• Thuộc tính
Tên đề tài Pháp luật về sở hữu trí tuệ - Thực trạng và xu hướng phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XXI
Nội dung tóm tắt

Ở Việt Nam hiện nay, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở nên phổ biến do sở hữu trí tuệ được giá trị hoá bởi tác động của kinh tế thị trường. Trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đã trở thành thành viên của các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế như: IMF, ADB, WB, ASEAN, APEC và đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đặt ra nhiều thách thức cho pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong những năm gần đây chúng ta đã ký kết các điều ước quốc tế song phương như Hiệp định về quyền tác giả giữa Chính phủ Việt Nam với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thụy Sỹ, Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tính tương thích, tính hiệu quả và khả năng thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ hiện là mối quan tâm lớn của các nước đối tác. Việc nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đã được nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành, tuy nhiên, các công trình nghiên cứu chỉ đề cập tới một số khía cạnh riêng lẻ của quyền sở hữu trí tuệ dưới các góc độ khác nhau: dân sự, kinh tế hoặc tư pháp quốc tế. Trong bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá tổng thể các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và không ngừng hoàn thiện pháp luật.

Mục tiêu của Đề tài là đưa ra được một bức tranh toàn cảnh về hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để qua đó nhằm đánh giá hiệu quả của pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Đề tài cũng tìm cách xác định xu hướng tổng quát của việc phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ ở nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Cụ thể Đề tài chỉ nhằm vào mục đích xác định xu hướng trước mắt của việc phát triển của pháp luật về sở hữu trí tuệ trong những năm đầu của thế kỷ XXI chứ không có mục tiêu xác định chiến lược phát triển lâu dài của lĩnh vực pháp luật này. Vấn đề chuyển giao công nghệ, thị trường khoa học - công nghệ không thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài.

I. KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Khái niệm sở hữu trí tuệ

Sở hữu là một phạm trù kinh tế mang tính khách quan, xuất hiện và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người. Khác với sở hữu nói chung, sở hữu trí tuệ chỉ ra đời khi kinh tế-xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định và phụ thuộc vào sự nhận thức của con người. Trên thế giới, pháp luật về sở hữu trí tuệ đã manh nha hình thành vào thời kỳ Trung cổ ở các nước châu Âu. Để giải quyết những xung đột về lợi ích giữa các nhóm đối tượng liên quan tới các sản phẩm trí tuệ, năm 1709, Nghị viện Anh đã ban hành Đạo luật Anne ủng hộ việc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của các nhà xuất bản trong một thời hạn nhất định và công nhận một cách tuyệt đối các quyền của tác giả và chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ. Đến năm 1710, Đạo luật Anne có hiệu lực thi hành. Ở Pháp, các tổ chức bảo vệ các quyền của các tác giả đã được thành lập từ năm 1777 với tên gọi là Bureau de législa-tion dramatique. Tổ chức sau này được chuyển đổi thành Hiệp hội tác giả và các nhà soạn kịch (Société des auteurs et compositeurs dramati-ques - SACD), tổ chức đầu tiên giải quyết các vấn đề về quản lý tập thể quyền tác giả.

Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các đối tượng sở hữu công nghiệp không được luật pháp các nước bảo hộ cùng một thời điểm mà nó dần dần được hình thành qua những mốc thời gian khác nhau. Từ thời Trung cổ, theo hình thức “đặc ân” vua chúa ban cho, người tạo ra sáng chế được độc quyền khai thác chính sáng chế do mình tạo ra trong thời hạn nhất định. Đây chính là tiền thân của hệ thống bảo hộ sáng chế. Hình thức "đặc ân" cho nhà sáng chế được áp dụng khá phổ biến ở các nước châu Âu từ thế kỷ thứ XII đến thế kỷ thứ XVI. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XVI, hình thức này tỏ ra bất hợp lý, không còn phù hợp nữa. Năm 1623, Nghị viện Anh thông qua đạo luật về độc quyền theo đó: mọi hình thức độc quyền đều bị xoá bỏ chỉ trừ độc quyền sáng chế, hình thức bảo hộ của Nhà nước đối với sáng chế thông qua việc cấp bằng độc quyền sáng chế (Patent). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên khởi đầu cho hệ thống bằng sáng chế của Anh và các nước Âu - Mỹ khác. Sau đó là các nước Mỹ (1790), Pháp (1791), Bỉ (1854), Italia (1859), Nhật (1855), Nga (1870), Đức (1877),... Hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế còn được áp dụng đối với giải pháp hữu ích (hay mẫu hữu ích), kiểu dáng công nghiệp.

Luật nhãn hiệu hàng hoá đầu tiên trên thế giới được ban hành tại Pháp năm 1857. Sau đó, Italia (1868), Bỉ (1879), Mỹ (1881), Anh (1883), Đức (1894), Nga (1896)... đã ban hành Luật nhãn hiệu hàng hoá trong đó quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hoá thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng bạ nhãn hiệu hàng hoá[1].

Theo định nghĩa tại Điều 2, Công ước Stockholm 1967 về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) "Sở hữu trí tuệ được hiểu rộng hơn và bao gồm các quyền liên quan tới các sản phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; sự trình diễn của các nghệ sĩ, các chương trình phát và truyền thanh, phát và truyền hình; các sáng chế thuộc mọi lĩnh vực; các phát minh khoa học; kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, các tên thương mại và chỉ dẫn thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh và các quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật”.

Theo định nghĩa trên sở hữu trí tuệ được chia thành 2 lĩnh vực: đó là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người được khai thác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thậm chí trong cả lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Pháp luật Việt Nam ghi nhận đối tượng của sở hữu công nghiệp có thể là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác do pháp luật quy định.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ thứ hai là quyền tác giả liên quan đến các sáng tạo trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như các tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, v.v..

2. Vai trò của sở hữu trí tuệ

2.1. Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ

Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm nghệ thuật, v.v.. ra đời là sự khẳng định tài năng, trí tuệ của tác giả trước xã hội. Những lợi ích tinh thần mà tác giả có được khi các sản phẩm trí tuệ được công bố thể hiện thông qua việc được đứng tên tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật, thông qua việc được nhận giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như nhiều quyền nhân thân khác.

Trong xu thế quốc tế hoá, khía cạnh “thương mại” của sở hữu trí tuệ được đặc biệt quan tâm và do vậy, vai trò mang lại nhiều nguồn lợi vật chất cho tác giả, chủ sở hữu khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được sử dụng và đề cập tới ở nhiều góc độ khác nhau. Tác giả có quyền được hưởng nhuận bút hoặc được nhận thù lao khi sản phẩm trí tuệ của mình được sử dụng, chủ sở hữu được quyền khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp và các sản phẩm trí tuệ khác nhằm mục đích sinh lợi, kể cả việc chuyển giao một phần trong toàn bộ quyền sử dụng các đối tượng đó cho người khác, được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ.

2.2. Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quốc gia và quốc tế

Không chỉ là việc khẳng định sự phát triển của trí tuệ nhân loại, sở hữu trí tuệ còn khẳng định trình độ phát triển về kinh tế, văn hoá của mỗi quốc gia, góp phần xác định vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, các đối tượng sở hữu công nghiệp tạo điều kiện cho những chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, cải thiện vị trí của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việc sáng tạo ra các sản phẩm: từ kẹp phơi quần áo đến vi mạch máy tính, từ phần mềm máy tính đến các hình thái cao hơn, v.v.. đều có khả năng mang đến nguồn thu nhập lớn cho các ngành kinh tế, tạo sức tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Đóng vai trò là nội lực của cách mạng khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao (như viễn thông, điện tử, tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ,...). Đây là những ngành kinh tế hứa hẹn lợi nhuận siêu ngạch và đem lại khả năng chi phối kinh tế thế giới.

Một phần khá lớn các nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người được đáp ứng thông qua việc tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do chính con người sáng tạo ra (Đó là bản nhạc, bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh,... hoặc mang tính khoa học như các bài giảng, sách giáo khoa, giáo trình, các công trình nghiên cứu khoa học,...) Các sáng tạo trí tuệ này được con người sử dụng rộng rãi và có vai trò to lớn trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng tình cảm lành mạnh cho con người, có tác động sâu sắc tới việc giáo dục nhân cách con người, giúp con người có những khám phá và hiểu biết mới về văn hoá, khoa học, nghệ thuật, lịch sử của đất nước cũng như của nhân loại. Đồng thời việc tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học còn thể hiện bản sắc dân tộc của mỗi một quốc gia.

Ngày nay, quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế đang diễn ra nhanh chóng với qui mô và tốc độ ngày càng lớn tạo nên nền kinh tế toàn cầu. Tham gia vào quá trình này, sở hữu trí tuệ có vai trò “mở cửa" cho chuyển giao li-xăng, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia và quốc tế hoá trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả nói riêng và trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung.

II. QUYỀN TÁC GIẢ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Tác giả

Điều 745 Bộ luật dân sự đã đưa ra định nghĩa về tác giả và liệt kê từng loại tác giả đối với từng loại hình tác phẩm nhất định. Trước hết, nếu căn cứ vào số lượng người lao động sáng tạo để tạo ra tác phẩm thì tác giả được phân thành hai loại:Tác giả đơn nhất (hưởng toàn bộ các quyền) và đồng tác giả (hưởng các quyền tương ứng với phần tác phẩm do họ sáng tạo ra). Căn cứ vào nguồn gốc của tác phẩm để phân loại tác giả, theo Điều 751 khoản 2, có 2 loại gồm: tác giả là những người tạo ra tác phẩm gốc; Tác giả là những người tạo ra tác phẩm từ tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến (tác giả của tác phẩm phái sinh) bao gồm: tác giả của tác phẩm dịch; tác giả của tác phẩm phóng tác; tác giả của tác phẩm cải biên, chuyển thể; chú giải; tuyển tập, hợp tuyển.

2. Chủ sở hữu tác phẩm

Điều 746 Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu đối với tác phẩm bao gồm: (1) Tác giả của một tác phẩm sẽ đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm đó nếu tác phẩm tạo ra không phải theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Nhiều người tạo ra tác phẩm trong trường hợp này là chủ sở hữu chung đối với tác phẩm do họ cùng tạo ra; (2) Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm, cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả để tác giả tạo ra tác phẩm theo hợp đồng sẽ là chủ sở hữu đối với các tác phẩm; (3) Trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chết, thì người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của tác giả sẽ là chủ sở hữu đối với tác phẩm đó; (4) Các cá nhân hoặc tổ chức được các chủ sở hữu tác phẩm nói trên chuyển giao các quyền của họ đối với tác phẩm theo hợp đồng là chủ sở hữu quyền được chuyển giao.

3. Bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ khi tác phẩm thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Tác phẩm tạo ra phải thể hiện hoạt động sáng tạo của tác giả. Bằng lao động sáng tạo của tác giả thể hiện một sản phẩm trí tuệ một cách độc lập, tạo ra cái mới, tính mới nhưng lại gắn liền với tâm hồn của tác giả. Cá nhân, tổ chức không bằng hoạt động sáng tạo của mình để tạo ra tác phẩm, mà chỉ "hỗ trợ, góp ý kiến, hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả"([2]).

b) Điều kiện về hình thức của tác phẩm: pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của tác giả. Vì vậy, một tác phẩm muốn được bảo hộ phải được thể hiện ra bên ngoài một hình thức nhất định thông qua vật mang tin hoặc thông qua một phương pháp trình bày nào đó. Toàn bộ kết quả lao động sáng tạo của con người phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học thuộc các loại hình được quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự, Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 của Chính phủ.

c) Điều kiện về nội dung: các tác phẩm nói trên sẽ không được bảo hộ nếu có nội dung sau đây: Chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Những tác phẩm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế đối ngoại; Những tác phẩm tiết lộ bí mật đời tư của các cá nhân và các bí mật khác do pháp luật quy định; Ngoài những tác phẩm nêu trên, các tác phẩm xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân cũng không được pháp luật bảo hộ.

Các tác phẩm sau đây do những đặc thù nhất định cần được bảo vệ theo quy định riêng của pháp luật (không áp dụng quy định của Bộ luật dân sự): Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian; Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó; Tin tức thời sự thuần túy đưa tin.

4. Quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành

Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, chủ sở hữu tác phẩm tuỳ theo vị trí của mình đối với tác phẩm có các quyền nhân thân và quyền tài sản sau đây:

4.1. Quyền nhân thân

a) Quyền đặt tên cho tác phẩm. Tác giả có thể đặt cho tác phẩm một cái tên bất kỳ nào đó, thậm chí để vô đề. Theo quy định của các Công ước quốc tế, cũng như luật pháp của hầu hết các nước thì tên của tác phẩm thường gắn liền với nội dung của tác phẩm.

b) Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm. Đối với tác phẩm của mình, tác giả được quyền lựa chọn: hoặc là đứng tên thật, hoặc là đứng tên bút danh, hoặc vừa đứng tên thật vừa đứng tên bút danh. Dù không đứng tên thật nhưng khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng, tác giả vẫn có quyền nêu tên thật, nêu bút danh của mình để hưởng các quyền lợi đối với tác phẩm theo tên thật hoặc bút danh của mình.

c) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm. Nếu người khác sửa đổi bất kỳ một vấn đề gì của tác phẩm mà không có sự đồng ý của chính tác giả làm cho chủ đề tư tưởng, giá trị văn hoá, nghệ thuật, khoa học của tác phẩm bị thay đổi so với ý tưởng sáng tạo của tác giả thì bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và theo đó tác giả có quyền yêu cầu người đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi và hoàn lại sự vẹn toàn tác phẩm, đồng thời phải bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc có thể bị phạt tiền từ 3.000.000-10.000.000 đồng. Trong các văn bản pháp luật về quyền tác giả chưa có một quy định nào xác định rõ về tính "toàn vẹn” của tác phẩm (trường hợp tác phẩm bị người khác huỷ hoại thực tế như đổi, xé một bức tranh hoặc đập phá một tác phẩm điêu khắc, tạo hình).

d) Quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình. Công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng qua một hình thức nhất định như xuất bản, thuyết minh, trình bày, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác. Người nào công bố, phổ biến tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

đ) Quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình. Chủ sở hữu tác phẩm cho hoặc không cho người khác sao chép lại tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dịch, biên soạn, cải biên, chuyển thể tác phẩm. 

4.2. Quyền tài sản

a) Được hưởng nhuận bút. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả khi tác phẩm được sử dụng một trong các hình thức: xuất bản, đăng báo, tạp chí, biểu diễn; điện ảnh, video, phát thanh, truyền hình. Tiền nhuận bút do tác giả và người sử dụng tác phẩm thoả thuận xác định. Đối tượng được hưởng nhuận bút bao gồm: tác giả tác phẩm được xuất bản hoặc đăng trên báo chí; tác giả kịch bản, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ sáng tác, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, người thiết kế ánh sáng đối với tác phẩm được sử dụng dưới hình thức biểu diễn; là tác giả kịch bản văn học, nhạc sĩ sáng tác, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, đạo diễn âm thanh đối với loại hình điện ảnh.

b) Được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng. là việc tác giả hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm của mình khi tác phẩm đó là đơn chiếc, có đặc thù riêng như tranh, ảnh công trình mỹ thuật, tượng đài, điêu khắc tạo hình,... và thường được người khác sử dụng dưới hình thức trưng bày triển lãm,... hoặc khi tác phẩm được dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể. Khoản thù lao này do tác giả và người sử dụng tác phẩm xác định theo thoả thuận.    

c) Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức: xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, thuê. Theo Bộ luật dân sự 1995 thì quyền này thuộc về chủ sở hữu tác phẩm, tác giả chỉ có quyền này trong trường hợp họ đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm.

d) Nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả, trừ trường hợp tác phẩm không được nhà nước bảo hộ

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Các quyền nhân thân gắn liền với tác giả (quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn; Các quyền nhân thân khác (công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình) và các quyền tài sản được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn 50 năm được xác định theo từng trường hợp cụ thể. 

6. Thực thi pháp luật về quyền tác giả

Trong thực tế, hành vi vi phạm quyền tác giả rất đa dạng, phức tạp và xảy ra thường xuyên với nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính, thông qua việc xử phạt, hoặc tịch thu tang vật của các cơ quan như: Thanh tra Bộ Văn hoá thông tin, cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế. Một số vụ được các cơ quan này chuyển hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền khởi tố và xét xử hình sự, nhưng thường đó là những vụ buôn bán, lưu hành văn hoá phẩm đồi truỵ,... Việc xâm phạm quyền tác giả trên thực tế chưa bị khởi tố hình sự.

Các hành vi vi phạm đối với tác phẩm âm nhạc, điện ảnh nhiều, nhưng phần lớn các tác giả của các tác phẩm nói trên chỉ biết buồn cho các tác phẩm của mình bị vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này là các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa tin vào sự bảo vệ của công lý. Thời gian xét xử một vụ việc quá dài, việc chứng minh những thiệt hại về tinh thần trước toà là rất khó.

Về tác phẩm viết, theo thống kê của Bộ Văn hóa thông tin, chỉ trong một năm (1999) đã có gần 10.000 tấn sách và 16.000 đầu sách in lậu được tung ra thị trường. Theo số liệu công an TP. Hà Nội đã có hàng chục vụ in lậu sách bị phát hiện. Ở TP. Hồ Chí Minh, nạn in lậu sách giáo khoa còn phức tạp hơn nhiều. Với 2.500 cơ sở in tại thành phố, các cơ quan chức năng khó mà quản lý được lượng sách được in ra tại khu vực này.

Về phần mềm máy tính, đa số các sản phẩm phần mềm của các công ty phần mềm đều bị sử dụng bất hợp pháp bởi các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam. Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới cũng có tình trạng vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm là phần mềm máy tính mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

7. Một số bất cập trong quy định của pháp luật quyền tác giả và hướng hoàn thiện

7.1. Việc xác định đâu là quyền kinh tế và đâu là quyền về tinh thần - quyền nhân thân còn chưa phù hợp với pháp luật quốc tế (Công ước Berne), cũng như chưa phù hợp với bản chất của các quyền này. Đây là điểm bất cập xuyên suốt toàn bộ các quy định của Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả.

a) Việc coi "đặt tên cho tác phẩm" là một trong các quyền nhân thân của tác giả dẫn đến sự thiếu thống nhất trong các quy định của Bộ luật dân sự. Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, pháp luật dân sự nước ta không nên tách việc đặt tên cho tác phẩm là một quyền nhân thân riêng biệt.

b) Về khái niệm "công bố, phổ biến tác phẩm": quy định tại Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 đã đánh đồng hai khái niệm công bốphổ biến. Hơn thế, cách giải thích trong quy định còn chưa chính xác so với các quy định trong các điều ước quốc tế đa phương. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm chỉ thực hiện quyền công bố tác phẩm một lần, nhưng có thể phổ biến tác phẩm của mình nhiều lần trước công chúng. Khi tác phẩm được sáng tạo ra và được công bố trước công chúng, thì nếu có người khác lại đem tác phẩm của tác giả ra xuất bản, bán mà không xin phép tác giả, không trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả thì không phải là họ đã vi phạm quyền công bố tác phẩm của tác giả mà vi phạm vào quyền được hưởng nhuận bút hoặc thù lao khi sử dụng tác phẩm của tác giả. Việc phổ biến tác phẩm cũng có thể được thể hiện ở việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Quyền này gắn bó chặt chẽ với các quyền tài sản của tác giả. Hình thức phổ biến tác phẩm đã được thể hiện ở Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996. Nếu tiếp cận như vậy thì quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm theo pháp luật Việt Nam sẽ phù hợp hơn với những quy định về quyền nhân thân trong Công ước Berne.

7.2. Điểm c Khoản 2 Điều 745 Bộ luật dân sự chỉ quy định tác giả của tác phẩm biên soạn, chú giải, tuyển chọn nhưng khi liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ tại Điểm n Khoản 1 Điều 747 lại có tác phẩm "tuyển tập, hợp tuyển" mà không có loại hình tác phẩm "tuyển chọn". Như vậy giữa Điểm c Khoản 2 Điều 745 với qui định viện dẫn trên của Nghị định 76/CP đã có sự thiếu nhất quán.

7.3. Điều 747 Bộ luật dân sự quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ rất dài dòng, trùng lắp, thiếu tiêu chí phân loại. Thêm vào đó việc giải thích cụ thể các đối tượng được bảo hộ tại Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29/11/1996 cũng chưa làm rõ thêm các quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự. Để tránh trùng lặp, theo chúng tôi, dựa vào hình thức thể hiện của tác phẩm nên quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm: Tác phẩm viết; Tác phẩm bằng lời nói (các bài phát biểu, bài giảng); Tác phẩm điện ảnh; Tác phẩm phát thanh, truyền hình; Tác phẩm kiến trúc; Tác phẩm tạo hình; Tác phẩm nhiếp ảnh; Phần mềm máy tính; Các tác phẩm khác do pháp luật quy định.

7.4. Theo quy định tại Điều 748, về các đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật bao gồm các đối tượng sau: Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian; văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó; tin tức thời sự thuần tuý đưa tin. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có một văn bản nào quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

7.5. Việc bảo hộ sản phẩm phần mềm quy định tại Bộ luật dân sự và Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa đối phó được thực trạng vi phạm quyền tác giả đối với các sản phẩm phần mềm tại Việt Nam. Vấn đề là làm sao để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp, khi việc này tuy diễn ra phổ biến nhưng lại không có cơ quan nào có đầy đủ thẩm quyền và điều kiện giám sát, thực thi.

7.6. Bằng quy định về quyền tác giả (Điều 745), về chủ sở hữu tác phẩm (Điều 746), Bộ luật dân sự đã thừa nhận các loại tác giả khác nhau. Trong đó, các tác giả tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng là tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm. Quyền của tác giả loại này đã được xác định theo Điều 752 Bộ luật dân sự. Vì vậy theo chúng tôi, để tránh trùng lặp, cần bỏ Điều 756 Bộ luật dân sự.

7.7. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 757, khi dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác giả của tác phẩm dịch không phải xin phép tác giả tác phẩm gốc. Tuy nhiên, theo quy định quy định tại Điều 760, 761 Bộ luật dân sự thì chỉ có dịch, phổ biến tác phẩm từ ngôn ngữ tiếng Việt ra tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại mới không phải xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả. Hơn nữa quy định này của Bộ luật dân sự không phù hợp với quy định của Công ước Berne. Theo nhóm nghiên cứu, để khắc phục nhược điểm này cần sửa đổi Khoản 2 Điều 757 Bộ luật dân sự theo hướng quy định cụ thể nghĩa vụ bắt buộc đối với tác giả của tác phẩm dịch phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc, tương ứng với Khoản 1 Điều này.

7.8. Giới hạn quyền tác giả quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự, Điều 12 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996, theo đó, việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả dựa trên một số căn cứ sau: tác phẩm đã công bố; tác phẩm không bị cấm sao chép; không nhằm mục đích kinh doanh; không xâm phạm tới việc sử dụng bình thường tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Quy định trên, xét ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp, chỉ được hiểu đúng từ những luật sư chuyên nghiệp. Đối với đa số mọi người thì khó có thể xác định được là việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và trả thù lao cho tác giả có thể thực hiện với một trong 4 điều kiện trên hay chỉ khi hội tụ đủ 4 điều kiện trên. Hơn nữa, rất khó có thể xác định được mục đích kinh doanh hay không kinh doanh của việc dịch tác phẩm, rất khó chứng minh được có hay không có việc tác giả sử dụng bình thường tác phẩm của mình khi tác phẩm bị dịch hay bị sao chép. Vì vậy, việc vi phạm quyền tác giả ở góc độ nào đó vẫn có thể biện minh dễ dàng bằng cách lách giữa khe hở các qui định này. Bên cạnh đó, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin được ra đời quá muộn (sau 6 năm kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành). Mặc dù đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 11/7/2001) nhưng cho đến nay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để bảo hộ quyền tác giả cũng chưa được thực hiện trong thực tế.

7.9. Theo Khoản 5 Điều 766 Bộ luật dân sự và Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996, Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 thì "tác phẩm khuyết danh” và "tác phẩm không rõ tác giả" đều dùng để chỉ trường hợp tại thời điểm công bố tác phẩm chưa rõ tác giả của tác phẩm là ai. Như vậy trong Bộ luật dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không cần phân biệt hai khái niệm này.

7.10. Theo Điều 31 Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 "Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả thuộc lĩnh vực khoa học, kể cả phần mềm máy tính, trong đó có hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, phần mềm máy tính trước khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục bản quyền tác giả". song đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các tác phẩm đó. Theo nhóm nghiên cứu, yêu cầu người xin bảo hộ tự chứng minh tính xác thực của tác phẩm mà mình xin bảo hộ.

7.11. Theo quy định của Bộ luật dân sự, nếu tác phẩm đã được công bố, người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình không phải xin phép hoặc thỏa thuận với tác giả nhưng phải trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng hướng dẫn tại Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 lại áp dụng với cả trường hợp tác phẩm đã công bố và tác phẩm chưa được công bố, như vậy là sai so với tinh thần của Bộ luật dân sự, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

7.12. Về chế độ nhuận bút và thù lao của tác giả. Theo quy định tại Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 thì nhuận bút hoặc thù lao của tác giả được xác định theo hợp đồng giữa tác giả đối với cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, đối với tác phẩm được xuất bản thì chế độ hưởng nhuận bút theo quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành từ những năm 1989, 1990, 1991 (cách đây hơn mười năm) là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Do đó cần phải có văn bản mới quy định về cách tính nhuận bút, hoặc thù lao cho tác giả, có như vậy mới khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm trí tuệ.

7.13. Cần xác định quyền của người là chủ sở hữu tác phẩm nhưng không đồng thời là tác giả để lại thừa kế các quyền liên quan đến tác phẩm. Chủ sở hữu tác phẩm, dù không phải là tác giả, là người có một số quyền từ tác phẩm mà mình là chủ sở hữu nên người thừa kế của họ cũng phải được hưởng thừa kế các quyền này nếu chủ sở hữu tác phẩm chết.

III. QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1.  Đối tượng sở hữu công nghiệp

Căn cứ vào tính chất, mục đích của kết quả hoạt động sáng tạo, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể chia thành hai nhóm:

- Nhóm các sản phẩm mang tính sáng tạo kỹ thuật bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Đây là nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp mang tính sáng tạo mà khi áp dụng sẽ mang lại hiệu quả to lớn làm thay đổi và nâng cao chất lượng của sản phẩm, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nhà sản xuất và xã hội.

- Nhóm các sản phẩm là công cụ hướng dẫn và xúc tiến thương mại bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhóm đối tượng này chủ yếu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong kinh doanh, khả năng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các thông tin cho khách hàng của nhà sản xuất.

1.1. Sáng chế

Theo Điều 782 Bộ luật Dân sự thì tiêu chuẩn để một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế khi giải pháp đó mới so với trình độ thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

1.2. Giải pháp hữu ích

Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật đáp ứng hai điều kiện: mới so với trình độ thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội (không cần đáp ứng điều kiện có trình độ sáng tạo như giải pháp kỹ thuật được công nhận là sáng chế). Thực tế người nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế có thể chuyển đổi đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế thành đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích. Có quan điểm cho rằng sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất cũng là một trong các đối tượng của sở hữu công nghiệp. Theo nhóm nghiên cứu quan điểm này chưa thật chính xác vì nó chưa đáp ứng được điều kiện đầu tiên như đối với giải pháp hữu ích là “là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật thế giới”.

1.3. Kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại Bộ luật dân sự thì “kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, mằu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.

1.4. Nhãn hiệu hàng hoá

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì “Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc”. Uy tín hàng hoá, dịch vụ của nhà sản xuất tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hoá, sự nổi tiếng của nhà sản xuất. Vì vậy nhãn hiệu hàng hoá được coi là tài sản của chủ nhãn hiệu hàng hoá.

1.5. Tên gọi xuất xứ hàng hoá

Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ mặt hàng của nước, địa phương đó với điều kiện mặt hàng có tính chất đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm các yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó (Bộ luật dân sự). Phần lớn tên gọi xuất xứ hàng hoá gắn với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên con người tạo ra sản phẩm đó có thể có những bí quyết mà chỉ có người ở địa phương đó mới có được. Bởi vậy nếu người ở nơi đó dịch chuyển cơ sở sản xuất đến nơi khác thì không thể sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá tại nơi cũ. Như vậy, yếu tố địa lý là điều kiện đầu tiên, quyết định vị thế của sản phẩm trên thị trường. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 thì nếu nước, địa ph­ương nói trên không phải là Việt Nam hoặc không thuộc về Việt Nam, tên gọi xuất xứ hàng hoá t­ương ứng chỉ đư­ợc xem xét bảo hộ tại Việt Nam nếu đang đư­ợc bảo hộ tại nư­ớc mang tên hoặc có địa ph­ương mang tên đó.

1.6. Các đối tượng khác

a) Bí mật kinh doanh, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 thì bí mật kinh doanh được bảo hộ là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin có đủ các điều kiện sau đây: không phải là hiểu biết thông thường; có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó; được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Ở các nước người ta sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ bí mật kinh doanh như bí mật thương mại, thông tin bí mật,... Ở nước ta chưa có định nghĩa cụ thể nào về bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh tạm được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là các bí mật công nghiệp như các phương pháp sản xuất, công thức hóa học, các bản thiết kế,... Đây là các thành quả đầu tư dưới dạng thông tin chưa thể bảo hộ theo sáng chế hoặc giải pháp hữu ích vì chưa đáp ứng được điều kiện đầu tiên là tính mới. Loại bí mật kinh doanh thứ hai là những bí mật mang tính chất thương mại thuần túy như các phương pháp bán hàng, phương pháp phân phối sản phẩm, các chiến lược quảng cáo, cách thức ký kết hợp đồng.

b) Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia; thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Chỉ dẫn địa lý có nhiều điểm giống với tên gọi xuất xứ hàng hoá trong trường hợp chỉ dẫn hàng hoá chỉ có tên quốc gia, địa phương với tư cách là yếu tố địa lý tạo nên giá trị đặc trưng của hàng hoá. Còn chỉ dẫn địa lý thông thường được thể hiện dưới dạng dấu hiệu biểu tượng, hình ảnh dùng để chỉ địa phương, vùng lãnh thổ thuộc quốc gia. Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam là phù hợp với  Khoản 1 Điều 22 của Hiệp định TRIPS.

c) Tên thương mại, theo quy định tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được; Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

Tên thương mại không trùng với nhãn hiệu hàng hóa, thể hiện ở việc tên thương mại được sử dụng với chức năng cá thể hóa chủ thể kinh doanh; tên thương mại chỉ gồm các ký tự có thể phát âm được mà không phụ thuộc vào cách thể hiện và màu sắc của các ký tự đó.

d) Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, Điều 24 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp bao gồm:

- Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, nhằm mục đích: lợi dụng uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình; làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình; gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ,... cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động kinh doanh.

- Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được người đó cho phép.

đ) Bảo hộ giống cây trồng, theo Điều 4 Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/4/2001 các giống cây trồng mới muốn đư­ợc bảo hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: giống cây trồng mới phải thuộc các chi, loài cây trồng trong danh mục đ­ược bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố; giống cây trồng mới phải có tính khác biệt; giống cây trồng mới phải có tính đồng nhất; giống cây trồng mới phải có tính ổn định; giống cây trồng mới phải có tính mới về mặt thư­ơng mại; giống cây trồng mới phải có tên gọi phù hợp, có thể dễ dàng phân biệt đ­ược với tên của các giống cây trồng khác được biết đến một cách rộng rãi trong cùng loài (Nghị định còn quy định các kiểu đặt tên d­ưới đây không đ­ược Nhà n­ước chấp nhận).

2. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Cụ thể: Văn bằng bảo hộ sáng chế là: bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ; Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích là: bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ; văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là: bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, có thể được gia hạn 2 lần, mỗi lần 5 năm; văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là: giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm; văn bằng bảo hộ tên gọi, xuất xứ hàng hoá là: giấy chứng nhận sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp; văn bằng bảo hộ giống cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Thời hạn bảo hộ đối với giống cây trồng mới là 20 năm; đối với giống cây thân gỗ là 25 năm, kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ.

Các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập và bảo hộ bằng sự kiện thực tế (ngay khi và trong thời gian các đối tượng sở hữu được hình thành) là bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Các quyền của chủ sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi các đối tượng sở hữu công nghiệp đó còn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Đề tài phân tích cụ thể thủ tục, trình tự xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa; Trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng.

3. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp

3.1. Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

* Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, giống cây trồng bao gồm: tác giả, đồng tác giả đã tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mới bằng chi phí và sức lao động của mình mà không lệ thuộc vào kinh phí và nhiệm vụ người khác giao cho (trường hợp này tác giả đồng thời là chủ sở hữu công nghiệp); cá nhân, tổ chức ký kết hợp đồng thuê nghiên cứu, triển khai khoa học- kỹ thuật, hoặc tạo ra giống cây trồng mới với tác giả; người lao động tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp theo nhiệm vụ được giao, thì cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ là chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp đó; cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác được chuyển giao một cách hợp pháp quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua hợp đồng hoặc được để lại thừa kế; chủ sở hữu đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá theo Thoả ước Madrid đã được chấp nhận bảo hộ ở Việt Nam.

* Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ là chủ sử dụng chứ không phải là chủ sở hữu tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

* Đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp là bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp: Chủ sở hữu đối với bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân đã đầu tư để tạo ra hoặc có được thành quả đầu tư là bí mật kinh doanh. Trường hợp bí mật kinh doanh được bên làm thuê, bên thực hiện hợp đồng tạo ra hoặc có được trong khi thực hiện công việc được giao thì bí mật kinh doanh đó thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên liên quan có thoả thuận khác;  Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hoá do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hoá đó; Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó và được bảo hộ khi chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

3.2. Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

a) Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, chủ sở hữu có các quyền sau đây: độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại; chủ sở hữu là cá nhân có thể được để thừa kế quyền sở hữu cho người khác.

b) Người có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá có các quyền sau đây: sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm của mình; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người sử dụng bất hợp pháp tên gọi xuất xứ hàng hoá phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp đó và bồi thường thiệt hại.

c) Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp:

Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá tương ứng. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao.

Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại có quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh; có quyền chuyển giao tên thương mại theo hợp đồng hoặc thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

d) Đối với giống cây trồng mới, chủ sở hữu có quyền: tự mình khai thác hoặc chuyển giao quyền khai thác giống cây trồng mới; cho phép sử dụng hay không cho phép sử dụng vật liệu nhân của giống đ­ược bảo hộ, sản phẩm thu hoạch nhận đ­ược từ việc gieo trồng vật liệu nhân của giống được bảo hộ trong một số hoạt động; yêu cầu tổ chức, cá nhân khác bồi thường thiệt hại do việc thực hiện các hành vi liên quan đến vật liệu nhân và sản phẩm thu hoạch của giống cây đư­ợc bảo hộ mà chư­a được phép của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ; thừa kế, chuyển nh­ượng quyền sở hữu văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu người xâm phạm bồi thường thiệt hại. Pháp luật cũng quy định các trường hợp chủ sở hữu văn bằng bảo hộ giống cây trồng không có quyền được bảo hộ.

3.3. Nghĩa vụ của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

a) Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có các nghĩa vụ sau đây: trả thù lao cho tác giả trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu; nộp lệ phí duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ; sử dụng hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

b) Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có các nghĩa vụ sau: trực tiếp duy trì hoặc ủy quyền cho ng­ười khác duy trì vật liệu nhân của giống được bảo hộ và cung cấp vật liệu nhân đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để l­ưu giữ quỹ gen, làm mẫu chuẩn và gieo trồng để kiểm tra tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống được bảo hộ; chủ sở hữu văn bằng bảo hộ là tổ chức, cá nhân Việt Nam phải trả thù lao cho tác giả của giống cây trồng; nộp lệ phí khi nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định về hình thức và nội dung hồ sơ để cấp Văn bằng bảo hộ và nộp phí hàng năm kể từ năm được cấp Văn bằng bảo hộ để duy trì hiệu lực của văn bằng đó; có quyền chuyển như­ợng quyền sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới cho tổ chức, cá nhân n­ước ngoài khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.4. Quyền của tác giả sáng tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp

Quyền được ghi tên vào văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới; nhận thù lao khi các đối tượng sở hữu công nghiệp được sử dụng, nếu chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác; yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình. Riêng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác giả còn có quyền nhận giải thưởng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp mà mình là tác giả. Tác giả giống cây trồng mới có nghĩa vụ giúp chủ sở hữu văn bằng bảo hộ thực hiện nghĩa vụ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng mới được bảo hộ.

4. Thực trạng của việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam

Việc thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp trên thực tế chưa đạt hiệu quả. Việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp diễn ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu là vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp của hàng trong nước và hàng nước ngoài. Người vi phạm không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm hoặc trách nhiệm không tương xứng với hành vi đã vi phạm. Phần lớn các vụ án về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là tội làm hàng giả và buôn bán hàng giả. Người xâm phạm chỉ bị xét xử về hình sự, còn bồi thường về dân sự cho người bị xâm phạm ít được chú ý đến do chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để tính toán thiệt hại. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho những nhà sản xuất chân chính về kinh tế cũng như về uy tín của nhà sản xuất. Hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương, phần lớn có quy mô nhỏ. Phương tiện sản xuất thô sơ đơn giản, tổ chức sản xuất không thường xuyên, không liên tục, thường là theo thời vụ, khi thấy thị trường khan hiếm, tiêu thụ dễ có lãi mới tổ chức sản xuất để che dấu hành vi vi phạm và dễ dàng phi tang.

5. Những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp

5.1. Các quy phạm pháp luật nội dung chưa hoàn chỉnh

Các quy phạm pháp luật nội dung chưa hoàn chỉnh chủ yếu đề cập tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà không đề cập tới khía cạnh thực thi việc bảo hộ. Về nội dung, các quy định trong Bộ luật dân sự về sở hữu công nghiệp là phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập hoặc chuẩn bị gia nhập, đó là Công ước Paris năm 1967 và Hiệp định TRIPS về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ có liên quan tới thương mại (năm 1995). Tuy nhiên, các quy định này còn thiếu so với các điều ước trên. Điều đó thể hiện ở các điểm sau đây:

a) Các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ chưa đầy đủ: thiếu Nhãn hiệu dịch vụ (theo Công ước Paris); Thiết kế bố trí mạch tích hợp (Theo Hiệp định TRIPS). Thêm vào đó, theo quy định của Điều ước của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ những giống cây trồng mới (viết tắt là UPOV), còn một đối tượng nữa cũng thuộc đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đó là giống cây trồng.

b) Chủ thể của các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ: là cá nhân, pháp nhân là chưa hợp lý, thiếu thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự và quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bởi vì, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp có thể là các tổ chức không phải là pháp nhân.

c) Về thời hạn bảo hộ và thời điểm phát sinh các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa chưa phù hợp. Điều đó thể hiện: thời điểm phát sinh quyền sở hữu công nghiệp là thời điểm Văn bằng bảo hộ có hiệu lực. Trong khi đó, theo tinh thần của Hiệp định TRIPS, thời điểm phát sinh là thời điểm nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ. Hơn thế, thời điểm xác định quyền ưu tiên, theo quy định của Bộ luật dân sự được tính từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ (Điều 790), theo quy định của Công ước Paris, thời điểm này được xác định căn cứ vào ngày nộp đơn yêu cầu. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp, thời điểm xác định thời hạn bảo hộ được tính từ ngày đối tượng này được đưa vào sử dụng nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên hoặc được tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

d) Theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là một đối tượng được bảo hộ. Tuy nhiên, theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000, chỉ dẫn địa lý cũng là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Từ các quy định trên dẫn tới sự chồng chéo. Bởi vì, xét về bản chất, chỉ dẫn địa lý bao gồm hai yếu tố là chỉ dẫn nguồn gốc và tên gọi xuất xứ hàng hoá. Như vậy việc bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đã bao hàm bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa.

đ) Theo Khoản a Điều 793 Bộ luật dân sự, hiệu lực của Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ do chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không nộp lệ phí duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ đúng thời hạn. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không quy định việc phục hồi hiệu lực của Văn bằng bảo hộ sau khi nghĩa vụ trên đã được thực hiện. Trong khi đó, theo quy định của Công ước Paris, tại Khoản 2, Điều 5bis, "các nước thành viên Liên Hiệp được quyền quy định việc phục hồi Văn bằng bảo hộ trong trường hợp bị mất hiệu lực vì không nộp lệ phí". Hạn chế trên cần được khắc phục trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự.

e) Sự chênh lệch giữa mức phí, lệ phí sở hữu công nghiệp giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài quá cao cũng là một điểm bất hợp lý, chưa tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân và doanh nghiệp (được quy định tại Điểm 2 và Điểm 3, Mục II Thông tư số 23/TC/TCT ngày 9/5/1997 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp).

f) Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/4/ 2001 về bảo hộ giống cây trồng mới được ban hành nhưng còn thiếu các quy định về khảo nghiệm giống cây trồng mới.

g) Các qui định về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật hiện hành còn chưa rõ ràng. Với các qui định hiện có, khó có thể xác định được cần bảo hộ như thế nào đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

5.2. Các quy định pháp luật về thực thi quyền sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể:

- Chưa quy định tổng quát cấu thành của một hành vi vi phạm mà chỉ nêu các hành vi cụ thể, điều đó tạo ra những khuôn mẫu cứng nhắc trong quá trình xử lý vi phạm.

- Việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện quyền và thủ tục xin cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn đại diện sở hữu công nghiệp có áp dụng biện pháp tịch thu văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, không quy định cụ thể thủ tục tịch thu như thế nào, có kèm theo Quyết định đình chỉ hay huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ hay không? có xoá bỏ tên tại Đăng bạ quốc gia hay không? Nếu không có thủ tục này thì đương nhiên, việc tịch thu Văn bằng bảo hộ là hoàn toàn vô nghĩa.

- Về hình thức xử phạt, theo quy định, trường hợp vô ý vi phạm, vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ thì sẽ áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, không có văn bản pháp luật nào xác định rõ ràng thế nào là vi phạm nhỏ, cán bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ tùy từng trường hợp mà xác định. Hậu quả là sẽ tạo nên việc xử lý vi phạm không thống nhất, tùy tiện. Theo nhóm nghiên cứu, cần định lượng yếu tố này nhằm góp phần nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xử lý vi phạm, thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

Hơn thế, trong trường hợp mức thiệt hại về vật chất có giá trị đến 1 triệu đồng mà các bên không tự thoả thuận được thì cơ quan hành chính (người có thẩm quyền xử phạt) quyết định, còn trong trường hợp mức thiệt hại trên 1 triệu đồng thì người có thẩm quyền hướng dẫn các bên giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự. Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, việc quy định như trên là không hợp lý. Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn cần xác định lại phạm vi điều chỉnh nhằm tạo ra sự minh bạch trong quá trình thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

- Các hành vi vi phạm quy định về bảo hộ sở hữu công nghiệp([3]) đều không gắn với các hàng hoá cùng loại, nhóm nghiên cứu cho rằng việc đưa ra biện pháp phòng ngừa trên là tương đối rộng.

- Theo Nghị định nêu trên, thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan: Uỷ ban nhân dân, Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, và trách nhiệm Cục Sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trong cả Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT đều không quy định rõ ràng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trên, gây ra tình trạng chồng chéo về thẩm quyền xử lý, theo nhóm nghiên cứu, cơ quan có thẩm quyền cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp. Ngoài ra trong phần các biện pháp xử lý không đưa ra biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng trong phần thủ tục lại quy định về thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Từ đó phát sinh vấn đề là, trong trường hợp nào áp dụng biện pháp tạm giữ và áp dụng đối với những hành vi nào?

Tóm lại, quy định trong Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 và Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3/5/2000 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 49/2001/ TT-BKHCNMT ngày 14/9/2001) vẫn mang tính liệt kê, thiếu khái quát, cơ chế giải quyết vẫn chưa rõ ràng. Thực trạng này làm cho các quy phạm thực định dễ trở nên lạc hậu so với diễn biến trên thực tế. Yếu điểm trên cần được các cơ quan có thẩm quyền khắc phục. Ngoài ra, về việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp theo thủ tục dân sự và trong lĩnh vực hình sự, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết. Thực trạng này dẫn tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các đối tượng chưa được đảm bảo một cách thoả đáng, việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự của các chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để hiện thực hoá, làm giảm hiệu quả bảo hộ thực thi quyền sở hữu công nghiệp thông qua hệ thống tòa án.

IV. CÁC ĐỊNH CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÁC LẬP VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG

1. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền tác giả và hiệu quả hoạt động của chúng

a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả là Cục bản quyền trực thuộc Bộ Văn hoá thông tin.

b) Các cơ quan quản lý và cơ quan giải quyết tranh chấp về bảo hộ quyền tác giả:

- Bộ Văn hóa thông tin chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, xây dựng các chính sách về bảo hộ quyền tác giả, ban hành các văn bản pháp quy, thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm quyền tác giả theo thẩm quyền.

- Cục bản quyền có trách nhiệm giúp Bộ Văn hóa thông tin thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, có nhiệm vụ: soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định, văn bản pháp quy để thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả; đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền tác giả, giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền; hướng dẫn các Sở Văn hoá thông tin trong việc quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả ở các địa phương;

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương. Sở Văn hoá thông tin trực tiếp hướng dẫn cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ quyền tác giả và giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả ở địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình. Để giúp cho Sở Văn hoá thông tin thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả. Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin có quyền quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.

Ngoài các cơ quan chuyên ngành thực hiện bảo hộ quyền tác giả, các cơ quan quản lý thị trường, lực lượng biên phòng, hải quan có quyền xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong kinh doanh, xuất nhập khẩu phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, tranh, ảnh, lịch,...

Trường hợp thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin đã giải quyết tranh chấp về quyền tác giả mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của thanh tra thì có quyền khiếu kiện, yêu cầu toà án xét xử.

2. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và hiệu quả hoạt động của chúng

a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Những đối tượng sau đây được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trên cơ sở giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá; bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giải quyết tranh chấp về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp và thống nhất quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong phạm vi cả nước.

Cục sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp cấp Văn bằng bảo hộ cho cá nhân, tổ chức, thực hiện các thủ tục đình chỉ, huỷ bỏ, gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở.

Cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức chỉ đạo và quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành và địa phương. Cơ quan quản lý khoa học công nghệ và môi trường của ngành, địa phương giúp lãnh đạo ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành, địa phương.

Các Bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Tổng cục hải quan trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ đạo và quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành mình quản lý.

Các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan cảnh sát, hải quan và quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp theo quy định tại các Điều 11, 12 của Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999.

Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các cá nhân, tổ chức được thực hiện thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, và qua việc giải quyết tranh chấp chủ yếu tại toà án.

Khi phát hiện thấy có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành về sở hữu công nghiệp thuộc Sở hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc yêu cầu toà án xét xử.

V. SỰ TƯƠNG THÍCH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

1. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của Hiệp định bản quyền Việt - Mỹ và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

a. Những đối tượng chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ: Thiết kế bố trí mạch tích hợp (còn gọi là con chíp); Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá. Việc bảo hộ đối tượng này được quy định tại Điều 5 Chương II Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, theo đó các vi phạm nghiêm trọng phải bị xử lý thích hợp bằng các biện pháp chế tài dân sự và hình sự. Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 không có loại tội phạm nào liên quan đến vấn đề này và trong hệ thống pháp luật của Việt nam cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể việc bảo hộ đối tượng này.

b. Những vấn đề đã được pháp luật Việt Nam quy định, nhưng nội dung còn chưa phù hợp: Trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm có được quy định song chưa đủ cụ thể và chi tiết để bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm, không có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về bảo hộ chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu. Trong thời gian tới, cần sửa Nghị định 76/CP để quy định việc bảo hộ sưu tập dữ liệu, đồng thời ban hành Nghị định quyền tác giả đối với chương trình máy tính.

Hiện nay, một số quy định trong pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu của Công ước Bern. Chẳng hạn: Quy định về đối tượng bảo hộ theo quy định riêng (khoản 3 Điều 748 Bộ luật dân sự) là “tin tức thời sự thuần tuý đưa tin” không phù hợp với quy định của Công ước Bern năm 1886 (không bảo hộ).

- Khái niệm “công bố tác phẩm” (là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, và các hình thức biểu diễn khác) không phù hợp với Điều 3 Khoản 3 Công ước Bern (không coi các hình thức trên là công bố).

- Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm, theo Hiệp định nếu không căn cứ theo đời người thì thời hạn đó ít nhất là 75 năm, trong khi Bộ luật Dân sự quy định là 50 năm.

- Pháp luật Việt Nam không có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về thời hạn bảo hộ người biểu diễn; quy định về quyền ghi và truyền tới công chúng các chương trình phát thanh truyền hình; quy định về quyền cho thuê bản ghi âm; quy định về quyền truyền tới công chúng chương trình biểu diễn các tác phẩm, nhạc kịch, âm nhạc. Trong thời gian tới, chúng ta cần sửa Nghị định 76/CP và Bộ luật Dân sự theo hướng đáp ứng yêu cầu của Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Hiệp định và Công ước Bern.

c) Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ quy định các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các biện pháp tạm thời, chế tài dân sự, chế tài hình sự và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới (Chương II, Điều 11). Do đó, pháp luật Việt Nam cần bổ sung như sau:

- Các biện pháp tạm thời: khi soạn thảo Bộ luật tố tụng dân sự Việt Nam, cần quy định việc ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời của cơ quan có thẩm quyền theo tinh thần của Hiệp định là: theo yêu cầu của nguyên đơn không cần nghe ý kiến của bị đơn, chứ không phải sau khi đã thụ lý vụ án như quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. 

- Đối với các biện pháp dân sự, Việt Nam sẽ phải ban hành những quy định pháp luật để toà án có quyền áp dụng những biện pháp dân sự sau đây: buộc bên kia phải cung cấp chứng cứ, ngay cả nếu đó là chứng cứ theo phỏng đoán; ra bản án theo đề nghị của một bên vì bên kia không cung cấp được các bằng chứng đầy đủ cho vụ án; áp dụng yêu cầu bồi thường cho một bên; xác định thiệt hại mà không cần tính chính xác khối lượng thiệt hại (trong trường hợp vi phạm quyền tác giả).

- Đối với biện pháp hình sự, Việt Nam sẽ phải thay đổi mức chế tài đối với tội phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, mức chế tài hiện nay là quá nhẹ.

- Đối với biện pháp thực thi tại biên giới, trong thời gian tới, chúng ta cần ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới và thủ tục xử lý các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới theo tinh thần Hiệp định.

Về yêu cầu của Hiệp định liên quan đến bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần: ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự và hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ban hành Nghị định về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; ban hành Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát thị trường và thủ tục xử lý các vi phạm về quyền sở hưũ công nghiệp trong hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; và hướng dẫn xét xử các vụ án liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; ban hành Nghị định tương tự như trên đối với vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan; xem xét sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính, theo yêu cầu của Hiệp định về việc quy định cho mỗi bên phải bảo đảm các quyết định hành chính cuối cùng có cơ hôị được xem xét lại tại các cơ quan tư pháp.

d) Xem xét việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương theo yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

Đó là các điều ước sau đây: Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm. Lộ trình: 30 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-6-2004; Công ước Bern năm 1971 về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật. Lộ trình: 24 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-12-2003; Công ước UPOV. Lộ trình: 24 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-12-2003; Công ước Bruxelles năm 1974 về bảo hộ tín hiệu vệ tinh. Lộ trình: 30 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-6-2004; Công ước Paris năm 1967 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Trong số 5 Công ước này, Việt Nam mới chỉ là thành viên của Công ước Paris năm 1967. Về Công ước Geneva năm 1971 và Công ước Bern năm 1971: mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của các Công ước này, nhưng về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các Công ước nói trên. Trong thời gian tới, chúng ta cần xúc tiến các thủ tục gia nhập và hoàn thiện các quy định pháp luật theo các nguyên tắc và nội dung của các Công ước trên, đặc biệt lưu ý việc bổ sung Bộ luật Dân sự theo tinh thần nói trên. Về Công ước UPOV: Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2001/NĐ-CP ngày 20/4/2001 về bảo hộ giống cây trồng mới. Về cơ bản, nội dung của Nghị định này phù hợp với quy định của Công ước UPOV. Trong thời gian tới, chúng ta cần xúc tiến các thủ tục gia nhập Công ước và xây dựng Pháp lệnh giống cây trồng, vật nuôi. Về Công ước Bruxelles năm 1974: Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng chưa có quy định pháp luật bảo hộ tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh. Trong thời gian tới, chúng ta cần xem xét việc xúc tiến các thủ tục gia nhập và xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam theo các nguyên tắc và nội dung của Công ước.

2. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của TRIPs

Theo TRIPs, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: So với quy định TRIPs([4]), pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp. Nói chung, các đối tượng mà TRIPs bảo hộ cũng tương tự như các đối tượng được Hiệp định thương mại Việt - Mỹ bảo hộ. Nghĩa là, việc Việt Nam thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp định song phương chính là một bước sẵn sàng để hội nhập kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ WTO.

Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

TRIPs mô tả tương đối chi tiết việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan hữu quan (việc lấy chứng cứ, các biện pháp tạm thời, tiền bồi thường, các hình phạt). Trong một số trường hợp, toà án có quyền ra lệnh huỷ hàng hoá giả hoặc sao chép bất hợp pháp. Việc cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc vi phạm bản quyền mang tính thương mại có thể bị khép vào tội nghiêm trọng. Chính phủ phải đưa ra những bảo đảm để chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận được sự hỗ trợ của cơ quan hải quan trong việc ngăn cản nhập khẩu hàng hoá giả hoặc sao chép bất hợp pháp.

Chúng ta thấy rằng pháp luật Việt Nam có quy định các biện pháp để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng các biện pháp chưa đủ mạnh để việc thực thi có hiệu quả, nhất là tính răn đe của các chế tài dân sự, hình sự còn thấp. Ngoài những vấn đề nêu trên, trong pháp luật Việt Nam còn có những quy định gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Chẳng hạn: Điều 28 Nghị định 76/CP quy định: “quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài do Chính phủ quy định trong một văn bản khác”. Tuy nhiên, cho đến nay, văn bản đó vẫn chưa được ban hành. Vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo nhóm nghiên cứu, nên thống nhất thủ tục đăng ký bảo hộ cho các chủ thể. Sự phân biệt chỉ nên theo đối tượng bảo hộ chứ không nên theo quốc tịch của chủ thể, trừ trường hợp công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đòi hỏi điều đó.

3. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của Hiệp định về sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thuỵ Sĩ

Hiệp định song phương Việt Nam - Thuỵ Sĩ quy định đối tượng bảo hộ là: quyền tác giảquyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống thực vật, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật, và các đối tượng khác được pháp luật các bên ký kết bảo hộ. Đòi hỏi của Hiệp định Việt Nam-Thụy Sĩ cũng tương tự như Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và TRIPs. Bên cạnh đó Hiệp định Việt Nam-Thuỵ Sỹ còn dẫn chiếu đến Hiệp ước Budapest năm 1977 về công nhận quốc tế việc nộp lưu các chủng vi sinh để phục vụ xét nghiệm sáng chế (ký ngày 28/4/1977). Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này.

VI. HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển pháp luật sở hữu trí tuệ

1.1. Bối cảnh quốc tế ([5])

Thứ nhất: Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng. Trình độ làm chủ thông tin, tri thức có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. Các nước đang phát triển, trong đó có nước ta, có cơ hội thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển, cải thiện vị thế của mình; đồng thời đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tranh thủ được cơ hội, khắc phục yếu kém để vươn lên.

Thứ hai: Toàn cầu hoá kinh tế là xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế.

1.2. Bối cảnh trong nước ([6])

Trong thời gian qua, kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 được xây dựng trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực. Khoa học xã hội và nhân văn đã bước đầu cung cấp được các luận cứ khoa học phục vụ yêu cầu hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới các cơ chế chính sách. Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, xây dựng, dịch vụ đã được nâng lên và đổi mới đáng kể. (Trong công nghiệp và xây dựng đã cải tiến, hoàn thiện một số dây chuyền sản xuất, xây dựng; khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước; lựa chọn và khai thác các công nghệ nhập khẩu như: công nghệ tự động hoá thiết kế, công nghệ đóng tàu, công nghệ xử lý nền móng công trình trong điều kiện địa hình phức tạp xây nhà cao tầng, công nghệ gia công cơ khí độ chính xác cao,... Trong nông nghiệp, đã ứng dụng một số thành tựu của công nghệ sinh học; đưa một số giống mới vào sản xuất đại trà trên cơ sở áp dụng các kết quả nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ mới và công nghệ cao. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học và công nghệ được tăng cường một bước, có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được chú trọng đào tạo chuyên sâu và đồng bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, có khả năng tiếp thu và làm chủ một số công nghệ hiện đại).

Tuy nhiên, công tác khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất hợp lý. Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội, chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được. Trình độ công nghệ nước ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năng lực tự tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn. Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm được sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp. Các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các trường đại học chưa gắn kết với nhau. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu tập trung và dứt điểm cho từng mục tiêu. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tuy còn ít, song chưa được sử dụng tốt.

1.3. Thực trạng của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ

Những phân tích của Đề tài về thực trạng của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép đi đến một số kết luận tổng quan sau: 1. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nước ta vẫn đang trong thời kỳ hình thành và phát triển, tương ứng với trình độ khoa học - công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế; 2. Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ mang một đặc trưng nổi bật, đó là: tính bị động, đối phó với các yêu cầu mới phát sinh; 3. Pháp luật sở hữu trí tuệ ở nước ta còn chứa đựng nhiều sự bất tương thích với các điều ước và thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc phải chấp nhận do sự dẫn chiếu của các điều ước song phương; 4. Cơ chế thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn chưa mạnh dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến hiện nay; 5. Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những nền tảng nhất định của mình, đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong quá trình phát triển.

Những gì nêu trên cho thấy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng phù hợp hơn nữa với những đòi hỏi của thực tiễn, với pháp luật quốc tế nhằm góp phần nâng cao việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy lao động sáng tạo là vô cùng cần thiết. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta hiện nay sẽ có tác dụng: thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ để làm nền tảng cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tự do hoá thương mại, hoà nhập vào xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình chuyển dịch của nền kinh tế sang một hình thái mới - hình thái kinh tế tri thức; hạn chế những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và qua đó hạn chế các xung đột lợi ích trong xã hội, đảm bảo cho cac quan hệ xã hội ổn định và phát triển; hạn chế xung đột pháp luật giữa các quốc gia trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.

1.4. Định hướng phát triển khoa học - công nghệ

Trong 5 năm tới, nhà nước ta tiếp tục tăng đầu tư thích đáng từ ngân sách nhà nước, đồng thời phát huy mọi nguồn lực cho nghiên cứu những lĩnh vực khoa học công nghệ mới như công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và nghiên cứu cơ bản có lựa chọn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Internet, đặc biệt là chính sách giá, nhằm giúp các cá nhân, các doanh nghiệp khai thác thông tin công nghệ và thị trường trên thế giới; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp đồng khoa học, công nghệ và tạo lập thị trường lao động khoa học, công nghệ; Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội; đổi mới cơ bản, toàn diện công tác quản lý khoa học, công nghệ và môi trường từ trung ương đến tỉnh, thành phố.

2. Hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ và một số kiến nghị

2.1. Xu hướng phát triển của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI cần phải phát triển theo xu hướng tương thích hoá với pháp luật quốc tế và các hiệp định song phương, đa phương có liên quan nhằm tạo ra một sự thúc đẩy lớn trong việc phát triển pháp luật sở hữu trí tuệ đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập. Bởi: Tự bản thân Việt Nam trong những năm tới khó có thể tạo ra những bước phát triển mới trong công nghệ vốn là thực tiễn sinh động cho việc hình thành và phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ; Bản thân lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ là lĩnh vực dễ cho phép tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài mà ít bị các vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội cản trở; Trong nội tại hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ tuy có nhiều tiến bộ song sự tương thích vẫn chỉ diễn ra nhiều trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tức pháp luật trên văn bản chứ không phải trên lĩnh vực thực thi, tức là pháp luật trong quá trình thực hiện.

2.2. Một số đề xuất nhằm thực hiện xu hướng trên

a) Tích cực ký kết, tham gia, và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương về sở hữu trí tuệ. Mục tiêu của hoạt động này nhằm mục đích: Một mặt tiếp tục thúc đẩy quá trình giao lưu quốc tế, chuẩn bị các điều kiện về năng lực, vật chất cần thiết để chủ động hội nhập với thế giới và khu vực về sở hữu trí tuệ; Mặt khác trong quá trình hội nhập, chúng ta phải tận dụng và tranh thủ kinh nghiệm, sự giúp đỡ (về vốn, công nghệ, kỹ thuật, bí quyết,...) của các nước và cộng đồng quốc tế để bổ sung khả năng cho hệ thống sở hữu trí tuệ nước ta.

Hiện nay, trong khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ đã có hiệu lực, việc thi hành Hiệp định cần được gấp rút triển khai. Một trong những công việc đó là: tổng rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực được Hiệp định điều chỉnh. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là vấn đề sở hữu trí tuệ - được quy định tại Chương II của Hiệp định (với 18 điều). Chương II quy định nhiều đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có những đối tượng chưa được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh việc cố gắng thực hiện các cam kết trong các điều ước song phương, chúng ta phải khẩn trương nghiên cứu khả năng gia nhập các điều ước đa phương, như: Công ước Bern năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước UPOV về bảo hộ giống thực vật mới, Hiệp ước Washington (Hiệp ước IPIC) năm 1989 về sở hữu trí tuệ liên quan đến mạch tích hợp,...

b. Kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm hoàn thiện khung pháp luật về sở hữu trí tuệ, đáp ứng cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc ký kết, tham gia, thực hiện các điều ước quốc tế cho thấy: hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

- Cần khắc phục những nhược điểm và bất cập mà Đề tài đã chỉ ra trong phần phân tích về pháp luật sở hữu công nghiệp và pháp luật về quyền tác giả.

- Hiện nay còn nhiều ý kiến tranh cãi về vị trí của sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam: pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ là bộ phận của luật dân sự hay luật thương mại? Do đó, về lý luận: cần giải quyết mối quan hệ giữa luật dân sự và luật thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo hướng: luật dân sự là luật chung, luật tổng quát, và luật thương mại là luật chuyên ngành;

- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự ứng dụng của khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất, khái niệm quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn được mở rộng hơn rất nhiều so với cách hiểu truyền thống. Ngày nay, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, mà còn cả những đối tượng khác, như: giống thực vật mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chủng vi sinh, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, bí mật thương mại, địa chỉ trên Internet. Ngay cả cách hiểu về quyền tác giả, hoặc chỉ dẫn địa lý cũng rộng hơn trước đây. Hiện nay, phần mềm máy tính được bảo hộ quyền tác giả. Vấn đề nêu trên sẽ có tác động lớn trong việc hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ; 

- Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu vấn đề “khẩn trương tổ chức thị trường khoa học và công nghệ”. Do đó, việc ban hành các quy định pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ là việc cần được triển khai. Nếu loại thị trường này hoạt động hiệu quả thì nó sẽ tạo ra các động lực quan trọng để sử dụng hay triển khai các phát minh, sáng chế, từ đó thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ bằng cơ chế cạnh tranh và lợi nhuận. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu của Đề tài, chúng tôi không tích sâu vấn đề này;

- Sửa đổi tổng thể các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự và Nghị định 76/CP theo mục tiêu xác định rõ ràng đâu là quyền tài sản, đâu là quyền nhân thân;

- Sớm ban hành các văn bản pháp luật bảo hộ các tác phẩm được nhà nước bảo hộ theo quy định riêng (xem Điều 748 Bộ luật Dân sự);

- Nhanh chóng nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp có vai trò trung gian giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với các đối tượng có nhu cầu sử dụng tác phẩm. Qua đó góp phần ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả;

- Nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn các chủ thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, và các quy định pháp luật hướng dẫn chi tiết thủ tục giải quyết các vụ án hình sự trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

- Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm pháp luật các nước cũng như pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, tạo ra sự tương thích của pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế, theo đúng lộ trình vạch ra trong các cam kết quốc tế.



([1]) Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam. Tập III, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr280, 281.

([2]) Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả 

([3]) Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999): "Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu đề can, nhãn sản phẩm, mẫu nhãn hiệu, bao bì sản phẩm mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá hoặc kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ"

([4]) Điều 1.2 Hiệp định định nghĩa quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật. Bên cạnh đó, Hiệp định Điều 40 còn đề cập đến việc kiểm soát hành vi chống cạnh tranh trong hợp đồng license.

([5]) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 (Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

([6]) Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 (Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

 

Nội dung toàn văn

PHẦN THỨ NHẤT

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

 

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Sở hữu trí tuệ là một định chế pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Nó có vai trò quan trọng trong việc xác lập, bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức đối với những sản phẩm của hoạt động sáng tạo hoặc những sản phẩm gắn liền với uy tín, với lợi thế của doanh nghiệp. Trong thời đại phát triển của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay thì chế định sở hữu trí tuệ lại càng có vai trò quan trọng. Các công trình nghiên cứu khoa học, các tác phẩm, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v. đã và đang là những yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Khoa học và công nghệ đang làm thay đổi một cách cơ bản nền sản xuất và thương mại của hầu hết các nước và là cơ sở để đánh giá một nước kém phát triển hay đang phát triển.

Chính vì tầm quan trọng như vậy nên sở hữu trí tuệ cũng là đối tượng chịu nhiều sự vi phạm nhất. Nhiều tác phẩm khoa học, nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, v.v.. bị đánh cắp, sao chép bất hợp pháp, gây nhiều thiệt hại cho chủ sở hữu cũng như tác giả sáng tạo ra chúng. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ đang được đặc biệt chú ý không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên phạm vi thế giới. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được đặt ra không chỉ trên phương diện xác lập, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, mà cả trên phương diện chống lại sự vi phạm từ phía các chủ thể khác. Những vi phạm này hiện nay đang là mối quan tâm của các chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang trở nên phổ biến do sở hữu trí tuệ được giá trị hoá bởi tác động của kinh tế thị trường. Việc các nhạc sỹ kiện các nhà sản xuất chương trình âm nhạc, tác giả tác phẩm văn học kiện nhà xuất bản, các doanh nghiệp kiện các đối thủ cạnh tranh vì sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hoá đang diễn ra khá phức tạp và khó có lời kết thoả đáng trong bối cảnh pháp luật hiện nay. Vụ tranh chấp giữa Công ty Nippon VN và công ty ICI về nhãn hiệu sơn SUPER MAXILITEX và SUPER MAXILITE, vụ các nhạc sỹ thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại VMS về việc sử dụng các bản nhạc của họ làm nhạc hiệu điện thoại di động Nokia mà không xin phép là một trong những ví dụ. Số liệu của Cục sở hữu công nghiệp cho thấy, số khiếu nại liên quan đến vi phạm sở hữu công nghiệp của năm 2001 đã tăng 15% so với năm 2000.

Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp, các nhà văn, nhạc sỹ còn đối mặt với sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các đối tác nước ngoài. Việc nhãn hiệu Catfish (cá Basa) bị phân biệt ở Hoa Kỳ, việc nhãn hiệu thuốc lá VINATABA bị sử dụng ở Indonesia cho thấy sự cấp bách của vấn đề bảo hộ  sở hữu trí tuệ không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.

Pháp luật nước ta từ năm 1986 trở lại đây cũng đã có sự chú ý đúng mức tới quyền sở hữu trí tuệ. Sự ra đời của Bộ luật dân sự cùng với các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành điều chỉnh các quan hệ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ đã từng bước tạo nên những cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của quan hệ sở hữu trí tuệ và vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay thì pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ cần phải có những sửa đổi và hoàn thiện cần thiết nhằm bảo đảm tính thực thi của nó trong cuộc sống.

Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đất nước ta đã trở thành thành viên của các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế như: IMF, ADB, WB, ASEAN, APEC và đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng đặt ra nhiều thách thức cho pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong những năm gần đây chúng ta đã ký kết các điều ước quốc tế song phương như Hiệp định về quyền tác giả giữa Chính phủ Việt Nam với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thụy Sỹ, Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tính tương thích, tính hiệu quả và khả năng thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ hiện là mối quan tâm lớn của các nước đối tác. Trong bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá tổng thể các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và không ngừng hoàn thiện pháp luật.

Đề tài "Pháp luật về sở hữu trí tuệ - Thực trạng và xu hướng phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XXI" được thực hiện nhằm phân tích các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực trạng áp dụng các quy định pháp luật đó trong thực tế, để đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh phát triển của đất nước trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Việc nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đã được nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành. Nhiều luận án tốt nghiệp đại học luật, cao học luật thực hiện nghiên cứu một số vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Trong các chương trình đào tạo luật cũng có những phần học và nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu vừa qua chỉ đề cập tới một số khía cạnh riêng lẻ của quyền sở hữu trí tuệ dưới các góc độ khác nhau: dân sự, kinh tế hoặc tư pháp quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác pháp luật giữa Việt Nam và Nhật Bản, một số nghiên cứu nhằm thay đổi các qui định của Bộ luật dân sự về sở hữu trí tuệ cũng đã được thực hiện. Một số nghiên cứu về Khung pháp luật của Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án do UNDP tài trợ (VIE 001, VIE 003) cũng có đề cập đến vấn đề sở hữu trí tuệ dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn thiếu một công trình nghiên cứu một cách toàn diện, tức là xem xét nó trong mối liên hệ hữu cơ với nhiều hiện tượng khác, dưới nhiều góc độ khác nhau, tức là cả từ khía cạnh dân sự lẫn khía cạnh thương mại, khía cạnh pháp luật thực định lẫn cơ chế thực thi.

III. MỤC TIÊU, PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ TÀI

Mục tiêu của Đề tài là đưa ra được một bức tranh toàn cảnh về hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để qua đó nhằm đánh giá hiệu quả của pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Đề tài cũng tìm cách xác định xu hướng tổng quát của việc phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ ở nước ta trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Cụ thể Đề tài chỉ nhằm vào mục đích xác định xu hướng trước mắt của việc phát triển của pháp luật về sở hữu trí tuệ trong những năm đầu của thế kỷ XXI chứ không có mục tiêu xác định chiến lược phát triển lâu dài của lĩnh vực pháp luật này.

Vấn đề chuyển giao công nghệ, thị trường khoa học - công nghệ không thuộc phạm vi nghiên cứu của Đề tài.

Để đạt được những mục tiêu và căn cứ vào phạm vi nghiên cứu của Đề tài, Đề tài phải đạt được những yêu cầu sau đây:

- Phân tích những vấn đề lý luận về quyền sở hữu trí tuệ; vị trí, vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của nền kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay, cũng như một số trường phái luật học chủ yếu trên thế giới.

- Nghiên cứu các đối tượng của sở hữu trí tuệ và pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó rút ra những vấn đề cần bổ khuyết trong hệ thống pháp luật của nước ta.

- Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta để từ đó đề ra sự phối hợp giữa các cơ quan đó trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

- Nhận định những xu hướng phát triển của sở hữu trí tuệ trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

- Đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật cũng như cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.

Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

- Phương pháp phân tích, tổng hợp;

- Phương pháp so sánh;

- Phương pháp điều tra xã hội học.

V. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Để đạt được mục đích và yêu cầu trên Đề tài có các nội dung nghiên cứu sau đây:

PHẦN THỨ HAI

TỔNG THUẬT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

CHƯƠNG I

KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ

I. Khái niệm của sở hữu trí tuệ                                                                        7

II. Vai trò của sở hữu trí tuệ                                                                           12

1. Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với tác giả, chủ sở hữu các đối                        12

tượng sở hữu trí tuệ

2. Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quốc gia và quốc tế                                    12

CHƯƠNG II

QUYỀN TÁC GIẢ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

I. Sự hình thành và phát triển của các quy định về quyền tác giả             

trong pháp luật Việt Nam

1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986                                                          14

2. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991                                                          15

3. Giai đoạn từ năm 1991 đến trước khi Bộ luật dân sự có hiệu lực                 17

thi hành (ngày 1-7-1996)

4. Giai đoạn từ năm 1996 đến nay                                                                    17

II. Bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật hiện hành                                      18

1. Tác giả                                                                                                           19                                                                                 

2. Chủ sở hữu tác phẩm                                                                                     20

3. Bảo hộ quyền tác giả                                                                                     21

4. Quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp                 29

luật hiện hành

4.1. Quyền nhân thân                                                                                         29

4.2. Quyền tài sản                                                                                              32

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả                                                                       34

6. Thực thi pháp luật về quyền tác giả                                                               36

7. Một số bất cập trong quy định của pháp luật quyền tác giả và                      39

hướng hoàn thiện

CHƯƠNG III

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TRONG PHÁP LUẬT

VIỆT NAM

I. Pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam                                            49

II.  Đối tượng sở hữu công nghiệp                                                                  53

1. Sáng chế                                                                                                         54

2. Giải pháp hữu ích                                                                                           55

3. Kiểu dáng công nghiệp                                                                                  57

4. Nhãn hiệu hàng hoá                                                                                       58

5. Tên gọi xuất xứ hàng hoá                                                                              58

6. Các đối tượng khác                                                                                        59

III. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp                                                          

1. Thủ tục, trình tự xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng                 65

chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá,

tên gọi xuất xứ hàng hoá

2. Trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng                     73

IV. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và của tác giả đối tượng                75

sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp                                             76

2. Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp                            77

3. Nghĩa vụ của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp                        80

4. Quyền của tác giả sáng tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp                 81

V. Thực trạng của việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo               82

hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam

VI. Những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp                  83

luật về quyền sở hữu công nghiệp

CHƯƠNG IV

CÁC ĐỊNH CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÁC LẬP VÀ BẢO

HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM VÀ HIỆU QUẢ

HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG

1. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền tác giả              90

và hiệu quả hoạt động của chúng

2. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu              91

công nghiệp và hiệu quả hoạt động của chúng

CHƯƠNG V

MỨC ĐỘ TƯƠNG THÍCH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ

SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

1. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của                  95

Hiệp định bản quyền Việt – Mỹ và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

2. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của TRIPs     103

3. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của                104

Hiệp định về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam - Thụy Sỹ

CHƯƠNG VI

HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA THẾ KỶ XXI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Các yêu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ.         106

2. Hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ              109

và một số kiến nghị

 

 

 

 

 

PHẦN THỨ HAI

TỔNG THUẬT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

 

CHƯƠNG I

KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ

I. Khái niệm sở hữu trí tuệ

Sở hữu là một phạm trù kinh tế mang tính khách quan, xuất hiện và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người. Ở thời kỳ bình minh của nhân loại, tuy rằng “chưa có sự phân biệt rõ rệt về khái niệm “sở hữu” đối với tư liệu sản xuất và sức lao động”[1] nhưng ở đó đã từng bước xuất hiện sự chiếm giữ những sản vật của tự nhiên. Trải qua sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội, đối tượng của sở hữu ngày càng được mở rộng đa dạng, phong phú và khẳng định trình độ phát triển của xã hội loài người: con người không chỉ chiếm giữ (sở hữu) những sản vật của tự nhiên mà còn chiếm giữ các thành quả lao động, tư liệu sản xuất và các sản phẩm vô hình khác.

Khác với sở hữu nói chung, sở hữu trí tuệ chỉ ra đời khi kinh tế-xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định và phụ thuộc vào sự nhận thức của con người. Những phát minh đầu tiên của nhân loại là làm ra những tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng từ những tư liệu rất thô sơ như búa, rìu, những vật dụng để đựng đồ ăn, thức uống, v.v. nhưng ý thức của con người lúc bấy giờ chỉ là việc bảo vệ quyền sở hữu đối với những tài sản hữu hình đó, chứ không phải là bảo vệ những ý tưởng sáng tạo.

Trên thế giới, pháp luật về sở hữu trí tuệ đã manh nha hình thành vào thời kỳ Trung cổ ở các nước châu Âu. Riêng trong lĩnh vực quyền tác giả, sự ra đời của các quy định về quyền tác giả xuất phát từ một nguyên nhân chủ yếu về sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhà xuất bản với nhau cũng như giữa nhà xuất bản với các tác giả và chủ sở hữu các công trình sáng tạo. Tại nước Anh, trong suốt thế kỷ 17, các nhà xuất bản đã gặp phải sự phản kháng từ những tác giả và những người có quyền và lợi ích liên quan muốn hưởng lợi ích thương mại thu được từ hoạt động xuất bản.

Để giải quyết những xung đột về lợi ích giữa các nhóm đối tượng liên quan tới các sản phẩm trí tuệ, năm 1709, Nghị viện Anh đã ban hành Đạo luật Anne ủng hộ việc hạn chế quyền sở hữu trí tuệ của các nhà xuất bản trong một thời hạn nhất định và công nhận một cách tuyệt đối các quyền của tác giả và chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ. Đến năm 1710, Đạo luật Anne có hiệu lực thi hành.

Ở Pháp, các tổ chức bảo vệ các quyền của các tác giả đã được thành lập từ năm 1777 với tên gọi là Bureau de législation dramatique. Tổ  chức sau này được chuyển đổi thành Hiệp hội tác giả và các nhà soạn kịch (Société des auteurs et compositeurs dramatiques - SACD), tổ chức đầu tiên giải quyết các vấn đề về quản lý tập thể quyền tác giả. Tiếp theo đó là vụ của  các nhà văn Pháp, gồm có Honoré de Balzac, Alexandre Dumas và Victor Hugo và một số nhà văn khác đã theo đuổi vụ kiện trong lĩnh vực tác phẩm văn học trong hơn nửa thế kỷ sau đó (thế kỷ 18). Những hành động này đã hình thành một tổ chức có tên là Société des gens de lettres (SGDL) vào năm 1837. Tuy nhiên, cho tới năm 1847 mới là năm đánh dấu sự phát triển của việc bảo hộ quyền tác giả khi hai nhà soạn nhạc có tên là Paul Henrion và Victor Pazot cùng với một nhà văn có tên là Ernets Bourget được ủng hộ bởi nhà xuất bản đã tiến hành một vụ kiện đối với một quán Cafê âm nhạc có tên là Ambassadeurs thuộc Đại lộ Champs-Elysées tại Pari khi họ thấy một sự trái ngược xảy ra trong thực tế là: họ đã phải trả một khoản tiền cho việc có một chỗ ngồi và có một bữa ăn tại quán càfê này, nhưng chủ quán càfê lại không có ý định trả bất kỳ một khoản tiền nào khi tổ chức các buổi biểu diễn các tác phẩm của các tác giả này tại quán càfê. Từ thực tế đó, họ đã nảy sinh ra một suy nghĩ rất táo bạo và lôgíc là sẽ không trả tiền để có một chỗ ngồi và có một bữa ăn trong quán cafê nói trên cho đến khi nào họ được trả một khoản tiền phát sinh từ việc sử dụng các tác phẩm của mình.

Kết quả của vụ kiện này là các tác giả đã thắng kiện và quán cafê nói trên đã phải trả một khoản tiền về việc sử dụng nội dung tác phẩm của các tác giả. Kết quả này đã tạo ra một giai đoạn mới cho các nhà soạn nhạc đối với các tác phẩm âm nhạc thuần tuý.

Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các đối tượng sở hữu công nghiệp được không được luật pháp các nước bảo hộ cùng một thời điểm mà nó dần dần được hình thành qua những mốc thời gian khác nhau. Từ thời Trung cổ, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất đã xuất hiện hình thức "đặc ân" này do vua chúa ban cho nhà sáng chế để khuyến khích việc tạo ra công nghệ mới. Theo hình thức “đặc ân”, người tạo ra sáng chế được độc quyền khai thác chính sáng chế do mình tạo ra trong thời hạn nhất định. Đây chính là tiền thân của hệ thống bảo hộ sáng chế. Hình thức "đặc ân" cho nhà sáng chế được áp dụng khá phổ biến ở các nước châu Âu từ thế kỷ thứ XII đến thế kỷ thứ XVI. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ XVI, hình thức này tỏ ra bất hợp lý, không còn phù hợp nữa.

Năm 1623, Nghị viện Anh thông qua đạo luật về độc quyền theo đó: mọi hình thức độc quyền đều bị xoá bỏ chỉ trừ độc quyền sáng chế, hình thức bảo hộ của Nhà nước đối với sáng chế thông qua việc cấp bằng độc quyền sáng chế (Patent). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên khởi đầu cho hệ thống bằng sáng chế của Anh và các nước Âu - Mỹ khác. Sau đó là các nước Mỹ (1790), Pháp (1791), Bỉ (1854), Italia (1859), Nhật (1855), Nga (1870), Đức (1877), v.v. Hiện nay, ở hầu hết các nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế còn được áp dụng đối với giải pháp hữu ích (hay mẫu hữu ích), kiểu dáng công nghiệp.

Luật nhãn hiệu hàng hoá đầu tiên trên thế giới được ban hành tại Pháp năm 1857. Theo luật này, quyền đối với một nhãn hiệu hàng hoá thuộc về người thực hiện sớm nhất một trong hai việc: (1) sử dụng nhãn hiệu; (2) đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật. Nếu một người đăng ký một nhãn hiệu nhưng thời điểm sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của người đó lại sau người đăng ký thứ hai thì quyền đối với nhãn hiệu thuộc về người thứ hai. Sau đó, Italia (1868), Bỉ (1879), Mỹ (1881), Anh (1883), Đức (1894), Nga (1896)... đã ban hành Luật nhãn hiệu hàng hoá trong đó quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hoá thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng bạ nhãn hiệu hàng hoá[2].

Trong thế giới hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã kéo theo sự đa dạng hóa của các hình thức thể hiện các ý tưởng sáng tạo và của các phương thức khai thác và sử dụng các sản phẩm trí tuệ đó.

Theo định nghĩa tại Điều 2, Công ước Stockholm 1967 về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO[3]) "Sở hữu trí tuệ được hiểu rộng hơn và bao gồm các quyền liên quan tới các sản phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; sự trình diễn của các nghệ sĩ, các chương trình phát và truyền thanh, phát và truyền hình; các sáng chế thuộc mọi lĩnh vực; các phát minh khoa học; kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, các tên thương mại và chỉ dẫn thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh và các quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật”.

Theo định nghĩa trên sở hữu trí tuệ được chia thành 2 lĩnh vực: đó là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

Quyền sở hữu công nghiệp không phải là quyền sở hữu đối với các động sản, bất động sản dùng vào sản xuất công nghiệp như nhà máy, thiết bị kỹ thuật, v.v.. mà là quyền sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người được khai thác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thậm chí trong cả lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Pháp luật Việt Nam ghi nhận đối tượng của sở hữu công nghiệp có thể là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác do pháp luật quy định.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ thứ hai là quyền tác giả liên quan đến các sáng tạo trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như các tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, v.v..

Sự khác biệt lớn nhất giữa quyền sở hữu tài sản với quyền sở hữu trí tuệ trước hết thể hiện ở thuộc tính của đối tượng sở hữu. Với sở hữu tài sản thông thường người ta hiểu theo nghĩa truyền thống là sở hữu tài sản vật chất, tài sản hữu hình - là những tài sản mà con người có thể chiếm giữ, sờ, nắm được. Ví dụ: một toà nhà, một chiếc xe máy, ô tô, v.v.. Còn với sở hữu trí tuệ, đối tượng sở hữu là tài sản vô hình, tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động tư duy sáng tạo của con người, con người không thể nắm bắt chúng một cách cụ thể. Ta có thể xem xét đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ qua hai ví dụ sau:

          Đối với các đối tượng bảo hộ theo hệ thống Patent, ví dụ sáng chế: chủ sở hữu sáng chế, ngoài việc họ có quyền sở hữu hữu hình, thực định đối với sáng chế đó khi nó được thể hiện dưới hình thức nhất định, tức là họ có quyền đòi lại sáng chế đó khi người khác xâm phạm, họ còn có quyền sở hữu vô hình đối với sáng chế. Quyền sở hữu vô hình đó được hiểu là những giá trị về vật chất mà sáng chế này mang lại cho xã hội nói chung và cho chính tác giả, cho tổ chức mà tác giả sáng chế đang làm việc. Hơn nữa giá trị mang lại từ việc phát minh ra các sáng chế đó là danh dự, uy tín của các tác giả, cho cơ quan, tổ chức nơi họ đang công tác (nếu có). Có thể đánh giá một cách khách quan, những giá trị vô hình mà sáng chế mang lại cho các chủ thể nắm giữ quyền là rất lớn, khó xác định và không chỉ thấy được trong khoảng thời gian ngắn trước mắt, mà nó có thể thấy được trong một khoảng thời gian dài trong suốt cuộc đời của các chủ thể nắm quyền. Quyền đòi lại sáng chế cũng chỉ mang tính chất tương đối, không giống như đòi lại tài sản hữu hình khác. Điều đó thể hiện ở việc chủ sở hữu sáng chế chỉ có thể tự mình hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế chấm dứt việc sử dụng sáng chế, chứ việc giao lại sáng chế cho chủ sở hữu như giao lại các tài sản hữu hình khác (giao lại xe máy, ô tô), không có ý nghĩa về mặt thực tiễn.

          Tương tự như vậy đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, ví dụ: nhạc sỹ sáng tác một ca khúc, hoạ sỹ vẽ một bức tranh, một nhà văn sáng tác ra các tác phẩm truyện ngắn, v.v.. chúng ta có thể hiểu tác phẩm là một vật thể hiện một sáng tạo thể hiện tư tưởng hay cảm tưởng của tác giả sáng tạo ra chúng. Như vậy tác phẩm khác với các loại tài sản thông thường ở chính giá trị vô hình của nó.

Từ sự khác biệt lớn nhất này đã dẫn đến sự khác biệt rất quan trọng khác về nội dung chiếm hữu đối tượng sở hữu. Trong sở hữu tài sản vật chất, với tính chất hữu hình của tài sản, quyền chiếm hữu có một vị trí quan trọng đặc biệt bởi nó thể hiện trong thực tế ai là người đang chiếm giữ, quản lý tài sản, người đó có phải là chủ sở hữu của tài sản đó hay không. Nếu họ không phải là chủ sở hữu tài sản thì việc chiếm hữu đó có được chủ sở hữu chuyển giao hoặc theo căn cứ hợp pháp khác không, từ đó cần áp dụng biện pháp gì để bảo vệ quyền sở hữu, bảo vệ quyền chiếm hữu hợp pháp. Còn trong sở hữu tài sản trí tuệ, do đặc tính vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ nên nội dung này hầu như không có ý nghĩa đối với hầu hết các sản phẩm trí tuệ. Đặc tính vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ đã làm cho chúng sau khi được bộc lộ công khai có thể lan truyền vô giới hạn tới mức không thể kiểm soát được. Điều đó có nghĩa là người sáng tạo sản phẩm trí tuệ chỉ có thể giữ sản phẩm làm “của riêng” bằng cách giữ bí mật về sản phẩm, không công bố, không cho người khác biết về kết quả sáng tạo của mình. Muốn vậy họ phải hoặc là không đưa sản phẩm vào khai thác hoặc là khai thác nhưng phải bằng mọi cách không cho người khác biết về bản chất của đối tượng[4]. Trong thực tế điều này hầu như không thể thực hiện được hoặc nếu thực hiện thì cũng không có ý nghĩa. Các sáng tạo trí tuệ trong hầu hết trường hợp thể hiện trình độ, tài năng, nhân cách, kinh nghiệm, v.v.. và nhiều khi còn gắn liền với nghề nghiệp, thu nhập, cuộc sống của bản thân người sáng tạo. Do đó, nếu không công bố sản phẩm, không sử dụng sản phẩm thì các giá trị trên không thể khẳng định được và sự sáng tạo trở nên không có ý nghĩa. Mong muốn sản phẩm của mình được công bố, phổ biến, sử dụng là ước mơ hết sức chính đáng của những người hoạt động sáng tạo trí tuệ. Vì vậy nội dung quan trọng nhất của quyền sở hữu trí tuệ là quyền sử dụng đối tượng. Nhưng khác với quyền sở hữu tài sản, khái niệm quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ luôn luôn được gắn liền với mục đích thương mại của việc sử dụng. Do đó, nếu một người thứ ba sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ mà không được phép của chủ sở hữu thì bị coi là vi phạm quyền của chủ sở hữu, nhưng nếu việc sử dụng không nhằm mục đích thương mại (không nhằm kiếm lời, thu lợi nhuận) hoặc không nhằm phương hại đến hoạt động thương mại của chủ sở hữu thì sẽ không bị coi là xâm phạm.

II. Vai trò của sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ có vai trò to lớn không những đối với bản thân tác giả, chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ, mà còn đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc phát triển và hiện đại hóa quốc gia cũng như toàn thế giới.

1. Vai trò của của sở hữu trí tuệ đối với tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ

Các đối tượng sở hữu trí tuệ được tạo ra do xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau như nghiên cứu, ứng dụng, thương mại, sáng tạo nghệ thuật, v.v.. Trong mọi trường hợp, sở hữu trí tuệ mang lại cho tác giả những lợi ích tinh thần to lớn, để từ đó tác giả, chủ sở hữu được hưởng những lợi ích vật chất nhất định. Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm nghệ thuật, v.v.. ra đời là sự khẳng định tài năng, trí tuệ của tác giả trước xã hội. Những lợi ích tinh thần mà tác giả có được khi các sản phẩm trí tuệ được công bố thể hiện thông qua việc được đứng tên tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật, thông qua việc được nhận giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như nhiều quyền nhân thân khác.

Các đối tượng sở hữu trí tuệ luôn gắn liền với bản thân người sáng tạo ra chúng. Khi xã hội đón nhận và đánh giá các sản phẩm trí tuệ của tác giả, có nghĩa là tác giả được xã hội ghi nhận quyền lợi tinh thần là người sáng tạo ra các đối tượng đó vì nó thể hiện dấu ấn riêng của tác giả về trí tuệ, tài năng, phong cách, v.v.. Tuy nhiên, nếu bản thân tác giả không được bù đắp chi phí mà họ đã bỏ ra để sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ và gia đình họ không có thu nhập từ những  sản phẩm do họ sáng tạo ra, thì họ sẽ tìm con đường khác cho công việc của mình và khi đó thế giới mà chúng ta đang sống sẽ nghèo đi vì thiếu tiếng nói và sự sáng tạo của họ. Trong xu thế quốc tế hoá, khía cạnh “thương mại” của sở hữu trí tuệ được đặc biệt quan tâm và do vậy, vai trò mang lại nhiều nguồn lợi vật chất cho tác giả, chủ sở hữu khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được sử dụng và đề cập tới ở nhiều góc độ khác nhau. Tác giả có quyền được hưởng nhuận bút hoặc được nhận thù lao khi sản phẩm trí tuệ của mình được sử dụng, chủ sở hữu được quyền khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp và các sản phẩm trí tuệ khác nhằm mục đích sinh lợi, kể cả việc chuyển giao một phần trong toàn bộ quyền sử dụng các đối tượng đó cho người khác, được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ.

2. Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quốc gia và quốc tế

Không chỉ là việc khẳng định sự phát triển của trí tuệ nhân loại, sở hữu trí tuệ còn khẳng định trình độ phát triển về kinh tế, văn hoá của mỗi quốc gia, góp phần xác định vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, các đối tượng sở hữu công nghiệp tạo điều kiện cho những chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, cải thiện vị trí của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực tiễn nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật ở bất cứ một doanh nghiệp nào đều có thể chứng minh rõ ràng vai trò to lớn này của sở hữu công nghiệp.

Việc sáng tạo ra các sản phẩm: từ kẹp phơi quần áo đến vi mạch máy tính, từ phần mềm máy tính đến các hình thái cao hơn, v.v.. đều có khả năng mang đến nguồn thu nhập lớn cho các ngành kinh tế, tạo sức tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Đóng vai trò là nội lực của cách mạng khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao (như viễn thông, điện tử, tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, v.v...). Đây là những ngành kinh tế hứa hẹn lợi nhuận siêu ngạch và đem lại khả năng chi phối kinh tế thế giới. Ở nước ta, vai trò của khoa học kỹ thuật, của các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý có giá trị cao nhất. Điều 37 Hiến pháp 1992 quy định: “Khoa học kỹ thuật giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Đời sống con người không đơn thuần là đời sống vật chất mà còn bao gồm cả đời sống tinh thần với các nhu cầu ngày càng cao cần được thỏa mãn. Một phần khá lớn các nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người được đáp ứng thông qua việc tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do chính con người sáng tạo ra. Đó là các sáng tạo mang tính nghệ thuật như bản nhạc, bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, v.v.. hoặc mang tính khoa học như các bài giảng, sách giáo khoa, giáo trình, các công trình nghiên cứu khoa học, v.v... Các sáng tạo trí tuệ này là kết quả của quá trình suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, trăn trở của con người. Chính các sáng tạo trí tuệ đó lại được con người sử dụng rộng rãi và có vai trò to lớn trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng tình cảm lành mạnh cho con người, có tác động sâu sắc tới việc giáo dục nhân cách con người, giúp con người có những khám phá và hiểu biết mới về văn hoá, khoa học, nghệ thuật, lịch sử của đất nước cũng như của nhân loại. Đồng thời việc tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học còn thể hiện bản sắc dân tộc của mỗi một quốc gia.

Ngày nay, quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế đang diễn ra nhanh chóng với qui mô và tốc độ ngày càng lớn tạo nên nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế của các quốc gia đều theo xu hướng mở cửa và theo quỹ đạo của kinh tế thị trường. Tính phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế quốc gia ngày càng gia tăng. Xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Tham gia vào quá trình này, sở hữu trí tuệ có vai trò “mở cửa" cho chuyển giao li xăng, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia và quốc tế hoá trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyền tác giả nói riêng và trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung.

 

CHƯƠNG II

QUYỀN TÁC GIẢ TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

I. Sự hình thành và phát triển của các quy định về quyền tác giả trong pháp luật Việt Nam

1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986

Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa của mọi công dân. Công dân có quyền: sở hữu tài sản, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, quyền lợi của giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm (Điều 6, 7, 9, 10, 11, 12). Đây là cơ sở đầu tiên của việc công nhận giá trị của những sản phẩm tinh thần trong thời kỳ này.

14 năm sau, bản Hiến pháp 1960 được ban hành. Kế thừa những quy định tiến bộ của bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1960 có những quy định rõ hơn thừa nhận những sản phẩm tinh thần của công dân: "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật, và tiến hành các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ tính sáng tạo của những công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học, văn học, nghệ thuật và các sự nghiệp văn hóa khác" (Điều 34).

Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước nên hai bản Hiến pháp mới chỉ ghi nhận quyền được xuất bản, quyền được sáng tác các sản phẩm văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học mà chưa được thể chế hóa thành những quy định pháp luật cụ thể để bảo đảm cho việc thực hiện những quyền này. Trong giai đoạn này, các qui định về bản quyền chỉ dừng ở việc đảm bảo các lợi ích vật chất cho tác giả chứ chưa chú trọng tới việc bảo hộ. Các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ còn rất đơn giản và chỉ dừng ở các Nghị định của Chính phủ.

Trong giai đoạn từ 1975-1986, các quy định của pháp luật về quyền tác giả cũng ở trong tình trạng như giai đoạn trước đó.

Các văn bản pháp luật cao nhất về bản quyền là Nghị quyết, Nghị định của Hội đồng Chính phủ. Truớc hết phải kể đến:

+ Nghị quyết 25/CP ngày 24-2-1961 của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút.

+ Nghị quyết 168/CP ngày 7-12-1967 của Hội đồng Chính phủ về việc trả tiền nhuận bút.

+ Nghị quyết 125/CP ngày 20-15-1974 của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật.

Theo thông lệ, tác giả được ghi tên mình trên tác phẩm được công bố nhưng sau đó gần như bất cứ ai cũng có thể cải biên, chuyển thể, sửa đổi nội dung tác phẩm mà không cần được sự cho phép của tác giả, thậm chí có khi tên của tác giả tác phẩm gốc cũng không được nhắc đến. Quyền lợi của người sáng tạo nói chung chưa được tôn trọng đúng mức, việc cải biên, chuyển thể, sửa đổi nội dung tác phẩm diễn ra tương đối tuỳ tiện.

2. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991

Ở giai đoạn này các quy định về quyền tác giả bắt đầu phát triển và được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị định 142/HĐBT ngày 14-11-1986 quy định về quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình khoa học kỹ thuật.

+ Nghị định 59/HĐBT ngày 5-6-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật. Nghị định này gồm 7 điều đã xác định rõ đối tượng hưởng nhuận bút, phương thức tính nhuận bút đối với từng loại tác phẩm và thời hạn trả nhuận bút.

+ Thông tư 63/VHTT ngày 16-7-1988 của Bộ Văn hoá hướng dẫn sử dụng và phân phối nhuận bút đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật hưởng quyền tác giả.

+ Thông tư 326/BTT ngày 15-8-1989 của Bộ Thông tin hướng dẫn thi hành chế độ nhuận bút đối với tác phẩm đối với tác phẩm chính trị xã hội, văn hoá giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

+ Thông tư liên bộ số 28/TT-LB ngày 16-4-1990 của Bộ Văn hoá thông tin- Thể thao và du lịch - Bộ tài chính - Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học nghệ thuật.

+  Thông tư liên bộ số 1025/TT-LB ngày 21-6-1991 hướng dẫn thi hành chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá, giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

+  Thông tư liên bộ số 1314/TT-LB ngày 23-07-1991 của Bộ xây dựng- Bộ văn hoá thông tin - Thể thao và du lịch quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc.

Như vậy, ở giai đoạn này cũng giống như giai đoạn trước, việc điều chỉnh quan hệ phát sinh từ quyền tác giả vẫn chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật dưới luật, cao nhất là Nghị định 142/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Mục đích của việc ban hành Nghị định 142/HĐBT là nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng về tinh thần và vật chất cho những người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học, qua đó khuyến khích công dân sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi thành viên trong xã hội. Tuy Nghị định bao gồm 8 điều nhưng đã quy định tương đối chi tiết về quyền tác giả. Nghị định đã làm rõ các khái niệm tác giả: là những người bằng tài năng, trí tuệ của mình lao động sáng tạo ra tác phẩm, công trình (bao gồm cả người dịch, người phóng tác, chuyển thể, sưu tầm, tuyển chọn làm tuyển tập có tính sáng tạo); qui định đối tượng của quyền tác giả là những tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật đã được công bố, không phân biệt loại hình, trình độ và phương pháp tạo ra tác phẩm; qui định  tác giả có những quyền cơ bản bao gồm:

- Công bố tác phẩm, công trình và cho phép người khác sử dụng tác phẩm, công trình của mình, cho phép hoặc không cho phép người khác viết lời tựa, giới thiệu và chú thích cho tác phẩm, công trình của mình.

-  Đứng tên mình (tên khai sinh, bí danh hoặc bút danh) cho tác phẩm, công trình do mình sáng tác.

- Cho hoặc không cho người khác sửa chữa tác phẩm, công trình của mình.

-  Hưởng chế độ nhuận bút.

Ngoài ra, Nghị định 142/HĐBT còn qui định về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, vô tuyến truyền hình, video, chương trình phát thanh truyền hình cho các cơ quan, xí nghiệp sản xuất, xây dựng nên những tác phẩm đó, cho các tổ chức đứng ra xuất bản các xuất bản phẩm thường kỳ phục vụ công chúng; qui định về thời gian hưởng quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 30 năm sau khi tác giả chết.

3.  Giai đoạn từ năm 1991 đến trước khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-1996)

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị định 142/HĐBT, tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta trong vài năm trước và sau năm 1990 có nhiều biến đổi. Đặc biệt, việc chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm cho kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của đất nước không ngừng phát triển. Ngày 2-12-1994 Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước công bố ngày 10-12-1994 đã đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ đông đảo các nhà trí thức, các văn nghệ sỹ, đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta tới việc xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc, mở rộng hợp tác và giao lưu văn hoá, khoa học, nghệ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, ở giai đoạn này còn có các văn bản pháp luật khác liên quan đến quyền tác giả. Ví dụ như Luật Xuất bản, trong đó có 6 điều luật quy định về quyền của công dân, tổ chức đối với tác phẩm (Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 8, Điều 17 và Điều 18).

4. Giai đoạn từ năm 1996 đến nay

Pháp lệnh về quyền tác giả thi hành chưa được một năm thì Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (ngày 28-10-1995, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1996). Quyền tác giả được Bộ luật dân sự quy định ở Phần thứ sáu - Chương I bao gồm 35 điều (từ Điều 745 đến Điều 779), được chia thành bốn mục:

Mục I: Quy định về tác giả, xác định tư cách chủ sở hữu tác phẩm trong từng trường hợp cụ thể, xác định các loại hình tác phẩm được bảo hộ và không được bảo hộ.

Mục II: Xác định quyền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Mục III: Quy định về hợp đồng sử dụng tác phẩm

Mục IV: Quy định quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn của tổ chức sản xuất băng, đĩa âm thanh, băng, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình.

Để hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thông tư của Bộ Văn hóa thông tin đã được ban hành là cơ sở thực hiện và bảo hộ quyền tác giả. Trong đó phải kể đến:

+ Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

+ Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ về việc mở cửa hàng, đại lý băng hình và quản lý bản quyền băng hình.

+ Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 của Chính phủ về tổ chức hoạt động điện ảnh.

+ Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

+ Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

+ Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thi hành Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 và Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

    Đặc biệt, ở giai đoạn này, ngoài các văn bản pháp luật trong nước, Nhà nước Việt Nam đã tham gia Hiệp định về quyền tác giả:

- Hiệp định về quyền tác giả giữa Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 27- 6-1997. Để hướng dẫn thi hành Hiệp định này, Bộ Văn hoá, thông tin và du lịch đã có Thông tư số 05/1998/TT-BVHTT ngày 12-9-1998;

- Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ ngày 7-7-1999 (có hiệu lực từ ngày 8-6-2000).

- Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 13-7-2000 (Chương II - quyền sở hữu trí tuệ) (có hiệu lực từ ngày 10-12-2001).

II. Bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật hiện hành

Việc tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật là hoạt động không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật là tiền đề, là động lực góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các kết quả lao động sáng tạo về văn học, nghệ thuật là động lực đưa Việt Nam hội nhập cùng thế giới nhưng vẫn giữ được những nét riêng đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Vì thế, quyền tác giả đã được Nhà nước ta quy định thành một định chế pháp lý. Định chế này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của mỗi cá nhân, tổ chức đối với các tác phẩm của họ. Đồng thời định chế này cũng tạo điều kiện, thúc đẩy việc sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật của đất nước. Những quy định của pháp luật về quyền tác giả là hành lang pháp lý, để các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, bảo đảm quyền bình đẳng của các chủ thể, loại trừ việc tạo ra và lưu hành các sản phẩm văn học nghệ thuật không lành mạnh.

Như vậy, khái niệm về quyền tác giả thường được xem xét trên hai phương diện:

Về phương diện khách quan thì quyền tác giả chính là pháp luật về quyền tác giả. Theo phương diện này, quyền tác giả bao gồm các quy định của pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm xác nhận và bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

Về phương diện chủ quan thì quyền tác giả chính là các quyền dân sự (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do chính mình sáng tạo ra hoặc được thừa nhận là chủ sở hữu đối với tác phẩm, công trình đó.

1. Tác giả

Điều 745 Bộ luật dân sự đã đưa ra định nghĩa về tác giả và liệt kê từng loại tác giả đối với từng loại hình tác phẩm nhất định.

Chúng ta đã biết, quá trình tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật là quá trình hoạt động sáng tạo. Bởi vậy, một cá nhân chỉ được thừa nhận là tác giả khi họ đã bằng lao động sáng tạo của mình để trực tiếp tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, một tác phẩm có thể được tạo ra từ lao động sáng tạo của một cá nhân, cũng có thể tạo ra từ lao động sáng tạo của một nhóm người. Mặt khác, kết quả lao động sáng tạo có thể là những tác phẩm gốc (nguyên tác) nhưng cũng có thể chỉ là tác phẩm phái sinh. Vì vậy Điều 745 Bộ luật dân sự còn xác định từng loại tác giả khác nhau. Đây còn là căn cứ để xác định phạm vi quyền nhân thân cũng như quyền tài sản của họ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho từng tác giả trong những trường hợp nhất định.

Trước hết, nếu căn cứ vào số lượng người lao động sáng tạo để tạo ra tác phẩm thì tác giả được phân thành hai loại:

- Tác giả đơn nhất: là cá nhân bằng lao động sáng tạo của mình để trực tiếp tạo ra toàn bộ tác phẩm. Trong trường hợp này người đó được hưởng toàn bộ các quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm.

 - Đồng tác giả: là nhiều cá nhân hợp tác để cùng nhau bằng lao động sáng tạo ra tác phẩm. Trong trường hợp này những người đó cùng nhau hưởng các quyền nhân thân cũng như quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm. Điều luật trên không xác định mối liên quan giữa các đồng tác giả với nhau đối với tác phẩm do họ cùng tạo ra. Tuy vậy, trong thực tế khi xác định phần quyền mà mỗi đồng tác giả được hưởng, người ta thường dựa vào tính chất, kết cấu của tác phẩm để xác định những người đó là đồng tác giả không định phần hay đồng tác giả định phần.

Nếu tác phẩm do nhiều người cùng tạo ra là một tác phẩm không thể xác định phần sáng tạo của từng người thì họ là tác giả không định phần. Vì vậy, tất cả các đồng tác giả cùng hưởng quyền nhân thân, quyền tài sản đối với tác phẩm một cách ngang nhau (bằng nhau).

          Nếu tác phẩm được kết cấu theo từng chương, từng phần và có thể xác định mỗi phần, mỗi chương đó do tác giả nào sáng tạo ra thì những người cùng tạo ra tác phẩm đó được gọi là đồng tác giả định phần. Trong trường hợp này, quyền lợi của mỗi đồng tác giả thường được xác định tương ứng với phần tác phẩm do họ sáng tạo ra.

Khái niệm tác giả thường được gắn liền với tác phẩm, do vậy Khoản 2 Điều 751 Bộ luật dân sự dựa vào nguồn gốc của tác phẩm để phân loại tác giả:

- Tác giả là những người tạo ra tác phẩm gốc.

- Tác giả là những người tạo ra tác phẩm từ tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến (tác giả của tác phẩm phái sinh) bao gồm: tác giả của tác phẩm dịch; tác giả của tác phẩm phóng tác; tác giả của tác phẩm cải biên, chuyển thể; chú giải; tuyển tập, hợp tuyển.

2. Chủ sở hữu tác phẩm

Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản là một hoặc nhiều chủ thể được pháp luật công nhận có đầy đủ ba quyền (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) đối với một tài sản. Tuy nhiên, riêng đối với tác phẩm là một loại tài sản trí tuệ lại có những đặc thù riêng nên nếu chủ sở hữu không đồng thời là tác giả sẽ không có một số quyền nhân thân gắn liền với bản thân tác giả (quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn nội dung tác phẩm). Theo Điều 746 Bộ luật dân sự thì những người sau đây được gọi là chủ sở hữu đối với tác phẩm:    

- Tác giả của một tác phẩm sẽ đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm đó nếu tác phẩm tạo ra không phải theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Nhiều người tạo ra tác phẩm trong trường hợp này là chủ sở hữu chung đối với tác phẩm do họ cùng tạo ra.

-  Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm, cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả để tác giả tạo ra tác phẩm theo hợp đồng sẽ là chủ sở hữu đối với các tác phẩm.     

- Trong trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chết, thì người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của tác giả sẽ là chủ sở hữu đối với tác phẩm đó.

- Các cá nhân hoặc tổ chức được các chủ sở hữu tác phẩm nói trên chuyển giao các quyền của họ đối với tác phẩm theo hợp đồng là chủ sở hữu quyền được chuyển giao.

3. Bảo hộ quyền tác giả

Tác phẩm được hình thành từ một quá trình lao động sáng tạo, trong quá trình đó, tác giả phải đầu tư thời gian, đầu tư trí tuệ và vật chất. Vì thế tác giả phải được thừa nhận và các quyền và lợi ích phát sinh từ tác phẩm của người đó phải được bảo vệ.

Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ phụ thuộc vào tác phẩm mà tác giả sáng tạo ra. Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ khi tác phẩm thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Tác phẩm tạo ra phải thể hiện hoạt động sáng tạo của tác giả. Khác với việc lao động sản xuất ra của cải vật chất, hoạt động sáng tạo ra của tác giả thể hiện lao động trí óc của tác giả để tạo ra một tác phẩm.

Tuỳ từng loại hình tác phẩm sự sáng tạo của tác giả được thể hiện theo những cách khác nhau. Đối với tác phẩm văn học, cùng là những con chữ, cùng một ngôn ngữ, các tác giả khác nhau phải sử dụng ngôn ngữ, chữ viết với những bút pháp khác nhau để tạo nên tác phẩm với những đặc trưng của thể loại tác phẩm văn học đó, đủ để phân biệt tiểu thuyết với truyện ngắn; giữa tuỳ bút với bút ký, hồi ký, phóng sự. Một tác phẩm khoa học có thể đưa ra một vấn đề mới phát hiện, một quan điểm cần bàn bạc, thảo luận hay cần được nghiên cứu một cách có hệ thống cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Một bức họa là sự sáng tạo của người hoạ sỹ với sự tổng hợp của những gam màu sáng, tối, nóng, lạnh, những nét vẽ hư ảo, hiện thực phản ánh cảnh sắc, sự vật, tâm tư, tình cảm, tâm lý phức tạp của con người, cũng như tâm hồn của người họa sỹ. Một bản nhạc, cũng với những nốt nhạc đồ, rê, mi, pha, son ấy, người nhạc sỹ đã lựa chọn, sắp xếp các nốt nhạc tạo nên những âm thanh cao - thấp, trầm bổng khác nhau thể hiện những tâm tư, tình cảm khác nhau của đời sống tinh thần của con người.

Như vậy, bằng lao động sáng tạo của tác giả đã thể hiện một sản phẩm trí tuệ một cách độc lập, tạo ra cái mới, tính mới nhưng lại gắn liền với tâm hồn của tác giả. Chính vì vậy tác phẩm được tạo ra có thể sánh với "đứa con tinh thần" của tác giả, và mỗi tác giả tạo nên những "đứa con tinh thần" khác nhau. Chính vì thế pháp luật quy định cá nhân, tổ chức không bằng hoạt động sáng tạo của mình để tạo ra tác phẩm, mà chỉ "hỗ trợ, góp ý kiến, hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả" (Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả).

b) Điều kiện về hình thức của tác phẩm: pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của tác giả. Vì vậy, một tác phẩm muốn được bảo hộ phải được thể hiện ra bên ngoài một hình thức nhất định thông qua vật mang tin hoặc thông qua một phương pháp trình bày nào đó. Toàn bộ kết quả lao động sáng tạo của con người phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học thuộc các loại hình được quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự và được chi tiết hoá tại Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ. Đó là:

- Tác phẩm viết thể hiện dưới hình thức chữ viết hoặc ký tự như: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, tuỳ bút, hồi ký, thơ, trường ca, kịch bản, bản nhạc, công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật và các bài viết khác.

- Các bài giảng, bài phát biểu được viết sẵn hoặc được trình bày bằng lời nói. Nếu bài phát biểu được trình bày bằng lời nói thì phải được ghi âm và lưu hành thành văn bản.

- Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác được trình diễn trên sân khẩu như: vở diễn, ca nhạc, múa, xiếc, rối và các hình thức tương tự.

- Tác phẩm điện ảnh, video có hoặc không có âm thanh kèm theo.

- Tác phẩm phát thanh, truyền hình được tạo ra để truyền đến công chúng qua sóng điện từ.

- Tác phẩm báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

- Tác phẩm âm nhạc gồm thanh nhạc và khí nhạc được thể hiện bằng giọng hát, nhạc cụ.

- Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng.

- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng gồm hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng hoặc các hình thức tương tự.

- Tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện hình ảnh của vật thể khách quan trên vật liệu bắt sáng.

- Công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện.

- Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.

- Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển, bao gồm:

+ Tác phẩm dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.

+ Tác phẩm phóng tác được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm đã có.

+ Tác phẩm cải biên được sáng tạo ra trên cơ sở một tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.

+ Tác phẩm chuyển thể từ loại hình này sang loại hình khác.

+ Tác phẩm biên soạn được tuyển chọn theo một chủ đề có thể có bình luận, đánh giá.

+ Tác phẩm chú giải làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh của một tác phẩm đã có.

+ Tác phẩm tuyển tập, tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả.

+ Tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định.

- Phần mềm máy tính gồm chương trình máy tính, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, cơ sở dữ liệu.

c) Điều kiện về nội dung: các tác phẩm nói trên sẽ không được bảo hộ nếu có nội dung sau đây:

c1) Chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Đây là tác phẩm có nội dung xâm hại đến lợi ích quốc gia, gây ảnh hưởng đến nền độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao nhiêu xương máu mới giành lại được. Vì vậy, những tác phẩm có nội dung chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân sẽ không được pháp luật bảo hộ. Các tác giả của các tác phẩm này còn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 theo Điều 87 - Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Điều 88 - Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với những nhà sản xuất phim, băng hình, đĩa hình có nội dung chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng (Điểm a Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin).

c2) Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Theo quy định tại Điều 3 Quy chế lưu hành phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu (ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995) thì những "sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa có nội dung kích động bạo lực là những sản phẩm và hoạt động có hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh và những hành động khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, khuyến khích bạo lực và sự tàn bạo, không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm bảo vệ chính nghĩa, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc", những tác phẩm vi phạm quy định trên đây sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

Những "sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm là những sản phẩm và hoạt động mà trong đó có những hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, loạn luân trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc" (Khoản 1 Điều 3 Quy chế lưu hành phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu ban hành kèm theo Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995). Tác giả của tác phẩm vi phạm quy định trên sẽ bị xử lý theo Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, hoặc bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự ngày 21-12-1999 (Điều 253 - Tội truyền bá văn hóa đồi trụy).

          c3) Những tác phẩm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế đối ngoại được điều chỉnh trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28-12-2000 không được pháp luật bảo hộ. Theo quy định của pháp luật, bí mật Nhà nước là những tin tức về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố và nếu tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Căn cứ vào tính chất quan trọng, các tin tức thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia làm ba loại tuyệt mật, tối mật và mật.

Những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tuyệt mật:

- Chiến lược an ninh quốc gia, kế hoạch phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên đối phó với chiến tranh; các loại vũ khí, phương tiện có ý nghĩa quyết định khả năng phòng thủ đất nước;

- Các chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa công bố hoặc không công bố. Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ tuyệt mật;

- Tổ chức và hoạt động tình báo, phản gián;

- Mật mã quốc gia;

- Dự trữ chiến lược quốc gia; các số liệu dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước về những lĩnh vực chưa công bố; kế hoạch phát hành tiền tệ, khoá an toàn của từng mẫu tiền và các loại giấy tờ có giá trị như tiền; phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố;

- Các khu vực, địa điểm cấm; tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ tuyệt mật.

Những tin tức trong phạm vi sau đây thuộc độ tối mật:

- Các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố. Những tin tức của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ tối mật;

- Tổ chức hoạt động, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang nhân dân; phương án sản xuất, vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;

- Bản đồ quân sự; toạ độ điểm hạng I, hạng II nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo. Vị trí và trị số cao độ các mốc chính của các trạm khí tượng, thuỷ văn, hải văn; số liệu độ cao số không tuyệt đối của các mốc hải văn;

- Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố; phương án giá các mặt hàng chiến lược thuộc Nhà nước quản lý chưa công bố;

- Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quý, ngoại hối và vật quý hiếm khác của Nhà nước;

- Công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà chưa công bố;

- Kế hoạch xuất nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển tiềm năng và bảo vệ đất nước.

Bí mật nhà nước trong các lĩnh vực công tác của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ngoài phạm vi được quy định trên, thì thuộc độ mật. Danh mục bí mật thuộc độ mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Tác giả của những tác phẩm vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước không những không được bảo hộ quyền tác giả mà tùy từng trường hợp còn bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự ngày 21-12-1999 (Điều 263 - Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, Điều 264 - Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước, hoặc Điểm c Khoản 1 Điều 80 - Tội làm gián điệp).

c4) Những tác phẩm tiết lộ bí mật đời tư của các cá nhân và các bí mật khác do pháp luật quy định cũng không được pháp luật bảo vệ quyền tác giả. Quyền đối với bí mật đời tư của một cá nhân lần đầu tiên được Bộ luật dân sự ghi nhận là một trong các quyền nhân thân của một con người và được quy định tại Điều 34 "...2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý, nếu người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3- Không ai được tự tiện bóc mở, thu giữ, tiêu hủy thư tín, điện tín, nghe trộm điện thoại hoặc có hành vi khác nhằm ngăn chặn, cản trở đường liên lạc của người khác.

Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định và phải có lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân".

Trong một thời gian khá dài chúng ta không có những chế tài đối với những người xâm phạm quyền được bảo vệ bí mật đời tư của người khác. Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin ra đời là một trong những cơ sở để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân. Theo quy định tại Nghị định này, việc tiết lộ bí mật đời tư mà chưa được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân của người đó trên báo chí thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Khoản 1 Điều 9), tác giả có tác phẩm xuất bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng, nhà xuất bản, tổ chức được phép xuất bản mà xuất bản những xuất bản phẩm vi phạm quy định về bảo vệ bí mật đời tư của công dân thì bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Khoản 1, 2 Điều 20). Ngoài hình thức xử phạt trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

c5) Ngoài những tác phẩm nêu trên, các tác phẩm xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân cũng không được pháp luật bảo hộ.

Ngoài những tác phẩm không thỏa mãn điều kiện về nội dung nên không được pháp luật bảo hộ như đã nêu trên, các tác phẩm sau đây do những đặc thù nhất định cần được bảo vệ theo quy định riêng của pháp luật (không áp dụng quy định của Bộ luật dân sự):

- Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian

Chưa có một khái niệm nào về tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, tuy nhiên, theo cách hiểu của chúng tôi tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thường là những tác phẩm thể hiện những nét đặc trưng riêng của từng dân tộc có ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc. Các tác phẩm này được thể hiện dưới hình thức truyền miệng hoặc bằng những hình ảnh, âm thanh hoặc được xuất bản lại dưới dạng sách để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy là một trong những loại hình tác phẩm mang tính dân tộc sâu sắc, nhưng các tác phẩm này thường có đặc điểm chung là: tác giả của tác phẩm thường không rõ, do được lưu truyền lâu đời nên chúng ta thường không xác định được đâu là bản gốc của tác phẩm, do đó nội dung của tác phẩm có thể bị thay đổi. Chính vì những đặc điểm đó mà pháp luật quy định tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian phải được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật. Việc bảo vệ các tác phẩm văn học dân gian phần nào được qui định trong Luật bảo vệ di sản văn hoá ban hành năm 2001.

- Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó

Loại văn bản này là sản phẩm trí tuệ của nhiều người, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cả một dân tộc, một cơ quan, một tổ chức, được áp dụng trong từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, kỹ thuật. Việc ban hành, thay thế, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật phải tuân theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 12-11-1996. Theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành, tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức đó khi được Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ các văn bản pháp luật đó.

- Tin tức thời sự thuần túy đưa tin

Có quan điểm cho rằng một tin tức thời sự thuần túy đưa tin trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình thường phản ánh những sự kiện đang diễn ra trong thực tế để mọi người theo dõi, chưa phải là sự thể hiện tính sáng tạo của tác giả. Do không thỏa mãn điều kiện đầu tiên của một tác phẩm là phải có hoạt động sáng tạo của tác giả, nên một tin tức thời sự thuần túy đưa tin không được coi là tác phẩm. Đây cũng chính là yếu tố để phân biệt giữa “tin tức thời sự thuần túy đưa tin” với “các bài viết, bài phóng sự mang tính chất nghiên cứu, trao đổi một vấn đề, một lĩnh vực nhất định trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Bởi các bài viết nghiên cứu, trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng là những tác phẩm phản ánh rõ nét những suy nghĩ, sáng tạo, nêu lên quan điểm của một tác giả đối với một vấn đề, một lĩnh vực nhất định để mọi người cùng trao đổi, cùng nghiên cứu. Do vậy, các bài nghiên cứu, trao đổi này vẫn được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm theo quy định của Bộ luật dân sự.[5]

Ngày nay với sự phát triển của nền văn hóa nước nhà, các chương trình được phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc được đăng tải trên các báo, tạp chí ngày càng được các phóng viên hoặc các cộng tác viên, biên tập viên viết và được chuẩn bị, lựa chọn một cách công phu thể hiện sự sáng tạo của tác giả trước khi phát sóng hoặc đăng báo, tạp chí. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi cần phải làm rõ như thế nào được gọi là tin tức thời sự thuần túy đưa tin. Bởi vì những tin tức thời sự có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một cá nhân, một pháp nhân và các chủ thể khác, hoặc liên quan đến tin tức nằm trong danh mục bí mật nhà nước, nên đòi hỏi người đưa tin phải trung thực, phản ánh sự việc một cách chính xác.

4. Quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành

Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, chủ sở hữu tác phẩm tuỳ theo vị trí của mình đối với tác phẩm có các quyền nhân thân và quyền tài sản sau đây:

4.1. Quyền nhân thân

a) Quyền đặt tên cho tác phẩm

Thông thường, qua tên tác phẩm, tác giả muốn thể hiện ở mức khái quát về chủ đề của tác phẩm. Việc đặt tên cho tác phẩm không những nhằm cá biệt hoá tác phẩm mà còn là cơ sở để người tiếp nhận tác phẩm có thể hình dung ra nội dung tư tưởng tác phẩm ngay từ khi vừa đọc đến tên của tác phẩm. Chính vì vậy, quyền đặt tên cho tác phẩm là một quyền luôn luôn gắn liền với tác giả mà không thể chuyển dịch cho người khác được. Thông qua quyền này tác giả có thể đặt cho tác phẩm một cái tên bất kỳ nào đó, thậm chí để vô đề. Theo quy định của các Công ước quốc tế, cũng như luật pháp của hầu hết các nước thì tên của tác phẩm thường gắn liền với nội dung của tác phẩm. Quy định của pháp luật cho phép tác giả sáng tạo ra tác phẩm có quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm đã bao hàm cả quyền bảo vệ quyền đặt tên cho tác phẩm.

b) Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm

Khi thực hiện quyền đứng tên tác giả trên tác phẩm có ý nghĩa trong việc cá biệt hoá người sáng tạo ra tác phẩm, xác định tác phẩm đó là do ai sáng tạo ra. Quyền đứng tên của tác giả là điều kiện tiền đề để tác giả được hưởng các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Mặt khác, quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm là một sự thể hiện danh dự của tác giả. Khi các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được sáng tạo ra và được xuất bản, ít khi có người tiêu dùng sau khi đã hoàn toàn thưởng thức qua lời văn hoặc xem qua các tác phẩm mới để quyết định mua tác phẩm, mà sự lựa chọn mua tác phẩm của họ nhiều khi là sự tin tưởng vào danh tiếng của tác giả tác phẩm (trường hợp này cũng giống như người tiêu dùng căn cứ vào nhãn hiệu hàng hóa để mua hàng hóa).

Điểm b Khoản 1 Điều 751 Bộ luật dân sự quy định: "Tác giả có quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm của mình, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến sử dụng".

Như vậy, đối với tác phẩm của mình, tác giả được quyền lựa chọn: hoặc là đứng tên thật, hoặc là đứng tên bút danh, hoặc vừa đứng tên thật vừa đứng tên bút danh. Dù không đứng tên thật nhưng khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng, tác giả vẫn có quyền nêu tên thật, nêu bút danh của mình để hưởng các quyền lợi đối với tác phẩm theo tên thật hoặc bút danh của mình.

c) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm

Tác phẩm là kết quả lao động sáng tạo của tác giả, là một chỉnh thể thể hiện chủ đề tư tưởng sáng tạo của tác giả nên quyền này cũng là một quyền nhân thân gắn liền với tác giả mà không thể chuyển dịch cho người khác. Chỉ có tác giả mới có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung tác phẩm của mình. Cũng chỉ có tác giả mới có quyền cho phép người khác sửa chữa, bổ sung nội dung tác phẩm. Người sử dụng tác phẩm chỉ được sửa đổi câu, chữ, ký tự, ký hiệu, gam màu, v.v... nếu việc sửa đổi đó không làm ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Người sử dụng tác phẩm không được sửa đổi nội dung của tác phẩm nếu không được sự đồng ý của tác giả.

Tóm lại, nếu người khác sửa đổi bất kỳ một vấn đề gì của tác phẩm mà không có sự đồng ý của chính tác giả làm cho chủ đề tư tưởng, giá trị văn hoá, nghệ thuật, khoa học của tác phẩm bị thay đổi so với ý tưởng sáng tạo của tác giả thì bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và theo đó tác giả có quyền yêu cầu người đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi và hoàn lại sự vẹn toàn tác phẩm, đồng thời phải bồi thường thiệt hại (nếu có). Ngoài ra những người thêm, bớt hoặc làm thay đổi nội dung tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mà không được tác giả đồng ý còn bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin).

Trong các văn bản pháp luật về quyền tác giả chưa có một quy định nào xác định rõ về tính "toàn vẹn” của tác phẩm. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm quy định ở Điểm đ Khoản 1 Điều 571 Bộ luật dân sự chỉ là quyền không cho phép người khác thay đổi, sửa chữa nội dung tác của tác phẩm. Quy định này thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả khi tác phẩm của họ bị người khác huỷ hoại thực tế như đổi, xé một bức tranh hoặc đập phá một tác phẩm điêu khắc, tạo hình. Trong những trường hợp này, người có hành vi nói trên có thể phải bồi thường thiệt hại, nhưng việc bồi thường này chỉ đơn thuần là bồi thường thiệt hại về tài sản hữu hình cho chủ sở hữu có tài sản bị xâm hại.

d) Quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình

Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự có quy định: công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng thông qua một hình thức nhất định như xuất bản, thuyết minh, trình bày, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác. Pháp luật nước ta coi đây là quyền nhân thân nhưng gắn liền với việc hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Chỉ những người nào là chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm nhưng không đồng thời là tác giả) mới có quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình. Người nào công bố, phổ biến tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả/đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 44 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin).

đ) Quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình

Để hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 76/CP quy định: quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm thể hiện ở việc: chủ sở hữu tác phẩm cho hoặc không cho người khác sao chép lại tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dịch, biên soạn, cải biên, chuyển thể tác phẩm của mình. Người khác chỉ được thể hiện các hành vi sử dụng nói trên nếu được chủ sở hữu tác phẩm cho phép.

Trong các quyền nhân thân nói trên thì ba quyền đầu (theo mục a, b, c) là những quyền mang giá trị tinh thần tuyệt đối nên luôn luôn tồn tại và gắn liền với tác giả của tác phẩm. Vì vậy chỉ có tác giả (bao gồm tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm) mới có các quyền nhân thân này. Hai quyền tiếp theo (theo mục d, đ) là những quyền nhân thân của tác giả được phép chuyển giao và chỉ có tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm mới được hưởng các quyền này.

4.2. Quyền tài sản

a) Được hưởng nhuận bút

Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả khi tác phẩm được sử dụng một trong các hình thức: xuất bản, đăng báo, tạp chí, biểu diễn; điện ảnh, video, phát thanh, truyền hình.

Như vậy, đối tượng được hưởng nhuận bút bao gồm:

+  Đối với tác phẩm được sử dụng khi tác phẩm được xuất bản hoặc đăng trên báo chí: là tác giả của tác phẩm.

+ Đối với tác phẩm được sử dụng dưới hình thức biểu diễn: là tác giả kịch bản, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ sáng tác, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, người thiết kế ánh sáng.

+ Đối với loại hình điện ảnh: là tác giả kịch bản văn học, nhạc sĩ sáng tác, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, đạo diễn âm thanh.

Tiền nhuận bút do tác giả và người sử dụng tác phẩm thoả thuận xác định.

b) Được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng

Pháp luật quy định quyền này nhằm bảo đảm cho tác giả được hưởng một khoản tiền (lợi ích vật chất) nhất định khi tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, thuật ngữ "hưởng thù lao” nói tới việc tác giả hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm của mình khi tác phẩm đó là đơn chiếc, có đặc thù riêng như tranh, ảnh công trình mỹ thuật, tượng đài, điêu khắc tạo hình, v.v.. và thường được người khác sử dụng dưới hình thức trưng bày triển lãm, v.v.. hoặc khi tác phẩm được dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể. Khoản thù lao này do tác giả và người sử dụng tác phẩm xác định theo thoả thuận.    

c) Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức: xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, thuê. Theo quy định của Bộ luật dân sự 1995 thì quyền này thuộc về chủ sở hữu tác phẩm, tác giả chỉ có quyền này trong trường hợp họ đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm.

d) Nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả, trừ trường hợp tác phẩm không được nhà nước bảo hộ

Thông qua việc quy định này, Nhà nước ghi nhận và bảo đảm cho tác giả được hưởng các quyền lợi nhất định khi tác phẩm của họ đoạt giải. Mặt khác, Nhà nước cũng không cho phép một người nào đó được nhận giải thưởng dù tác phẩm của họ được tổ chức nước ngoài trao giải nếu tác phẩm của họ có các nội dung đã được quy định tại Điều 749 của Bộ luật dân sự.

  Ai là người được hưởng tất cả các quyền phát sinh từ tác phẩm và ai là người được hưởng một số quyền trong số các quyền đó được xác định trong các trường hợp sau đây:

- Người là tác giả đồng thời là chủ hữu tác phẩm sẽ có tất cả các quyền phát sinh từ tác phẩm.

- Người là tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chỉ có các quyền nhân thân không chuyển dịch, quyền hưởng nhuận bút, hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng, quyền nhận giải thưởng khi tác phẩm đoạt giải.

          - Người là chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả chỉ có các quyền nhân thân không chuyển giao, quyền hưởng lợi ích vật chất khi cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, thuê.

Khi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chết, các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm được để lại thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế trừ những quyền nhân thân không được phép chuyển giao và quyền được nhận giải thưởng tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Pháp luật đã quy định cụ thể quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và đồng thời cũng quy định giới hạn của quyền tác giả. Theo quy định tại Điều 760, 761 Bộ luật dân sự: "Cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm" (không áp dụng đối với trường hợp sao lại tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, phần mềm máy tính).

Các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao bao gồm:

- Sao lại tác phẩm để sử dụng riêng không quá một bản; đối với các điểm chiếu băng hình tại các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, các điểm chiếu băng hình công cộng ngoài trời cố định hoặc lưu động phục vụ khách không được chiếu những băng sao lại, mà chỉ được chiếu các băng hình gốc được phép lưu hành, có dán nhãn.

- Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình;

- Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai lạc ý của tác giả để viết báo, để dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; hoặc để giảng dạy, kiểm tra kiến thức trong nhà trường;

- Sao lại tác phẩm để lưu trữ, dùng trong thư viện;

- Dịch, phổ biến tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại;

- Biểu diễn các tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động ở nơi công cộng, không thu tiền dưới mọi hình thức;

- Ghi âm, ghi hình trực tiếp các buổi biểu diễn với tính chất đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

- Chụp ảnh, truyền hình, giới thiệu hình ảnh của tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng trưng bày ở nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của các tác phẩm đó;

- Chuyển tác phẩm sang chữ nổi cho người mù.

Để bảo vệ các quyền trên của mình, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm còn có quyền: đăng ký tác phẩm thuộc sở hữu của mình tại Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa thông tin; hoặc khi các quyền đó bị người khác xâm phạm, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ quyền của tác giả hoặc quyền của chủ sở hữu tác phẩm.

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Pháp luật Việt Nam luôn thừa nhận và bảo vệ các quyền của các chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do họ sáng tạo ra. Các sản phẩm trí tuệ khi được sử dụng, ngoài việc mang lại những lợi ích nhất định cho người tạo ra nó, còn thoả mãn nhu cầu chung của xã hội, của nhân loại. Pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam quy định về thời hạn bảo vệ quyền tác giả nhằm hướng tới việc bảo vệ các quyền, lợi ích thiết thực cho tác giả, người thừa kế của tác giả đồng thời hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian do pháp luật quy định, trong đó các quyền của tác giả và của người thừa kế quyền tác giả được Nhà nước bảo vệ.

Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp, thời điểm bắt đầu phát sinh quyền tác giả không phụ thuộc vào việc tác phẩm có đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không. Theo quy định tại Điều 754 Bộ luật dân sự, thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với một tác phẩm được tính ngay từ khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm dưới một hình thức nhất định được pháp luật bảo hộ, không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã được công bố hay chưa công bố. Tuy nhiên, nếu tác phẩm không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì khi có tranh chấp về quyền tác giả xảy ra, các bên có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm. Để tránh nghĩa vụ chứng minh này, khoản 2 Điều 762 Bộ luật dân sự quy định tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền đăng ký tác phẩm tại Cục Bản quyền tác giả.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được Bộ luật dân sự và Điều 14 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 và Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP và  Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự quy định như sau:

- Các quyền nhân thân gắn liền với tác giả (quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn.

- Các quyền nhân thân khác (công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình) và các quyền tài sản được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết.

Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn năm mươi năm được xác định theo từng trường hợp như sau:

                   + Đối với tác phẩm do một tác giả sáng tạo ra: thời hạn 50 năm được tính từ khi tác giả chết và kết thúc vào ngày 31-12 của năm thứ năm mươi;

         + Đối với tác phẩm do nhiều tác giả sáng tạo ra: thời hạn 50 năm được tính từ khi đồng tác giả cuối cùng chết và kết thúc vào ngày 31-12 của năm thứ năm mươi;

         + Đối với tác phẩm điện ảnh, phát thanh, truyền hình, video, tác phẩm di cảo: thời hạn 50 năm được tính từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên và kết thúc vào ngày 31-12 của năm thứ năm mươi.

          - Đối với tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác giả khuyết danh, thì quyền tác giả thuộc Nhà nước. Nếu trong thời hạn 50 năm kể từ ngày công bố lần đầu tiên tác phẩm mà xác định được tác giả, thì quyền tác giả được bảo hộ theo quy định trên nhưng tính từ ngày xác định được tác giả.

- Đối với tác phẩm di cảo (là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả đã chết) thì người thừa kế tài sản, hoặc trong trường hợp không xác định được người thừa kế của tác giả thì người chiếm hữu hợp pháp tác phẩm di cảo được hưởng các quyền nhân thân được phép chuyển giao (công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình; cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình) và các quyền tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 751 Bộ luật dân sự (trừ quyền nhận giải thưởng) trong thời hạn 50 năm kể từ ngày công bố lần đầu tiên. Nếu trong thời hạn 50 năm này mà xác định người thừa kế tài sản thì người thừa kế được tiếp tục hưởng các quyền nói trên trong thời hạn bảo hộ còn lại.

6. Thực thi pháp luật về quyền tác giả

Bộ luật dân sự ra đời thực sự là công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý giữa các chủ thể khi họ tham gia các quan hệ dân sự.

Các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự cùng với các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xác định các hành vi vi phạm quyền tác giả, kiểm tra và xử lý các vi phạm, là phương tiện để các chủ thể sử dụng trong bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình khi tác phẩm bị người khác xâm phạm.

Trong thực tế, hành vi vi phạm quyền tác giả rất đa dạng, phức tạp và xảy ra thường xuyên với nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính, thông qua việc xử phạt, hoặc tịch thu tang vật của các cơ quan như: Thanh tra Bộ Văn hoá thông tin, cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế. Một số vụ được các cơ quan này chuyển hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền khởi tố và xét xử hình sự, nhưng thường đó là những vụ buôn bán, lưu hành văn hoá phẩm đồi truỵ, v.v.. Việc xâm phạm quyền tác giả trên thực tế chưa bị khởi tố hình sự.

Qua Báo cáo khảo sát về tình hình vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, sự vi phạm về quyền tác giả được thể hiện ở những dạng sau đây:

a) Đối với tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác

Hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với những tác phẩm kể trên diễn ra ở các dạng sau:

- Sao chép băng nhạc, băng hình, đĩa CD trái phép để kinh doanh. Tình trạng này rất phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Người vi phạm thường là các cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Trên thực tế người mua thích lựa chọn mua những băng, đĩa sao chép lại bởi lợi ích kinh tế. Giá tiền để mua những băng, đĩa này rất thấp, có khi chỉ bằng 1/2 giá tiền của băng, đĩa gốc.

- Nhập lậu băng đĩa, đánh cắp bản quyền của FAFIM Việt Nam. Cục điện ảnh cho biết:

+ Tất cả những phim nhựa được giải cao ở các liên hoan phim quốc tế đều có băng lậu ở Việt Nam trước khi phim đó được nhập và trình chiếu hợp pháp ở Việt Nam, ví dụ: Sechspia đang yêu, Bản danh sách của Sinle, Điệp viên 007, Nhiệm vụ bất khả thi, v.v..

+ Rất nhiều Đài truyền hình địa phương phát chương trình phim truyện là các băng hình mà FAFIM Việt Nam có bản quyền, ví dụ Đài truyền hình Hà Tây chiếu Bức tranh định mệnh, Đài truyền hình Đồng Tháp chiếu Tiếu ngạo giang hồ, Đài truyền hình Đà Nẵng chiếu Ông trùm, v.v..

+ Một số rạp, câu lạc bộ tại TP. Hồ Chí Minh chiếu đĩa hình trong khi FAFIM Việt Nam đang chờ nhận phim nhựa để phát hành như bộ phim Người mang mặt nạ sắt.

- Theo thông tin của Thanh tra Bộ Văn hóa thông tin, ngày càng có nhiều tranh chấp giữa tác giả, đạo diễn, biên kịch và tổ chức/cá nhân sản xuất chương trình liên quan đến tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác. Điển hình là vụ kiện dân sự của nhạc sỹ Lê Vinh liên quan đến tranh chấp về quyền tác giả đối với bài hát Hà Nội và tôi, hoặc vụ một tác giả mạo xưng là chủ sở hữu của nguyên tác kịch bản chuyển thể theo vở cải lương cùng tên đã kiện nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ăn cắp bản thảo của ông ta. Thực chất, chính tác giả mạo xưng này sau khi xem bộ phim Hải đường trắng của đạo diễn Châu Huế (dựng theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn) đã viết lại kịch bản trên. Đối với tác phẩm sân khấu, hầu hết các vở kịch của tác giả nước ngoài được công diễn ở Việt Nam đều vi phạm quyền tác giả.

Các hành vi vi phạm đối với tác phẩm âm nhạc, điện ảnh thì nhiều, nhưng phần lớn các tác giả của các tác phẩm nói trên chỉ biết buồn cho các tác phẩm của mình bị vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng này là các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa tin vào sự bảo vệ của công lý. Thời gian xét xử một vụ việc quá dài, việc chứng minh những thiệt hại về tinh thần trước toà là rất khó.

b) Đối với các tác phẩm viết. Tình trạng vi phạm quyền tác giả chủ yếu thể hiện ở các dạng sau:

- Sao chép nguyên sách nước ngoài để bán trên thị trường Việt Nam;

- Tái bản sách không trả tiền nhuận bút cho tác giả;

- Sao chép lậu sách, photocopy giáo trình;

- Dịch tác phẩm không hỏi ý kiến và trả thù lao cho tác giả;

- Trích dẫn nội dung tác phẩm không đúng quy định.

- In sách không đúng số lượng ghi trong giấy phép, v.v..

Người vi phạm cũng thuộc rất nhiều loại:

- Thứ nhất, chính người sáng tác: trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu, dịch thuật, người sáng tác đã vô ý hay cố ý sử dụng tác phẩm của người khác để phục vụ cho công trình của mình mà không ghi tên tác giả, tác phẩm gốc, không dẫn chiếu tài liệu tham khảo;

- Thứ hai, các tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận đã in sách trái phép.

- Thứ ba, các nhà xuất bản thay đổi tên tác giả, sửa chữa nội dung tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả. Đây là một thực tế mà các tác giả đành phải chịu hoặc lờ đi coi như không biết, bởi vì nếu không để các nhà xuất bản sửa đổi nộp dung theo ý của các nhà xuất bản thì tác phẩm có nguy cơ không được xuất bản.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa thông tin, chỉ trong một năm (1999) đã có gần 10.000 tấn sách và 16.000 đầu sách in lậu được tung ra thị trường. Sách in lậu đa phần nhái sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục. Sách giáo khoa có thị trường rộng rãi nhất, với khối lượng tiêu thụ lớn nhất (khoảng 100 đến 140 triệu bản sách, với 2.000 đầu sách các loại mỗi năm). Lợi dụng điều này các cơ sở in lậu đã tung vào thị trường lượng sách giáo khoa khá lớn. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa bàn có nhiều cơ sở in lậu sách nhất. Theo số liệu công an TP. Hà Nội đã có hàng chục vụ in lậu sách bị phát hiện. Trong số đó phải nói đến các vụ như:

- Trung tâm khoa học kỹ thuật hóa chất Láng Hạ in lậu hàng ngàn bản sách của Nhà xuất bản Giáo dục do Công an quận Đống Đa phát hiện;

- Vụ in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục ở Khương Đình do Công an quận Thanh Xuân xử lý. Tang vật thu được trong vụ này là máy in công nghệ Adast, 143 bản kẽm đã qua sử dụng, 45 tấm lưới phục vụ cho công việc in, hơn 200 bản sách in lậu.

- Vụ in lậu sách giáo khoa của cơ sở 90 đường Hưng Yên - Nam Định bị Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện.

Ở TP. Hồ Chí Minh, nạn in lậu sách giáo khoa còn phức tạp hơn nhiều. Với 2.500 cơ sở in tại thành phố, các cơ quan chức năng khó mà quản lý được lượng sách được in ra tại khu vực này.

c) Vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm là phần mềm máy tính. Đa số các sản phẩm phần mềm của các công ty phần mềm đều bị sử dụng bất hợp pháp bởi các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam. Theo Công ty IBM, khoảng 50 đến 60 % người sử dụng sản phẩm Lotus Notes của công ty là sử dụng bản sao lại. Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới cũng có tình trạng vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm là phần mềm máy tính mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

7. Một số bất cập trong quy định của pháp luật quyền tác giả và hướng hoàn thiện

Kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quyền tác giả. Pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam ngày một hoàn thiện. Tuy nhiên, do thiếu nhiều kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực quyền tác giả, do cơ chế xây dựng pháp luật và một số nguyên nhân khác, pháp luật về quyền tác giả của nước ta vẫn không tránh khỏi những bất cập nhất định.

Trong quá trình phân tích, nghiên cứu pháp luật về các quy định của pháp luật về quyền tác giả, chúng tôi đã thấy một số bất cập. Dưới đây là những bất cập đó và cách khắc phục chúng:

7.1. Việc xác định đâu là quyền kinh tế (thuật ngữ tiếng Anh là economic rights) và đâu là quyền về tinh thần - quyền nhân thân (moral rights) còn chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, cũng như chưa phù hợp với bản chất của các quyền này. Đây là điểm bất cập xuyên suốt toàn bộ các quy định của Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tác giả.

Theo quy định của Công ước Berne, quyền nhân thân của tác giả "độc lập với các quyền kinh tế của tác giả và cả sau khi quyền này được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm của tác giả"[6].

Quyền nhân thân của tác giả là các quyền về danh dự, độc lập với các quyền tài sản, không tách rời khỏi tác giả và vì vậy, không thể là đối tượng của chuyển giao. Chính bởi lý do đó, việc bảo hộ quyền này là rất khó khăn.

Quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền công bố tác phẩm; quyền đứng tên trong tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

i) Quyền công bố tác phẩm là quyền định đoạt việc công bố hoặc không công bố tác phẩm;

ii) Quyền đứng tên trong tác phẩm là quyền xác định (chỉ ra) hoặc không chỉ ra tên thật hoặc bí danh của tác giả trên tác phẩm gốc, trong các bản sao cũng như trong các trường hợp tác phẩm được sử dụng.

iii) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền không cho phép người khác thay đổi tác phẩm như xuyên tạc, làm ảnh hưởng tới giá trị của tác phẩm.

Cũng theo Công ước Berne, quyền tác giả (thuật ngữ tiếng Anh Copyrights) bao gồm các quyền tài sản sau: quyền dịch tác phẩm; quyền tái bản tác phẩm; quyền biểu diễn công khai tác phẩm; quyền giới thiệu tác phẩm qua phát thanh truyền hình hoặc bằng các phương tiện truyền thông khác; quyền kể lại tác phẩm trước công chúng; quyền phóng tác; sắp xếp hoặc các hình thức chuyển thể khác; quyền phóng tác các tác phẩm điện ảnh, tái bản các tác phẩm điện ảnh; phổ biến và công bố các tác phẩm điện ảnh (theo quy định tại các Điều 8, 9, 11, 11bis, 11ter, 12 và 14). Ngoài ra, theo quy định của Hiệp định TRIPS, quyền tài sản còn bao gồm quyền cho thuê tác phẩm (Điều 11).

Theo các quy định của các điều ước quốc tế, các quyền tài sản có thể chuyển giao.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo quy định tại, Khoản 1 Điều 752, Khoản 1 Điều 753 quyền nhân thân bao gồm:

          - Quyền đặt tên cho tác phẩm;

          - Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng;

         - Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm.

         - Quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình;

        - Quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình;

Ba quyền nhân thân đầu gắn liền với bản thân tác giả sáng tạo ra tác phẩm, không được phép chuyển giao, còn hai quyền nhân thân sau tác giả có thể chuyển giao cho người khác.

a) Việc coi "đặt tên cho tác phẩm" là một trong các quyền nhân thân của tác giả dẫn đến sự thiếu thống nhất trong các quy định của Bộ luật dân sự như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 757, “các tác giả tác phẩm phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể được hưởng các quyền tác giả đối với các tác phẩm đó theo quy định tại Điều 751 hoặc Điều 752 của Bộ luật này, nhưng phải được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc; nếu muốn thay đổi nội dung tác phẩm gốc, thì phải được tác giả cho phép và phải ghi tên tác giả và tên tác phẩm gốc”. Theo quy định tại Khoản 2, “đối với tác phẩm dịch, thì tác giả dịch được hưởng các quyền tác giả theo quy định tại Điều 751 hoặc Điều 725 của Bộ luật này, trừ quyền đặt tên cho tác phẩm. Như vậy ta có thể nhận thấy:

+ Quyền đặt tên của tác giả của các tác phẩm chú giải, tuyển chọn không được đề cập trong điều luật này.

+ Quy định tại hai khoản nêu trên của Điều 757 thiếu thống nhất. Đối với Khoản 1, tác giả phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể vẫn có quyền đặt tên cho tác phẩm. Đối với Khoản 2, tác giả của tác phẩm dịch không có quyền đặt tên cho tác phẩm. Nếu như vậy một tác phẩm khi được tác giả dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ví dụ từ tiếng Trung sang tiếng Việt, thì mặc dù nội dung của tác phẩm dịch là tiếng Việt nhưng tên của tác phẩm vẫn phải giữ nguyên tiếng Trung. Đây là điểm bất hợp lý.

Theo ý kiến của chúng tôi, nhằm khắc phục bất cập trên, pháp luật dân sự nước ta không nên tách việc đặt tên cho tác phẩm là một quyền nhân thân riêng biệt. Bởi vì, xét về bản chất, tên tác phẩm là một yếu tố cấu thành nội dung tác phẩm. Do vậy, việc tạo cho chủ thể quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm đã bao hàm quyền trên.

b) Việc định nghiã chính xác khái niệm "công bố, phổ biến tác phẩm" có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định quyền công bố, phổ biến tác phẩm. Tuy nhiên, việc giải thích thuật ngữ "công bố, phổ biến tác phẩm" theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 đã đánh đồng hai khái niệm công bốphổ biến. Hơn thế, theo giải thích tại điều luật này, "công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác". Cách giải thích trên là chưa chính xác so với các quy định trong các điều ước quốc tế đa phương. Ví dụ theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Công ước Berne: "không được coi là công bố: sự trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay điện ảnh, hòa tấu một tác phẩm âm nhạc, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc"[7].

Chúng ta hãy xem xét các khái niệm về công bố, phổ biến trong các từ điển Việt Nam. Theo Đại từ điển tiếng Việt công bố được hiểu là "thông báo cho mọi người đều biết", phổ biến là "truyền đạt rộng khắp, làm cho nhiều người cùng biết"[8]. Theo chúng tôi quyền công bố tác phẩm là quyền quyết định tác phẩm có đưa ra công khai trước công chúng hay không. Đây là điểm phân biệt quyền sở hữu trí tuệ với quyền sở hữu tài sản thông thường mà ở đó việc chiếm hữu đóng vai trò quan trọng. Có chiếm hữu được vật thì chủ sở hữu mới dễ dàng trong việc sử dụng và định đoạt vật. Còn đối với tài sản trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng, quyền chiếm hữu không đóng vai trò quan trọng. Tác giả chỉ có thể chiếm hữu được tác phẩm của mình khi không đưa tác phẩm ra công bố. Nhưng như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của việc sáng tạo ra tác phẩm. Nếu tác giả quyết định công bố tác phẩm của mình ra trước công chúng, thì sự lan truyền của tác phẩm là không thể hạn chế được. Như vậy, tác giả không chiếm hữu được tác phẩm. Việc sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng cũng vậy. Nếu chủ sở hữu tác phẩm không công bố tác phẩm, thì giá trị sử dụng của tác phẩm không thể sử dụng được và lợi ích kinh tế của chủ sở hữu và của tác giả cũng bị ảnh hưởng.

Từ sự phân tích ở trên ta có thể kết luận, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm chỉ thực hiện quyền công bố tác phẩm một lần, nhưng có thể phổ biến tác phẩm của mình nhiều lần trước công chúng. Khi tác phẩm được sáng tạo ra và được công bố trước công chúng, thì nếu có người khác lại đem tác phẩm của tác giả ra xuất bản, bán mà không xin phép tác giả, không trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả thì không phải là họ đã vi phạm quyền công bố tác phẩm của tác giả mà vi phạm vào quyền được hưởng nhuận bút hoặc thù lao khi sử dụng tác phẩm của tác giả.

Việc phổ biến tác phẩm cũng có thể được thể hiện ở việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Quyền này gắn bó chặt chẽ với các quyền tài sản của tác giả. Hình thức phổ biến tác phẩm đã được thể hiện ở Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996. Nếu tiếp cận như vậy thì quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm theo pháp luật Việt Nam sẽ phù hợp hơn với những quy định về quyền nhân thân trong Công ước Berne.

Những bất hợp lý nêu trên dẫn đến thực tế là các quy định tại Điều 751 (các quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm), 752 (các quyền của tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm), 753 (quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả), 763 (chuyển giao quyền tác giả), 764 (thừa kế quyền tác giả), 765 (thừa kế quyền tác giả) Bộ luật dân sự và các quy định có liên quan trong Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 thiếu thống nhất, phức tạp và khó áp dụng.

7.2. Điểm c Khoản 2 Điều 745 Bộ luật dân sự chỉ quy định tác giả của tác phẩm biên soạn, chú giải, tuyển chọn nhưng khi liệt kê các loại hình các phẩm được bảo hộ tại Điểm n Khoản 1 Điều 747 lại có tác phẩm "tuyển tập, hợp tuyển" mà không có loại hình tác phẩm "tuyển chọn". Theo Đại từ điển tiếng Việt, tuyển chọn là động từ (chứ không phải là danh từ để được coi là một loại hình tác phẩm) dùng để chỉ hành động "chọn trong số nhiều cùng loại để lấy với số lượng nào đó theo yêu cầu, tiêu chuẩn đề ra …"[9]. Theo quy định tại Điểm g, h Khoản 13 Điều 4 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 thì "tác phẩm tuyển tập tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả", "tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định". Như vậy giữa Điểm c Khoản 2 Điều 745 với qui định viện dẫn trên của Nghị định 76/CP đã có sự thiếu nhất quán.

7.3. Điều 747 Bộ luật dân sự quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ rất dài dòng, trùng lắp, thiếu tiêu chí phân loại. Thêm vào đó việc giải thích cụ thể các đối tượng được bảo hộ tại Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 cũng chưa làm rõ thêm các quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự. Ví dụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 747 Bộ luật dân sự, các loại hình tác phẩm sau đây liệt kê trùng lặp: tác phẩm viết (Điểm a), tác phẩm báo chí (Điểm e), công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình (điểm l), tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển (Điểm n). Các tác phẩm này đều có thể được gọi chung là "tác phẩm viết". Tương tự như vậy tác phẩm kiến trúc (Điểm h), các bức họa đồ, bản vẽ, sơ đồ, họa đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc (Điểm m) cũng được gọi chung là tác phẩm kiến trúc.

Như vậy để tránh trùng lặp, theo chúng tôi, dựa vào hình thức thể hiện của tác phẩm nên quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm:

          - Tác phẩm viết;

          - Tác phẩm bằng lời nói (các bài phát biểu, bài giảng);

          - Tác phẩm điện ảnh;

          - Tác phẩm phát thanh, truyền hình;

          - Tác phẩm kiến trúc;

          - Tác phẩm tạo hình;

          - Tác phẩm nhiếp ảnh;

          - Phần mềm máy tính;

          - Các tác phẩm khác do pháp luật quy định.

7.4. Theo quy định tại Điều 748, về các đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật bao gồm các đối tượng sau:

+ Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian

+ Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó

+ Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin

Tuy nhiên, cho tới nay chưa có một văn bản nào quy định về vấn đề này. Đặc biệt đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là những tác phẩm thể hiện bản sắc dân tộc riêng dưới hình thức truyền miệng hoặc bằng những hình ảnh, âm thanh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy là một trong những loại hình tác phẩm mang tính dân tộc sâu sắc, nhưng việc bảo hộ các tác phẩm này rất khó thực hiện, bởi vì tác giả của tác phẩm thường không rõ, bản gốc của tác phẩm thường bị thất lạc, do đó nội dung của tác phẩm bị thay đổi khi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đối với tin tức thời sự thuần túy đưa tin trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình thường phản ánh những sự kiện đang diễn ra trong thực tế để mọi người theo dõi, chưa phải là sự thể hiện tính sáng tạo của tác giả, nhưng những tin tức thời sự thuần túy đưa tin có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một cá nhân, một pháp nhân và các chủ thể khác, hoặc liên quan đến tin tức nằm trong danh mục bí mật nhà nước, nên đòi hỏi người đưa tin phải trung thực, phản ánh sự việc một cách chính xác. Do vậy pháp luật cần có những quy định cụ thể về việc đưa những tin tức này.

7.5. Việc bảo hộ sản phẩm phần mềm theo quy định tại Khoản 3 Điều 747 Bộ luật dân sự và Khoản 14 Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 chưa đối phó được thực trạng vi phạm quyền tác giả đối với các sản phẩm phần mềm tại Việt Nam. Theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 42 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, thì sao lại phần mềm máy tính mà không được đồng ý của chủ sở hữu thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Nhưng đây vẫn chỉ là quy định mang tính hình thức. Vấn đề là làm sao để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp, khi việc này tuy diễn ra phổ biến nhưng lại không có cơ quan nào có đầy đủ thẩm quyền và điều kiện giám sát, thực thi.

7.6. Bằng quy định về quyền tác giả (Điều 745), về chủ sở hữu tác phẩm (Điều 746), Bộ luật dân sự đã thừa nhận các loại tác giả khác nhau. Trong đó, các tác giả tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng là tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm. Quyền của tác giả loại này đã được xác định theo Điều 752 Bộ luật dân sự. Vì vậy theo chúng tôi, để tránh trùng lặp, cần bỏ Điều 756 Bộ luật dân sự.

7.7. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 757, khi dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác giả của tác phẩm dịch không phải xin phép tác giả tác phẩm gốc. Tuy nhiên, theo quy định quy định tại Điều 760, 761 Bộ luật dân sự thì chỉ có dịch, phổ biến tác phẩm từ ngôn ngữ tiếng Việt ra tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại mới không phải xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả. Hơn nữa quy định này của Bộ luật dân sự không phù hợp với quy định của Công ước Berne. Điều 8 Công ước Berne quy định: "Tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật được Công ước này bảo hộ được độc quyền dịch hay cho phép dịch tác phẩm của mình trong suốt thời hạn hưởng quyền bảo hộ trên các tác phẩm nguyên tác của mình". Tuy chúng ta chưa gia nhập Công ước Berne, nhưng trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đã ký kết các Hiệp định song phương như Hiệp định về quyền tác giả giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong các Hiệp định này có các cam kết thực hiện những nghĩa vụ và quyền hạn quy định trong những Hiệp định đa phương, kể cả trong lĩnh vực quyền tác giả như Công ước Berne ngày 9-9-1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Hơn nữa, tuy Bộ luật dân sự không quy định nghĩa vụ bắt buộc người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc, song Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin lại quy định mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc (Điểm a Khoản 2 Điều 43). Bất cập này nhất định sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để bảo hộ quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc trên thực tế.

Quy định tại Điều 11 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 và Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự không rõ ràng, chưa thực hiện được vai trò của việc hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quyền tác giả.

Theo chúng tôi để khắc phục nhược điểm này cần sửa đổi Khoản 2 Điều 757 Bộ luật dân sự theo hướng quy định cụ thể nghĩa vụ bắt buộc đối với tác giả của tác phẩm dịch phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc, tương ứng với Khoản 1 Điều này. Việc quy định như vậy vừa tránh được tình trạng Bộ luật ra đời muốn đảm bảo được thi hành lại phải chờ văn bản hướng dẫn, trong khi đó văn bản hướng dẫn cũng không làm rõ hơn quy định của Bộ luật.

7.8. Giới hạn quyền tác giả quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự, Điều 12 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, theo đó, “cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm. Các quy định trên cho thấy, việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả dựa trên một số căn cứ sau:

+ Tác phẩm đã công bố;

+ Tác phẩm không bị cấm sao chép;

+ Không nhằm mục đích kinh doanh;

+ Không xâm phạm tới việc sử dụng bình thường tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Tuy nhiên, quy định trên, xét ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp, chỉ được hiểu đúng từ những luật sư chuyên nghiệp. Đối với đa số mọi người thì khó có thể xác định được là việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và trả thù lao cho tác giả có thể thực hiện với một trong 4 điều kiện trên hay chỉ khi hội tủ đủ 4 điều kiện trên. Hơn nữa, rất khó có thể xác định được mục đích kinh doanh hay không kinh doanh của việc dịch tác phẩm, rất khó chứng minh được có hay có việc tác giả sử dụng bình thường tác phẩm của mình khi nó bị dịch hay bị sao chép. Vì vậy, việc vi phạm quyền tác giả ở góc độ nào đó vẫn có thể biện minh dễ dàng bằng cách lách giữa khe hở các qui định này.

Bất cập trên là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng vi phạm bản quyền một cách nghiêm trọng và phổ biến ở nước ta. Thêm vào đó, việc xác định sử dụng tác phẩm không nhằm mục đích kinh doanh ở nước ta chưa rõ ràng. Không thể nói rằng, việc chủ các quán cafe mời các ban nhạc chơi các bản nhạc trong quán của mình là không nhằm mục đích kinh doanh, hoặc tại các quán ăn, quán giải khát chiếu những bộ phim video cũng không nhằm mục đích kinh doanh. Chính vì sự không rõ ràng của các quy định pháp luật, đồng thời với sự thiếu những chế tài áp dụng khi có những hành vi vi phạm nói trên đã dẫn đến tình trạng vi phạm quyền tác giả phổ biến. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin được ra đời quá muộn (Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001), sau 6 năm kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-1996). Mặc dù đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 11-7-2001) nhưng cho đến nay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để bảo hộ quyền tác giả cũng chưa được thực hiện trong thực tế.

7.9. Khoản 5 Điều 766 Bộ luật dân sự quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác phẩm khuyết danh. Để làm rõ hơn quy định này, ngày 10-5-2001 (sau gần 5 năm Bộ luật dân sự có hiệu lực) Bộ Văn hóa thông tin đã ban hành Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự, có định nghĩa: "tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố", "tác phẩm không rõ tác giả" là tác phẩm khi công bố chưa xác định được tác giả". Hai khái niệm này có thể cho chúng ta hiểu tác phẩm khuyết danh hoặc tác phẩm không rõ tác giả đều dùng để chỉ trường hợp tại thời điểm công bố tác phẩm chưa rõ tác giả của tác phẩm là ai. Như vậy trong Bộ luật dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không cần phân biệt hai khái niệm này.

7.10. Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 "Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả thuộc lĩnh vực khoa học, kể cả phần mềm máy tính, trong đó có hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, phần mềm máy tính trước khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục bản quyền tác giả". Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các tác phẩm đó. Theo chúng tôi cần nâng cao tinh thần trách nhiệm cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong việc bảo đảm tính xác thực của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Điều này có nghĩa là yêu cầu người xin bảo hộ chứng minh tính xác thực của tác phẩm mà mình xin bảo hộ.

7.11. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 774 Bộ luật dân sự, người biểu diễn có nghĩa vụ "xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm được sử dụng tác phẩm để trình diễn nếu tác phẩm chưa được công bố"; và Khoản 1 Điều 776 Bộ luật dân sự, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình có nghĩa vụ "giao kết hợp đồng bằng văn bản với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nếu sử dụng tác phẩm chưa được công bố để sản xuất chương trình của mình". Như vậy nếu tác phẩm đã được công bố, người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình không phải xin phép hoặc thỏa thuận với tác giả nhưng phải trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng Khoản 1 và Khoản 5 Điều 35 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 lại hướng dẫn tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu được bảo hộ khi người nào đó (cá nhân hoặc tổ chức) biểu diễn tác phẩm trên sân khấu, phát sóng bộ phim, băng hình, nhân bản, lắp ghép chương trình phát thanh, truyền hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng nhạc, đĩa nhạc, băng hình, đĩa hình, v.v.. để kinh doanh mà không xin phép tác giả. Hướng dẫn tại Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 là áp dụng với cả trường hợp tác phẩm đã công bố và tác phẩm chưa được công bố. Hướng dẫn tại Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 sai so với tinh thần của Bộ luật dân sự, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

7.12. Về chế độ nhuận bút và thù lao của tác giả. Để hướng dẫn thi hành Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 thì nhuận bút hoặc thù lao của tác giả được xác định theo hợp đồng giữa tác giả đối với cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, đối với tác phẩm được xuất bản thì chế độ hưởng nhuận bút theo quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành từ những năm 1989, 1990, 1991 (cách đây hơn mười năm) là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Do đó cần phải có văn bản mới quy định về cách tính nhuận bút, hoặc thù lao cho tác giả, có như vậy mới khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm trí tuệ.

7.13. Cần xác định quyền của người là chủ sở hữu tác phẩm nhưng không đồng thời là tác giả để lại thừa kế các quyền liên quan đến tác phẩm.        

Theo quy định trong Bộ luật dân sự cũng như trong các văn bản pháp luật liên quan khác về việc dịch chuyển các quyền từ tác phẩm cho người khác theo thừa kế (thừa kế quyền tác giả) thì chỉ có tác giả mới có quyền để lại thừa kế, hay nói cách khác, chỉ những người thừa kế của tác giả mới được hưởng thừa kế các lợi ích từ tác phẩm khi tác giả chết.

Chủ sở hữu tác phẩm, dù không phải là tác giả, là người có các quyền từ tác phẩm mà mình là chủ sở hữu như quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, quyền hưởng lợi ích vật chất khi người khác sử dụng tác phẩm. Người thừa kế của họ phải được hưởng thừa kế các quyền này nếu chủ sở hữu tác phẩm chết.

 

CHƯƠNG III

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

I. Pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam

Năm 1981 là mốc mở đầu cho việc hình thành pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định số 31/CP ngày 23-1-1981 là văn bản pháp luật đánh dấu sự mở đầu của việc ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Điều lệ có những nội dung cơ bản như sau:

- Quy định thống nhất các tiêu chuẩn để công nhận một giải pháp là sáng kiến hay sáng chế, xác lập và bảo vệ các quyền liên quan đến sáng kiến, sáng chế, đặc biệt là quyền sở hữu của Nhà nước và quyền tác giả đối với sáng kiến, sáng chế.

- Quy định những thủ tục pháp lý để quản lý sáng kiến, sáng chế, từ khâu đăng ký, xét công nhận, cấp các loại văn bằng (giấy chứng nhận sáng kiến, bằng tác giả sáng chế, bằng sáng chế độc quyền), tổ chức áp dụng, khen thưởng và thông tin sáng kiến, sáng chế.

- Quy định chế độ khen thưởng cho tác giả, cho người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức áp dụng sáng kiến, sáng chế; quy định mức thưởng sáng kiến, sáng chế và mở rộng quyền quyết định mức thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho thủ trưởng các ngành, các cấp khen thưởng kịp thời và khuyến khích thích đáng cho tác giả, cho những người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức áp dụng sáng kiến, sáng chế để động viên mọi người hăng hái phát huy và áp dụng sáng kiến, sáng chế.

- Quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức, chỉ đạo và quản lý hoạt động sáng kiến sáng chế, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tổ chức của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở để quản lý hoạt động này.

Tiếp ngay sau đó là Chỉ thị số 20/TTG ngày 23-1-1981 về việc thi hành Điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế, và Thông thư liên tịch số 892/TT-LB ngày 4-8-1982 của Bộ tài chính, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn thi hành những vấn đề về tài chính và trả thưởng quy định trong Điều lệ sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định 31/CP ngày 23-1-1981 của Hội đồng Chính phủ.

Việc chuyển đổi nền kinh tế - từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, đòi hỏi phải có quan niệm mới về sở hữu nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng. Điều này càng cấp thiết hơn khi chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhận thức được yêu cầu này, Nhà nước ta đã cho ra đời hàng loạt các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. Trong đó có:

- Chỉ thị số 140/CT ngày 10-05-1988 về việc đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng chế và sở hữu công nghiệp;

- Quyết định số 92/HĐBT ngày 4-5-1988 về việc bổ sung, sửa đổi một số điều khoản của Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế theo Nghị định số 31/CP ngày 23-01-1981 của Hội đồng Chính phủ, trong đó sửa đổi về hình thức và nội dung khen thưởng cho các tác giả sáng kiến, sáng chế nhằm khuyến khích cá nhân bằng tài năng trí tuệ của mình tạo ra ngày càng nhiều sáng kiến, sáng chế để ứng dụng vào sản xuất;

- Điều lệ về giải pháp hữu ích ban hành kèm theo Nghị định số 200/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trư­ởng;

- Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 85/HĐBT ngày 13-05-1988 của Hội đồng Bộ trư­ởng;

- Điều lệ về mua bán quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và bí quyết kỹ thuật ban hành kèm theo Nghị định số 201/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (Điều lệ về mua bán lixăng);

- Pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp ngày 28-1-1989 đánh dấu một bước quan trọng trong pháp luật sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Lần đầu tiên thuật ngữ “sở hữu công nghiệp” được ghi nhận trong văn bản pháp luật có hiệu lực cao. Theo quy định của Pháp lệnh, các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá. Pháp lệnh còn quy định quyền của các chủ thể đối với đối tượng sở hữu công nghiệp; quản lý nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp; nội dung của quyền sở hữu công nghiệp, thủ tục công nhận quyền sở hữu công nghiệp, giải quyết khiếu nại, tranh chấp; xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

- Nghị định 84/HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất và sáng chế; Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa, Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp, Điều lệ về giải pháp hữu ích nhằm thi hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

- Quy định số 545 ngày 26-11-1991 của  Cục Sáng chế về hình thức và nội dung đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích;

- Thông t­ư 1134/SC ngày 17-10-1991 của Uỷ ban Khoa học Nhà n­ước hư­ớng dẫn thi hành Nghị định số 84/HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ tr­ưởng về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế; Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá; Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp; Điều lệ về giải pháp hữu ích nhằm thi hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Nhìn chung, với việc ban hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hiệu quả bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được nâng cao. Đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp được mở rộng; các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp không chỉ bị xử lý hành chính mà còn bị xử lý theo thủ tục tư pháp, tức là được xét xử bởi Toà án.

Hình thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được chuyển sang hình thức cấp bằng “độc quyền” và có sự phân định giữa chủ văn bằng bảo hộ với tác giả tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp. Hình thức cấp bằng tác giả bị loại bỏ hoàn toàn.

Các quy định trong Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo hộ đối với một số đối tượng sở hữu công nghiệp. Chính vì vậy khi Bộ luật dân sự được ban hành (ngày 28-10-1995), phần lớn các quy định trong Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được đưa vào Chương II, Phần thứ sáu Bộ luật dân sự. Đây là một bước tiến trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta, đưa hoạt động sở hữu công nghiệp tiến theo mục tiêu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, cũng có những quy định được sửa đổi về nội dung. Ngoài những đối tượng truyền thống, Bộ luật dân sự còn quy định mới về các đối tượng sở hữu công nghiệp bằng việc quy định “Các đối tượng khác mà pháp luật quy định”, ngoài ra tiêu chuẩn bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích cũng quy định cụ thể hơn, với tiêu chuẩn cao hơn so với quy định của Pháp lệnh.

Để hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự về quyền sở hữu công nghiệp, đã có rất nhiều văn bản pháp luật được ban hành trong thời gian từ năm 1996 đến nay, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta. Trong đó phải kể đến:

- Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31-12-1996 của Bộ Khoa học Công nghệ, Môi trường hướng dẫn thi hành về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

 - Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về các quan hệ dân sự có yêú tố nước ngoài;

- Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1-7-1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ;

- Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

- Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000 của Bộ Khoa học Công nghệ, Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 49/2001/TT-BKHCNMT ngày 14-9-2001);

- Nghị định 54/2000/NĐ-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, nhằm hướng dẫn việc bảo hộ “các đối tượng khác” được quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự;

- Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng và Thông tư hướng dẫn thi hành số 119/2001/TT-BNN ngày 21-12-2001.

II.  Đối tượng sở hữu công nghiệp

Sở hữu công nghiệp là một loại hình của sở hữu trí tuệ, liên quan đến những thành quả sáng tạo của lao động trí tuệ. Đối tượng của loại sở hữu này là các tài sản phi vật chất, có giá trị kinh tế trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các hoạt động công nghiệp và thủ công nghiệp, thương mại.

Quyền sở hữu công nghiệp được hiểu theo hai nghĩa :

- Theo nghĩa khách quan: quyền sở hữu công nghiệp là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo ra và sử dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, bảo vệ quyền lợi của cá nhân, của các tổ chức sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác do pháp luật quy định.

- Theo nghĩa chủ quan: quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân hay pháp nhân là chủ thể của sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền của người sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác do pháp luật quy định.

Căn cứ vào tính chất, mục đích của kết quả hoạt động sáng tạo, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể chia thành hai nhóm:

- Nhóm các sản phẩm mang tính sáng tạo kỹ thuật bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Đây là nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp mang tính sáng tạo mà khi áp dụng sẽ mang lại hiệu quả to lớn làm thay đổi và nâng cao chất lượng của sản phẩm, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nhà sản xuất và xã hội.

- Nhóm các sản phẩm là công cụ hướng dẫn và xúc tiến thương mại bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhóm đối tượng này chủ yếu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong kinh doanh, khả năng tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các thông tin cho khách hàng của nhà sản xuất.

Theo quy định tại Điều 781 Bộ luật dân sự, các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

1. Sáng chế: theo quy định tại Điều 782 Bộ luật Dân sự thì tiêu chuẩn để một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế là: mới so với trình độ thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.

          - Thứ nhất, giải pháp kỹ thuật mới so với thế giới. Điều 4 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 quy định một giải pháp được coi là mới so với thế giới nếu đáp ứng được hai điều kiện sau:

+ Giải pháp kỹ thuật không trùng với giải pháp được mô tả trong đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền với ngày ưu tiên sớm hơn.

+ Trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn chưa bị bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài dưới hình thức sử dụng hoặc mô tả trong bất kỳ nguồn thông tin nào tới mức căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được giải pháp đó.

Giải pháp kỹ thuật không bị coi là mất tính mới nếu chỉ có một số lượng ng­ười xác định có liên quan đ­ược biết thông tin đó; hoặc nếu giải pháp bị người khác do biết được và đã tự ý công bố nhưng không được phép của người nộp đơn và ngày người đó công bố nằm trong thời hạn 6 tháng trước ngày nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.

- Thứ hai, giải pháp kỹ thuật có trình độ sáng tạo: là giải pháp không nảy sinh một cách tự nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng mà phải là kết quả tìm tòi, nghiên cứu của một cá nhân hoặc một tập thể để tạo ra sản phẩm đạt được yêu cầu về sáng chế. Hoạt động sáng tạo được xác định căn cứ vào trình độ kỹ thuật ở trong n­ước và ngoài nước tính đến ngày ­ưu tiên của đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ sáng chế.

- Thứ ba, giải pháp kỹ thuật phải có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Hai điều kiện đầu có thể được coi là điều kiện cần, điều kiện thứ ba được coi là điều kiện đủ. Bởi nếu một giải pháp kỹ thuật được sáng tạo ra mà không có khả năng áp dụng vào thực tế thì sẽ làm mất ý nghĩa của việc sáng tạo. Để được cấp Văn bằng bảo hộ sáng chế, người nộp đơn phải chứng minh được rằng giải pháp kỹ thuật có thể thực hiện đ­ược trong điều kiện kỹ thuật hiện tại hoặc tư­ơng lai và thu đ­ược kết quả nh­ư đ­ược mô tả trong đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

Các đối t­ượng sau đây không đư­ợc Nhà nư­ớc bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, giải pháp hữu ích:

- Ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;

- Phư­ơng pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;

- Ph­ương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;

- Ph­ương pháp luyện tập cho vật nuôi;

- Hệ thống ngôn ngữ, hệ thống thông tin, phân loại, sắp xếp tư­ liệu;

- Bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đề án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;

- Giải pháp chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;

- Ký hiệu quy ­ước, thời gian biểu, các quy tắc và các luật lệ, các dấu hiệu t­ượng trư­ng;

- Phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học, đồ thị tra cứu và các dạng tư­ơng tự;

- Giống thực vật, giống động vật;

- Phư­ơng pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho ng­ười, cho động vật;

- Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật, động vật.

2. Giải pháp hữu ích

So với sáng chế, giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật chỉ cần đáp ứng hai điều kiện: mới so với trình độ thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Hai điều kiện này cũng được xem xét tương tự như đối với giải pháp kỹ thuật được công nhận là sáng chế. Tuy nhiên để được công nhận là một giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật không cần đáp ứng điều kiện có trình độ sáng tạo. Mặc dầu “trình độ sáng tạo” là khái niệm chỉ mang tính định tính nhưng giải pháp hữu ích, cũng như bất kỳ giải pháp kỹ thuật nào, cũng là kết quả của hoạt động sáng tạo, và về thực tế người nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế có thể chuyển đổi đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế thành đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích.

So với quy định về giải pháp hữu ích được quy định tại các văn bản pháp luật trước đây, thì “giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật ở Việt Nam, có khả năng hiện thực áp dụng trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện tại” đã được thay bằng “giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội” (Điều 783 Bộ luật dân sự). Như vậy Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ giải pháp hữu ích với tiêu chuẩn rất thấp nhằm khuyến khích tạo ra các giải pháp chỉ có tính mới tại Việt Nam, thúc đẩy việc thu hút công nghệ vào Việt Nam, không kể công nghệ đó có trình độ cao hay thấp so với trình độ chung trên thế giới. Điều đó xuất phát từ thực tế là trình độ kỹ thuật của Việt Nam so với thế giới còn lạc hậu. Vì vậy, nhiều giải pháp kỹ thuật ở các nước tiên tiến trên thế giới không được bảo hộ là giải pháp hữu ích nhưng vẫn có thể bảo hộ ở Việt Nam. Các chuyên gia nước ta chỉ cần “sưu tầm” những giải pháp đó và đăng ký là có thể được bảo hộ tại Việt Nam. Cách tiếp cận này đương nhiên cũng tạo ra mặt trái của nó là không khuyến khích tính sáng tạo, làm cho nền khoa học của chúng ta luôn luôn lạc hậu so với thế giới. Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc góp vốn bằng “ quyền sở hữu công nghiệp” sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài dùng những “giải pháp hữu ích đã hết thời hạn bảo hộ” để góp vốn cho các doanh nghiệp liên doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ luật dân sự đã đưa ra tiêu chuẩn bảo hộ giải pháp hữu ích phải cao hơn, tức là phải “mới so với trình độ kỹ thuật thế giới” nhằm nâng cao khả năng sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ tiến tiến để phát triển đất nước.

Có quan điểm cho rằng sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất cũng là một trong các đối tượng của sở hữu công nghiệp. Theo chúng tôi quan điểm này chưa thật chính xác. Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế được ban hành kèm theo Nghị định 31/CP ngày 23-1-1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84/HĐBT ngày 20-3-1990 thì: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất là giải pháp kỹ thuật hoặc tổ chức mới, có khả năng áp dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị … nhận đăng ký”.

Theo khái niệm trên tính mới trong sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất chỉ được xác định trong phạm vi hẹp hơn nhiều so với sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Tính mới ở đây chỉ là trước đó nó chưa được áp dụng tại cơ quan, đơn vị nơi mà sáng kiến đó hình thành. Do vậy sáng kiến chưa đáp ứng được điều kiện đầu tiên như đối với giải pháp hữu ích là “là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật thế giới”. Nội dung của sáng kiến có thể là cải tiến cơ cấu máy móc, trang bị, công cụ lao động, sản phẩm; cải tiến phương án thiết kế hoặc kết cấu các công trình xây dựng; cải tiến thành phần, tính năng công dụng, thành phần nguyên liệu hoặc sản phẩm; cải tiến phương pháp khảo sát, thiết kế, công nghệ, thi công, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phương pháp phòng chữa bệnh; cải tiến tổ chức nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, công cụ lao động nguyên vật liệu, năng lượng, tiền vốn. Với nội dung như vậy sáng kiến của người lao động có tác dụng phát triển sản xuất, kinh doanh tại cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy Điều 783 Bộ luật dân sự quy định: “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất”.

3. Kiểu dáng công nghiệp: Đây là dạng đối tượng sở hữu công nghiệp tương đối đặc biệt. Kiểu dáng công nghiệp một mặt liên quan đến sáng tạo nghệ thuật của những người tạo ra kiểu dáng đó, mặt khác nó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 784 Bộ luật dân sự thì “kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, mằu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.

Kiểu dáng công nghiệp là hình thức bên ngoài của một sản phẩm bởi vậy phải phù hợp với “nội dung” của sản phẩm đó, phù hợp với tính năng, tác dụng của sản phẩm đó. Ngoài ra kiểu dáng công nghiệp là kết quả của sáng tạo mỹ thuật ứng dụng, có giá trị thẩm mỹ, và về nguyên tắc, việc thay đổi kiểu dáng của sản phẩm không làm ảnh hưởng đến tính năng, công dụng của sản phẩm mà nó thể hiện. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phỉa có hai yếu tố sau:

- Tính mới đối với thế giới. Kiểu dáng công nghiệp được mô tả trong đơn cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải khác biệt cơ bản với các kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký hoặc đã công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào hoặc chưa bị bộc lộ công khai ở trong và nước ngoài tới mức căn cứ vào đó có thể tạo ra sản phẩm với kiểu dáng đó.

Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt cơ bản nếu chỉ khác nhau ở các đặc điểm tạo dáng, không dễ dàng nhận biết và ghi nhớ được, và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó với nhau.

- Kiểu dáng công nghiệp phải được dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp. Chế tạo công nghiệp, thủ công nghiệp là sản xuất hàng loạt sản phẩm theo khuôn mẫu đã định sẵn. Về nguyên tắc, việc chế tạo theo kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải là sản xuất nhiều sản phẩm với kiểu dáng đó mà không phải là đơn lẻ từng chiếc.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, các đối tượng sau đây không đ­ược Nhà n­ước bảo hộ với danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp:

- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm đ­ược tạo ra một cách dễ dàng bởi người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực t­ương ứng;

- Hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc chỉ mang đặc tính kỹ thuật;

- Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy đ­ược trong quá trình sử dụng;

- Kiểu dáng các sản phẩm chỉ có giá trị thẩm mỹ.

4. Nhãn hiệu hàng hoá

Theo quy định tại Điều 785 Bộ luật dân sự thì “Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc”. Nhãn hiệu hàng hoá dùng để cá biệt hoá sản phẩm của các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Nhà sản xuất hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ sử dụng những biểu trưng cho dịch vụ của mình bằng nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt với các cơ sở sản xuất khác.

Nhãn hiệu hàng hoá có thể được thể hiện là từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, hình nổi hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc, tạo thành yếu tố độc đáo dễ nhận biết, không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ, bị đình chỉ hiệu lực, không trùng với kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại được bảo hộ. Về nguyên tắc, nhãn hiệu hàng hoá của một cơ sở sản xuất kinh doanh không được trùng hoặc làm cho khách hàng nhầm lẫn với hàng hoá, dịch vụ của cơ sở sản xuất kinh doanh khác.

Uy tín hàng hoá, dịch vụ của nhà sản xuất tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hoá, sự nổi tiếng của nhà sản xuất. Vì vậy nhãn hiệu hàng hoá được coi là tài sản của chủ nhãn hiệu hàng hoá.

5. Tên gọi xuất xứ hàng hoá là tên của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ mặt hàng của nước, địa phương đó với điều kiện mặt hàng có tính chất đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm các yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó (Điều 786 Bộ luật dân sự). Tên địa lý (địa danh) là yếu tố bắt buộc của tên gọi xuất xứ hàng hoá do điều kiện tự nhiên nên sản phẩm ở đó có những nét đặc trưng riêng biệt mà không ở nơi nào khác có được. Ví dụ: nhãn lồng Hưng Yên, gạo tám Hải Hậu, nước mắm Phú Quốc, chè san tuyết Mộc Châu, v.v.. Phần lớn tên gọi xuất xứ hàng hoá gắn với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên con người tạo ra sản phẩm đó có thể có những bí quyết mà chỉ có người ở địa phương đó mới có được. Bởi vậy nếu người ở nơi đó dịch chuyển cơ sở sản xuất đến nơi khác thì không thể sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá tại nơi cũ. Như vậy, yếu tố địa lý là điều kiện đầu tiên, quyết định vị thế của sản phẩm trên thị trường.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 thì nếu nước, địa ph­ương nói trên không phải là Việt Nam hoặc không thuộc về Việt Nam, tên gọi xuất xứ hàng hoá t­ương ứng chỉ đư­ợc xem xét bảo hộ tại Việt Nam nếu đang đư­ợc bảo hộ tại nư­ớc mang tên hoặc có địa ph­ương mang tên đó.

Các đối tư­ợng sau đây không đ­ược Nhà n­ước bảo hộ với danh nghĩa là tên gọi xuất xứ hàng hoá:

- Các chỉ dẫn xuất xứ không phải là tên địa lý (kể cả các dấu hiệu mang tính chất biểu tư­ợng của nư­ớc, địa phư­ơng là nơi xuất xứ của hàng hoá nh­ưng không phải là tên địa lý của nư­ớc, địa phư­ơng đó);

- Tên gọi xuất xứ hàng hoá đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá và đã mất chức năng chỉ dẫn xuất xứ hàng hoá đó.

6. Các đối tượng khác. Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế, việc quy định đầy đủ các đối tượng sở hữu công nghiệp là rất cần thiết. Chính vì vậy trong những năm gần đây, Nhà nước ta tích cực chuẩn bị các điều kiện về mặt pháp lý nhằm bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp khác được quy định trong các điều ước quốc tế. Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thư­ơng mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp, Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới là những bước đi đầu tiên về mặt pháp luật nhằm bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp khác.

a) Bí mật kinh doanh. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 thì bí mật kinh doanh được bảo hộ là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin có đủ các điều kiện sau đây:

- Không phải là hiểu biết thông thường;

- Có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó;

- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Ở các nước người ta sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ bí mật kinh doanh như bí mật thương mại, thông tin bí mật, v.v.. Ở nước ta chưa có định nghĩa cụ thể nào về bí mật kinh doanh. Tuy nhiên từ các điều kiện trên ta có thể hiểu bí mật kinh doanh là các thành quả đầu tư có tính bí mật, có giá trị thương mại và được chủ thể nắm giữ thông tin đó thực hiện các biện pháp bảo mật thích hợp. Bí mật kinh doanh có thể được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là các bí mật công nghiệp như các phương pháp sản xuất, công thức hóa học, các bản thiết kế, v.v.. Đây là các thành quả đầu tư dưới dạng thông tin chưa thể bảo hộ theo sáng chế hoặc giải pháp hữu ích vì chưa đáp ứng được điều kiện đầu tiên là tính mới. Loại bí mật kinh doanh thứ hai là những bí mật mang tính chất thương mại thuần túy như các phương pháp bán hàng, phương pháp phân phối sản phẩm, các chiến lược quảng cáo, cách thức ký kết hợp đồng.

Tính bí mật của thông tin được xác định ở chỗ chỉ có một số ít người biết được bí mật này và thông thường là cá nhân kinh doanh hoặc những người quản lý doanh nghiệp. Những thông tin bí mật này mang lại cho cá nhân, doanh nghiệp những giá trị thương mại to lớn. Chính vì vậy mà các bí mật kinh doanh này cần được bảo hộ với tư cách là đối tượng sở hữu công nghiệp.

Các thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh như­ bí mật về nhân thân của cá nhân hoặc những người quản lý doanh nghiệp, về quản lý nhà nư­ớc, về an ninh, quốc phòng không đư­ợc bảo hộ dư­ới danh nghĩa là bí mật kinh doanh.

b) Chỉ dẫn địa lý. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 thì: chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia;

- Thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Chỉ dẫn địa lý có nhiều điểm giống với tên gọi xuất xứ hàng hoá trong trường hợp chỉ dẫn hàng hoá chỉ có tên quốc gia, địa phương với tư cách là yếu tố địa lý tạo nên giá trị đặc trưng của hàng hoá. Còn chỉ dẫn địa lý thông thường được thể hiện dưới dạng dấu hiệu biểu tượng, hình ảnh dùng để chỉ địa phương, vùng lãnh thổ thuộc quốc gia. Nếu chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá thì việc bảo hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam là phù hợp với  Khoản 1 Điều 22 của Hiệp định TRIPS. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng, được thể hiện qua việc:

- Đảm bảo tính chân thực, nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc ở đâu phải chỉ rõ ở đó và chỉ được chỉ dẫn đúng sự thật.

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: giúp cho người tiêu dùng khỏi bị nhầm lẫn khi mua sản phẩm.

- Bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn có ý nghĩa trong việc bảo hộ quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh chống lại hành vi làm hàng giả, lợi dụng uy tín của người khác gây thiệt hại cho những người sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện chất lượng đặc thù mới được mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

c) Tên thương mại. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 thì tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được;

- Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

Chủ thể kinh doanh ở đây là cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh. Vì vậy tên thương mại không bao gồm tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh.

Pháp luật cũng không bảo hộ tên gọi tuy nhằm mục đích thực hiện chức năng của tên th­ương mại nh­ưng không có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong cùng một lĩnh vực; tên thư­ơng mại gây nhầm lẫn với tên th­ương mại của ng­ười khác đã đư­ợc sử dụng từ tr­ước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của ngư­ời khác đã được bảo hộ từ tr­ước khi bắt đầu sử dụng tên thư­ơng mại đó.

Tên thương mại có thể gồm thành phần mô tả (mô tả loại hình tổ chức hoặc hình thức tồn tại của chủ thể kinh doanh, mô tả lĩnh vực kinh doanh hoặc mô tả xuất xứ địa lý, chỉ dẫn địa lý) và các thành phần riêng biệt thể hiện tên riêng của cá nhân kinh doanh hoặc của doanh nghiệp.

Tên thương mại không trùng với nhãn hiệu hàng hóa, thể hiện ở đặc điểm:

- Tên thương mại được sử dụng với chức năng cá thể hóa chủ thể kinh doanh. Khi kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp hoạt động phải có tên thương mại. Một cá nhân kinh doanh, một doanh nghiệp chỉ sử dụng một tên thương mại nhưng có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, dưới những nhãn hiệu hàng hoá khác nhau cho các sản phẩm đó.

- Tên thương mại chỉ gồm các ký tự có thể phát âm được mà không phụ thuộc vào cách thể hiện và màu sắc của các ký tự đó.

Tên thương mại cần được bảo hộ vì những lý do sau: tên thương mại thể hiện uy tín của doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh, là tài sản có giá trị kinh tế của doanh nghiệp nên cần phải được bảo hộ tránh bị xâm hại. Thêm vào đó tên thương mại là nguồn thông tin hữu ích cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

d) Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Tại các nước có nền kinh tế thị trường thì việc tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp  được coi là biện pháp tốt nhất để đáp ứng quy luật cung - cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, tự do cạnh tranh cũng có những mặt trái nhất định, đó là cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, tự do cạnh tranh của các cá nhân, doanh nghiệp cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa đã được xác định cụ thể trong văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, các hành vi thể hiện sự cạnh tranh của các cá nhân, các doanh nghiệp ngày càng tinh vi và khó có thể xác định hành vi cạnh tranh nào là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Do vậy, cần phải quy định những hành vi nào thì được coi là cạnh tranh không lành mạnh. Điều 24 Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp bao gồm:

- Sử dụng các chỉ dẫn thương mại để làm sai lệch nhận thức và thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, nhằm mục đích:

+ Lợi dụng uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình;

+ Làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của người sản xuất kinh doanh khác trong sản xuất kinh doanh của mình;

+ Gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ, v.v.. cho người tiêu dùng trong quá trình nhận biết, chọn lựa hàng hoá, dịch vụ hoặc hoạt động kinh doanh.

- Chiếm đoạt, sử dụng thành quả đầu tư của người khác mà không được người đó cho phép.

đ) Bảo hộ giống cây trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, vai trò của giống cây trồng đặc biệt quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch. Bằng tài năng trí tuệ của mình, các nhà chọn, tạo giống cây trồng mới đã phải đầu tư công sức, tiền của và thời gian để nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng mới, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Tuy nhiên, sau khi giống cây trồng mới xuất hiện trên thị trường thì khả năng thu hồi vốn của người chọn, tạo giống cây trồng rất khó, bởi nhiều người sử dụng giống cây trồng đó để bán mà không được phép của người chọn, tạo giống. Vì vậy Nhà nước cần phải có cơ chế bảo hộ quyền lợi cho tác giả của giống cây trồng. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 các giống cây trồng mới muốn đư­ợc bảo hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Giống cây trồng mới phải thuộc các chi, loài cây trồng trong danh mục đ­ược bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố;

- Giống cây trồng mới phải có tính khác biệt. Một giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu giống đó mang một hay nhiều đặc tính chủ yếu, khác biệt rõ ràng với các giống cây trồng đã đ­ược biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm nộp đơn yêu cầu bảo hộ;

- Giống cây trồng mới phải có tính đồng nhất. Một giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu tất cả các cây của giống đó đều có biểu hiện như­ nhau về các đặc tính chủ yếu, ngoại trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số đặc tính cụ thể trong quá trình nhân giống.

- Giống cây trồng mới phải có tính ổn định. Một giống cây trồng đ­ược coi là có tính ổn định nếu khi nhân giống bằng ph­ương pháp hữu tính hay vô tính mà các đặc tính chủ yếu của giống đó vẫn giữ đư­ợc các biểu hiện nh­ư mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc cuối mỗi chu kỳ nhân giống.

- Giống cây trồng mới phải có tính mới về mặt thư­ơng mại.

Một giống cây trồng đ­ược coi là có tính mới về mặt thư­ơng mại nếu tại thời điểm nộp đơn yêu cầu bảo hộ, vật liệu nhân hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó ch­ưa đư­ợc ngư­ời có quyền nộp đơn hoặc ngư­ời đư­ợc ủy quyền hợp pháp bán hoặc phân phối với mục đích kinh doanh giống cây trên lãnh thổ Việt Nam trư­ớc ngày nộp đơn là 1 năm; ngoài lãnh thổ Việt Nam tr­ước ngày nộp đơn là 6 năm đối với các nhóm cây thân gỗ và thân leo, 4 năm đối với các nhóm cây khác.

- Giống cây trồng mới phải có tên gọi phù hợp, có thể dễ dàng phân biệt đ­ược với tên của các giống cây trồng khác được biết đến một cách rộng rãi trong cùng loài. Tên giống cây trồng mới sau khi đ­ược cơ quan có thẩm quyền chấp nhận bằng văn bản sẽ là tên chính thức, kể cả sau khi hết thời hạn bảo hộ, không ai đ­ược tự do sử dụng.

Các kiểu đặt tên d­ưới đây không đ­ược Nhà n­ước chấp nhận:

+ Chỉ bao gồm bằng các chữ số;

+ Vi phạm đạo đức xã hội;

+ Dễ gây hiểu nhầm đối với các đặc trư­ng, đặc tính của giống hoặc lai lịch của tác giả;

+ Trùng hoặc t­ương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ đang đ­ược bảo hộ cho sản phẩm; trùng hoặc tư­ơng tự với sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó.

III. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp là một dạng quyền sở hữu tài sản vô hình. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp có những nét đặc thù riêng biệt mà không được quy định giống như việc xác lập quyền sở hữu các loại tài sản khác, kể cả việc xác lập quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

Tuỳ thuộc vào đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ mà việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xác lập theo văn bằng bảo hộ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc được xác lập bằng sự kiện thực tế (ngay khi và trong thời gian các đối tượng sở hữu được hình thành).

Theo pháp luật hiện hành, các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập theo văn bằng bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa, giống cây trồng. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Văn bằng bảo hộ sáng chế là: bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.

- Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích là: bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

- Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là: bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, có thể được gia hạn 2 lần, mỗi lần 5 năm.

- Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là: giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.

- Văn bằng bảo hộ tên gọi, xuất xứ hàng hoá là: giấy chứng nhận sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

- Văn bằng bảo hộ giống cây trồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp. Thời hạn bảo hộ đối với giống cây trồng mới là 20 năm; đối với giống cây thân gỗ là 25 năm, kể từ ngày cấp Văn bằng bảo hộ.

Các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập và bảo hộ bằng sự kiện thực tế (ngay khi và trong thời gian các đối tượng sở hữu được hình thành) là bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Các quyền của chủ sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi các đối tượng sở hữu công nghiệp đó còn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

1. Thủ tục, trình tự xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa.

a) Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ là tập hợp các tài liệu thể hiện yêu cầu của người nộp đơn về việc cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ phải đảm bảo tính thống nhất, mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ một đối tượng hoặc một số đối tượng cùng loại thống nhất với nhau về mục đích sử dụng. Loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu phải phù hợp với đối tượng ghi trong đơn.

Sự thống nhất của các đối tượng được hiểu là: các sáng chế, giải pháp hữu ích thống nhất với nhau hoặc liên quan chặt chẽ nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo thống nhất. Các kiểu dáng công nghiệp thống nhất với nhau nếu là kiểu dáng của các sản phẩm khác nhau của một bộ phận sản phẩm được sử dụng cùng nhau hoặc các phương án thể hiện khác nhau của cùng một kiểu dáng công nghiệp. Trong một đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá có thể nêu nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau cùng sử dụng một nhãn hiệu hàng hoá.

b) Người có quyền nộp đơn:

Theo quy định pháp luật hiện hành thì những người sau đây có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ:

Đối với việc nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp:

- Tác giả, các đồng tác giả sáng tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí riêng của mình.

- Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng thuê tác giả nghiên cứu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp (nếu trong hợp đồng không có thoả thuận khác).

- Người sử dụng lao động đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do người lao động tạo ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc được tạo ra do chủ yếu sử dụng kinh phí, phương tiện vật chất của người sử dụng lao động.

Về nguyên tắc, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm của hoạt động sáng tạo của cá nhân (tác giả, đồng tác giả). Vì vậy, tác giả được mặc nhiên suy đoán là người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ. Cá nhân, tổ chức (không phải là tác giả) muốn nộp đơn phải chứng minh sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do tác giả tạo ra theo nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng hoặc theo chi phí của mình. Đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do các đồng tác giả tạo ra có thể do tất cả các tác giả cùng đứng đơn hoặc được ủy quyền của các  đồng tác giả khác.

Đối với việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, những người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ bao gồm:

- Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác tiến hành hoạt động sản xuất hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá dùng cho sản phẩm của mình đã sản xuất hoặc sẽ sản xuất.

- Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác tiến hành dịch vụ hợp pháp có quyền yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ dùng cho dịch vụ của mình đã hoặc sẽ tiến hành.

- Cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hàng hoá do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên.

- Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thuộc về cá nhân, pháp nhân đại diện cho tập thể các cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tương ứng.

Đối với việc nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá:

- Cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác đang tiến hành sản xuất, kinh doanh sản phẩm có tính chất, chất l­ượng đặc thù tại nư­ớc, địa ph­ương có tên địa lý có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá cho sản phẩm của mình;

- Cá nhân, pháp nhân nước ngoài đang là chủ văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá do nước ngoài cấp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đó để sử dụng trên thị trường Việt Nam cho các sản phẩm của mình.

- Cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm tại lãnh thổ có địa danh tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hoá, cơ quan hành chính quản lý lãnh thổ có địa danh tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hoá đều có quyền nộp đơn đăng ký tên gọi xuất xứ hàng hoá.

- Quyền nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận sử dụng tên gọi, xuất xứ hàng hoá không có quyền chuyển giao cho các chủ thể khác.

c) Quyền nộp đơn ưu tiên

Quyền nộp đơn ưu tiên là quyền của một trong số những người có quyền nộp đơn được bảo hộ. Nếu có từ hai chủ thể đều nộp đơn yêu cầu bảo hộ với cùng một sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, một nhãn hiệu hàng hoá dùng cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ thì văn bằng bảo hộ được cấp cho người sớm nhất. Nếu có hai hay nhiều chủ thể cùng nộp đơn yêu cầu bảo hộ và họ có cùng điều kiện ưu tiên như nhau thì Cục Sở hữu công nghiệp đề nghị các chủ thể đó cùng đứng tên và văn bằng bảo hộ được cấp chung cho các chủ thể này. Nếu một trong những người nộp đơn không đồng ý thì văn bằng bảo hộ không được cấp. Với cùng một giải pháp kỹ thuật mà có đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế đồng thời có đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và các đơn có điều kiện ưu tiên như nhau thì Cục Sở hữu công nghiệp đề nghị các chủ thể nộp đơn thống nhất chọn hình thức bảo hộ. Đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ cho cùng một nhãn hiệu hàng hoá thì họ phải thoả thuận để một chủ thể rút đơn với những điều kiện hợp lý. Nếu không thoả thuận được với nhau thì tất cả các đơn sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Quyền ưu tiên nộp đơn cũng được áp dụng trong trường hợp đơn được nộp sớm hơn tại một nước khác hoặc đối tượng nêu trong đơn được đưa ra tại một cuộc triển lãm chính thức hoặc được thừa nhận chính thức tại Việt Nam. Nếu triển lãm tổ chức tại nước khác thì nước đó phải là thành viên của Công ước Paris hoặc cùng Việt Nam ký một thoả thuận song phương trong đó có quy định quyền ưu tiên hoặc cùng Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại về quyền ưu tiên.

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam phải được nộp trong thời hạn sau:

- 12 tháng đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích;

- 6 tháng đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá;

- Nếu đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích nộp theo Hiệp ước PCT thì thời hạn trên là 21 tháng đối với đơn quốc tế đã có chỉ định Việt Nam hoặc là 31 tháng đối với đơn quốc tế đã chọn Việt Nam nếu việc chọn đó được thực hiện trong 13 tháng tính từ ngày nộp đơn đầu tiên.

- Nếu quyền ưu tiên được yêu cầu theo thoả thuận song phương hoặc theo nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ áp dụng theo thoả thuận đó.

- Các đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ được quyền có ngày ưu tiên tương ứng là ngày nộp đơn đầu tiên hoặc là ngày đối tượng được trưng bày tại triển lãm hoặc là ngày mà thoả thuận song phương quy định. Muốn được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải chỉ ra được Điều ước quốc tế là căn cứ hưởng quyền ưu tiên và phải nộp lệ phí xin hưởng quyền ưu tiên và trong thời hạn 3 tháng phải gửi bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn hoặc chứng nhận trưng bày triển lãm. Nếu trong thời hạn đó người nộp đơn không nộp các tài liệu nói trên, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ không được xem xét.

d) Trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Người có quyền nộp đơn có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ cho Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ khoa học, công nghệ và môi trường). Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ được Cục Sở hữu công nghiệp xét theo trình tự thủ tục nhất định. Các chủ thể có thể tự mình nộp đơn yêu cầu hoặc uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành việc nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ và tiến hành các thủ tục liên quan.

Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thường trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam và không có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam chỉ có thể nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ và tiến hành các thủ tục liên quan thông qua việc uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện.

Khi tiếp nhận đơn, Cục Sở hữu công nghiệp phải kiểm tra danh mục các tài liệu ghi trong tờ khai, sơ bộ kiểm tra để kết luận có tiếp nhận hay không tiếp nhận đơn. Đơn bị từ chối tiếp nhận trong các trường hợp sau:

- Đơn thiếu một trong các tài liệu bắt buộc phải có đối với từng đối tượng sở hữu công nghiệp yêu cầu bảo hộ ghi trong đơn. Ví dụ thiếu tờ khai, bản mô tả các đối tượng bảo hộ, mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm sử dụng các nhãn hiệu đó, giấy ủy quyền, chứng từ nộp lệ phí, v.v..;

- Hình thức bảo hộ không phù hợp với đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn;

- Tờ khai không có chữ  ký hoặc đã bị tẩy xoá, sửa chữa nghiêm trọng.

Nếu đơn không được tiếp nhận, Cục Sở hữu công nghiệp phải thông báo cho người nộp đơn lý do không tiếp nhận đơn và hoàn trả lệ phí nộp đơn cho người nộp đơn sau khi đã trừ đi chi phí cho việc gửi trả tiền.

Nếu đơn được tiếp nhận thì đơn sẽ được xét nghiệm về mặt hình thức. Trong thời hạn 3 tháng tính từ ngày đơn được gửi đến Cục Sở hữu công nghiệp, đơn phải được xét nghiệm xong về hình thức. Cục Sở hữu công nghiệp phải thông báo kết quả xét nghiệm đơn cho người nộp đơn hoặc người đại diện của họ:

- Chấp nhận đơn nếu đơn được coi là hợp lệ, trong ghi rõ ngày nộp đơn, số đơn, ngày ưu tiên;

- Các thiếu sót về đơn mà người nộp đơn phải khắc phục và ấn định thời hạn để khắc phục những thiếu sót đó;

- Từ chối chấp nhận đơn nếu đơn không hợp lệ và phải nêu rõ lý do của việc từ chối đó.

Tuy là xét nghiệm hình thức nhưng toàn bộ đơn được xét nghiệm kỹ càng. Đơn sẽ bị coi là không hợp lệ nếu có một trong các thiếu sót sau đây:

- Đơn được làm bằng ngôn ngữ không phải bằng tiếng Việt; các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác cũng phải được dịch ra tiếng Việt: giấy ủy quyền (nếu có); tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (như chứng nhận thừa kế, chứng nhận thỏa thuận chuyển giao quyền nộp đơn, v.v..); giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên; các tài liệu liên quan nhằm chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên; các tài liệu gốc hoặc sao từ bản gốc mà người nộp đơn đưa vào đơn để bổ trợ cho đơn.

- Tờ khai trong đơn không đủ thông tin về tác giả, về người nộp đơn; hoặc người nộp đơn không ký tên, hoặc chữ ký không được xác nhận, các thông tin về người đại diện bị tẩy xóa;

- Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền nộp đơn;

- Giấy ủy quyền chỉ là bản sao mà không có bản chính;

- Đối tượng nêu trong đơn không được Nhà nước bảo hộ.

Trong trường hợp này, Cục Sở hữu công nghiệp phải thông báo cho người nộp đơn lý do trả lại đơn, hoặc bổ sung các tài liệu. Nếu thiếu sót có thể khắc phục được thì người nộp đơn phải sửa chữa, khắc phục các thiếu sót đó trong thời hạn 2 tháng. Người nộp đơn có thể chủ động sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn nhưng không được mở rộng phạm vi khối lượng bảo hộ và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn. Nếu việc sửa chữa làm mở rộng phạm vi bảo hộ hoặc bản chất đối tượng thì quy trình được tiến hành lại từ đầu.

