• Thuộc tính
Tên đề tài Bồi thường thiệt hại do bị bắt giữ, xét xử oan sai ở Việt nam và một số nước trên thế giới
Nội dung tóm tắt
 

Trong những năm gần đây, các cơ quan tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng này, do tính phức tạp của vụ án hình sự, do những điều kiện khách quan hoặc do hạn chế về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp nên trong số các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng không tránh khỏi những sai sót mặc dù đã qua sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự - kinh tế trong hoạt động thực tiễn đã dẫn đến tình trạng xử lý oan, sai trong quá trình điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nhiều địa phương. Tình trạng người bị oan, sai khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu chính đáng của người dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã khẳng định yêu cầu: "Đối với việc bắt giữ, xét xử oan sai cần truy cứu trách nhiệm của những người ra lệnh và người thừa hành, đồng thời minh oan công khai, thoả đáng đối với người bị bắt giữ, xét xử oan sai, đảm bảo quyền công dân đúng pháp luật". Đại hội Đảng IX một lần nữa khẳng định chủ trương cần "cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra những trường hợp oan, sai".

Với mong muốn góp phần xây dựng các luận cứ khoa học cho việc thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn trong lĩnh vực này, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lí giao cho Trung tâm nghiên cứu Pháp luật quốc tế và Luật so sánh triển khai đề tài: ”Nghiên cứu so sánh pháp luật của Việt Nam và một số nước về việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra”.

Bằng phương pháp nghiên cứu của Luật so sánh, nhóm nghiên cứu làm rõ các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn chỉnh một bước chế định của Việt Nam về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của đề tài chỉ dừng ở nghiên cứu về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp do bị oan sai chỉ trong tố tụng hình sự, chưa mở rộng ra các tố tụng dân sự, lao động, hành chính. Xuất phát từ cách phân loại truyền thống của Luật so sánh, Đề tài lựa chọn nghiên cứu một số nước đại diện cho hai truyền thống pháp luật lớn trên thế giới (Luật dân sự - Civil Law và Luật án lệ - Common Law); đại diện cho các nước phát triển và các nước đang phát triển, đại diện cho châu lục và cho các nước có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật tương đồng với Việt Nam. Các nước đó gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kì  và Úc.

I. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỊ OAN SAI DO CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

1. Vài nét về thực tiễn bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Theo số liệu báo cáo chính thức của các cơ quan tư pháp, tình trạng xử lí oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự đang là vấn đề rất bức xúc và đáng lo ngại. Tại giai đoạn điều tra, trong 4 tháng đầu năm 1999, Công an T.P Hồ Chí Minh đã đình chỉ điều tra 16 trường hợp vì không phạm tội, trong đó có 2 trường hợp bị tạm giam tới 1 năm. Tại giai đoạn xét xử, trong quí 4/1999 và 9 tháng đầu năm 2000, qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, toà án nhân dân các cấp đã tuyên 73 bị cáo không có tội([1]). Mặc dù pháp luật chưa qui định rõ khái niệm oan sai và chưa phân loại oan sai trong tố tụng hình sự nhưng qua thực tế có thể liệt kê một số loại oan sai chính sau:

-     Công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì đã hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm hoặc người đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm mà chỉ bị xử lý hành chính hoặc dân sự…

-     Công dân bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khám xét, thu giữ, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản thiếu căn cứ dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần.

-     Công dân đã bị tạm giam nhiều hơn, lâu hơn hình phạt tù do toà án tuyên.

-     Công dân đã bị truy tố ra toà nhưng toà án tuyên bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của toà án cấp dưới bị toà án cấp trên hủy, tuyên bố bị cáo không có tội.

-      Công dân bị truy tố và bị xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm và bản án đó được toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn.

Trong khi đó, thực tế công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan, sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra còn nhiều bất cập, không theo một cơ chế thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi chính đáng của người dân khi mà tài sản, uy tín, danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp khác, thậm chí cả tính mạng của họ bị xâm phạm. Việc bồi thường trong các vụ oan sai phần lớn phụ thuộc vào sự "tự nguyện" của các cơ quan tố tụng hoặc của chính quyền địa phương.

2. Các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

2.1. Các văn bản hiện hành

Hiến pháp 1992 khẳng định “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự“ (Điều 72). Như vậy, Hiến pháp đã xác định: a/ Căn cứ  để được bồi thường là tính trái pháp luật của các quyết định/hành vi bắt, giam giữ, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; b/ Phạm vi bồi thường: thiệt hại về vật chất phải được bồi thường, danh dự bị tổn hại phải được phục hồi.

Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về vấn đề này tại Điều 24 nhưng rất chung chung, hoàn toàn chưa rõ nội hàm của khái niệm “Làm oan" cũng như chưa rõ nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng làm oan cho người dân.

Điều 624 Bộ luật dân sự phân định, về nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bồi thường thiệt hại (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và cơ quan thi hành án) đồng thời khẳng định trình tự hai bước: cơ quan bồi thường cho người dân và cá nhân bồi hoàn lại cho cơ quan. Lỗi là căn cứ xác định trách nhiệm bồi hoàn của cá nhân có thẩm quyền đã gây thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ.

Nghị định số 47-CP ngày 3/5/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (từ đây viết tắt là NĐ-47) là văn bản hướng dẫn thi hành Điều 623 (bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra) và Điều 624 của Bộ luật dân sự như đã nêu ở trên. Để cụ thể hoá một số nội dung của Nghị định số 47-CP, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành Thông tư số 54/1998-TT-TCCP ngày 4/6/1998 (từ đây viết tắt là TT 54). Nội dung chính của NĐ 47 và TT 54 là cụ thể hoá trình tự, thủ tục giải quyết hai bước: bồi thường thiệt hại và hoàn trả.

Thông tư số 38/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/3/1998 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

2.2. Những bất cập trong pháp luật hiện hành của Việt Nam về bồi thường thiệt hại đối với trường hợp oan sai do các cơ quan tố tụng gây ra

-     Chưa có một văn bản riêng, có hiệu lực pháp luật cao qui định toàn diện các vấn đề có tính đặc thù của việc bồi thường đối với trường hợp oan sai do các cơ quan tố tụng gây ra;

-     Chưa có qui định cụ thể về các loại oan, sai trong tố tụng hình sự; căn cứ để xác định một người bị oan, sai; phạm vi oan sai phải được bồi thường thiệt hại; căn cứ xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường đối với từng loại oan sai;

-     Các qui định về trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại và hoàn trả bồi thường có những mâu thuẫn, không rõ ràng và chưa hợp lí (giữa qui trình giải quyết theo thoả thuận với người bị thiệt hại và qui trình do Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại thực hiện; Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại là người có thẩm quyền quyết định mức bồi thường...).

-     Các qui định hiện hành hoàn toàn chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù của việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm (độc lập và liên đới) của các cơ quan tiến hành các bước, các giai đoạn tố tụng vốn có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này.

-     Các qui định về lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước tuy có ưu điểm là đơn giản, tập trung một đầu mối ở cơ quan tài chính địa phương nhưng trên thực tế lại không phù hợp với cơ chế quản lí kinh phí theo ngành dọc hiện nay của cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng là công an, kiểm sát và toà án.

II. NGHIÊN CỨU SO SÁNH PHÁP LUẬT MỘT SỐ NƯỚC VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI OAN SAI DO CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

1. Nguồn luật

-     Đa số các nước được nghiên cứu đều ban hành văn bản luật để quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, trừ Hoa Kỳ là nước đại diện tiêu biểu của truyền thống luật án lệ và Nga chưa cụ thể hoá những nguyên tắc Hiến định của mình thành những quy định pháp luật cụ thể.

2. Khái niệm oan sai được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự

Tại Trung Quốc, quan niệm về oan sai được hiểu là do các cơ quan tiến hành tố tụng đã: nhận định sai sự thật; áp dụng sai pháp luật; vi phạm trình tự thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định.

Với quan niệm như vậy Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định các trường hợp oan mà người bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường bao gồm: 1. Bắt giữ sai đối với những người bị tình nghi phạm tội nhưng chưa có dấu hiệu thực tế hoặc chưa có những chứng cứ thực tế là phạm tội; 2. Giam giữ sai đối với những người chưa thực sự phạm tội; 3. Xét xử lại theo trình tự kiểm tra, giám sát xét xử là vô tội, nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên. Ngoài ra, Luật cũng quy định các trường hợp phải bồi thường do vi phạm pháp luật tố tụng dẫn đến thiệt hại cho công dân, không kể là họ có bị oan sai hay không, gồm: 1. Có các hành vi bạo lực như bức cung, đánh đập hoặc sai người khác dùng các hành vi bạo lực như đánh đập dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong; 2. Sử dụng vũ khí, dụng cụ trái pháp luật dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong.

Cộng hòa Liên bang Nga chưa có quy định về khái niệm oan sai trong pháp luật. Tuy nhiên, qua các quy định của Bộ luật Hình sự có thể hình dung những hành vi có thể dẫn đến oan sai là: người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự người rõ ràng không có tội; kiểm sát viên hay người tiến hành điều tra sơ bộ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người bị tình nghi phạm tội hoặc người bị tố cáo là đã phạm tội; hành vi giữ người trái pháp luật; người tiến hành điều tra sơ bộ ép buộc người bị tình nghi, bị can, người bị hại, người làm chứng đưa ra lời khai không đúng sự thật hoặc người giám định đưa ra kết luận giám định sai bằng thủ đoạn đe dọa hoặc các hành vi trái pháp luật khác; những hành vi bất hợp pháp đối với tài sản kê biên, tạm giữ hoặc tịch thu...

Tại Cộng hoà Pháp theo quy định tại Điều 1 Luật về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan sai và Điều 1 Luật về Trình tự xét lại bản án hình sự do oan sai có thể thấy rằng đối tượng được bồi thường thiệt hại theo pháp luật của Pháp cũng chỉ là những người vô tội mà không có đối tượng bị giam giữ, kết án sai.

Hoa Kỳ là nước theo thuyết "miễn trừ quốc gia" trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại do oan sai. Tuy nhiên, Luật liên bang về khiếu kiện yêu cầu bồi thường của Hoa Kỳ cũng đề ra một nguyên tắc là trong trường hợp những người tiến hành tố tụng thực hiện các hành vi giết người, sử dụng bạo lực, bắt hoặc giam giữ trái pháp luật, truy tố thiếu căn cứ với ác ý, lạm dụng thủ tục, phỉ báng, gian dối, khai man, lừa gạt, can thiệp vào thoả thuận hợp đồng, tức là trong các trường hợp sự vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng quá lộ liễu và gây hậu quả nghiêm trọng, thì Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Là nước theo truyền thống luật án lệ nên Hoa Kỳ không có quy định pháp luật phân biệt giữa oan và sai mà Toà án chỉ căn cứ vào những tình tiết cụ thể để giải quyết vấn đề bồi thường.

Nhật Bản quy định tại Điều 1 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản năm 1959 về điều kiện để được bồi thường thiệt hại như sau:

- Người được tòa án tuyên vô tội bằng một quyết định theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hay thủ tục kháng án đặc biệt mà trước đó đã bị bắt, tạm giam.

- Người nào được tòa phúc thẩm công nhận là vô tội mà trước đó đã chấp hành hình phạt của bản án sơ thẩm hoặc đã bị giam giữ.

Điều 2 Các quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi của Nhật xác định điều kiện được bồi thường thiệt hại trong giai đoạn điều tra: "trong các trường hợp chưa tiến hành khởi tố vụ án đối với người bị bắt hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi, nếu chứng minh được rằng người đó không phạm tội thì Uỷ viên công tố phải bồi thường thiệt hại cho việc bắt hoặc giam giữ này".

3. Căn cứ pháp lý xác định oan sai 

Nhìn chung, các nước đều quy định căn cứ để xác định oan, sai là một phán quyết của tòa án. Đây có thể là một phán quyết sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tuy nhiên, một vài nước lại chỉ nhấn mạnh việc bồi thường oan sai sau khi tuyên vô tội (huỷ bỏ bản án kết tội) (Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc).

Đối với Hoa Kỳ, căn cứ để bồi thường thiệt hại do oan, sai là một phán quyết riêng của tòa án về vấn đề bồi thường. Trong trường hợp việc oan, sai được phát hiện do phúc thẩm một bản án sơ thẩm thì việc xác định mức độ thiệt hại cũng như mức độ bồi thường sẽ được tuyên trong một phán quyết khác của tòa án trên cơ sở đơn kiện của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật ở Hoa Kỳ cho thấy thông thường, ngay trong quá trình tiến hành tố tụng, nếu các đối tượng bị oan, sai đã kiện ngay về hành vi gây oan, sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thì tòa án sẽ xét xử những hành vi này trong một vụ án độc lập.

4. Phạm vi bồi thường thiệt hại

Đa số các nước có quy định về trách nhiệm Nhà nước bồi thường thiệt hại do những người tiến hành tố tụng gây ra. Các thiệt hại bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước có quy định chi tiết và hoàn hảo nhất về phạm vi bồi thường thiệt hại cho trường hợp bị oan sai do những người tiến hành tố tụng gây ra.

4.1. Bồi thường hình sự xâm phạm quyền nhân thân

Phạm vi bồi thường hình sự về xâm phạm quyền nhân thân được quy định ở Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc chỉ hạn chế ở bồi thường xâm phạm quyền tự do cá nhân và xâm phạm đến tính mạng sức khỏe. Đối với việc bồi thường xâm phạm nhân phẩm thì không bồi thường bằng tiền. Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tự do cá nhân áp dụng cho các trường hợp sau:

- Những người trên thực tế không phải là phạm tội mà bị bắt giam.

- Những người bị tình nghi phạm tội, nhưng trên thực tế không phạm tội hoặc không có chứng cứ để chứng tỏ là phạm tội nghiêm trọng mà bị giam giữ.

Chỉ cần sau khi áp dụng trình tự tố tụng người bị tình nghi phạm tội bị bắt giam được chứng minh là vô tội thì trách nhiệm bồi thường hình sự bắt giam sai đã được cấu thành. Đây là kết quả của việc quy trách nhiệm theo nguyên tắc trách nhiệm pháp lý vô điều kiện. Người bị tình nghi phạm tội và người không bị tình nghi phạm tội bị bắt giam sai thì đều được hưởng quyền lợi như nhau. Trong trường hợp bắt giữ sai và giam giữ sai thì đều áp dụng nguyên tắc quy trách nhiệm như nhau.

- Những người được xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử được tuyên là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên. Bồi thường hình sự cho trường hợp này được căn cứ vào những tổn hại thực tế.

- Cơ quan quản lý trại giam không trả tự do cho những trường hợp đã mãn hạn tù mà không có lý do chính đáng.

4.2. Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tài sản

Theo Điều 16 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc: “Các cơ quan thực thi chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền tài sản, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại có quyền được bồi thường:

- Áp dụng trái pháp luật các biện pháp tố tụng như: niêm phong, tịch thu, phong toả, thu giữ tài sản...

- Xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản...".

Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại còn qui định các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật nhưng Nhà nước không phải bồi thường thiệt hại. Đó là các trường hợp dưới đây:

- Công dân cố ý khai sai sự thật hoặc tạo chứng cứ giả để bị coi là có tội, để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc công dân nhận tội do bị cán bộ tư pháp bức cung, tra tấn lại không thuộc trường hợp Nhà nước được miễn trách nhiệm bồi thường.

- Những người bị bắt giam nhưng sau đó được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn chấp hình phạt.

- Cán bộ tư pháp gây tổn hại do phòng vệ chính đáng trong khi thực thi nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm.

- Hành vi xâm phạm tư pháp gây tổn hại nhưng đã xảy ra trước khi Luật nhà nước bồi thường có hiệu lực thi hành, nghĩa là trước ngày 1/1/1995. Theo giải thích của TAND tối cao thì các trường hợp này được xử lí căn cứ vào những qui định pháp luật có liên quan tại từng thời điểm tính từ 31/12/1994 trở về trước.

4.3. Bồi thường thiệt hại về tinh thần

Về lí luận, các nhà nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc cho rằng đồng thời với việc bồi thường tự do cá nhân của người bị hại còn phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do tổn hại đến danh dự bằng một khoản “tiền an ủi động viên”. Hướng giải quyết này có lý nhưng vẫn chưa được các nhà lập pháp áp dụng. Tuy nhiên, nếu thiệt hại là thuần tuý về tinh thần thì hình thức bồi thường phổ biến là xin lỗi công khai. Ngoài ra, nguyên tắc chung của pháp luật Trung Quốc là những trường hợp nào chưa được pháp luật quy định thì chắc chắn không được bồi thường.

Tại Nhật Bản khoản 4 Điều 4 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng quy định xem xét bồi thường cả những trường hợp thiệt hại về tinh thần. Điều 3 Luật này còn quy định về những trường hợp không được bồi thường thiệt hại. Theo quy định của điều này, có hai đối tượng không được xét bồi thường thiệt hại là:

- Người có hành vi khai báo không đúng sự thật hoặc đưa ra các chứng cứ giả mạo nhằm mục đích gây khó khăn, đánh lạc hướng việc điều tra, xét xử dẫn đến bị khởi tố, bị giam giữ, bị tuyên án.

- Người được Toà án tuyên "vô tội" đối với một hoặc một số trong những hành vi phạm tội vào cùng một thời điểm nhưng vẫn bị tuyên phạt vì các hành vi phạm tội khác.

Tại Hoa Kì do không có văn bản pháp luật quy định về vấn đề nhà nước bồi thường nên chỉ thông qua việc nghiên cứu các án lệ để nhận biết phạm vi bồi thường thiệt hại mà các toà án có thể tuyên.

Cộng hoà Pháp cũng quy định bất kỳ thiệt hại nào, dù là vật chất hay tinh thần, cũng phải được bồi thường.

5. Tiêu chí xác định mức độ thiệt hại, mức và cách thức bồi thường thiệt hại

Tại Trung Quốc Luật Nhà Nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc đã dành riêng Chương 4 để qui định về cách tính bồi thường và tiêu chuẩn tính bồi thường. Chương này qui định một hệ tiêu chuẩn để xác định mức bồi thường cho từng loại thiệt hại từ sức khoẻ tính mạng đến tài sản mà người bị hại đã phải gánh chịu. Điều 25 Luật này quy định: “Nhà nước bồi thường chủ yếu bằng tiền”. Tuy vậy, trong thực tiễn việc bồi thường bằng tài sản cũng là một cách thức được áp dụng.

* Bồi thường do xâm phạm đến tính mạng và sức khoẻ lại được chia thành: bồi thường do bị tổn hại về thân thể, bồi thường do mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động và bồi thường do tử vong. Cụ thể:

- Bồi thường do những tổn hại đến thân thể: Điều 27 khoản 1 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định: “gây tổn thương đến thân thể, phải chi trả tiền chữa bệnh và bồi thường phần thu nhập bị mất, giảm do phải nghỉ việc. Tiền bồi thường cho mỗi ngày giảm thu nhập được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó, mức bồi thường cao nhất không được quá 5 lần bình quân lương ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó”. Mỗi khoản trên đều được quy định cụ thể trong các văn bản dẫn chiếu khác hoặc văn bản hướng dẫn thi hành.

- Bồi thường do mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động: Điều 27 khoản 2 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định: nếu gây mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động thì phải trả tiền chữa bệnh và tiền bồi thường tàn tật. Tiền bồi thường do mất một phần khả năng lao động tối đa không quá 10 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó; tiền bồi thường do mất toàn bộ khả năng lao động tối đa không quá 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Đối với trường hợp mất toàn bộ khả năng lao động phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động mà người bị hại phải nuôi dưỡng. Luật quy định cụ thể việc bồi thường tiền chữa bệnh, tiền bồi thường tàn tật và bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp.

- Bồi thường do việc gây chết người: Điều 27 khoản 3 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định: “Nếu gây chết người thì phải bồi thường tiền gây chết người, tiền tang lễ, tổng số tiền bằng 20 lần lương bình quân Nhà nước trả cho cán bộ nhân viên vào năm trước đó. Nếu người chết khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người không có khả năng lao động thì phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động đó”. Luật quy định cụ thể tiền bồi thường do gây chết người và tiền tang lễ và bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp.

* Bồi thường do xâm phạm quyền tự do cá nhân

Điều 26 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định: tiêu chuẩn bồi thường xâm hại tự do cá nhân do hành vi xâm phạm quyền tư pháp được tính theo số ngày bị mất tự do, mức bồi thường mỗi ngày bằng lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước năm trước đó.

Về vấn đề giải quyết việc xâm hại tự do cá nhân đồng thời gây tổn hại đến danh dự của người bị hại, một số học giả cho rằng đồng thời với việc bồi thường tự do cá nhân của người bị hại còn phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do tổn hại đến danh dự, tức là bồi thường “tiền an ủi động viên”. Hướng giải quyết này có lý nhưng vẫn chưa được các nhà lập pháp áp dụng. Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định, khi xảy ra tình trạng này, sau khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không phải bồi thường “tiền an ủi”, mà phải khôi phục lại danh dự, phải xin lỗi người bị hại bằng các hình thức phù hợp.

Cũng tương tự như pháp luật Trung Quốc, pháp luật của Pháp cũng qui định các tiêu chí để xác định thiệt hại là thiệt hại thực tế và lấy đó làm căn cứ để tính bồi thường. Khoản bồi thường này tương ứng với những thiệt hại vật chất mà việc kết tội sai đã gây ra. Cách thức bồi thường về tinh thần danh dự cho người bị hại được quy định tại Điều 6 khoản 8 Luật về xét lại các bản án hình sự oan sai của Pháp. Nếu người đệ đơn yêu cầu thì quyết định của Toà Phá án về việc xét lại bản án công nhận sự vô tội của người này sẽ được niêm yết tại thành phố nơi quyết định kết án đã được công bố, tại địa phương nơi  xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của những người đệ đơn, tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của người đã bị kết án sai nếu như người ấy đã chết; đồng thời văn bản của quyết định cũng được công bố toàn văn trong Công báo và trong 5 tờ báo khác do toà chọn. Mọi chi phí trên do Nhà nước chịu. Trong trường hợp những người không thuộc các đối tượng trên cũng có quyền lợi bị xâm hại đứng ra yêu cầu bồi thường thì khoản bồi thường được xét chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất mà bản án sai đã gây ra cho chính người đó.

Tại Nhật Bản Luật Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng qui định cụ thể mức bồi thường thiệt hại tại Điều 4. Tuy nhiên, luật này lại ấn định mức bồi thường tối đa cho từng loại oan sai cụ thể là từ 1000 đến 9400 yên/ngày đối với việc bồi thường do bị bắt hoặc giam giữ oan sai, 25 triệu yên cho trường hợp tử hình sai (tài sản của người đã bị tử hình sẽ được bồi thường theo quy định chung). Đối với những trường hợp đã áp dụng các biện pháp phạt tiền hoặc tịch thu tài sản, người bị hại sẽ được bồi thường tương đương được với khoản tiền đã bị phạt hoặc tương đương với thời giá của số tài sản đã bị tịch thu và thanh lý cộng thêm 5% cho mỗi năm kể từ thời gian áp dụng hình phạt tới thời gian thực hiện bồi thường.

Nếu luật pháp các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lấy thiệt hại thực tế của người bị hại làm căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại thì số tiền bồi thường thiệt hại ở Hoa Kỳ thường cao hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Ví dụ một người bị mất 20% sức lao động thì số tiền có thể xét được bồi thường sẽ được tính như sau: toàn bộ chi phí cho việc chữa bệnh (thường tính theo giá của công ty bảo hiểm), 20% thu nhập bình thường của người đó từ thời điểm bị' mất sức lao động cho tới tuổi về hưu, có tính đến các thời điểm được nâng lương đối với một người lao động bình thường, tính cả đến trượt giá, lạm phát,... các mất mát về tinh thần có liên quan; và toàn bộ số chi phí thực tế đó có thể được nhân lên nhiều lần để "cảnh cáo" cơ quan/ người vi phạm. Tuy nhiên, cách tính trên mới chỉ mang tính định tính, về mặt định lượng, Hoa kỳ không có quy định cụ thể nào. Điều này làm cho số tiền bồi thường trong mỗi vụ án gần như hoàn toàn không giống nhau, nhất là các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Theo quy định pháp luật của Australia, khi tính toán khoản bồi thường thì Dự thẩm viên sẽ căn cứ vào sự thiệt hại về vật chất và tinh thần. Về vật chất thì phải tính xem số tiền cụ thể nạn nhân có quyền được hưởng là bao nhiêu như thiệt hại về tài sản theo trách nhiệm trong vụ án dân sự, thu nhập bị mất trong thời gian phải gánh chịu những hậu quả như bị thương phải vào viện, viện phí, không có thu nhập trong thời gian đó,... và cả những tổn hại về mặt tinh thần, danh dự. Tổng mức thiệt hại được bồi thường không quá 50.000AUD. Mức tối đa này áp dụng cho cả 3 loại này: người bị tổn hại về thể xác, tinh thần; người có tài sản bị thu giữ, tiêu huỷ; người bị chết.

Tại Thụy Điển, cơ sở để tính bồi thường là thu nhập hàng ngày, tiền lương tháng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và các khoản chi phí khác như chi phí cho việc trông nom nuôi dạy con cái, các khoản viện phí,...). Việc bồi thường danh dự không đặt ra một cách độc lập mà kết hợp với việc tính toán thiệt hại vật chất với mức cao hơn mức thông thường. Mức bồi thường trung bình ít nhất không dưới 15.000 Crown/1 tháng (tiền Thụy Điển).

Có thể thấy rõ rằng nguyên tắc chung được nhiều nước áp dụng là mọi thiệt hại dù là vật chất hay tinh thần đều được bồi thường. Tuy cách tính mức đền bù có khác nhau nhưng tựu trung lại, cách tính theo thiệt hại thực tế và theo lương ngày công của Trung Quốc là chi tiết và rõ ràng hơn cả. Cách tính thiệt hại và đền bù như vậy có lẽ cũng khả thi đối với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay.

6. Phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra

Đây là vấn đề phức tạp nhất cả lý luận và thực tiễn trong việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy trước tiên cần điểm qua các cơ sở lý luận cho việc xây dựng các quy định về trách nhiệm đại diện.

a) Vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền miễn trừ của Nhà nước

Trước đây, rất nhiều quốc gia thực hiện nguyên tắc “chủ quyền miễn trừ”. Nguyên tắc này cho rằng nhà nước được hưởng quyền miễn trừ quốc gia nên không thể bị coi là bị đơn trong những vụ kiện yêu cầu bồi thường. Khi nhân viên Nhà nước xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức thì đó là hành vi mang tính cá nhân, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong số các nước vẫn còn giữ quan điểm này có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định cá nhân nhân viên cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường là không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Do đó, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số quốc gia đã bắt đầu đưa ra chế định Nhà nước bồi thường mà trong đó Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Ngay cả tại Hoa Kỳ, quan điểm "chủ quyền quốc gia" cũng đang dần dần trở nên lạc hậu và ít được áp dụng. Tuy nhiên, ở các vụ kiện cụ thể, các nguyên đơn tại Hoa Kỳ thường có xu hướng yêu cầu bồi thường từ cá nhân người tiến hành tố tụng và cơ quan chủ quản của họ bồi thường về cùng một thiệt hại gây ra một cách riêng rẽ (tuy vẫn trong cùng một vụ kiện).

Theo quy định của pháp luật quốc tế, trách nhiệm pháp lý quốc tế của Nhà nước bao gồm hai yếu tố cấu thành là:

- Hành vi trái pháp luật quốc tế (việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế) thuộc trách nhiệm của Nhà nước; và

- Nhà nước có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại do hành vi trái pháp luật quốc tế gây ra. Vì thiệt hại đó có thể là vật chất hoặc phi vật chất nên trách nhiệm bồi thường cũng có thể là trách nhiệm vật chất hoặc trách nhiệm phi vật chất và được thực hiện dưới nhiều hình thức: khôi phục lại nguyên vẹn trạng thái ban đầu trước khi xảy ra hành vi vi phạm; đền bù bằng tiền, hiện vật hoặc bằng dịch vụ; công khai tuyên bố về hành vi vi phạm và lời xin lỗi của bên gây thiệt hại,... Ngoài trách nhiệm bồi thường vật chất, bên gây thiệt hại còn có thể bị trả đũa hoặc chịu sự trừng phạt do bên bị thiệt hại áp dụng.

Như vậy, nếu cơ quan tư pháp hoặc công chức thuộc các cơ quan tư pháp khi thi hành công vụ có những hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của các cơ quan và công chức tư pháp đó và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thuờng thiệt hại do các hành vi của họ gây ra. Trên thực tế, một trong những dạng phổ biến nhất của trách nhiệm pháp lý của Nhà nước trong pháp luật quốc tế hiện đại chính là trách nhiệm phát sinh do Nhà nước vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng với công dân nước ngoài trên lãnh thổ của mình.

b) Về sự phân định trách nhiệm giữa cơ quan chủ quản và cá nhân người tiến hành tố tụng

“Thuyết trách nhiệm đại diện” cho rằng nhân viên công tác trong cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà gây tổn hại thì phải chịu trách nhiệm, Nhà nước đã đại diện chi trả tiền bồi thường tổn hại, sau đó Nhà nước có quyền thu hồi lại khoản bồi hoàn từ nhân viên có hành vi gây tổn hại.

"Thuyết chuyển giao lao động tạm thời" của Australia có sự lý giải rạch ròi hơn cả. Nội dung của thuyết này như sau: một người quản lý lao động luôn tạo điều kiện để người lao động cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nếu trong quá trình thực hiện công việc đã được ấn định mà người lao động gây thương tích cho người nào đó thì nhìn chung người quản lý lao động phải chịu trách nhiệm trừ khi chứng minh được rằng hậu quả của việc chuyển giao là đã phải chuyển cả trách nhiệm cho người mà mình đã thuê. Lý do chính cho việc này là người quản lý lao động khác với người lao động, đã lựa chọn người làm thay mình và do đó đã sẵn sàng chịu trách nhiệm về cách thức thực hiện công việc mình thuê. Hơn nữa, người quản lý lao động đã tính toán mọi chi phí kể cả tiền lương thuê người lao động và chi phí rủi ro cho những sự cố phát sinh trong quá trình làm việc của người lao động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người quản lý lao động phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi sai phạm của người lao động ngay cả khi người đó đang thực thi nhiệm vụ để được trả lương. Người quản lý lao động chỉ phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà chính mình đã uỷ quyền hoặc phê duyệt cho người khác thực hiện một công việc nào đó thay mình.

Với cách lập luận như vậy, một khi người công chức có vi phạm gây thiệt hại cho công dân thì trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại còn việc xử lý công chức có vi phạm và trách nhiệm của người công chức đó tới đâu là việc riêng của cơ quan nhà nước (người sử dụng lao động) với công chức (người lao động làm công ăn lương) đã gây thiệt hại cho Nhà nước do hành vi sai trái trong khi thi hành công vụ. Có như vậy các cơ quan nhà nước mới giữ được lòng tin của công dân. Điều này không những nâng cao uy tín của các cơ quan nhà nước và tăng thêm sự uy nghiêm của pháp luật mà còn có lợi cho xã hội nói chung, vì một khi đã có niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật thì nhân dân nói chung và những người bị hại nói riêng sẽ hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy công lý và sẵn sàng hợp tác hay phối hợp giúp đỡ các cơ quan chức năng để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật hoặc phòng ngừa tội phạm.

Một số quốc gia thành lập chế độ bồi thường trong đó cả nhà nước và nhân viên cơ quan nhà nước cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Ý nghĩa tích cực của việc này là nó tăng cường tính trách nhiệm, thận trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhân viên cơ quan nhà nước, phòng trừ lạm dụng quyền và phát sinh hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, bất luận là lỗi vô ý hay cố ý, mọi tổn hại trước tiên đều do Nhà nước bồi thường, sau đó căn cứ vào lỗi của cá nhân mà đưa ra mức bồi hoàn tương ứng. Đây chính là quan điểm đang được áp dụng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, pháp luật của Trung Quốc chưa đưa ra những quy định cụ thể đối với trình tự bồi hoàn phí bồi thường, cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề trợ giúp kinh tế cho những người phải bồi hoàn phí bồi thường. Ngoài việc bồi hoàn tiền bồi thường cho Nhà nước, tuỳ theo mức độ vi phạm mà nhân viên nhà nước phải chịu hình thức kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Phân định trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng

Pháp luật Trung Quốc chia ra hai loại vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng: các hành vi xâm phạm quyền công dân trong tố tụng hình sự và các phán quyết hình sự xâm phạm quyền công dân.

Hành vi xâm phạm quyền thứ nhất bao gồm: bắt giữ sai; tạm giam sai; áp dụng biện pháp cưỡng chế, hạn chế sai quyền tài sản; bức cung, tra tấn bị can; sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng trái pháp luật; áp dụng trái pháp luật các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh trái pháp luật. Các loại vi xâm phạm này do các cán bộ thuộc cơ quan công an, kiểm sát thực hiện.

Hành vi xâm phạm quyền thứ hai bao gồm các phán quyết hình sự do toà án đưa ra trái với nguyên tắc xét xử (nghiêm minh, đúng người, đúng pháp luật). Cụ thể là xử phạt đối với người không đáng phạt, tuyên phạt người vô tội hoặc áp dụng hình phạt quá nặng đối với người đáng ra chỉ phải chịu hình phạt nhẹ. Các phán quyết hình sự sai có thể do nhận định sự việc sai hoặc do áp dụng sai pháp luật.

Hoa Kỳ và Australia là hai quốc gia có quan điểm miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của tòa án đối với việc tuyên các bản án oan, sai. Với qui trình đào tạo luật và cách thức lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ cùng với những tiêu chuẩn rất cao nên thẩm phán thường là người có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng. Mặt khác thủ tục tố tụng đối tụng đã hạn chế những rủi ro và sai lầm mà thẩm phám dễ mắc phải trong xét xử. Thủ tục tố tụng ở Hoa Kỳ (thủ tục tố tụng đối tụng) được coi là tương đối hoàn hảo, dựa trên một giả định thực tế là mỗi bên tham gia tố tụng (công tố viên, bị cáo, các bên trong vụ kiện dân sự) đều phải có nghĩa vụ chứng minh lập luận của mình là đúng đắn và phù hợp với các tình tiết của vụ án.

7. Cơ quan giải quyết bồi thường và thủ tục yêu cầu bồi thường 

Bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự ở mỗi nước đều có qui định riêng nhưng nhìn chung các nước đều quy định thủ tục đơn giản, đặc biệt và thời hiệu ngắn. Cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại thông thường là toà án.

Tại Trung Quốc, theo qui định của Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ do Hội đồng bồi thường của toà án thực hiện. Luật này phân biệt hai trường hợp: trường hợp các cơ quan gây thiệt hại tự nguyện đứng ra bồi thường cho người bị hại và trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường.

- Trường hợp các cơ quan gây thiệt hại tự nguyện đứng ra bồi thường cho người bị hại, nếu đương sự không đồng ý với quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thì phải yêu cầu kháng án tới Hội đồng bồi thường của toà án hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

- Trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường, người yêu cầu có thể đưa ra yêu cầu bồi thường với bất cứ cơ quan nào trong số các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan nào nhận được đơn yêu cầu trước thì phải giải quyết việc bồi thường. Sau khi nhận được đơn hoặc lời đề nghị yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải nhanh chóng xem xét và trong thời hạn hai tháng phải giải quyết bồi thường cho người bị hại. Hội đồng bồi thường, sau quá trình thẩm tra, xem xét nhận thấy đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại là hợp lý phải ra quyết định bồi thường thiệt hại bằng văn bản và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thực hiện quyết định này. Trong trường hợp cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã quá thời hạn mà không bồi thường hoặc người yêu cầu bồi thường không đồng ý với mức bồi thường, người yêu cầu bồi thường có thể kiện lên cơ quan cấp trên trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn. Và trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại thì cơ quan xem xét lại phải đưa ra quyết định xem xét lại. Nếu cơ quan xem xét lại không giải quyết thì người yêu cầu bồi thường kiện lên TAND. Điều 23 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại Trung Quốc quy định TAND từ trung cấp trở lên phải thành lập Hội đồng bồi thường gồm 3 đến 7 thành viên. Hội đồng bồi thường của toà án trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận đơn phải ra quyết định lập án. Hội đồng bồi thường trong thời hạn 3 tháng phải ra quyết định có bồi thường hay không. Quyết định của Hội đồng bồi thường do Chủ tịch Hội đồng bồi thường ký tên và đóng dấu của toà án.

Luật Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản lại qui định một cách cụ thể rằng toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là toà án đã tuyên người đó vô tội. Còn theo các qui định về trình tự bồi thường thiệt hại của pháp luật Pháp thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại cũng được tiến hành theo một trình tự đặc biệt và thuộc thẩm quyền của Phòng hình sự Toà phá án. Với những qui định này, pháp luật Pháp và Nhật Bản đã không trao thẩm quyền xét xử bồi thường thiệt hại cho các toà án, các cơ quan khác đã gây oan sai nhằm tránh sự không công bằng và thiếu khách quan của các cơ quan này trong việc xem xét yêu cầu và bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Pháp luật tố tụng hình sự của Pháp gắn việc bồi thường thiệt hại cho công dân do oan sai với việc chứng minh sự vô tội của họ. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại sẽ là kết quả của trình tự xem xét lại bản án. Tuy nhiên, người bị hại và gia đình cũng cần phải thể hiện yêu cầu bồi thường bằng đơn yêu cầu bồi thường.

Tại Hoa Kỳ, một thủ tục điển hình xét bồi thường thiệt hại cho những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra có thể được mô tả như sau:

Trước hết, tòa án phải xác định xem nhân viên công quyền có thực hiện hành vi trái pháp luật không và hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của công dân không. Các bên liên quan được miễn trách nhiệm trong trường hợp tòa phát hiện rằng:

- Nhân viên công quyền không thực hiện hành vi sai trái mặc dù công dân có thể bị thiệt hại;

- Nhân viên công quyền có thực hiện hành vi sai trái nhưng hành vi đó không gây thiệt hại cho công dân;

- Nhân viên công quyền thực hiện hành vi sai trái và hành vi đó gây ra thiệt hại cho công dân nhưng nhân viên đó lại được miễn trách nhiệm theo một số quy định cụ thể khác.

Tiếp theo, tòa án phải xác định hành vi sai trái của nhân viên hay không bằng cách xác định hành vi sai phạm của nhân viên có được thực hiện trong khi thi hành công vụ hay không để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan chủ quản.

Tòa án phải quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại. Mỗi tòa án được quyền tự quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án. Bên nguyên có nghĩa vụ chứng minh tổng số các thiệt hại do hành vi sai trái gây ra.

Một ngoại lệ về cơ quan xử lý bồi thường thiệt hại là Thụy Điển. Thụy Điển có một cơ quan của Chính phủ chuyên trách (Văn phòng bồi thường thiệt hại) giải quyết bồi thường cho những người bị oan sai trong tố tụng hình sự. Văn phòng có 9 luật sư và 4 cán bộ quản lý cùng với một số cán bộ giúp việc. Văn phòng bồi thường thiệt hại có những chức năng: (i) tư vấn pháp luật cho Chính phủ; (ii) giám sát việc các cơ quan Nhà nước hạn chế quyền tự do báo chí; (iii) đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện dân sự có yếu tố nước ngoài; và (iv) xem xét giải quyết việc bồi thường cho người bị bắt, giam giữ và bị tù oan.

Tại New South Wales, Australia, có 2 thiết chế là Uỷ ban tư vấn người bị hại và Cục trợ giúp người bị hại đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Người bị hại có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường cho Cục trưởng Cục trợ giúp người bị hại hoặc gửi cho Thư ký Toà án và trong trường hợp đó Thư ký Toà án có nhiệm vụ chuyển đơn cho Cục trưởng Cục trợ giúp người bị hại vào thời gian sớm nhất có thể thực hiện được. Kèm theo đơn là những giấy tờ và chứng cứ liên quan. Thời hiệu cho việc nộp đơn yêu cầu bồi thường là trong vòng 2 năm sau khi vụ việc xảy ra hoặc trong vòng 2 năm kể từ khi người bị hại trực tiếp bị chết. Trong trường hợp đặc biệt nếu có lý do chính đáng thì Cục trưởng là người quyết định có xét đơn quá thời hiệu hay không. Ví dụ: phạm tội với phụ nữ, trẻ em và nếu người nộp đơn chứng minh được rằng mình không hề biết gì về thời hiệu mà Luật qui định. Sau khi được Cục trợ giúp người bị hại thụ lý đơn thì một Dự thẩm viên (Assessor) xem xét đánh giá mà không cần họp hội đồng. Sau khi xem xét, điều tra và cân nhắc thận trọng Dự thẩm viên sẽ ra quyết định hoặc là bác đơn hoặc ra quyết định cho nạn nhân được nhận bồi thường theo đúng những hướng dẫn qui định tại Điều 65 của Luật. Sau khi có quyết định thì Cục trợ giúp sẽ có giấy báo cho người đứng đơn trong đó nêu rõ số tiền được bồi thường và cách bồi thường cùng với những lý do cụ thể. Trong trường hợp đơn bị bác thì Cục trợ giúp cũng có giấy báo và nói rõ lý do vì sao đơn bị bác.

Còn theo quy định của pháp luật quốc tế, việc giải quyết vấn đề thực hiện trách nhiệm bồi thường của một Nhà nước đối với công dân, pháp nhân hoặc quốc gia có chủ quyền khác hiện nay chủ yếu thông qua con đường ngoại giao: khi công dân một quốc gia bị xâm hại bởi hoạt động của cơ quan, công chức tư pháp của một quốc gia khác thì quốc gia mà công dân đó có quốc tịch được quyền khiếu kiện về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia kia và khiếu kiện này được coi là của chính quốc gia chứ không phải của công dân vì công dân không phải là chủ thể của quan hệ quốc tế.

Ngoài những vấn đề phân tích trên đây, còn có một vấn đề khác mà pháp luật của nhiều nước đề cập đến trong các quy định về nhà nước bồi thường thiệt hại của mình. Đó là vấn đề đại diện. Các nước có quy định về vấn đề này đều cho phép người khác đại diện cho người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhất là trong trường hợp Điều 6 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại của Trung Quốc "nếu người bị hại chết thì người thừa kế hoặc người thân khác có quan hệ nuôi dưỡng với người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường. Pháp nhân hoặc tổ chức bị hại mà bị giải thể thì pháp nhân hoặc tổ chức kế thừa có quyền yêu cầu bồi thường."

Điều 2 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản cũng quy định nếu người có quyền yêu cầu bồi thường đã chết thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Pháp luật của Pháp thì quy định nếu người bị oan sai đã chết thì vợ/chồng, hoặc bố mẹ, hoặc con của người đã chết, người thừa kế hoặc được uỷ quyền có quyền yêu cầu bồi thường; nhưng trong trường hợp việc yêu cầu bồi thường được thực hịên bởi những người cơ quan hệ xa hơn thì khoản bồi thường chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất (chứ không bao gồm những thiệt hại về tinh thần) mà bản án sai đã gây ra cho họ.

8. Nguồn chi kinh phí bồi thường

Tại Trung Quốc, Nhà nước bồi thường từ kinh phí của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Tại Hoa Kỳ, trong đại đa số các trường hợp, cơ quan phải đứng ra bồi thường là chính quyền địa phương hoặc chính quyền liên bang chứ không phải cơ quan tố tụng có nhân viên vi phạm. Tại bang New South Wales, Chính phủ thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại được đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp (Cục trợ giúp người bị hại).

III. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Qua nghiên cứu so sánh quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng chế định bồi thường thiệt hại của một số nước ngoài và đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số đề xuất và kiến nghị như sau:

1. Tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại. Về hướng hoàn thiện, nhóm nghiên cứu cho rằng các quy định của Trung Quốc là rất đáng tham khảo vì những lý do sau đây:

- Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về triết học, văn hóa, kinh tế, quá trình phát triển;

- Trung Quốc có các quy định pháp luật tương đối chặt chẽ và chi tiết về chế định này.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là nhận xét về giá trị tham khảo chung, ở từng quy định cụ thể, nhóm nghiên cứu cho rằng cách làm của các nước khác cũng rất đáng để chúng ta học tập. Cụ thể như sau:

1.1. Về khái niệm oan sai: nhóm nghiên cứu cho rằng pháp luật cần có quy định rõ thế nào là oan, thế nào là sai để lấy đó làm tiêu chí đánh giá một cách tương đối chính xác tình hình thực tiễn. Việc quy định rõ đó cũng có thể giúp cho chúng ta xác định chính sách phù hợp cho từng giai đoạn: hiện nay do điều kiện còn khó khăn, Nhà nước có thể mới chỉ đủ điều kiện bồi thường thiệt hại cho các trường hợp oan, các trường hợp sai sẽ được giải quyết khi có điều kiện thuận lợi hơn;

1.2. Về căn cứ để xác định bồi thường thiệt hại do oan, sai: rõ ràng một bản án sơ thẩm hay một bản án phúc thẩm tuyên vô tội là những căn cứ xác thực nhất cho việc bồi thường thiệt hại. Trong những trường hợp như vậy, thiết nghĩ tòa án phải đề cập ngay tới vấn đề bồi thường thiệt hại trong bản án và người được minh oan chỉ phải làm một thủ tục cuối cùng là nhận tiền bồi thường. Đối với những trường hợp việc oan sai được phát hiện trước khi vụ án được đưa ra xét xử, chúng ta nên theo kinh nghiệm của Trung Quốc là để ngỏ hai khả năng: một là các cơ quan tiến hành tố tụng tự nguyện xét bồi thường cho người bị thiệt hại; hai là người bị hại làm đơn yêu cầu bồi thường gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị giải quyết. Trong cả hai trường hợp, nếu người bị thiệt hại vẫn chưa đồng ý với cách giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể kiện tiếp ra tòa án. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết những vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan sai phải được cân nhắc để vừa nhanh gọn, vừa chính xác, không gây thắc mắc, "oan sai" cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng;

1.3. Về tiêu chí xác định thiệt hại và mức độ bồi thường, nhóm nghiên cứu cho rằng kinh nghiệm của Trung Quốc rất phù hợp với Việt Nam. Đó cũng chính là lý do nhóm nghiên cứu nhấn mạnh và phân tích kỹ những quy định này của Trung Quốc trong phần nghiên cứu so sánh trên đây;

1.4. Về phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: đây là một vấn đề vừa tế nhị, vừa phức tạp trong quan hệ giữa các cơ quan tố tụng. Các nước cũng không quy định chi tiết về vấn đề này. Pháp luật Trung Quốc có quy định những người bị thiệt hại có quyền đưa ra yêu cầu về cơ quan phải bồi thường thiệt hại cho họ. Thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Các cơ quan tố tụng cũng cần soạn thảo và ban hành quy chế về trách nhiệm trong những trường hợp oan sai để tránh/giảm xảy ra những vướng mắc không đáng có trong việc xử lý vấn đề trách nhiệm;

1.5. Về kinh phí thực hiện việc bồi thường, việc quy định lấy từ kinh phí của cơ quan trực tiếp gây thiệt hại như cách làm của Trung Quốc chắc hẳn sẽ ít tính khả thi hơn việc quy định chính quyền địa phương trực tiếp chi trả cho người bị thiệt hại từ ngân sách địa phương, sau đó khấu trừ vào phần kinh phí cấp cho cơ quan gây thiệt hại (cách làm của Hoa Kỳ). Cách làm thứ hai này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc làm thủ tục lấy khoản kinh phí được bồi thường sau khi đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

1.6. Về hình thức văn bản: theo kinh nghiệm của các nước, việc nhà nước bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra phải được quy định trong một văn bản luật. Đối với thực tiễn của Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng đây cũng là một kinh nghiệm cần áp dụng để có thể đảm bảo hiệu lực thi hành cũng như tính cưỡng chế của các quy định liên quan.

2. Các biện pháp hỗ trợ khác có thể được thực hiện

- Quan tâm hơn nữa tới dư luận báo chí về những trường hợp sai phạm đã được các cơ quan này phát hiện và đăng tải.

- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, kiên quyết giảm tình trạng oan sai. Tăng cường trách nhiệm pháp lý của các cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân đối với công tác bắt, giam, giữ. Việc bắt, giam phải được xem xét, phê chuẩn đối với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể; đối với những trường hợp có bắt, giam hay không bắt, giam cũng đều được thì không bắt, giam. Sai sót trong việc bắt, giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện Kiểm sát nhân dân ở địa phương đó chịu trách nhiệm.

- Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các thẩm phán khi xét xử, tránh oan sai hay bỏ lọt người, lọt tội, việc đăng tải công khai các bản án là một điều cần thiết. Tại các nước theo truyền thống luật án lệ, việc đăng công khai các bản án trong các Tổng tập án lệ và việc thiết lập, lưu hành các cơ sở dữ liệu bản án đã có từ rất lâu đời. Tại rất nhiều nước theo truyền thống luật thành văn, các bản án cũng được đăng công khai và đầy đủ trên các tập bản án hoặc tạp chí chuyên ngành của tòa án. Rõ ràng các thẩm phán sẽ có trách nhiệm hơn với lời tuyên án của mình nếu bản án được công bố công khai; hơn thế nữa, các bản án đã được đăng tải sẽ là một nguồn tham khảo rất hữu ích cho cả các nhà lập pháp, những người thi hành pháp luật, các thẩm phán và các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy pháp luật. Theo nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, tuy việc đăng tải toàn bộ các bản án đã tuyên là chưa khả thi nhưng việc thiết lập cơ sở dữ liệu (điện tử) các bản án điển hình đã là điều cần thiết, cấp bách và trong tầm giải quyết của chúng ta. Bộ Tư pháp cũng đã có đề án được Chính phủ phê duyệt về việc thiết lập cơ sở dữ liệu bản án điển hình. Vấn đề chỉ còn là sự quan tâm đầu tư của nhà nước.

- Sau khi ban hành Luật hoặc Nghị quyết về bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra” Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần ban hành các văn bản hỗ trợ việc thi hành và hướng tới việc đạt tới mục tiêu phòng ngừa lâu dài như điều lệ truy cứu trách nhiệm án sai của Viện Kiểm sát nhân dân, đồng thời, có tổng kết một số án sai điển hình đã được Nhà nước thực hiện bồi thường.

Tất cả những kiến nghị cụ thể trên của nhóm nghiên cứu trên thực tế mới chỉ là các biện pháp "xử lý ngọn", là phương thức xử lý tình thế. Để xử lý triệt để hơn vấn đề này, chúng ta phải áp dụng cả các biện pháp "xử lý gốc", tức là các biện pháp có tính lâu dài và triệt để, làm sao cho số lượng những vụ án oan sai ngày càng giảm xuống. Để làm được việc này cần phải có những biện pháp tác động trực tiếp tới chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng như nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường trách nhiệm pháp lý đối với từng trường hợp cụ thể được phân công xử lý, thực hiện các chính sách hợp lý về lương bổng, đãi ngộ vật chất, gắn liền trách nhiệm với khen thưởng, kỷ luật,...



([1]) Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao tại kì họp thứ 7/QHX về công tác toà án.

 
 

 

Nội dung toàn văn

báo cáo phúc trình

Đề tài: "Bồi thường thiệt hại do bị bắt giữ, xét xử oan sai ở Việt nam và một số nước trên thếgiới"

 

 

I. mục tiêu, phạm vi nghiên cứu

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm gần đây, các cơ quan tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ tích cực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi quyền hạn của mình sẽ ra các quyết định như: quyết định khởi tố; quyết định truy tố; quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam; quyết định, bản án của Toà án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội… Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng này, do tính phức tạp của vụ án hình sự, do những điều kiện khách quan hoặc do hạn chế về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp nên trong số các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng không tránh khỏi những sai sót mặc dù đã qua sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự - kinh tế trong hoạt động thực tiễn đã dẫn đến tình trạng xử lý oan, sai trong quá trình điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nhiều địa phương.

Việc xử lý oan, sai trong hoạt động điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện vẫn đang còn là vấn đề bức xúc. Tình trạng người bị oan, sai khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu chính đáng của người dân.

Cùng với quá trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp đang diễn ra ở Việt nam hiện nay sự ưu tiên hàng đầu được dành cho vấn đề nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trước các công dân, trong đó có vấn đề bồi thường thiệt hại cho các công dân bị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý oan sai. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã khẳng định yêu cầu: "Đối với việc bắt giữ, xét xử oan sai cần truy cứu trách nhiệm của những người ra lệnh và người thừa hành, đồng thời minh oan công khai, thoả đáng đối với người bị bắt giữ, xét xử oan sai, đảm bảo quyền công dân đúng pháp luật". Đại hội Đảng IX một lần nữa khẳng định chủ trương cần "cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra những trường hợp oan, sai".

Với mong muốn góp phần xây dựng các luận cứ khoa học cho việc thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn trong lĩnh vực này, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lí giao cho Ban Luật so sánh và pháp luật quốc tế triển khai đề tài :"Nghiên cứu so sánh pháp luật của Việt Nam và một số nước về việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra".

2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Bằng phương pháp nghiên cứu của Luật so sánh góp phần làm rõ các luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn chỉnh một bước chế định của Việt Nam về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

 

3. Phạm vi nghiên cứu:

- Đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp do bị oan sai chỉ trong tố tụng hình sự , chưa mở rộng ra các tố tụng dân sự, lao động, hành chính.

- Xuất phát từ cách phân loại truyền thống của Luật so sánh, Đề tài lựa chọn nghiên cứu một số nước đại diện cho hai truyền thống pháp luật lớn trên thế giới (Luật dân sự- Civil Law và Luật án lệ- Common Law); đại diện cho các nước phát triển và các nước đang phát triển, đại diện cho châu lục và cho các nước có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật tương đồng với Việt Nam. Các nước đó gồm : Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kì và úc .

4. Yêu cầu nghiên cứu của đề tài :

- Việc nghiên cứu so sánh pháp luật phải dựa trên các nguồn luật gốc của từng nước (các văn bản pháp luật hoặc các án lệ) có kết hợp với các nguồn tài liệu tham khảo (các bài nghiên cứu, sách, tạp chí luật, thông tin từ báo, đài..).

- Về nội dung: đối với mỗi nước, đề tài đều tập trung nghiên cứu, đánh giá các vấn đề chủ yếu sau:

Nguồn luật qui định về oan sai và bồi thường do bị oan sai trong tố tụng hình sự;

Khái niệm oan sai trong tố tụng hình sự;

Căn cứ pháp lý xác định oan sai;

Phạm vi bồi thường thiệt hại;

Tiêu chí xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường;

Phân định trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; giữa cơ quan với cá nhân trực tiếp tiến hành tố tụng gây oan sai;

Cơ quan chịu trách nhiệm xử lí việc bồi thường; nguồn kinh phí để thực hiện việc bồi thường; trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

5. Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu của đề tài là phương pháp Luật so sánh theo quan điểm duy vật biện chứng .

 

6. Tổ chức thực hiện:

 

Đề tài bắt đầu được triển khai nghiên cứu từ tháng 3/2000 đến tháng 3/2001 với sự tham gia của tất cả các thành viên của Ban LSS&PLQT.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài đã được xử lí và in thành một cuốn Thông tin khoa học pháp lí chuyên đề:" Bồi thường thiệt hại do bị bắt giữ, xét xử oan sai ở Việt Nam và một số nước trên thế giới" (số 2/2001).

 

7. Cơ cấu của đề tài:

 

Báo cáo phúc trình: 38 trang.

Các chuyên đề (theo nước)………. trang.

Phụ lục Văn bản pháp luật của một số nước………..trang

Phụ lục Thông tin thực tiễn (điểm báo)……………..trang

Danh mục tài liệu tham khảo ……………………….trang

 

II. Thực trạng pháp luật việt nam về bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

1. Vài nét về thực tiễn bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:

Theo số liệu báo cáo chính thức của các cơ quan tư pháp, tình trạng xử lí oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự đang là vấn đề rất bức xúc và đáng lo ngại. Tại giai đoạn điều tra, trong 4 tháng đầu năm 1999 , Công an T.P Hồ Chí Minh đã đình chỉ điều tra 16 trường hợp vì không phạm tội, trong đó có 2 trường hợp bị tam giam tới 1 năm. Tại giai đoạn xét xử, trong quí 4/1999 và 9 tháng đầu năm 2000, qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, toà án nhân dân các cấp đã tuyên 73 bị cáo không có tội . Các phương tin thông tin đại chúng những năm gần đây cũng đã góp phần phát hiện và phản ánh nhiều trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra .

Mặc dù pháp luật chưa qui định rõ khái niệm oan sai và chưa phân loại oan sai trong tố tụng hình sự nhưng qua thực tế có thể liệt kê một số loại oan sai chính sau:

Công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì đã hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm hoặc người đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm mà chỉ bị xử lý hành chính hoặc dân sự… Ví dụ hai công dân Tống Văn Lường và Lê Văn Răng đã bị khởi tố và bị bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân nhưng thời gian tạm giam đã kéo dài gần 5 năm mà vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử với lý do điều tra bổ sung (trong khi BLTTHS chỉ cho phép thời hạn tạm giam tối đa là 18 tháng)2;

Công dân bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khám xét, thu giữ, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản thiếu căn cứ dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần

Công dân đã bị tạm giam nhiều hơn, lâu hơn hình phạt tù do toà án tuyên;

Công dân đã bị truy tố ra toà nhưng toà án tuyên bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của toà án cấp dưới bị toà án cấp trên hủy, tuyên bố bị cáo không có tội. Ví dụ: trường hợp của bà Nhạn ở tỉnh Phú Yên, từ một tranh chấp dân sự, bà Nhạn đã bị giam giữ; tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm, bà Nhạn đã được TANDTC tuyên vô tội. Tính ra, bà Nhạn đã bị giam giữ oan 4 tháng 20 ngày3.

Công dân bị truy tố và bị xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm và bản án đó được toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn.

Trong khi đó, thực tế công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan, sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra còn nhiều bất cập, không theo một cơ chế thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi chính đáng của người dân khi mà tài sản, uy tín, danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp khác, thậm chí cả tính mạng của họ bị xâm phạm.

Việc bồi thường trong các vụ oan sai đã được xử lý cho thấy vẫn chưa có một cách thức thống nhất nào được áp dụng mà mức bồi thường phần lớn phụ thuộc vào sự "tự nguyện" của các cơ quan tố tụng hoặc của chính quyền địa phương. Trong các báo cáo chính thức của các cơ quan Nhà nước hữu quan cũng mới chỉ đưa ra các con số thống kê về số lượng các vụ oan sai chứ chưa có thống kê cụ thể nào về việc xử lý các trường hợp sai phạm và giải quyết bồi thường thiệt hại. Những thông tin về các trường hợp xử lý oan, sai chủ yếu do các cơ quan báo chí phát hiện và đăng tải.

Ví dụ như anh Bùi Minh Hải bị kết tội giết người, hiếp dâm và cướp tài sản công dân với án tù chung thân. Sau 13 tháng chấp hành hình phạt, anh Hải được VKSND tỉnh ra quyết định trả tự do vì không phạm tội, được bồi thường thiệt hại vật chất 60 triệu đồng và bồi thường danh dự 5 triệu đồng. Kinh phí bồi thường tạm thời lấy từ kinh phí hậu cần của công an tỉnh. Trong khi đó anh Phạm Văn Kiên ở Thái Bình cũng bị kết án 6 tháng tù giam và bồi thường 30 triệu cho nạn nhân, sau đó được TAND TC giám đốc thẩm tuyên vô tội. 5 cơ quan CA, VKSND, TAND huyện Hưng Hà và VKSND, TAND tỉnh Thái Bình cùng đóng góp 27 triệu bồi thường cho anh Kiên.1

 

Một trong các căn nguyên chính là do những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

2. Các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:

2.1.Về hình thức văn bản:

Mặc dù các nguyên tắc cơ bản làm cơ sở pháp lí cho việc bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra được qui định tại Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự nhưng các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề này mới chỉ có 01 Nghị định của Chính phủ và 02 Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ.

2.2. Về nội dung:

 

Hiến pháp 1992 khẳng định " Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự " (điều 72). Như vậy, Hiến pháp đã xác định: a/ Căn cứ để được bồi thường là tính trái pháp luật của các quyết định/hành vi bắt, giam giữ, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ; b/ Phạm vi bồi thường: thiệt hại về vật chất phải được bồi thường, danh dự bị tổn hại phải được phục hồi.

Bộ luật tố tụng hình sự tại điều 24 xác định 2 vấn đề có tính nguyên tắc:

Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với việc làm trái pháp luật của cơ quan hoặc cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét và giải quyết nhanh chóng các khiếu nại, tố cáo đó.

Đối với trường hợp làm oan : cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường và khôi phục danh dự, quyền lợi cho người bị hại; cá nhân có hành vi trái pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lí tương xứng với hành vi (kỉ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự).

Với qui định rất chung này, hoàn toàn chưa rõ nội hàm của khái niệm "Làm oan" cũng như chưa rõ nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng làm oan cho người dân.

Bộ luật dân sự dành 01 điều qui định trực tiếp về việc bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Điều 624 phân định, về nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bồi thường thiệt hại :

Trước tiên, đối với người bị thiệt hại, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện các nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

 

Sau đó, người có thẩm quyền đã gây thiệt hại và có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ, có trách nhiệm hoàn trả theo qui định của pháp luật khoản tiền mà cơ quan đã bồi thường cho người bị hại.

Bằng qui định trên, luật đã xác định rõ hơn các hoạt động tố tụng và các cơ quan tố tụng thuộc phạm vi điều chỉnh của chế định này, đó là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và cơ quan thi hành án. Đồng thời điều luật cũng khẳng định trình tự hai bước : cơ quan bồi thường cho người dân và cá nhân bồi hoàn lại cho cơ quan . Lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi hoàn của cá nhân có thẩm quyền đã gây thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ.

Nghị định số 47-CP ngày 3/5/1997 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (từ đây viết tắt là NĐ-47) là văn bản hướng dẫn thi hành điều 623 (bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra) và điều 624 của Bộ luật dân sự như đã nêu ở trên. Để cụ thể hoá một số nội dung của Nghị định số 47-CP, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành Thông tư số 54/1998-TT-TCCP ngày 4/6/1998 (từ đây viết tắt là TT54)

Nội dung chính của NĐ47 và TT54 là cụ thể hoá trình tự, thủ tục giải quyết hai bước : bồi thường thiệt hại và hoàn trả.

 

Trình tự bồi thường thiệt hại:

Bước 1: Người bị thiệt hại có thể : 1/ Trực tiếp yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan đó gây nên; 2/ Hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (điều 3 – NĐ47). Trong trường hợp thứ nhất, trong vòng 15ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan phải xác minh vụ việc, đánh giá sơ bộ thiệt hại và gặp gỡ người bị thiệt hại để thoả thuận cách giải quyết; nếu các bên không thoả thuận được với nhau về việc bồi thường hoặc một bên không thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết tiếp (điều 6 NĐ47, mục 6 TT54).

Bước 2: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng phải thành lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại (điều 7 NĐ47); nếu thủ trưởng cơquan là người gây thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định thành lập (mục 7 TT54). Nhiệm vụ của Hội đồng này là xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại , xác định trách nhiệm dân sự của các bên, kiến nghị mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại (điều 9). Theo điều 5 của Nghị định, nguyên tắc xác định thiệt hại, mức bồi thường được thực hiện theo qui định chung của Bộ luật dân sự , do đó, có thể hiểu là theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại đã xảy ra (điều 610); bồi thường thiệt hại về tài sản (điều 612) ; bồi thường thiệt hại về sức khoẻ bị xâm phạm (điều 613); bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (điều 614); bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (điều 615).

Bước 3: Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại tổ chức phiên họp, thảo luận và quyết nghị theo đa số. Kiến nghị bằng văn bản của Hội đồng được gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Người bị thiệt hại hoặc đại diện của họ có thể được mời tham dự phiên họp trong trường hợp cần thiết nhưng không được biểu quyết (điều 10 NĐ47)

Bước 4: Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường (điều 11-NĐ47).

Trình tự hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại:

Bước 1: Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại (điều 13 NĐ47). Hội đồng này có nhiệm vụ xem xét , đánh giá thiệt hại, xác định mức độ lỗi và khả năng kinh tế của người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó kiến nghị với thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại (điều 15 NĐ47).

Bước 2: Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại tổ chức phiên họp , thảo luận và quyết nghị theo đa số. Kiến nghị bằng văn bản của Hội đồng được gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định (điều 16-NĐ47).

Bước 3: Người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc hoàn trả khoản tiền bồi thường cho cơ quan mình. Hai phương thức hoàn trả : a/ Hoàn trả một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định hoàn trả; b/ Trừ dần vào thu nhập với mức không dưới 10% và không vượt quá 30% tổng thu nhập từ lương và phụ cấp hàng tháng (điều 17 NĐ47)

Bước 4: Nếu người phải hoàn trả không đồng ý với quyết định của thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng hoặc không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết (điều 18 NĐ47).

Nghị định giao cho các cơ quan thuộc Chính phủ hướng dẫn cụ thể về lập dự toán và sử dụng ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại,; phối hợp cùng với Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện KSNDTC hướng dẫn việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp người có thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau cùng gây ra thiệt hại.

Thông tư số 38/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/3/1998 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước cho bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Cơ quan tài chính từng cấp lập dự toán cho phần bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức gây ra và tổng hợp vào Mục chi dự phòng của ngân sách cấp mình (Mục 1)

Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện việc cấp phát kinh phí cho việc bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại và các hồ sơ, chứng từ kèm theo.

Đồng thời, cơ quan tài chính cùng cấp mở một tài khoản chuyên thu để thu hồi các khoản hoàn trả bồi thường thiệt hại do các cá nhân gây thiệt hại nộp trực tiếp căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại.

2.3. Những bất cập trong các pháp luật hiện hành của Việt Nam về bồi thường thiệt hại đối với trường hợp oan sai do các cơ quan tố tụng gây ra:

Chưa có một văn bản riêng, có hiệu lực pháp luật cao qui định toàn diện các vấn đề có tính đặc thù của việc bồi thưòng đối với trường hợp oan sai do các cơ quan tố tụng gây ra;

Chưa có qui định cụ thể về các loại oan, sai trong tố tụng hình sự; căn cứ để xác định một người bị oan, sai ; phạm vi oan sai phải được bồi thường thiệt hại; căn cứ xác định mức độ thiệt hại và mức bồi thường đối với từng loại oan sai.

Các qui định về trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại và hoàn trả bồi thường có những mâu thuẫn, không rõ ràng và chưa hợp lí (giữa qui trình giải quyết theo thoả thuận với người bị thiệt hại và qui trình do Hội đồng giải quyết bồi thường thiệt hại thực hiện; Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại là người có thẩm quyền quyết định mức bồi thường..).

Các qui định hiện hành hoàn toàn chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù của việc giải quyết bồi thường thiệt hại đối với trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm (độc lập và liên đới ) của các cơ quan tiến hành các bước, các giai đoạn tố tụng vốn có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này.

Các qui định về lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước tuy có ưu điểm là đơn giản, tập trung một đầu mối ở cơ quan tài chính địa phương nhưng trên thực tế lại không phù hợp với cơ chế quản lí kinh phí theo ngành dọc hiện nay của cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng là công an, kiểm sát và toà án.

Chính vì những bất cập trên của pháp luật trước thực tiễn đầy bức xúc nên đầu năm 2000 Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các cơ quan đảng, nhà nước phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và chuẩn bị ngay các văn bản để ban hành làm cơ sở pháp lí chặt chẽ cho việc bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Các văn bản đó phải xác định rõ cơ sở phân định trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, giữa các cơ quan cùng tiến hành tố tụng; căn cứ xác định mức độ thiệt hại về dân sự và trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại đối với từng trường hợp cụ thể.

 

III. Nghiên cứu so sánh pháp luật một số nước về bồi thường thiệt hại oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Hiện tượng oan sai trong hoạt động tố tụng không chỉ xảy ra ở nước ta hay cá biệt ở một nước thuộc một truyền thống pháp luật cụ thể nào mà hiện tượng này tồn tại một cách khách quan trong hoạt động tố tụng của mọi nước trên thế giới, chỉ khác ở chỗ là nó xảy ra nhiều hay ít, với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Mức độ quan tâm và cách tiếp cận giải quyết oan sai của các nước khác nhau có những điểm khác biệt.

Dưới đây nhóm nghiên cứu sẽ phân tích cụ thể những điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách và quy định pháp luật của một số nước cụ thể.

1. Nguồn luật

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là một nước theo truyền thống luật thành văn nên chế định về bồi thường thiệt hại đối với oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng đã được quy định cụ thể trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Ngay từ Hiến pháp năm 1954, Trung Quốc đã xác lập chế độ bồi thường án sai, tiếp đó là "Các quy tắc chung của Luật dân sự nước CHND Trung Hoa" và "Luật tố tụng hình sự nước CHND Trung Hoa" cũng từng bước hoàn thiện và làm phong phú thêm các quy định này. Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại của Trung Quốc được ban hành năm 1995 và việc thực thi Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại là một biểu hiện của việc hoàn thiện chế độ Nhà nước bồi thường. "Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại" không chỉ phát triển những quy định trong "Các quy tắc chung của Luật dân sự" về phạm vi, trình tự bồi thường, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, người có quyền yêu cầu bồi thường mà còn xác lập cả chế độ cụ thể về bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự.

ở Cộng hòa Liên bang Nga, những tài liệu mà chúng tôi có được cho thấy nội dung này cho tới gần đây vẫn còn gần như hoàn toàn bị bỏ ngỏ trong hệ thống pháp luật. Trong quá trình chuyển đổi, hệ thống pháp luật của nước này được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận tinh thần và cả các quy định cụ thể của Liên bang xô viết cũ nên mang tính chắp vá, thiếu khách quan và không đảm bảo thi hành. Trước những năm 90, Xô viết Tối cao của Liên bang xô viết đã ban hành Pháp lệnh ngày 18/5/1981 về vấn đề bồi thường thiệt hại cho công dân bị oan sai do hành vi của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như những người có thẩm quyền trong khi thi hành công vụ. Sau đó, ngày 2/3/1982 được sự đồng ý của Xô viết tối cao, Bộ nội vụ và Uỷ ban an ninh Liên bang, các cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ tài chính và Viện kiểm sát tối cao Liên bang đã ra Thông tư liên ngành về việc thực hiện Quy chế bồi thường thiệt hại cho công dân bị oan sai do hành vi của các cơ quan điều tra, kiểm sát và Toà án. Sau năm 1990, văn bản này vẫn còn hiệu lực thi hành, nhưng nội dung lạc hậu so với thực tiễn đã thay đổi sâu sắc. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1996 quy định vấn đề trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi thường thiệt hại cho công dân do hành vi trái pháp luật tại Điều 53: mỗi người đều có quyền được Nhà nước đền bù thiệt hại do những hành vi trái pháp luật của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền gây ra. Trên tinh thần của nguyên tắc hiến định này, Bộ luật dân sự quy định cụ thể trách nhiệm chi trả bồi thường thuộc về các Kho bạc Liên bang, Kho bạc các khu tự trị đối với thiệt hại vật chất do các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền vi phạm quyền lợi công dân và tổ chức xã hội. Tuy nhiên tất cả các quy định này đều trở nên không thực tế và không thể thi hành được vì thiếu văn bản trực tiếp điều chỉnh vấn đề này.

 

Cộng Hoà Pháp là một nước có hệ thống pháp luật phát triển lâu đời trong truyền thống luật thành văn. Pháp đã có quy định pháp luật cụ thể về các tiêu chí đánh giá oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, cách giải quyết cũng như chính sách, thủ tục bồi thường cho từng trường hợp bị oan sai. Nội dung này trước đây được quy định tại các điều từ 443 đến 447 của Bộ luật Tố tụng tội phạm (cũ) và hiện nay được điều chỉnh theo các điều từ 149 đến 150 và từ điều 622 đến 626 Bộ luật Tố tụng hình sự (Luật số 70-43, ngày 17/07/1970 về Bồi thường thiệt hại vì lí do tạm giam, tạm giữ; Luật số 89-431 ngày 23/06/1989 về Trình tự xét lại bản án do oan sai; Nghị định số 78-50 ngày 9/1/1978 về Bồi thường thiệt hại vì lí do tạm giữ, tạm giam oan sai).

Nhật Bản có một nền pháp luật phát triển với một hệ thống khá đầy đủ các văn bản pháp luật điều chỉnh mọi lĩnh vực trong xã hội. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt trong xã hội Nhật Bản. Nhà nước Nhật Bản đã ban hành Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự từ năm 1950 và các quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi phạm tội.

