu rằng luật pháp quốc tế có thể  luôn được áp dụng một cách công bằng để xác định rõ ràng mức độ và biện pháp mà một quốc gia có thể sử dụng để thực hiện quyền tài phán của mình. Các ví dụ sau sẽ thể hiện rõ sự phức tạp của các vụ việc có yếu tố nước ngoài cũng như các hạn chế của việc thực hiện quyền tài phán quốc gia theo luật quốc tế.

Ví dụ thứ nhất:

Một công dân nước A đứng trên biên giới lãnh thổ của nước mình bắn chết một công dân nước B đang đứng trên lãnh thổ của một quốc gia B. Trong trường hợp này, xét về việc áp dụng luật thì luật của quốc gia A hay luật của quốc gia B sẽ được lựa chọn áp dụng để giải quyết vụ án.

Theo một số học giả, để giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, khi xem xét một hành vi là bất hợp pháp hay hợp pháp, "cần phải xem xét một cách toàn diện bằng luật của quốc gia nơi hành vi đó bắt đầu xẩy ra, chứ không phải là nơi kết thúc sự việc... Nếu áp dụng luật của quốc gia mà tác nhân gây ra hành vi đó mang quốc tịch chứ không phải luật của quốc gia nơi hành vi xảy ra thì điều đó không chỉ là bất công mà còn đồng nghĩa với sự can thiệp vào thẩm quyền của một chủ thể khác, trái với quy tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia" [61].

Như vậy, theo lập luận này, luật pháp quốc gia A sẽ được áp dụng vì hành vi giết người được bắt đầu từ lãnh thổ của quốc gia A và kết thúc ở lãnh thổ quốc gia B. Nhưng nếu không có sự đồng ý của Quốc gia A thì liệu Quốc gia B có thể truy nã và bắt một công dân của quốc gia A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của anh ta dựa trên luật pháp của chính quốc gia A hay không,  bởi vì việc thực hiện quyền tài phán của quốc gia B rất có thể bị coi là vi phạm luật quốc tế vì nó liên quan tới một nguyên tắc khác được biết đến trong luật pháp quốc tế: nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đấy là chưa kể đến tình huống phức tạp hơn là theo luật pháp của quốc gia A, tội bắn chết người không phải chịu khung hình phạt nặng nhất (tử hình)  như luật pháp của quốc gia B. Để được áp dụng luật của mình, quốc gia B hoàn toàn có thể  viện dẫn đến nguyên tắc ảnh hưởng (the effects principle) như đã giới thiệu ở trên để giải quyết vụ việc. Đấy là còn chưa kể đến những phức tạp khi phải xác định về thẩm quyền xét xử vụ án.

Ví dụ thứ hai:

Một công dân nước A kết hôn với một công dân nước B và xin cư trú ở nước A. Theo pháp luật nước A, toà án chỉ giải quyết cho ly hôn khi hai vợ chồng thụân tình ly hôn và không cho phép người chồng xin ly hôn trong thời gian người vợ mang thai và trong vòng một năm sau khi người vợ sinh con. Để dễ dàng giải quyết ly hôn ngay trong thời gian người vợ mang thai hoặc trong thời gian nuôi con dưới một tuổi, người chồng đã tìm cách chuyển nơi chung sống của hai vợ chồng sang nước B.

Hành vi của người chồng trong trường hợp này rõ ràng là có ý định lẩn tránh pháp luật của nước A nhưng vấn đề đặt ra là liệu rằng hành vi này có bị phát giác ở nước B không. Một vấn đề nữa đã được nêu ở trên là cho dù  luật pháp quốc tế đã thừa nhận quốc gia có quyền tài phán đối với công dân  mình đang ở nước ngoài nhưng trên thực tế, khả năng để thực hiện quyền đó lại rất hạn chế. Và để nâng cao thẩm quyền của nước mình và để bảo hộ công dân của mình, chắc rằng cả hai nước A và B đều muốn giành quyền xét xử vụ án và áp dụng luật của nước mình. Hơn nữa, cũng như trong ví dụ thứ nhất, liệu quốc gia A có thể bắt một công dân  vi phạm pháp luật nước mình đang ở trên lãnh thổ quốc gia B khi không có sự đồng ý hoặc thoả thuận riêng của quốc gia B.

Vấn đề còn phức tạp hơn nếu đương sự của các vụ việc này là một cá nhân (hay một pháp nhân) mang hai hay nhiều quốc tịch - một tình trạng khá phổ biến trong quan hệ quốc tế ngày nay. Trong trường hợp này, mỗi nước mà người đó có quốc tịch đều có thể coi người này là công dân của mình và về nguyên tắc họ đều có thể thực hiện quyền tài phán đối với người đó phù hợp với pháp luật của nước mình [62]. Khi hai hay nhiều quốc gia đều bảo hộ một người chống lại một quốc gia khác mà người này là công dân thì vấn đề tranh chấp về quyền tài phán lại nảy sinh.

Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc có đi có lại được các quốc gia coi là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo công bằng. Theo nguyên tắc này, quốc gia B sẽ dành cho công dân quốc gia A đang sống ở quốc gia B một chế độ pháp lý và đáp lại, quốc gia A cũng dành cho công dân quốc gia B đang sống trên lãnh thổ của quốc gia A một chế độ pháp lý tương tự mà không cần có một cam kết bằng văn bản nào. Tuy nhiên không phải bao giờ và lúc nào nguyên tắc này  cũng được áp dụng một cách triệt để ví dụ như trong việc áp dụng luật nước ngoài. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, không có một quyền lực nào lại buộc quốc gia A  phải áp dụng luật của quốc gia B khi quốc gia B áp dụng luật của quốc gia A vì việc áp dụng luật này là yêu cầu của chính quốc gia B. Vì thế, trong cả hai ví dụ trên, nguyên tắc có đi có lại cũng chỉ là tương đối và không thể  được áp dụng một cách có hiệu quả ở bất cứ trường hợp nào.

Qua hai ví dụ trên có thể rút ra một số kết luận sau:

- Những vụ việc có yếu tố nước ngoài không thể được giải quyết một cách thống nhất và đầy đủ nếu chỉ dựa vào hệ thống pháp luật của một quốc gia;

- Luật pháp quốc tế luôn được các quốc gia vận dụng một cách linh hoạt để phục vụ cho lợi ích của mình vì thế không phải lúc nào Luật quốc tế cũng được áp dụng một cách công bằng. Do được xây dựng trên cơ sở tương quan lực lượng giữa các quốc gia, luật pháp quốc tế luôn luôn thay đổi để phù hợp với sự phát triển của các mối quan hệ tổng thể trong quan hệ quốc tế. Có khi trong những vụ việc có bản chất giống nhau, nhưng ở vào những thời điểm khác nhau cùng một quốc gia lại vận dụng những nguyên tắc khác nhau của Luật quốc tế để đạt được mục đích của mình.

- Sự vận dụng luật pháp quốc tế một cách linh hoạt vì lợi ích quốc gia đã làm cho việc thực hiện quyền tài phán quốc gia để giải quyết những vụ việc có yếu tố nước ngoài có những hạn chế nhất định. Không thể chỉ dựa vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế  để xác định một cách rõ ràng việc áp dụng luật của quốc gia nào hoặc quốc gia nào có thẩm quyền giải quyết trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

- Khi không có một quy phạm thực chất thống nhất để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào mối quan hệ xã hội quốc tế  thì có thể nói là quốc gia nào cũng muốn lựa chọn một hệ thống pháp luật nào đó có lợi cho mình (cho công dân mình) để áp dụng.

- Sự tranh chấp về quyền tài phán giữa các quốc gia ngày càng trở nên phổ biến trong quan hệ quốc tế và trong một thế giới phát triển nhanh chóng và phụ thuộc lẫn nhau thì vấn đề  này không những nhiều về số lượng, đa dạng về hình thức mà còn phức tạp về tính chất. Trước tình hình đó, sự hợp tác và giúp đỡ về pháp lý giữa các quốc gia để giải quyết các vấn đề có yếu tố nước ngoài là cần thiết và là sự phát triển tất yếu của quá trình dung hoà những tranh chấp về quyền tài phán giữa các quốc gia tham gia vào quan hệ quốc tế.

Trên thực tế, để giải quyết một cách có hiệu quả các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài, các quốc gia đã đi đến ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế đa phương về nhiều lĩnh vực thuộc dân sự và hình sự như Công ước La Haye ngày 5/10/1961 về việc miễn hợp pháp hoá giấy tờ của nước ngoài, Công ước La Haye ngày 15/11/1965 về Quyền tài phán, Luật áp dụng và Công nhận nuôi con nuôi, Công ước La Haye  ngày 1/2/1971 về Công nhận và Thi hành các bản án của nước ngoài về Dân sự và Thương mại, Công ước Lahaye về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Công ước Mu-ních năm 1984 về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn.... Bên cạnh đó, các quốc gia cũng ký kết các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp và pháp lý để giải quyết các vấn đề dân sự (theo nghĩa rộng) và hình sự. Việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp giữa các quốc gia đã giúp giải quyết một cách có hiệu quả các vụ việc có yếu tố nước ngoài, và chính nó là chìa khoá để giải quyết những hạn chế nhất định trong việc thực hiện quyền tài phán quốc gia.

II. VÀI NÉT VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ CỦA VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp lý các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản pháp quy trong nước, Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về tương trợ tư pháp và pháp lý. Xét về điều ước song phương, tính đến nay, Việt nam đã ký kết 8 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý, nhưng hiện chỉ có 6 hiệp định còn hiệu lực [63]. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ sơ qua vài nét về  việc ký kết và thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp song phương mà Việt nam đã ký kết trong thời gian qua.

1. Ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp

Trong số 8 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Việt Nam ký với nước ngoài thì có đến 6 hiệp định được ký kết vào cuối những năm 70 đầu những năm 80. Như chúng ta đã biết, vào những năm này, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới lại ở vào thời kỳ quyết liệt. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam chưa được mở rộng do phải chịu ảnh hưởng của chính sách bao vây, cấm vận của một số nước thù địch. Nền tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc bấy giờ chủ yếu là phát triển quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa anh em. Việc ký kết hiệp định hợp tác toàn diện nói chung và hiệp định tương trợ tư pháp nói riêng trước hết được xuất phát từ yêu cầu chính trị nhằm  tăng cường, củng cố tình đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa anh em và từ yêu cầu của tình hình thực tế là số lượng công dân Việt Nam sang các nước này để học tập, lao động, công tác ngày một đông. Vào thời điểm này, để thực hiện các hiệp định chính phủ trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế - SEV, Việt Nam đã đưa hàng nghìn lao động[64] và lưu học sinh đi nước ngoài để giải quyết vấn đề lao động, tri thức và việc làm sau khi chiến tranh chấm dứt. Số lượng người nước ngoài từ các nước anh em vào Việt nam để thực hiện hợp tác mọi mặt giữa nước ta và các nước này cũng ngày một tăng. Tình hình đó làm cho các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài nảy sinh ngày càng nhiều và để giải quyết có hiệu quả các mối quan hệ này, tất yếu phải có sự hợp tác giữa các nước liên quan. Có lẽ vì đặc điểm của quan hệ đối ngoại của Việt Nam vào thời điểm đó mà đối tượng của không chỉ các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà ngay cả các hiệp định lãnh sự[65] được ký kết vào thời điểm này chủ yếu là  với các nước Đông Âu.

 

Mặt khác, có lẽ cũng xuất phát từ tình hình hợp tác  trong khối xã hội chủ nghĩa lúc đó mà các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Việt Nam ký với các nước Đông Âu còn có nội dung giống nhau. Các hiệp định đã  tập trung vào điều chỉnh một số vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự, gia đình và hình sự (dẫn độ)[66]. Phạm vi tương trợ tư pháp chủ yếu được tiến hành thông qua việc thực hiện uỷ thác tư pháp như tống đạt giấy tờ, khám xét, thu giữ, chuyển giao vật chứng, tiến hành giám định, lấy lời khai của bị cáo, người làm chứng, người giám định, thi hành các quyết định, dẫn độ người phạm tội, điều tra hình sự hoặc chuyển giao tài liệu và cung cấp thông tin... 

 

Tuy nhiên, vì một số lý do chủ quan và khách quan (chưa có một nghiên cứu tổng hợp  hay một hiệp định khung về tương trợ tư pháp khi đàm phán và ký kết; các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài chưa phức tạp và đa dạng như hiện nay; chịu ảnh hưởng  của luật pháp Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa... ) nên các hiệp định đã ký kết cũng có một số hạn chế nhất định. Văn phong của các hiệp định này vẫn còn mang phong cách văn dịch từ tiếng nước ngoài (chưa được Việt hoá),  nhiều chỗ còn chưa rõ nghĩa hoặc chưa trong sáng. Ngoài ra,  trong 6 hiệp định đang có hiệu lực còn có những quy định hạn chế, quá dễ dãi hoặc nhầm lẫn, ví dụ như sự nhầm lẫn giữa việc công nhận và thi hành các bản án, quyết định của các toà án nước ngoài trong các hiệp định ký với Liên xô, Hungari, Bungari và Cuba. Cả bốn hiệp định này đều cho rằng chỉ có các quyết định về các vụ kiện mang tính chất tài sản mới cần phải làm các thủ tục để công nhận và thi hành tại nước ký kết kia còn các quyết định có hiệu lực pháp luật về các vụ kiện dân sự (cả lao động) và gia đình không mang tính tài sản do các cơ quan tư pháp, hộ tịch cũng như các cơ quan giám hộ và trợ tá của một nước ký kết đã ra sẽ được công nhận (mà không đề cập đến việc thi hành) trên lãnh thổ của bên ký kết kia mà không cần phải thông qua một thủ tục nào[67]. Một vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện uỷ thác tư pháp  là mặc dù các hiệp định đã quy định về  hình thức và nội dung của giấy yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp nhưng hầu như không có một hiệp định nào quy định tại giấy yêu cầu này thời hạn phải trả lời kết quả. Chính vì thế  mà việc thực hiện các uỷ thác tư pháp thường chậm có kết quả và nhiều khi Bên yêu cầu thực hiện uỷ thác tư pháp không thể biết được tiến độ của quá trình thực hiện.

2. Việc thực hiện các hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý của Việt Nam

Do đặc thù của mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Đông Âu cũng như đặc thù của cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại các nước này, việc thực hiện tương trợ tư pháp của các bên ký kết tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình - một trong những vấn đề được coi là sôi động nhất và cũng rất phức tạp. Hầu hết các hiệp định đều quy định cụ thể về thẩm quyền của các toà án và luật áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ liên quan đến kết hôn, ly hôn, quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng, hôn nhân vô hiệu, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nuôi con nuôi, giám hộ, đỡ đầu... Tuy vậy, qua theo dõi trên thực tế và các số liệu mà chúng tôi có được thì việc thực hiện các uỷ thác tư pháp này cũng chỉ tập trung chủ yếu vào việc tống đạt giấy tờ, uỷ thác điều tra, lấy lời khai, tống đạt bản án thuộc hai lĩnh vực kết hôn và ly hôn, và phần lớn là theo yêu cầu của  toà án của Việt Nam.  Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hàng năm ta đã yêu cầu mỗi bên ký kết thực hiện khoảng 20 uỷ thác tư pháp và nhận khoảng hơn 10 yêu cầu uỷ thác tư pháp từ tất cả các nước ký kết. Theo số liệu của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thì trong năm 1997 ta đã yêu cầu các nước ký kết thực hiện uỷ thác tư pháp của các toà án trong nước với số liệu điển hình là: Nga - 24,  Séc - 24, Balan - 16. Hầu hết các uỷ thác này đều chậm có được kết quả một phần do sự hạn chế của các hiệp định như đã nói ở trên. Thêm vào đó còn có các nguyên nhân khác như do đặc điểm của cộng đồng ta ở các nước này rất phức tạp (không có nơi ở ổn định, cư trú bất hợp pháp...); các cơ quan chức năng của ta còn chưa coi trọng công tác này; các thủ tục về uỷ thác tư pháp cũng còn lòng vòng, mất nhiều thời gian... [68] và một lý do khác rất quan trọng là chính quyền ở các nước này luôn thay đổi.

Một vấn đề rất quan trọng được tất cả các hiệp định đề cập đến là quy định về miễn hợp pháp hoá các loại giấy tờ và tài liệu do các cơ quan chức năng của nước ký kết cấp hoặc chứng nhận. Theo các hiệp định này, những giấy tờ do các cơ quan chức năng của ta cấp hoặc chứng nhận sẽ được miễn hợp pháp hoá khi đem sử dụng ở các nước ký kết. Việc miễn hợp pháp hoá các giấy tờ tài liệu này nhằm  tạo thuận lợi cho công dân của cả hai Bên ký kết trong khi có nhu cầu sử dụng các giấy tờ do nước mình cấp ở nước ký kết kia. Tuy nhiên, trên thực tế, việc miễn hợp pháp hoá theo các hiệp định này chủ yếu là tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam vì số lượng công dân Việt Nam sinh sống ở những nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với số lượng công dân các nước này sinh sống tại Việt Nam.  Thật khó có thể thống kê được chính xác có bao nhiêu giấy tờ mà công dân ta đã  sử dụng tại nước ngoài, nộp cho các cơ quan chức năng của nước ngoài mà không cần phải qua thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự. Tuy thế, cũng phải thừa nhận rằng quy định này đã gây bất lợi cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, nhất là trong công tác hộ tịch. Lợi dụng việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự mà không phải thông qua một thủ tục nào [69], trong thời gian qua, công dân ta ở nước ngoài đã sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc không hợp lệ để kết hôn với công dân nước sở tại. Tình trạng sử dụng giấy giả mạo hoặc không hợp lệ đã lên tới mức đáng lo ngại và cơ quan chức năng của một số nước không còn tin vào tính xác thực của các giấy tờ do công dân ta nộp nên thường xuyên yêu cầu các cơ quan đại diện ta và Bộ Ngoại giao  xác minh. Để  ngăn chặn tình trạng này, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đã đưa ra giải pháp chứng nhận kép, tức là đối với các giấy tờ  hộ tịch do Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn cấp cho đương sự khi sử dụng ở nước ngoài (trước khi hợp pháp hoá) phải qua kiểm tra và đóng dấu của Sở Tư pháp vào góc trái, mặt sau của giấy tờ mới có giá trị sử dụng[70]. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa được áp dụng thống nhất đối với các loại giấy tờ tài liệu sử dụng ở tất cả các nước mà chỉ  áp dụng ở những nước chưa  có thoả thuận về miễn hợp pháp hoá lãnh sự với ta. Thời gian qua, khi đàm phán để ký hiệp định tương trợ tư pháp mới với một số nước thuộc Liên xô cũ, Bộ Ngoại giao cũng đã nêu vấn đề này với Bộ Tư pháp để cân nhắc lựa chọn những hình thức thích hợp cho việc miễn hợp pháp hoá.

Mặc dù  việc ký kết các hiệp định nói trên còn hạn chế về số lượng, phạm vi cũng chỉ bó hẹp với Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu có đông số lao động, lưu học sinh của Việt nam sinh sống, học tập và làm việc, việc thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam có được trong thời gian qua đã giải quyết một cách tương đối có hiệu quả các mối quan hệ , đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân và pháp nhân, Nhà nước ta trong quan hệ với công dân, pháp nhân và Nhà nước các nước ký kết.

III. SỰ CẦN THIẾT CỦA TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM HỘI NHẬP QUỐC TẾ

1. Tình hình thế giới và chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam

Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, quan hệ quốc tế  có những biến đổi to lớn. Với việc kết thúc chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây kéo dài hơn 40 năm và sự "ra đi" của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trật tự thế giới đã thay đổi. Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với sức lớn mạnh vượt bậc của lực lượng sản xuất đã đẩy toàn thế giới vào một giai đoạn phát triển mới về chất. Cùng với sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật và kinh tế, quan hệ giữa dân tộc với dân tộc, quốc gia với quốc gia cũng thay đổi theo. Các quốc gia, dù mạnh hay yếu, đều đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới. Thực tế đã cho thấy rằng với sự phân công lao động mới, cuộc cách mạng to lớn về thông tin, nền sản xuất và đời sống của nhân loại đã mang tính quốc tế rất cao; các quốc gia không có một con đường nào khác là phải nhanh chóng hoà nhập vào tiến trình vừa hợp tác vừa đấu tranh diễn ra trên toàn cầu, tận dụng triệt để mọi thời cơ và vượt qua những thách thức mà  xu thế lịch sử mang lại để phát triển kinh tế và xã hội trong nước.

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải lao vào cuộc chạy đua quyết liệt để tìm ra lợi thế so sánh tối ưu của mình. Nhận thức rõ những cơ hội mới và những thách thức mới mà lịch sử mang lại, Việt Nam đã “điều chỉnh chiến lược quốc gia, chuyển hướng chính sách đối ngoại để thích nghi và giành chủ động ở mức độ nhất định trong môi trường quốc tế mới” [71]. Đánh dấu sự chuyển hướng này là  chính sách đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986. Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã áp dụng chiến lược vươn lên để “phá thế bị bao vây cấm vận, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước” [72]. Việc triển khai tích cực và năng động đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ của Việt Nam  được biết đến qua khái niệm về hội nhập quốc tế - một thuật ngữ luôn  được các chính trị gia và các nhà nghiên cứu sử dụng trong các tác phẩm, nghiên cứu  của mình trong vòng một vài năm nay. Một điều hiển nhiên là Việt Nam là một bộ phận của thế giới, vì thế dù muốn hay không Việt Nam cũng không thể tách riêng cuộc sống của đất nước mình ra khỏi xu thế phát triển chung của lịch sử nhân loại. Do đó, xét về nhiều khía cạnh thì bản thân hội nhập không phải là một vấn đề mới mà có thể coi "Hội nhập là việc trở lại với chính mình”. Chỉ có khác là trong giai đoạn phát triển mới này, phạm vi của hội nhập rất rộng lớn, cường độ hội nhập cao và hình thức của hội nhập rất đa dạng và chính những đặc tính này của hội nhập đã làm cho Việt Nam dường như đang đứng ở một vị thế khác với trước đây.

Để thích ứng với  những thay đổi của thời cuộc và yêu cầu của hội nhập, Việt Nam đã chuyển hướng chính trị đối ngoại. Trước đây Việt Nam cũng đã hội nhập quốc tế, nhưng cái “quốc tế” mà chúng ta có được chỉ bó hẹp trong hệ thống xã hội chủ nghĩa anh em và một số nước đang phát triển. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước trên thế giới. Đó chính là kết quả của chính sách đối ngoại mở với phương châm Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trên thế giới để cùng hợp tác và phát triển trong hoà bình. Cũng chính với chính sách này, Việt nam đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ, khép lại quá khứ thù địch, hướng tới tương lai. Năm 1995, cùng với sự kiện bình thường hoá quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 7 của Tổ chức các nước Đông Nam Á - ASEAN. Lần đầu tiên, Việt Nam tham gia một tổ chức chính trị khu vực,  phá thế bao vây cấm vận của một số nước thù địch và điều này đã mở ra cho chính sách đối ngoại của Việt Nam một hướng đi mới.

Về kinh tế, hội nhập quốc tế được đánh dấu bằng nhiều sự kiện. Trước đây ta cũng đã từng có các hiệp định hợp tác về nhiều mặt với các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước bè bạn, nhưng kinh tế Việt Nam chưa thực sự hoà nhập vào cuộc sống kinh tế thế giới vì chưa phải chịu áp lực của quá trình cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và do đó,  chưa phải chịu những quy luật rất khắt khe của cuộc chơi. Khi đó, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu dựa vào viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa phát triển hơn. Xuất khẩu lao động lúc đó được tiến hành nhưng chủ yếu nằm trong khuôn khổ hợp tác, giúp đỡ của các nước anh em nên chưa cần đến lao động lành nghề. Ngày nay,  khi Việt Nam bước vào quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã và đang được chuyển hướng phát triển theo hướng thị trường để sẵn sàng cùng chịu những quy luật khắt khe của cuộc cạnh tranh.

Theo số liệu của Bộ Thương mại, cho tới nay, ta đã có quan hệ buôn bán với trên 100 nước, trong đó đã ký được 60 hiệp định về thương mại cấp chính phủ [73]. Chỉ trong vòng hai năm (từ 1992-1994) Việt Nam đã ký với 6 nước ASEAN gần 40 hiệp định hợp tác cấp chính phủ trong nhiều lĩnh vực [74]. Với việc trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995, thành viên của APEC vào tháng 11/1998 này và đang nghiên cứu, đáp ứng các điều kiện để gia nhập WTO, Việt nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế vốn bị bao vây cấm vận của mình, phát triển những ưu thế sẵn có của mình. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít nguy cơ trước những biến đổi  do hội nhập đem lại như khi đã là thành viên của APEC và WTO, hàng hoá Việt Nam sẽ không nhận được sự bảo vệ của hàng rào thuế quan nữa và khi ấy, nếu không khẳng định được mình, thì một thách thức mới là hàng hoá của Việt Nam phải có chỗ đứng vững vàng để có thể cạnh tranh được với hàng hoá của nước ngoài ngay trong chính thị trường của nước mình.

Để thu hút đầu tư và phát triển du lịch, Việt Nam đã thực hiện những quy định nới lỏng hơn trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Cũng chính vì vậy mà số lượng công dân ta đi nước ngoài và số lượng người nước ngoài vào nước ta ngày càng nhiều. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động thương binh và xã hội, hiện nay có đến hàng trăm nghìn công dân đang sinh sống và làm việc tại Đông Âu, 260.000 lao động Việt nam tại Hàn quốc, Nhật bản, Cô-oét, Libăng..., hơn 2 triệu người Việt Nam định cư ở nhiều nước khác nhau trên thế giới; hàng năm, có đến hàng trăm ngàn người Việt Nam đi ra nước ngoài và hàng trăm ngàn lượt người nước ngoài vào Việt Nam. Giao lưu giữa các cá nhân, pháp nhân và Nhà nước ta với các cá nhân, pháp nhân và Nhà nước ngoài tăng làm cho các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng phát triển đa dạng và  phức tạp hơn. Trước tình hình đó, con số 8 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà ta có được đã trở nên quá ít ỏi và không đáp ứng được với yêu cầu của tình hình.

2. Sự cần thiết của tương trợ tư pháp trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế

Trong phần đầu của bài viết này, chúng ta đã biết được những phức tạp khi giải quyết  các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài và những hạn chế nhất định của quyền tài phán quốc gia.  Vì thế, chúng ta  dễ dàng  hình dung ra những khó khăn mà ta sẽ gặp khi đất nước bước vào quá trình hội nhập mới mà kết quả tất yếu của quá trình đó là các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài xẩy ra ngày càng nhiều. Dưới đây, xin đề cập đến một vài lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp mà chúng ta thường gặp khó khăn khi phải giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Trong những năm qua, số lượng công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết tháng 3/1998, số chị em phụ nữ Việt Nam lấy chồng là  công dân Đài loan đã lên tới 15.000 người. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, năm 1997, Sở Tư pháp đã nhận trên 5.000 đơn xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài, 6 tháng đầu năm 1998 số đơn đã là 3.500. Con số chị em phụ nữ bị lừa bán sang Trung quốc và kết hôn trái pháp luật ở Trung quốc cũng là một con số khổng lồ (hơn 10.000 người) [75].

Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng của những người này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi ra nước ngoài sinh sống, rất nhiều chị em đã đến cơ quan đại diện ta yêu cầu giúp đỡ do gặp khó khăn trong cuộc sống (mà những khó khăn này chủ yếu là do không biết tiếng, không hiểu về phong tục tập quán dẫn đến việc đánh lộn, cãi nhau, đòi phân chia tài sản, ly dị). Khi giải quyết các vụ việc này (nhất là đối với các vụ án ly hôn, tranh chấp về tài sản), cần phải có một cơ sở pháp lý vững chắc để đảm bảo quyền lợi cho chị em. Việc thiếu sự cam kết và thực hiện hợp tác và trợ giúp về pháp lý với các nước liên quan trong các lĩnh vực này đã làm cho công tác bảo hộ công dân gặp rất nhiều khó khăn vì, chúng ta đều biết rằng, việc thực hiện công tác bảo hộ công dân không thể chỉ dựa vào luật pháp của Việt Nam hay những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Cũng trong lĩnh vực về hôn nhân và gia đình, công dân ta ở những nước chưa ký với ta hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý đã gặp  khó khăn không nhỏ  khi thực hiện quyền ly hôn. Hiện nay, chưa có một cơ chế để giải quyết việc ly hôn giữa các công dân Việt Nam mà cả hai Bên đang ở nước ngoài. Tại công văn số 30/KHXX ngày 22/5/1996 gửi Bộ Ngoại giao,  Toà án Nhân dân tối cao cho rằng  về nguyên tắc, toà án Việt Nam không giải quyết các vụ án xin ly hôn giữa hai công dân Việt Nam mà cả hai Bên đều đang ở nước ngoài. Nếu muốn ly hôn tại toà án của Việt Nam, ít nhất là một Bên phải trở về Việt Nam để tham dự vào quá trình tố tụng.  Họ không được phép vắng mặt tại phiên toà cho dù họ đã uỷ quyền cho những thân nhân trong nước hoặc cả hai Bên đều thuận tình ly hôn và không hề có một tranh chấp nào về tài sản cũng như con cái. Tuy nhiên việc trở về Việt Nam của một số công dân ta trong thời điểm quy chế cư trú của họ tại nước sở tại chưa rõ ràng là một điều không tưởng. Toà án Nhân dân tối cao, cũng trong công văn số 30/KHXX nói trên, còn dẫn lời kết luận của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác xét xử của ngành Toà án năm 1995 rằng các toà án địa phương không thụ lý những vụ án ly hôn của những cặp vợ chồng hiện đang ở nước ngoài mà hướng dẫn cho những người này  nộp đơn xin ly hôn tại các Toà án nơi họ đang cư trú (toà án của nước ngoài). Và cũng đã có rất nhiều vụ án ly hôn của công dân Việt Nam đã được toà án của nước ngoài giải quyết. Nhưng sau đó các bản án, quyết định này lại rất khó có thể thi hành tại Việt Nam. Theo Pháp lệnh về Công nhận và thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài ngày 17/4/1993 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 của Bộ Tư pháp - Toà án Nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thì hiện nay, tòa án Việt Nam chỉ xem xét công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án những nước đã ký kết với nước ta điều ước quốc tế về  vấn đề này; ta chưa có cơ chế để Toà án Việt Nam xem xét công nhận và thi hành bản án quyết định của công dân ta đang cư trú tại những nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với nước ta. Do vậy, tại những nước chưa ký với ta hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý (như Đức, Trung quốc, Mỹ, Anh...),  công dân ta đã không thể giải quyết ly hôn của họ tại Toà án Việt Nam (do không thể quay về Việt Nam khi chưa có quy chế cư trú hợp lệ) cũng như tại Toà án nước ngoài.  Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc ổn định đời sống của những công dân này. Để  được kết hôn với công dân các nước sở tại, công dân ta đã sử dụng rất nhiều giấy tờ giả mạo và những quy định chưa hợp lý trên của ta đã vô tình đẩy công dân ta vào tình trạng không tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam xin con nuôi ngày càng nhiều. Theo số liệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, số trẻ em Việt Nam làm con nuôi người Pháp tăng hàng ngày: năm 1992 mới chỉ có 258 trẻ,  đến năm 1996 đã có 1339 trẻ (trung bình mỗi ngày có 3 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi vào Pháp). Chúng ta coi đây là một vấn đề tế nhị, nhân đạo cần được giải quyết một cách thuận lợi nhưng phải thận trọng. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý hiện tại điều chỉnh việc cho và nhận con nuôi đối với người nước ngoài ở Việt Nam đã và đang bộc lộ những nhược điểm, có thể dẫn đến tiêu cực và chưa đảm bảo được đúng mục đích nhân đạo của vấn đề. Các văn bản pháp lý hiện hành của ta  chưa  có cơ chế ràng buộc ba bên (cơ quan chức năng của Việt nam, người nước ngoài và cơ quan chức năng của nước nhận) nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đứa trẻ được nhận làm con nuôi sau khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan của Việt Nam chỉ làm việc với các cá nhân người nhận con nuôi nên không nắm được hoặc nắm được rất ít thông tin về việc nuôi dưỡng trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trong suốt thời gian chúng chưa trưởng thành.  Tại các bản cam kết hay biên bản hiện nay về giao nhận con nuôi cho người nước ngoài thì phía Việt Nam là một cơ quan chức năng (Sở Tư pháp), có con dấu và chữ ký của người đại diện Nhà nước Việt nam, còn bên nhận con nuôi chỉ là một cá nhân là công dân nước ngoài [76]. Việc không có cơ chế ràng buộc ba bên  đã gây khó khăn cho cơ quan đại diện Việt nam ở nước nhận khi thực hiện bảo hộ công dân ta trong trường hợp người nhận nuôi không thực hiện cam kết.  Dư luận trên thế giới, mà nhất là ở Pháp nơi có số lượng trẻ em Việt Nam làm con nuôi nhiều nhất, còn cho rằng Việt Nam quá "cởi mở" trong lĩnh vực này (chỉ có 25% trường hợp xin con nuôi được thực hiện thông qua các hội và tổ chức từ thiện, 75% trường hợp còn lại do cha mẹ nuôi tự thông qua người trung gian để tìm kiếm con nuôi). Tình hình đó sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, thậm chí tội phạm có tổ chức thành đường dây [77]. Bên cạnh đó, ta cũng chưa có thoả thuận chính thức với các nước nhận con nuôi về việc hợp tác thực hiện các vấn đề liên quan như  thẩm quyền giải quyết và luật áp dụng trong lĩnh vực nuôi con nuôi, nhất là trong trường hợp có tranh chấp. Ngay cả việc Việt Nam tham gia công ước Lahaye năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước để tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác với các nước hữu quan trong lĩnh vực nuôi con nuôi cũng chưa được quan tâm một cách thích đáng [78] .