Ngày nộp đơn hợp lệ được xác định:

- Đối với đơn không có thiếu sót thì ngày nộp đơn là ngày đơn đến Cục Sở hữu công nghiệp ghi trong dấu nhận đơn trên tờ khai;

- Nếu đơn thiếu sót và việc khắc phục các thiếu sót đó trong thời hạn tương ứng thì ngày nộp đơn là ngày đơn đến Cục Sở hữu công nghiệp. Nếu thiếu sót được khắc phục chậm hơn thời hạn quy định thì ngày nộp đơn là ngày các thiếu sót được khắc phục xong;

- Ngày ưu tiên được xác định là ngày nộp đơn hợp lệ, nếu đơn có yêu cầu quyền ưu tiên, ngày ưu tiên là ngày nêu trong đơn và được Cục Sở hữu công nghiệp chấp nhận.

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và tên gọi xuất xứ hàng hóa đã được coi là hợp lệ, bắt buộc phải qua thủ tục xét nghiệm về nội dung và người nộp đơn phải nộp đủ lệ phí xét nghiệm nội dung. Đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận hợp lệ chỉ xét nghiệm về mặt nội dung khi có yêu cầu của người nộp đơn hoặc của người thứ ba. Mục đích của việc xét nghiệm nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các tiêu chuẩn bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Người yêu cầu xét nghiệm phải nộp một khoản lệ phí xét nghiệm. Các đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích chỉ được tiến hành trong thời hạn xác định: 42 tháng đối với sáng chế, 36 tháng đối với giải pháp hữu ích và có yêu cầu xét nghiệm nội dung đơn của người nộp đơn cũng như bất kỳ người thứ ba nào. Yêu cầu xét nghiệm nội dung đơn sáng chế, giải pháp hữu ích được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày nhận được yêu cầu.

Thời hạn xét nghiệm nội dung đơn sáng chế là 18 tháng; kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá là 9 tháng; đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là 6 tháng. Trong thời hạn xét nghiệm đơn, Cục Sở hữu công nghiệp phải gửi thông báo kết quả xét nghiệm nội dung đơn cho người nộp đơn và người yêu cầu.

Nếu đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ trong thông báo kết quả xét nghiệm nội dung thì Cục SHCN phải nêu rõ lý do từ chối cấp văn bằng bảo hộ và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn, người yêu cầu có ý kiến. Nếu đối tượng đáp ứng được yêu cầu bảo hộ nhưng phải thu hẹp hoặc có thiếu sót thì trong thông báo kết quả xét nghiệm phải nêu rõ điều đó và ấn định thời hạn khắc phục thiếu sót. Trong thời hạn xét nghiệm nội dung đơn, người nộp đơn có thể chủ động sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn và phải nộp lệ phí theo quy định. Cục Sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu người nộp đơn trong một thời hạn xác định phải tiến hành sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Cục Sở hữu công nghiệp. Nếu người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung mà không có lý do chính đáng thì đơn coi như bị rút bỏ.

Nếu đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, trong thông báo kết quả xét nghiệm đơn cần có yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí công bố văn bằng bảo hộ, lệ phí đăng bạ và cấp văn bằng bảo hộ cùng lệ phí duy trì hiệu lực bảo hộ văn bằng bảo hộ năm thứ nhất.

Trước đây theo quy định tại Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 thì chỉ có đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp mới được đăng trên Công báo sở hữu công nghiệp. Mục đích của việc đăng trên Công báo là để cho các đối tượng quan tâm tìm hiểu những đối tượng sở hữu công nghiệp nào đã được Nhà nước bảo hộ, và tránh tình trạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa xảy ra trong những năm qua, mà một trong những nguyên nhân của sự vi phạm là các nhà sản xuất kinh doanh không biết (hoặc lợi dụng việc không đăng Công báo) đã có những đối tượng sở hữu công nghiệp trên được bảo hộ. Vì vậy Nghị định số 06/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 của Chính phủ đã sửa đổi Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/CP và quy định mọi đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hợp lệ đều được được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Khâu cấp văn bằng bảo hộ được xem là quan trọng nhất trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp bởi quyền sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh    “trên cơ sở văn bằng bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền cấp” (Điều 800 Bộ luật dân sự). Cục Sở hữu công nghiệp là cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trên.

Nếu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ và người nộp đơn đã nộp lệ phí theo quy định, Cục Sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Trong quyết định phải nêu rõ: tên, địa chỉ của người được cấp văn bằng bảo hộ; số đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên tương ứng. Tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; họ, tên tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; tên đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ, tên và số văn bằng bảo hộ, thời hạn bảo hộ và quyết định chấp nhận nhãn hiệu hàng hoá theo Thoả ước Madrid.

Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, ngoài những ghi nhận trên còn phải ghi rõ tên gọi xuất xứ hàng hoá, danh sách (tên, địa chỉ) cá nhân có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, số đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá đó, thời hạn sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

Theo yêu cầu của các cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác, Cục Sở hữu công nghiệp có thể cấp phó bản văn bằng bảo hộ cho các chủ sở hữu chung, các bản sao đơn yêu cầu để được xin hưởng quyền ưu tiên ở nơi khác. Phó bản văn bằng bảo hộ được cấp cho chủ văn bằng nếu có lý do chính đáng. Người yêu cầu cấp phó bản phải nộp lệ phí theo quy định.

Văn bằng bảo hộ được giao cho người nộp đơn là tập thể thì chỉ thành viên đầu tiên trong danh sách các thành viên tập thể đó được đăng ký trong sổ đăng ký quốc gia. Theo yêu cầu của thành viên khác trong tập thể người nộp đơn, Cục Sở hữu công nghiệp có thể trao các phó bản văn bằng bảo hộ cho các thành viên nếu họ nộp lệ phí theo quy định.

Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc từ chối chấp nhận đơn, từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người xét nghiệm nội dung sáng chế, giải pháp hữu ích có quyền khiếu nại có quyền khiếu nại việc cấp văn bằg bảo hộ và không phải nộp lệ phí.

2. Trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ đối với giống cây trồng

Đối với việc bảo hộ giống cây trồng, Việt Nam vừa áp dụng hình thức cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới, vừa áp dụng những quy định riêng trong việc xét nghiệm nội dung của đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ.

a) Người có quyền nộp đơn:

Người có quyền nộp đơn được quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng mới. Đó là những đối tượng sau đây:

- Cá nhân chọn tạo giống cây trồng mới bằng công sức và nguồn tài chính của mình thì cá nhân đó có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

- Tổ chức chọn tạo giống cây trồng mới bằng nguồn vốn ngân sách Nhà n­ước hoặc bằng nguồn vốn tự có, hoặc cá nhân thực hiện nhiệm vụ chọn tạo giống cây trồng mới do tổ chức giao cho thì tổ chức đó quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

- Giống cây trồng mới đư­ợc chọn tạo ra theo hợp đồng hợp tác giữa các bên thì quyền nộp đơn theo thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng; trong trường hợp hợp đồng không quy định rõ người có quyền nộp đơn, thì bên thuê ngư­ời tạo giống cây trồng mới có quyền nộp đơn.

Trư­ờng hợp nhiều tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ liên quan đến cùng một giống cây trồng mới thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tr­ước đư­ợc chấp nhận xem xét cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Trong trường hợp các đối t­ượng này có cùng ngày nộp đơn thì đơn của tổ chức, cá nhân đầu tiên chọn tạo ra giống cây trồng mới đó đư­ợc chấp nhận xem xét để cấp văn bằng bảo hộ. Tr­ường hợp không xác định đư­ợc tổ chức, cá nhân đầu tiên chọn tạo ra giống cây trồng mới thì cơ quan có thẩm quyền từ chối chấp nhận các đơn. Các tổ chức, cá nhân nói trên có thể thoả thuận để cùng đứng tên nộp một đơn duy nhất và đ­ược đồng chủ sở hữu khi văn bằng bảo hộ được cấp.

Ngư­ời nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có thể yêu cầu đư­ợc hư­ởng quyền ư­u tiên khi đơn đầu tiên đã nộp tại các nước cùng Việt Nam ký kết hoặc tham gia Điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới mà trong thời hạn 12 tháng nộp đơn thứ hai xin bảo hộ cùng một giống cây trồng đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ thứ hai, tổ chức, cá nhân muốn đư­ợc hư­ởng quyền ư­u tiên phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền bản sao hồ sơ của lần nộp đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ lần đầu tiên và các mẫu vật, bằng chứng khác để chứng minh giống cây trồng mới trong hai đơn đó là cùng một đối t­ượng.

b) Trình tự, thủ tục cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới

Để được cấp văn bằng bảo hộ, người có quyền nộp đơn phải nộp hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới sẽ được xét nghiệm qua hai bước: bước một là xét nghiệm hình thức của hồ sơ và bước hai là xét nghiệm nội dung giống cây trồng mới.

Bước một, xét nghiệm hình thức hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Khi nhận hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra các tài liệu trong hồ sơ, xác định ngày nộp hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ phải bao gồm:

- Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ;

- Tài liệu mô tả giống theo mẫu quy định cùng với ảnh chụp.

Hồ sơ phải bằng tiếng Việt; trong tr­ường hợp tổ chức, cá nhân n­ước ngoài yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thì ngoài hồ sơ bằng tiếng Việt còn phải có hồ sơ bằng tiếng Anh kèm theo.

Ngày nộp hồ sơ hợp lệ đ­ược xác định là ngày hồ sơ không còn thiếu sót hoặc là ngày hồ sơ được ngư­ời nộp hồ sơ hoàn chỉnh và đư­ợc cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ngư­ời yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nộp hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành thẩm định xong bước một hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Hồ sơ được coi là hợp lệ nếu:

- Người nộp hồ thuộc những chủ thể có quyền nộp hồ sơ phù hợp;

- Giống cây trồng mới thuộc các chi và loài trong danh mục đ­ược Nhà nước bảo hộ;

- Giống cây trồng mới đáp ứng tính mới về mặt thương mại;

- Tên gọi của giống cây trồng mới phù hợp, có thể dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng loài. Nếu tên giống cây trồng mới không phù hợp thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho ngư­ời nộp hồ sơ biết. Ngư­ời nộp hồ sơ có trách nhiệm đặt tên mới và đệ trình cho cơ quan có thẩm quyền chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận đ­ược thông báo. Nếu tên giống sau khi thay đổi vẫn không phù hợp thì cơ quan có thẩm quyền có quyền từ chối xem xét hồ sơ đó.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ về mặt nội dung của hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu ngư­ời nộp hồ sơ đến sửa chữa thiếu sót liên quan đến hình thức và nội dung hồ sơ. Nếu ng­ười nộp hồ sơ không đến bổ sung, sửa chữa thì cơ quan có thẩm quyền có quyền bác đơn.

Những hồ sơ đư­ợc cơ quan có thẩm quyền chấp nhận sau khi xét nghiệm bước I thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên tạp chí chuyên ngành và thông báo cho ng­ười nộp đơn đến làm thủ tục thẩm định b­ước II.

Bước hai, xét nghiệm về mặt nội dung. Đây là bước khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng mới (gọi tắt là khảo nghiệm DUS) được thực hiện trên đồng ruộng hay trong phòng thí nghiệm.

 Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đ­ược thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hồ sơ đã được coi là hợp lệ về mặt hình thức, ngư­ời nộp hồ sơ phải nộp mẫu giống cho cơ quan khảo nghiệm DUS.

Khảo nghiệm DUS đư­ợc thực hiện theo quy phạm khảo nghiệm đối với từng loài cây trồng mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Sau khi có kết quả thẩm định b­ước II, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ trên tạp chí chuyên ngành nếu giống cây trồng mới đáp ứng tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng mới.

Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ trên tạp chí chuyên ngành, nếu không có ý kiến phản đối, cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp văn bằng bảo hộ, Bộ tr­ưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quyết định cấp Văn bằng bảo hộ. Nếu có ý kiến phản đối thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phản đối, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và kết luận.

Qua xem xét, nếu phải bác đơn thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho ng­ười nộp hồ sơ, thông báo trên tạp chí chuyên ngành về việc hồ sơ qua thẩm định bư­ớc II không phù hợp với quy định về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng mới. Trong trư­ờng hợp có ý kiến không đồng ý với việc bác đơn, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo bác đơn, người nộp hồ sơ có quyền gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo yêu cầu của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể cấp phó bản văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu văn bằng bảo hộ nếu thấy có lý do chính đáng.

IV. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác có đầy đủ các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp.

Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, giống cây trồng bao gồm:

- Tác giả, đồng tác giả đã tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mới bằng chi phí và sức lao động của mình mà không lệ thuộc vào kinh phí và nhiệm vụ người khác giao cho (trường hợp này tác giả đồng thời là chủ sở hữu công nghiệp);

- Cá nhân, tổ chức  ký kết hợp đồng thuê nghiên cứu, triển khai khoa học - kỹ thuật, hoặc tạo ra giống cây trồng mới với tác giả;

- Người lao động tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp theo nhiệm vụ được giao, thì cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ là chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

- Cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác được chuyển giao một cách hợp pháp quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua hợp đồng hoặc được để lại thừa kế.

- Chủ sở hữu đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá theo Thoả ước Madrid đã được chấp nhận bảo hộ ở Việt Nam.

Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá chỉ là chủ sử dụng chứ không phải là chủ sở hữu tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

Đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp khác theo quy định tại Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp thì:

- Chủ sở hữu đối với bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân đã đầu tư để tạo ra hoặc có được thành quả đầu tư là bí mật kinh doanh. Trường hợp bí mật kinh doanh được bên làm thuê, bên thực hiện hợp đồng tạo ra hoặc có được trong khi thực hiện công việc được giao thì bí mật kinh doanh đó thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên liên quan có thoả thuận khác.

- Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hoá do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hoá đó.

- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó và được bảo hộ khi chủ sở hữu vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

2. Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

a) Đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, chủ sở hữu có các quyền sau đây:

- Độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp;

- Chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm  phạm quyền sở hữu của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

- Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá là cá nhân có thể được để thừa kế quyền sở hữu đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá cho người khác.

b) Người có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá có các quyền sau đây:

- Sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá cho các sản phẩm của mình;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người sử dụng bất hợp pháp tên gọi xuất xứ hàng hoá phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp đó và bồi thường thiệt hại.

Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá không được chuyển giao cho người khác bằng bất cứ hình thức nào.

c) Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp khác như bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp:

Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá tương ứng. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao.

Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại có quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và quảng cáo; có quyền chuyển giao tên thương mại theo hợp đồng hoặc thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

d) Đối với giống cây trồng mới, chủ sở hữu có quyền:

- Có quyền tự mình khai thác hoặc chuyển giao quyền khai thác giống cây trồng mới;

- Cho phép sử dụng hay không cho phép sử dụng vật liệu nhân của giống đ­ược bảo hộ, sản phẩm thu hoạch nhận đ­ược từ việc gieo trồng vật liệu nhân của giống đư­ợc bảo hộ trong các hoạt động sau:

+ Sản xuất hay nhân giống, chế biến giống vì mục đích kinh doanh;

+ Chào hàng;

+ Bán hay các hình thức kinh doanh khác;

+ Xuất, nhập khẩu;

+ Tàng trữ nhằm thực hiện các hoạt động trên.

- Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân khác bồi thư­ờng thiệt hại do việc thực hiện các hành vi liên quan đến vật liệu nhân và sản phẩm thu hoạch của giống cây đư­ợc bảo hộ mà chư­a đư­ợc phép của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ.

- Các quyền trên của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ còn đư­ợc áp dụng trong các tr­ường hợp sau đây:

+ Giống cây trồng mới có nguồn gốc thực chất từ giống đ­ược bảo hộ, khi giống được bảo hộ bản thân nó không phải là giống có nguồn gốc thực chất từ một giống đư­ợc bảo hộ khác;

+ Giống cây trồng mới không khác biệt rõ ràng với giống được bảo hộ;

+ Giống cây trồng mới mà việc nhân giống của nó đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống được bảo hộ.

- Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có quyền thừa kế, chuyển nh­ượng quyền sở hữu văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật.

- Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu người xâm phạm bồi thường thiệt hại.

- Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng không có quyền được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

+ Giống sử dụng cho nhu cầu cá nhân không vì mục đích thương mại;

+ Nông dân gieo trồng các vật liệu nhân của giống được bảo hộ lấy sản phẩm thu hoạch để làm giống cho các vụ tiếp theo tại trang trại của họ hoặc trao đổi cho nhau giữa các hộ nông dân;

+ Giống sử dụng để lai tạo ra các giống cây trồng mới khác, trừ trường hợp giống đó là giống có nguồn gốc thực chất từ giống được bảo hộ.

3. Nghĩa vụ của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp

a) Chủ sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có các nghĩa vụ sau đây:

- Trả thù lao cho tác giả trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu. Nếu chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác thì đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, mức thù lao tối thiểu trả cho tác giả là 10% số tiền làm lợi thu được trong mỗi năm sử dụng, hoặc 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do bán li-xăng hoặc do được đền bù từ việc cấp li-xăng không tự nguyện; đối với kiểu dáng công nghiệp, mức thù lao tối thiểu trả cho tác giả là 2% lợi nhuận thu được do việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong mỗi năm sử dụng, hoặc 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do bán li-xăng hoặc do được đền bù cho việc cấp li-xăng không tự nguyện.

- Nộp lệ phí duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ;

- Sử dụng hoặc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp sau:

          + Chủ sở hữu không sử dụng hoặc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà không có lý do chính đáng;

           + Người có nhu cầu sử dụng đã cố gắng dùng nhiều hình thức để thoả thuận với chủ sở hữu, mặc dù đã đưa ra mức giá hợp lý, nhưng chủ sở hữu vẫn từ chối ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp;

         + Việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

b) Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có các nghĩa vụ sau:

- Trực tiếp duy trì hoặc ủy quyền cho ng­ười khác duy trì vật liệu nhân của giống được bảo hộ và cung cấp vật liệu nhân đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để l­ưu giữ quỹ gen, làm mẫu chuẩn và gieo trồng để kiểm tra tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống được bảo hộ;

- Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ là tổ chức, cá nhân Việt Nam phải trả thù lao cho tác giả của giống cây trồng. Nếu giữa tác giả và chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ không có thoả thuận nào khác, thì mức thù lao tối thiểu không thấp hơn 20% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ thu được trong mỗi năm khai thác giống cây trồng mới; hoặc 30% tổng số tiền mà chủ sở hữu Văn bằng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do bán lixăng hoặc do được đền bù từ việc cấp lixăng không tự nguyện;

- Nộp lệ phí khi nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định về hình thức và nội dung hồ sơ để cấp Văn bằng bảo hộ và nộp phí hàng năm kể từ năm được cấp Văn bằng bảo hộ để duy trì hiệu lực của Văn bằng đó;

- Có quyền chuyển như­ợng quyền sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới cho tổ chức, cá nhân n­ước ngoài khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Quyền của tác giả sáng tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 800 Bộ luật dân sự, Điều 14 Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001, tác giả các đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền sau đây:

- Quyền được ghi tên vào văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới;

- Nhận thù lao khi các đối tượng sở hữu công nghiệp được sử dụng, nếu chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác;

- Yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình;

Riêng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác giả còn có quyền nhận giải thưởng đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp mà mình là tác giả.

Tác giả giống cây trồng mới có nghĩa vụ giúp chủ sở hữu văn bằng bảo hộ thực hiện nghĩa vụ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng mới được bảo hộ.

V. Thực trạng của việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam

Như vậy, về tổng thể pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ những năm 1981 và được hoàn thiện trong những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Với việc ban hành Bộ luật dân sự năm 1995 và những văn bản pháp luật dưới luật, pháp luật Việt Nam về sở hữu công nghiệp dần dần được hoàn chỉnh, trở nên đồng bộ hơn và phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế hơn. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học, kỹ thuật so các nước trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng còn có những khoảng cách. Hơn nữa ý thức pháp luật của nhân dân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng còn hạn chế. Vì những lý do như vậy, việc thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp trên thực tế chưa đạt hiệu quả. Việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp diễn ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Ở Việt Nam việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu là vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp của hàng trong nước và hàng nước ngoài.

Người vi phạm không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm hoặc trách nhiệm không tương xứng với hành vi đã vi phạm. Phần lớn các vụ án về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là tội làm hàng giả và buôn bán hàng giả. Người xâm phạm chỉ bị xét xử về hình sự, còn bồi thường về dân sự cho người bị xâm phạm ít được chú ý đến do chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để tính toán thiệt hại. Điều này gây thiệt hại nặng nề cho những nhà sản xuất chân chính về kinh tế cũng như về uy tín của nhà sản xuất. Hàng giả được sản xuất dưới các dạng sau đây:

- Hàng nội giả hàng nội: như xe đạp VIHA, diêm Thống nhất, thuốc lá Du lịch, VINATABA, xà phòng, xi măng, nước mắm, thóc giống, quần áo, ống nhựa Tiền phong, bia, rượu, thuốc tân dược, bột canh, thức ăn gia súc, v.v..

- Hàng nội giả hàng ngoại: các loại rượu (Henessy, Johnnie Walker, Remy Martin), phụ tùng xe máy, xe đạp, thuốc lá, keo dán sắt,v.v..

- Giả sản phẩm của công ty liên doanh: mì chính, nước khoáng (La Vie);

- Hàng ngoại giả hàng ngoại: mì chính AJINIMOTO, máy điện thoại NOKIA, băng hình, đĩa CD, v.v..

- Hàng ngoại giả hàng nội: thuốc bảo vệ thực vật, cao sao vàng giả nhãn mác hàng Việt Nam.

Người vi phạm ở đây là các cá nhân đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp. Hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương, phần lớn có quy mô nhỏ. Phương tiện sản xuất thô sơ đơn giản, tổ chức sản xuất không thường xuyên, không liên tục, thường là theo thời vụ, khi thấy thị trường khan hiếm, tiêu thụ dễ có lãi mới tổ chức sản xuất để che dấu hành vi vi phạm và dễ dàng phi tang.

VI. Những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp

Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã và đang dần từng bước hoàn thiện nhưng vẫn không tránh khỏi những bất cập cần được khắc phục.

6.1. Các quy phạm pháp luật nội dung chưa hoàn chỉnh (chúng tôi tạm gọi như vậy, bởi vì các quy phạm này chủ yếu đề cập tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà không đề cập tới khía cạnh thực thi việc bảo hộ).

Theo quy định của Bộ luật dân sự, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có một số vấn đề cơ bản sau:

- Chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp (Điều 780);

- Các đối tượng được Nhà nước bảo hộ và khái niệm của các đối tượng đó (từ Điều 781 tới Điều 786);

- Các đối tượng không được Nhà nước bảo hộ (Điều 787);

- Xác lập, chấm dứt quyền sở hữu công nghiệp, thời hạn bảo hộ (từ Điều 788 tới Điều793);

- Quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ (từ Điều 794 tới Điều 800);

- Các trường hợp hạn chế quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ (từ Điều 801 tới Điều 803) và cuối cùng là:

- Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (từ Điều 804 tới Điều 805).

Xét về nội dung, các quy định trong Bộ luật dân sự về sở hữu công nghiệp là phù hợp với các quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập hoặc chuẩn bị gia nhập, đó là Công ước Paris năm 1967 và Hiệp định TRIPS về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ có liên quan tới thương mại (năm 1995).

Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật dân sự còn thiếu so với các Điều ước trên. Điều đó thể hiện ở các điểm sau đây:

a) Các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ chưa đầy đủ:

Theo quy định của Bộ luật dân sự (Điều 781), các đối tượng bảo hộ bao gồm:

- Sáng chế;

- Giải pháp hữu ích;

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Nhãn hiệu hàng hoá;

- Tên gọi xuất xứ hàng hoá;

- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Công ước Paris, các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bao gồm:

- Sáng chế;

- Giải pháp hữu ích;

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Nhãn hiệu hàng hoá;

- Nhãn hiệu dịch vụ;

- Tên thương mại;

- Chỉ dẫn nguồn gốc, tên gọi xuất xứ hàng hoá (chỉ dẫn địa lý);

- Chống cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định của Hiệp định TRIPS, các đối tượng được bảo hộ còn bao gồm:

- Thiết kế bố trí mạch tích hợp;

- Bảo hộ thông tin bí mật.

Thêm vào đó, theo quy định của Điều ước của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ những giống cây trồng mới (viết tắt là UPOV), còn một đối tượng nữa cũng thuộc đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đó là giống cây trồng.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03-10-2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên, nhằm bảo hộ đầy đủ các đối tượng bảo hộ, tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư cũng như nhằm thực hiện các Điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết hoặc chuẩn bị tham gia, ký kết, việc nghiên cứu, xem xét để đưa thêm các đối tượng trên (theo Hiệp định TRIPS) vào Bộ luật dân sự là cần thiết.

b) Chủ thể của các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ:

Theo quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự, “quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định. Từ khái niệm trên đây cho thấy: việc quy định quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân là chưa hợp lý, thiếu thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự và quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bởi vì, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp có thể là các tổ chức không phải là pháp nhân.

c) Về thời hạn bảo hộ và thời điểm phát sinh các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa chưa phù hợp. Điều đó thể hiện: thời điểm phát sinh quyền sở hữu công nghiệp là thời điểm Văn bằng bảo hộ có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 06/2001/NĐ- CP ngày 1-2-2001 thì:

"Văn bằng bảo hộ sáng chế là bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ".

"Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích là bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ".

 "Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ".

Như vậy thực chất thời hạn bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa ít hơn 20 năm, 10 năm, 5 năm, vì ngày nộp đơn hợp lệ và ngày cấp văn bằng bảo hộ là các thời điểm khác nhau.

 Trong khi đó, theo tinh thần của Hiệp định TRIPS, thời điểm phát sinh là thời điểm nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ. Hơn thế, thời điểm xác định quyền ưu tiên, theo quy định của Bộ luật dân sự được tính từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ (Điều 790), theo quy định của Công ước Paris, thời điểm này được xác định căn cứ vào ngày nộp đơn yêu cầu. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp, thời điểm xác định thời hạn bảo hộ được tính từ ngày đối tượng này được đưa vào sử dụng nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên hoặc được tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

Từ những xung đột trên đây cho thấy, việc nghiên cứu và xác định thời điểm bảo hộ một cách chính xác là một đòi hỏi cần thiết, không những đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập mà góp phần bảo vệ quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp.

d) Theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là một đối tượng được bảo hộ. Tuy nhiên, theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000, chỉ dẫn địa lý cũng là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Từ các quy định trên dẫn tới sự chồng chéo. Bởi vì, xét về bản chất, Chỉ dẫn địa lý (tên tiếng Anh là Geographical Indications) bao gồm hai yếu tố là Chỉ dẫn nguồn gốc (thuật ngữ tiếng Anh là indication of source) và Tên gọi xuất xứ hàng hoá (tên tiếng Anh là appellation of origin of goods). Như vậy việc bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đã bao hàm bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa.

đ) Theo Khoản a Điều 793 Bộ luật dân sự, hiệu lực của Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ do chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không nộp lệ phí duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ đúng thời hạn. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không quy định việc phục hồi hiệu lực của Văn bằng bảo hộ sau khi nghĩa vụ trên đã được thực hiện. Trong khi đó, theo quy định của Công ước Paris, tại Khoản 2, Điều 5bis, "các nước thành viên Liên Hiệp được quyền quy định việc phục hồi Văn bằng bảo hộ trong trường hợp bị mất hiệu lực vì không nộp lệ phí". Hạn chế trên cần được khắc phục trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự.

e) Sự chênh lệch giữa mức phí, lệ phí sở hữu công nghiệp giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài quá cao cũng là một điểm bất hợp lý, chưa tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân và doanh nghiệp (được quy định tại Điểm 2 và Điểm 3, Mục II Thông tư số 23/TC/TCT ngày 9-5-1997 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp).

f) Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng mới được ban hành nhưng còn thiếu các quy định về khảo nghiệm giống cây trồng mới.

g) Các qui định về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật hiện hành còn chưa rõ ràng. Với các qui định hiện có, khó có thể xác định được cần bảo hộ như thế nào đối với quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

6.2. Các quy định pháp luật về thực thi quyền sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn

Nhằm thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, góp phần ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000.

Các văn bản trên đã góp phần quan trọng vào công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, các quy định này đã phát sinh một số bất cập sau:

- Thứ nhất, chưa quy định tổng quát cấu thành của một hành vi vi phạm mà chỉ nêu các hành vi cụ thể, điều đó tạo ra những khuôn mẫu cứng nhắc trong quá trình xử lý vi phạm.

- Thứ hai, theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện quyền và thủ tục xin cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn đại diện sở hữu công nghiệp có áp dụng biện pháp tịch thu văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, không quy định cụ thể thủ tục tịch thu như thế nào, có kèm theo Quyết định đình chỉ hay huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ hay không? có xoá bỏ tên tại Đăng bạ quốc gia hay không? Nếu không có thủ tục này thì đương nhiên, việc tịch thu Văn bằng bảo hộ là hoàn toàn vô nghĩa.

- Thứ ba, Nghị định này quy định về các hình thức xử phạt, trong đó có quy định, trong trường hợp vô ý vi phạm, vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ thì sẽ áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo các quy định trong Nghị định cũng như trong Thông tư hướng dẫn đều không xác định rõ ràng thế nào là vi phạm nhỏ. Như vậy, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, cán bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ tùy từng trường hợp mà xác định. Hậu quả là sẽ tạo nên việc xử lý vi phạm không thống nhất, tùy tiện. Theo quan điểm của chúng tôi, cần định lượng yếu tố này nhằm góp phần nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xử lý vi phạm, thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

Hơn thế, trong trường hợp mức thiệt hại về vật chất có giá trị đến 1 triệu đồng mà các bên không tự thoả thuận được thì cơ quan hành chính (người có thẩm quyền xử phạt) quyết định, còn trong trường hợp mức thiệt hại trên 1 triệu đồng thì người có thẩm quyền hướng dẫn các bên giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự. Theo ý kiến của chúng tôi, việc quy định như trên là không hợp lý. Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 cũng như Thông tư số 825/ 2000/TT-BKHCNMT là các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Mặt khác, bản chất của các hành vi vi phạm hành chính là các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính, các hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế-xã hội và người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trước cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, trình tự, thủ tục giải quyết hoàn toàn khác so với trình tự, thủ tục giải quyết trong lĩnh vực dân sự. Vì thế, pháp luật cho phép các bên tự thoả thuận về phương thức và mức độ bồi thường theo thủ tục hành chính là không hợp lý. Từ lý do trên, Nghị định trên cũng như Thông tư hướng dẫn cần xác định lại phạm vi điều chỉnh nhằm tạo ra sự minh bạch trong quá trình thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Một hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể nắm giữ quyền hợp pháp mà còn xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực kinh tế. Do đó ngoài việc áp dụng chế tài hành chính, chủ thể vi phạm còn phải gánh chịu trách nhiệm dân sự do hành vi vi phạm của mình gây ra.

- Thứ tư, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về các hành vi vi phạm quy định về bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Điểm l: "Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu đề can, nhãn sản phẩm, mẫu nhãn hiệu, bao bì sản phẩm mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá hoặc kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ." Theo quy định trên, các hành vi trên đều không gắn với các hàng hoá cùng loại, theo quan điểm của chúng tôi, việc đưa ra biện pháp phòng ngừa trên là tương đối rộng.

- Thứ năm, theo quy định tại Nghị định 12 nêu trên, thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan sau: Uỷ ban nhân dân, Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và quy định về trách nhiệm của Cơ quan quản lý chuyên ngành, đó là Cục Sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trong cả Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT đều không quy định rõ ràng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trên. Điều này dễ gây ra tình trạng chồng chéo về thẩm quyền xử lý. Hơn thế, hiện nay, nước ta đang từng bước cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, việc tìm ra một mô hình hậu kiểm thích hợp, giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Xuất phát từ thực trạng đó, xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp là một việc cần làm ngay của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra trong phần các biện pháp xử lý không đưa ra biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng trong phần thủ tục lại quy định về thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Từ đó phát sinh vấn đề là, trong trường hợp nào áp dụng biện pháp tạm giữ và áp dụng đối với những hành vi nào?

Tóm lại, Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 và Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000 (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 49/2001/TT-BKHCNMT ngày 14-9-2001) góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, góp phần quan trọng trong quá trình thực thi quyền sở hữu công nghiệp, khắc phục tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, các quy định trong các văn bản trên vẫn mang tính liệt kê, thiếu khái quát, cơ chế giải quyết vẫn chưa rõ ràng. Thực trạng này làm cho các quy phạm thực định dễ trở nên lạc hậu so với diễn biến trên thực tế. Yếu điểm trên cần được các cơ quan có thẩm quyền khắc phục.

Ngoài ra, về việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp theo thủ tục dân sự và trong lĩnh vực hình sự, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào nào hướng dẫn chi tiết. Thực trạng này dẫn tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các đối tượng chưa được đảm bảo một cách thoả đáng, việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự của các chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để hiện thực hoá, làm giảm hiệu quả bảo hộ thực thi quyền sở hữu công nghiệp thông qua hệ thống tòa án.

 

CHƯƠNG IV

CÁC ĐỊNH CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÁC LẬP VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG

1. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền tác giả và hiệu quả hoạt động của chúng

a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả

Để tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, đồng thời để quản lý tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, pháp luật quy định các tác giả, các chủ sở hữu tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, các công trình khoa học cần phải đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đăng ký bảo hộ quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phải chứng minh tác phẩm đó là do mình sáng tạo ra hoặc tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình đang bị người khác xâm phạm.

Theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả là Cục bản quyền trực thuộc Bộ Văn hoá thông tin.

Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm muốn đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm phải có đơn yêu cầu theo quy định của Bộ Văn hoá thông tin. Người nộp đơn phải xuất trình các tư liệu, giấy tờ cần thiết chứng minh mình là tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

Cục bản quyền xem xét, thẩm tra nội dung của đơn yêu cầu. Nếu đơn yêu cầu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Giấy chứng nhận quyền tác giả là căn cứ pháp lý để tác giả, chủ sở hữu tác phẩm yêu cầu người có hành vi vi phạm quyền tác giả chấm dứt vi phạm và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giải quyết tranh chấp về bảo hộ quyền tác giả

Bộ Văn hóa thông tin chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả. Bộ Văn hóa thông tin xây dựng các chính sách về bảo hộ quyền tác giả, ban hành các văn bản pháp quy. Bộ Văn hóa thông tin thực hiện hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm quyền tác giả theo thẩm quyền.

Cục bản quyền có trách nhiệm giúp Bộ Văn hóa thông tin thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, có nhiệm vụ:

- Soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị định, văn bản pháp quy để thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả;

- Đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền tác giả, Giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền;

- Hướng dẫn các Sở Văn hoá thông tin trong việc quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả ở các địa phương.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương. Sở Văn hoá thông tin trực tiếp hướng dẫn cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ quyền tác giả và giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả ở địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình. Để giúp cho Sở Văn hoá thông tin thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả. Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin có quyền quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.

Ngoài các cơ quan chuyên ngành thực hiện bảo hộ quyền tác giả, các cơ quan quản lý thị trường, lực lượng biên phòng, hải quan có quyền xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, tranh, ảnh, lịch, v.v..

Trường hợp thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin đã giải quyết tranh chấp về quyền tác giả mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của thanh tra thì có quyền khiếu kiện, yêu cầu toà án xét xử.

c) Hiệu quả hoạt động của các cơ quan nói trên

Trong thực tế có rất nhiều vụ vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng như sao chép nguyên sách nước ngoài để bán trên thị trường Việt Nam, tái bản sách không trả tiền nhuận bút cho tác giả, biểu diễn nghệ thuật không trả tiền thù lao cho nhạc sĩ, sao băng nhạc, băng hình, đĩa CD trái phép, v.v.. Hành vi vi phạm xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với các mức độ vi phạm khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không khởi kiện đến toà vì nhiều nguyên nhân như: tiền bồi thường thiệt hại còn quá ít, người đi kiện không tin tưởng vào khả năng giải quyết của toà án, v.v.. Nói chung, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tác giả còn rất yếu.

2. Các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và hiệu quả hoạt động của chúng

a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ phát sinh quyền của chủ sở hữu, người sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền của tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp là Văn bằng bảo hộ hoặc Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cục sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bằng bảo hộ và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp. Những đối tượng sau đây được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá.

b) Các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giải quyết tranh chấp về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp và thống nhất quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong phạm vi cả nước.

Cục sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp cấp Văn bằng bảo hộ cho cá nhân, tổ chức, thực hiện các thủ tục đình chỉ, huỷ bỏ, gia hạn hiệu lực Văn bằng bảo hộ, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở.

Cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức chỉ đạo và quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành và địa phương. Cơ quan quản lý khoa học công nghệ và môi trường của ngành, địa phương giúp lãnh đạo ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành, địa phương.

Các Bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Tổng cục hải quan trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ đạo và quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành mình quản lý.

Các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan cảnh sát, hải quan và quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp theo quy định tại các Điều 11, 12 của Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999.

Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các cá nhân, tổ chức được thực hiện thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, và qua việc giải quyết tranh chấp chủ yếu tại toà án.

Khi phát hiện thấy có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành về sở hữu công nghiệp thuộc Sở hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc yêu cầu toà án xét xử.

c) Hiệu quả hoạt động của các cơ quan nói trên

Thực tế hiện nay, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với mức độ và quy mô khác nhau. Nạn làm hàng giả có xu hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nếu chỉ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với những cá nhân, doanh nghiệp sản xuất hàng giả thì không đủ cứng rắn để ngăn chặn nạn làm hàng giả.

Tuy nhiên, việc khởi kiện trước toà án cũng không mấy thuận lợi đối với đương sự, vì các lý do sau đây: chi phí khởi kiện quá tốn kém, việc xác định thiệt hại chưa đầy đủ, chưa chính xác, thời gian giải quyết án quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thẩm phán am hiểu chưa sâu về sở hữu công nghiệp, v.v.. Nói chung, tương tự như lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn chưa hiệu quả.

Như vậy, chúng ta thấy rằng các định chế liên quan đến việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không tập trung vào một mối, mà tuỳ thuộc vào đối tượng bảo hộ là quyền tác giả hay quyền sở hữu công nghiệp. Những vấn đề liên quan đến quyền tác giả thuộc trách nhiệm của Cục bản quyền - Bộ Văn hóa thông tin, còn những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp thuộc trách nhiệm của Cục sở hữu công nghiệp - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ở đây, có một số vấn đề chưa thật hợp lý. Chẳng hạn: hiện nay, Cục bản quyền có trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền tác giả - trong đó có bảo hộ phần mềm máy tính. Trên thực tế, Cục bản quyền sẽ rất khó khăn trong việc quản lý và bảo hộ đối tượng này - một loại tài sản trí tuệ có hàm lượng công nghệ rất cao.

 

CHƯƠNG V

MỨC ĐỘ TƯƠNG THÍCH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỚI PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết, tham gia một số điều ước quốc tế song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ như: thoả thuận hợp tác song phương với Australia, Thái Lan, Pháp, v.v..; tham gia Hiệp định khung về hợp tác sở hữu trí tuệ của các nước thành viên ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết các điều ước song phương quan trọng, có tính ràng buộc cao sau đây:

Thứ nhất: Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả, ký ngày 27-6-1997, tại Hà Nội, có hiệu lực ngày 23-12-1998 (sau đây gọi là Hiệp định bản quyền Việt - Mỹ).

Thứ hai: Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa  Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (Chương II), ký ngày 13-7-2000, tại Washington, có hiệu lực ngày 10-12-2001 (sau đây gọi là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ).

Thứ ba: Hiệp định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thuỵ Sĩ, ký ngày 7-7-1999, có hiệu lực ngày 8-6-2000.

Theo quy định của các điều ước song phương này, các bên ký kết sẽ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo đòi hỏi của các điều ước đa phương được dẫn chiếu. Chẳng hạn: Điều 1 Chương II Hiệp định thương mại Việt - Mỹ dẫn chiếu 5 điều ước đa phương. Đối với Việt Nam, vấn đề khó khăn ở chỗ: trong số các điều ước đa phương được dẫn chiếu bởi các cam kết song phương, có rất nhiều điều ước mà Việt Nam chưa phải là thành viên. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ là thành viên của 3 điều ước sau đây:

- Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (ký ngày 20-3-1883) (Công ước sửa đổi năm 1967) (Việt Nam là thành viên của Công ước này từ năm 1949);

- Thoả ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá (ký ngày 14-4-1891) (Việt Nam là thành viên của Công ước này từ năm 1949); kể cả Nghị định thư Madrid năm 1989 bổ sung Thoả ước Madrid năm 1891 (ký ngày 27-6-1989);

- Công ước Washington năm 1970 về hợp tác quốc tế trong việc cấp bằng sáng chế quốc tế (ký ngày 19-6-1970) (Công ước này còn được gọi là Công ước PCT, hay Công ước patent) (Việt Nam là thành viên của Công ước này từ năm 1993);

Còn lại là hàng loạt các điều ước mà Việt Nam chưa phải là thành viên. Đó là các điều ước:

Trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả:

          - Công ước Bern năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (ký ngày 9-9-1886) (Công ước sửa đổi năm 1971);

          - Công ước Roma năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất băng, đĩa âm thanh và các tổ chức phát thanh, truyền hình (ký ngày 26/10/1961, có hiệu lực ngày 18-5-1964);

          - Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ nhà sản xuất băng, đĩa âm thanh chống việc sao chép trái phép băng, đĩa âm thanh.

Trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

          - Thoả ước Madrid năm 1891 về chống các chỉ dẫn giả mạo hoặc lừa dối về nguồn gốc hàng hoá (ký ngày 14-4-1891);

- Hiệp định La Haye năm 1925 về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (ký ngày 6-11-1925);

          - Hiệp ước năm 1994 về luật nhãn hiệu hàng hoá (ký ngày 27-10-1994).

Trong lĩnh vực bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ khác:

- Công ước Bruxelles năm 1974 về phân phối các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh;

- Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới năm 1961 (ký ngày 2-12-1961, còn gọi là Công ước UPOV 1961), Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới năm 1978 (Công ước UPOV 1978), hoặc Công ước quốc tế về bảo hộ giống thực vật mới năm 1991 (Công ước UPOV 1991) ([10]);

- Hiệp ước Budapest năm 1977 về công nhận quốc tế việc nộp lưu các chủng vi sinh để phục vụ xét nghiệm sáng chế (ký ngày 28-4-1977);

- Hiệp định WTO năm 1994 về quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến thương mại (TRIPs) (ký ngày 15-4-1994).

- Hiệp ước Washington về sở hữu trí tuệ liên quan đến mạch tích hợp (Hiệp ước IPIC) (thông qua ngày 26-5-1989) (chưa có hiệu lực);

Như vậy, mặc dù Việt Nam chỉ ký kết một số điều ước song phương và đa phương, nhưng trên thực tế, Việt Nam sẽ bị bắt buộc thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong hầu hết các điều ước đa phương về sở hữu trí tuệ, mà đây lại là những điều ước mà Việt Nam chưa sẵn sàng gia nhập. Chẳng hạn: trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam cam kết hoàn thiện một khung pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với TRIPs. (Chương II, điều 18.3). Việc xây dựng một khung pháp luật tương thích với đòi hỏi của pháp luật quốc tế là thách thức lớn đối với hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Việc bảo hộ các đối tượng truyền thống của quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, v.v..) từ lâu đã được quy định trong các văn bản pháp luật một cách khá bài bản, vì Việt Nam đã là thành viên của 3 điều ước đa phương quan trọng nhất về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ gắn liền với lĩnh vực khoa học - công nghệ, luôn vận động nên pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Việc phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ là nhằm giải quyết những vấn đề riêng của mỗi quốc gia cũng như để đáp ứng nhu cầu hội nhập của nó. Điều này càng có ý nghĩa đối với Việt Nam. Vì vậy, nếu xem xét các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, chúng ta chắc chắn sẽ thấy còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy có một số vấn đề liên quan đến mức độ tương thích của pháp luật nước ta so với đòi hỏi của các Điều ước quốc tế mà chúng ta cần giải quyết đề thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

1. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của Hiệp định bản quyền Việt - Mỹ và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

Theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam, quyền tác giả là “quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra” (Điều 750), và quyền sở hữu công nghiệp là “quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định” (Điều 780). Các đối tượng khác được bổ sung theo Nghị định 54/CP ngày 3-10-2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mạibảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp; và Nghị định 13/CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng mới.

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giảquyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, thông tin bí mật (bí mật thương mại), kiểu dáng công nghiệpquyền đối với giống thực vật (Điều 2 Chương II Hiệp định).

Như vậy pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ một số đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định. Bên cạnh đó, có những vấn đề pháp luật Việt Nam đã đề cập đến, nhưng nội dung còn chưa phù hợp.

a) Những đối tượng chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ:

a1) Thiết kế bố trí mạch tích hợp

Mạch tích hợp (còn gọi là IC - Integrated Circuit, hay con chíp) là một sản phẩm điện tử trong đó có ít nhất một phân tử động trong số các phân tử cấu thành, và một số (hoặc tất cả) các liên kết bên trong tạo thành một đơn vị vật chất được sử dụng để thực hiện một chức năng điện tử. Còn thiết kế bố trí mạch tích hợp được dịch ra từ thuật ngữ topography hoặc layout design. Thiết kế bố trí là một mô hình không gian ba chiều của các phân tử, trong đó có ít nhất một phân tử động, và một số (hoặc tất cả) các liên kết bên trong của mạch tích hợp; hoặc các mô hình không gian ba chiều được thiết kế cho mạch tích hợp, được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm điện tử, tin học và các thiết bị xử lý dữ liệu phức tạp khác.

Nếu bố trí vị trí của các mạch tích hợp nối với nhau trong không gian theo những cách khác nhau thì sẽ tạo ra một chức năng hoặc công dụng mới. Khi các hãng máy tính lớn trên thế giới như IBM hoặc COMPAQ cho ra đời một loại máy mới thì đôi khi giữa máy mới và máy cũ chỉ có một sự khác nhau rất nhỏ. Nếu sự khác nhau rất nhỏ này được bảo hộ thì sẽ tạo nên tính mới của sản phẩm. Đó là lý do của việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp.

Điều 8.2 Chương II Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ quy định: các bên ký kết coi các hành vi sau đây là bất hợp pháp, nếu bất kỳ người nào không được phép của chủ sở hữu thực hiện: làm bản sao, nhập khẩu hoặc phân phối thiết kế bố trí đã được bảo hộ, mạch tích hợp có thiết kế bố trí đã được bảo hộ hoặc một vật phẩm chứa mạch tích hợp nói trên.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp luật về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp như yêu cầu của Hiệp định. Dự thảo Nghị định về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị trình Chính phủ ban hành.

a2) Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá

Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá là tín hiệu vệ tinh mang chương trình được truyền đi dưới dạng mà trong đó các đặc tính âm thanh hoặc các đặc tính hình ảnh, hoặc cả hai đặc tính đó đã được biến đổi hoặc thay đổi nhằm mục đích ngăn cản thu trái phép chương trình truyền trong tín hiệu đó được thực hiện bởi những người không có thiết bị hợp pháp được thiết kế nhằm loại bỏ tác dụng của việc biến đổi hoặc thay đổi đó (Điều 2.2 Chương II Hiệp định).

Việc bảo hộ đối tượng này được quy định tại Điều 5 Chương II Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, theo đó các vi phạm nghiêm trọng phải bị xử lý thích hợp bằng các biện pháp chế tài dân sự và hình sự. Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 không có loại tội phạm nào liên quan đến vấn đề này. Điều này sẽ gây khó khăn cho các toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam khi xử lý các vi phạm loại này. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa phải là thành viên Công ước Bruxelles năm 1974, và trong hệ thống pháp luật của Việt nam cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể việc bảo hộ đối tượng này.

b. Những vấn đề đã được pháp luật Việt Nam quy định, nhưng nội dung còn chưa phù hợp:

b1) Bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm

Trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm được quy định chủ yếu tại Điều 747 Bộ luật dân sự (có hiệu lực 1-7-1996); Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996; Điều 131, Điều 170 và Điều 171 Bộ luật hình sự (có hiệu lực 1-7-2000), Nghị quyết số 07/2000/NQ - CP ngày 5-6-2000 của Chính phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000 - 2005 và một số văn bản khác. Trên thực tế, lĩnh vực khoa học thông tin rất phức tạp, việc ăn cắp phần mềm máy tính rất dễ và nhanh, trong khi đó các quy định pháp luật nói trên lại chưa đủ cụ thể và chi tiết để bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm.

Theo Khoản 1 Điều 4 Hiệp định, mọi loại chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc sưu tập tư liệu khác được coi là tác phẩm viết theo nghĩa quy định tại Công ước Bern và được bảo hộ như tác phẩm viết. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam không có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về bảo hộ chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu. Thông tư số 27/BVHTT ngày 10-5-2001 hướng dẫn Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 và Nghị định 60/CP ngày 6-6-1997 trước mắt đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần sửa Nghị định 76/CP để quy định việc bảo hộ sưu tập dữ liệu, đồng thời ban hành Nghị định quyền tác giả đối với chương trình máy tính.

Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng không quy định chi tiết vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm phần mềm. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, vấn đề bảo hộ sản phẩm phần mềm được quy định khá đầy đủ và hữu hiệu. Trong quan hệ đối tác với Việt Nam, các nước này rất quan tâm tới khả năng của chúng ta trong việc bảo hộ sản phẩm phần mềm. Do đó, trong thời gian sắp tới, Việt Nam cũng sẽ phải có những quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh vấn đề này.

Khi ký kết Hiệp định, Việt Nam đã cam kết thực hiện những quy định trong các điều ước quốc tế mà Hiệp định dẫn chiếu tới (Điều 1.3 Chương II), trong đó có Công ước Bern năm 1883 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (sửa đổi năm 1971). Hiện nay, một số quy định trong pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam chưa phù hợp với đòi hỏi của Công ước Bern. Chẳng hạn:

b2) Các đối tượng bảo hộ theo quy định riêng (Điều 748 Bộ luật dân sự)

Điều 748 Bộ luật dân sự quy định: các đối tượng sau đây được bảo hộ theo quy định riêng:

1, Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

2, Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của các loại văn bản nói trên;

3, Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

Quy định tại Khoản 3 nói trên không phù hợp với quy định của Công ước Bern năm 1886, theo đó: “việc bảo hộ theo Công ước này sẽ không áp dụng cho những tin tức thời sự hay vụ việc vụn vặt chỉ mang tính chất báo chí” (Khoản 8 Điều 2 Công ước).

b3) Khái niệm công bố tác phẩm

Điều 5 Nghị định 76/CP quy định: “việc công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, và các hình thức biểu diễn khác”. Định nghĩa này của Nghị định 76/CP không phù hợp với Điều 3 Khoản 3 Công ước Bern trong đó quy định: “... Không được coi là công bố: sự biểu diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay điện ảnh, hoà tấu một bản nhạc, đọc trước công chúng một tác phẩm âm nhạc, phát thanh truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng, một tác phẩm kiến trúc”.

b4) Theo Khoản 4 Điều 4 Hiệp định, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm, nếu được tính không căn cứ theo đời người, thì thời hạn đó ít nhất là 75 năm. Hiện nay, Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định thời hạn này là 50 năm. Do đó chúng ta cần cân nhắc vấn đề này khi sửa đổi Bộ luật Dân sự.

b5) Theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Hiệp định:

- Người có quyền đối với bản ghi âm có quyền cho phép hoặc cấm sao chép; nhập khẩu bản sao; phân phối lần đầu bản gốc, bản sao; cho thuê, cho mượn nhằm mục đích thương mại;

- Người biểu diễn có quyền cấm hoặc cho phép ghi lại buổi biểu diễn nhạc sống của họ trong bản ghi âm; sao chép, phân phối, bán, cho thuê, định đoạt, chuyển giao bản ghi âm trái phép các buổi biểu diễn nhạc sống, phát, truyền đạt buổi biểu diễn theo cánh khác.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có các điều khoản tương ứng với các tiêu chuẩn của Hiệp định về thời hạn bảo hộ người biểu diễn; quy định về quyền ghi và truyền tới công chúng các chương trình phát thanh truyền hình; quy định về quyền cho thuê bản ghi âm; quy định về quyền truyền tới công chúng chương trình biểu diễn các tác phẩm, nhạc kịch, âm nhạc. Trong thơì gian tới, chúng ta cần sửa Nghị định 76/CP và Bộ luật Dân sự theo hướng đáp ứng yêu cầu của Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Hiệp định và Công ước Bern.

c) Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Pháp luật Việt Nam quy định các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ sau đây:

- Biện pháp kiểm soát biên giới được quy định tại Điểm 1 Mục VI Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT của Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ngày 24-4-2000 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất hàng giả và Điều 64 Nghị định 63/CP. Quy định này nêu rõ: “Tổng cục hải quan phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định về kiểm tra sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá sản xuất lưu thông trên thị trường”. Nhưng cho đến nay, các biện pháp trên vẫn chưa được ban hành, dẫn đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế chưa có hiệu quả.

- Biện pháp chế tài dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự, Nghị định 63/CP, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29/11/1989, Công văn số 97/KHXX ngày 21/8/1997 của Toà án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.

- Biện pháp chế tài hành chính được quy định tại Nghị định 12/CP.

- Biện pháp chế tài hình sự được quy định tại các Điều 131, 170, 171 Bộ luật hình sự năm 1999.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ quy định các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các biện pháp tạm thời, chế tài dân sự, chế tài hình sự và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. (Chương II, Điều 11). Do đó:

Đối với các biện pháp tạm thời: Hiệp định quy định về cơ chế, thủ tục áp dụng các biện pháp tạm thời của mỗi bên nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là: cơ quan có thẩm quyền được ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời theo yêu cầu của nguyên đơn mà không nghe bị đơn trình bày ý kiến. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời chỉ sau khi đã thụ lý vụ án. Do đó, khi soạn thảo Bộ luật tố tụng dân sự, cần quy định việc áp dụng các biện pháp tạm thời theo tinh thần của Hiệp định.

Đối với các biện pháp dân sự, Việt Nam sẽ phải ban hành những quy định pháp luật để toà án có quyền áp dụng những biện pháp dân sự sau đây: (Chương II, Điều 12):

- Buộc bên kia phải cung cấp chứng cứ, ngay cả nếu đó là chứng cứ theo phỏng đoán;

- Ra bản án theo đề nghị của một bên vì bên kia không cung cấp được các bằng chứng đầy đủ cho vụ án;

- Áp dụng yêu cầu bồi thường cho một bên;

- Xác định thiệt hại mà không cần tính chính xác khối lượng thiệt hại (trong trường hợp vi phạm quyền tác giả).

Để hoàn thiện pháp luật về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các biện pháp dân sự, chúng ta cần:

- Xây dựng Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự;

- Thông tư liên tịch giữa Toà án nhân dân tối cao - Bộ Khoa học Công Nghệ Môi trường - Bộ tư pháp hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ;

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự.

Đối với biện pháp hình sự, Việt Nam sẽ phải thay đổi mức chế tài đối với tội phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, mức chế tài hiện nay là quá nhẹ.

Đối với biện pháp thực thi tại biên giới, Hiệp định quy định các biện pháp này phải bao gồm quyền của nhân viên hải quan được thu giữ hàng hoá nghi vấn trong thời gian không quá 10 ngày mà không chịu trách nhiệm về việc thu giữ sai, với điều kiện người tiến hành thu giữ phải có sự bảo đảm cho việc thu giữ. Thời hạn 10 ngày nói trên có thể được gia hạn bằng một mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền. Vì mục đích kiểm soát hàng giả, cơ quan hải quan phải có được một hệ thống đăng ký sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất/nhà phân phối những hàng hoá hợp pháp (Chương II, Điều 15).

Trong Luật Hải quan Việt Nam đã có quy định cho phép tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu có khiếu nại về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong Mục 5 Chương III. Trong thời gian tới, chúng ta cần ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới và thủ tục xử lý các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới theo tinh thần Hiệp định.

Về yêu cầu của Hiệp định liên quan đến bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật Việt Nam chưa có các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật về các biện pháp chế tài, các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự và hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, chúng ta cần:

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các thủ tục tố tụng dân sự, hình sự và hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Ban hành Nghị định về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Ban hành Nghị định quy định các biện pháp kiểm soát thị trường và thủ tục xử lý các vi phạm về quyền sở hưũ công nghiệp trong hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; và hướng dẫn xét xử các vụ án liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp;

- Ban hành Nghị định tương tự như trên đối với vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan;

- Xem xét sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính, theo yêu cầu của Hiệp định về việc quy định cho mỗi bên phải bảo đảm các quyết định hành chính cuối cùng có cơ hôị được xem xét lại tại các cơ quan tư pháp.

d) Xem xét việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương theo đòi hỏi của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

Đó là các điều ước sau đây:

- Công ước Geneva năm 1971 về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm. Lộ trình: 30 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-6-2004.

- Công ước Bern năm 1971 về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật. Lộ trình: 24 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-12-2003.

- Công ước UPOV. Lộ trình: 24 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-12-2003.

- Công ước Bruxelles năm 1974 về bảo hộ tín hiệu về tinh. Lộ trình: 30 tháng kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, nghĩa là ngày 10-6-2004.

- Công ước Paris năm 1967 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Trong số 5 Công ước này, Việt Nam mới chỉ là thành viên của Công ước Paris năm 1967. Về Công ước Geneva năm 1971 và Công ước Bern năm 1971: mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của các Công ước này, nhưng về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các Công ước nói trên. Trong thời gian tới, chúng ta cần xúc tiến các thủ tục gia nhập và hoàn thiện các quy định pháp luật theo các nguyên tắc và nội dung của các Công ước trên, đặc biệt lưu ý việc bổ sung Bộ luật Dân sự theo tinh thần nói trên. Về Công ước UPOV: Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng mới. Về cơ bản, nội dung của Nghị định này phù hợp với quy định của Công ước UPOV. Trong thời gian tới, chúng ta cần xúc tiến các thủ tục gia nhập Công ước và xây dựng Pháp lệnh giống cây trồng, vật nuôi. Về Công ước Bruxelles năm 1974: Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng chưa có quy định pháp luật bảo hộ tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh. Trong thời gian tới, chúng ta cần xem xét việc xúc tiến các thủ tục gia nhập và xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam theo các nguyên tắc và nội dung của Công ước.

2. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của TRIPs

Theo TRIPs, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giảquyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, bằng sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật (Điều 1.2 TRIPs). Bên cạnh đó, Hiệp định còn đề cập đến việc kiểm soát hành vi chống cạnh tranh trong hợp đồng license. (Điều 40 TRIPs)

So với TRIPs, pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp. Nói chung, các đối tượng mà TRIPs bảo hộ cũng tương tự như các đối tượng được Hiệp định thương mại Việt - Mỹ bảo hộ. Nghĩa là, việc Việt Nam thực hiện nghĩa vụ theo Hiệp định song phương chính là một bước sẵn sàng để hội nhập kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ WTO.

Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

TRIPs mô tả tương đối chi tiết việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan hữu quan. Chẳng hạn: quy định về việc lấy chứng cứ, các biện pháp tạm thời, tiền bồi thường, các hình phạt. Trong một số trường hợp, toà án có quyền ra lệnh huỷ hàng hoá giả hoặc sao chép bất hợp pháp. Việc cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc vi phạm bản quyền mang tính thương mại có thể bị khép vào tội nghiêm trọng. Chính phủ phải đưa ra những bảo đảm để chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận được sự hỗ trợ của cơ quan hải quan trong việc ngăn cản nhập khẩu hàng hoá giả hoặc sao chép bất hợp pháp.

Chúng ta thấy rằng pháp luật Việt Nam có quy định các biện pháp để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng các biện pháp chưa đủ mạnh để việc thực thi có hiệu quả, nhất là tính răn đe của các chế tài dân sự, hình sự còn thấp.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong pháp luật Việt Nam còn có những quy định gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Chẳng hạn: Điều 28 Nghị định 76/CP quy định: “quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài do Chính phủ quy định trong một văn bản khác”. Tuy nhiên, cho đến nay, văn bản đó vẫn chưa được ban hành. Trên thực tế, có nhiều cách giải thích Điều 28. Theo cách giải thích thứ nhất, việc đăng ký quyền tác giả của cá nhân, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam chưa thể được thực hiện, mà phải chờ văn bản do Chính phủ ban hành. Theo cách giải thích thứ hai, trong khi chờ đợi ban hành văn bản, việc đăng ký quyền tác giả của cá nhân, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành như đối với công dân, pháp nhân Việt Nam, theo quy định của Nghị định 76/CP. Vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân nước ngoài.

Theo chúng tôi, nên thống nhất thủ tục đăng ký bảo hộ cho các chủ thể. Sự phân biệt chỉ nên tiến hành theo đối tượng bảo hộ chứ không nên theo quốc tịch của chủ thể, trừ trường hợp công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đòi hỏi điều đó.

3. Mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam so với đòi hỏi của Hiệp định về sở hữu trí tuệ Việt Nam - Thuỵ Sĩ

Hiệp định song phương Việt Nam - Thuỵ Sĩ quy định đối tượng bảo hộ là: quyền tác giảquyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống thực vật, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật, và các đối tượng khác được pháp luật các bên ký kết bảo hộ. Đòi hỏi của Hiệp định Việt Nam-Thuỵ Sĩ cũng tương tự như Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và TRIPs. Bên cạnh đó Hiệp định Việt Nam-Thuỵ Sỹ còn dẫn chiếu đến Hiệp ước Budapest năm 1977 về công nhận quốc tế việc nộp lưu các chủng vi sinh để phục vụ xét nghiệm sáng chế (ký ngày 28/4/1977). Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này.

Kết luận

Trên thực tế, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ. Nếu xem xét pháp luật trên giấy tờ, thì hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ cũng không quá khác biệt so với các nước khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất khó khăn. Vấn đề ở chỗ: cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta còn rất yếu.

Quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ cho thấy: hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn quá yếu so với đòi hỏi quốc tế, chưa quy định hàng loạt vấn đề, nhiều quy định còn quá chung chung, khó thực hiện. Do đó, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 đã xác định: “... Đối với nước ta, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới được nâng lên một bước mới gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế ...”. Do đó, chúng ta rất quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Để làm được điều này, cần phải tuân thủ các quy định trong các Điều ước quốc tế về lộ trình thực hiện bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Theo Điều 18 Chương II Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật để bảo hộ các đối tượng của sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian quy định:

- Bảo hộ sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực;

- Thực thi quyền tác giả và bảo hộ bí mật thương mại trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực;

- Bảo hộ các giống thực vật mới và thiết kế bố trí mạch tích hợp trong thời hạn 24 tháng kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực;

- Bảo hộ tín hiệu vệ tinh trong thời hạn 30 tháng kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải ban hành những văn bản để hướng dẫn thực hiện các Điều ước quốc tế đã có hiệu lực. Mục tiêu cuối cùng của việc phân tích mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế là để “hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”, theo đúng tinh thần của Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 (Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

 

 

CHƯƠNG VI

HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ  SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển pháp luật sở hữu trí tuệ

1.1. Bối cảnh quốc tế ([11])

Bối cảnh quốc tế trong thời gian tới có nhiều thời cơ lớn đan xen với nhiều thách thức lớn. Một số xu thế sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung, và sự phát triển sở hữu trí tuệ nói riêng.

Thứ nhất: Khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, làm dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ có vai trò ngày càng quan trọng. Trình độ làm chủ thông tin, tri thức có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. Các nước đang phát triển, trong đó có nước ta, có cơ hội thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển, cải thiện vị thế của mình; đồng thời đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tranh thủ được cơ hội, khắc phục yếu kém để vươn lên.

Thứ hai: Toàn cầu hoá kinh tế là xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế.

Đối với nước ta, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới được nâng lên một bước mới gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế (trong đó có các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ).

1.2. Bối cảnh trong nước ([12])

Trong thời gian qua, kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 được xây dựng trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực.

Khoa học xã hội và nhân văn đã bước đầu cung cấp được các luận cứ khoa học phục vụ yêu cầu hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới các cơ chế chính sách.

Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, xây dựng, dịch vụ đã được nâng lên và đổi mới đáng kể. Trong công nghiệp và xây dựng đã cải tiến, hoàn thiện một số dây chuyền sản xuất, xây dựng; khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước; lựa chọn và khai thác các công nghệ nhập khẩu như: công nghệ tự động hoá thiết kế, công nghệ đóng tàu, công nghệ xử lý nền móng công trình trong điều kiện địa hình phức tạp xây nhà cao tầng, công nghệ gia công cơ khí độ chính xác cao,v.v..

Trong nông nghiệp, đã ứng dụng một số thành tựu của công nghệ sinh học; đưa một số giống mới vào sản xuất đại trà trên cơ sở áp dụng các kết quả nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ mới và công nghệ cao.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học và công nghệ được tăng cường một bước, có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được chú trọng đào tạo chuyên sâu và đồng bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, có khả năng tiếp thu và làm chủ một số công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, công tác khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều bất hợp lý. Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội, chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được. Trình độ công nghệ nước ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năng lực tự tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn. Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm được sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp. Các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các trường đại học chưa gắn kết với nhau. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu tập trung và dứt điểm cho từng mục tiêu. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tuy còn ít, song chưa được sử dụng tốt.

Những bối cảnh quốc tế và trong nước nói trên đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến định hướng phát triển khoa học - công nghệ nói chung và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói riêng.

1.3. Thực trạng của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ

Những phân tích của Đề tài về thực trạng của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép đi đến một số kết luận tổng quan sau:

1. Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nước ta vẫn đang trong thời kỳ hình thành và phát triển, tương ứng với trình độ khoa học - công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế;

2. Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ mang một đặc trưng nổi bật, đó là: tính bị động, đối phó với các yêu cầu mới phát sinh.

3. Pháp luật sở hữu trí tuệ ở nước ta còn chứa đựng nhiều sự bất tương thích với các điều ước và thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc phải chấp nhận do sự dẫn chiếu của các điều ước song phương.

4. Cơ chế thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn chưa mạnh dẫn đến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến hiện nay.

5. Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những nền tảng nhất định của mình, đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong quá trình phát triển.

Những gì nêu trên cho thấy việc hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng phù hợp hơn nữa với những đòi hỏi của thực tiễn, với pháp luật quốc tế nhằm góp phần nâng cao việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy lao động sáng tạo là vô cùng cần thiết. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta hiện nay sẽ có tác dụng:

- Thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ để làm nền tảng cho phát triển kinh tế;

- Thúc đẩy tự do hoá thương mại, hoà nhập vào xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình chuyển dịch của nền kinh tế sang một hình thái mới - hình thái kinh tế tri thức.

- Hạn chế những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và qua đó hạn chế các xung đột lợi ích trong xã hội, đảm bảo cho cac quan hệ xã hội ổn định và phát triển.

- Hạn chế xung đột pháp luật giữa các quốc gia trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.

Tóm lại, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, đặc biệt “đón trước” khả năng Việt Nam gia nhập WTO, là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

1.3. Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ

a) Định hướng phát triển khoa học - công nghệ ([13])

Trong 5 năm tới, nhà nước ta tiếp tục tăng đầu tư thích đáng từ ngân sách nhà nước, đồng thời phát huy mọi nguồn lực cho nghiên cứu những lĩnh vực khoa học công nghệ mới như công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và nghiên cứu cơ bản có lựa chọn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Internet, đặc biệt là chính sách giá, nhằm giúp các cá nhân, các doanh nghiệp khai thác thông tin công nghệ và thị trường trên thế giới. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp đồng khoa học, công nghệ và tạo lập thị trường lao động khoa học, công nghệ. Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ bản, toàn diện công tác quản lý khoa học, công nghệ và môi trường từ trung ương đến tỉnh, thành phố.

Ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ và đào tạo.

Những định hướng nói trên thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước đối với vấn đề phát triển khoa học - công nghệ. Để phát triển khoa học - công nghệ, một khung pháp luật hoàn thiện về sở hữu trí tuệ là điều không thể thiếu.

2. Hướng phát triển của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ và một số kiến nghị

2.1. Xu hướng phát triền của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI cần phải phát triển theo xu hướng tương thích hoá với pháp luật quốc tế và các hiệp định song phương, đa phương có liên quan nhằm tạo ra một sự thúc đẩy lớn trong việc phát triển pháp luật sở hữu trí tuệ đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập.

Lập luận cho xu hướng này là:

-        Tự bản thân Việt Nam trong những năm tới khó có thể tạo ra những bước phát triển mới trong công nghệ vốn là thực tiễn sinh động cho việc hình thành và phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ;

-        Bản thân lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ là lĩnh vực dễ cho phép tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài mà ít bị các vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội cản trở;

-        Trong nội tại hệ thống pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ tuy có nhiều tiến bộ song sự tương thích vẫn chỉ diễn ra nhiều trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tức pháp luật trên văn bản chứ không phải trên lĩnh vực thực thi, tức là pháp luật trong quá trình thực hiện.

2.2. Một số đề xuất nhằm thực hiện xu hướng trên

a) Tích cực ký kết, tham gia, và thực hiện các điều ước quốc tế song phương, đa phương về sở hữu trí tuệ

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX cho thấy: xu thế mở rộng giao lưu, quan hệ hợp tác quốc tế được Đảng ta đề cao, và là một trong những định hướng phát triển quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam diễn ra theo tinh thần chủ động, phát huy tối đa nội lực, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh và xu thế đó, hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Mục tiêu của hoạt động này nhằm mục đích:

- Một mặt tiếp tục thúc đẩy quá trình giao lưu quốc tế, chuẩn bị các điều kiện về năng lực, vật chất cần thiết để chủ động hội nhập với thế giới và khu vực về sở hữu trí tuệ;

- Mặt khác trong quá trình hội nhập, chúng ta phải tận dụng và tranh thủ kinh nghiệm, sự giúp đỡ (về vốn, công nghệ, kỹ thuật, bí quyết, v.v..) của các nước và cộng đồng quốc tế để bổ sung khả năng cho hệ thống sở hữu trí tuệ nước ta.

Hiện nay, trong khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ đã có hiệu lực, việc thi hành Hiệp định cần được gấp rút triển khai. Một trong những công việc đó là: tổng rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực được Hiệp định điều chỉnh. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là vấn đề sở hữu trí tuệ - được quy định tại Chương II của Hiệp định (với 18 điều). Chương II quy định nhiều đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có những đối tượng chưa được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh việc cố gắng thực hiện các cam kết trong các điều ước song phương, chúng ta phải khẩn trương nghiên cứu khả năng gia nhập các điều ước đa phương, như: Công ước Bern năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước UPOV về bảo hộ giống thực vật mới, Hiệp ước Washington (Hiệp ước IPIC) năm 1989 về sở hữu trí tuệ liên quan đến mạch tích hợp, v.v..

b. Kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm hoàn thiện khung pháp luật về sở hữu trí tuệ, đáp ứng cho việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế

Quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc ký kết, tham gia, thực hiện các điều ước quốc tế cho thấy: hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

- Cần khắc phục những nhược điểm và bất cập mà Đề tài đã chỉ ra trong phần phân tích về pháp luật sở hữu công nghiệp và pháp luật về quyền tác giả.

- Hiện nay còn nhiều ý kiến tranh cãi về vị trí của sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam: pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ là bộ phận của luật dân sự hay luật thương mại? Do đó, về lý luận: cần giải quyết mối quan hệ giữa luật dân sự và luật thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo hướng: luật dân sự là luật chung, luật tổng quát, và luật thương mại là luật chuyên ngành;

- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự ứng dụng của khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất, khái niệm quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn được mở rộng hơn rất nhiều so với cách hiểu truyền thống. Ngày nay, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, mà còn cả những đối tượng khác, như: giống thực vật mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chủng vi sinh, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, bí mật thương mại, địa chỉ trên Internet. Ngay cả cách hiểu về quyền tác giả, hoặc chỉ dẫn địa lý cũng rộng hơn trước đây. Hiện nay, phần mềm máy tính được bảo hộ quyền tác giả. Vấn đề nêu trên sẽ có tác động lớn trong việc hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ; 

- Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu vấn đề “khẩn trương tổ chức thị trường khoa học và công nghệ”. Do đó, việc ban hành các quy định pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ là việc cần được triển khai. Nếu loại thị trường này hoạt động hiệu quả thì nó sẽ tạo ra các động lực quan trọng để sử dụng hay triển khai các phát minh, sáng chế, từ đó thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ bằng cơ chế cạnh tranh và lợi nhuận. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu của Đề tài, chúng tôi không tích sâu vấn đề này;

- Sửa đổi tổng thể các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự và Nghị định 76/CP theo mục tiêu xác định rõ ràng đâu là quyền tài sản, đâu là quyền nhân thân;

- Sớm ban hành các văn bản pháp luật bảo hộ các tác phẩm được nhà nước bảo hộ theo quy định riêng (xem Điều 748 Bộ luật Dân sự);

- Nhanh chóng nghiên cứu và xúc tiến việc thành lập Hiệp hội quản lý tập thể quyền tác giả với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp có vai trò trung gian giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với các đối tượng có nhu cầu sử dụng tác phẩm. Qua đó góp phần ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả;

- Nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn các chủ thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, và các quy định pháp luật hướng dẫn chi tiết thủ tục giải quyết các vụ án hình sự trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

- Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm pháp luật các nước cũng như pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, tạo ra sự tương thích của pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế, theo đúng lộ trình vạch ra trong các cam kết quốc tế.

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử triết học tập 1 - NXB tư tưởng văn hoá. Hà Nội. 1992.

2. Tham luận tại Hội thảo WIPO - Quốc gia về sở hữu trí tuệ và Hiệp định TRIPs cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Tác giả Bùi Quang Linh - Phó giám đốc Cty phân lân nung chảy Văn Điển.

3. Báo tin tức, Thứ năm ngày 15 tháng 6 năm 2000.

4. Số liệu thống kê về hoạt động sở hữu công nghiệp 1999. Cục sở hữu công nghiệp.

5. Bài phát biểu của ông Trần Việt Hùng - Cục phó Cục sở hữu công nghiệp tại Hội thảo về thực thi quyền sở hữu công nghiệp (ngày 24-25 /6/1998 tại TP. Hồ Chí Minh).

6. Bản tin trên mạng VNN của Cty phát triển phần mềm (VASC) ngày 28-2-2001.

7. Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục bản quyền tác giả. Hà Nội. 1997.

8. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội IX. Báo nhân dân số ra ngày 20-21-22-23-24/4/2001.

9. Giới thiệu những khái niệm cơ bản về quyền tác giả và quyền kề cận (tài liệu do Vụ quốc tế của WIPO cung cấp).

10. Đại từ điển tiếng Việt - NXB Văn hoá Thông tin - TP. Hồ Chí Minh. 1999.

11. Báo Công nghiệp số ra ngày 15-10-1999.

12. Hoạt động sở hữu công nghiệp 1999 - Thông tin của Cục sở hữu công nghiệp.

13. Công báo của Chính phủ năm 1998-1999-2000-2001-2002.

14. Tài liệu của Dự án JICA - Quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhật Bản. Hà Nội. 1999.

15. Tài liệu Hội thảo sở hữu công nghiệp và hội nhập của Việt Nam vào hệ thống thương mại đa phương do Cục sở hữu công nghiệp và Viện sở hữu trí tuệ Liên bang Thuỵ Sĩ tổ chức tại Hà Nội ngày 18-19/3/2002.

16. Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1997.

17. Bình luận Bộ luật dân sự Việt Nam. Tập III. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội. 2001.

18. Đề tài TANDTC: Nâng cao vai trò và năng lực của Toà án trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. 1999.

19. Chuyển giao công nghệ qua đầu tư nước ngoài - Một số khía cạnh pháp lý quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Dự án VIE 97/016. 2000.

20. Một số vấn đề về quyền tác giả trong Luật dân sự Việt Nam. Ths Kiều Thị Thanh. 1999.

 

Chuyên đề 1

VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ

VÀ PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

                                                                    ThS. Nguyễn Thị Dung

                                                 Khoa pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội

 

 

I. SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ VAI TRÒ CỦA SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Sở hữu trí tuệ

Sở hữu là một phạm trù kinh tế mang tính khách quan, xuất hiện và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người. Ở thời kỳ bình minh của nhân loại, tuy rằng “chưa có sự phân biệt rõ rệt về khái niệm “sở hữu” đối với tư liệu sản xuất và sức lao động ”(1) nhưng ở đó đã từng bước xuất hiện sự chiếm giữ những sản vật của tự nhiên. Trải qua sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội, đối tượng của sở hữu ngày càng được mở rộng đa dạng, phong phú và khẳng định trình độ phát triển của xã hội loài người: con người không chỉ  chiếm giữ (sở hữu) những sản vật của tự nhiên mà còn chiếm giữ các thành quả lao động, tư liệu sản xuất và các sản phẩm khác của trí tuệ.

Khác với sở hữu nói chung, sở hữu trí tuệ chỉ ra đời khi kinh tế-xã hội đã phát triển đến một trình độ nhất định. Ở góc độ kinh tế, sở hữu trí tuệ là sự chiếm giữ các sản phẩm của trí tuệ. Đối tượng của sở hữu trí tuệ hẹp hơn đối tượng của sở hữu nói chung vì nó chỉ bao gồm các sáng tạo do lao động trí óc của con người tạo ra, là trí tuệ của con người. Thông thường sở hữu trí tuệ liên quan đến những thông tin có thể được thể hiện bằng các vật thể hữu hình với số lượng bản sao không hạn chế, tại cùng một thời điểm và ở các địa điểm khác nhau trên thế giới. Đối tượng của sở hữu trí tuệ trong trường hợp này không phải là các bản sao mà chính là những thông tin được phản ánh trong các bản sao đó. Vì lý do này, có thể khẳng định: đối tượng của sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình.

Sở hữu trí tuệ được chia thành 2 lĩnh vực: đó là sở hữu công nghiệp và bản quyền.

Sở hữu công nghiệp không phải là sở hữu đối với các động sản, bất động sản dùng vào sản xuất công nghiệp như nhà máy, thiết bị kĩ thuật ... mà là sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người được khai thác trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thậm chí trong cả lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đối tượng của sở hữu công nghiệp có thể là: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ thứ hai là bản quyền. Bản quyền liên quan đến các sáng tạo trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như các tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh...

Là một phạm trù kinh tế, sở hữu trí tuệ xác định sự chiếm giữ đối với tất cả các sản phẩm của trí tuệ. Tuy nhiên, để trở thành một “quyền pháp lý” được nhà nước bảo hộ thì sự sở hữu những sản phẩm trí tuệ này phải được thừa nhận và bảo hộ bằng những quy định của luật pháp. Như vậy, sẽ có những sáng tạo trí tuệ con người là đối tượng của sở hữu trí tuệ nhưng lại chưa được (hoặc không được) luật pháp bảo hộ bằng một hình thức pháp lý phù hợp.

2. Vai trò của sở hữu trí tuệ

a) Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ

* Các đối tượng sở hữu trí tuệ được tạo ra do xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau như nghiên cứu, ứng dụng, thương mại, sáng tạo nghệ thuật... Trong mọi trường hợp, sở hữu trí tuệ có khả năng mang lại cho tác giả và chủ sở hữu những lợi ích vật chất và tinh thần to lớn. Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm nghệ thuật... ra đời là sự khẳng định tài năng, trí tuệ của tác giả trước xã hội. Những lợi ích tinh thần này thể hiện thông qua việc được đứng tên tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật, thông qua việc được nhận giải thưởng trong nước và quốc tế cũng như nhiều quyền nhân thân khác.

Trong xu thế quốc tế hoá, khía cạnh “thương mại” của sở hữu trí tuệ được đặc biệt quan tâm và do vậy, vai trò mang lại nhiều nguồn lợi vật chất cho chủ sở hữu khi các đối tượng sở hữu trí tuệ được khai thác và đề cập tới ở nhiều góc độ khác nhau. Tác giả có quyền được hưởng nhuận bút hoặc được nhận thù lao khi sản phẩm trí tuệ của mình được sử dụng, chủ sở hữu được quyền khai thác các đối tượng sở hữu công nghịêp và các sản phẩm trí tuệ khác nhằm mục đích sinh lợi, kể cả việc chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền sử dụng các đối tượng đó cho người khác được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm.

 Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung tạo điều kiện cho những chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, cải thiện vị trí của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực tiễn nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật ở bất cứ một doanh nghiệp nào đều có thể chứng minh rõ ràng vai trò to lớn này của sở hữu công nghiệp. Sau đây là một ví dụ cụ thể về vai trò của sở hữu công nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh:

Công ty phân lân nung chảy Văn Điển là một doanh nghiệp khá thành công trong việc nghiên cứu, ứng dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Giải pháp kĩ thuật “Lò cao sản xuất phân lân nung chảy” được cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích HI 0030 ngày 11-1-1991. Với giải pháp này, công ty đã thành công trong việc thay thế than cốc bằng than antra-xít để chạy lò nung, nghĩa là đã giải quyết được nguy cơ phải ngừng lò vì không có than cốc. Không những thế, giải pháp còn cho phép tăng năng suất lò, giảm định mức tiêu hao điện và than. Do đó, từ chỗ phải chạy 5 lò công suất 40.000 tấn/năm tới chỗ chỉ cần 3 lò công suất nâng lên 120.000 tấn/năm. Sau 6 năm áp dụng giải pháp hữu ích HI 0030 đã cho phép tiết kiệm 186.719 tấn than Vàng danh và 34.853.842 kwh điện. Tổng trị giá làm lợi là 99.111.363.000VND.([14])

Bên cạnh vai trò quan trọng như vậy đối với doanh nghiệp, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, các đối tượng sở hữu công nghiệp còn đóng vai trò là “công cụ maketing” bởi nó giúp doanh nghiệp trong việc dự đoán tiềm năng bán hàng, doanh thu và lợi nhuận thu được trong các hoàn cảnh tại thị trường khác nhau.

b) Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quốc gia và quốc tế

Không chỉ là việc khẳng định sự phát triển của trí tuệ nhân loại, sở hữu trí tuệ còn khẳng định trình độ phát triển về kinh tế văn hoá của mỗi quốc gia, góp phần xác định vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế.

Việc sáng tạo ra các sản phẩm: từ kẹp phơi quần áo đến vi mạch máy tính, từ phần mềm máy tính đến các hình thái cao hơn... đều có khả năng mang đến nguồn thu nhập lớn cho các ngành kinh tế, tạo sức tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Đóng vai trò là nội lực của cách mạng khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao (như viễn thông, điện tử, tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ...). Đây là những ngành kinh tế hứa hẹn lợi nhuận siêu ngạch và đem lại khả năng chi phối kinh tế thế giới. Ở nước ta, vai trò của khoa học kỹ thuật, của các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được quy định trong văn bản pháp lý có giá trị cao nhất. Điều 37 Hiến pháp 1992 quy định: “Khoa học kỹ thuật giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Ngày nay, quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế đang diễn ra nhanh chóng với qui mô và tốc độ ngày càng lớn tạo nên nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế dân tộc đều theo xu hướng mở cửa và theo quỹ đạo của kinh tế thị trường. Tính phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế dân tộc ngày càng gia tăng. Xu hướng khu vực hoá, toàn cầu hoá đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Tham gia vào quá trình này, sở hữu trí tuệ có vai trò “mở cửa” cho chuyển giao li xăng và quốc tế hoá trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, bản quyền nói riêng và trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung.

II. VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Pháp luật về sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ

Quan hệ xã hội liên quan đến việc sáng tạo và sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ mang tính khách quan. Dù pháp luật có hay không quy định những chuẩn mực trong quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì con người cũng vẫn không ngừng sáng tạo ra chúng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhằm bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần cho các chủ thể tham gia quan hệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ lợi ích của mỗi quốc gia, pháp luật trong nước và quốc tế đều có những quy định bảo hộ việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Khi được luật pháp quy định và bảo hộ, việc chiếm hữu, sử dụng, khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ trở thành một quyền pháp lý.                                                                                                                                                                                   

Quyền sở hữu trí tuệ là một phạm trù pháp lý bao gồm 2 nội dung cơ bản là quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả. Theo nghĩa rộng, quyền sở hữu trí tuệ là một phạm trù pháp lý bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tạo ra và sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ. Theo nghĩa hẹp, quyền sở hữu trí tuệ là một phạm trù pháp lý dùng để chỉ tổng thể các quyền chủ quan của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các quyền lợi vật chất và quyền lợi nhân thân gắn liền với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Tại điều 2 Công ước Stôckholm năm 1967 về việc thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến:

- Các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học

- Việc trình diễn của các nghệ sĩ, các chương trình phát và truyền thanh, phát và truyền hình.

- Các sáng chế, phát minh khoa học, kiểu dáng công nghệp nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ.

- Tên thương mại và các chỉ dẫn thương mại bảo vệ chống cạnh tranh không lành mạnh và mọi quyền khác là kết quả của hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, văn hoá, nghệ thuật.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ là phương tiện để ghi nhận và đảm bảo thực hiện quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật mỗi nước đều quy định những đối tượng sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ. Thông thường, đó phải là những sáng tạo đáp ứng đủ những điều kiện nhất định. Như vậy các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hẹp hơn các đối tượng sở hữu trí tuệ vì có những sáng tạo của trí tuệ chưa thuộc diện được bảo hộ pháp lý. Ví dụ về sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp - một vấn đề không chỉ được quan tâm trong khuôn khổ quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. Sự diễn giải sau đây sẽ chứng minh thiết kế bố trí mạch tích hợp là một sản phẩm trí tuệ chưa được luật pháp bảo hộ chắc chắn.

Mạch tích hợp là sự sáng tạo của trí tuệ con người được sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm điện tử: đồng hồ, ti vi, máy giặt, ôtô... và các thiết bị xử lý dữ liệu phức tạp khác. Trong công nghiệp điện tử, sơ đồ chi tiết hay thiết kế bố trí các mạch tích hợp luôn được đổi mới nhằm giảm kích thước, tăng chức năng của các mạch hiện có. Mạch tích hợp càng nhỏ thì nguyên liệu sản xuất càng ít và không gian lắp đặt càng hẹp. Mạch tích hợp đóng vai trò rất quan trọng trong các ngành công nghiệp đặc biệt là công nghiệp điện tử. Trong khi đó, thiết kế bố trí mạch tích hợp không được xem là kiểu dáng công nghiệp vì nó chỉ xác định vị trí vật lý của mỗi chi tiết có chức năng điện tử trong phạm vi mạch tích hợp mà không xác định hình dáng bên ngoài cho mạch tích hợp; không được xem là sáng chế vì chúng không đòi hỏi một trình độ sáng tạo nhất định và cũng không phải là đối tượng để bảo hộ bản quyền. Như vậy, thiết kế bố trí mạch tích hợp là một đối tượng sở hữu trí tuệ không có khả năng được bảo hộ chắc chắn. Mặc dù loại hình và phạm vi bảo hộ đối với mạch tích hợp còn đang được các quốc gia, khu vực và quốc tế xem xét, nhưng những chủ sở hữu của nó vẫn tiếp tục chiếm giữ, khai thác các thiết kế bố trí mạch tích hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu cạnh tranh và lợi ích của mình.

2. Vai trò của pháp luật về sở hữu trí tuệ

          a) Ph¸p luËt vÒ së h÷u trÝ tuÖ t¹o m«i tr­êng ph¸p lý thuËn lîi cho c¸c ho¹t ®éng së h÷u trÝ tuÖ vµ thóc ®Èy ph¸t triÓn c¸c ho¹t ®éng së h÷u trÝ tuÖ ë ViÖt Nam.

Đối với những tài sản thông thường, giá trị của tài sản biểu hiện ở chính vật thể đang tồn tại. Vật thể đó có thể là vật đặc định hay vật cùng loại, được xác định giá trị thông qua các phương pháp đo lường số lượng, kiểm tra đánh giá chất lượng... Xuất phát từ đặc điểm này, việc bảo vệ quyền sở hữu đối với chúng khá đơn giản, bởi vì chính chủ sở hữu và Nhà nước có thể kiểm soát được việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các đối tượng sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ không tồn tại dưới dạng các vật thể hữu hình mà chính là những thông tin có giá trị kinh tế, văn hoá chứa đựng trong các vật thể hữu hình đó. Những thông tin này có thể được chứa đựng trong các bản sao không hạn chế tại cùng một thời điểm và ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Do đó việc sao chép, sử dụng bất hợp pháp các đối tượng sở hữu trí tuệ nhằm thu lợi rất dễ xảy ra và nằm ngoài khả năng kiểm soát của tác giả và chủ sở hữu, đồng thời trực tiếp hay gián tiếp tước đoạt của họ những lợi ích vật chất và tinh thần to lớn.

Để tạo lập môi trường sở hữu trí tuệ lành mạnh, sự có mặt của luật pháp là không thể thiếu. Nhu cầu chiếm hữu, khai thác lợi ích kinh tế từ các sản phẩm trí tuệ của tác giả và chủ sở hữu là hợp pháp. Nhu cầu khai thác trên phạm vi rộng rãi các lợi ích có được từ sở hữu trí tuệ của các tổ chức cá nhân khác cũng là chính đáng. Tuy nhiên, nhu cầu đó chỉ trở thành hợp pháp khi nó được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Để đáp ứng nhu cầu của những chủ thể đó, pháp luật phải tạo lập được môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động sở hữu trí tuệ và bảo đảm được trật tự xã hội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Các đối tượng sở hữu trí tuệ được sáng tạo đều mang lại những lợi ích nhân thân và tài sản cho tác giả và chủ sở hữu của nó. Tác giả và chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ có quyền đứng tên, quyền công bố, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ vì các mục tiêu kinh tế, văn hóa, quyền cho người khác sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thông qua kí kết hợp đồng sử dụng tác phẩm, hợp đồng chuyển giao công nghệ, v.v... Tổ chức, cá nhân không phải là tác giả hay chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ cũng có cơ hội để sử dụng, khai thác giá trị kinh tế, văn hoá của các đối tượng sở hữu trí tuệ một cách hợp pháp. Đó là khi họ đạt được sự thoả thuận với chủ sở hữu về thời gian, giá cả... của việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ.

Như vậy, pháp luật giữ vai trò “hoà hợp” lợi ích nhân thân, lợi ích kinh tế của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ vì mục tiêu kinh tế, văn hoá. Mọi cá nhân, tổ chức tạo ra hoặc sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, có đăng kí bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều trở thành chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và được luật pháp bảo hộ thực hiện những quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên,  những vị trí khác nhau trong quan hệ pháp luật về sở hữu trí tuệ đem đến cho họ những quyền và lợi ích khác nhau. Nhằm mục tiêu xây dựng trật tự xã hội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, pháp luật cần có sự quy định toàn diện các vấn đề:

-      Chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ;

-      Khách thể quyền sở hữu trí tuệ;

-      Nội dung của quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

-      Quy định về cách thức, biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

-      Quy định về hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sử dụng tác phẩm...;

-      Quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, v.v...

Khi đạt được “tính phù hợp”, các quy định trên của pháp luật sẽ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi an toàn cho các hoạt động sở hữu trí tuệ phát triển, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

b) Pháp luật về sở hữu trí tuệ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới kỹ thuật, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế.

Mục đích trực tiếp của việc ban hành pháp luật về sở hữu trí tuệ là nhằm thúc đẩy pháp triển các hoạt động sở hữu trí tuệ, trong đó, hoạt động sở hữu trí tuệ cần phải được hiểu một cách đầy đủ bao gồm cả hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và hoạt động khai thác giá trị kinh tế, văn hoá của các đối tượng sở hữu trí tuệ nhằm phục vụ lợi ích riêng của nhiều tổ chức, cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng quốc gia và quốc tế.

Để tạo ra được một sản phẩm mới với kiểu dáng đẹp hơn, chất lượng và công dụng tốt hơn, cũng như để tạo ra một nhãn hiệu nổi tiếng có uy tín với người tiêu dùng, đòi hỏi phải có sự đầu tư về trí tuệ, chi phí, thời gian, và nhiều khi bao gồm cả sự chấp nhận rủi ro. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với nội dung đảm bảo độc quyền khai thác, sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong một thời gian nhất định để người chủ sở hữu thu lợi từ đối tượng sở hữu mà mình tạo ra, đảm bảo thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả trong thời gian luật định… chính là biện pháp hữu hiệu để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức nghiên cứu tạo ra và áp dụng nhanh chóng các kỹ thuật tiến bộ, tạo ra những sản phẩm mới, tác phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Mặt khác, khi được bảo hộ, đối tượng sở hữu trí tuệ sẽ được thông báo công khai. Như vậy, các tổ chức, cá nhân khác sẽ chỉ tiến hành nghiên cứu sáng tạo những thành quả mới chứ không tạo ra những thành quả đã có, đặc biệt là những đối tượng đã được pháp luật bảo hộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lại hiện tượng chiếm đoạt, chụp giật các sản phẩm trí tuệ của người khác, tránh sự nghiên cứu trùng lặp hoặc bí mật giấu giếm các giải pháp kỹ thuật mới, sao chép, bắt chước các kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá có uy tín trên thương trường.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, từ chỗ chỉ có các văn bản dưới luật quy định về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ, đến nay các quy định này đã được Bộ luật dân sự luật hoá, tập hợp và phát triển ở mức cao hơn. Tuy rằng chưa có luật riêng về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp nhưng việc ban hành Bộ luật dân sự, trong đó có phần riêng về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là một bước phát triển quan trọng của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Điều này đã có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (bao gồm cả hoạt động sáng tạo và sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu trí tuệ nói riêng và sở hữu công nghiệp nói chung).

Một vài số liệu sau đây sẽ góp phần chứng minh vai trò đó của pháp luật về sở hữu trí tuệ:

I.      

 

II.   Biểu đồ 1: Đơn đăng ký nộp trực tiếp cho Cục SHCN

 

 
 

 

 

Biểu 2: Đăng ký hợp đồng Li xăng

   Các bên

Năm

Số đơn xin đăng ký HĐ li xăng

Số GCN đã cấp

VN-VN

VN-NN

NN-NN

Tổng số

VN-VN

VN-NN

NN-NN

Tổng số

1990

6

1

-

7

6

1

-

7

1992

2

2

-

4

2

2

-

4

1993

4

34

25

63

3

7

-

10

1994

5

66

47

118

1

60

1

62

1995

18

82

9

109

14

22

48

84

1996

10

196

17

223

2

99

24

125

1997

18

68

25

111

13

21

9

43

1998

8

51

31

90

7

23

26

56

1999

15

59

20

94

9

46

20

75

Tổng số

86

559

174

819

57

281

128

472

c) Bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan mật thiết đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Đăng ký bảo hộ một đối tượng quyền sở hữu công nghiệp ở một hay một số nước là nhằm độc quyền khai thác sử dụng đối tượng đó ở một hay một số nước đó. Nếu một sản phẩm xuất khẩu không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp... ở nước nhập khẩu thì khi sản phẩm này đạt được uy tín với khách hàng sẽ dễ dàng bị bắt chước, thị trường tiêu thụ bị giảm thậm chí mất thị phần. Điều này không chỉ mang lại hậu quả xấu cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Ở nước ta, vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài nhưng không đăng ký bảo hộ nên đã bị sao chép, làm giả, dẫn đến giảm hoặc mất thị phần. Ngược lại, nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng của nước ta dù có chất lượng cao nhưng cũng khó thâm nhập thị trường quốc tế nếu không mang những nhãn hiệu truyền thống mà thị trường nước ngoài ưa chuộng. Những lý do này dẫn đến thực trạng: hàng hoá của Việt Nam có thể bị làm giả, bị bắt chước và cũng có sản phẩm của Việt Nam lại gắn những nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Thực trạng này ẩn chứa nguy cơ hình thành nền công nghiệp hàng giả, làm mất uy tín thị trường, uy tín quốc gia. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong  nước và ở nước ngoài là công việc không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp mà còn góp phần bảo đảm lợi ích chung của mỗi quốc gia.

Trong lĩnh vực bản quyền, các sản phẩm hàng hoá dịch vụ gắn liền với bản quyền ngày càng gia tăng và trở thành một bộ phận quan trọng trong thị trường thương mại quốc tế. Các sản phẩm hàng hoá dịch vụ gắn liền với bản quyền không chỉ cần được bảo vệ ở trong nước mà còn cần được bảo vệ trong phạm vi quốc tế, bởi khả năng mang lại những nguồn lợi từ chúng. Mặt khác, tiếp thu văn hoá thế giới là điều tất yếu trong xu thế hội nhập. Việc ban hành đầu đủ các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như việc tham gia các Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ sẽ tạo điều kiện cho mỗi quốc gia kiểm soát được việc dịch thuật, việc sử dụng hợp pháp các đối tượng của bản quyền nói riêng và đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung.

Tuy nhiên, nhiều nước (trong đó có Việt Nam) chưa tham gia Công ước Berne về quyền tác giả. Điều này dẫn tới một số hậu quả tiêu cực là:

-      Các tác phẩm không được tự động bảo hộ ở các nước khác là thành viên Công ước;

-      Tại chính những nước này xuất hiện tình trạng sao chép, dịch thuật tràn lan, lẫn lộn xấu tốt, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sáng tạo của các tác giả trong nước;

-      Thất thoát một nguồn lợi đáng kể do tác phẩm của tác giả nước đó bị sử dụng, sao chép bất hợp pháp.

Riêng lĩnh vực vi phạm bản quyền phần mềm tin học đã làm kinh tế thế giới bị thất thoát một khoản thu nhập khổng lồ. Theo báo cáo của công ty Busssiness Software Alliance (BSA) trong vòng 5 năm qua, kinh tế thế giới bị thất thoát hơn 59 tỷ USD (1) do hiện tượng đánh cắp bản quyền phần mềm tin học. Trong đó, năm 1999 là năm thiệt hại nặng nhất với 12 tỷ USD và các nước như: Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Đức là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất (riêng Mỹ và Canada, thiệt hại lên tới 3,6 tỷ USD, chiếm 26% tổng thiệt hại trên thế giới). Theo tin từ “Chương trình  ASEAN” phát trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam tháng 6/2000, với 80% các sản phẩm phần mềm kinh doanh bị sao chép bất hợp pháp, các nước Đông Nam Á đã thất thu 5 tỷ USD trong năm 1999. Trong năm tới (2001), nếu giảm được 27% tình trạng sao chép các đối tượng sở hữu trí tuệ thì các ngành công nghiệp âm nhạc, phim ảnh, phần mềm các nước Đông Nam Á có thể làm ra 10 tỷ USD  còn Chính phủ cũng thu thêm được 1,3 tỷ USD từ thuế.                                                                                                              

Đối phó và ngăn chặn thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, pháp luật quốc gia và quốc tế đóng vai trò quan trọng không thể thiếu thông qua việc tạo lập một môi trường sở hữu trí tuệ lành mạnh. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

d) Khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam là những hoạt động có mối quan hệ không thể tách rời. Nhà đầu tư có thể góp vốn bằng công nghệ hoặc phải đầu tư mua sắm công nghệ mới để triển khai thực hiện dự án đầu tư. Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư đều phải đầu tư  chi phí để có được quyền sử dụng hợp pháp các công nghệ mới nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu đó, khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đều tìm cách đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá... tại Việt Nam. Việc đăng ký này nhằm đảm bảo cho sản phẩm của họ (hoặc sản phẩm của doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam) khi xuất hiện trên thị trường không bị sao chép, bắt chước, đảm bảo cho các công nghệ tiên tiến được đưa vào hợp tác kinh doanh theo các dự án đầu tư không bị đánh cắp, chế tạo lại.

Góp phần bảo đảm sự an toàn và hạn chế rủi ro, khi đến Việt Nam đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm tìm hiểu hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng và coi đây là cơ sở để đầu tư có hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp, số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người nước ngoài chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số đơn đăng ký. Từ khi Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, số lượng đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tăng vọt, gấp nhiều lần số đơn của tổ chức cá nhân trong nước. Xu hướng tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục trong những năm tới bởi nó phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế thị trường đang mở rộng thu hút vốn đầu tư và quan hệ kinh tế với nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và bản quyền ở Việt Nam còn nhằm mục đích chào bán quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ cho các tổ chức cá nhân trong nước. Việc mua bán các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá... được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán li xăng, đem lại lợi ích hợp pháp cho cả người mua và người bán. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo li xăng đã trở thành một biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất, đổi mới kỹ thuật, đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Như vậy, pháp luật về sở hữu trí tuệ đóng vai trò không thể thiếu trong khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, thông qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

e) Thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là một hiện tượng khách quan, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong kinh tế thế giới ngày nay. Nhằm mục tiêu tồn tại và phát triển, Việt Nam không thể nằm ngoài quá trình đó. Tuy nhiên, việc hội nhập kinh tế quốc tế hứa hẹn những thuận lợi to lớn trong phát triển kinh tế đồng thời cũng đặt ra những thách thức mà Việt Nam phải giải quyết để có thể tham gia các thể chế kinh tế thương mại quốc tế.

Khi tham gia AFTA, APEC, WTO..., dù ở mức độ và lộ trình khác nhau, nhưng về cơ bản các nước đều phải thực hiện những quy định chung, chẳng hạn như quy định về giảm thuế quan đối với hàng nhập khẩu, giảm bớt và từng bước đi tới xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu, về chế độ tối huệ quốc (MNF) và đãi ngộ quốc gia (NT), về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMS), về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, v.v...