 

Australia là một Nhà nước liên bang. Thẩm quyền ban hành văn bản điều chỉnh vấn đề này được giao cho mỗi bang nên việc tiếp cận vấn đề cũng tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi bang ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Theo tài liệu mà Nhóm nghiên cứu có được thì trước năm 1969 ở bang South Australia và trước năm 1987 ở bang New South Wales, việc bồi thường đối với những oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra được giải quyết theo án lệ trên cơ sở Luật về Lỗi (Law of Torts). Pháp luật khi đó chú trọng về nguyên nhân dẫn tới hậu quả hơn là xem xét bản chất lỗi. Theo đó trách nhiệm được coi là trách nhiệm cá nhân tuyệt đối nghĩa là Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về lỗi do cá nhân thực hiện dù là cá nhân đó đang thi hành công vụ. Trách nhiệm này sẽ được xác định trong một vụ kiện tại toà và ở đó nếu bên kiện chứng minh được bên bị kiện có lỗi thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Xã hội phát triển, các mối quan hệ ngày càng phức tạp và nguyên tắc trách nhiệm tuyệt đối đã bộc lộ những bất cập. Trong không ít các trường hợp, việc xác định trách nhiệm của ai hay của cơ quan nào trở nên khó khăn cho Toà án. Để khắc phục điều đó, "thuyết chuyển giao lao động tạm thời " và một số nguyên tắc khác đã được hình thành nhằm giới hạn trách nhiệm tuyệt đối của cá nhân, phân định rõ hơn trách nhiệm giữa cá nhân hoặc cơ quan tố tụng. Cụ thể là nguyên tắc thẩm quyền theo luật định (legal authority) hoặc nguyên tắc nghĩa vụ theo chức năng luật định (statutory duty). Mặt khác vấn đề bản chất của lỗi (vô ý hoặc cố ý) cũng dần dần được pháp luật làm rõ hơn để có cơ sở xác định mức độ trách nhiệm theo lỗi của người có hành vi vi phạm. Theo Luật bồi thường thiệt hại được ban hành ở bang South Australia (1969) và ở bang New South Wales (1987), thì trách nhiệm được xác định căn cứ vào lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Nếu là lỗi vô ý (negligence) thì áp dụng án lệ trên cơ sở Luật về lỗi như trước. Nếu là lỗi cố ý thì áp dụng luật hình sự. The tinh thần luật của bang New South Wales thì việc bồi thường áp dụng với cả trường hợp oan và trường hợp sai. Đây cũng là một bất cập nữa mà Luật bồi thường sửa đổi bổ sung năm 1996 đã khắc phục bằng cách hạn chế đối với những vụ việc sai, cụ thể là chỉ điều chỉnh những vụ oan còn các vụ việc sai thì áp dụng luật về lỗi. Luật sửa đổi cũng giới hạn về đối tượng được yêu cầu bồi thường bằng cách không áp dụng đối với những người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù.

Hoa Kỳ cũng là một nhà nước liên bang, đồng thời cũng là một quốc gia theo truyền thống luật án lệ nhưng Hoa Kỳ lại có cách tiếp cận giải quyết vấn đề khác với Australia: các bang không ban hành văn bản pháp luật riêng về bồi thường thiệt hại mà chủ yếu giải quyết vấn đề dựa vào các án lệ. Quan điểm chung nhất trong pháp luật Hoa Kỳ về trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân thi hành pháp luật trước công dân là quan điểm Quyền miễn trừ quốc gia. Theo quan điểm này, về nguyên tắc, Nhà nước Hoa Kỳ không phải là một chủ thể trong tố tụng dân sự và không thể bị kiện yêu cầu bồi thường, trừ khi Nhà nước tự giới hạn hay từ chối quyền miễn trừ quốc gia của mình. Dựa trên nguyên tắc trên thì rõ ràng những trường hợp nhà nước tự giới hạn hay từ chối quyền miễn trừ chỉ là những trường hợp có tính ngoại lệ và ít được áp dụng. Đó chính là một trong những lý do Hoa Kỳ không ban hành văn bản cụ thể về vấn đề này mà chỉ áp dụng án lệ.

 

Tóm lại, đại đa số các nước được nghiên cứu đều ban hành văn bản luật để quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Dưới đây là tên gọi của các văn bản cụ thể của từng nước:

Trung Quốc: Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại 1995;

Pháp: Luật số 70-43 ngày 17/7/1970 về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan sai; Luật số 89-431 ngày 23/6/1989 về Trình tự xét lại bản án hình sự do oan sai; Nghị định số 78-50 ngày 9/1/1978 về về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan sai

Nhật Bản: Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản; Các quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi;

Australia: Luật án lệ, Luật bồi thường nạn nhân hình sự bang South Australia 1969; Luật bồi thường nạn nhân bang New South Wales 1996.

Như vậy, trừ Hoa Kỳ là nước đại diện tiêu biểu của truyền thống luật án lệ và Nga chưa cụ thể hoá những nguyên tắc Hiến định của mình thành những quy định pháp luật cụ thể, tất cả các nước được nghiên cứu còn lại đều quy định về vấn đề nhà Nhà nước bồi thường thiệt hại vì bị oan sai do hành vi của cơ quan tố tụng gây ra trong văn bản luật.

2. Khái nhiệm oan sai được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự

Tại Trung Quốc, quan niệm về oan sai được hiểu là do các cơ quan tiến àhnh tố tụng đã:

nhận định sai sự thật

áp dụng sai pháp luật

vi phạm trình tự thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định.

Với quan niệm như vậy Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định như sau:

"Các cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm phạm quyền nhân thân, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại:

1. Bắt giữ sai đối với những người bị tình nghi phạm tội nhưng chưa có dấu hiệu thực tế hoặc chưa có những chứng cứ thực tế là phạm tội;

2. Giam giữ sai đối với những người chưa thực sự phạm tội;

3. Xét xử lại theo trình tự kiểm tra, giám sát xét xử là vô tội, nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên;

4. Có các hành vi bạo lực như bức cung, đánh đập hoặc sai người khác dùng các hành vi bạo lực như đánh đập dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong;

5. Sự dụng vũ khí, dụng cụ trái pháp luật dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong.

Trong điều luật trên, các khoản 1,2,3 quy định về các trường hợp oan mà người bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường, còn các khoản 4,5 quy định các trường hợp vi phạm pháp luật tố tụng dẫn đến thiệt hại cho công dân, không kể là họ có bị oan sai hay không.

Các tài liệu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều đề cập đến khái niệm bồi thường hình sự1 và coi đó là một phần trách nhiệm của Nhà nước bồi thường thiệt hại do của cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra cho các công dân khi thực hiện các hoạt động trong phạm vi chức năng của mình.

Cộng hòa Liên bang Nga chưa có quy định về khái niệm oan sai trong pháp luật. Tuy nhiên qua các quy định của Bộ luật hình sự có thể hình dung những hành vi có thể dẫn đến oan sai là: người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự người rõ ràng không có tội; kiểm sát viên hay người tiến hành điều tra sơ bộ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người bị tình nghi phạm tội hoặc người bị tố cáo là đã phạm tội; hành vi giữ người trái pháp luật; người tiến hành điều tra sơ bộ ép buộc người bị tình nghi, bị can, người bị hại, người làm chứng đưa ra lời khai không đúng sự thật hoặc người giám định đưa ra kết luận giám định sai bằng thủ đoạn đe dọa hoặc các hành vi trái pháp luật khác; những hành vi bất hợp pháp đối với tài sản kê biên, tạm giữ hoặc tịch thu...

 

Tại Cộng hoà Pháp theo quy định tại Điều 1 Luật về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan sai và Điều 1 Luật về Trình tự xét lại bản án hình sự do oan sai có thể thấy rằng đối tượng được bồi thường thiệt hại theo pháp luật của Pháp cũng chỉ là những người vô tội mà không có đối tượng bị giam giữ, kết án sai.

Hoa Kỳ là nước theo thuyết "miễn trừ quốc gia" trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại do oan sai. Tuy nhiên, Luật liên bang về khiếu kiện yêu cầu bồi thường của Hoa Kỳ cũng đề ra một nguyên tắc là trong trường hợp những người tiến hành tố tụng thực hiện các hành vi giết người, sử dụng bạo lực, bắt hoặc giam giữ trái pháp luật, truy tố thiếu căn cứ với ác ý, lạm dụng thủ tục, phỉ báng, gian dối, khai man, lừa gạt, can thiệp vào thoả thuận hợp đồng, tức là trong các trường hợp sự vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng quá lộ liễu và gây hậu quả nghiêm trọng, thì Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Là nước theo truyền thống luật án lệ nên Hoa Kỳ không có quy định pháp luật phân biệt giữa oan và sai mà Toà án chỉ căn cứ vào những tình tiết cụ thể để giải quyết vấn đề bồi thường.

Nhật Bản quy định tại Điều 1 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản năm 1959 về điều kiện để được bồi thường thiệt hại như sau:

 

- Người được tòa án tuyên vô tội bằng một quyết định theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm hay thủ tục kháng án đặc biệt mà trước đó đã bị bắt, tạm giam.

- Người nào được tòa phúc thẩm công nhận là vô tội mà trước đó đã chấp hành hình phạt của bản án sơ thẩm hoặc đã bị giam giữ.

Điều 2 Các quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi của Nhật xác định điều kiện được bồi thường thiệt hại trong giai đoạn điều tra: "trong các trường hợp chưa tiến hành khởi tố vụ án đối với người bị bắt hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi, nếu chứng minh được rằng người đó không phạm tội thì Uỷ viên công tố phải bồi thường thiệt hại cho việc bắt hoặc giam giữ này".

3. Căn cứ pháp lý xác định oan sai

Nhìn chung, các nước đều quy định căn cứ để xác định oan, sai là một phán quyết của tòa án. Đây có thể là một phán quyết sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tuy nhiên, một vài nước lại chỉ nhấn mạnh việc bồi thường oan sai sau khi tuyên vô tội (huỷ bỏ bản án kết tội)

Theo quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp, chỉ sau khi đã trải qua thủ tục xét lại bản án tại Phòng Hình sự Toà Phá án và bản án được đưa ra xét lại đã được Toà Phá án ra quyết định huỷ bỏ và xác định sự vô tội thì người bị thiệt hại (hoặc thân nhân của họ) mới được bồi thường. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần theo quy định của Pháp lại khá đặc biệt so với quy định của các nước khác.1

 

Điều 1 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản quy định:

1. Người nào được Toà án tuyên trắng án bằng một quyết định theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm hay theo thủ tục kháng án đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự ...

2. Người nào được Toà án phúc thẩm công nhận là "vô tội" sau khi khôi phục lại quyền kháng án, thủ tục xét xử lại hoặc thủ tục kháng án đặc biệt...

Đối với Hoa Kỳ, căn cứ để bồi thường thiệt hại do oan, sai là một phán quyết riêng của tòa án về vấn đề bồi thường. Trong trường hợp việc oan, sai được phát hiện do phúc thẩm một bản án so thẩm thì việc xác định mức độ thiệt hại cũng như mức độ bồi thường sẽ được tuyên trong một phán quyết khác của tòa án trên cơ sở đơn kiện của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật ở Hoa Kỳ cho thấy thông thường, ngay trong quá trình tiến hành tố tụng, nếu các đối tượng bị oan, sai đã kiện ngay về hành vi gây oan, sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thì tòa án sẽxét xử những hành vi này trong một vụ án độc lập.

Tại Trung Quốc theo Điều 21, 22 Luật Nhà nước bồi thường và Khoản 3 trong Giải thích của TANCTC về việc TAND thực hiện Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại thì căn cứ xác định oan sai chính là phán quyết vô tội của tòa án.

Trong những tài liệu của Australia mà nhóm nghiên cứu có được, không có phần luận riêng về căn cứ để xác định oan sai cho mục đích bồi thường thiệt hại nên không thể trích dẫn hoặc đưa ra kết luận cụ thể.

4. Phạm vi bồi thường thiệt hại

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước có quy định chi tiết và hoàn hảo nhất về phạm vi bồi thường thiệt hại cho trường hợp bị oan sai do những người tiến hành tố tụng gây ra.

Trước hết, Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định rất rõ phạm vi bồi thường thiệt hại và những trường hợp dù có thiệt hại nhưng nhà nước vẫn không bồi thường. Theo quy định tại Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại và những văn bản hướng dẫn thi hành cũng như thực tế áp dụng tư pháp, bồi thường hình sự được phân biệt rõ thành các trường hợp bồi thường xâm phạm quyền nhân thân và bồi thường những thiệt hại vật chất.

Bồi thường hình sự xâm phạm quyền nhân thân

Phạm vi bồi thường hình sự về xâm phạm quyền nhân thân được quy định ở điều 15 Luật Nhà nước bồi thường chỉ hạn chế ở bồi thường xâm phạm quyền tự do cá nhân và xâm phạm đến tính mạng sức khỏe. Đối với việc bồi thường xâm phạm nhân phẩm thì không bồi thường bằng tiền. Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tự do cá nhân áp dụng cho các trường hợp sau:

- Những người trên thực tế không phải là phạm tội mà bị bắt giam sai. Cơ quan tư pháp chỉ được áp dụng biện pháp bắt giam khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh thực tế phạm tội, vì vậy chỉ cần sau khi áp dụng trình tự tố tụng người bị tình nghi phạm tội bị bắt giam được chứng minh là vô tội, thì trách nhiệm bồi thường hình sự bắt giam sai đã được cấu thành. Đây là kết quả của việc quy trách nhiệm theo nguyên tắc trách nhiệm pháp lý vô điều kiện.

- Những người bị tình nghi phạm tội, nhưng trên thực tế không phạm tội hoặc không có chứng cứ để chứng tỏ là phạm tội nghiêm trọng mà bị giam giữ sai. Người bị tình nghi phạm tội và người không bị tình nghi phạm tội bị bắt giam sai thì đều được hưởng quyền lợi như nhau. Trong trường hợp bắt giữ sai và giam giữ sai thì đều áp dụng nguyên tắc quy trách nhiệm như nhau.

- Xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên. Bồi thường hình sự cho trường hợp này được căn cứ vào những tổn hại thực tế.

- Cơ quan quản lý trại giam không trả tự do cho những trường hợp đã mãn hạn tù mà không có lý do chính đáng.

Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tài sản.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà nước bồi thường: "Các cơ quan thực thi chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền tài sản, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại có quyền được bồi thường:

- áp dụng trái pháp luật các biện pháp tố tụng như: niêm phong, tịch thu, phong toả, thu giữ tài sản...

- Xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản..."

Căn cứ theo quy định của Luật TTHS: "Những vật, giấy tờ được phát hiện trong quá trình kiểm tra, khám xét" để có thể chứng minh người bị tình nghi phạm tội là có tội hoặc vô tội thì cần phải tịch thu; với những vật, giấy tờ không có liên quan gì đến vụ án thì không được tịch thu (Khoản 1 Điều 114 Luật TTHS của nước CHND Trung Hoa). "Đối với những vật, giấy tờ bị tịch thu, cần phải được bảo quản tốt, hoặc niêm phong thu giữ thì không được sử dụng hoặc tiêu huỷ" (Khoản 2 Điều 114 Luật TTHS nước CHND Trung Hoa). Để bảo đảm tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, pháp luật trao quyền cho các cơ quan tư pháp hình sự được áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản. Tuy nhiên pháp luật cũng có những quy định hạn chế phạm vi của quyền này. Nếu áp dụng trái pháp luật các biện pháp cưỡng chế tài sản dẫn đến tài sản của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác bị tổn hại thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường, chủ yếu bao gồm:

- Niêm phong, tịch thu, phong toả tài sản ngoài vụ án, gồm tài sản của những người ngoài vụ án và tài sản không có liên quan đến vụ án;

- Tiếp tục niêm phong, tịch thu, phong toả, thu giữ tài sản của người bị tình nghi phạm tội nhưng đã được Toà án tuyên vô tội.

- Tự ý sử dụng, tiêu huỷ hoặc không tuân thủ các qui định của Luật TTHS về bảo quản đối với tài sản đã niêm phong, tịch thu, phong toả. Trong trường hợp này, bị cáo, người bị tình nghi phạm tội sau khi được toà án tuyên vô tội sẽ có quyền đòi nhà nước bồi thường thiệt hại về tài sản.

 

Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại còn qui định các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật nhưng Nhà nước không phải bồi thường thiệt hại. Đó là các trường hợp dưới đây:

- Công dân cố ý khai sai sự thật hoặc tạo chứng cứ giả để bị coi là có tội, để bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc công dân nhận tội do bị cán bộ tư pháp bức cung, tra tấn lại không thuộc trường hợp Nhà nước được miễn trách nhiệm bồi thường.

- Những người bị bắt giam nhưng sau đó được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn chấp hình phạt .

- Cán bộ tư pháp gây tổn hại do phòng vệ chính đáng trong khi thực thi nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm.

- Hành vi xâm phạm tư pháp gây tổn hại nhưng đã xảy ra trước khi Luật nhà nước bồi thường có hiệu lực thi hành, nghĩa là trước ngày 1/1/1995. Theo giải thích của TAND tối cao thì các trường hợp này được xử lí căn cứ vào những qui định pháp luật có liên quan tại từng thời điểm tính từ 31/12/1994 trở về trước.

Bồi thường thiệt hại về tinh thần:

Về lí luận, các nhà nghiên cứu pháp luật của Trung Quốc cho rằng đồng thời với việc bồi thường tự do cá nhân của người bị hại còn phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do tổn hại đến danh dự bằng một khoản "tiền an ủi động viên". Hướng giải quyết này có lý nhưng vẫn chưa được các nhà lập pháp áp dụng. Tuy nhiên, nếu thiệt hại là thuần tuý về tinh thần thì hình thức bồi thường phổ biến là xin lỗi công khai.1 Ngoài ra, nguyên tắc chung của pháp luật Trung Quốc là những trường hợp nào chưa được pháp luật quy định thì chắc chắn không được bồi thường.

Tại Nhật Bản khoản 4 Điều 4 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng quy định: "Khi quyết định mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Khoản 1, Điều này, Toà án xem xét tính chất và thời gian người được bồi thường thiệt hại bị giam giữ; những thiệt hại về tài sản, về lợi ích kinh tế; những tổn thương về thể chất và tinh thần,..." Như vậy Nhật Bản cũng xem xét bồi thường cả những trường hợp thiệt hại về tinh thần.

Điều 3 Luật này còn quy định về những trường hợp không được bồi thường thiệt hại. Theo quy định của điều này, có hai đối tượng không được xét bồi thường thiệt hại là:

- Người có hành vi khai báo không đúng sự thật hoặc đưa ra các chứng cứ giả mạo nhằm mục đích gây khó khăn, đánh lạc hướng việc điều tra, xét xử dẫn đến bị khởi tố, bị giam giữ, bị tuyên án.

- Người được Toà án tuyên "vô tội" đối với một hoặc một số trong những hành vi phạm tội vào cùng một thời điểm nhưng vẫn bị tuyên phạt vì các hành vi phạm tội khác.

Tại Hoa Kì do không có văn bản pháp luật quy định về vấn đề nhà nước bồi thường nên chỉ thông qua việc nghiên cứu các án lệ để nhận biết phạm vi bồi thường thiệt hại mà các toà án có thể tuyên. Ví dụ, vụ án Dumond kiện Conlee là bằng chứng về việc pháp luật Hoa Kỳ công nhận và bồi thường cả những thiệt hại về tinh thần gây ra cho các nạn nhân bởi hành vi của những người tiến hành tố tụng. Trong vụ kiện đó, một cảnh sát trưởng đã phải bồi thường thiệt hại cho một bị cáo với số tiền 150.000 USD chỉ vì hành vi gây thiệt hại thuần tuý về tinh thần cho người này.

Cộng hoà Pháp cũng quy định bất kỳ thiệt hại nào, dù là vật chất hay tinh thần, cũng phải được bồi thường.

Như vậy có thể thấy đại đa số các nước có quy định về trách nhiệm Nhà nước bồi thường thiệt hại do những người tiến hành tố tụng gây ra. Các thịet hại bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần.

5. Tiêu chí xác định mức độ thiệt hại, mức bồi thường và cách thức bồi thường thiệt hại

Tại Trung Quốc Luật Nhà Nước bồi thường thiệt hại đã dành riêng Chương 4 để qui định về cách tính bồi thường và tiêu chuẩn tính bồi thường. Chương này qui định một hệ tiêu chuẩn để xác định mức bồi thường cho từng loại thiệt hại từ sức khoẻ tính mạng đến tài sản mà người bị hại đã phải gánh chịu. Điều 25 Luật này quy định: "Nhà nước bồi thường chủ yếu bằng tiền". Tuy vậy, trong thực tiễn việc bồi thường bằng tài sản cũng là một cách thức được áp dụng.

Các trường hợp bồi thường cụ thể được pháp luật Trung Quốc phân chia thành bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ, bồi thường thiệt hại về quyền tự do cá nhân. Đối với mỗi loại trường hợp bồi thường lại có những quy định rất cụ thể.

Bồi thường do xâm phạm đến tính mạng và sức khoẻ lại được chia thành bồi thường do bị tổn hại về thân thể, bồi thường do mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động và bồi thường do tử vong.

 

Bồi thường do những tổn hại đến thân thể: Điều 27 khoản 1 Luật bồi thường quy định: "gây tổn thương đến thân thể, phải chi trả tiền chữa bệnh và bồi thường phần thu nhập bị mất, giảm do phải nghỉ việc. Tiền bồi thường cho mỗi ngày giảm thu nhập được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó, mức bồi thường cao nhất không được quá 5 lần bình quân lương ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó". Mỗi khoản trên đều được quy định cụ thể trong các văn bản dẫn chiếu khác hoặc văn bản hướng dẫn thi hành.

- Bồi thường do mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động: "Nếu gây mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động thì phải trả tiền chữa bệnh và tiền bồi thường tàn tật. Tiền bồi thường tàn tật được xác định theo mức độ mất khả năng lao động: tiền bồi thường do mất một phần khả năng lao động tối đa không quá 10 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó; tiền bồi thường do mất toàn bộ khả năng lao động tối đa không quá 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Đối với trường hợp mất toàn bộ khả năng lao động phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động mà người bị hại phải nuôi dưỡng". (Điều 27 khoản 2).

 

Cụ thể như sau:

+ Bồi thường tiền chữa bệnh: Về nguyên tắc, khoản bồi thường này được tính theo phạm vi bồi thường tổn thương thông thường. Bồi thường tiền chữa bệnh được quy định tại Điều 27 Luật bồi thường phải được lý giải theo nghĩa rộng mới có thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Sẽ là không công bằng nếu chỉ bồi thường tiền chữa bệnh mà không bồi thường các khoản tổn thất khác do bị thương, ví dụ như không bồi thường tổn thất do phải nghỉ việc mà tính gộp luôn vào tiền bồi thường tàn tật.

+ Tiền bồi thường tàn tật: Điều 27 Luật bồi thường áp dụng mức bồi thường tàn tật tối đa bằng 20 lần lương bình quân Nhà nước trả cho cán bộ nhân viên vào năm trước đó.

+ Bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp. Người bị hại gián tiếp là những người phải đáp ứng hai điều kiện: thứ nhất, người đó phải không có khả năng lao động; thứ hai, đó phải là người trước đó đã được người bị hại đã chết hoặc đã mất hoàn toàn khả năng lao động trực tiếp nuôi dưỡng.

Điều 27 Luật bồi thường quy định: "Tiền sinh hoạt phí được tính căn cứ theo quy định liên quan về trợ giúp sinh hoạt của cơ quan dân chính của địa phương đó. Nếu người được nuôi dưỡng là vị thành niên thì được nhận sinh hoạt phí đến năm 18 tuổi, những người không có khả năng lao động khác được nhận sinh hoạt phí cho đến lúc chết".

Hiện nay trong thực tiễn hoạt động tư pháp, việc chi trả tiền sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp thường được thực hiện theo hai cách thức là : trả nhiều lần và trả toàn bộ một lần.

- Bồi thường do việc gây chết người: Điều 27 khoản 3 quy định: "Nếu gây chết người thì phải bồi thường tiền gây chết người, tiền tang lễ, tổng số tiền bằng 20 lần lương bình quân Nhà nước trả cho cán bộ nhân viên vào năm trước đó. Nếu người chết khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người không có khả năng lao động thì phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động đó". Quy định cụ thể như sau:

+ Tiền bồi thường do gây chết người và tiền tang lễ: Tiền bồi thường do gây chết người và tiền tang lễ được tính gộp với nhau. Điều 27 Luật bồi thường quy định tính gộp tiền bồi thường gây chết người và tiền tang lễ, tổng cộng bằng 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Khác với bồi thường làm chết người quy định trong "Các quy tắc chung của luật dân sự", bồi thường do hành vi xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến chết người không phân biệt độ tuổi của người chết, tất cả đều áp dụng mức bồi thường 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó.

Luật chưa quy định cụ thể về người được lĩnh tiền bồi thường của người đã chết. Thực tế, người được lĩnh khoản bồi thường này chỉ giới hạn trong số những người được hưởng thừa kế của người chết, thường là người thừa kế hàng thứ nhất, khi không có người thừa kế hàng thứ nhất mới đến người thừa kế hàng thứ hai.

+ Bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp: Hành vi xâm hại quyền tư pháp dẫn đến chết người phải bồi thường tổn thất nuôi dưỡng cho người bị hại gián tiếp, tiêu chuẩn bồi thường là tổn thất sinh hoạt phí.

Bồi thường do xâm phạm quyền tự do cá nhân

Điều 26 Luật bồi thường quy định : "Xâm phạm đến quyền tự do cá nhân thì mức tiền bồi thường hàng ngày sẽ tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước năm trước đó". Theo quy định này tiêu chuẩn bồi thường xâm hại tự do cá nhân do hành vi xâm phạm quyền tư pháp được tính theo số ngày bị mất tự do, mức bồi thường mỗi ngày bằng lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Ví dụ lương bình quân ngày của năm 1996 là 24,45 NDT, nếu bị bắt giam một năm thì tính là 365 ngày và được bồi thường là 8.924,25 NDT.

- Giải quyết việc xâm hại tự do cá nhân đồng thời gây tổn hại đến danh dự của người bị hại

 

Các cơ quan tư pháp và cán bộ của các cơ quan này trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng có các hành vi như bắt người, giam người trái pháp luật, bắt giam sai, giam giữ sai, xử phạt hình sự sai... một mặt xâm phạm đến tự do cá nhân của người bị hại mặt khác xâm hại đến danh dự của người bị hại.

Về vấn đề này một số học giả cho rằng đồng thời với việc bồi thường tự do cá nhân của người bị hại còn phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do tổn hại đến danh dự, tức là bồi thường "tiền an ủi động viên". Hướng giải quyết này có lý nhưng vẫn chưa được các nhà lập pháp áp dụng.

Luật Nhà nước bồi thường quy định, khi xảy ra tình trạng này, sau khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không phải bồi thường "tiền an ủi", mà phải khôi phục lại danh dự, phải xin lỗi người bị hại bằng các hình thức phù hợp.

Dựa trên những qui định cụ thể này mà Toà án đã có một cơ sở vững chắc trong việc xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại của công dân.

Cũng tương tự như pháp luật Trung Quốc, pháp luật của Pháp cũng qui định các tiêu chí để xác định thiệt hại là thiệt hại thực tế và lấy đó làm căn cứ để tính bồi thường. Khoản bồi thường này tương ứng với những thiệt hại vật chất mà việc kết tội sai đã gây ra. Cách thức bồi thường về tinh thần danh dự cho người bị hại được quy định tại Điều 6 khoản 8 Luật về xét lại các bản án hình sự oan sai cảu Pháp. Nếu người đệ đơn yêu cầu thì quyết định của Toà Phá án về việc xét lại bản án công nhận sự vô tội của người này sẽ được niêm yết tại thành phố nơi quyết định kết án đã được công bố, tại địa phương nơi xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của những người đệ đơn, tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của người đã bị kết án sai nếu như người ấy đã chết;đồng thời văn bản của quyết định cũng được công bố toàn văn trong Công báo và trong 5 tờ báo khác do toà chọn. Mọi chi phí trên do Nhà nước chịu. Trong trường hợp những người không thuộc các đối tượng trên cũng có quyền lợi bị xâm hại đứng ra yêu cầu bồi thường thì khoản bồi thường được xét chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất mà bản án sai đã gây ra cho chính người đó.

Tại Nhật Bản Luật Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng qui định cụ thể mức bồi thường thiệt hại tại Điều 4. Tuy nhiên luật này lại ấn định mức bồi thường tối đa cho từng loại oan sai cụ thể là tư 1000 đến 9400 yên/ngày đối với việc bồi thường do bị bắt hoặc giam giữ oan sai, 25 triệu yên cho trường hợp tử hình sai (tài sản của người đã bị tử hình sẽ được bồi thường theo quy định chung). Đối với những trường hợp đã áp dụng các biện pháp phạt tiền hoặc tịch thu tài sản, người bị hại sẽ được bồi thường tương đương được với khoản tiền đã bị phạt hoặc tương đương với thời giá của số tài sản đã bị tịch thu và thanh lý cộng thêm 5% cho mỗi năm kể từ thời gian áp dụng hình phạt tới thời gian thực hiện bồi thường.

Nếu luật pháp các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lấy thiệt hại thực tế của người bị hại làm căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại thì số tiền bồi thường thiệt hại ở Hoa Kỳ thường cao hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Chẳng hạn một người bị mất 20% sức lao động thì số tiền có thể xét được bồi thường sẽ được tính như sau: toàn bộ chi phí cho việc chữa bệnh (thường tính theo giá của các công ty bảo hiểm), 20% thu nhập bình thường của người đó từ thời điểm bị' mất sức lao động cho tới tuổi về hưu, có tính đến các thời điểm được nâng lương đối với một người lao động bình thường, tính cả đến trượt giá, lạm phát, v.v, các mất mát về tinh thần có liên quan; và toàn bộ số chi phí thực tế đó có thể được nhân lên nhiều lần để "cảnh cáo" cơ quan/người vi phạm. Tuy nhiên cách tính trên mới chỉ mang tính định tính, về mặt định lượng, Hoa kỳ không có quy định cụ thể nào. Điều này làm cho số tiền bồi thường trong mỗi vụ án gần như hoàn toàn không giống nhau, nhất là các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Theo quy định pháp luật của Australia, khi tính toán khoản bồi thường thì Dự thẩm viên sẽ căn cứ vào sự thiệt hại về vật chất và tinh thần thu nhập. Về vật chất thì phải tính xem số tiền cụ thể nạn nhân có quyền được hưởng là bao nhiêu như thiệt hại về tài sản theo trách nhiệm trong vụ án dân sự, thu nhập bị mất trong thời gian phải gánh chịu những hậu quả như bị thương phải vào viện, viện phí, không có thu nhập trong thời gian đó, v.v. và cả những tổn hại về mặt tinh thần, danh dự. Tổng mức thiệt hại được bồi thường không quá 50.000AUD. Mức tối đa này áp dụng cho cả 3 loại này: người bị tổn hại về thể xác, tinh thần; người có tài sản bị thu giữ, tiêu huỷ; người bị chết.

Tại Thụy Điển, cơ sở để tính bồi thường là thu nhập hàng ngày, tiền lương tháng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và các khoản chi phí khác như chi phí cho việc trông nom nuôi dạy con cái, các khoản viện phí,....). Việc bồi thường danh dự không đặt ra một cách độc lập mà kết hợp với việc tính toán thiệt hại vật chất với mức cao hơn mức thông thường. Mức bồi thường trung bình ít nhất không dưới 15.000 Crown/1 tháng (tiền Thụy điển). Thực tế trong vụ ám sát Cố Thủ tướng Ô-lốp Pan-mơ năm 1986, người bị nghi và bị giam oan 10 tháng đã được bồi thường 300.000 Crown (tương đương với 45.000 USD). Trong một vụ khác một người bị xét xử oan về tội hiếp dâm đã ở tù 2 năm 4 tháng và sau đó được bồi thường 450.000 Crown (tương đương với 70.000 USD). Năm 1995 tính tới thời điểm tháng 11 thì Nhà nước đã chi ra 12 triệu Crown để giải quyết 800 trường hợp đề nghị bồi thường.

Có thể thấy rõ rằng nguyên tắc chung được nhiều nước áp dụng là mọi thiệt hại dù là vật chất hay tinh thần đều được bồi thường. Tuy cách tính mức đền bù có khác nhau nhưng tựu trung lại, cách tính theo thiệt hại thực tế và theo lương ngày công của Trung Quốc là chi tiết và rõ ràng hơn cả. Cách tính thiệt hại và đền bù như vậy có lẽ cũng khả thi đối với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay.

6. Phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đây là vấn đề phức tạp nhất cả lý luận và thực tiễn trong việc bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy trước tiên cần điểm qua các cơ sở lý luận cho việc xây dựng các quy định về trách nhiệm đại diện.

Vấn đề chủ quyền quốc gia và quyền miễn trừ của Nhà nước

Trước đây, rất nhiều quốc gia thực hiện nguyên tắc "chủ quyền miễn trừ". Nguyên tắc này cho rằng nhà nước được hưởng quyền miễn trừ quốc gia nên không thể bị coi là bị đơn trong những vụ kiện yêu cầu bồi thường. Khi nhân viên Nhà nước xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức thì đó là hành vi mang tính cá nhân, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong số các nước vẫn còn giữ quan điểm này có Hoa Kỳ. Trên thực tế, quan điểm này gặp phải khá nhiều vấn đề khó khăn trong áp dụng:

- Nhân viên Nhà nước sống dựa vào lương, cá nhân tài lực có hạn, thường không thể bồi thường nổi những tổn hại đã gây ra cho người bị hại, như vậy không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị hại;

- Nếu nhân viên Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường thì trực tiếp ảnh hưởng đến tính tích cực và tính chủ động của nhân viên Nhà nước khi thi hành nhiệm vụ;

- Khi nhân viên Nhà nước thi hành nhiệm vụ thì người hưởng lợi ích đương nhiên là Nhà nước, xã hội và toàn thể công dân, chứ không phải là cá nhân nhân viên đó.

Vì vậy mà cá nhân nhân viên cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường là không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Do đó, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số quốc gia đã bắt đầu đưa ra chế định Nhà nước bồi thường mà trong đó Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường. Ngay cả tại Hoa Kỳ, quan điểm "chủ quyền quốc gia" cũng đang dần dần trở nên lạc hậu và ít được áp dụng. Tuy nhiên ở các vụ kiện cụ thể, các nguyên đơn tại Hoa Kỳ thường có xu hướng yêu cầu bồi thường từ cá nhân người tiến hành tố tụng và cơ quan chủ quản của họ bồi thường về cùng một thiệt hại gây ra một cách riêng rẽ (tuy vẫn trong cùng một vụ kiện).

Thuyết "quyền miễn trừ quốc gia" còn phải được xem xét trên bình diện quan hệ quốc tế trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của một quốc gia đối với công dân của quốc gia khác. Vấn đề này thuộc sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế. Cho tới nay chế định trách nhiệm pháp lý quốc tế của nhà nước được phát triển chủ yếu thông qua tập quán quốc tế, các phán quyết của tòa án hoặc của các uỷ ban hỗn hợp giải quyết khiếu kiện giữa các quốc gia, các điều ước quốc tế song phương và một số tuyên bố, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc liên quan tới các trường hợp cụ thể. Theo quy định của pháp luật quốc tế, trách nhiệm pháp lý quốc tế của nhà nước bao gồm hai yếu tố cấu thành là:

- hành vi trái pháp luật quốc tế (việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế) thuộc trách nhiệm của nhà nước; và

- nhà nước có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại do hành vi trái pháp luật quốc tế gây ra. Vì thiệt hại đó có thể là vật chất hoặc phi vật chất nên trách nhiệm bồi thường cũng có thể là trách nhiệm vật chất hoặc trách nhiệm phi vật chất và được thực hiện dưới nhiều hình thức: khôi phục lại nguyên vẹn trạng thái ban đầu trước khi xảy ra hành vi vi phạm; đền bù bằng tiền, hiện vật hoặc bằng dịch vụ; công khai tuyên bố về hành vi vi phạm và lời xin lỗi của bên gây thiệt hại, v.v. Ngoài trách nhiệm bồi thường vật chất, bên gây thiệt hại còn có thể bị trả đũa hoặc chịu sự trừng phạt do bên bị thiệt hại áp dụng.

Như vậy, nếu cơ quan tư pháp hoặc công chức thuộc các cơ quan tư pháp khi thi hành công vụ có nhũng hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động của các cơ quan và công chức tư pháp đó và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thuờng thiệt hại do các hành vi của họ gây ra. Trên thực tế, một trong những dạng phổ biến nhất của trách nhiệm pháp lý của nhà nước trong pháp luật quốc tế hiện đại chính là trách nhiệm phát sinh do nhà nước vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng với công dân nước ngoài trên lãnh thổ của mình.

Về sự phân định trách nhiệm giữa cơ quan chủ quản và cá nhân người tiến hành tố tụng

"Thuyết trách nhiệm đại diện" cho rằng nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà gây tổn hại thì phải chịu trách nhiệm, Nhà nước đã đại diện chi trả tiền bồi thường tổn hại, sau đó Nhà nước có quyền thu hồi lại khoản bồi hoàn từ nhân viên có hành vi gây tổn hại.

"Thuyết chuyển giao lao động tạm thời" của Australia có sự lý giải rạch ròi hơn cả. Nội dung của thuyết này như sau: một người quản lý lao động luôn tạo điều kiện để người lao động cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nếu trong quá trình thực hiện công việc đã được ấn định mà người lao động gây thương tích cho người nào đó thì nhìn chung người quản lý lao động phải chịu trách nhiệm trừ khi chứng minh được rằng hậu quả của việc chuyển giao là đã phải chuyển cả trách nhiệm cho người mà mình đã thuê. Lý do chính cho việc này là người quản lý lao động khác với người lao động, đã lựa chọn người làm thay mình và do đó đã sẵn sàng chịu trách nhiệm về cách thức thực hiện công việc mình thuê. Hơn nữa, người quản lý lao động đã tính toán mọi chi phí kể cả tiền lương thuê người lao động và chi phí rủi ro cho những sự cố phát sinh trong quá trình làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người quản lý lao động phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi sai phạm của người lao động ngay cả khi người đó đang thực thi nhiệm vụ để được trả lương. Người quản lý lao động chỉ phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà chính mình đã uỷ quyền hoặc phê duyệt, nói một cách khác là trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước công dân về những hành vi vi phạm của người mà mình đã uỷ quyền hay đã thuê để người đó thực hiện một công việc nào đó cho Nhà nước.

Với cách lập luận như vậy, một khi người công chức có vi phạm gây thiệt hại cho công dân thì trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại còn việc xử lý công chức có vi phạm và trách nhiệm của người công chức đó tới đâu là việc riêng của cơ quan Nhà nước (người sử dụng lao động) với công chức (người lao động làm công ăn lương) đã gây thiệt hại cho Nhà nước do hành vi sai trái trong khi thi hành công vụ. Có như vậy các cơ quan Nhà nước mới giữ được lòng tin của công dân. Điều này không những nâng cao uy tín của các cơ quan Nhà nước và tăng thêm sự uy nghiêm của pháp luật mà còn có lợi cho xã hội nói chung vì một khi đã có niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật thì nhân dân nói chung và những người bị hại nói riêng sẽ hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy công lý và sẵn sàng hợp tác hay phối hợp giúp đỡ các cơ quan chức năng để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật hoặc phòng ngừa tội phạm. Ngược lại một khi mất đi lòng tin do không được Nhà nước bảo vệ thì ngưòi bị hại sẽ xa lánh cơ quan Nhà nước và tự tìm cách giải quyết theo cách riêng của mình hoặc là oán trách Nhà nước, nói xấu chế độ, có thái độ bất hợp tác với cơ quan Nhà nước thậm chí nếu có thể thì tìm cách trả thù và có khi còn giải quyết theo "luật rừng". Một khi tình trạng đó kéo dài thì khả năng phòng ngừa tội phạm sẽ kém và sẽ gây khó khăn hơn cho việc quản lý xã hội.

Một số quốc gia thành lập chế độ bồi thường trong đó cả nhà nước và nhân viên cơ quan Nhà nước cùng chịu trách nhiệm bồi thường. ý nghĩa tích cực của việc này là nó tăng cường tính trách nhiệm, thận trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhân viên cơ quan Nhà nước, phòng trừ lạm dụng quyền và phát sinh hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia thực hiện chế độ Nhà nước đứng ra bồi thường sau đó thu lại khoản bồi hoàn, nhân viên Nhà nước đã gây nên tổn hại trong khi thực thi nhiệm vụ. Bất luận là lỗi vô ý hay cố ý, mọi tổn hại trước tiên đều do Nhà nước bồi thường, Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường sau đó căn cứ vào lỗi của cá nhân mà đưa ra mức bồi hoàn tương ứng. Đây chính là quan điểm đang được áp dụng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, pháp luật của Trung Quốc chưa đưa ra những quy định cụ thể đối với trình tự bồi hoàn phí bồi thường, cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề trợ giúp kinh tế cho những người phải bồi hoàn phí bồi thường. Bồi hoàn tiền bồi thường không phải là hình thức duy nhất nhân viên Nhà nước phải chịu trách nhiệm do sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà nhân viện Nhà nước phải chịu hình thức kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phân định trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng

Pháp luật Trung Quốc chia ra hai loại vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng:

- Các hành vi xâm phạm quyền công dân trong tố tụng hình sự

- Các phán quyết hình sự xâm phạm quyền công dân tư pháp hình sự

Sự phân chia này thể hiện ý định của các nhà lập pháp Trung Quốc muốn phân định rạch ròi sự vi phạm của từng loại cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Hành vi xâm phạm quyền thứ nhất bao gồm:bắt giữ sai; tạm giam sai; áp dụng biện pháp cưỡng chế, hạn chế sai quyền tài sản; bức cung, tra tấn bị can; sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng trái pháp luật; áp dụng trái pháp luật các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh trái pháp luật. Các loại vi xâm phạm này do các cán bộ thuộc cơ quan công an, kiểm sát thực hiện.

 

Hành vi xâm phạm quyền thứ hai bao gồm các phán quyết hình sự do Toà án đưa ra trái với nguyên tắc xét xử (nghiêm minh, đúng người, đúng pháp luật). Cụ thể là xử phạt đối với người không đáng phạt, tuyên phạt người vô tội hoặc áp dụng hình phạt quá nặng đối với người đáng ra chỉ phải chịu hình phạt nhẹ. Các phán quyết hình sự sai có thể do nhận định sự việc sai hoặc do áp dụng sai pháp luật.

Hoa Kỳ và Australia đều là những nước theo truyền thống luật án lệ và đều có các tòa án hoạt động trên nguyên tắc tranh tụng đối tụng. Đây cũng là hai quốc gia có quan điểm miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của tòa án đối với việc tuyên các bản án oan, sai. Lý do của việc miễn trừ này có những cơ sở khoa học và thực tế. Với qui trình đào tạo luật và cách thức lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ cùng với những tiêu chuẩn rất cao nên thẩm phán thường là người có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng, mặt khác thủ tục tố tụng (đối tụng) đã hạn chế những rủi ro và sai lầm mà thẩm phám dễ mắc phải trong xét xử. Thủ tục tố tụng ở Hoa Kỳ (thủ tục tố tụng đối tụng) được coi là tương đối hoàn hảo, dựa trên một giả định thực tế là mỗi bên tham gia tố tụng (công tố viên, bị cáo, các bên trong vụ kiện dân sự) đều phải có nghĩa vụ chứng minh lập luận của mình là đúng đắn và phù hợp với các tình tiết của vụ án.

 

7. Cơ quan giải quyết bồi thường và thủ tục yêu cầu bồi thường

Bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự ở mỗi nước đều có qui định riêng nhưng nhìn chung các nước đều quy định thủ tục đơn giản, đặc biệt và thời hiệu ngắn. Cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại thông thường là toà án.

Tại Trung Quốc theo qui định của Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ do Hội đồng bồi thường của Toà án thực hiện. Luật này quy định hai trường hợp phân biệt: trường hợp thứ nhất, các cơ quan gây thiệt hại tự nguyện đứng ra bồi thường cho người bị hại; trường hợp thứ hai: người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường.

Khi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thấy rằng, những tổn hại thực tế do chính cơ quan mình gây ra thuộc diện phải được bồi thường, thì cần chủ động bồi thường cho người bị hại. Nếu đương sự không đồng ý với quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thì phải yêu cầu kháng án tới Hội đồng bồi thường của Toà án hoặc cơ quan cấp trên cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Tuy nhiên nếu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường không chủ động thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có thể yêu cầu cơ quan đó phải thực hiện việc bồi thường. Nếu việc gửi đơn có khó khăn, có thể yêu cầu trình bày miệng, nhân viên của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải tiếp nhận và ghi chép lại vào sổ nhật ký của cơ quan.

Người yêu cầu bồi thường vì bị bắt giam sai ở giai đoạn khởi tố, xét xử, thì có thể đưa ra yêu cầu bồi thường với bất cứ cơ quan nào trong số các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan nào nhận được đơn yêu cầu trước thì phải giải quyết việc bồi thường.

Sau khi nhận được đơn hoặc lời đề nghị yêu cầu bồi thường thiệt hại, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải nhanh chóng xem xét và trong thời hạn hai tháng phải giải quyết bồi thường cho người bị hại. Hội đồng bồi thường, sau quá trình thẩm tra, xem xét nhận thấy đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại là hợp lý phải ra quyết định bồi thường thiệt hại bằng văn bản và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có trách nhiệm thực hiện quyết định này. Trong trường hợp cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã quá thời hạn mà không bồi thường hoặc người yêu cầu bồi thường không đồng ý với mức bồi thường, người yêu cầu bồi thường có thể kiện lên cơ quan cấp trên trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn. Và trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại thì cơ quan xem xét lại phải đưa ra quyết định xem xét lại. Nếu cơ quan xem xét lại không giải quyết thì người yêu cầu bồi thường kiện lên TAND. Điều 23 Luật Nhà nước bồi thường quy địnhTAND từ trung cấp trở lên phải thành lập Hội đồng bồi thường gồm 3 đến 7 thành viên. Hội đồng bồi thường của toà án trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận đơn phải ra quyết định lập án. Hội đồng bồi thường trong thời hạn 3 tháng phải ra quyết định có bồi thường hay không. Quyết định của Hội đồng bồi thường do Chủ tịch Hội đồng bồi thường ký tên và đóng dấu của Toà án.

Luật Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản lại qui định một cách cụ thể rằng Toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là Toà án đã tuyên người đó "vô tội". Còn theo các qui định về trình tự bồi thường thiệt hại của pháp luật Pháp thì việc giải quyết bồi thường thiệt hại cũng được tiến hành theo một trình tự đặc biệt và thuộc thẩm quyền của Phòng hình sự Toà phá án. Với những qui định này, pháp luật Pháp và Nhật Bản đã không trao thẩm quyền xét xử bồi thường thiệt hại cho các toà án, các cơ quan khác đã gây oan sai nhằm tránh sự không công bằng và thiếu khách quan của các cơ quan này trong việc xem xét yêu cầu và bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

Pháp luật tố tụng hình sự của Pháp gắn việc bồi thường thiệt hại cho công dân do oan sai với việc chứng minh sự vô tội của họ. Vì vậy, việc bồi thường thiệt hại sẽ là kết quả của trình tự xem xét lại bản án tuy nhiên người bị hại và gia đình cũng cần phải thể hiện yêu cầu bồi thường bằng đơn yêu cầu bồi thường.

Tại Hoa Kỳ, một thủ tục điển hình xét bồi thường thiệt hại cho những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra có thể được mô tả như sau:

Trước hết, tòa án phải xác định xem nhân viên công quyền có thực hiện hành vi trái pháp luật không và hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của công dân không. Các bên liên quan được miễn trách nhiệm trong trường hợp tòa phát hiện rằng:

- nhân viên công quyền không thực hiện hành vi sai trái mặc dù công dân có thể bị thiệt hại;

- nhân viên công quyền có thực hiện hành vi sai trái nhưng hành vi đó không gây thiệt hại cho công dân;

- nhân viên công quyền thực hiện hành vi sai trái và hành vi đó gây ra thiệt hại cho công dân nhưng nhân viên đó lại được miễn trách nhiệm theo một số quy định cụ thể khác.

Tiếp theo, tòa án phải xác định hành vi sai trái của nhân viên hay không bằng cách xác định hành vi sai phạm của nhân viên có được thực hiện trong khi thi hành công vụ hay không để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan chủ quản.

Tòa án phải quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại. Mỗi tòa án được quyền tự quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án. Bên nguyên có nghĩa vụ chứng minh tổng số các thiệt hại do hành vi sai trái gây ra.

Một ngoại lệ về cơ quan xử lý bồi thường thiệt hại là Thụy Điển. Thụy Điển có một cơ quan của Chính phủ chuyên trách (Văn phòng bồi thường thiệt hại) giải quyết bồi thường cho những người bị oan sai trong tố tụng hình sự. Văn phòng có 9 luật sư và 4 cán bộ quản lý cùng với một số cán bộ giúp việc. Về mặt lịch sử, Văn phòng này (Chancery) do Vua thứ 12 đặt ra để thay Vua giải quyết các công việc đồng thời thực hiện chức năng công tố. Khi Quốc hội được thành lập vào giữa thế kỷ 18 thì nhiều ý kiến lúc bấy giờ muốn chuyển Văn phòng này thành cơ quan Thanh tra Quốc hội (Ombudsman). Tuy nhiên vẫn có những quan điểm mạnh mẽ cho rằng Chính phủ (Cơ quan hành pháp) cần phải có cơ quan riêng. Do vậy Ombdsman vẫn ra đời và Chancery vẫn song song tồn tại.Hiện nay Văn phòng bồi thường thiệt hại có những chức năng: (i) tư vấn pháp luật cho Chính phủ; (ii) giám sát việc các cơ quan Nhà nước hạn chế quyền tự do báo chí; (iii) đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện dân sự có yếu tố nước ngoài; và (iv) xem xét giải quyết việc bồi thường cho người bị bắt, giam giữ và bị tù oan.

Tại New South Wales, Australia, có 2 thiết chế là Uỷ ban tư vấn người bị hại và Cục trợ giúp người bị hại đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Người bị hại có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường cho Cục trưởng Cục trợ giúp người bị hại hoặc gửi cho Thư ký Toà án và trong trường hợp đó Thư ký Toà án có nhiệm vụ chuyển đơn cho Cục trưởng Cục trợ giúp người bị hại vào thời gian sớm nhất có thể thực hiện được. Kèm theo đơn là những giấy tờ và chứng cứ liên quan. Thời hiệu cho việc nộp đơn yêu cầu bồi thường là trong vòng 2 năm sau khi vụ việc xảy ra hoặc trong vòng 2 năm kể từ khi người bị hại trực tiếp bị chết. Trong trường hợp đặc biệt nếu có lý do chính đáng thì Cục trưởng là người quyết định có xét đơn quá thời hiệu hay không. Ví dụ: phạm tội với phụ nữ, trẻ em và nếu người nộp đơn chứng minh được rằng mình không hề biết gì về thời hiệu mà Luật qui định. Sau khi được Cục trợ giúp người bị hại thụ lý đơn thì một Dự thẩm viên (Assessor) xem xét đánh giá mà không cần họp hội đồng. Sau khi xem xét, điều tra và cân nhắc thận trọng Dự thẩm viên sẽ ra quyết định hoặc là bác đơn hoặc ra quyết định cho nạn nhân được nhận bồi thường theo đúng những hướng dẫn qui định tại Điều 65 của Luật. Sau khi có quyết định thì Cục trợ giúp sẽ có giấy báo cho người đứng đơn trong đó nêu rõ số tiền được bồi thường và cách bồi thường cùng với những lý do cụ thể. Trong trường hợp đơn bị bác thì Cục trợ giúp cũng có giấy báo và nói rõ lý do vì sao đơn bị bác.

Còn theo quy định của pháp luật quốc tế, việc giải quyết vấn đề thực hiện trách nhiệm bồi thường của một Nhà nước đối với công dân, pháp nhân hoặc quốc gia có chủ quyền khác hiện nay chủ yếu thông qua con đường ngoại giao: khi công dân một quốc gia bị xâm hại bởi hoạt động của cơ quan, công chức tư pháp của một quốc gia khác thì quốc gia mà công dân đó có quốc tịch được quyền khiếu kiện về trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia kia và khiếu kiện này được coi là của chính quốc gia chứ không phải của công dân vì công dân không phải là chủ thể của quan hệ quốc tế.

Ngoài những vấn đề phân tích trên đây, còn có một vấn đề khác mà pháp luật của nhiều nước đề cập đến trong các quy định về nhà nước bồi thường thiệt hại của mình. Đó là vấn đề đại diện. Các nước có quy định về vấn đề này đều cho phép người khác đại diện cho người bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhất là trong trường hợp Điều 6 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại của Trung Quốc "nếu người bị hại chết thì người thừa kế hoặc người thân khác có quan hệ nuôi dưỡng với người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường. Pháp nhân hoặc tổ chức bị hại mà bị giải thể thì pháp nhân hoặc tổ chức kế thừa có quyền yêu cầu bồi thường."

Điều 2 Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của Nhật Bản cũng quy định nếu người có quyền yêu cầu bồi thường đã chết thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Pháp luật của Pháp thì quy định nếu người bị oan sai đã chết thì vợ/chồng, hoặc bố mẹ, hoặc con của người đã chết, người thừa kế hoặc được uỷ quyền có quyền yêu cầu bồi thường; nhưng trong trường hợp việc yêu cầu bồi thường được thực hịên bởi những người cơ quan hệ xa hơn thì khoản bồi thường chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất (chứ không bao gồm những thiệt hại về tinh thần) mà bản án sai đã gây ra cho họ.

8. Nguồn chi kinh phí bồi thường

Tại Trung Quốc, Nhà nước bồi thường từ kinh phí của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Điều 29 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Phí bồi thường được lấy từ ngân sách tài chính các cấp, biện pháp bồi thường cụ thể do Quốc vụ viện quy định". Phí Nhà nước bồi thường do cơ quan có nghĩa vụ bồi thường chi trả trong khoản tiền đã được dự toán của cơ quan đó.

Tại Hoa Kỳ, trong đại đa số các trường hợp, cơ quan phải đứng ra bồi thường là chính quyền địa phương hoặc chính quyền liên bang chứ không phải cơ quan tố tụng có nhân viên vi phạm. Logic chung của cách tiếp cận này là ở chỗ chính quyền địa phương phải là cơ quan chịu trách nhiệm tối cao về mọi hoạt động của các cơ quan công quyền ở địa phương; mọi cơ quan địa phương, trong đó có các cơ quan tố tụng, đều nhận ngân sách hoạt động từ chính quyền địa phương; do vậy, nếu cắt ngân sách để bồi thường thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa có điều kiện tìm hiểu cụ thể các khoản bồi thường được chi trả từ ngân sách địa phương hoặc liên bang được chi theo cơ chế nào.

Tại bang New South Wales, Chính phủ thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại được đặt dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp (Cục trợ giúp người bị hại). Các nguồn thu của Quỹ bao gồm các khoản thu từ tài sản sung công từ các vụ án hình sự, thu từ án ma tuý, ngân sách nhà nước, tiền phạt thu từ việc xử lý hành chính, v.v. Ngoài việc chi bồi thường cho những người bị hại, kể cả phần hỗ trợ cho tư vấn pháp luật, Quỹ này còn được chi cho các hoạt động của Uỷ ban tư vấn, Cục trợ giúp người bị hại và một số hoạt động chuyên môn liên quan khác.

 

 

III. Kết luận và đề xuất

 

Về mặt lý thuyết có thể nói, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của những người thi hành công vụ là khái niệm đã ngày càng trở nên quen thuộc của một nhà nước dân chủ. Nó được coi như một sự đảm bảo dân chủ, công bằng cho các chủ thể của quan hệ pháp luật trong xã hội. Bản chất của vấn đề này được thể hiện trong việc thiết lập trách nhiệm bồi thường đối với loại chủ thể đặc biệt này khi họ có hành vi hoặc quyết định vi phạm quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Bồi thường thiệt hại thường ở dạng vật chất và bồi thường về tinh thần (danh dự).

Cùng với việc phát triển và chú trọng giải quyết kịp thời các vụ án có dấu hiệu oan sai, các nhà nước đều nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và thể chế hóa chính sách, cơ chế đó bằng pháp luật (bằng văn bản hoặc bằng án lệ).

Qua nghiên cứu so sánh quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng chế định bồi thường thiệt hại của một số nước ngoài và đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam, nhóm nghiên cứu xin rút ra một số đề xuất và kiến nghị như sau:

Tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại. Về hướng hoàn thiện, nhóm nghiên cứu cho rằng nhìn chung các quy định của Trung Quốc là rất đáng tham khảo vì những lý do sau đây:

- Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về triết học, văn hóa, kinh tế, quá trình phát triển;

- Trung Quốc có các quy định pháp luật tương đối chặt chẽ và chi tiết về chế định này.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là nhận xét về giá trị tham khảo chung, ở từng quy định cụ thể, nhóm nghiên cứu cho rằng cách làm của các nước khác cũng rất đáng để chúng ta học tập. Cụ thể như sau:

1.1- Về khái niệm oan sai: nhóm nghiên cứu cho rằng pháp luật cần có quy định rõ thế nào là oan, thế nào là sai để lấy đó làm tiêu chí đánh giá một cách tương đối chính xác tình hình thực tiễn. Việc quy định rõ đó cũng có thể giúp cho chúng ta xác định chính sách phù hợp cho từng giai đoạn: hiện nay do điều kiện còn khó khăn, Nhà nước có thể mới chỉ đủ điều kiện bồi thường thiệt hại cho các trường hợp oan, các trường hợp sai sẽ được giải quyết khi có điều kiện thuận lợi hơn;

1.2- Về căn cứ để xác định bồi thường thiệt hại do oan, sai: rõ ràng một bản án sơ thẩm hay một bản án phúc thẩm tuyên vô tội là những căn cứ xác thực nhất cho việc bồi thường thiệt hại. Trong những trường hợp như vậy, thiết nghĩ tòa án phải đề cập ngay tới vấn đề bồi thường thiệt hại trong bản án và người được minh oan chỉ phải làm một thủ tục cuối cùng là nhận tiền bồi thường. Đối với những trường hợp việc oan sai được phát hiện trước khi vụ án được đưa ra xét xử, chúng ta nên theo kinh nghiệm của Trung Quốc là để ngỏ hai khả năng: một là các cơ quan tiến hành tố tụng tự nguyện xét bồi thường cho người bị thiệt hại; hai là người bị hại làm đơn yêu cầu bồi thường gửi cho cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị giải quyết. Trong cả hai trường hợp, nếu người bị thiệt hại vẫn chưa đồng ý với cách giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể kiện tiếp ra tòa án. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết những vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan sai phải được cân nhắc để vừa nhanh gọn, vừa chính xác, không gây thắc mắc, "oan sai" cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng;

1.3- Về tiêu chí xác định thiệt hại và mức độ bồi thường, nhóm nghiên cứu cho rằng kinh nghiệm của Trung Quốc rất phù hợp với Việt Nam. Đó cũng chính là lý do nhóm nghiên cứu nhấn mạnh và phân tích kỹ những quy định này của Trung Quốc trong phần nghiên cứu so sánh trên đây;

1.4- Về phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: đây là một vấn đề vừa tế nhị, vừa phức tạp trong quan hệ giữa các cơ quan tố tụng. Các nước cũng không quy định chi tiết về vấn đề này. Pháp luật Trung Quốc có quy định những người bị thiệt hại có quyền đưa ra yêu cầu về cơ quan phải bồi thường thiệt hại cho họ. Thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta. Các cơ quan tố tụng cũng cần soạn thảo và ban hành quy chế về trách nhiệm trong những trường hợp oan sai để tránh/giảm xảy ra những vướng mắc không đáng có trong việc xử lý vấn đề trách nhiệm;

1.5- Về kinh phí thực hiện việc bồi thường, việc quy định lấy từ kinh phí của cơ quan trực tiếp gây thiệt hại như cách làm của Trung Quốc chắc hẳn sẽ ít tính khả thi hơn việc quy định chính quyền địa phương trực tiếp chi trả cho người bị thiệt hại từ ngân sách địa phương, sau đó khấu trừ vào phần kinh phí cấp cho cơ quan gây thiệt hại (cách làm của Hoa Kỳ). Cách làm thứ hai này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc làm thủ tục lấy khoản kinh phí được bồi thường sau khi đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

1.6- Về hình thức văn bản: Theo kinh nghiệm của các nước, việc nhà nước bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra phải được quy định trong một văn bản luật. Đối với thực tiễn của Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng đây cũng là một kinh nghiệm cần áp dụng để có thể đảm bảo hiệu lực thi hành cũng như tính cưỡng chế của các quy định liên quan.

Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ khác có thể được thực hiện là:

Quan tâm hơn nữa tới dư luận báo chí về những trường hợp sai phạm đã được các cơ quan này phát hiện và đăng tải. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy các cơ quan báo chí đã hoạt động tương đối có hiệu quả trong việc phát hiện những trường hợp cán bộ thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại cho công dân và các vụ oan sai đã diễn ra trong thực tế. Tuy nhiên, hồi âm và cách giải quyết của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với những trường hợp đã bị phát hiện thường thưa thớt và chưa thực sự công minh. Đó cũng chính là một lý do để "cái sảy nảy cái ung": một khi vi phạm không được xử lý kịp thời và nghiêm khắc, nhất là sau khi chúng đã được phát hiện và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ lại càng trở nên nghiêm trọng và tồn tại như những thách thức đối với dư luận xã hội.

Tăng cường chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, kiên quyết giảm tình trạng oan sai. Tăng cường trách nhiệm pháp lý của các cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân đối với công tác bắt, giam, giữ. Việc bắt, giam phải được xem xét, phê chuẩn đối với từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể; đối với những trường hợp có bắt, giam hay không bắt, giam cũng đều được thì không bắt, giam. Sai sót trong việc bắt, giam, giữ ở địa phương nào thì trước hết Viện Kiểm sát nhân dân ở địa phương đó chịu trách nhiệm.

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các thẩm phán khi xét xử, tránh oan sai hay bỏ lọt người, lọt tội, việc đăng tải công khai các bản án là một điều cần thiết. Tại các nước theo truyền thống luật án lệ, việc đăng công khai các bản án trong các Tổng tập án lệ và việc thiết lập, lưu hành các cơ sở dữ liệu bản án đã có từ rất lâu đời. Tại rất nhiều nước theo truyền thống luật thành văn, các bản án cũng được đăng công khai và đầy đủ trên các Tập bản án hoặc tạp chí chuyên ngành của Tòa án. Rõ ràng các thẩm phán sẽ có trách nhiệm hơn với lời tuyên án của mình nếu bản án được công bố công khai; hơn thế nữa, các bản án đã được đăng tải sẽ là một nguồn tham khảo rất hữu ích cho cả các nhà lập pháp, những người thi hành pháp luật, các thẩm phán và các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy pháp luật. Theo nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, tuy việc đăng tải toàn bộ các bản án đã tuyên là chưa khả thi nhưng việc thiết lập cơ sở dữ liệu (điện tử) các bản án điển hình đã là điều cần thiết, cấp bách và trong tầm giải quyết của chúng ta. Hiện nay Bộ Tư pháp cũng đã có đề án được Chính phủ phê duyệt về việc thiết lập CSDL bản án điển hình. Vấn đề chỉ còn là sự quan tâm đầu tư của nhà nước.

Sau khi ban hành Luật hoặc Nghị quyết về bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp bị oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra" TAND TC, VKSND TC cần ban hành các văn bản hỗ trợ việc thi hành và hướng tới việc đạt tới mục tiêu phòng ngừa lâu dài như điều lệ truy cứu trách nhiệm án sai của VKSND TC, đồng thời có tổng kết một số án sai điển hình đã được Nhà nước thực hiện bồi thường.

 

Tất cả những kiến nghị cụ thể trên của nhóm nghiên cứu trên thực tế mới chỉ là các biện pháp "xử lý ngọn", là phương thức xử lý tình thế. Để xử lý triệt để hơn vấn đề này, chúng ta phải áp dụng cả các biện pháp "xử lý gốc", tức là các biện pháp có tính lâu dài và triệt để, làm sao cho số lượng những vụ án oan sai ngày càng giảm xuống. Để làm được việc này cần phải có những biện pháp tác động trực tiếp tới chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng như nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường trách nhiệm pháp lý đối với từng trường hợp cụ thể được phân công xử lý, thực hiện các chính sách hợp lý về lương bổng, đãi ngộ vật chất, gắn liền trách nhiệm với khen thưởng, kỷ luật, v.v.

 

bảng so sánh

Nước

 

Vấn đề

 

Trung Quốc

 

Nhật

 

Pháp

 

Mỹ

 

úc

 

1. Hình thức văn bản

 

- Luật

- Văn bản dưới luật

 

- Luật

-Văn bản dưới luật

 

- Luật

- Văn bản dưới luật

 

- án lệ

 

 

- Luật

- án lệ

 

 

2.Khái niệm oan sai

 

1. Bắt giữ người chưa thực sự phạm tội

2. Giam giữ người bị tình nghi phạm tội nhưng:

+Chưa có dấu hiệu thực tế phạm tội

+Chưa có chứng cứ thực sự phạm tội

3. Xét xử lại là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt

4. áp dụng trái pháp luật các biện pháp ngăn chặn

 

1. Toà sơ thẩm tuyên vô tội

2. Toà phúc thẩm tuyên vô tội

3. Bị bắt giam, giữ vì tình nghi phạm tội nhưng không thực phạm tội

 

 

1. Được toà án tuyên vô tội

 

 

1. Tình tiết cụ thể ở trong từng vụ án

 

 

1. Được xác định là vô tội

 

 

3. Căn cứ

 

 

Xác nhận của Toà án đưa ra phán quyết vô tội

 

Bản án phúc thẩm tuyên vô tội.

 

Quyết định huỷ bản án được đưa ra xét lại.

 

 

 

 

 

Phán quyết của Toà án trong vụ người bị hại yêu cầu bồi thường trực tiếp

 

 

4. Phạm vi bồi thường thiệt hại

 

1. Xâm phạm quyền tự do cá nhân

+ Bắt, giam giữ người không thực phạm tội

+ Phúc thẩm tuyên vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt

+Không trả tự do cho người mãn hạn tù

2. Xâm phạm quyền tài sản

+áp dụng trái pháp luật các biện pháp ngăn chặn đối với tài sản

+Vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản

3. Xâm phạm quyền tôn trọng nhân phẩm

 

1. Xâm phạm quyền tự do cá nhân

 

 

 

2. Xâm phạm quyền tài sản

 

 

 

3. Xâm phạm quyền nhân phẩm

 

1. Xâm phạm quyền tự do cá nhân

+ Bắt , giam giữ người không thực sự phạm tội

+ Phòng hình sự Toà Phá án tuyên vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt

2. Xâm phạm danh dự nhân phẩm

 

 

 

1. Xâm phạm quyền tự do cá nhân

 

 

 

2. Xâm phạm quyền tài sản

 

 

 

3. Xâm phạm quyền nhân phẩm

 

1. Xâm phạm quyền tự do cá nhân

 

 

 

2. Xâm phạm quyền tài sản

 

 

 

3. Xâm phạm quyền nhân phẩm

 

 

Không bồi thường thiệt hại

 

1. Cố ý khai sai sự thật, tạo chứng cứ giả

2. Người được miễn truy cứu TNHS, miễn hình phạt

3. Quá trình truy tố, thay đổi chính sách hình sự (không còn là tội phạm)

4. Do hành vi phòng vệ chính đáng của nhân viên tư pháp

 

 

1. Cố ý khai không đúng sự thực, lập chứng cứ giả

     

 

5. Tiêu chí và mức độ bồi thường

 

1. Thiệt hại thân thể

- Tiền chữa bệnh

- Thu nhập bị mất (lương bình quân ngày; max: 5 lần lương)

2. Thiệt hại về khả năng lao động

- Tiền chữa bệnh

- Bồi thường thương tật ằ mức độ mất khả năng lao động. *Mất một phần: Ê 10 lần lương bình quân; *Mất toàn bộ Ê 20 lần lương bình quân

- Sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp (chỉ đối với người bị mất toàn bộ khả năng lao động)

- Mức trợ giúp sinh hoạt của chính quyền địa phương tính đến 18 tuổi (người chưa thành niên), đến chết

3. Thiệt hại tính mạng

- Tiền gây chết người và tiền tang lễ: Max: 20 lần lương bình quân năm trước

- Sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp

4. Thiệt hại về tự do thân thể

- Lương bình quân ngày x số ngày

5. Thiệt hại tinh thần:

- Công khai xin lỗi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Max: 25 triệu Yên + thiệt hại tài sản (nếu có)

 

 

 

 

- Max: 9.400 Yên

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Thiệt hại vật chất

Bồi thường bằng tiền mặt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Niêm yết quyết định vô tội tại nơi đã quyết định kết án, nơi sinh, nơi cư trú

- Đăng trên công báo+ 5 tờ báo khác

 

1. Tiền chữa bệnh

Tỷ lệ mất thu nhập, tỷ lệ mất khả năng lao động cho đến về hưu (có tính trượt giá, lạm phát...)

Tổng cao hơn nhiều so với thiệt hại thực tế để cảnh cáo.

 

1. Tiền chữa bệnh

2. Thiệt hại tài sản

3. Mất thu nhập, max: 50.000$

 

 

 

 

 

 

Thuỵ Điển:

+ Thiệt hại thu nhập

+ Chi phí nuôi dạy con:

Min/tháng = 1.500 Crown

 

 

6. Thiệt hại tài sản

Giá trị thực tế

 

 

Giá trị thực tế + 5%/năm từ khi bị thiệt hại đến khi được bồi thường

     

 

6. Phân định trách nhiệm BTTH

+ NN - Cá nhân

 

 

+ Giữa các cơ quan tố tụng

 

 

 

 

- Thuyết trách nhiệm đại diện

Cả Nhà nước và cá nhân cùng chịu trách nhiệm

- Hành vi xâm phạm quyền trong TTHS dẫn đến trách nhiệm thuộc về cơ quan điều tra, kiểm sát, thi hành án...

- Quyết định xâm phạm quyền dẫn đến trách nhiệm thuộc về toà án

 

 

 

 

 

 

 

- Thuyết tự chịu trách nhiệm + quyền miễn trừ quốc gia

- Cần phải là những người xâm phạm quyền (điều tra, công tố)

- Toà án hầu như được miễn trừ

 

 

 

 

- Thuyết chuyển giaolao động tạm thời

 

7. Nguồn kinh phí BTTH

 

- Ngân sách của chính cơ quan phải BTTH (dự toán hàng năm)

   

 

- Ngân sách chính quyền địa phương

 

- Quỹ BTTH thuộc Cục trợ giúp này bị hại thuộc BTP

 

8.Cơ quan xử lý việc BTTH

 

- Hội đồng bồi thường của toà án

 

- Toà án tuyên vô tội

 

- Phòng hình sự Toà Phá án xác định vô tội + BTTH

 

- TA xét đơn đền bù BTTH riêng:
+Xác định trách nhiệm cá nhân

+Xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý công chức tư pháp

+Xác định mức BTTH

 

Thuỵ Điển:

Văn phòng BTTH (Chancery) thuộc Chính phủ

 

úc:
-
Uỷ ban

- Cục trợ giúp người bị hại

 

9. Trình tự, thủ tục BTTH

+ Cá nhân yêu cầu bất kỳ cơ quan có trách nhiệm liên đới, trong vòng 2 tháng phải giải quyết BTTH nhưng đương sự không đồng ý hoặc quá hạn mà không giải quyết thì gửi lên cơ quan cấp trên (HĐBT của TA). Trong vòng 2 tháng phải ra quyết định BTTH và cơ quan có trách nhiệm BTTH phải thực hiện

+ Cơ quan có trách nhiệm tự BTTH chủ động bồi thường nhưng đương sự không đồng ý thì gứi yêu cầu lên Toà án hay cơ quan cấp trên

 

Gắn liền với trình tự, thủ tục xét lại bản ấn hình sự.

 

+ Công dân gửi đơn lên toà án, Cục đ Dự thẩm viên đ Quyết định BTTH hoặc quyết định không BTTH

10. Người đại diện

- Người thừa kế theo thủ tục ban hành

- Người thân khác có quan hệ nuôi dưỡng

- Pháp nhân và tổ chức kế thừa

- Người thừa kế

-Vợ chồng, bố mẹ, con của người chết

- Nếu là người có quan hệ xa hơn thì chỉ được BTTH vật chất

   

Trách nhiệm pháp lí quốc tế của Nhà nước về hoạt động

của cơ quan tư pháp

 

Ts. Dương Thanh Mai.

Trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước được hiểu là hậu quả pháp lí mà nhà nước phải gánh chịu do vi phạm các nghĩa vụ quốc tế .