3. Một số nhận xét và kiến nghị:

Chúng ta đã điểm qua vài nét về ba lĩnh vực của hôn nhân và gia đình với một số khó khăn và phức tạp nảy sinh từ tình trạng chưa hoàn thiện của những văn bản pháp luật trong nước và sự thiếu vắng các hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế. Từ đó, cũng dễ dàng hình dung ra những khó khăn phức tạp mà chúng ta sẽ gặp trong những lĩnh vực khác (như kinh tế, thương mại, hình sự....). Để quá trình hội nhập quốc tế mang lại kết quả tốt đẹp, trước hết phải coi trọng  việc hoàn thiện những văn bản pháp luật trong nước. Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đã cố gắng để việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước được đặt vào đúng tầm quan trọng của nó nhưng công tác lập pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Số lượng các văn bản cần ban hành, sửa đổi thì nhiều nhưng thời gian để nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các văn bản thì lại rất hạn chế.  Một vấn đề  nữa là do tình hình biến động rất nhanh nên một số văn bản vừa mới ban hành đã có những quy định lỗi thời.  Thực tế còn cho thấy việc hoàn thiện các quy định pháp luật không những cần phải có thời gian mà còn cần đến sự nỗ lực của mỗi cơ quan chức năng, thậm chí là của mỗi cá nhân liên quan. Để minh chứng cho điều này, xin quay trở lại vấn đề ly hôn mà chúng tôi đã có dịp trình bầy trong phần II.2. Như đã phân tích, vì lợi ích của công dân ta, ta nên nghiên cứu để đưa ra những điều kiện để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự (mà đặc biệt là bản án ly hôn) của công dân Việt Nam với nhau do Toà án nước ngoài xét xử hoặc toà án Việt Nam thụ lý xét xử các vụ án ly hôn mà cả hai bên đương sự đang ở nước ngoài (chí ít là đối với các vụ án thuận tình ly hôn). Muốn vậy, cần phải tiến hành sửa đổi pháp luật, nhất là Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17/4/1993 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 hoặc Thông tư số 11/ TATC ngày 12/7/1974. Trong quá trình giải quyết công việc, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) đã nhiều lần đề nghị các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Toà án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu để sửa lại các quy định này. Tuy nhiên, thời gian trôi qua đã có thể tính bằng năm nhưng đề nghị này vẫn chưa được hồi âm (mặc dù trong khi làm việc trực tiếp cấp ở chuyên viên, các cơ quan này đều nhất trí về sự cần thiết phải sửa lại các quy định nói trên).

Bên cạnh tiến trình hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước, việc tranh thủ tìm kiếm từ bên ngoài sự hợp tác và trợ giúp pháp lý của các nước hữu quan cũng được coi là một giải pháp khả thi cho quá trình hội nhập. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, để sự trợ giúp và hợp tác về pháp lý từ bên ngoài có hiệu quả, trước hết phải thống nhất quan điểm giữa cơ quan chức năng của ta về tương trợ tư pháp. Cần phải coi hoạt động tương trợ tư pháp và pháp lý là một hoạt động không thể thiếu được trong đời sống quốc tế hiện đại, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chỉ có thông qua hoạt động này, các quốc gia mới có thể có được cơ chế giải quyết có hiệu quả các mối quan hệ phức tạp mà trên thực tế hệ thống pháp luật riêng lẻ của mỗi quốc gia hay những nguyên tắc của luật quốc tế đều không thể đảm đương một cách hoàn hảo. Hiện nay quan điểm này không phải lúc nào cũng được các cơ quan chức năng của ta thống nhất coi trọng. Thậm chí, ngay cả khi đã có hiệp định về tương trợ tư pháp nhưng nhiều Toà án  của ta cũng chưa coi trọng việc thực hiện các uỷ thác tư pháp mà mình được yêu cầu.

Một vấn đề nữa là, để việc đàm phán và ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mang lại kết quả tốt cần phải có sự đầu tư thích đáng vào công tác nghiên cứu, trong đó có cả việc lập đề án về ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước và xây dựng hiệp định tương trợ tư pháp khung cũng như việc tham gia các công ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Qua xem xét thực tiễn đàm phán và ký kết 8 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với nước ngoài chúng tôi thấy hoạt động này chưa được quan tâm nghiên cứu một cách hợp lý để có tầm nhìn rộng hơn về tất cả mọi vấn đề liên quan.  Rất hiếm khi ta chủ động đề nghị phía nước ngoài ký hiệp định song phương hoặc chủ động nghiên cứu tình hình thực tế để ký kết hoặc tham gia một điều ước quốc tế đa phương.  Hầu hết các hiệp định được ký kết là theo đề nghị của phía Bạn hoặc để phục vụ cho yêu cầu chính trị của chuyến viếng thăm  nào đó. Việc đàm phán và ký kết luôn luôn trong tình trạng bị động như vậy đã dẫn đến tình trạng các hiệp định ký kết có sự hạn chế về nội dung hoặc hiệp định đã được ký kết nhưng việc thực hiện không đem lại kết quả như ý muốn. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, gia đình và hình sự Việt Nam - Balan ký từ đầu năm 1993 đến nay đã là hơn 5 năm nhưng chưa hề có sự hợp tác nào  về hình sự trong khuôn khổ hiệp định (mặc dù ở Balan hiện có 5 băng tội phạm nguy hiểm là người Việt Nam đang hoạt động, quấy rối và gây nhiều vụ án, ảnh hưởng tới cuộc sống thanh bình  của cộng đồng hơn 30.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Balan) [79]. Chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các hiệp định đã ký kết, cần phải tính đến mọi khía cạnh của thực tiễn đã, đang và sẽ xảy ra trong đời sống quốc tế hiện đại khi soạn thảo các văn bản hiệp định. Giải pháp cho tình trạng này là sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án Nhân dân tối cao vào quá trình xây dựng đề án và soạn thảo văn bản hiệp định. Một khi đã có được quá trình nghiên cứu tổng hợp về mọi vấn đề của tương trợ tư pháp quốc tế với sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng liên quan thì chắc rằng việc tìm kiếm sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này sẽ luôn nằm trong tầm tay của chúng ta và những hiệp định mà chúng ta ký kết sẽ thực sự đi vào cuộc sống chứ không chỉ tồn tại trên văn bản./.

 

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỚI CÔNG TÁC LÃNH SỰ *

 

Khi quan hệ giữa các nước phát triển, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho phép lưu chuyển người và hàng hoá một cách thuận tiện từ nước này sang nước khác, vấn đề tương trợ tư pháp đã được rất nhiều nước quan tâm. Theo nguyên tắc lãnh thổ, cơ quan tư pháp của một nước chỉ có thể thực thi pháp luật của nước mình trong phạm vi lãnh thổ của nước đó mà không thể tự do thực hiện công việc này đối với những chủ thể đang ở trên lãnh thổ của một nước khác. Để có thể tác động đến công dân, pháp nhân của nước mình đang ở trên lãnh thổ của nước ngoài, các cơ quan tư pháp cần phải liên hệ, hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên quan.

Hoạt động tương trợ tư pháp giữa các nước chủ yếu liên quan đến công dân và pháp nhân, những đối tượng bảo hộ lãnh sự của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của các nước hữu quan ở nước ngoài. Vì vậy, các hoạt động tương trợ tư pháp có quan hệ qua lại mật thiết với công tác lãnh sự. Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự cũng đóng vai trò không nhỏ trong một số hoạt động tương trợ tư pháp cụ thể. Các cơ quan này có thể là cơ quan trung chuyển các giấy tờ tư pháp và không tư pháp giữa cơ quan tư pháp của Nước cử với cơ quan tư pháp của Nước tiếp nhận hoặc là đại diện của Nước cử tham gia vào việc thực hiện tương trợ tư pháp tại Nước tiếp nhận...

I. QUAN HỆ GIỮA TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ CÔNG TÁC LÃNH SỰ

Để có thể thấy được mối quan hệ giữa hoạt động tương trợ tư pháp và công tác lãnh sự, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu khái niệm tương trợ tư pháp và khái niệm công tác lãnh sự. Những điểm tương đồng của hai khái niệm này sẽ giải thích cho mối quan hệ nói trên.

1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN:

1.1. Khái niệm tương trợ tư pháp

Tương trợ tư pháp là khái niệm có thể được hiểu theo hai cách rộng, hẹp khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thì tương trợ tư pháp là việc cơ quan tư pháp này thực hiện một số hành vi tư pháp theo yêu cầu của một cơ quan tư pháp khác như lấy lời khai, thu thập chứng cứ, giám định... Trên bình diện quốc tế, thì tương trợ tư pháp là giữa các cơ quan tư pháp của nước này với cơ quan tư pháp của nước khác. Tương trợ tư pháp hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là việc cơ quan tư pháp của nước này thực hiện yêu cầu của cơ quan tư pháp của nước khác mà còn việc hợp tác giữa các cơ quan này trong các vấn đề tư pháp. Sự hợp tác này có thể được thể hiện dưới hình thức cơ quan có thẩm quyền của nước này công nhận giá trị các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước kia cấp hoặc công nhận và thi hành các bản án, quyết định dân sự, thương mại của Toà án nước kia hoặc công nhận giá trị của các bản án hình sự của nước kia...[80]  

Phạm vi tương trợ tư pháp thay đổi tuỳ theo pháp luật của các nước và từng điều ước quốc tế khác nhau. Một số nước ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương riêng lẻ cho mỗi loại hoạt động tương trợ tư pháp, cụ thể là công nhận và thi hành các bản án dân sự và thương mại của nước ngoài[81], thu thập chứng cứ ở nước ngoài[82], tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự[83], chuyển giao tố tụng hình sự[84], công nhận giá trị của các bản án hình sự[85], chuyển giao tội phạm để chấp hành hình phạt hay dẫn độ để xét xử[86]. Trong khi đó, một số nước khác lại ký kết các điều ước quốc tế điều chỉnh chung tất cả các loại hoạt động tương trợ tư pháp nói trên. Điển hình là các Hiệp định tương trợ tư pháp (sau đây gọi là HĐTTTP) ký kết giữa các nước XHCN trước đây. Các HĐTTTP này thậm chí quy định cả vấn đề pháp luật nước nào được áp dụng, Toà án của nước nào có quyền giải quyết đối với mỗi loại vụ việc mà các yếu tố trong các vụ việc này liên quan tới cả hai nước ký kết. Đặc biệt có nước như Trung Quốc một mặt ký kết các HĐTTTP mang tính chất tổng hợp, mặt khác lại tách riêng vấn đề dẫn độ tội phạm để quy định trong các điều ước quốc tế riêng.

Công tác tương trợ tư pháp dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp cũng đều dẫn đến một kết quả chung là các cơ quan có thẩm quyền của một nước có thể thực thi pháp luật của nước mình đối với các đối tượng ở nước ngoài. Thông qua đó, các cơ quan này sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân, pháp nhân của nước mình đã được quy định trong pháp luật.

1.2. Khái niệm công tác lãnh sự:

Từ xưa, khi các thương nhân bắt đầu ra làm ăn, buôn bán ở nước ngoài, họ đã tìm cách bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình trước các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Những thương nhân có cùng một quốc tịch với nhau bầu ra một người có khả năng và uy tín làm người đại diện cho mình, gọi là lãnh sự. Chức năng lãnh sự vào thời kỳ này là bảo vệ các quyền lợi thương mại của thương nhân nước mình ở nước ngoài[87].

Qua các thời kỳ lịch sử, công tác lãnh sự được dần dần phát triển và ngày nay đã bao gồm nhiều công việc khác nhau. Điều 5, Công ước Viên về quan hệ lãnh sự ngày 24/4/1963 (sau đây gọi là Công ước Viên 1963) quy định nhiệm vụ đầu tiên của các cơ quan lãnh sự là “Bảo vệ tại Nước tiếp nhận các quyền lợi của Nước cử và của công dân bao gồm cả thể nhân và pháp nhân của Nước đó”. Để đảm đương được trọng trách này, các cơ quan lãnh sự được phép thực hiện các công việc phụ trợ khác như cấp hộ chiếu, giấy tờ đi lại, thị thực; công chứng, đăng ký hộ tịch; thực hiện uỷ thác tư pháp... Ngoài chức năng bảo hộ lãnh sự, các cơ quan lãnh sự còn có vai trò thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế, văn hoá và khoa học giữa hai nước, tìm hiểu tình hình đời sống thương mại, kinh tế, văn hoá, khoa học của Nước tiếp nhận để thông báo về Nước cử. Các chức năng lãnh sự nói trên không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan lãnh sự mà còn có thể được thực hiện bởi các cơ quan đại diện ngoại giao của một nước ở nước ngoài (Điều 2 Công ước Viên 1963). Bên cạnh các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài, các nước còn lập ra cơ quan chuyên trách về lãnh sự ở trong nước. Cơ quan này thực hiện công việc cố vấn cho Chính phủ về công tác lãnh sự, chỉ đạo nghiệp vụ lãnh sự cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mình ở nước ngoài, quản lý các cơ quan lãnh sự của nước ngoài ở nước mình, giải quyết các yêu cầu về lãnh sự do các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài nêu ra. Cơ quan này cũng có thể trực tiếp giải quyết một số công việc lãnh sự như cấp hộ chiếu, giấy tờ đi lại, thị thực, hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu. Các công việc kể trên của cơ quan chuyên trách về lãnh sự trong nước hợp thành một bộ phận quan trọng của công tác lãnh sự - công tác lãnh sự ở trong nước.

Qua việc tìm hiểu khái niệm tương trợ tư pháp và khái niệm công tác lãnh sư, chúng ta có thể thấy rằng hai công việc này có cùng một điểm chung. Chúng cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân, pháp nhân của một nước ở nước ngoài. Đây chính là lý do khiến cho hai công tác này có quan hệ qua lại mật thiết với nhau.

2. CÔNG TÁC LÃNH SỰ VỚI VIỆC KÝ KẾT CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của một nước ở nước ngoài thực hiện chức năng bảo hộ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân của nước mình trên cơ sở Công ước Viên 1963. Một số nước còn cùng nhau ký kết các Hiệp định lãnh sự song phương để cụ thể hoá các chức năng lãnh sự quy định trong Công ước Viên 1963. Các văn bản này đều quy định về việc phối hợp chung giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự với các các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Tuy nhiên, các văn bản này lại không quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp của Nước cử với các cơ quan tư pháp của Nước tiếp nhận. Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của một nước ở nước ngoài có thể bảo vệ tốt quyền lợi của công dân, pháp nhân nước mình trong các vấn đề tư pháp trên cơ sở Công ước Viên 1963 và Hiệp định lãnh sự song phương khi khối lượng các vụ việc tư pháp liên quan đến công dân, pháp nhân nước mình còn ít, mức độ phức tạp chưa cao. Trong thời gian này, các nước liên quan không cần thiết phải ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với nhau. Khi các quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh và kèm theo đó là sự gia tăng các vụ việc đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực của các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự sẽ trở nên quá tải do những hạn chế về biên chế và trình độ tư pháp chuyên sâu. Các cơ quan tư pháp của nước này cần có quan hệ hợp tác trực tiếp và cụ thể với các cơ quan tư pháp của nước ngoài liên quan. Trong khi đó, Công ước Viên 1963 cũng như các Hiệp định lãnh sự song phương lại không hề quy định về hoạt động tương trợ này. Để có thể bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân của nước mình trong quan hệ với các chủ thể của nước ngoài liên quan, các nước phải cùng nhau ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Các diễn biến của hoạt động lãnh sự đã đóng vai trò là chất xúc tác cho việc hình thành các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp.

Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của một nước ở nước ngoài cũng như các cơ quan chuyên trách về lãnh sự của nước đó ở trong nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Các cơ quan này sẽ tập hợp thông tin, đánh giá tình hình và trên cơ sở đó kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về sự cần thiết phải ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Quá trình đám phán và ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp cũng cần phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan này vì chính họ là những cơ quan cùng với các cơ quan khác sẽ thi hành điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp.

Thực tiễn ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp của các nước trên thế giới cũng cho thấy công tác lãnh sự có ảnh hưởng trực tiếp tới việc ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Cho tới nay, hầu hết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp đều được ký kết giữa các nước có quan hệ lãnh sự phát triển. Việc ký kết cũng chỉ được thực hiện vào những thời điểm công tác lãnh sự giữa các nước hữu quan trở nên nhiều và phức tạp. Các nước có chung đường biên giới, trong cùng một khu vực địa lý thường là những nước có quan hệ lãnh sự phát triển nhất và các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp cũng thường được ký kết giữa các nước này. Có thể kể ra một loạt các điều ước quốc tế như vậy: Công ước về công nhận và thi hành bản án năm 1932 giữa các nước Bắc Âu, Công ước Brúc-xen về thẩm quyền và việc thi hành các bản án dân sự và thương mại năm 1968 giữa các nước EU, Công ước về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại năm 1975 giữa các nước châu Mỹ...

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật nói trên. Cho tới nay, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 14 HĐTTTP với các nước. Đó là những nước thuộc khối XHCN trước đây đã tiếp nhận một số lượng lớn công dân Việt Nam sang lao động, học tập, công tác, cũng như cá nước láng giềng (Trung Quốc, Lào) và Cộng hoà Pháp - nước tư bản đầu tiên có quan hệ tương trợ tư pháp với Việt Nam. Ngày nay, công dân Việt Nam có mặt ở những nước này khá đông. Vì vậy, công tác lãnh sự của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại các địa bàn này luôn bận rộn và phức tạp. Một điểm đáng chú ý khác là hầu hết các HĐTTTP nói trên đều được ký kết vào thời gian những năm 80. Ở thời kỳ này, Việt Nam chủ yếu chỉ quan hệ buôn bán, trao đổi với các nước cùng trong khối XHCN chứ chưa phát triển quan hệ với các nước khác. Do vậy, hoạt động bảo vệ lợi ích thương mại của Nhà nước và pháp nhân Việt Nam cũng chỉ chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại các nước trong khối XHCN.

Cùng với việc Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, một số lượng khá đông công dân của Việt Nam đã ra nước ngoài học tập, lao động và công tác, nhiều công ty Việt Nam đã có trụ sở và hoạt động ở nước ngoài. Theo con số thống kê không chính thức của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 7 năm 1997 có khoảng 2,5 triệu công dân Việt Nam đang cú trú rải rác ở trên 80 nước trên thế giới. Công tác lãnh sự của Việt Nam tại các nước có đông công dân Việt Nam cư trú hoặc có mật độ qua lại cao như Campuchia, Lào, Trung Quốc hay các nước Đông Âu trở nên rất phức tạp. Để làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam tại những nước nói trên, vừa qua chúng ta đã ký HĐTTTP với Lào và đang đàm phán để tiến tới ký kết HĐTTTP với Trung Quốc, U-crai-na, Bê-la-rút.  

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC LÃNH SỰ

Các hoạt động tương trợ tư pháp rất đa dạng và phong phú trong đủ mọi lĩnh vực từ dân sự, hôn nhân gia đình đến lao động, thương mại, hình sự. Các hoạt động này đều hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước, công dân và pháp nhân của nước mình trong quan hệ với các chủ thể của nước ngoài liên quan. Do vậy, nhìn chung các hoạt động tương trợ tư pháp dù ít dù nhiều cũng liên quan đến công tác lãnh sự. Để làm rõ mối quan hệ giữa hai công tác này, chúng tôi xin tập trung trình bầy một số vấn đề sau:

- Miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu của nước ngoài;

- Uỷ thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài;

- Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài

1. MIỄN HỢP PHÁP HOÁ GIẤY TỜ, TÀI LIỆU CỦA NƯỚC NGOÀI

Trong điều kiện giao thông thuận tiện, có nhiều công dân, pháp nhân của một nước ra nước ngoài và có nhu cầu sử dụng một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước mình cấp. Ví dụ: công dân Việt Nam phải xuất trình giấy khai sinh do Uỷ ban nhân dân phường, xã cấp khi đăng ký kết hôn ở nước ngoài, giấy phép thành lập công ty do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp khi xin thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo nguyên tắc lãnh thổ, các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp chỉ có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ của nước đó. Để có thể được sử dụng ở nước ngoài các giấy tờ, tài liệu này phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài liên quan hợp pháp hoá. Theo thông lệ quốc tế và phù hợp với Khoản f Điều 5 Công ước Viên 1963, thì các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài là cơ quan có thẩm quyền về hợp pháp hoá và hợp pháp hoá chính là một công tác lãnh sự. Trong hoạt động tương trợ tư pháp, các nước có thể thoả thuận miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu của nhau.

1.1. Khái niệm hợp pháp hoá

Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về khái niệm hợp pháp hoá. Quan điểm thứ nhất của các nước phương Tây cho rằng hợp pháp hoá là việc xác nhận chữ ký, thẩm quyền người ký và con dấu trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Công ước La Hay ngày 5/10/1961 về việc miễn yêu cầu hợp pháp hoá đối với giấy tờ công của nước ngoài, một Công ước được nhiều nước khác nhau trên thế giới, ký kết, phê chuẩn và tham gia[88], quy định tại Điều 2 như sau: "Trong Công ước này, hợp pháp hoá chỉ là thủ tục theo đó các viên chức ngoại giao hoặc lãnh sự của một nước tại đó giấy tờ, tài liệu được đem ra sử dụng xác nhận tính xác thực của chữ ký, thẩm quyền của người ký, và nếu thích hợp, xác nhận con dấu trên giấy tờ, tài liệu đó". Trong Sổ tay Lãnh sự danh dự của Thuỵ Điển cũng viết: "Hợp pháp hoá liên quan đến việc xác nhận một giấy tờ thực sự được ký bởi người cấp giấy tờ đó và vào thời điểm ký, người cấp giấy tờ giữ chức vụ cho phép người này được cấp giấy tờ đó". Theo quan điểm này, hợp pháp hoá không bao gồm việc xác nhận về nội dung của giấy tờ, tài liệu được hợp pháp hoá.

Quan điểm thứ hai trong hệ thống pháp luật của Liên Xô cũ lại cho rằng hợp pháp hoá không chỉ là việc xác nhận chữ ký, con dấu mà còn bao gồm cả việc xác nhận về sự phù hợp của nội dung văn bản với pháp luật của nước có cơ quan đã cấp văn bản đó. Thông tư về hợp pháp hoá lãnh sự ngày 6/7/1984 của Liên Xô cũ quy định: "Hợp pháp hoá lãnh sự là việc xác định và chứng nhận tính xác thực của chữ ký trên các giấy tờ, tài liệu và sự phù hợp của giấy tờ, tài liệu ấy với pháp luật nước sở tại". Yêu cầu đặt ra với công tác hợp pháp hoá trong hệ thống pháp luật của Liên Xô cũ rõ ràng cao hơn so với hệ thống pháp luật của các nước phương Tây. Người cán bộ làm công tác lãnh sự không những phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hình thức văn bản (chữ ký, thẩm quyền người ký, con dấu) mà còn phải đảm bảo về sự phù hợp của nội dung văn bản với pháp luật của nước có cơ quan cấp văn bản đó.

Việt Nam chúng ta là một nước XHCN nên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của quan điểm pháp luật Xô viết nói trên đối với vấn đề hợp pháp hoá. Pháp lệnh Lãnh sự ngày 13/11/1990 định nghĩa hợp pháp hoá là "chứng thực chữ ký và con dấu trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức Nước tiếp nhận lập và sự phù hợp của giấy tờ, tài liệu đó với pháp luật của Nước tiếp nhận" (Điều 26).

Quy định nói trên về hợp pháp hoá gây khó khăn cho các cơ quan làm công tác hợp pháp hoá của Việt Nam đối với các giấy tờ, tài liệu của những nước không phải là nước XHCN. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao rộng mở, làm bạn với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, xã hội như hiện nay, thì khó khăn nói trên lại gia tăng gấp bội phần. Trước khi mang tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để hợp pháp hoá, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được chứng thực bởi các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam) có cơ quan đã cấp các giấy tờ, tài liệu đó. Các cơ quan được giao nhiệm vụ hợp pháp hoá của Việt Nam chỉ việc chứng thực chữ ký, con dấu của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chứ không trực tiếp chứng thực chữ ký, con dấu hoặc nội dung của giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Theo đúng các quy định của pháp luật nước mình, các cơ quan có thẩm quyền của những nước ngoài chỉ chứng thực về chữ ký, thẩm quyền người ký, con dấu trên các giấy tờ, tài liệu mà không xác nhận về sự phù hợp của nội dung các giấy tờ, tài liệu này với pháp luật của nước mình trước khi mang tới cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam làm thủ tục hợp pháp hoá. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, bên cạnh việc chứng thực về chữ ký, con dấu của các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, còn phải thẩm định về sự phù hợp của nội dung giấy tờ, tài liệu với pháp luật của nước ngoài đó. Trong khi đó, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài có nhu cầu hợp pháp hoá lại rất đa dạng, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại đến lao động, hình sự. Hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới cũng rất khác nhau và đặc biệt phức tạp ở những nước phát triển như Mỹ, Pháp... Người cán bộ lãnh sự phải là một chuyên gia về pháp luật nước ngoài mới có thể xác định được các giấy tờ, tài liệu nói trên có phù hợp với pháp luật của nước ngoài liên quan hay không. Đây thực sự là một yêu cầu quá sức đối với cán bộ lãnh sự, nhất là khi ta chưa có chế độ cán bộ lãnh sự chuyên trách như hiện nay.

Nhận thức được vấn đề trên, Thông tư số 1413 NG/TT ngày 31/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã quy định "hợp pháp hoá lãnh sự là việc chứng nhận chữ ký và con dấu trên những giấy tờ, tài liệu chính thức do cơ quan, tổ chức trong khu vực lãnh sự ở Nước tiếp nhận lập hoặc công chứng để sử dụng ở Việt Nam hoặc những giấy tờ, tài liệu chính thức do cơ quan, tổ chức Việt Nam lập hoặc công chứng để sử dụng trong khu vực lãnh sự ở Nước tiếp nhận, và chứng thực sự phù hợp về hình thức văn bản của những giấy tờ, tài liệu đó với pháp luật của Nước lập văn bản". Quy định này phù hợp với tập quán quốc tế nên đã tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện tốt công tác hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Thông tư 1413 cũng quy định rõ những trường hợp giấy tờ, tài liệu của nước ngoài không được hợp pháp để bảo đảm chủ quyền, an ninh và lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

1.2. Các cách miễn hợp pháp hoá trong tư pháp quốc tế

Trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, các nước có thể thoả thuận miễn hợp pháp hoá các giấy tờ của nhau để tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước này cấp không phải qua thủ tục hợp pháp hoá mới được công nhận trên lãnh thổ nước kia. Đây là mục tiêu chung của các thoả thuận về miễn hợp pháp hóa nhưng cách thức để đạt được mục tiêu này lại không giống nhau. Về cơ bản, có thể chia ra hai loại miễn hợp pháp hoá là miễn hợp pháp hoá có xác nhận và miễn hợp pháp hoá không có xác nhận. Điểm khác biệt giữa hai loại này là ở chỗ giấy tờ, tài liệu của nước ngoài có phải được xác nhận trước khi được miễn hợp pháp hoá hay không.

1.2.1. Miễn hợp pháp hoá có xác nhận:

Miễn hợp pháp hoá có xác nhận nghĩa là các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền của chính nước ngoài đó xác nhận về chữ ký, thẩm quyền người ký, con dấu thì chúng mới được miễn hợp pháp hoá. Cách miễn hợp pháp hoá này được áp dụng rất phổ biến trên thế giới. Điều 3 Công ước La Hay ngày 5/10/1961 về việc miễn yêu cầu hợp pháp hoá đối với giấy tờ công của nước ngoài quy định: “Thủ tục duy nhất được yêu cầu để chứng thực chữ ký, thẩm quyền người ký giấy tờ, và khi cần thiết, chứng thực con dấu trên giấy tờ đó là Xác nhận quy định tại Điều 4, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Nước đã cấp giấy tờ đó”. Chỉ các giấy tờ của nước ngoài có Xác nhận mới được miễn hợp pháp hoá. Bản thân các Xác nhận không phải qua bất kỳ một thủ tục hợp pháp hoá nào.