Như vậy, điều chỉnh hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, tạo ra sự tương thích với các định chế của WTO và các tổ chức kinh tế quốc tế khác là một nội dung quan trọng trong quá trình hội nhập, đặc biệt là trong tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Kể từ sau phiên họp đầu tiên của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO được tiến hành vào tháng 8 năm 1998, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập với 2 giai đoạn: minh bạch hoá chính sách và tiếp cận thị trường. Đây là những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Nhà nước, bởi vì giữa hệ thống chính sách, luật pháp của Việt Nam và định chế của WTO có những khác biệt lớn. Thực hiện quá trình đàm phán này, Việt Nam cần phải xây dựng, bổ sung, sửa đổi luật pháp và chính sách cho phù hợp. Như vậy, quá trình hội nhập về pháp luật (hội nhập trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể về thuế, về sở hữu trí tuệ,v.v...) là một trong những đảm bảo cần thiết trong quá trình hội nhập nói chung và gia nhập WTO nói riêng.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, pháp luật trong nước cần có những sửa đổi bổ sung hướng tới sự phù hợp với các quy định của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS). Hiệp định này quy định về quyền tác giả, nhãn hàng, chỉ dẫn địa lý, thiết kế công nghiệp, sáng chế, thông tin cẩn mật, thiết kế bố trí mạch tích hợp, các định chế về đãi ngộ tối huệ quốc, đãi ngộ quốc gia. Các nước thành viên Hiệp định phải tuân theo những quy định này, đồng thời, đối với những nước đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, phải nỗ lực sửa đổi chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ trong nước, nhằm tạo ra sự phù hợp cần thiết cho quá trình hội nhập.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng có vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập với khu vực. Hiện nay việc vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ đang là một hiện tượng phổ biến ở Đông Nam Á. Riêng trong ngành công nghiệp máy tính, có tới 80% các phần mềm kinh doanh bị vi phạm ở các nước Đông Nam Á. Theo hãng tin Reuters, trong lĩnh vực tin học, Việt Nam là một trong nước đứng đầu thế giới về nạn sao chép trái phép các phần mềm tin học: 98% phần mềm tin học đang sử dụng trong nước được sao chép bất hợp pháp. Hiện tượng này góp phần tạo ra những rủi ro, thiệt hại đáng kể mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi quyết định đầu tư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á và như vậy nó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín thị trường, uy tín quốc gia của các nước và khu vực. Do vậy, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ cần được quan tâm giải quyết ở Việt Nam mà còn cần phải được chú trọng giải quyết ở các nước trong khu vực. Pháp luật là công cụ quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu đó.

Tóm lại, pháp luật về sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường sở hữu trí tuệ lành mạnh nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, lợi ích quốc gia và quốc tế, khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế của Việt Nam.

 

Chuyên đề 2

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ THỰC TRẠNG QUYỀN TÁC GIẢ

Ở VIỆT NAM

Th.S. Phạm Văn Tuyết  

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

I. QUYỀN TÁC GIẢ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM

1. Khái quát chung

          Việc tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật là hoạt động không thể thiếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật là tiền đề, là động lực góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các kết quả lao động sáng tạo về văn học, nghệ thuật là động lực đưa Việt Nam hội nhập cùng thế giới nhưng vẫn giữ được những nét riêng đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rằng: quản lý xã hội của Nhà nước không chỉ đơn thuần bằng pháp luật mà còn phải thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Có thể nói rằng, văn học nghệ thuật là công cụ hữu hiệu trong việc tác động vào miền sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi con người, khơi dậy tính nhân bản tinh thần tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam cũng như trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc.

Vì thế, quyền tác giả đã được Nhà nước ta quy định thành một định chế pháp lý. Định chế này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức đối với các tác phẩm của họ. Đồng thời định chế này cũng tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật của đất nước. Những quy định của pháp luật về quyền tác giả là hành lang pháp lý để các cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, bảo đảm quyền bình đẳng của các chủ thể, loại trừ việc tạo ra và lưu hành các sản phẩm văn học nghệ thuật không lành mạnh.

Như vậy, khái niệm về quyền tác giả thường được xem xét trên hai phương diện:

Về phương diện khách quan thì quyền tác giả chính là pháp luật về quyền tác giả. Theo phương diện này, quyền tác giả là quy định của Nhà nước thông qua các quy phạm của pháp luật nhằm xác nhận và bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

Về phương diện chủ quan thì quyền tác giả chính là các quyền dân sự (quyền tài sản và quyền nhân thân) của chủ thể đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do chính mình sáng tạo ra hoặc được thừa nhận là chủ sở hữu đối với tác phẩm, công trình đó.

2. Chủ thể của quyền tác giả

          Là những người có được những quyền nhất định từ một tác phẩm, bao gồm: tác giả và chủ sở hữu tác phẩm.

a) Tác giả

Điều 745 Bộ luật dân sự đã đưa ra định nghĩa về tác giả và liệt kê từng loại tác giả đối với từng loại hình tác phẩm nhất định.

Chúng ta đã biết, quá trình tạo ra tác phẩm văn học nghê thuật, khoa học kỹ thuật là quá trình hoạt động sáng tạo. Bởi vậy, một cá nhân chỉ được thừa nhận là tác giả khi họ đã bằng lao động sáng tạo của mình để trực tiếp tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, một tác phẩm có thể được tạo ra từ lao động sáng tạo của một cá nhân, cũng có thể tạo ra từ lao động sáng tạo của một nhóm người. Mặt khác, kết quả lao động sáng tạo có thể là những tác phẩm gốc (nguyên tác) nhưng cũng có thể chỉ là tác phẩm phát sinh. Vì vậy Điều 745 Bộ luật dân sự còn xác định từng loại tác giả khác nhau. Đây còn là căn cứ để xác định chính xác phạm vi quyền nhân thân cũng như quyền tài sản của họ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho từng tác giả trong những trường hợp nhất định.

          Theo tinh thần cả điều luật trên có thể phân chia thành nhiều loại tác giả khác nhau.

          Nếu căn cứ vào số lượng người lao động sáng tạo để tạo ra tác phẩm thì tác giả được phân thành hai loại:

-   Tác giả đơn nhất: là cá nhân bằng lao động sáng tạo của một mình họ để trực tiếp tạo ra toàn bộ tác phẩm. Trong trường hợp này nguời đó được hưởng toàn bộ các quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm.

 -  Đồng tác giả: là nhiều cá nhân hợp tác để cùng nhau bằng lao động sáng tạo ra tác phẩm. Trong trường hợp này những người đó cùng nhau hưởng các quyền nhân thân cũng như quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm. Điều luật trên không xác định mối liên quan giữa các đồng tác giả với nhau đối với tác phẩm do họ cùng tạo ra. Tuy vậy, trong thực tế khi xác định phần quyền mà mỗi đồng tác giả được hưởng, người ta thường dựa vào tính chất, kết cấu của tác phẩm để xác định những người đó là đồng tác giả không định phần hay đồng tác giả định phần.

Nếu tác phẩm do nhiều người cùng tạo ra là một tác phẩm không thể xác định phần sáng tạo của từng người thì họ là tác giả không định phần. Vì vậy, tất cả các đồng tác giả cùng hưởng quyền nhân thân, quyền tài sản đối với tác phẩm một cách ngang nhau (bằng nhau).

          Nếu tác phẩm được kết cấu theo từng chương, từng phần và có thể xác định mỗi phần, mỗi chương đó do tác giả nào sáng tạo ra thì những người cùng tạo ra tác phẩm đó được gọi là đồng tác giả định phần. Trong trường hợp này, quyền lợi của mỗi đồng tác giả thường được xác định tương ứng với phần tác phẩm do họ sáng tạo ra.

 Nếu dựa vào nguồn gốc của tác phẩm thì tác giả được phân biệt thành hai loại sau đây:

- Tác giả là những người tạo ra tác phẩm gốc.

- Tác giả là những người tạo ra tác phẩm từ tác phẩm của người khác đã được công bố phổ biến (tác giả của tác phẩm phát sinh) bao gồm:

+ Tác giả dịch thuật: là người dịch chuyển tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.

Nhu cầu giao lưu quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về công việc dịch thuật, thông qua việc dịch chuyển ngôn ngữ góp phần tăng cường hiểu biết về nền văn hoá, phong tục, tập quán giữa các dân tộc, các quốc gia trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện học hỏi lẫn nhau và hội nhập về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, việc dịch không đơn giản là sự “phiên âm” từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật khi được diễn đạt bằng một ngôn ngữ nhất định phải tuân thủ theo những nguyên tắc đặc thù của ngôn ngữ đó. Vì vậy, khi chuyển tác phẩm sang một ngôn ngữ khác, người dịch phải sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ trên cơ sở tài năng, trí tuệ của mình. Nghĩa là việc dịch thuật phải mang tính sáng tạo thì người dịch mới được thừa nhận là tác giả của tác phẩm dịch đó.

+ Tác giả phóng tác: là người tạo ra một tác phẩm theo phong cách sáng tạo riêng của mình từ nội dung (cốt truyện) của một tác phẩm đã có.

+ Tác giả cải biên: là người sáng tạo ra một tác phẩm bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt một tác phẩm gốc.

Tác giả chuyển thể: là người bằng lao động sáng tạo để chuyển thể một tác phẩm từ loại hình này sang loại hình khác.

+  Tác giả biên soạn: là người từ các tác phẩm, các tài liệu khác để tạo ra tác phẩm theo cách sắp xếp, sáng tạo riêng của mình.

+  Tác giả chú giải: là người làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh trong một tác phẩm đã có.

Tác giả tuyển chọn: là người bằng lao động sáng tạo để tập hợp một cách chọn lọc những tác phẩm của một hoặc nhiều tác giả thành tác phẩm tuyển tập hoặc tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả để tạo thành hợp tuyển theo một chủ đề nhất định.

b) Chủ sở hữu tác phẩm

Là các cá nhân hoặc tổ chức được thừa nhận có những quyền nhất định đối với một tác phẩm. Theo Điều 746 Bộ luật dân sự thì những người sau đây được thừa nhận là chủ sở hữu đối với tác phẩm:    

- Tác giả của một tác phẩm sẽ đồng thời là chủ sở hữu của tác phẩm đó nếu tác phẩm tạo ra không phải theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng. Nhiều người tạo ra tác phẩm trong trường hợp này là chủ sở hữu chung đối với tác phẩm do họ cùng sáng tạo.

- Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả tạo ra tác phẩm, cá nhân hoặc tổ chức giao kết hợp đồng sáng tạo với tác giả để tác giả tạo ra tác phẩm theo hợp đồng sẽ là chủ sở hữu đối với các tác phẩm.     

- Người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của tác giả đối với tác phẩm tạo ra không phải theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng sẽ là chủ sở hữu đối với tác phẩm đó.

- Các cá nhân hoặc tổ chức được các chủ sở hữu tác phẩm nói trên chuyển giao các quyền của họ đối với tác phẩm theo hợp đồng là chủ sở hữu quyền được chuyển giao.

3. Bảo hộ quyền tác giả

          Tác phẩm được hình thành từ một quá trình lao động sáng tạo, trong quá trình đó, tác giả phải đầu tư thời gian, đầu tư trí tuệ và vật chất. Vì thế tác giả phải được thừa nhận và bảo vệ các quyền và lợi ích phát sinh từ tác phẩm của mình. Có quan điểm cho những người dù không trực tiếp lao động sáng tạo ra tác phẩm nhưng đã có sự đầu tư thời gian, giúp đỡ vật chất cho tác giả để tác giả tạo ra tác phẩm cũng phải được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ một số quyền lợi nhất định đối với tác phẩm.

Có thể nói bảo hộ quyền tác giả là sự quy định của Nhà nước bằng pháp luật để xác định và bảo đảm các quyền nhân thân, quyền tài sản cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đối với tác phẩm của họ, chống lại các hành vi xâm phạm tới các quyền đó.

Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng của tác giả. Vì vậy, một tác phẩm muốn được bảo hộ phải được thể hiện ra bên ngoài một hình thức nhất định thông qua vật mang tin hoặc thông qua một phương pháp trình bày nào đó.

Toàn bộ kết quả lao động sáng tạo của con người có thể chia thành ba loại, trong đó pháp luật về quyền tác giả bảo hộ hai loại kết quả là: các sản phẩm sáng tạo về văn học, nghệ thuật bao gồm các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như ký sự, phóng sự, thơ, kịch, nhạc, hoạ vv..., về các sản phẩm sáng tạo về nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội thể hiện dưới dạng công trình, bài viết, bài giảng, hoặc bản đồ, bản vẽ, v.v...

Đối với các sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thể hiện dưới dạng các giải pháp kỹ thuật như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ bằng pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp.

Như vậy: sản phẩm của lao động sáng tạo là đối tượng bảo hộ của pháp luật về quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật thuộc các loại hình được quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự và được chi tiết hoá tại Điều 4 Nghị định 76/ CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

Tuy nhiên, các tác phẩm nói trên sẽ không được bảo hộ nếu có nội dung sau đây:

- Chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân

- Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô, đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

- Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, đối ngoại, bí mật đời tư của các cá nhân và các bí mật khác do pháp luật quy định.

- Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân anh hùng dân tộc, vu không, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của các nhân.

4. Bảo hộ quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Tuỳ theo tính chất và vị trí của mình đối với tác phẩm, mỗi một chủ thể sẽ có một phạm vi quyền nhất định. Tuy nhiên, tất cả các quyền nhân thân cũng như quyền tài sản phát sinh từ tác phẩm đều được pháp luật xác nhận và bảo vệ. Bao gồm:

4.1. Bảo hộ quyền nhân thân

a) Quyền đặt tên cho tác phẩm

Thông thường, qua tên tác phẩm, tác giả muốn thể hiện ở mức khái quát về chủ đề của tác phẩm. Việc đặt tên cho tác phẩm không những nhằm cá biệt hoá tác phẩm mà còn là cơ sở để người tiếp nhận tác phẩm có thể hình dung ra nội dung tư tưởng tác phẩm ngay từ khi vừa đọc đến tên của tác phẩm. Chính vì vậy, quyền đặt tên cho tác phẩm là một quyền luôn luôn gắn liền với tác giả mà không thể chuyển dịch cho người khác được. Thông qua quyền này tác giả có thể đặt cho tác phẩm một cái tên bất kỳ nào đó, thậm chí để vô đề.

b) Quyền đứng tên tác giả đối với tác phẩm

Thực hiện quyền này chính là tác giả nhằm cá biệt hoá người sáng tạo ra tác phẩm, xác định tác phẩm đó là do mình sáng tạo ra. Tuy nhiên, có thể vì một lý do nào đó, tác giả không muốn đứng tên thật của mình đối với tác phẩm. Vì vậy, điểm b khoản 1 Điều 751 Bộ luật dân sự đã quy định: tác giả có quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm của mình, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng.

Như vậy, đối với tác phẩm của mình, tác giả được quyền lựa chọn: hoặc là đứng tên thật, hoặc là đứng bút danh, hoặc là không đứng tên bút danh. Dù không đứng tên thật, bút danh nhưng khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng, tác giả vẫn có quyền nêu tên thật, nêu bút danh của mình để hưởng các quyền lợi đối với tác phẩm theo tên thật hoặc bút danh của mình.

c) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm.

Tác phẩm là kết quả lao động sáng tạo của tác giả, là một chỉnh thể thể hiện chủ đề tư tưởng sáng tạo của tác giả nên quyền này cũng là một quyền gắn liền với tác giả mà không thể chuyển dịch cho người khác. Chỉ có tác giả mới có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung tác phẩm của mình. Cũng chỉ có tác giả mới có quyền cho phép người khác sửa chữa, bổ sung nội dung tác phẩm. Người sử dụng tác phẩm chỉ được sửa đổi câu, chữ, ký tự, ký hiệu, gam màu, v v... nếu việc sửa đổi đó không làm ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Người sử dụng tác phẩm không được sửa đổi nội dung của tác phẩm nếu không được sự đồng ý của tác giả.

Tóm lại, nếu người khác sửa đổi bất kỳ một vấn đề gì của tác phẩm mà không có sự đồng ý của chính tác giả làm cho chủ đề tư tưởng, giá trị văn hoá, nghệ thuật, khoa học của tác phẩm bị thay đổi so với ý đồ của tác giả thì bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và theo đó tác giả có quyền yêu cầu người đó phải chấm dứt hành vi đó, xin lỗi và hoàn lại sự vẹn toàn tác phẩm đồng thời phải bồi thường thiệt hại.

          Trong các văn bản pháp luật về quyền tác giả chưa có một quy định nào xác định rõ về tính "toàn vẹn" của tác phẩm. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác quy định ở điểm đ khoản 1 Điều 571 Bộ luật dân sự chỉ là quyền không cho phép người khác thay đổi, sửa chữa nội dung của tác phẩm. Quy định này thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho tác giả khi tác phẩm của họ bị người khác huỷ hoại thực tế như đổi, xé một bức tranh hoặc đập phá một tác phẩm điêu khắc, tạo hình. Trong những trường hợp này, người có hành vi nói trên có thể phải bồi thường thiệt hại, nhưng việc bồi thường này chỉ đơn thuần là bồi thường thiệt hại về tài sản hữu hình cho chủ sở hữu có tài sản bị xâm hại. Nghĩa là, khi chủ sở hữu bị huỷ hoại một tài sản thì được bồi thường còn khi tác giả bị huỷ hoại một tác phẩm thì chưa có căn cứ pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho họ.

d) Quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình.

          Công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng thông qua một hình thức nhất định như xuất bản, thuyết minh, trình bày, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác. Đây là quyền nhân thân nhưng gắn liền với việc hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Chỉ là những người nào là chủ sở hữu tác phẩm mới có quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình.

đ) Quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình.

Theo quyền này, chủ sở hữu tác phẩm có thể cho hoặc không cho người khác sao chép lại tác phẩm (sao lại, trích dẫn, ghi âm, chụp ảnh, ghi hình), dịch, phổ biến (xuất bản, biểu diển, trưng bày chuyển sang chữ nổi, v.v...), biên soạn, cải biên, chuyển thể tác phẩm của mình. Người khác chỉ được thể hiện các hành vi sử dụng nói trên nếu được chủ sở hữu tác phẩm cho phép. Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng đối với tác phẩm chưa phổ biến, công bố. Nếu tác phẩm đã được công bố, phổ biến thì người khác có quyền sử dụng tác phẩm mà không phải xin phép (không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm) theo quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự.

Trong các quyền nhân thân nói trên thì ba quyền đầu (theo mục a, b, c) là những quyền mang giá trị tinh thần tuyệt đối nên luôn luôn tồn tại và gắn liền với tác giả của tác phẩm. Hai quyền tiếp theo (theo mục d, đ) là những quyền nhân thân mà chủ sở hữu tác phẩm muốn hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm thì phải chuyển dịch những quyền đó cho người khác để người khác công bố và sử dụng tác phẩm.

4.2. Bảo hộ các quyền về tài sản

a) Được hưởng nhuận bút

Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả khi tác phẩm được sử dụng một trong các hình thức: xuất bản, đăng báo, tạp chí, công diễn, điện ảnh, video, phát thanh, truyền hình.

 Như vậy, đối tượng được hưởng nhuận bút bao gồm:

+  Đối với tác phẩm được sử dụng dưới hình thức xuất bản, báo chí: là tác giả của tác phẩm;

 + Đối với tác phẩm được sử dụng dưới hình thức biểu diễn: là tác giả kịch bản đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ sáng tác, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, người thiết kế ánh sáng.

+ Đối với loại hình điện ảnh: là tác giả kịch bản văn học, nhạc sĩ sáng tác, hoạ sĩ  thiết kế mỹ thuật, mỹ công, đạo diễn âm thanh.

Tiền nhuận bút do tác giả và người sử dụng tác phẩm thoả thuận xác định.

b) Được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng.

          Pháp luật quy định quyền này nhằm bảo đảm cho tác giả được hưởng một khoản tiền (lợi ích vật chất) nhất định khi tác phẩm được sử dụng. Tuy nhiên, thuật ngữ  “hưởng thù lao” nói tới việc tác giả hưởng lợi ích vật chất từ tác phẩm của mình khi tác phẩm đó là đơn chiếc, có đặc thù riêng như tranh, ảnh, công trình mỹ thuật, tượng đài, điêu khắc tạo hình, v.v... và thường được người khác sử dụng dưới hình thức trưng bày triển lãm... Khoản thù lao này do tác giả và người sử dụng tác phẩm xác định theo thoả thuận.    

c) Được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức: xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, thuê.

          Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 thì quyền này thuộc về chủ sở hữu tác phẩm, tác giả chỉ có quyền này trong trường hợp họ đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm.

d) Nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả, trừ trường hợp tác phẩm không được Nhà nước bảo hộ.

Thông qua việc quy định này, Nhà nước ghi nhận và bảo đảm cho tác giả được hưởng các quyền lợi nhất định khi tác phẩm của họ đoạt giải. Mặt khác, Nhà nước cũng không cho phép một người nào đó được nhận giải thưởng dù tác phẩm của họ được tổ chức nước ngoài trao giải nếu tác phẩm của họ có các nội dung đã được quy định tại Điều 749 của Bộ luật dân sự.

Ai là người được hưởng tất cả các quyền phát sinh từ tác phẩm và ai là người được hưởng một số quyền trong số các quyền đó được xác định trong các trường hợp sau đây:

- Người là tác giả đồng thời là chủ hữu tác phẩm sẽ có tất cả các quyền phát sinh từ tác phẩm.

- Người là tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chỉ có các quyền nhân thân có thể chuyển dịch, quyền hưởng nhuận bút, hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng, quyền nhận giải thưởng khi tác phẩm đoạt giải.

- Người là chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả chỉ có các quyền nhân thân không chuyển dịch, quyền hưởng lợi ích vật chất khi cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, thuê.

4.3. Bảo hộ thừa kế quyền tác giả

Tác giả được hưởng các quyền liên quan đến tác phẩm trong suốt cuộc đời của mình. Các quyền này được chuyển dịch cho những người thừa kế của tác giả (trừ các quyền nhân thân gắn liền với tác giả) khi tác giả chết.

Nếu tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì khi họ chết người thừa kế của họ có các quyền sau đây:

- Quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm.

- Quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm.

- Quyền được hưởng tiền nhuận bút, thù lao khi tác phẩm được sử dụng.

- Hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức khác nhau.

- Nhận giải thưởng khi tác phẩm đoạt giải.

          Nếu tác giả nhưng không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm chết thì người thừa kế của họ được thừa kế các quyền về tài sản sau đây:

- Hưởng tiền nhuận bút, thù lao khi tác phẩm được sử dụng.

- Nhận giải thưởng khi tác phẩm đoạt giải.

          Nếu người thừa kế của tác giả chết trước khi hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả thì người thừa kế của người đó được hưởng các quyền nói trên cho đến hết thời hạn bảo hộ.

Trong những trường hợp tác giả chết mà không có người thừa kế hoặc có nhưng người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản thì các quyền nói trên thuộc về Nhà nước.

Nếu tác phẩm do đồng tác giả sáng tạo ra mà họ là chủ sở hữu chung hợp nhất đối với tác phẩm thì khi đồng tác giả chết nhưng không có người thừa kế hoặc người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản thì các quyền về tài sản của đồng tác giả đó thuộc về Nhà nước.

5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Pháp luật Việt Nam luôn thừa nhận và bảo vệ các quyền của các chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do họ sáng tạo ra. Những sản phẩm này chính là tài sản vô hình thuộc về sở hữu trí tuệ của họ. Các sản phẩm trí tuệ khi được sử dụng, ngoài việc mang lại những lợi ích nhất định cho người tạo ra nó, còn thoả mãn nhu cầu chung của xã hội, của nhân loại. Pháp luật quyền tác giả của Việt Nam quy định về thời hạn bảo vệ quyền tác giả nhằm hướng tới việc bảo vệ các quyền, lợi ích thiết thực cho tác giả, người thừa kế của tác giả đồng thời hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian do pháp luật quy định, trong đó các quyền của tác giả và của người thừa kế quyền tác giả được Nhà nước bảo vệ.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được Bộ luật dân sự năm 1995 quy định như sau:

- Các quyền nhân thân gắn liền với tác giả (quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm) được bảo hộ vô thời hạn.

- Các quyền nhân thân khác và các quyền tài sản được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết.

Thời điểm bắt đầu để tính thời hạn năm mươi năm được xác định theo từng trường hợp sau:

+ Đối với tác phẩm do một tác giả sáng tạo ra: được tính từ khi tác giả chết.

+ Đối với tác phẩm điện ảnh, phát thanh, truyền hình, video, tác phẩm di cảo: được tính từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên.

+ Đối với tác phẩm không rõ tác giả hoặc khuyết danh (tác giả chỉ dùng ký hiệu, bút danh, hoặc không đứng tên nên không thể xác định được ai là tác giả của tác phẩm đó): được tính từ ngày xác định được tác giả (nếu xác định được tác giả trong thời hạn năm mươi năm kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên)

II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TÁC GIẢ Ở VIỆT NAM

1. Văn bản pháp luật về quyền tác giả.

Những năm 1980 về trước, quyền và lợi ích của người tạo ra tác phẩm chưa được pháp luật chú trọng và bảo vệ đúng mức bởi những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Từ khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta tiến vào một kỷ nguyên mới. Cùng với việc đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỷ thuật, Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhiều đến việc động viên, khuyến khích mọi từng lớp nhân dân hăng say lao động sáng tạo về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình khoa học - kỹ thuật dần dần được ghi nhận bằng các văn bản pháp luật.

Có thể sơ lược về quá trình và phát triển pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam qua các giai đoạn sau đây.

- Giai đoạn trước năm 1986:

ở giai đoạn này, văn bản cao nhất là Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và ban hành chủ yếu là để xác định nhuận bút của tác giả đối với tác phẩm, chưa xác định tới các vấn đề khác của quyền tác giả:

+  Nghị quyết 25/CP ngày 24-2-1961 của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút.

+  Nghị quyết 168/CP ngày 7-12-1967 của Hội đồng Chính phủ về việc trả tiền nhuận bút.

+  Nghị quyết 125/CP ngày20 -5-1974 của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học- kỹ thuật.

- Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991.

+  Nghị định 142/HĐBT ngày 14-11-1986 quy định về quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình khoa học kỹ thuật.

+ Nghị định 59/HĐBT ngày 5-6-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá - giáo dục, văn học - nghệ thuật, khoa học- kỹ thuật.

          Nghị định này gồm 7 điều đã xác định rõ đối tượng hưởng nhuận bút, phương thức tính nhuận bút đối với từng loại tác phẩm và thời hạn trả nhuận bút.

+ Thông tư 63-VHTT ngày 16-7-1988 của Bộ Văn hoá hướng dẫn sử dụng và phân phối nhuận bút đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật hưởng quyền tác giả.

+ Thông tư 326/BTT ngày 15-8-1989 của Bộ Thông tin hướng dẫn thi hành chế độ nhuận bút đối với tác phẩm chính trị xã hội, văn hoá giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

+ Thông tư liên bộ số 28/TT- LB ngày 16-4-1990 của Bộ Văn hoá thông tin- Thể thao và du lịch- Bộ Tài chính- Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học nghệ thuật.

+  Thông tư liên bộ số 1025/TT- LB ngày 21-6-1991 hướng dẫn thi hành thi hành chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm chính trị - xã hội, văn hoá giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

+  Thông tư liên bộ số 1314/TT- LB ngày 23- 07-1991 của Bộ Xây dựng- Bộ Văn hoá thông tin- Thể thao và du lịch quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc.

Như vậy, ở giai đoạn này, văn bản pháp luật cao nhất là Nghị định của Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng). Đăc biệt, Nghị định 142/HĐBT tuy chỉ gồm 8 điều nhưng đã quy định khá đầy đủ về quyền tác giả. Nghị định đã quy định về tác giả, tác phẩm được bảo hộ, xác định các quyền và nghĩa vụ của tác giả và người sử dụng tác phẩm, xác định việc công bố và sử dụng tác phẩm, thời hạn hưởng quyền tác giả, quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả.

Có thể nói rằng trước khi có Nghị định 142/HĐBT thì nói đến quyền tác giả, người ta chỉ nói đến nhuận bút. Tác giả không còn quyền gì khác đối với tác phẩm của mình ngoài quyền được hưởng nhuận bút. Vì vậy, Nghị định 142/HĐBT được coi là một văn bản quan trọng của pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam trong giai đoạn này.

- Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1994

+  Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả ngày 2-12-1994.

ở giai đoạn này, Pháp lệnh này được coi là một văn bản quan trọng, đầy đủ nhất, chi tiết nhất về quyền tác giả.

Pháp lệnh bao gồm 7 chương, 47 điều:

Chương I của Pháp lệnh bao gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9) quy định về những vấn đề chung của quyền tác giả: cách xác định tác giả (Điều1), nguyên tắc bảo hộ (Điều 3), Tác phẩm được bảo hộ (Điều 4)...

Chương II của Pháp lệnh gồm 15 điều (từ Điều 10 đến Điều 24) quy định về các quyền của tác giả và của chủ sở hữu quyền tác giả, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, chuyển giao quyền tác giả.

Chương III  gồm 4 điều (từ Điều 25 đến Điều 28) quy định về hợp đồng sử dụng tác phẩm.

Chương IV gồm 9 điều (từ Điều 29 đến Điều 37): quy định về quyền của người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng, đĩa hình, tổ chức phát thanh truyền hình.

Chương V gồm 3 điều (từ Điều 38 đến Điều 40) quy định về vấn đề quản lý Nhà nước đối với quyền tác giả.

Chương VI gồm 5 điều (từ Điều 41 đến Điều 45) quy định các biện pháp bảo vệ quyền tác giả.

Chương VII quy định về hiệu lực của Pháp lệnh và trách nhiệm của Chính phủ trong việc thi hành Pháp lệnh quyền tác giả.

+  Ngoài ra, ở giai đoạn này còn có các văn bản pháp luật khác liên quan đến quyền tác giả: Luật Xuất bản trong đó có 6 điều luật quy định về quyền của công dân, tổ chức đối với tác phẩm (Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 8, Điều 17 và Điều 18).

- Giai đoạn từ năm 1995 đến nay.

          Quyền tác giả được Bộ luật dân sự quy định ở Phần thứ sáu - chương I bao gồm 35 điều (từ Điều 745 đến Điều 779), được chia thành bốn mục:

Mục I: Quy định về tác giả, xác định tư cách chủ sở hữu tác phẩm trong từng trường hợp cụ thể, xác định các loại hình tác phẩm được bảo hộ và không được bảo hộ.

Mục II: Xác định quyền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

Mục III: Quy định về hợp đồng sử dụng tác phẩm

Mục IV: Quy định quyền và nghĩa vụ của người biểu diễn, của tổ chức sản xuất băng, đĩa âm thanh, băng, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình.

+  Nghị định 76/ CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

+  Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ về việc mở cửa hàng, đại lý băng hình và quản lý bản quyền băng hình.

+  Nghị định 48/CP ngày 17-7-1995 của Chính phủ về tổ chức hoạt động điện ảnh.

+  Nghị định số 60/ CP ngày 6- 6 -1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

+ Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

+ Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

+  Đặc biệt, ở giai đoạn này, ngoài các văn bản pháp luật trong nước, Nhà nước Việt Nam đã tham gia Hiệp định về quyền tác giả.

Hiệp định về quyền tác giả Việt Nam - Hoa kỳ ngày 27-6-1997. Bộ Văn hoá, thông tin và du lịch đã có Thông tư số 05/1998/TT-BVHTT ngày 12-9-1998 hướng dẫn thi hành Hiệp định này.

2. Thực thi pháp luật về quyền tác giả

Bộ luật dân sự ra đời thực sự là công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý giữa các chủ thể khi họ tham gia các quan hệ dân sự.

Các quy định của pháp luật về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự cùng với các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xác định các hành vi vi phạm quyền tác giả, kiểm tra và xử lý các vi phạm; là phương tiện để các chủ thể sử dụng trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình khi tác phẩm bị  người khác xâm phạm.

Trong thực tế, hành vi vi phạm quyền tác giả rất đa dạng, phức tạp và xảy ra thường xuyên với nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính thông qua việc kiểm tra xử phạt, hoặc tịch thu tang vật của các cơ quan như: Thanh tra Bộ Văn hoá, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an kinh tế. Có nhiều vụ được các cơ quan này chuyển hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền khởi tố và nhiều đối tượng đã bị xét xử hình sự nhưng thường là những vụ buôn bán hàng giả, buôn bán, lưu hành văn hoá phẩm đồi trụy, v.v.. Bị khởi tố về hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 126 Bộ luật Hình sự 1985 thì trên thực tế chưa có vụ nào.

 Ngoài con đường hành chính, quyền tác giả còn được thực thi qua con đường tố tụng. Thông qua hoạt động xét xử, Toà án xác định quyền, lợi ích tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và khôi phục quyền lợi cho họ khi quyền, lợi ích hợp pháp đó bị người khác xâm hại.

Việc bảo vệ quyền lợi cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm bằng con đường tố tụng chủ yếu là thông qua tố tụng dân sự (Toà hình sự, Toà hành chính chưa xét xử vụ nào).

ở nước ta, các tranh chấp về quyền tác giả có xu hướng ngày càng tăng. Từ năm 1995 đến nay, Toà án  đã xét xử tám vụ tranh chấp về quyền tác giả, trong đó có một vụ điển hình như sau:

- Nhạc sĩ Trần Tiến kiện Sài Gòn Video vì hãng này đã sử dụng 10 ca khúc của ông để sản xuất băng hình mà không xin phép, không trả tiền nhuận bút, tự ý cắt sửa lời một số ca khúc đó. 

- Nguyễn  Kim ánh kiện hãng phim truyện I về việc hãng phim sửa đổi nội dung kịch bản " Hôn nhân không giá thú " của ông mà không được sự đồng ý của ông.

- Nhạc sĩ Lê Quang Vinh (Lê Vinh) kiện Nhà xuất bản âm nhạc Việt Nam và hãng phim trẻ Thành phố Hồ Chí Minh về việc hai đơn vị này liên kết sản xuất chương trình ca nhạc  Hà nội mùa vắng những cơn mưa trong đó có sử dụng bài hát “Hà nội và tôi” do ông sáng tác mà không xin phép, không trả tiền nhuận bút, ghi sai tên tác giả của bài hát.

3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật quyền tác giả và hướng hoàn thiện

Kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quyền tác giả. Pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam ngày một hoàn thiện nhưng vẫn không tránh khỏi những bất cập nhất định.

Qua việc xem xét các quy định của pháp luật về quyền tác giả chúng tôi đưa ra một số bất cập và nêu cách khắc phục những bất cập đó sau đây:

3 .1. Nên quy định lại các loại hình tác phẩm được bảo hộ: Điều 747 Bộ luật dân sự quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ như sau:

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

a) Tác phẩm viết;

b) Các bài giảng, bài phát biểu;

c) Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác;

d) Tác phẩm điện ảnh viđiô;

đ) Tác phẩm phát thanh truyền hình;

e) Tác phẩm báo chí;

g) Tác phẩm âm nhạc;

h) Tác phẩm kiến trúc;

i) Tác phẩm tạo hình, mĩ thuật ứng dụng;

k) Tác phẩm nhiếp ảnh;

l) Công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình;

m) Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

n) Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển;

o) Phần mềm máy tính ;

p) Tác phẩm khác do pháp luật quy định.

3. Tác phẩm được bảo hộ phải là bản gốc

3. Nhà nước bảo hộ các tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng của tác phẩm.

Khoản một điều luật trên liệt kê rất dài dòng về các loại hình tác phẩm được bảo hộ nhưng rất lộn xộn và gây nên sự lẫn lộn giữa các loại hình tác phẩm: chẳng hạn ở điểm a đã xác định “Tác phẩm viết" nhưng ở điểm l lại xác định theo loại hình tác phẩm là “sách giáo khoa, giáo trình". Theo chúng tôi, tác phẩm viết đã bao hàm cả sách giáo khoa, giáo trình, tập in nhỏ, v.v…

Mặt khác, tại điểm e, điều luật trên còn xác định về loại hình tác “phẩm báo chí”. Chúng tôi cho rằng không có loại hình tác phẩm nào là tác phẩm báo chí mà chỉ có tác phẩm thuộc loại hình nào đó (văn học, nghệ thuật, chính trị, xã hội.v.v…) được đăng tải trên báo chí mà thôi. Bản thân báo chí chỉ là vật mang tin mà hoàn toàn không phải là tác phẩm.

Các kết quả của lao động sáng tạo có thể được biểu hiện theo bất kỳ phương thức hay dưới bất kỳ hình thức nào như sách, tập in nhỏ, bài viết bài giảng v.v..., vì vậy, để tránh trùng lặp, chúng tôi đề nghị nên căn cứ vào nội dung tư tưởng và loại hình nghệ thuật để phân các sản phẩm sáng tạo thành các loại hình sau đây:

- Các tác phẩm văn học nghệ thuật

- Các tác phẩm chính trị- xã hội

- Các tác phẩm khoa học- kỹ thuật

- Các tác phẩm kiến trúc

3.2 Bỏ điều 756 của Bộ luật dân sự.

Khi quy định về quyền tác giả (Điều 745), về chủ sở hữu tác phẩm (Điều 746), Bộ luật dân sự đã gián tiếp các loại tác giả khác nhau. Trong đó, các tác giả tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng là tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm. Quyền của tác giả loại này đã được xác định theo Điều 752 Bộ luật dân sự nên để tránh trùng lặp, cần xoá bỏ Điều 756 Bộ luật dân sự.

3.3 Cần xác định quyền để lại thừa kế các quyền liên quan đến tác phẩm của người là chủ sở hữu tác phẩm nhưng không đồng thời là tác giả

Theo quy định trong Bộ luật dân sự cũng như trong các văn bản pháp luật liên quan khác về việc dịch chuyển các quyền từ tác phẩm cho người khác theo thừa kế (thừa kế quyền tác giả) thì chỉ có tác giả mới có quyền để lại thừa kế, hay nói cách khác, chỉ những người thừa kế của tác giả mới được hưởng thừa kế các lợi ích từ tác phẩm khi tác giả chết.

Chủ sở hữu tác phẩm dù không phải là tác giả là người có các quyền từ tác phẩm mà mình là chủ sở hữu như quyền cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, quyền hưởng lợi ích vật chất khi người khác sử dụng tác phẩm. Người thừa kế của họ phải được hưởng thừa kế các quyền này nếu chủ sở hữu tác phẩm chết.

 

 

Chuyên đề 3

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ THỰC TRẠNG

PHÁP LUẬT SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

ThS. Phạm Công Lạc

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

 

I. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Thuật ngữ “sở hữu công nghiệp” lần đầu tiên được đề cập đến ở Chỉ thị 20-TTg ngày 23 -1-1981 “về việc thi hành điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất sáng chế”. Trong đó quy định việc đăng ký sở hữu công nghiệp (sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá) của người nước ngoài vào Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam ở nước ngoài trong các quan hệ kinh tế đối ngoại. Nghị định 31/CP ngày 23-1-1981 ban hành điều lệ sáng chế cải tiến kỹ thuật, sáng chế cũng không có thuật ngữ “sở hữu công nghiệp”. Trước năm 1981, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và sở công nghiệp nói riêng không được đề cập đến một cách hệ thống. Các quy định điều chỉnh kết quả của sáng tạo tinh thần trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đơn thuần nhằm động viên, khích lệ tinh thần mà chưa có những quy định với mục đích bảo hộ các quyền của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó.

Như vậy, năm 1981 là mốc mở đầu cho việc hình thành pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Những năm 80, các văn bản pháp luật được ban hành dưới dạng Nghị định và các Thông tư hướng dẫn các Nghị định này, việc bảo hộ được thực hiện chủ yếu bằng biện pháp hành chính và cơ quan thực thi là cơ quan hành chính. Việc bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện dưới dạng bằng  “tác giả sáng chế” ghi nhận chủ yếu quyền nhân thân của tác giả. Việc sử dụng, khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc Nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp Nhà nước. Việc cấp bằng độc quyền sáng chế chỉ được thực hiện dưới phạm vi hạn hẹp và không được khuyến khích.

Do  sự chuyển đổi nền kinh tế - từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường được bắt đầu bằng các Nghị quyết Đại hội VI năm 1986 đòi hỏi phải có quan niệm mới về sở hữu nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng, đặc biệt chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì vấn đề sở hữu trí tuệ nói riêng và sở hữu công nghiệp nói chung ngày càng được quan tâm dưới góc độ pháp lý.

Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28-1-1989 đánh dấu một bước quan trọng trong pháp luật sở hữu công nghiệp ở Việt Nam. Lần đầu tiên một văn bản pháp luật do Hội đồng Nhà nước ban hành về lĩnh vực sở hữu công nghiệp bao gồm: các đối tượng sở hữu công nghiệp; quyền của các chủ thể đối với đối tượng sở hữu công nghiệp; quản lý nhà nước đối với hoạt động sở hữu công nghiệp; khiếu nại giải quyết tranh chấp; xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nghị định 84/HĐBT ngày 20-3-1990 quy định chi tiết Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thay thế cho các Nghị định 31/CP ngày 2-1-1981 và Nghị định 197/HĐBT ngày 14-12-1982, Nghị định 85/HĐBT ngày 13-8-1988 và Nghị định 200/HĐBT ngày 28-12-1988 trước đó.

Về tổng thể, sau khi ban hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được nâng cao hơn. Đối tượng sở hữu công nghiệp được mở rộng, các hành vi xử lý vi phạm không chỉ bó hẹp trong phạm vi xử lý hành chính do các cơ quan hành chính thực hiện mà phát triển thêm một bước mới. Ngoài các thủ tục hành chính như trước đây, còn có các cơ quan tư pháp trong đó Toà án tham gia với vai trò là cơ quan xét xử cuối cùng giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp, việc quy định những hành vi nghiêm trọng xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được chuyển sang hình thức cấp bằng “độc quyền” và có sự phân định giữa chủ văn bằng bảo hộ với tác giả tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp. Hình thức cấp bằng tác giả bị loại bỏ hoàn toàn. Công cuộc đổi mới kinh tế đã kéo theo một loạt các vấn đề liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Khoa học kỹ thuật không chỉ đơn thuần là “tri thức” mà còn là một thành tố cấu thành không thể thiếu được trong lực lượng sản xuất, là hàng hoá đặc biệt trong nền kinh tế thị trường.

Bộ luật dân sự được ban hành ngày 28-10-1995 trong đó phần thứ sáu- Bộ luật dân sự quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đây là một bước tiến trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta đưa hoạt động sở hữu công nghiệp tiến theo mục tiêu phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các quy định về quyền sở hữu công nghiệp về cơ bản tương tự như pháp lệnh 1989. Tuy nhiên, cũng có những quy định được sửa đổi về nội dung. Ngoài những đối tượng truyền thống, Bộ luật dân sự còn quy định mới về các đối tượng sở hữu công nghiệp bằng việc quy định “Các đối tượng khác mà pháp luật quy định”. Ngoài ra tiêu chuẩn bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích cũng quy định với tiêu chuẩn cao hơn... so với quy định của Pháp lệnh.

Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 ban hành quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp thay thế cho các Nghị định 31/CP về sáng chế, sáng kiến và Nghị định 84/CP hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Nghị định 54/2000/ND-CP về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp liên quan đến “các đối tượng khác” được quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự.

Để xác lập quyền sở hữu công nghiệp ngày 31-10-1996- Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư 3055/TT-SHCN hướng dẫn thi hành và quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong Nghị định 63/CP.

Ngày 6-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/1999/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, và ngày 3-5-2000 Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư 825/2000/TT-BKHCN-MT hướng dẫn thi hành Nghị định trên.

Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 1-7-1998 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ đã hoàn thiện khâu cuối cùng trong pháp luật sở hữu công nghiệp ở Việt Nam.

Như vậy, về tổng thể pháp luật về sở hữu công nghiệp ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1981 và được hoàn thiện trong những năm 90 đánh dấu bằng việc ban hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989. Với việc ban hành Bộ luật dân sự năm 1995 và cùng với nó những văn bản pháp luật thuộc dạng Nghị định của Chính phủ, những Thông tư của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn các Nghị định của Chính phủ đã dần dần hoàn chỉnh, đồng bộ phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học, kỹ thuật so các nước trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng còn có những khoảng cách. Vì vậy, việc thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp trên thực tế, hơn nữa ý thức pháp luật của nhân dân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng còn hạn chế. Nhiều người không coi đó là “ tài sản” và hành vi “xâm phạm” sở hữu công nghiệp cũng không bị coi là “trộm cắp” “cướp” “chiếm đoạt”... Vì vậy, việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong mọi lĩnh vực diễn ra khá phổ biến.

Người vi phạm không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm hoặc trách nhiệm không tương xứng với hành vi đã vi phạm. Phần lớn các vụ án về xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp là tội làm hàng giả và buôn bán hàng giả (trong 3 năm 1995 - 1997 có 387 vụ). Người xâm phạm chỉ bị xét xử về hình sự, còn bồi thường về dân sự cho người bị xâm phạm không được đề cập đến. Điều này làm thiệt hại nặng nề cho những nhà sản xuất chân chính về kinh tế cũng như về uy tín của nhà sản xuất mà chưa có cơ sở pháp lý nào để tính toán thiệt hại trong các trường hợp này. Trong 3 năm 1995 - 1997 các Toà án mới chỉ thụ lý giải quyết 16 vụ tranh chấp về kiểu dáng công nghiệp và 2 vụ về nhãn hiệu hàng hoá.

Như vậy, việc vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu được thể hiện dưới dạng tiềm ẩn chưa được phát hiện và bị xử lý.

II. ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1- Khái niệm. Pháp luật dân sự không định nghĩa khái niệm chung về “đối tượng sở hữu công nghiệp” mà chỉ liệt kê những đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự  thì “quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định”. Quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự là quy định mới, trong đó Bộ luật dân sự quy định 5 đối tượng sở hữu công nghiệp còn các “đối tượng khác do pháp luật quy định” đã và sẽ được quy định trong các văn bản pháp luật khác. Hiện nay các “đối tượng sở hữu công nghiệp khác” đã được quy định bao gồm:

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật         - NĐ 31/CP ngày 21-3-1981

Bí quyết kỹ thuật             - NĐ 201/HĐBT 28-12-1988 và còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác.

Chỉ dẫn địa lý                            -  Nghị định 54/2000/NĐ-CP

Tên thương mại                          - Nghị định 54/2000/NĐ- CP

Bí mật kinh doanh                     - Nghị định 54/2000/NĐ- CP

Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh – Nghị định 54/2000/NĐ-CP

Theo thông lệ chung căn cứ vào tính chất, mục đích của kết quả hoạt động sáng tạo, các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể chia thành hai nhóm:

- Nhóm các sản phẩm mang tính sáng tạo kỹ thuật bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kỹ thuật. Đây là nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp mang tính sáng tạo mà khi áp dụng sẽ mang lại hiệu quả to lớn làm thay đổi chất lượng của sản phẩm, nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động... mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nhà sản xuất và xã hội.

- Nhóm các sản phẩm sáng tạo kinh doanh bao gồm: nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhóm đối tượng này chủ yếu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong kinh doanh nhằm tiếu thụ sản phẩm, cung cấp các thông tin cho khách hàng của nhà sản xuất.

2. Các đối tượng sở hữu công nghiệp

a) Sáng chế: Theo quy định tại Điều 782 thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Căn cứ vào quy định này thì sáng chế phải đáp ứng 4 tiêu chí:

Là giải pháp kỹ thuật

Tính mới so với thế giới

Có trình độ sáng tạo

Có khả năng áp dụng

+ Giải pháp kỹ thuật là một cơ cấu hay phương pháp tạo ra một sản phẩm hoặc một chất cũng như một giải pháp cũng nhưng với những tính năng hoàn toàn mới nhờ hoàn thiện giải pháp cũ (cơ cấu, phương pháp).

+ Một giải pháp được coi là mới so với thế giới nếu trước ngày ưu tiên giải pháp đó chưa được bộc lộ công khai ở bất cứ đâu với bất cứ phương tiện thông tin nào đến mức căn cứ vào thông tin đó có thể áp dụng được giải pháp đó trong thực tiễn. Như vậy, nếu một giải pháp được công bố dưới dạng khác thì vẫn có thể coi là chưa công bố.

+ Có trình độ sáng tạo: là giải pháp không nảy sinh một cách tự nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tượng trưng mà phải là kết quả sáng tạo của các chuyên gia trong lĩnh vực này. Quy định này của pháp luật Việt Nam chỉ mang tính định tính mà chưa mang định lượng hơn nữa việc sáng tạo không hẳn chỉ có chuyên gia trong lĩnh vực đó mới có thể tạo ra được, lịch sử đã từng có nhiều người không phải là chuyên gia nhưng đã tạo ra các sáng chế nổi tiếng (Trung sĩ: A.K Lap trích cốp đã chế ra khẩu súng AK47). Vì vậy trình độ sáng tạo phải được hiểu là kết quả tìm tòi, nghiên cứu của một cá nhân hoặc một tập thể cá nhân đã tạo ra sản phẩm đạt được những yêu cầu về sáng chế.

+ Khả năng áp dụng: căn cứ vào bản chất của giải pháp kỹ thuật hiện tại hoặc tương lai. Chúng tôi cho rằng quy định này làm giàu khả năng sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật được coi là sáng chế với văn bằng bảo hộ được cấp với thời hạn là 20 năm.

b) Giải pháp hữu ích.

Theo quy định tại Điều 783 thì “Giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ thế giới, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội”. Xét về phương diện pháp lý giải pháp hữu ích là sáng chế bởi nó là giải pháp kỹ thuật có tính mới đối với thế giới. Tuy nhiên, so với sáng chế giải pháp hữu ích không đề cập đến cụm thuật ngữ “trình độ sáng tạo”. Mặc dầu “trình độ sáng tạo” là khái niệm chỉ mang tính định hình chưa xác định tính định lượng nhưng giải pháp hữu ích cũng như bất kỳ giải pháp kỹ thuật nào cũng là kết quả của hoạt động sáng tạo và về thực tế người nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế có thể chuyển đổi đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thành đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích. Như vậy, giải pháp hữu ích có thể được coi là sáng chế nhỏ.

So với quy định về giải pháp hữu ích được quy định tại pháp lệnh bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1989 thì “giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật Việt Nam”, khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh được thay bằng “giải pháp kỹ thuật mới so với thế giới”. Sự khác biệt cơ bản này về giải pháp hữu ích có thể được giải thích đến hai góc độ:

- Thứ nhất: trình độ kỹ thuật của Việt Nam so với thế giới còn lạc hậu. Vì vậy, nhiều “sáng chế” trên thế giới không được bảo hộ (hết thời hạn bảo hộ ở nhiều nước trên thế giới) nhưng vẫn có thể bảo hộ ở Việt Nam. Các chuyên gia nước ta chỉ cần “sưu tầm” những giải pháp đó và đăng ký là có thể được bảo hộ tại Việt Nam. Như vậy, không khuyến khích tính sáng tạo và đó là tiêu đề làm cho nền khoa học của chúng ta luôn luôn lạc hậu so với thế giới.

- Thứ hai: cùng với sự mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Những doanh nhân nước ngoài liên doanh hoặc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong đó phần vốn đóng góp có “quyền sở hữu công nghiệp” cho nên các nhà đầu tư nước ngoài có thể dùng những “sáng chế đã hết thời hạn bảo hộ” làm vốn góp cho các doanh nghiệp liên doanh đồng thời họ chỉ chuyển giao cho chúng ta những kỹ thuật lạc hậu không được bảo hộ ở nước ngoài nhưng vẫn có thể được bảo hộ ở Việt Nam.

Một trong các quy định đặc biệt về pháp luật sở hữu công nghiệp ở Việt Nam so với các nước trên thế giới là pháp luật Việt Nam chưa coi “giống thực vật, giống động vật, phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh” là sáng chế hay giải pháp hữu ích và không được bảo hộ như là các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Xét về mặt sáng tạo và tính mới thì những đối tượng này hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu để trở thành sáng chế, nhưng trong điều kiện của nước ta hiện nay phần lớn dân chúng là nông dân, và sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những mũi nhọn kinh tế ở nước ta. Vì vậy, nếu bảo hộ các giống động vật và thực vật như một sáng chế hay giải pháp hữu ích thì vô hình chung chúng ta đã gián tiếp kìm hãm phát triển nông nghiệp, đồng thời tác động lên đời sống của phần lớn nông dân đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những nhà khoa học tạo được những giống cây, con mới có giá trị vẫn được nhà nước bảo hộ dưới nhiều hình thức.

c) Kiểu dáng công nghiệp. Đây là dạng đối tương sở hữu công nghiệp thuộc dạng tương đối đặc biệt. Một mặt liên quan đến sáng tạo nghệ thuật của những người tạo ra kiểu dáng đó, mặt khác nó là một trong những yếu tố quan trọng trong sự thành công của các nhà doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 784 Bộ luật dân sự thì “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, mằu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.

Kiểu dáng công nghiệp là hình thức bên ngoài của sản phẩm bởi vậy phải phù hợp với “nội dung” của sản phẩm đó - phù hợp với tính năng, tác dụng của sản phẩm đó, ngoài ra kiểu dáng công nghiệp là kết quả của sáng tạo mỹ thuật ứng dụng có giá trị thẩm mỹ và về nguyên lý chung việc thay đổi kiểu dáng của sản phẩm không làm ảnh hưởng đến tính năng, công dụng của sản phẩm đó. Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ bảo đảm hai yếu tố sau:

- Tính mới đối với thế giới: kiểu dáng công nghiệp được mô tả trong đơn cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải khác biệt cơ bản với các kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký hoặc đã công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào hoặc chưa bị bộc lộ công khai ở trong và nước ngoài tới mức căn cứ vào đó có thể tạo ra sản phẩm với kiểu dáng đó. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt cơ bản với nhau nếu chỉ khác nhau ở các đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết và ghi nhớ được và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó với nhau.

- Kiểu dáng công nghiệp phải được dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp. Chế tạo công nghiệp, thủ công nghiệp là sản xuất hàng loạt sản phẩm theo khuôn mẫu đã định sẵn, về nguyên tắc chung, việc chế tạo theo kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải là sản xuất nhiều sản phẩm với kiểu dáng đó mà không phải là đơn lẻ từng chiếc.

Một số đối tượng không được coi là kiểu dáng công nghiệp nếu về đặc tính bên ngoài của sản phẩm chỉ mang tính chất kỹ thuật hoặc hình dáng sản phẩm không để lộ ra bên ngoài không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng.

d) Nhãn hiệu hàng hoá

Theo quy định tại Điều 785 Bộ luật dân sự thì “Nhãn hiệu hàng hoá là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc”. Nhãn hiệu hàng hoá dùng để cá biệt hoá sản phẩm của các cơ sở sản xuất, nhà sản xuất hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ sử dụng những biểu trưng cho dịch vụ của mình bằng nhãn hiệu hàng hoá để phân biệt với các cơ sở sản xuất khác.

Nhãn hiệu hàng hoá có thể được thể hiện là từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hình nổi hoặc kết hợp các yếu tố trên được thể hiện bằng một hay nhiều màu sắc. Được tạo thành được yếu tố độc đáo dễ nhận biết, không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ, đình chỉ hiệu lực, không trùng với kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại được bảo hộ. Về nguyên tắc chung nhãn hiệu hàng hoá của một cơ sở sản xuất kinh doanh không được trùng hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng với hàng hoá, dịch vụ của cơ sở sản xuất kinh doanh khác.

Uy tín hàng hoá, dịch vụ của nhà sản xuất tỉ lệ thuận với sự nổi tiếng của nhãn hiệu hàng hoá, sự nổi tiếng của nhà sản xuất không phụ thuộc vào chất lượng hàng hoá, dịch vụ do họ cung cấp. Vì vậy nhãn hiệu hàng hoá được coi là tài sản của chủ nhãn hiệu hàng hoá.

e) Tên gọi xuất xứ hàng hoálà tên của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ mặt hàng của nước, địa phương đó với những điều kiện mặt hàng có tính chất đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm các yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó” (Điều 786 Bộ luật dân sự ). Như tên của đối tượng - tên địa lý là yếu tố bắt buộc của tên gọi xuất xứ hàng hoá do điều kiện tự nhiên mà ở đó sản phẩm có những nết đặc trưng riêng biệt mà không ở nơi nào khác có được. Phần lớn tên gọi xuất xứ hàng hoá gắn với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, con người tạo ra sản phẩm đó có thể có những bí quyết mà chỉ có người ở địa phương đó mới có được, bởi vậy nếu người ở nơi đó dịch chuyển cơ sở sản xuất đến nơi khác thì tên gọi xuất xứ hàng hoá cũng không còn. Yếu tố địa lý là đầu tiên, tiên quyết, yếu tố con người phải là sinh tử yếu tố tự nhiên.

Tuy nhiên, việc đăng ký, bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá ở Việt Nam tuy đã được tiến hành nhưng tiêu chuẩn, chất lượng, tính đặc thù của sản phẩm của một loại hàng hoá chưa rõ ràng. Vì vậy, việc bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá trên thực tế chưa đạt hiệu quả.

f) Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, theo quy định tại Điều 1 Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế được ban hành kèm theo Nghị định 31-CP ngày 20-3-1991 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 84/ CP ngày 20-3-1990 thì sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất là giải pháp kỹ thuật hoặc tổ chức mới, có khả năng áp dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan đơn vị áp dụng. Nội dung của sáng kiến có thể là cải tiến cơ cấu mấy móc, trang bị, công cụ lao động, sản phẩm, cải tiến phương án thiết kế hoặc kết cấu các công trình xây dựng, cải tiến thành phần, tính năng công dụng, thành phần nguyên liệu hoặc sản phẩm, cải tiến phương pháp khảo sát, thiết kế, công nghệ, thi công, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phương pháp phòng chữa bệnh, cải tiến tổ chức nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, công cụ lao động nguyên vật liệu, năng lượng, tiền vốn.

Một giải pháp được coi là mới nếu trước ngày đăng ký giải pháp đó chưa được cơ quan, đơn vị áp dụng hoặc có kế hoạch áp dụng, chưa được cơ quan cấp trên giới thiệu bằng văn bản hoặc chưa được phổ biến trong các sách báo nghành, địa phương, chưa được cơ quan cấp trên quy định thành những biện pháp bắt buộc thực hiện.

Theo quy định này thì sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất là giải pháp nhỏ có tính chất địa phương và tính mới chỉ xác định đối với một đơn vị nhất định vì vậy phạm vi bảo hộ sáng kiến cũng chỉ được áp dụng đối với đơn vị đó mà không phải của Nhà nước và xã hội. Vì vậy quyền của tác giả chỉ được bảo hộ trong phạm vi của tổ chức áp dụng sáng kiến đó.

g) Bí quyết. Thuật ngữ “bí quyết” được sử dụng trong nhiều văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại Điều 2 khoản 5 Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1-7-1998 thì bí quyết là những kinh nghiệm, kiến thức, thông tin kỹ thuật quan trọng mang tính chất bí mật được tích luỷ khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, có khả năng tạo ra dịch vụ, sản phẩm có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn, có khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Như vậy “bí quyết” được coi là một dạng đối tượng sở hữu công nghiệp được  pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, hiện nay “ bí quyết” thuộc dạng thông tin kỹ thuật nên chỉ những người nắm giữ đó được biết và không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bí quyết nói chung được pháp luật quy định sau này được thể hiện trong Nghị định 54/2000 /NĐ-CP ngày 3-10-2000 là bí mật kinh doanh.

h) Các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ nhưng không phải đăng ký.

Khác với các đối tượng sở hữu công nghiệp được nêu ở trên, quyền sởb hữu công nghiệp đối với các đối tượng này phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ với những trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực của văn bằng và văn bằng chỉ có hiệu lực trong thời hạn nhất định (thời hạn có hiệu lực của văn bằng đối với: bằng độc quyền sáng chế là 20 năm; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là50 năm; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là 10 năm và có thể gia hạn liên tiếp nhiều lần, mổi lần là 10 năm. Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên xuất xứ hàng hoá là 10 năm. Thời điểm bắt đầu thời hạn đối với các văn bằng bảo hộ nêu trên là ngày nộp đơn hợp lệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Nhà nước bảo hộ một số đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng không thuộc dạng phải đăng ký và không xác định thời hạn bảo hộ cũng như không cấp văn bằng  bảo hộ, không phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực của việc bảo hộ đó.

Bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin khi có đủ các điều kiện: Không phải là hiểu biết thông thường, có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi sử dụng tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với những người khác không nắm giữ, sử dụng thông tin đó, được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không tiết lộ ra ngoài và không dể dàng tiếp cận được. Bí mật kinh doanh xét về bản chất là kết quả của hoạt động sáng tạo hoặc tích luỹ kinh nghiệm trong những lĩnh vực nhất định, là kết quả hoạt động có chủ định của con người thuộc dạng: bí mật kỹ thuật, công nghệ, quy trình kỹ thuật... có thể được truyền từ đời này sang đời khác hoặc do hoạt động nghề nghiệp mà chủ sở hữu tích luỹ được, nắm được bí quyết này tạo lợi thế trong hoạt động sản xuất, dịch vụ. Xét về mặt tự nhiên hoặc nghề nghiệp người nắm giữ được bí mật này áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bí mật đó không bị tiết lộ, họ không muốn ai biết bí quyết đó vì thế việc đăng ký bí đối với chủ sở hữu công nghiệp với việc “tiết lộ” các thông tin mà họ cần phải giữ bí mật.

Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá thể hiện dưới dạng từ ngữ, hình ảnh dùng để chỉ một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia; thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ liên quan đến việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Chỉ dẫn địa lý có nhiều điểm giống với tên gọi xuất xứ hàng hoá trong trường hợp chỉ dẫn hàng hoá chỉ có tên quốc gia, địa phương với yếu tố địa lý là đặc trưng tạo nên giá trị đặc trưng của hàng hoá. Còn chỉ dẫn địa lý thông thường được thể hiện dưới dạng dấu hiệu biểu tượng, hình ảnh dùng để chỉ địa phương, vùng lãnh thổ thuộc quốc gia. Trong trường hợp chỉ dẫn địa lý là tên gọi xuất xứ hàng hoá, trường hợp này phải được đăng ký và được cấp giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Tên thương mại được bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh đáp ứng được các điều kiện:

 + Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số có thể phát âm được;

+ Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

III. XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Quyền sở hữu công nghiệp là một dạng quyền sở hữu trí tuệ - một loại tài sản vô hình. Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp có những nét đặc thù riêng biệt mà không được quy định giống như  việc xác lập quyền sở hữu các loại tài sản khác, kể cả việc xác lập quyền tác giả đối với chủ sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật.

Theo quy định tại Điều 788 Bộ luật dân sự thì quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập “theo văn bằng bảo hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền” hoặc “có thể phát sinh trên cơ sở chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá được đăng ký theo thoả ước Madrid” (Điều 8 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996).

Như vậy quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp được xác lập không chỉ riêng bằng sự kiện thực tế “tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp trên thực tế” mà phải được “ghi nhận  hoặc công nhận tử phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” dưới dạng “cấp bằng bảo hộ” hoặc “chấp nhận bảo hộ”. Đây là một trong những khác biệt cơ bản của quyền sở hữu công nghiệp với quyền tác giả.

Việc xác lập quyền sổ hữu công nghiệp thuộc thẩm quyền của cục sở hữu công nghiệp thuộc Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tương ứng với 5 đối tượng sở hữu công nghiệp có 5 loại văn bằng bảo hộ.

- Văn bằng bảo hộ sáng chế là: bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.

- Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích là: bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

- Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là: bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, có thể được gia hạn 2 lần, mổi lần 5 năm.

- Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là: giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành hoá, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.

- Văn bằng bảo hộ tên gọi, xuất xứ hàng hoá là: giấy chứng nhận sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, có hiệu lực là 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể dược gia hạn nhiều lần, mổi lần 10 năm.

IV. THỦ TỤC TRÌNH TỰ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ là tập hợp các tài liêu thể hiện yêu cầu của người nộp đơn về việc cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp với nội dung: đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ phải đảm bảo tính thống nhất, mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ một đối tượng hoặc một số đối tượng cùng loại thống nhất với nhau về mục đích sử dụng; loại văn bằng được bảo hộ được yêu cầu phải phù hợp với đối tượng ghi trong đơn.

Sự thống nhất của các đối tượng được hiểu là: các sáng chế, giải pháp hữu ích thống nhất với nhau hoặc liên quan chặt chẽ nhằm thực hiện thực hiện một ý đồ sáng tạo thống nhất, các kiểu dáng công nghiệp thống nhất với nhau nếu là kiểu dáng của các sản phẩm khác nhau của một bộ phận sản phẩm được sử dụng cùng nhau hoặc các phương án thể hiện khác nhau của cùng một kiểu dáng công nghiệp. Trong một đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá có thẻ nêu nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau cùng sử dụng một nhãn hiệu hàng hoá.

2. Yêu cầu chung đối với đơn

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ phải đảm bảo tính thống nhất và đáp ứng các yêu cầu về hình thức sau:

- Mỗi đơn chỉ được cấp cấp một văn bằng bảo hộ, loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn.

- Mọi tài liệu của đơn phải được làm bằng tiếng Việt, trong trường hợp các tài liệu có thể được làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng việt (giấy uỷ quyền, tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên, tài liệu gốc hoặc bản sao...).

- Những tài liệu cần phải lập theo mẫu thì phải sử dụng theo mẫu đó.

Ngoài ra, đối với đơn xin cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích còn phải đáp ứng các yêu cầu sau.

+ Tờ khai yêu cầu cấp văn bằng độc quyền sáng chế - giải pháp hữu ích làm theo mẫu do cục sở hữu công nghiệp phát hành.

+ Bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích.

+ Yêu cầu bảo hộ.

+ Bản vẽ, sơ đồ tính toán để làm rõ thêm bản chất của giải pháp kỹ thuật.

+ Bản tóm tắt sáng chế - giải pháp.

+ Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động).

+ Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày triển lãm.

+ Chứng chỉ nộp lệ phí đơn và lệ phí công bố đơn.

+ Các tài liệu về mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích phải nêu rõ giải pháp kỹ thuật, các thông tin cần thiết đến mức căn cứ vào đó, bất cứ người nào có trình độ trung bình về kỹ thuật nào đó trong lĩnh vực tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó (bao gồm các nội dung: tên giải pháp kỹ thuật, lĩnh vực trong đó được ứng dụng, tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực nói trên, bản chất của giải pháp kỹ thuật, mô tả vắn tất các hình vẽ kèm theo, những lợi ích có thể đạt được).

+ Yêu cầu bảo hộ nhằm xác định phạm vi, khối lượng bảo hộ.

+ Bản tóm tắt sáng chế - giải pháp hữu ích.

- Đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, ngoài những quy định chung còn phải đáp ứng những quy định sau:

+ Tờ khai yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

+ Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.

+ Các tài liệu xác nhận quyền nộp đơn.

Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của kiểu dáng công nghiệp phù hợp với ảnh chụp hay bản vẽ (tên kiểu dáng, chỉ số phân loại quốc tế, lĩnh vực sử dụng sản phẩm, các liểu dáng công nghiệp đã biết, bản chất kiểu dáng công nghiệp).

Đối với yêu cầu cấp văn bằng nhãn hiệu hàng hoá ngoài nhưng yêu cầu chung còn phải tuân theo các quy định sau:

+ Mẫu nhãn hiệu.

+ Bản sao tài liệu xác nhận quyền kinh doanh hợp pháp.

+ Tài liệu xác nhận xuất xứ, giải thưởng huy chương.

+ Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu nhãn hiệu có sử dụng biểu tượng, tên riêng.

+ Danh mục các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi, xuất xứ hàng hoá ngoài các yêu cầu chung còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Bản sao tài liệu xác nhận quyền kinh doanh hợp pháp.

+ Bản thuyết minh về đặc thù chất lượng sản phẩm mang tên gọi xuất xứ hàng hoá trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền rằng sản phẩm do người nộp đơn sản xuất hoặc kinh doanh thương mại, có tính chất, chất lượng đặc thù và được sản xuất tại vùng lãnh thổ tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

+ Bản sao văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá do nước sản xuất cấp, hoặc tài liệu của nước xuất xứ xác nhận quyền của người nộp đơn được sử dụng tên gọi xuất xứ của nước đó (tên gọi xuất xứ có nguồn gốc nước ngoài)

+ Bản đồ mô tả phạm vi lãnh thổ tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hoá.

3. Người có quyền nộp đơn:

Người có quyền nộp đơn là những cá nhân, pháp nhân theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định thì những người sau đây có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ:

- Tác giả, các đồng tác giả sáng tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghệp bằng công sức và chi phí riêng của mình.

- Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng thuê tác giả nghiên cứu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp (nếu trong hợp đồng không có thoả thuận khác).

- Người sử dụng lao động đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do người lao động tạo ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc được tạo rado chủ yếu sử dụng kinh phí, phương tiện vật chất của người sử dụng lao động.

Về nguyên tắc chung sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm của hoạt động sáng tạo của cá nhân (tác giả, đồng tác giả). Vì vậy, tác giả dược mặc nhiên suy đoán là người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ. Cá nhân, tổ chức (không phải là tác giả) muốn nộp đơn phải chứng minh sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do tác giả tạo ra theo nhiệm vụ được giao, theo hợp đồng hoặc theo chi phí của mình. Đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp do các đồng tác giả tạo ra có thể do tất cả các tác giả cùng đứng đơn hoặc được ủy quyền của các đồng tác giả khác.

Đối với văn bằng yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, những người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ bao gồm:

- Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác tiến hành hoạt động sản xuất hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá dùng cho sản phẩm của mình đã sản xuất hoặc sẽ sản xuất.

- Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác tiến hành dịch vụ hợp pháp có quyền yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ dùng cho dịch vụ của mình đã hoặc sẽ tiến hành.

- Cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hàng hoá do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên.

- Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ thuộc về cá nhân, pháp nhân đại diện cho tập thể các cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tương ứng.

Quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá:

- Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại lãnh thổ có địa danh tương ứng với “tên gọi xuất xứ hàng hoá” có quyền nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá cho sản phẩm của mình.

- Cá nhân, pháp nhân nước ngoài đang là chủ văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hoá do nước ngoài cấp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đó để sử dụng trên thị trường Việt Nam cho các sản phẩm của mình.

- Quyền nộp đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận sử dụng tên gọi, xuất xứ hàng hoá  không có quyền chuyển giao cho các chủ thể khác.

Người có quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ cho Cục sở hữu công nghiệp (Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường). Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ được cục sở hữu công nghiệp xét theo trình tự thủ tục nhất định. Các chủ thể có thể tự mình nộp đơn yêu cầu hoặc uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tiến hành việc nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ và tiến hành các thủ tục liên quan.

Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thường trú tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp tại Việt nam và không có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam  chỉ có thể nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ và tiến hành các thủ tục liên quan thông qua việc uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện.

4. Quyền nộp đơn ưu tiên

Quyền nộp đơn ưu tiên là quyền của một trong số những người có quyền nộp đơn được bảo hộ. Nếu có từ hai chủ thể đều nộp đơn yêu cầu bảo hộ với cùng một sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, một nhãn hiệu hàng hoá dùng cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ thì văn bằng bảo hộ được cấp cho người sớm nhất. Nếu có hai hay nhiều chủ thể cùng nộp đơn yêu cầu bảo hộ và họ có cùng điều kiện ưu tiên như nhau thì Cục sở hữu công nghiệp đề nghị các chủ thể đó cùng đứng tên duy nhất và văn bằng bảo hộ được cấp chung cho các sở hữu chung. Nếu một trong những người nộp đơn không đồng ý thì văn bằng bảo hộ không được cấp. Với cùng một giải pháp kỹ thuật mà có đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế đồng thời có đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và các đơn có điều kiện ưu tiên như nhau thì Cục sở hữu công nghiệp đề nghị các chủ thể nộp đơn thống nhất chọn hình thức bảo hộ. Đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ cho cùng một nhãn hiệu hàng hoá thì một chủ thể rút đơn với những điều kiện hợp lý. Nếu không thoả thuận được với nhau thì tất cả các đơn sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Quyền ưu tiên nộp đơn cũng được áp dụng trong trường hợp đơn được nộp sớm hơn tại một nước khác hoặc được đối tượng nêu trong đơn tại một cuộc triển lãm chính thức hoặc được thừa nhận chính thức tại Việt Nam. Nếu triển lãm tổ chức tại nước khác thì nước đó phải là thành viên của công ước Paris hoặc cùng Việt Nam ký một thoả thuận song phương trong đó có quy định quyền ưu hoặc cùng Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại về quyền ưu tiên. trong đó người nộp đơn là công dân, người cư trú hoặc có cơ sở kinh doanh tại những nước nêu trên.

Đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam phải được nộp trong thời hạn sau:

- 12 tháng đối với đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảob hpộ sáng chế, giải pháp hữu ích.

- 6 tháng đối với đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhã hiệu hàng hoá.

- Nếu đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích nộp theo hiệp ước PCT thì thời hạn trên là 21 tháng đối với đơn quốc tế đã có chỉ định Việt Nam hoặc là 31 tháng đối với đơn quốc tế đã chọn Việt Nam nếu việc chọn đó được thực hiện trong 13 tháng tính từ ngày nộp đơn đầu tiên.

- Nếu quyền ưu tiên được yêu cầu theo thoả thuận song phương hoặc theo nguyên tắc có đi có lại thì thời hạn nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ áp dụng theo thoả thuận đó.

- Các đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ được quyền có ngày ưu tiên tương ứng là ngày nộp đơn đầu tiên hoặc là ngày đối tượng được trưng bày tại triển lãm hoặc là ngày mà thoả thuận song phưong quy định. Muốn được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải chỉ ra được điều ước quốc tế là căn cứ hưởng quyền ưu tiên và phải nộp lệ phí xin hưởng quyền ưu tiên và trong thời hạn 3 tháng phải gửi bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn hoặc chứng nhận trưng bày triển lãm. Nếu trong thời hạn đó người nộp đơn không nộp các tài liệu nói trên, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ không được xem xét.

5. Xét nghiệm đơn

Khi tiếp nhận đơn, Cục sở hữu công ngiệp phải kiểm tra danh mục các tài liệu ghi trong tờ khai, sơ bộ kiểm tra để kết luận có tiếp nhận hay không tiếp nhận đơn. Đơn bị từ chối tiếp nhận trong các trường hợp sau:

- Bản mô tả các đối tượng bảo hộ, mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm sử dụng các nhãn hiệu đó, bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, chứng từ nộp lệ phí.

- Tờ khai không có chữ  ký hoặc đã bị tẩy xoá nghiêm trọng.

Sau khi tiệp nhận đơn, đơn đưoc xử lý như sau:

Một bộ tài liệu bao gồm các loại tài liệu cần thiết được tách ra để lưu giữ tình trạng ban đầu của đơn. Các tài liệu còn lại gộp thành bộ tài liệu để xét nghiệm.

a) Xét nghiệm chính thức:

Kiểm tra về mặt hình thức xem đơn có đáp ứng yêu cầu để được coi ;là đơn hợp lệ, nếu đơn được coi là hợp lệ thì xác định ngày nộp đơn, số đơn ngày ưu tiên.

Đơn được coi là hợp lệ nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức đối với từng loại đơn xin cấp văn bằng bảo hộ. Nếu thiếu một trong các loại tài liệu đó hoặc các loại tài liệu đó không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hình thức thì sẽ bị coi là đơn không hợp lệ. Về cơ bản, nếu có các thiếu sót sau (Tờ khai, bản mô tả, giấy uỷ quyền, chứng từ nộp lệ phí, thiếu đối tượng bảo hộ, đối tượng mô tả không rõ ràng...) thì bị coi là không hợp lệ. Trong trường hợp này, Cục sở hữu công nghiệp phải báo cho người nộp đơn lý do không tiếp nhận đơn. Nếu thiếu sót có thể khắc phục được thì Cục sở hữu công nghiệp phải thông báo cho người nộp đơn và yêu cầu họ sửa chữa, khắc phục các thiếu sót đó. Trong thời hạn 2 tháng, người nộp đơn phải khắc phục các yếu tố còn thiếu. Người nộp đơn có thể chủ động sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn  nhưng không được mở rộng phạm vi khối lượng bảo hộ và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn. Nếu việc sửa chữa làm mở rộng phạm vi bảo hộ hoặc bản chất đối tượng thì quy trình được tiến hành lại từ đầu.

Ngày nộp đơn hợp lệ được xác định:

- Đối với đơn không có thiếu sót thì ngày nộp đơn là ngày đơn đén cục sở hữu công nghiệp ghi trong dấu nhận đơn trên tờ khai.

- Nếu đơn thiếu sót và việc khắc phục các thiếu sót đó trong htời hạn tương ứng thì ngày nộp đơn là ngày đơn đến Cục sở hữu công nghiệp. Nếu thiếu sót được khắc phục chậm hơn thời hạn quy định thì ngày nộp đơn là ngày các thiếu sót được khắc phục xong.

- Ngày ưu tiên được xác định là ngày nộp đơn hợp lệ, nếu đơn có yêu cầu quyền ưu tiên, ngày ưu tiên là ngày nêu trong đơn và được Cục sở hữu công nghiệp chấp nhận.

Trong thời hạn 3 tháng tính từ ngày đơn được gửi đến Cục sở hữu công nghiệp, đơn phải được xét nghiệm xong về hình thức. Cục sở hữu công nghiệp phải thông báo kết quả xét nghiệm đơn cho người nộp đơn hoặc người đại diện của họ.

- Chấp nhận đơn nếu đơn được coi là hợp lệ trong ghi rõ ngày nộp đơn, số đơn, ngày ưu tiên.

- Các thiếu sót về đơn mà người nộp đơn phải khắc phục và ấn định thời hạn để khắc phục những thiếu sót đó.

- Từ chối chấp nhận đơn nếu đơn không hợp lệ và phải nêu rõ lý do của việc từ chối đó.

Đơn hợp lệ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được đăng ký trên Công báo sở hữu công nghiệp theo các thời hạn sau:

- Đơn sáng chế, giải pháp hữu ích được công bố sớm hơn hoặc muộn hơn yêu cầu ghi trong đơn, nếu có văn bản yêu cầu xét nghiệm nội dung trước ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Nếu yêu cầu nộp trước khi hết thờo hạn 18 tháng tính từ ngày ưu tiên, đơn sẽ được công bố trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày Cục sở hữu công nghiệp nhận được yêu cầu xét nghiệm nội dung.

- Đơn quốc tế và đơn kiểu dáng công nghiệp được công bố trong tháng thứ hai tính từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ được công bố bao gồm:

Tất cả các thông tin về đơn hợp lệ trong thông báo chấp đơn tóm tắt sáng chế, giải pháp hữu ích có kèm theo hình vẽ (nếu cần) một hoặc một số hình vẽ, ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp. Mọi người đều có thể tiếp cận các thông tin chi tiết hơn hoặc yêu cầu Cục sở hữu công nghiệp cung cấp các thông tin đó và người yêu cầu phải nộp lệ phí.

b) Xét nghiệm nội dung đơn:

Mục đích của việc xét nghiệm nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các tiêu chuẩn bảo hộ, xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Tất cả các đơn chỉ được xác định khi đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ là hợp lệ và người yêu cầu xét nghiệm phải nộp một khoản lệ phí xét nghiệm. Các đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích chỉ được tiến hành trong thời hạn xác định: 42 tháng đối với sáng chế, 36 tháng đối giải pháp hữu ích và có yêu cầu xét nghiệm nội dung đơn của người nộp đơn cũng như bất kỳ người thứ ba nào. Yêu cầu xét nghiệm nội dung đơn sáng chế, giải pháp hữu ích được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 1 tháng tính từ ngày nhận được yêu cầu.

Thời hạn xét nghiệm nội dung đơn sáng chế là 18 tháng; kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá là 9 tháng; đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là 6 tháng. Trong thời hạn xét nghiệm đơn, Cục sở hữu công nghiệp phải gửi thông báo kết quả xét nghiệm nội dung đơn cho người nộp đơn và người yêu cầu.

Nếu đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, trong thông báo kết quả xét nghiệm nội dung phải nêu rõ lý do ý định từ chối cấp văn bằng bảo hộ và ấn định thời hạn 2 tháng (3 tháng đối với sáng chế) để người nộp đơn, người yêu cầu có ý kiến. Nếu đối tượng đáp ứng được yêu cầu bảo hộ nhưng phải thu hẹp hoặc có thiếu sót thì trong thông báo kết quả xét nghiệm phải nêu rõ điều đó và ấn định thời hạn khắc phục thiếu sót. Trong thời hạn xét nghiệm nội dung đơn, người nộp đơn có thể chủ động sửa đổi, bổ sung các tài liệu trong đơn và phải nộp lệ phí theo quy định. Cục sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu người nộp đơn trong một thời hạn xác định phải tiến hành sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Cục sở hữu công nghiệp. Nếu người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung mà không có lý do chính đáng thì đơn coi như bị rút bỏ.

Nếu đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, trong thông báo kết quả xét nghiệm đơn yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí công bố văn bằng bảo hộ, lệ phí đăng bạ và cấp văn bằng bảo hộ cùng lệ phí duy trì hiệu lực bảo hộ văn bằng bảo hộ năm thứ nhất.

6. Cấp văn bằng bảo hộ:

Đây là khâu cuối cùng được xem là quan trọng nhất trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp bởi nó chỉ phát sinh “trên cơ sở văn bằng bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền cấp” (Điều 800 Bộ luật dân sự). Cục sở hữu công nghiệp là cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Nếu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá đáp ứng các tiêu chửn bảo hộ và người nộp đơn đã nộp lệ phí theo quy định, cục sở hữu công nghiệp ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Trong quyết định phải nêu rõ: tên, địa chỉ của người được cấp văn bằng bảo hộ; số đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, ngày nộp đơn, ngày ưu tiên tương ứng. Tên tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; Họ tên tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dấng công nghiệp; tên đối tượng bảo hộ, phạm vi bảo hộ, tên và số văn bằng bảo hộ, thời hạn bảo hộ và quyết định chấp nhận nhãn hiệu hàng hoá theo thoả ước Madrid.

Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá, ngoài những ghi nhận trên còn phải ghi rõ tên gọi xuất xứ hàng hoá, danh sách (tên, địa chỉ) cá nhân có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá, số đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá đó, thời hạn sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đó.

Theo yêu cầu của các cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác, Cục sở hữu công nghiệp có thể cấp phó bảng văn bằng bảo hộ cho các chủ sở hữu chung, các bản sao dơn yêu cầu để được xin hưởng quyền ưu tiên ở nơi khác. Phó bảng văn bằng bảo hộ được cấp cho chủ văn bằng nếu có lý do chính đáng. Người yêu cầu cấp phó bảng phải nộp lệ phí theo quy định.

Văn bằng bảo hộ được giao cho người nộp đơn là tập thể thì chỉ thành viên  đầu tiên trong danh sách các thành viên tập thể đó được đăng ký trong sổ đăng ký quốc gia. Theo yêu cầu của thành viên khác trong tập thể người nộp đơn, Cục sở hữu công nghiệp có thể trao các phó bảng văn bằng bảo hộ cho các thành viên nếu họ nộp lệ phí theo quy định.

Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc tù chối chấp nhận đơn, từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người xét nghiệm nội dung sáng chế, giải pháp hữu ích có quyền khiếu nại có quyền khiếu nại việc cấp văn bằng bảo hộ và không phải nộp lệ phí.

V. DUY TRÌ, SỬA ĐỔI, GIA HẠN, ĐÌNH CHỈ HUỶ BỎ HIỆU LỰC VĂN BẰNG BẢO HỘ

1. Duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ

 Đảm bảo về mặt pháp lý hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong thời hạn có hiệu lực của văn bằng. Để duy trì  được hiệu lực của văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, chủ văn bằng nộp lệ phí duy trì hiệu lực của văn bằng trước ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực 6 tháng. Lệ phí duy trì hiệu lực có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định trên, nhưng không được quá 6 tháng tính từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng phải nộp thêm 10% lệ phí mỗi tháng nộp muộn.

2. Sửa đổi văn bằng bảo hộ

Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ có thể yêu cầu sửa đổi nội dung văn bằng bảo hộ bằng cách thông báo cho cục sở hữu công nghiệp bằng việc thay đổi họ tên, địa chỉ của chủ văn bằng, thu hẹp phạm vi (khối lượng) bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá bằng cách loại bỏ một, một số phương án kiểu dáng công nghiệp, sửa đổi một số chi tiết của nhãn hiệu hàng hoá nhưng không làm thay đổi căn bản nhãn hiệu đó; giảm bớt một số sản phẩm nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong văn bằng bảo hộ.

Để sửa đổi, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp đơn yêu cầu, các tài liệu liên quan đến việc sửa đổi (bản gốc văn bằng, ảnh chụp kiểu dáng công nghiệp cần loại bỏ, mẫu nhãn hiệu đã sửa chữa...). Cục sở hữu công nghiệp ra xem xét ra quyết định công nhận hay không công nhận. Nếu chấp nhận việc sửa đổi, Cục sở hữu công nghiệp tiến hành việc sửa đổi văn bằng đăng công báo sở hữu công nghiệp, ngược lại phải thông báo cho người nộp đơn và lý do từ chối.

3. Gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ

Đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được phép gia hạn (kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá) để được gia hạn, trong vòng 6 tháng trước ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực, chủ văn bằng phải nộp đơn xin gia hạn, kèm theo đơn xin gia hạn có các tài liệu liên quan (bản gốc văn bằng bảo hộ, tờ khai yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn...). Cục sở hữu công nghiệp xem xét ra quyết định gia hạn văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố trên công báo sở hữu côn nghiệp. nếu từ chối phải thông báo cho người nộp đơn và nêu rõ lý do.

4. Đình chỉ huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Văn bằng bảo hộ chỉ có hiệu lực trong một thời hạn xác định, hết thời hạn này, văn bằng đương nhiên hết hiệu lực, đồng thời sở hữu công nghiệp chấm dứt. Tuy nhiên, văn bằng bảo hộ cũng sẽ không còn hiệu lực khi bị đình chỉ hoặc bị huỷ bỏ hiệu lực.

Văn bằng bảo hộ bị đình chỉ trong các trường hợp sau:

- Chủ sở hữu đối tượng không nộp lệ phí duy trì hiệu lực của văn bằng đúng thời hạn.

- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá chấm dứt hoạt động kinh doanh.

- Chủ sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hoá không sử dụng hoặc không chuyển quyền sử dụng trong thời hạn do pháp luật quy định kể từ ngày văn bằng bảo hộ có hiệu lực pháp luật.

- Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền được hưởng theo văn bằng bảo hộ.

- Các yếu tố địa lý quyết định tính chất của hàng hoá thay đổi làm mất tính đặc thù của hàng hoá.

- Vào thời điểm cấp văn bằng bảo hộ, đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng theo tiêu chuẩn của đối tượng sở hữu công nghiệp.

- Văn bằng được cấp cho người không có quyền nộp đơn.

- Chủ giấy chứng nhận tên gọi xuất xứ hàng hoá không có đủ năng lực thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tính chất đặc thù của hàng hoá đó.

Văn bằng bảo hộ bị huỷ bỏ toàn bộ hay một phần trong các trường hợp sau:

- Người được cấp vằn bằng không có quyền nộp đơn.

- Quyền nộp đơn thuộc về nhiều chủ thể nhưng một trong các chủ thể đó không đồng ý nộp đơn.

- Văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp ghi sai tên tác giả do cố ý của người nộp đơn.

- Văn bằng bảo hộ không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ.

VI. HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO ĐỐI TƯỢNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Quy định chung về chuyển giao công nghệ     

 Chuyển giao công nghệ là hình thức mua và bán công nghệ trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận phù hợp với pháp luật. Hợp đồng về chuyển giao công nghệ là hợp đồng dân sự hoặc kinh tế, thương mại tuỳ theo tính chất của hợp đồng, các chủ thể tham gia hợp đồng, mục đích của hợp đồng, có thể hợp đồng chuyển giao công nghệ là hợp đồng có yếu tố nước ngoài (tuỳ thuộc vào người tham gia quan hệ đó). Như vậy chuyển giao công nghệ không chỉ đơn thuần là hợp đồng dân sự mặc dầu hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định trong Bộ luật dân sự. Bởi vậy, việc chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ mang đặc tính chung nhất của hợp đồng dân sự, đồng thời còn mang tính đặc thù riêng của các dạng hợp đồng tương ứng khi xác định hợp đồng cụ thể đó thuộc dạng nào.

Các quy định về chuyển giao công nghệ được quy định tại phần thứ sáu của Bộ luật dân sự và được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định 45/1998/QD-CP ngày 1-7-1998. Việc chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua bán - bán công nghệ, trong đó đối tượng của hợp đồng là “công nghệ được chuyển giao”. Vì vậy, các quy định về việc chuyển giao công nghệ phải tuân thủ những quy định chung của hợp đồng nói chung đồng thời tuân thủ những quy định riêng về chuyển giao công nghệ do đối tượng đặc biệt của hợp đồng “công nghệ”, dạng tài sản vô hình đồng thời liên quan đến nhân thân của người tạo ra các sản phẩm đó.

2. Đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ

 Theo quy định tại Điều 806 Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác thì đối chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Các đối tượng sở hữu công nghiệp: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có hoặc không kèm theo máy móc, thiết bị mà pháp luật cho phép chuyển giao.

- Bí quyết, kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, phần mềm máy tính (tuy phần mềm máy tính tuỳ thuộc đối tượng của quyền tác giả nhưng khi chuyển giao thì phải tuân theo quy định về chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp), thông tin, dữ liệu về công nghệ được chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo thiết bị máy móc.

-  Các giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ

- Các hình dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để bên nhận có được năng lực công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ với chất lượng được xác định trong hợp đồng bao gồm:

+ Hỗ trợ trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng công nghệ được chuyển giao

+ Tư vấn quản lý công nghệ, tư vấn quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao.

+ Đào tạo, huấn luyện chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý để nắm vững công nghệ được chuyển giao (trong các đối tượng đưọc chuyển giao có thể kèm theo hoặc không kèm theo các thiết bị máy móc - nếu chỉ mua bán máy móc, thiết bị mà không kèm theo đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trên thì chỉ là mua bán tài sản thông thường).

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được phép chuyển giao.

- Trong trường hợp đối tượng chuyển giao là tên thương mại thì việc chuyển giao tên thương mại phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh tên thương mại đó.

Những công nghệ không được chuyển giao

- Những công nghệ không đáp ứng yêu cầu trong các quy định của pháp luật Việt nam về an toàn lao động, vệ sinh lao động, sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường.

- Những công nghệ có tác động và gây hậu quả xấu đến văn hoá, quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự và an toàn của xã hội Việt Nam.

- Những công nghệ không đem lại hiệuv quả kỹ thuật, kinh tế hoặc xã hội.

- Công nghệ phục vụ lĩnh vực an ninh, quốc phòng khi chưa dược cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Đối tượng của một hợp đồng chuyển giao công nghệ cụ thể thì đối tượng chuyển giao cụ thể có thể là một hoặc nhiều các đối tượng nêu trên và phải mô tả rõ ràng đối tượng sở hữu công nghiệp được chuyển giao.

3. Nội dung hợp đồng

Nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ có đầy đủ những nội dung của hợp đồng nói chung. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng là loại tài sản đặc biệt, vô hình vì vậy pháp luật dự liệu những nội dung của hợp đồng đề trên cơ sở đó các bên thoả thuận. Ngoài những tiêu đề cơ bản để xác định chủ thể, tư cách chủ thể các bên tham gia hợp đồng, phải mô tả chi tiết đối tượng của hợp đồng chuyển giao: tính chất, nội dung của đối tượng chuyển giao; hiệu quả của việc áp dụng công nghệ được chuyển giao, mục tiêu và kết quả của việc áp dụng đối tượng. Về nguyên tắc chung, các bên có thẻ thoả thuận bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhằm thiết lập thay đổi hoặc đình chỉ mối quan hệ, nghĩa vụ và quyền của các bên đối với công nghệ được chuyển giao. Tuy nhiên, trong hợp đồng chuyển giao công nghệ không được phép thoả thuận.

- Buộc bên nhận phải mua hoặc phải tiếp nhận từ bên giao hoặc từ bên thứ ba do bên giao chỉ định những đối tượng: nguyên liệu, vật liệu, tư liệu sản xuất hoặc máy móc, phương tiện vận tải, sản phẩm trung gian lao động giản đơn, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp công nghệ được chuyển giao cần có những đối tượng nói trên với phẩm chất đặc biệt; nhân lực có trình độ kỹ thuật đặc thù... thì phải giải trìng lý do.

- Buộc bên nhận phải phải chấp nhận một hạn mức nhất định (trừ trường hợp đồng gia công sản phẩm) về quy mô sản xuất số lượng sản phẩm; giá bán sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, chỉ định đại lý tiêu thụ sản phẩm; hạn chế thị trường xuất khẩu, bán hàng.

- Hạn chế bên nhận việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ được chuyển giao và các quyền khác liên quan tới việc hoàn thiện và cải tiến đó.

- Buộc bên nhận chuyển giao vô điều kiện cho bên giao quyền sử dụng các kết quả cải tiến, đổi mới công nghệ được chuyển giáoáu khi hết hạn hợp đồng - trừ trường hợp các đối tượng còn đang trong thời hạn bảo hộ.

4. Hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản và là cơ sở pháp lý để xác định nội dung của hợp đồng. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; các hợp đồng mà một bên là tổ chức Nhà nước hoặc Nhà nước góp vốn; các hợp đồng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các hợp đồng thuộc dự án đầu tư do Chính phủ hoặc Bộ kế hoạch Đầu tư quyết định đầu tư phải được Bộ khao học, Công nghệ và Môi trường đầu tư phê  duyệt. Các hợp đồng không thuộc phạm vi phê duyệt nêu trên nhưng có giá trị từ 30.000 USD; hoặc hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam phải đăng ký.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận. Trong trường hợp hợp đồng phải phê duyệt, phải đăng ký thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm phê duyệt, đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng do các bên thoả thuận nhưng tối đa không quá 7 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong trường hợp công nghệ là đối tượng được chuyển giao có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển cuả xã hội hoặc công nghệ được chuyển giao tạo ra hàng hoá thuộc thế hệ mới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể cho phép hợp đồng kéo dài thời hạn nhưng không quá 10 năm, đối với các hợp đồng chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp phải nằm trong phạm vi thời hạn văn bằng bảo hộ có hiệu lực pháp luật./.

 

Chuyên đề 4

CÁC CHẾ ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC XÁC LẬP VÀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚNG

 

Nguyễn Minh Tuấn

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

1. CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CẤP  GIẤY CHỨNG NHẬN BẢN QUYỀN TÁC GIẢ VÀ CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng và là tiền đề cho việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh sự nghiệp công nghiệp, hoá hiện đại hoá để đưa đất nước tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, thì vấn đề bản sắc dân tộc cần phải được giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Kết hợp hai yếu tố: công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bản sắc văn hoá dân tộc sẽ đem đến cho đất nước Việt Nam chúng ta dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Đây chính là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta đang phấn đấu để đạt được. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân, động viên mọi công dân tham gia vào sự nghiệp phát triển văn hoá của dân tộc, tham gia vào nghiên cứu khoa học và tự do kinh doanh. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích và phát triển nhân tài của đất nước. Mặt khác, Nhà nước đã xây dựng những khung pháp lý cơ bản để bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực văn hoá- nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật và sản xuất kinh doanh.

Để tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, cá chủ sở hữu tác phẩm, đồng thời để quản lý tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, Nhà nước quy định các tác giả, các chủ sở hữu các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, các công trình phải đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, viếc các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đăng ký bảo hộ quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm phải chứng minh tác phẩm đó là do mình sáng tạo ra hoặc tác phảm thuộc quyền sở hữu của mình đang bị người khác xâm phạm.

Điều 754 Bộ luật dân sự quy định “Quyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới một hình thức nhất định.

Như vậy, nếu cá nhân sáng tạo ra tác phẩm theo quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự và được thể hiện dưới một hình thức khách quan nhất định, thì cá nhân có quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

Trong thực tiễn, có nhiều tác giả không chuyên nghiệp sáng tạo ra tác phẩm để đáp ứng nhu cầu cầu cá nhân mình, cho nên họ không đăng ký bảo hộ. Chính vì vậy, khi có tranh chấp về quyền tác giả, thì việc thu thập chứng cứ chứng minh tác phẩm đó là của tác giả nào thường gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các tác giả chuyên nghiệp thì việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả dần dần trở thành một nhu cầu đối với tác giả. Trên cơ sở đăng ký bảo hộ quyền tác giả, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bảo hộ quyền tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm có hiệu quả hơn.

Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm muốn đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm phải có đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ theo quy định của Bộ Văn hoá - Thông tin. Người nộp đơn phải xuất trình các tư liệu, giấy tờ cần thiết chứng minh mình là tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và nộp lệ phí theo quy định của nhà nước.

Cục bản quyền tác giả xem xét, thẩm tra nội dung của đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ. Sau khi xem xét, thẩm tra, nếu có đủ các điều kiện, giấy tờ hợp lệ, Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Giấy chứng nhận bản quyền là căn cứ pháp lý để tác giả, chủ sở hữu tác phẩm yêu cầu người có hành vi vi phạm quyền tác giả chấm dứt vi phạm và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm. Xin lỗi, cãi chính công khai, bồi thuờng thiệt hại.

Đối với quyền sở hữu công nghiệp, căn cứ phát sinh quyền của chủ sở hữu, người sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và quyền tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp dựa trên cơ sở văn bằng bảo hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Văn bằng bảo hộ là chứng chỉ duy nhất của Nhà nước xác nhận quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể được cấp văn bằng, quyền của tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và xác nhận khối lượng bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ.

Văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp là văn bằng độc quyền có hiệu lực từ ngày cấp. Đối với nhãn hiệu hàng hoá là giấy chứng nhận đăng ký  nhãn hiệu hàng hoá. Đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá.

Trên đây là những văn bằng bảo hộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá và người được phép sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá.

2. CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN HIỆN VIỆC BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP.

2.1. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc bảo vệ quyền tác giả.

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi cả nước. Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả. Bộ Văn hoá - Thông tin xây dựng các chính sách về bảo hộ quyền tác giả, ban hành các văn bản pháp quy, các Thông tư hướng dẫn thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả. Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm quyền tác giả theo thẩm quyền.

Cục bản quyền tác giả có trách nhiệm giúp Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả có nhiệm vụ:

- Soạn thảo các dự án luật, Pháp lệnh, Nghị định, văn bản pháp quy thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả.

- Đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền tác giả, giấy phép hoạt động nghiệp vụ dịch vụ bản quyền tác giả.

- Hướng dẫn Sở Văn hoá - Thông tin trong việc quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả ở địa phương. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả.

Sở Văn hoá - Thông tin giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện pháp luật bảo hộ quyền tác giả tại địa phương. Sở Văn hoá - Thông tin trực tiếp hướng dẫn cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ quyền tác giả và giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả ở địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình. Để giúp cho Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện nhiệm vụ của mình, thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giải quyết tranh chấp, vi phạm quyền tác giả. Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin có quyền quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.

Ngoài các cơ quan chuyên ngành thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả, các cơ quan quản lý thị trường có quyền xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, tranh, ảnh, lịch...

Lực lượng Biên phòng, Hải quan có quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý xuất khẩu, nhập khẩu phim , băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, sách, báo, tranh, ảnh, lịch...

Mục đích của việc xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền tác giả, vi phạm chế độ quản lý nhà nước trong các hoạt đọng kinh doanh các sản phảm văn hoá nhằm bảo vệ các quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm  và đưa các hoạt động kinh doanh các sản phẩm văn hoá - nghệ thuật vào trật tự nhất định.

2.2. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền sở hữu công nghiệp.

2.2.1. Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp.

Hoạt động sở hữu công nghiệp là hành vi của cá nhân, tổ chức liên quan đến việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động sở hữu công nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về sở hữu công nghiệp. Để giúp cho Chính phủ thực hiện tốt việc quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp trong phạm vi toàn quốc, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định pháp luật của Nhà nước về sở hữu công nghiệp và thống nhất quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong phạm vi cả nước.

Cục sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công  nghệ và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp cấp văn bằng bảo hộ cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục đình chỉ, huỷ bỏ, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương và các sở...

Các cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tổ chức chỉ đạo và quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành và địa phương. Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ và môi trường của ngành, địa phương giúp lãnh đạo ngành và địa phương thực hiện các chức năng quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành và địa phương.

Các Bộ như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Tổng cục hải quan trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, chỉ dạo và quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp trong ngành mình quản lý.

Các cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan cảnh sát, cơ quan hải quan và cơ quan quản lý thị trường trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 11, 12 của Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999.

2.2.2. Các cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn, bởi vì quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức đã dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá đến tiêu thụ sản phẩm và trong xuất nhập khẩu hàng hoá... Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các cá nhân và tổ chức được thực hiệ thông qua các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu công nghiệp và qua việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp tại Toà án.

Điều 804 Bộ luật dân sự quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sau:

1-    “Người nào sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác trong thời hạn bảo hộ mà không xin phép chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

2-    Khi quyền sở hữu công nghiệp bị xâm phạm thì chủ sở hữu công nghiệp bị xâm phạm có quyền quy định tại điểm  c, khoản 1, Điều 796”.

Trường hợp xảy ra các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 805 Bộ luật dân sự thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi vi phạm quyền sở hữu của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

- Sản xuất (chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói) sản phẩm, bộ phận của sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.

- Áp dụng quy trình đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích.

- Khai thác sản phẩm, bộ phận sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích.

- Đưa vào lưu thông (bán, vận chuyển), quảng cáo nhằm để bán, chào hàng, tàng trữ để bán các sản phẩm, bộ phận sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích, hoặc được sản xuất theo quy trình đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích.

- Nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm, bộ phận của sản phẩm đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình đang được bảo hộ là sáng chế, giải pháp hữu ích.

- Nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đưa vào lưu thông, quảng cáo nhằm để bán, chào bán, tàng trữ để bán các sản phẩm sau:

+ Sản phẩm, bộ phận của các sản phẩm có hình dáng bên ngoài được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp hoặc có chứa một hoặc các bộ phận là thành phần tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ.

+ Sản phẩm, bộ phận của các sản phẩm mang dấu hiệu hoặc có bao bì mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá đang được bảo hộ cho hàng hoá cùng loại hoặc tương tự với sản phẩm đó, kể cả trường hợp dùng tên gọi xuất xứ hàng hoá dịch sang ngôn ngữ khác hoặc kèm theo các từ “loại”, “kiểu”, “phỏng theo”.

+ Gắn lên sản phẩm, bao bì sản phẩm dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá được bảo hộ cho dịch vụ cùng loại hoặc tương tự với sản phẩm đó.