Chế định trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước được phát triển chủ yếu thông qua tập quán quốc tế, các phán quyết của toà án hoặc của các Uỷ ban hỗn hợp giải quyết khiếu kiện giữa các quốc gia, các điều ước quốc tế song phương và một số Tuyên bố, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến các trường hợp cụ thể. Uỷ ban pháp luật của LHQ trong nhiều năm qua đã rất cố gắng để pháp điển hoá chế định này bằng việc dự thảo điều ước về trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vấn đề khác của pháp luật quốc tế, hiện vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau về các vấn đề cụ thể của dự thảo.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước về hoạt động của cơ quan tư pháp cần làm rõ cơ sở lí luận và cơ sở pháp lí của loại trách nhiệm này cũng như việc thực hiện trách nhiệm đó trong thực tiễn quan hệ pháp luật quốc tế.

1.1. Pháp luật quốc tế đã xác định các yếu tố cấu thành trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước bao gồm: hành vi trái pháp luật quốc tế thuộc trách nhiệm của nhà nước và nghĩa vụ của nhà nước thực hiện việc bồi thường những thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra.

Yếu tố thứ nhất - hành vi trái pháp luật quốc tế thuộc trách nhiệm của nhà nước được hiểu là việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Các hành vi này rất đa dạng bao gồm cả việc nhà nước không chấp hành các phán quyết của toà án hay trọng tài quốc tế mà các bên đã tự nguyện thừa nhận quyền phán xét của các cơ quan xét xử đó để giải quyết tranh chấp của mình; việc một nhà nước xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước ngoài....

Các hành vi trái pháp luật đó phải thuộc trách nhiệm của nhà nước. Ngoài các hành vi do chính nhà nước thực hiện thì những hành vi của các cơ quan, công chức nhà nước trong khi thực thi các chức năng, nhiệm vụ của mình cũng phải được coi thuộc trách nhiệm của nhà nước. Các cơ quan đó bao gồm cả cơ quan lập pháp (thí dụ nếu cơ quan đó ban hành một đạo luật trái với nghĩa vụ quốc tế của quốc gia...), cơ quan hành pháp (kể cả quân đội, cảnh sát...) và cơ quan tư pháp (các hành vi trái pháp luật trong quá trình tố tụng tư pháp). Mọi vi phạm nghĩa vụ quốc tế diễn ra trong các hoạt động công vụ của các cơ quan này hoặc của các công chức thuộc những cơ quan đó ở mọi cấp (trung ương và địa phương, liên bang và bang..) đều dẫn đến, trước hết , trách nhiệm pháp lí quốc tế của Nhà nước có cơ quan hay công chức vi phạm. Tập quán quốc tế xác lập rằng, ngay cả khi hành vi trái pháp luật của cơ quan, công chức nhà nước vượt ra ngoài thẩm quyền được quy định tại pháp luật của quốc gia thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi đó nếu nó đã diễn ra trong quá trình thực hiện công vụ.

Cần lưu ý rằng trong pháp luật quốc tế Lỗi không phải là yếu tố có tính điều kiện để xác định trách nhiệm pháp lí của nhà nước như thường được quy định trong pháp luật quốc gia 1. Điều đó có nghĩa là các hội đồng, uỷ ban khi xem xét các khiếu kiện không có nghĩa vụ phải xác định lỗi của nhà nước có hành vi trái pháp luật vì đó là việc làm không thực tế và vượt quá khả năng, thẩm quyền của các hội đồng, uỷ ban này.

Yếu tố thứ hai là nghĩa vụ của Nhà nước thực hiện việc bồi thường những thiệt hại do hành vi trái pháp luật quốc tế gây ra. Thiệt hại có thể là vật chất hoặc phi vật chất, do đó, trách nhiệm bồi thường cũng có thể là trách nhiệm vật chất hoặc trách nhiệm phi vật chất và được thực hiện dưới nhiều hình thức: khôi phục lại nguyên vẹn trạng thái ban đầu trước khi xảy ra hành vi vi phạm ; đền bù bằng tiền, hiện vật hoặc bằng dịch vụ; công khai tuyên bố về hành vi vi phạm và lời xin lỗi của bên gây thiệt hại... Ngoài trách nhiệm bồi thường vật chất, bên gây thiệt hại còn có thể bị trả đũa hoặc chịu sự trừng phạt do bên bị thiệt hại áp dụng.

 

Như vậy, nếu cơ quan tư pháp hoặc công chức thuộc các cơ quan tư pháp trong khi thi hành công vụ có những hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế của nhà nước thì nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lí về hoạt động của các cơ quan và công chức tư pháp đó và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do các hành vi trái pháp luật do họ gây ra.

1.2. Một trong những dạng phổ biến nhất của trách nhiệm pháp lí của nhà nước trong pháp luật quốc tế hiện đại chính là trách nhiệm phát sinh do nhà nước vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng với công dân nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Trong số những vi phạm loại này có nhiều vi phạm do các cơ quan và công chức tư pháp gây ra. Dự thảo nghiên cứu Ha vớt về trách nhiệm của nhà nước năm 1929 đã dùng khái niệm "Từ chối đảm bảo công lí" để chỉ các hành vi vi phạm trong hoạt động tư pháp có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lí của nhà nước, đó là : đối xử sai trái, bạo lực với công dân nước ngoài đang bị cơ quan tư pháp giam giữ; không đảm bảo hoặc chậm trễ trong việc tạo điều kiện cho công dân nước ngoài tiếp cận hệ thống toà án ; sự thiếu hiệu quả nghiêm trọng của các quá trình hành chính- tư pháp và giải quyết tranh chấp; không cung cấp các bảo đảm thường được coi là không thể thiếu trong một nền tư pháp lành mạnh (dịch vụ tư vấn, bào chữa..); ra những phán quyết, quyết định rõ ràng là không công bằng.

Hội nghị pháp điển hoá tại Hague cũng đã thảo luận dự thảo của Uỷ ban pháp điển hoá về các nội dung liên quan đến trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước về hoạt động của các cơ quan tư pháp. Theo Dự thảo, nhà nước phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp sau:

-Nếu nhà nước từ chối cho công dân nước ngoài tiếp cận các toà án để bảo vệ và thực thi các quyền của mình;

-Nếu các quyết định, phán quyết của toà án trái với các nghĩa vụ của nhà nước theo các điều ước quốc tế mà nhà nước đã tham gia;

-Nếu xác định được toà án rõ ràng là đã chậm trễ dù không có ý thức trong khi thực thi công lí;

-Nếu toà án đã ra các quyết định dựa trên động cơ chống lại công dân nước ngoài nói chung hoặc công dân của một nước cụ thể. Trong trường hợp này, Nhà nước phải chịu trách nhiệm do đã không tổ chức được các toà án có năng lực đảm bảo cho hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả nhằm bảo vệ và thực thi các quyền của công dân nước ngoài và do đó, nhà nước phải bồi thường. Về nguyên tắc, mức bồi thường phải được xác định tương đương với thiệt hại mà công dân nước ngoài phải gánh chịu nhưng đó chỉ là cách tính thiệt hại không phải là cơ sở của trách nhiệm

Tuy nhiên, trong cả hai bản dự thảo này đều khẳng định, nhà nước sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lí về mọi sai sót có thể xảy ra trong hoạt động của toà án nếu các sai sót đó không dẫn đến sự bất công, bất bình đẳng rõ ràng hoặc nếu các sai sót đó không làm cho quá trình tố tụng bị vi phạm đến mức không thể xét xử đúng đắn, công bằng. Các quốc gia khi thảo luận về Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng các hành vi do cơ quan tư pháp thực hiện có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lí của nhà nước sẽ không chỉ bị giới hạn tại danh mục liệt kê trong văn bản .1

 

1.3. Thẩm quyền khiếu kiện đối với trách nhiệm của nhà nước về hoạt động của cơ quan tư pháp.

Khi nói một nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lí quốc tế về hành vi của cơ quan, công chức tư pháp gây thiệt hại cho công dân nước ngoài , về bản chất , là nói đến trách nhiệm của nhà nước đó trong quan hệ với nhà nước có người bị xâm hại là công dân. Theo pháp luật quốc tế, mỗi quốc gia đều có quyền bảo vệ về mặt ngoại giao đối với công dân của mình tại quốc gia khác. Khi công dân bị xâm hại bởi hoạt động của cơ quan, công chức tư pháp của một quốc gia khác thì quốc gia mà công dân đó có quốc tịch được quyền khiếu kiện về trách nhiệm pháp lí quốc tế của quốc gia kia và khiếu kiện này được coi là của chính quốc gia chứ không phải của công dân vì công dân không phải là chủ thể của quan hệ quốc tế.

Có thể phân tích một vụ việc cụ thể để hiểu rõ hơn cách thức và nội dung khiếu kiện trách nhiệm pháp lí của nhà nước về hoạt động của cơ quan tư pháp. Thí dụ vụ Chính phủ Hoa Kỳ kiện Chính phủ Mexico tại Hội đồng giải quyết khiếu kiện hỗn hợp Hoa Kỳ- Mexico về việc các cơ quan tư pháp của Mexico đã bắt trái phép, giam giữ quá thời hạn và đối xử tồi tệ, bất bình đẳng với H. Robert - công dân Hoa Kỳ- trong thời gian bị giam giữ. Hội đồng đã ra phán quyết:

- Với các chứng cứ đã có, các cơ quan tư pháp của Mexico có cơ sở để nghi ngờ Robert đã có hành vi phạm tội nên đã bắt Robert để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Do đó, Hội đồng bác việc kiện Chính phủ Mexico về hành vi bắt trái phép Robert.

- Chính phủ Mexico có trách nhiệm bảo đảm rằng hành vi của công dân Hoa Kỳ phải được xem xét theo một quy trình tố tụng công bằng, đúng đắn phù hợp với pháp luật của Mexico. Theo Hiến pháp của Mexico, bị cáo phải được xét xử trong thời hạn 4 tháng nếu bị truy tố về tội phạm có hình phạt tối đa không quá hai năm. Trong khi đó, thời gian kể từ khi Robert bị bắt đến khi được thả mà vẫn chưa được xét xử là 19 tháng. Hội đồng không chấp nhận lí do tự bào chữa của Chính phủ Mexico rằng việc xét xử bị chậm trễ là do công dân Robert đã không tìm được luật sư thích hợp để bào chữa cho mình. Theo Hiến pháp Mexico, trong trường hợp này, thẩm phán Mexico có nghĩa vụ phải chỉ định luật sư bảo vệ quyền của Robert. Do các cơ quan tư pháp đã không thực hiện nghĩa vụ này dẫn đến việc giam giữ quá hạn không chính đáng nên Chính phủ Mexico phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho công dân Robert.

- Về việc đối xử tồi tệ và không bình đẳng với công dân Hoa Kỳ: Hội đồng đã xem xét các chứng cứ, số liệu thì thấy rằng Robert được hưởng các điều kiện về diện tích phòng giam trên đầu người , thức ăn hàng ngày, luyện tập thể thao... giống như các phạm nhân người Mexico mặc dù thức ăn và phòng giam đều không đảm bảo vệ sinh . Vì vậy tuy không có căn cứ để buộc Chính phủ Mexico chịu trách nhiệm về việc đối xử bất bình đẳng với công dân Hoa Kỳ trong thời gian giam giữ nhưng cần phải làm rõ thêm các điều kiện của trại giam có đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực trong pháp luật quốc tế hay không trước khi quyết định về trách nhiệm bồi thường do cơ quan tư pháp đã đối xử tồi tệ với công dân Hoa Kỳ.

Hiện nay, Uỷ ban pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc vẫn đang tiếp tục công việc pháp điển hoá chcế định trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước nói chung và trách nhiệm pháp lí quốc tế của nhà nước về hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng. Quá trình này được tiến hành song song, đồng thời với quá trình hoàn thiện chế định nhà nước bồi thường thiệt hại do các cơ quan tư pháp gây ra trong hệ thống pháp luật của các quốc gia.

 

 

Khái quát thực trạng pháp luật việt nam về trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

 

Ban NC Luật So sánh và PL QT

Viện NCKH Pháp lý

I. Tình hình chung

Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tư pháp luôn đóng góp vai trò quan trọng trong việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thực thi quyền hạn của mình sẽ ra các quyết định như: Quyết định khởi tố; quyết định truy tố; quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam; quyết định, bản án của Toà án truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội. Trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng này, do tính phức tạp của vụ án hình sự, do những điều kiện khách quan hoặc do hạn chế về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp mà một số các quyết định của của cơ quan tiến hành tố tụng không tránh khỏi những sai sót mặc dù đã qua sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế trong hoạt động thực tiễn đã dẫn đến tình trạng xử lý oan, sai trong quá trình điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nhiều địa phương. Hiện nay trong hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy của Việt Nam chưa có một văn bản nào xác định các tiêu chí đánh giá oan sai trong các giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, qua thực tế xem xét các vụ oan sai xảy ra ở Việt Nam, có thể liệt kê một số loại oan, sai sau đây:

Công dân bị khởi tố, tạm giam, tạm giữ nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do vì đã hết thời hạn tạm giam, tạm giữ mà không chứng minh được người đó đã thực hiện tội phạm hoặc người đó chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chứng minh được hành vi của người đó không cấu thành tội phạm mà chỉ bị xử lý hành chính hoặc dân sự… Ví dụ hai công dân Tống Văn Lường và Lê Văn Răng đã bị khởi tố và bị bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân nhưng thời gian tạm giam đã kéo dài gần 5 năm mà vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử với lý do điều tra bổ sung (trong khi BLTTHS chỉ cho phép thời hạn tạm giam tối đa là 18 tháng)1;

Công dân đã bị tạm giam nhiều hơn, lâu hơn hình phạt tù do toà án tuyên;

Công dân bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khám xét, thu giữ, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản thiếu căn cứ dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Công dân đã bị truy tố ra toà để xét xử nhưng toà án tuyên bị cáo không có tội hoặc bản án kết tội của toà án cấp dưới bị toà án cấp trên hủy, tuyên bố bị cáo không có tội. Ví dụ: trường hợp của bà Nhạn ở tỉnh Phú Yên, từ một tranh chấp dân sự, bà Nhạn đã bị giam giữ; tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm, bà Hoà đã được TANDTC tuyên vô tội. Tính ra, bà Nhạn đã bị giam giữ oan 4 tháng 20 ngày2.

Công dân bị truy tố và bị xét xử, kết án theo một tội danh nặng hơn so với tội danh trên thực tế đã phạm và bản án đó được toà án cấp trên sửa theo hướng nhẹ hơn.

Số liệu của các cơ quan tư pháp cho thấy, tình trạng xử lý oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự đang là vấn đề rất bức xúc và đáng lo ngại. Trong khi đó, thực tế công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan, sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra còn tồn tại nhiều bất cập, không theo một cơ chế thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời những yêu cầu yêu cầu hỏi chính đáng của người dân khi mà tài sản, uy tín, danh dự, các quyền và lợi ích hợp pháp khác, thậm chí cả tính mạng của họ bị xâm phạm.

Ví dụ như anh Bùi Minh Hải bị kết tội giết người, hiếp dâm và cướp tài sản công dân với án tù chung thân. Sau 13 tháng chấp hành hình phạt, anh Hải được VKSND tỉnh ra quyết định trả tự do vì không phạm tội, được bồi thường thiệt hại vật chất 60 triệu đồng và bồi thường danh dự 5 triệu đồng. Kinh phí bồi thường tạm thời lấy từ kinh phí hậu cần của công an tỉnh. Trong khi đó anh Phạm Văn Kiên ở Thái Bình cũng bị kết án 6 tháng tù giam và bồi thường 30 triệu cho nạn nhân, sau đó được TAND TC giám đốc thẩm tuyên vô tội. 5 cơ quan CA, VKSND, TAND huyện Hưng Hà và VKSND, TAND tỉnh Thái Bình cùng đóng góp 27 triệu bồi thường cho anh Kiên.3

 

Việc bồi thường trong các vụ oan sai đã được xử lý cho thấy vẫn chưa có một cách thức thống nhất nào được áp dụng mà mức bồi thường phần lớn phụ thuộc vào sự "tự nguyện" của các cơ quan tố tụng hoặc của chính quyền địa phương. Trong các báo cáo chính thức của các cơ quan nhà nước hữu quan cũng mới chỉ đưa ra các con số thống kê về số lượng các vụ oan sai chứ chưa có thống kê cụ thể nào về việc xử lý các trường hợp sai phạm. Những thông tin về các trường hợp xử lý oan, sai chủ yếu được các cơ quan báo chí đăng tải.

II. Các quy định của pháp luật

Mặc dù trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có một đạo luật hay pháp lệnh quy định riêng về việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra nhưng cũng đã có một số quy định trong Hiến pháp và các đạo luật có liên quan. Những quy định này tuy chưa được chi tiết và đầy đủ nhưng đã tạo cơ sở bước đầu cho việc thực hiện bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, cụ thể là:

1. Điều 72 Hiến pháp 1992 quy định: "Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự";

Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: "Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét giải quyết nhanh chóng các khiếu nại và tố cáo, thông báo bằng văn bản kết quả cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.

Cơ quan đã làm oan phải khôi phục lại danh dự, quyền lợi và bồi thường cho người bị thiệt hại. Cá nhân có hành vi trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".

Điều 624 Bộ luật Dân sự quy định: "Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền đó có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ".

Các điều 609, 612, 613, 614, 615 và 616 của Bộ luật Dân sự quy định về cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại, cách thức xác định thiệt hại ở đây bao gồm thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp về tài sản, tinh thần, sức khoẻ tính mạng, danh dự nhân phẩm uy tín, và theo quy định thì các trường hợp oan sai nếu có thiệt hại và có yêu cầu của bên bị hại thì sẽ được bồi thường theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời.

Để hướng dẫn thực hiện các quy định này, ngày 3/5/1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra; ngày 30/3/1998 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước cho bồi thường thiệt hại và ngày 04/6/1998 Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ ban hành Thông tư số 54/1998/TT-TCCP hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 47/CP.

Trong số các văn bản trên, Nghị đinh 47/CP được xem là văn bản quan trọng để giải quyết bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan sai, tuy nhiên Nghị định này mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, trình tự chung mà chưa quy định một cơ chế, chính sách xác định mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể. Nghị định không quy định nguyên tắc và cơ sở pháp lý để xác định người có thẩm quyền thuộc cơ quan tiến hành tố tụng nào có trách nhiệm bồi thường cho các trường hợp bị oan sai trong từng giai đoạn từ khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử, thi hành án nên dẫn đến tình trạng đùn đầy trách nhiệm giữa các cơ quan, kéo dài việc giải quyết bồi thường không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chưa có hướng dẫn để cụ thể hoá cách thức xác định thiệt hại vật chất và tinh thần cho người bị oan sai nên Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại cũng sẽ rất khó khăn khi đưa ra quyết định bồi thường. Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan sai chính là người có thẩm quyền quyết định mức bồi thường trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại. Theo trình tự và thủ tục xét bồi thường thiệt hại quy định trong Nghị định 47/CP và Thông tư số 54/1998/TT-TTCP thì người bị thiệt hại không có quyền tham gia vào quá trình xem xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho mình, như vậy họ không có cơ hội tự chứng minh để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình trong khi pháp luật chưa có quy định cụ thể các tiêu chí và cách thức xác định thiệt hại, chính sách bồi thường với từng trường hợp bị oan sai dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp không chấp nhận mức bồi thường do cơ quan có thẩm quyền giải quyết đưa ra và tiếp tục khiếu kiện đã kéo dài thời gian giải quyết mà quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vẫn không được đảm bảo.

Trong hoạt động tố tụng có nhiều cơ quan cùng tham gia và chịu trách nhiệm về những khâu khác nhau trong quá trình tố tụng cho nên khi có căn cứ kết luận có trường hợp bị oan, sai thì việc xác định nguyên nhân, lý do dẫn đến oan sai và trách nhiệm bồi thường thuộc về cơ quan nào là một vấn đề rất phức tạp. Ví dụ đối với trường hợp bắt, tạm giam tạm giữ oan sai thì cơ quan nào ra lệnh thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp bắt có phê chuẩn của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường. Đối với các trường hợp giải quyết oan sai khác hoặc bắt, tạm giam tạm giữ oan, sai là hậu quả của việc xử lý oan sai trước đó thì vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cơ quan nào là không đơn giản.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại đã xảy ra (điều 610 Bộ luật Dân sự). Thiệt hại là điều kiện đầu tiên làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại chỉ có thể thực hiện được đầy đủ và chính xác khi xác định được toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần để trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường.

Cách thức xác định mức độ bồi thường thiệt hại của các trường hợp bị oan sai thông qua Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định của Nghị định 47/CP còn nhiều khiếm khuyết. Hội đồng chỉ đưa ra ý kiến tư vấn cho thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bồi thường quyết định mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại. Quyết định về mức bồi thường và phương thức bồi thường của thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra cũng chỉ là ý kiến đơn phương và sẽ chưa có hiệu lực nếu bên bị oan sai chưa đồng ý.

Cách tính toán xác định mức độ thiệt hại và phương thức bồi thường cho các trường hợp bị oan sai được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt nam như sau:

Đối với các thiệt hại về danh dự, uy tín bị xâm phạm thường là khó xác định. Thực chất là xác định những tổn thất vật chất, chi phí mà người bị hại đã phải bỏ ra nhằm phục hồi tình trạng ban đầu, có thể khắc phục bằng hình thức như cải chính, phục hồi danh dự trên phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với việc thông báo công khai về việc giải quyết oan sai của cơ quan có thẩm quyền tới địa phương của người bị hại cư trú (điều 615 Bộ luật dân sự);

Thiệt hại là thu nhập thực tế của đương sự trong thời gian bị giam giữ, tù có thể được xác định theo nguyên tắc: thu nhập thực tế bị mất, nếu thu nhập thực tế không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Nếu thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như bị thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản thì thiệt hại được bồi thường bao gồm tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (điều 612 Bộ luật dân sự). Như vậy thiệt hại về tài sản bao gồm thiệt hại trực tiếp nhằm phục hồi tình trạng tài sản ban đầu của người bị thiệt hại và thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài sản trong thời gian từ khi xảy ra thiệt hại đến khi bồi thường.Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp về tài sản có thể thực hiện bằng tiền hoặc hiện vật, khi tính trị giá tài sản để bồi thường phải căn cứ vào giá trị thị trường của loại tài sản đó có tính đến khấu hao tài sản do đã sử dụng tài sản. Những thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc sử dụng, khai thác tài sản cũng như những chi phí hợp lý để hạn chế và khắc phục thiệt hại phải là những hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được nếu không có thiệt hại xảy ra và những chi phí cần thiết để hạn chế thiệt hại.

Nếu người bị oan sai bị thiệt hại về sức khỏe tính mạng thì căn cứ xác định thiệt hại có thể áp dụng điều 613 và 614 Bộ luật dân sự.

+ Điều 613 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, bao gồm tiền thuốc, viện phí, và các dịch vụ chữa bệnh khác, tiền bồi dưỡng, tiền tàu xe đi viện, tiền làm các bộ phận giả (nếu có). Nếu do yêu cầu chăm sóc nạn nhân thì chi phí trực tiếp cho người phải chăm sóc nạn nhân căn cứ theo yêu cầu của cơ sở chữa bệnh

Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút trong và sau khi điều trị của người bị thiệt hại và người phải chăm sóc; nếu thu nhập thực tế không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại; Thu nhập bị giảm sút là khoản tiền chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và sau khi điều trị, những thu nhập này phải là thu nhập thường xuyên và hợp pháp. Ngoài ra những khoản bồi thường này còn bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân theo quan hệ gia đình phải có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có);

Tuỳ từng trường hợp, Toà án quyết định buộc người xâm phạm đến sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Hiện tại không có một mức bồi thường tổn thất tinh thần chung tất cả mọi người và không thể tính được thành tiền một cách chính xác. Việc xác định tổn thất tinh thần khi sức khoẻ bị xâm hại phụ thuộc vào từng cá nhân người bị thiệt hại (hoàn cảnh gia đình, độ tuổi, nghề nghiệp, mức độ thiệt hại và cả bộ phận nào của cơ thể bị thiệt hại…)

+ Điều 614 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

Chi phí hợp lý cho việc mai táng phù hợp với phong tục tập quán;

Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

Tuỳ từng trường hợp, Toà án quyết định buộc người gây thiệt hại do xâm phạm tính mạng phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân. Việc xác định trường hợp nào phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu, ai là người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân sẽ do Toà án quyết định căn cứ vào hoàn cảnh của gia đình nạn nhân, quan hệ giữa nạn nhân và những người còn sống.

Về việc thành lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường và trình tự giải quyết được quy định trong Nghị định 47/CP.

III. Những hạn chế:

Từ các quy định trên có thể nhận thấy rằng pháp luật Việt nam đã có một số quy định về giải quyết bồi thường oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, tuy nhiên thực tế áp dụng cho thấy các quy định này mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa quy định một cơ chế, chính sách bồi thường riêng cho các vụ án oan sai. Những hạn chế của các quy định trên bao gồm:

- Chưa có căn cứ để đánh giá thế nào là xử lí oan, sai trong từng giai đoạn tố tụng;

- Chưa có quy định về nguyên tắc và căn cứ pháp lý để xác định cơ quan tiến hành tố tụng nào có trách nhiệm đối với từng trường hợp oan, sai trong mỗi giai đoạn tố tụng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, kéo dài việc giải quyết bồi thường;

- Các tiêu chuẩn cách thức xác định thiệt hại vẫn áp dụng theo quy tắc chung của Bộ luật dân sự mà chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị oan, sai;

- Chưa có cơ chế chính sách bồi thường cho từng trường hợp oan sai cũng gây nhiều tranh cãi dẫn đến tình trạng các cơ quan lúng túng trong việc giải quyết bồi thường;

- Chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm tập thể và cá nhân cán bộ của cơ quan tiến hành tố tụng có lỗi gây ra các vụ oan, sai;

- Chưa có nguồn tài chính và quy chế quản lý sử dụng để thực hiện bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan sai dẫn đến tình trạng quyết định bồi thường đã có nhưng chưa thi hành được.

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần xây dựng một cơ chế, chính sách bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tạo ra một cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về bồi thường thiệt hại cho các vụ oan sai sẽ góp phần chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương trong hoạt động tố tụng, bảo đảm bồi thường thiệt hại đúng pháp luật cho người bị oan, sai. Có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân, nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống các cơ quan tư pháp, góp phần duy trì và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một xã hội công bằng văn minh./.

 

pháp luật và cơ chế Nhà nước chnd trung hoa thực hiện bồi thường thiệt hại cho những trường hợp oan sai do cơ quan tư pháp, nhân viên cơ quan tư pháp gây ra

 

C.N Nguyễn Hoàng Hạnh

 

Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và pháp chế xã hội chủ nghĩa, các quy định pháp luật về bồi thường ngày càng có vai trò quan trọng, được mọi thành phần, mọi giai cấp trong xã hội chú ý tới. Đây chính là tất yếu lịch sử phát triển của xã hội loài người đồng thời cũng là xu thế phát triển tất yếu của xã hội Trung Quốc. ý thức và trình độ pháp luật của nhân dân ngày càng cao, khi đã hiểu biết và nắm vững các quy định của pháp luật tất yếu nảy sinh nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Những năm gần đây, các vụ kiện yêu cầu bồi thường ngày càng tăng với nhiều loại hình đa dạng. Trung Quốc tiến hành nghiên cứu pháp luật về bồi thường thiệt hại từ hơn mười năm nay và đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tế.

Trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc, Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại chưa phải là một ngành luật độc lập mà mới chỉ là một tên gọi chung của những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại. Trong nội dung của bồi thường thiệt hại, bồi thường thiệt hại vì bị oan sai do hành vi cua cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, tức là bồi thường do những án oan, án sai gây ra là một phần rất quan trọng. Quy định về bồi thường trong lĩnh vực này có ý nghĩa lớn đối với việc nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trước công dân. án sai là kết quả của việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước và cán bộ của các cơ quan đó trong quá trình thực thi chức năng, quyền hạn của mình. Việc thực thi Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại từ năm 1995 là một biểu hiện của việc hoàn thiện chế độ Nhà nước bồi thường án sai. Ngay trong Hiến pháp năm 1954, Trung Quốc đã xác lập chế độ bồi thường án sai, tiếp đó "Các quy tắc chung của Luật dân sự nước CHND Trung Hoa" và "Luật tố tụng hình sự nước CHND Trung Hoa" cũng từng bước hoàn thiện và làm phong phú thêm các quy định này. "Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại" không chỉ phát triển những quy định trong "Các quy tắc chung của Luật dân sự" về phạm vi, trình tự bồi thường, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, người có quyền yêu cầu bồi thường mà còn xác lập cả chế độ về bồi thường tổn hại cho những án sai trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự. Luật không chỉ mở rộng phạm vi của bồi thường án sai mà còn quy định cả tiêu chuẩn tính mức bồi thường trong các vụ việc bồi thường án sai và quy định phương thức bồi thường chủ yếu là phương thức trả tiền.

Sau khi "Luật Nhà nước bồi thường của nước CHND Trung Hoa" được ban hành và có hiệu lực từ năm 1995, TANDTC, VKSNDTC đã ban hành hàng loạt các văn bản dưới luật nhằm giải thích cụ thể và rõ ràng hơn các quy định trong Luật, ví dụ Giải thích về tiêu chuẩn và cách tính bồi thường; Trình tự Hội đồng bồi thường giải quyết các vụ yêu cầu bồi thường; Hướng dẫn về việc giải quyết các vụ bồi thường mà cả TAND và VKSND cùng có nghĩa vụ bồi thường; Điều lệ truy cứu trách nhiệm án sai của VKSNDTC, đồng thời có tổng kết một số án sai điển hình đã được Nhà nước thực hiện bồi thường.

Các cơ quan tư pháp của Trung Quốc luôn giữ tinh thần có sai phải sửa, các án oan, án giả, án sai một khi phát hiện là phải được sửa chữa kịp thời. Ban hành và thực thi Luật Nhà nước bồi thường là một cột mốc đánh dấu sự phát triển của chế độ pháp luật để Nhà nước thực hiện việc bồi thường cho những tổn thất do hành vi xâm phạm quyền của các cơ quan tư pháp, nhân viên của các cơ quan tư pháp gây ra. Trong Luật Nhà nước bồi thường tuy không dùng từ "án sai" nhưng các quy định pháp luật trong luật này trọng tâm lại là chế độ bồi thường án sai.

A . án sai:

I. Khái niệm

án sai là chỉ các phán quyết của cơ quan tư pháp đối với một vụ án đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác được pháp luật bảo hộ.

Trong lĩnh vực tư pháp, tiêu chuẩn cấu thành án sai trong hình sự khác với tiêu chuẩn cấu thành án sai trong tố tụng hành chính, dân sự. Cấu thành án sai trong hình sự lấy sự thực khách quan làm tiêu chuẩn cuối cùng, cấu thành án sai trong tố tụng hành chính, dân sự lấy quy tắc tố tụng do pháp luật quy định làm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, giữa chúng có điểm chung là các quyết định xử phạt hình sự sai và các quyết định sai trong hành chính, dân sự đều là án sai.

Trong thực tế, án sai được xác nhận khi xác định được hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ thể có quyền riêng biệt. Do vậy khái niệm án sai và xâm phạm quyền tư pháp luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Xét về mặt ngữ nghĩa , một án sai tương ứng với một quyết định sai. Đôi khi để tiện cho việc trình bày và phân tích, hành vi thực tế xâm hại quyền của các cơ quan Nhà nước và cán bộ của các cơ quan đó trong quá trình thực thi quyền lực cũng được coi là một nội dung của án sai, chủ yếu là dưới góc độ xem xét điểm chung của bồi thường án sai và bồi thường do hành vi xâm phạm quyền tư pháp. Các cán bộ tư pháp trong quá trình thực hiện trình tự các hoạt động tư pháp có hành vi xâm hại quyền nhân thân của công dân do thực hiện sai quyền lực Nhà nước thì cũng dẫn đến một hậu quả pháp lý giống như các quyết định sai trong lĩnh vực tư pháp. Nhưng nói một cách chặt chẽ thì các hành vi thực tế của cán bộ tư pháp trong trình tự hoạt động tư pháp không phải là án sai.

II. Hình thái án sai

Các hình thái án sai bao gồm:

Nhận định sai sự thật

áp dụng sai pháp luật

Vi phạm trình tự và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định

 

B. Các hành vi xâm phạm quyền tư pháp trong lĩnh vực hình sự và việc Nhà nước thực hiện bồi thường do xâm phạm quyền tư pháp hình sự

B.1 Các hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực hình sự

I. Xâm phạm quyền trong tố tụng hình sự

Xâm phạm quyền trong tố tụng hình sự là chỉ hành vi sử dụng quyền lực trái với quy định pháp luật của cơ quan tư pháp hình sự và các cán bộ của cơ quan này trong quá trình thực thi quyền tư pháp hình sự như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành bản án hình sự... đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hoặc các tổ chức khác. Các hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền tài sản, quyền nhân thân của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác chủ yếu là áp dụng biện pháp cưỡng chế sai đối với nhân thân, tài sản và hành vi thực tế của các cán bộ tư pháp trong quá trình thi hành công vụ.

1. Bắt giam sai:

Căn cứ vào những quy định pháp luật về tội phạm hình sự, người bị tình nghi phạm tội trước khi bị Toà án đưa ra quyết định có tội hay không phải thông qua một loạt trình tự tố tụng như điều tra, xét xử... Để bảo đảm tiến hành thuận lợi việc điều tra, xét xử, pháp luật giao phó quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế cho cơ quan tư pháp hình sự là cần thiết. Trong thực tiễn tư pháp, do những nguyên nhân như tính hạn chế của biện pháp điều tra, tính phức tạp của chính vụ án hình sự, sau khi điều tra thường xảy ra trường hợp người bị tình nghi phạm tội lại được xác định là vô tội. Khi pháp luật giao quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế cho cơ quan tư pháp hình sự đồng thời cũng quy định điều kiện và yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nếu các cơ quan tư pháp không theo quy định của pháp luật về điều kiện và yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế thì sẽ cấu thành bắt giam sai.

Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành của Trung Quốc, bắt giam trong tố tụng hình sự bao gồm bắt giữ và tạm giam. Do vậy, bắt giam sai cũng bao gồm bắt giữ sai và tạm giam sai.

Bắt giữ sai:

Bắt giữ là biện pháp cưỡng chế do cơ quan công an, cơ quan kiểm sát áp dụng trong trường hợp khẩn cấp để hạn chế tạm thời tự do nhân thân của ngưòi có hành vi phạm tội hoặc người bị tình nghi có hành vi phạm tội.

Nhận định "tình nghi có dấu hiệu phạm tội" là quyền định đoạt của cơ quan công an, cơ quan kiểm sát. Nhưng cơ quan công an, cơ quan kiểm sát phải có căn cứ thực tế đầy đủ chứng minh người nào đó có dấu hiệu phạm tội mới có thể sử dụng quy định này để áp dụng biện pháp bắt giữ. Nếu như cái gọi là "tình nghi có dấu hiệu phạm tội" không có căn cứ thực tế thì quyết định bắt giữ đưa ra đã cấu thành hành vi bắt giữ sai. Sau khi bắt giữ, phát hiện có chứng cứ phạm tội thì không phải là bắt giữ sai.

Tạm giam sai:

Theo quy định của Luật Nhà nước bồi thường thì Nhà nước chỉ bồi thường trường hợp đưa ra quyết định tạm giam sai đối với người không có sự việc phạm tội dẫn đến bắt giam người vô tội. Từ góc độ này có thể nói rằng cấu thành tạm giam sai phải có đầy đủ những điều kiện sau: cơ quan kiểm sát hoặc TAND đưa ra quyết định tạm giam; người bị tạm giam vô tội; người bị tạm giam đã bị bắt giam; giữa quyết định tạm giam sai với sự việc người vô tội bị bắt giam có quan hệ nhân quả.

Trong thực tiễn, một tình huống đặc biệt dễ dẫn đến tạm giam sai là khi đương sự thực hiện hành vi sử dụng quyền phòng vệ chính đáng. Thực hiện hành vi sử dụng quyền phòng vệ chính đáng, nhìn về bề ngoài hành vi đó đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nhưng về mặt bản chất mà nói thì nó thuộc về hành vi loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội. Xét về mục đích áp dụng biện pháp điều tra của các cơ quan tư pháp hình sự, cơ quan điều tra phải áp dụng biện pháp điều tra nhất định đối với người phòng vệ chính đáng để điều tra rõ tính chất của hành vi đó đúng hay không. Do vậy, trong thực tiễn thường xuất hiện những trường hợp người phòng vệ chính đáng bị bắt giam vô tội.

2. áp dụng biện pháp cưỡng chế, hạn chế sai quyền tài sản:

Trong tố tụng hình sự, TAND, VKSND và cơ quan công an có quyền thu thập, lấy chứng cứ của những đơn vị và cá nhân có liên quan; có quyền tịch thu các đồ vật và tài liệu có thể dùng để chứng minh những người bị tình nghi phạm tội là người có tội hoặc vô tội. Nhưng những cơ quan nói trên khi áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản phải tiến hành đúng pháp luật, không được tịch thu đồ vật, tài liệu không có liên quan đến vụ án. Nếu như đã niêm phong, tịch thu tài sản hoặc đồ vật không có liên quan đến phạm tội thì quyết định niêm phong, tịch thu này là những quyết định sai.

3. Hành vi thực tế trong quá trình thực thi quyền tư pháp hình sự:

Hành vi thực tế là chỉ người thực hiện hành vi về mặt chủ quan không có ý đồ thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật nào đó, mà chính bản thân hành vi gây nên hậu quả pháp luật. Hành vi thực tế của cán bộ các cơ quan tư pháp trong quá trình thi hành công vụ tuy thuộc về hành vi xâm phạm quyền trong trình tự tố tụng hình sự nhưng không thể cấu thành đơn độc một vụ án, do vậy người ta đưa nó vào phạm vi xâm phạm quyền về trình tự tố tụng. Trong thực tiễn, do hành vi thực tế của các cơ quan tư pháp và nhân viên tư pháp trong quá trình thực hiện quyền tư pháp hình sự mà thường xuyên xuất hiện các vụ án xâm phạm quyền và lợi ích của công dân. Căn cứ vào quy định khoản 4, 5 điều 15 và điều 16 của Luật Nhà nước bồi thường, vấn đề bồi thường cho những tổn thất do hành vi thực tế của các nhân viên tư pháp hình sự gây ra trong quá trình thi hành công vụ, chủ yếu đặt ra trong những trường hợp sau:

Sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng trái pháp luật: Nhân viên làm việc trong các cơ quan tư pháp trong khi thi hành công vụ như áp giải, bắt giữ, tạm giam người bị tình nghi phạm tội, bị cáo, có thể sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng theo quy định có liên quan. Đây vừa là sự trao quyền sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng vừa là sự hạn chế sử dụng quyền lực này. Theo quy định của pháp luật các cán bộ sử dụng vũ khí trong khi thi hành quyền tư pháp hình sự phải xác định nguyên tắc chính là ngăn chặn hành vi phạm tội trái pháp luật, cố gắng giảm bớt số người thương vong, tài sản tổn thất. Chỉ khi gặp tình huống bắt buộc phải dùng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng theo quy định của pháp luật mới có thể dùng vũ khí. Nếu không sẽ cấu thành sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng trái pháp luật.

Hành vi bạo lực như tra tấn, bức cung, đánh đập: Tra tấn, bức cung trong quá trình điều tra vụ án là khi các nhân viên tư pháp để lấy khẩu cung đã sử dụng nhục hình hoặc biến tướng nhục hình đối với bị cáo, người bị tình nghi phạm tội. Nhục hình chủ yếu là trói, treo, đánh đập hoặc dùng các dụng cụ tra tấn tiến hành huỷ hoại thể xác. Biến tướng nhục hình là chỉ những biện pháp hành hạ khác nhưng không phải là nhục hình gây tổn hại trực tiếp đến thân thể bị cáo, người bị tình nghi phạm tội, như để đói, phạt đứng, phạt quỳ, không cho ngủ...Hành vi tra tấn bức cung không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người mà kết quả đó cũng dễ dẫn đến các vụ án oan sai, vì vậy mà hầu hết các quốc gia hiện nay đều đã cấm sử dụng hành vi tra tấn bức cung.

Các nhân viên tư pháp thực hiện hành vi bạo lực tra tấn bức cung, đánh đập đối với đương sự rõ ràng không phải là hành vi mà các nhân viên tư pháp phải thi hành theo quyết định của cơ quan tư pháp, nhưng vì tra tấn bức cung xảy ra trong quá trình thi hành công vụ nên đương sự thường không dám sử dụng quyền tự vệ chống lại hành vi tra tấn bức cung và hành vi bạo lực khác. Do vậy, Luật Nhà nước bồi thường của Trung Quốc cho rằng hành vi này có liên quan tới hành vi thi hành công vụ và nếu gây ra thiệt hại thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Biện pháp cưỡng chế hình sự trái pháp luật khác :

Triệu tập sai:

Căn cứ vào quy định của Luật tố tụng hình sự, đối tượng phải triệu tập chỉ hạn chế ở bị cáo và người bị tình nghi phạm tội. Nếu như cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp triệu tập đối với nhân chứng, thì việc triệu tập đó là sai. Biện pháp triệu tập cũng là biện pháp cưỡng chế hạn chế tự do nhân thân, nếu như cơ quan tư pháp triệu tập trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân tức là đã cấu thành xâm phạm quyền.

áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh trái pháp luật:

Cấm đi khỏi nơi cư trú và bảo lãnh là biện pháp cưỡng chế hạn chế tự do nhân thân của công dân. áp dụng biện pháp bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú chỉ có thể do TAND, VKSND và cơ quan công an căn cứ vào tình hình cụ thể của vụ án ra quyết định theo pháp luật và cơ quan công an thi hành. Nếu việc áp dụng bảo lãnh và cấm đi khỏi nơi cư trú trái với những quy định, yêu cầu của pháp luật thì việc áp dụng này chính là một hành vi xâm phạm quyền tư pháp hình sự.

II. Phán quyết hình sự xâm phạm quyền tư pháp hình sự

1. Khái niệm về phán quyết hình sự xâm phạm quyền tư pháp hình sự:

Phán quyết hình sự xâm phạm quyền là phán quyết hình sự mà Toà án đưa ra trái với nguyên tắc xử đúng tội, như xử phạt đối với người không đáng phạt, tuyên phạt người vô tội hoặc áp dụng hình phạt quá nặng đối với người đáng ra chỉ phải chịu hình phạt nhẹ.

Căn cứ vào quy định Luật hình sự Trung Quốc, hình phạt phân thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính bao gồm 5 loại là quản chế, cải tạo, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình; Hình phạt bổ sung bao gồm phạt tiền, tước đoạt quyền lợi chính trị và tịch thu tài sản. Tương ứng với nó, phán quyết hình sự xâm phạm quyền cũng phân thành: xử tử hình sai, phạt tù chung thân sai, phạt tù sai, phạt cải tạo sai, phạt quản chế sai, phạt tiền sai, tước quyền lợi chính trị sai và tịch thu tài sản sai. Quyết định tuyên án vô tội sai tuy thuộc về phán quyết hình sự sai, nhưng không phải là phán quyết hình sự xâm phạm quyền. Xử phạt nhẹ đối với người phải xử phạt nặng cũng không cấu thành xâm phạm quyền tư pháp hình sự.

2. Các loại phán quyết hình sự xâm phạm quyền tư pháp hình sự:

Phán quyết (bản án) hình sự xâm phạm quyền là quyết định theo kết quả cuối cùng của vụ án thuộc về một loại trong hình phạt sai. Căn cứ theo quy định của Luật tố tụng hình sự, hình phạt sai chủ yếu có 2 hình thức biểu hiện như sau:

Phán quyết hình sự nhận định sự việc sai dẫn đến quyết định sai:

Sự việc phạm tội là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Trong tố tụng hình sự, sự nhận định của Toà án đối với thực tế vụ án căn cứ vào chứng cứ do bên khởi kiện đưa ra. Bên khởi kiện giao chứng cứ không có thật, Toà án sử dụng chứng cứ sai thì sẽ dẫn đến nhận định sự việc sai. Đương nhiên, TAND không tiếp nhận chứng cứ có giá trị do bên khởi kiện cung cấp, dẫn đến tuyên án sai cũng thuộc về hình phạt sai.

Phán quyết hình sự áp dụng sai pháp luật:

Kết quả tố tụng hình sự liên quan đến quyền tự do nhân thân, quyền tài sản thậm chí quyền tính mạng, sức khoẻ của công dân, bởi vậy, phán quyết hình sự được coi là quyết định kết quả cuối cùng của cả quá trình tố tụng hình sự phải tuân theo quy định của pháp luật.

Phán quyết hình sự áp dụng sai pháp luật có thể dẫn đến xác định tính chất của vấn đề sai, người phạm tội này lại bị xử phạt theo tội kia, người vô tội lại bị xử phạt có tội… tất cả đều dẫn đến án sai. Phán quyết hình sự áp dụng sai pháp luật có thể dẫn đến kết quả khác là nhận định trách nhiệm sai, bao gồm tội nặng xử phạt nhẹ, tội nhẹ xử phạt nặng, xử phạt người vô tội và người có tội được tuyên án vô tội. Những phán quyết trên đều là phán quyết sai. Luật hình sự và các quy phạm pháp luật hình sự khác của Trung Quốc đều đã quy định mức hình phạt đối với các loại tội phạm, nếu đưa ra quyết định vượt quá mức hình phạt theo quy định của pháp luật, lạm dụng quyền định đoạt tư pháp, xử phạt người vô tội hoặc tội nhẹ xử phạt nặng, tội nặng xử phạt nhẹ...đều là phán quyết hình sự sai.

III. Hành vi xâm phạm quyền tư pháp hình sự khác

1. Định tội sai:

Định tội là cơ quan tư pháp đưa ra nhận định có tội đối với người thực hiện hành vi phạm tội, chủ yếu là Toà án đưa ra quyết định có tội, bao gồm quyết định hình phạt và quyết định miễn xử phạt hình sự. Trong thực tế tư pháp, việc định tội sai đơn thuần bao gồm hai loại phán quyết sai, miễn xử lý hình sự và miễn khởi tố sai. TAND không xử phạt hình sự đối với những người có hành vi đã cấu thành tội phạm thì có thể đưa ra phán quyết miễn xử lý hình sự, cơ quan kiểm sát đưa ra quyết định miễn khởi tố đối với những hành vi đã cấu thành tội phạm do tình tiết nhẹ hoặc không phải truy cứu TNHS theo quy định của pháp luật.

Những kiến nghị tư pháp xâm phạm quyền:

Kiến nghị tư pháp là hành vi của cơ quan tư pháp trong quá trình thi hành quyền lực, kiến nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm đối với người thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi TAND xác định người có hành vi phạm tội đồng thời với việc truy cứu hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, có quyền đưa ra kiến nghị xử phạt người phạm tội tại đơn vị, kiến nghị phạt hành chính đối với người phạm tội. Nếu như cơ quan tư pháp hình sự đưa ra kiến nghị dựa trên những căn cứ sai sự thật, thì đó là kiến nghị tư pháp xâm phạm quyền.

B.2. Nhà nước thực hiện bồi thường do xâm phạm quyền tư pháp trong lĩnh vực hình sự

I. Khái niệm bồi thường hình sự1:

Trên thực tế, bồi thường hình sự là bồi thường xâm phạm quyền tư pháp hình sự, cách nêu vấn đề này của các nước không giống nhau: Pháp gọi là bồi thường giam giữ và xét xử sai; Đài Loan gọi là bồi thường tù oan, Trung Quốc gọi là bồi thường hình sự. Căn cứ vào Luật Nhà nước bồi thường của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, bồi thường hình sự là việc Nhà nước bồi thường cho những tổn thất do các cơ quan Công an, Kiểm sát, Xét xử, Quản lý trại giam xâm phạm quyền nhân thân, tài sản của đương sự trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự gây nên.

Bồi thường hình sự theo quy định của pháp luật Trung Quốc có một số đặc điểm như sau:

1. Bồi thường hình sự là một loại trách nhiệm Nhà nước bồi thường.

Bồi thường hình sự phát sinh bởi những quyết định sai trong tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp, như phán quyết sai, bắt sai, tạm giam sai và có những hành vi vi phạm pháp luật như bức cung gây nên tổn hại về quyền nhân thân, quyền tài sản đối với công dân, pháp nhân và các tổ chức khác, những quyết định sai dẫn đến tổn hại và những hành vi vi phạm pháp luật do các nhân viên của cơ quan tư pháp hình sự gây ra. Do chủ thể xâm phạm là các cơ quan Nhà nước thực hiện các chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trong hoạt động tố tụng hình sự , vì vậy đương nhiên Nhà nước phải đảm nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra chứ không phải là một cá nhân nhân viên tư pháp nào đó đảm nhận.

Việc công nhận bồi thường thiệt hại thuộc về trách nhiệm của Nhà nước, nhưng không có nghĩa là không truy cứu trách nhiệm đối với nhân viên tư pháp hình sự vi phạm pháp luật và có những quyết định sai. Căn cứ vào điều 24 "Luật Nhà nước bồi thường" thì sau khi thực hiện bồi thường cơ quan có nghĩa vụ bồi thường yêu cầu nhân viên có trách nhiệm phải bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường, kỷ luật những nhân viên có trách nhiệm và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật. Việc cấu thành tội phạm phải căn cứ vào quy định của pháp luật mà truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Chủ thể của bồi thường hình sự

Chủ thể của bồi thường hình sự là các cơ quan tư pháp hình sự bao gồm: cơ quan Công an, cơ quan An ninh quốc gia, cơ quan Kiểm sát, cơ quan xét xử, cơ quan quản lý trại giam và các cơ quan quân đội có chức năng điều tra vụ án có quy định đặc biệt.

3. Bồi thường hình sự được thực hiện theo một trình tự riêng.

 

Trong bồi thường hình sự, chủ thể chịu trách nhiệm là Nhà nước, nhằm tránh việc đảm nhận trách nhiệm bồi thường ảnh hưởng đến công việc thường ngày của các cơ quan, Luật Nhà nước bồi thường của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã quy định trình tự Nhà nước thực hiện bồi thường tương đối đơn giản, đặc biệt. Bồi thường hình sự không áp dụng trình tự tố tụng, nếu đương sự không đồng ý với quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thì phải yêu cầu kháng án tới Hội đồng bồi thường của Toà án hoặc cơ quan cấp trên cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Về trình tự bồi thường hình sự, ở mỗi nước đều có quy định riêng. Nhìn chung có bốn vấn đề, thứ nhất, thực hiện chế độ thời hiệu ngắn; thứ hai, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường tự nguyện giải quyết là tiền đề mở đầu cho việc thực hiện bồi thường hình sự; thứ ba, chứng minh trách nhiệm thường là do bên nguyên cáo đảm nhận, nhưng trong thực tế thừa nhận "Sai lầm vô danh", người bị hại không phải chỉ ra cụ thể cán bộ có hành vi xâm phạm, thứ tư, ở một số nước như Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha trách nhiệm bồi thường không thực hiện biện pháp cưỡng chế. Ví dụ: ở Canada, những phán quyết toà án đưa ra quyết định Nhà nước bồi thường, không dùng biện pháp cưỡng chế, mà chỉ đề nghị Nhà nước chi trả tiền bồi thường.

II. Yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường hình sự của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa

Điều kiện cấu thành trách nhiệm bồi thường hình sự bao gồm: chủ thể; tổn hại thực tế; quan hệ nhân quả giữa tổn hại thực tế và hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể.

1. Chủ thể:

Chủ thể có hành vi xâm phạm hình sự là các cơ quan tư pháp hình sự có chức năng theo quy định của pháp luật thực hiện hoạt động tố tụng hình sự và cán bộ của các cơ quan đó, bao gồm các cơ quan công an có chức năng điều tra, giám sát, quản lý trại giam, cơ quan an ninh quốc gia, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử, cơ quan quản lý trại giam, các cơ quan bảo vệ trong quân đội có quyền điều tra những vụ án nội bộ trong quân đội và cán bộ của các cơ quan đó.

Cơ quan Công an (bao gồm cả cơ quan An ninh quốc gia), trong khi thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người bị tình nghi phạm tội (bắt giam người bị tình nghi phạm tội cần có sự phê chuẩn của cơ quan Kiểm sát), trong quá trình điều tra có quyền thẩm vấn người bị tình nghi phạm tội , hỏi nhân chứng, áp dụng các biện pháp khác như: điều tra, khám xét, tịch thu tang chứng, giấy tờ, giám định, những phán quyết của toà án sẽ quyết định bị cáo có tội hay không. Vì vậy, hoạt động tố tụng hình sự sẽ liên quan tới quyền lợi cơ bản nhất của công dân - quyền nhân thân, quyền tài sản. Các cơ quan tư pháp hình sự và cán bộ của các cơ quan đó, thực thi chức năng của mình trong tố tụng hình sự trái pháp luật gây tổn hại quyền tài sản, quyền nhân thân của công dân thì Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường những tổn hại trong phạm vi quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân, hay các tổ chức khác.

2. Tổn hại thực tế:

Nhà nước có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không phải căn cứ vào những tổn hại về quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân, các tổ chức khác. Theo quy định tại tiết 1 chương 3 "Luật Nhà nước bồi thường" những tổn hại trên thực tế phải bồi thường hình sự bao gồm: tổn hại quyền tự do nhân thân, quyền sức khoẻ, quyền tài sản. Đối với những hành vi xâm phạm làm mất quyền tự do nhân thân thì phải bồi thường về quyền tự do nhân thân, nhưng đối với những xâm phạm làm hạn chế quyền tự do nhân thân thì Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường.

3. Quyết định sai và hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan tư pháp hình sự có quan hệ nhân quả với tổn hại thực tế:

Giữa tổn hại thực tế với hành vi của cơ quan tư pháp hình sự và việc thực thi chức năng của cơ quan đó có quan hệ nhân quả, đó là yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường hình sự. Tổn hại thực tế là kết quả, còn hành vi thực hiện là nguyên nhân. Việc gây ra tổn hại thực tế có rất nhiều nguyên nhân. Nhìn từ góc độ pháp luật, không phải mọi nguyên nhân đều giống nhau, đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn hại. Nguyên nhân theo quan điểm của pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra kết quả. Vì vậy, chỉ có những hành vi của cơ quan tư pháp và cán bộ của các cơ quan này trong quá trình thực thi chức năng gây tổn hại trên thực tế thì Nhà nước mới phải chịu trách nhiệm bồi thường.

4. Những quy định của pháp luật về phạm vi bồi thường:

Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tư pháp hình sự gây ra khi những hành vi này được pháp luật quy định rõ ràng, nếu không có quy định rõ ràng, dù có gây tổn hại quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức, thì cũng không ai có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường hình sự. Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chịu trách nhiệm bồi thường hình sự chủ yếu dựa trên cơ sở "Luật Nhà nước bồi thường", chỉ có những khoản mục nằm trong phạm vi bồi thường đã được quy định trong Luật Nhà nước bồi thường, thì Nhà nước mới phải chịu trách nhiệm bồi thường hình sự.

 

III. Phạm vi bồi thường hình sự

1. Khái niệm

Phạm vi bồi thường hình sự cũng có thể gọi là phạm vi bồi thường tù oan, nó chỉ phạm vi của Nhà nước đối với những hành vi xâm phạm của cơ quan tư pháp và cán bộ của các cơ quan tư pháp trong quá trình thực thi nhiệm vụ gây tổn hại phải chịu trách nhiệm bồi thường. Phạm vi bồi thường hình sự có hai yếu tố, thứ nhất là những khoản mục mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường hình sự, thứ hai là phạm vi tổn hại mà Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường hình sự.

Phương thức Nhà nước bồi thường chủ yếu là bằng tiền. Nếu nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất do mọi hành vi của cơ quan tư pháp, cán bộ của các cơ quan đó vi phạm pháp luật trong khi thực thi nhiệm vụ, thì gánh nặng về tài chính rất lớn. Kinh tế của Trung Quốc đang ở trong thời kỳ phát triển, một mặt, tài chính rất khó có thể chi phí cho bồi thường với số lượng lớn, mặt khác, dùng thuế thu được của những người phải nộp thuế để bù đắp cho sự tổn hại của một số người là một việc không công bằng. Vì vậy, việc xác định phạm vi bồi thường hình sự được các nhà lập pháp đưa ra trên cơ sở tổng hợp các nhân tố có liên quan.

Các nước trên thế giới áp dụng căn cứ xác định phạm vi bồi thường hình sự không giống nhau. Có nước quy định trong tố tụng hình sự, phải thông qua giải thích tư pháp và án lệ để giới hạn, như ở Pháp luật tố tụng hình sự năm 1895 quy định: nếu bị cáo đã qua xét xử ở toà án cấp cao là vô tội thì có quyền yêu cầu bồi thường đối với những phán quyết là có tội trước đây dẫn đến tổn hại. ở Mỹ, phạm vi bồi thường hình sự là do quy định pháp luật của từng Bang, pháp luật Liên Bang không quy định cụ thể. ở Nhật Bản, phạm vi bồi thường hình sự được quy định trong luật bồi thường hình sự. ở ý trong Luật Nhà nước bồi thường đã đưa ra quy định mang tính khái quát. Luật Nhà nước bồi thường của Trung Quốc đưa ra quy định cụ thể đối với phạm vi bồi thường hình sự.

2. Những mục bồi thường mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường hình sự:

Những mục bồi thường mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường được quy định trong Luật Nhà nước bồi thường chỉ giới hạn ở những tổn hại về quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo quy định của điều 15 và điều 16 của luật này, có sự khác nhau giữa bồi thường hình sự về xâm phạm quyền nhân thân và bồi thường hình sự xâm phạm quyền tài sản.

Theo quy định có liên quan ở các chương và khoản 1,2,3 của điều 15 Luật Nhà nước bồi thường và thực tế tư pháp, bồi thường hình sự xâm phạm quyền tự do cá nhân chủ yếu gồm một số trường hợp sau:

(1) Bồi thường hình sự xâm phạm quyền nhân thân

Phạm vi bồi thường hình sự về xâm phạm quyền nhân thân được quy định ở điều 15 Luật Nhà nước bồi thường chỉ hạn chế ở bồi thường xâm phạm quyền tự do cá nhân và xâm phạm đến tính mạng sức khỏe. Đối với việc bồi thường xâm phạm nhân cách thì không bồi thường bằng tiền.

Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tự do cá nhân áp dụng cho các trường hợp sau:

- Những người trên thực tế không phải là phạm tội mà bị bắt giam sai. Cơ quan tư pháp chỉ được áp dụng biện pháp bắt giam khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh thực tế phạm tội, vì vậy chỉ cần sau khi áp dụng trình tự tố tụng người bị tình nghi phạm tội bị bắt giam được chứng minh là vô tội, thì trách nhiệm bồi thường hình sự bắt giam sai đã được cấu thành. Đây là kết quả của việc quy trách nhiệm theo nguyên tắc trách nhiệm pháp lý vô điều kiện.

- Những người bị tình nghi phạm tội, nhưng trên thực tế không phạm tội hoặc không có chứng cứ để chứng tỏ là phạm tội nghiêm trọng mà bị giam giữ sai. Người bị tình nghi phạm tội và người không bị tình nghi phạm tội bị bắt giam sai thì đều được hưởng quyền lợi như nhau. Trong trường hợp bắt giam sai và giam giữ sai thì đều áp dụng nguyên tắc quy trách nhiệm như nhau.

- Xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên. Bồi thường hình sự cho trường hợp này được căn cứ vào những tổn hại thực tế.

- Cơ quan quản lý trại giam không trả tự do cho những người đã mãn hạn tù mà không có lý do chính đáng.

- Những hành vi giam giữ công dân trái pháp luật của cơ quan tư pháp hình sự và cán bộ của các cơ quan này cũng là những hành vi xâm phạm làm hạn chế quyền tự do của công dân. Những xâm phạm như đã nói trên cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn bồi thường xâm phạm quyền tự do cá nhân để bồi thường.

Bồi thường xâm phạm quyền tính mạng sức khoẻ:

Tính mạng, sức khoẻ là quyền cơ bản nhất của con người. Hành vi dùng bạo lực xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác đều bị tất cả các nước trên thế giới cấm. Cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cơ bản, thông qua "Công ước cấm xử phạt và đối xử bằng nhục hình và các hình thức tàn nhẫn vô nhân đạo khác hoặc làm nhục nhân cách". Ngày 5/9/1988 Uỷ ban thường vụ quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn và gia nhập Công ước này. Trên cơ sở Công ước, mọi hành vi của cán bộ công chức hoặc một số quan chức làm trái quy định của pháp luật dẫn đến đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần, đều bị ngăn chặn, xử lý và những người bị hại đều được hưởng quyền được bồi thường một cách công bằng và đầy đủ. Theo quy định tại khoản 4,5 điều 15 Luật Nhà nước bồi thường, bồi thường hình sự vì xâm phạm tính mạng sức khỏe chủ yếu bao gồm:

+ Có hành vi bạo lực như bức cung hoặc đánh người dẫn đến công dân bị thương hoặc tử vong:

Có rất nhiều hình thức biểu hiện của hành vi bạo lực, ngoài hình thức đánh đập, còn có những hình thức phạt thân thể như phạt đứng, phạt quỳ, cưỡng bức ăn những thức ăn bẩn, phạt đứng dưới nắng, mùa nóng bắt ăn thức ăn nóng, khô; mùa đông bắt uống nước đá, không cho ngủ... đều được liệt vào các hành vi bạo lực. Về bản chất, hành vi bạo lực không phải là hành vi chức quyền. Đối với những hành vi bạo lực, pháp luật trao cho công dân quyền tự vệ. Nhưng khi người có hành vi gây hại là cán bộ Nhà nước thì người bị hại rất khó phán đoán kịp thời hành vi nào thuộc chức năng, quyền hạn của người gây hại, nên người bị hại không dám tự vệ. Sau khi phát sinh tổn hại, người gây hại bị thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị hại càng khó nhận biết những tổn hại nào do người gây hại gây nên để yêu cầu bồi thường.

Theo quy định tại điều 5 trong "quy định về bồi thường hành chính của cơ quan hành chính tư pháp và những biện pháp bồi thường hình sự" của Bộ tư pháp Trung Quốc (8/9/1995) thì hành vi bạo lực có thể phân ra thành:

- Bức cung, ngược đãi những người đang phải chịu hình phạt gây cho họ bị thương hoặc dẫn đến tử vong;

- Đánh hoặc xui khiến, dung túng người khác đánh những người đang chịu hình phạt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng;

- Làm nhục người đang chịu hình phạt gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Sử dụng vũ khí trái pháp luật làm cho công dân bị thương hoặc tử vong:

Vũ khí ở đây bao gồm súng, đạn dược quy định dùng cho cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính có liên quan. Vũ khí dùng cho cảnh giới như dùi cui, bom cay, súng hơi nước, còng số 8, cùm, dây thừng được trang bị theo quy định cho cán bộ của cơ quan công an thi hành những nhiệm vụ đặc thù khác.

Cán bộ cơ quan tư pháp sử dụng vũ khí, dụng cụ cảnh giới trái pháp luật dẫn đến công dân bị thương hoặc tử vong chủ yếu bao gồm các trường hợp sau:

- Cơ quan tư pháp đã cấp vũ khí, dụng cụ cảnh giới cho những cán bộ mà không cần phải sử dụng vũ khí, dụng cụ cảnh giới trong quá trình thực thi nhiệm vụ;

- Các cán bộ tư pháp không cần có vũ khí, dụng cụ cảnh giới, nhưng cá nhân tự mang theo vũ khí, dụng cụ cảnh giới để sử dụng trong trong quá trình thực thi nhiệm vụ;

- Cán bộ của cơ quan tư pháp được cấp vũ khí, dụng cụ cảnh giới theo quy định của pháp luật nhưng đã sử dụng trái với quy định của pháp luật hoặc sử dụng trong trường hợp không cần sử dụng vũ khí, dụng cụ cảnh giới, ví dụ: sử dụng vũ khí, dụng cụ cảnh giới đối với người vô tội.

(2) Bồi thường hình sự xâm phạm quyền tài sản

Theo quy định tại điều 16 Luật Nhà nước bồi thường: "Các cơ quan thực thi chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền tài sản, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại có quyền được bồi thường:

1. áp dụng các biện pháp trái pháp luật như: niêm phong, tịch thu, phong toả, thu giữ tài sản...

2. Xét xử lại theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử là vô tội nhưng đã chấp hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản…"

Căn cứ theo quy định của Luật TTHS: " Những vật, giấy tờ được phát hiện trong quá trình kiểm tra, khám xét" để có thể chứng minh người bị tình nghi phạm tội là có tội hoặc vô tội thì cần phải tịch thu; với những vật, giấy tờ không có liên quan gì đến vụ án thì không được tịch thu (khoản 1 điều 114 Luật TTHS của nước CHND Trung Hoa). "Đối với những vật, giấy tờ bị tịch thu, cần phải được bảo quản tốt, hoặc niêm phong thu giữ thì không được sử dụng hoặc tiêu huỷ" (khoản 2 điều 114 Luật TTHS nước CHND Trung Hoa). Để bảo đảm tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, pháp luật trao quyền cho các cơ quan tư pháp hình sự được áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản. Tuy nhiên pháp luật cũng có những quy định hạn chế phạm vi của quyền này. Nếu áp dụng trái pháp luật các biện pháp cưỡng chế tài sản dẫn đến tài sản của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác bị tổn hại thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường, chủ yếu bao gồm:

- Niêm phong, tịch thu, phong toả tài sản ngoài vụ án, gồm tài sản của những người ngoài vụ án và tài sản không có liên quan đến vụ án;

- Những người bị tình nghi phạm tội, sau khi được tuyên là vô tội mà tài sản vẫn bị niêm phong, tịch thu, phong toả, thu giữ;

- Tài sản của bị cáo, người bị tình nghi phạm tội sau khi bị niêm phong, tịch thu, phong toả mà không áp dụng theo các quy định của Luật TTHS về bảo quản, hoặc tự ý sử dụng, tiêu huỷ tài sản đã niêm phong, tịch thu, phong toả. VKSND đưa ra quyết định khởi tố đối với người bị tình nghi phạm tội, TAND sau khi đưa ra phán quyết bị cáo vô tội thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Luật Nhà nước bồi thường của nước CHND Trung Hoa quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của những hành vi vi phạm pháp luật này.

3. Những hành vi xâm phạm hình sự mà Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường hình sự:

Căn cứ vào Luật Nhà nước bồi thường và các quy định có liên quan, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những tổn hại dưới đây:

- Công dân cố ý khai sai sự thật hoặc tạo chứng cứ giả để bị coi là có tội, hoặc để bị truy cứu TNHS. Nếu hành vi bức cung tra tấn của cán bộ tư pháp hình sự dẫn đến công dân phải nhận tội thì không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường vì lý do "cố ý khai sai sự thật".

- Những người bị bắt giam nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật hình sự và luật tố tụng hình sự, bao gồm: những người không có năng lực hành vi, tình tiết rất nhẹ, không gây nguy hại lớn nên không bị coi là phạm tội; phạm tội đã quá thời hiệu truy tố; có lệnh miễn trừ hình phạt, những tội không có trong quy định luật hình sự hoặc những tội đã bị huỷ bỏ, bị cáo chết; theo quy định khác của pháp luật, pháp lệnh được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Công dân vô tội mà bị phạt tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn, cải tạo lao động, phạt tiền, tịch thu tài sản có thể được bồi thường tổn hại như: tiền bồi thường bắt giam vô tội, hoàn trả tài sản, nhưng không có quyền yêu cầu bồi thường việc định tội sai. Công dân vô tội được miễn xử lý hình sự hoặc miễn khởi tố không có quyền được Nhà nước bồi thường.

- Hành vi của cán bộ tư pháp phòng vệ chính đáng trong khi thực thi nhiệm vụ mà gây tổn hại để đấu tranh chống những hành vi phạm tội thì Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Hành vi xâm phạm tư pháp gây nên tổn hại xảy ra trước khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực thì không phải bồi thường. Điều 35 Luật Nhà nước bồi thường có quy định: "Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995". TAND tối cao đưa ra nhiều giải thích cho các trường hợp xảy ra trước khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực và quy định về phạm vi thụ lý vụ án của Hội đồng bồi thường của toà án, cơ quan Nhà nước và cán bộ của các cơ quan đó khi thực thi nhiệm vụ có hành vi xâm phạm tới công dân, pháp nhân và các tổ chức khác xảy ra trước ngày 31/12/1994. Các trường hợp này được xử lý căn cứ vào những quy định có liên quan tại thời điểm đó.

IV. Trình tự bồi thường hình sự

Trình tự xử lý của các cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

Theo quy định tại điều 20 Luật Nhà nước bồi thường: Các cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 15, 16 của luật này phải thực hiện việc bồi thường. Nhà nước Trung Quốc đã thực hiện nguyên tắc xử lý theo thứ tự của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong trình tự bồi thường hình sự.

Trình tự xử lý của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong bồi thường hình sự chủ yếu bao gồm những nội dung sau:

1. Trình tự xử lý trước:

Trình tự bồi thường hình sự có thể phát sinh do một trong hai bên cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hoặc người yêu cầu bồi thường đưa ra. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thấy rằng, những tổn hại thực tế do chính cơ quan mình gây ra thuộc diện phải được bồi thường, thì cần chủ động bồi thường cho người bị hại.

Nếu người bị hại không đồng ý phương thức bồi thường hay mức bồi thường mà cơ quan có nghĩa vụ bồi thường chủ động thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì có thể yêu cầu Hội đồng bồi thường xem xét lại. Pháp luật quy định sau khi phát sinh tổn hại thực tế mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường nhưng cơ quan có nghĩa vụ bồi thường không chủ động thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có thể yêu cầu cơ quan đó phải thực hiện việc bồi thường. Trình tự xử lý trước có thể do cơ quan có nghĩa vụ bồi thường khởi xướng theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn, cũng có thể phát sinh do người bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường và gửi đơn tới cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Nếu việc gửi đơn có khó khăn, có thể yêu cầu trình bày miệng, nhân viên của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải tiếp nhận và ghi chép lại vào sổ nhật ký của cơ quan.

Người yêu cầu bồi thường vì bị bắt giam sai ở giai đoạn khởi tố, xét xử, thì có thể đưa ra yêu cầu bồi thường với bất cứ cơ quan nào trong số các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan nào nhận được đơn yêu cầu trước thì phải giải quyết việc bồi thường.

2. Yêu cầu và thụ lý bồi thường hình sự:

Đơn yêu cầu yêu cầu bồi thường cần phải ghi rõ lý do và những chứng cứ thực tế yêu cầu bồi thường. Theo quy định Luật Nhà nước bồi thường "Người có quyền yêu cầu bồi thường nếu bị những tổn hại khác nhau, thì có thể đồng thời yêu cầu bồi thường những tổn hại đó" (điều 11). Vì vậy, mà đơn yêu cầu bồi thường cần phải ghi rõ những nội dung sau: những mục yêu cầu; thực tế bị tổn hại, nếu như phải chịu nhiều tổn hại khác nhau, thì cần phải liệt kê rõ từng mục tổn thất; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hoặc quyết định sai của cơ quan tư pháp hình sự với những tổn hại thực tế.

Theo quy định tại Điều 12 Luật Nhà nước bồi thường, trong đơn yêu cầu bồi thường phải ghi rõ những nội dung sau: Tên, giới tính, tuổi, đơn vị công tác, chỗ ở của người yêu cầu hoặc tên trụ sở của pháp nhân, tổ chức khác và tên, chức vụ đại diện pháp nhân hoặc người chịu trách nhiệm chính; cơ quan được yêu cầu bồi thường; khoản mục và mức bồi thường; lý do, căn cứ thực tế; ngày, tháng, năm làm đơn. Ngoài ra người yêu cầu cũng phải đưa ra những tài liệu chứng cứ có liên quan và những tài liệu khác như phán quyết vô tội của toà án; chứng minh được trả tự do.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường có thể tiếp nhận việc yêu cầu bồi thường trình bày bằng miệng, và phải hỏi rõ ràng tất cả những vấn đề có liên quan, ghi chép lại, sau đó đưa cho người yêu cầu bồi thường ký tên hoặc đóng dấu. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thì phải điền vào biểu đăng ký yêu cầu bồi thường hình sự.

Nếu như một người bị xâm hại cùng một lần bởi cả hành vi xâm phạm hành chính và hành vi xâm phạm tư pháp hình sự thì họ cần phải phân biệt trình tự bồi thường hành chính và trình tự bồi thường hình sự để thực hiện quyền được bồi thường.

3. Trình tự thẩm tra của các cơ quan có nghĩa vụ bồi thường :

Người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường, nhưng việc có chấp nhận yêu cầu bồi thường của người đó hay không là do cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thẩm tra quyết định đặc biệt, thẩm tra đối với những việc không có quy định chính xác trong "Luật Nhà nước bồi thường". Tham chiếu với những quy định về "bồi thường hình sự- hành chính của các cơ quan hành chính tư pháp" của Bộ Tư pháp thì những mục cần thẩm tra chủ yếu bao gồm:

- Xét xem có thuộc phạm vi bồi thường hình sự được quy định tại điều 15, 16 của Luật Nhà nước bồi thường không.