Cách làm nói trên có ưu điểm là hạn chế được việc làm giả giấy tờ để sử dụng ở nước ngoài. Do mẫu dấu và chữ ký của cơ quan có thẩm quyền cấp Xác nhận đã được cung cấp cho nước sở tại hữu quan nên chúng khó có thể bị làm giả mà không bị phát hiện. Cách làm này cũng đồng thời giúp ích cho công tác quản lý. Theo Công ước nói trên, thì Xác nhận phải có số và ngày cấp. Ngoài ra, Điều 7 Công ước còn quy định về việc lập sổ lưu “ghi lại các Xác nhận đã cấp", cụ thể là số và ngày cấp Xác nhận; tên người ký giấy tờ và thẩm quyền của người ký, hoặc trong trường hợp giấy tờ không ký tên, thì phải ghi rõ tên cơ quan đã đóng dấu. Trong trường hợp muốn xác minh một giấy tờ là thật hay giả mạo, thì cơ quan nước sở tại chỉ cần thông báo các dữ liệu nói trên của giấy tờ cho cơ quan đã cấp Xác nhận cho giấy tờ đó. Cơ quan này sẽ kiểm tra các dữ liệu xem chúng có khớp với dữ liệu trong sổ lưu hay không và trả lời cho cơ quan nước sở tại. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cấp Xác nhận của mỗi nước có thể dễ dàng tập hợp được các số liệu về số lượng, loại giấy tờ được đem ra nước ngoài sử dụng để phục vụ cho việc thống kê, nghiên cứu và các mục đích khác.

1.2.2. Miễn hợp pháp hoá không có xác nhận:

Miễn hợp pháp hoá không có xác nhận nghĩa là các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài không phải qua bất kỳ thủ tục xác nhận nào để được miễn hợp pháp hoá ở nước sở tại. Nói cách khác, giấy tờ do cơ quan của nước ngoài cấp hoặc chứng thực sẽ trực tiếp được công nhận tại nước sở taị. Cách miễn hợp pháp hoá này rất thịnh hành trong các HĐTTTP giữa các nước thuộc khối XHCN trước đây. Theo Phục lục 1 của Thông tư về hợp pháp hoá lãnh sự ngày 6/7/1984 của Liên Xô cũ, Liên Xô đã miễn hợp pháp không qua xác nhận với 18 nước[89], chủ yếu là với các nước XHCN trước đây.

Cách miễn hợp pháp hoá nói trên rất thuận lợi cho công dân, pháp nhân của những nước ký kết. Họ có thể trực tiếp sử dụng các giấy tờ, tài liệu do cơ quan của nước mình cấp trong thời gian cư trú ở nước ngoài. Tuy nhiên, cách làm này cũng dễ bị lợi dụng để làm giả giấy tờ. Do cơ quan nước sở tại không thể biết được mẫu dấu, chữ ký của cơ quan nước ngoài trên hàng ngàn, hàng vạn những giấy tờ khác nhau mà công dân nước ngoài sử dụng tại nước họ nên các cơ quan này khó có thể phát hiện được các giấy tờ giả mạo.

1.3. Miễn hợp pháp hoá trong các Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký kết

1.3.1. Quy định về việc miễn hợp pháp hoá

Sáu HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết và đang có hiệu lực hiện nay đều có quy định về việc miễn hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu của nước ngoài. Theo các quy định này, thì các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài được miễn hợp pháp hoá theo hình thức không qua xác nhận[90]. Nghĩa là, các giấy tờ, tài liệu do cơ quan của Việt Nam cấp hoặc chứng thực sẽ đương nhiên có giá trị tại Liên bang Nga, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Séc, Xlô-va-ki-a, Cu Ba và ngược lại. Chúng tôi xin trích dẫn Điều 15 HĐTTTP với Ba Lan để minh hoạ:

"1. Các giấy tờ và bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền lập ra hoặc chứng thực ở nước ký kết này và được đóng dấu chính thức sẽ có giá trị ở nước ký kết kia mà không cần phải hợp pháp hoá.

 

2. Các giấy tờ chính thức được lập ra ở nước ký kết này có giá trị chứng cứ như các giấy tờ chính thức được lập ra ở nước ký kết kia".

1.3.2. Đánh giá về các quy định miễn hợp pháp hoá và việc thi hành các quy định này:

Quy định về việc miễn hợp pháp hoá trong các HĐTTTP nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, pháp nhân của Việt Nam trong các hoạt động giao dịch ở nước ngoài. Quan hệ hợp tác, trao đổi giữa Việt Nam với các nước XHCN anh em cũng được tạo đà phát triển. Tuy nhiên, quy định về việc miễn hợp pháp hoá không qua xác nhận trong các HĐTTTP nói trên dễ bị khai thác để làm giả các giấy tờ của các cơ quan nước ngoài đem vào sử dụng ở Việt Nam hoặc các giấy tờ của cơ quan Việt Nam đem ra sử dụng ở nước ngoài.

Cho đến nay, Cục Lãnh sự chưa được thông báo về trường hợp nào sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam các giấy tờ giả mạo của cơ quan có thẩm quyền các nước đã ký HĐTTTP với Việt Nam. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là 100% giấy tờ này đều là thật. Có thể có những trường hợp giả mạo chưa bị phát hiện hoặc chưa được thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Trong khi đó, tình trạng làm giả hoặc cấp không đúng quy định các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã lên tới mức báo động. Thời gian vừa qua, Cục Lãnh sự đã nhận được nhiều yêu cầu xác minh tính xác thực của các giấy tờ, tài liệu của Việt Nam từ phía nước ngoài hoặc các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Việc xác minh cho thấy rất nhiều giấy tờ, tài liệu của các cơ quan Việt Nam đã bị làm giả hoặc được cấp không đúng với các quy định của pháp luật Việt Nam. Một số tổ chức chuyên làm giả giấy tờ của Việt Nam đã bị cơ quan nước ngoài phát hiện và đưa ra truy tố[91].

Qua quá trình tổng hợp, phân loại, chúng tôi thấy rằng các giấy tờ, tài liệu của Việt Nam bị làm giả hoặc cấp không phù hợp với pháp luật Việt Nam chủ yếu là các giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch (giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận về tình trạng hôn nhân, giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam). Các giấy tờ này thường được làm giả để phục vụ cho việc chứng minh về tình trạng hôn nhân của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ có chúng, những người này có thể kết hôn với công dân của nước sở tại và kéo dài thời hạn cư trú của họ ở nước ngoài. Pháp luật các nước thường cho phép người nước ngoài là vợ hoặc chồng của công dân nước họ được cư trú tại nước họ trong thời gian hôn nhân. Việc kết hôn này cũng là một yếu tố để xem xét cho định cư hay nhập quốc tịch nước ngoài. Chính vì vậy, khi một số nước thực thi chính sách nhập cư khắt khe, nhằm đẩy công dân Việt Nam về nước, số lượng kết hôn của công dân Việt Nam với nước sở tại lập tức tăng lên cùng với nạn làm giấy tờ giả hoặc sử dụng các giấy tờ cấp sai quy định của pháp luật Việt Nam.

Cách thức giả mạo giấy tờ ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện. Ngoài các giấy tờ bị giả mạo hoàn toàn, còn tồn tại hình thức giả mạo một phần. Một số Sở Tư pháp các địa phương khi được đề nghị xác minh về tính xác thực của giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cấp và được sử dụng ở các nước có HĐTTTP với ta chỉ dám khẳng định chữ ký là giả mạo mà không đả động gì đến mẫu giấy, con dấu, thậm chí cả dấu tên và chức danh. Qua so sánh với các mẫu giấy thật, có thể kết luận một số ấn phẩm trắng của ta về giấy tờ hộ tịch đã được tuồn ra nước ngoài. Cơ quan biên phòng của nước ngoài đã bắt được một vài vụ vận chuyển trái phép các ấn phẩm trắng, thậm chí đã được đóng dấu khống của cơ quan Việt Nam[92].

Bên cạnh tình trạng giả mạo giấy tờ là việc một số cơ quan địa phương của Việt Nam cấp các giấy tờ không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Một số Uỷ ban nhân dân cấp xã làm thay chức năng của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi đăng ký kết hôn cho hai công dân Việt Nam mà một bên đang định cư ở nước ngoài hoặc thậm chí thực hiện cả công việc của Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam. Một số Uỷ ban nhân dân cấp xã sử dụng con dấu đăng ký năm 1996 để đóng vào các giấy khai sinh đề những năm 50, 60[93]. Ngoài các trường hợp điển hình kể trên, còn có nhiều, rất nhiều các loại giấy tờ hộ tịch khác được cấp trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tình trạng giả mạo hoặc cấp sai giấy tờ Việt Nam ở các nước Liên xô cũ và Đông Âu (hầu hết đã ký HĐTTTP với Việt Nam) làm cho một số cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mất lòng tin đối với các giấy tờ, tài liệu do cơ quan của Việt Nam cấp. Những cơ quan của nước ngoài này không thể khẳng định được những giấy tờ mang dấu, chữ ký của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là thật hay giả mạo nên họ thường xuyên yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của ta ở nước ngoài hoặc Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam phải xác minh. Việc này ảnh hưởng tới những người Việt Nam nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, sử dụng các giấy tờ thật do cơ quan Việt Nam cấp. Họ phải chờ đợi cơ quan nước sở tại hoàn tất thủ tục xác minh trung bình kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Các cơ quan Nhà nước của ta cũng tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí cho việc điện đi, điện về để xác minh tính xác thực của giấy tờ, tài liệu. Việc giả mạo giấy tờ còn có khả năng xâm hại đến quyền lợi chính đáng của công dân, pháp nhân Việt Nam. Ví dụ: khi công dân Việt Nam ở nước ngoài sử dụng giấy tờ giả mạo để kết hôn với công dân nước sở tại, thì quyền lợi của người vợ hoặc người chồng của họ sẽ bị xâm hại. Nếu để tình trạng giả mạo, cấp sai các giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để sử dụng ở nước ngoài kéo dài hoặc tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu, sẽ ảnh hưởng bất lợi tới hình ảnh và uy tín của Nhà nước Việt Nam.

2. UỶ THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ CHO CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO, CƠ QUAN LÃNH SỰ Ở NƯỚC NGOÀI

Trong pháp luật và thực tiễn quốc tế, các cơ quan có thẩm quyền của một nước có thể uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mình ở nước ngoài. Uỷ thác tư pháp chính là yêu cầu thực hiện điều tra hoặc các hành vi tố tụng khác. Thông thường, các hành vi tố tụng khác ở đây được hiểu bao gồm cả việc tống đạt giấy tờ[94].

Trong hai hình thức uỷ thác tư pháp nói trên, thì uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đóng vai trò chủ đạo. Đây đồng thời là biểu hiện rõ nét nhất của tương trợ tư pháp. Việc uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài chỉ đóng vai trò phụ trợ và chỉ được áp dụng trong một số hoàn cảnh, điều kiện nhất định. Vị trí thứ yếu của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài là do những hạn chế của các cơ quan này trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp. Các cơ quan này không có được bộ máy đầy đủ và phải kiêm nhiệm nhiều công việc lãnh sự khác nhau. Các cơ quan này cũng chỉ được thực hiện uỷ thác tư pháp trong khuôn khổ cho phép của pháp luật nước sở tại. Nói chung, các cơ quan đại diện không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp của mình. Tuy nhiên, các nước vẫn rất coi trọng việc uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện của họ ở nước ngoài vì việc uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại không phải lúc nào cũng thực hiện được, đặc biệt nếu chưa có thoả thuận về vấn đề này với nước sở tại.

Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ xin trình bầy vấn đề uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài với ý nghĩa là một công tác lãnh sự theo Khoản j Điều 5 Công ước Viên 1963. Phạm vi các vấn đề uỷ thác tư pháp cũng chỉ được hạn chế trong lĩnh vực dân sự hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm dân sự, thương mại và hôn nhân gia đình.

2.1. Trong tư pháp quốc tế:

Theo Khoản j Điều 5 Công ước Viên 1963, cơ quan lãnh sự của Nước cử có quyền "chuyển giao các tài liệu tư pháp và không tư pháp, hoặc thực hiện các uỷ thác tư pháp lấy lời khai cho các toà án ở Nước cử phù hợp với các điều ước quốc tế hiện hành, hoặc nếu không có những điều ước quốc tế như vậy thì theo bất cứ cách nào khác phù hợp với luật và quy định của Nước tiếp nhận". Các cơ quan đại diện ngoại giao cũng được phép thực hiện các chức năng lãnh sự, trong đó có việc thực hiện uỷ thác tư pháp của Nước cử tại Nước tiếp nhận, phù hợp với Điều 2 của Công ước này. Pháp luật một số nước như Brazil không cho phép cơ quan đại diện của nước ngoài được thực hiện uỷ thác tư pháp lấy lời khai trên lãnh thổ nước mình[95].

Theo thông lệ quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của một nước ở nước ngoài chỉ được thực hiện uỷ thác tư pháp đối với công dân của nước họ ở nước ngoài. Đối với công dân của nước sở tại, hay công dân của một nước thứ ba, các cơ quan đại diện chỉ có thể thực hiện uỷ thác tư pháp sau khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Điều 16 Công ước La Hay ngày 18/3/1970 về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự hoặc thương mại [96] quy định rõ các điều kiện cho việc thực hiện uỷ thác tư pháp này là:

"a) cơ quan có thẩm quyền của Nước tại đó viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự thực hiện các chức năng của mình đã cho phép chung hoặc cho từng trường hợp cụ thể, và

b) viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự tuân thủ các điều kiện mà cơ quan có thẩm quyền này đặt ra khi cho phép".

Trong quá trình thực hiện uỷ thác tư pháp ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Quy định này nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của các nước. Các Điều 15, 16 của Công ước La Hay ngày 18/3/1970 đều ghi rõ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự "không cưỡng chế" khi thực hiện uỷ thác tư pháp lấy lời khai ở nước sở tại.

2.2. Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký kết và pháp luật Việt Nam:

2.2.1. Quy định về việc uỷ thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài.

Các HĐTTTP Việt Nam đã ký kết đều cho phép cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Nước cử được tống đạt giấy tờ hoặc lấy lời khai của công dân Nước cử tại Nước tiếp nhận[97]. Ngoại trừ HĐTTTP với Liên Xô cũ, tất cả các HĐTTTP đều quy định cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự không được áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi thực hiện các hành vi tố tụng nói trên. Như vậy, có thể thấy các quy định về việc thực hiện uỷ thác tư pháp của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự ở nước ngoài trong các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết đều phù hợp với tập quán quốc tế về vấn đề này.

Đối với việc uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, Điều 30 Pháp lệnh Lãnh sự ngày 13/11/1990 quy định: "Lãnh sự thực hiện uỷ thác tư pháp của cơ quan Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền đối với công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự, nếu việc đó không trái với pháp luật nước tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc tham gia. Việc thực hiện các uỷ thác này phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng Việt Nam". Theo Khoản 6 Điều 7 Pháp lệnh về cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài ngày 2/12/1993, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài được "thực hiện các công việc lãnh sự". Vì vậy, các Toà án của Việt Nam cũng có thể uỷ thác tư pháp cho các cơ quan này.

Theo các văn bản pháp luật của Việt Nam, Toà án Việt Nam chỉ uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp không thể uỷ thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc cơ quan này không trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp. Vai trò thứ yếu của cơ quan đại diện Việt Nam trong việc thực hiện uỷ thác tư pháp trên lãnh thổ nước ngoài cũng phù hợp với tập quán quốc tế.

Thông tư liên ngành số 6/TTLN ngày 30/12/1986 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp (sau đây gọi là TTLN6) quy định khi giải quyết vụ việc ly hôn với đương sự ở nước chưa ký HĐTTTP với nước ta thì “Toà án có thể uỷ thác cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ta ở nước đó... lấy lời khai của đương sự và tống đạt cho họ những giấy tờ cần thiết”. Theo mục 3 của TTLN6, nếu đương sự ở nước “chưa có quan hệ ngoại giao với nước ta” nhưng đã nhờ cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ta ở nước khác chuyển đơn xin ly hôn về nước, thì Toà án Việt Nam cũng có thể thông qua cơ quan đại diện đó chuyển cho đương sự những giấy tờ của Toà án hoặc yêu cầu đương sự gửi về Toà án lời khai có liên quan đến vụ kiện.

Các Công văn của Toà án nhân dân tối cao số 130/NCPL ngày 16/12/1991, 29/NCPL ngày 6/4/1992, và 517/NCPL ngày 9/10/1993 lại quy định về việc uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp cơ quan nhận uỷ thác của nước ngoài đã ký HĐTTTP với Việt Nam không trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp. Mục 1 Công văn 517/NCPL quy định “Trong trường hợp Toà án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục uỷ thác tư pháp đến lần thứ hai, nhưng không được các cơ quan tư pháp có trách nhiệm của nước liên quan đáp ứng, thì Toà án liên hệ với Bộ Tư pháp để thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu cơ quan lãnh sự của nước ta tại nước có liên quan thực hiện uỷ thác tư pháp”.

2.2.2. Đánh giá về các quy định uỷ thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và việc thi hành các quy định này.

Các quy định về uỷ thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài trong các HĐTTTP và nội luật của Việt Nam đã đóng vai trò tích cực, giúp cho việc điều tra vụ án được nhanh chóng, giải quyết vụ việc được chính xác, đúng pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này còn tồn tại một số điểm hạn chế cần được khắc phục.

Thứ nhất, TTLN6 quy định cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thể chuyển các giấy tờ của Toà án cho đương sự cư trú ở nước khác với nước có cơ quan đại diện và yêu cầu người này gửi lời khai về Toà án. Đây chính là việc thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba. Theo Điều 4 Pháp lệnh Lãnh sự, cơ quan đại diện chỉ có thể thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba khi được Bộ trưởng Bộ Ngoaị giao uỷ nhiệm và được nước thứ ba đó đồng ý. Còn trong các trường hợp khác, cơ quan đại diện chỉ được thực hiện uỷ thác với công dân Việt Nam ở khu vực lãnh sự (Điều 30 Pháp lệnh lãnh sự). Công ước Viên 1963 cũng quy định: “Nước cử có thể uỷ nhiệm cho cơ quan lãnh sự đặt ở một nước nào đó thực hiện chức năng lãnh sự ở nước khác, trừ khi có sự phản đối rõ ràng của một trong những nước liên quan” (Điều 7). Như vậy, quy định cơ quan đại diện thực hiện uỷ thác tư pháp với công dân ta ở nước thứ ba chỉ trên cơ sở người này nhờ cơ quan đại diện chuyển đơn xin ly hôn về nước như trong TTLN6 đã trái với văn bản pháp luật có giá trị cao hơn của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ hai, khái niệm “quan hệ ngoại giao” còn bị nhầm lẫn với với khái niệm “quan hệ lãnh sự”. Theo tinh thần của TTLN6, thì Việt Nam không có cơ quan lãnh sự tại nước “chưa có quan hệ ngoại giao với nước ta” (Toà án phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước thứ ba). Tuy nhiên, Công ước Viên 1963 đã phân biệt rõ hai khái niệm này khi quy định: “Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao không kéo theo việc cắt đứt quan hệ lãnh sự” (Khoản 2 Điều 3). Trong lịch sử quan hệ với các nước, Việt Nam vẫn duy trì quan hệ lãnh sự với một số nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam[98]. Tức là, ta vẫn có quan lãnh sự để thực hiện uỷ thác tư pháp của các Toà án Việt Nam tại các nước này.

Thứ ba, thủ tục uỷ thác còn lòng vòng qua nhiều cơ quan trung gian. Toà án địa phương phải gửi hồ sơ uỷ thác tư pháp cho Bộ Tư pháp chuyển qua Bộ Ngoại giao rồi mới tới cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài.

Thứ tư, một số Toà án của Việt Nam chưa nghiêm túc thực hiện việc uỷ thác điều tra đối với đương sự ở nước ngoài, thậm chí trong trường hợp nước này đã ký HĐTTTP với Việt Nam[99]. Sức ép “chỉ tiêu” số lượng các vụ án phải giải quyết hàng năm đè nặng lên các cơ quan này trong khi việc uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thứ năm, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn chậm hoặc thậm chí không trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp cho Toà án trong nước. Theo thống kê của Phòng quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, thì trong năm 1997 và 6 tháng đầu năm 1998, chỉ có 1 trên tổng số 25 uỷ thác tư pháp  được thực hiện bởi các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga, 3/27 ở Séc, 12/96 ở Đức. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ba Lan, Bun-ga-ri thậm chí còn không thực hiện được uỷ thác tư pháp nào trong thời gian nói trên. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhiều công dân Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là tại các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Những người này thường sử dụng địa chỉ giả hoặc thường xuyên thay đổi địa chỉ để tránh sự kiểm soát và truy lùng của các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. Trong nhiều trường hợp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thể tìm thấy địa chỉ ghi trong văn bản uỷ thác tư pháp hoặc không tìm thấy đương sự tại địa chỉ này để thực hiện uỷ thác tư pháp.

Thời gian trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng thường chậm có khi kéo dài tới một năm. Trong khi đó, Điều 47 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29/11/1989 quy định thời hạn điều tra một vụ án dân sự là 4 tháng hoặc 6 tháng trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của sự chậm chễ này là do hồ sơ uỷ thác tư pháp phải đi qua nhiều khâu trung gian khác nhau. Mặt khác, ta chưa có kinh phí cho việc gửi các hồ sơ uỷ thác tư pháp cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài.  Hiện nay, các hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được gửi qua đường túi thư ngoại giao và không phải lúc nào cũng có cán bộ mang túi thư ngoại giao tới cơ quan đại diện được uỷ thác, nên có khi hồ sơ uỷ thác tư pháp phải nằm lại Bộ Ngoại giao tới hàng tháng. Có lúc có nơi hàng quý mới có chuyến giao thông viên mang túi thư ngoại giao đi.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP CỦA VIỆT NAM

Các văn bản pháp luật trong nước của Việt Nam cũng như các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết đóng vai trò tích cực cho việc tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước khác. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, cơ sở pháp lý cho hoạt động tương trợ tư pháp nói trên đã bộc lộ một số khiếm khuyết nhất định. Thậm chí, một số HĐTTTP "chưa thực sự đi vào cuộc sống mà mới chỉ tồn tại trên văn bản"[100]. Những hạn chế này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tương trợ tư pháp của Việt Nam, không bảo đảm là là chắn pháp lý bảo vệ quyền lợi của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Với mong muốn nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp của Việt Nam, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

1. Chủ động đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với các nước có đông công dân Việt Nam cư trú, tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp

Con số 7 HĐTTTP hiện nay không bảo đảm cho việc bảo vệ một cách hữu hiệu quyền lợi của công dân Việt Nam đang cư trú ở hơn 80 nước trên thế giới. Chúng ta cần phải xây dựng một đề án cụ thể cho việc ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với những nước có đông công dân Việt Nam sinh sống.

Cho tới nay, ta còn có phần thụ động trong việc ký kết các HĐTTTP . Hầu hết các HĐTTTP là do phía nước ngoài đề xuất. Việc đàm phán, ký kết cũng trên cơ sở dự thảo của nước ngoài. Chúng ta mới chỉ hạn chế ở việc góp ý, đề nghị thêm điều này, bớt điều kia trong dự thảo đã chuẩn bị sẵn của phía nước ngoài. Chính vì vậy, các HĐTTTP thường có nhiều quy định không phù hợp với pháp luật của ta hoặc pháp luật của ta không quy định. Các HĐTTTP như vậy không thể có tác dụng thiết thực và to lớn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích cuả Nhà nước, công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta cần xây dựng một Hiệp định khung về tương trợ tư pháp và sử dụng Hiệp định khung này làm cơ sở đàm phán với các nước. Để việc ký kết các HĐTTTP có nề nếp và quy củ, chúng ta cũng nên xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp. Trước mắt, có thể ở mức Pháp lệnh còn sau này cần nâng lên thành Luật.

Song song với việc ký kết các điều ước quốc tế song phương, chúng ta cũng cần nghiên cứu khả năng tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp. Việc tham gia vào các điều ước quốc tế như vậy cho phép chúng ta có được phạm vi các nước đối tác rộng lớn về tương trợ tư pháp. Đồng thời, chúng ta cũng có thể tiết kiệm một cách đáng kể những chi phí cho việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp với từng nước riêng lẻ. Chúng ta cần đặc biệt chú ý tới một số điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp đã được nhiều nước trên thế giới ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia mà các quy phạm của chúng đã trở thành chuẩn mực cho các hoạt động tương trợ tư pháp. Đó là các Công ước La Hay ngày 5/10/1961 về việc miễn yêu cầu hợp pháp hoá đối với giấy tờ công của nước ngoài, ngày 15/11/1965 về việc tống đạt ở nước ngoài các giấy tờ tư pháp và không tư pháp trong các vụ việc dân sự hoặc thương mại, ngày 1/2/1971 về việc công nhận và thi hành các bản án của nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại, ngày 18/3/1970 về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự hoặc thương mại, ngày 1/6/1970 về việc công nhận ly hôn và ly thân[101].

2. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành hữu quan trong việc soạn thảo, đàm phán, ký kết, thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp

Các HĐTTTP điều chỉnh nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của nhiều Bộ, ngành  khác nhau. Vì vậy, các Bộ ngành hữu quan phải phối hợp với nhau chặt chẽ trong mọi giai đoạn của HĐTTTP từ soạn thảo, đàm phán, ký kết, thực hiện các HĐTTTP. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy sự phối hợp nói trên còn rất lỏng lẻo. Thời hạn cho việc góp ý vào dự thảo các dự thảo HĐTTTP nhiều khi quá gấp gáp, không bảo đảm cho việc nghiên cứu, đóng góp những ý kiến chi tiết, có chất lượng cao. Một số Bộ ngành hữu quan cũng không được mời tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết các HĐTTTP. Một cơ chế đàm phán và ký kết HĐTTTP như vậy khó có thể bảo đảm cho việc các HĐTTTP có giá trị tích cực, phục vụ cho công tác bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, các Bộ ngành hữu quan cũng cần có những hình thức đánh giá định kỳ việc thực hiện các HĐTTTP, qua đó tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh. Hoạt động tổng kết, đánh giá hiện nay mới chỉ được thực hiện ở tùng Bộ, ngành riêng lẻ mà thiếu sự phối hợp đồng bộ nên chưa tạo ra được một cái nhìn tổng thể về việc thực hiện các HĐTTTP.

3. Thoả thuận về việc miễn hợp pháp giấy tờ của nước ngoài trong các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp dưới hình thức miễn hợp pháp hoá có xác nhận

Như chúng tôi đã trình bầy trong phần miễn hợp pháp hoá, quy định trong các HĐTTTP mà Việt Nam đã ký kết về việc miễn hợp pháp hoá không qua xác nhận đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát và hạn chế nạn làm giả các giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đem ra sử dụng nước ngoài. Trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, chúng ta nên thoả thuận về việc miễn hợp pháp hoá giấy tờ của nước ngoài dưới hình thức miễn hợp pháp hoá có xác nhận. Tức là, các giấy tờ của nước ngoài phải được một cơ quan trung ương của nước đó chứng nhận về tính xác thực của chữ ký, con dấu, thẩm quyền người ký thì mới được miễn hợp pháp hoá ở Việt Nam và ngược lại. Tốt nhất, chúng ta nên xây dựng các quy định về miễn hợp pháp hoá các nước ngoài theo mẫu Công ước La Hay ngày 5/10/1961 về việc miễn yêu cầu hợp pháp hoá đối với giấy tờ công của nước ngoài.

Đối với các nước đã ký HĐTTTP với Việt Nam có nạn làm giả hoặc sử dụng các giấy tờ cấp sai quy định của các cơ quan của Việt Nam lên tới mức báo động, thì chúng ta cũng cần nghiên cứu, xem xét khả năng sửa đổi các quy định hiện hành về miễn hợp pháp hoá trong các HĐTTTP này theo hướng nói trên.

4. Điều chỉnh các quy định pháp luật trong nước về việc uỷ thác tư pháp về dân sự cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Thứ nhất, theo TTLN6, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được chuyển các giấy tờ của Toà án Việt Nam cho đương sự cư trú một nước khác với nước cơ quan đại diện có trụ sở. Để phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, cần bổ sung quy định là việc chuyển giấy tờ này chỉ được thực hiện khi đương sự đang ở trong khu vực lãnh sự. Nếu không, cơ quan đại diện chỉ được thực hiện việc này khi được phép kiêm nhiệm tại nước đương sự đang cư trú. Nghĩa là, cơ quan đại diện phải được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam uỷ nhiệm cho thực hiện chức năng lãnh sự tại nước đó và được nước đó chấp thuận.

Thứ hai, thủ tục uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần được đơn giản hoá, không phải qua đủ 4 khâu như hiện nay là Toà án uỷ thác - Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao - Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi cho rằng có thể làm theo cách Toà án gửi hồ sơ uỷ thác tư pháp cho Bộ Ngoại giao để chuyển thẳng cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đồng thời gửi một hồ sơ uỷ thác tư pháp khác cho Bộ Tư pháp. Như vậy, vừa bảo đảm việc chuyển hồ sơ uỷ thác tư pháp được nhanh chóng, vừa bảo đảm cho Bộ Tư pháp quản lý được việc uỷ thác tư pháp theo chức năng của mình.

Thứ ba, các văn bản pháp luật trong nước cũng như các HĐTTTP mà nước ta ký kết đều không có quy định về thời hạn các cơ quan trung gian phải chuyển hồ sơ uỷ thác tư pháp, thời hạn cơ quan nhận uỷ thác phải trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện uỷ thác tư pháp thường bị kéo dài, thậm chí một số cơ quan nhận uỷ thác không trả lời về kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp.

Để khắc phục tình trạng này, cần thiết quy định về thời hạn các cơ quan trung gian (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao) phải chuyển hồ sơ uỷ thác (có thể từ 2 - 5 ngày). Để đảm bảo Toà án có thể kết thúc công việc điều tra trong thời gian 4 tháng hoặc 6 tháng, việc trả lời kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp phải giới hạn trong vòng 2 tháng và trong trường hợp phức tạp là 4 tháng.

Thứ tư, hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được chuyển theo đường túi thư ngoại giao nên rất chậm. Nhà nước nên cấp kinh phí cho việc chuyển hồ sơ uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ra nước ngoài theo con đường bưu điện hoặc phát chuyển nhanh.

 

Tương trợ tư pháp và công tác lãnh sự cùng có chung mục đích bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân, pháp nhân Việt Nam trong các quan hệ có yếu tố nước ngoài. Chính vì vây, hai công tác này có quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Một số mảng việc tương trợ tư pháp có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác lãnh sự. Trong thời gian qua, hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở các Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết đã góp phần tích cực vào việc bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên trách về lãnh sự đã đóng vai trò không nhỏ trong quá trình hình thành và thực thi các Hiệp định tương trợ tư pháp này. Qua quá trình thực hiện, các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp trong các Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như trong các văn bản pháp luật trong nước đã bộc lộ một số khiếm khuyết nhất định. Với góc độ của người làm công tác lãnh sự, chúng tôi đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục các khiếm khuyết, phát huy các yếu tố tích cực trong một số hoạt động tương trợ tư pháp có liên quan mật thiết với công tác lãnh sự ngõ hầu nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp của Việt Nam với các nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới hiện nay. Một cơ chế tương trợ tư pháp hoàn chỉnh sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cũng như Bộ Ngoại giao ở trong nước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài./.

