• Thuộc tính
Tên đề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tổ chức quản lý về bảo vệ môi trường và giải quyết tranh chấp môi trường
Nội dung tóm tắt

I. XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU

1. Xu thế phát triển của thế giới và các tác động đến Việt Nam

1.1. Toàn cầu hoá

Xem xét cuộc thảo luận về bản chất của toàn cầu hoá và ở các khía cạnh khác nhau, đề tài đã đưa ra các quan điểm về toàn cầu hoá của một số tác giả, phần nào có những điểm tương đồng với định nghĩa của IMF về toàn cầu hoá: “Toàn cầu hoá là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa tất cả các nước trên thế giới, là kết quả của sự gia tăng về khối lượng và dạng thức các luồng trao đổi hàng hoá và dịch vụ qua biên giới và các luồng di chuyển vốn trên trường quốc tế, đồng thời với sự phổ biến công nghệ nhanh chóng và rộng khắp”.

Từ việc phân tích bản chất, đặc điểm và nguyên nhân, xu hướng của toàn cầu hoá, các tác giả cho rằng toàn cầu hoá đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị… Đó là một quá trình có tác động hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực có thể gắn với cơ hội, mặt tiêu cực gắn với thách thức.

Mặt tích cực - cơ hội: thể hiện ở các điểm sau đây::

- Toàn cầu hoá đem lại những thành quả về mọi mặt cho thế giới do sự tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, do sự phổ dụng, truyền bá và chuyển giao các thành tựu của cuộc cách mạng tin học, cách mạng sinh học trên quy mô toàn cầu.

- Toàn cầu hoá tạo cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh. Nó khai thông giao lưu và mang lại những nguồn lực rất quan trọng cho các nước đang phát triển: thu hút các nguồn vốn vật chất, nguồn vốn tri thức và kinh nghiệm.

- Toàn cầu hoá tạo cơ hội cho các quốc gia mở cửa, các dân tộc xích lại gần nhau hơn, hiểu biết lẫn nhau hơn, tương thuộc lẫn nhau hơn, đẩy mạnh hợp tác giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, giữa các châu lục.

- Toàn cầu hoá tạo ra các hính thức tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục của quốc tế và khu vực, và hình thành luật pháp quốc tế để giải quyết những vấn đề chung toàn cầu về dân số, môi trường, lương thực, y tế, sức khoẻ, an ninh và an toàn xã hội…

* Mặt tiêu cực - thách thức: thể hiện ở các điểm sau đây:

- Toàn cầu hoá làm cho sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, làm trầm trọng thêm những bất công xã hội, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo. Toàn cầu hoá đem lại nhiều tai hoạ cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân khác.

- Những chấn động của hệ thống kinh tế toàn cầu ở các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, nguyên - nhiên liệu đã làm cho mọi mặt hoạt động và đời sống của con người kém an toàn, gây thảm hoạ môi trường, nhiễu loạn thông tin.

- Toàn cầu hoá có phần thu hẹp quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của các quốc gia, làm xói mòn chủ quyền quốc gia. Thậm chí an ninh quốc gia một nước có thể bị tổn thương nếu chính sách của nhà nước đó có sai lầm, có thể gây nên tranh chấp, xung đột.

- Toàn cầu hoá đặt các nước đang phát triển trước những thách thức do thực trạng thế lực của các nước này yếu hơn hẳn các nước phát triển.

- Toàn cầu  hoá tạo ra các hình thức tổ chức tội phạm maphia, ma tuý, mại dâm, buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em, kèm theo hoạt động của các tổ chức khủng bố và các tệ nạn xã hội.

1.2. Xu thế vận động mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại là sự biến đổi tận gốc lực lượng sản xuất của xã hội hiện đại, được thực hiện với vai trò dẫn đường của khoa học trong toàn bộ chu trình: "Khoa học - công nghệ - sản xuất - con người - môi trường". Trong đó, có thể thấy được một số đặc điểm lớn sau:

Một là, sự vượt lên trước của khoa học so với kỹ thuật và công nghệ trong quá trình diễn ra đồng thời cuộc cách mạng khoa học và cách mạng công nghệ, đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật - công nghệ. Ngược lại, sự tiến bộ đó lại thúc đây khoa học phát triển nhanh hơn nữa và đưa khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Hai là, các yếu tố riêng biệt của quá trình sản xuất được kết hợp hữu cơ với nhau và được kết nối thành một hệ thống liên kết mạng trên quy mô quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện xuất hiện các hệ thống công nghệ mới về nguyên tắc (cách mạng công nghệ).

Ba là, hầu hết các chức năng lao động dần dần được thay thế từ thấp lên cao (từ lao động chân tay sang lao động trí tuệ) trong quá trình thay đổi về chất của quá trình sản xuất đến đến sự thay đổi về căn bản vai trò của con người trong sản xuất, từ chỗ bị lệ thuộc và bị trói chặt (quan hệ một chiều) vào quá trình sản xuất tiến lên làm chủ và chi phối lại quá trình sản xuất (quan hệ hai chiều).

Bốn là, tạo một bước ngoặt trong toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả của nền sản xuất xã hội, cũng như tác động một cách sâu sắc và toàn diện tới các quan hệ kinh tế đối ngoại và mọi lĩnh vực đời sống xã hội khiến phân công lao động xã hội trong phạm vi quốc gia và quốc tế ngày càng mở rộng, quan hệ san xuất ngày càng tiến bộ.

2. Các vấn đề môi trường toàn cầu và khu vực

2.1. Môi trường toàn cầu

Tại mục này, các tác giả đề cập đến một số hiện tượng xấu về môi trường toàn cầu hiện nay. Đó là:

a) Hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ôzôn

"Hiệu ứng nhà kính" làm thay đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái của nhiều khu vực rộng lớn, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trách nhiệm chính gây ra "hiệu ứng nhà kính", làm biến đổi khí hậu, thuộc về các nước phát triển và các nước sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến mực nước biển dâng cao, tăng tần suất và cường độ xảy ra hiện tượng El-nino, La-nina, làm gia tăng mưa bão, ngập lụt và hạn hán nghiêm trọng ở một số vùng trên thế giới. Ở nước ta, các sự kiện như lũ lụt năm 1997 ở đồng bằng sông Cửu Long, trận lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999, các vụ cháy rừng liên tiếp xẩy ra gần đây v.v.. là những minh chứng rõ ràng cho thấy tác hại của các hiện tượng nêu trên ngày càng gia tăng. Tầng Ôzôn đang bị suy giảm nhanh, trực tiếp gây tác hại đến sức khoẻ con người và các loài sinh vật trên trái đất.

b) Mưa a-xít

Mưa a-xít là do khí thải có chứa SO2, NOx và một số hoá chất khác từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo báo cáo của mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, ở một số nơi trong nước có dấu hiệu mưa axít mà nguyên nhân là do ô nhiễm xuyên biên giới và đang có chiều hướng tăng lên.

c) Ô nhiễm biển và đại dương

Theo số liệu thống kê năm 2000, tổng lượng chất phóng xạ có trong đại dương tăng nhiều lần so với năm 1970, trong đó các chất phóng xạ tăng lên hơn 100 lần. Lượng dầu do đắm tàu, va chạm tàu, rò rỉ trong vận chuyển và phun ra từ các giếng khai thác của toàn thế giới vào các đại dương vào khoảng 5 - 10 triệu tấn/năm, lượng dầu do các xí nghiệp công nghiệp thải ra từ 3 - 5 triệu tấn/năm. Các hợp chất hữu cơ, kim loại nặng, các nguồn chất thải từ đất liền đổ ra biển và đại dương gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

d) Dịch chuyển ô nhiễm

Theo tài liệu về qui hoạch môi trường của Liên Hợp Quốc mỗi năm toàn cầu sản sinh ra khoảng 500 triệu tấn chất thải nguy hại, trong đó 98% là từ các nước phát triển. Việc chuyển giao công nghệ lạc hậu và dịch chuyển chất thải dưới nhiều hình thức khác nhau từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển là một thực tế đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường nước ta.

2.2. Môi trường khu vực

a) Lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng

Đồng bằng Cửu Long, hạ lưu của sông Mê Kông, con sông chảy qua 5 nước trước khi vào lãnh thổ nước ta. Đây là vùng đồng bằng sản xuất ra 40% sản lượng lương thực của cả nước. Bất kỳ một hoạt động nào trên thượng lưu, từ các nước ở thượng nguồn con sông, đều tác động trực tiếp đến môi trường và các hệ sinh thái của nước ta.

 Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy ra vịnh Bắc Bộ, do đó các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường ở nước bạn đều có ảnh hưởng đến đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Bắc, vùng đông dân nhất của nước ta.

b) Môi trường của các vùng rừng chung biên giới

Vùng rừng biên giới có nghĩa rất quan trọng về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và điều hoà nguồn nước đối với nước ta. Khai thác gỗ bất hợp pháp, không kiểm soát được, nạn đốt phá rừng, đang gây ra những thảm họa to lớn. Vấn đề khói mù xuyên biên giới đang trở nên bức xúc đối với khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trong các vùng có chung biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, đang làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ra huỷ hoại môi trường chung của nước ta và các nước láng giềng.

II. TỔNG QUAN VỀ LUẬT PHÁP MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

1. Sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật môi trường quốc tế

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, các vấn đề liên quan đến các tài nguyên thiên nhiên và môi trường đã được giải quyết trên quy mô quốc tế, mặc dù vào thời điểm này khái niệm “môi trường“ rất ít được sử dụng. Cộng đồng quốc tế đó ghi nhận sự liên đới phụ thuộc giữa các lĩnh vực môi trường khác nhau. Sự ô nhiễm biển có thể làm ảnh hưởng tới các vùng duyên hải, ô nhiễm khí quyển gây tác hại cho đất và gây nguy hiểm cho rừng và các công trình xây dựng. Ô nhiễm nước, không khí và đất đều đe doạ động thực vật hoang dã... Sự tương tác liên đới này có tác động rõ rệt đến quy mô toàn cầu và vì vậy, các công ước quốc tế về môi trường lần lượt ra đời. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực quốc tế hoá công tác bảo vệ môi trường. Các yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm về mặt môi trường cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Năm 1972, đánh dấu một sự kiện lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường - Con người đã họp tại Stockholm, Thuỵ Điển từ ngày 5 đến ngày 16/6/1972 với sự tham gia của 113 quốc gia. Hội nghị thừa nhận sự xuống cấp của môi trường toàn cầu và khẳng định nhu cầu cần có một quan điểm chung và những nguyên tắc chung để hướng mọi dân tộc trên thế giới vào quá trình gìn giữ và làm tốt đẹp hơn môi trường sống của con người.

Tròn 20 năm sau ngày Hội nghị Môi trường thế giới lần thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển đã được nhóm họp từ ngày 03 đến ngày 16/6/1992 tại Rio de Janeiro, Brasil với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ hơn 170 nước trên thế giới. Tại Hội nghị này, đã có 06 văn kiện quốc tế quan trọng được ký kết và nhiều công ước quốc tế cũng đã ra đời sau đó1.

Tuy nhiên, trong vòng 10 năm kể từ Rio - 92, môi trường toàn cầu tiếp tục bị xuống cấp, các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị huỷ hoại. Liên Hợp Quốc đã quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg, Cộng hoà Nam Phi vào tháng 11/2002, với tên gọi là “Phát triển bền vững”, Liên Hợp Quốc muốn các quốc gia nhìn nhận và cam kết đúng đắn hơn về sự phát triển bền vững của thế giới như là một xu thế và mục tiêu tất yếu cho mọi con đường phát triển. Tại Hội nghị, các nước khẳng định những nguyên tắc cơ bản về phát triển bền vững thông qua bản Tuyên bố Chính trị. Tuyên bố đã khẳng định cam kết của các nước đối với phát triển bền vững, trách nhiệm chung xây dựng 3 trụ cột của phát triển bền vững là: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội ở các cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu; khẳng định giá trị của Chương trình nghị sự 21 đã được thông qua ở Hội nghị Rio nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Tuyên bố cũng xác nhận rằng vấn đề xoá đói giảm nghèo, thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ không bền vững, bảo vệ và quản lý hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay là nền tảng cho sự sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua Hội nghị Phát triển bền vững tại Johannesburg 2002, xu thế phát triển thế giới có một số đặt trưng sau: (i) Rũ bỏ kiểu phát triển dập khuôn: Mô hình phát triển của phương Bắc đã lỗi thời về mặt lịch sử; (ii) Thu hẹp khoảng cách sinh thái của các nước giàu và nghèo; (iii) Đảm bảo các quyền mưu sinh; (iv) Bước nhảy vọt sang kỷ nguyên năng lượng mặt trời.

2. Hệ thống luật pháp và cơ cấu tổ chức về bảo vệ môi trường ở cấp độ toàn cầu và khu vực

2.1. Hệ thống luật pháp

Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên phạm vi toàn thế giới có thể chia thành 4 cấp:

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp toàn cầu: bao gồm các tuyên bố tại các Hội nghị về môi trường cấp toàn cầu, các công ước quốc tế.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp khu vực: bao gồm các Hiệp định song phương và đa phương về bảo vệ môi trường.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp quốc gia : bao gồm các Hiến pháp, luật, sắc lệnh, quyết định, thông tư về bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia riêng biệt.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường của các cộng đồng , địa phương: Hệ thống này bao gồm các quy định, thể chế có nguồn gốc lâu đời , tuỳ theo tín ngưỡng, văn hoá, lối sống của mỗi cộng đồng, của mỗi địa phương.

2.2. Cơ cấu tổ chức

Những vấn đề môi trường toàn cầu được Liên Hợp Quốc đặc biệt quan tâm. Tại Liên Hợp Quốc có Uỷ ban về Môi trường và Phát triển chịu trách nhiệm tạo ra sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới và điều phối công tác bảo vệ môi trường trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hợp Quốc.

Những vấn đề môi trường khu vực được điều phối bởi những tổ chức quốc tế đa phương và song phương khác nhau (Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO), Tổ chức tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, v.v..).

Trong phạm vi khu vực các quốc gia Đông Nam Á, đã thành lập tổ chức các quan chức cao cấp về môi trường (ASOEN) có nhiệm vụ điều phối quá trình hợp tác giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giúp việc cho ASOEN có 06 nhóm công tác, bao gồm: (i) Nhóm công tác các công ước đa phương về môi trường; (ii) Nhóm công tác kỹ thuật về khói mù; (iii) Nhóm công tác các thành phố bền vững về môi trường; (iv) Nhóm công tác quản lý tài nguyên nước; (v) Nhóm công tác bảo tồn đa dạng sinh học; (vi) Nhóm công tác môi trường biển và đới bờ.

3. Tiến trình cam kết thực hiện phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu của Việt Nam

Ngay từ năm 1986, Chiến lược bảo tồn quốc gia đã được soạn thảo, và 5 năm sau, vào năm 1991 Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000 (NPESD), trước khi Hội nghị Rio diễn ra. Năm 1992, Báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị Môi trường và Phát triển bền vững Rio de Janeizro đã thể hiện những cam kết phát triển bền vững đất nước. Năm năm sau, tại Hội nghị Rio + 5 ở New York, báo cáo của Việt Nam đã đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chương trình hành động 21, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách chính sách vững chắc. Năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững Johannesburg, Việt Nam đã tham gia đầy đủ vào các hoạt động của hội nghị, tiếp tục cam kết phát triẻn bền vững đất nước, tích cực góp phần vào sự nghiệp kiến tạo một thế giới hoà  bình, thịnh vượng, bền vững.

III. TỔNG QUAN CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Các quy định của GATT/WTO

1.1. Những vấn đề chung về GATT/WTO

Sự hình thành của thể chế thương mại quốc tế có lịch sử từ năm 1947 khi mà các nước thành viên đi đến được thoả thuận chung về thương mại và thuế quan (GATT). Từ năm 1948 đến năm 1994, đã có 8 vòng đàm phán được tổ chức trong khuôn khổ GATT nhằm hoàn thiện hệ thống thương mại toàn cầu. Vòng đàm phán cuối cùng, vòng đàm phán Uruguay kết thúc vào năm 1994. Đánh dấu sự kết thúc của vòng đàm phán này là Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trên thực tế. Các cơ quan, chức năng, nguyên tắc hoạt động và các thoả thuận cơ bản của WTO cũng được xác định.

WTO có các chức năng chính sau đây:

- Giám sát, đảm bảo thực thi các Hiệp định, thoả thuận của WTO;

- Cung cấp một diễn đàn cho các bên tiến hành đàm phán, thương lượng;

- Cung cấp một cơ chế giải quyết xung đột cho các bên.

Các chức năng của WTO đều nhằm đạt được các mục tiêu to lớn trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, và chất lượng môi trường là vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống.

1.2. Uỷ ban Thương mại và Môi trường (CTE) của WTO

Kết thúc vòng đàm phán Uruguay, đến năm 1995, Ủy ban Thương mại và Môi trường (CTE) của WTO, một cơ quan chuyên trách về các vấn đề liên quan đến thương mại và môi trường đã được thành lập. CTE bao gồm các thành viên của WTO và một số quan sát viên từ các tổ chức liên Chính phủ. CTE ra đời với chức năng thống nhất mối quan hệ giữa thương mại và môi trường để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đồng thời đưa ra những đề xuất thích hợp sửa đổi một số điều khoản của hệ thống thương mại đa phương nhằm đạt được sự hài hoà giữa thương mại và môi trường.

Chức năng cơ bản của CTE được quy định trong Hiệp định Marrakech, đó là: “Xác định các mối liên hệ giữa thương mại và môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững”. CTE đã cụ thể hoá chức năng này của mình thành một Chương trình hành động gồm 10 điểm. Chương trình hành động này được xây dựng phục vụ cho các cuộc thảo luận nhằm đi đến những sửa đôỉ, bổ sung cần thiết đối với hệ thống các quy định của GATT/WTO.

1.3. Những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường trong các thỏa thuận của GATT/WTO

Vấn đề môi trường chiếm vị trí khá quan trọng trong các quy định của  GATT/WTO. Điều này đã thể hiện khá rõ ngay trong lời nói đầu của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO: "...Mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường và nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó...".

Trong hệ thống các văn kiện, thoả thuận, hiệp định của GATT/WTO, có một số quy định liên quan trực tiếp tới vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế. Trong số đó, đáng kể nhất là các Điều I và Điều III của GATT về sự không phân biệt đối xử, cũng như các mục cụ thể của Điều XX (GATT) về những ngoại lệ chung. Ngoài ra, vấn đề về môi trường được đưa ra trong các hiệp định khác, ví dụ như: Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định nông nghiệp, Hiệp định về các rào cản kỹ thuật (TBT), Hiệp định về vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS).v.v.. Các điều khoản GATT/WTO liên quan đến các vấn đề thương mại và môi trường được trình bày cụ thể dưới đây.

a) Quy tắc không phân biệt đối xử

Quy tắc không phân biệt có hai phần: Quy chế tối huệ quốc (MFN) được nêu tại Điều I và chính sách đãi ngộ quốc gia (NT) tại Điều III của GATT. Theo điều I của GATT, các thành viên WTO phải dành các ưu đãi như nhau đối với các sản phẩm như nhau được sản xuất từ các nước khác nhau đều là thành viên của GATT/WTO. Quy chế tối huệ quốc đảm bảo rằng, các nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế kém phát triển có thể nhận được những điều kiện thuận lợi hơn. Phần thứ hai của các điều kiện không phân biệt đối xử là chính sách đãi ngộ quốc gia. Điều này của GATT quy định rằng nếu một sản phẩm được tham gia vào thị trường của một nước nào đó thì chúng phải được đối xử một cách bình đẳng so với sản phẩm hàng hoá cùng loại được sản xuất trong nội địa của nước nhập khẩu.

b) Ngoại lệ đối với việc áp dụng các quy định của GATT/WTO

Trong cuộc đàm phán đầu năm 1947, điều XX của GATT đã đưa ra một số trường hợp đặc biệt của các bên tham gia GATT, hoặc những thành viên WTO sau này có thể được miễn thực hiện một số quy định của GATT/WTO trong các trường hợp cụ thể. Trong số các trường hợp được loại trừ từ những quy định của GATT/WTO có hai trường hợp liên quan đến bảo vệ môi trường: “...(b) Cần thiết để bảo vệ cuộc sống của con người, động thực vật và bảo vệ sức khỏe; (g) Liên quan đến việc bảo tồn những nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu những giải pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước".

c) Ngoại lệ chung trong hiệp định thương mại dịch vụ (GATS)

Tại vòng đàm phán Uruguay, GATS có một điều khoản về những ngoại lệ chung trong điều XIV, tương tự như ở Điều XX của GATT khi giải quyết các vấn đề môi trường. Theo quy định này các thành viên cũng được áp dụng những giải pháp ngoại lệ đối với thương mại dịch vụ nếu điều này "cần thiết cho việc bảo vệ con người, động thực vật hoặc sức khoẻ" (cũng giống như Điều XX (b) của GATT). Tuy nhiên, điều này cũng không được gây ra sự phân biệt và không tạo ra những hạn chế đối với thương mại quốc tế.

d) Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)

Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) có chứa đựng các biện pháp có thể làm xuất hiện các rào cản phi thuế quan đối với hàng hoá. Các biện pháp này bao gồm cả việc đặt ra các tiêu chuẩn mà hàng hoá cần phải đáp ứng để được phép xuất nhập khẩu và cả các tiêu chuẩn về môi trường, sức khoẻ, lao động mà một sản phẩm cần phải đáp ứng trong suốt vòng đời của nó, ví dụ các sản phẩm chế tạo từ gỗ rừng bắt buộc phải được khai thác từ những khu rừng mà việc quản lý khai thác đảm bảo tính bền vững.

e) Những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS)

Hiệp định về những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS) khẳng định quyền của một thành viên được thông qua hoặc thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, động vật và thực vật, với yêu cầu là những biện pháp này không được áp dụng để tạo ra sự phân biệt giữa các thành viên có cùng điều kiện thuận lợi như nhau để dẫn tới sự hạn chế thương mại quốc tế. Theo Hiệp định SPS, các biện pháp áp dụng phải dựa trên những nguyên tắc khoa học và chúng không được duy trì nếu không có chứng cứ khoa học đích thực. Hơn nữa các biện pháp đó phải dựa trên những tiêu chuẩn, hướng dẫn và những khuyến cáo quốc tế nếu có. Ngoài ra, Hiệp định SPS còn hướng dẫn cách bảo vệ khỏi những rủi ro do việc sử dụng các chất phụ gia, các chất bị ô nhiễm, các độc tố gây nên sự nhiễm bệnh trong lương thực, thực phẩm và đồ uống cũng như việc ngăn ngừa sự lan truyền của vi khuẩn.     

f) Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS)

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) tại vòng đàm phán Uruguay khuyến khích các nghiên cứu, sáng tạo và tạo ra cơ hội tốt hơn cho việc tiếp cận các công nghệ mới, trong đó có các công nghệ về môi trường cho tất cả các nước trên thế giới. TRIPS đã xem xét các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại với mục đích giảm bớt những trở ngại trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đề cập đến một số đối tượng mà các thành viên cần chú ý khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.

g) Trợ cấp và các biện pháp đối kháng           

Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng được áp dụng với các lĩnh vực phi nông nghiệp. Hiệp định chia trợ cấp thành 3 loại: 1. Trợ cấp bị cấm hoàn toàn  và có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng do các nước khác áp dụng; 2. Trợ cấp không bị cấm nhưng cũng có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng; 3. Trợ cấp không bị cấm và do đó không phải là đối tượng của các biện pháp đối kháng.

h) Nông nghiệp

Hiệp định về nông nghiệp được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở cho việc tiến hành cải cách các chính sách trong nước liên quan đến nông nghiệp và thương mại nông sản. Hiệp định thúc đẩy định hướng thị trường đối với thương mại nông sản với việc đưa ra các cam kết về tiếp cận thị trường, hỗ trợ nội địa và cạnh tranh trong xuất khẩu. Trong phần mở đầu Hiệp định này đã khẳng định sự cam kết các thành viên trong việc cải cách nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường: “Ghi nhận rằng các bên cam kết trong chương trình cải cách cần đạt được... nhu cầu bảo vệ môi trường...”

i) Các nội dung có liên quan khác

Tại vòng đàm phán Uruguay, hai quyết định cấp Bộ trưởng có liên quan đến thương mại và môi trường đã được thông qua. Quyết định về thương mại và môi trường với mục đích đưa ra các chính sách để tương trợ lẫn nhau về thương mại và môi trường quốc tế và Quyết định về thương mại dịch vụ và môi trường nhằm sửa đổi Điều XIV của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) khi thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường mà các biện pháp này có thể trái với quy định của Hiệp định.

1.4. Đánh giá tổng quan về thuận lợi, khó khăn đối với các nước đang phát triển trong việc thực thi các quy định có liên quan đến môi trường của WTO

Tình trạng đặc biệt của những nước đang phát triển và nhu cầu để giúp đỡ họ trong quá trình phát triển kinh tế được thừa nhận trong WTO. Các thành viên WTO có thể tin tưởng rằng việc cải tiến chính sách hợp tác theo chuẩn mực quốc gia giữa chính sách về thương mại và môi trường có thể góp phần vào việc loại bỏ những mâu thuẫn theo chuẩn mực quốc tế về thương mại và môi trường. Các yêu cầu về môi trường trong khuôn khổ của WTO, đặc biệt là các quy định của Hiệp định TBT có thể làm xuất hiện những khó khăn đối với các nước đang phát triển trong việc tìm kiếm và thâm nhập thị trường nước ngoài. Đó là:

- Các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn có thể tác động đến việc thâm nhập của các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật và thủ tục về môi trường.

- Các yêu cầu về bao bì đóng gói cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước kém phát triển do sử dụng bao bì không đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường hoặc không tái sử dụng được tại nước nhập khẩu.

- Chương trình nhãn sinh thái, cả tự nguyện và bắt buộc có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước đang phát triển tới thị trường các nước phát triển.

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất và chế biến (PPM) có thể ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển cũng được hưởng các biện pháp đối xử đặc biệt, chủ yếu là họ được kéo dài thời gian để đáp ứng các đòi hỏi của TBT. Các quốc gia này không được thực hiện một lịch trình riêng để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước OECD.

2. Các quy định của Liên minh châu Âu (EU)

2.1. Sơ lược về sự hình thành và hệ thống quy định về môi trường của Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu là một tổ chức quốc tế có tính thống nhất cao nhất. Nó là sản phẩm của hơn 40 năm cố gắng hợp nhất về kinh tế và chính trị của các quốc gia thành viên. EU có hai công cụ pháp lý chủ yếu là quy định và chỉ thị. Các quy định sẽ có hiệu lực trực tiếp trên toàn bộ lãnh thổ của EU và thường được sử dụng cho các vấn đề về kỹ thuật mà EU là thể chế duy nhất có thẩm quyền. Cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, EU là một trong những thành viên quan trọng nhất của WTO. Chính vì vậy, các quy định của WTO được EU thừa nhận và áp dụng trên lãnh thổ của toàn bộ khối.

Bên cạnh đó, EU có những yêu cầu khác về môi trường trong việc nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ vào khối mình, chủ yếu là các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn hàng hoá, tiêu chuẩn của quá trình sản xuất (PPM). Trong đa phần các trường hợp, các yêu cầu này chặt chẽ hơn so với quy định của WTO.

2.2. Những quy định chung của EU liên quan đến môi trường

Năm 1972, châu Âu đã thông qua một Hiệp định có lồng ghép vấn đề môi trường một cách tổng thể bằng cách chỉ rõ rằng không chỉ nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế về mặt số lượng mà cần phải đảm bảo đồng thời việc cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường. Mục tiêu tổng thể của Liên minh châu Âu như sau: "Phát triển bền vững" phải được xem là một nhiệm vụ đã được xác định một cách rõ ràng của Liên minh châu Âu. Một trong những mục tiêu của Liên minh châu Âu là: "Nhằm thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và xã hội một cách cân bằng và bền vững..." (mục 1, Điều b); "Nhiệm vụ" của khối liên minh châu Âu đó là (mục 2, Điều 2): "Nhằm thúc đẩy... một tiến trình phát triển hài hoà và cân bằng của các hoạt động kinh tế, phát triển bền vững và không làm suy thoái môi trường...".

Vào năm 1987 đã xuất hiện một bước đột phá khi châu Âu thông qua một Quy định riêng nhằm bổ sung và sửa đổi bản Hiệp định Rome. Ngoài mục đích đã được xác định là xây dựng châu Âu thành một thị trường chung thống nhất vào năm 1993, quy định này đã đưa ra cơ sở pháp lý cho một chính sách môi trường chung với 5 điều khoản mới về môi trường: 100A-B và 130 R-S-T. Những điều khoản này có thể đóng vai trò như một cơ sở, nền móng độc lập đối với chính sách môi trường của các nước châu Âu. Những điều khoản này được diễn giải và trình bày thành từng phần riêng biệt trong mục VII, Hiệp định của Liên minh châu Âu.

2.3. Sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường

Đối với các biện pháp đơn phương từ các quốc gia thành viên, có một sự phân biệt việc nhập khẩu từ quốc gia thành viên và việc nhập khẩu từ các quốc gia không nằm trong khối liên minh. Chính sách nhập khẩu của các quốc gia thành viên tuân theo các quy định chung của Liên minh châu Âu. Trong một phạm vi giới hạn, các biện pháp thương mại bổ sung là mang tính hợp pháp trong trường hợp một quốc gia đưa ra những quy định hàng hoá khác. Điều này cũng cho phép các quốc gia áp dụng các biện pháp thương mại đối với việc nhập khẩu từ những quốc gia không nằm trong khối liên minh nhằm mục đích bảo vệ con người, bảo vệ động thực vật và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Việc hình thành tiêu chuẩn này bắt nguồn trực tiếp từ quy định của tổ chức WTO.

2.4. Các chính sách liên quan đến sản phẩm của Liên minh châu Âu

Châu Âu có thể ban hành các chỉ thị và các quy định. Các chỉ thị được thực hiện thông các quy định pháp luật quốc gia của các nước thành viên; trong khi đó các quy định lại mang tính bắt buộc trực tiếp.

a) Hệ thống các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường

Hệ thống quản lý và kiểm toán môi trường của châu Âu (EMAS) bao gồm một danh mục đầy đủ về các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường cần được xem xét. Chúng bao gồm những hoạt động xả thải vào không khí; hoạt động xả thải vào nguồn nước hoặc hệ thống thoát nước; xả thải chất thải rắn, các chất thải khác, xả thải vào đất, tiếng ồn, các loại mùi, bụi, rung động và các tác động tới thị giác. Đã có nhiều ý kiến, đặc biệt là từ phía Mỹ cho rằng tính nghiêm ngặt của EMAS là gây ra những rào cản thương mại.

Ngoài ra, châu Âu đã công nhận vào đưa vào áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14000 trên lãnh thổ của mình.

b) Quy định về tiêu chuẩn của sản phẩm

Một số chỉ thị liên quan đến vấn đề môi trường đã được ban hành nhằm hạn chế việc gây tiếng ồn và giảm thiểu chất ô nhiễm không khí của động cơ, hoạt động của các nhà máy, tại các công trình xây dựng và hoạt động sinh hoạt thường ngày. Một số quy định và chỉ thị khác lại tập trung vào quá trình kinh doanh và sử dụng hoá chất như : PCBs, PCTs, Vinyl chloride, asbestos, CFCs, PCP, một số loại thuốc trừ sâu, thuỷ ngân v.v.. Hàm lượng của các chất gây độc hại cho môi trường trong sản phẩm như: xăng dầu, bột giặt, bọt chữa cháy, ắc quy đều bị hạn chế. Những đề xuất do Uỷ ban đưa ra có đề cập đến các tiêu chuẩn đối với hiệu suất năng lượng của các loại sản phẩm như các loại nồi hơi nhiệt và các loại máy làm lạnh.

c) Quy định về nghĩa vụ thông tin

Một số chỉ thị được ban hành nhằm quy định về nhãn hiệu và thông báo trên bao bì của những sản phẩm hoặc chất nguy hiểm. Chúng mô tả các thể loại thông tin hoặc các biểu tượng của những mẫu sản phẩm độc hại với dòng chữ "R&S" (rủi ro và an toàn) phải được nêu rõ cùng với các chất cụ thể. Chỉ thị của Liên minh Châu Âu đối với rác thải là bao bì quy định việc in các biểu tượng nhất định ở lô hàng đóng gói để chỉ ra khả năng tái sử dụng hoặc tái tạo.

d) Thông tin tự nguyện

Kế hoạch nhãn sinh thái của Liên minh châu Âu đã được đề xuất vào năm 1991 và năm 1992 bắt đầu được triển khai. Việc thông qua kế hoạch này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gây ra ít tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt toàn bộ quá trình sử dụng sản phẩm và để cung cấp các thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng về tác động môi trường của sản phẩm. Ngược lại với hệ thống nhãn sinh thái của Hà Lan và Công hòa liên bang Đức, nhãn hiệu của khối liên minh châu Âu không phải là một nhãn hiệu chất lượng. Tất cả các sản phẩm ngoại trừ thực phẩm, đồ uống và dược phẩm đều có thể phù hợp với việc áp dụng một nhãn sinh thái, nếu chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và tuân thủ những đòi hỏi về an toàn và sức khoẻ của Liên minh Châu Âu.

2.5. Tác động đối với các nước đang phát triển

Những yêu cầu về môi trường của các nước phát triển nói chung, EU nói riêng tiềm tàng những rào chắn phi thuế quan đối với việc nhập khẩu từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung dưới đây:

- Các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn có thể tác động đến việc thâm nhập của các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật và thủ tục về môi trường.

- Các yêu cầu về bao bì đóng gói cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước kém phát triển do sử dụng bao bì không đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường hoặc không tái sử dụng được tại nước nhập khẩu của EU;

- Chương trình nhãn sinh thái, cả tự nguyện và bắt buộc có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước đang phát triển tới thị trường EU;

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất và chế biến (PPM) có thể ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển.

- Yêu cầu của người tiêu dùng tại các nước EU đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn môi trường cao cũng là trở ngại đối với hàng hoá xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Thêm vào đó, Liên minh Châu Âu dường như đang có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp có liên quan đến môi trường trong việc nhập khẩu hàng hoá vào thị trường của khối.

3. Các quy định về môi trường và thương mại theo Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)

3.1. Sơ lược sự hình thành và vấn đề môi trường của NAFTA

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 17/11/1993 và NAFTA bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1994.

Được xem như Hiệp định thương mại "Xanh" đầu tiên, NAFTA cung cấp một chương trình nghiên cứu mang tính hướng dẫn về mối quan hệ môi trường và thương mại. Hiệp định này kêu gọi các thành viên không nên khước từ các biện pháp về môi trường, an toàn và bảo vệ sức khoẻ nhằm mục đích thu hút đầu tư. NAFTA bao gồm hàng loạt các điều khoản thương mại liên quan đến môi trường mà xét ở một vài góc độ thì nó có thể được xem là "cứng rắn hơn một chút" so với các điều khoản của GATT/WTO2.

3.2. Các điều khoản môi trường cơ bản trong NAFTA

a) Các tiêu chuẩn và các biện pháp vệ sinh, an toàn

Vấn đề về các tiêu chuẩn môi trường được đề cập ở cả hai chương, chương vệ sinh an toàn và chương về các biện pháp liên quan đến các tiêu chuẩn. Đối với các tiêu chuẩn thì nhìn chung các bên vẫn muốn duy trì quyền hạn được thiết lập các cấp độ bảo vệ mà theo họ là hợp lý. Các bên có thể đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm khắc hơn so với những chuẩn mực quốc tế.

b) Các điều khoản thương mại của các Điều ước môi trường quốc tế

NAFTA chỉ rõ rằng 03 bản điều ước (CITES, Nghị định thư Montreal và Công ước Basel) được ưu tiên thực hiện so với NAFTA (có nghĩa là không thể được giải quyết thông qua NAFTA) và cho phép các điều ước mới được bổ sung trong tương lai.

c) Đầu tư

NAFTA cho phép các quốc gia đưa ra các quy định về môi trường đối với đầu tư hướng nội mà họ cho là cần thiết miễn là những khoản đầu tư đó vẫn nhận được sự đối xử quốc gia. Tuy nhiên, NAFTA cũng chỉ rõ "một bên không nên làm ngơ hoặc coi nhẹ" các biện pháp về môi trường, y tế và sức khoẻ nhằm thu hút đầu tư.

4. Các quy định của Hoa Kỳ

4.1. Các văn bản luật có liên quan nhiều đến nhập khẩu hàng hoá

Pháp luật của Hoa Kỳ cả ở cấp liên bang và tiểu bang có rất nhiều quy định về môi trường có liên quan đến việc nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ vào thị trường Mỹ. Danh sách dưới đây đưa ra một số văn bản chính do Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (US-EPA) chịu trách nhiệm tổ chức thực thi3:

1.  Luật về ngăn ngừa ô nhiễm 1990;

2.  Luật không khí sạch

3.  Luật nước sạch

4.  Luật về nhận chìm tại biển

5.  Luật về nước sinh hoạt

6.  Luật tiêu huỷ chất thải rắn

7.  Luật về bảo tồn các khu giải trí

8.  Luật kiểm soát các chất độc hại

9.  Luật liên bang về các chất trừ sâu, nấm và côn trùng

10. Luật về kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và quyền được thông tin

11. Luật về chính sách môi trường quốc gia

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm liên bang (FDA) có vai trò quan trọng do được giao trách nhiệm tổ chức thực thi các văn bản dưới đây4:

1.  Luật về xuất nhập khẩu các chất cần kiểm soát

2.  Luật về bao bì và nhãn phù hợp

3.  Luật về kiểm tra các sản phẩm trứng

4.  Luật liên bang về nhập khẩu sữa

5.  Luật liên bang về kiểm tra sản phẩm thịt

6.  Luật về nhập khẩu chè

7.  Luật về bảo vệ chất lượng thực phẩm

Ngoài ra, còn rất nhiều các văn bản khác do US-EPA, FDA cũng như các cơ quan liên bang như Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tổ chức thực thi và rất nhiều các quy định do các tiểu bang đặt ra.

4.2. Các quy định kỹ thuật có liên quan tới môi trường của sản phẩm

Theo truyền thống, các quy định có liên quan tới môi trường của sản phẩm bao trùm lên rất nhiều loại sản phẩm: tiêu chuẩn xả của xe hơi, tiêu chuẩn về bức xạ đối với đồ gia dụng và các thiết bị y tế, quy định về vệ sinh đối với thực phẩm, yêu cầu về bao bì nhằm giảm thiểu vấn đề rác thải…

Ngoài ra, các quy định của Chính phủ về định hướng tiêu dùng một sản phẩm nào đó vì mục tiêu môi trường cũng có những ảnh hưởng đến thương mại, do đó cũng cần phải được xem xét.

4.3. Các quy định về thực phẩm

Các quy định liên quan đến thực phẩm của Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của các nước đang phát triển. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan Mỹ, các loại thực phẩm được điều tiết bởi các văn bản pháp luật đặc biệt và xếp chung nhóm với các loại hàng hoá chịu thủ tục nhập khẩu khá khắt khe là dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống có cồn, các chất phóng xạ5.

Theo báo cáo của Cơ quan kiểm toán liên bang Mỹ (GAO), trách nhiệm về đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm thuộc về Cục BVMT Mỹ (US-EPA), Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

4.4. Quy định về đóng gói và nhãn mác

Cả ở cấp tiểu bang và liên bang đều có những quy định về đóng gói, đặc biệt là đối với các vỏ lon đựng đồ uống. Chưa có nghiên cứu nào có nói đến các ảnh hưởng của những quy định này đối với việc xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển.

4.5. Sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường

Xu hướng đối với việc sử dụng hoặc đề xuất việc sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường đang gia tăng trong pháp luật của Hoa Kỳ với việc gia tăng các điều luật cho phép Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp thương mại đa phương ,hoặc đơn phương để bảo vệ môi trường, bảo vệ động thực vật không nằm trong lãnh thổ của Hoa Kỳ.

4.6. Đánh giá chung về tác động của các chính sách môi trường của Hoa Kỳ đối với việc nhập khẩu từ các nước đang phát triển

Về mặt nguyên tắc, mục đích của phần này là nhằm rà soát lại các mối quan hệ tương hỗ về thương mại và môi trường đã tác động đến các mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với các quốc gia đang phát triển. Chính bản thân mối quan hệ tương hỗ giữa thương mại với môi trường là tổng quát và trừu tượng cho công tác đánh giá. Chính vì vậy, một quá trình phân loại có tính phân tích hữu ích đã được đề xuất: các vấn đề về tiêu chuẩn liên quan đến môi trường của sản phẩm; các vấn đề liên quan đến  sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường quốc tế; chính sách mang tính định hướng tiêu dùng của Chính phủ...

5. Mối liên hệ giữa biện pháp thương mại và mục tiêu môi trường trong các Hiệp định thương mại và Hiệp định môi trường đa phương (MEAS)

Hiện nay có xu thế dùng các biện pháp thương mại để đạt được mục tiêu môi trường, đặc biệt xu thế này được các nước phát triển ủng hộ. Mục tiêu môi trường ở đây, trong đại đa phần các trường hợp lại chính là vì lợi ích thương mại. Những hiệp định về môi trường quốc tế như là Công ước Basel và Nghị định thư Montreal, cho phép sự hạn chế thương mại, hoặc cấm buôn bán đối với bên không tuân theo hoặc bên không ký kết. Việc dùng những cơ chế bắt buộc, trong các hiệp định môi trường đa phương (MEAs), làm nổi bật sự mâu thuẫn tiềm tàng với những chính sách thương mại và những nguyên tắc buôn bán công khai và tự do. Mục tiêu hoạt động của GATT/WTO là giảm thiểu những chính sách và biện pháp làm sai lệch hoặc can thiệp không hợp lệ vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc dùng những hạn chế thương mại là một phương tiện để đạt đến một mục tiêu về môi trường có thể đi ngược lại những mục tiêu nói trên. Đồng thời, những nguyên tắc buôn bán tự do có thể xung đột với những biện pháp bảo vệ môi trường, do những sự hạn chế thương mại có thể được sử dụng cho các mục tiêu môi trường khác nhau.

Một vấn đề liên quan khác là sự chi tiết hoá của các biện pháp thương mại trong các hiệp định môi trường đa phương (MEAs) cần tránh đến mức tối đa khả năng một nước lợi dụng vấn đề môi trường để tiến hành bảo hộ mậu dịch trái với tinh thần của các hiệp định, thoả thuận trong khuôn khổ GATT/WTO.

Thành viên WTO phải đối phó với những thách thức liên quan đến những hiệp định môi trường đa phương. Những thách thức lớn nhất được nêu lên để xem xét những biện pháp thương mại trong các hiệp định môi trường đa phương đối với các điều khoản của WTO là :

- Việc một nước sử dụng các biện pháp thương mại để bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường ngoài lãnh thổ nước đó.

- Những biện pháp buôn bán riêng rẽ với các nước không phải là thành viên của các hiệp định môi trường đa phương.    

Các biện pháp thương mại trong một số trường hợp nhất định là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự lạm dụng công cụ kinh tế này một cách thái quá sẽ gây ra sự cản trở trong thương mại và do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là phải kết hợp một cách hài hòa giữa tự do hóa thương mại với bảo vệ môi trường. Mặt khác, do hiệp định chung về thuế quan và thương mại của GATT/WTO là nền tảng cho mọi hịêp định đa biên khác, nên trong việc đề ra các hịêp định của mình, các tổ chức kinh tế - thương mại khu vực cũng phải căn cứ vào các vấn đề môi trường của GATT/WTO. Vấn đề môi trường trong hiệp định chung về thuế quan và thương mại của GATT/WTO cũng là cơ sở cho các hiệp định thương mại song phương, là cơ sở để kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại và bảo vệ môi trường trong việc hoạch định các chính sách thương mại của các quốc gia.

IV. KINH NGHIỆM VỀ QUẢN LÝ  MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

1. Các đặc trưng chung về luật pháp và quản lý môi trường của các nước trên thế giới

Đến thời điểm này, các nước trên thế giới đều có hệ thống luật pháp về môi trường và cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng quản lý môi trường theo luật định. Mục tiêu chung của các cơ quan bảo vệ môi trường là: "Đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần giữ gìn môi trường của trái đất - cái nôi của toàn nhân loại".

Các cơ quan bảo vệ môi trường tại các quốc gia trên thế giới, nhìn chung đều có những chức năng sau đây:

- Tư vấn cho Nhà nước và Chính phủ trong việc định hướng chiến lược, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý về bảo vệ môi trường (Luật môi trường, Pháp lệnh môi trường, các chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách,... về bảo vệ môi trường);

- Thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật định. Ban hành và giám sát thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

- Xây dựng và duy trì chế độ hoạt động của các công trình kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường (hệ thống các trạm quan trắc, các phòng thí nghiệm, các cơ sở đào tạo về môi trường,...);

- Thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp và thu hồi các giấy chứng nhận tiêu chuẩn môi trường;

- Giám sát, thanh tra, giải quyết các khiếu nại, khiếu tố, xử phạt các hành vi làm trái các qui định về bảo vệ môi trường;

- Tổ chức đào tạo cán bộ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Làm công tác thông tin, vận động quần chúng, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước;

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ cao để bảo vệ môi trường;

- Đảm nhiệm chức năng duy trì và phát triển quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Tuy nhiên, về nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ môi trường của các nước trên thế giới có sự không đồng nhất rõ rệt. Trước hết, tùy theo mức độ hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp lý, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, mức độ phát triển kinh tế - xã hội mà nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng như nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương của từng nước sẽ được xác lập theo từng giai đoạn cụ thể.

Ở các nước phát triển, khi điều kiện kinh tế - xã hội đã đạt được ở mức cao; nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương bắt đầu đi vào chiều sâu, nhằm hướng tới việc cải thiện môi trường sống; áp dụng các công nghệ cao để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tạo ra nền "công nghiệp xanh".

Ở các nước kém phát triển, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương lại chỉ đang ở mức chống suy thoái môi trường, chống đói, và chống dịch bệnh,... là chính. Khó khăn mà các nước nghèo gặp phải là sự thiếu kinh phí, thiếu tri thức và phương tiện trong việc bảo vệ môi trường.

2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc thuộc các nước có cơ quan bảo vệ môi trường là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ. Hiện nay, Trung Quốc đang có rất nhiều vấn đề cần quan tâm liên quan tới việc bảo vệ môi trường, cụ thể là: các nguy cơ thiên tai như bão lớn, lũ lụt, động đất và các rung động địa chấn và nạn hạn hán; các vấn đề môi trường như: ô nhiễm không khí do sử dụng các nhiên liệu có chứa nhiều lưu huỳnh dẫn tới mưa acid; thiếu nước và nước sạch; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp; xói mòn; sa mạc hoá; phá rừng, săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Cơ cấu tổ chức: cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc là cơ quan quốc gia. Đứng đầu cơ quan này là một chủ nhiệm, giúp việc cho chủ nhiệm có các phó chủ nhiệm, thư ký và cố vấn. Cơ quan bảo vệ môi trường được chia thành hai khối, trong đó khối vụ bao gồm 8 vụ chức năng và khối viện gồm 15 đơn vị trực thuộc.

Chức năng, nhiệm vụ: Tổng cục bảo vệ môi trường quốc gia có chức năng: (i) Định ra pháp quy, chính sách, phương châm bảo vệ môi trường quốc gia, (ii) Định ra các quy tắc hành chính; (iii) Nhận sự uỷ thác của Quốc vụ viện tiến hành đánh giá ảnh hưởng môi trường đối với các chính sách kinh tế lớn; (iv) Đinh ra quy hoạch bảo vệ sinh thái; (v) Quy hoạch phòng chống ô nhiễm ở các lưu vực, khu vực trọng điểm. (vi) Định ra và tổ chức thực hiện các quy tắc, pháp quy về phòng chống ô nhiễm, tiêu chuẩn chất lượng môi trường quốc gia và tiêu chuẩn giới hạn ô nhiễm, chế độ quản lý kinh tế…;  (vii) Kiểm tra, giám sát, thực thi và phục hồi sinh thái; (viii) Định ra quy tắc cơ bản về vấn đề môi trường toàn cầu, quản lý hợp tác giao lưu quốc tế về bảo vệ môi trường; (ix) Chịu trách nhiệm về các công trình kết cấu lớn, nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm quản lý phế thải có tính phóng xạ, bức xạ môi trường, an toàn hạt nhân.

Khác với những mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số nước, ở Trung Quốc có mô hình tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường phân biệt rõ ràng giữa hai khối: kỹ thuật và quản lý nhà nước, điều này rất thuận lợi cho việc phân công và thực hiện các chức năng, đặc biệt là chức năng quản lý, tránh được sự chồng chéo. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chưa có một đơn vị thanh tra hoạt động độc lập để giám sát hoạt động của các đơn vị trong cơ quan quản lý môi trường. Đồng thời, do lãnh thổ rộng lớn nên việc phân cấp quản lý ở cấp địa phương khá phức tạp, phụ thuộc và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các vấn đề môi trường nảy sinh của từng tỉnh cụ thể.

3. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore thuộc mô hình của các quốc gia có cơ quan bảo vệ môi trường là một bộ độc lập. Cơ cấu tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường Singapore: Bộ Môi trường Singapore được thành lập năm 1972, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp điều hành. Đứng đầu Bộ Môi trường là 1 Bộ trưởng, dưới Bộ trưởng là các thư ký thường trực và phó thư ký thường trực chịu sự chỉ đạo trực tiếp và giúp việc cho Bộ trưởng điều hành sự hoạt động của Bộ Môi trường. Bộ Môi trường Singapore được tổ chức thành 4 vụ, mỗi vụ lại được tổ chức thành các phòng và các bộ phận chức năng.

Bộ Môi trường Singapore có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng và thực hiện các chương trình tổng hợp về sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường với mức tối thiểu là đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài nhiệm vụ chung nêu trên, các đơn vị trực thuộc Bộ Môi trường Singapore (Vụ Chính sách và quản lý môi trường, Vụ Kỹ thuật môi trường, Vụ Quản trị các hoạt động chung, Vụ Sức khoẻ môi trường và cộng đồng) có các nhiệm vụ riêng biệt.

Các điều kiện thuận lợi như là diện tích nhỏ, dân số ít… mang lại cho  Singapore rất nhiều lợi thế để có thể có được một tổ chức gọn nhẹ, dễ triển khai thực hiện và kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường. Dân số Singapore có mức sống khá cao và số lượng ít tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, tuyên truyền… về nhận thức môi trường, đồng thời dân chúng có khả năng chi trả và sẵn lòng chi trả các chi phí môi trường cao. Nhờ có diện tích nhỏ, phân cấp hành chính đơn giản, các cơ quan và đơn vị chức năng bảo vệ môi trường của Singapore cũng dễ dàng tổ chức, vận hành và kiểm soát các hoạt động môi trường. Cũng do diện tích nhỏ nên mô hình các cơ quan bảo vệ môi trường cấp trung ương và địa phương của Singapore là một, do đó, có được sự đồng bộ và thống nhất trong việc định ra và thực thi các chiến lược môi trường, tránh được tình trạng bất cập nảy sinh giữa các cấp trung ương và địa phương. Luật pháp Singapore rất chú trọng tới khía cạnh môi trường, không những khuyến khích các cá nhân  tham gia thực hiện chiến lược môi trường quốc gia mà còn có khả năng cưỡng chế và bắt buộc tuân thủ Luật BVMT cao. Đây cũng là một điểm mạnh giúp Singapore có được một môi trường trong lành như hiện nay.

4. Kinh nghiệm của Philippine

Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philipine được chính thức ra đời vào ngày 10/6/1997 với mô hình tổ chức phân cấp: Cấp trung ương: gồm 5 văn phòng và 5 Vụ tham mưu chuyên ngành. Cấp địa phương: tổ chức phân cấp theo phân quyền chức năng, cụ thể là: (i) Cấp khu vực: 15 văn phòng môi trường và tài nguyên khu vực, đứng đầu là các giám đốc điều hành khu vực, tiếp đến là các sở kỹ thuật, chuyên môn do các giám đốc sở đứng đầu;  (ii) Cấp tỉnh: có tất cả 73 văn phòng môi trường và tài nguyên tỉnh. (iii) Cấp huyện có 171 văn phòng môi trường và tài nguyên huyện. Ngoài ra còn có 3 tổ chức liên quan và có sự phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là: Cơ quan bản đồ quốc gia và thông tin tài nguyên, Hiệp hội phát triển tài nguyên thiên nhiên và Cơ quan phát triển và hồ Laguna.

Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên có chức năng của một cơ quan chính phủ đầu ngành, chịu trách nhiệm bảo tồn, quản lý, phát triển và sử dụng hợp lý, cấp giấy phép, ra các quy chế khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên và môi trường. Bộ có nhiệm vụ tạo động lực thúc đẩy quá trình bảo vệ, quản lý và phát triển các nguồn lực môi trường thông qua các chính sách, chương trình… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philipine có các quyền hạn và phạm vi hoạt động tuân theo quy định của luật pháp Philipine.

Do là một nước giàu khoáng sản, nên mô hình Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Philipine có nhiều ưu điểm như rất dễ dàng tích hợp được yếu tố môi trường vào các kế hoạch hoạt động, đặc biệt là các hoạt động khai thác tài nguyên; đồng thời có được sự chỉ đạo thống nhất và có cân nhắc hợp lý, tránh được tình trạng phải hy sinh tài nguyên vì môi trường hoặc ngược lại, tránh được các chi phí phạt hoặc chi phí tuân thủ, đền bù thiệt hại cho các đơn vị chuyên khai thác khoáng sản…

Tuy vậy, mô hình này cũng có hạn chế, do các hoạt động đồng thời do một cơ quan chủ quản nên có thể xảy ra tình trạng tự tung tự tác, tự đề ra những chính sách thiên vị…; không có các cơ quan thanh tra và tham gia giám sát công việc của Bộ; trong các chức năng, chưa đề cao giáo dục đào tạo, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế… Phân cấp quản lý theo đơn vị hành chính rất phức tạp và có số lượng lớn dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát tốt các hoạt động tại các cấp địa phương.

5. Kinh nghiệm của Malaysia

Malayxia thuộc các nước có cơ quan bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ kiêm nhiệm. Đó là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong đó có Cục Môi trường và một đơn vị tư vấn hỗ trợ là Hội đồng chất lượng môi trường. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường do một Bộ trưởng đứng đầu. Giúp việc cho Bộ trưởng có 1 thứ trưởng và 1 tổng thư ký. Bộ bao gồm 12 đơn vị, trong đó có 4 trung tâm, 6 ban chức năng và 1 cục là Cục Môi trường.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có nhiệm vụ thúc đẩy, tăng cường và duy trì công tác quản lý môi trường của đất nước theo chiến lược phát triển bền vững. Cục Môi trường có nhiệm vụ quản lý hành chính, đảm bảo sự tuân thủ đạo luật về chất lượng môi trường và bảo vệ tính duy nhất, đa dạng, chất lượng môi trường theo hướng duy trì sức khoẻ, sự thịnh vượng và an ninh cho người dân hiện tại và tương lai.

Đối với mô hình của Malayxia có ưu điểm là chức năng quản lý nhà nước về môi trường được lồng ghép trong chức năng về khoa học và công nghệ, do đó, dễ khuyến khích thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến, đồng thời dễ kiểm soát và tích hợp yếu tố môi trường trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Cơ quan quản lý môi trường liên kết chặt chẽ với các ban ngành khác liên quan dưới sự chỉ đạo thống nhất và trực tiếp của Bộ trưởng cùng với sự cố vấn của ban chất lượng môi trường đảm bảo cho việc tích hợp và triển khai đồng bộ các kế hoạch, chiến lược và chính sách quốc gia.

6. Kinh nghiệm của Thái Lan

Năm 2002, Thái Lan thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kết hợp các Vụ liên quan của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quốc gia về tài nguyên và môi trường; Kiểm soát, chỉ đạo, ra lệnh, thực hiện, theo dõi và đánh giá các công việc liên quan tới khoa học, công nghệ năng lượng và môi trường theo chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án hoặc cải tiến chúng cho phù hợp; Xây dựng công nghệ trong nước cho sản xuất và tiếp thị; Cung cấp dịch vụ và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài.

Các đơn vị trực thuộc Bộ có nhiệm vụ thực hiện những chính sách một cách hiệu quả theo phương pháp cùng hợp tác nhằm mang lại những lợi ích kinh tế xã hội và sự ổn định quốc gia,

Trong mô hình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Thái Lan có sự phân cấp rõ ràng, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động. Ngoài các cơ chế tài chính thông thường, Thái Lan còn có Quỹ môi trường hoạt động độc lập, cung cấp nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mô hình của Thái Lan chưa thể hiện rõ được mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý về môi trường với các cơ quan quản lý hành chính, đặc biệt là ở cấp địa phương. Ngoài ra, Thái lan cũng không có một đơn vị thanh tra độc lập để giám sát chung.

7. Kinh nghiệm của Brunnây

Do các vấn đề môi trường của quốc gia này không trầm trọng, cho đến năm 1993, một Hội đồng liên bộ về môi trường do Bộ trưởng Bộ Phát triển đứng đầu mới được thành lập. Hội đồng này có một bộ phận môi trường riêng (đóng vai trò như một Ban thư ký của Ủy ban quốc gia về môi trường) và nằm trong Bộ Phát triển.

Ủy ban quốc gia về môi trường có các trách nhiệm: (i) Xem xét các vấn đề cũng như các luật liên quan tới môi trường và cố vấn về các kế hoạch, hướng dẫn cần thiết liên quan tới các hoạt động bảo vệ môi trường; (ii) Đẩy mạnh việc phối hợp xây dựng chính sách môi trường và theo dõi việc thực hiện các hoạt động môi trường quốc gia, luật pháp và các chính sách liên quan ; (iii) Xây dựng chính sách và chỉ đạo, chịu trách nhiệm về các quan hệ quốc tế và khu vực về môi trường, thúc đẩy nhận thức về môi trường ở trong nước.

Brunây có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bởi vì đó là một nước giàu, các vấn đề môi trường lại ít và không phức tạp, do đó, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ chức năng của cơ quan bảo vệ môi trường cũng rất đơn giản, phù hợp với thực tế. Tuy đã hưởng ứng rất tích cực các chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường, nhưng do các điều kiện cụ thể đơn giản, dễ dàng được quản lý và dự báo phòng ngừa, chiến lược môi trường của Brunây không có tính dài hạn. Các chính sách đối ngoại của Brunây chưa khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường của nước này.

8. Kinh nghiệm của Pháp

Các cơ quan bảo vệ môi trường của Pháp được phân theo hai cấp chính là cấp trung ương và cấp địa phương, trong đó, cấp trung ương bao gồm Bộ Môi trường cùng các cơ quan tư vấn của Bộ và các liên hiệp do Nhà nước hoặc Nhà nước cùng quần chúng giám sát hoạt động ở cấp quốc gia; Cấp địa phương là các cơ quan được sắp đặt trong hệ thống mạng lưới quốc gia và Các liên hiệp do Nhà nước hoặc Nhà nước cùng quần chúng giám sát hoạt động ở cấp địa phương.