- Tiến hành dịch vụ dưới tên gọi, biểu tượng hoặc gắn trên phương tiện dịch vụ dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu dịch vụ được bảo hộ cho dịch vụ cùng loại hoặc tương tự với dịch vụ đó.

Trường hợp chủ sở hữu công nghiệp (chủ văn bằng bảo hộ, bên cạnh nhận chứng nhận trong giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp) phát hiện cá nhân, tổ chức thực hiẹn một trong các hành vi vi phạm như trên để nhằm mục đích kinh doanh, thì có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp buộc người có hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cơ quan thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đó (theo Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000).

Nếu trong khi thi hành công vụ, mà thnah tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp, cơ quan công an, cơ quan hải quan và cơ quan quản lý thị trường phát hiện được các hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu công nghiệp, thì các cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 12 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999).

Đối với những trường hợp vi phạm hành chính về quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại thì cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu công nghiệp đối với những đối tượng trên bị xâm  phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo hộ sở hữu công nghiệp có tính chất nghiêm trọng như quy mô lớn (quy mô về sản xuất, số lượng và giá trị hàng xâm phạm), vi phạm gây hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, tái phạm nhiều lần, nếu xét thấy vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự (tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) thì người có hành vi vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu, thì người chủ hữu công nghiệp có quyền khởi kiện đến Toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Toà án áp dụng những quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết tranh chấp.

Như vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của chủ văn bằng bảo hộ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà pháp luật cho phép để chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời cho phép chủ sở hữu công nghiệp kiện đến Toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP.

3.1. Cơ quan giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp vè quyền tác giả.

Tác giả là cá nhân trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền nhân thân, quyền tài sản được quy định tại Điều 751 Bộ luật dân sự. Tác giả không đồng thời là chủ tác phẩm có các quyền quy định tại Điều 752 Bộ luật dân sự. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị người khác xâm phạm quyền tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm, có quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Cá nhân là tác giả, đồng tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm.

Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hoá- Thông tin xem xét thẩm tra nội dung đơn và cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả nếu người nộp đơn không có đủ điều kiện, giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, người nộp đơn có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.

Trường hợp Cục bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền cho cá nhan, tổ chức mà không đúng là tác giả, là chủ sở hữu tác phảm thì cá nhân, tổ chức là tác giả, là chủ sở hữu tác phẩm  có quyền khiếu nại quyết định của Cục bản quyền tác giả. Nếu không đồng ý với ý kiến trả lời cục bản quyền tác giả, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.

Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khi bị cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của mình có thể yêu cầu thanh tra chuyên ngành Văn hoá - Thông tin giải quyết tranh chấp.

Những hành vi sau đây được tiến hành mà không được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm được coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả.

- Công bố, phổ biến tác phẩm, biểu diễn tác phẩm sân khấu. Phát sóng bộ phim, băng hình, ghi âm, ghi hình hoặc trực tiếp phát sóng từ nơi đang biểu diễn nhằm mục đích kinh doanh.

- Thêm, bớt, sửa chữa nội dung tác phẩm.

- Làm giả tác phẩm tạo hình để bán hoặc dùng riêng.

- Sao chép nội dung tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình.

- Nhân bản, lắp ghép chương trình phát thanh, truyền hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng nhạc, đĩa nhạc, băng đĩa hình, bộ phim, phần mềm máy tính để kinh doanh.

- Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển tác phẩm.

Khi phát hiện các hành vi như trên, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm  và áp dụng các hình thức cưỡng chế buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả chấm dứt hành vi vi phạm. Hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trường hợp thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin đã giải quyết tranh chấp về quyền tác giả mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin thì có quyền khiếu kiện theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu toà án xét xử.

Từ năm 1995 đến năm 1999 Toà án nhân dân mới xét xử 8 vụ tranh chấp về quyền tác giả. Chủ yếu tập trung ở TAND thành phố Hà Nội và TAND thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thực tế, có rất nhiều vụ vi phạm quyền tác giả nghiêm trọng như sao chép nguyên sách nước ngoài để bán trên thị trường Việt Nam, tái bản sách không trả tiền nhuận bút cho tác giả, biểu diễn nghệ thuật, biễu diễn ca nhạc không trả tiền thù lao cho tác giả hoặc sang băng nhạc, băng hình, đĩa CD trái phép, hành vi vi phạm xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với các mức độ vi phạm khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không khởi kiện đến Toà án nhân dân vì nhiều nguyên nhân như:

+ Tiền bồi thường htiệt hại do xâm phạm quyền tác giả còn ít.

Hiện nay, Nhà nước chưa quản lý được một cách có hiệu quả các hoạt động xuất bản, thu băng, thu hình vì các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các tổ chức. Đặc biệt là số luợng phát hành sách, băng, đĩa hình và doanh thu các buổi biểu diễn. Vì các tổ chức này có nhiều cách để giấu doanh thu mà cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá thông tin không phát hiện được  hoặc phát hiện được nhưng không có đủ cơ sở để tính toán doanh thu và lợi nhuận mà các tổ chức này thu được. Cho nên việc tính toán thiệt hại không chính xác, đầy đủ và việc bồi thường thiệt hại chỉ là tượng trưng.

+ Hệ thống pháp luật về quyền tác giả chưa hoàn chỉnh, còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

Hiện nay mới có 2 văn bản hướng dẫn thi hành các quy định về quyền tác giả, Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự và Thông tư số 66/1998/TT-BTC ngày 19-12-1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu lệ phí đăng ký quyền tác giả. Những văn bản này hướng dẫn một cách chung chung, cho nên khi áp dụng giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo được quyền lợi của tác giả, của chủ sở hữu tác phẩm.

3.2.  Giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp.

3.2.1. Thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại các quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Người nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ có quyền khiếu nại việc từ chối nhận đơn hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận đơn khiếu nại, Cục sở hữu công nghiệp có ý kiến trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại. Trường hợp không đồng ý với ý kiến trả lời của Cục sở hữu công nghiệp, người khiếu nại có quyền khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc khởi kiện theo thủ tục hành chính. Như vậy, pháp luật quy định người khiếu nại được phép lựa chọn một trong hai phương thức trên. Nếu người khiếu nại tiếp tục khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải thông báo kết quả giải quyết khiếu nại.

Trường hợp người khiếu kiện khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền về quyết định của Cục sở hữu công nghiệp thì Toà án sẽ tiến hành giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

+ Bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền yêu cầu Cục sở hữu công nghiệp đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ (Điều 28, 29 Nghị định 63/CP).

Nếu người khiếu nại không đồng ý với ý kiến giải quyết của Cục sở hữu công nghiệp thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc khởi kiện theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Theo thống kê của Cục sở hữu công nghiệp năm 1998: từ năm 1992 đến năm 1998 có 1490 đơn khiếu nại về việc cấp văn bằng bảo hộ. Riêng năm 1998 có 393 vụ và chủ yếu khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá (372 vụ trên tổng 393 vụ năm 1998). Từ năm 1992 đến năm 1998 có 679 vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (riêng năm 1998 có 219 vụ trong tổng số 239 vụ vi phạm). Theo những số liệu trên thì những tranh chấp về sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng. Những tranh chấp này xảy ra do nhiều nguyên nhân và nguyên nhân chủ yếu là cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp sản xuất không hiệu quả nhằm thu lợi bất chính và gây thiệt hại về tài sản và uy tín cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật.

3.2.2. Thẩm  quyền giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp

Điều 805 Bộ luật dân sự quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Khi phát hiện thấy có hành vi xâm phạm, chủ sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành về sở hữu công nghiệp thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp vụ việc vi phạm quy định về bảo hộ quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu có tranh chấp về khoản bồi thường thiệt hại trên mức 1.000.000 đồng, thì chủ sở hữu công nghiệp khởi kiện theo thủ tục hành chính để yêu cầu bồi thường thiệt hại (mục 17 Thông tư 825/2000/TT- BKHCNMT). Như vậy, nếu có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì cơ quan thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp sẽ xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp có quyền giải quyết tranh chấp về mức bồi thường thiệt hại dưới 1.000.000 đồng.

Trường hợp phát hiện thấy hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp áp dụng hình thức cưỡng chế buộc người có hành vi xâm phạm  phải chấm dứt hành vi trái pháp luật đó hoặc chủ sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu Toà án xét xử.

Khi xét xử hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Toà án nhân dân cần phải xem xét các yếu tố như:

- Phải có hành vi sử dụng các đối tượng được Nhà nước bảo hộ. Các hành vi này được quy định tại Điều 805 Bộ luật dân sự.

- Hành vi sử dụng các đối tượng là trái với pháp luật: chỉ có chủ văn bằng mới có quyền chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc chuyển giao quyền sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền “Li xăng không tự nguyện”. Ngoài các trường hợp trên, việc sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu công nghiệp đều bị coi là trái pháp luật.

- Hành vi sử dụng xảy ra trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ.

Khi giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, Toà án yêu cầu các đối tượng phải chứng minh các yêu cầu của mình, Toà án có thể yêu cầu các đương sự cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình cung cấp chứng cứ. Nếu xét thấy cần thiết thì Toà án sẽ trưng cầu giám định. Toà án có quyền quyết định các biện pháp khẩn cấp tạm thời như buộc bên vi phạm phải chấm dứt việc vi phạm, kê biên hàng hoá phạm pháp hoặc tạm giữ tài sản để đảm bảo cho việc bồi thường.

Người bị thiệt hại (chủ sở hữu công nghiệp) có quyền đề nghị Toà án nhân dân buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình. Mức bồi thường thiệt hại được căn cứ vào thiệt hại thực tế của chủ sở hữu công nghiệp, hoặc lợi nhuận thu được từ hành vi trái pháp luật.

Từ năm 1995 đến năm 1997 Toà án nhân dân đã thụ lý và giải quyết 18 vụ tranh chấp về quyền sỏ hữu công nghiệp. Riêng Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh từ 1-7-1996 đến 1-7-1999 đã thụ lý và xét xử 14 vụ. Đáng chú ý là 6 tháng đầu năm 1999 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không thụ lý, giải quyết được vụ án nào về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều này có thể lý giải bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ nhất, đây là những tranh chấp dân sự, do vậy các đương sự phải tự chứng minh các hành vi xâm phạm và mức bồi thường thiệt hại về vật chất. Nhưng đối với các doanh nghiệp thì không có quyền điều tra, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu thập chứng cứ. Vì vậy, không thể tự mình chứng minh được hành vi xâm phạm cũng như mức độ nghiêm trọng của các hành vi đó.

Thứ hai, vấn đề xác định mức độ thiệt hại trong việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp rất khó khăn, vì chính các doanh nghiệp bị thiệt hại và doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền sỏ hữu công nghiệp không thực hiện đúng chế độ tài chính, kế toán do Nhà nước quy định, cho nên không có cơ sở để xác định mức độ thiệt hại hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp vi phạm đã thu được.

Thứ ba, pháp luật về sở hữu công nghiệp của Nhà nước chưa hoàn chỉnh cho nên cơ sở pháp lý để xác định các hành vi vi phạm cụ thể gặp nhiều khó khăn dẫn đến vụ kiện kéo dài mà không giải quyết được gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Thực tế hiện nay, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với mức độ và quy mô khác nhau. Đặc biệt nghiêm trọng là nạn làm hàng giả có xu hướng ngày gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Hàng giả bao bao gồm nhiều loại hàng hoá từ rẻ tiền đến đắt tiền, từ hàng nội đến hàng ngoại nhập. Đặc biệt nguy hại đến nền kinh tế và sức khoẻ của nhân dân đó là các loại hàng giả là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh và thực phẩm.

Đối với những cá nhân, doanh nghiệp sản xuất hàng giả chỉ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì không có tác dụng trong việc ngăn chặn nạn làm hàng giả. Bởi vì khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính thì số tiền phạt là rất nhỏ so với lợi nhuận mà người vi phạm thu được từ việc làm hàng giả.

Nạn làm hàng giả có chiều hướng gia tăng nhất là các dịp lễ hội lớn, ngày tết, nó gây thiệt hại về kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Như vậy, Nhà nước cần phải có nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn làm hàng giả.

4. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP.

4.1. Thực trạng hoạt động của các cơ quan bảo hộ quyền tác giả.

Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả phát sinh từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

Như vậy, đối với những tác phẩm không đăng ký bảo hộ, khi có hành vi vi phạm, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có nghĩa vụ chứng minh tác phẩm đó do mình sáng tạo ra hoặc thuộc quyền sở hữu của mình.

Đối với những tác phẩm mà tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ mà Cục bản quyền tác giả từ chối cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền khiếu nại Cục bản quyền tác giả về việc Cục bản quyền tác giả từ chối cấp giấy chứng nhận quyền tác giả theo Luật khiếu nại, tố cáo.

Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền khiếu nại về quyết định cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho cá nhan, tổ chức không phải là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Trường hợp tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đồng ý với ý kiến giải quyết của Cục bản quyền tác giả, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin hoặc khởi kiện đến Toà hành chính có thẩm quyền yêu cầu xét xử. Những năm gần đây, các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đã chú ý đến việc đăng ký quyền tác giả. Từ năm 1988 đến năm 1998 có 2253 lượt tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền cho 10.353 tác phẩm. Xét về số lượng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và số lượng tác phảm đăng ký bảo hộ không nhiều lắm nhưng so sánh từng năm thì số lượng tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, số lượng tác phẩm đăng ký tăng dần. Điều này chứng tỏ cá nhân và tổ chức đã ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền tác giả.

Ở nước ta, các tranh chấp về quyền tác giả có chiều hướng gia tăng. Tính đến thời điểm  này, Cục bản quyền tác giả đã giải quyết hàng trăm đơn khiếu nại của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Khi nhận được đơn khiếu nại của tổ chức, cá nhân, Cục bản quyền tác giả xem xét nội dung đơn và có công văn thông báo khiếu nại đến cá nhân, tổ chức vi phạm quyền tác giả và có yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Có nhiều vụ, Cục bản quyền tác gỉa phối hợp với thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin và các cơ quan hữu quan hoà giải thành cá tranh chấp.

Đối với các vụ kiện về vi phạm quyền tác giả, trường hợp có công văn yêu cầu xác định hành vi vi phạm, Cục bản quyền tác giả xem xét hành vi vi phạm và kết luận gửi Toà án nhân dân. Trên cơ sở kết luận đó Toà án nhân dân giải quyết vị kiện. Theo chức năng, nhiệm vụ, Cục bản quyền tác giả là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến quyền tác giả. Cục bản quyền tác giả không trực tiếp giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả. Các vi phạm về quyền tác giả do thanh tra ngành văn hoá thông tin giải quyết. Khi phát hiện được hành vi vi phạm, người bị vi phạm có quyền yêu cầu thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin áp dụng các biện pháp cưỡng chế buộc chấm dứt các hành vi vi phạm và xử phạt hành chính theo thẩm quyền chung.

Hiện nay, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả chưa được ngăn chặn, đặc biệt là các hoạt động biểu diễn âm nhạc: không thanh toán thù lao, tiền thù lao, nhuận bút cho tác giả (nhạc sĩ) kéo dài trong nhiều năm gây bất bình cho giới nhạc sĩ.

Các chương trình ca nhạc, sân khấu do các hãng băng đĩa phát hành bị sao chép tràn lan gây thiệt hại cho các nhà sản xuất hoặc các nhà sản xuất bán ra thị trường băng nhạc, băng hình không trả đầy đủ tiền nhuận bút cho tác giả.

Tình trạng in lậu sách, dặc biệt là sách giáo khoa, cơ quan chức năng của Nhà nước không kiểm soát được hoặc trên thị trường xuất hiện rất nhiều sách, tài liệu photocopy bán cho người tiêu dùng với giá rẻ làm thiệt hại cho các nhà xuất bản.

Những hành vi xâm phạm quyền tác giả như trên xảy ra ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin chưa tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trung ương các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn xâm phạm quyền tác giả.

Hiện nay, những vụ tranh chấp về quyền tác giả giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự còn rất ít. Trong 3 năm (1995-1998) Toà án nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương xét xử 8 vụ tranh chấp quyền tác giả và tập trung ở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngược lại, các vụ tranh chấp quyền tác giả thường do các bên thoả thuận giải quyết và các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không khởi kiện đến Toà án nhân dân do nhiều nguyên nhân trong đó có một số nguyên nhân như sau:

- Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đăng ký quyền tác giả, cho nên viẹc chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm gặp nhiều khó khăn.

- Các quy định pháp luật về quyền tác giả chưa rõ ràng, do vậy khó xác định được hành vi vi phạm và mức độ vi phạm quyền tác giả.

- Tiền bồi thường thiệt hại về danh dự, uy tín, thiệt hại về vật chất không xác định được chính xác, cho nên tiền bồi thường còn quá thấp.

Khi có tranh chấp về quyền tác giả, các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp, trường hợp này phần nào đáp ứng nhu cầu của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nhưng không hạn chế tình trạng vi phạm quyền tác giả và không hạn chế được hành vi vi phạm Luật xuất bản, Luật báo chí. Mặt khác, Nhà nước không kiểm  soát được các hoạt động văn hoá nghệ thuật và xuất bản. Vì vậy, các hành vi vi phạm quyền tác giả không những vi phạm quyền dân sự của cá nhân, tổ chức mà còn vi phạm hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật và nghiên cứu khoa học.

Để góp phần vào việc bảo hộ quyền tác giả được tốt hơn, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về quyền tác giả.

4.2. Thực trạng hoạt động của các cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Trong xu thế hội nhập với khu vực và thế giới thì vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mang tính toàn cầu, nó không giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không những gây thiệt hại về uy tín, tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia.

Để tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và hội nhập với các tổ chức khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á Thái Bình Dương (APEC), Nhà nước ta cần phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam theo quy định trong Hiệp định (TRIPS). Đồng thời cần phải hoàn thiện hệ thống cơ quan thực hiện quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Theo số liệu thống kê về hoạt động sở hữu công nghiệp của Cục sở hữu công nghiệp thì số đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người Việt Nam và người nước ngoài từ năm 1990 đến năm 1999 tăng lên rõ rệt: năm 1990 tổng số đơn yêu cầu bảo hộ là 1825; năm 1999 tổng số đơn là 6385.

Xét về tổng thể hàng năm số đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tăng lên đều. Tuy nhiên, năm 1999 số đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người nước ngoài giảm vì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 1999 giảm so với những năm trước. Ngược lại, trong tổng số 6385 đơn nộp trực tiếp tại Cục sở hữu công nghiệp, số đơn của người Việt Nam là 3336 đơn, tăng 28% so với năm 1998. Đây là năm đầu tiên số đơn của người Việt Nam vượt hơn so với đơn của người nước ngoài. Điều này phần nào chứng tỏ rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý giữ gìn và phát huy uy tín của mình đối với khách hàng, dần dần chiếm lĩnh được lòng tin của người Việt Nam với hàng Việt Nam.

Như vậy, đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tăng lên hàng năm, thì đơn khiếu nại liên quan đến việc chấp nhận đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ cũng tăng dần và tập trung chủ yếu vào đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá.

Năm 1998 số đơn khiếu nại liên quan đến liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá là 372 đơn, năm 1999 là 306 đơn. Số đơn khiếu nại đã được Cục sở hữu công nghiệp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải quyết theo đúng luật. Riêng có một trường hợp Cục sở hữu công nghiệp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho một doanh nghiệp bị khởi kiện đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục tố tụng hành chính. Đây là lần đầu tiên Toà án nhân dân xét xử một vụ kiện liên quan đến quyết định của Cục sở hữu công nghiệp. Kết quả Toà án nhân dan thành phố Hồ Chí Minh bác đơn khiếu nại của doanh nghiệp, giữ nguyên quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, khi chủ văn bằng bảo hộ phát hiện có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, có những trường hợp người khiếu nại nộp đơn trực tiếp đén Cục sở hữu công nghiệp yêu cầu có hành vi can thiệp. Trên cơ sở khiếu nại đó, Cục sở hữu công nghiệp xem xét hành vi bị khiếu nại có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp hay không. Nếu hành vi vi phạm thì Cục sở hữu công nghiệp gửi cho người vi phạm thông báo về đơn khiếu nại và nội dung kết luận của mình và yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Trong trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc theo yêu cầu của chủ văn bằng bảo hộ, Cục sở hữu công nghiệp gửi công văn cho các cơ quan thi hành pháp luật như thanh tra chuyên ngành sở công nghiệp, công an kinh tế, hải quan để các cơ quan này xử lý thích hợp hành vi vi phạm... Năm 1999 Cục sở hữu công nghiệp đã tiếp nhận 151 đơn khiếu nại về vi phạm sở hữu công nghiệp. Như vậy, xét về chức năng thì Cục sở hữu công nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động sở hữu công nghiệp về sở hữu công nghiệp. Vì vậy, Cục sở hữu công nghiệp không trực tiếp xử lý các hành vi vi phạm như phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp hoặc quyết định tịch thu tang vật vi phạm, buộc phải bồi thường thiệt hại.

Để thực hiện tốt việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Nhà nước cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp của thanh tra chuyên ngành về sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó Cục sở hữu công nghiệp cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước, dần dần đưa hoạt động sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức vào một hoạt động nhất định và trở thành nhu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp.

Các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp là những tranh chấp xảy ra giữa chủ sở hữu công nghiệp với người có hành vi vi phạm. Đây là tranh chấp về dân sự (quyền nhân thân và quyền tài sản), người có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp tự ý sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu công nghiệp hoặc người vi phạm sử dụng các đối tượng trùng hoặc tương tự như các đối tượng đã được bảo hộ làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu công nghiệp.

Trong thực tế, có những hành vi vi phạm chưa gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu công nghiệp, trường hợp này chủ sở hữu yêu cầu thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an..., áp dụng các hình thức cướng chế để chấm dứt hành vi vi phạm. Nếu các hành vi vi phạm làm giảm uy tín của chủ sở hữu hoặc gây ra thiệt hại về vật chất, thì chủ sở hữu công nghiệp phải khởi kiện đến Toà án nhân dân yêu cầu bảo hộ.

Tuy nhiên, việc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay gặp một số trở ngại lớn như:

- Các doanh nghiệp không quen khởi kiện vì phải chi phí nhiều.

- Việc xác định thiệt hại chưa đầy đủ, chưa chính xác, do các văn bản hướng dẫn còn thiếu.

- Thời gian giải quyết tranh chấp quá dài ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thẩm phán am hiểu lĩnh vực sở hữu công nghiệp chưa sâu.

Trong 3 năm từ 1-7-1996 đến 1-7-1999 Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết 14 vụ tranh chấp về sở hữu công nghiệp chiếm 0,05%. Như vậy, trong thực tiễn hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp rất nhiều nhưng việc khởi kiện tại Toà án nhân dân rất ít. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống pháp luật về sở hữu công nghiệp của Nhà nước ta chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa bảo vệ được quyền lợi của chủ sở hữu công nghiệp.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là hoạt động thi hành pháp luật về sở hữu công nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn những hành vi kinh doanh bất hợp pháp của cá nhân, tổ chức, chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả và đúng pháp luật./.

 

Chuyên đề 5

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Nguyễn Thái Mai

Khoa PL quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

 

I. ĐIỀU CHỈNH HIỆU QUẢ CÁC QUAN HỆ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI MỘT YÊU CẦU TẤT YẾU KHÁCH QUAN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM

          1. Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.

          Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền dân sự của cá nhân và pháp nhân bao gồm hai lĩnh vực: quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả.

Quyền sở hữu công nghiệp là “quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định” (Điều780 Bộ luật dân sự Việt Nam)

Quyền tác giả là: “quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra” (Điều 750 Bộ luật dân sự Việt Nam)

 Các quan hệ về sở hữu trí tuệ luôn là đối tượng điều chỉnh của mọi hệ thống pháp luật trên thế giới. Ở Việt Nam, các quan hệ về sở hữu trí tuệ phát sinh trong phạm vi lãnh thổ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự, các quan hệ về sở hữu trí tụê phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam hay còn gọi là các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế.

          Căn cứ vào quy định tại Điều 826 Bộ luật dân sự Việt Nam, quan hệ về  quyền sở hữu trí tuệ được gọi là có yếu tố nước ngoài khi có một trong các đặc điểm sau:

- Chủ thể là người nước ngoài, hoặc pháp nhân nước ngoài. Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không có quốc tịch. Pháp nhân nước ngoài là tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật nước ngoài. Ví dụ: công dân Pháp xin cấp Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hoá của mình tại Việt Nam.

-  Sự kiện pháp lý làm phát sinh, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài. Ví dụ: Văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được cấp tại nước ngoài.

- Tµi s¶n lµ ®èi t­îng cña quan hÖ tån t¹i ë n­íc ngoµi. VÝ dô: mét t¸c phÈm v¨n häc nghÖ thuËt ®­îc b¶o hé trªn ph¹m vi l·nh thæ n­íc nµy nh­ng l¹i bÞ sö dông trªn ph¹m vi l·nh thæ n­íc kh¸c.

- XuÊt ph¸t tõ tÝnh chÊt, ®Æc ®iÓm cña c¸c quan hÖ thuéc quyÒn së h÷u trÝ tuÖ, ®Æc biÖt lµ tÝnh chÊt l·nh thæ cña c¸c quan hÖ nµy nªn khi xuÊt hiÖn kh«ng lµm ph¸t sinh hiÖn t­îng xung ®ét ph¸p luËt - mét hiÖn t­îng phæ biÕn cña T­ ph¸p quèc tÕ. Tõ ®ã viÖc ®iÒu chØnh c¸c quan hÖ vÒ së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi kh«ng ph¶i ®Ó gi¶i quyÕt xung ®ét ph¸p luËt mµ ®Ó ng¨n chÆn c¸c hµnh vi vi ph¹m quyÒn së h÷u trÝ tuÖ, b¶o ®¶m c¸c quyÒn vµ lîi Ých hîp ph¸p cho c¸c chñ thÓ n­íc ngoµi, thóc ®Èy sù ph¸t triÓn cña v¨n häc nghÖ thuËt vµ khoa häc, gãp phÇn t¨ng c­êng sù hiÓu biÕt vµ hîp t¸c gi÷a c¸c quèc gia trong lÜnh vùc së h÷u trÝ tuÖ.

               Trªn thÕ giíi c¸c quan hÖ vÒ së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi th­êng ®­îc ®iÒu chØnh bëi hai c¸ch thøc:

- C¸c quèc gia tham gia vµ ký kÕt c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ song ph­¬ng vµ ®a ph­¬ng.

- C¸c quèc gia ban hµnh c¸c quy ph¹m ph¸p luËt trong hÖ thèng ph¸p luËt cña quèc gia m×nh.

 Tại bài viết này chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu, phân tích một số các quy định cơ bản được quy định trong pháp luật Việt Nam về điều chỉnh các quan hệ sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.

2. Vai trò - ý nghĩa của việc điều chỉnh các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

a) Sự tồn tại tất yếu khách quan của các quan hệ sớ hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. 

Thi hành chính sách mở cửa “phát triển các hình thức quan hệ kinh tế  với mọi quốc gia, mọi tổ chức quốc tế trên nguyên tắc độc lập chủ quyền cùng có lợi” (Điều 24 Hiến pháp 1992), cùng với các quan hệ khác các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua phát sinh ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau: các quan hệ về quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học; các tác phẩm điện ảnh; các tác phẩm VIDEO… Đặc biệt trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, số đơn của người nước ngoài xin bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của họ tại Việt Nam ngày càng tăng. Điều này được chứng minh bằng số liệu thực tế sau1: Số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nộp trực tiếp cho Cục sở hữu công nghiệp của người nước ngoài năm 1990 là 640 đơn chiếm 35%; năm 1992 là 3086 chiếm hơn 56% đơn; năm 1993 là 4130 đơn chiếm hơn 56%; năm 1995 là 4222 đơn chiếm hơn 56%; năm 1997 là 4598 đơn chiếm hơn 63%. Theo dự tính của Cục sở hữu công nghiệp số đơn trên sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc ban hành các quy phạm pháp luật để  điều chỉnh các quan hệ trên là hết sức cần thiết.     

       b. Điều chỉnh hiệu quả các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài có một vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như đối với quá trình hội nhập của Việt Nam vào khu vực và vào cộng đồng quốc tế.

        Vai trò ý nghĩa đó được thể hiện ở những nội dung sau:

          * Bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến vào Việt Nam. Từ năm 1986, sau khi nhà nước ta thi hành chính sách mở cửa cùng với phương châm "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả", các chủ thể nước ngoài vào Việt Nam để làm ăn, buôn bán ngày càng gia tăng. Khi vào Việt Nam làm ăn buôn bán, vấn đề mà các chủ thể này quan tâm là đòi hỏi sự bảo hộ của nhà nước Việt Nam đối với quyền sở hữu trí tuệ của họ và họ được “độc quyền” sử dụng đối với các đối tượng đó. Một khung pháp luật ổn định để bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là “lực hút” rất lớn để lôi cuốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn và công nghệ mới vào Việt Nam.

*  Nâng cao uy tín, địa vị của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

               Së h÷u trÝ tuÖ hiÖn nay ®ang lµ vÊn ®Ò mang tÝnh chÊt toµn cÇu, vµ ®­îc xem lµ mét lo¹i “tµi s¶n quý b¸u” chung cña loµi ng­êi. RÊt nhiÒu §iÒu ­íc quèc tÕ ®a ph­¬ng, song ph­¬ng ®· ®­îc ký kÕt gi÷a c¸c quèc gia trªn thÕ giíi ®Ó thiÕt lËp mét khung ph¸p lý quèc tÕ b¶o vÖ ®èi víi lo¹i “tµi s¶n” ®Æc biÖt ®ã. Lµ mét quèc gia cã chñ quyÒn, lu«n t«n träng c¸c nguyªn t¾c c¬ b¶n cña luËt quèc tÕ hiÖn ®¹i, ViÖt Nam kh«ng thÓ ®i ng­îc l¹i quy luËt ph¸t triÓn chung cña thÕ giíi. Th«ng qua c¸c quy ®Þnh vÒ b¶o hé quyÒn së h÷u trÝ tuÖ nãi chung vµ quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi nãi riªng, ViÖt Nam ®· kh¼ng ®Þnh quyÕt t©m héi nhËp vµo khu vùc, vµo céng ®ång quèc tÕ cña ViÖt Nam, n©ng cao uy tÝn ®Þa vÞ cña ViÖt Nam trong céng ®ång quèc tÕ.

* Bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, không chỉ là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam mà thông qua đó còn bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Khi quyền sở hữu trí tuệ của công dân và của pháp nhân Việt Nam được bảo hộ tại nước ngoài, tức là đã khẳng định được ưu thế của Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài đó. Ví dụ: Một nhãn hiệu hàng hoá có nguồn gốc từ Việt Nam, khi nhãn hiệu đó được bảo hộ ở nước ngoài, thì có nghĩa là nhà  nước Việt Nam đã khẳng định tính độc quyền của Việt Nam trong việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó, bảo hộ được các mặt hàng được sản xuất mang nhãn hiệu từ Việt Nam. Điều này không những bảo hộ trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của chủ văn bằng bảo hộ là công dân, pháp nhân Việt Nam và còn bảo vệ được các quyền và lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế.

          Ngoài các ý nghĩa chính trên, việc ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài còn thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự sáng tạo ra các công nghệ mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật mà trực tiếp là hoàn thiện ngành luật Tư pháp quốc tế - một ngành luật có chức năng chính là điều chỉnh các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.

Từ thực tiễn phát triển của các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài cũng như từ vai trò, ý nghĩa của việc điều chỉnh hiệu quả các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, việc ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đó là không thể thiếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là một nội dung quan trọng của pháp luật nói chung và pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng tại Việt Nam.

3. Quá trình  điều chỉnh các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

a) Ở Việt Nam, phát triển khoa học kỹ thuật luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam, các quyền về sáng tạo của con người đều được Hiến pháp ghi nhận là một quyền quan trọng của công dân (Điều 13 Hiến pháp 1946, Điều 34 Hiến pháp 1959, Điều 72 Hiến pháp 1980, Điều 60 Hiến pháp 1992). Bên cạnh đó, tại các văn bản pháp luật của Việt Nam đều ghi nhận: khi người nước ngoài làm ăn sinh sống tại Việt Nam, Nhà nước Việt Nam sẽ dành cho họ các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam. (Điều 81 Hiến pháp 1992; Điều 830, Điều 831 Bộ luật dân sự Việt Nam ). Từ  các quy định trên cho thấy: ở Việt Nam quyền sở hữu trí tuệ của công dân và pháp nhân nói chung và của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài nói riêng luôn được ghi nhận là một quyền quan trọng của con người và được pháp luật bảo vệ.

          b) Trước khi Bộ luật dân sự được ban hành việc điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam được quy định trong các  bản các văn bản pháp luật quan trọng về sở  hữu trí tuệ.

          * Về quyền tác giả. Văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam đề cập đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật khoa học và kỹ thuật của Việt Nam là Nghị định 142/HĐBT ngày 14-11-1986 của Hội đồng Bộ trưởng. Đây cũng là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam quy định nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài. Tại khoản 3, 4 Điều 3 của Nghị định 142/HĐBT ngày 14-11-1986 quy định "Tác giả Việt Nam có tác phẩm, công trình chưa công bố trong nước mà được sử dụng lần đầu tiên bất cứ dưới hình thức nào ở nước ngoài, được hưởng quyền tác giả ở nước sử dụng tác phẩm đó.

 Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình chưa công bố ở nước mình mà được sử dụng lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam thì được hưởng quyền tác giả như một tác giả Việt Nam”.

 “Việc bảo hộ các tác phẩm, công trình của người nước ngoài được sử dụng ở Việt Nam dựa trên cơ sở những Hiệp định về quyền tác giả mà Việt Nam tham gia ký kết".

          Với quy định trên quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài sẽ được bảo hộ tại Việt Nam khi:

          + Có tác phẩm được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam.

          + Họ là công dân của các nước đã ký kết các Hiệp định về quyền tác giả với Việt Nam.

          Riêng đối với công dân Việt Nam sẽ được hưởng quyền tác giả ở nước ngoài khi có tác phẩm chưa công bố ở trong nước mà lần đầu tiên công bố ở nước ngoài.

Các quy định về bảo hộ về quyền tác giả có yếu tố nước ngoài trong Nghị định 142/HĐBT đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi về lĩnh vực quyền tác giả giữa Việt Nam với các nước và làm cho hoạt động này có thể hoà nhập được với các nước, các tổ chức quốc tế trong giai đoạn này.  

Sau khi Nghị định 142/HĐBT hết hiệu lực và được thay thế bằng Pháp lệnh về bảo hộ quyền tác giả do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 2-12-1994, các quy định về bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài tiếp tục được ghi nhận trong văn bản pháp luật mới này. Điều 3 của Pháp lệnh quy định “Nhà nước bảo hộ đối với các tác phẩm của tác giả nước ngoài chưa được công bố mà lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam hoặc được công bố ở Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên ở nước khác không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú của tác giả.

Tác phẩm của các tác giả nước ngoài đã công bố ở nước ngoài được phổ biến tại Việt Nam được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”.

Như vậy các quy định trên về cơ bản có nội dung tương tự như quy định của Nghị định 142/HĐBT. Ngoài ra, tại Điều 37 của Pháp lệnh có bổ sung thêm trường hợp về quyền của người biểu diễn, tổ chức sản xuất âm thanh, đĩa âm thanh, chương trình phát thanh của các chủ thể nước ngoài khi được công bố phổ biến tại Việt Nam. Theo quy định này các quyền trên của người nước ngoài sẽ được Nhà nước Việt Nam bảo hộ theo các điều ưóc quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các quy định trong Pháp lệnh là cơ sở pháp lý chủ yếu để triển khai các  hoạt động về bảo hộ quyền tác giả cho mọi chủ thể tại Việt Nam trong đó bao gồm cả các chủ thể nước ngoài cho tới khi Bộ luật dân sự được ban hành.

 * Về quyền sở hữu công nghiệp: Nghị định 31/CP ngày 23-1-1981 về sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế là văn bản đầu tiên  của Việt Nam trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Các quy định trong Nghị định đã bước đầu tạo ra một nền tảng pháp lý để triển khai hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ thể trong đó bao gồm cả các chủ thể nước ngoài tại Việt Nam.

Sau sự ra đời của Nghị định 31/CP, hàng loạt các Nghị định khác của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã được ban hành để bảo hộ các đối tượng khác của quyền sở hữu công  nghiệp:

-  Nghị định 197-HĐBT ngày 14-12-1982 về nhãn hiệu hàng hoá.

-  Nghị định 85-HĐBT ngày 13-05-1985 về kiểu dáng công nghiệp.

-  Nghị định 2000-HĐBT ngày 28-12-1988 về giải pháp hữu ích.    

           Ngày 11-2-1989, với mục đích nâng cao hiệu lực pháp lý của hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh công bố “Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp”. Việc ban hành Pháp lệnh đã đánh dấu một bước phát triển mới và quan trọng của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Nội dung của Pháp lệnh, bên cạnh các quy định về xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung đã ghi nhận nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh các quan hệ về sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài. Cụ thể Điều 3 của Pháp lệnh quy định:

"Quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức cá nhân nước ngoài cũng được bảo hộ theo Pháp lệnh này phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại".

               Víi quy ®Þnh trªn, quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp cña ng­êi n­íc ngoµi vµ ph¸p nh©n n­íc ngoµi sÏ ®­îc b¶o hé t¹i ViÖt Nam trong hai ®iÒu kiÖn:

- Là công dân, pháp nhân của các nước đã ký kết Điều ước quốc tế với Việt Nam.

- Là công dân, pháp nhân của nước cùng Việt Nam áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

 Để hướng dẫn thực hiện các quy định của Pháp lệnh, ngày 20-3-1990 Hội đồng bộ trưởng (nay Chính phủ) đã ban hành Nghị định 84-HĐBT về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về sáng chế; về nhãn hiệu hàng hoá; về kiểu dáng công nghiệp; về giải pháp hữu ích đã ban hành trước đó. Trong văn bản pháp luật này, các quy định về quyền sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài đối với từng đối tượng cụ thể đều được ghi nhận. Ví dụ: Điều 25, Điều 26 Điều lệ về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế1 quy định về việc bảo hộ sáng chế của tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và tổ chức cá nhân Việt Nam ở nước ngoài. Điều 8 Điều lệ về giải pháp hữu ích2 quy định về việc bảo hộ giải pháp hữu ích ở nước ngoài. Điều 12 Điều lệ về kiểu dáng công nghiệp3 quy định về việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài của công dân và pháp nhân Việt Nam. Điều 1 khoản 4 Điều lệ về nhãn hiệu hàng hoá4 quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và cuả tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

C¸c quy ®Þnh trong c¸c v¨n b¶n ph¸p luËt trªn lµ nh÷ng nguyªn t¾c ph¸p lý c¬ b¶n ®Ó ®iÒu chØnh c¸c quan hÖ vÒ së h÷u c«ng nghiÖp cã yÕu tè n­íc ngoµi t¹i ViÖt Nam cho tíi khi Bé luËt d©n sù ®­îc ban hµnh.        

c) Việc ban hành Bộ luật dân sự đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Cụ thể việc đưa các quy định về sở hữu trí tuệ vào Bộ luật dân sự (Phần thứ sáu của Bộ luật) lần đầu tiên các quan hệ về sở hữu trí tuệ phát sinh ở Việt Nam đã được điều chỉnh bởi các quy định có hiệu lực pháp lý cao nhất cả về không gian và thời gian. Các quy định đó đã phù hợp hơn với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam "hoà nhập" với các nước trong khu vực và trên thế giới trên lĩnh vực này. Các quy định về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự cũng đã tạo ra một cơ sở pháp lý ổn định để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ một cách nhanh chóng chặt chẽ, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể. Đặc biệt  tại phần thứ bảy của Bộ luật dân sự - "các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài" đã chính thức ghi nhận các nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Điều 836 và Điều 837. Đây là các nguyên tắc xuyên suốt trong việc điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài hiện nay ở Việt Nam.

          Để nâng cao tính khả thi của các quy định về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự, Chính phủ và một số Bộ, ngành có liên quan đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện, như:

-  Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 về hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (dưới đây gọi là Nghị định 60/CP).

-  Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật dân sự về sở hữu công nghiệp (dưới đây gọi là Nghị định 63/CP).

- Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật dân sự về quyền tác giả (dưới đây gọi là Nghị định 76/CP).

- Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (dưới đây gọi là Nghị định 12/CP).

-  Nghị định 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp (dưới đây gọi là Nghị định 54/2000/NĐ-CP).

- Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31-12-1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác tại Nghị định 63/CP (dưới đây gọi là Thông tư số 3055/TT-SHCN).

 Ngoài các văn bản nêu trên, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài còn được đề cập ở mức độ khác nhau trong một số văn bản hiên hành khác như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996; Luật Thương mại năm 1997; Bộ luật hình sự năm 1999 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2000) v.v...

 Tóm lại: Ở Việt Nam các quy định điều chỉnh các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài được quy định ngay trong các văn bản pháp luật quan trọng  đầu tiên về sở hữu trí tuệ. Các quy định này qua các thời kỳ bên cạnh sự kế thừa nội dung của các quy định trước, còn được bổ sung, hoàn thiện hơn cả về nội dung và hiệu lực pháp lý. Cùng vói các quy định trong các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam tham gia và ký kết, hệ thống các quy định đó đã tạo nên một khung pháp lý tương đối ổn định, phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế để điều chỉnh hiệu quả các quan hệ về sở hữu trí tuệ nói chung và các quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu nước ngoài nói riêng phát sinh trong giao lưu dân sự quốc tế.

II. QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI THEO QUY ĐỊNH CỦA CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

          1. Nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài.

a) Về quyền tác giả

          Để bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài, Điều 836 Bộ luật dân sự quy định: "Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố phổ biến tại Việt Nam, hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam, thì được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia".

               Víi quy ®Þnh trªn, quyÒn t¸c gi¶ cña ng­êi n­íc ngoµi vµ ph¸p nh©n n­íc ngoµi sÏ ®­îc b¶o hé t¹i ViÖt Nam theo c¸c ®iÒu kiÖn sau:

          - Có tác phẩm lần đầu tiên được công bố phổ biến tại Việt Nam.

          - Có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam.

          - Là công dân và pháp nhân thuộc các nước đã ký kết Điều ước quốc tế với Việt Nam.

          Như vậy, nếu người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài có các tác phẩm văn học nghệ thuật đáp ứng được các điều kiện trên thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả của họ tại Việt Nam “trừ trường hợp tác phẩm không được bảo hộ theo quy định tại Điều 749 của Bộ luật dân sự  Việt Nam".1

         Trong trường hợp được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài sẽ được hưởng các quyền tác giả được quy định tại các điều từ Điều 750 đến Điều 766 của Bộ luật dân sự Việt Nam. Nếu có sự khác biệt giữa các quy định trong Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả, thì các quy định trong Điều ước quốc tế sẽ được áp dụng.2

          b) Về quyền sở hữu công nghiệp

          Để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam, Điều 837 Bộ luật dân sự Việt Nam quy định: "Quyền sở hữu công nghiệp của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, đã được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ, thì được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, và các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia".

               Víi quy ®Þnh trªn, Nhµ n­íc Céng hoµ x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam chØ b¶o hé quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp cho ng­êi n­íc ngoµi, ph¸p nh©n n­íc ngoµi khi hä cã ®èi t­îng së h÷u c«ng nghiÖp ®­îc c¬ quan cã thÈm quyÒn cña ViÖt Nam (Côc së h÷u c«ng nghiÖp ViÖt Nam) cÊp v¨n b»ng b¶o hé. Khi ®­îc cÊp v¨n b»ng b¶o hé, quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp cho ng­êi n­íc ngoµi vµ ph¸p nh©n n­íc ngoµi t¹i ViÖt Nam sÏ ®­îc b¶o hé trªn c¬ së ph¸p luËt ViÖt Nam vµ c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ mµ ViÖt Nam tham gia ký kÕt.

          Tại Điều 67 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về quyền sở hữu công nghiệp, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các cá nhân và pháp nhân của các nước đã tham gia ký kết các Điều ước quốc tế với Việt Nam tại Việt Nam được chia thành các nhóm sau đây:

          * Đối với các cá nhân và pháp nhân được hưởng quyền theo Công ước Paris, hoặc các cá nhân và pháp nhân thuộc các nước cùng ký với Việt Nam thỏa thuận về việc bảo hộ lẫn nhau về sở hữu công nghiệp, hoặc cùng Việt Nam chấp nhận nguyên tắc có đi có lại trong việc bảo hộ sở hữu công nghiệp. Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho họ được thực hiện trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, Nhà nước Việt Nam dành cho các chủ thể nói trên hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ thể của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

          * Công dân, pháp nhân thuộc các nước thành viên của Thoả ước Madrit, được hưởng mọi quyền và chịu mọi nghĩa vụ liên quan, nếu nhãn hiệu hàng hoá đó được đăng ký quốc tế trong đó có chỉ định Việt Nam và đăng ký đó không bị Việt Nam từ chối.

          * Đối với công dân, pháp nhân thuộc các nước thành viên của Hiệp ước Washington - Hiệp ước hiệp tác về sáng chế (Hiệp ước PCT) năm 1970 có thể nộp đơn yêu cầu Văn bằng bảo hộ, sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam theo các quy định của Hiệp ước đó và theo thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định.

          Nếu trong trường hợp áp dụng các quy định về sở hữu công nghiệp của Việt Nam để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các thể nhân và pháp nhân nước ngoài mâu thuẫn với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì sẽ áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế (khoản 4 Điều 67 Nghị định 63/CP).

          2. Các đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam

a) Đối với quyền tác giả

  Theo quy ®Þnh t¹i §iÒu 747 Bé luËt d©n sù ViÖt Nam c¸c chñ thÓ n­íc ngoµi sÏ ®­îc Nhµ n­íc ta b¶o hé quyÒn t¸c gi¶ ®èi víi c¸c loµi h×nh t¸c phÈm sau ®©y:

-  T¸c phÈm viÕt;

-  C¸c bµi gi¶ng, bµi ph¸t biÓu;

-  T¸c phÈm s©n khÊu vµ c¸c lo¹i h×nh biÓu diÔn nghÖ thuËt kh¸c;

-  T¸c phÈm ®iÖn ¶nh, video;

-  T¸c phÈm ph¸t thanh, truyÒn h×nh;

-  T¸c phÈm b¸o chÝ;

-  T¸c phÈm ©m nh¹c;

-  T¸c phÈm kiÕn tróc;

-  T¸c phÈm t¹o h×nh mü thuËt øng dông;

-  T¸c phÈm nhiÕp ¶nh;

-  C«ng tr×nh khoa häc, s¸ch gi¸o khoa, gi¸o tr×nh;

-  C¸c bøc ho¹ ®å, b¶n vÏ, s¬ ®å, b¶n ®å cã liªn quan ®Õn ®Þa h×nh, kiÕn tróc, c«ng tr×nh khoa häc;

-  T¸c phÈm dÞch, phãng t¸c, c¶i biªn, chuyÓn thÓ, biªn so¹n, chó gi¶i, tuyÓn tËp, hîp tuyÓn;

-  PhÇn mÒm m¸y vi tÝnh;

-  T¸c phÈm kh¸c do ph¸p luËt quy ®Þnh.

C¸c t¸c phÈm trªn ®©y sÏ ®­îc Nhµ n­íc b¶o hé kh«ng ph©n biÖt h×nh thøc ng«n ng÷ thÓ hiÖn vµ chÊt l­îng cña t¸c phÈm víi ®iÒu kiÖn t¸c phÈm b¶o hé ph¶i lµ t¸c phÈm gèc.

Ngoµi c¸c lo¹i h×nh trªn ®©y Bé luËt d©n sù cßn quy ®Þnh mét sè lo¹i h×nh sÏ ®­îc b¶o hé theo quy ®Þnh riªng biÖt:

- T¸c phÈm v¨n häc nghÖ thuËt d©n gian.

- V¨n b¶n cña c¬ quan nhµ n­íc, tæ chøc chÝnh trÞ - x¨ héi, tæ chøc x· héi nghÒ nghiÖp, tæ chøc kinh tÕ vµ b¶n dÞch cña nh÷ng v¨n b¶n ®ã.

-  Tin tøc thêi sù thuÇn tuý.

Nh÷ng lo¹i h×nh t¸c phÈm kh«ng ®­îc b¶o hé quyÒn t¸c gi¶ t¹i ViÖt Nam lµ c¸c lo¹i h×nh t¸c phÈm cã néi dung:

- Chèng l¹i Nhµ n­íc ViÖt Nam, ph¸ ho¹i khèi ®oµn kÕt toµn d©n.

- Tuyªn truyÒn b¹o lùc, chiÕn tranh x©m l­îc, g©y hËn thï g÷a d©n téc vµ nh©n d©n c¸c n­íc; truyÒn b¸ t­ t­ëng v¨n ho¸ ph¶n ®éng, lèi sèng d©m « ®åi truþ, c¸c hµnh vi téi ¸c, tÖ n¹n x· héi, mª tÝn dÞ ®oan, ph¸ ho¹i thuÇn phong mü tôc.

- TiÕt lé bÝ mËt cña §¶ng, Nhµ n­íc, bÝ mËt qu©n sù, an ninh, kinh tÕ, ®èi ngo¹i, bÝ mËt ®êi t­ cña c¸ nh©n vµ c¸c bÝ mËt kh¸c do ph¸p luËt quy ®Þnh.

- Xuyªn t¹c lÞch sö, phñ nhËn thµnh tùu c¸ch m¹ng, xóc ph¹m vÜ nh©n, anh hïng d©n téc, vu khèng xóc ph¹m uy tÝn cña tæ chøc, danh dù vµ nh©n phÈm cña c¸ nh©n.

Mäi giao dÞch vÒ viÖc l­u hµnh, sö dông vµ h­ëng lîi ®èi víi t¸c phÈm ®­îc nªu trªn ®Òu bÞ xem lµ bÊt hîp ph¸p vµ v« hiÖu; ng­êi vi ph¹m sÏ bÞ xö lý theo quy ®Þnh cña ph¸p luËt.

b) §èi víi quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp.

HiÖn nay c¸c chñ thÓ n­íc ngoµi sÏ ®­îc b¶o hé quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp t¹i ViÖt Nam víi c¸c ®èi t­îng sau:

- S¸ng chÕ;

- KiÓu d¸ng c«ng nghiÖp;

- Gi¶i ph¸p h÷u Ých;

-  Nh·n hiÖu hµng ho¸;

-  BÝ mËt kinh doanh;

-  ChØ dÉn th­¬ng m¹i;

-  QuyÒn chèng c¹nh tranh kh«ng lµnh m¹nh.

C¸c ®èi t­îng trªn ®Ó ®­îc b¶o hé t¹i ViÖt Nam ph¶i ®¸p øng ®Çy ®ñ c¸c tiªu chuÈn, ®iÒu kiÖn ®­îc quy ®Þnh trong c¸c v¨n b¶n ph¸p luËt hiÖn hµnh ë ViÖt Nam vµ c¸c quy ®Þnh trong c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ mµ ViÖt Nam tham gia.                

3.  Thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.

               Ở ViÖt Nam kh«ng cã c¸c c¬ quan cã thÈm quyÒn riªng trong viÖc b¶o hé quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi. C¸c c¬ quan cã thÈm quyÒn trong lÜnh vùc b¶o hé quyÒn së h÷u trÝ tuÖ nãi chung còng lµ c¸c c¬ quan cã thÈm quyÒn trong viÖc b¶o hé quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi. Trªn thùc tÕ ®ã lµ tæng thÓ c¸c c¬ quan tõ trung ­¬ng ®Õn ®Þa ph­¬ng, tõ c¸c c¬ quan qu¶n lý nhµ n­íc tíi c¸c c¬ quan chuyªn m«n. Cô thÓ lµ mét sè c¸c c¬ quan sau:

          a) Về quyền tác giả. Cơ quan có thẩm quyền trực tiếp đối vối việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho người nước ngoài tại Việt Nam là Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hoá Thông tin. Cục bản quyền tác giả là nơi nhận đơn và đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài, là nơi có trách nhiệm thông báo tác phẩm của nước ngoài đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đến Cục xuất bản, các Sở Văn hoá thông tin, các nhà xuất bản, các tổ chức sử dụng các tác phẩm nước ngoài, hướng dẫn, làm tư vấn cho các nhà xuất bản trong giao dịch với nước ngoài, v.v...

          b) Về quyền sở hữu công nghiệp. Cục sở hữu công nghiệp trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam: là cơ quan tiếp nhận đơn, xét nghiệm tra cứu đơn xin bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài; cấp Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài; làm các thủ tục với Văn phòng sở hữu trí tuệ thế giới để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, vv...

            Ngoµi ra mét sè c¬ quan kh¸c cã liªn quan trong viÖc x¸c lËp vµ b¶o hé quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cho ng­êi n­íc ngoµi vµ ph¸p nh©n n­íc ngoµi lµ:                    Bé T­ ph¸p, Bé Tµi chÝnh, Bé N«ng nghiÖp & ph¸t triÓn n«ng th«n, Bé Y tÕ...                                 ThÈm quyÒn vµ chøc n¨ng cô thÓ cña c¸c c¬ quan trªn ®­îc quy ®Þnh cô thÓ t¹i NghÞ ®Þnh 76/CP ngµy 29-11-1996 h­íng dÉn thi hµnh mét sè quy ®Þnh vÒ quyÒn t¸c gi¶ trong Bé luËt d©n sù vµ NghÞ ®Þnh 63/CP ngµy 24-10-1996 h­íng dÉn thi hµnh c¸c quy ®Þnh cña Bé luËt d©n sù vÒ së h÷u c«ng nghiÖp.

4. Xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài

 Việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu được tiến hành trên cơ sở các quy định chung của pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam và theo quy định của các Điều ước quốc tế.

4.1. Đối với quyền tác giả

          a) Khi không có Điều ước quốc tế:

          Tại Điều 28 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật dân sự về quyền tác giả có quy định "Quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài do Chính phủ quy định trong một văn bản khác". Tuy nhiên, hiện nay văn bản đó vẫn chưa được ban hành. Do vậy quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài trong trường hợp này nếu thoả mãn điều kiện “lần đầu tiên được công bố và phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam” thì việc xác lập và bảo hộ được tiến hành như đối với  công dân và pháp nhân Việt Nam.

          Các cá nhân nước ngoài có thể trực tiếp và gián tiếp nộp đơn tới Cục bản quyền Việt Nam. Việc nộp đơn gián tiếp được thực hiện thông qua các tổ chức dịch vụ bản quyền. Hiện nay các tổ chức dịch vụ bản quyền ở Việt Nam đều tồn tại dưới hình thức là Công ty tư vấn luật, ví dụ Công ty Copyrico, công ty Banca, Công ty Tầm nhìn... Thực tế hoạt động của các Công ty này tại Việt Nam đã thu hút được rất nhiều khách hàng là người Việt Nam cũng như là công dân và pháp nhân nước ngoài.

          b)  Trong trường hợp có Điều ước quốc tế.

          Hiện nay Việt Nam đã tham gia ký kết một số thoả thuận hợp tác song phương về sở hữu trí tuệ với một số nước trên thế giới như Australia, Thái Lan, Pháp, tham gia Hiệp định khung về hợp tác sở hữu trí tuệ của các nước thành viên ASEAN. Đặc biệt trong năm 1998, 1999 Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác bản quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Hiệp định hợp tác và sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ. Trong tất cả các Hiệp định trên, Việt Nam và các nước đều cam kết dành cho công dân và pháp nhân của nhau chế độ "đối xử quốc gia". Ví dụ: Điều 2 Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về thiết lập quyền tác giả quy định: "Mỗi bên ký kết phù hợp với luật và các thủ tục của mình sẽ dành cho các tác phẩm của những tác giả nhà sáng tạo và nghệ sỹ là công dân hoặc người thường trú của bên ký kết kia và cho các tác phẩm công bố lần đầu tiên tại lãnh thổ của bên ký kết kia sự bảo hộ quyền tác giả không kém thuận lợi hơn mà bên đó dành cho công dân của nước mình". Hoặc Điều 4 khoản 1 Hiệp định hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thuỵ Sỹ quy định: "Các bên ký kết sẽ dành cho công dân của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử mà mỗi bên ký kết dành cho công dân nước mình trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ".

               §Ó thùc hiÖn c¸c HiÖp ®Þnh trªn, n©ng cao tÝnh kh¶ thi cña c¸c quy ®Þnh trong HiÖp ®Þnh ViÖt Nam ®· ban hµnh v¨n b¶n h­íng dÉn viÖc thi hµnh c¸c quy ®Þnh cña HiÖp ®Þnh. Cô thÓ ®Ó thùc hiÖn HiÖp ®Þnh b¶n quyÒn gi÷a ViÖt Nam vµ Hoa Kú, Thñ t­íng ChÝnh phñ ®· ra ChØ thÞ sè 04/1998/CT-TTg ngµy 22-11-1998 vÒ c¸c biÖn ph¸p thùc hiÖn HiÖp ®Þnh; Bé V¨n ho¸ Th«ng tin ra Th«ng t­ 05/1998/TT-BVHTT ngµy 12-9-1998 h­íng dÉn thi hµnh mét sè quy ®Þnh cña HiÖp ®Þnh. Néi dung h­íng dÉn cña Th«ng t­ 05/1998/TT-BVHTT ®· tËp trung quy ®Þnh mét sè vÊn ®Ò c¬ b¶n:

- Quy ®Þnh c¸c t¸c phÈm ®­îc b¶o hé t¹i ViÖt Nam vµ c¸c t¸c phÈm  ®­îc b¶o hé t¹i Hoa kú theo HiÖp ®Þnh b¶n quyÒn gi÷a ViÖt Nam vµ Hoa kú

- Quy ®Þnh c¸c quyÒn cña t¸c gi¶ ®­îc h­ëng t¹i ViÖt Nam vµ t¹i Hoa kú

- Quy ®Þnh thñ tôc x¸c lËp quyÒn t¸c gi¶ cña c«ng d©n Hoa kú vµ nh÷ng ng­êi th­ßng tró t¹i Hoa kú t¹i ViÖt Nam

- Quy ®Þnh thñ tôc x¸c lËp quyÒn t¸c gi¶ cña c«ng d©n ViÖt Nam vµ nh÷ng ng­êi th­êng tró t¹i ViÖt Nam  t¹i Hoa kú.

  Ngoài các nội dung cơ bản trên, Thông tư 05/1998/TT-BVHTT còn quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam từ trung ương đến địa phương có liên quan trong việc phối hợp để thực hiện tốt Hiệp định.

          Việc Thủ tướng Chính phủ sau khi phê duyệt Hiệp định về quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Chỉ thị để thực hiện Hiệp định, và sự ban hành Thông tư 05/1998/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin là một bước "nội luật hoá" các quy định của Hiệp định vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đây là một biện pháp hữu hiệu để Hiệp định bản quyền giữa Việt Nam và Hoa kỳ được thực hiện nghiêm chỉnh đảm bảo lợi ích của cả hai quốc gia cũng như của tất cả các chủ thể có liên quan.

          4.2. Về quyền sở hữu công nghiệp.

          Các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho cá nhân và pháp nhân là một nội dung không thể thiếu trong pháp luật về sở hữu công nghiệp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho  người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam có thể chia thành hai trường hợp:

a) Trong trường hợp không có Điều ước quốc tế: pháp luật Việt Nam không có bất cứ một hạn chế nào đối với việc các chủ thể nước ngoài xin bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của họ tại Việt Nam. Trong trường hợp này việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp của họ được tiến hành hoàn toàn theo các quy định của pháp luật Việt Nam và như đối với công dân Việt Nam

b) §èi víi tr­êng hîp cã hîp cã §iÒu ­íc quèc tÕ: ViÖc x¸c lËp quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp cho c¸c c¸ nh©n vµ ph¸p nh©n tu©n ph¶i tu©n thñ c¸c quy ®Þnh trong §iÒu ­íc quèc tÕ.

               ViÖt Nam ®· tham gia mét sè §iÒu ­íc quèc tÕ ®a ph­¬ng quan träng vÒ quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp nh­: C«ng ­íc Paris 1883 (ViÖt Nam tham gia 1981); Tho¶ ­íc Madrit 1891 (ViÖt Nam tham gia 1981); HiÖp ­íc hîp t¸c s¸ng chÕ 1970 (HiÖp ­íc Patent - ViÖt Nam tham gia 1993). Trªn c¬ së c¸c quy ®Þnh trong c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ trªn, ViÖt Nam ®· ban hµnh c¸c quy ®Þnh cô thÓ vÒ thñ tôc x¸c lËp quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp cho c«ng d©n vµ ph¸p nh©n cña c¸c n­íc thµnh viªn t¹i ViÖt Nam còng nh­ cña c«ng d©n vµ ph¸p nh©n ViÖt Nam t¹i c¸c n­íc thµnh viªn ®ã. C¸c quy ®Þnh nµy ®­îc quy ®Þnh cô thÓ t¹i NghÞ ®Þnh 63/CP; Th«ng t­ 3055/TT-SHCN vµ tËp trung vµo mét sè vÊn ®Ò c¬ b¶n sau:

- Quy định thủ tục nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ của cá nhân pháp nhân thuộc các nước thành viên của Công ước Paris hoăc công dân và pháp nhân của các nước cùng Việt Nam ký kết thoả thuận bảo hộ lẫn nhau quyền sở hữu công nghiệp, hoặc cùng nhau chấp nhận nguyên tắc có đi có lại (Điều 15 Nghị định 63/CP).

- Quy định thủ tục làm và nộp Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hành hoá có nguồn gốc Việt Nam ra nước ngoài theo thoả ước Madrid (Điều 24 chương IV Thông tư 3055/TT-SHCN).

- Quy định về việc xử lý Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam (Điều 25 Thông tư 3055/TT-SHCN).

-  Quy định về xử lý Đơn quốc tế về sáng chế/giải pháp hữu ích theo hiệp ước PCT - Hiệp ước hợp tác Patent (Điều 23 Thông tư 3055/TT-SHCN).

   Các quy định trong Nghị định 63/CP và Thông tư 3055/TT-SHCN là sự “nội luật hoá” các quy định trong Công ước Paris; Thoả ước Madrid, Hiệp ước hợp tác Patent, giúp cho quá trình thực hiện các quy định trong các Điều ước quốc tế nhanh, chính xác và phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị xã hội của Việt Nam.

 Sau khi được Cục sở hữu công nghiệp Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ, các chủ thể nước ngoài  có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như đối với công dân Việt Nam. Đó là tổng thể các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ được quy định trong Bộ luật dân sự và trong các văn bản chuyên ngành có liên quan.

5. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

           Thực thi quyền sở hữu trí tuệ  ở Việt Nam được hiểu là “việc thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của các chủ thể, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, tổ chức đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đó.1

          Người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài khi làm ăn sinh sống tại Việt Nam sẽ được Nhà nước Việt Nam dành cho các quyền và nghĩa vụ như công dân và pháp nhân Việt Nam, vì vậy các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng là các biện pháp để thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Bao gồm các biện pháp sau:

a) Biện pháp kiểm soát biên giới.

          Kiểm soát biên giới đối với hàng hoá xuất nhập khẩu là một biện pháp rất hữu hiệu để thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và  có yếu tố nước ngoài nói riêng ở Việt Nam. Theo quy định của điểm 6.1 mục V Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT của Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ngày 27-4-2000 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất hàng giả dã quy định: “Tái xuất khẩu khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu đang làm thủ tục hải quan theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong lĩnh vực chống sản xuất hàng giả mà còn bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu quyền đối với các đối tượng thuộc sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ và đang lưu hành tại Việt Nam.  

b) Biện pháp dân sự.

          Cơ sở pháp lý trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài bằng biện pháp dân sự. Bao gồm các quy định về sở hữu trí tuệ trong Bộ luật dân sự; các quy định trong Nghị định 63/CP; các quy định trong Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29-11-1989.

Theo các quy định trên, các chủ thể nước ngoài có quyền khởi kiện tại Toà án Việt Nam tất cả các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ. Toà án có thẩm quyền trong việc xử lý và giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh theo pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (Công văn số 97/KHXX ngày 21-8-1997 của Toà án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp).

Hình thức chế tài được áp dụng đối vối biện pháp dân sự là:

          + Buộc người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm và

          + Nếu gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, mức bồi thường thiệt hại được xác định căn cứ vào mức độ thiệt hại trên thực tế của chủ sở hữu quyền hoặc số lợi bất chính mà người vi phạm thu được do việc xâm phạm gây ra.

c) Biện pháp hành chính.

 Trong các biện bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì biện pháp xử phạt hành chính là biện pháp được sử dụng phổ biến nhất. Theo số liệu thống kê từ năm 1981 đến năm 1998 các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ được giải quyết bằng con đường dân sự chỉ có khoảng 1% các trường hợp được xử lý bằng biện pháp  hành chính. 

         Theo quy định tại Điều 2 khoản 3 Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 “Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hộ và quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp trong lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Nghị định này trừ trường hợp Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác”.

Víi quy ®Þnh trªn c¸c quy ®Þnh vÒ xö ph¹t hµnh chÝnh trong NghÞ ®Þnh sÏ ®­îc ¸p dông ®èi víi c¶ c¸c chñ thÓ n­íc ngoµi t¹i ViÖt Nam khi hä cã hµnh vi ph¹m quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp. C¸c h×nh thøc xö ph¹t trong NghÞ ®Þnh bao gåm hai biÖn ph¸p chÝnh: c¶nh c¸o hoÆc ph¹t tiÒn.

- Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với trường hợp vô ý vi phạm; vi phạm nhỏ; lần đầu có tình tiết giảm nhẹ.

-  Việc phạt tiền phải tương ứng với tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Về mức phạt:  

+  Vi phạm ở mức độ thông thường phạt từ 5.000.000 đến 20.000.000 đồng       

+   Nếu tái phạm phạt: 50.000.000 đồng

+  Vi phạm có tổ chức, quy mô lớn chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phạt 100.000.000 đồng.

Bên cạnh các hình thức xử phạt chính, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số các hình thức xử phạt bổ sung sau:

- Tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm trên sản phẩm hàng hoá, phương tiện kinh doanh; buộc cải chính thông tin sai lệch gây ra vi phạm; buộc thực hiện các nghĩa vụ về sở hữu công nghiệp.

- Buộc tiêu huỷ vật phẩm mang yếu tố vi phạm; hành hoá vi phạm có chất lượng kém có hại cho sức khoẻ con người.

 Thẩm quyền xử phạt hành chính được giao cho nhiều cơ quan khác nhau như: Uỷ ban nhân dân; Thanh tra chuyên nghành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Thanh tra chuyên nghành thuộc Bộ Văn hóa Thông tin; Sở Khoa học, công nghệ và môi trường; Công an; Hải quan; Quản lý thị trưòng.

 Như vậy các hình thức xử phạt hành chính được quy định hiện nay là rất đa dạng và cụ thể nhằm mục đích xử lý một cách triệt để các hành vi vi phạm, loại trừ nguyên nhân điều kiện tiếp tục vi phạm và khắc phục hậu quả do hành vi phạm gây ra.

          d) Biện pháp hình sự:

               Trong tr­êng hîp ng­êi vi ph¹m quyÒn së h÷u trÝ tuÖ mµ g©y hËu qu¶ nghiªm träng th× biÖn ph¸p h×nh sù sÏ ®­îc ¸p dông ®èi víi ng­êi cã hµnh vi vi ph¹m. §©y ®­îc xem lµ biÖn ph¸p nghiªm kh¾c m¹nh mÏ nhÊt trong sè c¸c biÖn ph¸p thùc thi quyÒn së h÷u trÝ tuÖ hiÖn nay ë ViÖt Nam.

Cơ  sở pháp lý để áp dụng biện pháp này là các quy định tại Điều 131 và Điều 171 Bộ luật hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam1. Các chế tài hình sự được áp dụng bao gồm: 

          + Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 200.000.000đ (hai mươi đến hai trăm triệu đồng).

          + Cải tạo không giam giữ đến hai năm.

          + Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

          + Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 

         III. THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.

1. Thực trạng pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam.

Bộ luật dân sự ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-1996, cùng với các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện là một bước phát triển lớn của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài nói riêng. Các văn bản pháp lý đó đã tạo cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ hơn cho việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp số đơn cấp cho các đối tượng là người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Con số đó được thể hiện  cụ thể qua số Văn bằng đã cấp cho các chủ thể nước ngoài trong  năm 1999 như sau:2

- Bằng độc quyền sáng chế là 322 văn bằng trên tổng số 335 Văn băng đã cấp.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 12 Văn bằng trên tổng số 18 Văn bằng đã cấp 

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 94 Văn bằng trên tổng số 935 Văn bằng đã cấp.

- GiÊy chøng nhËn nh·n hiÖu hµng ho¸ lµ 2499 GiÊy chøng nhËn.trªn tæng sè lµ 3798 GiÊy chøng nhËn hµng ho¸ ®· cÊp. 

          Ngoài ra theo thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp, hiện nay có khoảng 80 nước trên thế giới có tổ chức và cá nhân có đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào một số nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Ý, Singapore, Thái Lan, Indonexia ...

          Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những bước phát triển lớn trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài nói riêng, tuy nhiên nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài vẫn còn bộc lộ một số yếu điểm và bất cập  sau:

a) Một số các quy định chưa rõ ràng, chưa chính xác gây khó khăn cho việc áp dụng 

* Điều 836 của Bộ luật dân sự đã quy định nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam "Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam, hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam, thì được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia".

               §©y lµ quy ®Þnh g©y nhiÒu tranh c·i. Cã quan ®iÓm cho r»ng:

          + Quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài chỉ được bảo hộ tại Việt Nam khi họ có tác phẩm lần đầu tiên được công bố phổ biến tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào việc tác phẩm đó đã được công bố ở nước ngoài hay chưa.

          + Quan điểm thứ hai cho rằng: quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài sẽ được bảo hộ tại Việt Nam nếu tác phẩm của họ đảm bảo điều kiện chưa bao giờ được công bố và lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam cũng là lần đầu tiên trên thế giới (trừ trường hợp có Điều ước Quốc tế).

          Cách hiểu thứ hai này là phù hợp với tính chất lãnh thổ của quyền tác giả và thuộc về đa số. Tuy nhiên, để tránh trường hợp cùng một điều Luật lại có những cách giải thích khác nhau thì Điều 836 của Bộ luật dân sự cần phải có sự sửa đổi về câu chữ cho chính xác.

* Điều 28 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 đã quy định “quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài do Chính phủ quy định trong một văn bản khác” nhưng cho đến thời điểm hiện nay văn bản trên vẫn chưa được ban hành, điều này cũng dẫn tới hai cách giải thích khác nhau:

- Việc đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo các thủ tục riêng biệt khác với các quy định trong Nghị định 76/CP được áp dụng cho công dân và pháp nhân Việt Nam. Vì vậy vấn đề này cần phải chờ cho đến khi Chính phủ ban hành văn bản mới.

- Cách giải thích khác cho rằng nếu không có các quy định khác như nội dung của Điều 28 thì việc đăng kí quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành như đối với công dân và pháp nhân Việt Nam và được tiến hành theo các quy định của Nghi định 76/CP.

Từ những cách giải thích khác nhau này sẽ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, và những cách giải quyết tuỳ tiện ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể nước ngoài tại Việt Nam .

* C¸c quy ®Þnh vÒ quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp ®­îc kÕt cÊu ch­a hîp lý g©y rÊt nhiÒu khã kh¨n cho viÖc ¸p dông: 

Về cơ bản việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam được tiến hành trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, các quy định đó hiện nay được bố cục chưa hợp lý khiến cho người tìm hiểu và áp dụng pháp luật là rất khó khăn, sự khó khăn đó còn tăng lên gấp bội, khi đó là các chủ thể nước ngoài chưa có kinh nghiệm trong việc nghiên cứu pháp luật Việt Nam. Ví dụ một người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về kiểu dáng công nghiệp thì phải đọc toàn bộ Chương II Phần thứ sáu của Bộ luật dân sự và tất cả các quy định trong Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 và rất nhiều văn bản hướng dẫn khác thì mới có thể nắm vững các quy định của pháp luật được quy định rải rác trong rất nhiều văn bản luật và dưới luật.

b) Mét sè c¸c quy ®Þnh trong luËt cña ViÖt Nam ch­a phï hîp víi c¸c quy ®Þnh trong c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ ®a ph­¬ng tiªu biÓu vÒ quyÒn së h÷u trÝ tuÖ mµ trong  thêi gian tíi ViÖt Nam sÏ tham gia:

* C«ng ­íc BÐc n¬ (Berne) 1886 lµ C«ng ­íc ®a ph­¬ng toµn cÇu ®Çu tiªn trªn thÕ giíi vÒ b¶o hé quyÒn t¸c gi¶ ®èi víi c¸c t¸c phÈm v¨n häc nghÖ thuËt. HiÖn nay cã kho¶ng trªn 120 n­íc lµ thµnh viªn cña C«ng ­íc nµy. ViÖt Nam trong thêi gian qua do nh÷ng h¹n chÕ nhÊt ®Þnh vÒ c¸c ®iÒu kiÖn kinh tÕ, chÝnh trÞ x· h«Þ nªn ch­a trë thµnh thµnh viªn cña C«ng ­íc nµy. XuÊt ph¸t tõ yªu cÇu héi nhËp, tõ sù ph¸t triÓn cña nÒn v¨n häc nghÖ thuËt nãi chung vµ cña ViÖt Nam nãi riªng trong thêi gian tíi ViÖt Nam sÏ chÝnh thøc tham gia C«ng ­íc nµy. Tuy nhiªn, hiÖn nay cã mét sè c¸c quy ®Þnh trong luËt quyÒn t¸c gi¶ cña ViÖt Nam lµ ch­a phï hîp víi c¸c quy ®Þnh cña C«ng ­íc. VÝ dô:   

      Tại Điều 748 Bộ luật dân sự quy định các đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật là: 

          1/ Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.

          2/ Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của các văn bản đó.

          3/ Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

          Quy định tại khoản 3 trên là trái với quy định của Công ước Bécnơ (Berne 1786): "Việc bảo hộ theo Công ước này sẽ không áp dụng cho những tin tức thời sự hay vụ việc vụn vặt chỉ mang tính chất báo chí" (khoản 8 Điều 2 của Công ước Bécnơ)

Hoặc về khái niệm  “Công bố và phổ biến tác phẩm”: Điều 5 Nghị định 76CP ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự, quy định  “việc công bố phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, và các hình thức biểu diễn khác”. Nhưng theo quy định của Công ước Béc-nơ việc trình bày trước công chúng, biểu diễn không được coi là công bố “Tác phẩm đã công bố là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của quần chúng tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Không được coi là công bố: sự trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay điện ảnh, hoà tấu một bản nhạc, đọc trước công chúng một tác phẩm âm nhạc, phát thanh truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật,triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc.”1

 * Hiệp định  TRIPs - Hiệp định được ký kết trong khuôn khổ của WTO trong tương lai khi Việt Nam chính thức chở thành viên chính thức của WTO việc tham gia Hiệp định này là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay một số các quy định của Việt Nam về sở hữu công nghiệp còn chưa phù hợp với quy định cuả Hiệp định:  

- Về các đối tượng sở hữu công nhiệp được bảo hộ tại Việt Nam:

 Theo quy định cuả Bộ luật dân sự và Nghị  định 63/CP đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam bao gồm: sáng chế; kiểu dáng công nghiệp; giải pháp hữu ích; nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá. Nghị định 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sỏ hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp, đã bổ sung thêm một số đối tượng được bảo hộ tại Việt Nam là: bí mật kinh doanh; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại và bảo hộ quyền cạnh tranh không lành mạnh.

Như vậy còn 2 đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định trong Hiệp định  TRIPs - nhưng chưa được bảo hộ tại Việt Nam là Giống cây trồng và Bố trí thiết kế mạch tích hợp.

- Về phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hoá: Theo quy định tại Điều 53 và Điều 34 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với một nhãn hiệu hành hoá đã đăng ký trong thời hạn bảo hộ gồm các hành vi sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó mà không được phép của chủ sở hữu:

+ Gắn nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ lên hàng hoá bao bì, phương tiên dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong kinh doanh.

+ Lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ.

+ Nhập khẩu nhãn hiệu được bảo hộ.

Tuy nhiên theo khoản 1của Điều 16 Hiệp định TRIPs thì ”Chủ sở hữu một nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký phải có quyền ngăn cấm những người không được phép của mình sử dụng trong hoạt đông thương mại các dấu hiệu trùng hoặc tương tự cho hàng hoá hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự với những hàn hoá hoặc dịch vụ đã được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu sử dụng như vậy có nguy cơ gây nhầm lẫn”.

c) Chưa có các quy định đầy đủ, chặt chẽ để đảm bảo thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ

* Vấn đề kiểm soát biên giới đối với hàng hoá xuất nhập khẩu hoặc vấn đề kiểm tra về quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hoá sản xuất lưu thông trên thị trường là một trong những biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ  có yếu tố nước ngoài rất có hiệu quả. Về vấn đề này tại Điều 64 Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 (khoản 6, 7) đã quy định rõ “Tổng cục Hải quan phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ và môi trường quy định về các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp. Bộ thương mại phối hợp với Bộ Khoa học công nghiệp và môi trường quy định về kiểm tra về sở hữu công nghiệp đối với những lưu thông trên thị trường”. Nhưng cho đến nay các văn bản trên vẫn chưa được ban hành dẫn đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế chưa có hiệu  quả, rất nhiều tác phẩm in sao bất hợp pháp từ nước ngoài được nhập khẩu vàoViệt Nam, trên thị trường lưu thông hàng hoá vi phạm quyền sớ hữu công nghiệp khá phổ biến…

* Theo quy định của Công văn số 97/KHXX ngày 21-8-1997 của Toà án nhân dân tối cao các tranh chấp về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài được giải quyết tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội và Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp, bởi lẽ các tranh chấp, các vi phạm về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài hiện nay và trong thời gian tới không chỉ giới hạn trong hai thành phố trên. Do vậy việc giới hạn thẩm quyền của Toà án theo quy định của Công văn 97/KHXX sẽ hạn chế việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. 

          2. Phương hướng hoàn thiện

Nh­ trªn ®· tr×nh bµy viÖc ®iÒu chØnh c¸c quan hÖ vÒ sá h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi t¹i ViÖt Nam ®­îc c¨n cø vµo hai nguån luËt chñ yÕu: C¸c quy ®Þnh trong ph¸p luËt ViÖt Nam vµ c¸c quy ®Þnh trong c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ mµ ViÖt Nam ký kÕt hoÆc tham gia. V× vËy ®Ó ®iÒu chØnh hiÖu qu¶ c¸c quan hÖ trªn, t¹o sù tin t­ëng cña thÕ giíi vµo hÖ thèng ph¸p luËt së h÷u trÝ tuÖ cña ViÖt Nam, ph­¬ng h­íng trong thêi gian tíi lµ:     

a)  Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia một số lượng không nhỏ các Điều ước song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ, nhưng văn bản để hướng dẫn thực hiện các Hiệp định đó thì còn rất ít làm cho nhiều quy định của Điều ước chỉ tồn tại trên giấy mà không được thi hành trên thực tế. Để khắc phục tình trạng này góp phần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định các quy định trong Điều ước về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã tham gia và ký kết, việc ban hành các văn bản hước dẫn thực hiện các quy định trong Điều ước là hết sức cần thiết. Đó chính là quá trình nội luật hóa các quy định trong Điều ước quốc tế vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt nam – một cách thức để thực hiện hiệu quả nhất các Điều ước quốc tế.

b)  Sửa đổi bổ sung một số quy định hiện hành.

* Điều 836 Bộ luật dân sự cần được sửa đổi lạị cho rõ nghĩa: tham khảo các quy định cũ tại Nghị định 142/HĐBT ngày 14-11-1986 (Điều 4 khoản 4) và quy định tại Pháp lệnh về bảo hộ quyền tác giả (Điều 3), Điều 836 cần sửa đổi lại như sau: “quyền tác giả của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm chưa được công bố, phổ biến mà lần đầu tiên được công bố và phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam, thì được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Điều ước Quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia".

  * Để thuận lợi cho người tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam các quy định về sở hữu công nghiệp trong Bộ luật dân sự và trong Nghị định 63/CP cần phải có một kết cấu lại cho hợp lý hơn. Phần quy định giống nhau của từng đối tượng thì đưa vào một phần chung. Các quy định đặc trưng cho từng đối tượng thì đưa vào từng phần tách biệt. Như vậy nếu ai quan tâm, tìm hiểu đối tượng nào thì chỉ cần nghiên cứu mình các quy định liên quan tới vấn đề đó mà không cần phải đọc toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật đồ sộ... 

* Về Điều 28 Nghị định 76/CP: nếu thấy không cần thiết ban hành một văn bản riêng về đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài thì Điều 28 phải được xoá bỏ để tránh tình trạng giải thích và áp dụng khác nhau trên thực tế.

c) Tích cực tham gia và ký kết các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.

§Æc tr­ng cña c¸c quan hÖ vÒ së h÷u trÝ tuÖu cã yÕu tè n­íc ngoµi lµ lu«n liªn quan tíi ph¸p luËt cña hai hay nhiÒu quèc gia kh¸c nhau. V× vËy viÖc ®iÒu chØnh c¸c quan hÖ nµy nhanh chãng nhÊt, hiÖu qu¶ nhÊt lµ th«ng qua viÖc tham gia vµ ký kÕt c¸c §iÒu ­íc quèc tÕ vÒ së h÷u trÝ tuÖ. Tr­íc m¾t ViÖt Nam cÇn nhanh chãng tham gia C«ng ­íc Berne (BÐc-n¬ 1886) - C«ng ­íc ®a ph­¬ng vÒ quyÒn t¸c gi¶ vµ chuÈn bÞ c¸c ®iÒu kiÖn cÇn thiÕt ®Ó tham gia HiÖp ®Þnh TRIPs- HiÖp ®Þnh vÒ nh÷ng khÝa c¹nh liªn quan tíi th­¬ng m¹Þ cña quyÒn së h÷u trÝ tuÖ ®­îc ký kÕt trong khu«n khæ cña GATT n¨m 1993 nay lµ Tæ chøc th­¬ng m¹i thÕ gíi (WTO).

          Tham gia các Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới như: Công ước Becnơ (1886), Hiệp định TRIPs (1993) sẽ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả không những trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Việt Nam tham gia các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ còn “thay đổi được tình trạng cô lập trong quan hệ quyền tác giả đã kéo vào và ảnh hưởng xấu đến quá trình hội nhập quốc tế… Gia nhập công ước Berne (Béc nơ) đối với nước ta hiện nay là một sự lựa chọn tất yếu nhưng cũng là một dịp tốt để tập dượt, chuẩn bị, kiểm nghiệm hệ thống bảo hộ quyền tác giả của Việt Nam trước những thách thức lớm hơn như TRIPs, chúng ta có cơ hội thời gian và được sự hợp tác của các nước Thành viên  thông qua liên hiệp Berne, WIPO để từng bước thực hiện được các cam kết của mình mà không rơi vào tình trạng có nguy cơ bị trừng phạt”1.

d) Ban hành các quy định mới về sở hữu trí tuệ: hiện nay pháp luật Việt Nam còn những khác biệt nhất định so với các quy định trong Điều ước quốc tế mà trong tương lai Việt Nam sẽ tham gia như: Công ước Béc-nơ, Hiệp định TRIPs, ví dụ các quy định về các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam; về phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hoá… Vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu xây dựng các quy định mới về sở hữu trí tuệ, điều này nhằm tạo ra một sự tương đồng giữa pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam với luật về sở hữu trí tuệ của các nước trên thế giới.

đ) Các biện pháp để thực thi quyền sơ hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài cần được quy định chặt chẽ, cụ thể:

-  VÒ biÖn ph¸p kiÓm so¸t biªn giíi: ®Ó thùc thi cã hiÖu qu¶ quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cã yÕu tè n­íc ngoµi, viÖc sö dông biÖn ph¸p t¹m gi÷ hµng ho¸ t¹i biªn giíi ®Ó kiÓm so¸t ho¹t ®éng kinh doanh lµ mét biÖn ph¸p rÊt cã hiÖu qu¶. BiÖn ph¸p nµy kh«ng nh÷ng ®Ó ®¶m b¶o tÝnh æn ®Þnh cña thÞ tr­êng trong n­íc mµ cßn ®Ó ®¶m b¶o c¸c quyÒn vµ lîi Ých hîp ph¸p cña c¸c chñ thÓ n­íc ngoµi cã ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh hîp ph¸p t¹i ViÖt Nam. §©y lµ mét vÊn ®Ò ®­îc quy ®Þnh rÊt râ trong C«ng ­íc Paris "TÊt c¶ hµng ho¸ mang nh·n hiÖu hoÆc tªn th­¬ng m¹i mét c¸ch bÊt hîp ph¸p sÏ bÞ thu gi÷ nÕu nhËp khÈu vµo c¸c n­íc thµnh viªn cña Liªn hiÖp n¬i mµ nh·n hiÖu hoÆc tªn th­¬ng m¹i ®ã ®ang ®­îc b¶o hé" (§iÒu 9, kho¶n1).

               §iÓm mÊu chèt cña biÖn ph¸p nµy lµ c¸c quy ®Þnh cña ph¸p luËt ph¶i  cho phÐp c¸c chñ së h÷u quyÒn së h÷u trÝ tuÖ, nÕu cã c¬ së v÷ng ch¾c cho r»ng: cã viÖc nhËp khÈu hµng gi¶, hµng vi ph¹m quyÒn së h÷u trÝ tuÖ th× ®­îc quyÒn ®Ò nghÞ c¬ quan h¶i quan ra lÖnh t¹m gi÷ hµng ho¸, ng¨n chÆn kh«ng cho hµng ho¸ vµo l­u th«ng vµo thÞ tr­êng mét c¸ch nhanh chãng nhÊt (®­îc quyÒn yªu cÇu ¸p dông c¸c biÖn ph¸p khÈn cÊp).

          Các biện pháp về kiểm soát biên giới đã được quy định rất cụ thể trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của một số nước trên thế giới (như Luật sở hữu trí tuệ của Hoa kỳ, Luật sở hữu trí tuệ của Australia) hoặc trong các Điều ước quốc tế (Hiệp định TRIPs) và trên thực tế áp dụng đã thu được kết quả rất khả quan, vì vậy khi quy định về vấn đề này việc tham khảo các quy định trong pháp luật các nước và các quy định trong các Điều ước quốc tế là rất cần thiết.

- Më réng thÈm quyÒn gi¶i quyÕt c¸c tranh chÊp vÒ së h÷u c«ng nghiÖp cã yÕu tè n­íc ngoµi cho tÊt c¶ c¸c Toµ ¸n nh©n d©n tØnh, thµnh phè trùc thuéc trung ­¬ng ®Ó ®¶m b¶o cho c¸c tranh chÊp vÒ së h÷u c«ng nghiÖp cã yÕu tè n­íc ngoµi ®­îc gi¶i quyÕt nhanh chãng.   

e) Tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho các cán bộ đảm nhiệm các công việc liên quan đến việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

          Vấn đề sở hữu trí tuệ hiện nay ở Việt Nam vẫn là vấn đề đang rất mới mẻ đối với toàn xã hội. Các quy định về sở hữu trí tuệ trong pháp luật quốc gia và trong các Điều ước quốc tế muốn được thực hiện có hiệu quả cần phải được  phổ biến tới tất cả mọi đối tượng có liên quan. Thực tế đã chứng minh: Dù luật có hoàn thiện và khoa học đến bao nhiêu nhưng những người thực hiện không có chuyên môn, không có khả năng thì luật không thể phát huy vai trò của mình. Để điều chỉnh hiệu quả các quan hệ về quyền sở hừu trí tuệ có yếu tố nước ngoài vấn đề không chỉ là các quy định của pháp luật mà cò phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ các cán bộ đảm nhiệm công việc này (không chỉ là những người làm công tác chuyên môn, mà bao gồm tất cả các cá nhân có liên quan: cán bộ hải quan; các bộ quản lý thị trường; công an; thẩm phám toà án…). Cụ thể đội ngũ này cần phải có trình độ chuyên môn cao về sở hữu trí tuệ, ngoại ngữ giỏi, để giải thích áp dụng một cách chính xác các quy định của pháp luật, các quy định trong Điều ước quốc tế, bảo đảm được một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể có liên quan.

Các quy định về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là một phần nội dung của pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Về cơ bản các quy định đó là tương đối đầy đủ và cụ thể: từ các quy định mang tính nguyên tắc chung cho tới các quy định cụ thể liên quan tới trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữ trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thực tiễn, để phù hợp với các quy định chung của các Điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế các quy định đó cần phải luôn luôn được sửa đổi và bổ sung. Đối vói Việt Nam đây vừa là yêu cầu, vừa là biện pháp hữu hiệu để Việt Nam có đầy đủ điều kiện hội nhập vào cộng đồng quốc tế, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh có chủ quyền trong đó quyền sở hữu trí tuệ của mọi chủ thể luôn được tôn trọng và bảo vệ[MSOffice1] .

 

III. Chuyên đề 6

MỘT SỐ  QUY ĐỊNH CƠ BẢN

VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC GHI NHẬN TRONG CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT, THAM GIA VÀ SẼ THAM GIA

 

 ThS. Nông Quốc Bình      

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

I- KHÁI NIỆM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

          1. Sở hữu trí tuệ nói chung

          Sở hữu trí tuệ là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trong luật dân sự của các nước. Thuật ngữ này bao gồm tất cả những vấn đề liên quan tới việc sáng tạo của bộ óc của con người. Trên phạm vi quốc tế, chưa có một định nghĩa cụ thể nào về khái niệm này, Tuy nhiên, tại điều 2 khoản 7 của Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, khi nói về "Sở hữu trí tuệ ", đã liệt kê một loạt đối tượng được bảo hộ theo quy chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng đó là: Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; việc trình diễn tác phẩm nghệ thuật, chương trình phát thanh và thu thanh; những phát minh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; khám phá khoa học; thiết kế kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ và tên gọi thiết kế trong thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền khác xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học hay kỹ thuật.

           Như vậy có thể nói, sở hữu trí tuệ là khái niệm bao gồm hai lĩnh vực là: quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.

          Quyền tác giả là quyền của một hoặc nhiều người, quyền của một tổ chức đối với một tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật. Quyền này bao gồm quyền nhân thân và tài sản của tác giả đối với tác phẩm. Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm đó là các quyền của bản thân tác giả (gắn liền với tác giả) đối với tác phẩm của mình. Ví dụ như các quyền: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; công bố hoặc cho phép người khác công bố, phổ biến sử dụng tác phẩm của mình; bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của mình... Quyền tài sản đối với tác phẩm là quyền của tác giả đối với những lợi ích vật chất được phát sinh trong quá trình sử dụng tác phẩm. Ví dụ như các quyền: được hưởng nhuận bút; được thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm của mình... Về mặt pháp lý, quyền tác giả được phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

          Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của một cá nhân hoặc của một pháp nhân đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá... Chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo vệ các quyền như: độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình khi bị xâm hại... Khác với quyền tác giả, nếu quyền tác giả phát sinh ngay từ thời điểm tác giả được sáng tạo dưới một hình thức nhất định thì quyền sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh khi đối tượng của sở hữu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ. Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ.

          Một điểm đáng lưu ý là quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đều có đặc điểm chung là mang tính phi vật chất và dễ phổ biến. Vì những đặc điểm này mà các đối tượng của quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp dễ bị sử dụng bất hợp pháp.

          Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật pháp của hầu hết các nước trên thế giới đều đưa ra các quy định, các cơ chế bảo hộ. Tuy nhiên, việc bảo hộ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi lãnh thổ nơi phát sinh quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ rõ ràng tuyệt đối. Điều này có nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ được phát sinh trên cơ sở của pháp luật nước nào thì chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.

          2. Sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài

          Sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là sở hữu trí tuệ có liên quan tới các yếu tố nước ngoài. Sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài thường xảy ra trong các trường hợp sau:

          - Một tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật của một tác giả là công dân hoặc pháp nhân nước này được công bố ở nước ngoài hoặc bị sử dụng ở nước khác; hoặc

          - Một đối tượng sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu công nghiệp mang quốc tịch của nước này được cấp văn bằng bảo hộ ở nước họ không mang quốc tịch hoặc một đối tượng sở hữu công nghiệp (đã được cấp văn bằng) được sử dụng ở nước khác.

          Vấn đề đặt ra là trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài phát sinh thì hệ thống các quy phạm pháp luật nào sẽ được áp dụng? Để giải quyết vấn đề này hầu hết các nước, đặc biệt là các nước theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa, đã coi vấn đề quyền sở hữu trí tuệ là đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế. 

          Việc coi quyền sở hữu trí tuệ là đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế không đồng nghĩa với việc coi vấn đề sở hữu trí tuệ có hiện tượng xung đột pháp luật, hay nói cách khác không có việc chọn luật để áp dụng điều chỉnh các quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Trong tư pháp quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ được đặt ra là nhằm bảo vệ một trong các quyền dân sự có yếu  tố nước ngoài. 

          3. Ý nghĩa của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

          Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài nói riêng có một số ý nghĩa sau đây:

          Thứ nhất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ một trong số các quyền cơ bản của con người. Trong Tuyên bố quốc tế về quyền con người của Liên Hợp Quốc đã khẳng định tại Điều 27(2) như sau: "Mọi người sáng tạo đều có quyền hưởng sự bảo hộ đối với những lợi ích chính đáng của mình từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học mà họ là tác giả". Các lợi ích của tác giả bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần phát sinh từ đối tượng sở hữu trí tuệ.

          Khi đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bị sử dụng bất hợp pháp, nó sẽ làm thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi của chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ đó. Thiệt hại này bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần.

          Về thiệt hại vật chất: để tạo ra một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, tác giả của nó phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Việc một người nào đó sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ không được sự đồng ý của  người sáng tạo ra đối tượng đó, với mục đích kinh doanh thì không những lợi dụng công sức, thời gian và tiền bạc của người sáng tạo ra đối tượng của quyền sở  trí tuệ mà còn thu lợi bất chính từ việc sử dụng, khai thác các đối tượng của sở hữu trí tuệ đó. Điều này đồng nghĩa với việc làm thiệt hại về mặt vật chất đối với người sáng tạo ra đối tượng sở hữu trí tuệ.

          Về thiệt hại tinh thần: sản phẩm trí tuệ được tạo ra không thuần tuý là sự kết tinh của giá trị của công sức, thời gian và tiền bạc của tác giả mà là sản phẩm trí tuệ, là đứa con tinh thần của người sáng tạo ra nó. Do đó một sản phẩm của sở hữu trí tuệ bị khai thác hoặc sử dụng ngoài ý muốn của người sáng tạo ra đối tượng của sở hữu trí tuệ sẽ làm thiệt hại về tinh thần đối với người sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ đó.

          Thứ hai, bảo hộ quyền tác giả là bảo vệ quyền lợi của xã hội. Về mặt xã hội, thì sản phẩm trí tuệ là tài sản của loài người. Do đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp bảo đảm quyền lợi cho tất cả mọi người trong xã hội. Thực tế cho thấy hành vi sử dụng bất hợp pháp đối với sản phẩm của sở hữu trí tuệ không chỉ làm thiệt hại cho người sáng tạo ra chúng mà còn làm thiệt hại đến lợi ích của toàn xã hội. Giả sử quyền sở hữu đối với sản phẩm trí tuệ không được bảo hộ hoặc bảo hộ không triệt để, sẽ làm cho những người có khả năng tạo ra sản phẩm trí tuệ không muốn tạo ra sản phẩm trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng làm giầu thêm kho tàng tri thức của nhân loại. Do đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được đặt ra trong phạm vi quốc gia mà còn được đặt ra trên phạm vi quốc tế.

          Tinh thần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thể hiện rất rõ trong dòng chữ khắc trên vòm trụ sở chính của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới: "Tài sản của con người xuất phát từ những tác phẩm văn học và công trình sáng tạo. Những tác phẩm này được bảo đảm bằng tài sản trong suốt cuộc đời của con người. Đó là nhiệm vụ của các quốc gia bảo đảm một cách hữu hiệu việc bảo hộ tác phẩm văn học và công trình sáng tạo đó".

II- VAI TRÒ CỦA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG VIỆC BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

          1. Đặc điểm của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ quốc tế.

          Như đã trình bày ở trên, do đặc tính phi vật chất của quyền sở hữu trí tuệ nên chúng dễ phổ biến, dễ truyền bá, trong khi đó việc bảo hộ chúng mang tính chất lãnh thổ. Nói cách khác, quyền sở hữu trí tuệ phát sinh ở quốc gia nào thì nó chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó mà thôi. Do đó, một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khi bị sử dụng bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ không được bảo hộ ở nước ngoài đó nếu như không áp dụng các biện pháp phối hợp trong quan hệ quốc tế.

          Đối tượng của sở hữu trí tuệ, xét về mặt kinh tế xã hội, như đã trình bày ở trên, chúng là tài sản của nhân loại. Đối tượng của sở hữu trí tuệ là sản phẩm trí tuệ của loài người, chúng được ra đời là để phục vụ lợi ích của con người. Do đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không phải công việc riêng của mỗi Nhà nước.

           Trong phạm vi một quốc gia, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được luật pháp quốc gia đó quy định. Tuy nhiên, do đặc điểm của các quy phạm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ, do đó khi một đối tượng của sở hữu trí tuệ bị sử dụng bất hợp pháp ở nước ngoài thì luật pháp của nước làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ không thể bảo vệ được. Vì vậy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài phải dựa vào sự hợp tác quốc tế của các quốc gia thông qua việc ký kết các Điều ước quốc tế.

          2. Vai trò của Điều ước quốc tế trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế.

            Trong quan hệ quốc tế, muốn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các nước phải đưa quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài trở thành đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Trong tư pháp quốc tế việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thường được tiến hành dưới hai hình thức: một là, luật pháp các nước quy định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo một số nguyên tắc nhất định; hai là, các nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc ký kết Điều ước quốc tế. Trong hai hình thức này, xét về mặt quốc tế, thì hình thức ký kết Điều ước quốc tế giữa các nước được xem là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài hữu hiệu hơn. Bởi vì với hình thức này các nước sẽ phối hợp với nhau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi quốc tế.

          Việc ký kết các Điều ước quốc tế không đưa ra các nguyên tắc chọn luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, mà nó chỉ đưa ra các biện pháp, các cách thức để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Bởi vì khác với hầu hết các nhóm quan hệ khác của tư pháp quốc tế, trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài không có xung đột pháp luật. Việc coi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là một nhóm quan hệ là đối tượng điều chỉnh trong tư pháp quốc tế là nhằm bảo vệ trong những quyền dân sự của con người. 

          Trong các Điều ước quốc tế, các nước thường đưa ra các nguyên tắc trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một trong những nguyên tắc được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế là áp dụng chế độ đãi ngộ như công dân trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Theo nguyên tắc này, các nước ký kết thoả thuận sẽ dành cho thể nhân và pháp nhân của nhau những chế độ pháp lý tương tự chế độ pháp lý mà mình đã và đang áp dụng đối với thể nhân và pháp nhân nước mình trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 

          Việc đưa ra các biện pháp bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế không những bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ, nhằm làm giầu có thêm kho tàng kiến thức nhân loại mà nó còn tăng cường mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.

III. THỰC TIỄN KÝ KẾT VÀ THAM GIA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM VỀ VIỆC BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

          1. Tình hình khái quát.

          Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề quan trọng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Bên cạnh việc ghi nhận sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong luật pháp của mình, nhiều nước còn tích cực tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về vấn đề này. Ví dụ ở Anh đã ban hành Đạo luật Anne năm 1709 về bảo hộ quyền tác giả; ở Pháp việc quy định bảo hộ quyền tác giả được ghi nhận trong hai Sắc lệnh vào năm 1791 và năm 1793... Bên cạnh đó, để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, nhiều nước đã tham gia các Điều ước quốc tế về vấn đề này như: Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả, Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Madrit 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa...

          Ở Việt Nam, trong nhiều năm trước đây, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí  tuệ nói chung và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, với chính sách thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đặc biệt trong quan hệ đối ngoại, chúng ta đang đi theo xu hướng chung của thời đại, đó là quốc tế hoá, do đó vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài nói riêng đang được Nhà nước ta quan tâm hơn lúc nào hết. Bên cạnh việc ban hành các quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã ký kết và tham gia một số Điều ước quốc tế song phương và Điều ước quốc tế đa phương về vấn đề này.

          2. Lĩnh vực quyền tác giả.

          Như đã trình bày ở trên, do chưa có sự quan tâm đúng mức trong nhiều năm trước đây, nên việc ký kết và tham gia các Điều ước quốc tế ở Việt Nam trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả còn có nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả chúng ta chưa ký kết hoặc tham gia một Điều ước quốc tế nhiều bên nào. Do đó trong quan hệ quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Nói cách khác quyền tác giả của công dân Việt Nam ở nước ngoài và quyền tác giả của người nước ngoài tại Việt Nam chưa được bảo hộ đúng mức. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của Việt Nam trong đời sống quốc tế.

          Mặc dù Việt Nam chưa là thành viên của một Điều ước quốc tế đa phương nào về bảo hộ quyền tác giả, nhưng trong vài năm qua Việt Nam đã có nhiều cố gắng để ký kết một số Điều ước quốc tế tay đôi về vấn đề này. Chúng ta đã ký kết được hai Điều ước quốc tế song phương về bảo hộ quyền tác giả với Hoa Kỳ và với Thuỵ Sĩ. Có thể nói đây là một trong những thành tích rất đáng kể của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

          3. Lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp.

          Nếu như trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, Việt Nam chưa là thành viên của bất cứ một Điều ước quốc tế đa phương nào, thì trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Việt Nam đã là thành viên của một số Điều ước quốc tế đa phương quan trọng.

          Năm 1981, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước quốc tế Pari (1883) về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; cũng từ năm 1981 Việt Nam tham gia Thoả ước Madrit (1891) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá; và từ năm 1993 Việt Nam là thành viên của Công ước Washington (1970) về hợp tác quốc tế trong việc cấp bằng sáng chế quốc tế. Việc Việt Nam là thành viên của 3 Công ước quốc tế quan trọng trên đây đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.

