• Thuộc tính
Tên đề tài Các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế
Nội dung tóm tắt
 

Hiện tượng các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm nhưng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự (tức là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) đã và đang là vấn đề được công luận quan tâm, lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bản thân việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế không chỉ gây hại trực tiếp cho các nhà đầu tư, mà còn gián tiếp gây hại cho nền kinh tế nói chung. Khi hình sự hóa đã trở thành phổ biến thì hiện tượng này sẽ trở thành một trở lực to lớn đối với hoạt động kinh doanh vốn đã đầy biến động, rủi ro trong thương trường mới ở dạng sơ khai như Việt Nam. Như vậy, giải quyết đúng đắn vấn đề này có ý nghĩa kinh tế, xã hội và chính trị to lớn.

 

Thêm vào đó, mặc dù lâu nay hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế được nhắc đến khá nhiều song cách hiểu về nó vẫn chưa có sự thống nhất. Trong công luận, giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn vẫn còn nhiều quan niệm, cách nhìn rất khác nhau về “hình sự hóa...”. Vì vậy, làm sáng tỏ khái niệm này, lý giải ở Việt Nam có thực sự có hiện tượng này hay không và nếu có thì nó được thể hiện như thế nào, ở mức độ nào, nguyên nhân của hiện tượng này ra sao, các giải pháp nào cần thực hiện để khắc phục nó là điều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn.

Những luận cứ kể trên chính là cơ sở để khẳng định rằng việc triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đề tài được thực hiện nhằm đạt được các mục đích sau đây:

Thứ nhất, trả lời cho câu hỏi có hay không có hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế ở nước ta và nếu có thì nó đang ở mức độ nào, ở đâu là chủ yếu?

Thứ hai, nên hiểu khái niệm hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế như thế nào cho thực sự chuẩn xác và khoa học?

Thứ ba, tìm ra các nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục nó.

Hiện tượng hình sự hóa các giao dịch này cũng có thể xảy ra trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, do thời gian và các điều kiện vật chất khác có hạn nên đề tài chủ yếu đề cập đến tình trạng hình sự hóa một số loại giao dịch dân sự, kinh tế chủ yếu như mua bán, vay mượn, thuê mướn tài sản. Đồng thời, đề tài cũng chỉ xin tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu vấn đề hình sự hóa trong hoạt động áp dụng pháp luật và các biện pháp khắc phục tình trạng này cũng chủ yếu được đưa ra trong các lĩnh vực nêu trên mà thôi.

I. KHÁI NIỆM HÌNH SỰ HÓA CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ

Trong thời gian qua đã có tình trạng một số hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản được xác lập từ các giao dịch dân sự, kinh tế tuy không cấu thành tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Để đặt tên cho hiện tượng kể trên, báo chí, công luận, các chính khách, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách gọi khác nhau như “hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự”, “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”, “hình sự hoá các tranh chấp dân sự, kinh tế” ...

Trong các bài nghiên cứu, các bài tham luận tại các hội thảo về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về cách đặt tên cho hiện tượng vừa nêu.

Tựu chung lại có hai luồng ý kiến cơ bản. Một luồng ý kiến thể hiện sự tán đồng với tên gọi “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”. Song cũng không ít ý kiến phản đối việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” để đặt tên cho hiện tượng kể trên.

Luồng ý kiến phản đối cho rằng, việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” là hoàn toàn không chính xác về mặt khoa học. Việc sử dụng cụm từ này sẽ gây sự hiểu lầm trong giới lý luận và trong công luận, làm sai lệch nội hàm truyền thống của khái niệm “hình sự hoá”. Lập luận của luồng ý kiến này dựa trên cách hiểu truyền thống về khái niệm “hình sự hoá” đã được chấp nhận rộng rãi trong khoa học luật hình sự[1]. Khi xem xét lại các công trình lý luận cơ bản về luật hình sự được phổ biến ở Việt Nam, có thể thấy khái niệm “hình sự hoá” cùng với khái niệm “tội phạm hoá”, “phi tội phạm hoá” “phi hình sự hoá” trở thành những khái niệm chủ chốt để mô tả quá trình phát triển, vận động của luật hình sự. Theo đó, “tội phạm hoá” là việc thông qua một hình thức văn bản nhất định, nhà làm luật quy định những hành vi nào đó là tội phạm. Còn việc quy định hình phạt hay xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm kia được khoa học pháp lý hình sự gọi là hình sự hoá. Quá trình ngược lại của tội phạm hoá và hình sự hoá được gọi là “phi tội phạm hoá” và “phi hình sự hoá”. Như vậy, "hình sự hoá" chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không thể có ở giai đoạn áp dụng pháp luật. Thêm vào đó, kể từ khi pháp luật hình sự Việt Nam bãi bỏ nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật và ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền tiến hành việc hình sự hoá. Quan điểm này đã được trình bày khá nhất quán trong các tác phẩm về lý luận luật hình sự ở Việt Nam[2].

Với cách hiểu như thế, rõ ràng “hình sự hoá” trong lý luận luật hình sự truyền thống không phản ánh tình trạng oan sai trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Cách hiểu về “hình sự hoá” trong cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” được sử dụng nhiều trên báo chí và trong nhiều bài viết của một số nhà nghiên cứu trong một vài năm gần đây không có nội hàm như khái niệm “hình sự hoá” vừa phân tích ở trên. Thay vào đó, khi cụm từ này được sử dụng để mô tả hiện tượng dùng biện pháp hình sự để giải quyết những vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế dẫn tới oan sai trong tố tụng; mô tả hành vi trái pháp luật của cơ quan tố tụng trong việc làm oan sai người vô tội, thì cụm từ này đã mang trong mình một nội hàm mới. Với việc xuất hiện trên hàng chục báo chí, nhiều diễn đàn quan trọng khắp trong Nam ngoài Bắc suốt mấy năm qua, cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đã trở thành cách sử dụng khá phổ biến và hầu như bất cứ độc giả nào khi đọc đến cụm từ đó cũng đều mường tượng trong mình về một hiện tượng tiêu cực của nền tư pháp nước nhà. Điều này chứng tỏ cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” đã đi sâu vào đời sống thường nhật và chứng tỏ sức sống độc lập của mình. Việc đặt tên khác đi, sẽ tạo ra một sự nhầm lẫn mới trong dư luận, trên báo chí. Có thể coi việc sử dụng cụm từ này có tính chất "dùng mãi thành quen", một hiện tượng không phải là ít gặp trong ngôn ngữ và nhờ đó trở thành một cụm từ có sức sống độc lập với các cụm từ khác. Nếu thừa nhận lập luận này, việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” sẽ không thể bị coi là thiếu khoa học, mà ngược lại việc tiếp tục sử dụng cụm từ này dễ tạo được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, báo chí, đại đa số các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách hơn. Điều đó cho thấy giá trị thực tiễn to lớn của việc tiếp tục thừa nhận cách sử dụng của cụm từ này. Đây cũng là quan điểm được Ban chủ nhiệm Đề tài tán đồng. Tuy nhiên, để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc sử dụng cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” với khái niệm “hình sự hoá” của lý luận luật hình sự truyền thống, nếu không có chú thích gì, không nên gọi tắt “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” thành “hình sự hoá” mà nên gọi một cách đầy đủ cả cụm từ.

Qua các diễn đàn, hội thảo về chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế vừa qua, hầu hết các nhà nghiên cứu đều tán đồng một số điểm sau đây trong nội hàm của cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”:

- Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một hiện tượng mới của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

- Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là hậu quả của sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Chưa có nhà nghiên cứu nào hoặc bài báo nào lại coi việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự là hình sự hoá.

- Sự sai lầm kể trên có thể là do cơ quan tố tụng chưa điều tra đầy đủ, khách quan, nôn nóng trong khi giải quyết hoặc cũng có thể do một số cán bộ biến chất trong các cơ quan tố tụng cố ý hình sự hoá để trục lợi.

- Nội dung của sự sai lầm này là, một hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự hoặc nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng kinh tế (chủ yếu là nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản) không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Dựa trên những điểm thống nhất đó, có thể hiểu khái niệm “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" như sau: “Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một thực trạng trong đó hành vi của người vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản được xác lập từ giao dịch dân sự, kinh tế tuy không cấu thành tội phạm nhưng người thực hiện các hành vi ấy đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự".

Nếu như coi việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với người không phạm tội là việc làm oan sai người vô tội, thì hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, với tư cách là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự, là một dạng làm oan sai người vô tội. Sự sai lầm này có thể do cố ý hoặc vô ý. Trong thực tiễn, tuy không loại trừ hiện tượng cơ quan tố tụng (thông qua người tiến hành tố tụng) cố ý “hình sự hoá” nhưng sự sai lầm này chủ yếu được thực hiện ngoài mong muốn của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Sự sai lầm ấy thể hiện ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố (tức là áp dụng pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự) đối với cả hành vi chưa phải là tội phạm. Cách hiểu về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế kể trên cũng bao hàm ý nghĩa rằng, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế, do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự, kinh tế. Vì thế chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng là một trong những biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, góp phần làm giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh vốn đầy thách thức của các nhà doanh nghiệp.

II. THỰC TRẠNG HÌNH SỰ HÓA CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ TRONG NHỮNG NĂM QUA

Trong phạm vi nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đề tài đã thu thập được một số thông tin phản ánh thực trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong thời gian qua. Cụ thể:

Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 1997 chỉ đối với hai loại tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 135 và 158 Bộ luật Hình sự 1985) Viện kiểm sát nhân dân các cấp của 40 tỉnh, thành phố đã ra quyết định chỉ điều tra 106 vụ với 118 bị can vì hành vi của những người nói trên không cấu thành các tội phạm mà họ bị khởi tố, điều tra. Có 46 người trong số 118 người trước đó đã bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giam. Cũng theo số liệu thống kê của ngành kiểm sát, trong các năm 1995, 1996, 1997 Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử các tội phạm theo các Điều 135 và 158 Bộ luật Hình sự 1985 như sau: Tòa án cấp quận huyện xét xử sơ thẩm 2257 vụ với 3009 bị cáo trong đó 1 bị cáo được tuyên không phạm tội; tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm 3057 vụ với 5781 bị cáo trong đó có 24 bị cáo được tuyên không phạm tội, tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm 606 vụ với 1008 bị cáo, đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội; ủy ban thẩm phán tòa án cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm 62 vụ với 72 bị cáo và tuyên 11 bị cáo không phạm tội; các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 1128 vụ với 1781 bị cáo đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội. Trong năm 1997 Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm 27 vụ án với các tội danh lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử và tuyên 12 bị cáo trong 8 vụ án không phạm tội như quy kết của án sơ thẩm hoặc phúc thẩm[3]. Trong năm 1998, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị tất cả 279 vụ án trong đó có 48 vụ án về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 33 vụ án; trong đó có 8 vụ Toà án cấp Giám đốc thẩm đã xác định các bị cáo không phạm tội hình sự, chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế hoặc dân sự; 19 vụ bị sửa đổi từng phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật. Cũng trong năm 1998, các Toà án địa phương đã gửi hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân tối cao để trao đổi với tổng số là 39 vụ án do Viện kiểm sát nhân dân  truy tố các bị cáo về các hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng qua nghiên cứu chuẩn bị xét xử Tòa án nhân dân  cấp tỉnh thấy có vấn đề vướng mắc về tội danh và đường lối xử lý vụ án, cần trao đổi xin ý kiến Tòa án nhân dân tối cao. Qua nghiên cứu các vụ án này Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phát hiện khoảng 1/3 số vụ án, trong đó các bị can bị truy tố không đúng tội hoặc oan và theo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh xem xét và giải quyết lại theo trình tự thủ tục các vụ án dân sự hoặc kinh tế[4]. Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000, đã có 76 vụ án và 349 bị can bị khởi tố, điều tra về các nhóm tội: tội phạm kinh tế, xâm phạm sở hữu Nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có tội mà thực chất đây chỉ là vụ việc thuộc các quan hệ dân sự và kinh tế[5]. Cũng theo Báo cáo này, có 115 người bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sau đó Toà án đã tuyên bị cáo không phạm tội (trong đó có 59 người do Toà án cấp sơ thẩm tuyên án và 56 người do toà án cấp phúc thẩm tuyên án không phạm tội).

Do chưa được chú ý tổng kết một cách toàn diện trong tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, nên các con số kể trên, mặc dù phần nào phản ánh tính bức xúc và nhức nhối của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế song vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tình trạng hình sự hoá. Đây vẫn chỉ là thông tin có tính chất như “phần bề mặt của một tảng băng trôi”. Bởi lẽ, chắc chắn, không ít vụ án bị hình sự hoá[6]còn chưa được thống kê trong những con số kể trên. Đó là chưa kể đến những vụ án bị hình sự hoá về mặt thực tế song chưa được phát hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Chuyện có những vụ án bị hình sự hoá nhưng chưa được các cơ quan tố tụng phát hiện ra là hoàn toàn có thể tin được bởi lẽ điều đó cũng đáng tin như việc tồn tại tội phạm ẩn. Tội phạm ẩn là tất yếu nhất là trong điều kiện hệ thống các cơ quan tư pháp còn có nhiều bất cập.

III. MỘT SỐ VỤ ÁN TIÊU BIỂU

Thông qua các nguồn tư liệu đã được công bố, trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, Ban chủ nhiệm đã sưu tập và phân tích hàng chục vụ án bị hình sự hoá được báo chí, công luận nhiều lần lên tiếng. Đó là:

1.Vụ án Bạch Minh Sơn - Giám đốc công ty cổ phần BEMAX bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 135 Bộ luật Hình sự 1985).

2.  Vụ án Huỳnh Thị Thu - người được cử làm đại diện cho công ty MORTAPTY (Úc), phụ trách đầu tư ở Việt Nam (bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985).

3.Vụ án Nguyễn Văn Tiếp (bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 1985).

4.Vụ án Nguyễn Thị Hồng (bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985).

5.Vụ án Bùi Thị Lý (bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 và 157 Bộ luật Hình sự 1985).

6.Vụ án Đào Thị Mỹ - từ tranh chấp về tài sản cầm cố, Đào Thị Mỹ bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985)

7.Vụ án Ngô Thị Dung (bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 135 Bộ luật Hình sự 1985).

8.Vụ án Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng cách nhờ sự can thiệp của cơ quan công an).

9.Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán dầu DOP (giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương bằng việc nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an).

10.  Vụ án Terry Lee-Daso (bị khởi tố, điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985):

Qua nghiên cứu thì không chỉ có doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bị hình sự hoá, mà cả những doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam cũng đã trở thành đối tượng bị hình sự hoá.

Ví dụ: Vụ án James Chor Hang Chow[7] (James). James là một công dân Canada gốc Hoa đến TP. HCM để kinh doanh. Trong quá trình làm ăn, ông James nợ Công ty Vận tải biển Kháng Hoà tiền thuê tàu biển, không thanh toán đúng hạn. Cuối tháng 12 năm 1991, Trọng tài kinh tế TP. HCM ra quyết định chung thẩm buộc ông James phải trả cho Công ty Vận tải biển Khánh Hoà 213.000USD. Ông James cho rằng phán quyết của Trọng tài không đúng nên khiếu nại quyết định của Trọng tài kinh tế. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, ông James chưa chịu thanh toán nợ cho Công ty vận tải biển. Do đó, tháng 8 năm 1992, ông James bị bắt giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; tài sản bị niêm phong, trong đó có một con tầu (tàu Đường Thuỷ 1) do ông James là chủ sở hữu hợp pháp. Cuối năm 1992, cơ quan điều tra Công an TP. HCM tạm giao tàu cho Công ty vận tải biển Khánh Hoà quản lý và khai thác trong thời gian chờ xét xử. Tháng 2 năm 1995, Tòa án nhân dân TP xét xử vụ án ông James phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông James bị phạt 30 tháng và 5 ngày tù. Án sơ thẩm tuyên giao tàu Đường Thuỷ 1 cho Công ty vận tải biển Khánh Hoà để thanh toán nợ, ông James kháng cáo. Đến ngày 14.8.1995, Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. HCM mở phiên toà phúc thẩm, nhận định: Khoản tiền ông James nợ Công ty là tiền công vận chuyển, nếu ông James vi phạm hợp đồng thì Công ty có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác. Án tuyên: ông James không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Vụ án Terry Lee-Daso[8]. Trong vụ án này, từ một tranh chấp hợp đồng ngoại thương đã có phán quyết bằng bản án của Trọng tài Quốc tế nhưng chưa được thi hành, bên được bồi thường đã nóng lòng gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Thế là từ đây tố tụng hình sự chen chân vào, khiến cho một công dân nước ngoài (ông Terry Lee - quốc tịch Đài Loan) phải vào vòng lao lý với hơn 2 năm trời là bị can, 8 tháng bị tạm giam. Không chỉ trong thời gian ấy, Lee phải chịu những tổn thất về mặt cơ hội làm ăn kinh doanh, bị nỗi nhục và sức ép về tinh thần.

Qua một vài ví dụ kể trên, có thể thấy, trong thực tế:

- Hình sự hoá không chỉ xảy ra đối với chủ thể của các giao dịch dân sự mà xảy ra cả đối với chủ thể của các quan hệ kinh tế, thương mại, không chỉ bó hẹp trong các giao dịch dân sự, kinh tế nội địa mà cả giao dịch dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, người bị hình sự hoá không chỉ là người dân mà cả các nhà doanh nghiệp, không chỉ là người Việt Nam mà cả công dân nước ngoài.

- Hành vi hình sự hoá của cơ quan tố tụng không chỉ là việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự mà còn gồm cả việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như bắt, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản...

- Hành vi bị đánh giá sai bản chất pháp lý và bị coi là tội phạm chủ yếu là hành vi không trả được nợ (vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ). Vì vậy loại giao dịch chủ yếu hay bị hình sự hoá thường là các hợp đồng mua bán, cho vay, cho mượn, cho thuê, đặt cọc tài sản...

- Loại tội danh thường bị áp dụng nhầm lẫn trong các vụ án này là tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 134, 134A, 157 Bộ luật Hình sự 1985; nay là Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999), “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 135, 158 Bộ luật Hình sự 1985; nay là Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999).

IV. NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA TÌNH TRẠNG HÌNH SỰ HÓA CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ

1. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trước hết xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hình sự hoá

Trong thực tế, hầu hết các vụ án bị hình sự hoá đều gắn với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của tố tụng hình sự như bắt, tạm giữ, tạm giam, niêm phong, kê biên tài sản. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người bị hình sự hoá trước hết xâm phạm tới quyền tự do, dân chủ của công dân. Có thể kể hàng chục vụ án[9] trong đó người bị hình sự hoá đã bị áp dụng biện pháp tạm giam. Thời hạn tạm giam có thể là vài tháng, song cũng có trường hợp lên tới hàng năm trời. Việc khởi tố, bắt, giữ oan sai này còn gây ra những tổn thương tâm lý vô cùng to lớn cho các đối tượng bị hình sự hoá. Đã có trường hợp, do áp lực tâm lý căng thẳng từ việc cơ quan công an thúc ép con nợ phải trả nợ cho chủ nợ, con nợ đã tìm đến con đường tự kết liễu cuộc sống của mình. Việc khởi tố, điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử oan sai trong vụ án bị hình sự hoá còn gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng chính trị của người.

Việc bắt giam trái pháp luật còn gây ra sự lãng phí thời gian công sức của người bị tạm giam, tạm giữ và của chính cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ cần tính rằng nếu như những con người bị hình sự hoá không bị tạm giam, trong thời gian đó họ vẫn hoạt động bình thường thì họ đã làm được bao việc cho họ và cho xã hội. Bằng quỹ thời gian được tiết kiệm ấy, cơ quan tố tụng có thể chuyên tâm hơn vào việc phát hiện các tội phạm ẩn.

Riêng đối với những người là chủ các doanh nghiệp, là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp thì khi bị khởi tố và bị bắt giam, doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng "rắn mất đầu" và hầu hết lâm vào tình trạng phá sản. Đối với những doanh nghiệp may mắn thoát khỏi, thì cũng phải mất vài năm sau, hoạt động của doanh nghiệp mới trở lại bình thường.

Một điều cần kể tới là, khi bị rơi vào vòng lao lý, uy tín của người bị hình sự hoá sẽ bị tổn hại một cách nghiêm trọng. Ngoài ra nếu người bị hình sự hoá là chủ hoặc người quản lý, điều hành doanh nghiệp thì uy tín của doanh nghiệp do người này làm chủ hoặc quản lý điều hành cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Hầu hết các đối tác làm ăn, bạn hàng đều có thái độ dè chừng, xa lánh, khiến cho doanh nghiệp mất môi trường làm ăn kinh doanh. Điều đó sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nếu ở mức độ nhỏ cũng gặp phải khó khăn, thua lỗ kéo dài, còn nếu ở mức độ lớn sẽ là sự sụp đổ của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, không chỉ bản thân người bị hình sự hoá phải rơi vào cảnh lao đao mà người thân của những người này cũng lâm vào tình trạng tương tự vì bị kéo vào tiến trình kêu oan cho người thân của mình. Những chi phí tố tụng để đi đến được sự giải oan trong thực tế không hề nhỏ.

Việc niêm phong, kê biên tài sản trong các vụ án doanh nghiệp bị hình sự hoá còn làm cho các tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng đóng băng, không đưa được vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê của đề tài, đã có hàng chục vụ án tài sản trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ của doanh nghiệp đã bị tách ra khỏi chu trình kinh doanh phục vụ cho hoạt động tố tụng kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời.

Trong khi đó, mặc dù đã có những quy định bước đầu về việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong tố tụng, nhưng do tính kém hiệu quả của cơ chế này, những tác động tiêu cực trên của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế càng làm các tác động này thêm trầm trọng.

2. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế tạo ra nhiều tác động tiêu cực có tính dây chuyền về kinh tế, xã hội

Xét về mặt thực tế, bất cứ doanh nghiệp nào cũng là một cộng đồng về lợi ích. Doanh nghiệp không chỉ mang trong mình lợi ích của bản thân mình mà còn lợi ích của bao doanh nghiệp, bạn hàng, bạn làm ăn khác (các chủ nợ, đối tác làm ăn, người lao động..). Chính vì thế khi các ông chủ (người đứng đầu) doanh nghiệp bị hình sự hoá và lâm vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền. Trong thời gian qua, đã không ít trường hợp các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra đã lâm vào tình trạng phá sản vì mất người quản lý điều hành, bị bạn hàng khác từ chối làm ăn, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản... Hậu quả tiếp đến đó là người lao động bị mất việc làm, kéo theo sự khủng hoảng của các doanh nghiệp bạn hàng, gây tác hại to lớn cho nền kinh tế. Những thiệt hại kể trên rất khó tính được khi đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, người bị hình sự hoá.

3. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xâm hại tới môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam

Những ví dụ thực tế về hình sự hóa giao dịch dân sự kinh tế kể trên là những minh chứng không thể chối cãi của những tác hại do tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế gây ra cho doanh nghiệp trong nước và doanh nhân nước ngoài làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam. Rõ ràng, nếu còn để tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự tái diễn thì môi trường đầu tư vốn đã không mấy hấp dẫn ở Việt Nam càng trở nên kém hấp dẫn. Hình ảnh của Việt Nam trong con mắt quốc tế bị bóp méo. Có ý kiến còn cường điệu hoá rằng tình trạng hình sự hoá làm cho cộng đồng quốc tế nhìn xã hội Việt Nam là "một xã hội cảnh sát" chứ không phải là xã hội dân sự[10].

Môi trường kinh doanh có tình trạng hình sự hoá là môi trường mà ở đó, giới doanh nhân không chỉ phải đương đầu với những khó khăn trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi, những thách thức của quá trình hội nhập từ một xuất phát điểm rất thấp về sức cạnh tranh mà họ còn phải hàng ngày, hàng giờ đối phó với nguy cơ can thiệp từ phía các cơ quan tố tụng, nguy cơ bị khép vào các tội danh hình sự ngay cả khi hành vi của họ về bản chất chỉ là những vi phạm kinh tế, dân sự. Trong đời sống kinh doanh, sự lỗ lãi, chậm thanh toán cho đối tác chỉ là những biểu hiện nhất thời và cũng là thường tình trong hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với những tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây sức ép tâm lý đối với doanh nghiệp đang hoạt động, hình sự hoá còn làm nản lòng những người có ý định đầu tư vào các dự án lớn, dài hạn, rủi ro cao, ngại tham gia vào các giao dịch trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng, chủ chốt, quyết định sự phát triển của đất nước như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản... Đồng thời hình sự hoá còn gây ra một hiệu ứng phản phát triển đó là các chủ doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không làm gì, không kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, chờ đợi, chấp nhận hiệu quả thấp thì an toàn hơn những người xông xáo, dám chấp nhận khó khăn, rủi ro trên thương trường mà đầu tư rủi ro, nhắm vào những ngành sản xuất mới, những dịch vụ mới rất có thể sẽ trở thành những động lực quan trọng tạo ra những đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Theo ý kiến của các nhà doanh nghiệp, các luật sư hành nghề tại các diễn đàn chống hình sự hoá tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế còn tạo ra một động thái là các doanh nhân không dám khai lỗ trong hoạt động của mình. Chỉ sợ khi khai lỗ, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ bị biến thành đối tượng để dò xét và rồi dẫn tới bị hình sự hoá.

4. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế làm giảm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào nền công lý

Về bản chất, hình sự hoá là làm oan sai đối với người vô tội. Tình trạng làm oan sai này khiến cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án) đáng lẽ là chỗ dựa của công lý, là hiện thân của nền công lý, là người bạn của những con người lương thiện nay đã trở thành một yếu tố ở thái cực ngược lại. Đáng lẽ cơ quan bảo vệ pháp luật là người bạn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì các cơ quan này (khi để xảy ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) trở thành cơ quan can thiệp thô bạo, xâm hại tới lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào công lý, là một trong những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động của nền tư pháp nước nhà. Sự tồn tại của tình trạng hình sự hoá làm những người quan tâm không khỏi nghi ngờ về khả năng tự phát hiện và tự sửa sai của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

V. NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG HÌNH SỰ HOÁ CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ

Với tư cách là sai lầm trong áp dụng pháp luật hình sự, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Sự chưa rõ ràng trong quy định về cấu thành tội phạm của một số tội danh trong Bộ luật Hình sự

Bộ luật Hình sự đã quy định rõ, chỉ người nào phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 2 Bộ luật Hình sự 1985/1999). Chính vì thế, tiêu chuẩn để đánh giá tính chất pháp lý của hành vi, để xét xem hành vi đó phạm tội hay không phạm tội chỉ là các quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm của Bộ luật Hình sự. Trường hợp có sự mập mờ trong các quy định của tội danh trong Bộ luật Hình sự chắc chắn dẫn tới việc áp dụng không đúng, không chuẩn xác quy định của Bộ luật Hình sự và có thể hoặc làm oan người vô tội, hoặc bỏ lọt tội.

Khi nghiên cứu các tội danh thường bị áp dụng sai lầm gây nên tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đó là các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 134, 135, Điều 157, 158 Bộ luật Hình sự năm 1985), chúng ta dễ thấy tính thiếu rõ ràng trong quy định của các tội danh này.

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (công dân hoặc xã hội chủ nghĩa), phần mô tả về hành vi phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 1985 chỉ quy định "Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... thì bị phạt cải tạo..." (Điều 135/158). Muốn áp dụng chính xác điều luật này, cụm từ “lạm dụng tín nhiệm” và “chiếm đoạt tài sản” cần phải được làm rõ.

Đối với tội lừa đảo, không chỉ trong Bộ luật Hình sự 1985 mà ngay cả trong Bộ luật Hình sự 1999, lời văn của tội danh này cũng được quy định hết sức khái quát "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản... thì bị phạt..." (Điều 134/157 Bộ luật Hình sự 1985 và Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999). Muốn áp dụng chính xác điều luật này, rõ ràng các cụm từ “bằng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản” cần phải được làm rõ.

Trong lần sửa đổi mới nhất, Bộ luật Hình sự 1999 vừa qua, tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có được quy định rõ ràng hơn. Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lời văn của các điều luật kể trên, có thể thấy, vấn đề mấu chốt để chứng minh một người phạm tội lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chứng minh sự tồn tại của hành vi chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, thế nào là chiếm đoạt tài sản thì Bộ luật Hình sự vẫn chưa quy định cụ thể. Cần lưu ý thêm là trong các vụ án bị hình sự hoá, vấn đề mắc nhất chính là xét xem trong những trường hợp nào, người không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản, bị coi là có hành vi chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào thì không.

Trong thời gian qua, trong giới lý luận, có nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chưa hoàn thiện của lý luận về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự, sự không phân biệt rõ hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, kinh tế với hành vi phạm tội là nguyên nhân và điều kiện của tình trạng hình sự hoá.

Đề tài lại cho rằng, khi tiến hành tố tụng, việc phân biệt rõ sự khác nhau giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự không là vấn đề cần giải quyết trong một vụ án hình sự cụ thể. Vấn đề trước tiên và tối quan trọng là phải trả lời bằng được câu hỏi có hay không có hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, vấn đề mấu chốt đảm bảo việc giải quyết đúng hay không đúng của vụ việc là trả lời câu hỏi hành vi của chủ thể không trả  nợ, không hoàn trả tài sản có thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự hay không. Khi xảy ra tranh chấp hoặc các biểu hiện vi phạm nghĩa vụ dân sự mà bị cáo buộc là phạm tội thì điều quan trọng mà cơ quan tố tụng phải làm không phải là xem có hay không có vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế mà vấn đề mấu chốt là phải xem xem trong vụ việc đang giải quyết đó có hay không có hành vi thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Việc chứng minh có sự vi phạm nghĩa vụ được xác lập trong giao dịch dân sự, kinh tế rõ ràng hoàn toàn không có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc gây ra sự nhầm lẫn trong việc hình sự hoá.

Vậy là, bản chất của sự nhầm lẫn của cơ quan tố tụng trong các vụ án bị hình sự hoá không phải là sự lầm lẫn giữa vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự kinh tế với tội phạm mà chính là sự lầm lẫn trong việc nhận định hành vi của người bị cáo là tội phạm hay không. Nói chính xác, với các tình tiết của vụ việc đã thu thập được, cơ quan tố tụng đã đánh giá sai tính chất của sự việc, từ sự thật là không có hành vi phạm tội, không có hành vi cấu thành tội phạm trở thành có hành vi cấu thành tội phạm.

Như vậy, đặt ra việc phân biệt vi phạm dân sự với vi phạm hình sự rõ ràng ít ý nghĩa về mặt thực tiễn.

2. Sự bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng

Bản chất của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế chính là sự sai lầm của các cơ quan tố tụng, trước hết là cơ quan điều tra (thuộc lực lượng công an). Cơ quan điều tra là người thực hiện những biện pháp đầu tiên của quá trình tố tụng. Nếu cơ quan điều tra đánh giá sai tính chất pháp lý của các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự kinh tế, coi các hành vi đó là tội phạm thì sẽ có cơ hội cho việc hình sự hoá len chân vào. Tiếp đó, nếu như Viện kiểm sát chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền năng về giám sát việc thực thi pháp luật trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể ngăn chặn được sớm hơn tình trạng hình sự hoá. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra đúng như vậy.

Mặc dù các quy định về tội danh lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn có không ít điểm chưa rõ ràng, song không phải là tất cả. Chính vì thế, không ít trường hợp trong thực tế, sự nhận thức sai lầm bản chất pháp lý của hành vi dẫn tới việc hình sự hoá là do những bất cập trong bản thân tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Sự bấp cập này thể hiện ở các điểm sau đây:

Thứ nhất là trình độ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu. Như phần trên cho thấy, việc tránh lầm lẫn khi đánh giá bản chất pháp lý của hành vi trong các vụ án bị hình sự hoá không hề đơn giản, do vậy, khi mà trình độ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử thấp thì tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế sẽ càng trở nên phổ biến hơn.

Thứ hai, tình trạng thiếu cán bộ dẫn tới sự quá tải trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng chắc chắn cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm chất lượng công tác áp dụng pháp luật hình sự trong đó có việc gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Thứ ba, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, ý thức đạo đức của không ít cán bộ chưa cao càng tạo điều kiện cho hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế có cơ hội tồn tại. Trong các vụ án bị hình sự hoá được nêu ở phần trước, Tòa án nhân dân tối cao đã nhiều lần nhắc tới việc toà án cấp phúc thẩm đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ, chứng cứ có liên quan nên không phát hiện ra tình trạng oan sai trong vụ án mình giải quyết. Điều đó cho thấy ý thức trách nhiệm của một số thẩm phán còn chưa cao. Ngoài ra, việc tồn tại các trường hợp cán bộ tố tụng cố ý hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để trục lợi cũng cho thấy sự giảm sút trong uy tín, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ tố tụng[11]. Trong thực tế, tình trạng chủ nợ nhờ cơ quan công an giải quyết việc đòi nợ cho mình là có thực, nhiều nơi còn là nhức nhối.

3. Sự bất cập trong các quy định của pháp luật dân sự, kinh tế và sự kém hiệu quả, hiệu lực của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự

Tình trạng pháp luật dân sự, kinh tế (cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng) có những bất cập, chưa thực sự bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên tranh chấp cũng là một yếu tố thúc đẩy các bên tranh chấp từ bỏ phương thức giải quyết tranh chấp của luật tư để yêu cầu cơ quan tố tụng hình sự hoá với hi vọng sớm chấm dứt được sự tranh chấp, đòi lại được tài sản của mình.

Có thể kể đến hàng chục bất cập trong pháp luật dân sự, kinh tế khiến cho pháp luật dân sự, kinh tế chưa phải là công cụ bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong số đó, phải kể đến vấn đề quy định thời hạn khởi kiện vụ án kinh tế (6 tháng) là quá ngắn. Sau khi hết thời hiệu khởi kiện, doanh nghiệp đương nhiên mất quyền khởi kiện nên không đòi được tài sản đã nhờ cơ quan công an hình sự hoá. Hoặc vấn đề khó khăn khi thực hiện việc phá sản doanh nghiệp cũng làm cho chủ doanh nghiệp, người quản lý điều hành doanh nghiệp mất công cụ bảo vệ mình khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp cơ bản để phân định rõ các loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại, từ đó dẫn tới việc lúng túng cho các chủ thể khi chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, sự đùn đẩy giữa các toà án trong việc thụ lý các tranh chấp, sự lúng túng trong việc chọn lựa quy phạm pháp luật áp dụng cho trong những trường hợp tranh chấp cụ thể.

Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lại càng bộc lộ rõ những bất cập cả về mặt quy định của pháp luật lẫn về mặt thực tế. Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trọng tài ở Việt Nam thời gian qua cho thấy sự chậm trễ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này. Một vấn đề có tính mấu chốt để đảm bảo cho trọng tài có thể hoạt động được theo đúng thông lệ quốc tế là phán quyết của trọng tài trong nước phải được công nhận và cho thi hành bằng toà án thì Việt Nam lại không thừa nhận. Điều 31 Nghị định số 116/CP ngày 5/9/1994 của Chính phủ quy định rằng: sau khi đã có phán quyết của trọng tài mà các bên không tự nguyện thi hành thì các bên có thể kiện ra toà án để giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế. Quy định này được coi là một sự phủ nhận một cách rõ ràng vai trò của các trung tâm trọng tài ở nước ta và làm giảm hiệu lực thực tế của Nghị định 116/CP.

Để giải quyết được vấn đề, chí ít phải có văn bản tầm Pháp lệnh để mở rộng thẩm quyền cho toà án thực hiện việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài trong nước. Tuy nhiên, nguồn pháp luật về trọng tài của nước ta hiện tại chỉ vẻn vẹn có 1 Nghị định của Chính phủ và vài Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tình trạng này làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, sự thiếu hiệu lực và hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp dẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, doanh nghiệp chưa được bảo vệ kịp thời. Điều này tất yếu nảy sinh tâm lý thiếu tin tưởng vào các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự hiện đang tồn tại ở Việt Nam. Thay vào đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp đã từ bỏ phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp truyền thống của luật tư quay sang nhờ cậy vào các cơ quan công quyền dùng biện pháp hành chính, hình sự (công cụ của luật công) để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

4. Nguyên nhân từ phía các cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp bị hình sự hoá

Bản thân các doanh nghiệp, cá nhân với tư cách là chủ nợ cũng chưa có ý thức pháp luật đầy đủ, hoặc chỉ chạy theo lợi ích cá nhân mà cố tình đẩy vụ tranh chấp dân sự, kinh tế lên thành vụ hình sự để mau chóng đòi lại tài sản. Đây là các doanh nhân, người dân còn mang trong mình tư duy kiểu cũ; họ cho rằng cứ con nợ không trả được nợ là cho rằng con nợ đã phạm tội và nhờ công an giải quyết.

Ngoài ra, cũng không ít trường hợp, cá nhân, nhà doanh nghiệp không ý thức đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chưa hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình trước các hành vi hình sự hoá. Ngay cả doanh nhân bị hình sự hoá cũng mắc phải sai lầm này. Chẳng hạn có doanh nhân chưa ý thức hết được vai trò của người luật sư hoặc những người tư vấn pháp luật trong quá trình hoạt động của mình cũng như trong việc đấu tranh chống lại các hành vi hình sự hoá mà mình là nạn nhân. Nhiều vụ hình sự hoá có thể dẹp bỏ ngay từ đầu nếu người có hành vi bị hình sự hoá biết đến với các luật sư để nhờ cậy vào chuyên môn của họ, cái mà mình không am tường.

5. Nền tư pháp Việt Nam chưa tương thích với yêu cầu khách quan trong đổi mới, cải cách kinh tế; đổi mới, cải cách hệ thống chính trị, dân chủ hoá đời sống

Theo quan điểm của Đảng ta, cải cách, đổi mới của nước ta trước hết được thực hiện trong kinh tế. Thực tiễn cải cách, đổi mới của hơn 15 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm này. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thấy rằng, sự nghiệp đổi mới, cải cách kinh tế không thể tiến xa và tiến nhanh hơn nếu như chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến việc đổi mới cải cách hệ thống chính trị nói chúng, đổi mới, cải cách nền hành chính và nền tư pháp nói riêng. Phải khẳng định rằng, sự vận hành có hiệu lực và hiệu quả của nền tư pháp là một nhân tố không thể thiếu để sự nghiệp đổi mới, cải cách kinh tế được thành công. Hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế với tư cách là một biểu hiện của sự bất cập trong nền tư pháp là minh chứng không thể phủ nhận của mối quan hệ hữu cơ giữa nền tư pháp với sự vận hành bình thường của nền kinh tế.

Trong các diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế thời gian qua, các nhà doanh nghiệp đã có lý khi nói rằng: trong khi nền hành chính của chúng ta đã có nhiều đổi mới, cải cách đáng kể phục vụ sự vận hành của nền kinh tế thị trường đang được thiết lập và từng bước phát triển ở nước ta thì nền tư pháp vẫn còn trong trạng thái cũ, cách vận hành, cách hoạt động, cách hành xử vẫn của những con người cũ, theo tư duy cũ, dựa trên nền tảng quy phạm cũ. Nền tư pháp cũng cần được mở cửa và đổi mới phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, duy trì nền công lý của xã hội - một nền công lý có tính chất dân chủ, có chất lượng, nền công lý của cơ chế thị trường, nền công lý của sự tự do, có cách nhìn về hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân nên rộng lượng và bớt dò xét hơn..

VI. KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP CẦN ÁP DỤNG ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HÌNH SỰ HOÁ CÁC GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, đề tài đã đưa ra một số biện pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế sau đây:

1. Sớm ban hành thông tư hướng dẫn có tính liên ngành về các tội danh thường bị áp dụng sai trong thực tiễn gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

Như đã trình bày, hình sự hoá trong thực tế thường chủ yếu diễn ra xung quanh việc áp dụng tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Do cấu thành của các tội danh này được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985 quá chung chung, nên việc áp dụng chúng dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu để hoàn thiện trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, ngay cả khi đã được hoàn thiện như quy định của Bộ luật Hình sự 1999, các ý kiến phản hồi từ thực tiễn vẫn cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các tội danh này nếu như không có sự hướng dẫn chi tiết hơn từ các cơ quan có thẩm quyền.

Đáng lưu ý là, ngay từ khi Bộ luật Hình sự 1999 chưa được ra đời, để góp phần khắc phục tình trạng hình sự hoá, trong báo cáo sơ kết công tác xét xử 6 tháng đầu năm 1998, Tòa án nhân dân tối cao đã có những hướng dẫn cho các toà án cấp dưới để làm cơ sở tránh các trường hợp hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, các hướng dẫn này chỉ thuần túy là hướng dẫn về mặt nghiệp vụ chứ không phải hướng dẫn dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật[12]. Thêm vào đó, ngay cả trường hợp các hướng dẫn này tồn tại dưới dạng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì các hướng dẫn này chỉ mang tính chất nội bộ trong ngành Tòa án nhân dân  nên không có giá trị bắt buộc đối với cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Tuy nhiên, hình sự hoá không phải là vấn đề riêng của ngành toà án, cũng không phải vấn đề riêng của ngành kiểm sát hay công an, mà đây là vấn đề có tính chất liên ngành. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp có tính chất liên ngành mà hành động thích hợp nhất và cấp thiết nhất hiện nay là cả 3 ngành (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an) phải phối hợp nhau lại để xây dựng được Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các tội danh dễ bị lạm dụng trong các vụ án bị hình sự hoá.

 Trong thông tư liên tịch này cần làm rõ các vấn đề sau đây: thế nào là hành vi chiếm đoạt, các biểu hiện; cách chứng minh ý thức chiếm đoạt; các trường hợp hay bị nhầm lẫn. Có như thế, các cơ quan tố tụng mới có cách nhìn nhận và đánh giá thống nhất khi thụ lý các vụ việc thường dễ bị hình sự hoá.

2. Nâng cao hơn nữa tính dân chủ trong các hoạt động tố tụng

Tình trạng luật sư không được các điều tra viên, kiểm sát viên tôn trọng và tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền của mình là khá phổ biến. Khi ra toà, tình trạng hội đồng xét xử chưa thực sự coi trọng ý kiến của luật sư cũng là điều thường diễn ra. Trong khi đó, việc sai lầm trong các vụ án bị hình sự hoá chủ yếu là do sai lầm trong đánh giá bản chất pháp lý của hành vi, là sự thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu toàn diện theo hướng bất lợi cho người bị hình sự hoá. Việc tạo điều kiện cho luật sư thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình chính là biện pháp thể hiện việc đảm bảo dân chủ trong hoạt động tố tụng và cũng góp phần giải quyết vụ việc đúng pháp luật hơn.

3. Xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho ngành kiểm sát và các cơ quan điều tra

Trên cơ sở có Thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng các tội danh thường gặp trong các vụ án bị hình sự hoá, tùy điều kiện cụ thể của các ngành, mỗi ngành cần có hướng dẫn riêng đề ra các biện pháp cụ thể để chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Chẳng hạn, theo đề tài, ngành kiểm sát và ngành công an cần soạn thảo các cuốn sổ tay hướng dẫn kinh nghiệm nghiệp vụ để tránh hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Bên cạnh đó, mỗi ngành, nhất là ngành công an có thể biên soạn những cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ khởi tố, điều tra riêng các tội phạm này để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

4. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật dân sự, kinh tế, hoàn thiện các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế và thi hành án

- Hàng loạt bất cập trong pháp luật dân sự, kinh tế cần được hoàn thiện như:

+ Hợp nhất các quy phạm pháp luật về hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại.

- Hàng loạt bất cập trong thể chế, thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế cần hoàn thiện:

+ Xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự, cần phải tiến hành sáp nhập toà dân sự và toà kinh tế để tránh sự đùn đẩy, dây dưa giữa các toà. Cải cách hệ thống các toà áp dụng luật tư theo xu hướng một cửa. Đây là kinh nghiệm mà thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện.

+ Xây dựng pháp luật trọng tài, trong đó cần chú ý tham khảo các tiêu chuẩn có tính chất quốc tế về tổ chức và hoạt động của trọng tài. Thừa nhận việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài trong nước.

+ Nâng cao năng lực, hiệu lực của cơ quan thi hành án nhằm đảm bảo bản án, phán quyết của toà án được thi hành nhanh chóng, hiệu quả.

Sớm hoàn thiện những bất cập trong pháp luật về dân sự, kinh tế cũng như các quy phạm tố tụng tương ứng để nâng cao hiệu lực của pháp luật dân sự, kinh tế nâng cao chất lượng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thông qua tố tụng dân sự, kinh tế.

5. Tăng cường kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, thay đổi tư duy, phong cách làm việc của cơ quan tư pháp

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các án hình sự về các tội phạm dễ bị hình sự hoá để kịp thời phát hiện khi bị hình sự hoá, sớm khắc phục, sửa chữa các oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử lý thật nghiêm minh, kịp thời các cán bộ trong các cơ quan tố tụng đã có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự- kinh tế, nhất là đối với các cán bộ cố ý thực hiện hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để trục lợi.

Rõ ràng, hình sự hoá là hành vi của cơ quan tố tụng và chỉ là của cơ quan tố tụng, chính vì thế, việc chống hình sự hoá phải đặt mục tiêu trước tiên vào hoạt động của các cơ quan tố tụng. Phải coi cơ quan tố tụng là cái sàng để lọc các hành vi cố tình đưa vụ việc dân sự, kinh tế thành vụ việc hình sự của các doanh nghiệp, người dân thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Phải coi cơ quan tố tụng là đối tượng chính, có ý nghĩa quyết định tới việc thực hiện thành công hay không việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Muốn vậy, về lâu dài, việc cải cách nền tư pháp, nâng cao năng lực, trình độ của các cơ quan tố tụng phải được đặc biệt coi trọng.

6. Sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế bồi thường thoả đáng, kịp thời cho doanh nghiệp, cá nhân bị oan sai do hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

Mặc dù Bộ luật Dân sự 1995 và Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 đã quy định vấn đề bồi thường thiệt hại khi người tiến hành tố tụng gây ra, nhưng các quy định của những văn bản này vẫn còn mang tính nguyên tắc. Các quy định chưa làm rõ người nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm đến mức độ nào khi để xảy ra oan sai. Các quy định trên cũng chưa giải quyết vấn đề cách xác định thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần cho từng dạng oan sai cụ thể. Các văn bản này cũng chưa phân biệt thế nào là xử lý oan, thế nào là xử lý sai, nên khi xác định mức bồi thường trong thực tế các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều lúng túng. Ngoài ra, việc hội đồng xét giải quyết bồi thường không cho phép người bị xử lý oan sai tham dự làm cho không ít người nghi ngờ về tính dân chủ, công bằng của cơ chế này.

Những bất cập đó đã làm cho cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị hình sự hoá trong thực tế rất kém hiệu lực và hiệu quả. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai nói chung và người bị hình sự hoá là công việc cấp bách, nên thực hiện trong thời gian tới.

7. Có cơ chế khuyến khích, cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp, doanh nhân với giới luật sư, các công ty tư vấn pháp luật.

Khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, người dân sử dụng các dịch vụ pháp lý. Tăng cường tính tích cực về mặt pháp luật của các doanh nghiệp, doanh nhân.

8. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là giáo dục các chuẩn mực pháp luật của nền kinh tế thị trường

9. Tạo dư luận lành mạnh lên án hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

Để thực hiện được điều này, hệ thống báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí phải gióng hồi chuông báo động về những vụ việc hình sự hoá, công bố rộng rãi để công luận biết, phải theo sát từng cách xử lý người bị oan sai và cả các cán bộ gây ra tình trạng oan sai để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Báo chí cũng thực hiện việc quảng bá cho các chuẩn mực kinh doanh văn minh, lành mạnh, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính.



[1] Xem chuyên đề của TS Phạm Hồng Hải trong đề tài này: Về một tình trạng được gọi là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

[2] Xem Tội phạm học, Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật - NXB Chính trị quốc gia 1994 - trang 124); TSKH Đào Trí Úc: Luật Hình sự Việt Nam (quyển 1 - Những vấn đề chung - NXB Khoa học Xã hội - 2000 trang 85).

[3] Số liệu nêu trong tham luận của TS. Phạm Hồng Hải tại Hội thảo “Các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế ngày 19/10/1999 tại Bộ Tư pháp.

[4] TS. Nguyễn Văn Hiện (Tạp chí Kiểm sát số 6/1999).

[5] Báo Kinh doanh và Pháp luật số 44 ra ngày 2/11/2000 (trang 15). Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 28/11/2000 (trang 3)

[6] Từ hình sự hoá trong đề tài này nếu không chú thích gì khác, được hiểu là “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”, chứ không phải là khái niệm “hình sự hoá” trong lý luận luật hình sự truyền thống.

[7] Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 29/4/2000.

[8] Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 3/10/2000.

[9] Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1997, chỉ riêng đối với 2 loại tội là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 135 Bộ luật Hình sự 1985) và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 158 Bộ luật Hình sự 1985), Viện kiểm sát nhân dân  các cấp của 40 tỉnh, thành phố đã ra quyết định đình chỉ điều tra 106 vụ với 118 bị can vì hành vi của những người trên không cấu thành các tội mà họ đã bị khởi tố, điều tra. Trong 118 người đã bị khởi tố, điều tra trái pháp luật ấy thì có tới 46 người đã bị cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam.

[10] Tham luận của ông Nguyễn Tiến Lập - Phó Chủ tịch Công ty Investconsult Group tại diễn đàn Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

[11] Vấn đề đòi nợ thuê được ông Lại Hợp Việt cũng đề cập tới diễn đàn chống hình sự hoá.

[12] Theo Điều  Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật thì Tòa án nhân dân tối cao chỉ có thể ra văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng Nghị quyết của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao hoặc Thông tư liên tịch với các cơ quan, ban, ngành khác.

 
 

 

Nội dung toàn văn

 

 

Phần thứ nhất

 

Tính cấp thiết, mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và quá trình nghiên cứu của đề tài.


I. Tính cấp thiết và mục tiêu nghiên cứu của đề tài

 

Hiện tượng các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm nhưng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự (tức là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) đã và đang là vấn đề được công luận quan tâm, lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bản thân việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế không chỉ gây hại cho các nhà đầu tư, kinh doanh một cách trực tiếp (về tài sản, tính mệnh, sức khỏe, danh dự) mà còn gián tiếp gây hại cho nền kinh tế nói chung. Khi hình sự hóa đã trở thành phổ biến thì hiện tượng này sẽ trở thành một trở lực to lớn đối với hoạt động kinh doanh vốn đã đầy biến động, rủi ro trong thương trường mới ở dạng sơ khai như Việt Nam. Như vậy, giải quyết đúng đắn vấn đề này có ý nghĩa kinh tế, xã hội và chính trị to lớn. Nắm bắt được đòi hỏi này, tại Chỉ thị số 16/1998/CT-TTg ngày 31/3/1998 về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp nhiệm vụ "chủ trì cùng các ngành liên quan nghiên cứu các biện pháp để thực hiện chủ trương chống hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự".

Thêm vào đó, mặc dù lâu nay hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế được nhắc đến khá nhiều song cách hiểu về nó vẫn chưa có sự thống nhất. Trong công luận, giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn vẫn còn nhiều quan niệm, cách nhìn rất khác nhau về "hình sự hóa...". Vì vậy, việc làm sáng tỏ khái niệm này, lý giải ở Việt Nam có thực sự có hiện tượng này hay không và nếu có thì nó được thể hiện như thế nào, ở mức độ nào, nguyên nhân của hiện tượng này ra sao, các giải pháp nào cần thực hiện để khắc phục nó là điều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn.

Những luận cứ kể trên chính là cơ sở để khẳng định rằng việc triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ "các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Đề tài được thực hiện nhằm đạt được các mục đích sau đây:

Thứ nhất, trả lời cho câu hỏi có hay không có hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế ở nước ta và nếu có thì nó đang ở mức độ nào, ở đâu là chủ yếu?

Thứ hai, nên hiểu khái niệm hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế như thế nào cho thực sự chuẩn xác và khoa học?

 

Thứ ba, tìm ra các nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế và trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục nó.

 

II. Nội dung và phạm vi nghiên cứu của đề tài

Giao dịch dân sự, kinh tế là những giao dịch xảy ra trên nhiều lĩnh vực hoạt động của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, hiện tượng hình sự hóa các giao dịch này cũng có thể xảy ra trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, do thời gian và các điều kiện vật chất khác có hạn nên đề tài chủ yếu đề cập đến tình trạng hình sự hóa một số loại giao dịch dân sự, kinh tế chủ yếu như mua bán, vay mượn, thuê mướn tài sản.

Có quan niệm cho rằng việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế diễn ra trong cả lĩnh vực lập pháp lẫn lĩnh vực áp dụng pháp luật nên phải nghiên cứu hiện tượng này cả 2 lĩnh vực lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên, khó có thể cho rằng trong lĩnh vực lập pháp lại xảy ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Mặt khác, nếu có xảy ra thì đây cũng không phải vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, đề tài cũng chỉ xin tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu vấn đề hình sự hóa trong hoạt động áp dụng pháp luật và các biện pháp khắc phục tình trạng này cũng chủ yếu được đưa ra trong các lĩnh vực này mà thôi.

III. Phương pháp nghiên cứu của đề tài

Các phương pháp chính được sử dụng để nghiên cứu đề tài bao gồm:

1. Phương pháp so sánh;

2. Phương pháp nghiên cứu lịch sử;

3. Phương pháp phân tích, chứng minh;

4. Phương pháp khảo sát xã hội học....

 

IV. Qúa trình nghiên cứu của đề tài

 

Để thu được kết quả cuối cùng của đề tài và để thực hiện được mục đích nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm đã tiến hành một hệ thống các hoạt động nghiên cứu. Dưới đây là những hoạt động cơ bản của đề tài:

 

1. Xây dựng hệ chuyên đề cần nghiên cứu và mời đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết liên quan về các vấn đề có liên quan để triển khai thực hiện Đề tài.

Nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn có uy tín liên quan đến việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, từ tháng 4 năm 1999, sau khi được giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu đề tài, Ban chủ nhiệm đã xây dựng được hệ chuyên đề nghiên cứu và mời đội ngũ các cộng tác viên tham gia.

Hệ chuyên đề nghiên cứu này đã được hoàn tất vào đầu năm 2000. Khi kiểm điểm lại các chuyên đề nghiên cứu, để có nhiều ý kiến hơn nữa về vấn đề mới mẻ và khó khăn này, Ban chủ nhiệm đã quyết định tăng thêm số lượng chuyên đề và mời thêm các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn khác tham gia triển khai Đề tài.

 

2. Tổ chức hội thảo giữa Ban chủ nhiệm, các nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật có liên quan để trao đổi, bàn bạc nội dung chính của đề tài nghiên cứu, nghiệm thu các chuyên đề nghiên cứu.

 

3. Tổ chức hai diễn đàn quan trọng để thu hút sự quan tâm, chú ý của giới thương nhân, các nhà quản lý Nhà nước, các cơ quan tham gia tố tụng dân sự, kinh tế, hình sự và báo chí.

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Phòng TM&CN Việt Nam tổ chức hai diễn đàn với chủ đề "chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế".

Cả hai diễn đàn (một tại Thành phố Hà Nội vào ngày 26/10/2000 và một ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/11/2000) đã thu hút được đông đảo đại diện của giới doanh nghiệp, cơ quan báo chí, các cơ quan tố tụng ở trung ương. Đã có hàng chục báo chí, đài phát thanh, truyền hình phản ánh về hai diễn đàn này. Hai diễn đàn đã thực sự gây được tiếng vang lớn trong công luận.

Sau diễn đàn, vấn đề chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế được Quốc hội, Đảng, các cơ quan tố tụng ở trung ương quan tâm hơn nữa. Không ít cơ quan đã có những hành động tích cực để thực hiện việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Đơn cử ví dụ về trường hợp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Sau hai diễn đàn kể trên, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản chỉ đạo các viện kiểm sát địa phương quan tâm chú ý hơn về vấn đề chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Nội dung của các chỉ đạo này bao gồm nhiều giải pháp rất thiết thực và cụ thể. Chẳng hạn:

- Rà soát lại tất cả các vụ án có liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế. Đặc biệt, các vụ án có tạm giam cần được ưu tiên giải quyết trước. Đến hết Qúy 1 năm 2001, toàn ngành phải có báo cáo gửi về VKSNDTC về kết quả hoạt động rà soát kể trên.

- Kể từ ngày 15/1/2001, khi khởi tố các vụ án có liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế, lãnh đạo Viện phải trực tiếp nghe và phân công cán bộ xác minh nếu thấy đủ dấu hiệu phạm tội thì mới khởi tố. Đặc biệt các trường hợp bắt tạm giam thì tập thể lãnh đạo Viện phải nghe rồi mới quyết định. Sau ngày 15/1/2001 nếu để xảy ra oan sai thì Viện trưởng VKSND cấp đó phải chịu trách nhiệm.

- Các VKS địa phương phải đưa ra một số vụ việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế điển hình (nếu có) để rút kinh nghiệm, sửa chữa.

- VKSNDTC sẽ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương sớm ban hành hệ thống thông tin hướng dẫn, giải thích luật. Trong đó chú trọng đến việc giải thích các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" làm cơ sở vận dụng thống nhất trong toàn ngành.

Có thể nói, thông qua các hoạt động nghiên cứu thiết thực và bổ ích kể trên, kết quả của việc triển khai nghiên cứu đề tài "các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đã không chỉ bó hẹp trong phạm vi báo cáo phúc trình này mà đã đi vào dư luận, tạo những chuyển biến rất thiết thực trong các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương và địa phương.

 

 

Phần thứ hai

 

Tổng thuật kết quả nghiên cứu chính của đề tài

 

I. Khái niệm hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Hiện nay đang có tình trạng một số hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản được xác lập từ các giao dịch dân sự, kinh tế tuy không cấu thành tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Đây là vấn đề bức xúc, thu hút nhiều chú ý của dư luận, giới doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động chính trị và những người làm công tác thực tiễn. Theo thống kê của các cơ quan tố tụng ở trung ương, mỗi năm có hàng chục vụ án trong đó các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản trong các giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Để đặt tên cho hiện tượng kể trên, báo chí, công luận, các chính khách, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách gọi khác nhau như "hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự", "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế", "hình sự hoá các tranh chấp dân sự, kinh tế" ... Thật khó trả lời câu hỏi ai là tác giả đầu tiên của những cụm từ kể trên.

Trong các bài nghiên cứu, các bài tham luận tại các hội thảo về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về cách đặt tên cho hiện tượng vừa nêu.

Tựu chung lại có hai luồng ý kiến cơ bản. Một luồng ý kiến thể hiện sự tán đồng với tên gọi này. Song cũng không ít ý kiến phản đối việc sử dụng cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" để đặt tên cho hiện tượng kể trên.

Luồng ý kiến phản đối cho rằng, việc sử dụng cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là hoàn toàn không chính xác về mặt khoa học. Việc sử dụng cụm từ này sẽ gây sự hiểu lầm trong giới lý luận và trong công luận, làm sai lệch nội hàm truyền thống của khái niệm "hình sự hoá".

Lập luận của luồng ý kiến này dựa trên cách hiểu truyền thống về khái niệm "hình sự hoá" đã được chấp nhận rộng rãi trong khoa học luật hình sự. Khi xem xét lại các công trình lý luận cơ bản về luật hình sự được phổ biến ở Việt Nam, có thể thấy khái niệm "hình sự hoá" (penalisation) cùng với khái niệm "tội phạm hoá" (criminalisation), "phi tội phạm hoá" (decriminalisation), "phi hình sự hoá" (depenalisation) trở thành những khái niệm chủ chốt để mô tả quá trình phát triển, vận động của luật hình sự. Theo đó, "tội phạm hoá" là việc thông qua một hình thức văn bản nhất định, nhà làm luật quy định những hành vi nào đó là tội phạm. Còn việc quy định hình phạt hay xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm kia được khoa học pháp lý hình sự gọi là hình sự hoá. Qúa trình ngược lại của tội phạm hoá và hình sự hoá được gọi là "phi tội phạm hoá" và "phi hình sự hoá". Như vậy, "hình sự hoá" chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không thể có ở giai đoạn áp dụng pháp luật. Thêm vào đó, kể từ khi pháp luật hình sự Việt Nam bãi bỏ nguyên tắc áp dụng tương tự pháp luật và ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền tiến hành việc hình sự hoá. Quan điểm này đã được trình bày khá nhất quán trong các tác phẩm về lý luận luật hình sự ở Việt Nam.

Với cách hiểu như thế, rõ ràng "hình sự hoá" trong lý luận luật hình sự truyền thống không phản ánh tình trạng oan sai trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" hoặc "hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế" xuất hiện khá độc lập với bản thân cụm từ "hình sự hoá" của khoa học Luật hình sự truyền thống. Việc xuất hiện cụm từ này có thể được coi như là một hiện tượng ngôn ngữ. Cách hiểu về "hình sự hoá" trong cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" được sử dụng nhiều trên báo chí và trong nhiều bài viết của một số nhà nghiên cứu trong một vài năm gần đây không có nội hàm như khái niệm "hình sự hoá" vừa phân tích ở trên. Thay vào đó, khi cụm từ này được sử dụng để mô tả hiện tượng dùng biện pháp hình sự để giải quyết những vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế dẫn tới oan sai trong tố tụng; mô tả hành vi trái pháp luật của cơ quan tố tụng trong việc làm oan sai người vô tội, thì cụm từ này đã mang trong mình một nội hàm mới. Với việc xuất hiện trên hàng chục báo chí, nhiều diễn đàn quan trọng khắp trong Nam ngoài Bắc suốt mấy năm qua, cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đã trở thành cách sử dụng khá phổ biến và hầu như bất cứ độc giả nào khi đọc đến cụm từ đó cũng đều mường tượng trong mình về một hiện tượng tiêu cực của nền tư pháp nước nhà. Điều này chứng tỏ cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đã đi sâu vào đời sống thường nhật và chứng tỏ sức sống độc lập của mình. Việc đặt tên khác đi, sẽ tạo ra một sự nhầm lẫn mới trong dư luận, trên báo chí. Có thể coi việc sử dụng cụm từ này có tính chất "dùng mãi thành quen", một hiện tượng không phải là ít gặp trong ngôn ngữ và nhờ đó trở thành một cụm từ có sức sống độc lập với các cụm từ khác. Nếu thừa nhận lập luận này, việc sử dụng cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" sẽ không thể bị coi là thiếu khoa học mà ngược lại việc tiếp tục sử dụng cụm từ này dễ tạo được sự ủng hộ rộng rãi của công luận, báo chí, đại đa số các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách hơn. Điều đó cho thấy giá trị thực tiễn to lớn của việc tiếp tục thừa nhận cách sử dụng của cụm từ này. Đây cũng là quan điểm được Ban chủ nhiệm Đề tài tán đồng. Tuy nhiên, để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc sử dụng cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" với khái niệm "hình sự hoá" của lý luận luật hình sự truyền thống, nếu không có chú thích gì, không nên gọi tắt "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" thành "hình sự hoá" mà nên gọi một cách đầy đủ cả cụm từ.

Mặc dù được không ít người ủng hộ cách nhìn này, song do đứng ở những giác độ khác nhau, với ý đồ, mục đích khác nhau, vẫn còn nhiều luồng ý kiến trong cách giải thích nội hàm của cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế". Vì vậy, vấn đề hiện nay đặt ra là phải làm sao thống nhất được những nội dung cơ bản trong nội hàm của cụm từ.

Trong thực tế, có ý kiến cho rằng, "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" suy cho cùng là việc dùng biện pháp hình sự để giải quyết các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế; "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế chưa cấu thành tội phạm bằng biện pháp hình sự. Có quan điểm cho rằng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là việc ưu tiên áp dụng các văn bản pháp luật hình sự thay cho pháp luật về dân sự, kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế dân sự. Có quan điểm cho rằng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xảy ra không chỉ trong quá trình áp dụng pháp luật mà cả trong quá trình xây dựng pháp luật.

Qua các diễn đàn, hội thảo về chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế vừa qua, chúng tôi thấy hầu hết các nhà nghiên cứu đều tán đồng một số điểm sau đây trong nội hàm của cụm từ (khái niệm) "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế":

- Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một hiện tượng mới của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

- Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là hậu quả của sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Chưa có nhà nghiên cứu nào hoặc bài báo nào lại coi việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự là hình sự hoá.

- Sự sai lầm kể trên có thể là do cơ quan tố tụng chưa điều tra đầy đủ, khách quan, nôn nóng trong khi giải quyết hoặc cũng có thể do một số cán bộ biến chất trong các cơ quan tố tụng cố ý hình sự hoá để trục lợi.

- Nội dung của sự sai lầm này là, một hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự hoặc nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng kinh tế (chủ yếu là nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản) không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

 

Dựa trên những điểm thống nhất đó, có thể hiểu khái niệm "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" như sau: "Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một thực trạng trong đó hành vi của người vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản được xác lập từ giao dịch dân sự, kinh tế tuy không cấu thành tội phạm nhưng người thực hiện các hành vi ấy đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự".

Nếu như coi việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với người không phạm tội là việc làm oan sai người vô tội, thì hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, với tư cách là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự, là một dạng làm oan sai người vô tội. Sự sai lầm này có thể do cố ý hoặc vô ý. Trong thực tiễn, tuy không loại trừ hiện tượng cơ quan tố tụng (thông qua người tiến hành tố tụng) cố ý "hình sự hoá" nhưng sự sai lầm này chủ yếu được thực hiện ngoài mong muốn của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Sự sai lầm ấy thể hiện ở việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố (tức là áp dụng pháp luật hình sự, áp dụng pháp luật tố tụng hình sự) đối với cả hành vi chưa phải là tội phạm (chưa đủ cấu thành tội phạm quy định trong Bộ Luật hình sự). Cách hiểu về hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế kể trên cũng bao hàm ý nghĩa rằng, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế, do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự, kinh tế. Vì thế chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng là một trong những biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, góp phần làm giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh vốn đầy thách thức của các nhà doanh nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, không nên coi việc sử dụng cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là không có tính khoa học, không có giá trị thực tiễn mà thay vào đó, chúng ta cần thống nhất về cơ bản cách hiểu về cụm từ này, nhận diện thực trạng của hiện tượng, phân tích nguyên nhân và đề ra hệ thống giải pháp hợp lý để sớm khắc phục hiện tượng kể trên.

 

II. Thực trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong những năm qua.

 

Để có giải pháp và dành nguồn lực thoả đáng cho việc phòng, chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, việc đánh giá đúng thực trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế về quy mô, tốc độ diễn biến và những những tác hại của hiện tượng này là công việc rất có ý nghĩa. Tuy vậy, thực hiện được điều này là vấn đề không đơn giản. Mặc dù đã nhiều lần bày tỏ ý định về tổng kết, đánh giá toàn diện tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, nhưng cho đến đầu năm 2001, chưa có cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án) nào thực hiện được việc tổng kết, rà soát, đánh giá một cách đầy đủ thực trạng kể trên. Chính vì điều đó, thông tin về thực trạng hình sự hoá trong báo cáo phúc trình này chỉ là thông tin về "bề mặt của một tảng băng trôi". Và cũng chính vì lý do này, mặc dù đều tán đồng việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, nhưng dư luận, giới nghiên cứu, các nhà lập pháp và bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn có cách đánh giá chưa thực sự cụ thể về thực trạng này. Hầu hết các ý kiến mới chỉ viết theo kiểu "đây là hiện tượng không bình thường, gây tác hại về nhiều mặt kinh tế, xã hội, thậm chí là chính trị", "hiện tượng này đã xảy ra khá nhiều", "hiện tượng hình sự hoá khi giải quyết các quan hệ dân sự có chiều hướng gia tăng đang là một vấn đề nổi cộm hiện nay trong hoạt động điều tra, xét xử của các cơ quan tố tụng. Một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng "hình sự hoá" các quan hệ kinh tế trong thời gian gần đây đã hình thành một nỗi bức xúc trong dư luận xã hội, là mối quan tâm của các nhà làm luật".

Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài đã thu thập được một số thông tin phản ánh thực trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong thời gian qua. Cụ thể:

Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 1997 chỉ đối với hai loại tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 135 và 158 BLHS 1985) Viện kiểm sát nhân dân các cấp của 40 tỉnh, thành phố đã ra quyết định chỉ điều tra 106 vụ với 118 bị can vì hành vi của những người nói trên không cấu thành các tội phạm mà họ bị khởi tố, điều tra. Có 46 người trong số 118 người trước đó đã bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giam. Cũng theo số liệu thống kê của ngành kiểm sát, trong các năm 1995, 1996, 1997 Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử các tội phạm theo các Điều 135 và 158 Bộ luật hình sự 1985 như sau: Tòa án cấp quận huyện xét xử sơ thẩm 2257 vụ với 3009 bị cáo trong đó 1 bị cáo được tuyên không phạm tội; tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm 3057 vụ với 5781 bị cáo trong đó có 24 bị cáo được tuyên không phạm tội, tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm 606 vụ với 1008 bị cáo, đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội; ủy ban thẩm phán tòa án cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm 62 vụ với 72 bị cáo và tuyên 11 bị cáo không phạm tội; các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 1128 vụ với 1781 bị cáo đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội. Trong năm 1997 TANDTC, VKSNDTC đã kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm 27 vụ án với các tội danh lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tài sản của công dân. ủy ban Thẩm phán TANDTC, Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử và tuyên 12 bị cáo trong 8 vụ án không phạm tội như quy kết của án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Trong năm 1998, Chánh án, Phó Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị tất cả 279 vụ án trong đó có 48 vụ án về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản XHCN. ủy ban Thẩm phán TANDTC và Toà hình sự TANDTC đã xét xử 33 vụ án; trong đó có 8 vụ Toà án cấp Giám đốc thẩm đã xác định các bị cáo không phạm tội hình sự, chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế hoặc dân sự; 19 vụ bị sửa đổi từng phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật. Cũng trong năm 1998, các Toà án địa phương đã gửi hồ sơ vụ án về TANDTC để trao đổi với tổng số là 39 vụ án do VKSND truy tố các bị cáo về các hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng qua nghiên cứu chuẩn bị xét xử TAND cấp tỉnh thấy có vấn đề vướng mắc về tội danh và đường lối xử lý vụ án, cần trao đổi xin ý kiến TANDTC. Qua nghiên cứu các vụ án này TANDTC cũng đã phát hiện khoảng 1/3 số vụ án, trong đó các bị can bị truy tố không đúng tội hoặc oan và theo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh xem xét và giải quyết lại theo trình tự thủ tục các vụ án dân sự hoặc kinh tế. Theo Báo cáo của VKSNDTC, trong năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000, đã có 76 vụ án và 349 bị can bị khởi tố, điều tra về các nhóm tội: tội phạm kinh tế, xâm phạm sở hữu Nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có tội mà thực chất đây chỉ là vụ việc thuộc các quan hệ dân sự và kinh tế. Cũng theo Báo cáo này, có 115 người bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sau đó Toà án đã tuyên bị cáo không phạm tội (trong đó có 59 người do Toà án cấp sơ thẩm tuyên án và 56 người do toà án cấp phúc thẩm tuyên án không phạm tội).

Như đã trình bày ở trên, vì chưa được chú ý tổng kết một cách toàn diện trong tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, nên các con số kể trên, mặc dù phần nào phản ánh tính bức xúc và nhức nhối của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế song vẫn chưa phản ánh được đầy đủ tình trạng hình sự hoá. Đây vẫn chỉ là thông tin có tính chất như "phần bề mặt của một tảng băng trôi". Bởi lẽ, chắc chắn, không ít vụ án bị hình sự hoácòn chưa được thống kê trong những con số kể trên. Đó là chưa kể đến những vụ án bị hình sự hoá về mặt thực tế song chưa được phát hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Chuyện có những vụ án bị hình sự hoá nhưng chưa được các cơ quan tố tụng phát hiện ra là hoàn toàn có thể tin được bởi lẽ điều đó cũng đáng tin như việc tồn tại tội phạm ẩn. Tội phạm ẩn là tất yếu nhất là trong điều kiện hệ thống các cơ quan tư pháp còn có nhiều bất cập.

Tuy nhiên, chỉ những con số được thống kê kể trên cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế hiện nay. Những số liệu đó cũng là những bằng chứng không thể chối cãi về sự bất cập của nền tư pháp nước ta, một nền tư pháp chưa đủ sức để bênh vực quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và những nhà doanh nghiệp.

 

III. Một số vụ án tiêu biểu minh chứng tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Thông qua các nguồn tư liệu đã được công bố, trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, Ban chủ nhiệm đã sưu tập được hàng chục vụ án bị hình sự hoá được báo chí, công luận nhiều lần lên tiếng.

Dưới đây là những tình tiết tóm tắt cơ bản của vụ việc và cách giải quyết của các cơ quan tố tụng:

1. Vụ án Bạch Minh Sơn - Giám đốc công ty cổ phần BEMAX bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 135 BLHS 1985).

Ngày 30/11/1993, Bạch Minh Sơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công đoàn ngân hàng Ngoại thương Trung ương. Theo hợp đồng này, Ngân hàng góp vốn để công ty mua nguyên vật liệu tổ chức sản xuất tấm lợp cót ép xuất khẩu. Tỷ suất chia lợi nhuận là 50/50. Thời gian có hiệu lực của hợp đồng là 6 tháng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bạch Minh Sơn đã nhận 6 tỷ đồng và đã sử dụng số tiền này vào mục đích sản xuất khác nhau. Khi thanh lý hợp đồng, ngày 30/7/1995, ông Sơn mới trả được 650 triệu đồng còn lại hơn 5 tỷ đồng, ông Sơn không có khả năng trả nợ. Năm 1989, ông Sơn còn nhận của Bảo Việt Nhân Thọ hơn 200.000USD tiền vốn với hình thức liên doanh để sản xuất tấm lợp, sau không có khả năng thanh toán. Nhưng kết quả kiểm toán thì tài sản của công ty của Bạch Minh Sơn còn trị giá 12 tỷ đồng.

Khi vụ việc được phát hiện, Bạch Minh Sơn bị cơ quan điều tra thành phố Hà Nội bị khởi tố về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".

Sau khi VKSND Thành phố Hà Nội truy tố, TAND Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Bản án hình sự sơ thẩm số 165/HSST của TAND thành phố Hà Nội đã áp dụng khoản 2 Điều 189 BLTTHS 1988 kết luận hành vi của Sơn không cấu thành tội phạm, với nhận định số tiền Sơn nhận của Ngân hàng và Bảo Việt được đưa vào sản xuất, xây dựng nhà xưởng tuy chưa có khả năng thanh toán, nhưng tài sản cố định trị giá 12 tỷ đồng, đủ để trả nợ.

Ngày 26/11/1998, VKSND thành phố Hà Nội kháng nghị bản án sơ thẩm nói trên. Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao đã rút toàn bộ kháng nghị của VKSND thành phố Hà Nội. Toà phúc thẩm đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

Như vậy, trong vụ án này, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã nhận thức sai bản chất pháp lý của hành vi. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã coi hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng của công ty Bamex và coi đó là hành vi của ông Sơn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Thật may cho ông Sơn, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã kịp thời phát hiện và đã bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình trong việc giải quyết vụ việc.

Thêm vào đó, Toà án đã đưa ra tiêu chí để nhận định về bản chất pháp lý của hành vi. Theo quan điểm của Toà cấp sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, việc công ty có đủ tài sản để trả nợ, nhưng công ty chưa trả được nợ, công ty không có hành vi gian dối để trốn tránh trách nhiệm trả nợ của mình, sẽ không thể coi là công ty có hành vi chiếm đoạt tài sản. Chính vì vậy, ông Bạch Minh Sơn không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tài sản.

 

2. Vụ án Huỳnh Thị Thu - người được cử làm đại diện cho công ty MORTAPTY (úc), phụ trách đầu tư ở Việt Nam (bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 BLHS 1985).

 

Theo thoả thuận, Thu tìm được đối tác để công ty cho vay vốn thì được hưởng 0,5% giá trị hợp đồng. Thu thuê xe ôtô của 2 công ty TNHH đi một số tỉnh tìm đối tác. Vì quy định của công ty chỉ cho vay vốn khi đối tác có luận chứng kinh tế được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và ngân hàng Trung ương bảo lãnh, nên 6 tháng cuối năm 1995 và đầu năm 1996, Thu không tìm được đối tác nhưng Thu đã nợ 50 triệu đồng tiền ôtô. Trước đó, Thu còn vay tiền của một số tư nhân để mở tiệm may, do thua lỗ nên không trả được 60 triệu đồng.

Cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố Thu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 158 BLHS 1985). Sau khi Viện kiểm sát truy tố Thu ra trước Toà án, phiên toà được xét xử, nhưng bản án hình sự sơ thẩm số 590/HSST ngày 24/5/1997 của TAND thành phố Hà Nội tuyên Thu không phạm tội.

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao vẫn đề nghị truy tố Thu về tội lạm dụng tín nhiệm...theo khoản 3 Điều 158 BLHS 1985. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của Toà án sơ thẩm, tuyên Thu không phạm tội với lý do: Thu không có ý thức chiếm đoạt vì trong quá trình thuê xe ôtô, vay nợ, quá trình trả nợ, quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm Thu đều xác định chính xác số nợ; Thu khất nợ, tránh mặt các chủ nợ nhưng không bỏ trốn khỏi nơi cư trú, tạm trú.

Như vậy, trong vụ án này, cũng giống như vụ án 1 (vụ án Bạch Minh Sơn), cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã nhận thức sai bản chất pháp lý của hành vi. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã coi việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng của Thu là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Thật may cho Thu, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã kịp thời phát hiện và đã bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình trong việc giải quyết vụ việc. Điều khác biệt so với vụ án 1 trong vụ án này chính là điểm cả VKSNDTC cũng tán đồng với nhận thức sai của VKSND Thành phố Hà Nội và tiếp tục thực hiện việc truy tố Thu trước toà phúc thẩm.

Thêm vào đó, Toà phúc thẩm của TANDTC đã thể hiện quan điểm về việc phân biệt hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ và hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Nếu một người tuy có nợ nần do vay mượn, hoặc chậm thanh toán tiền hàng, không trả được nợ, mặc dù có khất nợ và tránh mặt các chủ nợ nhưng không bỏ trốn khỏi nơi cư trú, tạm trú, thì không coi là có ý thức chiếm đoạt và vì vậy không thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

3. Vụ án Nguyễn Văn Tiếp (bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo Điều 135 BLHS 1985).

 

Nguyễn Văn Tiếp là tổ trưởng Tổ hợp tác xã Gia lộc (nay là Công ty TNHH Thủy bộ) ký hợp đồng vận chuyển hàng cho một số đơn vị và đã nhận đủ tiền công vận chuyển và trả tiền công vận chuyển là 732.000.000đ. Nguyễn Văn Tiếp lại ký hợp đồng thuê 3 đơn vị vận chuyển và trả tiền công cho họ theo hợp đồng thuê 3 đơn vị vận chuyển và trả tiền công cho họ theo hợp đồng nhưng Tiếp để kéo dài, trả làm nhiều lần, sau hơn 3 năm vẫn còn thiếu của 3 đơn vị 93.233.500đ. Tiếp cho rằng do có một số đơn vị khác còn nợ lại tiền chưa trả, nên Tiếp chưa thu xếp để trả ngay cho 3 đơn vị này được. Ngày 25/4/1996 Nhà máy mía đường Tuyên Quang trả nợ cho đơn vị Tiếp 245.000.000đ nợ từ năm 1995 và Tiếp nộp luôn 93.233.500đ cho cơ quan điều tra (trước khi truy tố) để trả 3 đơn vị này.

Cơ quan điều tra tỉnh Hải Phòng đã khởi tố, điều tra Tiếp với tội danh là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đã truy tố Tiếp trước TAND thành phố Hải Phòng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 258 ngày 1/8/1996 TAND Thành phố Hải phòng căn cứ vào quyết định truy tố của VKSND đã xử phạt Nguyễn Văn Tiếp 6 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 333 ngày 29/3/1997, Toà phúc thẩm TANDTC đã không xem xét sự việc với các chứng cứ có trong hồ sơ và đơn kháng cáo của bị cáo nên chỉ giảm hình phạt cho Nguyễn Văn Tiếp xuống còn 3 năm tù.

Ngày 3/10/1997, ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử lại vụ án, ra Quyết định số 70 và tuyên Nguyễn Văn Tiếp không phạm tội.

Như vậy, trong vụ việc này, người bị hình sự hoá (Nguyễn Văn Tiếp) là một giám đốc, điều hành một doanh nghiệp đã phải trải qua tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng: từ khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử. Ngoài ra, người bị hình sự hoá còn phải trải qua cả 2 lần xét xử (cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm) mà vẫn chưa được minh oan. Chỉ cho tới khi UBTP TANDTC xét xử giám đốc thẩm thì Nguyễn Văn Tiếp mới được minh oan.

Cũng giống như vụ án thứ 1 và thứ 2, cơ quan điều tra, viện kiểm sát mắc sai lầm trong việc đánh giá tính chất pháp lý về hành vi không trả được nợ của Tiếp. Song điều khác biệt rất đáng lưu ý trong vụ án thứ 3 này là ngay cả toà cấp sơ thẩm và nhất là Toà phúc thẩm TANDTC cũng mắc phải sai lầm tương tự.

Bằng việc sửa sai thông qua thủ tục giám đốc thẩm, UBTPTANDTC đã đưa ra cách nhận định về tính chất pháp lý của hành vi không trả được nợ của Tiếp như sau: Nguyễn Văn Tiếp nợ tiền công vận chuyển của 3 đơn vị 93.233.500đ, Tiếp không trốn tránh trách nhiệm của mình; không gian dối, không bỏ trốn; giữa Tiếp với các đơn vị đều thoả thuận nếu có tranh chấp, không thương lượng được thì vụ việc được đưa ra Toà Kinh tế để giải quyết, các bên đều chưa có đơn đề nghị Toà án giải quyết. Vì vậy, việc các Toà án các cấp kết án Nguyễn Văn Tiếp theo quyết định truy tố của VKSND về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN là không phân biệt rành rọt, có sự nhầm lẫn giữa tranh chấp kinh tế với trách nhiệm hình sự, kết án không đúng đối với người không có hành vi phạm tội.

Như vậy, theo quan điểm này của UBTPTANDTC, một người, mặc dù không trả được nợ, nhưng không trốn tránh trách nhiệm, không gian dối, không bỏ trốn, thì hành vi không trả được nợ của người đó không bị coi là hành vi chiếm đoạt, người đó không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong thực tế, có thể kể ra vụ án sau đây để chứng tỏ rằng các cơ quan tố tụng và các cấp tố tụng cũng mắc phải sai lầm tương tự (Vụ án ủng Phóng Lìn và Nguyễn Văn Được - bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 BLHS 1985):

Năm 1995, Nguyễn Văn Được vay của ông Đan 200.000.000đ, thời hạn 3 tháng, lãi suất 2,7%/tháng. Được đã giao cho vợ là ủng Phóng Lìn để kinh doanh buôn bán. Được mới trả 20.800.000đ tiền lãi, sau đó không có khả năng thanh toán.

Ngày 24 tháng 6 năm 1996 cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, ngày 13/5/1997, Được trả tiếp 30.000.000đ, sau khi xử sơ thẩm trả tiếp 20.000.000đ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 100 ngày 28/6/1997 TAND Tỉnh Bắc giang đã áp dụng khoản 3 điều 158 phạt ủng Phóng Lìn 7 năm tù, Nguyễn Văn Được 5 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân"; buộc Được và Lìn phải chia đôi số nợ còn lại phải trả cho ông Đan là 70.000.000đ.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 502 ngày 25/3/1998 Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà nội đã y án tội danh nhưng giảm cho Lìn xuống còn 4 năm tù, Được 20 tháng và 20 ngày tù.

Tại kháng nghị số 50 ngày 2/7/1998, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị xét lại trách nhiệm hình sự của cả 2 bị cáo.

ủy ban Thẩm phán TANDTC đã xét xử và thấy rằng: Các bị cáo có đăng ký kinh doanh các mặt hàng hoa quả, da trâu bò, muối và đã dùng số tiền vay được để kinh doanh; Được với ông Đan là anh em họ hàng nên ông Đan cho Được vay tiền, khi đến hạn trả nợ, mặc dù chưa trả được nợ gốc, các bị cáo vẫn trả lãi hàng tháng, cho đến 10/10/1995 ông Đan vẫn đồng ý thu lãi, các bị cáo không cố tình trốn tránh việc trả nợ. Sau đó, do khó khăn về kinh tế nên các bị cáo chưa trả được nợ ngay được và vào ngày 18 tháng 12/1995 (trước khi khởi tố vụ án nửa năm) các bị cáo và gia đình ông Đan thoả thuận (có Công chứng Nhà nước xác nhận) là khi bán được nhà trị giá 336.000.000đ sẽ trả cho Ngân hàng nông nghiệp Lạng sơn 214.815.000đ, số tiền còn lại sẽ trả cho ông Đan. Do Ngân hàng Nông nghiệp Lạng sơn chưa bán được nhà, nên các bị cáo chưa trả được nợ. Vì vậy, các bị cáo không trốn tránh việc trả nợ, không có thủ đoạn gian dối để không trả nợ, việc bị cáo chưa trả được nợ không phải là phạm tội mà chỉ là chưa thực hiện được nghĩa vụ trong giao dịch dân sự thông thường.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 96 ngày 29/8/1998 ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã áp dụng khoản 2 Điều 89 BLHS 1985 hủy cả 2 bản án, tuyên bố các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.

Trong vụ án này, người bị hình sự hoá cũng phải chờ tới cấp xét xử giám đốc thẩm của ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao mới được minh oan. Các cơ quan tố tụng thụ lý vụ việc trước đó đều mắc chung một sai lầm là đánh giá sai tính chất pháp lý của hành vi không trả được nợ. Điều đáng nói và cần nhắc lại ở đây là ngay cả Toà Phúc thẩm TANDTC cũng mắc phải sai lầm này.

Vụ việc cũng minh chứng quan điểm rõ ràng của ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao là kinh doanh thua lỗ không nhất thiết là phạm tội, không trả được nợ không nhất thiết là phạm tội. Nếu kinh doanh thua lỗ dẫn tới không trả được nợ mà người kinh doanh không có ý định trốn tránh việc trả nợ thì hành vi không trả được nợ của người này không cấu thành tội phạm. Việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đối với người này của cơ quan tố tụng là việc làm oan người vô tội.

 

4. Vụ án Nguyễn Thị Hồng (bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 BLHS 1985).

 

Từ tháng 7-1993 đến tháng 3-1994 Hồng chơi họ, vay tiền và hàng của một số người, chưa thanh toán cho họ và còn nợ 3 người với tổng số tiền là 163.690.000đ, không có khả năng thanh toán.

Cơ quan điều tra tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, điều tra Hồng với tội danh là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã truy tố Hồng trước TAND tỉnh Lạng Sơn.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 73 ngày 12/9/1995, TAND Tỉnh Lạng sơn căn cứ vào quyết định truy tố của VKSND đã xử phạt Nguyễn Thị Hồng 4 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân. Trong khi chờ xét xử phúc thẩm, Hồng đã nộp 30.000.000đ.

Tại bản án hình sự số 57 ngày 27/1/1996 Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà nội cũng không nghiên cứu kỹ các chứng cứ của vụ án, nên chỉ giảm án cho Nguyễn Thị Hồng xuống còn 3 năm tù.

Ngày 23/5/1997, ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã xem xét lại vụ việc và ra Quyết định số 24 tuyên Hồng không phạm tội.

Trong vụ án này, giống như trường hợp của vụ án 3, người bị hình sự hoá cũng đã trải qua các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hình sự, xét xử phúc thẩm hình sự mà vẫn bị oan. Một lần nữa, không chỉ cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà cấp sơ thẩm mà cả Toà phúc thẩm TAND TC cũng mắc phải sai lầm là đánh giá sai bản chất pháp lý hành vi không trả được nợ của Hồng.

Trong Quyết định giám đốc thẩm vụ án, ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao nhận định: Nguyễn Thị Hồng thừa nhận còn nợ 3 người 163.000.000đ, nhưng chưa hề có ý định chiếm đoạt, sở dĩ chưa trả được nợ là do Hồng cho Lê Thị Bích Hạnh (ở 31 Minh Khai, Thị xã Lạng sơn) vay 818 triệu đồng. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 20 ngày 26/3/1996, TAND Tỉnh Lạng Sơn buộc Hạnh phải bồi thường cho Hồng 818 triệu đồng; mặt khác, Hồng còn xuất trình chứng cứ chứng minh là ngoài Lê Thị Bích Hạnh còn nhiều người khác vay nợ tiền của Hồng từ năm 1991 đến năm 1994, cụ thể là: chị Nguyễn Thị Hiển 153 triệu đồng, Nguyễn Thị Thoa 169 triệu đồng, Lê Thị Minh 41 triệu đồng, Minh Huệ 150 triệu đồng, Tạ Huy 15 triệu đồng….Các người vay tiền này đều có địa chỉ cụ thể và ký tên và sổ nợ của Hồng; tổng cộng người còn nợ Hồng là 1,3 tỷ đồng. Do vậy, nếu những điều trên là đúng thì Nguyễn Thị Hồng không phạm tội.

Nhận định như vậy cho thấy về quan điểm của ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao về cách đánh giá bản chất pháp lý của hành vi không trả được nợ như sau: nếu một người nợ của người khác mà không trả được nợ, song bản thân người này lại cho người khác vay nợ và nếu tổng số nợ của người này nhỏ hơn tổng số nợ người này cho người khác vay một cách hợp pháp và người này không trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì hành vi không trả được nợ của người này không phải là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Quan điểm này của ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao một lần nữa được thể hiện qua Vụ án Lê Ngọc Châu - bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 135 BLHS 1985) dưới đây:

Lê Ngọc Châu nhận 46.800kg phân đạm "DAP" của Công ty dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp của Công an tỉnh An Giang. Số phân đạm trên, Lê Ngọc Châu đầu tư cho các hộ nông dân để sản xuất và các hộ nông dân phải thanh toán cho Châu bằng lúa. Hết hạn thanh toán, Lê Ngọc Châu chỉ thanh toán cho Công ty dịch vụ được 138.661kg lúa, còn dư nợ 23.259kg lúa Châu không thanh toán được vì còn một số hộ nông dân nhận phân đạm của Châu về sản xuất nhưng chưa thanh toán lúa cho Châu như: ông Tạ Văn Xê 17.800kg, ông Đoàn Văn Hiếu 16.700kg. Với hành vi trên, Lê Ngọc Châu bị phạt 2 năm tù nhưng được hưởng án treo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Việc kết án Lê Ngọc Châu như trên cũng không chính xác vì Lê Ngọc Châu không trả được nợ cho Công ty dịch vụ là vì người khác còn nợ Châu với số lúa còn nhiều hơn số lúa mà Châu nợ của Công ty. Lý do mà Châu không trả được nợ cho Công ty dịch vụ trong trường hợp này được coi là chính đáng nên không thể coi hành vi của Lê Ngọc Châu là hành vi chiếm đoạt. Phó viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm của Toà hình sự TAND Tối cao đã tuyên bố Lê Ngọc Châu không phạm tội.

 

5. Vụ án Bùi Thị Lý (bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân theo Điều 158 và 157 BLHS 1985).

 

Bùi Thị Lý, sinh năm 1945 tại thành phố Vinh, Nghệ An vay của 25 người ở thành phố Vinh số tiền 1.579.038.000đ; ngoài ra Lý còn vay của ông Tĩnh 117.400.000đ, cộng lại là 1.696.438.000đ, Lý đã trả được 345.063.000đ, còn nợ lại 1.335.375.000đ.

Bùi Thị Lý đã bị cơ quan điều tra tỉnh Nghệ An khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố về 2 tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 157, 158 BLHS 1985). Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đồng ý với quan điểm của cơ quan điều tra và truy tố Lý trước TAND tỉnh Nghệ An về hai tội danh trên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 88 ngày 21 tháng 5 năm 1997 TAND Tỉnh Nghệ An đã áp dụng khoản 3 các Điều 157, 158 Bộ luật hình sự phạt Bùi Thị Lý 17 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" và 8 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân" buộc lý phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là 20 năm tù.

Ngày 18/9/1997, Toà phúc thẩm TAND Tối cao đã đề nghị ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xét lại trách nhiệm hình sự đồng thời tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù đối với bị cáo, vì: Lý đã dùng số tiền vay được vào việc cho Tăng Hoài Nam và Nguyễn Thị Tuyết vay lại với lãi suất từ 6-7% một tháng để hưởng chênh lệch, Nam và Tuyết đang nợ Lý 1.347.000.000đ và những người này đã bị kết án trong vụ án khác mà Lý là người bị hại. Toà án cấp sơ thẩm đều xác định Nam và Tuyết đang nợ Lý 1.347.000.000đ, nhưng lại kết luận Lý chiếm đoạt số tiền trên và phạt bị cáo Lý 20 năm tù là không đúng pháp luật. Khi xét xử giám đốc thẩm ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định tuyên bố Bùi Thị Lý không phạm tội và đình chỉ vụ án hình sự.

Vụ án này cũng khẳng định quan điểm đánh giá bản chất pháp lý của hành vi không trả được nợ của ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao giống như vụ án thứ 5 đã nêu.

 

6. Vụ án Đào Thị Mỹ - từ tranh chấp về tài sản cầm cố, Đào Thị Mỹ bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân (Điều 158 BLHS 1985)

 

Ngày 20/8/1998, bà Bùi Thị Hạnh ở ấp 2 thị trấn Lộc Ninh tỉnh Bình Phước nhờ ông Quách Thanh Trà là người quen đem chiếc xe honda đến cầm nhà bà Đào Thị Mỹ để vay 5,5 triệu đồng. Hơn hai tháng sau, bà Hạnh cùng ông Trà đem 6 triệu đồng đến trả cho bà Mỹ để lấy xe về nhưng vì bà Mỹ tính số tiền vay cả gốc và lãi là trên 7 triệu đồng, bà Hạnh không trả đủ tiền nên còn nợ lại hơn 1 triệu. Bà Mỹ hẹn khi nào trả đủ sẽ giao xe nhưng ông Trà, bà Hạnh không giữ đúng lời hứa nên bà Mỹ tuyên bố không có cầm xe và nhận tiền của bà Hạnh.

Búc xúc trước lời nói của bà Đào Thị Mỹ, Bà Hạnh làm đơn gửi đến công an thị trấn Lộc Ninh nhờ can thiệp, nhưng do các bên không thương lượng với nhau được nên hồ sơ được chuyển lên Công an huyện Lộc Ninh giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 1/12/1998, Công an huyện Lộc Ninh đã ra Quyết định số 132 khởi tố bị can đối với bà Mỹ về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân". Ngày 6/4/1999, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lộc Ninh ra quyết định số 29/KSĐT-TA truy tố bà Mỹ về tội danh nêu trên.

Ngày 22/5/1999 TAND huyện Lộc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên toà, bà Mỹ cho rằng sở dĩ bà Mỹ giữ xe lại không giao cho ông Trà là vì ông không thực hiện đúng theo hợp đồng đã được giao kết giữa hai người và không trả đủ số lãi. Việc bà khai tại Công an thị trấn Lộc Ninh là không có nhận cầm xe của ông Trà là do bực tức chứ không xuất phát từ ý thức chiếm đoạt chiếc xe và số tiền mà ông Trà giao. Ông Trà khai rằng trong quá trình công an thị trấn Lộc Ninh đang giải quyết vụ việc thì giữa ông và bà Mỹ có gặp nhau 3 lần, bà Mỹ khẳng định rằng khi nào ông đem trả đủ số tiền thì bà sẽ giao xe cho. Từ những lời khai trên, Hội đồng xét xử TAND huyện Lộc Ninh cho rằng VKSND huyện truy tố bà Mỹ về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" theo khoản 1 điều 158 BLHS là không có căn cứ pháp luật vì thực chất quan hệ giữa bà Mỹ với ông Trà chỉ là quan hệ dân sự về cầm cố tài sản thông thường. Do đó, TAND huyện Lộc Ninh đã áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên bị cáo Đào Thị Mỹ không phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" như VKS đã truy tố.

Không đồng ý với quan điểm của TAND huyện, ngày 1/6/99 VKSND huyện Lộc Ninh đã ra Quyết định số 02/KSXX-HS kháng nghị án sơ thẩm nói trên với lập luận rằng TAND huyện Lộc Ninh tuyên bị cáo Đào Thị Mỹ không phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" là không đúng với quy định của pháp luật bởi lẽ khi nhận cầm cố chiếc xe Honda do ông Trà đem đến, bà Mỹ biết rất rõ đó là tài sản của bà Hạnh. Điều này còn được thể hiện rõ hơn khi bà Hạnh trực tiếp đem tiền đến trả cho bà Mỹ và do giữa hai người không làm giấy cầm xe, nhận tiền nên bà Mỹ đã nảy ra ý định chiếm đoạt chiếc xe và số tiền trên nên đã phủ nhận việc nhận xe và tiền của bà Hạnh tại cơ quan Công an thị trấn Lộc Ninh.

Ngày 15/12/1999 TAND tỉnh Bình Phước đã đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm. Đại diện VKSND tỉnh Bình phước đã rút quyết định kháng nghị của VKSND huyện Lộc Ninh và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm vì xét thấy quyết định kháng nghị của VKSND huyện Lộc Ninh là không có căn cứ. Và một lần nữa bà Mỹ đã được TAND tỉnh Bình Phước tuyên vô tội.

Như vậy trong vụ việc này, từ một quan hệ dân sự về "hợp đồng cầm cố tài sản" được xác lập theo Điều 329 Bộ luật dân sự, lẽ ra khi xảy ra tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường hoà giải hoặc toà án dân sự thì ở đây Cơ quan điều tra công an huyện và VKSND huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước đã hình sự hoá vụ kiện bằng việc khởi tố, truy tố bà Đào Thị Mỹ về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" và tạm giam bà Mỹ hơn 3 tháng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của bà Đào Thị Mỹ.

 

7. Vụ án Ngô Thị Dung (bị khởi tố, điều tra và truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo Điều 135 BLHS 1985).

Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng do Ngô Thị Dung làm Giám đốc có ký 2 hợp đồng kinh tế mua bán gạo với Công ty Thương nghiệp Tam Điệp và Công ty vật tư nông nghiệp Tam Điệp (đều thuộc tỉnh Ninh Bình). Với nội dung: Hai Công ty (của tỉnh Ninh Bình) bán cho Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng 750.082kg gạo thành tiền là 1.310.562.486đồng. Theo các hợp đồng này bên bán đã giao đủ gạo cho bên mua, nhưng Công ty do Ngô Thị Dung làm Giám đốc đã không thực hiện đúng cam kết với 2 Công ty của tỉnh Ninh Bình. Cụ thể là: Qua 37 lần trả tiền, Ngô Thị Dung còn nợ Công ty Thương nghiệp số tiền là 105.547.101đ và qua 44 lần trả nợ, Ngô Thị Dung còn nợ Công ty vật tư nông nghiệp Tam Điệp 136.327.385đ: như vậy, Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng do Ngô Thị Dung làm Giám đốc còn nợ của 2 Công ty trên với số tiền là 241.874.486đ.

Do không trả số nợ nêu trên, Cơ quan điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Dung và đã kết thúc điều tra đề nghị VKSND tỉnh Ninh Bình truy tố Ngô Thị Dung về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN"

Tại cáo trạng số 46 ngày 26/6 VKSND tỉnh Ninh Bình đã truy tố Ngô Thị Dung về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" theo khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự 1985 chuyển TAND tỉnh Ninh Bình để xét xử Ngô Thị Dung theo tội danh nêu trên. Nhưng sau đó, VKSND tỉnh Ninh Bình đã mượn lại hồ sơ để báo cáo cấp trên. VKSND tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi VKSNDTC với nội dung xin được đình chỉ vụ án và tha miễn trách nhiệm hình sự đối với Ngô Thị Dung, VKSNDTC có công văn trả lời với nội dung: Ngô Thị Dung chỉ phạm tội "sử dụng trái phép tài sản XHCN" và xét nhân thân của Dung chỉ cần xử lý bằng biện pháp khác cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa. VKSND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định đình chỉ vụ án, tha miễn trách nhiệm hình sự cho Ngô Thị Dung.

ở đây, có quan hệ HĐKT được thiết lập giữa 3 doanh nghiệp, khi có vi phạm, các doanh nghiệp đã không tuân thủ đúng quy định pháp luật để giải quyết và cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã nhảy vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Dung giám đốc công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng và sau khi khởi tố, điều tra, truy tố chuẩn bị xét xử vụ án lại được đình chỉ để xử lý bằng biện pháp khác.

8. Vụ án Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bằng cách nhờ sự can thiệp của cơ quan công an).

Đây là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán ngô giữa Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây(T.P Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (T.P Hồ Chí Minh). Nội dung và diễn biến sự việc như sau:

Ngày 9/10/1995, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây (bên A) và Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (bên B) đã cùng nhau ký kết hợp đồng kinh tế số 08/KTD /95 mua bán 3350 tấn ngô vàng xuất khẩu. Hợp đồng có giá trị đến hết ngày 30/11/1995. Theo hợp đồng bên A đã đặt cọc cho bên B 500.000.000đ. Ngày 3/12/1995, do đã có được bạn hàng mới nên không có nhu cầu thực hiện hợp đồng đã ký, bên A đòi huỷ hợp đồng và đòi lại số tiền đặt cọc, hai bên không thoả thuận được với nhau nên đã phát sinh tranh chấp. Bên B đã làm đơn đề nghị Công an thành phố Hồ Chí Minh can thiệp, đòi giúp số tiền đặt cọc. Cơ quan Công an đã nhận đơn, nhưng không giải quyết được, đến cuối tháng 7/1996 mới trả lại đơn cho nguyên đơn (Bên A) với lý do: vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của toà án (Toà kinh tế).

Ngày 17/8/1996, bên A làm đơn gửi Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh kiện đòi lại số tiền đặt cọc. TAND T.P Hồ Chí Minh (Toà kinh tế) đã thụ lý vụ án và tại bản của kinh tế sơ thẩm số 30 KTST ngày 2/12/1996 của Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh đã quyết định: Buộc bên B phải hoàn trả cho bên A số tiền đặt cọc và quyết định về án phí.

Sau khi có án sơ thẩm, bên B kháng cáo.

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 19 /KTPT ngày 3/6/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại T.P Hồ Chí Minh đã quyết định huỷ án sơ thẩm, đình chỉ xét xử vụ án vì thời hiệu khởi kiện đã hết trước ngày toà án thụ lý vụ án.

Chánh án TANDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên và tại bản án kinh tế giám đốc thẩm số 09/UBTP- KT ngày 7/1/1998 của UBTP. TANDTC đã quyết định huỷ cả án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự về số tiền đặt cọc nêu trên.

Trong vụ án này, sự việc rõ ràng, đơn giản, nhưng do ý thức pháp luật của các bên mà biến thành 1 sự việc phức tạp, tốn nhiều công sức, thời gian của các cơ quan pháp luật, sự việc kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng trên là do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Do các bên liên quan đã không hiểu đúng và không tuân thủ đúng theo quy định pháp luật. Nếu hiểu đúng khái niệm "đặc cọc" - Đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc khoản tiền hoặc tài sản trong thời gian nhất định nhằm xác nhận việc thống nhất ý chí giữa các bên và để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Nếu nghĩa vụ được xác lập, thực hiện theo đúng theo đúng thoả thuận của các bên thì khoản tiền hay tài sản đặt cọc được coi là khoản trả trước của bên đặt cọc và được khấu trừ khi thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng thì khoản tiền đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Còn nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc với số tiền hoặc tài sản đã nhận và khoản tiền tương đương số đã nhận, trừ khi có thoả thuận khác thì ở đây đã không có tranh chấp xảy ra về số tiền đặt cọc. Công ty XNK Bình Tây phải đương nhiên chịu mất số tiền đặt cọc.

Thứ hai: cả hai công ty và cơ quan công an đều hiểu đây là mối quan hệ đồng kinh tế được xác lập giữa hai Công ty theo đúng quy định của pháp lệnh hợp đồng kinh tế và khi có tranh chấp phát sinh cũng phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật HĐKT và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Thay bằng kiện ra Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh- Công ty XNK Bình tây lại đưa đơn đến cơ quan Công an nhờ đòi hộ số tiền đặt cọc theo hợp đồng. Cơ quan Công an khi nhận được đơn, lẽ phải xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền của cơ quan mình hay không để xem xét xử lý đảm bảo đúng thời hạn luật định thì lại giữ hồ sơ, để quá hạn mới gửi trả cho đương sự.

9. Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán dầu DOP (giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán ngoại thương bằng việc nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an).

Đây là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán dầu DOP (giữa bên bán là công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (ARTEXPORT) - Bộ thương mại với bên mua là Công ty lọc hoá dầu - nay là Công ty chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ.

Do Công ty lọc hoá dầu giới thiệu, ARTEXPORT đã ký hợp đồng mua của Công ty INDACO - Singapo 64 tần dầu DOP, hai Công ty trong nước đã thống nhất các điều khoản trong hợp đồng nhập khẩu các chỉ tiêu về chất lượng, số lượng, giá cả và nguồn gốc xuất xứ của lô dầu.

Ngày 5/6/1995, Công ty lọc hoá dầu đã ký hợp đồng số 08/ART - HLD mua lại của ARTEXPORT 64 tấn dầu DOP nói trên với tổng trị giá 145.177,6USD (ằ 1.159.857.152đ). Theo thoả thuận sau khi ký hợp đồng, bên mua phải nộp 125 triệu đồng đặt cọc, sau đó nhận hàng đến đâu trả tiền đến đó, số tiền 125 triệu đặt cọc sẽ được đổi trong chuyến giao nhận hàng cuối cùng. Và thoả thuận: trường hợp hàng về mà Công ty lọc hoá dầu từ chối nhận hàng thì ARTEXPORT cam kết bán toàn bộ lô hàng và Công ty lọc hoá dầu phải chịu mất số tiền đặt cọc 125 triệu đồng. Mọi tranh chấp không giải quyết được bằng thương lượng sẽ đưa ra Toà kinh tế và mọi phán quyết của Toà kinh tế là cuối cùng và buộc các bên phải thực hiện .v..v.

Ngày 5/7/1995, hàng đã về đến cảng Hải Phòng và đã được hoàn thành thủ tục kiểm hoá Hải quan. Bên bán đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển về Hà nội để giao hàng cho bên mua. Từ ngày 15/7/1995 đến ngày 22/8/1995 bên bán có nhiều công văn đề nghị đôn đốc bên mua nhận hàng, nhưng không được bên mua trả lời. Ngày 22/8/1995 đại diện ARTEXPORT trực tiếp đến Công ty lọc hoá dầu thì được Công ty lọc hoá dầu đưa công văn số 128 ngày 17/8/1995 gửi bên bán từ chối nhận hàng. Đại diện bên bán phản bác sự từ chối đó.

 

Như vậy, đến đây hợp đồng kinh tế giữa hai bên đã bị vi phạm. Lẽ ra các bên cần căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng và pháp luật hợp đồng kinh tế để giải quyết theo hai khả năng :

1. Trường hợp hàng về mà Công ty lọc hoá dầu từ chối nhận hàng thì ARTEXPORT cam kết bán toàn bộ lô hàng và Công ty lọc hoá dầu phải chịu mất số tiền đặt cọc 125 triệu.( theo đúng thoả thuận trong hợp đồng)

2. Mọi tranh chấp nếu không giải quyết được bằng thương lượng sẽ được đưa ra toà kinh tế và mọi phán quyết của toà kinh tế là cuối cùng và buộc các bên phải thực hiện.

Nhưng các bên đã không tuân thủ theo những gì đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định mà ngày 13/1/1996, ARTEXPORT có công văn số 155/ĐK-TR gửi Tổng cục cảnh sát - Bộ Nội vụ yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ của Công ty lọc hoá dầu. Ngày 26/4/1996 hai bên tiếp tục gặp nhau để giải quyết tranh chấp hợp đồng và đã thoả thuận: bên bán sẽ làm mọi thủ tục để rút đơn kiện bên mua tại Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ nội vụ và bên mua sẽ chuyển số tiền 600 triệu đồng đền bù cho bên bán vì bị tổn thất do thực hiện hợp đồng (thoả thuận ngoài quy định pháp luật). Nhưng sau đó hai bên không thực hiện cam kết. Ngày 13/7/1997, Cục cảnh sát kinh tế Bộ nội vụ có công văn số 258/P4 - C15 gửi Toà kinh tế TAND T.P Hà nội, chuyển 1 số tài liệu để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 30/3/1997 Công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ ARTEXPORT có đơn khởi kiện Công ty lọc hoá dầu đến Toà kinh tế TAND T.P Hà nội.

Xét về thực chất đây là một vụ việc đơn giản, nhưng do xu hướng hình sự hoá quan hệ HĐKT dẫn đến vụ việc cực kỳ phức tạp căng thẳng. Với bản án sơ thẩm số 11/KTST ngày 25 và 26 tháng 6 năm 1997, của TAND T.P Hà nội, bản án kinh tế phúc thẩm số 134/ KTPT ngày 20/9/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà nội, Quyết định số 19/UBTP -KT của UBTP TANDTC giám đốc thẩm vụ án nêu nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

 

 

10. Vụ án Terry Lee-Daso (bị khởi tố, điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" theo Điều 158 BLHS 1985):

 

Tháng 2 năm 1997, Terry Lee, Giám đốc Phát triển hải ngoại của Công ty Gremont (Malaysia), đã đến Công ty TNHH Daso nhiều lần để thương thảo về một hợp đồng mua bán hoá chất. Terry Lee trực tiếp đàm phán với Giám đốc Daso-ông Đặng Ngọc Hoà và hai bên đã thống nhất các điều khoản về việc mua bán 500 tấn hoá chất Sodium Tripoly Phosphate. Terry Lee đã fax những kết quả đàm phán được với Daso về Công ty Gremont tại Malaysia. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Gremont đã ký và fax sang Việt Nam cho Terry Lee. Sau đó, Terry Lee chuyển bản hợp đồng đến Daso cho ông Đặng Ngọc Hoà ký. Sau khi hai người đứng đầu hai công ty ký hợp đồng, công việc của Terry Lee coi như kết thúc. Các phần việc còn lại đều do Công ty và các phòng ban tại Malaysia hoàn tất.

Theo hợp đồng, Công ty Gremont đã giao cho Daso 500 tấn hoá chất trên 3 chuyến tàu (3 lô hàng). Cứ theo lẽ thường thì ngay sau khi hàng nhập khẩu về đến cảng dỡ hàng thì người nhập khẩu phải kiểm tra phẩm chất hàng (thông qua việc giám định hàng hoá của cơ quan có chức năng giám định hàng hoá xuất nhập khẩu). Nếu phát hiện hàng nhập khẩu kém chất lượng hoặc không đúng phẩm chất theo hợp đồng thì có quyền từ chối không nhận lô hàng. Nhưng ở đây, Daso đã bỏ qua thủ tục cần thiết này, đưa ngay 500 tấn hoá chất chưa qua giám định vào sản xuất do áp lực thời hạn giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu bột giặt qúa gấp. Trong khi chờ giám định phải mất thời gian khá dài. Kết quả là khi kiểm tra chất lượng 1500 tấn thành phẩm bột giặt xuất khẩu, Vina Control đã không cấp giấy công nhận phẩm chất hàng vì không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến lúc này, Daso mới yêu cầu cơ quan giám định chất lượng hàng hoá vào cuộc. Kết quả là cả 3 cơ quan chuyên môn được trưng cầu giám định đều kết luận 500 tấn hoá chất mà Công ty Gremont giao đều không phải là Sodium Tripoly Phosphate. Daso đã khởi kiện Công ty Gremont tại VIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) theo đúng điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương đã ký giữa 2 công ty và đòi Gremont bồi thường 1,2 triệu USD cho mình. Tại phán quyết trọng tài số 20/97 ngày 23/1/1998, VIAC đã quyết định: Buộc Công ty Gremont phải trả cho Công ty Daso 495.000USD (tương đương với giá của 500 tấn hoá chất). Phán quyết của trọng tài có hiệu lực ngay nhưng phía Công ty Gremont chưa thi hành. Vì thế, ông Đặng Ngọc Hoà đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 22/6/1998, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can Terry Lee với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân". Terry Lee bị bắt giam ngày 13/7/1998. Hết thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra vẫn không làm rõ được hành vi phạm tội của Terry Lee nên đề nghị VKSND thành phố gia hạn điều tra, tạm giam lần thứ nhất. Hết thời gian gia hạn điều tra và tạm giam lần thứ nhất, việc điều tra vẫn chưa kết thúc, Cơ quan điều tra lại xin gia hạn điều tra và tạm giam lần 2 nhưng VKSND Tối cao chỉ đồng ý cho gia hạn điều tra mà không đồng ý cho gia hạn tạm giam đối với Terry Lee bởi vì "Thấy việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên mang tính chất hợp đồng kinh tế. Việc tạm giam đã kéo dài (8 tháng) mà tài liệu chứng minh tội phạm lừa đảo vẫn chưa rõ ràng". Trên cơ sở đó, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam cho Terry Lee và thay bằng biện pháp đặt cọc tiền bảo lãnh. Terry Lee được tại ngoại sau 8 tháng bị tạm giam tại trại giam Chí Hoà.

Hết thời hạn điều tra lần 2, Cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận về hành vi phạm tội của Terry Lee, ngày 20/8/1999 Phó Viện trưởng VKSND Tối cao lại có thêm quyết định gia hạn điều tra đặc biệt. Ngày 10/11/1999, Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển VKSND Thành phố, đề nghị truy tố Terry Lee về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân".