 

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 VỀ CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TOÀ ÁN NƯỚC NGOÀI *

 

I. PHÁP LỆNH CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH TẠI VIỆT NAM BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ CỦA TOÀ ÁN NƯỚC NGOÀI:

1. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh:

Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/7/1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày  tháng  năm 1993. Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được hiểu là bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự và các bản án, quyết định khác mà pháp luật Việt Nam qui định là bản án, quyết định dân sự. Như vậy, các bản án mang tính chất kinh tế hay thương mại trên cơ sở các hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại không được coi là các hợp đồng dân sự và sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh.

Tuy nhiên, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay cho thấy, chúng ta chưa có một tiêu chuẩn rõ ràng để phân biệt thế nào là hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự, kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thay thế Pháp lệnh hợp đồng dân sự. Trước khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành, việc phân định hai loại hợp đồng nói trên dựa trên cơ sở của mục đích dân sự hay thương mại của hợp đồng và chủ thể tham gia hợp đồng đó. Sẽ là hợp đồng dân sự nếu (i) mục đích là để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng cho dù hợp đồng được ký kết bởi hai pháp nhân hoặc (ii) nếu một hợp đồng có mục đích kinh doanh được ký kết bởi hai cá nhân có đăng ký kinh doanh.  Sẽ là hợp đồng kinh tế nếu mục đích là nhằm phục vụ kinh doanh thu lợi nhuận được ký kết bởi các bên trong đó ít nhất một bên là một pháp nhân. 

Điều 1 của Bộ luật dân sự qui định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự như sau: "... Bộ luật dân sự qui định địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự...”. Có thể thấy rằng Bộ luật không đưa ra định nghĩa rõ ràng thế nào là các quan hệ dân sự và cũng không nhấn mạnh mục đích tiêu dùng trong các quan hệ dân sự đó, mà nhấn mạnh về quan hệ tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của bộ luật. Tuy nhiên, Bộ luật lại quy định nhiều loại hợp đồng mà xét về tính chất và mục đích của chúng, thì gần nghĩa với hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận (ví dụ, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vay tài sản, cho thuê tài sản, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công v.v.), xét về phương pháp luận, các hợp đồng này có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. 

Do vậy, cần có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự, trong đó qui định thật rõ về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật, nhất là các loại quan hệ và hợp đồng dân sự để phân biệt với các quan hệ kinh tế và hợp đồng kinh tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, trên cơ sở đó có điều kiện để phân định các bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài được xem xét công nhận và thi hành tại Việt Nam.

2. Về các nguyên tắc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài:

Theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh, Tòa án Việt Nam chỉ xem xét để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

(a) Bản án, quyết định của Tòa án của nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về vấn đề này;

(b) Bản án, quyết định được pháp luật Việt Nam qui định công nhận và cho thi hành.

Vấn đề cộm nhất hiện nay là pháp luật Việt Nam không qui định về việc công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của các nước chưa ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam (có thể trên nguyên tắc có đi có lại, giống như pháp luật của nhiều nước hiện nay quy định).

Do đó, trừ các nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, cho đến nay Toà án nước ta chưa xem xét công nhận và cho thi hành được tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của Tòa án các nước chưa ký kết điều ước với Việt Nam, mà xu hướng yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nước ta bản án, quyết định ly hôn của công dân Việt Nam ở nước ngoài thì ngày càng tăng, nhất là từ các nước chưa có Hiệp định (như CHLB Đức, Hoa Kỳ, Canada...). 

3. Thẩm quyền và thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành:

3.1 Thẩm quyền:

Điều 4 của Pháp lệnh và Điều 2 của Thông tư liên ngành số 04-TTLN ngày 24/7/1993 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số qui định của Pháp lệnh (sau đây gọi là Thông tư số 04) qui định thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành như sau:

(a) Trong trường hợp người phải thi hành án là cá nhân:

Việc xét đơn yêu cầu trước hết thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành án cư trú. 

Nếu người phải thi hành án không cư trú tại Việt nam nhưng làm việc tại Việt Nam thì việc xét đơn thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành án làm việc.

Nếu người phải thi hành án không cư trú tại Việt nam và cũng không làm việc tại Việt Nam hoặc nếu không xác định được nơi cư trú và nơi làm việc của người phải thi hành án thì việc xét đơn thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành án.

Tuy nhiên trong mọi trường hợp nếu việc công nhận và cho thi hành liên quan đến tài sản có tại Việt Nam là bất động sản như nhà cửa, công trình xây dựng v.v. thì việc xét đơn thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản đó.

(b) Trong trường hợp người phải thi hành án là pháp nhân, thì việc xét đơn thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi pháp nhân có trụ sở chính, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.  Tuy nhiên, hiện tại luật Việt Nam chưa có qui định nào khác về vấn đề này cho nên trong trường hợp này tòa án có thẩm quyền là tòa án nơi pháp nhân có trụ sở chính.

3.2 Thủ tục nộp, thụ lý và xét đơn:

Nộp đơn: Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam. Kèm theo đơn là các giấy tờ qui định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.  Cụ thể là theo các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước thì các giấy tờ kèm theo đó là: i) một bản sao quyết định có thị thực của cơ quan tư pháp kèm theo giấy chứng nhận quyết định đã có hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành nếu như lời văn của quyết định không nói rõ điều này; ii) văn bản xác nhận người bị đơn không tham gia tố tụng hoặc người đại diện có thẩm quyền của người đó đã được tống đạt giấy gọi đến Tòa án kịp thời và đúng thể thức; iii) bản dịch đã được thị thực của những giấy tờ nêu trong điều này cũng như bản dịch của đơn xin.

Các giấy tờ trên đây nếu được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và phải được chứng thực hợp pháp thông qua việc công chứng bản dịch.

Thụ lý đơn: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ đơn yêu cầu và các giấy tờ cần thiết kèm theo, Bộ Tư pháp phải chuyển hồ sơ cho tòa án có thẩm quyền xét đơn nêu trên đây. Sau khi nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến, tòa án phải vào sổ thụ lý ngay và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.  Chánh án tòa án đã thụ lý hồ sơ phải chỉ định thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.  Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ chánh án được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định mở phiên tòa xét đơn yêu cầu hay đình chỉ việc xét đơn yêu cầu nếu: (i) bản án, quyết định dân sự đã được tự nguyện thi hành hoặc (ii) người phải thi hành đã chết mà quyền và nghĩa vụ của người đó không được thừa kết; hoặc (iii) không xác định được địa chỉ của người phải thi hành hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành.

Xét đơn: Phiên tòa xét đơn yêu cầu phải được tiến hành theo đúng quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh và được tiến hành như sau:

- Một thành viên của Hội đồng xét đơn yêu cầu công bố đơn yêu cầu và các giấy tờ kèm theo về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

- Hội đồng xét đơn yêu cầu không xét xử lại vụ án mà chỉ kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và các giấy tờ kèm theo với các quy định của Pháp lệnh, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về vấn đề này.

- Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó có mặt tại phiên tòa trình bày ý kiến của mình.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về yêu cầu của người làm đơn và các vấn đề khác có liên quan đến việc xét đơn yêu cầu.

- Hội đồng xét đơn yêu cầu thảo luận kín và tùy từng trường hợp mà ra một trong các quyết định công nhận hay không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà Án nước ngoài.

Trong trường hợp phải hoãn phiên tòa, thì chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày hoãn, Tòa án phải mở lại phiên tòa. Việc xét đơn yêu cầu phải được ghi vào biên bản.  Biên bản phải có chữ ký của chủ tọa và thư ký phiên tòa.

Các trường hợp không công nhận:

Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau:

- Bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó;

- Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của Toà án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ;

- Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Việt Nam;

- Về cùng vụ án này đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài đã được Tòa án Việt nam công nhận; hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ án, Tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang xem xét vụ án đó;

- Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó hoặc theo pháp luật Việt Nam;

- Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

4. Vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định của Toà án nước ngoài theo các Hiệp định tương trợ tư pháp:

Các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết qui định việc công nhận và thi hành các quyết định của tòa án của các nước ký kết như sau.

4.1.  Các loại quyết định được công nhận và thi hành:

Hầu hết các hiệp định đều qui định rằng các quyết định dân sự của tòa án nước ký kết này sẽ được công nhận và thi hành ở nước ký kết kia.  Một số các hiệp định như các hiệp định ký với Liên Bang Nga, Cuba, Hungary và Bungary còn phân chia làm hai nhóm quyết định là các quyết định mang tính chất tài sản và các quyết định không mang tính chất tài sản.  Việc phân chia đó nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục công nhận và thi hành các quyết định không mang tính chất tài sản.  Các quyết định này được công nhận và thi hành ở các nước ký kết mà không cần phải có thủ tục gì với điều kiện là không có cơ sở để từ chối việc công nhận và thi hành đó theo các hiệp định đã ký kết.

4.2. Điều kiện để công nhận và thi hành:

Các quyết định sẽ được công nhận và thi hành nếu có đủ những điều kiện dưới đây:

a) Quyết định đã có hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành theo pháp luật của nước ký kết nơi đã ra quyết định;

b) Cơ quan đã ra quyết định là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của hiệp định hoặc theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu công nhận hoặc thi hành quyết định;

c) Trước đây chưa có một quyết định có hiệu lực pháp luật nào về cùng một vụ kiện giữa cùng các bên đương sự của cơ quan tư pháp nước ký kết được yêu cầu thi hành quyết định;

d) Quyết định đã được ra căn cứ vào pháp luật được qui định trong các hiệp định;

e) Bên thua kiện đã không bị tước khả năng tham gia tố tụng và nếu thuộc trường hợp không có năng lực hành vi thì người ấy đã được thay mặt một cách hợp pháp; giấy gọi đến tòa án hoặc đơn khởi kiện đã được tống đạt cho đích thân người ấy.

g) Nước ký kết được yêu cầu công nhận và thi hành thấy rằng việc công nhận và thi hành quyết định không phương hại đến chủ quyền hoặc an ninh hoặc không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình.

4.3. Luật áp dụng:

Tất cả các hiệp định đều qui định rằng thủ tục công nhận và thi hành các quyết định của toà án các nước ký kết sẽ tuân theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu công nhận và thi hành.

4.4. Thẩm quyền và thủ tục công nhận và thi hành:

Đơn xin công nhận và thi hành và các văn bản tài liệu kèm theo đã được đề cập ở phần II trên đây.  Đơn và các giấy tờ kèm theo đó sẽ được gửi cho tòa án đã ra quyết định về vụ kiện.  Tòa án này có trách nhiệm chuyển đơn đến tòa án có thẩm quyền công nhận và ra lệnh thi hành các quyết định của nước ký kết nơi quyết định phải được công nhận hoặc được thi hành.  Tuy nhiên cũng có một số hiệp định như hiệp định ký với Séc và Slovakia và Hungary thì lại quy định rằng đơn xin công nhận và thi hành có thể được gửi thẳng cho toà án có thẩm quyền của nước ký kết nơi quyết định được yêu cầu thi hành. 

II. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG VIỆC CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI VÀ KINH NGHIỆM RÚT RA CHO VIỆT NAM

1. Kinh nghiệm quốc tế

Trong phần này, chúng tôi muốn trình bày một số thông tin tư liệu về việc công nhận và cho thi hành các quyết định của một số các nước châu âu và châu á để từ đó có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

a. Vương quốc Anh và Xứ Wales

Điểm đầu tiên trong việc quyết định một bản án của nước ngoài có thể có hiệu lực ở nước Anh hay không là phải xem xem bản án có phải là của nước là một bên trong Công Ước Brussels hoặc Công Ước Lugano (sau đây gọi tắt là "Công Ước") hay một công ước song phương khác hay không.

Theo các Công Ước Brussel và Lugano và Đạo Luật về Quyền Tài Phán Dân Sự và Bản án năm 1982, trừ một số trường hợp ngoại lệ nhất định, một bản án được ban hành ở bất kỳ một nước nào là thành viên của Công Ước có thể có hiệu lực tại bất kỳ một nước thành viên khác của Công Ước.  Một bản án phải là quyết định của một toà án và có thể là một phán quyết về việc đền bù chi phí.   Các bản án tạm thời cũng có thể có hiệu lực, kể cả lệnh của tòa án hiện hành thông báo cho tất cả các bên.  Các Công Ước đã được thể chế hóa thành luật pháp của nước Anh bởi Đạo Luật về Quyền Tài Phán Dân Sự và Bản án năm 1982.

Các bản án được tòa án các nước ký Công Ước phải được đăng ký để được thi hành ở Anh và Xứ Wales. Các thủ tục đăng ký chủ yếu được quy định như sau:

- Bên yêu cầu thi hành phải nộp đơn xin đăng ký bản án nước ngoài dưới hình thức một bản giải trình có tuyên thệ với Chánh án của Tòa án.

- Nếu Chánh Án của Toà Án đã bằng lòng với đơn đó, ông ta sẽ ra lệnh đăng ký bản án nước ngoài.  Lệnh đó phải quy định một thời hạn để bên phải thi hành có thể xin kháng nghị việc đăng ký.  Lệnh đăng ký cũng phải nêu rõ rằng việc thi hành bản án sẽ không được thực hiện cho đến khi hết thời hạn đó.

- Thông báo về giấy Đăng Ký phải được gửi cho bên phải thi hành và phải nêu rõ đầy đủ chi tiết của bản án đã được đăng ký.  Bên phải thi hành phải được Tòa Án nhắc nhở về quyền kháng án của mình.

- Nếu bên phải thi hành không kháng án trong thời gian quy định thì Tòa Án sẽ ra lệnh thi hành bản án.

Các Công ước quy định rằng mỗi nước thành viên của Công ước phải công nhận các bản án của nước thành viên khác của Công ước (sau đây gọi tắt là bản án Công ước). Thông thường thì không có việc xem xét lại việc vụ việc trước khi bản án được công nhận. Thực tế thì các vụ việc thường không được phân biệt một cách dễ dàng và có rất nhiều vấn đề mà bên phải thi hành có thể xem xét khi cố gắng chống lại một bản án Công ước, ví dụ như: bản án có phải là bản án Công ước hay không; Công ước có hiệu lực tại nước ban hành và tại nước thi hành vào thời điểm xin thi hành hay không; bản án có được đưa ra bởi một tòa án hay không; việc tòa án nước ngoài nắm quyền tài phán có vi phạm các quy định của Công ước điều chỉnh quyền tài phán đối với tranh chấp hay không.

Không có bản án nước ngoài nào có thể được thi hành nếu: Bản án đó đi ngược lại với chính sách chung (trật tự chung) của nước Anh; Bản án được đưa ra một cách sai trái và người phải thi hành không được cung cấp các tài liệu khởi tố trong thời gian chuẩn bị bào chữa của mình; Bản án mâu thuẫn với một bản án giữa cùng các bên được đưa ra ở nước Anh hay ở xứ Wales hay ở bất kỳ nước thành viên nào khác của Công Ước và bản án đó có thể được công nhận ở nước Anh; Bản án có liên quan đến; (i) thu nhập, thuế quan hay các vấn đề hành chính; (ii) tình trạng hoặc khả năng pháp lý của con người, các quyền đối với tài sản phát sinh từ việc kết hôn, di chúc và quyền thừa kế; (iii) phá sản hoặc không có khả năng trả nợ; (iv) an ninh xã hội; hoặc (v) việc xét xử của trọng tài.

Nếu nước ra bản án không phải là một bên ký kết của cả hai Công ước thì người ta phải xem xét xem có một thỏa thuận song phương theo đạo luật hành chính tư pháp năm 1920 (sau đây gọi tắt là Đạo Luật 1920) hay theo Đạo Luật về Các Bản Án Nước Ngoài năm 1933 (sau đây gọi tắt là Đạo Luật 1993).  Các nước tham gia ký kết thỏa thuận song phương sẽ phải có luật pháp riêng của mình về việc thi hành bản án.  Tại Anh các Đạo Luật có liên quan quan trọng nhất của Quốc Hội là những Đạo Luật năm 1920 và 1933.  Đạo Luật năm 1920 cho phép các bản án liên quan đến tiền của các tòa án dân sự được đăng ký tại Tòa Án Cấp Cao và phải được thi hành. Đạo Luật năm 1933 cũng đưa ra một hệ thống đăng ký thi hành bản án.

Một bản án nước ngoài có thể hoặc không thể được đăng ký để thi hành theo các đạo luật tuỳ thuộc vào việc tòa án có quyền tài phán theo các quy tắc quy định trong đạo luật hay không.  Đặc biệt, điều đó có nghĩa là bên phải thi hành án phải: cư trú tại nước ra bản án; có trụ sở chính tại nước ra bản án; đồng ý đưa vụ việc ra tòa án có quyền tài phán; và tình nguyện tham gia vào quá trình tố tụng đó.

Bản án nước ngoài phải là chung thẩm về một khoản tiền cụ thể, chứ không phải là về các khoản thuế và tiền phạt, không được đưa ra do sai lầm hoặc vi phạm một thỏa thuận trọng tài hoặc một thỏa thuận về quyền tài phán.

Khi không có hiệp định song phương, một nguyên đơn nước ngoài được kiện sẽ phải khởi kiện ở nước Anh trên cơ sở bản án nước ngoài. Có thể là bản án sẽ không bị các tòa án của nước Anh yêu cầu xem xét lại và nguyên đơn nước ngoài thường sẽ có thể nhận được một bản án tóm tắt.  Tuy nhiên, quyền tài phán sẽ là quan trọng và các quy tắc tương tự với các quy tắc trong các Đạo Luật năm 1920 và 1933 sẽ được áp dụng để quyết định.

b. Pháp:

Một bản án nước ngoài sẽ được công nhận và cho thi hành ở Pháp nếu bản án đó tuân thủ các tiêu chuẩn do luật tư pháp quốc tế của Pháp yêu cầu. Tuy nhiên, việc công nhận và cho thi hành một bản án nước ngoài được xử lý khác biệt tuỳ thuộc vào việc bản án đó có được đưa ra bởi một toà án của một nước không có công ước nào được áp dụng với Pháp hoặc bởi một tòa án của một nước là thành viên của Cộng Đồng Châu Âu hay không.

Trong trường hợp thứ nhất, luật pháp của Pháp quy định rằng một bản án nước ngoài là chung thẩm về một vấn đề thương mại có thể được công nhận và cho thi hành ở Pháp thông qua việc đệ đơn lên một tòa án cấp sơ thẩm của Pháp. Đây là một thủ tục tương đối nhanh chóng và không tốn kém với điều kiện là không có đơn kháng án nào được đưa ra sau khi có quyết định của tòa sơ thẩm. Một bản triệu tập bằng văn bản của tòa phải được gửi cho bên phải thi hành thông báo cho bên phải thi hành biết về việc có đơn của bên yêu cầu thi hành. Tòa án của Pháp sẽ yêu cầu bên thắng kiện đệ trình bản gốc của bản án kèm theo một bản dịch sang tiếng Pháp và các tài liệu liên quan khác.

Tòa án sẽ ra lệnh thi hành bản án nước ngoài nếu các điều kiện do luật của Pháp quy định sau đây được đáp ứng: tòa án đưa ra bản án có quyền tài phán để ra bản án theo các quy tắc riêng của tòa án đó về quyền tài phán và theo cả các quy tắc của Pháp về quyền tài phán; luật được tòa án ra bản án nước ngoài áp dụng đối với vụ việc là luật đã có thể được áp dụng theo luật tư pháp quốc tế của Pháp; thủ tục tố tụng của tòa án nước ngoài không mâu thuẫn với các nguyên tắc tố tụng được áp dụng ở Pháp hoặc với bất kỳ chính sách quốc tế chung nào của Pháp liên quan đến thủ tục xét xử của tòa án; bản án nước ngoài không mâu thuẫn với chính sách quốc tế chung của Pháp dưới góc độ nội dung của bản án hoặc không được đưa ra bằng cách gian lận hoặc không phù hợp với bản án trước đó được tòa án có quyền tài phán của Pháp xử lý đối với cùng một vụ việc.

Tuy nhiên, việc vi phạm chính sách quốc tế chung của Pháp ít khi tạo cơ sở cho việc tòa án từ chối ra lệnh công nhận bản án nước ngoài vì các tòa án của Pháp có khuynh hướng cho rằng chính sách quốc tế chung ít khắt khe hơn chính sách chung trong nước, và vì thế cho phép công nhận và thi hành một số quyết định của tòa án nước ngoài mà bình thường sẽ không được tòa án Pháp cho phép nếu như tòa án Pháp có thẩm quyền ngay từ đầu.

Các bản án nước ngoài được ban hành bởi các tòa có thẩm quyền ở bất kỳ nước thành viên nào của Cộng Đồng Châu Âu và nằm trong phạm vi của Công Ước Brussels ngày 27 tháng 9 năm 1968 hoặc trong phạm vi của Công Ước Lugano ngày 16 tháng 9 năm 1988 về Thi Hành Các Bản án về Dân Sự và Thương Mại Đôi Bên sẽ được công nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn các bản án nước ngoài khác.

Thủ tục công nhận được đơn giản hóa trong các trường hợp như vậy và vì thế một lệnh công nhận có thể được ban hành trong vài tuần lễ. Thêm vào đó, tùy thuộc vào hai Công Ước đã nêu ở trên, tòa án nói chung cũng không thẩm tra quyền tài phán thích hợp của tòa án hoặc rằng tòa án đã áp dụng luật theo đúng luật tư pháp quốc tế của Pháp hoặc một luật pháp dẫn tới một kết quả tương tự hay không. Các tòa án của Pháp chỉ yêu cầu rằng các quy tắc của Pháp về các thủ tục tố tụng và chính sách quốc tế chung phải được các bản án nước ngoài tôn trọng trong phạm vi các Công Ước.

Pháp cũng tham gia vào một số các hiệp định song phương với các nước khác, và vì thế khi kiểm tra một bản án được gửi tới trong phạm vi của một hiệp định song phương, các tòa án của Pháp sẽ áp dụng những yêu cầu cụ thể đối với việc công nhận và cho thi hành các bản án được quy định bởi các hiệp định đó.

Khi đã được công nhận, các quy tắc thi hành bản án sẽ giống với các quy tắc được áp dụng đối với các quyết định được đưa ra bởi các tòa án của Pháp.

c. Ấn Độ:

Ở Ấn Độ các bản án nước ngoài hầu như được đối xử như là các bản án trong nước. Tuy nhiên một điều không lấy gì làm tốt đẹp là những người nước ngoài cũng như là những người dân ở Ấn Độ phải đối mặt với một hệ thống tòa án trì trệ và quá tải.  Nhưng nhìn chung ở Ấn Độ cơ sở pháp lý cho việc thi hành các bản án nước ngoài có lẽ là tốt nhất trong số các nước đang phát triển.

Cơ cấu của việc thi hành các quyết nghị không phải là phán quyết trọng tài của toà án nước ngoài được quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự năm 1908.  Phần 13 quy định rằng các phán quyết của tòa án nước ngoài là chung thẩm đối với bất kỳ vấn đề nào được tuyên án trừ sáu trường hợp ngoại lệ: khi bản án không được tuyên bởi một tòa án có thẩm quyền; khi bản án không dựa trên lẽ phải trái của vụ việc; "khi bản án, xét về phương diện tố tụng, được đưa ra dựa trên quan điểm không đúng đắn về luật quốc tế, hoặc một sự từ chối việc công nhận luật pháp của Ấn Độ trong các trường hợp mà luật pháp đó được áp dụng"; khi các thủ tục tố tụng của bản án đi ngược lại với các nguyên tắc của lẽ công bằng tự nhiên; khi bản án được đưa ra bằng cách gian lận; và "khi bản án chấp nhận một khiếu nại dựa trên sự vi phạm bất kỳ luật pháp nào đang hiện hành ở Ấn Độ".

d. Singapore:

Các bản án của tòa án nước ngoài có thể được thi hành ở Singapore bằng cách đăng ký theo luật pháp hiện hành hoặc khởi kiện theo luật chung.

Đăng ký theo luật: Các luật cơ bản quy định việc đăng ký các bản án nước ngoài là Đạo Luật Thi Hành Các Bản án của Các Nước trong Khối Cộng Đồng (RECJA) và Đạo Luật Thi Hành Các Bản án Nước Ngoài (REFJA).

Theo RECJA, các bản án liên quan đến một khoản tiền được ban hành bởi các tòa án cao cấp thuộc các nước trong Khối Cộng Đồng Anh có thể được thi hành.  RECJA áp dụng cho 12 nước hoặc lãnh thổ, bao gồm Hợp Chủng Quốc Anh, Malaysia, New Zealand, Australia và Pakistan.

Một đơn xin thi hành bản án của các nước trong Khối Cộng Đồng thường phải được đưa ra trong vòng 12 tháng sau ngày ra bản án.  Đơn xin đăng ký được đưa ra bởi một bên, và trong các trường hợp khẩn cấp, có thể được xem xét trong cùng ngày nộp đơn.  Khi đã được đăng ký, một thông báo đăng ký sẽ được cấp cho người phải thi hành bản án và người đó có quyền nộp đơn lên tòa để tòa không cho thi hành bản án.  Lệnh đăng ký bản án sẽ quy định một thời gian kể từ sau khi thông báo đăng ký đã được cung cấp và trong khoảng thời gian đó đơn xin không cho thi hành bản án (nếu có) phải được nộp lên tòa.  Sau khi thời gian này hết hạn (giả sử không có đơn xin hủy bỏ bản án nào được nộp lên tòa) hoặc khi một đơn xin không cho thi hành bị bác bỏ, thì bản án được đăng ký có thể được thi hành giống như bất kỳ bản án nào khác được đưa ra bởi tòa án của Singapore.

Theo RECJA, bản án của một nước trong Khối Cộng Đồng sẽ không được đăng ký nếu: tòa án ra bản án không có thẩm quyền tài phán; người phải thi hành bản án là một người vừa không tiến hành công việc kinh doanh vừa không phải là người cư trú bình thường trong phạm vi nước có quyền tài phán ra bản án, đã không tình nguyện xuất hiện trước hoặc đồng ý đệ trình vụ việc lên quyền tài phán của tòa án đó; người phải thi hành bản án là bị đơn trong vụ kiện đã không được tống đạt một cách hợp lệ bởi tòa án, đã không có mặt tại phiên tòa; bản án có được nhờ sự gian lận; người phải thi hành bản án chỉ ra rằng đang có kháng án chưa được giải quyết hoặc rằng người đó có quyền và dự định sẽ kháng án; hoặc bản án không thể được công nhận vì các lý do về chính sách chung của Singapore hoặc những lý do tương tự bởi tòa án Singapore.

Thi hành án theo luật chung: Các bản án nước ngoài không thuộc phạm vi của RECJA có thể được thi hành theo luật chung nếu: bản án là về một khoản tiền nhất định; bản án là cuối cùng và chung thẩm; và tòa án nước ngoài có thẩm quyền tài phán theo tinh thần của luật về xung đột pháp luật.

Nói chung, các tòa án nước ngoài sẽ có thẩm quyền tài phán nếu người phải thi hành bản án: đồng ý đệ trình vụ việc lên quyền tài phán của tòa đó; là nguyên đơn hoặc  bị phản kiện trong vụ kiện trước tòa án nước ngoài; tình nguyện xuất hiện ở tòa án nước ngoài; và thường trú tại nước đó trong thời gian tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, các tòa địa phương có thể từ chối thi hành bản án nước ngoài nếu phát hiện thấy có sự gian lận hoặc việc thi hành bản án đi ngược lại với chính sách chung của Singapore.

e. Thái Lan:

Không có một điều khoản rõ ràng nào trong Bộ Luật Dân Sự và Tố Tụng của Thái đề cập đến việc thừa nhận và thi hành bản án nước ngoài tại các Tòa án của Thái Lan.  Các luật sư Thái Lan dường như cho rằng Thái Lan là một quốc gia độc lập và khi không có một hiệp định giữa Chính phủ Thái Lan và một chính phủ nước ngoài (cho dù là song phương hay đa phương), một tòa án của Thái Lan không có trách nhiệm phải thừa nhận và thi hành một bản án nước ngoài.  Vì thế, mặc dù vấn đề này chưa được đưa ra thử nghiệm trước Tòa án Tối Cao của Thái Lan, nếu được thử nghiệm thì có lẽ là Tòa án Tối Cao của Thái Lan sẽ từ chối việc công nhận và cho thi hành một bản án nước ngoài.

Để cho phép một toà án của Thái Lan công nhận và cho thi hành một bản án nước ngoài, thì hoặc là Chính phủ Thái Lan phải ký một hiệp định với một chính phủ nước ngoài hoặc là phải sửa đổi lại Bộ Luật Dân Sự và Tố Tụng. Chính Phủ Thái Lan, đặc biệt là Bộ Tư Pháp không đặt vấn đề này lên mục tiêu hàng đầu. Một trong số các quan chức của Bộ Tư Pháp nói rằng ông không hy vọng sẽ có một hành động nào của Bộ Tư Pháp về vấn đề này trong một tương lai gần.

Vì không có một điều khoản rõ ràng nào nên việc xem xét lại Hiến Pháp và Bộ Luật Dân Sự và Tố Tụng được công bố gần đây của Thái Lan cho thấy rằng không có khả năng một tòa án của Thái Lan sẽ thực hiện việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài bằng một hành động đơn phương hoặc trên nguyên tắc trao đổi lẫn nhau theo luật pháp quốc tế.  Vì thế, tiền lệ của Toà án Tối Cao về vấn đề này không được thiết lập.

Vì một bản án nước ngoài không được công nhận và thi hành ở Thái Lan nên một người có quyền yêu cầu thi hành bản án sẽ phải đệ trình vụ kiện lại từ đầu ở tòa Thái Lan. Tuy nhiên, nếu khiếu nại đó đã được công nhận và thi hành bởi một tòa án nước ngoài thì bản án nước ngoài đó có thể được đệ trình lên một tòa án của Thái Lan như là một bằng chứng của một khiếu nại đã được xét xử ở nước ngoài. Trong một số trường hợp, một tòa án của Thái Lan có thể công nhận một bản án nước ngoài như là một bằng chứng có tính thuyết phục.

Sẽ chẳng có giá trị gì ngay cả nếu tòa án của Thái Lan đã được phép công nhận và thi hành một bản án nước ngoài mà không phải sửa đổi gì các luật có liên quan, thì tòa án của Thái Lan có thể không có đủ khả năng để hoàn toàn công nhận một bản án nước ngoài vì bản án đó có thể bị ảnh hưởng bởi các điều hạn chế sau: cơ sở mà trên đó bản án nước ngoài được đưa ra không được trái với đạo lý và trật tự chung của người Thái Lan; và Biện pháp giải quyết được đưa ra trong bản án nước ngoài được luật pháp Thái Lan thừa nhận. Luật pháp Thái Lan không thừa nhận việc đền bù thiệt hại mang tính chất trừng phạt vì thế các bản án nước ngoài sẽ chắc chắn sẽ không được các tòa án của Thái Lan thừa nhận.