IV. NỘI DUNG PHÁP LÝ CƠ BẢN CỦA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ MÀ VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT, THAM GIA HOẶC SẼ THAM GIA

            1. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong các Điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam đã  tham gia

          a) Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

          Công ước Paris được ký ngày 20 tháng 3 năm 1883 tại Pari với sự tham gia ban đầu của 11 nước thành viên. Từ khi ký kết đến nay Công ước đã được sửa đổi và bổ sung nhiều lần vào các năm 1925 tại Lahaye, năm 1939 tại Luân đôn, năm 1958 tại Lixbon, năm 1967 tại Xtôckhôm, năm 1990 tại Bruxen, năm 1991 tại Washington. Từ khi Công ước được ký kết đến nay số lượng thành viên của nó cũng không ngừng được tăng lên. Tính cho tới nay, số lượng thành viên của Công ước đã lên tới hơn 100 nước thành viên. Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước từ năm 1981.

          Công ước được ký kết thành lập nên Liên minh quốc tế nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trên cơ sở xây dựng các điều kiện thuận lợi cho việc cấp văn bằng bảo hộ đối với đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

          Công ước quy định một số vấn đề cơ bản về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như sau:

          Thứ nhất, về đối tượng được bảo hộ. Theo quy định của Công ước thì đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm patent, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ hàng hoá và chống cạnh tranh không lành mạnh (Điều 1 khoản 2).

          Về khái niệm quyền sở hữu công nghiệp, Công ước chỉ rõ khái niệm này phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Nó không những chỉ áp dụng cho công nghiệp và thương mại theo đúng nghĩa của chúng mà nó còn được áp dụng cho cả các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai thác và tất cả các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm tự nhiên như rượu, ngũ cốc, thuốc lá, hoa quả, gia súc, khoáng sản, nước khoáng, bia, hoa và bột (Điều1 khoản 3).

          Thứ hai, về nguyên tắc bảo hộ. Nguyên tắc cơ bản được quy định trong Công ước là nguyên tắc đãi ngộ như công dân. Tại Điều 2 khoản 1 Công ước quy định: trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, công dân của bất kỳ nước thành viên nào cũng đều được hưởng mọi quyền lợi tại tất cả các nước thành viên khác mà luật tương ứng của các nước đó quy định hoặc sẽ quy định cho công dân nước mình; hoàn toàn không ảnh hưởng đến các quyền lợi được quy định riêng trong Công ước. Do đó, tại các nước thành viên khác họ được hưởng sự bảo hộ và được hưởng công cụ bảo vệ của pháp luật chống lại mọi hành vi vi phạm quyền của mình như những công dân của nước đó, miễn là tuân thủ các điều kiện và tuân thủ mọi quy định đối với công dân nước đó.

          Về các đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân, Công ước quy định: Công dân của các nước không phải là thành viên Liên hiệp nhưng định cư hoặc có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp thực sự và có hiệu quả trên lãnh thổ của một trong những nước thành viên Liên hiệp thì sẽ được hưởng đối xử theo cùng một chế độ như công dân của các nước thành viên Liên hiệp (Điều 3).

          Thứ ba, về quyền ưu tiên. Theo quy định tại Điều 4 của Công ước thì bất kỳ người nào đã nộp đơn hợp lệ xin cấp bằng patent hoặc xin đăng ký mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu hàng hoá tại một trong các nước thành viên của Liên hiệp, hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó, trong quá trình nộp đơn ở các nước khác sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong một thời gian nhất định. Thời gian này quy định là 12 tháng đối với patent và mẫu hữu ích, là 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá. Thời gian ưu tiên bắt đầu từ ngày nộp đơn đầu tiên, ngày nộp đơn đầu tiên không tính trong thời hạn ưu tiên.

          Thứ tư, về các quy định cụ thể trong việc bảo hộ đối với từng đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Từ Điều 4 bis đến Điều 11, Công ước quy định các vấn đề liên quan tới việc bảo hộ đối với đối tượng của sở hữu trí tuệ như các điều kiện bảo hộ, nguyên tắc chuyển giao, khai thác, sử dụng và chống cạnh tranh không lành mạnh đối với: patent, mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá.

          Thứ năm, cơ chế thực thi Công ước. Việc thực thi Công ước do các cơ quan chuyên môn của các nước thành viên về sở hữu công nghiệp đảm nhiệm. Theo Điều 12 của Công ước thì mỗi nước thành viên của Liên hiệp có trách nhiệm thành lập một cơ quan chuyên môn về sở hữu công nghiệp và một cơ quan Trung ương để công bố cho công chúng các patent sáng chế, các mẫu hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hoá. Để thực hiện công tác này, cơ quan chuyên môn phải thường xuyên thông báo chính thức và có định kỳ đối với các đối tượng được bảo hộ, trong đó tên của chủ văn bằng, tên và tóm tắt các sáng chế đã được cấp văn bằng, các phiên bản của các nhãn hiệu đã đăng ký phải được công bố.

          b) Thoả ước Mardrit (1891) về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá

          Thoả ước Mardrit về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá được ký ngày 14 tháng 4 năm 1891 dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Pari về sở hữu công nghiệp. Thoả ước đã thành lập nên Hiệp hội đặc biệt về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.

          Từ khi ký kết đến nay, Thoả ước được xem xét sửa đổi và bổ sung nhiều lần. Hiện nay Thoả ước này có khoảng 40 nước thành viên. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Thoả ước này từ năm 1981. 

          Về nguyên tắc bảo hộ, Điều 1 khoản 2 của Thoả ước quy định: Công dân của tất cả các nước thành viên có thể đạt được sự bảo hộ tại các nước khác cho nhãn hiệu của mình đối với các hàng hoá và dịch vụ đã được đăng ký tại nước xuất xứ, bằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Văn phòng quốc tế về sở hữu trí tuệ, thông qua sự trung gian của cơ quan chuyên trách tại nước xuất xứ. Hơn thế, Thoả ước còn quy định áp dụng chế độ đãi ngộ như công dân đối với các công dân không của các nước thành viên của Thoả ước, nếu thoả mãn một số điều kiện nhất định được quy định tại điều 3 của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo Điều 3 của Công ước Paris thì công dân của các nước không phải là thành viên của Liên hiệp nhưng định cư hoặc có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp thực sự trên lãnh thổ của một trong những nước thành viên của Liên hiệp sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân.

           Như vậy nguyên tắc đãi ngộ như công dân được Thoả ước quy định một cách rất cụ thể. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các công dân của các nước thành viên của Thoả ước mà còn áp dụng cho cả các công dân không phải là công dân của các nước là thành viên Hiệp ước nếu định cư hoặc có trụ sở thương mại ở một trong các nước thành viên của Liên minh. 

          Về việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa, Thoả ước quy định một số nội dung chủ yếu sau:

          Đối với đơn đăng ký quốc tế: tất cả các đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá phải trình bày theo đúng hình thức đã quy định. Trong đó cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ phải chứng nhận rằng các chi tiết trong đơn đăng ký tương ứng với các chi tiết trong danh bạ quốc gia. Đồng thời người nộp đơn  phải chỉ ra các hàng hoá hoặc dịch vụ mà theo đó nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ (Điều 3 khoản 1 và 2).

          Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký ngay những nhãn hiệu hàng hoá nếu người đăng ký đó đã nộp đơn hợp lệ. Ngày đăng ký sẽ là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế tại nước xuất xứ, nếu Văn phòng quốc tế nhận đơn đăng ký trong vòng hai tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu Văn phòng đăng ký nhận được đơn ngoài thời gian trên thì việc đăng ký sẽ được tiến hành ngay trong ngày nhận được đơn đó. Sau khi đăng ký, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo ngay việc đăng ký cho các cơ quan hữu quan. Đồng thời nhãn hiệu được đăng ký sẽ được công bố trên tạp chí thường kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành thường kỳ (Điều 3 khoản 4).

          Thời hạn hiệu lực của việc bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá. Theo quy định Thoả ước thì thời hạn bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá là 20 năm (Điều 6). Hết thời gian trên thì thời gian bảo hộ có thể  được gia hạn thêm 20 năm (Điều 7 khoản 1). Trước khi hết hiệu lực bảo hộ 6 tháng, Văn phòng quốc tế sẽ thông báo không chính thức để nhắc nhở chủ nhãn hiệu được bảo hộ hoặc người đại diện của họ về ngày hết hiệu lực của việc bảo hộ (Điều 7 khoản 4).

c) Hiệp ước Washington (1970) về cấp văn bằng sáng chế quốc tế

          Hiệp ước Washington (1970) về Cấp văn bằng sáng chế quốc tế được ký ngày 19 tháng 6 năm 1970. Trên cơ sở của Hiệp định, các nước thành viên Hiệp định thoả thuận hợp tác trong việc cấp bằng sáng chế quốc tế.

          Hiện nay Hiệp ước có khoảng 100 quốc gia thành viên. Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp ước này từ năm 1993.

          Với mục đích đơn giản hoá việc bảo hộ pháp lý nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong việc bảo hộ đối với sáng chế khi nó có nhu cầu bảo hộ ở nhiều nước, trên cơ sở của Công ước, các nước thành viên thành lập Hiệp hội quốc tế về hợp tác Patent.

          Theo quy định của Công ước thì bất kỳ người nào là công dân của nước là thành viên của Công ước hoặc là người cư trú trên lãnh thổ của nước là thành viên của Công ước đều có quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế theo quy định của Công ước (Điều 9 khoản 1). Đối với những người mặc dù không có nơi cư trú trên lãnh thổ của nước thành viên hoặc những người không phải là công dân của nước thành viên cũng sẽ được bảo hộ quyền nộp đơn quốc tế, nếu những người này là công dân hoặc có nơi cư trú ở bất kỳ nước thành viên nào của Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 9 khoản 2).

          Để được hưởng sự bảo hộ theo Công ước, những người nộp đơn phải nộp đơn quốc tế theo quy định của Công ước. Đơn quốc tế bao gồm tờ khai xin bảo hộ sáng chế, bản mô tả sáng chế, một hoặc một số yêu cầu bảo hộ, một hoặc một số bản vẽ và bản tóm tắt (Điều 3 khoản 2).

          Đơn quốc tế được làm thành 3 bản: một bản (bản sở tại) gửi cho cơ quan nhận đơn (là cơ quan của quốc gia hoặc tổ chức liên chính phủ có chức năng nhận đơn); một bản (bản hồ sơ, bản này được coi là bản gốc) gửi cho Văn phòng quốc tế và; một bản (bản tra cứu) gửi cho cơ quan tra cứu quốc tế.

          Việc tra cứu quốc tế được cơ quan tra cứu quốc tế thực hiện với mục đích tìm ra "tình trạng kỹ thuật liên quan đã biết" (Điều 15 khoản 2). Báo cáo kết quả tra cứu quốc tế được sẽ được gửi cho người nộp đơn và cho Văn phòng quốc tế (Điêù 18). Văn phòng quốc tế là cơ quan tiến hành công bố các đơn quốc tế (Điều 21). Việc yêu cầu xét nghiệm sơ bộ quốc tế được tiến hành riêng biệt với đơn quốc tế. Mục đích của việc tiến hành xét nghiệm sơ bộ quốc tế là đưa ra các kết luận về các tiêu chuẩn bảo hộ như tính mới, tính sáng tạo và tính áp dụng của sáng chế.

          Trên cơ sở kết luận của báo cáo tra cứu và xét nghiệm quốc tế, dựa vào tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế theo luật quốc gia, các quốc gia thành viên được chọn hoặc chỉ định sẽ cấp văn bằng bảo hộ sáng chế được ghi trong đơn xin cấp văn bằng quốc tế.

          2. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong các Điều ước quốc tế song  phương mà Việt Nam đã tham gia

          a) Bảo hộ quyền tác giả quy định trong Hiệp định về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

          Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 6 năm 1997 Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa hai chính phủ đã được ký kết. Tại Điều 11 khoản 1 của Hiệp định quy định Hiệp định sẽ có hiệu lực vào thời điểm các bên ký kết trao đổi các văn bản thông báo về việc mỗi bên sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ của Hiệp định. Đến tháng 12 năm 1998 hai Chính phủ đã thông báo chính thức việc sẵn sàng thực hiện Hiệp định. Cụ thể là ngày 22 tháng 12 năm 1998 Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố hiệu lực của Hiệp định và Chính phủ Việt Nam đã công bố hiệu lực của Hiệp định được tính từ ngày 23 tháng 12 năm 1998.

          - Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định.

          Nguyên tắc bảo hộ được ghi nhận trong Hiệp định là nguyên tắc đãi ngộ như công dân. 

           Điều 2 của Hiệp định quy định: "Mỗi bên ký kết, phù hợp với luật và các thủ tục của mình, sẽ dành cho các tác phẩm của những tác giả, nhà sáng tạo và nghệ sĩ là công dân hoặc người thường trú của Bên kia và cho các tác phẩm  công bố lần đầu tiên tại lãnh thổ của Bên kia sự bảo hộ quyền tác giả không kém thuận lợi hơn sự bảo hộ mà Bên đó dành cho công dân nước mình". Để tôn trọng nguyên tắc đãi ngộ như công dân và đảm bảo cho quyền tác giả được bảo hộ thuận lợi và hiệu quả nhất, Hiệp định quy định các bên không được áp đặt các thể thức hoặc đưa ra các yêu cầu về việc công bố hoặc đăng ký để được hưởng quyền được bảo hộ theo quy định của Hiệp định (điều 4).

          - Nội dung pháp lý cơ bản của Hiệp định.

          Hiệp định bao gồm 11 điều: Điều 1 - Định nghĩa; Điều 2 - Đối xử quốc gia; Điều 3 - Tác phẩm được bảo hộ; Điều 4 - Thể thức; Điều 5 - Quyền tối thiểu; Điều 6 - Thi hành; Điều 7 - Giải quyết tranh chấp; Điều 8 - Hợp tác; Điều 9 - Thực hiện nghĩa vụ; Điều 10 - Sửa đổi; Điều 11 - Hiệu lực của Hiệp định.

          Hiệp định quy định một số nội dung chính về việc bảo vệ quyền tác giả như sau:

          - Bảo hộ quyền tối thiểu:

          Trên nguyên tắc đãi ngộ như công dân, các bên cam kết bảo hộ quyền tác gỉa trên cơ sở quyền tối thiểu. Theo quy định về quyền tối thiểu thì người được hưởng quyền tác giả được pháp luật bảo vệ độc quyền cho phép hoặc không cho phép người khác thực hiện các hành vi như: a) Sao chép một tác phẩm, sáng tạo tác phẩm khác dựa trên tác phẩm đó và phân phối bản sao của các tác phẩm đó; b) Việc trình diễn tác phẩm trước công chúng đối với những tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch và múa, kịch câm, phim và tác phẩm nghe nhìn; c) Việc trình bày các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả trước công chúng đối với các tác phẩm văn học, âm nhạc, kịch, múa, kịch câm, hội hoạ, đồ hoạ, tạo hình, bao gồm các ảnh đơn chiếc của một bộ phim hoặc tác phẩm nghe nhìn khác.

          - Các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam: 

          Trên cơ sở nội dung Hiệp định, Thông tư số 05/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam ngày 12-9-1998 về việc hướng dẫn thực hiện Hiệp định Việt Nam - Hoa kỳ đối với việc bảo hộ quyền tác giả, thì các tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam được cụ thể hoá như sau:

          * Các tác phẩm của tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ;

          * Các tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Hoa Kỳ mà tác giả của nó không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc là người không thường trú tại Hoa Kỳ;

          * Các tác phẩm mà công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ được hưởng những quyền kinh tế theo quy định của luật về quyền tác giả tại Việt Nam hoặc tác phẩm mà những quyền kinh tế thuộc về một pháp nhân do một công dân Hoa Kỳ hoặc người thường trú tại Hoa Kỳ kiểm soát trực tiếp, gián tiếp hoặc có quyền sở hữu đối với phần lớn cổ phần hoặc tài sản của pháp nhân đó, miễn là quyền sở hữu nói trên phát sinh trong vòng một năm kể từ ngày công bố lần đầu các tác phẩm đó tại  một nước thành viên của một điều ước đa phương về quyền tác giả mà Hoa Kỳ là thành viên tại thời điểm mà Hiệp định về quyền tác giả này giữa hai Chính phủ có hiệu lực.

          * Các tác phẩm mà tác giả là công dân Hoa Kỳ hoặc là người thường trú tại Hoa Kỳ và các tác phẩm đã được công bố lần đầu tại Hoa Kỳ trước khi Hiệp định về quyền tác giả có hiệu lực nhưng chưa thuộc về công cộng tại Hoa Kỳ sau khi hưởng toàn bộ thời hạn bảo hộ.

          b) Bảo hộ quyền tác giả quy định trong Hiệp định về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ

          Hiệp định giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được ký ngày 7 tháng 7 năm 1999 và có hiệu lực từ ngày 8 tháng 6 năm 2000.

          Theo quy định của Hiệp định thì hai nước cam kết củng cố hệ thống thương mại đa biên thế giới, đặc biệt là các Điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 1 khoản 2).

          Mục tiêu của Hiệp định là bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với: quyền tác giả; các quyền kề cận bao gồm cả chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu; nhãn hiệu hàng hoá; chỉ dẫn địa lý bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; giống cây trồng; thiết kế bố trí mạch tích hợp; thông tin bí mật và các đối tượng khác được pháp luật của các bên ký kết bảo hộ (Điều 1 khoản 3).

           Để bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài phù hợp với quy định của các Điều ước quốc tế quan trọng và phù hợp với tập quán quốc tế trong lĩnh vực này, Hiệp định quy định: các Bên có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ được quy định trong một số Điều ước quốc tế đa phương về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (nếu các bên đã là thành viên của các Điều ước quốc tế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ). Nếu các bên chưa là thành viên của các Điều ước quốc tế đa phương này thì phải thực hiện các biện pháp nhằm tham gia các Điều ước quốc tế đa phương đó (Điều 2). Tại phần phụ lục 1 của Công ước, các Điều ước quốc tế đa phương nói trên được quy định cụ thể như sau: 

          - Công ước Paris ngày 20 tháng 3 năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

          - Hiệp ước hợp tác Patent ngày 19 tháng 6 năm 1970;

          - Thoả ước Mardrit ngày 14 tháng 4 năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá;

          - Hiệp định WTO về các vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ngày 15 tháng 4 năm 1994;

          - Công ước Berne ngày 9 tháng 9 năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật;

          - Công ước Rôma ngày 26 tháng 10 năm 1961 về bảo hộ những người biểu diễn, các nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình;

          - Công ước quốc tế ngày 2 tháng 12 năm 1961 về bảo hộ giống cây mới;

          - Hiệp định La haye ngày 6 tháng 11 năm 1925 về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

          - Thoả ước Mardrit ngày 14 tháng 4 năm 1891 về chống các chỉ dẫn giả mạo hoặc lừa dối và nguồn gốc hàng hoá;

          - Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Mardrit về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá được thông qua tại Mardrit ngày 27 tháng 6 năm 1989;

          - Hiệp ước ngày 27 tháng 10 năm 1994 về Luật nhãn hiệu hàng hoá;

          - Hiệp ước Budapest ngày 28 tháng 4 năm 1977 về công nhận quốc tế việc nộp lưu các chủng vi sinh để phục vụ xét nghiệm sáng chế.

          Về nguyên tắc bảo hộ, Hiệp định quy định việc bảo hộ quyền tác giả sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đãi ngộ như công dân và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.

          Điều 4 của Hiệp định quy định: các bên ký kết sẽ dành cho công dân của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử  mà mỗi bên dành cho công dân nước mình trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào được một bên ký kết dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác thì cũng phải lập tức và vô điều kiện dành cho công dân của nước ký kết kia.

          Về mức độ bảo hộ, Hiệp định quy định các bên ký kết phải bảo đảm việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ít nhất phải đạt mức độ quy  định trong Hiệp định TRIPs.

           3. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong một số Điều ước quốc tế quan trọng mà Việt Nam cần phải tham gia

          a) Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả

          Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả là Công ước quốc tế đa phương đầu tiên về vấn đề này. Công ước được ký năm 1886 tại Berne (Thuỵ Sĩ) và được sửa đổi và bổ sung nhiều lần vào các năm: năm 1896 tại Paris, năm 1908 tại Beclinh, năm 1914 tại Berne, năm 1928 tại Rôma, năm 1948 tại Brucxen, 1967 tại Xtốckhôm, và năm 1971 tại Paris.

          Nguyên tắc bảo hộ của Công ước Berne đối với quyền tác giả là nguyên tắc đãi ngộ như công dân. Công ước quy định: đối với những tác phẩm được Công ước bảo hộ thì các tác giả được hưởng quyền tác giả ở các nước Liên hiệp ngoại trừ quốc gia gốc của tác phẩm, những quyền lợi do luật quốc gia liên hệ dành cho công dân nước đó trong hiện tại và trong tương lai cũng như những quyền lợi mà Công ước này đặc biệt quy định (Điều 5 khoản 1). Đồng thời Công ước quy định rõ: việc bảo hộ trong quốc gia gốc do luật pháp quốc gia đó quy định. Tuy nhiên, khi tác giả không phải là công dân của quốc gia gốc của tác phẩm được Công ước bảo hộ thì các tác giả đó được hưởng trong quốc gia này những quyền như các tác giả là công dân nước đó (Điều 5 khoản 3).

          Đối tượng được bảo hộ: tại Điều 1 của Công ước quy định các nước thành viên thành lập một Liên hiệp để bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Như vậy có thể nói rằng đối tượng mà Công ước bảo hộ là các quyền của tác giả đối với "Các tác phẩm văn học và nghệ thuật".

          Thuật ngữ "các tác phẩm văn học và nghệ thuật" được cụ thể hoá trong Điều 2 của Hiệp định, đó là tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật. Những sản phẩm này được thể hiện dưới bất kỳ phương thức hay dưới bất kỳ một hình thức nào. Ví như: sách, tập in nhỏ, các bài viết, các bài giảng, các bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không có lời, các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, các tác phẩm đồ hoạ, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, trạm trổ, in thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh hoạ, đồ hoạ, địa đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm tạo hình liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học.

          Như vậy, theo quy định của Công ước thì quyền tác giả của bất kỳ một "tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật" khi được thể hiện dưới bất cứ một phương thức hay dưới một hình thức nào đó cũng được Công ước bảo hộ. Tuy nhiên, Công ước cho phép các quốc gia thành viên có quyền quyết định không bảo hộ các tác phẩm nói chung hoặc những thể loại cụ thể khác, khi các tác phẩm đó chưa được thể hiện trên một hình thái vật chất cụ thể. 

           Thời gian bảo hộ: Theo quy định của Công ước, thời gian bảo hộ quyền tác giả là 50 năm sau khi tác giả chết. Tuy nhiên, đối với tác phẩm điện ảnh thì thời gian bảo hộ là 50 năm sau khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng hoặc khi tác phẩm được thực hiện; đối với tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm nghệ thuật ứng dụng  thì thời gian bảo hộ không dưới 25 năm (Điều 7).

          b) Công ước Giơnevơ (1952) về bảo hộ quyền tác giả

          Công ước Giơnevơ (1952) về bảo hộ quyền tác giả còn có tên gọi là Công ước toàn cầu về bản quyền (Universal Copyright Convention). Công ước này được ký ngày 6 tháng 9 năm 1952 dưới sự bảo trợ của UNESCO.

          Nguyên tắc bảo  hộ được quy định trong Công ước là nguyên tắc đãi ngộ như công dân. Theo nguyên tắc này thì các tác phẩm của công dân của bất kỳ nước nào là thành viên của Công ước và các tác phẩm được công bố lần đầu ở nước đó sẽ được hưởng  tại các nước khác là thành viên của Công ước sự bảo hộ mà các nước thành viên này áp dụng đối với các tác phẩm của các công dân nước mình lần đầu được công bố trong lãnh thổ nước mình (Điều 2 khoản 1). Đối với các tác phẩm chưa được công bố của công dân mỗi nước thành viên tham gia Công ước sẽ được hưởng tại các nước thành viên khác của Công ước sự bảo hộ bản quyền mà các nước này áp dụng đối với các tác phẩm chưa được công bố của các công dân nước mình (Điều 2 khoản 2). Trên cơ sở của luật pháp nước mình, các nước thành viên có thể cho phép mọi công dân cư trú tại nước mình được hưởng quyền tác giả như công dân nước mình.

          Về thời hạn bảo hộ Công ước quy định: Thời gian bảo hộ bản quyền, về nguyên tắc, không được ngắn hơn đời người của tác giả và 25 năm sau khi tác giả chết. Tuy nhiên, nếu một nước thành viên nào đó mà thời gian bảo hộ bị hạn chế hơn bằng một thời hạn tính từ lần công bố đầu tiên, thì thời hạn bảo hộ tác phẩm loại này không được dưới 25 năm kể từ ngày công bố lần đầu tiên tác phẩm.

          Về giá trị ưu tiên áp dụng của Công ước Giơnevơ với các Công ước quốc tế khác mà quốc gia vừa là thành viên của các Công ước Giơnevơ, vừa là thành viên của các Công ước quốc tế khác thì, về nguyên tắc, các quy định của Công ước Giơnevơ được ưu tiên áp dụng (Điều 19)

          c) Hiệp định TRIPs

          Hiệp định TRIPs (Agreement on Trade Related Aspects of Intellectual Property Rights) được ký ngày 15 tháng 4 năm 1994 tại Marrakesh (Cộng hoà Marốc) trong khuôn khổ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1996. Nội dung của Hiệp định này một phần được dựa trên các quy định của một số Điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ như: Công ước Paris (1967) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Berne (1971) về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, Hiệp ước Washington (1989) về bố trí mạch tích hợp, Công ước Rôma (1961) về bảo hộ những người biểu diễn, người sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình.

          Hiệp định TRIPs đã đưa ra những tiêu chuẩn và nghĩa vụ tối thiểu buộc các thành viên phải tuân thủ. Theo đó các nước thành viên phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả nhất, đồng thời trong quá trình thực thi các biện pháp và tiến hành các thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các nước thành viên không được gây trở ngại cho các hoạt động thương mại hợp pháp. Điều 1 khoản 1 Hiệp định quy định: "Các thành viên phải thi hành các điều khoản của thoả thuận này. Các thành viên có thể, nhưng không bị ép buộc, áp dụng trong luật của mình sự bảo hộ rộng hơn so với sự bảo hộ mà thoả thuận này đòi hỏi, với điều kiện là sự bảo hộ đó không trái với quy định của thoả thuận này. Các thành viên sẽ tự do quyết định biện pháp thích hợp nhằm thi hành các điều khoản của thoả thuận này trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của mình".

Cơ cấu của Hiệp định: Hiệp định bao gồm 7 mục với 73 điều được bố cục như sau:

          Phần 1: Các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản. Trong phần này, Hiệp định quy định tính chất và phạm vi các nghĩa vụ của các thành viên, đồng thời Hiệp định cũng quy định các nguyên tắc đãi ngộ được áp dụng trong Hiệp định...

          Phần 2: Tiêu chuẩn liên quan đến việc có bảo hộ, phạm vi và việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Trong phần này gồm 8 mục đó là: Mục 1 - Bản quyền và quyền liên quan; Mục 2 - Nhãn hiệu hàng hoá; Mục 3 - Chỉ dẫn địa lý; Mục 4 - Kiều dáng công nghiệp; Mục 5 - Bằng sáng chế; Mục 6 - Thiết kế bố trí mạch tích hợp; Mục 7 - Bảo hộ thông tin kín; Mục 8 - Kiểm soát hành vi chống cạnh tranh trong hợp đồng li-xăng.

          Phần 3: Thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong phần này Hiệp định quy định thủ tục tố tụng và các biện pháp chế tài dân sự và hành chính, bao gồm cả các biện pháp tạm thời trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

          Phần 4: Thủ tục về nhận và duy trì quyền sở hữu trí tuệ và về quyền quan hệ giữa các bên có liên quan.

          Phần 5: Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp.

          Phần 6: Những thoả thuận chuyển tiếp.

          Phần 7: Những thoả thuận về cơ chế và các điều khoản cuối cùng.

Về nguyên tắc bảo hộ:

          Hiệp định quy định hai nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó là: Nguyên tắc đãi ngộ như công dân và nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.

          Điều 3 của Hiệp định ghi nhận: Mỗi nước thành viên phải dành cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền là công dân của nước thành viên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với đối xử của nước thành viên đó đối với tác giả, chủ sở hữu bản quyền là công dân của mình trong bảo hộ quyền tác giả.

          Điều 4 của Hiệp định quy định: Bất kỳ sự thuận lợi, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ nào được một nước thành viên dành cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền là công dân của bất kỳ nước nào thì ngay lập tức và vô điều kiện những thuận lợi, ưu đãi, đặc quyền hoặc miễn trừ đó phải được dành cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền là công dân của tất cả các nước thành viên khác.

          Nội dung bảo hộ:   

          Theo quy định của Điều 9 khoản 1 của Hiệp định thì các nước thành viên của Hiệp định phải quy định nội dung bảo hộ bản quyền theo Công ước Berne (1971). Tuy nhiên, mở rộng hơn Công ước Berne, Hiệp định TRIPs quy định phần mềm của máy tính phải được bảo hộ như một tác phẩm văn học. Điều 10 Hiệp định quy định: "1- Chương trình máy tính, dù trong dạng mã nguồn hay mã máy, phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước  Berne; 2- Sưu tập dữ liệu khác, dù ở dạng đọc được bằng máy hoặc dạng khác, mà việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung của chúng tạo nên những sáng tạo trí tuệ thì phải được bảo hộ với tư cách như vậy. Việc bảo hộ nói trên, mà chính nó không được mở rộng đến bản thân các dữ kiện hoặc tư liệu, không được làm tổn hại tới bất kỳ bản quyền nào đang tồn tại trong chính dữ liệu hoặc tư liệu đó".

          Về thời hạn bảo hộ, Điều 12 Hiệp định quy định: nếu thời gian bảo hộ tác phẩm không là tác phẩm nghệ thuật ứng dụng không được tính theo đời người thì thời hạn đó không được dưới 50 năm kể từ khi kết thúc năm tác phẩm công bố hợp pháp. Trường hợp tác phẩm không được công bố hợp pháp thì thời gian bảo hộ là trong vòng 50 năm kể từ ngày tạo lập tác phẩm.

          d) Công ước Rôma 1961 về bảo hộ các quyền có liên quan

          Công ước Rôma là Công ước quốc tế nhiều bên được ký ngày 26 tháng 10 năm 1961 về bảo hộ quyền liên quan. Công ước có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 5 năm 1964. Công ước quy định các vấn đề pháp lý trong việc bảo hộ quyền liên quan trong quan hệ quốc tế. Quyền liên quan là quyền của những người thực hiện các thao tác, các công việc để phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật tới công chúng. Đó là người biểu diễn, người ghi âm, các tổ chức phát sóng.

          Công ước quy định bảo hộ quyền liên quan được thực hiện trên nguyên tắc đãi ngộ như công dân. Theo nguyên tắc này, các quốc gia thành viên của Công ước cam kết sẽ dành cho người biểu diễn, người ghi âm, người phát sóng của các nước thành viên khác quyền được quyền bảo hộ về quyền liên quan như công dân nước mình.

          Các quyền liên quan được bảo hộ theo Công ước được cụ thể như sau:

          - Người biểu diễn có quyền cho phép hoặc cấm việc phát sóng, làm bản ghi hoặc làm bản sao các buổi biểu diễn (Điều 7);

          - Người ghi âm có quyền cho phép hoặc không cho phép việc làm bản sao trực tiếp hay gián tiếp các bản ghi âm của họ (Điều 10);

          - Tổ chức phát sóng có quyền cho phép hoặc không cho phép việc tái phát sóng, ghi các cuộc phát sóng, làm các bản sao các cuộc phát sóng của mình (Điều 13).

          Thời gian bảo hộ quyền liên quan, theo quy định của Công ước là 20 năm (Điều 14) kể từ khi kết thúc của năm khi mà việc ghi âm được thực hiện; cuộc biểu diễn được tiến hành; cuộc phát sóng được thực hiện.

V. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CƠ BẢN VỀ BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ 

          Hiệp định thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ được ký ngày 13 tháng 7 năm 2000 đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ trong quá trình cải thiện mối quan hệ giữa hai Chính phủ. Hiệp định này tuy không phải là hiệp định riêng lẻ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,  nhưng một trong những vấn đề quan trọng được quy định trong Hiệp định là việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì sở hữu trí tuệ được coi là một trong những vấn đề của thương mại.

          Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ quy định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại chương 2 của Hiệp định. Chương này bao gồm 18 điều quy định nhiều vấn đề như: các nguyên tắc; các đối tượng; các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; và giá trị hiệu lực của các quy định trong chương này so với các quy định được quy định tại Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả giữa hai Chính phủ được ký tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1997. 

          Về nguyên tắc, Hiệp định quy định áp dụng nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (đãi ngộ như công dân) trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo nguyên tắc này thì "các bên dành cho công dân của bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà bên đó dành cho công dân của mình trong việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó" (Điều 3 khoản 1).

          Về đối tượng được bảo hộ, Hiệp định quy định: Mỗi bên bảo hộ mọi tác phẩm có sự thể hiện nguyên gốc theo đúng nghĩa quy định tại Công ước Berne. Ví dụ như các tác phẩm viết, các loại chương trình máy tính được coi là tác phẩm viết; mọi sưu tập dữ liệu hoặc sưu tập tư liệu khác, bất kể dưới dạng có thể đọc được bằng máy hoặc dưới dạng khác, mà việc lựa chọn và sắp xếp nội dung là sự sáng tạo trí tuệ; tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá; nhãn hiệu hàng hoá; sáng chế; thiết kế bố trí mạch tích hợp; thông tin bí mật thương mại; kiểu dáng công nghiệp.

          Để thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền tác giả, Hiệp định quy định các biện pháp nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó các bên thực hiện các biện pháp tạm thời, áp dụng các hình phạt, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới và tăng cường sự hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

          Về giá trị hiệu lực của các quy định về quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ so với các quy định ghi nhận trong Hiệp định về quyền tác giả giữa hai Chính phủ (đã ký ngày 27 tháng 6 năm 1997), Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ quy định: trong trường hợp có xung đột giữa các quy định của hai Hiệp định thì các quy định của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được ưu tiên áp dụng.

          Như vậy có thể nói, mặc dù không phải là một Điều ước quốc tế riêng biệt về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ được coi là văn bản pháp lý có giá trị pháp lý cao nhất trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa hai Chính phủ. Theo đó, các quy định về bảo hộ quyền tác giả (một phần của quyền sở hữu trí tuệ) được ghi nhận trong Hiệp định về việc xác lập quan hệ quốc tế về quyền tác giả mà hai Chính phủ đã ký trước đó phải tuân theo.

VI. KẾT LUẬN

          Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là một trong những vấn đề được hầu hết các nước quan tâm từ rất lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vài năm trở lại đây vấn đề này mới được Nhà nước quan tâm, và nó chỉ đặc biệt được quan tâm một cách thực sự khi vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

          Cũng giống như hầu hết các nước trên thế giới, ở Việt nam, bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật trong nước nhằm điều chỉnh việc bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài, Việt Nam còn tham gia và ký kết các Điều ước quốc tế để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài:

           Với những cố gắng tích cực Việt Nam đã trở thành thành viên của 3 Công ước quốc tế quan trọng về việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đó là Công ước Pari (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Thoả ước Madrit (1891) về Bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, và Hiệp ước Wahsington (1970) về Cấp văn bằng sáng chế quốc tế.

          Bên cạnh việc tích cực tham gia các Điều ước quốc tế đa phương về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như đã đề cập trên đây, Việt Nam đã tham đã tham gia ký kết hai Hiệp định song phương về bảo hộ quyền tác giả đối với hai chính phủ: với Chính phủ Hoa Kỳ (trong đó phải kể đến nội dung chương 2 của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) và Hiệp định với Chính phủ Thuỵ Sĩ. Việc ký kết các Điều ước quốc tế song phương này không chỉ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc bảo hộ quyền tác giả cho các công dân mang quốc tịch hoặc có nơi cư trú tại các nước ký kết mà nó còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tham gia ký kết các Điều ước quốc tế song phương với các nước khác, khi mà Việt Nam chưa đủ điều kiện để trở thành các thành viên của các Điều ước quốc tế đa phương quan trọng về vấn đề này.

          Mặc dù đã là thành viên của một số Điều ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (chủ yếu trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp), nhưng hiện nay Việt Nam chưa phải là thành viên của một số Điều ước quốc tế đa phương quan trọng như Công ước Berne (1886) hoặc Công ước toàn thế giới (1952) về bảo hộ quyền tác giả, hoặc Hiệp định TRIPs... Việc Việt Nam chưa là thành viên của các Điều ước quốc tế này đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế của mình. Do đó Việt Nam cần phải xúc tiến các công việc cần thiết để sớm trở thành thành viên của các Điều ước quốc tế này.

          Tuy nhiên, nếu trở thành thành viên của các Công ước quốc tế kể trên, Việt Nam trước mắt sẽ phải khắc phục một số bất cập trong quy định của pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Do đó, bên cạnh việc tích cực triển khai việc gia nhập các Công ước quốc tế đa phương về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần phải có các sửa đổi, bổ sung một số quy định trong luật pháp trong nước để phù hợp các Điều ước quốc tế mà mình sẽ tham gia, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để Việt Nam thành công trong quá trình hội nhập quốc tế./.

 

Chuyên đề 7

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG MỘT SỐ
TRƯỜNG PHÁI LUẬT HỌC CHỦ YẾU TRÊN THẾ GIỚI

PHÙNG TRUNG TẬP

Đại học Luật Hà Nội

 

I. Những vấn đề lý luận về quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề của một quốc gia, mà nó là vấn đề lớn của quốc tế. Sở hữu trí tuệ không còn là một cách đặt tên theo nghĩa thông thường của một sản phẩm hay một sự vật nhất định mà là vấn đề phức tạp nằm ở ranh giới giữa nhiều môn khoa học và tự nó đã đòi hỏi sự xác định phạm vi điều chỉnh của pháp luật của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Sở hữu trí tuệ là gì? Một câu hỏi đặt ra không dễ trả lời vì tính đa dạng, phức tạp của chính nội dung và phạm vi khoa học được nghiên cứu và được thể hiện dưới dạng các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo ra.

Theo Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thì những quy định hướng dẫn của Tổ chức này chỉ có ý nghĩa trên thực tế khi tất cả các thành viên của tổ chức tuân theo một cách tích cực. Chiểu theo Điều 2 của Công ước nói trên, thì sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu liên quan đến:

- Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;

- Sự biểu diễn của các nghệ sĩ, các băng, đĩa âm thanh và phát thanh truyền hình;

- Các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người;

- Các phát minh khoa học;

- Các kiểu dáng công nghiệp;

- Các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và tên thương mại cùng các quyền bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh.

Danh mục các đối tượng sở hữu trí tuệ được liệt kê như trên phần nào đã không còn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là những sáng chế trong lĩnh vực công nghệ tin học, sinh học, hóa học đã biến những điều trước kia tưởng chừng chỉ là những ước mơ nay đã trở thành hiện thực như công nghệ thông tin, truyền hình số, máy bay, vũ trụ... Hơn nữa, quyền sở hữu trí tuệ ngày nay còn được xem xét ở phạm vi rộng hơn nhiều so với những liệt kê của Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Đó là các giống thực vật, mạch tích hợp, bí mật thương mại, thông tin bí mật và các tác phẩm dân gian. Phạm vi đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại phần II Hiệp định TRIPs là quyền tác giả và các quyền liên quan, các nhãn hiệu hàng hóa, các chỉ dẫn địa lý, các kiểu dáng công nghiệp, các sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật.

Theo tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại, con người ban đầu chỉ chiếm hữu những vật thể tự nhiên phục vụ cho nhu cầu tồn tại và phát triển cùng với nền sản xuất hàng hóa trong xã hội là nền sản xuất tinh thần cũng không thể thiếu được trong mối quan hệ nhất định giữa người với người. Văn hóa sản xuất vật chất là cội nguồn phát sinh văn hóa tinh thần của con người, giữa chúng có sự tác động trực tiếp và gián tiếp và có mối quan hệ chặt chẽ trong suốt quá trình tiến hóa tri thức chung của nhân loại. Do vậy, sở hữu trí tuệ là một hình thức sở hữu độc đáo, đặc biệt xét về đặc tính của nó. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ không tồn tại độc lập với các hình thức sở hữu tài sản khác.

Ngày nay, các thể chế sở hữu trí tuệ rất đa dạng và được triển khai trên quy mô từng quốc gia và toàn thế giới; nó được điều chỉnh bằng những Điều ước quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả. Pháp luật của các quốc gia và quốc tế đều quy định việc bảo hộ pháp lý các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả một sản phẩm trí tuệ. Sở hữu trí tuệ được hiểu là kết quả sáng tạo của cá nhân trên cơ sở pháp luật, trong đó quyền của chủ thể sáng tạo được độc quyền trong một thời hạn nhất định khi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt sản phẩm trí tuệ do mình tạo ra. Tác giả còn có quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoặc cạnh tranh không lành mạnh tới quyền sở hữu trí tuệ của mình. Theo sự liệt kê các đối tượng sở hữu trí tuệ tại Điều 2 của Công ước thành lập WIPO, thì sở hữu trí tuệ được chia thành hai phần sở hữu công nghiệp và quyền tác giả cùng với quyền kế cận quyền tác giả.

- Cùng với sự phát triển của xã hội loài người là lịch sử quá trình cách mạng không ngừng về quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mà ở đó kỹ thuật không ngừng được đổi mới và tiến bộ bằng những sáng kiến, sáng chế, phát minh. Trong thời đại ngày nay, các hoạt động sở hữu trí tuệ đa dạng, phong phú và đang hoạt động trên phạm vi rộng không còn bó hẹp trong một quốc gia nào. Việc pháp luật bảo vệ các sản phẩm trí tuệ xuất phát từ sự cần thiết để bảo vệ các quyền của người đã sáng tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp tạo môi trường và đảm bảo sự tự do sáng tạo trong việc nghiên cứu khoa học và hoạt động kỹ thuật của con người. Việc quy định những khung pháp lý để bảo đảm cho việc sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề của một quốc gia mà là một vấn đề có tính chất toàn cầu; không những trong lĩnh vực giá trị của những sản phẩm trí tuệ, mà còn cả trong lĩnh vực bảo vệ sản phẩm trí tuệ của con người.

Tuy nhiên, pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp của mỗi quốc gia khác nhau được quy định khác nhau. Sự khác nhau đó dựa trên phạm vi, tính chất, đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ, thời hạn và mức độ được bảo hộ. Nhưng nhìn chung, quyền sở hữu công nghiệp mà các quốc gia quy định đều có chung những đặc điểm là:

- Khai thác tính chất thương mại hoặc khai thác tính chất hữu ích về mặt công nghiệp. Tính chất thương mại của một giải pháp kỹ thuật được bảo hộ có kinh nghiệm áp dụng thương mại. Tính chất thương mại đã được thể hiện ở chính các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Việc bảo hộ tên thương mại của các nước trên thế giới đều dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh độc lập. Tên thương mại là những ký tự có thể đọc được và thường được thể hiện bằng từ ngữ hoặc từ ngữ kèm theo chữ số. Các yếu tố cấu thành tên thương mại ở dạng mô tả loại hình tổ chức hoặc hình thức tồn tại của chủ thể kinh doanh, mô tả lĩnh vực kinh doanh hoặc mô tả xuất xứ địa lý và thành phần phân biệt được thể hiện dưới tên riêng.

Về tên thương mại có nhiều yếu tố cấu thành và không loại trừ các yếu tố đó được tập hợp theo sáng kiến của nhà kinh doanh như tên khai sinh của cá nhân kinh doanh, tên đầy đủ của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, để cho các bạn hàng dễ nhớ và tên thương mại thường được các chủ thể kinh doanh sử dụng tên giao dịch ngắn gọn. Tên thương mại gắn liền với việc kinh doanh của chủ thể và sự thực nó đã là biểu trưng cho uy tín của một doanh nghiệp nhất định. Vì vậy, tên thương mại của một chủ thể kinh doanh được coi như một quyền liên quan tới tài sản của chủ thể đó. Đồng thời, tên thương mại là một nguồn thông tin hữu ích cho người tiêu dùng phải được bảo hộ theo pháp luật.

Nói đến quyền sở hữu trí tuệ là nói đến một quan hệ pháp luật về quyền sở hữu. Quyền sở hữu trước hết thuộc về phạm trù pháp lý bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về trình tự thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt một khách thể thuộc quyền sở hữu của chủ thể. Căn cứ vào khách thể của quan hệ sở hữu thì có quan hệ sở hữu về tài sản và quan hệ về sở hữu trí tuệ.

Quan hệ sở hữu về tài sản được điều chỉnh bằng pháp luật khi nhà nước xuất hiện trong xã hội có tư hữu về tài sản. Có thể kết luận rằng, quan hệ sở hữu tài sản luôn đóng vai trò quyết định các mối quan hệ khác trong xã hội và quyết định bản chất của chế độ trong một xã hội nhất định. Và suy cho cùng, mọi quan hệ của con người trong xã hội chỉ nhằm mục đích củng cố quyền sở hữu tài sản. Để có tài sản, con người phải không ngừng tìm những phương thức lao động mới, cải tiến công cụ lao động và giải pháp tạo ra của cải vật chất. Trong quá trình tìm kiếm những giải pháp lao động mới con người ngày càng hoàn thiện hơn xét trong tổng thể hình thành tư duy của con người theo đó tài sản tạo ra ngày một nhiều, phong phú hơn về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mọi mặt về cuộc sống của con người. Đối với mỗi xã hội khác nhau thì lại có chế độ sở hữu khác nhau. Và trong cùng một thời điểm lịch sử phát triển của nhân loại cũng tồn tại nhiều chế độ sở hữu khác nhau. Bản chất giai cấp về quyền sở hữu tài sản được phản ánh trong chính các quy phạm pháp luật quy định về quyền sở hữu của mỗi quốc gia. Và nhìn chung, quyền sở hữu tài sản có những đặc điểm pháp lý sau đây:

- Quyền sở hữu tài sản do pháp luật quy định và khách thể của quyền sở hữu bao gồm vật và các quyền về tài sản của một người.

- Thời hạn của quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế và đa phần tài sản của chủ sở hữu không buộc phải đăng ký.

Quan hệ sở hữu trí tuệ được điều chỉnh bằng pháp luật rất muộn so với quan hệ về quyền sở hữu tài sản mặc dù trên thực tế đã tồn tại sự sáng tạo không ngừng của con người trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh. Cùng với lao động tạo ra của cải vật chất, con người còn tạo ra các sản phẩm tinh thần như các bài hát, bài thơ, câu chuyện phản ánh cuộc sống mọi mặt của con người. Và cùng xuất phát từ lao động tạo ra vật chất, con người tạo ra những giải pháp kỹ thuật dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của mình.

Quyền sở hữu trí tuệ là một quan hệ pháp luật đặc biệt vì khách thể của quyền sở hữu trí tuệ không phải là vật cụ thể, mà là sản phẩm của lao động sáng tạo được thể hiện dưới dạng phi vật chất. Nó chỉ được vật chất hóa khi được mang ra áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Khách thể của quyền sở hữu trí tuệ được phân làm hai nhóm chính vận dụng trong đời sống tinh thần của con người và làm phong phú hơn nhu cầu tinh thần của con người và nhóm được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm vật chất mang tính công nghệ.

- Đối với nhóm sản phẩm trí tuệ ở dạng không áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Khách thể của quan hệ pháp luật về quyền tác giả là những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đã được tác giả sáng tạo. Đó là kết quả của hoạt động sáng tạo của con người được biểu hiện dưới một hình thức khách quan nhất định. Phạm vi khách thể không phụ thuộc vào quy mô, dung lượng thông tin, khoa học, hàm lượng trí tuệ, hình thức được biểu hiện và chất lượng tốt, xấu. Các thành quả của sáng tạo trí tuệ rất phong phú, đa dạng thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau về hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng tác phẩm có thể khác nhau.

Tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học là những sản phẩm tinh thần và là món ăn tinh thần cho bất kỳ ai tự giác tìm hiểu để tu dưỡng, để hiểu biết và để khám phá thế giới. Hơn nữa, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học không được thể hiện ở dạng vật chất nhất định, mà nó chỉ thông qua vật chất để thể hiện tư tưởng của tác giả. Vì vậy, sự vi phạm quyền tác giả rất khó kiểm soát trong một quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Quyền tác giả các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là một bộ phận khách thể của quyền sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ như các tài sản khác. Nhận thức được vấn đề đó, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành luật bảo hộ quyền tác giả. Pháp luật về quyền tác giả do vậy đã được hiểu là một công cụ pháp lý bảo hộ cho các cá nhân sáng tạo một sản phẩm trí tuệ có quyền đứng tên tác giả, quyền đặt tên tác phẩm, quyền thay đổi nội dung tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và các quyền kế cận quyền tác giả.

Pháp luật của các nước đều quy định tác giả và chủ sở hữu tác phẩm đều có quyền ngăn chặn người khác sử dụng tác phẩm của mình trái phép. Tác giả có quyền cho người khác sao chép hoặc mô phỏng tác phẩm, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, dựng phim từ tác phẩm, phát thanh, truyền hình thông qua phổ biến điện từ hoặc dây cáp, phỏng dịch hoặc chuyển thể tác phẩm. Quyền tác giả các tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học luôn thuộc về cá nhân sáng tạo ra tác phẩm. Thường thì quyền tác giả không buộc phải đăng ký chính thức nhưng quyền đó được bảo hộ khi có hành vi xâm phạm.

Các nước trên thế giới quy định đối tượng bảo hộ quyền tác giả khác nhau, nội dung và thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền kế cận quyền tác giả cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn mô hình luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo những tiêu chuẩn chung được quy định trong Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật. Theo Công ước Berne thì thuật ngữ "các tác phẩm văn học và nghệ thuật" được hiểu rất rộng gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được biểu hiện dưới bất kỳ hình thức hay phương thức nào. Do vậy, Điều 2 của Công ước Berne không định nghĩa thế nào là một tác phẩm văn học và nghệ thuật, mà chỉ quy định hình thức biểu hiện của một tri thức, một lượng thông tin, một hình tượng, một động tác, một kỹ năng sáng tạo ở một dạng nhất định. Phạm vi tác phẩm văn học nghệ thuật được bảo hộ rất rộng theo hình thức và tính chất thể hiện các sản phẩm trí tuệ rất khác nhau. Tuy nhiên, theo Điều 2 của Công ước Berne thì luật pháp quốc gia thành viên của Liên Hiệp có thẩm quyền quyết định không bảo hộ các sản phẩm nói chung hoặc những thể loại khác cụ thể nào đó, trong khi các tác phẩm ấy chưa được ấn định trên một hình thái vật chất.

+ Đối với nhóm khách thể quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng vào sản xuất kinh doanh.

Những đối tượng sở hữu công nghiệp khi được áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh nó mang lại những lợi ích vật chất nhất định. Quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ thuộc nhóm sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, công ty, doanh nghiệp đối với những thành quả sáng tạo như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí các mạch tích hợp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa, bí mật thương mại, các quyền công nghệ sinh học và các giống thực vật. Những đối tượng trên được luật pháp của các nước quy định đầy đủ hoặc không đầy đủ trong việc bảo hộ toàn bộ hay từng phần và có thời hạn. Việc bảo hộ hay không bảo hộ các đối tượng nêu trên còn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và mức độ quan hệ của quốc gia đó với quốc gia khác. Ngoài ra, còn do quan điểm lập pháp của mỗi quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Nhưng nhìn chung, các nước tham gia và các Hiệp ước quốc tế đa phương hay song phương đều quan tâm đến việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về nhóm đối tượng sở hữu công nghiệp. Ví dụ, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPs), Hiệp định này quy định những thủ tục thực hiện đối với Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới có hiệu quả cao hơn so với các thủ tục thực hiện những Hiệp định quốc tế khác.

Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của sở hữu trí tuệ TRIPs được tôn trọng áp dụng có hiệu quả vì nội dung của TRIPs đã quy định khác nhau từ các Hiệp ước quan trọng của WIPO; nhưng để thực hiện được hiệu quả các Hiệp ước đó phải dựa vào những thủ tục giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới. Nội dung của TRIPs quy định những chuẩn mực tối thiểu mà các thành viên của TRIPs phải tuân thủ. Tuy nhiên, các quốc gia có quyền lựa chọn cách thức thi hành các quy định của TRIPs cho phù hợp. Đối với những nước theo truyền thống luận Án lệ thông qua các phán quyết trước đây của Tòa án, thì một phần bảo hộ đòi hỏi dành cho nhãn hiệu hàng hóa và thông tin mật được bảo đảm. Cụ thể như Australia không có luật chung dành riêng cho việc bảo hộ những thông tin mật. Do vậy trong một thời gian dài nước này phải sử dụng án lệ để bảo vệ thông tin mật và thực chất, Australia đã tuân thủ những quy định của TRIPs. Nội dung Điều 1 của TRIPs đã quy định "các thành viên phải thi hành các điều khoản của Hiệp ước này. Các thành viên có thể nhưng không bị bắt buộc áp dụng trong luật của mình có thể nhưng không bị bắt buộc áp dụng trong luật của mình việc bảo hộ mạnh hơn so với các quyền yêu cầu của Hiệp định này, miễn là việc bảo hộ đó không trái với các điều khoản của Hiệp định này. Các thành viên sẽ tự do quyết định phương pháp thích hợp nhằm thi hành các điều khoản của Hiệp định này. Các thành viên sẽ tự do quyết định phương pháp thích hợp nhằm thi hành các điều khoản của Hiệp định này trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của mình". Và khoản 2 điều luật trên quy định: "Các thành viên phải chấp nhận cách đối xử được quy định trong Hiệp định này đối với công dân của các thành viên khác".

Quyền sở hữu công nghiệp của các nước trên thế giới đều có chung các đặc điểm sau:

- Quyền sở hữu công nghiệp bị giới hạn về thời gian. Luật về sở hữu công nghiệp của mỗi nước chỉ quy định bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong một thời gian nhất định. Thời gian này là thời gian được pháp luật bảo hộ khi có hành vi cạnh tranh hoặc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể.

- Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp mang tính phi vật chất. Việc áp dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp vào sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra những loại hàng hóa mới có chất lượng cao, hình thức đẹp và đa dạng, phản ánh sức sáng tạo của chủ thể tạo ra những sản phẩm hàng hóa, góp phần làm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Sự cạnh tranh giữa những nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là sự thể hiện tính chất của lưu thông hàng hóa trên thị trường của một quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.

- Quyền sở hữu công nghiệp không những được bảo hộ tại nước có công dân sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ đó, mà các thành quả sáng tạo đó còn được bảo hộ ở các nước thành viên của các công ước quốc tế và các hiệp ước quốc tế mà công dân đó thuộc nước thành viên. Các Điều ước quốc tế thường thỏa thuận về một số tiêu chuẩn cơ bản đối với việc bảo hộ từng loại quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các hệ thống đăng ký chung đã và đang được thiết lập để tạo điều kiện cho một đơn đăng ký duy nhất có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên và chỉ áp dụng thống nhất một phương pháp trong việc phân loại các yếu tố khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký. Nguyên tắc đãi ngộ như quốc gia đã được các nước thành viên của các Hiệp ước và Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ tuân theo. Khái niệm đãi ngộ như quốc gia là nội dung cơ bản của mọi Hiệp ước về sở hữu trí tuệ quốc tế. Nội dung của nguyên tắc này được thể hiện là mỗi quốc gia thành viên phải dành cho người ở nước khác là thành viên của Hiệp ước sự bảo hộ tương tự như bảo hộ dành cho công dân của nước mình. Ngoài chế độ đãi ngộ như quốc gia mà Hiệp định TRIPs đã quy định, còn có nguyên tắc chế độ đãi ngộ tối huệ quốc cũng có nội dung tương tự như đãi ngộ quốc gia trong trường hợp một thành viên của TRIPs phải dành cùng một sự bảo hộ cho tất cả các thành viên của TRIPs. Ngoài hai nguyên tắc cơ bản trên, Hiệp định TRIPs còn quy định các trường hợp ngoại lệ được thừa nhận với điều kiện là các biện pháp đó không chống lại nội dung các quy định của TRIPs.

Một đặc điểm rất quan trọng của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của tất cả các quốc gia trên thế giới đều là chống đặc quyền hoặc chống hạn chế thương mại.

Cho đến nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai trên quy mô quốc tế và sự hợp tác khu vực trong việc đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã dẫn đến việc thành lập các liên minh sở hữu trí tuệ khu vực và các cơ quan đăng ký khu vực.

Ở khu vực châu Á có Liên minh sở hữu trí tuệ các nước ASEAN, ở Nam Mỹ có Hiệp định Andean, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ và các Thỏa ước về sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU).

Do đặc điểm của các sản phẩm trí tuệ được hình thành rất đặc biệt và nó rất khác các loại tài sản khác là vật do vậy việc bảo hộ nó không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia bởi những thuộc tính của sản phẩm thuộc khách thể của quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ nhất, những sản phẩm trí tuệ được bộc lộ ra bên ngoài dưới hình thức khách quan nhất định nhưng bản thân chúng không phải là vật chất mà là sản phẩm của sáng tạo. Sự định lượng và chất của sản phẩm trí tuệ không thể dùng các đại lượng đo lường thông thường mà phải căn cứ vào chính nội dung và phạm vi của sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới hình thức khách quan. Hàm lượng trí tuệ, những tri thức, kiến thức, những giải pháp kỹ thuật có khả năng áp dụng vào đời sống tinh thần và vật chất của con người ngày một phong phú hơn. Đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học là sản phẩm của lao động trí tuệ đã mang đến cho người xem, người nghe học tập được những điều bổ ích nhằm làm tăng thêm sự hiểu biết của bản thân và nâng cao trình độ, kiến thức, chuyên môn và cách sống, đạo đức phù hợp với xã hội. Đối với các sản phẩm trí tuệ được sáng tạo ra dưới dạng một sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, người sáng tạo đã không chỉ mang đến cho đất nước mình những giải pháp kỹ thuật làm biến đổi công nghệ như một cuộc cải cách nhằm tạo ra những sản phẩm vật chất có hàm lượng trí tuệ cao đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất - kinh doanh của cá nhân, của các tổ chức khi áp dụng các sản phẩm trí tuệ đó.

Thứ hai, các sản phẩm sáng tạo được coi là sản phẩm trí tuệ theo những điều kiện pháp luật của mỗi quốc gia quy định và qua đó quyền sở hữu được xác lập ở người sáng tạo. Những quyền đặc biệt liên quan đến nhân thân người sáng tạo không thể tách rời thuộc về người sáng tạo vĩnh viễn và không thể thay đổi là quyền đặt tên tác phẩm, quyền đứng tên tác giả, quyền thay đổi nội dung tác phẩm. Những quyền tài sản liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng các sản phẩm trí tuệ có thể chuyển giao cho người khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm (đối với tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học) và chuyển giao công nghệ (đối với đối tượng sở hữu công nghiệp). Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ chỉ mang tính chất tương đối vì thuộc tính của các sản phẩm trí tuệ khác so với tính chất của tài sản là vật chất. Các sản phẩm trí tuệ được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức khách quan như một tác phẩm văn học - nghệ thuật, một sáng chế, một giải pháp hữu ích, một nhãn hiệu hàng hóa..., thì trên thực tế chủ sở hữu không thể kiểm soát thông thường như tài sản là vật chất. Sự phổ biến rộng rãi các sản phẩm trí tuệ không dừng lại ở phạm vi một quốc gia, một khu vực mà nó còn có thể được phổ biến trên phạm vi toàn cầu thông qua quá trình chuyển giao chính thức và không chính thức (chuyển giao tích cực và không tích cực). Bởi vì, những tri thức, phương pháp, giải pháp kỹ thuật khi đã được bộc lộ công khai thì khả năng bị xâm phạm đã không thể ngăn chặn, kiểm soát hết được. Chính hệ thống thông tin của một quốc gia, của khu vực, của các tổ chức quốc tế đã là những trung gian, môi trường của sự phổ biến tri thức mới vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia; do vậy các sản phẩm trí tuệ không tuyệt đối thuộc về cá nhân hay một quốc gia cá biệt nào.

Thứ ba, sự sáng tạo của con người là không giới hạn vì tri thức của nhân loại nói chung luôn luôn có tính kế thừa tri thức của các thế hệ trước và phát huy phù hợp với thời đại đang tồn tại của con người trong một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định. Hơn nữa, chính sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội đã là một nhu cầu mà công nghệ cần phải nâng cao. Sự phát triển công nghệ là triển khai công nghệ trong sản xuất, kinh doanh mà mỗi quốc gia phải thực hiện là một nhu cầu.

Thứ tư, xã hội ngày càng phát triển thì nhóm khách thể thuộc quyền sở hữu trí tuệ càng nảy sinh phong phú hơn theo sự tiến bộ tất yếu của khoa học và chuyển giao công nghệ. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô quốc tế bởi các Hiệp ước và Công ước quốc tế là một đòi hỏi cần thiết. Chỉ có sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô quốc tế mới bảo đảm được quyền áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh trong mỗi quốc gia và liên quốc gia như:

- Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của mỗi nước có nét đặc thù và phù hợp với các Hiệp ước và Công ước quốc tế mà nước đó là thành viên.

- Bảo đảm việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các nhà kinh doanh trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ để phát huy vai trò quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh và thương mại quốc tế.

- Quyền chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo hộ bí mật thương mại, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm không những bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, khuyến khích lao động sáng tạo để tạo ra những sản phẩm trí tuệ ngày càng có giá trị cao.

- Các sản phẩm sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia được triển khai có hiệu quả trên phạm vi toàn cầu là căn cứ để mở rộng quan hệ kinh tế thế giới và sản phẩm trí tuệ được sử dụng vào sự phát triển chung của nhân loại. Sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm văn học - nghệ thuật được hiểu là sở hữu một sản phẩm đặc biệt, quan tâm đến nó không chỉ có người mua, mà còn là toàn thể xã hội.

Trong thời đại ngày nay việc củng cố hoạt động và phát triển sở hữu trí tuệ đã có các xu hướng đổi mới, các ngân hàng thông tin và các hình thức sử dụng tiến bộ khác đối với những thành tựu khoa học - công nghệ và văn học thế giới có giá trị được biết đến trên phạm vi toàn cầu. Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành quan hệ và hợp tác quốc tế. Sản xuất sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành sản phẩm của sự phân công lao động quốc tế và hợp tác trí tuệ quốc tế được mở rộng và ngày càng hướng tới toàn diện hơn, trong đó tính chất của mỗi quốc gia không bị mất đi mà là chủ thể của quan hệ quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tiến trình phát triển của quan hệ sở hữu trí tuệ của quốc gia hay quốc tế diễn ra theo những quy luật đặc biệt và cần được nghiên cứu một cách toàn diện hơn. Sở hữu trí tuệ là một hình thức sở hữu đặc biệt, khách thể của nó là sản phẩm sáng tạo trí tuệ và nó không ảnh hưởng bởi các chỉ thị hành chính quan liêu nào mà nó chỉ tuân theo quy luật phát triển khách quan của mỗi chế độ xã hội và không dừng ở phạm vi một quốc gia. Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia và được các Công ước và Hiệp ước quốc tế đã bảo vệ các sản phẩm trí tuệ về mặt pháp lý xuất phát từ sự cần thiết phải chấp hành triệt để các quyền và nghĩa vụ của người sáng tạo và của chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ. Nguyên tắc đó là cơ sở của các Hiệp ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của con người. Việc thiết lập các nguyên tắc bảo đảm đáng tin cậy để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề của toàn cầu, không những trong lĩnh vực bảo vệ các giá trị nhân loại chung, mà cả trong lĩnh vực thực hiện tiềm năng của cá nhân sáng tạo và việc bảo vệ tài sản của chủ thể. Các tổ chức quốc tế đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nước thành viên, gồm các tổ chức:

+ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tổ chức này tiền thân của nó là tổ chức BIRPI - một tổ chức liên Chính phủ được Chính phủ Thụy Sĩ thành lập vào năm 1893 để quản lý Công ước Paris và Berne. Tổ chức WIPO được thành lập theo thỏa thuận tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967, BIRPI trở thành một tổ chức liên chính phủ, mở đầu cho việc tổ chức này trở thành một bộ phận của Liên Hợp Quốc. Hoạt động của WIPO gồm 4 loại

- Hoạt động đăng ký;

- Hoạt động khuyến khích sự hợp tác liên chính phủ trong việc quản lý các quyền sở hữu trí tuệ;

- Các hoạt động mang tính chất chuyên môn qua đó đưa ra những điều kiện giúp cho việc giải quyết các tranh chấp;

- Các hoạt động đăng ký của WIPO được tiến hành theo quy định của các Công ước và Điều ước quốc tế khác nhau.

Sự hợp tác quốc tế trong quản lý sở hữu trí tuệ được WIPO khuyến khích là các chương trình thông tin và tư liệu Patent, theo đó WIPO cung cấp miễn phí các báo cáo tra cứu cho các cơ quan ở các nước đang phát triển.

+ Hội nghị của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD).

UNCTAD được thành lập năm 1964 như là một cơ quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và hoạt động trong các lĩnh vực:

- Thay mặt các nước đang phát triển đàm phán các thỏa thuận về hàng hóa quốc tế; dẫn giải các lời khuyến cáo về kỹ thuật và trợ giúp các nhóm khu vực và tiểu khu vực của các nước đang phát triển trong các chương trình hợp tác của các nhóm đó. Thông qua tổ chức GATT đàm phát về giảm thuế quan và đàm phán những nguyên tắc về việc loại bỏ những thực tế hạn chế thương mại trong việc chuyển giao công nghệ. Vai trò của UNCTAD đối với các nước đang phát triển trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là rất lớn vì thông qua UNCTAD, các nước đang phát triển mới có điều kiện tiếp cận các công nghệ thích hợp.

+ Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, 1886, quy định các nguyên tắc chung:

- Không nước nào có nghĩa vụ phải bảo hộ quyền tác giả tác phẩm của người nước ngoài nếu không tham gia vào Công ước. Nguyên tắc cơ bản về "chính sách đối xử như công dân" (nguyên tắc đối xử quốc gia) đối với các tác phẩm có xuất xứ tại một nước thành viên khác như bảo hộ mà nước đó dành riêng cho công dân nước mình. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo Công ước Berne được quy định ở các mức độ và trường hợp khác nhau:

- Sau 50 năm khi tác giả chết. Đối với tác phẩm khuyết danh là 50 năm sau khi tác phẩm được công bố hợp pháp.

- Tác phẩm điện ảnh là 50 năm từ khi tác phẩm được công bố hoặc 50 năm từ khi tác phẩm được tạo ra, nếu tác phẩm không được công bố.

- Tác phẩm nghệ thuật ứng dụng và tác phẩm nhiếp ảnh thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tạo ra tác phẩm.

Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả còn hàng loạt Công ước quốc tế như Công ước Rome về bảo hộ các nhà biểu diễn, các nhà sản xuất băng, đĩa âm thanh và các tổ chức phát thanh (1961). Công ước Geneve về bảo hộ các nhà sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh chống việc sao chép trái phép các băng, đĩa âm thanh (1971); Công ước Brussels về việc phổ biến các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh (1974); Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883); Hiệp định các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (GATT; TRIPs), đã trở thành nhân tố quan trọng làm tăng nguồn đầu tư bằng chuyển giao công nghệ vào các nước đang phát triển.

Những Công ước và Hiệp ước quốc tế đã lược dẫn ở trên và căn cứ vào chính nội dung của chúng đã minh chứng cho một điều: quyền sở hữu trí tuệ không dừng lại trong phạm vi một quốc gia, mà nó còn được quan tâm trên phạm vi toàn thế giới. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và hệ quả của nó là việc áp dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh là một nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân, mỗi tập đoàn sản xuất. Quyền sở hữu trí tuệ vì những lý do trên mà được ủng hộ trong hoạt động sáng tạo của con người bởi những lý do sau:

- Trước hết, nó bảo đảm sự công bằng cho mỗi cá nhân hoặc một doanh nghiệp, một công ty trong quan hệ xã hội đã đầu tư thời gian, tài sản và nguồn lực vào việc tạo ra các sản phẩm trí tuệ dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, các tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học hoặc có thiện chí vào việc phát triển uy tín của mình trong việc sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ, thì các cá nhân khác, công ty hay doanh nghiệp khác không được quyền khai thác những lợi ích tài chính từ việc đầu tư của một chủ thể.

- Thứ hai, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể đã thực sự khuyến khích sự sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ mới đồng thời khai thác triệt để nội dung khoa học của các sản phẩm trí tuệ đã được bảo hộ. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã khuyến khích cho việc đầu tư, khuyến khích sáng tạo văn học - nghệ thuật, khoa học và việc đầu tư có hiệu quả khi triển khai, áp dụng các sản phẩm trí tuệ. Ngoài lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ được bảo hộ là toàn xã hội được hưởng lợi ích do có sự áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh tạo ra những sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ cao, thuận tiện trong sử dụng. Luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một nhu cầu và cũng là một nhiệm vụ vừa có tính chất xã hội vừa có tính khách quan tất yếu.

- Thứ ba, các sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thuộc quyền sở hữu của người đã trực tiếp sáng tạo ra chúng. Các quyền nhân thân và quyền tài sản của người sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ được hiểu là quyền đương nhiên. Quyền của chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ luôn được bảo hộ bằng pháp luật và người khác không được phép khai thác các sản phẩm đó, nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ.

II. QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG PHÁI LUẬT HỌC CHỦ YẾU TRÊN THẾ GIỚI

1. Hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của các nước

- Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của các nước trên thế giới được hình thành vào các thời điểm khác nhau. Ở một số nước, pháp luật về sở hữu trí tuệ được hình thành rất sớm, ở một số nước được hình thành muộn hơn. Nhưng nhìn chung pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của nước này hay nước khác đều thường xuyên được bổ sung hoàn thiện; hiệu lực pháp luật của các văn bản pháp luật từng bước được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bên cạnh pháp luật riêng biệt của mỗi quốc gia quy định về quyền sở hữu trí tuệ là hệ thống các Điều ước quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ được hình thành. Đó là những quy định ngoại lệ đối với những quyền được công nhận lẫn nhau trong các Hiệp định giữa các nước về quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể từ khi Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được công bố vào năm 1883, một số Công ước, Hiệp ước và Thỏa ước quốc tế khác đã được ký kết nhằm mục đích hòa hợp hóa và thể chế hóa nguyên tắc có đi, có lại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nội dung của các Điều ước quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ gồm các yếu tố cơ bản về tiêu chuẩn đối với việc bảo hộ từng loại quyền sở hữu trí tuệ. Các hệ thống đăng ký duy nhất có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên và theo đó một phương pháp thống nhất được áp dụng để phân loại các yếu tố khác nhau của một loại quyền có thể được đăng ký. Ngoài sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn thế giới, còn là sự hợp tác khu vực trong lĩnh vực đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã dẫn đến việc thành lập các liên minh sở hữu trí tuệ khu vực và các cơ quan đăng ký khu vực. Tuy nhiên, sự liên minh của các nước trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không làm triệt tiêu những giới hạn khác nhau của nội dung pháp luật của mỗi quốc gia độc lập về lĩnh vực này. Một số trường phái luật học chủ yếu trên thế giới quy định về quyền sở hữu trí tuệ có sự khác nhau và được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Về quyền tác giả

Quyền tác giả được pháp luật quy định cho cá nhân đã sáng tạo ra một tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học. Hầu hết các nước trên thế giới đều có luật bảo hộ quyền tác giả, nhưng mỗi nước có một mức độ bảo hộ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã chọn mô hình luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo những tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.

Pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Australia và Hoa Kỳ không bảo hộ mọi khía cạnh liên quan tới việc một tác phẩm văn học - nghệ thuật, khoa học được sáng tạo. Luật bản quyền của hai nước này không bảo hộ các ý tưởng, mà chỉ bảo hộ cách trình bày các ý tưởng đó. Khái niệm về "ý tưởng" và "cách trình bày các ý tưởng" đã được một học giả Australia phân biệt bằng một khái niệm: "Sự khác biệt giữa hai khái niệm "sự thể hiện" và "ý tưởng" là hết sức kinh tế. Về bản chất "ý tưởng" là một suy nghĩ, khái niệm, còn cách thể hiện là hình thức của một ý tưởng, là cái vỏ của khái niệm". Từ khái niệm trên, pháp luật về quyền tác giả của Australia và Hoa Kỳ bảo hộ một bài hát, một tiểu thuyết cụ thể, một trò chơi trên máy tính, về một chuyện lãng mạn trong vũ trụ nhưng không thể bảo hộ một ý tưởng ẩn của câu chuyện tình lãng mạn đó. Theo đó, ý tưởng của người sáng tạo phát sinh trước khi sáng tạo ra một tác phẩm văn học - nghệ thuật và ý tưởng của tác giả gửi gắm vào tác phẩm không được pháp luật bảo hộ. Những ý tưởng không thể hiện dưới một hình thức khách quan, mà tác phẩm mới tạo thành là đối tượng mà pháp luật bảo hộ. Mọi quyền tác giả về nhận thân và quyền về tài sản chỉ liên quan đến tác phẩm văn học - nghệ thuật nhất định được tạo thành đó. Sản phẩm trí tuệ do sự sáng tạo của con người tạo thành. Pháp luật của Australia và Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự do sáng tạo của cá nhân trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, khoa học. Tác giả là người tạo ra tác phẩm và khi tác phẩm được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức khách quan nhất định. Những tin tức sự thật về khoa học, về lịch sử, về sinh học, các tin tức hàng ngày không được pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Australia và Hoa Kỳ bảo hộ. Theo quan điểm của các nhà lập pháp của hai nước này, thì bất kỳ một sự thật nào các tác giả tìm ra trong quá trình nghiên cứu đều thuộc về công chúng, mọi người đều có quyền sử dụng miễn phí. Trên thực tế, bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng các thông tin trong các tài liệu về hoạt động của bộ não, miễn là họ diễn đạt thông tin đó bằng ngôn ngữ của chính mình. Những sự kiện thực tế đó không được pháp luật bảo hộ mặc dù tác giả đã dành nhiều thời gian và chi phí nhiều về mặt tài chính, công sức để cố gắng khám phá ra một điều rõ ràng là chưa từng được biết.

Theo quan điểm của các nhà lập pháp Australia và Hoa Kỳ, thì những thông tin phản ánh sự thật kia không có sự sáng tạo trí tuệ của con người cung cấp thông tin do vậy họ không được pháp luật bảo hộ. Quan điểm trên phù hợp với Công ước Berne là các tin tức và các dữ kiện hỗn hợp không được hưởng quy chế bảo hộ.

Luật bản quyền của Australia (1968) đã xác định tác phẩm văn học gồm bảng biểu, tập hợp được diễn đạt bằng ngôn từ, con số hoặc biểu tượng dù hữu hình hay vô hình, chương trình máy tính hoặc tập hợp chương trình máy tính, các tác phẩm diễn tả các động tác của cơ thể (như vũ balê). Ngoài ra, pháp luật về quyền tác giả của Australia còn bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng và cả những tác phẩm "nghệ thuật thủ công lành nghề" cụ thể như các đồ mỹ nghệ, đèn, giấy bồi tường, các đồ trang trí nội thất. Các tác phẩm văn học - nghệ thuật được bảo hộ ở Australia rất rộng và khái niệm tác phẩm văn học nghệ thuật ở nước này cũng rất đa dạng và kể cả tác phẩm nghệ thuật thuần túy hoặc chỉ để dùng vào việc quảng cáo. Ngoài những quy định về quyền tác giả như đã đề cập ở trên, pháp luật của Australia và Hoa Kỳ còn quy định những quyền tương tự như quyền tác giả dưới các hình thức thể hiện bằng băng ghi âm, chương trình phát thanh và truyền hình, các buổi biểu diễn... Nội dung pháp luật bảo hộ quyền tác giả ở Australia và Hoa Kỳ quy định quyền tác giả hoàn toàn tách biệt với quyền sở hữu tài sản hữu hình và đó là sự phân biệt giữa quyền tài sản và quyền tác giả đối với tác phẩm. Một tác phẩm văn học nghệ thuật được bảo hộ phải thỏa mãn những điều kiện cần thiết để hưởng chế độ bảo hộ quyền tác giả trước hết tác phẩm đó đã được tạo ra, tác phẩm phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định.

Thứ hai, tác phẩm đó phải là một sáng tạo mới; tác phẩm được tạo ra được diễn đạt bằng cụm từ "thể hiện dưới một hình thức vật chất" hoặc cụm từ "được cố định dưới một dạng hữu hình". Những khái niệm về sự "tạo ra" một tác phẩm được hiểu là tác phẩm đó tồn tại dưới một hình thức vật chất nhất định trong một khoảng thời gian cụ thể. Khái niệm về một tác phẩm văn học - nghệ thuật tồn tại dưới một hình thức vật chất nhất định thì được pháp luật bảo hộ trên thực tế đã tồn tại những khó khăn trong việc xác định quyền tác giả của một số loại hình nghệ thuật. Trong trường hợp một diễn viên hài kịch biểu diễn một hài kịch ở nhiều địa điểm khác nhau trong những thời gian khác nhau, chủ đề tư tưởng của từng biểu diễn của diễn viên có thể khác nhau tùy thuộc vào tâm trạng của người biểu diễn, của người xem. Do vậy, khái niệm tác phẩm văn học - nghệ thuật phải được thể hiện như thế nào? Tình huống trên được đặt ra và theo quan điểm của các nhà lập pháp Australia và Hoa Kỳ thì việc xác định tác phẩm văn học để bảo hộ hay không bảo hộ phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Nếu buổi biểu diễn hài kịch của nghệ sĩ được ghi lại bản thì ghi âm không thuộc về tác giả, mà thuộc về người thực hiện ghi âm.

- Nhưng nếu tác phẩm được ghi âm hoặc được viết lại dưới một hình thức nào đó dù chỉ bằng mấy chữ cẩu thả nhất vào mặt sau của bì đựng băng, thì khi đó vấn đề quyền tác giả sẽ dựa vào một phần của tác phẩm được ghi lại "dưới một hình thức vật chất hữu hình".

Quan điểm trên đã "nuốt" mất chủ thể sáng tạo và mâu thuẫn với khái niệm tác phẩm phải thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định. Cuộn băng trắng, đĩa âm thanh chưa được ghi âm, đĩa từ hình chưa ghi hình, ghi âm chỉ là vật chất đơn thuần, là phương tiện kỹ thuật nó không phải là tác phẩm văn học mà người nghệ sĩ hài đã biểu diễn. Quyền tác giả của nghệ sĩ hài ở đây chính là quyền được bảo hộ hình tượng nghệ thuật mà nghệ sĩ thể hiện dưới một hình thức khách quan và không bị phụ thuộc vào bất kỳ phương tiện vật chất nào.

Những yêu cầu về tính mới của một tác phẩm ở Australia được các Tòa án giải thích "thuật ngữ nguyên bản" không có nghĩa là tác phẩm thể hiện của những suy nghĩ sáng tạo nguyên sơ ban đầu. Tính mới liên quan đến cách thể hiện của suy nghĩ, đạo luật không đòi hỏi việc thể hiện phải dưới dạng mới nhưng tác phẩm đó nhất thiết không phải là bản sao chép của một tác phẩm khác và đương nhiên tác phẩm ấy phải do tác giả sáng tạo ra. Trên thực tế khi xem xét giải quyết những vụ việc cụ thể, tòa án của Australia và của Anh Quốc đã bảo vệ cả những danh mục các con số in sẵn dành cho trò chơi "Bingo"; Danh mục tên và vị trí các con ngựa đua do những người làm sách biên soạn; Các kiểu mẫu thương mại như hóa đơn điện thoại.

Những đối tượng được bảo hộ nêu trên thực chất theo quan điểm của pháp luật Việt Nam, thì chúng không hề chứa đựng một sáng tạo nào của tác giả, do vậy những đối tượng trên ở Việt Nam không thể được coi là sản phẩm của sự sáng tạo trí tuệ.

Mức độ tính mới mà luật bản quyền của Australia quy định ở mức độ thấp hơn so với Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Một tác phẩm có nội dung tương tự với nội dung của tác phẩm và thậm chí nó không có chất lượng, không có giá trị thực tiễn và thẩm mỹ, nhưng nếu nó được tác giả sáng tạo ra một cách độc lập không hề sao chép thì sẽ được bảo hộ theo luật bản quyền.

Ở Hoa Kỳ, tác phẩm phải có tính mới được biểu hiện ở sự cố gắng của tác giả tạo ra nó. Tính sáng tạo của một tác phẩm không phải là sự liệt kê những chữ số đơn thuần không cần tới sự cố gắng sáng tạo trí tuệ của bất kỳ ai và ai biết chữ cũng có thể thực hiện được. Ví dụ quyển niên giám điện thoại, người liệt kê các số điện thoại dù có "ý đồ sáng tạo" cũng không được coi là tác giả của quyển niên giám điện thoại đó. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, luật bản quyền của Đức quy định về quyền tác giả ở mức độ đòi hỏi cao hơn luật của Australia và tính sáng tạo thực sự được bảo đảm khi "một sáng tạo trí tuệ mang dấu ấn cá nhân". Như vậy, ở Cộng hòa Liên bang Đức thì các danh sách giới thiệu mặt hàng, các biểu mẫu in sẵn, các sách hướng dẫn không được pháp luật bảo hộ như tác phẩm. Đặc biệt đối với Nhật Bản, những tác phẩm được bảo hộ phải thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc và khoa học. Nội dung của những tác phẩm trí tuệ đó phản ánh về tình cảm của con người và được diễn tả một cách sáng tạo. Ở Nhật Bản, một sản phẩm trí tuệ chỉ được coi là tác phẩm nếu "tác phẩm là vật thể hiện tư tưởng sáng tạo, cảm tưởng đó thuộc phạm vi văn học, mỹ thuật hay âm nhạc". Khách thể quyền tác giả ở Nhật Bản gồm những loại hình tác phẩm được phân loại trước nhất là những tác phẩm điển hình, các tác phẩm bằng ngôn ngữ như tiểu thuyết, kịch bản, các luận văn, bài giảng. Theo quan điểm của Nhật Bản thì tiểu thuyết được viết trên giấy trắng, bài giảng hay là diễn thuyết bằng miệng thì vẫn được xem là tương đương với nhau, do đó không phân biệt loại hình tác phẩm viết với tác phẩm không biểu hiện dưới hình thức viết. Ở Nhật Bản, có những loại thơ, những bài thơ chỉ có mười mấy chữ rất ngắn nó được coi là một tác phẩm (Việt Nam cũng tương tự). Nhưng những câu quảng cáo ngắn ngủi thì đương nhiên không phải là tác phẩm. Vì, những câu quảng cáo chỉ là cách lắp ghép những câu đơn giản nó không biểu hiện sự sáng tạo của cảm tưởng và trí tuệ, tình cảm của con người.

Ở Nhật Bản, luật bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được ban hành năm 1970, tại Điều 2 luật nói trên có quy định: tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm bao hàm tác phẩm mỹ thuật và công nghệ (có thể gọi là thủ công mỹ nghệ). Theo quy định trên thì các tác phẩm công nghệ có tính cách gia dụng mà được sáng tác từng cái một cũng được xem là tác phẩm mỹ thuật".

Ở Nhật Bản, tác phẩm kiến trúc được bảo hộ là tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Theo luật quyền tác giả thì mặc dù chủ sở hữu quyền lợi của tác phẩm kiến trúc (kiến trúc sư), tuy chưa xây dựng thực sự tác phẩm kiến trúc đó, nhưng kết quả của hành vi đã hoàn thành - tác phẩm kiến trúc đã vẽ xong, thì quyền của tác giả được bảo hộ.

Nhật Bản còn bảo hộ tác phẩm là phần mềm máy tính như hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận phần mềm như tác phẩm và người sáng tạo có quyền tác giả. Tuy nhiên, các ngôn ngữ để lập trình các quy tắc dùng trong giao diện, hay các giải pháp về toán học không được xem là đối tượng được bảo hộ.

Những tác phẩm không được bảo hộ theo quy định của pháp luật Nhật Bản là Hiến pháp và các luật gồm cả Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ và các Công ước quốc tế, các Cáo thị, Chỉ thị của Trung ương và chính quyền địa phương, các phán quyết, quyết định Tòa án và những bản dịch từ các văn bản nói trên. Nhưng luật lại quy định các tác phẩm báo chí Công báo của Nhà nước phát hành đều là tác phẩm được bảo hộ như bạch thư của các Bộ, báo cáo của Hội đồng thẩm vấn, Hội đồng tư vấn của các Bộ đều là các tác phẩm được bảo hộ.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả ở Nhật Bản là bảo hộ trong suốt thời gian tác giả sinh thời và 50 năm sau khi mất. Ngoài việc bảo hộ thông thường như trên, ở Nhật Bản còn có một chế độ bảo hộ khá đặc thù là bảo hộ cả thời gian tham gia chiến tranh. Theo cam kết giữa Nhật Bản với quân đội các nước đồng minh khi Nhật Bản bại trận sẽ bảo hộ các tác phẩm theo Công ước quốc tế và theo Luật của Nhật Bản, đồng thời cũng sẽ bảo hộ kèm cả thời gian tham gia chiến tranh. Đây là một điểm bất công giữa Nhật Bản với các nước đồng minh như Anh và Mỹ (tác phẩm của Mỹ và Anh sẽ được bảo hộ 50 năm cộng thêm 10 năm rưỡi. Nhưng tác phẩm của Nhật Bản thì không được bảo hộ như vậy).

b) Các quan điểm về sáng chế

- Đối với các nước châu Âu, theo Điều 52 của "Công ước văn bằng sáng chế châu Âu" quy định những sáng tạo sau đây không thể được coi là những sáng chế có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, đó là:

- Những khám phá, các học thuyết khoa học, các phương pháp toán học;

- Những sáng tạo thẩm mỹ;

- Sự sắp xếp kế hoạch, quy tắc và phương pháp thực hiện các hành vi trí óc, chơi các trò chơi hay kinh doanh và các chương trình máy tính;

- Trình bày thông tin;

- Các phương thức điều trị cơ thể người hay động vật qua mổ xẻ hay điều trị không dùng phẫu thuật và các phương pháp chẩn đoán được tiến hành trên cơ thể người hay vật sẽ không được coi là những sáng chế mà có thể được sử dụng một cách công nghiệp. Tuy nhiên, việc loại trừ trên không áp dụng cho các sản phẩm, nhất là các chất hay các hợp chất được đem sử dụng cho bất kỳ phương pháp nào nêu trên.

Phạm vi loại trừ khỏi khả năng bảo hộ sáng chế của những sáng tạo được viện dẫn ở trên đây do Công ước văn bằng sáng chế châu Âu (EPC) quy định là rất rộng. Những loại sáng tạo về hình thức xem như đã là "những sáng chế", chẳng hạn như các chương trình máy tính, việc điều trị y học đối với con người, các học thuyết khoa học (pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng không cấp bằng sáng chế cho những người tạo ra các sản phẩm trên). Theo nội dung quy định của EPC thì các sáng tạo trên đã được điều chỉnh bởi việc bảo hộ quyền tác giả theo Công ước Berne do đó không cần thiết đối với các quốc gia bị ràng buộc bởi EPC phải đưa ra một sự bảo hộ nữa theo pháp luật về văn bằng. Nhưng đối với những sáng tạo của một khía cạnh thẩm mỹ của một vật có đặc tính kỹ thuật, thì các đặc tính kỹ thuật đó có thể được cấp văn bằng, còn riêng công dụng về mặt thẩm mỹ thì không được xét cấp văn bằng bảo hộ. Cũng tương tự như vậy, một phương pháp trình bày thông tin có thể được cấp văn bằng sáng chế đó là những đường xoắn trên đĩa hát được thiết kế để ghi âm thanh Stereo.

Theo quan điểm của các nước của Công ước văn bằng sáng chế châu Âu thì một chương trình máy tính không thể cấp bằng sáng chế cho người tạo ra chương trình đó cho dù nội dung của nó là gì? Tuy nhiên cần phải phân biệt việc sử dụng một chương trình máy tính theo cách hiểu của kỹ thuật cho việc áp dụng sáng chế, thì nó có thể tạo nên một phần của sáng chế tổng thể và được cấp văn bằng.

Quan điểm của các nước thành viên EPC về phương pháp điều trị người và động vật, theo họ việc điều trị con người và động vật về cơ bản là vấn đề phi kinh tế, và do đó, nó nằm ngoài phạm vi bảo hộ một sáng chế. Việc loại trừ trên chỉ được áp dụng đối với các phương pháp điều trị cơ thể người và vật, mà không áp dụng đối với các sản phẩm được sử dụng trong việc điều trị đó (các hợp nhất được sử dụng cho phương pháp điều trị người và động vật được bảo hộ). Các nước thuộc Tổ chức EPC cũng không cấp bằng sáng chế đối với những khám phá, những học thuyết, phương pháp, bố trí chương trình và hệ thống. Theo quan điểm của các nước thuộc Tổ chức EPC, thì việc loại trừ những dạng sáng tạo trên cũng giống như việc loại trừ các "ý tưởng". Công ước EPC hướng dẫn việc xem xét cấp bằng sáng chế: "Việc khám phá ra một vật chất đã được biết tới cụ thể nào đó có thể chịu được những va chạm cơ học sẽ không thể được cấp văn bằng, nhưng một thanh tà vẹt đường ray được làm từ vật liệu đó có thể hoàn toàn được bảo hộ".

Theo quy định trên, thì chỉ những sáng tạo nêu ra một giải pháp cụ thể để giải quyết mang tính chất công nghiệp mới được coi là sáng chế được bảo hộ. Còn những khám phá khác, bố trí chương trình, phương pháp, học thuyết mặc dù có hữu ích nhưng không có khả năng áp dụng công nghiệp trên thực tế thì không được bảo hộ là sáng chế, theo đó những sản phẩm trí tuệ trên được coi là tài sản công cộng!

Quan điểm của pháp luật Australia và Hoa Kỳ khác biệt so với quy định của EPC trong việc không bảo hộ những sản phẩm trí tuệ. Quan điểm của hai nước nói trên về bảo hộ một sáng chế với những điều kiện cụ thể. Nếu một sản phẩm trí tuệ không đáp ứng được những điều kiện đã nêu ra, thì sản phẩm trí tuệ đó không được bảo hộ là sáng chế.

Pháp luật của Australia quy định một sáng chế trước hết là: "một cách sản xuất mới" trước khi nó được xem xét bảo hộ theo văn bằng (Điều 18, Luật về văn bằng sáng chế, 1990). Như vậy, giải pháp đó phải là giải pháp kỹ thuật áp dụng được trên thực tế, tính mới của giải pháp đó được áp dụng vào sản xuất có tính sáng tạo và độc đáo không trùng lặp với những giải pháp kỹ thuật khác đang được áp dụng trên thực tế.

Tại Hoa Kỳ, một sáng chế hay một khám phá chỉ có thể được bảo hộ khi nó thỏa mãn về một "quy trình, máy móc, sản xuất hay hỗn hợp các chất hay là bất kỳ một sự cải tiến có ích và mới nào của những thứ đó" (Luật Hoa Kỳ số 101, quyển 35). Theo pháp luật của Hoa Kỳ thì một "quy trình" được hiểu là "một trình tự, nghệ thuật hay phương pháp". Như vậy, phạm vi những sản phẩm trí tuệ ở Hoa Kỳ và Australia được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế rộng hơn so với những quy định của EPC. Điều này đã làm cho pháp luật về văn bằng được mở rộng để bảo hộ phần mềm máy tính, công thức toán học và kể cả một số phương pháp trong kinh doanh (phương pháp giao dịch bán hàng thông qua mạng Internet...).

Quy định về những tiêu chuẩn của một sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ phải đáp ứng ba điều kiện: Tính mới, tính sáng tạo và tính hữu ích. Nhưng phạm vi của tính mới, tính sáng tạo theo luật của EPC và của Australia, Hoa Kỳ có sự khác nhau.

Tiêu chuẩn yêu cầu theo EPC về tính mới của một giải pháp kỹ thuật là phải mới so với thế giới. Sáng chế phải có tính mới khi đem so sánh với thực tế tri thức hoặc kỹ năng kỹ thuật trong phạm vi thế giới (quan điểm của EPC cũng tương tự như quan điểm của Việt Nam về sáng chế).

Quan điểm của pháp luật Australia và Hoa Kỳ lại khác ở chỗ tiêu chuẩn về tính mới của Australia so với thế giới là đối với các tài liệu, còn việc tiết lộ được tiến hành thông qua "việc thực hiện một hành vi" và chỉ có các hành vi được thực hiện trong khuôn khổ thẩm quyền quốc gia trước ngày nộp đơn mới được coi là vi phạm những giải pháp kỹ thuật được bảo hộ trước đó. Như vậy, ở Australia trong trường hợp một giải pháp kỹ thuật của một người chưa được thực hiện trong khuôn khổ thẩm quyền quốc gia trước ngày người khác nộp đơn được coi là có tính mới. Còn ở Hoa Kỳ, luật quy định tiêu chuẩn của tính mới nếu như sáng chế đã được bộc lộ công khai ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hay nó đã được áp dụng trên thực tế hoặc đã được bán tại nước này trước ngày người có sáng chế tương tự nộp đơn, thì sáng chế đó không được bảo hộ. Tương tự như vậy, nếu một sáng chế đã được miêu tả trong một ấn phẩm bất kỳ tại một nơi nào đó hay giải pháp đó đã được đem bán tại nước này hơn một năm so với ngày một người nộp đơn, thì giải pháp của người đó không được bảo hộ (quy định trên cũng khác so với pháp luật Việt Nam về quyền sử dụng trước các đối tượng sở hữu công nghiệp).

Theo quy định của EPC (Điều 54) tính mới của một sáng chế phải không tạo thành một phần của tri thức hay kỹ năng trước đó. Tri thức hay kỹ năng trước đó được hiểu là bao gồm tất cả những gì đã có sẵn trong công chúng thông qua miêu tả bằng văn bản hay lời nói, thông qua sử dụng hay bằng cách nào khác, trước ngày nộp đơn xin văn bằng châu Âu.

Tuy nhiên, theo Điều 55 của EPC thì trong một số trường hợp hạn chế những sự tiết lộ trước đó của người sáng chế hay người khác cũng không ảnh hưởng tới việc bảo hộ một sáng chế:

+ Việc tiết lộ sáng chế không được tính đến nếu nó diễn ra trong thời gian không quá 6 tháng trước này nộp đơn xin văn bằng châu Âu với những lý do sau:

- Việc lạm dụng hay sử dụng sai rõ ràng liên quan tới người có đơn hay người tiền nhiệm hợp pháp của người nộp đơn.

- Những tình tiết là người có đơn hay tiền nhiệm hợp pháp của người nộp đơn đã trưng bày sáng chế tại một cuộc triển lãm quốc tế chính thức hay được coi là chính thức mà phù hợp với những quy định tại điều khoản của Công ước về triển lãm quốc tế được ký tại Paris ngày 22-11-1928 và sửa đổi lần cuối vào ngày 30-11-1972.

Ngược lại, tại Australia và Hoa Kỳ cũng quy định về trường hợp trên nhưng nhà sáng chế được tiết lộ sáng chế cho hiệp hội học giả hay thử nghiệm sáng chế trước công chúng trong hạn 12 tháng trước khi nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đó.

Sáng chế là một sản phẩm của trí tuệ nó phải có tính sáng tạo. Tính sáng tạo của một sáng chế không phải là sự hiển nhiên. Sự hiển nhiên được hiểu là một giải quyết đã được tạo ra một cách dễ dàng đối với một chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật đó. Điều 55 của EPC quy định: "Một sáng chế phải được xem xét là một bước sáng tạo nếu trên cơ sở thực tế tri thức hay kỹ năng, nó không là hiển nhiên đối với người có kỹ năng trong nghề".

Nội dung của sự hiển nhiên được biểu hiện ở chỗ là những gì không vượt quá tiến bộ thông thường của công nghệ mà chỉ đi theo một cách thuần túy hay lôgic những gì của tri thức trước đây, có nghĩa là những gì không liên quan tới việc sử dụng bất kỳ kỹ năng hay khả năng nào vượt quá cái được mong đợi từ người có kỹ năng trong nghề. Một sáng chế được hiểu là sự hiển nhiên nếu một người bình thường có kỹ năng trong nghề có thể sáng chế ra giải pháp mà đã được người sáng chế đưa ra. Riêng khái niệm về người bình thường có kỹ năng trong nghề được các trường phái luật học nêu ra khác nhau.

Tại Australia và Hoa Kỳ, tiêu chuẩn một người có kỹ năng trong nghề là người có kỹ năng thông thường liên quan đến giải pháp kỹ thuật của sáng chế hoặc người đó có kinh nghiệm hiểu được kiến thức phổ thông qua nghiên cứu chủ đề của sáng chế; chứ không phải là sáng tạo hay trí tưởng tượng.

Ở Hoa Kỳ, giả thiết về người có kỹ năng trong nghề căn cứ vào mức độ học vấn của nhà sáng chế và những vấn đề gặp phải trong lĩnh vực, các giải pháp trong nghề trước đó đối với vấn đề này; sự tinh vi của công nghệ, mức độ học vấn của người làm việc trong lĩnh vực và trong thời khắc mà sáng chế được tạo ra.

Cũng về vấn đề trên, theo quy định của EPC thì người có kỹ năng trong nghề là người có sự tiếp cận tới khối lượng kiến thức được tìm thấy trong thực tế tri thức hiện có.

Một sáng chế còn phải thỏa mãn điều kiện là có khả năng áp dụng trong thương mại. Khả năng hữu ích của một sáng chế được thể hiện ở chỗ nó có một hoặc một số hình thức có thể áp dụng được trong thương mại hay trong công nghiệp. Quan điểm của các nước châu Âu được quy định trong Điều 57 của EPC:

"Một sáng chế phải được xem xét là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu nó có thể được làm ra hay sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực công nghiệp nào kể cả nhà nước. Trong đó "lĩnh vực công nghiệp" được hiểu theo nghĩa bao gồm bất kỳ hoạt động thực tế nào có "tính chất kỹ thuật" trong hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật hữu ích hay thực hành và độc lập với lĩnh vực nghệ thuật thẩm mỹ. Tính chất kỹ thuật còn được hiểu là một quy trình chuyển đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Tính chất kỹ thuật phải mang tính hiện thực khi áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Tính chất đó đã được loại trừ các loại hàng hóa hay quy trình hoạt động trái với các quy luật đã được khẳng định, chẳng hạn như một loại máy cơ giới chuyển động vĩnh cửu sẽ không bảo hộ được vì nó không thể áp dụng được trong sản xuất công nghiệp.

Ngược lại với các nước châu Âu, pháp luật của Australia quy định một sáng chế hữu ích không cần phải có thể phát triển được về mặt thương mại, vì một văn bằng không phải theo các chỉ dẫn khẳng định trong đơn, thì sáng chế đó sẽ thành công về mặt thương mại. Cũng về vấn đề này, pháp luật của Hoa Kỳ chỉ quy định tiêu chuẩn loại trừ một sáng chế liên quan đến tính hữu ích của nó là: "một sáng chế không đáng tin cậy", nghĩa là những lời khẳng định của nhà sáng chế phải có thể áp dụng được trong "thế giới thực tế". Tính hữu ích của một sáng chế ở Hoa Kỳ được bảo hộ khi nó có các nội dung cơ bản sau:

- Có tính hữu ích trong việc áp dụng công nghiệp và phải thực hiện được một số chức năng có ích.

- Một sản phẩm thành công về thương mại không nhất thiết và không phải là điều quan trọng rằng sáng chế phải đạt được tất cả những chức năng dự định hay phải hoạt động trong mọi điều kiện. Sự thành công một phần là đủ để cho thấy tính hữu ích có thể được cấp bằng bảo hộ.

Về trình tự và thủ tục cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ được pháp luật quy định khác biệt so với các nước trên thế giới. Đối với các nước đều áp dụng ưu tiên cho đơn nộp trước mà không phụ thuộc vào sáng chế nào được tạo ra trước, mà phụ thuộc vào ai là người nộp đơn trước thì được quyền ưu tiên. Nhưng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ về sở hữu trí tuệ lại quy định người sáng chế phải viết nhật ký công tác sáng chế, khi có tranh chấp về quyền ưu tiên thì nhật ký sáng chế là căn cứ để xem xét ai sáng chế trước. Quy định như trên về mặt lý thuyết rất có tính thuyết phục, nhưng trên thực tế khách quan thì việc phán đoán ai là người sáng chế trước, ai sáng chế sau không phải bao giờ cũng được xác định đúng.

3. Các quan điểm về kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là vẻ ngoài trang trí hoặc thẩm mỹ của sản phẩm. Luật mẫu của WIPO quy định về kiểu dáng công nghiệp dùng cho các nước đang phát triển như sau: "Kiểu dáng công nghiệp là bất kỳ kiểu dáng, đường nét hoặc mầu sắc của khối ba chiều tạo ra vẻ bề ngoài của sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp có thể dùng làm mẫu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp". Tất cả các nước đều có quy định chung: kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ qua đăng ký. Cũng tương tự như sáng chế, nhiều nước đòi hỏi kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới và phạm vi mà tính mới bị ảnh hưởng (quốc gia hay quốc tế). Tuy nhiên tiêu chuẩn của tính mới cũng thay đổi hoặc theo tính mới trong nước hoặc theo tính mới thế giới (Việt Nam quy định kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới đối với thế giới). Vấn đề khó khăn trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phân biệt được với kiểu dáng trước đó để được coi là mới.

Một đặc điểm then chốt của khả năng áp dụng kiểu dáng công nghiệp vào sản xuất là nó có thể lặp lại với quy mô thương mại trong một quốc gia và nhiều quốc gia. Một số nước coi sản phẩm thủ công mỹ nghệ không thuộc phạm vi được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp và quy định các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bảo hộ theo luật quyền tác giả. Nhưng cũng thuộc lĩnh vực trên, ở một số nước pháp luật lại quy định một sản phẩm có thể được bảo hộ theo cả quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp nếu nó được thể hiện theo hình dáng riêng của một sản phẩm mà hình dáng của nó là mới hoặc nguyên gốc.