Bộ Môi trường Pháp: được thành lập năm 1971, gồm 4 vụ và 2 đơn vị là: Vụ Quản lý và phát triển (DGAD), Vụ Tài nguyên nước (DE), Vụ Phòng ngừa ô nhiễm và rủi ro (DPPR), Vụ Thiên nhiên và cảnh quan (DNP), các sở môi trường khu vực (DIREN), các Vụ khu vực về công nghiệp, nghiên cứu và môi trường (DRIRE), Đơn vị thanh tra môi trường đặc biệt và Đơn vị nghiên cứu triển vọng môi trường.

Ở Pháp có mô hình các cơ quan bảo vệ môi trường theo phân cấp quản lý hành chính rất thuận lợi cho việc tích hợp và đưa các yếu tố môi trường vào cân nhắc trong các kế hoạch phát triển, đặc biệt là các kế hoạch cấp địa phương.

9. Kinh nghiệm của Anh

Mô hình của Vương Quốc Anh là cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia với cơ cấu phân cấp theo phân cấp hành chính. Ở trung ương, cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia có một văn phòng đầu não đặt ở Bristol do một tổng giám đốc quốc gia đứng đầu và các văn phòng hỗ trợ đặt trụ sở ở London. Tương ứng với 7 đơn vị cấp quận lớn, cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia có 7 văn phòng khu vực và một văn phòng đại diện Cơ quan môi trường xứ Uên.  Mỗi văn phòng này do 1 một tổng giám đốc đứng đầu. Tương ứng với 26 đơn vị hành chính cấp huyện, 8 văn phòng trên lại được tổ chức thành 26 văn phòng vùng. Mỗi văn phòng vùng do 1 giám đốc vùng đứng đầu. Các văn phòng vùng lại bao gồm các bộ phận hỗ trợ với tổ chức tương ứng với cấp quản lý hành chính quận nhỏ.

Nhiệm vụ chung của cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia Vương quốc Anh là: (i) Đạt được những cải thiện quan trọng và liên tục về chất lượng không khí, đất và nước; (ii) Khuyến khích bảo vệ các nguồn tài nguyên, nguồn vốn động vật và thực vật; (iii) Xây dựng và thực hiện chiến lược quản lý chất thải; (iv) Cải thiện và phát huy công nghiệp đánh bắt cá hồi và cá nước ngọt; (v) Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu; (vi) Duy trì và phát triển quan hệ công cộng thông qua việc công khai các thông tin và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng. Ra những quyết định dựa trên các căn cứ khoa học và kết quả nghiên cứu; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.

10. Kinh nghiệm của Mỹ

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) được thành lập tháng 7/1971. Đứng đầu EPA là một văn phòng giám đốc, toàn bộ nhân sự còn lại của EPA được tổ chức thành 9 ban trợ lý, 3 văn phòng và 10 ban quản lý khu vực.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường tự nhiên như không khí, nước, đất…

Mô hình cơ quan bảo vệ môi trường ở Mỹ có sự phân cấp rõ ràng mà cấp địa phương là các bang. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý và cơ chế chính trị của Mỹ quy định mỗi bang như môt quốc gia, do đó, cũng có thể coi mô hình tổ chức tại các bang là mô hình cấp quốc gia. Khi đó, phân cấp quản lý theo quận sẽ tương đương với cấp địa phương.

Luật pháp và các chính sách về môi trường của Mỹ rất rõ ràng và thiên theo hướng chú trọng đến các hoạt động kinh tế, được đặt ra để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế. Do đó, có một số chính sách và chiến lược tuy rất có lợi về môi trường nhưng nếu gây thiệt hại kinh tế lớn thì Mỹ cũng không thông qua (ví dụ như Hiệp ước Kyoto)

Mỗi bang của Mỹ đều có chính quyền và các cơ quan bảo vệ môi trường riêng nên chúng có các hoạt động và quyền hạn độc lập, cụ thể và rất phù hợp với đặc thù tự nhiên, kinh tế xã hội của từng bang. Mặt khác, các bang lại đều được sự điều hành giám sát trực tiếp của EPA nên các hoạt động có sự nhịp nhàng ăn khớp.

Tuy nhiên, do lãnh thổ rộng lớn, điều kiện dân cư phức tạp, mức sống chênh lệch… và bộ máy quản lý được phân thành nhiều cấp, hoạt động theo nhiều bộ luật không giống nhau tạo nên một tình trạng rất phức tạp và khó kiểm soát trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

V. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI

1. Phương pháp luận phân định tranh chấp môi trường và các tranh chấp khác của nước ngoài và Việt Nam

Nghiên cứu tranh chấp môi trường là một vấn đề khá phức tạp, mang tính tổng hợp, đa ngành, xét từ nhiều phương diện khác nhau. Nói chung, về nguyên tắc, mọi tranh chấp dân sự, đất đai, lao động, kinh tế, hành chính thương mại… đều phát sinh từ việc vi phạm pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bên có tranh chấp, vi phạm đạo đức xã hội, phong tục tập quán đã được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Chính vì thế, giữa tranh chấp môi trường với các tranh chấp khác có những điểm giống nhau sau:

 - Đều do hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của người khác gây ra;

- Đều có các chủ thể cụ thể;

- Đều có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra;

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: vừa có bồi thường thiệt hại trực tiếp vừa có bồi thường thiệt hại gián tiếp;

- Đều có ảnh hưởng đến trật tự pháp luật.

Tranh chấp môi trường khác với các loại tranh chấp khác chủ yếu ở các điểm sau đây :

- Diện tranh chấp môi trường rộng hơn: tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, chủ yếu là tranh chấp khu vực giữa các quốc gia láng giềng, hoặc cùng khai thác, sử dụng một nguồn nước chung, hoặc cùng thiệt hại do sự cố môi trường diễn ra ở tầm rộng;

- Tranh chấp môi trường thường kéo dài; việc giải quyết tranh chấp phức tạp và tốn kém do: tranh chấp môi trường có ảnh hưởng đến nhiều thành phần môi trường;  rất khó xác định chính xác thiệt hại gián tiếp và thiệt hại lâu dài gây cho môi trường;

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường phần lớn là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể;

- Biện pháp phòng ngừa tranh chấp môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại gây ra cho môi trường;

2. Khái niệm tranh chấp môi trường

Khái niệm tranh chấp môi trường được sử dụng trong các tài liệu môi trường từ cuối những năm 1980. Viện Công nghệ Châu Á định nghĩa như sau: "Tranh chấp môi trường là tranh chấp giữa nguồn lợi của cộng đồng, vị trí nghề nghiệp và ưu tiên chính trị, là kết quả của việc sử dụng tài nguyên do một nhóm người gây bất lợi cho nhóm người khác, là kết quả của việc khai thác quá mức hoặc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên". Theo định nghĩa này nội hàm của tranh chấp môi trường khá rộng, không bó hẹp nội dung như các loại tranh chấp khác. Định nghĩa này mới mang tính tổng quát, tựu chung là tranh chấp về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nên chưa bao hàm hết các nội dung cụ thể của tranh chấp môi trường.

Tranh chấp về môi trường là thể hiện cụ thể của việc tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng trong lĩnh vực sử dụng các thành phần môi trường. Việc tranh chấp được thể hiện thông qua việc tố cáo hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường (Điều 43) và kèm theo là yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và sức khoẻ.  Luật Bảo vệ môi trường quy định: "Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" (Điều 7); "Tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động hác mà làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" (Điều 33); một trong các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là "… giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường" (Điều 37).

3. Giải quyết tranh chấp môi trường ở một số nước

3.1. Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường  

Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường được Viện Công nghệ Châu Á nghiên cứu gồm có 6 cách giải quyết tranh chấp sau đây: (i) Dự báo tranh chấp; (ii) Cùng giải quyết vấn đề; (iii) Hoà giải môi trường; (iv) Đối thoại chính sách; (v) Phân xử ràng buộc; (vi) Đàm phán thương lượng. Các cách thức giải quyết nêu trên thường được sử dụng kết hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp môi trường ở các nước Châu Á. Tranh chấp môi trường là một vấn đề phức tạp, chỉ có thể giải quyết được đặt trong mối quan hệ tổng hoà: kinh tế, xã hội và môi trường.

3.2. Các quy định về bồi thường thiệt hại môi trường của một số nước trên thế giới

a) Thái Lan

Đạo luật chất lượng môi trường của Thái Lan năm 1992 đã đưa ra cơ sở pháp lý để xác định thiệt hại về môi trường. Ví dụ như Điều 6 quy định : "Những người có quyền nhận bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong trường hợp thiệt hại gây bởi ô nhiễm từ các nhà máy và xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc các dự án do Nhà nước hỗ trợ". Trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây ô nhiễm dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cho cả những thiệt hại gây bởi ô nhiễm và cho cả chi phí để giải quyết thiệt hại (Điều 96); và phải trả cho Nhà nước chi phí gây thiệt hại cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, hoặc cho các tài sản công cộng (Điều 97).

b) Malaysia

Các thiệt hại về môi trường có thể được quản lý bằng sự bồi thường thiệt hại hay mất mát tài sản thông qua thực thi các điều khoản khác nhau trong Điều luật quản lý chất lượng môi trường năm 1974 (đã bổ sung, điều chỉnh năm 1996) có hai điều khoản tại phần 46E và phần 47 là áp dụng cho các khiếu nại đòi hỏi bồi thường thiệt hại môi trường. Đồng thời, các cơ chế và trách nhiệm và đền bù của quốc tế như Công ước trách nhiệm dân sự 1990 và Quỹ đền bù ô nhiễm do dầu gây nên (1970) đã được Malaysia thông qua vào ngày 6/4/1995 áp dụng cho các khiếu nại đòi chi phí làm sạch.

c) Anh

Chương 73 Điều 6 Đạo luật bảo vệ môi trường nêu rõ: trong trường hợp gây thiệt hại do tích tụ chất thải trên một khu đất nào

đó thì người đổ rác, hoặc người bị nghi là có đổ rác phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra. Trong trường hợp vi phạm luật, thì bên tư nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại gây ra theo các quy định của Đạo luật bảo vệ môi trường.

d) Indonexia

Điều 34 Chương 3 của Luật về quản lý môi trường của Indonexia ghi rõ: mọi hoạt động vi phạm luật dưới dạng gây ô nhiễm, hoặc gây nên những thiệt hại làm tăng tác động xấu đối với người, hoặc với môi trường, thì buộc bên chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động đó phải trả tiền bồi thường và/hoặc thực hiện những hoạt động nhất định nào đó.

Trách nhiệm pháp lý theo quy định của luật hình sự cũng có quy định về các hoạt động, hoặc về việc phát thải có khả năng gây hại hoặc ít nhất là có thể đe doạ môi trường. Phạt, buộc phải đền bù thiệt hại, hoặc phạt cảnh cáo là các mục tiêu chính của luật hình sự, nó có thể bao gồm các hình thức phạt tiền, phạt tù hoặc các công cụ khác.

e) Nhật Bản

Ở Nhật từ năm 1974 đã có luật: “Luật bồi thường thiệt hại sức khoẻ do ô nhiễm”. Ngành công nghiệp phát triển đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới cho xã hội, làm tăng trưởng GDP cao, nhưng cũng chính điều đó đã gây nhiều khó khăn cho Nhật Bản, cụ thể là: Trong quá trình sản xuất công nghiệp các nhà máy đã thải một số chất mới ra môi trường xung quanh.

Ngoài ra, đề tài cũng đưa ra các kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp môi trường của một số nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan về các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp môi trường, hệ thống văn bản, việc thực thi pháp luật môi trường, và những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng pháp luật về giải quyết tranh chấp môi trường.

VI. ĐÁNH GIÁ NHU CẦU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

1. Nhu cầu và định hướng bảo vệ môi trường

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, tại Chương VI, các tác giả nêu lên định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2010 và định hướng bảo vệ môi trường của Việt Nam đến năm 2020 đã được quy định trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được ban hành tại Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 01/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Các nội dung này đã được tóm tắt tại đề tài: “Nghiên cứu xác định nhu cầu phát triển pháp luật về môi trường đến năm 2010 do TS. Dương Thanh mai làm chủ nhiệm.

2. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và những vấn đề môi trường nảy sinh

2.1. Bản chất của hội nhập quốc tế

Nhìn chung các tác giả cho rằng hội nhập khác với toàn cầu hóa vì nó là kết qủa của một hoạt động chính trị có chủ đích rõ ràng của một hay nhiều quốc gia nhằm hình thành một tập hợp khu vực để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường cho sản phẩm và dịch vụ của nước mình. Do đó hội nhập là hành động chủ quan của con người, ở đây là của các chính phủ, nhằm lợi dụng sức mạnh của thời đại để tăng cường sức mạnh dân tộc mình.

2.2. Hội nhập quốc tế của Việt Nam

Các tác giả Việt Nam cho rằng hội nhập quốc tế của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với sự phát triển của thời đại ngày càng có xu hướng toàn cấu hóa và khu vực hoá.

Hội nhập quốc tế, mà trước hết là hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế quốc dân của ta, đáp ứng yêu cầu kết hợp sự phát huy nội lực với ngoại lực hợp tác quốc tế, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Chúng ta bước vào hội nhập khi đã và đang thực hiện thành công quá trình đổi mới, hai quá trình này gắn bó, bổ trợ cho nhau, bởi vì những cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế không trái với những chủ trương đổi mới của Việt Nam, ngược lại phần nào có tác động xúc tác, thúc đẩy quá trình đổi mới. Thực hiện thành công đổi mới là tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập có hiệu quả nhất.

Hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ ngoại lực, khai thác nhiều loại tiềm năng thông qua hợp tác đa dạng với quốc tế để phát huy những lợi thế của Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tranh thủ những công nghệ tiên tiến của họ để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam vào năm 2020.

Hội nhập kinh tế cũng tạo điều kiện để bảo đảm an ninh quốc gia. An ninh kinh tế có ý nghĩa quan trọng quyết định để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc.

* Khó khăn và thách thức:

Các tác giả Việt Nam cho rằng khó khăn lớn nhất của chúng ta là trình độ phát triển kinh tế còn thấp và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ của ta còn yếu. Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu nhanh chóng hội nhập quốc tế để tranh thủ các điều

kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế với nhu cầu cần có đủ thời gian xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh để hội nhập có hiệu quả.

Một khó khăn lớn nữa là sự hiểu biết của Việt Nam về các tổ chức cần hội nhập còn rất hạn hẹp, đội ngũ cán bộ còn yếu cả về khả năng chuyên môn, kỹ năng hoạt động đa phương lẫn trình độ ngoại ngữ, nhìn chung yếu cả chất lượng và thiếu cả số lượng; các ngành các cấp, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng bước vào hội nhập.

2.3. Tình hình hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường trong thời gian qua

Công tác hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Năng lực của các cơ quan quản lý môi trường được nâng lên rõ rệt. Các kiến thức cơ bản về các mảng trong công tác bảo vệ môi trường được trang bị cho các cán bộ quản lý không chỉ thuộc cơ quan môi trường ,mà các cơ quan có liên quan cũng được tham gia. Thông qua các dự án quốc tế, việc hội nhập vào cộng đồng quốc tế và khu vực cũng được thúc đẩy nhanh và có hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã chủ động và tích cực đề xuất tham gia vào các nội dung và hình thức hợp tác. Hợp tác song phương và đa phương tiếp tục được thúc đẩy cả về diện rộng lẫn chiều sâu, đã có những đóng góp  thiết thực cho việc thực hiện một số đề án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường quan trọng cũng như góp phần tăng cường tiềm lực vật chất và kỹ thuật cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý môi trường.

2.4. Những vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình hội nhập

Bao gồm:

- Xu thế suy giảm chất lượng môi trường tiếp tục gia tăng;

- Gia tăng dân số và di dân tự do tiếp tục gây áp lực;

- Tăng trưởng nhanh về kinh tế cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tác động mạnh lên môi trường;.

- Hội nhập quốc tế, du lịch và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ gây ra nhiều tác động phức tạp về mặt môi trường;

- Nhận thức về môi trường và phát triển bền vững còn thấp kém;

- Năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu;

- Mẫu hình tiêu thụ lãng phí.

4. Phương hướng hoàn thiện pháp luật môi trường của Việt Nam trong quá trình hội nhập

4.1. Kết quả đã đạt được

a) Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường  của Việt Nam

Năm 2002, cơ cấu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận do việc thành lập mới Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên 06 lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ, khí tượng thuỷ văn và môi trường. Cùng với việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương cũng đã được sắp xếp lại. Cấp tỉnh/thành phố đã thành lập các Sở Tài nguyên và Môi trường, cấp huyện/quận đã thành lập các Phòng Tài nguyên và Môi trường.

b) Hệ thống chính sách, kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường của Việt Nam

Ngay từ năm 1986, Chiến lược bảo tồn quốc gia đã được soạn thảo, và 5 năm sau, vào năm 1991, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000 (NPESD). Kể từ khi Luật bảo vệ môi trường năm 1993 có hiệu lực từ ngày 10/1/1994, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển cả về chất và lượng. Cùng với Luật bảo vệ môi trường, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh liên quan đến môi trường. Thêm vào đó, để cụ thể hóa Luật bảo vệ môi trường năm 1993, nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật bảo vệ môi trường năm 1993 đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật trong thập niên qua đã thể hiện một số hạn chế và bất cập. Hiệu lực thi hành còn yếu, nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc, không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta. Chính vì vậy, ngày 19/11/2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 2005 với rất nhiều những nội dung sửa đổi, bổ sung. Với 15 chương bao gồm 136 điều khoản quy định khá chi tiết, Luật bảo vệ môi trường 2005 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta.

4.2. Phương hướng hoàn thiện luật pháp và hệ thống quản lý môi trường của Việt Nam trong những năm sắp tới

Trong những năm sắp tới, chúng ta cần phải xem xét đến hai vấn đề:

a) Hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong đó, cần:

- Phát triển cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành lập Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường;

- Kiện toàn cơ quan quản lý môi trường tại các Bộ, ngành;

- Thành lập Phòng Môi trường ở tất cả các Tổng công ty Nhà nước, các Tập đoàn kinh tế nhà nước;

- Tăng cường bộ phận quản lý môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Phát triển các Trung tâm Quan trắc môi trường tại địa phương;

- Phát triển bộ máy quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã;

Song song với việc từng bước kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nêu trên, cần:

- Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở tất cả các cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cấp huyện/quận, xã/phường;

- Đầu tư các phương tiện phục vụ công tác quản lý một cách đồng bộ, đi thẳng vào công nghệ cao; phải tích cực áp dụng các tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

b) Phương hướng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, cụ thể:

- Xây dựng các cơ chế, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm:

- Xây dựng các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học;

- Xây dựng các cơ chế khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên;

- Xây dựng các cơ chế lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Xây dựng các cơ chế về xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính cho bảo vệ môi trường;

- Xây dựng các cơ chế hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

 

VII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững và trở thành một nội dung quan trọng của các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, hoạt động bảo vệ môi trường ở nước ta được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Môi trường nước ta tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái, có nơi còn nghiêm trọng. Việc thi hành Luật bảo vệ môi trường  chưa thực sự nghiêm minh, có lúc còn buông lỏng.

 Trong điều kiện hiện nay, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không thể chỉ mang nội dung hành chính và còn phải mang nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải là nhiệm vụ của toàn dân. Nhà nước là người tổ chức để thực hiện có hiệu quả.

Việt Nam khuyến nghị các quốc gia để hợp tác cùng giải quyết tốt các vấn đề môi trường và phát triển, phải cùng tập trung sức xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, công bằng, hỗ trợ cho môi trường trong lành và phát triển bền vững của tất cả các nước phát triển trên thế giới, giúp các nước đang phát triển, các nước nghèo phá vỡ vòng luẩn quẩn về tăng dân số - nghèo đói - suy thoái môi trường. Cần có các chương trình đặc biệt để giải quyết nợ nần, giúp đỡ về việc phục hồi, bảo vệ và cải thiện các cơ sở sinh thái cho phát triển bền vững; tổ chức kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu các loại hóa chất độc hại; thống nhất hành động quản lý sự thay đổi khí hậu, giảm thải các khí nhà kính.

Các cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong việc xây dựng năng lực con người và thể chế cho công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần tăng cường ODA cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nhằm phát triển đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao; hỗ trợ cho việc xây dựng cách nhìn liên ngành và hình thành một đội ngũ “cầu nối” giữa các cơ quan trong nước với các nhà tài trợ.

 



1 06 văn kiện quốc tế quan trọng được ký kết: Tuyên bố Rio; Chương trình Nghị sự 21; Tuyên bố các nguyên tắc về rừng; Công ước về bảo vệ Biển Đen tránh khỏi ô nhiễm; Công ước khung về Biến đổi khí hậu; Công ước về Đa dạng sinh học.

Các Công ước quốc tế quan trọng, như: Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hoá (1994); Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Công ước khung về Biến đổi khí hậu (được 122 quốc gia thông qua vào năm 1997 và vừa có hiệu lực vào năm 2005); Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với việc buôn bán sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng (2000) nhằm thực hiện Công ước về Đa dạng sinh học; Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân huỷ (2001), trong đó yêu cầu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng 9 loại thuốc trừ sâu độc hại, khó phân huỷ và hạn chế sử dụng một số loại hoá chất khác.

2 Steve Charnovitz, Thương mại và môi trường: các bước tiếp theo, bài phát biểu được trình bày tại ECLAC/SELA/UNCTAD Hội thảo khu vực về chính sách môi trường và tiếp cận thị trường Bogota, 19-20/10/1993.

3 Xem thêm tại www.cnie.org/nle/leg_8.html

4 www.fda.gov/opacom/laws/lawtoc.htm

5 Xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan Mỹ biên soạn, VCCI dịch, 2000, tr. 8

 

Nội dung toàn văn

B¶ng 1 -              BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

B¶ng 2 -              CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

B¶ng 3 -             

B¶ng 4 -             

 

 

 

 

 

BÁO CÁO TỔNG HỢP ĐỀ TÀI

B¶ng 5 -              NGHIÊN CỨU KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

B¶ng 6 -              TRONG VIỆC HOÀN THIỆN  HỆ THỐNG VĂN BẢN

B¶ng 7 -              QUY PHẠM PHÁP LUẬT, HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ

B¶ng 8 -              VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG

B¶ng 9 -             

B¶ng 10 -          

B¶ng 11 -          

B¶ng 12 -          

B¶ng 13 -          

B¶ng 14 -          

B¶ng 15 -          

B¶ng 16 -          

 

HÀ NỘI, 2005

B¶ng 17 -              

MỤC LỤC

 

MỤC LỤC.. 2

LỜI NÓI ĐẦU.. 7

CHƯƠNG 1. XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU.. 8

I. XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM... 8

1. TOÀN CẦU HOÁ. 8

2. XU THẾ VẬN ĐỘNG MỚI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ (KHCN) HIỆN ĐẠI 13

II. CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU VÀ KHU VỰC.. 15

1. MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU.. 15

2. MÔI TRƯỜNG KHU VỰC.. 16

CHƯƠNG 2. TỔNG QUAN VỀ LUẬT PHÁP MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ.. 18

I. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ.. 18

II. HỆ THỐNG LUẬT PHÁP VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CẤP ĐỘ TOÀN CẦU VÀ KHU VỰC.. 31

1. HỆ THỐNG LUẬT PHÁP. 31

2. CƠ CẤU TỔ CHỨC.. 32

III. TIẾN  TRÌNH CAM KẾT THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở CẤP ĐỘ TOÀN CẦU CỦA VIỆT NAM... 32

CHƯƠNG 3. TỔNG QUAN CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ.. 35

I. CÁC QUY ĐỊNH CỦA GATT/WTO.. 35

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GATT/WTO.. 35

2. UỶ BAN THƯƠNG MẠI VÀ MÔI TRƯỜNG (CTE) CỦA WTO.. 37

3. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC THỎA THUẬN CỦA GATT/WTO.. 38

4. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN TRONG VIỆC THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG CỦA WTO.. 46

II. CÁC QUY ĐỊNH CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) 48

1. SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ HỆ THỐNG QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU.. 48

2. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG CỦA EU LIÊN QUAN ĐẾN MÔI TRƯỜNG.. 49

3. SỬ DỤNG CÁC BIỆN PHÁP THƯƠNG MẠI CHO MỤC ĐÍCH MÔI TRƯỜNG.. 51

4. CÁC CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN SẢN PHẨM CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU.. 51

5. TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN.. 53

III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THƯƠNG MẠI THEO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO BẮC MỸ (NAFTA) 55

1. SƠ LƯỢC SỰ HÌNH THÀNH VÀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA NAFTA. 55

2. CÁC ĐIỀU KHOẢN MÔI TRƯỜNG CƠ BẢN TRONG NAFTA. 57

IV. CÁC QUY ĐỊNH CỦA HOA KỲ.. 58

1. CÁC VĂN BẢN LUẬT CÓ LIÊN QUAN NHIỀU ĐẾN NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ. 58

2. CÁC QUY ĐỊNH KỸ THUẬT CÓ LIÊN QUAN TỚI MÔI TRƯỜNG CỦA SẢN PHẨM.. 59

3. CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỰC PHẨM.. 60

4. QUY ĐỊNH VỀ ĐÓNG GÓI VÀ NHÃN MÁC.. 61

5. SỬ DỤNG CÁC BIỆN PHÁP THƯƠNG MẠI CHO MỤC ĐÍCH MÔI TRƯỜNG.. 62

6. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG CỦA HOA KỲ ĐỐI VỚI VIỆC NHẬP KHẨU TỪ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN.. 63

V. MỐI LIÊN HỆ GIỮA BIỆN PHÁP THƯƠNG MẠI VÀ MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VÀ HIỆP ĐỊNH MÔI TRƯỜNG ĐA PHƯƠNG (MEAS) 64


CHƯƠNG 4. KINH NGHIỆM VỀ QUẢN LÝ  MÔI TRƯỜNG  CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI 69

I. CÁC ĐẶC TRƯNG CHUNG VỀ  LUẬT PHÁP VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI. 69

II. KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC.. 70

III. KINH NGHIỆM CỦA SINGAPORE.. 75

1. CƠ QUAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA SINGAPORE. 75

2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC: 75

3. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHỦ YẾU CỦA SINGAPORE. 80

IV. KINH NGHIỆM CỦA PHILIPPINES. 82

1. CƠ QUAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA PHILIPINES. 82

2. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 82

3. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHỦ YÉU CỦA PHILIPPINES. 85

V. KINH NGHIỆM CỦA MALAYSIA.. 86

1. CƠ QUAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA MALAYXIA. 86

2. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 86

3. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ: 87

4. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHỦ YẾU CỦA MALAYSIA. 91

VI. KINH NGHIỆM CỦA THÁI LAN.. 93

1. CƠ QUAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA THÁI LAN.. 93

2. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 93

3. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHỦ YÉU CỦA THÁI LAN.. 97

VII. KINH NGHIỆM CỦA BRUNÂY.. 98

1. CƠ QUAN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA BRUNÂY. 98

2. UỶ BAN QUỐC GIA VỀ MÔI TRƯỜNG BRUNÂY: 98

VIII. KINH NGHIỆM CỦA PHÁP.. 100

1. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 100

2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ: 101

IX. KINH NGHIỆM CỦA ANH.. 102

1. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 102

X. KINH NGHIỆM CỦA MỸ.. 105

1. CƠ CẤU TỔ CHỨC: 105

2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ: 105

CHƯƠNG 5. KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI 107

I. PHƯƠNG PHÁP LUẬN PHÂN ĐỊNH TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC TRANH CHẤP KHÁC CỦA NƯỚC NGOÀI VÀ VIỆT NAM... 107

II. KHÁI NIỆM TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG.. 110

III. KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG Ở MỘT SỐ NƯỚC.. 112

1. MÔ HÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG.. 112

2. CÁC QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI 115

3. KINH NGHIỆM Ở MỘT SỐ NƯỚC VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG SINGAPORE. 120

4. MALAYSIA. 128

5. THÁI LAN.. 132

CHƯƠNG 6. ĐÁNH GIÁ NHU CẦU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010. 135

I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010. 135

1. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC VÀ QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.. 135

2. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ VÀ CÁC VÙNG.. 136

II. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM  ĐẾN NĂM 2010... 141

1. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO.. 141

2. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN ĐẾN NĂM 2020. 141

3. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC.. 142

4. CÁC NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC.. 144

5. CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN.. 148

6. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.. 153

III. QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG NẢY SINH.. 155

1. VỀ BẢN CHẤT CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ. 155

2. HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM.. 156

3. TÌNH HÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ BVMT TRONG THỜI GIAN QUA. 159

4. NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG NẢY SINH TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP. 160

IV. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP.. 163

1. NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC.. 163

2. PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN  LUẬT PHÁP VÀ HỆ THỐNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM SẮP TỚI 171

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Chuyên đề này được thực hiện theo đặt hàng vào tháng 9/2003 của Chủ nhiệm đề tài "Đánh giá nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức quản lý môi trường, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam" -  một đề tài cấp Nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý.

Nhóm nghiên cứu chuyên đề đã cố gắng tập hợp các tài liệu luật pháp, cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp môi trường của một số nước trên thế giới để thực hiện chuyên đề này. Các tài liệu thu thập làm dữ liệu cho báo cáo chuyên đề  được rút ra chủ yếu từ các công trình nghiên cứu trước đây do Cục Bảo vệ Môi trường thực hiện. Một bộ phận không lớn các tài liệu được dịch từ tiếng nước ngoài (đặc biệt là công trình của tác giả Alan KJ Tan - Asia Pacific Centre for Environmental Law, Singapore - Environmental laws of the southeast asian countries : a preliminary assessment).

Nội dung chính của báo cáo chuyên đề này được trình bày trong                      6 chương:

Chương 1: Xu thế phát triển của thế giới và các vấn đề môi trường              khu vực và toàn cầu

Chương 2:   Tổng quan về luật pháp môi trường quốc tế

B¶ng 18 -           Chương 3: Tổng quan các quy định về môi trường và thương mại  quốc tế có ảnh hưởng tới Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Chương 4: Kinh nghiệm về quản lý  môi trường của một số nước trên            thế giới;

Chương 5:  Kinh nghiệm giải quyết  tranh chấp môi trường trên thế giới

Chương 6:  Đánh giá nhu cầu hoàn thiện pháp luật môi trường Việt Nam đến năm 2010.

Kết luận và khuyến nghị.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện chuyên đề, song chắc chắn trong báo cáo chuyên đề này không tránh khỏi thiếu sót. Mong nhận được sự góp  ý của các bạn đồng nghiệp.

                                       

 

 

 

CHƯƠNG 1

XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU

I.        XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI VÀ CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

1.  Toàn cầu hoá

Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là những hiện tượng sôi động, phức tạp diễn ra ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới hai thập niên gần đây, nhất là sau thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh. Không một châu lục nào, không một khu vực nào, không một quốc gia nào tránh được dòng xoáy cuốn hút của toàn cầu hoá. Những năm gần đây, toàn cầu hoá được bàn luận rất sôi nổi trên thế giới. Nó trở thành vấn đề trung tâm của lý luận và có ý nghĩa thực tiễn lớn .

a.  Về bản chất của toàn cầu hoá

Xem xét cuộc thảo luận về bản chất của toàn cầu hoá, Trần Việt Phương viết “toàn cầu hoá là một xu thế lớn của thời đại, song xu thế ấy có khách quan đến mấy thì cũng vẫn do con người tạo ra, nó là kết quả phức hợp của nhiều yếu tố, mà mỗi yếu tố đều là sản phẩm của con người, trong đó 3 yếu tố chính là cách mạng khoa học công nghệ, nền kinh tế thị trường hiện đại và chính sách rất có tính toán của Mỹ, của các cường quốc khác, của mọi quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới”.  Nét bản chất nữa của toàn cầu hoá là tính không cân đối, thể hiện chủ yếu ở:

- Toàn cầu hoá hiện nay phân phối thành quả rất bất công: hai cực giàu nghèo.

- Toàn cầu hoá hiện nay không hài hoà, không đồng bộ, các lĩnh vực toàn cầu hoá so le, chênh lệch nhiều cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Toàn cầu hoá kinh tế không đi đôi với sự quan tâm đúng mức về xã hội và con người, không đi đôi với một cơ cấu  và cơ chế quản lý toàn cầu tương xứng và có hiệu quả.

- Toàn cầu hoá hiện nay không coi trọng đầy đủ 3 nhân tố cột trụ của xã hội hiện đại là thị trường, Nhà nước và xã hội mà chỉ thiên về thị trường, xem xét Nhà nước, xem nhẹ xã hội, vì lợi nhuận thị trường hơn là vì lợi ích con người .

Với cái nhìn khái quát, nêu lên một phức hệ vấn đề, đi sâu vào phân tích bản chất, xu hướng và triển vọng của toàn cầu hoá, Đỗ Hoài Nam và Trần Đình Thiên cho rằng: toàn cầu hoá là xu hướng tất yếu, có tính trội bật, được thể hiện trong các nền tảng vật chất và có những biến đổi về thể chế.

- Xu hướng toàn cầu hoá bắt nguồn từ bản chất của hệ thống kinh tế thị trường là hệ thống “mở’, không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, ranh giới dân tộc, chủng tộc và tôn giáo. Toàn cầu hoá đang trở thành một xu hướng trội bật. Chất lượng mới của quá trình toàn cầu hoá đã có  nhiều đặc trưng quan trọng và được bộc lộ rõ ràng hơn baò giờ hết, điều kiện để hiện thực hoá xu hướng đó trên phạm vi toàn cầu đã diễn ra với tốc độ cao.

- Nền sản xuất thế giới ngày càng mang tính toàn cầu, dựa trên cơ sở hợp tác, tương thuộc lẫn nhau mới trong phân công lao động giữa các nước. Các nước lớn, nhỏ kèm phát triển hay phát triển tương thuộc vào nhau theo hai chiều. Đây là một bước chuyển biến chất lượng quan trọng và là xu thê không thể đảo ngược.

- Mức độ liên kết thị trường thế giới thành một hệ thống hữu cơ ngày càng tăng, với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần tốc độ tăng trưởng sản xuất. Quan hệ kinh tế quốc tế trở nên tự do hơn, bình đẳng hơn. Đây cũng là một đặc trưng chất lượng của quá trình toàn cầu hoá. Thị trường tài chính phát triển hết sức nhanh chóng, đạt mức cao hơn nhiều so với thị trường sản phẩm. Toàn cầu hoá hệ thống tài chính đang trở thành mũi nhọn của xu hướng toàn cầu hoá kinh tế.

- Hệ thống thông tin toàn cầu phát triển hết sức nhanh chóng đã tạo ra các hệ quả quan trọng: Nó kết nối tất cả các cá nhân, các vùng địa lý trên trái đất vào một hệ thống. Nó là công cụ đẩy mạnh tốc độ vận động của tất cả các quá trình kinh tế - xã hội - chính trị - quân sự - văn hóa toàn cầu. Mạng lưới thông tin là một khâu của xu hướng toàn cầu hoá.

- Kết quả tổ hợp của những yếu tố vật chất – kỹ thuật của xu hướng toàn cầu hoá nói trên là nó tạo ra trạng thái nguyên lý vận động mới của thế giới hiện đại. Có 3 đặc trưng chủ đạo: Xu hướng liên kết của thế giới chuyển từ cấu trúc “hình tháp” sang cấu trúc theo mô hình “mạng lưới”. Đây là sự biến đổi chất lượng cực kỳ quan trọng. Tốc độ vận động cao trở thành thuộc tính quyết định khả năng nắm bắt cơ may phát triển và vận động tối đa các lợi thế thời đại – quốc tế do xu hướng toàn cầu mang lại trong cuộc đua tranh phát triển. Lợi thế phát triển thay đổi. Lợi thế về trí tuệ và công nghệ trở thành yếu tố chủ đạo của năng lực phát triển hơn là lợi thế dựa vào nguồn tài nguyên và lợi thế về              nguồn vốn.

- Điều kiện vật chất kỹ thuật và tương quan sức mạnh giữa các nước, giữa các khu vực có nhiều biến đổi, hệ thống thể chế kinh tế trước đây đã trở nên lạc hậu. Thay đổi các thể chế kinh tế toàn cầu trở thành vấn đề bức xúc. Việc thay  GATT bằng WTO là một trong những biểu hiện rõ nhất về mặt thể chế của bước chuyển trạng thái chất lượng của xu hướng toàn cầu hoá kinh tế. Các tổ chức tài chính toàn cầu và khu vực như IMF, WB, ADB.. giống như  GATT, cũng là sản phẩm của xu hướng liên kết kinh tế quốc tế và cũng có vai trò lớn trong xu hường toàn cầu hoá kinh tế.

- Các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia có ảnh hưởng ngày càng mạnh đến các quá trình kinh tế – tài chính toàn cầu.

- Xu hướng hình thành các khối kinh tế – mậu dịch khu vực. Khu vực hoá đang là một xu thế tất yếu, là xu thế trội bật hiện nay. Nó thuận chiều với toàn cầu hoá ở chỗ nó là một bước, một  khâu đệm trong lộ trình gia nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu của mỗi nước. Nó ngược chiều ở chỗ, toàn cầu hoá là mở cửa, tự do hoá và quan hệ bình đẳng giữa các nước thì khu vực hoá lại có ý nghĩa là phân chia thế giới theo khối, tạo nên sự phân biệt đối xử mang tính khu vực.

- Những khía cạnh khác của xu hướng toàn cầu hoá như: hội nhập văn hoá Đông – Tây, hình thành lối sống mang tính toàn cầu kết hợp với xu hướng tôn  vinh bản sắc văn hoá dân tộc, xu hướng toàn cầu hoá đời sống chính trị, hình thái mới của chiến lược quân sự và cách thức quốc tế của việc giải quyết xung đột…Tất cả được xem như một xu hướng tổng  thể .

Quan tâm ở khía cạnh giai cấp công nhân với toàn cầu hoá, La Côn viết          “toàn cầu hoá là đỉnh cao trong tiến trình phát triển của chủ nghĩa tư bản”.

Nhìn nhận toàn cầu hoá ở khía cạnh những vấn đề mang tính chính trí - xã hội, Lê Hữu Nghĩa cho rằng “toàn cầu hoá, xét về bản chất là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau, phụ thuộc lẫn  nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới”.

Với Cao Sỹ Kiêm thì  “Thực chất toàn cầu hoá là ở chỗ hành vi kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng căn bản đối với hệ thống chính trị thế giới, ngược lại chính trị lại có tác dụng to lớn hơn đối với kinh tế. Toàn cầu hoá ngày nay về bản chất chính là sự tăng trưởng của hoạt động kinh tế nói chung đã vượt khỏi biên giới quốc gia và khu vực. Những đặc trưng này được hình thành bởi toàn cầu hoá là một nhu cầu thực tế khách quan của nhân loại trong thời đại ngày nay” .

Theo Nguyễn Văn Thạo, “toàn cầu hoá kinh tế là xu hướng đi tới hình thành một nền kinh tế thế giới thống nhất trên phạm vi toàn cầu, trong đó có sự tham gia (hay hội nhập)  của tất cả các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia liên kết và hợp tác kinh tế trên phạm vi toàn cầu, có sự lưu thông và các luồng hàng hoá, dịch vụ, công nghệ, nhân lực trên phạm vi toàn cầu, dưới sự điều tiết của những qui tắc chung toàn cầu” .

Nguyễn Xuân Thắng xem “toàn cầu hoá kinh tế, xét cho cùng, là hệ quả của những biến đổi trong lĩnh vực công nghệ truyền thông và thông tin và chính 3 nhân tố kỹ thuật, thông tin và tiền vốn lưu chuyển xuyên quốc gia đã trở thành các động lực thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá. Với nền kinh tế toàn cầu hoá, việc tổ chức sản xuất và khai thác thị trường trong phạm vi một nước đã  nhanh chóng chuyển sang tổ chức sản xuất và khai thác thị trường trên phạm vi thế giới và theo đó, sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào đều vượt ra khỏi biên giới quốc gia” .

Nhìn từ khía cạnh khoa học và công nghệ, Vũ Đình Cự coi: Toàn cầu hoá kinh tế đồng nghĩa với mở cửa nền kinh tế của các nước, nói đúng hơn là chuyển đổi từ các nền kinh tế khép kín hoặc nửa khép kín thành kinh tế mở. Kinh tế mở đi đôi với phân công quốc tế triệt để, ai mạnh mặt nào thì khai thác triệt để mặt đó để phát triển”.

Theo Nguyễn Mại, “Toàn cầu hoá kinh tế thế giới là một xu thế khách quan do tác động của sự phát triển của lực lượng sản xuất”, “Toàn cầu hoá là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; mỗi nước cần có thể tận dụng tối đa thế và lực của mình để đảm bảo lợi ích dân tộc trong quan hệ song phương và đa phương với các nước khác” .

Khái niệm về toàn cầu hoá của các tác giả trên đây phần nào có những điểm tương đồng với định nghĩa của IMF về toàn cầu hoá : “Toàn cầu hoá là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa tất cả các nước trên thế giới, là kết quả của sự gia tăng về khối lượng và dạng thức các luồng trao đổi hàng hoá và dịch vụ qua biên giới và các luồng di chuyển vốn trên trường quốc tế, đồng thời với sự phổ biến công nghệ nhanh chóng và rộng khắp”.

b.  Tác động  của toàn cầu hoá

Từ việc phân tích bản chất, đặc điểm và nguyên nhân, xu hướng của toàn cầu hoá, các tác giả Việt Nam cho rằng toàn cầu hoá đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị…. Đó là một quá trình có tác động hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực có thể gắn với cơ hội, mặt tiêu cực gắn với thách thức.

* Mặt tích cực - cơ hội

Nhiều tác giả cho rằng, toàn cầu hoá làm cho sự tăng trưởng kinh tế cao, do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tính chất xã hội hoá của lực lượng sản xuất được đẩy mạnh ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Toàn cầu hoá làm thay đổi cơ cấu  kinh tế trong nền kinh tế thế giới.

- Toàn cầu hoá đem lại những thành quả về mọi mặt cho thế giới do sự tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, do sự phổ dụng, truyền bá và chuyển giao các thành tựu của cuộc cách mạng tin học, cách mạng sinh học trên quy mô toàn cầu. Nó nâng cao năng lực tư duy, phân tích và tổng hợp thông tin, nâng cao trình độ tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh của con người. Nó tạo điều kiện cơ hội cho tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

- Toàn cầu hoá tạo cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh. Nó khai thông giao lưu và mang lại những nguồn lực rất quan trọng cho các nước đang phát triển: thu hút các nguồn vốn vật chất, nguồn vốn tri thức và kinh nghiệm. Các cơ hội mở rộng các loại thị trường và các cơ hội hợp tác, cạnh tranh. Tạo điều kiện cơ hội tiếp nhận các công nghệ mới có hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.

- Toàn cầu hoá tạo cơ hội cho các quốc gia mở cửa, các dân tộc xích lại gần nhau hơn, hiểu biết lẫn nhau hơn, tương thuộc lẫn nhau hơn, đẩy mạnh hợp tác giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, giữa các châu lục. Nâng cao nhanh chóng trình độ dân trí ở các nơi, các nước. Sự giao tiếp diễn ra trực tiếp và tức thời, tiết kiệm được thời gian, sức lực và tiền của.

- Toàn cầu hoá tạo ra các  hính thức tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục của quốc tế và khu vực, và hình thành luật pháp quốc tế để giải quyết những vấn đề chung toàn cầu về dân số, môi trường, lương thực, y tế, sức khoẻ, an ninh và an toàn xã hội…

Đó là các tổ chức của Liên Hợp Quốc như UNDP, UNESCO, FAO, UNICEF; và các tổ chức quốc tế khác như INTERPOL, ASEANAPOL…

* Mặt tiêu cực - thách thức

Các tác giả Việt Nam cũng có nhận xét rằng:

- Toàn cầu hoá làm cho sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng, làm trầm trọng thêm những bất công xã hội, đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo, gây bất mãn sâu sắc trong đông đảo nhân dân lao động. Toàn cầu hoá đem lại nhiều tai hoạ cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân khác.

- Những chấn động của hệ thống kinh tế toàn cầu ở các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, nguyên - nhiên liệu đã làm cho mọi mặt hoạt động và đời sống của con người kém an toàn, từ kinh tế, tài chính, văn hoá, xã hội, môi trường đến an ninh, chính trị, bất ổn, khó lường, phá vỡ các quan hệ gia đình, cộng đồng và lòng tin, gây thảm hoạ môi trường, nhiễu loạn thông tin.

- Toàn cầu hoá có phần thu hẹp quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của các quốc gia, làm xói mòn chủ quyền quốc gia. Thậm chí an ninh quốc gia một nước có thể bị tổn thương nếu chính sách của nhà nước đó có sai lầm, có thể gây nên tranh chấp, xung đột.

- Toàn cầu hoá đặt các nước đang phát triển trước những thách thức do thực trạng thế lực của các nước này yếu hơn hẳn các nước phát triển.

- Toàn cầu  hoá tạo ra các hình thức tổ chức tội phạm maphia, ma tuý, mại dâm, buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em, kèm theo hoạt động của các tổ chức khủng bố và các tệ nạn xã hội.

c.  Triển vọng của toàn cầu hoá

Cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1923 - 1998) đã đưa ra những  dự báo: “Trong 25 năm tới từ 1996 đến 2020, có nhiều khả năng không có chiến tranh thế giới, và chạy đua kinh tế toàn cầu sẽ thay thế cho chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang. Tuy vậy vẫn có khả năng xảy ra chiến tranh cục bộ tuy không nhiều và lớn như trong 50 năm qua. Chiến tranh cục bộ xảy ra chủ yếu là do xung đột dân tộc và tôn giáo.

Các nước lớn đã đi đến chấm dứt chiến tranh lạnh, chấm dứt chạy đua vũ trang, mở ra thời kỳ hoà hoãn, giảm các kho vũ khí, đấu tranh và hợp tác trong cuộc chạy đua kinh tế. Cuộc đấu tranh và hợp tác trong cuộc chạy đua toàn cầu về kinh tế sẽ là hình thức đấu tranh chủ yếu trên thế giới với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang làm thay đổi rất to lớn hàng năm nền kinh tế thế giới.

Các dân tộc chậm phát triển trên thế giới sẽ đứng trước những thời cơ rất lớn cũng như những thách thức rất lớn… Hoặc các nước này có thể bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá để đi thẳng vào thời đại thông tin và đưa nền kinh tế phát triển rất nhanh chóng trong 20 năm. Hoặc các nước này lỡ cơ hội và sẽ bị tụt hậu rất xa”.

Trong thập niên tới, Trần Việt Phương cho rằng, chắc chắn toàn cầu hoá, khu vực hoá và quan hệ song phương giữa từng cặp nước sẽ phát triển và có lẽ phát triển nhanh.

2.  Xu thế vận động mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại

Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX trở đi, xét trên phương diện trình dộ của lực lượng sản xuất, sự khởi đầu của cuộc cách mạng KHCN hiện đại, tiếp ngay theo cuộc cách mạng KHKT, đã đưa nhân loại tiến vào ngưỡng cửa của một thời đại mới, đó là thời đại tri thức. Đây là bước quá độ sang sự phát triển kỹ thuật và công nghệ hoàn toàn chỉ trên cơ sở khoa học trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và các ngành sản xuất vật chất, bién bản thân khoa học thành nền công nghiệp tri hức. Trong thời đại tri thức, tri thức con người (knowledge) đóng vai trò quyết định của sự phát triển. Trong giai đoạn này, con người sử dụng tri thức của mình để chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị cóthể thay thế một phần chức năng điều khiển, tư duy của mình trong một số lĩnh vực với kết quả cao hơn nhiều so với bộ não của con người. Đứng ở vị trí trung tâm, con người cs trình độ độc lập về trí tuệ và tâm lý cao hơn nhiều so với hai thời đại trước đó và hành động chủ yếu theo những yêu cầu tự biểu hiện và sáng tạo chứ không phải theo những động cơ truyền thống. Trong thời đại tri thức, nền kinh tế công nghiệp sẽ chuyển thành nền kinh tế thông tin (nhiều nhà khoa học còn gọi đây là nền kinh tế tri thức, nền kinh tế tin học, nền kinh tế mạng…)

Với cốt lõi là cuộc cách mạng vi điện tử diễn ra từ đầu thập  niên 60 và các thành tựu KHKT lớn nhất của thé kỷ XX, cuộc cách mạng KHCN hiện đại "còn là bước quá độ dưới sự chỉ đạo và với vai trò dẫn đường của khoa học sang quá trình tổ chức lại về căn bản công nghệ sản xuất, điều tiết các quy trình công nghệ với quy mô ngày càng tăng, tổ chức lại tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội trên cơ sở những ngành công nghệ cao mà các cuộc cách mạng trước đó chưa đủ điều kiện tạo ra một cách hoàn chỉnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng mới, công nghệ tự động hoá trên cơ sở kỹ thuật vi điện tử… Với cuộc cách mạng KHCN hiện đại, khái niệm "kỹ thuật" đã dược bao hàm trong khái niệm "công nghệ". Kể từ đây, cụm danh từ "KHCN" đã thay thế dần cụm từ "KHKT".

Kết quả là, kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX trở đi, một loại hình xã hội mới dưới tên gọi là xã hội thông tin đang từng bước hình thành trong lòng xã hội công nghiệp với sự gia tăng ngày càng lớn của các ngành dịch vụ (nhất là các ngành xử lý thông tin) trong cơ cấu sản xuất xã hội.

Cuộc cách mạng KHCN hiện đại là sự biến đổi tận gốc lực lượng sản xuất của xã hội hiện đại, được thực hiện với vai trò dẫn đường của khoa học trong toàn bộ chu trình : "Khoa học - công nghệ - sản xuất - con người - môi trường". Trong đó, có thể thấy được một số đặc điểm lớn sau :

Một là, sự vượt lên trước của khoa học so với kỹ thuật và công nghệ trong quá trình diễn ra đồng thời cuộc cách mạng khoa học và cách mạng công nghệ, đã tạo điều kiện đẩy nhanh tién bộ kỹ thuật - công nghệ. Ngược lại, sự tiến bộ đó lại thúc đây khoa học phát triển nhanh hơn nữa và đưa khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Hai là, các yếu tố riêng biệt của quá trình sản xuất được kết hợp hữu cơ với nhau và được kết nối thành một hệ thống liên kết mạng trên quy mô quốc gia và quốc tế (máy điều khiển + máy động lực + máy công cụ + máy vận chuyển …, + kết nối mạng và liên mạng), tạo điều kiện xuất hiện các hệ thống công nghệ mới về nguyên tắc (cách mạng công nghệ).

Ba là, hầu hết các chức năng lao động dần dần được thay thế từ thấp lên cao (từ lao động chân tay sang lao động trí tuệ) trong quá trình thay đổi về chất của quá trình sản xuất đến đến sự thay đổi về căn bản vai trò của con người trong sản xuất, từ chỗ bị lệ thuộc và bị trói chặt (quan hệ một chiều) vào quá trình sản xuất tiến lên làm chủ và chi phối lại quá trình sản xuất (quan hệ hai chiều).

Bốn là, tạo một bước ngoặt trong toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả của nền sản xuất xã hội, cũng như tác động một cách sâu sắc và toàn diệntới các quan hệ kinh tế đối ngoại và mọi lĩnh vực đời sống xã hội khiến phân công lao động xã hội trong phạm vi quốc gia và quốc tế ngày càng mở rộng, quan hệ san xuất ngày càng tiến bộ. Đây là giai đoạn phát triển tiến bộ của lao động được biến đổi về chất trên cơ sơ những tư tưởng mới nhất của KHCN cũng như quy luật của các hình thái vận động vật chất khác nhau vừa được phát hiện ra.

II.      CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU VÀ KHU VỰC

1.  Môi trường toàn cầu

Sau 30 năm, kể từ Hội nghị đầu tiên về môi trường của thế giới (Stockholm-1972) đến nay, cộng đồng thế giới đã có nhiều nỗ lực để đưa vấn đề môi trường vào các chương trình nghị sự ở cấp quốc tế và quốc gia. Tuy vậy, hiện trạng môi trường toàn cầu được cải thiện không đáng kể. Môi trường chưa được lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Dân số gia tăng nhanh, sự nghèo đói, sự khai thác, tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên, sự phát thải quá mức "khí nhà kính" v.v... tiếp tục gây áp lực rất lớn lên môi trường. ở nhiều nơi môi trường vẫn tiếp tục bị suy thoái.

a.  Hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ôzôn

"Hiệu ứng nhà kính" làm thay đổi khí hậu toàn cầu, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái của nhiều khu vực rộng lớn, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trách nhiệm chính gây ra "hiệu ứng nhà kính", làm biến đổi khí hậu, thuộc về các nước phát triển và các nước sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến mực nước biển dâng cao, tăng tần suất và cường độ xảy ra hiện tượng El-nino, La- nina, làm gia tăng mưa bão, ngập lụt và hạn hán nghiêm trọng ở một số vùng trên thế giới. Ở nước ta, các sự kiện như lũ lụt năm 1997 ở đồng bằng sông Cửu Long, trận lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999, các vụ cháy rừng liên tiếp xẩy ra gần đây v.v... là những minh chứng rõ ràng cho thấy tác hại của các hiện tượng nêu trên ngày càng gia tăng. Tầng Ôzôn - cái ô bảo vệ sự sống trên trái đất - đang bị suy giảm nhanh, trực tiếp gây tác hại đến sức khoẻ con người và các loài sinh vật trên trái đất.

b.  Mưa a-xít

Mưa a-xít là do khí thải có chứa SO2, NOx và một số hoá chất khác từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Một số trung tâm mưa axit của thế giới đang chuyển dịch dần về các nước Châu Á, gần với nước ta hơn. Theo báo cáo của mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy ở một số nơi trong nước có dấu hiệu mưa axít mà nguyên nhân là do ô nhiễm xuyên biên giới và đang có chiều hướng tăng lên.

c.  Ô nhiễm biển và đại dương 

Theo số liệu thống kê năm 2000, tổng lượng chất phóng xạ có trong đại dương tăng nhiều lần so với năm 1970, trong đó các chất phóng xạ tăng lên hơn 100 lần.

Lượng dầu do đắm tàu, va chạm tàu, rò rỉ trong vận chuyển và phun ra từ các giếng khai thác của toàn thế giới vào các đại dương vào khoảng 5 - 10 triệu tấn/năm, lượng dầu do các xí nghiệp công nghiệp thải ra từ 3 - 5 triệu tấn/năm.

Các hợp chất hữu cơ, kim loại nặng, các nguồn chất thải từ đất liền đổ ra biển và đại dương gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Biển Đông cũng đang nằm trong tình trạng chung như các đại dương và  biển khác.

d.  Dịch chuyển ô nhiễm

Theo tài liệu về qui hoạch môi trường của Liên hợp quốc mỗi năm toàn cầu sản sinh ra  khoảng 500 triệu tấn chất thải nguy hại, trong đó 98% là từ các nước phát triển. Việc chuyển giao công nghệ lạc hậu và dịch chuyển chất thải dưới nhiều hình thức khác nhau từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước đang phát triển là một thực tế đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường nước ta.

2.  Môi trường khu vực

a.  Lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng    

Đồng bằng Cửu Long, hạ lưu của sông Mê Kông, con sông chảy qua 5 nước trước khi vào lãnh thổ nước ta. Đây là vùng đồng bằng sản xuất ra 40% sản lượng lương thực của cả nước. Bất kỳ một hoạt động nào trên thượng lưu, từ các nước ở thượng nguồn con sông, đều tác động trực tiếp đến môi trường và các hệ sinh thái của nước ta.

 Sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy ra vịnh Bắc Bộ, do đó các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường ở nước bạn đều có ảnh hưởng đến đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Bắc, vùng đông dân nhất của nước ta.

b.  Môi trường của các vùng rừng chung biên giới

Vùng rừng biên giới có nghĩa rất quan trọng về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và điều hoà nguồn nước đối với nước ta. Khai thác gỗ bất hợp pháp, không kiểm soát được, nạn đốt phá rừng, đang gây ra những thảm họa to lớn. Vấn đề khói mù xuyên biên giới đang trở nên bức xúc đối với khu vực Đông Nam á hiện nay.

Buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trong các vùng có chung biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, đang làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ra huỷ hoại môi trường chung của nước ta và các nước láng giềng.

 

 


CHƯƠNG 2

TỔNG QUAN VỀ LUẬT PHÁP MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

 

I.        SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, các vấn đề liên quan đến các tài nguyên thiên nhiên và môi trường đã được giải quyết trên quy mô quốc tế mặc dù vào thời điểm này khái niệm “Môi trường“ còn rất ít được sử dụng. Đó là trường hợp giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới giữa Canada và Mỹ thông qua một Hiệp ước song phương ký giữa hai nước vào năm 1909. Đặc biệt từ khoảng 30 năm trở lại đây trong khuôn khổ của khái niệm “kỷ nguyên  sinh thái“, nhiều vấn đề môi trường đã trở thành mối quan tâm chung trên bình diện quốc tế. Năm 1968, Hội đồng Châu Âu đã thông qua Hiến chương Châu Âu về Nước. Hiến chương này là một trong những văn bản pháp luật quốc tế đa phương đầu tiên về môi trường. Văn bản này đã ghi nhận một nguyên lý cơ bản về tính không biên giới của nước và vì thế muốn quản lý và sử dụng nó một cách bền vững cần phải có sự phối hợp chung giữa các quốc gia liên đới.

Sự ô nhiễm nguồn nước đã phản ánh tính quốc tế của môi trường. Trên thế giới hiện nay rất nhiều quốc gia đang cùng chia sẻ nguồn lợi từ các con sông hay các lưu vực, vì vậy chất lượng và lưu lượng nước của  các nguồn nước quốc tế có thể là nguyên nhân dẫn đến các xung đột quốc tế hay khu vực.

Cũng như nước ngọt, biển, không khí và môi trường nói chung đều không có biên giới. Bất cứ một tác động tiêu cực lớn nào lên môi trường đều có nguy cơ gây ra các tác động vượt quá khỏi biên giới của một quốc gia hay lãnh thổ. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế hiện đang nỗ lực để ngăn chặn một số hiện tượng khác mà phạm vi của nó đã mở rộng ra quy mô quốc tế muốn ngăn chặn hay khắc phục tác hại của chúng chỉ có thể dựa trên các nỗ lực toàn cầu như vấn đề sa mạc hoá, sự suy giảm tầng ô zôn, sự nóng lên của Trái đất do biến đổi  khí hậu...

Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận sự liên đới phụ thuộc giữa các lĩnh vực môi trường khác nhau. Sự ô nhiễm biển có thể làm ảnh hưởng tới các vùng duyên hải, ô nhiễm khí quyển gây tác hại cho đất và gây nguy hiểm cho rừng và các công trình xây dựng. Ô nhiễm  nước, không khí và đất đều đe doạ động thực vật hoang dã...