Nhưng VKSND Thành phố lại có quan điểm ngược lại: Terry không phạm tội, cần phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Terry Lee dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, đây là hợp đồng mua bán ngoại thương. Trong hợp đồng này hai bên ký kết đã thoả thuận điều khoản chọn VIAC giải quyết khi có vi phạm và tranh chấp. Thực tế Daso đã kiện và VIAC đã ra phán quyết vào ngày 23/1/1998 tức là tranh chấp vi phạm hợp đồng đã được giải quyết.

Thứ hai, ngay cả nếu như chưa có phán quyết của Trọng tài, cũng không thể khởi tố hình sự được vì đây là hợp đồng ngoại thương. Khi hàng vào Việt Nam, bên nhận hàng phải yêu cầu Hải quan và cơ quan chức năng giám định chất lượng. Nếu không đúng chất lượng theo hợp đồng thì không nhận, trả lại và buộc bên bán bồi thường hoặc kiện ra cơ quan trọng tài mà hai bên đã thoả thuận. Daso đã không làm việc này, lại đem số lớn hoá chất đưa vào sản xuất ngay.

Thứ ba, chủ thể của tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" đối với Terry Lee là không chính xác bởi lẽ Terry Lee chỉ là đại diện cho Gremont. Người đứng tên ký trên hợp đồng là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc của Gremont chức không phải là Terry Lee; và việc đưa hàng vào Việt Nam cũng là Công ty Gremont chứ không phải là Terry Lee.

Với những căn cứ trên, tất cả thành viên ủy ban kiểm sát VKSND thành phố trong phiên họp ngày 8/3/2000 đã nhất trí đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Terry Lee.

Nhưng phải đến gần 7 tháng, ngày 21/9/2000 VKSND Thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức ra quyết định đình chỉ vụ án. Và ngày 22/9/2000, Terry Lee mới nhận được quyết định kể trên và được minh oan cho mình.

Qua một vài ví dụ kể trên, có thể thấy, trong thực tế:

- Hình sự hoá không chỉ xảy ra đối với chủ thể của các giao dịch dân sự mà xảy ra cả đối với chủ thể của các quan hệ kinh tế, thương mại, không chỉ bó hẹp trong các giao dịch dân sự, kinh tế nội địa mà cả giao dịch dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, người bị hình sự hoá không chỉ là người dân mà cả các nhà doanh nghiệp, không chỉ là người Việt Nam mà cả công dân nước ngoài.

- Hành vi hình sự hoá của cơ quan tố tụng không chỉ là việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hình sự mà còn gồm cả việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như bắt, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản...

- Hành vi bị đánh giá sai bản chất pháp lý và bị coi là tội phạm chủ yếu là hành vi không trả được nợ (vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ). Vì vậy loại giao dịch chủ yếu hay bị hình sự hoá thường là các hợp đồng mua bán, cho vay, cho mượn, cho thuê, đặt cọc tài sản...

- Loại tội danh thường bị áp dụng nhầm lẫn trong các vụ án này là tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 134, 134A, 157 BLHS 1985; nay là Điều 139 BLHS 1999), "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Điều 135, 158 BLHS 1985; nay là Điều 140 BLHS 1999).

 

II. Những tác động tiêu cực của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Do có những tác động tiêu cực của tình trạng hình sự hoá mà tình trạng này trở thành mối quan tâm của công luận, các nhà nghiên cứu kinh tế, pháp lý. Cho đến nay, chưa có tổng kết một cách cụ thể những thiệt hại mà những người bị hình sự hoá đã phải gánh chịu trong tất cả các vụ án bị hình sự hoá. Đây là công việc mà chỉ có thể do chính các cơ quan tố tụng hoặc có sự hỗ trợ của các cơ quan này mới có thể thực hiện được một cách đầy đủ. Trên báo chí, trong các bài nghiên cứu, trên một số diễn đàn, tại một số hội thảo nhất là các diễn đàn và hội thảo mà ban chủ nhiệm đề tài tổ chức hoặc đồng tổ chức, đã có hàng trăm ý kiến phát biểu về những tác hại của tình trạng hình sự hoá dưới nhiều giác độ khác nhau. Tổng hợp những ý kiến đó sẽ cho chúng ta một cách hình dung tương đối toàn diện về những tác động tiêu cực của tình trạng này.

 

1. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trước hết xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hình sự hoá.

 

Tác động tiêu cực thứ nhất mà ai cũng dễ nhận thấy nhất chính là sự xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người mà hành vi của họ đã bị hình sự hoá.

Trong thực tế, hầu hết các vụ án bị hình sự hoá đều gắn với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của tố tụng hình sự như bắt, tạm giữ, tạm giam, niêm phong, kê biên tài sản.

Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người bị hình sự hoá trước hết xâm phạm tới quyền tự do, dân chủ của công dân.

Có thể kể hàng chục vụ án trong đó người bị hình sự hoá đã bị áp dụng biện pháp tạm giam. Thời hạn tạm giam có thể là vài tháng, song cũng có trường hợp lên tới hàng năm trời.

Chẳng hạn vụ án bà Đào Thị Mỹ (đã trích dẫn ở phần trước). Trong vụ án này, từ một tranh chấp dân sự, bà Mỹ đã bị cơ quan điều tra hình sự hoá và đã bị bắt giam oan trong 3 tháng. Hoặc trong vụ án Đặng Lê Hoa (giám đốc một doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Bắc Thái) do Công an quận Hoàn Kiếm - Hà Nội khởi tố vào năm 1993. Ông Đặng Lê Hoa đã bị bắt giam 17 tháng, số tiền bị thu giữ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Hoặc là vụ Bùi Văn Minh, một ngư dân trú tại xóm Hồng Thái - Hải Xuân - Hải Hậu - Nam Định, mặc dù 3 lần được toà xét xử là vô tội vẫn bị cơ quan điều tra và viện kiểm sát áp dụng biện pháp tạm giam hơn 400 ngày.

Việc khởi tố, bắt, giữ oan sai này còn gây ra những tổn thương tâm lý vô cùng to lớn cho các đối tượng bị hình sự hoá. Như tâm sự của ông Bạch Minh Sơn - Giám đốc công ty cổ phần Bamex tại diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế ngày 26/10/2000, người đã từng bị hình sự hoá, "cho đến thời điểm này, (tức là sau khi vụ án đã khép lại hơn hai năm), tôi vẫn chưa hết kinh hoàng". Đã có trường hợp, do áp lực tâm lý căng thẳng từ việc cơ quan công an thúc ép con nợ phải trả nợ cho chủ nợ, con nợ đã tìm đến con đường tự kết liễu cuộc sống của mình.

Việc khởi tố, điều tra, bắt giam, truy tố, xét xử oan sai trong vụ án bị hình sự hoá còn gây thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng chính trị của người. Trường hợp chị Mai Minh Phương ở Cao Bằng là một minh chứng điển hình:

"Đoàn Thị Phận ở Cao Bằng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân đã được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng pháp luật. Trong quá trình điều tra vụ án, Đoàn Thị Phận đã có lời khai là chị Mai Minh Phương - Phó giám đốc công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp Cao Bằng thuộc Ban Tài chính quản trị tỉnh ủy Cao Bằng có vay và quỵt tiền của Đoàn Thị Phận. Chỉ căn cứ vào lời khai của Đoàn Thị Phận, ngày 8/3/2000, Cơ quan điều tra thuộc công an Cao Bằng đã ra Quyết định khởi tố bị can số 09/QĐ-KT đối với chị Mai Minh Phương. Sau một thời gian điều tra, ngày 16/5/2000, cơ quan điều tra này đã phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với chị Mai Minh Phương vì không có đủ căn cứ chứng minh chị Phương phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Tuy nhiên, kể từ khi bị khởi tố, chị Phương đã bị cách chức và cho tới hiện nay, chị Phương vẫn chưa được phục hồi công tác và chức vụ cũng như bồi thường về danh dự, nhân phẩm".

Việc bắt giam trái pháp luật còn gây ra sự lãng phí thời gian công sức của người bị tạm giam, tạm giữ và của chính cơ quan tiến hành tố tụng. Chỉ cần tính rằng nếu như những con người bị hình sự hoá không bị tạm giam, trong thời gian đó họ vẫn hoạt động bình thường thì họ đã làm được bao việc cho họ và cho xã hội. Bằng qũy thời gian được tiết kiệm ấy, cơ quan tố tụng có thể chuyên tâm hơn vào việc phát hiện các tội phạm ẩn.

Riêng đối với những người là chủ các doanh nghiệp, là người quản lý, điều hành của doanh nghiệp thì khi bị khởi tố và bị bắt giam, doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng "rắn mất đầu" và hầu hết sẽ lâm vào tình trạng phá sản. Đối với những doanh nghiệp may mắn thoát khỏi, thì cũng phải mất vài năm sau, hoạt động của doanh nghiệp mới trở lại bình thường. Trường hợp công ty cổ phần Bamex của ông Bạch Minh Sơn là một minh chứng. Theo ông Sơn, phải mất 5 năm (tức là cho tới giữa năm 2000), công ty ông mới trở lại nhịp độ hoạt động bình thường so với thời điểm trước ngày bị hình sự hoá (năm 1995).

Một điều cần kể tới là, khi bị rơi vào vòng lao lý, uy tín của người bị hình sự hoá sẽ bị tổn hại một cách nghiêm trọng. Ngoài ra nếu người bị hình sự hoá là chủ hoặc người quản lý, điều hành doanh nghiệp thì uy tín của doanh nghiệp do người này làm chủ hoặc quản lý điều hành cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Hầu hết các đối tác làm ăn, bạn hàng đều có thái độ dè chừng, xa lánh, khiến cho doanh nghiệp mất môi trường làm ăn kinh doanh. Điều đó sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng nếu ở mức độ nhỏ cũng gặp phải khó khăn, thua lỗ kéo dài, còn nếu ở mức độ lớn sẽ là sự sụp đổ của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, không chỉ bản thân người bị hình sự hoá phải rơi vào cảnh lao đao mà người thân của những người này cũng lâm vào tình trạng tương tự vì bị kéo vào tiến trình kêu oan, sai cho người thân của mình. Những chi phí tố tụng để đi đến được sự giải oan trong thực tế không hề nhỏ.

Việc niêm phong, kê biên tài sản trong các vụ án doanh nghiệp bị hình sự hoá còn làm cho các tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng đóng băng, không đưa được vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê của đề tài, đã có hàng chục vụ án tài sản trị giá hàng tỷ, hàng chục tỷ của doanh nghiệp đã bị tách ra khỏi chu trình kinh doanh phục vụ cho hoạt động tố tụng kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời. Đơn cử trường hợp công ty cổ phần Bamex.

Dưới đây là trích lời phát biểu của ông Bạch Minh Sơn (một nhân chứng sống của tình trạng hình sự hoá) tại diễn đàn Chống hình sự hoá ngày 26/10/2000 giữa Bộ Tư pháp và Phòng TM&CN Việt Nam "Việc hình sự hoá đối với tôi diễn ra trong một thời gian dài khoảng trên hai năm nhưng thực ra hậu quả của nó phải được kể trước đó hơn một năm nữa tức tổng cộng thời cơ kinh doanh của chúng tôi bị thiệt hại khoảng 42 tháng. Từ lúc bắt đầu bằng giấy giới thiệu đầu tiên cho đến lúc kết thúc hoàn toàn vụ án là tháng 7/1998, chúng tôi mất 42 tháng không kinh doanh gì cả. Và nếu xét về tiền của thì tổng tài sản ở công ty chúng tôi ở thời điểm trước vụ án là 25 tỷ cộng 5 tỷ của đơn vị liên doanh với chúng tôi là 30 tỷ. Các đồng chí thử tính thử 30 tỷ trong 42 tháng không kinh doanh gì cả sẽ biết ngay được con số thiệt hại, đó là chưa kể đến uy tín, danh dự của những người trong vụ án này chắc chắn là bị sụp đổ và phải kể thêm sau 42 tháng, chúng tôi mất một năm rưỡi nữa mới trở lại được nhịp ban đầu của chúng tôi năm 1995. Có thể nói đến tháng 5/2000, chúng tôi mới trở lại điểm xuất phát năm 1995 tức là chúng tôi bắt đầu mở rộng nhà máy, bắt đầu phát triển dự án đúng như ban đầu. Có thể nói rất đáng tiếc lịch sử của một công ty, hơn nữa tuổi tác của chúng tôi lúc còn sung sức nhất có thể làm được nhiều nhất lại bị chìm đắm trong những đối chất, đối phó và làm thế nào để giữ được bản thân mình trong sạch và được pháp luật thừa nhận là trắng án. Đó là một việc rất khủng khiếp đã diễn ra đối vơí chúng tôi".

Trong khi đó, cũng cần nói thêm là mặc dù đã có những quy định bước đầu về việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan sai trong tố tụng, nhưng do tính kém hiệu quả của cơ chế này, những tác động tiêu cực trên của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế càng làm các tác động này thêm trầm trọng. Vụ Bùi Văn Minh - ngư dân ở Hải Hậu - Nam Định là một minh chứng điển hình. Sau khi được trả tự do và được minh oan, Bùi Văn Minh trở về nhà mà không biết bắt đầu cuộc sống như thế nào trong khi tay không có một đồng vốn, nhà cửa tan hoang, tinh thần tổn thương. Bùi Văn Minh đã làm đơn gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát Nam Định đòi bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và danh dự cho mình nhưng đã sau 9 tháng đi đòi bồi thường, sự việc vẫn rơi vào im lặng.

 

2. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế tạo ra nhiều tác động tiêu cực có tính dây chuyền về kinh tế, xã hội.

 

Xét về mặt thực tế, bất cứ doanh nghiệp nào cũng là một cộng đồng về lợi ích. Doanh nghiệp không chỉ mang trong mình lợi ích của bản thân mình mà còn lợi ích của bao doanh nghiệp, bạn hàng, bạn làm ăn khác (các chủ nợ, đối tác làm ăn, người lao động..). Chính vì thế khi các ông chủ (người đứng đầu) doanh nghiệp bị hình sự hoá và lâm vào tình trạng khó khăn, đặc biệt là trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, sẽ gây ra hiệu ứng dây truyền. Trong thời gian qua, đã không ít trường hợp các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra đã lâm vào tình trạng phá sản vì mất người quản lý điều hành, bị bạn hàng khác từ chối làm ăn...Trường hợp Công ty COVINA là một minh chứng điển hình. Công ty này đang ăn nên làm ra với sản phẩm nồi cơm điện được người tiêu dùng rất ưa chuộng, cạnh tranh thắng cả hàng Trung quốc trong đầu những năm 90 vậy mà khi giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố, bắt giam, doanh nghiệp mất người lãnh đạo, điều hành đủ năng lực nên sau một thời gian doanh nghiệp này đã lâm vào tình trạng phá sản. Hậu quả tiếp đến đó là người lao động bị mất việc làm, kéo theo sự khủng hoảng của các doanh nghiệp bạn hàng, gây tác hại to lớn cho nền kinh tế. Những vụ đổ vỡ tín dụng của những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 cũng đã cho thấy điều này.

Những thiệt hại kể trên rất khó tính được khi đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, người bị hình sự hoá.

 

3. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xâm hại tới môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

 

Có thể khẳng định rằng, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế làm tổn hại tới môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, xâm phạm quyền tự do định đoạt của các bên tham gia giao dịch dân sự, tước quyền chủ động, trong kinh doanh của doanh nghiệp, can thiệp trái pháp luật vào quá trình vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam nhằm khơi thông nội lực, thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua thể hiện trong việc cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư kinh doanh là sự thật không thể chối cãi. Điều đó đã được ghi nhận bởi không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế. Việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung các đạo luật về doanh nghiệp và đầu tư trong những năm qua, thể hiện trong Luật doanh nghiệp (1999), Luật đầu tư nước ngoài (1996, 2000), Luật khuyến khích đầu tư trong nước (1998) chính là thể hiện nỗ lực này. Có thể nói, phát triển kinh tế là trận chiến hàng đầu của đất nước ta hiện nay. Tuy nhiên, sự tồn tại tình trạng hình sự hoá với những tác động tiêu cực kể trên chính là sự đi ngược lại những nỗ lực chung của Đảng và Nhà nước ta.

Qua nghiên cứu cho thấy, không chỉ có doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bị hình sự hoá, mà cả những doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam cũng đã trở thành đối tượng bị hình sự hoá.

Dưới đây là hai vụ án tiêu biểu:

Vụ án James Chor Hang Chow:

James Chor Hang Chow (James) là một công dân Canada gốc Hoa đến TP. HCM để kinh doanh. Trong quá trình làm ăn, ông James nợ Công ty Vận tải biển Kháng Hoà tiền thuê tàu biển, không thanh toán đúng hạn. Cuối tháng 12 năm 1991, Trọng tài kinh tế TP. HCM ra quyết định chung thẩm buộc ông James phải trả cho Công ty Vận tải biển Khánh Hoà 213.000USD. Ông James cho rằng phán quyết của Trọng tài không đúng nên khiếu nại quyết định của Trọng tài kinh tế. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, ông James chưa chịu thanh toán nợ cho Công ty vận tải biển. Do đó, tháng 8 năm 1992, ông James bị bắt giam với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN; tài sản bị niêm phong, trong đó có một con tầu (tàu Đường Thuỷ 1) do ông James là chủ sở hữu hợp pháp. Cuối năm 1992, cơ quan điều tra Công an TP. HCM tạm giao tàu cho Công ty vận tải biển Khánh hoà quản lý và khai thác trong thời gian chờ xét xử. Tháng 2 năm 1995, TANDTP xét xử vụ án ông James phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông James bị phạt 30 tháng và 5 ngày tù. án sơ thẩm tuyên giao tàu Đường Thuỷ 1 cho Công ty vận tải biển Khánh Hoà để thanh toán nợ, ông James kháng cáo. Đến ngày 14.8.1995, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM mở phiên toà phúc thẩm, nhận định: Khoản tiền ông James nợ Công ty là tiền công vận chuyển, nếu ông James vi phạm hợp đồng thì Công ty có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác. án tuyên: ông James không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Năm 1996, tàu được bán ra với giá 595 triệu đồng. Mặc dù tàu được bán sau khi có bản án phúc thẩm nhưng tất cả các thủ tục để bán tàu đã được chuẩn bị trong khi chờ xét xử sơ thẩm. James được tuyên không phạm tội nhưng trong suốt năm năm trời ông phải đối mặt với nghèo túng và lao đao, vất vả về chuyện khiếu nại con tàu của mình bị bán mất. Tàu Đường Thuỷ 1 được bán xong thì UBND tỉnh Khánh Hoà có quyết định giải thể Công ty vận tải biển Khánh Hoà. Ông James nhiều lần liên hệ với UBND Tỉnh Khánh hoà yêu cầu trả lại tiền bán tàu nhưng UBND tỉnh nhất định không trả với lý do án phúc thẩm tuyên huỷ án nhưng không có dòng nào buộc trả lại con tàu cho ông James (?) vả lại công ty cũ đã giải thể, còn UBND tỉnh không giữ một đồng nào tiền bán tàu. TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản yêu cầu thực hiện đúng yêu cầu của bản án phúc thẩm là UBND Tỉnh Khánh Hoà và Công ty vận tải biển phải trả lại tàu Đường Thuỷ 1 cho ông James, nếu tàu đã được bán rồi thì phải trả lại toàn bộ số tiền bán tàu. Tuy nhiên, yêu cầu của các cơ quan trung ương không được tỉnh Khánh Hoà chấp thuận. UBND Tỉnh Khánh Hoà cho rằng mình "không giữ một đồng nào tiền bán tàu và cũng không biết hiện giờ tiền đó nằm ở đâu".

Suốt 5 năm qua, Phòng THA TP. HCM (nơi thụ lý bản án phúc thẩm) và UBND tỉnh Khánh Hoà tranh cãi về việc thi hành bản án. Phòng THA cho rằng: Nếu UBND tỉnh không nắm được tiền bán tàu hiện ở đâu thì tư cách đơn vị chủ quản, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền trên. Do đó, Phòng THA sẽ phải cắt chuyển ngân sách tỉnh Khánh Hoà để trả cho ông James. Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, Công ty vận tải biển làm ăn thua lỗ thì phải lấy tài sản của Công ty mà trả, Luật doanh nghiệp Nhà nước không cho dùng ngân sách trả các khoản thua lỗ. Còn về phần mình, ông James vẫn tiếp tục chờ và đi khiếu nại!

Vụ án Terry Lee-Daso:

Trong vụ án này, từ một tranh chấp hợp đồng ngoại thương đã có phán quyết bằng bản án của Trọng tài Quốc tế nhưng chưa được thi hành, bên được bồi thường đã nóng lòng gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Thế là từ đây tố tụng hình sự chen chân vào, khiến cho một công dân nước ngoài (ông Terry Lee - quốc tịch Đài Loan) phải vào vòng lao lý với hơn 2 năm trời là bị can, 8 tháng bị tạm giam. Không chỉ trong thời gian ấy, Lee phải chịu những tổn thất về mặt cơ hội làm ăn kinh doanh, bị nỗi nhục và sức ép về tinh thần, Lee còn cho biết "trong thời gian tôi bị bắt, bị điều tra tại Việt Nam, hai năm trời gia đình tôi ở bên kia không có tiền chi tiêu, nên đã tan đàn xẻ nghé. Vợ tôi đi lấy chồng khác. Ba đứa con một đứa bỏ nhà đi đâu không biết, một đứa bị tai nạn giao thông, đứa nhỏ nhất phải bỏ học".

Những ví dụ thực tế kể trên là những minh chứng không thể chối cãi của những tác hại do tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế gây ra cho doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam. Rõ ràng, nếu còn để tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự tái diễn thì môi trường đầu tư vốn đã không mấy hấp dẫn ở Việt nam càng trở nên kém tính hấp dẫn. Hình ảnh của Việt Nam trong con mắt quốc tế bị bóp méo. Có ý kiến còn cường điệu hoá rằng tình trạng hình sự hoá làm cho cộng đồng quốc tế nhìn xã hội Việt Nam là "một xã hội cảnh sát" chứ không phải là xã hội dân sự.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng hình sự hoá là một dấu hiệu không bình thường của một môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, môi trường kinh doanh có tình trạng hình sự hoá là môi trường mà ở đó, giới doanh nhân, người lính xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, nguồn động lực cho sự phát triển của xã hội, nhân tố quyết định sự hội nhập thành công không chỉ phải đương đầu với những khó khăn trong điều kiện nền kinh tế đang chuyển đổi, những thách thức của quá trình hội nhập từ một xuất phát điểm rất thấp về sức cạnh tranh mà họ còn phải hàng ngày, hàng giờ đối phó với nguy cơ can thiệp từ phía các cơ quan tố tụng, nguy cơ bị khép vào các tội danh hình sự ngay cả khi hành vi của họ về bản chất chỉ là những vi phạm kinh tế, dân sự. Trong đời sống kinh doanh, sự lỗ lãi, chậm thanh toán cho đối tác chỉ là những biểu hiện nhất thời và cũng là thường tình trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Cùng với những tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây sức ép tâm lý đối với doanh nghiệp đang hoạt động, hình sự hoá còn làm nản lòng những người có ý định đầu tư vào các dự án lớn, dài hạn, rủi ro cao, ngại tham gia vào các giao dịch trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng, chủ chốt, quyết định sự phát triển của đất nước như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản... Đồng thời hình sự hoá còn gây ra một hiệu ứng phản phát triển đó là các chủ doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư không làm gì, không kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, chờ đợi, chấp nhận hiệu quả thấp thì an toàn hơn những người xông xáo, dám chấp nhận khó khăn, rủi ro trên thương trường mà đầu tư rủi ro, nhắm vào những ngành sản xuất mới, những dịch vụ mới rất có thể sẽ trở thành những động lực quan trọng tạo ra những đột phá khẩu cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Theo ý kiến của các nhà doanh nghiệp, các luật sư hành nghề tại các diễn đàn chống hình sự hoá tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế còn tạo ra một động thái là các doanh nhân không dám khai lỗ trong hoạt động của mình. Chỉ sợ khi khai lỗ, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ bị biến thành đối tượng để dò xét và rồi dẫn tới bị hình sự hoá.

 

4. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế làm giảm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào nền công lý.

 

Có thể khẳng định rằng, hình sự hoá làm giảm niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào pháp luật và nền công lý, làm méo mó hình ảnh của cơ quan bảo vệ pháp luật trước nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Những con số về số vụ án bị hình sự hoá trong thực tế như đã nêu ở những phần trước của bản báo cáo này cho thấy tình trạng hình sự hoá hiện nay đã ở mức rất báo động và là một điều không thể chấp nhận được. Về bản chất, hình sự hoá là làm oan sai đối với người vô tội, nhất là những người đó lại là các doanh nghiệp, người lính xung kích trên mặt trận phát triển đất nước hiện nay. Tình trạng làm oan sai này khiến cho các cơ quan bảo vệ pháp luật (cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án) đáng lẽ là chỗ dựa của công lý, là hiện thân của nền công lý, là người bạn của những con người lương thiện nay đã trở thành một yếu tố ở thái cực ngược lại. Đáng lẽ cơ quan bảo vệ pháp luật là người bạn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì nay lại (khi để xảy ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) trở thành cơ quan can thiệp thô bạo, xâm hại tới lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào công lý, là một trong những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động của nền tư pháp nước nhà. Sự tồn tại của tình trạng hình sự hoá làm những người quan tâm không khỏi nghi ngờ về khả năng tự phát hiện và tự sửa sai của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

II. Nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Với tư cách là sai lầm trong áp dụng pháp luật hình sự, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế có các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

 

Sự chưa rõ ràng trong quy định về cấu thành tội phạm của một số tội danh trong BLHS.

 

Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế suy cho cùng chính là sự sai lầm trong việc định tội danh của các cơ quan tố tụng. Sự thiếu rõ ràng trong các quy định của pháp luật dẫn đến việc nhận thức và áp dụng không thống nhất và chưa đúng pháp luật (định tội danh sai) là nguyên nhân chính của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Trong các vụ án điển hình minh chứng sự tồn tại của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, có thể thấy, không ít trường hợp, người bị hình sự hoá phải trải qua không chỉ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, mà còn cả xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà vẫn bị kết tội oan sai. Điều đó cho thấy sự không thống nhất về cách đánh giá bản chất pháp lý của hành vi không trả được nợ giữa không chỉ cơ quan điều tra, viện kiểm sát với toà án mà giữa ngay cả các cấp xét xử của toà án, thậm chí là ngay các toà trong TAND tối cao.

BLHS đã quy định rõ, chỉ người nào phạm một tội được quy định trong BLHS thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 2 BLHS 1985/1999). Chính vì thế, tiêu chuẩn để đánh giá tính chất pháp lý của hành vi, để xét xem hành vi đó phạm tội hay không phạm tội chỉ là các quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm của BLHS. Trường hợp có sự mập mờ trong các quy định của tội danh trong BLHS chắc chắn dẫn tới việc áp dụng không đúng, không chuẩn xác quy định của BLHS và có thể hoặc làm oan người vô tội, hoặc bỏ lọt tội.

Khi nghiên cứu các tội danh thường bị áp dụng sai lầm gây nên tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đó là các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 134, 135, Điều 157, 158 BLHS 1985), chúng ta dễ thấy tính thiếu rõ ràng trong quy định của các tội danh này.

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (công dân hoặc XHCN), phần mô tả về hành vi phạm tội của BLHS năm 1985 chỉ quy định "Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ... thì bị phạt cải tạo ..." (Điều 135/158). Muốn áp dụng chính xác điều luật này, cụm từ "lạm dụng tín nhiệm" và "chiếm đoạt tài sản" cần phải được làm rõ.

Đối với tội lừa đảo, không chỉ trong BLHS 1985 mà ngay cả trong BLHS 1999, lời văn của tội danh này cũng được quy định hết sức khái quát "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản ..... thì bị phạt ..." (Điều 134/157 BLHS 1985 và Điều 139 BLHS 1999). Muốn áp dụng chính xác điều luật này, rõ ràng các cụm từ "bằng thủ đoạn gian dối" và "chiếm đoạt tài sản" cần phải được làm rõ.

Trong lần sửa đổi mới nhất, BLHS 1999 vừa qua, tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có được quy định rõ ràng hơn. Điều 140 BLHS 1999. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác ..., thì bị phạt ....:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".

Tuy nhiên, khi đọc kỹ lời văn của các điều luật kể trên, có thể thấy, vấn đề mấu chốt để chứng minh một người phạm tội lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chứng minh sự tồn tại của hành vi chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, thế nào là chiếm đoạt tài sản thì BLHS vẫn chưa quy định cụ thể. Cần lưu ý thêm là trong các vụ án bị hình sự hoá, vấn đề mắc nhất chính là xét xem trong những trường hợp nào, người không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản, bị coi là có hành vi chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào thì không. Và vấn đề mắc nhất, khiến cho các cơ quan tố tụng ít thống nhất với nhau nhất trong các vụ án này chính là cách hiểu, cách quan niệm về hành vi chiếm đoạt. Quan điểm giải quyết của TANDTC trong các vụ án đó đã bước đầu thể hiện tinh thần: không phải cứ không trả nợ, không trả được nợ thì đều là phạm tội. Kinh doanh thua lỗ, nếu không thoả mãn cấu thành tội phạm quy định trong BLHS thì không phải là một tội và không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tiễn cuộc sống vô cùng phức tạp đã đặt ra biết bao tình huống trong kinh doanh gắn liền với việc không trả được nợ. Với một căn cứ còn mơ hồ về cách hiểu như trên thì việc xảy ra việc áp dụng không thống nhất, không chuẩn xác, không toàn diện là điều không khó hiểu.

Cũng cần lưu ý là, trong thời gian qua, trong giới lý luận, có nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chưa hoàn thiện của lý luận về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự, sự không phân biệt rõ hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, kinh tế với hành vi phạm tội là nguyên nhân và điều kiện của tình trạng hình sự hoá. Chúng tôi lại cho rằng, vấn đề mấu chốt không phải ở việc xem trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự hoặc xem hành vi không trả nợ và hành vi chiếm đoạt tài sản khác nhau như thế nào mà vấn đề mấu chốt là việc trả lời câu hỏi có hay không có hành vi phạm tội. Điều này cũng có nghĩa là phải làm rõ tiêu chí phân biệt giữa hành vi không trả nợ là tội phạm và hành vi không trả nợ nhưng không phải là tội phạm.

Khi tiến hành tố tụng, việc phân biệt rõ sự khác nhau giữa trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự không là vấn đề cần giải quyết trong một vụ án hình sự cụ thể. Vấn đề trước tiên và tối quan trọng là phải trả lời bằng được câu hỏi có hay không có hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, vấn đề mấu chốt đảm bảo việc giải quyết đúng hay không đúng của vụ việc là trả lời câu hỏi hành vi của chủ thể không trả nợ, không hoàn trả tài sản có thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự hay không. Khi xảy ra tranh chấp hoặc các biểu hiện vi phạm nghĩa vụ dân sự mà bị cáo buộc là phạm tội thì điều quan trọng mà cơ quan tố tụng phải làm không phải là xem có hay không có vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế mà vấn đề mấu chốt là phải xem xem trong vụ việc đang giải quyết đó có hay không có hành vi thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Việc chứng minh có sự vi phạm nghĩa vụ được xác lập trong giao dịch dân sự, kinh tế rõ ràng hoàn toàn không có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc gây ra sự nhầm lẫn trong việc hình sự hoá.

Vậy là, bản chất của sự lầm lẫn của cơ quan tố tụng trong các vụ án bị hình sự hoá không phải là sự lầm lẫn giữa vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự kinh tế với tội phạm mà chính là sự lầm lẫn trong việc nhận định hành vi của người bị cáo buộc có là tội phạm hay không. Nói chính xác, với các tình tiết của vụ việc đã thu thập được, cơ quan tố tụng đã đánh giá sai tính chất của sự việc, từ sự thật là không có hành vi phạm tội, không có hành vi cấu thành tội phạm trở thành có hành vi cấu thành tội phạm.

Như vậy, đặt ra việc phân biệt vi phạm dân sự với vi phạm hình sự rõ ràng ít ý nghĩa về mặt thực tiễn.

 

Sự bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Bản chất của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế chính là sự sai lầm của các cơ quan tố tụng, trước hết là cơ quan điều tra (thuộc lực lượng công an). Cơ quan điều tra là người thực hiện những biện pháp đầu tiên của quá trình tố tụng. Nếu cơ quan điều tra đánh giá sai tính chất pháp lý của các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự kinh tế, coi các hành vi đó là tội phạm thì sẽ có cơ hội cho việc hình sự hoá len chân vào. Tiếp đó, nếu như Viện kiểm sát chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền năng về giám sát việc thực thi pháp luật trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể ngăn chặn được sớm hơn tình trạng hình sự hoá. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra đúng như vậy.

Mặc dù các quy định về tội danh lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn có không ít điểm chưa rõ ràng, song không phải là tất cả. Chính vì thế, không ít trường hợp trong thực tế, sự nhận thức sai lầm bản chất pháp lý của hành vi dẫn tới việc hình sự hoá là do những bất cập trong bản thân tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thứ nhất là trình độ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu. Như phần trên cho thấy, việc tránh lầm lẫn khi đánh giá bản chất pháp lý của hành vi trong các vụ án bị hình sự hoá không hề đơn giản, do vậy, khi mà trình độ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử thấp thì tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế sẽ càng trở nên phổ biến hơn.

Theo một báo cáo khoa học của Cục chính trị, Tổng cục cảnh sát nhân dân thì số lượng điều tra viên thạo việc chỉ chiếm từ 30 đến 40%. Có 47% điều tra viên có trình độ trung học, 11% trình độ sơ học hoặc chưa qua đào tạo. Tình trạng tương tự cũng tồn tại ở ngành toà án. Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước Quốc hội thì năm 1999, cả nước có 48 thẩm phán cấp tỉnh và 170 thẩm phán cấp huyện không được tái bổ nhiệm vì không đủ tiêu chuẩn chuyên môn và những lý do khác (bị kỷ luật, giảm sút uy tín).

Thứ hai, tình trạng thiếu cán bộ (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) dẫn tới sự quá tải trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng chắc chắn cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm chất lượng công tác áp dụng pháp luật hình sự trong đó có việc gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Theo Báo cáo của Tổng Cục cảnh sát nhân dân, ở những quận, huyện thuộc thành phố lớn, một điều tra viên phải thụ lý trung bình 10 vụ/tháng, cá biệt có nơi lên tới 20 đến 30 vụ/tháng như ở quạn Bình Thạnh, Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh). Như vậy, trung bình, mỗi điều tra viên chỉ có khoảng 3 ngày để giải quyết một vụ việc!

Theo ông Võ Văn Thêm (Kiểm sát viên cao cấp) việc kiểm sát điều tra còn hạn chế bởi số lượng kiểm sát viên quá ít so với một lượng án quá lớn. Vì thế, kiểm sát viên chỉ có thể kiểm sát điều tra trên hồ sơ, "tin" vào hồ sơ do cơ quan điều tra lập. Không hiếm trường hợp việc ra cáo trạng truy tố gần như đơn thuần chỉ là chép lại kết luận điều tra.

Tình trạng quá tải cũng xảy ra trong hoạt động xét xử, theo biên chế được Quốc hội phê chuẩn thì TANDTC phải có 120 thẩm phán nhưng hiện nay chỉ có 78, còn thiếu 42 thẩm phán (chiếm 35%). TAND cấp tỉnh còn thiếu 239 thẩm phán (21,4%), TAND cấp huyện còn thiếu 1.259 thẩm phán (chiếm 35,8%).

Thứ ba, tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, ý thức đạo đức của không ít cán bộ chưa cao càng tạo điều kiện cho hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế có cơ hội tồn tại. Trong các vụ án bị hình sự hoá được nêu ở phần trước, TANDTC đã nhiều lần nhắc tới việc toà án cấp phúc thẩm đã không nghiên cứu kỹ hồ sơ, chứng cứ có liên quan nên không phát hiện ra tình trạng oan sai trong vụ án mình giải quyết. Điều đó cho thấy ý thức trách nhiệm của một số thẩm phán còn chưa cao. Ngoài ra, việc tồn tại các trường hợp cán bộ tố tụng cố ý hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để trục lợi cũng cho thấy sự giảm sút trong uy tín, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ tố tụng. Trong thực tế, tình trạng chủ nợ nhờ cơ quan công an giải quyết việc đòi nợ cho mình là có thực, nhiều nơi còn là nhức nhối. Dưới đây là một vụ việc thực tế:

Từ tháng 2/1998, ông Lê Cao Tân được Công ty Que hàn Hữu Nghị (trực thuộc Ban Kinh tế Tỉnh ủy Phú Thọ) ký hợp đồng ủy quyền làm đại lý bán que hàn và thanh toán tiền hàng. Ông Tân còn được ông Dương Minh Uông, giám đốc Công ty Hữu Nghị ủy quyền giao nhận hàng, thanh quyết toán với Công ty Kim khí Hà Nội trong hợp đồng mua bán thép tại Vinakyoei. Đến tháng 10/1999, ông Tân còn nợ Công ty Hữu Nghị 714 triệu đồng. Ngày 25/10/1999, Đại úy Đặng Minh Đức và thiếu tá Cù Xuân Nho của công an tỉnh Phú Thọ đến gặp ông Tân để đòi nợ. Mặc dù ông Tân đã xin thế chấp căn nhà đang ở tại 314/9 Lạc Long Quân và hứa nếu trong thời hạn 1 tháng mà không trả được nợ thì công an Phú Thọ có quyền phát mãi nhưng các cán bộ công an Phú Thọ này không đồng ý. Sự thực điều tra về sau này cho thấy, việc ông Tân không trả được nợ là do ông Tân bị 13 cá nhân khác chiếm dụng vốn tới 550 triệu đồng, và chỉ riêng việc bán căn nhà số 314/9 Lạc Long Quân của ông cũng vượt quá số tiền nợ 714 triệu của ông cần trả. Và điều đau lòng là, do có sự bức bách về áp lực trả nợ, ông Tân đã cùng vợ tự tử. Vụ việc đã khép lại song những người theo dõi không khỏi băn khoăn. Tại sao Công ty Hữu Nghị không thực hiện việc khởi kiện ra toà án mà lại nhờ tới công an đòi nợ. Tại sao hai cán bộ công an tỉnh Phú Thọ lại có quyền đi đòi nợ như vậy. Động cơ đòi nợ của các cán bộ công an này là gì.

 

3. Sự bất cập trong các quy định của pháp luật dân sự, kinh tế và sự kém hiệu quả, hiệu lực của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự.

 

Tình trạng pháp luật dân sự, kinh tế (cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng) có những bất cập, chưa thực sự bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên tranh chấp cũng là một yếu tố thúc đẩy các bên tranh chấp từ bỏ phương thức giải quyết tranh chấp của luật tư để yêu cầu cơ quan tố tụng hình sự hoá với hi vọng sớm chấm dứt được sự tranh chấp, đòi lại được tài sản của mình.

Có thể kể đến hàng chục bất cập trong pháp luật dân sự, kinh tế khiến cho pháp luật dân sự, kinh tế chưa phải là công cụ bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong số đó, phải kể đến vấn đề quy định thời hạn khởi kiện vụ án kinh tế (6 tháng) là quá ngắn. Sau khi hết thời hiệu khởi kiện, doanh nghiệp đương nhiên mất quyền khởi kiện nên không đòi được tài sản đã nhờ cơ quan công an hình sự hoá. Hoặc vấn đề khó khăn khi thực hiện việc phá sản doanh nghiệp cũng làm cho chủ doanh nghiệp, người quản lý điều hành doanh nghiệp mất công cụ bảo vệ mình khi lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp cơ bản để phân định rõ các loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại, từ đó dẫn tới việc lúng túng cho các chủ thể khi chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, sự đùn đẩy giữa các toà án trong việc thụ lý các tranh chấp, sự lúng túng trong việc chọn lựa quy phạm pháp luật áp dụng cho trong những trường hợp tranh chấp cụ thể.

Dưới đây là một ví dụ thực tế về sự đùn đẩy giữa các toà do sự bất đồng trong việc nhận định bản chất vụ việc là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh tế:

Vụ tranh chấp hợp đồng thuê Văn phòng giữa nguyên đơn là Văn phòng đại diện thường trú của Công ty Taisei (Nhật Bản) với bị đơn là Công ty TNHH Tháp Hà Nội. Ngày 7/11/1998, nguyên đơn nộp đơn lên Toà kinh tế TAND Thành phố Hà Nội. Ngày 25/11/1998, Toà kinh tế TAND Thành phố Hà Nội ra văn bản trả lời nguyên đơn rằng "đây là tranh chấp dân sự, không phải là tranh chấp kinh tế, vì vậy đề nghị nguyên đơn nộp đơn lên Toà dân sự của TAND thành phố Hà Nội để giải quyết". Đúng như chỉ dẫn của Toà kinh tế, nguyên đơn nộp lên Toà dân sự TAND thành phố Hà Nội. Ngày 25/12/1998, Toà dân sự TAND thành phố Hà Nội đã thụ lý vụ việc. Sau gần 2 năm với 2 lần xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) thì vụ việc lại được "giao hồ sơ vụ án cho Toà án Hà Nội giải quyết lại với lý do các bên đã ký kết hợp đồng kinh tế chứ không phải là hợp đồng dân sự; Toà án Hà Nội đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục của vụ án dân sự là vi phạm Luật tố tụng". Đến nay, vụ án lại được trả về Toà kinh tế TAND thành phố Hà Nội để điều tra lại từ đầu!

Chỉ cần một ví dụ đó cũng đủ cho thấy những bất cập khó chấp nhận hiện nay của cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự bằng toà án. Thực tế ấy làm sao có thể gây được niềm tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lại càng bộc lộ rõ những bất cập cả về mặt quy định của pháp luật lẫn về mặt thực tế.

ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, với hàng trăm năm tồn tại, trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế nhanh chóng, hiệu quả và ngày càng được ưu chuộng. Ngày nay, phương thức này đang trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trong cả những lĩnh vực hoạt động khác. Nếu như trước đây, khi nói tới trọng tài người ta thường dùng cụm từ "phương thức giải quyết tranh chấp bổ trợ", với ý nghĩa các phương thức này chỉ có tính bổ trợ, ở thế kém phổ biến hơn so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng toà án, thì ngày nay, nhiều người đã đặt ra vấn đề có lẽ đã đến lúc chính phương thức giải quyết tranh chấp bằng toà án lại trở thành "phương thức giải quyết tranh chấp bổ trợ" bởi tính kém được ưa chuộng của nó . Hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường đều thực hiện việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trọng tài để giới kinh doanh có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với mình. Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trọng tài ở Việt Nam thời gian qua cho thấy sự chậm trễ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này. Một vấn đề có tính mấu chốt để đảm bảo cho trọng tài có thể hoạt động được theo đúng thông lệ quốc tế là phán quyết của trọng tài trong nước phải được công nhận và cho thi hành bằng toà án thì Việt Nam lại không thừa nhận. Để làm được điều này, chí ít phải có văn bản tầm Pháp lệnh để mở rộng thẩm quyền cho toà án thực hiện việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài trong nước. Tuy nhiên, nguồn pháp luật về trọng tài của nước ta hiện tại chỉ vẻn vẹn có 1 Nghị định của Chính phủ và vài Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tình trạng này làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, sự thiếu hiệu lực và hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp dẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, doanh nghiệp chưa được bảo vệ kịp thời. Điều này tất yếu nảy sinh tâm lý thiếu tin tưởng vào các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự hiện đang tồn tại ở Việt Nam. Thay vào đó, không ít cá nhân, doanh nghiệp đã từ bỏ phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp truyền thống của luật tư quay sang nhờ cậy vào các cơ quan công quyền dùng biện pháp hành chính, hình sự (công cụ của luật công) để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

 

4. Nguyên nhân từ phía các cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp bị hình sự hoá.

 

Bản thân các doanh nghiệp, cá nhân với tư cách là chủ nợ cũng chưa có ý thức pháp luật đầy đủ, hoặc chỉ chạy theo lợi ích cá nhân mà cố tình đẩy vụ tranh chấp dân sự, kinh tế lên thành vụ hình sự để mau chóng đòi lại tài sản. Đây là các doanh nhân, người dân còn mang trong mình tư duy kiểu cũ; họ cho rằng cứ con nợ không trả được nợ là cho rằng con nợ đã phạm tội và nhờ công an giải quyết. Các vụ án thứ 8, 9 trong phần những vụ án tiêu biêu minh chứng tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là những minh chứng thực tế chứng tỏ sự tồn tại của cách xử sự đáng lên án kể trên của các doanh nhân chưa theo kịp với văn minh kinh tế thị trường.

Ngoài ra, cũng không ít trường hợp, cá nhân, nhà doanh nghiệp không ý thức đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chưa hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình trước các hành vi hình sự hoá. Ngay cả doanh nhân bị hình sự hoá cũng mắc phải sai lầm này. Chẳng hạn có doanh nhân chưa ý thức hết được vai trò của người luật sư hoặc những người tư vấn pháp luật trong quá trình hoạt động của mình cũng như trong việc đấu tranh chống lại các hành vi hình sự hoá mà mình là nạn nhân. Nhiều vụ hình sự hoá có thể thể dẹp bỏ ngay từ đầu nếu người có hành vi bị hình sự hoá biết đến với các luật sư để nhờ cậy vào chuyên môn của họ, cái mà mình không am tường.

Tại các diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, khi Ban chủ nhiệm của đề tài này trao đổi, phỏng vấn các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn về sự ảnh hưởng của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng như bị sách nhiễu của một số cơ quan công quyền (thông qua các thủ tục thanh tra, kiểm tra), nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mặc dù không ít doanh nghiệp có doanh thu nhiều tỷ, nhiều chục tỷ đồng hàng năm song hầu như các chủ doanh nghiệp chỉ hiểu rất lờ mờ về vai trò của luật sư trong việc trợ giúp hoạt động của doanh nghiệp này. Hầu hết các chủ doanh nghiệp được phỏng vấn có một niềm tin rất ngây thơ rằng chỉ cần làm ăn chân chính, đóng thuế đủ, không làm gì trái với lương tâm là không có gì phải sợ. Hoặc luật sư chỉ cần đến khi đã có vấn đề xảy ra. Như vậy, luật sư, luật gia, cố vấn pháp lý chưa được hiểu theo đúng nghĩa của nó là người góp phần tránh rủi ro về pháp luật cho doanh nghiệp chứ không phải là người khắc phục các rủi ro về pháp luật cho doanh nghiệp.

Phải khẳng định rằng, không phải chỉ ở nước ta mà có lẽ hầu hết các nước trên thế giới, doanh nghiệp, doanh nhân đều không phải sống trong một môi trường thể chế pháp lý hoàn toàn lý tưởng. Sự không lý tưởng trong môi trường sống, môi trường kinh doanh thể hiện ở những loại rủi ro mà doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải. Rủi ro hình sự hoá là một thứ rủi ro mà doanh nghiệp ở nước ta có nguy cơ gặp phải khá lớn nếu như không có biện pháp phòng tránh thoả đáng.

 

5. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng gây nên tình trạng hình sự hoá hiện nay là nền tư pháp của chúng ta chưa tương thích với yêu cầu khách quan trong việc đổi mới, cải cách kinh tế, đổi mới, cải cách hệ thống chính trị, dân chủ hoá đời sống kinh tế, xã hội, chính trị.

 

Theo quan điểm của Đảng ta, cải cách, đổi mới của nước ta trước hết được thực hiện trong kinh tế. Thực tiễn cải cách, đổi mới của hơn 15 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm này. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thấy rằng, sự nghiệp đổi mới, cải cách kinh tế không thể tiến xa và tiến nhanh hơn nếu như chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến việc đổi mới cải cách hệ thống chính trị nói chúng, đổi mới, cải cách nền hành chính và nền tư pháp nói riêng. Phải khẳng định rằng, sự vận hành có hiệu lực và hiệu quả của nền tư pháp là một nhân tố không thể thiếu để sự nghiệp đổi mới, cải cách kinh tế được thành công. Hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế với tư cách là một biểu hiện của sự bất cập trong nền tư pháp là minh chứng không thể phủ nhận của mối quan hệ hữu cơ giữa nền tư pháp với sự vận hành bình thường của nền kinh tế.

Trong các diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế thời gian qua, các nhà doanh nghiệp đã có lý khi nói rằng: trong khi nền hành chính của chúng ta đã có nhiều đổi mới, cải cách đáng kể phục vụ sự vận hành của nền kinh tế thị trường đang được thiết lập và từng bước phát triển ở nước ta thì nền tư pháp vẫn còn trong trạng thái cũ, cách vận hành, cách hoạt động, cách hành xử vẫn của những con người cũ, theo tư duy cũ, dựa trên nền tảng quy phạm cũ. Rằng: nền tư pháp cần được mở cửa, nền tư pháp cần được dân chủ hoá, nền tư pháp cần cảm thông và chia sẻ với những khó khăn trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, rằng nền tư pháp cũng cần trở thành người bạn đồng hành của các nhà doanh nghiệp, đội quân chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nền tư pháp cũng cần được mở cửa và đổi mới phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, duy trì nền công lý của xã hội - một nền công lý có tính chất dân chủ, có chất lượng, nền công lý của cơ chế thị trường, nền công lý của sự tự do...Cách nhìn về hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân nên rộng lượng và bớt dò xét hơn. Tại diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/11/2000, không ít doanh nhân đã thẳng thắn phát biểu: "viện kiểm sát, các cơ quan pháp luật nên nhìn doanh nghiệp là người có ích cho xã hội". "Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, các đồng chí vỗ tay 100%, tivi quay tối ngày, ký tên, xúc cát, động thổ, hoanh nghênh, còn doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác liên doanh thì lại bị đánh".

 

III. Kiến nghị các giải pháp cần áp dụng để khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Trong diễn đàn Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế do Bộ Tư pháp và Phòng TM&CN Việt Nam tổ chức ngày 26/10/2000 tại Hà Nội, chính ông Bạch Minh Sơn - một nạn nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đã bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào khả năng chống được hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Đây là một tâm lý có thể dễ đồng cảm và chia sẻ. Vì vậy, việc đề ra chính sách kiên quyết phòng và chống tình trạng này là công việc phải làm để đáp ứng lòng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nói chung.

Nắm bắt được nguyện vọng đó, ngày 31/3/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/TTg đặt vấn đề tìm kiếm và thực thi các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ người dân vô tội.

Ban Nội chính Trung ương cũng đã có Công văn số 170 ngày 4/7/1998 báo cáo Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề này. Báo cáo nêu rõ: "Vấn đề hình sự hoá và cả phi hình sự hoá trong giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự của các cơ quan tố tụng hiện nay, các ngành nội chính cần có sự nghiên cứu toàn diện, sâu sắc...Trong thời gian qua, số vụ việc xử lý về hình sự quá nhiều trong khi thực tế có thể chuyển qua các Toà hành chính, kinh tế, dân sự để giải quyết...". Chỉ thị 53/CT-TƯ ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị cũng lần nữa khẳng định quyết tâm chống việc làm oan sai người vô tội nói chung và hình sự hoá nói riêng.

Thực ra, từ những năm 1985, khi xây dựng Bộ luật Hình sự, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp cũng đã được đưa vào bộ luật. Trong đó phải kể đến các tội "dùng bức cung, nhục hình", "truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật". Các tội danh này đã được Bộ luật hình sự năm 1999 tiếp tục khẳng định.

Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự gần đây nhất (năm 2000), Quốc hội đã bổ sung Điều 10a về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng như sau: "Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật." Điều luật này thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của cơ quan tố tụng (nền tư pháp), chống mọi hành vi lạm dụng hoặc làm méo mó nền tư pháp, trong đó có cả việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Bộ luật Dân sự và Nghị định số 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 đã đặt những cơ sở pháp lý bước đầu trong việc khắc phục, bồi hoàn những thiệt hại cho người bị oan sai trong tố tụng. Đây là những cơ sở pháp lý bước đầu rất quan trọng trong việc bồi hoàn thiệt hại cho những người bị hình sự hoá.

Các văn bản pháp lý kể trên là những cơ sở pháp lý quan trọng và là bằng chứng về sự nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta kiên quyết tiến hành việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, các văn bản kể trên chỉ mới là các quy định, giải pháp mang tính định hướng, để sớm khắc phục được tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn nữa.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, theo chúng tôi, trong thời gian tới, để sớm khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cần thực hiện các biện pháp sau đây:

 

1. Sớm ban hành thông tư hướng dẫn có tính liên ngành về các tội danh thường bị áp dụng sai trong thực tiễn gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Như phần trước đã trình bày, việc hình sự hoá trong thực tế thường chủ yếu diễn ra xung quanh việc áp dụng tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Do cấu thành của các tội danh này được quy định trong BLHS năm 1985 qúa chung chung, nên việc áp dụng chúng dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu để hoàn thiện trong BLHS năm 1999. Chỉ cần so sánh quy định của các tội danh này giữa hai bộ luật là có thể thấy điều đó.

Nếu như BLHS năm 1985 chỉ quy định "Người nào lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ... thì bị phạt cải tạo ..." (Điều 135/158) thì BLHS 1999 quy định chi tiết hơn: "Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác ..., thì bị phạt ....

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".

Đối với tội lừa đảo, trừ việc hợp nhất Điều 134 và Điều 157 của BLHS 1985 để đảm bảo sự không phân biệt giữa tài sản XHCN và tài sản công dân thành Điều 139 của BLHS 1999 còn trong phần cấu thành tội phạm thì gần như không có sự thay đổi. Cả BLHS 1985 và 1999 chỉ quy định hết sức khái quát là "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản ..... thì bị phạt ..." (Điều 134/157 BLHS 1985 và Điều 139 BLHS 1999).

Có ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" như trên trong BLHS năm 1999 đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Dựa vào sự rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn của tội danh này trong BLHS 1999 có thể tán đồng với ý kiến này. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, thời gian BLHS 1999 đi vào thực tiễn cuộc sống còn chưa đủ dài để khẳng định chắc chắn.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã được hoàn thiện như quy định của BLHS 1999, các ý kiến phản hồi từ thực tiễn vẫn cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các tội danh này nếu như không có sự hướng dẫn chi tiết hơn từ các cơ quan có thẩm quyền.

Đáng lưu ý là, ngay từ khi BLHS 1999 chưa được ra đời, để góp phần khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, trong báo cáo sơ kết công tác xét xử 6 tháng đầu năm 1998, TANDTC đã có những hướng dẫn quan trọng cho các toà án cấp dưới để làm cơ sở tránh các trường hợp hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, các hướng dẫn này chỉ thuần túy là hướng dẫn về mặt nghiệp vụ chứ không phải hướng dẫn dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

Thêm vào đó, ngay cả trường hợp các hướng dẫn này tồn tại dưới dạng Nghị quyết của HĐTP TANDTC thì các hướng dẫn này chỉ mang tính chất nội bộ trong ngành TAND nên không có giá trị bắt buộc đối với cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Mà như chúng tôi đã phân tích, hình sự hoá không phải là vấn đề riêng của ngành toà án, cũng không phải vấn đề riêng của ngành kiểm sát hay công an, mà đây là vấn đề có tính chất liên ngành. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp có tính chất liên ngành mà hành động thích hợp nhất và cấp thiết nhất hiện nay là cả 3 ngành (TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an) phải phối hợp nhau lại để xây dựng được Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các tội danh dễ bị lạm dụng trong các vụ án bị hình sự hoá.

Trong thông tư liên tịch này cần làm rõ các vấn đề sau đây:

- Thế nào là hành vi chiếm đoạt, các biểu hiện.

- Cách chứng minh ý thức chiếm đoạt

- Các trường hợp hay bị nhầm lẫn.

Có như thế, các cơ quan tố tụng mới có cách nhìn nhận và đánh giá thống nhất khi thụ lý các vụ việc thường dễ bị hình sự hoá.

 

2. Nâng cao hơn nữa tính dân chủ trong các hoạt động tố tụng.

 

Tình trạng luật sư không được các điều tra viên, kiểm sát viên tôn trọng và tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền của mình là khá phổ biến hiện nay. Khi ra toà, tình trạng hội đồng xét xử chưa thực sự coi trọng ý kiến của luật sư cũng là điều thường diễn ra. Trong khi đó, việc sai lầm trong các vụ án bị hình sự hoá chủ yếu là do sai lầm trong đánh giá bản chất pháp lý của hành vi, là sự thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đánh giá chứng cứ thiếu toàn diện theo hướng bất lợi cho người bị hình sự hoá. Việc tạo điều kiện cho luật sư thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình chính là biện pháp thể hiện việc đảm bảo dân chủ trong hoạt động tố tụng và cũng góp phần giải quyết vụ việc đúng pháp luật hơn.

 

3. Các ngành cần có sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho ngành kiểm sát và các cơ quan điều tra.

 

Trên cơ sở có Thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng các tội danh thường gặp trong các vụ án bị hình sự hoá, tùy điều kiện cụ thể của các ngành, mỗi ngành cần có hướng dẫn riêng đề ra các biện pháp cụ thể để chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Chẳng hạn, theo chúng tôi, ngành kiểm sát và ngành công an cần soạn thảo các cuốn sổ tay hướng dẫn kinh nghiệm nghiệp vụ để tránh hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Bên cạnh đó, mỗi ngành, nhất là ngành công an có thể biên soạn những cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ khởi tố, điều tra riêng các tội phạm này để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

4. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật dân sự, kinh tế, hoàn thiện các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế và thi hành án.

 

- Hàng loạt bất cập trong pháp luật dân sự, kinh tế cần được hoàn thiện như:

+ Hợp nhất các quy phạm pháp luật về hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại.

- Hàng loạt bất cập trong thể chế và thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế cần được hoàn thiện như:

+ Xây dựng Bộ luật Tố tụng Dân sự, cần phải tiến hành sáp nhập toà dân sự và toà kinh tế để tránh sự đùn đẩy, dây dưa giữa các toà. Cải cách hệ thống các toà áp dụng luật tư (áp dụng luật theo yêu cầu của đương sự) theo xu hướng một cửa. Đây là kinh nghiệm mà thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện.

+ Xây dựng pháp luật trọng tài, trong đó cần chú ý tham khảo các tiêu chuẩn có tính chất quốc tế về tổ chức và hoạt động của trọng tài. Thừa nhận việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài trong nước.

+ Nâng cao năng lực và hiệu lực của cơ quan thi hành án nhằm đảm bảo cho bản án, phán quyết của toà án (và sau này là của cả trọng tài trong nước) được thi hành nhanh chóng, hiệu quả.

Sớm hoàn thiện những bất cập trong pháp luật về dân sự, kinh tế cũng như các quy phạm tố tụng tương ứng để nâng cao hiệu lực của pháp luật dân sự, kinh tế nâng cao chất lượng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thông qua tố tụng dân sự, kinh tế.

 

5. Tăng cường kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, thay đổi tư duy, phong cách làm việc của cơ quan tư pháp.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các án hình sự về các tội phạm dễ bị hình sự hoá để kịp thời phát hiện các trường hợp bị hình sự hoá, sớm khắc phục, sửa chữa các oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử lý thật nghiêm minh, kịp thời các cán bộ trong các cơ quan tố tụng đã có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự- kinh tế, nhất là đối với các cán bộ cố ý thực hiện hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để trục lợi. Như Báo cáo tổng kết ngành Toà án năm 1997 nêu rõ: Những việc làm sai trái trong các trường hợp hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cần được xử lý thích đáng vì phải coi đây là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Được biết, trước áp lực của dư luận, thực hiện Chỉ thị số 53/CT-TW (ngày 21/3/2000) của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000, cũng là thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trong thời gian gần đây, VKSNDTC đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện những biện pháp thiết thực để chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

- Rà soát lại tất cả các vụ án có liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế. Đặc biệt, các vụ án có tạm giam cần được ưu tiên giải quyết trước. Đến hết Qúy 1 năm 2001, toàn ngành phải có báo cáo gửi về VKSNDTC về kết quả hoạt động rà soát kể trên.

- Kể từ ngày 15/1/2001, khi khởi tố các vụ án có liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế, lãnh đạo Viện phải trực tiếp nghe và phân công cán bộ xác minh nếu thấy đủ dấu hiệu phạm tội thì mới khởi tố. Đặc biệt các trường hợp bắt tạm giam thì tập thể lãnh đạo Viện phải nghe rồi mới quyết định. Sau ngày 15/1/2001 nếu để xảy ra oan sai thì Viện trưởng VKSND cấp đó phải chịu trách nhiệm.

- Các VKS địa phương phải đưa ra một số vụ việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế điển hình (nếu có) để rút kinh nghiệm, sửa chữa.

- VKSNDTC sẽ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành trung ương sớm ban hành hệ thống thông tin hướng dẫn, giải thích luật. Trong đó chú trọng đến việc giải thích các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" làm cơ sở vận dụng thống nhất trong toàn ngành.

Rõ ràng, hình sự hoá là hành vi của cơ quan tố tụng và chỉ là của cơ quan tố tụng, chính vì thế, việc chống hình sự hoá phải đặt mục tiêu trước tiên vào hoạt động của các cơ quan tố tụng. Phải coi cơ quan tố tụng là cái sàng để lọc các hành vi cố tình đưa vụ việc dân sự, kinh tế thành vụ việc hình sự của các doanh nghiệp, người dân thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Phải coi cơ quan tố tụng là đối tượng chính, có ý nghĩa quyết định tới việc thực hiện thành công hay không việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Muốn vậy, về lâu dài, việc cải cách nền tư pháp, nâng cao năng lực, trình độ của các cơ quan tố tụng phải được đặc biệt coi trọng.

 

6. Sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế bồi thường thoả đáng, kịp thời cho doanh nghiệp, cá nhân bị oan sai do hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Mặc dù Bộ luật dân sự 1995 và Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 đã quy định vấn đề bồi thường thiệt hại khi người tiến hành tố tụng gây ra, nhưng các quy định của những văn bản này vẫn còn mang tính nguyên tắc. Các quy định chưa làm rõ người nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm đến mức độ nào khi để xảy ra oan sai. Quy định cũng chưa giải quyết vấn đề cách xác định thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần cho từng dạng oan sai cụ thể. Các văn bản này cũng chưa phân biệt thế nào là xử lý oan, thế nào là xử lý sai, nên khi xác định mức bồi thường trong thực tế các cơ quan tố tụng gặp rất nhiều lúng túng. Ngoài ra, việc hội đồng xét giải quyết bồi thường không cho phép người bị xử lý oan sai tham dự làm cho không ít người nghi ngờ về tính dân chủ, công bằng của cơ chế này.

Những bất cập đó đã làm cho cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị hình sự hoá trong thực tế rất kém hiệu lực và hiệu quả. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai nói chung và người bị hình sự hoá là công việc cấp bách, nên thực hiện trong thời gian tới.

 

7. Có cơ chế khuyến khích, cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp, doanh nhân với giới luật sư, các công ty tư vấn pháp luật. Khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, người dân sử dụng các dịch vụ pháp lý. Tăng cường tính tích cực về mặt pháp luật của các doanh nghiệp, doanh nhân.

 

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng cố vấn pháp lý (cố vấn thường trực hoặc theo sự vụ với các công ty tư vấn pháp lý) trong hoạt động làm ăn kinh doanh để kịp thời tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm nhất là khi bị hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Việc có những chính sách như vậy sẽ thúc đẩy hình thành thói quen kinh doanh văn minh phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

8. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là giáo dục các chuẩn mực pháp luật của nền kinh tế thị trường.

 

Như phần trước đã đề cập, không ít doanh nghiệp, doanh nhân và người dân do bức xúc trước việc không đòi được nợ mà đã gây sức ép, đưa vụ việc ra cơ quan công an, hòng nhờ các cơ quan tố tụng đòi nợ hộ.

Đối lập với các hành vi này là hành vi của không ít doanh nghiệp, doanh nhân và người dân với một suy nghĩ rất cổ điển là nếu làm ăn, vay nợ, kinh doanh thua lỗ dẫn đến không trả được nợ, thì cứ không trả được nợ là tự coi mình có tội với người khác, có tội với pháp luật, cam chịu bị hình sự hoá.

Cả hai khuynh hướng xử sự đó đều không phù hợp với cách xử sự, cách sống, cách làm ăn, đầu tư kinh doanh của thời buổi kinh tế thị trường, và cần bị lên án. Muốn như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để thay đổi nhận thức trong nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp, giới doanh nhân hiểu được những chuẩn mực pháp luật mới của nền kinh tế thị trường là rất quan trọng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, phổ biến nội dung kể trên cần được đảy mạnh hơn nữa.

 

9. Tạo dư luận lành mạnh lên án hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Để thực hiện được điều này, hệ thống báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí phải gióng hồi chuông báo động về những vụ việc hình sự hoá, công bố rộng rãi để công luận biết, phải theo sát từng cách xử lý người bị oan sai và cả các cán bộ gây ra tình trạng oan sai để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Báo chí cũng thực hiện việc quảng bá cho các chuẩn mực kinh doanh văn minh, lành mạnh, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính.

 

*

* *

*

Qua việc khảo sát, nghiên cứu một cách khá toàn diện thực trạng, nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng như việc đề ra hệ thống các giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục hiện tượng này, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau đây:

1. Hiện tượng một số người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự (hay còn gọi là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế) trong thời gian gần đây là có thật và chưa có chiều hướng giảm.

2. Các hành vi vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế không cấu thành tội phạm đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự chủ yếu là các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản được xác lập từ các giao dịch dân sự, kinh tế như mua bán, vay mượn, thuê, gửi giữ tài sản... Chính vì vậy, các tội danh được áp dụng trong các vụ án có dấu hiệu "hình sự hoá" chủ yếu là các tội như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép tài sản.

3. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một dạng làm oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài các thiệt hại trực tiếp về tài sản, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế còn gây nhiều tác hại khó có thể tính toán và bồi thường một cách đầy đủ, đó là việc làm mất danh dự, uy tín, nhân phẩm của con người (nhất là cá nhân nhà doanh nghiệp), là mất cơ hội làm ăn kinh doanh, gây tâm lý hoang mang, thiếu tin tưởng vào công lý, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư... Hiện tượng này gây nhiều bất bình trong dư luận nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp bởi lẽ khi tiến hành hoạt động kinh doanh, họ không chỉ phải đối mặt với các rủi ro của đời sống kinh doanh thông thường mà họ còn phải đối mặt trực tiếp với một loại rủi ro nữa đó là rủi ro bị hình sự hoá.

4. Trách nhiệm chính gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án). Mặc dầu vậy, sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật của doanh nghiệp, người dân, kể cả các doanh nghiệp, người dân bị hình sự hoá cũng là một điều kiện làm cho hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế có cơ hội tồn tại.

5. Nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế không chỉ nằm trong việc áp dụng pháp luật mà nằm trong cả sự thiếu rõ ràng trong quy định của pháp luật (nhất là sự thiếu rõ ràng trong quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm). Bên cạnh sự bất cập trong pháp luật hình sự và các cơ quan tiến hành tố tụng, sự bất cập, thiếu hoàn thiện của pháp luật dân sự, kinh tế, của cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế cũng góp phần quan trọng dẫn tới hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

6. Hình sự hoá góp thêm một ví dụ nữa chứng minh sự thật của nền tư pháp nước ta hiện nay là nền tư pháp chưa tương thích với yêu cầu khách quan trong việc đổi mới, cải cách kinh tế, đổi mới, cải cách hệ thống chính trị, dân chủ hoá đời sống kinh tế, xã hội, chính trị.

 

7. Để khắc phục triệt để tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế không phải là chuyện đơn giản và cần thực hiện một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước mắt việc TANDTC, VKSNDTC và Bộ Công an ban hành thông tư liên ngành để hướng dẫn cụ thể các quy định về yếu tố cấu thành tội phạm của các tội danh thường bị "hình sự hoá" trong thời gian qua như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm...để áp dụng thống nhất trong cả ba ngành là vô cùng cấp bách. Việc thúc đẩy mạnh cải cách nền tư pháp theo hướng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính công khai, tính dân chủ của nền tư pháp, nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự sẽ là những giải pháp không thể thiếu được trong việc khắc phục, hạn chế tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Bên cạnh đó, việc khắc phục triệt để hiện tượng này cần sự nỗ lực và hợp tác từ cả hai phía đó là từ phía các cơ quan tố tụng và từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

8. Cùng với việc đẩy mạnh công tác chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế cũng cần chống khuynh hướng dân sự hoá tội phạm hình sự, bởi lẽ có như thế thì phương châm "không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội" mới được đảm bảo.

 

 

Phần 3. Các Phụ lục của đề tài

 

Những bài Báo phản ánh, đưa tin về diễn đàn Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

Phụ lục 4.

Danh mục các tài liệu được tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề tài này.

 

Các văn kiện và văn bản pháp luật:

 

Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX.

Văn kiện hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII.

Hiến pháp năm 1992

Bộ luật hình sự năm 1985, 1987, 1990, 1992, 1997 và Bộ luật hình sự năm 1999.

Bộ luật tố tụng hình sự 1988, các lần sửa năm 1990, 1992, 2000.

Bộ luật dân sự 1995.

Nghị định 47/CP ngày 3/5/1997 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng gây ra.

Thông tư hướng dẫn thi hành.

Thông tư về xử lý tài sản trong tố tụng

Nghị định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

 

Các bài báo, tạp chí nghiên cứu về hình sự hoá.

 

 

Phần thứ ba.

Các chuyên đề nghiên cứu của Đề tài.

 

Chuyên đề 1: Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế –khái niệm và nguyên nhân.

T.S Lê Đình Khiên

Ban Nội chính Trung ương.

 

I. Khái niệm

 

Mặc dù cho đến nay chưa thấy có những chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu, đề cập một cách đầy đủ, cụ thể nội dung, khái niệm "hình sự hoá" hoặc "phi hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế; nhưng trong thực tế đã có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về những hiện tượng này.

Riêng trong vấn đề "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế có một số người hiểu rằng: Đây là trường hợp có những chủ thể vi phạm pháp luật, mà lẽ ra chỉ ở mức đáng bị xử lý theo những chế tài pháp luật dân sự, kinh tế nhưng thực tế họ lại bị các cơ quan tư pháp truy tố, xử lý theo một tội vi phạm pháp luật hình sự. Và như vậy có nghĩa là làm khó khăn hơn cho người có hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm đi tính nghiêm minh và ý nghĩa giáo dục của hình phạt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế hàng hoá, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí không hoạt động được dẫn đến người lao động mất việc làm và kéo theo nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp khác.

Trong thực tế đang tồn tại hiện tượng trên và đó là vấn đề nhược điểm, tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay, cần phải khắc phục. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu và đánh giá việc "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế ở những khía cạnh và hậu quả như vậy thì có lẽ chưa đầy đủ, chưa chuẩn xác.

Thuật ngữ "hoá" trong khái niệm "hình sự hoá" được hiểu là việc: từ cái này "thay đổi thay đổi thành cái khác do kết quả của một quá trình phát triển" (Từ điển Tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học - Hà Nội năm 1994, trang 431). Do vậy, "hình sự hoá" có nghĩa là biến vấn đề không thuộc lĩnh vực hình sự trở thành vấn đề hình sự và hoạt động "biến" này xuất phát trực tiếp từ ý chí chủ quan của con người. Đã là hoạt động đó có thể là đúng hay không đúng và hậu quả để lại có thể là tốt hay không tốt cho xã hội.

Quy phạm pháp luật hình sự ra đời và sau đó chúng thể hiện hiệu lực, hiệu quả trong đời sống xã hội thông qua các giai đoạn (các công việc): xây dựng quy phạm, chấp hành và áp dụng (vận dụng) quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng quy phạm pháp luật hình sự được thực hiện theo ý chí chủ quan của con người (trên cơ sở nhận thức yêu cầu khách quan) nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội bằng biện pháp hình sự. Do vậy, việc loại bỏ một quy phạm pháp luật hình sự (phi hình sự hoá) hoặc xây dựng một quy phạm hình sự mới (hình sự hoá) hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong chấp hành pháp luật, khi quy phạm pháp luật hình sự đã được xây dựng và có hiệu lực, nếu các chủ thể tuân thủ, thực hiện đúng, có nghĩa là yêu cầu điều chỉnh của pháp luật hình sự đã được đứng vững, nếu thực hiện không đúng thì sẽ bị xử lý. Trong trường hợp này, chủ thể quan hệ pháp luật không thể với ý chí chủ quan của mình để thêm vào hay bớt đi nội dung quy định của quy phạm pháp luật hình sự hoặc cách thức áp dụng quy phạm pháp luật hình sự khi có sai phạm.

Trong áp dụng (vận dụng) quy phạm pháp luật, khi gặp tình trạng chủ thể làm sai yêu cầu do quy phạm pháp luật hình sự quy định thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ có nhiệm vụ xem xét hành vi sai phạm và điều luật quy định để chọn lựa mức độ xử lý hình sự thích hợp (tội danh, mức hình phạt). Việc xem xét, đánh giá và quyết định mức độ xử lý sai phạm ở mức hình sự hay không phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Như vậy, hình sự hoá các quan hệ xã hội nói chung hay những giao dịch dân sự nói riêng có thể xảy ra ở khâu xây dựng quy phạm pháp luật hình sự và áp dụng (vận dụng) quy phạm pháp luật hình sự khi xử lý các vi phạm pháp luật và tranh chấp trong giao dịch kinh tế, dân sự.

Trước hết, để "biến" các giao dịch dân sự, kinh tế thành các quan hệ pháp luật hình sự, thông qua việc xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự đòi hỏi phải trải qua một quá trình, phải thực hiện theo một trình tự được pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ và nhiều cơ quan tham gia theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Quá trình đó trải qua nhiều công đoạn, nhiều nội dung công việc như: thành lập ban soạn thảo; xây dựng kế hoạch, đề cương soạn thảo; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; xây dựng dự án, tổ chức trao đổi, chỉnh lý đề án nhiều lần sau khi tiếp thu ý kiến tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân. Sau khi dự thảo hoàn chỉnh phải đưa ra Quốc hội xem xét, biểu quyết. Công việc này từng được tiến hành khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số quy phạm pháp luật hoặc cả BLHS. Chủ thể xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự, xét theo nghĩa rộng đó là toàn dân, quy phạm pháp luật hình sự ra đời là thể hiện ý chí nhân dân; theo nghĩa hẹp, đó là của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất - đại diện ý chí của toàn dân. Với ý nghĩa như trên thì việc "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế là việc làm tất yếu, cần thiết, nó phản ánh thực tế tình hình phát triển kinh tế, xã hội nhằm làm cho hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các quan hệ kinh tế, dân sự; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế bằng biện pháp mạnh mẽ của Nhà nước (trong thực tế cũng có những quy phạm xây dựng được xây dựng chưa sát thực, chưa có tác dụng tốt, nhưng đây không phải là cơ bản). BLHS của Nhà nước ta vừa được Quốc hội thông qua năm 1999 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2000 đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung khá nhiều các chế định thuộc về lĩnh vực dân sự, kinh tế. Thông qua đó, nhiều quan hệ dân sự, kinh tế trước đây không do quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh nay đã được quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh.

Thứ hai, việc "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự đối với trường hợp vi phạm pháp luật hay tranh chấp dân sự, kinh tế.

Nguyên tắc hình sự của Nhà nước ta là "chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS". Do vậy, các vi phạm, tranh chấp trong giao dịch dân sự, kinh tế cũng chỉ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, kinh tế chứ không thể chịu trách nhiệm hình sự. Mọi trường hợp làm trái với nội dung nguyên tắc trên đều là việc làm không đúng. Việc các cơ quan tố tụng hình sự thực hiện áp dụng luật tố tụng hình sự và luật hình sự đối với những sai phạm pháp luật dân sự, kinh tế trong giao dịch dân sự, kinh tế bằng công tác điều tra, truy tố, xét xử là việc làm lầm lẫn, không đúng nguyên tắc và do đó làm cho kỷ cương pháp luật không nghiêm, không bảo vệ được quyền lợi chính đáng, đúng mức của các chủ thể quan hệ dân sự, kinh tế.

Trong thực tế có ba loại tội thường được áp dụng dễ dẫn đến tình trạng "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, công dân; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...; sử dụng trái phép tài sản...được quy định tại các Điều 134, 134a, 135, 137, 137a; 157, 158 BLHS 1985.

Biểu hiện cụ thể của việc "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế trong lĩnh vực áp dụng quy phạm pháp luật hình sự được thực hiện ở 3 khâu:

- Khâu tiếp nhận xử lý thông tin ban đầu đối với việc vi phạm. Do thông tin không đầy đủ, phân tích chưa đúng; thậm chí có trường hợp chỉ nhận thông tin từ một phía của người bị hại đã vội làm thủ tục thụ lý vụ án hình sự, và do vậy tạo điều kiện cho các hoạt động tố tụng không đúng sau đó.

- Khâu điều tra, truy tố: khi thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan và người tiến hành điều tra, truy tố chưa kịp hoặc chưa có cơ sở để đánh giá mức độ sai phạm nhưng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tịch thu, niêm phong tài sản, bắt giữ người...Nhưng sau đó qua xem xét đánh giá tài liệu, chứng cứ thấy sai phạm chưa đến mức phải xử lý về mặt hình sự thì buộc phải đình chỉ vụ án, thả bị can.

- Khâu xét xử: khi vụ án được đưa ra xét xử công khai, qua thẩm vấn, tranh tụng tại phiên toà thấy chưa đủ chứng cứ để truy tố về một tội phạm hình sự, vụ án được chuyển sang xử lý bằng các biện pháp khác. Trong thực tế, đã có những vụ xử lý gượng ép theo kiểu "hợp lý hoá" bằng một bản án hình sự (do đã trót bắt, tạm giam, tạm giữ, tịch thu tài sản...thì tuyên một bản án nhằm hợp lý hoá các hoạt động trên để tránh bị bồi thường cho đương sự và bảo vệ việc làm chưa đúng của mình).

Chủ thể của việc "hình sự hoá" nêu trên là những cơ quan, người tiến hành tố tụng theo thẩm quyền. Việc "hình sự hoá" mà họ tiến hành có thể do nhiều lý do: có thể do trình độ nhận thức hạn chế; do động cơ vụ lợi...dẫn đến kết quả gây bất lợi quá mức cho người có tranh chấp trong quan hệ dân sự, kinh tế hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đáng xử lý ở mức hình sự, thậm chí làm oan người vô tội. "Hình sự hoá" ở giai đoạn áp dụng pháp luật rõ ràng là gây ra những hậu quả xấu cho xã hội.

Từ phân tích trên có thể nêu khái niệm về "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế như sau": "Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là việc chuyển hoá các quan hệ dân sự, kinh tế thành quan hệ pháp luật hình sự thông qua việc xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự của cơ quan có thẩm quyền hoặc là việc áp dụng một cách không chính xác quy phạm pháp luật hình sự của cơ quan, cá nhân tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp dân sự, kinh tế".

 

Những nguyên nhân cơ bản của tình trạng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế".

 

1. Trong giai đoạn xây dựng quy phạm pháp luật hình sự nhằm chuyển hoá các quan hệ dân sự, kinh tế thành quan hệ pháp luật hình sự.

 

- Do sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó các quan hệ dân sự, kinh tế mở rộng và phát triển đa dạng, phong phú đòi hỏi hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng phải có sự thay đổi cho phù hợp và góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đó một cách đúng hướng.

- Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, tư duy pháp lý thay đổi, phát triển dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, về các quan điểm hình sự, trước hết là ở những người làm công tác nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước (bộ phận trực tiếp tham gia hoạt động xây dựng pháp luật). Từ yêu cầu của thực tiễn, thông qua nhận thức những người này có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những kiến nghị, đề xuất phương pháp, mức độ điều chỉnh bằng pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự, các quan hệ kinh tế, xã hội.

Từ những yếu tố khách quan, chủ quan nêu trên việc loại bỏ những quy phạm pháp luật hình sự đã tỏ ra lạc hậu, gây cản trở cho sự vận động, phát triển và việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy phạm pháp luật hình sự để đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội là việc làm cần thiết. ở nước ta pháp luật hình sự đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản trên.

 

2. Nguyên nhân "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế trong giai đoạn áp dụng quy phạm pháp luật hình sự.

 

- Việc sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta trong những năm qua đã được xây dựng và hoàn thiện ở mức đáng kể, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, trong một số lĩnh vực pháp luật trong đó có pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, kinh tế...còn không ít các chế định nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ không phù hợp với giai đoạn đổi mới hiện nay nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

- Nhận thức pháp luật của các cơ quan, của người tiến hành tố tụng không thống nhất, thậm chí hiểu không đúng nội dung quy định của pháp luật. Trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều quy phạm pháp luật lại chưa được các văn bản dưới luật giải thích, hướng dẫn đầy đủ, thống nhất...dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật của cơ quan và người tiến hành tố tụng chưa thống nhất, thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan và giữa những cán bộ tham gia tiến hành tố tụng ở nhiều vụ việc có thể chưa tốt nên giữa cấp trên và cấp dưới, giữa những người cùng một cấp ở các cơ quan tham gia tố tụng khác nhau thực hiện, áp dụng sai, thậm chí trái ngược nhau.

- Năng lực, phẩm chất của một số cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn nhiều mặt yếu kém. Không ít cán bộ tham gia tiến hành tố tụng như cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán yếu về năng lực, không theo kịp tiến trình đổi mới; ít kiến thức về quản lý kinh tế và hoạt động kinh tế nên thực hiện việc áp dụng pháp luật không đúng. Một số cán bộ không đủ bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp trước những tác động tiêu cực của xã hội; một số sa sút phẩm chất, lạm dụng chức quyền, nên khi biết rõ việc thực hiện "hình sự hoá" hoặc "phi hình sự hoá" là không đúng nhưng vẫn cứ làm vì động cơ vụ lợi, cá nhân. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và giáo dục ý thức trách nhiệm cho cán bộ tiến hành tố tụng còn buông lỏng, chưa được thường xuyên.

- Cơ chế, chính sách kinh tế của Nhà nước ta còn đang trong quá trình đổi mới, hoàn thiện nên vừa còn tình trạng lạc hậu vừa có sự biến động nhanh, khó thực hiện. Một số chính sách về đất đai, xuất nhập khẩu, thuế khoá....hoặc là chậm đổi mới, hoặc là có sự thay đổi, bổ sung quá nhiều lần trong một thời gian ngắn làm cho các doanh nghiệp khó điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện kinh doanh có hiệu quả dẫn đến một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trái pháp luật, thua lỗ, nợ nần lẫn nhau dẫn đến tranh chấp kiện đòi nhau rất quyết liệt, phức tạp.

Việc giải quyết một cách cơ bản, toàn diện vấn đề "hình sự hoá" các giao dịch dân sự, kinh tế trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến quá trình cải cách toàn bộ nền tư pháp ở nước ta, do đó đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, phải có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.

 

 

 

 

 

Chuyên đề 2: Công tác lập pháp hình sự góp phần khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

 

Nguyễn Quốc Việt Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính - Bộ Tư pháp

 

I. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội cũng như báo chí đề cập nhiều đến hiện tượng không bình thường là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Và hiện tượng này đã gây ra tác hại về nhiều mặt : kinh tế, xã hội, thậm chí cả chính trị.

Hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế, theo các tài liệu nghiên cứu, có nhiều biểu hiện, nhưng có thể nói, suy cho cùng đó là việc dùng biện pháp hình sự để giải quyết các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế. Sự can thiệp của biện pháp hình sự để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là pháp luật hình sự còn có những quy định bất cập với sự chuyển đổi của nền kinh tế, từ kinh tế hiện vậy, bao cấp sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, đặc biệt là có một số tội phạm về kinh tế, về sở hữu còn quy định chung chung, yếu tố cấu thành tội phạm không rõ, khó phân biệt đây là vi phạm về dân sự, hành chính hoặc tội phạm, dẫn đến sự hiểu và xử lý thiếu thống nhất : có trường hợp thì xử lý về dân sự, trường hợp khác lại xử lý về hành chính, có trường hợp lại đem ra xử lý hình sự (mà dư luận gọi là hình sự hoá giao dịch dân sự, kinh tế).

Bộ luật Hình sự mới của Nhà nước ta - Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2000) đã thể chế hoá chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, thấm nhuần phương châm lấy phòng ngừa tội phạm là chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Với quan điểm cá thể hoá hành vi phạm tội, từ đó cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định cụ thể yếu tố cấu thành tội phạm của các hành vi phạm tội, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội xâm phạm sở hữu, qua đó đã góp phần vào việc khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

II. Pháp luật hình sự quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phân biệt với vi phạm hành chính và dân sự

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với các yếu tố cấu thành tội phạm rõ ràng, cụ thể, phân biệt với các vi phạm về hành chính cũng như vi phạm về dân sự, đặc biệt là những tội mà thực tiễn đấu tranh với chúng dễ lẫn với các giao dịch dân sự hoặc xử lý hành chính như : buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cho vay lãi nặng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

1. Tội buôn lậu theo Bộ luật Hình sự mới (Điều 153) có yếu tố cấu thành rõ ràng, quy định rõ định lượng về hàng hoá buôn bán trái phép qua biên giới làm cơ sở pháp lý phân biệt vi phạm hành chính với tội phạm. Trước đây, do không quy định rõ về mặt định lượng nên việc xử lý hành vi buôn lậu có lúc còn tuỳ tiện, : xử phạt hành chính cũng được mà xử lý hình sự cũng được. Nay, hàng buôn lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm; nếu dưới 100 triệu đồng thì trước đó đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm mới xử lý hình sự. Nếu đối tượng buôn lậu là vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá thì không đòi hỏi phải có định lượng và trị giá là bao nhiêu vẫn cấu thành tội phạm. Trong trường hợp hàng buôn lậu là hàng cấm (như thuốc lá điếu sản xuất ở nước ngoài, quần áo đã qua sử dụng, đồ điện tử đã qua sử dụng, các loại pháo...) thì phải có số lượng lớn mới xử lý hình sự.

2. Tội kinh doanh trái phép (Điều 159) được quy định theo hướng chỉ xử lý hình sự trong những trường hợp sau đây :

- Khi người kinh doanh không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký mà hàng phạm pháp có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu hàng phạm pháp có giá trị dưới 100 triệu đồng thì xử phạt hành chính; trường hợp phạt hành chính ròi mà còn vi phạm thì mới xử hình sự.

- Khi người kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép (như giấy phép hành nghề y dược tư nhân, giấy phép hoạt động ngân hàng, giấy phép sửa chữa súng săn...). Trường hợp này muốn xử lý hình sự cũng phải thoả mãn một trong hai điều kiện : trước đây đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, hoặc hàng phạm pháp phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

3. Tội đầu cơiều 160) đã có những sửa đổi cơ bản, thu rất hẹp phạm vi xử lý hình sự. Chỉ coi là tội phạm trường hợp lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng. Còn các trường hợp khác thì xử phạt hành chính.

4. Tội trốn thuế (Điều 161) được quy định rất cụ thể về trường hợp nào thì xử lý hình sự, trường hợp nào thì xử lý hành chính. Có ba trường hợp bị xử lý hình sự :

- Trốn thuế với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên.

- Trốn thuế với số tiền dưới 50 triệu đồng nhưng trước đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

- Trốn thuế với số tiền dưới 50 triệu đồng nhưng bị kết án về tội trốn thuế hoặc về một số tội khác do luật định (như buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả,...), chưa được xoá án mà còn vi phạm.

Các trường hợp trốn thuế khác bị xử phạt hành chính.

5. Tội cho vay lãi nặng (Điều 163) được quy định cụ thể hơn về mức lãi suất được coi là lãi nặng để xử lý hình sự. Việc cho nhau vay mượn, về bản chất, là một loại giao dịch dân sự, nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng biện pháp dân sự. Tuy nhiên, nếu việc cho vay mượn đó lại có tính chất bắt chẹt người khác, lợi dụng sự quẫn bách của người đi vay mà buộc họ phải vay với lãi suất quá cao có tính chất chuyên bóc lột, tức là lấy việc thu lãi làm nguồn thu chính, thì phải xử lý hình sự. Coi là lãi nặng trường hợp mức lãi suất cao hơn từ 10 lần trở lên so với mức lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định trong từng thời điểm cụ thể.

6. Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), được sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn về mức độ thiệt hại về vật chất của hành vi cố ý làm trái. Nếu thiệt hại do hành vi cố ý làm trái gây ra từ 100 triệu đồng trở lên thì phải bị xử lý hình sụ. Trường hợp do cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế mà hậu quả thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì xử lý kỷ luật người vi phạm. Nếu đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn tiếp tục cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì phải bị xử lý hình sự.

7. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171), được quy định để xử lý hình sự những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong những trường hợp cần thiết.

Quyền sở hữu công nghiệp là một chế định quan trọng của luật dân sự. Việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp như sử dụng bất hợp pháp các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... trước hết được giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự. Song, với tinh thần tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, một nhân tố rất quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của chúng ta, thì các hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu công nghiệp như : chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hứu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá... cần phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự cũng không tràn lan, mà chỉ đặt ra trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

8. Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178) và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179), được đặt ra để xử lý hình sự là nhằm bảo đảm sự an toàn của hoạt động tín dụng mà trước hết là khả năng chi trả cả các tổ chức tín dụng, bảo đảm năng lực hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng, qua đó bảo đảm hoạt động bình thường của cả hệ thống tín dụng trong Nhà nước ta.

Trong hoạt động tín dụng có thể xảy ra nhiều hành vi vi phạm quy định của pháp luật, song xử lý về hình sự chỉ đối với hành vi dùng quỹ bổ sung vốn điều lệ chia lợi tức cổ phần, còn các hành vi khác thì xử lý về dân sự hoặc hành chính. Riêng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng thì chỉ xử lý hình sự trong trường hợp cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật hoặc cho vay quá giới hạn quy định gây hậu quả nghiêm trọng.

III. Quy định xử lý hình sự các hành vi xâm phạm sở hữu phân biệt với vi phạm hành chính và dân sự

Các hành vi xâm phạm sở hữu mang tính tội phạm được Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định rõ ràng về các yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt là định rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại, qua đó phân biệt với các vi phạm hành chính và vi phạm dân sự. Chẳng hạn, đối với hành vi trộm cắp tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm; trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 500.000 đồng thì chỉ bị xử lý hình sự người vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trước đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm.

Trong số các tội xâm phạm sở hữu, đáng chú ý một số hành vi sau đây mà việc xử lý chúng dễ bị nhầm lẫn đâu là vi phạm dân sự, đâu là tội phạm.

1. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Hành vi lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản được coi là một tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và được áp dụng cho tới khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực (01/07/2000). Do yếu tố cấu thành của tội phạm này thiếu rõ ràng, nên việc áp dụng nó trong những năm gần đây, nhất là từ khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia thị trường, có những biểu hiện thiếu chính xác, có sự nhầm lẫn giữa hành vi phạm tội và vi phạm dân sự, làm cho không ít nhà quản lý doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cán bộ làm công tác tín dụng, người có nghĩa vụ trong các quan hệ hợp đồng do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán đã bị khởi tố và xét xử sau về hình sự.

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng trên đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định rõ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) với các yếu tố cấu thành sau đây :

- Tài sản chiếm đoạt phải có giá trị từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) trở lên.

- Biểu hiện của sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản phải thuộc một trong hai hành vi:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, các trường hợp vay, mượn tài sản bằng hình thức hợp pháp mà không trả đúng hạn do nhiều nguyên nhân nhưng không có mục đích chiếm đoạt (hoặc không bỏ trốn để "xù nợ") cũng như không dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (như buôn lậu, đánh bạc...) thì không xử lý về hình sự mà xử lý bằng biện pháp dân sự hoặc kinh tế.

2. Chiếm giữ trái phép tài sản

Trước đây, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản bị coi là phạm tội nếu người tìm được, bắt được hoặc được giao nhầm tài sản cố tình không trả lại cho người có tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền tài sản đó. Quy định như vậy chưa rõ tính chất tội phạm của hành vi, còn lẫn với nghĩa vụ dân sự. Nay, tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, tránh nhầm lẫn với thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999). Muốn quy tội một người là chiếm giữ trái phép tài sản phải có hai điều kiện sau đây:

- Tài sản bị chiếm giữ phải có giá trị từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) trở lên; nếu là cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá thì không cần phải có giá trị là bao nhiêu tiền.

- Người tìm được, bắt được hoặc được giao nhầm tài sản cố tình không trả lại tài sản sau khi đã được người chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản yêu cầu trả lại tài sản đó. Như vậy, nếu chưa có sự yêu cầu trả lại tài sản từ phía người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì người chiếm giữ tài sản do mình tìm được, bắt được hoặc được giao nhầm chưa bị coi là có tội.

3. Sử dụng trái phép tài sản của người khác là một hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nó chỉ trở thành hành vi phạm tội theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 1999 khi có đủ các điều kiện sau:

- Việc sử dụng có động cơ vụ lợi.

- Tài sản bị sử dụng trái phép phải có giá trị từ 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) trở lên và việc sử dụng đó phải gây hậu quả nghiêm trọng (nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì xử phạt hành chính).

Như vậy, các trường hợp sử dụng trái phép tài sản mà không đủ các điều kiện nói trên thì không xử lý hình sự.

4. Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Thông thường, việc vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác thì phải bồi thường về dân sự. Nhưng gây thiệt hại ở mức nghiêm trọng thì cũng cần xem xét, xử lý bằng chế tài hình sự để răn đe, phòng ngừa những trường hợp do bất cần mà gây ra hậu quả nghiêm trọng về tài sản. Vấn đề đặt ra là : thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác. Điều 145 Bộ luật Hình sự đã xác định thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ 50.000.000 đồng (năm mười triệu đồng) trở lên là thiệt hại nghiêm trọng và người có hành vi gây thiệt hại đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

IV. Một số kiến nghị

1. Tiếp tục hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự mới, nhất là những điều luật mà thực tiễn áp dụng rất dễ nhầm lẫn với vi phạm hành chính hoặc vi phạm về dân sự.

Trước hết, đó là những hành vi phạm tội mà trong cấu thành của chúng có yếu tố "định tính" hoặc "định lượng", làm căn cứ phân biệt với các vi phạm hành chính hoặc vi phạm về dân sự. Yếu tố định tính như hậu quả nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 40), tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142), tội đầu cơ (Điều 160), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), tội lập quỹ trái phép (Điều 166)... cần được làm rõ trong các văn bản hướng dẫn, giúp cho việc áp dụg pháp luật được thống nhất. Bên cạnh yếu tố định tính, còn có yếu tố định lượng trong cấu thành tội phạm của một số tội cũng cần được hướng dẫn cụ thể mới áp dụng thống nhất được như hàng phạm pháp có số lượng lớn, số lượng đặc biệt lớn, hàng cấm có số lượng lớn, số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn trong các tội buôn lậu (Điều 153), tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 154), tội đầu cơ (Điều 160)...

2. Sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự góp phần khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

Bộ luật tố tụng hình sự năm 1989 quy định trình tự, thủ tục tiến hành việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Qua hơn 10 năm thi hành, Bộ luật tố tụng hình sự đã bộc lộ những nhược điểm cần được bổ sung, sửa đổi. Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự là đề cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng trong việc thực hiện các hoạt động tố tụng, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội.

Tại kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có bổ sung một điều rất quan trọng (Điều 10a) về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng :"Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Điều luật có tính nguyên tắc trên đây phải được cụ thể hoá bằng những quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của điều tra viên và thủ trưởng cơ quan điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với từng vụ án hình sự cụ thể, đặc biệt là trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định truy tố bị can, quyết định đưa vụ án ra xét xử.

3. Bồi thường thiệt hại cho những người bị xử lý oan sai trong tố tụng hình sự nói chung và đối với những người bị "hình sự hoá" oan uổng

Do tính đặc thù và phức tạp của hoạt động tố tụng hình sự mà việc bảo đảm tính chính xác tuyệt đối là khó thực hiện, thực tế vẫn xảy ra những trường hợp công dân bị xử lý oan sai. Đối với những người này Nhà nước cần có một chính sách cụ thể và một cơ chế rõ ràng bồi thường thiệt hại. Mặc dù pháp luật của chúng ta đã có quy định về vấn đề này (từ Hiến pháp 1992 đến Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Nghị định của Chính phủ), song mới dùng lại ở những nguyên lý chung chung, chưa cụ thể nên chưa đi vào cuộc sống. Những người bị "hình sự hoá" oan uổng phải gánh chịu hậu quả về nhiều mặt : ngay từ khi bị khởi tố thì hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị ảnh hưởng, các bạn hàng đã không muốn làm ăn cùng, huỷ bỏ hợp đồng đã ký, ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn... làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ doanh nghiệp bị đình trệ, uy tín của họ trên thương trường bị giảm sút và họ bị lầm vào nguy cơ phá sản. Những thiệt hại này có cái về vật chất, có cái về tinh thần, do đó cần có tính toán đầy đủ các thiệt hại về mọi mặt để bồi thường thiệt hại một cách thoả đáng cho người bị xử lý oan sai./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 3: Một số vấn đề về hình sự hoá các quan hệ hành chính, dân sự trong lĩnh vực điều tra tội phạm.

T.S Trần Đình Nhã

Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Công an.

 

Thời gian vừa qua, tình trạng hình sự hoá các quan hệ hành chính, dân sự và phi hình sự hoá hành vi phạm tội đã xảy ra khá nhiều trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp, không chỉ trong giai đoạn phát hiện, khởi tố điều tra mà cả trong việc truy tố, xét xử; trở thành vấn đề được dư luận rất quan tâm, gây ra nhiều hậu quả đáng kể đối với xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp. Bài viết này xin trao đổi một số vấn đề xung quanh tình trạng hình sự hoá các quan hệ hành chính, dân sự thường gặp trong giai đoạn khởi tố, điều tra tội phạm.

Trước hết, hình sự hoá các vi phạm hành chính, các quan hệ dân sự được hiểu là đối với những hành vi vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự mà theo quy định của pháp luật về hành chính, dân sự thì chỉ bị xử lý hành chính hoặc xử lý theo trách nhiệm dân sự, nhưng trong thực tế người vi phạm đã bị khởi tố, điều tra về tội phạm hình sự.

 

I. Những biểu hiện hình sự hoá trong giai đoạn điều tra.

 

Thực tiễn cho thấy, hầu hết các trường hợp hình sự hoá xảy ra khi thực tế có hành vi vi phạm pháp luật hành chính hoặc có tranh chấp về dân sự; mà những vi phạm hoặc tranh chấp này nhìn bề ngoài cũng có một số dấu hiệu tương tự như một số hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong sự việc xảy ra, chủ thể là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có thể có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi…Nhưng cái khác căn bản về mặt khách quan là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội ở mức độ không lớn đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ đáng xử lý về mặt hành chính là đủ. Hoặc tuy có tranh chấp về tài sản hoặc quan hệ nhân thân phi tài sản, nhưng bản chất chỉ là mối quan hệ về dân sự. Hãn hữu cũng có trường hợp thực chất không có vi phạm hành chính, hoặc không có tranh chấp dân sự mà vẫn bị khởi tố, nhưng xảy ra không nhiều do việc cố ý tạo ra các tài liệu chứng cứ giả vì động cơ cá nhân.

 

Các trường hợp hình sự hoá thường có các dạng dưới đây:

 

- Hình sự hoá các vi phạm nhỏ về hành chính, chưa đáng coi là tội phạm. Đây có thể nói là dạng phổ biến nhất, chủ yếu xảy ra trong các nhóm tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội, như:

 

+ Các hành vi xâm phạm sở hữu như trộm cắp vặt, cưỡng đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, vô ý gây thiệt hại tài sản riêng…

+ Các hành vi xâm phạm trật tự công cộng như gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tiêu thụ của gian, mại dâm, nghiện hút….

+ Các hành vi xâm phạm an toàn công cộng như các vi phạm về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chữa cháy, xây dựng…

+ Các hành vi xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Đối với các trường hợp nêu trên, tuy có hành vi vi phạm xảy ra, nhưng mức độ gây nguy hiểm cho xã hội không lớn, Nhà nước đã có quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với từng hành vi cụ thể, có thể áp dụng các chế tài hành chính để giải quyết. Nhưng các cơ quan tư pháp vẫn bắt, tạm giữ, khởi tố điều tra để xử lý hình sự. Trong nhiều trường hợp tuy ban đầu có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn hình sự như bắt quả tang, bắt khẩn cấp, tạm giữ; nhưng phải nhanh chóng xác minh làm rõ để kết luận và xử lý sớm các trường hợp không đáng truy cứu trách nhiệm hình sự ngay trong thời hạn 24 giờ sau khi bắt, hoặc trong thời hạn tạm giữ.

Qua đây cũng có thể thấy nghĩa rộng hơn của khái niệm "hình sự hoá", không chỉ đơn giản là việc bắt người có hành vi không đáng coi là tội phạm (hình sự hoá ở khâu đầu tiên của quá trình tố tụng đối với một con người cụ thể), mà còn là không xem xét kịp thời để đình chỉ việc truy cứu trách nhiệm theo quy định của luật Tố tụng hình sự. Hình sự hoá các hành vi kể trên thường xảy ra nhiều trong những khâu đầu của quá trình tố tụng, và chủ yếu ở cấp huyện, vì những vụ việc loại này thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện.

- Các sự việc khởi đầu từ vi phạm hành chính hoặc tranh chấp dân sự, nhưng khó phân biệt là hành vi phạm tội hay quan hệ hành chính, dân sự. Thường có các dạng sau:

+ Các hành vi có dấu hiệu tương tự như mặt khách quan của một tội phạm nhất định, có đặc trưng là được phân biệt với các vi phạm khác ở định về hậu quả thiệt hại xảy ra, hoặc định lượng về đối tượng của tội phạm. Có thể thấy tương đối rõ khi xem xét các hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc các hành vi phạm tội khác có định lượng trong mặt khách quan: mức độ thiệt hại đến đâu, tài sản bị xâm hại là bao nhiêu thì coi là tội phạm.

+ Các hành vi mà việc xác định có phải là tội phạm hay không, phải căn cứ vào nhiều yếu tố như tính chất mức độ vi phạm, hậu qủa thiệt hại và ý thức khắc phục, hoàn cảnh cụ thể ở địa phương khi xảy ra vi phạm, nhân thân người vi phạm, yêu cầu đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn và răn đe giáo dục chung....Việc coi là tội phạm hay không, đôi khi phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cán bộ thi hành pháp luật hoặc quan điểm của một đơn vị, một số địa phương hay một ngành nào đó.

- Sự việc tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng cần vận dụng quy định về hành chính để giải quyết mới đảm bảo được yêu cầu về chính trị. ở đây muốn nói đến các trường hợp có liên quan đến chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, quan hệ đối ngoại, quan điểm quần chúng và những vấn đề nhạy cảm khác về chính trị như nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận...Ví dụ các vụ gây rối trong tín đồ phật tử, giáo dân, trong vùng dân tộc thiểu số; các vụ gây rối an ninh nông thôn những năm vừa qua; quần chúng tập trung biểu tình đòi lại ruộng đất đã bị công hữu hoặc quy hoạch xây dựng công trình công cộng; các vụ liên quan đến trí thức, văn nghệ sỹ, người nước ngoài...Khi xảy ra vi phạm pháp luật, không phải trường hợp nào cũng giải quyết bằng biện pháp hình sự, mà cần cân nhắc thận trọng, tính toán các yêu cầu chính trị, đối ngoại và tình hình cụ thể ở địa phương lúc xảy ra vi phạm, sử dụng tổng hợp các biện pháp và lực lượng có liên quan để chọn hình thức giải quyết có lợi nhất. Các trường hợp này số vụ xảy ra tuy không nhiều, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì trực tiếp tác động đến những khách thể quan trọng nhất mà luật pháp phải bảo vệ. Như vậy, hình sự hoá còn thể hiện ở dạng áp dụng pháp luật hình sự một cách máy móc, cứng nhắc.

- Những tranh chấp tuy có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm sở hữu, nhưng trong thực tiễn có thể giải quyết thông qua tố tụng dân sự sẽ có hiệu qủa hơn. Xảy ra nhiều nhất là giữa các chủ thể có quan hệ làm ăn, buôn bán, tiền hàng, vay mượn, thừa kế, tranh chấp tài sản, nợ quá hạn chưa trả, chậm thanh toán, tranh chấp đất đai, góp hụi họ, cho vay nợ lãi, mua bán theo kiểu ủy thác ký gửi, chậm trả....Những trường hợp này việc xác định tội phạm khá phức tạp do ý chí của các bên tham gia quan hệ đều muốn bằng mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình; tài liệu do các đương sự cung cấp không đầy đủ, thiếu chính xác; việc giao dịch giữa các bên không tuân theo các trình tự, thủ tục luật định (thậm chí là bất hợp pháp); cơ quan tư pháp xem xét sự việc chưa thật toàn diện, kỹ càng; quan điểm giải queyét giữa các bên quan hệ, các ngành không thống nhất...Do đó nhiều trường hợp đã khởi tố vội, khởi tố không cần thiết. Có trường hợp giữa các bên đã tự thoả thuận được với nhau và giải quyết xong tranh chấp, nhưng cơ quan tố tụng vẫn không đình chỉ điều tra khiến cho sự việc thêm phức tạp. Cá biệt có trường hợp không loại trừ khả năng cán bộ tư pháp cố tình đẩy sự việc lên thành hình sự để "đục nước béo cò"...

- Dưới đây là một số ví dụ:

+ Hành vi xuất nhập cảnh trái phép: Đối với người Việt Nam xuất cảnh, tuy một số trường hợp có vi phạm thủ tục giấy tờ để xin hộ chiếu và thị thực, có nhầm lẫn, sai phạm về thủ tục, mục đích xuất, nhập cảnh...Tuy nhiên một phần do thủ tục xuất, nhập cảnh của ta còn phức tạp, nhu cầu ra nước ngoài của công dân khá cấp thiết (mục đích ra nước ngoài chủ yếu chỉ kiếm sống hoặc đoàn tụ gia đình); trong khi đó thì hiểu biết của người dân không đồng đều, khó tránh khỏi vi phạm...Một số trường hợp người muốn xuất, nhập cảnh đã bị bọn trung gian móc nối, lừa đảo làm giấy tờ giả xuất cảnh để thu tiền bất hợp pháp. Đối với người nước ngoài, nhiều trường hợp họ nhập cảnh trái phép Việt Nam cũng vì mục đích kinh tế hoặc để đi nước thứ ba. Tuy nhiên vì Bộ luật hình sự vẫn coi đây là tội phạm nên vẫn có bắt, giam giữ, khởi tố điều tra; nhưng thực từ trước tới nay ta hầu như chưa đưa xét xử hình sự người phạm tội xuất, nhập cảnh trái phép (với tội danh độc lập), mà chỉ xử lý hành chính hoặc trả tự do đối với người Việt Nam; trao trả hoặc buộc rời khỏi Việt Nam đối với người nước ngoài. Sự thiếu nhất quán về mặt pháp lý khi bắt giữ, khởi tố (coi là tội phạm), và đình chỉ điều tra khi xử lý (không coi là tội phạm) đã tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật; một số cá nhân lợi dụng "làm tiền" người dân.

+ Đối với hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất nổ: Theo quy định hiện hành mua bán, tàng trữ từ 1 kg thuốc nổ trở lên được coi là tội phạm. Tuy nhiên có trường hợp lượng thuốc nổ chỉ vài trăm gram đã đủ gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, có nơi người dân đi đào phế liệu chiến tranh, chỉ một quả đạn pháo đã có hàng chục kg thuốc nổ; một qủa bom có hàng trăm kg thuốc nổ. Có vùng cả thôn làm nghề đánh cá hoặc đào giếng bằng thuốc nổ từ nhiều năm nay.... Những trường hợp này ta khó có thể đơn thuần dựa vào định mức lượng thuốc nổ là vật chứng để coi là tội phạm và tiến hành ngay việc bắt giữ, khởi tố điều tra được. Hoặc người làm nghề thu mua phế liệu đã thu mua cả vũ khí cũ, qua kiểm tra thấy không còn tác dụng sử dụng, có trường hợp vẫn bị bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

+ Các hành vi xâm phạm đến công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia với mức độ nhỏ nhặt như đào đường giao thông, cầu cống, đê đập; cắt trộm dây điện thoại, điện lưới; tháo một vài phụ kiện đường tàu, cột điện; đào đường cáp quang...Các hành vi này tuy có dấu hiệu của tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nhưng mức độ vi phạm nhỏ, thiệt hại không lớn, người vi phạm là dân lao động nghèo, ý thức hiểu biết pháp luật thấp nên không nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của hành vi này (cắt dây điện làm quang gánh, làm dây phơi, nghe nói trong cáp quang có bạc nên đào trộm, tháo dây néo cột hoặc dắt dây điện bán phế liệu....), nhiều trường hợp người vi phạm là trẻ em chăn trâu cắt cỏ vi phạm do nghịch ngợm, dại dột...Trong số này nhiều trường hợp không cần bắt giữ, khởi tố hình sự, mà chỉ cần xử lý vi phạm hành chính kém theo các biện pháp tuyên truyền giáo dục để quần chúng thấy rõ tính chất quan trọng của các công trình, phương tiện này và tính chất nguy hiểm của hành vi xâm hại thì sẽ có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp giữa các cơ quan tố tụng không thống nhất được việc xác định có tội hay không, do không xác định rõ như thế nào là công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (chưa có thông tư nào giải thích đầy đủ).

+ Đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự tháng 7/1997 thì mọi hành vi có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đều cấu thành tội này. Nhưng sau đó, Thông tư liên ngành số 01 ngày 2/1/1998 lại hướng dẫn phải có yếu tố bắt buộc là "vì mục đích tư lợi" mới cấu thành tội này nên đã có hàng ngàn trường hợp trả tự do vì không phạm tội.

+ Bộ luật hình sự không quy định tội không trả được nợ. Nhưng trong thực tế, nhiều người vay không trả được nợ hoặc có nghĩa vụ thanh toán nhưng không thực hiện đầy đủ, đúng hạn. Việc vi phạm nghĩa vụ nhiều khi do lỗi không cố ý như gặp rủi ro trong làm ăn, do người khác nợ mình chưa trả, do thoả thuận không chặt chẽ, có sơ hở…nhưng vẫn bị khởi tố (thường là theo tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo). Một số trường hợp chủ nợ nhờ hoặc thuê cán bộ tư pháp đòi nợ; để giúp chủ nợ đòi được nợ, có cán bộ đã uy hiếp tinh thần con nợ bằng quyết định tố tụng (triệu tập gọi hỏi, bắt giữ, khám xét, khởi tố…).

+ Bên cạnh việc phổ biến là hình sự hoá đối với con người, nhiều trường hợp cơ quan tư pháp tiến hành khám xét, tạm giữ, thu giữ tràn lan những đồ vật không pahỉ là vật chứng; kê biên, coi là vật chứng hầu hết tài sản của bị can, kể cả tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh hợp pháp để bảo đảm vốn vay ngân hàng…gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm ăn bình thường của người dân, gây tiêu hao, lãng phí của cải vật chất của xã hội.

Tóm lại, tình trạng hình sự hoá có thể xảy ra đối với hầu hết các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, dưới rất nhiều dạng khác nhau rất phức tạp. Có lẽ chỉ loại trừ các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia (theo Bộ luật hình sự năm 1985), vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nhóm tội phạm này đã không cho phép các cơ quan tư pháp mác sai lầm như vậy. Còn lại, đối với các tội phạm khác, nhất là nhóm tội liên quan đến sở hữu với cách quy định "gây hậu quả nghiêm trọng"; hoặc nhóm tội xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người…với cách quy định "gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ"….thì rất dễ bị hình sự hoá.

Tình trạng hình sự hoá, nếu theo phân cấp thì thường xảy ra nhiều ở cấp cơ sở và cấp quận huyện; nếu xét theo quá trình tố tụng thì xảy ra nhiều nhất trong những khâu đầu tiên như bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố; nếu xét theo phân loại tội phạm thì xảy ra nhiều nhất đối với các tội phạm hình sự thường (nhất là các hành vi xâm phạm sở hữu và xâm phạm trật tự công cộng); nếu xét theo lực lượng thụ lý thì xảy là nhiều nhất đối với lực lượng cảnh sát do sự phân công thẩm quyền điều tra…

 

II. Hậu quả của hình sự hoá

 

Gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Hình sự hoá những hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức tội phạm gây nhiều hậu quả tai hại. Nhiều trường hợp hình sự hoá đã làm cho người dân bị bắt giữ, khởi tố và xử lý oan sai; trong khi họ chỉ đáng bị xử lý hành chính hoặc xử lý trách nhiệm dân sự nhưng lại bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo thủ tục tố tụng. Nhiều người vì vậy mà bị mất tài sản, danh dự, công việc làm ăn, kinh doanh bị đình trệ hoặc thua lỗ ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà cả gia đình và xã hội.

 

 

Trật tự pháp luật bị vi phạm.

 

Hình sự hoá đã khiến cho pháp luật không được thực hiện đúng đắn, trật tự pháp luật bị xáo trộn do lẫn lộn giữa các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự; làm giảm hiệu quả áp dụng của pháp luật, nhất là pháp luật hành chính và pháp luật dân sự trong đời sống xã hội.

 

Tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực, gây mất lòng tin.

 

Việc áp dụng pháp luật không đúng đắn đã tạo kẽ hở cho một số cá nhân lạm dụng biện pháp hình sự để phục vụ mục đích cá nhân; là điều kiện làm thoái hóa biến chất cán bộ, gây mất òng tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của luật pháp và hoạt động đúng đắn của các cơ quan thực thi pháp luật.

 

4. ảnh hưởng đến các hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm.

