• Thuộc tính
Tên đề tài Đổi mới chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay
Nội dung tóm tắt
 
 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta. Ngay từ những năm đầu triển khai Nghị quyết của Đại hội, cùng với một số cơ quan khác, Bộ Tư pháp đã bắt tay vào nghiên cứu về cải cách tư pháp, trong đó có một nội dung rất quan trọng là đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân - một cơ quan có vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp, như mô hình tổ chức các Toà án, chế độ tuyển cử Thẩm phán, vấn đề quản lý các Toà án nhân dân về mặt tổ chức, những vấn đề về chế độ chính sách đối với cán bộ Toà án, trang bị vật chất - kỹ thuật cho hoạt động xét xử... Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ cần sớm được nghiên cứu như vấn đề về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, nguyên tắc hai cấp xét xử, thành lập Toà án khu vực, cảnh sát tư pháp,... Riêng về chế định Hội thẩm, trong tiến trình nghiên cứu về cải cách tư pháp, cũng đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có một đề tài hay một công trình nghiên cứu cơ bản, đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Hơn nữa, Thẩm phán và Hội thẩm đều là những người có vị trí rất quan trọng và cơ bản trong Toà án nhưng việc nghiên cứu lại mới chỉ tập trung vào chế định Thẩm phán mà chưa tập trung vào chế định Hội thẩm. Sự mất cân đối đó trong nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng để thúc giục thực hiện đề tài nói trên.

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã phát huy được yếu tố tích cực, làm cho nhân dân thực sự có tiếng nói trong hoạt động tư pháp. Song trước tình hình mới, chế định Hội thẩm đã bộc lộ những hạn chế và nhược điểm cần sớm được khắc phục. Các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn và các cơ quan chức năng đã nhiều lần đề cập đến những hạn chế, nhược điểm đó nhưng chưa thật sâu sắc và toàn diện, chưa có những kiến nghị, đề xuất mang tính chất lâu dài để chế định Hội thẩm phát huy thực sự tác dụng của mình.

Cho đến những năm 90, đã có nhiều ý kiến khác nhau về đổi mới hoặc cải cách chế định Hội thẩm, như thay chế định Hội thẩm bằng hình thức tham gia xét xử khác hợp lý hơn của đại diện nhân dân; giảm số lượng hội thẩm trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính; tăng số hội thẩm trong các phiên toà hình sự đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng...

Với tất cả những lý do trên đây cho thấy, cả từ góc độ lý luận, nhận thức và thực tiễn, việc nghiên cứu đề tài “Đổi mới chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay” là rất cần thiết và cấp bách. Đề tài được thực hiện với những nội dung chính sau:

I. Ý NGHĨA CỦA CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM

Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp của chế độ cũ bị đập tan và bộ máy tư pháp mới của chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập và được tổ chức, hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ, trong đó có nguyên tắc quan trọng hàng đầu là thu hút nhân dân lao động tham gia vào hoạt động của Tòa án. Sự tham gia đó thể hiện rõ nét nhất qua nguyên tắc Hội thẩm nhân dân (những người đại diện cho nhân dân) tham gia xét xử. Và chính nguyên tắc này đã thể hiện bản chất dân chủ và tính nhân dân của Tòa án kiểu mới.

Ở Việt Nam, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã đi vào cuộc sống hơn 50 năm qua. Thực tế, để hoạt động có hiệu quả, Tòa án phải tổ chức một cách hợp lý, nhưng cũng phải cho xã hội có điều kiện giám sát một cách thường xuyên và có hiệu quả. Đây là một lý do cần có đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán - những người làm nhiệm vụ xét xử chuyên nghiệp, coi việc xét xử là một “nghề”, họ phán quyết những vấn đề liên quan đến con người và toàn xã hội. Để mục tiêu đó đạt được trong hoạt động xét xử, ngoài các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tố tụng, thì cần phải có tiếng nói và sự giám sát từ phía nhân dân, mà trực tiếp là những người đại diện cho nhân dân tham gia vào xét xử - các Hội thẩm. Nếu coi nguyên tắc xét xử công khai là sự kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất và từ bên ngoài của xã hội, thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Hội thẩm tham gia xét xử sẽ góp phần đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khách quan của các quyết định của Tòa án. Việc kết hợp giữa sự tinh thông của Thẩm phán, những thao tác nhà nghề, kiến thức chuyên môn của họ với sự từng trải, kinh nghiệm sống của Hội thẩm, với tiếng nói và hơi thở của cuộc sống sẽ tạo ra những yếu tố loại trừ những hạn chế của Thẩm phán chuyên nghiệp. Hội thẩm tham gia xét xử sẽ mang vào phiên tòa một nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật ở mức “trung bình” của đại đa số nhân dân, một bầu không khí “đời thường”. Họ mang đến phiên tòa những ý niệm, quan niệm đạo đức chung của xã hội, những sự nhận xét, đánh giá chung của các tầng lớp nhân dân về hành vi phạm tội, về tính chất của các tranh chấp dân sự, kinh tế... với những ý niệm công bằng, nghiêm minh, thiện, ác, đúng, sai... Dĩ nhiên, không có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp thiếu những điểm trên. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng uy tín của Tòa án không phải chỉ do các Thẩm phán tạo nên, mà là có sự đóng góp lớn lao của Hội thẩm. Vấn đề là ở chỗ, Hội thẩm tham gia vào sẽ làm tăng thêm niềm tin nội tâm của Thẩm phán, làm cho họ quyết đáp “có lý” và “có tình” và đạt đến mức “thấu tình” “đạt lý”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” được thể hiện trong hoạt động tư pháp chính là ở điểm này.

Như vậy, tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong hoạt động của Tòa án đã được pháp luật hóa. Đó là một yêu cầu có tính khách quan của một nền tư pháp mới của dân, do dân và vì dân. Vậy là bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Tòa án ở Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tuỵ, hết lòng với nhân dân, mà còn thể hiện đậm nét ở việc huy động ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và kiểm tra, giám sát công tác xét xử. Hội thẩm, vì vậy cũng chính là một chế định phù hợp với tư tưởng của V.I. Lê nin và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Nhà nước phải phát huy quyền dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc của Nhà nước”.

Chính vì vậy, mục đích của cải cách trên lĩnh vực tư pháp là nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của Tòa án và để nhân dân có điều kiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Và do vậy có thể nói chế định Hội thẩm còn thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra và đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Qua nghiên cứu các quy định về Hội thẩm trong các văn bản luật hiện hành có thể khái quát 3 chức năng của Hội thẩm như sau:

- Là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

- Thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử từ phía xã hội.

- Là cầu nối giữa Tòa án và xã hội.

Để thực hiện các chức năng trên đây, pháp luật đã quy định cho Hội thẩm một địa vị pháp lý khá rộng rãi, bao gồm những nguyên tắc hoạt động chủ yếu và những quyền, nghĩa vụ cụ thể trong tố tụng và cả những hoạt động ngoài tố tụng.

II. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM Ở VIỆT NAM

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rầm rộ, đã có những bản án của Tòa án cách mạng được tuyên nhằm trừng trị những tên phản động, gian ác như ở Mỹ Tho, mặc dù chính quyền cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chỉ tồn tại có 49 ngày nhưng Hội đồng Tòa án cách mạng đã được lập để xét xử bọn phản động. Tòa án xử lưu động, công khai. Đại diện quần chúng lên phát biểu vạch rõ tội ác của bọn phản động rồi đề nghị mức hình phạt. Tại các phiên tòa đó, quyền quyết định của dại diện nhân dân được tôn trọng.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời. Bộ máy Tư pháp mới được thiết lập. Chế định Hội thẩm được ghi nhận và trở thành một chế định quan trọng trong hoạt động của Tòa án và được quy định tại Sắc lệnh 33/SL ngày 13/9/1945 về tổ chức Tòa án quân sự và Sắc lệnh 13/SL ngày 24/1/1946, đây là những văn bản pháp luật đầu tiên quy định tương đối đầy đủ về địa vị pháp lý của Hội thẩm. Theo Sắc lệnh này, thì với ba cấp Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp và thượng thẩm khi xét xử đều có sự tham gia của phụ thẩm

Đến khi Hiến pháp năm 1946 (19/11/1946) raI đời, đã chính thức ghi nhận nguyên tắc đại diện nhân dân tham gia xét xử, theo đó quy định: “Trong khi xét xử việc hình phải có Phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình”. Tuy nhiên, tên gọi Hội thẩm được dùng lần đầu tiên trong Sắc lệnh số 45/SL ngày 5/7/1947 về tổ chức các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam.

Như vậy, trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng còn non trẻ, chế định Hội thẩm đã được  hình thành. Tuy còn có những hạn chế nhất định (tên gọi - Phụ thẩm, về mức độ tham gia xét xử...) nhưng ý tưởng về một nền tư pháp nhân dân đã được hiện thực hóa. Những người đại diện cho nhân dân đã luôn sát cánh cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử.

 Bước vào những năm 50, nền Tư pháp của chế độ mới đã có những cải cách lớn nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nữa yêu cầu của cách mạng, đòi hỏi của nhân dân. Mốc lớn nhất của cuộc cách mạng (có thể gọi là cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất) là việc ban hành Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng. Theo đó, tổ chức đã được tổ chức lại theo cấp hành chính và Phụ thẩm nhân dân được đổi là Hội thẩm nhân dân nhằm xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của Hội thẩm. Từ lúc này, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cả việc hình sự và dân sự, được tham gia quyết định về mọi vấn đề trong xét xử vụ án như xem hồ sơ, biểu quyết về tội trạng và hình phạt. Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. Còn Tòa án nhân dân phúc thẩm khu hoặc thành phố gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân. Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm nhân dân còn tham gia công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời cũng là một thành viên của Hội đồng Tư pháp (một hình thức phối hợp giữa 2 cơ quan Tòa án và Công tố).

Song do điều kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp, việc thực hiện chế định Hội thẩm thời gian này còn nhiều hạn chế. Tình trạng không có hoặc thiếu Hội thẩm diễn ra ở nhiều địa phương. Việc tập huấn nghiệp vụ cho Hội thẩm được thực hiện còn ít.

Đến khi Hiến pháp năm 1959 được ban hành và tiếp tục ghi nhận nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử. Đồng thời, quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân “Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 thì khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân gồm có một Thẩm phán và  hai Hội thẩm nhân dân. Trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi xét xử phúc thẩm, trong trường hợp đặc biệt liên quan đến dân tộc, tôn giáo phải có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 112).

 Theo Thông tư 1071/TC ngày 7/9/1965 của Tòa án nhân dân tối cao thì việc phân xử những vụ hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa thì không có Hội thẩm nhân dân tham gia.

Sau khi miền Nam giải phóng, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Sắc luật số 01/SL/1976 quy định về tổ chức của Tòa án nhân dân, trong đó khẳng định nguyên tắc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân.

Đến Hiến pháp 1980 - Hiến pháp của thời kỳ quá độ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử được tiếp tục ghi nhận. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân được thể hiện rõ hơn. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Từ năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI bắt đầu. Để phù hợp với tinh thần đổi mới, Hiến pháp năm 1992 đã được ban hành để thay thế Hiến pháp 1980. Sau đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992 và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 1993 được ban hành tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc hoạt động của Hội thẩm như: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động cũng đều thể hiện tinh thần nói trên.

Theo các quy định hiện hành thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm, tuỳ từng loại việc và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định khác nhau. Cụ thể:

- Đối với các vụ án dân sự, hình sự và hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.

- Riêng đối với vụ án hình sự nghiêm trọng và phức tạp và những vụ án về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm.

- Đối với vụ án kinh tế và lao động thì thành phần Hội đồng xét xử gồm có 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Như vậy, Hội thẩm là một chế định pháp lý mang tính chất truyền thống, được khẳng định ngay từ những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Sự tồn tại đó khẳng định vị trí của đội ngũ Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Sự hiện diện của họ, kết quả hoạt động của họ luôn khẳng định nhân dân cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động xét xử của Tòa án.

III. CHẾ ĐỊNH ĐẠI DIỆN NHÂN DÂN THAM GIA XÉT XỬ Ở MỘT SỐ NƯỚC

1. Ở nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Theo pháp luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, riêng thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) thì bắt buộc phải có Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án cấp cơ sở) hoặc từ một đến ba Thẩm phán và từ hai đến bốn Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án nhân dân tối cao). Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân có quyền hạn như Thẩm phán.

Đối với thủ tục tố tụng dân sự (TTDS) theo quy định tại Điều 40 Bộ luật TTDS thì “Khi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sẽ tổ chức Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm hoặc Hội đồng xét xử do các Thẩm phán hợp lại, số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ”... Những vụ án dân sự có thể áp dụng trình tự đơn giản do một Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử. Khi Hội thẩm thi hành trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang với Thẩm phán”.

Như vậy, quy định của pháp luật TTDS có tính mềm dẻo, Hội đồng xét xử án dân sự có thể không có Hội thẩm nhân dân. Thực tế cho thấy Tòa án nhân dân chỉ mời Hội thẩm khi các vụ án dân sự - kinh tế cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.

Qua mấy năm thực hiện, đã có ý kiến của các luật gia cho rằng nên quay lại chế độ Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án dân sự.

2. Ở các nước ASEAN

a. Singapore, nguyên là thuộc địa của Anh từ thế kỷ XIX, Bồi thẩm đoàn được du nhập vào cùng với một số thiết chế tư pháp khác. Nhưng các học giả Singapore cho rằng chế định Bồi thẩm đoàn “Không bắt rễ được trên mảnh đất Singapore”.

Đến 1960, Bồi thẩm đoàn chỉ được áp dụng đối với việc xét xử các vụ án tuyên tử hình và đến 1969 thì hoàn toàn bị bãi bỏ. Thay vào đó, việc xét xử do 2 Thẩm phán đảm nhiệm và chỉ khi cả 2 Thẩm phán thống nhất thì án mới được tuyên. Đến 1992, việc xét xử chỉ do 1 Thẩm phán đảm nhiệm.

Riêng các phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội tại Tòa sơ cấp (từ sau 1994 - phiên tòa người chưa thành niên) thì do 1 Thẩm phán chủ trì với sự giúp đỡ của 2 người tư vấn trong danh sách do Tổng thống chỉ định theo Luật về trẻ em và người chưa thành niên.

b. Ở Philippin: Quy chế của Tòa án ở Philippin có quy định việc huy động các Hội thẩm hỗ trợ cho Thẩm phán trong việc xét xử, song trên thực tế, những quy định này rất hiếm khi được áp dụng.

c. Ở Thái Lan: Khi xét xử các vụ án hình sự và dân sự, không có quy định sự tham gia của nhân dân vào xét xử. Còn tại Tòa lao động, Hội đồng xét xử gồm 1 Thẩm phán chuyên nghiệp và các Thẩm phán không chuyên nghiệp (lấy từ số người đại diện cho người sử dụng lao động) và những người còn lại - đại diện cho tập thể lao động. Số đại diện cho mỗi bên là bằng nhau.

Tại Tòa án người chưa thành niên và Tòa án gia đình, Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán chuyên nghiệp, hai Thẩm phán không chuyên (còn gọi là 2 Hội thẩm) trong đó một vị bắt buộc là nữ. Các phiên tòa này thường xử kín.

d. Ở Malayxia, cũng giống một số nước trong khu vực, chỉ cho phép nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở các phiên tòa chuyên biệt.

Tòa án vị thành niên gồm có một Thẩm phán và 2 Hội thẩm và tiến hành xử kín.

Tòa án Hải quân cũng do 1 Thẩm phán và từ 3 - 5 Hội thẩm quân nhân xét xử.

Tòa lao động gồm 1 Thẩm phán và 3 Hội thẩm đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động và 1 đại diện tự do.

Tại Tòa thượng thẩm, thường thường các vụ án chỉ do 1 Thẩm phán xét xử nhưng cũng có thể có Bồi thẩm đoàn hay Hội thẩm tham dự.

e. Ở Cộng hòa Pháp

- Việc xét xử án hành chính do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có Hội thẩm.

- Một số loại tranh chấp hoàn toàn do Thẩm phán không chuyên xét xử (cũng có thể hiểu là Hội thẩm) như xét xử thương mại do các thương gia được bầu ra để xét xử hay tranh chấp lao động do đại diện giới chủ sử dụng lao động và đại diện của những người làm công ăn lương bầu ra.

- Việc xét xử sơ thẩm dân sự, sơ thẩm vi cảnh và tiểu hình hoàn toàn do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có sự tham gia của Hội thẩm.

- Ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, không có đại diện của công dân tham gia xét xử.

- Về Bồi thẩm đoàn, chế định này được đặt ra ở Pháp sau cách mạng tư sản 1789. Đoàn Bồi thẩm là một tập thể công dân được lựa chọn bằng cách rút thăm, tham gia xét xử ở các phiên tòa đại hình (xét xử những vụ án hình sự nghiêm trọng). Có 2 loại ý kiến về vấn đề này:

- Thứ nhất, đồng tình với thiết chế Đoàn Bồi thẩm với lập luận về tính khách quan, độc lập của các Bồi thẩm viên. Hơn nữa, tiếng nói của Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói của công luận, phù hợp với đạo đức xã hội.

- Thứ hai, không hoàn toàn đồng tình vì Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói ngẫu nhiên, không có tư duy pháp lý chặt chẽ, dễ bị ảnh hưởng bởi báo chí, luật sư và lại thường hay tha tội cho bị cáo.

Trước năm 1941, các Bồi thẩm viên phán quyết về tính chất tội phạm và mức độ trách nhiệm của bị cáo, còn Thẩm phán sẽ quyết định về việc kết án và mức hình phạt.

Từ 1941, thành viên của Đoàn Bồi thẩm cùng nghị án với Thẩm phán cả về tính chất tội phạm và mức hình phạt áp dụng với bị cáo, Khi xét xử Bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp. Hiện nay, Đoàn Bồi thẩm có 9 thành viên là công dân từ 23 tuổi trở lên, là công dân Pháp. Đoàn Bồi thẩm được thành lập ở mỗi tỉnh hàng năm bằng cách rút thăm trong số danh sách cử tri của tỉnh đó.

g. Nhật Bản, Chế độ Bồi thẩm đoàn được áp dụng ở Nhật Bản từ 1923. Đến 1943 thì không áp dụng nữa do không phù hợp.

Hiện nay, ở Nhật Bản đang tồn tại chế định Hội thẩm. Hội thẩm chỉ tham gia tố tụng dân sự với tư cách là các thành viên được lựa chọn từ dân chúng. Họ tham gia vào Tòa án giản lược, Tòa án khu vực và Tòa án gia đình với tư cách là ủy viên hòa giải. Cùng với Thẩm phán, ủy viên hòa giải trong các vụ dân sự có nhiệm vụ gợi ý những thỏa thuận, thỏa hiệp giữa các bên và khuyến khích các bên tự hòa giải. Theo đó:

- Các ủy viên tư pháp giúp cho Thẩm phán trong việc tác động vào các bên trong vụ kiện dân sự và phát biểu ý kiến của mình để Thẩm phán cân nhắc.

- Ủy viên Tòa án gia đình: đối với các việc dân sự như thay đổi họ tên, chia tài sản thì họ tham gia với nhiệm vụ giúp Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc bằng cách trình bày quan điểm của mình về vụ việc đó.

- Ủy viên chuyên môn: Đưa ra những ý kiến chuyên môn khi được Thẩm phán yêu cầu trong các vụ kiện dân sự không cần tranh tụng liên quan đến chủ đất và người cho thuê nhà.

h. Ở Cộng hòa Liên bang Nga

Trước khi Liên Xô sụp đổ (1991), chế định Hội thẩm nhân dân đã tồn tại 70 năm. Trong các vụ án hình sự, dân sự, Hội thẩm nhân dân được tham gia xét xử với thành phần đa số. Khi Liên xô không còn tồn tại, ở Liên bang Nga, chế định Hội thẩm vẫn giữ nguyên và áp dụng thêm chế định Bồi thẩm đoàn trong xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng. Việc mời Bồi thẩm đoàn tham gia xét xử là theo yêu cầu của bị cáo. Bồi thẩm đoàn ở mỗi Tòa án gồm 12 người và được thành lập bằng cách bốc thăm.

Khi tham gia xét xử, Bồi thẩm đoàn phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu sau:

- Hành vi phạm tội có thật hay không?

- Có đúng bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội không?

- Bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không?

Ngoài ra, Bồi thẩm đoàn còn tham gia quyết định những vấn đề như khoan hồng, xác định các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Đối với mỗi vấn đề, Bồi thẩm đoàn phải khẳng định là “có” hoặc “không”.

Như vậy, pháp luật các nước đều quy định về sự tham gia của đại diện nhân dân vào việc xét xử của Tòa án với hình thức và mức độ tham gia khác nhau.

IV. CÁC NGUYÊN TẮC TỐ TỤNG LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM

1. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đây là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp. Theo đó, sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, về pháp luật, về kinh tế, về tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Đối với Hội thẩm khi giải quyết các vụ án, thì không một cơ quan, tổ chức hay người có chức vụ hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét xử, ra lệnh cho Hội thẩm phải xét xử theo yêu cầu của họ. Không thể có một ý kiến áp đặt nào dưới danh nghĩa “hợp tình, hợp lý” để tác động đến Hội thẩm. Không một yêu cầu hay đề nghị nào của những người khác có thể làm ảnh hưởng đến việc Hội thẩm áp dụng đúng pháp luật theo đúng nội dung và tinh thần của điều luật đối với các tình tiết của vụ án cụ thể. Ở đây cũng cần lưu ý là sự độc lập của Hội thẩm cũng được thể hiện giữa họ với Thẩm phán chuyên nghiệp. Về nguyên tắc, Thẩm phán không được áp đặt ý kiến đó với Hội thẩm khi xét xử. Như vậy, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng mà Hội thẩm phải thực hiện cùng lúc: độc lập tức là tuân theo pháp luật và tuân theo pháp luật để được độc lập.

Một trong những bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc này, là sự quan tâm của Đảng đối với nhiệm vụ tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án được thực hiện chủ yếu bằng đường lối, chính sách, công tác cán bộ, công tác kiểm tra của Đảng. Đảng không bao biện và làm thay Tòa án. Đảng lãnh đạo Tòa án để Tòa án độc lập khi xét xử và để công tác xét xử đạt hiệu quả cao.

Pháp luật cũng đã quy định những đảm bảo về mặt tố tụng cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm, đó là:

- Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi đánh giá chứng cứ, quyết định tội danh và hình phạt, Hội thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Hội thẩm tự mình đề nghị không tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi có căn cứ cho rằng họ không vô tư và khách quan.

- Việc nghị án được tiến hành bí mật và Hội thẩm có quyền bảo lưu ý kiến khi nghị án.

- Nếu có các vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ phía Hội thẩm như cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, cố ý làm sai lệch vụ án thì Hội thẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 295 về Tội ra bản án trái pháp luật; Điều 296 - Tội ra quyết định trái pháp luật; Điều 300 - Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Bộ luật hình sự năm 1999).

Tóm lại, việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm chỉ có hiệu quả khi Hội thẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố: bản lĩnh bảo vệ công lý, kinh nghiệm xã hội, kiến thức pháp lý, tức là có đủ căn cứ điều kiện để ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử.

2. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán

Đây là một nguyên tắc được Hiến pháp quy định, thể hiện mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử trên bình diện quyền năng của mỗi người. Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Việc xét xử ở các cấp Tòa án đều được thực hiện theo chế độ hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do cá nhân Thẩm phán hay Hội thẩm nào. Chế độ “hội đồng” bảo đảm mọi quyết định của Tòa án đều được thông qua theo nguyên tắc đa số, các thành viên ngang quyền với nhau.

Để đảm bảo sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán, cần xác định rõ tính chất mối quan hệ giữa họ trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ và giai đoạn xét xử tại phiên tòa.

Trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm mang tính chất hỗ trợ và hướng dẫn. Thẩm phán hướng dẫn cho Hội thẩm cách nghiên cứu hồ sơ để đem lại kết quả nhanh và chính xác; hướng dẫn cho Hội thẩm cách ghi chép tổng hợp nội dung vụ án một cách ngắn gọn, đầy đủ để có thể tiến hành thẩm vấn tại phiên tòa có hiệu quả.

Ngược lại, Hội thẩm có thể phát hiện những vấn đề cần trao đổi với Thẩm phán để bổ sung cho việc xét xử như cần thiết mời thêm người có liên quan đến vụ án, mời thêm người làm chứng... mà trong quá trình làm các thủ tục ban đầu, Thư ký hoặc Thẩm phán do những lý do khác nhau đã không phát hiện ra, hoặc đề nghị trưng cầu giám định tư pháp để giúp cho Hội đồng xét xử kết luận được chính xác.

Thẩm phán và Hội thẩm cần phải cùng nhau trao đổi, thống nhất kế hoạch và cách thẩm vấn tại phiên tòa, cụ thể là xác định mục đích thẩm vấn, thẩm vấn về nội dung gì, thẩm vấn những ai, dự tính những gì sẽ xảy ra sau các câu hỏi của Hội đồng xét xử và trả lời của những người được Hội đồng xét xử hỏi.

Khi phiên tòa khai mạc thì cũng là thời điểm bắt đầu thể hiện rõ nhất cộng đồng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm.

Còn Thẩm phán, trong quá trình điều khiển phiên tòa cần luôn luôn xác định rằng Hội thẩm là những người ngang quyền với mình. Sự đánh giá không đúng vai trò và vị trí của Hội thẩm, không tôn trọng ý kiến của Hội thẩm sẽ dẫn đến hiện tượng áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm. Nếu tránh được điều đó thì cũng có nghĩa là Thẩm phán và Hội thẩm đã tạo ra được một không khí dân chủ trong phiên tòa. Vì vậy, nếu ở các bước của phiên tòa công khai trước khi nghị án mà Hội thẩm đã bị áp đặt ý kiến, thì khi ở trong phòng nghị án ắt hẳn sự áp đặt đó còn mạnh hơn nhiều. Đó là hiện tượng cần phải được ngăn chặn.

Về phía Hội thẩm, khi xét xử phải thể hiện sự tự tin, luôn luôn xác định mình là một thành viên của Hội đồng xét xử. Vì thế cần sẵn sàng hỗ trợ cho Thẩm phán, nhắc nhở Thẩm phán trong quá trình xét xử. Giữa Thẩm phán và Hội thẩm phải phối hợp chặt chẽ, chuẩn xác, bám sát đề cương thẩm vấn, nhưng cần linh hoạt, sáng tạo để cuộc thẩm vấn đạt kết quả. Đồng thời Hội thẩm cần phối hợp với Thẩm phán trong việc điều hành phiên tòa để vừa bảo đảm chất lượng, vừa thể hiện được những yêu cầu của văn hóa tư pháp.

Sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán thể hiện tập trung nhất trong khi nghị án.

Do tính chất quan trọng đặc biệt của bản án, nên pháp luật quy định một trình tự đặc biệt để thảo luận và ra bản án. Chỉ có Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Do vậy, Kiểm sát viên, người bào chữa, Thư ký phiên tòa và bất cứ người nào khác đều không được tham gia nghị án. Trong quá trình nghị án, Hội thẩm phát biểu ý kiến trước và Thẩm phán phát biểu ý kiến sau cùng. Việc biểu quyết được tiến hành theo đa số. Nếu không đồng ý với ý kiến của đa số Hội thẩm hoặc Thẩm phán có thể ghi ý kiến bảo lưu. Thẩm phán tuyệt nhiên không áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm trong khi ra phán quyết cuối cùng về vụ án.

3. Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số

Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số được quy định tại Điều 131 Hiến pháp năm 1992. Theo nguyên tắc này, việc xét xử các vụ án ở mọi cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đều được thực hiện theo chế độ Hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do một cá nhân (Thẩm phán hoặc Hội thẩm) tiến hành. Trong thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm, còn trong tố tụng kinh tế và lao động thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm (trường hợp đặc biệt, trong tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm).

Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số trong các thủ tục tố tụng có Hội thẩm tham gia vừa là sự thể hiện tính chất dân chủ, vừa thể hiện tính chất đặc trưng của hoạt động xét xử là: Việc phán quyết một vụ án phải do một tập thể chứ không phải do một cá nhân nào quyết định. Hội thẩm, với cương vị là một thành viên trong Hội đồng xét xử, phải phát huy hết kinh nghiệm xã hội và kiến thức của mình, để quyết định của đa số thành viên trong Hội đồng xét xử được đúng và chính xác.

Việc thực hiện các nguyên tắc nói trên không tách rời  việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể của Hội thẩm trong tố tụng.

Theo các quy định của pháp luật thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân (Các Điều 7, 25 và 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân).

Theo các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì sau khi thụ lý, nghiên cứu một số vụ án nào đó trong thời hạn quy định (ít nhất là 30 ngày đối với tranh chấp lao động và 4 tháng đối với vụ án dân sự), Thẩm phán có quyền ra các quyết định về việc giải quyết vụ án (đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ việc giải quyết vụ án...). Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi họ tên Hội thẩm nhân dân (trong Hội đồng xét xử vụ án đó).

Trong quá trình diễn biến phiên tòa, từ khi khai mạc đến khi nghị án, Hội thẩm phải cùng với Thẩm phán thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các quy định của pháp luật về các bước tiến hành một phiên tòa, giải quyết các vấn đề phát sinh (như thay đổi người tiến hành tố tụng, xử lý những người vi phạm nội quy phiên tòa...).

Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm còn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương nơi mình cư trú. Hoạt động này được thực hiện thông qua việc giải thích cặn kẽ và thông tin chi tiết về việc xét xử những vụ án mà Hội thẩm đã tham gia. Qua đó góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Muốn vậy, bản thân người Hội thẩm phải có lối sống gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật để mọi người noi theo và học tập.

V. TIÊU CHUẨN, BẦU, CỬ, MIỄN - BÃI NHIỆM, QUẢN LÝ VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỘI THẨM

1. Tiêu chuẩn của Hội thẩm

Theo Điều 37 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 4 và Điều 29 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì, tiêu chuẩn để được bầu (hoặc cử) làm Hội thẩm.

- Là công dân Việt Nam;

- Trung thành với Tổ quốc;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực;

- Có kiến thức pháp lý;

- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, nếu là Hội thẩm quân nhân thì phải là quân nhân hoặc là công nhân, nhân viên quốc phòng đang phục vụ trong quân đội.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn 1973/QLTA ngày 10/11/1994 hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân của các TAND địa phương nhiệm kỳ 1994 - 1999 thì “cần chú ý trước hết tiêu chuẩn về chính trị và phẩm chất đạo đức; trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có uy tín với nhân dân nơi cư trú, công tác; không đưa những người thoái hóa, biến chất hoặc có người trong gia đình (cha mẹ, vợ hoặc chồng, con) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của... làm Hội thẩm nhân dân”.

Đối với tiêu chuẩn "Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao" thì ngoài sức khỏe và thể lực cần thiết, còn bao gồm cả yếu tố ngoại hình: không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Hội thẩm.

Riêng các tiêu chuẩn về "kiến thức pháp lý", nghiệp vụ xét xử, trình độ văn hóa đối với Hội thẩm nhân dân thì vận dụng phù hợp với từng vùng khác nhau, nhưng phải bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ xét xử. Cần chú ý lựa chọn những người đã có trình độ pháp lý hoặc đã qua công tác pháp luật làm Hội thẩm.

Còn trong Công văn 1677/Tp-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp gửi Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì quy định tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật của Hội thẩm như sau: “Đối với tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật như Điều 4 của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân đã nêu "đó là những người có kiến thức pháp lý" vì vậy khi đưa vào danh sách, cần hết sức coi trọng đến sự hiểu biết về kiến thức pháp lý của người được bầu. Đó là những người công tác trong các ngành pháp luật, nay đã nghỉ chế độ, nhưng vẫn còn sức khỏe, có tinh thần nhiệt tình công tác, có đủ điều kiện làm Hội thẩm; hay những cán bộ đương nhiệm, đang làm pháp chế cho các cơ quan Nhà nước... Mặt khác, cần lưu ý là không giới thiệu người hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, luật sư tư vấn làm Hội thẩm Tòa án nhân dân. Có như vậy mới tạo điều kiện để thực hiện các nguyên tắc "Khi xét xử, Hội thẩm, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và "Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán".

Như vậy, trong việc bầu, cử Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương hai nhiệm kỳ vừa qua (1994 - 1999 và 1999 - 2004), Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn khá cụ thể để bảo đảm số lượng và chất lượng của đội ngũ này.

2. Về thủ tục bầu, cử Hội thẩm

Theo Điều 39 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, thì Hội thẩm Tòa án cấp tỉnh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu ra theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Còn Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện được bầu ra theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm kỳ là 5 năm.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

Cơ chế bầu và cử Hội thẩm quân nhân như trên trong tình hình hiện nay là thích hợp.

3. Thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm

Trường hợp miễn nhiệm là trường hợp Hội thẩm vì lý do sức khỏe hay các lý do khác mà không thể tham gia xét xử tiếp được.

Hội thẩm có thể bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất, đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng làm Hội thẩm.

Thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Hội thẩm ở Tòa án mỗi cấp như sau:

- Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi có sự thống nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu hoặc cấp tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với cơ quan chính trị quân khu hoặc cấp tương đương. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

4. Quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương

Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương trong nhiều năm qua chưa được thể chế hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng quản lý nửa vời, kém hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy ở cấp vĩ mô, Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các HTND của TAND địa phương. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các TAND địa phương về tổ chức theo Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy nhiên việc quản lý đó chỉ trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

Còn các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. Ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm trong tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân địa phương theo đúng nghĩa của hoạt động quản lý là vấn đề còn bỏ ngỏ.

5. Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm

Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Chánh án Tòa án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm.

Hội thẩm được cấp Giấy chứng minh, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Về chế độ chính sách, pháp luật quy định cho Hội thẩm được hưởng một số chế độ như phụ cấp xét xử, tiền công tác phí.

Về mức phụ cấp phiên tòa đối với Hội thẩm theo Thông tư số 614/TT/LB ngày 21/7/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm TAND cấp tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử là 20.000đ/ngày. Ngoài chế độ phụ cấp trên, Hội thẩm còn được thanh toán tiền công tác phí như đối với công chức  Nhà nước đi công tác.

Những chế độ khác như trang phục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (của Hội thẩm không phải là công chức hay công nhân viên) chưa được pháp luật quy định. Việc cung cấp tài liệu, sách báo cho Hội thẩm cũng chưa có quy định cụ thể.

VI. THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm đã không ngừng được hoàn thiện. Tuy tên gọi, cách thức tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn khác đối với Hội thẩm ở mỗi thời kỳ không hoàn toàn giống nhau nhưng chế định Hội thẩm đã song song tồn tại cùng với Tòa án nhân dân. Chỉ riêng hơn nửa thế kỷ tồn tại liên tục của chế định này đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của đội ngũ Hội thẩm - những người xét xử không chuyên - đại diện cho nhân dân cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử các vụ án, xứng đáng là những người đứng trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Ở từng thời kỳ, đội ngũ Hội thẩm đều đã phát huy tính tích cực của mình, tham gia xét xử nhiều vụ án, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giáo dục công dân ý thức tuân thủ pháp luật. Mặt khác, việc Hội thẩm tham gia xét xử đã làm cho nền tư pháp của chúng ta thực sự là một nền tư pháp nhân dân, một nền tư pháp thể hiện "lấy dân làm gốc". Sự hiện diện của Hội thẩm trong việc xét xử các vụ án đã khẳng định rằng nhân dân có thể và cần phải có tiếng nói đích thực của mình trong hoạt động tư pháp. Chính sự tham gia tích cực và có hiệu quả đó của Hội thẩm nhân dân đã tôn vinh thêm vị thế của Tòa án trong chế độ ta.

Trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, các Tòa án nhân dân địa phương đã có đội ngũ Hội thẩm được bầu lên tới 11.118 người (trong đó Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh 1.473 người; Tòa án nhân dân cấp huyện là 9.645 người). Đây là một lực lượng đông đảo tham gia xét xử trong những năm tới.

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của Hội thẩm và áp dụng các quy định của pháp luật về Hội thẩm, có thể thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập cần được khắc phục để chế định Hội thẩm thực sự phát huy tác dụng trong việc xét xử. Những vướng mắc và bất cập đó là:

1. Về mặt nhận thức, chưa thực sự đánh giá đúng vị trí của Hội thẩm trong hoạt động xét xử

Trên thực tế, xảy ra những cách nhìn khác nhau về vị trí của hội thẩm. Cụ thể:

Còn có việc coi nhẹ sự tham gia xét xử của Hội thẩm và cho rằng hoạt động xét xử của Hội thẩm mang tính hình thức. Sự coi nhẹ này trước hết từ nhận thức của một số Thẩm phán.

Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp thì tại một số Tòa án nhân dân tỉnh và huyện ở phía Bắc thì số người được hỏi cho rằng hoạt động của Hội thẩm mang tính hình thức chiếm tới 46%. Đây là nguyên nhân bình thường vì Thẩm phán là những người được đào tạo cơ bản về chuyên môn và nghiệp vụ, còn Hội thẩm chỉ là những người đại diện cho trình độ hiểu biết pháp luật ở mức "trung bình" của người dân nói chung, do vậy, sự băn khoăn của Thẩm phán là có căn cứ. Như nhiều Thẩm phán đã nhận xét: "Có nhiều vụ án phức tạp, tài liệu quá nhiều nên Hội thẩm chỉ đọc được những tài liệu như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và một số lời khai của bị cáo, đương sự. Các chứng cứ khác không nắm chắc, nên khi ra xét xử, ngại Thẩm phán, hoặc không dám tranh luận với Thẩm phán khi nghị án". Đây có thể nói là một trở ngại khách quan, gây ra nhận thức không đúng của một số người. Về phía quần chúng nhân dân, do chưa thấy hết được vai trò của người đại diện cho mình tham gia xét xử, cho rằng Hội thẩm tham gia cho đủ lệ bộ của Tòa án. Nhất là khi dự phiên tòa, công chúng thấy một số vị Hội thẩm thụ động, lúng túng nên càng có ấn tượng về tính hình thức của chế định Hội thẩm.

Còn phía Hội thẩm, ngoài những vị tham gia chủ động, tích cực còn có những vị quá thụ động. Trong nhiệm kỳ 1994 - 1999, có những Hội thẩm không tham gia xét xử vụ án nào vì những lý do khác nhau cả về chủ quan lẫn khách quan. Có những Hội thẩm khi tham gia xét xử thì ngồi im lặng từ đầu đến cuối phiên tòa, hoặc do không nắm vững hồ sơ cũng như các tình tiết của vụ án, nên đã đặt ra những câu hỏi lạc lõng, xa rời nội dung vụ án... Sự thiếu chủ động đó của Hội thẩm cũng như tâm lý mặc cảm của họ càng dễ gây cho những người khác cảm giác chế định Hội thẩm là hình thức.

Cũng do chưa tính toán hết những yếu tố tác động đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, nên cho đến nay, pháp luật chưa chính thức giao cho cơ quan nào quản lý thống nhất đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đang có nhiều cơ quan đảm nhiệm những phần việc khác nhau có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội thẩm: Ủy ban Mặt trân Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lập danh sách Hội thẩm để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm (trừ Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao và Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp thì do cơ quan có thẩm quyền cử theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân); Chánh án Tòa án nhân dân có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công xét xử, giữ mối liên hệ với Hội thẩm, báo cáo công tác xét xử - trong đó có hoạt động xét xử của Hội thẩm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Về phía cơ quan tư pháp thì căn cứ vào Điều 16, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Bộ Tư pháp quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức, trong đó được hiểu là quản lý cả Hội thẩm vì Hội thẩm là một thành phần không thể thiếu của Tòa án. Theo Quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và Tòa án quân sự khu vực về tổ chức cũng như Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc về quản lý Hội thẩm như: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Hội thẩm các Tòa án nhân dân địa phương, hướng dẫn việc bầu Hội thẩm, cấp giấy chứng minh Hội thẩm, cấp kinh phí để các Tòa án tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh phí phục vụ cho hoạt động xét xử của Hội thẩm. Vì chưa có cơ quan nào chính thức quản lý thống nhất Hội thẩm nên ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội thẩm đã tự tổ chức thành Đoàn Hội thẩm (có tính chất như là một tổ chức tự nguyện) với Điều lệ hoặc nội quy hoạt động do các Hội thẩm tự quy định với nhau như "Quy ước của người Hội thẩm nhân dân" của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ) nhiệm kỳ 1994 - 1999. "Một số quy định hoạt động của Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (nhiệm kỳ 1994 - 1999). Có tỉnh thì Hội đồng nhân dân ban hành Quy chế về Hội thẩm như “Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện của thành phố Hà Nội (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 107/1999/ NQ/HĐ ngày 19/7/1999 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội).

 Do đó, thực tế đòi hỏi pháp luật cần quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Hội thẩm (Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân, cơ quan Tư pháp hay Hội đồng nhân dân) để lấp khoảng trống trong pháp luật lâu nay vẫn tồn tại nhằm củng cố thêm cho địa vị pháp lý của Hội thẩm nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng.

Như vậy, về mặt nhận thức cũng như về mặt tổ chức quản lý, đang có những yếu tố gây trở ngại cho chế định Hội thẩm và chắc chắn là ảnh hưởng tới kết quả xét xử của Hội thẩm. Giải quyết được những vấn đề này là góp một phần nào thực hiện nhiệm vụ cải cách Tòa án hiện nay.

2. Việc thực hiện nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”

Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định để thực hiện, trước hết là điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, về đạo đức, bản lĩnh, tâm lý.

Nhưng bản lĩnh và tâm lý khi xét xử của Hội thẩm lại phụ thuộc không ít vào sự hiểu biết về chuyên môn và nghiệp vụ của họ. Trong khi đó, Hội thẩm lại là những người không chuyên xét xử, không được đào tạo như Thẩm phán chuyên nghiệp. Vậy họ thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử như thế nào?

Đây là vấn đề nan giải mà hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau chưa ngã ngũ. Cho đến nay, chưa có một sự tổng kết nào để khẳng định rằng kiến thức pháp lý của Hội thẩm đến mức nào là đủ để họ thể hiện được sự độc lập của mình. Với đa số trong Hội đồng xét xử sơ thẩm, các Hội thẩm có thể tạo ra sự chế ước khi đưa ra phán quyết, nhưng với điều kiện họ xét xử công minh, có sự vững vàng về kiến thức pháp lý và dũng cảm bảo vệ công lý. Đây chính là sự tạo điều kiện từ phía Nhà nước để những người đại diện cho nhân dân trực tiếp quyết định chất lượng xét xử của một cấp xét xử quan trọng - xét xử sơ thẩm. Sự chế ước này có tác dụng góp phần làm cho kết quả xét xử phù hợp với thực tế khách quan, nhưng nếu sự chế ước chỉ thông qua việc áp đảo về số lượng thì chưa đủ. Vấn đề là ở chỗ, họ còn phải sử dụng kinh nghiệm xã hội và kiến thức chuyên môn để tạo ra sự chế ước lành mạnh. Cả nước có hơn 11.000 Hội thẩm nhưng tiêu chuẩn chuyên môn của họ lại rất chung chung, chưa cụ thể (như “có kiến thức pháp lý”, “phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ” (Điều 4 và Điều 26 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân), và khác xa các tiêu chuẩn về chuyên môn đối với Thẩm phán (vì tiêu chuẩn chuyên môn của Thẩm phán rất cụ thể: tốt nghiệp đại học Luật, có thời gian làm công tác pháp luật nhất định - 8 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 6 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 4 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện). Như vậy, xét về lôgíc, trên thực tế Hội thẩm sẽ khó thực hiện được nguyên tắc độc lập xét xử như là các Thẩm phán chuyên nghiệp. Họ như những người lao động mà không có đủ công cụ chuyên dùng. Trong một hoàn cảnh như vậy thì Hội thẩm sẽ bị hạn chế khi cần phải vận dụng kiến thức chuyên môn để bảo vệ ý kiến của mình. Vì nếu không bảo vệ được thì, hoặc là phải chấp nhận ý kiến của Thẩm phán, hoặc là khi có đủ sự kiên định thì biểu quyết khác Thẩm phán, yêu cầu bảo lưu ý kiến của mình. Rõ ràng, sự độc lập của Hội thẩm chỉ có tính chất tương đối trong điều kiện hiện nay. Đây là yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội thẩm khi xét xử.

Yếu tố thứ hai là Hội thẩm (và có khi cả Thẩm phán) có thể bị các áp lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử, ví dụ: một số cán bộ của tổ chức nào đó hay chính quyền can thiệp vào việc xét xử các vụ án cụ thể, hoặc áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử, hoặc là chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra, bản cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ nên có thể không thực sự độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.

Việc loại trừ yếu tố thứ hai là một việc làm không khó, nhưng khắc phục yếu tố thứ nhất - trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để Hội thẩm thực sự độc lập là vấn đề nan giải. Ở đây, phải giải quyết một mâu thuẫn là: Nếu đòi hỏi tất cả Hội thẩm phải có trình độ pháp lý như Thẩm phán thì có nghĩa là “Thẩm phán hóa” đội ngũ Hội thẩm và rõ ràng là sẽ không cần sử dụng đến đội ngũ Hội thẩm như hiện nay. Nhưng nếu cứ để trình độ Hội thẩm như hiện nay thì e rằng chất lượng xét xử không thể như mong muốn được. Nhà nước cần trang bị cho họ kiến thức pháp lý ở mức cần thiết để họ có thể tự tin, giữ vững bản lĩnh khi xét xử. Có thể đồng tình với một học giả Xô Viết trước đây khi ông cho rằng: “Việc mở rộng yếu tố nhân dân trong Tòa án (Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử), có thể chừng mực nào đó gây tổn hại cho sự chuẩn mực về chuyên môn trong những lời tuyên án, nhưng điều đó là cần thiết vì nhân dân muốn và cần phải có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện công tác xét xử”.

3. Việc thực hiện nguyên tắc “khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”

Nhìn tổng thể, các Hội thẩm bằng kiến thức và kinh nghiệm xã hội, với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình đã cố gắng thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án, trong đó có nguyên tắc ngang quyền Thẩm phán khi xét xử. Sự ngang quyền này trên thực tế đã được thể hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử và kết thúc ở phần nghị án. Thực tế cho thấy, đối với nhiều vụ án quan trọng, phức tạp, Thẩm phán và Hội thẩm đã chủ động tiến hành trao đổi với nhau để chuẩn bị việc quyết định đưa vụ án ra xét xử và cùng quyết định những vấn đề quan trọng như: đề nghị Viện kiểm sát điều tra bổ sung một số tình tiết, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; thay đổi biện pháp ngăn chặn; quyết định xử công khai hay xử kín; chỉ định người bào chữa cho bị cáo, thời gian và địa điểm mở phiên tòa... Đây là những vấn đề thường được Hội thẩm tham gia nhiều ý kiến và những ý kiến này nhìn chung là sát thực. Có những vụ án trọng điểm như vụ ma túy Vũ Xuân Trường, vụ Dương Văn Khánh, vụ EPCO - Minh Phụng, các Hội thẩm phải đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ, giữa Thẩm phán và Hội thẩm đã hình thành một sự thống nhất và chính điều đó đã tạo cho Hội thẩm thực hiện tốt nguyên tắc ngang quyền với Thẩm phán.

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, nguyên tắc độc lập xét xử được thể hiện rõ hơn. Qua thực tế xét xử nhiều vụ án có Hội thẩm tham gia, có thể khẳng định rằng mặc dù còn những hạn chế về kiến thức chuyên môn nhưng Hội thẩm đã có nhiều cố gắng, vừa duy trì tính độc lập của mình, vừa thể hiện nguyên tắc ngang quyền mà pháp luật đã quy định cho họ. Các Thẩm phán cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm trong quá trình xét xử. Có vụ án phức tạp Thẩm phán còn đề nghị Hội thẩm nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó như về hiện trường vụ án, về kết luận giám định, và điều đó đã giúp cho Hội đồng xét xử chủ động khi xét hỏi. Khi thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa, dựa vào kinh nghiệm của mình, Hội thẩm tham gia hỏi bị cáo, các đương sự, người làm chứng, giám định viên... xem xét chứng cứ, mức độ phạm tội của bị cáo, vấn đề bồi thường thiệt hại... Từ đó tạo cho Hội đồng xét xử có cơ sở chắc chắn để quyết định bản án khi nghị án. Đồng thời cũng tạo một trạng thái tâm lý cho Hội thẩm để họ tự khẳng định mình luôn luôn là một thành viên của Hội đồng xét xử, tức là người trong cuộc và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình.

Thông thường, sau khi xét hỏi xong, qua kết luận buộc tội của Kiểm sát viên, lời bào chữa của luật sư, hoặc lời bào chữa của chính bị cáo, thỉnh cầu của người bị hại đã hình thành một quyết định tương đối thống nhất giữa Hội thẩm và Thẩm phán... Khi nghị án, đại đa số trường hợp quyết định của Tòa án là sự nhất trí cao giữa các thành viên của Hội đồng xét xử. Còn những trường hợp phần xét hỏi bị kéo dài thường có lý do là các chứng cứ chưa rõ ràng, các tình tiết giảm nhẹ chưa được làm rõ. Vì vậy, khi nghị án thường có sự đánh giá khác nhau giữa Hội thẩm và Thẩm phán về tính chất tội phạm, mức độ lỗi của bị cáo, do đó việc đề xuất mức án khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cuối cùng Hội đồng xét xử thường là nhất trí với nhau trừ trường hợp phức tạp, có ý kiến bảo lưu của một trong những thành viên của Hội đồng xét xử.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội thẩm là giáo viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn thanh niên đã tham gia các phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên với hiệu quả cao. Các vị Hội thẩm này hiểu khá rõ quá trình phát triển, diễn biến tâm lý, nhận thức của bị cáo ở tuổi vị thành niên, nên khi tham gia xét xử đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, có lập luận sắc bén, quyết định chính xác và tạo được sự đồng tình của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều Hội thẩm đã về nơi cư trú hay công tác của mình thông báo cho quần chúng nhân dân biết về kết quả xét xử, thông qua đó để nhân dân hiểu biết thêm về pháp luật và hoạt động xét xử của Tòa án.

Tuy nhiên, quyền bình đẳng đó chỉ thực sự  được thực hiện ở một giai đoạn của quá trình xét xử (sơ thẩm và đôi khi là ở phúc thẩm) chứ không phải là tất cả các giai đoạn từ xét xử sơ thẩm đến giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, nói bình đẳng ở đây là nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền phán quyết theo pháp luật, nhưng khả năng để thực hiện những quyền đó ở Thẩm phán và Hội thẩm không giống nhau do chỗ có khoảng cách về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là sự hạn chế có lý do khách quan do cơ chế lựa chọn Hội thẩm và tính chất của chế định Hội thẩm. Sự ngang quyền phải được chuẩn bị ngay từ khi lựa chọn người bầu cử làm Hội thẩm, sao cho họ có đủ khả năng để thực hiện sự ngang quyền ấy. Và để có thể ngang quyền, khi bắt đầu vào nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm phải thể hiện rất cao trách nhiệm của mình để nắm vững hồ sơ. Thực tế cho thấy có nhiều Hội thẩm hoặc là đọc không kỹ hồ sơ, hoặc là khi nghiên cứu hồ sơ lại không tập trung chú ý vào nội dung vụ án. Những vấn đề phức tạp, còn băn khoăn trong vụ án lại không trao đổi và hỏi kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán. Vì vậy, Hội thẩm thiếu sự chuẩn bị chu đáo khi ra trước phiên tòa. Việc công chúng cảm nhận sự tham gia đó mang tính hình thức là có căn cứ vì “nội dung vụ án chưa nắm vững thì Hội thẩm không có lý nào hơn là tham dự để đủ thành phần, có tính hình thức chứ chưa thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chưa thực sự là người “cầm cân công lý” phán xét. Tính hình thức của sự tham gia của Hội thẩm còn có thể biểu hiện dưới dạng Hội thẩm để cho Thẩm phán toàn quyền quyết định về những điều quan trọng trong vụ án, còn bản thân Hội thẩm thì thụ động, chờ đợi. Trên thực tế, trong khi xét xử còn có những trường hợp Hội thẩm đưa ra những câu hỏi không ăn nhập với nội dung vụ án hoặc giải thích không đúng với tình thần của điều luật... đã làm ảnh hưởng đến phiên tòa. Một khi đã có hiện tượng như vậy thì nguyên tắc ngang quyền giữa Hội thẩm và Thẩm phán có thể bị hạn chế. Như vụ án mà bị cáo có hành vi vận chuyển 1.600 bình xịt hơi cay từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại phiên tòa, bị cáo nhận tội và sự nhận tội đó phù hợp với thực tế khách quan của vụ án. Khi nghị án, Thẩm phán có quan điểm xử tù giam nhưng các Hội thẩm nhân dân cương quyết đề nghị cho bị cáo hưởng án treo với lập luận: Đây là các mặt hàng ở nước ngoài bày bán tự do, hơn nữa khi vận chuyển vào đã bị bắt ngay, chưa gây hậu quả nghiêm trọng...! Nhận định của các Hội thẩm như vậy là chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở thời điểm hiện tại, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Hoặc vụ án truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ (chiếu phim đồi truỵ tại Nhà văn hóa Bát Giác - trường Đại học Bách khoa), khi Thẩm phán đề nghị xử tù giam các bị cáo thì các Hội thẩm lại đề nghị và biểu quyết theo đa số cho hưởng án treo. Bản án bị Tòa án nhân dân tối cao hủy vì lý do xử nhẹ.

4. Về trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm

Đa số các tác giả đều cho rằng trong trường hợp ý kiến của đa số Hội thẩm khác với ý kiến của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa khi nghị án thì phải tôn trọng theo đa số. Sau đó, bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm thì trước hết, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án phải chịu trách nhiệm... Vậy, pháp luật trao quyền cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử với tư cách là người tiến hành tố tụng thì cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm như thế nào, mức độ đến đâu. Hoặc trong Hội đồng xét xử sơ thẩm về hình sự, số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, vậy khi bản án có sai lầm thì trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm thế nào? Đối với họ có thể áp dụng các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra hay không? Và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội thẩm. Ý kiến khác cũng cho rằng mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị Tòa án cấp trên cải sửa hoặc hủy... thì Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm  theo mức độ nhất định (kể cả việc mất điểm thi đua). Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và không có quy chế để ràng buộc, rất khó kiểm soát, rất khó quy kết. Bởi vì pháp luật chỉ quy định trách nhiệm hình sự của Thẩm phán và Hội thẩm khi ra bản án, quyết định trái pháp luật, làm sai lệch hồ sơ vụ án, mà không quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm khi có sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến bản án hình sự bị hủy hoặc bị sửa. Trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân chỉ quy định việc bầu, cử Hội thẩm, sau đó giao cho Tòa án để các Hội thẩm “làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án” và để “Chánh án giữ mối quan hệ với Hội thẩm”. Quy định như vậy là chung chung và chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Hội thẩm đối với bản án mà mình tham gia quyết định. Ngay cả việc thống kê chất lượng xét xử, Bộ Tư pháp mới chỉ đặt ra đối với Thẩm phán chứ không đặt ra với Hội thẩm. Vì cơ chế quản lý và cơ chế đánh giá hoạt động như vậy nên trách nhiệm của Hội thẩm không rõ ràng. Với cơ chế trách nhiệm như vậy, liệu có thể tất cả Hội thẩm đều toàn tâm, toàn ý với hoạt động xét xử hay không và họ quan tâm đến chất lượng xét xử như thế nào?

Như vậy, quyền và trách nhiệm của Hội thẩm  chưa tương ứng với nhau. Ngoài lý do về cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng đã nêu ở phần trên, có thể thấy còn một loạt lý do khác nữa. Trước hết là thiếu mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Tòa án với Hội thẩm. Nhiều trường hợp Hội thẩm không nắm được lịch xét xử nên bị động. Nhưng bên cạnh đó lại có nhiều Hội thẩm từ chối tham gia xét xử với lý do bận công việc, bận đi họp hay đi học. Thực tế cho thấy các Hội thẩm đã nghỉ hưu thường tham gia xét xử nhiều hơn số Hội thẩm đương chức. Điều đó làm cho công chúng thấy thiếu những người đại diện rộng rãi cho tầng lớp nhân dân tham gia xét xử. Có những trường hợp phiên tòa phải hoãn nhiều lần do thiếu Hội thẩm. Để khắc phục tình trạng này, có khi Tòa án đã mời các Hội thẩm không nghiên cứu hồ sơ từ trước ngồi vào xét xử để đủ thành phần. Thứ hai là do chưa có cơ quan nào quản lý trực tiếp và toàn diện toàn bộ tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, nên các Tòa án chưa có một chương trình công tác khoa học theo đúng kế hoạch cho các Hội thẩm, để trong cả nhiệm kỳ, mỗi Hội thẩm đều có quyền và nghĩa vụ lần lượt tham gia xét xử các vụ án. Đó là chưa kể đến việc tiếp nhận thông tin, đơn thư của quần chúng gửi đến cho Hội thẩm được quan tâm rất ít trước khi chuẩn bị xét xử các vụ án hình sự phức tạp, nghiêm trọng thu hút sự chú ý của nhân dân.

5. Những vướng mắc trong việc xác định tiêu chuẩn Hội thẩm, thủ tục bầu cử và quản lý Hội thẩm và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm

Trên quan điểm khẳng định chế định Hội thẩm vẫn tiếp tục cần duy trì trong hoạt động xét xử của Toà án, nhưng phải có những đổi mới nhất định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chính bản thân Hội thẩm, phục vụ tốt hơn cho việc xét xử thì trước hết phải đặt vấn đề bổ sung những tiêu chuẩn cụ thể của Hội thẩm, đồng thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn về tổ chức, quản lý và chế độ chính sách đối với Hội thẩm.

a. Trước hết là về tiêu chuẩn của Hội thẩm

Hội thẩm cần bảo đảm ba loại tiêu chuẩn: Chính trị, chuyên môn và các tiêu chuẩn khác. Riêng tiêu chuẩn chính trị cần giữ như quy định hiện hành.

+  Tiêu chuẩn chuyên môn và  nghiệp vụ.

Một thực tế đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giữa Thẩm phán (là người xét xử chuyên nghiệp) và Hội thẩm (là người xét xử không chuyên) ngày càng rõ. Trong lúc pháp luật đòi hỏi Thẩm phán  phải có những tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề thì tiêu chuẩn của Hội thẩm hầu như không có sự thay đổi lớn qua nhiều năm, mặc dù trình độ dân trí nói chung và trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân đã được nâng lên hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm cũng như nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền Thẩm phán, nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số ngày một đòi hỏi ở Hội thẩm nhiều hơn về kiến thức chuyên môn (ngoài những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần có). Nhưng thực tế đội ngũ Hội thẩm hiện nay chưa đáp ứng được.

Vì vậy, để Hội thẩm phát huy được hết khả năng của mình trong xét xử, pháp luật cần quy định rõ ràng và cụ thể tiêu chuẩn pháp lý (chuyên môn) của Hội thẩm. Cụ thể là: Hội thẩm phải có kiến thức pháp lý ở mức "sơ cấp" (như trước đây thường nói) tức là có kiến thức cơ bản nhất về pháp luật. Lượng kiến thức cơ bản này phải tương ứng với chương trình pháp luật đại cương trong trường phổ thông trung học (đối với Hội thẩm ở vùng sâu, vùng xa) hoặc ở mức cao hơn là tương ứng với Chương trình pháp luật trong các trường Đại học và Cao đẳng không chuyên luật (đối với các vùng khác). Ngoài ra Hội thẩm cần được tập huấn về những vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử (pháp luật hình sự, dân sự, pháp luật về tố tụng...). Vì lợi ích chung của nền tư pháp, cho dù khó khăn đến mấy Nhà nước cũng cần thực hiện các biện pháp đào tạo và bồi dưỡng cho Hội thẩm, vì nếu không thì Toà án không thể xét xử đúng và chính xác được. Cách làm có thể là chọn một số Hội thẩm TAND cấp tỉnh có kinh nghiệm, có kiến thức pháp lý ở trình độ cao, đã từng làm ở cơ quan pháp luật, có khả năng sư phạm, cử  đi học một lớp ngắn hạn do Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (Bộ Tư pháp) mở về kỹ năng xét xử của Hội thẩm, (mỗi tỉnh từ 1 - 2 người), sau đó sẽ sử dụng họ như là những giảng viên, kết hợp với giảng viên của TAND tỉnh, mở lớp tập huấn cho Hội thẩm TAND ở tỉnh (kể cả Hội thẩm TAND tỉnh và các huyện, thị). Ngoài ra, cần phải tạo cho Hội thẩm khả năng tự bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho mình thông qua các tài liêụ, sách báo nghiệp vụ của chính Toà án nơi họ tham gia xét xử. Ngoài ra, Hội thẩm cũng có thể sử dụng các tài liệu, sách báo trong Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để ngoài việc phục vụ cho xét xử, còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở địa bàn nơi mình sinh sống.

Như vậy, tiêu chuẩn pháp lý của Hội thẩm trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể quy định quá thấp như trước đây nhưng cũng không nên quy định quá cao để tránh rơi vào tình trạng "chuyên môn hoá" hay "thẩm phán hoá" Hội thẩm, làm cho hoạt động xét xử mất dần đi tính chất xã hội rộng rãi. Đồng thời với việc quy định cụ thể tiêu chuẩn pháp lý, cần có biện pháp kịp thời bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho Hội thẩm. Hết sức tránh quan niệm cho rằng: việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng pháp luật cho Hội thẩm là "lãng phí" vì có Hội thẩm cả nhiệm kỳ không xét xử vụ nào, hoặc nhiều Hội thẩm trong nhiệm kỳ chỉ tham gia xét xử một hoặc hai vụ án và có những Hội thẩm chỉ được bầu có một nhiệm kỳ, không tái cử ở nhiệm kỳ sau nữa. Quan niệm như vậy là phiến diện và không thấy hết hiệu quả đầu tư "chiều sâu" cho công tác Hội thẩm như đã phân tích ở trên.

+  Các tiêu chuẩn khác của Hội thẩm.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần chú ý những điểm sau:

- Cần nhấn mạnh tiêu chuẩn của Hội thẩm về đạo đức, lối sống, tính quần chúng, gần dân, có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức, tư cách trong cộng đồng dân cư. Không vi phạm pháp luật, sống gương mẫu, không tham nhũng, không thuộc loại người thoái hoá, biến chất.

- Cần quy định cụ thể độ tuổi làm Hội thẩm.