Sự tương tác liên đới này có tác động rõ rệt đến quy mô toàn cầu và vì vậy, các công ước quốc tế về môi trường lần lượt ra đời.

Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực quốc tế hoá công tác bảo vệ môi trường. Các yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm về mặt môi trường cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Hiện tượng “xuất khẩu ô nhiễm“ là một trong các khía cạnh của quốc tế hoá các vấn đề môi trường đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế và các định chuẩn chung.

Năm 1972, đánh dấu một sự kiện lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường – Con người đã nhóm họp tại Stockholm, Thuỵ Điển từ ngày 5 đến 16/6/1972 với sự tham gia của 113 quốc gia. Điều quan trọng mà Hội nghị thông qua là thừa nhận sự xuống cấp của môi trường toàn cầu và khẳng định nhu cầu cần có một quan điểm chung và những nguyên tắc chung để hướng mọi dân tộc trên thế giới vào quá trình gìn giữ và làm tốt đẹp hơn môi trường sống của con người.

Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường tại Stockholm đã xem xét nghiêm túc nhu cầu cần có một quan điểm chung để hướng mọi dân tộc trên thế giới trong quá trình gìn giữ và làm tốt đẹp hơn môi trường của con người. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Stockholm, thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực môi trường. Bản Tuyên bố đã đưa ra 26 nguyên tắc cơ bản cho vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu; trong đó đặc biệt nhấn mạnh và nói nhiều đến hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường: “Bảo vệ và cải thiện môi trư­ờng là một vấn đề lớn có ảnh hư­ởng tới phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế trên toàn thế giới: đó là khao khát khẩn cấp của các dân tộc trên khắp thế giới và là nhiệm vụ của mọi chính phủ… Hội nghị kêu gọi các Chính phủ và các dân tộc cố gắng dành những nỗ lực chung để gìn giữ và cải thiện môi tr­ường, vì lợi ích của mọi ng­ười và con cháu chúng ta”. Từng nguyên tắc của bản Tuyên bố đều nhắc đến mối liên quan chặt chẽ giữa các vấn đề môi trư­ờng trong phạm vi quốc gia và quốc tế, và vì vậy, rất cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết chúng. Thông qua đó, bản Tuyên bố nhấn mạnh đến vai trò cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc về bảo vệ môi trường. Việc xây dựng và thông qua các công ước quốc tế về môi trường được quy định rõ trong nguyên tắc 22: “Các nước sẽ cùng  hợp tác để phát triển hơn nữa luật pháp quốc tế liên quan đến trách nhiệm và bồi thường các nạn nhân bị ô nhiễm và các thiệt hại về môi trường do các hoạt động thuộc pháp lý hay kiểm soát của các nước đó gây ra cho các khu vực vượt quá quyền pháp lý của các nước đó”. Một trong những kết quả đánh dấu thành công đầu tiên của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trư­ờng – Con ngư­ời là ngày 5 tháng 6 hằng năm đã đư­ợc lấy làm Ngày môi trư­ờng thế giới. Nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ về bảo vệ môi trư­ờng đã đ­ược thành lập; ở tầm hẹp hơn, một số hội nghị quốc tế và khu vực về bảo vệ môi tr­ường cũng đã được nhóm họp. Các hoạt động về bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh và mở rộng hơn so với trước đó. Có thể nói, Tuyên bố Stockholm đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau Hội nghị, nhiều công ước quốc tế quan trọng đã lần lượt được ra đời như: Công ước UNESCO về Bảo vệ các di sản văn hoá và tự nhiên thế giới (1972); Công ước CITES về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng (1973); Công ước MARPOL về ngăn chặn ô nhiễm do tàu biển (1973); Công ước về bảo tồn các loài động vật di cư hoang dã (1979); Công ước Viên về bảo vệ tầng ôzôn (1985); Nghị định thư MONTREAL về các chất gây suy giảm tầng ôzôn (1987); Công ước BASEL về quản lý vận chuyển xuyên biên giới và chôn lấp các chất thải nguy hại (1989) v.v.

Tròn 20 năm sau ngày Hội nghị Môi trường thế giới lần thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển đã được nhóm họp từ 03 đến 16 tháng 6 năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brasil với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ hơn 170 nước trên thế giới. Một lần nữa, vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đặt ra một cách cấp thiết hơn và với một tầm nhìn cao hơn và bao quát hơn. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị đã nhất trí lấy phát triển bền vững làm mục tiêu của toàn nhân loại trong thế kỷ XXI và đã đ­ưa ra một chương trình hành động quốc tế mang tên “Chương trình Nghị sự 21”.[1] Xuất phát từ mục tiêu phát triển bền vững và nội dung của “Chương trình Nghị sự 21”, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đã xây dựng “Chương trình Nghị sự 21 quốc gia” của nước mình.

Nếu như Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường ở Stockhom (1972) mới đặt ra vấn đề phải có một quan điểm chung và những nguyên tắc chung, để hướng sự quan tâm của mọi dân tộc trên thế giới vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường sống, thì Tuyên bố của Hội nghị Rio de Janeiro (1992) đã nói lên sự cần thiết phải có những hoạt động để đạt đến những hiệp định quốc tế nhằm tôn trọng quyền lợi của mọi người, mọi dân tộc và bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống môi trường và phát triển toàn cầu. Và, cũng ở đây, lần đầu tiên, một hội nghị tầm cỡ quốc tế về môi trường đã chính thức công nhận bản chất toàn vẹn, chỉnh thể và phụ thuộc lẫn nhau của Trái Đất – ngôi nhà chung của chúng ta. Cụ thể hơn, nguyên tắc thứ 7 của Tuyên bố đã chỉ rõ: “Các quốc gia cần hợp tác trong tinh thần chung lưng đấu cật để gìn giữ, bảo vệ và phục hồi sự lành mạnh và tính toàn vẹn của hệ sinh thái Trái Đất…”, đồng thời cho rằng, vì các nước làm suy thoái môi trường ở những mức độ khác nhau, do đó cũng có trách nhiệm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề môi trường. Nhiệm vụ này đặc biệt nặng nề đối với các nước phát triển, vì những hậu quả tiêu cực do sự phát triển xã hội của họ đang gây áp lực mạnh mẽ lên môi trường toàn cầu.

Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh 1992 đã đưa ra 27 nguyên tắc hoạt động nhằm gắn chặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường với sự phát triển bền vững của xã hội. Các nguyên tắc đó xuyên suốt toàn bộ các hoạt động cơ bản của xã hội như: kinh tế, khoa học – công nghệ, luật pháp, thông tin, văn hóa, phòng chống thiên tai và các biến cố môi trường, hợp tác quốc tế v.v… Bản Tuyên bố đặc biệt chú ý đến vấn đề chiến tranh và hòa bình, được nhắc đến trong 3 nguyên tắc: 24, 25, 26. Nguyên tắc 25 khẳng định: “Hòa bình, phát triển và bảo vệ môi trường phụ thuộc vào nhau và không thể chia cắt được”. Cuối cùng, nguyên tắc 27 kêu gọi: “Các quốc gia và các dân tộc cần hợp tác với tinh thần chung lưng đấu cật trong việc thực hiện các nguyên tắc trong bản Tuyên bố này và trong sự phát triển hơn nữa luật pháp quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững”.

Tất cả các nguyên thủ quốc gia của hơn 170 nước và khu vực tham gia Hội nghị đã ký vào bản Tuyên bố. Đó là bản cam kết hợp tác quốc tế đầu tiên trên phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, còn có rất nhiều các hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực được tổ chức ở nhiều nơi. Nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường được thành lập, như: “Tổ chức hoà bình xanh”, “Hội bảo vệ động vật quý hiếm”, “Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển”, “Quỹ bảo vệ động vật hoang dã”,v.v…

Hội nghị Rio de Janeiro 1992 đã tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ trong hệ thống pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường trên cấp độ toàn cầu. Ngay tại Hội nghị này, đã có 06 văn kiện quốc tế quan trọng được ký kết, đó là: Tuyên bố Rio; Chương trình Nghị sự 21; Tuyên bố các nguyên tắc về rừng; Công ước về bảo vệ Biển Đen tránh khỏi ô nhiễm; Công ước khung về Biến đổi khí hậu; Công ước về Đa dạng sinh học. Nhiều công ước quốc tế quan trọng cũng đã ra đời sau đó, như: Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hoá (1994); Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện Công ước khung về Biến đổi khí hậu (được 122 quốc gia thông qua vào năm 1997 và vừa có hiệu lực vào năm 2005); Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với việc buôn bán sinh vật biến đổi gen và sản phẩm của chúng (2000) nhằm thực hiện Công ước về Đa dạng sinh học; Công ước Stockholm về các chất hữu cơ khó phân huỷ (2001), trong đó yêu cầu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng 9 loại thuốc trừ sâu độc hại, khó phân huỷ và hạn chế sử dụng một số loại hoá chất khác.

Tuy nhiên, 10 năm sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Liên hợp quốc đã đánh giá việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị chưa đạt được kết quả khả quan và chưa đáp ứng được sự mong đợi. Thực tế cho thấy, trong vòng 10 năm kể từ Rio - 92, môi trường toàn cầu tiếp tục bị xuống cấp, các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị huỷ hoại. Mỗi năm, 11-13 triệu ha rừng bị chặt phá, hàng chục triệu ha đất bị hoang mạc  hoá. Ô nhiễm gia tăng, nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm. Tình trạng đói nghèo trên thế giới ngày càng trầm trọng, với 2,4 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói, các điều kiện xã hội và y tế không được cải thiện, các nước nghèo, các khu vực nghèo ngày càng nghèo hơn, các nước giàu ngày càng giàu lên, khoảng cách Bắc (các nước phát triển) - Nam (các nước đang phát triển) ngày càng sâu, rộng. Trong khi đó các nước phát triển chỉ huy động 0,22% GNP cho ODA so với 0,7% mà Liên hợp quốc đã kêu gọi và được nhiều nước cam kết tại Rio - 92. Tác động của toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và các hàng rào thương mại trá hình, mặt trái của việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, của đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, việc khai thác và sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự phân chia không thoả đáng phúc lợi xã hội, sự phát triển của các công ty, tập đoàn tài chính xuyên quốc gia và các luồng tài chính bị luân chuyển thiên lệch và đặc biệt gần đây là những diễn biến phức tạp sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ là những nguyên nhân trực tiếp và tiềm ẩn tác động lên phát triển bền vững của toàn thế giới.

Trước bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg, Cộng hoà Nam Phi vào tháng 11/2002 nhằm tiếp tục tái khẳng định các nguyên tắc và các văn bản đã được thông qua tại Hội nghị Ri-ô năm 1992, đồng thời đề ra một Kế hoạch thực hiện ở cấp độ toàn cầu để đạt được sự phát triển bền vững. Lấy tên gọi của Hội nghị thượng đỉnh lần này là Phát triển bền vững, Liên hợp quốc muốn các quốc gia nhìn nhận và cam kết đúng đắn hơn về sự phát triển bền vững của thế giới như là một xu thế và mục tiêu tất yếu cho mọi con đường phát triển.

Tại Hội nghị, một lần nữa, các nước khẳng định những nguyên tắc cơ bản về phát triển bền vững và các kết quả chính của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992 và thông qua bản Tuyên bố Chính trị. Tuyên bố Chính trị của Hội nghị đã khẳng định cam kết của các nước đối với phát triển bền vững, khẳng định trách nhiệm chung xây dựng 3 trụ cột của phát triển bền vững là: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội ở các cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu; khẳng định giá trị của Chương trình nghị sự 21 đã được thông qua ở Hội nghị Rio nhằm đạt được sự phát triển bền vững, và những tiến bộ từ sau Rio như một số công ước mới, một số hội nghị, diễn đàn, cam ước quốc tế như Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; nhấn mạnh những thách thức hiện nay là nghèo đói, chậm phát triển, môi trường sinh thái và bất bình đẳng về kinh tế xã hội trong và giữa các nước. Tuyên bố cũng xác nhận rằng vấn đề xoá đói giảm nghèo, thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ không bền vững, bảo vệ và quản lý hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay là nền tảng cho sự sống và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi thừa nhận rằng, những mục tiêu đặt ra ở Hội nghị Rio chưa đạt được bao nhiêu, bản Tuyên bố cũng nêu rõ sự lo ngại sâu sắc là tiến bộ trên con đường phát triển bền vững còn chậm chạp so với dự kiến và do đó những thách thức của thế kỷ mới là trên cơ sở kiểm điểm những tiến bộ thời gian qua để điều chỉnh ưu tiên trọng tâm sang việc thực hiện. Bên cạnh bản Tuyên bố chính trị quan trọng nói trên, Hội nghị còn thông qua bản Kế hoạch thực hiện Johannesburg nhằm thống nhất một số những giải pháp cụ thể để thực hiện Chương trình Nghị sự 21 đã được thông qua tại Rio de Janeiro 1992. Nếu như Chương trình Nghị sự 21 chưa đưa ra được các mục tiêu định lượng cụ thể thì ở bản Kế hoạch thực hiện lần này đưa ra được một số mục tiêu định lượng và thời hạn thực hiện cụ thể như:

- Phấn đấu giảm 1/2 số người không được hưởng các điều kiện nước sạch và vệ sịnh môi trường vào năm 2005, Eu cam kết sẽ tăng số tiền 1,4 tỷ euro mỗi năm tài trợ cho lĩnh vực nước sạch;

- Phấn đấu ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2010;

- Phục hồi trữ lượng nguồn thuỷ sản của các đại dương vào năm 2015, khắc phục tình trạng khủng hoảng nghề cá trên thế giới, hạn chế tốc độ khai thác và duy trì nguồn lợi cá ở mức cao nhất có thể;

- Tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch lên đến 10% tổng năng lượng được sử dụng vào năm 2010;

- Nghị định thư Kyoto về phát thải khí nhà kính có thể bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002 này như dự kiến sau khi Nga, Canada và Trung quốc tuyên bố tại Hội nghị là sẽ phê chuẩn ngay, bất chấp việc Mỹ là nước phát thải lớn nhất (chiếm tới 1/3 tổng lượng phát thải) tiếp tục chống đối, rút khỏi việc ký kết tham gia.

Có thể thấy thông qua Hội nghị Phát triển bền vững tại Johannesburg 2002, xu thế phát triển thế giới có một số đặt trưng sau:

* Rũ bỏ kiểu phát triển dập khuôn

Mô hình phát triển của phương Bắc đã lỗi thời về mặt lịch sử

Một phần do áp đặt, một phần do sự hấp dẫn, mô hình phát triển của các nước phương Bắc đã định hình ước muốn của các nước phương Nam, đưa ra những khuôn mẫu của một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau thời kỳ thực dân hoá, các quốc gia giành được độc lập đã định hình một lối sống công nghiệp và tiến lên nhằm đuổi kịp các nước giàu. Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các nước Đông Âu và Trung Á bắt đầu đi theo chủ nghĩa tư bản và sự hấp dẫn của thị trường tự do. Nơi các nước này muốn đến, những điều mà họ muốn làm không phải được định hình một cách tự nhiên từ những giá trị truyền thống và lịch sử của họ, mà chính là được định hình từ sự ganh đua của các mô hình phương Bắc. Theo cách như vậy, sự công bằng quốc tế được nhìn nhận như là việc ganh đua đuổi kịp các nước đã phát triển.

Trong khoảng một phần tư còn lại của thế kỷ 20, trước thời kỳ khủng hoảng môi trường thì cả hai bên bờ Bắc Đại Tây Dương đều thể hiện sự siêu đẳng về công nghệ. Thực tế cho thấy rõ là những thành quả này chỉ là một thứ  ảo ảnh làm người ta nhầm lẫn. Các thành quản này về cơ bản thể hiện sự chuyển giao quyền lực từ tự nhiên sang con người, làm cho thiên nhiên bị suy thoái và kiệt quệ. Hậu quả là thiên nhiên vừa là nguồn nguyên liệu (nước, gỗ, dầu mỏ, khoáng sản...) vừa là nơi ở (nơi chứa các mỏ, nơi cư trú và hạ tầng cơ sở), vừa là nơi chứa chất thải (đất, đại dương, khí quyển) cho phát triển kinh tế, đã bị tàn phá hoặc suy thoái. Xem xét xu thế môi trường trong 50 năm qua: nồng độ khí nhà kính đã vượt quá ngưỡng chịu đựng được, một phần ba đất trồng trọt trên thế giới đã bị thoái hoá, một phần ba rừng nhiệt đới cũng bị tàn phá, một phần tư nguồn nước ngọt và một phần tư trữ lượng cá ở đại dương đã biến mất, chưa kể đến sự tuyệt chủng của các loài động vật và thực vật. Mặc dù chỉ chiếm thiểu số trong dân số của cộng đồng thế giới, sống dựa vào thiên nhiên trong vòng có hai thế hệ nhưng bữa tiệc của loài người đã vãn hồi.

Một tình trạng bị thái quá đã xuất hiện, hiện nay, sự tiêu thụ của thế giới đã quá mức mà thiên nhiên có thể tái tạo. Một số tính toán cho thấy rằng hoạt động của con người đã vượt quá năng lực của trái đất kể từ những năm 1970. Từ đó đến năm 1997,  mức vượt đã lên quá tới 30% của năng lực tải của trái đất, và có thể tới 40 - 50% nếu như tính cả các nhu cầu của các loài khác (WWF 2000). Phần lớn trong số vượt  mức này là sự tiêu thụ quá mức các nguồn nhiên liệu hoá thạch, mà việc đốt chúng đã thải ra một lượng lớn cacbonic và cần tới một diện tích sinh khối để hấp thụ. Đúng như  vậy, sự phồn thịnh dựa trên năng lượng hoá thạch tạo ra sự nghịch lý trong mô hình phát triển truyền thống, tạo ra những sự lựa chọn trên đầu người của các nước đã phát triển ngoại suy cho tất cả các nước thì khí quyển chắc sẽ hấp thụ lượng cacbon nhiều gấp 5 lần khả năng của nó, chưa kể tăng dân số. Nói một cách khác nếu tất cả nước trên thế giới đi theo mô hình công nghiệp thì có lẽ phải cần đến 5 hành tinh như trái đất để hấp thụ hết lượng cacbon thải ra. Nhưng vì loài người chỉ có duy nhất một hành tinh nên sự công bằng như vậy đồng nghĩa với thảm hoạ.

Như vậy, duy nhất là tất cả dân cư trên hành tinh không thể có được mức sống như phương Tây chỉ bằng việc đi theo các mô hình phát triển truyền thống.

Tài nguyên sẽ quá lớn, quá đắt và sẽ phương hại đến các hệ sinh thái. Đúng vậy, báo cáo “Phát triển con người 1998” của UNDP đã nhấn mạnh “các quốc gia nghèo cần phải gia tăng nhu cầu tiêu thụ của họ nhưng không đi theo con đường mà các nước giàu và các nền kinh tế phát triển quá nhanh trong nửa thế kỷ qua”. Mặc dù đây là một lời khuyên tốt nhưng nó không chỉ ra được các cơ hội cho các nước Nam bán cầu, nhưng có lẽ trong lịch sử thì cũng chưa bao giờ có được một cơ hội để cho các nước này.

Tại thời điểm lịch sử khi sự lệ thuộc vào tài nguyên đã đưa các xã hội công nghiệp vào ngõ cụt, thì các nền kinh tế đang tụt hậu bỗng nhiên trở nên có nhiều cơ hội. Vì chưa bị khoá chặt vào mô hình phát triển công nghiệp hoá cổ lỗ, các nền kinh tế này có cơ nhảy vọt sang thời kỳ hậu năng lượng hoá thạch, bỏ quan hình thái tiêu thụ và sản xuất lệ thuộc nhiều vào tài nguyên đã từng được nâng niu bởi thế giới công nghiệp. Như vậy, thách thức mà các nước này phải đối đầu là sự lựa chọn một hướng đi thân thiện môi trường và thân thiện người nghèo. Tách biệt tăng trưởng kinh tế khỏi gia tăng sử dụng tài nguyên, tiến bộ xã hội đi đôi với tăng trưởng kinh tế, có thể là con đường dài để đi tới phát triển bền vững trong tương lai. Nếu như thành công thì  họ có thể đảo ngược quan hệ thầy - trò và chỉ cho phương Bắc thấy con đường thoát khỏi tình thái kinh tế tự diệt vong. Cơ hội mở ra như vậy cũng rất có thể bị khép lại mau chóng nếu phương Nam tiếp tục cách phát triển dập khuôn. Cơ hội như vậy chỉ mở ra nếu phương Nam lấy can đảm để thực hiện một mô hình của sự hưng thịnh khác với cái của phương Bắc.

* Thu hẹp khoảng cách sinh thái của các nước giàu và nghèo

Sự khác biệt chủ yếu là giữa người giàu được toàn cầu hoá và người nghèo bị cục bộ hoá. Việc tìm kiếm một công lý tốt đẹp hơn thời cổ xưa đòi hỏi phải có quyền lực của xã hội, nhưng nay thì còn cần có cả việc sử dụng tài nguyên. Quyền lực cho phép xác định kẻ sở hữu nhiều không gian môi trường. Không gian môi trường không phải được chia đều cho mọi quốc gia hay công dân. Ngược lại, nó được chia theo một cách rất không công bằng. Bằng chứng còn đó là khoảng 20% dân số thế giới đang tiêu thụ 70-80% tài nguyên thế giới. Cũng chính những người đó đang tiêu thụ tới 45% sản lượng thịt và cá, 60% sản lượng điện, 84% khối lượng giấy và sở hữu tới 87% số ô tô. Nói tóm lại, các nước công nghiệp hoá đang khai thác các tài nguyên thiên thiên một cách quá mức; sự  bòn rút môi trường của các nước này còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia của họ. Dấu chân sinh thái của họ lớn hơn, đôi khi còn quá lớn, lớn hơn cả diện tích lãnh thổ của họ với mội khối lượng lớn tài nguyên và không gian để chứa các chất thải, lấy từ các nước khác. Thực tế, cá nước OECD đã vượt khỏi kích thước trung bình, có chấp nhận được của dấu chấn sinh thái của họ tới 75-85%. 25% số người giàu có chiếm một dấu chân sinh thái rộng bằng tất cả bề mặt sản xuất sinh học của trái đất (Wackernagel - Rees 1997).

Điều quan trọng nhất khi phân biệt Bắc - Nam là chỗ đường phân chia thế giới không chỉ đơn thuần là chia miền Bắc với miền Nam là sự phân chia trong các xã hội. Sự phân bính chính là giữa người giàu và người nghèo ở địa phương. Sự phân chia Bắc - Nam, thay vì xuyên qua các quốc gia này, sẽ cắt ngang qua các xã hội với nhiều hình thái khác nhau. Nó phân biệt tầng lớp tiêu thụ trên toàn cầu với số đông còn lại của xã hội. Tầng lớp trung lưu này chủ yếu là dân cư ở phương Bắc và một số ở phương Nam, trong đó 80% là ở Bắc Mỹ, Tây và Đông Âu cùng với Nhật Bản, 20% còn lại nằm rải rác trên thế giới. Tổng số tầng lớp trung lưu này chiếm khoảng 20% dân số thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, toàn cầu hoá đã giúp tầng lớp trung lưu có thêm cơ hội với tới hàng hoá, thông tin và đi lại, mà phần lớn là từ các nước công nghiệp mới và Đông Âu. Các công ty đa quốc gia chủ yếu phục vụ nhóm người này, cùng với các kiểu thể hiện hình thức như phim ảnh, thời trang, âm nhạc và hàng hiệu. Nhưng hầu hết lớp người phương Bắc như những người thất nghiệp, người già và những người yếu thế, cùng với toàn bộ dân ở các vùng phương Nam nhận thấy rằng họ bị tách biệt với vòng xoáy của kinh tế thế giới. ở tất cả các nước, sự phân biệt giữa nhanh và chậm, giữa liên kết và không liên kết, giữa giàu và nghèo  là khá rõ nét. Hiện đang tồn tại một thế giới phương Bắc giống như một thế giới phương Nam, ở tất cả các nước, kể cả Đông Âu. Thực tế này đã bị tan biến trong quan niệm thông thường về “phương Bắc” và “phương Nam”.

Giảm được khoảng cách sinh thái của tầng lớp người tiêu dùng này trên thế giới không chỉ là vấn đề sinh thái học mà còn là vấn đề công bằng. Mặc dù trao đổi thương mại các tài nguyên có thể tốt cho kinh tế nhưng lại gây tổn hại về mặt sinh thái một khi việc sử dụng quá mức không gian môi trường đã bòn rút tài nguyên từ số đông trong xã hội và làm cho họ mất khả năng cải thiện cuộc sống của họ và hướng họ đến một tương lai tốt đẹp. Điều đó có nghĩa là sự giàu sang của một phía là nguyên nhân gây ra sự nghèo khó cho phía bên kia. Cứ như vậy, tầng lớp người tiêu thụ né tránh khỏi các nguy hại cho môi trường và đẩy chất thải, tiếng ồn, những thứ bẩn thỉu  của thế giới công nghiệp vào ngưỡng cửa của số đông những người yếu thế. Hơn nữa, các tài nguyên không phải là được bày sẵn ra đó để khai htác, tài nguyên thường ở những nơi có người sinh sống và phục vụ cho cuộc sống của dân cư bản địa.

* Đảm bảo các quyền mưu sinh

Nghèo đói là do thiếu quyền lực chứ không phải thiếu tiền. Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg tập trung nhiều vào xoá đói nghèo. Phương Nam đã gắn chặt vấn đề đói nghèo, và yêu cầu có được sự phân chia lớn hơn trong nền kinh tế thế giới, mặc dù nhiệm vụ đặt ra là chính đáng, tính chính trị của nó lại có phần mâu thuẫn. Xoá đói nghèo đòi hỏi phải có cố gắng rất lớn của cả cộng đồng quốc tế. Nhưng vấn đề là ở chỗ liệu các nỗ lực có cần thiết phải dựa chủ yếu vào nguồn hỗ trợ phát triển như tăng các khoản viện trợ, hay là tăng sự hoà nhập thị trường thế giới hay không. Những điều tưởng chừng tốt đẹp do chính phủ không nhất thiết đã là tốt cho người nghèo. Mà thường là, các chính phủ phương Nam, được hỗ trợ bởi các thế lực mạnh, nuôi nấng tham vọng mở rộng tầng lớp người tiêu thụ và củng cố quyền lực của mình bằng khẩu hiệu xoá đói nghèo. Đối nghịch với tình cảnh này, rõ ràng là xoá đói nghèo không được quyết định trên cơ sở giải quyết mâu thuẫn giữa phương Bắc và phương Nam mà chính là mâu thuẫn giữa những người bị gạt ra ngoài lề với tầng lớp trung lưu, trong đó bao gồm cả nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Trong lịch sử đã từng xảy ra chuyện các chính phủ phương Bắc và phương Nam đồng thuận trên sự thiệt thòi của người nghèo. Trong khi tất cả đều thống nhất rằng xoá đói nghèo phải là một ưu tiên hàng đầu, các ý kiến đưa ra lại rất khác nhau khi câu hỏi đặt ra là: xoá đói nghèo, đúng, nhưng ai thực hiện.

Câu trả lời trước hết là về vai trò của các nhà đầu tư, các công ty đa quốc gia và các nhà hoạch định kinh tế, trong đó nhấn mạnh giảm nghèo khổ sẽ phải là kết của của việc tăng trưởng mạnh nền kinh tế. Theo cách nhìn như vậy, một khi tăng trưởng phải dựa vào việc xuất khẩu ra thành thị hoặc hoặc tốt hơn là ra thị trường nước ngoài, thì những yếu tố quan trọng nhất là đầu tư tư bản, nhà máy, hệ thống thuỷ lợi, mạng lưới giao thông và các đầu ra cho thị trường. Hơn nữa, sức mua không thể được huy động nếu như không đảm bảo tạo ra các điều kiện thuận lợi cho những người tiêu dùng phương Bắc. Từ góc độ đó, thì chỉ có cách là hoà nhập khu vực nông nghiệp có năng suất cao nhất vào thị trường thế giới để đảm bảo thu nhập và đầu tư ổn định, để rồi lại tiếp tục tăng trưởng. Nói tóm lại, xoá đói nghèo có thể nhờ vào mở rộng toàn cầu hoá. Tuy nhiên các vấn đề môi trường lại yếu thế trong chiến lược xoá đói nghèo dựa vào xuất khẩu. Ngược lại, việc quá nhấn mạnh tới những vấn đề như thuốc trừ sâu, ô nhiễm, chặt phá rừng hay thực phẩm biến đổi gen sẽ bị coi như là sự cản trở phát triển.

Câu trả lời thứ hai mà chúng tôi ủng hộ là cách nhìn nhận người nghèo như là một chủ thể, họ tự định hình cuộc sống trong các điều kiện khắc nghiệt. Với cách nhìn như vậy, nghèo đói là do không có quyền lực chứ không phải là do không có tiền. Thay vì cho rằng người nghèo chỉ là những người chỉ biết chờ đợi sự ban phát, cần phải nhìn nhận họ là những công dân bị bó buộc vì thiếu quyền, lương và không có sự ngang bằng về chính trị. Do vậy, bất cứ cố gắng nào để giảm nghèo phải tập trung vào việc củng cố các quyền và cơ hội cho người nghèo. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ, là những người thường bị gạt ra bên lề một cách hợp pháp. Ở nhiều nơi, phụ nữ thường không có đất đai, thu nhập và ảnh hưỏng mặc dù chính họ là những người phải gánh chịu những khó nhọc trong cuộc sống và nuôi nấng gia đình. Đối với phụ nữ hoặc nam giới, một chiến lược về những quyền cơ bản, chứ không phải là một chiến lược về những nhu cầu cơ bản có thể sẽ giúp họ vượt qua những rào cản đối với tính tự tổ chức của họ. Ở nông thôn, xung đột thường xoay quanh các vấn đề như quyền sở hữu đất đai, có được tiếp cận đến nguồn nước, rừng, và môi trường sống chưa bị tàn phá, và khi xuất hiện mâu thuẫn với chủ đất hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Ở đô thị, xung đột xảy ra thường tập trung vào các vấn đề quyền về nhà ở, quyền có nước sạch, quyền được kinh doanh hoặc quyền được tự quản, hoặc khi xuất hiện mâu thuẫn với cán bộ chính quyền, cơ quan y tế, cảnh sát hoặc những nhóm quyền lực. Người nghèo sẽ không có đựoc an ninh hoặc nguồn lực cần thiết cho cuộc sống tối thiểu nếu như không có một sự chuyển dịch về cơ cấu quyền lực, hoặc là nhẹ nhàng hoặc là quyết liệt. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế không quan trọng bằng việc đảm bảo các mưu sinh cho người nghèo. Sẽ là thiếu cơ sở khi hy sinh cuộc sống của người dân hiện tại để có được thành quả trong tương lai, khi mà nhịp độ tăng trưởng kinh tế thường bị chậm lại. Vì thế, cần phải tăng cường quyền lực cho họ để có được một cuộc sống xứng đáng.

Đã có những bằng thuyết phục rằng chiến lược xoá đói nghèo dựa trên xuất khẩu có thể giúp các nhà đầu tư, các công ty về nông nghiệp và các chủ trại giàu có cải thiện sự thành đạt của họ trong khi phần đông dân nông thôn lại phải chịu bị đẩy khỏi các trang trại nhỏ, mất kế sinh nhai và buộc phải di cư ra thành phố. Hơn nữa, một chiến lược để tạo ra các công việc trong ngành công nghiệp, trong một nền kinh tế không biên giới, sẽ phải có tính cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới, và như vậy rất có thể sẽ bị hụt hơi. Những công việc như vậy lại đòi hỏi nhiều đầu tư tư bản. Như vậy thì việc tạo ra việc làm sẽ tăng theo một tỷ lệ còn thấp hơn cả tỷ lệ gia tăng thất nghiệp. Dù ở mức nào đi nữa thì trong cơ chế thương mại tự do nền công nghiệp và nông nghiệp ở hầu hết các nước phương Nam không thể cùng một lúc vừa có tính cạnh tranh và vừa tạo ra nhiều việc làm. Cơ cấu chính trị của sự hoà nhập thị trường thế giới phải nhất thiết thích hợp với việc tăng dân số. Nhiều người sẽ bị dôi dư trong một nền kinh tế chính thống.

Để tránh được những bế tắc này, điều quan trọng là phải khuyến khích các mưu sinh bền vững, bền vững theo cả hai nghĩa: thứ nhất là các hoạt động tạo ra thu nhập hoặc phương tiện và tạo ra vị trí trong xã hội với một cuộc sống theo đúng nghĩa; thứ hai là hoạt động giúp bảo tồn, và nếu có thể thì tái tạo cả tài nguyên môi trường.

 

 

* Bước nhảy vọt sang kỷ nguyên năng lượng mặt trời

Những thách thức trong thế kỷ 21: làm thế nào để có thể đáp ứng cho cuộc sống của dân số thế giới gấp đôi so với hiện nay trong một bối cảnh mà sinh quyền đang bị huỷ hoại một cách nhanh chóng? Thật vậy, bản chất của sự khan hiếm đã để lại bài học cho phát triển kinh tế trong quá khứ và tiếp tục có tác động đến hình thái phát triển không còn thức thời nữa. Trong quá khứ, thế giới là của thiên nhiên và vắng bóng con người, bây giờ thế giới lại chỉ toàn người nhưng không còn thiên nhiên nữa. Việc thoả mãn các nhu cầu và mong muốn không còn bị hạn chế bởi bàn tay và khối óc nữa mà là bị hạn chế bởi sự khan hiếm tài nguyên và suy giảm các hệ sinh thái. Thiên nhiên chứ không phải là tiền, và đã trở thành yếu tố hạn chế. Phát triển không còn bị hạn chế bởi số lượng tàu đánh cá nữa mà bởi sự cạn kiệt các đàn cá, không phải vì không có máy bơm mà là vì sự cạn kiệt của các túi nước ngầm, không phải bởi số máy cưa nữa mà bởi sự biến mất của rừng nguyên sinh. Đối với các nước phương Nam, câu hỏi cụ thể là: Có bao nhiêu vấn đề cần được giải quyết hoặc phòng tránh cùng một lúc? Làm thế nào để quan hệ giữa người với số đông và tài nguyên thì khan hiếm có thể giải quyết bằng các lựa chọn đúng đắn?

Câu trả lời là, thoát khỏi nền kinh tế công nghiệp lãng phí tài nguyên và con người tiến tới một nền kinh tế có tính tái tạo, quan tâm tới chăm sóc tài nguyên và đáp ứng các nhu cầu của con người. Một nền kinh tế dựa trên giả thuyết rằng có những "loại hàng hoá tự do" trên thế giới như nước sạch, không khí sạch, lò đốt nhiên liệu hydrocarbon, rừng nguyên sinh và khoáng sản, sẽ khuyến khích các phương thức sản xuất quy mô lớn, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, và công nhân sẽ bị gạt loại trừ. Ngược lại, nếu một nền kinh tế hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không phải là hoá thạch, phân cấp và khuyến khích các mô hình sản xuất nhỏ cần nhiều công và trí óc sẽ có tiềm năng thịnh vượng. Ở cả phương Bắc và phương Nam, tiềm năng có được năng suất tài nguyên cao hơn tạo cho các doanh nghiệp và chính phủ một viễn cảnh lựa chọn: giảm triệt để việc sử dụng tài nguyên, đồng thời tăng việc làm. Thay vì bỏ mặc nhân công, kết quả thu được sẽ nhiều hơn thông qua việc giảm bớt các kilowat-giờ bị lãng phí, các thùng dầu,  và bột giấy sản xuất từ gỗ lấy từ các cánh rừng già. Một nền kinh tế như vậy, với đầu vào tối thiểu từ thiên nhiên, sẽ phải dựa chủ yếu trên sức mạnh, kỹ năng và kiến thức của con người. Thật vậy, đây sẽ là thời kỳ hậu công nghiệp theo đúng nghĩa của từ này, tức là tìm đến sự cân bằng giữa các phần cứng, là năng suất sinh học, và trí thông minh của con người.

Điều đó cũng rất đúng bởi vì nó sẽ thay đổi về cơ bản kinh tế phụ thuộc tài nguyên, từ chỗ dựa vào các nguồn tài nguyên và năng lượng hoá thạch sang tài nguyên và năng lượng mặt trời. Ngoài những lợi ích về môi trường, một điểm nữa là các tài nguyên hoá thạch thường được tao theo một chu trình, và khoảng cách giữa nguồn cung cấp với nơi sử dụng thường cách xa nhau, cộng thêm các giai đoạn trung chuyển và chế biến, nên khả năng tạo ra lợi nhuận và việc làm cũng bị dàn trải ra. Hầu hết các quốc gia và các khu vực đang thấy mình ở giai đoạn cuối của chu trình này, luôn bị kẹt bởi giá nhiên liệu và nguyên liệu nhập khẩu cao, họ phải trả tiền nhưng lợi nhuận về việc làm lại được tạo ra ở nơi khác. Một sự thay đổi về cơ sở tài nguyên có thể đảo ngược logic này. Việc dựa trên các dạng năng lượng gió, thuỷ điện nhỏ, pin mặt trời, và sinh khối có nghĩa là không chỉ rút ngắn được chu trình cung cấp tài nguyên mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ. Kết quả là thu nhập và công ăn việc làm sẽ được tạo ra nhiều hơn cho địa phương và khu vực. Hơn nữa, sinh khối và ánh sáng mặt trời được phân bố đều về mặt địa lý, nó sẽ tạo điều kiện cho phân cấp cơ cấu sản xuất và sử dụng, trái với kinh tế phụ thuộc tài nguyên chỉ tập trung tại một số nơi và khuyến khích mọt cơ cấu tập trung hoá và quy mô lớn. Một cơ cấu công nghiệp phung phú tài nguyên thay vì thân ái con người sẽ bị đảo ngược; một nền kinh tế dựa trên năng lượng mặt trời sẽ đem lại thịnh vượng cho con người và giữ gìn được thiên nhiên.

Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Phát triển bền vững Johannesburg 2002 đã đạt được những thành công nhất định, tiếp tục khẳng định một bước phát triển về chất của hệ thống pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường. Trải 03 Hội nghị thượng đỉnh quan trọng, nhiều các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường ở cấp độ toàn cầu đã được ban hành và có hiệu lực. Bên cạnh đó còn chưa kể đến hàng trăm các công ước quốc tế song phương và đa phương khác đã được ký kết trong phạm vi từng khu vực. Điều chung nhất có thể thấy trong các bản Tuyên bố, các Công ước quốc tế, Nghị định thư về môi trường là đều đã đưa việc nhận thức, ý thức lên hàng đầu, trước khi đưa ra những nguyên tắc hành động cụ thể trong từng lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường. Như vậy là, trải qua hàng chục nghìn năm sống gắn bó với thiên nhiên, thích nghi, cải tạo và biến đổi môi trường sống, ngày nay con người đã bắt đầu nhận thức được những hậu quả do hoạt động tự phát của mình mang đến cho môi trường, cũng như ý thức được những sai lầm của việc tách rời sự phát triển xã hội ra khỏi vấn đề bảo vệ môi trường. Sự tự ý thức và sự nhận thức của con người và cộng đồng quốc tế về tính chất cấp bách của các vấn đề môi trường có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết chung ở tầm quốc gia cũng như quốc tế.

Ngày nay, tiềm năng sinh sản và phát triển của các hệ sinh thái tự nhiên, cũng như hệ sinh thái nhân văn không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện thiên nhiên vốn có như khí hậu, ánh sáng, quỹ gen, tác động của vũ trụ v.v… mà còn phụ thuộc rất chặt chẽ vào trình độ phát triển của khoa học – công nghệ, cũng như trình độ tổ chức, quản lý của xã hội trong việc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Hơn nữa, môi trường là vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, do đó không thể có một biên giới cụ thể nào. Làm sao có thể vạch được đường biên cho bầu khí quyển, cho nước ở biển và đại dương, cho dòng chảy của các con sông, các mạch nước ngầm, cho chim trời, cá nước v.v…Vấn đề môi trường ngày nay còn liên quan rất chặt chẽ với vấn đề chiến tranh và hoà bình, vấn đề dân số, vấn đề lương thực và thực phẩm – không chỉ là chuyện thiếu thốn mà cả vệ sinh an toàn - đang có liên quan đến tính mạng; sự sống của hàng tỉ con người trên hành tinh; vấn đề sức khoẻ và bệnh tật của cả cộng đồng quốc tế…

Con người ngày nay đang sống trong một thế giới rộng mở và hội nhập. Do vậy, mọi hoạt động của con người, trước hết là các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, đều có liên quan chặt chẽ với nhau và cuối cùng đều có tác động đến môi trường của Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta – như Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển 1992 đã tuyên bố. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đang trở thành một trong những nhu cầu bức xúc nhất của mọi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.

II.      HỆ THỐNG LUẬT PHÁP VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CẤP ĐỘ TOÀN CẦU VÀ KHU VỰC

1.  Hệ thống luật pháp

Một cách tổng quan, có thể nói rằng : Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên phạm vi toàn thế giới có thể chia thành 4 cấp :

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp toàn cầu : bao gồm các tuyên bố tại các Hội nghị về môi trường cấp toàn cầu, các công ước quốc tế.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp khu vực : bao gồm các Hiệp định song phương và đa phương về bảo vệ môi trường.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường cấp quốc gia : bao gồm các Hiến pháp, luật, sắc lệnh, quyết định, thông tư về bảo vệ môi trường của mỗi quốc gia riêng biệt.

- Hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường của các cộng đồng , địa phương: Hệ thống này bao gồm các quy định, thể chế có nguồn gốc lâu đời , tuỳ theo tín ngưỡng, văn hoá, lối sống của mỗi cộng đồng, của mỗi địa phương.

Trong các phần tiếp theo của báo cáo chuyên đề này, chúng ta sẽ lần lượt, trong phạm vi có thể , làm rõ về hệ thống tổ chức và luật pháp bảo vệ môi trường đã được xem xét trên đây.

2.  Cơ cấu tổ chức

Những vấn đề môi trường toàn cầu được Liên Hợp Quốc đặc biệt quan tâm. Tại Liên Hợp Quốc có Uỷ ban về Môi trường và Phát triển chịu trách nhiệm tạo ra sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới và điều phối công tác bảo vệ môi trường trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Cơ sở pháp lý cao nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cấp toàn cầu là các tuyên bố :

- Tuyên bố Stockholm về môi trường con người (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường con người Stockholm, Thuỵ Điển, 6/1972).

- Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển Rio de Jeneiro, Brazil, 6/1992).

- Tuyên bố Johannesburg về phát triển bền vững (Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững Johannesburg, Nam Phi, 26/8 - 4/9/2002).

Những vấn đề môi trường khu vực được điều phối bởi những tổ chức quốc tế đa phương và song phương khác nhau (Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO), Tổ chức tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu, v.v…).

Trong phạm vi khu vực các quốc gia Đông Nam Á, đã thành lập tổ chức các quan chức cao cấp về môi trường (ASOEN) có nhiệm vụ điều phối quá trình hợp tác giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giúp việc cho ASOEN có 06 nhóm công tác, bao gồm:

- Nhóm công tác các công ước đa phương về môi trường;

- Nhóm công tác kỹ thuật về Khói mù;

- Nhóm công tác Các thành phố bền vững về môi trường;

- Nhóm công tác quản lý tài nguyên nước;

- Nhóm công tác bảo tồn đa dạng sinh học;

- Nhóm công tác môi trường biển và đới bờ.

III.   TIẾN  TRÌNH CAM KẾT THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở CẤP ĐỘ TOÀN CẦU CỦA VIỆT NAM

Ngay từ năm 1986, Chiến lược Bảo tồn Quốc gia đã được soạn thảo, và 5 năm sau, vào năm 1991 Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về Môi trường và Phát triểnbề n vững giai đoạn 1991 - 2000 (NPESD), trước khi Hội nghị Rio diễn ra. Năm 1992, Báo cáo của Việt Nam tại Hội nghị Môi trường và Phát triển bền vững Rio de Janeizro đã thể hiện những cam kết phát triển bền vững đất nước. Năm năm sau, tại Hội nghị Rio + 5 ở New York, báo cáo của Việt Nam đã đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chương trình hành động 21, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách chính sách vững chắc. Năm 2002,tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững Johannesburg, Việt nam đã tham gia đầy đủ vào các hoạt động của hội nghị ,tiếp tục cam kết phát triẻn bền vững đất nước, tích cực góp phần vào sự nghiệp kiến tạo một thế giới hoà  bình, thịnh vượng, bền vững.

Đứng trước những diễn biến xấu của môi trường toàn cầu, cộng đồng quốc tế và khu vực đều cam kết phối hợp nỗ lực nhằm cải thiện môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau; cam kết hỗ trợ các nước chậm phát triển giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái. Đặc biệt, các tổ chức tài chính thế giới cũng khuyến khích các dự án đầu tư theo hướng thân môi trường. Nếu có định hướng đúng và sớm tăng cường năng lực tiếp thu thì nước ta có thể tranh thủ đước các nguồn tài trợ quốc tế để giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc và bảo vệ lợi ích chính đáng cuả quốc gia.

Chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới để định hướng phù hợp nhất cho quá trình phát triển, sao cho vừa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không phải trả giá về môi trường. So với nhiều nước, nước ta vẫn còn có những lợi thế nhất định về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nếu các nguồn tài nguyên đó được sử dụng chuẩn mực và được bảo vệ đúng quy cách, thì các nguồn tài nguyên này sẽ trở thành một lợi thế trong cạnh tranh quốc tế, kể cả trước mắt lẫn lâu dài. Cho dù các kỹ năng quản lý môi trường của nước ta còn bị hạn chế, nhưng những kinh nghiệm tích luỹ trong những năm gần đây sẽ giúp chúng ta có khả năng xác định các định hướng và lựa chọn đúng đắn hướng phát triển của mình trong thập kỷ tới đây. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiêm chỉnh các công ước quốc tế:

T/T

Tên công ước

Ngày                Việt Nam là thành viên

1.      

Công ước liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên thế giới

19-10-1982

2.      

Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân

29 - 09 - 1987

3.      

Công ước về hỗ trợ trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc cấp cứu về phóng xạ.

29 - 09 - 1987

4.      

Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cu trú của các loài chim nước, RAMSAR

20 - 09- 1991

5.      

Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển MARPOL, 1973

29 - 08 - 1991

6.      

Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa (Công ước CITES )

20 - 01 - 1994

7.      

Nghị định thư Montereal về các chất làm suy giảm tầng ô zôn

26-01 - 1994

8.      

Công ước Viên về bảo vệ tàng ô zôn

26 - 4 - 1994

9.      

Công ước Liên hợp quốc về luật biển

05 - 7 - 1994

10.  

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

16 -11- 1994

11.  

Công ước về đa dạng sinh học

16 - 11 - 1994

12.  

Công ước về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc loại bỏ chúng (Công ước Basel )

13 - 3 - 1995

13.  

Công ước chống sa mạc hóa

11- 1998

14.  

Tuyên ngôn quốc tế của Liên hợp quốc về sản xuất sạch hơn

22 -09 - 1999

15.  

Công ước Stockholm về các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

23 - 01 - 2001

 

 


B¶ng 19 -           CHƯƠNG 3

TỔNG QUAN CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

 

I.        CÁC QUY ĐỊNH CỦA GATT/WTO

1.  Những vấn đề chung về GATT/WTO

a.  Sơ lược về lịch sử phát triển

Sự hình thành của thể chế thương mại quốc tế có lịch sử từ năm 1947 khi mà các nước thành viên đi đến được thoả thuận chung về thương mại và thuế quan (GATT). Thoả thuận này đạt được cùng với một thoả thuận khác quan trọng hơn nhưng không bao giờ được chính thức phê chuẩn, là thoả thuận về sự hình thành Tổ chức Thương mại quốc tế (ITO), một phần của hệ thống Bretton-Woods được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm tái thiết nền kinh tế thế giới sau chiến tranh (hai phần còn lại của hệ thống này chính là Ngân hàng thế giới, WB và Quỹ tiền tệ quốc tế, IMF).

Từ năm 1948 đến năm 1994, đã có 8 vòng đàm phán được tổ chức trong khuôn khổ GATT nhằm hoàn thiện hệ thống thương mại toàn cầu. Lúc đầu, các vòng đàm phán này chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến thuế quan, nhưng càng về sau các chủ đề phi thuế quan càng trở nên nóng bỏng hơn.

Vòng đàm phán cuối cùng, vòng đàm phán Uruguay kết thúc vào năm 1994. Đánh dấu sự kết thúc của vòng đàm phán này là Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cũng đồng thời dẫn đến việc thành lập tổ chức này trên thực tế. Các cơ quan, chức năng, nguyên tắc hoạt động và các thoả thuận cơ bản của WTO cũng được xác định.

b.  Các chức năng chính của WTO:

Diễn tả một cách sơ lược nhất, các chức năng chính của WTO là:

- Nhằm giám sát, đảm bảo thực thi các Hiệp định, thoả thuận của WTO;

- Cung cấp một diễn đàn cho các bên tiến hành đàm phán, thương lượng;

- Cung cấp một cơ chế giải quyết xung đột cho các bên.

Thực hiện các chức năng này, WTO nhằm đạt được các mục tiêu to lớn trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, và chất lượng môi trường là vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống.


c.  Sơ đồ cơ cấu tổ chức của WTO

 

       
   
 
 

 Nguồn: Tổ chức thương mại thế giới 1998

 


 

2.  Uỷ ban Thương mại và Môi trường (CTE) của WTO

Chủ đề thương mại và môi trường là một trong những vấn đề hết sức phức tạp, gây nên nhiều cuộc tranh cãi cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Tính chất phức tạp của vấn đề này thể hiện ở sự bất đồng về quan điểm lợi ích mà thương mại và môi trường đem lại cũng như lợi ích giữa các nước phát triển  và các nước đang phát triển xung quanh vấn đề này.

Kết thúc vòng đàm phán Uruguay, đến năm 1995, Uỷ ban Thương mại và Môi trường (CTE) của WTO, một cơ quan chuyên trách về các vấn đề liên quan đến thương mại và môi trường đã được thành lập. CTE bao gồm các thành viên của WTO và một số quan sát viên từ các tổ chức liên Chính phủ. CTE ra đời với chức năng thống nhất mối quan hệ giữa thương mại và môi trường để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đồng thời đưa ra những  đề xuất thích hợp sửa đổi một số điều khoản của hệ thống thương mại đa phương nhằm đạt được sự hài hoà giữa thương mại và môi trường.

Chức năng cơ bản của CTE được quy định trong Hiệp định Marrakech,            đó là :

“Xác định các mối liên hệ giữa thương mại và môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững;”

CTE đã cụ thể hoá chức năng này của mình thành một Chương trình hành động gồm 10 điểm. Chương trình hành động này được xây dựng phục vụ cho các cuộc thảo luận nhằm đi đến những sửa đôỉ, bổ sung cần thiết đối với hệ thống các quy định của GATT/WTO. Chương trình 10 điểm bao gồm:

Điểm 1: Mối quan hệ giữa các điều khoản thương mại và những biện pháp thương mại vì mục đích baỏ vệ môi trường, kể cả những biện pháp nằm trong các hiệp định môi trường đa biên (MEAs).

Điểm 2. Mối quan hệ giữa các điều khoản thương mại với các chính sách bảo vệ môi trường có tác động đến thương mại.

Điểm 3.  

a.  Mối quan hệ giữa các điều khoản thương mại đa phương với vấn đề thuế và phí môi trường.

b. Mối quan hệ giữa các điều khoản thương mại và những yêu cầu về môi trường đối với sản phẩm, kể cả các tiêu chuẩn và quy định về bao bì, nhãn hiệu và tái chế.

Điểm 4. Những điều khoản thương mại về tính minh bạch của các biện pháp thương mại được sử dụng cho các mục tiêu môi trường cũng như của các chính sách môi trường có ảnh hưởng lớn đến thương mại.

Điểm 5. Mối quan hệ giữa cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và của các hiệp định môi trường đa phương.

Điểm 6. Ảnh hưởng của các biện pháp bảo vệ môi trường đối với sự thâm nhập thị trường, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, cũng như những lợi ích về mặt môi trường của việc xoá bỏ những hạn chế và sự bóp méo thương mại.

Điểm 7. Vấn đề xuất khẩu những mặt hàng cấm tiêu thụ trong nước (DPGs).

Điểm 8. Mối liên hệ giữa các vấn đề môi trường và các quy định của Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs).

Điểm 9. Mối liên hệ giữa thương mại và môi trường trong thương mại        dịch vụ;

Điểm 10. Mối quan hệ giữa WTO với các tổ chức khác, bao gồm cả các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.

Năm 1996, để tập trung vào các chủ đề trọng tâm cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị Singapore, CTE đã nhóm 10 điểm trên thành hai nhóm cơ bản: nhóm một là các nội dung về thâm nhập thị trường (gồm các điểm 2, 3, 4 và 6); nhóm 2 là các nội dung về mối liên hệ giữa các hoạt động môi trường và hệ thống thương mại quốc tế (gồm các điểm 1, 5,7 và 8).  Hai điểm còn lại không được tập trung nhiều.

Trong năm 1997, CTE đã nhóm họp 3 lần với mục tiêu phân tích một cách sâu rộng các vấn đề mà hội nghị Singapore 1996 đưa ra. Các hội nghị cấp bộ trưởng sau đó được tổ chức tại  Kualampur, Malaysia 1998, Seatle, Mỹ 1999 cũng đã thảo luận các vấn đề nêu trên.  Tuy nhiên có thể nói rằng, cho đến nay chủ đề thương mại  môi trường vẫn đang được tiếp tục tranh luận  không những trong WTO mà còn trong các tổ chức khác. Các vấn đề đang tranh cãi đều xuất phát từ sự bất đồng về lợi ích trong thương mại quốc tế giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

3.  Những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường trong các thỏa thuận của GATT/WTO

Hiện nay, trong khi các nước phát triển phải chịu những áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng về các vấn đề bảo vệ môi trường, thì các nước đang phát triển lại lo sợ rằng các vấn đề về môi trường sẽ được xây dựng thành những rào cản thâm nhập thị trường của các nước phát triển. Đặc biệt, các nước đang phát triển lo sợ sự xuất hiện một hình thức bảo hộ mới của các nước phát triển, "bảo hộ xanh" (green protectionism) sẽ ảnh hưởng tới những cơ hội để tiếp cận thị trường đang phát triển.

Những hiệp định đã đạt được trong các cuộc thảo luận về thương mại và môi trường trong GATT/WTO cơ bản cho thấy:

 (1). WTO không phải là một tổ chức bảo vệ môi trường, phạm vi thẩm quyền của tổ chức này chỉ liên quan đến các chính sách về môi trường được giới hạn bởi các chính sách về thương mại và có thể dẫn đến những ảnh hưởng quan trọng đối với thương mại;

(2). Các thỏa thuận GATT/WTO đã tạo cơ hội cho việc xây dựng và thực thi những chính sách về bảo vệ môi trường quốc gia nhưng với điều kiện là không được tạo ra sự phân biệt đối xử;

(3). Những cơ hội tiếp cận thị trường là yếu tố cần thiết để bảo đảm giúp các nước đang phát triển có cơ hội thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

(4). Tăng cường sự hợp tác đa phương giữa các quốc gia là cần thiết để xem xét hài hoà những vấn đề về thương mại và môi trường.

Trong phần mở đầu Hiệp định Marrakesh của WTO, các thành viên WTO đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển bền vững. Thêm vào đó, quyết định cấp bộ trưởng về thương mại và môi trường đã nêu rõ chức năng cơ bản của Uỷ ban Thương mại và Môi trường (CTE) là: “Xác định các mối liên hệ giữa thương mại và môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững;”. Tuy nhiên, các thành viên WTO cũng nhận thức được rằng WTO không phải và cũng không muốn trở thành một tổ chức bảo vệ môi trường. Nó chỉ có khả năng về chính sách phối hợp giữa lĩnh vực thương mại và môi trường trong khuôn khổ của các chính sách thương mại và những khía cạnh của thương mại liên quan đến những chính sách về môi trường có ảnh hưởng quan trọng đối với thương mại quốc tế.

Giải quyết những mối liên quan giữa thương mại và môi trường, thành viên của WTO hoạt động dựa trên những quy định của WTO về việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, họ tin tưởng rằng các chính sách về thương mại và môi trường có thể bổ sung cho nhau. Bảo vệ môi trường góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào sự tăng trưởng kinh tế còn mở rộng tự do thương mại dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế góp phần đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Để đi đến nhận thức này, vai trò của WTO là tiếp tục mở rộng tự do thương mại, cũng như là đảm bảo rằng các chính sách về môi trường không cản trở thương mại và các điều luật của thương mại cũng không thể được đặt ra cho mục đích bảo vệ môi trường theo mối quan tâm của riêng một nước.

Vấn đề môi trường chiếm vị trí khá quan trọng trong các quy định của  GATT/WTO. Điều này đã thể hiện khá rõ ngay trong lời nói đầu của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO:

 " ...Mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường và nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó... ".

Trong hệ thống các văn kiện, thoả thuận, hiệp định của GATT/WTO, có một số quy định liên quan trực tiếp tới vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế. Trong số đó, đáng kể nhất là các Điều I và Điều III của GATT về sự không phân biệt đối xử, cũng như các mục cụ thể của Điều XX (GATT) về những ngoại lệ chung. Ngoài ra, vấn đề về môi trường được đưa ra trong các hiệp định khác, ví dụ như: Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định nông nghiệp, Hiệp định về các rào cản kỹ thuật (TBT), Hiệp định về vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS).v.v... Các điều khoản GATT/WTO liên quan đến các vấn đề thương mại và môi trường được trình bày cụ thể dưới đây.

a.  Về sự không phân biệt đối xử

- Quy tắc về sự không phân biệt có hai phần: Quy chế tối huệ quốc (MFN) được nêu tại điều I và chính sách đãi ngộ quốc gia (NT) tại điều III của GATT. Theo điều I của GATT, các thành viên WTO nhất định phải dành các ưu đãi như nhau đối với các sản phẩm như nhau được sản xuất từ các nước khác nhau đều là thành viên của GATT/WTO. Do đó, không một nước nào có thể đặt ra những đặc lợi về kinh doanh cho một nước, hoặc phân biệt đối xử đối với hàng hoá của một nước khác, chủ yếu thông qua các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường. Quy chế tối huệ quốc đảm bảo rằng, các nước đang phát triển và những nước có nền kinh tế kém phát triển  có thể nhận được những điều kiện thuận lợi hơn. Phần thứ hai của các điều kiện  không phân biệt đối xử là chính sách đãi ngộ quốc gia. Điều này của GATT quy định rằng nếu một sản phẩm được tham gia vào thị trường của một nước nào đó thì chúng phải được đối xử một cách bình đẳng so với sản phẩm hàng hoá cùng loại được sản xuất trong nội địa của nước nhập khẩu.