 

Việc bắt, giam giữ tràn lan sẽ làm tăng lưu lượng giam giữ trong các trại vốn đã qúa tải; tăng số vụ phạm tội hình sự, gây tốn kém công sức, thời gian của các cơ quan tố tụng (trong khi các cơ quan này cần tập trung để điều tra các tội phạm đích thực khác), kéo dài qúa trình điều tra án, gây dư luận không có lợi.

 

Về dân sự.

 

Sự can thiệp không đúng đắn bằng các biện pháp hình sự đối với vi phạm trong quan hệ dân sự làm rối loạn các quan hệ này, đồng thời làm giảm các giao dịch dân sự, đặc biệt là các hợp đồng vay vốn, hợp đồng có liên quan đến việc thanh toán, chuyển quyền sở hữu…Các chủ thể tham gia quan hệ dân sự đã không phát huy được quyền hợp pháp của mình trong việc tự quyết định theo ý chí của bản thân khi thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Để tự bảo vệ mình, không ít người đã chọn cách xử lý theo "luật rừng", vi phạm nguyên tắc hoà giải, không được dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự…

 

III. Nguyên nhân tình trạng hình sự hoá.

 

Pháp luật không đầy đủ, chưa hoàn thiện.

 

Đây là nguyên nhân có tính phổ biến khi xem xét các trường hợp hình sự hoá. Nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhưng không được hướng dẫn chi tiết kịp thời (nhất là Bộ luật hình sự hầu như chưa được hướng dẫn chính thức) nên dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hành vi phạm tội và vi phạm hành chính, tranh chấp dân sự. Cơ quan tố tụng còn lúng túng khi phân biệt các hành vi này, nhất là khi giữa chúng có sự tương tự về các yếu tố cấu thành vi phạm. Một số quy định về hành chính không đầy đủ, không hợp lý nên có trường hợp đã lấy quy định về hình sự để thay thế (rõ nhất là việc giải quyết đối với hành vi xuất nhập cảnh trái phép).

 

Nguyên nhân từ thực tế vi phạm.

 

Thực tế cho thấy các vi phạm diễn ra rất phức tạp, các tình tiết của một vụ vi phạm hành chính hoặc tranh chấp dân sự có nhiều nét tương tự như hành vi phạm tội nên rất khó phân biệt là hình sự hay hành chính, dân sự. Số lượng vụ vi phạm quá nhiều, gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra làm rõ.

 

Về phía các chủ thể vi phạm.

 

Nhiều chủ thể trong quan hệ dân sự muốn "đẩy" tranh chấp dân sự lên thành vụ hình sự, coi đó như một biện pháp cứng rắn, nghiêm khắc hơn để phục vụ lợi ích cá nhân (đòi được nợ, tài sản, được thanh toán…). Có trường hợp vì thế mà họ đã báo cáo sai sự thật, cung cấp tài liệu giả hoặc không cộng tác giúp cơ quan tố tụng làm rõ vụ án; thậm chí, có trường hợp đương sự lại muốn vào tù để trốn tránh nợ….

 

4. Hoạt động của các cơ quan tư pháp chưa thật tỷ mỉ, khách quan, toàn diện; còn hiện tượng làm qua loa, thiếu trách nhiệm; ngay từ đầu đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, khởi tố, dùng biện pháp xét hỏi thay thế công tác điều tra, xác minh. Mối quan hệ phối hợp giữa 3 cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án có lúc còn chưa chặt chẽ. Cán bộ ngại khó nên chọn cách giải quyết đơn giản, đỡ vất vả; một số nơi có sự cục bộ vì lợi ích địa phương hoặc ngành mình mà áp dụng pháp luật chưa đúng đắn.

 

5. Một số cán bộ tư pháp cố ý làm sai sự thật vì lợi ích cá nhân, cố tình hình sự hoá sự việc để gây sức ép với các bên quan hệ nhằm trục lợi; có trường hợp có sự câu kết giữa cán bộ thụ lý và đương sự theo kiểu "đòi nợ thuê" hoặc để ban ơn, vụ lợi nên đã giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

 

6. Nhận thức, trình độ của cán bộ tư pháp chưa cao, không đồng đều nên nhiều trường hợp không phân biệt được giữa vi phạm hành chính, tranh chấp dân sự và hành vi phạm tội.

 

7. Xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp không nghiêm nên kém tác dụng răn đe giáo dục chung; bản thân người vi phạm cũng không sợ nên thường lại tái diễn.

 

8. Hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bản án dân sự không cao, thi hành chậm hoặc khó thi hành nên xuất hiện tâm lý ngại áp dụng biện pháp hành chính và dân sự, mà sử dụng biện pháp hình sự để thay thế.

 

IV. Một số kiến nghị, đề xuất.

 

Về hoàn thiện pháp luật.

 

- Khi ban hành văn bản luật, bên cnạh việc phải quy định cụ thể, tỉ mỉ để có thể thi hành được ngay thì cần ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn để thống nhất nhận thức và tạo ra căn cứ pháp lý, chặt chẽ trong việc áp dụng pháp luật; đây là vấn đề đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong lĩnh vực hình sự, trước hết cần giải thích rõ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với các tội mà Bộ luật hình sự chưa quy định cụ thể; các tội có nhiều yếu tố dễ lẫn với các vi phạm hành chính hoặc tranh chấp dân sự. Văn bản hướng dẫn phải có đủ hiệu lực cần thiết; nếu chưa có Nghị quyết của UBTVQH giải thích Luật, thì phải có văn bản liên tịch (Công an, Kiểm sát, Toà án…), Nghị định của Chính phủ…Đây chính là tồn tại lớn nhất và cũng khó khắc phục nhất (gần như chưa được thực hiện đối với Bộ luật Hình sự năm 1985).

- Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật tố tụng hình sự nhằm đảm bảo việc áp dụng đúng đắn các biện pháp hình sự, hạn chế sai phạm.

- Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; nghiên cứu để nâng lên thành Luật xử lý vi phạm hành chính với phạm vi điều chỉnh rộng, cụ thể hơn và có hiệu lực thi hành cao hơn.

- Sớm ban hành Bộ luật tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; ban hành Luật thi hành án để tăng cường hiệu lực của các quyết định, bản án của Toà án.

- Tiếp tục công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ các quy định không phù hợp, bổ sung các vấn đề mới cần điều chỉnh hoặc ban hành văn bản pháp luật mới.

 

Về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

 

Cần quy định, phân công rõ để tránh sự chồng chéo hoặc đùn đẩy về chức năng giữa các cơ quan này; tinh gọn tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế điều kiện nảy sinh tiêu cực hoặc lạm dụng quyền hạn được pháp luật giao; phân cấp một cách hợp lý việc thụ lý giải quyết các vụ vi phạm pháp luật để tránh quá tải ở một số đơn vị nhất định; củng cố mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp để thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc đúng pháp luật…

 

Nâng cao trình độ cán bộ tư pháp.

 

Cán bộ tư pháp cần nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, hành chính, dân sự và vận dụng chính xác vào thực tiễn nhằm phân biệt rõ từng loại quan hệ, tránh nhầm lẫn hoặc áp dụng pháp luật tuỳ tiện; thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cần thiết về nghiệp vụ điều tra, giáo dục ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp trong công tác.

 

4. Tăng cường hiệu lực áp dụng pháp luật hành chính, dân sự, góp phần giải quyết có hiệu quả các vụ vi phạm hành chính và những tranh chấp dân sự; hạn chế tình trạng lạm dụng biện pháp hình sự thay cho biện pháp hành chính, dân sự nhưng vẫn bảo vệ quyền và lợi cíh hợp pháp của công dân, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh, phát huy sức mạnh của cả hệ thống pháp luật XHCN.

 

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân để mọi người đều nắm được pháp luật, hiểu biết và phân biệt được các vi phạm pháp luật khác nhau và tạo điều kiện giúp đỡ cơ quan tư pháp thực hiện pháp luật được đúng đắn. Qua đó, nhân dân có thể giám sát được hoạt động của các cơ quan này, đồng thời tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật do kém hiểu biết pháp luật.

 

6. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động tư pháp nhằm phát hiện kịp thời và răn đe nhắc nhở những người có biểu hiện nghi vấn lạm dụng pháp luật hoặc tiêu cực. Việc xử lý vi phạm không chỉ đối với những trường hợp đã phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, mà cả những vi phạm chỉ đến mức xử lý hành chính hoặc kỷ luật nội bộ nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa vi phạm đối với cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ điều tra, truy tố, xét xử.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 4: những biểu hiện hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế nhìn từ góc độ công tác kiểm sát.

 

T.S Lê Hữu Thể

 

Quyền Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta đang được đẩy mạnh với một tốc độ và phạm vi ngày càng lớn, từ đổi mới tổ chức bộ máy, xác định lại cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho đến đẩy mạnh thực tiễn hoạt động. Một điều không thể phủ nhận là những kết quả đạt được trong quá trình cải cách đã góp phần quan trọng vào hoạt động phòng chống tội phạm, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân. Song, quá trình cải cách tư pháp cũng đã làm rõ những bất cập trong hoạt động tư pháp, cả về phương diện xây dựng pháp luật lẫn thực tiễn áp dụng pháp luật.

Những năm gần đây, trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp đã xuất hiện một vấn đề làm cho không chỉ công dân mà các cơ quan nhà nước, các nhà lãnh đạo phải băn khoăn, lo lắng và bất bình. Đó là hiện tượng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính và ngược lại. Qua tìm hiểu thực tiễn hoạt động tư pháp cho thấy vấn đề trên không còn là "hiện tượng" nữa, mà có lúc đã trở thành phổ biến, đến mức khiến công chúng phải lên tiếng và phản ứng. Tình trạng trên không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn cho Nhà nước , xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn gây ra sự nghi ngờ của công chúng đối với sự công minh của nền tư pháp nước nhà.

Theo ý kiến chúng tôi, vấn đề "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế trong thời gian gần đây liên quan đến các Điều 134 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hôị chủ nghĩa), 135 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa), 157 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân) và 158 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân) Bộ luật hình sự. Trong những năm gần đây, tình hình thụ lý và giải quyết các vụ án về hai loại tội trên có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ, hậu quả khá nghiêm trọng. Nhiều vụ đã chiếm đoạt của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, chiếm đoạt của công dân hàng chục tỷ đồng. Đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, có cả dân thường lẫn các cán bộ có chức, có quyền trong các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế... Hành vi phạm tội ngày càng táo bạo, thể hiện đa dạng bằng các hợp đồng kinh tế, dân sự, thông qua đó để chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp xử lý theo pháp luật, thu hồi lại cho Nhà nước và công dân số tài sản bị chiếm đoạt với giá trị lớn.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì trong thời gian qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội theo các Điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự cũng còn nhiều sai sót, thậm chí còn có những vi phạm pháp luật. Trên thực tế còn có tình trạng khởi tố bắt giữ, tạm giam hoặc truy tố chỉ nhằm mục đích đòi nợ, hoặc để thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt. Sau khi số tài sản bị chiếm đoạt đã được thu hồi lại hoặc được bồi thường thì đình chỉ vụ án, trả lại tự do hoặc xử lý hành chính mà không cần, thậm chí cố tình không xem xét một cách đầy đủ các yếu tố, dấu hiệu của tội phạm để có căn cứ phân loại xử lý hình sự, dân sự, hành chính hoặc kinh tế theo đúng bản chất của mối quan hệ thể hiện sự việc cụ thể. Từ những thiếu sót như vậy, dư luận xã hội cho rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật có biểu hiện "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế...

Xuất phát từ tình trạng đó, để có được sự nhận thức thống nhất trong việc xử lý tội phạm theo các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự, theo chúng tôi, cần đi sâu đánh giá thực trạng, đưa ra các kết luận cần thiết qua các vụ án về các tội nêu trên đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà các cấp có thẩm quyền đã đình chỉ vụ án hoặc tuyên bị cáo không phạm tội.

Qua nghiên cứu thực trạng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm theo các điều luật nói trên, riêng năm 1997 có 46/60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đình chỉ điều tra 106 vụ với 118 bị can vì không phạm tội lạm dụng tín nhệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân. Trong số 118 người đã được đình chỉ có 46 người đã bị tạm giam ( chiếm 39%).

Qua số liệu về hoạt động xét xử ở các cấp trong ba năm (1995, 1996, 1997) về hai loại tội trên cho thấy tỷ lệ người bị truy tố oan (tức là Toà tuyên bố không tội) là 0,72%. Đây thực sự là một tỷ lệ đáng phải suy nghĩ, nhìn từ mọi góc độ. Xin điểm qua 3 vụ án các cơ quan tố tụng đã giải quyết, mà xét về mặt chủ quan hoàn toàn có thể khắc phục được sự sai sót:

 

1 - Vụ Lại Kim Tuyến ở tỉnh Hà Bắc (cũ).

Lại Kim Tuyến là kỹ sư Phòng thuỷ lợi huyện Việt yên, được uỷ quyền nhận hợp đồng xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật thi công các công trình thuỷ lợi trong toàn huyện.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Tĩnh lộc, tỉnh và huyện phê duyệt cho xây dựng trạm bơm bằng vốn của Hợp tác xã và vốn góp của nhân dân.

Lại Kim Tuyến lập bảng dự toán thi công hết 38.159.000 đồng. Sau khi xem xét, ông Tô Quang Tống là chủ nhiệm hợp tác xã Tĩnh lộc ký hợp đồng số 04 với Lại Kim Tuyến theo phương thức khoán gọn, chìa khoá trao tay với tổng kinh phí là 38.151.000.

Sau khi ký kết hợp đồng, Tuyến vay tiền mua nguyên vật liệu ngoài thị trường về thi công. Phía Hợp tác xã cử người thường xuyên giám sát việc thi công, cùng với bên thi công nghiệm thu từng phần công trình. Khi hoàn thành, Tuyến cùng Hợp tác xã và Phòng thuỷ lợi huyện do ông Thân Đăng Khôi là Trưởng phòng tham gia nghiệm thu vào ngày 30 - 01 - 1991. Đến ngày 12 - 01 - 1991, hai bên xác định công trình xây dựng hết 44 triệu đồng. Nhưng , ngày 20 - 02 - 1991 khi lập bản thanh lý hợp đồng hai bên chỉ xác nhận giá trị xây dựng hết 38.151.000 đồng. Ngày 6.6.1991 tại Đại hội xã viên chỉ đồng ý thanh toán 32.000.000 đồng. Do có tranh chấp nên Hợp tác xã đề nghị cơ quan công an xem xét. Trong quá trình điều tra , ngày 23 - 6 - 1995 Sở thuỷ lợi giám định công trình này chỉ hết 12.028.000 đồng ( Phần kinh phí Hợp tác xã đã thanh toán cho Tuyến là 30.800.000 đồng ) nên kết luận lại Kim Tuyến chiếm đoạt của Hợp tác xã Tĩnh lộc là 18.772.000 đồng.

Tại bản án sơ thẩm số 29 ngày 16 - 3 - 1996 của Toà án nhân dân tỉnh Hà bắc áp dụng điểm b khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự để xử phạt Lại Kim Tuyến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm. Bị cáo kháng cáo kêu oan.

Tại bản án phúc thẩm ngày 23 - 9 - 1996 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà nội đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm và tuyên Lại Kim Tuyến không phạm tội, với các căn cứ:

Công trình thuỷ lợi ( trạm bơm) hoạt động gần 5 năm Sở thuỷ lợi mới giám định giá trị công trình, lại căn cứ vào bảng giá vật liệu của Nhà nước từ năm 1972, 1982 và 1990 để áp dụng vào công trình xây dựng này ở thời điểm năm 1991 là không phù hợp. Trên thực tế, Lại Kim Tuyến phải mua vật tư, thiết bị ở thị trường tự do để xây dựng. Trong khi đó công trình này lại không phải vốn do ngân sách của Nhà nước cấp, nên việc mua vật tư, thuê nhân công phải tính theo giá thị trường tự do ở thời điểm đó để tính mới đúng bản chất về gía trị thực của công trình. Mặt khác, về giá cả thi công và giá trị toàn bộ công trình phải dựa trên bản hợp đồng mà Lại Kim Tuyến đã ký với Hợp tác xã để làm căn cứ xem xét tranh chấp. Trong khi đó lãnh đạo Hợp tác xã khẳng định chất lượng công trình hoạt động nhiều năm vẫn tốt, không có sự cố gì, giá cả như đã thoả thuận trong dự toán là chính xác. Nếu áp dụng giá giám định của Sở thuỷ lợi thì không thể xây dựng được công trình. Như vậy, cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử oan Lại Kim Tuyến. Tranh chấp nêu trên phải được giải quyết bằng một vụ án kinh tế.

2 - Vụ Bùi Văn Minh ở tỉnh Nam định.

Cuối tháng 3 năm 1995, Bùi Văn Minh, Vũ Khắc Hiếu và Nguyễn Võ Ky hùn vốn lập tổ làm cá xuất khẩu do Minh làm tổ trưởng. Do thiếu vốn nên cả tổ nhất trí vay tiền của anh Bình trả lãi 2000 đồng/ngày/1 triệu. Từ tháng 3 năm 1995, cả tổ vay 88 triệu đồng. Sau hơn một tháng hoạt động, do cá kém phẩm chất phải bán hạ giá nên cả tổ mới trả cho anh Bình được 43 triệu đồng, trong đó có 7.964.000 đồng tiền lãi. Sau đó cả tổ thống nhất giải tán và chia số tiền còn nợ anh Bình, trong đó anh Hiếu đưa 30 triệu cho anh Minh để trả anh Bình, anh Ky trả 10 triệu đồng cho anh Bình, còn lại anh Minh phải trả.

Theo cam kết đó, ngày 12 - 12 - 1995 anh Minh mang trả anh Bình 30 triệu, ngày 5 - 2 - 1996 anh Minh gán nợ cho anh Bình chiếc xe máy trị giá 11 triệu đồng. Sau đó hai bên cam kết anh Minh chỉ còn phải trả anh Bình 28.960.000 đồng. Do nhiều lần đòi nợ không được, anh Bình đã khởi kiện anh Minh. Cáo trạng số 64 ngày 6 - 5 - 1997 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam định truy tố Bùi Văn Minh về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân theo khoản 2 Điều 158 Bộ luật hình sự.

Bản án sơ thẩm số 134 ngày 13 - 8 - 1997 của Toà án nhân dân tỉnh Nam định áp dụng khoản 2 điểm a Điều 158 Bộ luật hình sự xử phạt Bùi Văn Minh 18 tháng tù, bồi thường cho anh Bình 28.960.000 đồng. Bị cáo kháng cáo. Ngày 23 - 2 - 1998 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà nội xử phúc thẩm, tuyên Bùi Văn Minh không phạm tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân với các nhận định:

Bùi Văn Minh trước sau vẫn xác nhận và cam kết trả số nợ còn lại cho anh Bình, sở dĩ chưa trả được là do làm ăn thua lỗ. Mặt khác, số người khác còn nợ Minh 100 triệu đồng. Tại phiên toà phúc thẩm, anh Bình và anh Minh thừa nhận hai bên đã có thoả thuận anh Bình đồng ý cho anh Minh trả dần số nợ đến hết Quý I năm 1999. Với các căn cứ trên, bản án phúc thẩm tuyên bố Bùi Văn Minh không phạm tội là có căn cứ.

3 - Vụ Trương Vĩ Dân và Dương Quốc Dũng (thành phố Hồ Chí Minh).

Trương Vĩ Dân và Dương Quốc Dũng đều là tư thương, được Xí nghiệp đời sống thuộc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh do Nguyễn Thành Nguyên làm giám đốc, ký hợp đồng với Xí nghiệp để phụ trách phân xưởng chế biến nông sản. Theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết thì Xí nghiệp đứng ra ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, sau đó giao cho Dân và Dũng thực hiện, nếu có lãi thì phải trả lãi suất theo khối lượng hàng hoá kinh doanh cho Xí nghiệp theo hợp đồng từ 3 - 5 đồng cho 1 kg nông sản.

Từ tháng 2 đến tháng 11 - 1990, Xí nghiệp đời sống ký hợp đồng mua bán trao đổi hàng hoá với Công ty dịch vụ Việt kiều và hợp tác quốc tế Đồng nai, Công ty lương thực huyện Châu Phú ( An Giang), Công ty lương thực khu vực 2. Ngoài ra Xí nghiệp còn vay tiền ở Ngân hàng rồi cho Dân và Dũng vay lại với lãi suất cao hơn. Quá trình thực hiện hợp đồng, Dân và Dũng còn nợ lại Xí nghiệp 519 triệu đồng ( trong đó nợ của Công ty dịch vụ Việt kiều và hợp tác quốc tế Đồng nai là 128 triệu, của Công ty lương thực huyện Châu phú ( An Giang ) là 81 triệu, của Công ty lương thực khu vực 2 là 22 triệu và nợ Ngân hàng Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh là 288 triệu đồng).

Đến hạn thanh lý hợp đồng, Dân và Dũng không còn khả năng thanh toán nên Xí nghiệp dịch vụ đời sống có công văn gửi cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó vụ án được khởi tố, các bị cáo đều bị tạm giam 2 tháng.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu hồi các khoản nợ mà một số đơn vị còn nợ Dân và Dũng là 108 triệu, và các bị cáo nộp 292 triệu, đến khi truy tố và trước lúc xét xử sơ thẩm đã trả hết nợ cho Xí nghiệp.

Bản án sơ thẩm số 214 ngày 24 - 2 - 1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 3 Điều 135 Bộ luật hình sự phạt Trương Vĩ Dân 7 năm tù , Dương Quốc Dũng 4 năm tù.

Bản án phúc thẩm ngày 24 - 4 - 1997 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giảm án cho Dân còn 3 năm tù, Dũng còn 2 năm tù.

Quyết định giám đốc thẩm ngày 3 - 10 - 1997 của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã huỷ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tuyên bố Trương Vĩ Dân và Dương Quốc Dũng không phạm tội.

Từ vụ án trên cho thấy các cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến làm oan người vô tội. Trước hết, bản chất của mối quan hệ giữa Dân, Dũng với Xí nghiệp không được xem xét một cách đầy đủ, nên khi Xí nghiệp đời sống có công văn kiến nghị với cơ quan điều tra để thu hồi công nợ thì đã quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam các bị can để điều tra. Về thực chất, tranh chấp này là những quan hệ thuộc lĩnh vực kinh tế, phải được xem xét bằng thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Mặt khác, quá trình Dân và Dũng ký hợp đồng với Xí nghiệp dịch vụ đời sống đều có ý thức thực hiện, còn việc các bị cáo còn nợ Xí nghiệp là do phải trả lãi suất cao, đóng các khoản thuế và lệ phí hợp lệ, phải chịu lỗ khi trao đổi hàng hoá do giá cả thị trường biến động. Khi phát sinh công nợ, các bị cáo đều cam kết trả dần, không có biểu hiện trốn tránh. Như vậy, xét cả về mặt khách quan và chủ quan thì các bị cáo không có ý thức và hành vi chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Qua 3 vụ án cụ thể nêu trên, chúng tôi cũng chưa có suy nghĩ rằng việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là chỉ do nguyên nhân chủ quan, là việc làm cố ý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, phải khẳng định tình trạng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế trong thời gian qua đã dấy lên nỗi bất bình trong xã hội, làm tăng thêm nỗi băn khoăn của những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật. Tình trạng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về mọi mặt, do tác động của các biện pháp được áp dụng trong quá trình hoạt động tố tụng. Trước tình hình đó, trong những năm gần đây, các ngành bảo vệ pháp luật ở Trung ương đã tiến hành rà soát, kiểm tra, hướng dẫn trong việc giải quyết các loại án này. Đặc biệt ngành công an đã có chủ trương nghiêm cấm công an các cấp tham gia đòi nợ hoặc giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế, hành chính bằng thủ tục tố tụng hình sự. Chủ trương này bước đầu đã ngăn chặn được tình trạng khởi tố, bắt giữ tràn lan, điều mà dư luận xã hội cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật "hình sự hoá " các quan hệ dân sự, kinh tế v.v...

Với sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, số vụ truy tố, xét xử oan, sai ở các cấp đã giảm đáng kể. Với kết quả xét xử năm 1998 cho thấy số vụ án ở các tội theo các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự đã giảm so với năm 1997 là 1241 vụ và 3770 bị cáo. Qua hoạt động xét xử, số bị cáo Toà án tuyên không phạm tội ở các cấp cũng giảm nhiều. ( 1997: 30; 1998: 21), trong đó số người bị truy tố, xét xử oan ở cấp sơ thẩm trong năm 1998 so với năm 1997 cũng giảm ( 1997: 14; 1998: 6).

Qua nghiên cứu, tìm hiểu các vụ án giải quyết các vụ việc theo quy định của các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự, theo ý kiến chúng tôi, tình trạng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế do một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, các quy định pháp luật về những trường hợp có tranh chấp tài sản trong việc thực hiện các hợp đồng dân sự, kinh tế... chưa cụ thể và rõ ràng, dễ dẫn đến sự nhận thức sai lệch, áp dụng tuỳ tiện, sai pháp luật. Tình trạng quy định thiếu cụ thể và rõ ràng có thể thấy ngay trong hoạt động của Toà án khi giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, chưa có cơ sở, căn cứ để phân loại án dân sự và án kinh tế. Chính sự thiếu cụ thể và rõ ràng của pháp luật đã dẫn đến việc áp dụng sai do nhận thức không đúng, hoặc cố tình áp dụng sai vì mục đích không trong sáng trên cơ sở không rõ ràng của các quy định pháp luật.

 

Thứ hai, sự phối hợp của các cơ quan pháp luật ở Trung ương để hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất việc nhận thức và áp dụng các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự thiếu kịp thời và thiếu đầy đủ, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật. Việc kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới chưa kịp thời, thiếu thường xuyên, để xảy ra tình trạng sai sót nhiều và kéo dài mới phát hiện và uốn nắn.

Thứ ba, sự nhận thức không đầy đủ và thiếu thống nhất giữa các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án khi đánh giá, phân loại các tranh chấp dân sự, kinh tế dẫn đến việc áp dụng không đúng các quy định pháp luật. Từ các vụ án đã xử tuyên các bị cáo không phạm tội theo các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự đã nêu trên cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng do đánh giá không đúng bản chất của các mối quan hệ dân sự, kinh tế... và các quan hệ vay mượn thông thường trong nhân dân, mà chỉ xem xét thuần tuý việc không thực hiện được đầy đủ hợp đồng mua bán, sản xuất hoặc người đi vay mượn đến hạn không thực hiện được nghĩa vụ của mình, khi bên được thanh toán, trả nợ có khiếu kiện thì đã coi là cố ý chiếm đoạt tài sản mà không xem xét đầy đủ mặt chủ quan của người có nghĩa vụ thanh toán , trả nợ có ý thức chiếm đoạt hay không và họ đã thực hiện sự chiếm đoạt đó như thế nào, hay việc họ chưa trả được nợ là do những lý do hoàn toàn chính đáng. Do đánh giá không đúng bản chất các quan hệ dân sự, kinh tế... nên dẫn đến tình trạng áp dụng các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự vào việc giải quyết các quan hệ dân sự, kinh tế.

 

Thứ tư, phải thừa nhận một số (có lẽ cũng không nhỏ) cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật có trình độ năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một thực tế không thể phủ nhận là không ít cán bộ hoạt động thực tiễn chỉ lo giải quyết các công việc cụ thể, ít có điều kiện để nâng cao trình độ nhận thức về mặt lý luận. Do đó, họ rơi vào hai khuynh hướng: hoặc chờ cấp trên hướng dẫn việc áp dụng, hoặc áp dụng pháp luật theo khả năng nhận thức của mình. Bởi lẽ đó, việc đánh giá không đầy đủ, không chính xác bản chất của các mối quan hệ pháp luật là một thực tế hoàn toàn dễ hiểu.

Thứ năm, một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu bản lĩnh khi giải quyết vụ án nên dẫn đến tình trạng giải quyết oan, sai. Thậm chí, cũng không thể loại trừ là biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ khi giải quyết các loại án này, nhằm thực hiện hành vi đòi nợ thuê thông qua con đường tố tụng.

 

Để khắc phục tình trạng " hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế, chúng tôi cho rằng, cần phải làm tốt một số việc sau đây:

1- Phải có sự giải thích chính thức về mặt Nhà nước việc áp dụng chung bắt buộc đối với các loại tội theo quy định của các điều 134, 135, 157 và 158 Bộ luật hình sự. Các cán bộ tiến hành tố tụng phải nắm vững và vận dụng đúng đắn những dấu hiệu pháp lý của các loại tội nêu trên.

2 - Phải có văn bản hướng dẫn thống nhất nhận thức để có căn cứ phân biệt các hành vi phạm tội theo các điều 134, 135, 157 và 158 với các vi phạm hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế.

3 - Phải tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức lý luận của cán bộ thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trình độ dân trí về luật pháp nói chung.

4 - Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ báo cáo, thỉnh thị để có sự hướng dẫn xử lý thống nhất đối với các loại việc trên.

5 - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan bảo vệ pháp luật ( Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ công an) đối với việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở cấp dưới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 5: Những biểu hiện của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong công tác xét xử và biện pháp khắc phục

 

T.s Nguyễn Văn Hiện -

Chánh án TAND thành phố Hà Nội

 

Trong những năm gần đây Nhà nước ta đang từng bước tiến hành công cuộc cải cách hành chính, tư pháp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, trong đó mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội phải được điều chỉnh bằng Hiến pháp, Luật và các quy phạm pháp luật khác. Với định hướng như vậy chúng ta sẽ tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, những "hành lang pháp lý ổn định, khoa học", tạo điều kiện thúc đẩy các mối quan hệ xã hội phát triển, tiến độ, đặc biệt là các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Đi đôi với những thành tựu, sự phát triển, tiến bộ của quá trình xây dựng và vận dụng pháp luật vào công cuộc đổi mới nền kinh tế quốc dân, trong thực tiễn và nghiên cứu lý luận chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhược điểm cả về xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật vào cuộc sống. Một mặt, trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế chúng ta chưa kịp thời xây dựng được những quy phạm đầy đủ và hoàn chỉnh. Nhưng mặt khác, ở nhiều lĩnh vực pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng việc giải thích và áp dụng pháp luật vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội lại không chính xác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Biểu hiện rõ nét nhất của loại sai lầm này là việc dùng pháp luật hình sự để giải quyết các quan hệ xã hội mà bản chất thực của chúng là các quan hệ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và ngược lại, có một số vụ việc các bên đã dùng thủ đoạn lợi dụng các hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhau hoặc vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản, tiền vốn của một bên đối tác, gây tình trạng phá sản, đình trệ sản xuất nghiêm trọng, những việc này có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm hình sự, nhưng lại được thụ lý giải quyết theo trình tự của một vụ án dân sự, kinh tế.

Hiện nay, cùng với sự bất bình đẳng và đòi hỏi của công luận, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm chỉ đạo các cơ quan áp dụng pháp luật phải nhanh chóng, phối hợp tìm biện pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại. Một số cơ quan pháp luật ở Trung ương như Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Bộ công an (BCA), Tổng cục hải quan (TCHQ), Tổng cục thuế (TCT), Thanh tra Nhà nước (TTNN), Ban nội chính trung ương (BNCTƯ)…cũng đã và đang nghiên cứu vấn đề nêu trên, nhưng cho đến nay cũng chưa tìm được phương pháp tối ưu để khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, chúng tôi cho rằng để giải quyết vấn đề chống hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, chúng ta cần nghiên cứu và giải quyết thoả đáng một số vấn đề sau đây:

Một là, một số vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm dân sự; trách nhiệm vật chất phát sinh từ hợp đồng kinh tế, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

 

Hai là, thực trạng tình hình hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế hiện nay.

Ba là, các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

 

Bốn là, các biện pháp để khắc phục tình trạng trên.

ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập giải quyết các vấn đề thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng chủ yếu dưới giác độ công tác xét xử.

 

1. Vấn đề thực trạng tình hình hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế hiện nay.

 

Vấn đề được công luận và những người nghiên cứu lý luận quan tâm hàng đầu hiện nay là việc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã lợi dụng quyền hạn cuả mình để xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và sử dụng trái phép tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, đối với các hành vi mà bản chất thực của nó chỉ là phạm vi nghĩa vụ dân sự hoặc cam kết trong hợp đồng kinh tế.

Qua nghiên cứu thực tiễn xét xử ở TANDTC chúng tôi thấy rằng: Trong năm 1998, Chánh án, Phó Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị tất cả 279 vụ án trong đó có 48 vụ án về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản XHCN. UBTP TANDTC và Toà hình sự- TANDTC đã xét xử 33 vụ án; trong đó có 8 vụ Toà án cấp Giám đốc thẩm đã xác định các bị cáo không phạm tội hình sự, chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế hoặc dân sự; 19 vụ bị sửa đổi từng phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật.

Trong năm 1998, các Toà án địa phương đã gửi hồ sơ vụ án về TANDTC để trao đổi với tổng số là 39 vụ án do VKSND truy tố các bị cáo về các hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng qua nghiên cứu chuẩn bị xét xử TAND cấp tỉnh thấy có vấn đề vướng mắc về tội danh và đường lối xử lý vụ án, cần trao đổi xin ý kiến TANDTC. Qua nghiên cứu các vụ án này TANDTC cũng đã phát hiện khoảng 1/3 số vụ án, trong đó các bị can bị truy tố không đúng tội hoặc oan và theo yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh xem xét và giải quyết lại theo trình tự thủ tục các vụ án dân sự hoặc kinh tế.

Năm 1999, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương như TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an đã có chủ trương tổng kết, hướng dẫn để phân biệt giữa các vụ án kinh tế, dân sự với các vụ án hình sự liên quan đến hợp đồng kinh tế, dân sự; nhưng trên thực tế, thì cũng chưa có một văn bản có tính pháp quy thống nhất về vấn đề này. Vì vậy hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế vẫn diễn ra rất phức tạp, chưa có chiều hướng khắc phục.

Qua công tác xét xử và giám đốc xét xử thấy rằng những năm gần đây nhiều vụ án dân sự và kinh tế lại được cơ quan điều tra thụ lý giải quyết theo trình tự của một vụ án hình sự. Ngược lại có một vài vụ án có dấu hiệu của tội phạm hình sự như lợi dụng các hợp đồng dân sự, kinh tế để chiếm đoạt tài sản của người khác lại được cơ quan pháp luật giải quyết bằng vụ án dân sự, kinh tế.

Do đánh giá không đúng tính chất của vụ án nên dẫn đến việc thụ lý sai thẩm quyền, đặc biệt dùng pháp luật hình sự để truy tố, xét xử và kết án oan người vô tội đã gây dư luận xấu trong nhân dân, công luận không đồng tình, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong năm qua, có một số vụ án bị xử lý không đúng pháp luật và sai lầm nghiêm trọng. Thí dụ các vụ án điển hình sau đây: Vụ Bùi Thị Lý bị truy tố và Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phạt 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, 08 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, đã được UBTP TANDTC xác định là không có tội mà bản chất của vụ việc chỉ là quan hệ hợp đồng vay mượn tài sản; hoặc vụ vợ chồng Nguyễn Văn Được và ủng Phóng Lìn đều bị truy tố và kết án tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân; trong đó ủng Phóng Lìn bị xử phạt 07 năm tù, đã được UBTP TANDTC xác định là không phạm tội và chuyển sang giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay mượn tài sản…

Ngược lại, có vụ án Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội hình sự là đúng, bởi vì bị cáo đã có thủ đoạn lợi dụng hợp đồng dân sự (vay mượn tài sản) để chiếm đoạt tài sản của người khác, nhưng sau đó Toà án cấp phúc thẩm lại tuyên bố bị cáo không phạm tội và cho rằng đó là quan hệ dân sự là không chính xác. Thí dụ, vụ Thái Ngọc Cúc chiếm đoạt 174.250.000 đồng và 12 lượng vàng rồi bỏ trốn. Tại bản án số 1352 ngày 24/8/1996 TANDTPHCM lại quyết định bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án hình sự. Tại bản án giám đốc thẩm số 88 ngày 25 tháng 8 năm 1998 UBTPTANDTC đã hủy bản án phúc thẩm nêu trên để giải quyết lại vụ án theo hướng Thái Ngọc Cúc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.

Ngoài ra, Toà dân sự-TANDTC còn phát hiện một số vụ án dân sự về tranh chấp quyền sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản…có dấu hiệu của tội phạm hình sự nhưng lại được thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Thí dụ: vụ án tranh chấp quyền sở hữu xưởng Thiên Phúc trị giá trên 3 tỷ đồng giữa 4 công dân Đài loan với bà Lý Nữ ở Bình Dương với nội dung: 4 người có quốc tịch Đài Loan đầu tư tiền vốn, máy móc xây dựng xưởng mộc Thiên Phúc do bà Lý Nữ đứng tên chủ doanh nghiệp; sau đó bà Lý Nữ đã dùng một số thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt toàn bộ xưởng Thiên Phúc. TAND tỉnh Sông Bé và Toà phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý vụ án dân sự và quyết định buộc bà Lý Nữ phải trả lại toàn bộ xưởng Thiên Phúc cho các ông Diệp Giai Mậu và Lưu Trí Cường. Sau đó, tại quyết định số 30 (28/8/1998) UBTPTANDTC đã huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên để giải quyết lại vụ án với nhận định rằng đây là vụ án có dấu hiệu phạm tội hình sự và chiếm đoạt tài sản của nhau.

 

2. Về nguyên nhân và một số biện pháp trong công tác xét xử nhằm khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề sau đây:

 

Trước hết phải nói đến một bộ phận cán bộ làm công tác thực tiễn áp dụng pháp luật đã không có những hiểu biết đầy đủ về cơ sơ lý luận để phân biệt các trường hợp phải chịu trách nhiệm dân sự, kinh tế với các trường hợp phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Trong thực tiễn không loại trừ một số người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà đã sử dụng các biện pháp hình sự như một biện pháp cưỡng chế Nhà nước để buộc bên đương sự phải trả nợ hoặc trả lại tài sản, tiền của cho phía bên kia và họ coi "khởi tố, tạm giữ, tạm giam, xét xử" là những biện pháp "đòi nợ" nhanh nhất để được "trích thưởng" theo tỷ lệ % giá trị tài sản đòi được.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là trong thực tiễn chưa có được các tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là hành vi phạm tội "chiếm đoạt tài sản" bằng cách lợi dụng các hợp đồng kinh tế, dân sự. Trong tình hình hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau, nhận thức khác nhau, kể cả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương về vấn đề này. Thực tế đã xảy ra hiện tượng nhận thức không đúng về hành vi chiếm đoạt, làm giảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước, kéo dài thời hạn xử lý vụ án. Lại có những vụ việc xảy ra được báo chí gọi là "hình sự hoá, hành chính hoá các quan hệ dân sự, kinh tế" gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế hàng hoá, làm rối loạn các quan hệ kinh tế, dân sự, khiến nhiều con nợ điêu đứng vì đình trệ sản xuất, người lao động mất việc làm, kéo theo những vấn đề xã hội phức tạp mà lẽ ra các con nợ có thể duy trì hoạt động, tạo ra lợi nhuận để trả hết nợ nếu không bị can thiệp trái pháp luật bằng biện pháp hình sự.

Trong thực tiễn và nghiên cứu có ý kiến cho rằng nếu hết hạn trả nợ (hoặc trả lại tài sản nói chung) trong hợp đồng dân sự, hoặc hết hạn quy định trong hợp đồng kinh tế mà bên có nghĩa vụ trả nợ (hoặc trả lại tài sản) không trả lại tài sản cho bên kia thì coi là đã chiếm đoạt tài sản quy định trong hợp đồng. Quan điểm này cho rằng, sau thời hạn trả lại tài sản quy định trong hợp đồng, bên không trả tài sản đã tước bỏ toàn bộ quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của phía bên kia, và tự định đoạt tài sản của người khác theo ý thức chủ quan của mình.

Quan điểm nêu trên là không có căn cứ pháp lý để áp dụng vào thực tế, vì nó đã đồng nhất (trong mọi trường hợp) giữa hai khái niệm vi phạm nghĩa vụ giao (trả) tài sản trong các quan hệ dân sự, kinh tế với khái niệm chiếm đoạt tài sản quy định trong pháp luật hành chính, hình sự. Cứ theo quan điểm này thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu trách nhiệm hành chính, hình sự đối với hầu hết các bị đơn trong các vụ án dân sự, kinh tế có tranh chấp về việc giao nhận tài sản.

Khái niệm chiếm đoạt tài sản không những chỉ là dấu hiệu bắt buộc trong các tội "lừa đảo…", "lạm dụng…" mà còn là dấu hiệu bắt buộc của nhiều tội khác, cho nên cần được hiểu thống nhất và xác định đúng theo quy định của pháp luật hình sự và pháp luật hành chính.

Trong các vụ việc liên quan đến hợp đồng dân sự, kinh tế người vi phạm thường cố tình che giấu mục đích, ý thức chiếm đoạt tài sản. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh những vấn đề nhamừ xác định có hành vi chiếm đoạt hay không? Những vấn đề quan trọng nhất đó là:

Có việc cố ý không thực hiện hành vi trả lại tài sản hay không?

Có việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản trái pháp luật hay không?

Chủ sở hữu hoặc người chiếm giữ hợp pháp tài sản có mất hẳn (vĩnh viễn) quyền hợp pháp của mình đối với tài sản không?

Có việc một bên tham gia hợp đồng đã chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của người khác như tài sản của mình không?

Trong quá trình xét xử chứng minh hành vi chiếm đoạt chúng tôi thấy cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Xem xét thật khách quan, toàn diện từ những hành vi giao dịch bên ngoài, đến những tiềm ẩn bên trong của quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng.

- Mục đích của việc vay mượn tài sản ghi trong hợp đồng và thực tế sử dụng tài sản nhận được qua hợp đồng (để kinh doanh, sản xuất hay chơi hụi, đánh đề, cho vay lại, chi tiêu, ăn uống, để trốn ra nước ngoài hay phạm tội khác…).

- Lý do không trả lại tài sản (do khách quan, hay do chủ quan, có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng).

- Trường hợp người vay nợ bỏ trốn, cần lưu ý chứng minh họ bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, hay bỏ trốn vì sợ chủ nợ cưỡng bức, dùng vũ lực…

- Bên vi phạm hợp đồng có điều kiện trả lại tài sản hay không….?

Chỉ sau khi xem xét toàn diện, khách quan những vấn đề nêu trên và các tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án mới có thể kết luận được có hành vi lợi dụng hợp đồng dân sự, kinh tế để chiếm đoạt tài sản hay không? Qua nghiên cứu thực tiễn hiện nay, chúng tôi thấy, mọi trường hợp vay mượn tài sản được bảo đảm bằng việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tài sản có giá trị ngang bằng, thì luôn luôn loại trừ yếu tố chiếm đoạt; trường hợp cầm cố, thế chấp bảo lãnh bằng tài sản ít hơn giá trị tiền vay, để nhằm chiếm đoạt phần chênh lệch đó; trường hợp dùng 1 tài sản thế chấp ở nhiều nơi để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự đối với khoản vay có thế chấp không hợp pháp.

Đối với những vụ việc liên quan đến các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế không có tài sản thế chấp, bảo lãnh, chúng tôi thấy cần lưu ý phân biệt các trường hợp sau đây:

a) Đối với trường hợp ký kết hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế, tổ chức việc sản xuất, kinh doanh trong một thời gian, nhưng mất khả năng thanh toán, thì cần phải xác định theo phương pháp tổng quyết toán (tổng thu, tổng chi) trên cơ sở đó xác định khoản tiền thiếu hụt.

Đối với các khoản chi, cần phân biệt khoản chi đúng và khoản chi sai. Trong các khoản chi sai, có thể có khoản là đối tượng của tội phạm khác như hối lộ, cố ý làm trái…., thiếu trách nhiệm….thì phải buộc người chi sai phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Sau khi đã xác định hết các khoản chi mà vẫn thiếu thì có hai khả năng xảy ra: hoặc là bị thua lỗ, hoặc là có chiếm đoạt. Nếu không chứng minh được thua lỗ thì mới có thể quy kết họ đã chiếm đoạt. Phương pháp này gọi là phương pháp xác định "đầu vào, đầu ra" tức là tổng thu trừ đi tổng chi còn lại là bao nhiêu không chứng minh được là có thể đã chiếm đoạt.

b) Đối với cá nhân vay tiền của ngân hàng hoặc của cá nhân khác theo sự thoả thuận. Sau khi đã vay được tiền đem sử dụng không đúng mục đích khi xin vay, hết hạn không có khả năng thanh toán nợ, cần phân biệt các trường hợp sau:

- Nếu do bị người khác chiếm đoạt, làm ăn thua lỗ thì tùy trường hợp họ có thể bị xử lý về hành vi sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa mà không coi là chiếm đoạt.

- Nếu sử dụng số tiền vay được vào mục đích phạm tội như buôn lậu, buôn hàng cấm, làm hàng giả, chơi số đề…thì nói chung phải coi là chiếm đoạt.

c) Trường hợp vay, mượn tài sản với mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng sau đó dùng làm tài sản vay được chi tiêu cho cá nhân như mua sắm đồ dùng trong gia đình, chi ăn, chi chữa bệnh, chi trả nợ cũ, thậm chí xây nhà thì theo chúng tôi chỉ nên coi là sử dụng trái phép đối với khoản chi không thu hồi được mà gây hậu quả nghiêm trọng, còn các khoản mua sắm đồ dùng, xây nhà thì không nên coi là chiếm đoạt mà khi giải quyết quan hệ pháp luật dân sự có thể áp dụng những biện pháp khẩn cấp như kê biên tài sản để đảm bảo việc thanh toán nợ.

d) Trường hợp vay mượn tiền để kinh doanh, sản xuất có lãi nhưng lại sửa chữa sổ sách, che dấu doanh thu để chứng minh là bị thua lỗ, nhằm mục đích không trả nợ hoặc có đủ điều kiện về tài sản nhưng lại phân tán, che dấu tài sản cố tình không trả nợ cũng phải coi là chiếm đoạt tài sản của người khác.

e) Trường hợp trước khi vay, người vay có sự gian dối để vay được tiền rồi sau đó nếu vì lý do khách quan mà họ không có khả năng trả nợ và không chứng minh họ có chiếm đoạt thì cũng không vì thế mà truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự đối với người vay tiền về hành vi lừa đảo….vì lừa đảo là hành vi chiếm đoạt còn ở đây họ có hành vi gian dối là cốt để vay được tiền chứ không chiếm đoạt, trường hợp sử dụng tiền vay được không đúng mục đích khi vay thì giải quyết theo mục b ở trên.

f) Trường hợp người vay nợ (hoặc người phải trả lại tài sản trong các hợp đồng kinh tế) bỏ trốn nhằm trốn tránh việc trả nợ và cố ý chiếm đoạt không trả lại tài sản cho người khác thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt…nếu khi vay mượn có dùng thủ đoạn gian dối hoặc pải cịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt…nếu khi vay nợ không dùng thủ đoạn gian dối.

g) Trường hợp sau khi vay, người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích khi giao kết hợp đồng, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được họ chiếm đoạt, thì nói chung không thể truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự đối với họ mà chỉ có thể giải quyết tranh chấp bằng vụ án dân sự, kinh tế.

Phân biệt các hành vi lợi dụng hợp đồng kinh tế, dân sự để chiếm đoạt tài sản, tiền vốn của người khác với các vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp nhất trong việc áp dụng pháp luật hiện nay. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong thời gian tới các cơ quan pháp luật ở trung ương phải khẩn trương nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và lý luận để có hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước về những vấn đề này. Đồng thời các ngành có chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử phải tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, tránh việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.

 

 

Chuyên đề 6: hậu quả và tác động tiêu cực của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế

Lại Văn Nghiên - Tạ Văn Hồ

Ban Nội chính trung ương

 

I/ Khái lược về quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế.

 

1) Khái lược về quan hệ pháp luật dân sự:

 

Trong cuộc sống xã hội, con người luôn là trung tâm của mối quan hệ xã hội. Quá trình tồn tại và thực hiện các hoạt động của mình, các cá nhân, tổ chức luôn xác lập với nhau nhiều mối quan hệ, trong các quan hệ đó có những mối quan hệ được pháp luật điều chỉnh.

 

- Quan hệ pháp luật dân sự mà Luật dân sự quy định là một quan hệ pháp luật.

- Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, tổ chức.

- Địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự là độc lập, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm về các quan hệ của mình trước pháp luật.

- Về biện pháp bảo đảm quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể tham gia được xác định chủ yếu bằng giá trị tài sản.

 

Quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng, phong phú, nếu căn cứ theo đặc điểm, nội dung thì ta quy về hai dạng đó là quan hệ tài sản và quan hệ phi tài sản mà trong mỗi dạng quan hệ đó lại chia thành nhiều loại quan hệ khác nhau; có loại đơn giản, loại phức tạp, theo đó các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Từ đó ta có thể khái lược quan hệ pháp luật dân sự như sau:

 

Quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ xã hội được Luật dân sự điều chỉnh. Trong đó các chủ thể tham gia các quan hệ đó là cá nhân, tổ chức độc lập, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tham gia quan hệ đó và được bảo đảm bằng biện pháp cưỡng chế mang giá trị tài sản.

2) Khái niệm về quan hệ pháp luật kinh tế:

 

Quan hệ kinh tế là một dạng của quan hệ pháp luật, là quan hệ phát sinh trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ v.v... có mục đích kinh doanh sinh lời, được pháp luật điều chỉnh.

 

Chủ thể của các quan hệ kinh tế là cá nhân, pháp nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

 

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế đa dạng, phong phú được mở rộng cả về phạm vi, quy mô... nhằm mục đích sản xuất, trao đổi, lưu thông hành hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu con người, xã hội.

 

Các biện pháp bảo đảm cho các quan hệ kinh tế được xác định bằng biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tài sản, những biện pháp đó là các điều kiện để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế. Việc giải quyết các tranh chấp kinh tế được pháp luật xác định bằng các hình thức hợp đồng, bồi thường thiệt hại.

 

II. Tầm quan trọng của các quan hệ dân sự, kinh tế và những hệ quả tác động của nó.

1. Vai trò, tầm quan trọng của các quan hệ dân sự, kinh tế trong đời sống xã hội:

 

Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng được khẳng định trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII đó là phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới trên 10 năm qua, Nhà nước ta đã thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng bằng các đạo luật, pháp lệnh và các chính sách, biện pháp hỗ trợ khác bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới thu được nhiều thành quả tốt đáng khích lệ. Song những kết quả đó có thể lớn hơn, khả quan hơn nhiều, nếu như từ chính bên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước không có những trở lực vô lối. Đó là tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

 

Trước đây chúng ta thực hiện nền kinh tế kế hoạch hoá quan liêu bao cấp. Các quan hệ dân sự, kinh tế ở phạm vi hẹp, thông thường. Đối với các quan hệ kinh tế như: ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện các quan hệ kinh tế đều phải thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch, mệnh lệnh của Nhà nước (theo mệnh lệnh của cấp trên). Các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế là các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể. Tất cả việc ký kết thực hiện các quan hệ kinh tế của các chủ thể đều phải tuân theo nguyên tắc, khuôn khổ nhất định. Sản phẩm, giá trị sản phẩm của các hợp đồng từ đầu vào cho đến đầu ra nhất nhất tuân theo kế hoạch chung định sẵn. Còn đối với các quan hệ dân sự thì cả về nội dung, hình thức, mức độ, quy mô và chủ thể tham gia ở phạm vi nhỏ, hẹp. Các quan hệ dân sự chỉ dừng lại ở những giao dịch thông thường, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày như mua, bán nhỏ, lẻ.

Ngày nay chúng ta thực hiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì đương nhiên các quan hệ dân sự, kinh tế phải tuân theo những quy luật khách quan vốn có của nó. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế đa dạng, phong phú, đó là các pháp nhân, các cá nhân trong nước và kể cả nước ngoài. Nội dung, phạm vi các quan hệ được mở rộng hơn, đó là quyền tự chủ trong mọi hoạt động kinh tế như: tự chủ về xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các quan hệ dân sự, kinh tế gồm nhiều những khâu, giai đoạn khác nhau; có chủ thể chỉ tham gia thực hiện một phần của các quan hệ đó, có chủ thể tham gia thực hiện chủ yếu hoặc thực hiện toàn phần một công việc từ đầu cho đến kết thúc một quan hệ kinh tế hoặc dân sự. Các quan hệ đó đã tạo lên cầu nối trực tiếp giữa người sản xuất với người tiêu thụ sản phẩm và sử dụng sản phẩm đó hoặc thiết lập cầu nối gián tiếp làm (trung gian) dịch vụ giữa người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất với người làm dịch vụ đưa những sản phẩm hàng hoá của người sản xuất đến địa chỉ có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đó. Người chuyên làm dịch vụ khai thác và tiêu thụ sản phẩm, từ đó có thể khẳng định rằng các quan hệ kinh tế luôn là yếu tố tác động của sự phát triển, các yếu tố đó tác động mạnh mẽ trở lại quá tình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm cho sản phẩm hàng hoá sản xuất ra ngày càng nhiều, tốt hơn để đáp ứng yêu cầu cuộc sống của con người, xã hội.

 

Đối với các quan hệ dân sự hiện nay cũng rất đa dạng, phong phú. Đáng chú ý là những quan hệ dân sự có giá trị tài sản và tài sản lớn giữa các chủ thể đưa vào khai thác sử dụng vì mục đích sinh lợi; qua đó làm phát sinh và tác động đến các chủ thể khác buộc phải đầu tư chất xám, sức lao động cho việc nâng cao chất lượng hàng hoá sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng vốn đáp ứng yêu cầu lợi ích từ hai phía hoặc nhiều phía nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống cho bản thân và xã hội.

Vấn đề trên cho thấy mục đích của các quan hệ dân sự, kinh tế không chỉ đơn thuần giải quyết quyền lợi trực tiếp của các chủ thể mà theo đó giải quyết đời sống, việc làm cho người lao động góp phần vào việc ổn định xã hội và hạn chế các tệ nạn xã hội khác. Những hệ quả đó đã tác động làm cho con người luôn phấn đấu vươn tới sản xuất ra nhiều của cải vật chất ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội. Điều đó khẳng định các quan hệ dân sự, kinh tế là tác nhân thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đồng thời chính những quan hệ đó tác động mạnh mẽ tới quá trình sản xuất, xoá bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, lạc hậu và phân công lao động.

2. Quan hệ dân sự, kinh tế - những hệ quả và tác động của nó trong đời sống xã hội.

Trong đời sống xã hội những quan hệ dân sự, kinh tế có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay thì các hoạt động quan hệ dân sự kinh tế vừa là nguyên nhân vừa là cầu nối tác động đến quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế bởi trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động giao dịch dân sự, kinh tế tự một chủ thể không thể hoàn tất mọi công đoạn, mọi khâu trong việc thực hiện các quan hệ ấy mà đòi hỏi nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện; có chủ thể chỉ tham gia thực hiện một khâu, công đoạn hoặc thực hiện toàn bộ một quan hệ giao dịch. Có chủ thể chuyên làm dịch vụ khai thác và tiêu thụ sản phẩm hoặc chuyên làm trung gian tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Ngày nay các quan hệ đó không chỉ bó hẹp trong một địa phương, một vùng, quốc gia mà nó đã mở rộng ra toàn cầu. Vì vậy trong quá trình sản xuất trao đổi hàng hoá một chủ thể không thể hiểu thông thạo và đảm trách được tất cả các công đoạn, các khâu. Do đó đòi hỏi nhiều chủ thể cùng tham gia theo hướng chuyên môn hoá từng giai đoạn của các quan hệ; từ đó tạo cho các chủ thể xác lập với nhau mối quan hệ, theo đó các quan hệ ấy giải quyết việc làm, đời sống người lao động, kích thích sản xuất phát triển, tạo ra nhiều của cải vật chất, huy động mọi tiềm năng chất xám... đáp ứng nhu cầu cuộc sống con người, xã hội. Đó chính là hệ quả tất nhiên của các quan hệ đó; những hệ quả của các quan hệ dân sự, kinh tế nó không chỉ đơn thuần là hệ quả đó mà chính các hệ quả ấy tác động kích thích ngược trở lại làm tác động phân bổ lại sản xuất, làm cho kinh tế, xã hội phát triển mạnh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thế ổn định đi lên của đất nước.

3. Những hệ quả và tác động tích cực của các quan hệ dân sự, kinh tế chỉ có khi Nhà nước có hệ thống pháp luật đầy đủ, có nội dung tốt và việc tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nhanh nhậy, chính xác, đúng pháp luật.

Sự nghiệp đổi mới ở nước ta trên 15 năm qua đã thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Những thành quả đó có thể do nhiều nguyên nhân mang lại. Song trong đó các quan hệ dân sự, kinh tế có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, nó tác động kích thích đời sống xã hội ngày càng phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ dân sự, kinh tế phải tuân theo những quy luật khách quan của nó. Do đó, để các quan hệ dân sự, kinh tế tạo ra những hệ quả và tác động tốt; thúc đẩy kinh tế văn hoá phát triển thì trước hết Nhà nước phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, vừa phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vừa phải hạn chế được những hậu quả tác động xấu đến việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Để có một hệ thống pháp luật đầy đủ, có nội dung tốt thì các văn bản pháp luật ban hành ra thể hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, bảo đảm sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Và chính những quy định pháp luật áy quay trở lại phục vụ bảo vệ quyền lợi của nhân dân và các tầng lớp khác; bảo đảm sự công bằng xã hội. Đối với lĩnh vực kinh tế, dân sự Nhà nước đã kịp thời tập trung xây dựng, sửa đổi, ban hành nhiều văn bản pháp luật kinh tế, quản lý kinh tế; pháp luật dân sự và quy định trình tự, thủ tục, phạm vi đối tượng, thẩm quyền, trách nhiệm, biện pháp xử lý, giải quyết khi có các tranh chấp phát sinh về quyền, nghĩa vụ. Đồng thời cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật đó, Nhà nước còn xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật về các lĩnh vực hành chính, lao động, hình sự... để từng bước tiến tới phân định rõ đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết những vi phạm pháp luật theo từng lĩnh vực.

Hai là đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đòi hỏi các cơ quan được giao nhiệm vụ thay mặt nhà nước thực hiện cán cân công lý phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm áp dụng nhanh chóng kịp thời chính xác, đúng pháp luật đối với những vi phạm pháp luật, những vi phạm về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thực hiện các quan hệ kinh tế, dân sự. Đối với những hành vi vi phạm, tội phạm thì xử lý về mặt hình sự; đối với những hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ trong quan hệ dân sự, kinh tế thì xử lý bằng trách nhiệm dân sự, kinh tế (như phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại...). Việc thực hiện đúng pháp luật kinh tế, quản lý kinh tế, pháp luật dân sự và giải quyết tranh chấp đó là tôn trọng sân chơi, nó sẽ là những tác nhân kích thích và tác động tốt đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội; mọi người yên tâm làm ăn theo pháp luật mà không sợ tai họa vô lối ập đến với họ. Đồng thời việc thực hiện đúng pháp luật sẽ tác động tốt đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ngược lại nếu công tác tổ chức thực hiện pháp luật không tốt nó sẽ gây ra nhiều hậu quả và tác hại khôn lường cho xã hội, làm thiệt hại về tài sản vật chất, đẩy con người vào vòng tù tội; triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Những hậu quả và tác động xấu đó không chỉ dừng lại gây ra ở một địa phương, ở một lớp người mà nó tác động xấu, lan truyền rộng khắp tác động cho các thế hệ sau, dẫn đến sự kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

4. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế hiện nay đang là vấn đề gây lo ngại được xã hội quan tâm, nó gây ra nhiều hậu quả và tác động xấu cho đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật.

- Những hậu quả và tác động xấu về kinh tế:

Để đánh giá một quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững thì căn cứ vào nhiều điều kiện, yếu tố khác nhau. Nói đến sự tăng trưởng phát triển kinh tế đòi hỏi trước hết phải đánh giá một cách toàn diện các nhân tố, nguồn lực của sự phát triển đó, trong đó nếu ta chỉ coi trọng các nhân tố, nguồn lực phát triển kinh tế mà coi nhẹ, xem thường các nhân tố phi kinh tế, không chú trọng đến công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và các biện pháp hỗ trợ bảo đảm cho sự phát triển kinh tế thì kết quả sẽ là một nền kinh tế què quặt, trì trệ. Vì vậy, khi nói đến tăng trưởng, phát triển kinh tế thì việc tổ chức thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực (hành chính, lao động, hình sự, dân sự, kinh tế) bảo đảm đúng phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan là điều có ý nghĩa rất quan trọng, nó tác động tốt đến quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Mọi việc làm của một số cán bộ thực thi pháp luật do non kém về trình độ hoặc vì mục đích riêng mà cố tình vận dụng sai pháp luật, bóp méo sự thật, dùng biện pháp hình sự "giải quyết nhanh" thay cho việc giải quyết bằng trách nhiệm dân sự, kinh tế đối với các quan hệ dân sự, kinh tế khi có vấn đề phát sinh về quyền và nghĩa vụ là việc làm đảo ngược chân lý, lẽ phải đạo lý ở đời.

Những việc làm trên chính là đã hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế khi quan hệ dân sự, kinh tế đã bị "hình sự hoá" thì khởi đầu đối với người "bị coi là vi phạm pháp luật hình sự" sẽ bị cơ quan điều tra gọi hỏi, rung doạ nếu không khắc phục được những vi phạm... thì dụng biện pháp khởi tố bắt giam, truy xét, theo đó tài sản, nhà xưởng, xí nghiệp bị niêm phong, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, người lao động bị mất việc làm đã khó khăn lại càng thêm khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy những quan hệ dân sự, kinh tế bị "hình sự hoá" thì những chủ thể của các quan hệ đó bị các đối tác, bạn hàng, cơ quan tín dụng, ngân hàng có liên quan nghi nghờ... tìm mọi biện pháp từ trối, thu hồi tài sản, tiền vốn thậm chí cắt đứt quan hệ làm ăn làm cho họ không thể tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh; uy tín của họ trên thương trường bị giảm sút hoặc mất hẳn và không ít trường hợp dơi vào tình trạng phá sản.

Sự can thiệp bằng các biện pháp hình sự đối với các vi phạm trong quan hệ dân sự, kinh tế trước hết làm giảm các quan hệ đó, sau nữa làm rối loạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho nhiều con nợ thoát nợ và đạt được ý đồ "hy sinh đời bố, củng cố đời con" hoặc hy sinh một chút để sau này ra tù biến thành "ông chủ".

Như vậy, hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế thực chất đã xâm phạm đến "sân chơi" quyền, chủ quyền của các chủ thể quan hệ trên; gây cho các chủ thể, đối tác và cả Nhà nước những thiệt hại, lãng phí về tài sản, mất mát về tiền vốn, làm đình đốn sản xuất kinh doanh, kìm hãm quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Những hậu quả xấu về kinh tế nêu trên đã gây tác động tiêu cực, làm cho nhân dân ta và kể cả Việt kiều, doanh nhân nước ngoài còn mang nặng tâm lý tìm hiểu, nghe ngóng, thăm dò thái độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước, họ sợ chính sách "tiền hậu bất nhất". Vấn đề đáng lưu ý, nếu để cho tác động tâm lý này xuất hiện kéo dài ngày càng lan truyền rộng, phổ biến, xuất hiện nhiều trong tầng lớp doanh nhân lắm vốn, nhiều tiền, có kỹ thuật kinh doanh trên thương trường là điều bất lợi cho tương lai, làm cho họ không giám bỏ vốn đầu tư, kinh doanh dẫn đến triệt tiêu tiềm năng phát triển kinh tế, làm cho kinh tế nước nhà tụt hậu, kém phát triển, lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc.

- Những hậu quả và tác động xấu về mặt xã hội:

Hình sự hoá các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế gây ra những tai hoạ đẩy người làm ăn chân chính vào vòng tù tội, oan uổng, làm cho nhiều gia đình chia lìa, ly tán, con cái thất học, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế đã đẩy hàng loạt người vào cảnh thiếu việc làm, tăng thêm đội quan thất nghiệp, làm phát sinh các tệ nạn xã hội.

- Những hậu quả và tác động xấu về chính trị:

Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế làm cho xã hội rối ren mất ổn định, nhân dân hoài nghi, giảm niềm tin đối với Đảng và Nhà nước. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phá hoại những tuyên bố, những cố gắng bảo đảm về chính trị, bảo đảm về quyền và lơi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là xâm phạm đến quyền của các tổ chức, cá nhân, làm oan người vô tội; vô hình chung đẩy nhiều người và thế hệ con cháu của họ từ những người công dân tốt, có thiện cảm với chế độ XHCN thành những người có mặc cảm, không thiết tha với chế độ XHCN, trở thành những người đối trọng với Nhà nước, theo đó các nước thù địch lợi dụng công kích, cô lập ta trên trường quốc tế, tuyên truyền chống phá, cho rằng Đảng và Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, làm giảm uy tín của ta trên trường quốc tế, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ XHCN.

- Những hậu quả và tồn đọng xấu nhìn từ góc độ pháp luật.

Những hậu quả tác động xấu từ các vụ án hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đến nay thực chất đã để lại những hậu quả tác động xấu khôn lường cho xã hội về mọi mặt. Trong đó những hậu quả và tác động xấu về pháp luật rất nặng lề, làm cho nhân dân mất niềm tin vào cán cân công lý, coi thường pháp luật và dẫn đến tình trạng tự giải quyết theo "luật rừng" làm cho xã hội đã phức tạp càng thêm phức tạp. Mặt khác tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế sẽ làm cho các văn bản pháp luật ban hành ra trở thành hình thức, thiếu tính khả thi, không phát huy được tác dụng của các biện pháp xử lý về trách nhiệm dân sự, kinh tế.

III. Một số kiến nghị

Để ngăn ngừa những hậu quả và tác động xấu của các quan hệ dân sự, kinh tế bị hình sự hoá thì cần chú ý một số biện pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật trong các cơ quan tố tụng để phân định rõ phạm vi, ranh giới, thẩm quyền, trách nhiệm xử lý theo từng loại việc.

- Công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật đòi hỏi trước hết các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tập trung làm tốt công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật tố tụng hình sự. Căn cứ vào từng giai đoạn tố tụng thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành nào thì ngành đó chủ động hướng dẫn cụ thể về quy trình, các bước cụ thể để thực hiện áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Đối với từng giai đoạn tố tụng, nếu trong việc thực hiện áp dụng pháp luật không chỉ do một ngành làm được mà phải có sự phối hợp liên ngành thì các ngành chủ động trao đổi, bàn bạc để có hướng dẫn liên ngành. Trong đó thể hiện rõ mối quan hệ phối hợp, phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của các ngành.

Đối với văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật tố tụng hình sự của cơ quan điều tra (Bộ Công an).

Trong thực tiễn việc phân biệt đâu là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đâu là hành vi vi phạm trách nhiệm trong giao dịch dân sự, kinh tế không phải không phân biệt được. Một số vụ án xẩy ra trải qua các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và đến khi xét xử mới phát hiện ra là không thuộc biện pháp xử lý hình sự mà giải quyết bằng trách nhiệm dân sự, kinh tế. Mặt khác, các giao dịch dân sự, kinh tế bị hình sự hoá không phải tất cả các vụ bị hình sự hoá ở tất cả các giai đoạn từ khởi tố, điều tra đến xét xử mà phần lớn việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế xảy ra và kết thúc ở khâu thụ lý án, ở giai đoạn khởi tố, điều tra. Có những vụ chỉ bị hình sự hoá ở khâu thụ lý án, có những vụ bị hình sự hoá từ khâu thụ lý án đến hết giai đoạn khởi tố hoặc đến hết giai đoạn điều tra và kết thúc bằng một quyết định đình chỉ điều tra có sự phê chuẩn của viện kiểm sát hoặc để buông trôi vụ án.

Hình sự hoá ở khâu thụ lý án: Thông thường các chủ thể tham gia các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế vì lý do nào đó một bên không thực hiện đúng các cam kết trong giao dịch hoặc do lý do khách quan không thể thực hiện tiếp các cam kết trong giao dịch dân sự, kinh tế được nữa dẫn đến vi phạm cam kết không thể trả nợ hoặc chậm thanh toán mà bên kia sợ mất tiền của muốn thu hồi vốn nhanh đã nhờ công an, thuê công an dùng "biện pháp mạnh" để "đòi hộ". Những vụ án xảy ra ở khâu thụ lý thì thường thụ lý xong cơ quan điều tra tiến hành các bước thẩm tra, xác minh, gọi hỏi, đồng thời dàn xếp giữa 2 bên nếu hai bên tự giải quyết được thì vụ việc chấm dứt, nếu hai bên không tự giải quyết được hậu quả thì các bước tiếp theo của cán bộ điều tra là rung doạ và tiến hành xây dựng hồ sơ, báo cáo vụ việc theo hướng quy kết tội phạm để xin thủ trưởng ra quyết định khởi tố, điều tra vụ án và báo cáo xin phê chuẩn của viện kiểm sát.

Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, nếu một bên bị coi là tội phạm tự khắc phục hậu quả (khắc phục hậu quả, có thể khắc phục một phần hoặc toàn phần) hoặc không khắc phục được hậu quả, nhưng dù là khắc phục được một phần hay toàn phần hoặc không khắc phục được hậu quả thì cơ quan điều tra cũng sẽ giải quyết sự việc theo hướng đình chỉ điều tra hoặc buông trôi vụ án. Như vậy phần lớn các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế bị hình sự hoá thường kết thúc ở khâu thụ lý án, ở giai đoạn khởi tố, điều tra với lý do bị can đã tự nguyện khắc phục hậu quả chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa có căn cứ để truy tố. Còn rất hãn hữu những vụ hình sự hoá do cán bộ điều tra non yếu về trình độ không nhận biết được.

Từ vấn đề nêu trên cho thấy hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế không chỉ xẩy ra ở các giai đoạn của tố tụng mà xảy ra ngay ở khâu thụ lý án, ở giai đoạn khởi tố, điều tra và một số ít vụ ở giai đoạn xét xử. Vì vậy việc hướng dẫn thực hiện pháp luật trong khâu tiếp nhận, thụ lý án đối với cơ quan điều tra phải xác định phân biệt rõ từng loại quan hệ pháp luật, những loại vụ việc nào được phép thụ lý, những loại nào không được phép thụ lý quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người thụ lý đó. Đối với những vụ việc tranh chấp dân sự, kinh tế thì người làm công tác thụ lý án của cơ quan điều tra có trách nhiệm giải thích hướng dẫn để đương sự đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với giai đoạn khởi tố, điều tra đòi hỏi cũng phải được hướng dẫn chi tiết cụ thể. Trong đó yêu cầu cán bộ điều tra thực hiện đúng pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan, nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất của vụ việc. Nếu bản chất vụ việc không phải là tội phạm hình sự mà thuộc các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế thì giải quyết bằng phạt trách nhiệm dân sự, kinh tế thì cán bộ điều tra có trách nhiệm báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để xin đình chỉ điều tra, chuyển vụ việc đó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm kỷ luật đối với những cán bộ điều tra và những người liên quan trong việc điều tra giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trực tiếp đối với việc thụ lý án, khởi tố, điều tra, xét xử. Trong đó đặc biệt chú ý coi trọng kiểm tra ngay từ việc thụ lý án hình sự; kiên quyết xử lý chuyển công tác khác đối với cán bộ yếu kém về trình độ để xảy ra những hậu quả sai trái đó. Đồng thời xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ điều tra và những cán bộ liên quan vì mục đích cá nhân đã cố tình đưa những vi phạm quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế vào vòng quay tố tụng hình sự.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trực tiếp việc thụ lý án, khởi tố, điều tra, xét xử nhất là khâu thụ lý án và giai đoạn khởi tố, đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng góp phần loại trừ và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hình sự hoá các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế. Trong công tác kiểm tra, kiểm soát trực tiếp đối với khâu thụ lý án, khởi tố vụ án, đòi hỏi cơ quan thụ lý án (cảnh sát điều tra) phải có kế hoạch tự kiểm tra thường xuyên. Mặt khác việc kiểm sát điều tra của viện kiểm sát phải vươn tới kiểm sát trực tiếp hoạt động tuân theo pháp luật trong khâu thụ lý án, trong giai đoạn khởi tố, điều tra. Công tác kiểm sát điều tra đòi hỏi kiểm sát viên phải tiến hành kiểm tra trực tiếp, tỷ mỷ toàn bộ hồ sơ vụ việc; khi cần thiết có thể mời đương sự đến để thẩm tra, xác minh hoặc trực tiếp thẩm tra xác minh những vấn đề nghi ngờ, chưa rõ để bảo đảm tính chính xác đúng đắn của vụ việc.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa ba ngành làm án để giải quyết đúng nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo pháp luật quy định.

Việc phối hợp giữa ba ngành làm án cũng có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế được những vụ án hình sự hoá các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời qua công tác phối hợp đó các ngành nắm được thông tin các vụ án, nắm và sơ bộ đánh giá bản chất vụ việc. Từ đó xác định trách nhiệm, phạm vi, thẩm quyền của các ngành đối với từng khâu, từng giai đoạn tố tụng đó và hạn chế được tình trạng oan, sai, tình trạng hình sự hoá các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế.

4. Nhà nước cần đầu tư, trạng bị phương tiện khoa học kỹ thuật để xây dựng một trung tâm quản lý thông tin tội phạm bảo đảm kiểm soát các vụ án hình sự được thụ lý, cập nhật hàng ngày trên cả nước. Qua đó phân tích, đánh giá sàng lọc những vụ việc không thuộc phạm vi xử lý bằng biện pháp hình sự, làm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Việc đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật máy tính ngoài xây dựng phòng máy trung tâm do cơ quan điều tra Trung ương quản lý thì hệ thống máy tính được trang bị đến cơ quan điều tra cấp tỉnh, huyện và được kết nối với trung tâm (trung tâm này có thể do cơ quan Bộ Công an quản lý hoặc cùng Viện kiểm sát quản lý khai thác). Qua đó tất cả các vụ án hình sự được thụ lý hàng ngày đều phải cập nhật vào máy và truyền về Trung tâm. Việc xây dựng mạng lưới quản lý thông tin tội phạm có nhiều lợi ích, ngoài việc giúp cơ quan điều tra Trung ương làm được thông tin tội phạm nói chung trong cả nước, chỉ đạo đấu tranh phòng chống tội phạm... Đồng thời qua đó phát hiện khắc phục hạn chế những sai sót vi phạm về thẩm quyền điều tra xử lý án hình sự, khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật trong chính cơ quan tố tụng. Trong đó khắc phục hạn chế tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế…

5. Mở rộng dân chủ, công khai trong hoạt động tố tụng, nhất là đối với hoạt động tố tụng hình sự.

Việc mở rộng dân chủ trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho Nhà nước ngày càng thực hiện và bảo đảm tốt hơn quyền dân chủ của công dân. Đồng thời qua đó giúp cho những người trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để mở rộng dân chủ, công khai hoạt động tố tụng trước hết Nhà nước phải tiến hành sửa đổi toàn diện cơ bản Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó quy định rõ luật sư được quyền có mặt để bảo vệ thân chủ ngay từ khi người đó bị tạm giữ, tạm giam và quy định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của luật sư, cơ chế để luật sư thực hiện quyền, trách nhiệm đó. Việc quy định cho luật sư được quyền tham gia đó cũng sẽ hạn chế được tình trạng án oan, sai và nhất là hạn chế được tình trạng hình sự hoá các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế (trừ một số tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến an ninh quốc gia).

Hai là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục tuyên truyền pháp luật làm cho mọi người dân hiểu được pháp luật, từ đó góp phần làm cho pháp luật ngày càng được thực hiện đúng hơn, tốt hơn./.

 

 

Chuyên đề 7: về một tình trạng được gọi là "hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế" ở nước ta hiện nay

TS. Phạm Hồng Hải *

 

ThS. Nguyễn Văn Quảng **

 

 

1. ở nước ta vài năm gần đây, trong sách báo pháp lí, chúng ta thường bắt gặp khái niệm "Hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế". Ngoài xã hội, dư luận cũng thường xuyên bàn luận về một tình trạng đang tồn tại và diễn biến là các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã điều tra, truy tố, xét xử cả những trường hợp vi phạm nghĩa vụ dân sự hay nghĩa vụ theo hợp đồng kinh tế. Người ta đã gán cho hiện tượng trên đây cái tên là các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đã "hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế". Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ bản chất của hiện tượng nói trên, nêu khái quát thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục nó trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của tố tụng hình sự, bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.

 

2. Như chúng ta đều biết, luật hình sự là một ngành luật độc lập nằm trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Sự hình thành, phát triển và hoàn thiện luật hình sự bao giờ cũng gắn liền với 4 quá trình không thể tách rời nhau, đó là tội phạm hóa, phi tội phạm hóa, hình sự hóa và phi hình sự hóa.

 

Tội phạm hóa là việc thông qua một hình thức văn bản nhất định, nhà làm luật quy định những hành vi nào đó là tội phạm. Trong xã hội luôn có rất nhiều loại vi phạm pháp luật, tuy nhiên, không phải bất kì vi phạm pháp luật nào cũng đều bị coi là tội phạm và bị xử lí theo các quy định của luật hình sự. Một hành vi vi phạm pháp luậtchỉ có thể bị nhà làm luật coi là tội phạm khi có đủ các điều kiện khách quan và chủ quan. Về khách quan có ít nhất 4 điều kiện: Hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội; nó đi ngược lại truyền thống đạo đức của xã hội; hành vi vi phạm đó tương đối phổ biến trong xã hội và cuối cùng là hành vi vi phạm pháp luật đó có thể được chứng minh bằng tố tụng (cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhận biết được nó, có thể điều tra khám phá được nó, có thể chứng minh được thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội). Nếu thiếu 1 trong 4 điều kiện khách quan nói trên thì một hành vi vi phạm pháp luật không thể bị coi là tội phạm. Những điều kiện trên đây cũng chỉ là những điều kiện cần chứ chưa phải đủ để nhà làm luật coi hành vi này hoặc hành vi khác là tội phạm. Để coi một hành vi là tội phạm hay không, nhà làm luật còn phải xuất phát từ ý chí chủ quan của mình (có cần thiết phải xử lí vi phạm pháp luật nào đó bằng luật hình sự hay không).

 

Trong thực tế, việc tội phạm hóa hành vi vi phạm pháp luật này hay hành vi vi phạm pháp luật khác chưa hoàn toàn tạo được một cơ chế để xử lí tội phạm khác với cơ chế xử lí các vi phạm pháp luật khác nếu không có việc quy định hình phạt tương ứng đối với tội phạm này hoặc tội phạm kia và kèm theo là các thủ tục tố tụng cần thiết. Việc quy định hình phạt hay xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm kia được khoa học pháp lí hình sự gọi là hình sự hóa. Tội phạm hóa và hình sự hóa, do vậy, luôn là hai quá trình gắn chặt với nhau mà nhà làm luật phải tiến hành khi xây dựng ngành luật hình sự. Sẽ là vô nghĩa nếu trong hoạt động lập pháp hình sự chỉ diễn ra quá trình tội phạm hóa (quy định hoặc xác định những hành vi nào đó là tội phạm) mà không có quá trình hình sự hóa (quy định hoặc xác định hình phạt tương ứng với tội phạm). Ngược lại, quá trình hình sự hóa cũng không thể diễn ra nếu không có các căn cứ quan trọng nhất là việc xác định các tội phạm - kết quả của quá trình tội phạm hóa.

 

Là một bộ phận hợp thành của kiến trúc thượng tầng như pháp luật nói chung, pháp luật hình sự luôn thay đổi bởi tác động của cơ sở hạ tầng. Trong sự tồn tại và phát triển của nó, cùng với quá trình tội phạm hóa, hình sự hóa còn có quá trình phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa. Trong thực tiễn phát triển của xã hội đặc biệt là trong những điều kiện của công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta các quan hệ xã hội mới nảy sinh hàng ngày, hàng giờ. Bên cạnh những quan hệ xã hội mới phát sinh cần được bảo vệ bằng luật hình sự thì lại có những quan hệ xã hội trước đây được bảo vệ bằng luật hình sự nay không cần thiết phải bảo vệ bằng luật hình sự. Có không ít những hành vi vi phạm pháp luật trước đây được coi là tội phạm và được xử lí bằng luật hình sự nay mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm bớt hoặc thậm chí không còn và vì vậy không cần (hoặc không được) coi là tội phạm. Quá trình xác định một hành vi không còn là tội phạm nữa khoa học pháp lí hình sự gọi là phi tội phạm hóa. Khi coi một hành vi không còn là tội phạm nữa (phi tội phạm hóa) thì đương nhiên cũng phải loại bỏ hình phạt mà trước đây được áp dụng với hành vi ấy (phi hình sự hóa).

 

3. ở nước ta, luật hình sự hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trước thời điểm năm 1985 khi Nhà nước ban hành Bộ luật hình sự đầu tiên, việc quy định tội phạm và hình phạt (tội phạm hóa và hình sự hóa) do nhiều cơ quan nhà nước thực hiện. Tội phạm và hình phạt có thể được quy định trong các sắc luật, sắc lệnh của Chủ tịch nước, các luật của Quốc hội, các pháp lệnh của ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Hội đồng nhà nước. Với sự tồn tại của nguyên tắc tương tự trong luật hình sự, thời kì này tội phạm và hình phạt đượ quy định thậm chí bởi các cơ quan tiến hành tố tụng gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Tình hình này rõ ràng là sự bất cập của pháp luật dẫn tới sự tùy tiện trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Với sự ra đời của Bộ luật hình sự 1985, nguyên tắc pháp chế XHCN đã thay thế cho nguyên tắc tương tự trong luật hình sự với sự khẳng đinhj tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự mà Bộ luật hình sự là hình thức văn bản chỉ do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội thông qua và cũng chỉ Quốc hội mới có thâmr quyền giải thích chính thức những vấn đề, những chế định và quy định trong Bộ luật hình sự. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng ở nước ta Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất có thẩm quyền quy định trong Bộ luật hình sự một hành vi nào đó là tội phạm (tội phạm hóa), xác định một hình phạt tương ứng với tội phạm ấy (hình sự hóa) hoặc loại bỏ một tội phạm ra khỏi Bộ luật hình sự (phi tội phạm hóa), song song với điều đó là loại bỏ hình phạt tương ứng đã được quy định với tội phạm ấy ra khỏi Bộ luật hình sự (phi hình sự hóa).

 

4. Từ phân tích trên đây có thể đi đến định nghĩa khái quát về khái niệm hình sự hóa sau đây: "Hình sự hóa là một khâu xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự, trong đó có cơ quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội xác định trong Bộ luật hình sự những hình phạt khác nhau đối với những hành vi tội phạm tương ứng". Từ đây có thể khẳng định rằng việc sử dụng cụm từ "hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" để nói về tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cả những người chỉ có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế là không chính xác, không khoa học. Trước hết phải khẳng định rằng "hình sự hóa" là chức năng chỉ thuộc về Quốc hội; thứ hai, các quan hệ dân sự, kinh tế không thể bị tội phạm hóa (bởi chỉ có hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể các quan hệ dân sự và kinh tế mới có thể trở thành đối tượng của quá trình tội phạm hóa) và vì thế càng không thể bị hình sự hóa. Đúng là trong thời gian qua ở nước ta đã tồn tại thực trạng không tốt và bị dư luận bàn tán là có những vụ án do có quan niệm không đúng về bản chất của vi phạm nên dẫn tới oan sai. Không ít người bị xét xử qua nhiều cấp, bị tuyên là có tội nhưng đến cấp giám đốc thẩm đã được minh oan, hội đồng xét xử tuyên không phạm tội, hồ sơ vụ án được chuyển sang thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng kinh tế. Việc quan niệm không đúng về bản chất của vi phạm pháp luật đã làm cho cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng nhầm lẫn giữa tội phạm với cái không phải là tội phạm.

 

Chúng ta biết rằng trong đời sống thường ngày có rất nhiều loại vi phạm pháp luật khác nhau trong đó có tội phạm và các vi phạm thể hiện trong các quan hệ dân sự và kinh tế. Sự khác nhau giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong đó có vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật kinh tế thể hiện đậm nét nhất ở tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm lại được đo bằng những tiêu chí khác nhau: Tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại; phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm; hậu quả do hành vi vi phạm gây ra hoặc có khả năng gây ra; lứa tuổi cũng như những yếu tố thuộc về nhân thân người có hành vi vi phạm... Tội phạm là một loại vi phạm pháp luật được tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nó xâm hại tới nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau. Không thể nói các vi phạm pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế đều là tội phạm và cũng sẽ là sai lầm khi cho rằng các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế chỉ có thể được giải quyết thông qua tố tụng dân sự và tố tụng kinh tế. Các quan hệ dân sự, kinh tế thường được xác lập thông qua các hợp đồng tương ứng. Chủ thể của những loại quan hệ này nếu vi phạm hợp đồng có trong trường hợp chỉ có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, kinh tế nhưng cũng có trường hợp người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự đồng thời cũng không thoát khỏi trách nhiệm dân sự, kinh tế. Việc phân biệt trong trường hợp nào vi phạm của chủ thể các quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế chỉ được giải quyết theo kênh tố tụng dân sự, kênh tố tụng trọng tài hoặc tố tụng kinh tế và trong trường hợp nào vi phạm của chủ thể các quan hệ dân sự, kinh tế phải được giải quyết theo kênh tố tụng hình sự là rất khó khăn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể phân biệt được chúng. Qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự xảy ra trong lĩnh vực quan hệ dân sự và quan hệ hợp đồng kinh tế chúng tôi thấy rằng thường có sự nhầm lẫn giữa một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (của Nhà nước hoặc của công dân) với các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong quan hệ hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế.

 

Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong năm 1997 chỉ đối với hai loại tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 135 và 158 BLHS 1985) viện kiểm sát nhân dân các cấp của 40 tỉnh, thành phố đã ra quyết định chỉ điều tra 106 vụ với 118 bị can vì hành vi của những người nói trên không cấu thành các tội phạm mà họ bị khởi tố, điều tra. Có 46 người trong số 118 người trước đó đã bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giam.

 

Có không ít vụ án hình sự liên quan tới hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế chỉ được đình chỉ qua nhiều cấp xét xử. Cũng theo số liệu thống kê của ngành kiểm sát, trong các năm 1995, 1996, 1997 tòa án nhân dân các cấp đã xét xử các tội phạm theo các điều 135 và 158 Bộ luật hình sự như sau: Tòa án cấp quận huyện xét xử sơ thẩm 2257 vụ, 3009 bị cáo trong đó 1 bị cáo được tuyên không phạm tội; tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm 3057 vụ, 5781 bị cáo trong đó có 24 bị cáo được tuyên không phạm tội, tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm 606 vụ, 1008 bị cáo đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội; ủy ban thẩm phán tòa án cấp tỉnh xét xử giám đốc thẩm 62 vụ, 72 bị cáo và tuyên 11 bị cáo không phạm tội; các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 1128 vụ, 1781 bị cáo đã tuyên 6 bị cáo không phạm tội. Trong năm 1997 Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm 27 vụ án với các tội danh lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tài sản của công dân. ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử và tuyên 12 bị cáo trong 8 vụ án không phạm tội như quy kết của án sơ thẩm hoặc phúc thẩm.

 

Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về hình sự, việc sai lầm và thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dư luận xã hội có thể sẽ "thông cảm" với trình độ nghiệp vụ còn non kém ở một số người tiến hành tố tụng nên để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm có tính chất chiếm đoạt phát sinh trong quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế chuyển họ sang giải quyết bằng thủ tục hành chính, dân sự hay tố tụng kinh tế nhưng dư luận xã hội không bao giờ chấp nhận tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan sai những người lẽ ra chỉ có thể bị xử lí theo các kênh tố tụng khác chứ không phải tố tụng hình sự. Việc xử lí bằng luật hình sự cả các vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Khi một người mới chỉ vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế bị khởi tố về hình sự, bị bắt tạm giam thì hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ sở của họ bị ảnh hưởng lớn. Thường là người kí hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế là người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân, và vì vậy khi họ bị đưa vào vòng tố tụng hình sự thì cơ sở sản xuất kinh doanh như "rắn mất đầu", bạn hàng lo ngại không dám quan hệ làm ăn, các hợp đồng đã kí có thể bị hủy bỏ và đình chỉ, ngân hàng và các đối tác liên doanh, liên kết, các chủ nợ sợ không thu hồi được vốn có thể vào hùa đẩy cơ sở sản xuất kinh doanh vào tình trạng không có lôí thoát về tài chính. Chính vì vậy, nếu việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán được giải quyết thông qua thương lượng hoặc tố tụng dân sự hoặc kinh tế, người vi phạm vẫn có thể tìm được phương sách để khắc phục và dần dần trả nợ được. Thế nhưng khi họ bị xử lí về hình sự, bị bắt giam, bị kết án tù oan thì bản thân họ không bao giờ có thể trả được nợ, chủ nợ thì không bao giờ thu hồi được vốn và khi trong xã hội có nhiều vụ việc như vậy sẽ làm cho nền sản xuất đi xuống, người thất nghiệp ngày càng tăng, hiệu quả kinh doanh của các cơ sở tín dụng ngày càng giảm. Tình trạng trên đây đã tác động xấu tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm ảnh hưởng tới quá trình hình thành thị trường vốn, giảm tính cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh.

Khi những người vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế bị khởi tố theo các điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN hoặc tài sản của công dân thì vốn của họ thường bị kẹt trong vòng tố tụng (bị tạm giữ, cầm cố, kê biên...) nên không được đưa vào khai thác, sử dụng để sinh lời (thí dụ các công trình buộc phải dừng thi công; đất đai, khách sạn, cửa hàng, kho bãi có thể bị bỏ hoang). Khi tố tụng hình sự kết thúc (kể cả theo hướng buộc tội họ hoặc minh oan cho họ là không phạm tội) thì số vốn liếng và tài sản đó đã hao hụt, hư hỏng hoặc giảm giá trị sử dụng. Những hậu quả nặng nề trên đây rất khó có thể khắc phục trong thực tiễn.

5. Qua nghiên cứu thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có tính chất chiếm đoạt phát sinh trong quan hệ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế chúng tôi thấy sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn tới việc xử lí oan sai (cái mà dư luận gọi là hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế) thường được thể hiện như sau:

Thứ nhất, một số cơ quan, người tiến hành tố tụng đã nhầm lẫn giữa điều kiện phải chịu trách nhiệm hình sự và tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, tài sản công dân (theo các điều 134, 135, 157, 158 BLHS 1985) với điều kiện phải chịu trách nhiệm dân sự, kinh tế do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đặc biệt là có sự nhầm lẫn giữa các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng vay, mượn tài sản. Một số người tiến hành tố tụng có quan niệm cho rằng cứ đến thời hạn thanh toán mà không trả đươcj tài sản là coi như có hành vi chiếm đoạt. Trong quá trình xử lí tranh chấp, những người tiến hành tố tụng đã không xem xét lí do hay nguyên nhân của việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, người vi phạm có thể đã chiếm đoạt hay tài sản đó đã bị người thứ ba chiếm đoạt hoặc chiếm dụng dẫn tới không có khả năng thanh toán đúng hạn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã không tìm kiếm các chứng cứ để chứng minh người có nghĩa vụ thanh toán có trốn tránh trách nhiệm thanh toán hay không, có trường hợp chỉ dựa vào lời khai của chủ nợ hoặc coi sự vắng mặt của người có nghĩa vụ thanh toán tại nơi thường trú để quy kết họ là bỏ trốn, trốn tránh trách nhiệm thanh toán và điều đó đồng nghĩa với hành vi chiếm đoạt hoặc có ý định chiếm đoạt.

Thứ hai, trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, một số cơ quan và người tiến hành tố tụng đã không phân biệt các dấu hiệu của tranh chấp hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế với việc lợi dụng hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế như một phương tiện để chiếm đoạt tài sản.

 

6. Thực trạng điều tra, truy tố, xét xử oan sai các vụ án liên quan tới vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế đang đòi hỏi khoa học pháp lí hình sự đưa ra các tiêu chí để phân biệt rõ giữa tội phạm có tính chiếm đoạt xảy ra trong lĩnh vực quan hệ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế với vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận trong các loại hợp đồng nói trên.

Về hình thức, tội phạm có tính chất chiếm đoạt và vi phạm nghĩa vụ đều là những hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ kí kết, không thực hiện việc giao, nhận, hoàn trả tài sản theo nội dung đã thỏa thuận, gây ra thiệt hại cho đối tác. Người vi phạm và kẻ phạm tội đều có thể có những biểu hiện không trung thực trong kí kết hợp đồng nhằm nhận được tài sản của bên kia hoặc có hành vi sử dụng tài sản không đúng thỏa thuận, gây mất mát, hư hỏng hoặc mất khả năng thanh toán khi đến hạn hoặc có hành vi chiếm dụng vốn, tài sản của đối tác và có biểu hiện trây ỳ, khất nợ làm cho chủ tài sản gặp khó khăn trong việc đòi lại tài sản. Ngoài ra, kể cả người vi phạm và kẻ phạm tội cũng có thể có những hành vi khác như không giao đúng, giao đủ về số lượng, chủng loại, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Hậu quả do hành vi phạm tội và vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng gây ra đều là thiệt hại vật chất. Có những trường hợp, mặc dù chỉ là phạm vi nghĩa vụ thanh toán nhưng hậu quả do nó gây ra thậm chí còn lớn hơn hậu quả do tội phạm gây ra. Chính vì vậy, không thể căn cứ vào dấu hiệu mức độ hậu quả xảy ra hoặc có khả năng thực tế xảy ra để phân biệt giữa tội phạm và vi phạm.

Tiêu chí quan trọng đầu tiên để phân biệt tội phạm có tính chất chiếm đoạt với vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế là dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Muốn khẳng định một hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán là tội phạm, việc đầu tiên phải xác định là người vi phạm đã chiếm đoạt tài sản hay chưa? Nếu không hoặc chưa xác định được điều này thì việc quy kết một người là phạm tội đều phiến diện, không có cơ sở. Hiện nay có một số người quan niệm rằng chỉ cần xác định được ý thức chiếm đoạt của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là có thể quy kết người đó phạm tội(1). Theo chúng tôi, quan niệm trên đây là rất phiến diện, bởi thứ nhất trong cấu thành các tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc (chứ không phải dấu hiệu có ý định hay có ý thức chiếm đoạt); thứ hai, ý định hoặc ý thức là phạm trù chủ quan và nó chỉ có thể được chứng minh thông qua các dấu hiệu, hành vi khách quan của con người.

Dấu hiệu chiếm đoạt được phản ánh thông qua phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm. Đối với kẻ phạm tội chúng thường dùng các thủ đoạn gian dối như đưa ra các tài liệu giả chứng minh khả năng tài chính, khả năng kinh doanh, hiệu quả sinh lời, giá trị tài sản của cá nhân hoặc của doanh nghiệp hoặc tạo ra lòng tin của đối tác để nhận được tài sản của họ một cách "hợp pháp" thông qua các hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự. Kẻ phạm tội sử dụng phương pháp, thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh nghĩa vụ thanh toán bằng cách không để lại dấu tích của việc nợ, hủy bỏ các tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán, che giấu hành vi chiếm đoạt bằng cách tạo hiện trường giả như bị cướp, bị mất, bị hư hỏng, bị người khác chiếm đoạt hoặc chiếm dụng, tẩu tán tài sản để tỏ ra không còn khả năng thanh toán. Người vi phạm nghĩa vụ thanh toán bao giờ cũng là người thực tế tại thời điểm đó chưa có hoặc không có khả năng thanh toán vì những lí do khách quan chính đáng nhưng vì muốn giữ uy tín trên thương trường hay trong cuộc sống nên đã hứa hẹn, khất nợ nhiều lần hoặc phô trương để chủ nợ tin rằng họ vẫn đang làm ăn và khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời, mọi nợ nần sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Trong tội phạm có tính chất chiếm đoạt, những thiệt hại về tài sản gây ra cho chủ sở hữu đều có nguyên nhân từ sự chiếm đoạt của người phạm tội còn trong hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu là do những nguyên nhân khác chứ không phải là người vi phạm chiếm đoạt hoặc được hưởng lợi đối với số tài sản đó.

Tội phạm có tính chất chiếm đoạt bao giờ cũng được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan khác nhau bao giờ cũng nhằm mục đích chiếm đoạt, động cơ thúc đẩy việc thực hiện các hành vi đó là động cơ vụ lợi. Trong ý thức chủ quan của người vi phạm nghĩa vụ thanh toán không bao giờ tồn tại mục đích chiếm đoạt tài sản, thiệt hại gây ra nằm ngoài sự mong muốn của họ. Có thể họ thấy được hậu quả nhưng cho rằng nó sẽ không xảy ra hoặc nếu xảy ra thì có khả năng khác phục được, tuy nhiên, trên thực tế thiệt hại đã xảy ra mặc dù họ đã sử dụng mọi biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Trong việc thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, lỗi của người vi phạm hoặc là vô ý hoặc là cố ý gián tiếp. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa mặt chủ quan của hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán và mặt chủ quan của tội phạm có tính chất chiếm đoạt.

Trong quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế có rất nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá dấu hiệu chiếm đoạt. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu đến hạn thanh toán hoặc trả lại tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng mà bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc thanh toán không hoàn trả được nợ hoặc tài sản cho bên kia thì coi là có hành vi chiếm đoạt(1). Những người theo quan điểm trên cho rằng sau thời hạn thanh toán mà tài sản không được hoàn trả là bên vi phạm đã tước bỏ toàn bộ quyền sở hữu tài sản của bên kia và tự định đoạt tài sản của ngươì khác theo ý thức chủ quan của mình. Theo chúng tôi, quan niệm như vậy thiếu căn cứ khoa học, coi mọi trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán là có hành vi chiếm đoạt và đều là tội phạm và bị xử lí hình sự. Những người này đã không thấy một điều rằng việc Nhà nước thành lập ra các tòa khác nhau (hình sự, dân sự, kinh tế...) là để xét xử các hành vi vi phạm tương ứng đó là tội phạm, vi phạm dân sự, vi phạm kinh tế... Quan điểm trên đây đã xóa nhòa ranh giới giữa các loại vi phạm với nhau và giữa vi phạm pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế với tội phạm. Có thể nói rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới những oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Ngoài quan điểm trên cũng còn có ý kiến cho rằng khi người vay, mượn đã sử dụng tài sản vay mượn được không đúng mục đích khi vay, gây thiệt hại về tài sản đối với người cho vay là thể hiện hành vi chiếm đoạt. Quan niệm này thể hiện rất nhiều trong thực tiễn khi giải quyết các vi phạm trong quan hệ hợp đôngf vay mượn tài sản, hợp đồng tín dụng trong thời gian vừa qua ở nước ta. Tuy nhiên, quan niệm này không phù hợp với thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Cơ chế kinh tế hiện nay luôn đặt ra một thách thức đối với người sản xuất kinh doanh là phải linh hoạt, chủ động trong việc sử dụng đồng vốn nhằm quay vòng nhanh đồng vốn, tận dụng thời cơ kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do vậy, không thể bắt buộc người kinh doanh chỉ được sử dụng vốn trong một lĩnh vực cụ thể nào. Việc người vay đưa ra lí do để vay vốn nhưng sau đó sử dụng vốn vay vào mục đích khác nhưng không ngoài kinh doanh là điều cần phải được chấp nhận vì sau khi vay được tài sản, tiền, người vay mượn có quyền định đoạt tài sản đó miễn là không trái pháp luật và khi cơ hội kinh doanh đến họ có quyền được tính toán, quyết định một phương án kinh doanh theo họ là tối ưu. Đối với họ, các thiệt hại và thua lỗ xảy ra là nằm ngoài ý muốn, do đó không thể coi hành vi sử dụng sai mục đích dẫn đến không trả nợ được là hành vi chiếm đoạt tài sản.

Có ý kiến khác cho rằng người vay mượn tiền và tài sản có hành vi gian dối để nhận được tài sản là thể hiện ý thức chiếm đoạt(2). Từ quan niệm trên đã dẫn tới việc quy kết chỉ cần có hành vi gian dối là đủ phản ánh ý thức chiêms đoạt của người vi phạm và khi ấy hành vi cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo chúng tôi, quan niệm như vậy là chưa đầy đủ, là phiến diện bởi hiện nay các nhà kinh doanh rất cần có uy tín để hoạt động và uy tín ấy có thể được biểu hiện trong khả năng về tài sản, tài chính, khả năng chuyên môn trong kinh doanh sản xuất... Vì vậy, để đạt được mục đích có vốn để hoạt động, không ít người đã phải tạo ra cho bạn hàng, người cho vay mượn tài sản, tìm niềm tin thông qua những gian dối để vay mượn được vốn và tài sản, để kí được hợp đồng nhằm thực hiện phương án kinh doanh của mình với tính toán là sẽ sinh lời và có đủ khả năng sẽ thanh toán được tài sản đã vay. Bản thân người vay mượn không có ý thức và mục đích chiếm đoạt khối tài sản đã vay hoặc đã nhận được từ hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Với cách tính toán đó nhiều người đã thành công trong kinh doanh nhưng cũng không ít người thất bại dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán và lúc đó trách nhiệm pháp lí nảy sinh. Một số người tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào hành vi gian dối trong giao kết hợp đồng cùng với việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán để quy kết trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc làm này rõ ràng là không đúng, không khách quan.

Chúng tôi cho rằng khi đánh giá có hay không dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong hành vi vi phạm không thể chỉ nhìn vào dấu hiệu gian dối trong quá trình giao kết hợp đồng mà cần dựa vào nhiều yếu tố khacs. Nhưng khi có dấu hiệu gian dối trước khi giao kết, trong khi giao kết hợp đồng thì cũng cần phải xem xét nhằm đánh giá sự gian dối đó có phải là phương thức, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản hay không? Trên cơ sở đánh giá về cách thức, biện pháp của sự gian dối để phản ánh nên mức độ nguy hiểm của hành vi mà chủ thể đã thực hiện. Nếu chủ thể sử dụng các cách thức, biện pháp tinh vi hoặc bằng những cách thức hoàn toàn trái pháp luật như lập hồ sơ giả, giả mạo giấy tờ tài liệu của cơ quan có thẩm quyền... thì tính chất và mức độ của hành vi gian dối đó hoàn toàn khác với các hành vi thiếu trung thực thường xảy ra trong giao kết hợp đồng như chưa có được sự ủy quyền đã nói là có đầy đủ tư cách để kí kết hợp đồng, không có khả năng tài chính nhưng khoe khoang mình có nhiều vốn, nhiều tài sản...

Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ về dấu hiệu chiếm đoạt thì không chỉ đánh giá mức độ của hành vi gian dối mà cần đánh giá trên cơ sở kết hợp nhiều yếu tố khác như xem xét đến quá trình sử dụng vốn vay được, việc trả nợ như thế nào? Nguyên nhân của việc mất khả năng thanh toán, số lượng tài sản thực tế bị chiếm đoạt. Phải bằng cách đó thì mới đánh giá đầy đủ về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của chủ thể có hành vi vi phạm trong quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế.

Phải lưu ý rằng, nếu chủ thể vi phạm sử dụng hành vi gian dối để nhận được tài sản mà không sử dụng vào đúng mục đích đã thỏa thuận dẫn đến bị thất thoát tài sản, làm mất khả năng thanh toán thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo các điều 134, 157 nhưng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản XHCN (Điều 137) nếu tài sản thất thoát là của Nhà nước(1). Chúng tôi còn cho rằng, nếu cũng là hành vi trên nhưng chứng minh được có tài sản bị thất thoát do việc sử dụng cho các nhu cầu cá nhân thì phải coi chủ thể vi phạm có hành vi chiếm đoạt và phải chịu trách nhiệm hình sự theo tội danh lừa đảo (Điều 134 hoặc Điều 157) đối với số lượng tài sản thực tế đã chiếm đoạt. Còn với số lượng tài sản nào sử dụng sai mục đích làm thất thoát mà tài sản đó là của Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản XHCN (Điều 137) với khối lượng tài sản đã sử dụng sai mục đích.

Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử nhiều người cho rằng sau khi kí kết được hợp đồng, nhận được tài sản và đến hạn thanh toán nếu người có nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế có biểu hiện trốn tránh như không có mặt ở địa phương, đã bán nhà chuyển nơi ở khác hoặc bỏ trốn là thể hiện việc lợi dụng hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo chúng tôi quan niệm như vậy là chưa đầy đủ mà cần phải phân biệt rõ việc người có nghĩa vụ không có mặt ở địa phương, chuyển nhà đi nơi khác hoặc bỏ trốn vì những lí do khách quan. Thực tế cho thấy, nhiều người trong hoạt động kinh tế họ phải nay ở chỗ này mai ở chỗ khác là chuyện bình thường hoặc do nhu cầu cuộc sống việc bán nhà chuyển chỗ ở để phù hợp với điều kiện kinh doanh sản xuất là điều thường xảy ra, tuy nhiên những việc đó phải được diễn ra công khai, rõ ràng như khi đi khỏi nơi cư trú có khai báo tạm vắng, khi đến nơi mới có khai báo tạm trú việc bán nhà chuyển đi nơi khác có làm thủ tục tại địa phương... Những biểu hiện như vậy không phải là cơ sở để kết luận người có nghĩa vụ bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Thực tế có nhiều người không có khả năng thanh toán đã bỏ trốn nhưng lí do của việc bỏ trốn là do chủ nợ thúc ép, bị đe dọa bởi nạn "lưu manh", "đầu gấu" nhiều người sợ bị khủng bố, uy hiếp mà phải trốn tránh, đặc biệt khi bị các cơ quan pháp luật gọi hỏi, đe dọa nếu không thanh toán tài sản sẽ bị khởi tố, bắt giam... Chính vì vậy mà họ hoảng sợ nên dẫn đến việc bỏ trốn.

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng hành vi bị coi là chiếm đoạt nếu sử dụng tiền bán sản phẩm từ hợp đồng kinh tế (hoặc hợp đồng dân sự) để kinh doanh hoặc làm việc khác và không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng ban đầu(1). Chúng tôi thấy quan niệm như vậy là chưa đầy đủ và chính xác vì thực chất nếu người vi phạm sử dụng tiền bán sản phẩm vào các mục đích kinh doanh hoặc làm việc khác mà không phải là phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng cá nhân thì chưa thể coi là hành vi chiếm đoạt tài sản mà thực chất đây cũng là hành vi chiếm dụng vốn của người khác để kinh doanh. Trong thực tế, nhiều người lợi dụng vốn, tài sản của người khác để sản xuất kinh doanh mà không có ý thức chiếm đoạt nhưng bị thua lỗ do đó không trả được nợ. Hành vi này không thể coi là hành vi chiếm đoạt.

Như vậy, qua các ý kiến nêu trên cho thấy có nhiều cách đánh giá về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong hành vi vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng dân sự, kinh tế nhưng các quan điểm đánh giá đó chưa thật đầy đủ, toàn diện, thiếu khách quan và không phản ánh đúng bản chất của hành vi vi phạm để từ đó làm cơ sở cho việc xác định ý thức chủ quan của chủ thể vi phạm. Việc đánh giá đó còn mang nặng sự suy diễn với ý thức áp đặt của người áp dụng pháp luật mà không có sự liên hệ với thực tế của đời sống kinh tế – xã hội, thiếu các cơ sở lí luận và thực tiễn pháp lí. Đây chính là điều cần khắc phục trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 8: Hình sự hoá việc giải quyết các tranh chấp hđkt: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

 

TS Nguyễn Văn Dũng - Toà án nhân dân tối cao

Hình sự hoá (HSH) việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế (HĐKT) là một biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế đã được giới kinh doanh, cũng như dư luận xã hội đã nhiều lúc lên tiếng. Tuy trong từng giai đoạn, mức độ biểu hiện có khác nhau, nhưng nhìn chung đều dẫn đến hậu quả tiêu cực, trái quy định của pháp luật và kết quả thật khó lường. Do được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, sự cảnh báo, lên tiếng của dư luận xã hội, của phương tiện thông tin đại chúng cho nên tình hình hiện nay có xu hướng khá hơn. Vấn đề cơ bản là cần phải tìm ra được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, để có thể tìm ra hướng và giải pháp khắc phục nhằm chấm dứt tận gốc tình trạng trên góp phần "xây dựng Nhà nước pháp quyền" nơi mọi tổ chức và công dân "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" và nhằm đặt các quan hệ kinh tế cũng như các quan hệ tố tụng theo đúng qui định pháp luật. Chuyên đề này nằm trong khuôn khổ đề tài " Các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự kinh tế." là nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra đó. Chuyên đề gồm 3 phần :

Phần I : Pháp luật về HĐKT và giải quyết các tranh chấp kinh tế.

Phần II : Những biểu hiện hình sự hoá quan hệ HĐKT trong thực tiễn và lý do phát sinh.

Phần III : Nguyên nhân và những giải pháp khắc phục.

I. Pháp luật về HĐKT và giải quyết các tranh chấp kinh tế.

Trong lĩnh vực hợp đồng kinh tế và giải quyết các tranh chấp và vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế, như chúng ta đều biết, văn bản pháp luật đầu tiên phải kể đến đó là Điều lệ tạm thời số 735/ TTg ngày 10/4/1956 của Thủ tướng Chính phủ về hợp đồng kinh doanh. Điều lệ này được coi là văn bản pháp luật đánh dấu sự thiết lập quyền quản lý Nhà nước quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và cũng đánh dấu bước đầu phân biệt phương thức giải quyết các tranh chấp về ký kết và thực hiện HĐ trong sản xuất kinh doanh, vi phạm pháp luật HĐ với các tranh chấp và vi phạm pháp luật khác.

Điều lệ tạm thời số 735/TTg ngày 10/4/1956 quy định thể thức ký kết và trách nhiệm thi hành các hợp đồng kinh doanh. Trong đó "hợp đồng là một văn bản quy định mối quan hệ giữa hai hay nhiều đơn vị kinh doanh tự nguyện cam kết với nhau thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, trong những thời gian nhất định, nhằm mục đích phát triển kinh doanh công thương nghiệp, góp phần thực hiện kế hoạch Nhà nước..." (Điều 1). Theo Điều lệ này, hai bên ký kết hợp đồng đều có trách nhiệm thi hành đúng đắn và đầy đủ mọi điều đã cam kết. Nếu xảy ra tranh chấp hoặc thực hiện không đầy đủ thì sẽ bị xử lý theo các phương thức sau:

1." Điều 19: Nếu đương sự không thực hiện đúng hợp đồng gây thiệt hại nhiều cho kế hoạch Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền (nói ở điều 20) có thể truy tố trước Toà án nhân dân.

Điều 20: Nếu xảy ra tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thì tuỳ theo các trường hợp sau đây mà đưa ra các cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

a) Nếu là tranh chấp giữa tư doanh với nhau, giữa tư doanh với quốc doanh hay hợp tác xã thì đưa ra cơ quan đăng ký hay thị thực hợp đồng giải quyết. Nếu xét thấy cần thì đề nghị truy tố trước Toà án nhân dân, cơ quan đăng ký sẽ đứng ra khởi tố trước Toà án nhân dân nơi sở tại.

b) Nếu có tranh chấp giữa các tổ chức hợp tác xã hay tổ chức quốc doanh với nhau thì đưa lên cơ quan cấp trên hoặc hội nghị liên tịch các cơ quan cấp trên giải quyết".

Bốn năm sau, ngày 10/01/1960, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 04/TTg ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ HĐKT giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước (thay thế Điều lệ tạm thời nêu trên). Điều lệ này tôn trọng nguyên tắc ký kết và thực hiện HĐ đã được quy định tại Điều lệ tạm thời số 735/ TTg ngày 10/4/1956 của Thủ tướng Chính phủ về hợp đồng kinh doanh và quy định: "Nếu một bên không tôn trọng hợp đồng, gây thiệt hại cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại ấy và bên bị thiệt hại có quyền khiếu nại với Hội đồng trọng tài" (Điều 8).

Điều lệ quy định: " ở các cấp Trung ương, Khu, Thành phố, Tỉnh và ở mỗi Bộ chủ quản xí nghiệp đều tổ chức một Hội đồng trọng tài với chức năng nhiệm vụ : buộc bên từ chối ký kết hợp đồng phải ký kết hợp đồng trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Quyết định bên không thực hiện đúng hợp đồng phải bồi thường về kinh tế cho bên bị thiệt hại.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính đối với người ký kết hợp đồng và bên không thực hiện đúng hợp đồng".

Để chính thức hóa và hoàn thiện điều chỉnh pháp luật quan hệ hợp đồng trong sản xuất kinh doanh, ngày 10/3/1975 , Chính phủ ký Nghị định số 54/CP ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước . Ngày 25/9/1989 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh HĐKT nhằm điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN và ngày 10/1/1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh trọng tài kinh tế, hoàn thiện và nâng cao một bước điều chỉnh pháp luật cơ quan chuyên giải quyết các tranh chấp HĐKT và xử lý những vi phạm pháp luật HĐKT. Ngày 25/3/1991, Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Nghị định 70/HĐBT ban hành Điều lệ về trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật HĐKT tại các cơ quan Trọng tài kinh tế.

Nhằm tiến tới hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh chấp kinh tế, phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp mà Nhà nước đang tiến hành, ngày 28/12/1993 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức TAND giao cho TAND xét xử những vụ án kinh tế phát sinh từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng HĐKT và thành lập Toà kinh tế thuộc hệ thống TAND để thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 16/3/1994, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định thủ tục tố tụng riêng để giải quyết các tranh chấp HĐKT.