Một kiểu dáng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp theo luật của Australia thì nó phải có các đặc điểm về hình thù, sắp xếp hình thể, khuôn mẫu hay việc trang trí được áp dụng đối với một hàng hóa. Các đặc điểm trên của sản phẩm hàng hóa cuối cùng có thể được đánh giá bằng mắt nhưng không bao gồm phương pháp hay nguyên tắc xây dựng hoặc thiết lập nên.

Quy định như trên, thì một kiểu dáng sản phẩm phải có các điều kiện:

- Có thể áp dụng được đối với sản phẩm;

- Nó phải được "đánh giá bằng mắt", do vậy các chức năng của một vật không được bảo hộ và phương pháp làm ra vật đó cũng không được bảo hộ. Quy định trên đã loại trừ các đặc điểm về hình dáng bên ngoài mà không thể nhìn thấy được bên trong quá trình sử dụng thông thường là không thể được bảo hộ.

- Kiểu dáng đó phải có một sự khác biệt đáng kể, quan trọng giữa kiểu dáng của một người có đơn xin bảo hộ và các kiểu dáng đã được sử dụng hay công bố trước đó về tính mới và tính độc đáo.

- Không có việc đăng ký hay sử dụng trước đó. Một kiểu dáng không được bảo hộ nếu nó đã được công bố hay sử dụng vào ngày trước khi nộp đơn xin đăng ký (pháp luật Việt Nam có quy định về quyền của người sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp). Tuy nhiên, pháp luật của Australia cho phép "những sáng chế tương ứng" được bảo hộ nếu như chúng chưa được "áp dụng một cách công nghiệp" trước ngày một người nộp đơn xin bảo hộ (Theo Điều 17 của Luật kiểu dáng, năm 1906).

Pháp luật về kiểu dáng công nghiệp của Australia quy định sự bảo hộ độc quyền về kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký là sự độc quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp từ ngày ưu tiên, tức là ngày người đó nộp đơn. Sự độc quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được thể hiện ở chỗ bất kỳ kiểu dáng nào "nhái lại một cách gian dối hay rõ ràng" kiểu dáng đã đăng ký đều bị coi là vi phạm. Quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp do pháp luật quy định đã ngăn cản người khác sử dụng, nhập khẩu, bán, thuê sản phẩm có chứa đựng kiểu dáng hay bắt chước kiểu dáng đó. Dấu hiệu của sự bắt chước tuy không hoàn toàn giống với kiểu dáng đã được đăng ký, nhưng là một bản sao chép lại một cách rõ ràng đối với mắt nhìn dù cho là có những khác biệt nhỏ. Sự bắt chước là một hành vi cố ý được thực hiện trên cơ sở có tính toán về kiểu dáng đã được đăng ký. Pháp luật của Australia phân biệt sự bắt chước một cách rõ ràng (hiển nhiên) và bắt chước một cách gian dối. Bắt chước rõ ràng là bắt chước một kiểu dáng là vấn đề tình tiết không giống tuyệt đối nhưng là một bản sao lại rõ ràng mà con người có thể nhận biết được bằng mắt thường.

Bắt chước một cách gian dối là sự bắt chước được thực hiện trên cơ sở tính toán về kiểu dáng đã được đăng ký và kiểu dáng do bắt chước mà tạo thành cũng dễ dàng nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên, sự gian dối của người cố ý bắt chước trong trường hợp này không có ý định ăn cắp tài sản của người có kiểu dáng công nghiệp được đăng ký. Hành vi của người bắt chước tạo ra kiểu dáng công nghiệp, thì kiểu dáng đó không được pháp luật của Australia và Hoa Kỳ bảo vệ.

4. Một số lĩnh vực về sở hữu trí tuệ cần được bảo hộ theo quan điểm pháp luật của một số nước

a) Phần mềm máy tính

Phần mềm của máy tính là đối tượng của quyền tác giả mà hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới quy định bảo hộ. Ở Việt Nam về phần mềm của máy tính được quy định tại khoản 2 Điều 747 Bộ luật dân sự, nó được bảo hộ theo quyền tác giả. Tương tự như vậy, quan điểm pháp luật của nhiều quốc gia trước đây coi phần mềm máy tính không phải là đối tượng được cấp bằng sáng chế. Hơn nữa, quan điểm của một số quốc gia còn coi phần mềm máy tính nên được bảo hộ theo cơ chế nhãn hiệu hàng hóa. Theo họ, khi một người sao chụp một đĩa CD, thì người đó đồng thời cũng sao chụp nhãn hiệu hàng hóa của bản chính gắn trên đĩa, do vậy khi chủ sở hữu của đĩa CD phát hiện việc sao chụp lậu để có cơ sở kiện.

Do nhu cầu của chuyển giao công nghệ và nhằm bảo vệ chủ sở hữu các sản phẩm trí tuệ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước châu Âu đang có chiều hướng coi phần mềm máy tính như một sáng chế.

b) Tên địa chỉ trên mạng Internet

Một lĩnh vực rất đặc biệt là tên địa chỉ trên mạng Internet do phần Đô-mên-nen có vai trò đặc định hóa một máy tính do không thể có hai địa chỉ trùng lặp với nhau trên mạng Internet. Đặc biệt khi một hãng, một công ty ghi tên nhãn hiệu hàng hóa của mình trên mạng Internet, thì không thể có công ty thứ hai ghi cùng tên hàng hóa đó trên mạng này vì nhãn hiệu hàng hóa còn có yếu tố xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý của nhà sản xuất thuộc quốc gia nào. Hiện nay các thành viên của Tổ chức WIPO đang bàn về tên chỉ dẫn trên Internet với nhãn hiệu hàng hóa của một công ty, một quốc gia cần phải kết hợp như thế nào để tìm cơ chế bảo hộ cho phù hợp.

c) Vấn đề công nghệ sinh học

Một công nghệ sinh học có nên bảo hộ như một sáng chế không. Quan điểm pháp luật của nhiều quốc gia cũng rất khác nhau. Theo Hiệp định TRIPs  thì các quyền đối với các giống thực vật mới còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các quốc gia. Sáng chế công nghệ sinh học do thực tế kỹ thuật về gen ngày càng trở nên quan trọng đối với nông nghiệp và điều trị bệnh tật. Về mặt lịch sử thì khả năng bảo hộ các vật thể sống theo một khía cạnh pháp lý riêng liên quan đến khả năng bảo hộ các giống thực vật. Mới đầu, vấn đề sinh học được xem như những phát hiện chỉ liên quan đến cơ thể và vật thể sống mà không phải là sự sáng tạo nào (trừ trường hợp các loại vi sinh được sử dụng trong quá trình lên men và kháng sinh). Nhưng vào năm 1969, Tòa án Tối cao của Cộng hòa Liên bang Đức đã ra quyết định rằng kỹ thuật gây giống động vật có khả năng được bảo hộ, với điều kiện kỹ thuật đó có khả năng lặp đi lặp lại ổn định. Ngược lại, tại Hoa Kỳ các tòa án đã cương quyết bác bỏ những yêu cầu bảo hộ giống động vật, mà chỉ công nhận các vi khuẩn được tạo ra bằng phương pháp kỹ thuật gen có khả năng phá vỡ các thành phần của dầu thô thì có thể được bảo hộ. Như vậy, tiêu chuẩn được bảo hộ không phải là sáng chế liên quan đến sinh vật hoặc không sinh vật mà là các sáng chế do con người tạo ra.

Việc bảo hộ giống cây trồng mới trên thế giới đã được Hiệp hội quốc tế bảo vệ giống cây trồng mới (UPOV) quy định. Theo các văn kiện 1978, 1991 của UPOV, thì một giống cây trồng mới được bảo hộ phải hội đủ 5 điều kiện sau đây:

- Tính khác biệt (Distinctness) là giống mới tạo thành phải phân biệt được với các giống đã được biết và đã phổ biến ít nhất là một tính trạng đặc trưng.

- Tính đồng nhất (Uniformity), các cây thuộc cùng giống đó cơ bản là đồng nhất về tính trạng đặc trưng, ngoại trừ sự biến dị có thể xảy ra;

- Tính ổn định (Stability), các tính đặc trưng của tính không thay đổi qua các thế hệ hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống;

- Tính mới về thương mại (Commercial Novelty), là giống mới chưa được bán với sự đồng ý của tác giả trước thời điểm nộp đơn một khoảng thời gian nhất định;

- Tên gọi thích hợp (Appropriate Denomination), tên gọi của giống mới không được trùng lặp với tên gọi của một giống khác thuộc vùng một loài cây.

Năm điều kiện trên là bắt buộc đối với các nước thành viên của Công ước UPOV và các điều kiện khác ngoài năm điều kiện bị loại trừ. Hiệp định TRIPs cho phép ba sự lựa chọn để bảo hộ giống cây trồng:

- Bảo hộ bằng patent;

- Bảo hộ bằng một hệ thống riêng hữu hiệu;

- Bảo vệ bằng một hình thức kết hợp giữa bảo hộ bằng patent và bảo hộ bằng hệ thống riêng hữu hiệu.

Tuy nhiên về việc bảo hộ giống cây trồng mới là sáng chế còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các nước trên thế giới.

Đối với các nước châu Âu phần lớn dân cư theo Công giáo, một trong những lý do tế nhị là đối với động vật và thực vật mà xét cấp bằng sáng chế là không chính đáng. Nhưng họ lại có quan điểm là đối với động vật và thực vật có thể xét cấp bằng sáng chế cho một con giống mới tạo thành đó mà thôi, còn đối với cả một chủng loại động vật, thực vật thì không nên cấp văn bằng sáng chế.

Đối với những nước đang phát triển thì đều nhất trí rằng động vật và thực vật thì không nên cấp bằng sáng chế.

Việt Nam đang soạn thảo quy định pháp luật theo nguyên tắc của UPOV dưới dạng Nghị định của Chính phủ bảo hộ giống cây trồng mới ở Việt Nam. Đối tượng được bảo hộ gồm các giống cây trồng mới của tổ chức, cá nhân trong nước, cũng như của những nước có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Như vậy, các giống địa phương, giống bản địa, các cây chuyển gen không thuộc phạm vi bảo hộ của Nghị định. Nhà nước Việt Nam sẽ cấp văn bằng bảo hộ cho những giống mới đáp ứng các điều kiện nêu trong Nghị định và Văn bằng có thể được chuyển nhượng, thế chấp. Chủ sở hữu văn bằng có thể tự tổ chức khai thác giống hoặc bán lixăng cho người khác thu lệ phí.

d) Về nhãn hiệu hàng hóa

Hiện nay trên thế giới có hai hệ thống pháp luật quy định chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

Hệ thống thứ nhất là hệ thống sử dụng trước;

Hệ thống thứ hai là hệ thống đăng ký trước.

- Hệ thống sử dụng trước quy định bất kỳ ai sử dụng nhãn hiệu hàng hóa ở một nước thì đều có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở nước đó.

- Còn hệ thống đăng ký trước quy định bất kỳ ai có yêu cầu đầu tiên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở một nước thì đều được quyền đăng ký.

Cả hai hệ thống trên đều được Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) cho phép. Đối với nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ, Hiệp định TRIPs quy định các loại dấu hiệu phải có khả năng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ và quy định các quyền tối thiểu phải dành cho chủ sở hữu các nhãn hiệu đó. Các nhãn hiệu đã trở nên nổi tiếng tại một nước nào đó phải được bảo hộ dưới một mức cao hơn. Ngoài ra, Hiệp định trên cũng quy định một số nghĩa vụ đối với việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu và việc cấp lixăng hoặc chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều 15 TRIPs quy định: "Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...".

Ngoài các yếu tố trên mà pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của các nước đều quy định một nhãn hiệu hàng hóa có các yếu tố tương tự. Một điều đặc biệt là ở Australia và ở Hoa Kỳ còn có cơ chế bảo hộ âm thanh và mùi vị có thể phân biệt được có thể được đăng ký, được bảo hộ. Hơn nữa, nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký ngay cả khi chúng không sẵn có tính phân biệt, với điều kiện là nhãn hiệu hàng hóa đó đã được đặc định hóa thông qua sử dụng.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu về quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường phái luật học chủ yếu trên thế giới do các nước trên thế giới có những mức độ bảo hộ bản quyền khác nhau. Trong chuyên đề nghiên cứu này chủ yếu dựa trên hệ thống pháp luật của Australia, Hoa Kỳ và các nước châu Âu cùng Nhật Bản để làm đối chứng so sánh giữa hai hệ thống pháp luật khác nhau về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Một bên là Australia, Hoa Kỳ với một bên là các nước châu Âu và Nhật Bản. Qua nghiên cứu nhằm làm rõ bản chất pháp luật của hai trường phái thuộc hai hệ thống pháp luật khác nhau - hệ thống pháp luật theo Án lệ và Hệ thống pháp luật dân sự - để thấy rõ sự vận động của sở hữu trí tuệ diễn ra không những theo các quy luật đặc biệt, mà còn theo quan điểm của mỗi trường phái luật học về nó. Khi nghiên cứu quyền sở hữu trí tuệ đồng thời nhằm mục đích tìm hiểu đầy đủ tính phức tạp giữa các ranh giới của các quan điểm và giữa các ngành khoa học đang diễn ra từng ngày trên thế giới. Qua đó cũng nhận thấy pháp luật của nước ta về lĩnh vực này cần phải nắm bắt kịp thời những thông tin, kinh nghiệm trong việc bảo hộ các sản phẩm trí tuệ để có cơ sở bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của chủ văn bằng bảo hộ, của tác giả, của chủ sở hữu tác phẩm trong quan hệ về quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Qua đó khẳng định vị trí của Việt Nam về lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với các nước trong khu vực và toàn thế giới nhằm mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại trong đó có quan hệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

 

Chuyên đề 8

TÌNH HÌNH VI PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ

TRONG LĨNH VỰC XUẤT BẢN

IV.  TS. Trần Văn Thắng

1-  Nhận xét chung về tình hình vi phạm quyền tác giả trong liĩnh vực xuất bản

Trong những năm qua, vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản là hiện tượng phổ biến và ngày càng có xu thế gia tăng. Tác giả là người sáng tạo hoặc lao động có tính sáng tạo trong việc làm ra sản phẩm của mình là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Các tác phẩm này được Nhà nước ta bảo hộ thông qua pháp luật và hệ thống các cơ quan nhà nước thực thi pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học lại thường xuyên bị vi phạm.

Các hành vi vi phạm quyền tác giả là đều là kết quả tất yếu của sự "cố ý" được chủ thể vi phạm chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, lợi dụng lòng tin của tác giả và ưu thế nghề nghiệp của mình để thực hiện cho được mục tiêu đề ra, nhằm mang lại cho mình lợi ích kinh tế hoặc lợi ích tinh thần.

Đối tượng vi phạm có thể là sách giáo khoa, các loại sách tham khảo gắn với sách giáo khoa hoặc giáo trình các môn học ở bậc phổ thông, trung học, cao đẳng, đại học, các loại sách chuyên ngành về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, các loại sách văn học nghệ thuật phục vụ các lứa tuổi, các đối tượng khác nhau…

Tình hình vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra ở khắp nơi nhưng không bị phát hiện làm ảnh huởng đến quyền lợi vật chất hoặc tinh thần của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Không có một cơ chế kiểm tra chặt chẽ có tính kỹ thuật cho phép tác giả quyền được kiểm tra để phát hiện xem quyền của mình có bị vi phạm không. Vì thế không ít trường hợp tác giả biết tác phẩm của mình bị vi phạm nhưng không có cơ sở để chứng minh khẳng định một cách rõ ràng. Thực tế cho thấy, có những vụ việc vi phạm bị phát hiện nhưng do tác giả cũng ngại kiện cáo vì thiếu tổng thể những quy định đảm bảo cho tác giả khỏi bị thiệt thòi khi tham gia vào vụ kiện nào đó.

2. Chủ thể vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản sách.

Trong nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện nhiều loại chủ thể khác nhau vi phạm có hệ thống quyền tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Đó là các Nhà xuất bản, các cơ sở in sách, các cá nhân in lậu sách, cá nhân đứng tên tác giả của tác phẩm cụ thể nào đó.

a) Vi phạm quyền tác giả từ phía Nhà xuất bản.

Trong điều kiện không còn được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, phần lớn các nhà xuất bản đều phải tự hạch toán kinh doanh dẫn đến một số Nhà xuất bản đặt mục đích lợi nhuận của mình lên trên hết mà quên mất chức năng phục vụ xã hội, quên mất trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả, chống lại sự vi phạm từ phía các tổ chức, cá nhân khác.

Nhìn chung các Nhà xuất bản đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quyền tác giả, tôn trọng quyền tác giả và tôn trọng sự hợp tác của tác giả đối với mình. Quyền tác giả trong mối quan hệ với nhà xuất bản được thể hiện trong từng hợp đồng sử dụng tác phẩm, trong đó bao gồm các quy định về số lượng bản sách, mức nhuận bút, thời hạn thanh toán nhuận bút, quyền được hưởng nhuận bút đối với sách tái bản, thời hạn công bố tác phẩm, v.v…

Tuy nhiên, các quyền này nhiều khi lại bị vi phạm bởi chính nhà xuất bản do việc lợi dụng tác giả không hiểu biết về nghiệp vụ xuất bản, in ấn hoặc không có hoặc không có điều kiện để kiểm tra vào quá trình xuất bản tác phẩm của mình. Sự vi phạm từ phía các nhà xuất bản thường thể hiện ở một số việc làm dưới đây:

-  In sách với số lượng bản nhiều hơn so với số lượng trong giấy phép xuất bản và số lượng ghi trên thông tin lưu chiểu. Ví dụ: trên thông tin trang cuối sách chỉ ghi in 1000 bản nhưng thực tế lại in tới 1500- 2000 bản. Đây là việc làm vừa thiếu trung thực vừa xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả. Bởi vì nhà xuất bản chỉ thanh toán cho tác giả tiền nhuận bút của 1000 bản sách mà đáng lý tác giả phải được hưởng nhuận bút của 1500 hoặc 2000 bản sách mà nhà xuất bản đã in.

-  In nối bản, in tái bản sách nhưng không có thông báo cho tác giả và không thanh toán tiền nhuận bút cho tác giả.

Có thể kiểm tra được việc làm vi phạm này nếu như có sự phối hợp chặt chẽ trong các cơ quan chức năng.

b) Cơ sở in vi phạm quyền tác giả.

Theo Điều 24 và Điều 25 Luật Xuất bản năm 1993 thì các cơ sở in, nhân bản chỉ được in, nhân bản xuất bản phẩm có giấy phép hợp pháp và sau khi đã ký kết hợp đồng kinh tế với Nhà xuất bản. Trong thực tế đôi khi các cơ sở in lợi dụng sơ hở trong công tác kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành in sách mà không có giấy phép, không có hợp đồng với nhà xuất bản. Hiện tượng này gọi là in lậu sách. Việc in lậu mang lại lợi nhuận cao cho cơ sở in vì họ trốn được việc đóng thuế, không phải nộp phí xuất bản, không phải trả nhuận bút cho tác giả.

Việc in lậu xảy ra nhiều nhất đối với sách giáo khoa vì loại sách này có đối tượng mua rất đông đảo trong cả nước nên số lượng bản in rất lớn. Vụ in lậu sách giáo khoa có quy mô lớn vào tháng 8 năm 1995 tại nhà số 2 đường Bắc Sơn, quận Ba Đình- Hà Nội đã được phát hiện với mấy chục nghìn cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học bị in lậu.

c) Cá nhân vi phạm quyền tác giả.

Việc in lậu sách không chỉ xảy ra ở các cơ sở in mà còn xảy ra đối với các cá nhân. Các cơ sở in khi đó chỉ làm nhiệm vụ in gia công cho các cá nhân để được thanh toán tiền công in.

Có nhiều vụ cá nhân thuê in lậu sách giáo khoa nhưng các cơ quan chức năng do thiếu kiểm tra sâu sát nên phát hiện ra rất ít ỏi so với thực tế vi phạm.

Cá nhân thuê in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản thực chất vừa vi phạm quyền tác giả, vừa làm thiệt hại kinh tế cho nhà xuất bản, thiệt hại cho Nhà nước. Điển hình là vụ Nguyễn Hữu Chiến đã 2 lần bị bắt về tội in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục. Lần thứ nhất vào năm 1995, Nguyễn Hữu Chiến ngang nhiên thuê in lậu hơn 50.000 bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, bị bắt nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính rất nhẹ nhàng. Vào năm 1999, Nguyễn Hữu Chiến lại tái phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn, cũng in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục với số lượng gấp 10 lần trước đó. Bị bắt, Nguyễn Hữu Chiến bị phạt 10 triệu đồng và bị phạt 1 năm tù.

Như vậy, cá nhân tự tổ chức in sách và tổ chức phát hành sách và tổ chức phát hành đã vi phạm quyền tác giả vì đã sử dụng tác phẩm mà không không được sự đồng ý của tác giả, không trả thù lao cho tác giả.

d) Tác giả vi phạm quyền tác giả

Có tác giả đã lấy nguyên xi tác phẩm của người khác làm tác phẩm  của mình mà chỉ thay tên gọi của tác phẩm. Điển hình là vụ ông Trương Sĩ Hùng là tác giả cuốn sách truyện Trạng Đông Nam  Á (tập I), Nhà xuất bản Văn học dân tộc, thực chất đã bê nguyên văn 40 truyện Trạng Quỳnh của nhà văn Nguyễn Đức Hiền mà không hề có sự thoả thuận nào với tác giả.

3. Nguyên nhân của tình hình vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản.

a) Công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả

Ở Việt Nam, quyền tác giả còn là vấn đề mới mẻ nên chúng ta còn thiếu lý luận và kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả nói chung, của tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học nói riêng. Hơn nữa, các cơ quan quản lý của Nhà nước cũng chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc xây dựng pháp luật về quyền tác giả.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam còn chưa đồng bộ, thiếu vắng nhiều quy định cần thiết về xử phạt vi phạm đối với các trường hợp vi phạm.

Bộ luật dân sự dành từ Điều 745 đến Điều 772 để quy định về quyền tác giả. Sau khi có Bộ luật dân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/CP quy định chi tiết quyền tác giả trong Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, Nghị định này lại quy định quá sơ sài, vẫn cần thiết phải có Thông tư hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư nào.

Hiện nay, sự vi phạm quyền tác giả thường xuyên xảy ra nhưng chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp quy nào về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả. Không có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm cụ thể làm cho các cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý.

Đối với các trường hợp vi phạm lớn thì Bộ luật hình sự quy định mức xử phạt quá nhẹ. Theo Điều 271 Bộ luật hình sự hiện hành, người nào vi phạm các quy định về xuất bản thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Việc in lậu sách giáo khoa có khi mang lại lợi nhuận cho kẻ vi phạm tới mấy trăm triệu đồng, vi phạm đến quyền lợi của tác giả, của Nhà xuất bản, của Nhà nước mà với mức xử phạt hình sự và phạt tiền như vậy chưa đủ sức nặng đối với kẻ vi phạm. Điều 131 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả cũng chỉ quy định ra mức xử phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

b) Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực xuất bản.

Bên cạnh việc thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ để bảo vệ quyền tác giả chúng ta còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra, Thuế vụ, Quản lý thị trường và các Nhà xuất bản. Đôi khi từng cơ quan chức năng này có kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra đơn lẻ mà chưa phối hợp kiểm tra tổng thể và chưa có kế hoạch liên ngành ở phạm vi từng địa phương cũng như toàn quốc.

Thực tế cho thấy thanh tra ngành văn hoá mới chỉ kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả trong ngành văn hoá và cũng chỉ ở phạm vi rất hẹp. Ngành công an thường hay kiểm tra các xuất bản phẩm nhưng cũng chỉ mới ở thủ đô Hà Nội và ở một vài thành phố lớn, còn ở các tỉnh thì hầu như thiếu vắng công tác kiểm tra này.

Cũng cần nói đến sự phối hợp giữa Toà án và Viện kiểm sát trong quá trình xét xử. Việc thiếu bàn bạc thống nhất giữa hai cơ quan này cũng làm hạn chế tác dụng của pháp luật về bảo vệ quyền tác giả. Chẳng hạn, trong việc xác định mức độ tiền phạt, trong việc định danh tội phạm cũng thường rất lâu mới được hai cơ quan này thống nhất. Đồng thời việc thống nhất này đôi khi cũng là sự thoả thuận nội bộ chứ chưa phản ánh đúng thực chất của hành vi vi phạm. Thực tế là một vài vụ xét xử về vi phạm trong lĩnh vực xuất bản đều chưa được thoả đáng làm cho dư luận chưa tin vào công lý.

4. Những biện pháp đã được áp dụng để đấu tranh với tình hình vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản.

Nhà xuất bản Giáo dục là một trong những nhà xuất bản đi đầu trong việc bảo vệ quyền tác giả. Ở đây hoàn toàn không có sự vi phạm quyền tác giả trong việc xuất bản sách giáo khoa.

Với số bản sách hàng năm rất lớn, Nhà xuất bản Giáo dục thường là chủ thể bị vi phạm nhiều nhất. Sự vi phạm trong việc in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục đồng thời cũng là xâm phạm đến quyền lợi của tác giả sách giáo khoa- cộng tác viên của Nhà xuất bản Giáo dục. Vì vậy, những biện pháp mà nhà xuất bản áp dụng một mặt bảo vệ quyền lợi của mình, mặt khác lại nhằm bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tác giả. trong mấy năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục đã tiếp tục áp dụng những biện pháp quan trọng dưới đây.

a) Làm bìa sách đặc chủng

Trước tình hình in lậu sách có chiều hướng gia tăng, từ năm 1998 Nhà xuất bản Giáo dục đã bắt đầu áp dụng biện pháp làm bìa sách đặc chủng tức là tại trang bìa 2 và trang bìa 3 có in chìm lôgô biểu tượng của Nhà xuất bản Giáo dục. Việc làm này đã có tác dụng tích cực ban đầu và ngay trong năm học năm học 1998- 1999, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh chỉ mua sách của Nhà xuất bản Giáo dục có bìa đặc chủng, những sách làm giả không có loại bìa này đều không tiêu thụ được.

Tuy vậy, ngay sau đó đó vào năm 1999 hàng loạt sách giả của tư nhân với bìa đặc chủng giống như bìa của Nhà xuất bản Giáo dục đã được tung ra thị trường chuẩn bị cho năm học 1999-2000. Điều này khẳng định rằng biện pháp mà Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra đã không còn có hiệu quả nữa mà phải áp dụng ngay các biện pháp khác mang tính kỹ thuật - công nghệ cao mới có thể chặn đứng được việc làm giả sách giáo khoa.

b) Dán tem chống giả.

Đứng trước yêu cầu phải quyết tâm áp dụng những biện pháp tích cực chống lại việc làm hàng giả sách giáo khoa để bảo vệ quyền tác giả, quyền lợi của Nhà xuất bản Giáo dục và quyền lợi của học sinh, từ năm 2000 bắt đầu việc dán tem vào tất cả mọi loại sách tham khảo và từ năm 2001 thống nhất dán tem vào tất cả mọi loại sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Đây là loại tem chống giả được dán vào trang bìa cuối sách, bên mép dưới, ngay sát nơi ghi giá sách. Tem được sản xuất theo đơn đặt hàng tại một cơ sở công nghệ của nước ngoài rất đặc biệt.

Đã qua hai năm, kể từ khi áp dụng biện pháp dán tem cho thấy đây là biện pháp hữu hiệu. Hiện tại các đoàn kiểm tra chưa thấy trên thị trường có sách giả được dán tem chống giả như vậy, biện pháp này đã thu được kết quả ban đầu đáng khích lệ, góp phần trực tiếp vào bảo vệ quyền lợi vật chất của tác giả và Nhà xuát bản Giáo dục.

c) Tăng cường kiểm  tra nhà in, đại lý sách và cửa hàng sách

Đồng thời với việc làm bìa đặc chủng, dán tem chống giả, Nhà xuất bản Giáo dục đẩy mạnh công tác kiểm tra các Nhà in sách, các đại lý và cửa hàng sách có sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Việc kiểm tra được thông qua các bộ phận chức năng có liên quan phối hợp với công an trên địa bàn địa phương, bởi vì nhà in, các cửa hàng sách chính là nơi có khả năng sản xuất và cung cấp sách giả, là cầu nối tiếp tay quan trọng cho việc vi phạm quyền tác giả.

5.  Những đề xuất về bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản.

Trước thực trạng quyền tác giả bị vi phạm thường xuyên trong lĩnh vự xuất bản cần phải có giải pháp tích cực mang tính chiến lược mới có thể cải thiện được tình hình và bảo vệ tốt quyền lợi của tác giả trong nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Trong vi phạm này, chúng tối xin có mấy đề xuất cơ bản sau đây:

a) Có kế hoạch xây dựng đồng bộ một hệ thống quy phạm pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ quyền tác giả, trong đó đáng chú nhất là quy định về bộ máy kiểm tra, thanh tra việc thi hành Luật Xuất bản, việc thực hiện quyền tác giả. Trong bộ máy hỗn hợp này cần phân rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp với sự tham gia tích cực của các Nhà xuất bản.

Cần nhanh chống ban hành Pháp lệnh về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm, trong đó quy định rõ quyền của các cơ quan chức năng được trực tiếp xử phạt với từng mức độ khác nhau.

b) Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng để thực hiện kiểm tra liên ngành đối vơí các cơ sở in, các cửa hàng sách, các đại lý sách. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và có trọng điểm, có các chiến dịch cần thiết.

c) Đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cao về xuất bản, in ấn và phát hành sách trong các cơ quan Công an, Thanh tra, Quản lý thị trường, Thuế vụ, Toà án, Viện kiểm sát mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra và công tác xét xử.

d) Xử phạt nghiêm minh và kịp thời với những trường hợp vi phạm luật xuất bản, quyền tác giả để gây được niềm tin tác giả, của xã hội và của công lý.

đ) Thực tiễn cho thấy cần nhanh chóng xúc tiến việc thành lập Hiệp hội tác giả Việt Nam để phối hợp hành động trong việc bảo vệ quyền tác giả./. 

 

Chuyên đề 11

mét sè kiÕn nghÞ söa ®æi c¸c quy ®Þnh cña bé luËt d©n sù vµ c¸c v¨n b¶n h­íng dÉn thi hµnh trong lÜnh vùc së h÷u trÝ tuÖ

Nguyễn Xuân Anh

V.    Nguyễn Tuấn Anh

Nghiên cứu viên Viện NCKH Pháp lý Bộ Tư pháp

 

Hoạt động sáng tạo của con người đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Có thể đánh giá một quốc gia là văn minh hay không, là phát triển hay không thông qua đánh giá trình độ khoa học, kỹ thuật của quốc gia đó. Vì vậy, việc đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia giữ vai trò then chốt của sự thành công.

Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc phát triển đất nước, bắt đầu vào thập kỷ 80, Nhà nước ta đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ (vào năm 1981 với việc ban hành Điều lệ về sáng kiến và sáng chế) và hệ thống pháp luật nước ta mới thực sự phát triển bắt đầu từ thời điểm ban hành Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (ngày 28 tháng 1 năm 1989) và Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả (ngày 2 tháng 12 năm 1994). Những văn bản này đã góp phần quan trọng trong việc phát huy quyền tự do sáng tạo của mỗi cá nhân, bảo hộ sản xuất trong nước và từng bước tạo sự bảo hộ và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trước xu thế quốc tế hoá đời sống kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, các quy định trên tỏ ra không còn phù hợp. Sự ra đời của Bộ luật dân sự đánh dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trước các yêu cầu thực tế của công cuộc đổi mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

- Bộ luật dân sự đã tạo ra một cơ sở pháp lý quan trọng cho các đối tượng nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ yên tâm thực hiện các quyền của mình nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ cho công cuộc đổi mới.

- Bộ luật dân sự bước đầu tạo ra một tâm lý yên tâm cho các cá nhân, các tổ chức, đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sáng tạo, coi đó là một loại hình đầu tư có tầm quan trọng nhất trong các loại hình đầu tư khác.

- Bước đầu tạo ra tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, tạo đà phát triển khoa học kỹ thuật trong nước, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, từng bước đưa Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới.

Sau khi Bộ luật dân sự ra đời đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, chúng ta có thể kể đến:

- Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31-12-1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 của Chính phủ hướng dẫn một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự;

- Thông tư số 23/TC/TCT ngày 9-5-1997 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

- Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài;

- Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

- Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về xử phat vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp:

- Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp;

- Nghị định số 72/2000/NĐ-CP ngày 5-12-2000 về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài;

- Nghị định số 6/2001/NĐ-CP ngày 1-2-2001 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp;

- Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

-        Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới.

-        Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin.

Ngoài các văn bản pháp luật nêu trên, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được đề cập ở những mức độ khác nhau trong nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Thương mại năm 1997, Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998, Nghị định số 7/CP ngày 5-2-1996 về quản lý giống cây trồng, Nghị định số 14/CP ngày 19-3-1996 về quản lý giống vật nuôi, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31-7-1998 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại, Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (có hiệu lực từ ngày 1-3-2000); Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15-12-1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30-8-1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu...

Có thể nói các văn bản pháp luật nêu trên góp phần rất lớn vào việc tạo ra cơ sở pháp lý bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp và thương mại phát triển, từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới.

Trong phạm vi Đề tài: "Pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ - Thực trạng và xu hướng phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XXI". Chúng tôi chỉ đánh giá các quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ một cách tổng quan trên cơ sở các quy định tại Chương II, Phần thứ sáu về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, từ Điều 780 tới Điều 805 Bộ luật dân sự và các văn bản trực tiếp hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự.

I. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và một số kiến nghị.

Trên thực tế trong suốt một thời gian dài các quy định pháp luật về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thực sự vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vậy tại sao các hành vi vi phạm quyền tác giả ở nước ta lại phổ biến đến như vậy? Chúng ta hãy xem xét một số dẫn chứng điển hình:

- Thứ nhất, nạn sao chép băng, đĩa nhạc, đĩa hình diễn ra một cách phổ biến và ngang nhiên. Có lẽ trên thị trường băng, đĩa nhạc, đĩa hình ở nước ta hiện nay, số của hàng kinh doanh đĩa lậu nhiều hơn số của hàng kinh doanh đĩa hợp pháp. Mặc dù trong thời gian vừa qua, việc tổ chức dán tem các mặt hàng này cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu để hạn chế thực trạng vi phạm quyền tác giả.

- Thứ hai, tình trạng "nhạc sống" ở các quán cà phê, khu vui chơi giải trí diễn ra một cách phổ biến và công khai, nhưng tác giả của các bản nhạc, lời ca không được trả một khoản tiền thù lao nào.

- Thứ ba, nạn sao chép và sử dụng lậu các phần mềm máy tính diễn ra khá phổ biến, đặc biệt đối với phần mềm do các nhà sản xuất trong nước cung ứng. Thực trạng nêu trên dẫn tới kết quả, quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm bị xâm phạm nghiêm trọng. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, thiệt hại này không phải là nhỏ. Tình trạng này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm trong nước do kỹ thuật bảo mật còn thấp, không khuyến khích được sự phát triển của ngành công nghiệp non trẻ này trong bối cảnh Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP ngày 5-6-2000 về phát triển công nghệ phần mềm giai đoạn 2000 - 2005 và các Bộ, ngành cũng đang gấp ra chuẩn bị thực hiện Nghị quyết này. Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo "bảo hộ bản quyền các phần mềm - Thực trạng và giải pháp" tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 27-2-2001. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nhận định: "Thực trạng của việc vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam hiện nay đã ở mức nghiêm trọng, diễn ra khắp mọi nơi, với nhiều hình thức, động cơ và mức độ vi phạm khác nhau. Tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất phần mềm và ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thông tin đầy triển vọng của nước ta, không khuyến khích đầu tư nghiên cứu, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm phần mềm."[15]

Thực trạng nêu trên xuất phát từ một số lý do sau:

- Các quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ bản quyền tác giả chưa đáp ứng với các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

- Hệ thống thực thi bảo hộ quyền tác giả chưa đồng bộ và hoạt động thiếu hiệu quả.

- Cuối cùng là ý thức pháp luật của đại đa số quần chúng nhân dân về quyền tác giả còn thấp.

Tuy nhiên, trong phạm vi chuyên đề nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ đề cập tới lý do đầu tiên, đó là các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Theo quy định của Bộ luật dân sự tại Chương I, Phần thứ sáu về Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ từ Điều 745 tới Điều 779 bao gồm một số nội dung sau:

- Khái niệm tác giả (Điều 745).

- Khái niệm chủ sở hữu tác phẩm (Điều 746).

- Đối tượng bảo hộ (Điều 747).

- Các đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng và các đối tượng không được bảo hộ (Điều 748, 749).

- Các quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (từ Điều 750 tới Điều 766).

- Hợp đồng sử dụng tác phẩm (từ Điều 767 tới Điều 772).

- Quyền, nghĩa vụ của người biểu diễn, của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình (từ Điều 773 tới Điều 779).

Các quy định của Bộ luật dân sự cũng như trong các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối đầy đủ so với khung pháp luật quốc tế. Nguyên tắc cơ bản trong các Điều ước quốc tế song phương và đa phương là việc công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ kể từ thời điểm tác phẩm đó được sáng tạo ra dưới một hình thức nhất định đã được khẳng định trong Bộ luật dân sự. Nguyên tắc này xuất phát từ lập luận, pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng mà bảo hộ sự thể hiện của ý tưởng dưới một hình thức nhất định. Ngoài ra, đối tượng bảo hộ cũng như thời hạn bảo hộ được quy định trong pháp luật Việt Nam cũng tương đối phù hợp với khung pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, xét về nội dung của từng điều luật trong Bộ luật dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều điểm chưa hợp lý. Điều đó thể hiện ở các vấn đề sau:

1.1. Việc xác định đâu là quyền kinh tế (thuật ngữ tiếng Anh là economic rights) và đâu là quyền về tinh thần - quyền nhân thân (moral rights) còn chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, cũng như chưa phù hợp với bản chất của các quyền này. Đây là điểm đầu tiên và cũng là điểm chi phối toàn bộ các quy định của Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định của Công ước Berne, quyền nhân thân của tác giả "độc lập với các quyền kinh tế của tác giả và cả sau khi quyền này được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm của tác giả"[16].

Quyền nhân thân của tác giả là một quyền, nó có thể hiểu theo cách khác, đó là các quyền về danh dự, độc lập với các quyền tài sản, nó không tách dời khỏi tác giả và vì vậy, nó không thể chuyển giao. Chính bởi lý do đó, việc bảo hộ quyền này là rất khó khăn.

Quyền nhân thân của tác giả bao gồm các quyền sau, quyền công bố tác phẩm; quyền đứng tên trong tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

i) Quyền công bố tác phẩm là quyền định đoạt việc công bố hoặc không công bố tác phẩm;

ii) Quyền đứng tên trong tác phẩm là quyền xác định (chỉ ra) hoặc không chỉ ra tên thật hoặc bí danh của tác giả trên tác phẩm gốc, trong các bản sao cũng như trong các trường hợp tác phẩm được sử dụng.

iii) Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền không cho phép người khác thay đổi tác phẩm như xuyên tạc, làm ảnh hưởng tới giá trị của tác phẩm.

Cũng theo Công ước Berne, bản quyền tác giả (thuật ngữ tiếng Anh Copyrights) bao gồm các quyền tài sản sau:

Quyền dịch tác phẩm, quyền tái bản tác phẩm, quyền biểu diễn công khai tác phẩm, quyền phát thanh, truyền hình hoặc bằng các phương tiện truyền thông khác, quyền kể lại tác phẩm trước công chúng, quyền phóng tác, sắp xếp hoặc các hình thức chuyển thể khác, quyền phóng tác các tác phẩm điện ảnh, tái bản các tác phẩm điện ảnh, phổ biến và công bố các tác phẩm điện ảnh (theo quy định tại các Điều 8, 9, 11, 11bis, 11ter, 12 và 14). Ngoài ra, theo quy định của Hiệp định TRIPS, quyền tài sản còn bao gồm quyền cho thuê tác phẩm (tại Điều 11).

Theo các quy định của các Điều ước quốc tế, các quyền tài sản có thể chuyển giao.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó theo quy định tại khoản 1 Điều 751, khoản 1 Điều 752, khoản 1 Điều 753 quyền nhân thân bao gồm:

-        Đặt tên cho tác phẩm;

-        Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng;

-        Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm;

-        Công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình;

-        Cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình;

Trong đó ba quyền nhân thân đầu gắn liền với bản thân tác giả sáng tạo ra tác phẩm không được phép chuyển giao, còn hai quyền nhân thân sau tác giả có thể chuyển giao cho người khác.

Từ việc quy định "đặt tên cho tác phẩm" là một trong các quyền nhân thân của tác giả dẫn đến việc quy dịnh thiếu thống nhất trong các quy định của Bộ luật dân sự như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 757, “các tác giả tác phẩm phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể được hưởng các quyền tác giả đối với các tác phẩm đó theo quy định tại Điều 751 hoặc Điều 752 của Bộ luật này, nhưng phải được tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cho phép và phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc; nếu muốn thay đổi nội dung tác phẩm gốc, thì phải được tác giả cho phép và phải ghi tên tác giả và tên tác phẩm gốc”; theo quy định tại khoản 2 “Đối với tác phẩm dịch, thì tác giả dịch được hưởng các quyền tác giả theo quy định tại Điều 751 hoặc Điều 725 của Bộ luật này, trừ quyền đặt tên cho tác phẩm. Như vậy ta có thể nhận thấy:

+ Quyền đặt tên của tác giả tác phẩm chú giải, tuyển chọn không được đề cập trong điều luật này.

+ Quy định tại hai khoản của Điều 757 thiếu thống nhất, đối với khoản 1, tác giả phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể vẫn có quyền đặt tên cho tác phẩm; nhưng đối với khoản 2, tác giả của tác phẩm dịch không có quyền đặt tên cho tác phẩm. Nếu như vậy một tác phẩm khi được tác giả dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ví dụ từ tiếng Trung sang tiếng Việt, thì mặc dù nội dung của tác phẩm dịch là tiếng Việt nhưng tên của tác phẩm vẫn phải giữ nguyên tiếng Trung. Đây là điểm bất hợp lý.

Theo ý kiến của chúng tôi, nhằm khắc phục bất cập trên, pháp luật dân sự nước ta không nên tách việc đặt tên cho tác phẩm là một quyền nhân thân riêng biệt. Bởi vì, xét về bản chất, tên tác phẩm là một yếu tố cấu thành nội dung tác phẩm. Do vậy, việc tạo cho chủ thể quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, cho hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung của tác phẩm đã bao hàm quyền trên.

Đối với quyền "công bố, phổ biến tác phẩm", việc giải thích thuật ngữ "công bố, phổ biến tác phẩm" theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 đã đánh đồng hai khái niệm công bốphổ biến. Hơn thế, theo giải thích tại điều luật này, "công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác". Cách giải thích trên là chưa chính xác so với các quy định trong các Điều ước quốc tế, ví dụ theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Công ước Berne "không được coi là công bố: sự trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay điện ảnh, hòa tấu một tác phẩm âm nhạc, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc"[17].

Chúng ta hãy xem xét các khái niệm về công bố, phổ biến trong các từ điển Việt Nam. Theo Đại từ điển tiếng Việt công bố được hiểu là "thông báo cho mọi người đều biết", phổ biến là "truyền đạt rộng khắp, làm cho nhiều người cùng biết"[18]. Theo chúng tôi quyền công bố tác phẩm là quyền quyết định tác phẩm có đưa ra công khai trước công chúng hay không. Điều này dựa trên đặc điểm nhằm phân biệt quyền sở hữu trí tuệ khác với quyền sở hữu tài sản thông thường là: trong sở hữu tài sản thông thường (tài sản hữu hình) quyền chiếm hữu đóng vai trò quan trọng. Có chiếm hữu được vật thì chủ sở hữu mới dễ dàng trong việc sử dụng và định đoạt vật. Còn đối với tài sản trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng, quyền chiếm hữu không đóng vai trò quan trọng. Tác giả chỉ có thể chiếm hữu được tác phẩm của mình khi không đưa tác phẩm ra công bố. Nhưng như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của việc sáng tạo ra tác phẩm. Nếu tác giả quyết định công bố tác phẩm của mình ra trước công chúng, thì sự lan truyền của tác phẩm là không thể hạn chế được. Như vậy, tác giả không chiếm hữu được tác phẩm. Đối với việc sáng tạo tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng cũng vậy, nếu chủ sở hữu tác phẩm không công bố tác phẩm, thì giá trị sử dụng của tác phẩm không thể sử dụng được và lợi ích kinh tế của chủ sở hữu và của tác giả cũng bị ảnh hưởng.

Từ sự phân tích ở trên ta có thể kết luận, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm chỉ thực hiện quyền công bố tác phẩm một lần, nhưng có thể phổ biến tác phẩm của mình nhiều lần trước công chúng. Khi tác phẩm được sáng tạo ra và được công bố trước công chúng, thì nếu có người khác lại đem tác phẩm của tác giả ra xuất bản và bán mà không xin phép tác giả, không trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả thì không phải là họ đã vi phạm quyền công bố tác phẩm của tác giả mà vi phạm vào quyền được hưởng nhuận bút hoặc thù lao khi sử dụng tác phẩm của tác giả.

Việc phổ biến tác phẩm cũng có thể được thể hiện ở việc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình, quyền này gắn bó chặt chẽ với các quyền tài sản của tác giả. Hình thức phổ biến tác phẩm đã được thể hiện ở Điều 5 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996. Như vậy quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm theo pháp luật Việt Nam sẽ còn lại đúng như quy định về quyền nhân thân trong Công ước Berne.

1.2. Điểm c khoản 2 Điều 745 Bộ luật dân sự chỉ quy định tác giả của tác phẩm biên soạn, chú giải, tuyển chọn nhưng khi liệt kê các loại hình các phẩm được bảo hộ điểm n khoản 1 Điều 747) lại có tác phẩm "tuyển tập, hợp tuyển" mà không có loại hình tác phẩm "tuyển chọn" Theo Đại từ điển tiếng Việt, tuyển chọn là động từ (chứ không phải là danh từ để được coi là một loại hình tác phẩm) dùng để chỉ hành động "chọn trong số nhiều cùng loại để lấy với số lượng nào đó theo yêu cầu, tiêu chuẩn đề ra..."[19]. Theo quy định tại điểm g, h khoản 13 Điều 4 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 định nghĩa "tác phẩm tuyển tập tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả", "tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định". Như vậy cần sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 745 cho phù hợp.

1.3. Điều 747 Bộ luật dân sự quy định về các loại hình tác phẩm được bảo hộ rất dài dòng, trùng lắp, thiếu tiêu chí phân loại. Thêm vào đó việc giải thích cụ thể các đối tượng được bảo hộ tại Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 cũng chưa làm rõ thêm các quy định tại Điều 747 Bộ luật dân sự. Ví dụ theo quy định tại khoản 1 Điều 747 Bộ luật dân sự, các loại hình tác phẩm sau đây được liệt kê trùng lặp: tác phẩm viết (điểm a), tác phẩm báo chí (điểm e), công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình (điểm l), tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển (điểm n). Các tác phẩm này đều có thể được gọi chung là "tác phẩm viết". Tương tự như vậy tác phẩm kiến trúc (điểm h), các bức họa đồ, bản vẽ, sơ đồ, họa đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc (điểm m) cũng được gọi chung là tác phẩm kiến trúc.

Như vậy để tránh trùng lặp, theo chúng tôi dựa vào hình thức thể hiện của tác phẩm nên quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ bao gồm:

-        Tác phẩm viết;

-        Tác phẩm bằng lời nói (các bài phát biểu, bài giảng);

-        Tác phẩm điện ảnh;

-        Tác phẩm phát thanh, truyền hình;

-        Tác phẩm kiến trúc;

-        Tác phẩm tạo hình;

-        Tác phẩm nhiếp ảnh;

-        Phần mềm máy tính;

-        Các tác phẩm khác do pháp luật quy định.

1.4. Theo quy định tại Điều 748 về các đối tượng được bảo hộ theo quy định riêng của pháp luật bao gồm các đối tượng sau:

+ Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.

+ Văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và bản dịch của những văn bản đó.

+ Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.

Tuy nhiên, cho tới nay chưa có một văn bản nào quy định về vấn đề này. Đặc biệt đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là những tác phẩm thể hiện bản sắc dân tộc riêng dưới hình thức truyền miệng hoặc bằng những hình ảnh, âm thanh được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy là một trong những loại hình tác phẩm mang tính dân tộc sâu sắc, nhưng việc bảo hộ các tác phẩm này rất khó xác định, bởi vì tác giả của tác phẩm thường không rõ, bản gốc của tác phẩm thường bị thất lạc, do đó nội dung của tác phẩm thường bị thay đổi khi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đối với tin tức thời sự thuần túy đưa tin trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình thường phản ánh những sự kiện đang diễn ra trong thực tế để mọi người theo dõi, chưa phải là sự thể hiện tính sáng tạo của tác giả, nhưng những tin tức thời sự thuần túy đưa tin có thể ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một cá nhân, một pháp nhân và các chủ thể khác, hoặc liên quan đến tin tức nằm trong danh mục bí mật nhà nước, nên đòi hỏi người đưa tin phải trung thực, phản ánh sự việc một cách chính xác. Do vậy pháp luật cần có những quy định cụ thể về việc đưa những tin tức này.

1.5. Hiện nay trước thực trạng vi phạm bản quyền tác giả đối với các sản phẩm phần mềm tại Việt Nam, xuất phát từ mức độ phức tạp đối với các sản phẩm phần mềm, việc bảo hộ đối tượng này theo quy định tại khoản 3 Điều 747 Bộ luật dân sự và khoản 14 Điều 4 Nghị định 76/CP ngày 29-11-1996 chưa đáp ứng với các yêu cầu trong thực tiễn. Theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 42 Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, thì sao lại phần mềm máy tính mà không được đồng ý của chủ sở hữu thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Nhưng đây vẫn chỉ là quy định mang tính hình thức. Vấn đề là làm sao để phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp, khi việc này tuy diễn ra phổ biến nhưng lại không có cơ quan nào đứng ra giám sát, nhắc nhở.

1.6. Theo quy định tại khoản 2 Điều 757, khi dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác giả của tác phẩm dịch không phải xin phép tác giả tác phẩm gốc. Tuy nhiên, theo quy định quy định tại Điều 760, 761 Bộ luật dân sự thì chỉ có dịch, phổ biến tác phẩm từ ngôn ngữ tiếng Việt ra tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại mới không phải xin phép, không phải trả thù lao cho tác giả. Hơn nữa quy định tại Bộ luật dân sự không phù hợp với quy định của Công ước Berne. Điều 8 Công ước Berne quy định "Tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật được Công ước này bảo hộ được độc quyền dịch hay cho phép dịch tác phẩm của mình trong suốt hời hạn hưởng quyền bảo hộ trên các tác phẩm nguyên tác của mình". Tuy chúng ta chưa gia nhập Công ước Berne, nhưng trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đã ký kết các Hiệp định song phương như Hiệp định về quyền tác giả giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong đó có điều khoản các bên cam kết thực hiện những nghĩa vụ và quyền hạn quy định trong những Hiệp định đa phương, trong đó liên quan đến quyền tác giả có Công ước Berne ngày 9-9-1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Bộ luật dân sự không quy định nghĩa vụ bắt buộc người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc, nhưng tại Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin lại quy định mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dịch tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc (điểm a khoản 2 Điều 43). Như vậy quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm gốc khó có thể được bảo vệ trên thực tế.

Quy định tại Điều 11 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 (trong trường hợp cá nhân, tổ chức dựa vào tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể của người khác để sáng tạo ra tác phẩm mới thì phải sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm) và Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT ngày 10-5-2001 của Bộ Văn hóa thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự không rõ ràng, chưa thực hiện được vai trò của việc hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự.

Theo chúng tôi để khắc phục nhược điểm này cần sửa đổi khoản 2 Điều 757 Bộ luật dân sự theo hướng quy định cụ thể nghĩa vụ bắt buộc đối với tác giả của tác phẩm dịch phải xin phép tác giả của tác phẩm gốc, tương ứng với khoản 1 Điều này. Việc quy định như vậy vừa tránh được tình trạng Bộ luật ra đời muốn đảm bảo được thi hành lại phải chờ văn bản hướng dẫn, trong khi đó văn bản hướng dẫn cũng không làm rõ hơn quy định của Bộ luật.

1.7. Vấn đề giới hạn quyền tác giả quy định tại Điều 760 Bộ luật dân sự, Điều 12 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996. Theo đó, “cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng đó không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm. Từ các quy định trên cho thấy, việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả dựa trên một số căn cứ sau:

+ Tác phẩm đã công bố.

+ Tác phẩm không bị cấm sao chép.

+ Không nhằm mục đích kinh doanh.

+ Không xâm phạm tới việc sử dụng bình thường tác phẩm của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định trên, chúng ta chưa thấy rõ được việc sử dụng tác phẩm không phải xin phép và trả thù lao cho tác giả trong trường hợp là tổ hợp của các điều kiện trên hay chỉ căn cứ vào từng điều kiện riêng lẻ.

Bất cập trên là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng vi phạm bản quyền một cách nghiêm trọng và phổ biến ở nước ta. Thêm vào đó, việc xác định sử dụng tác phẩm không nhằm mục đích kinh doanh ở nước ta chưa rõ ràng. Không thể nói rằng, việc chủ các quán cafe mời các ban nhạc chơi các bản nhạc trong quán của mình là không nhằm mục đích kinh doanh, hoặc tại các quán ăn, quán giải khác chiếu những bộ phim viđio cũng không nhằm mục đích kinh doanh. Chính vì sự không rõ ràng của các quy định pháp luật, đồng thời với sự thiếu những chế tài áp dụng khi có những hành vi vi phạm nói trên đã dẫn đến tình trạng vi phạm quyền tác giả phổ biến. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin được ra đời quá muộn (Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26-6-2001), sau 6 năm kể từ khi Bộ luật dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-1996). Mặc dù đã có hiệu lực thi hành (từ ngày 11-7-2001) nhưng cho đến nay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để bảo hộ quyền tác giả cũng chưa được thực hiện trong thực tế.

1.8. Khoản 5 Điều 766 Bộ luật dân sự quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm không rõ tác giả hoặc tác phẩm khuyết danh. Để làm rõ hơn quy định này ngày 10-5-2001 (sau gần 5 năm Bộ luật dân sự có hiệu lực) Bộ Văn hóa thông tin đã ban hành Thông tư số 27/2001/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996, Nghị định số 60/CP ngày 6-6-1997 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự, có định nghĩa: "tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có tên tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố", "tác phẩm không rõ tác giả" là tác phẩm khi công bố chưa xác định được tác giả". Hai khái niệm này có thể cho chúng ta hiểu tác phẩm khuyết danh hoặc tác phẩm không rõ tác giả đều dùng để chỉ trường hợp tại thời điểm công bố tác phẩm chưa rõ tác giả của tác phẩm là ai. Như vậy trong Bộ luật dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không cần phân biệt hai khái niệm này.

1.9. Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 "Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả thuộc lĩnh vực khoa học, kể cả phần mềm máy tính, trong đó có hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, phần mềm máy tính trước khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Bản quyền tác giả", nhưng cho đến nay chưa có một văn bản nào hướng dẫn thủ tục thẩm định tính xác thực của quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với các tác phẩm đó. Theo chúng tôi cần nâng cao tinh thần trách nhiệm cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong việc bảo đảm tính xác thực của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

1.10. Theo quy định tại khoản 1 Điều 774 Bộ luật dân sự, người biểu diễn có nghĩa vụ "xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm được sử dụng tác phẩm để trình diễn nếu tác phẩm chưa được công bố"; và khoản 1 Điều 776 Bộ luật dân sự, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình có nghĩa vụ "giao kết hợp đồng bằng văn bản với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nếu sử dụng tác phẩm chưa được công bố để sản xuất chương trình của mình". Như vậy nếu tác phẩm đã được công bố, người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình không phải xin phép hoặc thỏa thuận với tác giả nhưng phải trả nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng khoản 1 và khoản 5 Điều 35 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 lại hướng dẫn tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền yêu cầu được bảo hộ khi người nào đó (cá nhân hoặc tổ chức) biểu diễn tác phẩm trên sân khấu, phát sóng bộ phim, băng hình, nhân bản, lắp ghép chương trình phát thanh, truyền hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng nhạc, đĩa nhạc, băng hình, đĩa hình… để kinh doanh mà không xin phép tác giả. Hướng dẫn tại Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 là áp dụng với cả trường hợp tác phẩm đã công bố và tác phẩm chưa được công bố. Hướng dẫn tại Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 sai so với tinh thần của Bộ luật dân sự, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Điển hình là vụ kiện của Nhạc sỹ Lê Vinh đối với Nhà xuất bản âm nhạc Việt Nam, Trung tâm băng nhạc trẻ thành phố Hồ Chí Minh, về việc năm 1997 các cơ quan này đã liên kết sản xuất các loại đĩa CD, băng vidiô, băng casstte có tựa đề "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", trong đó có bài Hà Nội và tôi (đã được công bố lần đầu tiên vào tháng 10-1994 trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam) mà không xin phép, không trả nhuận bút cho tác giả, ghi sai tên tác giả và đã để ca sỹ trình bày bài hát sai nốt nhạc.

1.11. Theo quy định tại Điều 34 và Điều 36 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, vi phạm quyền tác giả là Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Văn hóa - thông tin đã dân đến tình trạng đáng lẽ việc giải quyết tranh chấp về quyền tác giả là giải quyết tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa dân sự Tòa án nhân dân, thì lại được giải quyết theo thủ tục hành chính, do đó tình trạng giải quyết vụ việc kéo dài mà điều kiện thực thi kém hiệu quả.

1.12. Về chế độ nhuận bút và thù lao của tác giả. Để hướng dẫn thi hành khoản 4 Điều 8 Nghị định số 76/CP ngày 29-11-1996 thì nhuận bút hoặc thù lao của tác giả được xác định theo hợp đồng giữa tác giả đối với cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, đối với tác phẩm được xuất bản thì chế độ hưởng nhuận bút theo quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành từ những năm 1989, 1990, 1991 (cách đây hơn mười năm) là quá thấp cho đến nay không còn phù hợp. Do đó cần phải có văn bản mới quy định về cách tính nhuận bút, hoặc thù lao cho tác giả, có như vậy mới khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm trí tuệ.

 

II. Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu công nghiệp

Các quy định của Bộ luật dân sự cũng như các quy định về sở hữu công nghiệp trong các văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, trực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp diễn ra tương đối phổ biến, đặc biệt đối với nhãn hiệu hàng hoá. Theo số liệu thống kê năm 1999, có những lúc thị phần hàng giả chiếm 90% thị phần hàng thật trên thị trường, đặc biệt đối với một số sản phẩm thông dụng như bột ngọt mang nhãn hiệu “AJINOMOTO”, rau câu mang nhãn hiệu "AGAR" của Công ty đồ hộp Hạ Long[20]. Ngoài ra, trên thị trường các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hầu như diễn ra hàng ngày, xâm phạm nghiêm trọng quyền hợp pháp của các chủ thể nắm quyền, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.

Thực trạng trên có thể xuất phát từ một số lý do sau:

- Các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ.

- Các quy định pháp luật thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chưa đảm bảo rõ ràng, minh bạch và chưa đảm bảo hiệu lực thực tế.

- Ý thức của các đối tượng nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng và của các tầng lớp nhân dân trong xã hội nói riêng thấp.

Tuy nhiên, trong phạm vi chuyên đề nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ tập trung đánh giá hai nguyên nhân. Đó là, thực trạng các quy định pháp luật về bảo hộ và thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

2.1. Các quy phạm pháp luật nội dung (chúng tôi tạm gọi như vậy, bởi vì các quy phạm này chủ yếu đề cập tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà không đề cập tới khía cạnh thực thi việc bảo hộ)

Theo quy định của Bộ luật dân sự, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có một số vấn đề cơ bản sau:

- Chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp (Điều 780);

- Các đối tượng được Nhà nước bảo hộ và khái niệm của các đối tượng đó (từ Điều 781 tới Điều 786);

- Các đối tượng không được Nhà nước bảo hộ (Điều 787);

- Xác lập, chấm dứt quyền sở hữu công nghiệp, thời hạn bảo hộ (từ Điều 788 tới Điều793);

- Quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ (từ Điều 794 tới Điều 800);

- Các trường hợp hạn chế quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ (từ Điều 801 tới Điều 803) và cuối cùng là:

- Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (từ Điều 804 tới Điều 805).

Xét về nội dung, các quy định trong Bộ luật dân sự về sở hữu công nghiệp là phù hợp với các quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập hoặc chuẩn bị gia nhập, đó là Công ước Paris năm 1967 và Hiệp định TRIPS về các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ có liên quan tới thương mại (năm 1995) (đây là Hiệp định được ký kết giữa Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm từng bước tháo gỡ những xung đột về lợi ích giữa các quốc gia thành viên liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tiến tới tự do hoá thương mại, và đây cũng là Điều ước quốc tế đầu tiên đề cập tới vấn đề thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ).

Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật dân sự còn thiếu so với các Điều ước trên. Điều đó thể hiện ở các điểm sau đây:

a) Các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ chưa đầy đủ:

Theo quy định của Bộ luật dân sự (Điều 781), các đối tượng bảo hộ bao gồm:

- Sáng chế;

- Giải pháp hữu ích;

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Nhãn hiệu hàng hoá;

-  Tên gọi xuất xứ hàng hoá

-  Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 1 của Công ước Paris, các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bao gồm:

- Sáng chế;

- Giải pháp hữu ích;

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Nhãn hiệu hàng hoá;

- Nhãn hiệu dịch vụ;

- Tên thương mại;

- Chỉ dẫn nguồn gốc, tên gọi xuất xứ hàng hoá (chỉ dẫn địa lý);

- Chống cạnh tranh không lành mạnh;

Theo quy định của Hiệp định TRIPS, các đối tượng được bảo hộ còn bao gồm:

- Thiết kế bố trí mạch tích hợp;

- Bảo hộ thông tin bí mật;

Thêm vào đó, theo quy định của Hiệp ước Budapest và Điều ước của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ những giống cây trồng mới (tên viết tắt tiếng Anh là UPOV), còn hai đối tượng nữa cũng thuộc đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đó là:

- Chủng vi sinh;

- Giống cây trồng.

Cuối cùng, theo quy định trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Chương trình truyền hình qua vệ tinh đã được mã hoá cũng là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ (theo quy định tại Điều 5).

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03-10-2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng. Tuy nhiên, nhằm bảo hộ đầy đủ các đối tượng bảo hộ, tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư cũng như nhằm thực hiện các Điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết hoặc chuẩn bị tham gia, ký kết, việc nghiên cứu, sem xét để đưa thêm các đối tượng trên (theo Hiệp định TRIPS, Hiệp ước Budapes…) vào Bộ luật dân sự là cần thiết.

b) Chủ thể của các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ:

Theo quy định tại Điều 780 Bộ luật dân sự “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá hàng hoá và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định. Từ khái niệm trên đây cho thấy: việc quy định quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân là chưa hợp lý, thiếu thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự và quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bởi vì, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp có thể là các tổ chức, không phải là pháp nhân mà cũng không phải là cá nhân.

c) Về thời hạn bảo hộ và thời điểm phát sinh các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa chưa phù hợp. Điều đó thể hiện: thời điểm phát sinh quyền sở hữu công nghiệp là thời điểm Văn bằng bảo hộ có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 06/2001/NĐ- CP ngày 1-2-2001 thì:

"Văn bằng bảo hộ sáng chế là bằng độc quyền sáng chế, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ".

"Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích là bằng độc quyền giải pháp hữu ích, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ".

 "Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 5 năm, tính từ ngày nộp đơn hợp lệ"…

Như vậy thực chất thời hạn bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa ít hơn 20 năm, 10 năm, 5 năm… vì từ ngày nộp đơn hợp lệ đến ngày cấp văn bằng bảo hộ là khác nhau.

 Trong đó, theo tinh thần của Hiệp định TRIPS, thời điểm phát sinh là thời điểm nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ. Hơn thế, thời điểm xác định quyền ưu tiên, theo quy định của Bộ luật dân sự được tính từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ (Điều 790), theo quy định của Công ước Paris, thời điểm này được xác định căn cứ vào ngày nộp đơn yêu cầu. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp, thời điểm xác định thời hạn bảo hộ được tính từ ngày đối tượng này được đưa vào sử dụng nhằm mục đích thương mại lần đầu tiên hoặc được tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ.

Từ những xung đột trên đây cho thấy, việc nghiên cứu và xác định thời điểm bảo hộ một cách chính xác là một đòi hỏi cần thiết, không những đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập mà góp phần bảo vệ quyền của các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp.

d) Theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá là một đối tượng được bảo hộ. Tuy nhiên, theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3-10-2000, chỉ dẫn địa lý cũng là một đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Từ các quy định trên dẫn tới sự chồng chéo. Bởi vì, xét về bản chất, Chỉ dẫn địa lý (tên tiếng Anh là Geographical Indications) bao gồm hai yếu tố là Chỉ dẫn nguồn gốc (thuật ngữ tiếng Anh là indication of source) và Tên gọi xuất xứ hàng hoá (tên tiếng Anh là appellation of origin of goods). Như vậy việc bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý đã bao hàm bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa.

đ) Theo quy định của Bộ luật dân sự tại Điều 793, khoản a về đình chỉ hiệu lực của Văn bằng bảo hộ do chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không nộp lệ phí duy trì hiệu lực của Văn bằng bảo hộ đúng thời hạn. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không quy định việc phục hồi hiệu lực của Văn bằng bảo hộ sau khi nghĩa vụ trên đã được thực hiện. Trong khi đó, theo quy định của Công ước Paris, tại khoản 2, Điều 5bis, "Các nước thành viên Liên Hiệp được quyền quy định việc phục hồi Văn bằng bảo hộ trong trường hợp bị mất hiệu lực vì không nộp lệ phí". Hạn chế trên cần được khắc phục trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự.

e) Sự chênh lệch giữa mức phí, lệ phí sở hữu công nghiệp giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài quá cao cũng là một điểm bất hợp lý, chưa tạo sự bình đẳng giữa các cá nhân và doanh nghiệp (được quy định tại điểm 2 và điểm 3, Mục II Thông tư số 23/TC/TCT ngày 9-5-1997 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp).

f) Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20-4-2001 về bảo hộ giống cây trồng mới được ban hành nhưng còn thiếu các quy định về khảo nghiệm giống cây trồng mới.

2.2. Các quy định pháp luật về thực thi quyền sở hữu công nghiệp

Nhằm thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, góp phần ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000.

Các văn bản trên đã góp phần quan trọng vào công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, các quy định này đã phát sinh một số bất cập sau:

- Thứ nhất, chưa quy định tổng quát cấu thành của một hành vi vi phạm mà chỉ nêu các hành vi cụ thể, điều đó tạo ra những khuôn mẫu cứng nhắc trong quá trình xử lý vi phạm.

- Thứ hai, theo quy định tại điểm b, c, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 về hành vi vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện quyền và thủ tục xin cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn đại diện sở hữu công nghiệp có áp dụng biện pháp tịch thu văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, không quy định cụ thể thủ tục tịch thu như thế nào, có kèm theo Quyết định đình chỉ hay huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ hay không? có xoá bỏ tên tại Đăng bạ quốc gia hay không? Nếu không có thủ tục này thì đương nhiên, việc tịch thu Văn bằng bảo hộ là hoàn toàn vô nghĩa.

- Thứ ba, Nghị định này quy định về các hình thức xử phạt, trong đó có quy định, trong trường hợp vô ý vi phạm, vi phạm nhỏ, lần đầu và có tính tiết giảm nhẹ thì sẽ áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo các quy định trong Nghị định cũng như trong Thông tư hướng dẫn đều không xác định rõ ràng thế nào là vi phạm nhỏ. Như vậy, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, cán bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ tùy từng trường hợp mà xác định. Hậu quả là sẽ tạo nên việc xử lý vi phạm không thống nhất, tùy tiện. Theo quan điểm của chúng tôi, cần định lượng yếu tố này nhằm góp phần nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xử lý vi phạm, thực thi quyền sở hữu công nghiệp.

Hơn thế, trong trường hợp mức thiệt hại về vật chất có giá trị đến 1 triệu đồng mà các bên không tự thoả thuận được thì cơ quan hành chính (người có thẩm quyền xử phạt) quyết định, còn trong trường hợp mức thiệt hại trên 1 triệu đồng thì người có thẩm quyền hướng dẫn các bên giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự. Theo ý kiến của chúng tôi, việc quy định như trên là không hợp lý. Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 cũng như Thông tư số 825/ 2000/TT-BKHCNMT là các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Mặt khác, bản chất của các hành vi vi phạm hành chính là các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính, các hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế-xã hội và người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trước cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, trình tự, thủ tục giải quyết hoàn toàn khác so với trình tự, thủ tục giải quyết trong lĩnh vực dân sự. Vì thế, pháp luật cho phép các bên tự thoả thuận về phương thức và mức độ bồi thường theo thủ tục hành chính là không hợp lý. Từ lý do trên, Nghị định trên cũng như Thông tư hướng dẫn cần xác định lại phạm vi điều chỉnh nhằm tạo ra sự minh bạch trong quá trình thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Một hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể nắm giữ quyền hợp pháp mà còn xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực kinh tế. Do đó ngoài việc áp dụng chế tài hành chính, chủ thể vi phạm còn phải gánh chịu trách nhiệm dân sự do hành vi vi phạm của mình gây ra.

- Thứ tư, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999về các hành vi vi phạm quy định về bảo hộ sở hữu công nghiệp tại điểm l: "Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu đề can, nhãn sản phẩm, mẫu nhãn hiệu, bao bì sản phẩm mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá hoặc kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ". Theo quy định trên, các hành vi trên đều không gắn với các hàng hoá cùng loại, theo quan điểm của chúng tôi, việc đưa ra biện pháp phòng ngừa trên là tương đối rộng....

- Thứ năm, về thẩm quyền xử phạt, theo quy định tại Nghị định, thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan sau: Uỷ ban nhân dân, Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và quy định về trách nhiệm của Cơ quan quản lý chuyên ngành, đó là Cục Sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, trong cả Thông tư hướng dẫn số 825/2000/TT-BKHCNMT đều không quy định rõ ràng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trên. Điều này dễ gây ra tình trạng chồng chéo về thẩm quyền xử lý. Hơn thế, hiện nay, nước ta đang từng bước cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, việc tìm ra một mô hình hậu kiểm thích hợp, giảm bớt hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Xuất phát từ thực trạng đó, xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan trong quy trình xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp là một việc cần làm ngay của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra trong phần các biện pháp xử lý không đưa ra biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng trong phần thủ tục lại quy định về thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Từ đó phát sinh vấn đề là, trong trường hợp nào áp dụng biện pháp tạm giữ và áp dụng đối với những hành vi nào?

Tóm lại, Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6-3-1999 và Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 3-5-2000 góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, khắc phục tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, các quy định trong các văn bản trên vẫn mang tính liệt kê, thiếu khái quát, cơ chế giải quyết vẫn chưa rõ ràng. Thực trạng này làm cho các quy phạm thực định dễ trở nên lạc hậu so với diễn biến trên thực tế. Yếu điểm trên cần được các cơ quan có thẩm quyền khắc phục.

Ngoài ra, việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp theo thủ tục dân sự và trong lĩnh vực hình sự, hiện nay vẫn chưa có văn bản nào nào hướng dẫn chi tiết. Thực trạng này dẫn tới việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các đối tượng chưa được đảm bảo một cách thoả đáng, việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự của các chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để hiện thực hoá, làm giảm hiệu quả bảo hộ thực thi quyền sở hữu công nghiệp thông qua hệ thống tòa án.

2.3. Đề xuất giải pháp

Từ phân tích trên đây, chúng tôi có một số đề xuất sau:

- Thứ nhất, cần giải quyết mối quan hệ điều chỉnh giữa luật thương mại và luật dân sự dựa trên phương hướng, luật dân sự là luật chung và luật thương mại là luật chuyên ngành, mối quan hệ giữa luật dân sự và luật thương mại là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.

- Thứ hai, xác định nguyên tắc chủ đạo trong việc xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

- Thứ ba, cần pháp điển hoá các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành thành các quy định của Bộ luật dân sự.

- Thứ tư, cần nhanh chóng nghiên cứu pháp luật quốc tế và các nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nhằm xây dựng các văn bản luật riêng điều chỉnh đối với từng đối tượng cụ thể, nhằm cụ thể hoá các quy định chung của Bộ luật dân sự và đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Thứ năm, trên cơ sở hoàn thiện các quy phạm nội dung tiến hành cụ thể hoá các quy phạm thực thi, đặc biệt cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn các chủ thể khi thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn chi tiết thủ tục giải quyết các vụ án hình sự trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

- Cuối cùng, Bộ luật dân sự và các văn bản luật đơn hành (trong trường hợp xây dựng theo hướng này) cần xây dựng nhiều hơn nữa các quy phạm xung đột nhằm điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong các Điều ước quốc tế, như trong Công ước Paris và Hiệp định TRIPS, ví dụ về nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với các chủ thể của nước thành viên, bao gồm Chế độ đãi ngộ như công dân và Chế độ tối huệ quốc..., đáp ứng với những đòi hỏi của quá trình hội nhập.

III. Kết luận

Từ những phân tích trên đây chứng tỏ, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nước ta vẫn đang trong thời kỳ hình thành và phát triển, phù hợp với trình độ khoa học - công nghệ và sự phát triển của nền kinh tế. Bởi vậy, các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ mang một đặc trưng nổi bật, đó là tính bị động đối phó với các yêu cầu mới phát sinh hàng ngày của đời sống. Trước vai trò của các đối tượng sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo hướng phù hợp hơn nữa đối với những đòi hỏi thực tiễn, với khung pháp luật quốc tế nhằm giảm thiểu sự bất cập của các quy phạm pháp luật trong thực tiễn thi hành, góp phần nâng cao việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể nắm quyền, thúc đẩy lao động sáng tạo, đồng thời giảm thiểu sự xung đột về lợi ích giữa các quốc gia trong quan hệ song phương và đa phương có liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy tự do hoá thương mại là một trong những mục tiêu then chốt. Từ đó tiến tới toàn cầu hoá nền kinh tế quốc tế, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình chuyển dịch của nền kinh tế sang một hình thái mới, hình thái kinh tế tri thức (thuật ngữ tiếng Anh, the knowledge-based economy, có nghĩa một nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức trong đó sản phẩm lưu thông trên thị trường có hàm lượng chất xám cao). Đó cũng chính là xu hướng phát triển của pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng.

 

CHUYÊN ĐỀ 12

Nh÷ng xu h­íng ph¸t triÓn cña ViÖt Nam ®Çu thÕ kû XXI cã ¶nh h­ëng ®Õn sù ph¸t triÓn së h÷u trÝ tuÖ

TS. Đinh Văn Thanh

Phòng quản lý khoa học - Đại học Luật Hà Nội

 

I. BỐI CẢNH CHUNG.

1. Bước sang năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ XXI, năm thứ 15 của công cuộc đổi mới đất nước với sự kiện trọng đại có ý nghĩa chính trị to lớn là Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX vừa qua đã thành công tốt đẹp, đánh dấu bước ngoặt vỹ đại trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Trong năm năm vừa qua (1996 - 2000), chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước. Nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân hàng năm là 7 %; nông nghiệp phát triển liên tục, sản xuất và xuất khẩu lương thực bình ổn. Việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, hải sản được mở rộng. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 13,5 %[21]. Các ngành dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu đều phát triển.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ đáng kể, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và ngày càng nâng cao. Mỗi năm giải quyết được hơn 1,2 triệu lao động có việc làm mới. Công tác xóa đói, giảm nghèo cùng các chính sách nhân đạo khác mà Đảng và Nhà nước thực hiện đã đạt những kết quả nổi bật được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Trong quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế không ngừng được mở rộng. Việt Nam đã tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); tăng cường quan hệ với các nước phát triển và nhiều nước, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khác; thiết lập và duy trì quan hệ thương mại với hơn 140 nước, quan hệ đầu tư với gần 70 nước và vùng lãnh thổ, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài[22]. Vị thế của nước Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được chuẩn bị chu đáo, tiến hành chủ động và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

2. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trình bày tại Đại hội IX vừa qua cho thấy: trong thế kỷ XXI, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi sâu sắc và sẽ có những ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Nền khoa học và đặc biệt là lĩnh vực công nghệ trên thế giới sẽ có những bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia. Xu thế toàn cầu hóa, đa phương hóa lại bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Vì vậy quá trình này diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều phức tạp, vừa có sự hợp tác, vừa đấu tranh với nhau giữa các quốc gia nhằm thiết lập và bảo vệ quyền lợi của mình trong quan hệ quốc tế.

Theo thông báo của các hội nghị khoa học quốc tế, thế giới đang đứng trước nhiều vấn đề có tính chất toàn cầu mà không một quốc gia, một khu vực riêng lẻ nào có thể giải quyết nổi nếu không có sự hợp tác quốc tế,  như: vấn đề bảo vệ môi trường, môi sinh (khắc phục các sự có môi trường toàn cầu như: giảm cường độ khí thải khí nhà kính, nguy cơ lan rộng của lỗ thủng tầng ô - zôn…); vấn đề bùng nổ dân số; các loại dịch bệnh hiểm nghèo (HIV/AIDS, bệnh bò điên, bệnh lở mồm, long móng); các loại tội phạm quốc tế có tổ chức hoạt động trắng trợn, tinh vi và có sự câu kết chặt chẽ (như buốn bán phụ nữ và trẻ em, các chất ma tuý) v.v… Khu vực Đông nam Á, châu Á - Thái Bình Dương sau cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế có khả năng phát triển năng động, nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố, nguy cơ gây mất ổn định.

Tất cả tình hình kinh tế - chính trị xã hội trên đây sẽ tác động và có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển mọi mặt của đất nước ta, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, trước mắt, đối với sự phát triển ở đất nước ta, trong thập niên của thế kỷ XXI, chúng ta vừa phải nhanh chóng tranh thủ, tận dụng những cơ hội tốt đẹp phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội vừa phải đương đầu đối phó với những thách thức lớn. Những kho khăn, thách thức này sẽ trực tiếp tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - là một trong những lĩnh vực sẽ phát triển hết sức năng động, có nhiều đặc thù và có tầm quan trọng đặc biệt trong thế kỷ XXI này.

II. NHỮNG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1.    Hợp tác quốc tế và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển

1.1   Theo báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX vừa qua cho thấy: xu thế mở rộng giao lưu, quan hệ hợp tác quốc tế vẫn được Đảng ta đề cao và là một trong những định hướng phát triển quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Đó là việc mở rộng quan hệ về nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực theo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam diễn ra theo tinh thần chủ động, phát huy tối đa nội lực, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Quá trình này luôn đi sát với mục tiêu đảm bảo độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo vệ môi sinh môi trường.

Trong bối cảnh và xu thế đó, hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng đang đặt ra nhiều bức xúc. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm mục đích:

Một mặt nhằm thúc đẩy quá trình giao lưu quốc tế, chuẩn bị các điều kiện về năng lực, vật chất cần thiết để chủ động hội nhập với thế giới và khu vực về sở hữu trí tuệ.

Mặt khác trong quá trình hội nhạp chúng ta phải tận dụng và tranh thủ kinh nghiệm, sự trợ giúp (cả về vốn, công nghệ, kỹ thuật, bí quyết) của các nước và quốc tế để bổ sung cho hệ thống sở hữu trí tuệ ở nước ta.

Để thực hiện đuợc mục tiêu trên, trước tiên, cần phải tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác sẳn có giữa Việt Nam (do cơ quan có thẩm quyền là Cục sở hữu công nghiệp chủ trì) với các tổ chức quốc tế và quốc gia như: Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan patent châu Âu (EPO), Cơ quan patent Nhật Bản (JPO), Viện sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), cơ quan sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia), Cục sở hữu trí tuệ Thái Lan (DIP), Cục sở hữu công nghiệp Liên bang Nga (ROSPATENT). Đây cũng là một nền tảng và định hướng chiến lược quan trọng trong chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 2001- 2005.

Cùng với đó, các nội dung của chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam với các đối tác khác về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được triển khai và thực hiện. Trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN, APEC, Cục sở hữu công nghiệp Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là cơ quan đầu mối về sở hữu công nghiệp, triển khai các hoạt động cụ thể. Các dự án hợp tác Việt Nam - EC về sở hữu trí tuệ cũng cần được tiếp tục triển khai các Hiệp định, Thoả thuận, Dự án song phương3 về sở hữu trí tuệ cũng cần được đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế mà chúng ta đã đưa ra hoặc đã tham gia.

1.2   Hiện nay, việc việc chuẩn bị mọi mặt cho vấn đề thi hành Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (ký ngày 13-7-2000) sau khi có hiệu lực, đang được cơ quan chức năng Việt Nam gấp rút tiến hành. Một trong những công việc đó là: tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực được Hiệp định điều chỉnh. Liên quan đến sở hữu trí tuệ (một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) là, Hiệp định đã dành riêng một chương (chương II với 18 điều) quy định rất nhiều về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong đó có cả những vấn đề hiện nay chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam.

Trong quá trình chuẩn bị thi hành Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa kỳ, đối với nội dung cơ bản của chương II về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các vấn đề chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, chúng tôi xin lưu ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu, nguyên tắc và phạm vi của các nghĩa vụ (theo Điều 1), mỗi bên phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ và có hiệu quả. Trong đó vấn đề phải thi hành các quy định có nội dung kinh tế của một số Điều ước quốc tế liên quan như: Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống sự sao chép trái phép năm 1971; Công ước Berne về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 19674, Công ước về bảo vệ giống thực vật mới năm 1979 và năm 1991; Công ước về phân phối tín hiệu mang chương trình qua vệ tinh 1974.

Điều đáng lưu ý là: hầu hết các Điều ước quốc tế trên đây là các Điều ước đa phương có liên quan đến sở hữu trí tuệ mà trước đây vì những lý do khác nhau Nhà nước ta chưa tham gia, có những Điều ước hiện nay Việt Nam mới đang xúc tiến việc gia nhập (như Công ước Berne). Do vậy, việc thực thi Hiệp định thương mại với Hoa kỳ sau khi có hiệu lực chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn, phức tạp cho các cơ quan chức năng. Bởi lẽ: Việt Nam phải chịu sức ép về việc cùng một lúc phải cố gắng gia nhập một loạt các Điều ước quốc tế (theo nội dung của những cam kết trong Hiệp định thương mại với Hoa kỳ). Đối với các quốc gia phát triển, có nền công nông nghiệp hiện đại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đa phương là một lẽ bình thường. Nhưng đối với Việt Nam: một nước nghèo, cho nên việc thực thi các nghĩa vụ quốc tế xuất phát từ những Điều ước liên quan đến sở hữu trí tuệ chắc chắn không phải là một việc đơn giản.

Thứ hai, vấn đề bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá (theo Điều 5) cũng là những vấn đề mới đối với Việt Nam. Để thi hành quy định này, chúng ta phải ban hành các biện pháp xử lý cân thiết, kể cả các chế tài dân sự và hình sự. Những điều khó khăn xét dưới khía cạnh hình sự là ở chỗ, trong Bộ luật hình sự mới được thông qua (21-12-1999) không có loại tội phạm nào liên quan đến vấn đề này. Do đó, việc áp dụng Bộ luật hình sự để xử lý các hành vi vi phạm việc bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá sẽ là một khó khăn đối với Toà án Việt Nam.

Thứ ba, vấn đề thiết kế bố trí mạch tích hợp (Điều 8) cũng là một trong những quy định mới đối với Việt Nam. Trong Bộ luật dân sự (phần thứ sáu về Quyền sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, từ Điều 745 đến Điều 825) không có quy định nào về vấn đề này. Do vậy, việc triển khai thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ sau khi có hiệu lực, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vấn đề thiết kế bố trí mạch tích hợp (vốn là vấn đề đã được các Điều ước quốc tế và pháp luật của nhiều nước, trong đó có Hoa kỳ, quy định từ lâu).

Thứ tư, liên quan đến các biện pháp tạm thời (quy định tại Điều 13), các thủ tục tố tụng hình sự và hình phạt (Điều 14), trong pháp luật hiện hành của nước ta chưa có các quy định cụ thể về biện pháp áp dụng để thực thi nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, ngoài 2 điều của Bộ luật hình sự (Điều 170 và Điều 171) quy định về các hình phạt xam phạm về quyền sở hữu công nghiệp (phạm vi hẹp hơn nhiều so với Hiệp định đã đề cập). Đây là một khó khăn cho các cơ quan tư pháp khi tiến hành thụ lý giải quyết các vụ việc phát sinh do phía Hoa kỳ yêu cầu.

Cuối cùng,việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới (Điều 15 của Hiệp định), cũng là vấn đề mới chưa được quy định trong Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ. Thực tiễn ở Việt Nam trong các năm qua cho thấy, chưa mấy bức xúc về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực biên giới; mặt khác, nạn sao chép, làm hàng giả, buôn lậu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực biên giới chưa phải là nhiều (có phát sinh thì chủ yếu là ở khu vực biên giới với Trung Quốc). Do đó, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan nhà nước (hải quan, thuế vụ, biên phòng…) trong việc thực thi Hiệp định là rất khó khăn khi phải đối đầu với một hình thức vi phạm mới, tinh vi hơn nhiều lần so với các loại vi phạm thông thường khác.

Tóm lại, việc thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ nói chung và liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ đặt cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam nhiều việc phải làm, trong đó có vấn đề gia nhập Điều ước quốc tế đa phương, sửa đổi, ban hành mới nhiều văn bản, quy phạm pháp luật làm căn cứ cho việc thực thi các cam kết trong Hiệp định. Cùng với đó, là việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi Hiệp định cũng phải được tính đến mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.

2. Đẩy mạnh chiến lược phát triển khoa học, công nghệ- đòn bẩy thực thi chính sách sở hữu trí tuệ quốc gia.

Trong báo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá VIII trình bày tại Đại hội IX vừa qua đã khẳng định, thế kỷ XXI là thế kỷ phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Cho nên, xu thế phát triển của Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chung có tính quy luật đó của thời đại. Vì vậy, Đảng ta nhận định rằng, mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm tới (2001-2010) là: "Đưa đất nước thoát tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao"5.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Đảng ta quyết tâm phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn hướng vào việc giải đáp các vấn đề lý luận và thực tiễn, dự báo các xu hướng phát triển, tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người; thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc. Mục tiêu kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2001-2005 là "tạo chuyển biến mạnh về khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người"6. Đảng ta xác định, phát triển khoa học và công nghệ cùng với việc phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong 5 năm tới, lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ có bước phát triển mới, hiệu quả trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các thành quả vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng truởng trong từng ngành, từng sản phẩm, từng lĩnh vực và từng vùng kinh tế. Việc đổi mới công nghệ sẽ hướng vào việc chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ những công nghệ mới, đặc biệt là lựa chọn những công nghệ cơ bản, có vai trò quyết định đối với việc nâng cao trình độ của công nghệ của nhiều ngành, tạo bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001- 2010), trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước quyết tâm phát huy và khai thác, phát triển "nội lực nội sinh về khoa học và công nghệ, đủ khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiếp cận trình độ thế giới và tự phát triển trên một số lĩnh vực, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hoá"7.

Có thể nói, trên đây là những định hướng quan trọng cho sự phát triến của khoa học và công nghệ ở Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI và điều đó có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của sở hữu trí tuệ nói riêng. Trong nhiều năm qua, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam phát triển chưa đúng với tầm vóc của nó. nguyên nhân của tình trạng là một mặt, chúng ta chưa thống nhất được khung pháp lý cho sự phát triển của sở hữu trí tuệ (hiện nay còn nhiều ý kiến tranh cãi về vị trí của sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam: nó thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật dân sự hay Luật thương mại). Mặt khác, quá trình chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các Điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ…) cho thấy, tình trạng pháp luật Việt Nam điều chỉnh vấn đề sở hữu trí tuệ còn quá sơ sài, thiếu nhiều vấn đề (so với các Điều ước quốc tế), nhiều quy dịnh còn quá chung chung, khó thực hiện. Do đó, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, đặc biệt "đón trước" khả năng Việt Nam gia nhập WTO, là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở các quy định của pháp luật trong nước, chúng ta có thể thực hiện các cam kết trong các Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ theo nguyên tắc pacta sunt servanda - nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại có hiệu lực bắt buộc chung đối với mọi quốc gia.

3. Tăng cường năng lực hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ- điều kiện quan trọng đảm bảo thực thi quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả

Đây là yêu cầu đồng thời là xu hướng quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nói chung của Việt Nam ở thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 đã xác định: "Cần tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức khoa học, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động khoa học theo luật định. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh, bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả… Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, thu hút chuyên gia giỏi của thế giới đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng nhiều hình thức thích hợp"8.

Trong những năm gần đây, Cục sở hữu công nghiệp luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hoạt động sở hữu công nghiệp không chỉ trong Cục, mà còn ở các địa phương, các cơ quan khác và ở nước ngoài. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Năm 1999 Cục sở hữu công nghiệp đã tổ chức 33 hội thảo khoa học, lớp tập huấn nghiệp vụ, khoá học chuyên đề về sở hữu công nghiệp cho gần 2.900 người. Năm 2000 tổ chức hơn 40 hội thảo khoa học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh khác. Ngoài ra, Cục sở hữu công nghiệp còn tổ chức các khoá chuyên đề ngắn hạn cho 200 sinh viên các trường Đại học luật Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Cục sở hữu công nghiệp đã thu xếp cho 90 lượt cán bộ đi học, dự hội thảo ở nước ngoài với chi phí do nước ngoài tài trợ về các chuyên đề sở hữu công nghiệp, trong đó có trên 40 người thuộc 15 cơ quan khác nhau (hải quan, công an kinh tế, quản lý thị trường, Tòa án, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp…)10.

Nhờ quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nên năng lực, trình độ chuyên môn về sở hữu trí tuệ của đội ngũ những người làm việc trong lĩnh vực này được nâng cao, hiệu quả xử lý, giải quyết công việc và đơn thư khiếu nại đạt chất lượng tốt. Năm 1999, Cục sở hữu công nghiệp đã nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết 315 đơn khiếu nại liên quan đến cấp văn bằng bảo hộ (bằng 80% so với năm 1998) chủ yếu về nhãn hiệu hàng hóa (306 đơn), trong đó có một trường hợp do Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết.

Trong vòng 3 năm gàn đây, số đơn gửi đến Cục sở hữu công nghiệp đề nghị cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng của sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Năm 1999 có 10.119 đăng ký các loại đối tượng sở hữu công nghiệp; năm 2000 có 10.547 đơn. Trong số đó, đơn xin cấp văn bằng sáng chế và giải pháp hữu ích11 chiếm gần 20%; kiểu dáng công nghiệp khoảng 17%; số còn lại là đăng ký nhãn hiệu hàng hoá12 (gần 63%). Số đơn của công dân Việt Nam chiếm 57%, nước ngoài là 43% (gồm có Đức - thông qua Thoả ước Madrid; Pháp; Thụy Sĩ; Italia; Mỹ; Nhật; Anh).

Như vậy, qua một vài số liệu trên đây đã chứng tỏ rằng, năng lực công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt khả năng đăng ký bản quyền, cấp văn bằng bảo hộ và thủ tục giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến lĩnh vực này của đội ngũ cán bộ công chức ở nước ta trong các năm qua đã có nhiều cố gắng. Nhưng công bằng mà nói, trong nhiều trường hợp năng lực đó còn chưa đáp ứng được yêu cầu do thực tiễn đặt ra, nhất là việc thực thi các Hiệp định quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ có hiệu lực đối với Việt Nam trong tương lai (ví dụ Hiệp định thương mại Việt - Mỹ).

4. Những biến đổi cơ bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của thế giới sẽ có tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu có tính chất dự báo của nhiều chuyên gia thế giới, trong thế kỷ XXI, lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ có nhiều biến đổi mạnh mẽ và chắc chắn sẽ có tác động lớn đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, tốc độ toàn cầu hoá trên thế giới hiện nay diễn ra rất nhanh. Trong quá trình toàn cầu hoá, các quy định của WTO và TRIP phải chịu những tác động nặng nề. Chúng ta thử làm một phép tính theo gợi ý của các chuyên gia Nhật Bản: thế giới có khoảng 5,7 tỷ người; hiện nay thành viên của WTO đã có trên 100 nước với trên 5,2 tỷ dân, tức là hơn 90% dân số thế giới đã là dân số của WTO. Theo quy định của TRIPS thì các quốc gia thành viên phải hoàn thành cơ chế của mình để phù hợp với cơ chế của GATT, tạo thành khuôn khổ của thế giới thực thi lĩnh vực này. Do đó, Trung Quốc, các nước châu Á, kể cả Việt Nam nếu gia nhập WTO, cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Việt Nam để gia nhập WTO hiện dang là một thách thức đối với Nhà nước ta, vì chúng ta vẫn là nước chưa có nền kinh tế phát triển cao.

Thứ hai, xu thế thông tin hoá ngày càng phát triển. Với việc thông tin qua máy tính, đặc biệt là qua mạng internet, người ta thấy rằng chỉ trong vòng 2 năm qua, các chức năng của máy tính đã thay đổi theo chiều hướng tăng lên và được cải thiện gấp 10 lần so với 2 năm trước đó mà giá cả thì giảm đi một nửa. Cho nên, bản thân máy tính, internet đã làm thay đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế cấp bằng sáng chế.

Thứ ba, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự ứng dụng của khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất khái niệm quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn được mở rộng hơn rất nhiều so với cách hiểu truyền thống về khái niệm trước đây. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, việc mở rộng khái niệm sở hữu trí tuệ có 3 điểm đáng chú ý như sau:

-      Điểm thứ nhất là các loại hình ngành nghề sẽ được mở rộng. Ví dụ, năm 1883 thông qua Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đến năm 1967 (lần cuối cùng) khi tiến hành sửa đổi Công ước này, thì lúc đó vẫn chưa có máy vi tính với sáng chế tối quan trọng là phần mềm. Nhưng từ khi phần mềm máy tính được coi là đối tượng của sở hữu công nghiệp và được cấp bằng sáng chế, thì ngay khái niệm phần mềm cũng đã được mở rộng, đối tượng của bằng sáng chế vượt ra cả ngoài phạm vi các ngành sản xuất, dịch vụ, mua bán. Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều sáng chế và giải pháp hữu ích liên quan đến phần mềm máy tính của công dân Việt Nam được đăng ký và cấp bằng bảo hộ (ví dụ, phần mềm bộ phông chuẩn tiếng Việt ABC dùng cho Microsoft Word, chương trình diệt virut được phổ cập và đổi mới liên tục - những đối tượng trước đây không hề có).

- Điểm thứ hai là quan niệm về bảo hộ sáng chế cũng được mở rộng. Liên quan đến phần mềm được bày bán dưới dạng CD ROM, hiện nay nhiều quan điểm cho rằng bảo hộ phần mềm máy tính chung với trang thiết bị, chung với hàng hóa được sản xuất ra là không phù hợp nữa. Nhiều người cho rằng, nên có một chế độ bảo hộ dành riêng cho phần mềm nằm trong bản thân đĩa CD ROM là phù hợp nhất. Nhật Bản hiện nay cũng là nước đang phải đối đầu với vấn đề này. Song quan điểm chung ở Nhật là nên mở rộng phạm vi bảo hộ bằng sáng chế, như thế quyền lợi của chủ sở hữu cũng được đảm bảo hơn. Liên quan đến vấn đề này ở Việt Nam cũng đã phát sinh nhu cầu về việc bảo hộ phần mềm trong đĩa CD ROM, nhất là khi cài đặt một số chương trình chuyên biệt13.

- Điểm thứ ba là vai trò của quyền sở hữu công nghiệp ngày càng được tăng cường. Không những ở các nước mà ngay ở Việt Nam vai trò của quyền sở hữu công nghiệp trong những năm vừa qua cũng được thể hiện khá rõ nét. Thông qua số lượng đơn xin cấp văn bằng bảo hộ (ở phần trên đã nêu), chúng ta thấy vai trò quan trọng của việc đăng ký số lượng sở hữu công nghiệp, cũng như lợi ích của chủ sở hữu đối với đối tượng được đăng ký. Điều này còn được thấy rõ qua tốc độ lưu thông bằng sáng chế và đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trong cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, Cục sở hữu công nghiệp đã nhận 219 đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, với 425 đối tượng (tương đương với số lượng năm 1998). Cục sở hữu công nghiệp đã cấp 173 Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu với 393 đối tượng được chuyển giao.

Trong tương lai, để lưu thông và sử dụng nhiều hơn nữa các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cần tạo ra sự liên kết chặt chẽ và thường xuyên giữa khu vực sản xuất trong nước với khu vực nghiên cứu là các trường đại học, trung tâm, Viện nghiên cứu khoa học. Các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ, trình độ phát triển của một nền kinh tế. Sức cạnh tranh của một nền kinh tế trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa phụ thuộc vào yếu tố này. Cạnh tranh công nghệ về bản chất là sự cạnh tranh khai thác nhanh và có hiệu quả các đối tượng sáng tạo kỹ thuật (nhất là lĩnh vực sáng chế và bí quyết kỹ thuật). Đây là một hướng chiến lược lâu dài nhằm phát huy cao độ tình hình nội lực nội sinh theo Nghị quyết của Đảng đề ra. Việc chuẩn bị một cơ chế thích hợp để thúc đẩy việc tạo ra những sáng chế mới là yêu cầu khách quan rất cần thiết của chính nền công nghệ. Có như vậy mới thúc đẩy các nhà khoa học phát huy hơn nữa khả năng và trình độ nghiên cứu của mình, đưa các sáng chế, cải tiến và ứng dụng trong doanh nghiệp, sản xuất để kiểm nghiệm giá trị thực tiễn của nó.

- Thứ tư, xu thế về việc thành lập xa lộ thông tin sáng chế ngày càng được mở rộng. Hiện nay ở nhiều nước (như Đức, Mỹ, Nhật Bản...) người ta có thể thông qua mạng internet truy cập các thông tin miễn phí về sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Đối với Việt Nam vấn đề này còn khá mới mẻ. Nhưng trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải đối mặt với nó, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, một số nước cũng đang xúc tiến quá trình này (như Thái lan, Sinhgapore, Malayxia). Vấn đề là chọn lựa và sử dụng các loại sáng chế nào để giới thiệu lên mạng nhằm cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu.

 

 

NGHIÊN CỨU VỀ TÍNH HỢP LÝ CỦA VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN NHÂN THÂN TÁC GIẢ[23]

Người dịch: Trần Lê Anh

Viện NCKH Pháp lý, Bộ Tư pháp

Quyền tác giả còn được gọi là bản quyền, là một bộ phận tạo thành quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, nội dung của nó bao gồm hai bộ phận là  quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản của tác giả. Quyền nhân thân của tác giả còn được gọi là quyền nhân cách, quyền tinh thần của tác giả, là quyền lợi nhân thân của tác giả được sản sinh ra từ việc sáng tạo tác phẩm; Quyền tài sản của tác giả còn được gọi là quyền kinh tế, là quyền của tác giả đối với việc sử dụng tác phẩm và cho phép người khác sử dụng đồng thời được hưởng thù lao đối với tác phẩm. Do quyền tác giả có thuộc tính quyền lợi kép, nó có tính phức tạp hơn so với việc giao dịch quyền sở hữu trí tuệ khác, đặc biệt là sau khi bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20, sự phát triển của kỹ thuật thông tin đã đem đến những thách thức lớn cho chế độ quyền tác giả truyền thống, việc chuyển tải bằng chữ số hoá làm cho các quyền năng của con người đối với quyền tác giả không thể không được xác định lại vị trí, đồng thời cũng mang đến sự thách thức nhiều hơn cho chế độ giao dịch quyền tác giả ở Trung Quốc. Đồng thời với việc xác nhận tính có thể chuyển nhượng về quyền tài sản của tác giả, làm thế nào để thực hiện việc chuyển giao quyền nhân thân của tác giả có hiệu quả, để cho tác giả có thể được hưởng quyền và lợi ích về quyền tác giả một cách toàn diện và đầy đủ hơn, đó chính là vấn đề mà các nhà luật pháp Trung Quốc đang quan tâm.

1. Các quy định của lập pháp nước ngoài về vấn đề chuyển giao quyền nhân thân của tác giả:

          Do sự khác biệt về chính trị, xã hội, kinh tế và ý thức văn hoá, các nước trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả đã hình thành các truyền thống văn hoá với phong cách khác nhau và thể hiện xu hướng giá trị pháp trị không giống nhau, sự hình thành này có ảnh hưởng không thể phủ nhận được đối với chế độ giao dịch quyền tác giả, trong đó có vai trò chủ đạo dẫn đầu là hai dòng tư tưởng lớn là hệ thống thông luật với Anh, Mỹ làm đại biểu và hệ thống luật lục địa với Pháp, Đức làm đại biểu.