- Cần quy định rõ những tiêu chuẩn về ngoại hình của Hội thẩm.

b. Về bầu, cử Hội thẩm

Theo quy định của Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm toà án nhân dân thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan duy nhất được giới thiệu người làm Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên việc hướng dẫn áp dụng quy định này vẫn có những vướng mắc xảy ra. Ví dụ trong Công văn số 1973/QLTA ngày 10/11/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương có hướng dẫn: "Căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, Chánh án TAND trao đổi ý kiến để Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐND cùng cấp đề nghị cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng tại địa phương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm Hội thẩm nhân dân...". Còn tại Công văn 1677/TP-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân TAND địa phương nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì có khác hơn: "Chánh án TAND địa phương căn cứ vào nhu cầu xét xử của đơn vị, trao đổi ý kiến với Ban Thường trực, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc bầu Hội thẩm TAND”. Nếu theo tinh thần hai công văn nói trên thì vai trò "giới thiệu" của UBMTTQ địa phương đối với nhân sự Hội thẩm chưa thật rõ nét và chưa hoàn toàn thống nhất với Thông tư số 05/TT-MTTW của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình giới thiệu Hội thẩm nhân dân của TAND địa phương, trong đó vai trò "giới thiệu thuộc về UBMTTQ. Tuy nhiên, trong thực tế bầu Hội thẩm hai nhiệm kỳ gần đây, rất ít có trường hợp phải đưa ra để hiệp thương. Có lẽ một trong những nguyên nhân là MTTQ đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến của nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú.

Như vậy, trong việc bầu Hội thẩm nhân dân ở các TAND địa phương, cần làm rõ hơn vai trò giới thiệu của Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện để theo sát tinh thần của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

Đối với Hội thẩm quân nhân, chúng tôi cho rằng cơ chế cử như hiện nay là phù hợp (trước đây là bầu). Tuy nhiên, trong khi lựa chọn nhân sự không nên quá nghiêng về chức vụ hành chính - quân sự của các ứng cử viên. Đội ngũ Hội thẩm quân nhân nên bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ là trợ lý các cơ quan, trong đó cần chú ý đến những quân nhân đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn hạn hay dài hạn.

c. Vấn đề quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương

Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương chưa được thể chế hoá đầy đủ trong nhiều năm qua, nên hiểu và vận dụng các quy định pháp luật về quản lý Hội thẩm có khác nhau trong thực tiễn.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các hội thẩm nhân dân của Tòa án phân dân địa phương, vì Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các Tòa án phân dân địa phương về tổ chức (theo Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp). Tuy nhiên việc quản lý mới chỉ thực hiện trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

Còn các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. Ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với đội ngũ Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Toà án nhân dân địa phương là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Với đặc thù của đội ngũ Hội thẩm và trước yêu cầu cải cách tư pháp, nếu cứ để tiếp tục tình trạng không có một cơ quan quản lý thống nhất Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức sẽ rất khó khăn cho Hội thẩm và các Tòa án cũng như các cơ quan chính quyền địa phương. Do vậy, cần phải tìm ra và lựa chọn mô hình quản lý tối ưu sao cho sự tham gia của Hội thẩm vào công tác xét xử được tiện lợi, nhanh chóng, khoa học và có hiệu quả. Về cơ quan quản lý Hội thẩm, có ý kiến cho rằng việc quản lý theo dõi, giúp đỡ Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương thuộc trách nhiệm của cả ba cơ quan: Hội đồng nhân dân địa phương, Toà án nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Chúng tôi không đồng tình với ý kiến này vì nếu như thế sẽ không có cơ quan nào có quyền và nghĩa vụ trực tiếp đối với việc quản lý Hội thẩm. Ngoài ra, cũng không thể đồng tình với ý kiến thứ hai cho rằng "Toà án nào có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì Toà án đó quản lý Hội thẩm nhân dân". Ý kiến này tuy có điểm hợp lý ở chỗ Toà án nơi Hội thẩm tham gia xét xử sẽ nắm vững được phẩm chất chính trị, đạo đức và khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thẩm, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho Hội thẩm một cách thích hợp, nhưng lại không hợp lý ở một điểm rất cơ bản: Toà án là cơ quan xét xử, không làm công tác quản lý, nhất là lại quản lý đội ngũ cán bộ không phải thuộc biên chế của mình. Còn việc Chánh án Toà án nhân dân quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình là theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo tinh thần Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, bản thân Toà án là cơ quan xét xử (tài phán) chứ không phải là cơ quan quản lý.

Ý kiến thứ ba cho rằng cần giao cho các cơ quan tư pháp quản lý đội ngũ Hội thẩm nhân dân từ khâu chuẩn bị nhân sự để Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm đến công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm. Ý kiến này cũng có yếu tố hợp lý ở chỗ cơ quan tư pháp quản lý các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức thì quản lý luôn cả đội ngũ Hội thẩm là phù hợp. Nhưng lại có vướng mắc ở chỗ không thể để Phòng Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân huyện và Sở Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh được vì: Thứ nhất, cơ quan tư pháp không thể quản lý cán bộ của Toà án nhân dân cùng cấp; Thứ hai, Hội thẩm không phải là công chức của Toà án nên cơ quan quản lý cấp trên như Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp mặc dù thực hiện nhiệm vụ quản lý các Toà án nhân dân địa phương nhưng rất khó quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

Theo chúng tôi, phương án hợp lý hơn cả là: đối với Hội thẩm nhân dân các Toà án cấp huyện, cấp tỉnh thì nên để cho Hội đồng nhân dân cùng cấp - nơi bầu ra họ - thực hiện việc quản lý trực tiếp. Bởi vì, Hội đồng nhân dân có điều kiện nắm chắc hoạt động của họ, nhất là thông qua Báo cáo của các Toà án nhân dân trước kỳ họp Hội đồng nhân dân địa phương; đồng thời có thể tạo những điều kiện vật chất bảo đảm cho hoạt động của Hội thẩm, góp phần thực hiện tốt các nguyên tắc xét xử mà Hội thẩm nhân dân luôn luôn phải quán triệt và chấp hành, đồng thời bảo đảm cho Hội thẩm được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử... Đối với Hội thẩm quân nhân các Toà án quân sự và Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân Tối cao thì việc quản lý họ sẽ tuỳ theo đặc điểm của mỗi cơ quan cử ra Hội thẩm...

Nhưng để các Hội thẩm hoạt động tốt hơn, có thể áp dụng kinh nghiệm của Bà Rịa - Vũng Tàu và chừng nào của Bắc Giang khi ở Toà án nhân dân tỉnh lập Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm là một tổ chức của các Hội thẩm nhân dân đặt dưới sự giám sát quản lý của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh giúp đỡ về kinh phí hoạt động. Thông qua hoạt động của Đoàn Hội thẩm mà công tác quản lý Hội thẩm nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, mối quan hệ giữa Toà án nhân dân và Hội thẩm nhân dân chặt chẽ hơn. Việc mời Hội thẩm tham gia phiên toà cũng như việc trao đổi rút kinh nghiệm về vụ án được thực hiện một cách nhanh chóng. Thông qua sự đóng góp ý kiến của Đoàn Hội thẩm, lãnh đạo Toà án có thể nắm rõ thêm về Thẩm phán và cán bộ do mình quản lý. Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên sớm tổng kết mô hình Đoàn Hội thẩm để góp phần ổn định về tổ chức và hoạt động của họ, phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử.

d. Về các điều kiện để thực hiện các nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”

Để thực sự độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, ngoài những phẩm chất về chính trị, đạo đức, những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần thiết, Hội thẩm còn phải có kiến thức pháp lý nhất định để tham gia xét xử có hiệu quả các vụ án hình sự. Có thể pháp luật chưa có quy định rõ kiến thức pháp lý của Hội thẩm với tư cách là một tiêu chuẩn để lựa chọn trước khi bầu (hoặc cử) ở mức độ nào là cần thiết nhưng qua thực tế cho thấy, ít nhất Hội thẩm phải có kiến thức (có thể coi là ngay với trình độ sơ cấp pháp lý trước đây) cơ bản về pháp luật. Thông qua việc nghiên cứu sách, tạp chí và tài liệu, cộng với việc tự rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, chắc chắn Hội thẩm sẽ có đủ điều kiện để thực hiện nguyên tắc độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử. Nhưng để bảo đảm cho Hội thẩm có kiến thức cơ bản và có hệ thống, cần biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm và mở những lớp tập huấn cho họ trong khoảng thời gian nhất định, nhưng tối thiểu cũng phải 2 tuần trong một nhiệm kỳ.

Ở đây cần lưu ý là thời lượng của chương trình và tài liệu tập huấn cần vừa phải và hợp lý, tránh hiện tượng đề ra chương trình quá cao, làm khó cho Hội thẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý Hội thẩm cần tạo điều kiện cho Hội thẩm cập nhật thường xuyên các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cũng như các văn bản pháp luật mới ban hành (ví dụ như Bộ luật hình sự năm 1999, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000...). Ở các Tòa án nhân dân địa phương cần xây dựng Tủ sách nghiệp vụ để các Hội thẩm nhân dân (kể cả Thẩm phán) đến đọc và tự nghiên cứu chính sách, pháp luật và các tài liệu chuyên môn khác. (Hiện nay, ở các xã, phường, thị trấn đã thành lập hàng nghìn Tủ sách pháp luật theo Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, huyện lại chưa có hướng dẫn về vấn đề này).

e. Về thành phần Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án hình sự

Hiện nay, trong giới khoa học và những người làm công tác thực tiễn đang có những ý kiến khác nhau về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử. Đã có những ý kiến đề nghị thay thế chế định Hội thẩm hiện nay bằng một chế định khác phù hợp hơn mà vẫn có thể đảm bảo được tính nhân dân trong xét xử. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm nhưng vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Hội thẩm hoạt động đúng với các yêu cầu mà pháp luật đòi hỏi... Theo chúng tôi,  với quan điểm “lấy dân làm gốc” và để bảo đảm dân chủ thật sự của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở đánh giá đúng những cống hiến của đội ngũ Hội thẩm trong nửa thế kỷ tồn tại của Tòa án nhân dân thì việc tiếp tục duy trì và cải tiến công tác Hội thẩm là rất cần thiết.

Trong số các ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm lại có những ý kiến cho rằng nên giảm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử các vụ án hình sự, cụ thể là trong phiên tòa sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Như vậy, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính nhân dân của Hội đồng xét xử. Ý kiến khác cho rằng nên duy trì thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm như hiện nay vì tuy một số Hội thẩm không có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án nhưng đó chỉ là một phần nhỏ.

Sau khi nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về áp dụng chế định Hội thẩm, chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

- Đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, sự việc đơn giản, rõ ràng, bị can bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, có căn cứ, lý lịch rõ ràng, việc điều tra không có gì phức tạp thì Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định áp dụng thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử. Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét xử theo thủ tục rút ngắn không cần có Hội thẩm tham gia. Thủ tục rút ngắn này đã từng được áp dụng trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 1988 (Thông tư số 10-TATC ngày 8/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, những vụ án mà bị can, bị cáo phạm pháp quả tang, chứng cứ rõ ràng, lai lịch và căn cước của bị  can, bị cáo đã rõ thì khi điều tra, truy tố và xét xử có thể rút ngắn về thời hạn và thủ tục. Nhưng riêng thành phần Hội đồng xét xử vẫn nên duy trì có hai Hội thẩm xét xử vì những vụ việc thuộc loại này rất cần đến sự tham gia của Hội thẩm.

- Đối với các vụ án hình sự khác cũng như các vụ án dân sự, hành chính thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Bởi vì cơ cấu Thẩm phán chuyên nghiệp chiếm đa số chắc chắn sẽ bảo đảm cho việc xét xử đạt chất lượng cao hơn, có thể loại trừ được tính hình thức của Tòa án. Đồng thời sự hiện diện của một Hội thẩm cũng đã thể hiện được tính chất nhân dân của Tòa án (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động đều quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm). Như vậy, vấn đề phải giải quyết là khi giảm số lượng Hội thẩm thì tổng biên chế của ngành Tòa án phải tăng (vì số Thẩm phán tăng lên), do đó ngân sách Nhà nước chi phí cho Tòa án cũng tăng lên. Tuy nhiên, đây là vấn đề có thể giải quyết được vì số kinh phí không phải là quá lớn.

Cần bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự và các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính một số quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm, cụ thể là:

- Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa trong việc phổ biến cho Hội thẩm (nhất là những Hội thẩm tham gia xét xử vụ án hình sự lần đầu tiên) về quyền và nghĩa vụ của họ, về nghiên cứu hồ sơ vụ án về những văn bản, những quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Quy định này sẽ có tác dụng thiết thực trong việc thực hiện nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cũng như nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi khai mạc phiên tòa, ở phần giới thiệu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo chúng tôi nên công bố cả nghề nghiệp, nơi làm việc hay nơi ở của Hội thẩm để những người dự phiên tòa yên tâm về người đại diện của nhân dân tham gia xét xử.

Cần có một quy định cụ thể (một hoặc một số điều trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng), về quyền và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi, quyền điều hành phiên tòa, khi nghị án, khi bản án có sai sót do lỗi của Hội thẩm thì trách nhiệm của Hội thẩm sẽ như thế nào...

f. Thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với Hội thẩm

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, ngoài việc thường xuyên chăm lo đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia nhiệt tình với công việc của Tòa án.

Trước hết cần nâng cao mức phụ cấp phiên tòa cho Hội thẩm. Theo Thông tư số 614/TTLB ngày 27/1/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử 25.000đ/ngày, Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện 20.000đ/ngày. Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, khi mức lương tối thiểu của công chức, viên chức đã được điều chỉnh tăng lên thì phụ cấp cho Hội thẩm khi xét xử cũng cần nâng mức cao hơn so với hiện nay.

Thứ hai, về trang phục của Hội thẩm. Trước đây, ở mỗi Tòa án có may sẵn trang phục để khi đến Tòa án làm việc, Hội thẩm sẽ sử dụng trang phục đó. Nay chế độ này không được thực hiện nữa, do vậy, trang phục giữa các thành viên của Hội đồng xét xử thường là không đồng bộ, ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của phiên tòa. Nhà nước cần quy định thống nhất trang phục cho Hội thẩm và trích một phần kinh phí ngân sách để may trang phục cho họ.

Thứ ba, đối với Hội thẩm không phải là công chức Nhà nước, trong khi làm nhiệm vụ của Tòa án nếu gặp rủi ro, tai nạn thì cần quy định cho họ được hưởng một chế độ bảo hiểm nhất định giống như đối với công chức Nhà nước.

VII. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chế định Hội thẩm hơn 50 năm qua có thể khẳng định rằng:

1 - Sự tồn tại của chế định này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu khách quan của một nền tư pháp nhân dân được thiết kế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.

2 - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, việc xây dựng một nền tư pháp mạnh mẽ, công bằng, dân chủ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Trong nền tư pháp đó, không thể thiếu được những người đại diện cho nhân dân- Hội thẩm tham gia vào việc xét xử.

3 - Trước yêu cầu mới, chế định Hội thẩm cần phải tiếp tục được hoàn thiện: sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm; nâng cao chất lượng của Hội thẩm thông qua công tác tuyển chọn chặt chẽ và quản lý có hiệu quả đội ngũ Hội thẩm; bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm; thực hiện tốt hơn nữa những chế độ chính sách cần thiết đối với Hội thẩm. Có như vậy thì đội ngũ Hội thẩm mới phát huy tốt được khả năng của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật XHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

 

Nội dung toàn văn

LỜI MỞ ĐẦU

I. Tính cấp thiết của đề tài.

1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta. Ngay từ những năm đầu triển khai Nghị quyết của Đại hội, cùng với một số cơ quan khác, Bộ Tư pháp đã bắt tay vào nghiên cứu về cải cách tư pháp, trong đó có một nội dung rất quan trọng là đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân - một cơ quan có vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

2. Trong quá trình nghiên cứu từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân có rất nhiều vấn đề đặt ra và đều cần thiết nghiên cứu sớm để ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, với điều kiện và khả năng thực tế, không thể ngay một lúc có thể triển khai nhiều vấn đề mà phải tiến hành từng bước, ưu tiên cho những nội dung chủ yếu và cấp bách, lại không ảnh hưởng đến tính đồng bộ của cả hệ thống tư pháp. Vì vậy, từ cuối những năm 80, được sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học về đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân với những nội dung quan trọng như: mô hình tổ chức các Toà án, chế độ tuyển cử Thẩm phán, vấn đề quản lý các Toà án nhân dân về mặt tổ chức, những vấn đề về chế độ chính sách đối với cán bộ Toà án, trang bị vật chất - kỹ thuật cho hoạt động xét xử... Một số kết quả nghiên cứu nói trên đã được ứng dụng trong thực tiễn và bước đầu đã được kiểm chứng.

3. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Toà án vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ cần sớm được nghiên cứu như: Thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, nguyên tắc hai cấp xét xử, thành lập Toà án khu vực, cảnh sát tư pháp, chế định Hội thẩm...

     Riêng về chế định Hội thẩm, trong tiến trình nghiên cứu về cải cách tư pháp, khi nói đến chế định Thẩm phán, cũng đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có một đề tài hay một công trình nghiên cứu cơ bản nào, nghiên cứu Hội thẩm đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Như vậy, mặc dù Thẩm phán và Hội thẩm đều là những người có vị trí rất quan trọng và cơ bản trong Toà án nhưng việc nghiên cứu lại mới chỉ tập trung vào chế định Thẩm phán mà chưa tập trung vào chế định Hội thẩm (trong khi đó số lượng Hội thẩm đông gấp đôi số lượng Thẩm phán, và những phiên toà sơ thẩm bắt buộc phải có Hội thẩm tham gia xét xử chiếm tới 70% tổng số vụ án hàng năm). Sự mất cân đối đó trong nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng để thúc giục thực hiện đề tài nói trên.

4. Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã phát huy được yếu tố tích cực, làm cho nhân dân thực sự có tiếng nói trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trước tình hình mới, chế định Hội thẩm đã bộc lộ những hạn chế và nhược điểm cần sớm được khắc phục. Các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn và các cơ quan chức năng đã nhiều lần đề cập đến những hạn chế, nhược điểm đó nhưng chưa thật sâu sắc và toàn diện, chưa có những kiến nghị, đề xuất mang tính chất lâu dài để chế định Hội thẩm phát huy thực sự tác dụng của mình.

5. Cho đến những năm 90, đã có nhiều ý kiến khác nhau về đổi mới hoặc cải cách chế định Hội thẩm như: thay chế định Hội thẩm bằng hình thức tham gia xét xử khác hợp lý hơn của đại diện nhân dân; giảm số lượng hội thẩm trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính; tăng số hội thẩm trong các phiên toà hình sự đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng v.v...

Vì vậy việc nghiên cứu đề tài về Hội thẩm càng trở nên cần thiết.

Với tất cả những lý do trên đây cho thấy, cả từ góc độ lý luận, nhận thức và thực tiễn, việc nghiên cứu đề tài “đổi mới chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay” là rất cần thiết và cấp bách.

II. Mục tiêu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu.

1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là:  trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đánh giá những quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, thực tiễn hoạt động của Hội thẩm từ 1945 đến nay (đặc biệt là từ những năm 80 trở lại đây), đưa ra những kiến nghị về cơ chế tổ chức, hoạt động và những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật nhằm củng cố và kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, góp phần thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử  của Toà án.

2. Phạm vi của đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nhận thức về chế định Hội thẩm, tổ chức của Hội thẩm, các nguyên tắc hoạt động, lề lối làm việc và các mối quan hệ trong và ngoài tố tụng của Hội thẩm; trong quá trình nghiên cứu, có đề cập đến những vấn đề liên quan đến chế định Hội thẩm như: tổ chức và hoạt động của Toà án, địa vị pháp lý của Thẩm phán... nhưng không đi thật sâu về những nội dung này vì đó là phạm vi nghiên cứu của các đề tài khác.

3. Phương pháp nghiên cứu: Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở sử dụng phương pháp luận nghiên cứu chung, đó là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước XHCN và tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân với một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân.

III. Quá trình thực hiện đề tài:

1. Tháng 5-1998, đề tài được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tư pháp nhất trí cho triển khai nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài đã tập họp được một lực lượng cán bộ nghiên cứu đông đảo và từ nhiều cơ quan, đoàn thể khác nhau. Tháng 12-1998, một cuộc Hội thảo khoa học lớn được tổ chức 2 ngày tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều cộng tác viên và đại biểu. Kết quả của Hội thảo này là xuất bản được một cuốn kỷ yếu thông qua tờ “Thông tin khoa học pháp lý” của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý và được đông đảo bạn đọc đón nhận. Một số bài viết của đề tài đã được công bố trên các báo và tạp chí. Nhiều luận án cao học, cử nhân luật đã sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài.

Tháng 9-1999, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức cuộc Hội thảo lớn lần thứ hai trong 2 ngày tại thành phố Vũng Tàu với sự tham gia của đông đảo các cộng tác viên từ thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về cuộc Hội thảo này.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả cũng đã tiến hành một số đợt khảo sát ở các tỉnh và huyện thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắklắk, Nghệ An, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang... và thực hiện một số cuộc phỏng vấn trực tiếp đối với cán bộ Toà án, kiểm sát, tư pháp và các vị Hội thẩm. Đồng thời trong các đoàn đi công tác nước ngoài có thành viên của Nhóm đề tài tham gia thì đều có sự tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm (Pháp, Nhật, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á...).

Qua quá trình hơn 2 năm thực hiện, Nhóm đề tài đã xây dựng được một Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Báo cáo này gồm các phần chính sau đây:

1. Báo cáo Phúc trình kết quả nghiên cứu.

2. Các báo cáo chuyên đề.

3. Các báo cáo tham luận trong Hội thảo tại Hà Nội và Vũng Tàu.

5. Các báo cáo kết quả Hội thảo.

6. Phần phụ lục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÁO CÁO PHÚC TRÌNH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

I. Ý NGHĨA CỦA CHẾ ĐỊNH  HỘI THẨM TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp của chế độ cũ bị đập tan và bộ máy tư pháp mới của chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Đặc trưng của bộ máy tư pháp mới là nó được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ, trong đó có nguyên tắc quan trọng hàng đầu là thu hút nhân dân lao động tham gia vào hoạt động của Tòa án. Sự tham gia đó thể hiện rõ nét nhất qua nguyên tắc Hội thẩm nhân dân (những người đại diện cho nhân dân) tham gia xét xử. Và chính nguyên tắc này đã thể hiện bản chất dân chủ và tính nhân dân của Tòa án kiểu mới.

Gần 100 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến, từng chứng kiến sự tàn bạo của bộ máy tư pháp thuộc chế độ cũ, một ấn tượng xấu về Tòa án của chúng, một sự định kiến, mặc cảm, thậm chí là một sự căm thù đối với Tòa án đó đã được hình thành trong suy nghĩ của quần chúng nhân dân. Vì vậy đã có một thời (kể cả sau cách mạng thành công), nói đến Tòa án thì người ta thường hiểu ngay đó là một bộ máy cưỡng chế, chủ yếu làm nhiều vụ trừng trị và những người xét xử là những quan tòa luôn luôn cách biệt với dân chúng. Họ - Thẩm phán luôn luôn là những người cung cúc tận tuỵ. Ở họ có những nguyên tắc làm việc cứng nhắc, những công thức máy móc, những lối mòn trong suy nghĩ và trong các phán quyết của mình. Và có lẽ vì vậy, họ không đáp ứng được sự chờ đợi, mong muốn của đại đa số nhân dân lao động. Nhân dân lao động muốn và thấy cần phải có đại diện của mình tham gia xét xử để thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng của họ trong việc bảo vệ công lý.

Nếu quay trở lại với những cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu thì có thể thấy rằng một trong những thành quả  của cách mạng tư sản là nhân dân đã lên án, đã đoạn tuyệt với Tòa án của chế độ phong kiến. Chính chế định Bồi thẩm đoàn ra đời đã thể hiện được thái độ đó. Nhưng rồi do bản chất của nhà nước tư sản, những thành quả này không những không được phát huy mà còn bị giai cấp tư sản cầm quyền sử dụng để chống lại nhân dân lao động.

Đến khi cách mạng vô sản thành công, Tòa án kiểu mới của nhân dân lao động được thiết lập thì bản chất dân chủ của Tòa án kiểu mới đã được khẳng định thông qua nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử: “Cách mạng tháng Mười đã hoàn thành và hoàn thành thắng lợi. Để thay đổi Tòa án cũ, cuộc cách mạng đã thiết lập Tòa án mới có tính chất nhân dân... Xây dựng trên nguyên tắc là các giai cấp bị bóc lột, và chỉ có các giai cấp ấy thôi tham gia quản lý Nhà nước”(1).

Sau chiến tranh thế giới thứ II, khi hệ thống các nước XHCN được hình thành thì chế định Hội thẩm nhân dân đã được khẳng định và trở thành một chế định truyền thống trong nền tư pháp của các nước đó.

Để thấy rõ hơn ý nghĩa của việc đại diện nhân dân tham gia xét xử, cần phải tìm hiểu vấn đề này trên cơ sở nghiên cứu mô hình tổ chức Tòa án ở các nước theo mỗi hệ thống pháp luật. Tuy các mô hình này có những điểm tương đồng nhưng cũng không ít sự khác biệt. Ví dụ, những nước theo hệ thống án lệ thì quá trình tố tụng hình sự thể hiện rõ nét của thủ tục tranh tụng còn những nước theo hệ thống lục địa thì lại nghiêng về thủ tục tố tụng thẩm vấn;  mặc dù cả hai hệ thống này đều nhằm tìm ra sự thật của vụ án và trừng phạt người phạm tội. Sự khác nhau giữa chúng chỉ là ở sử giả định của từng hệ thống về phương pháp tốt nhất để tìm ra sự thật.

Nhiều ý kiến cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và Việt Nam hiện nay đã lựa chọn hệ thẩm vấn trong tố tụng hình sự. Ở đó, vai trò của Thẩm phán rất quan trọng vì họ có nhiệm vụ “điều tra” chính thức tại phiên tòa, dựa trên kết luận (bản cáo trạng) của Viện kiểm sát và rồi để kết tội bị cáo. (Điều này khác với tố tụng tranh tụng - nơi Thẩm phán nghiêng về vai trò của người trọng tài hơn. Tuy vậy, trong thủ tục này, vẫn có đại diện nhân dân là các bồi thẩm viên tham gia xét xử). Vậy vấn đề nhân dân tham gia xét xử đối với thủ tục tố tụng thẩm vấn được đặt ra thế nào?

(1). V.I. Lênin Toàn tập, tập 36, NXB Tiến Bộ, Matxcơva 1977, trang 199 (tiếng Việt)

 Ở Việt Nam, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã đi vào cuộc

 

sống hơn 50 năm qua. Chúng ta đều biết Tòa án là một cơ quan giữ vị trí “trung tâm” trong hệ thống các cơ quan tư pháp, là nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng hệ thống tư pháp. Trong khi đó, hệ thống tư pháp được quan niệm như là một bộ phận hợp thành của hệ thống kiểm tra xã hội để duy trì trật tự và kỷ cương xã hội. Bởi lẽ xã hội không thể củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức và trật tự của mình nếu không  buộc mọi hoạt động của các thành viên trong xã hội tuân thủ các quy tắc, và các yêu cầu nhất định. Như vậy, hệ thống tư pháp vừa là một bộ phận kiểm tra xã hội, vừa là một bộ phận quyền lực Nhà nước nằm trong các khâu tạo thành hệ thống kiểm tra xã hội thông qua Nhà nước. Tòa án, với tính cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp lại càng thể hiện rõ đặc điểm này. Để hoạt động có hiệu quả, Tòa án phải tổ chức một cách hợp lý nhất sao cho xã hội có điều kiện giám sát hoạt động này một cách thường xuyên và có hiệu quả. Đó cũng là một trong những lý do cần có đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán - những người làm nhiệm vụ xét xử chuyên nghiệp, coi việc xét xử là một “nghề”, họ phán quyết những vấn đề liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, lợi ích của con người, những vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Để mục tiêu đó đạt được trong hoạt động xét xử, ngoài các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tố tụng khác thì cần phải có tiếng nói và sự giám sát từ phía nhân dân, mà trực tiếp là những người đại diện cho nhân dân tham gia vào xét xử - các Hội thẩm. Nếu như coi nguyên tắc xét xử công khai là sự kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất và từ bên ngoài của xã hội đối với hoạt động xét xử của Tòa án thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong của hoạt động này.

Hội thẩm tham gia xét xử  sẽ góp phần đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khách quan của các quyết định của Tòa án. Việc kết hợp giữa sự tinh thông của Thẩm phán, những thao tác nhà nghề, kiến thức chuyên môn của họ với sự từng trải, kinh nghiệm sống của Hội thẩm, với tiếng nói và hơi thở của cuộc sống sẽ tạo ra những yếu tố loại trừ những hạn chế của Thẩm phán chuyên nghiệp như “định kiến” buộc tội, hay là muốn phán quyết giống như vụ án đã xét xử trước đây. Hội thẩm tham gia xét xử sẽ mang vào phiên tòa một nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật ở mức “trung bình” của đại đa số nhân dân, một bầu không khí “đời thường”, một kiểu đánh giá và tiếp nhận các sự kiện và tình tiết của vụ án theo một cách khác, cách của những người không có nếp quen ngồi tòa nhiều. Họ mang đến phiên tòa những ý niệm, quan niệm đạo đức chung của xã hội, những sự nhận xét, đánh giá chung của các tầng lớp nhân dân về hành vi phạm tội, về tính chất của các tranh chấp dân sự, kinh tế... với những ý niệm công bằng, nghiêm minh, thiện, ác, đúng, sai.v.v... Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp thiếu những điểm trên. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng uy tín của Tòa án không phải chỉ do các Thẩm phán chuyên nghiệp tạo nên, mà là có sự đóng góp lớn lao của Hội thẩm trong đó. Vấn đề là ở chỗ, Hội thẩm tham gia vào sẽ làm tăng thêm niềm tin nội tâm của Thẩm phán, làm cho họ quyết đáp “có lý” và “có tình” và đạt đến mức “thấu tình” “đạt lý”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” được thể hiện trong hoạt động tư pháp chính là ở điểm đó.

Như vậy, tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong hoạt động của Tòa án đã được pháp luật hóa. Đó là một yêu cầu có tính khách quan của một nền tư pháp mới của dân, do dân và vì dân. Như vậy, bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Tòa án ở chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tuỵ, hết lòng với nhân dân mà còn thể hiện đậm nét ở việc huy động ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và kiểm tra, giám sát công tác xét xử. Hội thẩm, vì vậy cũng chính là một chế định phù hợp với tư tưởng của V.I. Lê nin là “bản thân chúng ta tự mình xét xử, toàn thể công dân không trừ một ai đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước”(1). Tức là nhằm làm cho tất cả những người lao động,  một khi đã làm xong tám tiếng đồng hồ trong “nhiệm vụ” sản xuất rồi, thì còn đảm nhiệm được “không công” những chức vụ Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ “Nhà nước phải phát huy quyền dân chủ, phát huy tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc của Nhà nước(2).

 

 

Chính vì vậy, các cuộc cải cách lớn của Nhà nước ta trên lĩnh vực tư pháp cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của Tòa án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra, giám sát, hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Và do vậy có thể nói chế định Hội thẩm còn thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra và đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Qua nghiên cứu các quy định về Hội thẩm trong các văn bản luật hiện hành có thể khái quát 3 chức năng của Hội thẩm như sau:

- Là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

- Thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử từ phía xã hội.

- Là cầu nối giữa Tòa án và xã hội.

Để thực hiện các chức năng trên đây, pháp luật đã quy định cho Hội thẩm một địa vị pháp lý khá rộng rãi, bao gồm những nguyên tắc hoạt động chủ yếu và những quyền, nghĩa vụ cụ thể trong tố tụng và cả những hoạt động ngoài tố tụng.

II. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH

HỘI THẨM Ở VIỆT NAM

Trong tác phẩm “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” (1921 - 1926), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một vấn đề cốt lõi trong hoạt động của bộ máy Tư pháp: đại diện của nhân dân tham gia xét xử. Khi lên án bộ máy tư pháp của bọn thực dân phong kiến, người đã chỉ rõ là ở Đông Dương có hai thứ công lý, một thứ cho người Pháp và một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì xét xử ở Pháp. Người Việt Nam thì không có Hội đồng Bồi thẩm, cũng không có luật sư người Việt (1).

Như vậy, vấn đề một hệ thống Tư pháp (xét xử) phải có đại diện nhân dân tham gia đã hình thành từ rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền Tư pháp dân chủ.

(1). Hồ Chí Minh,  Nhà nước và Pháp luật, NXB Pháp lý - Hà Nội 1985, trang 188

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, cơ quan xét xử của chính quyền

 

nhân dân được manh nha từ trước khi cách mạng tháng Tám thành công. Chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về tổ chức xét xử ở thời kỳ Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, nhưng chắc chắn rằng vẫn có sự tham gia của quần chúng vào việc xét xử, diệt ác, trừ gian thời kỳ đó.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rầm rộ, đã có những bản án của Tòa án cách mạng được tuyên nhằm trừng trị những tên phản động, gian ác như ở Mỹ Tho, mặc dù chính quyền cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chỉ tồn tại có 49 ngày những Hội đồng Tòa án cách mạng đã được lập để xét xử bọn phản động. Tòa án xử lưu động, công khai. Đại diện quần chúng lên phát biểu vạch rõ tội ác của bọn phản động rồi đề nghị mức hình phạt. Tại các phiên tòa đó, quyền quyết định của dại diện nhân dân được tôn trọng(1).

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời. Bộ máy Tư pháp mới được thiết lập. Chế định Hội thẩm được ghi nhận và trở thành một chế định quan trọng trong hoạt động của Tòa án. Cụ thể là:

- Sắc lệnh 33/SL ngày 13/9/1945 về tổ chức Tòa án quân sự đã quy định việc xét xử có Phụ thẩm tham gia.

- Sắc lệnh 13/SL ngày 24/1/1946 là văn bản pháp luật đầu tiên quy định tương đối đầy đủ về địa vị pháp lý của Hội thẩm. Theo Sắc lệnh này thì các Tòa án ở nước ta bao gồm:

+ Tòa án sơ cấp.

+ Tòa án đệ nhị cấp.

+ Tòa án thượng thẩm.

 

(1). 50 năm hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, TAND Tiền Giang xuất bản 1995

Việc xét xử của Tòa đệ nhị cấp (ở tỉnh, thành phố lớn) được thực hiện như sau: khi xét xử các việc tiểu hình (những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm) hay phạt bạc trên 9 đồng thì ngoài Chánh án (Chủ tọa) còn có hai Phụ thẩm. Đối với việc xét xử các việc đại hình tại Tòa đệ nhị cấp thì Hội đồng xét xử gồm có: Chánh án, hai Thẩm phán (làm Phụ thẩm chuyên môn) và hai Phụ

 

 

thẩm nhân dân.

Khi xét xử việc tiểu hình, Chánh án chỉ hỏi Phụ thẩm về tội trạng và hình phạt rồi tự mình quyết định.

Khi xét xử việc đại hình, các Phụ thẩm cùng tham gia nghị án với Chánh án và hai Thẩm phán.

Khi Tòa thượng thẩm xét xử phúc thẩm các việc tiểu hình và đại hình thì ngoài chánh án và hai Phụ thẩm chuyên môn, còn có hai Phụ thẩm nhân dân. Các Phụ thẩm nhân dân được tham gia nghị án.

Hiến pháp năm 1946 (19/11/1946) bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã chính thức ghi nhận nguyên tắc đại diện nhân dân tham gia xét xử: “Trong khi xét xử việc hình phải có Phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình”.

Tên gọi Hội thẩm được dùng lần đầu tiên trong Sắc lệnh số 45/SL ngày 5/7/1947 về tổ chức các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam “Mỗi Tòa án binh gồm một Chánh án ngồi xử và hai Hội thẩm”.

Như vậy, trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng còn non trẻ, chế định Hội thẩm đã được  hình thành. Tuy còn có những hạn chế nhất định (tên gọi - Phụ thẩm, về mức độ tham gia xét xử...) nhưng ý tưởng về một nền tư pháp nhân dân đã được hiện thực hóa. Những người đại diện cho nhân dân đã luôn sát cánh cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử.

 Bước vào những năm 50, nền Tư pháp của chế độ mới đã có những cải cách lớn nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nữa yêu cầu của cách mạng, đòi hỏi của nhân dân. Mốc lớn nhất của cuộc cách mạng (có thể gọi là cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất) là việc ban hành Sắc lệnh số 85/SL 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng. Từ lúc này, Tòa án sơ cấp được gọi là Tòa án nhân dân huyện; Tòa đệ nhị cấp gọi là Tòa án nhân dân tỉnh; Hội đồng phúc án gọi là Tòa phúc thẩm. Phụ thẩm nhân dân được đổi là Hội thẩm nhân dân. Việc đổi tên Phụ thẩm thành Hội thẩm đã xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của Hội thẩm: Họ tham gia vào Hội đồng xét xử theo tính chất “tập thể”, quyền và nghĩa vụ cũng khác với trước đây. Số lượng Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử được tăng hơn so với trước, quyền hạn và nghĩa vụ được mở rộng hơn. Từ lúc này, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cả việc hình sự và dân sự, được tham gia quyết định về mọi vấn đề trong xét xử vụ án như xem hồ sơ, biểu quyết về tội trạng và hình phạt. Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. Còn Tòa án nhân dân phúc thẩm khu hoặc thành phố gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân.

Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm nhân dân còn tham gia công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời cũng là một thành viên của Hội đồng Tư pháp (một hình thức phối hợp giữa 2 cơ quan Tòa án và Công tố). Hội đồng này họp mỗi tháng một lần, bàn về đường lối xét xử và kế hoạch tư pháp.

Do điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, việc thực hiện chế định Hội thẩm thời gian này còn nhiều hạn chế. Có tình trạng thiếu Hội thẩm nhân dân, có nơi chưa có Hội đồng nhân dân, thì phải cử Hội thẩm tham gia xét xử. Việc tập huấn nghiệp vụ cho Hội thẩm được thực hiện còn ít.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 được ban hành. Trong bản Hiến pháp này đã ghi nhận nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử: “Việc xét xử ở các Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán” (Điều 59). Hiến pháp cũng quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân “Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 thì khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân gồm có một Thẩm phán và  hai Hội thẩm nhân dân. Trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi xét xử phúc thẩm, trong trường hợp đặc biệt liên quan đến dân tộc, tôn giáo phải có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 112).

 Theo Thông tư 1071/TC ngày 7/9/1965 của Tòa án nhân dân tối cao thì việc phân xử những vụ hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa thì không có Hội thẩm nhân dân tham gia.

Sau khi miền Nam giải phóng, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Sắc luật số 01/SL/1976 quy định về tổ chức của Tòa án nhân dân, trong đó khẳng định nguyên tắc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân.

Đến khi Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ quá độ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử được tiếp tục ghi nhận trong đạo luật cơ bản này. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân được thể hiện rõ hơn. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Hiến pháp 1980 ghi rõ: Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” chứ không ghi chung là: “Tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” như Hiến pháp 1959.

Từ năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI bắt đầu. Để phù hợp với tinh thần đổi mới, Hiến pháp năm 1992 đã được ban hành để thay thế Hiến pháp 1980. Sau đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992 và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 1993 được ban hành tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc hoạt động của Hội thẩm như: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động cũng đều thể hiện tinh thần nói trên.

Theo các quy định hiện hành thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm, tuỳ từng loại việc và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định khác nhau:

- Đối với các vụ án dân sự, hình sự và hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.

- Riêng đối với vụ án hình sự nghiêm trọng và phức tạp và những vụ án về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm.

- Đối với vụ án kinh tế và lao động thì thành phần Hội đồng xét xử gồm có 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Như vậy, Hội thẩm là một chế định pháp lý mang tính chất truyền thống, được khẳng định ngay từ những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Sự tồn tại đó khẳng định vị trí của đội ngũ Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Sự hiện diện của họ, kết quả hoạt động của họ luôn khẳng định rằng: nhân dân cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Để làm rõ hơn vị trí, vai trò của những người đại diện cho nhân dân trong xét xử, dưới đây xin giới thiệu chế định nhân dân tham gia xét xử ở một số nước trên thế giới.

III. CHẾ ĐỊNH ĐẠI DIỆN NHÂN DÂN THAM GIA XÉT XỬ Ở MỘT SỐ NƯỚC.

1. Ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Theo pháp luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, riêng thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) thì bắt buộc phải có Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử  gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án cấp cơ sở) hoặc từ một đến ba Thẩm phán và từ hai đến bốn Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án nhân dân tối cao). Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân có quyền hạn như Thẩm phán.

Đối với thủ tục tố tụng dân sự (TTDS) theo quy định tại Điều 40 Bộ luật TTDS thì “Khi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sẽ tổ chức Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm hoặc Hội đồng xét xử do các Thẩm phán hợp lại, số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ”... Những vụ án dân sự có thể áp dụng trình tự xét xử đơn giản sẽ do một Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử”. “Khi Hội thẩm thi hành trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang với Thẩm phán”.

Như vậy, quy định của Luật TTDS có tính mềm dẻo, Hội đồng xét xử án dân sự có thể không có Hội thẩm nhân dân. Thực tế cho thấy Tòa án nhân dân chỉ mời Hội thẩm khi các vụ án dân sự - kinh tế khi cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn (như các vụ án liên quan đến chứng khoán).

Qua mấy năm thực hiện, đã có ý kiến của các luật gia cho rằng nên quay lại chế độ Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án dân sự.

2. Ở các nước ASEAN:

a. Singapore: Singapore nguyên là thuộc địa của Anh từ thế kỳ 19 nên Bồi thẩm đoàn được du nhập vào cùng với một số thiết chế tư pháp khác. Nhưng các học giả Singapore cho rằng chế định Bồi thẩm đoàn “Không bắt rễ được trên mảnh đất Singapore”.

Đến 1960, Bồi thẩm đoàn chỉ được áp dụng đối với việc xét xử các vụ án tuyên tử hình và đến 1969 thì hoàn toàn bị bãi bỏ. Thay vào đó, việc xét xử do 2 Thẩm phán đảm nhiệm và chỉ khi cả 2 Thẩm phán thống nhất thì án mới được tuyên. Đến 1992, việc xét xử chỉ do 1 Thẩm phán đảm nhiệm.

Riêng các phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội tại Tòa sơ cấp (từ sau 1994 - phiên tòa người chưa thành niên) thì do 1 Thẩm phán chủ trì với sự giúp đỡ của 2 người tư vấn trong danh sách do Tổng thống chỉ định theo Luật về trẻ em và người chưa thành niên.

b. Ở Philippin: Quy chế của Tòa án ở Philippin có quy định việc huy động các Hội thẩm hỗ trợ cho Thẩm phán trong việc xét xử, song trên thực tế, những quy định này rất hiếm khi được áp dụng.

c. Ở Thái Lan: Khi xét xử các vụ án hình sự và dân sự, không có quy định sự tham gia của nhân dân vào xét xử.

Còn tại Tòa lao động, Hội đồng xét xử gồm 1 Thẩm phán chuyên nghiệp và các Thẩm phán không chuyên nghiệp (lấy từ số người đại diện cho người sử  dụng lao động) và những người còn lại - đại diện cho tập thể lao động. Số đại diện cho mỗi bên là bằng nhau.

Tại Tòa án người chưa thành niên và Tòa án gia đình, Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán chuyên nghiệp, hai Thẩm phán không chuyên (còn gọi là 2 Hội thẩm) trong đó một vị bắt buộc là nữ. Các phiên tòa này thường xử kín.

d. Ở Malayxia:

Malayxia cũng giống như một số nước trong khu vực, chỉ cho phép nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở các phiên tòa chuyên biệt.

Tòa án vị thành niên gồm có một Thẩm phán và 2 Hội thẩm và tiến hành xử kín.

Tòa án Hải quân cũng do 1 Thẩm phán và từ 3 - 5 Hội thẩm quân nhân xét xử.

Tòa lao động gồm 1 Thẩm phán và 3 Hội thẩm đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động và 1 đại diện tự do.

Tại Tòa thượng thẩm, thường thường các vụ án chỉ do 1 Thẩm phán xét xử nhưng cũng có thể có Bồi thẩm đoàn hay Hội thẩm tham dự.

e. Ở Cộng hòa Pháp:

- Việc xét xử án hành chính do các Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có Hội thẩm.

- Một số loại tranh chấp hoàn toàn do Thẩm phán không chuyên xét xử (cũng có thể hiểu là Hội thẩm). Ví dụ xét xử thương mại do các thương gia được bầu ra để xét xử hay tranh chấp lao động do đại diện giới chủ sử dụng lao động và đại diện của những người làm công ăn lương bầu ra.

- Việc xét xử sơ thẩm dân sự, sơ thẩm vi cảnh và tiểu hình hoàn toàn do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có sự tham gia của Hội thẩm.

- Ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, không có đại diện của công dân tham gia xét xử.

- Về Bồi thẩm đoàn:

Đoàn Bồi thẩm áp dụng ở Pháp sau cách mạng tư  sản 1789. Đoàn Bồi thẩm là một tập thể công dân được lựa chọn bằng cách rút thăm, tham gia xét xử ở các phiên tòa đại hình (xét xử những vụ án hình sự nghiêm trọng).

Có 2 loại ý kiến về vấn đề này:

- Ý kiến thứ nhất đồng tình với thiết chế Đoàn Bồi thẩm với lập luận về tính khách quan, độc lập của các Bồi thẩm viên. Hơn nữa, tiếng nói của Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói của công luận, phù hợp với đạo đức xã hội.

- Ý kiến thứ hai không hoàn toàn đồng tình vì Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói ngẫu nhiên, không có lối tư duy pháp lý chặt chẽ, dễ bị ảnh hưởng bởi báo chí và luật sư và lại thường hay tha tội cho bị cáo.

Trước năm 1941, các Bồi thẩm viên phán quyết về tính chất tội phạm và mức độ trách nhiệm của bị cáo, còn Thẩm phán sẽ quyết định về việc kết án và mức hình phạt.

Từ 1941, thành viên của Đoàn Bồi thẩm cùng nghị án với Thẩm phán cả về tính chất tội phạm và mức hình phạt áp dụng với bị cáo, Khi xét xử Bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp.

Hiện nay, Đoàn Bồi thẩm có 9 thành viên là công dân từ 23 tuổi trở lên, là công dân Pháp. Đoàn Bồi thẩm được thành lập ở mỗi tỉnh hàng năm bằng cách rút thăm trong số danh sách cử tri của tỉnh đó.

g. Nhật Bản:

Chế độ Bồi thẩm đoàn được áp dụng ở Nhật Bản từ 1923. Đến 1943 thì không áp dụng nữa do không phù hợp (nhân dân không tin tưởng lắm, không được các bị đơn đồng tình vì họ không có quyền kháng cáo các quyết định của Bồi thẩm đoàn).

- Hiện nay, ở Nhật Bản đang tồn tại chế định Hội thẩm.

Các Hội thẩm chỉ tham gia tố tụng dân sự với tư cách là các thành viên được lựa chọn từ dân chúng. Họ tham gia vào Tòa án giản lược, Tòa án khu vực và Tòa án gia đình với tư cách là Ủy viên hòa giải. Cùng với Thẩm phán, Ủy ban hòa giải trong các vụ dân sự có nhiệm vụ gợi ý những thỏa thuận, thỏa hiệp giữa các bên và khuyến khích các bên tự hòa giải.

- Các Ủy viên tư pháp: giúp cho Thẩm phán trong việc tác động vào của các bên trong vụ kiện dân sự và phát biểu ý kiến của mình để Thẩm phán cân nhắc.

- Ủy viên Tòa án gia đình: đối với các việc dân sự như thay đổi họ tên, chia tài sản thì họ tham gia với nhiệm vụ giúp Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc bằng cách trình bày quan điểm của mình về vụ việc đó.

- Ủy viên chuyên môn: Đưa ra những ý kiến chuyên môn khi được Thẩm phán yêu cầu trong các vụ kiện dân sự không cần tranh tụng liên quan đến  chủ đất và người cho thuê nhà.

h. Ở Cộng hòa Liên bang Nga:

Trước khi Liên Xô sụp đổ (1991), chế định Hội thẩm nhân dân đã tồn tại 70 năm. Trong các vụ án hình sự, dân sự, Hội thẩm nhân dân được tham gia xét xử với thành phần đa số (hai Hội thẩm, một Thẩm phán). Từ khi Liên xô không còn tồn tại, ở Liên bang Nga, chế định Hội thẩm vẫn giữ nguyên và áp dụng thêm chế định Bồi thẩm đoàn trong xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng. Việc mời Bồi thẩm đoàn tham gia xét xử là theo yêu cầu của bị cáo. Bồi thẩm đoàn ở mỗi Tòa án gồm 12 người và được thành lập bằng cách bốc thăm.

Khi tham gia xét xử, Bồi thẩm đoàn phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu sau:

- Hành vi phạm tội của bị cáo có thật hay không?

- Có đúng bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội không?

- Bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không.

Ngoài ra, Bồi thẩm đoàn còn tham gia quyết định những vấn đề như khoan hồng, xác định các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Đối với mỗi vấn đề, Bồi thẩm đoàn phải khẳng định là “có” hoặc “không”.

Như vậy, pháp luật của các nước đều có quy định về sự tham gia của đại diện nhân dân vào việc xét xử của Tòa án với hình thức và mức độ tham gia rất khác nhau. Những thông tin này sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết trong quá trình nghiên cứu đổi mới chế định Hội thẩm ở Việt Nam.

IV. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TỐ TỤNG LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM

1. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp.

Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, về pháp luật, về kinh tế, về tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Sự độc lập của Hội thẩm ở đây trước hết phải đặt trong sự thực hiện nguyên tắc này của cả Thẩm phán chuyên nghiệp. Cả Thẩm phán và Hội thẩm đều phải thực hiện nguyên tắc này mà không có ngoại lệ. Đối với Hội thẩm thì khi giải quyết các vụ án, không một cơ quan, tổ chức hay người có chức vụ hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét xử, ra lệnh cho Hội thẩm phải xét xử theo yêu cầu của họ. Không thể có một ý kiến áp đặt nào dưới danh nghĩa “hợp tình, hợp lý” để tác động đến Hội thẩm. Không một yêu cầu hay đề nghị nào của những người khác có thể làm ảnh hưởng đến việc Hội thẩm áp dụng đúng pháp luật theo đúng nội dung và tinh thần của điều luật đối với các tình tiết của vụ án cụ thể. Ở đây cũng cần lưu ý là sự độc lập của Hội thẩm cũng được thể hiện giữa họ với Thẩm phán chuyên nghiệp . Về nguyên tắc, Thẩm phán không được áp đặt ý kiến đó với Hội thẩm khi xét xử. Như vậy, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng mà Hội thẩm phải thực hiện cùng lúc: độc lập tức là tuân theo pháp luật và tuân theo pháp luật để được độc lập. V.L Lênin đã nhiều lần đòi hỏi phải thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. Người từng kịch liệt phản đối những hành vi can thiệp vào việc xét xử. Người viết: “Tôi đề nghị: Thông báo cho các Tỉnh ủy biết rằng: Ban chấp hành Trung ương sẽ khai trừ ra khỏi Đảng đối với những ai mưu toan “can thiệp” dù là nhỏ nhất vào Tòa án nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm cho những đảng viên cộng sản”(1). Đó cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với tất cả những người đang làm công việc xét xử, bảo vệ công lý, trong đó có Hội thẩm.

Một trong những bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là sự quan tâm của Đảng đối với nhiệm vụ tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử để củng cố uy tín của Tòa án, và để không một ai có thể can thiệp vào công việc xét xử. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án được thực hiện chủ yếu bằng đường lối, chính sách, công tác cán bộ, công tác kiểm tra của Đảng. Đảng không bao biện và làm thay Tòa án. Đảng lãnh đạo Tòa án để Tòa án độc lập khi xét xử và để công tác xét xử đạt hiệu quả cao. Vấn đề này, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã nói: “Đối với những vụ việc vi phạm, những vụ án có ảnh hưởng chính trị rộng, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cấp ủy cần tham gia ý kiến về quan điểm xử lý, làm cơ sở cho việc quyết định xử lý của Viện kiểm sát và các cơ quan bảo vệ pháp luật, song các cấp ủy đảng nhất thiết không được can thiệp trực tiếp vào công tác cụ thể của các cơ quan bảo vệ pháp luật như quyết định tội danh, truy tố hay không truy tố, mức án...”(2). Đó cũng là sự thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta trong việc lãnh đạo đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Tòa án.

Pháp luật cũng đã quy định những đảm bảo về mặt tố tụng cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm đó là:

- Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi đánh giá chứng cứ, quyết định tội danh và hình phạt, Hội thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Hội thẩm tự mình đề nghị không tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi có căn cứ cho rằng họ không vô tư và khách quan.

- Việc nghị án được tiến hành bí mật và Hội thẩm được quyền có ý kiến bảo lưu khi nghị án.

- Nếu có các vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ phía Hội thẩm như cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, cố ý làm sai lệch vụ án thì Hội thẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 295 về Tội ra bản án trái phápluật; Điều 296 - Tội ra quyết định trái pháp luật; Điều 300 - Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Bộ luật hình sự năm 1999).

Tóm lại, việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm chỉ có hiệu quả khi Hội thẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố: bản lĩnh bảo vệ công lý, kinh nghiệm xã hội, kiến thức pháp lý, tức là có đủ căn cứ điều kiện để ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử.

2. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Đây là một nguyên tắc được Hiến pháp quy định, thể hiện mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử trên bình diện quyền năng của mỗi người. Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Việc xét xử ở các cấp Tòa án đều được thực hiện theo chế độ hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do cá nhân Thẩm phán hay Hội thẩm nào. Chế độ “hội đồng” bảo đảm mọi quyết định của Tòa án đều được thông qua theo nguyên tắc đa số, các thành viên ngang quyền với nhau.

Để đảm bảo được sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán, cần xác định rõ tính chất mối quan hệ giữa họ với nhau trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ và giai đoạn xét xử tại phiên tòa.

Trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm mang tính chất hỗ trợ và hướng dẫn. Thẩm phán hướng dẫn cho Hội thẩm cách nghiên cứu hồ sơ để đem lại kết quả nhanh và chính xác (ví dụ bút lục nào là trọng tâm, bút lục nào cần có sự đối chiếu, so sánh; các văn bản pháp luật nào liên quan đến tội danh mà bị cáo bị truy tố...). Thẩm phán cũng hướng dẫn cho Hội thẩm cách ghi chép tổng hợp nội dung vụ án một cách ngắn gọn, đầy đủ để có thể tiến hành thẩm vấn tại phiên tòa một cách có hiệu quả.

Ngược lại, Hội thẩm có thể phát hiện những vấn đề cần trao đổi với Thẩm phán để bổ sung cho việc xét xử như cần thiết mời thêm người có liên quan đến vụ án, mời thêm người làm chứng... mà trong quá trình làm các thủ tục ban đầu, Thư ký hoặc Thẩm phán do những lý do khác nhau đã không phát hiện ra hoặc, đề nghị trưng cầu giám định tư pháp để giúp cho Hội đồng xét xử kết luận được chính xác.

Thẩm phán và Hội thẩm cần phải cùng nhau trao đổi, thống nhất kế hoạch và cách thẩm vấn tại phiên tòa, cụ thể là xác định mục đích thẩm vấn, thẩm vấn về nội dung gì, thẩm vấn những ai, dự tính những gì sẽ xảy ra sau các câu hỏi của Hội đồng xét xử và trả lời  của những người được Hội đồng xét xử hỏi.

Khi phiên tòa khai mạc thì cũng là thời điểm bắt đầu thể hiện rõ nhất cộng đồng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm.

Còn Thẩm phán, trong quá trình điều khiển phiên tòa cần luôn luôn xác định rằng Hội thẩm là những người ngang quyền với mình để từ đó có thái độ đúng đắn trong mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng xét xử. Sự đánh giá không đúng vai trò và vị trí của Hội thẩm, không tôn trọng ý kiến của Hội thẩm từ phía Thẩm phán sẽ dẫn đến hiện tượng áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm, thể hiện trước công chúng “sự hơn hẳn” của mình đối với Hội thẩm. Nếu tránh được điều đó thì cũng có nghĩa là Thẩm phán và Hội thẩm đã tạo ra được một không khí dân chủ trong phiên tòa và tạo cho công chúng dự phiên tòa một thái độ nhìn nhận đúng đắn về vị trí và vai trò của các thành viên trong Hội đồng xét xử, để họ không có cảm giác rằng Thẩm phán xét xử một mình. Vì vậy, nếu ở các bước của phiên tòa công khai trước khi nghị án mà Hội thẩm đã bị áp đặt ý kiến thì khi ở trong phòng nghị án, khi chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử  với nhau, ắt hẳn sự áp đặt đó còn mạnh hơn nhiều. Đó là hiện tượng cần phải được ngăn chặn.

Về phía Hội thẩm, khi xét xử phải thể hiện sự tự tin, luôn luôn xác định mình là một thành viên của Hội đồng xét xử. Vì thế cần sẵn sàng hỗ trợ cho Thẩm phán, nhắc nhở Thẩm phán trong quá trình xét xử nếu thấy có những vấn đề mới phát sinh hoặc có những tình tiết cũ nhưng Thẩm phán quên không thẩm vấn, hoặc khi Thẩm phán do mất bình tĩnh mà bộc lộ những sai sót. Giữa Thẩm phán và Hội thẩm phải phối hợp chặt chẽ, chuẩn xác, bám sát đề cương thẩm vấn, nhưng cần linh hoạt, sáng tạo để cuộc thẩm vấn đạt kết quả. Đồng thời Hội thẩm cần phối hợp với Thẩm phán trong việc điều hành phiên tòa để vừa bảo đảm chất lượng, vừa thể hiện được những yêu cầu của văn hóa tư pháp.

Sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán thể hiện tập trung nhất trong khi nghị án.

Do tính chất quan trọng đặc biệt của bản án, nên pháp luật quy định một trình tự đặc biệt để thảo luận và ra bản án. Chỉ có Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Do vậy, Kiểm sát viên, người bào chữa, Thư ký phiên tòa và bất cứ người nào khác đều không được tham gia nghị án. Trong quá trình nghị án, Hội thẩm phát biểu ý kiến trước và Thẩm phán phát biểu ý kiến sau cùng. Việc biểu quyết được tiến hành theo đa số. Nếu không đồng ý với ý kiến của đa số Hội thẩm hoặc Thẩm phán có thể ghi ý kiến bảo lưu. Thẩm phán tuyệt nhiên không áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm trong khi ra phán quyết cuối cùng về vụ án.

3. Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số được quy định tại Điều 131 Hiến pháp năm 1992. Theo nguyên tắc này, việc xét xử các vụ án ở mọi cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đều được thực hiện theo chế độ Hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do một cá nhân (Thẩm phán hoặc Hội thẩm) tiến hành. Trong thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm, còn trong tố tụng kinh tế và lao động thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm (trường hợp đặc biệt, trong tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm).

Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số trong các thủ tục tố tụng có Hội thẩm tham gia vừa là sự thể hiện tính chất dân chủ, vừa thể hiện tính chất đặc trưng của hoạt động xét xử là: Việc phán quyết một vụ án phải do một tập thể chứ không phải do một cá nhân nào quyết định. Hội thẩm, với cương vị là một thành viên trong Hội đồng xét xử, phải phát huy hết kinh nghiệm xã hội và kiến thức của mình, để quyết định của đa số thành viên trong Hội đồng xét xử được đúng và chính xác.

Việc thực hiện các nguyên tắc nói trên không tách rời  việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể của Hội thẩm trong tố tụng.

Theo các quy định của pháp luật thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân. (Các Điều 7, 25 và 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân).

Theo các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì sau khi thụ lý, nghiên cứu một số vụ án nào đó trong thời hạn quy định (ít nhất là 30 ngày đối với tranh chấp lao động và 4 tháng đối với vụ án dân sự), Thẩm phán có quyền ra các quyết định về việc giải quyết vụ án (đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ việc giải quyết vụ án...). Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi họ tên Hội thẩm nhân dân (trong Hội đồng xét xử vụ án đó). Sau khi Thẩm phán ra Quyết định nói trên, phiên tòa sẽ được tiến hành trong các thời hạn như sau: đối với vụ án kinh tế từ 10 đến 20 ngày; đối với tranh chấp lao động từ 10 ngày - 15 ngày; đối với vụ án hình sự từ 15 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án hành chính từ 20 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án dân sự thì từ 30 ngày đến 2 tháng. Như vậy trong khoảng thời gian đó, người Hội thẩm đã nhận được giấy mời phiên tòa và thu xếp thời gian để nghiên cứu hồ sơ.

Trong quá trình diễn biến  phiên tòa, từ khi khai mạc đến khi nghị án, Hội thẩm phải cùng với Thẩm phán thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các quy định của pháp luật về các bước tiến hành một phiên tòa, giải quyết các vấn đề phát sinh (như thay đổi người tiến hành tố tụng, xử lý những người vi phạm nội quy phiên tòa...).

Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm còn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương nơi mình cư trú. Hoạt động này được thực hiện thông qua việc giải thích cặn kẽ và thông tin chi tiết về việc xét xử những vụ án mà Hội thẩm đã tham gia. Qua đó góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Muốn vậy, bản thân người Hội thẩm phải có lối sống gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật để mọi người noi theo và học tập.

V. TIÊU CHUẨN CỦA HỘI THẨM, THỦ TỤC BẦU, CỬ, MIỄN NHIỆM VÀ BÃI NHIỆM HỘI THẨM. VẤN ĐỀ QUẢN LÝ HỘI THẨM VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ,

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỘI THẨM.

1. Tiêu chuẩn của Hội thẩm

Theo Điều 37 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 4 và Điều 29 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì, tiêu chuẩn để được bầu (hoặc cử) làm Hội thẩm.

- Là công dân Việt Nam;

- Trung thành với Tổ quốc;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực;

- Có kiến thức pháp lý;

- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, nếu là Hội thẩm quân nhân thì phải là quân nhân hoặc là công nhân, nhân viên quốc phòng đang phục vụ trong quân đội.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn 1973/QLTA ngày 10/11/1994 hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân của các TAND địa phương  nhiệm kỳ 1994 - 1999 thì “cần chú ý trước hết tiêu chuẩn về chính trị và phẩm chất đạo đức; trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có uy tín với nhân dân nơi cư trú, công tác; không đưa những người thoái hóa, biến chất hoặc có người trong gia đình (cha mẹ, vợ hoặc chồng, con) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của... làm Hội thẩm nhân dân”.