Như vậy, pháp luật HĐKT, xử lý vi phạm pháp luật HĐKT đã có một lịch sử hình thành và phát triển trên 40 năm. Trong thời gian dài đó, phương thức giải quyết các tranh chấp HĐKT luôn luôn được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Có thể tóm tắt và khái quát quá trình phát triển đó như sau.

1. Giai đoạn trước năm 1960. Từ Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh với phương thức giải quyết tranh chấp vừa hành chính vừa tư pháp.

2. Giai đoạn từ ngày 4/01/1960 đến ngày 30/6/1994 với Nghị định 04/TTg ban hành Điều lệ tạm thời về HĐKT giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước và việc thành lập Hội đồng trọng tài ( sau này là Trọng tài kinh tế Nhà nước) .

Trong giai đoạn này, tranh chấp về HĐKT và vi phạm pháp luật HĐKT do cơ quan Trọng tài kinh tế (cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp) giải quyết.

3. Giai đoạn từ 1/7/1994 đến nay. Các tranh chấp kinh tế phát sinh từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng HĐKT do các Toà kinh tế thuộc hệ thống TAND giải quyết. Ngày 16/3/1994, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định thủ tục tố tụng riêng để giải quyết các tranh chấp HĐKT.

Như vậy, để giải quyết các tranh chấp kinh tế phát sinh trong sản xuất kinh doanh, Nhà nước đã có cơ chế riêng phù hợp với những đặc thù của những tranh chấp này. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà với lịch sử trên 40 năm tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà kinh tế giỏi cũng như những người tiến hành tố tụng còn hiểu biết khá yếu, nếu không nói là khá mơ hồ về pháp luật HĐKT và thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế. Do vậy ở giai đoạn nào cũng có những tranh chấp HĐKT được giải quyết không theo đúng phương thức luật định cho loại tranh chấp này mà thay vào đó là một phương thức khác, điển hình và rõ nét nhất là xu hướng hình sự hoá các quan hệ HĐKT.

II. Những biểu hiện Hình sự hoá quan hệ HĐKT trong thực tiễn và những lý do phát sinh.

Chúng ta cùng nhau xem xét một số vụ án dưới đây:

Vụ án thứ nhất: Ngô Văn Huyện phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".

 

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngô Văn Huyện là Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hải thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty do Ngô Văn Huyện làm Giám đốc có ký 2 hợp đồng với Tổng Công ty Vinalimex (Hà Nội) và Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình

Hợp đồng thứ nhất:

1. Ngày 30/3/1995, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải (gọi tắt là bên A) do Ngô Văn Huyện làm Giám đốc đại diện đã ký hợp đồng không số về uỷ thác thu mua lạc xuất khẩu với Tổng Công ty Vinalimex (gọi tắt là bên B) do ông Nguyễn Vũ Băng đại diện theo uỷ quyền của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vinalimex

Hai bên thoả thuận: Bên A nhận thu mua uỷ thác cho bên B. 500 tấn lạc đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với giá 6850đ/kg và được hưởng hoa hồng 50.000đ/tấn và tại điều IV hai bên thoả thuận: "Nếu hàng không đúng chất lượng bên B có quyền không nhận hàng. Bên A phải trả lại toàn bộ tiền đã nhận, tiền lãi ngân hàng và phạt 2% giá trị hợp đồng".

Thực hiện hợp đồng, bên A đã nhận tạm ứng 1.650.000.000đ đã tổ chức thu mua được 360 tấn lạc xô và đã chế biến được 201 tấn lạc theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo kết quả giám định của Vinacontrol thì lạc không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên bên B không nhận. Bên A đã bán toàn bộ số lạc nêu trên được 1.124.900.000đ, đã trả lại cho bên B được 954.464.000đ. Số tiền 170.436.000đ bên A đã dùng trả chi phí thuê kho, thuê contenơ, điện thoại đường dài trao đổi giữa A và B, mua 6120 bao bì, chi phí giám định, diệt côn trùng... hết 83.520.000đ, còn lại 86.916.000đ chưa trả lại bên B.

Hợp đồng thứ 2:

Ngày 25/4/1995, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là bên A) do Ngô Văn Huyện - Giám đốc đại diện và Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình - do ông Ngô Văn Dũng - Giám đốc đại diện (gọi tắt là bên B) ký hợp đồng liên doanh nhập khẩu và tiêu thụ xe ôtô vận tải Hàn Quốc đã qua sử dụng số X04.95/HĐ-LD-TL-NH với nội dung:

Hai bên liên doanh nhập 42 xe ôtô Hàn Quốc đã qua sử dụng, với tổng giá trị là 190.000 USD theo hợp đồng ngoại thương số KO-VIC/4/95 ngày 24/4/1995. Bên A trực tiếp tổ chức giao nhận hàng tại TP. Hồ Chí Minh, tiêu thụ toàn bộ lô hàng kể từ ngày ngân hàng bên B thanh toán cho nước ngoài. Bán hàng đến đâu bên A chuyển ngay tiền cho bên B để bên B viết hoá đơn tài chính và giao tờ khai nguồn gốc cho khách hàng... Bên A thanh toán cho bên B phần lãi định mức là 200USD/xe và thoả thuận. Nếu có vướng mắc nhưng "không thương lượng được thì đưa đến Toà kinh tế TAND tỉnh Thái Bình để giải quyết. Mọi phán quyết của Toà án hai bên đều phải thi hành" (Điều IV). Hiệu lực hợp đồng đến hết ngày 30/7/1995.

Thực hiện hợp đồng: "Sau khi nhập xe ôtô từ Hàn Quốc về, bên A đã bán 9 xe ôtô được 645 triệu. Bên B chấp nhận quyết toán của bên A là 446.000.000đ và 127.500.000đ của khách hàng mua hàng chậm trả. Còn lại 71.500.000đ giám đốc Ngô Văn Huyện không chứng minh được và ông Ngô Văn Dũng - Giám đốc Công ty XNK Thắng Lợi đòi nhiều lần nhưng Ngô Văn Huyện không trả.

Tổng cộng 2 hợp đồng nêu trên, Ngô Văn Huyện không chứng minh được số tiền 158.416.000đ đã sử dụng vào việc gì.

Do có hành vi nêu trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 38 ngày 22/3/1997, TAND tỉnh Thái Bình đã... "xử phạt Ngô Văn Huyện 7 năm tù về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" và buộc Ngô Văn Huyện phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường cho 2 Công ty nêu trên".

Sau khi có án sơ thẩm, Ngô Văn Huyện kháng cáo. án phúc thẩm xác định Ngô Văn Huyện chỉ còn chiếm đoạt số tiền 76.000.000đ, do đó đã áp dụng khoản nhẹ hơn, xử phạt Ngô Văn Huyện 3 năm tù về "tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" - Các quyết định khác của án sơ thẩm được giữ nguyên.

Vụ án đã khép lại, bị cáo có lẽ đã thụ hình xong. ở đây chúng tôi không đi sâu vào những tình tiết phạm tội của Ngô Văn Huyện mà các cơ quan tư pháp đã truy tố xét xử bị cáo, mà theo góc độ quan hệ HĐKT để xem xét, đánh giá vụ án.

Trước hết, trong trường hợp này, chúng ta thấy có ba doanh nghiệp (ba pháp nhân được thành lập hợp pháp, có đăng ký kinh doanh) đó là:

1. Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Công nghiệp thực phẩm (Vinalimex) thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

2. Công ty Xuất nhập khẩu Thắng Lợi - Thái Bình.

3. Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải (TP. Hồ Chí Minh)

Thiết lập quan hệ với nhau thông qua 2 hợp đồng kinh tế.

a) Hợp đồng uỷ thác thu mua (không số) ngày 30/3/1995.

b) Hợp đồng liên doanh nhập khẩu và tiêu thụ xe ôtô vận tải Hàn quốc đã qua sử dụng số X.04.95/HĐKT/TL-NH ngày 25/4/1995.

Các hợp đồng đều được ký kết thông qua các đại diện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó ông Nguyễn Vũ Băng đại diện cho Tổng Công ty Vinalimex theo uỷ quyền của Tổng Giám đốc, ông Ngô Văn Dũng đại diện cho Công ty XNK Thắng Lợi với tư cách Giám đốc, ông Ngô Văn Huyện đại diện cho Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải với tư cách Giám đốc. Các hợp đồng nêu trên được ký kết một cách hợp pháp đúng quy định pháp luật, có hiệu lực thi hành. Điều 7 pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: "Các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng kinh tế được giải quyết bằng cách tự thương lượng giữa các bên với nhau hoặc đưa ra Trọng tài kinh tế" (Từ 1/7/1994 Toà kinh tế thuộc hệ thống TAND thay cho TTKT (Nhà nước) trước đó).

ở hợp đồng thứ nhất, sau khi mua được 306 tấn lạc xô, tổ chức chế biến được 201 tấn lạc chất lượng cao hơn theo thoả thuận trong hợp đồng để xuất khẩu. Bên A đã thông báo cho bên B tổ chức giám định chất lượng và giao hàng, nhưng vì lí do khách quan, bên B đã đề nghị chậm lại. Sau đó Vinacontrol đã giám định và thông báo chất lượng lạc không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên bên B đã từ chối nhận hàng. Như vậy bên A đã vi phạm hợp đồng đã ký. Mặc dù, thật kỳ lạ, trong hồ sơ vụ án có ký kiến của khách hàng nước ngoài (BL 265.266) với nội dung:

"Tên tôi là Hendra Drafar - người mua hàng của hợp đồng mua bán số 001/VNL-DNL/95 ngày 24/3/1995.

Sau khi kiểm tra lô hàng 200MT tại kho số 557 phố Nguyễn Tri Phương quận 11 thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19/5/1995, tôi xin xác nhận rằng tôi đồng ý chấp nhận chất lượng lô hàng này với số hạt không hoàn toàn là 8% và tôi không đề cập đến số lượng hàng dập dầu.

Đề nghị được cấp giấy chứng nhận trong thời gian sớm, chất lượng được xác định theo như hợp đồng và điều khoản của L/C số 149/001/004/95 ngày 11/4/199%"

Và thực tế hàng đã chuẩn bị được giao xuống tầu nhưng không hiểu vì lý do gì bên B không đồng ý giao để chịu phạt với khách hàng nước ngoài.

Ngày 7/6/1995 hai bên A và B có biên bản làm việc, giám đốc bên A xác nhận số lạc không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và đã cam kết hoàn trả lại cho bên B số tiền tạm ứng sau khi hai bên thoả thuận phân chia chịu những chi phí rủi ro hợp lý..." và sau đó cam kết: "Số tiền còn lại nếu thương lượng Vinalimex chấp nhận bao nhiêu, còn lại sẽ có kế hoạch trả nốt". Do không thoả thuận được với nhau, ngày 5/9/1995 Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải có đơn gửi Toà Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh đề nghị được giải quyết tranh chấp HĐKT nêu trên - Vụ việc chưa được giải quyết thì Giám đốc Ngô Văn Huyện bị bắt để xử lý hình sự.

Để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thứ 2 ngày 10/11/1995, Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình có đơn khởi kiện số 01 gửi Tòa kinh tế TAND tỉnh Thái Bình đề nghị giải quyết tranh chấp HĐKT giữa Công ty XNK Thắng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải thành phố Hồ Chí Minh - (Theo đúng thoả thuận tại điều IV của hợp đồng). Tại công văn số 05/KT ngày 25/11/1995, TAND tỉnh Thái Bình cũng xác nhận đã nhận được đơn nêu trên nhưng "xét thấy vụ việc do Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình khởi kiện xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và hành vi của Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải có dấu hiệu của tội: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".

Vì vậy TAND tỉnh Thái Bình kính chuyển đơn kèm theo hồ sơ của Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình tới cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh để điều tra giải quyết theo thẩm quyền".

Như vậy, các đương sự đã có những thoả thuận những trình tự giải quyết bất đồng, vướng mắc và tranh chấp xảy ra theo đúng quy định pháp luật HĐKT và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế , nhưng đáng tiếc, sự việc lại không được giải quyết đúng như vậy.

Tại sao khi đang còn tranh chấp, cần thương lượng hoà giải mà Vinalimex không kiện Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải ra toà kinh tế mà lại gửi đơn đến cơ quan điều tra để giải quyết theo tố tụng hình sự đối với giám đốc Ngô Văn Huyện, trong khi Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hải đã kiện Vinalimex ra toà kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh.

TAND tỉnh Thái Bình khi nhận được đơn khởi kiện của Công ty XNK Thắng Lợi Thái Bình kiện Công ty TNHH thương mại Ngọc Hải đã không giải quyết mà lại chuyển cơ quan điều tra và VKSND T.P Hồ Chí Minh để điều tra giải quyết theo thẩm quyền.

ở đây, có thể Ngô Văn Huyện có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" nhưng các hợp đồng đã ký giữa Công ty TNHH thương mại Ngọc Hải với Vivalimex và Công ty XNK Thắng Lợi cần phải được giải quyết theo đúng quy định pháp luật giải quyết tại Toà kinh tế theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Vụ án thứ 2

Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng do Ngô Thị Dung làm Giám đốc có ký 2 hợp đồng kinh tế mua bán gạo với Công ty Thương nghiệp Tam Điệp và Công ty vật tư nông nghiệp Tam Điệp ( đều thuộc tỉnh Ninh Bình). Với nội dung: Hai Công ty(của tỉnh Ninh Bình) bán cho Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng 750.082kg gạo thành tiền là 1.310.562.486đồng. Theo các hợp đồng này bên bán đã giao đủ gạo cho bên mua, nhưng Công ty do Ngô Thị Dung làm Giám đốc đã không thực hiện đúng cam kết với 2 Công ty của tỉnh Ninh Bình. Cụ thể là: Qua 37 lần trả tiền, Ngô Thị Dung còn nợ Công ty Thương nghiệp số tiền là 105.547.101đ và qua 44 lần trả nợ, Ngô Thị Dung còn nợ Công ty vật tư nông nghiệp Tam Điệp 136.327.385đ: như vậy, Công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng do Ngô Thị Dung làm Giám đốc còn nợ của 2 Công ty trên với số tiền là 241.874.486đ

Do không trả số nợ nêu trên, Cơ quan điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Dung và đã kết thúc điều tra đề nghị VKSND tỉnh Ninh Bình truy tố Ngô Thị Dung về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN"

Tại cáo trạng số 46 ngày 26/6 VKSND tỉnh Ninh Bình đã truy tố Ngô Thị Dung về tội"lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" theo khoản 3 điều 135 Bộ luật hình sự (chưa sửa đổi) chuyển TAND tỉnh Ninh Bình để xét xử Ngô Thị Dung theo tội danh nêu trên. Nhưng sau đó, VKSND tỉnh Ninh Bình đã mượn lại hồ sơ để báo cáo cấp trên. VKSND tỉnh Ninh Bình đã có công văn gửi VKSNDTC với nội dung xin được đình chỉ vụ án và tha miễn trách nhiệm hình sự đối với Ngô Thị Dung, VKSNDTC có công văn trả lời với nội dung: Ngô Thị Dung chỉ phạm tội "sử dụng trái phép tài sản XHCN" và xét nhân thân của Dung chỉ cần xử lý bằng biện pháp khác cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa. VKSND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định đình chỉ vụ án, tha miễn trách nhiệm hình sự cho Ngô Thị Dung..

( * Tạp chí TAND số 12-1994. Tr. 11-13. Bài: Đình chỉ như vậy có đúng không?)

ở đây, cũng tương tự như vụ án thứ nhất quan hệ HĐKT được thiết lập giữa 3 doanh nghiệp, khi có vi phạm, các doanh nghiệp đã không tuân thủ đúng quy định pháp luật để giải quyết và cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã nhảy vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Dung giám đốc công ty dịch vụ kinh doanh Hải Phòng và sau khi khởi tố, điều tra, truy tố chuẩn bị xét xử vụ án lại được đình chỉ để xử lý bằng biện pháp khác .Theo tôi đầu đề bài báo nêu trên nên đặt là :Khởi tố, truy tố và đình chỉ như vậy có đúng không ?

Vụ án thứ 3

Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán ngô giữa Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây(T.P Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (T.P Hồ Chí Minh). Với nội dung và diễn biến sự việc như sau:

Ngày 9/10/1995, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây (bên A) và Công ty TNHH Kim Thịnh Phát (bên B) đã cùng nhau ký kết hợp đồng kinh tế số 08/KTD /95 mua bán 3350 tấn ngô vàng xuất khẩu. Hợp đồng có giá trị đến hết ngày 30/11/1995. Theo hợp đồng bên A đã đặt cọc cho bên B 500.000.000đ. Ngày 3/12/1995, do đã có được bạn hàng mới nên không có nhu cầu thực hiện hợp đồng đã ký, bên A đòi huỷ hợp đồng và đòi lại số tiền đặt cọc, hai bên không thoả thuận được với nhau nên đã phát sinh tranh chấp. Bên B đã làm đơn đề nghị Công an thành phố Hồ Chí Minh can thiệp, đòi giúp số tiền đặt cọc. Cơ quan Công an đã nhận đơn, nhưng không giải quyết được, đến cuối tháng 7/1996 mới trả lại đơn cho nguyên đơn (Bên A) với lý do: vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của toà án (Toà kinh tế).

Ngày 17/8/1996, bên A làm đơn gửi Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh kiện đòi lại số tiền đặt cọc. TAND T.P Hồ Chí Minh (Toà kinh tế) đã thụ lý vụ án và tại bản của kinh tế sơ thẩm số 30 KTST ngày 2/12/1996 của Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh đã quyết định: Buộc bên B phải hoàn trả cho bên A số tiền đặt cọc và quyết định về án phí.

Sau khi có án sơ thẩm, bên B kháng cáo.

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 19/KTPT ngày 3/6/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại T.P Hồ Chí Minh đã quyết định huỷ án sơ thẩm, đình chỉ xét xử vụ án vì thời hiệu khởi kiện đã hết trước ngày toà án thụ lý vụ án.

Chánh án TANDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên và tại bản án kinh tế giám đốc thẩm số 09/UBTP- KT ngày 7/1/1998 của UBTP. TANDTC đã quyết định huỷ cả án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự về số tiền đặt cọc nêu trên.

Trong vụ án này, sự việc rõ ràng, đơn giản , nhưng do ý thức pháp luật của các bên mà biến thành 1 sự việc phức tạp, tốn nhiều công sức, thời gian của các cơ quan pháp luật, sự việc kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng trên là do những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất: Do các bên liên quan đã không hiểu đúng và không tuân thủ đúng theo quy định pháp luật. Nếu hiểu đúng khái niệm" đặc cọc" -Đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc khoản tiền hoặc tài sản trong thời gian nhất định nhằm xác nhận việc thống nhất ý chí giữa các bên và để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Nếu nghĩa vụ được xác lập, thực hiện theo đúng theo đúng thoả thuận của các bên thì khoản tiền hay tài sản đặt cọc được coi là khoản trả trước của bên đặt cọc và được khấu trừ khi thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng thì khoản tiền đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Còn nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc với số tiền hoặc tài sản đã nhận và khoản tiền tương đương số đã nhận, từ khi có thoả thuận khác."(từ điển giải thích thuật ngữ luật học của NXB Công an nhân dân- Hà nội 1999 trang 54) thì ở đây đã không có tranh chấp xảy ra về số tiền đặt cọc. Công ty XNK Bình Tây phải đương nhiên chịu mất số tiền đặt cọc.

Thứ hai: cả hai công ty và cơ quan công an đều hiểu đây là mối quan hệ đồng kinh tế được xác lập giữa hai Công ty theo đúng quy định của pháp lệnh hợp đồng kinh tế và khi có tranh chấp phát sinh cũng phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật HĐKT và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Thay bằng kiện ra Toà kinh tế TAND T.P Hồ Chí Minh- Công ty XNK Bình tây lại đưa đơn đến cơ quan Công an nhờ đòi hộ số tiền đặt cọc theo hợp đồng. Cơ quan Công an khi nhận được đơn, lẽ phải xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền của cơ quan mình hay không để xem xét xử lý đảm bảo đúng thời hạn luật định thì lại giữ hồ sơ, để quá hạn mới gửi trả cho đương sự. Vụ việc từ tranh chấp về quan hệ HĐKT, chuyển sang tố tụng hình sự rồi chuyển về cho tố tụng kinh tế và cuối cùng là quan hệ dân sự- sẽ được giải quyết theo tố tụng dân sự. Tại sao đây lại là một vụ án dân sự - một vấn đề hiện đang còn nhiều ý kiến tranh luận . Chúng tôi xin không bàn về vấn đề này ở đây.

Vụ án thứ 4:

Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán dầu DOP giữa Công ty Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (ARTEXPORT) Bộ thương mại (bên bán) với Công ty lọc hoá dầu - nay là Công ty chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (bên mua.)

Do Công ty lọc hoá dầu giới thiệu, ARTEXPORT đã ký hợp đồng mua của Công ty INDACO - Singapo 64 tần dầu DOP, hai Công ty trong nước đã thống nhất các điều khoản trong hợp đồng nhập khẩu các chỉ tiêu về chất lượng, số lượng, giá cả và nguồn gốc xuất xứ của lô dầu.

Ngày 5/6/1995, Công ty lọc hoá dầu đã ký hợp đồng số 08/ART - HLD mua lại của ARTEXPORT 64 tấn dầu DOP nói trên với tổng trị giá 145.177,6USD (ằ 1.159.857.152đ). Theo thoả thuận sau khi ký hợp đồng, bên mua phải nộp 125 triệu đồng đặt cọc, sau đó nhận hàng đến đâu trả tiền đến đó, số tiền 125 triệu đặc cọc sẽ được đối từ trong chuyến giao nhận hàng cuối cùng. Và thoả thuận: trường hợp hàng về mà Công ty lọc hoá dầu từ chối nhận hàng thì ARTEXPORT cam kết bán toàn bộ lô hàng và Công ty lọc hoá dầu phải chịu mất số tiền đặt cọc 125 triệu đồng. Mọi tranh chấp không giải quyết được bằng thương lượng sẽ đưa ra Toà kinh tế và mọi phán quyết của Toà kinh tế là cuối cùng và buộc các bên phải thực hiện .v..v.

Ngày 5/7/1995, hàng đã về đến cảng Hải Phòng và đã được hoàn thành thủ tục kiểm hoá Hải quan. Bên bán đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển về Hà nội để giao hàng cho bên mua. Từ ngày 15/7/1995 đến ngày 22/8/1995 bên bán có nhiều công văn đề nghị đôn đốc bên mua nhận hàng, nhưng không đựơc bên mua trả lời. Ngày 22/8/1995 đại diện ARTEXPORT trực tiếp đến Công ty lọc hoá dầu thì được Công ty lọc hoá dầu đưa công văn số 128 ngày 17/8/1995 gửi bên bán từ chối nhận hàng. Đại diện bên bán phản bác sự từ chối đó.

Như vậy, đến đây hợp đồng kinh tế đã ký giữa hai bên đã bị vi phạm. Lẽ ra các bên cần căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng và Pháp luật hợp đồng kinh tế để giải quyết theo hai khả năng :

1. Trường hợp hàng về mà Công ty lọc hoá dầu từ chối nhận hàng thì ARTEXPORT cam kết bán toàn bộ lô hàng và Công ty lọc hoá dầu phải chịu mất số tiền đặt cọc 125 triệu.( theo đúng thoả thuận trong hợp đồng)

2. Mọi tranh chấp nếu không giải quyết được bằng thương lượng sẽ được đưa ra toà kinh tế và mọi phán quyết của toà kinh tế là cuối cùng và buộc các bên phải thực hiện.

Nhưng các bên đã không tuân thủ theo những gì đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định mà ngày 13/1/1996, ARTEXPORT có công văn số 155/ĐK-TR gửi Tổng cục cảnh sát - Bộ nội vụ yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số cán bộ của Công ty lọc hoá dầu. Ngày 26/4/1996 hai bên tiếp tục gặp nhau để giải quyết tranh chấp hợp đồng và đã thoả thuận: bên bán sẽ làm mọi thủ tục để rút đơn kiện bên mua tại Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ nội vụ và bên mua sẽ chuyển số tiền 600 triệu đồng đền bù cho bên bán vì bị tổn thất do thực hiện hợp đồng ( thoả thuận ngoài quy định pháp luật). Nhưng sau đó hai bên không thực hiện cam kết ngày 13/7/1997, Cục cảnh sát kinh tế Bộ nội vụ có công văn số 258/P4 - C15 gửi Toà kinh tế TAND T.P Hà nội, chuyển 1 số tài liệu để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 30/3/1997 Công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ ARTEXPORT có đơn khởi kiện Công ty lọc hoá dầu đến Toà kinh tế TAND T.P Hà nội.

Xét về thực chất đây là một vụ việc đơn giản, nhưng do xu hướng hình sự hoá quan hệ HĐKT dẫn đến vụ việc cực kỳ phức tạp căng thẳng. Với bản án sơ thẩm số 11/KTST ngày 25 và 26 tháng 6 năm 1997, của TAND T.P Hà nội, bản án kinh tế phúc thẩm số 134/ KTPT ngày 20/9/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà nội, Quyết định số 19/UBTP -KT của UBTP TANDTC giám đốc thẩm vụ án nêu nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Trên đây chỉ là một số vụ án chứng tỏ xu hướng hình sự hóa quan hệ HĐKT.Có thể đưa ra nhiều vụ án kinh tế khác đã bị hình sự hoá, mỗi vụ có những khía cạnh riêng, chẳng hạn như vụ án Nguyễn Văn Kiên, nguyên phó giám đốc Xí nghiệp Hiệp Thành thuộc Uỷ ban kế hoạch tỉnh An Giang bị TAND tỉnh Tây ninh xử phạt 8 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" tại bản án số 424/số HS ngày 12/12/1996 đăng trên báo Kinh doanh và pháp luật số 4 ngày 3/12/1995. Vụ án tranh chấp hợp đồng thu mua gạo xuất khẩu giữa Chi cục I Cục dự trữ Quốc gia và Công ty sản xuất gia công hàng xuất khẩu PROSIMEX Bộ thương mại, từ tranh chấp HĐKT nhưng kết quả, Chi cục I phải đợi các bị cáo trong 1 vụ án hình sự khác bồi thường để thu lại số tiền đã xuất ra thực hiện hợp đồng kinh tế với PROSIMEX trong khi đó PROSIMEX bên có liên quan gây ra tổn thất nêu trên lại vô can . Có thể liệt kê nhiều vụ án khác nữa , nhưng nhiệm vụ quan trọng của chuyên đề này là thông qua các vụ án để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hóa các quan hệ HĐKT và những giải pháp nhằm khắc phục hiện tượng đó.

III. Nguyên nhân và những giải pháp khắc phục.

3.1.Nguyên nhân

Thông qua một số vụ việc trong số những vụ án có biểu hiện hình sự hóa quan hệ HĐKT, chúng ta có thể rút ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Theo chúng tôi, có 3 loại nguyên nhân chủ yếu sau :

a. Nguyên nhân xuất phát từ phía các doanh nghiệp.

b. Nguyên nhân phát sinh từ các cơ quan bảo vệ pháp luật và những người tiến hành tố tụng.

c. Nguyên nhân từ hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sau đây chúng ta lần lượt xem xét từng loại nguyên nhân nêu trên.

a.Nguyên nhân xuất phát từ phía các doanh nghiệp.

Tham gia các quan hệ HĐKT , các doanh nghiệp lẽ ra phải là những người hiểu hơn ai hết chế độ , chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về HĐKT và về trình tự giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện HĐKT để có thể lựa chọn 1 hình thức giải quyết những tranh chấp phát sinh đó một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp lại không sử dụng những công cụ pháp luật quy định , mà lại nôn nóng, muốn "đi đường tắt" hoặc muốn xử lý theo kiểu "chợ trời", ngoài quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng các vụ tranh chấp HĐKT bị hình sự hóa. Lý do của những trường hợp này có thể được lý giải bởi :

+.Các nhà doanh nghiệp không quan tâm, không nắm vững pháp luật HĐKT và thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, cho nên khi ký kết các HĐKT không chặt chẽ , không đúng quy định pháp luật và khi xảy ra vi phạm và phát sinh tranh chấp thì không thể giải quyết theo quy định pháp luật được.

+Các doanh nghiệp khi thiết lập các quan hệ HĐKT đã không điều tra nắm vững tình trạng bạn hàng, phần do hám lời nên đã bị bạn hàng cho ăn" bánh vẽ", khi bị vi phạm không biết bấu vứu vào đâu để đòi quyền lợi bị vi phạm đành phải tìm mọi cách để lấy lại hoặc đưa sang hình sự may có thể buộc trách nhiệm cho cá nhân nào đó.

+Không loại trừ trước và sau khi ký kết HĐKT giữa các bên đã có sự thỏa thuận ăn chia, gửi giá hoặc khoán gọn, khi phát hiện khả năng không thực hiện được hợp đồng đã ký thì bằng cách nào đó buộc trách nhiệm cho bạn hàng và cũng nhằm trốn tránh trách nhiệm bản thân , trốn tránh những tiêu cực khi ký kết và thực hiện HĐKT và như vậy thì tốt nhất là dùng các cơ quan tố tụng hình sự để "dọa" đối tác.

+Pháp luật về HĐKT và giải quyết các tranh chấp kinh tế chưa chặt chẽ đồng bộ khiến các doanh nghiệp không biết đúng hay sai, có những vụ tranh chấp toà án cấp dưới xử quyết định là đúng, toà cấp trên lại huỷ án sơ thẩm vì cho là sai, thủ tục tố tụng thì kéo dài không biết khi nào thì tố tụng kết thúc. Do đó sử dụng phương thức khác dù không thực sự đúng pháp luật và chi phí sẽ lớn hơn nhưng sẽ nhanh và mau chóng kết thúc sự việc để giành thời gian cho kinh doanh.

Và có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là mặc dù biết doanh nghiệp mình bị thiệt hại theo quy định pháp luật HĐKT nhưng lãnh đạo doanh nghiệp lại muốn đòi bên đối tác bằng một phương thức khác nhằm vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Do vậy tự các doanh nghiệp đã thay việc giải quyết các tranh chấp HĐKT , vi phạm pháp luật HĐKT tại toà kinh tế theo tố tụng kinh tế bằng việc đưa đơn đề nghị được giải quyết theo tố tụng hình sự.

Trong các vụ việc đã nêu trên đó là trường hợp của Tổng công ty Vinalimex, Công ty XNK Bình tây, ARTEXPORT.

b. Nguyên nhân xuất phát từ các cơ quan bảo vệ pháp luật và những người tiến hành tố tụng.

Điều 7 Pháp lệnh HĐKT quy định" Các tranh chấp phát sinh khi thực hiện hợp đồng kinh tế được giải quyết bằng cách tự thương lượng giữa các bên với nhau hoặc đưa ra Trọng tài kinh tế". Thế nhưng trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng( Cảnh sát điều tra, Công an, VKS, toà án) khi nhận được đơn từ các cá nhân và doanh nghiệp đã không xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền của cơ quan mình hay không, có cần phải giải quyết theo tố tụng hình sự hay không mà đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử .Có trường hợp tuy biết vụ việc không thuộc thẩm quyền của cơ quan mình nhưng lại xem xét quá chậm hoặc cố tình giữ hồ sơ quá lâu sau đó mới trả lại hoặc chuyển hồ sơ cho toà án( toà kinh tế ) để giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Sở dĩ có tình trạng này là do những người thực thi pháp luật đã không nắm chắc pháp luật và cũng không loại trừ trường hợp nhận" đòi nợ thuê", thoả thuận lấy % như dư luận xã hội đã nhiều khi lên tiếng.

c. Nguyên nhân từ hệ thống pháp luật và hướng dẫn thi hành.

Cần phải thừa nhận rằng, hệ thống pháp luật ở nước ta những năm gần đây đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới rất nhiều góp phần không nhỏ vào việc tăng cường kỷ cương pháp luật, giữ vững pháp chế XHCN, tuy nhiên theo yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn thì vẫn chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, nhiều văn bản còn chồng chéo khiến cho những người có nghĩa vụ thi hành pháp luật có những cách hiểu khác nhau. Cùng một hợp đồng theo cơ quan này, những người này là hợp đồng kinh tế, nhưng ở chỗ khác theo ý kiến người khác thì là hợp đồng dân sự. Cùng một vụ tranh chấp nhưng khi thì tranh chấp dân sự, khi là tranh chấp kinh tế có khi lại là hành vi có dấu hiệu hình sự. Các văn bản hướng dẫn cũng chưa được kịp thời , có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau...

Và tất nhiên còn có những nguyên nhân khác nữa cần được tính đến.

2. Những giải pháp khắc phục.

Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi thấy cần thiết phải có những biện pháp nhằm khắc phục những nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên. Những giải pháp đó bao gồm :

a.Hoàn thiện hệ thống pháp luật , nhất là pháp luật hợp đồng kinh tế và thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế là một yêu cầu cấp bách. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là văn bản pháp luật được ban hành vào thời kỳ đầu thời kỳ đổi mới, tuy cũng đã có những tiến bộ , những sửa đổi cho phù hợp với cơ chế kinh tế mới . Nhưng qua thời gian thực hiện văn bản này đã bộc lộ những yếu điểm , những bất cập mà Trọng tài kinh tế Nhà nước ( trước 1994) và Tòa án nhân dân( tòa kinh tế) từ 1-7-1994 đến nay đã không chỉ một lần lên tiếng. Việc sửa đổi bổ sung Pháp lệnh HĐKT đã nhiều lần được đưa vào chương trình làm luật của ủy ban thường vụ Quốc hội và giao cho TANDTC chủ trì soạn thảo nhưng cho đến nay chưa được cơ quan này chú ý một cách đúng mực. Nhiều điều luật không còn phù hợp và rất khó áp dụng trong thực tiễn nhưng chưa được xem xét sửa đổi . Ví dụ như quy định về hợp đồng vô hiệu, về chế định ủy quyền, về hình thức của hợp đồng...

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế được ban hành lần đầu tiên khi các nhà làm luật còn chưa có kinh nghiệm, nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp kinh tế thì vừa được chuyển giao từ TTKTNN sang cho Tòa án. Những lúng túng khi soạn thảo Pháp lệnh như thời hạn , thời hiệu, về thẩm quyền của từng cấp tòa án đang là những trở lực trong thực tiễn , mà nhu cầu sửa đổi đang trở thành cấp bách. Những quy định trong những văn bản luật chuyên ngành như bảo hiểm, ngân hàng , vận chuyển, xây dựng đang có những quy định mâu thuẫn hoặc không phù hợp với pháp luật về HĐKT- chẳng hạn các doanh nghiệp khi kinh doanh đều ký kết hợp đồng bảo hiểm nhằm hạn chế rủi ro, nhưng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra các bên không thống nhất được với nhau , khi kiện ra tòa thì phần lớn các hợp đồng đó đều bị vô hiệu hoặc chuyển sang vụ kiện dân sự và tòa đâu có quyết định ngay từ đầu. Các doanh nghiệp vừa mất thời gian theo kiện mà cuối cùng chẳng biết có nhận được những gì lẽ ra đơn vị mình được nhận hay không hay lại " tiền mất tật mang " như lời than phiền của một số đơn vị khi có lý do phải đến tòa án.

b.Tăng cường trang bị kiến thức , nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Mỗi cán bộ viên chức trong các cơ quan này cần phải hiểu rõ, chính xác chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của cơ quan mình. Cần phải quy định rõ trách nhiệm của những người thừa hành công vụ, có chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Quy định người nào làm sai , cơ quan nào làm sai gây thiệt hại thì phải bồi thường có lẽ hiện chưa được thi hành trong thực tiễn.

c.Các doanh nghiệp cần phải trang bị đầy đủ, nâng cao kiến thức pháp luật nhất là pháp luật kinh tế , pháp luật HĐKT, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế , khi cần thiết có thể sử dụng công cụ hợp pháp đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan mình theo đúng phương thức luật định.

d. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp , những người thực thi pháp luật nhằm thi hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật và tăng cường công tác kiểm tra giám sát từ phía nhân dân./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 9: pháp luật giải quyết các tranh chấp dân sự - kinh tế với việc khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự- kinh tế

Trần Văn Trung

Viện KSND thành phố Hà Nội

I-Một vài nét về thực trạng giải quyết các tranh chấp dân sự và kinh tế ở nước ta hiện nay.

 

A. Pháp luật giải quyết các tranh chấp dân sự- kinh tế.

Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có sự phân biệt giữa tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh tế dựa trên cơ sở sự phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế. Từ sự phân biệt này dẫn đến có 2 hệ thống pháp luật giải quyết các tranh chấp dân sự và kinh tế khác nhau.

1. Pháp luật giải quyết các tranh chấp dân sự.

Trên thực tế ở nước ta tồn tại rất nhiều hình thức giải quyết tranh chấp dân sự như : thương lượng; hoà giải; giải quyết thông qua các cơ quan hành chính ở cơ sở hoặc các cá nhân có uy tín ở địa phương như trưởng thôn, già làng, trưởng bản...; và giải quyết thông qua Toà án. Tuy vậy hiện nay pháp luật mới chỉ quy định hai hình thức giải quyết tranh chấp dân sự là hoà giải và tài phán Toà án.

a. Giải quyết tranh chấp dân sự thông qua hoà giải.

Hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp dân sự phổ biến và có từ rất sớm. Hình thức giải quyết tranh chấp này đặc biệt phù hợp với các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và rất được ưa chuộng vì nó không tốn kém và phiền hà cũng như giữ được sự hoà thuận giữa 2 bên tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng như sau khi tranh chấp được giải quyết xong. Hoà giải có thể được thực hiện trong thủ tục tố tụng Toà án hoặc trọng tài viên. Hoà giải còn có thể được thực hiện thông qua các tổ chức hoà giải ở cơ sở theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày 25/12/1998. Hoà giải cũng có thể được thực hiện thông qua bất kỳ một bên thứ ba nào và không theo một thủ tục bắt buộc nào.

Hoà giải trong thủ tục tố tụng được quy định ngay tại các văn bản pháp luật tố tụng đó và được coi là một trình tự bắt buộc trừ một số trường hợp đặc biệt, vì vậy được quy định tương đối chặt chẽ về trình tự, thủ tục tiến hành cũng như hiệu lực của các biên bản hoà giải.

Theo pháp luật hiện hành, hoà giải trong thủ tục tố tụng được tiến hành khi một trong các bên tranh chấp đã gửi đơn khởi kiện đến Toà án hoặc Trọng tài yêu cầu giải quyết tranh chấp. Hoà giải là một thủ tục bắt buộc đối với cả Toà án và Trọng tài. Toà án và Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp sau khi đã tiến hành hoà giải mà không thành trừ một số tranh chấp mà pháp luật quy định không được hoà giải hoạc không thể hoà giải. Khi tiến hành hoà giải chỉ cần một thẩm phán hoặc trọng tài viên làm người hoà giải. Nếu hoà giải thành thì thẩm phán hoặc trọng tài viên lập biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành có hiệu lực như là phán quyết của Toà án hoặc Trọng tài nếu trong thời hạn do pháp luật quy định, các bên không thay đổi ý kiến đã thoả thuận.

Nhằm khuyến khích các bên hoà giải trong quá trình tố tụng, pháp luật quy định việc giảm án phí nếu hoà giải thành.

Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở quy định: hoà giải "là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ" (Điều 1). Tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở các thôn, xóm, bản... để thực hiện việc hoà giải. Tổ hoà giải có tổ trưởng và tổ viên do nhân dân bầu và Uỷ ban nhân dân xã, phường công nhận (Điều 7). Việc hoà giải có thể được tiến hành theo sáng kiến của tổ trưởng, tổ viên Tổ hoà giải hoặc theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Việc hoà giải cũng có thể được tiến hành theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác (Điều 10). Hoà giải được tiến hành bằng lời nói và nếu các bên yêu cầu hoặc đồng ý thì được lập biên bản (Điều 13).

Hoà giải ở cơ sở là bắt buộc trước khi yêu cầu Toà án cho ly hôn.

b. Giải quyết tranh chấp dân sự thông qua tài phán toà án.

Pháp luật liên quan đến việc giải quyết tranh chấp dân sự thông qua con đường Toà án bao gồm:

- Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992.

- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989.

- Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993.

Tổ chức bộ máy.

Toà án ở Việt Nam không được tổ chức theo thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm như phần lớn các nước trên thế giới mà được tổ chức theo địa giới hành chính. Toà án được tổ chức ở 3 cấp hành chính là huyện, tỉnh và trung ương. ở cấp huyện, Toà án chỉ xét xử theo trình tự sơ thẩm các vụ án dân sự nhưng ở cấp tỉnh và trung ương, Toà án có cả thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Thẩm quyền.

Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự trừ những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh.

Toà án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án dân sự khi đương sự là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sống ở nước ngoài, các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp và các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của cấp huyện mà cấp tỉnh lấy lên để xét xử.

Trong trường hợp đặc biệt, Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà Toà án tối cao lấy lên để xét xử.

Các nguyên tắc cơ bản của thủ tục tố tụng dân sự.

- Nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự.

Đây là nguyên tắc cơ bản và đặc trưng của tố tụng dân sự, dựa trên cơ sở tự do hợp đồng theo pháp luật. Theo nguyên tắc này đương sự có toàn quyền trong việc quyết định có đưa tranh chấp của mình ra khởi kiện trước Toà án hay không. Nhà nước không tự đưa các tranh chấp của đương sự ra Toà án để xét xử, trừ trường hợp hết sức đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi công. Đương sự có toàn quyền trong việc rút đơn kiện, thay đổi nội dung đơn kiện hoặc hoà giải với nhau trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ kiện. Toà án không xét xử ngoài phạm vi yêu cầu của đương sự.

- Nguyên tắc đương sự tự chứng minh.

Đây cũng là nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của tố tụng dân sự. Các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án xét xử dựa trên các chứng cứ mà đương sự đưa ra. Chỉ khi cần thiết Toà án mới thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Trình tự và thủ tục thu thập chứng cứ do pháp luật quy định.

- Nguyên tắc ưu tiên hoà giải:

Nguyên tắc này dựa trên cơ sở của nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, các đương sự hoàn toàn có quyền hoà giải với nhau bất kỳ lúc nào và Toà án phải tôn trọng sự hoà giải của đương sự. Toà án chỉ tiếp tục giải quyết vụ án nếu hoà giải không thành. Đặc biệt hơn, pháp luật còn quy định trách nhiệm của Toà án trong việc hoà giải giữa các bên đương sự. Toà án có trách nhiệm hoà giải trước khi xét xử trừ những trường hợp không thể tiến hành hoà giải được hoặc pháp luật quy định không được hoà giải.

Ngoài các nguyên tắc đặc trưng riêng có của tố tụng dân sự, các nguyên tắc chung của hoạt động xét xử cũng được áp dụng như các nguyên tắc: xét xử tập thể và quyết định theo đa số; khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xét xử liên tục, công khai...

Thi hành án dân sự:

Thi hành án dân sự được giao cho cơ quan thi hành án dân sự thành lập ở 2 cấp tỉnh và huyện. Việc thi hành án do các chấp hành viên tiến hành. Cũng xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, pháp luật quy định chỉ khi có đơn yêu cầu của người được thi hành thì bản án, quyết định dân sự của Toà án mới được đưa ra thi hành, trừ một số trường hợp đặc biệt. Trước khi cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên phải ấn định thời hạn để bên phải thi hành án tự nguyện thi hành. Nếu không tự nguyện thi hành án thì có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau:

- Kê biên và bán đấu giá tài sản;

- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

- Trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ;

- Cưỡng chế giao đồ vật, nhà;

Cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm.

 

 

2. Pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh tế.

Cũng như tranh chấp dân sự, trên thực tế tranh chấp kinh tế được giải quyết bằng rất nhiều hình thức. Tuy nhiên pháp luật mới chỉ quy định 3 hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế cơ bản là : hoà giải, Trọng tài và Toà án.

a. Giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua hoà giải.

Đây là hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế rất phổ biến không những ở nước ta mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Hiện nay pháp luật nước ta cũng mới chỉ quy định một số nội dung liên quan đến hoạt động hoà giải tại Trọng tài, Toà án và tổ chức hoà giải ở cơ sở (như đã trình bày ở trên) mà chưa quy định các trình tự, thủ tục cũng như hiệu lực của các thoả thuận trong các hình thức hoà giải khác.

b. Giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua tài phán trọng tài.

Trọng tài phi Chính phủ là một hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế được các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đặc biệt ưa chuộng. ở nước ta, tuy mới bước đầu hội nhập vào các nền kinh tế thị trường song chúng ta đã bước đầu thiết lập được khung pháp luật cơ bản về Trọng tài.

Các văn bản pháp luật về Trọng tài ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

- Nghị định số 116-CP ngày 5/9/1994 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế Việt Nam.

- Điều lệ tổ chức Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 204-TTg ngày 18/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ).

- Quyết định số 114-TTg ngày 16/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh tế của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Về tổ chức bộ máy.

Các nước trên thế giới đều phổ biến tồn tại 2 hình thức Trọng tài: Trọng tài vụ việc (adhoc) và Trọng tài có cơ quan thường trực (Trung tâm Trọng tài). Do nhiều yếu tố đặc biệt là các yếu tố về lịch sử, nước ta không tồn tại Trọng tài vụ việc là hình thức Trọng tài xuất hiện trước nhưng lại có đến 2 loại Trọng tài thường trực với 2 khuôn khổ pháp lý khác nhau. Đó là các Trung tâm Trọng tài kinh tế hoạt động theo Nghị định 116 và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam hoạt động theo Quyết định 204 và 114.

Các Trung tâm Trọng tài kinh tế do các Trọng tài viên tự thành lập sau khi có giấy phép của Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng có thẩm quyền đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép của Trung tâm Trọng tài kinh tế. Thẻ Trọng tài viên do Bộ trưởng Bộ tư pháp cấp và thu hồi. Các Trung tâm phải báo cáo thường kỳ về hoạt động với Sở tư pháp nơi Trung tâm đặt trụ sở. Mức thu lệ phí của các Trung tâm này được ấn dịnh theo khung lệ phí do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính quy định.

Còn Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam được thành lập bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và ban hành điều lệ, Trọng tài viên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công nhận. Mức thu lệ phí do Hội đồng quản trị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam quy định.

Về thẩm quyền.

Điều 1 Nghị định 116 quy định: "Trọng tài kinh tế là tổ chức xã hội, nghề nghiệp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế; các tranh chấp giữa công ty với thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty; các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu.

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam có thẩm quyền: ..."xét xử các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ kinh tế quốc tế như các hợp đồng mua bán ngoại thương, các hợp đồng đầu tư, du lịch, vận tải và bảo hiểm quốc tế, chuyển giao công nghệ, tín dụng và thanh toán quốc tế.v.v...". Sau đó Thư ký chính phủ đã cho phép Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam được mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những quan hệ kinh doanh trong nước.

Về thủ tục tố tụng.

Thủ tục tố tụng của cả 2 loại Trọng tài ở Việt Nam về cơ bản tương đối gần gũi với pháp luật về Trọng tài của các nước và Luật mẫu của Liên hợp quốc năm 1985 dựa trên nguyên tắc: tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, mềm dẻo và linh hoạt, không chính thức và không công khai, phán quyết một lần và có hiệu lực ngay, các đương sự không có quyền kháng cáo hoặc khiếu nại quyết định Trọng tài,...

c. Giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua tài phán toà án.

 

Các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua Toà án bao gồm: (1) Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 2/12/1993; (2) Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Về cơ bản, pháp luật quy định về việc giải quyết các tranh chấp kinh tế thông qua Toà án cũng tương tự như các quy định về giải quyết các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên do tính chất khác nhau giữa tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự nên cũng có một số điểm khác nhau nhất định.

- Về thẩm quyền, Toà án cấp huyện chỉ giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế có giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài; các tranh chấp còn lại đều thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh. Trong khi đó Toà án cấp huyện lại giải quyết hầu hết các vụ án dân sự không giới hạn giá trị tranh chấp.

- Về thẩm quyền sơ thẩm đồng thời chung thẩm của Toà án nhân dân tối cao chỉ áp dụng đối với các tranh chấp dân sự mà không áp dụng đối với các tranh chấp kinh tế.

- Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm, đối với các vụ án kinh tế là 2 thẩm phán và 1 hội thẩm; đối với vụ án dân sự là 1 thẩm phán và 2 hội thẩm.

- Về thời hạn và thời hiệu: Tất cả các thời hạn và thời hiệu trong tố tụng kinh tế đều được quy định ngắn hơn so với thời hạn và thời hiệu tương ứng của tố tụng dân sự. Điều này xuất phát từ yêu cầu cần giải quyết nhanh chóng các tranh chấp kinh tế để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng tiêu cực từ các tranh chấp gây ra.

B. thực trạng giải quyết các tranh chấp dân sự- kinh tế ở nước ta

1. Tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự.

Theo số liệu thống kê, các tranh chấp dân sự được đưa đến Toà án giải quyết vẫn tiếp tục hàng năm. Năm 1999 Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý 129.215 vụ án dân sự, tăng 14.197 vụ (13,1%) so với năm 1998, trong đó Toà án cấp huyện thụ lý 124,147 vụ, chiếm gần 97% trong tổng số án đã thụ lý. Toà án cấp tỉnh thụ lý 5.068 vụ, chỉ chiếm gần 3%.

Toà án đã giải quyết 92.441 vụ chỉ đạt lỷ lệ 71,54% so với tổng số án đã thụ lý. Tuy nhiên, số án đã giải quyết cũng đã tăng đến 29,9% so với năm 1998. Trong tổng số án đã giải quyết, các Toà án đã hoà giải thành được 27.519 vụ chiếm tới gần 30%.

Toà án cấp phúc thẩm thụ lý 12.849 vụ có kháng cáo, kháng nghị, chiếm 13,89% tổng số vụ án đã xét xử sơ thẩm. Toà án đã xét xử phúc thẩm 9.428 vụ đạt 73,37% trong đó Toà án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm đạt khoảng 78,9%; Toà án tối cao đạt 27,63%. Trong số các vụ án đã xử, Toà án cấp phúc thẩm phải sửa án hoặc huỷ án tới hơn 40%. Đây là một tỷ lệ khá lớn.

Toà án cấp giám đốc thẩm trong năm qua đã thụ lý 943 vụ, chiếm khoảng hơn 1% so với tổng số án đã xét xử sơ thẩm. Số án cấp giám đốc thẩm thụ lý là thấp, chỉ bằng 20-25% số đơn mà các đương sự yêu cầu.

2. Tình hình giải quyết các tranh chấp kinh tế.

Trong năm 1999, Toà án cấp sơ thẩm đã thụ lý 1.280 vụ án kinh tế, giảm 2 vụ so với năm 1998. ở hầu hết các địa phương án kinh tế mà Toà án thụ lý đều giảm, ngược lại một số thành phố kinh tế trọng điểm thì số vụ án kinh tế lại tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn so với cả nước. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có 735 vụ án kinh tế được Toà án thụ lý, chiếm 57,4% tổng số án kinh tế đã thụ lý của cả nước. Các Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết 1.010 vụ, đạt 78,9%, trong đó hoà giải thành 552 vụ bằng 54,6%. Toà án cấp phúc thẩm đã thụ lý 206 vụ trong đó phần lớn là ở Toà án tối cao, 204 vụ. Toà án cấp tỉnh chỉ thụ lý 2 vụ. Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đã xét xử 111 vụ, đạt 54,4% trong đó sửa và huỷ án 63 vụ, chiếm tới 56,75%. Cũng trong năm 1999, Toà kinh tế Toà án nhân dân tối cao và Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã thụ lý 26 vụ án kinh tế và đã giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm 21 vụ, trong đó sửa và huỷ án 17 vụ, chiếm gần 81%. Có vụ đã lên tới Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm (ba lần giám đốc thẩm).

c. Đánh giá chung về việc giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế ở nước ta

Nhằm thực hiện cơ chế quản lý kinh tế mới theo các nguyên tắc của thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù mới qua một thời gian ngắn những chúng ta đã bước đầu thiết lập được một hệ thống pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán và cả ý thức pháp luật của nhân dân ta. Hệ thống pháp luật đó không những bảo đảm quyền và lợi ích của mọi người dân, của các nhà kinh doanh mà còn khuyến khích sản xuất- kinh doanh phát triển, góp phần bảo đảm "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh".

Tuy vậy, hệ thống pháp luật nước ta về giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế cần được nghiên cứu và hoàn thiện.

1. Như đã trình bày ở phần trên, khi có tranh chấp các bên thường tìm kiếm các hình thức giải quyết sao cho đỡ lãng phí, tốn kém cho mình, giữ được uy tín và mối quan hệ tốt với bên đối tác đồng thời vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, trên thực tế có rất nhiều hình thức giải quyết tranh chấp, pháp luật cần điều chỉnh các quan hệ đó để hướng dẫn, định hướng các quan hệ nhằm phát huy tính hiệu quả của các hình thức giải quyết tranh chấp này. Hơn nữa, nếu chúng ta làm tốt công việc này sẽ hạn chế bớt mức độ quá tải trong hoạt động của các cơ quan tài phán, đặc biệt là Toà án các cấp. Trước mắt cần hoàn thiện pháp luật về hoà giải trong giải quyết tranh chấp dân sự và kinh tế, chú trọng các hình thức hoà giải ngoài tố tụng và hiệu lực của biên bản hoà giải thành. Theo chúng tôi khi đã hoà giải thành thì cần được lập thành biên bản và biên bản này có hiệu lực thi hành. Nếu 1 bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có thể yêu cầu Toà án ra quyết định thi hành chứ không phải khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp nữa. Pháp luật tố tụng dân sự sẽ quy định thủ tục công nhận và cho thi hành các biên bản hoà giải thành.

2. Chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế mà bằng chứng là chúng ta chưa có văn bản pháp luật của cơ quan lập pháp ban hành về vấn đề này ngoại trừ Luật tổ chức Toà án nhân dân. Các văn bản về giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế đại đa số được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định... nên giá trị pháp lý không cao lại dễ mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho việc áp dụng. Cũng bởi vì được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh, Nghị định... nên các văn bản này không thể quy mô, đồ sộ như Luật, Bộ luật,... và như vậy không thể quy định đầy đủ, chi tiết hết tất cả các nội dung cần thiết được. Thông thường Bộ luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới có tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn điều luật. Trong khi đó, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự của nước ta chỉ có 88 điều luật.

3. Các quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế nhìn chung còn rườm rà, nặng về hình thức nên chưa đáp ứng được yêu cầu năng động, linh hoạt, nhanh chóng và đơn giản của hoạt động dân sự- kinh tế mà đặc biệt là quan hệ kinh tế. Do chúng ta chưa quy định thủ tục rút gọn nên nhiều sự việc giản đơn, rõ ràng cũng không thể được giải quyết nhanh chóng theo một thủ tục riêng mà vẫn phải áp dụng thủ tục chung nặng nề, phức tạp và tốn kém.

4. Các quy định về thi hành án dân sự cũng còn nhiều mâu thuẫn và chồng chéo, đặc biệt là việc thi hành các bản án kinh tế và quyết định trọng tài. Điều 88 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: "Bản án, quyết định của Toà án về vụ án kinh tế được thi hành theo Pháp lệnh thi hành án dân sự", song vì được ban hành trước nên Pháp lệnh thi hành án dân sự không quy định cụ thể về việc thi hành các vụ án kinh tế nên gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng. Còn việc thi hành quyết định Trọng tài thì hầu như bỏ ngỏ loại trừ quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Trên thực tế, khi có quyết định của Trọng tài nếu một bên không tự nguyện thi hành thì hoặc là phải khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ kiện hoặc là... bỏ cuộc. Chính vì vấn đề này mà hình thức giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài vốn rất được ưa chuộng trên thế giới nhưng lại rất ít khi được các bên tranh chấp ở Việt Nam lựa chọn.

5. Trên thực tế, việc phân biệt tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh tế không được quy định rõ ràng về mặt pháp luật, gây khó khăn cho cả đương sự và cơ quan thụ lý. Điều này lại càng đặc biệt nghiêm trọng khi pháp luật lại có những quy định rất khác nhau về hai loại hợp đồng kinh tế và dân sự và từ đó dẫn tới những kết quả khác nhau khi giải quyết tranh chấp ở Toà án dân sự hay Toà án kinh tế.

6. Qua số liệu được nêu ở phần trên chúng ta thấy rằng chất lượng xét xử các tranh chấp dân sự- kinh tế chưa cao. Số lượng án bị cải, sửa hoặc huỷ ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm là quá cao. Nhiều vụ án kéo dài do sự không thống nhất trong nhận định và đánh giá chứng cứ và cả trong áp dụng pháp luật giữa các cấp Toà án. Có trường hợp cùng một Hội đồng xét xử, cùng một Toà án nhưng lại có 2 cách giải quyết khác nhau đối với những tranh chấp tương tự nhau. Những điều này thực sự đã làm giảm lòng tin đối với cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự-kinh tế.

7. Về tổ chức- bộ máy của các cơ quan giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế cũng đã bộc lộ những bất hợp lý. Việc tồn tại hai loại Trọng tài với hai khuôn khổ pháp lý khác nhau đã tạo sự bất bình đẳng và gây khó khăn trong hoạt động trọng tài. Việc thành lập Toà kinh tế ở tất cả các địa phương cũng không phù hợp, dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong khi số tranh chấp dân sự- kinh tế đang tăng nhanh.

II- Một số vấn đề về hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế nhằm khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế hiện nay

 

Sự hạn chế và yếu kém trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự- kinh tế là một trong những nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế. Khi phát sinh tranh chấp, mà điều này là không thể tránh khỏi, các bên luôn mong muốn tranh chấp được giải quyết khẩn trương, kịp thời và đúng pháp luật; bảo vệ được quyền và lợi ích của mình đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển bình thường không bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng tiêu cực từ tranh chấp. Nếu các mục tiêu trên không đạt được, các bên tranh chấp tất yếu sẽ tìm kiếm một hình thức khác nhanh chóng và hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc đôi khi chỉ là bảo vệ danh dự, bảo vệ việc làm đúng của bản thân. Hình sự hoá, với ý nghĩa là giải quyết các tranh chấp dân sự- kinh tế bằng các cơ quan tố tụng hình sự và pháp luật tố tụng hình sự có thể đáp ứng được yêu cầu đó của các bên tranh chấp. Vì vậy, một khi mà việc giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế bằng các phương thức của chính mình không đạt được thì tình trạng "hình sự hoá" các tranh chấp dân sự- kinh tế là tất yếu. Tình trạng này sẽ càng phổ biến hơn trong điều kiện kinh tế xã hội nước ta khi mà trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế, hệ thống pháp luật, ý thức pháp luật và cả các thiết chế pháp luật chưa theo kịp được sự phát triển nhanh chóng của tồn tại xã hội.

Để góp phần khắc phục tình trạng này cần phải hoàn thiện pháp luật giải quyết các tranh chấp dân sự- kinh tế trên một số nội dung cơ bản sau đây:

1. Như đã trình bày ở phần trên, hình thức Pháp lệnh không thể chứa đựng hết được những nội dung đồ sộ của tố tụng dân sự và kinh tế. Vì vậy, phải gấp rút ban hành Bộ luật tố tụng dân sự nhằm quy định một cách đầy đủ, chi tiết và hệ thống các trình tự và thủ tục của tố tụng dân sự- kinh tế. Có như vậy mới hạn chế được sự mâu thuẫn, chồng chéo và không cụ thể của các quy định về tố tụng dân sự- kinh tế, tạo điều kiện để áp dụng pháp luật dễ dàng hơn. Bộ luật cần quy định cả thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, thủ tục công nhận và cho thi hành các quyết định của Trọng tài (cả Trọng tài trong nước và Trọng tài nước ngoài).

Trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự cần đặc biệt chú ý một số nội dung sau:

1.1. Cần xác định rõ vị trí của các đương sự và các cơ quan Nhà nước trong tố tụng dân sự, trong đó đặc biệt đề cao quyền tự định đoạt của đương sự mà nhất là quyền xuất trình chứng cứ và chứng minh. Toà án chỉ kiểm tra tính hợp pháp của chứng cứ mà các bên đưa ra chứ không được thu thập chứng cứ. Tránh tình trạng như hiện nay, Toà án làm thay các bên trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh. Viện kiểm sát chỉ tham gia trong những trường hợp đặc biệt. Có như vậy mới bảo đảm tính khách quan trong việc giải quyết tranh chấp dân sự- kinh tế. Cần từng bước thay thế thủ tục thẩm vấn (thẩm phán hỏi đương sự trả lời) bằng thủ tục tranh tụng (các đương sự, thường uỷ quyền cho luật sư, đưa ra chứng cứ chứng minh và tranh luận với nhau, còn thẩn phán chỉ nghe và quyết định). Cần nghiên cứu và cho phép đương sự được quyền kháng cáo phá án (giám đốc thẩm) chứ không nên để cơ quan và nhân viên Nhà nước thực hiện như hiện nay sẽ dễ vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự. Hơn nữa, với lực lượng cán bộ như hiện nay, cả Toà án và Viện kiểm sát đều không thể thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thời hạn kháng cáo giám đốc thẩm cũng nên rút ngắn lại, khoảng một tháng chứ không nên để quá dài (3 năm) như hiện nay.

1.2. Cần xây dựng thủ tục rút gọn để giải quyết các tranh chấp rõ ràng, bị đơn không phản đối món nợ (chủ yếu là các quan hệ vay tài sản) nhằm giải quyết nhanh chóng vụ án. Trên thực tế những loại tranh chấp này rất dễ dẫn đến việc hình sự hoá vì chủ nợ do lo ngại về việc theo kiện lâu dài, mất thời gian và công sức nên đã "nhờ" các cơ quan hình sự can thiệp. Xây dựng được thủ tục này sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế hiện nay.

1.3. Một trong những lý do để hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài ít được lựa chọn chính là việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và cưỡng chế thi hành quyết định trọng tài. Vì là tổ chức phi chính phủ nên trọng tài không có quyền lực công và đương nhiên không được áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, những biện pháp hạn chế một số quyền công dân trong lĩnh vực tài sản mặc dù trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, khi thụ lý vụ kiện nếu xét thấy cần áp dụng một trong các biện pháp này Trọng tài phải "nhờ" Toà án- một cơ quan công quyền, giúp đỡ. Sau khi ra phán quyết Trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án công nhận và cho thi hành quyết định Trọng tài. Hiện nay pháp luật nước ta đã quy định Toà án công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài nhưng lại chưa có những quy định tương tự đối với Trọng tài trong nước.

1.4. Để tránh vụ án dân sự- kinh tế bị kéo dài do quay vòng nhiều lần, cần cho phép Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyết định một số vấn đề thuộc nội dung vụ kiện và Hội đồng xét xử cấp dưới phải tuân theo. Cần nghiên cứu để hạn chế bớt cấp giám đốc thẩm, không nên quy định có tới 4 cấp giám đốc thẩm như hiện nay.

2. Về mô hình tổ chức các cơ quan tài phán dân sự- kinh tế cũng cần được nghiên cứu lại cho hợp lý, đặc biệt là cơ quan tài phán kinh tế. Hiện nay án kinh tế chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, trọng điểm về kinh tế, còn phần lớn các địa phương khác số lượng án kinh tế thụ lý rất ít thậm chí có địa phương từ khi thành lập đến nay chưa thụ lý một vụ án kinh tế nào. Vì vậy, để tránh lãng phí nên chăng chỉ thành lập Toà kinh tế ở một số vùng có số lượng thụ lý lớn tiến tới thành lập Toà án theo thẩm quyền chứ không theo địa giới hành chính như hiện nay.

Về Trọng tài, cần thống nhất các văn bản riêng biệt về các loại Trọng tài bằng việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật chung về Trọng tài. Cần tạo điều kiện hỗ trợ để Trọng tài hoạt động có hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho Toà án. Cùng với việc sắp xếp, kiện toàn về mặt tổ chức, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán Toà án. Có chế độ chính sách thích hợp để tạo điều kiện cho các thẩm phán độc lập trong xét xử, tránh bị ảnh hưởng từ các quan hệ hoặc lợi ích khác. Đồng thời cần có các biện pháp xử lý thích đáng đối với các thẩm phán đã ra các bản án trái pháp luật, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, kinh doanh và toàn thể nhân dân vào sự công minh của các cơ quan tài phán dân sự- kinh tế, từng bước khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế hiện nay.

 

Chuyên đề 10: Hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế: nhận diện và các giải pháp khắc phục.

Đinh Mai Phương - Nguyễn Văn Cương

Viện NCKH Pháp lý-Bộ Tư pháp

 

Thời gian vừa qua, hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về hiện tượng này cũng như phân tích các nguyên nhân, tìm ra giải pháp để khắc phục. Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề kể trên, chúng tôi xin đóng góp và làm rõ một số ý kiến như sau.

 

Về cách quan niệm về hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế.

 

Đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được đích xác thời điểm cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế" hoặc "hình sự hoá các quan hệ dân sự-kinh tế" lần đầu tiên được sử dụng và ai là tác giả của cụm từ này. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, cụm từ này mới chỉ xuất hiện từ khoảng vài năm trở lại đây. Và cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên hay không nên sử dụng cụm từ này, đồng thời cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cách hiểu của cụm từ này như các tham luận của các đồng chí đã đề cập đến trước đây. Chúng tôi đồng ý rằng, cách hiểu về "hình sự hoá" trong cụm từ kể trên không giống với cách hiểu thuật ngữ "hình sự hoá" (vốn hay được sử dụng cùng với các thuật ngữ tội phạm hoá, phi tội phạm hoá và phi hình sự hoá) trong khoa học pháp lý truyền thống. Mà cụm từ "hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế" được sử dụng để mô tả một hiện tượng hoặc hành vi của cơ quan tố tụng đã dùng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp kinh tế-dân sự, xử lý các vi phạm pháp luật dân sự-kinh tế không cấu thành tội phạm bằng pháp luật hình sự. Như vậy cụm từ này được dùng để chỉ các trường hợp oan sai trong áp dụng pháp luật hình sự.

 

Tuy nhiên, hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế không ám chỉ tất cả các trường hợp làm oan người vô tội, áp dụng sai pháp luật hình sự. Trong phạm vi chúng tôi sưu tập được, các trường hợp được coi là hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế (hơn chục vụ án - làm phụ lục cho tham luận này được sưu tập từ báo chí, một số công trình nghiên cứu hoặc Báo cáo tổng kết ngành Toà án từ năm 1997-1998-1999) đều là các trường hợp mà bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai về các tội xâm phạm tài sản có tính chất chiếm đoạt, cụ thể là các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế chỉ là một dạng của các trường hợp làm oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tố tụng.

 

Hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế chỉ là hành vi của các cơ quan tố tụng hình sự (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án).

 

Bản chất của hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Sai lầm này bắt nguồn từ việc đánh giá sai lầm tính chất pháp lý của hành vi bị đưa ra xử lý. Sự sai lầm này có thể là do vô ý hoặc do các cơ quan tố tụng cố ý tiến hành.

 

Từ những phân tích như vậy, có thể tạm đưa ra khái niệm "hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế" như sau: "hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế"là hành vi áp dụng pháp luật hình sự một cách sai lầm của cơ quan tố tụng, theo đó các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử hình sự về các tội danh xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt đối với người tham gia giao dịch dân sự-kinh tế.

 

 

Khái niệm đó cũng ám chỉ rằng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế là sự can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự-kinh tế, do đó xâm hại tới các quan hệ dân sự-kinh tế. Vì thế chống hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế là chính là một trong những biện pháp bảo vệ các giao dịch dân sự-kinh tế.

 

2. Về những tác động tiêu cực của hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế.

 

Đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập khá toàn diện những tác động tiêu cực của hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế mà chúng ta đã và sẽ được tham khảo như:

 

- Hình sự hoá trước hết gây nhiều hậu quả tiêu cực, khó lường và không dễ gì khôi phục được đối với người bị hình sự hoá cả về mặt nhân thân và tài sản. Chẳng hạn trong vụ án Terry Lee đăng trên Báo pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/10/2000 vừa qua, do bị hình sự hoá mà Terry Lee đã bị khởi tố, điều tra hơn 2 năm, bị tạm giam 8 tháng. Ngoài ra, Lee đã cho biết "trong thời gian tôi bị bắt, bị điều tra tại Việt Nam, hai năm trời gia đình tôi ở bên kia không có tiền chi tiêu, nên đã tan đàn xẻ nghé. Vợ tôi đi lấy chồng khác. Ba đứa con một đứa bỏ nhà đi đâu không biết, một đứa bị tai nạn giao thông, đứa nhỏ nhất phải bỏ học".

 

- Doanh nghiệp bị hình sự hoá thì mất người điều hành có năng lực, mất uy tín kinh doanh, bạn hàng từ chối làm ăn. Hầu hết các doanh nghiệp bị hình sự hoá đều lâm vào tình trạng lao đao, thậm chí phá sản, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp mất cơ hội làm ăn kinh doanh và đôi khi còn gây ra thiệt hại có tính chất dây chuyền không thể bồi thường và khắc phục được.

 

Ngày nay, trong xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới, các giao dịch dân sự-kinh tế không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ quốc gia mà ngày càng nhiều quan hệ dân sự-kinh tế (quan hệ thương mại, đầu tư) có yếu tố nước ngoài được thiết lập trên lãnh thổ Việt Nam. Đã xảy ra tình trạng giao dịch dân sự-kinh tế nội địa bị hình sự hoá thì cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế, nhất là các quan hệ thương mại-đầu tư có yếu tố nước ngoài. Thực tiễn đã chứng minh điều đó. Vụ án James Chor Hang Chow và Vụ án Terry Lee và Daso (Đăng trên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 29/4/2000 và ngày 3/10/2000) là hai ví dụ điển hình minh chứng cho nhận xét trên đây. Do đó, hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế còn có một tác hại không thể không tính đến là làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam, là một tác nhân cản trở việc thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cản trở tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Nếu hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế không sớm được khắc phục triệt để, chẳng mấy chốc, vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam về vốn đầu tư nước ngoài. Và rất có thể hiện tượng này trở thành chủ điểm trong các cuộc hội đàm quốc về về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với thế giới.

 

Có thể nói, kinh doanh tại Việt Nam hiện nay ngoài các rủi ro của nền kinh tế thị trường như lạm phát, hối đoái... thì doanh nghiệp, doanh nhân còn phải chịu một loại rủi ro nữa đó là rủi ro hình sự hoá.

 

3. Về nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế.

Hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế tuy không phải là sản phẩm riêng của qúa trình chuyển đổi, song phải khẳng định rằng, trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế có cơ hội bộc lộ rõ nét nhất và gây được sự chú ý nhất của dư luận xã hội, nhất là phía báo chí. Diễn biến này vừa mang dấu hiệu đáng mừng vừa mang dấu hiệu đáng lo.

Đáng mừng là ở điểm, sự lên án mạnh mẽ của báo chí đối với hiện tượng hình sự hoá cho thấy giới doanh nghiệp đã được xã hội chú ý, bảo vệ hơn so với thời kỳ trước đó và ý thức pháp luật của dư luận được nâng cao đáng kể, nhất là ý thức đòi hỏi sự đối xử công bằng từ phía Nhà nước đối với người dân. Điều đáng lo là ở điểm, sự tồn tại và diễn biến ngày một phức tạp của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế bộc lộ rằng pháp luật, nền tư pháp (bộ máy duy trì công lý) của chúng ta có vấn đề, bất cập, chưa theo kịp với quá trình đổi mới kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu (và gắn liền với nó là chuyển đổi trong tư duy pháp lý, trong ý thức pháp luật của người dân). Bên cạnh đó, sự chưa khắc phục được triệt để tình trạng hình sự hoá cũng cho thấy chúng ta vẫn chưa tìm được ranh giới hợp lý của việc Nhà nước can thiệp vào đời sống kinh tế, can thiệp vào ý chí của các chủ thể, quan hệ dân sự-kinh tế. Các nhà kinh tế đã có lý khi cho rằng để duy trì và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, chỉ để mặc bàn tay vô hình điều chỉnh thôi thì không đủ, mà cần phải có bàn tay quản lý, điều hành của Nhà nước, tuy nhiên cũng như bàn tay vô hình, bàn tay quản lý của Nhà nước cũng có khuyết tật. Và chính hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế thời gian qua là một trong những khuyết tật ấy của bàn tay Nhà nước tác động vào quan hệ kinh tế. Sự tồn tại của hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế chứng tỏ rằng chúng ta chưa tìm được cơ chế hợp lý để hạn chế mặt trái của việc dùng luật hình sự điều chỉnh, quản lý xã hội.

Với những phân tích kể trên, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế là hiện tượng rất phức tạp và có tác hại không nhỏ đối với xã hội và quá trình đổi mới ở Việt Nam. Đồng thời, với tư cách là một hiện tượng pháp lý sinh động, hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cải cách nền tư pháp nước ta. Vì thế, để khắc phục triệt để hiện tượng này sẽ là một yêu cầu bức xúc trong thời gian tới song không hề là vấn đề đơn giản.

Để khắc phục được hiện tượng kể trên, trước hết phải nhận thức đầy đủ và toàn diện nguyên nhân gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế. Đây là vấn đề được nhiều nhà khoa học đề cập chi tiết, chúng tôi chỉ phân tích, làm rõ một số bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ nhất là những bất cập trong pháp luật hình sự. Trước đây, không ít nhà nghiên cứu cho rằng, hình sự hoá là do các cấu thành tội phạm về lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 qúa chung chung và có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Liệu Bộ luật hình sự năm 1999 có khắc phục được điểm này. Khi nghiên cứu các Điều 139, 140 BLHS năm 1999 tương ứng với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chúng tôi thấy các điều luật này vẫn chưa được quy định rõ ràng. Chẳng hạn theo Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý:

- Chiếm đoạt tài sản của người khác được giao nhận theo hợp đồng với bất kỳ thủ đoạn nào.

- Sử dụng tài sản của người khác được giao nhận theo hợp đồng vào mục đích bất hợp pháp.

Vấn đề đặt ra là liệu hợp đồng trong điều luật kể trên có phải có hiệu lực pháp lý hay không? nếu cần thì trong trường hợp hợp đồng vô hiệu sẽ xử lý theo các hình thức của tội nào? rồi thế nào là sử dụng tài sản một cách bất hợp pháp, liệu sử dụng sai với mục đích trong hợp đồng vay mượn có thoả mãn dấu hiệu về hành vi trong tội danh kể trên không? đây là những vấn đề cần được sớm hướng dẫn.

Thứ hai, bản thân pháp luật điều chỉnh giao dịch dân sự-kinh tế còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp không đủ khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể tham gia quan hệ. Chẳng hạn, việc tồn tại sự chồng chéo giữa Bộ luật dân sự (các quy phạm về hợp đồng) với Luật thương mại và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế đang gây khó khăn không nhỏ cho việc chọn quy phạm luật nội dung và chọn thủ tục giải quyết tranh chấp để áp dụng khi có xảy ra tranh chấp hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại của các cơ quan tài phán (kể cả trọng tài kinh tế). Tình trạng đó làm cho nhiều vụ việc bị đùn đẩy, dây dưa hoặc phải trải qua nhiều cấp xét xử mà vẫn chưa đi đến phán quyết cuối cùng khiến cho không ít doanh nghiệp mất niềm tin vào việc yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi của mình bị xâm phạm khi tham gia giao dịch dân sự-kinh tế. Thêm vào đó, sự bất cập trong pháp luật về trọng tài của chúng ta hiện nay (đặc biệt là việc không công nhận phán quyết của trọng tài kinh tế, kể cả trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong khi lại xem xét và công nhận để cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài) cũng khiến cho không ít doanh nghiệp thiếu niềm tin vào việc dùng phương thức giải quyết của luật tư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Vụ Terry Lee trong phụ lục của bài tham luận này là một ví dụ điển hình. Trong vụ án này, do Công ty Gremont đã không thực thi phán quyết của VIAC bồi thường cho công ty TNHH Daso nên Công ty Daso đã làm đơn tố cáo ra cơ quan điều tra và Terry Lee, người có liên quan đến vụ việc này đã bị khởi tố oan.

 

4. Về các giải pháp chống hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế.

 

Để giải quyết triệt để tình trạng hình sự hoá, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cả trước mắt và cả lâu dài. Dưới đây, chúng tôi chỉ nêu một vài khuyến nghị về giải pháp cần sớm thực hiện trong thời gian tới:

- Một là, sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng những điều trong Bộ luật hình sự mà thường xuyên bị áp dụng oan sai trong việc hình sự hoá các giao dịch dân sự trong thời gian qua như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sử dụng trái phép tài sản (Điều 139, 140, 141, 142 BLHS năm 1999).

- Hai là, sớm khắc những bất cập trong pháp luật về dân sự-kinh tế-thương mại cũng như các quy phạm tố tụng tương ứng để nâng cao hiệu lực của pháp luật dân sự-kinh tế-thương mại, nâng cao chất lượng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thông qua tố tụng dân sự-kinh tế. Cụ thể, cần nghiên cứu, pháp điển hoá, tiến tới hợp nhất các quy phạm pháp luật về hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Đồng thời cần sớm ban hành Bộ Luật tố tụng dân sự trong đó hợp nhất thủ tục giải quyết vụ án kinh tế với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, quy định việc công nhận phán quyết của trọng tài kinh tế làm căn cứ yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành việc thi hành án, hợp nhất toà kinh tế với toà dân sự, coi việc phân chia các toà chỉ là việc riêng của ngành toà án, cải cách việc thụ lý vụ án theo hướng một cửa. Sớm ban hành Pháp lệnh trọng tài kinh tế để quản lý thống nhất các loại trọng tài kinh tế (có thể gọi chung là trọng tài thương mại) ở Việt Nam hiện nay.

- Ba là, sớm xây dựng cơ chế bồi thường thoả đáng, kịp thời cho doanh nghiệp, cá nhân bị oan sai do hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các án hình sự về các tội phạm dễ bị hình sự hoá để kịp thời phát hiện các trường hợp bị hình sự hoá, sớm khắc phục, sửa chữa các oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử lý thật nghiêm minh, kịp thời các cán bộ trong các cơ quan tố tụng đã có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự- kinh tế, nhất là đối với các cán bộ cố ý thực hiện hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế để trục lợi.

- Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng cố vấn pháp lý (cố vấn thường trực hoặc theo sự vụ với các công ty tư vấn pháp lý) trong hoạt động làm ăn kinh doanh để kịp thời tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm nhất là khi bị hình sự hoá các giao dịch dân sự-kinh tế.

Phụ lục của chuyên đề

Vụ Terry Lee-Daso. Đăng trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 3/10/2000. (Từ một tranh chấp hợp đồng ngoại thương đã có phán quyết bằng bản án của Trọng tài Quốc tế nhưng chưa được thi hành, bên được bồi thường đã nóng lòng gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra. Thế là từ đây tố tụng hình sự chen chân vào, khiến cho một công dân nước ngoài phải vào vòng lao lý với hơn 2 năm trời là bị can, 8 tháng bị tạm giam):

Tháng 2 năm 1997, Terry Lee, Giám đốc Phát triển hải ngoại của Công ty Gremont (Malaysia), đã đến Công ty TNHH Daso nhiều lần để thương thảo về một hợp đồng mua bán hoá chất. Terry Lee trực tiếp đàm phán với Giám đốc Daso-ông Đặng Ngọc Hoà và hai bên đã thống nhất các điều khoản về việc mua bán 500 tấn hoá chất Sodium Tripoly Phosphate. Terry Lee đã fax những kết quả đàm phán được với Daso về Công ty Gremont tại Malaysia. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Gremont đã ký và fax sang Việt Nam cho Terry Lee. Sau đó, Terry Lee chuyển bản hợp đồng đến Daso cho ông Đặng Ngọc Hoà ký. Sau khi hai người đứng đầu hai công ty ký hợp đồng, công việc của Terry Lee coi như kết thúc. Các phần việc còn lại đều do Công ty và các phòng ban tại Malaysia hoàn tất.

Theo hợp đồng, Công ty Gremont đã giao cho Daso 500 tấn hoá chất trên 3 chuyến tàu (3 lô hàng). Cứ theo lẽ thường thì ngay sau khi hàng nhập khẩu về đến cảng dỡ hàng thì người nhập khẩu phải kiểm tra phẩm chất hàng (thông qua việc giám định hàng hoá của cơ quan có chức năng giám định hàng hoá xuất nhập khẩu). Nếu phát hiện hàng nhập khẩu kém chất lượng hoặc không đúng phẩm chất theo hợp đồng thì có quyền từ chối không nhận lô hàng. Nhưng ở đây, Daso đã bỏ qua thủ tục cần thiết này, đưa ngay 500 tấn hoá chất chưa qua giám định vào sản xuất do áp lực thời hạn giao hàng theo hợp đồng xuất khẩu bột giặt qúa gấp. Trong khi chờ giám định phải mất thời gian khá dài. Kết quả là khi kiểm tra chất lượng 1500 tấn thành phẩm bột giặt xuất khẩu, Vina Control đã không cấp giấy công nhận phẩm chất hàng vì không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến lúc này, Daso mới yêu cầu cơ quan giám định chất lượng hàng hoá vào cuộc. Kết quả là cả 3 cơ quan chuyên môn được trưng cầu giám định đều kết luận 500 tấn hoá chất mà Công ty Gremont giao đều không phải là Sodium Tripoly Phosphate. Daso đã khởi kiện Công ty Gremont tại VIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) theo đúng điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương đã ký giữa 2 công ty và đòi Gremont bồi thường 1,2 triệu USD cho mình. Tại phán quyết trọng tài số 20/97 ngày 23/1/1998, VIAC đã quyết định: Buộc Công ty Gremont phải trả cho Công ty Daso 495.000USD (tương đương với giá của 500 tấn hoá chất). Phán quyết của trọng tài có hiệu lực ngay nhưng phía Công ty Gremont chưa thi hành. Vì thế, ông Đặng Ngọc Hoà đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 22/6/1998, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can Terry Lee với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân". Terry Lee bị bắt giam ngày 13/7/1998. Hết thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra vẫn không làm rõ được hành vi phạm tội của Terry Lee nên đề nghị VKSND thành phố gian hạn điều tra, tạm giam lần thứ nhất. Hết thời gian gia hạn điều tra và tạm giam lần thứ nhất, việc điều tra vẫn chưa kết thúc, Cơ quan điều tra lại xin gia hạn điều tra và tạm giam lần 2 nhưng VKSND Tối cao chỉ đồng ý cho gia hạn điều tra mà không đồng ý cho gia hạn tạm giam đối với Terry Lee bởi vì "Thấy việc thực hiện hợp đồng giữa hai bên mang tính chất hợp đồng kinh tế. Việc tạm giam đã kéo dài (8 tháng) mà tài liệu chứng minh tội phạm lừa đảo vẫn chưa rõ ràng". Trên cơ sở đó, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam cho Terry Lee và thay bằng biện pháp đặt cọc tiền bảo lãnh. Terry Lee được tại ngoại sau 8 tháng bị tạm giam tại trại giam Chí Hoà.

Hết thời hạn điều tra lần 2, Cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận về hành vi phạm tội của Terry Lee, ngày 20/8/1999 Phó Viện trưởng VKSND Tối cao lại có thêm quyết định gia hạn điều tra đặc biệt. Ngày 10/11/1999, Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra chuyển VKSND Thành phố, đề nghị truy tố Terry Lee về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân".

Nhưng VKSND Thành phố lại có quan điểm ngược lại: Terry không phạm tội, cần phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Terry Lee dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, đây là hợp đồng mua bán ngoại thương. Trong hợp đồng này hai bên ký kết đã thoả thuận điều khoản chọn VIAC giải quyết khi có vi phạm và tranh chấp. Thực tế Daso đã kiện và VIAC đã ra phán quyết vào ngày 23/1/1998 tức là tranh chấp vi phạm hợp đồng đã được giải quyết.

Thứ hai, ngay cả nếu như chưa có phán quyết của Trọng tài, cũng không thể khởi tố hình sự được vì đây là hợp đồng ngoại thương. Khi hàng vào Việt Nam, bên nhận hàng phải yêu cầu Hải quan và cơ quan chức năng giám định chất lượng. Nếu không đúng chất lượng theo hợp đồng thì không nhận, trả lại và buộc bên bán bồi thường hoặc kiện ra cơ quan trọng tài mà hai bên đã thoả thuận. Daso đã không làm việc này, lại đem số lớn hoá chất đưa vào sản xuất ngay.

Thứ ba, chủ thể của tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân" đối với Terry Lee là không chính xác bởi lẽ Terry Lee chỉ là đại diện cho Gremont. Người đứng tên ký trên hợp đồng là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc của Gremont chức không phải là Terry Lee; và việc đưa hàng vào Việt Nam cũng là Công ty Gremont chứ không phải là Terry Lee.

Với những căn cứ trên, tất cả thành viên ủy ban kiểm sát VKSND thành phố trong phiên họp ngày 8/3/2000 đã nhất trí đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Terry Lee.

Nhưng phải đến gần 7 tháng, ngày 21/9/2000 VKSND Thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức ra quyết định đình chỉ vụ án. Và ngày 22/9/2000, Terry Lee mới nhận được quyết định kể trên và được minh oan cho mình. Lee đã cho biết "trong thời gian tôi bị bắt, bị điều tra tại Việt Nam, hai năm trời gia đình tôi ở bên kia không có tiền chi tiêu, nên đã tan đàn xẻ nghé. Vợ tôi đi lấy chồng khác. Ba đứa con một đứa bỏ nhà đi đâu không biết, một đứa bị tai nạn giao thông, đứa nhỏ nhất phải bỏ học". Liệu những thiệt hại kể trên có thể tính được để bồi thường thoả đáng hay không?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyên đề 11: Hình sự hoá giao dịch dân sự, kinh tế -quan niệm, biểu hiện và một số giải pháp khắc phục

 

 

TS Phạm Duy Nghĩa

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

I. Quan niệm về "hình sự hoá giao dịch dân sự, kinh tế"

 

Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là một hiện tượng mới, cho đến nay hầu như chưa được nghiên cứu. Được phản ánh từ công luận, giới khoa học pháp lý chưa có một định nghĩa mang tính khái quát và được chấp nhận rộng rãi về hiện tượng này.

 

Tiếp cận từ khía cạnh ngôn ngữ học

 

Có thể tìm cách tiếp cận khái niệm này từ khía cạnh ngôn ngữ học. "Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế " có thể hiểu là một hiện tượng biến các quan hệ về bản chất được điều chỉnh bởi pháp luật hệ dân sự, kinh tế trở thành các quan hệ pháp luật hình sự. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu trong quá trình thực hiện pháp luật, song cũng có thể tìm thấy các biểu hiện của chúng trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam. Như vậy, "Hình sự hoá" không chỉ đơn thuần là sự lạm dụng các biện pháp hình sự đối với các quan hệ (thuần tuý hoặc cơ bản là) dân sự, kinh tế thông qua các cơ quan thực thi pháp luật và người dân, mà còn là biểu hiện của một tư duy pháp lý sai lệch của người làm luật.

 

Tiếp cận từ thực trạng pháp luật

 

Có thể tìm hiểu hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" từ thực trạng pháp luật hiện hành. Hiện tượng này được thể hiện qua một số dấu hiệu sau đây:

 

(a)

Trong Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 1995, Luật thương mại năm 1997 và các văn bản pháp luật dân sự kinh tế khác; tư duy về luật tư (tư pháp) chưa được công nhận một cách triệt để. Điều này tạo điều kiện cho công quyền can thiệp sâu vào quyền tự định đoạt của các chủ thể dân sự một cách không cần thiết. Khi chủ thể dân sự không tự nguyện chấp hành sự can thiệp đó của công quyền, có nhiều lý do để quyền lực công thực thi quyền uy bằng các biện pháp hành chính hoặc hình sự. Sự phân biệt thiếu rạch ròi giữa công pháp và tư pháp chính là một nguyên nhân dẫn đến lạm dụng quyền lực công vào các giao dịch luật tư .

(b)

Bộ Luật Hình sự Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 21. 12. 1999 có nhiều tội danh, theo đó các hành vi thuần tuý dân sự kinh tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự dưới những điều kiện nhất định. Tính không xác định của các quy định nhằm xác định những tội danh này tạo điều kiện cho các cơ quan điều tra khai thác hoặc nhấn mạnh một số yếu tố nhất định để biến các giao dịch chủ yếu mang tính dân sự thành các quan hệ pháp luật hình sự.

(c)

Sự phân định không rõ ràng trong luật vật chất tạo ra một số nhầm lẫn trong pháp luật tố tụng. Quyền tự định đoạt của đương sự trong các vụ án kinh tế dân sự đôi khi vẫn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố công quyền.

(d)

Các quy định của pháp luật tố tụng kinh tế dân sự hiện hành làm cho trình tự giải quyết các tranh chấp trước Toà án trở nên lâu dài, tốn kém và ít hiệu quả. Điều này gián tiếp kích thích các chủ thể dân sự áp dụng các biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó có các biện pháp theo pháp luật hình sự.

(đ)

Hệ thống "giám sát quy phạm" ở Việt nam nhằm phát hiện và huỷ bỏ các quy định pháp luật vi hiến, vi pháp còn hết sức sơ khai; điều này góp phần làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn toàn minh bạch và dễ dự đoán, tạo điều kiện cho các công quyền ban hành hoặc tiếp tục thực hiện các quy định không rõ ràng, trong đó có các quy định hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

Tiếp cận từ thực tiễn

 

Có thể xem xét "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là một hiện tượng tức thời, phát sinh trong thực tiễn một cách tự phát. Đây là một biểu hiện phản ánh:

 

(a)

Khả năng lạm dụng công quyền (Uỷ ban nhân dân các cấp, Cảnh sát kinh tế, Viện kiểm sát, Hải quan, Thuế vụ...) can thiệp quá mức cần thiết vào các giao dịch mang tính luật tư (dân sự, kinh tế, thương mại, lao động..); quy kết các hành vi thuần tuý dân sự kinh tế theo các tội danh như "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế qây hậu quả nghiêm trọng Đ 165 BLHS; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng Đ 179 BLHS, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ĐĐ 139, 140 BLHS....

(b)

Do sự kém hiệu quả của các thiết chế dân sự, các chủ thể dân sự, các doanh nghiệp chủ động tìm cách thực hiện mục đích của mình với sự can thiệp của quyền lực công; ví dụ thông qua việc quy kết việc chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Đ 140 BLHS, chiếm giữ trái phép tài sản Đ 141 BLHS

(c)

Di sản của chế độ quan liêu bao cấp và cách thức quản lý cũ; theo đó người kinh doanh thường chỉ được tiến hành các hành vi mà công quyền cho phép (cơ chế xin cho); mọi giao dịch chưa/hoặc không xin phép đều có thể bị xem là bất hợp pháp và do vậy phải được công quyền xử lý. Ví dụ liên quan đến các hành vi như: Đầu tư chui, Sản xuất hàng giả, hàng nhái, Quảng cáo gian dối, Lừa dối khách hàng; Trốn thuế, tránh thuế, Đầu cơ; Vi phạm quy định đất đai, nhà ở...

(d)

Nhận thức xã hội về pháp luật còn hạn chế; người dân và các cơ quan công quyền do không hiểu rõ pháp luật dân sự; đã vô tình hoặc cố ý chấp nhận hiện tượng sử dụng các biện pháp hình sự cho các quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế mà không có một sự phản đối đáng kể; do vậy "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" có điều kiện tiếp tục lan rộng.

 

Tóm lại, có thể tiếp cận hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" từ nhiều giác độ khác nhau, song đều có thể nhận thấy những đặc trưng cơ bản của hiện tượng này như sau: "Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là một hiện tượng mang tính tự phát, tức thời, phản ánh sự phân biệt không rõ ràng giữa các quan hệ luật công và luật tư trong pháp luật Việt Nam hiện hành và sự yếu kém của các thiết chế thực thi pháp luật dân sự. Hiện tượng này có thể tồn tại trong thời gian ngắn hoặc lâu dài tuỳ theo thành công của quá trình chuyển đổi từ một xã hội được quản lý theo cơ chế quan liêu bao cấp sang một xã hội theo cơ chế thị trường dưới một trật tự xã hội pháp trị.

 

Hệ quả xã hội tiêu cực của hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế"

 

Hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" có thể gây nên những tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ví dụ:

 

(a)

Tạo điều kiện cho một số cơ quan quyền lực lạm dụng chức năng điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi có bản chất không phải là tội phạm;

(b)

Gây tâm lý không tự tin cho các chủ thể tham gia các giao dịch dân sự hoặc kinh doanh, vì họ không rõ hành vi được tiến hành có vi phạm pháp luật hay không; cản trợ tự do định đoạt và tự do kinh doanh; cản trở người kinh doanh dám chấp nhận rủi ro; gây ra môi trường kinh doanh không ổn định, không công khai, không minh bạch và không có tính dễ dự đoán cao;

(c)

không bảo vệ người kinh doanh trung thực;

(d)

Tiếp tục làm giảm tính hiệu quả của pháp luật dân sự, kinh tế; làm giảm niềm tin của công chúng vào các thiết chế thực thi dân luật nói riêng và giảm niềm tin cũng như sự tôn trọng pháp luật nói chung; cản trở công lý và công cuộc xây dựng một trật tự xã hội pháp trị.

 

Bên cạnh những mặt tiêu cực như vậy, việc "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" cũng đem lại cho công quyền hoặc các chủ thể dân sự những lợi ích nhất định, ví dụ trấn an được các hiện tượng kinh doanh gian dối, trấn an các hành vi lừa đảo, bảo vệ một cách có hiệu quả các lợi ích dân sự.... Tuy nhiên, những lợi ích vật chất mà công quyền hoặc chủ thể dân luật có được từ việc "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" nhỏ hơn rất nhiều so với các ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý xã hội được trình bày ở trên. Do vậy, về lâu dài cần phải chống hiện tượng này.

 

II. Một số biểu hiện về pháp luật và thực tiễn của hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế"

 

Những phân tích dưới đây nhằm phân tích và chứng minh nhận định, pháp luật Việt Nam hiện hành có nhiều biểu hiện và hàm chứa những điều kiện thuận lợi cho việc "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế". Những điều kiện này đã tạo điều kiện cho công quyền và các chủ thể dân sự có cơ hội để "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế".

 

1. Pháp luật liên quan đến tín dụng ngân hàng

 

Quan hệ tín dụng vốn là một quan hệ hợp đồng dân sự, kinh tế thuần tuý, được điều chỉnh bởi BLDS hoặc Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, nếu xuất hiện vi phạm hợp đồng, ví dụ người vay không trả được nợ, cả người cho vay lẫn người vay đều đứng trước nguy cơ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Người cho vay nếu vi phạm các điều kiện vay vốn, có thể bị quy kết là thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước hoặc của các tổ chức tín dụng khác. Một trong những nhiệm vụ của nhân viên ngân hàng là kiểm tra các điều kiện vay vốn, trong đó có điều kiện người vay có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ đúng hạn và có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Đây là một quy định nguy hiểm cho nhân viên ngân hàng, bởi lẽ trước sự đa dạng của các hoạt động kinh doanh, tính phức tạp và đặc thù của từng dự án đầu tư, không một nhân viên ngân hàng nào có đủ khả năng để đánh giá một dự án là khả thi hay không. Hơn nữa, tính hiệu quả của dự án không những phụ thuộc vào điều kiện chủ quan của bên vay, mà còn phụ thuộc vào các điều kiện khách quan, các biến đổi liên tục của thị trường. Vào thời điểm cho vay, cả hai bên đều không thể lường hết được rủi ro. Điều 144, 179 BLHS, Điều 7; 30 Quyết định 324/1998/QĐ-NHNN1 đã đẩy các rủi ro này vào phạm vi chịu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng và quy kết trách nhiệm hình sự nếu phát hiện ra dấu hiệu thiếu trách nhiệm.

Tương tự như vậy, nếu không trả được nợ, bên vay cũng đứng trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi giao kết hợp đồng tín dụng, bên vay phải giải trình mục đích sử dụng vốn vay, phương án kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Nếu có bất kỳ một dấu hiệu nào như dùng tiền vay vào mục đích khác, hoặc đưa ra thông số sai lệch, Ngân hàng có thể tố cáo bên vay có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản theo ĐĐ 139, 140 BLHS.

2. Pháp luật liên quan đến vi phạm sở hữu công nghiệp (hàng nhái, hàng giả)

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sẽ xuất hiện. Bên cạnh những hành vi cạnh tranh hợp pháp, tuân thủ những chuẩn mực đạo đức và thói quen kinh doanh đứng đắn, ngày càng xuất hiện nhiều các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có việc sản xuất hàng giả, hàng nhái mẫu mã, nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại của một sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nhân đã có uy tín trên thị trường. Việc phân biệt hai khái niệm này trên thực tế hết sức khó khăn và do vậy các hành vi sản xuất hàng nhái có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù mức độ nguy hiểm của chúng chưa đến mức cần phải xử lý như vậy. Sản xuất và buôn bán hàng giả là tội phạm, song sản xuất và lưu hành hàng nhái chỉ gây nên tranh chấp về văn bằng độc quyền theo pháp luật dân sự.

Hàng nhái là những sản phẩm hoặc dịch vụ khai thác sự giống nhau về mẫu mã, hình dáng, kích cỡ, nhãn hiệu, tên thường mại để gây ra sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Bên cạnh việc nhái tên, kiểu dáng sản phẩm để gây nhầm lẫn, xuất hiện việc lạm dụng tên thương mại của thương nhân kinh doanh những ngành hoặc dịch vụ khác để lợi dụng danh tiếng đã có sẵn trên thương trường. Bản chất của các xung đột này liên quan đến pháp luật về sở hữu công nghiệp, về phạm vi bảo hộ của các văn bằng độc quyền, và về nguyên tắc là tranh chấp dân sự, cần được giải quyết bởi các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự.

Trong thực tiễn, khi các cá nhân hoặc đơn vị kinh doanh cho rằng quyền sở hữu công nghiệp của mình bị tranh chấp hoặc vi phạm; thường né tránh cách giải quyết thông qua Toà dân sự mà tìm đến sự ủng hộ thông qua các biện pháp hình sự. Sự hiện diện của cảnh sát kinh tế trong cơ sở kinh doanh đôi khi cũng gây nên những phiền toái và sự uy hiếp cần thiết đối với các đối thủ cạnh tranh.

 

3. Pháp luật liên quan đến xúc tiến thương mại

Hoạt động cạnh tranh trong thời đại ngày nay được thể hiện ngày càng rõ thông qua các biện pháp tiếp cận thị trường, giữ vững và mở rộng thị phần. Pháp luật cần tạo điều kiện cho doanh nhân phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần tạo ra và bảo vệ cạnh tranh trong kinh doanh. Điều đáng tiếc là pháp luật Việt Nam hiện hành về quảng cáo và khuyến mại đã không đạt được chủ đích đó. Được soạn thảo chủ yếu xuất phát từ tư duy quản lý Nhà nước, pháp luật Việt Nam thường quy định những hình thức khuyến mại hoặc quảng cáo nào là được phép. Cơ chế xin cho trong lĩnh vực quảng cáo được thể hiện rõ nét hơn trong các hướng dẫn của Bộ văn hoá thông tin liên quan đến hoạt động quảng cáo.

Như vậy, đối với những hình thức quảng cáo hoặc khuyến mại mới, do doanh nghiệp sáng tạo ra mà chưa được nhà làm luật dự liệu, các cơ quan quản lý về xúc tiến thương mại (Bộ thương mại, Bộ Văn hoá Thông tin) có thể xem xét trách nhiệm hành chính hoặc hình sự của người tiến hành quảng cáo hoặc chủ quảng cáo. Hơn nữa đối với doanh nghiệp nhà nước, pháp luật còn hạn chế mức chi phí cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị.. là 7% tổng chi phí thực tế của doanh nghiệp trong cùng kỳ.. Các quy định này đôi khi đặt người điều hành doanh nghiệp trước những sự lựa chọn nguy hiểm; hoặc tuân thủ quy định của Nhà nước để doanh nghiệp chịu lép về trong cạnh tranh; hoặc cố ý vi phạm để giành lấy thị phần cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quảng cáo và khuyến mại thường đan xen vào nhau, trong hoạt động quảng cáo doanh nghiệp thường khuếch trương uy tín, thanh thế của mình. Ranh giới giữa "khuếch trương""gian dối" đôi khi khó phân biệt, vì không thể có các tiêu chí định lượng chính xác cho các khái niệm này. Điều này đặt các doanh nghiệp có hành vi sáng tạo trong quảng cáo trước những nguy cơ bị xem xét trách nhiệm hình sự.

 

4. Sự sáng tạo để tránh thuế và hành vi trốn thuế

 

Một Nhà nước văn minh cần khuyến khích mọi hành vi sáng tạo của công dân, đặc biệt là của giới doanh nhân. Tuy nhiên, có những hành vi sáng tạo của doanh nhân mà Nhà nước không ưa thích, đặc biệt là sự sáng tạo của họ để hạn chế các nghĩa vụ thuế phải nộp cho Nhà nước. Trong một trật tự pháp trị, nếu do pháp luật có sơ hở, và người dân tận dụng các sơ hở đó để làm lợi cho mình (và hại cho Ngân sách), thì không thể quy trách nhiệm hình sự cho họ, nếu pháp luật không quy định rõ các hành vi đó là tội phạm.

Trên thế giới, tránh thuế là một hành vi hợp pháp, thậm chí từ đó còn phát sinh một nghề luôn tư vấn các mưu mẹo tránh thuế cho doanh nhân một cách khôn ngoan nhất. Các hành vi như công ty ma (offshore company), chuyển giá (price transferring)...đều là mưu lược tránh thuế ở quy mô quốc tế, mà không dễ quy kết trách nhiệm hình sự, nếu không phát hiện ra bất cứ một sai phạm nào khác.

Hiện nay xã hội Việt Nam chưa có một cách nhìn nhận hợp lý về tránh thuế và trốn thuế. Từ tư duy cổ "trọng nông ức thương", doanh nhân vốn chưa được trọng thị trong xã hội và thường được gán với những mưu mẹo gian giảo, "gian thương". Có nhiều hành vi về bản chất là tránh thuế, song được các cơ quan điều tra và tư pháp kết luận là tội trốn thuế (Đ 161 BLHS) mà không lập luận mang tính thuyết phục. Điều này bắt nguồn từ một thực tế; khoa học pháp luật hình sự Việt Nam chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể về hành vi trốn thuế. Mọi hành vi có dấu hiệu cố ý làm giảm các nghĩa vụ thuế đều có thể bị xem xét là trốn thuế. Có thể minh hoạ hiện tượng này qua các ví dụ cụ thể sau đây:

Ví dụ 1: Biến kính xây dựng thành gương

Kính xây dựng là mặt hàng nhà nước quản lý, được quy định giá tối thiểu để tính thuế. Mức thuế này chênh lệch rất lớn với gương (là mặt hàng nhà nước không quản lý, thuế suất 30% theo giá hợp đồng). Công ty Thuỷ sản Hạ Long đã nghĩ ra cách để giảm thuế; họ thoả thuận với người bán sơ chế kính , tráng một lớp bạc mỏng dễ tẩy bỏ, biến kính xây dựng thành gương. Hàng được chuyển qua biến giới và chịu thuế nhập khẩu thấp đối với gương. Khi hàng về đến nơi lại được biến thành kính trắng để dùng cho xây dựng. Nguồn: Báo Đầu tư, 1999, Số 70, ngày 30/8/1999; tr. 6

Trong trường hợp này doanh nghiệp đứng trước nguy cơ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh buôn lậu Đ 153 BLHS và/hoặc tội trốn thuế Đ 161 BLHS. Tránh thuế trong trường hợp này bị dư luận xã hội đương nhiên coi là gian lận để trốn thuế. Điều này có lẽ cần được tranh luận thêm, bởi lẽ doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh, được phép làm những điều mà pháp luật không cấm, được tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật. Pháp luật về nguyên tắc không cấm việc biến kính thành gương và ngược lại.

Ví dụ 2: Ngân hàng giúp người dân lách luật

Người Việt Nam thu nhập hơn 2 triệu phải chịu thuế Thu nhậo cao, thuế suất từ 5% trở lên. Để tránh thuế, một Ngân hàng lập danh sách những người nhận kiều hối, mỗi hợp đồng có từ 5-7 người, cử một người đại diện nhận cho tất cả. Ngân hàng chỉ thu 1% lệ phí dịch vụ, người nhận tiền tránh được toàn bộ thuế thu nhập cao; Nguồn Báo Pháp luật, số 63, ngày 19/4/2000; tr. 4

Trong trường hợp này cơ quan thuế khó có đủ bằng chứng để truy thu thuế thu nhập cao, bởi lẽ các nhóm cá nhân nhận kiều hối đều là hợp pháp, không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Đ 161 BLHS cũng gặp phải những khó khăn tương tự, bởi tuy có dấu hiệu lẩn tránh nghĩa vụ thuế thu nhập cao, song các hành vi của cá nhân đều là hợp pháp.

Tương tự như vậy, có hàng loạt các vụ án và thực tiễn liên quan đến đầu tư chui, nhân danh tổ chức hoặc cá nhân khác để kinh doanh. Để có một môi trường kinh doanh minh bạch, cần tách bạch giữa hành vi cố ý trốn thuế và các biện pháp tự do kinh doanh hợp pháp, trong đó có quyền tận dụng mọi khả năng hợp pháp để tăng lợi nhuận. Nhà nước phải gánh chịu mọi hậu quả xuất phát từ những sơ hở của hệ thống pháp luật. Vấn đề đặt ra là luôn phải nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật, tránh mọi thiệt hại cho Nhà nước do pháp luật có sơ hở; hơn là trừng phạt người dân cho sự linh hoạt của họ tận dụng sơ hở của pháp luật để thu lợi.

 

5. Sự kém hiệu quả của các thiết chế thực thi dân luật và việc lạm dụng các tội danh lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ( ĐĐ 139, 140 BLHS)

 

Trong các tranh chấp liên quan đến pháp luật kinh tế, dân sự; các bên tranh chấp có nhiều nguyên nhân để ngần ngại yêu cầu sự can thiệp của Toà án: (a) do thiếu chứng cứ, (b) do pháp luật không rõ ràng và rủi ro thua kiện quá lớn, (c) nếu thắng kiện, khả năng cưỡng chế thi hành bản án cũng rất hạn chế, (d) chi phí tranh tụng lớn, không tương xứng với khả năng có thể thu hồi được tài sản thông qua cưỡng chế thi hành án.

Nếu so sánh với các thiết chế thi hành pháp luật dân sự, các biện pháp hình sự có nhiều lợi thế hơn hẳn: (a) các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có tác dụng uy hiếp người phải thực hiện nghĩa vụ hơn hẳn một thông báo của Toà dân sự về vụ kiện, (b) tạo điều kiện thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm tài sản để thực hiện nghĩa vụ, (c) tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán, hoà giải song song với quá trình tố giác tội phạm.

Chính vì vậy, nếu quá trình thương lượng và mọi cố gắng dàn xểp tranh chấp dân sự, kinh tế khác đều không thành, bên bị vi phạm có thể khai thác những chi tiết nhấn mạnh yếu tố lừa đảo hoặc "thủ đoạn gian dối" để tố cáo hành vi của bên vi phạm nghĩa vụ. Hơn thế nữa, cách quy định các tội danh lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Bộ luật hình sự năm 1985 và hiện nay cũng tạo nhiều kẽ hở cho các cơ quan điều tra khai thác những dấu hiệu trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng của các bên để quy thành "thủ đoạn gian dối" cấu thành tội. Không có tiêu chí định lượng cụ thể nào cho "thủ đoạn gian dối" do vậy mọi hành vi thông tin sai lệch, hoặc im lặng không thông tin về khả năng tài chính, về mục đích sử dụng hàng hoá, dịch vụ, về tư cách tham gia hợp đồng, về các điều kiện bảo đảm thực hiện hợp đồng... trong những tình huống nhất định đều có thể có dấu hiệu "gian dối". Chậm thanh toán tiền, giao nhầm hàng, giao sai chất lượng hàng hoá, thực hiện dịch vụ không đúng thoả thuận... đều có nguy cơ bị xem xét là các hành vi có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm dụng tài sản. Cách suy diễn nguy hiểm này đã góp phần tội phạm hoá những vi phạm pháp luật dân sự, mà tính nguy hiểm cho xã hội của các hành vi đó chưa đủ để cấu thành tội phạm.

Ví dụ 3:

Công ty xuất nhập khẩu Cần Thơ là doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở thương mại Cần thơ, nhập đường bán cho Công ty thương mại Miền Trung. Hàng được giao xong, Công ty Miền Trung không thanh toán tiền hàng (2 tỷ đồng), mà dùng số hàng vừa nhận được bán lại cho tư nhân thu lợi nhuận để sử dụng vào mục đích khác. Viện kiểm sát tỉnh Cần Thơ khởi tố Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu và Công ty thương mại Miền Trung vì tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng Đ 174 BLHS 1985. Toà phúc thẩm TP. Hồ Chí Minh huỷ bỏ bản án sơ thẩm, tuyên bố hai vị giám đốc này vô tội.

Tranh chấp trong ví dụ trên liên quan đến nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng kinh tế, cần được xử lý theo pháp luật kinh tế, dân sự. Sự thông đồng giữa những người điều hành doanh nghiệp tạo ra những thoả thuận ngầm có hại cho doanh nghiệp nhà nước lại là một hành vi khác, có thể cấu thành tội phạm, song không liên quan đến tranh chấp về hợp đồng giữa hai pháp nhân.

 

III. Một số biện pháp hạn chế hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

Từ những phân tích một số khía cạnh của hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" như trên, sau khi chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể đưa ra một số kiến nghị như sau:

 

(a) Về cấu trúc pháp luật

 

Hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" có một trong nhiều nguyên nhân từ hệ thống pháp luật Việt Nam vốn không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư. Nguyên nhân này bắt nguồn từ truyền thống pháp luật Việt Nam; trong cổ luật Việt Nam không có sự phân biệt rạch ròi giữa luật công và luật tư, luật pháp trong nhận thức của xã hội phong kiến dường như đồng nghĩa với hình luật. Sự du nhập một cách cưỡng ép pháp luật phương Tây dưới thời thuộc Pháp đã không đủ sức phá vỡ truyền thống pháp luật phong kiến. Cộng với thói quen ỷ lại, dựa vào Nhà nước được hình thành trong thời kỳ quan liêu bao cấp, một khi giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế không thành công bằng những công cụ dân luật, cá nhân và các tổ chức ở Việt Nam tìm cách bảo vệ một cách thành công hơn quyền lợi của mình với sự can thiệp của quyền lực công.

 

Do vậy, muốn chống "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế"; về lâu dài phải nhận thức lại cấu trúc của hệ thống pháp luật; luật tư phải được xây dựng và thực hiện với các phương pháp đặc trưng dựa trên sự tự do ý chí của các chủ thể pháp luật, không có sự áp đặt về ý chí, tự do định đoạt. Giành lấy quyền tự do đó, công dân cũng phải đảm nhận lấy trách nhiệm tự bảo vệ lấy tài sản và các lợi ích khác của mình. Quyền lực công không thay thế công dân khi giao kết, thực hiện hoặc bảo vệ quyền lợi theo luật tư. Luật dân sự, luật công ty, các giao dịch hợp đồng... phải tuân theo nguyên tắc này.

 

(b) Hạn chế quyền tự hành động của công quyền trong luật tư (ex officio)

 

Đối với các quan hệ luật tư, cần hạn chế sự can thiệp của công quyền. Chỉ trong những trường hợp hy hữu cần thiết, quyền lực công mới xuất hiện nhằm bảo vệ các lợi ích công cộng. Công quyền không có lý do gì tự ý mình (ex oficio) can thiệp vào các quan hệ hợp đồng của đương sự, nếu việc giao kết và thực hiện các giao dịch đó diễn ra đúng luật. Việc không thanh toán, thậm chĩ vỡ nợ của một trong các bên không phải là lý do để công quyền can thiệp, nếu đương sự không yêu cầu. Thực hiện được điều này sẽ làm giảm khả năng can thiệp của các cơ quan điều tra và tư pháp vào các giao dịch tư. Chủ trương này cũng không trái với một luận điểm mang tính xu hướng phát triển chung trong thế kỷ XXI, "Nhà nước nhỏ, xã hội lớn", Nhà nước chỉ can thiệp khi cần thiết, những vấn đề còn lại do xã hội tự điều chỉnh.

 

(c) Nâng cao vai trò của quản lý rủi ro (risk management)

 

Bên cạnh việc thay đổi quan niệm về cấu trúc pháp luật, cần thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm của họ đối với rủi ro trong giao dịch dân sự. Một mặt phải đẩy lùi tư duy dựa vào công quyền để uy hiếp buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, mặt khác phải hướng tới việc san sẻ rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch dân sự, kinh tế. Việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng một nghĩa vụ dân sự xét về mặt bản chất là một rủi ro mà các bên phải dự phòng trước trong hợp đồng. Cần thoả thuận để phân bổ trách nhiệm gánh chịu rủi ro; giá trị giao dịch càng lớn thì cách phân chia rủi ro càng phải cụ thể (ví dụ giao hàng và chuyển giao sở hữu phải gắn liền với việc thực hiên từng bước các nghĩa vụ của người mua).

 

Nếu như các bên đã ỹ thức được rủi ro ngay từ đầu và biết cách phòng ngừa, hạn chế và phân bổ chúng, thì việc tìm kiếm các dấu hiệu của "thủ đoạn gian dối" theo ĐĐ 139, 140 BLHS có thể sẽ trở nên không cần thiết. Việc này cũng có thể được thực hiện với sự tham gia của các hoạt động bảo hiểm tài sản. Một ngành bảo hiểm phát triển sẽ góp phần to lớn vào việc quản lý rủi ro cho các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

(d) Tăng cường hiệu quả của các thiết chế thực thi pháp luật dân sự

 

Để góp phần hạn chế hiện tượng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế", cần nâng cao niềm tin của công chúng vào các thiết chế thực thi pháp luật dân sự, cụ thể là nâng cao tính hiệu quả của các phán quyết của Toà án và quá trình cưỡng chế thi hành chúng. Đây là một công việc lâu dài của nhiều thế hệ, song cần xác định những thứ tự ưu tiên hợp lý cho từng giai đoạn cụ thể.