Các quy định về không phân biệt đối xử là một trong những quy định cơ bản trong các thoả thuận thương mại đa phương. Với sự lưu ý tới các vấn đề  thương mại và môi trường, các quy định này đảm bảo cho những chính sách bảo vệ môi trường quốc gia sẽ không được thông qua với ý định tạo thành các rào cản phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện giữa hàng ngoại và hàng nội, hoặc giữa những hàng hoá nhập khẩu từ các đối tác khác nhau. Do đó, điều này có thể ngăn ngừa sự lạm dụng của một số quốc gia bởi những chính sách về môi trường có thể được sử dụng nhằm che đậy các hạn chế về thương mại quốc tế.

b.  Các ngoại lệ đối với việc áp dụng các quy định của GATT/WTO

Trong cuộc đàm phán đầu năm 1947, điều XX của GATT đã đưa ra một số trường hợp đặc biệt của các bên tham gia GATT, hoặc những thành viên  WTO sau này có thể được miễn thực hiện một số quy định của GATT/WTO trong các trường hợp cụ thể. Trong số các trường hợp được loại trừ từ những quy định của GATT/WTO có hai trường hợp liên quan đến bảo vệ môi trường:

(b) Cần thiết để bảo vệ cuộc sống của con người, động thực vật và bảo vệ sức khỏe;

(g) liên quan đến việc bảo tồn những nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu những giải pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước".

Điều XX (b) và (g) cho phép các nước thành viên GATT/WTO có quyền áp dụng các biện pháp khác với các quy định của GATT/WTO nếu điều này "cần thiết" để bảo vệ con người, động thực vật, cũng như để bảo tồn những nguồn tài nguyên có nguy cơ bị cạn kiệt. Tuy nhiên, nội dung của điều XX cũng đảm bảo nhằm không đưa ra các giải pháp mà có thể gây ra sự phân biệt đối xử, sự thiết lập những hạn chế về thương mại quốc tế. Có nghĩa rằng các giải pháp đó rõ ràng chỉ cho các mục đích môi trường chứ không phải vì mục đích bảo hộ mậu dịch.

c.  Về các ngoại lệ chung trong hiệp định thương mại dịch vụ (GATS)

Tại vòng đàm phán Uruguay, GATS có một điều khoản về những ngoại lệ chung trong điều XIV, tương tự như ở điều XX của GATT khi giải quyết các vấn đề môi trường. Theo quy định này của GATS- các thành viên cũng được áp dụng những giải pháp ngoại lệ đối với thương mại dịch vụ nếu điều này "cần thiết cho việc bảo vệ con người, động thực vật hoặc sức khoẻ" (cũng giống như điều XX (b) của GATT). Tuy nhiên, điều này cũng không được gây ra sự phân biệt và không tạo ra những hạn chế đối với thương mại quốc tế.

d.  Về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)

Hiệp định năm 1979 đã được sửa đổi và hình thành Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Vòng đàm phán Uruguay.

TBT có chứa đựng các biện pháp có thể làm xuất hiện các rào cản phi thuế quan đối với hàng hoá. Các biện pháp này bao gồm cả việc đặt ra các tiêu chuẩn mà hàng hoá cần phải đáp ứng để được phép xuất nhập khẩu, ví dụ như tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng đối với máy móc, thiết bị. Nó cũng chứa đựng các tiêu chuẩn về môi trường, sức khoẻ, lao động mà một sản phẩm cần phải đáp ứng trong suốt vòng đời của nó, ví dụ các sản phẩm chế tạo từ gỗ rừng bắt buộc phải được khai thác từ những khu rừng mà việc quản lý khai thác đảm bảo tính bền vững.

Trong phần mở đầu của hiệp định đã :

“...Thừa nhận rằng, không một nước nào có thể bị ngăn cản tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm chất lượng hàng hoá xuất khẩu của mình, hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khỏe con người, động thực vật, bảo vệ môi trường...”

Hiệp định TBT quy định các yêu cầu kỹ thuật không được đặt ra cao hơn mức cần thiết để có thể đáp ứng các mục tiêu hợp pháp, đồng thời có thể đối phó với các rủi ro của việc không tuân thủ có thể gây ra. Để đánh giá các rủi ro đó, các yếu tố sau có thể được xem xét: “...các thông tin khoa học, kỹ thuật hiện có, công nghệ sản xuất có liên quan và mục đích sử dụng cuối cùng dự tính của sản phẩm” (Khoản 2, Điều 2).

Như vậy, Hiệp định TBT cho phép một nước thông qua các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật và các thủ tục để đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Hiệp định này gắn việc áp dụng những biện pháp nói trên với những yêu cầu cụ thể, trong số đó bao gồm tính rõ ràng, minh bạch và sự không phân biệt đối xử. Thông qua các quy định của TBT, các thành viên đã đưa ra những cố gắng để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và quy định về kỹ thuật cũng như các thủ tục chứng nhận và kiểm tra sẽ không gây cản trở với thương mại. Sự không phân biệt đối xử trong việc chuẩn bị, chấp nhận và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật, các thủ tục để đánh giá là một trong những quy tắc chính của hiệp định này. Sự rõ ràng, minh bạch của những giải pháp này được trình bày qua sự thông báo của họ với ban thư ký WTO và sự cần thiết phải có những quy định chính thức của quốc gia, là những nét nổi bật của hiệp định này.

e.  Về những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS)

Hiệp định về những biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS) khẳng định quyền của một thành viên được thông qua hoặc thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, động vật và thực vật, với yêu cầu là những biện pháp này không được áp dụng để tạo ra sự phân biệt giữa các thành viên có cùng điều kiện thuận lợi  như nhau để dẫn tới sự hạn chế thương mại quốc tế. Theo hiệp định SPS, các biện pháp áp dụng phải dựa trên những nguyên tắc khoa học và chúng không được duy trì nếu không có chứng cứ khoa học đích thực. Hơn nữa các biện pháp đó phải dựa trên những tiêu chuẩn, hướng dẫn và những khuyến cáo quốc tế nếu có. Yêu cầu quốc gia cao hơn so với những gì mà các tổ chức đó thiết lập là được phép nếu các yêu cầu đó dựa trên nền tảng khoa học và các biện pháp phân tích rủi ro được quốc tế thừa nhận. Ngoài ra, Hiệp định SPS còn hướng dẫn cách bảo vệ khỏi những rủi ro do việc sử dụng các chất phụ gia, các chất bị ô nhiễm, các độc tố gây nên sự  nhiễm bệnh trong lương thực, thực phẩm và đồ uống cũng như việc ngăn ngừa sự lan truyền của vi khuẩn.     

Ví dụ sau đây cho thấy tác động của các quy định của Hiệp định SPS đối với định hướng xuất khẩu.

Đa phần các quốc gia nhập khẩu rau quả tươi với số lượng lớn đều có những quy định chặt chẽ về baỏ vệ và kiểm dịch thực vật. Các nước này thường yêu cầu những mặt hàng nhập khẩu tươi sống từ các nước có những côn trùng điển hình, nhất là thuộc họ Tephridate phải được xử lý cẩn thận để ngăn ngừa sự lây lan của loại côn trùng này trên lãnh thổ của họ. Trước kia, ethylene dibromide (EDB) được sử dụng rộng rãi để khử côn trùng trước khi nhập khẩu. Tuy nhiên, việc Mỹ và một số nước khác đặt ra quy định cấm sử dụng EDB đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng xuất khẩu rau quả tươi từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới.

Tuy nhiên, một tin vui đã đến cho các nước đang phát triển vào những ngày cuối tháng 10/2001 với việc các quốc gia thành viên của WTO đã đạt được sự nhất trí về một vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện các thoả thuận của WTO bằng việc thông qua một quyết định thừa nhận sự “tương đương” (equipvalence) của các biện pháp kiểm dịch động - thực vật.

Quyết định này được thông qua bởi Uỷ ban về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS) vào ngày 24/10/2001.

Quyết định này mô tả các bước nhằm làm cho việc áp dụng các quy định về “Tính tương đương”  được dễ dàng hơn cho các quốc gia thành viên trong quá trình thực thi Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực vật (SPS), đặc biệt là Điều 4. Vấn đề này liên quan đến sự đồng ý của các quốc gia về một mức độ giống nhau của các biện pháp kiểm dịch động - thực vật. Một trong những mục tiêu chủ yếu của quyết định này là nhằm giúp các nước đang phát triển chỉ có được các trang thiết bị kiểm soát bảo vệ sức khoẻ và kiểm dịch thực vật lạc hậu so với yêu cầu của các nước nhập khẩu có thể chứng minh được các sản phẩm của họ đạt được mức độ an toàn cho sức khỏe con người và cho môi trường tương đương với đòi hỏi của các nước nhập khẩu. Vấn đề này được các nước đang phát triển đưa ra do họ phải đối mặt với các rắc rối có liên quan nảy sinh trong quá trình thực hiện các Hiệp định của WTO, đặc biệt là Hiệp định SPS. Yêu cầu này của các nước đang phát triển đã được Đại hội đồng WTO thảo luận trong phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng tại Doha, Quatar sẽ diễn ra vào tháng 11/2001.

Thông tin do các nước cung cấp liên quan đến việc thực hiện “Tính tương đương” cho thấy rất rõ ràng những khó khăn đối với toàn bộ hệ thống kiểm dịch động - thực vật của quốc gia trong việc thực hiện thoả thuận chính thức về “Tính tương đương”, thậm chí ngay cả với các nước phát triển. Nguyên nhân là do thoả thuận chính thức về “Tính tương đương” quá phức tạp, tốn kém nhiều thời gian không cần thiết cho đàm phán. Mặt khác, hiện nay phương pháp được áp dụng phổ biến hơn chính là việc làm cho nhà chức trách hiểu rõ các biện pháp kiểm soát khác nhau được áp dụng cho từng loại sản phẩm cụ thể là gì. áp dụng phương pháp này có thể đem lại lợi ích cho thương mại mà vẫn có thể bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Quyết định này xác định các thông tin mà nước xuất khẩu và nước nhập khẩu cần cung cấp. Nó cũng đề cập đến các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đẩy nhanh quá trình xây dựng tiêu chuẩn của họ cũng như yêu cầu rà soát lại nhằm đảm bảo cho việc áp dụng được minh bạch, rõ ràng.

f.  Về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS)

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) tại vòng đàm phán Uruguay sẽ khuyến khích các nghiên cứu, sáng tạo và tạo ra cơ hội tốt hơn cho việc tiếp cận các công nghệ mới, trong đó có các công nghệ về môi trường cho tất cả các nước trên thế giới. TRIPS đã xem xét các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại với mục đích giảm bớt những trở ngại trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hiệp định cũng đề cập đến một số đối tượng mà các thành viên cần chú ý khi xem xét để cấp văn bằng bảo hộ sáng chế. Điều 27 (2) cho phép các thành viên của WTO có thể từ chối cấp văn bằng cho những sáng chế cần phải bị cấm khai thác vì mục đích thương mại trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng, giữ gìn đạo đức xã hội, bảo vệ cuộc sống của con người, động thực vật và để tránh gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, cụ thể là:

- Thực vật và động vật không phải là các tổ chức hữu cơ siêu nhỏ;

- Các quy trình về cơ bản có tính chất sinh học để sản xuất ra thực vật và động vật mà không phải là các quy trình vi sinh và không có tính chất sinh học.

Tuy nhiên, khi một nước loại bỏ việc cấp văn bằng sáng chế cho các giống thực vật thì nước đó sẽ phải thực hiện các biện pháp bảo hộ theo chế độ suigeneisis được quy định trong Công ước về bảo hộ các giống cây trồng mới của Liên đoàn bảo hộ giống cây trồng mới.

g.  Về trợ cấp và các biện pháp đối kháng           

Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng được áp dụng với các lĩnh vực phi nông nghiệp. Hiệp định chia trợ cấp thành 3 loại: 1/trợ cấp bị cấm hoàn toàn  và có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng do các nước khác áp dụng; 2/ trợ cấp không bị cấm nhưng cũng có thể là đối tượng của các biện pháp đối kháng; 3/ trợ cấp không bị cấm và do đó không phải là đối tượng của các biện pháp đối kháng.

Điều 8 của Hiệp định quy định về Trợ cấp không bị cấm, hay còn gọi là các loại trợ cấp được phép. Trong số các loại trợ cấp được phép có trợ cấp bảo vệ môi trường.

Trợ cấp bảo vệ môi trường hỗ trợ ngành công nghiệp nâng cấp thiết bị hiện có nhằm đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật và được phép sử dụng trợ cấp này khi việc nâng cấp đó sẽ gây ra gánh nặng rất lớn về tài chính cho một công ty. Tuy vậy, trợ cấp chỉ được áp dụng: duy nhất một lần, không vượt quá 20% chi phí; không bù đắp giá của việc thay thế hay đưa vào hoạt động các thiết bị xử lý; gắn liền với kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm môi trường của công ty...

h.  Về nông nghiệp

Hiệp định về nông nghiệp được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở cho việc tiến hành cải cách các chính sách trong nước liên quan đến nông nghiệp và thương mại nông sản. Hiệp định thúc đẩy định hướng thị trường đối với thương mại nông sản với việc đưa ra các cam kết về tiếp cận thị trường, hỗ trợ nội địa và cạnh tranh trong xuất khẩu. Trong phần mở đầu Hiệp định này đã khẳng định sự cam kết các thành viên trong việc cải cách nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường :

Ghi nhận rằng các bên cam kết trong chương trình cải cách cần đạt được... nhu cầu bảo vệ môi trường...”

 Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận nhất là cam kết cắt giảm bảo hộ đối với hàng nông sản nội địa, đặc biệt là các hình thức trợ cấp có liên quan đến qúa trình sản xuất nông sản. Các thoả thuận loại trừ của điều khoản này chính là điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển.

i.  Các nội dung có liên quan khác

Tại vòng đàm phán Uruguay, hai quyết định cấp Bộ trưởng có liên quan đến thương mại và môi trường đã được thông qua. Quyết định về thương mại và môi trường với mục đích đưa ra các chính sách để tương trợ lẫn nhau về thương mại và môi trường quốc tế và Quyết định về thương mại dịch vụ và môi trường nhằm sửa đổi Điều XIV của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) khi thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường mà các biện pháp này có thể trái với quy định của Hiệp định. Quyết định về thương mại dịch vụ yêu cầu CTE thẩm định và báo cáo về mối quan hệ giữa các dịch vụ thương mại và môi trường liên quan đến vấn đề về phát triển bền vững.

4.  Đánh giá tổng quan về thuận lợi, khó khăn đối với các nước đang phát triển trong việc thực thi các quy định có liên quan đến môi trường của WTO

Tình trạng đặc biệt của những nước đang phát triển và nhu cầu để giúp đỡ họ trong quá trình phát triển kinh tế được thừa nhận trong WTO. Theo quan điểm của các nước đang phát triển, những nơi mà tỷ lệ đói nghèo cao là mối trở ngại và bận tâm nhất trong việc bảo vệ môi trường, sự mở cửa của thị trường thế giới đối với sự xuất khẩu của họ là vô cùng cần thiết để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các thành viên WTO công nhận rằng sự mở rộng tự do thương mại đối với lĩnh vực xuất khẩu của các nước đang phát triển, kèm theo với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ là cần thiết trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển và đặc biệt là một số nước ít phát triển nhất chủ yếu phụ thuộc vào sự xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để có ngoại tệ. Tự do hóa thương mại  (bao gồm giảm thuế, giảm sự gia tăng thuế và những hàng rào phi thuế quan) được mong đợi để cải thiện và sử dụng có hiệu quả những nguồn tài nguyên, cũng như là tạo những cơ hội xuất khẩu những mặt hàng mà họ sản xuất. Các thành viên WTO có thể tin tưởng rằng việc cải tiến chính sách hợp tác theo chuẩn mực quốc gia giữa chính sách về thương mại và môi trường có thể góp phần vào việc loại bỏ những mâu thuẫn theo chuẩn mực quốc tế về thương mại và môi trường. Trong quá khứ, việc thiếu sự phối hợp đã buộc phải có nhiều diễn đàn để đàm phán những thỏa thuận mâu thuẫn về thương mại và môi trường quốc tế. Thêm vào đó, có thể thấy rằng sự hợp tác đa phương theo khuôn mẫu của các điều ước môi trường đa phương (MEAs) đã tạo ra những giải pháp tốt nhất cho việc tái giải quyết những vấn đề về môi trường quốc tế (trong khu vực và toàn cầu). MEAs tạo ra một sự che chở chống lại những nỗ lực đơn phương trong các vấn đề về môi trường. Những giải pháp đơn phương thường mang tính phân biệt đối xử và thường liên quan đến những nguyên cớ nằm bên ngoài các tiêu chuẩn về môi trường. UNCED đã thống nhất quan điểm một cách rõ ràng và đã đề ra các giải pháp hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường quốc gia và các vấn đề môi trường toàn cầu. Những giải pháp này sẽ giảm bớt các rủi ro của sự phân biệt độc đoán và chế độ bảo hộ, phản ánh sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và trách nhiệm đối với nguồn tài nguyên trên toàn cầu.

Các yêu cầu về môi trường trong khuôn khổ của WTO, đặc biệt là các quy định của Hiệp định TBT có thể làm xuất hiện những khó khăn đối với các nước đang phát triển trong việc tìm kiếm và thâm nhập thị trường nước ngoài. Đó là:

- Các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn (chẳng hạn như các yêu cầu đối với ngành dệt không được sử dụng  các loại thuốc nhuộm không thân thiện với môi trường) có thể tác động đến việc thâm nhập của các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật và thủ tục về môi trường.

- Các yêu cầu về bao bì đóng gói cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước kém phát triển do sử dụng bao bì không đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường hoặc không tái sử dụng được tại nước nhập khẩu.

- Chương trình nhãn sinh thái, cả tự nguyện và bắt buộc có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước đang phát triển tới thị trường các nước phát triển.

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất và chế biến (PPM) có thể ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển. Các phương pháp sản xuất và chế biến hiện đang được áp dụng tại các nước này chưa  thể đạt tới tiêu chuẩn của các nước phát triển là một bất lợi đối với các nước đang phát triển trong cạnh tranh thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển cũng được hưởng các biện pháp đối xử đặc biệt, chủ yếu là họ được kéo dài thời gian để đáp ứng các đòi hỏi của TBT. Các quốc gia này không được thực hiện một lịch trình riêng để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước OECD.

Trong số các Hiệp định của GATT/WTO, các quy định có liên quan đến môi trường của Hiệp định TBT là có những ảnh đáng kể nhất tới xuất khẩu của các nước đang phát triển. Các quy định của TBT và SPS đều cùng đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

* Phân tích sự khác nhau giữa Hiệp định TBT và SPS là:

- TBT yêu cầu các quy định liên quan đến sản phẩm phải được dựa trên nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN); trong khi đó SPS cho phép áp dụng các biện pháp nói trên có sự phân biệt khác nhau với điều kiện các biện pháp đó "không tạo ra sự phân biệt đối xử không công bằng và không hợp lệ giữa các thành viên có cùng điều kiện như nhau" mà hậu quả là sự hạn chế thương mại quốc tế;

- Các quy định của SPS tạo ra một sự linh hoạt lớn hơn nhiều so với các quy định của TBT cho các nước thành viên trong việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế;

- SPS áp dụng nguyên tắc phòng ngừa và cho phép các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp của SPS trên cơ sở các quy định của SPS  trong một số trường hợp mà các chứng cứ khoa học không thể có đầy đủ và cho phép sử dụng các thông tin thích hợp có thể có được.

Giống như Hiệp định TBT, Hiệp định SPS cũng dẫn đến những lo ngại, đa phần là từ các nước đang phát triển. Những lo ngại thường là các quy định như nhau liệu có bị áp dụng một cách phân biệt trong thương mại và việc không được hưởng "các cơ hội cạnh tranh ngang bằng" của hàng hoá nhập khẩu so với hàng hoá nội địa. Tuy nhiên, Điều 9 đã xác định các trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển. Điều 10.2  và Điều 10.3 nêu rõ các nước đang phát triển có thể được hưởng những ngoại lệ, chẳng hạn như được kéo dài thời gian để đáp ứng các quy định mới. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là các nước nhập khẩu sẽ "nội luật hoá" đến mức độ nào quy định này vào trong hệ thống pháp luật của nước họ. Khoảng thời gian giới hạn cho phép miễn thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Điều 10.3 cũng có thể được coi là một thuận lợi cho các nước đang phát triển.

II.      CÁC QUY ĐỊNH CỦA LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU)

1.  Sơ lược về sự hình thành và hệ thống quy định về môi trường của Liên minh Châu Âu

Liên minh châu Âu là một tổ chức quốc tế có tính thống nhất cao nhất. Nó là sản phẩm của hơn 40 năm cố gắng hợp nhất về kinh tế và chính trị của các quốc gia thành viên. Mở đầu chỉ có 4 thành viên và được giới hạn chỉ trong lĩnh vực kinh tế than và thép, hiện nay EU đã có 15 thành viên và thống nhất hầu hết các lĩnh vực cơ bản của chính sách kinh tế  và các chính sách có liên quan khác.

EU có hai công cụ pháp lý chủ yếu là Quy định (Regulation) và Chỉ thị (Directive). Các Quy định sẽ có hiệu lực trực tiếp trên toàn bộ lãnh thổ của EU và thường được sử dụng cho các vấn đề về kỹ thuật mà EU là thể chế duy nhất có thẩm quyền, ví dụ về thương mại hay điều chỉnh giá nông sản. Các Chỉ thị  là công cụ pháp lý mang tính lựa chọn và được áp dụng cho hầu hết các vấn đề về môi trường kể từ khi EU nhận thức được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thường được giành cho các quốc gia thành viên quyền lựa chọn cách thức thực hiện.

EU hiện đang không ngừng phát triển hệ thống pháp luật về môi trường của mình và hiện đã đạt đến con số hơn 300 quy định điều chỉnh hầu hết các nội dung liên quan đến môi trường, trong đó có các quy định về nhãn sinh thái, quản lý hệ sinh thái và kiểm toán môi trường…

Cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, EU là một trong những thành viên quan trọng nhất của WTO. Chính vì vậy, các quy định của WTO được EU thừa nhận và áp dụng trên lãnh thổ của toàn bộ khối.

Bên cạnh đó, EU có những yêu cầu khác về môi trường trong việc nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ vào khối mình, chủ yếu là các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn hàng hoá, tiêu chuẩn của quá trình sản xuất (PPM). Trong đa phần các trường hợp, các yêu cầu này chặt chẽ hơn so với quy định của WTO.

2.  Những quy định chung của EU liên quan đến môi trường

Hiệp định Rome thành lập cộng đồng Châu Âu vào năm 1947 không hề có điều khoản nào đề cập đến vấn đề môi trường. Tuy nhiên, kể từ đầu thập niên 70 thì các quốc gia thành viên thuộc Liên minh Châu Âu đã bắt đầu triển khai và thực thi các quy định về môi trường đối với hàng hoá. Vào thời gian đó, người ta đã lo ngại rằng những quy định về môi trường này có thể sẽ là một rào cản đối với quá trình lưu thông tự do hàng hoá hoặc ảnh hưởng đến vị trí cạnh tranh của nhiều công ty. Bằng cách áp dụng mở rộng Hiệp định, Hội đồng Châu Âu đã đặt cơ sở cho một chính sách hoà hợp: các quyết định đã được ban hành nhằm lồng ghép các quy định pháp luật môi trường cấp quốc gia đã từng được xem là có tác động trực tiếp đối với thương mại nội địa vào hệ thống pháp luật chung của khối. Tuy nhiên, sự lồng ghép này đã không đáp ứng được sự phát triển ngày càng rộng lớn của một chính sách môi trường chung của Liên minh Châu Âu. Chính vì vậy, vào năm 1972, Châu Âu  đã thông qua một Hiệp định có lồng ghép vấn đề môi trường một cách tổng thể bằng cách chỉ rõ rằng không chỉ nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế về mặt số lượng mà cần phải đảm bảo đồng thời việc cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường. Từ thời điểm đó trở đi, các chương trình hành động đối với bảo vệ môi trường đã đi vào thực thi đánh dấu một giai đoạn “sinh thái hoá” pháp luật của EU đã được bắt đầu.

Mục tiêu tổng thể của Liên minh Châu Âu như sau:

"Phát triển bền vững" phải được xem là một nhiệm vụ đã được xác định một cách rõ ràng của Liên minh Châu Âu. Một trong những mục tiêu của Liên minh Châu Âu đó là: "Nhằm thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và xã hội một cách cân bằng và bền vững..." (Mục 1, điều b); "Nhiệm vụ" của khối liên minh Châu Âu đó là (mục 2, điều 2): "Nhằm thúc đẩy... một tiến trình phát triển hài hoà và cân bằng của các hoạt động kinh tế, phát triển bền vững và không làm suy thoái môi trường...".

Vào năm 1987 đã xuất hiện một bước đột phá khi Châu Âu thông qua một Quy định riêng nhằm bổ sung và sửa đổi bản hiệp định Rome. Ngoài mục đích đã được xác định là xây dựng Châu Âu thành một thị trường chung thống nhất vào năm 1993, quy định này đã đưa ra cơ sở pháp lý cho một chính sách môi trường chung với 5 điều khoản mới về môi trường: 100A-B và 130 R-S-T. Những điều khoản này có thể đóng vai trò như một cơ sở, nền móng độc lập đối với chính sách môi trường của các nước Châu Âu. Những điều khoản này được diễn giải và trình bày thành từng phần riêng biệt trong mục VII, Hiệp định của Liên minh Châu Âu.

Điều 100A.  và Điều 130R . Nội dung cơ bản của hai điều này là đưa ra các biện pháp hài hoà các yêu cầu về bảo vệ môi trường của các quốc gia. Ví dụ, các tiêu chuẩn sản phẩm sẽ hoàn toàn được kết hợp một cách hài hoà theo điều 100A.

Cần lưu ý là nguyên tắc hài hoà trong điều khoản 100A không phải là mục tiêu của chính sách môi trường thuộc khối cộng đồng liên minh Châu Âu. Chính vì vậy điều 130R đưa ra cơ hội cho các quốc gia thành viên tự đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn mà theo họ là cần thiết và tự chịu trách nhiệm về điều đó. Vấn đề này được đề cập rõ hơn trong điều 130S và 130T.

Điều 130S.   Căn cứ vào điều 130S thì có thể áp dụng các biện pháp cần thiết cho mục tiêu môi trường nếu như phù hợp với cơ cấu và vận hành của thị trường chung Châu Âu và về nguyên tắc các biện pháp đó không ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại (ví dụ như các tiêu chuẩn tối thiểu đối với quá trình sản xuất). Các biện pháp này phải được thực thi một cách có thiện chí và kết hợp đồng bộ.

Điều 130T.  Điều 130T chỉ ra rõ các quốc gia thành viên được phép đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn so với những biện pháp đã được quyết định trong điều khoản 130S. Những biện pháp này phải được báo cáo lên Uỷ ban Châu Âu. Các biện pháp liên quan đến quá trình sản xuất mà có ảnh hưởng đến các vị trí cạnh tranh trong tương lai của các quốc gia thành viên liên minh Châu Âu phải được dựa vào điều 100A.

Nói một cách tổng quát, hai điều 130R và 130S tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên có thể áp dụng các biện pháp môi trường thuộc cấp quốc gia một cách chặt chẽ và toàn diện hơn là Điều 100A, điểm 4 và Điều 130T.

Liên quan đến một thị trường tự do không bị biến dạng thì sự hài hoà của các biện pháp môi trường vẫn là mục tiêu hàng đầu. Điều này được quy định tại điều 100A-B. Tuy nhiên như đã nói ở trên, điều này cũng đã chỉ ra những cơ sở và nền tảng cho việc xác định các mục tiêu cũng như đưa ra các tiêu chuẩn môi trường riêng của từng quốc gia thành viên.

Thứ nhất, các biện pháp dung hoà cần phải xuất phát từ việc bảo vệ ở mức cao. Ở đây, “mức cao” chưa được diễn giải rõ ràng và hiển nhiên có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau phụ thuộc vào các đặc tính môi trường cụ thể của từng quốc gia.

Thứ hai, về mặt nguyên tắc thì các quốc gia thành viên được phép đặt ra các quy định chặt chẽ thuộc cấp quốc gia ngoài phạm vi của các biện pháp hài hoà của EU, tất nhiên miễn là những quy định của những quốc gia này không tạo thành một rào chắn thương mại. Trách nhiệm của quốc gia thành viên đó là phải chứng minh được rằng những quy định chặt chẽ hơn đó là cần thiết và xuất phát từ các nguyên nhân bảo vệ sức khoẻ và môi trường.

3.  Sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường

Đối với các biện pháp đơn phương từ các quốc gia thành viên, có một sự phân biệt việc nhập khẩu từ quốc gia thành viên và việc nhập khẩu từ các quốc gia không nằm trong khối liên minh. Chính sách nhập khẩu của các quốc gia thành viên tuân theo các quy định chung của Liên minh Châu Âu. Trong một phạm vi giới hạn, các biện pháp thương mại bổ sung là mang tính hợp pháp trong trường hợp một quốc gia đưa ra những quy định hàng hoá khác. Điều này cũng cho phép các quốc gia áp dụng các biện pháp thương mại đối với việc nhập khẩu từ những quốc gia không nằm trong khối liên minh nhằm mục đích bảo vệ con người, bảo vệ động thực vật và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Việc hình thành tiêu chuẩn này bắt nguồn trực tiếp từ quy định của tổ chức WTO.

4.  Các chính sách liên quan đến sản phẩm của Liên minh Châu Âu

Xét về hoạt động của một thị trường thống nhất thì Liên minh Châu Âu ban hành các quy định cho bản thân Châu Âu. Liên minh Châu Âu có thể ban hành các Chỉ thị và các quy định. Các Chỉ thị được thực hiện thông các quy định pháp luật quốc gia của các nước thành viên; trong khi đó các quy định lại mang tính bắt buộc trực tiếp. Tuy nhiên để mô tả chính sách của liên minh Châu Âu về vấn đề này sẽ khó hơn do những nguyên nhân sau.

Trước hết các biện pháp cụ thể liên quan đến sản phẩm hiếm khi được xác định ở cấp độ quốc gia, trừ vài trường hợp ngoại lệ.

Thứ hai, các biện pháp hiện hành liên quan đến sản phẩm được quy định chủ yếu trong các quy định không phải là các quy định về môi trường. Có nghĩa là khó khăn cho việc hệ thống hoá các quy định pháp luật này một cách đầy đủ và rõ ràng.

a.  Hệ thống các tiêu chuẩn về BVMT

Hệ thống quản lý và kiểm toán môi trường của châu Âu (EMAS) bao gồm một danh mục đầy đủ về các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường cần được xem xét. Chúng bao gồm những hoạt động xả thải vào không khí; hoạt động xả thải vào nguồn nước hoặc hệ thống thoát nước; xả thải chất thải rắn, các chất thải khác, xả thải vào đất, tiếng ồn, các loại mùi, bụi, rung động và các tác động tới thị giác. Đã có nhiều ý kiến, đặc biệt là từ phía Mỹ cho rằng tính nghiêm ngặt của EMAS là gây ra những rào cản thương mại.

Ngoài ra, châu Âu đã công nhận vào đưa vào áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14000 trên lãnh thổ của mình.

b.  Quy định về tiêu chuẩn của sản phẩm

Một số Chỉ thị liên quan đến vấn đề môi trường đã được ban hành nhằm hạn chế việc gây tiếng ồn và giảm thiểu chất ô nhiễm không khí của động cơ, hoạt động của các nhà máy, tại các công trình xây dựng và hoạt động sinh hoạt thường ngày. Một số quy định và chỉ thị khác lại tập trung vào quá trình kinh doanh và sử dụng hoá chất như : PCBs, PCTs, Vinyl chloride, asbestos, CFCs, PCP, một số loại thuốc trừ sâu, thuỷ ngân v.v... Hàm lượng của các chất gây độc hại cho môi trường trong sản phẩm như : xăng dầu, bột giặt, bọt chữa cháy, ắc quy đều bị hạn chế. Những đề xuất do Uỷ ban đưa ra có đề cập đến các tiêu chuẩn đối với hiệu suất năng lượng của các loại sản phẩm như các loại nồi hơi nhiệt và các loại máy làm lạnh.

c.  Quy định về nghĩa vụ  thông tin

Một số chỉ thị được ban hành nhằm quy định về nhãn hiệu và thông báo trên bao bì của những sản phẩm hoặc chất nguy hiểm. Chúng mô tả các thể loại thông tin hoặc các biểu tượng của những mẫu sản phẩm độc hại với dòng chữ "R&S" (rủi ro và an toàn) phải được nêu rõ  cùng với các chất cụ thể. Chỉ thị của Liên minh Châu Âu đối với rác thải là bao bì quy định việc in các biểu tượng nhất định ở lô hàng đóng gói để chỉ ra khả năng tái sử dụng hoặc tái tạo.

d.  Thông tin tự nguyện

Kế hoạch nhãn sinh thái của Liên minh Châu Âu đã được đề xuất vào năm 1991 và năm 1992 bắt đầu được triển khai. Việc thông qua kế hoạch này đồng nghĩa với việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gây ra ít tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt toàn bộ quá trình sử dụng sản phẩm và để cung cấp các thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng về tác động môi trường của sản phẩm. Ngược lại với hệ thống nhãn sinh thái của Hà Lan và CHLB Đức thì nhãn hiệu của khối liên minh Châu Âu không phải là một nhãn hiệu chất lượng. Tất cả các sản phẩm ngoại trừ thực phẩm, đồ uống và dược phẩm đều có thể phù hợp với việc áp dụng một nhãn sinh thái, nếu chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và tuân thủ những đòi hỏi về an toàn và sức khoẻ của Liên minh Châu Âu.

Nhãn sinh thái của Châu Âu nhằm tránh sự cạnh tranh giữa các quốc gia khác nhau nằm trong khối cộng đồng. Chính vì vậy, chương trình nhãn sinh thái của cộng đồng được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ giữa các kế hoạch áp dụng nhãn hiệu cấp độ quốc gia.

Phí xin cấp nhãn sinh thái liên minh Châu Âu là khoảng 500 Euro. Nếu một đơn xin được thông qua thì nhãn hiệu sẽ được cấp phép lưu hành, cũng có một chi phí hàng năm về việc sử dụng nhãn hiệu đó, được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu tiêu thụ hàng năm của sản phẩm được dán nhãn hiệu sinh thái trên toàn bộ lãnh thổ của liên minh Châu Âu. Tỷ lệ áp dụng là 0,15%, nhưng không ít hơn 500 Euro.

Riêng đối với nhãn sinh thái của Liên minh Châu Âu, việc kiểm định các sản phẩm có thể gây nguy hại đối với môi trường cần phải được thực hiện bởi một cơ quan độc lập trong khi các sản phẩm ít gây nguy hại cho môi trường có thể được kiểm định bởi chính nhà sản xuất. Ngoài ra, nhãn sinh thái của Liên minh Châu Âu không được xem là một  nhãn hiệu chất lượng.

5.  Tác động đối với các nước đang phát triển

Khó đưa ra đánh giá về sự tác động của tất cả các biện pháp liên quan đến môi trường đối với viễn cảnh xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển. Trước hết là do nó liên quan đến một tình trạng hỗn độn của các biện pháp không đồng nhất được thực hiện cho các mục tiêu môi trường khác nhau. Thứ hai, những biện pháp này dựa vào các văn bản khác nhau, các chỉ thị và quy định khác nhau mà việc giải thích, áp dụng phụ thuộc vào quyền hạn, khả năng của các bộ, ngành liên quan và các cơ quan đặc trách của khối liên minh Châu Âu. Thứ ba, những biện pháp này khác nhau dưới góc độ của đối tượng tác động: một số biện pháp được áp dụng cho các loại chất, một số biện pháp khác lại liên quan đến cơ cấu nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm hoặc liên quan đến công nghệ sản xuất v.v... Cuối cùng mối quan hệ gắn kết giữa các biện pháp liên quan đến sản phẩm, các sản phẩm và sự phân loại đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm được lưu thông còn rất mơ hồ. Lấy ví dụ, việc áp dụng nhãn sinh thái không dựa trên các nhóm sản phẩm được phân loại theo tiêu chuẩn mà thay bằng các nhóm sản phẩm phân loại theo chức năng của chúng. Tất cả các điều này đã gây khó khăn cho quá trình đánh giá. Nhìn ở góc độ định lượng thì có thể khẳng định rằng sự phát triển của các biện pháp liên quan đến sản phẩm làm cho nền thương mại thế giới trở nên kém phần minh bạch và trở nên tốn kém hơn. Những chi phí này đều do các nhà xuất khẩu phải gánh chịu, mà những người này không được tham gia vào quá trình lập và hoạch định các biện pháp liên quan đến sản phẩm. Họ thường không nhận được đầy đủ thông tin và chính vì vậy gặp khó khăn để đáp ứng được với những biện pháp này.

Những yêu cầu về môi trường của các nước phát triển nói chung, EU nói riêng tiềm tàng những rào chắn phi thuế quan đối với việc nhập khẩu từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung dưới đây:

- Các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn (chẳng hạn như các yêu cầu đối với ngành dệt không được sử dụng  các loại thuốc nhuộm không thân thiện với môi trường) có thể tác động đến việc thâm nhập của các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật và thủ tục về môi trường.

- Các yêu cầu về bao bì đóng gói cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước kém phát triển do sử dụng bao bì không đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường hoặc không tái sử dụng được tại nước nhập khẩu của EU;

- Chương trình nhãn sinh thái, cả tự nguyện và bắt buộc có thể ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước đang phát triển tới thị trường EU;

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất và chế biến (PPM) có thể ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển. Việc áp dụng các phương pháp sản xuất và chế biến hiện nay tại các nước này chưa  thể đạt tới tiêu chuẩn của các nước phát triển là một bất lợi đối với các nước đang phát triển trong cạnh tranh trên thị trường EU.

- Yêu cầu của người tiêu dùng tại các nước EU đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn môi trường cao cũng là trở ngại đối với hàng hoá xuất khẩu từ các nước đang phát triển.

Thêm vào đó, Liên minh Châu Âu dường như đang có xu hướng tăng cường áp dụng các biện pháp có liên quan đến môi trường trong việc nhập khẩu hàng hoá vào thị trường của khối. Ví dụ gần đây nhất cho ta thấy điều này. Mới đây Uỷ ban Quản lý Thuỷ sản và các sản phẩm nuôi trồng châu Âu vừa thông báo: kể từ tháng 01/2002, các sản phẩm cá phải mang nhãn hiệu nêu rõ tên thương mại của loài cá, phương pháp sản xuất và khu vực đánh bắt. Cá ngừ đóng hộp và các loại tôm, cua, sò, ốc được miễn trừ khỏi những quy định mới này. Việc dán nhãn hiệu cho cá ngừ đóng hộp sẽ theo đúng chỉ dẫn của Chỉ thị 2000/13/EC về nhãn hiệu, trình bày và quảng cáo. Có thể thấy rằng quy định mới này đã phần nào dựa trên các thoả thuận của WTO như Hiệp định SPS, các quy định của Liên minh châu Âu về nhãn hàng hoá...Rõ ràng, những quy định này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho các nhà xuất khẩu từ các nước thế giới thứ ba.(1) Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của WTO vừa khai mạc ngày 10/11/2001 tại Doha, thủ đô của Quatar, EU đã dự kiến yêu cầu WTO đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về môi trường mà tuyệt đại đa số các nước đang phát triển đều nhìn nhận những quy định này như những rào cản phi thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu của họ.

Tuy nhiên, các biện pháp liên quan đến sản phẩm cũng có thể tạo ra những cơ hội mới cho quá trình xuất khẩu cuả các nước đang phát triển tại thị trường liên minh Châu Âu.

Trước hết, bằng cách đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm tại thị trường nước ngoài thì một bộ phận các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng đã bị tụt hậu. Bởi vì, khi đã thâm nhập được vào thị trường EU đầy khó tính đã chứng tỏ được hình ảnh về chất lượng và thân thiện MT của doanh nghiệp và sản phẩm của nó.

Thứ hai, nếu trong trường hợp một sản phẩm xuất khẩu của một nước đang phát triển được cấp một nhãn hiệu sinh thái tại thị trường khối liên minh Châu Âu thì sản phẩm đó sẽ có nhiều khả năng đạt được các cơ hội thâm nhập vào các thị trường khác. Bởi vì một nhãn hiệu sinh thái không chỉ đơn thuần là một giấy chứng nhận đảm bảo môi trường mà còn là một dấu ấn thừa nhận về chất lượng hàng hoá. Do vậy với sự hỗ trợ của một nhãn hiệu sinh thái thì các nhà xuất khẩu thuộc các nước đang phát triển thường có thể vượt qua được những hình ảnh không được thực sự đúng về chất lượng nghèo nàn của hàng xuất khẩu của họ. Một số doanh nghiệp Hà Lan đã bày tỏ quan ngại rằng về mặt này thì một hệ thống nhãn hiệu sinh thái có thể rất hữu ích cho các quốc gia đang phát triển.

III.   CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ THƯƠNG MẠI THEO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO BẮC MỸ (NAFTA)

1.  Sơ lược sự hình thành và vấn đề môi trường của NAFTA

Tổng thống Hoa Kỳ Bush và tổng thống Mehico Salinas đã đưa ra các ý tưởng về một hiệp ước thương mại tự do trong một bản báo cáo chung ngày 10/6/1990. Tổng thống Salinas đã đề xuất các phương pháp đàm phán của một hiệp ước thương mại tự do vào tháng 8/1990. Canada cũng bày tỏ sự quan tâm trong việc tham gia vào các vòng đàm phán (Hoa Kỳ và Canada vốn từ một vài năm trước đã cùng nhau ký kết một hiệp ước thương mại tự do song phương). Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã phê chuẩn NAFTA vào ngày 17/11/1993 và NAFTA bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1994.

NAFTA là chiếc cầu nối giữa hai quốc gia công nghiệp lớn mạnh là Hoa Kỳ và Ca-na-da với một quốc gia đang phát triển có diện tích khá lớn là Me-hi-co. Hiệp ước này đã được thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn sau các cuộc tranh cãi kéo dài, đặc biệt là về các tác động môi trường tiềm tàng của bản hiệp ước này. Quá trình tranh cãi kéo dài vài năm và cuối cùng dẫn đến việc ký kết 02 bản hiệp ước tách rời trong một hiệp định trọn gói NAFTA : NAFTA và hiệp ước về hợp tác môi trường Bắc Mỹ (NAAEC).

Được xem như hiệp định thương mại "Xanh" đầu tiên, NAFTA cung cấp một chương trình nghiên cứu mang tính hướng dẫn về mối quan hệ môi trường và thương mại. Hiệp định này kêu gọi các thành viên không nên khước từ các biện pháp về môi trường, an toàn và bảo vệ sức khoẻ nhằm mục đích thu hút            đầu tư.

NAFTA bao gồm hàng loạt các điều khoản thương mại liên quan đến môi trường mà xét ở một vài góc độ thì nó có thể được xem là "cứng rắn hơn một chút" so với các điều khoản của GATT/WTO(1).  NAAEC quy định những điều khoản nhằm đảm bảo rằng các bên liên quan sẽ thực thi có hiệu quả các quy định về môi trường trong khuôn khổ các Hiệp định của NAFTA. Khả năng áp dụng các biện pháp cấm vận thương mại đối với những nước thành viên từ chối tuân thủ các quy định về môi trường của khối được để ngỏ.Vấn đề cấm vận thương mại trong trường hợp một quốc gia thành viên không thực hiện các nghĩa vụ về môi trường của quốc gia đó được xem là một vấn đề đầy tranh chấp trong suốt quá trình đàm phán.

Các quy định môi trường trong phạm vi NAFTA là có tính hướng dẫn do hai nguyên nhân sau :

- Trước hết, bất kỳ một thoả hiệp gia nhập nào cũng có xu hướng cường độ hoá các vấn đề môi trường và thương mại cơ bản như vấn đề cạnh tranh, các tiêu chuẩn sản phẩm liên quan đến môi trường, các tác động của tự do thương mại đối với môi trường.

- Hai là, NAFTA đưa ra những gợi ý khá rõ ràng về vai trò, ảnh hưởng của các chính sách thương mại - môi trường của Hoa Kỳ như thế nào.

Các chuyên gia về môi trường đã tập trung nỗ lực cho NAFTA (tuy nhiên là không nhiều như Hiệp ước thương mại tự do Hoa Kỳ - Canada, FTA) vì một vài nguyên nhân sau đây :

- Việc thừa nhận muộn màng chính sách thương mại có thể chứa đựng các ảnh hưởng môi trường.

- Sự tồn tại của những vấn đề môi trường biên giới khá nghiêm trọng giữa Hoa Kỳ và Mehico có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động có tính thương mại của một số nhà máy công nghiệp.

- Người ta lo sợ rằng sự ô nhiễm tiềm tàng sẽ ngày càng trở nên hiện thực do những khác biệt giữa Mehico và Hoa Kỳ.

- Sự nhận biết và các mối quan ngại trong vấn đề đánh bắt cá heo và          cá ngừ.

2.  Các điều khoản môi trường cơ bản trong NAFTA

Các điều khoản của NAFTA tương ứng với môi trường bao gồm các tiêu chuẩn, các biện pháp vệ sinh và an toàn, giải quyết tranh chấp, đầu tư và tính tương thích của NAFTA đối với các điều ước quốc tế.

a.  Các tiêu chuẩn và các biện pháp vệ sinh, an toàn

Vấn đề về các tiêu chuẩn môi trường được đề cập ở cả hai chương, chương vệ sinh an toàn và chương về các biện pháp liên quan đến các tiêu chuẩn. Đối với các tiêu chuẩn thì nhìn chung các bên vẫn muốn duy trì quyền hạn được thiết lập các cấp độ bảo vệ mà theo họ là hợp lý. Các bên có thể đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm khắc hơn so với những chuẩn mực quốc tế.

Điều khoản vệ sinh và an toàn cho phép các bên được quyền thiết lập các tiêu chuẩn ở các cấp độ mà họ xem là cần thiết miễn là những tiêu chuẩn đó không gây ra sự phân biệt đối xử không hợp lý hoặc các rào chắn thương mại có tính chất phân biệt. Trong khi quyền được thiết lập các tiêu chuẩn ở các mức độ khác nhau là khá rõ ràng thì việc áp dụng các biện pháp thương mại nhằm thực thi các tiêu chuẩn đó phải cho thấy sự "cần thiết" và phải dựa vào "các căn cứ khoa học".

NAFTA không đưa ra nỗ lực nhằm dung hoà hoặc cân bằng các chi phí môi trường trong sản xuất. NAFTA không đưa ra những điều khoản có thể dẫn tới các nghĩa vụ môi trường đối trọng, các biện pháp thương mại đơn phương áp dụng vượt phạm vi lãnh thổ hoặc các hạn chế thương mại liên quan đến sản phẩm và quá trình sản xuất (trong bối cảnh của các quá trình mà giới hạn sự áp dụng đến mức cho phép có thể của các biện pháp thương mại đối với quá trình liên quan đến sản phẩm, vì vậy không cho phép các chính sách cấm vận thương mại dựa vào PPM mà lại không liên quan đến sản phẩm). Tuy nhiên, theo các điều khoản của hiệp ước môi trường thì các bên có thể, theo những điều kiện nào đó, tiến hành ngừng các hoạt động trong khuôn khổ của NAFTA nếu một bên khác vi phạm một nghĩa vụ về môi trường nhất định.

b.  Liên quan đến các điều khoản thương mại của các Điều ước môi trường quốc tế

NAFTA chỉ rõ rằng 03 bản điều ước (CITES, Nghị định thư Montreal và Công ước Basel) được ưu tiên thực hiện so với NAFTA (có nghĩa là  không thể được giải quyết thông qua NAFTA) và cho phép các điều ước mới được bổ sung trong tương lai.

c.  Đầu tư

NAFTA cho phép các quốc gia đưa ra các quy định về môi trường đối với đầu tư hướng nội mà họ cho là cần thiết miễn là những khoản đầu tư đó vẫn nhận được sự đối xử quốc gia. Tuy nhiên NAFTA cũng chỉ rõ "một bên không nên làm ngơ hoặc coi nhẹ" các biện pháp về môi trường, y tế và sức khoẻ nhằm thu hút đầu tư.

IV.   CÁC QUY ĐỊNH CỦA HOA KỲ

Nhìn chung, các quy định của Hoa Kỳ phù hợp với các nguyên tắc của GATT/WTO. Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt mới được hai bên hoàn tất được xây dựng trên cơ sở các quy định của GATT/WTO. Hiệp định cũng có một số quy định liên quan đến vấn đề môi trường. Đa phần các điều khoản của Hiệp định đều phù hợp và tương thích với các quy định của GATT/WTO. Ngoài ra, đối với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải tuân thủ khá nhiều quy định khác nhau có liên quan đến môi trường, trong đó chủ yếu là các quy định về kỹ thuật của sản phẩm và các quy định liên quan đến kiểm dịch động  thực vật.

1.  Các văn bản luật có liên quan nhiều đến nhập khẩu hàng hoá

Pháp luật của Hoa Kỳ cả ở cấp liên bang và tiểu bang có rất nhiều quy định về môi trường có liên quan đến việc nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ vào thị trường Mỹ. Danh sách dưới đây đưa ra một số văn bản chính do Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (US-EPA) chịu trách nhiệm tổ chức thực thi(1)

1.               Luật về ngăn ngừa ô nhiễm 1990;

2.               Luật không khí sạch

3.               Luật nước sạch

4.               Luật về nhận chìm tại biển

5.               Luật về nước sinh hoạt

6.               Luật tiêu huỷ chất thải rắn

7.               Luật về bảo tồn các khu giải trí

8.               Luật kiểm soát các chất độc hại

9.               Luật liên bang về các chất trừ sâu, nấm và côn trùng

10. Luật về kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và quyền được thông tin

11. Luật về chính sách môi trường quốc gia

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm liên bang (FDA) có vai trò quan trọng do được giao trách nhiệm tổ chức thực thi các văn bản dưới đây(2):

1.               Luật về xuất nhập khẩu các chất cần kiểm soát

2.               Luật về bao bì và nhãn phù hợp

3.               Luật về kiểm tra các sản phẩm trứng

4.               Luật liên bang về nhập khẩu sữa

5.               Luật liên bang về kiểm tra sản phẩm thịt

6.               Luật về nhập khẩu chè

7.               Luật về bảo vệ chất lượng thực phẩm

Ngoài ra, còn rất nhiều các văn bản khác do USEPA, FDA cũng như các cơ quan liên bang như Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tổ chức thực thi và rất nhiều các quy định do các tiểu bang đặt ra. Song song với các quy định pháp luật của Chính phủ liên bang cũng như các tiểu bang, các nhà xuất khẩu vào thị trường Hoa Kì cần hết sức chú ý đến một sức ép không kém phần quan trọng, đó là các tiêu chuẩn, quy định tự nguyện, vai trò của người tiêu dùng, các tổ chức phi chính phủ cũng rất lớn. Như trên đã nói, phần lớn các quy định của WTO và các quy định của Hoa Kỳ là tương thích với nhau. Ngoài ra, các nội dung quan trọng khác được xem xét trong các mục dưới đây.

2.  Các quy định kỹ thuật có liên quan tới môi trường của sản phẩm

Theo truyền thống, các quy định có liên quan tới môi trường của sản phẩm bao trùm lên rất nhiều loại sản phẩm: tiêu chuẩn xả của xe hơi, tiêu chuẩn về bức xạ đối với đồ gia dụng và các thiết bị y tế, quy định về vệ sinh đối với thực phẩm, yêu cầu về bao bì nhằm giảm thiểu vấn đề rác thải..

Ngoài ra không chỉ có các quy định liên quan đến sản phẩm theo một cách nhìn nhận cụ thể, các quy định của chính phủ về định hướng tiêu dùng một sản phẩm nào đó vì mục tiêu môi trường cũng có những ảnh hưởng đến thương mại, do đó cũng cần phải được xem xét. Luật năm 1990 sửa đổi Luật không khí sạch của Hoa Kì liên quan đến xăng là một ví dụ. Đồng thời, các hoạt động khác ngoài khuôn khổ nhà nước, ví dụ chương trình nhãn sinh thái Green Seal cũng cần phải được xem xét đầy đủ.

Mặc dù không phải là các quy định về môi trường có liên quan đến sản phẩm nhưng những chính sách của chính phủ đối với những sản phẩm thân môi trường cũng có thể tác động đến việc xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển sang thị trường Hoa Kỳ. Tổng thống Clinton đã đưa ra một sắc lệnh nhằm hướng dẫn Chính phủ cần ưu tiên mua xe hơi và máy tính có hiệu suất năng lượng cao và những sản phẩm sử dụng các hoá chất gây ra ít tác hại đối với tầng ozôn(1). Một sắc lệnh đã được đề xuất sẽ yêu cầu các cơ quan liên bang mua những loại giấy mà trong đó có ít nhất là 15% hàm lượng giấy  tái sinh.

3.  Các quy định về thực phẩm

Có thể nói, các quy định liên quan đến thực phẩm của Hoa Kì có ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của các nước đang phát triển. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục hải quan Mỹ thì các loại thực phẩm được điều tiết bởi các văn bản pháp luật đặc biệt và xếp chung nhóm với các loại hàng hoá chịu thủ tục nhập khẩu khá khắt khe là dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống có cồn, các chất phóng xạ. (2)

Theo báo cáo của Cơ quan kiểm toán liên bang Mỹ (GAO), trách nhiệm về đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm thuộc về Cục BVMT Mỹ (US-EPA), Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cục BVMT có trách nhiệm quản lý đăng ký thuốc trừ sâu, các điều kiện và các vấn đề cụ thể liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, Cục BVMT đặt ra tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm. Cục BVMT cũng đặt ra tiêu chuẩn cho thuốc trừ sâu nhập khẩu mà chưa được đăng ký ở Mỹ. Cuối cùng, Cục BVMT có trách nhiệm thông báo tới chính quyền của một nước khác về xuất khẩu thuốc trừ sâu chưa được đăng ký ở Mỹ vào thị trường Mỹ; quyết định loại bỏ hoặc tạm đình chỉ cấp đăng ký thuốc trừ sâu.

Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm chịu trách nhiệm thi hành các tiêu chuẩn do Cục BVMT xây dựng đối với tất cả thực phẩm nhập khẩu vào trong nước, trừ một số mặt hàng do Bộ Nông nghiệp theo dõi như thịt, trứng… Trong việc theo dõi dư lượng thuốc trừ sâu, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm giám sát thực phẩm nhập khẩu về các yếu tố như hoá chất, vi khuẩn, vệ sinh thực phẩm, quá trình phân huỷ, nhãn hiệu không phù hợp. Việc giám sát được thực hiện theo phương thức lấy mẫu. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm có thể yêu cầu Hải quan tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình nhập khẩu thực phẩm. Cơ quan Marketing nông nghiệp của họ chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng của một số sản phẩm nhập khẩu (ví dụ : cà chua, nho...). Theo quy định của Luật về thoả thuận marketing nông nghiệp năm 1937, quá trình kiểm định chất lượng cần thiết nhằm ngăn chặn hàng hoá chất lượng kém thao túng thị trường trong một vụ mùa là được phép áp dụng. Không nghi ngờ gì, có một rào chắn thương mại tiềm tàng trong quy định này. Một vụ việc điển hình trong quá khứ là trường hợp Hiệp hội cà chua bang Florida đã đề xuất USDA đặt ra một giới hạn kích cỡ đối với cà chua mà có thể loại bỏ tới 40% cà chua xuất khẩu từ Mehico sang Hoa Kỳ. Ngành công nghiệp bang Florida chủ yếu cung cấp loại cà chua không là đối tượng của những hạn chế về kích thước này(1).

Cuối cùng, Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của USDA (FSIS) chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra thịt nhập khẩu và xem xét hệ thống kiểm tra thịt động vật ở nước xuất khẩu có đảm bảo tương đương với hệ thống kiểm tra của Hoa Kỳ hay không. Ngành công nghiệp thịt động vật và gia cầm đặt dưới sự kiểm soát của nhiều quy định khác nhau từ thực phẩm, hoá chất và sinh học đến xếp loại, đóng gói và đóng nhãn hiệu. Những quy định này đã dẫn đến hàng loạt các tranh chấp thương mại, dẫn đến những nỗ lực nhằm hạn chế lưu thông thương mại và những nỗ lực nhằm trốn tránh hoặc thoát khỏi các ràng buộc và hạn chế đối với sản phẩm. Có 02 vụ tranh chấp khá nổi tiếng đó là việc Hoa Kỳ cấm nhập thịt bò từ Canada do phía Canada có sử dụng diethyl stibestrol như một loại hoóc môn sinh trưởng và các hạn chế của cộng đồng Châu Âu trong việc nhập khẩu loại thịt bò có hoóc môn sinh trưởng của Hoa Kỳ.

Nói chung, việc nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ của nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là các cơ quan của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp như Cục kiểm dịch động thực vật, Cục an toàn và kiểm định thực phẩm, Cục quản lý cá và động vật hoang dã...(2)

4.  Quy định về đóng gói và nhãn mác

Cả ở cấp tiểu bang và liên bang đều có những quy định về đóng gói, đặc biệt là đối với các vỏ lon đựng đồ uống. Chưa có nghiên cứu nào có nói đến các ảnh hưởng của những quy định này đối với việc xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển.

Không giống với nhiều quốc gia Châu Âu và Canada về vai trò đáng kể của các cơ quan nhà nước đối với việc áp dụng nhãn sinh thái, vai trò của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ là không đáng kể trong việc khởi xướng và phát triển chương trình nhãn sinh thái. Phía Hoa Kỳ có hai chương trình nhãn sinh thái tư nhân là Green Seal và Scientific Certification Systems (các hệ thống chứng nhận khoa học). Những ảnh hưởng của 2 chương trình này đối với việc phát triển các viễn cảnh xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển chưa được xem xét đầy đủ. Tuy nhiên, theo truyền thống của Hoa Kỳ, vai trò của các chương trình tư nhân cũng như sức ép của người tiêu dùng là rất lớn. Vì vậy, cần phải coi trọng hai chương trình này ở một mức độ phù hợp. Các sản phẩm nhập khẩu tất nhiên là đã gặp phải những vấn đề nhất định bao gồm cả việc tiếp cận các thông tin tiêu chuẩn và những thông tin lớn hơn trong việc cung cấp các dữ liệu cho quá trình phê chuẩn và các chi phí trong việc đạt được các nhãn hiệu nói trên nếu chúng chỉ đơn thuần là những nhà cung cấp quy mô nhỏ đối với thị trường Hoa Kỳ.

5.  Sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường

Xu hướng đối với việc sử dụng hoặc đề xuất việc sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường đang gia tăng trong pháp luật của Hoa Kỳ với việc gia tăng các điều luật cho phép Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp thương mại đa phương hoặc đơn phương để bảo vệ môi trường, bảo vệ động thực vật không nằm trong lãnh thổ của Hoa Kỳ. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng những quy định này đã dẫn đến những tranh chấp giữa Hoa Kỳ và các nước khác. Vụ tranh chấp về cá ngừ giữa Hoa Kỳ và Mê-hi-cô là một ví dụ điển hình. Trong vụ tranh chấp này, với lý do Mê-hi-cô sử dụng các phương pháp đánh bắt cá ngừ có thể gây hại tới cá heo, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với việc nhập khẩu cá ngừ từ Mê-hi-cô. Vụ tranh chấp buôn bán cá da trơn (catfish) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được nêu trong chương III cũng có liên quan tới những quy định này. Một số luật có các quy định cho phép chính quyền Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường được nêu dưới đây.