Đối với tiêu chuẩn "Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao" thì ngoài sức khỏe và thể lực cần thiết, còn bao gồm cả yếu tố ngoại hình: không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Hội thẩm.

Riêng các tiêu chuẩn về "kiến thức pháp lý", nghiệp vụ xét xử, trình độ văn hóa đối với Hội thẩm nhân dân thì vận dụng phù hợp với từng vùng khác nhau, nhưng phải bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ xét xử. Cần chú ý lựa chọn những người đã có trình độ pháp lý hoặc đã qua công tác pháp luật làm Hội thẩm”.

Còn trong Công văn 1677/Tp-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp gửi Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì quy định tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật của Hội thẩm như sau: “Đối với tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật như Điều 4 của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân đã nêu "đó là những người có kiến thức pháp lý" vì vậy khi đưa vào danh sách, cần hết sức coi trọng đến sự hiểu biết về kiến thức pháp lý của người được bầu. Đó là những người công tác trong các ngành pháp luật, nay đã nghỉ chế độ, nhưng vẫn còn sức khỏe, có tinh thần nhiệt tình công tác, có đủ điều kiện làm Hội thẩm; hay những cán bộ đương nhiệm, đang làm pháp chế cho các cơ quan Nhà nước... Mặt khác, lại phải lưu ý là: không giới thiệu những người hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, luật sư tư vấn làm Hội thẩm Tòa án nhân dân. Có như vậy mới tạo điều kiện để thực hiện các nguyên tắc "Khi xét xử Hội thẩm, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và "Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán".

Như vậy, trong việc bầu, cử Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương hai nhiệm kỳ vừa qua (1994 - 1999 và 1999 và 2004), Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn khá cụ thể và sát hợp, bảo đảm số lượng và chất lượng của đội ngũ này.

2. Về thủ tục bầu, cử Hội thẩm.

Theo Điều 39 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố đó. Còn Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bầu ra theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm kỳ là 5 năm.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân  chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

Cơ chế bầu và cử Hội thẩm quân nhân như trên trong tình hình hiện nay là tương đối thích hợp.

3. Về thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm.

Trường hợp miễn nhiệm là trường hợp Hội thẩm vì lý do sức khỏe hay các lý do khác mà không thể tham gia xét xử tiếp được.

Hội thẩm có thể bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất, đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng làm Hội thẩm.

Thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Hội thẩm ở Tòa án mỗi cấp như sau:

- Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi có sự thống nhất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu hoặc cấp tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với cơ quan chính trị quân khu hoặc cấp tương đương. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

4. Về quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương.

Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương trong nhiều năm qua chưa được thể chế hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng quản lý nửa vời, kém hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy ở cấp vĩ mô, Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các HTND của TAND địa phương. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các TAND địa phương về tổ chức theo Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy nhiên việc quản lý đó chỉ trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ,  chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

Còn các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. Ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm trong tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân địa phương theo đúng nghĩa của hoạt động quản lý là vấn đề còn bỏ ngỏ.

5. Một số chế độ, chính sách đối với Hội thẩm.

Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Chánh án Tòa án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm.

Hội thẩm được cấp Giấy chứng minh, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Về chế độ chính sách, pháp luật quy định cho Hội thẩm được hưởng một số chế độ như phụ cấp xét xử, tiền công tác phí.

Về mức phụ cấp phiên tòa đối với Hội thẩm theo Thông tư số 614/TT/LB ngày 21/7/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm TAND cấp tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử là 20.000đ/ngày. Ngoài chế độ phụ cấp trên, Hội thẩm còn được thanh toán tiền công tác phí như đối với công chức  Nhà nước đi công tác.

Những chế độ khác như trang phục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (của Hội thẩm không phải là công chức hay công nhân viên) chưa được pháp luật quy định. Việc cung cấp tài liệu, sách báo cho Hội thẩm cũng chưa có quy định cụ thể.

VI. THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm đã không ngừng được hoàn thiện. Tuy tên gọi, cách thức tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn khác đối với Hội thẩm ở mỗi thời kỳ không hoàn toàn giống nhau nhưng chế định Hội thẩm đã song song tồn tại cùng với Tòa án nhân dân. Chỉ riêng hơn nửa thế kỷ tồn tại liên tục của chế định này đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của đội ngũ Hội thẩm - những người xét xử không chuyên - đại diện cho nhân dân cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử các vụ án, xứng đáng là những người đứng trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Ở từng thời kỳ, đội ngũ Hội thẩm đều đã phát huy tính tích cực của mình, tham gia xét xử nhiều vụ án, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giáo dục công dân ý thức tuân thủ pháp luật. Mặt khác, việc Hội thẩm tham gia xét xử đã làm cho nền tư pháp của chúng ta thực sự là một nền tư pháp nhân dân, một nền tư pháp thể hiện "lấy dân làm gốc". Sự hiện diện của Hội thẩm trong việc xét xử các vụ án đã khẳng định rằng nhân dân có thể và cần phải có tiếng nói đích thực của mình trong hoạt động tư pháp. Chính sự tham gia tích cực và có hiệu quả đó của Hội thẩm nhân dân đã tôn vinh thêm vị thế của Tòa án trong chế độ ta.

Trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, các Tòa án nhân dân địa phương đã có đội ngũ Hội thẩm được bầu lên tới 11.118 người (trong đó Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh 1.473 người; Tòa án nhân dân cấp huyện là 9.645 người). Đây là một lực lượng đông đảo tham gia xét xử trong những năm tới.

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của Hội thẩm và áp dụng các quy định của pháp luật về Hội thẩm, có thể thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập cần được khắc phục để chế định Hội thẩm thực sự phát huy tác dụng trong việc xét xử. Những vướng mắc và bất cập đó là:

1. Về mặt nhận thức, chưa thực sự đánh giá đúng vị trí của Hội thẩm trong hoạt động xét xử.

Trên thực tế, xảy ra những cách nhìn khác nhau như:

* Coi nhẹ sự tham gia xét xử của Hội thẩm và cho rằng hoạt động xét xử của Hội thẩm mang tính hình thức.

Sự coi nhẹ này trước hết từ nhận thức của một số Thẩm phán. Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp thì tại một số Tòa án nhân dân tỉnh và huyện ở phía Bắc thì số người được hỏi cho rằng hoạt động của Hội thẩm mang tính hình thức chiếm tới 46%. Đây là nguyên nhân bình thường vì Thẩm phán là những người được đào tạo cơ bản về chuyên môn và nghiệp vụ, còn Hội thẩm chỉ là những người đại diện cho trình độ hiểu biết pháp luật ở mức "trung bình" của người dân nói chung, do vậy, sự băn khoăn của Thẩm phán là có căn cứ. Như nhiều Thẩm phán đã nhận xét: "Có nhiều vụ án phức tạp, tài liệu quá nhiều nên Hội thẩm chỉ đọc được những tài liệu như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và một số lời khai của bị cáo, đương sự. Các chứng cứ khác không nắm chắc, nên khi ra xét xử, ngại Thẩm phán, hoặc không dám tranh luận với Thẩm phán khi nghị án". Đây có thể nói là một trở ngại khách quan, gây ra nhận thức không đúng của một số người. Về phía quần chúng nhân dân, do chưa thấy hết được vai trò của người đại diện cho mình tham gia xét xử, cho rằng Hội thẩm tham gia cho đủ lệ bộ của Tòa án. Nhất là khi dự phiên tòa, công chúng thấy một số vị Hội thẩm thụ động, lúng túng nên càng có ấn tượng về tính hình thức của chế định Hội thẩm.

Còn phía Hội thẩm, ngoài những vị tham gia chủ động, tích cực còn có những vị quá thụ động. Trong nhiệm kỳ 1994 - 1999, có những Hội thẩm không tham gia xét xử vụ án nào vì những lý do khác nhau cả về chủ quan lẫn khách quan. Có những Hội thẩm khi tham gia xét xử thì ngồi im lặng từ đầu đến cuối phiên tòa, hoặc do không nắm vững hồ sơ cũng như các tình tiết của vụ án, nên đã đặt ra những câu hỏi lạc lõng, xa rời nội dung vụ án... Sự thiếu chủ động đó của Hội thẩm cũng như tâm lý mặc cảm của họ càng dễ gây cho những người khác cảm giác chế định Hội thẩm là hình thức.

Cũng do chưa tính toán hết những yếu tố tác động đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, nên cho đến nay, pháp luật chưa chính thức giao cho cơ quan nào quản lý thống nhất đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đang có nhiều cơ quan đảm nhiệm những phần việc khác nhau có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội thẩm: Ủy ban Mặt trân Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lập danh sách Hội thẩm để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm (trừ Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao và Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp thì do cơ quan có thẩm quyền cử theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân); Chánh án Tòa án nhân dân có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công xét xử, giữ mối liên hệ với Hội thẩm, báo cáo công tác xét xử - trong đó có hoạt động xét xử của Hội thẩm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Về phía cơ quan tư pháp thì căn cứ vào Điều 16, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Bộ Tư pháp quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức, trong đó được hiểu là quản lý cả Hội thẩm vì Hội thẩm là một thành phần không thể thiếu của Tòa án. Theo Quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và Tòa án quân sự khu vực về tổ chức cũng như Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc về quản lý Hội thẩm như: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Hội thẩm các Tòa án nhân dân địa phương, hướng dẫn việc bầu Hội thẩm, cấp giấy chứng minh Hội thẩm, cấp kinh phí để các Tòa án tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh phí phục vụ cho hoạt động xét xử của Hội thẩm. Vì chưa có cơ quan nào chính thứcquản lý thống nhất Hội thẩm nên ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội thẩm đã tự tổ chức thành Đoàn Hội thẩm (có tính chất như là một tổ chức tự nguyện) với Điều lệ hoặc nội quy hoạt động do các Hội thẩm tự quy định với nhau như "Quy ước của người Hội thẩm nhân dân" của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ) nhiệm kỳ 1994 - 1999. "Một số quy định hoạt động của Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (nhiệm kỳ 1994 - 1999). Có tỉnh thì Hội đồng nhân dân ban hành Quy chế về Hội thẩm như “Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện của thành phố Hà Nội (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 107/1999/NQ/HĐ ngày 19 tháng 7 năm 1999 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội).

 Do đó, thực tế đòi hỏi pháp luật cần quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Hội thẩm (Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân, cơ quan Tư pháp hay Hội đồng nhân dân) để lấp khoảng trống trong pháp luật lâu nay vẫn tồn tại nhằm củng cố thêm cho địa vị pháp lý của Hội thẩm nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng.

Như vậy, về mặt nhận thức cũng như về mặt tổ chức quản lý, đang có những yếu tố gây trở ngại cho chế định Hội thẩm và chắc chắn là ảnh hưởng tới kết quả xét xử của Hội thẩm. Giải quyết được những vấn đề này là góp một phần nào thực hiện nhiệm vụ cải cách Tòa án hiện nay.

2. Việc thực hiện nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định để thực hiện, trước hết là điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, về đạo đức, bản lĩnh, tâm lý.

Nhưng bản lĩnh và tâm lý khi xét xử của Hội thẩm lại phụ thuộc không ít vào sự hiểu biết về chuyên môn và nghiệp vụ của họ. Trong khi đó, Hội thẩm lại là những người không chuyên xét xử, không được đào tạo như Thẩm phán chuyên nghiệp. Vậy họ thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử như thế nào?

Đây là vấn đề nan giải mà hiện nay cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau chưa ngã ngũ. Cho đến nay, chưa có một sự tổng kết nào để khẳng định rằng kiến thức pháp lý của Hội thẩm đến mức nào là đủ để họ thể hiện được sự độc lập của mình. Với đa số trong Hội đồng xét xử sơ thẩm, các Hội thẩm có thể tạo ra sự chế ước khi đưa  ra phán quyết, nhưng với điều kiện họ xét xử công minh, có sự vững vàng về kiến thức pháp lý và dũng cảm bảo vệ công lý. Đây chính là sự tạo điều kiện từ phía Nhà nước để những người đại diện cho nhân dân trực tiếp quyết định chất lượng xét xử của một cấp xét xử quan trọng - xét xử sơ thẩm. Sự chế ước này có tác dụng góp phần làm cho kết quả xét xử phù hợp với thực tế khách quan, nhưng nếu sự chế ước chỉ thông qua việc áp đảo về số lượng thì chưa đủ. Vấn đề là ở chỗ, họ còn phải sử dụng kinh nghiệm xã hội và kiến thức chuyên môn để tạo ra sự chế ước lành mạnh. Cả nước có hơn 11.000 Hội thẩm nhưng tiêu chuẩn chuyên môn của họ lại rất chung chung, chưa cụ thể (như “có kiến thức pháp lý”, “phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ” (Điều 4 và Điều 26 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân), và khác xa các tiêu chuẩn về chuyên môn đối với Thẩm phán (vì tiêu chuẩn chuyên môn của Thẩm phán rất cụ thể: tốt nghiệp đại học Luật, có thời gian làm công tác pháp luật nhất định - 8 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 6 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 4 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện). Như vậy, xét về lôgíc, trên thực tế Hội thẩm sẽ khó thực hiện được nguyên tắc độc lập xét xử như là các Thẩm phán chuyên nghiệp. Họ như những người lao động mà không có đủ công cụ chuyên dùng. Trong một hoàn cảnh như vậy thì Hội thẩm sẽ bị hạn chế khi cần phải vận dụng kiến thức chuyên môn để bảo vệ ý kiến của mình. Vì nếu không bảo vệ được thì, hoặc là phải chấp nhận ý kiến của Thẩm phán, hoặc là khi có đủ sự kiên định thì biểu quyết khác Thẩm phán, yêu cầu bảo lưu ý kiến của mình. Rõ ràng, sự độc lập của Hội thẩm chỉ có tính chất tương đối trong điều kiện hiện nay. Đây là yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội thẩm khi xét xử.

Yếu tố thứ hai là Hội thẩm (và có khi cả Thẩm phán) có thể bị các áp  lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử, ví dụ: một số cán bộ của tổ chức nào đó hay chính quyền can thiệp vào việc xét xử các vụ án cụ thể, hoặc áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử, hoặc là chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra, bản cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ nên có thể không thực sự độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.

Việc loại trừ yếu tố thứ hai là một việc làm không khó, nhưng khắc phục yếu tố thứ nhất - trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để Hội thẩm thực sự độc lập là vấn đề nan giải. Ở đây, phải giải quyết một mâu  thuẫn là: Nếu đòi hỏi tất cả Hội thẩm phải có trình độ pháp lý như Thẩm phán thì có nghĩa là “Thẩm phán hóa” đội ngũ Hội thẩm và rõ ràng là sẽ không cần sử dụng đến đội ngũ Hội thẩm như hiện nay. Nhưng nếu cứ để trình độ Hội thẩm như hiện nay thì e rằng chất lượng xét xử không thể như mong muốn được. Nhà nước cần trang bị cho họ kiến thức pháp lý ở mức cần thiết để họ có thể tự tin, giữ vững bản lĩnh khi xét xử. Ở đây, có thể đồng tình với một học giả Xô Viết trước đây khi ông cho rằng: “Việc mở rộng yếu tố nhân dân trong Tòa án (Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử), có thể chừng mực nào đó gây tổn hại cho sự chuẩn mực về chuyên môn trong những lời tuyên án, nhưng điều đó là cần thiết vì nhân dân muốn và cần phải có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện công tác xét xử”(1).

3. Việc thực hiện nguyên tắc “khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”

(1). V.Tê-lê-ghin - Ở Liên Xô, người ta chờ đợi gì ở cuộc cải cách nền tư pháp; Phụ trương Bản tin "Liên Xô ngày nay" số 1/1958 - 1988, tiếng Việt.

Nhìn tổng thể, các Hội thẩm bằng kiến thức và kinh nghiệm xã hội, với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình đã cố gắng thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án, trong đó có nguyên tắc ngang quyền Thẩm phán khi xét xử. Sự ngang quyền này trên thực tế đã được thể hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử và kết thúc ở phần nghị án. Thực tế cho thấy, đối với nhiều vụ án quan trọng, phức tạp, Thẩm phán và Hội thẩm đã chủ động tiến hành trao đổi với nhau để chuẩn bị việc quyết định đưa vụ án ra xét xử và cùng quyết định những vấn đề quan trọng như: đề nghị Viện kiểm sát điều tra bổ sung một số tình tiết, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; thay đổi biện pháp ngăn chặn; quyết định xử công khai hay xử kín; chỉ định người bào chữa cho bị cáo, thời gian và địa điểm mở phiên tòa... Đây là những vấn đề thường được Hội thẩm tham gia nhiều ý kiến và những ý kiến này nhìn chung là sát thực. Có những vụ án trọng điểm như vụ ma túy Vũ Xuân Trường, vụ Dương Văn Khánh, vụ EPCO - Minh Phụng, các Hội thẩm phải đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ, giữa Thẩm phán và Hội thẩm đã hình thành một sự thống nhất và chính điều đó đã tạo cho Hội thẩm thực hiện tốt nguyên tắc ngang quyền với Thẩm phán.

 

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, nguyên tắc độc lập xét xử được thể hiện rõ hơn. Qua thực tế xét xử nhiều vụ án có Hội thẩm tham gia, có thể khẳng định rằng mặc dù còn những hạn chế về kiến thức chuyên môn nhưng Hội thẩm đã có nhiều cố gắng, vừa duy trì tính độc lập của mình, vừa thể hiện nguyên tắc ngang quyền mà pháp luật đã quy định cho họ. Các Thẩm phán cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm trong quá trình xét xử. Có vụ án phức tạp Thẩm phán còn đề nghị Hội thẩm nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó như về hiện trường vụ án, về kết luận giám định, và điều đó đã giúp cho Hội đồng xét xử chủ động khi xét hỏi. Khi thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa, dựa vào kinh nghiệm của mình, Hội thẩm tham gia hỏi bị cáo, các đương sự, người làm chứng, giám định viên... xem xét chứng cứ, mức độ phạm tội của bị cáo, vấn đề bồi thường thiệt hại... Từ đó tạo cho Hội đồng xét xử có cơ sở chắc chắn để quyết định bản án khi nghị án. Đồng thời cũng tạo một trạng thái tâm lý cho Hội thẩm để họ tự khẳng định mình luôn luôn là một thành viên của Hội đồng xét xử, tức là người trong cuộc và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình.

Thông thường, sau khi xét hỏi xong, qua kết luận buộc tội của Kiểm sát viên, lời bào chữa của luật sư, hoặc lời bào chữa của chính bị cáo, thỉnh cầu của người bị hại đã hình thành một quyết định tương đối thống nhất giữa Hội thẩm và Thẩm phán... Khi nghị án, đại đa số trường hợp quyết định của Tòa án là sự nhất trí cao giữa các thành viên của Hội đồng xét xử. Còn những trường hợp phần xét hỏi bị kéo dài thường có lý do là các chứng cứ chưa rõ ràng, các tình tiết giảm nhẹ chưa được làm rõ. Vì vậy, khi nghị án thường có sự đánh giá khác nhau giữa Hội thẩm và Thẩm phán về tính chất tội phạm, mức độ lỗi của bị cáo, do đó việc đề xuất mức án khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cuối cùng Hội đồng xét xử thường là nhất trí với nhau trừ trường hợp phức tạp, có ý kiến bảo lưu của một trong những thành viên của Hội đồng xét xử.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội thẩm là giáo viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn thanh niên đã tham gia các phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên với hiệu quả cao. Các vị Hội thẩm này hiểu khá rõ quá trình phát triển, diễn biến tâm lý, nhận thức của bị cáo ở tuổi vị thành niên, nên khi tham gia xét xử đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, có lập luận sắc bén, quyết định chính xác và tạo được sự đồng tình của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều Hội thẩm đã về nơi cư trú hay công tác của mình thông báo cho quần chúng nhân dân biết về kết quả xét xử, thông qua đó để nhân dân hiểu biết thêm về pháp luật và hoạt động xét xử của Tòa án.

Tuy nhiên, quyền bình đẳng đó chỉ thực sự  được thực hiện ở một giai đoạn của quá trình xét xử (sơ thẩm và đôi khi là ở phúc thẩm) chứ không phải là tất cả các giai đoạn từ xét xử sơ thẩm đến giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, nói bình đẳng ở dây là nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền phán quyết theo pháp luật, nhưng khả năng để thực hiện những quyền đó ở Thẩm phán và Hội thẩm không giống nhau do chỗ có khoảng cách về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là sự hạn chế có lý do khách quan do cơ chế lựa chọn Hội thẩm và tính chất của chế định Hội thẩm. Sự ngang quyền phải được chuẩn bị ngay từ khi lựa chọn người bầu cử làm Hội thẩm, sao cho họ có đủ khả năng để thực hiện sự ngang quyền ấy. Và để có thể ngang quyền, khi bắt đầu vào nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm phải thể hiện rất cao trách nhiệm của mình để nắm vững hồ sơ. Thực tế cho thấy có nhiều Hội thẩm hoặc là đọc không kỹ  hồ sơ, hoặc là khi nghiên cứu hồ sơ lại không tập trung chú ý vào nội dung vụ án. Những vấn đề phức tạp, còn băn khoăn trong vụ án lại không trao đổi và hỏi kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán. Vì vậy, Hội thẩm thiếu sự chuẩn bị chu đáo khi ra trước phiên tòa. Việc công chúng cảm nhận sự tham gia đó mang tính hình thức là có căn cứ vì “nội dung vụ án chưa nắm vững thì Hội thẩm không có lý nào hơn là tham dự để đủ thành phần, có tính hình thức chứ chưa thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chưa thực sự là người “cầm cân công lý” phán xét. Tính hình thức của sự tham gia của Hội thẩm còn có thể biểu hiện dưới dạng Hội thẩm để cho Thẩm phán toàn quyền quyết định về những điều quan trọng trong vụ án, còn bản thân Hội thẩm thì thụ động, chờ đợi. Trên thực tế, trong khi xét xử còn có những trường hợp Hội thẩm đưa ra những câu hỏi không ăn nhập với nội dung vụ án hoặc giải thích không đúng với tình thần của điều luật... đã làm ảnh hưởng đến phiên tòa. Một khi đã có hiện tượng như vậy thì nguyên tắc ngang quyền giữa Hội thẩm và Thẩm phán có thể bị hạn chế. Như vụ án mà bị cáo có hành vi vận chuyển 1.600 bình xịt hơi cay từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại phiên tòa, bị cáo nhận tội và sự nhận tội đó phù hợp với thực tế khách quan của vụ án. Khi nghị án, Thẩm phán có quan điểm xử tù giam nhưng các Hội thẩm nhân dân cương quyết đề nghị cho bị cáo hưởng án treo với lập luận: Đây là các mặt hàng ở nước ngoài bày bán tự do, hơn nữa khi vận chuyển vào đã bị bắt ngay, chưa gây hậu quả nghiêm trọng...! Nhận định của các Hội thẩm như vậy là chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở thời điểm hiện tại, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Hoặc vụ án truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ (chiếu phim đồi truỵ tại Nhà văn hóa Bát Giác - trường Đại học Bách khoa), khi Thẩm phán đề nghị xử tù giam các bị cáo thì các Hội thẩm lại đề nghị và biểu quyết theo đa số cho hưởng án treo. Bản án bị Tòa án nhân dân tối cao hủy vì lý do xử nhẹ.

4. Về trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm.

Đa số các tác giả đều cho rằng trong trường hợp ý kiến của đa số Hội thẩm khác với ý kiến của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa khi nghị án thì phải tôn trọng theo đa số. Sau đó, bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm thì trước hết, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án phải chịu trách nhiệm... Vậy, pháp luật trao quyền cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử với tư cách là người tiến hành tố tụng thì cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm như thế nào, mức độ đến đâu. Hoặc trong Hội đồng xét xử sơ thẩm về hình sự, số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, vậy khi bản án có sai lầm thì trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm thế nào? Đối với họ có thể áp dụng các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra hay không? Và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội thẩm. Ý kiến khác cũng cho rằng mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị Tòa án cấp trên cải sửa hoặc hủy... thì Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm  theo mức độ nhất định (kể cả việc mất điểm thi đua). Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và không có quy chế để ràng buộc, rất khó kiểm soát, rất khó quy kết. Bởi vì pháp luật chỉ quy định trách nhiệm hình sự của Thẩm phán và Hội thẩm khi ra bản án, quyết định trái pháp luật, làm sai lệch hồ sơ vụ án, mà không quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm khi có sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến bản án hình sự bị hủy hoặc bị sửa. Trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân chỉ quy định việc bầu, cử Hội thẩm, sau đó giao cho Tòa án để các Hội thẩm “làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án” và để “Chánh án giữ mối quan hệ với Hội thẩm”. Quy định như vậy là chung chung và chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Hội thẩm đối với bản án mà mình tham gia quyết định. Ngay cả việc thống kê chất lượng xét xử, Bộ Tư pháp mới chỉ đặt ra đối với Thẩm phán chứ không đặt ra với Hội thẩm. Vì cơ chế quản lý và cơ chế đánh giá hoạt động như vậy nên trách nhiệm của Hội thẩm không rõ ràng. Với cơ chế trách nhiệm như vậy, liệu có thể tất cả Hội thẩm đều toàn tâm, toàn ý với hoạt động xét xử hay không và họ quan tâm đến chất lượng xét xử như thế nào?

Như vậy, quyền và trách nhiệm của Hội thẩm khi chưa tương ứng với nhau. Ngoài lý do về cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng đã nêu ở phần trên, có thể thấy còn một loạt lý do khác nữa. Trước hết là thiếu mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Tòa án với Hội thẩm. Nhiều trường hợp Hội thẩm không nắm được lịch xét xử nên bị động. Nhưng bên cạnh đó lại có nhiều Hội thẩm từ chối tham gia xét xử với lý do bận công việc, bận đi họp hay đi học. Thực tế cho thấy các Hội thẩm đã nghỉ hưu thường tham gia xét xử nhiều hơn số Hội thẩm đương chức. Điều đó làm cho công chúng thấy thiếu những người đại diện rộng rãi cho tầng lớp nhân dân tham gia xét xử. Có những trường hợp phiên tòa phải hoãn nhiều lần do thiếu Hội thẩm. Để khắc phục tình trạng này, có khi Tòa án đã mời các Hội thẩm không nghiên cứu hồ sơ từ trước ngồi vào xét xử để đủ thành phần. Thứ hai là do chưa có cơ quan nào quản lý trực tiếp và toàn diện toàn bộ  tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, nên các Tòa án chưa có một chương trình công tác khoa học theo đúng kế hoạch cho các Hội thẩm, để trong cả nhiệm kỳ, mỗi Hội thẩm đều có quyền và nghĩa vụ lần lượt tham gia xét xử các vụ án. Đó là chưa kể đến việc tiếp nhận thông tin, đơn thư của quần chúng gửi đến cho Hội thẩm được quan tâm rất ít trước khi chuẩn bị xét xử các vụ án hình sự phức tạp, nghiêm trọng thu hút sự chú ý của nhân dân.

5.  Những vướng mắc trong việc xác định tiêu chuẩn Hội thẩm, thủ tục bầu cử  và quản lý Hội thẩm và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm.

          Trên quan điểm khẳng định chế định Hội thẩm vẫn tiếp tục cần duy trì trong hoạt động xét xử của Toà án, nhưng phải có những đổi mới nhất định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chính bản thân Hội thẩm, phục vụ tốt hơn cho việc xét xử thì trước hết phải đặt vấn đề bổ sung những tiêu chuẩn cụ thể của Hội thẩm, đồng thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn về tổ chức, quản lý và chế độ chính sách đối với Hội thẩm.

          a. Trước hết nói về tiêu chuẩn của Hội thẩm: Hội thẩm cần bảo đảm ba loại tiêu chuẩn: Chính trị, chuyên môn và các tiêu chuẩn khác. Riêng tiêu chuẩn chính trị cần giữ như quy định hiện hành. Dưới đây sẽ nói về 2 tiêu chuẩn còn lại.

          +  Tiêu chuẩn chuyên môn và  nghiệp vụ.

          Một thực tế đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giữa Thẩm phán (là người xét xử chuyên nghiệp) và (là người xét xử không chuyên) Hội thẩm ngày càng rõ. Trong lúc pháp luật đòi hỏi Thẩm phán  phải có những tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề thì tiêu chuẩn của Hội thẩm hầu như không có sự thay đổi lớn qua nhiều năm, mặc dù trình độ dân trí nói chung và trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân đã được nâng lên hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm cũng như nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền Thẩm phán, nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số ngày một đòi hỏi ở Hội thẩm nhiều hơn về kiến thức chuyên môn (ngoài những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần có). Nhưng thực tế đội ngũ Hội thẩm hiện nay chưa đáp ứng được.

Vì vậy, để Hội thẩm phát huy được hết khả năng của mình trong xét xử, pháp luật cần quy định rõ ràng và cụ thể tiêu chuẩn pháp lý (chuyên môn) của Hội thẩm. Cụ thể là: Hội thẩm phải có kiến thức pháp lý ở mức "sơ cấp" (như trước đây thường nói) tức là có kiến thức cơ bản nhất về pháp luật. Lượng kiến thức cơ bản này phải tương ứng với chương trình pháp luật đại cương trong trường phổ thông trung học (đối với Hội thẩm ở vùng sâu, vùng xa) hoặc ở mức cao hơn là tương ứng với Chương trình pháp luật trong các trường Đại học và Cao đẳng không chuyên luật (đối với các vùng khác). Ngoài ra Hội thẩm cần được tập huấn về những vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử (pháp luật hình sự, dân sự, pháp luật về tố tụng...). Vì lợi ích chung của nền tư pháp, cho dù khó khăn đến mấy Nhà nước cũng cần thực hiện các biện pháp đào tạo và bồi dưỡng cho Hội thẩm, vì nếu không thì Toà án không thể xét xử đúng và chính xác được. Cách làm có thể là chọn một số Hội thẩm TAND cấp tỉnh có kinh nghiệm, có kiến thức pháp lý ở trình độ cao, đã từng làm ở cơ quan pháp luật, có khả năng sư phạm, cử  đi học một lớp ngắn hạn do Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (Bộ Tư pháp) mở về kỹ năng xét xử của Hội thẩm, (mỗi tỉnh từ 1 - 2 người), sau đó sẽ sử dụng họ như là những giảng viên, kết hợp với giảng viên của TAND tỉnh, mở lớp tập huấn cho Hội thẩm TAND ở tỉnh (kể cả Hội thẩm TAND tỉnh và các huyện, thị). Ngoài ra, cần phải tạo cho Hội thẩm khả năng tự bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho mình thông qua các tài liêụ, sách báo nghiệp vụ của chính Toà án nơi họ tham gia xét xử. Ngoài ra, Hội thẩm cũng có thể sử dụng các tài liệu, sách báo trong Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để ngoài việc phục vụ cho xét xử, còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở địa bàn nơi mình sinh sống.

          Như vậy, tiêu chuẩn pháp lý của Hội thẩm trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể quy định quá thấp như trước đây nhưng cũng không nên quy định quá cao để tránh rơi vào tình trạng "chuyên môn hoá" hay "thẩm phán hoá" Hội thẩm, làm cho hoạt động xét xử mất dần đi tính chất xã hội rộng rãi. Đồng thời với việc quy định cụ thể tiêu chuẩn pháp lý, cần có biện pháp kịp thời bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho Hội thẩm. Hết sức tránh quan niệm cho rằng: việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng pháp luật cho Hội thẩm là "lãng phí" vì có Hội thẩm cả nhiệm kỳ không xét xử vụ nào, hoặc nhiều Hội thẩm trong nhiệm kỳ chỉ tham gia xét xử một hoặc hai vụ án và có những Hội thẩm chỉ được bầu có một nhiệm kỳ, không tái cử ở nhiệm kỳ sau nữa. Quan niệm như vậy là phiến diện và không thấy hết hiệu quả đầu tư "chiều sâu" cho công tác Hội thẩm như đã phân tích ở trên.

+  Các tiêu chuẩn khác của Hội thẩm.

 Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm nhân dân  cần chú ý những điểm sau:

- Cần nhấn mạnh hơn về tiêu chuẩn của Hội thẩm về đạo đức, lối sống, tính quần chúng, gần dân, có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức, tư cách trong cộng đồng dân cư. Không vi phạm pháp luật, sống gương mẫu, không tham nhũng, không thuộc loại người thoái hoá, biến chất.

          - Cần quy định cụ thể độ tuổi làm Hội thẩm (ví dụ từ 23 đến 70 tuổi).

          - Cần quy định rõ những tiêu chuẩn về ngoại hình của Hội thẩm như không có dị tật, dị hình...

          b. Về bầu, cử Hội thẩm.

          Theo quy định của Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm  toà án nhân dân thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan duy nhất được giới thiệu người làm Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên trong việc hướng dẫn áp dụng quy định này vẫn có những vướng mắc xảy ra. Ví dụ trong Công văn số 1973/QLTA ngày 10/11/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương có hướng dẫn: "Căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, Chánh án TAND trao đổi ý kiến để Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐND cùng cấp đề nghị cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng tại địa phương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm Hội thẩm nhân dân...". Còn tại Công văn 1677/TP-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân TAND địa phương nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì có khác hơn: "Chánh án TAND địa phương căn cứ vào nhu cầu xét xử của đơn vị, trao đổi ý kiến với Ban Thường trực, Uỷ ban  Mặt trân Tổ quốc (UBMTTQ), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc bầu Hội thẩm TAND”. Nếu theo tinh thần hai công văn nói trên thì vai trò "giới thiệu" của UBMTTQ địa phương đối với nhân sự Hội thẩm chưa thật rõ nét và chưa hoàn toàn thống nhất với Thông tư số 05/TT-MTTW của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình giới thiệu Hội thẩm nhân dân của TAND địa phương, trong đó vai trò "giới thiệu thuộc về UBMTTQ. Tuy nhiên, trong thực tế bầu Hội thẩm hai nhiệm kỳ gần đây, rất ít có trường hợp phải đưa ra để hiệp thương. Có lẽ một trong những nguyên nhân là MTTQ đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến của nhân dân nơi ngươì được giới thiệu cư trú.

          Như vậy, trong việc bầu Hội thẩm nhân dân ở các TAND địa phương, cần làm rõ hơn vai trò giới thiệu của Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện để theo sát tinh thần của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

          Đối với Hội thẩm quân nhân, chúng tôi cho rằng cơ chế cử như hiện nay là phù hợp (trước đây là bầu). Tuy nhiên, trong khi lựa chọn nhân sự không nên quá nghiêng về chức vụ hành chính - quân sự của các ứng cử viên. Đội ngũ Hội thẩm quân nhân nên bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ là trợ lý các cơ quan, trong đó cần chú ý đến những quân nhân đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn hạn hay dài hạn.

          c. Vấn đề quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương.

          Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương chưa được thể chế hoá đầy đủ trong nhiều năm qua, nên hiểu và vận dụng các quy định pháp luật về quản lý Hội thẩm có khác nhau trong thực tiễn.

          Thực tế nhiều năm qua cho thấy Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các HTND của TAND địa phương, vì Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các TAND địa phương về tổ chức (theo Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/Cp ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp). Tuy nhiên việc quản lý mới chỉ thực hiện trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

          Còn  các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. Ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với đội ngũ Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Toà án nhân dân địa phương là vấn đề còn bỏ ngỏ.

          Với đặc thù của đội ngũ Hội thẩm và trước yêu cầu cải cách tư pháp, nếu cứ để tiếp tục tình trạng không có một cơ quan quản lý thống nhất Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức sẽ rất khó khăn cho Hội thẩm và các Tòa án cũng như các cơ quan chính quyền địa phương. Do vậy, cần phải tìm ra và lựa chọn mô hình quản lý tối ưu sao cho sự tham gia của Hội thẩm vào công tác xét xử được tiện lợi,  nhanh chóng, khoa học và có hiệu quả. Về cơ quan quản lý Hội thẩm, có ý kiến cho rằng việc quản lý theo dõi, giúp đỡ Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương hoạt động thuộc trách nhiệm của cả ba cơ quan: Hội đồng nhân dân địa phương, Toà án nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Chúng tôi không đồng tình với ý kiến này vì nếu như thế sẽ không có cơ quan nào có quyền và nghĩa vụ trực tiếp đối với việc quản lý Hội thẩm. Ngoài ra, cũng không thể đồng tình với ý kiến thứ hai cho rằng "Toà án nào có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì Toà án đó quản lý Hội thẩm nhân dân". Ý kiến này  tuy có điểm hợp lý ở chỗ Toà án nơi Hội thẩm tham gia xét xử sẽ nắm vững được phẩm chất chính trị, đạo đức và khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thẩm, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho Hội thẩm một cách thích hợp, nhưng lại không hợp lý ở một điểm rất cơ bản: Toà án là cơ quan xét xử, không làm công tác quản lý, nhất là lại quản lý đội ngũ cán bộ không phải thuộc biên chế của mình. Còn việc Chánh án Toà án nhân dân quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình là theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo tinh thần Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, bản thân Toà án là cơ quan xét xử (tài phán) chứ không phải là cơ quan quản lý.

          Ý kiến thứ ba cho rằng cần giao cho các cơ quan tư pháp quản lý đội ngũ Hội thẩm nhân dân từ khâu chuẩn bị nhân sự để Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm đến công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm Ý kiến này cũng có yếu tố hợp lý ở chỗ cơ quan tư pháp quản lý các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức thì quản lý luôn cả đội ngũ Hội thẩm là phù hợp. Nhưng lại có vướng mắc ở chỗ không thể để Phòng Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân huyện và Sở Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh được vì: Thứ nhất, cơ quan tư pháp không thể quản lý cán bộ của Toà án nhân dân cùng cấp; Thứ hai, Hội thẩm không phải là công chức của Toà án nên cơ quan quản lý cấp trên như Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp mặc dù thực hiện nhiệm vụ quản lý các Toà án nhân dân địa phương nhưng rất khó quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

          Theo chúng tôi, phương án hợp lý hơn cả là: đối với Hội thẩm nhân dân các Toà án cấp huyện, cấp tỉnh thì nên để cho Hội đồng nhân dân cùng cấp - nơi bầu ra họ - thực hiện việc quản lý trực tiếp. Bởi vì, Hội đồng nhân dân có điều kiện nắm chắc hoạt động của họ, nhất là thông qua Báo cáo của các Toà án nhân dân trước kỳ họp Hội đồng nhân dân địa phương; đồng thời có thể tạo những điều kiện vật chất bảo đảm cho hoạt động của Hội thẩm, góp phần thực hiện tốt các nguyên tắc xét xử mà Hội thẩm nhân dân luôn luôn phải quán triệt và chấp hành, đồng thời bảo đảm cho Hội thẩm được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử... Đối với Hội thẩm quân nhân các Toà án quân sự và Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân Tối cao thì việc quản lý họ sẽ tuỳ theo đặc điểm của mỗi cơ quan cử ra Hội thẩm...

          Nhưng để các Hội thẩm hoạt động tốt hơn, có thể áp dụng kinh nghiệm của Bà Rịa - Vũng Tàu và chừng nào của Bắc Giang khi ở Toà án nhân dân tỉnh lập Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm là một tổ chức của các Hội thẩm nhân dân đặt dưới sự giám sát quản lý của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh giúp đỡ về kinh phí hoạt động. Thông qua hoạt động của Đoàn Hội thẩm mà công tác quản lý Hội thẩm nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, mối quan hệ giữa Toà án nhân dân và Hội thẩm nhân dân chặt chẽ hơn. Việc mời Hội thẩm tham gia phiên toà cũng như việc trao đổi rút kinh nghiệm về vụ án được thực hiện một cách nhanh chóng. Thông qua sự đóng góp ý kiến của Đoàn Hội thẩm, lãnh đạo Toà án có thể nắm rõ thêm về Thẩm phán và cán bộ do mình quản lý. Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên sớm tổng kết mô hình Đoàn Hội thẩm để góp phần ổn định về tổ chức và hoạt động của họ, phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử.

d. Về các điều kiện để thực hiện các nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”.

Để thực sự độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, ngoài những phẩm chất về chính trị, đạo đức, những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần thiết, Hội thẩm còn phải có kiến thức pháp lý nhất định để tham gia xét xử có hiệu quả các vụ án hình sự. Có thể pháp luật chưa có quy định rõ kiến thức pháp lý của Hội thẩm với tư cách là một tiêu chuẩn để lựa chọn trước khi bầu (hoặc cử) ở mức độ nào là cần thiết nhưng qua thực tế cho thấy, ít nhất Hội thẩm phải có kiến thức (có thể coi là ngay với trình độ sơ cấp pháp lý trước đây) cơ bản về pháp luật. Thông qua việc nghiên cứu sách, tạp chí và tài liệu, cộng với việc tự rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, chắc chắn Hội thẩm sẽ có đủ điều kiện để thực hiện nguyên tắc độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử. Nhưng để bảo đảm cho Hội thẩm có kiến thức cơ bản và có hệ thống, cần biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm và mở những lớp tập huấn cho họ trong khoảng thời gian nhất định, nhưng tối thiểu cũng phải 2 tuần trong một nhiệm kỳ. Ở đây cần lưu ý là thời lượng của chương trình và tài liệu tập huấn cần vừa phải và hợp lý, tránh hiện tượng đề ra chương trình quá cao, làm khó cho Hội thẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý Hội thẩm cần tạo điều kiện cho Hội thẩm cập nhật thường xuyên các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cũng như các văn bản pháp luật mới ban hành (ví dụ như Bộ luật hình sự năm 1999, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000...). Ở các Tòa án nhân dân địa phương cần xây dựng Tủ sách nghiệp vụ để các Hội thẩm nhân dân (kể cả Thẩm phán) đến đọc và tự nghiên cứu chính sách, pháp luật và các tài liệu chuyên môn khác. (Hiện nay, ở các xã, phường, thị trấn đã thành lập hàng nghìn Tủ sách pháp luật theo Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, huyện lại chưa có hướng dẫn về vấn đề này).

e. Về thành phần Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án hình sự.

Hiện nay, trong giới khoa học và những người làm công tác thực tiễn đang có những ý kiến khác nhau về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử. Đã có những ý kiến đề nghị thay thế chế định Hội thẩm hiện nay bằng một chế định khác phù hợp hơn mà vẫn có thể đảm bảo được tính nhân dân trong xét xử. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm nhưng vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Hội thẩm hoạt động đúng với các yêu cầu mà pháp luật đòi hỏi... Theo chúng tôi,  với quan điểm “lấy dân làm gốc” và để bảo đảm dân chủ thật sự của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở đánh giá đúng những cống hiến của đội ngũ Hội thẩm trong nửa thế kỷ tồn tại của Tòa án nhân dân thì việc tiếp tục duy trì và cải tiến công tác Hội thẩm là rất cần thiết.

Trong số các ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm lại có những ý kiến cho rằng nên giảm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử các vụ án hình sự, cụ thể là trong phiên tòa sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Như vậy, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính nhân dân của Hội đồng xét xử. Ý kiến khác cho rằng nên duy trì thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm như hiện nay vì tuy có một số Hội thẩm không có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án nhưng đó chỉ là một phần nhỏ.

Sau khi nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về áp dụng chế định Hội thẩm, chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

- Đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, sự việc đơn giản, rõ ràng, bị can bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, có căn cứ, lý lịch rõ ràng, việc điều tra không có gì phức tạp thì Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định áp dụng thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử. Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét xử theo thủ tục rút ngắn không cần có Hội thẩm tham gia. Thủ tục rút ngắn này đã từng được áp dụng trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 1988 (Thông tư số 10-TATC ngày 8/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, những vụ án mà bị can, bị cáo phạm pháp quả tang, chứng cứ rõ ràng, lai lịch và căn cước của bị  can, bị cáo đã rõ thì khi điều tra, truy tố và xét xử có thể rút ngắn về thời hạn và thủ tục. Nhưng riêng thành phần Hội đồng xét xử vẫn nên duy trì có hai Hội thẩm xét xử vì những vụ việc thuộc loại này rất cần đến sự tham gia của Hội thẩm.

- Đối với các vụ án hình sự khác cũng như các vụ án dân sự, hành chính thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Bởi vì cơ cấu Thẩm phán chuyên nghiệp chiếm đa số chắc chắn sẽ bảo đảm cho việc xét xử đạt chất lượng cao hơn, có thể loại trừ được tính hình thức của Tòa án. Đồng thời sự hiện diện của một Hội thẩm cũng đã thể hiện được tính chất nhân dân của Tòa án. (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động đều quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm). Như vậy, vấn đề phải giải quyết là khi giảm số lượng Hội thẩm thì tổng biên chế của ngành Tòa án phải tăng (vì số Thẩm phán tăng lên), do đó ngân sách Nhà nước chi phí cho Tòa án cũng tăng lên. Tuy nhiên, đây là vấn đề có thể giải quyết được vì số kinh phí không phải là quá lớn.

Cần bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự và các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính một số quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm, cụ thể là:

- Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa trong việc phổ biến cho Hội thẩm (nhất là những Hội thẩm tham gia xét xử vụ án hình sự lần đầu tiên) về quyền và nghĩa vụ của họ, về nghiên cứu hồ sơ vụ án về những văn bản, những quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Quy định này sẽ có tác dụng thiết thực trong việc thực hiện nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cũng như nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi khai mạc phiên tòa, ở phần giới thiệu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo chúng tôi nên công bố cả nghề nghiệp, nơi làm việc hay nơi ở của Hội thẩm để những người dự phiên tòa yên tâm về người đại diện của nhân dân tham gia xét xử.

Cần  có một quy định cụ thể (một hoặc một số điều trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng), về quyền và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi, quyền điều hành phiên tòa, khi nghị án, khi bản án có sai sót do lỗi của Hội thẩm thì trách nhiệm của Hội thẩm sẽ như thế nào...

l. Thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với Hội thẩm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, ngoài việc thường xuyên chăm lo đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia nhiệt tình với công việc của Tòa án.

Trước hết cần nâng cao mức phục cấp phiên tòa cho Hội thẩm. Theo Thông tư số 614/TTLB ngày 27/1/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử 25.000đ/ngày, Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện 20.000đ/ngày. Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, khi mức lương tối thiểu của công chức, viên chức đã được điều chỉnh tăng lên thì phụ cấp cho Hội thẩm khi xét xử cũng cần nâng mức cao hơn so với hiện nay.

Thứ hai, về trang phục của Hội thẩm. Trước đây, ở mỗi Tòa án có may sẵn trang phục để khi đến Tòa án làm việc, Hội thẩm sẽ sử dụng trang phục đó. Nay chế độ này không được thực hiện nữa, do vậy, trang phục giữa các thành viên của Hội đồng xét xử thường là không đồng bộ, ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của phiên tòa. Nhà nước cần quy định thống nhất trang phục cho Hội thẩm và trích một phần kinh phí ngân sách để may trang phục cho họ.

Thứ ba, đối với Hội thẩm không phải là công chức Nhà nước, trong khi làm nhiệm vụ của Tòa án nếu gặp rủi ro, tai nạn thì cần quy định cho họ được hưởng một chế độ bảo hiểm nhất định giống như đối với công chức Nhà nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chế định Hội thẩm hơn 50 năm qua có thể khẳng định rằng:

1 - Sự tồn tại của chế định này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu khách quan của một nền tư pháp nhân dân được thiết kế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.

2 - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, việc xây dựng một nền tư pháp mạnh mẽ, công bằng, dân chủ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Trong nền tư pháp đó, không thể thiếu được những người đại diện cho nhân dân- Hội thẩm tham gia vào việc xét xử.

3 - Trước yêu cầu mới, chế định Hội thẩm cần phải tiếp tục được hoàn thiện: sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm; nâng cao chất lượng của Hội thẩm thông qua công tác tuyển chọn chặt chẽ và quản lý có hiệu quả đội ngũ Hội thẩm; bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm; thực hiện tốt hơn nữa những chế độ chính sách cần thiết đối với Hội thẩm. Có như vậy thì đội ngũ Hội thẩm mới phát huy tốt được khả năng của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật XHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. CÁC CHUYÊN ĐỀ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÁO CÁO DẪN ĐỀ CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN SẢN - THỨ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP, CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

"NHỮNG CĂN CỨ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM TRONG CẢI CÁCH TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM"

(Trong Hội  thảo khoa học ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1999, tại Hà Nội)

 Thưa các đồng chí.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ban chủ nhiệm Đề tài, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn các cộng tác viên và các đại biểu đã đến dự Hội thảo khoa học Đề tài về: Đổi mới chế định Hội thẩm  trong cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, chúng ta chưa thể giải quyết ngay một lúc tất cả các vấn đề mà phải tiến hành từng bước. Riêng trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Toà án thì vấn đề con người làm công tác trực tiếp xét xử, tức là những vấn đề liên quan đến Thẩm phán và Hội thẩm  là một nội dung rất quan trọng mà các nhà khoa học phải quan tâm đặc biệt trong quá trình nghiên cứu. Trong 10 năm qua, giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn đã tập trung khá nhiều công sức vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Thẩm phán - những người xét xử chuyên nghiệp, mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu chế định Hội thẩm - trong khi đó chế định này tự nó đang đòi hỏi phải được đổi mới để góp phần nâng cao hiệu quả xét xử của Toà án. Về vấn đề này, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1995, Bộ trưởng Tư pháp đã nêu rõ: "Chế định Hội thẩm  nhân dân là một vấn đề đang được đặt ra trong cải cách tư pháp, chúng ta phải có một thái độ nghiêm túc và đi vào thực chất việc phát huy vai trò người Hội thẩm  nhân dân trong công tác xét xử hiện nay". đó cũng chính là những lý do đòi hỏi chúng ta phải tổ chức nghiên cứu về mặt khoa học và thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới chế định Hội thẩm.

Nhiệm vụ đó đặt ra cho chúng ta một trách nhiệm nặng nề là phải tập hợp được lực lượng nghiên cứu đông đảo, có lý luận chuyên sâu và đặc biệt là có thực tiễn phong phú, để làm việc một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian 2 năm, là thời gian tương đối ngắn. Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là không chỉ đánh giá được thực trạng mà điều quan trọng hơn là phải đưa ra được những kiến nghị, những giải pháp có tính khả thi, phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong giai  đoạn hiện nay và những năm tới.

Đề tài này được giới hạn trong phạm vi Đề tài cấp Bộ, không thể đi sâu vào mọi vấn đề liên quan đến chế định Hội thẩm mà chỉ nghiên cứu những vấn đề chủ yếu như: Vai trò và các nguyên tắc hoạt động của Hội thẩm cơ chế đảm bảo cho Hội thẩm tham gia xét xử (quyền, nghĩa vụ của Hội thẩm); quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm Trách nhiệm của Hội thẩm trong xét xử; Vấn đề bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng Hội thẩm và các vấn đề khác về tổ chức đối với Hội thẩm. Có thể nói đó là những vấn đề cơ bản nhất trong đổi mới chế định Hội thẩm.

Để các đồng chí có thể có cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển của chế định Hội thẩm chúng tôi xin nêu một số điểm sau đây:

1. Tóm tắt về lịch sử chế định Hội thẩm.

Nhìn lại hơn 50 năm qua, chúng ta có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển của chế định Hội thẩm căn cứ vào 4 bản Hiến pháp - là những mốc lớn của  các thời kỳ phát triển của Nhà nước ta.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới xây dựng cơ quan xét xử của nhân dân. Ở Toà án Đệ nhị cấp và Toà Thượng thẩm, khi xét việc tiểu hình và đại hình đều có Phụ thẩm nhân dân tham gia. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của Nhà nước ta, việc tham gia của Phụ thẩm còn hạn chế: chỉ những vụ án hình sự và tuỳ từng cấp toà án, Phụ thẩm có thể phát biểu về tội trạng hoặc hình phạt, còn Thẩm phán tự quyết định như khi xét xử các vụ tiểu hình. Còn khi xét xử các vụ đại hình, Phụ thẩm mới cùng nghị xử với Thẩm phán về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng và hình phạt...(Theo Sắc lệnh số 13 ngày 24.1.1946 về tổ chức toà án và các ngạch Thẩm phán).

Bước vào những năm 50, sau cuộc cải cách tư pháp đầu tiên, hệ thống tư pháp đã được kiện toàn thêm một bước và thể hiện đậm nét tính nhân dân. Chế định Hội thẩm nhân dân đã được đổi mới về cơ bản. Phụ thẩm nhân dân được đổi thành Hội thẩm nhân dân, quyền hạn và nghĩa vụ được quy định rõ hơn. Đặc biệt Hội thẩm tham gia xét xử cả án hình sự và dân sự và được tham gia quyết định mọi vấn đề trong xét xử vụ án.

Sau khi có Hiến pháp 1959. Ngoài những việc hình sự nhỏ, giản đơn và việc giải quyết thuận tình ly hôn do một Thẩm phán tiến hành, còn tất cả các vụ án xử sơ thẩm đều có Hội đồng gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm xét xử. Hội thẩm nhân dân vẫn do Hội đồng nhân dân bầu ra với những tiêu chuẩn như: gương mẫu trong lao động, trong cuộc sống và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, là những người đại diện cho các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Số lượng Hội thẩm nhân dân rất đông (cả nước có gần 20.000 người), thành phần rất rộng rãi.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước làm một nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 1980 - Hiến pháp của thời kỳ quá độ đi lên CNXH trong phạm vi cả nước đã được ban hành. Và cũng năm đó, Luật tổ chức TAND mới được ban hành và chế  định Hội thẩm nhân dân đã được thể hiện khá cụ thể trong đạo luật này.

Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, Hiến pháp năm 1992 ra đời. Bên cạnh Luật tổ chức Toà án nhân dân mới (1992), Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân được ban hành (14.5.1993) đã quy định tương đối đầy đủ về chế định Hội thẩm từ việc bầu cử, bồi dưõng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội thẩm đến miễn nhiệm, bãi nhiệm và những bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ Hội thẩm

2. Nhận xét chung về việc thực hiện chế định Hội thẩm

Trong mỗi thời kỳ, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình. Cho đến nay thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử ở Toà án. Tuy nhiên trong tình hình mới, chế định Hội thẩm cần phải có những cải cách đáng kể mới đáp ứng được nhiệm vụ xét xử hiện nay và yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Hiện nay số lượng Hội thẩm TAND địa phương được bầu theo quy định của Uỷ ban Thường vụ quốc hội là trên 10.000 người. Qua theo dõi, phần lớn những người được bầu làm Hội thẩm thường là những cán bộ nhà nước đang đương chức hoặc đang hoạt động trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, kinh tế như Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, phụ nữ và một số là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật như Kiểm sát viên, Toà án đã nghỉ hữu. Trên thực tế, Hội thẩm là những người đang đương chức thường ít có điều kiện về thời gian tham gia xét xử, do vậy các Toà án thường mời Hội thẩm là những người đã nghỉ hưu, có nhiều điều kiện về thời gian hoặc có nhiều kinh nghiệm xét xử tham gia các Hội đồng xét xử. ở nhiều Toà án việc tham gia xét xử thường tập trung vào một số người nhất định. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng chế định Hội thẩm ít nhiều còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, một số Hội thẩm do không chuyên sâu về pháp luật, ít có kinh nghiệm và thực tiễn xét xử, nên thường thụ động và phụ thuộc nhiều vào ý kiến của Thẩm phán. Có lẽ chính sự thụ động của một số Hội thẩm khi xét xử đã tạo ra cảm giác này trong công chúng. Bên cạnh đó, hiện nay các Toà án nhân dân không chỉ xét xử án dân sự, hình sự mà còn xét xử nhiều loại án khác như: kinh tế, lao động, hành chính, sau này còn có thể có thêm các loại án khác nữa. Do vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc tham gia của Hội thẩm chủ động, tích cực và thực chất cao hơn thì mới có thể bổ sung cho Thẩm phán những kiến thức và kinh nghiệm xã hội trong khi  xét xử. Từ vấn đề nói trên đặt ra một vấn đề khác  là có cần tiếp tục duy trì thành phần Hội đồng xét xử như hiện nay hay không. Bởi vì nếu tuyên án theo đa số, số lượng Thẩm phán chuyên môn bao giờ cũng là số ít, còn Hội thẩm là những người xét xử không chuyên, ít có kinh nghiệm xét xử bao giờ cũng đông hơn, trong khi đó Hội thẩm lại ngang quyền với Thẩm phán, do vậy vẫn có sự băn khoăn của nhiều người về  chất lượng xét xử. Đó là một thực tế.

Một vấn đề khác đặt ra là trong điều kiện mới, Hội thẩm cần phải có tiêu chuẩn như thế nào để đạt được hai mục tiêu: bổ sung kiến thức và kinh nghiệm xã hội cho Thẩm phán, đồng thời giám sát hoạt động xét xử? Trong khi trình độ của Thẩm phán ngày nay cao hơn trước đây, và trình độ dân trí cũng vậy.

Một điều rất quan trọng nữa là cần thiết có cơ chế pháp lý, cơ chế tổ chức để bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm Theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, Quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các TAND địa phương, các TAQS quân khu và khu vực về mặt tổ chức và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm toà án nhân dân thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Hội thẩm các TAND địa phương, phân bổ số lượng Hội thẩm cho từng Toà án địa phương, hướng dẫn việc bầu cử Hội thẩm cấp giấy chứng minh Hội thẩm cấp kinh phí để các Toà án tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh phí bồi dưỡng phiên toà.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương danh sách Hội thẩm HĐND cùng cấp bầu Hội thẩm nhân dân. Chánh án Toà án có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công xét xử, giữ mối liên hệ với Hội thẩm báo cáo công tác xét xử trong đó có hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trước HĐND cùng cấp. Như vậy, hiện tại theo quy định của Luật thì có nhiều cơ quan khác nhau đảm nhiệm những phần việc khác nhau có liên quan đến vấn đề “tổ chức” của đội ngũ Hội thẩm Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, theo Pháp lệnh công chức, thì Hội thẩm không phải là công chức Nhà nước, và theo Luật tố tụng và hành chính thì Hội thẩm chỉ là một chế định mà không phải là một tổ chức, hôm nay họ làm việc ở cơ quan của mình, ngày mai họ tham gia xét xử ở Toà án, và khi xét xử họ nhân danh quyền lực Nhà nước và pháp luật để tham gia quyết định về các vụ án một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, và trong Hội đồng xét xử sơ thẩm về hình sự, dân sự số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, vậy khi bản án có “vấn đề” thì trách nhiệm pháp lý của họ thế nào, đối với họ có thể áp dụng các nguyên tắc quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra hay không? Đây cũng là một vấn đề có liên quan đến tổ chức. Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề tổ chức, ai là người chịu trách nhiệm về hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội thẩm HĐND là cơ quan bầu ra Hội thẩm hay Toà án là cơ quan phân công xét xử cho Hội thẩm phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng chế định Hội thẩm hiện hành còn có những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất. Và như vậy, từ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hoạt động của Hội thẩm hiện nay, từ tính chất, vai trò, quyền hạn của Hội thẩm thì có cần phải đặt ra vấn đề quản lý Hội thẩm hay không? hay chỉ cần làm tốt và cải tiến các quy định hiện hành. Nếu đặt ra vấn đề quản lý Hội thẩm thì có làm mất đi tính chất “không chuyên”, tính chất nhân dân tham gia xét xử và có hạn chế nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật hay không?

Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về công tác Hội thẩm nhưng phần lớn ý kiến đã đều xoay quanh hai câu hỏi:

- Ai là người quản lý Hội thẩm?

- Số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử có cần chiếm đa số như quy định hiện nay hay không.

Quả là, càng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu, chúng ta càng thấy tính phức tạp và tính cấp thiết của Đề tài nghiên cứu.

Ngoài ra còn có ý kiến nêu lên vấn đề cần phải có một cơ quan thống nhất quản lý Hội thẩm cụ thể là: nên giao cho Toà án, tư pháp, hay Mặt trận tổ quốc thống nhất quản lý Hội thẩm?

Do đó, mục tiêu của việc nghiên cứu Đề tài là phải tìm ra câu trả lời, giải đáp cả về lý luận và thực tiễn các vấn đề và các ý kiến khác nhau xung quanh thực trạng đội ngũ Hội thẩm hiện nay và nghiên cứu đề xuất các giải pháp đổi mới, cải thiện chế định HTND trong giai đoạn tới.

Vì vậy, trong cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cần đi sâu thảo luận về các điểm chính sau:

a. Yêu cầu chung đối với Hội thẩm trước đòi hỏi của cải cách Tư pháp?.

b.  Những yêu cầu cụ thể ở mức độ nào là phù hợp .

- Kiến thức chuyên môn ngành nghề, kiến thức xã hội mà Hội thẩm đang đảm nhiệm.

- Kiến thức pháp lý.

c. Yêu cầu đối với Hội thẩm tham gia xét xử từng loại án: Hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

d.  Số lượng Hội thẩm trong các Hội đồng xét xử sơ thẩm nên như thế nào để nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số  có hiệu quả.

e. Hội thẩm chịu trách nhiệm đến đâu khi bản án bị cải, sửa, huỷ.

f. Công tác tổ chức đối với Hội thẩm cần được hoàn thiện theo hướng nào.

g. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử.

h. Cơ chế để Hội thẩm thực hiện nguyên tắc "độc lập xét xử" và “ngang quyền với Thẩm phán” .

i. Chế độ  đãi ngộ cho Hội thẩm thế nào cho phù hợp?

k. Cơ chế lựa chọn Hội thẩm : bầu cử, nên duy trì như hiện nay không?

Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, tôi xin phát biểu gợi ý một số vấn đề để các đồng chí tiếp tục trao đổi.

Xin cảm ơn các đồng chí.

 

HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC XÉT XỬ NHÌN TỪ KHÍA CẠNH

 HOẠT ĐỘNG VÀ TIÊU CHUẨN CỦA HỘI THẨM

                                                                        TS. Chu Hải Thanh

Tuy tên gọi, cách thức tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn đặt ra ở từng thời kỳ không hoàn toàn giống nhau, nhưng chế định Hội thẩm trong xét xử của Toà án đã song tồn cùng Nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay. Chưa đánh giá về các khía cạnh khác, chỉ riêng với hơn 50 năm hiện diện liên tục, đó cũng đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của Hội thẩm bên cạnh những công chức tư pháp chính ngạch.