- Xem xét loại bỏ những trường hợp Nhà nước không phải chịu trách nhiệm được quy định tại Điều 17 Luật Nhà nước bồi thường.

- Người yêu cầu bồi thường đưa ra điều kiện có phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật Nhà nước bồi thường không.

- Xem có đúng là cơ quan này phải bồi thường hay không.

- Có còn thời hiệu yêu cầu bồi thường không.

- Hành vi xâm phạm xảy ra trước hay sau khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực.

- Những yêu cầu bồi thường đưa ra tài liệu liên quan có đầy đủ không.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường sau khi thẩm tra xong, cần phải đưa ra quyết định có thụ lý hay không thụ lý yêu cầu của người yêu cầu bồi thường, phải căn cứ vào vụ việc để phân biệt xem thuộc trường hợp nào trong các trường hợp sau:

+ Đối với những vụ việc nếu không thuộc cơ quan mình phải bồi thường thì phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường biết để đưa ra yêu cầu với cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

+ Đối với những vụ việc cơ quan mình không chịu trách nhiệm bồi thường, những cơ quan khác có trách nhiệm bồi thường nằm trong hệ thống của mình thì phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường biết để đưa ra yêu cầu bồi thường với cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc tự chuyển hồ sơ tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

+ Người yêu cầu bồi thường không có đủ điều kiện như quy định tại điều 6 Luật Nhà nước bồi thường thì cần phải thông báo cho người yêu cầu biết là không có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường;

+ Đối với những vụ việc xâm phạm xảy ra trước khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực hoặc yêu cầu bồi thường không thuộc phạm vi quy định tại điều 15, 16 của Luật Nhà nước bồi thường phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường biết không áp dụng được Luật Nhà nước bồi thường;

+ Đối với những trường hợp tài liệu chứng cứ không đầy đủ, phải thông báo cho người yêu cầu phải bổ sung tài liệu có liên quan;

+ Đối với trường hợp phù hợp, đầy đủ các điều kiện có thể lập án trong thời hạn pháp luật quy định thì cũng phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường biết (theo mẫu cho sẵn).

4. Quyết định xử lý của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường qua thẩm tra mà nhận thấy rằng yêu cầu bồi thường của người yêu cầu bồi thường phù hợp với các quy định có liên quan trong Luật Nhà nước bồi thường thì trong thời gian hai tháng kể từ ngày nhận đơn phải thực hiện bồi thường theo quy định của Luật Nhà nước bồi thường.

Đối với những vụ án bồi thường hình sự đã lập án thì cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải thẩm tra tài liệu vụ án kịp thời để có thể thu thập đầy đủ tài liệu có liên quan đến vụ án.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường cần đưa ra phương án bồi thường theo quy định của pháp luật, bao gồm: phương thức bồi thường, mức tiền bồi thường, những căn cứ và lý do tính mức tiền bồi thường. Luật Nhà nước bồi thường không có quy định về hình thức bồi thường, vì vậy, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và người yêu cầu có thể thoả thuận bằng hình thức miệng, nhưng phải được ghi chép lại. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải đưa ra phương án bồi thường bằng văn bản.

Người yêu cầu bồi thường đồng ý với cách xử lý của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thì cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải lập tức thực hiện bồi thường. Thời gian xử lý là 2 tháng kể từ ngày cơ quan có nghĩa vụ bồi thường nhận được đơn yêu cầu. Theo văn bản của TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn xử lý những vụ án mà TAND và VKSND cùng là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, đây là thời hạn mà TAND và VKSND được áp dụng cho những vụ án cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã quá thời hạn mà không bồi thường hoặc người yêu cầu bồi thường không đồng ý với mức bồi thường, người yêu cầu bồi thường có thể kiện lên cơ quan cấp trên trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn. Nếu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là TAND thì người có quyền yêu cầu bồi thường yêu cầu Hội đồng bồi thường của TAND cấp trên của toà án đó ra quyết định bồi thường.

5. Trình tự xử lý những vụ bồi thường mà nhiều cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường:

Người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường vì bị bắt giam sai ở giai đoạn khởi tố, xét xử, thì trong đơn yêu cầu phải nói rõ cơ quan nào cùng chịu trách nhiệm bồi thường, cơ quan nào nhận được yêu cầu trước thì sẽ là cơ quan xử lý vụ án bồi thường;

Đối với vụ án cùng có nghĩa vụ bồi thường thì cơ quan xử lý vụ án sau khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường phải gửi bản photo, đơn yêu cầu bồi thường cho cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường kia. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường chịu trách nhiệm xử lý vụ án thẩm tra những tài liệu chứng minh có liên quan theo quy định của pháp luật, sau đó mới đưa ra ý kiến quyết định bồi thường hay không bồi thường hoặc "quyết định cùng có nghĩa vụ bồi thường". Đồng thời chuyển quyết định bồi thường cho cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường kia. Cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường kia phải trả lời trong thời hạn 15 ngày. Quyết định cùng có nghĩa vụ bồi thường phải được đóng dấu và xác nhận mức tiền bồi thường phải chịu, sau đó chuyển cho cơ quan xử lý vụ án bồi thường, để cơ quan này tập hợp trả một lần cho người yêu cầu bồi thường.

Nếu như cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận đơn không trả lời, người yêu cầu bồi thường có thể kiện lên cơ quan cấp trên của cơ quan đó trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn 2 tháng trên. Nếu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là TAND, người yêu cầu bồi thường có thể kiện lên Hội đồng bồi thường của TAND cấp trên của toà án đó để đưa ra quyết định bồi thường.

Trong những vụ bồi thường mà nhiều cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường, người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường vì bị xâm phạm sức khoẻ, tài sản do cơ quan xâm phạm chịu trách nhiệm xác nhận và bồi thường. Cơ quan xử lý vụ án không phải là cơ quan có hành vi xâm phạm thì phải thông báo cho cơ quan có hành vi xâm phạm, yêu cầu cơ quan đó xác nhận và bồi thường cho người yêu cầu bồi thường.

Những vụ bồi thường được toà phúc thẩm tuyên án là vô tội thì VKS và TAND là cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Mỗi cơ quan chịu 1/2 mức tiền phải bồi thường.

6. Trình tự xem xét lại những vụ bồi thường:

Người có yêu cầu bồi thường sau khi đưa ra yêu cầu bồi thường với cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, nếu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường vượt quá thời hạn không bồi thường hoặc người yêu cầu bồi thường không đồng ý với mức tiền bồi thường mà cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là cơ quan công an (gồm cả cơ quan an ninh quốc gia), cơ quan kiểm sát, cơ quan quản lý trại giam thì cơ quan xem xét lại là cơ quan cấp trên của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

Trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại, cơ quan xem xét lại phải đưa ra quyết định xem xét lại.

Về trình tự xem xét lại, Luật Nhà nước bồi thường chỉ quy định quyết định xem xét lại và thời gian xem xét lại, còn những nội dung khác vẫn chưa có quy định.

(1) Trình tự xem xét lại những vụ án bồi thường hình sự do cơ quan hành chính tư pháp xử lý

- Yêu cầu xác nhận: Cơ quan hành chính tư pháp không xác nhận cho yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khiếu nại lên cơ quan hành chính tư pháp cấp trên. Cơ quan hành chính tư pháp cấp trên nếu không yêu cầu cơ quan hành chính tư pháp cấp dưới thực hiện việc xác nhận thì có thể tự tiến hành xác nhận.

- Đưa ra yêu cầu xem xét lại: Người yêu cầu bồi thường nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thì có thể trực tiếp khiếu nại lên cơ quan cấp trên, cũng có thể thông qua cơ quan hành chính tư pháp thụ lý vụ án chuyển giao.

- Phương thức xem xét lại: Xem xét lại phải áp dụng phương thức thẩm tra. Cơ quan phụ trách việc xem xét lại, sau khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại, cần kịp thời tiến hành thẩm tra bản án và tài liệu có liên quan. Với những sự việc không rõ ràng, có thể yêu cầu cơ quan hành chính tư pháp trước đó đã thụ lý vụ án phải bổ sung điều tra, hoặc cũng có thể tự điều tra.

- Quyết định xem xét lại: Cơ quan xem xét lại sau khi tiến hành điều tra đối với vụ án yêu cầu xem xét lại, căn cứ vào những tình tiết khác nhau để đưa ra những quyết định chính xác: + Nếu quyết định trước đây dựa trên cơ sở sự việc thực tế rõ ràng, áp dụng pháp luật chính xác thì phải được giữ nguyên; +Nếu quyết định trước đây dựa trên nhận định trên thực tế không chính xác, áp dụng pháp luật hoặc phương thức bồi thường sai, mức bồi thường không thoả đáng, thì sẽ bị huỷ, đưa ra quyết định mới.

- Quyết định xem xét lại phải được thể hiện bằng văn bản "Quyết định xem xét lại về hình sự", văn bản quyết định xem xét lại do người phụ trách cơ quan ký và đóng dấu. Văn bản quyết định có thể do cơ quan xem xét lại trực tiếp tống đạt, cũng có thể do người yêu cầu bồi thường uỷ quyền cho cơ quan hành chính sở tại tống đạt.

(2) Trình tự xem xét lại những vụ án bồi thường hình sự do cơ quan kiểm sát xử lý

Căn cứ vào "Quy định tạm thời công tác bồi thường hình sự của VKSND" do VKSNDTC ban hành, cơ quan kiểm sát là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường khi xử lý những vụ yêu cầu xem xét lại bồi thường hình sự phải tuân thủ những quy tắc sau:

- Người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu xem xét lại, VKSND cấp trên thụ lý, đưa ra quyết định xem xét lại trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận đơn.

- Chỉ thực hiện chế độ xem xét lại một lần.

- VKSND cấp trên sau khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại, cần tiến hành điều tra làm rõ sự việc: + Đơn xem xét lại có đưa ra trong thời hạn quy định của pháp luật hay không; + Có phải bồi thường hay không, tài liệu chứng minh không phải bồi thường hoặc đã quá thời hạn phải bồi thường.

- VKSND sau khi nhận được đơn xem xét lại, cần phải tiến hành thẩm tra bước đầu, chia trường hợp để xử lý: * Quá thời hạn pháp luật quy định mới đưa ra yêu cầu xem xét lại thì cơ quan xem xét lại không thụ lý; * Tài liệu yêu cầu xem xét lại không đầy đủ, phải báo cho người yêu cầu bổ sung tài liệu có liên quan.

- Cơ quan xem xét lại sau khi nhận được đơn yêu cầu xem xét lại, cần kịp thời tiến hành thẩm tra, khi cần thiết có thể điều tra thu thập tài liệu bản án có liên quan. Sự việc trên thực tế không rõ ràng có thể yêu cầu VKSND xử lý vụ án trước đây bổ sung điều tra, cũng có thể tự tiến hành điều tra.

- Sau khi tiến hành thẩm tra vụ án người trực tiếp giải quyết viết báo cáo xem xét lại của vụ án bồi thường hình sự, được sự phê duyệt của người phụ trách cơ quan, sau đó báo cáo lên Viện trưởng VKSND để phê chuẩn.

Trình tự xử lý của Hội đồng bồi thường

1. Hội đồng bồi thường của TAND:

Điều 23 Luật Nhà nước bồi thường quy định TAND từ trung cấp trở lên phải thành lập Hội đồng bồi thường, gồm 3 đến 7 thành viên. Hội đồng bồi thường đưa ra quyết định bồi thường, thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Quyết định của Hội đồng bồi thường là quyết định có hiệu lực pháp luật, phải được thi hành.

Ngày 23/12/1994 TANDTC ra thông báo thành lập Hội đồng bồi thường: yêu cầu TAND từ trung cấp trở lên thành lập Hội đồng bồi thường. Hội đồng bồi thường cấp trung gồm 3 hoặc 5 thành viên, Hội đồng bồi thường TAND cấp cao gồm 5 hoặc 7 thành viên. Hội đồng bồi thường gồm các thẩm phán, các thành viên này phải được sự phê chuẩn của TAND cấp trên. Hội đồng bồi thường có một Chủ tịch, do Phó Chánh án kiêm Chủ tịch nhưng cũng có thể do một cán bộ chuyên trách làm Chủ tịch phụ trách công việc, thiết lập một văn phòng làm việc có từ 2 đến 4 nhân viên. Tính đến tháng 1 năm 1995 các TAND từ trung cấp trở lên ở Trung Quốc nhìn chung đều đã thành lập Hội đồng bồi thường.

2. Yêu cầu của người yêu cầu bồi thường:

a. Lý do yêu cầu:

Người yêu cầu bồi thường có thể gửi đơn yêu cầu bồi thường cho Hội đồng bồi thường của TAND để đưa ra quyết định bồi thường, lý do yêu cầu bồi thường phải thuộc một trong các trường hợp sau:

- Không đồng ý với quyết định của cơ quan xem xét lại đưa ra vì cho rằng cơ quan xem xét lại quyết định mức tiền bồi thường quá ít;

- Cơ quan xem xét lại không ra quyết định trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xem xét lại;

- TAND được coi là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận đơn yêu cầu xem xét lại không ra quyết định

b. Thời gian yêu cầu:

Người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định của cơ quan xem xét lại thì có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường với Hội đồng bồi thường của toà án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xem xét lại.

Cơ quan xem xét lại hoặc TAND được coi là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường không ra quyết định xem xét lại trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận đơn yêu cầu của người yêu cầu bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có thể đưa đơn yêu cầu với Hội đồng bồi thường của TAND trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn 2 tháng.

c. Hình thức yêu cầu:

Người yêu cầu bồi thường yêu cầu Hội đồng bồi thường ra quyết định bồi thường, phải nộp đơn yêu cầu bồi thường (bốn bản như nhau). Người yêu cầu bồi thường có khó khăn trong việc viết đơn thì có thể trình bày bằng miệng. Việc trình bày bằng miệng phải được ghi chép lại trong "Biểu đăng ký yêu cầu bồi thường trình bày miệng", làm thành 4 bản như nhau, sau đó người yêu cầu bồi thường ký tên đóng dấu.

Công dân, pháp nhân và các tổ chức khác khi đưa ra yêu cầu bồi thường có thể uỷ quyền cho luật sư, người thân của công dân hoặc người được đơn vị sở tại giới thiệu và những công dân khác đã được toà án cho phép là người đại diện.

d. Đưa ra yêu cầu bồi thường và kèm theo tài liệu có liên quan:

Người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường tới Hội đồng bồi thường ngoài những điều kiện phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật Nhà nước bồi thường còn phải đưa ra những giấy tờ và tài liệu chứng minh sau:

Những văn bản giấy tờ xác nhận theo quy định của pháp luật có một trong các trường hợp quy định tại điều 15, 16 Luật Nhà nước bồi thường

Quyết định bồi thường hoặc không bồi thường của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường; cơ quan có nghĩa vụ bồi thường quá hạn mà chưa đưa ra quyết định cần phải có tài liệu liên quan chứng minh.

Những văn bản pháp luật khác có liên quan, tài liệu chứng minh, ví dụ: chứng minh sự tổn hại có thật trên thực tế và những tài liệu chứng minh mối quan hệ nhân quả tồn tại giữa tổn hại thực tế với hành vi xâm phạm quyền tư pháp hình sự của các cơ quan tư pháp hình sự trong khi thực thi nhiệm vụ.

3. Lập án và thụ lý

Hội đồng bồi thường sau khi nhận đơn phải đưa ra quyết định lập án trong thời hạn 7 ngày và kịp thời thông báo cho người yêu cầu bồi thường. Nếu thiếu tài liệu có liên quan chứng minh cần phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường để bổ sung, bắt đầu tính thời hạn từ ngày nhận đầy đủ tài liệu bổ sung.

Hội đồng bồi thường qua thẩm tra nhận thấy đơn yêu cầu bồi thường không thuộc Hội đồng bồi thường thụ lý cần phải thông báo ngay cho người yêu cầu bồi thường đưa đơn yêu cầu bồi thường tới cơ quan có liên quan hoặc tự chuyển cho cơ quan có liên quan thụ lý sau đó phải thông báo lại cho người yêu cầu bồi thường.

Sau khi Hội đồng bồi thường đã lập án nhưng chưa đưa ra quyết định, nếu người yêu cầu bồi thường rút đơn yêu cầu bồi thường, Hội đồng bồi thường phải chấp thuận.

4. Trình tự giải quyết

Hội đồng bồi thường quyết định lập án giải quyết những vụ án bồi thường cần chỉ định người chuyên trách. Hội đồng bồi thường sau khi lập án trong thời hạn 15 ngày có bản photo đơn yêu cầu bồi thường tống đạt tới cơ quan xem xét lại và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã ra quyết định trước đó. Hội đồng bồi thường giải quyết những vụ án bồi thường phải theo trình tự sau:

a. Điều tra thu thập chứng cứ: Hội đồng bồi thường căn cứ vào yêu cầu giải quyết vụ án có thể thông báo cho người yêu cầu bồi thường, những nhân viên có liên quan của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và cơ quan xem xét lại hoặc nhân chứng cung cấp tin tức có liên quan, tài liệu vụ án, tài liệu chứng minh hoặc tới toà để điều tra.

b. Báo cáo với Chủ tịch Hội đồng bồi thường để chuyển giao việc giải quyết cho Hội đồng bồi thường. Những nhân viên đã thẩm tra vụ án, đưa ra nhận định thực tế vụ án bồi thường rõ ràng, chứng cứ xác thực, đầy đủ, thì cần phải có báo cáo thẩm tra vụ án, trình lên Chủ tịch Hội đồng để chuyển giao cho Hội đồng bồi thường xử lý. Báo cáo thẩm tra vụ án bao gồm những nội dung sau:

Lý do vụ án;

Tình hình cơ bản của người yêu cầu bồi thường, tên và đại diện pháp nhân của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, cơ quan xem xét lại;

Lý do và những khoản mục mà người yêu cầu bồi thường đưa ra;

Thực tế của vụ án;

Nội dung các quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và cơ quan xem xét lại;

ý kiến và lý do giải quyết.

c. Phương thức giải quyết: Hội đồng bồi thường khi giải quyết vụ án không cần phải tiến hành công khai. Hội đồng bồi thường thảo luận vụ án, thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. ý kiến của hơn một nửa uỷ viên sẽ là ý kiến quyết định của Hội đồng.

Với những vụ án quan trọng, phức tạp, khi thấy cần thiết Chủ tịch Hội đồng bồi thường có thể báo cáo với Chánh án để chuyển giao Hội đồng xét xử thảo luận quyết định. Quyết định của Hội đồng xét xử phải được Hội đồng bồi thường thi hành.

d. Quyết định.

 

Quyết định của Hội đồng bồi thường phải được làm thành văn bản và gồm có các nội dung sau:

Khái quát tình hình của người yêu cầu bồi thường, tên gọi, đại diện pháp nhân của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, cơ quan xem xét lại việc bồi thường.

Những khoản mục yêu cầu bồi thường của người yêu cầu bồi thường, các quyết định của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và cơ quan xem xét lại việc bồi thường.

Thực tế và những căn cứ nhận định của Hội đồng bồi thường.

Lý do và những căn cứ của quyết định.

Nội dung của quyết định.

Thời gian ra quyết định.

Quyết định của Hội đồng bồi thường TAND do Chủ tịch Hội đồng bồi thường ký tên và đóng dấu Toà án.

e. Thời hạn giải quyết. Đối với một vụ án bồi thường, trong thời hạn 3 tháng phải đưa ra quyết định có bồi thường hay không. Nếu tình hình vụ án phức tạp, trong thời hạn 3 tháng không đưa ra được quyết định, thì phải trình Chánh án Toà án đó phê chuẩn gia hạn thêm 1 tháng; hết thời gian gia hạn nhưng vẫn không đưa ra được quyết định yêu cầu cần phải gia hạn thêm nữa để có thời gian xử lý, phải báo cáo với TAND cấp trên phê chuẩn, thời gian gia hạn tối đa không vượt quá 3 tháng.

g. Xét xử lại. Quyết định của Hội đồng bồi thường sau khi có hiệu lực, mà Hội đồng bồi thường phát hiện những nhận định thực tế hoặc việc áp dụng pháp trước đây là sai, thì phải sửa quyết định trước đây, nhưng phải được sự đồng ý của Chánh án Toà án đó hoặc TAND cấp trên, Hội đồng bồi thường cần phải xem xét lại và đưa ra quyết định theo quy định của pháp luật.

V. Phí bồi thường và Bồi hoàn

1. Phí bồi thường:

Phí Nhà nước bồi thường là chi phí của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường dùng để chi trả cho người yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điều 29 Luật Nhà nước bồi thường: " Phí bồi thường được lấy từ ngân sách tài chính các cấp, biện pháp bồi thường cụ thể do Quốc vụ viện quy định". Ngày 25/1/1995 Quốc vụ viện ban bố "Các biện pháp quản lý phí Nhà nước bồi thường". Theo quy định trong các biện pháp này, phí bồi thường Nhà nước lấy từ ngân sách tài chính các cấp, được phân cấp trách nhiệm theo thể chế quản lý tài chính. Chính quyền địa phương các cấp phải căn cứ vào tình hình thực tế của khu vực mà xác định mức phí Nhà nước bồi thường, lấy từ ngân sách tài chính cấp đó.

Phí Nhà nước bồi thường do cơ quan có nghĩa vụ bồi thường chi trả trong khoản tiền đã được dự toán của cơ quan đó.

2. Bồi hoàn phí bồi thường:

Chế độ Bồi hoàn phí bồi thường là chế độ trách nhiệm của nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước hoặc những cá nhân, tổ chức được uỷ quyền đã có sai sót phải chịu một phần hoặc toàn bộ phí phải bồi thường sau khi nhà nước đã thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Bồi hoàn phí bồi thường là một chế độ cụ thể nằm trong chế độ Nhà nước bồi thường và đã trở thành thông lệ trong xây dựng pháp luật của nhiều nước.

Về tính chất của việc Bồi hoàn phí bồi thường ở các nước còn tồn tại hai quan điểm: "Thuyết trách nhiệm đại diện" và "Thuyết tự chịu trách nhiệm". "Thuyết trách nhiệm đại diện" cho rằng nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà gây tổn hại thì phải chịu trách nhiệm, Nhà nước đã đại diện chi trả tiền bồi thường tổn hại, vì vậy, Nhà nước có quyền thu hồi lại phí bồi thường từ nhân viên có hành vi gây tổn hại. "Thuyết tự chịu trách nhiệm" cho rằng nhân viên cơ quan Nhà nước xâm phạm bất hợp pháp quyền lợi hợp pháp của một người đó là vi phạm chức năng nhiệm vụ, thì nhân viên đó phải tự chịu trách nhiệm, Nhà nước sẽ thu hồi phí bồi thường từ nhân viên đó là lẽ đương nhiên. Như vậy, hai quan điểm này không có gì khác nhau về bản chất, đều thừa nhận việc Bồi hoàn phí bồi thường là do nhân viên của cơ quan Nhà nước trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ vi phạm pháp luật hoặc có sai sót dẫn đến tổn hại, Nhà nước bồi thường tổn hại cho người bị thiệt hại, sau đó sẽ thu hồi lại tiền bồi thường từ các nhân viên có hành vi vi phạm. Nếu như Nhà nước không bồi thường thì không có việc Bồi hoàn phí bồi thường. Vì vậy Nhà nước bồi thường là tiền đề và cơ sở của việc thiết lập chế độ Bồi hoàn phí bồi thường.

Chế độ Bồi hoàn phí bồi thường được thiết lập bởi chế độ Nhà nước bồi thường, nó thể hiện sự kiện toàn và hoàn thiện của chế độ Nhà nước bồi thường. Trước đây rất thịnh hành học thuyết "Nhà nước không chịu trách nhiệm", rất nhiều quốc gia thực hiện nguyên tắc "chủ quyền miễn trừ" nhân viên Nhà nước xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức bị coi là hành vi cá nhân, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường vì thế xuất hiện rất nhiều vấn đề:

- Nhân viên Nhà nước sống dựa vào lương, cá nhân tài lực có hạn, thường không thể bồi thường nổi những tổn hại đã gây ra cho người bị hại, như vậy không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị hại;

- Nếu nhân viên Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường thì trực tiếp ảnh hưởng đến tính tích cực và tính chủ động của nhân viên Nhà nước khi thi hành nhiệm vụ;

- Khi nhân viên Nhà nước thi hành nhiệm vụ thì người hưởng lợi ích đương nhiên là Nhà nước, xã hội và toàn thể công dân, chứ không phải là cá nhân nhân viên đó.

Vì vậy mà cá nhân nhân viên cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường là không phù hợp với nguyên tắc công bằng. Qua nghiên cứu được biết vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một số quốc gia đã bắt đầu đưa ra Luật Nhà nước bồi thường mà trong đó Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường nhưng chế độ Bồi hoàn phí bồi thường vẫn chưa được kiện toàn và hoàn thiện. Có một số quốc gia thành lập chế độ bồi thường trong đó cả nhà nước và nhân viên cơ quan Nhà nước cùng chịu trách nhiệm bồi thường. ý nghĩa tích cực của chế độ bồi hoàn là ở chỗ tăng cường tính trách nhiệm, thận trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhân viên cơ quan Nhà nước, phòng trừ lạm dụng quyền và phát sinh hành vi vi phạm pháp luật. Trong thế kỷ này rất nhiều quốc gia thực hiện chế độ Nhà nước đứng ra bồi thường sau đó thu hồi phí bồi hoàn, nhân viên Nhà nước gây nên tổn hại trong khi thực thi nhiệm vụ bất luận là sơ suất hay cố ý, tổn hại trước tiên đều là do Nhà nước bồi thường, Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường sau đó căn cứ vào lỗi của cá nhân nhân viên mà đưa ra mức bồi hoàn để thu hồi lại.

ở Trung Quốc, cho đến năm 1989 Luật tố tụng hành chính mới xác định cơ sở trách nhiệm Nhà nước bồi thường, lần đầu tiên đưa ra trách nhiệm nộp lại phí bồi thường nếu nhân viên cơ quan hành chính Nhà nước có sai sót (điều 68 Luật tố tụng hành chính), Luật Nhà nước bồi thường đã quy định thêm một bước và chế độ này mở rộng lĩnh vực bồi thường xâm phạm tư pháp. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thực hiện việc thu hồi phí bồi thường khi có đầy đủ những điều kiện sau:

- Trách nhiệm Nhà nước bồi thường đã được hình thành, tức là nhân viên Nhà nước trong khi thực thi chức năng, nhiệm vụ đã vi phạm pháp luật hoặc lạm dụng chức vụ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác gây tổn hại, giữa hành vi thực thi nhiệm vụ chức năng của nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước với sự tổn hại trên thực tế có mối quan hệ nhân quả.

- Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường.

- Nhân viên cơ quan Nhà nước phải bồi hoàn phí bồi thường do cố ý hay quá sơ ý trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ đã dẫn đến tổn hại về quyền lợi của công dân, pháp nhân và tổ chức khác.

Trong trình tự bồi hoàn phí bồi thường, trước tiên phải xác định người phải bồi hoàn phí bồi thường. Nguyên tắc quy trách nhiệm của nhân viên có trách nhiệm bồi hoàn phí bồi thường là nguyên tắc trách nhiệm do sai lầm.

Người phải bồi hoàn phí bồi thường là những người trên thực tế có hành vi gây hậu quả tổn hại như hành vi của một người hay của một cá nhân, một tổ chức được uỷ quyền thực thi chức năng, nhiệm vụ thực hiện hành vi bạo lực, ẩu đả; Thủ trưởng của cơ quan Nhà nước thực hiện chế độ thủ trưởng lãnh đạo như Viện trưởng VKS, những người chịu trách nhiệm chính trong vụ án như thẩm phán, kiểm sát viên; Trong cơ quan thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, ví dụ như Hội đồng xét xử, khi đưa ra biểu quyết có những ý kiến phản đối thì có thể miễn trừ trách nhiệm bồi hoàn phí bồi thường cho những người có ý kiến phản đối đó.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường có thể căn cứ vào mức độ sai lầm của nhân viên có trách nhiệm để xác định gánh chịu một phần hay toàn bộ phí bồi thường. Trước tiên mức tiền bồi hoàn phải được xác định căn cứ vào mức độ sai lầm của người phải bồi hoàn phí bồi thường. Một là phải phân biệt giữa cố ý và vô ý, nếu là lỗi cố ý có thể yêu cầu nhân viên này phải chịu phần lớn số tiền phải bồi thường, tổn hại là nhẹ có thể yêu cầu nhân viên đó gánh chịu toàn bộ phí bồi thường; đối với những tổn hại do vô ý có thể yêu cầu nhân viên này gánh chịu phần nhỏ của phí bồi thường. Hai là cần phải phân biệt giữa trách nhiệm chính và trách nhiệm phụ. Đối với những tổn hại do hai người trở lên cùng gây nên, xác định mức thu hồi phí bồi thường trong phạm vi phải bồi thường, người chịu trách nhiệm chính chịu phần nhiều, người chịu trách nhiệm phụ chịu phần ít. Mức bồi hoàn chỉ giới hạn trong khoản lương thu nhập của nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước và thường không được vượt quá mức tiền bồi thường được Nhà nước chi trả trên thực tế.

Pháp luật của Trung Quốc chưa đưa ra những quy định cụ thể đối với trình tự bồi hoàn phí bồi thường, cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề trợ giúp kinh tế cho những người phải bồi hoàn phí bồi thường. Bồi hoàn phí bồi thường không phải là hình thức duy nhất nhân viên Nhà nước phải chịu trách nhiệm do sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ. Nhân viên công tác trong cơ quan Nhà nước có hành vi cố ý hay quá vô ý trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ, không những gây tổn hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác mà vi phạm nghĩa vụ của người công chức cần phải chịu kỷ luật. Vì vậy ngoài việc phải gánh chịu một phần hay toàn bộ phí bồi thường ra cơ quan còn có quyền xử lý kỷ luật hành chính theo quy định của pháp luật nhưng không được lấy hình thức kỷ luật thay cho việc bồi hoàn phí bồi thường. Đối với những tình tiết nghiêm trọng, cấu thành tội phạm không làm tròn trách nhiệm cần chuyển giao cho cơ quan tư pháp truy cứu TNHS. Nói một cách ngắn gọn bồi hoàn phí bồi thường, xử lý kỷ luật và truy cứu TNHS là những biện pháp không thể thay thế cho nhau được.

 

C. Người có quyền yêu cầu bồi thường

và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

I. Người có quyền yêu cầu bồi thường

1. Khái niệm người có quyền yêu cầu bồi thường:

Người có quyền yêu cầu bồi thường là những công dân, pháp nhân hoặc tổ chức theo pháp luật có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường, tức là quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân, pháp nhân và các tổ chức bị cơ quan Nhà nước và các cán bộ Nhà nước xâm phạm trong quá trình thực hiện hành vi quyền lực trái pháp luật dẫn đến thiệt hại thì người bị thiệt hại đó có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có liên quan bồi thường.

2. Xác định người yêu cầu bồi thường:

Theo khoản 1 điều 6 "Luật Nhà nước bồi thường" Trung Quốc quy định: "Những công dân, pháp nhân và các tổ chức khác bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường". Những công dân, pháp nhân và các tổ chức khác bị thiệt hại là những công dân, pháp nhân và tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị cơ quan Nhà nước và những cán bộ làm việc tại cơ quan đó sử dụng hành vi quyền lực trái pháp luật gây ra thiệt hại. Giữa thiệt hại mà công dân, pháp nhân và tổ chức khác phải chịu và hành vi sử dụng quyền lực trái pháp luật của cơ quan Nhà nước và những cán bộ làm việc tại cơ quan Nhà nước đó phải có quan hệ nhân quả về mặt pháp luật thì người bị thiệt hại mới có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường. Bởi vậy, người có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường chỉ hạn chế ở người bị hại trực tiếp. Người bị hại gián tiếp không có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường.

II. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

 

1. Khái niệm cơ quan có nghĩa vụ bồi thường:

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là các cơ quan có nghĩa vụ thực hiện cụ thể việc tiếp nhận yêu cầu bồi thường, thanh toán tiền bồi thường, tham gia trình tự bồi thường...đối với các vụ án về bồi thường của Nhà nước.

Về thực chất trách nhiệm bồi thường xâm phạm quyền tư pháp là một loại trách nhiệm của Nhà nước do xâm phạm quyền. Nhưng Nhà nước là một thực thể chính trị trừu tượng, người bị thiệt hại không thể trực tiếp yêu cầu Nhà nước gánh vác nghĩa vụ bồi thường cụ thể mà chỉ được bồi thường thông qua các cơ quan cụ thể của bộ máy Nhà nước. Cụm từ "Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường" bắt nguồn từ "Luật Nhà nước bồi thường" của Đài Loan, dự thảo "Luật Nhà nước bồi thường" của Đài Loan đã chỉ rõ nguyên nhân sử dụng thuật ngữ này là: "Nhà nước đặt ra quá nhiều chức vụ, cơ quan, các cán bộ trong khi thi hành công vụ, một khi gây ra thiệt hại, phải do cơ quan nào thực hiện nghĩa vụ bồi thường, người bị hại khó xác định rõ, Luật này xác định rõ cơ quan mà cán bộ đó làm việc hoặc cơ quan xây dựng hoặc quản lý công trình công cộng là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường." Do dùng cụm từ "Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường" đã chỉ ra tương đối chính xác một bên đương sự phải gánh vác nghĩa vụ trong quan hệ Nhà nước bồi thường, Luật Nhà nước bồi thường Trung Quốc cũng áp dụng thuật ngữ này.

"Luật Nhà nước bồi thường" của Trung Quốc xác định cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là tuân theo nguyên tắc chủ nghĩa quyền lực: cơ quan nào nắm giữ quyền lực thì cơ quan đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, hoặc cơ quan nào có cán bộ làm việc sử dụng quyền lực trái pháp luật là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Những quy định ở khoản 1 điều 7, khoản 1 điều 19 của "Luật Nhà nước bồi thường" là những quy định nói chung về cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường không phải là chủ thể trách nhiệm Nhà nước bồi thường, mà là người gánh vác nghĩa vụ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 

2. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự:

a. Khái niệm và mô hình của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự:

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự là chỉ bên có nghĩa vụ tiếp nhận yêu cầu bồi thường hình sự, thanh toán tiền bồi thường hình sự, tham gia trình tự bồi thường hình sự. Thông thường cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự của các nước trên thế giới có hai hình thức sau: Một là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự là cơ quan có hành vi xâm phạm. Đa số các nước trên thế giới đều có xu hướng coi cơ quan xâm phạm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Hình thức này vừa tiện cho Nhà nước tiến hành kiểm tra thành tích công tác đối với những cơ quan này lại vừa tiện cho người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường. Người bị thiệt hại chỉ cần biết cơ quan nào có hành vi xâm phạm, thì có thể yêu cầu cơ quan đó bồi thường. Hai là pháp luật thiết lập một cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ bồi thường chung, cơ quan này không đồng nhất với cơ quan có hành vi xâm phạm. Theo mô hình thứ hai này, có nước lấy Bộ tài chính là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, như Thuỵ Sĩ; có nước lấy cơ quan kiểm sát là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, như Hàn Quốc.

Sự lựa chọn mô hình cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự phải xuất phát từ tình hình nội bộ của nước đó, chủ yếu là dựa vào nguyên tắc có lợi cho người bị hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. "Luật Nhà nước bồi thường" nước CHND Trung Hoa đã quy định cơ quan xâm phạm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Khoản 1 điều 19 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Khi các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam Nhà nước và cán bộ của các cơ quan này trong khi thi hành công vụ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác mà gây ra thiệt hại thì cơ quan đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường." Do vậy, ở Trung Quốc, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự là cơ quan công an, cơ quan an ninh Nhà nước, cơ quan bảo vệ quân đội (có quyền điều tra các vụ án hình sự trong nội bộ quân đội), cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử và cơ quan quản lý trại giam.

b.Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường bắt giam sai:

Khoản 2 Điều 19 "Luật Nhà nước bồi thường" nước CHND Trung Hoa quy định: "Cơ quan ra quyết định bắt giam đối với những người bị tình nghi nhưng không có sự việc phạm tội hoặc không có căn cứ chứng minh phạm tội là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường". Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành Trung Quốc, trong quá trình điều tra tội phạm hình sự, cơ quan có quyền đưa ra quyết định bắt giam bao gồm: cơ quan công an, cơ quan an ninh Nhà nước, cơ quan bảo vệ quân đội và VKSND. Những cơ quan nói trên trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng hình sự mà sử dụng quyền bắt giam sai, thì cơ quan đưa ra quyết định bắt giam là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

c.Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường tạm giam sai:

Theo khoản 3 điều 19 "Luật Nhà nước bồi thường" nước CHND Trung Hoa quy định, cơ quan ra quyết định tạm giam sai đối với người không phạm tội là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Căn cứ vào quy định của điều 59 "Luật tố tụng hình sự" Trung Quốc: "tạm giam người bị tình nghi phạm tội, bị cáo phải được sự phê chuẩn của VKSND hoặc TAND". Do vậy, chỉ có VKSND và TAND được coi là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường các vụ án tạm giam sai.

d.Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình phạt sai:

Theo pháp luật hiện hành của Trung Quốc, hình phạt chỉ có thể do TAND quyết định. Bởi vậy, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình phạt oan sai trong các vụ án Nhà nước bồi thường chỉ có thể là TAND. Toà án ra quyết định có tội đã có hiệu lực, sau đó qua trình tự luật định bị cáo được tuyên vô tội, dẫn đến đã cấu thành hình phạt sai. Căn cứ vào khoản 4 điều 19 "Luật Nhà nước bồi thường nước CHND Trung Hoa" quy định, khi xem xét lại sửa thành vô tội thì Toà án ra quyết định đã có hiệu lực trước đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Quy định cụ thể đó là:

- Sau khi Toà án cấp sơ thẩm ra quyết định, bị cáo không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng sau khi xem xét lại sửa thành vô tội thì Toà án cấp sơ thẩm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

- Toà án cấp phúc thẩm sửa đổi quyết định của Toà án cấp sơ thẩm thì Toà án cấp phúc thẩm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

- Bị cáo kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị, Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của Toà án cấp sơ thẩm hoặc sửa đổi quyết định của Toà án cấp sơ thẩm thì Toà án cấp phúc thẩm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường:

Khoản 5 điều 19 "Luật Nhà nước bồi thường nước CHND Trung Hoa" quy định, Toà án cấp phúc thẩm quyết định sửa thành vô tội, TAND ra quyết định sơ thẩm và cơ quan ra quyết định tạm giam là cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. TAND tối cao, VKSND tối cao căn cứ vào quy định của điều 1 "Giải thích các vấn đề về giải quyết các vụ án mà TAND, VKSND cùng có nghĩa vụ bồi thường", các vụ án mà Viện kiểm sát phê chuẩn tạm giam và truy tố, Toà án sơ thẩm xét xử có tội, Toà án cấp phúc thẩm mà sửa vô tội thì theo quy định pháp luật, Toà án cấp sơ thẩm và VKSND phê chuẩn tạm giam là cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Nếu VKS phê chuẩn tạm giam khác với VKS truy tố thì cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là Viện kiểm sát truy tố.

f. Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong vụ án bồi thường hình sự do hành vi thực tế gây ra:

Khoản 1 Điều 19 "Luật Nhà nước bồi thường nước CHND Trung Hoa" quy định: "Cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử. quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác mà gây ra thiệt hại thì cơ quan đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường". Bởi vậy, do hành vi sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dụng (dùi cui, còng số 8...), bạo lực, tra tấn bức cung trái pháp luật dẫn đến trách nhiệm bồi thường hình sự thì cơ quan có nhân viên áp dụng hành vi trái pháp luật đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

g. Thay đổi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự:

Chức năng tư pháp tuy không dễ thay đổi giống như chức năng hành chính, nhưng do những nguyên nhân như thay đổi khu vực hành chính...,trong thực tế cũng đã tồn tại những vấn đề sát nhập và chia tách cơ quan tư pháp, có những cơ quan tư pháp có thể do không cần thiết giữ lại mà bị giải thể. Trách nhiệm bồi thường hình sự không thể chấm dứt khi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự bị giải thể. Bởi vậy, sau khi cơ quan tư pháp được coi là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự mà bị giải thể thì phải có một cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự mới đại diện Nhà nước thực hiện nghĩa vụ bồi thường, đó chính là sự thay đổi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự. "Luật Nhà nước bồi thường nước CHND Trung Hoa" không có quy định rõ ràng về việc thay đổi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự, tham chiếu quy định của khoản 5 Điều 7 của Luật Nhà nước bồi thường về việc thay đổi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hành chính thì việc thay đổi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự phải tuân theo những quy tắc sau: cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hình sự bị giải thể thì cơ quan tư pháp tiếp quản nhiệm vụ là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan tư pháp tiếp quản nhiệm vụ mà từ chối thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì người yêu cầu bồi thường có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường với cơ quan ra quyết định giải thể, cơ quan này phải chỉ rõ cơ quan nào là cơ quan tư pháp tiếp tục nhiệm vụ của cơ quan có nghĩa vụ bồi thường cũ, hoặc tự mình tiến hành bồi thường với tư cách là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

D. Cách thức và tiêu chuẩn tính bồi thường

do xâm phạm quyền tư pháp

I. Nguyên tắc bồi thường:

Nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường do xâm phạm quyền tư pháp bao gồm nguyên tắc bồi thường toàn phần và nguyên tắc bồi thường bằng tài sản.

1 Nguyên tắc bồi thường toàn phần trong xâm phạm quyền tư pháp:

Nguyên tắc bồi thường toàn phần được áp dụng khi chủ thể xâm phạm quyền chịu mọi trách nhiệm bồi thường, nghĩa là những chủ thể đó phải bồi thường toàn bộ căn cứ vào tổn thất thực tế về tài sản do hành vi của mình gây ra. Nói cách khác, phạm vi bồi thường chỉ giới hạn trong tổn thất thực tế, tổn thất bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu.

Bồi thường xâm phạm quyền tư pháp thuộc phạm trù Nhà nước bồi thường, do vậy sẽ có một số trường hợp đặc biệt khi áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn phần. Vấn đề này biểu hiện ở hai mặt sau:

Thứ nhất, mỗi một mục bồi thường có một tiêu chuẩn xác định. Nội dung của nguyên tắc bồi thường toàn phần là tổn thất bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu, mức bồi thường được xác định theo tổn thất. Theo tiêu chuẩn tính và phương thức bồi thường được quy định trong Luật bồi thường, một số mục bồi thường được quy định tiêu chuẩn cố định về bồi thường, thì khi tính mức bồi thường phải căn cứ theo tiêu chuẩn đã được xác định. Ví dụ, quy định về xâm phạm đến tự do thân thể, tiền bồi thường của mỗi ngày được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Nếu người yêu cầu bồi thường là cán bộ Nhà nước thì mức bồi thường này nói chung là thể hiện nguyên tắc bồi thường toàn phần; nếu người yêu cầu bồi thường là nhân viên của các công ty xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc những người có thu nhập cao thì mức bồi thường này khó mà thực hiện được theo nguyên tắc bồi thường toàn phần. Còn bồi thường cho những tổn thất phải nghỉ việc do bị thương thì áp dụng nguyên tắc tổn thất bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu. Bồi thường tổn thất nghỉ việc được quy định trong Luật bồi thường được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó, mức cao nhất không được quá 5 lần tiền lương bình quân năm của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Điều này có nghĩa là xác định hạn mức bồi thường cao nhất không được quá 5 lần tiền lương bình quân năm. Ngoài ra, bồi thường cho việc gây mất khả năng lao động và bồi thường đối với những trường hợp gây chết người cũng đều thể hiện nguyên tắc này.

Quy định về mức bồi thường cao nhất này không phải là phủ định của bồi thường toàn phần mà là cách xử lý đặc biệt đối với các trường hợp Nhà nước bồi thường. Những quy định này phải được chấp hành một cách nghiêm túc khi xác định trách nhiệm bồi thường xâm phạm quyền tư pháp.

Thứ hai, khi xác định phạm vi bồi thường tổn hại do xâm hại đến quyền tài sản, có quy định cho phạm vi bồi thường tổn thất gián tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế thường chỉ bồi thường cho những tổn thất trực tiếp. Điều 28 Luật Nhà nước bồi thường quy định tiêu chuẩn tính và cách thức bồi thường thiệt hại cho quyền tài sản, trong đó từ khoản (1) đến khoản (6) quy định về phạm vi bồi thường, khoản (7) quy định: "nếu gây ra những tổn thất khác về quyền tài sản thì bồi thường theo tổn thất trực tiếp". Theo logic của điều này chỉ những tổn thất gián tiếp được quy định trong phạm vi sáu khoản đầu mới được tính bồi thường, vượt quá phạm vi này thì không được bồi thường. Trong phạm vi bồi thường quy định tại sáu khoản đầu, chỉ có quy định tại khoản (6) là bồi thường tổn thất gián tiếp, từ khoản (1) đến khoản (5) đều không có nội dung tổn thất gián tiếp. Do vậy, chỉ áp dụng bồi thường tổn thất gián tiếp đối với những trường hợp mà pháp luật đã quy định, không được bồi thường cho những tổn thất gián tiếp khi chưa có quy định.

 

2. Nguyên tắc bồi thường bằng tài sản trong xâm phạm quyền tư pháp:

Điều 25 Luật bồi thường quy định: "Nhà nước bồi thường chủ yếu bằng tiền". Tuy vậy bồi thường tài sản cũng là một nguyên tắc của bồi thường xâm phạm quyền tư pháp. Khi áp dụng nguyên tắc bồi thường bằng tài sản cho những tổn hại gây ra bởi hành vi xâm phạm quyền tư pháp cần chú ý đến các đặc điểm sau:

Thứ nhất, trả lại tài sản và phục hồi nguyên trạng là phương thức bồi thường được ưu tiên áp dụng. Điều 25 Luật bồi thường quy định: "những trường hợp có thể hoàn trả tài sản hoặc khôi phục nguyên trạng thì trả lại tài sản hoặc phục hồi nguyên trạng". Trong quá trình thực thi, cần phải xác định rõ, mặc dù bồi thường bằng tiền là hình thức chủ yếu nhưng nếu có thể trả lại tài sản hoặc khôi phục nguyên trạng thì phải ưu tiên áp dụng hai hình thức này.

Thứ hai, xâm hại đến danh dự của người bị hại chỉ phải chịu trách nhiệm xin lỗi, khôi phục lại danh dự, làm mất ảnh hưởng xấu... không phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo quy định của Luật bồi thường việc bắt người sai, giam giữ sai, xét xử sai (được cơ quan xem xét lại sửa lại vô tội, nhưng hình phạt đã được thi hành) đều dẫn đến xâm hại tự do cá nhân, nếu gây tổn hại về danh dự, thì cũng chỉ phải bồi thường tổn hại tự do cá nhân, không phải bồi thường tổn hại về tinh thần, đối với tổn hại tinh thần chỉ phải xin lỗi, khôi phục lại danh dự cho người bị hại.

 

Thứ ba, những tổn hại về tinh thần do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra không phải bồi thường bằng tiền.

Người bị hại một mặt do bị tổn hại về tự do thân thể, sức khỏe, mặt khác cũng có thể bị tổn hại về tinh thần. Về tổn hại tinh thần, một số nước phương Tây quy định bồi thường bằng "tiền an ủi, động viên". Luật bồi thường của Trung Quốc chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Trong thực tiễn, toà án thường không chấp nhận người bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường tổn hại về tinh thần.

II. Bồi thường do xâm phạm đến tính mạng và sức khoẻ

1. Bồi thường do những tổn hại đến thân thể

Điều 27 Luật bồi thường quy định: "gây tổn thương đến thân thể, phải chi trả tiền chữa bệnh và bồi thường phần thu nhập bị mất, giảm do phải nghỉ việc. Tiền bồi thường cho mỗi ngày giảm thu nhập được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó, mức bồi thường cao nhất không được quá 5 lần bình quân lương ngày của cán Nhà nước của năm trước đó". Bồi thường tổn hại về thân thể do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra cũng áp dụng quy định này.

Bồi thường tiền chữa bệnh

Về khoản bồi thường này, điều 27 Luật bồi thường không quy định tiêu chuẩn bồi thường cụ thể. Trong thực tiễn giải quyết các vụ bồi thường tiền chữa bệnh thường tham chiếu quy định trong "Các quy tắc chung của luật dân sự" và "Các biện pháp xử lý tai nạn giao thông".

(2) Bồi thường do phải nghỉ việc

Điều 27 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Tiền bồi thường cho mỗi một ngày giảm thu nhập được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó, mức cao nhất không quá 5 lần lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó."

Khi tính khoản bồi thường này cần phải chú ý đến hai yếu tố sau: Thứ nhất, tiêu chuẩn bồi thường tính theo ngày, bằng lương bình quân ngày mà Nhà nước trả cho cán bộ vào năm trước đó. Ví dụ, căn cứ theo con số mà Cục thống kê Nhà nước đưa ra, lương bình quân năm của năm 1996 là 6.210 nhân dân tệ (NDT), tính theo số ngày làm việc cả năm là 254 ngày thì lương bình quân ngày là 24,45 NDT, tức là mức bồi thường cho mỗi ngày là 24,45 NDT. Thứ hai, tiền bồi thường cao nhất cho tổn thất do phải nghỉ việc không được vượt quá 5 lần số lương bình quân của năm trước đó, tức là bồi thường cao nhất là 31.050 NDT (năm 1996).

Bồi thường do mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động

Mất khả năng lao động theo quy định tại Điều 119 "Các quy tắc chung của luật dân sự" là chỉ cơ thể bị thương dẫn đến tàn tật từ đó làm giảm hoặc mất hẳn thể lực và trí lực trong cuộc sống tinh thần cũng như cuộc sống vật chất.

Bồi thường do mất khả năng lao động, về mặt lý luận còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Một là "luận thuyết mất nguồn lợi " cho rằng bồi thường mất khả năng lao động là việc bồi thường mức chênh lệch giữa thu nhập trước và sau khi bị thương của người bị hại. Hai là "luận thuyết mất khả năng lao động" cho rằng khả năng lao động thực ra là một nguồn vốn, dựa vào năng lực của mỗi cá nhân mà thu được nguồn lợi ở mức độ nhất định, vì thế mất hoặc giảm khả năng lao động là tổn hại đến bản thân và cần được bồi thường. ở Trung Quốc lý luận để làm căn cứ bồi thường mất toàn bộ hoặc một phần khả năng lao động không phải là hai luận thuyết trên mà là "luận thuyết mất nguồn sống". Người bị hại do tàn phế mà mất đi một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động, tổn thất là người bị hại bị giảm hoặc mất đi nguồn sống, cái cần bồi thường ở đây là sinh hoạt phí bị giảm hoặc mất. Theo quy định của Luật bồi thường, khoản bồi thường này được gọi là "tiền bồi thường tàn tật".

Điều 27 Luật bồi thường quy định: "Nếu gây mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động thì phải trả tiền chữa bệnh và tiền bồi thường tàn tật. Tiền bồi thường tàn tật được xác định theo mức độ mất khả năng lao động: tiền bồi thường do mất một phần khả năng lao động tối đa không quá 10 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó; tiền bồi thường do mất toàn bộ khả năng lao động tối đa không quá 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Đối với trường hợp mất toàn bộ khả năng lao động phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động mà người bị hại phải nuôi dưỡng". Căn cứ theo quy định này thì phạm vi bồi thường cho mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động gồm: tiền chữa bệnh, tiền bồi thường tàn tật, sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động mà người bị tàn tật phải nuôi dưỡng. Khoản bồi thường thứ ba này gọi là bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp.

Bồi thường tiền chữa bệnh

Về nguyên tắc, khoản bồi thường này được tính theo phạm vi bồi thường tổn thương thông thường. Bồi thường tiền chữa bệnh được quy định tại Điều 27 Luật bồi thường phải được lý giải theo nghĩa rộng mới có thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Sẽ là không công bằng nếu chỉ bồi thường tiền chữa bệnh mà không bồi thường các khoản tổn thất khác do bị thương, ví dụ như không bồi thường tổn thất do phải nghỉ việc mà tính gộp luôn vào tiền bồi thường tàn tật.

Tiền bồi thường tàn tật

Điều 27 Luật bồi thường có áp dụng mức bồi thường tàn tật tối đa bằng 20 lần lương bình quân Nhà nước trả cho cán bộ nhân viên vào năm trước đó. Thực tế hiện nay Nhà nước bồi thường hành chính và bồi thường xâm phạm quyền tư pháp đều áp dụng các quy định của Luật bồi thường. Theo quy định trong luật này, cách tính tiền bồi thường tàn tật là:

* Đối với trường hợp mất một phần khả năng lao động, mức bồi thường cao nhất gấp 10 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Những người bị thương tổn về sức khỏe, mất đi một phần khả năng lao động nhưng chưa phải là mất toàn bộ khả năng lao động thì áp dụng theo tiêu chuẩn này. Ngành y học đã có quy định cụ thể phân định giữa mất một phần khả năng lao động và mất toàn bộ khả năng lao động. Ví dụ tổn thương ở chi dưới, nếu mất một bên từ đầu gối xuống thì quy định là mất một phần khả năng lao động, mất cả hai bên được quy định là mất toàn bộ khả năng lao động, hoặc mất hẳn một chân là mất một phần khả năng lao động còn mất cả hai chân là mất toàn bộ khả năng lao động. Việc đánh giá mất một phần hay mất toàn bộ khả năng lao động phải căn cứ theo giám định pháp y, không được chỉ dựa vào đoán định chủ quan.

Xác định mức bồi thường tương ứng cho trường hợp mất một phần khả năng lao động phải dựa trên mức độ thương tật thực tế, tuy nhiên mức bồi thường cao nhất cũng chỉ bằng 10 lần lương bình quân của cán bộ nhà nước năm trước đó.

* Đối với trường hợp mất toàn bộ khả năng lao động, mức bồi thường cao nhất bằng 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Theo quy định của Luật bồi thường thì chỉ cần chứng nhận giám định thương tật mất toàn bộ khả năng lao động là được lĩnh khoản bồi thường này.

Bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp

Người bị hại gián tiếp bao gồm hai loại, một là người không có khả năng lao động mà người bị hại trước khi chết phải nuôi dưỡng; hai là người không có khả năng lao động mà người bị hại trước khi bị tàn tật phải nuôi dưỡng. Theo quy định của Luật bồi thường, người bị hại gián tiếp của hành vi xâm phạm dẫn đến tàn tật phải là những người không có khả năng lao động mà người bị mất hoàn toàn khả năng lao động phải nuôi dưỡng, chứ không bao gồm những người không có khả năng lao động mà người bị mất một phần khả năng lao động phải nuôi dưỡng.

Người bị hại gián tiếp là những người không có khả năng lao động mà trực tiếp được những người đã bị chết hoặc bị tàn tật nuôi dưỡng trước khi họ bị các hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra cái chết hoặc bị tàn tật.

Điều 27 Luật bồi thường quy định: "Tiền sinh hoạt phí được tính căn cứ theo quy định liên quan về trợ giúp sinh hoạt của cơ quan dân chính của địa phương đó. Nếu người được nuôi dưỡng là vị thành niên thì được nhận sinh hoạt phí đến năm 18 tuổi, những người không có khả năng lao động khác được nhận sinh hoạt phí cho đến lúc chết".

Về cách thức bồi thường sinh hoạt phí cần thiết, hiện nay trong thực tiễn hoạt động tư pháp, việc chi trả tiền sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp thường áp dụng hai cách thức là : trả nhiều lần và trả toàn bộ một lần.

Trả làm nhiều lần, giống như quy định trong luật của Đức, tức là những người có hành vi xâm hại đến thân thể hoặc sức khoẻ của người khác, dẫn đến người bị hại mất hoặc giảm khả năng lao động, và người bị hại gián tiếp mất quyền được nuôi dưỡng có thể trả tiền bồi thường cho người bị hại trực tiếp và người bị hại gián tiếp theo kỳ nhưng phải đưa ra đảm bảo hợp lý. Thực tiễn ở Trung Quốc thực hiện chi trả nhiều lần theo kỳ là tương đối hợp lý, tuy nhiên vẫn chưa xem xét đến các hình thức đảm bảo, dễ dẫn đến việc chủ thể thực hiện nghĩa vụ bồi thường trốn tránh trách nhiệm.

3. Bồi thường do việc gây chết người

 

Điều 27 Luật bồi thường quy định: "Nếu gây chết người thì phải bồi thường tiền gây chết người, tiền tang lễ, tổng số tiền bằng 20 lần lương bình quân Nhà nước trả cho cán bộ nhân viên vào năm trước đó. Nếu người chết khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người không có khả năng lao động thì phải bồi thường sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động đó". Căn cứ vào quy định này thì khi có hành vi xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến chết người, Nhà nước phải bồi thường tiền gây chết người, tiền tang lễ, và sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp.

Tiền bồi thường do gây chết người và tiền tang lễ

Tiền bồi thường do gây chết người và tiền tang lễ được tính gộp với nhau. Điều 27 Luật bồi thường quy định tính gộp tiền bồi thường gây chết người và tiền tang lễ, tổng cộng bằng 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Khác với bồi thường làm chết người quy định trong "Các quy tắc chung của luật dân sự", bồi thường do hành vi xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến chết người không phân biệt độ tuổi của người chết, tất cả đều áp dụng mức bồi thường 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó.

Luật chưa quy định cụ thể về người được lĩnh tiền bồi thường của người đã chết. Thực tế, người được lĩnh khoản bồi thường này, được giới hạn trong số những người được hưởng thừa kế của người chết, thường là người thừa kế hàng thứ nhất, khi không có người thừa kế hàng thứ nhất mới đến người thừa kế hàng thứ hai.

Bồi thường sinh hoạt phí cho người bị hại gián tiếp

Hành vi xâm hại quyền tư pháp dẫn đến chết người phải bồi thường tổn thất nuôi dưỡng cho người bị hại gián tiếp, tiêu chuẩn bồi thường là tổn thất sinh hoạt phí.

III. Bồi thường do xâm phạm quyền tự do cá nhân

Bồi thường do việc xâm phạm tự do cá nhân

Tự do cá nhân là một trong các quyền lợi cơ bản của công dân, điều 37 Hiến pháp nước CHND Trung Hoa quy định rõ rằng: "Không được xâm hại tự do cá nhân của công dân nước CHND Trung Hoa".

Các cơ quan tư pháp và cán bộ của các cơ quan đó trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng có hành vi bắt người, giam người trái pháp luật, bắt sai, giam giữ sai, xử phạt hình sự sai đều cấu thành hành vi xâm phạm quyền tư pháp và phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chủ thể trách nhiệm bồi thường này là Nhà nước.

Trước khi ban hành Luật Nhà nước bồi thường, pháp luật Trung Quốc chưa có tiêu chuẩn thống nhất để thực hiện Nhà nước bồi thường. Sau khi kết thúc "đại cách mạng văn hoá" khi tiến hành sửa lại các án oan án sai mới áp dụng biện pháp "phát lương bổ sung", tức là quyền tự do bị xâm phạm trong thời gian bao lâu thì phát lương bổ sung cho thời gian không có lương đó. Sau đó lại áp dụng biện pháp "phát tiền trợ cấp sinh hoạt phí", tức là căn cứ vào thời gian bị bắt giữ sai để phát tiền trợ cấp sinh hoạt phí theo một tiêu chuẩn nhất định. Tiêu chuẩn này khác nhau tuỳ thuộc vào từng địa phương, từng đối tượng và vụ việc.

Điều 26 Luật bồi thường quy định : "Xâm phạm đến quyền tự do cá nhân thì mức tiền bồi thường hàng ngày sẽ tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước năm trước đó". Theo quy định này tiêu chuẩn bồi thường xâm hại tự do cá nhân do hành vi xâm phạm quyền tư pháp được tính theo số ngày bị mất tự do, mức bồi thường mỗi ngày bằng lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Ví dụ lương bình quân ngày của năm 1996 là 24,45 NDT, nếu bị bắt giam một năm thì tính là 365 ngày và được bồi thường là 8.924,25 NDT.

2. Giải quyết việc xâm hại tự do cá nhân đồng thời gây tổn hại đến danh dự của người bị hại:

Các cơ quan tư pháp và cán bộ của các cơ quan này trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng có các hành vi như bắt người, giam người trái pháp luật, bắt giam sai, giam giữ sai, xử phạt hình sự sai... một mặt xâm phạm đến tự do cá nhân của người bị hại mặt khác xâm hại đến danh dự của người bị hại.

Về vấn đề này một số học giả cho rằng đồng thời với việc bồi thường tự do cá nhân của người bị hại còn phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do tổn hại đến danh dự, tức là bồi thường "tiền an ủi động viên". Hướng giải quyết này có lý nhưng vẫn chưa được các nhà lập pháp áp dụng.

Luật Nhà nước bồi thường quy định, khi xảy ra tình trạng này, sau khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không phải bồi thường "tiền an ủi", mà trong phạm vi gây ảnh hưởng của hành vi xâm phạm quyền phải làm mất đi ảnh hưởng đó, khôi phục lại danh dự, phải xin lỗi. Làm mất ảnh hưởng xấu là việc Nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm quyền tư pháp xâm hại đến danh dự của công dân và phải làm mất đi những hậu quả xấu trong phạm vi ảnh hưởng đó; khôi phục lại danh dự là việc Nhà nước có trách nhiệm khôi phục lại danh dự cho người bị hại đúng như trước khi họ bị xâm hại do các hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra. Thông thường tổn hại trong phạm vi nào thì làm mất ảnh hưởng và khôi phục lại danh dự trong phạm vi ấy. Khi tiến hành quy trách nhiệm làm mất ảnh hưởng và khôi phục lại danh dự thì phải xác định rõ phạm vi và cách thức làm mất ảnh hưởng và khôi phục danh dự, tránh làm cho hậu quả đó nặng hơn.

Xin lỗi là việc cơ quan Nhà nước công khai nhận lỗi trước người bị hại, thể hiện ý xin lỗi. Lãnh đạo của cơ quan tư pháp có hành vi xâm phạm quyền tư pháp hoặc lãnh đạo của cơ quan hành pháp thể hiện ý xin lỗi bằng miệng trước người bị hại, cũng có thể xin lỗi bằng văn bản. Cách xin lỗi này là một hình thức của trách nhiệm dân sự chứ không chỉ là xin lỗi theo đạo lý thông thường, do vậy mà nó có tính cưỡng chế nhất định.

IV. Bồi thường xâm hại quyền tài sản

1. Phạm vi bồi thường thiệt hại tài sản

Những tổn hại về quyền tài sản do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra phải được bồi thường. Điều 28 Luật bồi thường thiệt hại đã đưa ra những quy định cơ bản đối với bồi thường thiệt hại quyền tài sản. Xác định phạm vi bồi thường thiệt hại tài sản phải căn cứ vào tổn thất thực tế, tổn thất bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu. Điều 117 "Các quy tắc chung của luật dân sự" quy định: "Chiếm giữ tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc của cá nhân thì phải trả lại tài sản, nếu không thể trả lại tài sản thì bồi thường ngang giá". "Làm hỏng tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc cá nhân phải phục hồi nguyên trạng hoặc bồi thường ngang giá". "Người bị hại gặp phải những tổn thất lớn do bị xâm phạm quyền thì người có hành vi xâm hại quyền phải bồi thường tổn thất". Chính vì vậy, khái niệm bồi thường thiệt hại tài sản bao gồm bồi thường bằng tiền cho tài sản bị tổn hại và bao gồm bồi thường bằng tài sản, trả lại tài sản và khôi phục lại nguyên trạng.

Xác định nguyên tắc bồi thường thiệt hại này căn cứ vào tính chất bồi thường thiệt hại xâm phạm quyền. Mặc dù các học giả vẫn còn có những tranh luận về bồi thường đơn thuần và đền bù kiêm trừng phạt, nhưng họ không có ý kiến khác nhau về việc xác định tính chất cơ bản nhất và chủ yếu nhất của nó là "bồi thường thiệt hại cho người bị hại". Tuy pháp luật chủ trương bồi thường thiệt hại có kèm theo trừng phạt, nhưng tính trừng phạt ở đây chỉ là một tính chất phụ. Vì vậy, việc đền bù chỉ căn cứ vào mức độ tổn thất tài sản là bao nhiêu, bồi thường nhiều hơn tổn thất tức là đã vượt ra ngoài ý nghĩa của việc đền bù; bồi thường ít hơn tổn thất thì không đạt được yêu cầu đền bù; chỉ có căn cứ vào tổn thất thực tế, tổn thất bao nhiêu thì bồi thường toàn bộ bấy nhiêu mới thể hiện được nguyên tắc đền bù trong bồi thường thiệt hại.

2. Hoàn trả tài sản

Giải quyết hậu quả tổn hại do chiếm giữ tài sản, trước tiên phải xem xét đến việc hoàn trả tài sản, tức là khi xử lý vụ án chiếm giữ tài sản nếu có thể hoàn trả tài sản thì nhất định phải áp dụng hình thức hoàn trả tài sản. Điều này có nghĩa là chỉ cần tài sản cũ còn tồn tại thì sẽ trả lại tài sản đó, tức là tôn trọng quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Quyền sở hữu tài sản là quyền tuyệt đối, bao gồm 4 loại quyền năng là: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền hưởng lợi và quyền xử lý. Khi giải quyết tổn hại do xâm phạm quyền, khôi phục quyền chiếm hữu là điều kiện cơ bản để người bị hại giành lại được quyền sở hữu. Đồng thời hoàn trả tài sản có thể giảm bớt được nhiều phiền phức khi tính toán tiền bồi thường thiệt hại, dễ giải quyết tranh chấp.

Để hoàn trả tài sản phải có hai điều kiện sau: một là hình thức của hành vi xâm phạm quyền là chiếm giữ tài sản, hai là tài sản cũ vẫn còn tồn tại. Trả bằng tài sản cùng chủng loại là bồi thường thực tế chứ không phải là hoàn trả tài sản bởi vì hoàn trả tài sản nghĩa là trả lại tài sản cũ. Tài sản cũ đó là tài sản đặc định hoặc chủng loại tài sản đã được đặc định hoá. Mất tài sản đặc định thì không có cách nào để hoàn trả tài sản, còn mất chủng loại tài sản được đặc định hoá thì có thể bồi thường thực tế bằng tài sản cùng chủng loại, nhưng việc hoàn trả lại tài sản đó cũng phải bằng tài sản cũ. Nếu tài sản vẫn còn nhưng do những nguyên nhân như đã sử dụng hoặc bảo quản không tốt làm ảnh hưởng đến giá trị và giá trị sử dụng của tài sản, ví dụ tài sản bị chiếm giữ và sử dụng dẫn đến bị cũ, thông thường phải hoàn trả tài sản nhưng khi hoàn trả phải tính tổn thất giá trị để bồi thường. Nếu tài sản vẫn còn nhưng đã mất hoàn toàn giá trị hoặc giá trị sử dụng, không thể phát huy tác dụng vốn có của nó thì việc hoàn trả tài sản không có ý nghĩa nên chỉ có thể tính giá trị để bồi thường.

Nếu hành vi xâm phạm quyền tư pháp của cơ quan tư pháp hoặc cán bộ của cơ quan đó tước đi quyền chiếm hữu tài sản của người bị hại, mà tài sản đó lại là một trong số các phương tiện kiếm sống của người bị hại thì ngoài việc hoàn trả lại tài sản ra còn phải bồi thường các khoản tổn thất trực tiếp khác do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra.

Một vấn đề đáng quan tâm nghiên cứu là việc hoàn trả tài sản có phải nhất định xem xét đến yếu tố sinh lợi hay không. Đây thực tế là vấn đề bồi thường cho tổn thất gián tiếp. Trong luật về xâm phạm quyền thời cổ đại của Trung Quốc đã có những khẳng định rõ ràng về điểm này, quy định người có hành vi xâm hại sau khi thực hiện hành vi xâm hại, thì lợi tức sản xuất thu được từ tài sản bị chiếm giữ, hoa lợi thu được từ đất canh tác phải trả lại cho chủ. Tuy nhiên không phải mọi hành vi chiếm giữ tài sản đều dẫn đến tổn thất gián tiếp, mà cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể mới xác định được.

áp dụng biện pháp hoàn trả tài sản trong bồi thường xâm phạm quyền tư pháp chủ yếu bao gồm các trường hợp sau:

Phạt tiền sai phải hoàn trả, tức là hoàn trả toàn bộ số tiền đã phạt cho người bị hại;

Truy thu tài sản sai phải hoàn trả toàn bộ số tài sản đã truy thu đó cho người bị hại;

Trưng thu tài sản, thu phí trái với quy định của Nhà nước phải hoàn trả tài sản và tiền đã thu cho người bị hại.

3. Khôi phục nguyên trạng

Khi xây dựng Luật bồi thường các nhà làm luật đã quy định "phục hồi nguyên trạng là hình thức trách nhiệm được ưu tiên áp dụng". Điều kiện chủ yếu để áp dụng "phục hồi nguyên trạng" là mức độ tổn hại tương đối nhẹ, bộ phận chính của tài sản không bị hỏng, chức năng cơ bản không bị ảnh hưởng, sau khi sửa chữa hoặc thay thế một vài linh kiện là có thể phát huy được tính năng của nó. Đối với những tổn thất này, phục hồi nguyên trạng có nghĩa là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường hoặc người bị hại có thể đi sửa tài sản bị hỏng đó và chi phí sửa chữa hoặc thay linh kiện do cơ quan có nghĩa vụ bồi thường chịu trách nhiệm trả. Vấn đề quan trọng ở đây là phải xác định tiêu chuẩn để áp dụng hình thức phục hồi nguyên trạng. Nếu tiêu chuẩn quá cao thì bất lợi cho người có hành vi xâm hại; nếu tiêu chuẩn quá thấp thì quyền lợi của người bị hại không được bảo đảm một cách toàn diện. Thực tế rất nhiều người chủ trương áp dụng tiêu chuẩn thấp để phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. Đã là "phục hồi nguyên trạng" thì nên lấy "nguyên trạng" làm tiêu chuẩn, tiêu chuẩn quá thấp thì quyền của người bị hại khó được bảo vệ một cách toàn diện. Khi thực hiện phục hồi nguyên trạng cũng cần chú ý đến những tổn thất gián tiếp. Tài sản bị tổn hại sau khi được sửa chữa phục hồi nguyên trạng có thể sử dụng bình thường, nhưng đã giảm tuổi thọ thì tổn thất gián tiếp này cũng phải được bồi thường.

4. Bồi thường tổn thất

 

Xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến tổn hại về tài sản, biện pháp trợ giúp về kinh tế chủ yếu là bồi thường tổn thất. Xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến tổn thất về tài sản, về cơ bản bồi thường những tổn thất trực tiếp, nhưng cũng bồi thường cho những tổn thất gián tiếp đặc biệt.

Tổn thất trực tiếp là chỉ sự giảm hụt về tài sản hiện có. Tổn thất trực tiếp do xâm phạm quyền tài sản là chỉ hành vi xâm phạm quyền của người gây hại đã chiếm đoạt hoặc làm hỏng tài sản của người bị hại, dẫn đến sự giảm hụt thực tế lượng giá trị tài sản hiện có của người bị hại. Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt không có cách nào hoàn trả hoặc không thể khôi phục nguyên trạng tài sản đã bị hỏng, giá trị và giá trị sử dụng của tài sản đã bị giảm cũng gây tổn thất trực tiếp về tài sản.

Phạm vi tính bồi thường tổn thất trực tiếp, trước tiên phải xác định được giá trị của tài sản cũ. Để tính giá trị của tài sản cũ phải căn cứ theo các yếu tố như giá trị vốn có của tài sản, thời gian có thể sử dụng của tài sản, thời gian đã sử dụng. Công thức tính như sau:

 

Giá trị tài sản cũ = Giá mua tài sản (Giá mua tài sản : Thời gian có

 

thể sử dụng) x Thời gian đã sử dụng.

Sau khi tính giá trị của tài sản cũ theo công thức trên, phải căn cứ vào mức chênh lệch giữa giá trị của tài sản cũ trước khi bị xâm hại với giá trị của tài sản còn lại sau khi bị xâm hại để tính tổn thất trực tiếp bị xâm hại, công thức là:

Tổn thất trực tiếp của tài sản = Giá trị tài sản cũ Giá trị tài sản còn

 

lại sau khi bị xâm hại = Phạm vi bồi thường.