Luật số S261 uỷ nhiệm cho Tổng thống được thực hiện các hành động đơn phương theo quy định của Điều khoản đặc biệt 301 của Bộ luật thương mại đối với các quốc gia không đủ khả năng bảo vệ các loài động thực vật đang gặp nguy hiểm. Luật số HR2172 yêu cầu tổng thống huỷ bỏ quy chế tối huệ quốc của các quốc gia không cấm kinh doanh ngà voi. Theo các quy định của Luật bảo vệ cá heo quốc tế năm 1992, Bộ trưởng Ngoại giao được quyền xác lập các thoả thuận quốc tế đối với một lệnh tạm ngừng mang tính toàn cầu trong quá trình săn bắt cá ngừ, cá thu mà không đảm bảo thực thi các quy định bảo vệ động vật có vú ở biển trong một số trường hợp cụ thể. Các điều khoản bắt buộc bao gồm một lệnh cấm nhập khẩu các loại cá ngừ vàng, xác lập các hạn ngạch hạn chế nhập khẩu cá và sản phẩm cá từ một số nước cụ thể. Luật về ngư nghiệp ở các vùng ven biển đã đưa ra những chính sách cấm vận bắt buộc đối với những quốc gia mà có những vi phạm đối với các quy định của Liên hợp quốc về vấn đề này. Nếu quá trình tư vấn với những nước vi phạm vẫn đang diễn ra thì việc nhập khẩu sản phẩm cá và thiết bị đánh bắt cá sẽ bị cấm. Luật bảo tồn chim hoang dã đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu một số loài chim ngoại lai nhất định và cấm vận những loài khác trừ khi quốc gia xuất khẩu thực hiện CITES một cách có hiệu quả, phát triển một kế hoạch quản lý nhằm đảm bảo tính bền vững sinh học đối với các loài động thực vật và giảm thiểu rủi ro đối với những loài động thực vật đó trong quá trình săn bắt và vận chuyển.

6.  Đánh giá chung về tác động của các chính sách môi trường của Hoa Kỳ đối với việc nhập khẩu từ các nước đang phát triển

Về mặt nguyên tắc, mục đích của phần này là nhằm rà soát lại các mối quan hệ tương hỗ về thương mại và môi trường đã tác động đến các mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với các quốc gia đang phát triển. Chính bản thân mối quan hệ tương hỗ giữa thương mại với môi trường là hết sức tổng quát và trừu tượng cho công tác đánh giá. Chính vì vậy một quá trình phân loại có tính phân tích hữu ích đã được đề xuất: Các vấn đề về tiêu chuẩn liên quan đến môi trường của sản phẩm ; Các vấn đề liên quan đến  sử dụng các biện pháp thương mại cho mục đích môi trường quốc tế; Chính sách mang tính định hướng tiêu dùng của Chính phủ...

Trở lại ví dụ về yêu cầu của cựu Tổng thống Bill Clinton về mua các sản phẩm thân môi trường. Ví dụ này một lần nữa cho thấy những tác động của các chính sách này của chính phủ đối với việc nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển. Các quy trình quản lý hành chính và chứng nhận sẽ trở nên quan trọng. Lấy ví dụ làm thế nào để một nhà xuất khẩu của một quốc gia đang phát triển có thể trông đợi nhằm xác định hàm lượng rác thải của loại giấy "bán cho Chính phủ" ? Những tác động khác từ phía người tiêu dùng và của ngành công nghiệp đối với các sản phẩm và dịch vụ thân môi trường dường như đang gia tăng. Lấy một ví dụ, một quỹ bảo vệ môi trường cùng với một số tập đoàn lớn khác đã phối hợp đề xuất các phương pháp để gia tăng việc sử dụng các loại giấy không gây ô nhiễm môi trường, giấy tái chế. Các thành viên mong đợi và nhận định sẽ xem xét các tác động môi trường trong quá trình sản xuất giấy, sử dụng tái tạo và xử lý giấy bao gồm cả loại giấy được tái tạo, giấy nguyên bản. Hàng năm, những cơ quan này đã mua một lượng giấy và các sản phẩm giấy trị giá hơn 1 tỷ đô la(1).

Những yêu cầu về môi trường của Hoa Kỳ tiềm tàng những rào chắn phi thuế quan đối với việc nhập khẩu từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nội dung dưới đây:

- Các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn (chẳng hạn như các yêu cầu về kích cỡ cà chua nhập khẩu, về hiệu suất năng lượng của máy móc…) có thể tác động đến việc thâm nhập của các nước kém phát triển vào thị trường các nước phát triển bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, các rào cản kỹ thuật và thủ tục về môi trường.

- Các yêu cầu về bao bì đóng gói cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước kém phát triển do sử dụng bao bì không đáp ứng yêu cầu thân thiện với môi trường hoặc không tái sử dụng được Hoa Kỳ;

- Các yêu cầu về phương pháp sản xuất và chế biến (PPM) có thể ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển. Hoa Kỳ có truyền thống sử dụng PPM như một biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng pháp luật của nước mình ra ngoài phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ. Việc áp dụng các phương pháp sản xuất và chế biến hiện nay tại các nước này chưa  thể đạt tới tiêu chuẩn của các nước phát triển là một bất lợi đối với các nước đang phát triển trong cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Các ví dụ liên quan đến quá trình đánh bắt hải sản, đặc biệt đánh bắt cá ngừ là ví dụ điển hình.

- Vai trò của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn môi trường cao cũng là trở ngại đối với hàng hoá xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Bản thân hai chương trình nhãn sinh thái tư nhân cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất khẩu của các nước đang phát triển tới thị trường Hoa Kỳ;

Có lẽ lĩnh vực khó dự đoán nhất là vấn đề áp dụng các phương thức cấm vận thương mại vì những mục đích môi trường, vấn đề này có thể do phía Hoa Kỳ đơn phương quyết định hoặc phù hợp với các quy định của các hiệp định môi trường quốc tế. Nếu không có những hiểu biết và thông cảm  mang tính quốc tế thì đây là một mảnh đất màu mỡ để nảy sinh ra các tranh chấp thương mại. Hiện nay phía Hoa Kỳ dường như đang hướng đến một quá trình áp dụng các biện pháp cấm vận thương mại này một cách linh hoạt hơn.

V.     MỐI LIÊN HỆ GIỮA BIỆN PHÁP THƯƠNG MẠI VÀ MỤC TIÊU MÔI TRƯỜNG TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VÀ HIỆP ĐỊNH MÔI TRƯỜNG ĐA PHƯƠNG (MEAS)

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn nghĩ rằng các vấn đề thương mại sẽ được giải quyết bằng các biện pháp thương mại. Tương tự, các vấn đề môi trường sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp môi trường. ở đây việc dùng những biện pháp thương mại trong những hiệp định môi trường đa phương lại cho thấy sự cần thiết. Những hiệp định môi trường đa phương (MEAS) không bao gồm những biện pháp bắt bụôc mà chủ yếu dựa vào nguyên tắc tự nguyện, do đó việc thực thi thường kém hiệu quả, còn trong hoạt động thương mại, biện pháp để thực hiện nội dung của các hiệp định là bắt buộc. Tính bắt buộc được hiểu thông qua các biện pháp hạn chế và trừng phạt thương mại. Vì vậy, hiện nay có xu thế dùng các biện pháp thương mại để đạt được mục tiêu môi trường, đặc biệt xu thế này được các nước phát triển ủng hộ. Theo quan điểm của những nước này, việc dùng những hạn chế và trừng  phạt thương mại là công cụ thích hợp ở những phạm vi nhất định để giải quyết mối lo ngại về môi trường. Điều này trái với mục đích của GATT/WTO, tuy nhiên lại được sự ủng hộ của một số nước nhất là các nước phát triển. Tuy vậy, mục tiêu môi trường ở đây, trong đại đa phần các trường hợp lại chính là vì lợi ích thương mại. Nói cách khác, vấn đề môi trường chỉ là cái vỏ bề ngoài để thực hiện các biện pháp thương mại vì mục đích     thương mại.

Những hiệp định về môi trường quốc tế như là Công ước Basel và Nghị định như Montreal, cho phép sự hạn chế thương mại, hoặc cấm buôn bán đối với bên không tuân theo hoặc bên không ký kết. Việc dùng những cơ chế bắt buộc, trong các hiệp định môi trường đa phương (MEAs), làm nổi bật sự mâu thuẫn tiềm tàng với những chính sách thương mại và những nguyên tắc buôn bán công khai và tự do: Mục tiêu hoạt động của GATT/WTO là giảm thiểu những chính sách và biện pháp làm sai lệch hoặc can thiệp không hợp lệ vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc dùng những hạn chế thương mại là một phương tiện để đạt đến một mục tiêu về môi trường có thể đi ngược lại những mục tiêu nói trên. Đồng thời, những nguyên tắc buôn bán tự do có thể xung đột với những biện pháp bảo vệ môi trường, do những sự hạn chế thương mại có thể được sử dụng cho các mục tiêu môi trường khác nhau.

Những biện pháp thương mại sẽ đi cùng một hiệp định môi trường đa phương chỉ với điều kiện khi chính sách môi trường không chỉ đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các mục tiêu môi trường đã đề ra. Những quy tắc thương mại đa phương là những phương tiện thuận lợi đối với việc hoạch định và thực thi các chính sách môi trường. Do để đáp ứng các mục đích của mình, nên các hiệp định về môi trường thường mâu thuẫn với các hiệp định về thương mại, vì vậy cần phải đề ra các biện pháp thích hợp để càng có ít hạn chế về hoạt động thương mại càng tốt, trên cơ sở phát triển bền vững.                     

Một vấn đề liên quan khác là sự chi tiết hoá của các biện pháp thương mại trong các hiệp định môi trường đa phương (MEAs) cần tránh đến mức tối đa khả năng một nước lợi dụng vấn đề môi trường để tiến hành bảo hộ mậu dịch trái với tinh thần của các hiệp định, thoả thuận trong khuôn khổ GATT/WTO. Trên thực tế, do chưa được cụ thể hoá một cách đầy đủ nên các hoạt động thương mại có thể chịu rủi ro vì vượt quá tầm kiểm soát mà không có các biện pháp bảo hộ an toàn. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi một mức độ quá cao về sự chi tiết hoá vì trong thực tế các biện pháp thương mại này nói chung được quyết định để đáp ứng nhu cầu của các nước khác nhau. 

Làm sao có thể bảo đảm được sự nhất quán giữa luật thương mại quốc tế và các Hiệp định môi trường đa phương. Những nhà thương lượng đang nghiên cứu các biện pháp có thể thay đổi mà sẽ có tác động tích cực hơn cho cả môi trường và thương mại. Một mặt người ta phải xem xét biện pháp chính sách phù hợp với việc chuyển giao công nghệ đầy đủ và các nguồn tài chính cho các nước đang phát triển. Điều đó sẽ giúp họ trong việc hướng tới một quá trình sản xuất thân thiện hơn về môi trường. Mặt khác các nước cũng phải hướng tới việc tăng cường việc quản lý nguồn tài nguyên trong nước, đánh giá đúng mức giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nguồn thu nhập thay thế cho nhân dân ở những vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đi xem xét các biện pháp thương mại đã được áp dụng bên ngoài nội dung một hiệp định môi trường đa phương (MAE). Điều khoản 12 của bản tuyên bố Rio đòi hỏi mọi cố gắng thích hợp được tạo ra phải đảm bảo rằng, các biện pháp liên quan đến các vấn đề môi trường xuyên biên giới hay toàn cầu phải dựa trên cơ sở đồng nhất quốc tế. Hơn thế nữa, bản tuyên bố nói rằng phải tránh những biện pháp thương mại đơn phương nhằm đạt được những mục tiêu môi trường nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của một nước. Người ta lo ngại là phương sách đối với những biện pháp đơn phương trong văn bản này dẫn đến nguy cơ có sự phân biệt đối xử giả tạo và bảo hộ trá hình làm ảnh hưởng đến hệ thống thương mại và có thể đe doạ môi trường quốc tế.

Thành viên WTO phải đối phó với những thách thức liên quan đến những hiệp định môi trường đa phương. Những thách thức lớn nhất được nêu lên để xem xét những biện pháp thương mại trong các hiệp định môi trường đa phương đối với các điều khoản của WTO là :

- Việc một nước sử dụng các biện pháp thương mại để bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường ngoài lãnh thổ nước đó.

- Những biện pháp buôn bán riêng rẽ với các nươc không phải là thành viên của các hiệp định môi trường đa phương.    

Thứ nhất, liên quan đến việc sử dụng  các biện pháp về thương mại để giúp bảo vệ các nguồn tài nguyên môi trường mà không nằm trong phạm vi quyền tài phán quốc gia của một hoặc một nhóm nước, hoặc không tác động trực tiếp đến môi trường riêng của họ. Sự minh hoạ rõ ràng trong trường hợp này, đã được nêu ra trong GATT là cuộc tranh cãi về đánh bắt cá ngừ, cá heo giữa Mỹ và Mexico. Năm 1990, Mỹ đã đơn phương áp dụng lệnh cấm vận thương mại  đôí với cá ngừ của Mexico.  Mỹ rêu rao rằng, loài cá này bị đánh bắt theo một phương thức mà làm chết hàng loạt cá heo. Hội đồng xét xử của GATT đã giải quyết vấn đề có lợi cho Mexico và tuyên bố rằng Mỹ không thể sử dụng các hạn chế thương mại để bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường, không thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia của Mỹ. Một ví dụ khác của vấn đề này liên quan đến Công ước về buôn bán quốc tế đối với các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES). Các bên ký công ước này cấm nhập khẩu sản phẩm của các loài có nguy cơ tuyệt chủng như ngà voi. Vì thế, một nước như Thụy Sĩ không hề có một con voi nào, lại đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu một sản phẩm của nước thứ ba với mục đích là bảo vệ nguồn tài nguyên của nước đó. Một thành viên của các nước Châu Phi phàn nàn rằng, việc cấm như vậy sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của họ. Theo như WTO thì không có cơ sở pháp lý để cấm sử dụng sản phẩm của một nước xuất khẩu để bảo vệ môi trường cho chính nước xuất khẩu đó, như trường hợp ngà voi.

Thứ hai, được nêu ra bằng các điều khoản đối với lệnh cấm hoặc trừng phạt thương mại, chống lại những nước không ký một hiệp định nào đó. Các ví dụ của vấn đề này phát sinh trong các hiệp định môi trường đa phương, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt về thương mại nhằm chống lại các nước không ký MEA. Đây là trường hợp của Nghị định thư Montreal, Công ước CITES và Công ước Basel. Nghị định thư Montreal có một điều khoản cấm nhập khẩu các hàng hóa có chứa các loại khí CFC (Cloro Flucarbon) và những sản phẩm chứa những loại khí này, kể cả những sản phẩm được chế tạo với những chất khí độc nói trên ở các nước không ký công ước. Trung Quốc và ấn Độ là hai nước dùng khí CFC để sản xuất đĩa compac, chất bán dẫn, tủ lạnh. Điều khoản này rõ ràng vô hiệu hóa những quyền hạn của ấn Độ trong WTO. Vấn đề liên quan đến một hiệp định môi trường đa phương (MEA) bao gồm sự phân biệt đối xử buôn bán, chống lại các bên không tham gia ký kết công ước CITES về buôn bán các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, ở đây các nước không tham gia ký kết, lại có đủ các lý do để làm chứng minh việc từ chối ký kết các hịêp định môi trường đa phương. Những nguyên nhân đó có thể là: a/ Không có khả năng làm việc đó; b/ Không tìm thấy bằng chứng khoa học có sức thuyết phục; c/ Có các ưu tiên khác. Vấn đề này đã được nêu ra tại nguyên tắc 7 của bản tuyên bố Rio về Trách nhiệm chung nhưng khác nhau đối với các nước trong việc giải quyết những vấn đề môi trường mang tính chất toàn cầu. ở đây điều quan trọng là xem, liệu chính sách môi trường của các nước không phải là thành viên, có làm ảnh hưởng đến những mục tiêu môi trường của hiệp định môi trường đa phương hay không? Vấn đề đó đã được nêu lên trong nhóm để xem xét, liệu có sự phân biệt đối xử trong buôn bán đối với các nước không phải là thành viên của một hiệp định môi trường đa phương, có thể được điều chỉnh theo ngoại lệ hay không? Nếu một nước không phải là thành viên của MEA thì có bị thiệt thòi (phân biệt đối xử) trong thương mại quốc tế hay không? Ví dụ, khi một nước không tham gia vào một hiệp định môi trường đa phương, mà hiệp định đó được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, với mục đích là nước đó tìm lợi thế buôn bán từ việc không tham gia hiệp định và hành động của nước đó lại có hại tới các mục tiêu môi trường của hiệp định môi trường đa phương, thì giải quyết như thế nào?

Như vậy các biện pháp thương mại trong một số trường hợp nhất định tỏ ra là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sự lạm dụng công cụ kinh tế này một cách thái quá sẽ gây ra sự cản trở trong thương mại và do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là phải kết hợp một cách hài hòa giữa tự do hóa thương mại với bảo vệ môi trường. Đây là một căn cứ quan trọng của việc đề ra các hiệp định thương mại đa biên trong tổ chức thương mại thế giới mà chúng ta đã đề cập ở trên đây. Mặt khác, do hiệp định chung về thuế quan và thương mại của GATT/WTO là nền tảng cho mọi hịêp định đa biên khác, nên trong việc đề ra các hịêp định của mình, các tổ chức kinh tế - thương mại khu vực cũng phải căn cứ vào các vấn đề môi trường của GATT/WTO. Tuy nhiên, sự thể hiện của vấn đề môi trường trong các hiệp định thương mại đa biên ở cấp khu vực khác nhau được biểu hiện ở các mức độ khác nhau, điều đó phụ thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi khu vực. Vấn đề môi trường trong hiệp định chung về thuế quan và thương mại của GATT/WTO cũng là cơ sở cho các hiệp định thương mại song phương, là cơ sở để kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại và bảo vệ môi trường trong việc hoạch định các chính sách thương mại của các quốc gia.

 


CHƯƠNG 4

KINH NGHIỆM VỀ QUẢN LÝ  MÔI TRƯỜNG
CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

 

I.        CÁC ĐẶC TRƯNG CHUNG VỀ  LUẬT PHÁP VÀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CỦA CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI.

Đến thời điểm này, các nước trên thế giới đều có hệ thống luật pháp về môi trường và cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng quản lý môi trường theo luật định.  Mục tiêu chung của các cơ quan bảo vệ môi trường là: " Đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần giữ gìn môi trường của trái đất - cái nôi của toàn nhân loại".

Các cơ quan bảo vệ môi trường tại các quốc gia trên thế giới, nhìn chung đều có những chức năng sau đây:

- Tư vấn cho Nhà nước và Chính phủ trong việc định hướng chiến lược, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý về bảo vệ môi trường (Luật môi trường, Pháp lệnh môi trường, các chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách,... về bảo vệ môi trường);

- Thực hiện việc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo Luật định. Ban hành và giám sát thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;

- Xây dựng và duy trì chế độ hoạt động của các công trình kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ môi trường (hệ thống các trạm quan trắc, các phòng thí nghiệm, các cơ sở đào tạo về môi trường,...);

- Thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp và thu hồi các giấy chứng nhận tiêu chuẩn môi trường;

- Giám sát, thanh tra, giải quyết các khiếu nại, khiếu tố, xử phạt các hành vi làm trái các qui định về bảo vệ môi trường;

- Tổ chức đào tạo cán bộ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Làm công tác thông tin, vận động quần chúng, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước;

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ cao để bảo vệ môi trường;

- Đảm nhiệm chức năng duy trì và phát triển quan hệ Quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Tuy nhiên, về nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ môi trường của các nước trên thế giới có sự không đồng nhất rõ rệt. Trước hết, tùy theo mức độ hoàn thiện của hệ thống văn bản pháp lý, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, mức độ phát triển kinh tế - xã hội mà nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng như nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương của từng nước sẽ được xác lập theo từng giai đoạn cụ thể.

các nước phát triển, khi điều kiện kinh tế - xã hội đã đạt được ở mức cao; nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương bắt đầu đi vào chiều sâu, nhằm hướng tới việc cải thiện môi trường sống; áp dụng các công nghệ cao để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tạo ra nền "công nghiệp xanh".

các nước kém phát triển, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ môi trường cấp Trung ương lại chỉ đang ở mức chống suy thoái môi trường, chống đói, và chống dịch bệnh,... là chính. Khó khăn mà các nước nghèo gặp phải là sự thiếu kinh phí, thiếu tri thức và phương tiện trong việc bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những nét chung về chức năng, những đặc thù riêng về nhiệm vụ mà mỗi nước đặt ra cho cơ quan bảo vệ môi trường của mình, hệ thống tổ chức của mỗi quốc gia có một hình thái riêng được thiết lập trên cơ sở một hệ thống quan hệ pháp quy riêng, và do đó mang lại những hiệu quả khác nhau trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

II.      KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC

Trung Quốc là quốc gia lớn nhất Châu Á với tổng diện tích tự nhiên 9.596.960 km2, có đường biên giới chung với 15 quốc gia và 14.500 km đường bờ biển. Trung Quốc là nước có dân số đông nhất thế giới với 1,215 tỷ người, trong đó, dân đô thị chiếm 31%, dân số trong diện đói nghèo tuy chỉ chiếm 7% nhưng cũng là số lượng khá lớn (khoảng 85 triệu người), tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch là 90% và tỷ lệ tăng dân vẫn ở mức 1,1% năm. GDP năm 2000 của Trung quốc đạt 1.120 tỷ USD. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là 48,4%; 20,6% và 31,1%. Toàn quốc được quản lý hành chính theo 23 tỉnh và một số đặc khu

Trung Quốc thuộc các nước có cơ quan bảo vệ môi trường là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ. Có 16 % các nước trên thế giới đang áp dụng hình thái tổ chức này, trong đó có các nước dân số đông như Trung Quốc, Mỹ, Anh,... Xét cho cùng hình thái này chỉ khác hình thái kiểu Bộ Môi trường bởi tên gọi, vì các Cục Môi trường xếp trong nhóm này đều trực thuộc Chính phủ. Nói cách khác, theo ngành dọc nó vẫn đáp ứng khả năng phản ứng nhanh.           Tuy nhiên, với chức danh đặt ở mức Cục/Hội đồng/Đương Cục,... cơ quan này sẽ khó thực hiện việc trao đổi ngang cấp giữa các Bộ, ngành, địa phương khác.

Hiện nay, Trung Quốc đang có rất nhiều vấn đề cần quan tâm liên quan tới việc bảo vệ môi trường, cụ thể là: Các nguy cơ thiên tai như bão lớn, lũ lụt, động đất và các rung động địa chấn và nạn hạn hán; các vấn đề môi trường như: ô nhiễm không khí do sử dụng các nhiên liệu có chứa nhiều lưu huỳnh dẫn tới mưa acid; thiếu nước và nước sạch; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp; xói mòn; sa mạc hoá; phá rừng, săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Theo dự báo năm 1999 của chính quyền trung ương, ngân sách hàng năm dành cho môi trường của Trung Quốc không thể vượt quá 0,5% GDP. Tuy vậy, Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trên thực tế, cụ thể là từ năm 2000, Chính phủ quyết định sẽ sử dụng 170 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 0.97% GDP, cho các hoạt động môi trường.

Cơ cấu tổ chức: Cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc là Cơ quan  quốc gia. Đứng đầu cơ quan này là một chủ nhiệm, giúp việc cho chủ nhiệm có các phó chủ nhiệm, thư ký và cố vấn. Cơ quan bảo vệ môi trường được chia thành hai khối, trong đó khối vụ bao gồm 8 vụ chức năng và khối viện gồm 15 đơn vị trực thuộc.

Chức năng, nhiệm vụ: Tổng cục bảo vệ môi trường quốc gia có chức năng định ra pháp quy, chính sách, phương châm bảo vệ môi trường quốc gia, định ra các quy tắc hành chính; nhận sự uỷ thác của Quốc vụ viện tiến hành đánh giá ảnh hưởng môi trường đối với các chính sách kinh tế lớn; đinh ra quy hoạch bảo vệ sinh thái; quy hoạch phòng chống ô nhiễm ở các lưu vực, khu vực trọng điểm. Định ra và tổ chức thực hiện các quy tắc, pháp quy về phòng chống ô nhiễm, tiêu chuẩn chất lượng môi trường quốc gia và tiêu chuẩn giới hạn ô nhiễm, chế độ quản lý kinh tế…; kiểm tra, giám sát, thực thi và phục hồi sinh thái. Định ra quy tắc cơ bản về vấn đề môi trường toàn cầu, quản lý hợp tác giao lưu quốc tế về bảo vệ môi trường. Chịu trách nhiệm về các công trình kết cấu lớn, nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường và chịu trách nhiệm quản lý phế thải có tính phóng xạ, bức xạ môi trường, an toàn hạt nhân.

Đối tượng và phạm vi hoạt động: Cơ quan bảo về môi trường Quốc gia do chính quyền trung ương Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo và điều hành, hoạt động tuân theo pháp luật của Trung Quốc. Các phạm vi hoạt động cụ thể bao gồm:

- Xây dựng các hướng dẫn, chính sách, luật và quy chế bảo vệ môi trường và giám sát thực hiện chúng;

- Xây dựng các kế hoạch và các chương trình Quốc gia về bảo vệ môi trường; tham gia vào xây dựng các chương trình trung hạn, dài hạn và các kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế xã hộ quốc gia.

- Chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường khí quyển, nước, đất và các đại dương; giám sát và quản lý đối với việc phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm.

- Giám sát và quản lý công tác bảo tồn thiên nhiên của đất nước và xây dựng kế hoạch và chương trình thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên và đề ra các dự án xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia để trình lên Hội đồng Nhà nước phê duyệt.

- Tổ chức thực hiện quản lý môi trường và thi hành, giám sát và đánh giá tác động môi trường.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách quốc gia về bảo vệ môi trường

- Quản lý và giám sát quan trắc môi trường trên toàn quốc.

- Chỉ đạo và phối hợp giáo dục trong toàn quốc về bảo vệ môi trường.

- Hỗ trợ việc xây dựng các nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc về các vấn đề môi trường toàn cầu và tham gia vào việc ký kết các công ước quốc tế.

Khác với những mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số nước, ở Trung Quốc có mô hình tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường phân biệt rõ ràng giữa hai khối: kỹ thuật và quản lý nhà nước, điều này rất thuận lợi cho việc phân công và thực hiện các chức năng, đặc biệt là chức năng quản lý, tránh được sự chồng chéo. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chưa có một đơn vị thanh tra hoạt động độc lập để giám sát hoạt động của các đơn vị trong cơ quan quản lý môi trường. Đồng thời, do lãnh thổ rộng lớn nên việc phân cấp quản lý ở cấp địa phương khá phức tạp, phụ thuộc và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và các vấn đề môi trường nảy sinh của từng tỉnh cụ thể.

 

 

H×nh 1:       Sơ đồ tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc

 

 
 
 

 

 


 

III.    KINH NGHIỆM CỦA SINGAPORE

1.  Cơ quan bảo vệ môi trường của Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ ở khu vực Đông Nam Á, nằm giữa Malayxia và Indonexia, có tổng diện tích tự nhiên 1.092 km2 và 193 km đường bờ biển. Cả nước chỉ có một thành phố chia làm 6 quận với 100% dân số được hưởng nước sạch. Phần đóng góp của dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Singapore chiếm tới 64% và chủ yếu là từ các dịch vụ liên quan tới biển. Với các chính sách và luật pháp về môi trường rất tiến bộ (luôn đặt ra chỉ tiêu tối thiểu là đạt được các tiêu chuẩn quốc tế), cộng với nguồn kinh phí dành cho các hoạt động môi trường chiếm tới 1,2% GDP (khoảng 2 đến 3 tỷ S$/năm) và một khung luật pháp có những quy định môi trường rất nghiêm ngặt và cụ thể, Singapore đã trở thành một trong các quốc gia xanh, sạch và đẹp nhất thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay Singapore vẫn phải đối mặt với các vấn đề môi trường như: ô nhiễm công nghiệp, khói bụi do cháy rừng, khan hiếm nước và diện tích đất xây dựng rất hạn chế.

Singapore thuộc Mô hình của các quốc gia có cơ quan bảo vệ môi trường là một bộ độc lập. Đối với các nước có cơ quan BVMT là một Bộ độc lập, thì quan điểm coi môi trường là một lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng, bình đẳng với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, y tế, quốc phòng,... là hoàn toàn sáng tỏ. Tổ chức này cũng là điều kiện cơ bản để tạo ra khả năng phản ứng nhanh trong khâu xác định nhiệm vụ, ra quyết định và thực thi nó từ cấp Chính phủ đến Bộ Môi trường và các tỉnh/thành; tạo ra mối liên hệ qua lại ngang cấp giữa các Bộ, Ngành, làm gia tăng hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường đa ngành.

Cơ cấu tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường Singapore:  Bộ môi trường Singapore được thành lập năm 1972, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp điều hành. Đứng đầu Bộ môi trường là 1 Bộ trưởng, dưới Bộ trưởng là các thư ký thường trực và phó thư ký thường trực chịu sự chỉ đạo trực tiếp và giúp việc cho Bộ trưởng điều hành sự hoạt động của Bộ môi trường. Bộ môi trường Singapore được tổ chức thành 4 vụ, mỗi vụ lại được tổ chức thành các phòng và các bộ phận chức năng như mô tả trong Hình ....

2.  Chức năng, nhiệm vụ của Bộ môi trường và các đơn vị trực thuộc:

Nhiệm vụ chung: Bộ môi trường Singapore có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng và thực hiện các chương trình tổng hợp về sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường với mức tối thiểu là đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Vụ chính sách và quản lý môi trường: gồm 3 phòng với các nhiệm vụ và chức năng như sau:

- Phòng kiểm soát ô nhiễm: quy hoạch việc kiểm soát ô nhiễm; kiểm soát ô nhiễm nước; kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các chất thải công nghiệp độc hại.

- Phòng nghiên cứu và quy hoạch chiến lược: nâng cao chất lượng môi trường thông qua quy hoạch dài hạn, xây dựng và giám sát chính sách, cảnh báo các vấn đề môi trường cấp bách.

- Phòng chính sách và môi trường quốc tế: xác định các chính sách quốc gia về các vấn đề môi trường cấp thiết và tạo điều kiện thuận lợi để Singapore tham gia vào các diễn đàn môi trường.

Vụ Kỹ thuật môi trường: gồm 3 phòng với các nhiệm vụ và chức            năng như:

- Phòng tiêu thoát nước: Bảo đảm cho sự hoạt động hiệu quả của hệ thống tiêu thoát nước quốc gia

- Phòng quản lý hệ thống cống rãnh: quy hoạch và quản lý hoạt động hiệu quả của hệ thống cống rãnh công cộng; kiểm soát việc xử lý nước thải theo các tiêu chuẩn bắt buộc và thu hồi nước thải để tái sử dụng và cung cấp các dịch vụ khác liên quan.

- Phòng các dịch vụ kỹ thuật: lên kế hoạch, xây dựng và quản lý các cơ sở xử lý rác và một số nhiệm vụ khác.

Vụ quản trị các hoạt động chung: gồm 8 bộ phận chức năng với các nhiệm vụ như:

- Phòng nhân sự: quản lý và xử lý các vấn đề liên quan tới nhân sự và nguồn nhân lực của Bộ môi trường.

- Trung tâm đào tạo môi trường: đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường cho các cán bộ thuộc Bộ môi trường và các đối tượng khác; quản lý thư viện môi trường và thực hiện các dịch vụ đào tạo khác.

- Phòng hệ thống thông tin máy tính: đảm bảo việc lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cho các đơn vị trong và ngoài Bộ môi trường; thiết kế lắp đặt và duy trì hệ thống máy tính cho Bộ môi trường.

- Phòng tài chính: đảm bảo về mặt tài chính cho các hoạt động của Bộ Môi trường.

- Bộ phận khởi tố và phụ trách các hợp đồng: hỗ trợ và tư vấn các vấn đề về luật pháp cho các đơn vị trong và ngoài Bộ; khởi tố những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BVMT.

- Phòng các vấn đề quần chúng: hỗ trợ, cung cấp thông tin, thông báo và giải thích các vấn đề liên quan tới môi trường cho quần chúng;

- Bộ phận chính sách và hệ thống: chuẩn bị cho sự phát triển tương lai của Bộ.

- Bộ phận kiểm toán nội bộ: tư vấn cho công tác quản lý và uỷ ban kiểm toán;

Vụ sức khoẻ môi trường và cộng đồng: bao gồm 8 đơn vị chức năng với các nhiệm vụ như sau:

- Phòng kiểm soát chất lượng thực phẩm: đảm bảo an toàn thực phẩm quốc gia, kiểm soát các chất độc hại và các chất gây ô nhiễm thực phẩm; thực hiện chiến lược sức khoẻ thực phẩm, đề phòng, thu hồi thực phẩm không an toàn và cải thiện chất lượng thực phẩm tại các vùng có vấn đề. 

- Phòng sức khoẻ môi trường: bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn cao về sức khoẻ môi trường bằng thông qua việc duy trì, giám sát các vấn đề và cung cấp các dịch vụ liên quan tới sức khoẻ cộng đồng.

- Phòng kiểm dịch và dịch tễ: đảm bảo tiêu chuẩn cao cho các dịch vụ dịch tễ, nghiên cứu, phòng ngừa và kiểm soát và cung cấp các dịch vụ về các bệnh truyền nhiễm và các vấn đề sức khoẻ liên quan tới môi trường.

- Phòng nghiên cứu và kiểm soát côn trùng gây bệnh: duy trì tiêu chuẩn sức khoẻ cao bằng cách giữ các quần thể côn trùng gây bệnh ở mức thấp, trong đó tập trung vào 5 loài là muỗi, ruồi, gián, chuột và bọ chét.

- Phòng giáo dục cộng đồng: quy hoạch và tổ chức các chiến dịch, chương trình và hoạt động giáo dục cho cộng đồng về các vấn đề liên quan tới sức khoẻ cộng đồng và cung cấp một số dịch vụ thiết yếu có liên quan.

- Phòng quản lý hàng rong: xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy, duy trì và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đối với những đối tượng bán hàng rong và cung cấp các dịch vụ liên quan.

Từ mô hình quản lý và BVMT của Singapore cho thấy: Các điều kiện thuận lợi như là diện tích nhỏ, dân số ít… mang lại cho  Singapore rất nhiều lợi thế để có thể có được một tổ chức gọn nhẹ, dễ triển khai thực hiện và kiểm soát các hoạt động BVMT. Dân số có mức sống khá cao và số lượng ít tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, tuyên truyền… về nhận thức môi trường, đồng thời dân chúng có khả năng chi trả và sẵn lòng chi trả các chi phí môi trường cao. Nhờ có diện tích nhỏ, phân cấp hành chính đơn giản, các cơ quan và đơn vị chức năng BVMT của Singapore cũng dễ dàng tổ chức, vận hành và kiểm soát các hoạt động môi trường. Cũng do diện tích nhỏ nên mô hình các cơ quan BVMT cấp trung ương và địa phương của Singapore là một, do đó, có được sự đồng bộ và thống nhất trong việc định ra và thực thi các chiến lược môi trường, tránh được tình trạng bất cập nảy sinh giữa các cấp trung ương và địa phương. Luật pháp Singapore rất chú trọng tới khía cạnh môi trường, không những khuyến khích các cá nhân  tham gia thực hiện chiến lược môi trường quốc gia mà còn có khả năng cưỡng chế và bắt buộc tuân thủ Luật BVMT cao. Đây cũng là một điểm mạnh giúp Singapore có được một môi trường trong lành như hiện nay.


 

H×nh 2:      
Sơ đồ tổ chức các cơ quan bảo vệ môi trường Singapore


3.  Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yếu của Singapore.

a.  Kiểm soát ô nhiễm và Sức khỏe liên quan với môi trường

1. Luật Môi trường (Sức khoẻ cộng đồng), chương 95 (liên quan tới sức khỏe cộng đồng nói chung)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường  1969

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường 1970

+  Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường(người sử dụng thức ăn)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường (phòng tang lễ)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường (các           lò thiêu).

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( cơ sở sản xuất thực phẩm)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường( sản xuất và bán kem).

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường (bể bơi)

+Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường 1988 ( chất thải rắn công nghiệp)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( thu gom rác chung)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( truy tố trước toà)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( kiểm soát tiếng ồn của các công trường xây dựng)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( trình tự hiệu chỉnh công việc)

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường           (bào chữa).

+ Các quy định về sức khỏe cộng đồng liên quan tới môi trường ( hạn chế tiếng ồn ở tại các nhà máy)

 

2. Luật Kiểm soát ô nhiễm nước và nước thải, chương 348 ( ô nhiếm nước, nước thải và các đường ống dấn chất thải)

+ Các quy định về việc làm vệ sinh các đường ống và hệ thống đường ống dẫn nước thải 1976

+ Các quy định về đường ống dẫn nước thải nằm trên mặt đất1976

+ Các quy định về các loại cây trồng từ việc xử lý nước thải 1976

3. Luật về bầu không khí trong lành, chương 45 ( chất lượng không khí)

+ Các quy định về bầu không khí trong lành ( chất lượng chuẩn) 1972, sửa đổi năm 1978

+ Sắc lệnh về bầu không khí trong lành 1973( cấm xử dụng các ống dẫn khói phun trực tiếp ra không khí)

4. Luật Nhà máy, chương 104 ( quy định về các nhà máy và các điều kiện làm việc tại các nhà máy)

+ Các quy định về nhà máy ( các mối hoạ về sự mài mòn)

+ Các quy định về nhà máy ( amiang) 1980

+ Sắc lệnh về nhà máy 1996 (mức độ bộc lộ cho phép các chẩt thải rắn độc hại)

+ Các quy định về nhà máy ( kiểm tra y tế)

+ Các quy định về nhà máy ( tiếng ồn)

5. Luật về Dầu, chương 229 (người xử dụng, vận chuyển và tích trữ dầu lửa)

+ Các quy định về dầu ( vận chuyển và tích trữ)

+ Các quy định về dầu ( lệ phí xin cấp đăng ký tích trữ dầu)

+ Các quy định về dầu ( phí vận chuyển bằng đường bộ)

6. Luật giao thông đường bộ, chương 276( ô nhiễm do xe cơ giới gây ra và tắc nghẽn giao thông)

+ Các quy định về đường bộ ( xe cơ giới phục vụ công cộng)

+ Các quy định về đường bộ ( xe mô tô) ( xây dựng và xử dụng)

+ Các quy định về đường bộ ( khu vực cấm xe cộ đi lại)

+ Các quy định về đường bộ ( xe môtô, thủ tục xin cấp côta)

+ Các quy định về đường bộ ( bào chữa)

7. Luật về các mỏ cát và đá granit, chương 284

+ Các quy định về các mỏ cát và đá granit

IV.   KINH NGHIỆM CỦA PHILIPPINES        

1.  Cơ quan bảo vệ môi trường của Philipines

Philipine là một quốc đảo ở Đông Nam Á có diện tích 300.000 km2 với 36.289 km đường bờ biển và khá giàu khoáng sản. Dân số Philipine là 71,9 triệu người, trong đó dân đô thị chiếm 56% nhưng cũng có tới 54% số dân đang sống trong tình trạng đói nghèo. Tuy vậy, Philipine cũng đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho 85% dân cư. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ chiếm 32,2% - 18,7% và 49,2% tương ứng. Toàn quốc được chia thành 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 61 thành phố.

Hiện nay, các vấn đề đang được Chính phủ Philipine quan tâm hàng đầu là các nguy cơ thiên tai như bão, động đất, trượt lở đất đá, núi lửa và các vấn đề môi trường như phá rừng, xói mòn, ô nhiễm biển, không khí, nước đô thị; suy thoái rừng ngập mặn và các vùng đất lầy. Tuy môi trường là vấn đề rất được quan tâm và được nhận thức rộng rãi, nhưng chỉ với 0,5% GDP hàng năm được chi cho các hoạt động BVMT thì việc giải quyết những vấn đề trên quả là xa vời.

2.  Cơ cấu tổ chức:

Bộ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Philipine được chính thức ra đời vào ngày 10 – 6 – 1997 với mô hình tổ chức phân cấp (Hình 3):

Cấp trung ương: gồm 5 văn phòng và 5 Vụ tham mưu chuyên ngành.

Cấp địa phương: tổ chức phân cấp theo phân quyền chức năng, cụ thể là:

Cấp khu vực: 15 văn phòng môi trường và tài nguyên khu vực, đứng đầu là các giám đốc điều hành khu vực, tiếp đến là các sở kỹ thuật, chuyên môn do các giám đốc sở đứng đầu.

Cấp Tỉnh: có tất cả 73 văn phòng môi trường và tài nguyên tỉnh.

Cấp huyện là 171 văn phòng môi trường và tài nguyên huyện.

Ngoài ra còn có 3 tổ chức liên quan và có sự phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là: Cơ quan bản đồ quốc gia và thông tin tài nguyên, Hiệp hội phát triển tài nguyên thiên nhiên và Cơ quan phát triển và hồ Laguna.

Chức năng, nhiệm vụ: Bộ môi trường và tài nguyên thiên nhiên có chức năng của một cơ quan chính phủ đầu ngành, chịu trách nhiệm bảo tồn, quản lý, phát triển và sử dụng hợp lý, cấp giấy phép, ra các quy chế khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên và môi trường. Bộ có nhiệm vụ tạo động lực thúc đẩy quá trình bảo vệ, quản lý và phát triển các nguồn lực môi trường thông qua các chính sách, chương trình… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phạm vi hoạt động: Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Philipine có các quyền hạn và phạm vi hoạt động tuân theo quy định của luật pháp Philipine tại điều 5 sắc lệnh số 192.

Về cơ chế hoạt động, Bộ trưởng sẽ điều hành hoạt động của các đơn vị chức năng trực tiếp hoặc thông qua các phó bộ trưởng, các trợ lý. Các đơn vị chức năng sẽ do người đứng đầu đơn vị đó trực tiếp điều hành. Các đơn vị cấp địa phương, ngoài các lãnh đạo trực tiếp, cần tham khảo ý kiến của lãnh đạo địa phương nơi đơn vị đó hoạt động.

Do là một nước giàu khoáng sản, nên mô hình Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Philipine có nhiều ưu điểm như rất dễ dàng tích hợp được yếu tố môi trường vào các kế hoạch hoạt động, đặc biệt là các hoạt động khai thác tài nguyên; đồng thời có được sự chỉ đạo thống nhất và có cân nhắc hợp lý, tránh được tình trạng phải hy sinh tài nguyên vì môi trường hoặc ngược lại, tránh được các chi phí phạt hoặc chi phí tuân thủ, đền bù thiệt hại cho các đơn vị chuyên khai thác khoáng sản…

Tuy vậy, mô hình này cũng có hạn chế: đó là do các hoạt động đồng thời do một cơ quan chủ quản nên có thể xảy ra tình trạng tự tung tự tác, tự đề ra những chính sách thiên vị…; không có các cơ quan thanh tra và tham gia giám sát công việc của Bộ; trong các chức năng, chưa đề cao giáo dục đào tạo, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế…Phân cấp quản lý theo đơn vị hành chính rất phức tạp và có số lượng lớn dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát tốt các hoạt động tại các cấp địa phương.

 

H×nh 3:       Sơ đồ tổ chức Bộ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Philipine

 

 
 
 

 

 


 

3.  Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yéu của Philippines

a.  Luật khung

1. Hiến pháp nước Cộng hoà Philippin- các điều khoản chung.

2. PD 1151- Chính sách môi trường của Philippin, ban hành ngày 6 tháng 6 1977

3. PD1152- Luật môi trường Philippin – Quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ban hành ngày 6 tháng 6 năm 1977.

4. PD1067 – Luật về Nước của Philippin

5. Luật số 141 – Luật Đất đai công cộng.

6. Luật hành pháp số 192 (1987), Luật vê việc Tái thành lập Cục môi trường và Cục Tài nguyên thiên nhiên 1987.

7. RA 6657- Luật Cải tổ về chia đất 1988, ban hành 10 tháng 6 1988.

8. EO 15/ 1992 – Thành lập Hội đồng Phát triển bền vững của Philippin

9.  DAO 30/ 1992  Hướng dẫn thực thi chức năng của Cục môi trường và tài nguyên trong việc chuyển giao và tiến hành kiểm tra các bộ máy lãnh đạo tại địa phương.

10. DAO 32/ 1994 về việc thành lập một văn phòng  đáp ứng các yêu cầu của Cục môi trường và tài nguyên về Các uỷ ban kết hợp, nhiệm vụ, yêu cầu và các dự án đặc biệt khác.

11. DAO 32/ 1994 về việc giao nhiệm vụ và giám sát của Cục môi trường.

b.  Pháp luật về Đánh giá tác động môi trường

1. PD 1586 – Thiết lập hệ thống đánh giá tác động môi trường, bao gồm các nghiên cứu liên quanviệc quản lý môi trường và các mục đích khác, ban hành ngày 11 tháng 6 1978

2. EO 291- Nâng cao hiệu quả hệ thống đánh giá tác động môi trường, ban hành ngày 12 tháng 1 năm1996

3. DENR nghị quyết số 3, 1983 – Phạm vi các dự án môi trường và tên các vùng có trong công bố 2146.

4. DAO 37/ 1996 –

 

 

 

V.      KINH NGHIỆM CỦA MALAYSIA

1.  Cơ quan bảo vệ môi trường của Malayxia

Malayxia thuộc Các nước có cơ quan bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ kiêm nhiệm .

Hình thái tổ chức cơ quan BVMT là một bộ phận thuộc một Bộ của Chính phủ đang chiếm ưu thế trên thế giới. Cơ quan BVMT của các nước này thường là các Tổng cục hoặc Cục, trực thuộc một Bộ nào đó.

Khác với hình thái tổ chức mà chúng ta vừa xem xét ở trên, trong hình thái cơ quan BVMT trực thuộc bộ kiêm nhiệm khó tạo ra được khả năng phản ứng nhanh trong quá trình xác định nhiệm vụ, ra quyết định ở các cấp trên của cơ quan này.

Malayxia nằm trên bán đảo Borneo ở Đông Nam á với diện tích 329.750 km2 và 4,675 km đường bờ biển. Dân số Malayxia là 20,5 triệu người, trong đó tuy dân đô thị mới chiếm 55% nhưng số dân được sử dụng nước sạch đạt tới 88%. So với các nước khác, tỷ lệ dân đói nghèo của Malayxia thấp (16%). Phần đóng góp trong GDP của các nghành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ lần lượt là 47,3%; 12,1% và 40,6%. Malayxia quản lý hành chính theo đơn vị bang với tổng số 49 đơn vị.

Hiện nay, hàng năm Malayxia dành khoảng 0,9% GDP cho các hoạt động môi trường, chủ yếu để đối phó với các nạn trượt lở đất đá, lũ lụt, ô nhiễm không khí do công nghiệp, giao thông và cháy rừng; và ô nhiễm nước…

2.  Cơ cấu tổ chức:

Cơ quan BVMT của Malayxia là Bộ KH, CN&MT, trong đó có Cục môi trường và một đơn vị tư vấn hỗ trợ là Hội đồng chất lượng môi trường. Bộ KH,CN&MT do một Bộ trưởng đứng đầu. Giúp việc cho Bộ trưởng có 1 thứ trưởng và 1 tổng thư ký. Bộ bao gồm 12 đơn vị, trong đó có 4 trung tâm, 6 ban chức năng và 1 cục là cục Môi trường.

Cục Môi trường do 1 Cục trưởng đứng đầu điều hành 5 nhóm làm việc. Mỗi nhóm này lại được phân chia thành các đơn vị tuỳ theo công việc, chức năng và nhiệm vụ.

Hội đồng chất lượng môi trường là một cơ quan Chính phủ được thành lập ngày 12/4/1977 với các thành viên thuộc các viện nghiên cứu, cơ quan Chính phủ, tổ chức Liên bang, tổ chức công nghiệp, tổ chức phi chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH, CN&MT chỉ định. Cục trưởng Cục môi trường kiêm nhiệm giữ chức Tổng thư ký Hội đồng.

3.  Chức năng, nhiệm vụ:

Bộ KH, CN&MT có nhiệm vụ thúc đẩy, tăng cường và duy trì công tác quản lý môi trường của đất nước theo chiến lược phát triển bền vững.

Cục Môi trường có nhiệm vụ quản lý hành chính, đảm bảo sự tuân thủ đạo luật về chất lượng môi trường và bảo vệ tính duy nhất, đa dạng, chất lượng môi trường theo hướng duy trì sức khoẻ, sự thịnh vượng và an ninh cho người dân hiện tại và tương lai. Theo phân cấp quản lý, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận chính trong cục môi trường như sau:

- Phòng phát triển: Lập kế hoạch và thực hiện chương trình phát triển quản lý chiến lược; Phối hợp hoạt động với Chính phủ Liên bang và hợp tác với tất cả các nước thuộc ASEAN và trên quốc tế; Chia sẻ thông tin về các vấn đề môi trường và thúc đẩy các chương trình giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường.

- Phòng kiểm soát: Thực hiện các chương trình và hoạt động cưỡng chế và giám sát theo qui định của luật pháp môi trường;

- Phòng ngăn ngừa: Đánh giá, điều phối và trển khai các hoạt động có liên quan đến các dự án phát triển, kể cả EIA; Cung cấp thông tin và tư vấn về việc sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên; Nâng cao chất lượng môi trường

- Phòng hành chính và tài chính: Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho công tác quản lý và các dịch vụ quản lý hành chính khác.

- Các văn phòng địa phương: Thực hiện các chương trình giám sát và cưỡng chế; Đánh giá và xử lý các dự án phát triển và công nghiệp; Cung cấp thông tin về môi trường cho các dự án phát triển.

- Hội đồng chất lượng môi trường có trách nhiệm tư vấn cho Bộ trưởng Bộ KH, CN&MT trong việc giải quyết các vấn đề nằm trong đạo luật này và tất cả các vấn đề có liên quan đến đạo luật này. Ngoài ra, Hội đồng còn có trách nhiệm hướng dẫn Cục Môi trường trong công tác hoạch định các chính sách và chiến lược nhằm có được phương pháp quản lý môi trường có tính tổng thể.

Đối với mô hình của Malayxia có ưu điểm là chức năng quản lý nhà nước về môi trường được lồng ghép trong chức năng về KH&CN, do đó, dễ khuyến khích thúc đẩy các hoạt động BVMT theo hướng áp dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến, đồng thời dễ kiểm soát và tích hợp yếu tố môi trường trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Cơ quan quản lý môi trường liên kết chặt chẽ với các ban ngành khác liên quan dưới sự chỉ đạo thống nhất và trực tiếp của Bộ trưởng cùng với sự cố vấn của ban chất lượng môi trường đảm bảo cho việc tích hợp và triển khai đồng bộ các kế hoạch, chiến lược và chính sách quốc gia.

 

H×nh 4:       Sơ đồ tổ chức các cơ quan bảo vệ môi trường Malayxia

 

 

4.  Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yếu của Malaysia

a.  Các luật cơ bản về môi trường

1.  Luật về Chất lượng môi trường 1974 ( số 127) bổ xung bằng luật Chất lượng môi trường ( Luật bổ xung) năm 1985 ( số A636) và Luật Chất lượng môi trường ( bổ xung) 1996 ( Luật A953) và một số bổ xung sửa đổi.

2. Sắc lệnh Chất lượng môi trường( hành động cụ thể)( Đánh giá tác động môi trường), đã bổ xung

3. Hướng dấn Đánh giá tác động môi trường đối với Các dự án phát triển vùng du lịch ven biển (1994), Các nghành công nghiệp hoá chất (1994), Phát triển đất cho công nghiệp (1994), Phát triển sân gôn (1994)

4. Các trình tự đánh giá tác động môi trường  ở Malaysia

5. Sổ tay Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường( 1987)

b.  Các văn bản dưới luật đối với việc Đánh giá tác động  môi trường

1. Các qui định về Chất lượng môi trường 1977

2. Sắc lệnh về Chất lượng môi trường 1977

3. Qui định về Chất lượng môi trường 1977(cấp phép)

4. Qui định về Chất lượng môi trường ( không khí trong lành) 1978

5. Qui định về Chất lượng môi trường 1978 ( xử lý các vi phạm)

6. Qui định về Chất lượng môi trường 1978 ( cao su tự nhiên ở dạng thô)

7. Qui định về Chất lượng môi trường 1979, bổ xung 1997 ( nước thải sinh hoạt và công nghiệp)

8.  Sắc lệnh về Chất lượng môi trường 1978 ( cao su tự nhiên ở dạng thô)

9. Qui định về Chất lượng môi trường 1985 ( kiểm soát hàm lượng chì trong khí thải của xe máy )

10. Qui định về Chất lượng môi trường 1987 ( tiếng ồn do xe máy gây ra)

11. Qui định về Chất lượng môi trường 1989 ( chất thải theo danh mục)

12. Sắc lệnh về Chất lượng môi trường1989 (thiết bị xử lý chất thải theo danh mục)

13. Sắc lệnh về Chất lượng môi trường 1993 (uỷ quyền về việc kiểm soát ô nhiễm biển)

14. Sắc lệnh về Chất lượng môi trường 1994 (uỷ quyền về việc kiểm soát ô nhiễm biển)

c.  Quy hoạch và sử dụng đất

1. Luật Đất đai của quốc gia 1965 ( số 56)

2. Sắc lệnh về Đất đai 1956 ( Sabah)

3. Luật Đất đai 1957( Sarawak)

4. Luật Chính quyền địa phương 1976 ( số 171)

5. Luật sở hữu đất đai 1960, sửa đổi năm 1992

6. Luật Phát triển đất đai 1956 ( số 474) sửa đổi năm 1991

d.  Nông nghiệp

1. Thể chế Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Malaysia(1969)

2. Luật Vùng canh tác 1953 ( số 386) sửa đổi năm 1989

3. Luật về Thuốc trừ sâu 1974 ( số 149)

4. Sắc lệnh về nước 1994 (Sarawak)

e.  Khai thác mỏ

1. Luật Phát triển khoáng sản 1994 ( số 525)

2. Luật về Dỗu lửa ( các biện pháp an toàn) (số302)

3. Luật Phát triển dầu lửa 1974( số 144)

4. Luật Khai thác dầu lửa 1966( số95) sửa đổi năm 1972

f.  Ô nhiễm biển

1. Luật buôn bán tàu thuỷ ( ô nhiễm dầu) 1994( số 515)

2. Luật về quyền lực của các cảng 1963 (số 488) sửa đổi năm 1992

3. Luật về các cảng ( tư nhân hoá) 19900 (số422)

4. Luật về Vùng kinh tế trọng điểm 1984

g.  Công nghiệp

1. Luật xúc tiến đầu tư 1986 (số 327)

2. Luật về Bộ máy phát triển công nghiệp của Malaysia ( hợp tác01965( số 397) sửa đổi năm 1989

3. Luật Sức khỏe nghề nghiệp và An toàn nghề nghiệp 1994 (số 514)

VI.   KINH NGHIỆM CỦA THÁI LAN

1.  Cơ quan bảo vệ môi trường của Thái Lan

Thái Lan là một quốc gia ở Đông Nam Á có diện tích 514.000 km2 với 3.219 km đường bờ biển. Dân số Thái Lan là 60 triệu người với tỷ lệ tăng 1,3% năm, trong đó, dân đô thị chỉ chiếm 20%, số dân trong diện đói nghèo là 13% và có tới 81% số dân được hưởng nước sạch. Công nghiệp đóng góp 39,8%, nông nghiệp đóng góp 10,7% và dịch vụ đóng góp xấp xỉ 50%. Đơn vị quản lý hành chính cơ bản của Thái Lan là tỉnh với tất cả 67 đơn vị. Hiện nay, do phát triển kinh tế nhanh với ngành mũi nhọn là du lịch, Thái Lan đang gặp phải rất nhiều vấn đề môi trường mà đặc biệt nghiêm trọng là nạn hạn hán và cạn kiệt nước ngầm. Ngoài ra còn có các nguy cơ khác như ô nhiễm không khí do giao thông, ô nhiễm nước, nạn phá rừng, xói mòn và săn bắt trái phép. Hàng năm chính phủ Thái Lan thường dành khoảng 0,8% GDP để chi cho các hoạt động môi trường.

2.  Cơ cấu tổ chức:

Ngày 24 tháng 4 năm 1-979, Bộ Khoa học, Công nghệ và Năng lượng – tiền thân của Bộ khoa học công nghệ và môi trường Thái Lan (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) được thành lập với quyền hạn xây dựng chính sách và kế hoạch thực hiện, phát triển công tác khoa học và công nghệ. Đến năm 1992, quyền hạn này được mở rộng gồm cả việc bảo vệ và quản lý môi trường và Bộ được đổi tên thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Năm 2002, Thái Lan thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở kết hợp các Vụ liên quan của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Chức năng, nhiệm vụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng chính sách quốc gia về TN&MT.

· Các chức năng của Bộ bao gồm:

Lập chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án liên quan tới TN&MT .

Kiểm soát, chỉ đạo, ra lệnh, thực hiện, theo dõi và đánh giá các công việc liên quan tới khoa học, công nghệ năng lượng và môi trường theo chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án hoặc cải tiến chúng cho phù hợp.

Xây dựng công nghệ trong nước cho sản xuất và tiếp thị. Cung cấp dịch vụ và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài.

Các cơ quan của Bộ có nhiệm vụ thực hiện những chính sách một cách hiệu quả theo phương pháp cùng hợp tác nhằm mang lại những lợi ích kinh tế xã hội và sự ổn định quốc gia, cụ thể là:

Văn phòng Thư ký bộ trưởng: chịu trách nhiệm phối hợp với các tổ chức và các đơn vị của Chính phủ trong các công việc thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng; Thu thập, phân tích các vấn đề để trình Bộ trưởng, Theo dõi việc phát triển  và các xu thế chính trị hiện hành.

Văn phòng Thư ký thường trực: chịu trách nhiệm về các công việc hàng ngày của Bộ, giám sát và theo dõi việc thực hiện công việc của các vụ trong Bộ.

Cục Vườn quốc gia và Động thực vật hoang dã: được tách ra từ Cục Lâm nghiệp hoàng gia trước đây. Hiện nay, Cục đảm nhận tới 70% công việc của Cục lâm nghiệp hoàng gia, chịu trách nhiệm chính về triển khai thực hiện Luật Bảo vệ và Bảo tồn đời sống hoang dã, Luật Vườn quốc gia của Thái Lan.

Cục Tài nguyên biển, ven biển: đảm nhiệm các công việc từ Cục Thủy sản, Cục Phát triển đất, Cục Lâm nghiệp hoàng gia. Cục chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các Luật: Thuỷ sản, Bảo vệ và bảo tồn đời sống hoang dã và Luật Rừng đặc dụng quốc gia.