Nhưng cũng trong chừng ấy thời gian, chúng ta vẫn chưa có được sự tổng kết và đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về công tác Hội thẩm Đặc biệt hiệu quả mà Hội thẩm đóng góp cho hoạt động xét xử của Toà án đến đâu vẫn tiếp tục là đại lượng khó xác định. Và nữa, tiêu chuẩn của Hội thẩm ra sao cũng chưa được quan tâm qui định một cách thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin sơ bộ được thảo luận hai vấn đề trên, với mong muốn đóng góp một ý kiến xây dựng cho tiến trình hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân - một bộ phận quan trọng của cuộc cải cách tư pháp rộng lớn đang được triển khai khẩn trương ở nước ta.

1. Vấn đề đại diện và đa số

Chế định Hội thẩm không tồn tại ngẫu nhiên mà nó đã được qui định một cách nhất quán trong cả 4 bản Hiến pháp của chúng ta, kể từ khi lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay. Việc cơ cấu Hội thẩm nhân dân luôn chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm tất cả các loại án hiện nay là sự cụ thể hoá những điều hiến định về bản chất dân chủ và nhân dân trong quá trình xét xử, để quyết định những quyền lợi quan trọng của cá nhân và tổ chức tại Toà án.

Thật vậy, Hội thẩm nhân dân tham gia với đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác lập công lý ngay từ lúc ban đầu. Nếu Thẩm phán chủ tọa phiên toà sơ thẩm là công chức tư pháp chuyên nghiệp cầm chịch chủ yếu là mặt luật pháp, thì Hội thẩm nhân dân là lực lượng từ nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, bổ túc những kiến thức xã hội và kiến thức chuyên môn cần thiết khác cho quá trình xử án. Khảo sát đội ngũ 95 Hội thẩm tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thấy họ đại diện cho hơn 30 ngành nghề và lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau, là lợi thế cho chức trách của họ ở các phiên toà.

Nhưng với hiện tại, cơ cấu thành phần của Hội thẩm thể hiện rõ dấu ấn “mặt trận”. Bởi theo Điều 30 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì Hội thẩm của Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân địa phương đều được cử hoặc bầu theo sự giới thiệu của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên sự phân bổ sao cho đủ người đại diện từ các tổ chức thành viên, các giới mà Mặt trận Tổ quốc quản lý là điều dễ hiểu. Sự đa dạng về thành phần của Hội thẩm là đáng khích lệ, nhưng nó quyết định như thế nào đến chất lượng xử án là điều còn phải được bàn xét.

Nói rằng việc cơ cấu theo kiểu đại diện đủ các ngành, các giới như vậy để mong quá trình xét xử, Hội thẩm có thể có tiếng nói thấu hiểu cho bị cáo hay đương sự thuộc tầng lớp mình đại diện thì không hẳn như vậy. Khi Hội thẩm tiến hành tố tụng, thì họ đóng vai là người xét xử theo phép công, nhân danh Nhà nước chứ không phải là người bào chữa hay “người thông cảm” với người đứng trả lời trước toà án, dù cho người đó có thuộc tầng lớp xã hội hay nghề nghiệp với Hội thẩm đi nữa. Thậm chí chúng ta có quyền yêu cầu Hội thẩm phải hành xử đúng, hành xử nghiêm trong những trường hợp đó. Còn nói về quyền bào chữa tại Toà, thì bị cáo, đương sự đã có thể tự mình hoặc thông qua dịch vụ của luật sư để thực hiện. Cho nên quan niệm Hội thẩm phải bầu hoặc cử từ đủ các giai tầng xã hội, phải mang tính đại diện, phải có tiếng nói cho bị cáo hoặc đương sự giới mình trong quá trình xử án là không thuyết phục và không khả thi. Vì một điều hiển nhiên là làm sao có thể dự liệu được tỷ lệ phạm pháp hoặc tranh chấp của các tầng lớp xã hội ra sao ở Toà án để ấn định số lượng Hội thẩm phải có cho thích hợp? Vậy thì không thể đặt vấn đề đại diện hay tính chất mặt trận đối với Hội thẩm mà phải là vấn đề giám sát và tính chất nhân dân đối với đội ngũ này.

Còn cho rằng, có thu hút Hội thẩm từ các tầng lớp xã hội, từ các ngành nghề đa dạng thì mới góp phần hữu hiệu cho việc xét xử những việc, án có liên quan đến tri thức chuyên ngành mà một Thẩm phán không thể bao quát hết, thì điều này chỉ có một ý nghĩa nhất định nào đó mà thôi. Cho đến nay cũng chưa có một sự tổng kết nào cho thấy trong quá trình tham gia xét xử, các Hội thẩm đã phải sử dụng những hiểu biết nghề nghiệp của mình như thế nào và việc đó có tác dụng đến đâu? Còn thực tế, để giải quyết một vụ án cụ thể, Hội đồng xét xử phải dày công nghiên cứu các qui lệ, các chế định pháp luật có liên quan một cách đầy đủ. Những kiến thức riêng biệt về nghề nghiệp ảnh hưởng đến phần quyết định của vụ án thường đều phải trưng cầu giám định và kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc của một Hội đồng có thẩm quyền. Như vậy thì vai trò kiến thức ngành nghề của Hội thẩm ứng dụng trong việc quyết án là khó xác định. Chưa kể việc bố trí Hội thẩm cùng ngồi xử các vụ án cần đến hiểu biết từ nghề nghiệp tương ứng của người đó lại càng khó thực hiện.

Việc Hội thẩm chiếm đa số trong thành phần của Hội đồng xét xử tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát và xác lập công lý ở cấp toà sơ thẩm đã có một ý nghĩa hết sức quan trọng và là một biểu hiện cụ thể và sinh động của dân chủ trong tư pháp. Điều đó không thể phủ nhận trong thực tiễn hơn nửa thế kỷ tồn tại của tổ chức Hội thẩm Thế nhưng cũng không thể không công nhận tính chất tương đối của vấn đề.

Quá trình tố tụng của phiên toà sơ thẩm vừa mang tính chất kiểm tra lại những gì đã thu thập được trong các giai đoạn điều tra trước đó, nhưng đồng thời cũng là lúc để tìm ra những chứng cứ mới qua sự khai lại, xuất trình thêm của những người tham gia tố tụng. Những gì đã được chứng minh và quyết định taị phiên toà sơ thẩm có ý nghĩa hoàn thiện và ổn định rất cao. Nếu Hội đồng xét xử làm việc công minh, khách quan và với nghiệp vụ chuyên môn cao, bản án đưa ra thấu tình đạt lý, không còn sơ suất gì nữa, thì hiệu lực của nó là khả thi, tính thuyết phục của nó lớn. Những bản án như vậy dẫu có kháng cáo, kháng nghị thì cấp phúc thẩm cũng khó mà tìm ra tỳ vết gì, nên thường được “y án”. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa hoặc huỷ tương đối thấp trong những năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên bình diện cả nước nói chung.

Tuy nhiên, ở đây cũng còn tồn tại một thực tế khác khiến công lý đạt được ở cấp sơ thẩm với sự tham gia quyết định của Hội thẩm đôi khi trở nên chông chênh. Về nguyên lý, án sơ thẩm còn có thể bị phán xử lại bởi một Hội đồng chỉ gồm những Thẩm phán chuyên nghiệp của cấp phúc thẩm (và cả theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm nữa). Như vậy trong việc xét xử thì tính chuyên nghiệp của Hội đồng phúc thẩm (và các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm) vẫn ở vị trí thượng phong, vị trí cấp trên của Hội đồng sơ thẩm, nơi đại diện của nhân dân (Hội thẩm) chiếm đa số, nhưng mang tính nghiệp dư. Dĩ nhiên nhà sản xuất nào rồi cũng phải chịu sự sát hạch của cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, và ngay cả trong trường hợp này - người có lý bao giờ cũng là cơ quan quản lý chất lượng - Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ án sơ thẩm bị cải sửa, bị huỷ cao hơn nhiều so với án phúc thẩm bị cấp giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) điều chỉnh. Thậm chí có những vụ án dân sự xét xử gần cả chục lần qua các cấp toà, với thời gian dài, mà vẫn chưa có điểm dừng. Lý giải sự trường kỳ trên, nhiều người đổ cho cấp sơ thẩm không chịu xử theo định hướng đã nêu trong án phúc thẩm hoặc án giám đốc thẩm. Như vậy chân lý ban đầu cũng chỉ mới là “chân lý sơ thẩm”, những người đại diện của nhân dân khó lòng mà bảo vệ nổi cái chân lý ấy khi các toà án cấp trên yêu cầu sửa đổi hoặc huỷ bỏ án sơ thẩm. Chính vì thế, nên việc giám sát và xác lập công lý ở toà sơ thẩm với quyết định của Hội thẩm chỉ mang tính chất tương đối. Phải chăng vì án sơ thẩm được đưa ra bởi có sự tham dự của đa số những người xét xử nghiệp dư, nên luật pháp quy định một phạm vi rất đông những người có quyền yêu cầu soi xét lại nó? Vậy thì chất lượng xét xử sơ thẩm đã được coi trọng và đánh giá đúng mức chưa? Và vấn đề bảo vệ triệt để những án sơ thẩm đúng đắn nhưng bị Toà cấp trên yêu cầu cải sửa hoặc huỷ bỏ ra sao? Câu trả lời thoả đáng cho những điều kiện nêu trên hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

2. Sự chế ước.

Ưu thế đa số của Hội thẩm trong xét xử sơ thẩm về phương diện “quân số” có thể tạo ra sự chế ước trong việc quyết định vụ án, với điều kiện họ mực thước, công minh, có sự vững vàng nhất định về chuyên môn pháp luật và có lòng dũng cảm. Chính điểm này quyết định chất lượng và hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm Đây cũng là sự tạo điều kiện của pháp luật để những đại diện của nhân dân trực tiếp tham gia quyết định chất lượng xét xử ở một cấp Toà quan trọng. Khảo sát thực tế ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều vị Hội thẩm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, tận tuỵ trong công tác, kỹ lưỡng trong nghiên cứu hồ sơ, tích cực thẩm vấn để làm rõ các tình tiết tại phiên toà và không xuôi chiều khi biểu quyết thông qua bản án. Họ luôn có chính kiến của mình và dám bảo vệ nó. Tuy nhiên, số Hội thẩm này thường rơi vào những người có trình độ pháp lý vững chắc, phổ biến là trình độ đại học luật và đã có thời gian làm công tác thực tiễn nhất định về pháp luật. Như vậy thì chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm trước hết phụ thuộc vào trình độ chuyên môn pháp luật, sau nữa là tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của người đó.

Ai cũng biết sự chế ước trong tố tụng có tác dụng cảnh giới, phản biện, làm cho quá trình đi đến sự thật được ngay ngắn và khách quan. Nhưng Hội thẩm không thể thực hiện sự chế ước đó trong xét xử sơ thẩm chỉ bằng biểu quyết đa số, mà vấn đề có đạt được sự chế ước lành mạnh hay không lại nằm ở chỗ trình độ chuyên môn pháp luật của họ là chính. Hiện điểm yếu của đội ngũ Hội thẩm là ở đó. Cả nước đang có gần 10 ngàn Hội thẩm tại các loại Toà án, nhưng tiêu chuẩn về chuyên môn pháp luật của họ chưa được quy định cụ thể. Dù rằng càng ngày Nhà nước ta càng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Hội thẩm trong đó có yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như phải “có kiến thức pháp lý’, phải được “bồi dưỡng về nghiệp vụ” (Điều 4 và Điều 26 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân) nhưng cũng chỉ là những yêu cầu có tính chất chung chung, khác rất xa các điều kiện chuẩn mực rạch ròi được nêu ra đối với Thẩm phán. Xem như vậy thì Hội thẩm khó lòng thực thi nhiệm vụ xử án của mình ngang tầm với Thẩm phán, họ như người lao động mà không có đủ công cụ chuyên dùng. Trong một hoàn cảnh như vậy thì Hội thẩm sẽ bị hạn chế khi cần phải vận dụng kiến thức chuyên môn để bảo vệ ý kiến của mình. Và nếu không bảo vệ được thì hoặc là phải chấp nhận cách quyết án của Thẩm phán, hoặc là khi có đủ sự kiên định thì biểu quyết khác Thẩm phán, yêu cầu bảo lưu ý kiến của mình. Nhưng những trường hợp quyết tâm bảo lưu ý kiến như vậy có tỷ lệ như thế nào và đã được thể hiện ra sao trong biên bản nghị án đến nay vẫn còn là vấn đề chưa được khảo sát và tổng kết rõ ràng.

Một yếu tố khác ảnh hưởng không ít đến hoạt động và hiệu quả xét xử của Hội thẩm cần được phản ánh đó là quỹ thời gian. Tất cả Hội thẩm của chúng ta hiện nay đều đang hoạt động xét xử kiêm nhiệm, việc tham gia xử án chỉ là công việc phụ, không hưởng một mức lương nhất định nào và thời gian dành cho công việc phụ này cũng mang tính chất rất phụ. Thực tế ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chỉ có Hội thẩm là cán bộ hưu trí mới đủ điều kiện dành thời gian thỏa đáng cho công việc Toà án của mình. Có những vị trong số này ngồi xử mỗi năm trên 100 vụ các loại. Còn các Hội thẩm đang tại chức khác thì mức độ tham gia xét xử ít, thậm trí có vị mỗi năm chỉ ngồi phiên toà dăm, bảy lần tượng trưng. Như vậy thì Hội thẩm dự xử án nhiều hơn cả là từ số đã hưu trí (mà nếu là Thẩm phán thì đã phải về hưu, tức là không làm công tác xét xử nữa). Bên cạnh đó thì Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị vừa thiếu Thẩm phán, vừa cần thêm đội ngũ Hội thẩm rất bức bách. Ngành Toà án thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm phải giải quyết một lượng án các loại, trung bình bằng 18 - 20% của cả nước, (số liệu cụ thể là chừng trên dưới 20.000 vụ), trong đó cấp phúc thẩm gánh khoảng 5.000 đến 7.000 vụ, mà phần lớn lại là xử sơ thẩm. Do vậy quy định phân bổ của Bộ Tư pháp số lượng Hội thẩm bằng số lượng Thẩm phán đối với Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là không đáp ứng nhu cầu. Hiện số Thẩm phán của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa bổ nhiệm đủ, mới có 75 người so với 85 được định biên. Nhưng lực lượng Hội thẩm đã phải xin Bộ Tư pháp cho phép bầu thêm để đủ số 100, vừa qua đã bầu bổ sung 20 vị, nâng tổng số Hội thẩm của Toà án nhân dân thành phố lên con số 95. Như trên đã trình bày, dù số lượng Hội thẩm có đủ, mà hoạt động không đều tay do một bộ phận Hội thẩm không bố trí được thời gian tham gia xét xử, thì tình trạng dồn án vào một số Hội thẩm tình trạng hoạt động xét xử không đồng đều, không hoàn thành số lượng án ở đội ngũ Hội thẩm là không tránh khỏi. Trong trường hợp này chúng ta có lý do để đặt câu hỏi về hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm nói chung và vai trò chế ước của họ trong Hội đồng xử án nói riêng.

Nói đến sự chế ước của Hội thẩm cũng cần phải đề cập một vấn đề nữa, đó là giới hạn quyền và trách nhiệm của họ khi tham gia xét xử đến đâu?

Quyền bình đẳng, độc lập của Hội thẩm khi xét xử bên cạnh Thẩm phán mang tính Hiến định. Quyền đó cũng được khẳng định lại trong Điều 4, 5 Luật tổ chức Toà án nhân dân, trong Điều 2, 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân và nhiều điều khác của các luật và pháp lệnh về tố tụng. Đó là sự tôn trọng cần thiết mà pháp luật dành cho người đại diện của nhân dân khi nắm quyền ngồi xét xử, để đảm bảo giá trị hiệu lực cho các quyết định mà Hội thẩm tham gia ban hành trong bản án.

Tuy nhiên, các quyền nêu trên đều có những giới hạn đáng chú ý. Thứ nhất, sự bình đẳng, độc lập của Hội thẩm nằm trong phạm vi hạn chế của quá trình tố tụng. Hội thẩm chỉ được tiến hành một giai đoạn của quá trình đó - giai đoạn xét xử ở Toà án. Việc tiến hành các bước chuẩn bị, điều tra (trong tố tụng dân sự), quyết định những biện pháp quan trọng khác...trước khi xét xử đều thuộc quyền của Thẩm phán. Thứ hai, bình đẳng và độc lập trong trường hợp này là chỉ nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền phán xử  theo pháp luật, nhưng khả năng để thực hiện những quyền đó ở Thẩm phán và Hội thẩm không giống nhau, do chỗ có khoảng cách về trình độ chuyên môn trong xét xử. Có thể xem đây là một sự hạn chế có nguồn gốc chủ quan.

Còn về trách nhiệm thì tất nhiên Hội thẩm cũng như Thẩm phán đều cùng phải chịu trước pháp luật về hoạt động và chất lượng xét xử của mình. Đối với Thẩm phán thì vấn đề trách nhiệm được luật cũng như các văn bản dưới luật, quy chế của ngành, quy chế công chức quy định một cách khá đầy đủ và chi tiết, kèm theo cơ cấu tổ chức đảm bảo cho việc chấp hành. Mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị Toà cấp trên cải sửa hoặc huỷ...v..v. Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo những mức độ nhất định. Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và hầu như không có cơ chế để ràng buộc, rất khó kiểm soát, rất khó quy kết. Đơn giản là chưa có sự phân công quản lý về tổ chức và về chuyên môn nghiệp vụ của Hội thẩm Hội thẩm của các Toà án địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tương đương bầu ra theo sự giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc, rồi giao cho Toà án để “làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án” và để được Chánh án “giữ mối quan hệ” (Điều 25 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân). Quy định như vậy thì chưa thể nói Chánh án quản lý Hội thẩm Cho nên những vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm trong công tác xét xử của Hội thẩm chưa được quan tâm đúng mức để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác của họ. Với thực trạng quyền hạn và trách nhiệm còn lỏng lẻo như hiện nay, thì bản thân người Hội thẩm có chí cốt, toàn tâm, toàn ý với công tác xét xử và với những phán quyết mà mình góp phần tạo ra hay không? Cao hơn nữa là hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội thẩm đã đạt đến mức độ nào? Tất cả đó còn là những câu hỏi cần sớm được giải đáp.

3. Đôi điều suy nghĩ và đề đạt.

Việc duy trì và củng cố chế định Hội thẩm tham gia xét xử tại Toà án là cần thiết khi ta chưa có một hình thức tổ chức ưu việt hơn thay thế. Tuy nhiên, để tổ chức Hội thẩm thật sự phát huy tác dụng, xét xử có hiệu quả, có chất lượng tốt và đạt được những tôn chỉ cao cả mà nền tư pháp xã hội chủ nghĩa đã đề ra, đang vươn tới chúng ta nên đặt trọng tâm chú ý vào những vấn đề sau:

a. Vấn đề tổ chức.

- Trước hết là thành phần và cơ cấu đội ngũ Hội thẩm cần được nghiên cứu, cải tiến thêm để đạt được sự hoàn chỉnh và hiệu quả. Về số lượng Hội thẩm cho các cấp Toà án qui định như Quyết định 867/QĐ6QLTA ngày 7 tháng 10 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là hợp lý, nhưng không nên cào bằng. Đối với các Toà án ở những địa phương có lượng án phải xét xử sơ thẩm lớn (thí dụ như Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) thì cần phân bổ thêm chừng 20 - 30% số Hội thẩm nữa để khắc phục tình trạng quá tải trong xét xử.

- Trình tự bầu như hiện nay vẫn lấy đầu mối là Mặt trận Tổ quốc các cấp theo đề xuất từ các tổ chức thành viên mà lập danh sách ứng cử viên, để Hội đồng nhân dân cấp mình bầu Hội thẩm Cách thức này thường mang nặng “tính giới, ngành”, tính “mặt trận” như đã nói ở trên, nên lực lượng Hội thẩm chủ yếu xuất thân từ công chức đương nhiệm, cán bộ của các đoàn thể v.v., số đại diện cho các nhóm dân cư, cho thôn, ấp hay khu phố rất ít. Nên chăng giao cho cơ sở phường, xã giới thiệu ứng cử viên để bầu làm Hội thẩm theo một tỷ lệ tương xứng với dân số nơi đó? Giải pháp này có thể đảm bảo việc đại diện cho nhân dân của Hội thẩm có sự đồng đều theo địa bàn và việc giám sát của người dân ở cơ sở đối với hoạt động, tư cách, tác phong “quan toà nhân dân” được thường xuyên và chặt chẽ hơn.

- Một thực tế về tổ chức là hiện nay ai có nhiệm vụ và quyền hạn chính thức quản lý đội ngũ Hội thẩm vẫn chưa được quy định đầy đủ. Chúng tôi cho rằng, phàm Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm thì cũng nên để họ trực thuộc Hội đồng nhân dân, báo cáo về hoạt động và chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử thì mới hợp lý và mới mong tạo được hậu thuẫn cho sự bình đẳng và độc lập của Hội thẩm khi ngồi xét xử với Thẩm phán. Nên quy tụ Hội thẩm vào Ban Hội thẩm có Trưởng ban lãnh đạo, phân công các Hội thẩm dự xét xử theo yêu cầu của Chánh án. Giải pháp thứ hai xin đề xuất là đưa lực lượng Hội thẩm cho cơ quan tư pháp - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp quản lý để tiện cho việc phân công công tác, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đãi ngộ vật chất. Cách thức này có thể có tính thuyết phục hơn, bởi vấn đề quản lý Toà án địa phương về mặt tổ chức đang là một chức năng của cơ quan tư pháp. Tất nhiên, để đi đến quyết định ủng hộ giải pháp nào trên đây chúng ta còn phải tính đến khía cạnh tố tụng, thẩm quyền của mỗi cơ quan Nhà nước và sự thống nhất quyền lực Nhà nước, song việc kiện toàn tổ chức cho lực lượng gần 10.000 Hội thẩm không cho phép chúng ta chần chừ lâu nữa. Và có giải quyết dứt điểm vấn đề tổ chức quản lý thì mới có đầu mối có trách nhiệm cụ thể để thường xuyên giám sát hoạt động, chất lượng công tác của Hội thẩm tiến hành kịp thời việc khen thưởng hoặc kỷ luật đối với họ.

b. Vấn đề kiêm nhiệm và chuyên nghiệp.

Với chế định Hội thẩm tiến hành việc tố tụng sơ thẩm tại Toà án thì việc xét xử ở đây có tính bán chuyên nghiệp. Nếu coi xử án là hoạt động nghề nghiệp đặc biệt liên quan đến sinh mệnh con người, đến các quyền nhân thân và vật chất quan trọng của cá nhân và tổ chức thì có nên tiếp tục duy trì sự kiêm nhiệm trong xét xử án hay không? Chúng tôi cho rằng nếu chuyên nghiệp hoá ngay hoạt động xét xử của Hội thẩm là việc làm ngoài khả năng hiện nay. Vì nó sẽ liên quan đến biên chế, tiền lương, đào tạo...v..v. Nhưng có thể giải quyết vấn đề bằng tăng hoặc dành hẳn một lượng thời gian cụ thể cho Hội thẩm để nghiên cứu hồ sơ án và ngồi xét xử, bằng các khoá huấn luyện nghiệp vụ, chuyên môn, bằng tiến hành các cuộc họp để quyết định những vấn đề phát sinh trong công tác của tổ chức Hội thẩm.v..v. Nghĩa là từng bước đưa hoạt động xét xử của Hội thẩm lên trình độ chuyên nghiệp chứ không phải là chuyên nghiệp hoá tổ chức Hội thẩm

c. Về các tiêu chuẩn của Hội thẩm

- Để đảm bảo Hội thẩm tham gia xét xử có hiệu quả và chất lượng, điều tự nhiên phải nghĩ đến đầu tiên trong hệ thống tiêu chuẩn là trình độ học vấn về văn hoá, pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn. Điều đáng mừng là chừng 10 năm lại đây chúng ta đã mở rộng các hình thức đào tạo kiến thức chuyên môn, trong đó có ngành luật nên số người có bằng cấp ngày một nhiều. Do vậy, việc giới thiệu người có trình độ chuyên môn về pháp luật để bầu vào Hội thẩm khá thuận lợi, đặc biệt là bầu Hội thẩm cho Toà án nhân dân cấp tỉnh thành và cho Toà án nhân dân Tối cao. (Thí dụ trong số 95 Hội thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì gần 50% có trình độ từ trung cấp cho đến cao học luật). Nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta cần đặt yêu cầu trình độ pháp luật của Hội thẩm thành tiêu chuẩn bắt buộc, nhất là đối với Hội thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố ngay từ nhiệm kỳ tới đã được chưa?. Theo chúng tôi là cần phải nêu ra để các địa phương, các cấp, các ngành và cả những ai có nguyện vọng tham gia Hội thẩm chuẩn bị và phấn đấu. Vì cần phải chấm dứt tình trạng người tham gia “cầm cân nẩy mực” ở Tòa án lại không nắm vững các chuẩn mực pháp lý.

- Một vấn đề khác chúng tôi xin được đề cập là giới hạn tuổi tác của Hội thẩm cũng cần có sự quy định và thống nhất. Thực tế có một số trường hợp gánh nặng tham gia xét xử dồn vào các “lão tướng” Hội thẩm là cán bộ hưu trí đến mức như là lạm dụng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các vị và đến chất lượng xét xử. (Tuổi trung bình của các Hội thẩm ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gần 50). Vì xử án là một công việc nặng nhọc, phức tạp, cần huy động nhiều công sức, trí tuệ và thời gian (có phiên toà kéo dài liên tục 7 - 10 ngày), không thể coi là công việc của người về hưu. Nếu ấn định tuổi tối thiểu của Hội thẩm là 30 và tối đa không quá 70 mới hợp lý và tương xứng.

- Và chúng ta cũng cần nghĩ tới số nhiệm kỳ mà một người có thể tham gia hoạt động Hội thẩm có cần khống chế không? Theo chúng tôi thì không nên khống chế. Một người tham gia nhiều khoá Hội thẩm thì càng tích được nhiều kinh nghiệm, chất lượng công tác xét xử sẽ được nâng cao hơn, cần phải được tiếp tục tái cử nếu còn nguyện vọng. Và vấn đề quyết định là người được đề cử có đầy đủ tiêu chuẩn theo luật định, được tín nhiệm thì không có duyên cớ gì để khống chế số nhiệm kỳ mà không bầu họ làm Hội thẩm

- Để đảm bảo sự ổn định về đội ngũ và chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm nên hoàn chỉnh các quy định về việc miễn nhiệm và bãi nhiệm đối với họ. Bởi vì việc thực hiện Điều 28 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân hiện nay bộc lộ một số hiện tượng đáng chú ý. Đặc biệt quy định của khoản 1 Điều 28 đã viện dẫn trên đây rất tuỳ nghi, nên một số Hội thẩm đã tận dụng để “khắc nhập, khắc xuất” một cách khá thoải mái, dễ dàng đối với tổ chức của mình. Việc bầu được một Hội thẩm rất công phu và ai cũng mong muốn người được bầu hoạt động trọn vẹn trách nhiệm và thời hạn. Nhưng một số vị Hội thẩm vừa được bầu mấy tháng lại đưa đơn xin miễn nhiệm với những “lý do khác” như để gia nhập Đoàn Luật sư, để đi hoạt động tư vấn pháp luật... gây khó xử cho Hội đồng nhân dân, vì phải đưa ra kỳ họp để biểu quyết cho thôi và bầu thế vào đó những Hội thẩm mới. Bác đơn của họ cũng khó, do chỗ Pháp lệnh cho phép miễn nhiệm ngoài vì lý do sức khoẻ còn vì “lý do khác” bất kỳ rất rộng rãi. Để khắc phục tình trạng này, nên chăng phải cụ thể hoá các trường hợp cho phép người Hội thẩm được xin miễn nhiệm? Chính ở điều này là thước đo sự cố gắng, sự kiên nhẫn khắc phục khó khăn cá nhân để đi đến cùng quãng đường mà đại diện của nhân dân đã tín nhiệm bầu mình - một thành tố trong tiêu chuẩn về phẩm chất của Hội thẩm

- Chúng ta có thể nêu bổ sung thêm một số tiêu chuẩn khác đối với Hội thẩm để yên tâm về chất lượng hoạt động xét xử của họ, nhưng chúng ta cũng nên nghĩ phản đề về quyền lợi mà hiện nay Nhà nước đang quy định cho Hội thẩm hưởng. Đó là sự đãi ngộ chưa tương xứng cả về mặt vật chất lẫn mặt tinh thần. Suy nghĩ như vậy thì dường như sẽ có sự thông cảm hơn, dừng bước hơn khi chúng ta định nêu thêm ra những đòi hỏi nữa đối với các “quan toà ngoài biên chế” này. Cho nên trong nội dung của việc hoàn thiện chế định Hội thẩm dứt khoát phải có vấn đề hoàn chỉnh và nâng cao quyền lợi của Hội thẩm

d. Một quy chế hoạt động và một cơ chế giám sát.

- Sở dĩ hoạt động của Hội thẩm hiện nay chưa thật chặt chẽ và nền nếp ngoài các lý do về tổ chức, về trình độ...còn vì thiếu một quy chế cụ thể. Đã đến lúc chúng ta phải cụ thể hoá các quy định chung của Hiến pháp, của các đạo Luật, Pháp lệnh về Hội thẩm thành một Quy chế hoàn chỉnh, làm nền tảng ổn định, nhất quán cho tổ chức và hoạt động của đội ngũ không nhỏ gồm gần 10.000 người xét xử nghiệp dư hiện nay.

- Liên quan đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm là cơ chế giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Những công việc này vẫn hầu như đang bỏ ngỏ hoặc nơi nào có tiến hành làm thì cũng không thành quy củ và cũng không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối tổ chức và chịu trách nhiệm quản lý. Hàng năm, ngành Toà án, ngành Tư pháp thường tổ chức họp tổng kết công tác, hàng nửa năm Hội đồng nhân dân các cấp có tổ chức kỳ họp nhưng rất ít khi đề cập công tác Hội thẩm nói gì đến những cuộc Hội thảo, Hội nghị hay nghiên cứu căn cơ về tổ chức, chất lượng và hiệu quả hoạt động của họ. Vậy thì cơ quan nào sẽ làm những công việc trên? Chính Đề tài “Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam” do Bộ Tư pháp chủ trì đang đưa ra những lời giải đáp.

Không ai phủ định sự cần thiết, tính chất dân chủ và những hiệu quả của chế định Hội thẩm trong xét xử sơ thẩm các loại án ở Toà. Thế nhưng hơn 50 năm nhìn lại, lúc này chúng ta nhận thấy tổ chức, quản lý, hoạt động, chất lượng xét xử của Hội thẩm và các chế độ đãi ngộ đối với họ còn lỏng lẻo, sơ sài. nếu không muốn nói là phần nào đang thả nổi. Cho nên việc nghiên cứu, tìm giải pháp để gấp rút hoàn thiện chế định Hội thẩm phải là vấn đề nghị sự bức xúc trong công cuộc cải cách tư pháp của nước ta hiện nay./.

 

ĐỔI MỚI CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM

NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TOÀ ÁN

                                          TS. Nguyễn Tất Viễn

I. HỘI THẨM THAM GIA XÉT XỬ - MỘT CHẾ ĐỊNH PHÁP LUẬT THỂ HIỆN TƯ TƯỞNG "LẤY DÂN LÀM GỐC" TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP.

  Hơn mười năm qua, kể từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành thì vấn đề cải cách bộ máy Nhà nước, trong đó có cải cách tư pháp đã được đặt ra và thực hiện từng bước có kết quả.

  Trong cải cách tư pháp thì đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân là một nội dung rất quan trọng bởi vì toà án là một cơ quan giữ vị trí “trung tâm” trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng hệ thống tư pháp. Trong khi đó, hệ thống tư pháp được coi như là một bộ phận hợp thành của hệ thống kiểm tra xã hội(1) để duy trì trật tự và kỷ cương xã hội. Bởi lẽ xã hội không thể củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức và trật tự của mình nếu không buộc mọi hoạt động của các thành viên trong xã hội tuân thủ các quy tắc, và các yêu cầu nhất định. Như vậy, hệ thống tư pháp vừa là một bộ phận kiểm tra xã hội, vừa là một bộ phận quyền lực Nhà nước nằm trong các khâu tạo thành hệ thống kiểm tra xã hội thông qua Nhà nước. Toà án, với tính cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp lại càng thể hiện rõ đặc điểm này. Để hoạt động có hiệu quả, toà án phải tổ chức một cách hợp lý  nhất sao cho xã hội có điều kiện giám sát hoạt động này một cách thường xuyên và có hiệu quả. Đó là một trong những lý do cần có đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Toà án.

  Toà án, đặc biệt là Thẩm phán - những người làm nhiệm vụ xét xử chuyên nghiệp, coi việc xét xử là một “nghề”, họ phán quyết những vấn đề liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, lợi ích của con người, những vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Để mục tiêu đó đạt được trong hoạt động xét xử, ngoài các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tố tụng khác nhau thì cần phải có sự giám sát nói chung từ phía nhân dân mà trực tiếp là những người tham gia vào xét xử - các Hội thẩm.

  Nếu như coi nguyên tắc xét xử công khai là sự kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất của xã hội đối với hoạt động xét xử của Toà án thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong của hoạt động này.

   Hội thẩm tham gia xét xử sẽ góp phần đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khách quan của các quyết định của Toà án. Việc kết hợp giữa sự tinh thông  của Thẩm phán, những thao tác nhà nghề, kiến thức chuyên môn của họ với sự từng trải, kinh nghiệm sống của Hội thẩm, với tiếng nói và hơi thở của cuộc sống sẽ tạo ra những yếu tố loại trừ những hạn chế của Thẩm phán chuyên nghiệp như “định kiến” buộc tội, hay là muốn phán quyết giống như vụ án đã xét xử trước đây. Hội thẩm tham gia xét xử sẽ mang vào phiên toà một bầu không khí “đời thường”, một kiểu đánh giá và tiếp nhận các sự kiện và tình tiết của vụ án theo một cách khác, cách của nhứng người không có nếp quen ngồi toà nhiều. Họ mang đến phiên toà những ý niệm, quan niệm đạo đức chung của xã hội, những sự nhận xét, đánh giá chung của các tầng lớp nhân dân về hành vi phạm tội, về tính chất của các tranh chấp dân sự, kinh tế... với những ý niệm công bằng, nghiêm minh, thiện, ác.... Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp thiếu những điểm  trên. Uy tín của Toà án không phải chỉ do các Thẩm phán chuyên nghiệp tạo nên, mà là có sự đóng góp lớn lao của Hội thẩm trong đó. Vấn đề là ở chỗ, Hội thẩm tham gia vào sẽ làm tăng thêm niềm tin nội tâm của Thẩm phán, làm cho họ quyết đáp “có lý” và “có tình”, và đạt đến mức “thấu tình” “đạt lý”.

  Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chế định Hội thẩm đã được hình thành ngay từ những năm đầu của chế độ dân chủ nhân dân, thể hiện đậm nét tính chất nhân dân của nền tư pháp mới.

  Trong quá trình phát triển của Toà án nhân dân ở nước ta, chế định Hội thẩm ngày càng được hoàn thiện, và được bảo đảm bằng các nguyên tắc Hiến định như: Việc xét xử ở Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia; Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số v.v..

  Như vậy, tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong hoạt động của Toà án đã được pháp luật hoá một cách đầy đủ. Đó là một yêu cầu có tính khách quan của một nền tư pháp mới của dân, do dân và vì dân. Có thể nói bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Toà án ở chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tuỵ, hết lòng với nhân dân mà còn thể hiện đậm nét ở việc huy động ngày càng đông đảo quần cúng nhân dân tham gia và kiểm tra, giám sát công tác xét xử. Hội thẩm, vì vậy cũng chính là một chế định phù hợp với tư tưởng của V.I Lê nin là “Bản thân chúng ta phải tự mình xét xử, toàn thể công dân không trừ một ai đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước” (1). Tức là nhằm làm cho tất cả những người lao động, một khi đã làm xong tám tiếng đồng hồ trong “nhiệm vụ” sản xuất rồi, thì còn đảm nhiệm được “không công” những chức vụ Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ “Nhà nước phải phat huy quyền dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc của Nhà nước (2). Chính vì vậy, các cuộc cải cách lớn của Nhà nước ta trên lĩnh vực tư pháp cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của toà án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra, giám sát, hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Và do vậy có thể nói chế định Hội thẩm còn thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Nghị quyết của Đảng ra đã đề ra và đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

II. HỘI THẨM - MỘT CHẾ ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐÒI HỎI PHẢI ĐƯỢC TIẾP TỤC ĐỔI MỚI

Lịch sử phát triển của nền tư pháp nước ta từ năm 1945 đến nay cho thấy Hội thẩm giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động xét xử của Toà án. Đội ngũ Hội thẩm qua nhiều thế hệ đã cùng với các Thẩm phán luôn luôn đứng trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Sự hiện diện của Hội thẩm trong xét xử, kết quả hoạt động của họ đã khẳng định rằng nhân dân có thể và cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động tư pháp. Sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Hội thẩm đã tôn vinh thêm vị trí, vai trò và uy tính của Toà án trong chế độ ta.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba (Khoá VII) đề ra là phải nâng cao chất lượng của Hội thẩm thì nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến Hội thẩm càng khó khăn, đòi hỏi phải có những sự cải tiến nhất định về chế độ bầu, cử, cơ chế tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thẩm để họ có thể tham gia một cách đích thực và có hiệu quả vào việc xét xử với tính cách là những “thẩm phán không chuyên”.

Việc đổi mới chế định Hội thẩm còn là một yêu cầu khách quan. Không thể nói đến cải cách tư pháp mà không nói đến cải cách toà án; không thể nói đến cải cách toà án mà lại bỏ qua vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội thẩm.

Trong quá trình nghiên cứu về chế định Hội thẩm, chúng tôi thấy có thể nêu ra một số nội dung như sau:

Trước hết, cần bàn về việc Hội thẩm thực hiện nguyên tắc khi xét xử, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước ta quy định cho Hội thẩm có một quyền năng rất lớn, đó là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và  ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử.

Muốn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và thực sự ngang quyền với Thẩm phán thì ngoài những yêu cầu về đạo đức cũng như kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống phong phú, Hội thẩm phải có một trình độ chuyên môn và nghiệp vụ nhất định về pháp luật. Nhưng nếu chỉ mang những kiến thức chuyên môn của các ngành nghề khác và kinh nghiệm cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của cộng đồng vào trong quá trình xét xử thì liệu đã bảo đảm thật sự cho nguyên tắc độc lập và ngang quyền chưa, hay sự độc lập đó còn mang nặng nhận thức cảm tính và sự ngang quyền cũng chỉ là tương đối? Nói như vậy không có nghĩa là tất cả đội ngũ Hội thẩm đều hạn chế về mặt này. Mặt khác, có lẽ pháp luật, hay bản thân nền tư pháp XHCN cũng không đòi hỏi tuyệt đối người Hội thẩm phải có tiêu chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ như Thẩm phán. Vì nếu như vậy thì thà đưa tất cả Thẩm phán ra ngồi xét xử sẽ tốt hơn. Vấn đề là ở chỗ “Phiên toà sơ thẩm không phải là hội thảo khoa học” của các nhà chuyên môn  để tranh luận với nhau về học thuật mà nó phải giải quyết những vấn đề về lợi ích và số phận con người và vì vậy, nó cần đến đại diện cho công chúng phán xét cùng với những người  xét xử chuyên nghiệp. Với đặc điểm truyền thống tổ chức và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam hơn 50 năm qua và những đóng góp tích cực của hàng vạn Hội thẩm trong khoảng thời gian dài đó, cùng với việc phát huy, mở rộng quyền dân chủ của công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc duy trì tiếp tục chế định Hội thẩm là rất cần thiết vì nhân dân cần thiết phải có đại diện của mình vào hoạt động xét xử.

Nhưng sự tham gia đó của Hội thẩm ở mức độ nào là cần thiết và phù hợp với những yêu cầu chung cuả hoạt động tư pháp?

Theo chúng tôi, để vừa bảo đảm sự tham gia của đại diện nhân dân vào hoạt động xét xử của Toà án, vừa bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhất mục tiêu của hoạt động tư pháp, vẫn tiếp tục duy trì sự tham gia của Hội thẩm nhưng với thành phần không phải đa số như hiện nay mà giống như ở Toà kinh tế và hành chính, nên để một Hội thẩm tham gia ở các phiên toà sơ thẩm hình sự và dân sự. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng số lượng Thẩm phán chuyên nghiệp lên (trong lúc biên chế Nhà nước đang đòi hỏi phải giảm đi). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nếu vì mục tiêu nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp thì chúng ta cần phải thực hiện những biện pháp hợp lý và thiết thực dù có gặp khó khăn trước mắt.

2. Nếu tiếp tục duy trì chế định hội thẩm (dù có một hay hai thành viên tham gia xét xử sơ thẩm) thì một loạt vấn đề cần phải giải quyết trước mắt cũng như lâu dài, đó là:

a/ Về tiêu chuẩn lựa chọn làm Hội thẩm: Trước hết và chủ yếu là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức, sau đó là tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ ở mức cần thiết. Làm thế nào để với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đó, kết hợp với kinh nghiệm cuộc sống và đại diện cho ý nguyện của cộng đồng, người Hội thẩm sẽ phát huy tác dụng cao, không làm giảm lòng tin của mọi người vào công lý. Có lẽ trình độ tối thiểu của Hội thẩm về chuyên môn phải là sơ cấp pháp lý, đồng thời được huấn luyện ngắn về nghiệp vụ xét xử, trong đó cần đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ tự đạo tạo tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ hội thẩm. Và vì vậy, họ cần được cơ quan tư pháp hay toà án cung cấp trang bị những văn bản pháp luật cập nhập hay sách báo pháp lý trong giới hạn cần thiết đối với họ.

b/ Từ đây lại đặt ra vấn đề cơ quan nào quản lý toàn diện Hội thẩm các TAND địa phương? Toà án, tư pháp hay Mặt trận Tổ quốc? Chúng tôi cho rằng hợp lý hơn cả là giao cho cơ quan tư pháp - mà trực tiếp là Toà án các cấp theo uỷ quyền của Bộ Tư pháp quản lý đội ngũ Hội thẩm một cách toàn diện vì hiện nay, tuy Luật tổ chức TAND 1992 đã quy định Bộ Tư pháp quản lý các TAND địa phương về tổ chức tức là đã có nhiệm vụ quản lý đội ngũ Hội thẩm nhưng việc hướng dẫn thi hành chưa cụ thể nên trong thực tế còn vướng mắc.

c/ Ngoài ra, một số vấn đề thuộc về chính sách, chế độ như trang phục của Hội thẩm cũng đã được đặt ra từ lâu, đã đến lúc phải có biện pháp giải quyết hợp lý. Bản thân các vị Hội thẩm có lẽ cũng không đòi hỏi trang phục cho mình mà chính sự tôn nghiêm của phiên toà đòi hỏi các thành viên của Hội đồng xét xử có trang phục thống nhất và nghiêm nghị. Bên cạnh đó, thù lao của Hội thẩm cũng là vấn đề cần phải bàn tiếp. Đối với những cán bộ, nhân viên đương chức hiện là Hội thẩm cũng như cán bộ hưu trí thì việc tính toán thù lao chính đáng cho công sức bỏ ra và trách nhiệm tinh thần cũng như vật chất trước pháp luật của họ là điều cần thiết. Tóm lại, khi xem xét chế định Hội thẩm cần có một cách nhìn thực tiễn, khoa học và lịch sử, từ đó mới có thể có được những phiện pháp cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thẩm như Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá VIII) đã nêu.

 

 

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN

Nguyễn Văn Pha

Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN

I. VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (TQVN)  TRONG VIỆC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN (HTND)

Hoạt động của Mặt trận TQVN trong việc giới thiệu, tuyển chọn HTND và phối hợp cùng TAND giúp đỡ HTND hoạt động đã có từ lâu tại Thông tư số 06-TT/LB ngày 9-3-1959 Mặt trận TQVN chính thức có quyền giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu HTND. Song thực chất hoạt động này chỉ đi vào nền nếp và có tính chất ổn định sau khi có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND. Vì thế trong phần này chúng tôi chỉ đi sâu nhấn mạnh và làm rõ thực trạng vai trò của Mặt trận TQVN trong việc giới thiệu, tuyển chọn HTND và phối hợp cùng TAND giúp đỡ HTND hoạt động từ khi có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

1. Mối quan hệ giữa MTTQ với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân

1.1. Trong việc giới thiệu, cử, sử dụng Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao

Điều 30, khoản 1, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND quy định: “Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và do Uỷ ban thường vụ Quốc hội miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Ngày 20/5/1994 Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Khoá IX) đã ra Nghị quyết số 209/UBTVQH9 về việc quyết định số lượng Thẩm phán và Hội thẩm TAND tối cao và biên chế của TAND tối cao năm 1994. Nghị quyết này quy định Tổng số Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao là 20 người.

Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và HTND và Nghị quyết nói trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/4/1995 TAND tối cao đã có công văn số 78/TCCB gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đề nghị Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Ngày 29/12/1995 Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã tổ chức cuộc họp liên tịch với đại diện Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện TAND tối cao để bàn việc lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND về tiêu chuẩn HTND TAND tối cao, sau khi hiệp thương với các cơ quan, tổ chức hữu quan, Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã lựa chọn danh sách gồm 20 vị để đề nghị Uỷ ban thương vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000. Ngoài những tiêu chuẩn chung về đạo đức phẩm chất, một điểm đáng nói là về trình độ văn hoá, chuyên môn của những người được giới thiệu được MTTQ rất chú trọng. Theo thống kê, trong số 20 vị được Trung ương Mặt trận TQVN giới thiệu có 1 người tiến sĩ, 5 người là phó tiến sĩ, 13 người là kỹ sư, cử nhân, chỉ có 1 người có trình độ trung cấp.

Theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận TQVN, ngày 17/1/1996 Uỷ ban thường vụ Quốc hội (khoá IX) đã ra Nghị quyết số 295/NQ-UBTVQH cử 20 vị làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã phối hợp với TAND tối cao tổ chức cuộc gặp mặt các vị HTND để công bố Nghị quyết đồng thời bước đầu phổ biến cho các vị HTND những quy định của pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn của HTND. Sau đó, TAND tối cao đã có các cuộc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các vị HTND. Các kỳ tổng kết công tác hàng năm của TAND tối cao đều có mời các vị HTND tham dự.

Một điểm đáng chú ý là từ khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000 đến nay đã gần 3 năm nhưng chưa có vị Hội thẩm nào được tham gia xét xử vì từ đó đến nay TAND tối cao chưa xét xử một vụ sơ chung thẩm nào.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã nêu rõ: “Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Bỏ thủ tục xét xử sơ chung thẩm của TAND tối cao và TAQS trung ương. Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng”. Nếu tới đây những đạo luật về tố tụng được sửa đổi theo đường lối cải cách tư pháp của Nghị quyết 3 thì việc cử HTND TAND tối cao là không cần thiết nữa.

1.2. Trong việc giới thiệu, bầu, sử dụng HTND TAND địa phương

Việc giới thiệu và bầu HTND TAND địa phương được thực hiện theo khoản 3, Điều 30, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

Theo tinh thần của điều luật nêu trên, thì Uỷ ban MTTQ là cơ quan duy nhất được giới thiệu người làm HTND, tức là MTTQ không những có quyền mà còn phải có trách nhiệm chủ động trong việc lựa chọn nhân sự theo đúng các tiêu chuẩn của HTND mà Pháp lệnh đã quy định, để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu HTND.

Thực tiễn trong khi thực hiện điều này (nhiệm kỳ 1994-1999) đã phát sinh một số vấn đề mà chúng tôi thấy cần nêu ra đây nhằm phân tích đề nhận thức một cách đầu đủ hơn quy định trên của Pháp lệnh.

Như trên đã nêu, để chuẩn bị cho việc bầu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994-1999, ngày 10/11/1994 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1973 hướng dẫn việc bầu cử HTND TAND địa phương.

Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng văn bản hướng dẫn số 1973 nói trên có một số nội dung chưa thể hiện đầy đủ những quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND đối với quyền và trách nhiệm của MTTQ trong việc giới thiệu HTND.

Tại điểm 3 của Bản hướng dẫn viết: “Căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, Chánh án TAND trao đổi ý kiến để Ban thường trực MTTQ, Thường trực HĐND cùng cấp đề nghị các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng tại địa phương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm HTND...”.

... Việc hoàn tất hồ sơ, danh sách trích ngang, thủ tục giới thiệu ra HĐND cùng cấp bầu HTND do Uỷ ban Mặt trận cùng cấp đảm nhận...”.

Nếu theo tinh thần của Hướng dẫn nói trên, thì trong việc lựa chọn HTND, vai trò MTTQ chỉ là thứ yếu, thậm chí có thể hiểu, Mặt trận chỉ là cơ quan được phân công làm những việc mang tính thủ tục mà thôi, điều này chưa thể hiện đầy đủ tinh thần của Điều 30-Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND: “Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp ...”.

Thông tri số 05/TT-MTTW hướng dẫn quy trình giới thiệu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994-1999 đã hướng dẫn: Căn cứ vào số lượng HTND do Bộ Tư pháp phân bổ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương cần dự kiến giới thiệu số HTND nhiều hơn số lượng được bầu. Trường hợp những HTND nhiệm kỳ trước TAND dự kiến tái nhiệm cũng cần có sự trao đổi, bàn bạc kỹ, nếu còn có ý kiến khác nhau thì đưa ra hội nghị hiệp thương để bàn bạc và quyết định.

Mặc dù có những điểm chưa thống nhất trong hai văn bản hướng dẫn của hai ngành nhưng qua thực tiễn của việc lựa chọn giới thiệu HTND nhiệm kỳ 1994-1999 chúng tôi thấy phần lớn các địa phương đã thực hiện tốt việc lựa chọn, giới thiệu HTND. Thường trực Uỷ ban MTTQ các địa phương đã chủ động bàn bạc với lãnh đạo TAND cùng cấp về nhân sự của HTND. Hầu hết là có sự thống nhất cao giữa hai ngành về danh sách HTND kể cả số giới thiệu mới và số tái nhiệm. Rất ít trường hợp cần phải đưa ra hội nghị hiệp thương của Mặt trận để bàn bạc quyết định.

Theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND và hướng dẫn của Bộ tư pháp, Mặt trận trung ương đã có hướng dẫn chi tiết để Mặt trận các địa phương lựa chọn giới thiệu người làm HTND. Đặc biệt là vấn đề lấy ý kiến của nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú.

Là tổ chức có chức năng vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, Mặt trận TQVN có những ưu thế trong việc tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng. Trong các đạo luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND, vai trò của Mặt trận trong việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét đánh giá các ứng cử viên đã được luật hoá và trên thực tế đã phát huy tác dụng rất tốt. Hơn ai hết, chính nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú là những người gần gũi, có thể nhận xét đánh giá một cách sâu sắc về đạo đức, phẩm chất của người được giới thiệu, mối quan hệ của người đó và gia đình họ với nhân dân địa phương, xem họ có xứng đáng là người đại diện cho nhân dân tham gia các công việc của Nhà nước hay không.

Việc hướng dẫn các địa phương lấy ý kiến nhân dân đối với người được giới thiệu làm HTND nhằm giúp cho Thường trực Uỷ ban MTTQ có những thông tin chuẩn xác về tư cách, đạo đức, mối liên hệ với quần chúng của người được giới thiệu, từ đó có cơ sở để hiệp thương giới thiệu người đó làm HTND.

Theo hướng dẫn của Mặt trận trung ương, về cơ cấu, việc giới thiệu chủ yếu là những người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận và người đang công tác tại cơ quan Uỷ ban MTTQ địa phương, ngoài ra cần lưu ý hiệp thương lựa chọn ở các ngành như y tế, giáo dục, lao động, tài chính, người trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số ở vùng có nhiều dân tộc ít người, người ngoài Đảng ...

Việc lựa chọn cơ cấu HTND thuộc các thành phần như trên là một việc làm có tính chất truyền thống lâu nay của MTTQ. Bố trí HTND theo ngành, theo giới như vậy sẽ đảm bảo khi có những vụ án mà bị cáo hay đương sự thuộc các ngành giới nào thì có HTND có hiểu biết sâu về ngành giới đó tham gia xét xử cùng TAND. Tuy nhiên để thực sự có những HTND có khả năng tham gia những vụ án mà họ có hiểu biết sâu về chuyên môn thì còn phụ thuộc vào việc sử dụng HTND của TAND.

Vấn đề hiệp thương giới thiệu HTND

Chúng tôi muốn nói sâu hơn về vấn đề này vì Hiệp thương là một trong những nguyên tắc đặc thù trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong thực tiễn đã phát huy tác dụng rất tốt.

Theo hướng dẫn của Mặt trận trung ương, trước 15 ngày phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Mặt trận phải có danh sách chính thức để đưa ra Hội nghị hiệp thương. Việc lập danh sách có được sau khi có sự thoả thuận sơ bộ giữa Thường trực Uỷ ban MTTQ với lãnh đạo cơ quan, tổ chức có người được giới thiệu.

Hội nghị hiệp thương do Ban thường trực Uỷ ban MTTQ cấp giới thiệu HTND tổ chức và chủ trì. Thành viên chính thức bao gồm đại diện các tổ chức thành viên thành viên của Mặt trận, cơ quan Nhà nước được phân bổ người giới thiệu, đại diện TAND, đại diện Sở Tư pháp. Ngoài ra, hội nghị còn mời đại diện Hội đồng nhân dân, Ban tổ chức chính quyền cùng cấp dự.

Chương trình và thủ tục hội nghị hiệp thương giới thiệu HTND cũng tương tự như hội nghị hiệp thương giới thiệu đại biểu dân cử. Những người  được đa số thành viên hội nghị hiệp thương biểu quyết tín nhiệm sẽ được đưa vào danh sách để Hội đồng nhân dân bầu. Danh sách trích ngang cùng hồ sơ của những người đã được hội nghị hiệp thương của Mặt trận tín nhiệm giới thiệu làm HTND sẽ được Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chuyển sang Hội đồng nhân dân cùng cấp trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân 5 ngày.

Theo báo cáo của MTTQ các địa phương, trong việc giới thiệu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994 – 1999, các địa phương chủ yếu giới thiệu tròn số làm HTND (bằng số lượng do Bộ Tư pháp ấn định) và hầu hết số người được giới thiệu đều được HĐND cùng cấp bầu trúng.

Sau khi HĐND bầu ra đội ngũ HTND cùng cấp, việc tiếp theo là gặp gỡ, tập huấn nghiệp vụ, trang bị tài liệu nghiệp vụ...cho HTND, nhiệm vụ này chủ yếu là do TAND các cấp đảm nhận.

Vấn đề hoạt động của Hội thẩm nhân dân

Qua khảo sát ở một số địa phương, hầu hết HTND trong nhiệm kỳ đều được TAND mời tham gia công tác xét xử.

TAND tỉnh Nam Định là nơi có nền nếp tốt trong việc sử dụng HTND. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tất cả các HTND đã được mời tham gia công tác xét xử. Trung bình mỗi năm có từ 500 đến 700 lượt HTND tham gia công tác xét xử. Uỷ ban MTTQ tỉnh Nam Hà trước đây và hiện nay là Nam Định có quan hệ tốt với TAND tỉnh trong việc giám sát, tạo điều kiện cho HTND làm nhiệm vụ. Nhiều HTND thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với MTTQ về tình hình tham gia công tác xét xử, về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một địa phương có hoạt động HTND tốt. Khác với hầu hết các tỉnh mà chúng tôi được biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có cách làm khá độc đáo. Theo khảo sát, chúng tôi nắm được: Những người được HĐND bầu làm HTND TAND tỉnh nhiệm kỳ 1994 - 1999 đã tự tổ chức thành Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh. Đoàn đã bầu ra Ban lãnh đạo gồm một trưởng đoàn và hai phó đoàn. Xét về căn cứ pháp lý thì đây có thể có vấn đề còn phải tranh cãi. Song nếu nhìn nhận từ thực tiễn thì đây lại là vấn đề rất đáng để nghiên cứu.

Điều 2 của bản “Một số quy định của Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu” đã viết: “Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh đặt dưới sự theo dõi, giúp đỡ chung về mọi mặt của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, chịu sự giám sát của Thường trực MTTQ tỉnh và chịu sự phân công làm nhiệm vụ xét xử, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ của TAND tỉnh trong suốt nhiệm kỳ”. Văn bản nói trên là cụ thể hoá các quy định hiện hành của pháp luật về HTND trừ vấn đề xây dựng quỹ của Đoàn (mỗi người 5.000 đ/tháng). Theo nhận xét chung của lãnh đạo một số cơ quan hữu quan, từ ngày thành lập, hoạt động của Đoàn HTND tỉnh rất có nề nếp. Một số vụ án sau khi xét xử còn nhiều dư luận nhân dân không đồng tình đã được toàn Đoàn nghiên cứu nghiêm túc và có văn bản chung kiến nghị đối với TAND và Viện kiểm sát nhân dân giải quyết theo thẩm quyền. Những đề xuất, kiến nghị về chế độ đối với HTND, việc sơ kết, tổng kết của Đoàn hoàn toàn do ban lãnh đạo Đoàn đảm nhiệm và được Hội đồng nhân dân, Uỷ ban MTTQ và TAND tỉnh đồng tình.

Còn khá nhiều vấn đề đáng chú ý nữa mà chúng tôi cho rằng đây là một sáng tạo khá mạnh dạn của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng trong khuôn khổ bài viết này chưa thể nêu hết được.

Nếu vấn đề này của Bà Rịa - Vũng Tàu được nghiên cứu một cách thấu đáo, chúng tôi nghĩ sẽ rất bổ ích cho các nhà lập pháp trong việc đi tìm lời giải cho câu hỏi: làm thế nào để hoạt động của HTND thực sự chất lượng không hình thức như hiện nay.

Trở lại vấn đề sử dụng HTND. Chúng tôi được biết, một số Toà án, do nhiều lý do khác nhau, thường không mời đúng HTND có thành phần, khả năng chuyên môn phù hợp với vụ việc cần giải quyết, điều đó phần nào hạn chế đến vai trò của HTND trong việc tham gia công tác xét xử.

Theo phản ánh của các HTND thông qua MTTQ các cấp chúng tôi được biết phần lớn các Toà án tập trung vào mời những HTND trước đây đã từng công tác trong các cơ quan tư pháp, còn HTND ở các lĩnh vực khác hoặc cư trú ở các địa bàn xa thường ít được mời tham dự các phiên toà. Khi lý giải điều này một số đồng chí lãnh đạo Toà án cho biết: thực tế đội ngũ HTND có trình độ không đồng đều, nhất là sự am hiểu về tố tụng và một số chuyên ngành luật. Việc ít mời HTND ở xa còn có lý do về kinh phí và điều kiện sinh hoạt cho HTND vì hiện nay thù lao cho HTND còn quá thấp, kinh phí và điều kiện làm việc ở nhiều Toà án còn rất khó khăn.

Như vậy vấn đề đặt ra là một mặt phải tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho HTND, đây là trách nhiệm của ngành Toà án và Tư pháp, một mặt cần có những quy định của cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện đầy đủ hơn cho Toà án về kinh phí, điều kiện làm việc để có thể sử dụng một cách nhiều nhất đội ngũ HTND nhằm đạt được mục đích tốt đẹp của chế định HTND sao cho HTND thực sự đại diện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia công tác xét xử của Toà án.

2. Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Qua nhiều năm làm công tác giới thiệu, theo dõi hoạt động của HTND chúng tôi rút ra một số vấn đề sau đây:

2.1. Vấn đề lựa chọn, giới thiệu

Như trên đã nói việc thi hành các quy định pháp luật về việc giới thiệu HTND các cấp (trừ việc giới thiệu HTND tối cao) trong thực tiễn chưa thật đầy đủ. MTTQ các cấp chưa chủ động trong việc lựa chọn nhân sự mà chủ yếu dựa vào danh sách do TAND cùng cấp đưa sang.

Để thực hiện tốt các quy định pháp luật về vấn đề này, theo chúng tôi, nếu quá nhấn mạnh quyền của một cơ quan nào (MTTQ, Tư pháp, Toà án) đều không đúng. Vấn đề cốt yếu là ở chỗ phải có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ giữa các cơ quan trên. Sự phối hợp phải làm sao để MTTQ thực sự là cơ quan giới thiệu chứ không phải như cách làm hình thức lâu nay.

Muốn vậy, Uỷ ban MTTQ, một mặt phải phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các quy định pháp luật về HTND cho các cơ quan và những người dự kiến giới thiệu làm HTND, một mặt phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan TAND cùng cấp để nhận xét, đánh giá hoạt động của HTND nhiệm kỳ trước, rút ra được những mặt mạnh, yếu làm kinh nghiệm cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Lãnh đạo TAND và lãnh đạo Uỷ ban MTTQ phải bàn bạc với nhau từng trường hợp cụ thể (với người dự kiến tái nhiệm), từng cơ cấu cụ thể với người dự kiến bầu mới. Hơn ai hết, chỉ có cơ quan TAND mới là cơ quan biết được những điểm mạnh, yếu của HTND, mới cung cấp được cho MTTQ và HĐND những nhu cầu chính xác về số lượng, cơ cấu trong việc sử dụng HTND. Cũng hơn ai hết, chỉ có MTTQ mới có điều kiện để nhận xét một cách chính xác một người nào đó có thực sự tiêu biểu trong các tầng lớp, bộ phận dân cư hay không, đảm bảo cho người được giới thiệu thực sự đại diện cho nhân dân tham gia công tác xét xử của Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ HTND 1994 - 1999, được sự chỉ đạo sát sao của Mặt trận trung ương, các cấp Mặt trận tỉnh và huyện đều có kế hoạch và tiến hành việc lựa chọn, giới thiệu đúng thời gian luật định. Một số Uỷ ban Mặt trận cấp tỉnh đã cố gắng chủ động trong việc lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để làm HTND. Tuy nhiên, có thể nói hầu hết các Uỷ ban Mặt trận chưa chủ động trong vấn đề này nhất là Mặt trận cấp huyện. Danh sách HTND cấp huyện chủ yếu là do TAND cùng cấp lựa chọn chứ Mặt trận chưa chủ động tìm người.

Những năm trước đây sự phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan Nhà nước nhìn chung còn nhiều hạn chế. Ngoài việc tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác bầu cử đại biểu dân cử, các công việc khác Mặt trận phối hợp với Nhà nước còn khá hình thức. Chính vì thế, mặc dù pháp luật quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của MTTQ trong việc giới thiệu HTND nhưng MTTQ nhiều địa phương chưa phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của mình.