Trong đó "giá trị còn lại của tài sản" cũng có thể gọi là "lợi ích mới sinh ra", theo nguyên tắc tổn thất về lợi ích thì lợi ích mới sinh ra nên khấu trừ từ tổn thất toàn bộ. "Giá trị còn lại của tài sản (lợi ích mới sinh ra)" chỉ tồn tại cùng với tài sản cũ chứ không nằm trong trường hợp mất toàn bộ, cho dù có trường hợp sau khi tài sản bị hỏng bị coi là tài sản cũ không còn tồn tại, nhưng tài sản còn lại đó vẫn có giá trị, súc vật bị đánh chết nhưng vẫn còn xương, thịt, da. Nếu tài sản đó bị mất hoàn toàn và không còn một chút giá trị còn lại nào thì giá trị tài sản cũ đó chính là giá trị tổn thất trực tiếp, cũng chính là phạm vi bồi thường tổn thất trực tiếp.

Cũng có thể xác định mức bồi thường tổn thất trực tiếp theo công thức sau. Gọi: "mức phải bồi thường" là S; "giá cũ của tài sản bị xâm hại" là: m; "chất lượng trước khi bị xâm hại" là P; "chất lượng sau khi bị xâm hại" là q.

Công thức:

S = m.P m.q

 

Đương nhiên, những cách tính trên chỉ là tương đối, bởi vì bản thân giá trị của tài sản thường xuyên biến động lên xuống, giữa giá cũ và giá thực tế tại thời điểm tính khác nhau, đồng thời cách tính giá trị chất lượng cũng chỉ chính xác được về mặt tổng thể. Do vậy, nếu có điều kiện, khi áp dụng các công thức trên nên qua sự đánh giá kỹ thuật của các chuyên gia, hoặc qua sự đánh giá một cách công bằng.

Xâm phạm quyền tư pháp gây tổn hại về tài sản bao gồm các trường hợp sau:

- Niêm phong, thu giữ tài sản dẫn đến hỏng hoặc mất;

- Tài sản bị trưng thu không thể trả lại được;

- Gây những tổn hại khác về tài sản.

Bồi thường tài sản do hành vi xâm phạm quyền gây ra, đối với tài sản bị hỏng, trả tiền bồi thường tương ứng với mức độ tổn hại, trong trường hợp này nên tính tiền bồi thường theo cách bồi thường ngang giá như đã nêu trên; đối với tài sản bị mất, trả tiền bồi thường tương ứng, tức là bồi thường theo giá trị của tài sản này; đối với những tổn hại gây ra đối với quyền tài sản thì bồi thường theo tổn thất trực tiếp.

Luật Nhà nước bồi thường của nước CHND Trung Hoa chỉ quy định một trường hợp tổn thất gián tiếp từ tổn hại tài sản do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra tại khoản 6 Điều 28 quy định nếu huỷ giấy phép, ra lệnh đình chỉ sản xuất kinh doanh phải bồi thường những chi phí thông thường cần thiết trong khoảng thời gian bị buộc đình chỉ sản xuất đó. Tổn thất này có thể coi là tổn thất gián tiếp, cần tính khoản bồi thường theo phạm vi những chi phí cần thiết mang tính thường xuyên để thực hiện bồi thường.

Các hỗ trợ khác về kinh tế

Ngoài các biện pháp giúp đỡ về kinh tế đối với người bị xâm hại tài sản đã nêu trên, còn có thể áp dụng các biện pháp trợ giúp về kinh tế sau đối với những tổn thất tài sản do hành vi xâm phạm quyền tư pháp gây ra: nếu tài sản đã đem bán đấu giá thì trả lại khoản tiền thu được từ việc bán đấu giá đó. Theo các biện pháp trợ giúp kinh tế thông thường đối với xâm hại tài sản thì chỉ cần tài sản cũ còn tồn tại thì hoàn trả lại tài sản. Tài sản đã bị bán đấu giá, tài sản tuy chưa mất, nhưng do tài sản đã được bán đấu giá theo trình tự pháp luật quy định, người mua đã được quyền sở hữu tài sản đó một cách hợp pháp, vì vậy không thể hoàn trả lại tài sản đã đem bán đấu giá, mà phải đền bù bằng hình thức khác. Do vậy, đem bán đấu giá tài sản sai dẫn đến tài sản của người bị hại mất, thì phải trả cho người bị hại khoản tiền thu được từ việc bán đấu giá đó.

V. Cách tính thời hiệu bồi thường

1. Thời hiệu bồi thường:

Theo quy định tại Điều 32 Luật bồi thường thiệt hại, thời gian tính thời hiệu bồi thường xâm phạm quyền tư pháp là 2 năm. So sánh thời hiệu bồi thường này và thời hiệu tố tụng, thông thường mọi người cho rằng cách nêu vấn đề khác nhau nhưng thực chất đều là quy định thời gian chấm dứt quyền khởi kiện. Tuy nhiên thời hiệu bồi thường quy định trong Luật bồi thường cũng có điểm khác so với thời hiệu tố tụng quy định trong "Các quy tắc chung của luật dân sự", ví dụ "Các quy tắc chung của Luật dân sự" không quy định về tạm đình chỉ thời hiệu, cũng không quy định về lý do kéo dài thời hiệu, chỉ quy định về chấm dứt thời hiệu; bên cạnh đó quy định về thời gian bắt đầu tính thời hiệu cũng khác nhau. Vì Luật Nhà nước bồi thường là một luật đặc biệt nên nó có hiệu lực loại trừ áp dụng những quy định tương ứng trong các luật cơ bản. Trong quá trình thực thi bồi thường xâm phạm quyền tư pháp phải áp dụng các quy định của Luật bồi thường chứ không áp thể áp dụng các quy định về thời hiệu tố tụng trong "Các quy tắc chung của luật dân sự".

Thời hiệu bồi thường xâm phạm quyền tư pháp được tính từ ngày hành vi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước và cán bộ của cơ quan Nhà nước bị xác nhận là vi phạm pháp luật, tức là hành vi đó bị xác nhận là vi phạm pháp luật vào ngày nào thì bắt đầu tính thời hiệu từ ngày đó, chứ không phải tính từ khi xâm hại quyền lợi của người bị hại. Chỉ có một điểm ngoại lệ là khi hành vi bị xác nhận là vi phạm pháp luật mà người bị hại vẫn đang bị bắt giam thì không tính thời gian bắt giam đó vào thời hiệu bồi thường, mà bắt đầu tính từ ngày người bị hại được thả.

2. Dừng thời gian tính thời hiệu bồi thường

 

Trong thời hạn 6 tháng cuối cùng của thời hiệu yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường do hành vi bất khả kháng hoặc do một trở ngại nào đó không thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thì tạm dừng tính thời hiệu bồi thường. Tiếp tục tính thời hiệu bồi thường kể từ ngày huỷ lý do tạm dừng tính thời hiệu.

 

Một số nét về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền gây ra ở Cộng hoà Liên bang Nga

 

ThS.Đỗ Thị Ngọc

 

 

I. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cơ quan có thẩm quyền

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền gây ra đối với công dân hiện đang được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội cũng như giới pháp lý, nhất là ở các nước theo hệ thống XHCN trước đây như CHLB Nga, Việt Nam, Lào...Đây là một trong những vấn đề đặc biệt nhạy cảm và mang tính thời sự ở CHLB Nga hiện nay. ý nghĩa đặc biệt của vấn đề, theo ý kiến của GS.TS. L.A. Mapozova (Viện Nhà nước Pháp luật Mát-Xcơ-va) là ở chỗ hiện nay tại nước này trên thực tế không tồn tại cái gọi là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền. Ông còn khẳng định rằng ở đây không có sự công bằng giữa Nhà nước và công dân trong việc thực hiện và bảo vệ pháp luật. Chỉ trong thời gian gần đây vấn đề này mới được đưa ra tranh luận khá sôi nổi và trở nên cấp thiết trong việc bảo vệ quyền lợi công dân.

Trước hết phải thấy rằng Cộng hòa Liên bang Nga thuộc hệ các nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường tự do. Vì thế hệ thống pháp luật ở đây hiện đang mang tính không ổn định. Nó được xây dựng trên cơ sở chọn lọc và tiếp thu hệ thống pháp luật của Liên bang xô viết trước đây, trong đó có nhiều văn bản đã lỗi thời và hết hiệu lực. Vì thế nhiều quy định đã thể hiện sự không phù hợp giữa Quy chế của một số chủ thể Liên bang và Hiến pháp Liên bang. Nhiều văn bản pháp luật còn thiếu như Bộ luật lao động, Bộ luật đất đai, luật về thuế...Do đó, các quan hệ trong lĩnh vực này được điều chỉnh bằng Lệnh của Tổng thống Liên bang và văn bản pháp quy của Chính phủ. Trong bối cảnh chung này các quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền gây ra ở Cộng hòa Liên bang Nga cũng chưa hoàn thiện. Nó mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc cơ bản mà chưa được thể hiện trong các văn bản pháp luật cụ thể. Các quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở tiếp thu tinh thần của pháp luật Liên bang xô viết cũ chưa hoàn thiện, không thực tế, thiếu nhất quán trong việc đảm bảo thi hành. Từ trước đó , Xô viết Tối cao của Liên bang xô viết cũng đã có Pháp lệnh ngày 18/5/1981 về vấn đề bồi thường thiệt hại cho công dân đối với các trường hợp bị oan sai do cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như những người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên nội dung văn bản này hiện nay phần lớn đã lạc hậu không đáp ứng nhu cầu thực tế. Ngày 2/3/1982 được sự đồng ý của Xô viết tối cao, Bộ nội vụ và Uỷ ban an ninh Liên bang, các cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ tài chính và Viện kiểm sát tối cao Liên bang đã ra Thông tư liên ngành về việc thực hiện Quy chế bồi thường thiệt hại cho công dân đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan điều tra, kiểm sát và Toà án gây ra. Vì thế trong cả pháp luật hiện hành và trong thực tiễn của vấn đề này có rất nhiều điều bất cập và gây tranh luận.

Về mặt lý thuyết có thể nói, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật là khái niệm quen thuộc của một nhà nước dân chủ. Nó được coi như một sự đảm bảo dân chủ, công bằng cho các chủ thể của quan hệ pháp luật trong xã hội. Bản chất của vấn đề này được thể hiện trong việc thiết lập một mức hình phạt nhất định cho loại chủ thể đặc biệt này khi họ có hành vi vi phạm quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Bồi thường thiệt hại thường ở dạng vật chất và bồi thường về tinh thần (danh dự). Tuy nhiên cho đến nay việc áp dụng hình phạt này mới chỉ dừng lại trong lĩnh vực kỷ luật- hình sự. Bồi thường thiệt hại dân sự mặc dù trong lý thuyết có đề cập đến nhưng không có khả năng thi hành trong thực tiễn.

Theo nghĩa truyền thống có thể hiểu đây là một loại trách nhiệm pháp lý độc lập mang đến những hậu quả pháp lý nhất định cho chủ thể vi phạm quy định của pháp luật. Theo quan điểm của T.D. Zpagievxkaia - hiệu trưởng trường đại học Luật Va-rôn- nhét thì một trong những đặc điểm của loại trách nhiệm hiến định này là chủ thể vi phạm pháp luật. Cụ thể ở đây là các cơ quan nhà nước và những người nắm giữ trong tay quyền lực nhà nước. Họ phải chịu hậu quả do các hành vi gây thiệt hại trong trường hợp thi hành nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm này có thể là trách niệm hành chính, trách nhiệm hình sự hoặc được xem như một loại trách nhiệm dân sự nói chung, trong đó người gây thiệt hại phải đền bù cho người bị hại một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật. Pháp luật cũng chưa đưa ra định nghĩa chung về thiệt hại. Giáo sư, tiến sĩ A.I. Ekimov – trường Đại học tổng hợp thương mại Mát- xcơ- va cho rằng điều đặc biệt của loại trách nhiệm này là việc xác định người đền bù. Cụ thể ở đây là trách nhiệm của những người vi phạm quyền lợi công dân hay các cơ quan hành chính quản lý họ. Theo ông cần thiết phải phân biệt các hành vi trái pháp luật của chính những người có thẩm quyền như một chủ thể bình thường và lỗi do thi hành công vụ. Nếu thiệt hại xảy ra do hành vi thi hành công vụ thì việc đền bù sẽ do cơ quan quản lý chịu trách nhiệm. Nếu lỗi thuộc về cá nhân những người có thẩm quyền thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù với tư cách cá nhân. Có thể xảy ra trường hợp cùng lúc hành vi trái pháp luật do lỗi của cá nhân người thi hành công vụ và lỗi do thi hành công vụ. Thông thường trong trường hợp này xu hướng chung được xác định là lỗi thuộc về cơ quan quản lý vì loại chủ thể này thường có khả năng thanh toán nhiều hơn các cá nhân.

Cũng như các nước có nền dân chủ khác, Hiến pháp Liên bang Nga quy định nguyên tắc tất cả đều bình đẳng trước pháp luật và trước tòa án (Điều 19); những người bị xâm hại quyền lợi đều có quyền được pháp luật bảo vệ và đền bù thiệt hại (Điều 52).

Đặc biệt, vấn đề trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi thường thiệt hại cho công dân do hành vi trái pháp luật được quy định trong Điều 53 của Hiến pháp Liên bang. Đây là những nguyên tắc hiến định bước đầu tạo nên cơ sở quan trọng trong việc bồi thường thiệt hại đối với những hành vi vi phạm do các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền gây ra. Theo quy định của Điều này, mỗi người đều có quyền được Nhà nước đền bù thiệt hại do những hành vi trái pháp luật của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền gây ra.

 

Trên tinh thần của các nguyên tắc hiến định này, các quy định về bồi thường thiệt hại ở Cộng hoà Liên bang Nga có thể được hiểu như sau:

 

1. Nhóm các quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung

Vấn đề Nhà nước bồi thường thiệt hại cho người bị hại do hành vi phạm tội nói chung được quy định trong Luật về sở hữu của Liên bang xô viết Nga (Điều 30) và Luật ngân sách của nước Cộng hoà Liên bang Nga năm 1993 (Điều 25). Cụ thể Điều 30 của Luật về sở hữu quy định: Nhà nước có trách nhiệm đền bù thiệt hại do hành vi phạm tội gây nên theo Quyết định của Tòa án bằng cách trực tiếp khấu phạt người phạm tội bằng con đường tố tụng và theo quy định của pháp luật. Tòa án Liên bang Nga cũng đã thụ lý các loại vụ việc về vấn đề này. Tuy nhiên dường như việc thể chế hoá các quy định về trách nhiệm tài sản của nhà nước là không thực tế so với điều kiện hiện nay. Vì thế hiệu lực của các quy định này còn kém và khó thi hành. Do vậy, Điều 30 Luật về sở hữu của Liên bang xô viết Nga và Điều 25 của Luật ngân sách nước Cộng hoà Lien bang Nga hãy còn dừng lại trên giấy tờ. Và quy định trong Điều 52 của Hiến pháp về vấn đề nhà nước bồi thường thiệt hại chưa được đảm bảo thực hiện trong thực tế. Đương nhiên việc thực thi Điều 53 của Hiến pháp cũng chịu chung số phận như vậy. Theo số liệu thống kê của Tòa án tối cao Liên bang Nga năm 1998 tổng thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung được xác định theo bản án và các quyết định của Tòa án là 6 tỉ rúp trong đó mới thi hành được 2,2 tỉ (36%). Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường số lượng còn lại cho người bị hại. Đây là vấn đề bức bách cần được giải quyết cả về pháp luật thực định và thực tiễn thi hành.

Bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung còn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng của Liên bang xô viết (hiện nay vẫn có hiệu lực đối với Liên bang Nga) không có định nghĩa về thiệt hại. Điều 53 của Bộ luật chỉ đề cập đến thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe do hành vi phạm tội trực tiếp gây nên. Bồi thường các loại thiệt hại này được xác định là nhiệm vụ quan trọng của tố tụng hình sự. Pháp luật quy định một số biện pháp bồi thường thiệt hại như: đơn kiện về dân sự (khoản 1, điều 29 Bộ luật TTHS); bảo đảm việc đền bù các khoản thiệt hại vật chất theo quyết định của Tòa án (Điều 30 Bộ luật TTHS); Các cơ quan tiến hành tố tụng của Liên bang trong phạm vi thẩm quyền của mình tiến hành ủy thác tư pháp (theo nghĩa vụ đền bù) cho các cơ quan tố tụng của nước cộng hòa liên quan (điều 31 Bộ luật TTHS); trả lại tài sản đã lấy (điều 85,86); người phạm tội hoặc những người thân của họ tự nguyện đền bù thiệt hại vật chất và tinh thần cho người bị hại. Hình thức đền bù này không được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên nó được áp dụng rộng rãi trên thực tế. Vì vậy nó cần được thể chế hóa trong Bộ luật. Trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định các thủ tục khiếu nại đối với hoạt động của các cơ quan điều tra ban đầu, Dự thẩm viên, kiểm sát viên. Việc khiếu nại có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (chương 19). Việc kiểm tra tính hợp pháp và căn cứ của việc bắt giữ hoặc gia hạn tạm giam được tiến hành tại phiên toà công khai với sự tham dự của kiểm sát viên, người bào chữa (nếu có), người đại diện hợp pháp của người bị tạm giam.

 

2. Nhóm các quy định về xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Việc xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp gây thiệt hại cho công dân được quy định khá chặt chẽ. Bộ luật hình sự năm 1995 của Liên bang Nga quy định rất cụ thể trách nhiệm hình sự đối với những hành vi cố ý gây thiệt hại đối với người phạm tội trong quá trong quá trình bắt giữ họ (Điều 38). Những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm phạm quyền lợi của tổ chức, công dân; người có chức vụ thực hiện những hành vi rõ ràng vượt ngoài phạm vi quyền hạn của người đó và vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay tổ chức hoặc lợi ích của xã hội và của nhà nước được pháp luật bảo vệ thì bị phạt tiền từ 100 lần đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 1 tháng đến hai tháng hoặc bị tước quyền đảm nhận những chức vụ nhất định hay làm nghề nhất định trong thời hạn đến 5 năm hoặc bị bắt giữ từ 4 tháng đến 6 tháng hoặc bị phạt tù đến 4 năm. Những hành vi này nếu do những người đảm nhiệm chức vụ của nhà nước Liên bang Nga hoặc những người đứng đầu cơ quan tự quản địa phương thực hiện thì bị phạt tiền từ 500 lần đến 800 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 5 tháng đến 8 tháng hoặc bị phạt tù đến 7 năm, bị tước quyền đảm nhiệm những chức vụ nhất định hoặc làm nghề nhất định trong thời hạn đến 3 năm. Các hành vi trên đây nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị hình phạt tù lên tới 10 năm và bị tước quyền đảm nhận những chức vụ nhất định trong thời hạn đến ba năm (Điều 285, 286).

Những hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người rõ ràng không có tội thì bị phạt tù đến 5 năm. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (Điều 299).

Kiểm sát viên hay người tiến hành điều tra sơ bộ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người bị tình nghi phạm tội hoặc người bị tố cáo là đã phạm tội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (Điều 300).

Hành vi giữ người rõ ràng trái pháp luật thì bị phạt hạn chế tự do đến 3 năm hoặc bắt giữ từ 4 tháng đến 6 tháng hoặc phạt tù đến 2 năm, bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ hay làm nghề nhất định đến 3 năm hoặc không kèm theo hình phạt đó. Đối với hành vi giam người rõ ràng trái pháp luật thì bị phạt tù đến 4 năm. Các hành vi giam, giữ người trái pháp luật này nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 8 năm (Điều 301).

Người tiến hành điều tra sơ bộ mà ép buộc người bị tình nghi, bị can, người bị hại, người làm chứng đưa ra lời khai hoặc người giám định đưa ra kết luận giám định bằng thủ đoạn đe dọa hoặc các hành vi trái pháp luật khác thì bị phạt tù đến 3 năm. Những hành vi này nếu kèm theo vũ lực, nhục hình hay tra tấn thì bị phạt tù từ 2 năm đến 8 năm. (Điều 302).

Người tiến hành điều tra, dự thẩm viên, kiểm sát viên, người bào chữa giả mạo chứng cứ trong vụ án hình sự thì bị phạt tù đến 3 năm, bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ hay làm nghề nhất định đến 3 năm. Giả mạo chứng cứ trong vụ án hình sự về một tội đặc biệt nghiêm trọng cũng như gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm và bị tước quyền đảm nhận chức vụ hoặc làm nghề nhất định đến 3 năm (Điều 303).

Thẩm phán ra bản án, Quyết định hay các văn bản khác rõ ràng trái pháp luật thì bịphạt tiền từ 500 đến 700 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 5 đến 7 tháng hoặc bị phạt tù đến 4 năm. Những hành vi nàynếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm (Điều 305).

Những hành vi đưa ra lời khai, kết luận giám định hoặc dịch gian dối tại Tòa án hoặc trong quá trình điều tra sơ bộ thì bị phạt tiền từ 100 lần đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 1 tháng đến hai tháng hoặc lao động bắt buộc từ 180 đến 240 giờ hoặc lao động cải tạo đến hai năm hoặc bắt giữ đến 3 tháng. Những hành vi này nếu tố cáo người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù đến 5 năm (Điều 307).

Hành vi mua chuộc người làm chứng, người bị hại nhằm mục đích để họ khai gian dối hoặc mua chuộc người giám định để họ đưa ra kết luận giám định hay lời khai gian dối cũng như mua chuộc người phiên dịch để họ dịch sai thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 1 đến 2 tháng hoặclao động bắt buộc từ 180 đến 240 giờ hoặc lao động cải tạo đến 2 năm hoặc phạt giam đến 3 tháng. Những hành vi này nếu kèm theo sự đe dọa giết người hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe hay hủy hoại tài sản thì bị phạt từ 200 đến 500 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 đến 5 tháng hoặc phạt giam từ 3 đến 6 tháng hoặc phạt tù đến 3 năm. Các hành vi trên nếu dùng vũ lực nguy hiểm đến tính mạng hay sức khỏe thì bị phạt tù đến 5 năm. các hành vi này nếu do một nhóm người tổ chức thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm (Điều 309).

Hành vi tiết lộ những thông tin điều tra sơ bộ thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 1 đến 2 tháng hoặc lao động cải tạo đến hai năm hoặc phạt giam đến 3 tháng (Điều 310).

Những hành vi bất hợp pháp đối với tài sản kê biên, tạm giữ hoặc tịch thu thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 1 đến 2 tháng hoặc lao động bắt buộc từ 180 đến 240 giờ hoặc phạt giam từ 3 đến 6 tháng hoặc phạt tù đến 2 năm. Cất giấu hoặc chiếm đoạt tài sản bị tịch thu theo bản án của Tòa án cũng như hành vi không thi hành bản án đã có hiệu lực của Tòa án về tịch thu tài sản thì bị phạt từ 700 đến 1000 lần mức thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 7 tháng đến 1 năm hoặc bị phạt tù đến 3 năm và bị phạt tiền đến 50 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hoặc khoản thu nhập khác của người bị kết án trrong thời gian đến 1 tháng (Điều 312).

 

3. Nhóm các quy định về bồi thường thiệt hại vật chất của các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền

Bộ luật dân sự quy định cụ thể vấn đề bồi thường thiệt hại vật chất của các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm quyền lợi công dân và tổ chức xã hội. Điều 1069 Bộ luật dân sự quy định về vấn đề trách nhiệm bồi thường của các kho bạc Liên bang, kho bạc chủ thể Liên bang hoặc Kho bạc các khu tự trị đối với những hành vi gây thiệt hại của các cơ quan quyền lực trung ương, địa phương và những người có thẩm quyền. Điều 1070 Bộ luật dân sự quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các cơ quan điều tra, kiểm sát và Toà án do các hành vi trái pháp luật như: buộc tội không có căn cứ, truy cứu trách nhiệm người vô tội, bắt giam trái phép hoặc xử phạt hành chính trái phép... Trên thực tế pháp luật không quy định cơ chế đền bù thiệt hại do các loại hành vi này gây ra.

Sau khi thiết lập ngân sách các cấp ở Cộng hòa Liên bang Nga, các cơ quan tài chính địa phương và chủ thể Liên bang Nga đã từ chối thi hành Quyết định của Toà án về việc bồi thường thiệt hại theo Điều 1069 Bộ luật dân sự mà nguồn kinh phí lấy từ các kho bạc của Liên bang Nga. Bên cạnh đó theo quy định của pháp luật các cơ quan ngân sách Liên bang không thể trở thành bị đơn dưới danh nghĩa Nhà nước trong tố tụng dân sự. Chỉ từ tháng 3 năm 1998 theo quy định của Bộ tài chính Liên bang Nga, các cơ quan này mới được quyền tham gia tố tụng dưới danh nghĩa Nhà nước.

Cần phải nói rằng nếu Toà án chấp nhận việc các cơ quan ngân sách Quốc gia tham gia tố tụng như một bị đơn dưới danh nghĩa nhà nước thì cũng không thể thực hiện được quyết định của Toà án trong việc đền bù thiệt hại bởi vì trong ngân sách của nhà nước không quy định về khoản chi như vậy. Đồng thời Chánh án Toà án trọng tài tối cao Liên bang B.F. Iakovlep cũng cảnh báo rằng những Quyết định như thế của Toà án có thể phá huỷ toàn bộ ngân sách quốc gia do số lượng sự vi phạm quyền lợi công dân ở CHLB Nga tương đối lớn.

 

II. Một số nhận xét và thực tiễn thi hành các quy định đền bù thiệt hại ở CHLB Nga

Các quy định trên đây cho thấy ở Cộng hòa Liên bang Nga đã tiếp nhận cơ sở pháp lý bước đầu trong vấn đề bồi thường thiệt hại cho công dân ngay từ những năm 1980 khi vẫn còn tồn tại Liên Bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Có thể thấy một số đặc điểm của pháp luật quy định vấn đề bồi thường thiệt hại như sau:

Thứ nhất, các quy định được đưa ra mới chỉ mang tính nguyên tắc. Văn bản quy định trực tiếp về vấn đề này chưa được xây dựng và ban hành. Những vấn đề cụ thể như quan niệm về oan sai, phương thức cũng như cơ chế đền bù, còn chưa được định hình. Vì thế rất khó thi hành các quy định mang tính nguyên tắc này.

Thứ hai, các quy định này đã không đưa ra được cơ chế thi hành hiệu quả và hiện nay cũng đã lạc hậu. Điều đáng nói ở đây là vấn đề thi hành các quy định về bồi thường thiệt hại. Pháp luật mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung mà chưa đặt ra một cơ chế phối hợp thi hành cụ thể, chưa thiết lập được Qũy đền bù để đảm bảo cho các quy định mang tínhkhả thi. Về vấn đề này giáo sĩ, tiến sĩ Viện Hàn lâm khoa học Matx-cơ-va cho rằng: ở đây có thể đặt ra hai trường hợp khi có Quyết định đền bù của Tòa án: hoặc là nhân viên thi hành án của Toà án sẽ trực tiếp nhận khoản này từ ngân sách nhà nước hoặc bằng cách bán tài sản của Nhà nước để đền bù cho người bị hại. Tuy nhiên cả hai trường hợp đều chưa được quy định trong pháp luật thực định. Vì vậy trên thực tế cá nhân và pháp nhân không thể nhận được khoản đền bù thiệt hại do những hành vi trái pháp luật của các cơ quan Chính phủ, cơ quan quyền lực cũng như những người có thẩm quyền. Việc đền bù thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung như trên đã nói chủ yếu do người phạm tội hoặc những người thân của họ đền bù vật chất cho người bị hại.

Thứ ba, các quy định cho thấy Hiến pháp Liên bang Nga giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho công dân không triệt để và đầy mâu thuẫn. Các quy định đều không có khả năng thi hành trong thực tiễn và trở nên không thực tế. Đây là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay ở Cộng hòa Liên bang Nga bởi vì càng ngày càng có nhiều người có thẩm quyền vi phạm pháp luật. Tình trạng oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, bắt giữ, xét xử tương đối thịnh hành. Đặc biệt các vi phạm xảy ra rất nghiêm trọng nhưng hầu như không được nói đến. Thống kê của Viện kiểm sát xác định rằng trong một năm, ở một chi nhánh công an đã bắt giam trong thời hạn 1 năm 11 nghìn người bị tình nghi; 3,6 nghìn người bị bắt giữ trong vòng từ 2-3 tiếng mà không có bất cứ một văn bản nào. Vấn đề đặt ra ở đây là nhiều khi cả người bị bắt giữ và người bắt giữ đều biết rằng việc bắt giữ là không có cơ sở nhưng vẫn cứ tiến hành. Một trong những nguyên nhân của việc này là do ở đây không có sự kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật trong hoạt động này. Bên cạnh đó luật tố tụng hình sự không quy định về việc khiếu nại bắt giữ với Toà án. Loại khiếu nại này được điều chỉnh bằng Luật ngày 27/4/1993 về việc khiếu nại với cơ quan Toà án các hành vi vi phạm quyền và tự do của công dân. Tuy nhiên văn bản này dường như không điều chỉnh hành vi bắt giữ trong thời hạn 3 ngày. Trong thời gian gần đây Viện kiểm sát Mát-xcơ-va đã tăng cường kiểm sát loại vi phạm này và chỉ trong vòng một năm đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp bắt giữ trái phép và giải phóng cho họ.

Thứ tư, các quy định này thể hiện nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn. Có thể thấy pháp luật quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền gây ra ở Cộng hoà Liên bang Nga mặc dù đã được đặt ra ngay từ trong Hiến pháp nhưng các quy định này thể hiện nhiều mâu thuẫn bất cập giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau trong việc giải quyết đền bù. Chính vì thế mới có chuyện các cơ quan ngân sách quốc gia hầu như toàn quyền quyết định việc thi hành các quy định về vấn đề này. ở đây, dường như không có sự quản lý của Nhà nước về mặt nguyên tắc trong việc bồi thường thiệt hại cho công dân. Các quy định của Hiến pháp được đặt ra nhằm đảm bảo nguyên tắc dân chủ và công bằng nhưng trong ngân sách quốc gia lại không có mục chi này. Và như vậy, các quy định của pháp luật về vấn đề này mới dừng lại ở sự đảm bảo về mặt hình thức. Bên cạnh đó trong Bộ luật dân sự mới chỉ đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại vật chất. Vấn đề bồi thường về danh dự chỉ gần đây mới được đặt ra trong pháp luật. Như vậy các quy định này không chỉ mang tính hình thức mà còn chưa toàn diện. Vì thế các khiếu nại về bồi thường danh dự thường bị bác bỏ. Có thể thấy rõ điều này qua vụ việc của công dân Di-đa-nốp-va khiếu nại với Tòa án về việc bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do các cơ quan có thẩm quyền gây ra dẫn đến việc bắt giam trái phép và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà. Tòa án Thành phố Nal-trích quyết định khấu trừ từ kho bạc của Liên bang để chi trả lương cho bà trong thời gian thi hành quyết định giam giữ trái pháp luật trên đây, trả công cho luật sư và bồi thường danh dự cho bà. Tuy nhiên Quyết định này bị Viện kiểm sát kháng nghị đối với mục bồi thường thiệt hại danh dự. Kháng nghị đã xuất phát từ cơ sở cho rằng khả năng bồi thường danh dự do các hành vi bắt giam trái pháp luật được quy định trong Điều 1100 Bộ luật dân sự có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/3/1996. Văn bản này không có hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố). Vì thế quyết định bồi thường danh dự cho công dân Di-đa-nốp-va của Tòa án Thành phố Nal-trích không có hiệu lực pháp luật.

 

III. Hướng hoàn thiện pháp luật vềbồi thường thiệt hại

Do sự bất cập của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại, hiện nay Tòa án thường gặp khó khăn trong vấn đề bảo đảm quyền lợi cho những người bị oan sai. Việc khôi phục quyền lợi danh dự càng khó được giải quyết vì không có sự đảm bảo về mặt pháp lý. Các cơ quan có thẩm quyền thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc thi hành quyết định bồi thường. Việc giải quyết không dứt điểm vấn đề bồi thường thiệt hại cho công dân gây mất lòng tin nghiêm trọng vào tính khả thi của pháp luật trong lĩnh vực này. ở đây cần phải có những giải pháp thống nhất đồng bộ trong việc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp oan sai do các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền gây ra. Ngoài các quy định của pháp luật, Nhà nước phải đảm bảo cho các quy định này mang tính khả thi trong thực tiễn thi hành bằng các giải pháp kinh tế và các giải pháp khác. Để dần dần khắc phục vấn đề này, ông B.H. Xam-cô-nốp (trường đậi học Luật của Bộ nội vụ Bel-gô-rốt có đưa ra một số ý kiến cho rằng:

Thứ nhất, Xây dựng các nguyên tắc hiến định nói chung về trách nhiệm của nhà nước và các cơ quan cũng như những người có thẩm quyền để bổ sung cho các quy định hiện hành về vấn đề này trong Hiến pháp. Có thể tiến hành theo cách bổ sung nội dung quy định của điều 2 Hiến pháp Liên bang Nga rằng: Nhà nước vi phạm quyền lợi của cá nhân công dân phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở hiến định này sẽ xây dựng một đạo Luật của Liên bang về trách nhiệm của nhà nước và những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Thứ hai, hệ thống hóa các văn bản pháp luật và xây dựng Bộ luật về kỷ luật. Để làm được điều này phải xây dựng được các cơ sở cần thiết, ví dụ Đạo luật về công vụ nhà nước Liên bang. Năm 1996, Quốc hội Liên bang đã thông qua Luật về những nguyên tắc cơ bản của chế độ công vụ nhà nước nhưng một số vấn đề cơ bản như khái niệm công vụ nhà nước, quan chức nhà nước, trách nhiệm pháp lý của công chức nhà nước về cơ bản vẫn chưa được giải quyết.

Thứ ba, cần khẩn trương xây dựng Bộ luật của Liên bang về vi phạm hành chính. các quy định trong bộ Luật sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xác định trách nhiệm của nhà nước, cơ quan nhà nước cũng như những người có thẩm quyền nếu vi phạm quyền lợi công dân.

Về vấn đề đền bù thiệt hại do hành vi phạm tội nói chung, một học giả người Nga cho rằng hiện nay Liên bang Nga nên thành lập các Qũy quốc gia và Qũy xã hội phục vụ cho mục đích này. Qũy quốc gia chi trả thiệt hại về sức khỏe và tính mạng của người bị hại. Qũy xã hội chi trả các khoản thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Nguồn của các loại qũy này không phải lấy từ thuế mà trực tiếp từ nguồn thu dưới dạng hình phạt đối với hành vi phạm tội, tài sản trưng thu, các loại lệ phí... Những khoản này không nộp vào ngân sách Nhà nước mà sẽ được nộp vào các loại Qũy trên để phục vụ cho mục đích đền bù. Như vậy, quyền lợi của người bị thiệt hại sẽ được đảm bảo hơn trên thực tế.

Trình tự xem xét lại bản án hình sự do oan sai

trong pháp luật nước cộng hoà pháp

 

Ths. Hà Tú Cầu

 

Mặc dù đã có sự đảm bảo của hai cấp xét xử cùng với khả năng kháng án lên Toà Phá án nhưng trên thực tế vẫn có khả năng xảy ra nhầm lẫn, sai sót trong quá trình xét xử. Nếu sự nhầm lẫn đó là có lợi cho cho kẻ phạm tội thì pháp luật Pháp không tính đến tuy nhiên cũng có khả năng vì những sai sót, nhầm lẫn trong xét xử mà dẫn đến việc Toà án kết tội oan một người vô tội thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan sai. Để sửa chữa những sai sót này pháp luật của Pháp – một nước có hệ thống pháp luật phát triển lâu đời trong truyền thống luật thành văn đã có quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá oan sai, cách giải quyết cũng như chính sách, thủ tục bồi thường cho từng trường hợp bị oan sai. Việc khiếu nại này trước đây được quy định tại các Điều từ 443 đến 447 của Bộ luật Tố tụng Hình sự cũ và hiện nay được điều chỉnh theo các điều từ 149 đến 150 và từ Điều 622 đến 626 Bộ luật Tố tụng hình sự (Luật số 70-43, ngày 17/07/1970 về Bồi thường thiệt hại vì lí do tạm giam, tạm giữ; Luật số 89-431 ngày 23/06/1989 về Trình tự xét lại bản án do oan sai; Nghi định số 78-50 ngày 9/1/1978 về Bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam) cùng với luật ra ngày 25/09/1946 về xem xét lại các bản án tuyên về tội xâm phạm đến thuần phong mỹ tục qua con đường sách báo.

Qua nghiên cứu pháp luật của Pháp về bồi thường thiệt hại mà cụ thể là các Luật về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam oan sai và Luật về trình tự xét lại các bản án hình sự do oan sai có thể nhận thấy rằng Pháp đã tính đến các trường hợp oan sai ở mọi giai đoạn của tố tụng hình sự và các đối tượng được Nhà nước bồi thường bao gồm:

người được cơ quan điều tra ra quyết định thả vì không đủ căn cứ khởi tố, được toà án tuyên vô tội mà đã bị bắt, tạm giữ và việc bắt, tạm giữ này đã gây ra những thiệt hại đáng kể.

người đã chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật và bản án này sau đó được Toà Phá án xét lại và tuyên vô tội.

Bồi thường thiệt hại đối với trường hợp bị bắt, tạm giữ oan sai:

ý tưởng về việc bồi thường thiệt hại đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1787 thời Vua Lui XVI nhưng phải đợi đến năm 1970 nó mới được pháp luật chính thức công nhận bằng một luật ban hành ngày 17/7/1970. Luật này quy định:"Một người được cơ quan điều tra ra quyết định thả tự do vì không đủ căn cứ để khởi tố, được toà án tuyên vô tội mà trước đó đã bị bắt, giam giữ và việc bắt, tạm giữ này đã gây ra những thiệt hại đáng kể có sẽ được nhận một khoản bồi thường tương ứng với những thiệt hại do việc bắt, giam giữ gây ra"

I. Các điều kiện bồi thường

Việc bồi thường thiệt hại này phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt. Trước tiên là trình tự tố tụng phải đã kết thúc và cơ quan tố tụng đã ra một quyết định có lợi cho bị can và sau đó là việc bắt, giam giữ này phải đã gây ra một tổn hại nghiêm trọng.

Trên thực tế có những trường hợp trong quá trình điều tra mặc dù đã đi đến kết luận là bị can không có tội nhưng tiếp tục giam giữ vì xét thấy việc trả tự do cho người này sẽ làm ảnh hưởng đến cấc nhân chứng khác và đến quá trình điều tra xét xử và việc giam giữ này sẽ không là điều kiện để được yêu cầu bồi thường thiệt hại.1

 

2. Thủ tục bồi thường

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định không khởi tố hoặc được tuyên vô tội thì người được trả tự do phải gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại lên Toà Phá án. Điều 1 Nghi định sô 78-50 về bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam quy định:" Đơn đề nghị bao gồm bản trình bày các sự kiện với đầy đủ các thông tin cần thiết nhất sau:

- Ngày và lí do của quyết định tạm giữ cũng như về trạm giam nơi người đó bị tạm giữ.

- Cơ quan đã ra quyết định thả tự do, Toà án đã ra bản án tuyên vô tội cũng như ngày ra quyết định đó.

- Bản chất và mức độ các thiệt hại.

- Địa chỉ mà các giấy báo phải gửi tới.

Đơn đề nghị phải gửi kèm theo mọi bằng chứng."

Đơn yêu cầu bồi thường sẽ do Hội đồng bồi thường (gồm 3 thẩm phán có chức vụ trưởng một phòng hoặc cố vấn của Toà Phá án) xem xét. Hội đồng này sẽ đánh giá xem đề nghị bồi thường này đã hội đủ các điều kiện hợp pháp hay chưa và chính Hội đồng sẽ đưa ra mức bồi thường mà Nhà nước phải trả và đây là quyết định chung thẩm.

Vấn đề bồi thường thiệt hại do tạm giữ, tạm giam còn được quy định trong Công ước Châu Âu về quyền con người. Tuy nhiên Công ước này lại quy định cơ chế bồi thường hoàn toàn khác. Việc bắt, tạm giữ phải là bất bình thường hoặc vượt quá thời hạn quy định (Điều 5.1, 5.3 và 5.5 của Công ước) và bị can vẫn có thể được nhận bồi thường ngay khi các tổn hại không thật sự nghiêm trọng.Khoản bồi thường này sẽ do một cơ quan của Công ước trả.

Việc quy định các điều kiện được hưởng bồi thường và các quy định về thủ tục một cách chặt chẽ, pháp luật Tố tụng hình sự của Pháp đã muốn cùng một lúc hạn chế việc bồi thường một cách tràn lan và quan trọng hơn cả là nỗi lo sợ phải bồi thường thiệt hại của các cơ quan tố tụng dẫn đến việc ra các quyết định oan sai ngay cả khi có nghi ngờ.

B. Bồi thường thiệt hại đối với trường hợp được Toà Phá án tuyên vô tội

Theo các quy định của Luật xét lại các bản án hình sự do oan sai của Pháp thì mọi quyết định pháp luật kết luận một người nào đó phạm tội, cho dù đã có hiệu lực pháp luật, nhưng khi đã phát hiện ra bản án đó là sai thì vẫn có thể bị huỷ bỏ hoặc được xử lại và việc huỷ bỏ này được thực hiện theo một trình tự nhất định. Người vô tội bị kết án sai hoặc thân nhân người đó có quyền đề nghị hủy bỏ hiệu lực hồi tố của bản án đã được tuyên bằng một đơn đề nghị xem xét lại bản án đồng thời có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường cho những tổn hại mà bản án sai đã gây ra.

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng các điều kiện được bồi thường thiệt hại và thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Pháp là khá khác biệt so với các nước bởi nó gắn việc xét bồi thường với việc chứng minh sự vô tội của người bị kết án sai. Trình tự xét lại này theo quy định pháp luật Pháp là thuộc thẩm quyền của Phòng hình sự Toà Phá án (Cour de Cassation). Có thể nói đây là một quy định rất tiến bộ của pháp luật tố tụng hình sự Pháp vì việc trao thẩm quyền xét bồi thường thiệt hại cho Toà Phá án mà không trao cho các Toà án đã xét xử oan sai đã tránh được sự thiếu công bằng và không khách quan khi xem xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại.

Cũng như trình tự kháng cáo ở Toà Phá án, việc xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật cũng là một trình tự xét xử đặc biệt được tiến hành trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định (Điều 622 Bộ luật Tố tụng hình sự). Mục đích của trình tự xét lại là Phòng hình sự Toà phá án sau khi xem xét nếu thấy bản án đó là sai sẽ ra quyết định huỷ bỏ bản án đó để đưa ra một quyết định mới có lợi cho người đã chịu một bản án oan, sai. Nếu việc kháng án chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp có vi phạm hay áp dụng sai pháp luật và đối với những bản án chưa có hiệu lực pháp luật (trừ trường hợp Viện trưởng Viện Công tố yêu cầu Toà Phá án vì lợi ích của pháp luật - Điều 621, Bộ luật Tố tụng hình sự) thì việc xem xét lại bản án hình sự oan sai có thể được áp dụng đối với một bản án đã có hiệu lực pháp luật và vì một lỗi sự kiện.

Để hiểu được các điều kiện được bồi thường thiệt hại do oan sai và thủ tục bồi thường chúng ta cùng xem xét các quy định pháp luật tố tụng hình sự Pháp về trình tự xét lại các bản án hình sự do oan sai.

I. Điều kiện để bản án hình sự được xét lại

 

Việc xem xét lại bản án với mục đích huỷ bỏ bản án cũ nhằm sửa chữa những sai lầm không thể chấp nhận được của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của quyết định pháp luật đã có hiệu lực. Chính bởi vậy, pháp luật quy định những điều kiện rất chặt chẽ về các điều kiện để một bản án hình sự có thể được xem xét lại, những trường hợp được chấp nhận xem xét lại cũng như những người có quyền đề nghị xem xét lại bản án.

1. Những quyết định có thể được xét lại

Theo khoản 1 Điều 622 Bộ luật tố tụng hình sự "Việc xem xét lại bản án có thể được đề nghị ... vì lợi ích của tất cả những người đã bị tuyên là có tội".

Và trên thực tế thì những quyết định được xét lại phải thoả mãn 2 điều kiện sau:

Là một quyết định tuyên bố phạ tội hình sự

Là một bản án đã có hiệu lực pháp luật

1.1. Là một quyết định hình sự

Chỉ những quyết định buộc tội hình sự đối với một người mới có thể được đề nghị xem xét lại. Nhưng theo quy định này thì việc có một hình phạt đi kèm hay không và quyết định này đã được tuyên bởi một Toà án thẩm quyền chung hay chuyên trách không phải là căn cứ quan trọng để đưa bản án hình sự ra xét lại. Những bản án hình sự của Toà xét xử vị thành niên, Toà án quân sự, những quyết định của Toà baỏ vệ an ninh quốc gia đều có thể được xem xét lại.

Quyết định buộc tội

Những quyết định tuyên vô tội không thể được xét lại vì mục đích của việc xét lại bản án hình sự là nhằm đi đến kết luận công nhận sự vô tội của bị cáo mà điều này lại đã được Toà án tuyên bố.

Ngược lại, nếu một bản án hình sự kết tội một người nhưng lại miễn việc chấp hành hình phạt thì vẫn có thể được xét lại vì mặc dù bị cáo được miễn chấp hành hình phạt nhưng theo bản án thì người này vẫn có tội - điều này lí giải lợi ích tinh thần của việc đề nghị xét lại đối với những bản án sai. (Theo Tội phạm, 23/11/1876: "người đề nghị xem xét lại bản án phải có lợi ích khi xoá đi những hậu quả pháp lý và tinh thần cuả bản án sai đã tuyên")

Quyết định kết án

Một điều kiện cụ thể hơn cho đề nghị xét lại bản án sai là đề nghị này được đưa ra đối với các quyết định buộc tội có hình phạt và phải là các hình phạt hình sự. Với điều kiện như vậy nên các hình phạt mang tính dân sự như bồi thường thiệt hại, nộp lệ phí, bồi hoàn, ...được đưa ra trong các bản án hình sự cũng không được xét lại.1

Đối với những quyết định của Toà án hình sự có hình phạt hình sự thì việc xem xét lại chỉ có thể được đề nghị cho các hình phạt đó, cho dù đó có phải là hình phạt tù hay không. Kể từ luật ngày 08/06/1895 ngay cả những bản án hình sự nhẹ như là phạt tiền cũng có thể được xem xét lại.

Những quyết định phạt vi cảnh không thể được xem xét lại ngay cả đối với những quyết định phạt vi cảnh cấp 5.2 Lý do đã được nêu ra trong những tập hợp nghiên cứu chuẩn bị cho dự thảo Luật ngày 08/06/1895 đó là quyết định phạt vi cảnh không bị ghi trong lý lịch tư pháp của người bị phạt và cũng không ảnh hưởng tới danh dự của người ấy nên không thể xét yêu cầu bồi thường được. Tuy nhiên, việc xem xét lại bản án lại được chấp nhận khi một người vừa bị phạt vi cảnh, vừa bị kết án hình sự trong cùng một vụ việc. Khi xem xét lại bản án này và Toà Phá án tuyên bố người đó vô tội thì việc cảnh sát phạt vi cảnh cho cùng một vụ việc là không hợp lý và người đó có quyền yêu cầu bồi thường

Việc xem xét lại bản án cũng có thể được đề nghị ngay cả khi bản án phạt đã hết hiệu lực bởi đặc xá, bởi vì đặc xá chỉ xoá bỏ hình phạt mà không xoá bỏ bản án buộc tội. Khác với đặc xá, ân xá xoá bỏ bản án buộc tội. Như vậy về nguyên tắc bản án buộc tội đã được ân xá xoá bỏ không thể được đề nghị xem xét lại vì mục đích của việc xem xét lại bản án chính là xoá bỏ án buộc tội. Tuy nhiên về mặt tinh thần, đối với người được xoá án, việc xoá bỏ án buộc tội bằng xét xử lại án có giá trị hơn là bằng ân xá, bởi vậy các luật về ân xá vẫn công nhận quyền đề nghị xem xét lại cho phạm nhân được ân xá.

Trong trường hợp Điều luật mà Toà án đã áp dụng để xét xử phạm nhân bị huỷ bỏ thì bản án buộc tội cũng bị xoá bỏ và như vậy bản án không cần phải được xét xử lại.

Cuối cùng, để trình tự xem xét lại có thể được áp dụng đối với một bản án hình sự thì không những bản án đó phải đã được tuyên mà bị cáo còn phải có lợi khi bản án được xem xét lại. Trong trường hợp sự huỷ bỏ bản án không đem lại cho bị cáo một lợi ích vật chất hay tinh thần nào thì việc đề nghị xem xét lại bản án sẽ không được chấp nhận. Như vậy dựa trên nguyên tắc này trình tự xem xét lại bản án không thể được áp dụng cho trường hợp có sai sót trong đánh giá hoặc thẩm quyền của Toà án nếu mặc dù có những sai sót này thì bản án đã tuyên vẫn là thích đáng.

1.2. Là một quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Một quyết định buộc tội hình sự chỉ có thể được đề nghị xem xét lại khi quyết định ấy đã có hiệu lực pháp luật có nghĩa là không thể bị kháng cáo bằng bất cứ trình tự kháng án nào khác. Khi các thời hạn kháng án đã hết, quyết định bắt đầu có hiệu lực pháp lý thì việc xem xét lại mới có thể được chấp nhận. Vả lại, việc xem xét lại bản án là không thể được chấp nhận trong trường hợp mà người bị kết tội chết trước khi bản án có hiệu lực.

Trình tự kháng án đặc biệt : Việc xem xét lại bản án cũng không được chấp nhận khi vẫn còn cách khác để sửa chữa sai lầm phạm phải trong xét xử. Theo nguyên tắc này, trong trường hợp phạm nhân dùng hộ tịch của người khác, và do vậy án tích đã bị ghi vào lý lịch tư pháp của người này, người bị sử dụng trái phép hộ tịch không cần đề nghị xét xử lại bởi vì để sửa sai chỉ cần điều chỉnh lại những gì đã ghi trong lý lịch tư pháp và như vậy bản án nói trên không liên quan gì đến người bị lợi dụng hộ tịch.

2. Những trường hợp bản án hình sự được xét lại

Điều 622 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định một cách rất rõ ràng 4 trường hợp được đề nghị xem xét lại bản án. Những trường hợp này cũng đã được đề cập đến trong Điều 443 Bộ luật Tố tụng hình sự cũ.

2.1 Người bị coi là nạn nhân của một vụ giết người vẫn còn sống

Theo Điều 622 khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc xét lại một bản án hình sự có thể được đề nghị trong trường hợp sau khi tuyên án một người phạm tội giết người lại phát hiện ra những bằng chứng chứng minh rằng người bị coi là đã bị giết chết vẫn còn sống. Điều luật ghi rõ rằng những bằng chứng mới này phải là những bằng chứng xuất hiện sau khi bản án đã được tuyên và phải chứng minh được rằng người bị coi là đã chết vẫn còn sống tại thời điểm tuyên án nhưng không nhất thiết là người này phải còn sống tại thời điểm đơn yêu cầu xét lại bản án được gửi đi.

2.2. Tồn tại sự mâu thuẫn giữa các bản án

Trường hợp thứ hai được chấp nhận xét lại bản án được quy định tại Điều 622 khoản 2 Bộ luật Tố tụng Hình sự như sau: "Trong trường hợp sau khi một bản án đã được tuyên cho một hành vi phạm tội lại xuất hiện một bản án mới kết án một bị cáo khác về cùng một hành vi phạm tội như ở bản án trước nhưng hai bản án này không có điểm tương đồng với nhau thì sự mâu thuẫn giữa chúng sẽ là bằng chứng vô tội cho một trong hai bị cáo", giả định rằng hai hình phạt được tuyên cho cùng một hành vi bởi các bản án và quyết định riêng biệt và không thể tìm thấy sự tương đồng giữa chúng.

+) Hai hình phạt khác nhau cho cùng một hành vi

Điều kiện đầu tiên là hai hình phạt đó phải đã được tuyên cho cùng một hành vi phạm tội1. Nhưng không nhất thiết hành vi phạm tội này đều được đánh giá như nhau trong hai quyết định bản án2.

+) Hai hình phạt của các phán quyết phân biệt

Hai hình phạt này nhất thiết phải được tuyên bởi hai quyết định tách biệt, cái này tiếp sau cái kia theo trình tự xét xử 3. Trong trường hợp hai hay nhiều người cùng bị kết án chung trong cùng một bản án hay một quyết định của Toà án và tồn tại sự mâu thuẫn thì việc xét lại bản án không được đặt ra mà chỉ có thể được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Một điều kiện nữa cần phải có là hai quyết định mâu thuẫn đó đều phải của Toà hình sự. Nếu một trong hai quyết định đó là của Toà án dân sự, thương mại hay hành chính và dù nó có mâu thuẫn với bản án của một Toà hình sự thì việc xem xét lại bản án đó cũng không được chấp nhận.

Điều kiện cuối cùng, theo Điều 622 khoản 2, là hai quyết định mâu thuẫn dẫn đến việc xem xét lại phải là hai quyết định buộc tội và có tuyên phạt người phạm tội. Trước đây trong Bộ luật tố tụng hình sự cũ đã có quy định tại Điều 443 khoản 2 rằng việc xem xét lại bản án chỉ được chấp nhận trong trường hợp mâu thẫu của hai quyết định kết án, tuy nhiên Phòng hình sự vẫn chấp nhận việc xem xét lại bản án trong trường hợp một trong hai quyết định lại không có hình phạt đi kèm nhưng đảm bảo điều kiện là nó không tương đồng với quyết định đầu tiên.

+) Hai bản án không tìm thấy điểm tương đồng

Để việc xem xét lại có thể được chấp nhận với lý do có sự mâu thuẫn giữa hai bản án hình sự, thì hai bản án đó phải là hai bản án buộc tội hai người khác nhau về cùng một hành vi phạm tội và không thể tìm thấy sự tương đồng giữa hai bản án này. Sự mâu thuẫn giữa chúng là bằng chứng cho sự vô tội của một trong hai bị cáo.

Một lí do xác đáng hơn nữa để không công nhận sự không tương đồng là việc một quyết định bản án mâu thuẫn không phải với một bản án khác cùng buộc tội về một hành vi mà lại mâu thuẫn với những lời khai của nhân chứng hay của đồng phạm hoặc với những tài liệu khác trong một vụ án mới.

Tóm lại, để việc xem xét lại có thể được chấp nhận với lí do có sự không tương đồng giữa các bản án thì sự không tương đồng đó phải là những vấn đề về luật chứ không phải về sự kiện; có nghĩa là việc kết tội người này loại bỏ khả năng có tội của người kia và sai lầm trong xét xử được thể hiện rõ ràng.

2.3. Bị can, bị cáo bị kết tội do nhân chứng giả

Theo Điều 622 khoản 3 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc xem xét lại bản án cũng có thể được đề nghị nếu sau khi tuyên án, một trong những nhân chứng đã từng làm chứng trong vụ án bị kết án do khai man chống lại bị cáo.. Trường hợp này cũng đã được đề cập đến trong Bộ luật Tố tụng hình sự cũ ở Điều 443 khoản 3.

Để việc xét lại được chấp nhận theo quy định này thì:

Cần phải có một nhân chứng sai, tức là có một lời khai man trước Toà dẫn đến việc một người bị kết án oan vì những lời khai man đó. Việc buộc tội dựa trên môt vật chứng sai không được tính đến trong trường hợp này nhưng trong thực tiễn xét xử Toà án thường gán việc mua chuộc nhân chứng với nhân chứng giả.

Nhân chứng sai phải được phát hiện sau khi bản án được tuyên. Nếu nhân chứng giả này đã bị truy tố trước khi tuyên án hay đã chết trước khi bị truy tố hoặc đã hết thời hiệu truy tố thì việc xét lại sẽ không được chấp nhận.(Ch. Reun. 15/3/1900, S. 1902. 1. 476)

Nhân chứng sai cần phải bị kết án bởi một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cuối cùng việc kết án nhân chứng sai phải là minh chứng cho sự vô tội của người đã bị kết án vì việc khai man đó. Nếu nhân chứng sai không có ảnh hưởng gì đến quyết định buộc tội và việc buộc tội được xác nhận bởi những yếu tố bằng chứng khác thì việc xét lại bản án với lý do nhân chứng này là sai sẽ không được chấp nhận. Nếu như nhân chứng sai đã là một trong những chứng cứ kết tội nhưng còn có những chứng cứ buộc tội khác thì Toà Phá án có thể sẽ chấp nhận việc xem xét lại và sẽ gửi trả vụ án đến một Toà án khác với Toà án đã xét xử sơ thẩm để xử lại.

2.4.Sự kiện mới

Trường hợp thứ tư được tính đến trong trình tự xét lại này đã được đưa vào Bộ luật hình sự cũ trong Điều 443-4 bởi Luật 08/06/1895, và hiện nay được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mới tại Điều 622 khoản 4: "Việc xét lại bản án được chấp nhận nếu sau khi tuyên án, có thêm những sự kiện hoặc yếu tố mới được phát hiện ra và Toà án đã không được biết tới tại thời điểm xét xử, gây nghi ngờ về sự phạm tội của người đã bị kết án".

Quy định này có phạm vi rất rộng, nó bao hàm tất cả những sự kiện, những yếu tố có thể chỉ ra những sai lầm trong xét xử và trong thực tiễn xét xử quy định này đã được giải thích theo hướng mở rộng về thể loại sự kiện mới cũng như về ảnh hưởng của những sự kiện này tới khả năng vô tội của người đã bị kết án.

(1). Loại sự kiện mới

Theo thực tiễn xét xử, sự kiện mới dùng để chỉ một sự việc, hay chỉ là một văn bản mà những thẩm phán khi tuyên án đã không được biết đến. Nếu sự việc hay văn bản liên quan này đã được các thẩm phán biết đến khi mở phiên Toà thì không được coi là các căn cứ để xem xét lại bản án.( Tội phạm 1/8/1901, S. 1904. 1. 159)

 

Tuy nhiên không nhất thiết là sự kiện mới phải xảy ra sau thời điểm kết án (Garraud, sous D.P. 1900. 1. 137). Dù cho đó là một sự kiện xảy ra trước thời điểm kết án hay cùng một lúc miễn là nó đã không được các thẩm phán biết đế khi xét xử thì sự kiện đó cũng sẽ là căn cứ cho việc xét lại. Vì vậy, việc bị cáo chỉ sau khi bị kết án mới đưa ra một vật chứng chứng minh sự vô tội của mình mà bị cáo đã dấu trong quá trình xét xử cũng là một sự kiện mới cho phép xét lại bản án. Một người vô tội không thể bị kết án vì một hành vi mà anh ta đã không làm ngay cả khi vệc để bị kết tội là ý muốn của anh ta (Tội phạm 22/1/1898, D.P. 1900.1.137). Nói một cách khác, việc bị cáo trước khi có quyết định của Toà án đã biết đến sự kiện có thể làm căn cứ đề nghị xét lại sau này mà không đưa ra vẫn không làm ảnh hưởng đến việc được chấp nhận xét lại. Điều này đem lại lợi ích được xét lại bản án cho những trường hợp như một người tự để bị kết án vì tội đào ngũ mà thực tế là người khác hay trường hợp một người vì tự nhận là người nước ngoài và đã bị kết án vì vi phạm luật về cư trú của người ngoại quốc, sau đó được pháp hiện là có quốc tịch Pháp (Tội phạm 31/7/1913). Tuy nhiên nếu sự im lặng của bị cáo cho dù đã gây nên việc xử sai của Toà vẫn không làm anh ta mất quyền đề nghị xem xét lại vụ án thì sự im lặng này lại làm anh ta mất đi quyền đối với khoản bồi thường cho những thiệt hại mà việc xử sai, do ý muốn hoặc sự cẩu thả của chính anh ta gây ra.

Những sự kiện sau đây nếu không được Toà biết đến tại thời điểm xét xử thì sẽ được coi là sự kiện mới - căn cứ của việc xét lại:

lời tự thú của một người khác sau thời điểm tuyên án về hành vi phạm tội của mình và sự vô tội của bị cáo (Tội phạm 15/7/1899);

bị cáo chối bỏ lới tự thú trước đây của mình (Tội phạm 7/2/1918)

nạn nhân của hành vi phạm tội rút lại lời khai (Tội phạm 12/5/1915)

sự tự thú của một nhân chứng giả sau khi đã hết thời hiệu truy tố do kha man và những lời khai của người này đã dẫn đến việc xử oan bị cáo1.

Việc rút lại lời khai của một nhân chứng mà những lời khai này lại là căn cứ chính để kết tội bị cáo2

 

việc án đã được quyết định dựa trên cơ sở một nhân chứng duy nhất trái với nhiều lời làm chứng khác được biết đến sau khi đã tuyên án3.

lời làm chứng của một nhân chứng chưa được biết đến trong quá trình xét xử, chứng minh sự vô tội của người đã bị kết án hoặc là căn cứ xác đáng nghi ngờ sự có tội của người này4;

Cũng được chấp nhận xem xét lại bản án vì có tình tiết mới khi có những tài liệu chứng minh sự không có khả năng thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo được phát hiện sau khi kết án. Ví dụ minh hoạ hay gặp nhất trong trường hợp này là bằng chứng ngoại phạm, chẳng hạn như đang bị giam giữ vào thời điểm xảy ra vụ án, chứng minh sự vô tội của bị cáo. Một ví dụ khác là bằng chứng, xuất hiện sau thời điểm kết án, chứng minh rằng người bị kết tội đã ở trong tình trạng không ổn định về tâm lí khi thực hiện hành vi phạm tội5

 

Cũng được chấp nhận xem xét lại bản án vì có tình tiết mới nếu một phát hiện khoa học mới có thể làm thay đổi những kết quả của xét nghiệm đã dẫn đến sự buộc tội đối với bị cáo. ấy là trường hợp một dược sỹ đã bị kết án về tội đầu độc vợ vì xét nghiệm đã thấy vài miligam asen trong người nạn nhân. Sau đó, vì những phát hiện khoa học mới đã chứng minh được rằng bệnh suy tuyến thượng thận trầm trọng có những dấu hiệu giống với bị đầu độc bằng asen. Phòng hình sự đã quyết định rằng cách giải thích khoa học mới này là một tình tiết mới cho phép xét lại vụ án và đã huỷ án đối với người dược sỹ nói trên. Một tình tiết mới nữa cũng đã được Phòng hình sự công nhận đó là một bản giám định mới, sau thời điểm tuyên án, đã có những giải thích về các sự kiện của vụ án ngược với bản giám định đầu tiên mà Toà đã dùng làm căn cứ để kết án6.

(2). ảnh hưởng của tình tiết mới đối với sự vô tội của người đã bị kết án

Theo những quy định của Điều 622-4 Bộ luật Tố tụng hình sự, một tình tiết mới chỉ có thể là căn cứ để xem xét lại bản án hình sự nếu nó có thể chứng minh được một cách chắc chắn sự vô tội của bị cáo. Khi áp dụng một cách giải thích rộng hơn, có tình người hơn, các Toà đã chấp nhận rằng chỉ cần tình tiết mới chỉ ra rằng người bị kết án có thể là vô tội hay chỉ đơn giản là làm cho việc buộc tội người ấy không còn chắc chắn nữa. Toà Phá án cũng đã chấp nhận theo hướng này sau một thời gian do dự và đã quyết định rằng chỉ cần tình tiết mới làm nghi ngờ một cách đáng kể sự có tội của người đã bị kết án thì việc xét lại bản án cũng đã có thể được chấp nhận.

Ngược lại trong thực tiễn xét xử lại không chấp nhận đề nghị xét lại bản án căn cứ vào tình tiết mới nếu như tình tiết mới này không có khả năng xoá tội cho bị cáo. Cũng tương tự như vậy nếu tình tiết mới chỉ dẫn đến việc Toà sẽ miễn miễn việc chấp hành hình phạt cho bị cáo thì bản án hình sự đó cũng không được xét lại vì nó không có khả năng chứng minh được sự vô tội của bị cáo.

Theo án lệ, một cách giải thích mới của luật không thể được coi là một tình tiết mới có thể chứng minh sự vô tội của người đã bị kết án vì đó không phải là một sự kiện mới. Ngược lại một cách giải thích khoa học mới đối với các sự kiện đã biết có thể là một tình tiết mới, làm cơ sở của việc xem xét lại.

3. Những người có quyền đề nghị xét lại bản án

Điều 623 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể những người có quyền đề nghị xử lại tuỳ vào từng trường hợp xem bản án hình sự được xét lại theo quy định tại Điều 622 Bộ luật này.

Trong ba trường hợp đầu tiên, việc xét lại bản án hình sự dựa trên những sự kiện đã được quy định một cách khá chính xác và như vậy ít có khả năng là một quyết định không có cơ sở đúng đắn, việc xét lại có thể được đề nghị bởi Bộ trưởng Bộ tư pháp theo chủ ý của Bộ trưởng, hoặc bởi chính người đã bị kết án hay người đại diện trong trường hợp người bị kết án không đủ khả năng, hoặc nếu như người bị kết án đã chết, việc đề nghị xét lại có thể được thực hiện bởi vợ, chồng, con, bố mẹ, người nhận di tặng, người được uỷ quyền. Những người này, vì không được pháp luật quy định thứ tự, có thể thực thi quyền đề nghị xem xét lại bản án cùng một lúc và độc lập với nhau, nhưng dẫu sao thì người đề nghị cũng phải gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ tư pháp và Bộ trưởng sẽ chuyển hồ sơ tới Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà phá án.

Ngược lại, trong trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 622 do không dược quy định rõ ràng nên rất dễ có các đề nghị xét lại bản án không thích đáng hoặc ngay cả việc tạo các bằng chứng mới giả để được quyền đề nghị xét lại. Bởi vậy việc xử lại chỉ có thể do Bộ trưởng Bộ tư pháp đề nghị. Trước khi quyết định, Bộ trưởng cho tiến hành các thủ tục thu thập và kiểm tra cần thiết và tham khảo ý kiến của một hội đồng gồm ba thẩm phán của Toà Phá án không thuộc Phòng Hình sự được bầu chọn hàng nă và ba quan chức của Bộ tư pháp. Nếu thấy đề nghị xét lại có thể chấp nhận được, Bộ trưởng sẽ chuyển hồ sơ này tới Viện trưởng Viện kiểm sát bên cạnh Toà phá án, Toà phá án sẽ chuyển hồ sơ tới Phòng hình sự. Như vậy chỉ có Bộ trưởng Bộ tư pháp mới có quyền đánh giá và quyết định có nên đề nghị Toà phá án xem xét lại vụ án vì có tình tiết mới hay không. Tuy nhiên một vấn đề được đặt ra là việc quy định thẩm quyền như vậy có cơ sở hay không? Trong trường hợp không bản án hình sự không được xét lại người bị kết án có thể kiện Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra trước Toà hay không?

II.Trình tự xét lại bản án hình sự oan sai: thủ tục và hiệu lực

1. Trình tự xét lại bản án hình sự oan sai

 

Việc xét lại bản án hình sự do trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị hoặc do các bên,Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Toà theo một lệnh trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng sẽ được xem xét tại Phòng hình sự của Toà phá án - Toà duy nhất có quyền xét lại các bản án hình sự oan sai. Bộ trưởng luôn là người trung gian bắt buộc cho việc chuyển hồ sơ xét lại. Đơn đề nghị xét lại được gửi đến Toà Phá án trực tiếp từ một bên sẽ không được chấp nhận.

Trong mọi trường hợp, từ khi huỷ bỏ Luật ngày 7/6/1949 về thời hạn luật định cho viêc đề nghị xét lại là một năm kể từ ngày các bên biết có tình tiết mới thì không còn có bất kỳ một điều kiện nào về thời hạn, không quan trọng bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ ngày phát hiện ra tình tiết mới, đề nghị xem xét lại bản án vẫn có thể được chấp nhận.

2. Hiệu lực của việc xét lại bản án hình sự oan sai

Việc xét lại bản án có một hiệu lực đầu tiên là hiệu lực đình chỉ. Từ thời điểm đề nghị xử lại được chuyển đến Phòng hình sự bởi Bộ trưởng Bộ tư pháp thì việc thi hành bản án, nếu như chưa bắt đầu, sẽ đương nhiên được đình chỉ. Ngược lại, việc đình chỉ là không bắt buộc khi bản án đã đang được thi hành. Trong trường hợp này, việc đình chỉ bản án phụ thuộc vào lệnh của Bộ trưởng Bộ tư pháp, trước khi chuyển hồ sơ đến Toà phá án và một quyết định của Toà này sau khi hồ sơ đã được chuyển tới Toà. Nguyên tắc này là để tránh trường hợp những phạm nhân bị giam đề nghị xét lại bản án để được thả tự do.

Một hiệu lực khác của việc xét lại bản án là hiệu lực chuyển giao. Tiếp theo việc hồ sơ đề nghị xét lại được chuyển đến Toà phá án, Toà này sẽ phải giải quyết không chỉ những vấn đề về việc áp dụng luật mà quan trọng hơn là những yếu tố về tình tiết mới được đưa ra bởi người đề nghị xét lại. Đây là một điểm rất đáng chú ý vì ở đây Toà phá án đã ra khỏi vai trò bình thường của mình giới hạn ở việc giải quyết đơn thuần những vấn đề về áp dụng luật. Thật vậy, Phòng hình sự "không xét xử lại từ đầu vụ án với tất cả các tình tiết của vụ án; Phòng này chỉ đặt lại vấn đề sự thật bề ngoài - chỉ là có thể có thật - của bản án cũ; Phòng này không đánh giá sự vô tội thực sự mà chỉ là một sự vô tội hình thức được suy ra từ lý luận". Để đưa ra quyết định xem xét lại bản án hay không, Phòng hình sự phải so sánh những yếu tố của tình tiết mới với quyết định kết án cũ và kết luật về sự vô tội hình thức của người đã bị kết án.

3.Thủ tục và phán quyết của trình tự xét lại bản án hình sự oan sai

Sau khi đã thụ lý, Phòng hình sự xem xét hồ sơ đề nghị xem xét lại theo một trình tự gồm hai giai đoạn riêng biệt mà đôi khi người ta gọi là "xem xét đề nghị xử lại" và "xem xét lại bản án" giống như trong điều tra dân sự. Giai đoạn đầu tiên được tiến hành bắt buộc tại Phòng hình sự, Phòng này sẽ đánh giá khả năng được chấp nhận hay không của đề nghị xem xét lại bản án theo các điều kiện về hình thức cũng như các điều kiện về nội dung. Tại giai đoạn thứ hai, nếu như Toà án đã đánh giá đề nghị xem xét lại bản án là có cơ sở, Toà án sẽ ra lệnh huỷ bỏ quyết định buộc tội.

3.1.Bước 1: khả năng chấp nhận đề nghị xét lại bản án hình sự oan sai

Phòng hình sự phải bắt đầu bằng việc đảm bảo rằng đề nghị xét lại là có khả năng được chấp nhận, có nghĩa là đề nghị này phải được đưa ra bởi một người có đủ tư cách, trong một trường hợp cụ thể quy định bởi pháp luật, kiện một quyết định có thể được xem xét lại của pháp luật và đề nghị cũng phải được thông qua một cách hợp lệ bởi Viện trưởng viện công tố theo lệnh của Bộ trưởng Bộ tư pháp. Nếu những Điều kiện này không được thoả mãn thì Phòng hình sự sẽ ra một quyết định tuyên bố việc đề nghị xét lại là không thể chấp nhận được, và như vậy kết thúc trình tự xem xét lại bản án trừ khi sau đó có phát hiện ra một lý do mới để một lần nữa đề nghị xét xử lại.

Ngược lại, nếu thấy rằng đề nghị xét lại là hợp lệ và có thể chấp nhận được, Phòng hình sự sẽ phải tiến hành xem xét xem nó có cơ sở hay không. Để làm việc này, Phòng hình sự kiểm tra trước tiên nếu vụ án đã ở trong tình trạng sẵn sàng để được mang ra trước Toà. Trong trường hợp mà các yếu tố trong hồ sơ mà Bộ tư pháp chuyển đến không cho phép giải quyết đề nghị xét lại, thì Phòng hình sự có thể ra lệnh điều tra bổ sung và có thể sử dụng mọi biện pháp Điều tra cần thiết (đối chất, thẩm vấn, Điều tra, ...) để tìm ra sự thật. Việc Điều tra bổ sung này có thể được thực hiện trực tiếp bởi một thành viên của Phòng hoặc bởi một Toà án uỷ thác. Quyền thẩm cứu này được coi là tuyệt đối, và Phòng hình sự có thể thay những lý do nêu ra trong đề nghị xem xét lại bởi những tình tiết khác không được nhắc đến trong đề nghị. Nhưng nếu như những vật chứng của người đề nghị đủ để quyết định rằng đề nghị đó là có cơ sở, Phòng hình sự có thể, không điều tra thêm, ra một quyết định duy nhất về sự có thể được chấp nhận của đề nghị xét lại và về tính có cơ sở của nó.