Kết luận và kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam:

Qua kinh nghiệm của một số nước của châu Âu và châu á, chúng ta thấy rằng, ngoại trừ Thái Lan, các nước này đều có qui chế riêng cho việc công nhận và thi hành bản án được đưa ra bởi tòa án nước ngoài. Như đã đề cập ở trên đây, ngoài việc công nhận và thi hành án của các nước đã ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, chúng ta chưa có qui định pháp luật về việc công nhận và thi hành các bản án được đưa ra bởi tòa án các nước khác. Với ý đồ xây dựng cơ sở pháp lý cho việc công nhận và thi hành các bản án nước ngoài, Việt Nam chắc chắn sẽ không muốn học tập hoàn toàn kinh nghiệm Thái Lan, có nghĩa là không muốn công nhận và thi hành bất kỳ một bản án nước ngoài nào tại Thái Lan. Tuy nhiên, do đặc thù của nền kinh tế thị trường còn non trẻ của nước ta cũng như mức thu nhập của nhân dân ta còn chưa cao, cho nên trong một chừng mực nào đó, mức độ hội nhập của Việt Nam với quốc tế trong vấn đề này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hiện nay, Pháp lệnh và Thông tư số 04 đưa ra các trường hợp mà bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không được công nhận và thi hành ở Việt Nam. Trên cở sở xem xét các trường hợp này và kinh nghiệm của các nước nêu trên đây, một số các trường hợp bản án, quyết định dân sự nước ngoài không được công nhận và thi hành cần được sửa đổi và bổ sung như sau:

Thứ nhất, trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án Việt Nam. Trên cơ sở của qui định này thì tòa án Việt Nam chỉ từ chối công nhận và thi hành một bản án nước ngoài nếu bản án đó đáng lý ra phải được một tòa án của Việt Nam đưa ra. Như vậy, trong trường hợp tòa án nước ngoài ra bản án không có thẩm quyền theo các qui định của luật pháp nước đó hoặc của các nước có liên quan thì Việt Nam không có cơ sở pháp lý để từ chối việc công nhận và thi hành bản án đó. Do vậy, qui định này cần phải được sửa đổi là "nếu tòa án đã ra bản án không có thẩm quyền để đưa ra bản án".

Thứ hai, các trường hợp cần bổ sung thêm là: trường hợp nếu bản án nước ngoài được đưa ra bằng cách gian lận thì tòa án nước ta không nên công nhận và thi hành bản án đó; trong trường hợp luật mà tòa án nước ngoài đã áp dụng để ra bản án không phải là pháp luật đã có thể được áp dụng theo luật của Việt Nam; để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam thì tòa án nước ta không nên công nhận một bản án nước ngoài về các vấn đề như thuế quan, hành chính, an ninh xã hội v.v... như kinh nghiệm của nước như Anh chẳng hạn. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu để có thể áp dụng cho pháp luật của Việt Nam về vấn đề này. 

Một vấn đề nữa cần được quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng đó là có nên công nhận và thi hành những bản án về đền bù thiệt hại chẳng hạn mà theo mức thu nhập của người dân ở các nước đã ra bản án thì mức đền bù thiệt hại là rất lớn, ví dụ trong các trường hợp gây thương tích, tai nạn v.v... mà một người dân hoặc một tổ chức của Việt Nam không thể có khả năng chi trả. Nếu tòa án của chúng ta công nhận và thi hành bản án loại đó thì có thể dẫn đến tình trạng phá sản của cá nhân hoặc tổ chức nào đó và điều đó là không nên./.

 

 

VẤN ĐỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM

TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

GIỮA VIỆT NAM VỚI NƯỚC NGOÀI *

 

Dẫn độ tội phạm đã xuất hiện và được nghiên cứu từ rất lâu trong lịch sử khoa học pháp lý. Hiện nay vấn đề này vẫn tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật quốc tế và quốc gia. Đấu tranh phòng chống tội phạm quốc tế là vấn đề khó khăn và phức tạp. Để làm được điều này, tất yếu phải tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật của các nước về nhiều mặt, trong đó có dẫn độ tội phạm. Dẫn độ tội phạm là một thủ tục đặc biệt nhằm trao trả kẻ phạm tội bỏ trốn giữa các quốc gia. Đây là một hoạt động tố tụng hình sự quốc tế được thực hiện tuân theo một số nguyên tắc như: nguyên tắc chủ quyền quốc gia, nguyên tắc có đi có lại, nguyên tắc quốc tịch v.v... Dẫn độ tội phạm còn cho phép các quốc gia có chủ quyền thực hiện hình phạt đối với người có hành vi vi phạm pháp luật khi người đó trốn ra ngoài biên giới quốc gia.

Hợp tác dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia là một yêu cầu cấp bách, vì lợi ích chung nhằm truy nã, truy tìm tội phạm quốc tế. Chính vì vậy phần lớn các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài đã giành một phần nhất định nhằm quy định về vấn đề dẫn độ tội phạm giữa hai nước kết ước hữu quan.

I. NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ  TƯ PHÁP GIỮA CHXHCN VIỆT NAM VỚI NƯỚC NGOÀI

Với mong muốn tăng cường hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm quốc tế, tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm giữa hai nước ký kết, hầu hết các Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự (HĐTTTP) giữa Việt Nam với nước ngoài đều có các quy định về dẫn độ tội phạm. Cụ thể như sau:

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CHDC Đức ký ngày 15/12/1980, mục III, chương VII: "Tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ" (từ Điều 76 đến Điều 95). Hiện nay Hiệp định này đã hết hiệu lực.

- Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và LBCHXHCN Xô Viết ký ngày 10/12/1981, chương III: "Tương trợ tư pháp về hình sự dẫn độ (từ Điều 57 đến Điều 74). Hiện nay Liên bang Nga kế thừa Hiệp định này.

- Hiệp định giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, phần II: "Những vấn đề hình sự" (từ Điều 61 đến Điều 79). Hiện nay hai nước Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia kế thừa Hiệp định này.

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Cu Ba ký ngày 30/11/1984, chương I, phần III: "Luật hình sự" (từ Điều 53 đến Điều 73).

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CH Hungari ký ngày 18/1/1985, chương I, phần II: "Tương trợ tư pháp về hình sự" (từ Điều 58 đến Điều 75).

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Bungari ký ngày 30/10/1986, chương VIII: "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự" (từ Điều 59 đến Điều 74).

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CH Ba Lan ký ngày 23/3/1993, chương I, phần III (từ Điều 52 đến Điều 69) và những quy định về quá cảnh ở chương II (từ Điều 70 đến Điều 75).

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Nga ký ngày 25/8/1998, chương II: "Dẫn độ để truy tố hình sự và thi hành án" (từ Điều 62 đến Điều 77). Hiệp định này đã được Nhà nước ta phê chuẩn ngày 3/6/1999; phía Nga chưa phê chuẩn.

- Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào ký ngày 6/7/1998, chương III, mục II: "Dẫn độ người phạm tội" (từ Điều 52 đến Điều 76). Hiệp định này đã được Nhà nước ta phê chuẩn ngày 3/6/1999; phía Lào chưa phê chuẩn.

Nhìn chung, Hiệp định giữa Việt Nam với các nước Ba Lan, Nga, Lào có các điều khoản về dẫn độ tương đối rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn so với các Hiệp định khác.

Các quy định về dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định nói trên đều được xây dựng xuất phát từ sự thoả thuận, thống nhất, trên cơ sở phù hợp với pháp luật của mỗi nước và pháp luật quốc tế. Tuy không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng đây cũng là những quy định về dẫn độ lần đầu tiên được đề cập đến trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài, góp phần giải quyết xung đột pháp luật trong vấn đề dẫn độ tội phạm. Các quy định chủ yếu bao gồm: nghĩa vụ dẫn độ; từ chối dẫn độ; hoãn dẫn độ và dẫn độ tạm thời; giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự; văn bản yêu cầu dẫn độ; tạm giữ để dẫn độ; nhiều nước yêu cầu dẫn độ một đối tượng; chuyển giao đồ vật; quá cảnh và những quy định khác; chi phí về dẫn độ và quá cảnh; thông báo kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ; cách thức liên hệ v.v...

1. Nghĩa vụ dẫn độ

Về nghĩa vụ dẫn độ, các Hiệp định đều quy định là các Nước ký kết cam kết sẽ dẫn độ cho nhau, theo quy định của Hiệp định, những người đang ở trên lãnh thổ nước mình để Nước ký kết kia truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành hình phạt. Hầu hết các Hiệp định quy định chỉ dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã có hành vi mà theo pháp luật của cả hai Nước ký kết coi là tội phạm với hình phạt giam tối thiểu là từ một năm trở lên. Riêng trong Hiệp định giữa Việt Nam - Ba Lan, Việt Nam - Liên Xô cũ thì quy định bản án đã tuyên ít nhất phải có thời hạn phạt tù từ 6 tháng trở lên.

Như vậy hai Nước ký kết chỉ thực hiện nghĩa vụ dẫn độ cho nhau trên cơ sở Hiệp định. Nếu một Nước ký kết có yêu cầu dẫn độ phù hợp với các quy định của Hiệp định, thì Nước ký kết kia phải có nghĩa vụ trao trả đối tượng đang bỏ trốn ở trên lãnh thổ của mình cho Nước ký kết yêu cầu. Và ngược lại hai Nước ký kết sẽ không có nghĩa vụ dẫn độ, nếu yêu cầu dẫn độ trái với quy định của Hiệp định hoặc khi giữa hai Nước không có yêu cầu dẫn độ.

Mục đích của việc dẫn độ là để Nước ký kết yêu cầu dẫn độ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bắt thi hành hình phạt đối với người bị dẫn độ. Có nghĩa là người đó đang là đối tượng của quá trình tố tụng hình sự, có thể đã bỏ trốn ngay sau khi gây án hoặc đang trong một giai đoạn nào đó của quá trình tố tụng hình sự, có thể là ngay sau khi bị khởi tố hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Để Nước ký kết thực hiện nghĩa vụ dẫn độ, Nước ký kết yêu cầu dẫn độ phải chỉ ra rằng đối tượng bỏ trốn đó đã thực hiện một hành vi phạm tội và hành vi đó chưa bị trừng phạt. Thủ tục dẫn độ tương đối phức tạp, do đó những tội phạm ít nghiêm trọng, gây nguy hiểm không lớn cho xã hội thì không nhất thiết phải áp dụng thủ tục dẫn độ, mà có thể áp dụng những biện pháp khác đơn giản hơn như trục xuất, đẩy trả... Vì vậy trong các Hiệp định đều quy định hình phạt tối thiểu có thể sẽ áp dụng cho đối tượng hoặc đã áp dụng cho đối tượng.

Tuy nhiên, về vấn đề này, trong các Hiệp định còn có điểm chưa đồng nhất. Hầu hết các Hiệp định đều quy định chỉ dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng bị coi là tội phạm mà theo pháp luật của cả hai Nước có thể bị áp dụng hình phạt ít nhất là 1 năm tù giam, hoặc để thi hành hình phạt đối với những bản án đã tuyên từ 1 năm tù giam trở lên. Nhưng trong Hiệp định giữa Việt Nam với Ba Lan, Việt Nam với Liên Xô cũ quy định thời hạn tối thiểu của hình phạt tù đã tuyên là 6 tháng. Mặt khác quy định này còn chưa chặt chẽ, chưa đề cập đến một thực tế là trong trường hợp về cùng một tội phạm mà Nước ký kết này thì quy định thời hạn tối thiểu, còn Nước ký kết kia lại quy định thời hạn tối đa của hình phạt có thể sẽ được áp dụng. Điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng thực hiện dẫn độ, nếu việc dẫn độ giữa Việt Nam và Nước ký kết gặp phải trường hợp trên.

Hiệp định mẫu của Liên hợp quốc quy định: "Những tội phạm dẫn độ là những tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo hình phạt tù hoặc tưóc quyền tự do tối đa từ 1/2 năm hoặc bị áp dụng hình phạt nặng hơn theo luật hình ở mỗi nước. Khi một yêu cầu dẫn độ liên quan đến một người bị truy nã nhằm để thi hành hình phạt tù hoặc tước quyền tự do về hành vi phạm tội đó" (Điều 2). Như vậy, quy định như trong các HĐTTTP giữa Việt Nam với nước ngoài là hoàn toàn phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế về vấn đề dẫn độ.

2. Từ chối dẫn độ

Để đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc về dẫn độ tội phạm, trong các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước đều có quy định về các trường hợp từ chối dẫn độ. Cụ thể, hai Nước ký kết sẽ không chấp nhận dẫn độ trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng được yêu cầu dẫn độ là công dân của nước mình.

Xuất phát từ nguyên tắc quốc tịch và chủ quyền quốc gia, quy định này cho phép hai Nước ký kết từ chối dẫn độ đối tượng là công dân của nước mình. Trong Hiến pháp của các nước thường quy định về quyền lực của Nhà nước đối với công dân của mình. Quốc gia có quyền lực pháp lý đối với công dân nước mình, cho dù họ ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Tuân theo nguyên tắc pháp lý tối cao đó, Nước ký kết này sẽ không chấp nhận yêu cầu dẫn độ công dân của mình, cho dù người đó phạm tội trên lãnh thổ của Nước ký kết kia. Vấn đề này cũng được quy định rõ trong các Hiệp định giữa Việt Nam với các nước, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên có một vấn đề được đặt ra ở đây là phải chăng tội phạm đó sẽ không bị trừng trị? Thực tiễn tư pháp của nhiều nước cho thấy, pháp luật không cho phép miễn trừ đối với các tội phạm hình sự đã gây án ở nước ngoài rồi trốn về nước mình. Mặc dù vậy, trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước lại không quy định về điều này. Nên chăng cần có quy định cụ thể về vấn đề này, bởi vì nếu Nước được yêu cầu dẫn độ công dân của mình nhưng lại không quy định về việc xử lý hành vi phạm tội của đối tượng đó, thì vô hình chung đã để lọt tội phạm, không đảm bảo được mục đích của đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm quốc tế nói riêng là truy bắt tội phạm đến cùng để trừng trị và giáo dục. Một số đạo luật và điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm của nước ngoài có quy định cụ thể về vấn đề này. Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Mỹ và Thái Lan quy định: "Nước được yêu cầu, theo đề nghị của Nước yêu cầu, sẽ đệ trình vụ án lên nhà chức trách có thẩm quyền để khởi tố" (nếu Nước được yêu cầu có thẩm quyền xét xử tội phạm đó). Vậy nếu Nước được yêu cầu không có thẩm quyền xét xử tội phạm đó thì phải xử lý như thế nào?

Mục a Điều 4 trong Hiệp định mẫu của Liên hợp quốc đưa ra cách giải quyết như sau: "Khi việc từ chối dẫn độ bị từ chối thì Nước được yêu cầu dẫn độ sẽ phải trình vụ việc lên nhà chức trách có thẩm quyền nhằm đưa ra biện pháp xử lý thích hợp theo đúng với tội danh mà nhà chức trách Nước yêu cầu đưa ra".

Như vậy, mục đích của dẫn độ tội phạm là truy bắt tội phạm đến cùng nhằm trừng phạt kẻ phạm tội bỏ trốn cũng như giáo dục và ngăn ngừa kẻ khác có ý định phạm tội. Nhưng nếu các quốc gia sử dụng quốc tịch làm cơ sở để từ chối dẫn độ thì sau đó cần phải quy định biện pháp cụ thể để xử lý kẻ phạm tội. Có vậy mới đảm bảo được việc thực thi pháp luật và đấu tranh chống tội phạm quốc tế.

b) Nước yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ nếu đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật của Nước được yêu cầu vào thời điểm nhận được yêu cầu dẫn độ, hoặc không thể tiến hành tố tụng hình sự vì bất cứ lý do pháp lý nào khác của Nước nhận yêu cầu dẫn độ.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là khoảng thời gian quy định trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự đối với một vụ án hoặc một bị can. Hết thời gian đó, đối tượng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mục đích của việc quy định thời hiệu trong tố tụng hình sự nói chung là để các cơ quan tiến hành tố tụng tích cực hoạt động, tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự nhanh chóng để trừng trị kẻ phạm tội thích đáng. Mặt khác, sau một khoảng thời gian tương đối dài, mức độ nguy hiểm của tội phạm đã giảm thì không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.

Việc xem xét về thời hiệu căn cứ vào pháp luật của Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ. Nếu một vụ án, theo pháp luật của Nước ký kết yêu cầu, vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo pháp luật của Nước được yêu cầu, thời hiệu này đã hết, thì Nước được yêu cầu vẫn có quyền căn cứ vào pháp luật của mình để từ chối dẫn độ theo yêu cầu của Nước ký kết kia.

Hiển nhiên là khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và hết thời hiệu thi hành hình phạt đối với một tội phạm, thì kẻ gây ra hành vi phạm tội đó sẽ không bị tiến hành tố tụng, cũng như không bị bắt thi hành hình phạt đã tuyên. Vì ý nghĩa đó mà pháp luật và điều ước quốc tế về dẫn độ của một số nước cũng có quy định về vấn đề này. Ví dụ khoản 3 Điều 6 Hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Niu-Dilân quy định một trong những căn cứ để từ chối dẫn độ là: "Khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành hình phạt".

Ngoài ra, Nước được yêu cầu dẫn độ còn có thể từ chối dẫn độ vì bất kỳ lý do hợp pháp nào của mình. Tuy nhiên có một điều tồn tại là những lý do này không được quy định cụ thể trong các Hiệp định, do đó việc thực hiện quy định này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên đây phải là những lý do chính đáng và có sức thuyết phục như tình trạng sức khoẻ của đối tượng bị yêu cầu dẫn độ, chính sách khoan hồng của Nhà nước được yêu cầu... không cho phép dẫn độ hoặc tiến hành tố tụng kẻ phạm tội.

c) Yêu cầu dẫn độ có thể bị từ chối, nếu hành vi phạm tội (của đối tượng yêu cầu dẫn độ) đã có một bản án có hiệu lực pháp luật do Nước được yêu cầu dẫn độ tuyên xử phạt hoặc một quyết định miễn tố có hiệu lực pháp luật.

Vấn đề này là xuất phát từ nguyên tắc mỗi hành vi phạm tội chỉ bị xử phạt một lần, nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng bị yêu cầu dẫn độ, tránh trường hợp bị xử phạt nhiều lần về cùng một tội danh. Người phạm tội bị yêu cầu dẫn độ có quyền được xét xử công bằng. Trong trường hợp đối tượng phạm tội ở nước A, sau đó lẩn trốn ở nước B, bị nước B bắt giữ, tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự về chính tội phạm đó và bị Toà án tuyên xử, bản án xử phạt đã có hiệu lực pháp luật, thì người đó không thể bị dẫn độ cho nước A để truy cứu trách nhiệm hình sự một lần nữa về chính hành vi phạm tội này. Bởi vì hành vi phạm tội của đối tượng đã bị nước B trừng trị thích đáng.

Trường hợp miễn tố là khi có lý do chính đáng được quy định trong pháp luật của Nước được yêu cầu dẫn độ, đối tượng đã được miễn tố. Ví dụ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, miễn tố được cho phép trong những trường hợp: không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự ... (Điều 89) thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó, hành vi của đối tượng gây ra mà là nguyên nhân của yêu cầu dẫn độ sẽ không bị coi là hành vi phạm tội hoặc không thể bị xét xử và trừng phạt theo pháp luật của Nước được yêu cầu dẫn độ. Do đó đây là một trong những căn cứ để Nước ký kết được yêu cầu từ chối yêu cầu dẫn độ của Nước ký kết yêu cầu.             

d) Tội phạm xảy ra hoặc hoàn thành trên lãnh thổ Nước ký kết được yêu cầu cũng là một trong những căn cứ để Nước ký kết được yêu cầu từ chối yêu cầu dẫn độ của Nước ký kết yêu cầu dẫn độ.

Khi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ một nước, tuỳ từng trường hợp cụ thể và trên những mức độ nhất định, tội phạm đó đã xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, đến an ninh trật tự an toàn xã hội, hoặc vi phạm pháp luật của quốc gia đó. Quốc gia có toàn quyền xét xử và trừng phạt kẻ có hành vi phạm tội đó. Việc xét xử những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước mình là nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia và thực thi quyền lực quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình. Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật các nước đều quy định người nước ngoài làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, thì phải có nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo pháp luật của Việt Nam; nếu vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ bị trừng phạt theo pháp luật Việt Nam. Bởi vậy mà trong các Hiệp định giữa Việt Nam với các nước đều quy định một trong những căn cứ để từ chối dẫn độ là tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên trong thực tiễn tư pháp quốc tế, có những tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của một nước lại được nước đó trao trả cho nước mà tội phạm mang quốc tịch để xét xử. Nhưng việc trao trả này thường được thực hiện dưới hình thức đẩy trả, trục xuất. Ví dụ năm 1994 Cảnh sát CHLB Nga trục xuất về Việt Nam 20 đối tượng phạm tội ở Nga là người Việt Nam và yêu cầu phía Việt Nam xử lý.

Trong Hiệp định giữa Việt Nam với Cu Ba, Bungary, Liên Xô cũ, LB Nga còn quy định tội phạm được hoàn thành trên lãnh thổ Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ cũng là căn cứ để nước đó từ chối dẫn độ. Tức là tội phạm không nhất thiết phải được thực hiện mà chỉ cần hoàn thành trên lãnh thổ Nước được yêu cầu dẫn độ cũng được coi là căn cứ để từ chối dẫn độ. Ví dụ A và B cùng đi trên một chuyến máy bay từ Ba Lan sang Việt Nam của hãng hàng không Ba Lan. A đã đầu độc B bằng cách cho thuốc độc vào nước uống của B trên máy bay với mục đích giết B. Khi đến Việt Nam, B bị chết bởi thuốc độc. Như vậy là tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ bay của Ba Lan, nhưng hoàn thành ở Việt Nam. Theo quy định của Hiệp định, Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ tội phạm trong trường hợp này.

Luật dẫn độ tội phạm của Angiêri, Nhật Bản, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Mỹ và Thái Lan, Công ước dẫn độ tội phạm Châu Âu... và hầu hết luật pháp về dẫn độ tội phạm của các nước đều quy định về vấn đề này. Khoản 3 Điều 68 Luật dẫn độ tội phạm của Angiêri quy định một trong những trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm là "khi hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Angiêri". Công ước dẫn độ tội phạm Châu Âu quy định: "Theo luật pháp nước mình, Nước được yêu cầu dẫn độ có thể từ chối dẫn độ đối tượng bị yêu cầu do vi phạm pháp luật toàn bộ hoặc một phần trên lãnh thổ của mình hoặc ở một nơi tương tự trên lãnh thổ của mình" (khoản 1 Điều 7).

e) Trong Hiệp định giữa Việt Nam với Liên Xô cũ, CH Ba Lan, CH Hungari, CHND Bungari, LB Nga còn quy định trường hợp từ chối dẫn độ là khi không có yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại đối với những tội chỉ bị truy cứu TNHS khi có yêu cầu của người bị hại.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, những tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam sau đây chỉ bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và trường hợp người bị hại rút đơn yêu cầu trước ngày mở phiên toà thì vụ án phải được đình chỉ:

- Khoản 1 Điều 109: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác (không có tình tiết tăng nặng).

- Đoạn 1 khoản 1 Điều 112: Tội hiếp dâm (không có tình tiết tăng nặng).

- Đoạn 1 khoản 1 Điều 113: Tội cưỡng dâm (không có tình tiết tăng nặng).                                                                  

- Khoản 1 Điều 116: Tội làm nhục người khác.

- Khoản 1 Điều 117: Tội vu khống (không có tình tiết tăng nặng).

- Điều 126: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh.

Nếu những tội phạm quy định trên đây không có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ cho nước ký kết yêu cầu. Tuy nhiên cũng ở Điều 88 khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định: "Trong trường hợp cần thiết, tuy người bị hại rút đơn yêu cầu, Viện Kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án". Nhưng trong 5 Hiệp định Việt Nam ký với nước ngoài quy định về tội phạm chỉ bị khởi tố theo đơn yêu cầu của người bị hại lại không có quy định về điều này. Trên thực tế việc dẫn độ hiện nay, chúng ta chủ yếu căn cứ theo từng trường hợp cụ thể để có thể chấp nhận dẫn độ hay không.

Riêng những quy định về dẫn độ tội phạm trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - CH Ba Lan có thêm một số quy định về từ chối dẫn độ. Hiệp định này được ký năm 1993, do đó có sự kế thừa và phát triển các Hiệp định trước, cụ thể là có thêm một số những quy định sau:

+ Tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ nước thứ 3 và pháp luật của Nước được yêu cầu dẫn độ không cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự loại tội phạm đó khi nó thực hiện ngoài lãnh thổ của mình.

Trường hợp này tội phạm không thực hiện trên lãnh thổ Nước yêu cầu dẫn độ mà thực hiện ở lãnh thổ nước thứ 3, Nước được yêu cầu dẫn độ coi hành vi đó là hành vi phạm tội song pháp luật nước đó lại không cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm này khi nó thực hiện ngoài lãnh thổ của mình và đương nhiên như vậy thì không thể dẫn độ đối tượng cho Nước ký kết có yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm bị yêu cầu dẫn độ.

Quy định này phù hợp với Hiệp định mẫu của Liên hợp quốc tế về dẫn độ tội phạm. Mục e Điều 4 Hiệp định này quy định một trong những cơ sở để từ chối dẫn độ là: "Nếu tội phạm bị yêu cầu dẫn độ xảy ra ngoài lãnh thổ của cả hai bên mà Nước được yêu cầu lại không có thẩm quyền pháp lý để xử lý tội phạm đó khi nó xảy ra ngoài lãnh thổ của mình".

+ Hành vi phạm tội chỉ là sự vi phạm các quy định về thuế, hải quan, hối đoái, về hàng hoá hoặc ngoại thương.

Theo luật dẫn độ truyền thống, các tội phạm tài chính nói trên không được công nhận là các tội có thể dẫn độ. Sự đa dạng của luật thuế gây trở ngại cho hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Luật thuế của các quốc gia thường có nhiều quy định khác nhau, do đó yêu cầu phạm tội kép không được thoả mãn. Tuy nhiên hiện nay, những điều kiện kinh tế thế giới thay đổi rất nhiều, các quốc gia tăng cường hợp tác và thắt chặt quan hệ kinh tế với nhau. Điều này khiến cho cơ sở từ chối dẫn độ các tội phạm tài chính nói trên nhiều khi không còn phù hợp.

Ngày nay, nhiều nước cho phép dẫn độ tội phạm về thuế nếu có thoả thuận giữa các bên. Tuy nhiên việc dẫn độ phải đáp ứng được các điều kiện của các Hiệp định, đặc biệt là phù hợp với nguyên tắc tội phạm kép. Theo điều 5 Công ước dẫn độ tội phạm Châu Âu, trong phạm vi các nước Châu Âu, vi phạm về thuế là tội có thể dẫn độ.

+ Tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án của Nước được yêu cầu dẫn độ và xâm phạm những lợi ích quan trọng của nước đó hoặc hành vi phạm tội có khả năng xâm phạm chủ quyền an ninh hoặc trật tự công cộng của nước đó.

Trong luật pháp quốc tế nói chung, tư pháp quốc tế nói riêng, chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, dẫn độ tội phạm không thể nằm ngoài quy tắc đó. Do đó nếu tội phạm không xảy ra trên lãnh thổ Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ nhưng rơi vào trường hợp trên thì nước đó vẫn coi đấy là một cơ sở để từ chối dẫn độ theo yêu cầu của Nước ký kết kia. Ngoài ra, trong những quy định về từ chối dẫn độ của các Hiệp định giữa Việt Nam với nước ngoài không đề cập đến một cơ sở từ chối dẫn độ mà pháp luật và thông lệ quốc tế cũng như nhiều luật, Hiệp định, Công ước dẫn độ tội phạm của nhiều nước có ghi nhận là tội phạm chính trị. Đây là một tồn tại trong pháp luật về dẫn độ tội phạm của ta.

Hiệp định mẫu về dẫn độ tội phạm của Liên Hợp Quốc quy định: việc dẫn độ sẽ không được chấp nhận "nếu một tội phạm yêu cầu dẫn độ bị Nước được yêu cầu coi là một tội phạm mang tính chính trị" (mục a - điều 3). Luật dẫn độ tội phạm của Nhật Bản, Malaysia, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Mỹ và Niu Dilân, Mỹ và Thái Lan ... đều có quy định như vậy. Luật và Hiệp định dẫn độ của nhiều nước còn quy định sẽ từ chối dẫn độ nếu có căn cứ chỉ ra rằng mục đích của việc dẫn độ là để xét xử đối tượng vì mục đích chính trị hoặc về một tội liên quan tới chính trị.

Trong lịch sử dẫn độ, ở thời kỳ sơ khai, các quốc vương chấp nhận trao trả kẻ thù và những người bất đồng chính kiến cho các quốc vương khác. Tới đầu thế kỷ XIX, cuộc Cách mạng tư sản với việc đề cao nhân quyền đã làm thay đổi quan điểm này. Đặc biệt từ sau Cách mạng tư sản Pháp đã dấy lên phong trào đấu tranh chống áp bức và chuyên chế như một quyền cơ bản của con người. Từ đó việc từ chối dẫn độ tội phạm chính trị trở thành nguyên tắc của luật dẫn độ tội phạm.

Hiện nay có một định nghĩa cụ thể và thống nhất về tội phạm chính trị. Mỗi nước có một quan điểm, một định nghĩa riêng về tội phạm này tuỳ theo từng thời kỳ lịch sử. Trên thực tế, "tội chính trị" và "hành vi vi phạm có tính chất chính trị" được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, tuỳ thuộc vào từng trường hợp phạm tội cụ thể. Do đó khi xem xét một tội phạm có phải là tội phạm chính trị hay không, các nước thường đặt hành vi phạm pháp của cá nhân trong bối cảnh chung, trong mối quan hệ trực tiếp giữa lợi ích của tội phạm và tổ chức chính trị của nó.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia, nên chăng đưa ra một định nghĩa về tội phạm chính trị và những hành vi phạm tội liên quan đến chính trị. Nhiều nước, để khắc phục điều này đã chỉ ra những tội không phải là tội phạm chính trị. Hiệp định giữa Indo - Anh ký năm 1993 quy định những tội sau đây không phải là tội phạm chính trị:

- Các tội theo Công ước Hague 1970 về ngăn cấm việc tịch thu máy bay trái phép.

- Các tội theo Công ước Montreal 1971 về ngăn cấm các hành vi vi phạm sự an toàn của hàng không dân dụng.

- Các tội theo Công ước 1973 về việc cấm và trừng trị các tội chống lại những người được bảo vệ trên phạm vi quốc tế bao gồm các trinh thám ngoại giao.

- Các tội theo Công ước 1979 chống lại việc bắt giữ con tin.

- Các tội hình sự nguy hiểm như giết người, ngộ sát, hành hung gây thương tích, gây đau đớn, gây nên những vụ nổ đe doạ sự sống và gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản, tạo hay sở hữu chất gây nổ với ý đồ hình sự hay với thái độ coi thường mạng sống của người khác, bắt cóc, trốn tù, hay bắt giữ người một cách phạm pháp, bắt giữ con tin và bất kỳ tội gì khác có liên quan đến khủng bố.

Hiện nay nhiều nước vẫn đang phải đối mặt với các hoạt động khủng bố, tàn sát bằng bạo lực với động cơ chính trị như Angiêri, Chilê, Srilanka... Nhiều kẻ tội phạm là thành viên của các tổ chức chính trị gây tội ác đã trốn ra nước ngoài để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Ngay cả khi nước yêu cầu dẫn độ có đầy đủ bằng chứng về những tội phạm đã bỏ trốn có dính líu tơí những tội ác dã man, đi ngược với mục tiêu dân sinh, hoà bình thì yêu cầu dẫn độ những người này vẫn bị từ chối với lý do là việc yêu cầu dẫn độ là đẻe truy tố hoặc trừng trị những người này vì mục đích chính trị. Thiết nghĩ, nên chấp nhận dẫn độ những tội phạm này, không nên coi đó là tội phạm chính trị đơn thuần để làm cơ sở cho từ chối dẫn độ.                           