Văn phòng chính sách và quy hoạch môi trường và tài nguyên thiên nhiên: Văn phòng được đổi tên từ Văn phòng quy hoạch và chính sách môi trường trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước đây. Nhiệm vụ chính của Văn phòng là phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng chính sách kế hoạch quốc gia về bảo vệ chất lượng môi trường; tư vấn biên soạn kế hoạch hành động cho các cấp địa phương; xem xét, đánh giá các ĐTM và hợp tác quốc tế. Văn phòng đồng thời là đầu mối quốc gia của Thái Lan trong việc thực hiện Công ước quốc tế RAMSAR.

Cục kiểm soát ô nhiễm: có trách nhiệm kiểm soát tất cả các nguồn ô nhiễm trên đất liền cũng như trên biển của Thái Lan; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và giám sát chất lượng môi trường.

· Những nhiệm vụ chính của Bộ là:

Xây dựng công nghệ trong nước, các kế hoạch, chính sách môi trường, kiểm soát và giám sát việc thực hiện, giúp chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

Phối hợp với các cơ quan của chính phủ và các cơ quan khác trong việc bảo tồn năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng an toàn và bền vững.

Thu nhập, phân tích và phổ biến các dữ liệu khoa học và những thông tin về việc triển khai các hạng mục liên quan tới khoa học cộng nghệ và môi trường.

Trong mô hình cơ quan quản lý nhà nước về BVMT của Thái Lan có sự phân cấp rõ ràng, các cơ quan chức năng đầy đủ và có sự phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình hoạt động. Ngoài các cơ chế tài chính thông thường, Thái lan còn có Quỹ môi trường hoạt động độc lập, cung cấp nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mô hình của Thái Lan chưa thể hiện rõ được mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý về môi trường với các cơ quan quản lý hành chính, đặc biệt là ở cấp địa phương. Ngoài ra, Thái lan cũng không có một đơn vị thanh tra độc lập để giám sát chung.

 

H×nh 5:      

BỘ TRƯỞNG

Sơ đồ tổ chức Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan (phần các đơn vị liên quan đến môi trường)

 

 

 

 

3.  Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yéu của Thái Lan

1. Luật Tăng cường và Bảo vệ Chất lượng môi trường quốc gia 1992

2. Các thông báo của Cục môi trường về các hình thức và qui mô của các dự án hoặc các hoạt động của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước hoặc các cá nhân  để chuẩn bị Báo cáo đánh giá tác động môi trường 1992, thông báo ra ngày 24 tháng 8 1992.

3 Luật nhà máy 1992

4. Thông báo của Bộ công nghiệp về rác thải của các nhà máy 1988

5. Luật Sức khỏe 1992

6. Luật Tình trạng sạch sẽ và Sự ngăn nắp trên toàn bộ lãnh thổ 1992

7. Luật Chất thải nguy hiểm 1992

8. Thông báo của Bộ công nghiệp về thu gom và xử lý chất thải độc hại 1982

9. Luật Chất thải độc hại1967, sửa đổi năm 1973

10. Thông báo của Bộ công nghiệp về tiêu chuẩn  chất thải công nghiệp 1982

11 Thông báo của Bộ công nghiệp về sản xuất và xử dụng chất thải độc hại 1982

12. Luật Bảo tồn và giữ gìn thế giới hoang dã 1992

13. Thông báo về trách nhiệm giảm hiệu qủa năng lượng và công nghệ môi trường 1988

14. Luật Bảo tồn và giữ gìn thế giới hoang dã 1992

15. Luật Bảo tồn loài voi hoang dã 1921 ( ban hành lần thứ hai 1960)

16. Luật về Rừng 1947, sửa đổi  năm 1989

17. Luật Trồng rừng 1992

18 Luật Bảo lưu rừng1964

19. Luật về Rừng quốc gia 1961

20. Luật Đánh bắt cá, sửa đổi năm 1985

21. Luật Khoáng sản 1967

22. Luật dầu lửa (1971, 1973, 1979, 1989, 1991)

23. Luật Kiểm soát các công trình xây dựng 1979

24. Luật Quy hoạch đô thị 1975

25.  Luật  Quy hoạch lại đất dành cho nông nghiệp 1975

26. Luật Xúc tiến đầu tư 1977

27. Luật Quyền lực của nhà nước trong công nghiệp (số 3) 1996

28. Luật về Nước ngầm 1977. Luật về Nước ngầm (số 2) 1992

29.  Luật Hàng hải trong giao thông đường thuỷ ở Thái lan 1913

30. Luật Ngăn chặn sự va chạm của tàu thuyền 1979

31. Các quy định về Ngăn chặn và xử lý ô nhiễm dầu

32. Luật về các di tích cổ, đồ cổ, tranh cổ và Bảo tàng quốc gia

VII. KINH NGHIỆM CỦA BRUNÂY

1.  Cơ quan bảo vệ môi trường của Brunây

Brunây là một nước thuộc Đông Nam á với tổng diện tích 5.770 km2 và 161 km đường bờ biển. Dân số Brunây chỉ có 0,3 triệu người nhưng tốc độ tăng đạt tới 2,4% năm. Brunây là một nước rất nhiều dầu lửa, khí đốt và gỗ. Trong cơ cấu kinh tế, các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm ưu thế tuyệt đối với tỷ trọng tương ứng là 46% và 49%. Nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 5%. Quản lý hành chính của Brunây rất đơn giản, cả lãnh thổ được chia thành 4 quận. Hiện nay, Brunây không có nhiều vấn đề môi trường cũng như các nguy cơ thiên tai cần quan tâm. Vấn đề lớn nhất là ô nhiễm khói bụi do cháy rừng, nạn bão lụt và động đất. Chi phí hàng năm dành cho các hoạt động môi trường của Brunây không quá 0,1% GDP.

2.  Uỷ ban quốc gia về môi trường Brunây:

Do các vấn đề môi trường của quốc gia này không trầm trọng, cho đến năm 1993, một Hội đồng liên bộ về môi trường do Bộ trưởng Bộ Phát triển đứng đầu mới được thành lập. Hội đồng này có một bộ phận môi trường riêng (đóng vai trò như một Ban thư ký của Uỷ ban quốc gia về môi trường) và nằm trong Bộ Phát triển.

Uỷ ban quốc gia về môi trường có các trách nhiệm sau đây:

+ Xem xét các vấn đề cũng như các luật liên quan tới môi trường và cố vấn về các kế hoạch, hướng dẫn cần thiết liên quan tới các hoạt động BVMT.

+ Đẩy mạnh việc phối hợp xây dựng chính sách môi trường và theo dõi việc thực hiện các hoạt động môi trường quốc gia, luật pháp và các chính sách liên quan.

+ Thực hiện việc xây dựng chính sách và chỉ đạo, chịu trách nhiệm về các quan hệ quốc tế và khu vực về môi trường, cũng như thúc đẩy nhận thức về môi trường ở trong nước.

Brunây có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT, bởi vì đó là một nước giàu, các vấn đề môi trường lại ít và không phức tạp, do đó, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ chức năng của cơ quan BVMT cũng rất đơn giản, phù hợp với thực tế.

Tuy đã hưởng ứng rất tích cực các chương trình hành động quốc tế về bảo vệ môi trường, nhưng do các điều kiện cụ thể đơn giản, dễ dàng được quản lý và dự báo phòng ngừa, chiến lược môi trường của Brunây cũng không có tính dài hạn, hướng đạo cho các hoạt động môi trường quốc gia.

Các chính sách đối ngoại của Brunây chưa khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường của nước này, và dù là nước giàu, Brunây cũng không tham gia nhiều vào các hoạt động hỗ trợ quốc tế.

2. Các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yếu của Brunây

1. Luật về khai thác dầu, sửa đổi năm 1992 ( chương 44)

2. Luật về dầu lửa (các đường ống dẫn dầu)( chương 45)

3. Luật về khai thác mỏ( chương 42)

4. Luật về rừng ( chương 46) và các luật áp dụng khi khai thác rừng.

5. Luật về đánh bắt cá( chương 61) và các qui định về đánh bắt cá.

6. Luật về các hạn chế trong đánh bắt cá. ( chương 130)

7. Luật về việc bảo vệ cuộc sống hoang dã.( chương 102)

8. Luật về việc cung cấp nước. ( chương 121)

9. Luật về các loại chất độc hại ( chương141)

10. Luật về qui hoạch của các thành phố và nông thôn (kiểm soát sự phát triển) (chương 142), các qui định về qui hoạch các thành phố và nông thôn ( kiểm soát các đơn vị nhỏ và hợp nhất về đất đai ), các qui định về qui hoạch các thành phố và nông thôn (các điều khoản hỗn hợp), các qui định về qui hoạch các thành phố và nông thôn (kiểm tra sự phát triển và việc sử dụng đất và các toà nhà).

11. Luật về bộ máy lãnh đạo của thành phố ( chương 51)

12. Luật  về các cảng, sửa đổi năm 1988 ( chương 144)

13. Luật về đồ cổ và các báu vật, sửa đổi năm 1991 ( chương 31)

14. Luật về trình tự tố tụng hình sự ( chương 7)

15. Luật hình sự, sửa đổi năm 1989 (chương 22)

16. Luật về xử phạt các vi phạm nhỏ ( chương 30)

17. Luật về các phong tục tập quán ( chương 36)

18. Luật đất đai ( chương 40)

19. Luật về buôn bán tàu bè ( chương 145)

20. Luật về các con vật có hại cho nông nghiệp và các cây trồng có hại ( chương43)

VIII.        KINH NGHIỆM CỦA PHÁP

Pháp là một quốc gia nằm ở Tây Âu có diện tích 547.030 km2, có 3.427 km đường bờ biển, khá giàu tài nguyên thiên nhiên và lãnh thổ được chia thành 22 khu vực hành chính. Dân số của Pháp là 58,4 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 0.3% năm. Cơ cấu kinh tế theo các ngành chính là công nghiệp : nông nghiệp : dịch vụ = 26.5% : 2.4% : 71.1%. Hiện nay, Pháp có các vấn đề môi trường cần quan tâm là lũ lụt, nạn phá rừng, mưa acid, ô nhiễm khí do giao thông vận tải và công nghiệp và ô nhiễm nước do công nghiệp và nông nghiệp.

1.  Cơ cấu tổ chức:

Các cơ quan BVMT của Pháp được phân theo hai cấp chính là cấp trung ương và cấp địa phương, trong đó, cấp trung ương bao gồm Bộ Môi trường cùng các cơ quan tư vấn của Bộ và Các liên hiệp do Nhà nước hoặc Nhà nước cùng quần chúng giám sát hoạt động ở cấp quốc gia; Cấp địa phương là các cơ quan được sắp đặt trong hệ thống mạng lưới quốc gia và Các liên hiệp do Nhà nước hoặc Nhà nước cùng quần chúng giám sát hoạt động ở cấp địa phương.

· Các đơn vị bảo vệ môi trường cấp quốc gia:

Bộ Môi trường Pháp: được thành lập năm 1971. Hiện nay, Bộ Môi trường Pháp có hơn 3.400 người có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực và được tổ chức thành các đơn vị sau:

+ Các vụ trực thuộc Bộ: gồm 4 vụ và 2 đơn vị là: Vụ quản lý và phát triển (DGAD), Vụ tài nguyên nước (DE), Vụ phòng ngừa ô nhiễm và rủi ro (DPPR), Vụ Thiên nhiên và cảnh quan (DNP), Các sở môi trường khu vực (DIREN), Các Vụ khu vực về công nghiệp, nghiên cứu và môi trường (DRIRE), Đơn vị thanh tra môi trường đặc biệt và Đơn vị nghiên cứu triển vọng môi trường.

+ Các cơ quan cố vấn thuộc Bộ: gồm 4 đơn vị sau: Hội đồng quốc gia về bảo vệ thiên nhiên, Hội đồng quốc gia về ô nhiễm tiếng ồn, Uỷ ban quốc gia về nước và Hội đồng cấp cao về các công trình đã xếp hạng.

+ Các liên hiệp hoạt động ở cấp quốc gia: gồm 5 đơn vị là: Cơ quan kiểm soát môi trường và năng lượng: tổ chức này bao gồm 3 trung tâm kỹ thuật và 26 văn phòng khu vực; Cơ quan quốc gia về chất thải phóng xạ, Viện môi trường Pháp, Viện bảo tàng quốc gia về lịch sử tự nhiên, Hội đồng nghề cá và Khu bảo tồn các khu vực ven biển và ven hồ.

· Các đơn vị bảo vệ môi trường cấp địa phương:

Pháp có một mạng lưới quốc gia các cơ quan bảo vệ môi trường hoạt động ở cấp địa phương bao gồm 26 Vụ môi trường khu vực và 24 Sở môi trường, nghiên cứu và công nghiệp. Đây là những đơn vị chủ đạo.

Các liên hiệp hoạt động ở cấp địa phương bao gồm 6 cơ quan về nước và 7 công viên quốc gia…

2.  Chức năng, nhiệm vụ:

Các Vụ quản lý và phát triển có nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Khảo sát về các vấn đề trong các lĩnh vực liên quan tới bảo vệ môi trường, thực hiện các dự án nghiên cứu và triển khai các hoạt động cụ thể ở cả hai cấp quốc gia và quốc tế,

- Chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo công chúng cách bảo vệ môi trường tốt nhất.

- Có trách nhiệm quản lý việc sử dụng, phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên nước đảm bảo sự cân bằng tự nhiên và giáo dục đào tạo để cộng đồng hiểu rõ rằng nước là một tài nguyên hiếm và rất quý báu của quốc gia.

- Phòng ngừa ô nhiễm và rủi ro xảy ra do hoạt động của con người và thiên tai.

- Bảo tồn và gìn giữ thiên nhiên, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Các Sở môi trường khu vực: có trách nhiệm nâng cao kiến thức về môi trường và thiên nhiên tại khu vực, tổng hợp, thống kê và khảo sát dữ liệu từ mạng lưới thu thập dữ liệu, đảm bảo các quan tâm về môi trường được đưa vào các chương trinh phát triển liên quan.

Các vụ khu vực về công nghiệp, nghiên cứu và môi trường (DRIRE) có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động của các đơn vị như các hội quản lý mạng lưới ô nhiễm không khí, các ban thư ký thường trực về phòng ngừa ô nhiễm công nghiệp… trong khu vực.

Các cơ quan có quyền hạn cấp địa phương theo lãnh thổ:

+ Các cơ quan về nước: có trách nhiệm xây dựng, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, kiểm soát ô nhiễm nước, cân đối sử dụng tài nguyên nước và thúc đẩy các quan hệ và nghiên cứu để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.

+ Các công viên quốc gia: có nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh học, giới thiệu và tổ chức các dịch vụ liên quan nhằm bảo vệ tài nguyên và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng.

Như vậy, ở Pháp có mô hình các cơ quan bảo vệ môi trường theo phân cấp quản lý hành chính rất thuận lợi cho việc tích hợp và đưa các yếu tố môi trường vào cân nhắc trong các kế hoạch phát triển, đặc biệt là các kế hoạch cấp địa phương.

IX.    KINH NGHIỆM CỦA ANH

Vương Quốc Anh là một đảo quốc ở Tây Âu nằm giữa biển Bắc và Bắc Đại Tây Dương có diện tích 244.820 km2 và đường bờ biển chính là đường biên giới vơí tổng chiều dài 21.429 km. Anh là quốc gia khá giàu khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên. Dân số của Anh là 58,8 triệu người với tỷ lệ tăng 0,3% năm. 89% dân số nước Anh sinh sống tại các đô thị và 100% số dân được hưởng nước sạch. Cơ cấu hành chính của vương quốc Anh khá phức tạp. Toàn lãnh thổ được chia thành 3 khu vực, 7 quận lớn, 9 vùng, 26 huyện và 47 quận nhỏ. Hiện nay, vương quốc Anh đang phải đối đầu với các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí do SO2, ô nhễm sông do các hoạt động công nghiệp và ô nhiễm vùng bờ biển.

1.  Cơ cấu tổ chức:

Mô hình của Vương Quốc Anh là Cơ quan BVMT quốc gia với cơ cấu phân cấp theo phân cấp hành chính , cụ thể như sau:

Tương ứng với cấp trung ương, cơ quan BVMT quốc gia có một văn phòng đầu não đặt ở Bristol do một tổng giám đốc quốc gia đứng đầu và các văn phòng hỗ trợ đặt trụ sở ở London.

Tương ứng với 7 đơn vị cấp quận lớn, Cơ quan BVMT quốc gia có 7 văn phòng khu vực và một văn phòng đại diện Cơ quan môi trường xứ Uên.  Mỗi văn phòng này do 1 một tổng giám đốc đứng đầu.

Tương ứng với 26 đơn vị hành chính cấp huyện, 8 văn phòng trên lại được tổ chức thành 26 văn phòng vùng với tổng số nhân viên vào khoảng 9500 người. Mỗi văn phòng vùng do 1 giám đốc vùng đứng đầu. Các văn phòng vùng lại bao gồm các bộ phận hỗ trợ với tổ chức tương ứng với cấp quản lý hành chính quận nhỏ.

Chức năng, nhiệm vụ: Nhiệm vụ chung của cơ quan BVMT quốc gia vương quốc Anh là:

Đạt được những cải thiện quan trọng và liên tục về chất lượng không khí, đất và nước như: Quản lý tài nguyên nước để đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp; Kiểm soát ô nhiễm và quản lý các lưu vực; Phục hồi đất bị ô nhiễm; Phát triển hệ thống cảnh báo lũ lụt lội trên sông, biển để phòng ngừa và bảo vệ con người và tài sản; Bảo tồn và cải thiện giao thông đường sông;

Khuyến khích bảo vệ các nguồn tài nguyên, nguồn vốn động vật và thực vật; Xây dựng và thực hiện chiến lược quản lý chất thải bằng cách: Giảm thiểu lượng chất thải; Khuyến khích tái sử dụng và tái chế biến chất thải; Cải thiện các tiêu chuẩn thải;

Cải thiện và phát huy công nghiệp đánh bắt cá hồi và cá nước ngọt; Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp BVMT hữu hiệu.

Duy trì và phát triển quan hệ công cộng thông qua việc công khai các thông tin và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng. Ra những quyết định dựa trên các căn cứ khoa học và kết quả nghiên cứu; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.

Ở Vương Quốc Anh,  có sự phân cấp và cơ cấu quản lý hành chính phức tạp nhưng các đơn vị có chức năng BVMT lại được tổ chức tương ứng với các cấp quản lý hành chính làm cho sự vận hành và hiệu quả hoạt động của cơ quan BVMT dễ dàng, đồng bộ hơn.

Anh là quốc gia duy nhất trong các mô hình được đề cập, coi việc quản lý môi trường là một chu trình. Điều này giúp cho các hoạt động có thể được triển khai và giám sát một cách liên tục, và mỗi thành phần trong chu trình chính là một động lực thúc đẩy việc thực thi và phát triển của các thành phần khác. Tuy nhiên, do chế độ chính trị và cơ cấu tổ chức của Vương Quốc Anh rất đặc thù nên mô hình này khó có thể được áp dụng cho các nước khác.


Chu trình quản lý môi trường của Vương quốc Anh

 

 
 

 

 

X.      KINH NGHIỆM CỦA MỸ

Mỹ là một quốc gia rộng lớn nằm ở Bắc Mỹ với tổng diện tích tự nhiên là 9.629.091 km2 và có 19.924 km đường bờ biển. Dân số Mỹ là 265,3 triệu người với tỷ lệ tăng 1% năm, trong đó có 77% số dân sống tại các đô thị. Tỷ trọng các ngành chủ chốt trong cơ cấu kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tương ứng là 30.8%; 2.1% và 67%. Quản lý hành chính của Mỹ được thực hiện theo đơn vị bang. Toàn quốc có 50 bang và 1 quận (Distric of Columbia).

Hiện tại, Mỹ có rất nhiều vấn đề phải đối mặt, trong đó có cả các nguy cơ thiên tai và các vấn đề môi trường như: núi lửa, động đất, rung động địa chấn, bão lụt, hạn hán và nạn cháy rừng; ô nhiễm không khí, mưa acid, phát thải CO2 rất lớn, ô nhiễm do sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, khan hiếm nước và sa mạc hoá.

1.  Cơ cấu tổ chức:

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) được thành lập tháng 7/1971. Đứng đầu EPA là một văn phòng giám đốc, toàn bộ nhân sự còn lại của EPA được tổ chức thành 9 ban trợ lý, 3 văn phòng và 10 ban quản lý khu vực.

2.  Chức năng, nhiệm vụ:

Nhiệm vụ của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ là bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường tự nhiên như không khí, nước, đất…, môi trường mà sự sống của con người phụ thuộc vào chúng nhằm đảm bảo các nguyên tắc sau:

Tất cả những người Mỹ được bảo vệ và không gặp phải những rủi ro về sức khoẻ và môi trường tại nơi mà họ sống, làm việc và học tập.

Những nỗ lực của quốc gia nhằm giảm rủi ro được thực hiện dựa trên những thông tin khoa học tốt nhất có được.

Những bộ luật liên bang bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường được thi hành đúng đắn và hiệu quả

Bảo vệ môi trường được cân nhắc một cách đầy đủ và xem xét kỹ lưỡng trong mọi chính sách của Mỹ và các yếu tố liên quan được xem xét công bằng trong xây dựng chính sách môi trường.

Mọi bộ phận, đối tượng trong xã hội tiếp cận được với những thông tin chính xác, thích hợp cho việc tham gia hiệu quả vào quản lý sức khoẻ con người và các rủi ro môi trường.

BVMT góp phần làm cho các cộng đồng người Mỹ và các hệ sinh thái trở nên đan dạng, bền vững và có hiệu quả kinh tế.

Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong thực hiện công việc với các quốc gia khác để bảo vệ môi trường toàn cầu.

Đối với Mỹ, mô hình cơ quan bảo vệ môi trường có sự phân cấp rõ ràng mà cấp địa phương là các bang. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý và cơ chế chính trị của Mỹ quy định mỗi bang như môt quốc gia, do đó, cũng có thể coi mô hình tổ chức tại các bang là mô hình cấp quốc gia. Khi đó, phân cấp quản lý theo quận sẽ tương đương với cấp địa phương.

Luật pháp và các chính sách về môi trường của Mỹ rất rõ ràng và thiên theo hướng chú trọng đến các hoạt động kinh tế, được đặt ra để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, do đó, có một số chính sách và chiến lược tuy rất có lợi về môi trường nhưng nếu gây thiệt hại kinh tế lớn thì Mỹ cũng không thông qua (ví dụ như Hiệp ước Kyoto)

Mỗi bang của Mỹ đều có chính quyền và các cơ quan bảo vệ môi trường riêng nên chúng có các hoạt động và quyền hạn độc lập, cụ thể và rất phù hợp với đặc thù tự nhiên, kinh tế xã hội của từng bang. Mặt khác, các bang lại đều được sự điều hành giám sát trực tiếp của EPA nên các hoạt động có sự nhịp nhàng ăn khớp.

Tuy nhiên, do lãnh thổ rộng lớn, điều kiện dân cư phức tạp, mức sống chênh lệch… và bộ máy quản lý được phân thành nhiều cấp, hoạt động theo nhiều bộ luật không giống nhau tạo nên một tình trạng rất phức tạp và khó kiểm soát trong các hoạt động BVMT.

 

 

CHƯƠNG 5

KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG TRÊN THẾ GIỚI

 

I.        PHƯƠNG PHÁP LUẬN PHÂN ĐỊNH TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC TRANH CHẤP KHÁC CỦA NƯỚC NGOÀI VÀ VIỆT NAM

1. Môi trường là một phạm trù rộng, có tính tự nhiên, có nhiều thành phần hợp thành, từ môi trường đất, môi trường nước, môi trường biển, môi trường khí hậu, không khí, cho đến môi trường đô thị, môi trường nông thôn và các loại môi trường thành phần khác. Có rất nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến môi trường, nhưng tựu chung lại thì có hai nhóm sau đây :

·        Các yếu tố khách quan tá động vào môi trường mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người như bão, lũ lụt, động đất, hạn hán.

·        Các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người tạo ra từ việc khai thác, sử dụng đất, nước, khoáng sản, rừng, nguồn lợi thuỷ sản và từ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

2. Mọi loại tranh chấp, trong đó có tranh chấp môi  trường đều xuất phát từ chỗ tranh chấp giữa ai với ai ? do nguyên nhân nào làm phát sinh tranh chấp đó ? Và tranh chấp về mục đích gì ? Xư lý đúng các câu hỏi này mới có cơ chế giải quyết tranh chấp hợp lý.

3. Liên hệ đến tranh chấp môi trường là vấn đề mà chúng ta đang nghiên cứu, thì phải thấy rằng, tranh chấp môi trường có thể xảy ra do tác động của các yếu tố khách quan, như bão, lũ lụt, hạn hán, đọng đất, cháy rừng… đối với môi trường đất, nước, không khí… nhưng chỉ từ hệ quả xử lý sự cố môi trường hay sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường do các yếu tố khách quan đó gây ra. Bởi lẽ, khi xử lý hậu quả đó có thể chưa dung hoà được lợi ích. Theo chúng tôi, tranh chấp môi trường xảy ra chủ yếu là do tác động của các yếu tố chủ quan của con người đối với môi trường, vì lợi ích của một cộng đồng dân cư, một quốc gia hay của các nước có liên quan. Ví dụ như tranh chấp về nguồn nước ngọt giữa nhiều nước ở Châu Phi, tranh chấp giữa nhiều quốc gia cùng khai thác, sử dụng một dòng sông như sông MêCông, sông Đanuýp…

4. Nghiên cứu tranh chấp môi trường phải gắn với cơ chế giải quyết tranh chấp đó trong bình diện một quốc gia, cả khu vực và toàn cầu. Nếu tranh chấp môi trường diễn ra trong phạm vi một quốc gia, thì cũng phải xét kỹ loại tranh chấp môi trường, diễn ra ở đâu, giữa ai với ai, và cơ chế giải quyết tranh chấp nào được vận dụng thì hợp lý.

5. Nghiên cứu tranh chấp môi trường là một vấn đề khá phức tạp, mang tính tổng hợp, đa ngành, xét từ nhiều phương diện khác nhau. Tài liệu nước ngoài nghiên cứu sâu về vấn đề tranh chấp môi trường và cơ chế giải quyết loại tranh chấp này không có nhiều. Ngay Luật môi trường của nhiều nước cũng chỉ mới quy định chung về nguyên tắc, về chế tài phạt tiền và phạt tù đối với các vi phạm về môi trường mà chưa có những quy định chi tiết, cụ thể về cơ chế giải quyết các tranh chấp môi trường. Thực trạng đó gây nhiều điều khó khăn, bất cập khi chúng ta nghiên cứu vấn đề phức tạp này.

Phân định tranh chấp môi trường và các tranh chấp khác :

1. Nói chung, về nguyên tắc, mọi tranh chấp dân sự, đất đai, lao động, kinh tế, hành chính thương mại… đều phát sinh từ việc vi phạm pháp luật, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bên có tranh chấp, vi phạm đạo đức xã hội, phong tục tập quán đã được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Có tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa cá nhân với nhà nước, giữa cộng đồng dân cư, các quốc gia với nhau. Bao giờ cũng có các chủ thể cụ thể của tranh chấp, cũng có đối tượng của tranh chấp, hậu quả của tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp thích hợp với từng loại tranh chấp, có tranh chấp tập thể và có tranh chấp cá nhân; luôn luôn có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và hậu quả xảy ra của hành vi vi phạm đó.

Nếu xem xét cụ thể từng loại tranh chấp dân sự, tranh chấp lao động, tranh chấp kinh tế… thì chúng ta thấy rõ những điểm chung của loại tranh chấp và những điểm riêng, đặc thù của mỗi loại tranh chấp.

2. Từ phương pháp luận chung nói trên, để phân định tranh chấp môi trường với các tranh chấp khác, chúng ta phải nghiên cứu, phân tích để tìm ra cái chung, cái giống nhau của tranh chấp môi trường với tranh chấp khác và cái riêng, cái đặc thù của tranh chấp môi trường.

·        Trước hết, phải thấy rằng, môi trường có tính quốc gia khu vực và toàn cầu. Đặc trưng này của môi trường vừa đòi hỏi sự phối hợp cùng quan tâm và hợp tác của các quốc gia với nhau, vừa có thể gây ra tranh chấp giữa nhiều quốc gia, ví như tranh chấp về sử dụng nguồn nước, tranh chấp về hậu quả ô nhiễm môi trường… do nạn cháy rừng diện rộng ở một quốc ga gây ra cho các nước láng giềng.

·        Đặc trưng thứ hai của môi trường là sự gắn kết hữu cơ của các thành phần môi trường với nhau tác hại của thành phần môi trường này tác động ngay tới thành phần môi trường khác, cho nên bất cứ hoạt động vô thức nào của con người cũng làm tổn hại đến các thành phần môi trường; tranh chấp môi trường có thể diễn ra ở tầm rộng cả nước, vùng, khu vực và tầm hẹp trên một địa bàn cụ thể.

·        Tác hại gây ra cho môi trường vô cùng lớn, vừa có thiệt hại trực tiếp vừa có thiệt hại gián tiếp và có cả thiệt hại lâu dài. Thiệt hại gây ra cho môi trường chủ yếu xảy ra ngoài quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế… cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường chủ yếu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy vậy, vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng trong trường hợp một hợp đồng cụ thể quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường do việc vi phạm hợp đồng đó gây ra. Ví dụ, trong hợp đồng xây dựng một nhà máy, một khu công nghiệp nào đó có quy định trách nhiệm xử lý các biện pháp bảo vệ môi trường mà bên thi công không thực hiện, do đó, về sau đã gây ra thiệt hại cho môi trường. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường được thực hiện theo quy định của hợp đồng. Thiệt hại trực tiếp gây ra cho môi trường có thể dễ tính toán, tuy có phức tạp và kéo dài thời gian giám định, nhưng khó nhất vẫn là việc xác định thiệt hại gián tiếp gây ra cho thành phần môi trường khác và việc xác định thiệt hại lâu dài đối với môi trường. Điều này thể hiện một đặc trưng nữa của tranh chấp môi trường là tính phức tạp và kéo dài của tranh chấp và cả việc giải quyết tranh chấp môi trường. Việc giải quyết tranh chấp môi trường khá phức tạp, tốn nhiều công sức, chi phí giám định và tố tụng. Do đó, thời hiệu giải quyết tranh chấp môi trường cũng có những điểm khác so với việc giải quyết tranh chấp khác.

3. Những điểm giống nhau của tranh chấp môi trường với các tranh chấp khác, theo chúng tôi, thể hiện ở mấy điểm sau đây :

- Đều do hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của người khác gây ra.

- Tranh chấp đều có các chủ thể cụ thể.

- Đều có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.

- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại : vừa có bồi thường thiệt hại trực tiếp vừa có bồi thường thiệt hại gián tiếp.

- Đều có ảnh hưởng đến trật tự pháp luật;

4. Tranh chấp môi trường khác với các loại tranh chấp khác chủ yếu ở các điểm sau đây :

·        Diện tranh chấp môi trường rộng hơn : tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, chủ yếu là tranh chấp khu vực giữa các quốc gia láng giềng hoặc cùng khai thác, sử dụng một nguồn nước chung hoặc cùng thiệt hại do sự cố môi trường diễn ra ở tầm rộng;

·        Tranh chấp môi trường thường kéo dài; việc giải quyết tranh chấp phức tạp và tốn kém.

Tranh chấp môi trường có ảnh hưởng đến nhiều thành phần môi trường

·        Khi giải quyết tranh chấp môi trường thường rất khó xác định chính xác thiệt hại gián tiếp và thiệt hại lâu dài gây cho môi trường.

·        Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho môi trường phần lớn là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể;

·        Biện pháp phòng ngừa tranh chấp môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại gây ra cho môi trường.

·        Đặc điểm riêng của tranh chấp môi trường đòi hỏi cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường phải có những điểm đặc thù, khác biệt với cơ chế giải quyết các loại tranh chấp khác.

II.      KHÁI NIỆM TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG

Tranh chấp, như một số từ điển đã định nghĩa : "Là giành nhau một cách giằng co cái không rõ thuộc về bên nào; Đấu tranh giằng co khi có ý kiến bất đồng thường là trong vấn đề quyền lợi của giữa hai bên" (Từ điển Tiếng Việt trang 898, Trung tâm từ điển học, 194); "Tranh chấp dân sự là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự" (Tạp chí Dân chủ và Pháp luật", "Tranh chấp là những mâu thuẫn, bất hoà về quyền và nghĩa vụ hợp pháp giữa các chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật, trong đó có tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…" (Sổ tay thuật ngữ pháp lý thông dụng, trang 382, nhà xuất bản Giáo dục, 1996).

Tố cáo là việc công dân theo các thủ tục do pháp luật quy định, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức (Luật Khiếu nại, tố cáo).

Khái niệm tranh chấp luôn gắn với quyền lợi vật chất và nghĩa vụ của các bên. Do vậy luôn gắn với việc tố cáo việc vi phạm pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại được hiểu là : "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi của người gây ra thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ chấp hành hợp đồng đã             ký kết".

Từ những vấn đề chung nêu trên việc tranh chấp, tố cáo luôn song hành với nhau. Tố cáo việc làm vi phạm, gây thiệt hại về vật chất để yêu cầu bồi thường vật chất.

Khái niệm tranh chấp môi trường được sử dụng trong các tà liệu môi trường từ cuối những năm 1980. Viện Công nghệ Châu Á định nghĩa như sau : "Tranh chấp môi trường là tranh chấp giữa nguồn lợi của cộng đồng, vị trí nghề nghiệp và ưu tiên chính trị, là kết quả của việc sử dụng tài nguyên do một nhóm người gây bất lợi cho nhóm người khác, là kết quả của việc khai thác quá mức hoặc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên". Theo định nghĩa này nội hàm của tranh chấp môi trường khá rộng, không bó hẹp nội dung như các loại tranh chấp khác. Định nghĩa này mới mang tính tổng quát, tựu chung là tranh chấp về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nên chưa bao hàm hết các nội dung cụ thể của tranh chấp môi trường.

Tranh chấp về môi trường là thể hiện cụ thể của việc tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng trong lĩnh vực sử dụng các thành phần môi trường. Việc tranh chấp được thể hiện thông qua việc tố cáo hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và kèm theo là yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và sức khoẻ. Quyền tố cáo các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường được bảo đảm bằng Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường : "Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan khác của nhà nước những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường".

Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường quy định : "Tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định : "Tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động hác mà làm suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, gây sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của Uỷ ban nhân dân địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật". Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định một trong các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là : "… giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường".

Từ những quy định trên có thể thấy một trong các trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là giải quyết đơn thư tố cáo, tranh chấp về môi trường, từ đó kết luận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.

III.   KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MÔI TRƯỜNG Ở MỘT SỐ NƯỚC

1.  Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường    

1. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp môi trường theo phân tích của nước ngoài, gồm có 4 nguyên nhân sau đây :

a. Thiếu thông tin;

b. Bỏ qua thông tin;

c. Thiếu sự tham gia đóng góp (công sức và kinh tế);

d. Các hệ thống giá trị, lợi ích khác nhau.

2. Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường được Viện Công nghệ Châu Á nghiên cứu gồm có 6 cách giải quyết tranh chấp sau đây :

2.1. Dự báo tranh chấp :

Dự báo tranh chấp là cách ngăn ngừa tranh chấp môi trường có hiệu quả nhất. Điển hình của cách thức này là việc lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã và đang được nhiều nước sử dụng làm công cụ chính để phòng ngừa ô nhiễm môi trường và hạn chế các tranh chấp môi trường có thể      xảy ra.

2.2. Cùng giải quyết vấn đề

Hình thức giải quyết này được sử dụng ở giai đoạn sớm khi các vấn đề còn đang được xác định và được tiếp tục giải quyết trong toàn bộ quá trình ra quyết định. Ví dụ của cách giải quyết này là việc thành lập nhóm chuyên tráh về khói mù của ASEAN sau vụ cháy rừng diện rộng năm 1997 tại Indonesia, đến nay nhóm chuyên trách này đã họp được 17 lần và đã thực hiện được nhiều hoạt động đáng kể như xây dựng các dự án quan trắc các điểm nóng, xây dựng chính sách "zeoro burning", xây dựng chương trình hành động quốc gia và khu vực về chống cháy rừng và khói mù…

2.3. Hoà giải môi trường

Là quá trình đàm phán chính thức giữa các bên có liên quan do một trung gian hoà giải chủ trì. Hình thức này thường được tiến hành sau khi tranh chấp đã xảy ra hoàn toàn và sau khi các bên nhận thấy không thể giải quýet trực tiếp với nhau được. Ví dụ của cách thức giải quyết này là việc giải quyết đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điện Phả Lại gây ra. Cục Môi trường và các Sở KHCN&MT Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã đóng vai trò trung gian hướng dẫn nhân dân các xã chịu ô nhiễm và nhà máy nhiệt điện Phả Lại cùng đàm phán để cùng thống nhất phương án giải quyết.

2.4. Đối thoại chính sách

Đây là hình thức giải quyết sự khác biệt về chính sách bằng việc tổ chức các hội nghị không chính thức để thảo luận và cố vấn cho các nhà ra quyết định. Ví dụ như tranh chấp của một số nhà khoa học về việc có cho VEDAN đổ chất thải ra biển không. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa các nhà khoa học để giải quyết vấn đề này.

2.5. Phân xử ràng buộc

Đây là hình thức giải quyết do Toà án quyết định. Ví dụ, năm 1998, một con tàu của Công ty nhựa Formosa, Đài Loan chở 3000 tấn chất thải độc hại có chứa thuỷ ngân đến đổ bất hợp pháp tại một bãi chôn lấp chất thải ở Sihanoukiville, Campuchia, làm một số người dân tiếp xúc với rác tử vong. Campuchia đã mở phiên toà xét xử, phạt tội các chủ tầu 5 năm tù và phạt tiền 0,5 triệu USD. Hình thức phân xử do Toà án tiến hành rất phổ biến ở Châu Âu và Bắc Mỹ song chưa thật phổ biến ở Châu Á.

2.6. Đàm phán thương lượng

Đây là hình thức giải quyết tranh chấp quan trọng nhất. Các cuộc thương lượng giúp các bên xem xét tính đúng đắn của sự việc, hoàn cảnh xảy ra và các biện pháp giải quyết. Các cuộc thương lượng là cơ hội để thu nhập thêm thông tin và giải quyết những hiểu lầm giữa các bên. Để có kết quả thương lượng, các bên cần nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, cùng cam kết những nguyên tắc nhất định vì mục đích chung. Ví dụ về hình thức giải quyết qua thương lượng là việc đền bù thiệt hại là việc dò rỉ quặng thải ở Mỏ Marinduque, Philippin. Tập đoàn Placer Dome Inc, Canada, công ty có 39% cổ phần ở mỏ Marcopper, đối tượng gây ô nhiễm, và các đối tượng chịu ô nhiễm đã tiến hành thương lượng sau sự cố xảy ra. Tập đoàn Placer Dome Inc đã cam kết trả tiền đền bù cho tất cả các bên chịu ảnh hưởng, xử lý hoàn toàn lượng quặng thải ra sông và khôi phục nguyên trạng ban đầu.

Tóm lại, các cách thức giải quyết nêu trên thường được sử dụng kết hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp môi trường ở các nước Châu Á. Tranh chấp môi trường là một vấn đề phức tạp, chỉ có thể giải quyết được đặt trong mối quan hệ tổng hoà : kinh tế, xã hội và môi trườn.

Sau đây là một số trường hợp giải quyết tranh chấp môi trường của các nước Châu Á :

·        Vấn đề cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tại các nước ASEAN : Từ năm 1997 sau khi có những vụ cháy rừng quy mô lớn tại 2 đảo Borneo và Sumatra gây ô nhiễm khói mù nghiêm trọng tới các nước có liên quan. Các nước ASEAN đã thành lập một đội công tác đặc biệt về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Đội công tác đặc biệt này đã họp 7 lần, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia và khu vực phòng chống cháy rừng và chống ô nhiễm khói mù. Các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng các trạm quan trắc cháy và ô nhiễm khói mù. Hàng năm, Hội nghị các quan chức cao cấp về môi trường họp và thông qua các hoạt động của đội công tác. Các vấn đề giải quyết ở cấp cao hơn được đệ trình Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN để quyết định. Nhờ có sự hợp tác chặt chẽ trên qui mô khu vực nên đã tránh được những tranh chấp về vấn đề môi trường có liên quan đến ô nhiễm khói mù giữa các nước ASEAN.

·        Vấn đề sông MêCông : sông MêKông chảy qua 6 nước, Việt Nam nằm ở hạ nguồn nên chịu áp lực rất lớn của việc khai thác các tài nguyên nước vùng thượng nguồn. Nhóm công tác Môi trường của Tiểu vùng MêKông được thành lập để nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan. Hiện nay Dự án xây dựng Khung chiến lược môi trường cho các nước tiểu vùng MêKông do ADB tài trợ đang được thực hiện nhằm xác định các điểm nóng về môi trường để có các định hướng trong các dự án đầu tư. Dự án xoá đói giảm nghèo và quản lý vùng rừng đầu nguồn cũng đưa ra các giải pháp cho các nước trong khu vực sông Mê Kông nhằm quản lý có hiệu quả các vùng rừng đầu nguồn và tạo thu nhập cho dân cư sống bằng các nguồn lợi từ rừng. Uỷ ban sông MêKông quốc tế cũng đang xây dựng một Chương trình Môi trường cho giai đoạn 2001 - 2005 trong đó chú trọng vấn đề đánh giá tác động môi trường chiến lược và quan trắc môi trường khu vực.

·        Vấn đề biển Đông : ô nhiễm biển từ các hoạt động trên đất liền đang là vấn đề nóng của các nước trong khu vực. Rất nhiều dự án khu vực về quản lý vùng ven biển và đới bờ cũng như nâng cao nhận thức đã được thực hiện.

·        Vấn đề mưa a xít : các quan trắc gần đây nhất đã cho thấy có hiện tượng mưa axit tại Việt Nam và Trung Quốc. Hiện đang cần các công trình nghiên cứu làm rõ nguồn gốc của hiện tượng này. Trạm quan trắc Môi trường Lào Cai đã được tăng cường thiết bị để quan trắc hiện tượng này tren vùng biên giới.

·        Vấn đề đa dạng sinh học xuyên biên giới : Việt Nam, Lào và Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp bảo vệ đa dạng sinh học xuyên biên giới. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Trung tâm đa dạng sinh học khu vực đã được thành lập với trụ sở đóng tại Philippine. Mục tiêu là đưa các giải pháp nhằm bảo vệ đa dạng sinh học rất phong phú của khu vực. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp rất chặt chẽ với Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) và Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế trong công tác này.

·        Vấn đề mưa axit : các quan trắc gần đây đãcho thấy có hiện tượng mưa axit tại Việt Nam và Trung Quốc. Hiện đang cần các công trình nghiên cứu làm rõ nguồn gốc của hiện tượng này. Trạm quan trắc Môi trường Lào Cai đã được tăng cường thiết bị để quan trắc hiện tượng này trên vùng biên giới.

·        Vấn đề đa dạng sinh học xuyên biên giới : Việt Nam, Lào và Campuchia đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp bảo vệ đa dạng sinh học xuyên biên giới. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Trung tâm đa dạng sinh học khu vực đã được thành lập với trụ sở đóng tại Philippine. Mục tiêu là đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ đa dạng sinh học rất phong phú của khu vực. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp rất chặt chẽ với Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) và Tổ chức bảo tồn chim quốc gia trong công tác này.

2.  Các quy định về bồi thường thiệt hại môi trường của một số nước trên thế giới

a.  Thái Lan

Đạo luật chất lượng môi trường của Thái Lan năm 1992 đã đưa ra cơ sở pháp lý để xác định thiệt hại về môi trường. Ví dụ như Điều 6 quy định : "Những người có quyền nhận bồi thường thiệt hại của Nhà nước trong trường hợp thiệt hại gây bởi ô nhiễm từ các nhà máy và xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc các dự án do Nhà nước hỗ trợ". Các Điều 96 và 97 của Đạo luật qui định những nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây ô nhiễm dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cho cả những thiệt hại gây bởi ô nhiễm và cho cả chi phí để giải quyết thiệt hại (Điều 96) và phải trả cho Nhà nước chi phí gây thiệt hại cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hoặc cho các tài sản công cộng.

b.  Malaysia

Các thiệt hại về môi trường có thể được quản lý bằng sự bồi thường thiệt hại hay mất mát tài sản thông qua thực thi các điều khoản khác nhau trong Điều luật quản lý chất lượng môi trường năm 1974 (đã bổ sung, điều chỉnh năm 1996) có hai điều khoản tại phần 46E và phần 47 là áp dụng cho các khiếu nại đòi hỏi bồi thường thiệt hại môi trường. Đồng thời các cơ chế và trách nhiệm và đền bù của quốc tế như Công ước trách nhiệm dân sự 1990 và Quỹ đền bù ô nhiễm do dầu gây nên (1970) đã được Malaysia thông qua vào ngày 6/4/1995 áp dụng cho các khiếu nại đòi chi phí làm sạch.

c.   Anh

Đạo luật bảo vệ môi trường, chương 73 Điều 6 nêu rõ là trong trường hợp gây thiệt hại do tích tụ chất thải trên một khu đất nào đó thì người đổ rác hoặc người bị nghi là có đổ rác phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra. Trong trường hợp vi phạm luật, thì bên tư nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại gây ra theo các quy định của Đạo luật bảo vệ môi trường.

d.   Inđonexia

Điều 34 Chương 3 của Luật về quản lý môi trường của Inđonexia ghi rõ: Tất cả mọi hoạt động vi phạm luật dưới  dạng gây ô nhiễm hoặc gây nên những thiệt hại làm tăng tác động xấu đối với người hoặc với môi trường thì buộc bên chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động đó phải trả tiền bồi thường và/hoặc thực hiện những hoạt động nhất định nào đó.

Trách nhiệm pháp lý theo quy định của luật hình sự  cũng có quy định về các hoạt động hoặc về việc phát thải có khả năng gây hại hoặc ít nhất là có thể đe doạ môi trường. Phạt, buộc phải đền bù thiệt hại hoặc phạt cảnh cáo là các mục tiêu chính của luật hình sự, nó có thể bao gồm các hình thức phạt tiền, phạt tù hoặc các công cụ khác.

e.   Nhật Bản

Ở Nhật từ năm 1974 đã có luật: “Luật bồi thường thiệt hại sức khoẻ do ô nhiễm”.

Ngành công nghiệp phát triển đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới cho xã hội, làm tăng trưởng GDP cao, nhưng cũng chính điều đó đã gây nhiều khó khăn cho Nhật Bản, cụ thể là: Trong quá trình sản xuất công nghiệp các nhà máy đã thải một số chất mới ra môi trường xung quanh, ví dụ: Vụ nhiễm độc thuỷ ngân do công ty Tritsô sản xuất Asetol mà thuỷ ngân là dung môi để sản xuất chất đó. Trong nước thải của nhà máy đó có lẫn thuỷ ngân hữu cơ và nước đó thải ra một vịnh. Nước thải này bám vào rong rêu, cá ăn phải và con người ăn cá đó và thuỷ ngân đã vào não của con người, gây tê liệt não. Qua đó khoảng 11.000 người đã bị nhiễm độc thuỷ ngân. Năm 1956 người dân đầu tiên đã phát bệnh, nhưng đến năm 1959 mới tìm ra nguyên nhân gây bệnh là do thuỷ ngân gây ra, nhưng công ty Tritso lúc bấy giờ đã phủ nhận trách nhiệm của mình, vì họ cho rằng trong quá trình sản xuất họ chỉ sử dụng thuỷ ngân vô cơ, chứ không sử dụng thuỷ ngân hữu cơ. Đến năm 1960 Trường Đại học Kinomto đã tìm ra nguyên nhân và tuyên bố rằng: Bệnh này do chính công ty Tritso gây ra. Chính phủ Nhật Bản cũng đã nghiên cứu, khảo sát  ở các công ty có sản xuất chất Asitol có liên quan đến thuỷ ngân. Sau hơn 10 năm, năm 1968 Chính phủ mới công nhận rằng: Thuỷ ngân hữu cơ của công ty Tritso là nguyên nhân gây bệnh nhiễm độc thuỷ ngân. Ở Hàn Quốc cũng có vụ nhiễm độc thuỷ ngân, ở Minomata và Canada những người dân da đỏ ăn cá sống cũng bị mắc bệnh Minomata, nhưng chưa được Chính phủ công nhận.

Vấn đề ô nhiễm công nghiệp không phát sinh thiệt hại ngay như tai nạn ô tô mà phải trải qua một thời gian dài, nên việc tìm nguyên nhân gây thiệt hại hết sức khó khăn.

Ở Nhật Bản các luật sư đứng ra bảo vệ cho những người bị nhiễm bệnh đã áp dụng Điều 709 của Bộ Luật Dân Sự, tức là “người vi pham do lỗi cố ý hoặc do cẩu thả, nếu vi phạm quyền của người khác thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ vi pham đó” nhưng đê chứng minh mối quan hệ nhân quả và lỗi vô ý của công ty Tritso là rất khó khăn. Công ty cho rằng do trình độ khoa học kỹ thuật lúc đó họ không thể dự kiến được các thiệt hại xảy ra. Những người bị bệnh đã bắt đầu khởi kiện ra Toà để đánh động cho dân chúng biết về vấn đề này và đẩy mạnh vấn đề chống ô nhiễm môi trường. Lúc này các công ty lẩn trốn trách nhiệm, Chính phủ thì cũng chưa có đối sách thích hợp, nhưng dư luận đòi hỏi phải quy định khắt khe hơn trách nhiệm của giới chủ doanh nghiệp.

Từ năm 1971 đến năm 1973 đã có 4 phán quyết tiêu biểu được đưa ra về vấn đề ô nhiễm môi trường. Các phán quyết của Toà án đã làm thay đổi cả nội dung của pháp luật lúc đó.

- Năm 1971 phán quyết liên quan đến bệnh Itaiita và bệnh Monomata ở một tỉnh phía Bắc Nhật Bản.

- Năm 1972 phán quyết liên quan đến bệnh xuyễn.

- Năm 1973 phán quyết liên quan đến bệnh Minomata ở một số tỉnh miền Nam Nhật Bản.

Các luận điểm của Toà án:

a. Đối với bệnh Itaiita: Do khai thác mỏ kẽm của công ty Mitsuri, nước thải chảy ra sông xuống vùng hạ lưu và dân chúng sinh sống trong làng đó chủ yếu là phụ nữ bị mắc chứng xương giòn, dễ gẫy. Lúc đầu, mọi người tưởng rằng vùng này ít nắng nên thiếu Vitamin. Nhưng qua nghiên cứu của một Trường Đại học cho thấy, thấy trong nước tiểu của những người dân ở đây có chứa chất cadium, kẽm; khi đo hàm lượng cadium thấy nước ở đầu nguồn có lượng cadium cao hơn ở cuối nguồn; ở lớp đất trên có hàm lượng chất đó cao hơn ở lớp đất dưới, và trong lúa gạo cũng  có hàm lượng cadium rất cao cho nên đã suy luận rằng, bệnh phát sinh do người dân đã sử dụng nguồn nước đó. Những người bệnh đã kiện công ty Mitsuri của ngành mỏ.

Theo Luật Mỏ (năm 1993) người bị thiệt hại không phải chứng minh lỗi, nhưng phải chứng minh quan hệ nhân quả hành vi gây thiệt hại và mức độ thiệt hại. Trong thực tế, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả của các bệnh do  ô nhiễm là rất khó khăn. Thông thường, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả phải dựa vào khoa học, nhưng trong trường hợp nêu trên người bị hại không có điều kiện chứng minh về mặt khoa học và cần bảo vệ người bị hại hơn, nên mặc dù y học chưa chứng minh được một cách  chính xác vấn đề này, Toà án vẫn quan niệm rằng: việc xem xét mối quan hệ nhân quả về mặt pháp luật là quan trọng, mối quan hệ nhân quả về mặt y học trong trường hợp này không có tính quyết định.

b. Đối với bệnh Minomata (ở phía Bắc Nhật Bản): Toà án cho rằng thuỷ ngân lan tràn ra sông do Công ty Sooadenko gây ra. Nhưng công ty này phản bác với lý do bốn năm trước đó, ở đây có động đất nên một kho hàng bị phá huỷ, trong đó có thuốc sát trùng bằng thuỷ ngân bị phá huỷ, chảy ra biển gây nên ô nhiễm và hơn nữa họ đã ngừng sản xuất từ lâu. Toà án lập luận rằng, kho thuốc sát trùng, nếu đã tràn ra biển, thì không thể chảy ngược vào làng được mà phải do nguồn nước từ sông chảy vào. Trong vấn đề này, người bị hại sẽ phải chứng minh một phần về mối quan hệ trong việc gây ra thiệt hại thì mới không phải chịu trách nhiệm. Do pháp luật chưa quy định việc loại trừ lỗi nên người bị hại phải chứng minh lỗi vô ý. Năm 1955 đã có án lệ nên việc chứng minh không khó khăn lắm.

c. Đối với bệnh xuyễn: Toà án đã phán quyết phải chứng minh về mối quan hệ nhân quả từ khói của nhiều nhà máy gây ra để các nhà mày này cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

Mãi đến năm 1972, Luật chống ô nhiễm không khí, nguồn nước được xây dựng và quy định người gây hại phải chịu trách nhiệm dân sự kể cả khi không         có lỗi.

Trách nhiệm về sản phẩm.

Luật về trách nhiệm sản phẩm xuất hiện đầu tiên ở Hoà Kỳ, là nước có nền sản xuất phát triển.

 Muốn sản xuất và tiêu thụ được nhiều sản phẩm trên thị trường thì các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế cho ra những sản phẩm mới trên thị trường, ví du: trước đây sàn xe của ô tô thiết kế hình chữ H sau đó được cải tiến thành hình chữ X, làm xe nhẹ như xe  đua và bán rất chạy trên thị trường, nhưng chiếc xe ô tô loại này khi bị đâm va, thì dễ bị bẹp hơn. Đã có người viết cuốn sách “unsafe at any speed”, tức là không an toàn trong bất cứ trường hợp nào đề khuyến cáo.

Đối với dược phẩm cũng vậy, rất nhiều thuốc được sản xuất, nhưng không an toàn, ví dụ: loại thuốc ngủ của Đức, tuy uống không bị nhức đầu, nhưng lại rất hại cho phụ nữ có thai, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của đứa trẻ, nên khi đứa trẻ ra đời này, chân hay bị co rút. Năm 1960 ở Đức và Anh nhiều đứa trẻ ra đời đã bị ảnh hưởng của loại thuốc ngủ này. Ở Hoà Kỳ sau khi phát hiện ra, đã không cho phép sản xuất loại thuốc ngủ này nên trong thực tế bị ảnh hưởng ít. Ví dụ: loại thuốc Kynofon dùng chữa kiết lỵ rất hiệu quả nhưng những người sử dụng thuốc này thần kinh bị tê liệt, mắt bị hỏng. Năm 1963, người ta đã phát hiện ra bệnh, nhưng mãi đến năm 1973 mới tìm ra nguyên nhân là do thuốc Kynofon gây ra. Ngoài ra, nhiều rụ nhiễm độc thực phẩm khác liên tục xuất hiện, các nhà sản xuất thì nói rằng, do trình độ khoa học kỹ thuật tại thời điểm sản xuất nên họ không chịu trách nhiệm dân sự và người bị thiệt hại không được bảo  vệ. Năm 1974, ở Hoa Kỳ các vụ kiện yêu cầu đòi hỏi bồi thường thiệt hại về sản phẩm xảy ra nhiều, Toà án cũng buộc các nhà sản xuất dù không có lỗi hay lỗi nhỏ cũng phải bồi thường thiệt hại, nên nhiều công ty phải rút ra khỏi ngành sản xuất đó hoặc phá sản. Chính phủ Mỹ đã phải nghĩ cách làm giảm trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhưng bị dư luận phản đối là không nên giảm trách nhiệm đối với sản phẩm.

Ở Đức do không tìm được lỗi của vụ sản xuất thuốc ngủ nên đã ngừng xét vụ này về hình sự.

Ở Anh do nhập khẩu thuốc về để bán nên không có lỗi, nhưng đã phải lập một quỹ đề bồi thường thiệt hại cho người đã sử dụng loại thuốc ngủ đó.

Qua đây thấy rằng, nếu quy định điều kiện về lỗi trong trách nhiệm sản phẩm sẽ không bảo vệ được quyền lợi của người bị thiệt hại.

Năm 1979, Liên minh Châu Âu muốn khẳng định chế độ trách nhiệm sản phẩm thống nhất, nên năm 1980 đã ra Chỉ thị buộc các quốc gia trong liên minh này trong vòng ba năm phải xây dựng Luật về trách nhiệm sản phẩm phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.

Nước Anh chấp nhận việc tăng cường trách nhiệm đối với sản phẩm, nhưng bị các nhà sản xuất phản đối, vì nếu bắt họ phải chịu trách nhiệm khi không có lỗi, thì sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường

Một số nước không phụ thuộc EU nhưng muốn hội nhập vào thị trường của EU cũng phải xây dựng Luật về trách nhiệm sản phẩm.

Trách nhiệm sản phẩm phát sinh, khi sản phẩm đó có khiếm khuyết và gây nguy hại. Đây chín là lỗi của người sản xuất. Do đó, về phía người bị thiệt hại không phải chứng minh nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, nhưng nếu áp dụng vấn đề rủi ro trong lĩnh vực sản phẩm, thì phải quay lại chứng minh vấn đề lỗi.

Ở Nhật Bản, năm 1964 có một số bệnh như: Vụ dầu ăn Kanemin làm từ cám. Để sản xuất loại dầu này, người ta đã dùng chất PCV để khử mùi hôi của dầu, nhưng trong quá trình sản xuất đã làm lẫn chất PCV vào dầu. Người tiêu dùng ăn phải đã bị bệnh mủn răng và da bị sạm lại (khoảng 7.000 người đã bị nhiễm bệnh Kanemin). Trước những đòi hỏi của thực tế đó, năm 1991 Nhật Bản cũng đưa ra xem xét Luật về trách nhiệm  sản phẩm, nhưng nội dung còn nhiều tranh cãi như: nếu tăng trách nhiệm sản phẩm để bảo vệ người bị thiệt hại, thì ảnh hưởng đến người sản xuất và ngược lại; người bán nguyên vật liệu có phải chịu trách nhiệm không hay người sản xuất chịu hết… Mãi đến ngày 1/1/1994 Luật về trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản  mới ra đời trên cơ sở thoả hiệp giữa Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Luật này không áp dụng nguyên tắc suy đoán nhân quả và có sự nhân nhượng khi quy định người sản xuất không phải chịu trách nhiệm về rủi ro trong quá trình sản xuất sản phẩm mới. Khi sản phẩm có khiếm khuyết người bị hại có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại mà không cần chứng minh lỗi vô ý.