Dẫu sao đi nữa, nếu đề nghị hợp lệ nhưng không có cơ sở cũng sẽ bị Phòng hình sự bác bỏ và như vậy quyết định kết án sẽ được giữ nguyên với các hậu quả pháp lý của nó. Ngược lại, nếu đề nghị được coi là có cơ sở thì Phòng hình sự sẽ huỷ bỏ bản án đề nghị xem xét lại.

3.2 Bước 2: Huỷ bỏ bản án hình sự oan sai

Việc huỷ bản án có thể là toàn bộ hoặc từng phần. Như vậy, khi một người bị kết án nhiều tội bởi một quyết định duy nhất, thì việc xem xét lại có thể chỉ được chấp nhận cho một vài tội trong số các tội đó. Và trong trường hợp này, nếu bản án vẫn được coi là thích đáng tương ứng với các tội còn lại, hình phạt đã tuyên sẽ được giữ nguyên. Dù là Toàn Bộ hay từng phần thì việc huỷ bản án cũng sẽ được thực hiện dưới hai hình thức : trả lại bản án để xét xử lại hoặc không tuỳ theo từng trường hợp.

(1). Huỷ bản án và đề nghị xử lại.

Trong trình tự xem xét lại bản án cũng như trong trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, việc quyết định huỷ bỏ một bản án thường được tuyên bố kèm với việc trả lại hồ sơ để xét xử lại ở một Toà khác với Toà án đã ra quyết định này xử lại. Phòng hình sự ra quyết định trả lại hồ sơ để xét xử lại khi họ đánh giá rằng sự vô tội của người đã bị kết án đề nghị được xem xét lại là không chắc chắn và việc tổ chức các phiên Toà mới là có thể thực hiện được.

Toà án xét xử lại tiến hành giải quyết vụ án theo các thủ tục như thường lệ. Trong trường hợp vụ án bị trả về một Toà án quân đội thì Toà án này sẽ xử lại theo các thủ tục như thường lệ nhưng giới hạn ở các vấn đề được nêu ra bởi Toà phá án.

Toà án xét xử lại vụ án có Toàn quyền đánh giá, Toà có thể tuyên bố người đã bị kết án vô tội hoặc cũng có thể giữ nguyên án đã tuyên hay đưa ra một bản án mới. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, Toà án này không thể tuyên một án mới nặng hơn án đã bị huỷ, điều này theo nguyên tắc không thể được kết án nặng hơn, đây là nguyên tắc chung cho tất cả các trình tự kháng án trong lợi ích của người bị kết án. Hơn nữa, để cho công bằng, Toà án chấp nhận rằng phần hình phạt đã được thi hành của án thứ nhất sẽ được khấu trừ vào hình phạt trong quyết định bản án của Toà án xử lại.

(2). Huỷ bản án không có quyết định xử lại.

Trong ba trường hợp đặc biệt quy định ở Điều 625, các khoản 3, 4 và 5 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định huỷ bỏ bản án có thể được tuyên bố mà không qua xử lại và Toà phá án sẽ ra một quyết định thay cho quyết định bị huỷ.

Trường hợp thứ nhất : Phòng hình sự sẽ tự xem xét lại bản án khi xét thấy không thể tổ chức lại các phiên Toà mới. Những trường hợp thường gặp là trường hợp người đã bị kết án đã chết, bị mất trí; trường hợp một trong những người đã bị kết án không chịu ra Toà hoặc vắng mặt; trường hợp người đã bị kết án không có trách nhiệm hình sự (hoặc được miễn trách nhiệm hình sự) tại thời điểm vi phạm; trường hợp ân xá .... .

Trong tất cả các trường hợp không thể tổ chức được các phiên Toà mới này, Toà phá án, sau khi đã xác nhận sự không thể tổ chức được này, xem xét lại vụ án với sự có mặt của các bên dân sự, nếu có, và các trợ quản mà Toà đã chỉ định thay mặt những người bị kết án đã chết. Toà án chỉ huỷ những hình phạt mà Toà nhận thấy không chính xác và phục hồi danh dự cho người đã mất nếu cần thiết.

Trường hợp thứ hai : Phòng hình sự sẽ tự xem xét lại bản án nếu như chỉ sau khi Toà đã ra quyết định huỷ bản án cũ và trả lại hồ sơ để xét xử lại mới được biết rằng không thể tổ chức lại được các phiên Toà. Ví dụ, trường hợp người đề nghị xét xử lại vẫn sống và hoàn Toàn bình thường tại thời điểm bị kết án nhưng vừa qua đời hoặc vừa bị mất trí trước khi Toà xử lại đưa ra quyết định mới. Trong trường hợp này, Phòng hình sự dựa trên bản buộc tội của Viện trưởng viện công tố, huỷ quyết định chỉ định Toà án xét xử lại và tự mình xem xét lại bản án.

Trường hợp thứ ba của việc huỷ bản án không có quyết định xử lại được quy định bởi Bộ luật tố tụng hình sự : Phòng hình sự sẽ tự xem xét lại bản án nếu việc huỷ bỏ bản án hoặc quyết định buộc tội làm cho không còn gì có thể buộc tội bị cáo. Theo án lệ, nếu sự vô tội của người đã bị kết án là chắc chắn thì việc xem xét lại bản án sẽ được thực hiện không qua xử lại, mặc dù rằng việc tổ chức các phiên Toà mới là có thể được. Toà phá đã quyết định như vậy kể từ một quyết định được đưa ra trong vụ án Dreyfus (12/07/1907).

Cũng như vậy, Toà phá án quyết định tự xem xét lại bản án khi một trong các yếu tố tạo nên vi phạm không còn tồn tại nữa như trường hợp một người đã bị kết án trục xuất khỏi Pháp nhưng thực ra người ấy là người Pháp tại thời điểm kết án; hoặc trường hợp một người bị kết án về tội đào ngũ nhưng thực ra bản hợp đồng quân sự của người ấy đã được tuyên bố vô hiệu.

III. Những ảnh hưởng của việc xét lại bản án hình sự oan sai

Dù cho việc xử lại đã được quyết định bởi Toà phá án hay Toà án xử lại thì những ảnh hưởng của quyết định ấy cũng như nhau. Nó dẫn đến việc huỷ bỏ có hiệu lực về trước của bản án và cho người được xử lại quyền yêu cầu bồi thường các thiệt hại về vật chất và tinh thần mà việc áp dụng sai pháp luật đã gây ra để cho người đã bị buộc tội hoặc gia đình anh ta trở lại tình trạng ban đầu của họ trước khi có bản án sai.

1. Việc huỷ bỏ có hiệu lực hồi tố của bản án

Khác với sự khôi phục danh dự, mà hiệu lực chỉ là xoá bỏ bản án cho tương lai, và ngay cả ân xá, mà hiệu lực hồi tố chỉ dựa trên một hư cấu và dù xoá bỏ bản án vẫn để lại những biện pháp của cảnh sát và an ninh cùng với những khoản phạt tiền, việc xét lại sửa chữa một sai lầm của pháp luật và nó có hiệu lực hồi tố.

1.1.Phạm vi ảnh hưởng của việc huỷ bỏ bản án

Trên nguyên tắc, tất cả những hậu quả đã có của bản án đều bị xoá bỏ. Nếu như sự sống và tự do đã mất không thể trả lại được cho người đã bị kết án tử hình hoặc tù giam đã phải chịu những hậu quả của án, ít ra khi việc thi hành của án chưa được thực hiện hoặc việc thi hành án đã bị hoãn lại thì người này phải được thả ngay lập tức, người đã trả tiền phạt có quyền được hoàn lại. Những việc mà người bị kết án đã tự làm được, mặc dù không đủ quyền vì bị luật cấm, sẽ được hợp thức hoá cũng như những khoản cho hoặc thừa kế mà anh ta đã cho hoặc nhận mặc dù trong thời gian bị kết án anh ta không đủ quyền cho hoặc nhận. Những hậu quả của việc tước quyền dân sự sẽ biến mất với hiệu lực hồi tố cùng lúc với việc huỷ bản án.

Cuối cùng, hiệu lực hồi tố dẫn đến việc huỷ bỏ bản án dân sự bồi thường, dù cho bản án ấy đã được quyết định bởi một Toà dân sự hay hình sự chỉ cần nó đã hoàn Toàn dựa trên cơ sở việc có tội hình sự. Như vậy, nếu như người đã bị kết án đã trả các khoản tiền bồi thường trước khi bản án được xử lại có quyền đề nghị trả lại khoản tiền nộp phạt không có cơ sở này.

1.2.Những hạn chế của việc huỷ bỏ bản án

Việc xoá bỏ có hiệu lực hồi tố của bản án không được có ảnh hưởng tới người khác. Trên nguyên tắc này, những Điều mà người giám hộ đã làm thay cho bị cáo bị tước quyền vẫn có giá trị sau xử lại. Cũng như vậy, việc ly hôn vì một trong hai vợ chồng bị kết một án khổ nhục hoặc nhục hình cũng như hôn nhân mới sau việc ly hôn này không thể bị huỷ bỏ vì bản án được xử lại bởi vì việc ly hôn và kết hôn đã có hiệu lực vĩnh viễn.

Việc xử lại sẽ không dẫn đến việc huỷ hình phạt đã tuyên nếu như hình phạt ấy đã được quyết định trên cơ sở của nhiều vi phạm mà chỉ có một đã được xem xét lại. Theo Toà phá án, hình phạt phải được giữ lại nếu những vi phạm còn lại, không được xét lại, xứng đáng với hình phạt ấy. Tức là khi một bản án đã được quyết định trên cơ sở các vi phạm không có liên quan gì đến những vi phạm được xử lại và hoàn Toàn hợp lý thì sự tuyên bố phạm tội và hình phạt sẽ được giữ lại sau khi xét lại.

2. Bồi thường thiệt hại

Ngoài quyền được yêu cầu bồi thường bởi những người cố ý hại và những nhân chứng giả đã gây ra việc bị kết án oan, người vô tội bị kết án oan bởi sai lầm của luật pháp có quyền được Nhà nước bồi thường cả về tinh thần lẫn tài chính.

2.1.Bồi thường tinh thần

Nếu người đệ đơn yêu cầu thì quyết định của Toà xét lại công nhận sự vô tội của người này sẽ được niêm yết tại thành phố mà quyết định kết án đã được công bố, tại địa phương nơi xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của người những người đệ đơn tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của đã bị kết án sai nếu như người ấy đã chết; với cùng một điều kiện văn bản của quyết định cũng được công bố toàn văn trong Công báo và trong 5 tờ báo khác do toà chọn.

Chi phí cho các việc công bố này do nhà nước trả.

2.2.Bồi thường vật chất

Việc bồi thường vật chất là một khoản tiền bồi thường dành cho nạn nhân của oan sai hoặc cho người thân của anh ta tương ứng với những thiệt hại mà việc kết tội sai đã gây ra. Khoản bồi thường này tương ứng với những thiệt hại cả về tinh thần lẫn vật chất có thể được đề nghị bởi nạn nhân của oan sai hoặc, nếu như anh ta đã mất, bởi vợ/ chồng, hoặc bố mẹ hoặc con, nhưng nếu như nó được đề nghị bởi những người thân xa hơn thì khoản bồi thường chỉ bao gồm những thiệt hại vật chất mà bản án sai đã gây ra cho họ.

Đề nghị bồi thường phải là một đơn viết tay trên giấy có dán tem và được đăng ký nếu không sẽ không được chấp nhận. Việc đăng ký có thể được làm vào bất kỳ thời điểm nào của quá trình xem xét lại bản án nhưng không thể sau quyết định xem xét lại được công bố.

Các khoản bồi thường này được quyết định bởi Toà án đã xem xét lại bản án, hoặc là Toà Phá án nếu Toà này đã ra quyết đinh cuối cùng mà không cần xét xử lại hoặc là Toà án đã xét xử lại. Cũng tương tự như vậy đối với các vụ việc được xét xử ở Toà án binh.

Theo quy định tại Điều 626 khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự việc bồi thường là không bắt buộc: "Theo yêu cầu hỏi của người bị oan quyết định tuyên bố vô tội cho người này có thể cũng đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho anh ta". Các nghiên cứu chuẩn bị cho dự thảo luật ngày 8/6/1895 cũng đã đề cập đến vấn đề này và như lời tuyên bố của thượng nghị sĩ Berenger: "Bồi thường là một quyền lợi, nhưng việc thực hiện nó cần phải trải qua một quá trình xem xét, đánh giá". Rõ ràng là như vậy vì Toà án có thể từ chối bồi thường cho người đã bị kết án sai nhưng do chính lỗi của anh ta.

Khoản bồi thường này sẽ do Nhà nước chi trả trừ trường hợp Nhà nước chứng minh được lỗi là của của nguyên đơn dân sự, người tố giác hoặc nhân chứng giả mà bản án đã được tuyên. Khoản bồi thường được chi trả như án phí hình sự.

 

 

 

Vấn đề trách nhiệm của nhà nước bồi thường thiệt hại trong luật pháp hoa kỳ

ThS Cao Xuân Phong

Hoa Kỳ là một quốc gia theo truyền thống luật án lệ - truyền thống pháp luật bắt nguồn từ nước Anh thời phong kiến và đã được truyền bá rộng rãi trong số các nước thuộc địa cũ của Anh (như Ân Độ, Singapore, v.v.), các nước thuộc Khối Liên hiệp Anh (như Australia, New Zealand, v.v.) hoặc các nước nói tiếng Anh (Hoa Kỳ, Canada, v.v.). Truyền thống luật án lệ có đặc trưng cơ bản là các tòa án xét xử dựa trên các bản án với các tình tiết tương tự đã được tuyên trước đó (các án lệ). Khi Hoa Kỳ (và một số nước theo truyền thống luật án lệ khác) trở thành các nước cộng hòa và thành lập cơ quan lập pháp để ban hành luật thì các văn bản luật về nguyên tắc có giá trị pháp lý cao hơn các án lệ. Tuy nhiên trong điều kiện như vậy, Tòa án Hoa Kỳ lại có thêm chức năng là cơ quan giải thích pháp luật và thẩm định tính hợp hiến của các văn bản luật.

Quan điểm chung nhất trong pháp luật Hoa Kỳ liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân thi hành pháp luật trước công dân là quan điểm Quyền miễn trừ quốc gia. Theo quan điểm này, về nguyên tắc, Nhà nước Hoa Kỳ không phải là một chủ thể trong tố tụng dân sự và không thể bị kiện yêu cầu bồi thường, trừ khi Nhà nước tự giới hạn hay từ chối quyền miễn trừ quốc gia của mình.

Như đã đề cập ở trên, Hoa Kỳ là một nước theo truyền thống luật án lệ, vì vậy, để xác định trong những trường hợp nào Nhà nước tự giới hạn hoặc từ chối quyền miễn trừ quốc gia của mình, ngoài việc nghiên cứu các quy định pháp luật, chúng ta còn cần phải tìm hiểu cả cách giải thích pháp luật của các tòa án và các án lệ thông qua các bản án đã tuyên trong các vụ án liên quan.

Trong số các văn bản luật của Hoa Kỳ, Luật Liên bang về Khiếu kiện yêu cầu bồi thường (Federal Tort Claims Act - FTCA) là một văn bản hạn chế quyền miễn trừ quốc gia của Nhà nước liên bang khi các công chức có hành vi bất cẩn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho công dân. Luật này quy định rằng Nhà nước chỉ có thể bị kiện và chịu trách nhiệm khi các nhân viên công vụ do cẩu thả mà vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, tức là trong các trường hợp Nhà nước Hoa Kỳ, với tư cách là một cá nhân, có thể phải chịu trách nhiệm đối với người khởi kiện theo pháp luật của nơi khởi kiện. Các hành vi mang tính quyền lực nhà nước không thể do cá nhân nào thực hiện thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của FTCA.

Theo quy định của FTCA, Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhân viên thừa hành công vụ nói chung gây thiệt hại cho công dân do các hành vi giết người, sử dụng bạo lực, bắt hoặc giam giữ trái pháp luật, truy tố thiếu căn cứ với ác ý, lạm dụng thủ tục, phỉ báng, gian dối, khai man, lừa gạt, can thiệp vào thoả thuận hợp đồng. Tuy nhiên, nếu các hành vi nói trên do nhân viên thi hành pháp luật thực hiện trong quá trình thi hành công vụ thì nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

FTCA cũng quy định một số ngoại lệ theo đó nhà nước không chịu trách nhiệm ngay cả khi cá nhân một nhân viên thi hành công vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đó là các trường hợp về quyền tự quyết định của nhân viên thi hành công vụ. Luật quy định khi có đơn kiện, tòa án phải chứng minh hai điểm: thứ nhất, phải trả lời câu hỏi liệu một hành vi cụ thể có dựa trên sự đánh giá hay lựa chọn chủ quan của bản thân người thực hiện hành vi (là người đang thi hành công vụ) hay không. Nếu pháp luật liên bang hoặc từng bang đã quy định rõ hành vi cụ thể cần tuân thủ của người thi hành công vụ thì câu trả lời là không - tức là Nhà nước sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại do hành vi đó gây ra cho công dân. Khi câu trả lời cho câu hỏi trên là có thì tòa án sẽ chứng minh điểm thứ hai: liệu hành vi dựa trên đánh giá chủ quan đó có thuộc phạm vi được nhà nước bảo vệ hay không (quy trình này sẽ được trình bày cụ thể hơn ở phần sau).

Tất nhiên đây là những câu hỏi phức tạp không dễ tìm ra câu trả lời thống nhất cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, việc phải tìm ra câu trả lời cụ thể cho từng tình huống cụ thể lại chính là công việc đặc trưng của các tòa án thuộc các nước theo truyền thống luật án lệ.

Để có thể hiểu rõ hơn quan điểm cũng như cách tiếp cận, cách giải quyết của Hoa Kỳ đối với các trường hợp Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho công dân do hành vi vi phạm pháp luật của các nhân viên nhà nước trong quá trình thi hành công vụ, dưới đây sẽ phân tích một số vụ án cụ thể từ thực tiễn xét xử của nước này.

Vụ thứ nhất: Zuchel kiện Thành phô' và Quận Denver

 

Nguyên đơn kiện một cảnh sát đã bắn trúng con trai anh ta 4 lần trong một vụ bạo động trên đường phố làm người này chết. Nguyên đơn đã hòa giải được với viên cảnh sát từ trước khi có phiên tòa và tại phiên tòa, tòa án chỉ xử việc nguyên đơn kiện thành phố. Dựa trên phân tích rằng chương trình huấn luyện sử dụng vũ khí mà thành phố cung cấp cho các cảnh sát chỉ gồm bài giảng và xem băng video hướng dẫn mà không có thực hành các tình huống cần sử dụng vụ khí và cách thức sử dụng vũ khí, Tòa án đã kết luận rằng chương trình huấn luyện này là không đủ để tạo cho các cảnh sát viên kỹ năng sử dụng vũ khí cần thiết và đã tuyên bản án buộc thành phố phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn là USD 330.000.

Vụ thứ hai: Curtis kiện Thành phô'Des Moines

Một người đàn ông trong trạng thái say xỉn đã dùng mảnh kính vỡ rạch mặt một phụ nữ và bị cảnh sát bắt giữ. Người đàn ông này đã kiện viên cảnh sát vì đã đấm vào mặt ông ta sau khi đã còng tay và kiện chính quyền thành phố vì đã dung túng cho các hành vi vi phạm quyền công dân. Tòa án đã xử cho người đàn ông trên thắng kiện: ông ta được chính quyền địa phương bồi thường 1 đô-la tiền thiệt hại. Nhưng ngoài ra, chính quyền cũng phải trả cho ông ta chi phí luật sư cho vụ kiện là 66.535 đô-la; đồng thời, viên cảnh sát vi phạm cũng phải bồi thường thiệt hại cho ông ta số tiền là 10.000 đô-la. Sau vụ kiện này, Cảnh sát trưởng thành phố đã ra lệnh cấm sử dụng nắm đấm để đối xử với những người bị bắt giữ và Sở cảnh sát thành phố đã sử dụng một số đoạn băng video mô tả hành vi của viên cảnh sát làm công cụ trực quan mô tả cụ thể hành vi bị nghiêm cấm.

Chính quyền thành phố kháng cáo quyết định của tòa sơ thẩm đối với phần phí luật sư dựa trên phán quyết của án lệ Farrar kiện Hobby trong đó, vì nguyên đơn chỉ kiện yêu cầu bồi thường nên chỉ nhận được tiền bồi thường là 1 đô-la mà không nhận được bồi hoàn chi phí luật sư. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm cho rằng mặc dù nguyên đơn trong vụ kiện này chỉ được bồi thường một khoản hoàn toàn có tính chất tượng trưng (l đô-la), chính vụ kiện đã là chất xúc tác cho sự thay đổi thái độ của chính quyền địa phương đối với việc sử dụng bạo lực trong lực lượng cảnh sát địa phương và cho biện pháp kỷ luật được áp dụng đối với viên cảnh sát vi phạm. Do vậy, nguyên đơn đã đạt được cái gọi là "thắng lợi chung" trong vụ kiện và phải được bồi hoàn khoản chi phí luật sư theo án lệ Wilcox kiện Reno.

 

Vụ thứ ba: Cellini kiện Thành phố Sterling Heights

Trong vòng 6 tháng, một phụ nữ ở Michigan đã năm lần liên lạc với cảnh sát địa phương để báo cáo về các hành vi bạo lực của chồng cô ta. Một vài lần trong số năm lần trên, cảnh sát đã đi theo người phụ nữ về nhà cô ta nhưng không lần nào cảnh sát bắt giữ chồng cô ta. Cuối cùng, khi bố mẹ người phụ nữ tới chơi nhà cô ta thì phát hiện cả hai vợ chồng đều đã chết vì bị bắn. Cảnh sát còn phát hiện thêm cả hai đứa trẻ của hai vợ chồng đều cũng đã chết trong phòng ngủ của chúng ở tầng trên ngôi nhà. Người đàn ông đã bắn chết hai đứa trẻ và vợ anh ta trước khi dùng chính khẩu súng đó tự vẫn. Vụ án xảy ra vào năm 1989. Bố mẹ người phụ nữ đã chết kiện cảnh sát thành phố Michigan vì đã không "bảo vệ cho các thành viên của gia đình khỏi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình" như Hiến pháp Hoa Kỳ và Hiến pháp bang Michigan quy định. Nguyên đơn cho rằng sở cảnh sát địa phương đã có sự phân biệt giữa bạo lực gia đình với các hành vi bạo lực khác. Tòa án sơ thẩm qua thẩm vấn một số cảnh sát đã phát hiện rằng trước năm 1990, sở cảnh sát địa phương đã có chính sách không bắt giữ những trường hợp bạo lực gia đình như đối với các trường hợp bạo lực bình thường khác. Điều này đã cho phép tòa án kết luận rằng đã thực sự có sự phân biệt đối xử của cảnh sát đối với bạo lực gia đình. Tòa đã tuyên phạt chính quyền địa phương (không rõ hình phạt cụ thể) với lập luận rằng giữa chính sách của cảnh sát địa phương và quyền lợi chung của chính quyền địa phương có sự liên hệ hữu cơ.

Vụ thứ tư. Dumond kiện Conlee

 

Một tên tội phạm bị buộc tội hiếp dâm trong lúc đang chờ xử án thì bị một số kẻ đột nhập bịt mặt "thiến". Tên tội phạm (bị xử tù chung thân vì tội hiếp dâm) đã kiện cảnh sát trưởng địa phương yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần vì ông này đã cho một số người xem cái bình đựng "của quý" của hắn ta. Luật sư của nguyên đơn mô tả với bồi thẩm đoàn là cảnh sát trưởng đã "giơ cao chiếc bình như thể một chiếc cúp vinh dự vậy". Trong thẩm vấn trước tòa, một nhân chứng khai báo đã nhìn thấy chiếc bình đựng vật đặc biệt trên đặt trên bàn của viên cảnh sát trưởng. Tòa án đã tuyên viên cảnh sát trưởng phải bồi thường thiệt hại về tinh thần cho nguyên đơn với số tiền là 150.000 đô-la.

Vụ thứ năm: Agresta kiện Gillespie

 

Một chủ công ty nghi ngờ nhân viên của anh ta ăn cắp tài sản của công ty và hai bên đã ẩu đả ở nhà kho của công ty. Sau đó người nhân viên gọi điện cho cảnh sát thông báo chủ của anh ta định dùng súng để thực hiện một vụ bắt cóc. Cảnh sát đề nghị nhân viên này gọi điện cho chủ của anh ta để bố trí điểm hẹn. Khi chủ công ty lái xe tới điểm hẹn, một xe cảnh sát không biển, không còi đã chặn đường xe thứ nhất và bắn vào xe này khi người lái không chịu dừng xe. Sau đó hai xe cảnh sát, cũng không có biển cảnh sát và còi nghiệp vụ, tiếp tục truy đuổi. Khi người chủ công ty dừng xe cạnh một xe cảnh sát có đủ biển và còi nghiệp vụ, anh ta đã bị những người truy đuổi bắn chết. Tòa án đã xác minh được rằng trong khi bị truy đuổi, người chủ công ty đã kịp gọi điện cho bố anh ta thông báo anh ta đang bị người của nhân viên ăn cắp truy đuổi. Toà án cũng xác định được rằng cảnh sát đã vi phạm những quy định về thủ tục đuổi bắt và sử dụng vũ khí vì chưa thực hiện những hành động kiểm tra độ tin cậy của những thông tin đã nhận được. Tòa lập luận rằng ngay cả khi đã có thông tin tin cậy, cảnh sát cũng không thể tiến hành truy bắt theo cách thức cẩu thả như vậy. Toà tuyên án chính quyền địa phương phải bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền là 4,8 triệu đô-la.

Vụ thứ sáu: Cannon kiện Quận Macon

Một cảnh sát đã đề nghị giúp đỡ một phụ nữ dừng nghỉ đêm trên đường đi nghỉ mát. Khi báo cáo tên họ của người phụ nữ này về trung tâm, anh ta được biết một phụ nữ có tên tương tự đang bị cảnh sát một địa phương khác truy nã và cái tên đó đã được đưa vào ngân hàng dữ liệu của Trung tâm Thông tin Tội phạm Quốc gia (TTTQ). Mặc dù người phụ nữ phản đối và giải thích, viên cảnh sát vẫn bắt giữ chị ta. Một cảnh sát khác, khi lập hồ sơ bắt giữ trình tòa án phê duyệt theo đúng thủ tục cần có, đã sử dụng những mô tả nhân dạng của hồ sơ TTTQ để mô tả người phụ nữ bị bắt mặc dù theo mô tả đó, người bị truy nã cao hơn nạn nhân tới gần 10 cm. Ngày tháng năm sinh của kẻ bị truy nã cũng được sử dụng để đưa vào hồ sơ trong khi ngày đó cách ngày tháng năm sinh thực của nạn nhân được ghi nhận trên giấy tờ tuỳ thân của cô ta tới 12 năm. Theo hồ sơ giả mạo này, tòa án đã phê chuẩn lệnh bắt giữ và dẫn độ người phụ nữ trên tới địa phương phát lệnh truy nã. Tất nhiên ngay khi được đưa tới địa điểm cần đến, người phụ nữ đã được thả vì người bị truy nã không phải chị ta. Nạn nhân đã kiện yêu cầu chính quyền địa phương nơi chị ta bị bắt giữ, viên cảnh sát đã bắt giữ và viên cảnh sát lập hồ sơ phải bồi thường thiệt hại do bắt giữ oan gây ra.

Bồi thẩm đoàn bác đơn của nạn nhân kiện chính quyền địa phương và viên cảnh sát thực hiện bắt giữ, nhưng lại quyết định phạt viên cảnh sát đã lập hồ sơ 50.000 đô-la. Toà án sơ thẩm không chấp nhận đề nghị của bồi nhẩm đoàn vì cho rằng nguyên đơn không chứng minh được rằng viên cảnh sát này rõ ràng vi phạm các quy định pháp luật cụ thể. Tòa phúc thẩm lại tuyên phạt 50.000 đô-la với lập luận rằng nguyên đơn đã chứng minh được rằng các quyền được đối xử theo quy trình tố tụng công bằng như quy định tại Bổ sung thứ 14 đối với Hiến Pháp Hơn Kỳ của cô ta đã bị vi phạm bởi viên cảnh sát lập hồ sơ. Tòa nhận định: "một viên cảnh sát bình thường chắc chắn phải thu thập thông tin về người bị bắt để đưa vào báo cáo chứ không phải copy thông tin đó từ cơ sở dữ liệu của TTTQ" và "để ký vào một báo cáo như vậy, một viên cảnh sát bình thường không thể chỉ dựa vào niềm tin của mình mà không có bất kỳ hành vi nào để kiểm tra hay xác minh lại niềm tin đó".

Vụ thứ bảy: McCormack kiện Thành phố New York

 

Một cảnh sát thuộc lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh của Sở cảnh sát thành phố New York đã bị tội phạm bắt chết tại hiện trường vì áo giáp chống đạn mà anh ta được trang bị không che được vai và nách. Gia đình cảnh sát này đã kiện chính quyền thành phố New Yơrk cho rằng chính quyền thành phố có nghĩa vụ phải cấp cho lực lượng cảnh sát đặc nhiệm phản ứng nhanh loại áo giáp chống đạn bảo vệ được vai và nách và rằng việc viên chỉ huy đội đặc nhiệm đã ra lệnh cho các cảnh sát khác ngừng bắn vào nhóm tội phạm vì sợ bắn nhầm vào chính viên cảnh sát bị hạ là một quyết định sai lầm. Về vấn đề áo giáp chống đạn, tòa lập luận rằng "pháp luật chỉ yêu cầu chủ lao động cung cấp các thiết bị an toàn phù hợp, ở trạng thái có thể sử dụng tốt" chứ không yêu cầu phải cung cấp "các thiết bị an toàn tốt nhất được biết đến tại thời điểm cụ thể". Tòa án sơ thẩm xử cho bên nguyên được hưởng khoản bồi thường 3,67 triệu đô-la nhưng quyết định này lại bị tòa phúc thẩm bác. Tòa phúc thẩm cho rằng áo giáp được trang bị cho các cảnh sát đã đáp ứng được tiêu chuẩn nói trên. Thêm vào đó, các áo giáp có khả năng che chắn cao hơn đang được bán trên thị trường "có thể làm cản trở hoạt động của người mang" và đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn loại áo giáp cho cảnh sát của chính quyền thành phố. Vì vậy, tòa không xem xét các vụ thiệt hại cá nhân do bất cẩn nếu không chứng minh được rằng sự lựa chọn của chính quyền thành phố là không phù hợp. Tòa phúc thẩm cũng lập luận rằng quyết định ngừng bắn của viên đội trưởng hoàn toàn là một quyết định tình thế dựa vào bối cảnh cụ thể của hiện trường; cho dù quyết định có tính chiến thuật đó có thiếu sáng suốt thì tòa án cũng không thể coi đó là cơ sở để quy trách nhiệm cho người liên quan.

Vụ thứ tám: Jones kiện Ziegler và vụ thứ chín Brown kiện Thành phô' Margate

Trong vụ Jones, một phụ nữ bị cảnh sát hiếp trong khi giam giữ đã kiện kẻ hiếp dâm và chính quyền thành phố yêu cầu bồi thường thiệt hại. Toà án tuyên viên cảnh sát đã thực hiện hành vi hiếp dâm phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân 1 triệu đô-la nhưng chính quyền thành phố được miễn trách nhiệm vì tất cả những tố giác trước đây về các hành vi tình dục sai trái của cảnh sát đều đã được thành phố điều tra và xử lý thích đáng.

Trong vụ Brown, một người phụ nữ bị cảnh sát ngược đãi trong trại giam đã kiện cả viên cảnh sát đã sử dụng bạo lực và cả thành phố. Nguyên đơn cho rằng chính quyền thành phố đã không huấn luyện và giám sát lực lượng cảnh sát một cách phù hợp, không ghi nhận và điều tra xử lý thích đáng những vụ khiếu kiện cảnh sát sử dụng bạo lực và không xử lý kỷ luật những cảnh sát vi phạm. Nguyên đơn cũng lập luận rằng cảnh sát của địa phương khi sử dụng bạo lực đã biết rõ là chính quyền thành phố sẽ hầu như không quan tâm tới các khiếu kiện. Tại phiên toà, các lập luận trên đã được chứng minh là có thực và tòa đã tuyên bản án buộc chính quyền địa phương phải bồi thường cho nạn nhân số tiền là 50.000 đô-la.

Vụ thứ mười: Stewart kiện Thành phô'Omaha

Một cảnh sát trên đường đi tuần tra đã phát hiện một xe máy với biển số đã hết hạn mà anh ta đã truy đuổi bốn ngày trước đó mà chưa bắt được. Viên cảnh sát này lập tức đuổi theo chiếc xe máy đang chở một cô gái ngồi phía sau. Cuộc đuổi bắt diễn ra với tốc độ 70 dặm một giờ ở khu vực đông dân cư chỉ cho phép lái xe với tốc độ 25 dặm/giờ. Sau cùng chiếc xe máy vượt đèn đỏ, va vào một ô tô chạy ngang làm cho cô gái ngồi sau chết tại chỗ.

Người nhà cô gái kiện chính quyền thành phố với lập luận viên cảnh sát đã quá cẩu thả trong việc tiến hành đuổi bắt. Tòa án, dựa trên nhận định rằng hành vi của viên cảnh sát vi phạm quy chế đuổi bắt của sở cảnh sát địa phương; ngoài ra, trong khi đuổi bắt, viên cảnh sát đã được thông báo chiếc xe máy trên chỉ hết hạn đăng ký chứ không phải xe ăn cắp, và cuộc đuổi bắt sẽ phải vượt qua khu vực đông người và khu vui chơi trẻ em, đã tuyên buộc chính quyền thành phố phải bồi thường cho gia đình nạn nhân khoản tiền 356.932 đô-la.

Từ những ví dụ thực tiễn cụ thể nêu trên và một số vụ kiện khác không có điều kiện trích dẫn cụ thể, chi tiết trong bài viết này, có thể rút ra một vài kết luận sơ bộ về bồi thường thiệt hại đối với những hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên thi hành công vụ nói chung và cảnh sát, công tố viên nói riêng như sau:

Thứ nhất, ở Hoa Kỳ không có văn bản pháp luật nào quy định về trách nhiệm của nhà nước và chính quyền địa phương đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các nhân viên thi hành công vụ trong quá trình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ. Điều này chứng tỏ chế định bồi thường thiệt hại chưa thực sự phát triển.

Thứ hai, trong các vụ kiện, tòa án thường chỉ xét xử căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án chứ không có sự phân định đâu là oan, đâu là sai.

Thứ ba, Hoa Kỳ thường phân biệt rõ ràng đâu là trách nhiệm của các cơ quan, đâu là trách nhiệm của các cá nhân trong vụ kiện nhân viên nhà nước vi phạm pháp luật. Tuy nhiên sự phân biệt trách nhiệm này lại cũng không được quy định rõ ràng mà chỉ dựa vào các án lệ (vốn đã rất không rõ ràng, thậm chí còn mâu thuẫn, trái ngược) và sự phán xét dựa trên suy đoán và kinh nghiệm của bồi thẩm đoàn hoặc các thẩm phán. Các bản án của tòa án Hoa Kỳ thường tuyên rõ ràng ai phải bồi thường bao nhiêu.

Thứ tư, trong đại đa số các trường hợp, cơ quan phải đứng ra bồi thường là chính quyền địa phương hoặc chính quyền liên bang chứ không phải cơ quan tố tụng có nhân viên vi phạm. Logic chung của cách tiếp cận này là ở chỗ chính quyền địa phương phải là cơ quan chịu trách nhiệm tối cao về mọi hoạt động của các cơ quan công quyền ở địa phương; mọi cơ quan địa phương, trong đó có các cơ quan tố tụng, đều nhận ngân sách hoạt động từ chính quyền địa phương; do vậy, nếu cắt ngân sách để bồi thường thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa có điều kiện tìm hiểu cụ thể các khoản bồi thường được chi trả từ ngân sách địa phương hoặc liên bang được chi theo cơ chế nào.

Thứ năm, điều phân tích trên cũng liên quan tới một thực tế là số tiền bồi thường thiệt hại ở Hoa Kỳ thường cao hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Chẳng hạn một người bị mất 20% sức lao động thì số tiền có thể xét được bồi thường sẽ được tính như sau: toàn bộ chi phí cho việc chữa bệnh (thường tính theo giá của các công ty bảo hiểm), 20% thu nhập bình thường của người đó từ thời điểm bị' mất sức lao động cho tới tuổi về hưu, có tính đến các thời điểm được nâng lương đối với một người lao động bình thường, tính cả đến trượt giá, lạm phát, v.v, các mất mát về tinh thần cớ hên quan; và toàn bộ số chi phí thực tế đó có thể được nhân lên nhiều lần để "cảnh cáo" đơn vị/người vi phạm. Tuy nhiên cách tính trên mới chỉ mang tính định tính, về mặt định lượng, Hoa kỳ không có quy định cụ thể nào. Điều này làm cho số tiền bồi thường trong mỗi vụ án gần như hoàn toàn không giống nhau, nhất là các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Thứ sáu, vậy các tòa án ở Hoa Kỳ sử dụng cơ chế nào để xử lý các vụ kiện về bồi thường thiệt hại? Quy trình điển hình có thể được diễn tả như sau:

Trước hết, tòa án phải xác định xem nhân viên công quyền có thực hiện hành vi trái pháp luật không và hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của công dần không. Các bên liên quan được miễn trách nhiệm trong trường hợp tòa phát hiện rằng:

- nhân viên công quyền không thực hiện hành vi sai trái mặc dù công dân có thể bị thiệt hại;

- nhân viên công quyền có thực hiện hành vi sai trái nhưng hành vi đó không gây thiệt hại cho công dân; '

 

- nhân viên công quyền thực hiện hành vi sai trái và hành vi đó gây ra thiệt hại cho công dân nhưng nhân viên đó lại được miễn trách nhiệm theo một số quy định cụ thể khác.

Tiếp theo, nếu nhân viên công quyền phải chịu trách nhiệm và công dân kiện cơ quan chủ quản của nhân viên đó thì tòa án phải nhận định xem cơ quan chủ quản có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra do hành vi sai trái của nhân viên hay không bằng cách xác định hành vi sai trái đó có được thực hiện trong khi thi hành công vụ hay không.

Cuối cùng, tòa án phải quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại. Mỗi tòa án được quyền tự quyết định về mức độ bồi thường thiệt hại căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án. Bên nguyên có nghĩa vụ chứng minh tổng số các thiệt hại do hành vi sai trái gây ra.

Thứ bảy, trong tất cả các vụ kiện yêu cầu bồi thường ở Hoa Kỳ, không bao giờ vấn đề trách nhiệm của bồi thẩm đoàn hay thẩm phán xét xử sơ thẩm được đặt ra, dù tòa án phúc thẩm có thể tuyên bản án hoàn toàn trái ngược với bản án tòa án sơ thẩm đã tuyên. Về điểm này, một luật sư Hoa Kỳ đã cho rằng thủ tục tố tụng ở Hoa Kỳ (thủ tục tố tụng đối tụng) được coi là tương đối hoàn hảo, lại dựa trên các án lệ nên sự lựa chọn của thẩm phán đối với các án lệ khác nhau sẽ dẫn đến cách xử lý vấn đề khác nhau và đó là một đặc điểm của hệ thống xét xử của Hoa Kỳ chứ không phải là do lỗi của thẩm phán. Tất nhiên quan điểm này phải dựa trên một thực tế là mỗi bên tham gia tố tụng (công tố viên, bị can, các bên trong vụ kiện dân sự, bồi thẩm đoàn và thẩm phán) đều phải có nghĩa vụ chứng minh lập luận của mình là đúng đắn và phù hợp với các tình tiết của vụ án.

Trên đây mới chỉ là những nét chung nhất về trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của các nhân viên thi hành công vụ (chủ yếu là các cảnh sát và công tố viên) trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhìn chung Hoa Kỳ có quan điểm dựa chủ yếu vào án lệ để xử lý những trường hợp vi phạm này. Mà án lệ thì rất đa dạng và mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật của Hoa Kỳ còn có những học thuyết, những mô hình lý luận và thực tiễn khác có ảnh hưởng ở những mức độ và góc độ khác nhau đến việc xác định trách nhiệm của nhà nước và của người tiến hành tố tụng trong những trường hợp vi phạm pháp luật. Dưới đây sẽ đề cập và phân tích một vài điểm quan trọng trong số các yếu tố ảnh hưởng đó.

Mô hình tố tụng công bằng và mô hình kiểm soát tội phạm: hai quan điểm đối lập về trách nhiệm của nhân viên thi hành công vụ.

Các nhà nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự đã tổng kết thực tiễn tiến hành các hoạt động tố tụng của hầu hết các quốc gia trên thế giới thành hai mô hình có tính chất điển hình là mô hình kiểm soát tội phạm và mô hình tố tụng công bằng.

Mô hình kiểm soát tội phạm là mô hình triển khai thực hiện các hoạt động tố tụng dựa trên nguyên tắc việc trấn áp các hành vi tội phạm là chức năng quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Mục tiêu tối cao của mô hình kiểm soát tội phạm là mọi tội phạm phải được nhanh chóng phát hiện, xử lý đúng các tội phạm để đảm bảo tính răn đe cao, tỷ lệ tội phạm thấp, số lượng nạn nhân của tội phạm ít, tức là đảm bảo tự do cho mọi người và để các công dân được an toàn về thân thể và tài sản. Tố tụng hình sự đảm bảo mục tiêu này bằng các hoạt động có hiệu quả nhằm sàng lọc những người bị tình nghi, xác định tội phạm và áp dụng các chế tài thích hợp đối với những người bị buộc tội. Để được coi là có hiệu quả, mô hình kiểm soát tội phạm cần đến hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, dứt khoát và có tỷ lệ buộc tội cao.

Việc nhấn mạnh tính nhanh chóng và dứt khoát trong các hoạt động tố tụng của mô hình kiểm soát tội phạm cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu các cơ hội cho những thách thức đối với tố tụng và kết quả của tố tụng. Chẳng hạn chúng ta có thể thấy rằng ở mỗi giai đoạn tố tụng, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng là phải thực hiện thật nhanh chóng các thao tác nghiệp vụ để đưa vụ án tới giai đoạn tố tụng tiếp theo. Việc làm cho "dây chuyền" xử lý tội phạm nói trên ngắt quãng nói chung là một điều tồi tệ vì nó sẽ ảnh hưởng tới việc xử lý các tội phạm tiếp theo. Nhưng chúng ta thử hình dung trường hợp một vụ án đã được xử lý xong xuôi lại bị phát hiện là có sai sót thì hậu quả xảy ra đối với mô hình này nghiêm trọng tới mức nào. Như vậy một quy trình tố tụng có hiệu quả theo mô hình kiểm soát tội phạm nghĩa là khi vụ án lần lượt được chuyển qua cảnh sát, công tố viên, thì một người (với tư cách là một "công nhân" trong dây chuyền tự động) phải thực hiện công việc của mình một cách nhanh chóng mà không sợ bị gánh chịu hậu quả do những sự thiếu sót, sai lệch mắc phải trong quá trình tiến hành tố tụng. Tức là các nhân viên tiến hành tố tụng phải được trao quyền quyết định trong một số trường hợp mà không phải chịu trách nhiệm nếu quyết định của họ có sai sót.

Một kết thúc thành công trong mô hình kiểm soát tội phạm là một người bị bắt bởi nhưng không phạm tội phải được giải thoát ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng trong khi những người khác phải bị buộc tội một cách nhanh chóng và chắc chắn. Theo Packer, trong mô hình này, nguyên tắc "suy đoán phạm tội" là rất quan trọng vì nó cho phép hệ thống tố tụng xử lý một cách hiệu quả một số lượng lớn các vụ án. Mô hình kiểm soát tội phạm thể hiện sự tin tưởng vào quá trình sàng lọc người phạm tội của cảnh sát và công tố viên khi họ quyết định thả những người bị tình nghi nhưng "hình như vô tội" và duy trì các hoạt động tố tụng đối với những người "hình như có tội". Nghĩa là, sau khi đã có đủ bằng chứng buộc tội để có thể tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo, tất cả các hành vi tiếp theo đó cần phải nhắm thẳng vào người bị tình nghi với quan niệm rằng chính họ là những người phạm tội. Tuy nhiên, Packer nhận định: vì suy đoán vô tội hay suy đoán có tội thực ra chỉ là kết quả dự báo của quá trình tố tụng (điều tra) nên việc các cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ nghĩ rằng những người bị tình nghi có tội mà đã đối xử với họ như những người thực sự có tội là một vấn đề không phù hợp với thực tế của Hoa Kỳ, bởi vì ở quốc gia này, mô hình tiến hành các hoạt động tố tụng là mô hình tố tụng công bằng.

Trong mô hình tố tụng công bằng, mục tiêu tối cao của các hoạt động tố tụng không phải là nhanh chóng xử lý tội phạm mà là đảm bảo sự bảo vệ pháp lý thích hợp cho những người bị tình nghi phạm tội. Nếu coi mô hình kiểm soát tội phạm là một dây chuyền sản xuất gần như tự động mà trong đó các nhân viên tiến hành tố tụng chỉ đóng vai trò các "công nhân" thực hiện các động tác kỹ thuật ở những giai đoạn tố tụng cụ thể để cho ra lò các sản phẩm với tốc độ nhanh nhất thì mô hình tố tụng công bằng cũng có thể được ví như một dây chuyền sản xuất trong đó ngoài các công nhân còn có các cơ chế và nhân viên thanh tra thường xuyên giám sát việc thực hiện thao tác của các "công nhân" với mục tiêu đảm bảo các sản phẩm đã ra lò có chất lượng tốt nhất.

Sự nhanh chóng và dứt khoát vốn được coi là mục tiêu của mô hình kiểm soát tội phạm thì trong mô hình tố tụng công bằng, chúng lại bị coi là sự lạm dụng quyền lực nhà nước trong các hoạt động tố tụng. Do được xây dựng trên nguyên tắc coi trọng tự do và các quyền cá nhân và hạn chế sự lạm dụng quyền lực của các nhân viên nhà nước nên mô hình tố tụng công bằng nhấn mạnh một mô hình tìm kiếm bằng chứng mang nặng tính hình thức thông qua tranh tụng.

Một trong những phương thức để thực thi những giá trị chống lại quyền lực quá lớn của Nhà nước là học thuyết có tội về mạt pháp lý. Có thể xem xét ví dụ cụ thể dưới đây để thấy rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm. Một viên cảnh sát trông thấy một người đàn ông X nào đó giật ví tiền của một cô gái và bỏ chạy. Viên cảnh sát bắt được tên cướp đó, tiến hành xét hỏi và tên X nhận ngay tội của mình. Như vậy tên X đã phạm tội về mặt thực tế. Tuy nhiên, mô hình tố tụng công bằng lại rà soát lại hành vi của viên cảnh sát xem có đầy đủ tính hợp pháp hay không. Chẳng hạn trước khi xét hỏi, viên cảnh sát không thông báo cho tên X rằng theo pháp luật tố tụng, hắn được quyền im lặng, không khai báo thì những lời khai báo của hắn có thể bị vô hiệu hóa khi đưa vụ án ra phiên toà xét xử với lý do cảnh sát đã không tuân thủ chặt chẽ quy định về tố tụng. Theo mô hình tố tụng công bằng, tên X "không phạm tội về mặt pháp lý".

Mới thoạt nhìn thì ta có cảm tưởng các giá trị của hai mô hình này đối lập với nhau; tuy nhiên phân tích kỹ hơn thì ta có thể thấy: mô hình kiểm soát tội phạm cho rằng tự do của các công dân quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều phải hướng tới việc hạn chế tội phạm trong khi mô hình tố tụng công bằng lại cho rằng tự do quan trọng tới mức mọi hoạt động tố tụng đều cần phải đảm bảo rằng các quyết định của tòa án trong các vụ án hình sự phải được dựa trên những thông tin đáng tin cậy. Cả hai mô hình đều có mục tiêu là tự do xã hội. Một mô hình thì đạt được mục tiêu đó bằng cách nhấn mạnh một thủ tục tố tụng có hiệu quả đối với những người vi phạm trong khi mô hình kia thì lại nhấn mạnh việc hạn chế có hiệu quả sự can thiệp của nhà nước vào cuộc sống riêng tư của công dân. Vậy ai là người can thiệp vào tự do của công dân nhiều hơn? Mô hình kiểm soát tội phạm cho rằng đó là tên tội phạm xâm phạm cá nhân và tài sản công dân. Nhưng câu trả lời của mô hình tố tụng công bằng lại là: đó chính là các nhân viên của nhà nước như cảnh sát và công tố viên. Cả cảnh sát và công tố viên đều là những người có thể xâm phạm các quyền của công dân, lấy đi các tài sản và hạn chế sự tự do cá nhân của các công dân.

Xét từ khía cạnh trách nhiệm của các nhân viên tiến hành tố tụng, rõ ràng mô hình tố tụng công bằng khắt khe hơn đối với trách nhiệm của họ trong khi mô hình kiểm soát tội phạm lại chấp nhận quyền tự do quyết định tương đối rộng của những nhân viên thi hành công vụ này. Tại Hoa Kỳ, nhìn chung các học giả cho rằng họ áp dụng mô hình tố tụng công bằng, tức là đối xử khắt khe với những hành vi tố tụng của cảnh sát và công tố viên. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, Hoa Kỳ vẫn không có quy định pháp luật nào riêng biệt về trách nhiệm của nhân viên thi hành công vụ vi phạm pháp luật. Gần đây, vào những năm 1990, xu hướng thiên về áp dụng mô hình kiểm soát tội phạm có vẻ lấn át trong hệ thống tố tụng hình sự của quốc gia này. Một số vụ cảnh sát vi phạm quyền con người, nhất là với những đối tượng là người da màu, đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong các cộng đồng người da màu ở Hoa Kỳ. Dẫu sao, xu hướng đó cũng không làm thay đổi quan điểm của những nhà làm luật Hoa Kỳ.

Cơ chế kiểm soát nội bộ trong lực lương cảnh sát

Trong nội bộ lực lượng cảnh sát duy trì các cơ chế khác nhau để xác định trách nhiệm. Đó là: l) quy định các giá trị cơ bản của công tác cảnh sát; 2) duy trì sự giám sát phù hợp đối với các hoạt động thường ngày; 3) thực hiện các huấn luyện phù hợp trước và trong quá trình làm việc về xử lý những tình huống có khả năng làm phát sinh vấn đề; 4) thi hành các biện pháp kỷ luật khi cần thiết; 5) khen thưởng hoàn thành tết công vụ; và 6) thiết lập và duy trì sự giám sát lẫn nhau trong khi thi hành công vụ.

Mỗi Sở cảnh sát địa phương đều có Ban sự vụ nội bộ (Internal Affairs Unit) có trách nhiệm 1 ) điều tra các khiếu kiện của công dân về hoạt động của cảnh sát; 2) thẩm tra các báo cáo đột xuất của các cảnh sát viên (ví dụ báo cáo mất vũ khí); và 3) tự khởi xướng và tiến hành điều tra các trường hợp tình nghi về hành vi sai trái của cảnh sát.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, sự thành công hay thất bại của đơn vị sự vụ nội bộ trong lực lượng cảnh sát phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng: thứ nhất là sự hỗ trợ của lãnh đạo sở cảnh sát địa phương, thứ hai là phải có nguồn nhân lực và nguồn tài chính để tiến hành các hoạt động. Về phía mình, các nhân viên sự vụ nội bộ lại phải chịu hai áp lực từ hai phía khác nhau. Một mặt, các đồng nghiệp đều nhìn họ với con mắt e dè, coi họ là những "tên gián điệp hai mang" luôn rình rập, phát hiện những sơ suất của đồng nghiệp mà báo cáo. Mặt khác, và đây là mặt cực kỳ quan trọng vì nó liên quan tới chủ đề chúng ta đang thảo luận, dư luận dân chúng lại thường cho rằng nhân viên của các đơn vị sự vụ nội bộ luôn luôn có xu hướng bao che cho những sai lầm của đồng nghiệp. Một số người, đặc biệt là những người khiếu kiện, từ chối chấp nhận sự giải thích của nhân viên sự vụ nội bộ rằng vụ việc đã được điều tra và kết luận, xử lý thích đáng. Thông thường hoạt động của các đơn vị sự vụ nội bộ chỉ có thể dẫn tới những biện pháp kỷ luật chứ sự việc không kết thúc ở tòa án. Tuy nhiên, hoạt động của bộ phận này lại có ý nghĩa tương đối quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan trong vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại dơ hành vi sai trái của các nhân viên công quyền gây ra như trong trường hợp ví dụ thứ tám (Jones kiện Ziegler) và thứ chín (Brown kiện Thành phố Margate) đã dẫn ở trên.

Thoả thuận xử lý án không qua xét xử.

Thoả thuận xử lý án không qua xét xử là một sản phẩm đặc trung của nền tư pháp hình sự của Hoa Kỳ. Bản chất của Thoả thuận xử lý án không qua xét xử đã được từ điển Black's Law Dictionary, một cuốn từ điển luật nổi tiếng ở Hoa Kỳ, định nghĩa là "một quá trình trong đó bị can và công tố viên trong vụ án hình sự cùng giao kết một thoả thuận thanh lý vụ án có lợi cho đôi bên và thoả thuận này phải được tòa án phê chuẩn. Trong quá trình thoả thuận này, bị can thường thừa nhận là mình đã phạm một tội nhẹ hơn là tội có thể bị truy tố hay chỉ phạm một trong số các tội sẽ bị truy tố để đổi lấy bản án nhẹ hơn là bản án tòa có thể tuyên trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử,,

Thoả thuận xử án không qua xét xử thực tế là sự thoả thuận giữa luật sư của bị cáo và công tố viên- đều là những chuyên gia pháp luật- trong một hệ thống hoàn toàn khép kín. Trong thoả thuận này câu hỏi phạm tội hay vô tội không hề được đặt ra mà vấn đề thảo luận và thoả thuận chỉ là phạm tội gì và mức án nào. Các công tố viên, bằng Thoả thuận xử lý án không qua xét xử, áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật vào những tình huống cụ thể của vụ án theo mức độ mà họ cho là phù hợp nhất bởi theo họ, những nhà làm luật khi đề cập tới tội phạm thường nghĩ tới những trường hợp nghiêm trọng, những tên tội phạm chuyên nghiệp nên hình phạt đưa ra thường quá nặng. Ví dụ một kẻ mua đi bán lại heroin không nhất thiết là một tên tội phạm chuyên nghiệp.

Theo quan điểm của các học giả Hoa Kỳ, thoả thuận xử lý án không qua xét xử có một số ưu điểm so với việc đưa vụ án ra xét xử trước tòa. Trước hết, đối với nhà nước, các thoả thuận trong thoả thuận xử lý án không qua xét xử giảm được thời gian, chi phí và khối lượng công việc của tòa án (cũng chỉ để chứng minh một kẻ là phạm tội) mà vẫn buộc tội được kẻ phạm tội. Các cảnh sát, công tố viên và thẩm phán một mặt sẽ giảm thiểu được số lượng công việc, mặt khác sẽ nhanh chóng giải quyết được các vụ án để báo cáo thành tích. Các cơ quan và nhân viên cải tạo, quản chế cũng đỡ chịu gánh nặng về công việc (phải thi hành các bản án tù dài hạn) và tâm lý (phải cải tạo một kẻ khăng khăng mình không phạm tội, dù đã bị kết án). Đối với các nạn nhân của tội phạm, thoả thuận xử lý án không qua xét xử cũng đem lại cho họ một số lợi thế: đôi khi phiên toà công khai đem lại cho họ không ít phiền toái vì mất thời gian và phải tiết lộ những thông tin cá nhân. Đối với các thẩm phán, thoả thuận xử án không qua xét xử rõ ràng làm giảm đáng kể khối lượng công việc của họ mà vẫn đảm bảo kẻ phạm tội bị trừng phạt, v v. Lợi ích hiển nhiên của thoả thuận xử án không qua xét xử đối với bị can là họ phải chịu mức án thấp hơn so với trường hợp phải ra tòa (nếu không thì đã không có sự "mặc cả").

Nhìn chung, Tòa án tối cao Hoa Kỳ, Hiệp hội các Đoàn luật sư Hoa Kỳ và Viện Pháp luật Hoa Kỳ đều có thái độ ủng hộ đối với thoả thuận xử án không qua xét xử. Thẩm phán Burger, nguyên Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ, đã phát biểu:

"... Thoả thuận xử lý án không qua xét xử là một bộ phận quan trọng của quản lý tư pháp. Nếu được quản lý tốt, thực tiễn này cần được khuyến khích. Nếu mọi tội phạm đều phải được xét xử bằng thủ tục tố tụng trọn vẹn thì Chính quyền Liên bang và các bang sẽ phải tăng gấp nhiều lần số lượng thẩm phán và tòa án so với hiện có;... Thoả thuận xử lý án không qua xét xử sẽ dẫn tới việc giải quyết phần lớn các án hình sự một cách nhanh chóng và dứt điểm..."

Tuy nhiên, liên quan tới thoả thuận xử án không qua xét xử, ngay cả các chuyên gia pháp lý của Hoa Kỳ cũng cho rằng còn có rất nhiều điều đáng phải bàn. Dưới đây nhóm nghiên cứu chỉ đề cập đến vài điểm liên quan tới hành vi sai trái của các nhân viên thi hành pháp luật (công tố viên) và thiệt hại do các hành vi đó gây ra cho các công dân.

Thứ nhất, như trên đã đề cập, thoả thuận xử án không qua xét xử mang lại một số lợi ích trước mắt cho cả cảnh sát, công tố viên và thẩm phán. Điều đặc biệt quan trọng ở đây là thoả thuận xử án không qua xét xử là một quy trình thoả thuận, hay "mặc cả" khép kín nên những yêu cầu khắt khe về chứng cứ của luật tố tụng không cần phải được tuân thủ triệt để. Điều này dễ dẫn đến thực tế là cảnh sát, công tố viên và đôi khi cả luật sư bào chữa thông đồng với nhau đe dọa và ép người bị tình nghi nhận tội để hưởng mức án thấp trong khi thực tế người đó không phạm tội. Cũng do là một sự mặc cả kín nên thoả thuận xử lý án không qua xét xử lại thường ít khi dẫn tới việc kháng cáo, kháng nghị. Rõ ràng đây là một yếu tố dễ dẫn tới án oan trong hình sự.

Thứ hai , trong trường hợp người bị tình nghi thực sự phạm tội nhưng lại "mặc cả" được mức án thấp hơn so với mức án đáng ra hắn phải chịu, đây lại là sự thiếu tôn trọng và là hành vi gây thiệt hại của chính những người tiến hành tố tụng đối với quyền lợi chính đáng của người bị hại và của xã hội nói chung.

Thứ ba, trong trường hợp những kẻ cùng phạm một tội nhưng tên thì "mặc cả" được với công tố viên, tên lại bị đưa ra tòa và chịu mức án cao hơn thì vấn đề đặt ra lại là sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với tội phạm, điều có thể ảnh hưởng rất không tốt tới tâm lý xã hội nói chung về tính nghiêm minh của pháp luật.

Tóm lại, dù Hoa Kỳ vẫn tự coi mình là một nước dân chủ tiên tiến nhưng chế định nhà nước bồi thường cho công dân bị thiệt hại vì bị oan sai do những người thi hành công vụ gây ra ở quốc gia này lại tương đối kém phát triển. Không những thế, ở Hoa Kỳ lại còn tồn tại những cơ chế xử lý tội phạm dễ dẫn tới việc oan, sai trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đối với việc bồi thường dân sự cho các thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của cảnh sát, các tòa án Hoa Kỳ đã cho thấy thái độ khá nghiêm khắc về bảo vệ quyền lợi cá nhân trong những trường hợp cụ thể.

 

 

 

Giúp đỡ người bị hại và việc bồi thường nạn nhân

trong hoạt động tố tụng ở Australia và Thụy điển

 

ThS. Đỗ Đình Lương

 

Trong bài viết này, tôi yêu cầu giới thiệu một số thông tin về cách thức cải cách trong một hệ thống pháp luật nhằm giúp đỡ những người bị hại là nạn nhân trong các hoạt động của hệ thống tư pháp hiện hành ở Australia và Thụy điển. Phần giới thiệu khái quát hệ thống pháp luật Australia sẽ cho thấy một bức tranh chung mà trong đó các biện pháp khác nhau được áp dụng để bảo vệ và giúp đỡ những người bị hại. Phần giới thiệu kinh nghiệm của Thụy điển là những thông tin thu được qua chuyến thăm quan khảo sát tại Thụy điển trong tháng 10 năm 1995.

I. Giúp đỡ người bị hại và việc bồi thường nạn nhân ở Australia

Giới thiệu chung:

Australia là một đất nước rộng lớn, diện tích gần bằng nước Mỹ và lớn gấp 32 lần nước Anh. Dân số của Australia vào khoảng hơn 17 triệu người. Dân cư phần lớn tập trung ở những khu vực ven biển, đặc biệt là miền duyên hải phía Đông-Nam. Hơn 70% dân số sống ở những thành phố lớn. Australia thành lập nhà nước liên bang từ năm 1901. Theo qui định của Hiến pháp thì thẩm quyền của chính quyền bang rất lớn, có thể nói là bao trùm mọi mặt đời sống chính trị, xã hội trừ một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền liên bang như vấn đề đối ngoại, thu một số thuế và việc nhập cư hoặc những vấn đề liên quan tới biên giới lãnh thổ.

Hệ thống pháp luật của Australia bao gồm: Các văn bản luật do Quốc hội liên bang và Quốc hội các bang ban hành; án lệ là những phán quyết của toà án; và một số văn bản pháp luật kế thừa của Anh. Các bang của Australia đều có thẩm quyền độc lập trong việc ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày của công dân sống tại bang. Pháp luật được các cơ quan bảo vệ pháp luật nhà nước thực hiện, chủ yếu thông qua các cơ quan như cảnh sát, công tố, tòa án, và hệ thống các trại cải tạo. Vì lẽ đó và do thông tin chưa đầy đủ, trong baì viết này tôi chỉ giới thiệu về những qui định hiện hành và kinh nghiệm của hai bang là bang Nam Australia và bang New South Wale với tư cách là những bang đi đầu trong các cuộc cải cách để hoạch định chính sách và đưa ra những giải pháp để bảo vệ những người bị hại trong hoạt động tố tụng đồng thời coi đó như một minh hoạ cho chính sách và pháp luật của Australia về vấn đề này.

 

Nhìn chung thì Nam Australia là bang được thừa nhận là có nhiều nỗ lực nhất trợ giúp cho người bị hại so với các bang khác của nhà nước liên bang.

"Nam Australia đã đi đầu .. trong việc hoạch định chính sách và đưa ra các nguyên tắc giành cho người bị hại những quyền được pháp luật bảo hộ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình tố tụng hình sự". Tuy nhiên, các bang khác cũng tiến hành cải cách tư pháp và các dịch vụ phúc lợi theo bang Nam Australia để bảo vệ và trợ giúp cho người bị hại.

Bang Nam Australia cũng giống như các quốc gia khác đã thừa nhận các nhu cầu và quyền của người bị hại là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả của các hành vi hình sự. Sự thừa nhận này mới được ghi nhận trong các cuộc cải cách diễn ra trong vòng hơn hai chục năm trở lại đây. Trước đây, người bị hại thường bị các cơ quan pháp luật, cơ quan tư pháp và các nhà tội phạm học làm ngơ hay nói cách khác là họ không được quan tâm tới. Tuy nhiên, hiện nay người bị hại đang là trọng tâm nghiên cứu và đang có những bước chuyển quan trọng theo hướng ghi nhận và tạo điều kiện giúp đỡ họ. Dưới đây chúng tôi yêu cầu đề cập tới quá trình phát triển của xu hướng này trong tiến trình cải cách và những khó khăn trở ngại trong quá trình cải cách.

2. Về mặt lịch sử phát triển:

Việc tranh luận về các quyền của người bị hại lúc đầu chỉ tập trung xoay quanh những vấn đề bồi thường. Năm 1951 một thẩm phán của Anh là Margery Fry đã đề xuất rằng người phạm tội phải bồi thường và bà lập luận rằng việc bồi thường có thể đạt được hai mục đích: một là bù đắp lại những tổn hại cho nạn nhân, hai là việc làm đó mang tính giáo dục đối với kẻ phạm tội và răn đe người khác. Đề xuất này đã được xem xét vào cuối những năm 50 để kiến nghị rằng Nhà nước cần bồi thường cho nạn nhân vì rằng hầu hết những kẻ phạm tội không có đủ điều kiện khả năng tài chính cần thiết để bồi thường cho người bị hại. Sở dĩ như vậy vì Australia là thuộc địa của Anh, pháp luật của Anh là pháp luật điều chỉnh đối với mọi tranh chấp ở Australia. Liên quan tới vấn đề này thì có thể nói rằng "Law of Torts" (Luật về Lỗi) và hệ thống án lệ liên quan do toà án tuyên là cơ sở pháp lý để giải quyết. Hơn nữa trước đây (từ năm 1986 trở về trước) trong hệ thống pháp luật của Australia không có cơ quan Công tố riêng. Ngay từ đầu thế kỷ 19, trách nhiệm khởi tố bị can và truy tố bị cáo là do cá nhân đương sự (người bị hại) thực hiện. Bản thân họ phải tự thu thập chứng cứ, phải bỏ tiền túi ra thuê luật sư hoặc những người có chuyên môn thực hiện công việc đó cho mình. Nói một cách khác là bản thân họ có trách nhiệm đưa vụ việc ra toà và trình bày vụ việc, biện hộ cho mình và phải thanh toán các khoản chi phí, kể cả chi phí cho phía bị đơn nếu như thua kiện.

Với sự thay đổi dần về chức năng của cảnh sát địa phương trong suốt thế kỷ 19 đã tạo ra cơ hội cho việc khắc phục những mặt hạn chế trên. Cảnh sát có nhiệm vụ điều tra thu thập chứng cứ và thay mặt cộng đồng những người đã thuê họ làm nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng thực hành quyền công tố trước toà. Thực tiễn này kéo dài cho tới năm 1986 khi cơ quan Công tố Hoàng gia được thành lập ở Anh. Australia ban hành Luật Công tố năm 1986 và Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/7/1987. Kể từ đó Australia mới có cơ quan công tố riêng thuộc Bộ Tư pháp nhưng hoạt động độc lập nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố. Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử Anh và Australia đã có sự phát triển mới là Nhà nước gánh thay người bị hại trách nhiệm nặng nề truy tố người phạm tội. Tuy nhiên khi đảm nhận trách nhiệm này thì Nhà nước lại tạo ra một sự đối trọng không ngang sức trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân (người bị buộc tội hoặc bị Nhà nước truy tố).

Năm 1963 New Zealand là nước đầu tiên ban hành văn bản pháp luật bồi thường. Tiếp theo là nước Anh, năm 1964 cũng đã có luật bồi thường. Còn ở Australia thì New South Wale là bang đầu tiên có qui định cụ thể về việc bồi thường. Tiếp theo là bang Nam Australia đã ban hành Luật bồi thường nạn nhân hình sự. Năm 1969 khi đưa ra dự luật này các nhà lập pháp đã lập luận rằng:

"... Mục đích của pháp luật hình sự là nhằm bảo vệ xã hội và giáo dục cải tạo người phạm tội nhưng lại chưa giúp cho những người bị hại vô tội có được bất kỳ khoản bồi thường nào cho sự thiệt hại cá nhân mà bản thân họ phải gánh chịu một cách phi lý... Bởi vì người phạm tội thường không có tài sản hoặc tài sản của họ thường khó phát hiện, do vậy Dự luật qui định việc bồi thường tối đa là 1.000 $ lấy từ ngân sách chung của Nhà nước".

Trong khi có sự ủng hộ đáng kể cho ý kiến về việc bồi thường thì các cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào mức bồi thường (mức trần 1.000$) và nhiều đại biểu cho rằng mức bồi thường như vậy là quá thấp. Sau khi thông qua Luật này thì mức bồi thường đã được điều chỉnh 4 lần. Cụ thể là năm 1972 tăng lên 2.000$, năm 1978 tăng lên 10.000$ , năm 1987 tăng lên 20.000$ và năm 1990 tăng lên 50.000$.

Nhìn chung sự phát triển trên đây ở Australia chủ yếu là do những nỗ lực của phong trào phụ nữ cuối những năm 1970. Phong trào phụ nữ đã lan rộng và phát triển dẫn tới việc cải cách tập trung sự thu hút vào những vấn đề nạn nhân của bạo lực gia đình và hiếp dâm. Năm 1979, Cơ quan trợ giúp nạn nhân đã được thành lập, một Uỷ ban điều tra đã được thành lập và tiến hành điều tra nghiên cứu. Đến năm 1981, Uỷ ban này đã có một bản báo cáo đầy đủ đề cập tới nhiều khía cạnh như việc cung cấp thông tin về tội phạm và nạn nhân của tội phạm; cơ chế phối hợp hiệu quả đối với những sáng kiến trợ giúp nạn nhân; hoàn thiện và mở rộng các dịch vụ trợ giúp nạn nhân; kiến nghị sửa đổi bổ sung các qui định trong pháp luật tố tụng và pháp luật bồi thường nạn nhân. Báo cáo kết luận rằng nhìn chung những yêu cầu hỏi cơ bản của nạn nhân là mong có được những thông tin kịp thời và sự thông cảm của xã hội.

Mặt khác do các quyền của nạn nhân/người bị hại chưa được ghi nhận đầy đủ nên cần phải có một văn bản pháp qui nào đó khẳng định chính thức và đầy đủ các quyền của nạn nhân/người bị hại. Theo tinh thần đó thì năm 1985 bang Nam Australia đã tuyên bố 17 quyền của nạn nhân/người bị hại. Tuyên bố này phù hợp với Hội nghị lần thứ 7 của Liên hợp quốc về ngăn ngừa tội phạm và đối xử với người phạm tội được tổ chức ở Milan năm 1985. Tiếp theo là bang New South Wale đã ban hành Luật về quyền của nạn nhân/người bị hai.

Theo Điều 5 của Luật này thì khái niệm người bị hại được hiểu là

1. Người bị hại là người đang phải chịu đựng sự tổn hại/đau đớn do một hậu quả trực tiếp từ một hành vi phạm tội của một người khác trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.

2. Người đang chịu tổn hại/đau đớn do hậu quả từ một hành vi phạm tội là:

a/ người đang chịu đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đang bị sốc, hoặc

b/ người có tài sản bị thu giữ, tiêu huỷ một cách cố ý/chủ định hoặc bị thiệt hại.

3. Nếu người đó chết do hậu quả của hành vi phạm tội liên quan thì một thành viên trong gia đình trực tiếp của người đó được coi là nạn nhân thay thế.

Trong Điều 6 của Luật thì Bản Hiến chương nhân quyền được nhắc lại và tuyên bố chính thức 17 quyền của người bị hại, cụ thể là các quyền sau:

1/ được tôn trọng, thương yêu và đối xử nhã nhặn;

2/ được thông tin về các dịch vụ và sự bồi thường;

3/ được tiếp cận các dịch vụ;

4/ được thông tin về việc điều tra tội phạm;

5/ được biết về việc khởi tố hoặc truy tố tội phạm;

6/ được cho biết về quá trình xét xử của toà án và vai trò của nhân chứng;

7/ được bảo vệ tránh khỏi việc tiếp xúc với bị cáo;

8/ được bảo vệ an toàn khi phải nhận dạng bị can, bị cáo;

9/ được tham gia xét xử sơ bộ;

10/ được hoàn trả tài sản do bị Nhà nước thu giữ;

11/ được bảo vệ và tách khỏi bị can, bị cáo;

12/ được biết thông tin về các điều kiện bảo lãnh đặc biệt;

13/ được biết kết quả giải quyết khi đã có đơn yêu cầu bảo lãnh;

14/ được kê khai những thiệt hại do tác động của hành vi phạm tội của người khác mà mình là nạn nhân;

15/ được thông báo về việc tạm tha, việc trốn trại của bị can, bị cáo hoặc lý do miễn giam giữ đối với bị can, bị cáo.

16/ được nộp đơn yêu cầu đặc xá và miễn giam giữ;

17/ được bồi thường thiệt hại.

Để thực thi những quyền trên Luật này cũng qui định việc thành lập một số thiết chế như Uỷ ban Tư vấn người bị hại; Cục trợ giúp người bị hại; Quĩ bồi thường thiệt hại.

Uỷ ban Tư vấn gồm không quá 10 người do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định với cơ cấu như sau:

- 4 người đại diện cho cộng đồng;

- 1 đại diện của cơ quan cảnh sát;

- 1 đại diện của cơ quan Công tố;

- 4 đại diện của một số cơ quan liên quan khác.

Chức năng của Uỷ ban này là (i) tư vấn cho Bộ trưởng về các chính sách và giải pháp giúp cho Chính phủ làm tốt công tác này; (ii) tham khảo ý kiến của người bị hại, của những nhóm trợ giúp người bị hại tại cộng đồng và các cơ quan của Chính phủ về các chính sách liên quan; (iii) thúc đẩy cải cách lập pháp, hành chính và các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu của người bị hại.