3. Hoãn dẫn độ và dẫn độ tạm thời.

Trong một số trường hợp, yêu cầu dẫn độ sẽ được chấp nhận, nhưng do những điều kiện nhất định, việc dẫn độ sẽ không thể thực hiện được. Trong các Hiệp định Việt Nam đã ký kết có quy định: Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt về một tội khác trên lãnh thổ nước được yêu cầu dẫn độ thì việc dẫn độ có thể được hoãn lại cho đến khi kết thúc tố tụng hình sự. Tuy nhiên có thể xem xét cho phép dẫn độ tạm thời nếu việc hoãn đó làm cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tiến hành tố tụng hình sự gặp khó khăn nghiêm trọng. Nhưng với điều kiện là người bị dẫn độ tạm thời phải được trả lại ngay cho nước ký kết đã cho dẫn độ sau khi hoàn thành tố tụng hình sự.

Trong Hiệp định giữa Việt Nam với CHDC Đức cũ, CHXHCN Tiệp Khắc cũ, LB Nga quy định cụ thể chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày dẫn độ tạm thời, Nước ký kết được cho dẫn độ phải trả lại đối tượng cho Nước ký kết cho dẫn độ. Để hoãn dẫn độ thì tội phạm là nguyên nhân dẫn đến yêu cầu dẫn độ phải khác với tội phạm mà đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải thi hành hình phạt. Nếu đó là yêu cầu dẫn độ về chính tội phạm mà đối tượng đang phải chịu tố tụng hoặc đang phải thi hành hình phạt thì sẽ không thể áp dụng điều này.

Việc hoãn dẫn độ có thể gây ảnh hưởng tới thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc làm cho việc điều tra, xét xử tội phạm gặp khó khăn nghiêm trọng. Ví dụ đối tượng đó là một nhân chứng quan trọng tại phiên toà mà nếu vắng y thì sẽ không thể kết tội được những kẻ khác... Do đó các Nước ký kết quy định có thể cho dẫn độ tạm thời đối tượng đó, nhưng Nước ký kết được dẫn độ tạm thời phải trả ngay y cho nước cho dẫn độ sau khi đã tiến hành xong các hoạt động tố tụng cần thiết của mình. Đây chính là biện pháp để đảm bảo quyền lực pháp chế của nước cho dẫn độ tạm thời. Các điều ước quốc tế của các nước về dẫn độ tội phạm cũng đều có quy định tương tự như trên, như Công ước dẫn độ tội phạm Châu Âu, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Mỹ và Thái Lan, giữa Mỹ và Niu Dilân, Công ước dẫn độ tội phạm giữa các nước Arập...                                                                

4. Giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các Hiệp định TTTP Việt Nam ký với nước ngoài đều quy định giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: không được truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc người bị dẫn độ chấp hành hình phạt về những tội đã phạm phải trước khi dẫn độ và không phải là tội danh làm căn cứ để dẫn độ. Không được dẫn độ người đó cho nước thứ 3 nếu không có sự đồng ý của Nước được yêu cầu dẫn độ. Quy định này đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người bị dẫn độ, tránh trường hợp Nước yêu cầu dẫn độ xét xử đối tượng không đúng với tội danh đã nêu trong yêu cầu dẫn độ, mà có thể sẽ xét xử đối tượng về tội phạm khác, phục vụ cho một mục đích khác như chính trị, tôn giáo...

Nhưng đối tượng đó sẽ chỉ không bị truy cứu về những tội đã phạm trước khi bị dẫn độ. Còn đối với những tội mà Y gây ra sau khi bị dẫn độ thì quốc gia yêu cầu dẫn độ có đầy đủ thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng về tội phạm đó. Ví dụ một công dân Ba Lan phạm một tội chính trị ở Ba Lan, Sau đó phạm tội giết người và trốn sang Việt Nam. Việt Nam sẽ từ chối yêu cầu dẫn độ để xét xử anh ta về tội phạm chính trị, nhưng nếu Ba Lan yêu cầu dẫn độ anh ta để xét xử về tội giết người thì yêu cầu đó sẽ được chấp nhận với điều kiện là chỉ được xét xử anh ta về tội danh đã được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Trường hợp sau khi bị dẫn độ, đối tượng trốn thoát và tiếp tục gây án thì Nước yêu cầu dẫn độ sẽ có toàn quyền truy cứu trách nhiệm hình sự anh ta về tội phạm mới thực hiện. Mặt khác, mục đích dẫn độ tội phạm là để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bắt thi hành hình phạt đối tượng về tội phạm bị nêu trong yêu cầu dẫn độ, và việc dẫn độ là phụ thuộc vào quy định của Hiệp định dẫn độ giữa hai nước hoặc quan hệ thân thiện giữa hai nước. Do đó nếu Nước yêu cầu dẫn độ lại dẫn độ đối tượng cho nước thứ ba thì việc dẫn độ đó phải được Nước ký kết đã cho dẫn độ đồng ý. Quy định này là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

5. Văn bản yêu cầu dẫn độ.

Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ sẽ chì chấp nhận dẫn độ tội phạm, nếu có đủ căn cứ để chứng minh rằng đối tượng bị yêu cầu dẫn độ đã phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ, và tội phạm đó là loại tội phạm có thể được chấp nhận dẫn độ. Do đó trong các Hiệp định đều sẽ chỉ chấp nhận dẫn độ khi có đầy đủ những tài liệu sau được nước yêu cầu dẫn độ cung cấp:

a) Lệnh bắt giữ đối tượng. Lệnh này phải do cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ ban hành. Hiện nay hầu hết các nước thành viên Interpol đều coi lệnh truy nã đỏ của Interpol là căn cứ để chấp nhận dẫn độ giữa các nước thành viên Interpol.

b) Bản mô tả hoàn cảnh phạm tội, tức là bản tóm tắt vụ án.

c) Điều luật của Nước ký kết yêu cầu, theo đó hành vi bị coi là tội phạm. Nước ký kết yêu cầu dẫn độ phải chỉ ra rằng theo pháp luật nước mình, hành vi do đó đối tượng gây ra bị coi là hành vi phạm tội, bởi vậy phải chỉ rõ điều luật quy định về tội phạm đó.    

d) Thiệt hại vật chất do tội phạm gây ra (nếu có).

e) Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi tạm trú và thường trú của đối tượng đó, những đặc điểm nhận dạng và nếu có thể phải ghi rõ căn cước, nhân thân, ảnh và dấu vân tay. (Đây là những thông tin hết sức quan trọng và cần thiết giúp cho cơ quan chức năng của nước ký kết đuực yêu cầu dẫn độ nhanh chóng bắt giữ được đối tượng).

  g) Nếu yêu câù dẫn độ để thi hành hình phạt, thì phải kèm theo chứng thực bản án, xác nhận bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu người bị kết án đã chấp hành một phần hình phạt thì phải thông báo về điều này.

Nếu yêu cầu dẫn độ của Nước ký kết yêu cầu không đủ những tài liệu trên, thì Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ có thể đề nghị cung cấp bổ xung tài liệu trong một thời gian nhất định và có thể gia hạn khi Nước ký kết yêu cầu. Thời hạn này trong các Hiệp định quy định không giống nhau. Trong Hiệp định giữa Việt Nam với Liên Xô cũ, Tiệp Khắc cũ, Ba Lan, Hungary, Lào quy định là không quá 2 tháng; Hiệp định với Cu Ba, Bungary quy định không quá 3 tháng; Hiệp định với CHLB Nga quy định chậm nhất là 1 tháng. Hết thời hạn trên mà Nước ký kết yêu cầu dẫn độ mà không cung cấp đủ những tài liệu nêu trên thì Nước ký kết được yêu cầu có thể chấm dứt thủ tục dẫn độ và trả lại tự do cho người bị bắt giữ.

6. Tạm giữ để dẫn độ.

Các Hiệp định TTTP đều quy định: Sau khi nhận được yêu cầu dẫn độ, Nước được yêu cầu cần tiến hành những biện pháp cần thiết để truy tìm kẻ phạm tội đang bỏ trốn và ra lệnh bắt giữ khi cần thiết. Trong một vụ án hình sự, việc truy tìm tội phạm là công việc khó khăn và rất quan trọng, cần được tiến hành khẩn trương, tích cực. Bởi vậy, đây là một trong những biện pháp ngăn chặn cần thiết được thực hiện để ngăn chặn tội phạm có thể sẽ tiếp tục bỏ trốn hoặc có thể sẽ tiếp tục phạm tội. Trường hợp khẩn cấp có thể tạm giữ trước người bị yêu cầu dẫn độ khi chưa nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ. Nhưng cần phải có đề nghị của nước yêu cầu và nước này bảo đảm chắc chắn là đã có lệnh bắt hoặc đã có bản án có hiệu lực pháp luật đối với đối tượng này.

Nước ký kết yêu cầu dẫn độ phải gửi đầy đủ văn bản yêu cầu dẫn độ cho Nước ký kết được yêu cầu. Chỉ khi đó Nước được yêu cầu mới có đủ căn cứ bắt giữ đối tượng. Trong thực tiễn dẫn độ tội phạm, để kịp bắt giữ tội phạm, Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ có thể chấp nhận tiến hành những biện pháp ngăn chặn cần thiết khi chưa có văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức. Tuy nhiên phải có đảm bảo chắc chắn của nước yêu cầu dẫn độ là những văn bản đó sẽ được gửi tới sau.

Hiện nay Việt Nam chưa có văn bản quy định cụ thể về điều này, trong khi thực tiễn dẫn độ của chúng ta gặp rất nhiều trường hợp tương tự. Nhiều nước đã có quy định về những thủ tục tiền dẫn độ trước khi có văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức từ phía nước yêu cầu gửi tới, trong đó có tạm giữ đối tượng.

Các Hiệp định còn quy định trong nhũng trường hợp khẩn cấp chưa có đề nghị của Nước ký kết kia, cũng có thể tạm giữ một người đang có mặt trên lãnh thổ nước mình nếu có tin tức về việc người đó đã thực hiện trên lãnh thổ Nước ký kết kia một tội phạm đưa đến dẫn độ. Tất cả những trường hợp tạm giữ nói trên đều phải thông báo tạm giữ cho Nước ký kết kia biết. Sau thời hạn quy định kể từ ngày thông báo việc tạm giữ cho Nước ký kết kia, Nước ký kết này không nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ thì phải trả lại tự do cho người bị tạm giữ. Thời hạn này được quy định không giống nhau trong các Hiệp định. Trong các Hiệp định Việt Nam ký kết với CHDC Đức cũ, Tiệp Khắc thời hạn này là 2 tháng; các Hiệp định ký với Liên Xô cũ, Cu Ba, Bungary, CHDC Lào, LB Nga là 1 tháng; Hiệp định ký với Hungary là 40 ngày.

7. Nhiều nước yêu cầu dẫn độ về cùng một đối tượng (xung đột giữa các yêu cầu dẫn độ).

Trên thực tế có nhũng trường hợp Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ nhận được yêu cầu dẫn độ của nhiều nước về cùng một đối tượng, về cùng một tội danh hay nhiều tội danh khác nhau và nước được yêu cầu dẫn độ sẽ phải lựa chọn để chấp nhận một trong những yêu cầu dẫn độ đó.

Ví dụ một công dân Đức phạm tội cướp tài sản của một công dân Đức trên lãnh thổ Ba Lan, sau đó trốn sang Việt Nam, cả hai nước Đức và Ba Lan đều ra lệnh truy nã và yêu cầu Việt Nam trao trả kẻ phạm tội. Đức thì cho rằng tội phạm là công dân Đức và nạn nhân cũng là công dẫn Đức, còn Ba Lan thì cho rằng tội phạm đó xảy ra trên lãnh thổ Ba Lan nên Ba Lan cũng có thẩm quyền xét xử... Trường hợp này Việt Nam sẽ phải xem xét để chấp nhận một trong hai yêu cầu trên.

Việc xem xét này sẽ dựa vào những tình tiết như tính chất của hành vi phạm tội, vào địa điểm phạm tội và quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ và vào khả năng của nước đã yêu cầu cũng như căn cứ vào thời điểm của những yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên trong các Hiệp định quy định không thống nhất và cụ thể về vấn đề này, ví dụ trong Hiệp định Việt Nam - Liên Xô cũ chỉ quy định chung chung là "Nước ký kết được yêu cầu sẽ xem xét yêu cầu của từng nước để quyết định nên thoả mãn yêu cầu của nước nào" (Điều 62), hoặc trong Hiệp định giữa Việt Nam - Cu Ba quy định: "Nước ký kết được yêu cầu căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm để quyết định thoả mãn yêu cầu của nước nào" (Điều 66).

Pháp luật cũng như điều ước quốc tế của nhiều nước cũng quy định khá chặt chẽ về vấn đề này. Trong Hiệp định dẫn độ giữa Thái Lan và Hoa Kỳ có quy định nếu một nước nhận được yêu cầu dẫn độ của nhiều nước về cùng một đối tượng nhưng về nhiều tội danh khác nhau thì Nước được yêu cầu sẽ trao trả đối tượng đó cho nước mà tội danh nêu trong yêu cầu dẫn độ sẽ bị trừng phạt bằng khung hình phạt cao nhất theo luật pháp của Nước được yêu cầu. Nghĩa là Nước được yêu cầu sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội để quyết định chấp nhận yêu cầu dẫn độ của nước nào (Điều 13). 

8. Chuyển giao đồ vật.

Các Hiệp định TTTP đều quy định rằng, việc chuyển giao đồ vật phải được thực hiện theo pháp luật của nước được yêu cầu dẫn độ. Nước ký kết được yêu cầu dẫn độ phải có nghĩa vụ chuyển giao những đồ vật mà người bị dẫn độ có được do thực hiện tội phạm, hoặc những đồ vật khác có thể làm tang chứng trong tố tụng hình sự, kể cả trong trường hợp không giao được người bị dẫn độ vì người này chết hay vì lý do nào khác. Những đồ vật này có thể là tiền hay tài sản mà đối tượng đó có được do phạm tội hoặc là công cụ, phương tiện phạm tội... Nước được yêu cầu có thể tạm hoãn việc chuyển giao đồ vật nếu thấy cần thiết cho việc giải quyết một vụ án hình sự khác. Ví dụ A là công dân Lào, phạm tội giết người bằng súng ở Lào, sau đó trốn sang Việt Nam và cho B là công dân Việt Nam mượn khẩu súng đó. B đã dùng súng này để phạm tội cướp tài sản công dân. Khi tiến hành quá trình tố tụng hình sự để giải quyết vụ án của B, cần thiết phải sử dụng khẩu súng đó làm vật chứng. Trường hợp này, nước được yêu cầu (Việt Nam) có thể tạm hoãn chuyển giao khẩu súng (là vật chứng của vụ án A giết người) khi tiến hành dẫn độ A, cho tới khi hoàn thành tố tụng đối với B. Sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết, Nước được yêu cầu sẽ chuyển giao đồ vật đó cho Nước yêu cầu.

Nếu tài sản, đồ vật có liên quan đến quyền lợi của người thứ 3, thì sau khi kết thúc tố tụng hình sự, những đồ vật này phải được hoàn lại cho người đó trong thời gian ngắn nhất. Việc chuyển giao đồ vật là rất quan trọng. Bởi vì trong một vụ án những đồ vật có liên quan có thể là chứng cứ buộc tội hay gỡ tội người bị tình nghi. Một vụ án cần có chứng cứ đầy đủ, nếu thiếu vật chứng có thể không đủ căn cứ để kết tội kẻ phạm tội.                                                                                

9. Quá cảnh và những quy định khác.

Các Hiệp định đều quy định: Hai bên ký kết cam kết cho phép quá cảnh qua lãnh thổ nước mình những người mà một nước thứ 3 dẫn độ cho nước kia theo quy định của Hiệp định. Các nước ký kết chỉ chấp nhận quá cảnh đối với những tội phạm có thể bị dẫn độ quy định trong Hiệp định. Các nước này có thể từ chối, không cho quá cảnh nếu thuộc trường hợp không thể dẫn độ theo quy định của Hiệp định. Việc xin quá cảnh phải làm và gửi theo đúng cách thức đối với việc xin dẫn độ vì trên thực tế nó cũng là việc dẫn độ đối tượng. Các cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết cho quá cảnh sẽ tiến hành thực hiện quá cảnh theo cách thức thích hợp đối với họ.

Trên thực tế, quá cảnh rất phổ biến trong dẫn độ tội phạm quốc tế giữa những nước đã ký kết Hiệp định cũng như chưa ký Hiệp định dẫn độ tội phạm. Nếu với những nước chưa ký Hiệp định với nhau thì việc quá cảnh được thực hiện chủ yếu do quan hệ thân thiện giữa các nước, trên cơ sở tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.                                                                                             

10. Thông báo kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ.

Theo các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với nước ngoài, sau khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết, nước ký kết yêu cầu dẫn độ phải thông báo kết quả tố tụng hình sự đối với người bị dẫn độ cho nước được yêu cầu dẫn độ. Nếu bản án đã có hiệu lực thì gửi một bản sao của bản án đó.

Thông báo này giúp cho nước chấp nhận dẫn độ kiểm soát được tình hình tội phạm đã được dẫn độ, tránh trường hợp đối tượng bị xét xử về một tội khác với tội được yêu cầu dẫn độ hoặc bị xét xử không công bằng ở nước yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên trong nhiều Hiệp định, Công ước và Luật về dẫn độ tội phạm của nhiều nước khác không có quy định này. Ngay cả trong Hiệp định mẫu của Liên Hợp Quốc cũng không có quy định về nghĩa vụ thông báo kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự của nước yêu cầu dẫn độ.                                  

11. Chi phí về dẫn độ và quá cảnh.

Các Hiệp định Việt Nam đã ký kết đều quy định chi phí về dẫn độ nảy sinh trên lãnh thổ nước ký kết nào sẽ do nước đó chịu. Còn chi phí về quá cảnh do nước ký kết yêu cầu quá cảnh chịu. Riêng trong Hiệp định giữa Việt Nam với Cu Ba quy định: Khi việc dẫn độ thực hiện bằng phương tiện hàng không thì nước yêu cầu dẫn độ chịu mọi chi phí.                                         

12. Cách thức liên hệ.

Về các vấn đề liên quan đến dẫn độ, các nước ký kết thoả thuận với nhau liên hệ theo con đường ngoại giao hoặc:

- Về phía Việt Nam là Bộ tư pháp hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước CHXHCN Việt Nam.

- Về phía nước ký kết là Bộ Tư pháp nước đó.

Những quy định này phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nhưng chưa cụ thể. Trong một số luật và Hiệp định của nước ngoài như luật dẫn độ Nhật Bản và Angieri... có những quy định chặt chẽ và cụ thể về các bước mà cơ quan nói trên phải thực hiện. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình.                                         

NHẬN XÉT CHUNG

Những quy định về dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định nêu trên đều có chung các nguyên tắc cơ bản và tương đối cụ thể, thể hiện được nội dung chung về dẫn độ tội phạm. Đây là những quy phạm thực chất thống nhất, trực tiếp ấn định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dẫn độ tội phạm. Do đó nó là một trong những cách thức giải quyết xung đột pháp luật về dẫn độ tội phạm nhanh chóng và có hiệu quả nhất.

So với Hiệp định mẫu của Liên Hợp Quốc thì những quy định về dẫn độ tội phạm trong các HĐTT giữa Việt Nam với nước ngoài tương đối đầy đủ. Tuy nhiên bó hẹp trong phạm vi một chương, những quy định chưa thể chi tiết và cụ thể. Ví dụ, trong các Hiệp định của ta, chỉ có một quy định chung "từ chối dẫn độ" trong đó quy định những tội phạm có thể là cơ sở cho việc từ chối dẫn độ. Còn Hiệp định mẫu của Liên Hợp Quốc quy định rõ ràng những tội là cơ sở bắt buộc cho từ chối dẫn độ như tội phạm chính trị, tội phạm quân sự, tội phạm được hưởng quyền miễn trừ truy tố hoặc ân xá... (Điều 3). Nước được yêu cầu sẽ không chấp nhận những yêu cầu dẫn độ những tội phạm thuộc loại này. Và Điều 4 quy định về những tội phạm là cơ sở không bắt buộc cho từ chối dẫn độ, như tội phạm bị yêu cầu dẫn độ mang quốc tịch nước được yêu cầu, tội phạm đang trong giai đoạn chờ xét xử ở nước được yêu cầu... Những tội phạm loại này thông thường bị từ chối dẫn độ nhưng trong từng trường hợp cụ thể, nước nhận được yêu cầu dẫn độ có thể xem xét để chấp nhận dẫn độ.

Trong các Hiệp định TTTP đa số gộp quy định này vào phần nghĩa vụ dẫn độ. Chỉ có hai Hiệp định có quy định riêng về điều này nhưng tiêu đề lại không thống nhất. Đó là Hiệp định ký với CHDC Đức cũ quy định ở Điều 2 "trường hợp dẫn độ", và Hiệp định với CHXHCN Tiệp Khắc cũ quy định ở Điều 2 "điều kiện dẫn độ".

Để phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, cũng như để hoàn thiện pháp luật về dẫn độ tội phạm của mình, chúng ta nên tham khảo Hiệp định dẫn độ tội phạm của các nước, nhất là Hiệp định mẫu của Liên Hợp Quốc. Việc ký kết các Hiệp định của ta đều dựa trên sự thoả thuận của hai bên. Tuy nhiên tất cả các Hiệp định đều do phía nước ngoài soạn thảo, rồi đưa cho phía Việt Nam đóng góp ý kiến. Do đó phía Việt Nam chưa chủ động xây dựng được quy định khung. Đây là nguyên nhân dẫn đến bố cục, nội dung, phạm vi của các vấn đề cũng như nội dung của từng điều khoản trong phần dẫn độ không thống nhất.

Trong các Hiệp định, các tiêu đề của phần dẫn độ không đồng nhất. Hiệp định thì quy định là: "Tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ" (Việt Nam - CHDC Đức cũ); Hiệp định khác lại quy định: "Những vấn đề hình sự" (trong đó có dẫn độ) (Việt Nam - CHXHCN Tiệp Khắc cũ); Hiệp định giữa Việt Nam - CHLB Xô Viết cũ: "Tương trợ tư pháp về hình sự dẫn độ"; Hiệp định Việt Nam - LB Nga: "Dẫn độ để truy tố hình sự và thi hành án"; Hiệp định giữa Việt Nam - Cu Ba "Luật hình sự"; Hiệp định giữa Việt Nam - CH Hungary: "Tương trợ tư pháp về hình sự" (trong đó có dẫn độ); Hiệp định giữa Việt Nam - CH Bungary; Hiệp định giữa Việt Nam - Lào: "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự" (trong đó có dẫn độ); Hiệp định giữa Việt Nam - CH Ba Lan không có tiêu đề mà chỉ đề Chương I.

Sự khác nhau về tiêu đề như trên dẫn tới những hạn chế phạm vi các vấn đề về hình sự, dẫn độ trong đó. Bởi vậy cần phải xem xét lại việc đặt tiêu đề cho phù hợp và thống nhất, phù hợp với nội dung trong đó. Ngoài ra, trong các Hiệp định, một số thuật ngữ được dùng không thống nhất. Ví dụ có Hiệp định dùng "nhiều nước yêu cầu dẫn độ", có Hiệp định dùng "xung đột giữa các yêu cầu dẫn độ''. Nên thống nhất lại là: "Nhiều nước yêu cầu dẫn độ một người". Hoặc quy định về "chuyển giao đồ vật" trong các Hiệp định nên thống nhất lại là "chuyển giao đồ vật và vật chứng liên quan đến vụ án".

Văn phong một số Hiệp định chưa đảm bảo chính xác và rõ ràng. Ví dụ ở mục 4, khoản 1, điều 54 Hiệp định Việt Nam - Liên Xô cũ, Hiệp định Việt Nam - LB Nga, điều 63 dùng cụm từ "thủ tục tư tố" sẽ gây hiểu nhầm (khái niệm này không có trong ngôn ngữ pháp luật tố tụng hình sự nước ta); hoặc khoản 3, điều 60 Hiệp định với Cu Ba dùng từ "trừ phi"; hoặc đa số các Hiệp định quy định một trong các điều kiện để từ chối dẫn độ là "tội phạm bị khởi tố theo đơn của người bị hại". Nên quy định rõ ràng là "khi không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm chỉ bị khởi tố theo đơn yêu cầu của nguời bị hại".

Các Hiệp định tương trợ tư pháp nói trên, hầu hết được ký kết khi LBCHXHCN Xô Viết và hệ thống XHCN ở Đông Âu còn tồn tại, khi Bộ luật hình sự Việt Nam (1985) và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam (1988) còn chưa ra đời. Mặt khác các Hiệp định đều do phía nước ngoài chủ động soạn thảo rồi phía Việt Nam tham gia đóng góp bổ xung, nên ta có một yếu điểm là thụ động. Do đó các Hiệp định không tránh khỏi những khiếm khuyết. Ngay cả một số Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với nước ngoài gần đây, như Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc lại không đề cập gì đến vấn đề dẫn độ tội phạm. Nhà nước ta hiện nay đang mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới, do đó nhu cầu ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp ngày càng tăng. Việc rút kinh nghiệm từ việc ký kết các Hiệp định trước đây là việc làm cần thiết.

II. VÀI NÉT VỀ THỰC TRẠNG THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT.

Lý luận và thực tiễn pháp luật đã chứng tỏ rằng ký kết các Điều ước quốc tế là cách thức giải quyết xung đột pháp luật nhanh chóng và có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành các Điều ước đã ký kết là vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta triển thực hiện kém hiệu quả thì mục đích ký kết các Điều ước sẽ không đảm bảo thực hiện. Thực tế thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết, cũng như các quy định về dẫn độ tội phạm trong đó, đã biểu hiện một điều là chúng ta chưa chú trọng đến công tác thi hành cũng như kiểm tra giám sát việc thực hiện dẫn độ tội phạm voứi các nước đã ký kết Hiệp định với Việt Nam, và nhiều khi không tuân theo các quy định của Hiệp định. Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có một văn bản nào giải thích chính thức nội dung của Hiệp định tương trợ tư pháp, công tác nghiên cứu cũng chưa được chú trọng. Việc chuyển hoá các quy phạm của Hiệp định thành các quy phạm cụ thể của pháp luật Việt Nam để hướng dẫn thi hành Hiệp định nói chung và dẫn độ tội phạm nói riêng chưa được triển khai. Một điều tồn tại nữa là pháp luật nước ta còn thiếu tính thống nhất, chưa xây dựng được một hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài. Vì vậy mà các Hiệp định tương trợ tư pháp nói chung, những quy định về dẫn độ tội phạm nói riêng gần như tồn tại mang tính hình thức.

- Sau khi nhà nước ta ký được 3 Hiệp định tương trợ tư pháp với CHDC Đức, LBCHXHCN Xô Viết, CHXHXCN Tiệp Khắc, ngày 12/3/1984, Liên ngành Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 139 quy định về nhiệm vụ của các ngành trong viêvj thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp. Theo sự phan công của Thông tư 139 thì nhiệm vụ của các ngành có liên quan trong thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp được quy định như sau:                                

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

- Thực hiện trao đổi các uỷ thác điều tra hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của các Hiệp định tương trợ tư pháp;

- Yêu cầu các cơ quan điều tra thực hiện các uỷ thác điều tra hình sự, kể cả phần dân sự trong các vụ án hình sự;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình thi hành Hiệp định tương trợ tư pháp...                                                                                         

2. Toà án nhân dân tối cao:

- Xét xử các vụ án hình sự, các vụ kiện dân sự... liên quan đến công dân hơặc pháp nhân nước ngoài...

- Hướng dẫn các Toà án địa phương xét xử các vụ án có liên quan đến công dân, pháp nhân các nước ký kết khác;

- Quyết định công nhận và cho thi hành ở nước ta những bản án, quyết định và biên bản hoà giải của toà án các nước ký kết...

3. Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an):

- Thực hiện các uỷ thác điều tra về hình sự theo yêu cầu của Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao như lập hồ sơ để bắt giữ, thu giữ các tang chứng, vật chứng, khám xét, tạm giữ, tạm giam, dẫn giải bị can... (trừ trương hợp khẩn cấp, phạm pháp quả tang);

- Thực hiện việc cung cấp tài liệu về hình sự, các giấy tờ cần thiết về nhân dân của công dân mình, theo yêu cầu của nước ký kết kia, thông qua Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Bộ Tư pháp Việt Nam...

- Hướng dẫn các Cơ quan Công an thực hiện uỷ thác điều tra và các uỷ thác khác về hình sự trên lãnh thổ Việt Nam khi Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền yêu cầu.                                                                                       

4. Bộ ngoại giao:

- Thực hiện các công việc chuyển giao ác loại hồ sơ, giấy tờ, thông báo cho các cơ quan ngoại giao nước ta tại nước ký kết biết;

- Cấp các giấy tờ, tống đạt các loại giấy tờ cho công dân Việt Nam cư trú trên lãnh thổ nước ký kết sở tại khi được yêu cầu...                                    

5. Bộ Tư pháp:

- Thực hiện, trao đổi các uỷ thác điều tra, xác minh về dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình. Thực hiện trao đổi pháp luật hiện hành của Việt Nam với nước ký kết, giới thiệu nội dung và giải thích chính thức các nguyên tắc cơ bản theo tinh thần của Hiệp định tương trợ tư pháp khi có yêu cầu...     

Bên cạnh đó, Thông tư 139 còn nêu rõ các ngành hữu quan phải hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các cơ quan trực thuộc các cơ quan khác có liên quan thực hiện trong phạm vi thẩm quyền mỗi ngành được quy định trong Thông tư. Giao cho Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tổ chức các phiên họp định kỳ để thông báo tình hình và trao đổi các vấn đề phối hợp giữa các ngành có liên quan.

Trên thực tế, các cơ quan có liên quan chưa triển khai hướng dẫn cụ thể để thực hiện thông tư 139, vì vậy khồn tạo ra được một cơ chế hữu hiệu để thi hành Hiệp định. Nhất là thông tư 139 còn chung chung, khó vận dụng, chưa quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm thi hành Hiệp định. Kết quả là thông tư này chỉ được thực hiện một cách rất hình thức.

Còn việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự dẫn độ theo các Hiệp định tương trợ tư pháp ở nước ta cũng có nhiều khiếm khuyết. Nhất là từ sau khi Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ thì việc thực hiện các Hiệp định còn khó khăn hơn.