1.1.  Quy định của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ:

          Luật quyền tác giả của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ xây dựng trên cơ sở "Quan điểm về giá trị tài sản", thực hiện Thuyết về quyền tác giả thương mại, cho rằng thực chất của quyền tác giả chính là quyền lợi sao chép tác phẩm vì mục đích thương mại. Quyền lợi của người sáng tác ở đây được thể hiện bằng "copyright" (tức bản quyền), ẩn chứa ý về quyền sao chép. "Đạo luật của Nữ hoàng Anne" năm 1709 là đạo luật về quyền tác giả sớm nhất của Anh và cũng là đạo luật về quyền tác giả đầu tiên trong lịch sử thế giới, chính là được ban hành dựa vào các tiền đề lớn là quan niệm kinh tế của chủ nghĩa trọng thương và quan niệm về quyền lợi tài sản tư hữu, mục đích là "trao cho tác giả, nhà xuất bản có quyền sao chép, để khuyến khích sáng tạo", bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chức năng truyền bá văn hoá. Các điều khoản của Luật quyền tác giả ở Anh đa số xuất phát từ việc tính toán, duy trì tính chất tài sản đơn nhất của "copyright" trong giao dịch thương mại, chưa chú ý đến lợi ích nhân cách của tác giả. Khoản 1 Điều 36 Luật quyền tác giả năm 1956 và Khoản 1 Điều 90 Luật quyền tác giả năm 1988 của Anh quy định: "Quyền tác giả có thể được dịch chuyển giống như động sản thông qua chuyển nhượng, phân chia theo di chúc hoặc thực thi theo pháp luật". Luật quyền tác giả của Mỹ đã kế thừa truyền thống của "Đạo luật của Nữ hoàng Anne" và cũng đã thể hiện lý luận cơ bản của "Thuyết giá trị tài sản". Điều 201 (d) (i) Luật quyền tác giả năm 1976 của Mỹ quy định: "Quyền tác giả có thể được dịch chuyển thông qua bất kỳ phương thức nào hoặc thực thi theo pháp luật". Nghiên cứu về nguyên nhân lập pháp quyền tác giả, luật pháp về quyền tác giả của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ chịu sự ảnh hưởng sâu sắc về "Khế ước xã hội" triết học của chủ nghĩa công lợi, Nhà nước vì lợi ích chung của xã hội yêu cầu tác giả sáng tạo và truyền bá tác phẩm ưu tú nhiều hơn, ngược lại, Nhà nước sẽ bảo hộ tác giả được hưởng quyền lợi kinh tế do tác phẩm mang đến trong thời gian nhất định. Đúng như một học giả Nhật Bản đánh giá: "Việc bảo hộ đối với quyền tác giả không phải coi việc bảo hộ bản thân tác giả là ý nghĩa quan trọng thứ nhất, mà là đặt vị trí thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ làm mục tiêu".

          Song cần phải chỉ ra rằng, tuy Luật quyền tác giả thành văn của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ trong thời gian dài không có nội dung về quyền lợi nhân thân, nhưng không có nghĩa là quyền lợi nhân thân của tác giả không được bảo đảm ở những nước này, quyền nhân thân của tác giả có thể được bảo hộ dựa vào các nguyên tắc của thông luật ngoài Luật quyền tác giả ra. Đặc biệt là mấy năm gần đây, cùng với triết học lập pháp của những nước này từ chủ nghĩa công lợi thuần tuý quay trở về với Thuyết quyền lợi tự nhiên, và do sự ảnh hưởng của các Công ước quốc tế lấy tư tưởng Luật lục địa làm chủ đạo ngày càng rộng rãi, đại bộ phận Luật quyền tác giả của những nước theo hệ thống Luật Anh-Mỹ đã bắt đầu xuất hiện những quy định riêng có liên quan đến quyền lợi nhân thân, như Luật quyền tác giả năm 1988 của Anh đã có một chương riêng quy định về 4 loại quyền lợi nhân thân như quyền ký tên chống giả mạo của tác giả, quyền tư cách của tác giả, quyền phản đối việc tiến hành xuyên tạc, sửa chữa đối với tác phẩm, quyền phản đối tiến hành công khai mang tính thương mại đối với tác phẩm của người uỷ thác các tác phẩm nhiếp ảnh và điện ảnh. Đồng thời quy định, quyền nhân thân có thể được thực thi do chính tác giả, quyền được phân biệt là tác giả hay đạo diễn và quyền phản đối các tác phẩm bị xuyên tạc, bóp méo, thời hạn bảo lưu quyền tài sản của tác giả tác phẩm được duy trì, quyền chống giả mạo tác phẩm được kéo dài đến 20 năm sau khi tác giả chết. Quyền nhân thân trong giao dịch quyền tác giả không thể chuyển nhượng được, nhưng có thể thừa kế và từ bỏ được. Từ bỏ quyền nhân thân phải thông qua văn bản bằng chữ của tác giả, tác giả có thể từ bỏ quyền lợi nhân thân khi giao dịch một tác phẩm hay quyền tác giả một lần, cũng có thể từ bỏ quyền nhân thân đối với toàn bộ tác phẩm, thậm chí có thể từ bỏ trước quyền nhân thân đối với tác phẩm chưa ra đời, có thể từ bỏ có điều kiện, cũng có thể từ bỏ vô điều kiện. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20 cho đến nay, Mỹ cũng lần lượt có hơn 10 bang trong Luật bảo hộ tác phẩm nghệ thuật của bang đã quy định tác giả của tác phẩm nghệ thuật được hưởng quyền lợi về nhân thân, nội dung chủ yếu bao gồm quyền đứng tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả. Đồng thời năm 1990, Nghị Viện Liên bang Mỹ cũng đã đưa nội dung về quyền nhân thân tương tự với luật của các bang vào Luật quyền tác giả của Liên bang. Tuy Luật quyền tác giả của Liên bang Mỹ rất hạn chế bảo vệ quyền lợi nhân thân, nhưng cũng đã quy định rõ ràng quyền nhân thân của tác giả không những có thể từ bỏ,‚ mà còn bị hạn chế sử dụng một cách hợp lý.

1.2. Quy định của những nước theo hệ thống Luật lục địa:

          Những nước theo hệ thống Luật lục địa coi "Quan điểm về giá trị nhân cách' là cơ sở triết học của luật pháp về quyền tác giả, đưa tư tưởng nhân quyền vốn có vào phạm trù lý luận về quyền tác giả, xác lập quan niệm về quyền tác giả coi việc bảo vệ quyền lợi nhân thân của tác giả là trung tâm. Dưới sự ảnh hưởng tư tưởng của Luật tự nhiên này, tác phẩm được coi là sự kết tinh trí tuệ và sự kéo dài nhân cách của tác giả, vì vậy tác giả có quyền lợi tự nhiên vốn có đối với tác phẩm giống như quan hệ cha con vậy, họ không những có quyền sử dụng kinh tế, khống chế tác phẩm giống như đối với quyền tài sản, mà còn có quyền bảo vệ mối liên hệ tinh thần không thể cắt đứt được giữa nhân cách của tác giả với tác phẩm. Họ đã dùng thuật ngữ "quyền tác giả" để nhấn mạnh sự bảo hộ đối với quyền lợi cá nhân của tác giả, chứ không phải là sự bảo hộ đối với quyền lợi của nhà xuất bản; và nhấn mạnh pháp luật không những cần phải bảo vệ quyền lợi tài sản của tác giả, mà còn cần phải bảo vệ quyền lợi nhân thân của tác giả. "Luật quyền biểu diễn" năm 1791 và "Luật quyền sao chép" năm 1973 của Pháp đã thể hiện sự quan tâm và bảo vệ của các nhà lập pháp đối với quyền lợi tự nhiên của cá nhân đặc biệt là quyền nhân cách. Ngoài quy định tác giả được hưởng các loại quyền lợi về tài sản, còn quy định rõ quyền lợi nhân thân mà tác giả được hưởng lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Luật quyền tác giả của hệ thông luật lục địa đã phát triển thuộc tính quyền tài sản đơn nhất trong quyền tác giả của hệ thống luật Anh-Mỹ thành quyền lợi tác giả có nội dung kép, đã khắc hoạ bản chất lý tính vốn có của quyền tác giả, đó chính là một sự tiến bộ lớn.

          ở những nước theo hệ thống luật lục địa còn tồn tại hai loại học thuyết chủ yếu là "Thuyết nhất nguyên" và "Thuyết nhị nguyên". "Thuyết nhất nguyên" lấy nước Đức làm đại biểu, đồng thời bao gồm những nước như áo, Hungari, Tiệp Khắc... Họ cho rằng quyền tác giả là thể phức hợp hữu cơ đặc biệt về quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả, gắn bó với nhau, bảo vệ một quyền lợi nào trong đó chắc chắn sẽ tạo thành sự bảo vệ đối với quyền lợi kia. Lý luận về "Thuyết nhất nguyên" này thể hiện về mặt chế độ chuyển nhượng quyền tác giả, biểu hiện là: quyền nhân thân của tác giả không được bảo hộ vĩnh viễn, mà là được hưởng thời hạn bảo hộ tương đương cùng với quyền tài sản của tác giả. Quyền nhân thân của tác giả không thể chuyển nhượng được, quyền tài sản của tác giả do có liên quan với quyền nhân thân của tác giả nên không thể tách rời được, do vậy việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả cũng bị phủ định. Chỉ khi di chúc được thực thi có thể phát sinh sự dịch chuyển hoặc khi phân chia di sản giữa những người cũng được thừa kế mới phát sinh việc chuyển nhượng. Tức là ở những quốc gia này không tồn tại việc chuyển nhượng quyền tác giả, chỉ tồn tại chế độ uỷ quyền sử dụng tác phẩm. "Thuyết nhị nguyên" lấy Pháp làm đại biểu, bao gồm các nước như ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản.v.v., họ cho rằng quyền tác giả là "nhất quyền lưỡng thể", do quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả độc lập với nhau tạo nên, ngoài ra hai loại quyền lợi này được sự bảo hộ hoàn toàn khác nhau. Quyền tài sản của tác giả chỉ có thể được bảo hộ trong thời hạn nhất định, nhưng nó có thể tách rời với nhân thân của tác giả, có thể chuyển nhượng cho người khác trong lưu thông thương mại hoặc do tác giả từ bỏ; Còn quyền nhân thân của tác giả bao gồm quyền công bố, nó không thể tách rời với nhân cách của tác giả, vừa không thể chuyển nhượng vừa không thể từ bỏ, chỉ có sau khi tác giả chết mới có thể dịch chuyển cho người thừa kế theo pháp luật hoặc người được thừa kế theo di chúc.‚ Ngoài ra mỗi khi việc thực thi quyền tài sản của tác giả xảy ra xung đột với quyền nhân thân của tác giả, thì quyền nhân thân của tác giả có hiệu lực ưu tiên, đã thể hiện sự bảo hộ ưu tiên đối với quyền nhân thân của tác giả.

          Vấn đề đáng đề cập tới là "Công ước Berne"- Công ước bảo hộ quyền tác giả có tính quốc tế rộng rãi cũng chịu sự ảnh hưởng tương đối nhiều của triết học luật tự nhiên ở hệ thống luật lục địa. Trong khoản 2 Điều 6 "Công ước Berne" một mặt đã cho thấy quyền kinh tế của tác giả có thể chuyển nhượng được, mặt khác đã quy định rõ ràng sau khi quyền kinh tế được chuyển nhượng thì tác giả vẫn có quyền đứng tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, quyền lợi nói trên vẫn có hiệu lực sau khi tác giả chết, ít nhất cho đến khi thời hạn bảo hộ quyền kinh tế của tác giả chấm dứt.

          1.3. Những nghi ngờ đối với lý luận truyền thống:

          Xu hướng giá trị của quyền tác giả ở hệ thống Luật Anh - Mỹ và ở hệ thống luật lục địa mặc dù bắt nguồn từ các lý luận tư tưởng khác nhau, nhưng đều dựa vào nguyên lý chung của Bộ luật dân sự, cho rằng: Quyền tài sản của tác giả có thể tồn tại độc lập tách rời với tác giả, có thể xử lý, tiến hành chuyển nhượng và cho phép theo nguyện vọng tự do của tác giả. Còn quyền nhân thân của tác giả do không thể tách rời với chủ thể, vì vậy cũng không thể chuyển nhượng được. Sau khi phân tích quy định lập pháp của hai hệ thống pháp luật lớn và các nước khác nhau, tác giả bài viết giữ thái độ phủ định đối với lý luận về quyền nhân thân của tác giả không thể tách rời với chủ thể, lý do như sau:

          Thứ nhất, quyền nhân thân của tác giả có thể thừa kế được. Bất luận là Luật quyền tác giả của Anh hay là Luật quyền tác giả của Pháp cũng đều thừa nhận quyền nhân thân của tác giả có thể chuyển giao cho người thừa kế theo Luật thừa kế. Điều này đã chứng minh đầy đủ rằng quyền nhân thân của tác giả có thể tách rời với chủ thể, sau khi tác giả chết thì do người thừa kế hoặc người thứ ba được chỉ định theo di chúc của họ thực thi.

          Thứ hai, Luật quyền tác giả của Anh quy định: cấm giả mạo quyền đứng tên của tác giả kéo dài đến 20 năm sau khi tác giả chết, Công ước Berne cũng quy định, các quốc gia thành viên đối với việc bảo hộ quyền nhân thân của tác giả không được ít hơn thời hạn bảo hộ quyền kinh tế tương ứng, và Công ước đồng thời còn quy định thời hạn bảo hộ quyền kinh tế không được dưới 50 năm sau khi tác giả chết, rõ ràng là sự bảo hộ quyền nhân thân của tác giả cũng không được dưới 50 năm sau khi tác giả chết. Vậy thì tất cả những tác phẩm được công bố sau khi tác giả chết cho đến trước khi thời hạn có hiệu lực về quyền nhân thân của tác giả hết thì các quyền lợi nhân thân có liên quan là hoàn toàn tách rời với chủ thể, điều này cũng đã bác bỏ lý luận về quyền nhân thân không thể tách rời với chủ thể.

          Thứ ba, những quốc gia theo "Thuyết nhất nguyên", tuy nhấn mạnh quyền tác giả là một chỉnh thể (bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân) không thể chuyển nhượng được, nhưng có thể được thực hiện thông qua sự uỷ quyền cho phép, trong đó sự cho phép về quyền tài sản là không có sự nghi ngờ gì, nhưng quyền nhân thân liệu có thể cho phép người khác sử dụng hay không thì chỉ có thể suy đoán là không thể. Cố vấn pháp luật của Bộ tư pháp áo trên tạp chí "Bản quyền" của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đã chỉ ra rằng: do đại đa số các tác giả âm nhạc và tác giả kịch của áo đã uỷ thác toàn quyền về quyền sử dụng và quyền thu tiền nhuận bút tác phẩm thậm chí cả đến thủ tục tố tụng khi tác phẩm bị xâm phạm cho "Hiệp hội thu thuế bản quyền" giải quyết. Trên thực tế, khi tác phẩm bị người thứ ba sử dụng liệu có thể được đứng tên, đứng tên như thế nào, được sửa đổi hay không và sửa đổi ra sao, ghi tên hoặc sửa đổi tác phẩm không đúng sẽ bị kiện đến Toà án như thế nào, tất cả đều do Hiệp hội này (trong trường hợp không liên hệ với tác giả nữa) quyết định, điều này tương đương với việc tác giả khi ký kết hợp đồng uỷ thác với Hiệp hội này phải giao quyền tài sản và quyền nhân thân  cho Hiệp hội này bằng phương thức cho phép độc quyền, thậm chí có thể coi là đã chuyển nhượng cho Hiệp hội này.

          Thứ tư, Luật quyền tác giả của những nước theo hệ thống Luật Anh-Mỹ đều cho thấy rõ, quyền nhân thân của tác giả có thể từ bỏ được, điều này trên thực tế chính là một kiểu giải quyết của tác giả đối với quyền nhân thân của mình. Tưởng tượng, khi một nhà xuất bản đàm phán với tác giả về vấn đề xuất bản sách, nhà xuất bản yêu cầu tác giả huỷ bỏ quyền sửa đổi (một loại quyền nhân thân của tác giả) đối với quyển sách đó, đồng thời đề xuất nếu tác giả từ bỏ quyền sửa đổi thì tiền nhuận bút có thể tăng lên gấp đôi, nếu tác giả đồng ý thì cũng sẽ được tiền thù lao nhiều gấp đôi, vậy thì điều này còn có sự khác biệt gì về bản chất so với việc chuyển nhượng có bồi hoàn về quyền nhân thân của tác giả?

          Từ đó có thể thấy rằng, luật pháp nước ngoài tuy cấm việc chuyển nhượng quyền nhân thân của tác giả, nhưng trên thực tế tồn tại tính có thể tách rời thậm chí tính phải tách rời giữa chủ thể và quyền nhân thân của tác giả. Năm 1985 khi Pháp sửa đổi Luật quyền tác giả, để thích ứng với nhu cầu của giới doanh nghiệp, trong văn bản sửa đổi đã quy định quyền lợi nhân thân của tác giả về chế phẩm đĩa hình và chế phẩm phần mềm máy tính có thể chuyển nhượng được. Lý luận về quyền tác giả của Pháp cũng cho thấy, nếu muốn bảo vệ thiết thực quyền nhân thân của tác giả  thì không thể câu nệ vào lý luận không thể tách rời hoặc tuyệt đối không thể chuyển nhượng giữa quyền lợi này với chủ thể.

2. Mô hình lý luận và phân tích sự chuyển giao các quyền nhân thân có liên quan của tác giả hiện nay.

          Do sự chuyển giao quyền tác giả không phải là sự chuyển dịch về quyền lợi nhân thân mà là sự chuyển dịch về quyền lợi tài sản, nhưng do hậu quả của việc chuyển nhượng làm cho tác giả khi thực hiện quyền lợi nhân thân đối với tác phẩm chịu sự hạn chế nhất định, ít nhất trong một thời gian, việc thực hiện quyền lợi nhân thân sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng của người được chuyển nhượng đối với tác phẩm, thậm chí giảm bớt thu nhập kinh tế, như vậy, người được chuyển nhượng không thể không được quan tâm. Vì vậy, tác giả không thể nhấn mạnh quyền chuyển nhượng chỉ là quyền tài sản trong quyền tác giả, mà phải tính đến một thực tế hoặc một vấn đề pháp luật là: tách rời hoàn toàn quyền lợi nhân thân và quyền lợi tài sản trong quyền tác giả, để trở thành các bộ phận độc lập không có sự liên hệ với nhau là không thể. Để giải quyết mâu thuẫn này, các học giả đã đưa ra nhiều lý luận:

2.1.         Lý luận về việc từ bỏ quyền lợi nhân thân:

Từ bỏ quyền lợi nhân thân là sau khi tác giả và người được chuyển nhượng đạt được thoả thuận về tác phẩm, người được chuyển nhượng được hưởng quyền tài sản của tác giả, tác giả sẽ không được chủ trương quyền lợi nhân thân có liên quan, tức là từ bỏ việc thực hiện đối với quyền lợi nhân thân có liên quan. Lý luận này bắt nguồn từ chế độ quyền nhân thân của tác giả hiện hành ở những nước theo hệ thống Luật Anh-Mỹ, mà ở những nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ do họ thực hiện quy định quyền nhân thân của tác giả không được tách rời với nhân thân của tác giả thì đều không được cho phép. Mà khái niệm "từ bỏ" (waive) trong hệ thống luật Anh-Mỹ và khái niệm "từ bỏ" (abandon) trong hệ thống luật lục địa có sự khác nhau về cơ bản. "Từ bỏ" trong hệ thống luật Anh-Mỹ chủ yếu là hành vi được sản sinh ra căn cứ theo thoả thuận về mặt Luật hợp đồng, nó chỉ giới hạn ở trong phạm vi quy định của hợp đồng và nhằm vào đương sự của hợp đồng, ngoài hợp đồng ra tác giả vẫn có quyền nhân thân của tác giả. Ví dụ một tác giả uỷ quyền cho một doanh nghiệp truyền thông đại chúng căn cứ vào việc sáng tạo tác phẩm phát thanh, truyền hình, đồng thời đã ký thoả thuận từ bỏ quyền sửa đổi. Tuy tác giả không chủ trương quyền lợi nhân thân đối với hành vi sửa đổi nguyên tác của doanh nghiệp truyền thông đại chúng trong quá trình sáng tạo tác phẩm phát thanh, truyền hình nữa, nhưng vẫn có quyền phản đối doanh nghiệp truyền thông đại chúng này sửa đổi tác phẩm của họ trong thoả thuận từ bỏ chưa đề cập đến quá trình như là xuất bản sách..., và cũng có quyền phản đối những người khác sửa đổi tác phẩm của họ dưới bất kỳ hình thức nào trừ doanh nghiệp truyền thông đại chúng ra. Vì vậy việc từ bỏ quyền sửa đổi này, trên thực tế là tác giả thông qua thoả thuận chuyển nhượng quyền sửa đổi với mức độ nhất định cho doanh nghiệp truyền thông đại chúng này. Còn "từ bỏ" trong Luật lục địa thường là được sản sinh ra dựa vào hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản, nó có tính tuyệt đối hay còn gọi là tính đối thế, hậu quả pháp lý của việc từ bỏ này là người có quyền sở hữu hoàn toàn mất đi sự chi phối khách thể đối với quyền lợi, đồng thời cũng hoàn toàn mất đi khả năng loại trừ việc tiến hành xâm hại tuỳ ý của người thứ ba đối với khách thể. Ví dụ, việc từ bỏ đối với quyền sở hữu vật hữu hình sẽ dẫn đến vật này trở thành tài sản vô chủ, chủ sở hữu cũ không được ngăn cấm việc sử dụng của bất cứ người nào đối với nó, đồng thời có thể sinh ra hậu quả pháp lý chiếm dụng quyền sở hữu. Nếu việc từ bỏ quyền nhân thân của tác giả cũng được tiến hành về mặt ý nghĩa này thì sẽ dẫn đến việc bất kỳ người nào cũng đều có thể quyết định tác phẩm này có được công bố hay không, bất kỳ người nào cũng đều có thể sửa đổi tuỳ ý tác phẩm đồng thời lấy nguyên đầu đề và tên tác giả để công khai xuất bản, tình trạng này ở những nước theo hệ thống luật lục địa sẽ là không thể tưởng tượng và không thể chấp nhận được.

Tác giả bài viết cho rằng, nếu áp dụng khái niệm "chuyển nhượng" tương tự với khái niệm "từ bỏ" thì có khả năng tránh được việc từ bỏ quyền nhân thân của tác giả mang đến sự khó khăn cho Luật quyền tác giả của những nước theo hệ thống luật lục địa, từ đó làm cho hai hệ thống pháp luật lớn có khả năng điều chỉnh trong thực tế. Quyền tác giả là một loại quyền độc lập, người có quyền đồng thời với việc thực hiện quyền lợi của mình có quyền ngăn chặn người khác sử dụng quyền lợi này khi chưa được sự đồng ý của mình. Quyền nhân thân của tác giả với tư cách là một bộ phận của quyền tác giả cũng hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này, đồng thời với việc ngăn cấm người khác xâm phạm quyền lợi này thông qua thoả thuận làm cho đối phương được chỉ định riêng được hưởng quyền nhân thân của tác giả tương ứng với mức độ nhất định, như quyền công bố, quyền đứng tên, quyền sửa đổi.v.v. Suy nghĩ này không những phù hợp với đặc trưng sử dụng của quyền tác giả, mà còn có thể tìm được căn cứ lập pháp ở trong hai hệ thống pháp luật lớn, từ đó giúp cho tác giả có thể dựa vào nguyên tắc tự do thoả thuận, thông qua hợp đồng để giải quyết quyền lợi nhân thân của mình.

2.2. Lý luận về sử dụng hết phần quyền lợi nhân thân:

Lý luận này cho rằng, tác giả chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả thì có nghĩa là sử dụng hết phần quyền lợi nhân thân của tác giả, họ thực thi quyền lợi nhân thân là thông qua việc thực hiện xong một lần khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả với người được chuyển nhượng. Tức là trong điều kiện cụ thể của hợp đồng, thực thi quyền lợi nhân thân một cách rõ ràng, đầy đủ, đưa ra yêu cầu đối với việc sử dụng tác phẩm. Nếu như người được chuyển nhượng không thực hiện theo hợp đồng ký kết, thì tác giả có thể lấy lý do vi phạm thoả thuận của hợp đồng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Lấy quyền công bố của tác giả làm ví dụ, về việc "liệu có thể công bố" tác phẩm của mình hay không thì tác giả chỉ có thể thực thi quyền lợi một lần, tức là tuyên bố "sử dụng hết". Nếu tác giả đã đồng ý cho nhà xuất bản nào đó xuất bản một tác phẩm của mình, vậy thì, bất cứ nhà xuất bản nào khác sau đó cho dù chưa được sự cho phép đã in lại tác phẩm của họ, cũng chỉ đã xâm phạm quyền sao chép trong quyền tài sản của tác giả, chứ không xâm phạm quyền công bố trong quyền nhân thân của tác giả.

Tác giả bài viết cho rằng, "sử dụng hết phần quyền lợi nhân thân" trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả, bản chất của nó chính là phần chuyển nhượng quyền nhân thân của tác giả, đối với tác giả mà nói, đã  "sử dụng hết" phần quyền lợi này theo thoả thuận, còn bên được chuyển nhượng thì giành được phần quyền lợi này dựa vào điều kiện thoả thuận của hợp đồng. Về bề ngoài từ 'sử dụng hết" ẩn chứa việc "chuyển nhượng" về mặt thực chất. Từ ví dụ trên cho thấy, tác giả đồng thời với việc đồng ý cho nhà xuất bản xuất bản tác phẩm của mình, thì quyền công bố tác phẩm trên thực tế cũng đã được chuyển nhượng cho nhà xuất bản. Còn lý luận nhấn mạnh việc không thể chuyển nhượng, không thể từ bỏ quyền nhân thân của tác giả cần phải có một lối ra (hay còn nói là cần phải có một lý luận), đưa ra giải thích rõ ràng, mạch lạc đối với hiện tượng này, thì điều này chắc chắn rút ra được kết luận về "việc sử dụng hết phần quyền lợi nhân thân".

2.3. Lý luận về việc sử dụng hợp lý quyền lợi nhân thân:

Sử dụng hợp lý, lúc đầu là khái niệm hạn chế ở phạm trù quyền lợi tài sản, nó vốn thuộc về hành vi xâm phạm quyền lợi kinh tế riêng của người được hưởng quyền tác giả, nhưng do quy định đặc biệt của pháp luật, đã loại trừ việc nhận định đối với hành vi xâm phạm này. Những nước theo thông luật như Anh, Mỹ khi vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20 đã đưa chế độ quyền lợi nhân thân vào Luật quyền tác giả của nước mình, cho rằng phạm vi bảo hộ của quyền lợi nhân thân quá rộng, để hạn chế hiệu lực của quyền lợi nhân thân đã đưa việc sử dụng hợp lý từ quyền lợi tài sản kéo dài đến quyền lợi nhân thân. Ví dụ, chế độ quyền lợi nhân thân trong Luật quyền tác giả của Mỹ hầu như căn cứ y hệt theo việc sử dụng hợp lý của quyền lợi tài sản. Đầu tiên, chế độ quyền nhân thân của tác giả ở Mỹ căn cứ theo biện pháp sử dụng hợp lý quyền tài sản của tác giả, việc sử dụng hợp lý quyền tài sản của tác giả chủ yếu giải quyết xung đột giữa lợi ích kinh tế của tác giả với lợi ích chung của xã hội như tự do tin tức, giáo dục, khi cần thiết, cần phải hy sinh một phần lợi ích kinh tế cá nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng hợp lý quyền nhân thân của tác giả không phải là dùng để hoà giải mối quan hệ giữa quyền lợi nhân thân của tác giả với lợi ích chung của xã hội, về mặt bản chất mà nói thì nhân cách của con người và sự tôn trọng bản thân chính là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong lợi ích chung của xã hội, sự tôn trọng đối với lợi ích nhân cách cũng chính là sự thúc đẩy lớn nhất đối với lợi ích chung của xã hội. Ngoài ra, khái niệm lý luận pháp luật về lợi ích chung hy sinh cho lợi ích nhân cách cá nhân trong luật tự nhiên về cơ bản là không thể chấp nhận được. Đương nhiên, tác giả bài viết không có ý hoàn toàn phủ nhận việc sử dụng hợp lý quyền nhân thân của tác giả, một chế độ sử dụng hợp lý, khoa học có thể làm cho công chúng trong xã hội được phân chia đầy đủ lợi ích truyền bá rộng rãi thông tin trong điều kiện kỹ thuật hiện đại. Việc sử dụng hợp lý quyền nhân thân của tác giả chỉ là một vấn đề về mặt kỹ thuật lập pháp. Ngoài ra, việc sử dụng hợp lý không được xung đột với việc sử dụng thông thường của tác phẩm, không được gây tổn hại bất hợp lý đến lợi ích của người có quyền tác giả vốn được hưởng. Mà quá tuân thủ lĩnh vực truyền thống trong việc sử dụng hợp lý, thì người có quyền tác giả sẽ không thể nhận được lợi ích đầy đủ từ trong quá trình kỹ thuật hiện đại mang đến việc sử dụng tác phẩm rộng rãi. Vì vậy giới lý luận chỉ nhắc đến việc sử dụng hợp lý đối với quyền nhân thân của tác giả, để đảm bảo cho công chúng trong xã hội được tiếp xúc và sử dụng tác phẩm một cách đầy đủ, nhưng lại không chú ý tới việc bảo hộ quyền lợi hợp pháp của cá nhân tác giả, đã bỏ trống lĩnh vực sử dụng thương mại bình thường của quyền nhân thân tác giả, điều này có thể nói là một việc đáng tiếc lớn.

          Do vậy, tác giả bài viết cho rằng, đồng thời với việc xác lập và hoàn thiện chế độ sử dụng hợp lý quyền nhân thân của tác giả, cũng cần phải đưa ra quy định rõ ràng đối với việc chuyển giao mang tính thương mại về quyền nhân thân của tác giả. Đây có thể nói là hai mặt của một sự vật. Bởi vì việc sử dụng hợp lý chủ yếu hạn chế ở việc sử dụng với mục đích phi thương mại, và chịu sự ràng buộc của các nhân tố như tính chất, cách thức thay đổi tác phẩm của người khác, số lượng, chất lượng, phương thức truyền bá của tác phẩm được sử dụng. ở lĩnh vực chuyển giao mang tính thương mại, quyền nhân thân của tác giả nếu không có một chế độ giao dịch quy phạm hoá thì càng dễ gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đối với quyền lợi nhân cách của tác giả.

3. ý tưởng về việc chuyển nhượng hợp lý quyền nhân thân của tác giả và hiện trạng lập pháp của Trung Quốc

3.1. Phân tích sự thiếu sót và hiện trạng lập pháp của Trung Quốc.

          Luật quyền tác giả của Trung Quốc tiếp nhận "Thuyết nhị nguyên" của hệ thống luật lục địa, nhưng nội dung về chế độ giao dịch quyền tác giả lại có chút khác biệt so với các nước theo "Thuyết nhị nguyên" về quyền tài sản của tác giả, Điều 23 "Luật quyền tác giả nước CHND Trung Hoa" quy định: "sử dụng tác phẩm của người khác cần phải được sự cho phép hoặc ký kết hợp đồng với chủ sở hữu tác phẩm", chưa đưa ra quy định chung đối với việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả. Đối với quyền nhân thân của tác giả, Trung Quốc đã kế thừa tinh thần lập pháp quyền tác giả của những nước theo hệ thống luật lục địa, cho rằng quyền nhân thân của tác giả không thể chuyển nhượng, không thể tước bỏ và được bảo hộ vĩnh viễn. Vì vậy, Điều 20 "Luật quyền tác giả nước CHND Trung Hoa" quy định: "Thời hạn bảo hộ về quyền đứng tên, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả không bị hạn chế". Đối với vấn đề thừa kế, Điều 20 "Điều lệ thi hành Luật quyền tác giả của nước CHND Trung Hoa" (sau đây gọi tắt là "Điều lệ thi hành") quy định: "Sau khi tác giả chết, quyền đứng tên, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm trong quyền tác giả do người thừa kế theo pháp luật hoặc người được thừa kế theo di chúc của tác giả bảo hộ. Trong trường hợp quyền tác giả không có người thừa kế theo pháp luật hoặc không có người thừa kế theo di chúc thì quyền đứng tên, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả do cơ quan quản lý hành chính quyền tác giả bảo hộ". Do vậy có thể thấy rằng, Luật quyền tác giả của Trung Quốc không cho phép thừa kế quyền đứng tên, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, chỉ có thể do người thừa kế, người được thừa kế theo di chúc của tác giả hoặc cơ quan quản lý hành chính tác phẩm bảo hộ. Đối với quyền công bố, Điều 21 "Luật quyền tác giả nước CHND Trung Hoa" quy định: "tác phẩm của công dân, thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả qua đời; quyền tác giả, tác phẩm của pháp nhân hoặc đơn vị không có tư cách pháp nhân (trừ quyền đứng tên ra) thì thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm nghề nghiệp, tác phẩm điện ảnh và tác phẩm nhiếp ảnh mà pháp nhân hoặc đơn vị không có tư cách pháp nhân được hưởng là 50 năm. Điều 22 "Điều lệ thi hành" quy định: "tác phẩm chưa được công bố lúc tác giả còn sống, nếu như tác giả chưa công bố, trong vòng 50 năm sau khi tác giả chết thì quyền công bố tác phẩm đó có thể do người thừa kế theo pháp luật hoặc người được thừa kế theo di chúc thực thi; nếu không có người thừa kế theo pháp luật lại không có người được thừa kế theo di chúc thì do chủ sở hữu hợp pháp tác phẩm thực thi." Từ đó có thể thấy rằng, Luật quyền tác giả của Trung Quốc đối với việc bảo hộ quyền công bố có sự khác biệt so với các quyền nhân thân khác của tác giả, đã đưa ra sự hạn chế về thời gian. Điều này chủ yếu là xem xét từ đặc điểm của quyền công bố, nó vừa là điều kiện hàng đầu để tác giả được hưởng lợi ích, cũng vừa là tấm bình phong không thể vượt qua để xã hội được sử dụng quyền tác giả. Nếu quy định quyền công bố được bảo hộ vô thời hạn thì tác giả, người thừa kế theo pháp luật, người được thừa kế theo di chúc hay chủ sở hữu hợp pháp tác phẩm không công bố, phổ biến tác phẩm, vậy thì xã hội sẽ mãi mãi không có cách nào sử dụng được tác phẩm của tác giả, điều này nhất định sẽ tổn hại đến lợi ích chung của xã hội, vì vậy, đã đưa ra sự hạn chế về thời gian đối với quyền lợi này. Ngoài ra, Luật quyền tác giả của Trung Quốc cũng không thừa nhận quyền công bố có thể được thừa kế, nên đã áp dụng khái niệm "thực thi" này, quyền lợi thực thi không phải là do tác giả trao tặng thông qua thừa kế hoặc tặng theo di chúc, mà là do pháp luật trực tiếp trao cho.

          Do vậy có thể thấy rằng, trong giao dịch quyền tác giả, lập pháp Trung Quốc đã áp dụng phương án giải quyết chung chung đối với việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả. Cùng với sự phát triển tổng thể của văn hoá kinh tế thế giới, sự giao lưu giữa thương mại và văn hoá ngày càng nhiều, nhiều nước trên thế giới đều đã có quy định lập pháp về việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả, trong giao dịch quyền tác giả quốc tế cũng còn tồn tại nhiều thực tế về việc chuyển nhượng quyền tác giả, và ở Trung Quốc cũng tồn tại thực tế về việc chuyển nhượng quyền tác giả, do vậy sự không rõ ràng về mặt lập pháp quyền tác giả hiện hành của Trung Quốc đã không có lợi cho sự giao lưu thông thường giữa thương mại và văn hoá. Vì vậy, giới lý luận của Trung Quốc hiện nay đều phổ biến cho rằng, Luật quyền tác giả của Trung Quốc cần phải cho phép việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả, đồng thời phải đưa ra quy định cụ thể, kiến nghị này đã được đưa vào chương trình sửa đổi Luật quyền tác giả của Trung Quốc.

          Còn đối với quyền nhân thân của tác giả, lập pháp hiện hành của Trung Quốc vẫn giữ nguyên tắc quyền nhân thân về mặt dân sự không thể tách rời với chủ thể, cho rằng quyền nhân thân của tác giả không thể chuyển nhượng, không thể từ bỏ thậm chí không thể thừa kế được. Quyền tác giả là một loại quyền lợi dân sự đặc biệt, từ thời đại in ấn bước vào thời đại điện tử, đứng trước sự tấn công và thách thức của kỹ thuật số, vẫn kiên quyết giữ nguyên tắc không thể tách rời, không thể chuyển nhượng đối với quyền nhân thân của tác giả liệu có hợp lý hay không? Về mặt lý luận vẫn còn phải nghiên cứu thảo luận thêm. Còn về mặt thực tế, dựa vào thuộc tính quyền lợi kép đặc biệt của quyền tác giả, chúng ta không nên so sánh nó với quyền nhân thân trong quyền lợi dân sự nói chung, nếu cứ dùng kiến thức Luật dân sự vốn có để giải thích thì sẽ rơi vào sự nghi vấn sâu hơn. Xét từ mặt triết học, điều này không có gì lạ cả, bởi vì nguyên lý thông thường được nhận thức trong Luật dân sự cho đến nay cũng là từ trong một loại quyền lợi dân sự đặc biệt nâng lên thành nguyên tắc phổ thông. Khi con người chỉ có sự nhận biết đối với việc mua bán hàng hoá, có thể cũng cho rằng chỉ có nguyên lý đặc thù điều chỉnh hoạt động mua bán này mới được gọi là nguyên lý của Luật dân sự, liền dùng nó để khoác vào quyền lợi của người làm thuê trong quan hệ thuê mướn, lúc đó cũng giống như đi vào ngõ chết vậy. Do vậy chúng ta phải nhìn thấy một số tính đặc thù nào đó của quyền tác giả (hay tính đặc thù còn chưa nhận biết được), từ góc độ nhận thức luận cho thấy, Trung Quốc cũng còn cần phải nghiên cứu sâu hơn. Khi chúng ta thật sự tìm thấy một vị trí thích hợp cho quyền tác giả trong nguyên tắc chung về nhận thức mới của Luật dân sự, chứ không phải là đưa vào một cách cứng nhắc, thì quá trình nhận thức của chúng ta mới xem như là đã kết thúc. Quyền tác giả thông thường bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả, nhưng trên thực tế giới hạn của hai quyền lợi này lại không rõ ràng, thông qua việc thực thi quyền nhân thân của tác giả, hoàn toàn có thể thúc đẩy việc thực hiện về lợi ích kinh tế. Đúng như sự ví von mà học giả người Đức Uimer về chủ trương "Thuyết nhất nguyên" của quyền tác giả: Quyền tác giả giống như một cái cây, lợi ích kinh tế và lợi ích tinh thần giống như những cành cây khác nhau của một cây lớn, còn quyền lợi tài sản và quyền lợi nhân thân giống như các nhánh rễ cây khác nhau của một cây lớn, đôi khi, cành của lợi ích kinh tế chỉ lấy dinh dưỡng từ trong nhánh rễ của quyền lợi tài sản, còn nhiều khi, cành của lợi ích kinh tế lấy dinh dưỡng từ trong tất cả các nhánh rễ bao gồm cả quyền lợi nhân thân trong đó.

          Từ những năm 90 của thế kỷ 20 cho đến nay, cùng với sự mở rộng nhanh chóng của kỹ thuật mạng quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đã hình thành một mạng truyền bá thông tin tổng thể trên toàn cầu, phá bỏ hàng rào giữa các mạng nội bộ trao đổi dữ liệu điện tử độc lập tương đối với nhau, đẩy thương mại điện tử lên vũ đài thị trường thống nhất toàn cầu, sự phát triển của thương mại điện tử toàn cầu với tư cách là hy vọng của nền kinh tế thế kỷ 21 thì phải có sự thích ứng với một môi trường pháp lý ổn định. Quyền tài sản của tác giả có thể dịch chuyển, còn quyền nhân thân của tác giả không thể chuyển nhượng được, làm cho quyền tác giả là tài sản kinh tế có một mặt cơ năng không tốt. Trong giao dịch thương mại điện tử toàn cầu, khách hàng sử dụng mạng cho dù đã trả chí phí cho sản phẩm thông tin để được quyền tài sản của tác giả hoặc đã điều tra rõ sản phẩm này thuộc vào lĩnh vực công cộng không bị sự bảo hộ quyền tác giả, nhưng vẫn khó có thể yên tâm sử dụng sản phẩm thông tin này. Bởi vì họ còn có khả năng đối mặt với chủ trương đến từ phương diện quyền lợi nhân thân của tác giả, khách hàng sử dụng mạng khó có thể xuất hiện mong muốn chính xác rõ ràng đối với hậu quả pháp lý của hành vi chính mình, chắc chắn không thể có cảm giác an toàn cần thiết đối với thương mại điện tử. Do tính không thể chuyển nhượng của quyền lợi nhân thân, dẫn đến phạm vị bảo hộ quyền tác giả không rõ ràng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính ổn định và tính dự đoán về môi trường pháp lý của thương mại điện tử, cuối cùng rất có thể ngăn cản sự phát triển lành mạnh của thương mại điện tử toàn cầu.

          Vì vậy tác giả cho rằng, để sớm làm cho luật pháp về quyền tác giả của Trung Quốc đạt đến thậm chí dẫn đầu trình độ quốc tế, các nhà lập pháp Trung Quốc khi sửa đổi chế độ giao dịch quyền tác giả thật sự phải có hai bước cần thiết, đồng thời với việc xác định rõ nội dung chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả, cũng phải xác định rõ chế độ chuyển nhượng hợp lý quyền nhân thân của tác giả.

3.2. ý tưởng lập pháp về việc chuyển nhượng hợp lý quyền nhân thân của tác giả ở Trung Quốc.

          a) Chuyển nhượng quyền công bố. Quyền công bố tức là quyền quyết định tác phẩm liệu có phải là quyền tuyên bố, công khai tác phẩm ra công chúng hay không. Nhiều nước đã xếp quyền lợi này vào phạm trù của quyền lợi tài sản, còn quyền nhân thân của tác giả mà "Công ước Berne" xếp vào cũng không có quyền lợi này. Luật quyền tác giả của Trung Quốc trên thực tế coi quyền công bố là một quyền lợi đặc biệt vừa mang tính chất quyền nhân thân vừa mang tính chất quyền tài sản. Nếu tác giả không thực hiện quyền công bố, không công bố tác phẩm ra công chúng, thì về cơ bản họ không thể được hưởng quyền tài sản như quyền xuất bản, quyền sửa đổi và quyền được hưởng thù lao. Tương ứng với việc khi tác phẩm còn chưa được công bố, chỉ cần tác giả cho phép người khác sử dụng tác phẩm, thậm chí chuyển nhượng tác phẩm, nếu người được chuyển nhượng không có quyền công bố, thì giá trị sử dụng của tác phẩm không thể thực hiện được và lợi ích kinh tế được hưởng cũng bị hạn chế. Do vậy, quyền công bố tác phẩm hoàn toàn có thể chuyển nhượng cùng với quyền tài sản của nó, tác phẩm sau khi được chuyển nhượng liệu có được công bố hay không là do người được chuyển nhượng quyết định. Nhưng cần phải chỉ ra rằng, quyền công bố là thuộc về quyền lợi một lần, một khi tác phẩm được công khai, phổ biến, người khác chưa được sự đồng ý của tác giả lại công bố tác phẩm thì không thuộc về xâm phạm quyền công bố của tác giả, mà là xâm phạm quyền lợi tài sản như quyền sử dụng và quyền được hưởng thù lao của tác giả.

b) Chuyển nhượng quyền đứng tên. Quyền đứng tên tức là quyền lợi thể hiện tư cách của tác giả mà tác giả được hưởng. Quyền đứng tên của tác giả thường có thể trở thành điều kiện tiền đề để tác giả được hưởng quyền lợi kinh tế, nếu tư cách của tác giả bị huỷ bỏ thì tác giả sẽ mất đi mối liên hệ nhân thân với tác phẩm, dẫn đến sự mất đi quyền tác giả của tác phẩm và toàn bộ lợi ích kinh tế. Mà mặt khác, quyền đứng tên còn có thể nói là một sự thể hiện danh dự của tác giả. Trong thị trường giao dịch quyền tác giả, rất ít khi có người tiêu dùng sau khi đã hoàn toàn thưởng thức qua lời văn hoặc xem qua tác phẩm mới căn cứ vào chất lượng của tác phẩm để mua sản phẩm quyền tác giả, sự lựa chọn mua sản phẩm quyền tác giả của họ thực ra là dựa vào danh dự hoặc sự tin tưởng vào danh tiếng đối với tác giả tác phẩm, trường hợp này rất giống với trường hợp người tiêu dùng căn cứ vào nhãn hiệu hàng hoá để mua hàng hoá. Vậy là tên tuổi của tác giả đã nhận được sức hấp dẫn của thị trường hay còn gọi là sự yêu cầu của người tiêu dùng, trên thực tế cũng chính là đã giành được thanh danh nhất định. Trong thực tiễn chúng ta dễ phát hiện thấy, tình hình tiêu thụ của thị trường tác phẩm mà các tác giả nổi tiếng đứng tên thường có thể cao hơn các tác giả bình thường, danh tiếng này có được từ quyền đứng tên của tác giả sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho tác giả. Trong thực tiễn của Trung Quốc đã từng xuất hiện tranh chấp về quyền đứng tên loại này, khi tác giả nào đó chưa nổi tiếng, để có thể xuất bản sách đã lấy tên của một tác giả nổi tiếng vào tác phẩm, sau khi trở thành nổi tiếng, lại chỉ trích việc đứng tên của tác giả này là trái pháp luật. Nếu Luật quyền tác giả phủ nhận việc quyền nhân thân của tác giả có thể chuyển nhượng thì việc chỉ trích sau đó của tác giả này chính là hợp pháp. Còn phần chuyển nhượng quyền đứng tên của tác giả này trước đó, trên thực tế chính là lợi dụng "thanh danh" của tác giả nổi tiếng để thu lợi ích cho mình, vậy mà sau đó lại có thể "theo pháp luật" phủ nhận sự việc mình đã từng chuyển nhượng, điều này đối với tác giả nổi tiếng đó mà nói là không công bằng. Vì vậy tác giả bài viết cho rằng, "danh tiếng" có được từ quyền đứng tên của tác giả này, do có thể mang đến lợi ích kinh tế như mong muốn, tác giả dưới tiền đề yêu cầu bên được chuyển nhượng đảm bảo chất lượng tác phẩm, giống như nhãn hiệu hàng hoá vậy, là hoàn toàn có thể chuyển nhượng được. Đương nhiên, việc chuyển nhượng quyền đứng tên không được trái với lợi ích chung của xã hội và tinh thần cơ bản của Luật quyền tác giả, nói chung chỉ hạn chế ở việc chuyển nhượng mang tính thương mại, còn quyền đứng tên của tác giả tác phẩm đã được công bố thì không được chuyển nhượng lại.

c) Chuyển nhượng quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Quyền sửa đổi là quyền lợi sửa chữa tác phẩm của mình mà tác giả được hưởng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền bảo vệ tác phẩm không bị xuyên tạc, sửa chữa mà tác giả được hưởng. Quyền sửa đổi chỉ riêng trong luật pháp về quyền tác giả của Trung Quốc có quy định một chút, còn luật pháp của các nước khác và các Công ước quốc tế có liên quan đều chưa đề cập đến quyền lợi này, nhưng đều có quy định đối với quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Tác giả bài viết cho rằng, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm trên thực tế là hai mặt trái phải của một loại quyền lợi.

          Trong thực tiễn, thiết lập việc sáng tạo lại trên tác phẩm của người khác, vì không thể sao chép y hệt nguyên tác, cho nên không thể tránh được việc tiến hành sửa đổi như rút ngắn, cải biên, sửa chữa đối với nguyên tác. Ví dụ, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, tác giả đã chuyển nhượng quyền cải biên kịch bản kịch nói thành kịch bản điện ảnh, sau đó, tác giả đưa ra kiến nghị đối với một số thay đổi tình tiết phụ trong tác phẩm mà người được chuyển nhượng đưa ra, và yêu cầu thực hiện quyền sửa đổi tác phẩm của mình, nếu không thì sẽ thu hồi lại việc chuyển nhượng. Còn bên được chuyển nhượng sử dụng tác phẩm thường phải căn cứ vào phương thức sử dụng tác phẩm tiến hành việc điều chỉnh cần thiết đối với nội dung của tác phẩm, cho dù là hoạt động sao chép rất đơn giản, đôi khi cũng có thể liên quan đến vấn đề quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả, nếu người được chuyển nhượng khi sử dụng tác phẩm luôn bị sự can thiệp về quyền lợi nhân thân của tác giả thì rõ ràng là không thuận tiện, mà còn cảm thấy quyền lợi được chuyển nhượng không có sự bảo đảm. Đặc biệt là sự xuất hiện của tác phẩm phát thanh, truyền hình của thời đại kỹ thuật số càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa việc sáng tạo lại tác phẩm với quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Việc sáng tạo các tác phẩm phát thanh, truyền hình cần hoà hợp một số lượng lớn thông tin bên ngoài tồn tại dưới các hình thức kể cả tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh trong đó. đối mặt với nhu cầu thông tin phức tạp như vậy, yêu cầu các tác giả sáng tạo tác phẩm phát thanh, truyền hình hoàn toàn tự lực cánh sinh để tiến hành sáng tác dường như là không thể, điều này yêu cầu các nhà sáng tạo có thể lợi dụng với mức độ tối đa các tác phẩm của người khác làm làm tài liệu sáng tác. Nếu không cho phép việc chuyển nhượng quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm thì tác giả có quyền phản đối bất cứ sự thay đổi nào đối với nguyên tác của họ, việc này chắc chắn sẽ cắt đứt nguồn để các tác giả khác tiến hành tái tạo lại tác phẩm.

          Ngoài ra, quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm về mức độ nhất định cũng sẽ có hiệu quả bảo vệ danh tiếng của tác giả. Thẩm phán xét xử chính trong một vụ án nổi tiếng của Mỹ đã từng chỉ ra rằng, nếu người khác chưa được tác giả đồng ý sửa đổi tác phẩm dẫn đến trình độ tác phẩm bị hạ thấp, thì tác giả sẽ mất đi nhiều độc giả và người xem đáng lẽ có thể trở thành những người ủng hộ thật sự của họ, việc gây tổn hại này đối với uy tín nghệ thuật đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức thu hút các độc giả và khán giả dùng để bảo vệ sự thành công trong thương mại, sẽ gây tổn thất kinh tế khó có thể dự tính được. Nói một cách khác, danh tiếng của tác giả phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của bản thân tác phẩm, thông qua thực hiện việc chuyển nhượng quyền sửa đổi và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, loại trừ việc bóp méo, xuyên tạc trái pháp luật gây tổn hại đến chất lượng của tác phẩm mới có thể bảo vệ được danh tiếng của tác giả, tiến tới bảo đảm thu nhập thương mại và tiền đồ nghề nghiệp tương lai cho họ.

 

KHẢO SÁT VỀ TÌNH TRẠNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, HÀ NỘI, ĐÀ NẴNG

  

 ThS. Nguyễn Thanh Tâm

Trường Đại học Luật Hà Nội

 

I. THỰC TRẠNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

ở đây, pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về quyền sở hữu trí tuệ. Cần lưu ý rằng, theo Bộ luật dân sự Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp (quyền sở hữu đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đối với tên gọi, xuất xứ hàng hóa và các đối tượng khác); còn theo một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ngoài những đối tượng nêu trên, quyền sở hữu trí tuệ bao hàm cả quyền sở hữu đối với thiết kế, bố trí mạch tích hợp, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa, quyền đối với giống thực vật.

1.    Sự vi phạm pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ.

a) Các dạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

a1) Các dạng vi phạm quyền tác giả

Đối tượng vi phạm là phần mềm máy tính, đa số phần mềm của các công ty đều bị sử dụng bất hợp pháp. Theo Công ty IBM, khoảng 50 - 60% người sử dụng sản phẩm Lotus của Công ty không có license. Hiện nay, bộ vi xử lý (CPU) của hãng INTEL đang bị làm giả.

Đối tượng vi phạm là tác phẩm nghe nhìn, có nhiều dạng vi phạm. Chẳng hạn:

-    Sao chép băng nhạc, băng hình, đĩa CD trái phép để kinh doanh;

-    Băng đĩa nhập lậu, băng đĩa ăn cắp bản quyền của FAFIM Việt Nam

Vi phạm xảy ra chủ yếu trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhất là ở các phố Tràng Tiền, Hàng Bài (Hà Nội), đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Hồ Chí Minh).

Theo thông tin của Cục điện ảnh, thông thường xảy ra 3 loại trường hợp vi phạm quyền độc quyền nhập khẩu và phát hành phim của FAFIM Việt Nam như sau:

-    Tất cả những phim nhựa được giải cao ở các Liên hoan phim quốc tế đều có băng lậu vào Việt Nam trước khi phim đó được nhập khẩu và trình chiếu hợp pháp ở Việt Nam. Ví dụ như các bộ phim: Bản danh sách của Sinle, Sechspia đang yêu, Điệp viên 007, Nhiệm vụ bất khả thi

-    Rất nhiều Đài truyền hình địa phương phát sóng chương trình phim truyện là các băng hình bộ của FAFIM Việt Nam có bản quyền. Ví dụ: Đài truyền hình Hà Tây chiếu Bức tranh định mệnh, Đài truyền hình Đồng tháp chiéu Tiếu ngạo giang hồ, Đài truyền hình Đà Nẵng chiếu Ông Trùm

-    Một số rạp, câu lạc bộ tại TP. Hồ Chí Minh chiếu đĩa hình trong khi FAFIM Việt Nam đang chờ nhận phim nhựa để phát hành như bộ phim Người mang mặt nạ sắt…

Trong quá trình biểu diễn nghệ thuật, các vi phạm chủ yếu là biểu diễn sân khấu, ca múa nhạc, thời trang không trả tiền thù lao cho tác giả.

Theo thông tin của Sở Văn hóa - thông tin, các nhạc sỹ đều có chung một bức xúc là được bảo vệ quyền tác giả. Vấn đề trở nên rất sôi nổi trong khuôn khổ các Hội nhạc sỹ ở các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Còn ở các dịa phương (Đà Nẵng, Cần Thơ), các tác phẩm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật được chuyển đến từ Hà nội, TP. Hồ Chí Minh. Các nghệ sỹ địa phương rất ít khi sáng tác, nên việc bảo vệ quyền tác giả cho các nghệ sỹ ở địa phương không thể hiện một cách gay gắt như ở các trung tâm văn hóa lớn. Tuy nhiên, không phải là không có sự vi phạm ở các địa phương. Chẳng hạn, ở Cần Thơ đã có vụ khiếu nại về xâm phạm bản quyền kịch bản sân khấu ở Sở Văn hóa – thông tin Tỉnh Cần Thơ.

Theo thông tin của Thanh tra Bộ Văn hóa - thông tin, ngày càng có nhiều tranh chấp liên quan đến tư cách chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh, video, phát thanh, truyền hình, sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác giữa đạo diễn, biên kịch và tổ chức/cá nhân sản xuất tác phẩm. Điển hình là vụ kiện dân sự của Nghệ sỹ Trần Tiến, Lê Vinh, Tất Bình. Vụ tranh chấp quyền tác giả của nhạc sỹ Trần Tiến diễn ra vào 4/1997. Trong vụ này, nhạc sỹ Trần Tiến kiện Công ty Sài gòn Video đã phát hành chương trình âm nhạc với 10 bài hát của ông mà không xin phép. Còn vụ kiện của nhạc sỹ Lê Vinh liên quan đến tranh chấp về quyền tác giả đối với bài hát Hà Nội và tôi.

Theo thông tin của Cục điện ảnh, trong lĩnh vực điện ảnh, có hai trường hợp điển hình sau đây liên quan đến các tranh chấp nói trên.

Vụ thứ nhất là vụ Hải Đường Trắng: một tác giả mạo xưng là chủ sở hữu của nguyên tác kịch bản chuyển thể theo vở cải lương cùng tên đã kiện nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là ăn cắp bản thảo của ông ta. Nhưng thực sự là chính tác giả mạo xưng này, sau khi xem bộ phim Hải Đường Trắng của đạo diễn Châu huế (dựng theo kịch bản của Nguyễn Mạnh Tuấn) đã viết lại kịch bản trên. Vấn đề được đem ra xem xét tại Tòa dân sự TP. Hồ Chí Minh. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã thắng kiện.

Vụ thứ hai là vụ Hôn nhân không giá thú. Kịch bản Hôn nhân không giá thú của tác giả Nguyễn  Kim ánh được đạo diễn Phạm Lộc và Hãng phim truyện I dựng thành bộ phim cùng tên. Vì lý do kinh phí và ngôn ngữ điện ảnh chỉ cho phép thể hiện ở mức độ có thể, bộ phim đã được lược bớt một số tình huống, lời thoại của kịch bản, cũng như một số nhân vật. Vì thế, sau khi xem phim, tác giả đòi rút tên khỏi cơ cấu những người sáng tác chính của bộ phim và kiện ra Tòa dân  sự Hà Nội. Căn cứ vào các bản giám định nghệ thuật, Tòa án thấy rằng vụ việc này chưa đủ cơ sở pháp lý để thụ lý.

Cũng theo thông tin của Thanh tra Bộ Văn hóa – thông tin, quyền tác giả của cá nhân, pháp nhân nước ngoài thường xuyên bị vi phạm. Những vở kịch nước ngoài được công diễn hầu như không hỏi ý kiến và không được phép của tác giả nước ngoài.

Trong lĩnh vực xuất bản, theo thông tin của một số Nhà xuất bản, các dạng vi phạm chủ yếu là:

-    Sao chép nguyên sách nước ngoài để bán trên thị trường Việt Nam;

-    Tái bản sách không trả tiền nhuận bút cho tác giả;

-    Sao chép lậu sách, phôtôcopy giáo trình…;

-    Việc dịch tác phẩm thường không hỏi ý kiến và trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Người vi phạm cũng thuộc rất nhiều loại:

-    Thứ nhất, là chính người sáng tác: trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu, dịch thuật, người sáng tác đã vô ý hay cố ý sử dụng tác phẩm của người khác để phục vụ cho công trình của mình mà không xin phép, không ghi tên tác giả nước ngoài, không dẫn chiếu tài liệu tham khảo…

-    Thứ hai, là các đầu nậu làm sách (đối tác in sách) (chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh): in trái phép, thay đổi tên tác giả, thay đổi một số nội dung…

-    Thứ ba, là chính các Nhà xuất bản trung ương lẫn địa phương.

Cuối năm 1998, Cục Xuất bản Bộ Văn hóa – thông tin đã phải liên tiếp ra lệnh ngừng phát hành hoặc thu hồi một loạt ấn phẩm: Nhà xuất bản Hải phòng với hai mẫu lịch túi “Agenda 99”, Nhà xuất bản Thanh Hóa với cuốn “Từ điển tiếng Việt”, Nhà xuất bản thống kê với toàn bộ bộ lịch “Nghệ thuật kiến trúc”, cuốn “Cẩm nang thông tin giải trí”, Nhà xuất bản Nghệ An với các tập tiếp của cuốn “Phụ nữ và sức khỏe”, Nhà xuất bản giao thông vận tải với bộ lịch “Phong cảnh thế giới” và cuốn hành trình vòng quanh thế giới”, Nhà xuất bản Hà Nội với”Lịch công giáo địa phận Hà Nội”, Nhà xuất bản thanh niên với”Lịch sổ tay danh ngôn”, Nhà xuất bản Hội nhà văn phải tạm ngừng phát hành cuốn “12 con giáp”…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa – thông tin, chỉ trong một năm (1999) đã có gần 10.000 tấn sách và 16.000 đầu sách in lậu được tung ra thị trường. Sách in lậu đa phần nhái sách giáo khoa có thị trường rộng rãi nhất với khối lượng tiêu thụ lớn nhất (khoảng 100 đến 140 triệu bản sách với 2000 đầu sách các loại trong mỗi năm). Lợi dụng điều này, các cơ sở in lậu đã tung vào thị trường lượng sách giáo khoa khá lớn. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa bàn có nhiều cơ sở in lậu sách nhất. Theo số liệu của Công an TP. Hà Nội đã có hàng chục vụ in lậu sách bị phát hiện. Trong số đó phải nói đến các vụ như:

-    Trung tâm khoa học kỹ thuật hóa chất Láng Hạ in lậu hàng ngàn bản sách của Nhà xuất bản Giáo dục do Công an quận Đống đa phát hiện.

-    Vụ in lậu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục ở Khương Đình bị Công an Quận Thanh Xuân xử lý. Tang vật thu được trong vụ này là máy in công nghệ Adast, 143 bản kẽm đã qua sử dụng, 45 tấm lưới phục vụ cho công việc in, hơn 200 bản sách in lậu.

-    Đặc biệt, vụ in lậu sách giáo khoa của cơ sở 90 đường Hưng Yên – Nam Định bị Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện. Chỉ trong thời gian 30 ngày, cơ sở này đã sản xuất ra 45 - 46 ngàn cuốn sách lậu.

-    ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, nạn in lậu sách giáo khoa còn phức tạp hơn nhiều. Với 2.500 cơ sở in tại Thành phố, các cơ quan chức năng khó mà quản lý được lượng sách in ra tại khu vực này. Ngay cả cơ sở in của Nhà nước hoặc cơ sở in đã được cấp giấy phép cũng tiến hành việc in lậu, như:

-    Xưởng in chi nhánh Xí nghiệp bản đồ 1 (số 6 - Phạm Ngũ Lão - quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)).

-    Xưởng in Công ty đầu tư và phát triển văn hóa (số 229/13 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạch, TP. Hồ Chí Minh).

-    Xưởng in vẽ bản đồ Long Khánh - huyện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh…

Nhiều vụ khi Công an phát hiện ra thì cơ sở đó đã kịp bán ra hàng chục ngàn bản sách giáo khoa như:

-    Nhà in Thị xã Vĩnh Long in 20 đầu sách với hàng vạn bản sách in lậu;

-    Vụ Công an TP. Hồ Chí Minh đã xử lý Trường dạy nghề chuyên ngành in đang in lậu trên 20.000 đầu sách với lượng sách đã in ra là 77.000 bản (tại 35 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3).

(Về vấn đề này, xem thêm chuyên đề của TS. Trần Văn Thắng – tình hình vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản).

a2) Các dạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

ở Việt Nam, việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu là vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp của hàng trong nước và hàng nước ngoài. Đôi khi có hiện tượng vi phạm nhãn hiệu dịch vụ. Ví dụ: Tourane Hotel (của Đà Nẵng) kiện Sài gòn Tourane Hotel (của Saigon Tourist) đã dùng nhãn hiệu của mình, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Theo Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKH CNMT ngày 27-4-2000 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa có một trong các dấu hiệu sau đây được coi là hàng giả:

-    Hàng giả chất lượng hoặc công dụng;

-    Giả về nhãn hàng hóa;

-    Giả về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa;

-    Các loại ấn phẩm đã in sử dụng vào việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Như vậy, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là hàng giả, nhưng không phải mọi hàng giả đều là hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo thông tin của Phòng quản lý sở hữu công nghiệp (Sở Khoa học công nghệ môi trường – TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế có những loại nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp chưa được bảo hộ tại Việt Nam. Do đó việc làm giả nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp nói trên không bị coi là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Hàng hoá vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chiếm tới gần 75% hàng giả, trong đó hàng hoá vi phạm kiểu dáng công nghiệp chiếm 25%.

Theo thông tin của các cơ quan Hải quan, hầu như không có sự vi phạm quyền sở hữu công nhgiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá. Lý do:

- Đối với hàng xuất khẩu: các doanh nghiệp đã thông báo đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho Hải quan, nên hầu như không có trường hợp hàng xuất khẩu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

- Đối với hàng nhập khẩu: các doanh nghiệp nhập khẩu hàng chủ yếu để gia công trong nước, nên không quan tâm đến việc hàng nhập khẩu có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp hay không.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có những tình huống mà cơ quan Hải quan không xác định được là có sự vi phạm hay không vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chẳng hạn như:

- Tại các doanh nghiệp sản xuất gia công hàng hoá cho người nước ngoài, hàng đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam nhưng ghi sản xuất ở nước ngoài;

- Ngược lại, có trường hợp hàng hoá được sản xuất ở nước ngoài, gia công đơn giản ở Việt Nam, lại ghi xuất xứ Việt Nam.

- Trong việc sản xuất hàng hoá theo hợp đồng (mua bán) với nước ngoài, phía người nước ngoài yêu cầu ghi nhãn hiệu, nơi sản xuất ở nước ngoài.

Thực chất, đây là việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ bán hợp pháp, tức là nhận license từ hợp đồng gia công sản phẩm cho nước ngoài. Trường hợp có sử dụng quyền sở hữu công nghiệp của người nước khác chủ yếu diễn ra trong ngành dệt may. Đây là các license không độc quyền và hoàn toàn không được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước.

Số liệu thống kê tại văn phòng quản lý sở hữu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy: trong những năm gần đây, Phòng quản lý sở hữu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận và giải quyết hàng trăm các hồ sơ giám định nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp theo yêu cầu của Hải quan TP. Hồ Chí minh phục vụ cho công tác xuất nhập khẩu.

Biểu 1: Số lượng nhãn hiệu giám định tại Phòng sở hữu công nghiệp

Năm

Số lượng nhãn hiệu giám định phục vụ xuất nhập khẩu

1995

700

1996

400

1997

700

Hơn 90% các nhãn hiệu được giám định là các đối tượng của các hợp đồng gia công theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Trong số này có nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như ADIDAS; NIKE; CATERPILLA. Đây là một hình thức chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, mặc dù nó không được đăng ký tại Cục sở hữu công nghiệp.

Trên thực tế, vẫn có hàng xuất nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chẳng hạn: xuất khẩu thuốc lá mang nhãn hiệu của công ty khác (ở Thanh Hoá).

Việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp không chỉ xảy ra trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mà còn diễn ra ở hàng loạt các hoạt động khác.

Người vi phạm và người bị vi phạm đều là các doanh nghiệp (doanh nghiẹp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài).

Hàng giả được sản xuất dưới các dạng sau:

-  Nội giả nội: như xe đạp VIHA, diêm Thống Nhất, thuốc là Du lịch, VINATABA, xà phòng, xi măng, nước mắm, thóc giống, quần áo, ống nhựa Tiền phong, bia, rượu, thuốc tân dược, bột canh, thức ăn gia súc.

-  Nội giả ngoại: các loại rượu (Henensy, Johnnie Walker, Remy Martin, phụ tùng xe máy, xe đạp, thuốc lá, keo dán sắt…;

- Giả sản phảm của công ty liên doanh; mì chính, nước khoáng (La Vie).

- Ngoại giả ngoại: mì chính AJINOMOTO, máy điện thoại NUKIO, băng hình, đĩa CD.

- Ngoại giả nội: thuốc bảo vệ thực vật, cao sao vàng giả nhãn mác hàng Việt Nam.

6 tháng đầu năm 1999, mì chính AJINOMOTO giả chiếm trên 90% thị phần, đặc biệt là Phú Yên, Bà Rịa – Vũng tàu. Hàng rau câu đóng gói hiệu AGAR của công ty đồ hộp Hạ Long cũng bị nhái nhãn mác, có thời điểm chiếm 90% thị phần khu vực Miền Tây Nam Bộ.

Sau đây là tình hình vi phạm quyền sở hữu công nghiệp ở một số địa phương:

ở Đà Nẵng:

Theo thông tin của Sở Khoa học công nghệ môi trường Đà Nẵng: kể từ năm 1997 đến năm 2000, có khoảng 20 vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó giải quyết xong khoảng 10 vụ.

Người vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp của thành phố. Ví dụ:

-    Vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp ăng ten vô tuyến truyền hình, trong đó người vi phạm là cơ sở Hương Phát (Đà Nẵng), người bị vi phạm là cơ sở Hương Dũng (Hà Nội).

-    Vụ thuốc Dexacol: người vi phạm là Công ty dược trung ương 5 (Đà Nẵng), người bị vi phạm là Công ty dược phẩm TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm của Đà Nẵng mang nhãn hiệu giống gần như hoàn toàn sản phẩm của TP. Hồ Chí Minh, chỉ khác nhau ở nền màu xanh (màu xanh lá cây và xanh tím).

-    Có trường hợp người vi phạm là doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ: vụ vi phạm nhãn hiệu cao sao vàng. Đây là trường hợp hàng ngoại giả hàng Việt Nam. Người vi phạm là công ty Biopharmtech – doanh nghiệp liên doanh giữa một công ty của Nga và Công ty hóa chất Đà nẵng.

Người bị vi phạm chủ yếu là:

-    Doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ:

+ Vụ vi phạm nhãn hiệu tàu vị yểu (một loại nước tương);

+ Trường hợp doanh nghiệp của bà Trương Thị Bích Hòa K 71/5 Huỳnh Ngọc Huệ – sử dụng kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa của cơ sở nước chấm Nam Dương, Nam Phương, Toàn Hương TP. Hồ Chí Minh để sản xuất và bán ra thị trường.

-    Có trường hợp người bị vi phạm là doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu là trong lĩnh vực dược phẩm). Ví dụ:

+ Vụ thuốc tân dược Decolgel: người bị vi phạm là Westmont Farmaceutical Inc. Philippines); người vi phạm là Công ty dược vật tư y tế Đà Nẵng.

+ Vụ thuốc tân dược BACTRIM: người bị vi phạm là Công ty F. Hoffmann Laroche & Co. (Thụy Sỹ); người vi phạm là Công ty dược phẩm trung ương 5 (Đà Nẵng).

-    Các doanh nghiệp của Đà Nẵng cũng bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ví dụ:

+ Vụ làm giả bánh khô mè;

+ Vụ vi phạm nhãn hiệu của thuốc bảo vệ thực vật của doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng.

-    Theo thông tin của Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng, có một số vụ việc đang trong quá trình giải quyết:

- Vụ cơ sở sản xuất Minh Anh sản xuất nước giải khát đóng chai của Feti. Trên thực tế Feti đã từng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sau đó ngừng lại. Đến tháng 3/2000, Minh Anh bắt đầu sản xuất và sử dụng kiểu chai của Feti. Feti hiện đang khiếu nại Minh Anh vi phạm kiểu dáng công nghiệp.

- Trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình (liên doanh rượu Việt - Pháp) (đường Bưởi - quận Ba Đình- Hà Nội) sản xuất rượt Bordeaux dán một loại tem ở vị trí nút chai, gần giống như tem nhập khẩu của Bộ Tài chính, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Rất tiếc loại tem này được đăng ký ở Cục Sở hữu công nghiệp (!!!).

- Trường hợp hàng giả của liên doanh PNJ (Rejoice, Pentene, Head & Soulder). Các loại dầu gội đầu giả nhãn hiệu nói trên được sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và bán trên thị trường Đà Nẵng.

ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Con số thống kê của các cơ quan quản lý Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng các vụ sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp cho thấy:

- Từ 1990 đến tháng 10/1996, tại cơ quan Cảnh sát kinh tế đã có 141 vụ về quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và 05 vụ về kiểu dáng công nghiệp. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 1999, lực lượng cảnh sát kinh tế đã điều tra khám phá 102 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó ở Hà Nội là 46 vụ, TP. Hồ Chí Minh là 23 vụ, Cà Mau là 4 vụ, Đồng Nai là 8 vụ.

- Từ năm 1995 đến tháng 9/1998, Phòng quản lý Sở hữu công nghiệp thống kê được 266 vụ;

- Theo Cục quản lý thị trường, riêng năm 1999, phát hiện trên 2.100 vụ hàng giả. Theo Chi cục quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2000, cũng có hàng nghìn vụ bị phát hiện, hơn 5.300 vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điển hình là trường hợp 1.502 piton Honda sản xuất tại Việt Nam dãn nhãn Nhật, Đài Loan, 1.666 quạt hút gió được mông má rồi in nhãn Nhật, Mỹ. Tháng 7 năm 2000 nổi lên vụ làm giả sản phẩm của Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo;

- Từ năm 1989 đến tháng 8 năm 1998 tại Tòa dân sự TP. Hồ Chí Minh thụ lý 39 vụ.

Các số liệu trên cho thấy việc sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh rất lớn. Trên đây mới chỉ là số liệu dựa trên thống kê tại các cơ quan quản lý nhà nước. Trong thực tế các vụ sử dụng bất hợp pháp còn nhiều hơn mà chủ sở hữu và cơ quan nhà nước chưa phát hiện được.

Hà Nội

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc sản xuất hàng giả trên địa bbàn Hà Nội có ít hơn so với một số tỉnh, thành phố khác, nhưng việc lưu thông buôn bán lại hết sức phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2001 đến dịp Tết Tân Tỵ, riêng lực lượng quản lý thị trường thuộc Sở Thương mại đã kiểm tra, xử lý hơn 200 vụ vi phạm về hàng giả, thu nộp ngân sách gần 500 triệu đồng, thu giữ và tiêu hủy nhiều hàng hóa. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh hiện trạng và công tác đấu tranh chống hàng giả trên địa bàn Hà Nội.

Vào tháng 1 năm 2001, các cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Hòa hợp (ở Hà Tây) làm bột giặt nhãn hiệu TOMOT, cố tình gây nhầm lẫn về nhãn hiệu OMO (của hãng Univeler). Loại hàng giả này đã được sản xuất từ 1 năm nay, Công ty nói trên đã bị phạt 24 triệu đồng.

b) Quy mô vi phạm

Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước với các mức độ và quy mô vi phạm khác nhau.

Việc vi phạm quyền tác giả diễn ra chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - các trung tâm văn hóa lớn. ở các tỉnh, thành phố khác (Đà Nẵng, Cần Thơ) hầu như không có vi phạm quyền tác giả có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực này. Bởi vì: sách văn học nước ngoài được chuyển đến từ Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh, các Nhà xuất bản địa phương không được phép dịch sách và xuất bản nên nhìn chung không có vi phạm.

Còn trong lĩnh vực vi phạm quyền sở hữu công nghiệp: đa số các vụ sản xuất hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp thường là ở quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Phương tiện sản xuất thô sơ, đơn giản, tổ chức sản xuất không thường xuyên, không liên tục thường là theo thời vụ, khi thấy thị trường khan hiếm, tiêu thụ dễ, có lãi mới tổ chức sản xuất. Để che dấu hành vi phạm pháp và dễ dàng phi tang, từ sản xuất với quy mô tập trung, việc làm hàng giả chuyển sang quy mô phân tán và chia nhỏ công đoạn, làm tới đâu, tiêu thụ ngay tới đó, sản xuất ở các hẻm sâu, vùng ven đô, gần bờ ao, sông, rạch... Những điểm này gây khó khăn, trở ngại nhiều cho công tác điều tra.

Phân lớn hàng giả được sản xuất trong nước, nhưng nhiều trường hợp được sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam.

2. Sự vi phạm các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về quyền sở hữu trí tuệ

Hiện nay Việt Nam đã tham gia một số Điều ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ.

Trong lĩnh vực quyền tác giả Việt Nam đã tham gia hai Điều ước song phương:

- Hiệp định về quyền tác giả giữa Việt Nam - Hoa Kỳ (27-6-1997).

- Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ (7-7-1999);

Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, Việt Nam đã tham gia các Điều ước song phương và đa phương sau đây:

- Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (ngày 13-7-2000)

- Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ (7-7-1999);

- Công ước Pari 1883 về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (Việt Nam trở thành thành viên năm 1981);

- Thỏa ước Madrid 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa  (Việt Nam trở thành thành viên năm 1981);

- Công ước Wasshington 1970 về hợp tác quốc tế trong việc cấp bằng sáng chế quốc tế (Việt Nam trở thành thành viên năm 1993);

Theo thông tin của Sở Văn hóa thông tin TP. Hồ Chí Minh: một Công ty Audio của Mỹ phát hành tại Mỹ đĩa ca nhạc CD trong đó có các bài hát của các ca sỹ Việt Nam (bài hát loại 2) (Phương Thanh, Lam Trường, Mỹ Linh, Thu Phương) mà không xin phép và không trả thù lao cho các tác giả. Vấn đề đặt ra Công ty Mỹ này có vi phạm Hiệp định bản quyền Việt - Mỹ hay không? Làm thế nào bảo vệ được quyền lợi của các ca sỹ Việt Nam?

Về sự vi phạm các Điều ước quốc tế khác, chúng tôi chưa có thông tin khảo sát cụ thể.

Kết luận.

- Hiện nay số lượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng lên nhanh chóng, việc xâm phạm này chủ yếu tập trung vào các đối tượng là các sản phẩm in ấn, các băng đĩa âm thanh, băng đĩa hình, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp... Rất nhiều sản phẩm, mặt hàng bị làm giả như: các loại ấn phẩm, băng đĩa, các loại nước giải khát, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng công nghiệp, các tên hiệu trong các lĩnh vực dịch vụ khách sạn, du lịch...

- Tính chất của các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, có trường hợp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cả một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đa số các hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và đã phải xử lý bằng biện pháp hình sự.

-  Người có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau: có cả pháp nhân, tổ chức, cá nhân.

- Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế như: sản xuất, xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài...

II. Thiệt hại do vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ gây ra

Những sản phẩm hàng hóa có uy tín là kết quả của quá trình đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng cáo tiếp thị; có sản phẩm mang tính gia truyền hoặc xuất xứ ở những vùng có điều kiện đặc thù mà trở thành nổi tiếng. Hàng giả được làm giống hệt hoặc tương tự hàng thật, nhưng lại không phải đầu tư vào những công việc trên, vì vậy dễ thu lợi nhuận cao. Cuộc cạnh tranh này làm hàng thật điêu đứng. Về bản chất sản xuất và buôn bán hàng giả là hành vi cướp đoạt giá trị vật chất và tinh thần của người khác, lừa dối người tiêu dùng để thu lời bất chính. Nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho từng con người, mà còn ảnh hưởng xấu đến chính sách đầu tư, tác động tiêu cực về mặt xã hội cũng như tiến trình đổi mới của đất nước.

Từ năm 1996 trở về trước, loại bột canh hiệu Thiên Hương của công ty thực phẩm Thiên Hương trung bình mỗi năm sản xuất, tiêu thụ 500 - 600 tấn. Mấy năm gần đây hàng giả nhái theo nhãn hiệu bột canh Thiên Hương tung ra thị trường nhiều làm cho sản lượng của Công ty giảm sút nhanh, mỗi năm chỉ còn sản xuất và tiêu thụ trên dưới 100 tấn. Nạn làm hàng giả gây thất thu cho doanh nghiệp, từ đó làm giảm thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng in lậu sách, đặc biệt là sách giáo khoa, bán tài liệu phôtôcopy với giá rẻ làm thiệt hại cho các Nhà xuất bản.

Thực trạng pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay chưa làm yên tâm các nhà sản xuất. Do đó khó mà khuyến khích họ đầu tư cho sản phẩm của mình để cạnh tranh lành mạnh trên thương trường, đồng thời còn gây tâm lý hoang mang, bất mãn đối với các nhà sản xuất chân chính.

Tuy nhiên, trong những vụ khiếu nại, người bị vi phạm thường chỉ yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, chưa có thói quen tính toán thiệt hại kinh tế để đòi bồi thường.

Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và tác động tiêu cực đối với toàn xã hội

Hiện nay việc chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành nhiệm vụ của mọi quốc gia và mang tính chất toàn cầu, đôi khi nó đã trở thành vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, kể cả các quan hệ mang tính chất chính trị giữa các quốc gia.

Cùng với xu hướng thương mại hóa toàn cầu (liên quan đến vấn đề chống hàng giả, chống buôn lậu các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ).

Việt Nam là thành viên của ASEAN, AFTA, APEC và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để gia nhập WTO. Trong tương lai sẽ không còn các hàng rào thuế quan, buộc các doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề cạnh tranh sản phẩm. Một trong các yếu tố làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm là quyền sở hữu công nghiệp.

III. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ

1. Sự không hiểu biết pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ

Trình độ hiểu biết về quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp còn yếu:

- Cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều đã biết hay nghe nói đến các khái niệm như nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích. Tuy vậy, sự hiểu biết cặn kẽ về giá trị của các tài sản vô hình này đối với lợi ích của doanh nghiệp và về các quy định của pháp luật thì hầu như không đáng kể.

Qua khảo sát 32 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau, chúng tôi thấy rằng kiến thức về sở hữu công nghiệp mà các doanh nghiệp có được hầu hết đều thông qua các lớp tập huấn và hội thảo. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp biết về điều này thông qua cạnh tranh thương mại.

Bảng 2. Các hình thức tiếp cận thông tin sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp

Hiểu biết về sở hữu công nghiệp thông qua:

Tỷ lệ

Hội thảo

63,6%

Lớp tập huấn

63,6%

Cạnh tranh thương mại

33,3%

Tài liệu

9%

- Trong 170 doanh nghiệp được khảo sát thuộc nhiều ngành khác nhau, chỉ có 81 doanh nghiệp (khoảng 47,6%) có bộ phận chuyên trách về sở hữu công nghiệp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa chú trọng nhiều đến vấn đề sở hữu công nghiệp, và các kiến thức mà doanh nghiệp có được thường là hời hợt, không đủ để giúp doanh nghiệp đối phó hay giải quyết các vấn đề quyền lợi và cạnh tranh.

- Thực tế cho thấy chỉ khi nào sự vi phạm quyền sở hữu công nghiệp gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp thì lúc đó các doanh nghiệp mới có sự quan tâm đến lĩnh vực này. Doanh nghiệp hoàn toàn không có một kế hoạch hoạt động sở hữu công nghiệp trong việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hay để bảo vệ những quyền lợi và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

- Sự hiểu biết không đầy đủ của các doanh nghiệp về quyền sở hữu công nghiệp là một trong các nguyên nhân chính khiến cho các doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ các tài sản vô hình mà họ có. Mặt khác một số doanh nghiệp lại cho rằng các sản phẩm không đăng ký bảo hộ vẫn có thể phân phối bình thường mà không lường đến khía cạnh sản phẩm đó có thể bị làm giả, làm nhái.

- Một hậu quả nghiêm trọng của sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu công nghiệp là các doanh nghiệp có thể vô tình hay cố ý sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hay giải pháp hữu ích của các doanh nghiệp hay cá nhân khác một cách bất hợp pháp, mà không biết rằng việc này là phạm pháp, và có thể bị xử phạt nặng nếu bị khiếu kiện.

- Nguyên nhân khiến cho một số doanh nghiệp có sáng chế hay giải pháp hữu ích nhưng không đăng ký là do họ chưa tin tưởng vào hệ thống bảo hộ, sợ bị sao chép do đó mất lợi thế cạnh tranh.

Nhìn chung công chúng chưa đánh giá công bằng và sâu sắc về hậu quả của những vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

2. Hạn chế của các cơ quan chức năng.

- Các cơ quan chức năng hoạt động kém hiệu quả, trình độ nghiệp vụ chưa cao.

Việc đăng ký, cấp bằng độc quyền còn chưa thuận lợi, thông thoáng. Năm 1999, tại TP. Hồ Chí Minh có 760 hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có 250 hồ sơ được công nhận. Tỷ lệ hồ sơ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp chỉ được đăng ký là 30%. Thời gian xét duyệt hồ sơ theo quy định là ba tháng, nhưng thực tế lại lâu hơn. Lý do, việc thiếu cập nhật, nối mạng giữa các đơn vị cấp giấy phép đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (Cục sở hữu công nghiệp) và đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký chất lượng hàng hóa (Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - TP Hồ Chí Minh).

Kết quả khảo sát của Phòng quản lý công nghiệp (Sở Khoa học công nghệ và môi trường - TP. Hồ Chí Minh) tại các đội quản lý thị trường, ủy ban nhân dân quận, huyện, Phòng Cảnh sát kinh tế các quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy mức độ quan tâm đến sở hữu công nghiệp cũng chưa cao. Chỉ có 5/16 (31%) Phòng Cảnh sát kinh tế có bộ phận chuyên trách về sở hữu công nghiệp, tại ủy ban nhân dân các quận, huyện là 38% và các Đội quản lý thị trường là 68%. Bên cạnh đó cán bộ chuyên trách sở hữu công nghiệp tại các cơ quan trên cũng chưa được đào tạo cơ bản. Số liệu khảo sát cho thấy 13/19 (68%) đội quản lý thị trường thường gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Con số này ở ủy ban nhân dân quận, huyện là 54% và ở các Phòng Cảnh sát kinh tế là 43%. Các khó khăn thường gặp của các cơ quan này là việc xác định các mức độ vi phạm về sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu những quy định pháp luật, những biện pháp chế tài trong việc xử lý các vi phạm dẫn đến việc xử lý các vi phạm không triệt để, thời gian xử lý kéo dài. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan thực thi gặp khó khăn về sở hữu công nghiệp cũng tìm đến cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp. Qua khảo sát cho thấy chỉ có 10/19 (53%) các đội quản lý thị trường nhờ đến cơ quan chuyên môn về sở hữu công nghiệp để giải quyết các khó khăn gặp phải, tại ủy ban nhân dân các quận, huyện là 77% và Phòng Cảnh sát kinh tế là 56%.

- Sự phối hợp giữa các lực lượng, giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, dẫn đến việc xử lý vi phạm chưa đồng bộ, chồng chéo nhau làm mất thời gian mà hiệu quả lại không cao. Vì vậy cần ban hành quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng, từng ban ngành chức năng. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất bản, không có cơ chế trách nhiệm rõ ràng gĩưa Cục bản quyền tác giả - Cục xuất bản - Nhà xuất bản.

- Những vi phạm quyền sở hữu công nghiệp phần lớn chỉ bị xử lý hành chính. Người vi phạm chỉ bị buộc ngừng sử dụng nhãn hiệu chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu. Chính vì thế quyền sở hữu công nghiệp càng bị coi thường, bị xâm phạm.

- Một số công chức có trách nhiệm chống hàng giả có hành vi bao che cho bọn sản xuất, buôn bán hàng giả;

- Công tác giám định hàng giả còn nhiều hạn chế;

- Kinh phí hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến công tác chống hàng giả trở nên không hiệu quả (thiếu kinh phí tiêu hủy hàng giả).

3. Hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa hoàn chỉnh

Trong lĩnh vực quyền tác giả:

- Chế độ nhuận bút chưa hợp lý;

- Quy định của pháp luật về cơ chế xin phép tác giả chưa được thực hiện trong thực tế.

Trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp: theo quy định chủ nhan hiệu phải có trong tay giấy chứng nhận nhãn hiệu trước khi bán hàng ra thị trường, điều này không phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay, khi mẫu mã liên tục thay đổi nhiều lần trong năm.

Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng hệ thống pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp Việt Nam tuy còn khá trẻ nhưng đã là một hệ thống khá chặt chẽ, bởi vì nó nằm trong hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp quốc tế. Tuy vậy, các doanh nghiệp và cá nhân còn phàn nàn nhiều về thủ tục, thời gian cấp giấy chứng nhận.

Một vấn đề khác cũng ngăn cản các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp là do việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp vi phạm chưa bị xử lý thích đáng, thủ tục và thời gian khiếu kiện kéo dài, khiến cho các doanh nghiệp e ngại.

IV. Giải pháp

Nạn hàng giả là căn bệnh nan y của cơ chế thị trường. Để công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả đạt hiệu quả cần phải có những giải pháp đồng bộ.

1. Nâng cao ý thức pháp luật giáo dục, tuyên truyền cho nhiều người, bằng nhiều hình thức:

- Tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế;

- Tổ chức và thúc đẩy hoạt động tích cực của Hội bảo vệ người tiêu dùng, các đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng;

- Tổ chức triển lãm hàng giả, hàng thật;

- Huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ của các cơ quan chức năng;

- Các quyết định xử lý cũng nên được các cơ quan chức năng cho thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dư luận mạnh mẽ chống hàng giả.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng

- Phối hợp có hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan khác như ủy ban nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành sở hữu công nghiệp.

- Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thị trường, nắm tình hình, đề ra những biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm. Các vụ việc vi phạm cần được xử lý nhanh, cương quyết, tạo tâm lý tin tưởng cho doanh nghiệp, đặc biệt với các hoạt động đầu tư nước ngoài.

- Nhà nước cần thành lập quỹ chống hàng giả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

3. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng chống và xử lý vi phạm

- Biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu:

Điểm 1 Mục VI Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 24-4-2000 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 3/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đất tranh chống hàng giả quy định: "Tái xuất khẩu khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng giả, hàng kém chất lượng nhập khẩu đang làm thủ tục hải quan theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

- Phán quyết của Tòa dân sự

Biện pháp này dựa trên cơ sở pháp lý là Bộ luật dân sự, Nghị định số 63/CP, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29-11-1989. Theo đó các biện pháp chế tài quy định:

+ Buộc người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm;

+ Nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

Trong ba năm 1995-1997, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thụ lý và giải quyết 20 vụ tranh chấp dân sự liên quan đến quyền tác giả (02 vụ) và quyền sở hữu công nghiệp (16 vụ tranh chấp kiểu dáng công nghiệp, 2 vụ tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa). Trong số 20 vụ án đã giải quyết, có 13 vụ Tòa án đã hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự hòa giải giữa các bên đương sự, 5 vụ Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, 01 vụ Tòa án giải quyết yêu cầu của nguyên đơn và 01 vụ Tòa án xử chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

Năm 1998 và 9 tháng đầu năm 1999, Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thụ lý và giải quyết 31 vụ, trong đó hòa giải thành được 8 vụ, tạm đình chỉ 4 vụ và đưa ra xét xử 15 vụ.

Năm 1999, Công ty may Việt Tiến đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh khởi kiện cửa hàng số 362 đường Cách mạng tháng Tám, về việc chủ cửa hàng đã treo bảng "Cửa hàng Việt Tiến" gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tại đây có một số lượng lớn hàng hóa giả nhãn hiệu Việt Tiến và hàng trăm bao bì PE in tên Việt Tiến. Việt Tiến là công ty may xuất khẩu hàng đầu trong ngành may mặc. Nhãn hiệu hàng hóa Việt Tiến đã đượcNhà nước bảo hộ độc quyền.

- Biện pháp hành chính:

Theo quy định của pháp luật, xử phạt hành chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra còn có các biện pháp bổ sung như:

+ Tước thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm trên sản phẩm hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc cải chính thông tin sai lệch gây ra vi phạm; buộc thực hiện các nghĩa vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm mang yếu tố vi phạm, hàng hóa vi phạm có chất lượng kém, có hại cho sức khỏe.

Thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính thuộc về nhiều cơ quan.

Trong thực tế biện pháp chủ yếu được thực hiện là: tịch thu hàng hóa, thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, những biện pháp dó chưa đủ mạnh, chưa tạo được hiệu quả răn đe, ngăn chặn, cũng như chưa tạo được dư luận lên án mạnh mẽ chống hàng giả và nguy cơ tái diễn là tất yếu.

- Biện pháp hình sự: được quy định tại Điều 131, Điều 171 Bộ luật hình sự năm 1999. Theo pháp luật chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ là: phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù, cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định. Tuy nhiên, cần có khung hình phạt đủ mạnh để có tác dụng cảnh cáo, giáo dục người vi phạm.

Về số liệu các vụ án hình sự (theo Bộ luật hình sự cũ)

Tội danh/năm

1995

1996

1997

1998

9/1999

Tổng số

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh (Điều 126 BLHS)

0

0

0

0

0

0

Tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả (Điều 167 BLDS)

55

68

62

124

78

387

Tội lừa dối khách hàng (Điều 170 BLHS)

0

0

0

1

1

2

Tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, ấn phẩm khác (Điều 215 BLHS)

1

0

0

1

2

4

Tổng số

56

68

62

126

81

393

Trong số 185 vụ án về tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 167 Bộ luật hình sự đã xét xử trong ba năm 1995, 1997), Tòa án nhân dân các cấp đã áp dụng các hình phạt tù từ 16 tháng tù giam đến tù chung thân. Ngoài hình phạt tù Tòa án còn áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản (57 vụ), tịch thu và tiêu hủy sản phẩm là hàng giả (122 vụ).

Trong số 202 vụ án về tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 167 Bộ luật hình sự mà Tòa án nhân dân đã xét xử trong năm 1998 và 9 tháng đầu năm 1999, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 102 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với 206 bị cáo, đã xét xử 94 vụ với 184 bị cáo. Ngoài hình phạt chính là hình phạt tù, các Tòa án đã áp dụng nhiều hình phạt bổ sung (đối với 68 bị cáo) như: phạt tiền, tịch thu tài sản, tiêu hủy sản phẩm là hàng giả, hàng vi phạm bảo quyền...

Ngoài ra Tòa án còn giải quyết các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn năm 1999, Tòa án nhân dân đã thụ lý và xét xử việc Công ty liên doanh khách sạn Đại Nam (Đại Nam JVC) kiện Quyết định hành chính số 374/TCNH/ĐK ngày 25-7-1998 của Cục sở hữu công nghiệp từ chối đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Kết quả là Tòa án bác yêu cầu của Đại Nam JVC và giữ nguyên Quyết định số 374/TCNH/ĐK ngày 25-7-1998 của Cục sở hữu công nghiệp.

Trong thực tiễn hoạt động của Tòa án hiện nay, có nhiều yếu tố làm hạn chế vai trò của Tòa án trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như:

- Các đương sự và Tòa án chưa xác định đúng thẩm quyền của Tòa án trong lĩnh vực này;

- Thủ tục tố tụng phức tạp và kém hiệu quả, thời gian giải quyết vụ việc quá lâu, lệ phí tốn kém;

- Tâm lý ngại kiện tụng của công dân;

- Thẩm phán thiếu trình độ cần thiết để giải quyết những vụ việc về sở hữu trí tuệ;

- Các doanh nghiệp muốn bảo vệ bí mật kinh doanh nên không muốn đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án;

- Các đương sự xét thấy có thể sử dụng các hình thức khác thích hợp và hiệu quả hơn.

4. Trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp phải tự tìm biện pháp bảo vệ.

Trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ đóng vai trò quan trọng không kém các cơ quan có thẩm quyền. Bởi vì các đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ rất đa dạng. Chỉ riêng nhãn hiệu hàng hóa đã có hơn 80.000 nhãn hiệu được bảo hộ. Chỉ có chủ văn bằng mới có thể là người phát hiện sớm nhất các hành vi vi phạm. Hơn nữa chính chủ văn bằng là người trực tiếp bị thiệt hại nặng nề nhất khi có hành vi xâm phạm. Sự tham gia của chủ văn bằng thể hiện ở chỗ theo dõi, phát hiện các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm cho các cơ quan có thẩm quyền. Quyền sở hữu công nghiệp của một số doanh nghiệp như công ty Công ty Coca - Cola, Liên doanh nước khoáng Long An, Công ty K - C Vina Thai... bước đầu được bảo hộ một cách hữu hiệu chính là nhờ sự cộng tác chặt chẽ của chủ sở hữu văn bằng với các cơ quan chức năng.

Nhiều doanh nghiệp như Công ty liên doanh P&G, xí nghiệp nước chấm Nam Dương, bột ngọt AJINOMOTO, nhựa Sài Gòn, may Việt Tiến... đã tốn nhiều công sức, tiền của vào việc chống hàng giả, và đã có kết quả nhất định.

Sau đây là kinh nghiệm của Công ty may Việt Tiến trong chống hàng giả:

- Thường xuyên kiểm tra mạng lưới bán hàng, phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, phát hiện, điều tra cửa hàng giả, sản phẩm giả;

- Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo đặc điểm sản phẩm Việt Tiến với người tiêu dùng để phân biệt hàng thật, hàng giả;

- Niêm yết rõ và quản lý chặt các đại lý chính thức của Công ty Việt Tiến tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng;

- Kiên quyết giữ vững chất lượng và uy tín sản phẩm.

Nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động phòng chống hàng giả bằng biện pháp:

- Dán tem chống hàng giả. Sự ra đời của một số doanh nghiệp làm tem, nhãn hàng đặc biệt đáp ứng cho các doanh nghiệp chống hàng giả. Ví dụ Công ty liên doanh Nam Liên và tập đoàn AOT.

- Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

- Cải tiến mẫu mã hàng hóa;

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Hiện nay, các doanh nghiệp có ý tưởng về việc thành lập Hiệp hội quyền sở hữu công nghiệp;

5. Trong việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, các nghệ sỹ cũng phải tự tìm biện pháp bảo vệ.

Hội nhạc sỹ Việt Nam có ý tưởng thành lập Hiệp hội bản quyền âm nhạc và Hiệp hội ghi âm để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sỹ.

 

 

 

 



[1] Lịch sử triết học tập I, Nxb Tư tưởng văn hóa. Hà Nội 1992, trang 19.

[2] Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam. Tập III. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2001, tr280, 281.

[3] World Intellectual Property Organisation

[4] Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự. Viện NCKH Pháp lý - Bộ Tư pháp. Nxb Chính trị quốc gia. H 1997,  trang 316.

[5] Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam. Tập III. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội 2001, trang 212.

[6] Điều 6 (bis) Công ước Berne - Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục Bản quyền tác giả. H, 1997, trang 150.

[7]  Công ước Berne - Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục Bản quyền tác giả. H, 1997, trang 147.

[8] Đại từ điển tiếng Việt - Nxb Văn hóa Thông tin - TP HCM. 1999, trang 454, 1341).

[9] Đại từ điển tiếng Việt - Nxb Văn hóa Thông tin - TP HCM. 1999, trang 1753.

([10]) UPOV là chữ viết tắt của Hiệp hội quốc tế bảo vệ giống thực vật mới. Công ước UPOV 1991 có hiệu lực ngày 24-4-1998.

([11]) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 (Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

([12]) Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 (Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

([13]) Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 (Báo cáo của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

1 LÞch sö  triÕt häc tËp 1 - Nhµ xuÊt b¶n t­ t­ëng v¨n ho¸.  Hµ néi 1992,  trang 19

[14] Tham luËn t¹i Héi th¶o WIPO - Quèc gia vÒ së h÷u trÝ tuÖ vµ HiÖp ®Þnh TRIPS  cho c¸c Doanh nghiÖp võa vµ nhá - T¸c gi¶ Bïi Quang Lanh - Phã gi¸m ®èc C«ng ty Ph©n l©n nung ch¶y V¨n §iÓn.

1 B¸o tin tøc, Thø n¨m  ngµy 15 th¸ng 6 n¨m 2000, tTrang 6

1 Sè liÖu thèng kª vÒ ho¹t ®éng së h÷u c«ng nghiÖp 1999. Côc së h÷u c«ng nghiÖp  trang 35

1 §iÒu lÖ ®­îc söa ®æi bæ sung theo NghÞ ®Þnh sè 84-H§BT  ngµy 20-3-1990 cña Héi ®ång Bé tr­ëng.

2           n t

3 §iÒu lÖ söa ®æi bæ sung theo NghÞ ®Þnh sè 84 H§BT ngµy 20-3-1990 cña Héi ®ång Bé tr­ëng

4            nt

1 §iÒu 12,kho¶n 1 NghÞ ®Þnh 60/CP ngµy 6-6-1997 h­íng dÉn thùc hiÖn c¸c quy ®Þnh cña Bé luËt d©n sù   vÒ quan hÖ d©n sù cã yÕu tè n­íc ngoµi 

  2 §iÒu 12 NghÞ ®Þnh 60/CP ngµy 6-6-1997 h­íng dÉn thùc hiÖn c¸c quy ®Þnh cña Bé luËt d©n sù vÒ quan hÖ d©n sù cã yÕu tè n­íc ngoµi

1 TrÝch diÔn v¨n cña «ng TrÇn ViÖt Hïng-Côc phã Côc së h÷u c«ng nghiÖp tai héi th¶o vÒ thùc thi quyÒn së h÷u c«ng nghiÖp  (ngµy 24; 25-6-1998 tai thµnh phè Hå ChÝ Minh)

1 Bé luËt h×nh sù n­íc céng hoµ x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam ®­îc Quèc héi th«ng qua ngµy 21-12-1999 b¾t ®Çu cã hiÖu lùc tõ ngµy 1-7-2000

2 Sè liÖu thèng kª vÒ ho¹t ®éng Së h÷u c«ng nghiÖp 1999-Trang 41

1 §iÒu 3, kho¶n 3 cña C«ng ­íc BÐc –N¬

1 TrÝch tê tr×nh sè 9 /ttr-BVHTT ngµy 11-11-1999 tr×nh ChÝnh phñ vÒ viÖc gia nhËp C«ng ­íc Berne

[15] Trích Bản tin trên mạng VNN của Công ty Phát triển Phần mềm (VASC) ngày 28-2-2001.

 

[16] Điều 6 (bis) Công ước Berne - Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục Bản quyền tác giả. H, 1997, trang 150.

[17]  Công ước Berne - Các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả. Cục Bản quyền tác giả. H, 1997, trang 147.

[18] Đại từ điển tiếng Việt - Nxb Văn hóa Thông tin - TP HCM. 1999, trang 454, 1341).

[19] Đại từ điển tiếng Việt - Nxb Văn hóa Thông tin - TP HCM. 1999, trang 1753.

[20] Báo Công nghiệp số ra ngày 15-10-1999.

[21] Theo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ướng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội IX. Báo Nhân dân số ra ngày 20-4-2001.

[22] Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ướng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội IX. Báo Nhân dân số ra ngày 20-4-2001

4 Đây là sửa đổi mới nhất của Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Viẹt nam tham gia 6-4-1981.

6 Xem  báo Nhân dân số ra ngày 20 tháng 4 năm 2001.

7 Xem  báo Nhân dân số ra ngày 21 tháng 4 năm 2001.

10 Hoạt động sở hữu công nghiệp 1999, Thông tin của Cục sở hữu công nghiệp, trang 27.

11 Tập trung vào lĩnh vục hoá học, luyện kim, quy trình công nghệ và giao thông vận tải, điện.

12 Chủ yếu các sản phẩm dược, thú y, vệ sinh, các chất tẩy rửa, xà phòng, mỹ phẩm, kem đánh răng, chè, ca cao, cà phê, thiết bị dụng cụ khoa học, hàng hải, trắc địa, nhiếp ảnh, điện ảnh…

13 Một số người cho rằng khi các phim hoạt hình của Việt Nam được đưa vào CD ROM để dùng cho máy vi tính, thì việc bảo hộ sáng chế (đối với phần mềm trong bản thân CD ROM) cũng được đặt ra.

 

[23] Hµ LuyÖn Hång- T¹p chÝ ph¸p luËt vµ th­¬ng m¹i Trung Quèc sè 3/2001

 

 Tham kh¶o §iÒu 87 LuËt quyÒn t¸c gi¶ cña Anh n¨m 1988

‚ Tham kh¶o §iÒu 106A "LuËt quyÒn t¸c gi¶ cña Mü"

 Tham kh¶o §iÒu 28, 29, 64 "LuËt quyÒn t¸c gi¶ §øc"

‚ Tham kh¶o §iÒu L121-1 "Bé luËt quyÒn së h÷u trÝ tuÖ cña Ph¸p"


Page: 28
 [MSOffice1]

 

File đính kèm downloadTải về