Cục trợ giúp người bị hại là một đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp có 4 chức năng sau:

(i) Cung cấp các thông tin về dịch vụ trợ giúp và bồi thường cho nạn nhân đồng thời thực hiện việc trợ giúp người bị hại thực hiện các quyền của mình;

(ii) Điều phối việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân và khuyến khích các biện pháp hay hình thức thực hiện hiệu quả công tác này;

(iii) Thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các quyền của người bị hại/nạn nhân

(iv) Tiếp nhận và giải quyết các khiếuu nại của nạn nhân đối với những hành vi xâm phạm quyền của người bị hại.

Quĩ bồi thường thiệt hại được hình thành từ các nguồn thu sau:

(i) Tất cả các khoản thu từ tài sản xung công theo qui định của Luật tịch thu xung công quĩ các tài sản trong các vụ án hình sự năm 1989;

(ii) Các khoản tiền theo yêu cầu của Luật buôn bán ma tuý năm 1990;

(iii) Các khoản tiền thu hồi theo qui định tại Mục 8, Phần II của Luật Bồi thường nạn nhân số 115 thông qua năm 1996;

(iv) Ngân sách từ Bộ Tài chính hoặc do Quốc hội phê duyệt để thi hành Luật này;

(v) Các khoản tiền cần thiết theo qui định trong Luật này hoặc các văn bản qui phạm pháp luật khác; và

(vi) Tiền phạt thu từ việc xử lý hành chính theo qui định tại Điều 58L của Luật này.

Quĩ này được sử dụng vào các mục chi như: (i) bồi thường cho người bị hại, kể cả chi phí cho phần tư vấn pháp lý giúp nạn nhân; (ii) chi cho các hoạt động của Uỷ ban Tư vấn, Cục trợ giúp nạn nhân và các hoạt động chuyên môn liên quan như điều tra, đánh giá, thẩm định, xem xét giải quyết theo thẩm quyền của các cơ quan để thực hiện chức năng đã được Bộ trưởng qui định.

Luật bồi thường nạn nhân/người bị hại năm 1996 số 115 của bang New South Wale

Luật này có hiệu lực từ ngày 2 tháng 12 năm 1996 thay thế Luật bồi thường thiệt hại năm 1987. Mục đích của Luật này là nhằm tạo cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại cho những người bị hại/nạn nhân của các loại tội phạm và thu hồi những khoản tiền bồi thường từ những người phạm tội dẫn tới việc Nhà nước phải bồi thường. Theo qui định của Luật thì đối tượng được bồi thường gồm ba loại: (i) nạn nhân trực tiếp; (ii) nạn nhân gián tiếp; và (iii) thân nhân trong gia đình của nạn nhân trực tiếp đã chết.

Thủ tục giải quyết bồi thường:

Người bị hại/nạn nhân có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường (xem phụ lục - Đơn in sẵn theo qui định) cho Cục trưởng Cục trợ giúp nạn nhân hoặc gửi cho Thư ký Toà án và trong trường hợp đó Thư ký Toà án có nhiệm vụ chuyển đơn cho Cục trưởng Cục trợ giúp nạn nhân vào thời gian sớm nhất có thể thực hiện được. Kèm theo đơn là những giấy tờ và chứng cứ liên quan. Thời hiệu cho việc nộp đơn yêu cầu bồi thường là trong vòng 2 năm sau khi vụ việc xảy ra hoặc trong vòng 2 năm kể từ khi nạn nhân trực tiếp bị chết. Trong trường hợp đặc biệt nếu có lý do chính đáng thì Cục trưởng là người quyết định có xét đơn quá thời hiệu hay không. Những trường hợp sau đây sẽ có thể được xem xét: phạm tội với phụ nữ, trẻ em và nếu người nộp đơn chứng minh được rằng mình không hề biết gì về thời hiệu mà Luật qui định. Mỗi đơn sau khi được Cục trợ giúp nhận thụ lý thì đều được một Dự thẩm viên (Assessor) xem xét đánh giá mà không cần họp hội đồng. Sau khi xem xét, điều tra và cân nhắc thận trọng Dự thẩm viên sẽ ra quyết định hoặc là bác đơn hoặc ra quyết định cho nạn nhân được nhận bồi thường theo đúng những hướng dẫn qui định tại Điều 65 của Luật. Sau khi có quyết định thì Cục trợ giúp sẽ có gíây báo cho người đứng đơn trong đó nêu rõ số tiền được bồi thường và cách bồi thường cùng với những lý do cụ thể. Trong trường hợp đơn bị bác thì Cục trợ giúp cũng có giấy báo và nói rõ lý do vì sao đơn bị bác.

Mức bồi thường:

Khi tính toán khoản bồi thường thì Dự thẩm viên sẽ căn cứ vào sự thiệt hại về vật chất và tinh thần thu nhập. Về vật chất thì phải tính xem số tiền cụ thể nạn nhân có quyền được hưởng là bao nhiêu như thiệt hại về tài sản theo trách nhiệm trong vụ án dân sự, thu nhập bị mất trong thời gian phải gánh chịu những hậu quả như bị thương phải vào viện, viện phí, không có thu nhập trong thời gian đó,v.v... và cả những bồi thường về mặt tinh thần, danh dự. Tuy nhiên tổng mức thiệt hại được bồi thường không quá 50.000$. Mức tối đa này áp dụng cho cả 3 loại đối tượng đã nêu trên.

Việc bồi hoàn của người phạm tội

Việc bồi hoàn của người phạm tội sẽ căn cứ vào quyết định của Toà án khi tuyên án. Toà án sẽ nói rõ buộc bị cáo phải bồi hoàn một khoản tiền cụ thể không quá 50.000$ (sau khi đã cân nhắc xem xét yêu cầu của nạn nhân trong Đơn yêu cầu bồi thường) trong số tài sản của bị cáo cho người bị hại hoặc những người bị hại là nạn nhân của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Trước khi đưa ra quyết định Toà án cũng sẽ cân nhắc tới các yếu tố liên quan kể cả hành vi nào mà Toà thấy cần thiết chẳng hạn như tiền án của bị cáo, điều kiện phạm tội, thái độ ăn năn hối cải, điều kiện và khả năng thu hồi tài sản cũng như trách nhiệm của nạn nhân nếu có, và cả những khoản khác mà nạn nhân đã được nhận hoặc có quyền nhận theo qui định của pháp luật liên quan tới phần trách nhiệm dân sự.

Theo qui định tại Điều 74 của Luật bồi thường nạn nhân năm 1996 thì "Căn cứ theo Điều 9, Luật Kháng cáo hình sự 1912 và các qui định của Luật Thẩm phán 1902, bất kỳ khoản tiền nào của bị cáo bồi thường cho nạn nhân phải được nộp ngay hoặc nộp trong khoảng thời gian (nếu có) căn cứ theo nội dung cụ thể ghi trong bản án của Toà án đã tuyên cho Lục sự (Registrar) hoặc Thư ký (Clerk) của Toà án để sau đó chi trả cho nạn nhân".

Như đã trình bày ở phần trên "Quĩ bồi thường, Mục (iii)" , số tiền bị cáo nộp là một phần nguồn thu của Quĩ bồi thường nạn nhân. Giám đốc Quĩ bồi thường sẽ ra Quyết định tạm thời (Provisional Order) thu tiền bồi hoàn của người phạm tội. Trong quyết định nói rõ các qui định hiện hành, ngày phạm tội, tội danh và mức tiền cụ thể người phạm tội phải nộp bồi hoàn. Quyết định cũng nói rõ bị cáo có 28 ngày để chống lại quyết định và được phép yêu cầu Hội đồng giải quyết khiếu nại của Quĩ bồi thường (Tribunal) xem xét lại quyết định của Giám đốc. Đơn yêu cầu nộp cho Văn phòng Qũi bồi thường và phải tuân theo qui định của pháp luật hiện hành trong đó nêu ró lý do vì sao phản đối. Nếu trong vòng 28 ngày không có đơn yêu cầu thì Hội đồng sẽ khẳng định Quyết định của Giám đốc. Giám đốc cũng có thể ra Quyết định thu tiền bồi hoàn của những người khác liên quan chẳng hạn như người che dấu hoặc giữ những tài sản của bị cáo hoặc tài sản thuộc sở hữu chung với bị cáo hoặc giúp bị cáo tẩu tán tài sản để lẩn tránh trách nhiệm bồi thường. Sau khi Hội đồng đã ra quyết định công nhận Quyết định tạm thời của Giám đốc thì Quyết định của Hội đồng sẽ được coi như một bản án của toà án và có hiệu lực thi hành (Điều 54).

3. Cơ sở pháp lý cho việc bồi thường những người bị oan sai:

Như đã trình bày ở phần trên thì việc thi hành pháp luật được thông qua các cơ quan như cảnh sát, công tố, tòa án, và hệ thống trại cải tạo. Tuy nhiên người thực thi nhiệm vụ lại là những công chức được hưởng lương của Nhà nước và bản thân họ lại lầm tưởng và tự cho mình cái quyền lớn hơn trong khi thi hành công vụ. Chính vì lẽ đó sẽ có khả năng dẫn tới những rủi ro cho những người dân vô tội do sự bất cẩn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ. Trước đây những công chức là người được quyền miễn trừ khỏi những vụ kiện vì quan niệm lúc đó cho rằng họ là những người thay mặt Vua/Hoàng gia xử lý vụ việc. Chính vì công chức có đặc quyền như vậy mà không ai có thể khiếu nại những hành vi sai trái của công chức và hậu quả là những người oan sai không biết dựa vào đâu để tìm người bênh vực hoặc bảo vệ cho mình. Bánh xe lịch sử vẫn quay, xã hội vẫn luôn phát triển và dân chủ ngày càng được đề cao. Để khắc phục điều đó pháp luật cần được hoàn chỉnh để có những biện pháp bảo vệ người bị buộc tội tránh những oan sai. Hàng loạt các quyền của họ phải được thừa nhận để họ có thể bảo vệ mình tránh những hành vi sai trái của những người thay mặt Nhà nước có quyền năng rất lớn đang tham gia vào hoạt động tố tụng. Kể từ khi xoá bỏ quyền miễn trừ bị kiện của Hoàng gia thì Nhà nước cũng giống như bất kỳ một tư nhân nào đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm của mình, kể cả những vi phạm do công chức với tư cách là người làm công ăn lương của Nhà nước thực hiện trong khi thi hành công vụ. Trách nhiệm nhìn chung cũng được xác định theo các nguyên tắc như trong trường hợp lao động tư nhân, trừ trường hợp đó là những hành vi được thực hiện một cách "độc lập" hoặc là theo niềm tin nội tâm mà thẩm quyền đó được pháp luật trao cho cá nhân người thừa hành công vụ giống như việc bắt người của cảnh sát hoặc hành vi bỏ qua của cán bộ hải quan trong trường hợp đáng ra phải giữ hàng hoá hoặc những lời phỉ báng trong khi giao tiếp ở công sở.

Trách nhiệm gián tiếp hay thuyết "Chuyển giao lao động tạm thời":

Một người quản lý lao động luôn tạo điều kiện để người lao động cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nếu trong quá trình thực hiện công việc đã được ấn định mà người lao động gây thương tích cho người nào đó thì nhìn chung người quản lý lao động phải chịu trách nhiệm trừ khi chứng minh được rằng hậu quả của việc chuyển giao là đã phải chuyển cả trách nhiệm cho người mà mình đã thuê. Trong suốt 50 năm qua trách nhiệm này đã ngày càng trở nên chặt chẽ tới mức mà ngày nay trách nhiệm đó khó có thể tránh khỏi và chỉ có một vài trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Lý do chính cho việc này là người quản lý lao động khác với người lao động, đã lựa chọn người làm thay mình và do đó đã sẵn sàng chịu trách nhiệm về cách thức thực hiện công việc mình thuê. Hơn nữa, người quản lý lao động đã tính toán mọi chi phí kể cả tiền lương thuê người lao động và chi phí rủi ro cho những sự cố phát sinh trong quá trình làm việc của người lao động. Cũng theo thuyết trên thì lại phải đối chứng xem "Ai đã thực hiện việc kiểm soát không những nhiệm vụ/công việc sẽ được triển khai mà ngay cả cách thức triển khai công việc đó?". Câu hỏi duy nhất ở đây không phải là những mệnh lệnh cụ thể hay là việc có mệnh lệnh cụ thể nào được đưa ra hay không mà là việc ai là người có quyền đưa ra các mệnh lệnh chỉ thị cho người lao động phải triển khai như thế nào.

Tuy nhiên, trong quá trình lao động thì trách nhiệm không có nghĩa là với mọi hành vi sai phạm của người lao động ngay cả khi người đó đang thực thi nhiệm vụ để được trả lương. Người quản lý lao động dĩ nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi mà chính mình đã uỷ quyền hoặc phê duyệt, nói một cách khác là trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước công dân về những hành vi vi phạm của người mà mình đã uỷ quyền hay đã thuê để người đó thực hiện một công việc nào đó cho Nhà nước.

 

Với cách lập luận như vậy, một khi người công chức có vi phạm gây thiệt hại cho công dân thì trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại còn việc xử lý công chức có vi phạm và trách nhiệm của người công chức đó tới đâu là việc riêng của cơ quan Nhà nước (người sử dụng lao động) với công chức (người lao động làm công ăn lương) đã gây thiệt hại cho Nhà nước do hành vi sai trái trong khi thi hành công vụ. Có như vậy các cơ quan Nhà nước mới giữ được lòng tin của công dân. Điều này không những nâng cao uy tín của các cơ quan Nhà nước và tăng thêm sự uy nghiêm của pháp luật mà còn có lợi cho xã hội nói chung vì một khi đã có niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật thì nhân dân nói chung và những người bị hại nói riêng sẽ hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy công lý và sẵn sàng hợp tác hay phối hợp giúp đỡ các cơ quan chức năng để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật hoặc phòng ngừa tội phạm. Ngược lại một khi mất đi lòng tin do không được Nhà nước bảo vệ thì ngưòi bị hại cảm thấy bực mình từ đó họ sẽ xa lánh cơ quan Nhà nước và tự tìm cách giải quyết theo cách riêng của mình hoặc là oán trách Nhà nước, nói xấu chế độ, có thái độ bất hợp tác với cơ quan Nhà nước thậm chí nếu có thể thì tìm cách trả thù và có khi còn giải quyết theo "luật rừng". Một khi tình trạng đó kéo dài thì khả năng phòng ngừa tội phạm sẽ kém và sẽ gây khó khăn hơn cho việc quản lý xã hội.

Việc bồi thường trước khi có Luật bồi thường nạn nhân năm 1987 thường dựa vào các qui định của pháp luật khác và được xác định bằng những nguyên tắc trong "Luật về lỗi". Khái niệm về lỗi cũng được phát triển từng bước và hoàn thiện trên cơ sở các án lệ. Trước đây pháp luật án lệ của Anh (Australia là nước kế thừa sau này) coi trách nhiệm cá nhân là trách nhiệm tuyệt đối bởi vì vào thời kỳ đó pháp luật nhấn mạnh tới việc bảo đảm an toàn đặc biệt là duy trì an ninh cộng đồng. Pháp luật lúc đó chú trọng nhiều tới nguyên nhân dẫn tới hậu quả hơn là xem xét bản chất lỗi hay nói cách khác toà án "không chú trọng nhiều tới việc xác định xem lỗi đó là lỗi cố ý hay vô ý mà chỉ quan tâm tới sự mất mát hay thiệt hại mà bên bị hại đang phải gánh chịu". Tuy nhiên, cũng từ thời đó, khái niệm "lỗi" cũng loại trừ một só trường hợp ngoại lệ, chẳnh hạn khi xác định lỗi yêu cầu hỏi phải tìm hiểu về năng lực hành vi, cụ thể là tình trạng thần kinh của người có hành vi sai trái. Mặt khác, pháp luật thời đó còn chịu ảnh hưởng của nguyên tắc án lệ "Rylands v. Fletcher" chưa chuẩn (unqualified principle) rằng một người trong khả năng kiểm soát của mình đã thực hiện hành vi nào đó thì sẽ chịu trách nhiệm về tất cả những hậu quả thiệt hại do hành vi đó gây ra. Về mặt đạo lý có vấn đề gì đó chưa ổn nếu như khái niệm trách nhiệm "tuyệt đối" không có những giới hạn chặt chẽ. Để khắc phục bất cập trên đây một nguyên tắc khác đã được áp dụng. Đó là nguyên tắc thẩm quyền theo luật định (legal authority). Một thí dụ cụ thể như trong trường hợp cảnh sát bắt người. Về nguyên tắc là khi cảnh sát muốn bắt một người nào đó phải có Lệnh bắt bị can do một thẩm phán của toà sơ thẩm ban hành. Trong trường hợp bắt nhầm người vì lý do nào đó trong quá trình xem xét ra quyết định thì người cảnh sát không phải chịu trách nhiệm cá nhân bởi lẽ người cảnh sát này đã thực hiện việc bắt theo đúng thẩm quyền do luật định (statutory duty) hay nói cách khác là người cảnh sát đã thi hành mệnh lệnh. Trường hợp cảnh sát bắt nhầm do bất cẩn thì cảnh sát phải chịu trách nhiệm về việc làm bất cẩn đó. Trong trường hợp này thì người bị hại có thể kiện cảnh sát về lỗi bất cẩn (Negligence) để được bồi thường thiệt hại trên cơ sở xác định trách nhiệm đối với lỗi của mình (basis of tort liability). Trường hợp lỗi cố ý thì lại căn cứ vào pháp luật hình sự, cụ thể là Luật về tội phạm năm 1900 (Crimes Act 1900). Bên cạnh việc áp dụng các văn bản hiện hành thì Toà án cũng vẫn áp dụng án lệ đối với những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn như hành vi làm sai lệch hồ sơ bằng cách làm giả hồ sơ hoặc sử dụng hồ sơ giả (chấp nhận giấy tờ giả mạo, chữ ký giả mạo, lời khai giả mạo, v.v…) nhằm mục đích làm hại người khác (cá nhân, nhiều cá nhân hoặc một pháp nhân) – kể cả thiệt hại về tài sản – thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt tù; đặc biệt nếu biết là giả mạo mà vẫn cố tình làm thì có thể bị phạt tới 10 năm tù giam (Điều 250, Luật về tội phạm). Trong trường hợp thu giữ tài sản mà cố tình làm sai chẳng hạn như việc lạm quyền để thu giữ tài sản vì lợi ích cá nhân thì người có hành vi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù tới 6 tháng, phạt tiền tới 500$ hoặc cả hai (Điều 527).

Tuy nhiên pháp luật cũng lại miễn trừ trách nhiệm đối với toà án. Lý do của việc miễn trừ này có những cơ sở khoa học và thực tế. Về mặt khoa học thì với qui trình đào tạo luật và cách thức lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán rất chặt chẽ cùng với những tiêu chuẩn rất cao đặt ra cho những người muốn trở thành thẩm phán. Mặt khác do thủ tục tố tụng (tranh tụng) đã đảm bảo cho người thẩm phán rất ít cơ hội để có thể gặp phải những rủi ro hay mắc phải những sai lầm trong quá trình xét xử. Về mặt thực tế thì chưa có vụ nào kiện toà án kết án sai. Mới đây nhất có một vụ Quang Be Tran kiện Nữ hoàng (Toà Thượng thẩm ở Canberra) lên Toà án tối cao liên bang về việc áp dụng hình phạt quá nặng đối với hành vi mua và vận chuyển ma tuý từ Sydney tới thủ đô Canberra để bán lẻ cho những người nghiện ma tuý ở thủ đô. Tuy nhiên Toà án tối cao đã xem xét và ra quyết định y án.

 

Trong bài viết này chúng tôi xin nêu một dẫn chứng minh hoạ việc giải quyết trong hoạt động tố tụng của bang New South Wale.

Bỏ tù sai (Fault imprisonment): Khiếu nại việc bỏ tù oan sẽ bảo vệ lợi ích cho người bị hại tránh khỏi sự hạn chế thân thể giam cầm trước việc làm cố ý và vô cớ buộc người đó phải hạn chế toàn bộ việc tự do đi lại hoặc là bằng cách tích cực giam giữ người và buộc người đó phải rời bỏ nơi người đó đang sinh sống. Trước đây khái niệm này "fault imprisonment" được hiểu theo hai nghĩa (i) bị tạm giam oan trong quá trình điều tra trước khi bị xét xử và (ii) việc vi phạm các qui định về quản lý phạm nhân. Theo nghĩa (i) Đúng như tên gọi của nó, việc khiếu nại này là chính đáng nhằm chống lại hành vi bắt giam vô cớ của những người đang thi hành pháp luật. Vấn đề này có lịch sử phát triển khá dài, khởi đầu bằng những sự việc rất khiêm tốn. Lúc đầu chỉ là những vụ kiện dân sự chẳng hạn nếu người lái xe ô tô chạy xe với một tốc độ cao nhằm ngăn chặn một hành khách xuống xe; hoặc nếu một người bị đẩy xuống một con thuyền, hoặc bị khống chế bởi một người khác có sử dụng vũ lực hoặc quyền hạn hợp pháp để hạn chế quyền tự do của người khác như khi một thám tử của cửa hàng giữ một khách hàng bị nghi là ăn trộm của cửa hàng hay thậm chí khi một cảnh sát dù không cần dùng tay bắt giữ một người hoặc chính thức bắt giữ người đó để cho người đó hiểu rằng mình đã bị hạn chế và việc trốn chạy là vô nghĩa. Theo nghĩa (ii) thì việc hạn chế quyền tự do đi lại của một người là do chủ ý nhưng cũng có thể tương đương với việc vi phạm trách nhiệm của người có thẩm quyền phải thả một người chẳng hạn như việc không thả phạm nhân khi người đó hết hết tù (đã thi hành xong án phạt tù). Những vi phạm khác như Quản lý trại giam không đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu cho phạm nhân (giưòng ngủ, khẩu phần ăn, quần án ấm, số phạm nhân trong một trại) cũng được coi là "fault imprisonment" và Nhà nước phải bồi thường. Tuy nhiên trong trường hợp số phạm nhân tăng nhanh và để đảm bảo cách ly những kẻ phạm tội nguy hiểm với những loại tội phạm khác trong khi chưa có trại giam an toàn tuyệt đối mới thì Quản lý trại giam không phải chịu trách nhiệm đối với thời gian tạm thời "vi phạm qui chế". Với những bất cập trên, thì pháp luật cần phải được hoàn thiện để đảm bảo quyền của người bị hại nhưng cũng bảo vệ cơ quan Nhà nước trong những trường hợp cụ thể như đã nói trong mục (ii) trên đây. Luật bồi thường nạn nhân năm 1987 được ban hành và qui định rõ ràng Theo qui định của Luật bồi thường nạn nhân thì những người bị bắt giữ, tạm giam oan hoặc những người thi hành án phạt tù mà các quyền của họ bị xâm phạm do hành vi vi phạm qui chế quản lý phạm nhân (không phải là tù oan) cũng đều là nạn nhân của những hành vi vi phạm do vậy họ đều được bồi thường. Tuy nhiên đối với trường hợp vi phạm quản lý trại giam thì người bị hại chỉ có thể kiện Quản lý trại giam về lỗi bất cẩn "Negligence" chứ không được phép kiện Quản lý trại giam về việc bỏ tù sai "Fault imprisonment" . Luật năm 1999 thay thế Luật năm 1987 cũng có những qui định nói rõ những người đã bị toà án kết án và đang trong giai đoạn chấp hành án phạt tù thì không được coi là nạn nhân để được hưởng những quyền của người bị hại theo Luật này.

II. Vấn đề bồi thường cho những người bị oan sai trong tố tụng hình sự của Thụy điển

Thụy điển có một cơ quan của Chính phủ chuyên trách (Văn phòng bồi thường thiệt hại) giải quyết bồi thường cho những người bị oan sai trong tố tụng hình sự. Văn phòng có 9 luật sư và 4 cán bộ quản lý cùng với một số cán bộ giúp việc.

Về mặt lịch sử, Văn phòng này (Chancery) do Vua thứ 12 đặt ra để thay Vua giải quyết các công việc khi Nhà Vua không thể có mặt trực tiếp để giải quyết đồng thời thực hiện chức năng công tố. Khi Quốc hội được thành lập vào giữa thế kỷ 18 thì nhiều ý kiến lúc bấy giờ muốn chuyển Văn phòng này thành cơ quan Thanh tra Quốc hội (Ombudsman). Tuy nhiên vẫn có những quan điểm mạnh mẽ cho rằng Chính phủ (Cơ quan hành pháp) cần phải có cơ quan như vậy. Do vậy Ombdsman vẫn ra đời và Chancery vẫn tồn tại song song với một cơ quan thanh tra bên Quốc hội mà một phần chức năng của Chancery được chia làm hai. Khi được giữ lại thì Văn phòng bồi thường thiệt hại có những chức năng: (i) tư vấn pháp luật cho Chính phủ; (ii) giám sát việc các cơ quan Nhà nước hạn chế quyền tự do báo chí; (iii) đại diện cho Nhà nước trong các vụ kiện dân sự có yếu tố nước ngoài; và (iv) xem xét giải quyết việc bồi thường cho người bị bắt, giam giữ và bị tù oan.

Chỉ tính riêng trong năm 1995, Văn phòng đã nhận được 800 đơn đề nghị bồi thường và tham gia vào 400 vụ kiện dân sự.

Theo qui định của pháp luât hiện hành (thông qua năm 1974) thì đối tượng được xét bồi thường gồm: người bị tạm giữ, tạm giam oan quá 24 giờ; người bị xét xử oan, bị tù oan (trường hợp không oan nhưng có sai thì tuỳ từng trường hợp sẽ được xét bồi thường; chẳng hạn mức án xử quá chênh lệch thì được bồi thường phần thời hạn đáng ra không phải bị tù).

Cơ sở để tính bồi thường là thu nhập hàng ngày, tiền lương tháng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và các khoản chi phí khác như chi phí cho việc trông nom nuôi dạy con cái, các khoản viện phí,....). Việc bồi thường danh dự không đặt ra một cách độc lập mà kết hợp với việc tính toán thiệt hại vật chất với mức cao hơn mức thông thường. Mức bồi thường trung bình một tháng ít nhất không dưới 15.000 Crown (tiền Thụy điển). Thực tế trong vụ ám sát Cố Thủ tướng Ô -lếch Pam-mơ năm 1986, người bị nghi và bị giam oan 10 tháng đã được bồi thường 300.000 Crown (tương đương với 45.000 USD). Trong một vụ khác một người bị xét xử oan về tội hiếp dâm đã ở tù 2 năm 4 tháng và sau đó được bồi thường 450.000 Crown (tương đương với 70.000 USD. Năm 1995 tính tới thòi điểm tháng 11 thì Nhà nước đã chi ra 12 triệu Crown để giải quyết 800 trường hợp đề nghị bồi thường.

 

 

Phụ lục

 

P.D 73 Cảnh sát Bang Nam Australia

 

 

Đơn xin bồi thường nạn nhân

 

(1) Họ tên người phạm tội __________________________

(2) Phạm tội danh _________________ (3) Số hồ sơ A/P _________

______________________

(4) Nạn nhân (Đơn làm riêng của từng nạn nhân)

(5) Các nạn nhân khác Có/không (6) Số nạn nhân ______

(7) Họ tên nạn nhân ________________________________

(8) Tuổi (ngày tháng năm sinh) ____________ (9) Nghề nghiệp ____

_________________________________________________________

(10) Nạn nhân yêu cầu Công tố lưu ý tới những mất mát hoặc thiệt hại cụ thể dưới đây trong phần tuyên án bị cáo Có/Không

(11) Bồi thường Có/Không Xem mục (12) Thương tật

(18) Các chi phí khác (23) Tài sản

(12) Phần thương tật

Những chi tiết về thương tật (cơ thể, tinh thần và sự sốc v.v); tóm tắt sự chữa trị; thời gian nằm viện; điều trị đặc biệt; Việc chữa trị đã kết thúc hay chưa; những tác động phụ; Kèm theo những giấy tờ về thương tật. Kèm theo các giấy xác nhận của bác sĩ nếu có.

 

 

 

 

 

 

 

(13) Địa chỉ bác sĩ đã cấp giấy xác nhận: Họ tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại của (các) bác sĩ:_______________________________

_________________________________________________

(14) Nạn nhân đồng ý cho phép tiếp cận các hô sơ bệnh án Có/Không_____________________________

(15) Thời gian phải nghỉ việc_____________ (16) Mất thu nhập $___

(17) Sau thuế $__

_______________________________________________________

(18) Các chi phí khác

Mất mát quần áo; kính, công cụ làm việc hoặc kinh doanh v.v. Phải thuê người khác làm việc vì bị thương tật v.v. Kèm theo hoá đơn chứng từ

_______________________________________________________

(19) Tiền bồi thường người lao động đã nhận/đã bồi thường Có/Không

(20) Nếu có thì mức đã nhận $______

(21) Tiền bồi thường khác đã nhận/đã bồi thường Có/Không

(22) Nếu có thì mức đã nhận $______

___________________________________________________________

(23) Phần tài sản

(a) Những tài sản cụ thể đã bị mất cắp và chưa hoàn lại, kể cả giá trị thay thế. Chứng từ, hoá đơn đính kèm. Nói rõ tiền bảo hiểm đã nhận hy chưa; những khoản khác v.v

(b) Những tài sản cụ thể bị thiệt hại hoặc mất mát và đã hoàn lại trong tình trạng hỏng hóc, kể cả ước tính giá trị và chi phí thay thế. Kèm theo hoá đơn chứng từ.

_____________________________________________________

(24) Bên thứ ba liên quan tới tài sản(thí dụ: Công ty bảo hiểm, Công ty cho thuê TV, Công ty tài chính, v.v

(25) Tên và địa chỉ của bên thứ ba liên quan_________________

__________________________________________________

(26) Đã được đề nghị bồi thường/chưa được đề nghị bồi thường

(27) Yêu cầu trách nhiệm bồi thường cụ thể của bị cáo (thí dụ: khả năng lao động, tài sản v.v) nếu biết:

____________________________________________________

____________________________________________________

___________________

Họ tên

Hàng....... Số CMT.......

Gửi ngày................................

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nghị định

của Chính phủ số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 về việc
giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan
tiến hành tố tụng gây ra

Chính phủ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Bộ Luật dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, sau khi thống nhất với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,

Nghị định

Chương I
Những quy định chung

Điều 1.- Cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được quy định tại Điều 623 và Điều 624 của Bộ luật dân sự.

Điều 2.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 3.- Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường cho mình thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 4.- Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan nhà nước là cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng công chức, viên chức nhà nước.

2. Công chức, viên chức nhà nước là người trong biên chế nhà nước và hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

4. Người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng là người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Điều 5.-

1. Nguyên tắc xác định thiệt hại, mức bồi thường và mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại và việc miễn, giảm, hoãn hoàn trả bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự.

2. Trường hợp nhiều công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan tiết hành tố tụng cùng gây thiệt hại thì họ phải liên đới chịu trách nhiệm trên cơ sở lỗi của mỗi người.

Chương II
Giải quyết bồi thường thiệt hại
và hoàn trả

Mục I
Bồi thường thiệt hại

Điều 6.-

Trong trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, thì việc bồi thường được giải quyết theo quy định tại các điều từ Điều 7 đến Điều 11 của Nghị định này.

Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại hoặc một trong các bên không thực hiện nghiêm chỉnh thoả thuận, thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 7.- Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nói tại Điều 4 Nghị định này thành lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (gọi chung là Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Điều 8.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan, đại diện tổ chức công đoàn của người gây thiệt hại, đại diện cơ quan tài chính - vật giá, đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật có liên quan và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp.

Đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng.

Điều 9.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại có nhiệm vụ xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại; xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại.

 

Cơ quan của người gây thiệt hại chịu chi phí cho hoạt động của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại.

Điều 10.- Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại tiến hành họp giải quyết theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe công bố yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại, nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe báo cáo thẩm định của các cơ quan chuyên môn (nếu có); Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể mời người bị thiệt hại hay đại diện của họ tham gia phiên họp Hội đồng.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 11.- Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Mục 2
Hoàn trả khoản tiền bồi thường
thiệt hại

Điều 12.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng phải hoàn trả khoản tiền mà cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Mức hoàn trả do Thủ trưởng cơ quan đó quyết định trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Nghị định này.

Điều 13.- Sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại, Thủ trưởng cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nói tại Điều 4 Nghị định này thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại.

 

Điều 14.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại bao gồm đại diện lãnh đạo cơ quan của người gây thiệt hại là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại, Kế toán trưởng, một số chuyên gia về ngành kinh tế - kỹ thuật và pháp lý có liên quan.

Điều 15.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại có nhiệm vụ giúp cho Thủ trưởng cơ quan xem xét, đánh giá thiệt hại, xác định mức độ lỗi và khả năng kinh tế của công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại.

 

Cơ quan thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại chịu chi phí cho hoạt động của Hội đồng.

Điều 16.- Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại họp giải quyết theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe giải trình của người gây thiệt hại; Hội đồng nghe ý kiến của Chủ tịch công đoàn cơ sở, ý kiến của Thủ trưởng trực tiếp của người gây thiệt hại và ý kiến của Kế toán trưởng; Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số. Kiến nghị của Hội đồng được lập thành văn bản và gửi cho lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 17.- Công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng phải hoàn trả khoản tiền bồi thường cho cơ quan mình theo phương thức: Hoàn trả một lần bằng tài sản riêng của mình trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định hoàn trả hoặc trừ dần vào thu nhập nhưng không dưới 10% và không vượt quá 30% tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp hàng tháng, nếu có.

 

Điều 18.- Trong trường hợp công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với quyết định của Thủ trưởng cơ quan về việc hoàn trả bồi thường thiệt hại hoặc không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì các bên có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Chương III
Điều khoản thi hành

Điều 19.- Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

 

Điều 20.- Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng ở các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại.

Điều 21.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 1997.

 

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan liên quan khác chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Thông tư

của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ số 54/1998-TT-TCCP ngày 04 tháng 06 năm 1998 hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ quy định thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do công
chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền
của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Để thực hiện thống nhất Nghị định của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Công chức viên chức nói trong Nghị định số 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ bao gồm các bộ, công chức được quy định tại Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức ban hành ngày 26 tháng 2 năm 1998.

2. Cơ quan nhà nước nói trong Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ là các cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức nói tại điểm 1 Thông tư này.

3. Thiệt hại nói tại Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ là thiệt hại thực tế do công chức, viên chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.

4. Thực thi công vụ được hiểu là việc cán bộ, công chức nhà nước thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật phù hợp với chức danh công chức hoặc thực hiện một công việc được người phụ trách trực tiếp hay thủ trưởng đơn vị phân công. Công vụ có thể được thực thi tại công sở hoặc ngoài công sở; trong giờ hành chính hoặc ngoài giờ hành chính.

5. Trường hợp cán bộ, công chức nhà nước gây ra thiệt hại, người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm tiếp hoặc phân công cán bộ có trách nhiệm tiếp người bị hại.

Trường hợp người bị hại trình bày miệng, thì người tiếp phải lập biên bản ghi rõ nội dung trình bày và yêu cầu đòi bồi thường của người bị hại. Biên bản phải lập ít nhất hai bản như nhau và có chữ ký của người bị hại và người tiếp nhận yêu cầu. Bên bị hại giữ một bản, cơ quan giữ một bản. Người lập biên bản phải báo cáo nội dung biên bản với Thủ trưởng cơ quan xem xét giải quyết. Biên bản phải được lưu trữ tại cơ quan.

Trường hợp người bị thiệt hại có đơn thì người tiếp nhận đơn phải chuyển cho người có trách nhiệm vào sổ văn thư của cơ quan và báo cáo Thủ trưởng cơ quan giải quyết.

6. Sau khi nhận được yêu cầu đòi hỏi bồi thường của người bị hại, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được, Thủ trưởng cơ quan phải tổ chức xác minh vụ việc, sơ bộ đánh giá thiệt hại và gặp gỡ người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ để bàn việc giải quyết với sự có mặt cán bộ, công chức, gây ra thiệt hại.

Trường hợp thoả thuận được thì phải lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của người bị hại, Thủ trưởng cơ quan và của cán bộ, công chức, gây ra thiệt hại.

Trường hợp không thoả thuận được thì cơ quan phải lập thành hồ sơ vụ việc đề nghị Toà án giải quyết.

7. Việc lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại tại cơ quan do Thủ trưởng cơ quan quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan là người gây thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định thành lập.

Thành phần Hội đồng gồm: thủ trưởng cơ quan hoặc phó Thủ trưởng cơ quan được Thủ trưởng cơ quan uỷ quyền là Chủ tịch Hội đồng; đại diện tổ chức công đoàn cùng cấp; đại diện cơ quan tài chính, vật giá cùng cấp; đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp.

Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định mức và phương thức bồi thường thiệt hại.

Hội đồng tiến hành họp xét giải quyết bồi thường thiệt hại theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe công bố yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại, nghe giải trình của người gây thiệt hại và nghe báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn (nếu có). Các báo cáo này có thể nghe trực tiếp hoặc bằng văn bản. Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả được lập thành văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định. Trường hợp cần thiết, có thể mời người bị thiệt hại và người gây thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ tham gia phiên họp của Hội đồng. Những người này không được biểu quyết. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

8. Sau khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại được thực hiện, Thủ trưởng cơ quan phải thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Thành phần của Hội đồng gồm: Thủ trưởng cơ quan hoặc Phó thủ trưởng cơ quan được thủ trưởng cơ quan uỷ quyền là Chủ tịch Hội đồng; Chủ tịch công đoàn cơ sở; Người phụ trách đơn vị trực tiếp của người gây thiệt hại; Kế toán trưởng và một số chuyên gia pháp lý và ngành kinh tế kỹ thuật có liên quan. Hội đồng có nhiệm vụ kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Việc xem xét, quyết định mức hoàn trả phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế, hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng tiến hành họp xét giải quyết bồi thường thiệt hại theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe giải trình của người gây thiệt hại và nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng; Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả được lập thành văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

9. Thủ trưởng cơ quan quyết định mức hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng và thông báo cho công chức, viên chức gây thiệt hại biết để thực hiện theo quy định của pháp luật. Các trường hợp miễn, giảm mức bồi hoàn phải ghi rõ căn cứ pháp lý và lý do giải quyết.

10. Trong trường hợp cán bộ, công chức gây thiệt hại không thống nhất với mức hoàn trả hoặc từ chối hoàn trả thì Thủ trưởng cơ quan phải lập hồ sơ yêu cầu Toà án giải quyết.

Trên đâu là một số nội dung cụ thể. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn nhằm thực hiện thống nhất việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước gây ra theo quy định tại Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ biết để xem xét, giải quyết hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

 

Thông tư

của Bộ Tài chính số 38/1998-TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 1998 hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán Ngân sách Nhà nước cho bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

- Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

- Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

- Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng (dưới đây gọi tắt là công chức, viên chức) gây ra như sau:

1. Lập dự toán ngân sách cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:

Hàng năm căn cứ vào chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi tiêu ngân sách hiện hành của cơ quan nhà nước và tình hình thu, chi ngân sách cho hoạt động bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức gây ra của các năm trước, cơ quan tài chính lập dự toán cho phần bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức gây ra và tổng hợp vào mục chi dự phòng của ngân sách cấp mình.

2. Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho bồi hoàn thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:

Khi phát sinh trường hợp phải bồi thường thiệt hại, căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại và các hồ sơ, chứng từ kèm theo mà cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng nộp, cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện việc cấp phát kinh phí cho việc bồi thường thiệt hại theo hình hình thức lệnh chi tiền.

Căn cứ vào kết luận của Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi hoàn thiệt hại và các hồ sơ, chứng từ kèm theo, người gây thiệt nộp trực tiếp khoản hoàn trả bồi thường thiệt hại của mình vào tài khoản chuyên thu của cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước.

Trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng hoàn trả một lần các khoản thiệt hại do mình gây ra, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc khấu trừ dần vào thu nhập của cá nhân gây thiệt hại, nhưng không dưới 10% và không quá 30% tổng thu nhập từ mức lương và phụ cấp hàng tháng của người gây thiệt hại để hoàn trả vào tài khoản chuyên thu của cơ quan tài chính tại Kho bạc nhà nước.

Cơ quan tài chính cùng cấp mở một tài khoản chuyên thu để thu hồi các khoản hoàn trả bồi thường thiệt hại từ các cá nhân gây thiệt hại. Định kỳ, căn cứ vào quyết định của UBND cùng cấp, cơ quan tài chính ra lệnh thu vào ngân sách nhà nước các khoản thu đó từ tài khoản.

3. Quyết toán ngân sách nhà nước cho việc bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước và người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra:

Việc thu, chi ngân sách nhà nước cho việc bồi thường thiệt hại của cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện theo đúng các trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định 87/CP ngày 19/12/1996 và Thông tư 09/TC-TT ngày 18/3/1997 quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày có hiệu lực của Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

luật nhà nước bồi thường thiệt hại

của nước CHnD Trung Hoa

(Hội nghị lần thứ 7 Quốc hội khoá 8 thông qua ngày 12/5/1994)

Chương I Các quy định chung

Điều 1: Luật bồi thường thiệt hại được ban hành trên cơ sở Hiến pháp, nhằm bảo đảm cho công dân, pháp nhân và các tổ chức khác hưởng quyền được Nhà nước bồi thường, thúc đẩy các cơ quan Nhà nước thực thi chức năng theo đúng pháp luật.

Điều 2: Các cơ quan Nhà nước, cán bộ của các cơ quan Nhà nước thực thi quyền lực trái pháp luật xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác mà gây tổn thất thì người bị thiệt hại có quyền được Nhà nước bồi thường theo quy định của luật này

Chương II Bồi thường hành chính

Tiết 1: Phạm vi bồi thường

Điều 3: Cơ quan hành chính và cán bộ của những cơ quan hành chính trong khi thi hành công vụ vi phạm quyền nhân thân của công dân thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại được bồi thường:

áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính bắt giữ trái pháp luật hoặc hạn chế quyền tự do thân thể của công dân trái pháp luật;

Giam giữ hoặc tước quyền tự do thân thể của công dân trái pháp luật;

Có hành vi bạo lực như đánh người hoặc sai người khác đánh người dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong;

Sử dụng vũ khí trái phép gây thương tích hoặc tử vong cho công dân;

Các hành vi khác dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong.

Điều 4: Các cơ quan hành chính và cán bộ của các cơ quan hành chính trong khi thi hành công vụ xâm hại quyền tài sản của công dân thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại có quyền được bồi thường:

áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền, thu hồi giấy phép hành nghề, ra lệnh đình chỉ sản xuất kinh doanh, tịch thu tài sản trái pháp luật;

áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính như niêm phong, thu giữ tài sản trái pháp luật;

Trưng thu tài sản, phân chia chi phí trái với quy định của pháp luật;

Những hành vi trái pháp luật khác gây tổn hại về tài sản.

Điều 5: Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

Hành vi cá nhân của cán bộ cơ quan hành chính không liên quan đến thực thi nhiệm vụ;

Hành vi của chính cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác tự gây thiệt hại cho mình;

Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tiết 2: Người có quyền yêu cầu bồi thường và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

Điều 6: Cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác bị hại có quyền yêu cầu bồi thường. Nếu người bị hại chết thì người thừa kế hoặc người thân khác có quan hệ nuôi dưỡng với người bị hại có quyền yêu cầu bồi thường.

Pháp nhân hoặc tổ chức bị hại mà bị giải thể thì pháp nhân hoặc tổ chức kế thừa có quyền yêu cầu bồi thường.

Điều 7: Cơ quan hành chính hoặc cán bộ của các cơ quan hành chính trong khi thi hành công vụ vi phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác dẫn đến tổn thất thì cơ quan hành chính đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

 

Hai cơ quan hành chính trở lên khi thi hành công vụ cùng vi phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác gây tổn thất thì có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại xảy ra.

Các tổ chức thực thi quyền hành chính theo quy định của pháp luật vi phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác mà gây tổn thất thì các tổ chức đó là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Các tổ chức hoặc cá nhân được cơ quan hành chính uỷ quyền thực thi quyền hành chính vi phạm quyền lợi hợp pháp của pháp nhân, tổ chức khác mà gây tổn thất thì cơ quan hành chính uỷ quyền là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Trong trường hợp cơ quan có nghĩa vụ bồi thường bị giải thể thì cơ quan hành chính được chỉ định tiếp tục thực thi chức năng của cơ quan hành chính bị giải thể là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, nếu không có cơ quan tiếp nhận chức năng của cơ quan hành chính bị giải thể thì cơ quan ra quyết định giải thể là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Điều 8: Đối với những trường hợp xét xử lại thì cơ quan hành chính có hành vi xâm hại đầu tiên là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, nhưng nếu quyết định sau khi xét xử lại tăng thêm tổn thất thì cơ quan xét xử lại đó có nghĩa vụ bồi thường đối với phần tăng nặng đó.

Tiết 3 Trình tự bồi thường

Điều 9: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điều 3 và điều 4 của Luật này phải thực hiện việc bồi thường.

 

Người có quyền yêu cầu bồi thường phải có đơn gửi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, đồng thời cũng có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết bằng tố tụng hành chính.

Điều 10: Trong trường hợp nhiều cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường thì người có quyền yêu cầu bồi thường có thể gửi yêu cầu cho bất cứ một cơ quan nào trong số các cơ quan đó thực hiện bồi thường. Cơ quan nhận được đơn yêu cầu bồi thường phải thực hiện việc bồi thường.

Điều 11: Người có quyền yêu cầu bồi thường nếu bị nhiều tổn thất khác nhau có thể đồng thời yêu cầu bồi thường các tổn thất đó.

 

Điều 12: Người có quyền yêu cầu bồi thường phải có đơn, trong đơn ghi rõ đầy đủ các nội dung sau:

Tên, giới tính, tuổi, đơn vị công tác, chỗ ở của người bị hại, tên, trụ sở của pháp nhân, tổ chức và tên, chức vụ của đại diện pháp nhân hoặc người chịu trách nhiệm chính;

Lý do, căn cứ thực tế, yêu cầu cụ thể;

Ngày tháng năm làm đơn.

Nếu người có quyền yêu cầu bồi thường gặp khó khăn trong việc viết đơn thì có thể nhờ người khác viết hoặc có thể trình bày miệng, cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải ghi vào sổ nhật ký của cơ quan.

Điều 13: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường, phải thực hiện việc bồi thường theo quy định tại chương 4 Luật này; nếu vượt quá thời hạn trên mà không bồi thường hoặc bồi thường không đầy đủ so với mức yêu cầu của người bị hại, thì người bị hại có thể kiện lên toà án trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hết thời gian trên.

 

Điều 14: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường sau khi bồi thường xong có quyền yêu cầu cán bộ, tổ chức hoặc cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường.

Cơ quan hành chính có quyền xử lý hành chính những cán bộ có hành vi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại; nếu cấu thành tội phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Chương III Bồi thường hình sự

Tiết 1: Phạm vi bồi thường

Điều 15: Các cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm phạm quyền nhân thân, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại:

 

Bắt giữ sai đối với người bị tình nghi phạm tội nhưng chưa có dấu hiệu thực tế hoặc chưa có chứng cứ thực tế là phạm tội;

Giam giữ sai đối với những người chưa thực sự phạm tội;

Xét xử lại theo trình tự kiểm tra, giám sát xét xử là vô tội, nhưng đã chấp hành hình phạt đã tuyên;

Có các hành vi bạo lực như bức cung, đánh đập hoặc sai người khác dùng các hành vi bạo lực như đánh đập dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong;

Sử dụng vũ khí, dụng cụ trái pháp luật dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong.

Điều 16: Các cơ quan thực thi chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền tài sản, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị thiệt hại có quyền được bồi thường thiệt hại:

áp dụng các biện pháp trái pháp luật như niêm phong, thu giữ tài sản;

Xét xử lại theo trình tự kiểm tra, giám sát xét xử là vô tội, nhưng đã chấp hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản.

Điều 17: Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau:

 

Công dân cố ý khai sai sự thật hoặc tạo chứng cứ giả để bị coi là có tội, để bị bắt hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Những trường hợp bắt giam người không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 14, 15 Luật hình sự;

Những trường hợp bắt giam người không phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 11 Luật tố tụng hình sự;

Các hành vi cá nhân của cán bộ cơ quan Nhà nước có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam hoặc cán bộ của các cơ quan này không liên quan đến nhiệm vụ.

Công dân tự làm mình bị thương tàn tật hoặc có hành vi cố ý gây tổn thất cho mình;

Những trường hợp khác do pháp luật quy định.

Tiết 2 Người có quyền yêu cầu bồi thường và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường

Điều 18: Việc xác định người có quyền yêu cầu bồi thường căn cứ theo quy định tại điều 6 của Luật này.

Điều 19: Các cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của các cơ quan này trong khi thực hiện chức năng nhiệm vụ xâm hại quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác dẫn đến tổn thất thì những cơ quan này là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

 

Các cơ quan ra quyết định tạm giữ hoặc tạm giam trái pháp luật đối với người bi tình nghi nhưng thực tế không phạm tội hoặc không có căn cứ chứng minh phạm tội là những cơ quan có nghĩa vụ phải bồi thường.

Cơ quan ra quyết định bắt giam hoặc bắt giam trái pháp luật người không phạm tội là những cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Nếu xét xử lại là vô tội, thì toà án ra quyết định đã có hiệu lực ban đầu là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Toà phúc thẩm xử vô tội thì toà sơ thẩm và cơ quan ra quyết định bắt người là những cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường.

Tiết 3 Trình tự bồi thường

Điều 20: Các cơ quan có nghĩa vụ bồi thường thuộc một trong các trường hợp quy định taị điều 15, 16 của Luật này phải thực hiện việc bồi thường.

Người có quyền yêu cầu bồi thường yêu cầu xác nhận đã có sự vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điều 15,16 của luật này mà cơ quan được yêu cầu không xác nhận thì người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền khiếu nại.

Người có quyền yêu cầu bồi thường phải gửi đơn yêu cầu bồi thường tới cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Trình tự bồi thường áp dụng theo quy định tại điều 10,11,12 của Luật này.

Điều 21: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện việc bồi thường theo quy định tại chương 4 của Luật này trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường. Nếu quá thời hạn trên mà không thực hiện bồi thường hoặc bồi thường không đầy đủ so với mức yêu cầu thì người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền kiện lên cơ quan cấp trên của cơ quan đó trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn trên.

 

Nếu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là Toà án nhân dân thì người có quyền yêu cầu bồi thường có thể căn cứ theo quy định tại khoản trên yêu cầu Hội đồng bồi thường của TAND cấp trên của TA đó ra quyết định bồi thường.

Điều 22: Cơ quan xét xử lại phải ra quyết định trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Nếu người có quyền yêu cầu bồi thường không chấp nhận quyết định bồi thường thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, có quyền yêu cầu Hội đồng bồi thường của TAND cùng cấp của cơ quan xét xử lại đó ra quyết định bồi thường; Quá thời hạn trên mà cơ quan xét xử lại không ra quyết định người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Hội đồng bồi thường của TAND cùng cấp sở tại với cơ quan xét xử lại đó ra quyết định bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn trên.

Điều 23: TAND trung cấpơ trở lên thành lập Hội đồng bồi thường, thành phần gồm ba đến bảy thẩm phán.

 

Hội đồng bồi thường ra quyết định bồi thường, thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.

Quyết định bồi thường của Hội đồng bồi thường là quyết định có hiệu lực pháp luật, buộc phải thực hiện.

Điều 24: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường sau khi bồi thường có quyền yêu cầu cán bộ thuộc một trong các trường hợp sau phải bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường.

Các trường hợp quy định tại khoản 4, 5 điều 15 của luật này.

Trong khi xử lý vụ án có hành vi tham ô, nhận hối lộ, mưu lợi cá nhân, xét xử trái pháp luật.

Đối với những người có trách nhiệm thuộc khoản 1 và 2 nêu trên các cơ quan hữu quan còn phải xử lý hành chính theo quy định pháp luật, nếu cấu thành tội phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương IV Cách tính bồi thường và tiêu chuẩn tính bồi thường

Điều 25: Nhà nước bồi thường chủ yếu bằng tiền.

 

Nếu có thể hoàn trả tài sản hoặc phục hồi nguyên trạng thì hoàn trả tài sản hoặc phục hồi nguyên trạng.

Điều 26: Nếu xâm hại đến quyền tự do cá nhân thì tiền bồi thường mỗi ngày được tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó.

 

Điều 27: Xâm hại đến quyền sức khỏe, tính mạng của công dân thì tiền bồi thường được tính như sau:

 

Nếu gây thương tích, phải thanh toán tiền chữa bệnh và bồi thường phần thu nhập bị giảm do phải nghỉ việc, tiền bồi thường mỗi ngày do thu nhập bị giảm tính theo lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước vào năm trước đó, nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương bình quân của năm trước đó;

Nếu gây mất một phần hoặc toàn bộ khả năng lao động thì phải trả tiền chữa bệnh và tiền bồi thường tàn tật, tiền bồi thường tàn tật xác định theo mức độ mất khả năng lao động, tiền bồi thường cho việc mất một phần khả năng lao động tối đa không quá 10 lần tiền lương bình quân của cán bộ nhân viên Nhà nước của năm trước đó, tiền bồi thường cho việc mất toàn bộ khả năng lao động tối đa không quá 20 lần tiền lương bình quân của cán bộ nhân viên Nhà nước của năm trước đó. Đối với trường hợp gây mất toàn bộ khả năng lao động, còn phải bồi thường cả tiền sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động mà người đó phải nuôi dưỡng.

Nếu gây chết người thì phải trả tiền bồi thường làm chết người, tiền tang lễ, tổng số gấp 20 lần tiền lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Nếu người chết khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người không có khả năng lao động thì phải bồi thường tiền sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động đó .

Tiền sinh hoạt phí quy định tại khoản 2 và 3 trên đây được tính căn cứ theo quy định về trợ giúp sinh hoạt của cơ quan dân chính địa phương đó. Nếu người được nuôi dưỡng là vị thành niên thì được nhận tiền sinh hoạt phí đến năm 18 tuổi, những người không có khả năng lao động khác được nhận tiền sinh hoạt phí cho đến lúc chết.

Điều 28: Nếu xâm phạm đến quyền tài sản của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác gây tổn hại, thì bị xử lý theo các quy định sau:

Phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc trưng thu tài sản, thu phí trái với quy định của Nhà nước thì phải hoàn trả tài sản;

Niêm phong, thu giữ tài sản trái pháp luật thì phải huỷ việc niêm phong, thu giữ đó nếu làm hỏng hoặc gây mất mát tài sản thì phải bồi thường theo quy định tại khoản 3 và 4 dưới đây;

Tài sản phải hoàn trả bị hỏng, nếu có thể khôi phục nguyên trạng được thì khôi phục nguyên trạng, nếu không thể khôi phục nguyên trạng được thì bồi thường bằng tiền tương ứng với mức độ tổn thất.

Trong trường hợp tài sản phải hoàn trả bị mất thì bồi thường bằng tiền tương ứng;

Trong trường hợp tài sản đã đem phát mại thì trả lại số tiền đã thu được từ việc phát mại đó;

Huỷ giấy phép, ra lệnh đình chỉ sản xuất kinh doanh trái pháp luật thì phải bồi thường chi phí cần thiết trong khoảng thời gian bị buộc đình chỉ sản xuất đó;

Gây tổn thất khác về quyền tài sản thì bồi thường theo tổn thất trực tiếp.

Điều 29: Tiền bồi thường lấy từ ngân sách tài chính của các cấp, biện pháp bồi thường cụ thể do Quốc vụ viện quy định.

 

Chương V các quy định khác

Điều 30: Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường được xác định thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2,3 điều 3, khoản 1,2,3 điều 15 của Luật này, gây tổn hại đến danh dự, phải có biện pháp xoá bỏ sự ảnh hưởng đó, phải khôi phục lại danh dự cho người bị xâm hại và xin lỗi.

Điều 31: Toà án nhân dân trong quá trình tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính áp dụng các biện pháp bảo toàn, biện pháp cưỡng chế trái với quy định pháp luật, thực thi sai những phán quyết, quyết định và những văn bản có hiệu lực pháp luật khác gây tổn hại thì trình tự yêu cầu bồi thường áp dụng theo các quy định về trình tự bồi thường hình sự của Luật này.

 

Điều 32: Thời hiệu để người có quyền yêu cầu bồi thường yêu cầu Nhà nước bồi thường là 2 năm tính từ ngày hành vi của cán bộ cơ quan Nhà nước được xác định là vi phạm pháp luật nhưng không tính thời gian bắt giữ.

Người có quyền yêu cầu bồi thường trong thời hạn 6 tháng cuối cùng của thời hiệu yêu cầu bồi thường do lý do bất khả kháng hoặc lý do khác không thể thực thi quyền yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được dừng tính. Tiếp tục tính thời gian của thời hiệu yêu cầu bồi thường kể từ ngày lý do dừng tính thời hiệu bồi thường không còn nữa.

Điều 33: Người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ nước CHND Trung Hoa yêu cầu nước CHND Trung Hoa bồi thường cũng áp dụng theo luật này.

 

Quốc gia của người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài không được bảo hộ hoặc hạn chế công dân, pháp nhân, tổ chức của nước CHND Trung Hoa yêu cầu nước đó bồi thường. Nhà nước CHND Trung Hoa thực hiện nguyên tắc bình đẳng đối với các Quốc gia của người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài.

Chương VI các điều khoản bổ sung

 

Điều 34: Người có quyền yêu cầu bồi thường yêu cầu Nhà nước bồi thường, các cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và TAND không được thu bất kỳ lệ phí gì của người có quyền yêu cầu bồi thường.

Không được thu thuế đối với số tiền được bồi thường.

Điều 35: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995.

 

 

 

 

 

 

Giải thích của TANDTC về vấn đề

TAND thực hiện Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại

Cơ quan ban hành: TAND TC

Ngày ban hành (có hiệu lực): 06/5/1996

1. Khoản 2,3 điều 17 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường cho những trường hợp bắt người không phải chịu TNHS theo quy định tại điều 14,15 luật hình sự và những người không bị truy cứu TNHS theo quy định tại điều 11 Luật tố tụng hình sự. Nhưng sau khi khởi tố những người thuộc một trong các trường hợp trên bị toà án phạt tù có thời hạn, cải tạo lao động, tử hình mà đã chấp hành hình phạt thì có quyền được bồi thường.

2. Điều 31 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định TAND trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính áp dụng sai các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tố tụng phương hại, hoặc có những sai sót trong khi chấp hành các quyết định, các văn bản có hiệu lực pháp luật khác gây tổn thất thuộc một trong các trường hợp sau phải bồi thường theo trình tự bồi thường hình sự:

2.1 Bắt giữ, phạt tiền trái pháp luật;

2.2 Có các hành vi quy định tại khoản 4, 5 điều 15 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại;

2.3 Có các hành vi quy định tại khoản 1 điều 16 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại.

Những vụ án dân sự, kinh tế, hành chính TAND xử sai nhưng đã được chấp hành, cần hồi chuyển theo quy định của pháp luật, hoặc đương sự yêu cầu bảo toàn tài sản chấp hành trước, người yêu cầu có sai sót gây tổn thất về tài sản thì người yêu cầu phải bồi thường, Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường.

3. Những vụ bồi thường mà công dân, pháp nhân, các tổ chức yêu cầu TAND bồi thường theo quy định của Luật Nhà nước bồi thường phải được xác nhận theo pháp luật. Nếu chưa được pháp luật xác nhận thì người yêu cầu bồi thường phải yêu cầu TAND có thẩm quyền xác nhận. Toà xét xử có liên quan của TAND được yêu cầu xác nhận thực hiện việc xác nhận, đồng thời trả lời cho người yêu cầu bồi thường dưới danh nghĩa TAND. TAND được yêu cầu nếu không xác nhận thì người yêu cầu có quyền kiện.

4. Điều 26, 27 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định những người bị xử phạt quản chế, tạm hoãn thi hành hình phạt tù có thời hạn, tước quyền lợi chính trị được xử lại vô tội, Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, thời gian bị bắt trước khi quyết định có hiệu lực thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Khoản 4 điều 19 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại quy định "Toà xét xử lại xử vô tội, Toà án ban đầu ra quyết định có hiệu lực là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường". Sau khi toà sơ thẩm ra quyết định, bị cáo, VKS không có kháng cáo kháng nghị, bản án có hiệu lực pháp luật thì toà sơ thẩm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường; nếu bị cáo và VKS có kháng cáo, kháng nghị mà toà phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định của toà sơ thẩm thì toà phúc thẩm là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

6. Điều 26 Luật Nhà nước bồi thường quy định "năm trước đó" là chỉ năm trước khi cơ quan có nghĩa vụ bồi thường, toà tái thẩm hoặc Hội đồng bồi thường của TAND ra quyết định giữ nguyên quyết định bồi thường cũ thì tính theo năm trước khi ra quyết định bồi thường cũ.

Tiền lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó được tính theo số bình quân tiền lương trên số ngày làm việc cả năm theo pháp luật quy định. Lương bình quân năm tính theo tiêu chuẩn do Cục thống kê quốc gia đưa ra.

 

Giải thích của TAND TC và VKSND TC về một số vấn đề liên quan đến án bồi thường mà TAND và VKSND

cùng có nghĩa vụ bồi thường

Cơ quan ban hành: TAND TC

Ngày ban hành (có hiệu lực): 27/6/1997

Điều1: VKS phê chuẩn quyết định bắt và đưa ra xét xử, TAND cấp sơ thẩm xử có tội, toà phúc thẩm xử vô tội thì TA sơ thẩm và VKS ra quyết định bắt là hai cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Nếu ra quyết định bắt và khởi tố đưa vụ án ra xét xử không phải ở cùng một VKS thì VKS đưa vụ án ra xét xử là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường.

Điều 2: Người yêu cầu bồi thường do bị bắt giam sai trong giai đoạn khởi tố, xét xử có thể yêu cầu bồi thường ở bất cứ cơ quan nào trong số các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường, cơ quan nào nhận được đơn yêu cầu bồi thường trước là cơ quan giải quyết bồi thường.

 

Điều 3: Trong các vụ án bồi thường do được toà phúc thẩm tuyên vô tội các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường là: TAND và VKSND, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường 1/2 số tiền bồi thường.

Điều 4: Cơ quan giải quyết vụ án bồi thường sau khi nhận được yêu cầu bồi thường cần gửi bản photo đơn yêu cầu bồi thường cho cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan giải quyết vụ bồi thường sau khi thẩm tra các bằng chứng (tài liệu chứng minh) đưa ra ý kiến quyết định hay không quyết định bồi thường và ra "Quyết định bồi thường của TAND và VKSND" (mẫu kèm theo) kèm theo bản kê khai chia tiền bồi thường gửi cho các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường xác nhận và các cơ quan này phải trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận. Khi xác nhận phải đóng dấu đồng thời gửi cho cơ quan giải quyết bồi thường số tiền mà mình phải bồi thường để cơ quan giải quyết bồi thường tập trung tiền trả hết một lần cho người yêu cầu bồi thường.

 

Điều 5: Các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường sau khi ra quyết định, nếu người yêu cầu bồi thường có thắc mắc về số tiền bồi thường thì có quyền yêu cầu Hội đồng bồi thường của TAND cấp cao hơn xem xét ra quyết định lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định bồi thường.

Điều 6: Các cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường phải ra quyết định bồi thường trong thời hạn 2 tháng kể từ khi cơ quan giải quyết bồi thường nhận được yêu cầu bồi thường, nếu quá hạn trên người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Hội đồng bồi thường TAND cấp cao hơn ra quyết định bồi thường.

 

Điều 7: VKS cấp trên có kháng cáo theo trình tự kiểm tra xét xử lại đối với quyết định của toà phúc thẩm xử vô tội thì VKS có kháng cáo đó và toà xử lại phải thông báo ngay cho VKS cấp dưới và toà sơ thẩm. Các vụ bồi thường đang trong thời gian giải quyết phải tạm đình chỉ giải quyết và tạm dừng tính vào thời gian giải quyết. Toà xét xử lại xử có tội thì vụ án bồi thường đó bị đình chỉ giải quyết. Nếu đã ra quyết định bồi thường thì cơ quan ra quyết định bồi thường phải huỷ quyết định bồi thường, nếu đã trả tiền bồi thường thì phải thu lại.

Điều 8: Trong vụ bồi thường, người yêu cầu bồi thường yêu cầu bồi thường do bị xâm hại về cả quyền sức khoẻ, tính mạng và quyền tài sản thì phải lập thành vụ khác do cơ quan xâm phạm có trách nhiệm xác nhận và bồi thường. Nếu cơ quan giải quyết vụ bồi thường không phải là cơ quan xâm phạm quyền thì phải thông báo cho người yêu cầu bồi thường yêu cầu cơ quan xâm phạm quyền xác nhận và bồi thường.

 

 

Một số vụ án điển hình về Bồi thường hình sự

của nước CHND Trung Hoa

Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường cho những trường hợp bắt người mà tình tiết thực tế phạm tội nhẹ, không gây nguy hiểm nghiêm trọng nên không bị coi là tội phạm

Tình tiết vụ án:

Người yêu cầu bồi thường: ông Lý, 42 tuổi, giảng viên đại học tỉnh Hà Bắc.

Cơ quan được yêu cầu có nghĩa vụ bồi thường: VKSND quận X

Tính đến giữa tháng 3 năm 1993 ông Lý tổng cộng đã chào hàng cho ông Trần, giáo viên trường đại học thuộc tỉnh Hồ Bắc 54 bộ truyện "Kim Bình Mai", tổng số tiền phi pháp lên đến 21.160 NDT. VKS quận X xác định số tiền phi pháp lớn cấu thành tội đầu cơ trục lợi, truy tố ra toà với tội danh trên. Thực tế tại cơ quan xét xử, ông Lý không công nhận số tiền lớn như vậy, và chứng minh là ông không biết số sách này xuất bản phi pháp. TAND sau khi xem xét nhận định ông Lý thực sự không biết số sách này xuất bản trái pháp luật, tình tiết "giúp người khác chào hàng" số sách này là nhẹ, không cấu thành tội phạm, căn cứ theo các quy định của pháp luật xử ông Lý vô tội.

Ông Lý lấy căn cứ là TA xử vô tội, yêu cầu VKS bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần do bị bắt sai. VKS ra quyết định không bồi thường. Ông Lý tiếp tục đưa yêu cầu lên cơ quan cấp trên của VKS này. Ban kiểm sát của VKS TP sau khi nghiên cứu hồ sơ nhận định ông Lý có hành vi đầu cơ trục lợi, bị bắt là hoàn toàn chính xác, quyết định không bồi thường, và có thông báo lại cho ông Lý. Ông Lý vẫn không chấp nhận quyết định này đã đưa yêu cầu bồi thường lên Hội đồng bồi thường TAND TP.

Hội đồng bồi thường giải quyết vụ án cho rằng, người yêu cầu bồi thường là ông Lý không phản đối việc truy tố của VKS quận X, và trong bản án của TAND quận X cũng xác định các tình tiết hành vi của ông Lý là nhẹ, không cấu thành tội phạm, chứng thực việc ông Lý bị tố cáo, nhưng chỉ vì lý do tình tiết nhẹ, không gây nguy hại lớn nên không bị coi là phạm tội. Do vậy việc VKS quận X bắt ông Lý không vi phạm pháp luật, cũng không phải là bắt sai. Hội đồng bồi thường TAND TP căn cứ theo quy định tại điều 17 Luật Nhà nước bồi thường, ra quyết định bác yêu cầu bồi thường, giữ nguyên quyết định không bồi thường của VKS TP.

 

Nhận xét:

Trong vụ án này, người yêu cầu bồi thường yêu cầu VKSND bồi thường, VKSND quyết định không bồi thường, người yêu cầu bồi thường lại yêu cầu TAND ra quyết định bồi thường, TAND giữ nguyên quyết định không bồi thường của VKS. Cách giải quyết này là hoàn toàn chính xác.

Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường quy định, bắt giam sai đối với những người không có thực tế phạm tội, thì người bị hại có quyền được bồi thường. Việc bắt giam sai quy định trong Luật bồi thường là chỉ hành vi ra quyết định bắt đối với người không có thực tế phạm tội dẫn đến giam người vô tội. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm bồi thường khi cấu thành hành vi bắt giam sai. Việc bắt bị cáo trước khi được toà sơ thẩm tuyên vô tội có cấu thành hành vi bắt giam sai hay không phải căn cứ vào tình hình cụ thể và phân tích cụ thể. Thông thường, bắt người được tuyên vô tội mà người đó không có thực tế phạm tội là bắt sai; còn đối với bắt người mà người đó được tuyên vô tội do tình tiết nhẹ, không gây nguy hại, không bị coi là phạm tội thì không phải là bắt sai. Điều 16 Luật tố tụng hình sự (thông qua tại kỳ họp Quôc hội khoá 5 ngày 17/3/1996) quy định: "Đối với những bị cáo, người bị tình nghi phạm tội mà có căn cứ chứng minh có thực tế phạm tội, có thể bị phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt nặng hơn thì áp dụng các biện pháp như bảo lãnh chờ xét xử hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng nếu không phòng ngừa được tính gây nguy hại cho xã hội mà thấy cần thiết phải bắt thì được bắt theo quy định của pháp luật". Điều 11 Luật tố tụng hình sự quy định: "tình tiết nhẹ, không gây nguy hiểm lớn thì không bị coi là phạm tội", và điều 17 Luật bồi thường quy định về miễn trách nhiệm Nhà nước phải bồi thường khi bắt "những người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại điều 11 của Luật TTHS". Căn cứ vào các quy định trên, ông Lý có thực tế đầu cơ trục lợi kinh doanh những ấn phẩm phi pháp, tuy được TAND tuyên vô tội nhưng Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hành vi bắt và giam giữ của VKS.

Căn cứ vào các giải thích có liên quan của TANDTC và VKSNDTC thì hành vi tiêu thụ các ấn phẩm phi pháp là hành vi đầu cơ trục lợi. ông Lý chào hàng sách xuất bản phi pháp "Kim Bình Mai" với số tiền kinh doanh phi pháp là 21.160 NDT đã xâm phạm đến trật tự kinh tế XHCN mà pháp luật bảo hộ, hành vi đó cũng là một trong các điều kiện cấu thành tội đầu cơ trục lợi, chỉ có điều là trong hoạt động kinh doanh tiêu thụ này ông Lý chỉ giúp đỡ người khác chào hàng, chứ không phải là chủ mưu kinh doanh ấn phẩm phi pháp, trong toàn bộ hoạt động phạm tội chỉ là "người giúp đỡ, lệ thuộc", tình tiết nhẹ, không gây nguy hại lớn, nên không bị truy cứu TNHS. Khi được tuyên vô tội, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

 

Hành vi gây hại xảy ra trước khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng Luật Nhà nước bồi thường

Tình tiết vụ án:

Người yêu cầu bồi thường: ông Vương, 46 tuổi, hiện công tác tại Văn phòng luật sư TP Tư Dương

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường: TAND TP X và VKS ND TP X

Tháng 8 năm 1991 ông Vương bị VKSND huyện ra lệnh bắt với tội danh nhận hối lộ, sử dụng công quỹ vào mục đích khác. Tháng 12 năm 1991 do bị bệnh nên ông được bảo lãnh chờ xét xử, cũng trong tháng này VKS ND TP đã khởi tố vụ án, ngày 13 tháng 5 năm 1993 ông Vương bị bắt trở lại, tháng 6 năm 93 TAND TP xử sơ thẩm nhận định ông Vương trong thời gian được uỷ quyền làm đại diện đã nhận của bạn bè thân, người được đại diện 6.000 NDT tiền mặt, sử dụng khoản tiền 63.000 NDT của công vào hoạt động kinh doanh cá nhân và của người khác, cấu thành tội nhận hối lộ và tội sử dụng công quỹ vào mục đích khác, bị xử phạt 4 năm tù. Ông Vương không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm, kháng cáo lên TAND tỉnh. Trong thời gian kháng cáo do bị bệnh nên ông Vương được tại ngoại để chữa bệnh. Tháng 3 năm 1995 TAND tỉnh cho rằng hành vi nhận 6.000 NDT án phí của địa phương khác và mượn danh nghĩa văn phòng luật sư để vay tiền và sử dụng công quỹ vào việc riêng của ông Vương không cấu thành tội phạm, quyết định huỷ bản án cũ, tuyên ông Vương vô tội. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1995 ông Vương đã lần lượt gửi đơn yêu cầu bồi thường lên TAND và VKS ND tỉnh yêu cầu TAND TP và VKS ND TP là hai cơ quan cùng có nghĩa vụ bồi thường, phải bồi thường 300.000 NDT cho việc xâm phạm đến tự do nhân thân. Tháng 11 năm 1995 TAND TP nhận được đơn yêu cầu bồi thường của ông Vương do Hội đồng bồi thường TAND tỉnh chuyển xuống, nhận thụ lý vụ án.