Trong các trường hợp về ô nhiễm công nghiệp và dược phẩm đã có nhiều tranh cãi về quan hệ nhân quả là các bệnh tật đó có phải do ô nhiễm công nghiệp hay dược phẩm gây ra không ?

Để giảm bớt vấn đề phải chứng minh về quan hệ nhân quả, Toà án tối cao đã phán quyết rằng, để kết luận về việc có quan hệ nhân quả trong tố tụng hay không, không không cần chứng minh về mặt khoa học tự nhiên một cách nghiêm ngặt, mà chỉ cần chứng minh tính hiển nhiên cao độ trong thực tế có  tồn tại các yếu tố gây hại và hậu quả đã xảy ra.

3.  Kinh nghiệm ở một số nước về giải quyết tranh chấp môi trường Singapore

a.  Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp môi trường:

* Các cơ quan hành chính:

Nước cộng hoà Singapore là một Nhà nước đơn nhất. Quốc hội Singapore là cơ quan lập pháp gồm hai viện có thẩm quyền  ban hành luật để điều hành các mối quan hệ trong mọi lĩnh vực. Đây có thể coi là một thuận lợi tương đối trong việc xây dựng văn bản pháp luật tạo ra một hệ thống pháp luật đồng  bộ tránh được sự chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong cùng một lĩnh vực. Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính pháp tổ chức thực hiện pháp luật thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng. Bộ máy cơ quan hành chính của Singapore là một hệ thống tổ chức hữu hiệu, các cơ quan (bộ, ngành) hoạt động có sự phối hợp chặt chẽ và bổ trợ cho nhau trong tác nghiệp để đạt tới các mục tiêu tổng thể đã được hoạch định trong một chiến lược quy hoạch tổng thể của quốc gia. Có thể coi đây là một yếu tố đảm bảo cho sự thành công trong việc quản lý bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.

Cơ quan chính chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường là Bộ Môi trường (ENV), được thành lập năm 1972 có trách nheịem cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc quản lý, xử lý chất thải và quản lý Nhà nước về môi trường thông qua chức năng kiểm soát môi trường (không khí, tiếng ồn và rác thải) và sức khỏe theo quy định của pháp luật. Một trong 4 vụ chức năng của ENV là Vụ Kiểm soát môi trường chịu trách nhiệm kiểm soát xây dựng kế hoạch và chất thải nguy hiểm và chất thải độc hại. Vụ này còn chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình chung về ô nhiễm môi trường với các nước láng giềng.

ENV được bổ trợ công việc của Bộ Phát triển quốc gia (MND) và Bộ Công nghiệp và Thương mại. Trong Bộ PTQG (MND) có Cục Tái phát triển đô thị là cơ quan lập kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi và điều chỉnh sự phát triển cơ sở vật chất của quốc gia. Phòng kiểm soát xây dựng nhà của Vụ công trình công cộng là Cơ quan cấp các giấy chứng nhận đã hoàn thành các thủ tục theo luật định cho các  dự án phát triển xây dựng. Chẳng hạn như đối với các nhà máy hay xí nghiệp muốn xây dựng thì phải có giấy chứng nhận của cơ quan này cấp cho phép triển khai xây dựng và hoạt động sau khi đã hoàn thành tất cả các thủ tục luật định. Bằng cách kiểm soát (thông qua cấp phép) như vậy Phòng này sẽ phối hợp với Vụ kiểm soát môi trường của ENV để đảm bảo rằng tất cả những yêu cầu hay điều kiện về môi trường đã đáp ứng và sau đó giám sát theo dõi nếu có vi phạm thì xử lý hành chính đối với vi phạm đó.

Các Bộ và các ngành khác cũng có các chức năng quản lý môi trường. Bộ Y tế là một trong những ngành giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Trong Bộ Y tế có Vụ dịch vụ khoa học là cơ quan tiến hành kiểm tra thực phẩm, đồ tiêu dùng (thuốc là) và các chất độc hại. Vụ còn có cả một Trung tâm thông tin về chất độc và Phòng Môi trường. Thông qua việc kiểm tra nếu phát hiện có những vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cơ quan này có quyền xử lý hành chính đối với các vi phạm.

 Vụ Y tế lao động trong Bộ Lao động là cơ quan quản lý thi hành Luật Xí nghiệp nhằm đảm bảo an toàn lao động và môi trường y tế cho người lao động. Theo qui định của đạo luật này thì các nhà máy hay xí nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn trong lao động đảm bảo duy trì một môi trường làm việc tốt cho người lao động. Những vi pham tiêu chuẩn sẽ bị xử lý nghiêm ngặt nhờ công tác giám sát của đội ngủ thanh tra chuyên ngành.

Bộ Giao thông liên lạc quản lý các cơ quan như Cục hàng không dân dụng, Cảng vụ, Cục Hàng hải và cảng biển, và Cục Giao thông đường bộ. Các tiêu chuẩn về phương tiện giao thông và sử dụng phương tiện tham gia giao thông cũng được Bộ giao thông ban hành và kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng nói trên việc phát hiện và xử lý tranh chấp hay vi phạm về môi trường được thực hiện rất nghiêm ngặt. Điều quan trọng là thông qua các thủ tục cấp phép của nhiều cơ quan nên các tranh chấp hay vi phạm đã được giảm thiểu rất nhiều. Ngoài ra thông qua hoạt động theo dõi, giám sát của các cơ quan chuyên  ngành mà các vi phạm đã sớm được phát hiện và bị xử lý hành chính do vậy số vụ tranh chấp phaỉ đưa ra toà không nhiều.

* Cơ quan tư pháp:

Hệ thống toà án bao gồm Toà án tối cao (Toà Cấp cao và Toà phúc thẩm),  các toà án địa phương (các toà án khu vực, các toà án sơ thẩm thẩm quyền hẹp, các toà gia đình, các toà người chưa thành niên…).

Thẩm quyền xem xét giải quyết của các toàn khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm trong các vụ án hình sự hoặc mức độ tranh chấp trong các vụ án dân sự. Toà án khu vực có quyền xem xét giải quyết các vụ án dân sự mà mức tranh chấp lên tời 100.000$ (tiền Singapore) và các vụ án hình sự có mức hành phạt tù không quá 10 năm. Còn Toà án sơ thẩm quyền hẹp được quyền xem xét giải quyết các vụ án hình sự có mức  phạt tù không quá 3 năm và các vụ án dân sự có mức tranh chấp không quá 30.000$.

Toà Cấp cao có thẩm quyền không hạn chế đối với cả án hình sự và án dân sự và tất cả những vụ án hình sự có mức án tử hình đều thuộc thẩm quyền của Toà Cấp cao. Toà Phúc thẩm là toà án có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng trong các vụ xét xử phúc thẩm hình sự và dân sự đối với các bản án sơ thẩm bị kháng nghị hay kháng cáo.

Vì pháp luật về môi trường thường quy định mức phạt không quá 20.000& và mức phạt tù không quá 2 năm nên những vi phạm về môi trường thường do Toà sơ thẩm thẩm quyền hẹp xử lý. Tuy nhiên cũng có những vi phạm mà mức phát có thể lên tới 500.000$ như quy định trong Luật phòng chống ô nhiễm môi trường biển. Theo quy định của Luật thì trong trường hợp có tranh chấp hay vi phạm mà mức phạt cao như vậy Toà Cấp cao sẽ thụ  lý xét xử sơ thẩm nếu có kháng án thì Toà phúc thẩm Toà án tối cao sẽ xét xử phúc thẩm. Các cụ vi phạm về môi trường như sự cố trần dầu do tàu dầu gây ra thường do các toà án khu vực hoặc toà sơ thẩm thẩm quyền hẹp xét xử theo quy định của Luật buôn bán bằng đường biển có hiệu lực năm 1985.

Bên cạnh những nỗ lực nhằm đạt tới các mục tiêu của quốc gia, Singapore cũng rất chú ý tới những chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực.

b.  Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về môi trường:

Trong Hiến pháp Singapore không hề có điều khoản trực tiếp nào liên quan tới môi trường mà những quy định về môi trường được quy định trong các văn bản trực tiếp điều chỉnh ở từng lĩnh vực cụ thể.

Trước hết phải nói rằng các qui định chung về môi trường trong sạch và lành mạnh được qui định Luật Y tế Môi trường (EPHA). Luật này điều chỉnh hàng loạt những vấn đề liên quan tới y tế môi trường chẳng hạn như quét dọn đường phố, vận chuyển chất thải, xử lý rác thải, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải của các cơ sở bán thực phẩm, chợ, bán hàng rong, gây ô nhiễm nơi công cộng, kiểm soạt tiếng ồn, những yêu cầu về y tế và vệ sinh nơi ở, mậu dịch/ thương mại gây khó chịu (buôn bán những đồ hôi hám gây khó chịu cho người khác), các bể bơi, các cơ sở tang lễ và dịch vụ lễ tang, kiểm soát nguồn cung cấp nước sạch. Như vậy trong các văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh ở từng lĩnh vực đều có những qui định cụ thể cho việc bảo vệ môi trường. Do những lý do khác nhau chúng tôi chỉ đề cập tới một vài văn bản làm ví dụ minh hoạ cho phần bài viết của mình.

* Pháp luật điều chỉnh sự ô nhiễm:

Vấn đề ô nhiễm không khí được điều chỉnh bởi Luật không khí sạch và Qui định (tiêu chuẩn) về không khí sạch; Qui định về giao thông đường bộ (xây dựng và sử dụng) điều chỉnh về việc sử dụng đường và các phương tiện tham gia giao thông (thải khói do sử dụng động cơ đốt trong); Qui định của Luật Y tế môi trường trong đó đề cập tới việc làm gây ô nhiễm những nơi công cộng và các hành vi vi phạm khác nhau trong Luật bảo vệ trật tự vệ sinh nơi công cộng; Luật xí nghiệp trong đó qui định chất lượng không khí trong các nhà máy xí nghiệp; Qui định về việc hút thuốc (cấm hút thuốc ở một số nơi nhất định);

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước được qui định trong Luật kiểm soát ô nhiễm nước và nước thải cùng với Qui định về kinh doanh có chất thải gây ô nhiễm nước;

Luật phòng chống ô nhiễm biển và Luật buôn bán bằng đường biển điều chỉnh việc kinh doanh buôn bán bằng các phương tiện tàu thuyền có thể gây ô nhiễm cho các nguồn lợi thuỷ sản;

Những qui định về kiểm soát chất thải như thu gom rác, quét dọn vệ sinh nơi công cộng, kiểm soát chât thải độc hại và những biện pháp xử lý buộc lao động công ích;

Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, thải các chất độc hại, nguy hiểm được điều chỉnh bởi Luật về chất độc hại và Luật bảo vệ phóng xạ và Luật dầu khí;

Pháp luật kiểm soát tiếng ồn như EPHA và những qui định hướng dẫn thi hành, Luật hàng không, các Qui định về phương tiện giao thông, Luật xí nghiệp và các vi phạm trong Luật bảo vệ trật tự và vệ sinh nơi công cộng. Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng qui trình xem xét phê duyệt các dự án phát triển và công tác qui hoạch cũng góp phần quan trọng vào việc kiểm soát tiếng ồn và các chất gây ô nhiễm đề đảm bảo tối đa môi trường trong lành cho các khu dân cư và khu thương mại;

Luật xí nghiệp và Luật bảo vệ phóng xạ đều có những qui định bảo hộ sức khoẻ cho người lao động tại nơi làm việc.

Trong các văn bản qui pham pháp luật kể trên đều có những qui định cụ thể về bảo vệ môi trường và đi kèm theo đó là những chế tài cụ thể qui định các mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm môi trường. Ngoài mức phạt nặng đối với vi phạm về môi trường biển (mức phạt có thể tới 500.000$),  còn lại các mức phạt khác tương đối nhẹ dao động tư 500$ (gây ô nhiễm nơi công cộng) đến 20.000$ (những hành vi nghiêm trọng như chôn các chất thải trái pháp luật). Các biện pháp buộc lao động công ích có thể kèm theo phạt tiền nếu tái phạm. Phạt tù có thể áp dụng nhưng thường không quá 1 năm. Tuy nhiên theo luật mới sửa đổi bổ sung gần đây thì phạt tù còn được áp dụng cho những người tái phạm trong việc chôn các chất thải trái pháp luật hoặc cho việc thải các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước. Đối với các phương tiện vi phạm thì trước đây sẽ bị Toà án tuyên bố tịch thu sung công quĩ nhưng sau khi có sửa đổi bổ sung của Luật thì pháp nhân còn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của cán bộ nhân viên của cơ quan mình.

* Tranh chấp cá nhân theo án lệ (Common Law):

Ngoài những qui định trong văn bản pháp luật (điều chỉnh những vi phạm môi trường) thì chúng ta còn phải lưu ý tới hệ thống án lệ của Singapore vì án lệ mới là nguồn chủ yếu của pháp luật nước naỳ. Khi đề cập tới tranh chấp chúng ta không chỉ tìm hiểu các qui định trong văn bản mà còn phải tra cứu trong các bản án của tòa án đã tuyên có những vụ án nào liên quan hoặc tương tự không. Chẳng hạn một người nào đó bị tổn hại (về người hoặc tài sản) do hành vi vi phạm (kể cả vi phạm  về môi trường ) của người khác gây ra cho mình có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng và yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp tạm thời (injunction) ngăn chặn hành vi vi phạm. Trong những trương hợp đó thì cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sẽ tiến hành khởi tố và hoàn thành hồ sơ để truy tố ra toà. Người có quyền khởi tố trong các vụ việc như vậy cũng có thể là Thanh tra viên của Vụ kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ môi trường.

Các vụ việc tranh chấp cá nhân thường căn cứ vào những hành vi vi phạm như gậy khó chịu cho người khác, do lỗi bất cẩn, xâm phạm sức khoẻ hay tài sản của người khác… và căn cứ vào nguyên tắc trách nhiệm dân sự trong vụ Ryland kiện Fletcher để kiện người có hành vi vi phạm. Nguyên tắc này có lịch sử hình thành phát triển trong hệ thống án lệ của Anh và Singapore là nước thuộc địa chịu ảnh hưởng của pháp luật của Anh (Common Law). Tuy nhiên, theo cách giải quyết này dưới góc độ môi trường mà nói thì không có hiệu quả nhiều vì vụ kiện được tiến hành trên cơ sở căn cứ dựa vào lỗi và hậu quả do lỗi đem lại chứ không hề có mang tính phòng ngừa hoặc ngăn chặn trước. Hơn nữa việc giải quyết của toà án căn cứ vào lỗi thì  chỉ có thể bồi thường cho cá nhân người bị thiệt hại chứ không đạt được mục tiêu chung là đảm bảo tính bền vững mà yếu tố này phải được pháp luật quy định để bảo vệ môi trường chung cho cả cộng đồng.

* Bảo vệ động vật hoang dã:

Điều 4 Luật bảo vệ các loài chim và động vật hoang dã qui định nghĩa vụ bảo vệ 6 loài chim quý hiếm. Ngoài ra còn phải kể đến các quy định trong các văn bản khác như Luật về vườn quốc gia, Luật về các công trình trong các vườn quốc gia. Một điểm cần nhấn mạnh trong văn bản này là nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra một người dù chỉ mang theo một dụng cụ săn bắn hoặc bẫy đánh bắt vào những khu vực cấm là đã bị coi là vi phạm. Các loại vi phạm được luật quy định chế tài áp dụng cụ thể. Ngoài những loài vi phạm xảy ra trong khu vực cấm mà hình phạt có thể lên tới 10.000$ hoặc tù tới 6 tháng hoặc cả hai thì các vi phạm khác đều bị xử lý với mức phạt thấp dao động từ 500$ đến 1.000$.

Năm 1989 Singapore thông qua Luật bảo vệ động vật quí hiếm (xuất nhập khẩu động thực vật có nguy cơ tiệt chủng) để thực hiện cam kết của mình sau khi tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động thực vật có nguy cơ tiệt chủng (CITES). Mức phạt trong Luật này dao động từ 5.000$ đến 10.000$ (tái phạm).

Ngày 10/3/1993 Singapore đã ký Công ước về đa dạng sinh học và Công ước này đã được phê chuẩn ngày 21/12/1995 nhưng cho tới nay Singapore vẫn chưa ban hành luật để thực hiện Công ước này.

* Bảo vệ thực vật hoang dã:

Những qui định tương tự đối với động vật hoang dã đã trình bày ở trên. Đáng lưu ý là có những qui định cụ thể về việc chặt đốn những cây ở khu vực cấm “Vùng cây bảo tồn” nếu ai vi phạm có thể bị phạt tới 10.000$.

* Bảo vệ đa dạng thủy hải sản:

Hiện tại Singapore chưa có văn bản pháp luật cụ thể nào để bảo vệ đa dạng thuỷ hải sản.

c.  Việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường

* Thực trạng giải quyết tranh chấp về môi trường;

Trong công tác kiểm soát ô nhiễm, các biện pháp như cấp giấy phép và thực hiện chế độ ghi chép, báo cáo được thực hiện nghiêm ngặt tuỳ thuộc vào các hoạt động cụ thể. Đồng thời, Bộ môi trường cũng có cán bộ chuyên trách theo dõi giám sát rất chặt chẽ. Thông qua cơ chế giám sát, kiểm tra như vậy nếu phát hiện có vi phạm (chưa tới mức xử lý) thì cảnh cáo và nếu biện pháp cảnh cáo không có hiệu quả thì sẽ ra quyết định khởi tố. Tuy nhiên  ENV vẫn muốn giải quyết thông qua thương lượng và tìm cách tham khảo ý kiến của cơ quan liên quan và thảo luận trước khi ra quyết định khởi tố. Cơ quan có thẩm quyền cũng có thể ra quyết định khởi tố khi phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng đang xảy ra.

Việc thực thi pháp luật môi trường được các cơ quan chức năng thực hiện thông qua các thủ tục: (i) Cấp giấy phép (như đã trình bày ở trên), (ii) ghi chép báo cáo (luật quy định phải có ghi chép báo cáo các tiêu chuẩn cho phép và định kỳ có kiểm tra theo dõi, nhất là các cơ sở có chất thải. Cán bộ thanh tra có thể định kỳ hoặc khi có yêu cầu đến tận hiện trường kiểm tra), (iii) thanh tra (Thanh tra viên tiến hành thanh tra định kỳ hoặc có thể kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu), (iv), biện pháp cảnh cáo và khởi tố.

Việc xử lý các tranh chấp hoặc vi phạm về môi trường chủ yếu áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thực trạng này có lẽ do quy định của hệ thống pháp luật hiện hành mà trong văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy lại trao thẩm quyền và trách nhiệm quản lý cho nhiều cơ quan. Về mặt này sẽ có những khó khăn trong quá trình thực hiện bởi lẽ nhiều khi người dân sẽ có cảm tưởng rằng bất cứ hành vi nào cũng bị kiểm soát và luôn luôn phải đề phòng. Thực tế cuộc sống ở Singapore là vậy, nhiều người nước ngoài mới tới Singapore lúc đầu cảm thấy không được thoải mái, đôi khi còn cảm thấy rất khó chịu với sự hà khắc này. Một ví dụ cụ thể là một người nghiện thuốc sẽ cảm thấy rất khổ sở khi đi tìm nơi hút thuốc. Chỉ cần bị phát hiện hút thuốc trong thang máy, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trong công sở thì sẽ bị phạt 50$ đến 100$ còn ở dưới ga tầu điện ngầm thì còn bị phạt nặng hơn. Hoặc nếu bị phát hiện vứt rác bừa bãi thì cũng bị phạt tiền và nếu còn tái phạm thì buộc phải lao động công ích. Song có lẽ vì vậy mà Singapore thực hiện thành công được mục tiêu của mình đã đề ra là biến Singapore thành hòn đảo xanh, sạch đẹp trên thế giới.

Như đã trình bày ở trên, hình phạt đối với các vi phạm về môi trường ở Singapore tương đối thấp (thấp là do với mức thu nhập của người dân Singapore. Hầu hết các mức xử lý hành chính không quá 10.000$ và thực tế các toà án cũng chưa khi nào áp dụng mức phạt tối đa. Các công ty có vi phạm thì sẵn sàng nộp phạt và coi đó là một phần chi phí của hoạt động sản xuât kinh doanh. Tuy nhiên trong thực tế ít xảy ra bởi vì các công ty không muốn bị phơi bày trên báo chí và nhất là các công ty lớn thì không muốn hình ảnh về công ty của mình bị mất đi chỉ vì những chuyện vớ vẩn liên quan đến môi trường và nếu một khi đã bị mất uy tín thì công ty phải tốn kém rất nhiều mới có thể lấy lại được uy tín ở thương trường do vậy theo họ cách tốt  nhất là tránh những việc như vậy.

* Cách tiếp cận mới:

Bộ Môi trường đã có sáng tạo đáng kêt trong việc đa dạng hoá cách thức xử lý để hạn chế các vi phạm. Quyết định buộc người vi phạm phải lao động công ích là một ví dụ. Hình thức xử lý này được áp dụng lần đầu tiên từ năm 1992 yêu cầu người vi phạm phải quét dọn vệ sinh môi trường nơi công cộng và đeo một bảng trước ngực cũng như sau lưng để ghi hình đưa lên ti-vi. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả hơn biện pháp phạt hành chính đơn thuần. Người nào vi phạm lần đầu còn phải tham gia bắt buộc một lớp tập huấn để qua đó hiểu được việc vứt rác bừa bãi có thể gây ô nhiễm cho môi trường như thế nào quan đó nâng cao nhận thức cho người vi phạm để họ hiểu và không tái phạm.

* Cơ chế giám sát theo dõi:

Trong các bộ và ngành đều có các chuyên viên giám sát theo dõi diễn biến môi trường một cách rất hiệu quả bằng cách sử dụng các công nghệ hiện đại nhất. Những thông tin thu nhập được trong quá trình theo dõi giám sát cho phép các cơ quan có thẩm quyền phát hiện sớm được các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực môi trường và cho phép sớm đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố ngay từ giai đoạn đầu.

d.  Những vấn đề bất cập:

* Pháp luật về môi trường còn tản mạn:

Có thể nói là quá nhiều loại giấy phép cấp cho một xí nghiệp hay nhà máy trước khi  được hoạt động. Bộ Môi trường đã dự thảo một đạo luật mà theo đó pháp điển hoá các quy định về ô nhiễm môi trường và y tế vào một văn bản thống nhất.

* Vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường:

Theo Điều 14 của Hiệp định ASEAN về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên năm 1985 yêu cầu tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với dự án hoặc hoạt động có thể ảnh hưởng lớn tới môi trường tự nhiên. Tuyên bố Bangkok về môi trường ASEAN (1984) cũng đặt việc đánh giá tác động môi trưòng là một ưu tiên trong quá trình hoạch định chính sách. Trong thực tế Uỷ ban Qui hoạch tổng thể đã yêu cầu tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triên có khả năng gây ô nhiễm cao cho môi trường. Tuy nhiên nhiều khi chưa rõ ràng nhất là trong những trường hợp giải phóng mặt bằng ở các khu có nhiều cây gỗ để xây dựng sân golf.

Tóm lai, kinh nghiệm của Singapore cho thấy quốc gia này thành công trong việc bảo vệ môi trường là do nhiều yếu tố đặc biệt: chẳng hạn như về mặt địa lý đây là một quốc gia nhỏ có vị trí địa lý lý tưởng; Singapore lại có một bộ máy chính quyền hữu hiệu do một ban lãnh đạo năng động và có tầm nhìn xa. Việc quản lý nhà nước và thực thi pháp luật môi trường rất hiệu quả thông qua các bước xử lý của thủ tục hành chính nghiêm ngặt từ khi lập qui hoạch cho tới công tác thanh tra giám sát của mỗi công chức trong việc theo dõi phát hiện kịp thời các vi phạm về môi trường để sớm có giải pháp kịp thời ngăn chặn các sự cố môi trường. Mặt khác thành công của Singapore trong việc quản  lý môi trường một phần là do hệ thống pháp luật về môi trường hướng cho việc xây dựng phát triển các ngành công nghiệp dễ gây ô nhiễm cách xa khu vực dân cư sinh sống và khu thương mại. Bên cạnh đó cũng phải kể tới những biện pháp sáng tạo trong việc ngăn chặn các vi phạm vê môi trường. Một trong những sáng tạo đó có thể kể tới là quy trình xem xét cấp giấy phép sở hữu cho người sử dụng phương tiện giao thông. Một người có tiền mua được xe hơi chưa có nghĩa là đã được sử dụng xe ngay mà còn phải hoàn thành các thủ tục xin giấy phép rồi mới được sử dụng và thời hạn sử dụng một chiếc xe hơi là 10 năm sau đó phải bỏ. Chiếc xe hơi dù là sử dụng ít nhưng 10 năm sau không được phép sử dụng nữa buộc người ra muốn sử dụng phải mua xe mới và được Nhà nước hỗ trợ một phần ba giá trị của xe. Để mua được xe mới thì lại phải có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền là chiếc xe cũ của mình đã  được huỷ bỏ biến thành sắt vụn.

4.  Malaysia

Malaysia cũng giống như Singapore đã từng là thuộc địa của Anh nên nước này cũng chịu ảnh hưởng lớn về cách thức tổ chức bộ máy và hệ thống pháp luật của Anh. Tuy nhiên, Malaysia cũng  có những bản sắc riêng và vì vậy trong báo cáo này chýng tôi sẽ đề cập chủ yếu tới những nét khác biệt của nước này trog lĩnh vực giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp về môi trường nói riêng.

a. Hệ thống văn bản pháp luật gồm:

- Hiến pháp liên bang;

- Luật do Quốc hội ban hành

- Văn bản qui phạm do cơ quan hành pháp ban hành (các quy định của        các bộ).

- Văn bản qui phạm pháp luật của các bang.

Cũng như hệ thống pháp luật của nhà nước đang phát triển, những qui định về môi trường đều được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật đơn  hành chứ không có Bộ luật riêng về môi trường. Do sự tản mạn như vậy nên việc thi hành pháp luật môi trường có  những trở ngại đáng kể.

b. Những khó khăn trong việc thực hiện pháp luật về môi trường;

Malaysia là một nhà nước liên bang. Bên cạnh chính quyền liên bang còn song song tồn tại hệ thống chính quyền của các bang. Ngoài những khó khăn chung về môi trường như các nước đang phát triển trong khu vực và vấn đề ngân sách cũng như nhân lực thì Malaysia còn gặp phải một thách thức lớn nữa là tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về môi trường. Cụ thể là tranh chấp thẩm quyền giữa liên bang và bang; thẩm quyền giữa các cơ quan chức năng ở cấp liên bang và ở bang.

c. Tranh chấp về thẩm quyền giữa liên bang và bang:

Giống như các nhà nước liên bang khác trên thế giới, Malaysia có tổ chức bộ máy chính quyền liên bang và bộ máy chính quyền của các bang. Hiến pháp liên bang của Malaysia trao quyền quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên cho chính quyền các bang. Thêm nữa là đảm bảo các quyền và đặc quyền của hai bang Đông Malaysia và Sarawk. Quốc hội liên bang sẽ chỉ có quyền lập pháp thay cho các bang trong những lĩnh vự mà Hiến pháp đã phân định cụ thể. Vì vậy một số vấn đề cơ bản liên quan tới sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên vẫn thuộc thẩm quyền lập pháp của các bang vì vậy Bộ môi trường chỉ là một cơ quan liên lạc và giữ vai trò điều phối hợp tác của các bang. Đây là một khó khăn trong việc thực hiện các điều ước quốc tế. Trong khi Chính quyền liên bang có quyền gia nhập các công ước quốc tế thì việc thực hiện các điều ước đó lại phụ thuộc vào sự quản  lý của các bang nếu việc thực hiện đó lại liên quan tới các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của bang. Cụ thể là vấn đề bảo vệ môi trường như quản lý rừng, sử dụng đất, bảo vệ động vật hoang dã, thủy điện đều thuộc thẩm quyền của các bang. Chính vì vậy nếu bang nào hiện có những văn bản pháp luật điều chỉnh nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa phù hợp thì cũng không có nghĩa rằng liên bang có thể ban hành văn bản pháp luật áp đặt cho bang đó được. Nghĩa là chỉ có chính quyền bang mới có thẩm quyền lập pháp ở những lĩnh vực đó và nếu liên bang có ban hành luật thì luật đó cũng không phải là luật áp dụng cho bang. Chính vì vậy có thể nói rằng vẫn có sự tranh chấp hay nói cách khác là sự phân định không rõ ràng về thẩm quyền dẫn đến tình trạng có sự lẫn lộn không những về luật áp dụng mà còn có cả sự lẫn lộn về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ở một số lĩnh vức liên quan tới môi trường.

Trước tình hình đó, các toà án đôi khi giải thích văn bản pháp luật của liên bang về mối quan hệ giữa bang và liên bang. Vụ kiện xoay quanh việc xây dựng đập nước Bakun là một ví dụ về tranh chấp thẩm quyền giải quyết giữa liên bang và bang Sarawak. Trong vụ này có sự mâu thuẫn về thẩm quyền quyết định tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với dự án xây dựng nhà nước thuỷ điện ở Sarawak. Theo quy định của Đạo luật chất lượng môi trường (EQA) năm 1974 của liên bang thì việc tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với dự án này phải lấy ý kiến công chúng và các cơ quan hữu quan. Cụ thể là phải gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Uỷ ban tài nguyên thiên nhiên xem xét cho ý kiến trước khi thông qua trong khi Luật tài nguyên thiên nhiên của bang năm 1949 và Luật sửa đổi năm 1994 lại có những quy định khác về vấn đề này, Trong văn bản pháp luật của bang Sarawak ban hành thì lại không có quy định yêu cầu gửi báo cáo để lấy ý kiến như trên. Kết quả là năm 1995 Bộ trưởng liên bang đã phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành mà trong đó nói rõ quy định trên không áp dụng đối với bang Sarawak và Luật chất lượng môi trường đã phải sửa đổi vào năm 1996. Những người dân ở bang này lại căn cứ vào Luật của liên bang đòi thực hiện quyền được thông tin và tham khảo của mình dẫ đến những khó khăn cho việc thực hiện.

Kinh nghiệm của các Nhà nước liên bang khác như Úc, Mỹ, Canada cho thấy rằng việc giải quyết tốt nhất những tranh chấp về thẩm quyền như kiểu trên là cần thể chế hoá mối quan hệ giữa chính quyền liên bang với chính quyền bang theo một cách thức nào đó để cả hai cùng nhau hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề liên quan như việc bảo vệ môi trường chẳng hạn. Một trong những cách thức cho thấy sự phối kết hợp hiệu quả nhất là chính quyền liên bang sẽ cấp kinh phí để cho chính quyền bang tạo lập cơ chế thực thi pháp luật tại bang mình. Bằng cách hợp tác như vậy thì sẽ giải quyết được những tranh chấp về thẩm quyền theo luật định giữa liên bang với bang  và cùng nhau nỗ lực tối đa trong việc bảo vệ môi trường.

d. Thẩm quyền phân tán, chống chéo:

Những vấn đề về thẩm quyền cho thấy còn có những thách thức trong cơ quan quản lý hành chính ở liên bang và ở các bang trong việc giải quyết những vấn đề liên quan tới môi trường. Ngoài vấn đề tranh chấp về thẩm quyền nói trên Malaysia còn gặp một trở ngại nữa là trong  các lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên có khá nhiều cơ quan đều có thẩm quyền. Theo Luật chất lượng môi trường thì Cục Môi trường được thành lập để thi hành Luật này nhưng trách nhiệm chủ yếu là kiểm soát ô nhiễm công  nghiệp còn những ngành khác như lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp và khai thức mỏ thì thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành liên quan và mỗi bộ, ngành như vậy lại có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực của mình. Như vậy sẽ có tình trạng chồng chéo, trùng lặp có khi là mâu thuẫn về chức năng quyền hạn trong việc giải quyết những tranh chấp về môi trường bởi lẽ vấn đề môi trường không phải là một lĩnh vực độc lập mà nó đan xen giữa các ngành và nhiều lĩnh vực. Có thể trở lại với ví dụ ở trên về quy trình tiến hành đánh giá tác động môi trường. Chúng ta có thể thấy rất nhiều cơ quan có thẩm quyền liên quan tới việc đánh giá tác động môi trường. Trong khi Hội đồng chất lượng môi trường được thành lập theo Luật chất lượng môi trường bao gồm đại diện của các cơ quan chính phủ (và cơ quan tổ chức chi chính phủ) có liên quan nhưng danh mục các hoạt động phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì giữa các bộ lại khác nhau tuỳ theo từng ngành hay lĩnh vực, chẳng hạn như các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, sử dụng đất đai, khai thác hải sản, lâm nghiệp… mỗi ngành lại có những yêu cầu và các thủ tục khác nhau theo thẩm quyền và chức năng của mình. Hiện nay Malaixia đang xây dựng văn bản hướng dẫn và các qui định thống nhất áp dụng cho hệ thống đánh giá tác động môi trường liên ngành. Những nỗ lực này có lẽ cần nghiên cứu sâu thêm để áp dụng vào Việt Nam có như vậy chúng ta mới đảm bảo được rằng các chính sách phát triển được hoạch định nhất quán, thống nhất mà vẫn giải quyết tốt được vấn đề môi trường.

g. Những khó khăn trở ngại trong việc áp dụng các chế tài khi giải quyết tranh chấp môi trường

Trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trong đó có pháp luật Malaysia thì việc giải quyết tranh chấp bằng con đường toà án chỉ đặt ra khi có đơn kiện ra toà mà người đi kiện phải chứng minh được mối liên hệ của mình trong việc tranh chấp hay lợi ích của bản thân mình gắn với sự tranh chấp đó. Thậm chí ngay cả khi nguyên đơn có trực tiếp bị thiệt hại thì theo thủ tục tố tụng vẫn phải chưngs minh được hành vi vi phạm của bị đơn dẫn tới thiệt hại cho mình mà những hành vi vi phạm về môi trường thì thường không gây thiệt hại ngay lập tức. Trong thực tế có những hành vi vi phạm nhưng qua một thời gian dài có khi hàng năm sau mới thấy hậu quả của nó. Theo thủ tục tố tụng thì vấn đề thời hiệu lại phải tuân thủ, có nghĩa là có những vi phạm về môi trường đến khi phát hiện ra hậu quả và tổn thất thì thời hiệu khởi kiện lại hết và người bị hại không tìm được giải pháp nào bù đắp lại những tổn thất. Trong những trường hợp như vậy thì toà án cũng đành bó tay và không thể áp dụng chế tài đối với những hành vi vi phạm đã hết thời hiệu khởi kiện.

Tóm lại, Malaisia cũng như các nước đang phát triển khác đều có những trở ngại và thách thức trong vấn đề cân bằng sự phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Khái niệm “phát triển bền vững” chưa được hiểu chính xác và có lẽ còn chưa phù hợp với những giá trị đích thực của nó về mặt lý luận. Việc ứng dụng thực tiễn cụ thể nó trong đời sống thực tế để dung hoà những lợi ích của sự phát triển và lợi ích của môi trường chưa đạt được như mong muốn. Trong thực tiễn ở các nước tư bản thì quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định thường chịu sự tác động ở một chừng mực nhất định của các nhà tài phiệt hay công nghiệp cũng như các doanh nghiệp vì họ có thể lóp – bi các chính khách để có những chính sách phát triển quan tâm tới những lợi ích của họ. Điều đó sẽ đưa tới những thách thức đáng kể cho việc xây dựng các cơ chế bảo vệ hiệu quả môi trường.

5.  Thái Lan

a.  Các cơ quan chức năng liên quan tới môi trường

- Các cơ quan hành chính :

Thái Lan là một nhà nước quân chủ lập hiến. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng điều hành Nội các. Cơ quan chịu trách nhiệm chính về môi trường là Bộ Môi trường (MoE). Các vụ chức năng cơ bản thuộc Bộ Môi trường gồm Vụ kế hoạch và hoạch định môi trường, Vụ Kiểm soát ô nhiễm và Vụ Khuyến khích chất lượng môi trường. Trong các vụ, cục lại được chia ra thành các phòng chức năng chuyên trách từng mảng cụ thể về môi trường.

Ngoài các vụ chuyên môn của Bộ Môi trường còn có các cơ quan chức năng khác cũng có chức năng quản lý về môi trường như Cục Khuyến khích và Phát triển năng lượng, Cơ quan Năng lượng hạt nhân, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ, Cục Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia, Cục quản lý nước.

Bên cạnh đó còn có các cơ quan bộ, ngành khác có chức năng quản lý tài nguyên thiên nhiên như Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (Vụ Thuỷ sản, Vụ Lâm nghiệp, Vụ bảo tồn động vật hoang dã, Vụ phát triển đất đai), Bộ Nội Vụ (Vụ kiểm soát ô nhiễm giao thông, Vụ Bảo vệ rừng, Vụ Kiểm soát nguồn nước), Bộ Công nghiệp (Vụ Địa chất tài nguyên), và Bộ Giao thông liên lạc (Vụ Kiểm soát môi trường đường thuỷ).

Do thẩm quyền được trao cho nhiều cơ quan riêng nên Chính phủ Thái Lan đã thành lập Uỷ ban Môi trường quốc gia do Thủ tướng đứng đầu và thành viên là các bộ trưởng của các bộ, ngành liên quan. Chức năng của Uỷ ban này là điều phối các hoạt động liên ngành trong các hoạt động về môi trường từ việc hoạch định chính sách cho đến việc lập kế hoạch trình lên để Nội các xem xét quyết định rồi xây dựng các tiêu chuẩn về môi trường, lập các kế hoạch tổng thể cũng như các chương trình hành động về môi trường cho các địa phương và các ngành; đặc biệt là chức năng giám sát theo dõi việc tuân theo pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp nhà nước.

- Cơ quan toà án :

Hệ thống toà án Thái Lan được xây dựng theo mô hình truyền thống gồm Toà sơ thẩm, Toà phúc thẩm và Toà án tối cao. Bên cạnh đó còn có các toà chuyên biệt như toà án thuế, toà án gia đình và người chưa thành niên. Đặc biệt Thái Lan còn có hệ thống toà án hành chính song song tồn tại với hệ thống toà án thường. Đây là mô hình của Pháp ảnh hưởng vào Thái Lan. Toà hành chính tối cao của Thái Lan hay còn gọi là Hội đồng Nhà nước là cơ quan có quyền ra quyết định đối với một tranh chấp và quyết định này có hiệu lực cao nhất. Trong lĩnh vực tranh chấp về môi trường giữa một bên là thể nhân với một bên là cơ quan công quyền thì loại tranh chấp này được toà hành chính xem xét giải quyết. Thủ tục tố tụng và trình tự giải quyết các tranh chấp loại này cũng giống như ở Việt Nam. Các loại tranh chấp khác liên quan tới môi trường gữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với pháp nhaan thì căn cứ vào các nguyên tắc của Bộ luật dân sự và được toà dân sự giải quyết. Đối với hành vi phạm tội về môi trường thì Toà hình sự căn cứ vào pháp luật hiện hành để giải quyết. Tuy nhiên, đa số các loại vi phạm về môi trường thường được xử lý hành chính và mức phạt tuỳ thuộc vào hành vi vi phạm cũng như mức độ vi phạm.

b.  Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về môi trường

Thái Lan là một nước có hệ thống pháp luật tương đối giống Việt Nam vì cùng thuộc vào truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law). Với đặc điểm này có thể nói việc ban hành văn bản pháp luật áp dụng chung cho cả nước không có vấn đề gì trở ngại như các nhà nước liên bang. Như vậy nguồn chủ yếu của luật là các văn bản qui phạm pháp luật.

Luật chất lượng môi trường thiên nhiên của Thái Lan năm 1992 (EQA) có thể coi là Văn bản pháp luật khung trong đó chứa đựng những qui phạm tiến bộ nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường. Luật này qui định về quyền của cá nhân được thông tin, bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm môi trường mà người khác gây ra, việc xử lý vi phạm môi trường và nghĩa vụ của cá nhân hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường. Luật cũng thừa nhận vai trò của các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Theo qui định của luật thì Thủ tướng uỷ quyền cho các chính quyền địa phương trong việc giải quyết những trường hợp khẩn cấp khi sự cố môi trường xảy ra. Đặc biệt Luật còn cho phép thành lập một Uỷ ban liên ngành kiểm soát ô nhiễm để theo dõi giám sát việc tuân theo pháp luật về môi trường. Uỷ ban này có quyền ban hành các văn bản qui phạm về tiêu chuẩn môi trường. Một điều rất đáng nghiên cứu là tất cả những chế tài về dân sự, hình sự và hành chính đều được qui định cụ thể trong luật giúp cho việc xử lý những vi phạm về môi trường có hiệu quả hơn.

c.  Những bất cập trong việc thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp về môi trường

Những qui định về bảo vệ môi trường được qui định rải rác trong các văn bản qui phạm pháp luật cụ thể. Chính điều nàylàm cho Thái Lan lại gặp phải những thách thức tương tự như cácnước đang phát triển khác đó là vấn đề tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan ở trung ương cũng như tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan trung ương với các cơ quan ở địa phương. Đây là một trong những mặt hạn chế của hệ thống tổ chức cơ quan hành chính ở các nước đang phát triển.

Chỉ nói riêng ở lĩnh vực môi trường thì đã có sự chồng chéo có khi là mâu thuẫn về chức năng và thẩm quyền giải quyết các vụ việc. Một trong những bất cập đáng nói là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp hay vi phạm về môi trường. Lý do của việc phối hợp lỏng lẻo này một phần là do vấn đề chính trị. Chính phủ Thái Lan là chính phủ liên minh các Đảng thắng cử do vậy các bộ trưởng là thành viên của các Đảng phái khác nhau do vậy việc phối hợp giữa các bộ, ngành không phải lúc nào cũng xuôn xẻ. Mặt khác các chính sách kể cả các chính sách về môi trường cũng không nhất quán và không mang tính liên tục, kế thừa do có sự thay đổi thường xuyên về bộ máy chính phủ.

Theo qui định của Luật chất lượng môi trường thì có thể khiếu nại và khởi kiện những người vi phạm pháp luật về môi trường và đòi bổi thường thiệt hại do hậu quả của việc vi phạm (Điều 6, khoản 2 và 3). Tuy nhiên việc khiếu nại hoặc khởi kiện này lại tuỳ thuộc vào niềm tin nội tâm của các cán bộ trong bộ máy công quyền trong khi người dân hay các tỏ chức phi chính phủ lại không được thông tin đầy đủ về các sự việc vi phạm pháp luật môi trường.

Một điểm đáng lưu ý nữa tới việc giải quyết tranh chấp môi trường ở Thái Lan là truyền thống văn hoá. Theo truyền thống thì người dân Thái Lan (cũng giống như các nước khác trong khu vực) không thích đưa nhau ra toà, chính vì lẽ đó mà hầu như các vụ tranh cháp về môi trường thường được giải quyết theo con đường thương lượng, hoà giải ngoài toà án mặc dù trong Luật chất lượng môi trường (EQA) không hề có qui định nào điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp môi trường bằng con đường thương lượng hay hoà giải.

 

CHƯƠNG 6

ĐÁNH GIÁ NHU CẦU VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

 

I.        ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

1.  Mục tiêu chiến lược và quan điểm phát triển

a.  Mục tiêu chiến lược

B¶ng 20 -           - Mục tiêu tổng quát của chiến lược 10 năm 2001-2010 là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nề tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước côgn nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế cảu nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

B¶ng 21 -           - Mục tiêu cụ thể của chiến lược là:

B¶ng 22 -           + Đưa GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu ding thiết yếu, một phần đáng kể nhu cầu sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Ôn định kinh tế vĩ mô; cán cân thanh toán quốc tế lành mạnh và tăng dự trữ ngoại tệ; bội chi ngân sách, lạm pát, nợ nước ngoài được kiểm soát trogn giới hạn an toàn và tác động tích cực đến tăng trưởng. Tích luỹ nội bộ nền kinh tế đạt trên 30% GDP. Nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP. Tỷ trọng trong GDP của nôgn nghiệp là 16-17%, công nghiệp 40-41%, dịch vụ 42-43%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 50%

B¶ng 23 -           + Nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người (HDI) cảu nước ta. Tốc độ tăng dân số đến năm 2010 còn khoảng 1,1%

B¶ng 24 -           + Năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ đủ khả năng ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiếp cận trình độ thế giới và tự phát triển trên một số lĩnh vực, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, côgn nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá

B¶ng 25 -           + Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu páht triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và có bước đi trước

B¶ng 26 -           + Vai trò chủ đạo cảu kinh tế nàh nước được tăng cường, chi phối các lĩnh vực then chốt cảu nền kinh tế; doanh nghiệp nhà nước được đổi mới, phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả

b.  Quan điểm phát triển:

B¶ng 27 -       - Phát triển nhanh, hiệu quả bvà bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT. Công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển

B¶ng 28 -       - Coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dung đồng bộ nền tảng cho một nước công nghiệp là yêu cầu cấp thiết

B¶ng 29 -       - Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo động lực giải phóng và phát huy mọi nguồn lực

B¶ng 30 -       - Gắn chặt việc xây dung nề kinh tế độc lập, tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

B¶ng 31 -       - Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng an ninh

2.  Định hướng phát triển các ngành kinh tế và các vùng

a.  Định hướng và phát triển các ngành

B¶ng 32 -           * Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn

B¶ng 33 -           - Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hoá lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái trong vùng; chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu lao động, tạo việc làm thu hút nhiều lao động ở nông thôn

B¶ng 34 -           - Xây dung hợp lý cơ cấu sản xuất lương thực phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ, tăng năng xuất đi đôi với nâng cấp chất lượng

B¶ng 35 -           - Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ thông tin.

B¶ng 36 -           - Tiếp tục phát triển và hoàn thiện về cơ bản hệ thống thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt, kiểm soát lũ, đảm bảo tưới, tiêu an toàn, chủ động cho sản xuất nông nghiệp ( kể cả cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và đời sống nông dân

B¶ng 37 -           - Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Hình thành các khu vực tập trung công nghiệp, các điểm công nghiệp ở nông thôn, các làng nghề gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu

B¶ng 38 -           - Giá trị gia tăng công nghiệp kể cả thuỷ sản lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 4.0-4.5%. Đến năm 2010, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 40 triệu tấn. Ty trọng nông nghiệp trong GDP khoảng 16-17%; tỷ trọng ngành chăn nuôi trogn tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên khoảng 25%. Thuỷ sản đạt sản lượng 3.0-3.5% triệu tấn (trong đó khoảng 1/3 là sản phẩm nuôi trồng. Bảo vệ 10 triệu ha rừng tự nhiên, hoàn thành chương trình trồng 5 triệu ha rừng. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 9-10 tỷ USD, trong đó thuỷ sản khoảng 3,5 tỷ USD

B¶ng 39 -           * Công nghiệp, xây dựng

B¶ng 40 -           - Phát triển công nghiệp: Phát triển nhanh các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợ thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đảy mạnh xuất khẩu, như chế biến nông lâm, thuỷ sản , may mặc, da giầy, điện tử - tin học, một số sản phẩm cơ khí và hàng tiêu ding

B¶ng 41 -                     - Phát triển ngành xây dựng : Đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xây dung trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài

B¶ng 42 -       Nhịp độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp (kể cả xây dựng) bình quân trong 10 năm tới đạt khoảng 10-10,5%/năm. Đến năm 2010, công nghiệp và xây dung chiếm 40-41% GDP và sử dụng 23-24% lao động. Giá trị xuất khẩu công nghiệp chiếm 70-75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bảo đảm cung cấp đủ và an toàn năng lượng (điện, dầu khí, than); đáp ứng đủ nhu cầu về thép xây dung phân lân, một phần phân đạm; cơ khí chế tạo đáp ứng 40% nhu cầu trong nước, tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất xe cơ giới, máy và thiết bị đạt 60-70%, công nghiệp điện tử-thôgn tin trở thành ngàn mũi nhọn; chế biến hầu hết nông sản xuất khẩu; công nghiệp hàng tieu ding đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu

B¶ng 43 -       * Kết cấu hạ tầng :

B¶ng 44 -       Phát triển năng lượng đi trước một bước đáp ứng yếu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia

B¶ng 45 -       Phát triển mạng lưới thông tin hiện đại và đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hộ đặc biệt là trong hệ thống lãnh đạo, quản lý và các dịch vụ tài chính, thương mại, giáo dục y tế, tư vấn

B¶ng 46 -       Cung cấp đủ nước sạch cho đo thị, khu côgn nghiệp và cho trên 90% dân cư nông thôn. Giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý chất thải ở các khu đô thị

B¶ng 47 -       * Các ngành dịch vụ :

B¶ng 48 -       Phát triển mạnh thương mại, nang cao năng lực và chất lượng hoạt động để mở rộng thị trường trong nước và hội nhập quốc tế có hiệu quả

B¶ng 49 -       Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hoá

B¶ng 50 -       Tiếp tục phát triển nhanh và hiện đại hoá dịch vụ bưu chính-viễn thông; phổ cập sử dụng Internet

B¶ng 51 -       Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn

B¶ng 52 -       Mở rộng các dịch vụ tài chính, tiền tệ như tín dụng, bảo hiểm, kiểm toán, chứng khoán

B¶ng 53 -       Toàn bộ các hoạt động dịch vụ tính theo giá trị gia tăng đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 7-8%/ năm và đến 2010 chiếm 42-43% GDP, 26-27% tổng số lao động.

b.  Định hướng phát triển các vùng

B¶ng 54 -           Khu vực đô thị: phát huy vai trò của các trugn tâm hành chính, kinh tế, văn hoá trên trong vùng và địa phương, đi nhanh trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, đi đầu trong việc phát triển kinh tế tri thức. Tạo vành đai nông nghiệp hiện đại ở các thành phố lớn

B¶ng 55 -           Khu vực nông thôn đồng bằng:phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng trên nền cây lúa, cây rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản và ứng dụng phổ biến các tiên bộ KH&CN trong sản xuất, chế biến, bảo quản tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thành điện khí hoá và thực hiện cơ giới hoá ở những khâu cần thiết. Nâng cao nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích nông nghiệp. Chuyển nhiều lao động sang khu vực công nghiệp và dịch vụ .Phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, mạng lưới công nghiệp, chế biến nông lâm thuỷ sản và các dịch vụ

B¶ng 56 -           Khu vực nông thôn trung du miền núi:phát triển đẩy mạnh cây dài ngày, chăn nuôi đại gia súc và công nghiệp chế biến. Bảo vệ và phát triển vốn rừng. Hoàn thành và ổn định vững chắc định canh, định cư. Bố trí lại dân cư, lao động và đát đai theo quy hoạch đi đôi với xây dung kết cáu hạ tầng kinh tế, xã hộ để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Phát triển kinh tế trang trại. Giảm bớt khoảng các phát triển với nông thôn đồng bằng. Có chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, cửa khẩu

B¶ng 57 -           Khu vực biển và hải đảo:xây dung chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nuôi, trồng khai thác, chế biến hải sản, thăm dò,khai thác và chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển: mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế cảu các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dung căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ anh ninh trên biển

B¶ng 58 -           Trong 10 năm tới, phát triển trong vùng lớn tập trung vào những định hướng quan trọng sau:

B¶ng 59 -           1. Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

B¶ng 60 -           2. Miền Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

B¶ng 61 -           3. Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Trung Bôh và vùng kinh tế trọng điểm            miền Trung

B¶ng 62 -           4. Trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc)

B¶ng 63 -           5. Tây Nguyên

B¶ng 64 -           6. Đồng bằng sông Cửa Long

c.  Hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

B¶ng 65 -       * Phát triển nề kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu

B¶ng 66 -       - Đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh cảu mọi thnàh phầnk inh tế với các hình thức sở hữu khác nhau

B¶ng 67 -       - Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nàh nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau

B¶ng 68 -       - Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế

B¶ng 69 -       - Phát triển kinh tế tâp jthể với các hình thức hợp tác đa dạng

B¶ng 70 -       - Kinh tế có thể và tiểu thủ ở nông thôn và thành thị được Nhà nước tạo điều kiện để phát triển

B¶ng 71 -       - Kinh tế tư được khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm

B¶ng 72 -       - Kinh tế tư bản nhà nước dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân trong và ngoài nước ngày càng phát triển đa dạng.

B¶ng 73 -       - Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích phát triển, hướng mạnh vào sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ có côgn nghệ cao, xây dung kết cấu hạ tầng

B¶ng 74 -       * Tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

B¶ng 75 -       - Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện các loại thị trường đi đôi với xây dung khuôn khổ pháp lý và thể chế, để thị trường hoạt động năng động, có hiệu quả, có trật tự, kỷ cương trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh

B¶ng 76 -       - Phát triển thị trường vốn và tiền tệ, nhất là thị trường vốn trung và             dài hạn.

B¶ng 77 -       - Nhà nước tô ntrọng nguyên tắc và cơ chế hoạt động khách quan của thị trường, tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực của thị trường

B¶ng 78 -       * Đổi mới chính sách và kiện toàn hệ thống tài chính tiền tệ :

B¶ng 79 -       Tích cực đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, động viên hợp lý và phân phối có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

B¶ng 80 -       * Mở rộng và nang cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

B¶ng 81 -       Tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình phù hợp với điều kiện của nước ta và bảo đảm thực hiện những cam kết trong quan hệ song phương như AFTA, APEC, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ tiến tới gia nhập WTO

d.  Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ

B¶ng 82 -       a. Giáo dục và đào tạo. Để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá,cần tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo

B¶ng 83 -       b. Khoa học và công nghệ. Tăng cường tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển đất nước.

e.  Phát triển văn hoá xã hội

B¶ng 84 -       a. Phát triển văn hoá, nghệ thuật, thông tin, thể dục thể thao

B¶ng 85 -       b. Dân số và việc làm

B¶ng 86 -       c. Xoá đói giảm nghèo

B¶ng 87 -       d. Tiền lương và thu nhập

B¶ng 88 -       e. Phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khẻo nhân dân

B¶ng 89 -       g. Đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và bệnh dịch AIDS

f.  Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dung bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh

B¶ng 90 -       a. Đổi mới thể chế

B¶ng 91 -       b. Kiện toàn hợp lý tổ chức bộ máy nhà nước

B¶ng 92 -       c. Nâng cao phẩm chất, năng lực cảu đội ngũ cán bộ công chức

B¶ng 93 -       d. Ngăn chặn và đẩy lùi tham nhung quan liêu

II.      ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM  ĐẾN NĂM 2010

1.  Quan điểm chỉ đạo

Để thực hiện thành công Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15 tháng 11 năm 2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được ban hành tại Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ), cần quán triệt các nguyên tắc chỉ đạo sau đây:

1- Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

2- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

3- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông ta.

4- Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống.

5- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

2.  Những định hướng lớn đến năm 2020

a. Ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định.

b. Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chính sau:

- 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001.

- 100% đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế.

- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Nâng cao tỷ lệ đất rừng che phủ đạt 48% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.

- 100% sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và 50% hàng hoá tiêu dùng trong nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021.

3.  Mục tiêu chiến lược

a.  Mục tiêu tổng quát

- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

- Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

- Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên.

b.  Mục tiêu đến năm 2010

Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường; giải quyết một bước cơ bản tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư đông đúc ở các thành phố lớn và một số vùng nông thôn; cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh mương. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh học. Chủ động thực hiện và đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế các ảnh hưởng xấu của quá trình toàn cầu hoá tác động đến môi trường trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

c.  Các mục tiêu cụ thể

* Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm:

- 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001.

- 30% hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng gom rác thải.

- 40% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

- An toàn hoá chất được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các hoá chất có mức độ độc hại cao; việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường được hạn chế tối đa; tăng cường sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp.

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

* Cải thiện chất lượng môi trường:

- Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở các đô thị và khu công nghiệp. Phấn đấu đạt 40% các đô thị có hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải riêng theo đúng tiêu chuẩn quy định.

- Cải tạo 50% các kênh mương, ao hồ, đoạn sông chảy qua các đô thị đã bị suy thoái nặng.

- Giải quyết cơ bản các điểm nóng về nhiễm độc đi-ô-xin;

- 95% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- 90% đường phố có cây xanh; nâng tỷ lệ đất công viên ở các khu đô thị lên gấp 2 lần so với năm 2000.

- 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động và có cây xanh trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất.

- Đưa chất lượng nước các lưu vực sông đạt mức tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho nông nghiệp và nuôi trồng một số thủy sản.

* Bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao:

- Phục hồi 50% các khu vực khai thác khoáng sản và 40$ các hệ sinh thái đã bị suy thoái nặng.

- Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đạt 43% tổng diện tích đất tự nhiên, khôi phục 50% rừng đầu nguồn đã bị suy thoái và nâng cao chất lượng rừng; đẩy mạnh trồng cây phân tán trong nhân dân.

- Nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch đạt 5% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm.

- Nâng tổng diện tích các khu bảo tồn tự nhiên lên gấp 1,5 lần hiện nay đặc biệt là các khu bảo tồn biển và vùng ngập nước.

- Phục hồi diện tích rừng ngập mặn lên bằng 80% mức năm 1990.

* Đáp ứng các yêu cầu về môi trường để hội nhập kinh tế quốc tế và hạn chế các tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hoá:

- 100% doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng và hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.

- 100% sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát.

- Loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu chất thải nguy hại.

4.  Các nội dung chiến lược

a.  Các nhiệm vụ chung

* Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường

Bảo đảm yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các qui hoạch, dự án đầu tư; không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ việc gia tăng dân số cơ học, hình thành hệ thống các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực về dân số, giao thông, môi trường lên các thành phố lớn. Tập trung bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm; chủ động phòng tránh thiên tai; hạn chế và khắc phục xói lở ven biển và dọc các sông phù hợp với quy luật của tự nhiên; quan tâm bảo vệ môi trường biển.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn; chú trọng quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế, nghiên cứu khoa học. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Chú trọng bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là ở các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Tích cực góp phần hạn chế tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế. Từng bước áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do mình sản xuất, nhập khẩu.

* Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái

Ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái đã bị suy thoái nặng.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Từng bước khắc phục các khu vực bị nhiễm độc do hậu quả chất độc hoá học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

* Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học

Chủ động tổ chức điều tra cơ bản để sớm có đánh giá toàn diện và cụ thể về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và về tính đa dạng sinh học ở nước ta.

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình, tập thể bảo vệ và phát triển rừng.

Bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm hại của các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm.

Việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và phải gắn với bảo vệ môi trường trước mắt và lâu dài.

* Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường

Hình thành cho được ý thức giữ gìn vệ sinh chung, xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống không văn minh, không hợp vệ sinh, các hủ tục trong mai táng.

Xây dựng công sở, xí nghiệp, gia đình, làng bản, khu phố sạch, đẹp đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân.

Quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường. Thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

* Đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng và hoàn thiện chính sách và tiêu chuẩn môi trường phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngăn chặn việc lợi dụng rào cản môi trường trong xuất khẩu hàng hoá làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh. Hình thành các cơ chế công nhận, chứng nhận phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.