2.2. Quan hệ giữa các ngành trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động.

Thực tiễn hiện nay rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Sau khi HĐND bầu ra HTND, nhiệm vụ của MTTQ và HĐND coi như hoàn thành. Việc tập huấn chuyên môn, sử dụng HTND ra sao là việc của Toà án. Các quy định của pháp luật hiện hành không “giao” cho cơ quan nào theo dõi, giúp đỡ hay quản lý HTND. Quan hệ giữa Toà án với HTND chỉ là quan hệ giữa Toà án với cá nhân người Hội thẩm đó. Chỉ có Toà án là cơ quan duy nhất có thể đánh giá chất lượng chuyên môn và các mặt khác của HTND còn MTTQ và HĐND thì hầu như có rất ít thông tin để nhận xét, đánh giá HTND.

Vậy vấn đề đặt ra là: Cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động. Kinh nghiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định rất đáng nghiên cứu trong việc xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật.

Cũng do nhận thức chưa đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giới thiệu, giúp đỡ HTND hoạt động, nên sau khi HĐND cùng cấp đã bầu xong HTND, Mặt trận đa số các địa phương đều rất ít duy trì mối quan hệ với HTND. ở những nơi làm tốt, chúng tôi được biết do lãnh đạo MTTQ ở đây đã xác định được HTND chính là một “kênh” tốt để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động xét xử của cơ quan Toà án nói riêng và hoạt động của các cơ quan Tư pháp nói chung theo Điều 9 - Hiến pháp.

Một số địa phương làm tốt công tác HTND như Nam Địn, Bà Rịa - Vũng Tàu... theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính là có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa MTTQ, HĐND và TAND cùng cấp trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động.

Nhưng có lẽ chưa có những quy định thống nhất của Nhà nước về quyền và trách nhiệm của các cơ quan đối với HTND cho nên việc thực hiện ở mỗi nơi rất khác nhau. Những nơi làm tốt cũng rất khó lấy đó làm điển hình cho các nơi khác học tập được. Tình hình như vậy đòi hỏi trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần có kế hoạch tổng kết một cách sâu rộng tình hình thực hiện Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND về vấn đề HTND. Từ những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đối chiếu với các quy định của Pháp lệnh để từ đó kiến nghị Nhà nước ban hành, sửa đổi các quy định về HTND để chế định HTND thực sự phát huy tác dụng trong thực tế.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA MTTQ TRONG VIỆC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HTND

Để tăng cường vai trò của MTTQ trong việc tổ chức và hoạt động của HTND, chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

1. Thi hành đầy đủ các quy định pháp luật về việc giới thiệu HTND.

Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND đã có những quy định khá chi tiết cho việc giới thiệu HTND, trong đó quy định MTTQ là cơ quan duy nhất được giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao và HĐND bầu làm HTND TAND địa phương.

Trách nhiệm của cơ quan MTTQ là phải quán triệt đầy đủ, thấu đáo các quy định đó để chủ động trong việc lựa chọn nhân sự đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để đảm bảo cơ cấu, chất lượng của đội ngũ HTND.

2. Tăng cường phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan hữu quan nhằm giúp đỡ HTND hoạt động hiệu quả

 Trong điều kiện các quy định pháp luật hiện hành không chỉ rõ cơ quan nào có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ HTND hoạt động, chúng tôi nghĩ với trách nhiệm trước nhân dân thì Hội đồng nhân dân, TAND, Uỷ ban MTTQ phải là những cơ quan làm nhiệm vụ này. Hội đồng nhân dân cần có quy định để Uỷ ban nhân dân tạo điều kiện một phần về kinh phí, trang bị cho HTND. TAND cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang bị tài liệu và sử dụng HTND một cách tốt nhất nhằm phát huy được khả năng cao nhất của HTND trong công tác xét xử. Uỷ ban MTTQ phải làm tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa HTND với TAND, giữa HTND với HĐND, giữa HTND với nhân dân để HTND vừa là người thay mặt nhân dân tham gia các công việc của Nhà nước vừa góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Hàng năm HĐND, TAND, Uỷ ban MTTQ phải phối hợp sơ kết công tác HTND. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những HTND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phê bình, xem xét bãi nhiệm những HTND không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.

3. Công tác xây dựng pháp luật

Thực tiễn đã cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về chế định HTND còn nhiều bất cập. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là chưa có những quy định có tính khả thi cao nhằm tăng cường hoạt động một cách thực chất của HTND. Để giải quyết yêu cầu này, một loạt các vấn đề cần được sớm nghiên cứu giải quyết như: vấn đề về tổ chức, về chuyên môn, nghiệp vụ, về chế độ chính sách của HTND, thậm chí cả vấn đề sự cần thiết tiếp tục duy trì nguyên tắc Toà án xét xử có HTND tham gia như hiện nay...

Nhiệm kỳ HTND TAND địa phương 1994 - 1999 sắp kết thúc, chuẩn bị cho nhiệm kỳ HTND khoá mới. Việc Bộ Tư pháp cho tiến hành triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học: “Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân trong cải cách tư pháp ở Việt Nam” là một việc làm rất cần thiết. Nghiên cứu nhỏ này của chúng tôi mong được góp thêm ý kiến làm phong phú cho Đề tài hấp dẫn và bổ ích này./.

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM

TRONG XÉT XỬ

Trần Quốc Phú

Bộ Tư pháp

Không chỉ có Nhà nước Việt Nam mới quy định việc xét xử của Toà án phải có Hội thẩm tham gia, mà nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước có chế độ chính trị khác nhau, thậm chí còn đối lập nhau cũng quy định việc xét xử của Toà án có Hội thẩm (bồi thẩm) tham gia. Vấn đề này (Bồi thẩm) xin giành lại các Luật gia khác trình bày sâu hơn, phong phú hơn. Trong bài này chúng tôi chỉ xin được trình bày về mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong xét xử của Toà án Việt Nam.

Khi một công dân Việt Nam có đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc bầu làm Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của từng Toà án, thì lúc đó địa vị pháp lý của Hội thẩm (xin được gọi tắt) mới chỉ dược xác định về mặt hình thức. Chỉ khi nào Hội thẩm tham gia xét xử những vụ án cụ thể, thì lúc đó địa vị pháp lý của họ mới được thể hiện một cách hiện thực và đầy đủ rõ nét. Trên cơ sở đó mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm cũng được xác lập thông qua các quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm khi xét xử.

Trong thực tế, có vị Hội thẩm suốt cả nhiệm kỳ, vì lý do nào đó chỉ tham gia xét xử 1 đến 2 vụ án, thậm chí không tham xét xử vụ án nào. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Toà án nơi có Hội thẩm tham gia. Song nhìn về góc độ nghĩa vụ của Hội thẩm thì vị Hội thẩm đó đã không làm tròn “sứ mệnh” của nhân dân giao phó, đó là thay mặt nhân dân tham gia vào công tác xét xử của Toà án và thay mặt nhân dân giám sát việc xét xử cuả Toà án.

Chúng tôi nghĩ rằng, quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm được thể hiện bắt đầu không chỉ ở giai đoạn “ngồi toà xử” mà đã bắt đầu từ ngay giai đoạn “chuẩn bị” (nghiên cứu hồ sơ - xét). Và như vậy, cũng chính từ đây các mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử được xác lập, đồng thời phải được thể hiện một cách bình đẳng và ngang quyền.

Nếu chỉ quan niệm rằng: “Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử” cũng có nghĩa là đã hiểu Hội thẩm chỉ có quyền “một nửa” còn “nửa kia” (giai đoạn xét - nghiên cứu hồ sơ) đã “cố tình” hoặc “vô ý” bỏ qua? Trong khi chúng ta hiểu “xét xử” không chỉ có giai đoạn ngồi toà, mà còn bao hàm cả giai đoạn nghiên cứu hồ sơ...

Cũng với tinh thần nội dung đã phân tích, theo đó các mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán sẽ hoàn chỉnh, hoặc thiếu hụt là do người có thẩm quyền, người có trách nhiệm quyết định để tạo nên hai chiều hướng đó! (ở đây chúng tôi muốn đề cập tới vai trò của Chánh án Toà án nơi có Hội thẩm tham gia, và nghĩa vụ của Thẩm phán chủ tọa phiên toà có Hội thẩm tham gia).

I. MỐI QUAN HỆ PHÁP LÝ TỔ CHỨC GIỮA HỘI THẨM VÀ THẨM PHÁN TRONG TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Quyền làm chủ và dân chủ của nhân dân ta đã và đang luôn luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao và biến thành hiện thực trong mọi lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong đó vai trò của nhân dân thực hành quyền làm chủ và dân chủ Xã hội Chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của Toà án, được thể hiện rất rõ trong vai trò, vị trí của Hội thẩm quân nhân và Hội thẩm nhân dân. Bởi vì họ (Hội thẩm) là những nhân vật (yếu tố) cấu thành nên Toà án: Điều 27 Khoản 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân quy định: “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Hội thẩm nhân dân, thư ký Toà”. Điều 32 Khoản 1, Điều 35 Khoản 1 cũng quy định có nội dung tương tự như Điều 27 (Khoản 2) nói về Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự. Điều 129 Hiến pháp 1992 đã xác định: “Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”. Những Điều luật viện dẫn trên đã nói lên đầy đủ mối quan hệ pháp lý tổ chức giữa Hội thẩm và Thẩm phán của Toà án Việt Nam.

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM TRONG XÉT XỬ

1. Giai đoạn nghiên cứu hồ sơ (xét)

Trong giai đoạn này mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm là mối quan hệ đồng nghiệp, mang tính hỗ trợ và hướng dẫn.

Những ai đã và đang làm Thẩm phán luôn khẳng định rằng: Mình là người chuyên nghiệp,bởi được đào tạo qua trường lớp, nên có trình độ chuyên môn vững vàng, lại qua bao lần xét xử, nên có kinh nghiệm. Do vậy Thẩm phán một mặt biết phát huy và đề cao tính độc lập của Hội thẩm mặt khác phải có nhiệm vụ hướng dẫn, bồi dưỡng thực tế về nghiệp vụ cho Hội thẩm Phải thấy rằng: Chất lượng xét xử, kết quả một phiên toà là do trí tuệ, công sức của tập thể Hội đồng xét xử mà có, trong đó vai trò của Hội thẩm là hét sức quan trọng. Hội thẩm còn là người cộng sự, hỗ trợ Thẩm phán, bổ sung những thiếu hụt về chuyên môn mà Thẩm phán không thể có, hoặc không chuyên sâu, để cho phiên toà xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đúng lúc.

Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán trong giai đoạn này được thể hiện cụ thể dưới các hình thức sau:

- Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán mang tính hướng dẫn

  + Cách nghiên cứu hồ sơ như thế nào thì đem lại kết quả chính xác và nhanh (bút lục nào là trọng tâm cần nghiên cứu kỹ? bút lục nào cần phải có sự so sánh đối chiếu với các văn bản pháp luật đã được quy định...).

  + Cách ghi chép, tổng hợp nội dung vụ án như thế nào để ngắn gọn, nhưng đầy đủ và chủ yếu là để phục vụ cho việc thẩm vấn tại phiên toà (qua thẩm vấn xác định tính chính xác hay hợp pháp của các bút lục có trong hồ sơ...).

- Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán mang tính chất trao đổi, bổ xung kiến thức, bổ sung các khâu đã tiến hành theo tố tụng còn thiếu

  + Giữa Hội thẩm và Thẩm phán lúc này như là mối quan hệ đồng nghiệp trong một đơn vị, gắn bó với nhau trong hoạt động, tác động qua lại lẫn nhau để cùng nhằm tới một mục đích: Chuẩn bị bước lên bục xét xử cho đàng hoàng, chủ động, đầy tự tin và thắng lợi (tất nhiên vẫn phải giữ được tính độc lập tương đối của Hội thẩm cũng như của Thẩm phán).

  + Thẩm phán có thể “khai thác”vốn chuyên môn của Hội thẩm trong lĩnh vực chuyên môn như lĩnh vực khoa học kỹ thuật, về nghệ thuật, mỹ thuật...mà Hội thẩm là người trong nghề đó, đề nghị Hội thẩm giảng giải về mặt thuật ngữ chuyên môn, về kiến thức cơ bản, đại cương... mà bản thân Thẩm phán cũng thấy “mơ hồ” nhằm phục vụ cho việc thẩm vấn, đấu tranh với đối tượng tại phiên toà mà hồ sơ vụ án đòi hỏi Thẩm phán cần phải có sự hiểu biết này ở mức độ nào đó thì mới đạt được chất lượng cao!

  + Hoặc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm phát hiện ra một vấn đề cần trao đổi với Thẩm phán để bổ xung cho đủ, bởi nó cần thiết cho xét xử như: Cho gọi thêm người có liên quan tới vụ án, cho mời thêm nhân chứng, mà trong quá trình làm thủ tục giấy tờ ban đầu, thơ ký hoặc Thẩm phán đã không phát hiện ra do nhiều lý do khách quan và chủ quan tạo nên. Hoặc về chuyên môn, thấy cần phải cho giám định khoa học mới có thể giúp cho việc kết luận của Hội đồng xét xử được chính xác...

  + Giữa Hội thẩm và Thẩm phán có cuộc mạn đàm trao đổi và tiến hành bổ sung những thiếu hụt đó, thực sự là một điều đáng làm và chỉ có lợi, tuy về phương diện nào dó có thể gây ra những phiền toái về thời gian và sức lao động, nhưng nó đem lại hiệu quả cho công tác xét xử của Toà án và chắc chắn rằng, không một Thẩm phán nào lại không chọn con đường “vất vả” này. Vì đó là chân dung đích thực của Thẩm phán.

  + Giữa Hội thẩm và Thẩm phán cùng trao đổi, thống nhất cách thẩm vấn tại phiên toà, thẩm vấn ai, thẩm vấn nội dung gì, thẩm vấn đến đâu, thẩm vấn nhằm mục đích gì, và dự đoán những gì có thể xảy ra trước những câu hỏi của Hội đồng xét xử và câu trả lời của các đối tượng được hỏi...

2. Giai đoạn ngồi toà (xử)

Đây là giai đoạn thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm rõ nhất, đồng thời cũng quan trọng vào bậc nhất.

Bởi vậy, trước nhất chúng ta phải đặc biệt quan tâm chú ý tới những động tác đứng, ngồi, đi lại và những câu hỏi đặt ra, bởi vì sẽ được mọi người trong hội trường xử án chú ý theo dõi, thậm chí còn được truyền đi khắp nước bằng truyền hình.

Không nên và không thể có trường hợp chủ tọa phiên toà thì căng thẳng tới mức tột độ khi đang vận hành tất cả các “vũ khí” đã có để có thể đấu tranh với bị cáo “sừng sỏ” ngoan cố, lại có Hội thẩm ngồi bên cạnh gục đầu xuống bàn xét xử, hoặc mắt thì để nơi trang báo... (những hiện tượng này đã có, và có một vài bài báo đã đề cập).

Ngồi trên ghế xét xử, Hội thẩm phải thể hiện là một thành viên trong Hội đồng xét xử, có trách nhiệm và đầy bản lĩnh, sẵn sàng “hỗ trợ” Thẩm phán, nhắc nhở Thẩm phán trong quá trình thẩm vấn nếu xuất hiện những tình tiết mới, hoặc những tình tiết cũ nhưng quên không thẩm vấn, hoặc vì quá tức giận với tội lỗi và thái độ ngoan cố của bị cáo mà Thẩm phán đã thiếu bình tĩnh để bộc lộ những thiếu sót đáng tiếc...

Giữa Thẩm phán và Hội thẩm phải biết phối hợp chặt chẽ, chuẩn xác, bám sát đề cương thẩm vấn, nhưng lại hết sức linh hoạt, sáng tạo, chủ động, để cuộc thẩm vấn “có hồn” để người nghe ‘vào tai” và cái quan trọng nhất để cho đương sự (bị cáo, nhân chứng, người bị hại...) khi được thẩm vấn thì “tâm phục, khẩu phục”. (Xem bài “Nghệ thuật thẩm vấn trong phiên toà hình sự” đăng trong Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 7 năm 1998).

Lại phải biết phối hợp điều hành phiên toà để cho những người tiến hành tố tụng khác tại phiên toà hoàn thành nhiệm vụ của họ theo luật định (đặc biệt là luật sư, thường có sự “khúc mắc”, không “vừa lòng” với Hội đồng xét xử, nhất là đối với Thẩm phán, chủ tọa phiên toà.

Đây chính là mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm, phối hợp giữa Thẩm phán và Hội thẩm

Một vấn đề cần lưu ý nữa đó là: Mặc dù Thẩm phán, chủ tọa phiên toà là người chịu trách nhiệm chính trong việc xét xử, mặc dù Thẩm phán nắm chắc nội dung vụ án hơn ai hết và có kinh nghiệm nghề nghiệp hơn Hội thẩm song không vì thế mà “độc quyền” thẩm vấn. Cần có cả một đề cương nghiêm chỉnh dành cho Hội thẩm làm công việc này một cách khoa học, nghiêm túc, không hời hợt hình thức, tôn trọng Hội thẩm cũng có nghĩa là một Thẩm phán giỏi, đầy tài năng và trách nhiệm.

III. AI QUẢN LÝ HỘI THẨM?

Đối với Hội thẩm quân nhân, vấn đề đặt ra không phức tạp khó khăn. Chúng tôi chỉ xin đề cập tới cơ quan nào quản lý Hội thẩm nhân dân.

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề ai là cơ quan quản lý Hội thẩm? Điều đó chứng tỏ rằng giới luật gia chúng ta có sự quan tâm đặc biệt từ lâu, nhưng cũng qua đó phát hiện ra sự “bỏ ngỏ” của cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm, đã “sơ xuất” không “nghĩ” tới vấn đề này (vấn đề đặt ra là cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm là ai? là Bộ Tư pháp? là Toà án nhân dân tối cao hay Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc...?

Nhiều luật gia cho rằng: Hội thẩm nhân dân phải do Sở Tư pháp quản lý (đối với Toà án cấp tỉnh, huyện); theo mô hình Bộ Tư pháp quản lý Toà án về mặt tổ chức mà Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân đã quy định. Song, Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao do ai quản lý? Hay cũng lại theo mô hình do Toà án nhân dân tối cao quản lý.

Có luật gia cho rằng, Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, do vậy sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm nhân dân đó quản lý... Nhưng Hội thẩm nhân dân lại do Mặt trận tổ quốc Việt Nam giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu. Do vậy, nên để Mặt trận tổ quốc nơi đó quản lý, bởi Mặt trận tổ quốc là tập hợp các tổ chức quần chúng rộng rãi nhất, như vậy Hội thẩm nhân dân gần gũi với nhân dân hơn.

Có ý kiến cho rằng, Toà án nào có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, thì Toà án đó quản lý Hội thẩm nhân dân, như vậy sẽ có nhiều tác dụng trong đó tác dụng quan trọng nhất là bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm nhân dân thì không ai có thể làm tốt bằng Toà án nhân dân... Đồng thời chính Toà án còn đánh giá được trình độ và tư cách, đạo đức, phẩm chất của Hội thẩm nhân dân một cách chuẩn xác, thông qua việc tham gia xét xử của họ. Chúng tôi nghiêng về ý kiến này. Nhưng dù sao đi chăng nữa, chúng tôi cũng mong mỏi sớm có một chuyên đề về vấn đề này, nhằm giải quyết sự tồn tại đáng lẽ ra không thể có và không thể kéo dài cho đến ngày nay!

Vấn đề cuối cùng, chúng tôi xin đề cập đó là:

Việc tuyên án:

Thông thường khi kết thúc thẩm vấn và sau khi nghị án, Chủ tọa phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử công bố bản án (Điều 200 Bộ luật  tố tụng hình sự)

Nhưng tại sao lại không để cho Hội thẩm tuyên đọc bản án trong khi Hội thẩm có đủ khả năng này?

Theo chúng tôi, Thẩm phán chủ tọa phiên toà trực tiếp viết bản án, song về mặt pháp lý thì đây là “sản phẩm” của Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên toà chỉ là người thay mặt Hội đồng xử án công bố bản án mà thôi. Do vậy, nếu thấy không có gì trở ngại, thì nên mạnh dạn giao nhiệm vụ này cho họ, nhất là vị Hội thẩm đó có giọng đọc rõ ràng, mạch lạc và đầy sức thuyết phục... Trong khi Thẩm phán vừa trải qua thời gian vất vả, nặng nhọc điều khiển diễn biến phiên toà, sức khoẻ bị ảnh hưởng, nhất là đối với vụ án kéo dài nhiều ngày. Và như vậy, có thể sửa đổi Bộ luật tố tụng theo hướng một trong các thành viên của Hội đồng xét xử có thể đọc bản án được không?.

Tuyên án là công việc cuối cùng của phiên toà, công việc này hết sức quan trọng. Vì vậy không phải chỉ chú ý tới nội dung bản án, mà còn phải nghĩ tới hiệu quả của việc tuyên án. Thẩm phán nào có nhận thức thật đầy đủ về Hội thẩm thì có lẽ không thể không nghĩ tới việc giao cho một vị Hội thẩm nào đó tuyên án. Có lẽ không thể ngờ tới tính hiệu quả của việc làm đầy ấn tượng này của Thẩm phán.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM QUÂN NHÂN TRONG XÉT XỬ CỦA CÁC TÒA ÁN QUÂN SỰ

TS. Trần Văn Độ

Tòa án Quân sự Trung ương

I. Đặt vấn đề

Xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng của Tòa án các cấp ở nước ta. Nguyên tắc này được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức Tòa án cũng như về tố tụng. Hiến pháp năm 1992 quy định “Việc xét xử của Tòa án các cấp có Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán”. Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng khẳng định nguyên tắc Hiến định đó.

Nguyên tắc Tòa án xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả của công tác xét xử vụ án của Tòa án các cấp. Nó kết hợp một cách cần thiết tính chuyên nghiệp của Thẩm phán và tính quần chúng của Hội thẩm nhân dân trong giải quyết vụ án; làm cho việc xét xử không những đúng pháp luật mà còn thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân mà Hội thẩm là những người đại diện. Vì vậy, hiệu quả của công tác xét xử đạt được cao hơn, thiết thực hơn; bản án mang tính giáo dục cao hơn.

Việc xét xử của Tòa án có sự  tham gia của đại diện quần chúng không chỉ được thực hiện ở nước ta, mà ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, tuỳ theo điều kiện chính trị - xã hội, nguyên tắc tổ chức của cơ quan Nhà nước nói chung và của Tòa án nói riêng mà việc tham gia này cũng có khác nhau (bằng hình thức Bồi thẩm hay Hội thẩm, địa vị pháp lý trong tố tụng...). Vì thế cho nên, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lịch sử phát triển của chế định Hội thẩm, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài... là cần thiết cho việc nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chế định pháp luật này trong hoạt động xét xử của các Tòa án nước ta.

Các Tòa án Quân sự là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong quân đội. Vì vậy, nguyên tắc Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia cũng là nguyên tắc xét xử của các Tòa án Quân sự. Tuy nhiên, do tổ chức và hoạt động của Quân đội nói chung và của các Tòa án Quân sự nói riêng có những nét đặc thù so với các Tòa án nhân dân, cho nên việc thực hiện nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của các Tòa án Quân sự cũng có những đặc thù riêng cần được nghiên cứu.

Theo chúng tôi, những đặc điểm sau đây của Quân đội và của các Tòa án Quân sự có sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nguyên tắc và Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia trong các Tòa án Quân sự.

Thứ nhất: Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực chuyên chính của Đảng và Nhà nước ta, có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, nặng nề đó, Quân đội được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, thống nhất. Là cơ quan xét xử của Nhà nước ta, nhưng các Tòa án Quân sự cũng nằm trong hệ thống tổ chức đó của Quân đội. Vì vậy, việc thực hiện nguyên tắc xét  xử của Tòa án Quân sự có Hội thẩm tham gia cũng không thể không chịu tác động của cách tổ chức của Quân đội trong từng thời kỳ khác nhau;

Thứ hai: Là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, tổ chức và hoạt động của Quân đội gắn liền với sự hình thành và phát triển của Nhà nước, với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng của nước ta. Hoạt động xét xử của các Tòa án quân sự nói chung và các tổ chức hoạt động xét xử đó (trong đó có việc tham gia của Hội thẩm quân nhân trong xét xử) cũng chịu ảnh hưởng lớn của nhiệm vụ Quân đội trong từng thời kỳ cách mạng;

Thứ ba: Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị đặt ra, các đơn vị quân đội thường xuyên có sự biến động về tổ chức, sự thay đổi về địa bàn đóng quân, cán bộ luôn có sự luân chuyển.v.v... Trong khi các Tòa án Quân sự được tổ chức chủ yếu theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Những yếu tố đó tác động rất lớn tới việc thực hiện các quy định của pháp luật về sự tham gia của Hội thẩm quân nhân (HTQN) trong hoạt động xét xử của Tòa án Quân sự;

Thứ tư: Khác với các Tòa án nhân dân, các Tòa án Quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự. Ngoài việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, các Tòa án Quân sự không có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.v.v... Hơn ở đâu hết, thủ tục xét xử các vụ án hình sự phải được quy định chặt chẽ, cụ thể và phải được tuân thủ nghiêm chỉnh. Vấn đề HTQN cũng không nằm ngoài phạm vi đó.

II. Các quy định của pháp luật  nước ta về chế định hội thẩm quân nhân trong xét xử của các Tòa án quân sự.

1. Các quy định về HTQN trước khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986.

Các Tòa án Quân sự nước ta được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước ta. Ngày 13/9/1945, tức chỉ sau khi tuyên ngôn độc lập có 10 ngày, Hồ Chủ Tịch đã thay mặt Hội đồng Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 22/SL về thành lập các Tòa án Quân sự để xét xử những người phạm tội phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 5 của Sắc lệnh quy định “Ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm. Ghế Chánh án và một Hội thẩm sẽ do một ủy viên quân sự và một ủy viên chính trị ngồi. Còn ghế Hội thẩm thứ nhì sẽ thuộc về Thẩm phán chuyên môn của Trung ương pháp.

Ủy viên quân sự và ủy viên chính trị sẽ do quân đội và Ủy ban nhân dân địa phương cử ra, còn viên Thẩm phán chuyên môn của Trung ương pháp sẽ do ông Chưởng lý Tòa thượng thẩm cử ra...”

Các Tòa án Quân sự nêu trên là một dạng Tòa án cách mạng được thành lập ra ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công để trấn áp bọn phản cách mạng, kẻ thù chống phá chính quyền Công - Nông non trẻ.

Cho đến ngày 23/8/1946, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 163 chính thức thành lập Tòa án Binh (tức các Tòa án Quân sự hiện nay). Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 19-SL thành lập các Tòa án Binh ở các khu. Ngày 25/4/1947 Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 45-SL thành lập Tòa án Binh tối cao. Các Sắc lệnh đó (Điều 5 Sắc lệnh 163, Điều 3 Sắc lệnh 19, Điều 2 Sắc lệnh 45) đều quy định thành phần của các Tòa án Binh bao gồm một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử. Chánh án và một Hội thẩm là quân nhân thuộc cấp chỉ huy do Bộ Quốc phòng bổ nhiệm; một Hội thẩm khác là Thẩm phán Tư pháp do Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, dù thành phần Tòa án (Hội đồng xét xử) có khác nhau, nhưng trong đó vẫn có sự kết hợp giữa Thẩm phán chuyên môn và đại diện quân nhân và chỉ huy. Một điều cần nhấn mạnh là các Tòa án Quân sự cũng như Tòa án Binh trong thời kỳ này là hoạt động trong điều kiện bước đầu tồn tại của chính quyền non trẻ và điều kiện kháng chiến chống thực dân xâm lược. Các Tòa án Quân sự cũng như Tòa án Binh thuộc bộ máy chuyên chính của Nhà nước ta để trấn áp kẻ thù và xử lý những người phạm tội xâm hại đến nền độc lập của nước nhà và sự tồn tại của chính quyền non trẻ. Do đó cũng rất dễ hiểu là Chánh án các Tòa án thời kỳ đó không phải là Thẩm phán chuyên môn (tuyệt đại đa số được đào tạo trong chế độ cũ) mà là một chỉ huy quân sự hoặc chính trị, những người đại diện cho chính quyền cách mạng ở địa phương trong cả nước.

Nhìn chung, việc thành lập các Tòa án Binh đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Thế nhưng qua một thời gian hoạt động cho thấy trong nhiều trường hợp, ở các khu vực có chiến sự, các Tòa án Binh không thể trực tiếp xét xử các vụ phạm tội, nhất là các tội như phản quốc, gián điệp, cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng.v.v... kịp thời phục vụ yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm ở mặt trân. Vì vậy, ngày 28/5/1947 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Thông lệnh 60-TT về việc thành lập các Tòa án Binh tại mặt trân. Theo Thông lệnh này thì ở mỗi địa điểm đương tác chiến, viên chỉ huy mặt trận từ cấp trung đoàn trở lên có thể lập một Tòa án Binh tại mặt trân. Thành phần Tòa án này gồm một Chánh án và hai Hội thẩm. Chánh án là viên chỉ huy ở khu vực đương tác chiến thuộc cấp trung đoàn trưởng trở lên, các Hội thẩm là một chính trị viên và một quân nhân nơi xảy ra việc phạm pháp. Các Tòa án này được thành lập để xét xử một lần và giải thể ngay.

Tổ chức và cơ cấu các Tòa án Binh tồn tại đến năm 1960 thì đượcthay thế bằng hệ thống Tòa án Quân sự được tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật về tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960. Theo các văn bản pháp luật trên thì các Tòa án Quân sự là các cơ quan xét xử của Nhà nước ta được tổ chức trong quân đội. Các Tòa án Quân sự thời kỳ này được tổ chức theo hai cấp xét xử: Tòa án Quân sự Trung ương và Tòa án Quân sự quân khu, quân chủng, binh chủng... Các Thẩm phán là sĩ quan từ cấp đại uý trở lên được Bộ Quốc phòng cử về công tác tại các Tòa án Quân sự (chuyên trách) hoặc kiêm nhiệm. Hội thẩm quân nhân thường là sĩ quan, đặc biệt cũng có thể là viên chức quốc phòng, do người chỉ huy các cấp cử ra theo yêu cầu của Tòa án Quân sự khi xét xử từng vụ án cụ thể. Do vậy, trong những năm đầu có rất ít các Thẩm phán hoặc Hội thẩm quân nhân được đào tạo chuyên môn cần thiết cho hoạt động xét xử. Đa số cán bộ vừa làm việc vừa tự học. Cơ cấu tổ chức này của Tòa án Quân sự các cấp tồn tại cho đến khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự đầu tiên (năm 1986).

Nghiên cứu chế định Hội thẩm quân nhân trước khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 và việc thực hiện trong thực tiễn có thể đi đến một số kết luận sau đây:

- Ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, nguyên tắc Tòa án Quân sự xét xử có Hội thẩm tham gia đã được thực hiện, thể hiện tính dân chủ, tính quần chúng trong xét xử của các Tòa án Quân sự.

- Do những điều kiện lịch sử nhất định, thành phần Hội đồng xét xử (Tòa án) có những đặc điểm đặc biệt. Hội thẩm có thể là Thẩm phán Tư pháp được đào tạo; trong thành phần Tòa án có cả quân nhân và người không phải là quân nhân; trong trường hợp đặc biệt, thành phần Tòa án không có cán bộ chuyên môn;

- Những quy định mang tính đặc thù nêu trên xuất phát từ nhu cầu của lịch sử phát triển xã hội nước ta thời kỳ đó. Với các quy định trên, các Tòa án  Binh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

2. Vấn đề Hội thẩm quân nhân theo quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 và năm 1993

Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986.

Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 là một văn bản pháp luật quan trọng, là bước ngoặt trong tổ chức và hoạt động của các Tòa án Quân sự, trong đó có vấn đề Hội thẩm quân nhân. Lần đầu tiên nguyên tắc Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử ở Tòa án Quân sự, và khi xét xử Hội thẩm quân nhân ngang quyền với Thẩm phán được khẳng định trong Pháp lệnh (Điều 7).

Để thực hiện các quy định của Pháp lệnh, Bộ tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư  liên bộ số 259/TTLB ngày 22/4/1986 hướng dẫn việc cử Hội thẩm quân nhân và Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Quyết định 653 QĐ/QP ngày 29/4/1987 về chế độ hoạt động của Hội thẩm quân nhân. Các văn bản trên đã cụ thể hóa tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử và nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự.

- Tiêu chuẩn của Hội thẩm quân nhân: Theo quy định của Điều 28 Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thì Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự là quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng được tập thể tín nhiệm, có ý thức bảo vệ pháp luật của Nhà nước và kỷ luật quân đội. Riêng tiêu chuẩn về cấp bậc, chức vụ thì có khác nhau giữa Tòa án Quân sự các cấp: Hội thẩm nhân dân Tòa án Quân sự cấp cao có cấp bậc từ Trung tá trở lên; đối với Tòa án Quân sự quân khu và tương đương - từ đại uý trở lên; đối với Tòa án Quân sự khu vực - từ thượng uý trở lên. Nếu Hội thẩm quân nhân là quân nhân chuyên nghiệp thì hạ một cấp quân hàm đối với từng Tòa án Quân sự tương ứng. Ngoài ra, đối với Tòa án Quân sự khu vực, Hội thẩm quân nhân có thể là viên chức quốc phòng có trình độ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì tuyệt đại đa số Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự đều là sĩ quan tại ngũ;

- Thủ tục bầu hoặc cử: Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự được bầu hoặc cử:

Hội thẩm quân nhân Tòa án Quân sự Trung ương do Hội đồng Nhà nước cử theo đề nghị của Tổng cục Chính trị; Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án Quân sự khu vực do các đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang bầu ra.

Hội thẩm nhân dân các Tòa án Quân sự quân khu và tương đương do Cục Chính trị quân khu hoặc đơn vị tương đương, các Tòa án Quân sự khu vực do Phòng Chính trị trực thuộc quân khu, các cơ quan Quân sự tỉnh lựa chọn, giới thiệu để các đơn vị cơ sở (cấp trung đoàn và tương đương) bầu. Thủ tục bầu có thể được tiến hành bằng một trong các hình thức:

+ Đối chiếu với các đơn vị đóng quân, sinh hoạt tập trung thì Hội nghị quân nhân toàn đơn vị bầu;

+ Đối với các đơn vị phân tán thì tiến hành Hội nghị đại biểu quân nhân để bầu. Số đại biểu do cơ quan chính trị trung đoàn tổng hợp kết quả.

- Nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các cấp: Điều 33 Pháp lệnh quy định nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân  Tòa án Quân sự Trung ương là hai năm rưỡi, nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự quân khu và khu vực là hai năm. Việc quy định nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân tương đối ngắn là xuất phát từ thực tế thường xuyên biến động về quân số, địa điểm đóng quân... của các đơn vị quân đội. Tuy nhiên, các quy định đó về nhiệm kỳ quá ngắn cũng làm phát sinh những bất lợi, những khó khăn trong thực tiễn xét xử. Việc thường xuyên triệu tập đại biểu quân nhân để tổ chức bầu Hội thẩm quân nhân cho các Tòa án Quân sự cũng gây nên những phiền hà nhất định cho các đơn vị; nhiều Hội thẩm quân nhân được bầu lên chưa kịp được bồi dưỡng nghiệp vụ, hoặc đã được bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng chưa kịp tham gia xét xử đã hết nhiệm kỳ gây nên sự tốn kém, phiền phức không cần thiết.

Nói tóm lại, các quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 về Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự là một bước tiến bộ so với trước đó. Các quy định này xuất phát từ quy định của Hiến pháp nước ta năm 1980 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981. Vấn đề Hội thẩm quân nhân đã được quy định một cách hệ thống, đồng bộ, thể hiện bản chất dân chủ trong hoạt động xét xử của các Tòa án Quân sự nước ta. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện trong thực tiễn, cùng với công cuộc đổi mới các mặt đời sống xã hội, trong đó có đổi mới hệ thống Tư pháp cũng như tổ chức và hoạt động của Tòa án, các quy định trên của Pháp lệnh cũng bộc lộ những hạn chế nhất định trong đó có việc bầu Hội thẩm quân nhân còn quá phiền phức, không phù hợp với tình hình thực tế của quân đội; nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân quá ngắn; đội ngũ Hội thẩm quân nhân được bầu quá phân tán ảnh hưởng đến việc quản lý chuyên môn và tham gia xét xử của họ.v.v... Điều đó là một trong những căn cứ dẫn đến việc ban hành Pháp lệnh mới tổ chức Tòa án quân sự năm 1993.

Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1993.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự ngày 19/4/1993 và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân ngày 14/5/1993. Các văn bản pháp luật này có các quy định về Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự. Để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định trên của pháp luật, Tổng cục Chính trị đã ra Chỉ thị số 294/CT ngày 19/8/1993 về việc cử và quản lý Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự.

Các quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1993 kế thừa có chọn lọc những quy định của Pháp lệnh năm 1986 và hoàn thiện một số quy định mà trong quá trình thực hiện đã bộc lộ sự bất cập hoặc chưa phù hợp với tình hình mới; đặc biệt là phù hợp với xu thế, quan điểm mới trong đối với cơ quan xét xử ở nước ta hiện nay.

Điểm mới, nổi bật nhất so với các văn bản pháp luật trước đây là các quy định về cử Hội thẩm quân nhân. Nếu như, theo Pháp lệnh năm 1993, Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự quân khu, khu vực do các đơn vị cơ sở trong quân đội bầu ra thì theo các quy định mới, Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự đều do cử (bổ nhiệm) trên cơ sở giới thiệu của các cơ quan chính trị cấp dưới. Cụ thể như sau:

+ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Chánh án Tòa án quân sự Trung ương phối hợp với Cục cán bộ lựa chọn lập danh sách giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử;

+ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chánh án Tòa án quân sự khu vực phối hợp cùng Chủ nhiệm chính trị sư đoàn lập danh sách trình Cục trưởng Cục Chính trị quân khu cử.

Ngoài ra, nhiệm kỳ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự các cấp được nâng lên 5 năm.

Nhìn chung các quy định mới của pháp luật về Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự đã có những đổi mới tích cực, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của quân đội, của tổ chức và hoạt động của các Tòa án quân sự, tăng cường hiệu quả công tác xét xử trong thời gian qua. Các quy định của pháp luật đã thể hiện và tạo điều kiện tốt cho sự phối hợp giữa các Tòa án Quân sự và cơ quan chính trị trong việc cử, quản lý và bồi dưỡng Hội thẩm quân nhân nhằm giúp cho Hội thẩm quân nhân có điều kiện và khả năng tham gia và công tác xét xử của các Tòa án quân sự.

III. Một số kiến nghị hoàn thiện chế định Hội thẩm quân nhân

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp nói chung và Tòa án quân sự nói riêng là một yêu cầu tất yếu. Hoàn thiện chế định Hội thẩm quân nhân thuộc một trong những nội dung nghiên cứu đó.

Theo chúng tôi, các quy định của pháp luật hiện hành về Hội thẩm quân nhân là tương đối đầy đủ phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật nước ta và đặc điểm của tổ chức và hoạt động của quân đội cũng như các Tòa án quân sự. Để khẳng định điều đó, chúng ta cần  phân tích một số vấn đề lý luận liên quan đến chế định này.

- Trước hết, có ý kiến cho rằng bản chất quần chúng, dân chủ của chế định Hội thẩm là ở chỗ họ là những người được các cơ quan dân cử bầu lên. Hơn nữa, danh sách ứng cử viên cũng phải do cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp đề nghị. Có như vậy, Hội thẩm mới là những người đại diện cho quần chúng trong việc thực hiện quyền lực Trung ương pháp (xét xử) của Nhà nước. Vì vậy, thủ tục các cơ quan chính trị trong quân đội giới thiệu và cử các Hội thẩm quân nhân (ngoài Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương) theo quy định hiện nay là không phù hợp với bản chất đó. Theo họ, phải chăng cần để cho đại diện các quân nhân trong các đơn vị quân đội (như Hội đồng quân nhân chẳng hạn) bầu Hội thẩm quân nhân.

Chúng tôi không nhất trí với quan điểm trên. Bởi vì, thứ nhất: trong quân đội không tồn tại các cơ quan dân cử. Hội đồng quân nhân tuy được quân nhân bầu ra nhưng không thể là cơ quan quyền lực như Hội đồng nhân dân các cấp và chỉ tồn tại ở các cấp phân đội hoặc ở các đơn vị cơ sở của quân đội; thứ hai: một đặc thù trong tổ chức và hoạt động của quân đội là các cơ quan chính trị là cơ quan làm và quản lý công tác Đảng, công tác chính trị, công tác cán bộ, quần chúng ở các đơn vị. Cho nên, hơn ai hết cơ quan chính trị nắm bắt được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của quân nhân trong mọi lĩnh vực, nắm được chính xác khả năng của những người được đề nghị; thứ ba: về mặt thực tiễn, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự 1986 cũng đã từng quy định việc bầu Hội thẩm quân nhân. Thế nhưng thực hiện việc bầu đó trong thực tiễn gặp rất nhiều vướng mắc và bất cập, không phù hợp với quân đội, chủ yếu mang tính hình thức. Việc bầu đó chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự giới thiệu của cơ quan chính trị các đơn vị. Theo chúng tôi biết được trong gần 7 năm thực hiện bầu Hội thẩm quân nhân, chưa có trường hợp nào người được cơ quan chính trị giới thiệu lại không được bầu.

- Một vấn đề nữa cũng còn gây tranh luận hiện nay là số lượng Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mỗi Tòa án quân sự quân khu và tương đương có từ 30 - 35 Hội thẩm quân nhân, mỗi Tòa án quân sự khu vực có 20 - 25 Hội thẩm quân nhân. Trung bình cứ tương ứng với 1 Thẩm phán có 4 - 5 Hội thẩm quân nhân. Trong khi đó, mỗi Thẩm phán Tòa án nhân dân có biên chế từ 2 - 3 Hội thẩm nhân dân. Giải quyết vấn đề này cần xuất phát từ đặc điểm tổ chức Tòa án quân sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi Tòa án quân sự quân khu đảm nhận một địa bàn xét xử rất rộng (từ 6 - 10 tỉnh), mỗi Tòa án quân sự khu vực đảm nhận địa bàn xét xử  3 - 6 tỉnh, trong khi các đơn vị đóng quân rất phân tán; việc tham gia xét xử chủ yếu là Hội thẩm quân nhân thuộc các đơn vị để tránh đi lại chi phí tốn kém. Hơn nữa 100% Hội thẩm quân nhân là cán bộ kiêm nhiệm nên không thể tách khỏi công việc chính của mình tham gia xét xử thường xuyên với Tòa án. Đặc điểm trên, theo chúng tôi đã lý giải đầy đủ tại sao biên chế Hội thẩm nhân dân các Tòa án quân sự lại nhiều hơn Hội thẩm nhân dân các Tòa án nhân dân.

- Thực tiễn xét xử các Tòa án quân sự những năm qua cho thấy mặc dù biên chế Hội thẩm quân nhân cho các Tòa án quân sự nhiều, nhưng việc mời được họ tham gia xét xử gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đội ngũ Hội thẩm quân nhân chủ yếu là cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ chính trị của các đơn vị, nên rất bận làm nhiệm vụ chính được giao. Do là cán bộ chủ trì nên những người đó cũng ít có thời gian nghiên cứu học tập thêm về pháp luật, và nghiên cứu hồ sơ, nên chất lượng xét xử cũng có những hạn chế nhất định.

Một số kiến nghị

- Việc cử Hội thẩm quân nhân như quy định hiện nay là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của đội ngũ Hội thẩm quân nhân được cử cần phải có quy định quản lý chặt chẽ, hạn chế thay đổi công tác, đơn vị, cho nghỉ... đối với số cán bộ đó trong nhiệm kỳ được cử; tránh trường hợp sĩ quan được cử làm Hội thẩm quân nhân nhưng khi chuyển công tác theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, hoặc ra khỏi quân đội... thì Tòa án quân sự nơi Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử cũng không biết. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cán bộ, cơ quan chính trị và Tòa án quân sự các cấp trong việc lập danh sách và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử.

- Khi cử Hội thẩm quân nhân cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, cũng không nên quá câu nệ về chức vụ hành chính quân sự của các ứng cử viên. Đội ngũ Hội thẩm quân nhân có thể bao gồm cả cán bộ làm công tác quản lý, cả cán bộ trợ lý các cơ quan. Có như vậy mới có khả năng lôi cuốn Hội thẩm quân nhân vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đặc biệt, khi cử Hội thẩm quân nhân cũng cần chú ý đến đội ngũ cán bộ đã được đào tạo qua các trường Luật hiện đang công tác trong quân đội. Theo chúng tôi được biết, hiện nay có một lượng tương đối lớn cán bộ quân đội đã tốt nghiệp hoặc đang tham gia các khóa đào tạo về Luật. Sự tham gia của những người này chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự.

- Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho các Hội thẩm quân nhân là một điều cần được thực hiện thường xuyên. Do điều kiện khách quan, chất lượng chuyên môn của Hội thẩm quân nhân thấp hơn Hội thẩm nhân dân. Hơn nữa, do số lượng đông, lượng án ít cho nên kinh nghiệm xét xử của Hội thẩm quân nhân cũng không nhiều. Để bổ sung cho sự thiếu hụt đó, cần phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng Hội thẩm quân nhân. Có thể đổi mới hình thức bồi dưỡng này, ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng theo từng quân khu, Tòa án Quân sự Trung ương cũng có thể mở các lớp tập trung từng thời kỳ để Hội thẩm quân nhân bất kỳ Tòa án Quân sự nào có điều kiện thì tham gia cùng học tập, cùng trao đổi kinh nghiệm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘI THẨM THEO QUY ĐỊNH

CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

                                                                           TS. Phạm Văn Lợi

                                                            Phó Viện trưởng Viện NCKH pháp lý

          Theo quy định của khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án. Việc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cùng Thẩm phán sẽ góp phần bảo đảm cho bản án và quyết định của Toà án được toàn diện, đầy đủ và khách quan, đúng pháp luật. Hội thẩm nhân dân là những người công tác trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Họ đến với Toà án là mang hơi thở từ cuộc sống, từ bầu không khí đời thường, cách suy nghĩ, nhận định, đánh giá chứng cứ của họ về mặt nào đó không giống như những người xét xử chuyên nghiệp. Do đó, Hội thẩm là người bổ sung những vốn quý về các lĩnh vực của cuộc sống, những quan niệm về đạo đức, truyền thống... cho Thẩm phán - người có kiến thức pháp lý vũng vàng, tinh thông về nghiệp vụ xét xử.

          Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên của Hội đồng xét xử (Thẩm phán và Hội thẩm) cùng nhằm mục đích xét xử công minh, đúng pháp luật, hợp lòng dân, mặt khác sự tham gia của Hội thẩm thể hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong hoạt động của Toà án, thể hiện sự giám sát, kiểm tra trực tiếp của nhân dân từ bên trong của công tác xét xử.

          Thấy được tầm quan trọng của việc tham gia của công dân và hoạt động xét xử, pháp luật của các nước trên thế giới đều ghi nhận chế định này dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuỳ theo chế độ chính trị và điều kiện cụ thể của mỗi nước, chế định Hội thẩm (Bồi thẩm) được quy định ở mức độ khác nhau. ở Việt Nam, chế định Hội thẩm đã xuất hiện với sự ra đời của Toà án nhân dân. Qua các thời kỳ lịch sử, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình và vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được trong việc tham gia xét xử ở Toà án.

          Với vai trò quan trọng như vậy, cho nên muốn trở thành Hội thẩm, công dân Việt Nam phải có đủ những tiêu chuẩn cần thiết như "Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm" (Điều 4 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân).

          Khi được bầu hoặc cử làm Hội thẩm, Hội thẩm những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

          * Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án (Điều 25);

          * Hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân (Điều 8);

          * Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử theo quy định của Nhà nước (Điều 27);

          * Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Toà án. Nếu Hội thẩm là cán bộ, viên chức Nhà nước, quân nhân, công nhân, nhân viên quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ của Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.

          Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Hội thẩm phải có nghĩa vụ như nghiêm chỉnh tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Hội thẩm phải dựa trên các quy định của pháp luật và bằng kinh nghiệm sống của mình cùng Thẩm phán giải quyết các vụ án đúng pháp luật, hợp lý lẽ, công bằng, không chịu một sự can thiệp nào từ bên ngoài.

          * Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 5);

          * Hội thẩm phải giữ bí mật công tác theo quy định của pháp luật (Điều 6).

          Như vậy, khi nghiên cứu nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Hội thẩm cần so sánh với quyền và  nghĩa vụ của Thẩm phán(1). Tất nhiên sự so sánh này chỉ mang tính tương đối mà thôi bởi lẽ địa vị pháp lý của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có sự khác nhau.

          - Thẩm phán là công chức Nhà nước được Chủ tịch nước bổ nhiệm và có nhiệm vụ tham gia xét xử các vụ án. Còn Hội thẩm có thể là công chức Nhà nước, cán bộ về hưu hay cán bộ của tổ chức chính trị - xã hội được bầu hoặc cử để tham gia xét xử các vụ án. ở đây muốn nói đến tính chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp của 2 chức danh này;

          - Quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán được pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ hơn so với Hội thẩm, nhất là các quyền lợi về vật chất như: chế đội đãi ngộ, lương bổng, phụ cấp...

          - Việc bổ nhiệm, cách chức, thuyên chuyển, kỷ luật đối với Thẩm phán phải theo một trình tự đặc biệt. Trình tự này được pháp luật quy định rõ trong các văn bản của pháp luật. Đối với Hội thẩm, vấn đền này có quy định những chưa được cụ thể và chặt chẽ;

          - Vấn đề quản lý Thẩm phán được pháp luật quy định rõ như việc quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (Điều 16 Luật tổ  chức Toà án nhân dân). Việc quản lý đối với Hội thẩm (về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ) chưa rõ ràng. Đối với các Hội thẩm đang công tác thì về mặt tổ chức cơ quan chủ quản nơi họ công tác là đơn vị quản lý. Đối với những Hội thẩm TAND địa phương là người đã về hưu thì có ý kiến cho rằng do Bộ Tư pháp quản lý (vì theo tinh thần của Điều 16) và Hội thẩm chính là thành viên của Toà án; cũng có ý kiến cho rằng theo tinh thần của Điều 9, 25 thì Hội thẩm phải do TAND quản lý;

          - Theo quy định của pháp luật tố tụng, Thẩm phán tham gia nghiên cứu vụ án từ khi vụ án được thụ lý cho đến khi xét xử  và ra bản án, trong khi đó Hội thẩm chỉ tham gia khi xét xử vụ án. Nói một cách chính xác là Hội thẩm được nghiên cứu hồ sơ vụ án từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử;

          - Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán, bầu hoặc cử Hội thẩm có những điểm giống nhau. Những điểm khác biệt cơ bản là tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Thẩm phán nhất thiết phải có trình độ Đại học luật còn Hội thẩm chỉ cần "có kiến thức pháp lý" là đủ;

          - Theo quy định của pháp luật, Thẩm phán và Hội thẩm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động và chất lượng xét xử của mình. Đối với Thẩm phán thì vấn đề trách nhiệm được luật cũng như các văn bản dưới luật, quy chế của ngành, quy chế công chức quy định một cách khá đầy đủ và chi tiết, kèm theo cơ cấu tổ chức đảm bảo cho việc chấp hành. Mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị toà cấp trên cải sửa hoặc huỷ.v.v... Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo những mức độ nhất định. Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm của Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và hầu như không có cơ chế để ràng buộc nên rất khó kiểm soát, rất khó quy kết(2).

          Từ sự phân tích trên đây, ta thấy mặc dù là hai chức danh nhưng Thẩm phán và Hội thẩm đều là thành viên của Hội đồng xét xử và mục đích của họ khi xét xử các vụ án là làm sao xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm đúng thời hiệu theo quy định của pháp luật tố tụng. Nghiên cứu nguyên tắc "khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán (Điều 2 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân) chúng tôi cho rằng cần phải hiểu "sự ngang quyền" ở đây có tính chất tương đối mà thôi. Trong trường hợp này chỉ nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền xét xử theo pháp luật. "Ngang quyền" theo đúng nghĩa của nó phải là có thẩm quyền như nhau khi xem xét các tình tiết của vụ án, mà quá trình này được bắt đầu từ lúc nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử cho đến khi thẩm vấn tại phiên toà, thảo luận tại phòng nghị án và cuối cùng là thông qua bản án. Tất cả quá trình đó đều do Thẩm phán chuyên nghiệp - Chủ toạ phiên toà điều khiển. Sẽ là "thực sự ngang quyền" nếu như Hội thẩm có đầy đủ bản lĩnh của mình, có kiến thức pháp lý vững vàng, nghiên cứu hồ sơ một cách nghiêm túc. Ngang quyền ở đây còn có nghĩa là một thành viên Hội đồng xét xử là một lá phiếu khi quyết định các nội dung cụ thể của vụ án. Xuất phát từ những điểm khác biệt của hai chế định như đã phân tích ở trên nhưng pháp luật lại quy định họ được ngang quyền khi xét xử vụ án. Theo chúng tôi, trong tương lai gần đây cần phải nghiên cứu sâu hơn về nguyên tắc này. Chúng tôi cho rằng sự tham gia của Hội thẩm là thể hiện quan điểm, ý kiến của xã hội, của công dân đại diện cho trình độ hiểu biết về pháp luật ở mức trung bình của nhân dân để đánh giá hành vi cụ thể của người phạm tội. Từ đó cùng Thẩm phán giải quyết vụ án theo pháp luật.

          Theo quy định của Điều 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân: "Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề độc lập của hai chức danh này. Độc lập theo tinh thần của nguyên tắc này là Thẩm phán và Hội thẩm khi xem xét, đánh giá các chứng cứ cũng như khi đưa ra các quyết định của mình hoàn toàn độc lập với nhau, không phụ thuộc vào nhau. Trong khi thực thi nhiệm vụ họ chỉ bị phụ thuộc vào pháp luật, nhiệm vụ của họ là làm sao áp dụng pháp luật vào trường hợp cụ thể thật đúng đắn. Nhưng để họ thật sự độc lập cần phải có một cơ chế hữu hiệu, cần phải có những điều kiện khác để bảo đảm. ở đây, cũng cần phải nói rằng bản án của Toà án là một phán quyết thể hiện lao động của toàn bộ các cơ quan tư pháp, trong đó vai trò cầm cân nảy mực thuộc về Thẩm phán và Hội thẩm. Khó mà nói rằng tất cả Thẩm phán chuyên nghiệp không bao giờ có sai sót trong xét xử và cũng không thể phủ định một điều rằng Hội thẩm với vị trí pháp lý nhất định của mình đã luôn luôn cùng Thẩm phán đưa ra được những phán quyết đến mức "thấu tình' và "đạt lý".

          Từ sự phân tích trên đây chúng tôi đặt ra một số vấn đề sau đây:

          - Cần phải đào tạo hoặc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Hội thẩm để họ có thể "ngang quyền" hoặc "độc lập" với Thẩm phán. Biện pháp này mới chỉ là biện pháp nhất thời và vẫn chưa giải quyết được mấu chốt của vấn đề, chưa nói đến sự tốn kém trong việc đào tạo cho họ: đào tạo như thế nào? phương thức, thời gian ra sao? Theo chúng tôi Hội thẩm phải là người đại diện cho các tầng lớp xã hội, kiến thức của họ là kiến thức bao gồm các mặt của cuộc sống xã hội và chúng ta cần ở Hội thẩm những kiến thức này để làm phong phú thêm những kiến thức của Thẩm phán về mọi mặt.

          - Nếu chúng ta tăng cường số lượng Thẩm phán như có một số ý kiến đặt ra thì lúc đó chúng ta cần đặt ra quan điểm sự tham gia giám sát của xã hội, của quần chúng nhân dân làm gì nữa. Lúc đó rất có thể Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ trở thành diễn đàn tranh luận của các Thẩm phán chuyên môn. Mặt khác, tăng cường số lượng Thẩm phán cũng phải kèm theo rất nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội, pháp luật... gây những tốn kém nhất định cho Ngân sách Nhà nước.

          Vấn đề đặt ra không phải ở chỗ tăng hay giảm số lượng Hội thẩm hoặc không cần sự tham gia của Hội thẩm mà là sự tham gia của Hội thẩm đến mức nào trong quá trình xét xử vụ án. Có nghĩa là pháp luật phải quy định cho Hội thẩm được tham gia đến đâu khi giải quyết vụ án.

          Như vậy, để Hội thẩm nắm vững và thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của mình thì pháp luật về chế định Hội thẩm phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm có hiệu quả cho hoạt động của Hội thẩm trong xét xử./.

                                

(1). Xem: Quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán theo quy định của pháp luật hiện hành - PTS. Phạm Văn Lợi, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 8/1998, trang 1 - 4.

(2). Hiệu quả của công tác xét xử nhìn từ khía cạnh hoạt động và tiêu chuẩn của Hội thẩm - PTS. Chu Hải Thanh - Thông tin khoa học pháp lý số 1/1999, trang 19.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỘI THẨM NHÂN DÂN

                                                            Nguyễn Thị Hồng Tươi

                                         Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Toà án địa phương

I. Công tác Hội thẩm và một số chế độ chính sách hiện hành đối với Hội thẩm nhân dân

Chế độ Hội thẩm tham gia xét xử là một chế định quan trọng trong hoạt động xét xử của Toà án đã được quy định trong Hiện pháp và các văn bản Pháp luật khác có liên quan. Điều 129 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 2 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân đã quy định rõ “Việc xét xử của Toà án nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”.

Trước đây, tại Điều 64 - Hiến pháp 1946 (Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) cũng đã quy định: “Trong khi xét xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết địnhb với Thẩm phán nếu là việc đại hình”.

Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 của Nhà nước ta cũng có những quy định tương tự về sự tham gia xét xử của Hội thẩm.

Hoạt động xét xử của Toà án đòi hỏi phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy mới giữ gìn được kỷ cương trật tự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước. Để làm được điều đó, rất cần phải có những Thẩm phán chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn pháp lý, có kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời phải có Hội thẩm những người này có vốn sống thực tế, có mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, họ là những đại biểu của các giới, các dân tộc, các ngành, các tổ chức xã hội ... được bầu hoặc cử theo sự giới thiệu của các tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hoặc các cơ quan như Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn... Hội thẩm bổ sung những kinh nghiệm và tri thức nghề nghiệp cho các Thẩm phán bằng kinh nghiệm, vốn sống thực tế và tri thức của mình. Hội thẩm khác với Thẩm phán ở chỗ tuy tham gia xét xử nhưng không thoát ly sản xuất, công tác và các hoạt động xã hội khác, vì vậy Hội thẩm nắm được tình hình thực tế, hiểu biết phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng và dư luận có liên quan đến vụ án, làm cho việc áp dụng pháp luật, vận dụng đường lối xét xử phù hợp với từng vụ án cụ thể. Chính điều kiện sống và làm việc của Hội thẩm khác với Thẩm phán và các cán bộ viên chức Nhà nước nên khái niệm “quản lý Hội thẩm ” không nên đồng nghĩa với khái niệm quản lý hành chính, quản lý công chức ... , chẳng hạn, nếu Hội thẩm là công chức Nhà nước đương chức thì họ phải chịu sự quản lý của cơ quan theo Pháp lệnh công chức. Nếu Hội thẩm là công chức về hưu hoặc không phải là công chức Nhà nước thì họ phải chịu sự quản lý của chính quyền sở tại nơi họ cư trú. Phải chăng  việc quản lý Hội thẩm chính là việc nắm tổng thể số lượng, chất lượng Hội thẩm việc thực hiện chế độ chính sách theo quy định như: Phụ cấp xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm..

Điều 41 Luật tổ chức Toà án nhân dân quy định “các cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; Tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm làm nhiệm vụ xét xử. Hội thẩm được bồi dưỡng nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Điều 25, 26, 27 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân quy định:

Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự  phân công của Chánh án.

Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ, Chánh án Toà án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm

Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Căn cứ các quy định trên đây của Pháp luật, trong hoạt động của mình chánh án Toà án các cấp đã thể hiện trách nhiệm “quản lý” đối với Hội thẩm cụ thể là:

Phân công Hội thẩm tham gia xét xử.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm

Báo cáo số lượng và hoạt động của Hội thẩm khi có yêu cầu.

Thực hiện chi phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm theo quy định.

Bộ Tư pháp, với chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (trong đó có công tác Hội thẩm) tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong toàn quốc, cấp giấy chứng minh Hội thẩm biên soạn tài liệu, cấp kinh phí tập huấn Hội thẩm Nghiên cứu, đề xuất trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ đối với Hội thẩm.

Hoạt động xét xử là một loại hình lao động trí óc đặc biệt, đòi hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên toà phải hao tốn nhiều công sức và trí tuệ, bởi vậy chế độ phụ cấp phiên toà là một vấn đề rất cần thiết và đã được Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm trước đây. Trải qua quá trình lịch sử, do điều kiện kinh tế, xã hội ở mỗi gia đoạn khác nhau nên mức phụ cấp phiên toà cũng có sự biến động theo hướng mức phụ cấp ngày càng được nâng lên. Biểu so sánh

Phụ cấp phiên toà từ 1982  trở lại đây.

II. Một số kiến nghị về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân:

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân ngoài việc thường xuyên chăm lo đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ Hội thẩm, cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện chế độ chính sách đối với họ, nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia tích cực, nhiệt tình của họ đối với công tác xét xử. Tuy chế độ phụ cấp phiên toà đã được nâng lên cao hơn so với những năm trước đây, song về chế độ chính sách nói chung đối với Hội thẩm còn nhiều bất cập, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu.

1.Về trang phục xét xử đối với Hội thẩm: Trước đây,ở mỗi toà án đều có may sẵn trang phục xét xử để khi Hội thẩm đến làm nhiệm vụ xét xử thì sử dụng. Hiện nay không còn chế độ này, do vậy để đảm bảo tính trang nghiêm của phiên toà, nên có quy định trang phục thống nhất đối với Hội đồng xét xử. Hội thẩm nên có trang phục xét xử như Thẩm phán.