 

(đ) Xây dựng các tiêu chí cụ thể hướng tới hạn chế áp dụng hoặc loại bỏ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Đ 140 BLHS)

 

Nhằm góp phần chống "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" cần có sự tổng kết từ kinh nghiệm xét xử của ngành Toà án về những hành vi dân sự điển hình thường được hình sự hoá trong thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra các tiêu chí hoặc nguyên tắc áp dụng chặt chẽ các tội danh thường bị lạm dụng. Tuy chưa có một tài liệu tổng kết nào được công bố, song có thể dự đoán tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Đ 140 BLHS là một trong những tội phạm được sử dụng phổ biến để bảo vệ lợi ích của đương sự xuất phát từ các giao dịch dân sự, kinh tế (ví dụ từ các quan hệ hợp đồng).

 

Những nhận thức mới về pháp luật kinh doanh trong thời gian qua đã cho thấy cần nâng cao trách nhiệm và khả năng tự bảo vệ của chủ thể dân sự cho các giao dịch của mình. Luật doanh nghiệp 1999 cũng được xây dựng trên tư tưởng này, doanh nhân có thể tự thẩm tra các thông số liên quan đến đối tác kinh doanh thông qua các thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh, từ điều lệ công ty hoặc từ các biện pháp khác (due diligence). Sự cẩu thả, cả tin, hoặc ấu trĩ trong kinh doanh dọn đường cho nguy cơ bị đối tác lợi dụng; pháp luật không nên và cũng không thể bảo vệ cho sự yếu kém này. Mặt khác, dưới điều kiện cạnh tranh găy gắt, sự non kém của doanh nghiệp này là cơ may cho doanh nghiệp khác, do vậy hành vi tận dụng sự non kém dưới con mắt của người thua cuộc có thể là "thủ đoạn gian dối", song là một thực tiễn tất yếu của cạnh tranh. Chỉ khi nào hành vi đó mang tính chất lừa đảo, tạo ra hệ quả xã hội tiêu cực, thì pháp luật mới cần ngăn chặn. Vì những lập luận đó, tôi cho rằng cần hạn chế áp dụng Đ 140 BLHS, và có thể tranh luận thêm để tiến tới loại bỏ tội phạm này. Phi hình sự hoá hiện tượng lợi dụng sự non kém của đối tác cạnh tranh buộc các chủ thể tự tìm cách bảo vệ mình trước khi tiến hành các giao dịch; bên cạnh đó mọi hành vi lừa đảo vẫn được xử lý, song theo những tội danh tương ứng khác của BLHS.

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục I. Tham khảo thông tin từ nguồn báo chí

 

Nguồn

Tên bài báo

Tóm tắt nội dung

 

Đầu tư, 1999, Số 11,

4/2/1999

tr. 12

Thanh toán nợ bằng lệnh toà án có phải là giải pháp

Tranh chấp liên quan đến các hợp đồng nhập khẩu. Phía Việt Nam chấp nhận các bộ chứng từ và hối phiếu mà không kiểm tra kỹ. Khi phát hiện hàng có khuyết tật thường yêu cầu Toà án đình chỉ việc thanh toán tiền theo L/C đã mở. Cần tham khảo khả năng kiện hãng chuyên chở hoặc công ty bảo hiểm; vì L/C là quan hệ độc lập với mua bán hàng hoá; Ngân hàng mở L/C có thể bị ngân hàng nước ngoài khởi kiện

Đầu tư, 1999, Số 44,

31/5/1999

tr. 12

Để hạn chế nợ dây dưa

Các doanh nghiệp vay nợ và dây dưa không thanh toán nợ ở quy mô lớn (hàng chục ngàn tỷ đồng); chủ nợ thường không đủ bằng chứng để yêu cầu Toà án can thiệp. Một trong các giải pháp là tín dụng thương mại, thể hiện qua thương phiếu.

Đầu tư, 1999

Số 65,

12/8/1999

tr. 4

Tiếp tục chống buôn lậu và gian lận thương mại

Đặc trưng của gian lận thương mại là tuy không trốn tránh sự kiểm tra kiểm soát của Nhà nước nhưng lại lợi dụng mọi khe hở để gian lận khi bị kiểm tra, ví dụ: gian lận về số lượng, gian lận chủng loại hàng hoá, lẫn hàng có và không có trong đăng ký kinh doanh.

 

 

Nguồn

Tên bài báo

Tóm tắt nội dung

 

Đầu tư, 1999, Số 70,

30/8/1999

tr. 6

Buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn ra nghiêm trọng

Các nước trong khu vực trợ giá cho xuất khẩu nên giá hàng giảm mạnh so với hàng Việt Nam. Ví dụ liên quan đến gian lận thương mại: Kính xây dựng là mặt hàng nhà nước quản lý, quy định giá tối thiểu để tính thuế, chênh lệch rất lớn với gương (là mặt hàng nhà nước không quản lý, thuế suất 30% theo giá hợp đồng). Thuỷ sản Hạ Long sơ chế kính , tráng một lớp bạc mỏng dễ tẩy bỏ, hàng về đến nơi biến thành kính trắng để dùng cho xây dựng. Sử dụng bộ chứng từ nhập khẩu để quay vòng nhiều lần.

Đầu tư, 1999

Số 73,

9/9/1999

tr. 14

Hốn loạn thị trường bia miền Trung

Khuyến mại lừa dối người tiêu dùng, doanhnghiệp tự đề ra giải thưởng, tự công bố, không ai giám sát, kiểm tra. Chi phí quảng cáo bị hạn chế (7% chi phí cho 3 năm đầu; 5% cho các năm sau). Nếu chấp hành thì bị lép về, nếu vượt rào thị vi phạm quy chế tài chính.

Đầu tư, 1999

Số 82,

11/10/1999,

tr. 10

Cuộc chiến giữa hai nhà sản xuất kem

Hãng kem Wall's thâm nhập thị trường Việt Nam từ 1996 đã đăng ký mẫu mã, chất lượng và hình thức quảng cáo cho các sản phẩm kem tại NOIP và Bộ Y tế, kiện Công ty Thuỷ Tạ vì đưa ra các mẫu mã, hình thức quảng cáo nhãi sản phẩm của Wall's. Hai bên tranh cãi vì hính thức sản phẩm kem có xu thế giống nhau, song mùi vị kem khác hẳn nhau.

Pháp luật, 2000

Số 62, tr. 8

4 Hợp đồng gây thiệt hại $ 314. 232

Xử lý hình sự theo các tội danh Đ 174II, 133 BLHS

 

 

Nguồn

Tên bài báo

Tóm tắt nội dung

 

Pháp luật

Số 62, 17/4/200

tr. 3

Tranh chấp bản quyền

Không đủ chứng cứ (Tân Tân chuyên doanh bánh Trung thu và các loại bánh ngọt kiện Tân Tân chuyên doanh lạc chiên). Tranh cãi ngành nghề có cùng loại sản phâm rhay klhông.

Pháp luật, số 63

19/4/2000

tr. 4

Tránh thuế thuế thu nhập cao bằng cách lách luật

Người Việt Nam thu nhập hơn 2 triệu phải chịu thuế Thu nhậo cao, thuế suất 5%. Để tránh thuế, Ngân hàng lập danh sách người nhận kiều hối, mỗi hợp đồng có từ 5-7 người, có người đại diện nhận. Ngân hàng chỉ thu 1% lệ phí dịch vụ

 

 

Chuyên đề 12: Hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự: nguyên nhân và giải pháp

Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Trưởng ban pháp chế Phòng TM & CN Việt Nam

 

Khái niệm về hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế:

 

Hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế là một thực trạng đáng lo ngai tại Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN.

 

Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế được hiểu là những hành vi vi phạm nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự kinh tế mà theo quy định của pháp luật về dân sự, kinh tế thì chỉ bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, kinh tế là hợp pháp. Nhưng trong thực tế, người vi phạm đã bị khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử về tội hình sự. Như vậy, việc khởi tố, điều tra, truy tố các vi phạm nêu trên được tiến hành khi không đủ căn cứ do pháp luật quy định (ví dụ điều 103, điều 138 BLTTHS), việc kết tội khi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo các quy định trong BLHS. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế có thể xảy ra ở các giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự. (Trích Báo cáo đề tài: "Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội phạm kinh tế", Dự án VIE/97/016 T.50).

 

Khi các quan hệ dân sự kinh tế bị hình sự hoá thì cách giải quyết truyền thống bị đảo lộn một cách căn bản. Thay cho các chủ thể quan hệ bình đẳng là sự xen ngang của cơ quan công quyền mà không có sự thoả thuận của đương sự. Thay cho các giải pháp ôn hòa mang tính tư như tính trung gian, hoà giải là các biện pháp công như điều tra khởi tố, xét hỏi. phương pháp quản lý kinh tế, quản lý xã hội từ cơ chế tập trung, bao cấp sang phương pháp quản lý kinh tế, xã hội trong nền kinh tế thị trường đã khiến cho một bộ phận không ít các cơ quan, cán bộ thừa hành lúng túng, bị động và không theo kịp tốc độ phát triển của cải cách. Điều này được thể hiện qua các nội dung sau đây:

 

Pháp luật dân sự, pháp luật kinh tế chưa được xây dựng một cách đồng bộ, kịp thời. Đặc điểm chung của các qui phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật kinh tế là:

- Còn thiếu,

- Còn chung chung, không cụ thể, không chi tiết,

- Còn mâu thuẫn, chồng chéo,

- Không tạo thành một hệ thống qui phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất, khó áp dụng.

 

Bằng chứng chứng minh sự bất cập trên đây của pháp luật là:

 

- Mãi đến năm 1996, Bộ luật dân sự mới được ban hành. Các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật dân sự triển khai còn chậm. Một số chế định còn dừng ở mức khái quát, nguyên tắc, do đó việc áp dụng vào các quan hệ dân sự còn gặp khó khăn. Một số định chế đã được qui định trong Bộ Luật dân sự nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm trong thực tiễn.

- Luật Thương mại bắt đầu có hiệu lực từ năm 1998 nhưng thực tiễn đã cho thấy Luật này chưa giải quyết được các bất cập trong các văn bản pháp luật kinh tế còn tồn tại trước đó, chưa hệ thống hoá, pháp điển hoá được các quan hệ có bản chất thương mại, vốn đã được qui định trước khi Luật Thương mại ra đời và hãy còn phân tán, rời rạc và thiếu thống nhất.

- Một số văn bản pháp luật dân sự, kinh tế chưa được xây dựng theo tư duy và phương pháp luận phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế thị trường, với các qui luật cung cầu, qui luật cạnh tranh, qui luật tìm kiếm lợi nhuận.

- Một số văn bản pháp luật kinh tế được xây dựng không trên nguyên tắc bảo vệ tối đa qui luật cạnh tranh hợp pháp, chống độc quyền; chưa bảo vệ được quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng của các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh doanh cũng như các quan hệ dân sự kinh tế khác; chưa thể hiện được quyền tự do định đoạt, quyền tự do thương lượng, quyền tự do thoả thuận trong giao kết, thực hiện và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự, kinh tế. Trong pháp luật thực định và pháp luật tố tụng còn thiếu các qui phạm pháp luật cụ thể, phù hợp để luật hóa các quyền này. Trong thực tế còn thiếu các chế định cần thiết, có hiệu quả để bảo đảm thực thi được các quyền này. Các văn bản pháp luật kinh tế còn bị ảnh hưởng nặng nề của tư duy kinh tế chỉ huy, tập trung trên cả 3 phương diện: pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và các thiết chế kinh tế cụ thể.

- Pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Các qui phạm pháp luật trong các văn bản này còn quá sơ sài, giản lược hoặc nếu có thì còn chung chung, khó áp dụng hoặc cứng nhắc, áp đặt, chưa tôn trọng thoả thuận của các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự kinh tế.

 

Thứ hai, một bộ phận khá lớn các chủ thể quan hệ pháp luật dân sự kinh tế còn bị ảnh hưởng nặng nề của tư duy bao cấp: thụ động, ỷ lại vào Nhà nước, vào các cơ quan công quyền. Một bộ phận không nhỏ đã không theo kịp với các chính sách đổi mới, không tự mình phát huy quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp 1992 và các chính sách khuyến khích đầu tư mà Đảng, Nhà nước đã ban hành. Chưa quan niệm được một cách đầy đủ quyền chủ thể của mình trong đó có các quyền tự do lựa chọn các giải pháp giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.Một bộ phận không nhỏ, khi xảy ra tranh chấp dân sự kinh tế, đã từ bỏ quyền tự do hòa giải, thương lượng vốn có của các chủ thể dân sự kinh tế, quay sang nhờ cậy vào các cơ quan công quyền, từ bỏ các phương pháp giải quyết truyền thống của luật tư để áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự vốn là đặc điểm nổi bật của luật công trong việc giải quyết tranh chấp dân sự kinh tế.

 

- Bộ luật hình sự được bổ sung, sửa đổi và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2000 Bộ luật này đã phi hình sự hoá một số hành vi nay không còn tồn tại trong nền kinh tế thị trường, đã hình sự hoá một số hành vi mới xuất hiện mang tính nguy hiểm cao cho xã hội. Mốt số hành vi phạm tội đã được định tính và định lượng cụ thể hơn. Tuy nhiên, một số tội danh được qui định vẫn còn rất chung chung, nhất là phần các tội phạm kinh tế. Ví dụ:

 

Ví dụ 1: Điều 165: Tội cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp, luật gia, nhà nghiên cứu cho rằng:

- Đây là một qui định chung chung, không cụ thể, lầ "cái túi" để bỏ được mọi tội vào, là "cái rọ" làm phương án dự phòng cho các cơ quan tố tụng khi khởi tố sai.

Điều luật này bị vận dụng tuỳ tiện vì ngay cả các nhà làm luật cũng không thể dự báo được là trái với những qui định quản lý kinh tế cụ thể nào của Nhà nước, tức là qui định một tội danh chung chung, mang tính khái quát.

- Khái niệm "cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh té" là khái niệm không rõ ràng, do đó dễ bị cơ quan tố tụng lạm dụng, bất lợi cho doanh nghiệp, thiếu độ an toàn pháp lý cho doanh nhân.( Phần phân tích và kiến nghị sẽ được nêu cụ thể hơn dưới đây).

Ví dụ 2: Điều 133 " Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong Bộ luật hình sự của Việt Nam chỉ qui định chung . Bộ luật hình sự của Singapore qui định thành 3 tội danh cụ thể sau:

1. Lừa đảo và làm cho một người khác bị lừa để giao tài sản cho một người nào đó (Đ.420),

2. Làm giả với bất kỳ giấy tờ nào với mục đích phạm tội lừa đảo. (Đ.468),

3. Chiếm dụng bất hợp pháp hoặc chuyển giao tài sản của một người sang một người khác để sử dụng riêng ( Đ.403)

Rõ ràng các qui định về tội lừa đảo trong Bộ luật hình sự của Singapore cụ thể, định tính hơn và do vậy việc áp dụng sẽ chính xác hơn.

- Cơ cấu tổ chức của hệ thống Toà án thiếu sự rõ ràng, thẩm quyền xét xử chống chéo, nhất là giữa các vụ án dân sự và kinh tế. Nhiều vụ tranh chấp sau khi xét xử nhiều lần, kéo dài nhiều năm mới xác định được thẩm quyền xét xử là của toà nào trong hai tòa này. Điều này đã làm cho các chủ thể quan hệ dân sự kinh tế lo ngại hoặc chán nản khi phải đưa vụ việc ra toà. Một số định chế vốn rất phổ biến và được giới kinh doanh thường xuyên sử dụng trong nền kinh tế thị trường như cơ chế hoà giải, trọng tài, tư vấn, luật sư thì hiện nay ở ta hoặc đang thiếu vắng, hoặc bị méo mó, biến dạng khiến cho không thể sử dụng được hoặc nếu được sử dụng cũng không có hiệu quả.

 

- Pháp luật thi hành án của Việt Nam còn thiếu hiệu quả. Nhiều bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật đã không được thi hành một cách kiên quyết, triệt để. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm, làm giảm lòng tin của người dân vào tính nghiêm minh của Nhà nước, tính hiệu quả của quản lý Nhà nước, khinh nhờn pháp luật. Hậu quả tất yếu là các biện pháp giải quyết tranh chấp chính thống, đúng pháp luật sẽ không được tôn trọng. Người ta hoặc tự áp dụng "luật rừng" hoặc đi đường tắt, nhờ cậy cơ quan công quyền đi đòi nợ thay, nhanh hơn hiệu quả hơn, tuy được lợi cho một số người nhưng lại gây không khí hoang mang trong xã hội hoặc gây sự phản đối của công luận., ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh và đời sống dân sự.

 

Thứ ba, cùng với những tồn tại, khiếm khuyết của hệ thống pháp luật văn bản, của việc thực thi pháp luật, ý thức pháp luật và thói quen hành xử theo kiểu cũ của một bộ phận không ít người dân và doanh nghiệp như đã nêu trên, một nguyên nhân rất quan trọng khác của việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự đó là do trình độ, năng lực, phẩm chất của một số cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng, biểu hiện như sau:

- Một số cán bộ trong các cơ quan trên đã không được cập nhật kiến thức của kinh tế thị trường một cách kịp thời. Với cách quan niệm quản lý Nhà nước theo kiểu cũ và thói quen hành xử như trước đây, họ có ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải trực tiếp có bàn tay can thiệp của công quyền vào các quan hệ pháp luật tư ngay cả khi các chủ thể của các quan hệ này không có thoả thuận đề nghị hoặc ít ra là một bên không có thoả thuận đề nghị phải có sự can thiệp này.

- Thẩm quyền của các cơ quan tố tụng không rõ ràng hoặc không có các thiết chế hỗ trợ để hạn chế nguy cơ bị "lạm dụng" trong thực tiễn, tính độc lập trong các giai đoạn điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự chưa được cụ thể, rõ ràng. Cơ chế xử lý của các cơ quan quản lý đối với các cán bộ thuộc quyền khi có vi phạm không rõ ràng hoặc thiếu kiên quyết. Sự cả nể, bao che nhau trong các khâu của quá trình tố tụng thể hiện khá rõ qua một số vụ án, làm cho việc xét xử không được tiến hành một cách khách quan, độc lập. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống cơ cấu tổ chức các cơ quan tố tụng hình sự hiện nay.

 

Báo Kinh doanh và Pháp luật, số 21 ngày 25 tháng 5 năm 2000 viết: "Theo chúng tôi một phần do án quá tải người làm án buộc phải ‘dồn toa’, đọc hồ sơ không kỹ còn nói gì đến thẩm tra, xác minh vụ việc. Phần chủ yếu là do phẩm chất điều tra viên quá kém, vừa chủ quan duy ý chí trong việc chứng minh tội phạm, vừa không loại trừ tiêu cực ở khâu điều tra ban đầu. Từ khi chuyển sang Viện Kiểm sát, cơ quan truy tố và xét xử càng quan liêu, tin vào kết quả điều tra và không phát huy tính độc lập của mình, thì sai lầm "chết người" tất sẽ xảy ra. Thậm chí, ít vụ án không nghiêm trọng nhưng cả 3 ngành phải họp và gần như ra "nghị quyết" để nếu có sai lầm thì "úm ba la ba ta cùng gánh". Nhân đây cũng xin nêu thêm một thực trạng đã gần như "thành lệ" của các cơ quan làm án là từ khi Nhà nước ban hành Nghị định 47/CP về bồi thường thiệt hại cho người bị truy tố, bắt giam oan, sai thì các cơ quan làm án một khi đã trót bắt giam thì phải cố xử sao cho có tội với mức án nhẹ nhất cũng bằng thời gian đã tạm giam" .

 

Một số ít cán bộ tố tụng hoặc do trình độ nhận thức hoặc do phẩm chất hoặc kết hợp cả 2 nguyên nhân trên đã góp phần làm cho thực trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế trở nên phức tạp và phổ biến hơn. Đây là một thực tế đã được công luận nhiều lần lên tiếng vì tính chất nghiêm trọng của nó. Các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử nhân danh pháp luật, nhân danh Nhà nước là để thực hiện công lý, loại trừ các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch của các chủ thể quan hệ dân sự kinh tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ bao gồm quyền an toàn về nhân thân, quyền an toàn về tài sản. Do trình độ và năng lực yếu kém của một số cán bộ thừa hành mà các quyền này bị xâm hại đã là một thực trạng đáng lo ngại. Trong một số trường hợp, mà không phải là hiếm hoi, do động cơ cá nhân ích kỷ, vụ lợi để hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế thì đây là một thực trạng nguy hiểm, đáng báo động vì nó đã thực sự kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, các giao dịch dân sự kinh tế nói chung, là một lực cản lớn đối với chủ trương huy động nội lực, thu hút ngoại lực, đi ngược lại với quá trình đổi mới, vi phạm một cách cơ bản đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng một Nhà nước "của dân, do dân, vì dân" .

 

Hậu quả của việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế :

 

- Đối với quan hệ sản xuất kinh doanh: hậu quả trực tiếp trong hầu hết các trường hợp bị hình sự hoá là các quan hệ này bị "đóng băng" hoặc bị đổ bể. Bị hình sự hóa, nhà kinh doanh không còn điều kiện về thời gian, cơ hội cũng như sức lực và tâm trí để tiếp tục việc kinh doanh. Các đối tác của họ hoặc bị vạ lây, hoặc phải cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh để khỏi bị mang tiếng. Các hợp đồng bị huỷ bỏ, các công việc đang tiến triển bình thường bị đình trệ, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần, cán bộ, công nhân mất việc, Nhà nước thất thu thuế, cơ sở vật chất, nguyên nhiên phụ liệu, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa gây lãng phí lớn. Và giống như người bị chẩn đoán nhầm là "có bệnh nặng", cá nhân, doanh nghiệp khi đã bị hình sự hoá thì cuộc sống của họ không thể được coi là bình thường, họ phải tốn thời gian, tiền của, tâm lực để "được điều trị". Dù cuối cùng, phát hiện là bị chẩn đoán và điều trị sai thì không ít người trong số họ cũng đã phải "thân bại danh liệt".

 

- Đối với quan hệ dân sự: Thực tiễn cho thấy nhiều giao dịch dân sự có truyền thống từ lâu đời thực sự có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong quan hệ cộng đồng. Các hình thức như hụi, họ, các quan hệ cho nhau vay, mượn tài sản đã trở thành phổ biến trong đời sống dân sự hàng ngày. Thời gian qua, như đã nói ở trên, do nhiều nhân tố về pháp luật, quản lý xã hội, ý thức pháp luật cùng với hiệu lực quản lý của Nhà nước, một số hiện tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất hiện trong điều kiện cơ chế thị trường đang manh nha và phát triển với cả mặt tốt và phần tiêu cực của nó. Để đối phó với tình hình này, một số cán bộ điều tra, truy tố, xét xử đã bị động, lúng túng trong việc xử lý các hiện tượng này và không kiểm soát được quá trình nên đã để xẩy ra hiện tượng phổ biến là hình sự hoá các quan hệ dân sự. Hậu quả là người dân tỏ ra lo ngại về độ an toàn pháp lý khi thực hiện các giao dịch nói trên. Khi có sự vi phạm trong các giao dịch đó, họ không kiên nhẫn phối hợp cùng đối tác tự giải quyết mà đã nhờ ngay các cơ quan công quyền vào cuộc để đòi nợ thay, phá vỡ các cách giải quyết dân sự truyền thống, gây không khí căng thẳng trong xã hội.

 

Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ làm đóng băng nhiệt tình và động cơ kinh doanh năng động, sáng tạo của công dân. Sự rủi ro của cơ chế, sự rủi ro khách quan trong cuộc sống là thường xuyên có. Các rủi ro này nếu không được đánh giá một cách khách quan, trung thực, công bằng sẽ dẫn đến một rủi ro lớn cho xã hội: an toàn pháp lý cho các chủ thể kinh doanh dân sự và khi sự an toàn này bị xâm hại thì sẽ làm giảm sút đáng kể các giao dịch dân sự kinh tế. Các giao dịch này khi đã bị suy giảm thì xã hội sẽ chậm phát trỉển, đầu tư giảm sút, sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn.

 

4. Các giải pháp chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế:

 

Nhận thức sâu sắc tác hại của việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, các ngành các cấp có liên quan đã có các biện pháp bước đầu đã hạn chế được thực trạng này, công luận cũng đã nhiều lần lên tiếng. Trong các giới kinh doanh, nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang có những cố gắng nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ thực trạng đáng lo ngại này. Tuy nhiên, để có thể giải quyết vấn đề này một cách cơ bản, triệt để, lâu dài và vững chắc, cần thiết phải thực hiện các giải pháp sau đây:

 

Thứ nhất, trong quá trình xây dựng pháp luật dân sự, kinh tế cần phải chú ý:

- Đây là các quan hệ pháp luật tư. Do đó, phải triệt để khai thác nguyên tắc thoả thuận ý chí của các chủ thể. Họ phải được tự do thoả thuận tối đa các điều kiện hợp đồng, miễn là sự tự do thoả thuận đó không trái với trật tự công (được hiểu như là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, liên quan đến lợi ích của toàn thể cộng đồng). Các qui định của pháp luật cần phải được thiết kế theo công thức: "nếu các bên không có thoả thuận khác" thì pháp luật mới có qui định cụ thể.

- Cần phải nhanh chóng khắc phục tình trạng pháp luật dân sự kinh tế còn mâu thuẫn, chồng chéo, chung chung, chỉ dừng lại ở các nguyên tắc chung mà thiếu các qui định chi tiết, cụ thể. Điều này liên quan đến việc nghiên cứu sửa đổi bổ sung nhiều luật hiện hành: Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Bộ luật hàng hải, Luật tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng.. đồng thời cần sớm ban hành các luật về kinh doanh bảo hiểm, xây dựng, chứng khoán, hối phiếu...

 

Thứ hai, trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật công liên quan đến quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực dân sự kinh tế, cần kiên quyết xoá bỏ cơ chế xin cho, hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan công quyền vào các giao dịch dân sự kinh tế cụ thể, tăng đến mức tối đa các thiết chế tự quản tự giám sát trong doanh nghiệp, trong cộng đồng dân sự. Cần phải thiết lập được một môi trường giao dịch dân sự linh hoạt, an toàn, đảm bảo. Do đó, các thiết chế công phải là nền tảng vững chắc để từ đó, các quan hệ tư được tự do phát triển trên nền tảng này. Kiên quyết loại trừ các qui định can thiệp thô bạo vào các quan hệ dân sự kinh tế cụ thể, kiểm soát việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc phát huy quyền chủ động, năng động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm tra, kiểm soát của các cá nhân, tổ chức. Các qui định điều kiện về ngành nghề cấm kinh doanh, điều kiện kinh doanh, điều kiện giao dịch dân sự phải được qui định ở nghị định, pháp lệnh hoặc luật để hạn chế tình trạng ban hành các văn bản pháp luật một cách tuỳ tiện. Luật Doanh nghiệp là một ví dụ sinh động về yêu cầu cao trong việc ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hoạt động kinh doanh.

- Đối với Bộ luật hình sự phải nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung theo hướng cần định tính và định lượng chi tiết hơn nữa các loại tội phạm, nhất là các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đ.139), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Đ.137). Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Đ.144) và đặc biệt là tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Đ.165) của Bộ luật hình sự (Sửa đổi) năm 2000. Sau đây là một số ý kiến cụ thể bàn về Đ.165 Bộ luật hình sự, một điều khoản mà trước, trong và ngay cả sau khi Quốc hội đã thông qua vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn là có cần thiết phải duy trì điều này trong BLHS nữa hay không, nhất là trước những nhức nhối về hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự hiện nay. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng yếu tố cấu thành của tội này đơn giản đến mức "mờ ảo", nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này thiếu rõ ràng, giống như một cái túi, dễ dàng bỏ mọi thứ tội vào đó, trong lúc đó một số ý kiến khác mà phần lớn là của người phải thi hành công vụ lại cho rằng điều khoản này là quá rõ, cần phải giữ lại. Có cách gì để giải quyết vấn đề rắc rối này không?

 

Trước hết, Điều 165 diễn đạt chưa chính xác "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước vê quản lý kinh tế" bởi các điều khoản khác trong chương này (chương XVI ) cũng đều nói về hành vi làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Nếu điều 165 được thiết kế như một "điều khoản thòng" vì sợ lọt tội thì phải được diễn đạt lại là "cố ý làm trái các quy định khác của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và nên được đặt cuối chương này.

 

Điều khoản này cũng không cụ thể vì không rõ các quy định quản lý của Nhà nước là quy định nào và của cấp nào? Nếu BLHS, một bộ luật đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân mà khi đem áp dụng lại phải dẫn chiếu đến các văn bản khác (nhiều khi là thông tư, chỉ thị, quyết định của các cấp, kể cả cấp địa phương) như là căn cứ để buộc tội thì rõ ràng là các doanh nghiệp đã có lý khi họ không thực sự an tâm về độ an toàn pháp lý của điều khoản này. Hơn nữa, khái niệm qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế là một khái niệm chung, không định tính, định lượng được để làm căn cứ buộc tội. Tương tự như vậy, nhiều điều khoản của BLHS (sửa đổi) cũng đã không cụ thể khi dùng các từ nguy hiểm, rất nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

 

Để vừa không bị lọt tội vừa đảm bảo an toàn pháp luật cho công dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế được tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế nên chăng cần thay đổi phương pháp xây dựng pháp luật hình sự về các tội phạm kinh tế theo hướng như sau:

- Sửa đổi lại Điều 2 BLHS theo hướng các tội phạm không chỉ được quy định tại BLHS mà còn được quy định tại các luật khác, đồng thời sửa đổi lại Điều 8 BLHS theo hướng các hành vi nguy hiểm cho xã hội không chỉ được quy định trong BLHS mà còn trong các luật khác. Thực tiễn cho thấy tại nhiều quốc gia đều áp dụng nguyên tắc các tội phạm không chỉ được quy định trong BLHS mà còn trong các văn bản pháp luật khác, có những quốc gia trước đây đã cố gắng từ bỏ nguyên tắc này để pháp điển hoá các tội phạm hình sự bằng BLHS thì nay cũng đã phải trở lại với nguyên tắc này.

- Đưa các quy định về tội phạm kinh tế vào các luật kinh tế và cũng chỉ giới hạn trong các luật kinh tế vì các tội phạm kinh tế thường không ổn định. Vấn đề tội phạm hoá và phi tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế xảy ra thường xuyên hơn so với các lĩnh vực khác (là lĩnh vực trong đó các khách thể bị xâm hại, các cấu thành tội phạm thường ổn định lâu dài). Quy định tội phạm trong các văn bản luật chuyên ngành này không những hạn chế thấp nhất các bất lợi khi phải sửa đổi luật mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi sử dụng, để họ biết được các điều cấm cần tránh. Nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển đều áp dụng hình thức này. Nếu thực hiện được phương án này thì bất kỳ một doanh nghiệp nào khi hoạt động kinh doanh cũng phải biết đến hai nguồn của luật hình sự: BLHS và các văn bản pháp luật kinh tế chuyên ngành có các quy định về tội phạm kinh tế. Tất nhiên, để thực hiện được điều này đòi hỏi khi soạn thảo các văn bản pháp luật kinh tế phải có sự kết hợp của các chuyên gia soạn thảo luật, các nhà kinh tế học, các nhà hình sự học. Các quy đinh quản lý của Nhà nước về kinh tế sẽ được cụ thể hoá trong các văn bản này kể cả việc phải cá thể hoá hình phạt và chủ yếu là nên áp dụng hình phạt tiền. Cũng sẽ có ý kiến cho rằng, ngay cả trong trường hợp này vẫn có thể không lường hết được tình huống và do vậy, vẫn sẽ còn có việc ai đó sẽ "xé rào" mà vẫn lọt tội. Thiết nghĩ, nếu có trường hợp như vậy thì cách duy nhất là phải sửa đổi, bổ sung luật để pháp luật liên tục phát triển theo hướng hoàn thiện.

 

Thứ ba, cần sớm khắc phục các khiếm khuyết trong các văn bản pháp luật khác hiện hành như đã phân tích trên đây, sớm ban hành Luật thi hành án theo hướng vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự vừa phải bảo đảm tính hiệu quả, tạo được niềm tin cho nhân dân vào sức mạnh quản lý và cưỡng chế của Nhà nước để họ không phải mượn biện pháp hình sự hoá hù dọa các con nợ. Cần thiết phải nghiên cứu lại hệ thống tổ chức toà án, hệ thống kiểm tra, thanh tra, hệ thống các cơ quan tham gia tố tụng, bảo đảm hơn nữa tính độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các cơ quan này và đặc biệt cần phải làm rõ chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan để thực hiện nguyên tắc: Cán bộ công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Bộ luật tố tụng hình sự phải được tiếp tục sửa đổi một cách căn bản, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật giữa những người tham gia tố tụng, tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc không ai bị coi là tội phạm khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án, bảo đảm quyền được tự bào chữa hoặc quyền được mời luật sư bảo vệ của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Để tránh bắt nhầm người vô tội hoặc hạn chế sự lạm dụng của các cơ quan điều tra, xét hỏi, cần thiết có điều khoản qui định: bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải trả lời khi chưa có luật sư của họ.

 

Thứ tư, cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của các cán bộ tham gia tố tụng, của các thẩm phán toà án, đặc biệt là các kiến thức về kinh tế thị trường. Cần thiết đưa chương trình chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế lên vô tuyến truyền hình để giới thiệu rộng rãi cho quảng đại quần chúng biết. Nên tổ chức giới thiệu trên truyền hình một số vụ án có liên quan đến vấn đề này để nhân dân nói chung , các doanh nghiệp , các cán bộ tham gia tố tụng nói riêng có thể qua đó rút được kinh nghiệm trong khi hành xử. Nên nghiên cứu để tiến tới áp dụng các án lệ, trước mắt cần

nâng cao chất lượng các báo cáo tổng két của Toà án Nhân dân tối cao theo hướng các báo cáo này phải chi tiết, cụ thể hơn nữa để các toà án địa phương có thể vận dụng được.

 

Thứ năm, cần tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng rộng rãi trong các đối tượng là giới kinh doanh, cụm dân cư về ý thức pháp luật, các phương thức ứng xử trong đời sống dân sự, các giao dịch kinh doanh, kiên quyết không ỷ lại vào chính quyền, không mượn các cơ quan công quyền để đe doạ, uy hiếp đối tác. Song song với việc này là tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức giải quyết các tranh chấp như tổ hoà giải ở các phường xã, các tổ chức hoà giải, trọng tài ở trong giới kinh doanh, các trung tâm tư vấn pháp luật của các hội luật gia, của các sở, phòng tư pháp địa phương, tạo thành một hệ thống tư pháp của dân, do dân và vì dân, có chức năng giúp các bên tự giải quyết được các vi phạm phát sinh trong các giao dịch dân sự kinh tế., hạn chế đến mức tối đa việc chuyển các vi phạm tới tòa án hoặc các cơ quan công quyền khác để giải quyết.

 

Thứ sáu, cần phải nghiêm trị các cán bộ lạm quyền cố ý hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế để trục lợi, kiếm lời. Nghiêm cấm các cơ quan công quyền thực hiện bất kỳ hành vi đòi nợ thuê nào, nghiêm cấm mọi sự can thiệp vào quá trình thi hành án. Nên xem xét lại các qui định về thưởng được trích theo tỷ lệ phần trăm số tiền thu hồi được từ các vụ việc vi phạm cũng như nghiêm cấm các hình thức thỏa thuận không thành văn về nhận tiền thưởng của các cán bộ, nhân viên Nhà nước vì đã "giúp" chủ nợ thu hồi được nợ. Tương tự như vậy, mọi biểu hiện thiên vị, xét xử không căn cứ vào tình tiết sự việc và pháp luật để ra các bản án hợp thức hóa việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế cần phải được nghiêm trị do đó cần tăng cường vai trò giám sát cá hoạt động xét xử ngay trong nội bộ hệ thống tòa án và của Quốc hội; cần phải xem xét, kỷ luật đúng mức các thẩm phán, hội thẩm nhân dân đã cố tình vi phạm các qui định để xử oan sai người vô tội; cần thực hiện nghiêm chỉnh việc đền bù thỏa đáng thiệt hại cho người bị bắt sai, truy tố sai, xét xử sai.

 

Kết luận:

 

 

Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế xuất hiện do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với sự cảnh báo của công luận, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bước đầu hiện tượng khá phổ biến này đã được hạn chế. Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan và chủ quan chưa được khắc phục như đã nêu trên, hiện tượng này vẫn sẽ còn tiếp tục. Chỉ có thể áp dụng các giải pháp hữu hiệu, kiên quyết, kịp thời để xóa các điều kiện khách quan, chủ quan như đã kiến nghị phần nào trên đây thì lúc đó mới có hy vọng ngăn chặn được hiện tượng đang đáng báo động này.

 

 

 

Phần thứ tư

Các bài tham luận tại các diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế do bộ tư pháp và phòng thương mại và công nghiệp Việt nam phối hợp tổ chức

 

 

Các bài tham luận trình bày tại Diễn đàn chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế tại Hà Nội ngày 26/10/2000 (dành cho các doanh nghiệp phía Bắc).

 

1. phát biểu khai mạc hội thảo "Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" của ông Vũ Tiến Lộc - Tổng thư ký phòng TM&CN Việt Nam.

 

Kính thưa anh Uông Chu Lưu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Kính thưa tất cả các đồng chí và các vị đại biểu.

Trước hết thay mặt cho Ban tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp, tôi xin được chân thành cảm ơn các đồng chí và các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các nhà doanh nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng đã tới dự cuộc tọa đàm hôm nay của chúng ta.

Thưa tất cả các đồng chí và các vị đại biểu, như các đồng chí và các vị đại biểu đã biết, chuyển sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, các hoạt động kinh doanh, các giao dịch dân sự, kinh tế đã thay đổi về căn bản, từ chỗ trước đây các quan hệ kinh tế được thiết lập và bảo đảm thực hiện bằng ý chí của Nhà nước theo phương thức kế hoạch hoá tập trung sang một hệ thống các quan hệ được thiết lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa hàng triệu, hàng chục triệu các chủ thể kinh tế, dân sự. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các bên tham gia vào các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế phải tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, phải chấp nhận những rủi ro nếu quyết định sai. Còn Nhà nước với tư cách là cơ quan công quyền quản lý ở tầm vĩ mô về căn bản chỉ thực hiện chức năng người bảo đảm cho các cam kết đó phải được thực hiện khi có yêu cầu. Cũng từ ý nghĩa đó, chúng ta sớm ban hành Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp Tư nhân (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Phá sản Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế và các văn bản pháp luật khác mà nội dung không chỉ đơn thuần quy định việc khai sinh, khai tử doanh nghiệp, quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, tạo lập môi trường, điều kiện cho các giao dịch dân sự, kinh tế mà điều quan trọng hơn là thực hiện việc tách biệt hoạt động kinh doanh ra khỏi các hành vi cá nhân của mỗi con người. Từ đó, các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp an tâm hơn bởi nếu kinh doanh bị đổ bể thì họ chỉ chịu rủi ro đối với hoạt động kinh doanh chứ không ảnh hưởng tới toàn bộ những mặt khác của đời sống. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giới doanh nghiệp thực sự lo ngại khuynh hướng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Khuynh hướng này không chỉ gây sức ép tâm lý đối với các doanh nghiệp đang hoạt động mà còn làm nản lòng những người có ý định đầu tư, thậm chí đã xuất hiện một động thái vi mô rất tiêu cực là doanh nghiệp ngại đầu tư vào các dự án lớn, dài hạn, rủi ro cao, ngại tham gia các giao dịch trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng, chủ chốt, quyết định sự phát triển của đất nước như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản…Đây là một dấu hiệu không bình thường của một môi trường kinh doanh mà ở đó, giới doanh nhân, người lính xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, nguồn động lực cho sự phát triển của xã hội, nhân tố quyết định sự hội nhập thành công không chỉ phải đương đầu với những khó khăn trong điều kiện của nền kinh tế chuyển đổi, những thách thức của quá trình hội nhập từ một xuất phát điểm rất thấp về sức cạnh tranh mà họ còn phải hàng ngày, hàng giờ đối phó với nguy cơ can thiệp nhiều khi là thô bạo từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luât, nguy cơ bị khép vào tội danh hình sự như cố ý làm trái, lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ngay cả khi hành vi của họ về bản chất chỉ là những vi phạm kinh tế, dân sự, hành chính, sự lỗ lãi, chậm thanh toán cho đối tác chỉ là những biểu hiện nhất thời có tính chất kỹ thuật, và cũng là thường tình trong đời sống kinh doanh của các doanh nghiệp. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế còn dẫn tới hiệu ứng phản phát triển là các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư không làm gì, không kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, chờ đợi, chấp nhận hiệu quả thấp thì an toàn hơn những người xông xáo, dám chấp nhận khó khăn, rủi ro trên thương trường, mà đầu tư rủi ro nhắm vào những ngành sản xuất mới, những dịch vụ mới rất có thể sẽ trở thành những động lực quan trọng tạo ra những đột phá khẩu cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự vào các quan hệ kinh tế còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, làm méo mó các chính sách đổi mới và hội nhập rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta dẫn tới những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam. Vì vây, việc khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm pháp luật, cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế đang là vấn đề bức xúc nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, tăng cường pháp chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên con đường tiếp tục đổi mới và hội nhập.

Thưa các đồng chí và các vị đại biểu, hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là một vấn đề phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn xây dựng, thực thi và áp dụng pháp luật hình sự. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế còn phải chịu tác động và ảnh hưởng của cả hệ thống chính sách, pháp luật về kinh tế mà hiện nay tình trạng thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng, thiếu ổn định của chúng đang tạo ra không ít rủi ro cho các nhà doanh nghiệp, và điều cốt lõi là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa khắc phục được sự can thiệp vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp và vai trò cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ sự phát triển kinh tế, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa được đề cao.

Để khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, theo chúng tôi cần phải làm rõ các giải pháp rất cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế. Riêng đối với luật hình sự, cần sớm nghiên cứu xem xét điều chỉnh mục tiêu, đối tượng bảo vệ của luật hình sự, chuyển trọng tâm chủ yếu từ việc bảo vệ các tài sản hữu hình sang việc bảo vệ các nguyên tắc của pháp luật, tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy định về tội phạm, các yếu tố cấu thành tội phạm kinh tế, các yếu tố cấu thành tội danh của một tội phạm kinh tế cho phù hợp với yêu cầu mới, phân biệt rõ các hành vi phạm tội, các vi phạm hành chính, và trách nhiệm dân sự, kinh tế trong toàn bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm thực thi nghiêm minh và thấu suốt trong toàn xã hội, trong các doanh nghiệp và trong các cơ quan thi hành pháp luật.

Hai là, đồng thời với việc đó cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống thiết chế giải quyết các tranh chấp dân sự như hòa giải trọng tài, tòa án kinh tế, công tác thi hành án, mở rộng, tăng cường hệ thống dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Công cuộc xây dựng pháp luật và bảo đảm pháp luật và thực hiện thông suốt và việc phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp và hỗ trợ pháp lý đòi hỏi công sức của rất nhiều cấp, nhiều ngành, và đòi hỏi phải có thời gian, trong khi đó, thì các hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế vẫn đang diễn ra và cần đòi hỏi phải được giải quyết ngay, và hiện tượng này, theo đánh giá của chúng tôi, không phải chỉ do những thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật mà còn do chính ý chí, tinh thần trách nhiệm, trình độ, kiến thức của những người thi hành luật, bao gồm cả hệ thống các cơ quan Nhà nước, và bản thân các doanh nghiệp. Do vậy, nâng cao trình độ kiến thức và đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công quyền và đội ngũ doanh nghiệp đang là yêu cầu và việc cần được triển khai ngay để đảm bảo từng bước ngăn chặn việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Với ý nghĩa đó, hôm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp để tổ chức diễn đàn "Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự - kinh tế" và chúng tôi vui mừng là các cơ quan của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng đã tới dự rất đông đảo. Và chúng tôi rất mong là trong cuộc tọa đàm này, các doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước sẽ trao đổi thẳng thắn với nhau về những vấn đề và đặc biệt là các giải pháp, nhất là các giải pháp có thể làm ngay, rất là thực thi để góp phần ngăn chặn hiện tượng này. Rất mong tất cả chúng ta tham gia thảo luận một cách sôi nổi. Trong các đại biểu tham gia thảo luận, chúng tôi rất mong chờ là ngoài các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có những bài phát biểu rất đầy đủ, thì rất mong các doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động của mình, cũng trao đổi về những vấn đề gặp phải. Cuối buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi sẽ mời đồng chí Uông Chu Lưu phát biểu, trao đổi để kết luận cuộc tọa đàm này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Bài phát biểu của Đồng chí Lại Hợp Việt- Đại diện Viện KSNDTC, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát.

 

Tham luận của tôi các đồng chí đã có trong tay. Về vấn đề thứ nhất là vấn đề: Thế nào là hình sự hoá tôi sẽ không trình bày nữa vì trong số các Đại biểu ở đây có rất nhiều các nhà lý luận về hình pháp. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề thứ hai là vấn đề thực trạng tình hình hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế hiện nay.

Về vấn đề thực trạng tình hình hình sự hoá các quan hệ dân sự- kinh tế hiện nay. Đây là vấn đề các Đại biểu rất quan tâm nên chính sự hiện diện đông đảo của các Đại biểu trong Hội trường này chúng tôi thấy đây là một điều đáng phấn khởi bởi vì cần quan tâm và cần giải quyết một vấn đề mà các doanh nghiệp cũng như các cơ quan pháp luật cùng nhau bàn bạc để giải quyết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Qua nghiên cứu thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử và công tác nghiên cứu lý luận, chúng tôi thấy rằng: trong số các vụ án hình sự được khởi tố, điều tra, sau đó lại đình chỉ điều tra hoặc các vụ án hình sự được đưa ra truy tố xét xử rồi sau đó được Toà án ác cấp lại tuyên bố không phạm tội thuộc các loại tội xâm phạm sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người, xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân, xâm phạm sở hữu nhà nước, xâm phạm sở hữu của công dân, các tội phạm về kinh tế và các loại tội xâm phạm trật tự quản lý thì có không ít các vụ đã bị hình sự hoá các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế. Theo thống kê thì năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000 đã có 76 vụ và 349 người đã được khởi tố điều tra về các nhóm tội: tội phạm kinh tế , xâm phạm sở hữu nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có tội. Thực chất đây là các vụ việc thuộc quan hệ dân sự, kinh tế. Cũng theo thống kê thì năm 1999 và 6 tháng đầu năm 2000 đã có 115 người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử về các nhóm tội: tội phạm kinh tế, tội xâm phạm sở hữu nhà nước, xâm phạm sở hữu công dân sau đó Toà án đã xét xử và tuyên bố bị cáo không phạm tội. Trong đó có 59 người là do Toà án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội và có 56 người do Toà án cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội. Cũng theo thống kê thì năm 1998 Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án, Phó Chánh án TANDTC đã kháng nghị tất cả 279 vụ án trong đó có 48 vụ án về tội lừa đảo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng trái phép tài sản XHCN; Uỷ ban Thẩm phán TANDTC và Toà Hình sự TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm 33 vụ trong đó có 8 vụ Toà án cấp phúc thẩm đã xác định các bị cáo không phạm tội hình sự chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế hoặc dân sự; 19 vụ bị sửa đổi từng phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật. Trong năm 1998, theo thống kê của TANDTC thì các Toà án địa phương đã gửi hồ sơ về TANDTC để chỉnh thị tổng số là 39 vụ án đã bị khởi tố, điều tra, truy tố các bị cáo về tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng qua nghiên cứu thì Toà án cấp trên thấy rằng có 1/3 trong số các vụ án đó có bị can bị truy tố không đúng tội. Như vậy, kính thưa các quý vị, một thực tế cần phải quan tâm là những năm gần đây nhiều vụ án dân sự và kinh tế lại được các cơ quan pháp luật thụ lý giải quýết theo trình tự của một vụ án hình sự. Ngược lại có những vụ án có dấu hiệu của tội phạm hình sự như lợi dụng các hợp đồng kinh tế, dân sự để chiếm đoạt tài sản của người khác lại được các cơ quan pháp luật thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế. Rõ ràng do đánh giá không đúng tính chất, nội dung của vụ án dẫn đến việc thụ lý sai thẩm quyền đặc biệt là việc dùng pháp luật hình sự để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kết án oan sai cho người không có tội đã gây ra một dư luận xấu, đã không được dư luận đồng tình, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong năm qua đã có không ít vụ án bị xử lý không đúng pháp luật và sai lầm nghiêm trọng điển hình là một số vụ án mà công luận đã lên tiếng, các cơ quan pháp luật đã kết luận cuối cùng để xảy ra oan sai như ở Hà nội, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đồng Nai. ở nhiều nơi như ở Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai chúng tôi theo dõi có những điều tra viên, kiểm sát viên đã phải bán cả nhà, cả rẫy để trích tiền đền bù theo yêu cầu của người bị oan sai.

Một vấn đề cần lưu ý là các hành vi hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế của các cơ quan pháp luật và những người tiến hành tố tụng không chỉ bắt đầu từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tó bị can mà có khi còn được những người tiến hành tố tụng áp dụng từ giai đoạn tiền khởi tố tức là giai đoạn trinh sát, xác minh từ khi nhận được đơn hoặc đề nghị của người khởi kiện. Lẽ ra khi nhận được đơn hoặc đề nghị của người khởi kiện, người chỉ huy điều tra hoặc người được giao nhiệm vụ điều tra cần phải nghiên cứu kỹ, hỏi người khởi kiện cụ thể, xác minh theo trình tự giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo để xác định xem có vấn đề mà họ đưa ra thuộc quan hệ pháp luật nào? dân sự, hình sự hay kinh tế? Từ đó xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không và chỉ khi xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn rằng trên thực tế sẽ không có hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế. Chúng tôi xin nêu một số vụ án thực chất là các quan hệ dân sự, kinh tế đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, sau đó phải đình chỉ điều tra hoặc Toà án tuyên bố bị cáo không phạm tội để phân tích, chứng minh:

Vụ thứ nhất là vụ án Đoàn Thị Phận ở Cao Bằng (báo cáo với các đồng chí là vụ án này đã được đình chỉ điều tra nên chúng tôi mới đưa ra) phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tàỉ sản công dân đã được khởi tố, điều tra là đúng pháp luật. Song trong quá trình điều tra vụ án này khi bị can Đoàn Thị Phận khai chị Mai Minh Phương là Phó giám đốc công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp Cao Bằng thuộc Ban Tài chính quản trị tỉnh uỷ Cao Bằng có vay và quỵt tiền của Đoàn Thị Phận. Căn cứ vào lời khai của Đoàn Thị Phận ngày 8/3/2000, cơ quan an ninh điều tra thuộc công an Cao Bằng (xin lưu ý là cơ quan an ninh điều tra chứ không phải là cảnh sát kinh tế hoặc cảnh sát hình sự) đã ra Quyết định khởi tố số 09 đối với chị Mai Minh phương. Sau một thời gian điều tra, ngày 16/5/2000, chính cơ quan an ninh điều tra thuộc công an Cao Bằng lại ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với Mai Minh Phương vì không đủ căn cứ chứng minh chị phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Đây là một vụ án mà một Phó giám đốc của công ty kinh doanh thuộcBan tài chính quản trị Tỉnh uỷ đến nay quyết định đình chỉ điều tra rồi nhưng chúng tôi theo dõi qua nguồn khiếu tố thì chị Mai Minh Phương chưa được phục hồi chức vụ, phục hồi công tác và quyền lợi.

Vụ thứ hai và vụ thứ ba thì đã có ở trong bài Tham luận gửi các vị nên tôi không trình bày nữa.

Từ một số vụ án nêu trên thì có thể rút ra một vấn đề mấu chốt là các cơ quan tiến hành tố tụng, trước hết là cơ quan công an, người thực hiện các biện pháp đầu tiên của quá trình tố tụng đã không phân biệt rõ giữa tội phạm và không phải là tội phạm trong mối quan hệ xã hội khi họ thụ lý vụ việc, không chú ý xác định sự việc đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, có chiếm đoạt tài sản hay không trước khi quyết định khởi tố điều tra. Về vấn đề này, việc phân tích thế nào là quanhệ hình sự, quan hệ dân sự, kinh tế, thế nào là có chiếm đoạt thì trong báo cáo tôi đã nêu . Chúng tôi xin đề xuất sâu hơn về phần nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và các biện pháp khắc phục.

 

 

Về nguyên nhân tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Chúng tôi thấy rằng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế là dùng pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp trong các giao dịch dân sự kinh tế. Theo quy định của Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự nước ta thì chỉ có cơ quan điều tra,viện kiểm sát, TAND và cơ quan thi hành án mới có quyền áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự theo luật định. Luật hình sự và tố tụng hình sự cũng quy định rất rõ thế nào là tội phạm, khi nào thì áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng quy định rất cụ thể các giai đoạn của tố tụng hình sự từ khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đến khi thi hành án.

Theo chúng tôi tìm nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế trước hết phải xét từ phía các cơ quan thực thi pháp luật tố tụng và những người được pháp luật giao cho nhiệm vụ tiến hành tố tụng trong các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, TAND và cơ quan thi hành án.

Về nguyên nhân, trước hết chúng tôi cho rằng, theo quy định của luật tố tụng hình sự, một con người chỉ bị coi là bị can, bị áp dụng các biện pháp tố tụng như ngăn chặn, hỏi cung, đối chất, bị khám nhà, khám chỗ ở, chỗ làm việc hoặc bị phong toả tài sản, tài khoản sau khi họ bị khởi tố là bị can. quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, kinh tế hoặc do trình độ yếu kém, không phân biệt được hành vi vi phạm pháp luật dân sự kinh tế với hành vi phạm tội cho nên không thể phân biệt thế nào thì phải áp dụng biện pháp tố tụng nào? Một vấn đề nữa cùng với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân là cơ quan được nhà nước giao cho nhiệm vụ kiểm tra và giám sát hoạt động điều tra. Viện kiểm sát có quyền chấp nhận hay không chấp nhận các quyết định khởi tố và các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Nếu viện kiểm sát làm hết chức năng của mình, làm hết lương tâm và trách nhiệm, làm đúng pháp luật tố tụng và đúng yêu cầu Chỉ thị 53 của Bộ Chính trị mới đây thì chúng tôi tin rằng sẽ không có trường hợp này xảy ra. Bởi vì, khởi tố không đúng thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định huỷ quyết định khởi tố hoặc yêu cầu công an rút quyết định khởi tố. Nếu như VKS có quyền phê chuẩn hay không phê chuẩn các biện pháp tạm giam, nếu ra lệnh tạm giam hoặc bắt giữ sai thì VKS có quyền huỷ quyết định đó đi. Do đó vấn đề đặt ra là cùng với trách nhiệm của cơ quan điều tra, chúng tôi cho rằng trách nhiệm của VKS trước hết là của các kiểm sát viên - những người được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế, vụ án hình sự phải có trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân trước tiên là từ những cơ quan này. Về phía Toà án, cơ quan điều tra không khởi tố không điều tra thì VKS không có hồ sơ để truy tố, ngược lại Toà án không thể xét xử được nếu VKS không truy tố. Nên trước hết chúng tôi cho rằng nguyên nhân tình trạng hình sự hoá là từ cơ quan điều tra và VKS.

Thứ hai, trong thực tiễn không loại trừ một số người có chức vụ quyền hạn được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo các hoạt động điều tra hoặc trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra hoặc kiểm sát điều tra do động cơ cá nhân đã lấy danh nghĩa thực thi nhiệm vụ hoặc vì vụ lợi hoặc động cá nhân khác mà đã sử dụng các biện pháp tố tụng hình sự hoặc một biện pháp cưỡng chế của nhà nước để buộc một bên dân sự phải trả nợ hoặc trả lại tài sản, tiền cho phía bên kia và họ coi khởi tố, tạm giữ, tạm giam là biện pháp nhanh nhất để đòi được nợ rồi được trả ơn hay trích thưởng theo tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản đòi được. Cũng cần lưu ý là ngoài việc áp dụng các biện pháp tố tụng không đúng pháp luật từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì việc áp dụng các biện pháp tố tụng ở giai đoạn tiền khởi tố xảy ra cũng không ít. Trong thực tế đã có không ít những doanh nghiệp, những người bị gọi hỏi, bị lưu giữ hàng hoá, bị niêm phong kho, bị thông báo phong toả tài khoản trước khi vụ án bị khởi tố (có trường hợp bị tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh tới hàng tháng có khi chỉ là lệnh miệng của người có thẩm quyền). Vấn đề này đã có rất nhiều vụ việc được báo chí nêu lên và có nhiều vụ việc đã được giải quyết, giải toả. Như vậy thì vấn đề lương tâm trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng là vấn đề cần phải được quan tâm đặc biệt và quan tâm trước hết.

Thứ ba, pháp luật của nhà nước ta ngày càng hoàn thiện và bổ sung cho nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Song điều đáng lưu ý hiện nay là các Luật, Pháp lệnh được ban hành khá nhiều nhưng việc hướng dẫn và giải thích luật lại làm không kịp thời và làm chưa được nhiều. Do đó dẫn đến tình trạng nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất trong các cơ quan pháp luật và giữa địa phương này với địa phương khác. Vấn đề hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế không phải là vấn đề mới đưa ra tại Hội thảo này mà nó đã có từ nhiều năm trước, có thời gian nó trở thành vấn đề có tính thời sự nhưng các cơ quan chức năng và có thẩm quyền của nhà nước ở Trung ương cũng không kịp thời ra các văn bản hướng dẫn áp dụng để giúp cho các cơ quan và những người tiến hành tố tụng ở các địa phương phân biệt các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán trả nợ với các trường hợp vi phạm quy tắc quản lý nhà nước hoặc phạm tội hình sự bằng các phương thức thủ đoạn thông qua các vụ việc dân sự và kinh tế. Chúng tôi xin nói thêm ở đây có hai vấn đề: một là trách nhiệm luật pháp của chúng ta ban hành rất nhiều nhưng hướng dẫn giải thích như trước đây là UBTVQH, các ngành ở Trung ương, Viện Kiểm sát, Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp với nhau ra các Thông tư hướng dẫn nhưng việc làm này vẫn chưa nhiều. Cho nên vấn đề thống nhất trong nhận thức và thống nhất trong thực hiện ở địa phương là vấn đề mà các ngành ở Trung ương đang phải bàn bạc để giải quyết.

Thứ tư, đã có thời gian khá dài pháp luật của chúng ta chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng kể cả trách nhiệm về kỷ luật nghiệp vụ và trách nhiệm về vất chất. Do đó các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng chưa bị một chế tài nào ràng buộc. Một khi họ có vi phạm thì cũng không bị xử lý kịp thời và nghiêm minh. Có chăng chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm và quy vào một lý do là trình độ hạn chế. Như vậy một sự bất bình đẳng trước pháp luật đã diễn ra, người công dân hay pháp nhân bị cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng nghi là phạm tội hay có dấu hiệu phạm tội thì bị áp dụng ngay lập tức các biện pháp tố tụng hình sự. Trong trường hợp có đủ căn cứ kết luận tội phạm thì không nói làm gì, còn trong những trường hợp bị nghi oan, có khi chờ được minh oan và kết luận cuối cùng thì họ đã bị thiệt hại, có trường hợp bị thiệt hại lớn. Còn ngược lại, người làm sai tố tụng thì vẫn bình yên vô sự và chỉ bị rút kinh nghiệm.

Trước yêu cầu cấp bách trên, ngày 9/6/2000, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 10 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố tụng hình sự trong đó Viện trưởng VKSNDTC là trưởng Ban soạn thaỏ các dự án sửa đổi về tố tụng của hình sự nên trong Luật Tố tụng hình sự sửa đổi hiện nay có thêm Điều 10a quy định về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Điều 10a quy định: "Trong quá trình tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và phải chịu trachs nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật". Việc quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng vâ người tiến hành tố tụng và có căn cứ để xử lý những người tiến hành tố tụng khi làm trái pháp luật. Luật tố tụng hình sự sửa đổi đã có hiệu lực thi hành song chúng tôi thấy một điều đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền về việc các quy định trên như thế nào thi được coi là trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử hoặc xử lý thế nào đối với người bị bắt, giam .....hoặc thi hành án trái pháp luật thì cơ quan hay người nào phải bồi thường trách nhiệm vật chất và họ được hưởng mức bồi thường là bao nhiêu và như thế nào thì vẫn chưa được quy định cụ thể.

Một vấn đề nữa là điều luật chỉ quy định việc bắt giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật, còn việc khởi tố trái pháp luật lại không được nói rõ thành câu chữ trong điều luật. Đây là vấn đề cần phải bổ sung bởi chính vấn đề có khởi tố hay không khởi tố mới liên quan đến vấn đề hình sự hoá hay không hình sự hoá. Vì trong thực tế đã có những trường hợp vì muốn đòi nợ hay thu tiền, tài sản cho bên nguyên, người ta đã quyết định khởi tố để đưa bên bị vào vòng quay của tố tụng. Khi bị sức ép của tố tụng, bên bị đã trả hết nợ hay tài sản đã được thu hồi cho bên nguyên thì lại ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Sự chậm trễ và sơ hở trong xây dựng pháp luật cũng là một nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

 

Về biện pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Kính thưa các quý vị. Như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng phải nhận thức thống nhất và áp dụng thống nhất là việc xác định xem ranh giới giữa tội phạm và vi phạm. Vấn đề khó nhất hiện nay là trong thực tiễn chưa có các tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các việc lợi dụng các hợp đồng dân sự, kinh tế chưa được các cơ quan hướng dẫn thành văn bản có tính chất làm căn cứ pháp lý để thực hiện. Có nhiều quan điểm nhận thức khác nhau nhưng thực tế đã xảy ra hiện tượng nhận thức không đúng về hành vi chiếm đoạt dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, đã có các vụ việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế gây trở ngại cho sản xuất kinh tế hàng hoá, làm rối loạn các quan hệ kinh tế dân sự khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì sản xuất bị đình trệ. Theo chúng tôi, trong quá trình chứng minh chiếm đoạt, các cơ quan điều tra và những người được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra còn phải xem xét một cách khách quan, toàn diện từ những hành vi giao dịch bên ngoài đến những tiềm ẩn bên trong của quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, phải làm rõ mục đích của việc vay mượn tài sản trong hợp đồng thực tế sử dụng tài sản nhận được qua hợp đồng để kinh doanh, sản xuất, chơi hụi hay cho vay lãi..., phải làm rõ lý do không trả lại tài sản. Qua nghiên cứu thực tiễn chúng tôi thấy rằng mọi trường hợp vay mượn tài sản được đảm bảo bằng việc cầm cố, bảo lãnh, thế chấp tài sản ít hơn giá trị tiền vay để nhằm chiếm đoạt phần chênh lệch thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với khoản tiền chênh lệch đó. Trường hợp dùng một tài sản thế chấp ở nhiều nơi để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự với khoản vay thế chấp không hợp pháp. Phân biệt giữa hành vi lợi dụng hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự để chiếm đoạt tài sản, tiền vốn của người khác với các hành vi vi phạm hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay. Chúng ta thấy rằng trong thời gian qua, các cơ quan pháp luật ở Trung ương đã khẩn trương nghiên cứu tổng kết thực tiễn, lý luận để có hướng dẫn nhưng vẫn chưa kịp thời và đầy đủ (chúng ta biết Bộ Tư pháp đang có một đề tài, Ban Nội chính Trung ương cũng đã có một chuyên đề, các ngành như Công an, Viện kiểm sát cũng đã có nhưng chúng ta chưa có biện pháp tổng kết cuối cùng để thành một văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Đồng thời các ngành chức năng xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chưa tổ chức tập huấn và nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ để đảm bảo áp dụng pháp luật cho thống nhất. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi thấy việc tổng kết thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử cần được tiến hành khẩn trương, đồng thời các cơ quan tiến hành tố tụng như Bộ công an, Viện KSNDTC, TANDTC cần kiểm tra và tổng kiểm tra các vụ án đã và đang giải quyết có liên quan đến vấn đề hình sự hoá. Đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC đã chỉ đạo năm 1999 và kết thúc năm 2000 sẽ tổng kiểm tra án đình chỉ trên phạm vi toàn quốc. Đền nay chúng tôi đã tổng kiểm tra được trên 40 tỉnh thành, từ nay đến cuối năm sẽ tổng kiểm tra toàn bộ số án đình chỉ điều tra trước đây để xác định xem trường hợp nào là đình chỉ điều tra không có tội, trường hợp nào đình chỉ điều tra mà bị can đã bị tạm giam để từ đó có chỉ đạo rút kinh nghiệm và chỉ đạo về mặt nghiệp vụ. Phải tổng kết kịp thời và giải quyết kịp thời những trường hợp không phải là tội phạm; nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì phải báo cáo kịp thời và đầy đủ lên cơ quan cấp trên để giải quyết theo thẩm quyền. Những trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, oan người vô tội thì phải xin lỗi và bồi thường cho họ về mặt vật chất. Cán bộ làm oan người vô tội nếu vì động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác thì phải xử lý nghiêm minh kể cả chủ nợ đã lợi dụng quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng mà nhờ hay thuê đòi nợ bằng biện pháp hình sự thì cũng phải xử lý nghiêm minh.

Cùng với việc chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, chúng ta cũng phải chống cả tình trạng dân sự hoá, kinh tế hoá, hành chính hoá các hành vi tội phạm xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, hành chính nếu không chúng ta lại mắc sai lầm từ thái cực này sang thái cực khác mà không căn cứ vào các quy định của pháp luật. Trong thời gian qua cũng không ít những trường hợp vì sợ chụp cho cái mũ hình sự hoá nên một số cơ quan tiến hành tố tụng đã không cương quyết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội. Ngược lại có những doanh nghiệp phạm tội hình sự nhưng lợi dụng tình trạng tuyên bố phá sản doanh nghiệp để chống các biện pháp xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng như Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý một vụ.

Kết thúc bài tham luận này chúng tôi xin đề cập một vấn đề, cũng là một giải pháp rất quan trọng để loại trừ tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế. Đó là vấn đề nêu cao lương tâm trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử. Nếu những người chỉ huy và những người được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đều có lương tâm trong sáng, nắm vững nghiệp vụ, làm việc một cách khách quan và chỉ tuân theo pháp luật thì sẽ không có tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Một vấn đề nữa chúng tôi thấy rằng trong công tác hiện nay, một vụ án xảy ra, thông thường bên nguyên và bên bị đều tìm đến hai cơ quan. Chúng tôi theo dõi nhiều vụ kiện, vụ án, nhiều vụ dân sự kinh tế xảy ra, bên nguyên cũng tìm đến một người làm ở cơ quan pháp luật và một nhà báo, bên bị cũng tìm đến một người làm ở cơ quan pháp luật và một nhà báo. Nhiều vụ việc đằng sau bên nguyên, bên bị đều có người làm pháp luật và nhà báo. Vấn đề lương tâm trách nhiệm của người làm pháp luật và của người cầm bút ở trong trường hợp như thế nào để cho các quan hệ pháp luật dân sự kinh tế không bị méo mó, để cho các vụ tội phạm không trốn tránh được. Đây là vấn đề chúng tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp, những người làm báo trong vấn đề này. Chúng tôi- những người làm ở Viện KSNDTC cũng xin báo cáo với các quý vị là đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC chỉ đạo dành hẳn một biên chế Kiểm sát viên suốt ngày đọc, tập hợp trên 200 tờ báo. Tất cả những bài báo nào có liên quan đến trách nhiệm trong tố tụng, liên quan đến Viện kiểm sát đều được Viện trưởng Viện KSNDTC tổng hợp lại thành điểm báo hàng ngày và yêu cầu các Viện trưởng ở địa phương, các cục trưởng, Vụ trưởng phải chỉ đạo giải quyết theo yêu cầu của báo chí. Tất nhiên chúng tôi không gửi văn bản yêu cầu đó cho các báo nhưng hàng ngày ở tất cả các báo, những vụ việc nào có liên quan đến Viện kiểm sát chúng tôi đều có điểm. Chúng tôi đề nghị giữa cơ quan pháp luật và cơ quan báo chí phải phối hợp với nhau chặt chẽ để chúng ta có cùng tiếng nói chung, tránh tình trạng có nhiều bài báo nội dung ít nhưng bình luận, phê phán thì nhiều và sai với thực tế bản chất nội dung kết luận điều tra hoặc của thực chất điêù tra về kết quả xử lý vụ án.

Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn các quý vị và mong rằng sau Hội thảo này chúng ta sẽ phối hợp với nhau giữa cơ quan pháp luật và cơ quan báo chí, giữa pháp luật và các doanh nghiệp có nhiều điểm tốt hơn.

 

 

 

3. Bài phát biểu của Luật sư Nguyễn Tiến Lập- Phó chủ tịch công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (INvestconsult Group)

Chúng tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho chúng tôi với tư cách đại diện cho giới doanh nghiệp, hơn nữa lại là doanh nghiệp làm tư vấn trong lĩnh vực đầu tư và pháp luật dược tham gia Hội thảo này. Bởi vì suy cho cùng, các hậu quả của vấn đề hình sự hoá này cuối cùng đều đổ lên đầu các doanh nghiệp, tức người dân chứ không phải là các cơ quan nhà nước.

Bài tham luận của tôi cũng đề cập đến nhiều vấn đề với tư cách cá nhân là một luật sư như các khái niệm hình sự hoá là gì, các nguyên nhân của hình sự hoá, hậu quả của nó và các giải pháp.

Tôi đã có bài viết và đã gửi đến các quý vị đại biểu. Để tiết kiệm thời gian, tôi xin phép miễn đọc lại bài viết của tôi mà tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm tôi tâm đắc nhất. Bởi vì thực ra qua ý kiến của đồng chí ở Viện KSNDTC và các tham luận khác thì có nhiều ý kiến đã trùng lắp nhau. Tôi đã thấy Hội thảo rất thành công bởi các tham luận rất nhiều quan điểm nhất trí với nhau.

Về khái niệm hình sự hoá

Đây là việc ưu tiên áp dụng các văn bản pháp luật về hình sự thay cho pháp luật về dân sự và kinh tế.

Về nguyên nhân, thực ra chúng ta đã nói đến nhiều nguyên nhân trong đó có những sơ hở của luật pháp, vấn đề dân trí. Tôi tổng kết có ba nguyên nhân chính mà trong đó có một nguyên nhân thực sự quan trọng và là nguyên nhân về bản chất.

 

Thứ nhất, vấn đề dân trí. Nếu người dân chúng ta thực sự giác ngộ, nếu tất cả những tranh chấp của người dân mà người dân tự xử lý được ở một giai đoạn nào đó và nếu không xử lý được có thể nhờ cơ quan tư vấn, luật sư và biết cách xử lý, chọn con đường thích hợp thì sẽ giảm được rất nhiều.

Như vậy đây là vấn đề dân trí, dân trí của 80 triệu dân. Đó là lỗi của người dân. Người dân không thể trách được cơ quan nhà nước, đó là nguyên nhân khách quan.

Thứ hai, vấn đề lạm dụng quyền lực. Đây là lỗi của cơ quan nhà nước. Tôi cho rằng chỗ này hay chỗ khác có vấn đề quan chí ở các cấp hành pháp ở địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng không phải là phổ biến. Vấn đề ở đây là lạm dụng quyền lực, có vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở trong đó nhưng vấn đề bản chất là lạm dụng quyền lực. Đây là vấn đề phải đấu tranh gay go, vất vả và nó cũng có những cội rễ sâu sa của nó về mặt kinh tế, xã hội, chính trị. Tôi cho rằng hai nguyên nhân trên là nguyên nhân về hình thức.

Thứ ba, nguyên nhân bản chất nhất. Đó là bản chất và cơ cấu của nền kinh tế chúng ta. Thực ra chúng ta nói chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế mới nhưng bây giờ xây dựng một nền kinh tế mới là nền kinh tế như thế nào thì chúng ta chưa rõ. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn quá độ từ nền kinh tế cũ chuyển sang nền kinh tế mới. Nền kinh tế cũ của chúng ta cũng không hoàn hảo, cũng không phải là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Nó là một nền kinh tế pha trộn nhưng có thiên hướng kế hoạch hoá tập trung. Chúng ta chuyển sang nền kinh tế mới nhưng chúng ta chưa có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và chúng ta định xây dựng một nền kinh tế mới với cơ chế thị trường hay một nền kinh tế thị trường thì cũng chưa rõ. Nhưng biểu hiện cụ thể là gì? Chúng ta chưa có nền kinh tế tư nhân thực sự mạnh mẽ và lành mạnh. Nếu nhìn về mặt hình thức, cái cơ cấu về sở hữu hoàn toàn không rõ trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh ở Việt nam. Vấn đề gọi khái niệm sở hữu XHCN là như thế nào bởi vì tất cả các vấn đề hình sự hoá cuối cùng đều liên quan đến một khái niệm gọi là tài sản XHCN. Để bảo vệ tài sản XHCN thì đương nhiên phải dùng các phương tiện hình sự. Đây là mặt chính trị. Cái cơ cấu kinh doanh ở Việt nam hiện nay tôi đảm bảo với các đồng chí: trong các doanh nghiệp nhà nước thì thực chất nó là nhà nước, tư nhân hay pha trộn là không rõ. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần trong đó tài sản nhà nước hay tư nhân cũng chưa rõ. Nhưng về biểu hiện chung: tôi cho rằng chúng ta chưa có một khu vực kinh tế tư nhân thực sự mạnh mẽ và chưa có các điều kiện khách quan đảm bảo cho nó lành mạnh, trong sạch. Sự đan xen về sở hữu, không rõ về sở hữu dẫn đến nguyên nhân cội rễ sâu sa về bản chất kinh tế cho vấn đề hình sự hoá.

Về hậu quả, các hậu quả như các đồng chí nói, người dân phải chịu thiệt, phải đi tù oan, bắt oan, bị tịch thu tài sản nhưng tôi cho rằng một hậu quả vô cùng nguy hiểm mà nó nguy hại cho sự phát triển của Viẹt nam mới là quan trọng. Đó là hình ảnh Việt nam trước cộng đồng quốc tế. Hôm qua, tôi mới đọc một số điểm báo của nước ngoài thì họ bắt đầu nói: "Công ty Huy Hoàng đã đứng trước bờ vực phá sản" và qua các báo chí của Việt nam bắt đầu lên án hiện tượng là Tổng giám đốc của công ty Huy Hoàng đi những cái xe trị giá hàng triệu đô- một cái xe đắt nhất ở Việt nam bây giờ. Như vậy đã bắt đầu có dấu hiệu, chuẩn bị tâm lý để dẫn đến vấn đề hình sự hoá. Tôi cho rằng nếu quá trình hình sự hoá không được ngăn chặn thì vấn đề nguy hại nhất là: Việt nam trước con quốc tế sẽ trở thành một xã hội cảnh sát chứ không phải là xã hội dân sự. Đó là điều nguy hại nhất. Điều này dẫn đến hệ quả là: chắc chắn nó là cản trở lớn cho quá trình mở cửa, hội nhập của Việt nam. Bởi vì người nước ngoài không đến Việt nam và không đầu tư vào Việt nam. Chúng ta hoà nhập với cộng đồng thế giới cũng rất khó khăn và cuối cùng là sự phát triển của đất nước Việt nam, của kinh tế Việt nam, xã hội Việt nam sẽ bị chậm lại.

Về giải pháp, nếu nguyên nhân như thế nào thì chúng ta sẽ loại trừ các nguyên nhân, các điều kiện khách quan của vấn đề hình sự hoá. Quan trở lại cũng là ba vấn đề:

 

Chúng ta phải nâng cao dân trí. Qua các cơ sở để đào tạo, qua các Hội thảo như thế này để góp phần nâng cao dân trí và đặc biệt là các cơ quan truyền thông (tôi biết nhiều cơ quan truyền thông báo chí tham gia Hội thảo này. Đó là điều rất đáng mừng bởi họ sẽ giúp cho nhà nước nâng cao dân trí).

Thứ hai là chống tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Đây là điều chúng ta đã làm. Việc này rõ ràng Tổng Bí thư Lê Khả Phêu đã nhấn mạnh.

Tôi cho rằng: Hình như trong Hội thảo của chúng ta vắng bóng các Bộ, ngàng kinh tế trừ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Vấn đề quan trọng nhất tôi cho rằng là phải xây dựng nền kinh tế thị trường hoặc như thế nào đó để làm rõ nhưng trong đó khu vực kinh tế tư nhân phải được tạo điều kiện, phải được ưu tiên nhất, phải trở thành lực lượng chủ yếu của nền kinh tế. Tôi không dùng từ "chủ đạo" bởi "chủ đạo"liên quan đến an ninh kinh tế trong những lĩnh vực then chốt nhưng đây là lực lượng chủ yếu của nền kinh tế. Phải xem lại khái niệm "quản lý Nhà nước". Trong tất cả các văn bản pháp luật hiện nay đều có chương "Quản lý nhà nước". Tôi xin thưa, trước đây chúng ta để Chương này lên đầu tiên, bây giờ chuyển sang Chương cuối cùng bởi vì nhiều người trước con mắt cộng đồng quốc tế không hiểu nhưng nói gì thì nói khái niệm quản lý nhà nước cần phải được làm rõ. Nhà nước tham gia điều hành nền kinh tế như thế nào? là điều tiết hay quản lý?. Khái niệm này hoàn toàn chưa rõ trong tất cả các văn bản pháp luật từ trước tới nay. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng một nền kinh tế hoàn toàn rành mạch, rõ ràng trong đó kinh tế tư nhân, sở hữu tư nhân được khẳng định rõ thì lúc đó chúng ta mới nói đến vấn đề: vấn đề hình sự hoá mới được giải quyết một cách cơ bản.

Bài tham luận gửi tới hội thảo của LS Nguyễn tiến Lập - Phó chủ tịch công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ (INvestconsult)

 

"Đấu tranh chống hình sự hoá cá giao dịch dân sự, kinh tế: thực tiễn và giải pháp"

 

Những năm gần đây, xã hội đã lên tiếng cảnh báo và phản đối một xu hướng phát triển mới thiếu lành mạnh trong phạm vi quản lý Nhà nước, đó là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Quá trình này trước hết nhằm đánh vào các chủ hoặc giám đốc doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp khu vực tư nhân, tuy nhiên trong khi không ít trường hợp cả DNNN. Các hiện tượng mà xã hội thường nhìn thấy, có thời kỳ là hàng ngày và hàng tuần, là các ông chủ hoặc giám đốc doanh nghiệp đủ loại hình và quy mô, cả những doanh nghiệp khổng lồ với nhiều năm tên tuổi và được tuyên dương trên thường trường, bị còng tay hoặc đứng trước vành móng ngựa. Khách hàng và người tiêu dùng mất lòng tin và cảnh giác hơn. Các doanh nhân khác lo sợ đến lượt mình...

1. Hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự là gì?

Kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng các hoạt động kinh tế và quan hệ kinh tế đã thay đổi về bản chất. Thay vì Nhà nước làm kinh tế thì nay người dân có quyền tự do kinh doanh và được pháp luật bảo hộ. Các doanh nghiệp Nhà nước thay vì làm theo mệnh lệnh thì nay đã được trao quyền tự chủ. Các chủ thể kinh tế tương tác và giao dịch với nhau trên thương trường trên nền tảng căn bản là các thoả thuận dân sự được giao kết theo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng. Nhà nước, về cơ bản không cần và không nên can thiệp chừng nào và cho tới khi có hai tình huống xảy ra. Đó là, thứ nhất, doanh nghiệp vi phạm các quy định về hành chính như trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các tiêu chuẩn tối thiểu và bắt buộc về vệ sinh, an toàn lao động hoặc chất lượng sản phẩm...và thứ hai, doanh nghiệp có tranh chấp với nhau mà không tự giải quyết được. Trong trường hợp thứ nhất, người giải quyết là các cơ quan hành pháp tự hành động theo chức năng của mình; còn trong trường hợp thứ hai, là các tòa án dân sự và kinh tế hành động theo yêu cầu của đương sự.

Tuy nhiên, mọi việc lại không diễn ra theo lẽ thường trên, đặc biệt là trong trường hợp thứ hai. Khi các bên trong quan hệ kinh doanh với nhau có tranh chấp, dù thuộc bất cứ đối tượng và thể loại nào, người giải quyết lại không phải là các toà án dân sự hoặc toà án kinh tế mà lại là công an, kiểm sát, thanh tra hoặc quản lý thị trường. Hệ qủa sau đó có thể là tạm giam, có hoặc không thời hạn, phạt tiền, tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện sản xuất kinh doanh, kê biên tài sản, đình chỉ công tác đối với giám đốc và tệ hơn nữa là ra toà hình sự. Căn cứ để các cơ quan chức năng nói trên can thiệp có thể là do "tự điều tra, phát hiện" hoặc theo chính yêu cầu của một bên tranh chấp. Tựu chung, các loại vụ việc liên quan thường là:

Đòi thanh toán theo hợp đồng. Đây là loại vụ việc phổ biến nhất. Một bên đòi nợ chậm hoặc không trả báo công an. Công an cảnh cáo, nếu không có kết quả thì sẽ liệt con nợ vào diện nghi vấn có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN hoặc công dân" và mở thủ tục điều tra. Tới đó, kiểm sát nhân dân có thể can thiệp.

Không tuân thủ các yêu cầu về hình thức khi giao kết hợp đồng kinh tế, dân sự dẫn đến hợp đồng có thể bị vô hiệu như người ký không đúng thẩm quyền, không ký hợp đồng bằng văn bản hoặc theo mẫu quy định, không chứng thư hoặc đăng ký hợp đồng..v..v. Trong trường hợp này, nếu vì lý do đó mà việc phân định các trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng không rõ ràng, gây ra tranh chấp và thiệt hại vật chất thì sẽ bị các cơ quan chức năng coi là "cố ý làm trái... gây hậu quả nghiêm trọng".

Huy động vốn hoặc vay nợ. Một doanh nghiệp huy động vốn để kinh doanh từ các nguồn vốn khác nhau, không, có khó khăn hoặc có nguy cơ không trả được nợ. Khi bị chủ nợ hoặc bất cứ ai tố giác, rất có thể sẽ bị coi là phạm hai tội: vi phạm các quy định về tài chính, ngân hàng và "lừa đảo..."

Không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng do không đủ năng lực nhưng trước đó đã cam kết và hứa hẹn khi ký hợp đồng. Trường hợp này khá phổ biến và bên vi phạmh hợp đồng rất có thể bị coi là "klừa đảo".

Vi phạm bản quyền và sở hữu công nghiệp. Một doanh nghiệp nhái nhãn hàng của người khác bị quản lý thị trường xử lý sẽ có thể vi phạm rất nhiều quy định khác nhau liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp (theo BLDS), lưu thông hàng hoá trên thị trường (theo Luật thương mại và các văn bản của Bộ Thương mại), thậm chí, nếu ở quy mô nhất định "là cố ý làm trái..." hoặc "lừa đảo" (theo BLHS).

Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến không thanh toán được các khoản nợ và nguy cơ phá sản. Nếu doanh nghiệp tiếp tục vay nợ để đầu tư trực tiếp hoặc trả nợ có thể bị coi là "lừa đảo". Nếu không thì bị quy kết là do quản lý kém và đồng nghĩa với "cố ý làm trái... gây hậu quả nghiêm trọng". Chúng tôi lưu ý rằng mặc dù nước ta đã có Luật phá sản doanh nghiệp từ lâu, song cho tới nay hầu như số doanh nghiệp được tuyên bố phá sản theo Luật vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, số được sinh ra là hàng chục ngàn, số làm ăn thua lỗ nguy cơ phá sản là hàng ngàn và các trường hợp giám đốc, chủ doanh nghiệp bị điều tra, tạm giam, đình chỉ làm việc cũng rất nhiều. Trong cơ chế thị trường điều này hẳn là một nghịch lý!

Trong tất cả các trường hợp liệt kê ở trên rất có thể có dấu hiệu, ở mức độ nào đó hoặc xét cho cùng, của vi phạm hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, bản thân nó là và phải được coi là vấn đề dân sự. Vì luật hình sự thực chất được sinh ra là để giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích và an ninh công cộng. Về số lượng, do vậy và đương nhiên, các "vấn đề hình sự" phải ít hơn hẳn so với các vấn đề "dân sự". Các vấn đề và vụ việc dân sự thuộc về đời sống hàng ngày, dù đó là kinh doanh hay sinh hoạt của con người, có số lượng rất lớn và muôn hình muôn vẻ. Do đó, các vấn đề và tranh chấp dân sự được giải quyết theo quy luật và cơ chế riêng. Đó là cơ chế dân sự, bao gồm tự hoà giải, trọng tài hoặc toà án dân sự. Thế nhưng, trên thực tế, theo thống kê của các toà án, số lượng các vụ việc dân sự, kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp được thụ lý chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng số vụ việc, còn lại là hình sự. Tại các toà kinh tế, tình trạng các thẩm phán kinh tế tham gia xử hình sự là phổ biến.

Tóm lại, để có một khái niệm về hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự theo chúng tôi hiểu, đó là việc các tổ chức và cá nhân (cơ quan chức năng hoặc đương sự) tìm mọi cách thức để ưu tiên hoặc áp dụng thay thế các quy định của Luật hình sự và tố tụng hình sự đối với các vụ việc dân sự, kinh tế thay cho các quy định của luật dân sự, kinh doanh và thương mại.

Mục đích và nguyên nhân của "hình sự hoá".

Đương nhiên, việc sử dụng biện pháp "hình sự hoá" phải có những căn nguyên và mang lại những lợi ích thực tế nhất định cho các đối tượng thi hành nó. Có thể nêu ra một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, do thói quen của cả hai phía: các cơ quan công quyền và người dân. Từ cơ chế cũ, khi Nhà nước còn điều hành và kiểm soát mọi thứ trong đời sống kinh tế và dân sự, người dân, do vậy, thường mang các vấn đề của mình đến nhờ cậy các cơ quan Nhà nước gần gũi và quen thuộc nhất với mình, đó là công an, UBND và sau đó là các cơ quan chức năng khác của bộ máy hành pháp. Đối với họ, các cơ quan này là đại diện cho quyền lực và sức mạnh trực tiếp. Thói quen này còn tiếp tục.

- Thứ hai, trên thực tế, hình sự hoá tỏ ra có hiệu lực hơn, nhanh chóng và giải quyết dễ dàng và hài hoà hơn lợi ích của các bên liên quan. Nếu việc ra toà vì một vụ kiện dân sự hay kinh tế có thể coi là hành vi không phải là bất thường đối với một doanh nghiệp và không nhất thiết gây ra các tác động tiêu cực về mặt uy tín xã hội thì ngược lại, trong trường hợp một ông chủ hay giám đốc doanh nghiệp bị cơ quan công an hay kiểm sát điều tra, xét hỏi thì sự việc có thể trở thành rất nghiêm trọng. ít nhất việc này sẽ tác động đến quyền tự do và uy tín cá nhân, làm cho ông chủ hay giám đốc đó hầu như không còn tâm trí để làm việc nữa. Để đối phó và tránh các hậu quả liên quan, thường là không thể lường trước được cho bản thân mình, (chứ không hẳn cho doanh nghiệp), đương nhiên, ông chủ và giám đốc doanh nghiệp nọ buộc phải tìm cách thương lượng hay giải pháp thực tiễn khác để bảo đảm an toàn nhất cho mình.

- Thứ ba, bản thân hệ thống pháp luật về kinh tế chưa đồng bộ, rõ ràng và nhất quán, đặc biệt không làm rõ ràng gianh giới giữa các quan hệ dân sự và hành chính trong các hoạt động kinh doanh, qua đó tạo điều kiện cho việc quy kết một cách dễ dàng và thiếu trách nhiệm các trách nhiệm hành chính và hình sự cho các giám đốc doanh nghiệp, một khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, việc kinh doanh thua lỗ liên quan đến tài sản hoặc vốn Nhà nước gắn với các chi phí không giải trình được theo quan điểm của cơ quan thuế sẽ rất có thể bị quy thành tội "làm thất thoát tài sản XHCN" và phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, để chứng minh rằng một vụ việc nhất định chỉ thuần túy thuộc về quan hệ kinh tế hay dân sự, nhiều khi không dễ dàng đối với cả hai phía đương sự liên quan và cơ chế xử lý. Do vậy, có xu hướng "giản tiện hoá" là áp dụng BLHS, và quy thành án hình sự, thực chất là làm dễ dàng hơn cho cơ quan phán xử.

- Thứ tư, hiện nay do hệ thống và cơ chế tài phán và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh chưa được hình thành và hoạt động một cách hợp lý và hiệu quả, các thủ tục tố tụng thương mại và tư pháp tại Toà kinh tế còn rất phức tạp và tốn kém chi phí, thời gian, các bên tranh chấp thường ít tin cậy và ngại đưa vụ việc ra giải quyết bằng cơ chế này. Trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp kinh tế giải quyết tại các toà kinh tế kéo dài hàng năm trời, cuối cùng, khi có phán quyết lại không thi hành được. Sau đó, vẫn phải nhờ đến các cơ quan công an, kiểm sát, có nghĩa là để "hình sự hoá" khâu cưỡng chế, thi hành. Như vậy, phải chẳng ở đây có vấn đề bất hợp lý mang tính hệ thống chứ không phải cục bộ.

Hậu quả của hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Như trên đã phân tích, nếu coi "hình sự hoá" là một hiện tượng khách quan đã và đang tồn tại thì việc này phải có "cái lý" của nó. Tức là trong chừng mực nhất định, xã hội buộc phải tạm thời chấp nhận nó như một giải pháp tình thế, hay nói một cách khác, hiện tượng "hình sự hoá" là sản phẩm của một trạng thái quá độ của việc chuyển từ cơ chế quản lý hành chính, tập trung sang cơ chế thị trường, dân chủ có điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, giai đoạn quá độ đang dần dần qua đi. Để xây dựng một cơ chế vận hành xã hội mới trong điều kiện của kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới, chúng ta buộc phải nhận thức các hậu quả tiêu cực của hiện tượng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế. Đó là:

- Thứ nhất, sự phổ biến quá trình "hình sự hoá" trong đời sống kinh doanh, vốn là một phần quan trọng của đời sống dân sự, gây tâm lý hoang mang trong xã hội và mất lòng tin của người dân vào một chế độ và trật tự ổn định, yên bình, an toàn và được kiểm soát bởi luật pháp.

- Thứ hai, hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế làm gián đoạn toàn bộ các quan hệ dân sự, kinh tế thông thường hàng ngày của đời sống doanh nghiệp; phá vỡ các tổ chức và cấu trúc kinh doanh, gây những hậu quả và thất thiệt về vật chất mà không thể quyết toán được.

- Thứ ba, hình sự háo là đánh vào cá nhân thậm chí gia đình của mỗi nhà doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc triệt phá gốc rễ và mầm mống của các quan hệ kinh doanh. Kinh doanh là một sự nghiệp lãng mạn đầy thử thách và rủi ro. Nếu một khi sự an toàn về con người và tài sản cá nhân (hình sự hoá có nghĩa là chịu trách nhiệm vô hạn) không còn được đảm bảo thì sẽ còn rất ít người yên tâm bỏ vốn để kinh doanh lớn và lâu dài.

- Cuối cùng, về phương diện chính trị, nếu xu hướng "hình sự hoá" nói trên không được ngăn chặn thì trước con mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành một xã hội cảnh sát hơn là một xã hội dân sự. Một nền pháp luật với hệ thống tư pháp hiệu quả và dân chủ khó có thể được hình thành. Một tình trạng như vậy tất yếu cản trở quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế của nước ta theo chủ trương và đường lối của Đảng.

4. Giải pháp nào cho việc ngăn chặn xu hướng "hình sự hoá"

Chúng ta đã bàn và nếu có thể đi tới thống nhất rằng việc hình thành và tồn tại của hiện tượng "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, kinh tế có những lý do khách quan nhất định thì cũng có nghĩa cùng nhau công nhận một điều: đó là việc ngăn chặn và chấm dứt hiện tượng này sẽ là một quá trình đấu tranh và phấn đấu tương đối lâu dài, trong đó bao gồm cả việc loại trừ dần các nhân tố và điều kiện khách quan có liên quan. Trong thời gian trước mắt, theo chúng tôi có thể xem xét và triển khai các giải pháp mang tính thực tiễn sau đây:

Thông qua tuyên truyền, giáo dục nội bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và các phương tiện thông tin đại chúng hãy làm cho xã hội nhận thức cao hơn và rõ ràng hơn về hiện tượng "hình sự hoá" cùng các tác hại của nó, qua đó, tạo nên sức ép về tâm lý và dư luận xã hội hạn chế hiện tượng này.

Nhà nước chú trọng và đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện các tổ chức, cơ quan và thiết chế trong hệ thống các cơ quan tư pháp, tài phán dân sự và trọng tài thương mại, nhằm tạo ra một cơ chế dân chủ để giải quyết các tranh chấp trong đời sống dân sự, kinh tế thực sự hữu hiệu giành được niềm tin của xã hội. Bên cạnh hệ thống các toà án dân sự và kinh tế, cần tăng cường hơn nữa năng lực và hiệu lực của hệ thống toà án hành chính, nơi người dân có thể khiếu kiện các sai phạm của các công chức Nhà nước, thay vì duy trì nó nhưng ít tính thực thi như hiện nay.

Cuối cùng, một giải pháp mang tính xã hội háo, đó là khuyến khích người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bao gồm tư vấn pháp lý và dịch vụ luật sư. Đương nhiên, bước đầu tiên có lẽ chính là Nhà nước cần tạo các điều kiện pháp lý và thực tiễn để hình thành một đội ngũ luạt sư và tư vấn pháp lý thực sự đông đảo về số lượng và chuyên nghiệp về chất lượng nhằm hỗ trợ một cách có hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, chúng tôi lưu ý rằng, mặc dù qua rất nhiều lần dự thảo tới giờ phút này một luật hoặc Pháp lệnh mới về luật sư và dịch vụ pháp lý phù hợp với các điều kiện của kinh tế thị trường vẫn chưa được ra đời.

 

 

4. Những ý kiến đóng góp các giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

(Tham luận của Ban kiểm tra, bảo vệ nội bộ - Tổng công ty than Việt Nam)

Tình trạng các quan hệ kinh tế và dân sự phải truy cứu trách nhiệm hình sự đang là điều xảy ra trong thực tiễn khi hành vi thực hiện các điều khoản cam kết trong hợp đồng có dấu hiệu của việc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái.v.v.. thuộc đối tượng điều chỉnh của BLHS. Song trong điều kiện hiện nay, hiện tượng hình sự hoá khi giải quyết các quan hệ kinh tế dân sự đang là một vấn đề nổi cộm không những trong các cơ quan tư pháp mà ngay cả trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Tổng công ty Than Việt Nam là đơn vị có 42 thành viên và trực thuộc quản lý. Các đơn vị này được giao quyền ký các hợp đồng kinh tế. Thực tiễn công tác thanh kiểm tra cho thấy việc thực hiện các hợp đồng kinh tế có một số hợp đồng có sai phạm trong đó có trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng có nhiều trường hợp quan hệ hợp đồng kinh tế khi xảy ra tranh chấp chỉ cần giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự, không cần thiết theo trình tự tố tụng hình sự.

1. Khái niệm hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Các giao dịch dân sự, kinh tế thuộc đối tượng điều chỉnh của BLDS được thể hiện thông qua hình thức các hợp đồng kinh tế. Song hành vi thực hiện các hợp đồng kinh tế không theo các điều khoản quy định ràng buộc giữa hai bên được quy định trong hợp đồng mà mang dấu hiệu lợi dụng hợp đồng để chiếm đoạt tài sản lẫn nhau, thiếu tinh thần trách nhiệm gây thất thoát lớn về vốn và tài sản của Nhà nước...là hành vi thuộc điều chỉnh của BLHS. Khi đó, quan hệ dân sự và trách nhiệm dân sự của mỗi bên được xử lý và giải quyết bằng trách nhiệm hình sự.

Đặc điểm nổi bật để phân biệt giữa trách nhiệm dân sự kinh tế và trách nhiệm hình sự là: trách nhiệm kinh tế được giải quyết theo đơn yêu cầu của một trong các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế trên cơ sở các bên đương sự hàon toàn có quyền tự định đoạt quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết vụ việc. Nhưng trách nhiệm hình sự thì mối quan hệ hoàn toàn khác, trong đó một bên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý và xử phạt và bên kia là người bị xử lý: cá nhân, doanh nghiệp...vì họ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Như vậy, hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế là việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự để giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế mà bản chất của các tranh chấp này là giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự hoặc kinh tế.

2. Những hậu quả của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đối với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Hình sự hoá các quan hệ kinh tế dẫn đến các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp bị xâm hại. Do việc đánh giá chưa đúng bản chất của hành vi nên có nhiều quan hệ dân sự, kinh tế bị hình sự hoá dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp được Nhà nước bảo vệ của công dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác bị xâm hại. Hậu quả để lại là nặng nề. Trước hết là những thiệt hại do tác động của các biện pháp cưỡng chế tố tụng như bắt, tạm giam, tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú. Nếu không phát hiện kịp thời ngay từ đầu có thể dẫn đến những bản án nghiêm khắc.

Trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay, uy tín của doanh nghiệp, cá nhân cũng là một lợi thế trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cảu các doanh nghiệp đều thể hiện thông qua các quan hệ kinh tế, hợp đồng kinh tế. Việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế dẫn đến uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp bị giảm sút. Sự thiệt hại này không thể xác định được bằng tiền. Đã có những doanh nghiệp không thể ký tiếp được những hợp đồng kinh tế mới. Đối với những đối tác cũ, thì không thể có được mối quan hệ làm ăn lâu dài như trước kia.

Khi một quan hệ kinh tế được đưa ra xem xét theo trình tự tố tụng của pháp luật hình sự thì cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất đình trệ, gây dư luận không tốt trong nội bộ doanh nghiệp, người lao động không có việc làm...Doanh nghiệp có thể dẫn đến phá sản và thay đổi tổ chức sản xuất. Hậu quả thực sự không thể xác định được bằng tiền.

3. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch kinh tế, dân sự.

- Thuộc về lĩnh vực lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật: mặc dù Nhà nước đã có các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm phân biệt các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán trả nợ với các vi phạm hình sự bằng phương thức lợi dụng hợp đồng kinh tế, quan hệ dân sự. Song thực tiễn cho thấy chưa có được các tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách lợi dụng các hợp đồng kinh tế. Những quy định của pháp luật về các yếu tố pháp lý giữa việc xử lý bằng hình sự hay không đối với trường hợp có tranh chấp tài sản trong việc thực hiện các hợp đồng kinh tế chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng pháp luật dễ tuỳ tiện, tạo kẽ hở cho những việc làm vi phạm pháp luật.

- Đối với các hoạt động của các cơ quan tố tụng: trong việc áp dụng pháp luật vẫn có những lúc chưa thống nhất trong việc đánh giá, phân loại các vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế, các quan hệ giao dịch dân sự theo trình tự tố tụng hình sự về các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm...gây hậu quả nghiêm trọng mà bản chất thực của hành vi chỉ là vi phạm nghiệp vụ dân sự hoặc vi phạm các điều cam kết trong hợp đồng kinh tế.

- Một trong các nguyên nhân nữa là chính một trong các bên tham gia quan hệ kinh tế, dân sự muốn việc tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hình sự: Trong tranh chấp về hợp đồng kinh tế mà chủ yếu là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, thanh toán chậm so với hợp đồng đã cam kết, chiếm dụng vốn lẫn nhau, chiếm giữ và sử dụng tài sản của nhau gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh..v..v. nhiều trường hợp hai bên đàm phán không xong. Đưa ra toà kinh tế thì thực tế hoạt động của toà kinh tế chưa thực sự nổi bật nên trong nhiều trường hợp, bên bị hại nhờ tới sự can thiệp của pháp luật hình sự giải quyết bằng các biện pháp cưỡng chế.

Qua việc thanh kiểm tra, chúng tôi thấy rằng, việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng do hạn chế về thẩm quyền và chủ yếu bằng biện pháp hoà giải nên trong nhiều trường hợp tranh chấp không đáp ứng được sự thoả mãn của các bên. Và thực tế đã có trường hợp bên bị hại đề nghị sự can thiệp bằng cưỡng chế thông qua các cơ quan tố tụng. Đôi khi cũng chỉ cần đòi lại tài sản là xong, nhưng dùng biện pháp cưỡng chế nhanh và hiệu quả hơn khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ kinh tế. Bên bị hại có khi không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra xét xử theo đúng trình tự, thủ tục mà chỉ cần sử dụng pháp luật của Nhà nước để ép bên kia thực hiện đúng và đủ các điều khoản quy định trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà các tranh chấp hợp đồng kinh tế được hình sự hoá mà thực tế chỉ cần giải quyết theo trình tự tố tụng kinh tế hoặc dân sự.

4. Biện pháp khắc phục hình sự hoá các quan hệ kinh tế:

Nhằm hạn chế từng bước việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế, ngoài việc ban hành bổ sung các văn bản dưới luật để giải thích hướng dẫn việc thi hành pháp luật được thống nhất cần phải nâng cao năng lực, trình độ, sự hiểu biết pháp luật và tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp không những của những người thực thi pháp luật mà ngay cả với mọi người để cùng tham gia thực hiện đúng các quan hệ kinh tế, dân sự.

Qua thực tế kiểm tra ở các doanh nghiệp chúng tôi thấy, việc tranh chấp hợp đồng kinh tế chủ yếu là tranh chấp về tài sản. Việc chậm thanh toán hoặc chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp phải được xem xét một cách tổng thể, toàn diện thì mới có thể xác định được hành vi đó có phải là chiếm đoạt tài sản một cách cố ý và được che đậy bằng các hợp đồng kinh tế. Phải xác định từ hành vi giao dịch bên ngoài đến những tiềm ẩn bên trong của quá trình từ khi ký kết đến khi thực hiện và thanh lý hợp đồng. Lý do không trả lại tài sản hoặc chậm thanh toán do khách quan hay chủ quan. Lúc đó mới có thể xác định được việc chiếm đoạt tài sản đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chỉ là quan hệ kinh tế chưa kết thúc.

Đối với trường hợp ký kết các hợp đồng kinh tế để tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng mất khả năng thanh toán thì thường giải quyết theo phương pháp tổng quyết toán để xác định rõ từng khoản thiếu hụt. Đối với các khoản chỉ cần xác định rõ khoản chi đúng chi sai. Sau khi đã xác định hết các khoản chi mà vẫn thiếu hụt thì có 02 khả năng xảy ra: (1) hoặc là thua lỗ thật sự hoặc là (2) có chiếm đoạt. Nếu không chứng minh được là thua lỗ thực sự thì mới có thể kết luận là việc chậm thanh toán với nhau là do chiếm đoạt bằng cách lợi dụng các hợp đồng kinh tế.

Sự phân biệt rõ ràng hành vi lợi dụng hợp đồng hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản của đơn vị khác với hành vi phạm hợp đồng kinh tế giúp cho công tác thanh kiểm tra kết luận đúng bản chất nội dung vụ việc. Và tránh được sự nhầm lẫn khi đưa các quan hệ kinh tế giải quyết theo trình tự tố tụng, của pháp luật hình sự.

Trên đây là những ý kiến đóng góp một số giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế để hội thảo tham khảo.

 

 

5. Bài phát biểu của Tiến sĩ Trần Đình Triển- Hiệp hội Ngân hàng

Kính thưa các quý vị Đại biểu

Tôi xin phát biểu một số ý kiến về việc cần sớm thể chế hoá bằng pháp luật tư tưởng chỉ đạo của Đảng là không hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế trong hoạt động tín dụng.

Tại Hội nghị BCHTƯ lần thứ 4 khoá 8, trong phần về Ngân hàng có nói: không hình sự hoá các quan hệ dân sự trong hoạt động tín dụng. Thực tiễn trong những năm qua không diễn ra đúng như vậy mà dẫn đến hình sự hoá trong các hoạt động của Ngân hàng. Một điều rất lạ là từ Nghị quyết của Đảng thì BLHS mới vừa rồi lại đưa hẳn Điều 179 quy định về quy chế cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong các phần nói về điều luật này thì tôi nghĩ rằng với cán bộ nào làm công tác tín dụng mà chúng ta cần hình sự hoá thì đều hình sự hoá được cả. Đó là một vấn đề gây nên một điều rất nguy hại.

Thứ nhất, gây ra tâm lý trong nội bộ cán bộ làm công tác tín dụng. Chúng tôi ở Hiệp hội ngân hàng- đại diện cho quyền lợi của các hội viên ở 46 NHTM trên toàn quốc. Hiện nay có một tâm lý chung là cán bộ làm công tác tín dụng họ không muốn làm và xin chuyển sang các bộ phận khác. Vì họ cho rằng nếu như thế này thì sớm muộn cũng phải vào tù.

Thứ hai, các hồ sơ tín dụng mang lên của các Doanh nghiệp hay của các cá nhân đối với họ thì họ sẽ ngâm lại đấy, họ xem xét tìm hiểu đầy đủ tất cả những cái gì đấy rồi họ mới quyết định có giải quyết hay không.

Một điều nữa là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang huy động nội lực. Thực ra tiềm lực trong nhân dân để huy động vốn trong Ngân hàng không phải là thiếu. Hiện nay tình trạng Ngân hàng thừa vốn mà các Doanh nghiệp lại thiếu vốn. Một trong những nguyên nhân là vấn đề nhận thức, là cách giải quyết phân định nó ra. Tôi thấy hậu quả đấy dẫn đén cái đầu tiên là về kinh tế và dân sự. Cái nhìn nhận về hình sự hoá nặng quá dẫn đến kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và các giao lưu dân sự bị hạn chế. Đó là một điều không đúng.

Nếu vấn đề hình sự hoá xét về mặt chính trị, xã hội cũng rất nguy hiểm. ở đây một mâu thuẫn giải quyết về mặt dân sự giữa người dân với người dân, giữa các tổ chức kinh tế với nhau mà anh hình sự hoá ra dẫn đến việc tù tội thì từ mâu thuẫn nội bộ nhỏ trở thành mâu thuẫn đối kháng. Nếu xét về mặt chính trị, xã hội thì không có lợi. Không phải ai bị bắt tù, vào đó để cải tạo để ngày mai trở thành người lương thiện. Nếu họ bị oan thì trong lòng họ có một cái gì đó nhoi nhói trong tim.

Về nguyên nhân

Tôi cho rằng vấn đề hình sự hoá ở các nhà nghiên cứu về luật là có lẽ từ Nghị quyết của BCHTƯ lần thứ 4 nói về mặtNgân hàng. Sau đó một số báo chí nói nói lên vấn đề cả về mặt dân sự và kinh tế nhưng chưa có công trình naò nghiên cứu một cách trọn vẹn về vấn đề phân định rõ thế nào là hành vi dân sự và hành vi kinh tế theo sự thoả thuận bình đẳng với họ và ranh giới nào là vượt quá cái đó để vi phạm hành chính và vượt quá giới hạnhành vi vi phạm hành chính thì mới đến hình sự. Trong luật của chúng ta cũng vậy, đây là một hệ thống pháp luật muốn vận dụng như thế nào cũng được. Trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính có quy định: Hành vi vi phạm hành chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không phải là tội phạm và tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi và đáng phải xử phạt nhưng thế nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà cần phải xử thì không có rang giới nào cả. Tóm lại giữa cái dân sự, kinh tế và vi phạm hành chính với hình sự cũng mâu thuẫn lẫn nhau. Ví dụ trong lĩnh vựcNgân hàng, Điều 179 nói rõ về quy chế cho vay. Ngược trở lại Nghị định 20 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Ngân hàng thì giữa hai lĩnh vực này phân định với nhau không rõ và có thể hình sự hoá bất cứ lúc nào cũng được. Đó là nguyên nhân về pháp luật. Một hệ thống pháp luật chưa đầy đủ. Ví dụ Điều 179 có nói rằng: vi phạm các quy định về bảo đảm tiền vay (thế chấp, cầm có, bảo lãnh). Thưa các đồng chí, biên pháp bảo đảm tiền vay của chúng ta là ở BLDS và trong kinh tế có Pháp lệnh HĐKT và Nghị định 17. Nhưng các bảo đảm trong kinh tế các anh lại áp dụng BLDS, ngược lại trong nguyên tắc lập pháp thì bỏ nguyêntắc tương tự. Bởi vì nếu nguyên tắc tương tự là anh xử lý một vụ án như thế này có nguyên tắc tương tự thì anh phải xử thế kia chứ không phải anh vận dụng cái của dân sự sang cái của kinh tế mà trong luật của chúng ta phân định ra kinh tế và dân sự là khác nhau. Tôi cho rằng đấy là một sự vận dụng không chuẩn.

Thứ hai, trong bảo đảm tiền vay cũng khác. Nhưng bây giờ cán bộ ngân hàng làm thế nào đây mà không bị ra Toà. Trong kinh tế nói là ai cầm giữ tài sản đó thì thế chấp còn người nào cầm giữ tài sản khác mới là cầm cố. Ngược lại trong dân sự phân định tài sản thế chấp là bất động sản, ngược lại động sản là cầm cố. Sự phân định này là mâu thuẫn nhau. Thế nào là bất động sản. Trong BLDS, khái niệm về BĐS: BĐS là nhà cửa, đất đai gắn liền với quyền sử dụng đất và những quy định khác của pháp luật. Ngược lại định nghía động sản rất đơn giản: cái gì không phải là bất động sản thì là động sản. Nhưng theo luật các nước, có động sản được coi là bất động sản như máy bay, tầu thuỷ, những động vật có giá trị lớn như voi...Nước ta không quy định như vậy nên cán bộ ngân hàng phải làm như thế nào đây nếu bây giờ tôi không cầm giữ tài sản đó nếu là động sản mà động sản lại cầm cả như một chiếc tầu thuỷ thì người ta đánh giá ở đâu nếu tôi không giữ nó lại mà tôi cho vay thì các anh áp dụng Điều 179 để truy tố tôi. Đấy là vấn đề hệ thống pháp luật không đầy đủ, không ổn định, mâu thuẫn nhau, nó chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn khách quan của nền kinh tế.

Thưa các anh, một điều nữa là vấn đề giải quyết trang chấp. Ví dụ ngân hàng cho vay một khoản vay đến hạn rồi không thu được nợ. Thứ nhất về mặt nguyên lý kinh tế mà nói, người ta có thể xem xét pháp nhân đó hay là cá nhân đó để có thể gia hạn 2, 3, 10 năm để vực người ta làm ăn lên để người ta trả nợ. Đó là nguyên tắc về mặt kinh tế có những lúc rỉu ro như vậy. Nhưng ở đây thì không, đến hạn rồi mà Ngân hàng không đòi thì tôi nhảy vào khởi tố. Một vụ kiện đưa về mặt giải quyết tranh chấp, đưa ra Toà án, có khi kéo dài 2 năm, đẩy lên đẩy xuống không thu được nợ. Tôi chưa nói khi xử xong rồi để ra thi hành án hay phát mại để thu được bằng tiền lại còn là một vấn đề. Đối với một doanh nghiệp bây giờ để làm ăn ở lĩnh vực ngân hàng mà kiểu trình tự tố tụng như thế này và cách giải quyết như thế này tôi cho rằng sẽ bóp chết nền kinh tế của chúng ta mà chúng ta đang thấy rằng nó đang là ung nhọt trong nền kinh tế của xã hội.

Vấn đề nữa về mặt luật pháp là các loại hình doanh nghiệp. ở đây chúng ta cho rằng những sự bất bình đẳng trong pháp luật nó cũng dẫn đến vấn đề về hình sự hoá. Đối với doanh nghiệp nhà nướcvay vốn đối với các tổ chức tín dụng là quốc doanh mà trong hai năm làm ăn có lãi thì không phải thế chấp. Tôi cho rằng điều này bất bình đẳng với các thành phần kinh tế là cổ phần hay TNHH. Vì vậy hầu như tất cả các tổ chức tín dụng mong muốn cho vay đối với nhà nước, còn cổ phần, tư nhân, TNHH thì người ta rất ngại. Điều này đang làm cho nền kinh tế của chúng ta thiếu sự bình đẳng và nó không khơi dậy sự phát triển chung. Nếu ngân hàng cho vay cổ phần hay tư nhân đến hạn mà chưa thu được nợ là nhảy ngay vào. Quan niệm đó cũng là không chuẩn xác.

Thứ ba, một trong những nguyên nhân là vấn đề về mặt sở hữu. Tôi cho rằng vấn đề sở hữu đối với kinh tế tư nhân, cổ phần hay TNHH thì tiền của tôi, tôi cho vay hay chưa là quyền cuả tôi. Nếu tôi mất khả năng chi trả tôi theo luật phá sản, việc gì phải hình sự hoá. Vấn đề là phân định sở hữu khi xem xét trách nhiệm dân sự hay vấn đề hình sự hoá cũng cần phải quan tâm đến. Đấy là một số vấn đề mà tôi cho rằng: Điều 179 ra đời đến bây giờ trong Hiệp hội ngân hàng, đặc biệt là ở Ban pháp luật của Hiệp hội ngân hàng không dám viết và thông báo điều luật này trong Bộ luật cho cán bộ tín dụng. Bởi vì nếu nói hẳn điều này thì truy tố ai cũng được. Pháp luật quy định "và những quy định khác của pháp luật" Nói như thế có phải bao giờ một cán bộ ngân hàng ở dưới cũng biết hết tất cả. Tôi cho rằng những cái mập mờ, không rõ ràng như vậy làm cho nền kinh tế của chúng ta đang chậm phát triển.