Tăng cường năng lực kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi chuyển chất thải, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta.

b.  Nhiệm vụ cụ thể

* Đối với vùng đô thị và vùng ven đô thị

- Chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, ao, hồ; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường các lưu vực sông, trước hết là đối với sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Hương, sông Hàn:

- Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp;

- Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có giải pháp khắc phục có hiệu quả;

- Hạn chế hợp lý mức độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, quy định và thực hiện các biện pháp giảm khí độc, khói, bụi thải từ các phương tiện giao thông và trong thi công xây dựng công trình;

- Khắc phục tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng bằng cách bảo đảm các điều kiện về nơi vệ sinh, phương tiện đựng rác ở những nơi đông người qua lại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;

- Tăng lượng cây xanh dọc các tuyến phố và các công viên, hình thành các thảm cây xanh trong đô thị và vành đai xanh xung quanh đô thị;

- Trong công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới hoặc chỉnh trang đô thị với quy mô lớn, cần chú ý bố trí diện tích đất hợp lý cho các nhu cầu về cảnh quan môi trường và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho công tác bảo vệ môi trường.

* Đối với vùng nông thôn

- Hạn chế sử dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; thu gom và xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hoá chất sau khi sử dụng;

- Bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là đối với các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc mở đường giao thông và các hoạt động gây tổn hại đến tài nguyên rừng; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và khôi phục rừng ngập mặn; phát triển kỹ thuật canh tác trên đất dốc có lợi cho bảo vệ độ màu mỡ của đất, ngăn chặn tình trạng thoái hoá đất và sa mạc hoá đất đai;

- Nghiêm cấm triệt để việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ; ngăn chặn nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản; quy hoạch phát triển các khu bảo tồn biển và bảo tồn đất ngập nước;

- Phát triển các hình thức cung cấp nước sạch nhằm giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho nhân dân ở tất cả các vùng nông thôn trong cả nước; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm;

- Khắc phục cơ bản nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cơ sở công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp đi đôi với hình thành các cụm công nghiệp bảo đảm các điều kiện về xử lý môi trường; chủ động có kế hoạch thu gom và xử lý khối lượng rác thải đang ngày càng tăng lên;

- Hình thành nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế; chú ý khắc phục tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều vùng ven biển;

- Trong quá trình đô thị hoá nông thôn, quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn phải hết sức coi trọng ngay từ đầu yêu cầu bảo vệ môi trường.

5.  Các chương trình và dự án ưu tiên

Để đạt được các mục tiêu, thực hiện các nội dung đã được đề ra, một danh mục 36 chương trình, dự án ưu tiên đã được phê duyệt:

1. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá X, kỳ họp thứ 2 về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng).

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

2. Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thực hiện theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”).

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

3. Chương trình khắc phục hậu quả chất độc màu da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trước đây (thực hiện theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trước đây).

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

4. Chương trình phục hồi rừng đầu nguồn bị suy thoái nghiêm trọng:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

5. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (thực hiện theo Quyết định số 237/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn)

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

6. Chương trình xử lý chất thải nguy hại:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

7. Chương trình xử lý chất thải bệnh viện:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

8. Chương trình cải tạo kênh mương, sông, hồ ở đô thị đã bị ô nhiễm và suy thoái nặng

- Cơ quan chủ trì: Bộ Xây dựng.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

9. Chương trình tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

10. Chương trình nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đô thị và xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Xây dựng

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

11. Chương trình tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên (thực hiện theo Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010).

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Thuỷ sản, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

12. Chương trình hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

13. Chương trình nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

14. Chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

15. Chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

16. Chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

17. Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001 - 2010 (thực hiện theo Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001 - 2010).

- Cơ quan chủ trì: Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

18. Chương trình bảo vệ các vung đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

19. Đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân” (thực hiện theo Quy định số 1368/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”).

- Cơ quan chủ trì: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

20. Chương trình lồng ghép yếu tố môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

21. Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

22. Chương trình nâng cao năng lực và hoạt động quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Xây dựng.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

23. Chương trình cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

24. Chương trình phục hồi các hệ sinh thái đặc thù đã bị suy thoái nghiêm trọng.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

25. Chương trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ở tất cả các khu công nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công nghiệp.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

26. Chương trình tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

27. Chương trình xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

28. Chương trình áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công nghiệp.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

29. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Thương mại.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

30. Chương trình xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

31. Chương trình phục hồi môi trường ở các vùng khai thác khoáng sản.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Công nghiệp.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

32. Chương trình bảo vệ và phát triển các di sản tự nhiên và di sản văn hoá.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

33. Chương trình xây dựng và phổ biến nhân rộng các mô hình làng kinh tế sinh thái.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

34. Chương trình bảo vệ các loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

35. Chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan.

36. Chương trình nâng cao năng lực quan trắc môi trường.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan./.

 

6.  Các giải pháp thực hiện

a.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người, đặc biệt là trong thanh niên, thiếu niên; đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân, tăng dần thời lượng và tiến tới hình thành môn học chính khoá đối với các cấp học phổ thông.

Tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm, đúng mức mọi vi phạm.

Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về môi trường để đánh giá mức độ bảo vệ môi trường của từng xí nghiệp, cơ quan, gia đình, làng bản, khu phố, tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên.

Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với môi trường.

b.  Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, trước mắt sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường.

Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Xây dựng và phát triển các cơ chế giải quyết vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng. Chú trọng xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Sớm xây dựng, ban hành quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

c.  Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường

Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và dịch vụ.

Tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư.

Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; duy trì và phát triển giải thưởng môi trường hàng năm. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng.

d.  Áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường

Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường.

Áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường.

e.  Tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường

Đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho môi trường. Riêng ngân sách nhà nước cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đến năm 2006 đạt mức chi không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường.

Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho bảo vệ môi trường; tăng tỷ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

f.  Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường

Nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường.

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xây dựng đồng bộ và nâng cao năng lực các cơ quan nghiên cứu phát triển về môi trường. Hiện đại hoá trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá về bảo vệ môi trường.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường

Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực về môi trường; thực hiện đầy đủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các cam kết quốc tế, chương trình, dự án song phương và đa phương về bảo vệ môi trường phù hợp với lợi ích quốc gia.

Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia.

Nâng cao vị thế của nước ta trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu về môi trường.

Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

III.   QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG NẢY SINH

1.  Về bản chất của hội nhập quốc tế

Nhìn chung các tác giả cho rằng hội nhập khác với TCH vì nó là kết qủa củamột hoạt động chính trị có chủ đích rõ ràng của nước này hay nước nọ nhằm hình thành một tập hợp khu vực để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường cho sản phẩm và dịch vụ của nước mình. Do đó hội nhập là hành động chủ quan của con người, ở đây là của các chính phủ, nhằm lợi dụng sức mạnh của thời đại để tăng cường sức mạnh dân tộc mình. Hội nhập quốc tế trước kia cũng như hiện nay cùng có mục đích giốngnhau là lợi dụng đến mức tối đa sự hợp tác quốc tế để tăng cường sức mạnh dân tộc. Hội nhập quốc tế ngày nay với TCH tuy là hai quá trình khác nhau vì hội nhập là hành động chủ quan còn TCH là hiện tượng khách quan nhưng chúng có mối quan hệ thân thiết với nhau. Hội nhập quốc tế là hành động chủ quan do đó nó có thể cho phép chúng ta đi từng bước phù hợp vơí khả năng và lợi ích của mình, giúp chúng ta tìm được chỗ thích hợp nhất trong con tàu TCH, nhưng mặt khác do TCH là con tàu chỉ chạy một chiều và không đậu lại ở bến nào cả, cho nên muốn không nhỡ hoặc văng ra khỏi con tàu này, tức là tụt hậu, thì quá trình hội nhập cũng phải khẩn trương và có những quyết định mạnh dạn.

2.  Hội nhập quốc tế của Việt Nam

Các tác giả Việt Nam cho rằng hội nhập quốc tế của Việt Nam là một yêu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với sự phát triển của thời đại ngày càng có xu hướng TCH và khu vực hoá. Phần lớn các tác giả đều có quan điểm chung thống nhất khẳng định xu hướng tất yếu đó.

Cuộc đổi mới hơn 10 năm qua của Đảng đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước tiến hơn nữa thì hợp tác càng trở thành một yêu cầu khách quan trong khung cảnh quốc tế hiện nay có sự liên kết khu vực, liên kết quốc tế toàn cầu phát triển hết sức nhanh chóng, lại diễn ra ở các cấp độ khác nhau, tay đôi, tay ba, tứ giác, ngũ giác trên các châu lục. Sự tham gia hợp tác vào các liên kết này tạo cho các thành viên phát huy được mặt mạnh riêng của mỗi quốc gia, phát huy tối đa lợi thế nội lực của mình, vừa liên kết vừa cạnh tranh, vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa những nước có trình độ phát triển khác nhau. Bởi vậy, bất cứ quốc gia nào không muốn bị gạt ra ngoài lề của dòng chảy phát triển đều phải nỗ lực hội nhập vào xu thế chung,  điều chính chính sách, giảm dần hàng rao quan thuế và dỡ bỏ hàng rào phí quan thuế, làm cho việc trao đổi hàng hoá, luân chuyển vốn, lao động, công nghệ và kỹ thuật trên phạm vi thế giới ngày càng thông thoáng hơn. Đó là một yêu cầu thực tế khách quan. Vấn đề đặt ra là phải chọn tiến hành hội nhập quốc tế như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh và qúa trình phát triển của               mỗi nước.

Các tác giả Việt Nam khi phân tích về thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi hội nhập quốc tế, quan điểm có nhiều nét giống nhau, nhưng sắp xếp thứ tự khác nhau.

Hội nhập quốc tế, mà trước hết là hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế quốc dân của ta, đáp ứng yêu cầu kết hợp sự phát huy nội lực với ngoại lực hợp tác quốc tế, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Một số thời điểm hoàn thành các mục tiêu hội nhập của một số tổ chức khu vực và thế giới mà ta đã và sẽ tham gia trùng hợp với các mốc phát triển của ta. Các lĩnh vực hợp tác mà họ quan tâm cũng là những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của ta. Đáp ứng các yêu cầu hội nhập cũng chính là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế của ta.

Chúng ta có tiềm năng to lớn cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn vốn con người để đi vào hội nhập với một vị thế xứng đáng. Những lợi thế gồm có : tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa – chính trị quan trọng : vừa nằm trong một khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, vừa có những tuyến đường hàng hải quan trọng ở Châu á - Thái Bình Dương, vì vậy đó là một yếu tố chiến lược quan trọng đối với hoạt động kinh tế thương mại của khu vực và thế giới, lại có một lực lượng lao động tài trí, và có tay nghề khéo léo, cần cù, một thị trường thụ tiềm tàng với gần 80 triệu dân có sức mua ngày càng tăng, đó là những yếu tố quyết định trong phân công lao động quốc tế. Chúng ta đã tạo dựng được một sự tuỳ thuộc lẫn nhau đáng kể đối với các nền kinh tế thế giới và khu vực: về thị trường nông sản và thị trường năng lượng.

Chúng ta bước vào hội nhập khi đã và đang thực hiện thành công quá trình đổi mới, hai quá trình này gắn bó, bổ trợ cho nhau, bởi vì những cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế không trái với những chủ trương đổi mới của ta, ngược lại phần nào có tác động xúc tác, thúc đẩy quá trình đổi mới. Thực hiện thành công đổi mới là tạo điều kiện cho ta hội nhập có hiệu quả nhất. Nhịp độ phát triển kinh tế cao và sự ổn định về chính trị đạt được hơn 10 năm qua đã tạo thế và đà cho Việt Nam hội nhập. Đặc biệt những thành tựu chúng ta đạt được trong quá trình xây dựng một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với một thể chế cơ bản cuả kinh tế thị trường đã được hình thành và phát triển.

Hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới tạo điều kiện cho ta tranh thủ ngoại lực, khai thác nhiều loại tiềm năng thông qua hợp tác đa dạng với quốc tế để phát huy những lợi thế của ta, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tranh thủ những công nghệ tiên tiến của họ để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam vào năm 2020.

Hội nhập kinh tế cũng tạo điều kiện để bảo đảm an ninh quốc gia. An ninh kinh tế có ý nghĩa quan trọng quyết định để bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc.

* Khó khăn và thách thức:

Các tác giả Việt Nam cho rằng khó khăn lớn nhất của chúng ta là trình độ phát triển kinh tế còn thấp và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ của ta còn yếu. Chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu nhanh chóng hội nhập quốc tế để tranh thủ các đieèu kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế với nhu cầu cần có đủ thời gian xây dựng một nền kinh tế cs sức cạnh tranh để hội nhập có hiệu quả.

Chúng ta bước vào hội nhập lại sau rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm ta xúc tiến các bước tiếp theo của quá trình hội nhập cũng là lúc khu vực Đông Nam á đang phải trải quamột cuộc khủng hoảng tài chính không lường trước được, nó cho thấy mặt trái của quá trình TCH mà chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua.

Các cơ chế củ một nền kinh tế thị trường của nước ta còn đang trong giai đoạn hình thành, hệ thống pháp luật của ta chưa hoàn chỉnh, còn thiếu nhiều luật lệ liên quan đến kinh tế đối ngoại hiện đại, những luật lệ hiện hành lại còn có mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đặt lợi ích lâu dài, cơ bản và mục tiêu phát triển chung của cả nền kinh tế lên trên một số lợi ích trước mắt và quyền lợi cục bộ của một số ngành, một số doanh nghiệp, và của địa phương.

Một khó khăn lớn nữa là sự hiểu biết của chúng ta về các tô chức cần hội nhập còn rất hạn hẹp, đội ngũ cán bộ còn yếu cả về khả năng chuyên môn, kỹ năng hoạt động đa phương lẫn trình độ ngoại ngữ, nhìn chung yếu cả chất lượng và thiếu cả số lượng. Các ngành các cấp, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng bước vào hội nhập.

3.  Tình hình hội nhập quốc tế về BVMT trong thời gian qua 

Trong thời gian qua nước ta đã tăng cường các nỗ lực quốc gia để BVMT đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực nhằm hoà nhập với sự nghiệp BVMT của cộng đồng quốc tế và nâng cao năng lực BVMT quốc gia.

a.  Mở rộng và đẩy mạnh hợp tác trong khu vực

Việc hợp tác với các nước ASEAN và khu vực tiểu vùng Mê kông trong lĩnh vực môi trường được đặc biệt chú trọng phát triển trong 3 năm qua. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt nam đã tham gia một cách đầy đủ và tích cực vào Tổ chức các quan chức cao cấp về môi trường của ASEAN. Tham gia các nhóm công tác về môi trường, chủ động trong việc hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khuôn khổ ASEAN. Đặc biệt Việt Nam đã đưa ra sáng kiến vvè Diễn đàn môi trường ASEAN và tổ chức thành công diễn đàn lần thứ nhất tại Hà Nội với sự tham gia của 10 nước thành viên và các tổ chức quốc tế trong khu vực liên quan tới môi trường vào năm 1999..Trồng và phát triển Vườn cây ASEAN tại đảo Tuần châu như một minh chứng hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường. Xúc tiến khảo sát và đề xuất các khu bảo tồn ASEAN tại Việt Nam..

Với các nước Tiểu vùng Mê Kông, đặc biệt là Lào và Căm pu chia đã có những bước phát triển mới trong hợp tác BVMT. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam, Lào, Căm pu chia lần thứ nhất  đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, tháng 5/ 2001. Tại Hội nghị này, bản thoả thuận chung đã được Bộ trưởng Môi trường 3 nước ký kết nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự hợp tác giữa 3 nước trong lĩnh vực BVMT. Ngoài ra Việt Nam còn tham gia  Xây dựng khung chiến lược tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Quản lý đầu nguồn và xoá đói giảm nghèo…

b.  Hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế khác

Hợp tác đa phương và song phương luôn luôn được coi trọng, đã thúc đẩy và mở ra các quan hệ hợp tác môi trường với Cu ba, Ru am ni, Hàn quốc. Trong những năm qua chúng ta đã tranh thủ được nhiều sự hỗ trợ quý báo của các nước và các tổ chuức quốc tế trong lĩnh vực môi trường.

Nhiều nước như Hà lan, Thuỷ điển, Đan Mạch, Canađa tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua những dự án lớn: Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Môi trường từ Trung ương đến địa phương, Xây dựng chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý tổng hợp dải ven bờ, xây dựng chiến lược và chương trình hành động BVMT… các dự án trên đã đóng góp rất hiệu quả cho công tác BVMT của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để chúng ta nhanh chóng hội nhập quốc tế.

Các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng thế giới, WWF, IUCN cũng có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ cho công tác BVMT của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các vùng đất ngập nước, khuyến khích sử dụng xăng không pha chì…

 Đặc biệt với sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ, lần đầu tiên Việt nam tổ chức Hội nghị đối tác Môi trường và có một công trình nghiên cứu  đánh giá đầy đủ các dự án ODA trong lĩnh vực Môi trường . Trên cơ sở này, Nhóm hỗ trợ quốc tế về môi trường đã được  thành lập nhằm tăng cường cách tiếp cận đối tác trong các dự án đầu tư về Môi trường và găns kết các ưu tiên quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực Môi trường. Việc thực hiện các công ước và điều ước quốc tế về BVMT mà Việt nam tham gia cũng đã đi vào nề nếp, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cố gắng điều phối tôt các hoạt động của các cơ quan đầu mối thực hiện các công ước này nhằm đạt hiệu quả thực hiện cao.

Đánh giá chung : Công tác hợp tác quốc tế trong BVMT của Việt nam trong thời gian qua đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Năng lực của các cơ quan quản lý môi trường được nâng lên rõ rệt. Các kiến thức cơ bản về các mảng trong công tác BVMT được trang bị cho các cán bộ quản lý không chỉ thuộc cơ quan môi trường mà các cơ quan có liên quan cũng được tham gia. Thông qua các dự án quốc tế, việc hội nhập vào cộng đồng quốc tế và khu vực cũng được thúc đẩy nhanh và có hiệu quả trong lĩnh vực BVMT, đã chủ động và tích cực đề xuất tham gia vào các nội dung và hình thức hợp tác. Hợp tác song phương và đa phương tiếp tục được thúc đẩy cả về diện rộng lẫn chiều sâu, đã có những đóng góp  thiết thực cho việc thực hiện một số đề án, nhiệm vụ BVMT quan trọng cũng như góp phần tăng cường tiềm lực vật chất và kỹ thuật cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý môi trường.

4.  Những vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình hội nhập

a.  Xu thế suy giảm chất lượng môi trường tiếp tục gia tăng

          Xu thế suy giảm môi trường  có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Điều đó có thể xẩy ra do các nguyên nhân chính sau đây:

          - Là kết quả tổng hợp của nhiều quá trình phức tạp, xu thế suy giảm chất lượng môi trường không thể ngăn chặn ngay, thậm chí trong vòng một vài             năm tới.

          - Các áp lực lên môi trường, những  nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng mạnh và liên tục trong thời gian tới và tác động tiêu cực lên tất cả các thành phần môi trường.

          - Khả năng hành động thực tế của chúng ta trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay còn rất hạn chế so với yêu cầu cần có.

          . Cần thiết phải có những nỗ lực vượt bậc để ngăn chặn xu Như vậy, thách thức lớn nhất và bao trùm nhất đối với môi trường nước ta trong thời gian tới chính là tốc độ ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường tiếp tục gia tăng thế này.

Tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu ngày càng mạnh và phức tạp hơn.

Phần trên đã đề cập đến một số vấn đề môi trường toàn cầu có tác động đến môi trường nước ta, nhưng đó chưa phải là tất cả. Hơn thế nữa, việc thực hiện một cách chậm chạp và kém hiệu quả các khuyến nghị của Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường và phát triển bền vững Rio - 92 và đặc biệt là Chương trình Nghị sự 21- Chương trình vì sự thay đổi, cho thấy trước một viễn cảnh không sáng sủa lắm của hoạt động bảo vệ môi trường trên thế giới nói chung. Nhiều vấn đề có tính toàn cầu sẽ còn xuất hiện. Đặc biệt, tác động tiêu cực của các vấn đề môi trường toàn cầu cũ và mới sẽ được tích luỹ, sẽ gia tăng về cường độ và quy mô, gây ra rất nhiều hệ quả phức tạp về mặt môi trường, làm cho nền an ninh sinh thái của mỗi quốc gia bị đe dọa bị mất ổn định. Ơ những nước đang phát triển và chưa có đủ năng lực về quản lý môi trường như nước ta, tác động của các vấn đề toàn cầu chắc chắn sẽ ngày càng mạnh và phức tạp hơn. Môi trường nước ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng một cách toàn diện và chưa lường hết được.

b.  Gia tăng dân số và di dân tự do tiếp tục gây áp lực

Những thách thức về dân số của nước ta là rất nghiêm trọng đối với tất cả các vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Tăng dân số vẫn ở mức cao và di dân nội bộ từ các khu vực nghèo tài nguyên thiên nhiên và kinh tế kém phát triển vẫn đang tăng lên, không kiểm soát được. Trung bình trong 10 năm qua (1998-1999) tỷ lệ tăng trưởng dân số là 1,7%. Với mức tăng trưởng như vậy thì theo các dự báo đến năm 2020 số dân nước ta sẽ xấp xỉ 100 triệu người, tương ứng với dân số nước ta trước năm 1945, trong khi tài nguyên đất, tài nguyên nước và các dạng tài nguyên khác có xu thế giảm, vấn đề nghèo đói ở các vùng sâu vùng xa chưa được giải quyết triệt để (hiện có 1750 xã ở diện đói nghèo). Tất cả những vấn đề trên là những thách thức nghiêm trọng, gây ra sức ép to lớn đối với cả tài nguyên và môi trường trên phạm vi toàn quốc.

c.  Tăng trưởng nhanh về kinh tế cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang tác động mạnh lên môi trường.

Quá trình phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp hóa đòi hỏi các nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu này càng to lớn, kéo theo chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi, nếu không có biện pháp hữu hiệu ngay từ đầu. Mặt khác, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa ở nhiều khu vực vùng lãnh thổ lại không quán triệt đầy đủ quan điểm phát triển bền vững, tức là chưa tính toán đầy đủ các yếu tố môi trường trong phát triển kính tế - xã hội.

Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt xấp xỉ 7%/năm và được duy trì liên tục đến 2010. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi thì có nguy cơ chất thải tăng gấp 3 đến 5 lần.

Từ các mục tiêu của kịch bản tăng trưởng kinh tế nêu trên có thể thấy nếu như trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu sản xuất và trình độ quản lý sản xuất, quản lý môi trường không được cải tiến thì sự tăng trưởng sẽ kéo theo tăng khai thác, tiêu thụ tài nguyên, năng lượng, dẫn đến khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sự gia tăng các loại chất thải gây sức ép lên môi trường.

d.  Hội nhập quốc tế, du lịch và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ gây ra nhiều tác động phức tạp về mặt môi trường

Trong nền kinh tế thị trường có tính đến các yếu tố môi trường và hòa nhập với du lịch, tự do hóa thương mại toàn cầu, nhất thiết phải xem xét việc thay đổi mẫu hình tiêu thụ, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, chuẩn bị cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, năng lượng đồng thời với việc xem xét đồng bộ vấn đề môi trường xã hội, văn hóa, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

e.  Nhận thức về môi trường và phát triển bền vững còn thấp kém

Kiến thức và nhận thức về môi trường và phát triển bền vững chưa được nâng cao cho các nhà ra quyết định, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng. Các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chưa được tiến hành rộng khắp, chưa phát huy được vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị và xã hội, cũng như các phong trào quần chúng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Các thông tin về môi trường, về chính sách, pháp luật chưa được cung cấp và phổ biến thường xuyên đến cộng đồng. Tình trạng này còn kéo dài và sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp, nhầm lẫn, sai sót trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng.

f.  Năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu

Hiện trạng về công tác quản lý môi trường đang có nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, hệ thống tổ chức quản lý hiện nay còn nhiều bất cập về nhân lực, vật lực và trang bị kỹ thuật và các cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ/ngành và địa phương; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn quá ít và thiếu tập trung, hệ thống các chính sách, luật pháp còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, các chính sách công cụ kinh tế trong quản lý môi trường còn ít được áp dụng.

g.  Mẫu hình tiêu thụ lãng phí

Phát triển kinh tế đưa lại mức tăng thu nhập, dẫn đến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, nhưng cũng làm gia tăng thêm lượng chất thải vào môi trường.

IV.   PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT MÔI TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

1.  Những kết quả đã đạt được

a.  Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường  của Việt Nam hiện nay

Năm 2002, cơ cấu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận do việc thành lập mới Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên 06 lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc bản đồ, khí tượng thuỷ văn và môi trường. Cùng với việc thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương cũng đã được sắp xếp lại. Cấp tỉnh/thành phố đã thành lập các Sở Tài nguyên và Môi trường, cấp huyện/quận đã thành lập các Phòng Tài nguyên và Môi trường.

* Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2002 trên cơ sở các cơ quan: Tổng cục Địa chính; Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn; Cục Môi trường (thuộc Bộ KHCN&MT); Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Công nghiệp).

Theo Nghị định của Chính phủ số 91/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật.

Trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường trên phạm vi cả nước, đó là: Vụ Môi trường; Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; và Cục Bảo vệ môi trường.

Chức năng của Vụ Môi trường được quy định: “giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên các mặt chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch”. Nội dung nhiệm vụ của Vụ bao gồm các vấn đề xây dựng và hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành, tổ chức thực hiện thể chế, chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn và hàng năm về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn môi trường; tổ chức điều tra, nghiên cứu và đánh giá tác động của cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn môi trường.

Chức năng của Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường là “giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thẩm định và đánh giá tác động môi trường”. Ngoài ra, Vụ còn có nhiệm vụ chủ trì thẩm định, tổng hợp các góp ý về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và lãnh thổ các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án phát triển của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân.

Chức năng của Cục Bảo vệ môi trường là “giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên các mặt kiểm tra, giám sát, phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc môi trường; ứng dụng công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê, thông tin báo cáo môi trường; quản lý tổng hợp đới bờ; giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường”. Nội dung nhiệm vụ của Cục BVMT bao gồm các vấn đề về xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, các chương trình quốc gia và trọng điểm về môi trường, kiểm soát và quản lý chất thải, quy hoạch và quản lý mạng lưới quan trắc và việc xử lý số liệu quan trắc môi trường, điều tra, đánh giá về chất lượng môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng trên đất liền và biển, các hệ sinh thái, các loài động vật quý hiếm, thực hiện công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường, v.v...

Các Chi cục Bảo vệ môi trường: Theo Quyết định số 14/2005/QĐ-BTNMT (ngày 02/12/2005) của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ Môi trường thì hệ thống các Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Cục Bảo vệ Môi trường) bao gồm: (1) Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên (tại Tp. Đà Nẵng); (2) Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Đông Nam Bộ (tại Tp. Hồ Chí Minh); (3) Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ (tại Tp. Cần Thơ). Cả 3 cơ quan chi cục này đều đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết đình thành lập. Đây là các đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ Môi trường đặt tại địa phương giúp Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có tính liên tỉnh, liên vùng bao gồm: quan trắc môi trường; phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; quản lý tổng hợp đới bờ và môi trường lưu vực sông cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê, thông tin báo cáo môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường trên địa bàn vùng.

* Các bộ phận quản lý môi trường tại các bộ, ngành và các tổ chức khác:

Đến nay, tại các bộ, ngành cũng đã hình thành tổ chức cấp vụ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về quản lý môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Hầu hết công tác quản lý môi trường ở các Bộ do Vụ Khoa học và Công nghệ đảm nhận, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Bưu chính – Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, v.v... Một số Bộ khác, đơn vị này có tên gọi khác do tính chất quản lý ngành, như Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ Công nghiệp), Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Vụ Khoa học Xã hội – Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ). Riêng Bộ Quốc phòng có Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện chức năng quản lý môi trường trong lĩnh vực quốc phòng.

Như vậy, có thể thấy rõ ở các Bộ chuyên ngành hiện nay tên cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý môi trường đều không có tên gắn với môi trường.

Một số Tổng công ty 90, 91, Ban quản lý khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn cũng đã thành lập phòng, ban, bộ phận hoặc cử các cán bộ chuyên trách quản lý môi trường.

Qua thực tế cho thấy, công tác phối hợp quản lý môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành hiện nay còn thiếu sự gắn kết, phối hợp trong quản lý. Kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập cho đến nay, các Bộ, ngành hầu như chưa tiến hành rà soát, xem xét chức năng về quản lý môi trường của Bộ, ngành mình. Vì thế mà các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý môi trường ở các Bộ chuyên ngành đều không có tên gắn với tài nguyên và môi trường như đã nêu.

 

* Hệ thống quản lý môi trường cấp cấp tỉnh:

Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức của Sở Địa chính (hoặc Sở Địa chính - Nhà đất) và các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Theo Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BTNMT-BNV ngày 15/7/2003 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ, quyền hạn trình UBND cấp tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị, quy hoạch về quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ; trình UBND cấp tỉnh quy hoạch phát triển, chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về tài nguyên và môi trường phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, quy hoạch, kế hoạch sau khi được xét duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường như sau:

+ Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn theo phân cấp.

+ Tổ chức lập báo cáo hiện trạng môi trường, xây dựng và tăng cường tiềm lực trạm quan trắc và phân tích môi trường, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án cơ sở theo phân cấp.

+ Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đến nay, tất cả 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thành lập và kiện toàn tổ chức, bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường với đầy đủ các phòng, ban chức năng, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Về lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có Phòng quản lý môi trường và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm: Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường.

Về hệ thống các Trung tâm Quan trắc môi trường  của các địa phương, cho đến nay đã có 16 Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Trung tâm, ngoài ra một số tỉnh/thành phố cũng đang triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm quan trắc nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường ở địa phương.

* Hệ thống cơ quan quản lý môi trường cấp huyện:

Phòng Tài nguyên và Môi trường ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn, được thành lập ở tất cả các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài nguyên đất; Tài nguyên nước; Tài nguyên khoáng sản; Môi trường.

Theo số liệu thống kê mới nhất thì hiện nay có 62/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập đủ các Phòng Tài nguyên và Môi trường tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Còn một số tỉnh như Hưng Yên, Quảng Ngãi, Điện Biên, Cao Bằng và Kiên Giang chưa thành lập đủ Phòng Tài nguyên và Môi trường tại tất cả các huyện. Tổng số hiện có 617 Phòng Tài nghuên và Môi trường trên tổng số 668 đơn vị hành chính cấp huyện, chiếm 92%. Tuy nhiên, do phần lớn các Phòng Tài nguyên và Môi trường mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ các phòng, ban khác nên còn thiếu biên chế (trung bình mỗi Phòng chỉ có 4 - 7 người). Trong đó nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ môi trường ở các phòng thường chỉ có 1 người, một số ít quận/huyện có thể có 2 người, không đủ nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước như quy định.

* Tổ chức quản lý môi trường cấp xã:

Hiện nay, trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp xã (cấp cơ sở) mới chỉ có cán bộ địa chính xã. Chính phủ đã ban hành Nghị định (số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003) về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó quy định cán bộ địa chính – xây dựng là công chức cấp xã. Họ là những người được giao nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, song chưa thật rõ nội dung nhiệm vụ và hầu như chưa qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ quản lý bảo vệ môi trường.

b.  Hệ thống chính sách, kế hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường của Việt Nam

Ngay từ năm 1986, Chiến lược Bảo tồn quốc gia đã được soạn thảo, và 5 năm sau, vào năm 1991 Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động quốc gia về Môi trường và Phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000 (NPESD). Năm 1992, báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro đã thể hiện những cam kết phát triển bền vững đất nước. Năm 1997, tại Hội nghị Rio + 5 ở New York, Báo cáo của Việt Nam đã đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 21, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách chính sách. Năm 1995, Kế hoạch Hành động về Đa dạng sinh học (BAP) được thông qua. Có thể nhận xét rằng kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 10/1/1994, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển cả về chất và lượng. Lần đầu tiên, các khái niệm cơ bản về bảo vệ môi trường đã được định nghĩa một cách chuẩn tắc, làm cơ sở cho việc quản lý môi trường; các nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhà nước, tổ chức và cá nhân được phân định, ràng buộc bằng các quy định về mặt pháp lý.

Cùng với Luật Bảo vệ môi trường, tính đến thời điểm này, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh liên quan đến môi trường: Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1981), Pháp lệnh Bảo vệ đê điều (1989), Pháp lệnh Thu thuế tài nguyên (1989), Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (1989), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (1991), Luật Đất đai (1993), Luật Dầu khí (1993), Pháp lệnh Thú y (1993), Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (1993), Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (1996), Luật Khoáng sản (1996), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1999), Luật Tài nguyên nước (1998), Luật Giao thông đường bộ (2001)...

Để cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 1993, nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 26/CP ngày 25 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (đã được thay thế bằng Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2004) ... và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật như: Nghị định số 143/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2004 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 11/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các loài động vật, thực vật hoang dã; Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010; Quyết định số 212/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi đến, các sản phẩm, hàng hoá xuất xứ từ sinh vật biển đổi gen.

Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng để định hướng cho công tác bảo vệ môi trường nói chung cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng, trong đó phải kể đến Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bản Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ và 7 giải pháp cho công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quan điểm nội dung bảo vệ môi trường gắn kết với phát triển kinh tế – xã hội nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cũng đã được thể hiện rõ nét trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX.

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 ban hành định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), trong đó quy định rõ những định hướng phát triển kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2005 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.

Có thể nói, giai đoạn này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta. Số lượng các văn bản pháp luật về lĩnh vực này được ban hành ngày một nhiều hơn, các quy định cũng đã tập trung hơn tạo nên một hệ thống pháp luật ngày một thống nhất và đồng bộ. Điều này đã góp phần tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường 1993 đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đối với môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật trong thập niên qua đã thể hiện một số hạn chế và bất cập. Hiệu lực thi hành còn yếu, nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc, không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta. Chính vì vậy, ngày 19/11/2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2005 với rất nhiều những nội dung sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là:

Thứ nhất, bổ sung thêm nhiều quy định mới nhằm luật hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong thời gian qua; đặc biệt là quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng về việc cần thiết phải “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiều nội dung mới trong công tác quản lý nhà nước về môi trường nảy sinh trong thời gian vừa qua cũng đã được đưa vào Luật như: việc thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực v.v.; việc lập quy hoạch về kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Luật lần này đã bổ sung những quy định tăng cường trách nhiệm về kinh tế, hành chính và hình sự nhằm nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về BVMT như: vấn đề bồi thường thiệt hại về môi trường; vấn đề đặt cọc, ký quỹ phục hồi môi trường cho các hoạt động khai thác tài nguyên v.v. Trong thời gian qua, một số quy định nói trên đã được thực hiện, khẳng định qua thực tiễn và lần này được nghiên cứu đưa vào Luật.

Thứ hai, quy định rõ ràng và chi tiết việc phân công, phân nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước về môi trường theo hướng tăng cường trách nhiệm cho các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt đối với cấp quận/ huyện, phường/ xã bởi đây là hai cấp quản lý chưa được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 1993; đồng thời tăng cường vấn đề xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường theo hướng quy định trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư ở địa phương và việc tạo điều kiện cho các tổ chức này tham gia bảo vệ môi trường.

Thứ ba, khác với Luật Bảo vệ môi trường 1993 có rất nhiều quy định còn mang tính chất khung, thiếu cụ thể và chưa rõ ràng nên hiệu lực thực hiện có nhiều hạn chế; hầu hết các điều, khoản của Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã được quy định ở mức chi tiết để có thể áp dụng trong quản lý và bảo vệ môi trường mà không cần có nhiều văn bản hướng dẫn thêm. Chỉ còn có một số ít quy định giao Chính phủ hoặc các bộ liên quan quy định, hướng dẫn.

Với 15 chương bao gồm 136 điều khoản quy định khá chi tiết, Luật Bảo vệ môi trường 2005 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta.

2.  Phương hướng hoàn thiện luật pháp và hệ thống quản lý môi trường của Việt Nam trong những năm sắp tới

Về phương hướng hoàn thiện luật pháp và hệ thống quản lý môi trường của Việt Nam trong những năm sắp tới, chúng ta cần phải xem xét đến hai              vấn  đề :

- Vấn đề thứ nhất : Hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường;

- Vấn đề thứ hai : Hoàn thiện hệ thống văn bản luật pháp về bảo vệ môi trường;

1. Phương hướng hoàn thiện hệ thóng các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Tổ chức và bộ máy quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương trong những năm qua dần dần được tăng cường. Tại nhiều tỉnh, hoạt động quản lý môi trường được sự quan tâm cao của lãnh đạo tỉnh. Cùng với sự hình thành của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở các tỉnh/thành phố đã hình thành Sở Tài nguyên và Môi trường, và các Sở đã chỉ đạo hình thành đơn vị quản lý môi trường cấp quận/huyện và cán bộ địa chính kiêm nhiệm công tác môi trường ở cấp phường / xã.

Tuy nhiên, đến nay bộ máy quản lý nhà nước về môi trường tuy còn thiếu về số lượng và năng lực còn hạn chế; sự phối hợp liên ngành, liên vùng còn kém hiệu quả dẫn đến chồng chéo chức năng trong khi lại bỏ trống nhiệm vụ quản lý. Tổ chức và năng lực của hệ thống quản lý, quan trắc, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số Bộ, ngành chưa xác định đơn vị chuyên môn, chuyên trách về môi trường. Công tác quản lý môi trường ở các bộ, ngành được thực hiện bởi những bộ phận chức năng khác nhau, mà chưa có sự nhất quán, thậm chí ở hầu hết các Bộ, ngành không có chữ “môi trường” trong tên gọi của các bộ phận này. Chức năng quản lý môi trường của phần lớn các bộ, ngành vẫn được giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng sản phẩm; Vụ Khoa học - Kỹ thuật.

Tại cấp huyện mới có trên 50% số tỉnh có Phòng Tài nguyên và Môi trường. Nhiệm vụ quản lý môi trường ở cấp xã hầu hết bị bỏ trống. Phần lớn các Phòng Tài nguyên và Môi trường tại cấp huyện mới được thành lập trên cơ sở tách ra từ các phòng, ban khác nên đều thiếu biên chế (trung bình mỗi phòng chỉ có 5-7 người), không đủ nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, nước, khoáng sản, môi trường. Do vậy hầu như mới chỉ quản lý mảng tài nguyên, mảng môi trường còn rất yếu, biên chế còn chưa được giao cụ thể về mảng môi trường.

Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp quận/huyện còn rất mỏng và ở cấp phường/xã hầu như chưa có. Cấp xã hầu như chưa có cán bộ quản lý chuyên trách về môi trường. Nhu cầu kiện toàn bộ máy quản lý môi trường ở địa phương là rất cấp thiết.

Nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có bộ phận hoặc chưa bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường. Trong khi đó, số lượng cán bộ quản lý môi trường ở các địa phương còn quá mỏng, không đủ khả năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường trong các khu công nghiệp. Về mặt môi trường, các khu công nghiệp còn chịu sự quản lý Nhà nước cấp Trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi truờng và cấp địa phương là Sở Tài nguyên và môi trường. Nhưng thực tế cho thấy, các Sở Tài nguyên và Môi trường mới chỉ quản lý các vấn đề bên ngoài hàng rào của các khu công nghiệp. Các vấn đề bên trong hàng rào chỉ có thể quản lý tốt bởi chính bộ phận chức năng quản lý môi trường của từng khu công nghiệp.

Cả nước mới chỉ có khoảng trên 600 cán bộ quản lý nhà nước về môi trường, một con số rất thấp so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Lực lượng làm công tác quản lý Nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập: thiếu về số lượng (hiện vào khoảng 6-8 cán bộ/1triệu dân), yếu về chất lượng; hầu hết chưa được đào một cách cơ bản và việc tái đào tạo còn rất hạn chế. Lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra còn rất thiếu và mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.

Một thực tế dễ nhận thấy là các địa phương thay vì đưa ra quy chế chặt chẽ về quản lý môi trường thì mới chỉ chú tâm vào việc thu hút đầu tư công nghiệp vào với tỉnh, các chính sách ưu đãi của các địa phương hiện nay chủ yếu tập trung cho vấn đề kêu gọi đầu tư. Các điều kiện môi trường tạm thời chưa đặt ra hoặc đặt ra chỉ là hình thức, không mang tính chất bắt buộc (trừ một số thành phố lớn).

Hệ thống phân cấp quản lý môi trường của Việt Nam vẫn còn bị phân tán, chồng chéo. Trên thực tế, các bộ, các ngành cũng mới chỉ quản lý khu vực công nghiệp quốc doanh, khu vực ngoài quốc doanh bị buông lỏng phó mặc cho các địa phương quản lý. Theo luật Doanh nghiệp mới ban hành, các doanh nghiệp thành lập mới đều ký cam kết bảo vệ môi trường, nhưng do quy mô đa phần là vừa và nhỏ, sản xuất phân tán lẫn với dân cư nên rất khó khăn trong quản lý và kiểm soát ô nhiễm.

Năng lực quản lý môi trường tại các doanh nghiệp còn hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp chưa có bộ phận quản lý môi trường chuyên trách, cán bộ thiếu và không được đào tạo chuyên môn, mà chủ yếu là cán bộ kỹ thuật chuyển sang.

Do đó, để hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần từng bước thực hiện các công việc sau đây:

- Phát triển cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành lập Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường;

- Kiện toàn cơ quan quản lý môi trường tại các Bộ, ngành. Một đơn vị chuyên môn chuyên trách quản lý môi trường ở Bộ, ngành có thể được thành lập mới hoặc kiện toàn chức năng tổ chức của Vụ Khoa học và Công nghệ. Do vậy, ở các Bộ, ngành cần thành lập Vụ Tài nguyên và Môi trường hoặc có thể là Vụ Khoa học, Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Riêng đối với Bộ Quốc phòng nên thành lập Cục Tài nguyên và Môi trường hoặc Cục Khoa học, Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Việc này cần được triển khai ngay và hoàn thiện trong giai đoạn 2006-2010, phát triển và tăng cường nhân lực trong giai đoạn 2011-2020.

- Thành lập Phòng Môi trường ở tất cả các Tổng công ty Nhà nước (90, 91), các Tập đoàn kinh tế nhà nước. Các Tổng công ty Nhà nước hay các Tập đoàn kinh tế nhà nước hầu hết đều có hoạt động chuyên ngành có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng hoặc khai thác tài nguyên cho nên việc thành lập một đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ môi trường trực thuộc là rất cần thiết. Đây là đơn vị chuyên môn chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường trong khuôn khổ hoạt động của doanh nghiệp loại này. Nhiệm vụ thành lập Phòng Môi trường ở các Tổng công ty Nhà nước được triển khai và hoàn thiện trong giai đoạn 2006-2010, phát triển và tăng cường nhân lực giai đoạn 2011-2020.

- Tăng cường bộ phận quản lý môi trường tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với cấp tỉnh, việc kiện toàn bộ máy chuyên môn về quản lý bảo vệ môi trường ở các Sở Tài nguyên và Môi trường về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo quyền chủ động sắp xếp bộ máy của địa phương song cần đưa ra được những quy định mang tính hướng dẫn về các mô hình tổ chức bộ máy chuyên môn phù hợp với các điều kiện đặc thù về tính chất của địa bàn, xem xét các yếu tố như tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá, tình hình phát triển kinh tế của địa phương để địa phương chủ động quyết định. Tuy nhiên, hiện nay có thể nhìn thấy việc quan trọng cần làm là tập trung vào nhiệm vụ tăng biên chế, song song với tăng số bộ phận thực hiện chức năng quản lý môi trường tại các Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Phát triển các Trung tâm Quan trắc môi trường tại địa phương. Hiện nay ở một số địa phương đã có Trung tâm Quan trắc môi trường. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về quản lý môi trường ở các địa phương trong thời gian tới đòi hỏi phải có nhiều trung tâm quan trắc môi trường hơn nữa.

- Phát triển bộ máy quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã. Đối với cấp huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn quản lý bảo vệ môi trường, cần hoàn thiện theo hướng có lãnh đạo cấp phòng trực tiếp phụ trách về môi trường và bố trí khoảng 2-3 cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các công việc quản lý bảo vệ môi trường, điều kiện và tính chất của địa bàn sẽ quyết định số nhân lực trực tiếp thực hiện quản lý bảo vệ môi trường. Đối với cấp xã, do tính chất đặc thù của cấp cơ sở nên phải đảm bảo nguyên tắc quản lý đa ngành, trong những năm tới từ nay đến 2010 có thể tiếp tục giao cán bộ địa chính – xây dựng giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Giai đoạn sau năm 2010 sẽ bố trí cán bộ chuyên trách công tác môi trường ở cấp xã. Do vậy, trong thời gian tới cần chú ý chuẩn bị công tác đào tạo cán bộ về quản lý bảo vệ môi trường để họĩe có thể thực hiện công tác này ở cấp xã. Đối với các địa phương có hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy đồng thời khuyến khích hình thành các Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật môi trường. Từ 2011 thúc đẩy hoàn thiện thêm một bước hệ thống quản lý và tác nghiệp trong lĩnh vực môi trường ở địa phương.

Song song với việc từng bước kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nêu trên, cần:

- Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở tất cả các cấp, trong đó, đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cấp huyện/quận, xã/phường.

- Đầu tư các phương tiện phục vụ công tác quản lý một cách đồng bộ, đi thẳng vào công nghệ cao. Phải tích cực áp dụng các tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhanh chóng đạt được những tiến bộ trong việc tạo lập một mạng lưới quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có khả năng phản ứng nhanh nhạy trước bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra. Hệ thống này phải được tin học hoá.

 

 

2. Phương hướng hoàn thiện hệ thống văn bản luật pháp về bảo vệ môi trường của Việt Nam

Phương hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam trong thời gian tới là tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005 và các văn bản định hướng của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, cụ thể:

(1) Xây dựng các cơ chế, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm:

- Xây dựng Luật An toàn hoá chất và các văn bản hướng dẫn thi hành (từ 2007 đến 2012).

- Xây dựng các tiêu chí xác định và phân loại các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hình thành những hướng dẫn kỹ thuật phân loại các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng (hoàn thành năm 2007).

- Xây dựng lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới phát sinh. Tiến hành theo dõi đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện lộ trình này.

- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng nước theo vùng và các lưu vực sông. Triển khai đề án xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng nước theo 3 vùng kinh tế trọng điểm và các lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu, sông Sài Gòn - Đồng Nai (từ 2007 đến 2008).

- Hoàn thiện cơ chế quản lý ứng cứu và khắc phục sự cố dầu tràn, cơ chế bồi thường thiệt hại do tràn dầu, cơ chế sử dụng tiền bồi thường (từ 2007 đến 2008). Xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001-2010, thực hiện Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 29/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Xây dựng các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học:

- Xây dựng Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành (từ 2006  đến 2010). Xây dựng pháp lệnh về an toàn sinh học (từ 2009 đến 2012).

- Xây dựng và ban hành các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Hình thành Kế hoạch đa dạng sinh học cấp vùng cho 8 vùng, (từ 2007 đến 2009).

- Hoàn thiện và trình ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và các sản phẩm của chúng (từ 2006 đến 2007), tạo tiền đề cho việc kiểm soát sinh vật biến đổi gen nhập khẩu vào Việt Nam từ nay đến 2010 và những năm tiếp theo.

- Tăng cường cơ chế quản lý sinh vật lạ bao gồm: Ban hành các quy định về kiểm định giống, loài, nguồn gen nhập khẩu vào Việt Nam, và các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật, và vi sinh vật ( từ 2007 đến 2008).

- Hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan các nguồn gen và tri thức bản địa, các cơ chế, chính sách về phát hiện và công nhận các loài động, thực vật, vi sinh đặc hữu, quý hiếm để đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (từ 2008 đến 2009).

- Thể chế hoá các quy định của Công ước CITES, xây dựng và ban hành các quy định về cơ chế cho phép buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp theo quy định của Công ước CITES (1973) (từ 2006 đến 2007).

- Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích cho các cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và vùng đệm (năm 2008). Xây dựng cơ chế chia sẻ công bằng lợi ích các nguồn gen (năm 2009).

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia để hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành trung ương, địa phương. Rà soát, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia (từ 2006 đến 2007).

(3) Xây dựng các cơ chế khai thác hợp lý và bảo vệ tài nguyên:

- Xây dựng cơ chế phối hợp quản lý giữa trung ương và địa phương nhằm thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng cần (năm 2007).

 - Hoàn thiện thể chế về quản lý tài nguyên và môi trường biển, ven biển. Hoàn thiện các quy định về việc khoanh vùng, thành lập các khu bảo tồn biển (2007); Xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản (2008).

 - Tổ chức xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích cho các cộng đồng dân cư sống trong vùng duyên hải trong năm 2008. Tiến hành xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế thay thế nếp sống dựa vào khai thác tài nguyên của các cộng đồng dân cư sống trong vùng duyên hải, dự kiến 3 mô hình thực hiện trong 3 năm 2008-2010.

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý di sản tự nhiên. Hoàn thiện cơ chế tăng cường xử phạt các hành vi xâm phạm di sản tự nhiên (2006); Xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư, tôn tạo và bảo vệ các di sản tự nhiên (2007); và Hoàn thiện cơ chế giám sát đối với việc tôn tạo và bảo vệ các di sản tự nhiên (2008).

- Điều tra đánh giá và xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo (từ 2006 đến 2008). Tiến hành nghiên cứu các phương pháp lượng giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả việc xây dựng và ban hành các quy định nhằm thể chế hoá việc lượng giá các nguồn tài nguyên, quy định khuyến khích hoạt động chế biến tài nguyên thiên nhiên ở dạng thô và các quy định hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên ở dạng thô.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái tạo tài nguyên (mô hình VAC, sử dụng tuần hoàn nước,....). Ban hành cơ chế khuyến khích cơ sở kinh doanh sử dụng tái tạo tài nguyên; các quy định hạn chế sử dụng lãng phí tài nguyên; Hướng dẫn quy trình phân loại, thu gom chất thải có thể tái chế và tái sử dụng (Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom chất thải có thể tái chế và tái sử dụng). Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải (từ 2006 đến 2008).

- Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bao gồm các quy định về quản lý và khai thác nước dưới đất (2006); hoàn thiện các quy định về quản lý và khai thác nước mặt (2007).

(5) Xây dựng các cơ chế lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội:

- Xây dựng Nghị định và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ gắn kết bảo vệ môi trường trong công tác lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các văn bản hướng dẫn rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của ngành và địa phương theo hướng gắn kết bảo vệ môi trường (từ 2006 đến 2007).

- Thể chế hoá công tác Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển. Xây dựng và ban hành thông tư về lập, thẩm định và hoạt động sau thẩm định ĐMC đối với các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển (2008); Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về ĐMC đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (2008); và Xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về ĐMC đối với các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đối với quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên (tập trung trước hết cho tài nguyên đất, khoáng sản, nước) (từ 2008 đến 2009).

- Thiết lập các chỉ số môi trường trong hệ thống chỉ tiêu về phát triển bền vững. Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về môi trường trong hệ thống về phát triển bền vững ở Việt Nam (2008); Xây dựng các hướng dẫn phương pháp thu thập, xử lý và tính toán các chỉ số thống kê về môi trường (2008); Xây dựng và ban hành các quy định về áp dụng chỉ số thống kê về môi trường (2008-2009). Triển khai thực hiện và hoàn thiện (từ 2010 đến 2015).

(6) Xây dựng các cơ chế về xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường:

- Quảng bá, giới thiệu Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Quốc hội thông qua ngày 19/11/2005, có hiệu lực từ 01/7/2006).

- Triển khai xây dựng đề án thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường (2006), Đề án thành lập và phát triển các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công về môi trường (2007).

- Triển khai Đề án "Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục môi trường quốc dân" (thực hiện theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ) trong những năm từ nay đến năm 2010. Rà soát, đánh giá và hoàn thiện vào những năm tiếp theo.

- Xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân vào đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường và các dịch vụ công về môi trường (2007).

- Xây dựng Đề án hỗ trợ việc thành lập các Hiệp hội về môi trường ở trung ương và địa phương (2007), thành lập các đơn vị sự nghiệp về môi trường (2008).

- Xây dựng Đề án thành lập vị trí chuyên trách về quản lý môi trường cho cấp phường, xã, thị trấn (2008)

- Xây dựng và áp dụng tiêu chí về môi trường trong công tác thi đua, khen thưởng (2006-2007) và tổ chức giải thưởng môi trường hàng năm.

- Hình thành và tăng cường năng lực các bộ phận tuyên truyền môi trường. Triển khai Đề án thành lập các bộ phận tuyên truyền về môi trường trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương (2007).

- Xây dựng và ban hành các Quy định sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách về BVMT (2008); Quy định sự tham vấn của cộng đồng dân cư vào quá trình hoạch định chính sách về BVMT (2009).

(7) Xây dựng các cơ chế, chính sách về tài chính cho bảo vệ môi trường:

- Xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường (từ 2008 đến 2012).

- Xây dựng luận cứ khoa học và ban hành các chính sách miễn giảm thuế hoặc ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường (các chính sách này được ban hành vào năm 2007).

- Xây dựng và ban hành các chính sách miễn giảm hoặc ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp tái chế, tái sử dụng chất thải. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài chính thu gom, xử lý chất thải nhằm khuyến khích việc áp dụng các công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải (năm 2007).

- Xây dựng cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia các hoạt động quản lý, thu gom, xử lý chất thải, khuyến khích và nhân rộng các mẫu hình tiêu thụ thân thiện môi trường (từ 2007 đến 2009).

(8) Xây dựng các cơ chế hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường:

- Xây dựng các tiêu chí và chuẩn bị các thủ tục để  gia nhập và tham gia các hoạt động của công ướng Espoo - Công ước về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới (từ 2007 đến 2008).

- Xây dựng chiến lược hợp tác với các quốc gia có chung đường biên giới và chung các con sông (năm 2007).

- Xây dựng và ban hành thông tư về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) xuyên biên giới (từ 2007 đến 2008). Xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn kỹ thuật, lập, thẩm định và hoạt động ĐTM và sau thẩm định ĐTM (bao gồm cả Cam kết bảo vệ môi trường) theo Luật BVMT sửa đổi (từ 2006 đến 2007).

- Tăng cường năng lực về xây dựng và đề xuất phương án sử dụng hiệu quả các nguồn vốn quốc tế (từ 2008 đến 2010).

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

 

Bước sang thế kỷ XXI với các mục tiêu phát triển đáng khích lệ, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân.

1. Bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững và trở thành một nội dung quan trọng của các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia. Nếu không đặt đúng vị trí của BVMT thì không thể đạt được mục tiêu phát triển và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

2. Trong những năm qua, hoạt động BVMT ở nước ta được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước thời kỳ đỏi mới.  Tuy nhiên, vấn đề BVMT ở nước ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới. Nhìn chung môi trường nước ta tiếp tục bị ô nhiễm và suy thoái, có nơi còn nghiêm trọng. Việc thi hành Luật BVMT chưa thực sự nghiêm minh, có lúc còn buông lõng.

3. Trong điều kiện hiện nay, quản lý Nhà nước về BVMT không thể chỉ mang nội dung hành chính và còn phải mang nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Nhiệm vụ BVMT phải là nhiệm vụ của toàn dân. Nhà nước là người tổ chức để thực hiện có hiệu quả.

4. Việt Nam khuyến nghị các Quốc gia để hợp tác cùng giải quyết tốt các vấn đề môi trường và phát triển, phải cùng tập trung sức xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, công bằng, hỗ trợ cho môi trường trong lành và phát triển bền vững của tất cả các nước phát triển trên thế giới, giúp các nước đang phát triển, các nước nghèo phá vỡ vòng luẩn quẩn về tăng dân số- nghèo đói- suy thoái môi trường. Cần có các chương trình đặc biệt để giải quyết nợ nần, giúp đỡ về việc phục hồi, bảo vệ và cải thiện các cơ sở sinh thái cho phát triển bền vững. Tổ chức kiểm soát việc sản xuất và xuất khẩu các loại hóa chất độc hại. Thống nhất hành động quản lý sự thay đổi khí hậu, giảm thải các khí nhà kính.

5. Các cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong việc xây dựng năng lực con người và thể chế cho công cuộc BVMT và phát triển bền vững. Cần tăng cường ODA cho các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nhằm phát triển đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao; hỗ trợ cho việc xây dựng cách nhìn liên ngành và hình thành một đội ngũ “cầu nối” giữa các cơ quan trong nước với các nhà tài trợ.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị           Quốc gia. Hà Nội- 2001.

2. Công tác tư tưởng văn hoá, khoa giáo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.  Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội - 2001

3. Triển khai Nghị quyết Đại hội IX trong lĩnh vực khoa giáo. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội- 2001

4. Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25-6-1998 của Bộ chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

5. Công văn  số 1320/CP-KG ngày 6/11/1998 của Chính ohủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW của Bộ chính trị.

7. Các quy định pháp luật về môi trường. Tập 1,2,3. Nxb Thế giới.                 Hà Nội – 1999.

8. Thông tin tổ chức các cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia của một số nước trên thế giới - Hà Nội - 5/1999.

9. Cơ cấu tổ chức cơ quan bảo vệ môi trường của các nước trên thế giới và việc hoàn thiện bộ máy tổ chức bảo vệ môi trường cấp trung ương của Việt Nam - Cục Môi trường -  4/1999.

10. Những vấn đề moi trường liên quan đến thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các giải pháp xử lý những vấn đề đặt ra đối với hàng xuất nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung - Bộ Thương Mại - 7/2003.

11. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường (Báo cáo tổng hợp) - Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - 12/2000.

12. 21 chương trình vì sự nghiệp thay đổi - Cục Môi trường.

13. Thế giới bền vững - định nghĩa và trắc lượng phát triển bền vững - Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ - 2001.

14. Hành trình vì sự phát triển bền vững 1972, 1992, 2002 - Cục Môi trường - 2002.

15. Việt Nam phát triển bền vững - Mười năm nhìn lại và con đường phía trước - Cục Môi trường - 6/2001.

16. Environmental laws of the southeast asian countries : apreliminary assessment - Alan KJ Tan - 1998.

 



[1] Có tài liệu gọi là: “Lịch trình thế kỷ 21”

1 Thế giới số 06, ngày 21/10/2001.

1 Steve Charnovitz, Thương mại và môi trường : các bước tiếp theo, bài phát biểu được trình bày tại ECLAC/SELA/UNCTAD Hội thảo khu vực về chính sách môi trường và tiếp cận thị trường Bogota, 19-20/10/1993.

1 Nhật báo Oashington ngày 29/7/1993, Tom kenworthy, trang A3, "tìm kiếm các quy trình công nghiệp nhằm làm suy yếu kế hoạch tái tạo của Tổng thống Clinton".

2 Xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan Mỹ biên soạn, VCCI dịch, 2000, tr. 8

1 Xem Jimmye Hilman, Technical Bariers to agricultural Trade, Westview Press, 1991, trang 32.

2 Xem: Xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan Mỹ biên soạn, VCCI dịch, 2000,            tr. 65, 66, 67

 

 

File đính kèm downloadTải về