TAND TP giải quyết vụ án cho rằng phạm vi bồi thường hình sự quy định trong Luật bồi thường được áp dụng kể từ sau khi luật này phát sinh hiệu lực. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm bồi thường đối với những hành vi đã chấp hành hình phạt cũ (hoặc bắt giữ), xử sai người vô tội, người không có thực tế phạm tội. Ngày 30 tháng 3 năm 1995 ông Vương được toà phúc thẩm tuyên vô tội, nhưng hành vi bị bắt thực tế xảy ra trước ngày 10 tháng 5 năm 1994, hành vi bắt được thực hiện trước khi Luật Nhà nước bồi thường được ban hành, theo quy định tại điều 35 Luật Nhà nước bồi thường thì yêu cầu bồi thường của ông Vương không được chấp nhận.

Nhận xét:

Vụ án này đề cập đến ba vấn đề sau:

(1) Có thuộc phạm vi Nhà nước bồi thường không ?

Trong trường hợp này toà phúc thẩm xử lại tuyên vô tội; theo quy định của pháp luật xử lại tuyên vô tội có hai trường hợp: một là tuyên vô tội do không có thực tế phạm tội, hai là có thực tế vi phạm pháp luật nhưng tình tiết nhẹ, được tuyên vô tội theo quy định tại điều 11 luật TTHS. Trong vụ án này người yêu cầu bồi thường là ông Vương thuộc trường hợp hai nêu trên. Căn cứ vào quy định tại điều 17 Luật Nhà nước bồi thường và điều 11 "Giải thích của TAND TC về vấn đề TAND thực hiện Luật Nhà nước bồi thường" thì Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do vậy không thuộc phạm vi Nhà nước bồi thường.

(2) áp dụng luật. Hành vi của cơ quan Nhà nước, cán bộ cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân, nếu xảy ra trước ngày 01/01/1995 và liên tục kéo dài đến sau ngày 01/01/1995, được xác nhận theo quy định của pháp luật thì áp dụng quy định của Luật bồi thường. Trong vụ án này, ông Vương bị bắt hai lần, lần thứ nhất do VKS phê chuẩn lệnh bắt vào tháng 8 năm 1991 và đến tháng 12 năm 1991 được bảo lãnh ra ngoài do bị ốm; lần hai bị bắt từ tháng 5 năm 1993 đến tháng 5 năm 1994 mới được bảo lãnh ra ngoài để chữa bệnh. Tháng 3 năm 1995 toà phúc thẩm tuyên vô tội, nhưng cả hai lần bị bắt đều xảy ra trước ngày 01/01/1995, điều này có nghĩa là tuy sau ngày 01/01/1995 mới tuyên vô tội nhưng việc bắt xảy ra trước ngày 01/01/1995 và cũng không kéo dài đến ngày 01/01/1995 nên không áp dụng quy định về hồi tố của Luật Nhà nước bồi thường.

 

(3) Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Đối với những vụ án mà xử phúc thẩm tuyên vô tội, căn cứ theo quy định tại điều 19 Luật Nhà nước bồi thường: nếu toà xử phúc thẩm tuyên vô tội thì toà xử sơ thẩm và cơ quan ra quyết định bắt là các cơ quan liên đới cùng có nghĩa vụ bồi thường. Trong trường hợp VKS ra quyết định bắt và VKS khởi tố vụ án là hai cơ quan khác nhau thì VKS ra quyết định khởi tố cũng là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Nếu xác định Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường thì các cơ quan liên đới có nghĩa vụ bồi thường trong các vụ án này là : TAND và VKS ND thành phố X.

Xâm phạm tự do cá nhân của công dân, mức bồi thường được tính theo lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó.

Tình tiết vụ án:

Người yêu cầu bồi thường: ông Lý, 51 tuổi, giám đốc Công ty thương mại X, thành phố Nam Ninh, khu tự trị dân tộc Choang.

Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường: TAND TP Q

TAND TP Q giải quyết vụ án Kho dự trữ lương thực của Sở lương thực TP Q kiện Công ty thương mại X về khoản nợ tiền hàng. Tháng 01/1994 TAND TP Q đã ra bản án dân sự, nhận định rằng Công ty X nợ Kho lương thực một khoản tiền hàng là 85.480 NDT và buộc Công ty X phải trả hết số nợ và bồi thường tổn thất, tổng cộng là 112.456,61 NDT, trong thời hạn 5 ngày kể từ khi bản án dân sự có hiệu lực pháp luật. Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, công ty X không thể thực hiện được nghĩa vụ đã quy định trong bản án. Tháng 3 năm 1994 TAND TP Q uỷ quyền cho TAND quận gửi bản thông báo thi hành án tới công ty X, hạn cho Công ty này phải thực hiện nghĩa vụ đã được xác định trong bản án trước ngày ... tháng 4 năm 1994. Ông Lý sau khi nhận được thông báo thi hành án trên vẫn không thực hiện nghĩa vụ.

Tháng 5 năm 1994, TAND quyết định bắt ông Lý với lý do không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã rút 9.000 NDT từ tài khoản của công ty X tại ngân hàng. Tháng 3 năm 1995, Toà ra bản án hình sự, cho rằng ông Lý trốn tránh thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã cấu thành tội phạm, theo quy định tại điều 157 Bộ luật hình sự phạt ông Lý ba năm tù giam. Ông Lý không chấp nhận và kháng cáo với lý do ông không cố ý trốn tránh thực thi bản án dân sự mà là vì thực tế khó khăn ông không thể chấp hành được. TA sau khi điều tra phát hiện thấy, sau khi ông Lý nhận được bản thông báo thi hành án, ngày 26/5/1994 đã nộp 10 tấn tùng hương để trả một phần nợ, nhưng toà án không nhận. Sau khi bị bắt ông Lý có đưa ra chứng cứ là còn hai đơn vị nữa nợ của công ty X khoản tiền là 390.000 NDT. Đồng thời ông Lý cũng thông báo cho phó giám đốc phải nhanh chóng tìm biện pháp để trả nợ cho Kho lương thực. Do vậy TA nhận định rằng ông Lý không có hành vi cất giấu tài sản để trốn tránh việc thi hành án, cũng không có hành vi uy hiếp dùng vũ lực để chống lại bản án. Chỉ vì không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ, về chủ quan không cố ý trốn tránh việc thi hành án và về khách quan cũng không có hành vi trốn tránh, không chấp hành, nên không cấu thành tội "không chấp hành bản án dân sự". Tháng 5 năm 1995 TAND TP ra quyết định huỷ bản án hình sự cũ tuyên ông Lý vô tội. Đầu tháng 6 năm 1995 ông Lý yêu cầu TAND xử sơ thẩm phải bồi thường, TA không trả lời. Ông Lý lại gửi đơn yêu cầu bồi thường hình sự lên TA cấp thành phố, yêu cầu cơ quan có nghĩa vụ bồi thường là TA xử sơ thẩm phải bồi thường cho ông một lần toàn bộ số tiền bồi thường là 1.500.000 NDT tiền chữa bệnh mắc phải trong thời gian ngồi tù, 50.000 NDT tổn thất kinh tế cá nhân, 120.000 NDT tiền bồi thường tàn tật, 1.300.000 NDT cho tổn thất danh dự và tổn thất tinh thần, 50.000 NDT lệ phí tiến hành tố tụng, 190.000 NDT cho tổn thất của Công ty X. Tổng cộng là 3.420.000 NDT đồng thời yêu cầu TAND phải công khai xin lỗi khôi phục lại danh dự cho ông.

TAND TP nhận được đơn yêu cầu bồi thường đã tiến hành thẩm tra và xác minh: toà xử phúc thẩm ngày 05/5/1995 tuyên ông Lý vô tội, tính đến ngày đó ông Lý bị bắt giam 352 ngày, trong đó năm 1994 bị giam 220 ngày, năm 1995 bị giam 132 ngày. Trong thời gian tiến hành tố tụng ông Lý đã mời luật sư biện hộ, người thân phải lên thăm, các khoản chi phí như tiền ăn ở đi lại thuê luật sư, tiền điện thoại điện báo... tổng cộng 26.382,19 NDT, trong đó chi phí hợp lý bỏ ra trong thời gian tiến hành tố tụng là 4.519,37 NDT. Sau khi được thả bệnh viện kiểm tra chẩn đoán ông Lý bị các bệnh mãn tính như đau lưng, đau xương... Hội đồng bồi thường cho rằng hành vi bắt sai, xét xử sai của Toà án đã xâm hại đến tự do cá nhân và quyền lợi về danh dự của ông Lý nên TA phải chịu trách nhiệm bồi thường hình sự theo quy định trong Luật Nhà nước bồi thường. Trong thời gian giam giữ ông Lý, toà án không có hành vi bạo lực hoặc sử dụng vũ khí trái pháp luật nên hành vi bắt không có quan hệ nhân quả với bệnh mãn tính của ông Lý và toà án cũng không có bất cứ biện pháp cưỡng chế tài sản đối với Công ty X. Do vậy, yêu cầu bồi thường tổn thất gây ra do xâm phạm quyền tính mạng sức khỏe và xâm hại đến công ty X là không có căn cứ thực tế cũng như căn cứ pháp luật. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 15 và quy định tại điều 16 Luật bồi thường, TAND TP quyết định TA xử sơ thẩm chỉ phải bồi thường cho ông Lý 3.706,3 NDT cho việc xâm phạm tự do cá nhân và 4.519,37 NDT chi phí trực tiếp cho việc tiến hành tố tụng, tổng cộng là 8.227,67 NDT.

Nhận xét:

Đây là vụ bồi thường hình sự do TAND bắt và khởi tố sai, vụ án này liên quan đến các vấn đề sau:

(1) Vụ án này thuộc phạm vi bồi thường hình sự, có đầy đủ các yếu tố cấu thành trách nhiệm Nhà nước bồi thường. Khoản 2 điều 15 Luật bồi thường quy định các cơ quan thực thi quyền điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam và cán bộ của những cơ quan này bắt sai những người không có thực tế phạm tội thì người bị hại có quyền được bồi thường. Điều 2 quy định cơ quan Nhà nước, cán bộ của cơ quan Nhà nước thực thi quyền lực trái pháp luật xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác gây tổn thất thì người bị hại có quyền được Nhà nước bồi thường. Theo quy định của hai điều này thì vụ án trên được tiến hành bồi thường theo trình tự bồi thường hình sự quy định trong Luật bồi thường, có đầy đủ các điều kiện cấu thành trách nhiệm Nhà nước bồi thường do xâm phạm quyền: ơ TAND đã bắt sai ông Lý dẫn đến thực tế là xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân; ư Chủ thể xâm phạm quyền là TAND; đ Hành vi xâm phạm quyền xảy ra trong quá trình TAND thực thi quyền hạn, đối tượng bị xâm hại là quyền tự do cá nhân của ông Lý; ¯ Tổn hại gây ra bởi hành vi bắt sai của TAND; ° Kết quả tổn hại có mối quan hệ nhân quả với hành vi thực thi chức năng quyền hạn của TAND. Do vậy, TAND sơ thẩm phải chịu trách nhiệm bồi thường xâm phạm quyền do hành vi bắt giam sai.

 

(2) Phù hợp với quy định của TAND TC về hiệu lực hồi tố của Luật bồi thường. Hành vi của cơ quan Nhà nước, cán bộ cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi quyền hạn xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác xảy ra trước ngày 31/12/1994 và liên tục kéo dài đến sau ngày 01/01/1995 và được xác nhận theo quy định pháp luật thì áp dụng quy định của Luật bồi thường. Trong vụ án này TAND thực hiện hành vi bắt sai vào tháng 5 năm 1994 và hành vi xâm phạm này kéo dài liên tục đến tháng 5 năm 1995 thì ông Lý mới được toà phúc thẩm xử vô tội. Vì vậy việc bồi thường phải được áp dụng theo quy định của luật Nhà nước bồi thường.

(3) Tiêu chuẩn tính bồi thường và cách tính bồi thường trong vụ này phù hợp với quy định của Luật bồi thường. Hành vi bắt sai xảy ra trước năm 1995, nhưng việc xâm phạm quyền kéo dài đến tân ngày 5 tháng 5 năm 1995. Trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 bị giam 220 ngày, sau ngày 1 tháng 1 năm 1995 bị giam 132 ngày. Căn cứ vào quy định tại điều 26 Luật bồi thường, xâm phạm quyền tự do cá nhân, tiền bồi thường mỗi ngày tính theo lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Căn cứ vào điều 6 trong "Giải thích của TAND TC một số vấn đề TAND thực hiện Luật Nhà nước bồi thường": tiền lương bình quân ngày của cán bộ Nhà nước của năm trước đó được tính theo số bình quân tiền lương trên số ngày làm việc cả năm theo pháp luật quy định, lương bình quân năm tính theo tiêu chuẩn do Cục thống kê quốc gia đưa ra. Khi tính tiền bồi thường do xâm phạm quyền tự do cá nhân của ông Lý năm 1995, đối với 220 ngày bị giam trước năm 1995 sẽ bồi thường theo quy định tại thời điểm đó, nếu tại thời điểm đó không có quy định thì bồi thường theo quy định của Luật Nhà nước bồi thường.

 

(4) Các khoản chi phí cho tiến hành tố tụng hình sự trong vụ án này không thuộc phạm vi Nhà nước bồi thường. Trong Quyết định bồi thường của TAND quy định về khoản bồi thường 4.518,37 NDT cho chi phí trực tiếp để tham gia hoạt động tố tụng là sai. Luật bồi thường (chương 4) quy định về tiêu chuẩn tính và cách tính cho những tổn hại gây ra bởi hành vi xâm phạm quyền tính mạng sức khoẻ của công dân và quyền tài sản của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác, không quy định đối với các khoản chi phí tiến hành tố tụng hình sự do việc bắt sai người gây ra, vì vậy các khoản bồi thường này là không chính đáng.

Trong nhiều tội chỉ có một tội được tuyên vô tội thì có được bồi thường không?

Tình tiết vụ án:

Người yêu cầu bồi thường: Ông Trịnh, nghề tự do.

Cơ quan được yêu cầu bồi thường: TAND Q.

Ngày 14 tháng 5 năm 1991, trong bản án hình sự TAND TP xác định ông Trịnh phạm tội trộm cắp và xử phạt 7 năm tù giam; phạm tội đầu cơ trục lợi phạt 1 năm tù giam; tổng hợp hình phạt của các tội, quyết định phải chấp hành hình phạt 7 năm 6 tháng tù. Sau khi ra quyết định, ông Trịnh có kháng cáo. Ngày 22 tháng 7 năm 1991 TAND Q ra quyết định y án sơ thẩm. Ông Trịnh vẫn tiếp tục kháng cáo. Vụ án được gửi lên TAND cấp tỉnh, ngày 15 tháng 3 năm 1995 tiến hành xét xử lại vẫn giữ nguyên quyết định hình phạt một năm tù đối với tội đầu cơ trục lợi, nhưng huỷ quyết định hình phạt 7 năm tù đối với tội trộm cắp. Ngày 24 tháng 4 năm 1995 ông Trịnh được thả. Ngày 22 tháng 6 ông Trịnh yêu cầu TAND Q bồi thường hình sự, ngày 4 tháng 7 TAND Q ra quyết định không bồi thường. Ông Trịnh không chấp nhận, tiếp tục gửi đơn yêu cầu bồi thường lên TAND cấp tỉnh.

Sau khi TAND tỉnh thụ lý vụ án, Hội đồng bồi thường tiến hành xem xét, thảo luận, có đưa ra hai ý kiến, ý kiến thứ nhất cho rằng: không bồi thường, với hai lý do khác nhau, lý do thứ nhất là quyết định sai đã phát sinh hiệu lực được đưa ra trước ngày 01 tháng 1 năm 1995, hành vi xâm phạm quyền xảy ra trước khi thực thi Luật Nhà nước bồi thường, vì vậy theo quy định tại điều 35 của luật này không phải bồi thường; lý do thứ hai là quyết định có hiệu lực pháp luật đưa ra trước ngày 01/01/1995, nhưng đến ngày 14/4/1995 ông Trịnh mới được thả do toà xét xử lại tuyên vô tội, như vậy được coi là hành vi xâm hại kéo dài liên tục đến sau ngày 01/01/1995 do vậy không thể áp dụng quy định điều 35 của Luật Nhà nước bồi thường. Tuy nhiên do ông Trịnh phạm nhiều tội, quyết định của toà xét xử lại chỉ huỷ tội trộm cắp, còn tội đầu cơ trục lợi vẫn còn vì vậy không thuộc vào loại quyết định xử vô tội, căn cứ theo khoản 3 điều 17 Luật Nhà nước bồi thường không phải bồi thường; ý kiến thứ hai cho rằng: Quyết định của toà xét xử lại chỉ giữ lại quyết định xử 1 năm tù giam của bản án sơ thẩm đối với tội đầu cơ trục lợi, trên thực tế ông Trịnh bị bắt giam tổng cộng 54 tháng (4 năm 6 tháng), đến ngày 24 tháng 4 năm 1995 mới được thả, vì vậy căn cứ theo quy định của Luật Nhà nước bồi thường phải bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh đối với thời gian bị giam giữ từ ngày 01/01/1995 đến ngày 24/4/1995. Đối với thời gian giam quá hạn trước ngày 01/01/1995 thì xử lý theo quy định tại thời điểm đó. Hội đồng bồi thường của TAND tỉnh đồng ý với ý kiến thứ nhất, ngày 04/4/1996 xin ý kiến chỉ đạo của TAND TC. Hội đồng bồi thường của TAND TC nhận định rằng: ơ vụ án này thuộc phạm vi Nhà nước bồi thường; ư phải thực hiện bồi thường theo trình tự bồi thường hình sự quy định trong Luật Nhà nước bồi thường; đ đối với khoảng thời gian đã chấp hành hình phạt sau khi trừ 1 năm của hình phạt đối với tội đầu cơ trục lợi, tức là 3 năm 6 tháng bị tù sai sẽ được bồi thường theo quy định tại điều 26 Luật Nhà nước bồi thường, giải thích của TAND TC về hiệu lực hồi tố của Luật Nhà nước bồi thường và điều 6 trong "Giải thích của TAND TC về việc TAND và VKSND thực hiện Luật Nhà nước bồi thường".

Nhận xét:

Trong vụ án ông Trịnh yêu cầu bồi thường này, TAND tỉnh xét xử lại không hoàn toàn tuyên vô tội, mà chỉ tuyên vô tội cho một tội trong số các tội đã xử. Vụ án này đã đặt ra một vấn đề mới khi thực thi Luật Nhà nước bồi thường.

Bản án hình sự của TAND tỉnh ra ngày 15/3/1995, vẫn giữ lại quyết định xử phạt ông Trịnh 1 năm tù giam với tội đầu cơ tích trữ và huỷ quyết định xử phạt 7 năm tù với tội trộm cắp. Toà xét xử lại huỷ tội trộm cắp cho ông Trịnh, nhưng vẫn giữ hình phạt đối với tội đầu cơ trục lợi, trường hợp này không phải là quyết định vô tội hoàn toàn, chỉ là vô tội một phần, nhưng khi được TAND tỉnh xử lại huỷ tội trộm cắp thì ông Trịnh đã thực hiện hình phạt tù được 4 năm 6 tháng, tức là đã chấp hành hình phạt đối với tội trộm cắp.

Nguyên nhân huỷ tội trộm cắp không phải là do tình tiết nhẹ nên không coi là có tội mà là do không có thực tế phạm tội, chứng cứ không đủ, không cấu thành tội trộm cắp. Điều 2 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Cơ quan Nhà nước, cán bộ cơ quan Nhà nước thực thi quyền lực trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác gây tổn thất thì người bị hại có quyền được Nhà nước bồi thường". Đây là điều khoản nguyên tắc cơ bản của Luật Nhà nước bồi thường, ở đây không có quy định đặc thù về chủ thể là công dân, pháp nhân và tổ chức khác, cũng có nghĩa là không phải vì công dân, pháp nhân và tổ chức khác có hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan Nhà nước, cán bộ cơ quan Nhà nước có thể tuỳ ý xâm hại đến lợi ích hợp pháp của họ, cũng không phải do họ có hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật mà không còn quyền được Nhà nước bồi thường. Khoản 3 điều 15 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "căn cứ theo trình tự kiểm tra giám sát xét xử, xét xử lại là vô tội, mà hình phạt cũ đã được chấp hành", quy định của điều khoản này phải được hiểu là áp dụng đối với một tội cụ thể chứ không phải là đối với nhiều tội. Luật hình sự nước CHND Trung Hoa quy định đối với người phạm phải nhiều tội thì phải xử tách riêng từng tội, định tội riêng cho từng tội, tuyên hình phạt riêng cho từng tội, và sau cùng thì tổng hợp hình phạt của tất cả các tội. Vì vậy tuyên vô tội đối với một tội nào đó thì vẫn được bồi thường cho những tổn hại do việc xử oan tội đó gây ra. Ông Trịnh thực tế đã chấp hành hình phạt tù cho tội trộm cắp vì vậy, sau khi được tuyên vô tội phải được quyền bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định của TAND TC về hiệu lực hồi tố của Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại: hành vi của cơ quan Nhà nước, cán bộ cơ quan Nhà nước thực hiện trong khi đang thực thi quyền hạn xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác xảy ra trước ngày 01/1/1995 nhưng liên tục kéo dài đến sau ngày 01/1/1995, được pháp luật xác nhận thì áp dụng Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại. Ông Trịnh bị bắt và xử sai từ trước ngày 01/1/1995, nhưng đến tận ngày 24/4/1995 mới được thả, thuộc trường hợp quy định trên, vì vậy vụ bồi thường này phải được bồi thường theo trình tự bồi thường hình sự trong Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại.

Xem xét hiệu lực về thoả thuận hoà giải trong vụ bồi thường như thế nào?

Tình tiết vụ án:

12 giờ trưa ngày 07 tháng 4 năm 1995, Đồn công an X thuộc Công an huyện S - tỉnh H cho gọi anh Cư, là công nhân mỏ than huyện Z, bị tình nghi phạm tội ăn cắp tới để hỏi cung. Điều tra viên trong khi xét hỏi có hành vi tra tấn bức cung, dẫn đến 11 giờ 40 phút tối hôm đó anh Cư chết do "cơ thể bị thương nặng, khả năng phản xạ thần kinh kém, bị sặc khi nôn" (theo kết luận khám nghiệm tử thi). Ngày 14 tháng 4 năm 1995 Công an huyện S và gia đình người chết đã tiến hành hoà giải đạt được thống nhất về vấn đề bồi thường, Công an huyện S bồi thường một lần cho gia đình nạn nhân các khoản bồi thường như: tiền nuôi dưỡng cho người thân, tiền tang lễ, chi phí chuyển thi thể và các khoản khác, tổng cộng 42.000 NDT. Biên bản hoà giải được lập thành 03 bản như nhau, có hiệu lực kể từ khi hai bên cùng ký xác nhận.

Sau khi đã thực hiện đúng như biên bản hoà giải, người nhà anh Cư lật lại, ngày 9 tháng 6 năm 1995 đưa đơn kiện hành chính lên toà án, yêu cầu toà án: (1) Xét xử hành vi vi phạm pháp luật của Công an huyện S;

(2) Yêu cầu Công an huyện S phải bồi thường 156.800 NDT.

Toà án khi thụ lý giải quyết vụ án này ra quyết định như thế nào đối với việc lật lại biên bản hoà giải của người nhà anh Cư ? áp dụng trình tự bồi thường nào?

Về vấn đề này xuất hiện hai ý kiến khác nhau:

ý kiến thứ nhất cho rằng: vụ án bồi thường này đã kết thúc. Lý do chủ yếu là: thứ nhất, vụ án này xảy ra sau khi Luật Nhà nước bồi thường có hiệu lực, thuộc loại bồi thường hình sự. Khoản 3 điều 20 của Luật này quy định: "Người yêu cầu bồi thường khi yêu cầu bồi thường, trước tiên phải gửi đơn yêu cầu tới cơ quan có nghĩa vụ bồi thường". Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc người yêu cầu bồi thường phải tuân theo nguyên tắc thoả thuận trước, tức là người bị hại trước khi kiện ra toà yêu cầu Nhà nước bồi thường phải tiến hành thoả thuận, hoà giải với cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Trong vụ án này hai bên đương sự đã tiến hành hoà giải, thoả thuận; Thứ hai, khoản 1 điều 21 Luật Nhà nước bồi thường quy định : "Cơ quan có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện việc bồi thường theo quy định tại chương 4 của Luật này trong thời hạn 2 tháng kể từ khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường. Nếu quá thời hạn trên mà không thực hiện bồi thường hoặc bồi thường không đầy đủ so với mức yêu cầu thì người có quyền yêu cầu bồi thường có quyền kiện lên cơ quan cấp trên của cơ quan đó trong thời hạn 30 ngày kể từ khi hết thời hạn trên". Trong vụ án này cơ quan có nghĩa vụ bồi thường và người yêu cầu bồi thường đều không có tranh cãi gì về khoản bồi thường 42.000 NDT; Thứ ba, Hai bên đã lập biên bản hoà giải, trong đó ghi rõ là "thoả thuận đầy đủ", "nguyên tắc tự nguyện", "phát sinh hiệu lực sau khi hai bên ký xác nhận, không bên nào được quyền lật lại". Mặc dù khoản 3 điều 27 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Nếu gây chết người thì phải trả tiền bồi thường làm chết người, tiền tang lễ, tổng số gấp 20 lần tiền lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó. Nếu người chết khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng người không có khả năng lao động thì phải bồi thường tiền sinh hoạt phí cho người không có khả năng lao động đó", nhưng quy định này hạn định mức bồi thường cao nhất với mục đích là tránh tình trạng người bị hại yêu cầu tiền bồi thường quá cao hoặc quá vô lý, chứ không nhất thiết lúc nào mức bồi thường này cũng phải bằng 20 lần lương của cán bộ Nhà nước năm trước đó. Trong vụ án này số tiền bồi thường là 42.000 NDT thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mà pháp luật quy định, tuy nhiên hành vi đồng ý của hai bên hoàn toàn đúng pháp luật, có hiệu lực pháp lý. Mặt khác hai bên đã thực hiện xong cam kết, như vậy phía người bị hại không được lật ngược lại biên bản hoà giải".

 

ý kiến thứ hai cho rằng: Biên bản hoà giải của hai bên không có căn cứ pháp luật, số tiền bồi thường không đúng với quy định của pháp luật; người yêu cầu bồi thường phải yêu cầu theo trình tự bồi thường hình sự. Ba lý do chính của ý kiến này là: thứ nhất, hành vi thi hành công vụ cho gọi người bị tình nghi lên xét hỏi của Công an huyện S là hợp pháp, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi công vụ này, điều tra viên đã dùng hình thức tra tấn, bức cung dẫn đến cái chết cho anh Cư thì hiển nhiên đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều 15 Luật Nhà nước bồi thường quy định: "Cơ quan có chức năng điều tra, truy tố, xét xử, quản lý trại giam, và cán bộ của những cơ quan này khi thực thi nhiệm vụ xâm hại đến quyền nhân thân, thuộc một trong các trường hợp sau thì người bị hại có quyền được bồi thường: .... 4. Có các hành vi bạo lực như bức cung, đánh đập hoặc sai người khác sử dụng các hành vi bạo lực như đánh đập dẫn đến công dân bị thương tích hoặc tử vong." Căn cứ theo quy định này thì Công an huyện S có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến chết người sẽ là cơ quan có nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên trong biên bản thoả thuận, Phòng công an không ghi nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, và cũng không ghi vào biên bản thoả thuận thời gian phát sinh hiệu lực của việc thoả thuận để làm căn cứ pháp luật, dẫn đến bản thoả thuận không có căn cứ pháp luật. Khoản 3 điều 27 Luật bồi thường quy định: "Nếu gây chết người thì phải bồi thường tiền làm chết người, tiền tang lễ, tổng số gấp 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước của năm trước đó". Như vậy, theo quy định này thì Công an huyện S phải bồi thường tiền làm chết người và tiền tang lễ cho gia đình anh Cư số tiền gấp 20 lần lương bình quân của cán bộ Nhà nước năm 1994 là 4.510 NDT. So với mức này thì số tiền mà Công an huyện S bồi thường cho gia đình anh Cư là quá ít; thứ ba, đây là vụ bồi thường hình sự, không thể áp dụng trình tự tố tụng hành chính. Căn cứ vào các quy định ở khoản 3 điều 20, khoản 1 điều 21 và điều 22, người thừa kế và những người thân có quan hệ nuôi dưỡng với anh Cư có thể kiện yêu cầu Nhà nước bồi thường. Nếu Công an huyện không đồng ý bồi thường thêm thì gia đình anh Cư có quyền yêu cầu bồi thường lên cơ quan công an cấp cao hơn để xem xét lại với lý do "không chấp nhận thống nhất với mức bồi thường". Nếu vẫn không chấp nhận với quyết định của cơ quan xem xét lại hoặc quá thời hạn quy định mà cơ quan xem xét lại vẫn không ra quyết định thì người nhà anh Cư có quyền kiện, yêu cầu TAND cùng cấp ra quyết định bồi thường.

Nhận xét:

Nội dung chính tranh tụng trong vụ án này là vấn đề hiệu lực của việc thoả thuận, hoà giải. Có thể nói, thông thường khi người yêu cầu bồi thường và cơ quan có nghĩa vụ bồi thường đã đạt được thoả thuận thì hoà giải đó đã có hiệu lực pháp luật, hai bên đương sự phải thực hiện các điều khoản hoà giải, không được tuỳ ý lật lại. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 58 và 59 của Quy chế dân chủ thì hoà giải đó vô hiệu, có thể sửa lại hoặc bị huỷ bỏ biên bản hoà giải theo quy định của pháp luật. Do vậy nếu trong vụ này gia đình anh Cư chứng minh được việc hoà giải thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 58 và 59 của Quy chế dân chủ thì phải tiến hành yêu cầu bồi thường theo trình tự bồi thường hình sự, còn nếu không chứng minh được thì coi như việc thoả thuận hoà giải giữa hai bên đã có hiệu lực pháp luật, gia đình anh Cư không được yêu cầu bồi thường lại.

 

 

 

 

Luật bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự của nhật bản

Luật số 1, năm 1950 được sửa đổi ,bổ sung: Luật số 208, năm 1952;

Luật số 68, năm 1953; Luật số 58 năm 1954;

Luật số 71 và 86, năm 1964; Luật số 75, năm 1968;

Luật số 37, năm 1973; Luật số 87 năm 1975;

Luật số 28, năm 1978;

Luật số 42, năm 1980; Luật số 76, năm 1982 và

Luật số 42, năm 1988

Điều 1. Điều kiện để được bồi thường thiệt hại

1. Người nào được Toà án tuyên trắng án bằng một quyết định theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm hay theo thủ tục kháng án đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (Luật số 131, năm 1948) mà trước đấy đã bị bắt, bị tạm giam theo Bộ luật trên, Luật Vị thành niên (Luật số 168, năm 1948) hay Luật về cơ quan Điều tra kinh tế (Luật số 206, năm 1948) thì được yêu cầu Chính phủ bồi thường thiệt hại cho việc bị bắt giam hay tạm giam này.

 

2. Người nào được Toà án phúc thẩm công nhận là "vô tội" sau khi khôi phục lại quyền kháng án, thủ tục xét xử lại hoặc thủ tục kháng án đặc biệt mà trước đây đã phải chịu hình phạt của Bản án sơ thẩm hoặc đã bị giam giữ theo quy định của khoản 2, Điều 11, Bộ luật Hình sự (Luật số 45, năm 1907) thì được yêu cầu Chính phủ bồi thường thiệt hại do việc phải thi hành hình phạt hay giam giữ này.

3. Việc bắt giam theo lệnh được quy định tại các Điều 484, 485, 486 của Luật Tố tụng hình sự (Kể cả các trường hợp mà trong đó những quy định này áp dụng với những thay đổi thích hợp, tương ứng theo Điều 505 của Luật Tố tụng hình sự); việc bắt giam theo quy định của khoản 2, Điều 481 của Luật tố tụng hình sự (Kể cả các trường hợp trong đó quy định này áp dụng với những thay đổi thích hợp, tương ứng theo Điều 505 của Luật nói trên), đồng thời việc bắt và giam giữ theo lệnh được quy định tại Điều 41 của Luật Phục hồi vật chất và tinh thần cho phạm nhân (Luật số 142, năm 1949) hoặc Điều 10 của Luật Giám sát án treo đối với những người đang được tạm hoãn thi hành án (Luật số 58, năm 1954) được coi là đã thi hành hình phạt hoặc là đã thi hành giam giữ của bản án tử hình, lý do đó được áp dụng các quy định tại khoản 2.

 

Điều 2. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thừa kế

1. Một người được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 1 của Luật này bị chết mà chưa yêu cầu yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người thừa kế của người đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp Toà phúc thẩm quyết định "vô tội" đối với người đã chết theo thủ tục xét xử lại hoặc thủ tục kháng án đặc biệt thì Quyết định "vô tội" được coi là xác lập từ thời điểm người đó chết để tính bồi thường.

 

Điều 3. Những trường hợp không được bồi thường thiệt hại

Toàn bộ hay một phần của khoản bồi thường thiệt hại có thể bị Toà án xem xét, bác bỏ trong các trường hợp sau:

1. Người bị khởi tố, bị tuyên án, bị giam giữ vì có hành vi khai báo không đúng sự thật nhằm mục đích gây khó khăn, đánh lạc hướng việc điều tra, xét xử hoặc đưa ra các chứng cứ giả mạo.

2. Người được Toà án tuyên "vô tội" đối với một hoặc một số trong những hành vi phạm tội vào cùng một thời điểm nhưng vẫn bị tuyên phạt vì các hành vi phạm tội khác.

 

Điều 4. Mức bồi thường thiệt hại

1. Tuỳ theo số ngày bị bắt hoặc giam giữ, người được bồi thường thiệt hại chỉ được bồi thường từ 1.000 Yên đến 9.400 Yên, ngoại trừ những trường hợp được quy định tại Điều 3 và khoản 2 của Điều này. Mức bồi thường thiệt hại này cũng được áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại cho thi hành án tù có hoặc không có cải tạo lao động, cho hình phạt tù giam hoặc giam giữ của án tử hình.

2. Khi quyết định mức bồi thường thiệt hại theo quy định của khoản 1, Điều này, Toà án xem xét tính chất và thời gian người được bồi thường thiệt hại bị giam giữ; những thiệt hại về tài sản, về lợi ích kinh tế; những tổn thương về thể chất và tinh thần, đồng thời xem xét nguyên nhân của việc này là có phải do Cảnh sát, Uỷ viên công tố hoặc những người có thẩm quyền khác cố ý hay cẩu thả hay không và xem xét tất cả những tình tiết khác.

 

3. Khi xét thấy hợp lý, Toà án quyết định mức bồi thường tối đa cho trường hợp thi hành án tử hình là 25.000.000 Yên. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại về tài sản gây ra bởi việc thi hành án tử hình người đang được xét bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường thiệt hại là giá trị ước tính của những thiệt hại trên cộng với 25.000.000 Yên.

4. Toà án xem xét, kiểm tra tuổi, tình trạng sức khoẻ, khả năng thu nhập và các tình tiết khác cùng với những thiệt hại đã được chứng minh của người đang được xét bồi thường thiệt hại khi quyết định mức bồi thường đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

 

5. Mức bồi thường thiệt hại cho việc thi hành phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo gồm: Một khoản đền bù tương đương với giá trị của hình phạt tiền hay phạt cảnh cáo được ước tính đã thu trước đây cộng với 5% của tổng số đó trong mỗi năm tính từ ngày tiếp theo của ngày thực hiện hình phạt tới ngày có quyết định bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp thi hành hình phạt giam giữ có cải tạo lao động thì những quy định của khoản 1 sẽ được áp dụng đối với những thay đổi tương ứng, thích hợp.

6. Việc bồi thường thiệt hại cho việc thi hành hình phạt tịch thu tài sản là trả lại những tài sản đã tịch thu trước đây nếu chưa thanh lý; Trong trường hợp những tài sản tịch thu đã thanh lý thì mức bồi thường thiệt hại tương đương theo thời giá hiện hành. Đối với phần tiền phạt đã thu trước đây, mức đến bù là tương đương với số tiền đó cộng với 5% của số tiền này trong mỗi năm kể từ ngày tiếp theo của ngày thực hiện hình phạt tới ngày có quyết định bồi thường thiệt hại.

 

Điều 5. Những vấn đề liên quan tới bồi thường thiệt hại

1. Luật này không ngăn cản bất cứ ai thực hiện quyền được nhận bồi thường thiệt hại từ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại phù hợp với quy định của Luật đền bù Nhà nước (Luật số 125, năm 1947) và những Luật khác.

2. Người được bồi thường thiệt hại đã nhận được khoản bồi thường cho những thiệt hại do cùng một nguyên nhân theo các Bộ luật khác thì không được tiếp tục bồi thường nếu như mức bồi thường thiệt hại đã nhận là ngang bằng hoặc vượt quá giá trị bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này. Trong trường hợp khoản bồi thường thiệt hại có giá trị thấp hơn giá trị bồi thường theo quy định của Luật này thì mức bồi thường thiệt hại được tính bằng cách trừ đi khoản bồi thường thiệt hại đã nhận.

 

3. Toà án xác định mức bồi thường thiệt hại của người được bồi thường thiệt hại theo các Bộ luật khác mà đã được bồi thường phù hợp với quy định của Luật này do cùng một nguyên nhân bằng cách trừ đi khoản đã được bồi thường thiệt hại.

Điều 6. Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại

Toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là Toà án đã tuyên người đó "vô tội".

Điều 7. Thời hạn yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hạn nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm kể từ ngày Quyết định "vô tội" của Toà án có hiệu lực thi hành.

Điều 8. Trách nhiệm của người thừa kế quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Người thừa kế quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được mối quan hệ của mình với ngươì được bồi thường thiệt hại đã bị chết và phải chứng minh chỉ có duy nhất mình hay còn có những người khác cũng có quyền thừa kế khoản bồi thường thiệt hại này.

Điều 9. Uỷ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại được uỷ quyền.

Điều 10. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của những người cùng hàng thừa kế

1. Trong trường hợp có từ 2 người cùng hàng thừa kế trở lên thì bất cứ ai yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng được coi là yêu cầu của toàn bộ khoản bồi thường thiệt hại và người đó là đại diện cho tất cả những người còn lại.

 

2. Trong trường hợp như quy định tại Khoản 1 của Điều này, cùng với người đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, những người thừa kế khác có thể tham gia vào thủ tục tố tụng với tư cách là những người đồng yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 11. Thông báo cho những người cùng hàng thừa kế

Khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của một hay nhiều người thừa kế và biết rằng còn có những người trong cùng hàng thừa kế khác, Toà án phải thông báo ngay lập tức cho những người này để những người này có thể cùng yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 12. Từ bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại của những người cùng hàng thừa kế

Trong trường hợp có từ hai người trong cùng một hàng thừa kế trở lên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người trực tiếp yêu cầu bồi thường không thể tự ý từ bỏ yêu cầu này mà không có sự đồng ý của những người còn lại.

Điều 13. Hiệu lực của việc từ bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại

Người đã từ bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình thì không được tái yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 14. Quyết định bồi thường thiệt hại

Nhận được đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của đương sự; Sau khi xem xét ý kiến của Uỷ viên công tố và những người yêu cầu, Toà án ra quyết định bồi thường thiệt hại cho những người yêu cầu, đồng thời gửi bản sao của quyết định này đến Uỷ viên công tố và những người yêu cầu.

Điều 15. Bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại

Toà án quyết định bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn nếu: Thủ tục bồi thường thiệt hại trái với hình thức được quy định trong các Bộ luật và Sắc lệnh mà không thể chỉnh sửa được; Người yêu cầu bồi thường thiệt hại không tuân theo yêu cầu chỉnh sửa của Toà án hoặc nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại khi đã hết thời hạn cho phép được quy định tại Điều 7 của Luật này.

Điều 16. Quyết định bồi thường thiệt hại hay bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại

Toà án quyết định bồi thường thiệt hại nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại có đầy đủ lý do. Trong trường hợp lý do là không đầy đủ hoặc không chính đáng, Toà án quyết định bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 17. Hiệu lực của quyết định của Toà án đối với những người trong cùng hàng thừa kế

Nếu có từ hai người trong cùng hàng thừa kế trở lên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thì như đã quy định tại Điều luật trước, Quyết định của Toà án đối với một người được coi là đối với tất cả những người đó.

Điều 18. Tạm dừng và tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại

1. Trong trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại bị chết hoặc bị mất quyền thừa kế khi đang tiến hành thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không có ai tiếp tục yêu cầu bồi thường thì tạm dừng việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người thừa kế của người đã yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bất cứ ai trong cùng hàng thừa kế đều có thể tiếp tục tham gia vào thủ tục tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vòng hai tháng kể từ khi tạm dừng.

 

2. Trong trường hợp biết được người có quyền tiếp tục tham gia vào thủ tục tố tụng bồi thường thiệt hại phù hợp với quy định của khoản 1, Điều này, Toà án phải thông báo đến người đó để người này có thể tham gia tiếp tục vào quá trình tố tụng bồi thường thiệt hại trong khoảng thời gian đã quy định tại khoản 1.

3. Toà án ra quyết định bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc tiếp tục tham gia vào thủ tục tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại không được thực hiện trong thời hạn đã quy định tại khoản 1.

 

Điều 19. Kháng án "KokoKu" ngay lập tức

1. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc bất cứ người thừa kế nào có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đều có thể kháng án theo hình thức "Kokoku" ngay lập tức về quyết định được đưa ra theo quy định của Điều 16 Luật này. Giả sử nếu Toà án Tối cao đã ra quyết định thì đơn kháng án phải gửi tới chính Toà án Tối cao đó.

2. Quyết định giải quyết kháng án theo quy định tại khoản 1, nếu có những nguyên nhân được quy định tại Điều 405, Luật Tố tụng hình sự thì đơn kháng án có thể được đệ trình đặc biệt lên Toà án Tối cao.

 

3. Các quy định từ Điều 9 đến Điều 15; Điều 17 và Điều 18 được áp dụng với những thay đổi tương ứng, phù hợp với các trường hợp trong hai khoản trên của Điều này.

Điều 20. Yêu cầu thanh toán bồi thường thiệt hại

1. Toà án đã ra quyết định bồi thường thiệt hại là nơi thụ lý đơn yêu cầu thanh toán bồi thường thiệt hại.

 

2. Nếu có từ hai người được nhận thanh toán bồi thường thiệt hại trở lên thì yêu cầu thanh toán bồi thường thiệt hại của một người trong số những người đó được coi là yêu cầu thanh toán của toàn bộ khoản bồi thường thiệt hại và là đại diện cho tất cả những người còn lại.

3. Những quy định của Điều 11 được áp dụng với những thay đổi tương ứng, thích hợp với các trường hợp trên khi Toà án nhận được đơn yêu cầu thanh toán bồi thường thiệt hại.

 

Điều 21. Hiệu lực của thanh toán bồi thường thiệt hại

Trong trường hợp có từ hai người có quyền nhận thanh toán bồi thường thiệt hại trở lên, khoản thanh toán này được trao cho bất kỳ ai trong số những người đó và được coi là đã trao cho tất cả những người đó.

Điều 22. Cấm chuyển giao hoặc huỷ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Không được chuyển giao hay huỷ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và thanh toán bồi thường thiệt hại.

Điều 23. áp dụng với những thay đổi tương ứng, phù hợp

Trừ những điều khác đã được quy định trong Luật này, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự được áp dụng với những thay đổi tương ứng, phù hợp với quyết định, yêu cầu kháng án "Kokoku" ngay lập tức và yêu cầu kháng án "Kokoku" như được quy định trong Khoản 2, Điều 19 của Luật này. Về thời gian cũng được áp dụng tương tự.

Điều 24. Công bố quyết định bồi thường thiệt hại

1. Khi quyết định bồi thường thiệt hại cuối cùng đã có hiệu lực, Toà án công bố ngay lập tức những nội dung chính của Quyết định này trên Báo oficial Gazette và trên tối đa là ba loại báo khác do người yêu cầu bồi thường thiệt hại chọn. Số lần đăng tải trên báo đối với mỗi trường hợp do người nhận quyết định bồi thường thiệt hại yêu cầu.

2. Việc yêu cầu của người được bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, Điều này phải được đưa ra trong vòng hai tháng kể từ khi quyết định bồi thường cuối cùng có hiệu lực thi hành.

 

3. Trong trường hợp việc công bố theo quy định tại khoản 1 đã được thực hiện, người được bồi thường thiệt hại không được yêu cầu công bố tiếp.

4. Quy định ở 3 khoản trên của Điều này được áp dụng tương ứng, thích hợp đối với quyết định bác đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi những nguyên nhân được đưa ra tại khoản 2, Điều 5 và là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành.

 

Điều 25. Bồi thường trong trường hợp được toà án tuyên trắng án hoặc đình chỉ khởi tố vụ án

1. Bất cứ ai được Toà án tuyên "trắng án" hoặc đình chỉ khởi tố công khai vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đều có thể yêu cầu Chính phủ bồi thường thiệt hại cho việc bị bắt hoặc giam giữ, cho việc thi hành hình phạt hoặc giam giữ của án tử hình trong trường hợp có đầy đủ lý do chứng minh rằng: Quyết định "vô tội" lẽ ra phải được đưa ra nếu đã không có chứng cứ để Toà án tuyên trắng án hay đình chỉ việc khởi tố công khai vụ án.

2. Việc bồi thường quy định ở khoản trên sẽ được giải quyết theo các quy định đối với người được tuyên vô tội với những thay đổi thích hợp tương ứng.

 

Điều 26. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp dẫn độ các phạm nhân bỏ trốn đang tị nạn tại nước ngoài

Trong trường hợp Nhật Bản yêu cầu một nước khác cho dẫn độ phạm nhân trốn trại đang tị nạn tại nước đó theo Hiệp định quốc tế thì việc bắt hay giam giữ đã được nước đó thi hành để dẫn độ được coi là việc bắt hoặc giam giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự./.

 

 

 

 

các quy định của nhật bản về bồi thường

thiệt hại cho người bị tình nghi

Hướng dẫn của Bộ Tư pháp số 1, năm 1957

được sửa đổi, bổ sung: Hướng dẫn của Bộ Tư pháp Số 3, năm 1964;

Số 4, năm 1968; Số 3, năm 1975;

Số 3, năm 1978; Số 3, năm 1975; Số 3, năm 1978;

Số 3, năm 1980; Số 1, năm 1982

và Số 3, năm 1988.

Văn bản này hướng dẫn về việc bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi:

Các quy định về bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi

Điều 1. Quy định chung

1. Việc bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự đối với những người đã bị bắt hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi được thực hiện theo quy định này.

2. Các quy định này phải được áp dụng hợp lý, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

 

Điều 2. Điều kiện bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi

Trong các trường hợp chưa tiến hành khởi tố vụ án đối với người bị bắt hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi, nếu chứng minh được rằng người đó không phạm tội thì Uỷ viên công tố phải bồi thường thiệt hại cho việc bắt hoặc giam giữ này.

Điều 3. Mức bồi thường thiệt hại

Người được bồi thường thiệt hại được nhận khoản tiền có giá trị từ 1.000 Yên đến 9.400 Yên tính theo số ngày bị bắt hoặc bị giam giữ. Trong trường hợp người đó bị chết thì khoản bồi thường thiệt hại được thanh toán cho người thừa kế hoặc một người thích hợp khác nếu cần thiết.

Điều 4-1. Các trường hợp được giải quyết bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại cho người bị tình nghi được tiến hành trong các trường hợp sau:

1. Các trường hợp chưa tiến hành khởi tố công khai đối với người bị bắt hoặc bị giam giữ vì bị tình nghi theo điều, khoản chính của Quyết định không khởi tố vụ án được quy định tại khoản 2, Điều 72 của Quy định về Việc giải quyết vụ án (Hướng dẫn "Keisoh" của Bộ Tư pháp, số 1060 năm 1987), trong đó đã quy định rõ "không cấu thành tội phạm" hay "Không bị tình nghi là phạm tội".

2. Các trường hợp đã quy định tại khoản trên và các trường hợp đã tiến hành khởi tố công khai vụ án đối với người bị bắt hoặc bị giam giữ vì tình nghi mà có đủ chứng cứ chứng minh rằng người đó không phạm tội.

 

3. Các trường hợp có yêu cầu bồi bồi thường thiệt hại.

Điều 4-2. Các tiêu chuẩn quyết định mức bồi thường

Mức bồi thường thiệt hại được quyết định sau khi đã xem xét thích hợp về hình thức và thời gian giam giữ cũng như mức độ thiệt hại về tài sản, về lợi ích có thể thu được; Tổn thương về tinh thần mà người đang được xem xét bồi thường đã phải chịu đựng cùng với tất cả các tình tiết khác.

Điều 4-3. Các trường hợp bồi thường thiệt hại bị bác một phần hay toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại bị bác một phần hay toàn bộ trong các trường hợp sau:

1. Hành động của người đang được xem xét không cấu thành tội phạm vì các lý do được quy định từ Điều 39 đến Điều 41 của Bộ luật hình sự.

 

2. Người đang được xem xét được coi là đã bị bắt hoặc giam giữ vì đã khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo chứng cứ phạm tội nhằm mục đích gây khó khăn và đánh lạc hướng việc điều tra hoặc xét xử.

3. Người đang được xem xét bồi thường thiệt hại có bất cứ hành vi nào đã cấu thành tội phạm trong quá trình đang bị bắt hoặc giam giữ.

 

4. Người đang được xem xét từ chối khoản bồi thường thiệt hại hoặc các trường hợp có tình tiết đặc biệt khác.

Điều 5. Trách nhiệm của Uỷ viên công tố

Một uỷ viên công tố thuộc Văn phòng công tố không phải là Văn phòng công tố đã tiến hành khởi tố công khai vụ án có trách nhiệm thi hành quyết định bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu Văn phòng uỷ viên công tố đó là Văn phòng uỷ viên công tố khu vực thì quyết định đó sẽ được một uỷ viên công tố thuộc Văn phòng uỷ viên công tố cấp cao hơn thi hành.

Điều 6. Quyết định liên quan đến bồi thường thiệt hại

1. Khi giải quyết bồi thường thiệt hại, một quyết định bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại phải được đưa ra vào lúc cần thiết và quyết định này phải được chuẩn bị trước bằng văn bản.

 

2. Trong trường hợp quyết định bồi thường hoặc không bồi thường thiệt hại được Toà án đưa ra khi giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người được nhận bồi thường thiệt hại hoặc người yêu cầu bồi thường thiệt hại được thông báo những nội dung chính của Quyết định này.

Điều 7. Thời hạn nhận bồi thường thiệt hại

Nếu người được nhận bồi thường không đến nhận trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo được bồi thường thiệt hại theo quy định trên thì không được nhận khoản bồi thường thiệt hại đó.

Điều 8. Công bố bồi thường thiệt hại

Nếu người đã nhận bồi thường thiệt hại yêu cầu công bố về việc bồi thường thiệt hại trong vòng 30 ngày kể từ ngày người đó nhận bồi thường thiệt hại thì những nội dung chính của Quyết định này được công bố công khai theo hình thức đăng trên báo official Gazette và một tờ báo được xem là thích hợp hoặc một trong 2 tờ báo đó./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Luật về xem xét lại các bản án hình sự

nước cộng hoà pháp

Số: JUSX8910170L

 

 

Hạ Viện và Thượng Viện đã thông qua,

Tổng thống ban hành luật

 

 

Điều 1:

 

Tất cả những người đã bị xét xử và kết án vì một tội hình sự đều có quyền đề nghị xem xét lại bản án đó trong những trường hợp sau đây:

1. Sau khi bị kết án với tội danh giết người lại tìm thấy những căn cứ thể hiện đầy đủ các tình tiết về việc nạn nhân được coi là bị giết hại vẫn còn sống.

2. Sau khi một bản án đã được tuyên lại xuất hiện một bản án mới (có thể là phán quyết của Toà Phúc thẩm hoặc Toà Phá án) buộc tội một người khác về cùng một hành vi nhưng hai bản án này lại không tương đồng với nhau thì sự mâu thuẫn giữa chúng sẽ là bằng chứng cho sự vô tội của một trong hai bị cáo.

3. Sau khi tuyên án, một trong những nhân chứng đã từng làm chứng trong vụ án lại bị kết án do khai man chống lại bị cáo. Trong trường hợp này, đương nhiên nhân chứng này sẽ không được chấp nhận lại trong phiên toà mới.

4. Sau khi tuyên án, có thêm những sự kiện hoặc yếu tố mới mà toà án đã không biết tới tại thời điểm xét xử, gây nghi ngờ về sự phạm tội của bị cáo.

 

Điều 2:

 

Những người có quyền đề nghị xét lại bản án:

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2. Người đã bị kết án.

3. Trong trường hợp người đó không có năng lực hành vi thì do người đại diện hợp pháp của người đó thực hiện.

4. Trong trường hợp người bị kết tội đã chết hoặc mất tích, việc đề nghị xem xét lại bản án có thể do vợ hoặc chồng, con, cha mẹ, người được ủy quyền hoặc người được nhận di tặng toàn bộ hay một cách toàn bộ.

Đơn yêu cầu xét lại bản án phải gửi đến một Uỷ ban gồm năm thẩm phán của Toà Phá án (Cour de Cassation) và do Hội đồng Thẩm phán của toà chỉ định. Chủ tịch của Uỷ ban là thành viên của Phòng hình sự Toà Phá án. Năm thẩm phán dự khuyết được đề cử theo cùng trình tự. Các hoạt động công tố sẽ do Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Toà phá án thực hiện.

Sau khi nhận đơn đề nghị xem xét lại bản án dù trực tiếp hay qua con đường uỷ thác điều tra, Uỷ ban này sẽ thụ lí hồ sơ và áp dụng mọi biện pháp điều tra cần thiết: đối chất, thẩm tra, tìm hiểu và tiếp nhận các ý kiến (lời khai) của người đệ đơn hoặc người cố vấn của họ và của Viện Công tố sau đó giao cho Phòng hình sự - được coi là Toà xét lại các bản án hình sự oan sai để giải quyết những vấn đề cần xét lại. Uỷ ban này ra một quyết định và quyết định này là phán quyết cuối cùng không có khả năng kháng cáo, kháng nghị và theo đề nghị của người đệ đơn hoặc cố vấn của họ quyết định này có thể được công bố công khai.

Trong trường hợp đơn yêu cầu xét lại bản án dựa theo khoản 4 Điều 1 thì Uỷ ban sẽ tính đến toàn bộ các tình tiết mới hoặc các yếu tố chưa được biết đến khi kết án mà các đơn yêu cầu xét lại đã bị từ chối trước đây đã lấy làm căn cứ.

Điều 3:

 

Khi đơn đề nghị xét lại được chấp nhận, Uỷ ban có thể ra lệnh ngừng thi hành quyết định bản án tại bất cứ thời điểm nào.

Điều 4:

 

Khi đơn đề nghị xét lại bản án được Uỷ ban chấp nhận, Toà án sẽ xem lại vụ án và ra một quyết định và quyết định này không có khả năng kháng cáo, kháng nghị sau khi đã mở một phiên toà công khai đồng thời tiếp nhận ý kiến của bên đệ đơn hay cố vấn của người này, của Viện Công tố cũng như của bên nguyên đơn dân sự nếu bên này có liên quan đến vụ án. Toà án sẽ không chấp nhận xem xét lại nếu thấy đề nghị xét lại không có cơ sở. Ngược lại nếu đề nghị có cơ sở Toà sẽ huỷ bỏ bản án cũ và tổ chức, nếu có thể, một phiên toà xét lại ở một toà án khác cùng ngạch và cùng cấp với toà án đã ra quyết định đã bị huỷ bỏ.

Trong trường hợp không thể tổ chức lại phiên toà do người bị kết án đã chết, được ân xá, bị mất trí, không chịu ra toà hoặc vắng mặt một hay nhiều bị cáo, trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, hết thời hiệu khởi kiện hoặc bản án đã hết hiệu lực thì toà án sau khi đã xem xét đánh giá với sự có mặt của các bên nguyên đơn dân sự nếu họ có liên quan tới vụ án và của các trợ quản thay mặt cho người đã chết do toà chỉ định, sẽ huỷ bỏ những phần không đúng của bản án và phục hồi danh dự cho những người đã chết.

Nếu việc không thể tổ chức được một phiên toà mới chỉ được biết đến sau khi Toà xét lại đã ra quyết định huỷ bản án cần xét lại và tuyên bố trả lại hồ sơ vụ án thì Toà án căn cứ vào bản kết luận của Viện Công tố để huỷ bỏ việc chỉ định toà án xử lại và ra một quyết định theo như quy định tại khoản trên.

Nếu việc huỷ bỏ bản án cho một bị cáo vẫn đang còn sống đã không để lại một căn cứ nào có thể buộc tội người đó thì việc xét xử lại vụ án đó sẽ không diễn ra.

Việc huỷ bỏ bản án dẫn đến việc xoá bỏ án tích trong lí lịch tư pháp.

Điều 5:

Để áp dụng các Điều 2 và Điều 4 của Luật này người đệ đơn có thể được đại diện hoặc trợ giúp bởi một Luật sư của Hội đồng Nhà nước và của Toà Phá án hoặc bởi một Luật sư có đăng kí hợp lệ ở Đoàn Luật sư.

Điều 6:

 

Nếu không chứng minh được việc không tìm ra những tình tiết mới hoặc không tìm ra các yếu tố không được biết đến tại thời điểm xét xử là lỗi của chính người bị kết tội (hoàn toàn hoặc một phần) thì người đó nếu được công nhận là vô tội theo quy định của Luật này có quyền được hưởng mức bồi thường tương ứng với những thiệt hại mà bản án sai đã gây.

Tất cả những người khác chứng minh được rằng bản án đó đã gây cho họ thiệt hại đều có quyền yêu cầu bồi thường trong cùng một điều kiện như trên.

Khoản bồi thường này do Uỷ ban thẩm phán quyết định và tuân theo trình tự thủ tục được quy định tại các điều 149-1 và 149-2 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khoản bồi thường này sẽ do Nhà nước chi trả trừ trường hợp Nhà nước chứng minh được rằng do lỗi của nguyên đơn dân sự, người tố giác hoặc nhân chứng giả nên bản án sai đã được tuyên. Khoản bồi thường được chi trả như án phí hình sự.

án phí xét lại do Kho bạc trả trước kể từ khi Uỷ ban thẩm phán thụ lí đơn theo quy định tại Điều 2.

Nếu sau khi xét lại Toà án vẫn tuyên án đối với bị cáo thì trách nhiệm thanh toán án phí xét lại thuộc về người bị kết tội hoặc những người bị kết tội và Nhà nước có thể đề nghi bồi hoàn.

Nếu người đệ đơn yêu cầu xét lại bản án lại thua kiện thì phải chịu tất cả các chi phí.

Nếu người đệ đơn yêu cầu thì quyết định của Toà công nhận sự vô tội của người này sẽ được niêm yết tại thành phố nơi quyết định kết án đã được công bố, tại địa phương nơi xảy ra vụ án và tại nơi thường trú của người đệ đơn; tại nơi sinh và nơi ở cuối cùng của người đã bị kết án sai nếu như người ấy đã chết với cùng một điều kiện nội dung của quyết định cũng được công bố toàn văn trong Công báo và trong 5 tờ báo khác do toà chọn.

Chi phí cho các việc công bố này thuộc trách nhiệm của Kho bạc nhà nước.

Điều 7:

Luật này có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày được đăng trên Công báo.

Các văn bản và các quyết định được đưa ra trước khi Luật này có hiệu lực vẫn giữ nguyên giá trị.

Đối với những đề nghị xem xét lại bản án của Bộ trưởng bộ Tư pháp mà chưa được thụ lí tại thời điểm Luật này có hiệu lực thì sẽ được chuyển đến Uỷ ban Thẩm phán theo quy định tại Điều 623 Bộ Luật Tố tụng hình sự cùng với các giấy tờ liên quan đến việc thẩm tra và tìm hiểu. Uỷ ban này có quyền đề nghị được xem xét các tài liệu liên quan đến việc thẩm tra và nghiên cứu mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thu thập.

Luật này được thi hành như Luật của Nhà nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Luật bồi thường thiệt hại do tạm giữ,

Tạm giam oan, sai của nước cộng hoà pháp

Số 70-643 ngày 17/07/70

 

 

Điều 1:

Nếu không tính đến việc áp dụng các quy định tại điều 505 và các điều sau đó của Bộ luật Tố tụng dân sự thì một người đã bị tạm giữ và sau đó được trả tự do vì chưa đủ căn cứ để truy tố hoặc được toà tuyên vô tội có thể được nhận một khoản bồi thường nếu việc bị giam giữ này đã gây ra 1 thiệt hại đáng kể.

1. Khoản tiền bồi thường sẽ do một hội đồng quyết định và đây là quyết định cuối cùng. Thành viên của Hội đồng gồm 3 thẩm phán là Chánh án hoặc Cố vấn của Toà phá án. Các thẩm phán của Hội đồng này và 3 thành viên dự khuyết do Văn phòng Toà Phá án chỉ định hàng năm.

Các hoạt động công tố do Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Toà Phá ánthực hiện.

2. Hội đồng bồi thường đã nhận đơn thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quyết định không truy tố vì không đủ căn cứ, quyết định xử trắng án hoặc miễn án có hiệu lực phải đưa ra một quyết định cuối cùng về việc bồi thường.

Cuộc tranh luận để đưa đến kết luận cho việc bồi thường được diễn ra trong phòng cố vấn. Cuộc tranh luận được thực hiện trực tiếp, bằng lời nói và nếu người yêu cầu bồi thường có đề nghị thì có thể được trình bày các lý lẽ của mình.

Thủ tục giải quyết bồi thường của Hội đồng này có tính chất tương tự như trình tự xét xử dân sự và được quy định bởi một Nghị định của Hội đồng Nhà nước.

 

Điều 2:

Các khoản bồi thường sẽ do Nhà nước chi trả, trừ trường hợp Nhà nước chứng minh được là chính lỗi của người tố giác không ngay tình, của nhân chứng giả đã gây ra việc tạm giam hay gia hạn tạm giam. Khoản bồi thường này được thanh toán như án phí hình sự.

 

 

 

 

 

Nghị định về bồi thường thiệt hại do giam, giữ oan sai

của nước cộng hoà pháp

Số 78-50 ngày 9/1/1978

 

 

 

Điều 1 (R.26 BLTTHS):

Hội đồng bồi thường thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của người đề nghị bồi thường. Đơn đề nghị này được gửi đến hoặc chuyển đến thư ký của hội đồng xét bồi thường và thư ký của Hội đồng cấp cho người đề nghị bồi thường một giấy biên nhận.

Đơn đề nghị bao gồm bản trình bày các sự kiện với đầy đủ các thông tin cần thiết nhất sau:

1. Ngày và lí do của quyết định tạm giữ cũng như về trạm giam nơi người đó bị tạm giữ.

2. Toà án đã ra quyết định thả, miễn xử hoặc miễn án cũng như về ngày ra quyết định đó.

3. Bản chất và mức độ các thiệt hại.

4. Địa chỉ mà các giấy báo phải gửi tới.

Đơn đề nghị phải gửi kèm theo mọi bằng chứng.

Điều 2 (R.27 BLTTHS):

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn, thư ký của Hội đồng xét bồi thường gửi bản sao đến Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Toà phá án và đến nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước bằng thư bảo đảm với đề nghị giấy báo nhận.

Thư ký của Hội đồng đề nghị lục sự của Toà án đã ra quyết định công nhận sự vô tội của bị can được tiếp xúc hồ sơ vụ án.

Điều 3 (R.28 BLTTHS):

Người đề nghị bồi thường có thể đề nghị được nhận bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ án và phải tự trả chi phí này. Luật sư của người này có quyền tiếp xúc với các tài liệu của vụ án này qua thư ký của Hội đồng.

Điều 4 (R.29 BLTTHS):

Nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước có quyền được biết đến các tài liệu của vụ án thông qua thư ký của Uỷ ban. Thư ký của Uỷ ban sẽ gửi các bản sao của các tài liệu miễn phí đến nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước khi có đề nghị.

Nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước sẽ gửi kết luận của mình tới thư ký của Uỷ ban trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được thư bảo đảm đã được nhắc tới ở Điều 2.

Điều 5 (R.30 BLTTHS):

Sau khi nhận được kết luận của nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước hoặc đã hết thời hạn nêu ở điều trên, thư ký của Uỷ ban chuyển hồ sơ lên Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Toà phá án.

Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Toà phá án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng của mình trong tháng tiếp sau đó.

Điều 6 (R.31 BLTTHS):

Thư ký của Uỷ ban thông báo tới người đề nghị bồi thường bằng thư bảo đảm với đề nghị giấy báo nhận các kết luận của nhân viên tư pháp của kho bạc Nhà nước và của Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Toà Phá án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày những người nói trên gửi kết luận của họ tới Uỷ ban.

Điều 7 (32 BLTTHS):

Trong thời hạn 1 tháng kể từ lần thông báo nêu ra ở điều trên người đề nghị bồi thường chuyển tới hoặc gửi tới thư ký của Hội đồng các ý kiến của mình và các ý kiến này sẽ được chuyển tới nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước và Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Toà phá án trong thời hạn 15 ngày.

Điều 8 (R.33 BLTTHS):

Trong tháng tiếp theo kể từ ngày hết hạn của thời hạn 15 ngày nói trên, chủ tịch Hội đồng sẽ giao cho 1 trong những người phụ tá của mình hay một kiểm toán viên của Toàn phá án nhiệm vụ nghiên cứu và báo cáo về vụ việc, người này không có quyền ra quyết định.

Điều 9 (R.34 BLTTHS):

Hội đồng xét bt có quyền sử dụng tất cả các biện pháp điều tra cần thiết,và khi cần thiết thì thẩm vấn người có đơn đề nghị bồi thường.

Điều 10 (R.35 BLTTHS):

Chủ tịch Hội đồng định ngày mở phiên toà sau khi tham khảo ý kiến của Viện trưởng viện Công tố bên cạnh Toà phá án. Thư ký của Hội đồng sẽ thông báo bằng thư bảo đảm với đề nghị giấy báo nhận cho người đề nghị bồi thườngvà nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước ít nhất một tháng trước ngày mở phiên toà.

Người đề nghị phải thông báo việc anh ta có thể đến dự phiên toà hay không; có sự giúp đỡ của Luật sư hay không, tự tham gia phiên toà hay sẽ cử luật sư đại diện.

Điều 11 (R.36 BLTTHS):

Người đề nghị bồi thường và nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước có thể nhờ một luật sư của Hội đồng nhà nước, của Toà Phá án hoặc luật sư này phải đăng kí ở Đoàn Luật sư làm người đại diện hoặc giúp đỡ.

Điều 12 (R.37 BLTTHS):

Sau bản báo cáo, người đề nghị bồi thường hoặc trong trường hợp cần thiết, nhân viên tư pháp của kho bạc nhà nước cùng với các luật sư của họ sẽ trình bày ý kiến.

Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Toà Phá án đọc các kết luận của mình.

Điều 13 (R.38 BLTTHS):

Nếu đề nghị bồi thường bị bác bỏ, người đề nghị sẽ phải trả mọi án phí, trừ khi Hội đồng miễn cho anh ta một phần hay toàn bộ án phí.

Quyết định của Hội đồng có kèm quyết định buộc phải thanh toán án phí.

Điều 14 (R.39 BLTTHS):

Nếu Hội đồng quyết định một khoản trợ cấp hoặc bồi thường cho người bị hại thì khoản bồi thường này và các chi phí cho việc cung cấp các tài liệu của người đề nghị bồi thường sẽ do nhân viên kế toán của kho bạc Paris người chịu trách nhiệm về việc chi trả các án phí giải quyết theo quyết định thi hành của chủ tịch Hội đồng xét bồi thường.

Điều 15 (R.40 BLTTHS):

Quyết định của Hội đồng sẽ được thông báo ngay cho người đề nghị và nhân viên tư pháp của Kho bạc Nhà nước, bằng thư bảo đảm với đề nghị giấy báo nhận.

Hồ sơ vụ án sẽ được gửi trả lại cùng với một bản sao của quyết định.

1. Trong trường hợp những thông tin được đưa ra trong đơn đề nghị cho thấy rõ rằng trong vụ án đã kết thúc mà người đề nghị đã được thả bằng một quyết định thả, miễn xử hoặc miễn án người đề nghị đã bị tạm giữ một cách thiếu căn cứ thì chủ tịch Hội đồng có thể quyết định không điều tra thêm và quyết định ngày mở phiên toà.

2. Người đề nghị có quyền nhận trợ giúp tư pháp trước Hội đồng bồi thường thông qua một lụât sư của Hội đồng Nhà nước, của Toà Phá án hoặc một Luật sư có đăng kí tại Đoàn Luật sư. Việc đồng ý cho hưởng trợ giúp tư pháp do Văn phòng của Toà Phá án hoặc Văn phòng của Toà đã ra quyết định công nhận sự vô tội quyết định theo cùng một thủ tục, điều kiện và hiệu lực như trong thủ tục dân sự.

"Đề nghị được giúp đỡ về mặt pháp lý được chuyển thẳng tới Văn phòng có thẩm quyền"

Đề nghị này làm ngừng thời hạn được quy định tại Điều 149 khoản 2 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

3. Trong số các thẩm phán đã được chọn vào Hội đồng, Văn phòng của Toà Phá án cử một người làm chủ tịch và một người khác làm trợ lý cho chủ tịch Hội đồng.

Nhiệm kì hoạt động của các thẩm phán tham gia Hội đồng là một năm tư pháp.

Khi một trong các thẩm phán của Hội đồng không còn có khả năng tham gia Uỷ ban nữa thì sẽ có một quyết định thay thế cho đến hết năm đó.

4. Các nhiệm vụ thư ký và lục sự của Hội đồng xét bồi thường do thư ký-lục sự của Toà phá án thực hiện.

 

 

 

 

 

 

 

Danh mục tài liệu tham khảo

The police in America (Chapter II: Accountability of the police);

Controversies in Criminal Law (Part II: Criminal Procedure, The Exclusionary Rules);

Introduction to Criminal Justice (Chapter IX: The Prosecutor’s Decisions & Plea Bargaining);

Black Law Dictionary;

Tài liệu từ Internet: Electric Law Library’s Legal Lexion on Federal Tort Claims Act;

Tài liẹu từ Internet: Law Enforcement Liability Reporter;

Citizen suits against public servants & state agencies in th USA by Jonh Bently

Prosecution Act 1986, Australia

Victimology and Victim’s Rights, International Workshop papers edited by Prathan Watanavanich, Thammasat University, Thailand;

Victim Right Act 1996, No. 114 of New South Wales;

Victim Compensation Act 1996, No. 115 of New South Wales

Criminal Appeal Act 1912;

Justices Act 1902;

Crimes Act 1900, Điều 250 và Điều 527;

Law of Tort, Australia;

Tài liệu từ Internet: Vụ Quang Be Tran kiện Nữ hoàng (528 FCA ngày 12 tháng 6 năm 1997, DIAL II.

Code de procộdure pộnale - Dalloz 1990

Code pộnale - Dalloz 1992

La justice pộnale dans les droits Canadien et Franỗais

La Convention europộenne des droits de l'homme

Encyclopộdie de Procộdure pộnale - Dalloz 1991

Manuel de Droit pộnale et Procộdure pộnale - Jean Claude Soyer - LGDJ

Terme juridique - Dalloz 1993

24. Конституция Российской Федерации. М: Акалис, 1996

25. Уголовный Кодеск Российской Федерации. Москва 1997

26. Уголовно- процессуальный кодеск РСФСР. Москва 2000

27. А. Власов. Возмещение вреда жертвам преступлений. Законность. No.2/2000

28. А. Эрделевский. Компенсация морального вреда в Европейском суде по правам человека.

29. В. Кандаков. Вседозволенность по Забайкальски. Законность. No.3/2000

30. Т. Гусева. Административная ответственность должностных лиц за нарушение валютного законодательства. Законность. No.7/2000

31. А. Халиков. Возмещение ущерба потерпевшим. Законность. No.9/2000

32. В. Сверчков. Незаконное освобождение от уголовной ответственности. Законность. No.11/2000

33.E.Серова.Расследование злоупотреблений в деятельности правоохранительных органов. Законность. No.1/1999

34. Ю.Синельщиков. Незаконное задержание. Законность. No.2/2000

35. П. Кузнецов. Субъекты должностных преступлений. Законность. No.10/1999

36. Л. А. Морозова. Прблемы прававоѐ отвественности государства, его органов и служащих. Государство и Рраво No3/2000

37. Н. А. Духно, В. И. Ивакин. Пнятие и виды юридическоѐ отвественности

Государство и Рраво No6/2000

38. В. Н. Совин. ОтвественностЬ государственноѐ власти перед обществом

Государство и Рраво No12/2000

 

 

 

File đính kèm downloadTải về