Hiện nay, trong khi chờ đợi chế độ chung của Nhà nước, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để giúp các toà án địa phương thực hiện việc trang cấp đó với Hội thẩm của địa phương mình, đây là một cách làm tốt có tác động thiết thực đối với Hội thẩm.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử tại phiên toà, tuy không phải là phổ biến nhưng cũng đã xảy ra một số tai nạn rủi ro đối với Hội thẩm nhất là đối với Hội thẩm không phải là công chức đương chức thì việc thực hiện chế độ với họ rất khó khăn, hầu như không có chế độ gì (ví dụ: ngã gãy chân, bị tâm thần nặng do đang ngồi xét xử bị bão lốc bất ngờ làm đổ nhà, bị thương... ). Nên chăng những trường hợp này cần được hưởng chế độ bảo hiểm như đối với công chức Nhà nước.

3. Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì Hội thẩm được cấp giấy chứng minh, nhưng việc sử dụng giấy chứng minh Hội thẩm chưa có ý nghĩa thiết thực trong khi thực thi nhiệm vụ, bởi vậy đề nghị giấy chứng minh Hội thẩm cần ghi rõ những qui định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn: Khi thi hành nhiệm vụ Hội thẩm được ưu tiên qua lại cầu phà, trên các tuyến giao thông công cộng...

Chế định Hội thẩm nhân dân là chế định đặc thù của hoạt động xét xử. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm không giống với việc thưc hiện chế độ chính sách đối với công chức Nhà nước nói chung. Hội thẩm tham gia xét xử vì lợi ích xã hội và là đại diện của quần chúng nhân dân, do vậy không chỉ lấy lợi ích vật chất để tính toán thiệt hơn, những kiến nghị trên đây chỉ có ý nghĩa bù đắp phần nào hao tốn về trí tuệ, sức lực của Hội thẩm và để tạo điều kiện động viên, khuyến khích Hội thẩm trong quá trình xét xử.

 

 

 

VỀ CÔNG TÁC HỘI THẨM NHÂN DÂN CỦA ĐOÀN HỘI THẨM

 TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Nguyễn Xuân Mai

Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

I. Quá trình hình thành và hoạt động của lực lượng HTND địa phương từ trước nhiệm kỳ 1995 - 1999:

Theo quy định tại Hiến pháp năm 1959 - 1980 và các văn bản pháp luật liên quan, từ khi hình thành TAND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây và TAND tỉnh sau này, đội ngũ HTND của TAND cấp tỉnh, huyện cũng đồng thời được UBMTTQ các cấp quan tâm lựa chọn, giới thiệu để HĐND bầu theo luật pháp hiện hành.

Nhìn chung việc lựa chọn, bầu cử HTND của TAND cấp tỉnh và cấp huyện vừa qua ở địa phương đã được coi trọng, nên đã xây dựng được một đội ngũ HTND các cấp có đủ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức xã hội, kinh nghiệm công tác và có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng, thật sự là người đại diện của nhân dân để tham gia quản lý Nhà nước về lĩnh vực pháp luật. Trong mỗi nhiệm kỳ, HĐND,  Sở Tư pháp và TAND tỉnh, thành phố cũng đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho HTND, hầu hết các vị HTND đã tích cực học tập, nâng cao kiến thức pháp luật, củng cố kiến thức xã hội và đã giành thời gian nhất định cho việc nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử tại Tòa án. Vì vậy nên trong thời gian qua, lực lượng HTND của địa phương đã phát huy được vai trò vị trí của mình, đã thật sự độc lập trong công tác xét xử, đồng thời hỗ trợ, bổ sung cho Thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử tại tòa.

Mặt khác, HTND cũng đã mạnh dạn, thẳng thắn đề xuất ý kiến của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, các tổ chức và Nhà nước.

Tại các phiên tòa, HTND cũng đã chú ý việc tuyên truyền, giải thích pháp luật cho các đương sự và công chúng nhằm giúp cộng đồng nâng cao ý thức và trình độ pháp lý, hạn chế những thiếu sót, vi phạm, ngăn ngừa tội phạm và giảm bớt tranh chấp dân sự, được TAND tỉnh đánh giá cao.

* Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ HTND trong các nhiệm kỳ này vẫn mang tính chất hoạt động đơn độc, sau khi được MTTQ giới thiệu và được HĐND bầu ra, HTND chỉ có một mối quan hệ duy nhất với TAND cùng cấp về công tác xét xử mà không có cơ quan, tổ chức nào quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát, việc hoạt động của HTND thường không đồng đều: có Hội thẩm thường xuyên tham gia xét xử nhưng cũng có một số Hội thẩm rất ít tham gia xét xử; tình hình công tác, đời sống của HTND thế nào cũng không được quan tâm giải quyết (có trường hợp một HTND qua đời, mãi sau đó mới biết). Nhược điểm này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ HTND và hưởng trực tiếp đến công tác xét xử của Tòa án các cấp. Làm cho chúng tôi suy nghĩ, trăn trở nhằm tìm ra mô hình tổ chức cho Hội thẩm.

II. Tình hình tổ chức và hoạt động của HTND nhiệm kỳ 1994 - 1999.

Do có quan điểm, nhận thức đúng đắn của Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh khóa II về vai trò vị trí, tầm quan trọng của HTND trong việc tham gia xét xử tại Tòa án, trong việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân về lĩnh vực pháp luật; đồng thời theo yêu cầu, nguyện vọng của tập thể HTND, trong nhiệm kỳ 1994 - 1999, Thường trực UBMTTQ và Trường trực HĐND tỉnh đã quan tâm, thống nhất thí điểm thành lập Đoàn HTND của tỉnh.

Thực hiện chủ trương nói trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn Hội đã họp toàn thể Hội thẩm để quán triệt chủ trương của UBMTTQ và HĐND tỉnh đồng thời bầu Ban lãnh đạo Đoàn Hội thẩm gồm Trưởng Đoàn và các Phó Đoàn. Sau đó Ban lãnh đạo Đoàn Hội thẩm đã họp phân công trách nhiệm cho các thành viên theo dõi từng lĩnh vực công tác của Đoàn và giữ mối liên hệ với HTND, TAND. Định kỳ 6 tháng, một năm, Ban liên lạc Đoàn Hội thẩm đều họp để thống nhất nhận định, đánh giá hoạt động của Đoàn Hội thẩm, xây dựng báo cáo của Đoàn và thống nhất ý kiến tham gia các hội nghị sơ, tổng kết hàngnăm của TAND.

Khi có những vụ việc đột xuất, liên quan đến trách nhiệm của HTND hoặc những vấn đề cần tham gia đóng góp kịp thời với TAND hoặc các cơ quan hữu quan thì Đoàn Hội thẩm báo cáo trực tiếp với Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND hoặc phối hợp với TAND và các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời, vì vậy đã hạn chế được những thiếu sót, vi phạm của HTND trong công tác xét xử. (ví dụ) một số vụ án.

Việc hình thành Đoàn HTND của tỉnh đã có một số tác dụng chính sau đây:

1. Đã khắc phục được tình trạng hoạt động độc lập, phân tán trước đây của HTND. Đã tập hợp được HTND vào tổ chức, qua đó giúp đỡ UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh quản lý và nắm vững, kịp thời về hoạt động, đời sống của HTND để có chỉ đạo, động viên, giúp đỡ.

2. Đã tăng cường được việc theo dõi, quản lý hoạt động xét xử của HTND, phối hợp với TAND trong việc điều phối tham gia xét xử Hội thẩm nên đã khắc phục tình trạng hoạt động không đều của đội ngũ HTND hoặc lựa chọn các HTND có năng lực, kinh nghiệm tham gia các vụ án trọng điểm.

3. Đã phát hiện và giải quyết kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác xét xử nói chung và của HTND nói riêng.

4. Đã tạo được mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác, tương thân, tương ái trong đội ngũ HTND, quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn đối với HTND làm cho Hội thẩm ngày càng quan tâm, gắn bó với tập thể, với công tác xét xử và hiệu quả công việc hơn trước.

5. Đã tập hợp và tạo được tiếng nói chung của đội ngũ HTND đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử; xây dựng, tuyên truyền phố biến pháp luật ở địa phương.

6. Đã xây dựng, đào tạo được một đội ngũ HTND tương đối đồng đều về nghiệp vụ có phẩm chất, đạo đức tốt đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm đại diện cho các tầng lớp nhânb dân tham gia công tác pháp luật và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân.

7. Hoạt động của Đoàn HTND và của các thành viên trong nhiệm kỳ này đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ, hàng năm được TAND tỉnh, Thường trực HĐND, Thường trực UBMTTQ, Ban nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát và Công an tỉnh đánh giá cao.

Ngày 15/10/1999, được sự đồng ý của Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh,  Đoàn Hội thẩm HTND tỉnh đã mở hội nghị tổng kết nhiệm kỳ, một lần nữa HTND và các cơ quan hữu quan đã khẳng định vai trò vị trí của HTND, xác định những cố gắng tiến bộ, thành tích đã đạt được của HTND và đặc biệt sự cần thiết duy trì, phát triển mô hình Đoàn HTND của địa phương.

III. Sự quan tâm của Thường trực UBMTTQ, Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan của tỉnh đối với đội ngũ HTND:

Để xây dựng một đội ngũ HTND thật sự có năng lực trong công tác, vững về chuyên môn nghiệp vụ; có phẩm chất đạo đức tốt để đảm đương nhiệm vụ nặng nề trong công tác xét xử, tuyên truyền phổ biến và tham gia xây dựng pháp luật, trong 5 năm qua, Thường trực HĐND và cá cơ quan hữu quan, đặc biệt là Thường trực HĐND đã quan tâm giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất cho HTND như:

- Mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho HTND.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tạo điều kiện cho HTND hoạt động; chấp thuận và giải quyết kịp thời những đề xuất hợp lý mà Đoàn Hội thẩm trình lên.

- Cấp phát trang phục và phương tiện làm việc cho Hội thẩm (1 bộ Vettong, 1 cặp tài liệu và có quà tặng hội nghị tổng kết nhiệm kỳ); xét xử, giải quyết việc nâng mức phụ cấp xét xử cho HTND từ 10 ngàn đồng/1 người/1 ngày (năm 1995 lên 37,5 ngàn đồng/1 ngày/1 người (năm 1996 - 1997), 50 ngàn đồng /1 ngày/1 người (từ tháng 10/1997 đến nay).

- Hằng năm vào dịp tổng kết của ngành TAND tỉnh, đối với các vị HTND có thành tích xuất sắc đều được TAND tỉnh cấp giấy khen và trặng hiện vật.

Riêng Đoàn HTND, ngoài sự giúp đỡ của Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan về vật chất, tinh thần. Bản thân Đoàn cũng đã có những biện pháp gần gũi quan tâm chăm sóc các thành viên của mình hơn trước. Dựa trên tinh thần tự nguyện của HTND, Ban liên lạc Đoàn đã đề xuất việc xây dựng quỹ của Đoàn, mỗi vị Hội thẩm đóng 5.000/1 tháng cho quỹ.

Tiền quỹ được giao cho 1 đồng chí Phó trưởng Đoàn thu, quản lý. Quỹ được chi chủ yếu cho việc thăm hỏi đối với các thành viên khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời. Ngoài ra dùng một phần chi cho các hoạt động cần thiết của Ban liên lạc Đoàn (mua giấy, in ấn tài liệu, báo cáo...).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được và những thành tích, kết quả trên, chúng tôi thấy hoạt động của Đoàn HTND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số khuyết điểm, cần khắc phục như:

- Mối quan hệ giữa các HTND chưa thật chặt chẽ, do vậy cần duy trì sinh hoạt của Đoản thường xuyên, đều đặn hơn, cải tiến nội dung sinh hoạt... để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn và các thành viên.

- Tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với Tòa án và các cơ quan hữu quan nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót trong xây dựng và thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Chúng tôi thấy mô hình Đoàn HTND trong nhiệm kỳ vừa qua là cần thiết và có hiệu quả, đề nghị Bộ Tư pháp, UBMTTQ, HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét duy trì và phát triển.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM TOÀ ÁN NHÂN DÂN Ở NGHỆ AN THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

                                                              Nguyễn Văn Hiền

                                          Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An

I. VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM TOÀ ÁN NHÂN DÂN TẠI NGHỆ AN

Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên 16.370 km2, với số dân gần 2,9 triệu người, có 19 đơn vị hành chính cấp huyện; Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò, trong đó có 10 huyện miền núi và vùng núi cao, có nhiều cộng đồng người dân tộc như Kinh, Thổ, Hmông, Thái, Đan lai, Khơ mú... cùng sinh sống. Do đặc điểm địa lý và sự phân bổ dân cư như vậy, nên Toà án và Hội thẩm TAND cấp huyện cũng được tổ chức và hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế đó.

Theo quy định về số lượng, hiện nay Nghệ An có tổng số 318 Hội thẩm trong đó Hội thẩm TAND tỉnh là 25, Hội thẩm TAND cấp huyện là 293, số có trình độ đại học luật ở tỉnh có 18 (chiếm tỷ lệ 72%), cấp huyện có 2 (chiếm tỷ lệ 0,7%); đại học khác 59, chiếm tỷ lệ gần 20%; số còn lại có trình độ trung cấp và sơ cấp. Về ngành nghề, dân tộc, giới tính trong tổng số 293 Hội thẩm TAND cấp huyện được phân bổ như sau:

Nữ: 60 (chiếm gần 20,5%);

Dân tộc ít người: 60 (chiếm gần 20,5%);

Đoàn thanh niên: 26 (chiếm 8%);

Ngành giáo dục: 25 (chiếm gần 8%);

Các ngành kinh tế: 17 (chiếm 5%);

Các ngành nghề khác: 165 (chiếm 56%).

Nhìn chung trên tổng thể về trình độ của Hội thẩm nhân dân là không đồng đều. Một thực tế cho thấy có nhiều hạn chế về trình độ, nhất là về kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức pháp lý. Chính tình hình đó đã phản ánh sự tham gia hoạt động xét xử của Hội thẩm cũng diễn ra không đồng đều. Nếu theo số liệu của TAND tỉnh thì hàng năm các Hội thẩm đã tham gia xét xử hàng trăm vụ án các loại. Bình quân một năm một Hội thẩm TAND tỉnh đã tham gia xét xử 28 vụ. Tuy vậy cũng phải kể đến có Hội thẩm suốt cả nhiệm kỳ không tham gia xét xử vụ án nào. ở cấp huyện tình hình cũng như vậy. Hàng năm các Hội thẩm TAND cấp huyện đã tham gia xét xử hàng ngàn vụ án các loại. Bình quân một Hội thẩm TAND cấp huyện một năm tham gia xét xử được 8 vụ. ở những nơi có số lượng án nhiều như thành phố Vinh và một số huyện như Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu... thì số vụ tham gia xét xử đối với một Hội thẩm là 29 vụ án các loại. Tuy vậy, thực tế vẫn có một số Hội thẩm TAND cấp huyện vì những lý do khác nhau nên hàng năm không có điều kiện để tham gia xét xử.

Nói tóm lại: Hoạt động của Hội thẩm TAND trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động xét xử, giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và cả cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời từ thực tiễn hoạt động cũng bộc lộ những hạn chế, những thiếu sót cần được khắc phục, cần được đổi mới để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hoà nhập với cộng đồng thế giới.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC ĐẶT RA GIẢI QUYẾT TỪ THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA HỘI THẨM TAND Ở ĐỊA PHƯƠNG

1. Cần đặt đúng vị trí của Hội thẩm TAND trong hoạt động xét xử.

Chế định Hội thẩm có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án. Chính bằng chế định Hội thẩm nhân dân mà những lợi ích thiết thực và trách nhiệm thật sự của nhân dân đối với công việc của Nhà nước và của xã hội được tụ hội lại. Hoạt động của Toà án là một bộ phận của hoạt động Nhà nước. Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của Toà án là biểu hiện của việc nhân dân thực hiện quyền lực của mình tham gia trực tiếp vào công việc của Nhà nước.

Trong hoạt động xét xử của Toà án, một yêu cầu có tính nguyên tắc xuyên suốt là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đó cũng chính là biểu hiện tập trung dân chủ. Để thực hiện điều đó đương nhiên cần phải có những Thẩm phán chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn pháp lý. Những kinh nghiệm hoạt động xã hội, vốn hiểu biết đời sống thực tế, mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng là những yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động xét xử. Chính Hội thẩm là đại biểu cho các giới, các ngành, các lĩnh vực hoạt động xã hội, các vùng dân tộc khác nhau...sẽ đáp ứng, bổ khuyết được những yếu tố đó cho các Thẩm phán chuyên nghiệp. Bản chất của chế định Hội thẩm không phải ở chỗ thiếu sự tham gia của Hội thẩm vào hoạt động xét xử của toà án sẽ tạo ra nguy cơ lạm quyền của các Thẩm phán chuyên nghiệp mà chính là ở chỗ Hội thẩm là những người bổ sung những kinh nghiệm và tri thức nghề nghiệp cho công tác xét xử của Toà án bằng kinh nghiệm cuộc sống và tri thức của mình. Dù giỏi đến mấy thì một Thẩm phán cũng không thể am hiểu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính Hội thẩm là người bổ sung cho những hạn chế đó. Hội thẩm là những người tham gia xét xử nhưng vẫn không thoát ly sản xuất, công tác và các hoạt động xã hội. Nhờ vậy, Hội thẩm nắm được rõ tình hình thực tế, hiểu biết các phong tục, tập quán địa phương, tâm tư, nguyên vọng, dư luận có liên quan đến vụ án, giúp cho việc áp dụng pháp luật, vận dụng đường lối xét xử phù hợp với từng vụ án cụ thể.

Trải qua một thời kỳ phát triển trên 50 năm của Nhà nước Việt Nam, chế định Hội thẩm luôn được khẳng định trong Hiến pháp. Tuy vậy, thực tế trong nhận thức của các cấp, các ngành, và thậm trí ngay cả bản thân của chính các Hội thẩm TAND ở địa phương cũng chưa nhận rõ và thấy hết vị trí và ý nghĩa quan trọng của chế định Hội thẩm TAND trong xét xử của Toà án. Vì vậy, trong thực tiễn cho đến nay vẫn chưa định hình được một cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động của Hội thẩm nhân dân ở địa phương đúng với vị trí pháp lý của nó. Thực tiễn đòi hỏi sớm phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

2. Cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND.

Qua công tác quản lý Toà án cấp huyện và thực tiễn xét xử của Toà án, một trong những vấn đề đặt ra cần được xem xét một cách nghiêm túc đó là những hạn chế của Hội thẩm khi tham gia Hội đồng xét xử các vụ án.

Theo quy định của pháp luật, việc xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân và gia đình ở các Toà án đều do một Hội đồng xét xử thực hiện, có một, hai hoặc ba Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, nghĩa là được sử dụng tất cả các quyền như Thẩm phán và sử dụng tất cả các quyền mà pháp luật quy định cho Hội đồng xét xử. Và cũng như Thẩm phán, khi xét xử, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chính điều này đã nói lên bản chất dân chủ trong hoạt động xét xử của TAND và khẳng định địa vị pháp lý của Hội thẩm.

Thực tiễn cho thấy để làm được điều đó, đòi hỏi Hội thẩm ngoài những yêu cầu về cơ cấu như giới tính, dân tộc, ngành nghề... thì còn phải có một trình độ nhất định về chuyên môn, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mặt bằng dân trí ngày càng cao. Ưu thế của Hội thẩm là tham gia xét xử nhưng không thoát ly khỏi đơn vị sản xuất, công tác, nhưng điều đó không có nghĩa là không tính đến yêu cầu về mặt trình độ chuyên môn. Thực tế ở địa phương có không ít Hội thẩm nhất là ở TAND cấp huyện, miền núi, vùng cao, quá trình tham gia xét xử thật sự còn hạn chế, từ việc nghiên cứu hồ sơ, việc xem xét đánh giá tính khách quan, tính xác thực, tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đến việc tham gia thẩm vấn tại phiên toà và nghị án. Do vậy, sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa phát huy được địa vị pháp lý của Hội thẩm TAND trong hoạt động xét xử. Có không ít vụ án, nếu như Hội thẩm thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, thì chắc rằng sẽ hạn chế được oan, sai và thiếu sót. Điều đáng nói ở đây là chưa có một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

Mặt khác, xét xử của Toà án là một hoạt động rất đặc biệt, đòi hỏi rất cao ở tri thức của nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, ở kinh nghiệm phong phú và đa dạng của cuộc sống, ở lương tâm và trách nhiệm, phán quyết của Toà án không chỉ thể hiện tính có căn cứ, đúng pháp luật mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Chính điều đó đặt cho các cấp, các ngành hữu quan và cho chính ngay cơ quan Toà án ở địa phương là phải có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Toà án, để xây dựng hoàn thiện công tác Hội thẩm TAND ngay từ lúc lựa chọn, giới thiệu, bầu cử và đề cao trách nhiệm của chính bản thân từng Hội thẩm trong thực tế hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động xét xử của TAND.

3. Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác Hội thẩm TAND ở địa phương.

Có thể nói hoàn thiện chế định Hội thẩm TAND là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước nói chung và quá trình cải cách nền tư pháp ở nước ta nói riêng. Đây không phải là công việc của một ngành, một cấp mà là nhiệm vụ của các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp uỷ Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác Hội thẩm TAND ở địa phương. Một thực tế cho thấy là lâu nay khi đề cập tới công tác xét xử, chúng ta mới chỉ chú ý tập trung nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán, thư ký trong các cơ quan Toà án, chứ chưa đặt vấn đề đúng mức cho sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội thẩm

Nếu thừa nhận rằng Hội thẩm TAND là một chế định đảm bảo thực hiện dân chủ trong xét xử của TAND, và để đảm bảo tính hiện thực về địa vị pháp lý của Hội thẩm khắc phục tính hình thức trong hoạt động xét xử thì tất yếu các cấp uỷ Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác Hội thẩm Có như vậy mới nâng cao được chất lượng hoạt động để khi tham gia Hội đồng xét xử, Hội thẩm có thể sử dụng được tất cả các quyền mà pháp luật quy định cho Hội đồng xét xử.

III. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ GÓP PHẦN HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM TRONG CẢI CÁCH TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM.

Có thể nói thực tiễn hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND ở địa phương mà chúng tôi biết, đặt ra rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện. Với giới hạn của mình, chúng tôi xin nêu một vài kiến nghị cụ thể:

1. Cần sớm xây dựng cụ thể tiêu chuẩn hoá Hội thẩm TAND theo thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Điều 53 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND ngày 14/5/1993 quy định Chính phủ và TAND tối cao trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện. Hoạt động xét xử của Hội thẩm không phải là chuyên trách, nhưng xuất phát từ đặc điểm của hoạt động tài phán và từ địa vị pháp lý do Hiến pháp quy định, nên tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân ngoài những quy định chung như Điều 4 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì cũng cần được quy định cụ thể về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, độ tuổi, ngoại hình, thâm niên công tác hoặc thời gian tham gia hoạt động xã hội, nghề nghiệp...đối với từng cấp xét xử. Vấn đề cần đặt ra là ngay từ khi chuẩn bị lựa chọn nhân sự để bầu làm Hội thẩm đã phải tính ngay đến khả năng khả thi trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Dĩ nhiên có tính đến cơ cấu ngành nghề, vùng dân cư...nhưng phải lấy tiêu chuẩn làm căn cứ trước hết. Khi tham gia Hội đồng xét xử thì Hội thẩm và Thẩm phán đều có quyền ngang nhau và độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vì thế không thể xem nhẹ và càng không thể hạ thấp tiêu chuẩn của Hội thẩm TAND.

2. Cần xây dựng mô hình quản lý công tác Hội thẩm TAND.

Xuất phát từ đặc điểm hoạt động của Hội thẩm TAND là kiêm nhiệm và theo nhiệm kỳ của HĐND, mà ngoài sự quản lý cuả đơn vị chủ quản cũng nên có một cơ quan quản lý thống nhất để thực hiện chế độ chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm

Quy định như hiện nay vẫn chưa xác định rõ cơ quan Tư pháp hay Toà án chịu trách nhiệm quản lý công tác Hội thẩm - thiết nghĩ nên giao cho cơ quan tư pháp quản lý từ khâu chuẩn bị nhân sự để Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm đến công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm Có thể nói rằng chỉ khi nào giao trách nhiệm cho một cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất công tác Hội thẩm thì mới khắc phục được tình trạng phân tán như hiện nay, và có như vậy thì mới có cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm chính đối với công tác Hội thẩm

3. Cần xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xét xử cho Hội thẩm TAND.

Để Hội thẩm TAND thực hiện được nhiệm vụ xét xử, ngoài những kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về ngành nghề, lĩnh vực mà Hội thẩm tham gia hoạt động thì việc đảm bảo cho Hội thẩm có được những kiến thức cơ bản nhất về hoạt động xét xử cũng là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm cần được biên soạn thành nội dung chương trình để tất cả những người được bầu làm Hội thẩm đều được bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian ít nhất từ 1 tháng đến 3 tháng. Việc này Bộ Tư pháp có thể giao cho Trường Đại học Luật biên soạn nội dung chương trình thống nhất để các địa phương thực hiện. Làm được như vậy, nhất định người làm công tác Hội thẩm sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn và chất lượng công tác tham gia xét xử tốt hơn. Cần sớm khắc phục cách làm hời hợt, phân tán như thực tế lâu nay đã làm.

4. Nhà nước cần có kinh phí phục vụ công tác Hội thẩm

Bất cứ một hoạt động nào cũng cần có kinh phí. Hoạt động của Hội thẩm TAND tuy không phải là chuyên trách nhưng do tính chất đặc biệt của hoạt động xét xử, Hội thẩm cũng cần được trang bị những điều kiện tối thiểu để bảo đảm hoạt động như trang phục khi xét xử, phương tiện làm việc, học tập bồi dưỡng, hội họp... Nguồn kinh phí này cần được đưa vào dự toán và cấp cho cơ quan quản lý công tác Hội thẩm Cơ quan được cấp kinh phí có trách nhiệm quyết toán với cơ quan tài chính về nguồn kinh phí này.

Tóm lại: Việc hoàn thiện tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với Hội thẩm cũng như việc xây dựng và áp dụng các chế độ chính sách phù hợp bảo đảm hoạt động có hiệu quả của Hội thẩm TAND ở địa phương là yêu cầu khách quan hiện nay. Chỉ trên tinh thần đáp ứng được yêu cầu đó, chế định Hội thẩm nhân dân mới thực sự là hình thức thực hiện dân chủ trong hoạt động tài phán của Toà án, là một trong những phương thức tham gia của nhân dân vào quản lý công việc của Nhà nước, của xã hội, là bước đi của nhân dân trên con đường tiến tới xã hội văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.

 

 

 

VAI TRÒ CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN QUA THỰC TIỄN XÉT XỬ Ở TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ HỘI

Đặng Xuân Mai

Hội thẩm TAND TP. Hà Nội

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội, công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự có nhiều sôi động, đôi khi nóng bỏng, dư luận luôn quan tâm theo dõi. Đó là, đấu tranh chống buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy, chống các hoạt động xâm phạm trật tự trị an; giết người, cướp của bằng xe máy phân khối lớn, hiếp dâm, trộm cắp có tổ chức. Có lúc rộ lên hiện tượng rạch mặt trẻ em, làm cho bao người lo lắng.

Trong công tác đấu tranh đó, hoạt động xét xử của các Tòa án trong toàn thành phố đã làm nổi lên những dấu ấn tích cực, thể hiện rõ đường lối xét xử của Đảng, Nhà nước, trừng trị nghiêm khắc bọn mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy, bọn côn đồ hung hăng, cướp của giết người, bọn tội phạm nguy hiểm. Nổi bật là vụ Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn tổ chức mua bán Heroin và vụ Dương Văn Khánh cùng đồng bọn giết người, cướp của và những vụ thuộc “hậu Vũ Xuân Trường”.

Việc xét xử trong toàn thành phố những năm qua đạt được kết qủa cao, trong đó phần quan trọng do việc chuẩn bị xét xử của Thẩm phán, mặt khác Hội thẩm nhân dân cũng góp phần tích cực để đạt đến kết quả đó.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử án hình sự.

Qua thực tiễn thấy rõ, trong xét xử, Hội thẩm nhân dân đã cùng Thẩm phán hình thành một tổ chức sắc bén bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đã cùng các ngành khác: Công an, Kiểm sát đấu tranh có hiệu quả, kịp thời chống tội phạm hình sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đại bộ phận các quyết định xét xử là có sự thống nhất cao giữa Hội thẩm nhân dân nhân và Thẩm phán. Sự thống thống nhất đó thể hiện ý thức cùng chung vai sát cánh giữa Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội. Tuy vậy, không tránh khỏi những vướng mắc nhỏ xuất phát từ nhận thức về tội phạm, trong định tội, định mức hình phạt, nên mỗi năm có chừng 3 đến 4 vụ chưa thống nhất giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, dẫn đến quyết định mức án theo đa số nghiêng về phía Hội thẩm, chẳng hạn như vụ Quản Ngọc Ninh mà báo chí đã nêu. Ngày 29/4/1996 Công an thành phố Hà Nội bắt quả tang Quản Ngọc Ninh đang vận chuyển 2 bánh bột mầu trắng, khám nhà Ninh thu thêm 2 bánh bột mầu trắng, tổng cộng 4 bánh bột có trong lượng 1,4 kg. Kết quả giám định xác định 4 bánh bột trắng trên là Heroin. Ngày 14/11/1996 phiên tòa sơ thẩm Tòa án thành phố tuyên phạt Ninh tù chung thân và phạt tiền 70 triệu đồng. Sau đó, gia đình bị cáo đã nộp 70 triệu đồng tiền phạt. Ngày 27/3/1997 đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà nội, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã y án sơ thẩm. Ngày 8/9/1997 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ để xét xử sơ thẩm ở mức án cao nhất đối với bị cáo Ninh. Ngày 25/12/1997 Tòa án nhân dân thành phố xử sơ thẩm lần 2, tuyên án chung thân đối với Quản Ngọc Ninh, bản án quyết định theo đa số nghiêng về Hội thẩm nhân dân. Viện kiểm sát thành phố Hà Nội có kháng nghị ngày 14/7/1998, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tuyên xử tử hình đối với Quản Ngọc Ninh.

1. Vai trò của Hội thẩm nhân dân khi thưc hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong xét xử án hình sự.

a. Việc thực hiện quyền trong xét xử:

Khi được phân công tham gia xét xử một vụ án, Hội thẩm nhân dân nhất thiết phải có thời gian đọc hồ sơ. Có những vụ án điểm, như Vũ Xuân Trường, Dương Văn Khánh, các Hội thẩm, (cả Hội thẩm dự bị) phải đọc hồ sơ 14, 15 ngày liền. Nhiều vụ, Hội thẩm phải đọc trong 2, 3 ngày. Cũng có vụ chỉ cần đọc trong 2, 3 giờ là đọc xong hồ sơ, vì bị cáo đã nhận tội, tội phạm đã rõ ràng do bị bắt quả tang hoặc do tài liệu chứng minh trong hồ sơ đã đủ. Có hồ sơ, Hội thẩm đọc xong phải trao đổi với Thẩm phán về tính chất tội phạm, về chứng cứ chứng minh tội phạm. Qua việc nghiên cứu hồ sơ này, đã hình thành sự thống nhất với Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa về kế hoạch tiến hành phiên tòa, kế hoạch thẩm vấn.

Trong thực tiễn, cũng có trường hợp không kịp đọc hồ sơ, như những lúc đến ngày xét xử, Hội thẩm đến, phiên tòa hoãn xử, trong khi đó ở một vụ khác lại vắng Hội thẩm. Đồng chí phụ trách Hội thẩm điều người vào thay thế. Ở trường hợp này người được điều ngồi xét xử chỉ còn kịp đọc cáo trạng, nghe lời khai bị cáo, người bị hại, xem xét chứng cứ. Những trường hợp này không nhiều, nhưng cũng có xảy ra, nhất là ở các tháng 6 và 12 là những tháng phải xét xử nhiều.

Khi thực hiện việc xét hỏi tại tòa, nếu bị cáo nhận tội, hoặc có thể không nhận một phần, nhưng chứng cứ đã đủ, tính chất tội phạm đã được đánh giá trong lúc hỏi cung bị cáo; các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cũng được làm sáng tỏ; vấn đề dân sự trong vụ án cũng đã làm rõ; ở trường hợp này, phiên tòa thường có sự nhất trí cao giữa Thẩm phán và Hội thẩm. Ví dụ như phiên tòa xét xử một bị cáo làm phụ xe quê ở Buôn Ma Thuột. Khi xe đến bến xe phía Nam Hà Nội, vì tham anh ta đem giấu gói tiến  10 triệu đồng của lái xe. Khi lái xe hỏi, anh ta không nói. Lúc lái xe đưa anh ta đến Công an bến xe tố cáo sự việc, anh ta thú nhận và đưa trả lại gói tiền. Anh ta bị bắt giam 11 tháng mới đưa ra xét xử. Hội đồng xét xử nghe anh ta khai thành thật về lòng tham bỗng chốc đến nên có chung một đánh giá về hành vi phạm tội của anh ta. Gia đình anh ta không có ai ở Hà Nội. Hội đồng xét xử nhất trí xử phạt số tháng tù đủ để tha ngay anh ta. (Sau đó các thành viên ngồi xét xử mỗi người phải cho anh ta 20.000 để anh ta lấy tiền đi xe về quê).

Khi xét hỏi tại tòa, dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, Hội thẩm tham gia hỏi bị cáo, người làm chứng, giám định viên, người bị hại, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, xem xét chứng cứ, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có tội hay không có tội, mức độ tội phạm, lỗi của từng bị cáo.v.v..

Cuối cùng, quyền của Hội thẩm nhân dân là xác định bị cáo có tội hay không, hình phạt như thế nào và các biện pháp tư pháp khác. Thông thường sau khi xét hỏi xong, kết luận buộc tội của Kiểm sát viên ngồi ghế công tố, lời bào chữa của luật sư hoặc chính bị cáo tự bào chữa, thỉnh cầu của người bị hại, đã hình thành một quyết định tương đối nhất trí giữa Hội thẩm và Thẩm phán. Trong khi nghị án, đại đa số trường hợp quyết định của Tòa án là sự nhất trí cao giữa Hội thẩm và Thẩm phán. Cũng có nhiều trường hợp quá trình xét hỏi bị kéo dài để làm rõ chứng cứ và các tình tiết giảm nhẹ. Trong những trường hợp này thường có sự đánh giá khác nhau về tính chất tội phạm, về mức độ lỗi của can phạm. Do đó việc đề xuất mức án có khác nhau. Nhưng cuối cùng sau khi bàn bạc, lại thống nhất với nhau trong Hội đồng xét xử.

b. Việc thực hiện nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân:

Khi nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi bị cáo tại tòa cũng như  ra quyết định trong phòng nghị án, Hội thẩm nhân dân sử dụng kiến thức của mình, tham gia tích cực vào việc xác định các tình tiết thực của vụ án, trong việc xem xét chứng cứ, hỏi cung, trong việc góp ý kiến thích hợp khi xét xử những vụ án phức tạp, trong việc thực hiện nguyên tắc: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

c. Trách nhiệm của Thẩm phán - Chủ tọa đối với Hội thẩm nhân dân:

Trong thực tiễn, Thẩm phán - Chủ tọa đã tạo điều kiện để Hội thẩm nhân dân hiểu rõ  được vụ án, gợi ý đi sâu nghiên cứu những vấn đề gì có khúc mắc trong hồ sơ vụ án. Có những vụ án phức tạp, Thẩm phán - Chủ tọa còn yêu cầu Hội thẩm nghiên cứu sâu một vấn đề nào đó, chẳng hạn như nghiên cứu về hiện trường, về kết luận của giám định viên.v.v... Do đó, đã tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa Hội thẩm và Thẩm phán ngay  từ khi nghiên cứu hồ sơ.

Khi xét hỏi tại tòa, các Thẩm phán thường tạo điều kiện cho Hội thẩm hỏi bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan và xem xét các chứng cứ tại tòa. Chính nhờ đó, Hội thẩm cảm thấy mình là người trong cuộc và thực  hiện được quyền và nghĩa vụ của mình.

Khi nghị án, Thẩm phán - Chủ tọa nêu những vấn đề cần thảo luận và khi quyết định, các Hội thẩm nhân dân được phát biểu trước. Do đó đã tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân phát huy được vai trò của mình khi ra quyết định cuối cùng. Thực tiễn có những trường hợp phải bàn đi bàn lại do nhận thức cụ thể về các tình tiết vụ án, về chính sách xét xử có chỗ không giống nhau và lúc đó phải xin ý kiến chỉ đạo xét xử.

2. Những yếu tố làm hạn chế vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử:

 Sự nhận thức khác nhau về tính chất tội phạm, mức độ lỗi của can phạm là do:

Tài liệu điều tra ban đầu có thể là thiếu sót. Nếu vụ án nào tài liệu điều tra ban đầu chệch choạc, mâu thuẫn thì khi xét hỏi, thế nào cũng bộc lộ. Chính đó là cơ sở để tạo ra những phân vân, thắc mắc trong xử lý.

Ví dụ: trường hợp vụ giết người ở Hàng Chiếu xảy ra ngày 24/3/1991, nhiều nhân chứng phát hiện Dương Văn Khánh (Khánh Trắng) đâm chết Nguyễn Đức Thắng khi Khánh ngồi lên xích lô đưa Thắng đến Công an phường Đồng Xuân. Cơ quan điều tra đã bỏ qua các tài liệu đó, chỉ truy xét một số người về tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngày 28/9/1996 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên toa tái thẩm và ra quyết định hủy bản án hình sơ thẩm ngày 31/12/1991 để điều tra, truy tố lại. Cuối cùng cuộc điều tra xác định chính Dương Văn Khánh đã đâm chết Nguyễn Đức Thắng.

Có trường hợp phương pháp đánh giá chứng cứ khác nhau. Như vụ Lê Văn Trường bị truy tố về tội làm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của người khác 300 triệu đồng, theo Điều 158 khoản 3. Khi xét hỏi tại tòa, Trường khai do chơi lô đề bị thua phải viết giấy là vay nợ và thế chấp ngôi nhà. Người cho vay khai về từng thời gian cho vay từng khoản tiền trước sau không thống nhất. Giấy thế chấp nhà lại giả mạo chữ ký của người vợ. Việc xét hỏi kéo dài cả ngày. Kiểm sát viên ngồi ghế công tố kết luận Trường phạm tội lạm dụng tín nhiệm, luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo cho rằng Trường không phạm tội đó, cuối cùng Hội đồng xét xử nhận thấy chứng cứ về việc vay, mượn, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt không rõ, có thể đây là sự biến hóa của hình thức cờ bạc lô đề mà cơ quan điều tra chưa làm rõ được. Vì vậy phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ.

Hay như Đào Thị Xuân bị bắt ngày 13/8/1997 đang bán hai tép Heroin cho con nghiện tại nhà. Tại cơ quan Công an, thị khai đã hai lần bán Heroin, nhưng tại tòa, thị một mực khai chỉ có một lần bán và bị bắt. Hai lần là nhiều lần, mà nhiều lần bán Heroin là lên khung 2 từ 10 - 15 năm tù. Công tố buộc tội là phạm tội nhiều lần, luật sư biện hộ bị cáo chỉ có 1 lần phạm tội đề nghị đưa xuống khung 1. Lời khai ban đầu của bị can nhận bán hai lần là có thể tin được, nhưng thiếu chứng cứ khác chứng minh lời khai đó. Hội đồng xét xử thống nhất xử dưới khung là 7 năm tù và phạt 20 triệu đồng.

Do nhận thức về chính sách xét xử, trong một vụ án có nhiều bị cáo cần có chính sách phân hóa, đề ra mức án hợp lý để thể hiện chính sách phân hóa.

b. Ý kiến của lãnh đạo tòa:

Theo Điều 31 Luật tổ chức Tòa án nhân dân (1992) thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Tổ chức công tác xét xử; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán và Hội thẩm... Như vậy, lãnh đạo tòa có thể chỉ đạo chung để đường lối xét xử được thống nhất. Tuy nhiên không nên chỉ đạo từng vụ án cụ thể, làm giảm tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng xét xử.

Về đạo tạo, bồi dưỡng và huấn luyện chuyên môn cho Hội thẩm, theo chúng tôi, để thực hiện được việc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật với ya nghĩa của nó, phải có chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật thống nhất cho Hội thẩm nhân dân, về kiến thức thu thập chứng cứ, về các yếu tố cấu thành tội phạm, về chính sách xét xử hình sự.v.v... Lớp bồi dưỡng này phải là chương trình bắt buộc của mỗi khóa Hội thẩm nhân dân.

KẾT LUẬN

Trong xét xử hình sự, nhất thiết phải có Hội thẩm nhân dân. Nó thể hiện sự tham gia của các đoàn thể xã hội, các nhà chuyên môn, ngành nghề, với kinh nghiệm xã hội - chính trị - nghề nghiệp của mình tham gia vào việc xét xử, với cương vị ngang với Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân tham gia tích cực vào việc xác định các tình tiết vụ án, xem xét chứng cứ, tham gia hỏi cung bị cáo, người bị hại, nhân chứng, giám định viên và xem xét các hoạt động điều tra, từ đó giúp Tòa án điều tra đánh giá đúng các tình tiết vụ án, xác định đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; tạo điều kiện nâng cao tính xác thực, tính thuyết phục của quyết định của Tòa án, củng cố được tác dụng giáo dục của sự phán xử tại Tòa án.

Đó là sự thể hiện dân chủ trong xét xử, thể hiện bản chất của chế độ chính trị xã hội nước ta. Nhân dân tham gia vào việc xét xử thông qua người đại diện của mình là Hội thẩm nhân dân.

Nghĩa vụ của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là bảo đảm xem xét vụ án toàn diện, khách quan, giúp  Hội thẩm hiểu một cách đúng đắn những vấn đề cần xem xét tại tòa. Chủ tọa cần xác định thời gian cho mỗi Hội thẩm nhân dân có kế hoạch nghiên cứu hồ sơ vụ án, lưu giữ những tài liệu quan trọng nhất, những vướng mắc cần đi sâu nghiên cứu.

Truyền thống từ khi dựng nước, lập lên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 21/1/1946 Chủ tịch nước đã ra Sắc lệnh 13 tổ chức Tòa án và ngạch Thẩm phán đã quy định. Khi xử các việc tiểu hình, ngồi xét xử có Chánh án và hại Phụ thẩm. Dach sách các phụ thẩm UBHC tỉnh hay thành phố lập. Khi xử các việc đại hình, do Tòa án đệ nhị cấp gồm 5 vị cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị. Đó là Chánh án Tòa đệ nhị ngồi ghế Chánh án, hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai Phụ thẩm nhân dân rút thăm trong danh sách. Những vấn đề bàn trong phòng nghị xử giải quyết theo đa số; một người không biểu quyết sẽ coi như là có ý kiến có lợi cho bị cáo.

Ngay như Tòa án binh, nay gọi là Tòa án Quân sự, có Sắc lệnh 163 ngày 23/8/1946 quy định ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm. Một Hội thẩm là quân nhân thuộc cấp chỉ huy và một Hội thẩm là một Thẩm phán ngạch Tư pháp.

Hiện nay cũng có ý nên để cho dễ chỉ đạo, xét xử, cần đưa số lượng Thẩm phán nhiều hơn Hội thẩm với công thức 2 Thẩm phán 1 Hội thẩm hoặc 3 Thẩm phán 2 Hội thẩm. Chứ không phải 1 Thẩm phán 2 Hội thẩm, 2 Thẩm phán 3 Hội thẩm như hiện nay. Tôi cho rằng ý kiến này chưa thấy hết vai trò của Hội thẩm. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung, trong tuyệt đại bộ phận các vụ án hình sự, việc xét xử đã thể hiện rõ đường lối xét xử của Đảng, Nhà nước ta. Thành tích của Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế đã đã được xác định. Trong đó phần quan trọng là thành công của các Thẩm phán, đồng thời Hội thẩm cũng góp phần tích cực vào thành công đó.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là còn có một số Hội thẩm không có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng xét xử của Tòa án. Nhưng chỉ là một phần nhỏ. Luật pháp về tố tụng hình sự đã quy định hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), ngoài ra còn có trình tự giám đốc thẩm, chắc chắn sẽ khắc phục được số lượng nhỏ bản án xử chưa chính xác đó. Do vậy, để đảm bảo dân chủ trong xét xử, nên duy trì số lượng Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử như hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÔNG TÁC HỘI THẨM Ở TOÀ ÁN NHÂN DÂN

TỈNH NINH BÌNH

                                            Phạm Văn Kha

                                                          Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình(*)

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HỘI THẨM NHÂN DÂN Ở TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, với số dân 904.766 người, diện tích 1.405,7 km2, có 2 dân tộc là Kinh và   Mường. Tôn giáo có đạo Phật và Thiên Chúa. Đặc biệt đạo Thiên Chúa tập trung đông ở khu vực toà giám mục Phát Diệm, Kim Sơn (một trong những trung tâm lớn nhất ở nước ta). Ninh Bình cũng là nơi có nhiều đường giao thông: đường bộ, đường sắt và đường thuỷ Bắc - Nam. Có đồi núi, rừng, đồng bằng và biển. Các vùng rất khác nhau về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, tập quán và cuộc sống của dân cư. Những lúc nông nhàn, có rất nhiều người (chủ yếu thanh thiếu niên) đi khắp mọi miền trên đất nước để làm thuê (khai thác đá, làm mộc và đào đãi vàng, đá quý) cũng thu được một số về kinh tế nhưng các tệ nạn xã hội (nhất là ma tuý), cờ bạc, rượu chè mang về địa phương không phải là ít, tội phạm cũng từ đây phát sinh một số khá lớn. Ninh Bình cũng là tỉnh được hợp nhất 3 tỉnh thành tỉnh Hà Nam Ninh trong 16 năm (1986 - 1992). Từ 4/1992 được tách và tái lập.

Những đặc điểm tình hình trên có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của Toà án nhân dân. Về thực trạng Hội thẩm nhân dân tỉnh Ninh Bình, trong phạm vi chuyên đề này, chủ yếu đề cập về hoạt động của Hội thẩm từ 1992 đến nay (từ khi tái lập tỉnh).

Năm 1992 sau khi tái lập tỉnh, số Hội thẩm nhân dân mới chỉ có 5 vị, lại ở tuổi cao (từ 50 -70 tuổi). Để đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử - Toà án nhân dân tỉnh đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh chuẩn bị nhân sự để Mặt trận tỉnh trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII (1992), và đã bầu được 23 vị Hội thẩm Đến kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX (1995) bầu thêm được 21 vị. Như vậy, bên cạnh 18 Thẩm phán của Toà án tỉnh, còn có 44 vị Hội thẩm nhân dân. Đến nay số lượng này tương đối ổn định (sau nhiều năm có biến động). Hiện nay độ tuổi của Hội thẩm nhân dân trẻ nhất là 32, nhiều tuổi nhất là 78. Số Hội thẩm được phân bổ: mỗi đơn vị huyện, thị xã 2 vị, số còn lại tập trung ở thị xã Ninh Bình và các ngành, đoàn thể cần thiết: Y tế, Giáo dục, Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Công nghiệp, Ngân hàng, Tài chính vật giá v.v. Việc bố trí phân bổ Hội thẩm như trên đã tạo nhiều thuận lợi cho việc tham gia xét xử với Toà án, đặc biệt là những vụ án mà Bộ luật tố tụng hình sự bắt buộc phải có (như bị cáo chưa thành niên, phải có Hội thẩm là giáo viên hay Đoàn thanh niên... tham gia trong Hội đồng xét xử).

Trong thời gian qua, có thể nói nhiều Hội thẩm Toà án nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Nhiều vị tuổi đã cao, sức yếu, mặc dù đường xá xa xôi, nhưng khi được Toà án mời tham gia xét xử, đã đến làm việc đúng thời gian quy định. Nhiều vị Hội thẩm đã tích cực nghiên cứu hồ sơ tương đối kỹ, những vấn đề cơ bản mang tính pháp lý phục vụ cho công tác xét xử tại phiên toà đã được các vị quan tâm đúng mức, nắm vấn đề tương đối vững. Có một số vị Hội thẩm đã phát hiện những vấn đề còn băn khoăn, hoặc truy tố chưa đúng, chưa đảm bảo chứng cứ để kết tội, đã trực tiếp tác động đối với toà chuyên trách, với các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, kể cả việc phản ánh tâm tư nguyện vọng dư luận từ các khu dân cư phản ánh lại và thu nhận những kết quả đã xét xử, bằng mọi hình thức đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phạm vi khu dân cư hoặc trong lĩnh vực hoạt động của Hội thẩm Tính từ 4/1992 đến nay, Hội thẩm ở Toà án Ninh Bình đã tham gia xét xử 1.070 vụ án các loại, trong đó có 1.015 vụ hình sự và 55 vụ dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp kinh tế, hành chính và lao động theo trình tự xét xử sơ thẩm.

Có thể khẳng định hoạt động Hội thẩm Toà án nhân dân trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến lớn và đã góp phần đáng kể vào hoạt động xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình, đảm bảo trình tự xét xử theo đúng quy định của pháp luật, xét xử kịp thời và khắc phục được một phần những sai sót, vi phạm trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác Hội thẩm ở Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc như:

1. Vấn đề quản lý Hội thẩm

- Hiện chưa có sự quản lý Nhà nước về mặt tổ chức đối với Hội thẩm Toà án nhân dân. Thường là chánh án Toà án chủ động đưa ra danh sách để hiệp thương với Mặt trận tổ quốc tỉnh. Khi Mặt trận đồng ý, sẽ trình trước Hội  đồng nhân dân tỉnh (giới thiệu để bầu Hội thẩm). Hội đồng nhân dân bầu xong, Chánh án Toà án thông báo bằng văn bản kết quả trúng cử đến các Hội thẩm mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày (2-3 ngày) cung cấp những vấn đề sơ đẳng nhất về luật pháp và công việc của xét xử của Toà án, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm Nhưng khi Hội thẩm nêu vấn đề ai quản lý thì chưa trả lời được, có ý kiến cho là Hội đồng nhân dân bầu ra thì phải quản lý, có ý kiến cho là Mặt trận tổ quốc quản lý và đa số cho là Toà án phải quản lý, vì trong Luật tổ chức Toà án nhân dân có khẳng định rõ “Toà án nhân dân cấp tỉnh có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm Toà án và thư ký toà”. Đã xác định Hội thẩm là một thành viên trong toà thì toà phải quản lý. Song kinh phí thì Nhà nước không phân bổ, trong uỷ quyền quản lý về mặt tổ chức của Bộ Tư pháp cho Chánh án Toà án nhân dân tỉnh cũng không có quản lý Hội thẩm

2. Những hạn chế của Hội thẩm

- Do tình hình hiện nay, đại bộ phận Hội thẩm là cán bộ đã nghỉ hưu (trừ số Hội thẩm ở các ngành, đoàn thể), trình độ không đồng đều, văn hoá nhìn chung là thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tuổi cao. Vì vậy dù có nhiệt tình đến mấy đi chăng nữa cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Có nhiều vụ án phức tạp, tài liệu quá nhiều không thể đọc trong vài ba ngày được, vì vậy Hội thẩm chỉ đọc được những tài liệu như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và một số lời khai của bị cáo, đương sự. Các chứng cứ khác không nắm chắc, nên khi ra xét xử, ngại thẩm vấn, hoặc không dám tranh luận với Thẩm phán khi nghị án.

- Thực tế một số vị Hội thẩm có độ tuổi quá cao, tiếp xúc xã hội ở phạm vi hẹp, do vậy, khi xét xử tại phiên toà, đã có vị hỏi hoặc giáo dục đương sự không đúng, còn theo kiểu phong kiến. Ví dụ: Khi hai vợ chồng tranh luận nhau về mâu thuẫn, người vợ thường phản đối chồng thì Hội thẩm nhắc: “chị không được rế cao hơn nồi” nhằm phân tích, giáo dục người vợ trước toà, làm mất tính chất bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình.

3. Những trở ngại khách quan

- Về chuyên môn nghiệp vụ: Hầu hết các Hội thẩm sau khi bầu, mới được bồi dưỡng vài ngày, với kiến thức rất sơ đẳng, Toà án muốn tập trung bồi dưỡng dài ngày, nhất là khi có nhiều văn bản pháp luật mới nhưng lại không có kinh phí, không có giáo trình hoặc tài liệu thống nhất của Bộ tư pháp hoặc của Toà án tối cao. Tài liệu phục vụ cho Hội thẩm về chuyên môn rất cần thiết cũng không có. Toà án Ninh Bình đã rất cố gắng, nhưng cũng mới chỉ cung cấp cho mỗi Hội thẩm được một quyển Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nay muốn cung cấp mỗi vị một cuốn Sổ tay Hội thẩm mà chưa có điều kiện. Vấn đề này đã hạn chế rất nhiều đến việc nghiên cứu vận dụng pháp luật vào việc xét xử các vụ án của Hội thẩm - Chủ yếu là nghe Thẩm phán phân tích, giải thích theo cách hiểu và áp dụng của Thẩm phán. Do vậy, trong số trên một ngàn vụ tham gia xét xử với Toà án nêu trên, mới chỉ có vài 3 vụ có ý kiến trái ngược giữa hai Hội thẩm với Thẩm phán. Sự không thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật lại thường rơi vào tình trạng một số bị cáo hoàn cảnh rất khó khăn hoặc là nhân dân lao động, nhất thời phạm tội, nhưng tội phạm lại nghiêm trọng mà Nhà nước ta đang rất quan tâm ngăn chặn như: tội phạm về mua bán ma tuý, mua bán trái phép chất nổ, phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia (cắt đường dây điện) v.v.

- Vấn đề “mời đột xuất Hội thẩm ” đã xảy ra từ lâu, nhất là những năm tiền bồi dưỡng thù lao cho Hội thẩm đến toà làm việc rất thấp. Hoặc Hội thẩm ở các ngành, các tổ chức xã hội, do bận công việc chuyên môn, nên khi mời đến toà làm việc rất khó khăn. Vì vậy đã có một số trường hợp khi mở phiên toà, Hội thẩm không đến, phải hoãn. Hoãn phiên toà lại, gây rất nhiều tốn kém về kinh phí và việc dẫn giải bị cáo, Toà án cho thư ký đến tìm một số vị ở gần và Hội thẩm đến là ngồi toà xét xử ngay - chỉ khi Viện kiểm sát đọc cáo trạng thì mới hình dung một phần nào về nội dung vụ án mà mình ngồi tham gia. Vấn đề này gần đây đã được khắc phục dần, nhất là khoản thù lao từ khi chi 25.000 đ/ngày, nên việc mời Hội thẩm đến tham gia xét xử dễ hơn.

- Về trang phục: Từ khi có chế độ trang cấp cho Thẩm phán và cán bộ Toà án, đây là một bước tiến mới rất quan trọng. Sự nghiêm trang, đĩnh đạc của người xét xử rất cần thiết cho ngành. Nhưng Hội thẩm lại không có chế độ trang cấp mà điều kiện kinh tế của mỗi Hội thẩm rất khác nhau. Trong một phiên toà, những người tiến hành tố tụng như kiểm sát viên có trang phục kiểm sát, thư ký có trang phục thư ký, Thẩm phán có trang phục riêng (khác màu), còn Hội thẩm thì tuỳ mỗi vị. Đã có thời kỳ Toà án tỉnh bỏ kinh phí ra may 7 bộ com lê để sẵn cho Hội thẩm nhưng kích cỡ lại không hợp, để lâu không giặt nên không thể sử dụng được. Đến nay cho “đấu giá” cũng không ai mua, mà cho Hội thẩm thì không đều khắp, đành bỏ nát trong tủ.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để phát huy những kết quả của công tác Hội thẩm đã đạt được trong những năm qua và khắc phục những tồn tại hiện nay để công tác Hội thẩm Toà án trở thành một chế định hoàn thiện, có hiệu quả hơn, chúng ta cần tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:

1. Về mặt tổ chức của Hội thẩm Toà án nhân dân: Bất cứ một hoạt động nào mang tính xã hội phải có sự quản lý của Nhà nước. Hội thẩm nhân dân là một chế định, hoạt động thống nhất theo luật pháp cũng phải có sự quản lý về mặt tổ chức. Vấn đề là quản lý thế nào, phải có mô hình thống nhất. Theo chúng tôi nghĩ khâu chuẩn bị nhân sự vẫn phải do Mặt trận tổ quốc giới thiệu, có sự phối hợp của Chánh án Toà án nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh như hiện nay là phù hợp. Chỉ có Mặt trận lựa chọn trong tầng lớp nhân dân những người tiêu biểu, có đầy đủ tiêu chuẩn, giới thiệu, trình ra Hội đồng nhân dân. Nhưng để quản lý về mặt tổ chức, cần lập Đoàn Hội thẩm tỉnh, tự họ có thể bầu cử ra ban đại diện (thường trực) để thường xuyên giữ mối liên hệ với Toà án, Mặt trận và Hội đồng nhân dân để giải quyết những công việc cần thiết cho hoạt động của Hội thẩm Cơ quan quản lý Đoàn Hội thẩm là cơ quan tư pháp. Có hai hình thức:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Chánh án Toà án tỉnh quản lý về mặt tổ chức (như đối với quản lý các Thẩm phán) và uỷ quyền cho Giám đốc Sở tư pháp quản lý về mặt tổ chức đối với Hội thẩm nhân dân các huyện thị.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Chánh án Toà án tỉnh quản lý tổ chức cả Hội thẩm cấp tỉnh và cấp huyện để thống nhất về mặt tổ chức, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, trang phục cho Hội thẩm và tiện cho việc nắm tình hình hoạt động chung của Hội thẩm trong toàn tỉnh để báo cáo lên Bộ. Nếu theo kiểu này, ở Toà án tỉnh cần có một biên chế cán bộ theo dõi giúp Chánh án, có một phòng làm việc cho 1 biên chế và bộ phận thường trực Hội thẩm Toà án. (Đặt ngay tại Toà án nhân dân).

- Vấn đề tiêu chuẩn Hội thẩm Toà án: ở Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân còn ghi chung chung; cần phải được quy định cụ thể hơn về tuổi của Hội thẩm nên quy định từ 23 đến 70 tuổi; Về văn hoá, ở thành phố và đồng bằng nên từ trung học cơ sở, ở miền núi ít nhất hết tiểu học; trình độ pháp luật tối thiểu phải sơ cấp hoặc tương đương, hoặc có một trong các bằng đại học chuyên ngành. Cần chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, phải là người tiêu biểu; có uy tín trong nhân dân và trong các ngành, các tổ chức xã hội; có sức khoẻ từ trung bình trở lên.

- Số lượng Hội thẩm: Thực tiễn đòi hỏi số lượng Hội thẩm nên ít hơn Thẩm phán nhằm đảm bảo cho chất lượng xét xử các vụ án tốt hơn Hội thẩm tham gia trong hội đồng xét xử các vụ án sơ thẩm, nếu Hội đồng 3 thành viên thì có 1 Hội thẩm nếu Hội đồng 5 thành viên cần 2 Hội thẩm Nếu Hội thẩm trình độ quá yếu về nghiệp vụ chuyên môn, văn hoá thấp hơn và sức khoẻ, tuổi tác hạn chế việc đọc hồ sơ như hiện nay thì có thể nhiều năm nữa rất khó thực hiện nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán hoặc đảm bảo tính độc lập, quyết định theo đa số. Nếu để số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán trong Hội đồng xét xử như hiện nay, có nhiều vụ Hội thẩm tham gia chỉ là hình thức. Do đó, số Hội thẩm ở mỗi Toà án cấp tỉnh cũng chỉ nên bằng số lượng của Thẩm phán trong mỗi toà (theo chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao) là đủ.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ: Mỗi khoá Hội thẩm nên có ít nhất là 2 kỳ (có thể 1 kỳ tập huấn, 1 kỳ chuyên đề nghiệp vụ riêng cho Hội thẩm) mỗi kỳ từ 5 - 7 ngày; có thống nhất giáo trình, tài liệu hướng dẫn; cử các Thẩm phán có kinh nghiệm hướng dẫn hoặc viết các chuyên đề để Hội thẩm tham gia trao đổi thảo luận. Cần cung cấp cho Hội thẩm một số loại sách nghiệp vụ như: Sổ tay Hội thẩm nhân dân, các Bộ luật hình sự, dân sự, lao động, pháp lệnh kinh tế, hành chính, v.v. và một số tài liệu cần thiết khác. Các hội nghị tổng kết của tỉnh, huyện, thị nên mời tất cả các Hội thẩm dự để tham gia đóng góp ý kiến và nắm tình hình chung của hoạt động xét xử ở cấp Toà án mà mình tham gia.

- Bộ nghiên cứu đầu tư kinh phí (có mục chi riêng) cho hoạt động Hội thẩm trong kinh phí của các Toà án. Mỗi nhiệm kỳ Hội thẩm cần cấp cho mỗi Hội thẩm 2 bộ trang phục (1 bộ đông và 1 bộ xuân hè) còn các trang phục khác Hội thẩm có thể tự túc được. Nếu như hiện nay, mỗi Hội thẩm chỉ cần chi 500.000 đ là có thể thực hiện được như đề xuất trên.

Trên đây là tình hình thực tiễn công tác Hội thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Có thể khẳng định không có Hội thẩm tham gia thì chắc chắn Toà án không thể hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của mình. Chế định Hội thẩm Toà án nhân dân là rất cần thiết và quan trọng kể cả về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn. Giữa Hội thẩm và Thẩm phán khi tham gia xét xử có mối quan hệ gắn bó với nhau, vừa độc lập, vừa hợp tác, bổ xung cho nhau: Thẩm phán có thể giúp cho Hội thẩm nâng dần trình độ chuyên môn; ngược lại Hội thẩm sẽ giúp cho Thẩm phán về thực tiễn cuộc sống hàng ngày, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận dụng luật pháp cho phù hợp. Nhưng nếu dừng lại ở tình trạng như hiện nay, thì công tác Hội thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

 

 

 

 

 

BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CHO HỘI THẨM

TS. Phan Hữu Thư

Giám đốc trường Đào tạo các chức danh tư pháp

I. Tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm

Điều 41 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 quy định: “Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử”. Từ khi thành lập đến nay, Nhà nước luôn chú ý đến việc củng cố và hoàn thiện chế định Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia, trong đó có việc chăm lo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Hội thẩm. Trong những năm gần đây, một số Thẩm phán đã nghỉ hưu được giới thiệu tham gia gia xét xử, điều đó cũng tạo nhiều thuận lợi cho Hội đồng xét xử, nâng cao uy tín không những cho Tòa án mà còn cho đội ngũ Hội thẩm. Tuy nhiên, những Hội thẩm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao chưa nhiều. Vì vậy, việc từng bước nghiên cứu để đưa chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội thẩm thành một chương trình thực hiện thường xuyên, có tính chất bắt buộc là một điều cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác Hội thẩm và công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân.

Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm được đặt ra từ những năm đầu của chính quyền nhân dân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc bồi dưỡng Hội thẩm tiến hành không mấy kết quả. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, hoạt động xét xử tại các Tòa án nhân dân cũng đang được từng bước nâng cao cho phù hợp với tình hình mới. Nhu cầu đào tạo và tự đào tạo của Thẩm phán đang càng ngày càng cao. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền nhau, do đó song song với việc đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán thì việc đào tạo bồi dưỡng Hội thẩm cũng là điều hết sức cần thiết.

Cuốn Sổ tay Hội thẩm1 của Bộ Tư pháp xuất bản gần đây là một cẩm nang quý cho các Hội thẩm. Cuốn sách chia làm 3 phần: Những quy định chung; pháp luật tố tụng và pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế. Như vậy về bố cục, sau khi giới thiệu những vấn đề chung liên quan đến vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động của Tòa án và pháp luật của Việt Nam từ năm 1945 lại đây về chế định Hội thẩm; tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm; những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân, các tác giả đã giới thiệu ngay những quy định của pháp luật tố tụng. Sau đó các tác giả mới trình bày một số vấn đề của luật nội dung. Trong phần pháp luật tố tụng, các tác giả lần lượt giới thiệu pháp luật tố tụng hình sự; pháp luật tố tụng dân sự; pháp luật tố tụng kinh tế; pháp luật tố tụng lao động; pháp luật tố tụng hành chính và cuối cùng là nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội thẩm khi tham gia xét xử. Nếu trong phần giới thiệu pháp luật tố tụng, các tác giả đã tôn trọng những quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án đang hiện hành, thì trong phần nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc, các tác giả chủ yếu đi vào một số quy định cụ thể liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính bản thân Hội thẩm cũng như giới thiệu các công việc hàng ngày của Hội thẩm trong các giai đoạn như: chuẩn bị xét xử; khai mạc phiên tòa; thủ tục xét hỏi tại phiên tòa; theo dõi và điều khiển việc tranh luận tại phiên tòa; nghị án và tuyên án. Trong phần thứ ba về pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, đã lần lượt giới thiệu về pháp luật hình sự: Một số vấn đề thuộc phần chung của Bộ luật hình sự và một số tội phạm trong Bộ luật hình sự; pháp luật dân: Một số quy định chung, một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự; pháp luật hôn nhân và gia đình: Nguyên tắc chung, kết hôn, quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, xác định cha mẹ cho con, nuôi con nuôi, ly hôn; pháp luật về hợp đồng kinh tế: Khái niệm, chủ thể, các nguyên tắc và thủ tục ký kết, nội dung, các biện pháp và cách thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, thay đổi, đình chỉ, thanh lý hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh tế vô hiệu và trách nhiệm vật chất đối với vi phạm hợp đồng kinh tế; pháp luật về lao động: Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động, những chế định chủ yếu của pháp luật lao động, tranh chấp lao động; Luật phá sản doanh nghiệp: khái  niệm phá sản và phân biệt phá sản với giải thể, những vấn đề cơ bản của Luật phá sản doanh nghiệp. Nếu sử dụng cuốn Sổ tay Hội thẩm để làm tài liệu giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng Hội thẩm cũng đã là điều rất tốt. Trong bố cục của cuốn sách này, các tác giả chú trọng đến vấn đề tố tụng (trình bày các quy định về tố tụng ngay sau khi giới thiệu những quy định chung liên quan đến Hội thẩm). Tuy nhiên, các vấn đề pháp luật nội dung lại được trình bày sau các vấn đề tố tụng. Các vấn đề nghiệp vụ ít được đề cập đến. Một số kỹ năng hành nghề, các tác nghiệp hàng ngày của Hội thẩm chưa được các tác giả thể hiện đầy đủ.

Chương trình bồi dưỡng Hội thẩm trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi nên chú trọng mấy vấn đề sau đây: a) Những quy định chung liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, vị trí, quyền và nghĩa vụ tố tụng của Hội thẩm; b) Một số kiến thức chuyên môn cần thiết bao gồm cả các kiến thức về luật nội dung và Luật tố tụng (có thể hiểu như là chương trình sơ cấp luật); c) Một số vấn đề kỹ năng (hay tác nghiệp hàng ngày của Hội thẩm); d) Một số chuyên đề về kinh nghiệm xét xử một số án điển hình; e) Tập huấn các văn bản mới ban hành. Trong năm vấn đề trình bày ở trên thì các vấn đề (d) và (e) là có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình, còn các vấn đề  (a), (b) và (c) là các vấn đề tương đối cố định, chỉ có thể thay đổi theo đối tượng và thời gian đào tạo mà thôi.

II. VIỆC TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG CHO HỘI THẨM

- Đối tượng bồi dưỡng: Hội thẩm Tòa án nhân dân các cấp.

- Thời gian đào tạo: Theo các khóa ngắn hạn từ 7 - 10 ngày, 15 ngày, 30 ngày tuỳ theo đối tượng đào tạo.

- Hình thức đào tạo: Tập trung tại trường ở Hà Nội hoặc tập trung tại các địa phương.

- Nội dung đào tạo: Chương trình đào tạo này dùng cho các đối tượng Hội thẩm mới được bầu ở cấp huyện. Đối với các đối tượng khác tuỳ theo nhu cầu để điều chỉnh chương trình cho phù hợp.

1. Phần thứ nhất: Những quy định chung

- Vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Tòa án.

- Tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm.

- Một số nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân liên quan đến Hội thẩm (Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...).

2. Phần thứ hai: Kiến thức chuyên môn cần thiết cho Hội thẩm.

a. Luật nội dung

+ Pháp luật hình sự:

- Một số vấn đề thuộc Phần chung Bộ luật hình sự (nguyên tắc xử lý bằng biện pháp hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam; hiệu lực của Bộ luật hình sự; tội phạm; hình phạt; những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội).

- Một số tội phạm trong Bộ luật hình sự (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; một số tội xâm phạm tính mạng sức khỏe nhân dân, danh dự con người; một số tội phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; một số tội xâm phạm sở hữu XHCN; một số tội phạm về kinh tế; các tội phạm về ma túy, một số tội phạm về chức vụ; một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp).

+ Pháp luật dân sự:

- Một số quy định chung (Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự; những nguyên tắc cơ bản trong việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự; những căn cứ để xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự; bảo vệ quyền dân sự; năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự; giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu).

­- Một số nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự: Quyền sở hữu; nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự; thừa kế; những quy định chung về chuyển quyền sử dụng đất).

+ Pháp luật hôn nhân và gia đình: Nguyên tắc chung; kết hôn; quan hệ vợ chồng; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; xác định cha mẹ cho con; nuôi con nuôi; ly hôn.

+ Pháp luật về hợp đồng kinh tế: Khái niệm về hợp đồng kinh tế (HĐKT); chủ thể HĐKT; các nguyên tắc ký kết HĐKT; thủ tục và nội dung HĐKT; các biện pháp bảo đảm và cách thức thực hiện HĐKT; hợp đồng kinh tế vô hiệu và xử lý HĐKT vô hiệu; trách nhiệm vật chất đối với vi phạm HĐKT.

+ Pháp luật lao động: Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động; những chế định chủ yếu của Luật lao động; tranh chấp lao động.

+ Luật phá sản doanh nghiệp: Khái niệm phá sản và phân biệt phá sản với giải thể; những nội dung cơ bản của Luật phá sản doanh nghiệp như đối tượng, phạm vi điều chỉnh, những đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thủ tục thụ lý đơn, thủ tục giải quyết, thi hành quyết định tuyên bố phá sản...

b. Pháp luật hình thức:

- Pháp luật tố tụng hình sự: Những nguyên tắc đặc thù trong Luật tố tụng hình sự; một số quy định chung của pháp luật tố tụng hình sự; thủ tục xét xử tại phiên tòa.

- Pháp luật tố tụng dân sự: Những nguyên tắc đặc thù của Luật tố tụng dân sự; một số quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Pháp luật tố tụng kinh tế: Những nguyên tắc đặc thù trong tố tụng kinh tế; một số quy định chung của pháp luật tố tụng kinh tế.

­- Pháp luật tố tụng lao động: Một số nguyên nhân đặc thù của pháp luật tố tụng lao động; một số nội dung cơ bản của pháp luật tố tụng lao động.

- Pháp luật tố tụng hành chính: Một số nguyên tắc đặc thù của Luật tố tụng hành chính; một số quy định chung của pháp luật tố tụng hành chính.

- So sánh các thủ tục tố tụng hiện hành

3. Phần thứ ba: Kỹ năng của Hội thẩm.

a. Nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính (nắm bắt hồ sơ vụ án, ghi chép các nội dung cần thiết, phác thảo kế hoạch thẩm vấn, làm việc với Thẩm phán trước khi xét xử).

b. Lập kế hoạch thẩm vấn.

c. Tìm hiểu văn bản pháp luật áp dụng.

d. Kỹ năng thẩm vấn tại phiên tòa.

đ. Kỹ năng nghị án.

e. Một số kỹ năng khác liên quan đến hoạt động tố tụng của Hội thẩm.

4. Phần thứ tư: Giới thiệu một số chuyên đề cụ thể.

Các chuyên đề cụ thể đó có thể là:

- Chuyên đề giải quyết các vụ án ma túy;

- Chuyên đề giải quyết tranh chấp về nhà ở;

- Chuyên đề giải quyết một số vụ án hành chính.

....5. Tập huấn văn bản pháp luật mới ban hành. Phần này sẽ được điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể.

- Giới thiệu Bộ luật dân sự;

- Giới thiệu các quy định mới liên quan đến tội phạm về ma túy;

- Giới thiệu Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.

...Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm cũng như đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác là một công việc cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên thành nề nếp và chính quy. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình bồi dưỡng Hội thẩm để tiến tới mở các lớp bồi dưỡng Hội thẩm đầu tiên trong những năm tới là một phần quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Chương trình mà chúng tôi giới thiệu trên đây chỉ là những phác thảo ban đầu, cần thiết phải được góp ý, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dần. Ngoài ra cũng cần áp dụng chương trình bồi dưỡng một cách linh hoạt cho từng đối tượng khác nhau. Tuỳ theo đối tượng đào tạo (Hội thẩm mới được bầu; Hội thẩm đã kinh qua xét xử; Hội thẩm cấp quận, huyện; Hội thẩm cấp tỉnh; Hội thẩm Tòa án nhân dân tối cao...). Thời gian đào tạo cũng liên quan đến chương trình đào tạo. Vì vậy, cần xem xét áp dụng chương trình dào tạo, bồi dưỡng thích hợp cho từng khóa tương ứng.

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM Ở VIỆT NAM

                                                   Lê Thu Hương

                                      Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Ở nước ta, chế định Hội thẩm xuất hiện cùng với sự ra đời của Toà án nhân dân. Hội thẩm và Thẩm phán là hai bộ phận hợp thành Toà án. Hai chế định này đã ngày càng được củng cố và phát triển thể hiện ngày càng đầy đủ tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân.

Những biểu hiện phôi thai của chế định Hội thẩm được xuất hiện trong các hoạt động mang tính chất toà án nhân dân từ những ngày Chính quyền Cách mạng còn trứng nước. Trước 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nổi dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền tự do. Tại những cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ, đồng bào yêu cầu phải trừng trị những tên phản động, gian ác, đã có những bản án được tuyên, thể hiện đầy đủ ý chí nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. ở một số tỉnh đã thành lập Hội đồng Toà án nhân dân Cách mạng ngay sau  khi Chính quyền Cách mạng được thành lập (sau khởi nghĩa Nam Kỳ). Như ở tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) mặc dù Chính quyền Cách mạng chỉ tồn tại trong vòng 49 ngaỳ, nhưng Hội đồng Toà án Cách mạng đã được thành lập để xử bọn phản Cách mạng. Toà án xử lưu động, công khai nhiều vụ tại các xã, quần chúng tham gia rất đông đảo, đại biểu quần chúng lên phát biểu: nêu rõ tội ác và hậu quả mà bọn phản Cách mạng gây ra, rồi đề nghị mức phạt, đồng thời kêu gọi mọi người kiên quyết phát hiện, tố cáo bọn chúng. Tại các phiên toà đó, quyền quyết định của nhân dân được tôn trọng, thể hiện tính dân chủ của một Toà án Cách mạng (1).

Từ sau khi giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thiết lập hệ thống Toà án nhân dân và Toà án Quân sự. Chế định nhân dân tham gia hoạt động xét xử  thông qua người Hội thẩm đã chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp. Từ đó đến nay, chế định Hội thẩm ngày càng được hoàn thiện cùng với sự củng cố Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ Cách mạng trong từng giai đoạn và việc ban hành các Hiến pháp, có thể chia các giai đoạn phát triển của chế định Hội thẩm như sau:

1. Giai đoạn 1945 - 1959

2. Giai đoạn 1959 - 1980

3. Giai đoạn 1980 - 1992

4. Giai đoạn từ 1992 đến nay.

I. GIAI ĐOẠN 1945-1959

1. Đặc điểm tình hình:

- Tháng 8 năm 1945, sau gần 100 năm dưới ách thực dân phong kiến, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập hoàn toàn, bắt tay vào kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Ngay sau đó, Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước là Sắc lệnh 33C ngày 13/9/1945 về Tổ chức Toà án Quân sự đã quy định việc xét xử của Toà án có Phụ thẩm tham gia. Bộ Tư pháp là một trong những Bộ đầu tiên được thành lập và một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Tư pháp là “công việc tổ chức các Toà án... (theo Nghị định số 37 ngày 1/12/1945). Đầu năm 1946, Văn bản pháp luật đầu tiên quy định việc tổ chức các cơ quan tư pháp là Sắc lệnh số 13/SL về tổ chức các Tòa án và ngạch Thẩm phán (ban hành ngày 24-1-1946). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định tương đối đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Phụ thẩm (Hội thẩm) cũng như việc tuyển cử, tham gia của Phụ thẩm vào việc xét xử của Toà án nhân dân.

- Theo Sắc lệnh 13/SL ngày 24-1-1946, các toà án xử việc hình, ngoài các Thẩm phán còn có 2 vị Phụ thẩm nhân dân.

Toà sơ cấp khi xét xử gồm có Thẩm phán, một lục sự và một hay nhiều thư ký giúp việc mà không có Phụ thẩm.

Toà án đệ nhị cấp khi xét xử các việc tiểu hình (những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm) hay phạt bạc trên 9 đồng (tiền lúc đó) thì ngoài Chánh án (chủ toạ) còn có hai vị Phụ thẩm. Danh sách Phụ thẩm do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào đầu năm, gồm tất cả đại biểu chính thức và dự khuyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố (trừ các Uỷ viên hành chính và các đại biểu đang là Thẩm phán hay luật sư), có thể chọn thêm phụ thẩm ngoài các đại biểu của HĐND nếu họ có đủ điều kiện để được ứng cử vào HĐND. Danh sách Phụ thẩm phải được ông biện lý (Công tố) có ý kiến, rồi mới đưa ra HĐND duyệt y. Hai Phụ thẩm dự phiên toà được chọn theo cách rút thăm.

Theo Sắc lệnh này, khi xét xử việc đại hình tại toà đệ nhị cấp thì Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm có Chánh án, hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai Phụ thẩm nhân dân. Khi nghị án có Chánh án, 2 Thẩm phán và 2 Phụ thẩm nhân dân cùng nghị xử. Còn khi xử án tiểu hình Chánh án chỉ hỏi Phụ thẩm về tội trạng và hình phạt, rồi tự mình quyết định (vấn đề thủ tục tạm tha hay liên quan đến dân sự, thương sự thì Chánh án không phải hỏi Phụ thẩm).

Toà thượng thẩm khi xét xử phúc thẩm các việc tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án, 2 Hội thẩm (chuyên môn) còn có 2 Phụ thẩm nhân dân cùng nghị án (trừ các vấn đề liên quan đến thủ tục, tạm tha, đòi bồi thường về dân sự, thương sự do Chánh án tự quyết định).

Tại Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946 ấn định thẩm quyền các toà án có sửa về thẩm quyền và tên gọi các Toà án. Hệ thống Toà án gồm: Toà án huyện; Toà án tỉnh, thành phố; Toà án phúc thẩm khu, hoặc Toà án liên khu (nếu có điều kiện thành lập).

Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, (ngày 9/11/1946) đã chính thức ghi nhận: Trong khi xử việc hình phải có phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình”.

ở các Toà án Quân sự, ngoài các Thẩm phán cũng có sự tham gia xét xử của Hội thẩm Sắc lệnh số 19 (16-2-1947) Tổ chức các Toà án binh trên toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 45 (5-7-1947) đặt một  toà án binh Tối cao... cũng quy định rõ mỗi toà án binh gồm một Chánh án ngồi xử và hai Hội thẩm (Tại các Sắc lệnh này bắt đầu không dùng từ Phụ thẩm).

Buổi ban đầu, khi Nhà nước còn non trẻ, chế định về nhân dân tham gia xét xử còn có những hạn chế nhất định như tên gọi (Phụ thẩm), phạm vi tham gia xét xử: chỉ xử hình sự với mức độ tham gia khác nhau (tiểu hình, đại hình)... Thẩm phán lúc đó có nhiều người là trí thức cũ, có trình độ pháp luật, có người đã làm công chức thời Pháp. Do vậy cần có tiếng nói của người dân trong công tác xét xử...

Nhiệm vụ chủ yếu của toà án sau khi ta mới giành chính quyền là trấn áp bọn phản Cách mạng. Việc xét xử hình sự chiếm đa số, án hình sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể, tính mạng của bị can, do đó đòi hỏi Toà án phải hết sức thận trọng, rất cần có sự tham gia của nhân dân trong công tác xét xử án hình sự, nhất là với các án đại hình.

- Bước vào những năm 50, với đà phát triển của chế độ dân chủ nhân dân, nền tư pháp đã có những cải cách lớn để thực sự trở thành nền tư pháp nhân dân. Cái mốc lớn của cuộc cải cách này là việc ban hành Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950 về cải cách bộ máy Tư pháp và Luật tố tụng.

Sắc lệnh số 85 đã sửa đổi một cách cơ bản Sắc lệnh số 13 nói trên. Sau đó Sắc lệnh số 151 ngày 17-11-1950 (Đặt thể lệ chỉ định các Hội thẩm nhân dân và định thành phần TAND liên khu trong trường hợp đặc biệt); Sắc lệnh số 156 ngày 22-11-1950 (tổ chức TAND liên khu), Sắc lệnh số 12 ngày 30-3-1957 và Thông tư số 2 P/4 ngày 5-2-1952 của Bộ Tư pháp (sửa đổi bộ phận chế định Hội thẩm nhân dân); đã sửa đổi bổ sung, chi tiết hơn về chế định Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.

Theo các Sắc lệnh nói trên, Phụ thẩm nhân dân được đổi là Hội thẩm nhân dân (HTND), số lượng Hội thẩm nhân dân được tăng lên, quyền hạn và nghĩa vụ được mở rộng, đặc biệt là Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cả việc hình sự và dân sự, được tham gia quyết định về mọi vấn đề trong xét xử vụ án (xem hồ sơ, biểu quyết về tội trạng và hình phạt...). Khi xử án, TAND huyện và TAND tỉnh gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. TAND phúc thẩm khu hoặc Thành phố gồm 2 Thẩm phán và 3 HTND.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm

Hội thẩm nhân dân có bổn phận lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc, rồi phát biểu ý kiến một cách công bằng, không vì nể, vì sợ một thế lực nào, vì lợi ích riêng hay tư thù mà bênh vực ai, hay làm hại ai.

Các HTND phải giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án, nếu tiết lộ bí mật sẽ bị TAND phúc thẩm khu hoặc thành phố phạt từ 6 tháng đến 2 năm tù. Những vấn đề bàn bạc trong phòng nghị xử giải quyết theo đa số. Một người không biểu quyết sẽ coi như là có ý kiến có lợi cho bị can. HTND có quyền từ chối tham gia vụ án khi có những cơ sở cho rằng mình không khách quan.

Như vậy Hội thẩm và Thẩm phán phải cộng tác chặt chẽ với nhau,cùng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân về hoạt động của Toà án. Mặc dù mỗi người có trách nhiệm riêng phụ thuộc nhiệm vụ và kỷ luật riêng tuỳ theo tính chất của họ là cán bộ dân cử (Hội thẩm) hay công chức Nhà nước (Thẩm phán).

Nhiệm vụ quan trọng của Hội thẩm nhân dân là xét xử và tuyên truyền giáo dục pháp luật, thể hiện nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Bởi thế họ phải là sợi dây liên lạc giữa Toà án và nhân dân. Pháp luật quy định rõ những việc Hội thẩm phải làm (xử án, hoà giải, điều tra, giáo dục trong nhân dân; những việc nên làm (giáo dục phạm nhân, kiểm tra huấn luyện) và những việc không nên làm (những việc thuộc về hành chính, kỹ thuật chuyên môn).

Nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án và nguyên tắc quyết định theo đa số được thể hiện ngay từ Sắc lệnh 13/SL, thời kỳ này tiếp tục được cụ thể hoá.

Theo các Thông tư số 2 p/4 ngày 5-2-1952 của Bộ Tư pháp; Thông tư 512HC , Thông tư số 1671 HCTP ngày 11-9-1956 của liên bộ Nội vụ - Tư pháp; Thông tư số 248 P/4 ngày 25-8-1950 của Bộ Tư pháp; Thông tư số 289 ngày 4-10-1950 của Bộ Tư pháp thì:

- Sau khi lập danh sách HTND, các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố triệu tập cuộc họp các HTND để phổ biến nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc, trao đổi về lịch công tác. Toà án nhân dân tạo điều kiện phổ biến  văn bản, tài liệu tư pháp và bồi dưỡng thường xuyên cho HTND. Các cuộc họp tổng kết nửa năm, hàng năm của Toà án đều mời HTND.

- Đối với mỗi phiên toà, trừ trường hợp thật đặc biệt, nói chung Toà án phải báo cho HTND 7 ngày  trước khi mở phiên toà. HTND phải đến Toà án trước phiên toà ít nhất 1 ngày, cần thiết Toà án có thể yêu cầu HTND điều tra thêm trước khi ngồi toà.

- Trong Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán làm việc có thảo luận và cùng quyết định, phân công theo trách nhiệm. Chánh án và Hội thẩm nhân dân phân công điều khiển phiên toà và thuyết trình. Hội thẩm có quyền hỏi đương sự, bị can, những người làm chứng.

- Hội thẩm nhân dân còn là một thành viên của Hội đồng tư pháp - (Một hình thức phối hợp hai ngành xử án và công tố), họp mỗi tháng một lần hoặc bất thường, bàn về đường lối xét xử và kế hoạch tư pháp.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện chế định Hội thẩm nhân dân thời kỳ này còn có phần bị hạn chế. Có tình trạng thiếu Hội thẩm nhân dân hoặc không mời được Hội thẩm nhân dân trong khi vụ việc ngày càng nhiều. Việc bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân, ít được thực hiện... Nhiều Hội thẩm nhân dân thường trực trở thành cán bộ chuyên môn, mất liên hệ với quần chúng, nên không còn Hội thẩm nhân dân thường trực nữa (trừ các vùng dân tộc thiểu số).

3.   Việc  tuyển chọn và đãi ngộ Hội thẩm nhân dân

Hội thẩm nhân dân là những người có uy tín với nhân dân, có khả năng tham gia hoà giải hoặc xét xử. Đặc biệt là những Uỷ viên các đoàn thể, hiểu biết nhiều về việc kiện...

Theo Sắc lệnh số 156 ngày 22-11-1950; Sắc lệnh số 151 ngày 17-11-1950 và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 9-1951; 9-1952 và Thông tư 138 HCTP ngày 23-11-1957 của Bộ Tư pháp thì HTND được lựa chọn theo 2 cách: bầu và chỉ định (cử).

- Bầu HTND: Hội đồng nhân dân xã hàng năm sẽ bầu từ 2-4 HTND huyện, Uỷ ban kháng chiến hành chỉnh tỉnh duyệt. Thẩm phán huyện sẽ về từng xã làm việc và lấy 2 HTND tại xã để họp phiên toà xử vi cảnh hoặc lập Hội đồng hoà giải.

Hội thẩm nhân dân tỉnh gồm 3 đến 6 đại biểu lấy từ Ban chấp hành đoàn thể tỉnh và 2 đến 4 đại biểu lấy từ Ban Chấp hành đoàn thể mỗi huyện.

Thành phố có từ 30 đến 60 Hội thẩm nhân dân.

Danh sách HTND các cấp toà án đều do Uỷ ban hành chính (UBHC) cấp tương đương lập và do UBHC cấp trên duyệt y hoặc do Bộ Tư pháp duyệt y nếu UBHC lập danh sách ấy trực thuộc Trung ương. Nhiệm kỳ của HTND là 1 năm.

- Cử HTND: Trong những trường hợp đặc biệt, HTND toà án huyện có thể do UBHC liên khu chỉ định, HTND toà án liên khu có thể do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định theo đề nghị của UBHC liên khu, hoặc chọn trong đại biểu đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc khu hoặc tỉnh.

Như vậy, những năm 50, trong hoàn cảnh chưa ổn định lúc đó, bên cạnh chế độ bầu HTND còn có những trường hợp cử HTND để kịp thời đáp ứng yêu cầu xét xử của Toà án. Vì có những nơi chưa có Hội đồng nhân dân hoặc chưa họp được Hội đồng nhân dân hoặc trong danh sách HTND thiếu một thành phần nào đó cần cho một vụ án cụ thể.

- Việc chọn Hội thẩm quân nhân ở toà án binh theo chế độ bổ nhiệm.

Mỗi Toà án binh có 1 Chánh án và 2 Hội thẩm ngồi xử.

+ Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp, ngạch Tư pháp do giám đốc Tư pháp khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

+ Hội thẩm thứ hai là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy, do Khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ quốc phòng chuẩn y.

Đối với Toà án binh tối cao thì Hội thẩm thứ nhất do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã ý hiệp với Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

- Chế độ đãi ngộ với HTND rất được chú trọng, các văn bản hướng dẫn được sửa đổi liên tục cho phù hợp. Lương bổng của HTND hưởng như các Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.

Theo Nghị định số 58HC-TP liên bộ: Nội vụ - Tài chính - Tư pháp ngày 20-11-1953 và Thông tư số 4HC-TP ngày 20-11-1953 của Bộ Tư pháp thì các HTND thường trực được hưởng cấp phí hàng tháng 51 kg gạo (HTND thường trực khu) và 44 kg gạo (HTND thường trực tỉnh).

Ngoài cấp phí hàng tháng, HTND thường trực còn được hưởng phụ cấp gia đình, phụ cấp vãng phản, phụ cấp tạm thời, được cấp chăn màn, áo trấn thủ...

Các HTND không làm thường trực, hưởng cấp phí: 3 kg gạo/ngày (HTND khu); 2,5 kg gạo/ngày (HTND tỉnh) và 1,5 kg gạo/ngày (HTND huyện). Ngoài ra cũng được hưởng trợ cấp vãng phản như công nhân viên của Chính phủ. Nếu HTND là đại biểu đoàn thể hoặc cán bộ chính quyền có sinh hoạt phí và lương tháng thì không được hưởng cấp phí (sau đó NĐ 99 HCTP ngày 28-8-1957 của Liên bộ Tư pháp - Nội vụ - Tài chính đã sửa là HTND có lương tháng ở cơ quan, đoàn thể  được cấp phí bằng 1/2 mức cấp phí của HTND thường trực quy định tại NĐ số 8 ngày 31/5/56).

Nghị định số 8 HCTP ngày 31/5/1956 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp - Tài chính sửa NĐ 58 nói trên như trên:

- HTND thường trực Khu xếp từ bậc 7 đến bậc 11

                               Tỉnh xếp từ bậc 10 đến bậc 13

- HTND không thường trực: Khu hưởng 1800đ/ngày

- HTND không thường trực của Toà án Tỉnh hưởng 1500đ/ngày

-HTND không thường trực của Toà án huyện hưởng 1500đ/ngày.

Tóm lại, trong giai đoạn đầu tiên (1945-1959) Nhà nước dân chủ nhân dân đã cố gắng từng bước củng cố chế độ nhân dân tham gia xét xử thông qua chế định Hội thẩm nhân dân. Trong hoàn cảnh Nhà nước vừa được xây dựng, vừa tiến hành kháng chiến, đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn cố gắng thực hiện những quy định của Hiến pháp và pháp luật về Hội thẩm Mặc dù còn sơ khai, nhưng Nhà nước ta đã đề ra được những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự hình thành và hoàn thiện chế định HTND. Điều này không chỉ đáp ứng đòi hỏi của công tác xét xử lúc đó, mà còn là nền móng và  những kinh nghiệm tốt cho các giai đoạn tiếp sau này. Số lượng HTND ngày một tăng, chú trọng năng lực xét xử và bồi dưỡng cho HTND, mặc dù thực hiện chế độ bầu Hội thẩm nhưng có lúc do yêu cầu thực tế xét xử, đã thực hiện chế độ cử HTND. Các nguyên tắc toà án độc lập xét xử, xét xử tập thể và quyết định theo đa số, đặc biệt là nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền Thẩm phán ngày càng được cụ thể hoá. Thời kỳ này Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quản lý công tác HTND, đã có nhiều văn bản sát thực tế hướng dẫn: việc bầu, cử HTND; mối liên hệ giữa HTND, TAND và cơ quan tư pháp; chế độ đãi ngộ với HTND...

II. GIAI ĐOẠN 1959-1980

1. Đặc điểm tình hình.

Để củng cố và phát huy tác dụng của Chính quyền dân chủ nhân dân, phục vụ tốt công cuộc Cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, Bản Hiến pháp thứ 2 của Nhà nước ta ra đời. Hiến pháp 1959 đã quy định rõ tại 2 điều:

Điều 59: Việc xét xử ở các toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 100: Khi xét xử, Toà án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Như vậy, so với bản Hiến pháp đầu tiên, ở Hiến pháp 1959 địa vị pháp lý của người Hội thẩm đã được khẳng định rõ ngay trong đạo luật cơ bản của Nhà nước, các nguyên tắc: độc lập xét xử và Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán tiếp tục  được ghi nhận.Tuy nhiên chưa ghi nhận nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. (Nguyên tắc này sau đó được Luật tổ chức Toà án năm 1960 ghi nhận). Đầu năm 1959, miền Bắc tiến hành bầu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Nhiệm kỳ của HĐND tỉnh: 3 năm; HĐND huyện là 2 năm. HĐND sẽ bầu HTND TAND các cấp nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ của HTND địa phương theo nhiệm kỳ của HĐND). Do vậy Nhà nước đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc bầu HTND ngay từ khi tuyên truyền vận động bầu HĐND. Riêng HTND của TAND Tối cao do UBTVQH cử ra (mỗi khi xử sơ chung thẩm) với nhiệm kỳ 2,5 năm (bằng 1/2 nhiệm kỳ của Quốc hội).

Các Thông tư 05 TT ngày 10-2-1959 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp; Thông tư 174 VTC ngày 13-2-1959 của Bộ Tư pháp;  Thông tư 06 TT/LB ngày 9-3-1959 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp và Thôngtư 07 TT-VTC ngày 12-3-1959 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho bầu cử HTND (ấn đinh số lượng, tiêu chuẩn, thành phần người ứng cử HTND  và việc tổ chức bầu HTND).

- Thời kỳ đầu của giai đoạn, này các toà án huyện thường đưa việc về tận cơ sở thôn xóm giải quyết, ít mở phiên toà xét xử, do vậy HTND ít tham gia phiên toà ở Toà án huyện. Vấn đề đặt ra là sử dụng lực lượng HTND đông đảo như vậy tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật như thế nào? Bộ Tư pháp đã có Thông tư 11 VTC ngày 11-1-1960 nhằm phổ biến một số kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình trong việc sử dụng HTND huyện. Có thể nói đây là những bài học rất quý, chẳng hạn: Chia số HTND thành từng tổ về mỗi xã, sinh hoạt hàng tháng, liên hệ với tư pháp và toà án huyện thường xuyên. Đặc biệt HTND có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền pháp luật, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nắm tình hình phạm pháp, tranh chấp, đồng thời thu thập ý kiến nhân dân về cơ quan tư pháp, toà án... Qua đó thấy rõ HTND rất thuận lợi trong quan hệ với tổ đổi công, hợp tác xã và các đoàn thể, rất sát tình hình ở cơ sở. Do vậy HTND đã phối hợp tốt với tư pháp, toà án phục vụ phong trào hợp tác hoá nông thôn giải quyết nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bài trừ  hủ tục trong đời sống xã hội và gia đình... góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luât.

- Tuy HTND huyện tham gia công tác ở cơ sở tốt hơn trước, nhưng việc tham gia xét xử tại phiên toà lại có những khó khăn do còn có nhận thức về vai trò cuả HTND chưa đầy đủ. Trước tình hình đó Bộ Tư pháp có Chỉ thị số 200-VTC ngày 26-4-1960 về việc phát huy hơn nữa tác dụng của HTND. Trong đó quy định chế độ HTND tỉnh luân phiên thường trực đối với những Toà án có điều kiện: Mỗi HTND tỉnh mỗi năm làm việc 1 kỳ, không quá 2 tuần tại Toà án, do vậy họ sắp xếp thời gian, yên tâm xét xử, toàn bộ HTND có dịp tham gia phiên toà, đọc kỹ hồ sơ...

Bên cạnh đó có chế độ HTND tỉnh không luân phiên thường trực. Toà án bàn với HTND đặt lịch công tác trước 2,3 tháng hoặc mời HTND trước 15 hôm, với HTND huyện thì Thẩm phán phải gặp gỡ trao đổi trước khi xử.

- Việc sinh hoạt của HTND với toà án: tiến hành  thường kỳ (có thể 1,2 hoặc 3 tháng 1 kỳ, toà án huyện họp hàng tháng, có tư pháp xã và đại diện HTND.

- Đối với  HTND không làm tròn nhiệm vụ, HĐND có thể chất vấn, phê bình, cảnh cáo và bãi miễn - HTND phải báo cáo trước HĐND (Viết hoặc miệng tại phiên họp công khai của HĐND).

- Việc tham gia các vụ án cụ thể:

Theo Luật tổ chức Toà án nhân dân (14-7-1960) thì “...Khi sơ thẩm, Toà án nhân dân gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Toà án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi phúc thẩm những bản án, những quyết định bị chống án hoặc đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm thì Toà án nhân dân địa phương phải có ba Thẩm phán. Trong trường hợp đặc biệt, phải có thêm Hội thẩm nhân dân (Điều 11,12).

Đặc biệt sau khi có Hiến pháp mới tháng 12-1959 và Luật tổ chức toà án, các toà án được tổ chức theo nguyên tắc lãnh thổ kết hợp với thẩm quyền. Hệ thống TAND gồm: TAND huyện; TAND tỉnh, Thành phố và TAND Tối cao. Theo Luật tổ chức Chính phủ (26.7.1960) thì trong bộ máy Nhà nước không có Bộ Tư pháp. TAND Tối cao quản lý các TAND địa phương, trong đó có công tác HTND. Đồng thời trong tổ chức hành chính Nhà nước  có thêm hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc, là các vùng có nhiều đồng bào dân tộc, trong Điều lệ quy định cụ thể về tổ chức toà án nhân dân các cấp ở hai Khu tự trị này (được UBTVQH phê chuẩn năm 1963) đã quy định: trong trường hợp xử sơ thẩm, bị cáo thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, thì toà án nhân dân gồm có 1 Thẩm phán và 4 Hội thẩm Khi xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm khi cần thiết ngoài ba Thẩm phán có thể có thêm 2 hoặc 4 Hội thẩm

Việc xét xử sơ thẩm với 1 Thẩm phán mà không có HTND tham gia chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt (việc hình sự nhỏ, giản đơn), phải do Uỷ ban Thẩm phán toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chánh án Toà án huyện quyết định.

Tại Thông tư 2421-TC ngày 29-12-1961 của Toà án tối cao “hướng dẫn thực hiện chế độ Hội thẩm nhân dân”, thực tế, việc xử sơ thẩm không có HTND tham gia thường áp dụng trong việc giải quyết các vụ thuận tình ly hôn, do 1 Thẩm phán tiến hành. Thông tư 1071 - TC  của Toà án tối cao ngày 7-9-1965 đã phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên toà do 1 Thẩm phán xử, không có HTND tham gia. Đó là những vụ án xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm.

Trường hợp xử phúc thẩm có HTND tham gia cũng chỉ hạn chế trong những trường hợp xét xử vụ án có ảnh hưởng chính trị lớn (tôn giáo, dân tộc) và phải do Uỷ ban Thẩm phán quyết định (Toà án Tối cao không có HTND tham gia xử phúc thẩm).

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của HTND

Tại Thông tư 2421 nói trên, Toà án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ HTND, nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của HTND. Nhấn mạnh việc tham gia xét xử là nhiệm vụ chủ yếu của HTND, ngoài ra HTND còn tham gia tuyên truyền, hoà giải ở cơ sở.

Nhiệm vụ của HTND ngày càng tập trung vào công tác xét xử tại Toà án như: nghiên cứu hồ sơ (hoặc nghe Thẩm phán trình bày lại, trao đổi trước với Thẩm phán để chuẩn bị xét xử), tham gia thẩm vấn (không bắt buộc)theo sự phân công của Thẩm phán; nghị án. Còn việc tiến hành điều tra, hoà giải trước khi mở phiên toà là trách nhiệm của Thẩm phán, nói chung không có HTND tham gia.

- Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng (4.1975), Hội đồng chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra Sắc lệnh 01/SL/76 ngày 15-3-1976 quy định Tổ chức Toà án nhân dân, trong đó cũng khẳng định việc xét xử của Toà án phải có HTND tham gia, HTND do các đoàn thể nhân dân cử ra, khi xét xử, HTND ngang quyền với Thẩm phán. Khi xét xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm, Hội đồng xét xử gồm có một Thẩm phán và 2 HTND.

- Riêng đối với TAND đặc biệt (Theo Quyết định số 29 QĐ ngày 27-5-76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam) thì khi xét xử tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội, TAND đặc biệt gồm Chánh án, 1 Thẩm phán và 1 HTND do  UBTWMT Dân tộc giải phóng miền Nam cử ra.

3. Tiêu chuẩn HTND và việc tuyển chọn

Năm 1959 tiến hành bầu HTND nhiệm kỳ mới, người ứng cử có thể là đại biểu HĐND hoặc ngoài HĐND thì phải đủ 23 tuổi trở lên và đủ tiêu chuẩn như những người ứng cử HĐND. Danh sách ứng cử HTND bao gồm những thành phần rất rộng rãi, đặc biệt lựa chọn những người có điều kiện thực tế làm tốt nhiệm vụ HTND (không nhất thiết chọn cán bộ lãnh đạo cơ quan đoàn thể). Tuỳ theo vùng nông thôn hay thành thị, thành phần được cân nhắc cho phù hợp. Chủ yếu phải là người gương mẫu trong lao động, đại diện đoàn thể, giới, giáo.

Sau khi bầu HTND, còn có thủ tục công nhận chính thức (của Bộ Tư pháp đối với HTND tỉnh và khu tự trị) của UBHC các cấp đối với HTND huyện, châu, xã) thì HTND mới được nhận chức.

Số lượng HTND trúng cử nhiệm kỳ này rất đông, nhất là HTND huyện nằm ở xã. Chẳng hạn Hải Dương có 1177 HTND huyện, Thái Bình cũng có trên dưới 1000 HTND. Cả nước có gần 20.000 HTND (>4000 nữ).

II. GIAI ĐOẠN 1980-1992:

1. Đặc điểm tình hình:

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất và cùng tiến hành một nhiệm vụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong quản lý Nhà nước, đòi hỏi Nhà nước CHXHCNVN phải xây dựng bản Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980. Bản Hiến pháp này tiếp tục ghi nhận chế độ Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại các toà án nhân dân và toà án quân sự, cùng các nguyên tắc: Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán, nguyên tắc độc lập xét xử và quyết định theo đa số (tại 3 điều 130,131,132). Nhưng khác với bản Hiến pháp trước (1959) nguyên tắc độc lập xét xử thể hiện rõ hơn. Thẩm phán và Hội thẩm - những người trực tiếp xét xử và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, do vậy Hiến pháp 1980 ghi rõ: Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chứ không nêu chung chung là Toà án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như Hiến pháp 1959. Sau khi có Hiến pháp 1980, Bộ Tư pháp được tái lập, có một nhiệm vụ quan trọng là quản lý các TAND địa phương về mặt tổ chức, được Luật tổ chức Toà án nhân dân và Nghị định 143 HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

  Luật đặt rõ trách nhiệm của các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể nơi HTND làm việc, sinh hoạt phải tạo điều kiện cho HTND làm việc tại toà án (Điều 44).

  Các HTND được bồi dưỡng về nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi tham gia công tác x.ét xử (Điều 44).

  Theo Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ họ tên Hội thẩm nhân dân và sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày (Điều 151 BLTTHS) như vậy pháp luật đã tạo điều kiện về thời gian cần thiết cho HTND nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia xét xử một cách thiết thực.

  Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.

  3. Bầu và cử Hội thẩm nhân dân

Hiến pháp 1980 đã quy định chế độ bầu và cử Hội thẩm (tại Điều 100 và 115: Hội đồng Nhà nước cử và bãi miễn HTND của TAND Tối cao (nhiệm kỳ của Hội đồng Nhà nước là 5 năm); Hội đồng nhân dân các cấp bầu và bãi miễn các thành viên (Thẩm phán và Hội thẩm) của TAND cùng cấp (nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh là 4 năm, Hội đồng nhân dân các cấp khác nhiệm kỳ là 2 năm). Nhiệm kỳ của HTND TAND tối cao là 2,5 năm và nhiệm kỳ của HTND TAND các cấp là 2 năm.

Những quy định chủ yếu của chế định HTND đã được thể hiện khá cụ thể trong Luật tổ chức TAND ban hành 3-7-1981 (một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao so với trước đây. Cụ thể như sau:

- Về tiêu chuẩn được bầu làm HTND:

Cũng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, nhưng với Thẩm phán thì phải “có kiến thức pháp lý”, còn với Hội thẩm “phải có quan hệ tốt với nhân dân” (Điều 40).

- Trách nhiệm giới thiệu nhân sự: Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu nhân sự bầu HTND các cấp.

III. GIAI ĐOẠN TỪ 1992 ĐẾN NAY:

1. Đặc điểm tình hình.

Từ 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đòi hỏi Hiến pháp 80 được sửa đổi. Sau khi có Hiến pháp 92 và Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND (14-5-1993) các văn bản pháp luật này tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc TAND xét xử có Hội thẩm xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chế độ bầu và cử Hội thẩm..

Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật cao, quy định khá đầy đủ về chế định HTND như việc bầu, cử HTND, những đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của HTND. Tuy nhiên việc thống nhất quản lý công tác HTND chưa được quy định rõ. Mặc dù theo Nghị định 143 Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý về tổ chức các TAND địa phương nhưng một số văn bản pháp luật về Hội thẩm lại quy định Hội thẩm có quan hệ chủ yếu với TAND.

Khác với trước đây, ở giai đoạn này, ngoài các vụ án hình sự, dân sự, Toà án nhân dân còn xét xử nhiều loại án khác như: án lao động, kinh tế, hành chính, do vậy Hội thẩm đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật rất rộng (về pháp luật tố tụng, về pháp luật nội dung...).

Một số đảm bảo để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm trong xét xử đã được pháp luật quy định rõ hơn trước đây, như: vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tiêu chuẩn Hội thẩm Chế độ đối với Hội thẩm..

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm

Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm (Điều 25 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân), bồi dưỡng chuyên môn (Điều 7) và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm HTND (Điều 30).

Về thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia được luật pháp về tố tụng quy định khác nhau trong từng loại án:

a) Các vụ án dân sự, hình sự và hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm đều có 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm

Riêng án hình sự: nghiêm trọng phức tạp và những vụ có thể xử mức án tử hình, Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm

Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm hình sự, hành chính gồm 3 Thẩm phán và 2 Hội thẩm

b) Đối với vụ án kinh tế và lao động thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm

Riêng Bộ luật tố tụng hình sự có quy định cụ thể về thành phần Hội đồng xét xử các vụ án đặc biệt có bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải có 1 Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn TNCSHCM.

Để đảm bảo nguyên tắc “độc lập xét xử”, Bộ luật TTHS quy định rõ: khi nghị án Thẩm phán và Hội thẩm biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến bằng văn bản, để lưu vào hồ sơ vụ án.

Theo các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì sau khi thụ lý, nghiên cứu một vụ án nào đó trong thời hạn quy định (ít nhất là 30 ngày đối với tranh chấp lao động và 4 tháng đối với vụ án dân sự), Thẩm phán có quyền ra các quyết định về việc giải quyết vụ án (đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ việc giải quyết vụ án...) Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi họ tên Hội thẩm nhân dân (trong Hội đồng xét xử vụ án đó). Sau khi Thẩm phán ra Quyết định nói trên, phiên toà sẽ được tiến hành trong các thời hạn như sau: đối với án kinh tế từ 10 đến 20 ngày; đối với tranh chấp lao động từ 10 ngày - 15 ngày; đối với vụ án hình sự từ 15 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án hành chính từ 20 đến 30 ngày; đối với vụ án dân sự thì từ 30 ngày đến 2 tháng. Như vậy trong khoảng thời gian đó, người Hội thẩm đã nhận được giấy mời phiên toà và thu xếp thời gian để  nghiên cứu hồ sơ. Nhưng thời gian cụ thể là bao nhiêu và ngoài hồ sơ gốc, Hội thẩm có được nghiên cứu hồ sơ đã sao chụp không thì chưa có quy định cụ thể, do vậy thực tế cũng còn có việc HTND nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, cá biệt có trường hợp không kịp đọc hồ sơ.

Để đảm bảo tiêu chuẩn và khả năng tham gia xét xử, luật còn quy định:

- Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác.

- Hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng làm Hội thẩm (Điều 27 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND).

- Ngoài nhiệm vụ tham gia xét xử, Hội thẩm còn có nhiệm vụ khá quan trọng là tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là trong công tác hoà giải ở cơ sở.

3. Tiêu chuẩn bầu, cử và chế độ đối với Hội thẩm

- Tiêu chuẩn Hội thẩm : theo Điều 37 Luật tổ chức toà án (1992) và Điều 4, 29 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND (1993) thì ngoài các điều kiện như đối với Thẩm phán: công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc... có kiến thức pháp lý; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; để được bầu, cử làm Hội thẩm còn phải có điều kiện: có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (người có điều kiện như trên là công nhân, quân nhân, nhân viên quốc phòng thì có thể được cử làm Hội thẩm quân nhân (HTQN) Toà án quân sự). Bộ Tư pháp có công văn số 1973 ngày 10-11-1994 hướng dẫn địa phương về việc bầu HTND nhiệm kỳ 1994-1999.

- Nhiệm kỳ của HTND TAND Tối cao và HTQN là 5 năm, nhiệm kỳ của HTND TAND địa phương theo nhiệm kỳ của HĐND cùng cấp.

- Chế độ đối với Hội thẩm

Theo Thông tư số 614 TT/LN của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân Tối cao, ngày 21-7-1995 thì Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại TAND Tối cao hưởng phụ cấp phiên toà: 30.000đ/ngày; ở TAND tỉnh hưởng 25.000đ/ngày và ở TAND huyện hưởng 20.000đ/ngày. Ngoài ra Hội thẩm còn được thanh toán tiền công tác phí cho những ngày đi đường như đối với viên chức Nhà nước đi công tác.

Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân theo Nghị quyết số 218 UBTVQH9 để sử dụng khi làm nhiệm vụ Hội thẩm Điều này cũng đặt rõ trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm làm tròn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể  nơi Hội thẩm sinh hoạt, công tác hoặc nơi họ đến thực hiện nhiệm vụ. Khi Hội thẩm bị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Chánh án TAND Tối cao hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi giấy chứng minh Hội thẩm.

- Số lượng Hội thẩm

Theo Nghị quyết số 209 UBTVQH9 ngày 20-5-1994 thì số lượng HTND TAND Tối cao là 20 người nhưng từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cử 20 vị HTND TAND tối cao (17-1-1996) đến nay thì TAND Tối cao chưa xử vụ án Sơ Chung Thẩm nào, nên chưa có vị HTND TAND tối cao nào tham gia xét xử.

Theo Nghị quyết số 217 NQ/UBTVAH9 ngày 25-8-1994 và Quyết định số 867 QĐ/QLTA của Bộ Tư pháp ngày 7-10-1994 về số lượng Hội thẩm TAND địa phương thì:

ở mỗi TAND cấp tỉnh cứ 1 Thẩm phán có 1 Hội thẩm (tổng số Hội thẩm không dưới 20 người).

ở mỗi TAND cấp huyện cứ 1 Thẩm phán có 2 Hội thẩm (tổng số Hội thẩm không dưới 15 người).

Như vậy trong nhiệm kỳ 1994-1999 số Hội thẩm nhân dân TAND địa phương là 10.197 người (số lượng Thẩm phán là 4633 người) (thực tế bầu được 9894 Hội thẩm) số Hội thẩm quân nhân là 610 người (Thẩm phán TAQS là 140 người).

Tóm lại, từ khi hình thành, chế định về Hội thẩm đã ngày càng phát triển, đáp ứng đòi hỏi của từng giai đoạn, thể hiện đậm nét tính dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án. Điều này được biểu hiện trong nguyên tắc luật định: xét xử tập thể và quyết định theo đa số, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; thể hiện trong việc bầu hoặc cử Hội thẩm - những đại biểu của các giới, các ngành, các tổ chức xã hội và các dân tộc... thông qua các trình tự bầu cử dân chủ, với các tiêu chuẩn Hội thẩm ngày càng được nâng cao; chế định miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm là những đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn Hội thẩm

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, chế định Hội thẩm cần được tiếp tục hoàn thiện và nâng cao. Có thể nói cần phải có những cải cách đáng kể, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Trong đó có những cải cách về chế độ bầu cử Hội thẩm tiêu chuẩn Hội thẩm chế độ bãi nhiệm, miễn nhiệm, đảm bảo các quyền lợi cho Hội thẩm.., cơ quan đầu mối quản lý Hội thẩm cũng  cần được nghiên cứu kỹ, nâng cao khả năng cung cấp những hiểu biết cần thiết cho HĐXX của Hội thẩm và khả năng giám sát, hoạt động xét xử của cơ quan quyền lực Nhà nước, tránh dân chủ hình thức...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. THÔNG TIN - TƯ LIỆU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TOÀ ÁN CÓ HỘI THẨM NHÂN DÂN THAM GIA ”TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ, KINH TẾ Ở TRUNG QUỐC.

  

Ngô Cường

Viện phó Viện Khoa học xét xử - TANDTC

1. Tổ chức các Toà án ở Trung Quốc

Hiện nay, Toà án Trung Quốc bao gồm 3 bộ phận:

a. Toà án nhân dân tối cao

Toà án nhân dân tối cao bao gồm các Toà: Toà hình sự 1, Toà hình sự 2, Toà Kinh tế, Toà hành chính, Toà Sở hữu trí tuệ, Toà dân sự, Toà xét khiếu nại.

b. Các Toà án nhân dân địa phương

Các Toà án nhân dân địa phương bao gồm:

- Toà án nhân dân cấp cao (tức các Toà án  cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khu tự trị trực thuộc Tung ương), gồm 31 toà.

- Các Toà án nhân dân trung cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khu tự trị trực thuộc Trung ương, gồm 390 Toà.

- Các Toà án nhân dân cơ sở (tức cấp huyện), gồm 3.083 Toà. Các Toà án nhân dân  cơ sở còn lập ra các Toà nhân dân, mỗi Toà nhân dân phụ trách một khu vực từ 2 đến 3 xã (hoặc thị trấn), hiện nay có 18.000 Toà nhân dân.

c. Các Toà án chuyên trách

- Toà án quân sự (77 Toà);

- Toà án trung cấp Hải sự (9 Toà);

- Toà án trung cấp vận tải đường sắt (71 Toà).

Các Toà án chuyên trách xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của mình. Các Toà án Hải sự, Toà án Vận tải đường sắt không xét xử các vụ án hình sự mà chỉ xét xử những vụ án kinh tế xảy ra trong vận tải đường sông, đường biển, đường sắt.

Mặc dù ở Trung Quốc có 4 cấp Toà án nhưng vẫn thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Tất cả các việc kiện đều có thể được xét xử phúc thẩm (kể cả những việc đơn giản chỉ do một Thẩm phán xét xử) trừ những việc được giải quyết theo trình tự đặc biệt (Ví dụ: như việc tuyên bố mất tích, tuyên bố một người đã chết...).

2. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các vụ án của Trung Quốc cũng tăng lên (trung bình hàng năm tăng 10%), chủ yếu là các vụ án dân sự, kinh tế. Thí dụ trong năm 1996, Toà án các cấp của Trung Quốc đã xét xử sơ thẩm 5,26 triệu vụ án (tăng 15% so với năm 1995), trong đó có 3,09 triệu vụ dân sự, 1,56 triệu vụ án kinh tế, 570.000 vụ án hình sự, 80.000 vụ án hành chính.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về công tác xét xử trong hoàn cảnh mới, Trung Quốc đã có những cải cách về pháp luật, đặc biệt là những văn bản pháp luật liên quan đến việc giải quyết các vụ án dân sự và kinh tế. Với việc ban hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 1991, thủ tục tố tụng dân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể. Thí dụ như về trách nhiệm chứng minh, nếu như trước đây việc điều tra trong vụ kiện dân sự như là một trách nhiệm của Toà án thì nay trách nhiệm đó là của đương sự, Toà án chỉ hỗ trợ và tiến hành xác minh sự việc khi đương sự không thể tự mình cung cấp chứng cứ được (như trường hợp đương sự không thể yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp tài liệu...). Hoặc như về việc tiến hành phiên toà, nếu như trước đây, tại phiên toà, chủ yếu là Thẩm phán hỏi hai bên đương sự, thì trong những năm gần đây việc tiến hành phiên toà đã cải cách, thay đổi hẳn, theo đó, tại phiên tòa thực hiện “tranh tụng” giữa hai bên đương sự, Thẩm phán (Hội đồng xét xử) đóng vai trò “trọng tài” giữa họ. Một đặc điểm khác nữa của việc cải cách pháp luật tố tụng dân sự là giảm bớt dần sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân. Theo quy định của Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc thì “Khi Toà án nhân dân xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sẽ tổ chức Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Hội đồng xét xử do các Thẩm phán hợp lại, số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ”.

“Những vụ án dân sự có thể áp dụng trình tự xét xử đơn giản sẽ do một Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử”.

“Khi Hội thẩm thi hành trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang với thẩm phán”.

a. Có thể thấy rằng quy định nêu trên là hết sức mềm dẻo: Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể bao gồm cả Thẩm phán và Hội thẩm (không chỉ rõ một Hội thẩm hay hai Hội thẩm chỉ yêu cầu số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ) hoặc chỉ bao gồm các Thẩm phán.

Với các quy định mềm dẻo như vậy, trong thực tế, hầu như các Toà án ở Trung Quốc không mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án dân sự kinh tế (còn tất cả các vụ án hình sự sơ thẩm đều bắt buộc có sự tham gia xét xử của HTND). Toà án chỉ mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử khi việc xét xử vụ án cần phải tham khảo ý kiến của những nhà chuyên môn về những lĩnh vực phức tạp (thí dụ như một vụ kiện liên quan đến lĩnh vực thị trường chứng khoán thì mời Hội thẩm nhân dân là chuyên gia về thị trường chứng khoán...) và Toà án cũng chỉ mời một Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.

Lý do khiến các Toà án Trung Quốc không mời (hay nói chính xác là rất ít mời) Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là: Trong hoàn cảnh phát triển kinh tế thị trường, mọi người (trong đó có Hội thẩm nhân dân) đều có những mối bận rộn của mình, họ có rất ít thời gian tham gia những công việc khác, do đó rất khó mời Hội thẩm nhân dân. Hơn nữa, Hội thẩm nhân dân không phải “Thẩm phán chuyên nghiệp” nên họ hiểu ít (nếu không nói là họ không hiểu biết) về công tác xét xử và về pháp luật, do vậy quyết định của họ có thể bảo đảm chính xác, đúng pháp luật.

b. Thủ tục giản đơn thường được áp dụng Toà án nhân dân cơ sở và các Toà án nhân dân. Theo quy định của pháp luật tố tụng Trung Quốc thì đối với những vụ kiện dân sự, kinh tế: đơn giản; rõ ràng; là những cạnh tranh thông thường, phổ biến, không phải là những loại tranh chấp mới (loại việc mới); giá trị tranh chấp không lớn (các Toà án cấp cao có những hướng dẫn khác nhau về việc xác định thế nào là vụ kiện có “giá trị tranh chấp không lớn”), thì Toà án được áp dụng thủ tục giản đơn để giải quyết. Thủ tục giản đơn có đặc điểm sau đây:

- Do một Thẩm phán xét xử;

- Nguyên đơn có thể khởi tố bằng miệng;

- Thời hạn xét xử là 3 tháng (thời hạn xét xử theo thủ tục thông thường là 6 tháng);

- Có thể gọi đương sự, nhân chứng theo thủ tục đơn giản (không cần giấy triệu tập).

c. Một câu hỏi đặt ra là việc có rất ít Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì Toà án có đủ Thẩm phán để xét xử hay không, Trong khi số lượng các vụ án đều tăng hàng năm. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số điểm khá độc đáo về tổ chức Toà án ở Trung Quốc.

Theo “Luật Thẩm phán nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” (được Hội nghị lần thứ 12 Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thông qua ngày 28/02/1995) thì Thẩm phán ở các Toà án Trung Quốc bao gồm: Chánh án, Phó chánh án, Uỷ viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh Toà, Thẩm phán và trợ lý Thẩm phán.

Khác với các chức danh khác phải do Đại hội nhân dân bổ nhiệm và miễn nhiệm, trợ lý Thẩm phán của một Toà án do Chánh án Toà án cấp đó bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Một trong những điều kiện để được bổ nhiệm làm Thẩm phán hoặc trợ lý Thẩm phán là 23 tuôỉ trở lên, có trình độ đại học, cao đẳng luật, có thời gian công tác tại Toà án ít nhất là 1 năm (nếu tốt nghiệp Đại học luật) hoặc 2 năm (nếu tốt nghiệp cao đẳng luật). Trợ lý Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn như Thẩm phán.

Như vậy Chánh án một Toà án sẽ căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, tiêu chuẩn Thẩm phán để bổ nhiệm Trợ lý Thẩm phán.

Có thể nói với một cơ chế bổ nhiệm Trợ lý Thẩm phán như đã nêu ở trên, các Toà án không bao giờ rơi vào tình trạng thiếu Thẩm phán xét xử, cơ chế này tạo điều kiện cho Chánh án từng Toà án chủ động trong công việc.

 

VỀ CHẾ ĐỊNH " CÔNG DÂN THAM GIA XÉT XỬ"

Ở MỸ VÀ MỘT SỐ NƯỚC ASEAN

 

TS. Dương Thanh Mai

Viện NCKH Pháp lý- Bộ Tư pháp

I/ CHẾ ĐỊNH BỒI THẨM ĐOÀN Ở MỸ

Bồi thẩm đoàn (BTĐ), theo cách hiểu chung nhất, là một nhóm công dân đã tuyên thệ sẽ phán xét trung thực về những sự kiện của vụ án trên cơ sở các chứng cứ đưa ra trước BTĐ.

Bồi thẩm viên (BTV) là người được chọn để tham gia BTĐ và tuyên thệ sẽ phục vụ trong một vụ án cụ thể.

1. Sơ lược vài nét về lịch sử hình thành chế định BTĐ ở Mỹ.

1.1. Nguồn gốc của chế định BTĐ

BTĐ có nguồn gốc từ hệ thống “xét xử” thời công xã nguyên thuỷ. Trong các bộ lạc nhỏ, thủ lĩnh vừa là người làm ra “luật” vừa là “quan toà” xét xử ban đầu và cuối cùng; là người phán xét cả về sự kiện lẫn về luật áp dụng. Khi các bộ lạc lớn dần lên thì quyền hạn của thủ lĩnh  giảm đi, quyết định của thủ lĩnh chịu ảnh hưởng của những người già và các nhà thông thái trong bộ lạc. Đã hình thành dần hệ thống “tư pháp” của bộ lạc, trong đó thủ lĩnh hoặc những người già giữ vai trò của Thẩm phán tuyên về luật còn tất cả đàn ông trong bộ lạc là thành viên của BTĐ để quyết định về dữ kiện.

Số lượng và thành phần của BTĐ có thể rất khác nhau. Thời Hy Lạp cổ đại, hệ thống BTĐ khá lớn và hoạt động có hiệu quả, có nhiều nét giống với mô hình BTĐ hiện đại. Thí dụ tại Athens, danh sách BTV lên tới 6000 người trong một năm (còn ở Bang New York danh sách BTV hiện nay khoảng 26.000 người). Khi xét xử sơ thẩm tại Athens, trong số 6000 BTV chọn ra 201 người để thành lập BTĐ cho một vụ án (đối với các vụ án lớn thì số BTV có thể lên tới 500, thậm chí 1000 người, chẳng hạn như trong vụ xử socrates về tội bất kính Chúa đã có 501 BTV tham dự, 60% trong số đó đã biểu quyết kết tội Ông). Trong các vụ hình sự, BTV được phát hai phiếu: phiếu "Có tội" và phiếu "Vô tội".còn trong vụ án dân sự- một phiếu cho nguyên đơn và một phiếu cho bị đơn. Sau khi các BTV đã bỏ phiếu vào bình, tất cả những người tham dự phiên toà sẽ đếm số phiếu ở mỗi bình. Nếu số phiếu ở hai bình bằng nhau thì phán quyết sẽ theo hướng có lợi cho bị cáo. Nếu đa số phiếu dành cho nguyên đơn (hoặc cho "Có tội" đối với bị cáo) thì các BTV sẽ bỏ phiếu lần thứ 2 để xác định mức độ bồi thường (trong vụ dân sự) hoặc hình phạt (trong vụ hình sự). Tại các nước thuộc Châu Âu lục địa như ý, Đức, Pháp...đều hình thành việc xét xử bằng BTĐ tương tự. Người Normans đã đem vào Anh các hình thái biến dạng của việc xét xử có BTĐ tham gia và từ Anh, hệ thống BTĐ đã được du nhập sang Mỹ trong thời kỳ người Anh xâm chiếm thuộc địa Mỹ.