 

 

6. ý kiến về chống hình sự hoá giao dịch dân sự, kinh tế

KTS Vũ Ngọc Phương - Tổng GĐ PT.Corp.,Ltd

Ctv Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

Hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự là tàn dư của chế độ kế hoạch hoá tập trung quy định toàn dân sống và làm việc theo ý thức quan liêu quản lý kinh tế xã hội của một Nhà nước. Khi Việt Nam tiến hành mở cửa quá độ sang kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới những nhà cải cách trong nước và bạn bè quốc tế đều cho rằng ở Việt Nam thiếu rất nhiều pháp quy. Thực chất đây là phạm trù chính trị kinh tế học của một nền kinh tế kế hoạch hoá trong đó chỉ có sở hữu của Nhà nước và tập thể thì Hiến pháp là Tôn chỉ, Hình pháp là Điều lệ. Đó là lý do tại sao ở thời kỳ này của Việt Nam cũgn như trong các nước XHCN thì Luật hình sự có ngay sau Hiến pháp. Thể chế Nhà nước trong mô hình cơ chế này giống như một cây chỉ có một nhánh, đó là Hình luật. Vì chỉ có Luật hình sự, không có Luật dân sự, cho nên bất cứ hành động nào của người dân đi ra ngoài hành lang duy ý chí đều phải bị trừng trị nghiêm khắc theo Luật hình sự, án tử hình, chung thân được áp dụng cả với những tội không thực sự nghiêm trọng. Quan hệ của người dân trong kinh tế xã hội là quan hệ một chiều làm theo nghĩa vụ do Nhà nước quy định. Nhìn lại lịch sử nước nhà từ khi lập nước Đại Việt đến nay, tuy là một dân tộc có văn hiến lâu đời, nhưng không có triết học của riêng mình, vì không có triết học riêng nên cũng không có chữ viết riêng. Các tư tưởng triết học của Việt Nam cho đến nay chịu ảnh hưởng và vay mượn từ triết học cổ Trung quốc và văn minh phương Tây. Vì vậy các tư duy kinh tế, các đường lối chính trị thường xuyên thay đổi và không ổn định. Từ Cách mạng tháng 8 năm 1945, với tuyên ngôn độc lập, tiến lên xây dựng nền dân chủ cộng hoà tại Việt Nam, nhưng tiếc thay, với cục diện trật tự thế giới hai cực sau Thế chiến thứ II đã làm cho Việt Nam lâm vào cuộc chiến tranh giữ nước kéo dài suốt 30 năm và chịu tác động mạnh mẽ của thể chế kinh tế tập trung duy ý chí của Stalin, kinh tế đại công trường thủ công của Mao Trạch Đông đã kìm hãm Việt Nam trong nghèo nàn và lạc hậu. Chỉ từ khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện sâu sắc kinh tế đất nước, theo quy luật phát triển, mọi công dân mới dần thực sự bình đẳng trước pháp luật, điều mà trước đây không bao giờ có trong cơ chế cũ.

Chúng ta nhìn lại một lược sử phát triển để thấy rằng hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là thể chế của chế độ kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Cách nghĩ, cách làm theo lối cũ không thể một sớm một chiều thay đổi được. Từ khi cải cách khuyến khích dân giàu nước mạnh có không ít người chợt nhận ra rằng mình qúa nghèo, lại không thể kinh doanh lương thiện, vì thế tệ nạn lừa đảo, chụp giật, buôn lậu rất phổ biến trong thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường cũng là điều dễ hiểu. Nhà nước đã ban hành nhiều Bộ luật tiến bộ để điều chỉnh và khuyến khích sự phát triển bình đẳng của mọi thành phần kinh tế xã hội. Nhưng hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế vẫn bám rễ dai dẳng trong tư duy trong nhiều bộ máy công quyền muốn duy trì đặc lợi trong cơ chế "xin-cho". Có không ít các nhân viên cộng lực lợi dụng sự phân định còn mập mờ giữ danh giới hình sự và dân sự để tống tiền các doanh nghiệp. Hiện tượng này, tệ nạn này bộc lộ sự yếu kém của hệ thống lập pháp, hành pháp trong qúa độ tiến tới một Nhà nước pháp quyền. Hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự còn là một mặt của tệ nạn tham nhũng. Tình trạng quan liêu, độc đoán, tham nhũng có nguyên nhân sâu xa từ công tác cán bộ trong gần 10 năm qua. Có một số ít cán bộ lãnh đạo cấp cao không có thực tài thích xu nịnh đã chọn và đề bạt những cán bộ chủ chốt giống mình và kém mình. Những cán bộ này đã tạo ra cả một êkip tham nhũng, sa đoạ gây bất bình sâu sắc trong nhân dân. Đó chính là nguyên nhân bên trong làm suy thoái nền kinh tế suốt mấy năm qua....

Những năm qua chúgn ta đã chứng kiến những phát triển và đổi thay to lớn của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và chúng ta cũgn đã chứng kiến những bi kịch, cả những thảm kịch của tệ nạn tham nhũng hình sự hoá các quan hệ dân sự, đã làm mất đi không ít các doanh nhân tài năng của đất nước, những người mà nếu còn họ ngày hôm nay đã tạo thêm bao nhiêu việc làm, bao nhiêu của cải cho xã hội, "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", đã làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài những doanh nghiệp lương thiện, mà hậu quả là sự rời khỏi Việt Nam ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài và dồn tiền gửi tiết kiệm, hoặc mua vàn cất giấu của các nhà đầu tư trong nước dẫn đến sự giảm phát liên tục từ nửa cuối năm 1996 đến nay. Căn bệnh đó không phải vô phương cứu chữa nếu toàn Đảng, toàn dân quyết tâm chịu đau đớn cắt bỏ ra khỏi cơ thể mình những ung nhọt là những cán bộ bất tài, xu nịnh, tham nhũng, sa đoạ, những tệ nạn để lành mạnh hoá cơ chế kinh tế xã hội. Đổi mới công tác cán bộ và kiện toàn bộ máy của Đảng từ chi bộ đến trung ương là điều kiện tiên quyết cho chấn hưng kinh tế, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh tiến sang thời kỳ hiện đại hoá, công nghiệp hoá nước nhà.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7. Bài phát biểu của Ông Trương Văn Dũng - Công ty Xuất nhập khẩu huyện Từ Liêm- Hà nội

Kính thưa đồng chí Uông Chu Lưu- Tiến sĩ Luật - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Kính thưa các quý ông, quý bà.

Chuyên đề đấu tranh chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế là đề tài hay. Nếu chuyên đề này mà Bộ tư pháp và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam phối hợp tổ chức sớm hơn một chút thì rất hay.

Tôi xin nói về hậu quả của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Khi mà một doanh nghiệp, một giám đốc hay PGĐ của một công ty bị khởi tố rồi thì mọi việc làm ăn kinh doanh đều bị thua lỗ, bị đình trệ nếu không muốn nói doanh nghiệp đó tan thành mây khói. Bởi vì khi đã bị khởi tố thì ảnh hưởng đến uy tín, đến khách hàng. ở đây có những vụ án, ngày tôi chưa đi học ở Liên Xô, có những vụ án đã khởi tố ở nhà rồi, 5 năm sau khi tôi đi học về , vụ án giải quyết vẫn chưa xong, đến nay vẫn tiếp tục đi đòi nợ. Ví dụ vụ ông vua lốp ở Nguyễn Thái Học hoặc bà Oanh ở 23 Hàng Hòm. Ngày tôi chưa đi học ở nhà đã khởi tố bà đó, khi tôi đi học về, hỏi việc của bác đã xong chưa, vẫn chưa xong, đến năm 1995 bà ấy lâm bệnh mất trong khi đó TANDTC quyết định huỷ toàn bộ án buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là UBND thành phố Hà Nội phải đền bù cho bà ấy mấy trăm triệu đồng. Tóm lại, quanh đi quẩn lại cuối cùng đến khi bà đó mất rồi thì con cái vẫn không đòi được nợ. Đó là một hậu quả rất nặng nề.

Thứ hai, nó kìm hãm sự phát triển chung của nền kinh tế. Có những vụ án thiệt hại không thể tính hết được bởi vì khi khởi tố điều tra, không phải một ngày, hai ngày, một sớm một chiều mà nó kéo dài triền miên. Luật tố tụng của chúng ta quy định không rõ ràng ở chỗ: đến một thời điểm nào đó vụ án có thể kết thúc được. Đằng này hết sơ thẩm, phúc thẩm, rồi lại sơ thẩm. Vì thế tôi mới có mấy câu thơ sau:

"Hết sơ đến phúc, phúc lại sơ

Lửng lơ, lơ lửng giám phải chờ

Cơ hội kinh doanh nào có đợi

Giám đến đôi lần phúc cũng nghe

Phúc nghe thì mặc phúc nghe

Suy đi tính lại phúc đòi giám thêm"

Tức luật pháp ở đây quy định không rõ ràng ở mức có vụ án kéo dài 5, 7, 10 năm. Ví dụ vụ án ông Hoàng Minh Tiến là cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh thu mua da trâu bò xuất khẩu muối quận Hai Bà Trưng bị bắt giam 8 tháng 13 ngày, 6 lần xét xử, TANDTC tuyên bố Hoàng Minh Tiến không phạm tội. Cuối cùng những hợp đồng sau khi ông Tiến đi Thái Lan về bị bỏ bê hết. Nếu xét xử không có tội thì khoản bồi thường cho doanh nghiệp không đáng là bao, thậm chí ngoài hai chữ "danh dự" thì không được gì cả. Nhưng thực tiễn chưa cụ thể hoá nguyên tắc bồi thường. Chính vì đây là một vấn đề bức bách trong thực tiễn hiện nay vì tỷ lệ người bị bắt giam giữ so vơí tỷ lệ người đưa ra xét xử và tỷ lệ người tuyên là không có tội so với tỷ lệ người đưa ra xét xử ngày càng giảm. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng cần đưa chế tài bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai lên thành nguyên tắc có tính chất bắt buộc trong tố tụng hình sự và phải được cụ thể hoá trong pháp luật nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng. Vì ví dụ Công an khởi tố rồi, Viện kiểm sát phê chuẩn, Toà sơ thẩm xét xử là có tội, phúc thẩm xét xử là không có tội. Vậy trong ba cơ quan này thì cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị oan sai.

Những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Về mặt lập pháp, khi xây dựng pháp luật, hầu như chỉ mới xây dựng được khung chứ chưa bao quát được hết các quy phạm pháp luật. Chính vì vậy khi hướng dẫn thi hành, các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành một mặt chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, mặt khác quan điểm và ý chí nhiều khi chưa thống nhất dẫn đến hạn chế trong việc hướng dẫn. Các QPPL chưa được cụ thể hoá, thiếu tính minh bạch rõ ràng, chưa có cơ quan giải thích luật thống nhất trực thuộc Quốc Hội. Việc giao cho Bộ chủ quản soạn thảo luật là chưa hợp lý vì nó còn mang tính chất lợi ích của ngành. Vì vậy cần có Uỷ ban soạn thảo pháp luật trực thuộc Quốc hội.

Về cơ quan thừa hành pháp luật. Tôi nghĩ rằng cơ quan thừa hành pháp luật tồn tại từ cơ chế bao cấp đến khi chuyển sang cơ chế thị trường, việc chuyển đổi hệ thống kinh tế cũng như hệ thống pháp luật rất nhanh, mới, nhiều vì thế cơ quan tiến hành tố tụng không theo kịp vấn đề này.

Yếu tố con người: Về trình độ năng lực yếu kém, không có nhận thức và hiểu biết nhất định về pháp luật, không chịu bồi dưỡng học hỏi nâng cao kiến thức pháp luật.

Những kiến nghị

Khi xây dựng pháp luật, cần phải có bước chuẩn bị trước hướng dẫn cho việc thi hành và việc hướng dẫn này phải thông qua uỷ ban soạn thảo, tránh tình trạng luật ban hành 1 năm, 2 năm nhưng có những điều khoản chưa được hướng dẫn thi hành.

Cần phải cụ thể hoá hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong các phần tội phạm kinh tế. Ví dụ Luật hình sự năm 1999 có Điều 140 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong đó có điểm a, b về vay mượn, thuê tài sản. Nhưng phải có hướng dẫn như thế nào là dùng thủ đoạn gian dối, có quy định "dùng vào mục đích bất hợp pháp", nếu không có hướng dẫn thì người áp dụng sẽ rất rối, thậm chí hướng dẫn sai. Việc hướng dẫn rất quan trọng nhưng nếu để cho địa phương hay cấp dưới hướng dẫn thì nhiều khi không thống nhất.

Phải xác định lại các mối quan hệ kinh tế, dân sự với các quan hệ khác như quan hệ hình sự theo hướng mở rộng khái niệm quan hệ kinh tế, làm tách bạch một cách rõ ràng đâu là quan hệ hình sự, dân sự, kinh tế. Cần phải có uỷ ban soạn thảo pháp luật riêng trực thuộc Quốc hội.

Không ngừng nâng cao trình độ pháp luật của cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng.

Xử lý người có hành vi hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Nếu chúng ta áp dụng triệt để có tính chất bắt buộc đối với cán bộ vi phạm pháp luật được quy định trong BLHS như tội truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người không có tội. Ví dụ anh khởi tố điều tra mãi, rồi Toà án tuyên bố không có tội. Vậy hành vi anh khởi tố người không có tội anh phải bị xử lý theo Điều 231 BLHS. Hay điều cố ý ra bản án trái pháp luật. Anh sơ thẩm và phúc thẩm tuyên người ta có tội còn anh giám đốc thẩm tuyên không có tội. Vậy hai anh trước dựa vào đâu và có cơ sở pháp lý nào để truy tố người kia là có tội. Từ trước đến nay chưa có cán bộ nào làm sai trong quá trình tiến hành tố tụng mà bị xử lý về TNHS mà chủ yếu là khiển trách, phê bình bằng các biện pháp hành chính trong cơ quan.

 

 

 

 

 

 

 

8. Bài phát biểu của Đại diện của Tổng công ty xây dựng sông Đà

 

Kính thưa các vị Đại biểu

Bài tham luận về chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế của Tổng công ty xây dựng sông Đà đã gửi tới các Đại biểu. Vì thời gian có hạn, Tổng công ty xây dựng sông Đà xin trình bày hai vấn đề.

Vấn đề thứ nhất: nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế

Trước hết là do luật pháp và bản thân hệ thống luật pháp. Biểu hiện của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế thể hiện rõ nét nhất ở việc quy định khách thể của các giao dịch dân sự, kinh tế cũng có thể giống khách thể do LHS bảo vệ. Các hành vi vi phạm dẫn đến phát sinh các tranh chấp kinh tế dân sự cũng có dấu hiệu tương tự như hành vi vi phạm pháp luật hình sự, chỉ khác nhau ở mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó.

Đối với lĩnh vực hoạt động áp dụng pháp luật. Các biểu hiện đó là: một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thiếu niềm tin nội tâm trong công tác. Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự có những đánh giá không được khách quan về mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó dẫn tới một số hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc mức độ nguy hiểm chưa cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà chỉ cần xử lý bằng các chế tài của Luật dân sự, kinh tế. Việc đánh giá thiếu khách quan các hành vi đó cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau: do đội ngũ tiến hành tố tụng có trình độ nghiệp vụ chưa cao, phẩm chất chính trị đạo đức chưa rõ ràng, chưa đảm bảo được tính trong sạch vững mạnh của một số người trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Một nguyên nhân nữa là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, các văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, các văn bản dưới luật còn chồng chéo dẫn đến việc áp dụng sai các quy định của pháp luật.

Hậu quả của việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế

Khi các quan hệ dân sự, kinh tế bị xử lý bằng hình sự thì hậu quả của nó xảy ra rất lớn. Thể hiện:

Thứ nhất: gây mất lòng tin đối với các nhà đầu tư, đối với đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ảnh hưởng đến chính sách hình sự của nhà nước ta. Thứ hai : gây thiệt hại về kinh tế chính trị làm giảm uy tín cho doanh nghiệp, cho người đầu tư trên thương trường. Thứ ba: ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Vấn đề bồi thường khi các quan hệ dân sự kinh tế bị hình sự hoá trong Chương: Các tội phạm hoạt động tư pháp của BLHS có quy định một số tội danh về việc bắt giam, truy tố, xét xử trái với quy định của Luật hình sự. Song ở đây mới quy định các hình phạt chính cho các tội phạm đó chứ không quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất. Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề bồi thường cần được pháp luật quy định ụ thể bao gồm các mặt:

Thứ nhất là bồi thường danh dự cho các doanh nghiệp, cá nhân của doanh nghiệp bị oan sai.

Thứ hai là bồi thường vật chất cho các doanh nghiệp, cá nhân của doanh nghiệp bị oan sai.

Thứ ba, mức bồi thường phải tính toán cụ thể bao gồm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do hậu quả của việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Thứ tư, doanh nghiệp và cá nhân được đề nghị một mức bồi thường thoả đáng.

Thứ năm, nguồn để giải quyết vấn đề bồi thường vật chất phải ghi rõ từ nguồn ngân sách nhà nước vì các quy định sai trái của các cơ quan tiến hành tố tụng đều do các công chức nhà nước thay mặt nhà nước hoặc người nhân danh nhà nước thực hiện.

Một số kiến nghị của Tổng công ty xây dựng Sông Đà.

Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần phải xây dựng ngay một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh với một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế của đất nước.

Phụ lục: về vấn đề chống hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự

Bài tham luận đã được gửi tới Hội thảo của Tổng công ty xây dựng sông Đà - Bộ Xây dựng.

Cùng với xu thế cải cách và đổi mới trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở nhiều nước trên thế giới, từ năm 1986 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã đưa ra những tư tưởng và quan điểm về vấn đề đổi mới sự lãnh đạo và quản lý đất nước, xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nói tới nền kinh tế thị trường là nói tới một nền kinh tế mới, ở đó tồn tại những quan hệ kinh tế đa phương, đa chiều với sự tham gia của nhiều chủ thể của nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp bách được đặt ra là phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo một hành lang pháp lý nhằm khuyến khích, phát huy mạnh mẽ các yếu tố tích cực của cơ chế thị trường đồng thời hạn chế tối đa những mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế đó. Có như vậy mới có thể khuyến khích được mọi thành phần kinh tế yên tâm sáng tạo, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, chấp nhận rủi ro mạo hiểm để đầu tư sản xuất, phục vụ kịp thời cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chính sách hình sự của nước ta là một bộ phận của chính sách phòng chống tội phạm đồng thời cũng là bộ phận của chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ cho đường lối phát triển kinh tế đồng thời đề ra các biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Chính sách hình sự bao gồm các vấn đề: tội phạm hoá, phi tội phạm hoá, hình sự hoá, phi hình sự hoá. Trong khoa học pháp lý việc quy định tội được gọi là tội phạm hoá và ngược lại được gọi là phi tội phạm hoá, và việc quy định hình phạt, xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện quy định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm khác gọi là hình sự hoá và ngược lại là phi hình sự hoá.

1. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế:

Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế có thể được hiểu là sự can thiệp một cách quá thái của Bộ luật hình sự đối với các giao dịch dân sự, kinh tế.

2. Nguyên nhân.

Nguyên nhân làm phát sinh tình trạng Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế chủ yếu ở 2 lĩnh vực:

- Lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật.

- Lĩnh vực hoạt động áp dụng pháp luật.

Đối với lĩnh vực lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật: biểu hiện của Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế rõ nét nhất là việc quy định khách thể của các giao dịch dân sự, kinh tế cũng có thể gần giống hay giống khách thể do luật hình sự bảo vệ. Các hành vi vi phạm dẫn tới phát sinh các tranh chấp kinh tế, dân sự cũng có dấu hiệu tương tự như hành vi vi phạm luật hình sự (chỉ khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó).

Đối với lĩnh vực hoạt động áp dụng pháp luật, các biểu hiện đó là:

- Một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thiếu niềm tin nội tâm trong công tác.

- Trong quá trình tố tụng hình sự có những đánh giá không được khách quan về mức độ nguy hiểm cho xã hội hoặc mức độ nguy hiểm chưa cần thiết phải xử lý bằng hình sự mà chỉ cần xử lý bằng các chế tài của luật dân sự, kinh tế nhưng lại xử lý bằng hình sự.

Việc đánh giá thiếu chính xác, khách quan các hành vi đó cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau: Do đội ngũ tiến hành tố tụng có trình độ nghiệp vụ chưa cao, phẩm chất chính trị, đạo đức chưa vững vàng, chưa đảm bảo được tính trong sạch, vững mạnh của một số người trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Một nguyên nhân nữa đó là hệ thống pháp luật chưa được đồng bộ, các văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, các văn bản dưới luật còn nhiều chồng chéo dẫn đến việc áp dụng sai các quy định của pháp luật.

3. Hậu quả của việc hình sự các quan hệ kinh tế, dân sự.

Khi các giao dịch dân sự kinh tế bị xử bằng hình sự thì hậu quả của nó xảy ra rất lớn, thể hiện:

- Gây mất lòng tin của các nhà đầu tư đối với đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến chính sách hình sự của Nhà nước ta.

- Gây thiệt hại về kinh tế, chính trị, làm giảm uy tín cho doanh nghiệp, cho người đầu tư trên thương trường.

- ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Vấn đề bồi thường khi các quan hệ dân sự, kinh tế bị hình sự hoá trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của BLHS có quy định một số tội danh về việc bắt giam, truy tố, xét xử trái với quy định của luật hình sự song ở đây mới quy định các hình phạt chính cho các tội phạm đó chứ không đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất. Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề bồi thường cần phải được pháp luật quy định cụ thể gồm các mặt:

- Bồi thường cả về danh dự và về mặt vật chất cho các doanh nghiệp và cho các cá nhân nhà doanh nghiệp bị oan sai.

- Mức bồi thường phải được tính toán cụ thể bao gồm: các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do hậu quả của việc hình sự hoá cá quan hệ kinh tế, dân sự gây ra.

- Doanh nghiệp, cá nhân của doanh nghiệp được đề nghị một mức bồi thường thoả đáng.

- Nguồn để giải quyết bồi thường vật chất phải ghi rõ từ nguồn ngân sách Nhà nước vì các quyết định sai trái của các cơ quan tố tụng đều do các công chức Nhà nước, thay mặt Nhà nước hoặc nhân danh Nhà nước thực hiện.

4. Những biện pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự

* Công tác xây dựng pháp luật: Như chúng ta đã biết, chính sách hình sự bao gồm các vấn đề tội phạm hoá, phi tội phạm hoá, hình sự hoá và phi hình sự hoá, để khắc phục tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự cần phải phi tội phạm hoá những hành vi có đầy đủ các căn cứ sau:

- Hành vi đó có mức độ nguy hiểm không lớn cho xã hội thể hiện ở chỗ mức hình phạt được quyết định đối với việc thực hiện hành vi đó về mức độ nghiêm khắc gần giống với biện pháp xử lý hành chính.

- Hành vi đó có mức độ lên án không lớn về mặt đạo đức có thể làm sáng tỏ bằng nhiều biện pháp xã hội khác.

- Quyết định về trách nhiệm đối với việc thực hiện hành vi đó được áp dụng rất ít tỏng thực tiễn xét xử hình sự.

- Xã hội có những biện pháp khác có thể đấu tranh tác động như biện pháp hành chính, kỷ luật, vật chất, giáo dục.

* Công tác thực thi pháp luật

- Cần phải quy định chính xác tối đa giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm với hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là tội phạm ngay trong BLHS hoặc ngay trong văn bản giải thích, hướng dẫn, không giao cho cơ quan áp dụng pháp luật giải thích hướng dẫn.

- Cần phải quy định rõ ràng cụ thể chính xác các yếu tố cấu thành tội phạm như vậy mới có thể đảm bảo tính ổn định, tính thống nhất của hoạt động áp dụng pháp luật mới tránh được việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự.

- Đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững vàng để có thể đưa ra những đánh giá khách quan, chính xác nhất khi giải quyết các vụ án hình sự.

- Giải quyết tốt về mặt pháp luật mối tương quan của luật về quyền phán quyết (tùy nghi) của cơ quan xét xử tức là phải quyết định thật rõ ranh giới có căn cứ về quyền tự phán quyết của toà án.

- Phải nâng cao hơn nữa vai trò của các luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự và kinh tế.

5. Các biện pháp xử lý người có hành vi hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự

Các biện pháp xử lý người có hành vi hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sựđã được quy định trong chương "Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của BLHS" và các văn bản hành chính khác của hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật. Theo chúng tôi các quy định đó vẫn chưa đầy đủ, như đã trình bày ở phần 3 về hậu quả của hành vi hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự là rất lớn về các mặt kinh tế, chính trị, ....do đó để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, cần phải có thêm các biện pháp khác cụ thể và rõ ràng như phạt tiền thật nặng đối với những người có hành vi trên, mức phạt tương đương với mức thiệt hại do hành vi đó gây ra, kiên quyết đưa ra những hình thức kỷ luật cao nhất đối với những người có hành vi đó.

Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều thay đổi theo cơ chế kinh tế thị trường, do đó có nhiều yếu tố của các chuẩn giá trị xã hội thay đổi nên cần có sự điều chỉnh kịp thời cacs vấn đề kinh tế, xã hội của pháp luật thì đó sẽ là định hướng tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự do kinh doanh không hạn chế về quy mô cũng như về mức độ đòi hỏi phải xem xét, rà soát một cách toàn diện các tội phạm về kinh tế và về sở hữu để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp cả về dấu hiệu pháp lý cũng như chính sách xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm cũgn là góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng của nền kinh tế.

 

 

9. Bài phát biểu của ông trần Văn tiến - GĐ công ty SX-DV-Tm Đức tiến (TNHH)

Thế nào là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Tội hình sự là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các điều kiện tồn tại và phát triển của Nhà nước, của chế độ và lợi ích của công dân và có đủ các yếu tố cấu thành (khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt khách quan) và được quy định trong Bộ Luật hình sự.

Việc hình sự hoá là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội chưa cao có thể điều chỉnh bằng các chế tài hành chính, dân sự hoặc chưa đủ yếu tố cấu thành nhưng vẫn được điều tra, kết luận và đưa ra xét xử.

Việc hình sự hoá xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Sự can thiệp một cách quá đáng và tràn lan của cơ quan tố tụng (công an) vào mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và của người dân. Nếu vụ việc tuy không có gì nhưng cơ quan công an cũng khởi tố để điều tra gây tổn hại nghiêm trọng đến con người và công việc kinh doanh.

Những hậu quả tiêu cực

Đối với doanh nghiệp, xâm phạm đến quyền kinh doanh, ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh, gây thiệt hại đến lợi ích trực tiếp của con người.

Đối với môi trường kinh doanh, làm tổn hại niềm tin vào công việc, gây ra một môi trường bất ổn định không đề cao được quyền tự chủ, độc lập của doanh nghiệp, làm chậm sự phát triển của nền kinh tế, ổn định xã hội, mất niềm tin vào chính quyền.

Việc bồi thường không bao giờ có thể là thoả đáng vì mọi thiệt hại do việc hình sự hoá không bao giờ có thể lượng hoá được thiệt hại về vật chất vì đó là thời gian, cơ hội và nhiều thiệt hại vô hình khác.

3. Những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Thuộc về lĩnh vực lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật: còn chung chung, chưa cụ thể, chưa làm rõ thẩm quyền của các cơ quan tố tụng.

Thuộc về hoạt động áp dụng pháp luật: đây là nguyên nhân chính, các cơ quan tố tụng được giao tương đối nhiều quyền hạn mà bản thân người làm công tác áp dụng pháp luật còn chưa thật sự hết lòng phục vụ nên dễ làm nảy sinh tiêu cực.

Nguyên nhân khác: Tư duy, quan điểm của người làm công tác tố tụng về vị trí của doanh nghiệp, với phong cách làm việc áp đặt, can thiệp vào bất cứ công việc gì trong tranh chấp dân sự, kinh tế, sử dụng việc hình sự hoá để thực hiện ý đồ của cá nhân nhằm gây sức ép.

 

Những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Biện pháp pháp lý: công tác xây dựng pháp luật, lấy ý kiến dân chủ rộng rãi theo lĩnh vực tham gia vào dự thảo pháp luật; công tác thực thi pháp luật, tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết các khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và cá nhân vi phạm công tác thực thi pháp luật.

Các biện pháp xử lý người có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Cần được xử lý nghiêm khắc và thông tin rộng rãi để giáo dục chung. Cách chức, chuyển công tác, bồi thường thiệt hại thoả đáng tương ứng với hành vi gây thiệt hại của mình gây ra.

 

10. Bài phát biểu của Ông Trần Văn Quý- Giám đốc Công ty TNHH Kim Quy

Kính thưa Hội nghị, tôi là giám đốc Công ty Kim Quy, tên tôi là Trần Văn Quý.

Tôi xin nói cụ thể về việc hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế mà công ty chúng tôi có câu chuyện cách đây ba năm cho đến nay vẫn chưa được giải quyết mà nó không những không phải là quan hệ dân sự mà chỉ là những tin đồn, có những người mà tôi chưa hề biết mặt, hoá ra lại trở thành hình sự.

Theo Báo cáo của Công an quận Hoàn Kiếm, vào ngày 4/10/1997 đề nghị Công an thành phố chưa cho chúng tôi xuất cảnh đi dự Hội trợ vàng bạc đá quý ở Malaixia do Hội vàng bạc thế giới mời và tổ chức. Vì công ty chúng tôi có liên quan đến vụ án hình sự do công an quận Hoàn Kiếm đang thụ lý và có những vi phạm hành chính khác.

Theo Báo cáo mới đây nhất của Bộ Công an gửi lên Thủ tướng Chính phủ thì có đoạn viết " qua công tác nắm tình hình và thu thập phản ánh của quần chúng, công an quận Hoàn Kiếm nhận thấy công ty Kim Quy có dấu hiệu phức tạp trong hoạt động kinh doanh và có liên quan tới một số đối tượng làm ăn phi pháp". Dư luận rộ lên tin công ty không có khả năng trả nợ. Cũng trong Báo cáo này có nói " Không có tài liệu nào phản ánh có liên quan đến vụ án hình sự". Như vậy Báo cáo của Công an đã có những đoạn chưa đúng bởi vì ở đoạn trên là Báo cáo của ông Đoàn Thảo- trưởng phòng Xuất nhập cảnh công an thành phố Hà Nội có nêu rất rõ là công văn ngày 4/10/1997 của Công an quận Hoàn Kiếm là chúng tôi có dính dáng, liên quan đến vụ án hình sự. Như vậy, chỉ vì những tin đồn không cụ thể dẫn đến việc Công ty chúng tôi lại liên quan đến vụ án hình sự để cuối cùng ba năm nay công ty chúng tôi không xuất cảnh được. Đến giờ phút này chúng tôi thiệt 1800 đô đã đóng góp cho Hội trợ đồng thời vẫn chưa nhận lại được hộ chiếu. Tôi có gửi thư lên Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tôi có nêu rõ là ông Hoàng Công Khôi quận trưởng Công an quận Hoàn Kiếm đã lợi dụng chức quyền có báo cáo sai lệch với phòng xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà nội về việc công ty Kim Quy có liên quan đến một vụ án hình sự, giữ hộ chiếu của Giám đốc công ty, cố tình dây dưa kéo dài thời gian, không giải quyết và làm làm lỡ chuyến hội trợ vàng bạc thế giới ở Malaixia vào tháng 10/1997 của Công ty Kim Quy. Những việc làm lợi dụng chức quyền của ông Khôi gây ra tiếng đồn và hậu quả rất xấu cho công ty Kim Quy, làm giảm uy tín của công ty với thị trường thế giới và trong nước gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ba năm qua. Về kinh phí, công ty Kim Quy dã mất 1800 đô. Nhiều năm qua công ty chúng tôi đã làm ăn rất nghiêm túc, không vay, không nợ tiền của bất cứ cá nhân, ngân hàng nào, đã hoàn thành nhiệm vụ đối với nhà nước, chấp hành tốt các quy định của địa phương, góp phần giải quyết ổn định cho hàng trăm lao động cộng với đóng góp ngân sách và những việc làm từ thiện của công ty trong nhièu năm qua. Đến nay dã ba năm mà ông Khôi, quận trưởng công an quận Hoàn Kiếm vẫn chưa nhận ra việc làm của mình là sai trái, lạm dụng chức vụ được nhà nước giao vẫn cố tình gây khó khăn cản trở việc làm ăn của công ty Kim Quy, không giải quýet dứt điểm để công ty chúng tôi làm ăn. Chúng tôi thấy rằng việc làm của ông Khôi đối với công ty Kim Quy là việc làm đi trái ngượcvới chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, của nhân dân, không xứng đáng là một cán bộ trong lực lượng CAND, một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt nam. Tôi đã nhấn mạnh, đã gửi thư lên Phó Thủ tướng Chính phủ và đã dược trả lời tại Hội nghị ngày 15/3/2000 " kiến nghị của ông Giám đốc công ty Kim Quy, tôi đã trực tiếp giao cho đồng chí Hoàng Nhọc Nhất- thứ trưởng Bộ Công an xem xét và trả lời bằng văn bản. Dựa theo văn bản ký thay Bộ trưởng Bộ công an gửi lên Thủ tướng Chính phủ có đoạn "Việc tạm dừng xuất cảnh của ông Quý và bà Lan của Công an thành phố Hà Nội là căn cứ vào các thông tin thu thập được qua nắm tình hình và đã có báo cáo đến cơ quan có trách nhiệm là Tổng cục an ninh. Tuy nhiên Công an thành phố Hà nội đã có thiếu sót là sau khi phát hiện những thông tin nói trên đã không khẩn trương xác minh, kết luận ngay để có đủ các tài liệu làm căn cứ mà đề kéo dài gây dư luận không tốt và đương sự khiếu tố nhiều lần".

Thưa Hội nghị! Chỉ một việc rất nhỏ đó là Công an quận Hoàn Kiếm sau khi không xem xét cụ thể mà chỉ nghe dư luận quần chúng đã đánh giá công ty chúng tôi như vậy làm thiệt thòi cho chúng tôi trong ba năm qua cụ thể như sau: Ba năm qua, chúng tôi giảm 50% lượng khách, việcđóng góp cho ngân sách nhà nước giảm 50%. Năm 1996, hàng tháng ngành vàng của chúng tôi đóng góp cho nhà nước khoảng gần 20 triệu nhưng cho đến nay hàng tháng chúng tôi chỉ đóng góp được cho nhà nước khoảng 10 triệu. Chúng tôi bị thất thoát rất nhiều những HĐKT lớn, không ai dại gì đi ký hợp đồng với doanh nghiệp sắp phá sản vì đó là từ Công an quận Hoàn Kiếm có báo cáo sai lệch (mà có dấu đỏ hẳn hoi), chắc chắn các doanh nghiệp khác phải tin đó là có thật và việc đó là có thật dẫn đến việc không ai chơi với ông sắp phá sản cả, kể cả mua bán hàng hoá của công ty đó nữa. Cho nên doanh thu của chúng tôi bị mất trong ba năm qua giảm đi 50%. Cộng với việc đóng góp ngân sách cho nhà nước giảm đi và không tạo thêm được công ăn việc làm cho người lao động. Uy tín của doanh nghiệp đó là sự sống còn của doanh nghiệp thì chúng tôi cũng bị mất uy tín lớn ở trong nước và nước ngoài. Cộng với bản thân tôi trong ngoại giao không đi được nước ngoài để chào hàng mặc dù hàng của chúng tôi trong ba năm liền được người dân bình chọn là hàng Việt nam chất lượng cao mà mẫu mã của chúng tôi không thua kém gì nước ngoài nhưng không xuát khẩu được vì không có quan hệ ngoại giao thì không thể xuất khẩu được hàng.

Kết luận: Chỉ vì việc nghe ngóng của các đồng chí công an quận Hoàn Kiếm mà dẫn đến doanh nghiệp chúng tôi đến giờ phút này vẫn bị ảnh hưởng về uy tín và chúng tôi vẫn không có hộ chiếu để xuất cảnh đi hôị chợ để chào hàng ra nước ngoài. Rõ ràng các doanh nghiệp trên địa bàn quận và trong cả nước sau khi biết việc của chúng tôi, họ rất sợ và không dám đầu tư mạnh bạo nữa. Công ty của chúng tôi không đám mạnh dạn đầu tư vào vào các chương trình lớn của Việt nam mà hiênj nay chúng tôi buộc lòng phải đầu tư ra nước ngoài trong khi Nhà nước ta lại đang khuyến khích công ty nước ngoài đầu tư vào Việt nam .

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

11. PHát biểu của công ty việt thắng (bắc giang) về chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

Quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế là những quan hệ diễn ra thường xuyên, hàng ngày, thậm chí hàng giờ phục vụ cho quá trình giao lưu tình cảm, làm ăn, sản xuất và phân phối để phục vụ cho con người và cho sản xuất phát triển. Mỗi loại quan hệ đều có những đặc thù riêng của nó và được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật riêng cho từng loại thì mới hiệu quả và đưa trật tự xã hội vào nề nếp.

Quan hệ giao dịch dân sự được điều chỉnh bằng luật dân sự. Quan hệ giao dịch kinh tế được điều chỉnh bằng luật kinh tế. Quan hệ xâm phạm luật hình sự được điều bằng luật hình sự. Như vậy, quan hệ giao dịch nào thì được điều chỉnh theo luật ấy.

- Nhìn chung phải chống khuynh hướng hình sự hoá các giao dịch dân sự và kinh tế bởi vì:

+ Khi đã hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, nó làm cho người lãnh đạo sản xuất kinh doanh không dám mạnh dạn đầu tư, hạn chế, dám nghĩ dám làm, đôi khi vì động cơ tốt nhưng kết quả có khi lại không tốt, hoặc nếu xảy ra sai sót thì có thể phạm tội.

+ Mất tính kịp thời nhạy bén, mất thời cơ bởi vì khi quan hệ đó đã bị hình sự hoá thì nó phải được giải quyết theo những quy trình khá phức tạp, thậm chí còn phiền toái và mất rất nhiều thời gian. Tốn kém thời gian và tiền bạc (phạt bằng tiền).

+ Khi đã hình sự hoá các giao dịch này thì không thể bồi thường đầy đủ được thậm chí còn phải chi phí thêm, nói gì đến thu hồi đầy đủ hoặc bồi thường thoả đáng, kể cả dân sự hay kinh tế cũng không bao giờ bồi hoàn đầy đủ. Ví như một bát nước đầy đã bị đổ thì khó có thể thu lại đầy được. Hiện nay tôi chưa đọc ở một văn bản pháp luật nào quy định diễn giải mà bảo đảm rằng sẽ được bồi thường thoả đáng khi quan hệ đó được hình sự hoá.

Nói tóm lại hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là không phù hợp với môi trường kinh doanh.

Ví dụ: ở địa phương chúng tôi có một giám đốc vì một giao dịch kinh tế vay vốn ngân hàng mua một lô hàng trị giá 44 tỷ, rồi bán cho một đơn vị khác. Đơn vị này có sự bảo lãnh của ngân hàng để mua lô hàng đó. Rồi đơn vị này bị vỡ nợ, giám đốc bỏ trốn. Thế là giám đốc bán lô hàng đó bị bắt giam gần 18 tháng, cuối cùng chẳng có tội gì nên được tha ra để lo thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Thế là doanh nghiệp này mất đứt 18 tháng làm ăn và còn bị phong toả tài sản, cuối cùng thì doanh nghiệp vẫn phải lo trả tiền ngân hàng cho đủ.

+ Nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

ở Việt Nam chúng ta có xu hướng phát triển hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Ngay trong BLHS năm 1999 cũng thể hiện việc hình sự hoá nhiều quan hệ kinh tế dân sự. Ví dụ: Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện (Điều 177), tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179), tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa quản lý các công trình giao thông (Điều 220). Thực chất những điều này chỉ là kỹ thuật nghiệp vụ chỉ nên sửa theo luật kinh tế. Ngược lại, cũng BLHS 1999 lại kinh tế hoá các hình phạt quá nhiều. Cụ thể có tất cả 68 điều lấy hình phạt kinh tế là chính và rất nhiều điều có hình phạt bổ sung bằng tiền. Nói chung, khung phạt bằng tiền khoảng cách rất xa. Chẳng hạn Điều 253 - Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy phạt tiền bổ sung từ 3 đến 30 triệu, Điều 273 phạt tiền từ 5 đến 50 triệu.

+ Lý do của việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: (1) ý thức pháp luật, hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật còn thấp; (2) Pháp luật nói chung đặc biệt là pháp luật về kinh tế của chúng ta chưa đầy đủ; (3) Các quyết định của toà án cũng như của trọng tài kinh tế đặc biệt là của trọng tài kinh tế chưa được thực hiện nghiêm túc. Bản án không được thi hành còn nhiều vì bộ máy tổ chức thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu và còn nhiều tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

+ Kinh doanh trong cơ chế thị trường phát sinh tranh chấp là tất yếu, hai bên phải chủ động giải quyết, giải quyết không được thì đưa ra cơ quan pháp luật để giải quyết, đó là việc làm bình thường, cần thiết nhưng thực tế các doanh nghiệp rất ngại đưa ra toà án hoặc trọng tài kinh tế. Nếu có cũng là cực chẳng đã mà thôi, bởi vì thủ tục rườm rà, chậm trễ, phiền toái, mất thời gian, chi phí tốn kém, hiệu quả thu về không đủ để chi phí, chưa nói đến những trường hợp không thu được gì vì đối tượng mất khả năng thi hành án hoặc chây ỳ không chấp hành mà nếu tiếp tục theo đuổi thì sẽ mất rất nhiều thời gian.

+ Biện pháp.

Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật chú trọng hơn nữa đến hệ thống pháp luật kinh tế. Cải cách thủ tục tố tụng bảo đảm nhanh chóng đơn giản và hiệu quả, khắc phục ngay những tiêu cực trong bộ máy tư pháp hiện nay. Tăng cường nâng cao chất lượng các quy định của toà án cũng như của trọng tài kinh tế, đúng người, đúng việc, đúng tội, đúng pháp luật. Xây dựng bộ máy cưỡng chế thi hành án đủ mạnh để bảo đảm thực thi các quyết định của toà án cũng như của trọng tài kinh tế.

Về lâu dài phải nâng cao phổ cập pháp luật trong nhân dân, đưa môn pháp luật vào trường phổ thông, các trường Cao đẳng, Đại học chuyên nghiệp, phải đưa môn này vào chương trình học một cách thích đáng để đào tạo ra những cán bộ có đầy đủ ý thức và kiến thức pháp luật trong khi thực thi nhiệm vụ.

 

12. Bài phát biểu của ông Bạch Minh Sơn- Đại diện Một Công ty đã từng bị hình sự hoá.

Kính thưa Hội nghị

Tôi là Bạch Minh Sơn, có thể nói là một trong những nạn nhân khủng khiếp nhất của vụ án hình sự hoá. Nhưng hôm nay tôi không có ý định nói gì về cá nhân mà nhân vụ án này có những gì cần đóng góp chung để cho Hội thảo của chúng ta thành công thì chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến.

Tôi xin tóm tắt vụ án của chúng tôi. Nó diễn ra trong một thời gian khá dài thực sự của quy trình tố tụng (khoảng trên hai năm) nhưng thực ra hậu quả của nó phải được kể trước đó hơn một năm nữa tức tổng cộng thời cơ kinh doanh của chúng tôi bị thiệt hại khoảng 42 tháng. Từ lúc bắt đầu bằng giấy giới thiệu đầu tiên cho đến lúc kết thúc hoàn toàn vụ án là tháng 7/1998, chúng tôi mất 42 tháng không kinh doanh gì cả. Và nếu xét về tiền của thì tổng tài sản ở công ty chúng tôi ở thời điểm trước vụ án là 25 tỷ cộng 5 tỷ của đơn vị liên doanh với chúng tôi là 30 tỷ. Các đồng chí thử tính thử 30 tỷ trong 42 tháng không kinh doanh gì cả sẽ biết ngay được con số thiệt hại, đó là chưa kể đến uy tín, danh dự của những người trong vụ án này chắc chắn là bị sụp đổ và phải kể thêm sau 42 tháng, chúng tôi mất một năm rưỡi nữa mới trở lại được nhịp ban đầu của chúng tôi năm 1995. Có thể nói đến tháng 5/2000, chúng tôi mới trở lại điểm xuất phát năm 1995 tức là chúng tôi bắt đầu mở rộng nhà máy, bắt đầu phát triển dự án đúng như ban đầu. Có thể nói rất đáng tiếc lịch sử của một công ty, hơn nữa tuổi tác của chúng tôi lúc còn sung sức nhất có thể làm được nhiều nhất lại bị chìm đắm trong những đối chất, đối phó và làm thế nào để giữ được bản thân mình trong sạch và được pháp luật thừa nhận là trắng án. Đó là một việc rất khủng khiếp đã diễn ra đối vơí chúng tôi. Tôi xin thay mặt tôi và ba bị cáo nữa trong vụ án này để nói lên một số điển hình sau đây để chúng ta có thể rút kinh nghiệm chung. Tất nhiên cả bốn bị cáo bị truy tố trong vụ án này từ mức 12 tháng tù đến mức tù chung thân thì tất cả đều trắng án. Điều đó chứng tỏ toàn bộ quá trình tố tụng hình sự đã không đúng.

Tôi xin nêu một số vấn đề sau đây:

Hai tội danh chính mà các bị cáo trong vụ án bị truy tố, thứ nhất là tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Phía đối tác liên doanh với chúng tôi bị truy tố như thế. Vậy thì lập luận để truy tố tội cố ý làm trái là cái gì? Xuất phát điểm ban đầu của chúng tôi: ví dụ chúng tôi là bên B và bên A liên doanh với chúng tôi. Chúng tôi cùng liên doanh với nhau lúc đầu quy định là việc A, sau đó vì có lý do biến động thị trường, chúng tôi thoả thuận với nhau đổi sang việc B và cơ quan công an cho rằng như vậy là cố ý làm trái. Rất tiếc về sau này định nghĩa này mới được làm rõ bởi vì chúng ta biết pháp luật của chúng ta ngày càng phát triển. Về sau người ta định nghĩa cố ý làm trái Nghị định của Chính phủ mới là cố ý làm trái chứ không phải hai hợp đồng hai bên dân sự, hai bên pháp nhân cùng ký với nhau mà chúng ta cùng đồng ý thay đổi để phù hợp với thị trường mà lại bị coi là cố ý làm trái và đương nhiên ba bị cáo của phía bên A dính vào vụ án này là ở tội cố ý làm trái như thế. Tội thứ hai liên quan trực tiếp đến tôi là tội lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản XHCN. Cái này rất khủng khiếp đối với tôi bởi vì không có cá nhân nào đứng đầu một công ty cố ý chiếm đoạt tài sản của một đơn vị A để xây dựng nhà máy cho xã hội để sau đó chuẩn bị lãnh cái án chung thân.Rõ ràng tôi không mất trí đến như thế. Tội cố ý làm trái nếu xét đúng ra thì trong các cơ quan làm pháp luật nên quy định rõ hơn. Ví dụ phần trên quy định cố ý làm trái thì chúng ta đã định nghĩa rồi tức cố ý làm trái là phải cố ý làm trái văn bản pháp luật nào đó của nhà nước đến cấp nào dó mới gọi là cố ý làm trái và nếu làm trái thì đến lúc ấy chúng ta mới xét theo trình tự tố tụng hình sự. Nhưng lợi dụng uy tín chiếm đoạt tài sản thì phải chứng minh được cụm từ "lợi dụng" và chứng minh được "chiếm đoạt" thì người ấy mới vi phạm pháp luật. Rõ ràng trong cả quá trình không hề chứng minh được điều đó, nếu mà nói công ty B chiếm đoạt tài sản của công ty A mặc dù công ty A là công ty nhà nước, công ty B là cổ phần. Như vậy nếu đúng ra truy tố là phải truy tố toàn bộ công ty của tôi chứ không phải mình cá nhân tôi. Hơn nữa, pháp luật Việt nam công nhận rõ công ty chúng tôi là công ty cổ phần, tôi có bao nhiêu cổ đông trong công ty thì tôi chịu trách nhiệm bấy nhiêu. Tại sao lại bắt tôi phải gánh chịu TNHS toàn bộ số tiền đơn vị A đóng góp vào đơn vị B. Điều đó rõ ràng là không ổn.Nếu mà như vậy thì tất cả các donh nghiệp không có ai bảo vệ doanh nghiệp hết và cũng không ai muốn đứng đầu doanh nghiệp hết vì lúc nào cũng có thể đi tù.

Đấy là hai vấn đề về mặt pháp lý. Tôi đề nghị các cơ quan chuyên nghiên cứu thông qua vụ án riêng của chúng tôi. Tôi đại diện cho tất cả bốn người bị truy tố trong vụ án này xin nêu lên ý kiến chung như thế. Ngoài ra trong quá trình giải quyết vụ án này cũng phát sinh một vài vấn đề nữa mà tôi đề nghị các cơ quan pháp luật cần nghiên cứu thêm.

Đó là vấn đề sở hữu công nghiệp, chất xám nên được coi là một giá trị tài sản trong xã hội và phải được thưà nhận công khai. Vì trong quá trình truy tố vụ án này, chúng tôi đã nhiều lần dẫn chiếu ở công ty chúng tôi. Chúng tôi sử dụng một tài sản hữu hình X đến 5 tỷ đồng. Nhưng chúng tôi làm ra được những giá trị chất xám mang lại lợi ích cho toàn xã hội rất lớn và rất tiếc trong quá trình xét xử một vị công tố viên của Viện kiểm sát dám nói rằng: sở hữu công nghiệp không có giá trị. Vì chúng tôi biết rằng trong Hiệp định thương mại Việt mỹ thì phần nói về sở hữu công nghiệp, giá trị chất xám chiếm tỷ trọng rất lớn. Thậm chí những người làm pháp luật của Việt nam đọc còn chưa hiểu hết bởi vì thực ra trong tài sản của thế giới này ngoài tài sản hữu hình là cái máy, cái búa, cái cày...còn có cả chất xám nữa. Trong thời đại vi tính ngày nay, chất xám chiếm vị trí rất lớn.

Cái này tôi muốn đề cập đến vấn đề xa hơn kể cả trong cuốn lý luận "Đảng viên có làm kinh tế hay không" thì nếu chúng ta quên mất giá trị chất xám thì chúng ta sẽ không định nghĩa được bóc lột hay không bóc lột. Tôi đề ghị trong khuôn khổ pháp luật khi xem xét và xét xử bất kỳ vụ án nào đặc biệt là những vụ án của các đơn vị làm kinh tế mà có dính dáng đến sở hữu công nghiệp thì SHCN phải được đánh giá đúng. Nếu chúng ta bỏ rơi cái này ra ngoài mà chỉ nhìn tài sản là đất đai, bê tông, máy móc... mà không thấy chất xám đang mọc lên là cái gì thì rõ ràng chúng ta truy chụp đủ thứ tội lỗi lên ddầu người ta. Tôi cho rằng néu như vậy chúng ta sẽ loại đi nhiều trí tuệ tốt có thể phục vụ hữu ích cho xã hội. Đây là một vấn đề mà trong quá trình xem xét tôi đề nghị các cơ quan quản lý pháp luật nên chú ý.

Vấn đề nữa, vấn đề này theo tôi khó hơn. Tức trong khung các tội hình của chúng ta căn cứ vào tiền lấy thóc quy ra. Tiền càng nhiều thì tội càng nặng. Tôi cho rằng vấn đè này về mặt bình đẳng trước pháp luật thì chúng ta cần phải làm như vậy nhưng rõ ràng hành vi của một ông nông dân suốt ngày ông ấy chỉ nghĩ đến một việc lấy trộm hay cướp lấy một triệu đồng thì khác hẳn một người tổ chức sản xuất tiêu bạc tỷ. Hai câu chuyện này khác nhau mà chúng ta cứ tính tiền tỷ để rồi qy tội thành chung thân ..vv.. thì nó rất khác nhau. Điều này tôi nghĩ trong quá trình xét thì chắc các cơ quan pháp luật nên có sự vận dụng hợp lý, chứ nếu chúng ta cứ quy ra thóc kiểu này thì chắc hẳn là sẽ rất nhiều người bị thiệt mạng.

Cuối cùng tôi muốn phát biểu ý kiến của cá nhân về mục tiêu của Hội nghị này vì tôi nghĩ rằng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam rất mạnh tay kể cả có sự hỗ trợ của Bộ tư pháp. Chúng ta dám nói đến từ "Chống" trong Hội thảo này. Thực ra chúng ta không có quyền chống đâu, mà chúng ta cũng không chống nổi đâu. ở đây chúng ta kêu gọi lương tâm của những người cầm cân nảy mực bởi vì một sự truy tố sai dẫn đến làm thiệt hại sinh mạng một con người, sinh mạng chính trị của con người. Vì vậy tôi đề nghị những người cầm cân nảy mực (tất nhiên các nguyên nhân thì các đồng chí đã noí rồi, tôi không nói lại nữa: cố tình làm sai, đi đòi nợ thuê…tất cả những cái đó đều ảnh hưởng đến lương tâm của những người làm pháp luật mà trước hết là công an, Viện kiểm sát). Theo tôi, nên đề cao danh dự nghề nghiệp, tôn trọng chữ "tâm" và chúng tôi với tư cách của những người đã tai qua, nạn khỏi, chúng tôi chỉ mong rằng những người đang làm pháp luật giữ vững chữ "tâm".

 

 

13. Một số giải pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong hoạt động ngân hàng.

Tham luận của Ông Vũ Thế Vậc - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế NHNNVN

 

Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Do vậy hoạt động ngân hàng cũng là một hoạt động mang tính đặc thù, có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế, chính trị và xã hội. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố thuộc về người cho vay (ngân hàng); về người đi vay; về môi trường kinh tế và môi trường pháp lý là những yếu tố quan trọng, quyết định rất lớn đến các mặt hoạt động của ngân hàng. Với ý nghĩa đó, việc tạo lập một cơ chế kinh tế, một môi trường pháp lý phù hợp sẽ đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; hệ thống các tổ chức tín dụng ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước nói chung và đổi mới hoạt động ngân hàng nói riêng, Nhà nước ta đã tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh, những hành lang pháp lý ổn định, an toàn đối với hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đi đôi với những thành tựu, sự phát triển và tiến bộ của quá trình xây dựng và vận dụng pháp luật ngân hàng vào công cuộc đổi mới toàn diện hoạt động ngân hàng còn bộ lộ nhiều hạn chế, nhược điểm cả về xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật vào cuộc sống thực tiễn. Một mặt trong một số lĩnh vực của đời sống kinh tế chúng ta chưa kịp thời xây dựng những quy phạm pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh. Những mặt khác, ở nhiều lĩnh vực pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh thì việc giải thích và áp dụng pháp luật vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội, kinh tế lại không chính xác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Biểu hiện rõ nét nhất của loại sai lầm này là việc áp dụng pháp luật hành chính hoặc hình sự để giải quyết các quan hệ xã hội mà bản chất thực của nó là các quan hệ của hợp đồng kinh tế, dân sự.

Về nguyên tắc, người vi phạm nghĩa vụ trong các quan hệ dân sự, kinh tế tùy theo tính chất vi phạm, mức độ và hậu quả xảy ra mà phải chịu trách nhiệm dân sự, kinh tế, hành chính hoặc hình sự. Việc xử lý vi phạm này theo loại trách nhiệm nào phải căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và các điều kiện phải có đã phát sinh loại trách nhiệm tương ứng.

Nhưng trong thực tiễn vừa qua, vấn đề "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đã trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận lên tiếng và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm.

"Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" là những hành vi vi phạm nghĩa vụ trong các quan hệ kinh tế, dân sự mà theo quy định của pháp luật về kinh tế, dân sự thì chỉ bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, kinh tế là hợp pháp. Nhưng những người vi phạm đã bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự như khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử về tội hình sự trong khi các quan hệ dân sự, kinh tế không có đủ căn cứ pháp lý để áp dụng các biện pháp hình sự.

Vấn đề hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế được bộc lộ khá rõ trong lĩnh vực ngân hàng vì hoạt động ngân hàng bao gồm cáca quan hệ dân sự, kinh tế giữa người cho vay là tổ chức tín dụng và người đi vay là các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng chứa đựng rất nhiều rủi ro do các điều kiện khách quan, chủ quan mà người vay không trả được nợ đúng hạn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong đó nổi lên số vài nguyên nhân chính như sau:

- Các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật nhằm xây dựng, phân định ranh giới giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, kinh tế với hành vi cấu thành tội phạm hình sự.

- Một bộ phận cán bộ công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu những hiểu biết căn bản về cơ sở lý luận để phân biệt những trường hợp phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kinh tế hoặc trách nhiệm hành chính với những trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự;

- Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế quá nhiêu khê, còn nhiều kẽ hở khiến cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế bị kéo dài, có khi kéo dài nhiều năm; các bản án dân sự, kinh tế đã có hiệu lực thi hành nhưng không phát huy được hiệu lực do công tác thi hành án còn chậm và có nhiều biểu hiện trì trệ....do đó đã mà cho một số chủ nợ nảy sinh tâm lý muốn "hình sự hoá" để uy hiếp con nợ, buộc con nợ phải nhanh chóng trả nợ.

- Một số cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng biện pháp hình sự như một biện pháp cưỡng chế của Nhà nước để gây sức ép, buộc con nợ phải nhanh chóng trả nợ nhằm được trích thưởng theo tỷ lệ % giá trị tài sản đòi được.

Tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế gây ra nhiều hậu quả nặng nề trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, nổi bật một số hậu quả chủ yếu sau đây:

- Hạn chế việc mở rộng đầu tư tín dụng ngân hàng. Thực tế cho thấy ngay từ giai đoạn "chớm hình sự hoá" này, các ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn và tiến hành thu hồi nợ trước hạn, tạo cho khách hàng gặp nhiều khó khăn về tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Trong thực tế, nhiều người đi vay đến hạn không trả được nợ ngân hàng đã bị lôi cuốn vào vòng tố tụng hình sự một cách oan uổng, không thể tiếp tục làm ăn để trả nợ dần và ngân hàng cũng không thu hồi được vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tài chính của các ngân hàng. Nghiêm trọng hơn nữa, chính sự mất cân đối về tài chính của một số ngân hàng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, dẫn đến sự đổ bể của hệ thống ngân hàng và tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế, ổn định xã hội.

- Tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế làm cho vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng bị "đóng băng" trong quá trình tố tụng hình sự vì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cho quản lý, phát mại tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh để thu hồi vốn và lãi.

- Gây lãng phí nhiều tài sản của doanh nghiệp, cá nhân do không được đưa vào khai thác, sử dụng và bị các cơ quan tiến hành tố tụng niêm phong, kê biên, coi là vật chứng nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và có hiệu quả các tài sản đó trong khi chủ sở hữu bị bắt, tạm giam hoặc kết án tù.

- Sự can thiệp bằng biện pháp hình sự không đúng đối với các vi phạm trong quan hệ dân sự, kinh tế làm rối loạn các quan hệ này, đồng thời làm giảm các giao dịch dân sự, kinh tế nhất là các hợp đồng tín dụng. Ngân hàng dè dặt, lo ngai khi cho vay đối với các khách hàng. Tình trạng "thà đọng vốn còn hơn cho vay mang vạ vào thân" đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tín dụng của ngân hàng, tạo ra khó khăn cho việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.

- Các văn bản pháp luật hiện hành về dân sự, kinh tế, hình sự bị vi phạm, làm giảm hiệu lực của các văn bản quy phạm páhp luật này trong thực tiễn cuộc sống, không phát huy được ý nghĩa và tác dụng cảu các biện pháp xử lý về trách nhiệm dân sự, kinh tế hoặc hình sự.

Trong hoạt động ngân hàng, hiện tượng người vay không trả được nợ do các nguyên nhân khách quan thường làm nảy sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế dưới một trong hai hình thức sau:

- Cán bộ ngân hàng bị truy tố, xét xử về các tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái, trong khi việc cho vay là đúng các quy định của pháp luật nên không có căn cứ để truy tố, xét xử cán bộ ngân hàng về các tội đó

- Người vay không trả được nợ đúng hạn, bị bắt, tạm giam rồi bị truy tố, xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm, mặc dù họ không có ý định chiếm đoạt vốn vay của ngân hàng.

Việc hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế đối với hoạt động ngân hàng đã dẫn đến hậu qủa trực tiếp là ngân hàng bị mất vốn do người vay bị bắt, bị tạm giam, bị kết án tù giam nên không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh để trả nợ. các ngân hàng thì co cum lại, không dám cho vay tạo nên tình trạng thị trường bị thiếu vốn giả tạo, ảnh hưỏng không nhỏ đến các dự án đầu tư đang hoặc chuẩn bị được triển khai....

Tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế vẫn là vấn đề đã và đang được công luận lên tiếng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để ngăn chặn tình trạng này. Để khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế nói chung và đối với hoạt động ngân hàng nói riêng, theo chúng tôi, cần tiến hành một cách tích cực và đồng bộ một số biện pháp sau đây:

- Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là hướng dẫn việc phân định ranh giới giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ kinh tế với hành vi cấu thành tội phạm hình sự. Cụ thể là phân biệt các hành vi lợi dụng hợp đồng dân sự, kinh tế để chiếm đoạt tài sản với hành vi vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế không có mục đích chiếm đoạt tài sản; phân biệt hành vi vi phạm các quy định về cho vay, cấu thành tội phạm đã được quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự 1999 (Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật, cho vay qúa giới hạn quy định hoặc các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể... để hạn chế việc bắt, tạm giam, truy tố, xét xử tràn lan.

- Đào tạo, nâng cao trình độ nhận thức và kiến thức pháp lý cho cán bộ công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt chú trọng đến việc cập nhật và trang bị cơ sở lý luận để phân biệt những trường hợp phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kinh tế hoặc trách nhiệm hành chính với những trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế để chấm dứt tình trạng kéo dài việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế; chấn chỉnh đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án và nâng cao hiệu lực của công tác thi hành án, bảo đảm cho các bản án dân sự, kinh tế đã có hiệu lực đựoc thi hành nhanh chóng, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm.

- Kiên quyết đấu tranh khắc phục tình trạng một số cá nhân công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đi "đòi nợ thuê" nhằm hưởng lợi.

Tóm lại, để tạo môi trường pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và hoạt động kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng nói riêng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phân định rõ ranh giới giữa vi phạm nghĩa vụ dân sự, nghĩa vụ kinh tế với hành vi phạm tội hình sự, phân biệt giữa hành vi vi phạm pháp luật nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, được xử lý bằng các biện pháp khác với hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải áp dụng các biện pháp hình sự để xử lý. Chỉ khi xây dựng được ranh giới nói trên và việc áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, minh bạch thì việc chống hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự mới có tác dụng thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng được an toàn và có hiệu quả.

 

14. Hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

(Luật gia: Nguyễn Văn Phương)

 

I. Thực trạng và nguyên nhân

Trong vài năm trở lại đây, các cơ quan pháp luật đã tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử nhiều vụ án hình sự có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Nhiều cán bộ của các ngân hàng thương mại đã phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự. Sau những vụ án lớn như Tamexco, Dệt Nam Định, Epco, Minh Phụng, Thuận Hưng, Tân Hoàn Mỹ....đã xuất hiện tâm lý lo lắng, thiếu yên tâm công tác của một bộ phận không nhỏ cán bộ trong các ngân hàng thương mại, nhất là đối với những cán bộ làm công tác tín dụng. Tình trạng tâm lý này, dù ở dưới những góc độ khác nhau, nhưng nó đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Giả sử đặt mình vào vị trí là một cán bộ tín dụng trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể không chia sẻ với họ những khó khăn và trở ngại. Sự trăn trở ở đây không phải là vì những tội phạm đã được định tội, mà vấn đề chính là cần nhận thức, kiểm soát và điều chỉnh được hành vi của mình như thế nào để không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Điều này thực sự là một thách thức lớn không chỉ đối với những cán bộ gnân hàng mà còn đối với cả các ngành và các cấp hữu quan trong khi mà hàng ngày yêu cầu kinh doanh của ngành ngân hàng đòi hỏi cán bộ tín dụng ngân hàng vừa giải quyết công việc kịp thời, vừa hiệu quả vừa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luậtt. Cái khó khăn hơn đối với chính bản thân họ là khả năng hiểu biết pháp luật còn bị han chế và chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ theo cơ chế thị trường.

Theo quy định của pháp luật thì quan hệ hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng thương mại và các pháp nhân hay cá nhân có đăng ký kinh doanh là các quan hệ hợp đồng kinh tế, còn quan hệ tín dụng cho vay giữa ngân hàng với những đối tượng khác như hộ gia đình, cá nhân... được xác lập trên cơ cở hợp đồng là quan hệ dân sự. Do vậy, khi có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến các hợp đồng tín dụng đó thì lẽ ra trước hết các bên đều đựoc giải quyết bằng đàm phán, thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp hoà giải không thành thì các bên có quyền khởi kiện ra toà án có thẩm quyền (toà kinh tế hoặc toà dân sự) để giải quyết theo trình tự tố tụng kinh tế, dân sự.

Trên thực tế khi các đơn vị vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và không trả được nợ đến hạn hoặc lãi, thì thay cho việc giải quyết theo trình tự tố tụng kinh tế, dân sự, các ngân hàng thưong mại thường phải trả lời những chất vấn của các cơ quan thanh tra, kể cả cơ quan thanh tra chuyên ngành và cơ quan thanh tra liên ngành. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng lại đến làm việc với ngân hàng và để nghị ngân hàng cung cấp tài liệu, gửi văn bản giải trình về quá trình cho vay vốn đối với những trường hợp đó. Việc mất khả năng trả nợ của đơn vị vay đã làm liên lụy nhiều đến các cán bộ ngân hàng. Thực tiễn cho thấy không ít cán bộ ngân hàng đã bị khởi tố hình sự về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa" (Điều 139 BLHS 1985) và/hoặc "Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (Điều 174 BLHS 1985).

Như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự mà khi xác lập quan hệ tín dụng cho vay cả ngân hàng và đơn vị vay đều căn cữc vào các quy định của pháp luậtt dân sự và pháp luật kinh tế để thoả thuận từng điều khoản của hợp đồng, trong đó có điều khoản giải quyết tranh chấp. Quan hệ dân sự, kinh tế đó mặc nhiên trở thành quan hệ hình sự khi chỉ cần bên đi vay hoặc một bên thức ba nào khác liên quan đến bên đi vay có hành vi phạm tội hình sự làm cho bên đi vay mất khả nẳng thanh toán nợ đến hạn cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Thậm chí, có trường hợp ngân hàng đang khởi kiện bên đi vay tại Toà án theo thủ tục tố tụng kinh tế, dân sự nhưng vẫn bị cơ quan pháp luật ra quyết định đình chỉ vụ án để chờ kết quả của vụ án hình sự khác liên quan đến bên đi vay, chứ cơ quan pháp luật không tách riêng ra để xem xét và giải quyết từng mối quan hệ pháp luật cụ thể (quan hệ tín dụng).. Nói cách khác, trong trưòng hợp đơn vị vay mất khả năng trả nợ đến hạn cho ngân hàng và có hành vi phạm tội hình sự hoặc liên quan đến vụ án hình sự khác thì quyền thương lượng, đàm phán và khởi kiện trước toà của ngân hàng bị tước bỏ, thay vào đó có thể là lệnh khởi tố, tạm giam... đối với cán bộ ngân hàng, để tiến hành điều tra truy tố và xé xử theo trình tự tố tụng hình sự.

Trog nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội luôn vận động và phát triển theo những quy luật khách quan vốn có của nó, nên hoạt động kinh doanh tiền tệ cũng nằm trong vòng qũy đạo của sự vận động và phát triển đó. Chính vì vậy, có nhiều quan hệ mới phát sinh mà khi soạn thảo những văn bản pháp luật, các nhà lập pháp không thể biết và lường trước được. Mặt khác, sau một thời gian thi hành và thực hiện, một số quy định của pháp luật đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu và không phù hợp vơi tình hình mới. Trong khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới thì việc một số cán bộ ngân hàng mắc phải những sai sót nhất định trong quá trình thẩm định, xét duyệt cấp phát vốn vay là một điều khó tránh khỏi. Thực tiễn đã chứng minh rằng việc sử dụng vốn vay của đơn vị lại liên quan đến nhiều tổ chức và cá nhân khác, vì vậy khi đơn vị vay sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn tới không trả được nợ đến hạn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay liên quan đến vụ án hình sự khách thì các cơ quan tiến hành tố tụng lại sáp nhập quan hệ tín dụng cho vay vào vụ án hình sự đó để giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự. Việc sáp nhập vào vụ án hình sự như vạy đã vô hình chung hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự giữa ngân hàng và đơn vị vay, đồng thời kéo dài thời hạn thu hồi vốn cho vay của ngân hàng. Lẽ đương nhiên, trong những vụ án đó, ngân hàng phải thu xếp thừoi gian và bố trí nhân sự thích hợp để tham giưa tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích ích đáng của ngân hàng theo quy định của pháp luật.

 

II. Một số kiến nghị.

 

Trước thực trạng "hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự" nói trên, ngày 31/3/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/1998/CT-TTg yêu cầu các bộ, các ngành có liên quan phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn, phân biệt cụ thể phạm vi tranh chấp kinh tế với quan hệ hình sự và thực hiện chủ trương chóng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế.

Từ thực tiễn hạot động kinh doanh của ngành ngân hàng và những vụ án hình sự đã phát sinh liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời gian gần đây, chúng tôi xin có một số kiến nghị dưới đây:

(1) Hoạt động kinh doanh tiền tệ nói chung và hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng là một lĩnh vực hoạt động kinh doanh có độ rủi ro cao, nên khi ngân hàng phát tiền vay cho đơn vị, khả năng kiểm soát, giám sát qúa trình luân chuyển của bộ phận vốn tiền tệ này đã bị hạn chế ít nhiều, nhất là đối với vốn cho vay bằng tiền mặt. Trên thực tế, quyền trực tiếp sử dụng vốn vay chủ yếu phục thuộc vào độ trung thực và khả năng kinh doanh của đơn vị vay. Do vậy, ngân hàng không thể có điều kiện và khả năng kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của đơn vị. Việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của đơn vị vay có tính chất quyết định tới việc bảo đảm các nguyên tắc tín dụng, trong đó có nguyên tắc hoàn vốn và lãi đúng hạn cho ngân hàng.

Vì những lẽ trên, nên có nhiều ý kiến cho rằng Khoản 3 Điều 53 Luật các tổ chức tín dụng "Tổ chức tín dụng phải kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng" là chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngân hàng. Do vậy, cơ quan Nhà nước cơ thẩm quyền cần sửa đổi Khoản 3 Điều 53 Luật các Tổ chức tín dụng theo hướng "đơn vị vay phải toàn toàn chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng vào phải báo cáo định kì về tình hình sử dụng vốn vay đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và tính chính xác của nội dung báo cáo đó. Tổ chức tín dụng có quyền kiểm tra thường kỳ hoặc đột xuất qúa trình sử dụng vốn vay của đơn vị".

(2) Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSNDTC và TANDTC cần xây dựng thêm một số chế định, chủ yếu là chế định, chủ yếu là chế định về thủ tục tố tụng hình sự, dân sự để tạo ra một hành lang pháp lý có tính chuẩn mực cao hơn khi xem xét các quan hệ pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mới dễ dàng phân biệt đâu là quan hệ hình sự, quan hệ kinh tế hay quan hệ dân sự để tiến hành hoạt động tố tụng cho phù hợp với quy định của từng ngành luật (hình sự, dân sự hay kinh tế).

(3) Điều 174 của BLHS còn quy định quá chung chung và chứa đựng nhiều yếu tố phù hợp với chế độ quản lý Nhà nước XHCN trong thời kỳ chế độ bao cấp trước đây. Cho nên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét và sửa đổi Điều 174 của BLHS cho phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước hiện nay, xác định và phân loại từng chủ thể cụ thể trong từng mối quan hệ nhất định, không nên đưa tất cả các chủ thể trong mọi mối quan hệ vào một tội danh như quy định hiện nay.

(4) Đối với các ngân hàng thương mại.

- Cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, không chỉ chú trọng đến việc đào tạo về nghiệp vụ tín dụng, thẩm định và đánh giá các dự án kinh doanh của khách hàng vay vốn mà còn tạo điều kiện cho những cán bộ của mình được trau dồi những kiến thức pháp luật. Công tác đào tạo cần tiến hành thường xuyên và cập nhật những kiến thức mới; đào tạo kiến thức cần đi đôi với giáo dục đạo đức kinh doanh và phương pháp, cách thức làm việc.

- Cần quan tâm hơn nữa tới những điều kiện làm việc như: trang thiết bị, hệ thống thông tin, văn bản chế độ cho mỗi cán bộ tín dụng để họ có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao và có chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những cán bộ tín dụng.

Về quy trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn: cần nghiên cứu, tạo sự độc lập trong việc thực hiện một số khâu và công đoạn nhất định, nhất là đối với những khoản vay lớn, hạn chế việc tập trung xử lý toàn bộ quy trình thẩm định vào một cán bộ tín dụng.

(5) Đối với cơ quan tiến hành tố tụng.

- Khi xem xét vấn đề trách nhiệm hình sự có liên quan tới cán bộ tín dụng ngân hàng, thì cần thu thập đầy đủ chứng cứ, nghiên cứu thêm những quy định của Ngân hàng Nhà nước về nghiệp vụ tín dụng và những quy định cụ thể của từng tổ chức tín dụng về nghiệp vụ này.

Cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần xem xét và đánh giá đúng các điều kiện hoạt động tín dụng ở từng tổ chức tín dụng cụ thể, chú trọng phân tích, phát hiện những sự kiện rủi ro bất ngờ vượt quá khả năng nhận thức trước và ngăn ngừa của những người trực tiếp xét duyệt cho vay. Vì các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả phần lớn phụ thuộc vào uy tín của tổ chức đó trong dân chúng và trên thị trường, nên khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thận trọng, tránh gây ra tác động phụ ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.

Đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần tổng kết rút kinh nghiệm thông qua nhữgn vụ án đã xét xử liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời gian qua, đồng thời xem xét những đặc thù của ngành ngân hàng để có hướng dẫn phù hợp trong qúa trình, điều tra, truy tố và xét xử.

15. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế?

(Phát biểu của ông Vũ Xuân Tiền- Kế toán trưởng, Công ty Hecny Transportation (VietNam) Ltd)

 

Kính thưa đoàn Chủ tịch Hội nghị

Thưa toàn thể các đồng chí

Trước hết tôi xin lỗi các đồng chí vì bằng giờ này ngày hôm qua tôi mới nhận được giấy mời nên hôm qua tôi mới viết được bài nhưng không kịp gửi tới Ban tổ chức. Tôi cũng xin phát biểu một vài ý kiến ngắn với tiêu đề "Làm gì để ngăn chặn tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế". Bài viết này gồm hai phần:

Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế- Thực trạng hiện nay

Những nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Kính thưa Hội nghị

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên một số diễn đàn, cụm từ "hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế" đã được sử dụng một cách khá phổ biến. Ngược lại với cụm từ này cũng đã xuất hiện cụm từ nữa là "Dân sự hoá các tội phạm hình sự" trong đó việc ngăn chặn tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Song giải quyết vấn đề như thế nào lại là câu hỏi chưa có lời giải đáp thống nhất. Theo chúng tôi để làm tiền đề cho việc trao đổi vấn đề đặc biệt quan trọng này và nhạy cảm này trước hết cần nêu lên và trao đổi để đi đến thống nhất những vấn đề sau đây:

Thế nào là hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Có thể có rất nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ này. Theo chúng tôi, hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế là việc xử lý các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực kinh tế và dân sự theo những quy định của Luật hình sự. Chúng ta biết Luật hình sự là để chế định và xử lý các hành vi được coi là tội phạm. Vậy tội phạm là gì? Trong Bộ Tư bản, Các Mác đã nêu "Tội phạm là hành vi của người hoặc nhóm người nhằm chống lại quyền và lợi ích của giai cấp thống trị" (Các Mác- Tư bản-Quyển III Tập 1- Bản dịch từ Tiếng Nga- Nhà xuất bản Sự thật năm 1970). ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Vì vậy không còn khái niệm giai cấp thống trị và bị trị như trong chủ nghĩa tư bản nữa. Vì thế khái niệm về tội phạm phải được sửa lại là: "tội phạm là những hành vi của người hoặc nhóm người nhằm chống lại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân". Với khái niệm về tội phạm như trên có thể rút ra hai nhận xét sau đây:

+ Mọi hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó thực hiện nhằm chống lại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân, tức là nó phát sinh trong quan hệ mâu thuẫn đối kháng

+ Từ đó cụm từ "hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế" là cụm từ không chính xác bởi lẽ nếu sử dụng cụm từ này thì dường như các quan hệ về kinh tế và dân sự không thuộc phạm vi chế định của BLHS. Điều đó hoàn toàn đúng vì có khá nhiều hành vi trong quan hệ kinh tế dân sự vẫn phải được coi là tội phạm và được xử lý theo BLHS. Vì vậy chúng tôi cho rằng cần sửa lại cụm từ trên thành "hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế". Tôi muốn nêu vấn đề này và có ý khác với một số Đại biểu là ở chỗ: chúng ta cần phải phân biêtcho rõ được ranh giới thế nào là tội phạm, thế nào không phải là tội phạm thì lúc ấy chúng ta mới xử lý được cái nào xử lý theo BLHS, cái nào không xử lý theo BLHS.

Thực trạng của việc hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế ở nước ta trong những năm qua.

Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước XHCN, Đảng, Quốc hội và nhà nước ta đã dành khá nhiều thời gian và trí tuệ để từng bước hoàn thiện khung pháp luật và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế vẫn còn xảy ra khá nhiều ở khắp các lĩnh vực. Trong đó phải kể đến trước hết là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xuất khẩu và thủ tục hải quan. Chỉ xét đến những trường hợp đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đã thực hiện biện pháp ngăn chặn là bắt tạm giam bị can nhưng sau đó lại không xét xử được, chúng ta cũng đã thấy khá nhiều. Tôi xin điểm qua một vài vụ. Chẳng hạn vụ án ông Nguyễn An Chung nhập khẩu 81 xe ô tô tay lái nghịch của Sài Gòn Au to năm 1996, vụ án nhập khẩu 120 xe Dream tại thành phố Vinh năm 1997, vụ án ông Nguyễn Tài Cung- giám đốc Công ty tuyên truyền quảng cáo và dịch vụ du lịch thuộc Tổng cục Du lịch bị kết án 36 tháng tù giam vào năm 1998 vì đã chi hoa hồng môi giới cho 18 HĐKT sau đó được Toà phúc thẩm xét xử lại là không phạm tội. Và trong năm 1999, 2000 hàng loạt vụ án bị rút lại quyết định khởi tố và quyết định khởi tố bị can như vụ nhập khẩu giấy của công ty TNHH Đức Tiến, vụ xe ô tô cũ hay phế liệu của Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Quảng Ninh, vụ 7 xe ô tô tải hay là xe đông lạnh của VINACOF. Ngoài những vụ đã rõ và đã được báo chí nêu lên, đã có quyết định điều chỉnh của Toà án cấp trên, nếu nghiên cứu để phân tích tìm ra những vụ án đã xử oan sai thì kết quả chắc là không ít. Đó là việc cần làm của Bộ tư pháp, VKSND và TAND. Hậu quả bao trùm của tình trạng trên là tạo ra sự căng thẳng triền miên trong môi trường kinh doanh gây thiệt hại lớn về tiền của, thời gian, uy tín của các nhà doanh nghiệp. Có khá nhiều doanh nghiệp bị mất tiêu sau những vụ án oan sai này. Các cán bộ quản lý trong nhiều lĩnh vực cũng đã bị xử lý oan. Điều đó làm nản lòng các nhà đầu tư và hạn chế ở chừng mực rất lớn tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt nam. Tất cả điều đó làm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế quôc dân.

3. Những nguyên nhân và giải pháp khắc phục

a. Nguyên nhân

Có thể nói có khá nhiều nguyên nhân cả về chủ quan cả về khách quan dẫn đến việc hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế. Theo chúng tôi có thể kể đến những nguyên nhân sau đây:

+ Sự không rõ ràng trong các quy định của pháp luật về tọi phạm. Nghiên cứu BLHS, BLTTHS, Luật khiếu nại tố cáo, Luật HNGĐ, Luật giáo dục và đào tạo và các văn bản dưới luật, chúng ta không thể xác định được hành vi nào trong trường hợp, ở mức độ nào thì dược coi là tội phạm. Vì vậy bất kỳ một hành vi nào cũng có thể coi là tội phạm nếu người có thẩm quyền xem xét muốn cho đó là tội phạm. Đặc biệt tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS là một loại tội được sử dụng khá phổ biến trong các vụ án kinh tế. Có nhiều ý kiến cho rằng đó là một cái túi để đựng tất cả các trường hợp không biết xếp vào tội nào. Song thế nào là cố ý, thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng thì lại tuỳ thuộc vào cách vận dụng trong thực tiễn của người cầm cân nảy mực.

+ Sự chồng chéo chắp vá của các văn bản pháp quy được sử dụng để xác định hành vi tội phạm. Trong tất cả các lĩnh vực của quản lý kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay các văn bản pháp quy đêù rất nhiều gồm: Luật, Pháp lệnh, NĐ, QĐ, TT... và hàng vạn công văn hướng dẫn của các cấp. Khi xem xét để xác định các hành vi phạm tội, tất cả các văn bản trên đều được triệt để sử dụng kể cả trong trường hợp các văn bản này đã ban hành chỉ đạo các hoạt động kinh tế cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây và không phù hợp với nền kinh tế thị trường nữa. Chẳng hạn trong vụ án xử ông Nguyễn Tài Cung phạm tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, người ta đã sử dụng một Công văn của Bộ tài chính ban hành năm 1988, yêu cầu trước khi chi hoa hồng môi giới, giám đốc doanh nghiệp phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản, trước đó người ta kết luận rằng ông Nguyễn Tài Cung đã cố ý làm trái nguyên tắc vì không xin ý kiến của Tổng cục du lịch trứơc khi chi hoa hồng môi giới. Và cũng xin lưu ý rằng vụ án này sau này được trắng án vì tại thời điểm xử vụ án này, những văn bản của nhà nước quy định về hoa hồng môi giới là chưa có. Có nghĩa là ông Nguyễn Tài Cung đã cố ý làm trái những quy định chưa được ban hành.

+ Sự thiếu cẩn thận của một số cán bộ cơ quan pháp luật khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam. Đã có không ít trường hợp quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can không có căn cứ pháp lý đầy đủ song sự can thiệp của cơ quan cấp trên lại rất chậm trễ dẫn đến tình trạng các chủ doanh nghiệp, các công dân khi được vạ thì má đã bay từ lâu rồi. Việc bắt giam một số cán bộ có liên quan đến vụ án 7 xe ô tô tải hay là xe đông lạnh của VINACOF vừa rồi là một ví dụ điển hình. Một cán bộ của VINA bị bắt 4 tháng, khi được thả ra thì bị teo mất một chân.

+ Việc quy định trách nhiệm bồi thường vật chất của cá nhân hoặc cơ quan làm sai, đã hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế là không rõ ràng, không nghiêm túc. Từ thực tế những năm vừa qua có thể thấy mặc dù Pháp lệnh về việc bồi thường trách nhiệm vật chất của các công chức, viên chức làm sai khi thi hành công vụ đã được ban hành nhưng toàn bộ thiệt hại về kinh tế, uy tín ở các khía cạnh khác nhau khi có một vụ việc bị khởi tố đều đổ lên vai các khổ chủ là các nhà doanh nghiệp và công dân.

b. Một vài kiến nghị về các giải pháp khắc phục

 

Khắc phục tình trạng hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế là một vấn đề rất phức tạp, là một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ bởi lẽ nó đòi hỏi phải thay đổi nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, khi ngăn chặn tình trạng hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế lại cũng cần ngăn chặn tình trạng dân sự hoá các hành vi tội phạm nhằm chạy tội, gỡ tội cho những trường hợp phạm tội cần được xử lý nhưng lại có ô dù bao che. Trong phạm vi của cuộc hội thảo này với mục đích nghiên cứu khoa học, tôi xin nêu một vài kiến nghị nhỏ sau đây:

+ Cần rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật để chỉ rõ thế nào là tội phạm. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng để phân biệt ranh giới giữa hành vi phạm tội và hành vi có lỗi, hành vi phạm tội thì xử lý theo hình sự, hành vi có lỗi thì xử lý theo dân sự hoặc các xử phạt hành chính khác. Vì vậy cần hạn chế quy định chung chung mà phải quy định rất rõ và cụ thể ở ba khía cạnh:

Những hành vi thuộc loại nào được coi là tội phạm

Trong những trường hợp nào thì hành vi ấy được coi là tội phạm

Với mức độ hậu quả nào thì hành vi ấy được coi là tội phạm

Nếu ba vấn đề này chúng ta không làm rõ thì luôn luôn mập mờ giữa hành vi phạm tội và hành vi có lỗi và người cầm cân nảy mực sẵn sàng xếp một vụ từ hình sự sang dân sự và từ dân sự sang hình sự.

+ Xoá bỏ hoặc sửa đổi bổ sung quy định về một số tội danh khi kết tội chỉ dựa vào các căn cứ định tính, không định lượng được và các tội danh không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn tôi kiến nghị xoá bỏ tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS vì đây là một tội có thể lắp vào bất kỳ chỗ nào. Hiện nay các văn bản thì rất nhiều, chồng chéo, nhiều khi một doanh nghiệp có một hành vi nào đó nhưng không biết là có một văn bản cấm hành vi ấy, người ta không biết chứ không phải người ta cố ý làm trái. Vì vậy ở đây nếu ta đặt ra chữ "cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" thì nó là tội rất bao la, có thể xử bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào. Tôi đề nghị trong phương án tới nên bỏ tội danh này. Đồng thời cũng cần xem lại những tội mà trước đây chúng ta ghi vào nhưng bây giờ thì không đúng nữa. Ví dụ tội đầu cơ. Bây giờ một doanh nghiệp mua hàng dự trữ vào kho để chờ giá lên thì bán. Đấy là hành vi trước đây gọi là đầu cơ, đó là một tội nhưng trong kinh tế thị trường tôi hoàn toàn có quyền làm việc ấy. Làm việc ấy có thể tôi có lãi, có thể tôi bị lỗ bởi vì thị trường tụt giá xuống. Bây giờ chúng ta xử tội đầu cơ này là không đúng. Hiện nay trên thực tế không xử được tội đầu cơ nữa. Cũng cần định nghĩa lại tội buôn lậuvì có những trường hợp tôi buôn cái đó mà Nhà nước bảo là cấm nhưng tôi không biết việc ấy mà tôi đã nhập về và nó chỉ có sai sót về mặt câu chữ. Ví dụ "gia keo bề mặt" và "gia công bề mặt". Tôi đi mua các gia công bề mặt nhưng cơ quan nhà nước bảo là gia keo bề mặt mà gia keo bề mặt thì không được nhập, chỉ gia công mới được nhập. Thế là hai bên cãi nhau và hàng năm không lấy được hàng ra.

+ Cần quy định rõ thế nào là văn bản pháp quy được sử dụng và dẫn chiếu khi xác định hành vi tội phạm. Theo chúng tôi chỉ các văn bản luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các Thông tư hướng dẫn của nhà nước mới được dẫn chiếu khi xác định hành vi phạm tội, không nên coi các công văn của bất kỳ cơ quan nào là văn bản pháp quy đưa ra để kết tội người dân vì các công văn này thông thường không đưa đến cho người dân, công văn ấy lưu hành nội bộ. Trước đây HĐKT hai bên phải là pháp nhân, bây giờ HĐKT một bên là pháp nhân, một bên là thể nhân vẫn dược coi là HĐKT. Đấy là một sửa đổi mà sửa đổi trong một Công văn thì chúng ta không biết việc ấy.

+ Cần có quy định và xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp cố tình hình sự hoá các hành vi không phải là tội phạm trong các quan hệ dân sự kinh tế của một bộ phận cán bộ công chức trong các cơ quan pháp luật vì thực ra đây là một vấn đề rất nhức nhối. Trong tất cả các vụ vừa rồi thì thiệt hại của các doanh nghiệp không có ai chịu cả mà do các doanh nghiệp tự gánh chịu. Tôi có một vài ý kiến góp ý như vậy trong Hội thảo này. Xin chân thành cảm ơn.

 

 

16. Bài phát biểu của Ông Trần Hữu Huỳnh- Luật sư - Trưởng ban pháp chế - Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam.

 

Kính thưa đoàn Chủ tịch

Thưa tất cả các đồng chí

Len vào một vài ý mới sau tất cả các ý như thế này là một thử thách đối với tôi vì theo yêu cầu của anh Lộc là không được lặp lại. Thứ nhất, chúng tôi xin tiếp nối ý kiến của anh Tiền. Những vấn đề anh Tiền nêu ra theo chúng tôi cũng rất bổ ích và nếu có thể chúng tôi bổ sung thêm. Đề tài ở đây không những là chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế mà còn chống hình sự hoá các quan hệ hành chính. Vì bản thân Điều 179 là điều rất nhiều doanh nghiệp ngồi ở đây quan tâm. Thực chất ở đây là mối quan hệ hành chính và bị đẩy lên đến mức quan hệ hình sự. Thứ hai, về bản chất của nó là gì? ở đây có nhiều ý kiến đề cập, chúng tôi cũng chỉ nói thêm một ý: chúng tôi muốn nói hình sự hoá theo cái nghĩa dân gian chúng ta quan niệm hiện nay. Cái này khác với vế hình sự hoá, tội phạm hoá, phi hình sự hoá. Phi hình sự hoá là quá trình lập pháp thường xuyên của quốc gia ở nước nào cũng có và ở thời kỳ nào cũng có. Việc một số tội phạm không phù hợp chúng ta đưa nó ra khỏi BLHS và vì vậy bỏ luôn chế định về hình phạt. Như vậy là quá trình phi hình sự hoá, phi tội phạm hoá. Việc bổ sung thêm một số tội phạm và kèm theo chế định về hình phạt thì đấy là quá trình hình sự hoá và tội phạm hoá. Chúng tôi nghĩ rằng đề tài mà chúng ta bàn hôm nay ở đây là vấn đề khác: không phải là vấn đề hình sự hoá hay phi hình sự hoá theo trình tự lập pháp của một quốc gia mà ở đây là quá trình áp dụng các biện pháp của hình sự bao gồm pháp luật về BLHS, pháp luật quy định trong tố tụng hình sự để áp dụng cho những quan hệ bình đẳng giữa các chủ thể tham gia với nhau trong giao dịch dân sự và kinh tế. đấy là bản chất của nó và chúng ta chống cái này chứ không phải chống vấn đề thứ nhất chúng ta đã nói ở trên.

Về nguyên nhân:

Chúng tôi nghĩ rằng có người đi từ bản chất của vấn đề là vấn đề sở hữu, có người đi từ vấn đề thuộc KTTT đólà dân trí, có người đi thẳng vào vấn đề áp dụng pháp luật của các cán bộ cơ quan kiểm sát điều tra. chúng tôi nghĩ nếu bàn thế này mãi thì đúng là có vấn đề của dân trí thật nhưng liệu chờ đến khi chúng ta nâng cao dân trí cho hết 80 triệu dân thì có chấm dứt cơ bản vấn đề hình sự hoá hay không. Về vấn đề sở hữu, chúng tôi cũng đồng ý rằng vì các quan hệ sở hữu đan xen trong đó sở hữu nhà nước, kinh tế quốc doanh là chủ đạo cho nên dễ bị vận dụng trong quá trình bảo vệ tài sản, lợi ích của nhà nước XHCN cho nên có thể có sự lạm dụng. Nhưng chúng tôi cho rằng trong đường lối của Đảng hiện nay, việc vẫn duy trì nền kinh tế quốc doanh là chủ đạo thì chúng ta cũng đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong đó khối kinh tế tư nhân cũng đang là một trong những chiến lược phát triển nền kinh tế cuả Đảng ta. Cho nên từ chỗ những vấn đề như các đồng chí trao đổi là vấn đề Chương Quản lý nhà nước ở trong các Bộ luật từ chỗ ở đầu chương hiện nay đã ở cuối chương. Chương này hiện nay là chương khó khăn nhất cho nhiều bộ phận xây dựng pháp luật. Vì cụ thể hoá Chương Quản lý nhà nước về pháp luật là gì? Hầu hết đều được cấu trúc là Bộ nọ, Bộ kia thay mặt thực hiện chức năng ấy. Chúnh phủ hướng dẫn thi hành giao cho Bộ nọ, Bộ kia thay mặt thực hiện chức năng ấy. Chương này thực chất nằm ngay trong Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ cho nên không cần thiết phải đưa vào. Nhưng quan điểm này thành một quan điểm có tính chất hơi truyền thống mà bây giờ bỏ một quan niệm hơi truyền thống như thế không phải là dễ. Chúng tôi đề nghị những Bộ luạt nào liên quan đến quan hệ tư tức quan hệ giữa các chủ thể bình đẳng đó là chủ thể dân sự và kinh tế thì chúng ta nên đưa Chương Quản lý Nhà nước ra khỏi Bộ luật. Ví dụ BLDS của chúng ta không có Chương về Quản lý nhà nước. Trong khi đó nhiềuluật về kinh tế lại đưa Chương Quản lý nhà nước vào. Vì vậy cách thiết chế trong quy định ở đây rất chung chung. Vì thế nhiều người lạm dụng những quy định như vậy để có thể can thiệp vào các quan hệ tư mà trong bài viết của chúng tôi là trong những trường hơph như vậy thì để cho các chủ thể bình đẳnh ấy đươcj quyền tố tụng, tự do thương lượng thoả thuận, có thể trực tiếp, có thể qua tổ chức trung gian hoà giải rồi tiến tới trọng tài. Như thế các quyền lực công ít có điều kiện để thâm nhập vào. Chỗ này chúng tôi cũng xin nói thêm mộtvđiển nữa là các anh, các chị cũng bàn về vấn đề pháp luật. ở đây chúng tôi cho rằng có một vấn đề hét sức cơ bản trong quan niệm và xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay. Trong bài viết của chúng tôi, chúng tôi cũng có đề cập. Đó là chúng ta chuyển từ cơ chế mà quản lý nhà nước toàn bộ sang cơ chế mà cả nhà nước và nhân dân cùng tham gia quản lý. Tuy nhiên, tư duy về mặt xây dựng pháp luật không theo kịp nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần tham gia ở đây. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc xây dựng pháp luật. Các quy định của luật công tham gia quá nhiều vào các quan hệ của luật tư cho nên các anh, các chị thấy rằng: nếu luật mà thiết kế như thế này: "nếu các bên không có thỏa thuận khác thì nhà nước quy định thế này". Đấy là một quan niệm rất phổ biến ở trong luật tư nhưng hiện nay rất ít được chấp nhận vì một số Đại biểu khi thảo luận vấn đề này cũng nói: vậy như thế luật pháp còn có ý nghĩa gì. Nếu các anh cái gì cũng tự thoả thuận cả thì luật pháp còn có ý nghĩa gì. Phải nói rõ luật pháp có ý nghĩa ở chỗ: nếu các bên chủ thể bình đẳng mà không thoả thuận được thì lúc bấy giờ luật công sẽ quy định. Cho nên các luật gia có hình ảnh rất hay mà chúng tôi xin dẫn ra ở đây: người ta nói pháp luật quốc gia giống như là một chậu cá (bể kính) mà Hiến pháp thì sừng sững như là tấm kính trong suốt. Luật công giống như nước ở trong đấy và luật tư giống con cá bơi lộ trong đó. Nếu xây dựng không tốt , để cho luật công quá ít thì con cá vàng có đẹp đến mấy cũng không bơi được một cách thoải mái hoặc Hiến pháp mà không rõ ràng, không như là bức tường thành vững chắc để đựng nước thì dễ dàng làm cho nước bị trào ra khỏi bể. Như vậy sự quậy phá của luật tư có thể làm giảm yếu tố của luật công. Đấy là ý mà chúng tôi đề nghị trong các nguyên nhân ấy có một nguyên nhân hết sức cơ bản: là phương thức xây dựng pháp luật phải xuất phát từ nền kinh tế thị trường.

Về hậu quả:

Chúng tôi xin không trình bày thêm vì rất nhiều đồng chí ở đây đã trình bày hết sức sinh động cả về mặt lý luận và thực tiễn. Và chúng tôi cũng rất vui mừng, ngay cả những người như đồng chí ở Viện kiểm sát cũng đã chia sẻ với chúng ta về thực trạng này. Tuy nhiên tôi chỉ xin nói thên một điều: nếu đây là một hiện tượng mà các đồng chí ở đây có nêu lẽ ra là phải làm sớm, mà bây giờ không ngăn chặn kịp thời thì chúng tôi xin nói: không những là ảnh hưởng mà nó thực sự làm cho xã hội có thể vơi đi rất nhiều các quan hệ giao dịch. Mà một xã hội trong đó các giao dịch bị đóng băng lại thì không những chỉ riêng về vấn đề kinh tế mà trong lĩnh vực dân sự cũng làm nghèo nàn xã hội một cách đáng kể và sự phát triển của xã hội sẽ bị chậm lại.

Về giải pháp

Chúng tôi xin đề nghị

Thứ nhất: chúng tôi xin nêu lại ý của đồng chí Tiền nêu ra là đối với các loại, các quan hệ hành chính mà hôm nay chỉ là một phần của đề tài, chúng tôi đề nghị bỏ hẳn Điều 165 về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cái này trước đây trong kỳ họp Quốc hội chúng tôi đã kiến nghị nên đưa hẳn điều này ra. Có hai quan điểm: một quan điểm cho đây là điều khoản thòng để quét những tội nào mà có rơi vào hay không đưa vào đó thì cứ đưa vào một cái rọ, cái túi. Quan điểm thứ hai cho rằng để như thế này thì rất nguy hiểm vì hai lẽ: một là chỉ có Quốc hội và BLHS mới quy định trong BLHS hành vi nào là hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội. Bây giờ chuyển quy định này cho các văn bản khác như tội làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế có nghĩa Quốc hội đã giao quyền luận hành vi nào là nguy hiểm cho xã hội sang cho các cơ quan thực hành vấn đề tố tụng. Đây là điều về mặt nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, chúng tôi cho rằng: điều này lẽ ra Quốc hội không nên giao quyền này về cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi vì chúng ta biết một điều rất rõ là chỉ có những hành vi nguy hiểm được quy định trong BLHS thì mới được coi là hành vi phạm tội. Bây giờ lại chuyển các hành vi nguy hiểm sang các văn bản khác, có đồng chí đề nghị loại trừ từ Thông tư trở lên thì vẫn được xếp, còn công văn trở xuống thì không được xếp. Chúng tôi cho rằng như thế cũng là một giải pháp nửa vời. Cho nên giải pháp tiên quyết nhất là phải bỏ Điều 165 ra khỏi BLHS.

Thứ hai, Quốc hội phải nhìn vấn đề này một cách đầy đủ hơn và thống kê tất cả các loại tội phạm để đưa vào BLHS. Nếu chúng ta đang còn một điều khoản như thế này thì đang còn chỗ cho một số người ở một số cơ quan lạm dụng vị thế của mình để tiến hành tố tụng sai.

Trong quá trình xây dựng pháp luật, mặc dù BLHS của chúng ta đã được sửa đổi và đó là một sự cố gắng của nhà nước ta trong vấn đề phi tội phạm hoá, phi hình sự hoá cũng như là hình sự hoá một số hành vi. Nhưng chúng tôi cho rằng cách xây dựng luật pháp chỉ dựa trên cơ sở là đưa tất cả tội phạm vào BLHS đặc biệt là tội phạm về kinh tế sẽ không an toàn lắm. Không an toàn ở những điểm sau:

+ Quố hội không phải là họp thường xuyên

+ Các tội phạm về kinh tế thường xuyên xuất hiện, rồi lại biến đi, rồi các loại tội phạm mới lại xuất hiện mà chúng ta cứ chờ để sửa đổi BLHS theo cách thức đưa tất cả vào trong BLHS e rằng sẽ làm chậm quá trình lại và nó không an toàn.

Một số kiến nghị

Đối với các loại Luật điều chỉnh về các quan hệ kinh tế thì bên cạnh các quy định của luật tư, những hành vi phạm tội nào thì đưa vào các văn bản pháp luật kinh tế ấy. Chúng tôi nghĩ như vậy là một điều rất thuận lợi bởi lẽ: ví dụ Lụật công ty của Singapo, ngoài những vấn đề quy định như vậy họ cũng quy định luôn phạm vào điều nào thì bị coi là phạm tội và tội đó được xử lý như thế nào. Như vậy thì người giám đốc, cổ đông khi đọc điều đó lên sẽ thấy cái nào là các quan hệ mình được phép, còn cái nào vượt quá ngưỡng ấy bị coi là hình sự. Chúng tôi đề nghị nên đưa vào như thế này sẽ làm cho vấn đề cụ thể rõ ràng hơn và khi sửa đổi các luật này thì sửa đổi một cách nhanh hơn. Đây là trên cơ sở các nước theo nền kinh tế thị trường, họ đều theo xu hướng đưa các tội phạm về kinh tế vào trong pháp luật chuyên ngành về kinh tế.

Trong BLTTHS nếu có thể sửa đổi được, chúng tôi đề nghị sửa đổi như thế này: trong BLTTHS có nói rằng các bị can, bị cáo có thể mời luật sư tham gia bảo vệ lợi ích cho mình. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị bổ sung thêm tức là nguyên tắc ấy thì nước nào cũng có nhưng nếu có thể để chống việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, chúng tôi đề nghị các bị can, bị cáo, người có quyền lợi ích liên quan có quyền không trả lời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nếu như luật sư họ mời không chấp nhận điều kiện cho luật sư họ mời tham dự. Nếu vẫn cứ tiến hành việc thẩm vấn như vậy thì những lời khai này không có giá trị về mặt chứng cứ. Chúng tôi nghĩ nếu nêu được một quy định bắt buộc như vậy vào BLTTHS thì chúng ta sẽ giảm bớt được rất nhiều và thực sự những điều mà chúng ta nói ở đây, hôm nay là làm sao mà thiếu luật sư, cần có vai trò của luật sư, luật gia để bảo vệ thì chúng ta nên cụ thể hoá trong những vấn đề như thế này.

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin đề nghị bổ sung vào bài phát biểu. Chúng tôi cũng nhất trí trên cơ bản. Đây là một vấn đề rất nhức nhối. Đề nghị sau buổi hội thảo này, Phòng thương mại kiến nghị các đồng chí ở cơ quan tư pháp ở đây là cần có một văn bản kết luận để chúng ta kiến nghị gửi các cơ quan để làm sao đó hy vọng như các đồng chí nói: có chống được hay không thì chúng tôi nghĩ rằng có thể chống được, có hạn chế được và từng bước chúng ta có thể chống được tình trạng hình sự hoá để sắp tới chúng ta có một môi trường pháp lý không phải như một tờ báo nước ngoài nói "xã hội chúng ta là một xã hội cảnh sát" mà xã hội của chúng ta là xã hộicủa dân, do dân và vì dân và để cho các thiết chế dân chủ tham gia vào quá trình xây dựng đất nước ta.

 

17. Bài phát biểu của TS Trần Đình Nhã- Vụ trưởng Vụ pháp chế- Bộ Công an

 

Kính thưa các đồng chí tham dự Hội thảo

Đáng lẽ tôi không phát biểu vì tôi đến đây nhằm mục đích là nghe và cũng hy vọng sau Hội thảo này chúng tôi có bản tập hợp các kiến nghị trao đổi về vấn đề này. Bởi đây là một vấn đề lớn mà như các đồng chí thấy càng thảo luận thì càng lớn đến mức nhiều đồng chí đề nghị xem lại. Vậy Hội thảo của chúng ta hôm nay xung quanh vấn đề hình sự hoá nên gói vào chuỵện gì? Nếu theo học thuật: hình sự hóa không chỉ là ở trong lĩnh vực chúng ta đang bàn hôm nay như là các cơ quan tiến hành tố tụng đã vội vàng áp dụng các biện pháp tố tụng để xử lý những việc đáng ra chưa phải làm như thế mà còn nếu mở rộng ra hình sự hoá, chúng tôi cũng xin thưa: hình sự hoá có cả các việc nhà làm luật đã đưa những hành vi chưa xứng đáng là tội phạm thành tôị phạm. Đấy là một cách hình sự hoá hay tội phạm hoá. Nếu chúng ta chỉ khoanh trong cái việc như anh Huỳnh vừa nói thì thật ra nếu hiện tượng này đã trở thành hiện tượng phổ biến thì chúng tôi thấy ở trong lĩnh vực này cơ quan điều tra phải là ngươì có trách nhiệm lớn nhất.

Bây giờ chúng ta cũng xem lại. Vậy hiện tượng này có phải là hiện tượng phổ biến trong xã hội hay chưa đến nỗi làm cho nhà đầu tư nước ngoài sợ vào Việt nam làm ăn sẽ bị hình sự hoá bất cứ lúc nào. Cái này chúng ta cũng cần đành giá một cách nghiêm chỉnh. Bởi vì có nhiều người cho rằng hình sự hoá ít mà phi hình sự hoá thậm chí còn nhiều hơn, tội phạm nhan nhản như thế tại sao chỉ khởi tố được 5, 7 vụ. Có người cho thiên hướng kia đáng quan tâm hơn thiên hướng hình sự hoá. Chúng tôi không phải là bào chữa nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này. Đương nhiên vấn đề hình sự hoá gây hậu quả rất tai hại. Chúng tôi thấy rằng khi nghiên cứu pháp luật của các nước những năm 50, người Pháp rất tự hào về hệ thống tư pháp hình sự của họ. Những năm 50, khi phát hiện thấy Toà xử lý sai một vụ với mức án tử hình thì gần như toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự của Pháp được xây dựng hàng trăm năm bị sụp đổ. Người dân không thể chịu nổi và khi ấy người ta phải cải cách lại toàn bộ hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp hình sự. Chúng ta cho đến nay chưa phát hiện ra vụ nào đến mức tử hình sai nhưng án chung thân đã có rồi. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ vấn đề này. Chúng tôi là cơ quan bảo vệ pháp luật. ở đây có nhiều loại cơ quan như các đồng chí đã nêu: cơ quan điều tra (không chỉ có điều tra của công an mà còn có bên hải quan, quân đội), Viện kiểm sát, Toà án, các cơ quan khác...Tất cả những cơ quan này đều có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại nếu hiện tượng hình sự hoá đã trở thành phổ biến như các đồng chí nói thì trách nhiệm đầu tiên có lẽ cần phải xem xét là cơ quan điều tra vì chính cơ quan điều tra là nắm thông tin, là xử lý những cái trong tố tụng hình sự gọi là tin báo về tội phạm và anh vội vàng áp dụng hoạt động điều tra, biện pháp tố tụng để xử lý những việc đáng ra chưa phải làm như thế.

Tại sao lại có những chuyện như vậy? Xin thưa với các đồng chí, chúng tôi cũng tán thành với nhiều quan điểm mà các diễn giả nêu ra tại diễn đàn này. Chúng ta cũng đang trong một cơ chế tập sự tức chúng ta tính chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường nhưng mà Dự thảo Nghị quyết Trung ương 9 nói: "khoảng mười năm nữa chúng ta sẽ định hình được nền kinh tế thị trường". Bây giờ đang tập sự nên khi có những đoàn đi nghiên cứu pháp luật ở các nước về nói rằng Pháp làm thế này, Mỹ làm thế kia thì chúng tôi đôi khi cũng nói đùa: nên học xem cách đây 100 năm Pháp làm ăn thế nào, Mỹ làm ăn thế nào để chúng ta áp dụng. Nếu ở Anh cách đây 100 năm để đòi nợ người ta bắt giam con nợ vào, khi nào trả được nợ thì thả ra. Bước vào nền kinh tế thị trường, có khi họ cũng có sai lầm như chúng ta hiện nay nhưng sai lầm của họ là từ 100 năm trước đây, còn bây giờ chúng ta phải làm như họ hiện nay thì chúng tôi thấy hơi khó ở chỗ chúng ta chưa quen, chúng ta chưa có tổ chức như thế, con người như thế và chúng ta đang bối rối được cái này thì mất cái kia. Pháp luật cũng có vấn đề. Một vài đồng chí đã nêu phải sửa nhiều vấn đề trong BLHS. Thực ra các đồng chí chú ý cho là đã sửa nhiều vấn đề rồi, chẳng hạn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vừa rồi Quốc hội đã sửa lại thành Điều 140 hoặc tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được sửa lại ở Điều 165. Đương nhiên sửa lại như thế này đã hay chưa thì còn phải kiểm nghiệm, còn phải bàn với nhau nhưng chí ít là đã sửa đổi. Vì trước đây chúng ta cứ nêu rằng người nào lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác là hình sự thì anh nào làm hình sự cũng đặt ra bài toán rất khó. Những người làm công tác tư pháp hình sự kể cả điều tra, VKS, Toà án đôi khi đặt ra bài toán cũng rất nan giải. Cứ nói người nào trộm cắp là bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế còn trộm cắp thế nào? vừa rồi đây Quốc hội mới đưa ra quy định: trộm cắp từ 500.000đ trở lên thì bị; dưới 500.000đ thì không bị. Trước đây trộm cắp có thể là một chiếc xe đạp trị giá 200.000đ nhưng vẫn cứ bị bắt, vẫn có thể bị đưa ra toà. Bởi vì luật của chúng ta nói như thế, người nào trộm cắp thì đó là trộm cắp, dù chỉ là cái xe đạp rách nhưng vẫn là trộm cắp. Bây giờ nói đến lạm dụng tín nhiệm là phải lạm dụng tín nhiệm từ 1 triệu trở lên, trước kia chẳng nói gì cả. Cơ quan điều tra, VKS, Toà án làm thế nào đây, hoặc ngồi với nhau đưa ra một Thông tư giải thích hoặc không kịp nữa thì có khi hơi tuỳ nghi một chút: có nghĩa địa phương này cho cái xe đạp 200.000đ là truy cứu trách nhiệm hình sự, địa phương kia nói 200.000đ không là gì cả. Có tình trạng như thế và nói điều này ra để nói rằng pháp luật của chúng ta đang trong một tình trạng như thế. Nếu các đồng chí là nghiên cứu pháp lý hình sự đề nghị các đồng chí lưu ý cho khoản 4 Điều 8 định nghĩa tội phạm là gì nhưng khoản 4 Điều 8 nói là những hành vi tuy có dấu hiệu của một tội phạm nhưng tính chất cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Nếu tôi dừng lại ở đây để trao đổi với các đồng chí thì chắc phải mất cả ngày hôm nay. Thế nào là có tính chất của một tội phạm và thế nào là đáng kể, thế nào là không đáng kể; có khi tôi nói cái này là đáng kể rồi nhưng một nửa các đồng chí ngồi đây nói là chưa đáng kể, nả khác lại nói là đáng kể đấy. Có lẽ chúng ta lại phải ngồi trao đổi với nhau mà luật hình sự của chúng ta quy định như vậy ở khoản 4. Cho nên chúng tôi thấy vấn đề pháp luật, khung pháp luật của chúng ta hiện nay không chỉ là khung pháp luật kinh tế đâu, kể cả khung pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nên chúng ta phải bàn lại.

Chúng tôi cũng thấy để xử lý hiện tượng có thật là hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính thì chúng ta phải xem lại bộ máy của chúng ta- bộ máy của cơ quan tư pháp. Như người Pháp nói: bộ máy tư pháp là bảo thủ lắm. Một trong những cái boong ke bảo thủ của cơ chế nhà nước là bộ máy tư pháp. Nhưng bây giờ nói đổi mới hay cải cách thì khó lắm nhưng ở Pháp những năm 50 phải cải cách vì đã xử tử hình sai một người. ở đây cũng có nhiều quan chức tư pháp. Chúng tôi đề nghị các anh quan tâm đến chuyện này, không nên chờ đến khi người ta không thể chịu đựng nổi bộ máy tư pháp của chúng ta nữa chúng ta mới cải cách. Bây giờ bộ máy tư pháp của chúng ta thực sự có vấn đề. cơ quan điều tra có vấn đề của cơ quan điều tra, VKS, TA có vấn đề của VKS, TA. Cho nên với một bộ máy tư pháp như thế này thì những chuyện oan sai còn có thể xảy ra.