Trong những năm qua, các cơ quan hữu quan của Việt Nam chủ yếu nhận được các uỷ thác tư pháp hình sự của các nước ký kết và thực hiện các uỷ thác đó rất chạm chạp. Điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là các nước ký kết không thực hiện việc dẫn độ theo quy định của Hiệp định đã ký kết. Hiện nay một số nước như CHLB Đức, CH Séc, CH Xlovakia, CH Hungari, CH Bungari, đặc biệt là ở CHLB Nga, một số lượng lớn người Việt Nam là lưu học sinh, xuất khẩu lao động, du lịch, thăm thân rồi ở lại, từ nước khác vào làm ăn sinh sống... Hoạt động của số người này ở nước sở tại rất phức tạp, nhiều vụ phạm tội hình sự gây ra không ít khó khăn về nhiều mặt, nhất là quan hệ giữa hai nước. Riêng ở CHLB Nga, theo thống kê chưa đầy đủ, năm 1994 xảy ra 29 vụ cướp, 5 vụ giết người và hàng trăm vụ bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ liên quan đến người Việt Nam. Hầu hết các vụ phạm tội do người Việt Nam gây ra đều do phía Nga tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật Nga. Trong một số vụ phức tạp, phía Nga cũng có yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam phối hợp điều tra, xác minh bắt giữ kẻ phạm tội. Một số trường hợp Cảnh sát Nga trục xuất đối tượng về nước và yêu cầu  Việt Nam điều tra, xử lý. Nhưng thủ tục dẫn độ, tố tụng hầu hết không theo một quy định chính thức nào. Các năm gần đây, hầu hết cơ quan đại diện của Bộ Nội vụ Việt Nam tại LB Nga chỉ báo cáo về Tổng cục Cành sát nhân dân cho tiếp nhận đối tượng (không có người áp giải và không có tài liệu, hồ sơ gì). Điều này gây khó khăn cho phía Việt Nam trong việc xử lý vì không đủ căn cứ để khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam. Khi phía Việt Nam có yêu cầu bổ xung hồ sơ thì không được trả lời hoặc từ chối trả lời. Trong năm 1994, Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an tiếp nhận và khởi tố 20 bị can từ Nga chuyển về nhưng chỉ truy tố được 11 bị can, còn 9 đối tượng phải đình chỉ điều tra do không đủ căn cứ.

Từ thực tế trên có thể thấy Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - LB Nga không được thực hiện. Nhiều trường hợp chưa có ý kiến của phía Việt Nam, phía Nga đã trục xuất sang Việt Namsố người Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ Nga trong khi có thể trao đổi để tiến hành các thủ tục dẫn độ theo quy định về dẫn độ tội phạm mà hai nước đã thoả thuận trong Hiệp định tương trợ tư pháp. Còn phía Việt Nam cũng chưa có văn bản chính thức nào để kiến nghị với phía Nga về việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ tội phạm.

Với các nước khác, tình hình thực hiện các Hiệp định đã ký với Việt Nam cũng rất khó khăn. Hồ sơ yêu cầu, uỷ thác tư pháp hình sự hoặc trục xuất người Việt Nam thường không đầy đủ, đặc biệt là về phía CHLB Đức. Hiện nay, các vụ người Việt Nam phạm tội ở Đức rất phức tạp. Nhưng phía Đức không kế thừa Hiệp định tương trợ tư pháp mà CHDC Đức cũ đã ký kết với Việt Nam. Do đó cách thức giải quyết các vụ đó gây ra không ít khó khăn trong quan hệ của hai nước. Theo số liệu của Cảnh sát Đức, hiện nay có khoảng 85.000 công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tai Đức, trong đó có 50.700 người có giấy phép lưu trú, 5.680 người có giấy phép cư trú, 15.626 người ở tình trạng chờ đợi, số còn lại không có giấy phép. Hoạt động của số người này tương đối phức tạp.

Tình hình tội phạm là người Việt Nam ở Đức là vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ Đức và cũng là sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Cần phải có giải pháp cho tình hình này trong khi Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và CHDC Đức cũ không còn hiệu lực.

Do đó, ngày 28/2/1996, Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ CHLB Đức đã ký Nghị định thư về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đã đạt được kết quả tương đối khả quan. Phía Đức đặc biệt quan tâm tới việc đưa người Việt Nam đã phạm tội ở Đức, đã thi hành án xong ở Đức, hoặc đang thi hành án nhưng phía Đức xoá án còn lại để đưa về Việt Nam. Thông thường trong những trường hợp trao trả này, Cảnh sát Đức liên hệ trực tiếp với Cảnh sát Việt Nam. Từ ngày 18/10/1995 đến 21/5/1997, phía Đức đã tổ chức đưa 96 người phạm tội về Việt Nam trong 24 đợt. Phía Việt Nam đã tiếp nhận một cách an toàn theo đúng thủ tục pháp lý và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Nghị định thư nói trên mới chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực của Cảnh sát, do đó việc phối hợp về dẫn độ tội phạm cũng như truy nã tội phạm còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Từ những ví dụ nêu trên, có thể thấy các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta chưa thực hiện các cam kết đã thoả thuận. Về phía chúng ta, vấn đề triển khai thực hiện các Hiệp định cũng như các quy định về dẫn độ tội phạm trong đó còn chưa được chú trọng. Điều đó dẫn đến các Hiệp định tương trợ tư pháp nói chung, các quy định về dẫn độ tội phạm nói riêng trong thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả, chưa đạt được mục đích ký kết. Nhìn nhận nguyên nhân khách quan, chủ quan để đề ra giải pháp hữu hiệu là việc làm cấp thiết cho cả các nhà lý luận và thực tiễn.       

III.MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT.                                                                     

1. Về xây dựng pháp luật.

Để có thể đạt hiệu quả trong hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm, điều kiện đầu tiên là phải có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về dẫn độ tội phạm. Nhưng hệ thống pháp luật về dẫn độ tội phạm của Việt Nam hiện nay còn quá nghèo nàn cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta chưa có Luật và còn rất thiếu các Điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm. Trong 9 Hiệp định tương trợ tư pháp chúng ta đã ký kết chỉ có một chương hoặc một mục trong một chương quy định về dẫn độ tội phạm. Việt Nam cũng đã tham gia 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma tuý là Công ước 1961, 1971 và 1988, nhưng chúng ta lại boả lưu nhũng quy định về dẫn độ tội phạm trong Công ước 1971. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Mông Cổ, Canada, Ucraina... Từ lý luận và thực tiễn dẫn độ tội phạm, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:

a) Ban hành Luật hoặc Pháp lệnh về dẫn độ tội phạm để tạo khung pháp lý cho việc ký kết các Hiệp định song phương, cũng như tạo cơ sở pháp luật về dẫn độ tội phạm ở Việt Nam. Nếu chưa có điều kiện ban hành một đạo luật thì nên bổ xung vào Bộ luật tố tụng hình sự một chương về dẫn độ tội phạm.

Để ban hành Luật về dẫn độ tội phạm nên tham khảo Luật dẫn độ tội phạm của một số nước cho phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật nên quy định rõ chức năng và quyền hạn của các cơ quan có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

b) Ban hành văn bản quy định chi tiết về thủ tục tiền dẫn độ. Đây là thủ tục cần làm để thực hiện việc dẫn độ khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của nước yêu cầu dẫn độ, nhưng nước được yêu cầu đã nhận được thông báo hoặc lệnh truy nã đó của Interpol hoặc thông báo của nước yêu cầu dẫn độ yêu cầu giúp đỡ truy tìm kẻ bỏ trốn. Nên tham khảo thủ tục tiền dẫn độ của một số nước như Anh, Hàn Quốc...

c) Tiến hành bổ xung, sửa đổi, ký kết những thoả thuận, Hiệp định song phương với các nước về dẫn độ tội phạm:

- Đối với các nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp nên đề nghị bến ký kết cùng thoả thuận sửa đổi, bổ xung những quy định về dẫn độ tội phạm phù hợp với pháp luật thực định Việt Nam.

Có thể trên những cơ sở quy định về dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định này tiến tới thoả thuận ký kết một Hiệp định về dẫn độ tội phạm. Đối với CHLB Đức, nên trao đổi, đàm phán để ký Hiệp định trên cơ sở Hiệp định đã ký với CHDC Đức trước kia. Thiết nghĩ cần phải trao đổi với nước ký kết về tình hình dẫn độ trên thực tế, từ đó đề xuất, bổ xung điều khoản về trách nhiệm và hình thức xử lý đối với bên ký kết có vi phạm các quy định về dẫn độ tội phạm.

- Đối với các nước khác nên xúc tiến đàm phán, ký kết những thoả thuận hoặc Hiệp định về dẫn độ tội phạm, tạo cơ sở pháp lý cho dẫn độ tội phạm giữa hai nước, tránh những từ chối dẫn độ không đãng có. Đặc biệt chú trọng việc ký kết những thoả thuận và Hiệp định với các nước Châu á, các nước ASEAN và những nước láng giềng.

- Tích cực đàm phán đi đến ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp đang được đàm phán giữa Việt Nam với Mông Cổ, Canađa, Ucraina, trong đó nên thoả thuận cả những quy định về dẫn độ tội phạm. Bởi vì trong các nước này, Canada chỉ muốn ký kết hỗ trợ về một số hoạt động tố tụng hình sự như điều tra, xác minh, thông tin tội phạm... mà không muốn thoả thuận về dẫn độ tội phạm.

- Xúc tiến việc xây dựng và nhanh chóng đi đến thoả thuận ký các Công ước về dẫn độ tội phạm cũng như các Công ước về tương trợ tư pháp giữa các nước Châu á - Thái Bình Dương, giữa các nước Châu á và các nước ASEAN.

- Tiến tới phê chuẩn và tham gia các Công ước quốc tế có liên quan đến vấn đề dẫn độ tội phạm như các Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma tuý, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống không tặc...

d) Khẩn trương nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 139 bằng một văn bản hướng dẫn cụ thể hơn. Theo đó phân công trách nhiệm cho các cơ quan có chức năng nghĩa vụ thi hành Hiệp định phù hợp hơn với chức năng và nhiệm vụ của từng ngành. Để phù hợp với thực tiễn dẫn độ hiện nay, cần lưu ý phân công Bộ Nội vụ là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự dẫn độ tội phạm.

e) Sau khi ký kết các Hiệp định về dẫn độ tội phạm cần phải tiến hành việc "chuyển hóa" các quy phạm của Hiệp định thành các quy định cụ thể trong pháp luật nước ta. Hay nói cách khác, phải ban hành những văn bản giải thích nội dung và hướng dẫn thi hành Hiệp định.                                         

2. Về công tác tổ chức thực hiện.

Để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm, tất yếu phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa việc ban hành luật về dẫn độ tội phạm và việc thực hiện những văn bản luật đó trên thực tế. Công tác tổ chức thực hiện dẫn độ tội phạm ở Việt Nam những năm vừa qua cón chưa được chú trọng. Do đó bên cạnh việc xây dựng, củng cố pháp luật về vấn đề này, thiết nghĩ cần phải tiến hành một số biện pháp sau:

a) Tổ chức tổng kết việc dẫn độ tội phạm ở Việt Nam nói chung, việc thực hiện dẫn độ tội phạm theo những Hiệp định đã ký kết để đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của công tác này. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót và đề ra những phương hướng mới cho việc dấn độ ở Việt Nam.

b) Cần tổ chức bộ phận cán bộ chuyên môn làm công tác liên quan đến việc thực hiện dẫn độ tội phạm thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân- Bộ Công an. Kết hợp với việc đào tạo, bồi dưỡng cho số cán bộ này chuyên môn, nghiệp vụ về tương trợ tư pháp hình sự nói chung, dẫn độ tội phạm nói riêng.

c) Đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền các Hiệp định tương trợ tư pháp cũng như những quy định về dẫn độ tội phạm để mọi cán bộ nói chung, và cán bộ của các cơ quan hữu trách thấy rõ tầm quan trọng của Hiệp định, có cách hiểu thống nhất về những quy định của Hiệp định cũng như có cơ sở để thi hành Hiệp định./.

 

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP Ở CÁC NƯỚC THUỘC LIÊN XÔ CŨ

VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU *

Tương trợ tư pháp là hoạt động trợ giúp tương hỗ giữa các cơ quan tư pháp các nước để tiến hành các vụ việc liên quan đến các vấn đề dân sự và hình sự như: lập, tống đạt giấy tờ, điều tra thu thập chứng cứ, công nhận và thi hành quyết định của toà án nước ngoài về các vấn đề dân sự và quyết định của trọng tài, khám xét, thu giữ, chuyển giao vật chứng, giám định, lấy lời khai của các bên, người làm chứng, tiến hành tố tụng hình sự, dẫn độ để truy tố hình sự hoặc để thi hành bản án.

Các hoạt động tương trợ tư pháp đã từng phát triển ở Liên Xô và các nước Đông Âu với nhau ngay từ những năm đâù hình thành các nước XHCN Đông Âu. Tương trợ tư pháp giữa Liên Xô, các nước Đông Âu với các nước tư bản phát triển phát triển mạnh vào những năm 1970, khi quan hệ giữa hai hệ thống XHCN và TBCN được khai thông. Và quan hệ tương trợ tư pháp giữa Liên Xô và các nước Đông Âu cũng phát triển với các nước đang phát triển sau khi các nước này giành được độc lập dân tộc và tiến trên con đường xây dựng kinh tế tự chủ (nhất là với các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa).

Trong thực tiễn tương trợ tư pháp của Liên Xô và các nước Đông Âu, các nước này thường sử dụng các kênh tương trợ:

Thứ nhất là kênh ngoại giao. Nội dung của kênh này như sau:nếu nước ngoài muốn yêu cầu Liên Xô hoặc một nước Đông Âu thực hiện tương trợ tư pháp thì cơ quan tư pháp của nước đó gửi yêu cầu tương trợ cho Bộ Ngoại giao Liên Xô hoặc một nước Đông Âu (thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của họ). Bộ Ngoại giao sẽ chuyển yêu cầu tương trợ cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ (thông qua hệ thống cơ quan của nước mình). Thông thường kênh này được thực hiện giữa các nước không có hiệp định tương trợ tư pháp.

Thứ hai là kênh trực tiếp. Kênh này được thực hiện chủ yếu giữa các nước tham gia điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Thông qua kênh này các nước có thể thực hiện tương trợ như sau:

+ Cơ quan tư pháp của nước ngoài có thể trực tiếp liên hệ với cơ quan tư pháp của Liên Xô hoặc một nước Đông Âu.

+ Yêu cầu tương trợ của cơ quan tư pháp nước ngoài được chuyển cho cơ quan đầu mối của nước đó (thông thường là Bộ Tư pháp, Tổng Viện kiểm sát, Toà án Tối cao) để cơ quan đầu mối này chuyển cho cơ quan trung ương đầu mối của Liên Xô hoặc một nước Đông Âu. Cơ quan đầu mối của Liên Xô hoặc một Đông Âu sẽ chuyển yêu cầu tương trợ đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Sau đó kết quả được chuyển lại cho cơ quan yêu cầu theo con đường ngược lại.

Xét về hiệu quả thì kênh thứ hai có nhiều lợi thế hơn. Chính vì vậy mà cùng với quá trình phát triển tương trợ tư pháp, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn và đối vớ những nước nhất định làm Liên Xô và các nước Đông Âu áp dụng nhiều hay ít một trong hai kênh tương trợ tư pháp nói trên.

I. TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP Ở LIÊN XÔ:

1. Cơ sở pháp lý

a) Pháp luật trong nước:

Trước chiến tranh thế giới lần thứ II, các hoạt động tương trợ tư pháp hầu như diễn ra rất ít ỏi. Tương trợ tư pháp chủ yếu được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật về dân sự.

Sở dĩ các hoạt động tương trợ tư pháp thời kỳ này còn ít ỏi là vì Liên Xô lúc đó là nước XHCN duy nhất. Bên cạnh Liên Xô, Mông Cổ cũng là nước theo con đường XHCN nhưng do dân số ít, quan hệ thương mại và các quan hệ giao lưu khác không đáng kể nên giữa Liên Xô và Mông Cổ hầu như không có tương trợ tư pháp. Do đó, chủ yếu các hoạt động tương trợ tư pháp Liên Xô thực hiện với các nước tư bản phương Tây trên cơ sở có đi có lại. Thực ra, thì tương trợ tư pháp mới chỉ được thực hiện từ khi các nước tư bản phương Tây công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Tương trợ tư pháp chỉ thực sự được tiến hành vào đầu những năm 60, khi Liên Xô mở rộng quan hệ với các nước khác và đặc biệt với các nước XHCN ở Đông Âu và các khu vực khác trên thế giới.

Nguồn quan trọng của tương trợ tư pháp Liên Xô là Hiến pháp. Các điều khoản của Hiến pháp về hoạt động ngoại thương và các hoạt động kinh tế đố ngoại khác trên cơ sở Nhà nước độc quyền ngoại thương, về việc dành cho người nước ngoài các quyền và tự do là những quy định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương trợ tư pháp. Sau Hiến pháp phải kể đến các nguyên tắc của pháp luật dân sự. Khác với một số nước Đông Âu, ở Liên Xô không có đạo luật riêng về tư pháp quốc tế. Các quy định về tương trợ tư pháp nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: các nguyên tắc của pháp luật dân sự, các nguyên tắc pháp luật hôn nhân, gia đình, các nguyên tắc tố tụng dân dự được thông qua vào cuối những năm 70, Luật về quy chế pháp lý của người nước ngoài ở Liên Xô (1981).

Các nguyên tắc trên của Liên bang được cụ thể hoá bằng các Bộ luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật hôn nhân gia đình do từng nước cộng hòa thông qua. Kể cả các nguyên tắc và đặc biệt là các bộ luật đã quy định về các vấn đề giải quyết xung đột có liên quan tới năng lực hành vi của người nước ngoài, năng lực pháp luật của các xí nghiệp, tổ chức, công ty nước ngoài, các hình thức hợp đồng, nghĩa vụ theo hợp đồng ngoại thương, quyền sở hữu, nhĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng, kết hôn, ly hôn, truy nhận cha cho con, giám hộ, trợ tá, công nhận và thi hành quyết định của toà án nước ngoài và trọng tài nước ngoài.

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng kể trên, có thể còn phải kể đến các văn bản quy phạm pháp luật sau: Quy chế về cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự nước ngoài trên lãnh thổ Liên Xô (23.5.1966); Điều lệ Lãnh sự Liên xô 15.6.1976; Bộ luật hàng hải Liên Xô 17.3.1968; Bộ luật Hàng không Liên xô 11.5.1983; Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng Liên xô 14.2.1978 về thủ tục, trình tự ký hợp đồng ngoại thương, Quy chế toàn Liên bang về hạch toán của các tổ hợp xuất nhập khẩu; Quy chế ngày 23.5.1977 về thủ tục mở và hoạt động của đại diện các công ty, ngân hàng và tổ chức nước ngoài tại Liên xô.

b) Điều ước quốc tế:

Tương trợ tư pháp được thực hiện theo kênh ngoại thương thưòng kém hiệu quả và thường rất chậm. Nhiều trường hợp tương trợ tư pháp không được thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nguyên tắc có đi có lại, pháp luật của nước thực hiện uỷ thác không có quy định hoặc hồ sơ đi vòng vèo, thất lạc. Do đó, đối với những nước có nhu cầu lớn về tương trợ tư pháp, Liên xô đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp. Hiệp định tương trợ tư pháp là cơ sở pháp lý quan trọng để các nước tiến hành tương trợ tư pháp có hiệu quả.

Các hiệp định tương trợ tư pháp đã được Liên xô ký với: Anbani (1958), Bungari (1957 và 1975), Hungari (1958 và Nghị định thư bổ sung 1971), Cộng hoà dân chủ Đức (1957 và 1979), Cu ba (1984), Cộng hoà dân chủ nhân dân Trìêu tiên (1957), Mông cổ (1958), Ba lan (1957 và Nghị định thư bổ sung 1980), Rumani (1958), Tiệp khắc (1957 và 1982), Việt Nam (1981) và Nam tư (1962), Phần lan (1978), Itali (1979). Hy lạp (1981), Irắc (1973), Angieri (1982), Tuynidi (1984), Xiri (1982), Cộng hoà dân chủ nhân dân Iêmen (1985), Síp (1984).

Một loạt hiệp định nữa cũng có vai trò rất quan trọng để tiến hành tương trợ tư pháp là hiệp định lãnh sự. Các hiệp định lãnh sự đã được ký kết với nhiều nước khác nhau như với Bungari (1971), Hungari (1971), CHDC Đức (1971), Việt Nam (1978), Trung quốc (1986), CHDCND Triều tiên (1971), Cuba (1972), Mông cổ (1972), Balan (1971) Rumani (1972), Tiệp khắc (1972), Nam tư (1060), ấn độ (1973), Irắc (1975), Ghinebixao (1976), Ăngola (1976), Xiri (1976), Môjămbic (1977), Etiôpia (1977), Mêhicô (1978), CHLB Đức (1958), áo (1959), Mỹ (1964), Anh (1966), Nhật (1966), Itali (1967), Thuỵ điển (1967), Bỉ (1972), Hylạp (1981) và một số nước tư bản phương tây khác.

Các hiệp định tay đôi về thương mại, hàng hải về bảo vệ sở hữu trí tuệ mà Liên xô ký với nước ngoài cũng là cơ sở để tiến hành tương trợ tư pháp trong từng lĩnh vực cụ thể, được quy định trong hiệp định.

Ngoài điều ước song phương, còn phải tính đến các điều ước đa phương. Đó là công ước Niu-óoc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (1958), Công ước Châu Âu về trọng tài ngoại thương (1961). Công ước Liên hợp quốc về vận tải hàng hoá trên biển, Công ước về các vấn đề tố tụng dân sự (1954), Công ước về uỷ thác thực hiện ở nước ngoài các tài liệu của toà án và các tài liệu khác về các vấn đề dân sự và thương mại (1965), Công ước về thu thập chững cứ về các vấn đề dân sự và thương mại ở nước ngoài (1974), Công ước về tạo điều kiện liên hệ với toà án nước ngoài (1980), Công ước về loại bỏ các yêu cầu về hợp thức hoá các giấy tờ chứng thực của các nước ngoài (1961), Công ước về kết hôn và công nhận hôn nhân vô hiệu (19780, Công ước về quyền tài sản của vợ chồng (1978), Công ước về công nhận li hôn và giải quyết li hôn (1970), Công ước về quyền đòi thực hiện trợ cấp nuôi con (1956), Công ước về công nhận và thi hành quyết định về vấn đề trợ cấp nuôi con (1958), Công ước về thẩm quyền và pháp luật áp dụng để bảo vên người vị thành niên (1961), Công ước về luật xung đột liên quan đến hình thức di chúc (1961), Công ước về pháp luật áp dụng để xác định trách nhiệm của người chế tạo (1973) và nhiều công ước khác.

Trong khuôn khổ của Hội đồng tương trợ kinh tế, tổ chức kinh tế quốc tế của các nước XHCN, Liên Xô là người đã đề xướng và tham gia các điều ước quốc tế đa phương quan trọng như: Điều kiện chung giao hàng SEV 1968/1988, Công ước Mátxcơva về giải quyết bằng trọng tài các tranh chấp dân sự, phát sinh từ quan hệ hợp đồng kinh tế và khoa học kỹ thuật (1972).

2 Thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp với các nước

Trước khi Liên xô ký các hiệp định tương trợ tư pháp (bắt đầu từ cuối những năm 50), tương trợ tư pháp được thực hiện thông qua kênh ngoại giao, theo đường vòng trên cơ sở có đi có lại. Số vụ việc tương trợ tư pháp thời kỳ này rất ít, chủ yếu liên quan đến thương mại, hàng hải và một số quan hệ dân sự của những người gốc Liên xô, nhưng vì lý này, lý do khác ra nước ngoài định cư.

Từ khi Liên xô ký Hiệp định tương trợ tư pháp đầu tiên (1957) thì tương trợ tư pháp được thực hiện theo hai kênh. Đối với trên dưới 30 nước mà Liên Xôđã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp thì tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở hiệp định, thông qua các cơ quan đầu mối trung ương được xác định trong hiệp định (thông thường là Bộ Tư pháp và Tổng viện Kiểm sát liên bang). Ngoài ra thì tương trợ tư pháp trong một số lĩnh vực, ngành được thực hiện theo các hiệp định song phương và điều ước đa phương chuyên biệt về lĩnh vực đó.

Nhờ có các hiệp định và các điều ước đa phương khác, Liên xô đã thực hiện tương đối tốt các uỷ thác của cá nước ký kết và ngược lại các yêu cầu tương trợ tư pháp của Liên xô cũng được thực hiện ở nước ngoài. Thông qua hai đầu mối trung ương: Bộ Tư pháp (về các vần đề dân sự), Tổng viện kiểm sát (về các vấn đề hình sự) để thực hiện các tương trợ tư pháp qua Bộ Tư pháp và Tổng viện kiểm sát của 15 nước cộng hoà thuộc liên bang. Hàng năm, các cơ quan đầu mối trung ương đều có đánh giá về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp.

Đối với những nước mà Liên xô chưa ký kết hiệp định, tương trợ tư pháp được thực hiện theo kênh ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Việc tương trợ tư pháp tuỳ thuộc vào mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá giữa Liên xô và nước đối tác. Trong thực tiễn, các hồ sơ uỷ thác đi khá vòng vèo. Những hồ sơ mà phía Liên xô thực hiện uỷ thác của bên nước ngoài thường đi theo kênh: qua Bộ ngoại giao Liên xô, Bộ Tư pháp hoặc Tổng viện kiểm sát hoặc qua Toà án Tối cao, sau đó được chuyển cho Bộ Tư pháp, Tổng viện Kiểm sát hoặc Toà án Tối cao các nước cộng hoà, rồi hồ sơ được chuyển theo từng nấc xuống cơ quan tư pháp địa phương nơi thực hiện uỷ thác. Sau khi thực hiện xong uỷ thác thì kết quả uỷ thác cũng được chuyển lại cho phía đối tác  theo chu trình ngược lại (tương tự theo các tầng nấc). Việc thực hiện qua nhiều tầng nấc như vậy gây mất nhiều thời gian, lãng phí, rất kém hiệu quả và nhiều khi hồ sơ bị thất lạc.

Như vậy, nhờ cơ chế hiệp định tương trợ tư pháp và do sự đồng nhất về chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và các mối quan hệ đồng minh mà các vụ việc tương trợ tư pháp với các nước Đông Âu diễn ra có hiệu quả giữa Liên Xô và các nước Đông Âu.

Đối với những nước Tâu Âu mà Liên Xô có mối quan hệ tương đối ôn hoà, đồng thời lại ký kết hiệp định tương trợ tư pháp thì các vụ việc tương trợ tư pháp cũng được tiến hành theo cơ chế hiệp định. Đối với những nước mà Liên xô đã ký hiệp định tương trợ tư pháp nhưng có quan hệ lạnh nhạt thì các vụ việc tương trợ tư pháp cũng được thực hiện một cách có hạn chế.

Còn đặc biệt đối với những nước mà Liên Xô chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp và lại có quan hệ hoàn toàn lạnh nhạt thì việc thực hiện tương trợ tư pháp rất khó khăn.

3. Thực tiễn tương trợ tư pháp với Việt Nam

Từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nga là nước duy nhất kế thừa Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Liên Xô ký ngày 10/12/1981. Còn các nước cộng hoà khác trong liên bang không kế thừa. Do đó, trên thực tế chỉ còn Liên bang Nga là nước cộng hoà duy nhất của Liên Xô cũ thực hiện uỷ thác tư pháp theo Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý năm 1981. Các nước cộng hòa khác thực hiện uỷ thác với ta trên cơ sở có đi có lại, thông qua kênh ngoại giao.

Trong thực tế từ năm 1991 đến nay, hầu như chỉ có Liên bang Nga thực hiện tương trợ tư pháp với ta, còn hầu hết các nước cộng hòa khác thì có rất ít yêu cầu tương trợ tư pháp. Số lượng uỷ thác tư pháp thực hiện qua đường Hiệp định tương trợ tư pháp giữa ta và Nga hàng năm trung bình từ 5-10 vụ, còn lại chủ yếu các uỷ thác thực hiện thông qua đại sứ quán của ta tại Mátxcơva. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 1998 giữa Nga và ta có 15 ủy thác, Kazăcxtan 1 ủy thác, Ucraina 2 uỷ thác. Năm 1999 với Việt Nam, Nga có 35 uỷ thác (trong đó có 30 uỷ thác qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nga), Ucraina có 12 (trong đó có 11 ủy thác thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina). Các ủy thác này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình như ly hôn, xác định tình trạng tài sản, hộ tịch.v.v...

Riêng trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài Liên bang Nga, cho đến nay đã có 4 vụ. Tất cả 4 vụ, Toà án Việt Nam đều bác đơn yêu cầu công nhận quyết định của trọng tài Liên bang Nga. Lý do chính là vì các quyết định này đã không được thông qua một cách hợp lệ, vi phạm nguyên tắc tố tụng. Cũng xin nói thêm rằng, đây là lĩnh vực mới xuất hiện nhưng mức độ phức tạp của việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài Nga là rất lớn. Hiện nay, nước ta mới chỉ ban hành Pháp lệnh Công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của các trọng tài nước ngoài năm 1995 và nước ta đã tham gia Công ước quốc tế về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Song vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Điều này ít nhiều cản trở việc tiến hành công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

Năm 1998, Liên bang Nga đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự với nước ta (hiện hai bên chưa trao đổi thư phê chuẩn). Về cơ bản, Hiệp định này có nhiều nội dung giống như Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với Liên xô năm 1981. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển của giao lưu dân sự, thương mại, Hiệp định lần này mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với quan hệ thương mại, lao động và một loạt các biện pháp đảm bảo thi hành Hiệp định. Khi Hiệp định này có hiệu lực, nó sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn hơn cho việc thực hiện tương trợ tư pháp và pháp lý giữa hai nước.

II. TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP Ở CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU

1. Cơ sở pháp lý

a) Pháp luật trong nước:

Khác với ở Liên Xô, ở một số nước Đông Âu lại có đạo luật riêng về tư pháp quốc tế, như ở Tiệp khắc Luật về tư pháp quốc tế được thông qua năm 1963, ở Ba lan Đạo luật về tương trợ được thông qua năm 1965, ở Hungari Luật về tư pháp quốc tế đựoc thông qua năm 1979 và ở Rumani, Luật tư pháp quốc tế được thông qua năm 1992.

Ngoài ra, ở các nước này còn có một số đạo luật khác có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tương trợ tư pháp. Ở tiệp khắc, Bộ luật về quan hệ pháp luật trong thương mại quốc tế và Luật về trọng tài thương mại quốc tế và việc thực hiện các quyết định của trọng tài được thông qua năm 1963 và bắt đầu có hiệu lực từ 1.4.1964. Những đạo luật này không chỉ điều chỉnh mua bán quốc tế mà còn còn điều chỉnh các quan hệ tài sản khác nảy sinh trong quan hệ thương mại quốc tế (như hợp đồng vận tải, bảo hiểm.v.v...). Và các đạo luật này cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan pháp lý của Tiệp khắc tiến hành các vụ việc tương trợ tư pháp trong lĩnh vực thương, mại quốc tế .

Trong các nước Đông Âu khác thì các quy phạm điều chnỉnh quan hệ quốc tế nằm rải rác trong nhiều văn bản quy ơphạm pháp luật khác nhau, nhất là trong Bộ luật dân sự. Bộ luật tố tụng dân sự, Luật hợp đồng, Luật Hàng không, Luật Hàng hỉavà một số văn bản quy phạm dưới luật khác. Các văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở pháp lý để các cơ quan tư pháp các nước Đông Âu tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp với các nước.

b) Điều ước quốc tế

Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60, các nước Đông Âu đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Liên xô và một loạt các nước Tây Âu và các nước đang phát triển. Các hiệp định tương trợ tư pháp này đã là cơ sở pháp lý để các nước Đông Âutiến hành tương trợ tư pháp với các nước đối tác. Về cơ chế tương trợ, các nước Đông Âu tiến hành tương trợ như Liên Xô. Việc tương trợ tư pháp cũng tuỳ thuộc vào mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa của các nước XHCN Đông Âu với các  nước khác.

Ngoài hiệp định tương trợ tư pháp, các nước XHCN Đông Âucũng tham gia vào các điều ước đa phương về tư pháp quốc tế như: Công ước Lahay về các vấn đề tố tụng dân sự (1954), Công ước Lahay về thực hiện uỷ thác các tài liệu tư pháp và các tài liệu khác về các vấn đề dân sự và thương mại, Công ước Lahay về việc thu thập chứng cứ về các vụ việc dân sự và thương mại nước ngoài (1970), Công ước về tạo điều kiện liên hệ với toà án nước ngoài (1980), Công ước về việc loại bỏ các yêu cầu hợp thức hoá các giấy tờ chính thức của nước ngoài (1961), Công ước Niu-óoc về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (1958), Công ước về kết hôn và công nhận kết hôn vô hiệu (1978) và một loạt các công ước khác liên quan đến vấn đề tài sản, hôn nhân gia đình.v.v... Trên cơ sở các điều ước đa phương, các nước Đông Âu tiến hành hoạt động tương trợ tư pháp đối với các nước tham gia các công ước đa phương.

2. Thực tiễn tương trợ tư pháp

Cũng như ở Liên xô, các nước Đông Âu cũng thực hiện tương trợ tư pháp theo hai kênh; kênh tương trợ theo điều ước quốc tế (đối với  những nước ký kết hiệp định) và kênh ngoại giao (đối với những nước không ký kết hiệp định). Đối với những nước mà các nước Đông Âu ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, tương trợ tư pháp được thực hiện thông các cơ quan trung ương đầu mối (thường là Bộ Tư pháp, hoặc Viện kiểm sát), ở một số nước qua Bộ ngoại giao.

Đối với những nước tham gia điều ước đa phương, thì cơ chế tương trợ được thực hiện theo quy định của các điều ước đa phương. Công ước Lahay vè tố tụng dân sự năm 1954 cho phép thực hiện tương trợ theo kênh ngoại giao và kênh trực tiếp (chuyển giao trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện uỷ thác tư pháp). Theo Công ước Lahay 1965 về thực hiện uỷ thác các giấy tờ về các vụ việc dân sự và thương mại ở nước ngoài thì các giấy tờ được chuyển giao qua cơ quan trung ương (thông thường là Bộ Tư pháp), nhưng Công ước cũng không loại trừ các phương thức chuyển giao tài liệu khác. Đến Công ước Lahay 1980 về tạo điều kiện liên hệ với toà án nước ngoài thì chỉ được chuyển giao cá vụ việc tương trợ tư pháp chủ yếu thông qua cơ quan trung ương. Đồng thời các bên tham gia cũng có thể sử dụng kênh ngoại giao, nhưng không bắt buộc.

Đối với những nước mà các nước Đông Âu không có điều ước quốc tế thì tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở pháp luật trong nước và nguyên tắc có đi có lại.Trong thực tế, các vụ việc tương trợ tư pháp này thực hiện rất khó, qua nhiều tầng nấc, chậm và kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng trên, biện pháp tốt nhất là tham gia vào các điều ước về tương trợ tư pháp.

Xu hướng của đa số các nước Đông Âu, nhất là những nước hiẹn nay đang chuẩn bị gia nhập vào Liên minh Châu Âu (EU) là tham gia vào các điều ước đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là những cơ chế tương trợ đa phương của Châu Âu. Do đó thực chất những hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý tay đôi ngày càng ít được ký kết. Cơ chế tương trợ tư pháp đa phương, xét về phương diện tổng thể có hiệu quả hơn điều ước song phương, nhất là các quan hệ dân sự ngày nay không chỉ còn dừng ở phạm vi giữa hai nước mà do giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, đa dạng, những quan hệ này có liên quan đến nhiều nước khác nhau. Thông qua cơ chế nhất thể hoá các quy phạm thực chất và quy phạm xung đột thống nhất, tương trợ tư pháp sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn.

3. Tương trợ tư pháp giữa các nước Đông Âu và nước ta.

Trong thực tiễn tttp và pháp lý các nước Đông Âutiến hành với nước ta nhiều nhất. Trong số đó phải kể đến Đức, Tiệp, Xlôvakia, Balan, Hungari là những nước có số lượng ủy thác nhiều hơn cả. Các nước Đông Âu chủ yếu ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta vào đầu những năm 80, như Tiệp khắc ký năm 1982 (hiện nay Sécvà Xlovakia vẫn kế thừa), Hungari ký năm 1985, Bungari ký năm 1986. Hiện nay các hiệp định này vẫn còn hiệu lực. Đầu năm 1993, Balan đã ký hiệp định tttp với nước ta. Riêng Hiệp định tttpmà CHDC Đức ký năm 1980, sau khi nước Đức thống nhất, CHLB Đứ tuyên bố không kế thừa.

Các nước ký hiệp định tương trợ tư pháp với ta thì họ thực hiện tương trợ tư pháp qua con đường đầu mối trung ương là Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát Tói cao và theo thủ tục, trình tự quy định trong hiệp định. Còn các nước Đông Âu khác thì thực hiện tttp qua kênh ngoại giao.

Hiện nay, số lượng ủy thác tư pháp giữa các nước Đông Âu với nước ta tương đối lơn so với các nước khác, nhất là ở các nước có nhiều người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Theo thống kê của Bộ Tư pháp năm 1998 các Toà án và cơ quan tư pháp nước ta đã thực hiện 17 uỷ thác tư pháp với Séc, 5 uỷ thác với Xlôvakia, 8 uỷ thác với Hungary, 39 uỷ thác với CHLB Đức. Năm 1999 có 16 uỷ thác với Séc, 19 uỷ thác với Xlôvakia, 12 với Balan và 98 uỷ thác với CHLB Đức. Chủ yếu các vụ uỷ thác này liên quan đến hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam ở nước ngoài. 

 

Tóm lại, tương trợ tư pháp ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu có nhiều điểm tương đồng và được thực hiện trên nguyên tắc thống nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây. Cơ chế tương trợ tư pháp ít nhiều có tác động đến cơ chế thực hiện tương trợ tư pháp ở nước ta. Nói cách khác, trong việc thực hiện tương trợ tư pháp ở nước ta hiện nay có không ít dấu ấn của cơ chế thực hiênj tương trợ tư pháp của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây.

Sau khi Liên Xô tan rã, hệ thống XHCN khủng hoảng, quá trình tương trợ tư pháp ở các nước này cũng có nhiều thay đổi cần tiếp tục được nghiên cứu, khai thác. Tuy nhiên, xu hướng chung cho thấy, các nước này đi theo xu hướng tham gia vào các công ước đa phương về tương trợ tư pháp trong phạm vi Châu Âu cũng như toàn cầu. Tương trợ tư pháp ngày càng trở nên đa dạng và dựa trên những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường như: tư nhân hoá, cổ phần hoá, đề cao vai trò của pháp nhân và thể nhan trong giao dịch dân sự, hạn chế giao dịch dân sự của các cơ quan nhà nước, xã hội hoá nhiều hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cùng với đó, các biện pháp tương trợ tư pháp ngày càng được tiêu chuẩn hoá theo thông lệ của các nước Tây Âu./.

 



[1]  Thị trường lao động nước ngoài mà lao động Việt Nam đến làm việc tăng nhanh: năm 1992 lao động Việt Nam đến làm việc tại 12 nước, năm 1995 tại 15 nước, năm 1998 tại 27 nước và năm 1999 tại 38 nước.

Tổng số lao động đưa đi nước ngoài: năm 1996 là 12660 người, năm 1997 là 18470 người, năm 1999 là 21810 người (năm 2000 dự kiến sẽ đưa đi 30000 người).

[2] Năm 1997 đã có 1.055.783 lượt người nhập cảnh Việt Nam qua hai cửa khẩu-sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; năm 1999 số lượt người nhập cảnh Việt Nam đã tăng lên 2.015.973, trong đó có gần 1 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam theo các dự án đầu tư (theo thông báo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, A.18, Bộ Công an).

[3] Các tỉnh không có trẻ em làm con nuôi người nước ngoài là Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Đắc Lắc.

[4] Theo thông báo của phía Pháp, năm 1992 có 258 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại Pháp; năm 1996 đã có 1.339 trẻ em (trung bình mỗi ngày có 3 trẻ em Việt Nam được vào Pháp); đến nay trung bình mỗi năm cũng có khoảng 1.000 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi tại Pháp.

[5] Các vấn đề cụ thể của khái niệm "tương trợ tư pháp quốc tế" sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần sau.

[6] Cho đến nay Nhà nước ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước sau đây:

- CHDC Đức cũ (15.12.1980), hết hiệu lực từ ngày 3.10.1990 vì CHLB Đức không kế thừa.

- Liên xô cũ (10.12.1981), hiện nay LB Nga là nước kế thừa.

- Tiệp khắc cũ (12.10.1982), hiện nay CH Séc và CH Xlôvalia là hai nước kế thừa.

- Cu Ba (30.11.1984).

- Hungary (18.01.1985).

- Bungary (03.10.1986).

- Ba Lan (22.3.1993).

- Liên bang Nga (ký ngày 25/8/1998, Việt Nam đã phê chuẩn, hiện chưa có hiệu lực).

- CHDCND Lào (ký ngày 6/7/1998, có hiệu lực từ ngày 19/2/2000).

- CHND Trung Hoa (ký ngày 19/10/1998, có hiệu lực từ ngày 25/12/1999).

- CH Pháp (ký ngày 24/2/1999, Việt Nam đã phê chuẩn, hiện chưa có hiệu lực).

- Ucraina (ký ngày 6/4/2000, hiện chưa có hiệu lực).

- Mông Cổ (ký ngày 17/4/2000, hiện chưa có hiệu lực).

[7] Xem Điều 2 Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (14/9/1995).

[8] Xem Điều 84 Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch.

[9] Chẳng hạn như Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài; Thông tư liên ngành số 139/TTLN ngày 12/3/1984...

[10] Trong các năm 1990-1991 Vụ PLQT và HTQT đã hoàn thành nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ký kết và thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ngoài" với mục đích chủ yếu là xây dựng Hiệp định khung của Việt Nam về việc đàm phán và ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp, chưa đi sâu nghiên cứu về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp của các cơ quan trong và ngoài nước, nhất là tình hình thực hiện tương trợ tư pháp với các nước chưa ký kết Hiệp định.  

[11] Xem phần phụ lục kèm theo báo cáo này.

[12] Xem Danh sách Cộng tác viên tham gia nghiên cứu đề tài và Danh mục các chuyên đề nghiên cứu do Cộng tác viên thực hiện.

[13] Xem phần Phụ lục Kết quả điều tra, khảo sát (tại Hà Nội, Lao Cai, Cao Bằng, An Giang, Đắc Lắc) phục vụ nghiên cứu đề tài.

[14] Xem Luật quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị-Quốc gia, Hà Nội 1999 (Điều 4: "... Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không dẫn độ công dân Việt Nam cho nước khác").

 

[15] Xem tài liệu kèm theo ở phần Phụ lục.

[16] Theo L.A. Luns và N.I. Marưseva, Giáo trình Tư pháp quốc tế (phần Tố tụng dân sự quốc tế), NXB Khoa học pháp lý, Mátxcơva 1976, trang 145.

[17] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường đại học luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 1997, trang 324; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa luật Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội 1997, trang 228-229.

[18]  Xem chuyên đề của TS Vũ Đức Long "Tương trợ tư pháp ở các nước Liên xô cũ và Đông Âu".

[19] Đây chủ yếu là các điều ước giữa các nước tư bản chủ nghĩa; Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây không tham gia.

[20] Theo báo cáo tổng kết công tác ngành Toà án, năm 1995 các Toà án trong cả nước đã giải quyết 895 vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, năm 1996 là 1068 vụ, năm 1997 là 1017 vụ, năm 1998 là 1545 vụ. 

[21] Theo báo cáo tổng kết của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. 

[22] Xem chuyên đề của Th.S Chu Trung Dũng Pháp luật và thực tiễn của các nước theo luật án lệ trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự và dân sự ở phần Phụ lục.

[23] Xem tài liệu Toạ đàm về tương trợ tư pháp do Sida (Thuỵ Điển) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8-9/9/1999, phần Phụ lục.

[24] Công ước Geneve 12/8/1949 về bảo hộ thường dân trong chiến tranh, Việt Nam gia nhập 5/6/1957; Công ước Geneve 12/8/1949 về việc đối xử với tù binh, Việt Nam gia nhập 5/6/1957; Công ước Geneve 12/8/1949 về cải thiện tình trạng thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân, Việt Nam gia nhập 5/6/1957...

[25] Từ năm 1977 Bộ Tư pháp Liên Xô và Bộ Tư pháp CHDC Đức (cũ) chính thức đặt vấn đề với Việt Nam về việc chuẩn bị ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nhà nước.

[26] Các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết trong thời kỳ này là: Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam-CHDC Đức (15/12/1980); Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý Việt Nam-Liên Xô (10/12/1981); các Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam-Tiệp Khắc (12/10/1982), Việt Nam - Cu Ba (30/11/1984), Việt Nam - Hungary (18/01/1985), Việt Nam - Bungary (03/10/1986).

 

[27] Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài (17/4/1993); Pháp lệnh thi hành án dân sự (1993); Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (02/12/1993); Pháp lệnh xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam (1992); Bộ luật lao động; Luật thương mại; Bộ luật dân sự (1995); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (1995); Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994; Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch v.v... 

[28] Ngày 23/3/1993 Việt Nam ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Ba Lan; trong năm 1998 ký 3 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước Liên bang Nga, CHDCND Lào, CHND Trung Hoa; ngày 24/02/1999 ký HĐTTTP với CH Pháp.5

[29] Riêng uỷ thác tư pháp với Đài Loan thì chủ yếu do Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, Văn phòng Kinh tế-Văn hoá Đài Bắc là cơ quan giúp đỡ việc thực hiện các uỷ thác này.

[30] Đối với Việt Nam, vấn đề thi hành án có phải là một giai đoạn của quá trình tố tụng dân sự hay không, còn là vấn đề gây nhiều tranh luận trong giới Luật gia.

[31] Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 1996-1997 có khoảng 150 trường hợp (công dân Việt Nam và người nước ngoài) đến Bộ Tư pháp có đơn yêu cầu Toà án nước ta công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự do Toà án nước ngoài xét xử (chủ yếu về ly hôn), nhưng Bộ Tư pháp từ chối nhận đơn vì đều không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh ngày 17/4/1993.

[32] Vấn đề công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp với Tiệp Khắc (cũ), Bungary, Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào, Pháp, Ucraina và Mông Cổ.

[33] Ngày 28/7/1995 Việt Nam gia nhập Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.

[34] Pháp luật của nhiều nước (Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản...) quy định khái niệm thương mại theo nghĩa rất rộng, không chỉ bao gồm thương mại hàng hoá, mà còn bao gồm thương mại dịch vụ, khía cạnh thương mại của đầu tư và sở hữu trí tuệ.

[35] Xem chuyên đề của Nguyễn Quốc Việt "Một số vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự" trong phần Phụ lục.

[36] Xem Điều 51 khoản 1 điểm 6 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Ucraina.

[37] Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại Việt Nam - Pháp và Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Trung Quốc không bao gồm các nội dung về dẫn độ.

[38] Xem chuyên đề của TS. Nguyễn Bá Diến "Vấn đề dẫn độ tội phạm trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài" ở phần Phụ lục.

[39] HĐTTTP với Liên Xô (từ Điều 57 đến Điều 74); với Tiệp Khắc (từ Điều 61 đến Điều 79); với Cu Ba (từ Điều 53 đến Điều 73); với Hungary (từ Điều 58 đến Điều 75); với Bungary (từ Điều 59 đến Điều 74); với Ba Lan (từ Điều 52 đến Điều 69); với LB Nga (từ Điều 62 đến Điều 77); với CHDCND Lào (từ Điều 52 đến Điều 76).

[40] Các trường hợp này phía Nga chủ động trao cho ta, không theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam.

[41] Riêng trong năm 1999 các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện 493 vụ uỷ thác tư pháp về dân sự - thương mại với các nước, trong đó có 98 vụ với CHLB Đức, 67 vụ với Hoa Kỳ và 65 vụ với Đài Loan.

[42] Vừa qua Uỷ ban bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch xem xét khả năng Việt Nam tham gia Nghị định thư không bắt buộc về chống buôn bán trẻ em, mãi dâm trẻ em, văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em (bổ sung cho Công ước quốc tế về quyền trẻ em), trong đó tại Điều 3 của Nghị định thư này quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên căn cứ vào Nghị định thư để thực hiện dẫn độ tội phạm đối với trẻ em.    

* Nguyễn Công Khanh, Chuyên viên Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. 

[43] Theo Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 thì các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau.

 

[44] Xem Luật quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị-Quốc gia, Hà Nội 1999 (Điều 4: "... Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không dẫn độ công dân Việt Nam cho nước khác").

 

[45] Theo Riezler, S.672.

[46] Theo Pocar F. L'assistenza giudiziaria internazionale in materia Civile. Padova, 1967.

 

[47] Theo L.A. Luns và N.I. Marưseva, Giáo trình Tư pháp quốc tế (phần Tố tụng dân sự quốc tế), NXB Khoa học pháp lý, Mátxcơva 1976, trang 145.

 

[48] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường đại học luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 1997, trang 324; Giáo trình Tư pháp quốc tế của Khoa luật Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội 1997, trang 228-229.

[49] Xem chuyên đề của TS Vũ Đức Long "Tương trợ tư pháp ở các nước Liên xô cũ và các nước Đông Âu".

[50] Xem Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa; Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp.

[51] Công ước La Hay (29.5.1993) về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước hiện đang được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc gia nhập.

[52] Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Pháp đã được ký ngày 01/02/2000tại Hà Nội và có hiệu lực từ ngày 01/11/2000. Một số nước khác như Vương quốc Bỉ, Hoa Hỳ, CHLB Đức... cũng mong muốn ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam.

 

[53] Theo tài liệu của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp .

 

[54] Xem bài trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật của Thứ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, số 01, ra ngày 01.01.2000.

 

[55] Xem chuyên đề của Th.S Đào Xuân Tiến “Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

* Nguyễn Thị Tâm - Chu Tuấn Đức, Chuyên viên Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

[56] Oppenheim's International Law - Ninth Edtion - Longman Group U.K, 1992, vol. I - trang 456

[57] Oppenheim's International Law (®· dÉn), trang 458: Vô ¸n Lotus lµ vô tµu Ph¸p cã tªn lµ Lotus ®©m vµo tµu Boz-Kourt Thæ NhÜ kú trªn biÓn quèc tÕ g©y thiÖt h¹i vÒ ng­êi vµ tµi s¶n xho phÝa Thæ NhÜ kú (8 ng­êi bÞ thiÖt m¹ng) . Khi tµu Lotus ®Õn Constantinople, phÝa Thæ NhÜ kú ®· b¾t gi÷ vµ truy cøu tr¸ch nhiÖm h×nh sù ®èi víi viªn sü quan Ph¸p ®iÒu khiÓn tµu Lotus nãi trªn. PhÝa Ph¸p cho r»ng viÖc lµm cña Thæ NhÜ kú ®· vi ph¹m nguyªn t¾c tµi ph¸n l·nh thæ ®­îc thõa nhËn réng r·i trong luËt ph¸p quèc tÕ v× ®· ®ßi quyÒn xÐt xö h×nh sù ®èi víi mét viªn sü quan Ph¸p ®ang ë trªn tµu cña Ph¸p (l·nh thæ cña Ph¸p).Vô viÖc ®­îc ®­a ra Toµ th­êng trùc toµ ¸n quèc tÕ.

[58]Oppenheim's International Law: ®· dÉn, trang 462.

[59] 284 U.S Code mục 421 (1932).

[60] Xem chú thích 2.

[61]Oppenheim's International Law: ®· dÉn, trang 460

[62] Về vấn đề này xin xem thêm đề tài nghiên cứu "Vấn đề hai quốc tịch trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam - Hướng giải quyết vấn đề quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài" của Nguyễn Hữu Tráng và Nguyễn Minh Vũ, tháng 6/1994.

[63] Các hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết bao gồm: với Liên Xô cũ (hiện có hiệu lực với Nga), Tiệp khắc (hiện có hiệu lực với Séc và Slovakia), Đông Đức (hiện đã hết hiệu lực), Cu ba, Hungari, Bungari, Balan;  Lào (ký tháng 7/1998, hiện chưa có hiệu lực). Hiện tại, ta đang đàm phán để ký hiệp định tương trợ tư pháp (mới) với Trung quốc , Bê-la-rut và ucraina và ký (lại) với Nga.

[64] Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, trong vòng 10 năm (1980-1990), hàng năm Việt Nam đưa đi lao động tại nước ngoài khoảng 26.000 lao động theo Hiệp định Chính phủ:

[65] Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, tính đến nay, ta đã ký kết hiệp định lãnh sự với 15 nước, trong đó phần lớn ký với các nước Đông Âu vào những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80: Liên xô (1978), Balan (1979), Bungari (1979), Hungari (1979), Mông cổ (1979), Tiệp khắc (1980), Cu-ba (1981), Pháp (1981), Ni-ca-ra-goa (1983), Lào (1985), Áp-ga-ni-xtan (1987), I-rắc (1990), Ucraina (1994), Rumani (1995), Campuchia (1996).

[66] Tiêu đề của hiệp định với Cu-ba  bao gồm cả vấn đề lao động nhưng nội dung của hiệp định lại không có điều khoản nào quy định về vấn đề này.

[67] Xem Hiệp định tương trợ tư pháp ký với Hungari (Điều 51), với Liên Xô (Điều 41), với Cuba (Điều 47) và với Bungari (Điều 47);

[68] Về vấn đề này xin xem thêm bài Tương trợ tư pháp và công tác lãnh sự - Cục Lãnh sự, 1998.

[69] International Cooperation in Civil and Commercial Procedure, by Ludwik Kos - Rabcewicz Zubkowski, University of Ottawa Press, Ottawa, Canada, 1975: thực tiễn quốc tế cho thấy một số nước  thoả thụân với nhau về miễn hợp pháp hoá nhưng phải tuân thủ một số quy định như giấy tờ đó phải do viên chức lãnh sự cung cấp, hoặc chỉ có một số giấy tờ mới được miễn hợp pháp hoá; hoặc giấy tờ đã cấp phải được một cơ quan cấp cao hơn chứng nhận (tương tự như thủ tục chứng nhận kép của ta)....

[70] Công văn số 1571/HT ngày 15/11/1997 của Bộ Tư pháp

[71] Nguyễn Mạnh Cầm, “Trên đường triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng mới” - Tạp chí Cộng sản, số 4-1993.

[72] Đảng Cộng sản Việt Nam: VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII - Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996; trang 63.

[73] Phỏng vấn Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Báo Lao động 6/8/1998.

[74] “Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tại phiên khai mạc hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 27” trong “ Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc” - Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội, 1995.

[75] Theo số liệu của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

[76] Về vấn đề này xin xem thêm bài "Cần bảo đảm đúng mục đích nhân đạo" của Nguyễn Mạnh Cường - Tô Phán đăng trên Báo Lao động số 85/98 ngày 29/5/1998.

[77] Tài liệu của Nhóm làm việc Việt - Pháp về vấn đề nuôi con nuôi, ngày 25/10/1997.

[78] Công ước Lahaye là một loại điều ước quốc tế đặc biệt điều chỉnh không chỉ các vấn đề hợp tác quốc tế giữa các nước mà còn áp dụng giải quyết những xung đột pháp luật đối với những quan hệ dân sự-gia đình có yếu tố nước ngoài, đã được đại diện của hơn 60 nước nhất trí thông qua. Trên cơ sở ý kiến nhất trí của các Bộ, ngành hữu quan như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung ương, Bộ Ngoại giao đã gửi hai công văn số số 1743 ngày 21/11/1995 và số 637 NG/LS ngày 11/5/1996 đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước để Việt Nam ký Công ước này. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hồi âm từ Văn phòng Chính phủ.

[79] Xin xem thêm bài “ Hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, một yêu cầu chính trị bức xúc hiện nay”, PTS Trần Hữu Ứng - Cục Cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ - Tạp chí Người bảo vệ công lý số 7 (87)/1998.

* TS. Lê Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

[80] Oppenheim's International Law, ninth edition, volume 1 Peace, edited by Robert Jennings - Arthur Watts, Longman, UK 1992, tr. 485, 486.

 

[81] Xem Công ước La-Hay về việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại ngày 1/2/1971, Công ước giữa các nước Bắc Âu về Công nhận và Thi hành bản án năm 1932, Công ước Brúc-xen về Thẩm quyền và việc Thi hành các Bản án dân sự và thương mại năm 1968 (áp dụng giữa các nước EEC), Công ước giữa các nước châu Mỹ về giá trị ngoài lãnh thổ của các Bản án và các Quyết định của Trọng tài nước ngoài năm 1979, Công ước giữa các nước châu Mỹ về Thẩm quyền quốc tế đối với giá trị ngoài lãnh thổ của các bản án năm 1985, các thoả thuận song phương giữa Anh với Hà Lan năm 1967, với I-xra-en năm 1970 về công nhận và thi hành bản án của nhau trong các vụ việc dân sự, thương mại.

[82] Xem Công ước La-Hay về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại ngày 18/3/1970, Công ước giữa các nước châu Mỹ về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự và thương mại năm 1975 và Nghị định thư bổ sung năm 1984, Công ước giữa các nước châu Mỹ về uỷ thác tư pháp năm 1975 và Nghị định thư bổ sung năm 1979, Công ước châu Âu về việc lấy thông tin, chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự năm 1978, các thoả thuận song phương giữa Anh với Hà Lan năm 1932, với I-xra-en năm 1966.

[83] Xem Công ước châu Âu về tương trợ trong các vấn đề hình sự năm 1959, Hiệp ước Mỹ - Thuỵ Sĩ về tương trợ trong các vấn đề hình sự năm 1973 được bổ sung với các Bản ghi nhớ năm 1975, 1982 và 1987, Hiệp ước Mỹ - Hà Lan về tương trợ pháp lý năm 1981, Hiệp ước Mỹ - Canada về tương trợ pháp lý trong các vấn đề hình sự năm 1985, Hiệp ước Mỹ - Mêhicô về hợp tác pháp lý năm 1987, Công ước mẫu về tương trợ trong các vấn đề hình sự được Đại hội đồng Liệp Hợp quốc thông qua năm 1990.

[84] Xem Công ước châu Âu về chuyển giao tố tụng hình sự năm 1972, Công ước mẫu về chuyển giao tố tụng trong các vụ việc hình sự được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1990.

[85] Xem Công ước châu Âu về giá trị quốc tế của các bản án hình sự năm 1970

[86] Xem Công ước châu Âu về việc chuyển giao người bị kết án năm 1983, Thoả thuận Mỹ - Pháp về việc chuyển giao người bị kết án năm 1983, Hiệp ước Mỹ - Mêhicô về việc thi hành các bản án hình sự năm 1976.

[87]Xem J.G. Starke, Introduction to International Law, Butterworths London 1989, tr. 430.

[88] Hiện nay, Công ước này được 19 nước ký, 18 nước phê chuẩn, 24 nước tham gia, 15 nước tuyên bố ràng buộc.

 

[89] An-ba-ni, An-giê-ri, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Việt Nam, CHDC Đức, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Ru-ma-ni, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư, Hy Lạp, Phần Lan, Cu Ba, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Lào.

[90] Xem Điều 8 HĐTTTP với Liên Xô cũ, Điều 15 HĐTTTP với Ba Lan, Điều 15 HĐTTTP với Hung-ga-ri, Điều 12 HĐTTTP với Bun-ga-ri, Điều 13 HĐTTTP với Tiệp Khắc, Điều 13 HĐTTTP với Cu Ba.

 

[91] Ngày 11/4/1998, Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam có Công hàm số 6059/98 thông báo về việc truy tố công dân Việt Nam, luật sư Mạc Văn Nhất về tội làm giả mạo và sai lệch giấy tờ cho công dân Việt Nam làm thủ tục kết hôn.

 

[92] Năm 1997, Công an biên phòng Đức đã tịch thu và chuyển cho Đại sứ quán Việt Nam tại Đức các giấy khống chỉ có dấu quốc huy, dấu chức danh Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khâm, Uỷ ban nhân dân xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng.

[93] Giấy khai sinh đề ngày 5/5/1957 của Uỷ ban nhân dân xã Gia Thuỵ, Gia Lâm, Hà nội cấp cho anh Nguyễn Gia Khát, Giấy khai sinh đề ngày 26/6/1972 của Uỷ ban nhân dân xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cấp cho anh Phạm Ngọc Lượng.

[94] Điều 1 Công ước La Hay ngày 18/3/1970 về việc lấy chứng cứ ở nước ngoài trong các vụ việc dân sự hoặc thương mại quy định "các hành vi tư pháp khác không bao gồm việc tống đạt các giấy tờ tư pháp".

[95] Xem Ludwik Kos - Rabcewicz Zubkowski, International Cooperation in Civil and  Commercial Procedure, University of Ottawa Press, Canada, 1975, trang 43.

[96] Công ước này đã được 16 nước ký và phê chuẩn, 13 nước tham gia.

[97] Xem Điều 12 HĐTTTP với Liên Xô cũ, Khoản 3 Điều 6 HĐTTTP với Ba Lan, Điều 8 HĐTTTP với Tiệp Khắc, Điều 11 HĐTTTP với Hung-ga-ri, Điều 10 HĐTTTP với Cu Ba, Điều 10 HĐTTTP với Bun-ga-ri.

 

[98] Trước năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ lãnh sự tuy chưa thiết lập quan hệ ngoại giao (Xem thư ngày 21/5/1994 của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai gửi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Á và Thái Bình dương Winston Lord);

Hiện nay, Việt Nam và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao nhưng vẫn có quan hệ lãnh sự (Xem Thoả thuận về việc thành lập Văn phòng Kinh tế và Văn hoá giữa Hà nội và Đài Bắc ngày 30/6/1992).

[99] Xem Đỗ Văn Chỉnh, Cần sớm khắc phục thiếu sót trong việc giải quyết ly hôn với một bên đương sự đang ở nước ngoài, Tạp chí Người bảo vệ công lý, số 12(68)/1997, trang 17.

[100] Xem PTS Trần Hữu ứng, Hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm có tổ chức một yêu cầu chính trị bức xúc hiện nay, Tạp chí Người bảo vệ công lý số 7(87)/1998, tr. 22.

 

[101] Công ước này đã được ký kết và phê chuẩn bởi Anh, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Tiệp Khắc, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, Na Uy, Ai Cởp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua; được tham gia bởi Cyprus, Ô-xtơ-rây-li-a, Ba Lan

* Thạc sĩ Lê Thu Hằng, Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam.

* Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Giảng viên Khoa luật, Đại học quốc gia.

* Tiến sĩ Vũ Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ PLQT-HTQT, Bộ Tư pháp. 

 

File đính kèm downloadTải về