Về con người cũng có những vấn đề. Không chỉ trong kinh tế các đồng chí mới bỡ ngỡ mà trong tư pháp xét cho cùng các cán bộ tư pháp cũng bỡ ngỡ trong cơ chế mới: làm thế nào đế bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Những điều mà Quốc hội thấy không thể bỏ được như Điều 165 vì Quốc hội tính rằng như thế này là một sự răn đe, níu kéo để cho các giám đốc, đặc biệt là giám đốc của nhà nước đừng có vung tay quá trán. Tiền đó không phải là của anh mà là tiền của nhân dân gửi gắm vào đấy nên phải làm như thế nào để đừng làm trái để gây thiệt hại đến100 triệu trở lên. Và người ta cũng cho rằng như thế là bảo vệ được tài sản của nhà nước. Tôi cũng rất tán thành với một quan niệm tại Hội thảo này. Bây giờ chúng ta cũng phải bàn lại: đây có phải là một cách để bảo vệ nghiêm ngặt tài sản của nhà nước hay không. ở đây tôi đang nói về con người trong hệ thống tư pháp hình sự. Chúng tôi cũng thấy trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế phát triển như thế, khi xã hội thay đổi như thế, khi các bộ máy đang rục rịch đổi mới thì trong lĩnh vực tư pháp, việc đào tạo, việc bố trí, việc kiểm tra giám sát hoạt động tư pháp cũng cần phải đặt ra một cách khác hơn. Bởi vì hầu như làm hình sự anh em điều tra tổng kết rằng: làm hình sự rất khó và dễ ai lầm, dễ lạm quyền, dễ tiêu cực bởi vì quyền của anh lớn, tiêu cực kề bên. Đôi khi có những hiện tượng chúng tôi tổng kết thấy chẳng qua cũng là bạn bè nhờ nhau đòi nợ thuê mà hỏi tại sao không ra toà thì họ trả lời toà vòng vèo hai ba năm sau mới lấy được còn ông mà ra kinh tế là nó trả ngay vì sợ danh tiếng này nọ. Đó là nói về cơ chế và cũng là nói về con người. Con người tiêu cực, tuy nhiên tiêu cực không chỉ là tham nhũng mà tiêu cực còn do lạm quyền, kém hiểu biết (tức người ta đã chuyển đổi ầm ầm nhưng tư duy của anh vẫn cũ rích. Những kinh nghiệm, lề thói cách đây hàng chục năm anh vẫn giữ nguyên và cho thế là bảo vệ tài sản XHCN).

Chúng tôi thấy có một vấn đề mà tại diễn dàn này có một số đồng chí đã nêu nhưng tôi thấy các cơ quan tư pháp còn chậm trễ. Bộ chính trị đã giao cho Bộ tư pháp sớm giải quyết đưa ra Thông tư, Chỉ thị gì đấy để giải quyết vấn đề bồi thường tức anh làm sai thì phải bồi thường, anh làm sai thì phải chịu trách nhiệm với người ta. Thời xưa anh bắt oan thì sau đó thả người ta ra anh vào ngồi thay chỗ còn bây giờ chúng ta không làm thế thì ít nhất chúng ta phải xử lý như thế nào. Nhưng Chỉ thị 53 đã ra lâu rồi nhưng các cơ quan tư pháp vẫn đang loay hoay. Cũng xin thưa với các đồng chí là không biết tìm nguồn ở đâu mà đền vì ngành tư pháp của chúng ta không có quỹ riêng nào cả, bắt anh làm sai đền thì anh ta cũng không có gì mà đền, mà bắt các cơ quan tư pháp đền thì các cơ quan này cũng chẳng có gì mà đền. Cho nên có lẽ chúng tôi thấy một cách mà các đồng chí hiến kế cho chăng: đó là có một quỹ tư pháp nào đấy, nếu đánh được vụ nào thì cho cơ quan tư pháp khoản tiền ấy sau đó nếu họ làm sai thì họ dùng khoản tiền đó mà đền bù.

Tôi rất ngạc nhiên vì chưa thấy Hội thảo lần nào lại đông như thế này chứng tỏ nó được sự quan tâm rất nhiều không chỉ của các nhà doanh nghiệp, cá cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp mà còn cả giới báo chí, công luận nói chung. Tôi cũng xin mạo muội trình bày một số ý kiến như vậy và là ý kiến không chính thức vì chưa được chuẩn bị chu đáo.

Xin cảm ơn các đồng chí và mong đợi các kết luận, Nghị quyết của Hội thảo để chúng ta nghiên cứu trong chừng mực của mình sẽ tiếp thu để nhanh chóng sửa đổi những gì thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ tiếp thu sửa đổi.

 

18. Bài tham luận của ông Lâm quang Huyên -văn phòng dự án SX sạch hơn - Vụ KH-gd-MT - Bộ kế hoạch và đầu tư

Kính gửi anh Vũ Tiến Lộc, tổng thư ký của VCCI

Tôi nhận được giấy mời tham dự diễn đàn doanh nghiệp "Chống hình sự hoá giao dịch dân sự, kinh tế ngày 26/10/2000". Vì tuần này chúng tôi bận làm việc với chuyên gia suốt cả tuần nên xin phép HĐQT cho được vắng mặt trong cuộc họp nói trên.

Về đề tài nói trên thì bản thân tôi và các đơn vị cấp dưới trong của chúng tôi trước đây đã may mắn chưa bị vấp phải. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, chúng tôi cũng đã gặp một vài lần thiếu thoái mái trong lĩnh vực này, theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây:

Trước hết, do hệ thống pháp luật của ta chưa định nghĩa rõ ranh giới đâu là một vụ phạm pháp mang tính hình sự (như tham ô, biển thủ, lợi dụng danh nghĩa việc công để lừa đảo, vô trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, v.v...) với những đổ bể do rủi ro trong kinh doanh. Những rủi ro này có khi vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng mà cũng có thể vì trình độ quản lý, vì muốn làm tốt nhưng lại không đánh giá đúng tình hình và năng lực chủ quan của bản thân mình và của đơn vị.

Hai là, người làm công việc điều tra những loại giao dịch nói trên chưa thật sự hiểu biết những tính chất đặc thù của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã bị hạn chế thì khó phân biệt được thực chất của vấn đề, mà cũng khó ai có thể giải thích thoả đáng để có thể chấp nhận được. Không hiểu cặn kẽ thì thường hay nghi ngờ, đó là chuyện thường thấy, tôi xin đơn cử một ví dụ có thật, một giám đốc sắp đi nước ngoài để bàn một chuyện hợp tác kinh doanh. Một đồng chí cán bộ điều tra được phân công phụ trách đơn vị đó đến gặp và hỏi đi nước ngoài để làm gì, định bàn chuyện gì, định ký kết gì,..v..v. Đ/c giám đốc tuy trong bụng không thoải mái nhưng cố tự chủ, và cố gắng giải thích. Đây mới chỉ là một cơ hội, một khả năng có triển vọng mới nảy sinh. Tưởng thế là xong, nhưng gặp ngay câu hỏi khác, có cơ hội, mới có khả năng thì gặp làm gì, bàn làm gì, hay là còn có lý do nào khác nữa không ..., và yêu cầu nói rõ hơn. Đồng chí giám đốc lại phải cố tìm cách đối đáp, vì nếu nói rõ hơn chút nữa, nhỡ lọt ra ngoài có ai nghe thấy nẫng mất tay trên thì còn gì để làm ăn nữa. May mà việc này cũng chỉ đến như vậy, chưa gây ra hậu quả gì xấu hơn, nhưng thiết tưởng không có chuyện này thì vẫn thoải mái hơn cho cả hai bên.

Ba là, do sự thiếu kiên quyết hoặc trách nhiệm chưa cao của cơ quan quản lý cấp trên chưa dám mạnh dạn bảo vệ những đồng chí không may gặp phải rủi ro như đã nói ở điểm đầu tiên.

Tác hại:

Cho đơn vị: tác hại về mất thời cơ kinh doanh không thể tính toán hết. Có thể xảy ra hoang mang, thiếu tin tưởng trong nội bộ và nếu nghiêm trọng hơn thì có thể có xáo động về tổ chức. Đơn vị cũng có thể mất uy tín oan đối với khách hàng, muốn hồi phục uy tín phải mất rất nhiều công sức.

Đối với cá nhân: trường hợp nghiêm trọng có thể tác động rất mạnh về tâm lý và tinh thần, và cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến sinh mệnh chính trị. Đối với những nhà quản lý, nhìn thấy tấm gương đó có thể dè chừng, đối phó, giảm hiệu quả thật sự của công việc.

Đối với xã hội, nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến nếp sống theo pháp luật, và sẽ là một cản trở lớn trong sự nghiệp hiện đại hoá.

 

19. phát biểu của TS Nguyễn Đình Khiên- Ban nội chính tW đảng.

 

Kính thưa các đồng chí trong Ban tổ chức

Kính thưa các Đại biểu

Vấn đề hình sự hoá các giao dịch kinh tế hoặc phi hình sự hoá các giao dịch kinh tế là một trong những vấn đề có thời kỳ rất nóng bỏng và hiện nay cũng đang là vấn đề hết sức thời sự.

Tôi được biết các cơ quan của Đảng và nhà nước, kể cả các đồng chí được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và phát triển kinh tế yêu cầu các cơ quan chức năng phải khẩn trương tìm hiểu, nghiên cứu và giải quyết vấn đề này vì nó gây ra những tác hại như các đồng chí đã phát biểu. Tác hại cho những người tham gia các quan hệ dân sự kinh tế, kể cả các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia các quan hệ này chứ không phải chỉ riêng các doanh nghiệp và tác hại cho nền pháp chế, kỷ cương pháp luật của đất nước, cho hiệu lực quản lý của nhà nước, cho uy tín trong và ngoài nước. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm. Tôi được biết trong thời gian gần đây đã có nhiều động thái, đã xử lý được một số bước rất căn bản: ví dụ như bổ sung sửa đổi BLHS, giai trách nhiệm cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu BTTH khi anh có sai phạm, chống hình sự hoá, chống phi hình sự hoá. Tất cả những hoạt động này trên báo chí, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng giải quyết được một bước rất quan trọng về tình hình này. Nhưng cho đến nay, việc chống này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng ta, cần phải nghiên cứu một cách căn cơ và có biện pháp triệt để hơn đối với vấn đề này.

Tôi xin phép phát biểu một ý rất nhỏ tức thế nào là hình sự hoá. Đây là ý kiến của cá nhân, một hiểu biết sơ khai vì đây là một vấn đề rất phức tạp khó khăn và còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho là: chống hình sự hoá trong các giao dịch dân sự kinh tế là chống hình sự hoá khi áp dụng các QPPL hình sự trong giao dịch kinh tế, dân sự. Có nhiều người trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận cho đây là một hiện tượng rất nguy hiểm, bức xúc cho nên mới phải chống. Thế nhưng cũng có một số ý kiến, thậm chí nhân danh khoa học nói là không phải, hình sự hoá chỉ có trong xây dựng pháo luật chứ không có chuyện hình sự hoá trong các giao dịch dân sự kinh tế ở đây. Chúng tôi cho rằng quan điểm này không chính xác lắm vì nếu chỉ xây dựng thôi thì không giải quyết vấn đề thực tiễn, khoa học. Có quan điểm cho rằng đây là tội phạm hoá với hình phạt hoá. Tội phạm- hình phạt là hai khái niệm cơ bản nhất trong Luật hình sự thế nhưng không phải là tất cả vấn đề hình sự. Những khi áp dụng QPPL thậm chí người ta không đạt được mục đích quy thành tội đâu mà có khi người ta đòi nợ thuê và cái người đi đòi nợ thuê đòi được nợ coi như là xong hình sự tức người ta buộc những người tham gia vào các quan hệ giao dịch này vào trong vòng quay của tố tụng, không nhất thiết gì là phải đi đến mục đích truy tố thành tội phạm, hình phạt. Rõ ràng tội phạm, hình phạt không bao hàm được khái niệm này cho nên phải hiểu một cách hơi căn cơ, công bằng một chút khi tính đến chuyện nghiên cứu. Tôi xin mạo muội đưa ra một số ý kiến như thế này:

Xét hình sự hoá hay không hình sự hoá là tôi xét trong quá trình vận hành của pháp luật hình sự nói chung và của một QPPLHS nói riêng. Nó thông qua mấy giai đoạn sau: (1)Xây dựng phápluật; (2) Tổ chức thực hiện; (3) Vấn đề khi có sai phạm

ở giai đoạn xây dựng pháp luật. "Hoá" là biến đổi cái này thành cái khác như là công nghiệp hoá, hiện đại hoá hoặc pháp điển hoá, hệ thống hoá văn bản pháp luật. Đây là cái rất tốt. Chữ "hoá" là như thế chứ không phải hoàn toàn xấu, hoàn toàn phải chống. Rõ ràng trong hình sự cũng thế,. Trong xây dựng pháp luật, trước nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế thị trường, nhiều chế định trước đây là trong giai dịch kinh tế dân sự thông thường nhưng bây giờ mình theo định hướng để nhằm mục đích phát triển lên thôi thì mình phải đưa vào trong BLHS, quy định nó thành pháp luật hình sự nên từ giao dịch dân sự kinh tế nó trở thành quan hệ hình sự thông qua việc làm luật. Rõ ràng trong quy định này có hình sự hoá. Cho nên hình sự hoá trong giai đoạn này thì không phải chống mà thậm chí ta còn khuyến khích hơn lên. Tiêu đề của Hội thảo hôm nay hướng vào một bức xúc nhất của xã hội nhưng theo tư duy logic thì không chính xác lắm.

Trong giai đoạn thực hiện pháp luật, lúc này QPPL trở thành hiện tượng khách quan. Ta chỉ việc thực hiện thôi. Nếu người thực hiện đúng thì không việc gì cả, người thực hiện sai thì bị xử lý nên người thực hiện đó không thể hình sự hoá hay không hình sự được mà anh xử sự đúng thì coi như QPPL được thực hiện theo đúng mục đích làm luật và anh thực hiện sai thì anh bị truy tố, xử lý bằng các biện pháp khác. Cho nên người thực hiện ấy không có hình sự hoá được.

Giai đoạn áp dụng pháp luật: người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng có quyền so sánh giữa các hành vi vi phạm pháp luật, giữa các tranh chấp kinh tế dân sự để đối chiếu với các quy phạm pháp luật xem cái gì phù hợp, cái gì không và người ta sẽ xử lý. Việc đối chiếu này hoàn toàn là do ý chí chủ quan, có thể thông qua hiện tượng khách quan nhưng đã nói ý chí chủ quan thì phải có cái sai, cái đúng, có ái đúng ít, có cái đúng nhiều cũng như xây dựng pháp luật xuất phát từ nhu cầu khách quan nhưng làn luật là ý chí của chúng ta. Thông qua lăng kính chủ quan của con người, nhận thức các quy luật, hiện tượng để làm thì có cái chính xác , có cái không chính xác và hai giai đoạn xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật thì mớu có chuyện hình sự hoá hay không chứ giai đoạn thực hiện pháp luật thì không có. Đó là tư duy của chúng tôi như thế.

Nói đến xây dựng pháp luật, tôi cho rằng hình sự hoá ở giai đoạn này là tốt, là cần thiết đối với xã hội và cái này ít sai sót, không đáng lên án vì chúng ta đã biết xây dựng pháp luật hình sự nói chung hay QPPLHS cũng thế, phải xuất phát từ nhu cầu khách quan thông qua nhận thức chủ quan của con người. Học tập kinh nghiệm của nước này, nước khác, tổng kết thực tiễn, phải có một quy trình rất chặt chẽ, thành lập Ban soạn thảo, xây dựng đề cương, lấy ý kiến của các ngành, các cấp rồi hoàn chỉnh đề cương, đưa ra Quốc hội trao đổi, thống nhất ý kiến. Quốc hội đại diện cho toàn dân, thể hiện ý chí của toàn dân cho nên sai sót rất ít. Mặc dù trong thực tế có những quy định này, quy định khác có thể là bất cập không sát thực tế nhưng nhìn chung đây là hoạt động tiến bộ cần thiết của bất kỳ quốc gia nào và cũng như của nước ta. Đó là cái ta cần khuyến khích chứ không phải chống. Đó là cái thứ nhất.

Thứ hai, trong áp dụng pháp luật gồm có cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Trong thực tế tôi thấy có ba giai đoạn dễ bị hình sự hoá:

+ Trong thu thập thông tin của các cơ quan điều tra, cụ thể là công an. Cũng có đồng chí nói: khâu thu thập thông tin đối với người vi phạm có thể nhận được các thông tin vi phạm pháp luật, nhận được thông tin về tranh chấp dân sự, chưa có điều tra cơ sở chắc chắn đã vội thụ lý vào vụ án hình sự dẫn đến các hành vi làm cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo. Cho nên giai đoạn đầu theo tìm hiểu của chúng tôi là rất quan trọng. Nếu anh đã thụ lý vào một vụ án hình sự rồi thì có khi anh lại chót làm các giai đoạn khác nữa. Đây là sự trượt dài rất quan trọng cho nên giai đoạn thông tin về tội phạm dễ lầm lẫn do cố ý hoặc vô ý.

+ Khâu điều tra truy tố: khi thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan và người tiến hành điều tra truy tố chưa kịp hoặc chưa có cơ sở để đánh giá mức độ sai phạm nhưng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp khác như tịch thu tài sản, niêm phong, bắt giữ người. Những hoạt động này cũng là một bước rất quan trọng. Đã chót bắt người, đã chót niêm phong tài sản nếu anh có chí khí dũng cảm thấy sai phải sửa thì quá trình hình sự hoá được giải toả tức không có hình sựhoá nữa. Nếu anh bảo thủ, cố chấp, cho rằng đã bắt đúng rồi hoặc chốt bắt rồi thì cứ để tiếp tục diễn ra để mà tiếp theo các giai đoạn khác nữa. Đây là giai đoạn mà theo chúng tôi có khối lượng hình sự hoá nhiều nhất. Đã chót tịch thu tài sản thì không dễ gì lại bỏ tài sản ra để đền, đã bắt rồi không dễ gì công nhận tôi thả để tôi bỏ món tiền ra đền bù cho anh. Khâu này là khâu có vi phạm khá nhiều.

+ Khâu xét xử: Công bằng mà nói cũng có nhiều vụ án thì ngay từ khâu điều tra truy tố đã gạt bỏ không phải là hình sự rồi, cho đến khâu xét xử vẫn còn vụ án phải phi hình sự hoá. Tức khi đến đấy thì có một thiên hướng (ít thôi nhưng vẫn còn) tức là tuyên một bản án (ví dụ như chót bắt giam 3, 4 tháng, bây giờ tuyên một bản án là tù 3, 4 tháng là hợp lý hoá luôn), có những hiện tượng sai quá rồi mà các cơ quan kiểm sát, dư luận quần chúng, báo chí lên án buộc anh phải sửa sai, xin lỗi, khắc phục hậu quả đúng như các QPPL về tố tụng điều chỉnh.

Rõ ràng trong cả ba khâu đều có tình trạng hình sự hoá hoặc phi hình sự hoá. Cho nên tựu trung lại tôi có đưa ra một ý kiến: hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế thành quan hệ pháp luật hình sự thông qua việc xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự của cơ quan có thẩm quyền . Đây là một hiện tượng tốt, đáng hoan nghênh. Thứ hai, hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế là việc áp dụng một cách không chính xác các quy phạm pháp luật hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp dân sự kinh tế. khái niệm này không chỉ là lý luận mà thực tế đã có những cách hiểu khác nhau và chúng ta cũng đã có những tranh luận khác nhau. Có người bảo xây dựng pháp luật là tất nhiên rồi và chống là chống là chống chính cái này mới là bức xúc.Thế thì phải đưa ra quan niệm tương đối toàn diện như thế để chúng ta ủng hộ những cái gì đáng ủng hộ, phản đối những gì đáng phản đối. Tất cả những vấn đề về nguyên nhân, giải pháp vì thời gian có hạn nên chúng tôi xin phép không trình bày. Tôi xin kết thúc bài phát biểu của tôi ở đây.

 

20. Tham luận của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam

 

Thế nào là hình sự hoá giao dịch dân sự - kinh tế

Hình sự hoá giao dịch dân sự - kinh tế là một cách thức giải quyết các tranh chấp kinh tế vi phạm pháp luật. Nó được biểu hiện ở một số dạng như:

- Có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền về tố tụng hình sự trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự

- Thủ tục tố tụng hình sự được áp dụng một cách trái pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự

- Nâng cao quan điểm hình sự khi giải quyết các vụ án kinh tế dẫn đến tình trạng xét xử không đúng những tội phạm kinh tế.

Ngoài ra, theo quan điểm của chúng tôi tính hình sự hoá còn thể hiện xem nhẹ các tranh chấp về kinh tế trong vụ án hình sự. Gộp các tranh chấp kinh tế vào phần dân sự trong bản án hình sự một cách gượng ép.

Hậu quả của việc hình sự hoá

Hình sự hoá các tranh chấp kinh tế đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Thật vậy:

- Khi các tranh chấp kinh tế bị hình sự hoá thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của đơn vị bị áp dụng. Bởi đơn vị buộc phải tập trung để ngăn chặn tình trạng hình sự hoá cho dù sẽ bị thiệt hại về tài chính. Trong trường hợp người điều hành đơn vị trở thành bị can và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn thì tình trạng sản xuất kinh doanh của ddơn vị sẽ càng tội tệ hơn. Nếu như đơn vị đã cố tìm mọi cách có thể làm mà vẫn không giải quyết được tranh chấp, không ngăn được việc hình sự hoá thì tranh chấp đó coi như là bế tắc. Các bên liên quan sẽ không còn thời gian để thu xếp khi mà tranh chấp tiếp tục được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong trường hợp xấu, bị cáo là người điều hành của doanh nghiệp bị quy là có tội thì sẽ làm cho các đối tác khác của doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng xấu không chỉ tới lợi ích kinh tế mà còn có thể bị kéo vào quá trình hình sự hoá đang diễn ra. Uy tín của doanh nghiệp trên thương trường sẽ bị giảm mạnh.

Trong vụ án hình sự, mục tiêu mà hội đồng xét xử cần đạt được là xử đúng người, đúng tội, định ra hình phạt thích đáng đối với người phạm tội. Các tình tiết trong vụ án chỉ được nhìn nhận dưới góc độ hình sự. Khi tranh chấp kinh tế bị hình sự hoá, được xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự thì các bên liên quan bị mất quyền tự định đoạt vụ việc, thương lượng, hoà giải với nhau. Phần dân sự trong bản án hình sự thể hiện rõ ý chí của Nhà nước, khó có thể trùng hợp với mong muốn của các bên tranh chấp. Ngay cả trong trường hợp mọi lợi ích về kinh tế của bên bị hại được bản án bảo vệ thì cũng có ít tính khả thi. Doanh nghiệp bị hình sự hoá đã ở tình trạng không thể trả được nợ, khi đó họ cũng không muốn trả. Còn về phía người phạm tội, khi đã phải chịu hình phạt thì càng không có điều kiện thi hành phần dân sự trong bản án hình sự.

Quá trình hình sự hoá các tranh chấp kinh tế đã xử oan nhiều người vô tội. Thực tế cho thấy rằng trong quá trình hình sự hoá đã "sinh ra" quá nhiều người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Khi việc thực hiện hợp đồng kinh tế có trục trặc, khi việc thanh toán công nợ không đảm bảo đúng hạn do những rủi ro trong kinh doanh mang lại rất dễ bị quy kết tội lừa đảo. Đi liền với nó là tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân của việc hình sự hoá.

Tình trạng hình sự hoá các tranh chấp kinh tế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại. Trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Về khách quan:

Về nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ. Với tư cách là sự phản ánh trực tiếp các quan hệ kinh tế pháp luật kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố trên. Một số biểu hiện cụ thể là: pháp luật kinh tế hiện hành chỉ dừng lại ở những quy định có tính nguyên tắc chung, thiếu những quy định cụ thể. Các quy định trong các văn bản pháp luật kinh tế nhiều khi thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Tình trạng phổ biến là các quy định cụ thể còn tản mát ở những văn bản dưới luật, không có tính ổn định và thậm chí còn mâu thuẫn với cả các văn bản luật. Việc ban hành các văn bản pháp luật có biểu hiện chủ quan và nóng vội nên chưa định chế được những vấn đề sẽ xảy ra và quan hệ giữa văn bản đó với các văn bản khác. Trong tình trạng như vậy, việc xác định đúng bản chất các tranh chấp kinh tế, và đưa ra được biện pháp xử lý phù hợp là một việc không đơn giản. Một số trường hợp việc phải hình sự hoá để giải quyết tranh chấp kinh tế là khó tránh khỏi; chẳng hạn như trong trường hợp trong hợp đồng kinh tế đã có thoả thuận về biện pháp đảm bảo (cầm cố, thế chấp). Nhưng khi có vi phạm và tranh chấp xảy ra. Cần xử lý các tài sản được cầm cố, thế chấp như thế nào? pháp luật chưa có quy định cụ thể. Khi đó bên bị vi phạm chẳng có cách nào hơn là nhờ sự can thiệp của các cơ quan tố tụng hình sự.

Bộ luật hình sự hiện hành chưa đủ sức quy định rõ nét những tội danh chỉ có trong điều kiện kinh tế thị trường. Có những tội gắn liền với nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung như cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999).

Về pháp luật tố tụng hình sự chưa có sự giải thích cụ thể về những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định ở Điều 89 BLTTHS. Còn các căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giữ, tạm giam...) được quy định rất chung chung tại Điều 61 BLTTHS. Ngay cả khái niệm thế nào là biện pháp ngăn chặn cũng chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào giải thích chính thức bằng văn bản. Tất cả những điều đó tạo ra cơ hội cho sự áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.

Ranh giới giữa các quy định của pháp luật về hình sự và pháp luật kinh tế dân sự chưa được xác định rõ ràng. Nhiều khi cùng một sự kiện mà các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp xét xử có cách đánh giá và xử lý hoàn toàn khác nhau. Tranh luận về việc phân định là tranh chấp kinh tế hay vụ án hình sự nhiều khi kéo dài mà vẫn khoong đi đến ý kiến thống nhất.

Về chủ quan:

Nguyên nhân chủ quan cơ bản của tình trạng hình sự hoá là do con người. Ngoài yếu tố khả năng nhận thức, trình độ nghiệp vụ thì vấn đề đáng lo ngại nhất là tình trạng tham nhũng trong hàng ngũ những người thừa hành công vụ. Một số người này đã có quan điểm xử lý hoặc thái độ hành xử không đúng pháp luật, cố ép một vụ tranh chấp kinh tế thành vụ án hình sự, cố ý tạo ra tình trạng hình sự hoá vì mục đích cá nhân của họ.

Các biện pháp khắc phục.

Những hậu quả trên cho chúng ta thấy rằng cần phải làm sao để nhanh chóng chấm dứt tình trạng hình sự hoá các tranh chấp kinh tế. Về vấn đề này chúng tôi có một số ý kiến sau:

Các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp phải đặc biệt lưu ý khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự rạch ròi về phạm vi điều chỉnh giữa luật hình sự và các ngành luật khác (kinh tế, dân sự). Việc xây dựng các văn bản pháp luật về kinh tế phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường ban hành văn bản luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Hệ thống pháp luật kinh tế phải bao quát mọi lĩnh vực, quan hệ nảy sinh từ hoạt động kinh doanh. Cùng với việc ban hành luật doanh nghiệp, cần phải sửa đổi lại luật doanh nghiệp cho đồng bộ, tạo cơ chế pháp luật rõ ràng cho doanh nghiệp Nhà nước được tự chủ hơn và bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong hoạt động. Hạn chế tình trạng doanh nghiệp Nhà nước phải trình, xin chỉ đạo, phê chuẩn bởi các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành tác nghiệp. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Không để doanh nghiệp Nhà nước lợi dụng chỗ dựa từ các cơ quan quản lý để "cố ý làm trái". Vốn giao cho doanh nghiệp Nhà nước không thể chỉ đơn giản xem là tài sản XHCN để hình sự hoá. Khi doanh nghiệp hoạt động không thể hoạt động được nữa cần phải được xử lý theo đúng pháp luật về giải thể, phá sản. Tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp tuy không còn hoạt động "đã chết" nhưng không được ai làm thủ tục "chôn cất".

ủy ban thường vụ Quốc hội cần thực hiện chức năng giải thích pháp luật nhất là những điều khoản chưa được quy định cụ thể để các cơ quan bảo vệ pháp luật hiểu và vận dụng đúng, thống nhất.

Bộ Công an, Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC cần sớm ban hành thông tư liên ngành phân biệt cụ thể những khác biệt cơ bản của các tranh chấp kinh tế, dân sự với vụ án hình sự.

VKSNDTC cần chú trọng công tác kiểm sát tuân thủ pháp luật trong quá trình tố tụng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ oan sai từ khâu khởi tố, điều tra. Đảm bảo có luật sư tham gia từ khâu khởi tố bị can như BLTTHS đã quy định. Cương quyết xử lý nghiêm khắc các tội xâm phạm hoạt động tư pháp dù sai phạm ở bất cứ cấp nào.

Bộ Công an cần nghiên cứu đề ra các biện pháp để đảm bảo tính pháp chế trong quá trình tố tụng hình sự. Không khởi tố những vụ việc chưa xác định rõ là có yếu tố tội phạm.

Quốc hội cũng nên có kế hoạch điều tra, xem xét thực trạng hình sự hoá các tranh chấp kinh tế, dân sự thời gian vừa qua để chỉ đạo việc khắc phục những hậu quả do việc hình sự hoá gây ra.

21. Bài phát biểu của TS Nguyễn Văn Hiện - chánh án TAND Thành phố Hà Nội

 

Kính thưa các nhà doanh nghiệp!

Kính thưa các nhà nghiên cứu thực tiễn về lý luận chuyên nghành pháp luật!

Thưa tất cả các đồng chí!

Hôm nay, chúng ta trao đổi với nhau một đề tài tôi cho rằng rất quan trọng đó là đề tài chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế. Với đề tài này, nếu chỉ đơn thuần chúng ta nhìn trên diễn đàn, chúng ta chắc rằng việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế là sai là trái pháp luật nên mới phải chống. Chính vì vậy, tôi muốn nói thêm một ý mặc dù rất nhiều đồng chí đã đề cập đến: thế nào là chống hình sự hoá các quan hệ dân dự kinh tế.

Cần nói một chút về khái niệm để chúng ta có nhận thức cho đúng. Trước hết để hiểu rõ khái niệm này, chúng tôi muốn nói rằng trong khoa học pháp lý, hiện tại các nhà khoa học, các nhà thực tiễn đều thấy rằng có một khái niệm là khái niệm hình sự hoá. Khái niệm hình sự hoá nếu chỉ đơn thuần là hình sự hoá và chống không thôi thì không có gì là xa lạ lắm. Trong thực tế xây dựng pháp luật của chúng ta, việc này diễn ra thường xuyên. Vừa rồi chúng ta xây dựng BLHS sửa đổi năm 1999. Có rất nhiều loại hành vi mà chúng ta đã hình sự hoá, tội phạm hoá đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đó là chuyện thông thường. Thế thì ngoài hình sự hoá, chúng ta còn có một cái đuôi là "hình sự hoá các giao dịch dân sự và kinh tế" thì rõ ràng khác hẳn hình sự hoá. Tôi lưu ý các nhà nghiên cứu và các nhà lý luận thực tiễn cần thấy rõ vấn đề đó. Trong hình sự hoá chúng tôi xin nói thêm một ý nữa là hình sự hoá trong xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Trong tình hình hiện tại thì hình sự hoá chỉ cho phép đối với quá trình xây dựng tức là hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật chứ còn những hành vi mặc dù là nguy hiểm cho xã hội, cần phải quy định là tội phạm nhưng chưa được pháp luật quy định, chưa dược các cơ quan lập pháp quy định trongBLHS là tội phạm thì dù nó có nguy hiểm thật thì cũng không được hình sự hoá nó và không được coi là tội phạm. Anh chỉ có quyền kiến nghị chứ kể cả các cơ quan kiểm sát, công an, Toà án không được quyền xử theo nguyên tắc tương tự và coi là hành vi phạm tội. Cho nên trong thực tiễn áp dụng pháp luật, bản thân việc hình sự hoá đã là hành vi không đúng, không thuộc thẩm quyền của mình. Trong hình sự hoá của áp dụng pháp luật thì có rất nhiều loại hành vi, có rất nhiều quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, có thể là tranh chấp, xâm phạm đến nhân thân, sức khoẻ, chính sách quản lý kinh tế của nhà nước mà không hẳn là phải giải quyết bằng các biện pháp hình sự. Điều này chúng ta thấy rõ cũng có thể giải quyết bằng các biện pháp dân sự. Trong BLDS, chúng ta có chương riêng về BTTH ngoài hợp đồng. Tức trong các loại BTTH phát sinh trong giao dịch dân sự kinh tế như BTTH trong HĐ, BTTH do phát sinh từ HĐKT, BTTH do phát sinh từ các giao dịch dân sự kinh tế khác và còn một loại nữa là BTTH ngoài hợp đồng. Không phải cứ không có hợp đồng là chúng ta không giải quyết BTTH được đâu . Những loại việc nếu chỉ thuộc việc giải quyết của LDS, LKT và các loại pháp luật khác mà lại dùng biện pháp hình sự để giải quyết thì cũng coi như là hình sự hoá trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng đấy là theo nghĩa rộng. Ví dụ một việc rất đơn giản như các anh, các chị nêu ra, một việc xa hẳn với HĐKT, HĐDS như việc cố ý gây thương tích: đánh nhau gây thương tích dưới 10% thì vẫn quy định BTTH ngoài hợp đồng chứ không hẳn phải là giao dịch dân sự. Hoặc đối với hàng loạt các điều khác cũng thế. Đối với Điều 174 và một số tội phạm khác mà chúng tôi đã thấy có những vi phạm nhưng vi phạm ấy theo quy định của BLHS thì không phải là tội phạm (Điều 174 trong Bộ luật cũ và Điều 165 trong Bộ luật mới về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày xưa các đồng chí nói là có đuôi "gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng như thế nào là hậu quả nghiêm trọng thì lại là vấn đề khó lý giải. Chính vì khó lý giải nên nhiều người đã bị xét xử oan. Đến bây giờ cụ thế hơn một chút mặc dù trong quá trình xây dựng pháp luật chắc các đồng chí biết cả rồi. Chúng tôi trong tiểu ban xây dựng Dự thảo sửa đổi BLHS cũng đã bàn rất nhiều và cho đến phút chót vẫn đưa Điều 174 cũ vào Điều 165 mới trong BLHS với lập luận: đưa vào đó cũng không phải là sai. Vấn đề này đồng chí Nhã bên Bộ Công an cũng đã nói rồi nhưng có một điều rõ ràng hơn một chút là cũng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không như ngày xưa mà gây hậu quả nghiêm trọng cụ thể là 100 triệu trở lên. Từ 100 triệu đến 300 triệu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1. Tóm lại đây là việc hình sự hoá trong quá trình xây dựng pháp luật mà chính các cơ quan áp dụng pháp luật không có quyền hình sự hoá. Hẹp lại với đề tài chúng ta đang trao đổi ở đây, chúng tôi xin báo cáo với các anh là: chỉ trao đổi về vấn đề hình sự hoá các giao dịch dân sự và kinh tế. Nói tóm lại là những tranh chấp phát sinh từ HĐDS và HĐKT, một bên bảo đó là tranh chấp dân sự, một bên bảo đó là trách nhiệm hình sự một bên bảo đó là tranh chấp dân sự, vi phạm hợp đồng phải ra toà giải quyết. Trên tinh thần như vậy, chúng tôi cho rằng thế nào là hình sự hoá các giao dịch dân sự thì trên cơ sở thực tiễn và nghiên cứu lý luận cùng với ý kiến của các anh, chúng tôi cho rằng việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế là việc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự là Công an, VKT, Toà án đã dùng các quy định của BLHS và BLTTHS để giải quyết những việc mà bản chất thực của nó chỉ là tranh chấp phát sinh từ các HĐDS, HĐKT.

Chúng tôi khẳng định đây là hành vi trái pháp luật. Về lỗi có thể là do lỗi cố ý, vô ý hoặc lỗi do dốt mà không nhận thức được pháp luật, có pháp luật mà không nhận thức được, không phân biệt được đâu là trường hợp chiếm đoạt, đâu là trường hợp vi phạm HĐDS, HĐKT. Khái niệm đó chúng ta cần phải xác định với nhau cho rõ. Bởi chúng ta nói là chống chứ không chính chúng ta lại chống nhầm. Sau này có một số loại hành vi kể cả trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có những hành vi thực chất chỉ là vi phạm HĐDS, HĐKT thôi nhưng do tính nguy hiểm cho xã hội rất cao mà trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường, chúng ta thấy rằng cần phải hình sự hoá các loại chỉ vi phạm HĐDS, HĐKT thôi thì chúng ta vẫn hình sự hoá. Nếu chúng ta chống chính cái đó thì lại là không được. Ta chống hình sự hoá các giao dịch dân sự và kinh tế, đây là chống hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế trái pháp luật, không đúng pháp luật, không dúng yêu cầu của xã hội thì ta mới chống.

Vấn đề thứ hai: chúng tôi muốn nói thêm một ý nữa trong tình hình hiện nay. Một mặt đề tài này chúng ta nói chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, mặt khác chúng ta cũng đừng quên PLHS cũng như các ngành pháp luật khác bên cạnh việc chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh es, đồng thời trong cơ chế thị trường hiện nay của các doanh nghiệp và tình hình thực tế của nền kinh tế nước ta, chúng tôi thiết nghĩ phải chống một cái nữa (tất nhiên không nằm trong đề tài này nhưng ở trong thực tế yêu cầu của đời sống xã hội) là chống dân sự hoá, kinh tế hoá các hành vi phạm tội đã rõ ràng. Tức hai mặt bao giờ cũng phải đi đồng thời với nhau. Đề tài của chúng ta mới giải quýết một mặt của vấn đề, nhưng yêu cầu của Đảng và nhà nước, yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn là phải chống cả hai mặt. Cái đó mới tạo hành lang pháp lý cho việc làm ăn chính đáng phát triển. Các đồng chí biết rồi, chúng tôi là những người làm thực tiễn, rất nhiều vụ án thực sự đã lợi dụng HĐDS, HĐKT để chiếm đoạt tài sản, tiền vốn của các công ty khác, của các doanh nghiệp khác. Thực ra tài trí, chất xám không có nhưng lừa đảo giỏi thì giầu lên rất nhanh chóng. Vì vậy trong tình hình hiện nay, có một người bạn tôi sang học ở nước ngoài, sau đó trở lại Việt nam công tác có nói như thế này: tôi đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng mà cũng ít ở đâu dễ làm giầu, dễ trở thành triệu phú như ở Việt nam, nhưng cũng không ở đâu dễ vào tù như ở Việt nam và người bạn đó vào đây đầu tư một thời gian sau đó không dám đầu tư nữa. Trong lá thư viết cho tôi, người bạn đó có nói là: "đúng là pháp luật đầu tư nước ngoài của chúng mày vừa sửa đổi có thông thoáng thật, so với một số nước Đông Nam á là tốt, là khá đấy nhưng việc vận dụng, áp dụng pháp luật của chúng mày lởm khởm lắm, trắng đen không rõ ràng cho nên thắng cũng như chơi mà chết cũng như chơi. Thế thì tao bỏ tiền và chất xám vào đấy để làm gì. Tao có tiền, có chất xám, có tài năng đổ vào thị trường có thông thoáng thật nhưng mà việc vận dụng pháp luật lởm khởm thì chết cũng như chơi, giàu cũng như chơi thì tao không vào".

Chúng tôi muốn nói thêm một ý. Hậu quả của việc hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế ngoài hậu quả các đồng chí đã nói, tôi muốn chốt lại một vấn đề là: nếu anh không giải quyết vấn đề đó thì người đầu tư đổ tiền, đổ chất xám vào đó người ta cũng sợ.

Liên quan đến một số vấn đề khác, tôi cũng rất muốn có thời gian để trao đổi với các đồng chí làm công tác doanh nghiệp, những người làm công tác nghiên cứu nhưng có lẽ thời gian còn rất ít nên về nguyên nhân tôi xin nói thêm một ý: một nguyên nhân ở chính các nhà doanh nghiệp. Chính các nhà doanh nghiệp khi giao kết các HĐKT, HĐDS, đến hạn người ta không trả được thì cũng không phải bao giờ các đồng chí cũng bình tĩnh, cân nhắc thấy rằng việc này chỉ là việc kinh tế dân sự nên chỉ cần gửi đơn ra Toà, chụ 5% án phí kiện theo vụ án dân sự, hầu hết người ta đều theo trình tự đó. Nhưng cũng có rất nhiều nhà doanh nghiệp, chính các bạn lại cũng chạy đến chúng tôi, đến Công an, Viện kiểm sát xui chúng tôi, xui Công an, Viện kiểm sát phải ra tay giúp các đồng chí khởi kiện vụ án hình sự, phải kiện cho nó đi tù thì mới ra tiền ra tài sản. Đó là điều rất nguy hiểm mà chúng ta phải công minh nói hết với nhau để chúng ta có biện pháp khắc phục.

Về kiến nghị một số biện pháp tháo gỡ vấn đề này.

Chúng tôi cũng xin được nói vấn đề mà các đồng chí chưa nói: trong thực tiễn, vấn đề phức tạp thì các đồng chí đã biết rồi. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, TANDTC, VKSNDTC, Ban nội chính trung ương, Bộ tư pháp cũng từng được các đồng chí cao nhất của Đảng và Nhà nước tập hợp lại và giao cách đây nhiệm vụ cách đây 2,3 năm để ra Thông tư hướng dẫn để phân biệt trường hợp là tội phạm, trường hợp là vi phạm phát sinh từ các giao dịch dân sự kinh tế. Tiền tiêu cũng đã nhiều nhưng đến hôm nay vẫn chưa ra được hướng dẫn chung cho các cơ quan áp dụng pháp luật ở cấp dưới. Khó khăn nhất trong vấn đề ở đây là cái gì? Trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn, khó khăn nhất của những người nghiên cứu và những người vận dụng pháp luật là phân biệt thế nào là hành vi chiếm đoạt do lợi dụng các hợp đồng dân sự kinh tế, trường hợp nào chỉ là các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng dân sự kinh tế, chỉ là vi phạm một trong những điều khoản đã cam kết trong hợp đồng dân sự, kinh tế thôi chứ không phải là chiếm đoạt, tội phạm thì giữa chiếm đoạt, tội phạm và vi phạm hợp đồng dân sự kinh tế thì vô cùng khó khăn. Ngoài việc anh Nhã đã phân tích theo quy định khoản 4 Điều 8 "những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội mới là tội phạm" còn không đáng kể thì không phải là tội phạm thì cũng mong manh và trong lĩnh vực chúng ta đang giải quyết lại càng mong manh, càng khó khăn hơn. Tôi nợ, tôi ghi trong sổ sách của anh, tôi chưa trả chứ không phải là tôi chiếm đoạt. Ví dụ vụ án Tamexco là vụ án đầu tiên các cơ quan pháp luật được sự đồng ý cao nhất của nhân dân, của Chính phủ, chúng ta đã xử tử hình tới 4 người. Một số luật sư, nhà báo, một số người làm công tác doanh nghiệp đưa cả lên báo chí Trung ương, Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh cho đó là giao dịch dân sự, không phạm tội. Chúng ta bắn 3, tha một vì chính sách nhân đạo. Như vậy thực tế nhận thức còn mâu thuẫn và xa nhau như thế. Đối với những người từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt nam chắc các anh biết cả. Người ta cho vay tiền như thế, đại diện cho ngân hàng để ký những hợp đồng nhưng về tư duy các anh vẫn cho là không có tội. Khi tôi xử vụ đó thì phía Ngân hàng vẫn cho hành vi của anh Kế không cấu thành tội phạm. Chính vì nó khó như vậy nên chúng ta không nhận thức được. Tôi chỉ nói vấn đề: các anh cố ý làm thì tôi khỏi phải nói, nhưng chơi với nhận thức để làm sao người ta nhận thức được lại là vấn đề khác. Trong tình hình thực tế hiện nay, có hàng loạt các vụ án trong tổng kết thực tiễn, những vụ việc mà địa phương hay các cơ quan pháp luật thắc mắc, không giải quyết được mà phải xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan pháp luật ở Trung ương nhiều nháat cũng rơi vào ba loại tội, cũng phát sinh từ các giao dịch dân sự kinh tế mà ra. Với giao dịch dân sự kinh tế ấy, không trả được nợ thì đấy có phải là tội sử dụng trái phép tài sản của người khác không, có phải là tội lợi dụng các hợp đồng dân sự kinh tế để chiếm đoạt tài sản của người khác không, có phải lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác không. Số vụ án xin ý kiến của TANDTC cũng là nhiều nhất và việc ngồi với nhau ý kiến căng thẳng nhất cũng xung quanh vấn đề quan điểm khác nhau về vấn đề này. Chính vì vậy tôi muốn tóm lại vấn đề là: vấn đề nhận thức. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn như vậy thì về mặt thực tiễn trước mắt chưa có một Thông tư, một VBPL theo quy định của Luật văn bản các quy phạm pháp luật thì chúng ta làm cái gì. ở TANDTC cách đây vài tháng khi tôi còn ở TANDTC đã tổng kết thực tiễn, đã rút ra từ quy định của cơ quan pháp luật ở trung ương và được đông đảo các nhà phê bình thống nhất. Chúng tôi đã tập huấn và đã hướng dẫn cho các thẩm phán trong ngành và các ngành bạn phân biệt một số trường hợp cụ thể: thế nào là chiếm đoạt, thế nào là chiếm đoạt các HĐDS, HĐKT. Tôi xin nêu một số trường hợp mà trong thực tiễn chúng ta đang vận dụng và nếu các nhà doanh nghiệp nắm được cái này thì cũng rất có lợi cho các đồng chí nghiên cứu. Nhưng vì thời gian không còn và bài viết chúng ta đã có, chúng tôi đề nghị các đồng chí có thể tham khảo những phương án cụ thể mà chúng tôi nêu trong baì viết. Những trường hợp nào, những phương án nào thì được coi là có lý do chính đáng (hoàn toàn là trong phạm vi điều chỉnh của LDS, LKT), không phải là tội phạm hình sự. Còn những trường hợp nào, những hoàn cảnh cụ thể nào sau khi giao kết hợp đồng mà không trả nợ đúng hạn, chây bửa, trốn nợ, những trường hợp nào có thể coi là tộiphạm hình sự mà phải chịu TNHS theo quy định của BLHS là đã lợi dụng các HĐDS, HĐKT để chiếm đoạt tài sản của đối tác. Xin các bạn đồng nghiệp nghiên cứu thêm bài tham luận của chúng tôi đã viết

 

22. phát biểu kết luận Diễn đàn Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế ngày 26/10/2000 do Bộ tư pháp và Phòng TM&CN Việt Nam đồng tổ chức.

T.S. Uông Chu Lưu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Thưa anh Vũ Tiến Lộc, Tổng Thư ký Phòng TM&CN Việt Nam và tất cả các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm. Thay mặt ban tổ chức tôi xin kết luận một số vấn đề của cuộc tọa đàm ngày hôm nay.

Thưa các anh, chị và các đại biểu.

Bộ Tư pháp phối hợp với Phòng TM&CN Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm về một vấn đề không phải là mới, nhưng lại là vấn đề rất thời sự với nhiều nội dung phức tạp và nhạy cảm. Từ sáng tới giờ, chúng ta đã nghe báo cáo dẫn đề của anh Lộc và 10 ý kiến phát biểu của các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, các công ty luật và nhất là ý kiến của các nhà doanh nghiệp về một chủ đề mà chúng ta đều thống nhất với nhau rằng rất cần thiết (đưa ra thảo luận rộng rãi) và rất có ý nghĩa kể cả về mặt khoa học lẫn mặt thực tiễn. Đây quả là điều đáng mừng đối với ban tổ chức chúng tôi và cho tất cả chúng ta tham gia tọa đàm này. Đây là một tọa đàm thể hiện của việc chúng ta tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ là tăng cường trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà doanh nghiệp để tìm kiếm những giải pháp tạo lập môi trường pháp lý thông thoáng, an toàn, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân và các tổ chức kinh tế. Trong dịp này, mặc dù thời gian của chúng ta rất eo hẹp, chỉ trong một buổi sáng, trong khi chủ đề của chúng ta lại rất rộng lớn với nhiều nội dung phức tạp, những ý kiến và bài tham luận gửi tới ban tổ chức chúng tôi liên quan đến không chỉ các hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các nhà doanh nghiệp mà còn đụng chạm đến nhiều vấn đề vĩ mô trong chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về việc vận dụng pháp luật, về công tác luật sư-tư vấn pháp luật, về trình độ dân trí, về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nên rất nhiều vị đại biểu ở đây chưa có điều kiện để phát biểu ý kiến và trao đổi, tranh luận với nhau về những nội dung mà chủ đề tọa đàm của chúng ta đưa ra. Vì vậy, tôi thành thật mong các đồng chí và các vị đại biểu thứ lỗi cho Ban tổ chức. Tôi cũng xin thông báo với các đồng chí và qúy vị rằng, vừa rồi Bộ Tư pháp, được sự đồng ý của Bộ KHCN&MT, đã triển khai nghiên cứu một đề tài khoa học cấp Bộ về vấn đề "chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" mà cuộc tọa đàm hôm nay chính là một trong những hoạt động của đề tài. Tôi cũng xin tổng kết lại với các đồng chí, các vị đại biểu rằng, tại cuộc tọa đàm hôm nay, các đồng chí và các vị đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến vào 3 vấn đề:

 

Một là, tình hình, hậu quả của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Đó là các hậu quả, tác hại đến môi trường đầu tư trong nước, đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đến cả uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đến công lý của chế độ. Có thể nói đây là một đề tài rất hay và cần được tiếp tục nghiên cứu sâu và nhiều hơn nữa.

Một ý nữa, tôi cũng muốn nói là cuộc tọa đàm này của chúng ta cũng đã phân tích, tìm ra những nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trong thời gian vừa qua, nhất là những năm gần đây và cái qúy hơn, chúng ta đưa ra được, đề xuất được một số giải pháp để hạn chế, khắc phục để từng bước loại trừ tình trạng này nhằm tạo ra các động lực mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy nội lực, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất-đầu tư-kinh doanh, đảm bảo cho nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng và phát triển bền vững. Qủa thực, đây là một điều rất có ý nghĩa.

 

Về thực trạng tình hình, cũng xin báo cáo với các đồng chí và qúy vị như thế này. Qua bài tham luận của anh Lại Hợp Việt - VKSNDTC và các báo cáo tham luận của nhiều vị đại biểu, chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một tình hình không bình thường, trong vấn đề áp dụng pháp luật, một điều không tốt đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay ở nước ta. Tuy vậy, để đánh giá được mức độ nghiêm trọng, đánh giá đầy đủ tính chất, hậu quả tác hại của hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế thì cũng xin thưa, cho đến nay chưa có công trình nào thực hiện được điều đó. Vì thế, tôi kỳ vọng vào đề tài lần này của Bộ Tư pháp sẽ thực hiện được điều này và khi đó chúng ta sẽ đưa ra được một đánh giá tốt hơn, toàn diện và bao quát hơn. Về điểm này tôi xin không nhắc lại các số liệu mà trong tham luận các vị đại biểu đã đề cập.

 

ý thứ hai tôi muốn nói là nên hiểu khái niệm hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế như thế nào. Chúng ta có thể thấy, chỉ trong cuộc tọa đàm này thôi cũng đã có những quan điểm, ý kiến khác nhau nhưng ở đây, chúng ta đều thống nhất với nhau ở một điểm rằng, những vi phạm các giao dịch, cam kết trong các hợp đồng dân sự, kinh tế-thương mại lẽ ra phải áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng các thủ tục tố tụng dân sự, kinh tế-thương mại để giải quyết theo đúng bản chất của các loại quan hệ này nhưng lại bị áp dụng cơ chế tài phán hình sự bằng thủ tục điều tra - truy tố - xét xử hình sự. Đó chính là cách hiểu chung về hiện tượng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế mà tôi thấy các tham luận và ý kiến của các vị đại biểu đã thống nhất được. Còn nếu nhìn rộng ra tới việc lập pháp, lập quy hoặc các vấn đề khác nữa thì vẫn còn những điểm cần tiếp tục được trao đổi và tranh luận thêm.

 

Về nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá. Nhiều đồng chí đã đề cập tương đối toàn diện các nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế với những ý tưởng mới thậm chí là độc đáo. Ví dụ: chúng ta đều thống nhất là do đất nước của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, nên nhiều vấn đề kinh tế rất mới, phức tạp mà đối với chúng ta mọi cái đang bắt đầu, vì thế trong nhận thức, trong vận dụng chúng ta đang còn có những bỡ ngỡ.

 

Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân nằm trong bản thân hệ thống pháp luật của chúng ta. Hệ thống pháp luật của chúng ta, mặc dù trong những năm đổi mới đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm để hoàn thiện, đổi mới, nhằm sớm xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh tất cả những quan hệ xã hội cơ bản cuả chúng ta, nhưng cho tới hiện nay hệ thống ấy vẫn còn thiếu, đang còn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Trong hệ thống pháp luật đó, nhiều quy định như các đồng chí và các đại biểu nêu còn chung chung, nặng về tính nguyên tắc, thiếu tính cụ thể, chưa đảm bảo được tính minh bạch rõ ràng của các điều khoản. Thêm vào đó, tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành chậm vẫn diễn ra, không ít văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành chậm so với văn bản gốc tới hàng năm trời. Ngoài ra, còn phải kể đến, trong văn bản hướng dẫn lại còn có những mâu thuẫn, sơ hở, chồng chéo và đôi khi trái với tinh thần và nội dung của văn bản gốc. Tình trạng này dẫn tới việc vận dụng pháp luật của các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật và ngay cả doanh nghiệp khi nhận thức các điều khoản đó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng chưa được chuẩn xác, đầy đủ và nhất quán. Đấy cũng là những khiếm khuyết mà các đồng chí và các đại biểu đã nêu rõ. ở đây nhiều đồng chí và tôi cũng xin cám ơn một điều là các đồng chí và các vị đại biểu đã nêu ra được nhiều điều khoản cụ thể trong các văn bản pháp luật, nhưng tôi cũng xin có một chút thời gian để trao đổi thêm với các đồng chí và các vị đại biểu về một số vấn đề mà các đồng chí và các vị đại biểu đã đề cập. Ví dụ, có ý kiến đề xuất tại sao chúng ta không bỏ tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tại sao chúng ta không bỏ tội đầu cơ khi mà chúng ta đang vận hành nền kinh tế thị trường trong đó công dân và tổ chức kinh tế có quyền tự do kinh doanh không hạn chế về quy mô và mức độ, tại sao trong Bộ Luật hình sự của chúng ta lại hình sự hoá cả hành vi thuộc lĩnh vực dân sự như tội cho vay nặng lãi, tội vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng. Thực ra, ở đây cũng có những tính toán, cân nhắc rất kỹ và các đồng chí và các đại biểu nghiên cứu kỹ trong Bộ luật hình sự năm 1999 thì sẽ thấy rằng nội dung, tinh thần và những dấu hiệu cụ thể của các điều luật này khác xa rất nhiều so với Bộ luật hình sự năm 1985. Vấn đề này có lẽ cần có nhiều thời gian hơn để chúng ta trao đổi với nhau trong những dịp khác.

 

Một nguyên nhân khác mà tôi cũng muốn đề cập đến cùng với các đồng chí và các vị đại biểu là vấn đề áp dụng pháp luật hình sự. Đây là hoạt động liên quan tới cả hai phía là từ cơ quan tiến hành tố tụng và từ phía các nhà doanh nghiệp, các nhà tư vấn. Như các đồng chí và các đại biểu đã nói, do trình độ dân trí pháp luật, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhà doanh nghiệp, nhân dân nói chung còn có những hạn chế, nên cũng dẫn tới tình trạng hình sự hoá. Chẳng hạn do nhận thức pháp luật của các cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn có những khiếm khuyết nhất định nên các cán bộ này đã không hiểu đúng bản chất của sự việc, sự kiện đã xảy ra. Sự kiện đó là dân sự, kinh tế, thương mại hay là vi phạm hình sự? Từ sự sai lầm trong nhận thức đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự sai lầm trong áp dụng pháp luật. Song cũng có những trường hợp cán bộ của chúng ta không ít người đã cố tình vi phạm và áp dụng một cách trái với các quy định của pháp luật như các đồng chí và các đại biểu đã nêu trong các bài phát biểu. Và từ chỗ này dẫn đến việc oan sai.

 

 

Một nguyên nhân nữa mà các đồng chí và các vị đại biểu cũng đã đề cập là cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, thương mại và bản thân hệ thống pháp luật của chúng ta cũng chưa đưa ra được một tiêu chí thật đầy đủ, rạch ròi để phân định cái gì là quan hệ dân sự, cái gì là quan hệ thương mại, cái gì là quan hệ kinh tế, để có cơ chế tài phán tương ứng để giải quyết các vấn đề phát sinh này. Thêm vào đó, cũng phải kể đến thực trạng là chúng ta chưa biết vận dụng những cơ chế giải quyết tranh chấp như các cơ chế trọng tài, hoặc các cơ chế tương tự để bảo vệ lợi ích của chúng ta. Cho nên, chỗ này cũng đang có những hạn chế dẫn tới việc áp dụng tố tụng hình sự, những cơ chế tài phán hình sự để xử lý tranh chấp dân sự, kinh tế.

 

Cũng có nhiều đồng chí và đại biểu, nhất là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Hiện -chánh án TAND Thành phố Hà Nội, đã chỉ ra rằng chính bản thân các nhà doanh nghiệp của chúng ta nhiều khi cũng nôn nóng muốn làm thế nào đó để đòi được nợ, thanh lý được hợp đồng để bảo vệ lợi ích tốt nhất của chúng ta thì chúng ta cũng lách luật, rồi cũng cố tình biết việc như vậy nhưng lại vận dụng cơ chế khác thì đây cũng là vấn đề cần lưu ý.

 

Về giải pháp khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế. Trên cơ sở những nguyên nhân vừa nêu, các đồng chí và các vị đại biểu cũng đã đề xuất cho Đảng, Nhà nước, cho chính các nhà doanh nghiệp được nhiều giải pháp trên nhiều phương diện khác nhau, từ vấn đề lập pháp (nên xây dựng pháp luật như thế nào, công văn có được phép chứa quy phạm pháp luật không, thông tư nên hướng dẫn như thế nào...) đến các vấn đề khác. Đây là những vấn đề rất qúy để cho các cơ quan quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách phải tham khảo, cân nhắc. Các đồng chí và các vị đại biểu cũng đề xuất đến những vấn đề như tăng cường, mở rộng tổ chức tư vấn, tăng cường vai trò của luật sư trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hiện nay. Đây cũng là những đề xuất rất xác đáng bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường, với một hệ thống pháp luật dày đặc, phức tạp với nhiều điểm mới, trong khi các nhà doanh nghiệp lại bận vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn không thể có thời gian để nghiên cứu đầy đủ pháp luật, do đó vai trò của các luật sư, tổ chức tư vấn càng trở nên quan trọng. Tuy vậy, các doanh nghiệp của chúng ta chưa có thói quen này như ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

 

Các đồng chí và các vị đại biểu cũng đã đề cập tới vấn đề công tác đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ tập huấn như thế nào cho các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như cho các cơ quan khác thì nên như thế nào. Vấn đề này đồng chí Hiện đã nói nên tôi xin không nhắc, phân tích thêm, nhưng cũng xin thưa với các đồng chí.

 

Các đồng chí và các vị đại biểu còn đề xuất cả các biện pháp xử lý những người cố tình cố tình làm oan, sai mà biết rõ ràng là mình làm sai. Báo cáo các đồng chí, trong hệ thống pháp luật của chúng ta, trong Bộ luật hình sự mới cũng đã có những điều luật về việc cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người biết rõ là không có tội. Rồi trong Bộ luật dân sự, Pháp lệnh cán bộ, công chức và Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã có những quy định về cơ chế bồi thường thiệt hại do người của cơ quan Nhà nước, người tiến hành tố tụng gây ra tình trạng oan sai. Thực hiện chỉ thị số 53/CT-TW của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp chúng tôi đang chủ trì với các cơ quan tố tụng ở trung ương đề xuất để trình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề án về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai do lỗi của người tiến hành tố tụng gây ra. Bên cạnh đó, các đồng chí cũng đề cập đến vấn đề là ngoài việc chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế thì cũng phải chống việc dân sự, kinh tế, hành chính hoá các vi phạm, tội phạm hình sự.

Cuối cùng, một lần nữa thay mặt ban tổ chức cuộc tọa đàm này, chân thành cảm ơn các đồng chí, các vị đại biểu đã về dự cuộc tọa đàm và tham gia nhiều ý kiến đóng góp rất có giá trị cho đề tài của Bộ Tư pháp chúng tôi.

 

Xin chân thành cảm ơn!

 

 

B. Các bài phát biểu và tham luận tại diễn đàn "Chống hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" ngày 9/11/2000 (dành cho các doanh nghiệp thuộc khu vực phía Nam).

 

1. Phát biểu khai mạc của ông Đoàn Duy Thành - Chủ tịch Phòng TM&CN Việt Nam tại Diễn đàn

 

Kính thưa các vị đại biểu.

Kính thưa anh Dương Đăng Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế và là đại diện của Bộ Tư pháp tại diễn đàn này.

Thưa đại diện của các cơ quan, ban ngành của trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, và đặc biệt là gần 300 nhà doanh nghiệp khu vực phía Nam đã có mặt ở đây.

Hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế là vấn đề phức tạp, búc xúc và đang là mối quan tâm lớn của công luận, của cộng đồng doanh nghiệp và của cả các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế gây nhiều thiệt hại cho những người bị hình sự hoá, đe doạ trực tiếp tới hoạt động bình thường của các doanh nghiệp và các doanh nhân, lực lượng tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế hiện nay. Vì vậy, việc nhìn nhận một cách toàn diện, chính xác và tìm ra giải pháp sớm khắc phục hiện tượng này là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng lòng mong mỏi trước hết là của cộng đồng các nhà doanh nghiệp chúng ta.

Với ý nghĩa như vậy, theo yêu cầu của các nhà doanh nghiệp, hôm nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam phối hợp với Bộ tư pháp tổ chức Diễn đàn chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế. Tôi mong rằng tại diễn đàn này, các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan nhà nước tập trung thảo luận nhằm tìm biện pháp hữu hiệu và khả thi để giải quyết vấn đề này. Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Diễn đàn chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Tôi xin nói một câu chuyện rất lâu cách đây khoảng mấy chục năm rồi từ khi tôi còn làm Bí thư Tỉnh uỷ Hải Phòng, đồng chí Viện phó VKSND thành phố tức đồng chí Lại Văn Phụng (bây giờ đồng chí mất rồi), đồng chí có vợ làm ở công ty công nghệ phẩm là đồng chí Vũ Hoạt. Không biết việc gì đấy vợ đồng chí Phụng bị kỷ luật. Đồng chí cứ đến gặp tôi bảo tôi là "không chí cho phép tôi bê cái anh Vũ Hoạt ấy đi". Tôi bảo "bê cái gì, anh cũng là cán bộ, anh làm ở bên pháp lụật, anh phải bảo vệ công bằng chứ không phải vì vợ anh bị kỷ luật rồi anh thích (tất nhiên Vũ Hoạt có một vài thái độ, vài cách làm) là anh bê vào, muốn chuyển một vài cái việc, xử lý một vài món tiền nào đó ở công ty thì cứ muốn là cho bắt, nếu làm thế này thì nguy hiểm quá". Tôi nói với đồng chí ấy là "nếu đồng chí cũng là cán bộ, anh Vũ Hoạt là cán bộ, anh làm giám đốc công ty công nghệ phẩm, Vũ Hoạt làm Viện phó VKS thành phố thì anh nghĩ sao?" Tôi hỏi như thế thì đồng chí không nói gì nữa. Nói như thế để thấy rằng vấn đề nó phức tạp lắm, giải phân cách giữa kinh tế và dân sự, hình sự không xa lắm đâu. Người làm có lương tâm, có trách nhiệm và vì một dân tộc dân giàu, nước mạnh và chủ lực để làm cho dân giầu nước mạnh là doanh nghiệp, là nhiệm vụ kinh tế, kinh doanh thương mại cho nên chúng ta phải bảo vệ họ. Tất nhiên họ làm sai thì chúng ta cử phải xử lý. Bây giờ nhiều luật lệ đã phức tạp, đến NĐ của Chính phủ, rồi Thông tư cuả Bộ lại càng phức tạp nữa, nhiều khi không biết đâu mà làm. Cái này sai luật về nguyên tắc sai luật thì mới bị kỷ luật còn sai Nghị định là của Chính phủ, sai Thông tư là của Bộ, nhưng nhiều khi lộn nhào cả ba văn kiện đó, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau cho nên rất khổ. Tôi xin báo cáo với các nhà doanh nghiệp là tôi làm doanh nghiệp từ năm 1956, đã 44 năm rồi, ngay từ thời kỳ kế hoạch hoá tập trung bao cấp đã thấy rất khó khăn, bây giờ lại tản mạn rộng như thế này. Mà tương lai muốn làm được, đất nước này muốn GDP tính theo đầu người có 2000 $ thì phải có 200000 doanh nghiệp. Hôm nay chúng ta mới chỉ có 5260 doanh nghiệp quốc doanh còn tồn tại, khoảng 36000 doanh nghiệp tư nhân, HTX, tất cả cũng chỉ có 40000 thôi mà lại không bảo vệ nó, phát triển nó, không tạo cho người ta tin tưởng bỏ vốn ra làm doanh nghiệp để phát triển lên 200000doanh nghiệp thì khả năng chúng ta có 2000$ trên một đầu người và hôm nay Thái Lan đã có 2700$/người. Tôi nói thế không có nghĩa cái gì doanh nghiệp làm cũng đúng và những người thực hiện pháp luật chấp pháp sai. Doanh nghiệp cũng phải rất nghiêm túc thực hiện các luật lệ nhưng các nhà thực thi pháp luật cũng phải nghiêm túc thực hiện, phải bảo vệ sản xuất, làm cho người ta yên tâm. Người ta bỏ ta một đồng tiền để thuê người lao động để con em mình đỡ khổ đã là đáng khen lắm rôì, chẳng lẽ người ta bỏ ra hàng tỷ, sử dụng hàng trăm lao động mà mình lại không hỗ trợ người ta thì làm sao người ta làm được. Tôi muốn nói ý đó để chúng ta cùng trách nhiệm, cùng một mục tiêu là dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng ta hợp tác cùng làm chứ không phải đối kháng. Vì nhà nước ta có một Đảng cầm quyền, có đối kháng gì đâu mà tất cả cán bộ chúng ta, đảng viên chúng ta cũng là phục vụ mục tiêu đó. Tôi nghĩ anh em chúng ta cùng có trách nhiệm, đừng ai nhấn mạnh là tôi phải làm thế này, bên kia phải thế này. Tôi lấy ví dụ Đảng Cộng hoà dân chủ đang tranh cãi nhau đến bây giờ vẫn chưa biết Tổng thống Mỹ là ai. Mình chỉ có một Đảng, Quốc hội thống nhất, chỉ còn một việc tổ chức thực hiện thế nào cho hay thì rất nhanh, CNXH là có thật nhưng nếu cứ còn cãi nhau mãi, còn lý sự với nhau mà lý sự không rõ ràng thì cực kỳ khó khăn cho người làm ăn. Cho nên tôi nghĩ hai phía đều có khó khăn nhưng ta có cùng một mục tiêu mà mục tiêu là để không tụt hậu. Nếu chúng ta không làm tốt vấn đề này mà chúng ta không đẻ ra 200000 doanh nghiệp và hàng triệu người bỏ vốn ra để làm ăn thì chúng ta đừng hòng có 2000$ theo đầu người để bằng hôm nay Thái Lan đã lên 2700$. Đó là bức xúc mà đồng chí Chủ tịch Trần Đức Lương, đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi Hội thảo ở Hà nội các đồng chí rất quan tâm. Hôm nay có vấn đề gì thì cứ nói với nhau, bình tĩnh mà nói những vấn đề cụ thể, những gì cần làm và chúng ta cùng sửa và chúng ta còn sửa nhiều lắm chứ thể một lần này mà sửa được đâu. Cho nên tôi xin nói thêm một vài ý như thế để các đồng chí nói hết sự thật, nói ngắn gọn, nói những việc phải giải quyết để làm giàu chứ không phải là việc nói xấu nhau, bêu riếu nhau, điều đó không cần thiết. Chúng ta cùng tạo không khí thân ái, vui vẻ cùng nhau, cùng làm, cùng trách nhiệm, anh với tôi là một chứ không phải là hai. Xin cảm ơn tất cả.

 

 

 

2. Bài phát biểu của Đồng chí Vũ Tiến Lộc- Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam về vấn đề hình sự hoá giao dịch dân sự và kinh tế- Tổng quan về nguyên nhân và giải pháp.

 

Kính thưa đồng chí Đoàn Duy Thành- Chủ tịch Phòng TM&CN Việt nam

Kính thưa đồng chí Dương Đăng Huệ- Đại diện Bộ Tư pháp

Thưa các đồng chí đại diện cho các cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh

Thưa các nhà doanh nghiệp

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, tính chất của các giao dịch kinh tế dân sự đã thay đổi về căn bản. Chúng ta biết rằng trước đây từ việc thiết lập và bảo đảm thực hiện các giao dịch dân sự được thực hiện bằng ý chí của nhà nước theo phương thức kế hoạch hoá tập trung sang một hệ thống các quan hệ được thiết lập trên cơ sở bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và dân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc các bên tham gia giao dịch tự chịu trách nhiệm về kết quả của mình, còn nhà nước chỉ thực hiện chức năng là người bảo đảm cho các kết đó được thực hiện khi có nhu cầu từ phía các chủ thể. Tuy nhiên trong những năm gần đây giới doanh nhân thực sự lo ngại trước tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế. Tức tình trạng vi phạm lẽ ra chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự thì thực tế phải chịu trách nhiệm hình sự và bị coi là tội phạm. Hình hoá các quan hệ dân sự và kinh tế đã đánh đồng hoạt động kinh doanh của dân sự và hành vi cá nhân của mỗi người. Tại diễn đàn tại Hà nội vừa qua đã có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề khái niệm chống hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế và đã đi đến kết luận rằng: mục tiêu của chúng ta là đưa ra những giải pháp ngăn chặn việc áp dụng sai, lạm dụng pháp luật hình sự để can thiệp vào các giao dịch dân sự kinh tế, tất nhiên không hàm nghĩa chúng ta chống hình sự hoá trong quá trình lập pháp của Quốc hội. Sự can thiệp bằng các biện pháp hình sự vào các giao dịch dân sự kinh tế là một trong những nguyên nhân làm rối loạn hoạt động kinh doanh, trực tiếp xoá sổ không ít các doanh nghiệp làm ăn chân chính và chặn đứng nhiều ý tưởng kinh doanh đang nhen nhóm. Thậm chí đã xuất hiện một động thái vi mô tiêu cực là doanh nghiệp ngại đầu tư vào dự án lớn, dài hạn, có độ rủi ro cao, lo ngại giao dịch trong các quan hệ quan trọng, chủ chốt quyết định sự phát triển của đất nước như tài chính, ngân hàng, bất động sản và chúng ta vẫn biết sự đầu tư vào lĩnh vực này đang là nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển trong những năm tới. Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài ở Việt nam. Hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế thực chất là vi phạm quyền tự do định đoạt của các bên tham gia vào giao dịch, tước đoạt quyền chủ động tự tin trong kinh doanh của các nhà doanh nghiệp. Nếu không giải quyết căn bản tình trạng này thì thì sẽ vô hiệu hoá chủ trương khuyến khích của Đảng và nhà nước ta, và vo hiệu hoá quyền tự do kinh doanh của pháp nhân, doanh nghiệp đã được Hiến pháp ghi nhận.

Hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến văn hoá, chính trị, xã hội. Tại cuộc Hội thảo tại Hà nội, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, sôi nổi và sơ bộ chúng tôi thấy có sáu nguyên nhân về tình trạng hình sự hoá và phân tích bước đầu 9 giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Về nguyên nhân:

 

Nguyên nhân thứ nhất đó là sự mập mờ trong quy định giữa vi phạm hợp đồng và hành vi phạm tội. Đó là nguyên nhân gây ra sự lúng túng cho cán bộ thực thi, tạo kẽ hở cho mưu lợi cá nhân, đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Theo quy định của pháp luật, vi phạm HĐDS chỉ phải chịu TNDS và do LDS điều chỉnh, vi phạm HĐKT do LKT điều chỉnh. Song vi phạm HĐKT và DS cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm dân sự nếu những vi phạm đó có đủ yêú tố cấu thành tội phạm và điều khó khăn lớn nhất hiện nay là phân biệt trường hợp nào là chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào không chỉ là nợ không trả được vì lý do khách quan chỉ là hành vi vi phạm HĐKT. Đó là điều rất khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp và cả các cơ quan thực thi pháp luật.

Nguyên nhân thứ hai, một số tội danh quy định trong BLHS thiếu rõ ràng, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra khai thác hoặc nhấn mạnh một số yếu tố để chuyển hoá các vi phạm giao dịch dân sự kinh tế thành tội phạm hình sự. Bốn tội danh chủ yếu hiện nay vẫn chưa được giải thích cụ thể, rõ ràng, thống nhất trong BLHS, đó là: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, kinh doanh trái phép. Ngoài ra, các tội danh khác như đầu cơ, trốn thuế, cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội quảng cáo gian dối chưa được quy định thực sự rõ ràng. Do vậy không chỉ dẫn tới tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế mà còn dẫn tới tình trạng hình sự hoá các quan hệ hành chính.

Sự yếu kém của các thiết chế giải quýet trang chấp dân sự như hoà giải, trọng tài và cơ chế thực thi pháp luật dân sự, kinh tế đảm bảo quyền lợi của các bên dẫn tới việc bên bị hại đề nghị sự can thiệp bằng cưỡng chế thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay sự quy định của luật pháp tố tụng dân sự, kinh tế làm cho quá trình giải quyết việc tranh chấp trước toà án tốn kém nhiều thời gian, kém hiệu quả, khả năng cưỡng chế thi hành án còn thấp và hệ thống các cơ quan hoà giải, trọng tài hoạt động còn hạn chế và kém hiệu quả.

Thiếu các chế tài hữu hiệu để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ tiến hành tố tụng, điều này cùng sự mập mờ trong các quy định giữa vi phạm và tội phạm, tạo điều kiện cho sự cẩu thả, vô trách nhiệm của một số cán bộ tố tụng. Trong bộ luật hình sự sửa đổi có quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng nhưng cho đến nay vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn thực sự cụ thể. BLTTHS không quy định trách nhiệm đối với người khởi tố sai pháp luật.

Thói quen nhờ cậy các cơ quan công quyền can thiệp vào các vấn đề dân sự kinh tế của người dân, doanh nghiệp bắt nguồn từ cơ chế quan liêu bao cấp. Chúng ta biết trong cơ chế bao cấp trước kia, hầu như mọi quan hệ đều trông cậy vào các phán quyết, giải quyết của các cơ quan công quyền. Mặt khác các doanh nghiệp còn e ngại về tình trạng tự do định đoạt, tự do giao kết hợp đồng và các doanh nghiệp chưa sử dụng tốt quyền tự do kinh doanh, làm những gì mà pháp luật không cấm và cũng chưa biết cách tự bảo vệ mình trong những đièu kiện của nền kinh tế mới.

Cuối cùng, một bộ phận cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thực sự thấu hiểu những thay đổi trong đời sống kinh tế, chưa theo kịp với sự phát triển trong tình hình mới, thậm chí trong một số trường hợp chưa nắm vững pháp luật liên quan tới chính hoạt động của mình.

Về các giải pháp chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế

Tại Hội thảo tại Hà nội cũng cố gắng khái quát ra 9 giải pháp.

Thứ nhất, phải làm rõ ranh giới những quy định giữa vi phạm hợp đồng với hành vi tội phạm trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Chủ yếu phải có hướng dẫn cụ thể về hành vi lợi dụng hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản là hình sự với hành vi không trả được nợ vì lý do khách quan là dân sự. Bốn tiêu chí để xác định hành vi chiếm đoạt hay không là: + Có việc cố ý hay không thực hiện hành vi trả lại tài sản: + có việc chuyển dịch sở hữu tài sản trái pháp luật hay không; + chủ sở hữu hoặc người chiếm giữ hợp pháp tài sản hợp pháp có mất hẳn quyền hợp pháp của mình hay không; +có việc một trong các bên tham gia hợp đồng đã sử dụng, chiếm giữ, định đoạt tài sản của người khác như là tài sản của chính mình hay không.

Phải hướng dẫn cụ thể việc quy định một số tội danh còn chưa rõ ràng trong BLHS năm 1999, trong đó phải chú ý định lượng và quy định chi tiết hơn nữa bốn tội danh: lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, kinh doanh trái phép. Ngoài ra còn một số tội danh mà hội nghị nêu ra khi không thuộc phạm vi giao dịch dân sự kinh tế nhưng thuộc phạm vi quan hệ hành chính thì cũng cần hướng dẫn rõ ràng để tránh tình trạng hình sự hoá các quan hệ hành chính như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đầu cơ, trốn thuế, quảng cáo gian dối...

Tăng cường hiệu quả các thiết chế thực thi pháp luật dân sự và kinh tế. Để góp phần hạn chế tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự và kinh tế, cần nâng cao hiệu quả và các phán quyết của toà án dân sự kinh tế và việc cưỡng chế thi hành chúng. Đồng thời phải phát triển và nâng cao hiệu lực hiệu quả của các biện pháp xử lý tranh chấp khác như hoà giải, trọng tài.

Xây dựng cơ chế bồi thường đối với những trường hợp bị hình sự hoá. Mặc dù trong các văn bản pháp luật đã có quyđịnh về vấn đề này nhưng Hiến pháp, BLDS, BLHD, Nghị định còn quy định rất chung chung. Doanh nghiệp kiến nghị vấn đề bồi thường phải được quy định cụ thể, toàn diện về thiệt hại vật chất, thiệt hại danh dự, thiệt hại trực tiếp, thiệt hại gián tiếp. Thậm chí trong cuộc họp tại Hà nội có doanh nghiệp còn kể đến tình trạng oan trái của họ khi họ bị bắt tạm giam, nhưng rồi họ không có lỗi gì cả, mà thực sự không phải lỗi hình sự. Nhưng trong thời gian ở đó, một chân họ bị teo đi và họ đề nghị áp dụng biện pháp tương tự như vậy đối với người ra quyết định tạm giam sai hay không khi họ chân bị teo thì những người làm sai cũng phải bị teo. Đó là một câu chuyện cũng rất buồn trong thực tế hiện nay.

Quy định cụ thể trách nhiệm của các cán bộ có hành vi hình sự hoá. Trước hết phải có hướng dẫn về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ tiến hành tố tụng theo LHS, BLTTHS. Đồng thời phải bổ sung, sửa đổi Điều 10 của BLTTHS để đảm bảo rằng người làm trái pháp luật trong việc khởi tố cũng phải chịu trách nhiệm trong việc làm sai này.

Nâng cao trách nhiệm và khả năng bảo vệ của chủ thể kinh tế dân sự trong các giao dịch của mình. Bên chủ nợ phải có nghĩa vụ gánh chịu hậu quả của giao dịch nếu vô tình hoặc cố ý vì lợi quá mà ký hợp đồng thì chủ nợ cũng phải có nghĩa vụ san sẻ với con nợ vì thực chất đây cũng là rủi ro trong kinh doanh mà lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Mặt khác, trong môi trường pháp lý mới tự do giao kết hợp đồng và môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt thì non kém của doanh nghiệp này là cơ hội của doanh nghiệp kia. Do vậy hành vi tận dụng sự non kém của đối phương không thể bị coi là trái pháp luật trừ khi mang yếu tố cấu thành tội phạm tức có ý thức chiếm đoạt. Nói chung cần phải có sự ràng buộc lẫn nhau giữa các chủ thể giao dịch kinh tế dân sự .

Doanh nghiệp phải có thói quen áp dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nói chung và đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý nói riêng để có thể tự bảo vệ chính đáng. Nhưng trước hết nhà nước cần phải tạo những điều kiện pháp lý và thực tiễn để hình thành đội ngũ luật sư, tư vấn pháp lý đông đảo về số lượng, chuyên nghiệp về chất lượng để có thể hỗ trợ tư vấn giúp cho hoạt động kinh doanh của các nhà doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế. Riêng đối với luật hình sự cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét khả năng điều chỉnh, đối tượng, mục tiêu bảo vệ của LHS chuyển trọng tâm chủ yếu từ bảo vệ tài sản hữu hình sang việc bảo vệ các nguyên tắc của pháp luật. Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là vấn đề vĩ mô có liên quan đến nhiều mặt chính trị, kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những bất cập trong cả hệ thống luật pháp như BLDS, luật thương mại, luật phá sản doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng... Vì vậy xét về mặt dài hạn việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu căn bản để có thể chống được tình trạng hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự. Trong khi chờ đợi ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật đề nghị nghiên cứu trình UBTVQH sớm ban hành các văn bản hướng dẫn BLHS theo hướng hạn chế việc áp dụng các tội danh kinh tế. Đây là một trong các biện pháp quan trọng ngăn chặn nguy cơ hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Cuối cùng, theo chúng tôi, một điều nữa cũng rất cần lưu ý là bên cạnh sự nỗ lực cố gắng chống tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế cũng phải chống hình sự hoá các quan hệ hành chính và ngược lại cũng phải chống cả tiến trình dân sự hoá, kinh tế hoá các quan hệ hành chính và hình sự. Đó là một hiện tượng cũng đang xuất hiện và đang trở thành một nguy cơ.

Trên đây, thay mặt ban tổ chức, tôi đã trình bày một cách khái quát vấn đề thực trạng cũng như nguyên nhân, giải pháp chống hình sự hoá các giao dịch kinh tế dân sự đã được nêu, trao đổi và thống nhất ở mức độ tương đối cao tại các cuộc trao đổi của các nhà doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý tại Hà nội. Chúng tôi rất mong rằng trong những phần trao đổi tiếp sau, các đại biểu sẽ trao đổi sâu thêm, các đại biểu sẽ làm rõ thêm về mặt khái niệm, chúng ta trình bày rõ hơn về mặt nguyên nhân nhưng cái điều đặc biệt quan trọng là đề xuất được những giải pháp đặc biệt là những giải pháp khả thi có thể thực hiện ngay để góp phần ngăn chặn tình trạng này tạo ra môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và cho công dân thực hiện các giao dịch dân sự và kinh doanh của mình. Tôi xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu.

 

3. Bài phát biểu của Bà Lê Thị Giàu- Giám đốc công ty TNHH Tấn Hưng.

 

Kính thưa ông Đoàn Duy Thành- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam

Kính thưa ông Vũ Tiến Lộc- Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam

Kính thưa ông Huệ- Đại diện Bộ tư pháp

Kính thưa chị Hương- Phụ trách Phòng TM & CN Việt nam phía Nam

Kính thưa quý vị đại biểu có mặt tham dự Hội nghị ngày hôm nay.

Rất cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi đại diện công ty tôi được phát biểu đầu tiên. Qua đây, là một doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp chúng tôi đã được thành lập 6 năm và kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lĩnh vực phân bón là 14 năm cho đến ngày hôm nay. Là một doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng ai là doanh nghiệp ngồi ở đây hôm nay cũng có tinh thần dân tộc rất cao. Do đó trong quá trình hoạt động và phát triển sẽ có những bức xúc và nỗi trăn trở của mình đối vơí những lĩnh vực mà chúng ta không dám nói. Tôi thì tôi không dám nói vì tôi là một doanh nghiệp tư nhân và cũng là một công dân Việt nam, trong quá trình vận động và phát triển, chúng tôi cũng gặp nhiều bức xúc. 13 năm cũng như nhiều năm trước tôi là một kế toán ở một nông trường quốc doanh. Tôi làm trong ngành nông nghiệp từ năm 1980 đến nay đã được 20 năm. Hôm nay, tôi xin phát biểu một số vấn đề:

Vấn đề giao dịch trong quá trình giữa doanh nghiệp và ngân hàng

Vấn đề giao dịch trong quá trình giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp

Yếu tố quan trọng trong thị trường hiện nay. Chúng ta cần có một đối tác quan trọng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế mà đề nghị Bộ tư pháp có những quan tâm trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, nó là điều kiện đưa doanh nghiệp chúng ta có thể phá sản hoặc hình sự hoá.

Vấn đề giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng. ở đây nếu không có ngân hàng thì không có doanh nghiệp nào phát triển hết mà nhất là năm 2000 naỳ rất nhiều Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Chúng ta thấy anh hùng rất là nhiều, nhiều bằng khen anh hùng nhưng bên cạnh anh hùng chẳng có ông ngân hàng nào cả. Không phải hôm nay tôi nói để bênh ông ngân hàng nhưng yếu tố cho nền kinh tế phát triển đó là vai trò quan trọng của ngành ngân hàng. Những cán bộ tín dụng ngân hàng khi cho doanh nghiệp vay, doanh nghiệp thành anh hùng thì bên cạnh doanh nghiệp không có ngân hàng đứng kế bên. Nhưng khi doanh nghiệp ra toà thì ông bị mời đầu tiên đứng kế doanh nghiệp là ngan hàng. Như vậy trong quá trình phát triển, nếu chúng ta không có những chính sách ưu tiên hoặc là tầm nhìn quan trọng đối với ngân hàng thì đất nước chúng ta sẽ không phát triển được. Yếu tố thứ ba là khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì quốc doanh mà làm ăn thất bại thì ông tín dụng có thể nhẹ tội hơn khi cho ông tư nhân vay vốn làm ăn. Đề nghị nhà nước cũng nên có những suy nghĩ. Tâm tư của tôi muốn nói ở đây là để có tầm nhìn phát triển, chúng ta đang hội nhập và bình đẳng trong lĩnh vực doanh nghiệp của Việt nam và doanh nghiệp quốc tế.

Là một giám đốc doanh nghiệp, ai nói khổ, ai nói sướng. Tôi cho rằng: nếu ngồi ở đây hôm nay mọi người nói rằng làm giám đốc sướng có nhiều quyền lợi từ quốc doanh hay tư nhân thì tôi nghĩ rằng không ai dám làm giám đốc nếu chúng ta hình sự hoá qúa nhiều. Một người giám đốc có những nỗi lo lắng, một ngày làm việc 14-16 tiếng đồng hồ, có nhiều khi không ngủ được. Trong chiến tranh, đánh Mỹ rất là dễ, đánh những kẻ thù khác thì dễ nhưng trong cơ chế thị trường không dễ chút nào. Nếu chúng ta làm thất bại, hàng loạt cái đi theo mình, ngân hàng cho mình vay mà mình làm thất bại thì ông ấy cũng theo vào tù luôn. Do đó, một tầm nhìn phải hết sức đổi mới thì doanh nghiệp mới dám làm. Trong cơ chế thị trường, thị trường, thị phần và lợi nhuận, tất cả các doanh nghiệp chúng ta ngồi đây khi đẩy mạnh xuất khẩu phát triển, không ai dám khai lỗ hết. Còn công ty nước ngoài vào Việt nam dám đăng báo năm nay công ty lỗ 5 triệu đô la. Nhưng kinh doanh cùng ngành chúng tôi không dám ghi lỗ được, tất cả đều muốn thị phần được nhiều, thị trường và lợi nhuận đều lời hết mà khi chúng ta khai lỗ thì điều gì sẽ xảy ra. ý chúng tôi muốn nói rằng: trong cơ chế thị trường, trong vấn đề phát triển, chúng ta phải có sự cạnh tranh lành mạnh thì chúng ta mới phát triển được, nếu không thì tầm nhìn như chú Đoàn Duy Thành nói ông Viện kiểm sát như vậy, nếu mà không có tâm, nhìn bà này làm thất bại như vậy, bà này lừa đảo này nọ, ông này tiếp tay cho bà này làm thì đó là điều rất tội nghiệp cho doanh nghiệp Việt nam. Hay doanh nghiệp khi thị trường xuất khẩu thì phải cho đi nước ngoài, cho đi tìm thị trường nhưng nếu đi tìm thị trường về mà có lợi nhuận thì ông này hay, nếu lỗ thì khi đó được mời đi chơi, đi này nọ, cũng tội nghiệp giám đốc về cho quốc doanh hoặc tư nhân. Chúng ta phải có những suy nghĩ để phát triển đất nước mình. Một khi doanh nghiệp Việt nam tăng thị trường xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng rất ít doanh nghiệp Việt nam bị lỗ. Tôi thấy có những cái cũng không đúng. Khi một doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt nam, họ chiếm được thị phần lớn, họ bị lỗ thì họ càng khoẻ, càng lỗ thì lại càng khoẻ còn Việt nam chúng ta khi lỗ một chút đã chết rồi thì làm sao chúng ta cạnh tranh được. ý tôi muốn nói: Nhà nước phải có tầm nhìn vĩ mô bởi vì, nếu tôi là tư nhân bác Đoàn Duy Thành cũng là chủ tịch của tôi và của các bạn quốc doanh. Chúng ta có một Đảng, Tổng bí thư cũng là của mình, tại sao lại có phân biệt đối xử. Chúng tôi đề nghị nhà nước có những chính sách thật bình đẳng để cho doanh nghiệp Việt nam phát triển.

Vấn đề quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tôi là tư nhân mà tôi quan hệ với quốc doanh. Giả sử tôi với chị Ba Sương nông trường Sông Hậu- một mô hình kinh tế công- nông nghiệp. Chúng tôi phát triển sản xuất và kết hợp với chị Ba để mà đầu tư nông trường. Rõ ràng là trong quan hệ với nhau giữa doanh nghiệpvà ngân hàng nhưng ông luật pháp không có nhìn thấy. Ông ấy nói rằng hai bà này với nhau chắc hối lộ, mánh khoé gì đây, hai bà này nợ ngân hàng nhiều thôi thì mời hai bà này lên làm việc với hai bà. Nhiều khi tôi cảm thấy rằng mình bị xúc phạm và rất buồn. Năm, sáu trăm công nhân đang làm việc, đang lao động vất vả, mình làm việc 15, 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, mỗi năm nộp thuế nhà nước, năm nay tôi đã nộp 60 tỷ đồng mà vẫn này kia mà không hề kêu mình, cứ kêu người khác nói thành ra mình rất là buồn. Nhà nước lúc nào cũng muốn dân giầu, nước mạnh, nhà nước lớn lúc nào cũng phát triển thì vẫn còn những anh chị em ở dưới, có những người có phải là kéo, kéo lại sự phát triển của nền kinh tế hay không. Cứ doanh ghiệp nào làm ăn được là có người nói: ai mà làm ăn được thì coi chừng, nuôi cho lớn rồi nhổ lông này kia. Tôi nói không, tôi là một doanh nghiệp đàng hoàng, là một con người dân tộc từ bé tới giờ này chưa làm một việc gì sai, không buôn lậu, không trốn thuế cũng không vi phạm pháp luật, không âm mưu giết người, nên tôi không sợ ai. Thành ra lại bảo bà này hay nói nhiều. Nhưng ý tôi muốn nói rằng tôi làm việc vì dân tộc, vì xã hội, vì sự phát triển. Nếu tôi làm vì miếng cơm manh áo chắc tôi cũng không làm. Nhiều khi mệt mỏi quá, thành ra có khi mình một cái người mà làm ăn bình thườngtrong kinh doanh có rất nhiều rủi ro, một người kinh doanh cũng như một người tài xế lúc chạy trên đừng, khi nào họ về hưu thì người ta mới nói tài xế giỏi.Nhưng trong quá trình kinh doanh của chúng ta, nhất là trong cơ chế thị trường này ở bên cạnh chúng ta là có ông Trung Quốc mà chúng ta làm lơ mơ là ông ấy chỉ cần bán rẻ là mình chết liền. Nhưng trong cơ chế thị trường, cũng kiến nghị rằng: Bộ tư pháp, Viện kiểm sát, các cơ quan pháp luật nên nhìn doanh nghiệp là một người có ích cho xã hội trừ những doanh nghiệp nào mà lạm dụng, thì pháp luật phải mạnh dạn trừng trị những người mà lợi dụng nhà nước hay cái gì đó để làm giàu cá nhân. Họ làm nghèo đất nước thì chúng ta phải trị thẳng tay nhưng có những người cùng ngành với chúng tôi lỗ 200 tỷ cũng im ro luôn, còn có nhiều người thậm chí còn được lên chức. Còn chúng tôi chưa bị gì, tức mình còn rất mạnh khoẻ thì có khi hỏi thăm liên tục. Mong rằng cơ quan pháp luật phải có nhìn nhận tốt.

Trong vấn đề thanh toán quốc tế mà doanh nghiệp chúng ta là xuất nhập khẩu mà trong quy định cái UCP 500 chúng ta cũng phải coi chừng. Cụ thể trường hợp của chúng tôi. Chúng tôi mua một tàu hàng phân bón về Việt nam. Bộ chứng từ thì ngân hàng công nhận là sai nhưng tàu hàng thì kém chất lượng. Ngân hàng Nông nghiệp Việt nam cứ bảo chúng tôi là thanh toán đi, UCP 500 quy định là cứ phải trả tiền, dù có chở một tàu đất qua đây thì cũng phải trả tiền. Nhưng chúng tôi nói rằng UCP500 có quy định bộ chứng từ sai thì mình từ chối thanh toán, tạm dừng thanh toán để làm việc với nước ngoài về vấn đề chất lượng. Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ thương mại can thiệp và ghi rõ hai ba lần và nhiều cơ quan can thiệp thì ngân hàng Nông nghiệp bảo: cái này phải nhờ một cơ quan nước ngoài đi, một công ty Anh gì đó để nói rằng bộ chứng từ này sai thì được chứ ngân hàng trả lời cho tôi sai rồi. Đối với Trung Quốc có một luật chống gian lận thương mại. Bây giờ biết kêu ai. Mới đây ngân hàng Nông nghiệp bảo tôi đưa tôi ra toà án. Pháp chế Bộ thương mại công nhận là mấy ông ngân hàng mà trả thế này là vi phạm pháp luật. Công ty tôi mượn một triệu bốn trăm nghìn đô la nếu phá sản rồi thì ai bênh vực mình đây . Cho nên cũng phải cẩn thận trong vấn đề UCP quốc tế. Nếu chúng ta làm sai là chúng ta mất hết tiền luôn. Chúng tôi kiến nghị với Bộ tư pháp và Phòng TM & CN Việt nam cần xem xét vấn đề này. Rất nhiều người đã bị, vừa rồi anh Hoà Daso cũng bị mất 700000 đô. Gian lận thương mại và gian lận quốc tế rất hay đến với chúng ta nên chúng ta phải cảnh giác. Đó là yếu tố nước ngoài đưa đến sự thất bại cho mình, nhưng ai bênh vực cho mình bây giờ. Việt nam mình khi gia nhập và hội nhập cũng cần có một cái luật để mà chống gian lận thương mại với quốc tế . Đây là yếu tố không gây rủi ro với doanh nghiệp Việt nam và các doanh nghiệp Việt nam xuất khẩu phải cảnh giác. Dù bạn hàng thân nhất là thằng Tây thì cũng chẳng có thằng nào thương mình hết.

Chúng tôi có ý kiến vai trò của Phòng TM & CN Việt nam phải đúng là một bà đỡ của doanh nghiệp chúng tôi. Chúng tôi lâu lâu gặp bác Đoàn Duy Thành, bác Lộc, bác Hương, bác Hải cũng đâu có được. Bây giờ phải làm sao để thực sự là cầu nối, là bà đỡ khi chúng tôi có khó khăn hay chúng tôi bị cái gì đấy mà chúng tôi chính đáng, đàng hoàng, đề nghị Phòng thương mại mạnh dạn bênh vực, hỗ trợ chúng tôi để đấu tranh với những cái đó . Qua đây chúng tôi cũng xin nhường lời cho quý vị Đại biểu.

 

4. phát biểu của Bà Ba Sương- Giám đốc Nông trường Sông Hậu

Kính thưa đoàn chủ tịch

Kính thưa các đồng chí

Kính thưa các bạn đồng nghiệp

Lẽ ra tôi không phát biểu, chỉ nghe các đồng nghiệp nói thôi nhưng nghe chị Giầu nói hăng quá nên cũng bị lây. Tôi cũng chưa có dịp để các anh phụ trách pháp luật quan sát mà làm cái việc theo kiểu căng nhưng mà cũng được nghe phản ảnh tới lui và cũng được mấy lần Lãnh đạo tỉnh kêu lên giải trình. Tại sao lại nợ nhiều quá vậy? ở đây tôi buồn một điều là nhà nước không cho tôi ăn đồng bạc nào, phải tự vay ngân hàng để mà làm. Khi cái quan điểm là làm sao tiêu thụ hàng hoá cho nông dân và làm sao cho đồng tiền ngân hàng không bị đóng băng bởi vì vào thì nhiều mà ra thì ít. Hôm qua chúng tôi đã họp Hội đồng quản trị phòng thương mại, tôi cũng có nói ngân hàng vào hai mà ra có một. Thực ra tôi nghĩ mình làm sao quay đồng tiền đóng lãi cho ngân hàng cũng như mình đóng góp cho nhà nước thôi. Tôi cũng giải trình rằng thưa: mấy quan kêu em tạm trữ lúa gạo mà làm nghề kinh doanh gạo một năm xuất ra hơn 200 ngàn tấn mà vốn không có 200 tỷ thì làm không có được. Tại vì phải tạm trữ giao cho 40 ngàn tấn gạo thì thấy hơn 100 tỷ rồi, còn hơn 100 tỷ em quay để một năm xuất mấy trăm ngàn tấn. Chơi cuộc chơi phân bón mà không có hơn 100 tỷ thì chơi không có được. Bây giờ kêu gọi, khuyến khích nhập phân bón để an toàn dự trữ cho dân không bị sốt phân. Bây giờ trong cuộc chơi phân bón, cuộc chơi thức ăn gia súc, cuộc chơi thuốc bảo vệ thực vật, nếu không có 200 tỷ thì đừng có nói với ai được hết. Thành ra phải có 50 tỷ để luân chuyển cho hàng trăm đại lý và 50 tỷ là hàng tồn kho, đợi đại lý trả tiền thì mới đưa hàng khác cho người ta. Mà không như vậy là mình thua. Các đồng chí cứ nhìn đi, các anh em mà làm phân bón của Việt nam mình đang thua mấy công ty nước ngoài. Bây giờ các doanh nghiệp mình đi lấy về, giờ đại lý mua Việt Nhật luôn chứ mua của Việt nam làm gì. Thành ra bây giờ đây là vấn đề mà các đồng chí ngân hàng quan sát vấn đề pháp luật trong các HĐKT. Cái quan hệ kinh doanh phải thấy: từ từ rồi thị phần của các nhà doanh nghiệp Việt nam chúng ta sẽ mất hết trước sức mạnh của công ty nước ngoài. Như chị Giầu nói mấy công ty nước ngoài dám tuyên bố lỗ 5 triệu đô la. Các đồng chí cho phép lỗ từ ba năm đến năm năm mà khi nào có lời còn giảm mấy năm nữa mới bắt đầu đóng thuế thu nhập. Còn doanh nghiệp Việt nam cả tư nhân lẫn quốc doanh mà bị lỗ thì ngân hàng coi lại, không cho vay nữa. Mà bọn em sông nhờ lỗ mũi, ngân hàng mà bóp mũi thì bọn em chết ngất. Đây là một vấn đề mà chúng ta- những người có trách nhiệm phải suy nghĩ để làm sao mà nuôi các doanh nghiệp tư nhân lẫn quốc doanh. Tôi muốn nói vấn đề này rất xót xa. Mấy năm trước tôi làm nhiều lắm: nhập phân, đứng hàng và chưa hề xin bù lỗ một đồng bạc nào hết. Các đồng chí giở sổ ra xem, sông Hậu chưa hề biết xin nhà nước bù lỗ, bù giá một đồng nào hết vì nghĩ đó là doanh nghiệp quốc doanh làm kinh tài cho đất nước mà tối ngày xin bù lỗ, thì dẹp đi chỗ khác chơi để người khác người ta làm. Nếu mà cứ xin như vậy thì còn tiền đâu để Đảng và nhà nước chúng ta xây dựng kiến tạo đất nước. Trong khi đó có những doanh nghiệp một năm được bù bốn, năm chục tỷ và được khen hoài, còn mình không bị lỗ đồng nào mà vẫn bị hỏi thăm sức khoẻ hoài. Muốn đất nước phát triển thì phải có định hướng cho người ta làm, chúng tôi có chơi kinh doanh, đất đai nhà cửa đâu mà chết. Chúng tôi từ hạt lúa, hạt gạo, từ con gà, cái trứng, chúng tôi phải biết làm gì vì chúng tôi là nông dân. Tôi muốn nói với các đồng chí tôi rất buồn, thành ra tôi nói phân bón chơi hết một trăm, gạo hai trăm, tạm trữ hết một trăm còn một trăm cho 17 cái xí nghiệp. Nào là kinh doanh thuỷ hải sản, các đồ hộp. Tụi em còn mấy chục tỷ mà tụi em làm đủ thứ, biết bao nhiêu ngành nghề, 17 xí nghiệp với các ngành nghề mà lại cứ nói sao lại nợ nhiều. Mà muốn doanh số một năm, một ngàn mấy trăm tỷ thì tụi em quay được ba, bốn vòng. Làm nông nghiệp mà quay ba, bốn vòng là giỏi lắm chứ. Có điều là không ai nhìn thấy điều đó và có những doanh nghiệp mang tính chính trị xã hội nhiều hơn làm kinh tế. ở sông Hậu, 100 tỷ đầu tư cho dân nhà nước bắt lấy có 8% một năm thu khấu hao hàng năm trong khi những năm trước, lãi suất của chúng ta là hai phẩy mấy phần trăm thì mỗi năm phải 25 hoặc 30%. Tỉnh em cũng bắt em 8% nếu mà vay ngân hàng để đầu tư cho nông dân mang tính chính trị xã hội. Vấn đề nữa, khoán cho nông dân không được lấy lãi định mức, thua gửi tiền tiết kiệm, không có lời. Tôi nói mấy ông rầy tôi là rầy chỉ đạo tỉnh uỷ, uỷ ban đúng đắn tôi nghe, lo cho dân nghèo. Đây là loại hình mang tính chính trị xã hội, dân được phát triển, đời sống ấm no. Tôi muốn giải trình để các đồng chí thấy, sau này một số nhà phân tích kinh tế chỉ nhìn thấy con số toán học, doanh nghiệp này lời nhiều tại sao giống nhiều mà lại ít. Tôi nói mấy anh kêu em đầu vào cho nông dân thì giá thấp, em đưa phân bón giá rẻ về cho nông dân, đầu ra nông dân giá cao, em làm đúng mấy câu khẩu hiệu của quan anh mà mấy anh lại rầy em. Vậy mấy anh thương em thương ở miệng chứ đâu có thương thiệt tình. Tôi nói chân thật để các đồng chí thấy. Tôi đã bị rất nhiều người làm phân bón bên làng Tân Huy chửi tôi, nói muốn giết con mẹ này. Tại bà đứng sau lưng bà trợ sức, bây giờ nó sống nó đập cho tôi muốn chết. ở đây tôi muốn nói chị này chiụ thương chịu khó làm việc còn hơn đàn ông, làm ngày làm đêm. Tôi quý chị này vì chị ấy giống tôi ở điểm này. Lúc tôi mua phân bón cho lính của tôi chị không hề mua chuộc, lúc đó tôi chưa làm kinh doanh phân bón. Ngân hàng thiếu vốn định mức cho tôi, chị ấy dám cho tôi thiếu một lần là 1đến 2 tỷ. Tôi đại diện nông dân bán lúa sau mới trả cho chị ấy. Có năm chị ấy bảo tôi bớt lãi suất cho nông trường chị. Nhưng tôi bảo không, tiền lãi suất tôi trả chị sòng phẳng, đàng hoàng. Chị giúp tôi là tôi cảm ơn chị rồi. Tôi bảo vệ chị ấy để chị ấy nhận được bông lúa vàng. Nhiều người chửi: ai kêu mày dạy khôn mày bảo vệ nó làm chi, tao đập cho nó chết. Thành ra tôi muốn nói như vậy, bây giờ chị này sống lại và đúng là cái người đang nhập kinh doanh phân bón nhiều nhất ở miền Nam là chị này. Năm nay Urê không thể làm gì nổi 10 triệu tấn và chính nhờ chị ấy mới bình ổn được phân cho Việt nam. Mà vừa rồi, ai báo các anh em đang dư phân mà chị ấy dám coi tụi tôi trên diễn đàn của anh Nguyễn Trường Phước và cái không cần lại dư, cái cần lại thiếu. Tại năm vừa rồi, kaly thì ổn định, có lời, các doanh nghiệp nhập cho có khác vì giao quyền cho Tỉnh rồi. ông tỉnh ở tầm vĩ mô, đâu phải ông Bộ thương mại ở tầm vi mô, nhập quá nhiều kaly, nhưng Urê lại thiếu. Rõ ràng là thiếu, cũng may chị này nhập nhầm mấy trăm ngàn tấn. Hiện tại chị ấy đang dự trữ trên 100 ngàn tấn để chị ấy giúp trong khi Bộ nông nghiệp đang khuyến khích các doanh nghiệp nhập phân đang nằm ở cảng, vài bữa nữa là có. Điều này để nói chiến lược của chúng tôi đây, tôi buồn cho các doanh nghiệp. Tại làm sao các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các đồng chí vỗ tay trăm phần trăm, tivi quay tối ngày, ký tên, xúc cát, động thổ, hoan nghênh, vỗ tay còn doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác liên doanh lại đánh. Nước ngoài gặp nhau giống như là được của chứ đâu có biết sau buổi lễ kết hôn đó bao nhiêu cuộc tình duyên tan rã. Người Việt nam ở với Tây nhiều khi đâu có hợp, còn Việt nam quen hơi nước mắm lâu rồi. Tôi muốn nói khi thấy một doanh nghiệp quốc doanh đỡ đầu cho một doanh nghiệp tư nhân thì bắt đầu hỏi một câu: không biết có gì không? tại sao làm ăn lớn như vậy? Tôi cũng đã phải có một bản giải trình cho thành uỷ thành phố HCM. Tôi cũng bị mang tai tiếng nhiều khi tôi làm như chị này nhưng tôi chỉ có một câu: không ăn ai một đồng, chẳng ai dám leo đầu mình ngồi, ai giật tôi một đồng lúc đó tôi nhờ hình sự hoá, nhờ các anh tư pháp giúp em đòi lại. Còn ăn của người ta rồi, ngậm họng đâu dám nói. Tôi muốn nói một câu, ở đây muốn có sự chân chính. Tôi chỉ nói một câu thôi: con người. Nếu các đồng chí phụ trách các cơ quan pháp luật phải có trình độ thực sự, bản lĩnh trình độ, nghiệp vụ thực sự thì khi các đồng chí tiếp nhận các thông tin và xử lý chính xác thì giúp cho các đồng chí lãnh đạo cấp trên xử lý vấn đề thì lúc đó các doanh nghiệp mới nhìn các đồng chí phụ trách hình sự là những người bạn đồng hành, những người bạn thân thiết của chúng tôi chứ còn nếu chúng ta gặp các anh phụ trách pháp luật mà đến thì chúng ta toàn là sợ như những hung thần. Tôi muốn nói các đồng chí phụ trách pháp luật cần tạo điều kiện làm sao để cho các doanh nghiệp chúng tôi là chỗ dựa tinh thần vững chắc, hay là mỗi lần các đồng chí đến thăm sức khoẻ tụi em ngao ngán lắm. Bay giờ chưa gì, các anh hỏi thì nói xa nói gần thôi, nhưng không biết đến ngày nào còng tay, mà tôi nghĩ mình làm việc vì Đảng, vì dân, vì đất nước, chẳng hề tư lợi cho túi cá nhân thì chắc pháp luật cũng biết (như hồi nãy đồng chí chủ tịch nói pháp luật sẽ soi xét bằng cách khi làm pháp luật hình sự đừng vì định kiến cá nhân với người ta hoặc bạn bè thân tộc hợp lại rồi ra tay dùng đũa thần của pháp luật để giết chết tuị tôi hết. Làm pháp luật là phải rất công tâm và đầy đủ trình độ. Thưa các đồng chí, sống theo Hiến pháp và pháp luật, tôi cũng sợ mình vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang phải cho 11 cán bộ trong đơn vị đi học luật và chính bản thân các anh thực hiện luật pháp lại quan sát, nắm luật này để giám sát, kiểm tra chúng tôi cũng như vậy. ở đây tôi cũng may mắn nhiều anh làm pháp luật tin tưởng tôi lắm. Có những anh em nắm thông tin đúng là tuyệt vời và trình độ rất giỏi. Thành ra khi các anh hỏi tôi cái này đúng không chị Ba. Tôi bảo đúng. Có những anh tội nghiệp lắm, không hiểu gì hết, lại hỏi tôi và tôi phải giải thích. Tôi là giới doanh nghiệp với nhau tôi hiểu thành ra cũng được các anh rất tin tưởng nên khi có vấn đề gì thắc mắc, các anh hỏi tôi, cái gì đúng tôi nói đúng, cái gì không đúng tôi bảo không đúng. Điều đó chứng tỏ, trong ngành làm pháp luật chúng ta, cần phải học thêm, đào tạo vững vàng hơn nghiệp vụ để khi các đồng chí nắm được thông tin, xử lý thông tin để cho lãnh đạo kết luận công hay là tội để đỡ oan khiên cho chúng tôi. Có nhữn cái các đồng chí làm rất đúng, nhưng có những cái các đồng chí cũng làm lắm nỗi oan khiên, giữa công và tội chỉ có một cọng chỉ thôi, lật qua bên này là công mà lật qua bên kia là tội. Thú thật với các đồng chí làm công tác tư pháp ngồi ở đây, hiện tại làm doanh nghiệp chúng tôi ngao ngán lắm. Các đồng chí tư nhân làm cực khổ thì vợ, chồng, con cái còn được hưởng nhưng chúng tôi làm quốc doanh, công thì nhà nước điều phối hết và tội thì giám đốc chịu thành ra bây giờ làm giám đốc quốc doanh chúng tôi ngao ngán lắm . Hồi đó tôi hăng lắm, muốn làm nhiều, làm sao ích nước lợi dân, nộp ngân sách nhiều cho đất nước, làm nhiều ai ăn ai hưởng, có cái gì bị rầy bị la rồi bị truy cứu pháp luật, thành ra tôi nghĩ lỡ leo lưng cọp bấy nhiêu thôi, bây giờ cố gắng củng cố, đào tạo cán bộ trong công tác quản lý và thực hành pháp luật. Thành ra do đó có một số dư luận ác độc là ganh tỵ, bôi nhọ cũng làm cho nản chí những người nhiệt tình. Nhà nước chúng ta có chính sách gì để động viên an ủi và khen thưởng đúng công cho những người giám đốc quốc doanh có công đối với đất nước. Có còn hơn không có, ngoài đồng lương và được thưởng cuối năm mấy tháng. Cũng như chị Giầu nói: mấy doanh nghiệp tư nhân cũng như quốc doanh nhiều khi nói róc, tại vì nói thật lỗ thì đâu có tha, bắt đầu hỏi thăm sức khoẻ, và phải nói cố gắng lời lời. Sự thật các công ty nước ngoài tại sao người ta dám nói lỗ. Một doanh nghiệp nói lỗ, lỗ khách quan hay chủ quan do tình hình như thế nào và tạo cơ hội để người ta tiến tới chứ, nào bắt đầu có bệnh là bóp mũi cho nó chết, phải đổ thuốc cho nó sống và nó phát triển đi tới. Chúng ta đang ở tình trạng như thế này nên ai cũng ngao ngán hết. Trên đây là một số ý kiến tôi cũng xin phép được đóng góp trong hội nghị.

 

5. Bài phát biểu của Bà Trương Thị Hoà- Luật sư - đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

 

Kính thưa quý vị trong đoàn chủ trì Hội nghị

Kính thưa toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị

Tôi xin được phép phát biểu ba vấn đề. Vấn đề đầu tiên là tôi muốn phát biểu, theo tôi suy nghĩ, yêu cầu đầu tiên tại diễn đàn này nó cần thiết như thế nào trong cuộc sống hiện nay. Vấn đề thứ hai, tôi muốn đề cập đến lĩnh vực nguyên nhân của chuyên đề này và vấn đề thứ ba là một số giải pháp giải quyết vấn đề hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Trước hết tôi rất đồng tình về lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch Phòng TM & CN Việt nam về mục đích chúng ta tổ chức diễn đàn này. Và tôi nghĩ rằng trong giới kinh doanh cũng như trong xã hội chúng ta nói chung, tiếng vang của sự thành công trong diễn đàn này tại Hà nội đã để lại cho nhiều người niềm phấn khởi và cảm thấy rằng cần phải tham gia góp ý kiến vào trong chuyên đề này.

Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, không phải chỉ có vấn đề là đang có vấn đề hình sự hoá. Thật sự chúng ta phải nhìn nhận rằng có vấn đề hình sự hoá mặc dù nó chỉ nằm trong một số trường hợp, một số lĩnh vực nào đó nhưng chỉ với bao nhiêu đó cũng làm cho chúng ta nhức nhối rồi. Nhưng tôi cho rằng một nhu cầu còn cần thiết hơn nữa là vì chắc mọi người trong hội trường này đều thấy rất rõ là BLHS năm 1999 có thêm rất nhiều tội danh mới. Trong những tội danh này nó có liên quan đến giao dịch dân sự, giao dịch kinh tế trong đó tôi giả dụ những vấn đề về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, những vấn đề liên quan đến quảng cáo, những vấn đề về môi trường đều là những vấn đề rất thiết thân đến những nhà kinh doanh. Tôi cho rằng ở đây rất đồng tình là không phải Quốc hội chúng ta hình sự hoá những vấn đề trong quan hệ kinh tế hay quan hệ dân sự vì nhà làm luật cảm thấy rằng cho đến tình hình hiện nay thì cần phải có những hành vi nào đó trong xã hội cần phải đưa vào pháp luật hình sự để bảo vệ xã hội này như thế nào. Tôi cho rằng khi triển khai thực hiện những điều trong BLHS thì nó không chỉ dừng lại ở những tội danh như lúc nãy mà tổng thư ký VCCI đã nói những tội danh hiện nay đang có là tội lừa đảo, tội lạm dụng tín nhiệm, tội sử dụng trái phép tài sản, tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi cho rằng nhiều tội danh mới nếu chúng ta không kịp thời thì trong quá trình thực hiện các tôị danh này sẽ có thêm nhiều tội danh có thể thành hình sự hoá. Tôi cho rằng diễn đàn này VCCI kết hợp với Bộ tư pháp đã tổ chức rất kịp thời để ngay từ đầu chúng ta có sự chuẩn bị tốt trong dịp triển khai thực hiện những tội danh mới để không có vấn đề hình sự hoá trong những tội danh mới này. Tôi cho rằng điều đó rất cần thiết đối với môi trường pháp lý cho các nhà kinh doanh của chúng ta. Vì vậy tôi cũng kiến nghị rằng cần phát huy thêm diễn đàn này và tôi cũng tha thiết mong (vì qua sự giới thiệu của chị Hương trong Ban tổ chức cho biết hôm nay có rất nhiều vị đại diện cho các cơ quan ở Trung ương, cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh này) các vị sẽ thấy rõ ràng trong vấn đề triển khai áp dụng BLHS vào thực tiễn. Những cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm như thế nào để không đi vào vấn đề có thể tạo điều kiện cho một số người lợi dụng để mà hình sự hoá. Nhân đây tôi cũng xin thưa trong BLHS kỳ này cũng hết sức quan tâm đến vai trò của cơ quan. Vì vậy tôi thấy trong BLHS có quy định rất rõ các cơ quan phải có trách nhiệm làm sao để kịp thời ngăn chặn những điều kiện , môi trường có thể xảy ra tội phạm. Điều này bản tổng kết của Tổng thư ký VCCI cũng đã nói chính một số cơ quan do mình cũng không quan tâm cho nên đã để ch một số người lợi dụng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tạo ra vấn đề hình sự hoá. Tôi cho rằng điều này hết sức là quan trọng. Vì vậy đặc biệt ở đây những cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, VKS, Toà án....Tôi muốn đề cập đến yêu cầu này là tôi muốn nhìn xa hơn nữa do thực hiện BLHS mới của chúng ta mà sẽ tạo ra trong xã hội của chúng ta một số tội danh mới. Tôi tha thiết mong rằng có nhiều Hội thảo nữa làm rõ vấn đề này. Tôi tha thiết mong hơn nữa những cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ tìm thấy rõ trong BLHS những điều luật nào có thể tạo thành hình sự hoá, vấn đề dân sự hay kinh tế. Ngược lại, chính các doanh nghiệp phải là những đơn vị nhìn thấy vấn đề như thế nào dó để góp phần ngăn chặn. Vì một mặt, cơ quan tự ngăn chặn trong cơ quan mình, mặt khác bị tác động vào. Như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện như thế nào. Và tôi rất đồng tình với chị Giầu đó là Phòng TM & CN Việt nam sẽ là đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp nói lên tiếng nói như thế nào đó để tránh bớt đi những vấn đề hình sự hoá, dân sự hoá trong cuộc sống của chúng ta. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai cũng liên quan đến vấn đề thứ ba. Tôi hết sức đồng tình với bản tổng kết của Tổng thư ký VCCI về sáu nguyên nhân và chín giải pháp qua Hội thảo ở Hà nội. Tôi cho rằng nhìn qua sáu nguyên nhân và chín giải pháp đó thì dù chúng ta có suy nghĩ nội dung nào và nếu đưa vào thì nó cũng nằm gần như là chung với sáu nguyên nhân và chín giải pháp đó. Theo tôi, tôi chia sáu nguyên nhân và chín giải pháp đó thành ba nhóm:

+ Nhóm thứ nhất thuộc về pháp luật tức là hành lang pháp lý. Đó là hoàn thiện pháp luật, đầy đủ pháp luật vì chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền theo như Điều 12 Hiến pháp 92 là xây dựng, quản lý nhà nước theo pháp luật và bằng pháp luật. Đó là nhóm đầu tiên.

+ Nhóm thứ hai, tôi cho rằng liên quan đến vấn đề cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thực thi pháp luật và những viên chức nhà nước trong các cơ quan đó.

+ Nguyên nhân thứ ba tôi cho rằng là chính những con người liên quan đến những mối quan hệ này cũng đã tạo nên những sự việc đó trong đó cũng có những nhà doanh nghiệp. Với tư cách là một luật sư, tôi đã từng gặp những nhà doanh nghiệp cứ muốn hình sự hoá, cứ muốn dân sự hoá.

Theo tôi, quả thật pháp luật của chúng ta ngày càng hoàn thiện nhưng hện nay đang có nhiều điều luật chưa rõ ràng. Tôi rất đồng tình với tập tham luận của hội thảo tại Hà nội, có tham luận của anh Nguyễn Văn Hiện là Chánh án TANDTPHN. Tôi cho rằng bài tham luận đó rất có giá trị từ tư cách trước đây là thẩm phán TANDTC đến nay là chánh án toà án nhân dân thành phố Hà nội đã thấy được vấn đề hình sự hoá, những vấn đề kinh tế dân sự nó như thế nào. Tôi rất đồng tình rằng hiện nay rất nhiều khái niệm về pháp luật hình sự của chúng ta chưa rõ ràng, hướng dẫn không rõ ràng khiến cho những kẻ xấu (tôi nói là những kẻ xấu chứ còn người tốt thì làm hết lòng. Tôi được biết có nhiều người điều tra, nhiều kiểm sát viên hết sức đâu đầu trong quá trình điều tra) lợi dụng kẻ hở của pháp luật để vi phạm pháp luật. Điều đó cũng có trong xã hội. Như vậy tôi muốn nói rõ ràng rằng hiện nay nhiều khái niệm trong pháp luật của chúng ta không rõ ràng. Ví dụ chiếm đoạt tài sản, nhưng thế nào là chiếm đoạt tài sản. Ví dụ ở đây chúng ta còn chưa rõ ràng ở chỗ có chiếm đoạt bất động sản hay không. Có người quan niệm không có chiếm đoạt bất động sản mà chỉ có chiếm đoạt động sản thôi. Ví dụ một người có gian dối giấy tờ quyền sở hữu thì cũng đâu có ôm hết căn nhà được. Tôi nghĩ còn tiền vàng của người ta mình đem vào người của người ta tức là động sản thì chúng ta chiếm đoạt vào trong người của chúng ta nó dễ. Cho nên tôi nghĩ tất cả những khái niệm cơ bản, nguyên tắc cơ bản đó của chúng ta chưa rõ. Theo tôi hiện nay ở đây chúng ta phải hết sức chú ý BLHS bảo vệ những cái gì có thể hữu hình nhưng đồng thời bảo vệ những cái gì vô hình. Và hiện nay chính BLHS mới của chúng ta phát triển những cái đó. Bảo vệ những cái vô hình đó là quyền sở hữu trí tuệ. Bảo vệ những cái vô hình hết sức quan trọng đến con người trong đó có nhà kinh doanh, đó là danh dự, nhân phẩm, uy tín của người ta. Phải tăng cường bảo vệ nó. Chính chúng ta quan tâm đẩy mạnh sự bảo vệ này thì BLHS mới không bị người ta lợi dụng để hình sự hoá về những vấn đề kinh tế dân sự. Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng. Làm rõ sự việc nàytrong quá trình thực hiện BLHS mới thì chúng ta sẽ bớt đi những vi phạm trong lĩnh vực hình sự hoá. Tôi cũng cho rằng trong vấn đề nguyên nhân, có một nguyên nhân mà lâu nay chúng ta không quan tâm lắm. Đó là trong quá trình thực hiện, chúng ta không có bộ phận giám sát, tức kiểm tra, xem xét lại dù trong cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát thì cũng phải xem xét lại như thế. Đây là chức năng giám sát, đẩy mạnh sự giám sát trong quá trình thực hiện. Có những cái pháp luật của chúng ta hết sức cũ rồi mà chúng ta không kịp thời bổ sung, sửa đổi. Ví dụ Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự. Nó đã có từ ngày 4/4/1989, đến nay đã gần 12 năm, có nhiều vấn đề nó cần phải bổ sung, nhiều người góp ý kiến nhưng chúng ta cũng khong kịp thời làm. BLTTHS, BLHS của chúng ta có bổ sung, sửa đổi nhưng mà tổ chức để điều tra hình sự thì chúng ta lại dừng lại ở năm 1989 là những năm chúng ta mới bắt đầu đổi mới. Cho nên hiện nay, tổ chức điều tra hình sự nhìn theo Pháp lệnh đó thì cũng rất chung chung. Vì vậy mới có thể phát sinh ra những vấn đề tiêu cực khi người ta lợi dụng làm hình sự hoá. Bên cạnh đó tôi cũng cho rằng trong vấn đề nguyên nhân, tôi đi vào những vấn đề hết sức cụ thể. Ví dụ về pháp luật tôi thấy nhiều người nói nhưng khi tôi làm luật sư tôi thấy có những vấn đề như thời hiệu khởi kiện trước toà kinh tế chỉ có 6 tháng. Khi hết thời hiệu đó rồi, người ta chuyển qua hình sự. Tại vì 6 tháng 1 ngày thì cũng không có cho nếu không có lý do chính đángđể xem xét thời hệu còn hay không. Nếu thời hiệu không còn nữathì quá 1 ngày người ta cũng đưa qua hình sự. Một vấn đề nữa, hiện nay nếu theo HĐKT thì 6 thngs, nhưng HĐTM luật thương mại quy định là 2 năm. Như vậy pháp luật của chúng ta chuệch choạc ở chỗ này. Bên cạnh đó dân sự cũng vậy. Pháp lệnh về HĐDS cho thời hiệu khởi kiện chỉ có 3 năm. Hiên nay có nhiều người có những món tiền, có những vấn đề của thời hiệu đó nhưng thời hiệu không còn để khởi kiện. Người ta cũng yêu cầu đưa qua hình sự để người ta hông bị mất tiền đó. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét. Thời hiệu là vấn đề hết sức quan trọng. Sáu tráng một ngày mất hết tiền thì thôi đưa qua hình sự cho rồi.

Vấn đề tiếp theo, hiện nay chúng tôi thấy có những quy định mà làm cho người ta phải hình sự hoá các quan hệ dân sự. Đó là từ ngày BLDS có hiệu lực tức ngày 1/7/1996 thì những hụi mà tổ chức sau ngày 1/7/1996 thì toà không thụ lý giải quyết. Cho nên người ta cũng đưa qua hình sự để nói nợ nần như thế nào đó, viêt giấy nợ.... Đó cũng là những cái do luật dân sự quy định không đầy đủ, không kịp thời nên người ta chuyển qua hình sự vì thời gian của hình sự sẽ dài hơn, hình sự sẽ có những yếu tố khác mà người ta có thể áp dụng trong trường hợp của người ta.

Nhân đây tôi cũng xin thưa, như chúng ta biết hiệu lực của việc xét xử cũng rất quan trọng và chính hiện nay có nhiều người khi ký HĐ nói rằng đưa trung tâm trọng tài quốc tế. Đây là trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng TM & CN Việt nam. Và trung tâm trọng tài xử xong không có thi hành được, không có hiệu lực thi hành cho nên người ta nói đưa qua trung tâm trọng tài làm gì, đưa qua hình sự cho rồi. Đây là vấn đề hiệu lực trong giải quyết. Tôi nghĩ đó là vấn đề hết sức cụ thể trong pháp luật của chúng ta khiến chúng ta phải kịp thời sửa chữa, nếu không chúng ta sẽ đi vào con đường này thôi. Bên cạnh dó, pháp luật về hình sự có nói những tội phạm như tội vu khốngnhưng các anh các chị có thấy rằng chúng ta xử được mấy người về tội vu khống. Hay chúng ta có những tội như lạm dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền khi thi hành công vụ nhưng chúng ta xử được mấy người. Chúng tôi nghĩ rằng để tránh tình trạng này, chúng ta phải hết sức nỗ lực thực hiện những điều luật nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người. Nhân đây tôi cũng muốn nói con người có bị thiệt hại về tài sản thì có thể cân, đo, đong đếm được nhưng những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín thì không thể cân đo được. Hiện nay có bồi thường nhưng bồi thường là bao nhiêu. Tại sao chúng ta không có khái niệm đồng bạc danh dự. Người đó bị như thế nào đó thì đền bao nhiêu tiền người ta cũng cảm thấy đâu có xứng thời gian người ta ở trong tù. Cũng giống như có người tổng kết: bị liệt một cái chân thì người bắt giam sai có bị liệt lại chân hay không như người xưa nói ăn miến trả miếng. Như vậy ở đây không có cái đó thì người ta có đồng danh dự, tại sao chúng ta không có khái niệm một đồng danh dự đó. Người nào đó, bị gì đó được bồi thường một đồng danh dự rồi, một đồng danh dự nó mênh mông, tượng trưng cho mọi sự thiệt hại của người ta như thế nào. Tôi nghĩ chúng ta có những khái niệm tại sao không áp dụng vào trong pháp luật. Bên cạnh đó tôi thấy như thế này: chúng ta không xử nghiêm và đúng như đề nghị ở Hội thảo tại Hà nội là tại sao chúng ta không bồi thường thoả đáng mà hiện nay cứ phải sự thiệt hại đó là có thật, bắt người ta chứng minh sự thiệt hại. Rất khó chứng minh, thiệt hại về tài sản chứng minh đã khó rồi huống hồ là thiệt hại về danh dự nhân phẩm. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần phải quan tâm để tránh được hình sự hoá.

Về vấn đề giải pháp

 

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật là một điều hết sức quan trọng. Mà hoàn thiện pháp luật không chỉ từ xây dựng pháp luật trong quy định chung của Quốc hội mà chính ở chỗ là người hướng dẫn thực hiện, những cụ thể trong thực hiện như thế nào. Tôi nghĩ rằng Nghị quyết Đại hội 8 của Đảng đã nêu rất rõ: từng bước khắc phục dần xây dựng pháp luật khung để đi vào pháp luật cụ thể. Chúng ta sẽ khắc phục điều đó. Nhưng tôi cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ quan tâm đến ngành của mình về những hướng dẫn cụ thể như thế nào để thực hiện tốt pháp luật của chúng ta.

Trong việc xử lý các tội phạm, nên chú ý ở chỗ: giam hay không giam là một cái rất quan trọng. Cho nên chúng ta phải chú ý: không cần giam, nếu có thể không giam được thì nên không giam chứ đừng đi vào chỗ là sợ người ta mất nên giam. Cái quan điểm trong xử lý của cơ quan điều tra, dù rằng được mời đến cơ quan điều tra người ta cuĩng đã sợ rồi nhưng mà giam người ta càng khổ hơn nữa. Nhân đây tôicũng xin thưa: khi nãy Tổng thư ký VCCI có nói rằng từ giai đoạn khởi tố đã khởi tố sai nhưng tôi cho rằng trước khởi tố chúng ta chưa bảo vệ người ta. ở văn phòng tôi có một ông đưa sui gia của ông ấy đến trông người hết sức tiều tuỵ vì căn nhà không biết vì sao người ta nói là gian lận, lừa đảo muốn chiếm đoạt phầm căn nhà mua ít mà nói nhiều...ông này bị đòi hơn 50 lần mà đòi 50 lần thì sẽ trở thành con người đau tim luôn. Tôi hỏi giấy mời đâu, thư mời đâu? ông ấy bảo không có mà cứ gọi điện thoại bảo đến. Tôi muốn nói đến thủ tục mời của cơ quan điều tra, nếu mời người ta thì phải có thư mời. Giả dụ chúng ta quy định rất rõ nếu mà mời đến phải có thư mời thì dứt khoát không có chuyện mời bằng điện thoại. Nhiều người đến hỏi tôi là ông công an gọi điện thoại đến, bây giờ có đến hay không? Không đến thì sợ mai này có chuyện còn đến thì kỳ quá, tại sao thủ tục mời lại bằng điện thoại. ý tôi muốn nói: người được công an mời rất lo lắng mà bây giờ cứ điện thoại mời người ta. Đây là chuyện phải nên xem xét tức là có những cái chưa có quy định trong BLTTHS tức là có những vấn đề chúng ta cần quán xuyến ở đây. Tôi nghĩ rằng hội luật gia Việt nam rất quan tâm đến vấn đề này. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Nhà nước pháp quyền cũng chính là cơ quan nhà nước và cán bọ nhà nước chỉ được quyền làm cái gì mà pháp luật cho phép thôi. Như vậy pháp luật cho phép anh có thư mời người ta, trong trường hợp nào thì mời người ta...Tôi thấy việc xử lý tin báo về tội phạm là rất quan trọng. Cái này BLTTHS có quy định. Tôi kiến nghị cơ quan điều tra, VKS xem xét việc xử lý tố giác của người ta, xử lý tin báo về tội phạm như thế nào để người khác không bị khổ. Hiên nay người ta hình sự hoá bằng cách người ta tố cáo, tố giác như thé nào đó. Nếu chúng ta xử lý không tốt thì chúng ta sẽ đi vào vấn đề hình sự hoá.

Một vấn đề nữa tôi thấy rằng cũng rất quan trọng là chúng ta cho các doanh nghiệp Việt nam bước cả hai chân vào nền kinh tế hàng hoá mà những luật chơi trong nền kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường chúng ta không áp dụng. Chúng ta có luật phá sản doanh nghiệp nhưng các anh các chị thấy có được bao nhiêu doanh nghiệp phá sản. Điều đó hết sức quan trọng. Cho người ta phá sản một cách đúng đắn như thế nào mà dễ dãi đi chứ bây giờ phá sản khó quá cho nên làm ăn thua cũng không dám, như các doanh nghiẹp nói rất đúng là lỗ cũng không dám nói lỗ. Văn phòng luật sư của tôi lỗ nhưng chúng tôi cũng không dám nói lỗ, cũng phải lời chút đỉnh vì lỗ khong được, cơ quan thuế không cho mình lỗ. Tôi nghĩ đó là một sự bất công. ở đây không chỉ có doanh nghiệp đâu, ngay cả luật sư làm doanh nghiệp cũng bị điều đó. Tại sao luật doanh nghiệp không cho phép áp dụng một cách dễ dàng. Đó là luật chơi trong kinh tế thị trường. Người ta phá sản theo đúng luật còn mình phát hiện ra vấn đề gì thì tôi cho rằng đến lúc mình nói tại sao thua lỗ lại không phá sản. Tại phá sản khó quá nên làm sao phá sản được. Cho nên người ta cứ kéo theo như vậy thành ra lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Tôi kiến nghị việc áp dụng luật phá sản này phải dễ dãi hơn trong khuôn khổ pháp luật. VCCI nên hết sức quan tâm đến vấn đề thực hiện luật phá sản đối với các doanh nghiệp của Việt nam chúng ta, nếu không nhiều doanh nhiều doanh nghiệp sẽ chết chứ không phải 1, 2 doanh nghiệp đâu.

Vấn đề sau cùng, tôi cho rằng hiện nay, một giải pháp hết sức quan trọng đó là con người. Xin các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm đến vấn đề trau dồi đạo đức. Nhưng ngược lại, phía doanh nghiệp cũng phải có trình độ. Tôi nói rõ ràng: khi chúng ta bước vào sân chơi là phải chấp nhận luật chơi. Ví dụ chị Giầu nói UCP 500. Chúng ta chấp nhận ký vào đó chúng ta phải biết UCP 500 nó như thế nào, khi chứng từ như thế nào thì phải trả tiền đây. Nhưng mà mình chọn UCP 500 chứ mà chọn 400 thì còn bị kẹt nữa. Như vậy trong HĐKT, người làm doanh nghiệp phải biêt để quy định trong HĐKT như thế nào. Tôi cho rằng: trình độ, năng lực, đạo đức của người làm công tác bảo vệ pháp luật và cả đạo đức của nhà kinh doanh. Chúng ta nên phát động trong xã hội vấn đề đạo đức để những nhà kinh doanh thấy rằng phải cố gắng giữ gìn đạo đức như thế nào.

Trong tình hình hiện nay, tôi rất đồng tình với các doanh nghiệp là hình như xã hội nhìn các nhà doanh nghiệp chưa gì đã thấy xấu trước. Tôi nghĩ nên vì người tốt chứ không phải vì người xấu. Pháp luật cũng nên vì người tốt, không làm bất lợi cho người tốt. Người nào xấu chúng ta sẽ trừng trị còn chúng ta phải nhìn người ta là tốt.

Tôi cũng có một vài ý kiến như vậy với tất cả suy nghĩ của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ hội nghị của chúng ta sẽ đem đến một tiếng vang, đem đến sựthành công. Đây cũng là làm ổn định tâm lý của người kinh doanh trong tình hình hệ nay. Bên cạnh môi trường pháp lý, sự ổn định tâm lý cũng là một điều hết sức quan trọng. Vì vậy, tôi cho rằng, chuyên đề này là làm hoàn thiện môi trường hành lang pháp lý cho nhà kinh doanh và làm ổn định tâm lý cho nhà kinh doanh khi thấy rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật, khi thấy VCCI, Bộ tư pháp có quan tâm đến vấn đề làm sao cho nhà kinh doanh được thuận lợi và được công bằng trong xã hội.

Xin chân thành cảm ơn Hội nghị.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6. phát biểu của ông Trần Đăng Dũng - Công ty tư vấn pháp luật Tân Việt (Vietlaw. t.P Hồ Chí Minh)

 

Tôi đã trăn trở rất nhiều với tư cách thành viên hội luật gia của thành phố. Nhưng vai trò của chúng ta rất mờ nhạt. Về định chế chúng ta có nhưng về chất chúng ta chưa dám mạnh dạn, chưa dũng cảm phát huy những định chế chính trị đó. Thành ra nhiệm vụ còn lại là chúng ta cần phải làm rất tốt và chuyển biến tốt về chất lượng trong từng con người trong các định chế đó. Tất nhiên tôi chỉ tập trung trong định chế bộ phận luật gia, luật sư và các chuyên viên tư vấn pháp luật mà chúng tôi lát nữa đây sẽ trình bày rất rõ chúng ta có thể ngăn chặn được tình trạng đó.

Chúng tôi đến đây chúng tôi vừa mới thoát ra khỏi vụ hình sự hoá quan hệ dân sự trong ngành giáo dục. Tôi chỉ lướt qua để nói với quý vị đó là vụ Trường Việt Anh. Vụ việc này thật sự rất đơn giản, chỉ trong một tuần lễ có thể nhận định được thế nhưng lại kéo dài 7 tháng trời. 11 tờ báo, 1 đài phát thanh, một viện nghiên cứu giáo dục, một đại biểu quốc hội tham gia và gây nhiễu loạn tất cả các tình huống. Tôi muốn trở lại vấn đề, nếu chúng ta hình sự hoá quan hệ dân sự như vậy sẽ có tác dụng rất xấu đến hoạt động xã hội. Chúng tôi với tư cách là chuyên viên tư vấn pháp luật, chúng tôi thấy để có giải pháp nằm ngay trong giải pháp thứ 7 mà phía VCCI đã tổng kết trong hội nghị: chúng ta nên phát triển sử dụng ngay các hình thức luật sư, luật gia và các chuyên viên tư vấn pháp luật chuyên nghiệp. Làm được điều này chúng tôi nghĩ sẽ ngăn chặn được trước mắt trong khi chờ các công việc sửa soạn luật pháp kia phát huy được hiệu quả của nó. Khách hàng công ty tư vấn Tân Việt chúng tôi khi người ta đến yêu cầu chúng tôi giúp đỡ, điều đầu tiên chúng tôi lấy lại sự tự tin cho họ. Các doanh nghiệp rất thiếu tự tin trước các cơ quan điều tra. Dù chúng tôi có dặn dò họ đến mấy nhưng cứ đứng trước cơ quan điều tra là lập tức họ hồn xiêu phách lạc, không còn nhớ điều mình dặn. Có nhiều doanh nghiệp yêu cầu chúng tôi đi tham dự buỏi làm việc, khi gặp chúng tôi, cán bộ điều tra hỏi: người này là ai?. Khi nói chúng tôi là chuyên viên tư vấn, luật gia, luật sư, các anh điều tra bảo: " hôm nay thôi làm việc". Cứ như vậy, khi chúng tôi không xuất hiện thì họ lại tiếp tục làm việc với khách hàng. Thành ra chúng tôi muốn đề nghị và chúng tôi nghĩ rằng: điều này chúng ta có tức luật gia, luật sư, chuyên viên tư vấn cần có mặt trong buổi làm việc. Tôi xin hỏi thẳng quý vị doanh nghiệp ở đây, rất nhiều doanh nghiệp lớn quý vị đã có luật sư, luật gia, chuyên viên tư vấn pháp luật ở bên cạnh trong hoạt động doanh nghiệp của quý vị chưa? Rất nhiều doanh nghiệp, lớn cũng có, nhỏ cũng có không sử dụng hình thức này. Trong cuộc Hội thảo ở bên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cách đây 4 năm tôi đã đề nghị rằng: nên làm sao doanh nghiệp có các chuyên viêc tư vấn pháp luật chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh của họ. Dĩ nhiên EPCO, Nguyễn Văn Mười Hai đều có các luật sư chuyên nghiệp nhưng không có nghĩa là làm đúng pháp luật. Nhưng dù sao chúng ta nên sử dụng ngay họ. Có doanh nghiệp nhỏ nói với tôi rằng chuyên viên tư vấn pháp luật hoặc luật gia, luật sư muốn nhưng cơ quan thuế không cho. Họ bảo doanh nghiệp nhỏ cần gì luật gia, luật sư. Tôi không biết điều đó có đúng hay không nhưng chúng tôi nói rằng nếu mà quý vị thử sử dụng các chuyên viêc tư vấn pháp luật thì quý vị sẽ thấy rất an tâm trong hoạt động kinh doanh của mình. Đây là giải pháp chúng ta có thể thực hiện ngay được trong tầm tay của quý vị. Qua đây chúng tôi cũng muốn nói Pháp lệnh luật sư sắp tới lại cũng bịì hoãn bởi cũng lại có những kiến nghị tiếp theo. Tôi muốn làm sao trong một chừng mực nào đókhi chưa có luật, làm sao các văn phòng tư vấn pháp luật phát huy được hiệu quả của nó. Trước năm 1996, thành phố chúng ta có một vài công ty tư vấn nhưng bây giờ các công ty tư vấn trong và ngoài nước rất nhiều. Đội ngũ luật sư chưa đủ và bên cạnh đội ngũ luật sư đó còn có những luật gia chuyên nghiệp. Trước đây họ là những người hoạt động trong ngành tư pháp từ TANDTC, VKSNDTC và chúng tôi đã hợp tác với nhiều luật sư lão thành để giúp đỡ cho khách hàng của mình. Và khi họ đến với chúng tôi từ những người hòn xiêu phách lạc, chúng tôi lấy lại sự tự tin cho họ. Và dần dần những sự việc nào đúng đắn phải trở về đúng sự việc của nó.

Có một chị doanh nghiệp đã nói, bây giờ chúng tôi cho cán bộ của tôi đi học luật mười mấy người. Tôi xin nói điều đó tốt. Nhưng đi học luật và hành nghề luật, hai cái đó khác nhau rất nhiều. Bởi vì tính chất tổng hợp trong vụ kiện rất là lớn. Thành ra nếu chúng ta chỉ đi học thôi, học mà không có hành thì khi gặp sự việc của mình cũng không giải quyết được. Tôi chưa phải là luật sư nhưng tôi là luật gia, hoạt động trong hội luật gia và hiện mở công ty tư vấn luật trong dân sự cũng như trong đầu tư. Tôi thấy khi các doanh nghiệp đến với chúng tôi, họ lấy được sự tự tin và chúng tôi truyền cho họ sự tự tin trong hoạt động kinh doanh. Quý vị doanh nghiệp không nên ngại thuê mướn luật gia, luật sư là tốn chi phí, họ cũng là kế toán viên, họ cũng là nhân viên như quý vị nhưng thời gian làm việc không có thường xuyên được. Chúng ta nên phòng bệnh hơn là chờ đến lúc chữa bệnh. Những vụ kiện xảy ra thì lúc đó đã bệnh rồi. Có bệnh mới đi tìm bác sĩ thì luật sư dù có giỏi đến mấy cũng vẫn có vấn đề như thường. Thành ra chúng tôi đề nghị quý vị doanh nghiệp ở đây nên tự tin, nên giao phó cho các em sinh viên mới ra trường về ngành luật mặc dù các em còn non nớt nhưng qua quá trình được tin cậy thì các em sẽ trưởng thành lên rất nhiều. Hiên nay sinh viên luật tốt nghiệp đang khó kiếm việc làm. Nếu doanh nghiệp không muốn các em thì đó là một thiệt thòi cho chính các em, cho xã hội của chúng ta.

Chúng tôi trở lại sự việc này để muốn nói với các doanh nghiệp, đây chính là một giải pháp có thể ngăn chặn được tình trạng hình sự hoá. Còn những vấn đè kia, chín giải pháp và sáu nguyên nhân, tất cả chúng ta đều nắm cả rồi. Nhưng để có được một giải pháp hữu hiệu ngay và trong thực tế hàng ngày tiếp xúc với khách hàng về dân sự cũng như giao dịch kinh tế, chúng tôi thấy rằng chúng tôi đã làm được công việc đó.

Một điều rất ngặt nghèo cho các luật sư, luật gia là họ không được quảng cáo trên các phương tiện dưới bất cứ hình thức nào. Điều này rất buồn cười. Quý vị đã đến các nước khác, các vị thấy rõ quảng cáo văn phòng luật sư cũng bình thường như các văn phòng của các công ty hay bác sĩ nào đó. Thành ra các luật sư của chúng ta thường là đi chữa bệnh nhưng khong chủ động đi đến các doanh nghiệp. Toi nghĩ rằng điều này cũng có nhưng chúng ta cần làm tốt hơn nữa.

Đây là một trong những giải pháp tôi nghĩ nếu quý vị thử áp dụng sẽ đem lại hiệu quả cho quý vị ngay.

 

PHụ lục: Bài tham luận gửi tới diễn đàn của Công ty tư vấn pháp luật và kinh tế "Việt" (VietLaw).

Qua trao đổi chung trong nội bộ các luật sư và luật gia thuộc công ty tư vấn pháp luật và kinh tế Việt Nam, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến theo những nội dung Ban tổ chức đã gợi ý như sau:

I. Về khái niệm "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" và những biểu hiện cụ thể của nó mà Công ty chúng tôi đã gặp.

 

1. Chúng tôi không muốn đề cập đến lịch sử của luật hình sự trên thế giới, theo đó, càng lùi xa về quá khứ, thì càng thấy sự chi phối của Luật hình sự qua sự hiện diện của các bộ luật mà chủ yếu là hình luật vì lúc đó, người ta cũgn chưa phân biệt rõ về luật hình sự và luật dân sự, đồng thời các giao dịch dân sự, kinh tế lúc đó cũng chưa nhiều và cũng chưa phức tạp. Trong thời đại ngày nay và đặc biệt là một số năm gần đây ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, đã xuất hiện tình trạng "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" được biểu hiện như là tình trạng một số cơ quan tiến hành xử lý nhiều quan hệ xã hội mà tính chất của các quan hệ này là các quan hệ hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế.

2. Là một công ty tư vấn pháp luật và kinh tế cho doanh nghiệp, khách hàng, chúng tôi đã gặp một số trường hợp "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế". Chúng tôi xin được miễn nêu ra các dẫn chứng cụ thể nhưng có thể thấy rằng biểu hiện thường gặp nhất liên quan đến việc truy tố các tội hay bị lạm dụng là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, tội lừa đảo tài sản công dân, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (kể cả trường hợp doanh nghiệp bị truy tố về các tội danh này mà lẽ ra họ phải được hưởng luật phá sản).

 

II. Về những hậu quả tiêu cực của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế và pháp luật về bồi thường cho doanh nghiệp bị hình sự hoá.

1. Trước hết hậu quả tiêu cực của tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì chính sách chủ trương, mục tiêu đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta tiến tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh sẽ khiến cho cộng đồng quốc tế nghi ngại từ đó có thể dẫn đến hậu quả về mặt đầu tư và hậu quả khác. Về hậu quả tiêu cực đối với các doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp có nhiều khả năng sẽ chùn bước và giảm bớt các giao dịch dân sự, kinh tế thường có do thấy an toàn pháp lý của họ không được đảm bảo, dẫn đến hậu quả tiếp theo là môi trường kinh doanh thiếu năng động và thoái hoá do việc đầu tư sản xuất kinh doanh bị giảm sút.

2. Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp bị "hình sự hoá", trước hết chúng tôi thấy rằng khó có thể tính toán được cho đầy đủ và cụ thể những thiệt hại vật chất mà doanh nghiệp phải gánh chịu, chưa kể đến những thiệt hại về uy tín, danh dự và những nỗi khổ tâm khác về mặt tinh thần. Còn đối với pháp luật về bồi thường thiệt hại, Nghị định 47/CP ngày 15/5/1997 của Chính phủ có quy định khi các cơ quan tiến hành tố tụng và người tố tụng làm sai đều phải xử lý trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, nhưng chúng tôi rất băn khoăn về tính khả thi của Nghị định này do bản thân Nghị định chưa cụ thể và cũng chưa có thông tư nào hướng dẫn cụ thể thế nào là sai phạm (như sự kiện đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, tuyên án không phạm tội, v..v) xử lý sai phạm như thế nào (như: xử lý đối với việc tạm giam, khởi tố, truy tố, xét xử, trái pháp luật như thế nào, xử lý ai phải bồi thường và bồi thường bao nhiêu, .v..v).

 

III. Về những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

1. Trước hết là nguyên nhân thuộc về lĩnh vực lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật. Có thể thấy rằng các tội dễ bị lạm dụng là các tội lừa đảo, các tội lạm dụng tín nhiệm và tội cố ý làm trái, cụ thể là các tội danh này không được quy định rõ ràng trong BLHS do kỹ thuật lập pháp có hạn chế, ngay cả việc tổng kết thực tế cũng chưa chỉ ra được các dấu hiệu pháp lý cụ thể của từng loại hành vi phạm tội và bản thân công văn hướng dẫn của nội bộ ngành toà án cũng không có sức thuyết phục đối với ngành khác như Công an - Kiểm sát. Nói cách khác, ngoài việc BLHS chưa quy định rõ ràng về dấu hiệu của một số tội, thì bản thân hệ thống các văn bản hướng dẫn cũng chưa đồng bộ, rõ ràng, nhất quán về ranh giới giữa tội phạm hình sự và tranh chấp dân sự, kinh tế.

2. Kế đó là nguyên nhân thuộc về hoạt động áp dụng pháp luật mà cụ thể là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. ở đây, có thể thấy rằng ngoài trình độ hạn chế của một số cán bộ thuốc các ngành Công an - Kiểm sát - Toà án, còn có vấn đề thời gian giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế cũng như thời gian thi hành án thường kéo dài và các quyết định giải quyết cũng kém hiệu lực và thậm chí khó thực hiện sau khi tuyên, dẫn đến tình trạng một cá nhân hoặc một doanh nghiệp cầu viện đến sức mạnh tố tụng hình sự của cơ quan điều tra. Chưa kể một số cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng do động cơ vụ lợi đã cam tâm làm dịch vụ đòi nợ thuê bằng chế tài hình sự để hưởng hoa hồng.

3. Về nguyên nhân khác, chúng tôi cũng thấy rằng, chế độ lương hiện nay hoàn toàn chưa đảm bảo cho công chức có một đời sống tương đối khá, do vậy từ khi thực hiện đường lối đối mới đã có nhiều công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng lợi dụng sự phân định còn mập mờ giữa ranh giới hình sự và dân sự, kinh tế để hưởng lợi. Nhất là khi có điều kiện được cá nhân hoặc doanh nghiệp nào đó qua đơn khiếu nại nhờ giải quyết bằng biện pháp tố tụng hình sự trong các quan hệ hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế.

 

IV. Những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế

 

Từ những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi xin được nêu ra một số biện pháp khắc phục như sau:

1. Cần xây dựng đầy đủ các văn bản pháp luật, đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, đồng bộ trong đó có việc sửa đổi BLHS để không còn những điều khoản mơ hồ và có thêm những quy định cụ thể về căn cứ khởi tố hay không khởi tố một vụ án hình sự. Trước mắt, nên ban hành một thông tư liên tịch giữa TANDTC-VKSNDTC-BCA quy định rạch ròi về ranh giới giữa tội phạm hình sự và tranh chấp dân sự, kinh tế về việc xác định cụ thể như thế nào là hành vi chiếm đoạt và ý thức chiếm đoạt để có thể khởi tố, truy tố về mặt hình sự, về quan hệ phối hợp và chế ước giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, v..v.

2. Cần nâng cao năng lực, trình độ trong lực lượng cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường thẩm quyền và hiệu lực của hệ thống toà án hành chính để xét xử các sai phạm của công chức Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan tiến hành tố tụng.

3. Cần sớm cải tiến chế độ lương cho công chức Nhà nước nói chung và cán bộ thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng, cần có quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng làm sai cũng như cần có quy định thật nghiêm khắc về việc xử lý cụ thể đối với cán bộ làm sai như chuyển ngành, buộc thôi việc hoặc truy tố trước pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi với suy nghĩ rằng việc thực hiện pháp luật không thể không gắn liền với dân chủ và lẽ công bằng.

 

 

 

7. Bài phát biểu của Bà Trần Thị Nga- Giám Đốc công ty TNHH tư vấn và xây dựng T & Q

 

Kính thưa đại diện Bộ tư pháp

Kính thưa đại diện VCCI

Thưa các chủ doanh nghiệp và các quý vị đại biểu

Chúng tôi rất vui mừng được Bộ tư pháp và Phòng TM & CN Việt nam đứng ra tổ chức cho các doanh nghiệp được nói lên tiếng nói của mình đối với vấn đề nhức nhối lâu nay là việc các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc quá tay đã hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế làm cho các doanh nghiệp đôi khi phải ngửa mặt kêu trời. Là chủ một doanh nghiệp chưa bị quá tay nhưng đã chứng kiến một số doanh nghiệp bạn bè lâm nạn nên hôm nay tôi mạnh dạn góp ý kiến nhỏ bé của mình để các cơ quan chức năng xem xét.

Thưa quý vị! Vấn đề chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế liên tục mấy năm qua. Quốc hội và mấy ngành liên quan như TA, VKS, Bộ tư pháp, Bộ công an đã có nhiều biện pháp kiên quyết khắc phục và thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, hậu quả tan hoang của một số doanh nghiệp chưa được khắc phục, dư âm của nó vẫn làm bàng hoàng cho các doanh nghiệp chưa biết đến bao giờ. Cho nên tôi nghĩ cuộc hội thảo hôm nay rất tuyệt vời cho giới doanh nghiệp chúng tôi. Mặc dù hiểu biết pháp luật không nhiều nhưng tôi nghĩ hiện nay trong hệ thống pháp luật của chúng ta có nhiều ngành luật, trong đó mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh đặc thù, không thể dùng phương pháp điều chỉnh của ngành luật này để điều chỉnh đối tượng của ngành luật khác. Tất nhiên là giữa các ngành luật có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng tính độc lập của nó thì không thể thay thế được. Về giao dịch dân sự như mua bán, trao đổi, dịch vụ thì nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng phải được hoà giải, thương lượng, nếu không xong, Toà dân sự mới hoà giải tiếp và luật tố tụng dân sự cho phép các đương sự hoà giải đến phút cuối cùng trước khi toà tuyên án. Về giao dịch kinh tế, là giao dịch giữa các pháp nhân với nhau hoặc giữa các pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh. Nếu có tranh chấp vẫn do hai bên hoà giải và nếu không xong thì toà kinh tế giải quyết theo NĐ 17 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Luật cũng cho hoà giải như dân sự. Còn pháp luật hình sự là công cụ trấn át tội phạm của bất cứ chế độ nào. Đối tượng điều chỉnh của LHS là con người có năng lực, trách nhiệm hình sự, có hành vi trái pháp luật hình sự được quy định trong Điều 8 BLHS. Vì vậy áp dụng luật hình sự để điều chỉnh các giao dịch dân sự kinh tế là vi phạm pháp luật.

Không nên bỏ qua yếu tố năng lực yếu kém của một số điều tra viên, kiểm sát viên. BLHS ngày 21/12/1999 dành rọn Chương 22 với 23 Điều cộng Điều 123 Chương 8 để xử lý tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Như thế là tiến bộ nhưng chưa đủ. Theo tôi, nhiệm vụ của BLHS là đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Lâu nay chúng ta thiên vè chống, chưa thực sự phòng ngừa. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp cũng là tội phạm nên tôi đề nghị Bộ tư pháp nên xây dựng kế hoạch phòng nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh theo luật định. Về nguyên tắc cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng nào vi phạm thì trước tiên cơ quan đó phải bồi thường cho doanh nghiệp, sau đó mới xem xét vai trò của cá nhân.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn Bộ tư pháp và VCCI đã tổ chức hội thảo này. Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ tất cả các quý vị đại biểu.

 

8. Bài phát biểu của ông Lê Kim Lực- công ty TNHH Kiên Giang

 

Kính thưa chủ tịch đoàn và toàn thể hội nghị

Là một công ty nhỏ nhưng tôi cũng xin đóng góp một số ý kiến nhỏ xung quanh hội thảo lần này.

Vấn đề hình sự hoá chúng ta thường cứ nghĩ đến VKS, CA, TA nhưng không có nghĩa việc đưa đến hình sự hoá chính ra là những cơ quan hành pháp có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, ngân hàng, hải quan...Vì nếu trong 100 doanh nghiệp thì chỉ có 1 đến 2 doanh nghiệp đi tù thôi nhưng mà có lẽ 90 doanh nghiệp sẽ bị va vấp hàng ngày vì những chế tài. Tôi thấy có những Nghị định, Thông tư tức văn bản dưới luật mà nếu như các doanh nghiệp bị va vấp vào thì hiển nhiên có thể bị xem là vi phạm pháp luật và từ đó có thể khép tội nặng hay nhẹ tuỳ theo người cầm cân nảy mực hoặc tuỳ theo trình độ của người xét xử. Tôi nói ví dụ ở đây ai cũng đóng thuế thôi. Nhưng mọi người đều thấy sự bất cập hiển nhiên nhưng bao nhiêu năm cũng chưa ai gỡ. Ví dụ thuế thu nhập của doanh nghiệp. Thường thường bên cục thuế cho các doanh nghiệp đòng tạm ứng thuế doanh nghiệp, có nghĩa nhà nước vay tiền của doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp không cho vay hoặc không đóng đúng thì sẽ bị chế tài của Thông tư nào đó và nếu không nộp đúng hạn thì một là bị phạt, hai là bị xử. Cái đó là tiền đề để đưa đến hình sự hoá. Ví dụ trong hải quan cũng thế, ngay trong đơn vị tôi, xuất một lô hành đi sang Mỹ, chẳng may không đạt tiêu chuẩn bị trả về thì người ta khép ngay đó là lô hàng nhập khẩu. Anh phải đóng thuế nhập khẩu trước cái đã. Bây giờ tôi cố vùng vẫy thì tôi không phải đóng thuế nhập khẩu nhưng người ta bảo tôi phải đóng thuế giá trị gia tăng. Tôi nói nếu đóng thuế giá trị gia tăng thì đóng trên cơ sở nào bởi vì hàng của tôi còn ở trong kho, tôi chưa bán, chừng nào tôi bán tôi có hoá đơn tài chính thì tôi đóng. Nhưng mà người ta không chịu như thế thì người ta vẫn tính nhưng cái giá mà tôi xuất đi Mỹ quy ra tiền Việt nam để đóng thuế giá trị gia tăng có nghĩa: nhà nước một lần nữa lại vay vốn của chúng tôi mà chúng tôi không cho vay thì lại chiếu theo Thông tư này nọ. Tất cả những Thông tư đó đều là văn bản dưới luật và cũng nằm trong hệ thống pháp luật. Vậy thì hình sự hoá ở đây không cần phải đao to búa lớn là chuyện công an, chuyện toà án làm gì, chỉ là những chuyện hàng ngày thôi nhưng người ta muón quy kết kiểu nào cũng được thì điều này là kẽ hở của pháp luật. Còn trong giao dịch dân sự và kinh tế, chúng ta thấy không chỉ là hợp đồng. Ví dụ bây giờ doanh nghiệp tôi muốn đi nước ngoài thì tất cả các đại biểu ở đây cũng biết: tờ khai hải quan chỉ nói rằng người xuất nhập cảnh phải chấp hành theo các quy định về ngoại hối của ngân hàng việt nam. Nhưng mà chỉ có cán bộ ngân hàng mới biết thôi chứ còn tôi là việt kiều hoặc tôi không để ý đến cái đó thì làm sao tôi biết là 3000 đô. Như ng nếu tôi mang 3200 đô thì 200 đô đó anh hải quan sẽ coi tôi là tội phạm. Tại sao tờ khai của mình lại không ghi rõ là: công dân Việt nam ở nước ngoài chỉ được phép mang 3000 đô. Giống như tờ khai của Thái Lan hoặc các nước khác mà mình cứ cố tình mình mập mờ để rồi tạo ra hạch sách, nhũng nhiễu. Cái này tôi nghĩ hình sự hoá nó thể hiện ngay trong pháp luật, trong chủ trương, từ trên xuống. Chứ không phải bây giờ chỉ đi nói những anh chấp pháp ở dưới không có trình độ, mà ngay người đặt bút ra để làm cái đó đã không có trình độ rồi.

Bây giờ biện pháp để giải quyết, theo tôi nghĩ các đại biểu đã nói rồi nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ. Vì bây giờ để bênh vực cho quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà nước phải thông qua vấn đề cho phép những người đại diện pháp luật thay thế chúng tôi làm việc với cơ quan pháp luật. Bay giờ tôi mướn một anh luật sư nào đó thì quá dễ, không ai cấm tôi mướn luật sư cả. Nhưng bây giờ công an phường, quận mời tôi lên mà không có căn cứ, tôi có thể nói anh luật sư của tôi đại diện cho tôi không, tức người này thay mặt cho công ty mà không cần có mặt ông giám đốc. Thường thường khi mời, người ta rất muốn mời các ông, bà giám đốc lên vì nếu không đúng đối tượng đó lên thì người ta cảm thấy cuộc làm việc không trọn vẹn. Nên dù có là giám đốc, kiểm toán, đại diện Ban giám đốc thì trước sau giám đốc cũng phải đòi lên. Bây giờ nếu pháp luật công nhận chuyện đó, cho tôi được gửi luật sư thay mặt thân chủ giải quyết tất cả mọi chuyện khiếu kiện, kể cả đến toà kinh tế, anh ngồi một bên, luật sư bào chữa ngồi một bên, nếu như toà khép tội tôi, chứng minh được tôi có tội thì doanh nghiệp sẽ chịu trách hniẹm trước pháp luật. Còn nếu luật sư của tôi cãi được chuyện đó mà luật pháp không làm gì được thì luật pháp phải chấp nhận lỗ hổng. Vì xứ mình, tôi có cảm giác nhà nước không bao giờ chịu thua, trong mọi trường hợp xử chỉ có doanh nghiệp thua thôi. Thế nên bây giờ phải chấp nhận có thua, tức nếu pháp luật không có đề ra hoặc anh cãi không nổi thì anh phải chấp nhận thua.

Vấn đề thứ hai, phải tính đến vấn đề bồi thường cho doanh nghiệp một cách nghiêm túc tức là tôi có thể tính lãi mẹ ra lãi con. Tôi có thể tính những thiệt hại về vật chất hữu hình hoặc vô hình để tôi tính toán sòng phẳng. Và tôi phải yêu cầu xử và mang tiền đó về cho doanh nghiệp chứ không phải chỉ hô hào trên báo. Quyền lợi của doanh nghiệp ở đây VCCI cũng hiểu được, chỉ VCCI là người thay mặt cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp bên ngoài quốc doanh để đề đạt lên Chính phủ, Quốc hội để có cách nhìn nhận lại. Tại vì bây giờ cái khung ở trong đã không hoàn chỉnh rồi thì mình sửa cái râu ria bên ngoài chỉ mất thêm thời gian. Sự sửa đó là quá trình bột phát, kiểu cách mạng tự phát thì nó từ từ đến đâu người ta gỡ đến đó, có thể 10 năm, 20 năm mới xong được chuyện đó. Nhưng nếu mình dám dứt ra làm mạnh, gỡ thẳng vào cái đó thì những biện pháp tình thế như thế này tôi nghĩ 6 tháng sau nếu Quốc hội thống nhất cho doanh nghiệp được phép sử dụng luật sư thay mặt doanh nghiệp làm việc thẳng với các cơ quan pháp luật thì chỉ cần một cuộc họp thôi thì cũng áp dụng được rồi mà không cần phải sửa luật gì cả, cũng chẳng phải bổ túc luật cho các doanh nghiệp vì luật sư là người am tường pháp luật, thay mặt cho doanh nghiệp để nói chuyện với các cơ quan pháp luật đồng thời luật sư hoặc cơ quan kiểm toán, cơ quan khai quan có quyền thay mặt cho doanh nghiệp làm việc với thúe vụ, kiểm toán, hải quan. Những người đó người ta hiểu được doanh nghiệp. Đồng thời những người kia muốn ăn hối lộ, muốn nhũng nhiễu thì cũng vấp phải bức tường bởi vì tôi chỉ làm thuê, đơn vị tôi là khai quan thuê, cứ đúng giấy tờ là tôi thuê, tôi không có chung chi một xu nào hết thì rõ ràng việc hối lộ sẽ bị cắt đứt. Có lẽ bức tường này sẽ đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người cho nên thực sự người ta chưa muốn làm. Cho nên nếu có điều kiện, đề nghị những cơ quan trung gian ở giữa doanh nghiệp và cơ quan pháp luật. Về pháp luật có luật sư đoàn, luật sư biện hộ, luật sư thuê, luật sư riêng cũng như là bác sĩ riêng thì có luật sư riêng, cũng như đi khai hải quan hoặc khai thuê, tôi cũng có một kế toán riêng, một kiểm toán riêng thay mặt cho tôi chịu trách nhiệm cho tôi về mặt pháp lý nhà nước trong vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến nhỏ của tôi. Xin cảm ơn hội thảo!

Phụ lục: Bài tham luận gửi tới trước khi hội thảo:

1. Về cách hiểu thế nào là hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế là sự ức hiếp của một số cơ quan công quyền với người dân và các tổ chức kinh tế. Các biểu hiện mà doanh nghiệp thường phải chịu đựng:

- Sự tuỳ tiện "mời hỏi, thăm viếng" của các cơ quan thực thi pháp luật trong khi doanh nghiệp đang làm ăn bình thường gây tâm trạng căng thẳng, chán nản.

- Sự áp đặt vô lý của các cơ quan hữu quan với doanh nghiệp gây ra nhiều khó khăn và ức chế trong kinh doanh, và nếu bất tuân theo thì sẽ bị khép vào luật hình.

Ví dụ: Thuế vụ hăm doạ phạt doanh nghiệp theo luật nếu không lên ứng trước thuế thu nhập cho Nhà nước dù kinh doanh có lời hay không. Hải quan gởi giấy mời lần 1, lần 2, nếu không thì bị vi phạm luật, để bắt doanh nghiệp khai và nhận nợ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng với hàng của xuất khẩu của chính mình, ngay cả khi là hàng được miễn thuế, khi bị nước ngoài trả về do không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu của họ,v.v..

2. Hậu quả tiêu cực của hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: là rất lớn nhưng vẫn có thể tính toán bồi thường được bằng tiền nếu pháp luật tôn trọng sự tính toán của doanh nghiệp.

3. Những nguyên nhân gây ra tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: Thuộc về lĩnh vực lập pháp, tạo điều kiện cho nhân viên công quyền thao túng doanh nghiệp.

Thuộc về hoạt động áp dụng pháp luật: ví dụ, tờ khai XNC của VN không chỉ rõ cho người dân số ngoại tệ được phép không khai báo là bao nhiêu (3000 hay 5000USD hay 10000USD) như các nước khác cho nên hành khách dễ dàng bị quy kết vi phạm luật một cách vô tình.

Biện pháp khắc phục:

- Cách ly doanh nghiệp với cơ quan công quyền bằng các cơ quan trung gian, ví dụ luật sư riêng có quyền thay mặt doanh nghiệp để làm việc với cơ quan công quyền. Kiểm toán, khai hải quan thuê thay mặt doanh nghiệp làm việc với thuế, hải quan.

- ủng hộ doanh nghiệp để có quyền khởi tố và đòi bồi thường thoả đáng với các tổ chức và cá nhân có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

 

9. Bài phát biểu của Ông Cao Đức Nhuận- Luật sư đoàn luật sư Đồng Nai, thành viện hiệp hội Công thương Đồng Nai.

Kính thưa Chủ tịch VCCI

Kính thưa đại diện lãnh đạo Bộ tư pháp

Tôi hiện nay là thành viên của đoàn luật sư Đồng Nai và cũng được mời tham gia với tư cách là hội viên hiệp hội công thương Đồng Nai. Hôm nay tôi được đề cử của hiệp hội công thương tỉnh Đồng Nai lên tham dự hội nghị. Thật ra đây cũng là ý kiến rất nhỏ của tôi mới chợt nảy sinh.

Thưa tất cả hội nghị! Từ đầu buổi thảo luận cho đến giờ tôi đã lắng nghe rất nhiều phát biểu và tham luận của tất cả các đơn vị, đặc biệt là của các vị có nhiều kinh nghiệm mà tôi là hậu bối cần học hỏi. Tuy nhiên tôi thấy đây là vấn đề trong thực tiễn mà cá nhân tôi với vai trò tư vấn cho hiệp hội công thương tỉnh Đồng Nai cũng đã gặp một vài trường hợp điển hình. Tôi xin đóng góp với hội nghị hai vấn đề:

Vấn đề thứ nhất: những biểu hiện, những hình thái cụ thể của tình trạng hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế.

Một vài kiến nghị của cá nhân đề nghị VCCI và Bộ tư pháp có thể có biện pháp khắc phục hiện tượng đó

Là luật sư, tôi cũng có đôi chút kinh nghiệm tham gia kinh tế, dân sự cũng như hình sự bởi vì hiện nay đối với nghề luật sư tại Việt nam chưa có chuyên môn hoá. Bất cứ luật sư nào đã tham gia nhiều năm trong đoàn luật sư Đồng Nai (tôi đã tham gia khoảng gần 10 năm) đều thấy chúng ta có nhiều biểu hiện.Tôi xin phép nêu lên một trong các hình thái mà tôi cho rằng hết sức phổ biến. Đó là sự lạm dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi cũng xin lỗi, xin phép đại diện Bộ công an, chúng tôi muốn đề cập đến những việc làm của các cơ quan điều tra là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng theo pháp luật Việt nam. Tôi không dám đi sâu phân tích và trình bày những giai đoạn: khởi tố, truy tố, xét xử mà chúng tôi xin đề cập đến một giai đoạn hết sức thực tiễn đó là giai đoạn chứng minh trước khi vụ án được khởi tố hay trước khi khởi tố bị can. Chúng tôi thấy rằng hình thứ lạm dụng ở đây hay xảy ra phổ biến làm cho các doanh nghiệp khốn đốn ở giai đoạn xác minh của cơ quan điều tra xuất phát từ đơn yêu cầu khiếu nại của một công dân hay một doanh nghiệp khác. Vì như quý vị đã phân tích, sở dĩ chúng ta có hiện tượng hình sự hoá xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó Tổng thư ký VCCI đã phân tích 6 nguyên nhân và 9 giải pháp. Chúng tôi hết sức tâm đắc. Tuy nhiên tôi cho rằng, có lẽ chúng ta cũng cần chú trọng đến một giai đoạn cực kỳ quan trọng là giai đoạn xác minh trươcs khi khởi tố vụ án. ở đây có những trường hợp chúng tôi đã gặp phải. Có trường hợp cơ quan điều tra kéo dài vụ việc xác minh trước khi khởi tố để quyết định khởi tố hay không khởi tố đến 6, 7 tháng. Là một vụ việc rất đơn giản mà nếu là một điều tra viên kinh qua kiến thức pháp lý tối thiểu, tôi cho rằng chúng ta sẽ xác định được ngay đó là quan hệ pháp luật hình sự hay quan hệ kinh tế, dân sự. Qua những việc xác minh này nhiều khi chính cái đó gây ra sự khốn đốn cho các doanh nghiệp. Tôi muốn nói đến thiệt hại kinh tế vô hình nhưng không thể cân đo được. Như các vị đã từng phát biểu, doanh nghiệp hồn vía lên mây khi được cơ quan điều tra mời đến. Chúng tôi cũng đã trực tiếp đi với một vài doanh nghiệp khi họ có yêu cầu. Nhưng đó là doanh nghiệp có biết đến chúng tôi và yêu cầu còn nhiều doanh nghiệp đã chịu cảnh khốn đốn đến 5, 6 tháng trời mà không biết kêu ai, hàng tuần lễ nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề. Hết điều tra viên này lấy lời khai lại đến điều tra viên kia xác minh. Cuối cùng đến giờ phút này, nhiều khi hết 5, 7 tháng cũng chưa có kết luận gì. ở đây đáng lý các quy định về nguyên tắc: khi cơ quan điều tra đợc yêu cầu giải quyết một vụ việc thì theo luật khiếu nại tố cáo của công dân, đáng lý sau khi các anh xác minh sự việc này không áp dụng pháp luật hình sự thì các anh chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền. ở đây là toà án thôi. Toà án trong một vụ án kinh tế dân sự thì toà án thụ lý điều tra, xét xử chứ khong thể chúng ta sử dụng pháp luật hình sự trong vấn đề này được. Tôi xin phép đưa ra hình thái vi phạm thông thường, đó là các cơ quan điều tra của một số địa phương dựa vào những đơn yêu cầu của cá nhân hay tổ chức đơn vị để xác minh, mà thời gian xác minh quá dài, đôi khi không có quy định cụ thể nào cho họ. ở đây chúng ta có quy định cụ thể nếu khi vụ án bị khởi tố điều tra thì chúng ta có quy định trong BLTTHS. Nhưng nếu chúng ta có quy định là cơ quan điều tra được xác minh làm rõ sự việc trong bao lâu, đôi khi có những sự việc trong 5, 7 tháng trời chỉ để xác minh cái đó thuộc thẩm quyền của cơ quan nào. Tôi cho đó là một điều hết sức phi lý và gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp.

Một số kiến nghị

 

Tôi đề nghị VCCI và Bộ tư pháp kiến nghị với Chính phủ hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương như TANDTC, VKSNDTC, Bộ tư pháp phải có một Thông tư liên ngành ấn định rõ ràng thẩm quỳen hoặc thời hạn của các cơ quan nhận được đơn tố cáo. Ví dụ cơ quan điều tra nhận được đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về vụ việc đó thì anh có thơì gian bao lâu để xác minh, néu quá thời gian đó thì đó là dấu hiệu cho thấy anh đã hình sự hoá vấn đề và anh phải chịu chế tài. Chế tài như thế nào thì dĩ nhiên chúng ta có rất nhiều biện pháp cụ thể rồi, có thể áp dụng kỷ luật hành chính đối với những viên chức đó, nhẹ nhất là khiển trách, chuyển công tác...Chúng tôi muốn nói đến một khía cạnh thực tiễn mà thông qua vai trò là luật sư tư vấn cho một vài doanh nghiệp, chúng tôi gặp phải tại tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi thấy rằng việc hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế là có thật mà chúng ta phải nhìn nhận để khắc phục.

Vừa qua, chúng tôi đã đóng góp một ý kiến rất nhỏ của bản thân, của cá nhân tôi về khía cạnh thực tiễn, đó là sự lạm dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt là của cơ quan điều tra vì cơ quan điều tra bao giờ cũng là cơ quan khởi đầu của một vụ án hình sự. Cơ quan kiểm sát, toà án, đặc biệt là toà án không tham gia vào việc lạm dụng này vì toà án chỉ làm nhiệm vụ cuối cùng của quá trình tiến hành một vụ án hình sự. ở đây chúng ta cần chú ý là chú ý cơ quan điều tra hoặc chúng ta có thể tổ chức những buổi họp chuyên đề mang nội dung tương tự như thế này đối với tất cả các điều tra viên. Tôi nghĩ điều đó cũng là thiết thực để góp phần chống hiện tượng hình sự hoá mà Bộ công an có thể làm được.

Xin cảm ơn hội nghị.

 

10. phát biểu của ông Đoàn Văn Đức- G.Đ Công ty TNHH Đức Hạnh

Kính thưa chủ toạ đoàn

Thưa quý vị đại biểu

Là một doanh nghiệp muốn phát triển, chúng tôi thấy rằng doanh nghiệp cần vốn. Đó là nhu cầu bức xúc và đó là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu được đó là làm theo pháp luật. Tôi nghĩ rằng trong các bạ chúng ta ai cũng muốn làm ăn có lãi và làm ăn phát triển. Tuy nhiên trong kinh tế thì chắc chắn là phải có rủi ro và những khiếu kiện trong bất cứ xã hội nào thì cũng tiếp diễn cả. Cho nên với ý nghĩa như vậy, đối với chúng tôi, không dám nói tuyệt đối chấp hành pháp luật vì chúng tôi là những nhà kinh doanh, lao động sản xuất, chúng tôi ít có thời giờ để nghiên cứu pháp luật. Cho nên chúng tôi cũng tin chắc rằng bên cạnh sự phát triển thế nào cũng có những mặt yếu kém về pháp luật. Chúng tôi muốn nói rằng có những việc khiếu kiện mà sở dĩ nó kéo dài nhiều năm, mà đối với doanh nghiệp chúng tôi có những khiếu kiện, tôi nghĩ mọi công dân của chúng ta đều sống và làm việc theo pháp luật thì chính pháp luật là trọng tài của mọi thành phần trong xã hội. Chúng tôi cũng tin tưởng như vậy cho nên từ chỗ đó dựa vào pháp luật, dựa vào văn bản nhà nước mà chúng tôi trong làm ăn có những bức xúc.

Xin nói rõ là chúng tôi không biết dựa vào đâu, nếu mà nói dựa vào tòa kinh tế, toà dân sự thì theo báo chí nói: giải quyết một vụ án nhiều khi kéo dài 3, 4 năm. Chúng tôi thấy rằng có những việc mà chúng tôi muốn nhờ toà giải quyết nhưng không dám vì thời gian kéo dài quá. Nếu giải quyết theo hướng này thì rất khó. Có những cái chúng tôi dựa vào cơ quan quản lý nhà nước là chính. Ví dụ vấn đề khai thác cát trên sông nhà Bè bị đấu đá giữa cảnh sát với đường thuỷ của Đồng Nai. Chúng tôi nghĩ rằng: cảnh sát giao thông không thể từ trên Đồng Nai xuống xử phạt một doanh nghiệp vi phạm luật lệ của thành phố. Thế mà doanh nghiệp của chúng tôi bị đàn áp một cách khắc nghiệt, đưa cả lực lượng tàu bè xuống kéo phương tiện về bên kia để xử lý. Rất may công an thành phố kịp thời ra tay để can thiệp. Những chuỵen như vậy chúng tôi có khiếu kiện nhiều nơi để xử lý một sự việc va chạm giữa cơ quan bảo vệ pháp luật và doanh nghiệp ai đúng, ai sai. Thực ra chunga tôi đã gửi nhiều nơi nhưng chưa được sự hồi âm. Như vậy đó là yếu tố mà chúng tôi rất suy nghĩ.

Yếu tố thứ hai, chúng tôi miệt mài trong công việc làm ăn, như chị Giầu hay một số người nói: nếu nói làm việc 24/24 tiếng một ngày thì quá đáng nhưng nhiều khi có thể làm 18-20 tiếng một ngày. Về luật pháp mình không am hiểu cho nên nhiều khi những vụ án lớn chúng tôi rất quan tâm, thậm chí dùng thời gian rảnh rỗi đến tại toà ngồi ngoài hành lang nghe các luật sư bào chữa. Nghe để mình rút kinh nghiệm, để mình tự tránh. Như ông bà mình nói: nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, bất kỳ một người nào đó trong xã hội cũng rất sợ ở tù, nhất là danh dự con người quan trọng lắm. Chết thì dễ nhưng sống mà danh dự không còn thì rất khó tìm. Cho nên thưa các bạn, có những vụ án như buôn lậu Long An chẳng hạn, tôi cũng dám từ đây đánh xe xuống Long An ngồi nghe toà xử mặc dù tôi không dính dáng gì. Tôi là xây dựng cơ sở hạ tầng, không dính dáng đến vấn đề buôn gian bán lận nhưng tôi vẫn nghe. Tôi thừa nhận một bộ phận luật sư của mình hiện có mà đang hoạt động cùng chung nhà nước trong hệ thống pháp luật, tôi rất kính phục những luật sư can đảm, mạnh dạn nói lên những bức xúc của bị can. Nhưng có những vụ án chúng tôi theo dõi, toà án vẫn nghị án rất cao. Tôi muốn nói một vụ điển hình. Chuyện này tôi không trách cơ quan điều tra vì cơ quan điều tra phải làm theo pháp luật: ví dụ việc định giá tài sản. Chúng tôi mua một miếng đất theo giá nhà nước quy định là 250000đ/m vuông, vì nhu cầu tôi mở một că xong tôi dám mua vì mua rẻ người ta không bán, buộc lòng tôi phảp mua 2 triệu/ mét vuông để mở rộng bến cảng của tôi. Nhưng giả sử Đức Hạnh mà có bị một vụ án nào khi đưa ra thì rõ ràng một sự ê chề, một sự tính toán mà không đủ tiền để gọi là chi phí nữa, doanh nghiệp cũng chết thôi. Tôi biết hội thảo hôm nay, tất cả chúng ta đều nhằm mục tiêu làm sao tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp hiện có mà những người chuẩn bị đầu tư, những người chuẩn bị tham gia vào thị trường người ta an tâm để phát triển. Hội thảo hôm nay rất có giá trị và tất cả chúng ta dù ở bên công an, VKS hay toà án đều có nguyện vọng như nhau. Bây giờ một anh điều tra viên đi đánh giá tài sản thì chắc chắn anh ấy không thể theo cảm tính dược mà phải dựa vào văn bản của quý ban hay cái gì đó. Chính từ chỗ đó mà mình làm sai mình tránh được cán bộ điều tra hay mình trách cứ cơ quan nào đó. Bây giờ đứng trước tình hình như vậy, doanh nghiệp rất hoang mang. Cho nên xin báo rõ: từ một năm rưỡi nay chúng tôi đi làm thuê xây dựng cơ sở hạ tầng chứ không dám đầu tư thêm bởi vì trong rủi ro này quá cao mà rủi ro là cái cớ để vào tù trước đã. Tôi thấy cái này rất nguy hiểm và là nõi lo âu mà tôi tin chắc doanh nghiệp nào cũng có. Qua đây tôi thấy việc chống hình sự hoá này cũng xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không phải ở cơ quan pháp luật hay từ cơ quan điều tra mà từ người làm pháp luật như nãy giờ anh em đã nói và cũng từ doanh nghiệp của chúng ta nữa. Bây giờ mình đừng đi tắt nữa. Ví dụ tôi tức một doanh nghiệp nào đó tôi đi khiêuds kiện doanh nghiệp đó, tôi muón người ta bắt thằng cha đó nhanh để giải quyết việc của tôi. Từ chỗ đó, hôm đầu năm tôi có nói trong buổi họp của thành phố: tôi nói trong xã hội ta tồn tại bốn dạng doanh nghiệp: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế. Mà các doanh nghiệp chấp hành pháp luật đứng hàng thứ tư còn doanh nghiệp nhất thân nhì thé sẽ cạy quyền lực bóp méo pháp luật làm ảnh hưởng doanh nghiệp khác, ảnh hưởng vấn đề đầu tư. Tôi có đủ tài liệu, nhiều khi trên báo chí có các bài cần phải học tập là tôi cắt phô tô để giữ lại. Ví dụ bài viết Kiểu kinh doanh bằng pháp luật trên báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh nói rất nhiều rồi nhưng chúng ta có triệt được hay không. Chính những điều đó làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư vô cùng. Bây giờ chúng ta phải có giải pháp nào đó chứ không thể qua cảm tính như biết được doanh nghiệp do khách quan làm ăn thua lỗ thì điều tra viên hay kiểm sát viên không thể dựa vào đó để giải quyết theo cảm tính. Bây giờ hệ thống pháp luật của chúng ta phải minh bạch, cái nào thuộc về hành chính, cái nào thuộc về dân sự, hình sự. Có một điều mà chúng tôi mong muốn nhất là toà hành chính, toà dân sự, kinh tế hoạt động hiệu quả và tích cực. Chính từ chỗ đó chúng tôi mới mạnh dạn nộp đơn để nhờ toà án giải quyết. Tôi cũng muốn biết rằng vì quán tính của tôi, tôi nói là tôi đúng, tôi nói anh ấy làm sai tôi kiện anh ấy. Nhưng về pháp luật cơ sở tôi đâu có biết điều mấy, khoản mấy, tôi nói tôi đúng nhưng khi được toà án giải thích rồi, xử tôi sai thì tôi chấp nhận tôi sửa. Hôm nay tôi nói thật với các bạn, công ty Đức Hạnh là công ty tư nhân nhỏ, không có lớn nhưng cũng được VKSNDTC vào kiểm tra một tháng rưỡi. Nhưng mà thưa các bạn, khi VKSTC vào, đọc quyết định kiểm tra "thứ 6 tới công ty Đức Hạnh phải trình bày sự hình thành và phát triển, việc chấp hành pháp luật của Đức Hạnh từ luật thuế, luật doanh nghiệp, luật đất đai...tất cả những gì của Đức Hạnh có liên quan và tồn tại đến bây giờ". Tôi thấy thời gian ngắn quá, không thể tổng kết được, hơn nữa công ty Đức Hạnh hình thành đã 12 năm rồi, đã trải qua nhiều thời kỳ. Tôi nói rằng sẽ chấp hành nhưng xin cho tôi rời đến thứ 7 tuần sau, nghĩa là tôi muốn cuộc trình bày có UBNDTP, VKSTP, UBND quận 8, VKS và UBND quận 4 là nơi chúng tôi mới rời trụ sở dể nghe Đức Hạnh trình bày. Thực ra công ty Đức Hạnh hình thành trên 11 năm rồi mà nhà nước sinh nó ra và nó lớn lên mà không biết nó sắp chết thế nào bởi vì có tờ báo nói tốt, có tờ báo nói xấu. Cuối cùng tôi trình bày, tôi có quan điểm duy nhất: tôi xin cảm ơn việc VKSNDTC vào để nắm lại tình hình hoạt động của công ty Đức Hạnh. Việc VKS vào công ty có hai cái lợi: thứ nhất, nếu trong quá trình làm ăn có sai sót thì nhờ viện chỉ, chúng tôi sửa, đó là lợi về phía cá nhân công ty; thứ hai, chính VKS cũng thanh minh được cho Đức Hạnh, từ trước đến giờ báo này nói tốt, báo kia nói xấu, ngay cả những người lãnh đạo thành phố cũng không bết Đức Hạnh làm ăn như thế nào để ủng hộ nữa. Từ chỗ này chính các anh sau khi làm việc với chúng tôi, chúng tôi sẽ có tờ biện minh mà không cần ai khác biện minh nữa vì các anh là trên hết.

Tóm lại, chúng tôi muốn pháp luật phải có trọng tài hết sức tích cực và công bằng. Đó là nguyện vọng của mọi công dân. Chúng tôi mong có nhiều diễn đàn, làm sao Quốc hội, Bộ tư pháp, các cơ quan làm luật hình thành toà dân sự, toà kinh tế làm việc có hiệu quả để chúng tôi tin tưởng có nơi gửi gắm sự công bằng để mọi người bình đẳng trước pháp luật.

 

 

11. Bài phát biểu của ông Nguyễn Viết Tạo- Giám đốc công ty TNHH Gas Bình Dương.

 

Kính thư đoàn chủ tịch

Kính thưa toàn thể các đồng nghiệp

Tôi rất vinh dự được nói tiếng nói của mình bằng hiện tại. Tất cả những việc các bạn vừa nói ra, có cái đã qua, có cái đã 6 tháng, nhưng cái của tôi đang là hiện tại. May mắn chúng ta lại có diễn đàn chống hình sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế, có các cơ quan pháp luật ở đây, có VKS, CA. Đây là sự đổi mới của đảng ta, đây là bước đi đúng đắn đã nhìn thấy tương lai của đất nước. Muón xây dựng đất nước hùng mạnh phải dựa vào đâu?

Tôi nói một chuyện khác nữa. Tại sao khi Bill Clinton đến đây có 2000 người sang thuê khách sạn riêng. Thử hỏi lãnh đạo của chúng ta sang nước ngoài có được như thế không. Đây là một cái gì đó của dân tộc, ý chí của dân tộc. Tôi là một sĩ quan quân đội. Nhưng nói thật với các bạn, tôi không cạo râu cũng bới mệt mỏi quá, thấm đòn, thương trường là chiến trường, thật sự nó căng thẳng phũ phàng và tôi không thể nói cái gì được nữa. Tôi đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong những ngày ở đường 9 Nam Lào tôi vẫn làm thơ mặc dù cuộc sống rất khổ, sốt rét 41 độ vẫn làm được thơ. Nhưng bây giờ làm doanh nghiệp hết làm thơ rồi nhưng tôi vẫn ôm ấp một ngày nào đó lại làm thơ. Hôm nay có tiếng nói của diễn đàn này, chúng tôi xin gửi đến công việc cụ thể để chúng nhận xem có hình sự hoá hay không, ai hình sự hoá, ai muốn hình sự hoá sự việc.

Tôi đến công ty gas Bình Dương, tôi tìm đất khắp mọi nơi vì thành phố thì vì môi trường và chống cháy nổ nên không cho đặt ở thành phố. Tôi đi tìm khắp nơi thì được một ông Phó chủ tịch về hưu là anh Tư Trấn, rồi anh Năm Hồng là giám đốc công ty Đồng Nai, anh Tư Huy là giám đốc công ty vật tư sông Bé. Mấy anh em hùn nhau để làm trạm chiết nạp gas. Chúng tôi đến khu công nghiệp đồng Nai gặp một mảnh đất rất đẹp, xung quanh có cỏ cây, thiên nhiên rất thơ mộng. Tôi xin mời các nhà báo, các cơ quan pháp luật lên công ty Đồng An có hai trạm gác, ba barie, xe của chúng tôi ra họ chặn, xe của khách hàng đến họ cũng chặn. Họ làm bốt gác ngay đối diện cửa của chúng tôi. Sự việc không có gì cả. Tôi đến tôi thuê đất, người ta bảo dự án naỳ hay cho họ hùn với tôi bằng đất và nhà xưởng, nhà xưởng và đất để họ xây. Tôi lo huấn luyện công nhân, họ làm thủ tục giấy tơg vì họ quen tinht Bình Dương. Nhưng đến nay gần một năm trời hoạt động, đất từ đầu tiên họ bảo họ góp vốn với chúng tôi bằng văn bản, họ ký bằng văn bản góp đất và nhà xưởng. Nhưng đất của họ nằm trong vụ án Epco Minh Phụng, họ không làm ra được giấy đỏ. Họ giao cho chúng tôi cái giấy xanh lè không có quyền gì ở đằng sau. Thế chúng tôi lấy vốn đâu để góp. Sau đó họ bảo không được, bảo đất đầu tiên ông ký để làm thủ tục, sau họ đòi tiền tôi, họ gửi công văn sang đòi tiền tôi. Tôi bảo công văn đó không hợp pháp, xim mời ông làm lại văn bản cho đúng pháp luật, tôi trả tiền ngay sòng phẳng. Họ không làm thế, họ rêu rao lên các cơ quan pháp luật. Còn cái nhà trên đất này họ cử một ông phó giám đốc công ty Hưng Thịnh với công ty chúng tôi. Tôi hỏi thế giấy uỷ quyền của ông đâu. Công ty Hưng Thịnh cử ông phó giám đốc sang thì phải có giấy uỷ quyền. Bây giờ ông không có giấy uỷ uyền, không biết được tài sản này là của công ty Hưng Thịnh hay là của ông Đỗ Cao bằng. Như vậy khi đòi hỏi chính đáng của chúng tôi vì chúng tôi là cá nhân đại diện trước pháp luật và bắt đầu cuộc chiến tranh xảy ra. Họ bắt đầu đột nhập vào công ty lấy toàn bộ chứng từ hoá đơn của chúng tôi sang bên kia cộng trừ nhân chia một tháng rưỡi. Người ta thuê những anh hùng kiểm toán, tài chính để xem chúng tôi có khuất tất gì không, nếu có khuất tất gì thì họ hất chúng tôi ra hất chức danh của toi ra. Khi làm điều đó không dưdợc, họ tó cáo lên cơ quan thanh tra thuế. Cơ quan thanh tra thuế vào làm việc thì hị liên tục bổ sung những đơn tố cáo. Tại sao các cơ quan pháp luật cứ chạy theo họ, họ là cái gì. Người ta bảo tôi dám đụng đến con khủng long ở cái xứ này. Bởi vì tôi chẳng làm điều khuất tất, toi vẫn tin tưởng ở hệ thóng pháp luật của Đảng, vẫn tin tưởng cơ quan bảo vệ chính quyền cách mạng này. Tôi nói với họ rằng có một vài công an theo đuôi họ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương có một vài người đỡ đầu cho họ. Nhưng không phải Đảng bộ tỉnh Bình Dương này mất hết, ý chí của nhân dân Bình Dương, những người bộ đội như chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Chúng tôi được lên diễn đàn như thế này chúng tôi rất tự hào. Một người chiến sỹ bây giờ lại làm doanh nghiệp. Có một số nhà báo ở đây đã từng biết chúng tôi qua các đơn kiện của các công ty nước ngoài. Tôi mới bước vào thị trường gas được 6 tháng, 8 công ty tập đoàn nước ngoài kiện tôi vì xâm phạn này kia nhưng tôi lại thấy có gì vui vui và có gì hãnh diện vì chúng tôi cũng làm nghiêng ngả một thị trường. Trong cơn sốt gas, chúng tôi vẫn giữ được giá gas rẻ nhất. Nhưng thật sự khi đối chọi với những cái người ta muốn hình sự hoá này thì là cả một vấn đề nhức nhối. Cách đây ba ngày, lính của chúng tôi mang hai kèo sắt ra thì ngay lập tức 113, VKS, TA, cảnh sát kinh tế và an ninh kinh tế của tỉnh Bình Dương trên 60 người, 3 xe còi hổ đến doanh nghiệp chúng tôi giống như là trấn át bạo lực cách mạng. Tôi từng ở trong quân đội nhưng chưa từng thấy cảnh nào ghê gớm như vậy. Tôi nói với ông đại ta bên Bộ công an "phải nói là công ty Hưng Thịnh huy động lực lượng tốt thật, bảo vệ thành quả của công ty Hưng Thịnh tốt hơn chúng tôi nhiều". Ngược lại trước đó một tháng, phó giám đốc công ty Hưng Thịnh Đỗ Cao Bằng là thành viên của công ty chúng tôi sang mang theo 16 thằng đâm thuê chém mướn đến công ty chúng tôi định cướp nhà máy. Đã ba lần như thế. Sau đó thì lại có mấy ông công an đến, có một công an ngồi trên xe chung với bọn chúng định chạy đi không lập biên bản. Tôi bảo không được: vào thì dễ, ra thì khó, phải lập biên bản. May mà vẫn còn có các đồng chí công an của chúng ta có cái nhìn đúng đắn không sợ bị sức ép nên các đồng chí đã làm rõ bọ mặt của 16 thằng đâm thuê chém mướn. Hiện nay công an hình sự thành phố Hồ Chí Minh đang làm, còn làm như thế nào thì chúng tôi nghe ngóng cũng thấy có sức ép vào ra. Việc của chúng tôi nhỏ con,không có gì là trái pháp luật, góp vốn không có, nhà xưởng không hợp pháp, thanh tra vào làm, 9 điểm họ tố cáo với tôi thì 9 điểm để cho thanh tra tỉnh Bình Dương trả lời đúng pháp luật là chúng tôi làm ăn có hiệu quả. Sáu tháng kinh doanh lời một tỷ tám, chúng tôi nộp thuế nghiêm chỉnh. Vừa rồi do họ làm không đúng điều đó bị xuất toán 70 triệu. Ông phó chủ tịch đưa ra vấn đề này ra định hình sự hoá 50 triệu. Cũng may có ông chủ tịch tỉnh Bình Dương nói rằng: ở tỉnh Bình Dương này, 300, 400 triệu là chuyện thường mà có 50 triệu định hình sự hoá thì hình sự hoá cả tỉnh Bình Dương lâu rồi. Vừa rồi đồng chí đó có ký một văn bản xử phạt chúng tôi là 4 triệu. Đây là chống hình sự hoá. Chúng ta dám nói chống, việc đó là động đến thiên đình mà thiên đình cho phép thì yên tâm. Mời các nhà báo, các cơ quan pháp luật hãy đến cơ quan chúng tôi để chứng kiến hiện trạng cụ thể. Tôi nghĩ một ngày nào đó tôi được thông báo với các đồng chí là diễn đàn ngày hôm nay đã giải toả được cho doanh nghiệp chúng tôi. Tôi thông báo với các bạn một ngày vui đó là: chính nghĩa, chân lý, lẽ phải sẽ chiến thắng.

Còn một điều nữa là tỉnh Bình Dương không cho luật sư nói. Tôi thuê được một luật sư đến thì họ cứ bắt ngồi ngoài. Nó bảo hôm nay là hoà giải, không có luật sư gì hết, luật sư là cái gì.

Chúng ta cần phải có luật sư giỏi, phải có những người thông thái về pháp luật. Bên cạnh công an có 113 để chống tội phạm thì chúng ta cũng phải có 113 để bảo vệ doanh nghiệp của chúng ta.

Còn có những con khủng long, còn có cá lớn nuốt cá bé, còn sự bất bình đẳng, còn có mói quan hệ giữa cá nhân với các lãnh đạo của chúng ta, họ lợi dụng những mối quan hệ đó để làm những chuyện bất chính. Việc làm của chúng tôi thực ra chẳng có gì, góp vốn thì không góp, tôi cũng không thắc mắc giá cả cao thấp, hai tỷ rưỡi cũng được nhưng mà phải đúng. Tôi nghĩ chúng ta phải có cơ quan công quyền. Trong lúc đau khổ như thế này tôi có làm mấy câu thơ:

Chưa đi thì chưa biết Bình Dương

Đi rồi mới biết âm dương khác thường

Đầu tư vào nói một đường

Họ làm một nẻo coi thường luật gia

Bây giờ doanh nghiệp kêu ca

Xin cảm ơn tất cả các đồng chí.

Bài tham luận gửi tới hội thảo:

Các tranh chấp dân sự, kinh tế phát sinh từ những giao dịch dân sự, kinh tế nói chung đều chịu sự điều chỉnh của BLDS, luật kinh tế. Thế nhưng cũng có rất nhiều trường hợp sự việc đã được hình sự hoá bằng nhiều cách khác nhau như: cố ý làm trái pháp luật, lạm dụng tín nhiệm ... mà hậu quả đã đưa sự việc đi đến phức tạp gây thiệt hại vạn phần đến những cá nhân, pháp nhân bị hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế.

Các giao dịch dân sự, kinh tế luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Để thúc đẩy kinh tế, xã hội, phát triển Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp và các công cụ khác nhau. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là Nhà nước tạo ra một hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế...tổng hợp tất cả các loại văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến sự quản lý và vận hành nền kinh tế được gọi là pháp luật kinh tế. Tổng thể các yếu tố tạo nên hình dạng pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.

Quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật, việc nhận thức sâu sắc và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, bảo đảm tính công bằng của pháp luật. Nó được tiến hành qua nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến việc xác định một hành vi cụ thể nào đó có mang dấu hiệu của tội danh nào đó trong một số tội danh đã được quy định trong BLHS. Thế là, cho dù đó là các quan hệ giao dịch dân sự hoặc kinh tế thì đều được hình sự hoá. Ví dụ: giao dịch dân sự với các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản..v..v.

* Những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình trạng hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: Tất cả đều xuất phát từ việc chưa nhận thức đúng bản chất, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu chính yếu của những giao dịch dân sự, kinh tế. Từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa cơ quan đại diện pháp luật với các đương sự gây ảnh hưởng tiêu cực trong quốc pháp. Đối với lĩnh vực lập pháp và bản thân hệ thống pháp luật thì còn chồng chéo và thiếu tính nhất quán. Đối với hoạt động áp dụng pháp luật (các hoạt động của cơ quan tố tụng) chưa mang tính khách quan.

Các nguyên nhân khác: mối quan hệ qua lại biện chứng các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng các điều kiện, yếu tố cần và đủ về việc thực hiện pháp luật mà các yếu tố về cơ chế, tổ chức bộ máy và yếu tố con người thực hiện giữ vai trò quyết định. Trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế, xử lý các vi phạm pháp luật, củng cố và nhìn nhận đúng đắn về "trường hợp nào là những vướng mắc trong hoạt động kinh tế và trường hợp nào là những hành vi vi phạm pháp luật". Từ đó có sự xử lý đúng đắn các tranh chấp kinh tế và đâu là các vụ án hình sự nhằm tránh hiện tượng hình sự hoá các tranh chấp kinh tế hay ngược lại.

Trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đòi hỏi sự đầu tư, huy động vốn và nguồn lực tài chính cho các hoạt động kinh tế, việc thực thi pháp luật phải tạo cho "con đường" rộng mở cho việc tiến hành các hoạt động kinh tế vai trò, ý nghĩa của các quy định pháp luật về kinh tế...

* Những biện pháp khắc phục: để góp phần phát huy nội lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế, đảm bảo quyền tự do và bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, tăng cường pháp luật và hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ quản lý Nhà nước đối với các cán bộ chuyên trách, tạo hành lang pháp lý an toàn trong các hoạt động kinh doanh.

* Các biện pháp xử lý người có hành vi hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế: Khi sự nghiệp đổi mới được Đảng và Nhà nước khởi xướng thì vấn đề mở rộng dân chủ, tăng cường pháp chế bảo vệ có hiệu quả các quyền công dân đã trở nên cấp bách. Để xây dựng một Nhà nước vững mạnh trong đó phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Thông thường các quan hệ mang tính chất giao dịch dân sự, kinh tế thì BLDS và Luật kinh tế có quy định: "các cá nhân, pháp nhân có quyền khởi kiện các vụ án kinh tế, dân sựđể toà án (cơ quan đại diện pháp luật) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" ví dụ: Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế, tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh.

Vấn đề đặt ra là phải xử lý như thế nào? khi có tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự, kinh tế chúng ta cần phải áp dụng những quy định cụ thể trong luật hoặc văn bản dưới luật có liên quan để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những giao dịch dân sự, kinh tế.

Tại Điều 50 Hiến pháp 1992 ghi nhận: ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân quy định trong Hiến pháp và Luật. Tại Điều 71 Hiến pháp cũng quy định: mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp... Vì vậy, không ai có thể bị bắt giữ nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS trừ trường hợp phạm tội qủa tang. Việc bắt hoặc giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

 

 

 

 

 

 

12. Bài phát biểu của ông Đồng Văn Khiêm- Chủ tịch hĐQT kiêm giám đốc công ty cổ phần Phong Lan

 

Kính thưa các đồng chí đại diện VCCI

Kính thưa các đồng chí đại diện Bộ tư pháp cũng như các ban ngành ở trung ương và thành phố

Thưa các bạn đồng nghiệp.

Từ sáng đến giờ, nhiều nhà doanh nghiệp, nhiều luật gia cũng đã nói nhiều về nguyên nhân của tình trạng hình sự hoá. Tôi cho rằng đây là một cuộc hội thảo đáp ứng rất tâm huyết đối với các nhà doanh nghiệp, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp. Rõ ràng chuyện hình sự hoá hiện nay rất nhức nhối. Trong báo cáo của tổng thư ký VCCI đã nêu ra 6 nguyên nhân và 9 giải pháp, tôi hoàn tòn đồng ý. Vì gần hết giờ, tôi chỉ xin nêu lên mấy nguyên nhân mà dẫn đến hình sự hoá (không biết trong 6 ngyên nhân tổng hợp kia có ẩn ý này không, nếu có thì đây là tôi nói rõ, nếu chưa thì các đồng chí có thể xem xét thêm)

Trong hình sự hoá mà từ sáng đến giờ các bạn đã nói và chúng ta đã thấy, tôi chợt nhớ một câu trong tác phẩm "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan "Mọi tội lỗi đều bắt nguồn từ sự ngu dốt". Tôi nghĩ một trong những nguyên nhân dẫn đến hình sự hoá cũng là do cái dốt. Đầu tiên là cái dốt của những nhà doanh nghiệp chúng tôi- cái dốt về luật pháp. Bởi vì nhiều khi anh em mải lo làm ăn, có đồng chí từng học về pháp luật nhưng chúng tôi nói thật là một ngày chúng tôi làm việc từ 15- 20 tiếng thì làm sao còn thời gian để nghĩ đến chyện khác. Nhưng thực sự có một số nhà doanh nghiệp cũng dốt thật, không nắm được luật pháp dãn đến gõ không đúng cửa. Lẽ ra cái ta phảo kiện về những vụ án kinh tế, những cửa mà nó giải quyết cái đó thì ta không gõ mà ta lại đi gõ những chỗ khác. Các cụ có câu: quyền thì lợi. ở đây xin lỗi các nhà dại diện cho công an, viện kiểm sát, có nhiều khi không phải việc của anh nhưng người ta cũng cứ đến gõ cửa. Tôi cũng nói thật, tôi có hai người cháu rể, một là trung tá, một là đại tá của cục hình sự. Có những cảnh tôi chứng kiến không phải việc của nó nhưng người ta đến nhờ và cuối cùng nó nhảy vào làm. Nó bảo rằng: Cháu là cháu rể, người ta nhờ, mình không làm thì người ta chửi. Tôi bảo rằng: "Khi mày khoác quân hàm trung tá, mày phải hiểu mày đương là người thừa hành pháp luật và phải làm đúng pháp luật"

Thứ hai, ngay cả những người thừa hành pháp luật cũng không hiểu thấu đáo về việc làm pháp luật, đó là chưa nói về việc phải công tâm. Có nhiều khi việc không hiểu ranh giới giữa vụ án kinh tế, vụ án hình sự, nhất là đối với dân (ở đây chắc anh em cũng sinh hoạt với tổ dân phố), nhiều khi nghe nhiều cái nhức nhối lắm. Mà nhất là công an khu vực không nắm được điều này nên hễ người ta kiện về điều gì thì cứ dùng biện pháp hành chính và thậm chí dùng bạo lực để giải quyết. Do đó để giải quyết nguyên nhân về sự dốt nát này, tôi đề nghị:

+ Phải luật pháp hoá các dịch vụ pháp luật. Tôi không dùng chữ "tư vấn" nữa mà tôi dùng từ dịch vụ pháp luật. Bởi vì có một chuyện như thế này: ông bạn tôi bị bên công an mời đến. ông ấy nhờ một luật sư đến để thay mặt mình làm việc với công an (có giấy uỷ quyền). Nhưng công an bảo là mời ông kia chứ không mời anh. Luật sư bảo tôi có giấy uỷ quyền nhưng công an bảo không có uỷ quyền gì cả, ông ấy phạm tội thì mời đến đây, anh ra khỏi đây, đừng để tôi bắt cả anh nữa. Ông luật sư về bảo với chúng tôi: tôi chiụ thua.

Như vậy nếu chúng ta không luật pháp hoá dịch vụ pháp luật này thì ngay bản thân người thi hành công vụ không thừa nhận cái này thì làm sao mà hoạt động được.

Thứ hai, luật pháp hoá được dịch vụ này thì chúng ta mới phổ cập được dịch vụ pháp luật này, ai cũng biết, ai cũng sử dụng được và biết cái đó thì gõ cửa mới đúng. Như chúng ta đã biết, ở nước ngoài khi bị gọi đến ít khi người ta xuất đầu lộ diện mà luật sư đại diện cho doanh nghiệp đấy, cho chủ doanh nghiệp đến trả lời. Thậm chí có những người đến nhưng chưa trả lời mà bảo còn phải chờ luật sư của họ nữa. ở đây lại khác, vì chúng ta chưa luật pháp hoá dịch vụ này , bản thân người dân và bản thân các nhà doanh nghiệp chưa quen sử dụng cái này. Thực chất chưa quen là một chuyện nhưng quen rồi có biết rồi cũng chưa dám làm bởi vì ông ấy đã có tư cách pháp luật đâu, luật sư đến công an đuổi về thì phải làm sao.

Thứ ba, có luật pháp hoá dịch vụ pháp luật thì mới cột thêm trách nhiệm của các luật sư trong chuyện này. Nhiều khi chúng tôi thuê các nhà luật sư, khi vui thì các vị vỗ tay vào, khi chúng tôi hoạn nạn ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng thấy ai. Có luật pháp hoá dịch vụ này, có dịch vụ này nhảy vào cuộc thay mặt chúng tôi giải quyết vấn đề này để tháo gỡ cho chúng tôi sự dốt nát . Các cụ xưa bảo trăm hay không bằng tay quen. Các vị là những người quen pháp luật nhất, hiểu pháp luật nhất thay mặt cho chúng tôi làm cái này. Nhưng đồng thời các vị cũng phải chịu trách nhiệm với chúng tôi về cái này. Các luật sư bảo chúng tôi phải làm thế nọ, thế kia, bây giờ chúng tôi làm sai mà các vị ngoảnh mặt đi là không được. Cho nên tôi cho rằng: để giải quyết cái nguyên nhân về sự dốt nát của các nhà doanh nghiệp dẫn tới việc hinìh sự hoá các quan hệ dân sự kinh tế. Làm sao chúng ta phải luật pháp hoá, phổ cấp được dịch vụ này.

Nguyên nhân thứ hai, ở Việt nam (tôi không biết là các bạn biết hay né tránh mà không nói vấn đề này) một trong những nguyên nhân đẫn đến tình trạng dẫn đến tình trạng hình sự hoá đó là tình trạng thư tay thay luật pháp. Chúng ta vẫn hô khẩu hiệu: sống và làm việc theo pháp luật. ấy thế mà thường thường những cái thư tay còn cao hơn luật và chính cái đó chúng ta không cấm được nó nên các nhà doanh nghiệp vẫn lợi dungj. Một số doanh nghiệp, một số phần tử không chân chính lợi dụng điều đó dẫn đến tình trạng hình sự hoá. Ví dụ hai ông A và B tranh chấp về kinh tế với nhau. ông A quen thân vị X nào đó nhờ ông này viết thư tay sang cho công an và thậm chí kéo hàng loạt người sang bắt ông B này và chuyển đổi nó sang thành hình sự hoá. Thế nhưng luật pháp của chúng ta, cả trong BLHS tôi đọc không có chỗ nào cấm cái này. Chính tổng thư ký VCCI đã nói hiện tượng này là thói quen hay cậy nhờ các nhà này khác nhưng thoí quen đã đành, tôi cho rằng chính tệ nạn này mà đã có người nói nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế. Từ xưa đén nay chúng ta hay núp bóng những cái này để nhờ thư tay, từ những môia quan hệ lẽ ra nó bình thường nhưng chỉ nhờ một cái thư tay thôi thì chuyển ngay lâpj tức thành vụ án hình sự. Tôi đề nghị VCCI khi đại diện cho doanh nghiệp, họp với trung ương, thảo luận về BLHS, kể cả các luật sư ở đây bằng cách nào đó chúng ta nên đưa cái này vào trong luật pháp. Tôi đã chứng kiến một cảnh như thế này: một cậu ở xưởng gỗ bị xử từ sáng cho đến chiều, bọn toi ngồi dự từ đầu cho đến cuối, ai cũng nghĩ cậu này cao lắm cũng là án treo khoảng một năm thôi bởi vì từ luật sư, thậm chí viện kiểm sát luận tội cũng không thấy tội có gì làn ghê gớm lắm. Nhưng đến giữa buổi sáng thì có thư tay của đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, thư ký của đồng chí Bí thư cầm thư vào. Ngay lập tức Toà án rung chuông bảo nghỉ giải lao 15 phút. Nghỉ giải lao xong rồi, nhìn thái độ của ông Chánh án là chúng tôi biết có chuyện gì. Ông ấy bước từ trong đó ra, nặng nề uể oải vứt cặp xuống sau đó tuyên án cậu kia 5 năm tù. Vì vậy, cần thế nào để đưa vào luật pháp để hạn chế, chấm dứt việc này vì nó là một trong những nguyên nhân để chuyển những quan hệ dân sự kinh tế sang quan hệ hình sự.

Cuối cùng đối với những nhà thi hành luật pháp, tôi nghĩ nên có sự công tâm bởi vì chúng ta làm việc công. Đã gọi là công thì phải công hết, đầu tiên có công tâm thì giải quyết mới công bằng mà có giải quyết công bằng thì mới đúng pháp luật. Nếu mà công tâm thì phải hướng dẫn cho người ta cái này nên gõ cửa chỗ này, cái này nên gõ cửa chỗ kia. Nhưng nếu khong công tâm một chút, thấy cái này có lợi là nhảy vào để làm tạo cho mình cái quyền thì điều đó là không nên. Tôi nghĩ riêng với những người thừa hành công vụ cũng nên có sự công tâm để giúp chúng tôi gỡ rôí, chỉ cho người dân, chỉ cho các nhà doanh nghiệp gõ cho đúng cửa để khỏi đi quẹo từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác.

 

 

13. Bài phát biểu tổng kết hội thảo của TS Dương Đăng Huệ- Đại diện Bộ tư pháp

 

Thưa các đồng chí!

Đáng lẽ sáng nay anh Uông Chu Lưu- Thứ trưởng Bộ tư pháp đồng thời là chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp Bộ tư pháp sẽ vào đây cùng anh Vũ Tiến Lộc chủ trì hội thảo của chúng ta nhưng vì bận việc thành ra anh Lưu không vào được. Anh Lưu ủy quyền cho tôi vào đây làm việc cùng các đồng chí.

Thưa các đồng chí! Theo quan điểm của chúng tôi, Đảng và Nhà nước hiện nay có nhiều mối lo, nhiều mối quan tâm nhưng theo sự hiểu biết của tôi, mối lo lớn nhất có lẽ là mối lo làm thế nào để cho sản xuất kinh doanh của chúng ta phát triển được. Để cho sản xuất kinh doanh phát triển thì không có việc gì và không có ai đáng lo hơn là giới doanh nghiệp. Chúng tôi làm việc ở Bộ tư pháp 15 năm vừa rồi, chúng tôi thấy toàn bộ hoạt động lập pháp của nhà nước đều hướng về doanh nghiệp cả. Chúng ta có Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty, lần đầu tiên quy định ở Việt nam có quyền tự do kinh doanh, sau đó có Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật hợp tác xã, Luật phá sản...Đặc biệt vừa rồi, vào tháng 6/1999, nhà nước lại ban hành Luật doanh nghiệp, một đạo luật vô cùng tiến bộ. Hoạt động lập pháp đó đều hướng vào mục tiêu làm thế nào để cho hoạt động kinh doanh của Việt nam phát triển. Chính vì vậy mà nhân buổi toạ đàm này mà quảng bá luôn: tất cả những cái gì mà phục vụ cho hoạt động kinh doanh phát triển thì các kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền đều được Chính phủ chấp thuận cả. Ví dụ năm nay Bộ tư pháp trình Chính phủ đề án cho phép thành lập CLB Pháp chế doanh nghiệp tại Việt nam và Bộ tư pháp là cơ quan tài trợ. Chính phủ ủng hộ ngay. Những gì có lợi cho doanh nghiệp là phải làm. Bây giờ anh Uông Chu Lưu là chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp.

Toạ đàm hôm nay củ chúng ta, phía Bộ tư pháp đề nghị với VCCI, anh Lộc đồng ý ngay. Bộ tư pháp báo cáo với Chính phủ, Chính phủ bảo tốt, cứ gì có lợi cho doanh nghiệp thì cứ thế mà làm. Hôm nay thay mặt cho anh Lưu, tôi có một vài ý kiến thế này. Sáng nay chúng ta chỉ có 9 phát biểu nhưng thành phần phát biểu rất tổng hợp, có nhà doanh nghiệp, có luật sư, có đại diện của VCCI... Tôi xin trình bày một số ý mà các đồng chí quan tâm.

Về khái niệm hình sự hoá: rất tiếc trong báo cáo của các đồng chí thì không có đồng chí nào nói về khái niệm hình sự hoá cả. Hình sự hoá là một khái niệm khoa học, hình sự hóa thực chất là hoạt động của Quốc hội để biến những hàng vi nào đó trong xã hội từ hành vi bình thường coi đó là tội phạm và kèm theo tội phạm là các biện pháp chế tài của nhà nước. ở Việt nam chỉ có Quốc hội với tư cách cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có quyền cho một hành vi nào đó trong xã hội thành tội phạm và kèm theo các biện pháp hình sự. Hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế thực ra xét một cách khoa học thì khái niệm này không đúng đâu. Làm sao mà hình sự hoá một giao dịch được, chỉ có hình sự hoá hành vi vi phạm thôi. Giao dịch là hai bên. Chúng ta hình sự hoá một hợp đồng kinh tế thì làm sao hình sự hoá được. Giữa khoa học và cuộc sống bao giờ cũng có sự khác nhau và cái hay của thuật ngữ này là nó dùng một từ hết sức khái quát nôm na nhưng nội dung của nó chúng ta hiểu thế này: hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế là việc các cơ quan tố tụng hình sự sử dụng các biện pháp hình sự để giải quyết các vi phạm trong hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Đây là việc thực chất chúng ta áp dụng các biên pháp hình sự tức là khởi tố, tạm giam, truy tố, xét xử, tù tội để giải quyết những vi phạm trong lĩnh vực dân sự kinh tế và chủ yéu trong lĩnh vực đòi nợ.

Biểu hiện của hình sự hoá: Hình sự hoá là hoạt động lập pháp, đây là hoạt động bình thường thôi. Hình sự hoá là chúng ta tội phạm hoá. Cái mà chúng ta nói hình sự hoá: đây là hiện tượng chủ yếu phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật. Ví dụ tôi vi phạm pháp luật, thấy ra toà là quá, ra trọng tài kinh tế thì không được, nhờ công an doạ một câu rồi điều tra, truy tố, xét xử, thế là sợ, sợ thì phải trả tiền ngay. Người ta sử dụng biện pháp này như một công cụ hữu hiệu để đòi nợ một cách nhanh nhất.

Về nguyên nhân:

+ Sự yếu kém của cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế và dân sự hiện hành. Việc chúng ta hình sự hóa biểu hiện đầu tiên là : dân người ta không thích cơ chế mà nhà nước đề ra. Có toà kinh tế, có trọng tài kinh tế nhưng vô dụng. Hiện tượng hình sự hoá thể hiện tính ít tác dụng, tính kém hiệu quả của các cơ chế giải quýet tranh chấp hiện hành tức là toà kinh tê, dân sự và trọng tài kinh tế. Chúng ta cứ nói tại sao người Mỹ thích ra toà, bởi vì người ta tìm toà án và trọng tài như một người đáng tin cậy. Hiện nay người ta không tìm đến chúng ta vì người ta không tin chúng ta.

+ Sự yếu kém của các cán bộ trong bộ máy nhà nước. Nhiều đồng chí không hiểu, không phân biệt được lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt là như thế nào. Có nhiều người nợ tiền người ta, ví dụ tôi vay tiền của ngân hàng, đến hạn không trả được thế là lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt rồi. Thưa các đồng chí không phải như thế. Sự yếu kém của chúng ta là không phân biệt được thế nào là lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vi phạm trong thanh toán. Đó là hình sự hoá thôi. Cứ thấy người ta vay tiền của mình mà không trả được thì đó là tội phạm

+ Có một số người lợi dụng quyền hạn của mình để kiếm tền, coi khởi tố, tạm giam, xét xử, tù tội là những biện pháp đòi nợ để đưởctích thưởng, chia phần. Yếu tố này liên quan đến cái tâm.

+ Bản thân các nhà doanh nghiệp nhiều khi không được bình tĩnh. Tại sao những hành vi này mình vi phạm nó đưa ra toà mà mình cứ ngồi im. Nhiều người nghe đến toà là sợ. Nhiều đồng chí của chúng ta chưa dám can đảm đấu tranh để bảo vệ chính mình.

+ Do chính bản thân pháp luật của chúng ta không rõ ràng.

Về giải pháp

Hôm nay các đồng chí nói rất nhiều mà cái chúng ta quan tâm là giải pháp. Chúng ta nói về biểu hiện, nguyên nhân, tác hại ghê gớm lắm nhưng mà cái quan tâm nhất là giải pháp. Thông qua bài phát biểu của các đồng chí, tôi tóm lại có 6 giải pháp quan trọng:

+ Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính để phân biệt một cách rạch ròi tội phạm hình sự và các vi phạm trong các giao dịch dân sự kinh tế. Vừa rồi chúng ta ban hành BLHS, đó là một bước tiến rất quan trọng trong việc góp phần chống hình sự hoá. Trong BLHS có rất nhiều vấn đề lượng hoá. Trước đây có rất nhiều tội phạm không phân biệt được nên áp dụng tuỳ tiện. Bây giờ nhà luật pháp Việt nam lượng hoá rồi, đó là một bước tiến nhưng mà nhìn chung bên dưới giữa lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt, bên dưới giữa lừa đảo để chiếm đoạt, bên dưới giữa sử dụng tài sản trái phép với hành vi vi phạm HĐKT về nguyên tắc chưa xử lý được nên kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là tiếp tục hoàn thiện pháp luật để làm thế nào phân biệt được chúng với nhau. Khi phân biệt rõ ràng rồi thì không còn cơ hội, điều kiện để người ta có thể lạm dụng.

+ Phải hoàn thiện cơ chế hoạt động của toà kinh tế và trọng tài kinh tế để phát huy tác dụng của chúng như nhữn công cụ hữu hiệu để các nhà doanh nghiệp tự bảo vệ mình mà không cần bằng biện pháp hình sự. Điều này rất quan trọng. Chúng tôi là những nhà lập pháp chúng tôi biết: chúng ta có toà kinh tế, toà dân sự, trọng tài kinh tế nhưng toà kinh tế hiện nay ở nhiều địa phương không có việc làm. Năm 1994 chúng ta cho phép thành lập trọng tài kinh té phi chính phủ, đây là một kênh để các nhà kinh doanh có thể nhờ giúp đỡ. Nhưng ở Việt nam hiện giờ có năm trung tâm suốt ngày chỉ ngồi chơi mà không có ai đến cả. Tôi có mấy anh bạn làm trọng tài viên ba năm nay chưa ai hỏi mình cả. Tại sao toà kinh tê, trọng tài kinh tế dân ít đến, là vì cơ chế hoạt động của anh không hiệu quả, xét xử dài dòng. trọng tài xử rồi nhưng bên thua kiện không thi hành, thế là chịu, không cưỡng chế được. Rồi người ta lại ra toà làm lại từ đầu. Những khiếm khuyết về mặt pháp luật trong tố tụng toà kinh tế và trọng tài kinh tế tự nhiên làm cho người dân không tin. Nếu ra toà người ta bảo lâu dài thì người ta đi bắt thôi bằng cacha nhờ công an, viện kiểm sát. Sắp tới chúng ta đang xây dựng BLTTDS trong đó có nhiều quy định làm cho toà kinh tế hữu hiệu hơn. Hiện giờ hội luật gia Việt nam đang xây dựng một pháp lệnh về trọng tài kinh tế trong đó chúng ta kiến nghị rất nhiều về những biên pháp làm cho trọng tài kinh tế thực sự là công cụ để nhà kinh doanh tin cậy được

+ Phải ban hành các văn bản để quy định chế độ pháp lý, nhất là chế độ pháp lý về tài sản đối với những người đã hình sự hoá các giao dịch dân sự kinh tế. Bây giờ chúng ta phải đánh vào túi tiền, khai trừ Đảng, kiểm điểm chưa là gì cả. Tất nhiên sáng nay đồng chí Lộc đã nói: thời đại bây giờ văn minh, không có chuyện máu trả máu như ngày xưa. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một quy chế pháp lý mà những người có lỗi bất luận là cố ý hay vô ý phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về việc bồi thường thiệt hại. Bộ tư pháp đang chủ trì xây dựng một Nghị định của Chính phủ về việc BTTH mà các cơ quan công quyền trong quá trình thực hiện chức năng của mình gây thiệt hại cho nhân dân. Cơ chế trách nhiệm vật chất mà các đồng chí nêu ra tôi cho rằng rất xứng đáng.

+ Tăng cường đội ngũ luật sư và dịch vụ sử dụng đội ngũ luật sư. các nhà nước văn minh bao giờ người ta cũng sử dụng luật sư ghê gớm lắm. Ví dụ ở Nhật Bản luật sư là một trong bốn hạng người tiên sinh là loại người được xã hội trọng vọng vì nó nhân danh công lý. ở Nhật Bản ba loại người được đào tạo cùng một trường là luật sư, công tố viên, thẩm phán. Chúng ta phải sử dụng luật sư. Các đồng chí nói nhiều phương pháp: có thể cử người đi học, có thể mời luật sư nhưng nói tóm lại: dịch vụ luật sư là vô cùng quan trọng mà chúng ta phải tính đến.

+ Phải giáo dục để các cán bộ phải giỏi về chuyên môn, công tâm về đạo đức. Không giỏi chuyên môn là chết. Không giỏi chuyên môn thì dân khổ. Giỏi nhưng không công tâm thì cũng không được vì đời này có rất nhiều người giỏi mà vẫn làm sai vì cái tâm đen. Các cán bộ phải vì chân lý, phải giáo dục đào tạo, tất nhiên chúng ta có cả một cơ chế.

+ các nhà doanh nghiệp cần phải bình tĩnh, tự tin, có tinh thần trách nhiệm đến cùng vì chân lý, không sợ uy quyền. Nhiều chủ doanh nghiệp xem chừng yếu đuối quá, thấy quyền lực là sợ, thấy toà án là run. Chúng ta phải thấy nếu chúng ta đúng thì chúng ta không sợ bất cứ quyền uy nào. Bản thân chúng ta phải bình tĩnh tự tin và dám đấu tranh.

Xin cảm ơn các đồng chí!

 

14. Vài lời bế mạc diễn đàn của ông Vũ Tiến Lộc - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 

Tôi xin có thêm ý kiến cuối cùng. Đúng là doanh nghiệp cần phải tự tin để bảo vệ mình nhưng mà khi nào chính bản thân các cơ quan nhà nước, Bộ tư pháp đứng bên cạnh doanh nghiệp thì lúc đó sự tự tin của các doanh nghiệp mới hội đủ. Trên cơ sở những ý kiến tổng kết của anh Huệ, về phía ban tổ chức, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dựa trên cơ sở tập hợp thêm các ý kiến tại hội thảo này cũng như các ý kiến mà các anh chịtiếp tục gửi về VCCI và Bộ tư pháp. Chúng tôi sẽ gửi kiến nghị chính thức lên các đồng chí Đảng và nhà nước, các cơ quan có liên quan và cũng thông báo cho một sốUBND các địa phương về kết quả hội thảo của chúng ta. trong các đề xuất, có một điều rất quan trọng ngoài trách nhiệm từ phiá các cơ quan công quyền, ngoài việc doanh nghiệp tự bảo vệ mình thì có một điều mà nhiều đại biểu đã nêu: tức là phải tăng cường vai trò của các tổ chức của giới doanh nghiệp tại Việt nam trong đó có VCCI, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Chúng ta đều biết trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động có một tổ chức khá hùng mạnh làTổng liên đoàn lao động Việt nam. Bất cứ một vấn đề gì liên quan đến người lao động thì Tổng liên đoàn đều lên tiếng và tham gia can thiệp vào những vụ việc liên quan đến người lao động từ trung ương đến địa phương. Chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ có một cơ chế như vậy để bảo vệ lợi ích của người lao động, của các chủ doanh nghiệp. nếu như vậy thì tất cả những vấn đề xảy ra không phải chỉ trong quan hệ này mà trong tất cả các mối quan hệ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài giám đốc doanh nghiệp tự bảo vệ mình, người ta còn có sự bảo vệ của tổ chức đại diện của người ta là các hiệp hội doanh nghiệp cho tưngf ngành, từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc gia là VCCI. Nếu chúng ta có một cơ chế như vậy thì cũng như trước đây chúng ta cũng đã tổ chức một hội thảo về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, các doanh nghiệp đề nghị là: từ nay những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, khi xử lý những vấn đề đó đề nghị có đại diện của VCCI và hiệp hội doanh nghiệp ngồi vào đó để cùng nói lên tiếng nói bảo vệ doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ chính thức đề xuất những kiến nghị của Hội thảo. Phía VCCI, chúng tôi xin báo cáo trong thời gian vừa rồi, chúng tôi nghĩ việc đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, trước hết là việc tác động vào môi trường kinh doanh, hệ thống chính sách. VCCI đã trực tiếp tham gia cùng Bộ tư pháp, Bộ kế hoạch và Đầu tư soạn thảo Luật doanh nghiệp. Chúng tôi cùng nhau chống lại sự phản ứng từ các cơ quan chính quyền, các Bộ, ngành địa phương khi người ta muốn giữ lại quyền lợi của mình. Thực tế vừa rồi chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan để làm việc này. Về việc bảo vệ quyền lợi cụ thể của các doanh nghiệp, tôi cũng xin nhắc lại VCCI có trung tâm trọng tài quốc tế Việt nam không chỉ giải quyết những tranh chấp vi phạm hợp đồng trong những quan hệ quốc tế mà còn trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau cũng có thể đưa ra giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt nam. Chúng tôi cũng có hệ thống phòng pháp chế, ban pháp chế thuộc các chi nhánh của VCCI, và có đội ngũ luật sư nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi luôn ở bên cạnh các doanh nghiệp để bảo vệ cho quyền lợi của các doanh nghiệp.

 

 

 

File đính kèm downloadTải về