Tuy nhiên,  trong thời kỳ đầu, BTĐ còn khác xa với mô hình ở Mỹ hiện nay. Thí dụ: BTV hiện nay buộc phải khước từ làm nhiệm vụ nếu họ đã biết điều gì đó về vụ án; trong khi đó, các BTV đầu tiên của Anh quốc lại chính là các nhân chứng của vụ án, họ tuyên thệ sẽ nói đúng sự thật về vụ án và kết luận của họ chính là lời khai có tuyên thệ. Các BTV cũng có thể được phái về các địa phận nơi diễn ra vụ án để tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến vụ án, kể cả việc tiếp xúc với người phạm tội và người bị hại, sau đó, các BTV sẽ họp lại để trao đổi và kết luận bị can có tội hay không có tội. Hệ thống xét xử bằng BTĐ được tiếp nhận khá chậm chạp và chỉ thật sự khởi sắc vào năm 1215 khi Nhà thờ ra lệnh cấm xét xử bằng phép thử tội (mà bản chất là niềm tin rằng nếu một người vô tội thì sẽ được các thần linh phù hộ, trợ giúp để vượt qua được phép thử tội như nắm giữ thanh sắt nung đỏ trong tay hay vớt hòn đá nặng từ thùng nước đang sôi...). Lúc này, Thẩm phán buộc BTĐ phải có câu trả lời chính xác còn bị cáo cũng bắt đầu đưa ra các nhân chứng của mình. Các nhân chứng này của bị cáo có thể là một bộ phận của BTĐ, có thể là người chỉ được gọi ra trước BTĐ. Trong những trường hợp cần thiết, BTĐ có thể gọi chính nhân chứng của mình ra trước toà. Phải đến tận thế kỷ XV, BTĐ mới tách ra khỏi vai trò nhân chứng để chỉ còn là người nghe và đánh giá lời khai của các nhân chứng.

Trong khi đó ở Anh, hệ thống BTĐ phát triển theo hướng phân định chức năng : BTĐ xác định sự kiện và Thẩm phán quyết định các vấn đề về áp dụng luật thì ở các nước thuộc lục địa châu Âu lại theo hướng ngược lại, tức là tăng chức trách của Thẩm phán, giảm đi hay hạn chế vai trò của BTĐ. Vì vậy, ở các nước này việc xét xử sẽ do một số Thẩm phán chuyên trách thực hiện, chỉ xét xử bằng BTĐ trong các vụ hình sự  nghiêm trọng còn ở Anh thì phổ biến là việc xét xử do một Thẩm phán và BTĐ cùng chịu trách nhiệm.

Hệ thống BTĐ do thực dân Anh mang sang Mỹ, vào thời kỳ đầu, đã trở thành công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh vì độc lập: các BTV đã cản trở có hiệu quả việc thi hành pháp luật ngoại lai của Anh bằng cách không kết tội bị cáo, dù có đủ chứng cứ về sự vi phạm pháp luật của anh ta. Tuyên ngôn nhân quyền (1774), Tuyên ngôn độc lập (1776) đều coi thủ tục xét xử bằng bồi thẩm đoàn là một đặc quyền lớn và vô giá dành cho mỗi người dân.

1.2. Quyền Hiến định của công dân Mỹ được xét xử bằng BTĐ

Hiến pháp Mỹ quy định:" Trong tất cả các vụ hình sự, bị cáo có quyền được hưởng việc xét xử nhanh chóng và công khai bằng một BTĐ khách quan của Nhà nước Bang hoặc quận nơi tội phạm đã được thực hiện; được thông báo về bản chất và căn cứ của việc kết tội; được đối chất với các nhân chứng chống lại mình; được gọi nhân chứng của mình và có luật sư giúp đỡ, bảo vệ cho mình" (Bổ sung thứ sáu Hiến pháp). Còn trong các vụ dân sự, công dân được hưởng quyền xét xử bằng BTĐ theo thông luật nếu giá trị tranh chấp lớn hơn 20 USD (bổ sung thứ 7 Hiến pháp Liên bang). Thông thường các vụ dân sự đưa ra toà công lý (equity) không có BTĐ tham gia trừ một vài trường hợp mà Thẩm phán thấy thật cần thiết phải có sự đánh giá của BTĐ (thí dụ trong các vụ ly hôn mà một bên - vợ hoặc chồng- bị cho là có hành vi ngoại tình).

Hiến pháp của phần lớn các Bang đều có những quy định tương tự như Hiến pháp Liên bang về quyền cuả người dân được hưởng sự xét xử bằng BTĐ. Trong quân đội, những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng do một sỹ quan xét xử cả về sự kiện lẫn về luật (Toà án Hải quân rút gọn), còn các tội khác được xét xử tại Toà án Hải quân đặc biệt với một Thẩm phán là Chủ toạ phiên toà cùng các thành viên khác để phán xét về sự kiện (cũng tương tự như các BTV tại toà án dân sự). Các tội phạm rất nghiêm trọng do Toà đại hình Hải quân xét xử với một sỹ quan luật - không phải thành viên của Toà án - và ít nhất là 5 thành viên khác.

Quy định của Hiến pháp về BTĐ được cụ thể hoá trong Luật về lựa chọn và hoạt động của Bồi thẩm đoàn (8/1970).

2. Các điều kiện để được lựa chọn làm Bộ trưởng Bộ nội vụ [1].

2.1. Giới tính: Trước 1898, chỉ có nam giới được tham gia BTĐ. Năm 1898, tại Bang Utah đã hình thành một án lệ trong đó phụ nữ được làm BTV với một số điều kiện nhất định. Sau Utah, nhiều Bang khác của Mỹ cũng đã ban hành các quy định về quyền của phụ nữ tham gia BTĐ với các mức độ khác nhau: không được phép tham gia; được phép nhưng không bắt buộc phải tham gia; được phép và bắt buộc phải tham gia (không được từ chối trách nhiệm tham gia BTĐ chỉ vì lý do giới tính).

2.2. Độ tuổi: Tuỳ theo pháp luật của từng Bang nhưng phần lớn các Bang quy định người trong độ tuổi từ 20 đến 65-70 có thể được chọn làm BTV. Tuổi tối thiểu được xác định để đảm bảo cho BTV có hiểu biết và kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống; tuổi tối đa để đảm bảo BTV chưa bị hạn chế khả năng nhìn, nghe, đọc khi tham gia xét xử.

2.3. Địa vị công dân: Tuỳ theo pháp luật của từng Bang, có Bang loại trừ tất cả những người đã bị kết án tù trên một năm ra khỏi diện có thể tham gia BTĐ, có Bang chỉ loại trừ người phạm một số tội nhất định. Điều quan trọng nhất mà các Bang đều quy định là người được hỏi không được giấu diếm bất cứ một thông tin nào về địa vị công dân, về tiền án, tiền sự của mình.

2.4. Màu da: theo luật thì không có sự phân biệt đối xử nào.

2.5. Quốc tịch: phải là công dân Mỹ, công dân của Bang nơi được chọn làm  BTV.

2.6. Trình độ văn hoá: biết đọc và viết tiếng Anh.

2.7. Nghề nghiệp: đối với những người mà việc thực hiện các trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép họ rời khỏi công việc trong những khoảng thời gian cần thiết để tham gia BTĐ thì có thể được miễn hoặc được coi là không đủ tiêu chuẩn để làm BTV (thí dụ như bác sỹ, dược sỹ, giáo viên phổ thông...)

3. Cách thức thành lập BTĐ và chức trách của BTĐ trong xét xử:

3.1. Các loại BTĐ: Tuỳ thuộc vào mục đích và loại toà, loại án được xét xử, BTĐ có thể chia thành hai loại sau:

- BTĐ xét xử: thông thường gồm 12 người; đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc án dân sự có giá trị tranh chấp nhỏ hơn 3000 USD thì BTĐ có thể chỉ gồm 6 người. Tất cả BTV phải có mặt suốt trong quá trình xét xử với chức năng chính là phán xét về dữ kiện của vụ án.

- Đại bồi thẩm đoàn (Grand Jury): thông thường gồm 23 người, không tham gia phiên toà xét xử mà làm chức năng kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ và quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không ? Công tố viên sau khi đã trình trước Đại bồi thẩm đoàn tất cả các chứng cứ của vụ án thì sẽ ra ngoài để các BTV bàn luận về việc có cần viết bản cáo trạng đưa ra xét xử hay không ? Trong quá trình làm việc, một số BTV có thể vắng mặt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc là tối thiểu có 12 người đồng ý vơí kết luận của Đại bồi thẩm đoàn.

3.2. Cách thức thành lập BTĐ:

- Lựa chọn Danh sách BTV: Pháp luật của từng Bang quy định số lượng BTV cần có để phục vụ tại các toà án đóng trên địa bàn. Từ danh sách cử tri đã đăng ký tại Quận, huyện, Toà án chọn lấy một Danh sách BTV có đủ điều kiện luật định. Những người có tên trong Danh sách này có thể được gọi đến để phỏng vấn sơ bộ, nếu một người nào đó có lý do để được miễn thực hiện trách nhiệm BTV thì Toà án sẽ loại người đó ra khỏi Danh sách này. Nhưng ở nhiều địa phương, Danh sách BTV chỉ được lập và kiểm tra định kỳ theo danh sách cử tri, không có các cuộc gặp gỡ hay phỏng vấn trực tiếp.

- Lựa chọn BTV và thành lập BTĐ cho một phiên toà: Vào ngày mở phiên toà, một số lượng lớn BTV trong Danh sách được gọi đến toà án (có thể gọi tới 150 người), sau đó lựa chọn 12 người chính thức và 2 người dự bị làm BTV xét xử tại phiên toà. Sau khi đã chọn sơ bộ xong, Thẩm phán yêu cầu các BTV nêu lý do  (nếu có) để từ chối làm nhiệm vụ BTV trong vụ án cụ thể này và Thẩm phán sẽ cân nhắc xem có chấp nhận lý do đó hay không ( thí dụ lý do của nhà kinh doanh đang trong thời kỳ làm ăn bận rộn nhất có thể được chấp nhận nhưng lý do là đã có vé đi xem kịch hoặc xem bóng chuyền vào thời điểm diễn ra phiên toà thì sẽ không được chấp nhận). Các BTV sẽ phải trả lời một số câu hỏi của Thẩm phán và luật sư của các bên đồng thời tuyên thệ  về tính công bằng, khách quan, về tiêu chuẩn làm BTV trong vụ án. Nếu qua các câu trả lời của BTV thấy có căn cứ cho rằng BTV đó sẽ  không khách quan, vô tư khi tham gia xét xử ( thí dụ BTV có quan hệ bạn bè lâu dài với bị cáo; BTV đã có lần là nạn nhân của một tội phạm cùng loại ...) thì BTV có thể được thay thế.

3.3. Chức trách của BTĐ:

- Trong vụ án hình sự: BTĐ quyết định bị cáo có tội hay không và khuyến nghị về hình phạt.

- Trong vụ án dân sự: BTĐ xác định ai là người có lỗi và giá trị được bồi thường là bao nhiêu.

4. Hoạt động của BTĐ tại phiên toà - Mối quan hệ giữa chế định BTĐ và một số đặc trưng cơ bản của tố tụng dân sự và tố tụng hình sự.

4.1. Hoạt động của BTĐ:

Để thực hiện được chức trách của mình, BTĐ buộc phải có mặt đầy đủ tại phiên toà để nghe các nhân chứng, xem các vật chứng do các bên đưa ra cũng như nghe những lời thẩm vấn, thẩm vấn chéo  của luật sư đại diện cho các bên hoặc của công tố viên trong vụ hình sự, nghe các lời giải thích cần thiết của Thẩm phán về luật áp dụng để chấp nhận hay không chấp nhận các chứng cứ do các bên và luật sư của họ trình ra trước Thẩm phán và BTĐ. Các BTV có thể giơ tay đề nghị được hỏi và chuyển các câu hỏi đó đến Thẩm phán. Thẩm phán sẽ tự mình nêu câu hỏi của BTV nếu thấy đó là những câu hỏi đúng, nếu ngược lại thì Thẩm phán sẽ không hỏi và sau đó cho ghi vào biên bản phiên toà lý do câu hỏi bị bác. Sau khi kết thúc thẩm vấn, Thẩm phán có thể tranh luận với các luật sư và công tố viên về các khía cạnh pháp luật, lúc này BTĐ có thể không tham dự vì chức trách chính của họ là đánh gía và phán xét về các dữ kiện chứ không phải về luật. Tiếp theo, các luật sư sẽ tóm tắt, tổng kết lại trước BTĐ các chứng cứ của phía mình với mong muốn là BTĐ sẽ ủng hộ cho thân chủ của họ. Cuối cùng, Thẩm phán sẽ có những hướng dẫn, giải thích cần thiết về pháp luật trước khi BTĐ rút vào phòng riêng để thảo luận về vụ việc và tự ra phán quyết theo ý kiến của mình.

Theo truyền thống thì BTĐ chỉ có thể đưa ra phán quyết trên cơ sở nhất trí tuyệt đối, nếu có BTV vắng mặt hay không nhất trí với các BTV khác thì sẽ không có phán quyết nào được đưa ra và vụ án sẽ phải được xét xử lại trước một BTĐ khác. Tận dụng quy tắc này, các luật sư bào chữa có kinh nghiệm trong các vụ hình sự  thường cố ý chọn các BTV với trình độ, xuất thân, tôn giáo.... thật khác nhau và họ chỉ cần cố gắng để thuyết phục được một trong các BTV ủng hộ cho bị cáo là đã đủ để BTĐ không đưa ra được lời kết tội thân chủ của họ. Tại Mỹ, trong vòng những thập kỷ cuối, nguyên tắc nhất trí trong việc ra phán quyết của BTĐ đã có những thay đổi với mục tiêu làm cho hoạt động của BTĐ có hiệu quả hơn. Trong các vụ hình sự, trừ ở Bang Louisiana, còn toà án các Bang và toà án Liên bang chỉ đòi hỏi BTĐ nhất trí tuyệt đối khi quyết định các tôị có thể bị phạt tù giam từ một năm trở lên; đối với các tội ít nghiêm trọng hơn thì một số Bang theo nguyên tắc 3/4 hoặc 2/3 nhất trí . Trong các vụ dân sự, một số Bang cho phép phán quyết của BTĐ về lỗi và về mức độ bồi thường của các bên trên cơ sở 5/6 nhất trí.

4.2. Mối quan hệ giữa chế định BTĐ và việc hình thành một số đặc trưng cơ bản trong pháp luật tố tụng.

Pháp luật tố tụng của Mỹ và một số nước khác cùng theo truyền thống thông luật có nguồn gốc từ Anh, chứa đựng nhiều đặc trưng gắn liền với chế định xét xử bằng BTĐ ([2]). Đó là các đặc trưng:

- Xét xử tập trung, liên tục nghĩa là tại địa điểm và thời gian đã định trước, các đương sự, luật sư của họ, các nhân chứng cũng như bản thân Thẩm phán đều phải có mặt và tập trung vào làm sáng tỏ sự việc của vụ án. Việc xét xử bằng BTĐ sẽ rất tốn kém và không thuận lợi nếu phải tập trung các BTV làm nhiều lần. Chính việc xét xử tập trung đã đòi hỏi trình tự tố tụng phải được sắp xếp, tổ chức chặt chẽ để BTĐ dễ theo dõi, đánh giá sự kiện.

- Coi trọng khai bằng lời: đặc trưng này bắt nguồn từ lý do lịch sử là nhiều BTV không biết chữ nên để đảm bảo công lý không bị xuyên tạc, tất cả các chứng cứ đều phải được trình bày bằng lời trước Thẩm phán và BTĐ; nhân chứng phải tuyên thệ, bị kiểm tra và đối chứng bằng lời trước mặt Thẩm phán và BTĐ;

- Nguyên tắc tranh tụng: để đảm bảo toà án xét xử tập trung, luật sư của mỗi bên phải làm rất nhiều công việc chuẩn bị trước phiên toà nên tại phiên xét xử, chính các luật sư giữ vai trò chủ động, dẫn dắt việc nêu câu hỏi và kiểm tra nhân chứng, quyết định tiến trình và nhịp độ của phiên toà. Trong lúc đó, Thẩm phán và BTĐ đóng vai trò tương đối thụ động, chủ yếu là nghe luật sư của hai bên tranh luận, đấu lý; bên thắng là bên thuyết phục được BTĐ ủng hộ quan điểm, lập luận của mình.

- Tính phức tạp của luật về chứng cứ cũng liên quan mật thiết với sự tồn tại và chức trách của BTĐ. Phần lớn các quy tắc về chứng cứ liên quan đến tính chấp nhận được hay không chấp nhận được của các chứng cứ nhằm bảo đảm cho những người không chuyên nghiệp luật ( kể cả có BTV chưa biết chữ) khỏi bị lẫn lộn sự kiện bởi những chứng cứ không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, hiện nay nguyên tắc tranh tụng dẫn đến không khí căng thẳng, "đối đầu" giữa công tố viên và luật sư bào chữa tại các phiên toà ở Mỹ và đang đặt ra câu hỏi liệu có thể cải thiện tình hình đó, tăng tính "lịch sự" của quá trình xét xử mà vẫn đảm bảo cho BTĐ  ra được quyết định đúng đắn không? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu BTĐ có giữ được tính độc lập, không bị tác động bởi việc Thẩm phán được quyền và có trách nhiệm tóm tắt, tổng hợp lại các sự kiện, chứng cứ của vụ kiện trước khi BTĐ họp riêng để ra phán quyết ? Cũng đã xuất hiện nhiều bài  nghiên cứu, những cuộc điều tra dư luận xã hội về những mặt được, mặt không được của việc thay thế chế định BTĐ bằng một Thẩm phán xét xử, nhằm giảm bớt gánh nặng quá tải của nền hành chính-tư pháp Mỹ.

II. VÀI NÉT VỀ VIỆC NHÂN DÂN THAM GIA XÉT XỬ Ở MỘT SỐ NƯỚC ASEAN

1. Singapore: Singapore là một thuộc địa của Anh từ thế kỷ 19. Cùng với những khái niệm và thiết chế tư pháp khác của Anh, bồi thẩm đoàn cũng đã được du nhập vào Singapore trong lĩnh vực xét xử hình sự. Nhưng như các học giả Singapore nhận xét, chế định bồi thẩm đoàn “không bắt rễ được trên mảnh đất Singapore”([3]), do đó, đến năm 1960,         bồi thẩm đoàn chỉ còn được sử dụng ở các vụ tuyên án tử hình và đến năm 1969 thì hoàn toàn bị bãi bỏ. Thay vào đó, việc xét xử do hai Thẩm phán đảm nhiệm và chỉ khi họ hoàn toàn nhất trí thì án mới được tuyên. Đến năm 1992, việc xét xử sơ thẩm chỉ còn do một Thẩm phán thực hiện. Riêng các phiên toà xét xử người chưa thành niên phạm tội tại toà sơ cấp (và từ sau năm 1994 là tại phân toà người chưa thành niên), do một Thẩm phán chuyên nghiệp chủ trì với sự trợ giúp của hai người tư vấn trong danh sách do Tổng thống chỉ định (theo điều 32 (1) và 32 (3) Luật trẻ em và người chưa thành niên). 

2. Philippines: Mặc dù trong Quy chế của Toà án có quy định việc huy động các Hội thẩm và uỷ viên Hội đồng nhà nước để hỗ trợ cho Thẩm phán trong việc xác định các tình tiết của vụ án song trên thực tế, những quy định này rất hiếm khi được áp dụng.

3. Thailand: Trong xét xử hình sự và dân sự không có hình thức nào để nhân dân tham gia xét xử.

Tại toà án lao động, Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán chuyên nghiệp và các Thẩm phán không chuyên, trong đó một số người đại diện cho người sử dụng lao động và những người còn lại -đại diện cho tập thể lao động; số lượng đại diện cho mỗi bên đều bằng nhau.

Tại toà án người chưa thành niên và toà án gia đình, Hội đồng xét xử gồm : hai Thẩm phán chuyên nghiệp, hai Thẩm phán không chuyên (còn gọi là hai Hội thẩm), trong đó có một bắt buộc là nữ. Các phiên toà này thường xử kín.

Toà án về thuế của Thailand lại chỉ gồm những Thẩm phán được chọn từ những người chuyên về luật thuế

4. Malaysia: Cũng giống như các nước trong khu vực, Malaysia chỉ cho phép nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở các phiên toà / phân toà chuyên biệt. Toà án vị thành niên gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm tham gia xét xử và là xử kín. Toà án hải quân cũng do một Thẩm phán chuyên nghiệp và các Hội thẩm quân nhân (3-5 người) thực hiện. Tại toà án lao động, ngoài một Thẩm phán chủ toạ còn có ba Hội thẩm đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động và một là đại diện tự do.

Tại toà Thượng thẩm, thông thường các vụ án chỉ do một Thẩm phán xét xử nhưng cũng có thể có Bồi thẩm đoàn hay Hội thẩm tham dự.

Như vậy, chế định Bồi thẩm đoàn kinh điển vốn được coi là có tính truyền thống của các nước theo luật án lệ cũng đã có những thay đổi khá cơ bản cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đương đại và truyền thống văn hoá ở một số nước thuộc hệ này trong khu vực ASEAN.

 

VÀI NÉT VỀ CHẾ ĐỊNH “CÔNG DÂN THAM GIA XÉT XỬ”

Ở CỘNG HOÀ PHÁP

Nguyễn Văn Bình

Vụ phó Vụ PLQT và HTQT- Bộ Tư pháp

Giám đốc Nhà pháp luật Việt - Pháp

Ở Pháp, Toà án được tổ chức thành hai hệ thống cơ quan xét xử: Toà án hành chính và Toà án tư pháp. Trong hoạt động xét xử của Toà án Pháp, không phải ở bất kỳ Toà nào, bất kỳ cấp xét xử nào cũng có sự tham gia của công dân. Tuỳ theo loại hình tranh chấp, tuỳ theo cấp xét xử mà pháp luật tố tụng Pháp quy định có hay không có sự tham gia của công dân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về chế định “công dân tham gia xét xử” ở Cộng hoà Pháp.

1. Xét xử hành chính không có công dân tham gia

Do những lý do lịch sử và văn hoá, Toà án tư pháp của Pháp không có thẩm quyền xét xử hành chính. Việc xét xử hành chính do Toà án hành chính các cấp đảm nhiệm. Xét xử hành chính từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm đều không có Hội thẩm tham gia. Hoạt động xét xử hành chính hoàn toàn do các Thẩm phán hành chính đảm nhiệm. Họ là những Thẩm phán chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, được hưởng lương công chức Nhà nước để tiến hành công việc nghề nghiệp thường xuyên là xét xử hành chính.

2. ở cấp sơ thẩm, một số loại tranh chấp hoàn toàn do Thẩm phán không chuyên xét xử

Toà án tư pháp có thẩm quyền xét xử hình sự, dân sự, lao động, thương mại, đất đai...và nói chung là mọi tranh chấp không thuộc phạm vi thẩm quyền tài phán hành chính.

Việc xét xử sơ thẩm thương mại, lao động, đất đai hoàn toàn do các Thẩm phán không chuyên tiến hành. Hay nói một cách khác là hoàn toàn do các Hội thẩm tiến hành (nếu hiểu Hội thẩm là những người không phải là Thẩm phán chuyên nghiệp của Nhà nước mà tham gia xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng).

Hội đồng xét xử thương mại sơ thẩm bao gồm đại diện của các thương gia được bầu làm Thẩm phán thương mại theo phạm vi quản hạt của Tòa thương mại sơ thẩm. Trong nhiệm kỳ Thẩm phán thương mại thì những thương gia này tiến hành xét xử tranh chấp thương mại hoàn toàn như những Thẩm phán thực thụ.

Hoạt động xét xử sơ thẩm lao động cũng hoàn toàn do các Thẩm phán không chuyên tiến hành. Họ là đại diện của giới chủ sử dụng nhân công và đại diện của những người làm công ăn lương được bầu vào làm Thẩm phán Toà lao động sơ thẩm. Khi xét xử sơ thẩm tranh chấp lao động, Hội đồng xét xử có cơ cấu thành phần ngang bằng nhau giữa Hội thẩm đại diện giới chủ và Hội thẩm đại diện người làm công ăn lương.

Việc xét xử sơ thẩm tranh chấp hợp đồng thuê mướn đất đai nông nghiệp do Toà đất đai đảm trách. Toà đất đai sơ thẩm không có Thẩm phán chuyên nghiệp mà hoàn toàn là Thẩm phán không chuyên, được cơ cấu đại diện ngang bằng nhau giữa bên cho thuê đất và bên thuê đất.

Mặc dù việc xét xử sơ thẩm lao động, đất đai được giao hoàn toàn cho các Thẩm phán không chuyên đảm trách, nhưng vì Hội đồng xét xử có cơ cấu thành phần ngang bằng nhau, nên có trường hợp không phân thắng bại và Toà không ra quyết định được. Trong trường hợp ấy, pháp luật tố tụng của Pháp quy định cử thêm một Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia Hội đồng xét xử và tất nhiên ý kiến của Thẩm phán chuyên nghiệp ngả về bên nào thì sẽ có đa số và Toà quyết định theo đa số.

Việc xét xử sơ thẩm dân sự, xét xử sơ thẩm vi cảnh và tiểu hình hoàn toàn do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm

3. Công dân không tham gia xét xử ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm

Toà án Pháp được tổ chức theo cấp xét xử. Việc xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm hoàn toàn do các Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm Ngoài những lý do lịch sử, Pháp cho rằng mức độ phức tạp về phương diện pháp lý, ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm đòi hỏi Thẩm phán có trình độ uyên thâm về pháp luật, mới có thể có quyết định đúng đắn để đảm bảo công lý, vì vậy pháp luật tố tụng của Pháp quy định không có sự tham gia của Hội thẩm khi xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm.

4. Chế định Đoàn bồi thẩm

a. Vai trò

Trong tư pháp hình sự, chế định “công dân tham gia xét xử” ở Cộng hoà Pháp thể hiện ở “Đoàn bồi thẩm”.

“Đoàn bồi thẩm” là một chế định có nguồn gốc từ Anh và được du nhập vào Pháp sau cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Đoàn bồi thẩm là một tập thể công dân, được lựa chọn bằng hình thức rút thăm, tham gia, cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp xét xử những tội phạm hình sự nghiêm trọng tại Toà đại hình. Như vậy, trong xét xử hình sự ở Pháp, công dân chỉ tham gia xét xử tội phạm nghiêm trọng thông qua Đoàn bồi thẩm tại Toà đại hình (là Toà án có thẩm quyền xét xử sơ chung thẩm những tội phạm nghiêm trọng).

Kể từ khi thiết lập chế định Đoàn bồi thẩm ở Pháp cho đến nay, luôn tồn tại hai loại ý kiến khác nhau về chế định này.

Phần đông ý kiến ủng hộ chế định Đoàn bồi thẩm và qua kinh nghiệm thực tế gần hai thế kỷ, xu hướng này ngày càng được khẳng định. Có nhiều lý do để ủng hộ chế định Đoàn bồi thẩm: trước hết, tính độc lập, khách quan, nghiêm túc của các thành viên Đoàn bồi thẩm; thứ hai, Đoàn bồi thẩm phản ánh tiếng nói của công luận, phù hợp với đạo đức xã hội, chính vì vậy mà quyết định của Đoàn bồi thẩm cũng khẳng định giá trị và tính đúng đắn của các đạo luật hình sự. Kinh nghiệm thực tiễn về việc Đoàn bồi thẩm thường thiên về tha tội, đã thúc đẩy pháp luật hình sự Pháp phát triển theo hướng phổ cập cá thể hoá hình phạt.

Tuy nhiên, chế định Đoàn bồi thẩm cũng có những khiếm khuyết định: công dân bình thường được cơ cấu theo cách rút thăm làm thành viên Đoàn bồi thẩm, nên thường họ không có lối tư duy và lập luận pháp lý, đôi khi thiên về tình cảm, ấn tượng, dễ thay đổi ý kiến... Người ta thường chê trách Đoàn bồi thẩm hay bị ảnh hưởng bởi những lời bào chữa của luật sư và cũng dễ bị ảnh hưởng của công luận và báo chí. Tuy nhiên, nếu quả thực những khuyết điểm trên đây của Đoàn bồi thẩm là hiện hữu, thì cũng không vì thế mà Pháp thấy cần xoá bỏ chế định Đoàn bồi thẩm. Trên thực tế, Pháp luôn tìm cách nâng cao năng lực chuyên môn cho bồi thẩm và hoàn thiện chế định Đoàn bồi thẩm.

Lúc đầu, vai trò của Đoàn bồi thẩm hoàn toàn khác biệt vai trò của các Thẩm phán chuyên nghiệp trong Hội đồng xét xử trọng tội tại Toà đại hình. Đoàn bồi thẩm chỉ phán quyết về tình tiết sự việc: theo lương tâm và niềm tin nội tâm, các thành viên Đoàn bồi Thẩm phán quyết về tính chất phạm tội và mức độ trách nhiệm của bị cáo. Còn các Thẩm phán chuyên nghiệp trong Hội đồng xét xử đại hình căn cứ vào pháp luật sẽ phán quyết về việc tha tội hay kết tội bị cáo và về mức hình phạt. Quan niệm này về vai trò của Đoàn bồi thẩm có vẻ phù hợp về bản chất thiên về ấn tượng và tình cảm của các Thẩm phán không chuyên và Đoàn bồi thẩm đã tỏ ra không phù hợp với thực tiễn xét xử. Quả thực, nếu Đoàn bồi thẩm xác nhận có tình tiết giảm nhẹ tội đối với bị cáo, thì lại không phải là người quyết định về mức hình phạt bị cáo mà mức hình phạt do các Thẩm phán chuyên nghiệp quyết định riêng sự phân biệt vai trò của Thẩm phán chuyên nghiệp và Đoàn bồi thẩm đã dẫn đến tình trạng, đôi khi vì sợ rằng các Thẩm phán sẽ tuyên phạt quá nặng đối với bị cáo mà Đoàn bồi thẩm thường quyết định tha tội cho bị cáo. Để tránh tình trạng thực tế này, Luật ngày 5/3/1932 quy định Đoàn bồi thẩm cùng nghị án và biểu quyết với Thẩm phán chuyên nghiệp về hình phạt trong những trường hợp Đoàn bồi thẩm thừa nhận bị cáo phạm tội.

Nhưng quy định này cũng đã bị bãi bỏ, bởi lẽ các Thẩm phán chuyên nghiệp cho rằng, vì Đoàn bồi thẩm thường thiên về tình cảm, quá chú ý đến tình tiết sự việc khi nghị án, nên thường quyết định hình phạt quá nhẹ đối với bị cáo Luật ngày 25/11/1941 sửa đổi, bổ sung ngày 17/11/1944, đã xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt giữa lĩnh vực pháp lý thuần tuý thuộc phạm vi thẩm quyền của các Thẩm phán chuyên nghiệp và tình tiết, sự việc thực tiễn thuộc phạm vi thẩm quyền của Đoàn bồi thẩm và thiết lập chế định Đoàn bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp và thực hiện nguyên tắc xét xử tập thể tuyệt đối giữa Thẩm phán chuyên nghiệp và Đoàn bồi thẩm. Như vậy, từ năm 1941, thành viên Đoàn bồi thẩm cùng nghị án với Thẩm phán chuyên nghiệp cả về tính chất tội phạm và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo. Khi xét xử, bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp.

b. Cơ cấu Đoàn bồi thẩm

Lúc đầu, Đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên, sau đó có thời kỳ giảm xuống còn 7 và hiện nay là 9 thành viên.

Để được tham gia Đoàn bồi thẩm phải hội đủ một số điều kiện nhất định sau: Là công dân Pháp, từ 23 tuổi trở lên, được hưởng đầy đủ các quyền chính trị và quyền công dân Pháp, cư trú trong quản hạt của Toà phúc thẩm nơi đặt trụ sở của Toà đại hình. Ngoài ra, còn phải đáp ứng những điều kiện về năng lực chuyên môn và không thuộc trường hợp bất khả kiêm nhiệm: Ví dụ công chức bị bãi nhiệm hoặc Thẩm phán chuyên nghiệp đều không thể được cơ cấu vào Đoàn bồi thẩm.

Thành viên Đoàn bồi thẩm được chỉ định bằng hình thức rút thăm. Hàng năm, mỗi tỉnh tổ chức rút thăm trong danh sách cử tri để lập danh sách Đoàn bồi thẩm của tỉnh. Từ danh sách theo năm, sẽ rút thăm danh sách Đoàn bồi thẩm cho từng phiên toà đại hình, sẽ rút thăm lập danh sách Đoàn bồi thẩm cho từng vụ trong cùng phiên toà xét xử đại hình.

Khi đã lập được danh sách 9 thành viên Đoàn bồi thẩm thì Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà phúc thẩm có quyền yêu cầu thay đổi 4 thành viên Đoàn bồi thẩm, mà không cần nói rõ lý do. Bị cáo (luật sư của bị cáo) có quyền yêu cầu thay đổi tối đa 5 thành viên Đoàn bồi thẩm theo cùng những điều kiện yêu cầu thay đổi Thẩm phán.

c. Quyền và nghĩa vụ của Bồi thẩm

Quyền của Bồi thẩm: Khi xét xử Bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp. Là Thẩm phán không chuyên nên Bồi thẩm không được hưởng lương mà được hưởng phụ cấp bao gồm phụ cấp phiên toà, phụ cấp đi lại và phụ cấp lưu trú.

Nghĩa vụ của Bồi thẩm: Bồi thẩm phải tuyên thệ và có nghĩa vụ có mặt và tích cực tham gia xét xử tại phiên toà, nghĩa vụ khách quan vô tư.

d. Những dự án cải cách tư pháp liên quan đến Đoàn bồi thẩm

Chế định Đoàn bồi thẩm được áp dụng ở Pháp gần 2 thế kỷ. Ngày nay, Pháp vẫn tiếp tục áp dụng và đặc biệt quan tâm đến chế định Đoàn bồi thẩm, bởi lẽ thông qua đó người đân được tham gia vào công tác xét xử để đảm bảo công lý. Những dự án cải cách tư pháp mà Pháp đang theo đuổi cũng không đặt lại vấn đề vai trò của Đoàn bồi thẩm mà chỉ là tổ chức lại Toà đại hình theo hướng lập Toà phúc thẩm đại hình và theo đó cơ cấu Đoàn bồi thẩm ở Toà đại hình và Toà phúc thẩm đại hình sẽ có thay đổi.

Hiện tại, Toà đại hình xét xử sơ chung thẩm những tội phạm nghiêm trọng và không có Toà nào phúc thẩm quyết định của Toà đại hình. Xin nói thêm là Toà án Pháp tuyên án nhân danh nhân dân mà bản án đại hình là do dân quyết thông qua cơ chế Đoàn bồi thẩm nên vấn đề đặt ra là ai có quyền giám sát quyết định của dân. Nhưng mặt khác, vì là xét xử sơ chung thẩm nên nguyên tắc hai cấp xét xử không được đảm bảo đối với quyết định của Toà đại hình. Trong tương lai, nếu dự án cải cách này được thông qua thì Toà phúc thẩm đại hình sẽ có cơ cấu của Toà đại hình hiện nay gồm 3 Thẩm phán chuyên nghiệp và 9 Bồi thẩm và mọi quyết định bất lợi cho bị cáo đều phải được đa số áp đảo ít nhất 8/12 phiếu thuận. Toà đại hình sơ thẩm (tổ chức theo tỉnh) sẽ có cơ cấu 3 Thẩm phán chuyên nghiệp và 5 Bồi thẩm và mọi quyết định bất lợi cho bị cáo đều phải được đa số áp đảo ít nhất 6/8 phiếu thuận.

Dự án cải cách tư pháp hiện nay của Pháp, mặc dù động chạm đến cơ cấu tổ chức Đoàn bồi thẩm, nhưng cũng nhằm đảm bảo tôn trọng nguyên tắc hai cấp xét xử, và đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của Đoàn bồi thẩm để đảm bảo cho công dân được tham gia xét xử mang lại công lý cho xã hội.

 

MỘT SỐ NÉT VỀ TOÀ BỒI THẨM Ở

CỘNG HOÀ LIÊN BANG NGA

TS. Phạm Văn Lợi

CN. Nguyễn Văn Hoàn

 1.Việc thành lập Bồi thẩm đoàn ở Toà án

Bồi thẩm đoàn xét xử vụ án tại toà án được thành lập bằng cách bốc thăm với thành phần 12 Bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ và 2 Bồi thẩm viên dự khuyết.

Để thành lập Bồi thẩm đoàn, Chủ toạ phiên toà bỏ vào hòm phiếu các phiếu có ghi họ tên các Bồi thẩm viên không bị đề nghị thay đổi, trộn đều phiếu và mỗi lần lấy ra một phiếu cho đến khi đủ 14 phiếu, đồng thời cứ mỗi lần lấy phiếu ra thì phải công bố họ tên của Bồi thẩm viên được ghi trong phiếu. Nếu số phiếu được lấy ra và số phiếu còn lại trong hòm phiếu bằng tổng số các Bồi thẩm viên không bị đề nghị hay đổi, cũng như nếu không để xảy ra vi phạm nào ảnh hưởng đến sự đúng đắn của việc thành lập Bồi thẩm đoàn, thì việc thành lập Bồi thẩm đoàn được coi là đã thực hiện xong.

Trong số 12 Bồi thẩm viên được chọn đầu tiên bằng cách bốc thăm được coi là Bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ, còn 12 Bồi thẩm viên được chọn sau cùng là bồi thẩm viên dự khuyết.

Trong trường hợp, khi giải quyết đề nghị thay đổi Bồi thẩm viên hoặc khi thành lập Bồi thẩm đoàn đã để xảy ra những vi phạm gây ảnh hưởng đến sự đúng đắn của việc thành lập Bồi thẩm đoàn, thì Chủ toạ phiên toà tuyên bố việc thành lập Bồi thẩm đoàn không có giá trị và tiến hành thành lập lại hoàn toàn hoặc một phần Bồi thẩm đoàn.

Thư ký phiên toà ghi họ tên 14 Bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm vào biên bản phiên toà theo trình tự mà các lá phiếu được lấy ra từ hòm phiếu. Các phiếu có ghi họ tên của bồi thẩm viên bị các bên đề nghị thay đổi mà không cần nêu lý do và của các bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm được đính kèm theo vụ án.

Các bồi thẩm viên dự khuyết thường xuyên tham gia vào việc xét xử tại phòng xử án. Trước khi ra bản án, các bồi thẩm viên dự khuyết có thể được đưa vào thành phần các bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ trong trường hợp bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ nào đó không thể tham gia phiên toà xét xử. Việc thay thế bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ bằng bồi thẩm viên dự khuyết được tiến hành theo thủ tục mà các phiếu có ghi họ tên các bồi thẩm viên dự khuyết được lấy ra từ hòm phiếu. Trong trường hợp, nếu không có khả năng thay thế bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ bằng bồi thẩm viên dự khuyết, thì Chủ toạ phiên toà tuyên bố việc xét xử không có giá trị và trở lại việc xét xử từ giai đoạn lựa chọn bồi thẩm viên theo qui định của Điều 483 Bộ luật này (Điều 440 Bộ luật tố tụng Hình sự Liên Bang Nga - Sau đây viết tắt là BLTTHS).

2. Quyền và nghĩa vụ của bồi thẩm viên.

Theo qui định của pháp luật tố tụng, Bồi thẩm viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Bồi thẩm viên phải trả lời một cách trung thực các câu hỏi mà Chủ toạ phiên toà đưa ra khi lựa chọn người để tham gia và xét xử vụ án, cũng như cung cấp theo yêu cầu của Chủ toạ phiên toà những thông tin cần thiết khác về bản thân và về quan hệ với những người khác tham gia trong vụ án. Bồi thẩm viên phải tuân thủ nội qui phiên toà và chấp hành các chỉ thị hợp pháp của Chủ toạ phiên toà. Trong trường hợp tuyên bố tạm ngừng phiên toà xét xử hoặc hoãn việc xét xử sơ bộ vụ án, thì bồi thẩm tham gia xét xử vụ án đó phải có mặt đúng thời gian Toà án ấn định, để tiếp tục xét xử vụ án.

Bồi thẩm viên có quyền:

- Tham gia điều tra tất cả các chứng cứ được xem xét tại toà án để có thể độc lập, căn cứ vào niềm tin nội tâm của mình đánh giá các tình tiết của vụ án và trả lời các câu hỏi được đặt ra cho Bồi thẩm đoàn.

- Hỏi các bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người giám định thông qua Chủ toạ phiên toà;

- Tham gia xem xét các vật chứng, tài liệu, xem xét địa điểm, nhà ở và tất cả các hoạt động điều tra khác được tiến hành tại Toà án;

- Đề nghị Chủ toạ phiên toà giải thích qui phạm pháp luật liên quan đến vụ án, nội dung các tài liệu được công bố tại Toà án, các dấu hiệu của tội phạm mà bị cáo bị buộc tội và những khái niệm mà bồi thẩm viên không rõ.

- Có những ý kiến bằng văn bản trong thời gian tiến hành phiên toà xét xử.

Bồi thẩm viên không được:

- Ra khỏi phòng xử án trong thời gian xét xử sơ thẩm vụ án;

- Tiếp xúc về vụ án với những người không phải là thành viên của Hội đồng xét xử, nếu không được phép của Chủ toạ phiên toà;

- Thu thập tin tức về vụ án ngoài phiên toà xét xử.

3.Trưởng Bồi thẩm đoàn và việc tuyên thệ của các bồi thẩm viên.

Các bồi thẩm viên bầu Trưởng Bồi thẩm đoàn trong số các bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ. Việc bầu Trưởng Bồi thẩm đoàn được tiến hành tại phòng nghị án bằng cách biểu quyết với điều kiện loại trừ sự có mặt của những người nước ngoài và loại trừ bất kỳ sự tác động nào đến quyết định của các bồi thẩm viên. Người nhận được đa số phiếu của các bồi thẩm viên được coi là trúng cử.

Trưởng Bồi thẩm đoàn tại phiên toà có quyền như bồi thẩm viên khác trong việc quyết định tất cả vấn đề nảy sinh trong quá trình xét xử vụ án và thông qua phán quyết của các bồi thẩm viên.

Ngoài những nghĩa vụ chung như đối với các bồi thẩm viên khác, Trưởng Bồi thẩm đoàn điều khiển quá trình nghị án, theo uỷ quyền của các bồi thẩm viên đề xuất những yêu cầu của Chủ tọa phiên toà, công bố với các bồi thẩm viên tại phòng nghị án những câu hỏi của Thẩm phán và ghi chép các câu trả lời của các bồi thẩm viên, căn cứ vào kết quả biểu quyết, điền các câu trả lời của Bồi thẩm đoàn vào danh mục các câu hỏi và công bố tại phiên toà. (Điều 442, BLTTHS).

Chủ tọa hoặc Thư ký phiên toà mời tất cả những người có mặt tại phòng xử án đứng dậy. Chủ tọa phiên toà đề nghị những bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm tuyên thệ với nội dung sau: “Tôi xin thề thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực và vô tư, chú ý đến tất cả các chứng cứ được xem xét tại Toà án, những lập luận, các tình tiết của vụ án và không có gì ngoài những thứ đó, xét xử vụ án theo niềm tin nội tâm và lương tâm của mình xứng đáng là người công dân tự do và người công bằng”. Sau đó, Chủ tọa phiên toà gọi tên từng bồi thẩm viên và bồi thẩm viên được gọi tên trả lời: “Tôi xin thề”.Việc tuyên thệ của các bồi thẩm viên được ghi vào biên bản phiên toà (Điều 443).

4. Những vấn đề mà Bồi thẩm đoàn phải giải quyết.

Theo quy định, Bồi thẩm đoàn phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu sau đây:

a. Có chứng minh được hành vi phạm tội có thật hay không;

b. Có chứng minh được hành vi đó là do bị cáo thực hiện hay không;

c. Bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không;

Trong danh mục câu hỏi cũng cần đặt một câu hỏi chủ yếu là bị cáo có tội hay không. Câu hỏi này là tổng hợp của cả 3 vấn đề chủ yếu nêu trên.

Ngoài câu hỏi là bị cáo có tội hay không, thì có thể đặt những câu hỏi riêng về những tình tiết làm tăng hay giảm nhẹ tội hoặc làm thay đổi tính chất của nó, hoặc dẫn đến việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong những trường hợp cần thiết, cũng có thể đặt riêng các câu hỏi về mức độ thực hiện ý định phạm tội, những nguyên nhân làm cho hành vi không thực hiện được đến cùng, tính chất và mức độ đồng phạm của từng bị cáo trong việc thực hiện tội phạm.

Trong trường hợp thừa nhận bị cáo có tội, thì đặt câu hỏi về việc bị cáo có thuộc diện được khoan hồng, hoặc khoan hồng đặc biệt hay không.

Không thể đặt riêng hoặc chung cùng với các câu hỏi khác những câu hỏi đòi hỏi các bồi thẩm viên xác định về mặt pháp lý các vấn đề liên quan đến nhân thân của bị cáo (tiền án của bị cáo, bị cáo bị coi là tái phạm nguy hiểm, về trách nhiệm chức vụ của bị cáo) cũng như những câu hỏi khác đòi hỏi phải có sự đánh giá về mặt pháp lý khi các bồi thẩm viên ra phán quyết. Câu hỏi cần được thể hiện sao cho không để xảy ra tình trạng khi trả lời, bị cáo thừa nhận là mình có lỗi trong việc thực hiện hành vi mà Công tố Nhà nước không truy tố hoặc bị cáo không tán thành khi đặt câu hỏi. Được phép đặt những câu hỏi tạo điều kiện xác định lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội gây thương tích nặng vừa, nếu điều đó không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và không xâm phạm đến quyền bào chữa của bị cáo (Điều 449).

5. Thủ tục nghị án, biểu quyết và ra phán quyết của các bồi thẩm viên.

Trưởng Bồi thẩm đoàn điều khiển việc nghị án của các bồi thẩm viên, lần lượt đưa các câu hỏi cần giải quyết ra thảo luận, tiến hành lấy biểu quyết về các câu trả lời và đếm số phiếu biểu quyết.

Khi thảo luận các câu hỏi, bồi thẩm viên cố gắng ra những quyết định thống nhất. Trong trường hợp, trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau khi lui vào phòng nghị án mà Bồi thẩm đoàn không đi đến việc quyết định thống nhất về các câu hỏi được đặt ra, thì các bồi thẩm viên có thể đi đến việc hình thành các câu trả lời trong danh mục câu hỏi. Các câu trả lời được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số phiếu.

Biểu quyết được tiến hành công khai. Không ai trong số các bồi thẩm  viên có quyền không biểu quyết. Trưởng Bồi thẩm đoàn biểu quyết sau cùng.

Phán quyết là quyết định của Bồi thẩm đoàn về những câu hỏi được đặt ra cho Bồi thẩm đoàn, bao gồm cả câu hỏi chủ yếu về tội lỗi của bị cáo.

Khi thảo luận, nếu Bồi thẩm đoàn không đạt được một quyết định thống nhất trong hạn đã định, thì phán quyết buộc tội coi như được thông qua, nếu đa số các bồi thẩm viên biểu quyết ủng hộ những câu trả lời khẳng định đối với từng câu hỏi trong số 3 câu hỏi chủ yếu được đặt ra. Phán quyết vô tội coi như được thông qua, nếu có ít nhất 6 bồi thẩm viên biểu quyết ủng hộ câu trả lời phụ định đối với bất kỳ câu hỏi nào trong số 3 câu hỏi chủ yếu được đặt ra. Những câu trả lời đối với các câu hỏi khác được các bồi thẩm viên biểu quyết theo đa số. Còn nếu số phiếu biểu quyết ngang nhau thì câu trả lời có lợi hơn cho bị cáo được thông qua.

Câu trả lời cho từng câu hỏi được đặt ra trong danh mục câu hỏi mà Bồi thẩm đoàn cần giải quyết phải là khẳng định “có” hoặc “không có” kèm theo lời giải thích bắt buộc hoặc một cụm từ nói rõ nội dung câu trả lời (“có, có tội”; “không, không có tội”; “có, có tội nhưng không có ý định tước sinh mạng”; “không, không chứng minh được”; “có, xứng đáng được hưởng khoan hồng” v.v...)

Trưởng Bồi thẩm đoàn ghi các câu hỏi trả lời vào danh mục câu hỏi trực tiếp vào sau từng câu hỏi tương ứng. Trong trường hợp việc trả lời câu hỏi trước loại trừ sự cần thiết trả lời câu hỏi tiếp theo sau, thì Trưởng Bồi thẩm đoàn với sự đồng ý của đa số các bồi thẩm viên ghi vào sau câu hỏi đó “không trả lời”.

Trong trường hợp các câu trả lời được thông qua bằng cách biểu quyết, thì Trưởng Bồi thẩm đoàn ghi rõ kết quả biểu quyết sau câu trả lời.

Trưởng Bồi thẩm đoàn ký danh mục câu hỏi kèm theo các câu trả lời của Bồi thẩm.

  6. Tính bắt buộc phán quyết của Bồi thẩm.

Phán quyết của Bồi thẩm đoàn về việc bị cáo vô tội là bắt buộc đối với Thẩm phán Chủ tọa phiên toà và dẫn đến việc Thẩm phán Chủ toạ phiên toà ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội. Phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn là bắt buộc đối với Thẩm phán Chủ tọa phiên toà, trừ những trường hợp quy định tại Điều này.

Thẩm phán Chủ toạ phiên toà định tội danh phù hợp với phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn và các tình tiết do mình xác định mà không thuộc diện bồi thẩm đoàn phải xác định (được qui định tại các Điều tương ứng của Bộ luật hình sự Liên Bang Nga với tư cách là hình thức định khung tăng nặng - tiền án, chức vụ của bị cáo - và các tình tiết khác đòi hỏi sự đánh giá về mặt pháp lý).

Nếu Bồi thẩm đoàn ra phán quyết buộc tội, còn Thẩm phán chủ toạ phiên toà thừa nhận rằng theo vụ án có đầy đủ các căn cứ để ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội vì không xác định được sự kiện phạm tội hoặc không chứng minh được bị cáo tham gia thực hiện tội phạm, thì Thẩm phán Chủ toạ phiên toà ra quyết định giải thể Bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết buộc tội và quyết định chuyển vụ án để xét xử lại với thành phần xét xử khác từ giai đoạn xét xử sơ bộ. Việc xét xử được tiến hành theo các qui định tại các Điều 432 và 433 Bộ luật này. Quyết định đó là cuối cùng và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn không ngăn cản việc ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội, Thẩm phán Chủ toạ phiên toà thừa nhận hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm (Điều 459).

 

VÀI  NÉT VỀ CHẾ ĐỊNH HỘI THẨM TRONG

PHÁP LUẬT NHẬT BẢN

Đỗ Hoàng Yến

Vụ Pháp luật Hình  sự - Hành chính, Bộ Tư pháp

Một trong những điểm nổi bật của hệ thống Tòa án Nhật bản là sự tham gia của Hội thẩm trong quá trình tố tụng là rất hạn chế. Mặc dù hệ thống Tòa án Nhật bản có nguồn gốc từ nước ngoài, nhưng hiện hành Nhật bản không áp dụng chế độ Bồi thẩm xét xử (jury trial) hoặc Hội thẩm tham gia xét xử (lay accessors). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tại các Tòa án Nhật Bản hoàn toàn không có sự tham gia của Hội thẩm vào tiến trình tố tụng. Tại đây, cũng tồn tại một số yếu tố về sự tham gia của Hội thẩm trong các vụ án dân sự, đó là sự tham gia của các Ủy viên hòa giải, Ủy viên Tòa án gia đình, Ủy viên Tư pháp và Ủy viên chuyên môn. Sau đây, chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu vài nét về lịch sử  chế định xét xử bằng bồi thẩm đoàn tại Nhật Bản và chế định Hội thẩm hiện hành.

I. Một số vấn đề chung về lịch sử chế định Bồi thẩm đoàn ở Nhật Bản.

Trước đây, trong những năm đầu của thời kỳ hiện đại hóa, đã xuất hiện những yêu cầu cần áp dụng việc xét xử bởi Đoàn Bồi thẩm (trial by juri). Dự thảo đầu tiên của Bộ luật Hướng dẫn hình sự được chuẩn bị vào thời kỳ này đã bao gồm những điều khoản về chế định Bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, các ý kiến đối lập cho rằng việc để cho các Bồi thẩm quyết định về việc tìm tòi sự thật của vụ án (fact finding) là điều không phù hợp vì Bồi thẩm không phải là những người chuyên môn pháp lý. Ý kiến này đã thắng thế và các điều khoản về Bồi thẩm  đã bị loại ra khỏi dự thảo. Tuy vậy, trong những năm đầu của thập kỷ 90, thế kỷ thứ 19 thì các cuộc tranh luận về chế định Bồi thẩm laị được phục hồi và đến năm 1923 thì Luật về xét xử bởi Bồi thẩm đoàn (Law on jury trial) được ban hành. Như vậy, chế định xét xử bằng Bồi thẩm đoàn trong các vụ án hình sự đã được du nhập vào Nhật Bản năm 1923 và tồn tại cho đến năm 1943.

Chế định Bồi thẩm của Nhật Bản lúc đó rập khuôn mẫu của Pháp và Đức, tuy vậy cũng có những đặc điểm riêng. Sự phán quyết (verdict) của Đoàn Bồi thẩm không có ý nghĩa bắt buộc đối với Tòa án và Thẩm phán chủ trì vụ án có quyền đưa vụ án đó ra xét xử lại cho đến chừng nào ý kiến của Bồi thẩm phù hợp với quan điểm của Thẩm phán về vụ án đó. Mặc dù bên bị kiện không có quyền kháng cáo đối với quyết định của Bồi thẩm đoàn về các sự kiện của vụ án, nhưng công tố viên lại có quyền này.

Việc áp dụng chế định Bồi thẩm sau một thời gian tỏ ra không phù hợp và không hiệu quả ở Nhật Bản. Thêm vào đó, chi phí cho việc xét xử bằng Bồi thẩm đoàn khá tốn kém. Vì vậy, đến năm 1943, đạo luật về xét xử bởi Bồi thẩm đoàn đã bị hủy bỏ.

Sự thất bại của việc áp dụng chế định  Bồi thẩm đoàn ở Nhật Bản được giải thích theo nhiều cách. Cách giải thích Thứ nhất cho rằng truyền thống người Nhật vốn đặt lòng tin vào việc xét xử bởi các Thẩm phán chuyên nghiệp. Tầng lớp bình dân có xu hướng tin vào sự xét xử của các Thẩm phán chuyên nghiệp hơn là những người cùng tầng lớp  với họ với quan điểm cho rằng Thẩm phán là những người rành nhất về pháp luật, nên sẽ đưa ra những phán quyết trên cơ sở phù hợp với pháp luật. Quan điểm khác cho rằng do các quy định của pháp luật về xét xử bởi Bồi thẩm quy định rằng sự phán quyết của Bồi thẩm đoàn không có ý nghĩa bắt buộc đối với Tòa án và bị đơn không có quyền kháng cáo đối với quyết định của Bồi thẩm đoàn về các sự kiện của vụ việc nên chế định Bồi thẩm đoàn đã không được sự ủng hộ của các bị đơn. Bởi vậy, chế định, Bồi thẩm đoàn của Nhật Bản chưa bao giờ có được một cơ hội thật sự của sự thành công do địa vị pháp lý của nó chỉ là tư vấn cho Tòa án.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào năm 1947, Bộ luật tố tụng hình sự cũ được thay thế bằng một Bộ luật mới, ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của luật pháp Mỹ. Điều này thật dễ hiểu bởi lúc này, Nhật Bản chịu sự kiểm soát nhiều mặt của lực lượng đồng minh và của người Mỹ. Dự thảo đầu tiên của Bộ luật tố tụng hình sự mới đã bao gồm các điều khoản về xét xử bằng Bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, ý định này đã bị phản đối quyết liệt của các thành viên Nhật Bản trong Ban soạn thảo. Những người này đã có một căn cứ khá thuyết phục là chỉ ra sự thất bại của chế định Bồi thẩm áp dụng hồi trước chiến tranh thế giới thứ hai. Do vậy, chế định Bồi thẩm đoàn đã không được chấp nhận.

II. Sự tham gia của các hội thẩm trong quá trình tố tụng hiện hành:

Ở Nhật Bản, Chế định Hội thẩm hiện hành có những đặc điểm riêng khác với chế định Hội thẩm của các nước mà Hội thẩm tham gia xét xử cùng với Thẩm phán trong các vụ kiện hình sự cũng như dân sự. Ở Nhật Bản, Các Hội thẩm chỉ tham gia vào quá trình tố tụng dân sự bao gồm các Ủy viên hòa giải (conciliation Commissioners), các Ủy viên Tư pháp (Judicial Commissioners),  các Ủy viên Tòa án gia đình (Family court Commissioners), các Ủy viên chuyên môn (Expert Commissiners). Các Ủy viên này được Tòa án lựa chọn từ dân chúng. Sự tham gia của các Hội thẩm vào quá trình tố tụng cũng đóng góp một phần đáng kể vào việc dân chủ hóa hoạt động Tòa án.

Các Ủy vên hòa giải (Conciliation Commissionrs):

Các Ủy viên hòa giải do Tòa án lựa chọn trong dân chúng với  yêu cầu phải là những người có hiểu biết, có kinh nghiệm và có phẩm chất tốt. Tại Tòa án khu vực, Tòa án gia đình và Tòa giản lược, một Ủy ban các Ủy viên hòa giải được thành lập bao gồm một Thẩm phán và hai Ủy viên hòa giải (số Ủy hòa giải  có thể nhiều hơn 2 tuỳ thuộc vào cách tổ chức của Tòa án và nhu cầu công việc). Nhiệm vụ của Ủy ban này là hòa giải các bên trong các vụ kiện dân sự bằng cách gợi ý những thỏa thuận hoặc thỏa hiệp giữa các bên, khuyến khích các bên tự hòa giải với nhau.

2. Các Ủy  viên tư pháp (Judicial Commissionrs):

Các Ủy viên Tư pháp cũng được Tòa án lựa chọn theo cách thức tương tự như các Ủy viên hòa giải. Tuy nhiên chức năng của các Ủy tư pháp là giúp việc cho các Thẩm phán trong việc tác động vào sự thỏa hiệp của các bên vụ kiện dân sự. Bên cạnh đó, các Ủy viên tư pháp còn tham gia các phiên tòa xét xử các vụ kiện dân sự nhằm mục đích phát biểu quan điểm của mình về vụ việc để Thẩm phán cân nhắc.

3. Các Ủy viên Tòa án gia đình (Family court Commissionrs):

Trong một số vụ việc do pháp luật quy định như tuyên bố không đủ tư cách (incompetency), thay đổi họ tên hoặc chia tài sản thì Ủy viên Tòa án gia đình có nhiệm vụ giúp các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc bằng cách trình bày các quan điểm của mình về vụ việc đó.

4. Các Ủy viên chuyên môn (Expert Commissionrs):

Các Ủy viên chuyên môn là những người có kinh nghiệm chuyên môn  được Tòa án lựa chọn. Chức năng của các Ủy viên chuyên môn là đưa ra các ý kiến chuyên môn khi được Thẩm phán yêu cầu trong các vụ kiện dân sự không cần tranh tụng, liên quan đến vấn đề giữa chủ đất và người cho thuê nhà.

Hiện nay, tại Nhật Bản, vấn đề thực hiện dân chủ hóa hoạt động Tòa án là vấn đề rất được quan tâm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đổi mới chế định về Hội thẩm vẫn được tiến hành bởi các cơ quan chức năng. Việc áp dụng chế độ Bồi thẩm đoàn trong xét xử vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề nghị. Có rất nhiều lý do cho vấn đề này. Một trong những lý do được nhấn mạnh là vấn đề thực hiện dân chủ hóa hoạt động Tòa án và ý kiến cho rằng áp dụng chế độ Bồi thẩm đoàn xét xử sẽ đem đến cho Tòa án những ý kiến mang tính thực tiễn hơn là lý thuyết khô khan mà các Thẩm phán chuyên nghiệp áp dụng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. LƯỢC THUẬT KẾT QUẢ HỘI THẢO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LƯỢC THUẬT KẾT QUẢ HỘI THẢO TẠI HÀ NỘI

(trong các ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1998)

 

Báo cáo dẫn đề của đồng chí Nguyễn Văn Sản (Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ nhiệm đề tài).

Báo cáo nêu rõ sự cần thiết phải nghiên cứu về lý luận và thực tiễn việc đổi mới chế định Hội thẩm. Việc đổi mới này phải được đặt trong tổng thể cải cách tư pháp, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác xét xử tại các Toà án nhân dân.

Sau khi giới thiệu tóm tắt sự phát triển của chế định Hội thẩm qua nửa thế kỷ với 4 bản Hiến pháp - là những mốc lớn trong quá trình phát triển Nhà nước ta, tác giả khẳng định chế định Hội thẩm đã ngày càng được hoàn thiện, để đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Đến nay, thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử tại Toà án.

Tuy nhiên trước yêu cầu của thời kỳ mới, chế định Hội thẩm cần phải có những cải cách đáng kể, mới đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề của công tác xét xử và công cuộc cải cách tư pháp nói chung.

Đề tài cần đánh giá tổng quát thực trạng đội ngũ Hội thẩm hiện nay, thảo luận về các vướng mắc để tìm ra những kiến nghị, giải pháp hợp lý nhằm làm cho chế định này phát huy hiệu quả chứ không có tính chất hình thức như hiện nay.

Hội thảo có thể đi sâu vào các vấn đề chủ yếu như:

-        Số lượng Hội thẩm trong các loại án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

-        Cơ quan nào quản lý Hội thẩm là hợp lý ?

-        Tiêu chuẩn và những yêu cầu mới đặt ra cho Hội thẩm.

-        Chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm ra sao ?

...

Đổi mới chế định Hội thẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án (Tham luận của đồng chí Nguyễn Tất Viễn - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Phó chủ nhiệm đề tài).

Toà án, với tư cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, nơi thể hiện kết quả cuối cùng của hệ thống tư pháp. Bởi vậy trong cải cách tư pháp thì đổi mới tổ chức và hoạt động của các Toà án là một nội dung rất quan trọng.

Chế định Hội thẩm đã được hình thành ngay từ những ngày đầu của chế độ dân chủ nhân dân, thể hiện đậm nét tính chất nhân dân của nền tư pháp mới. Các cuộc cải cách tư pháp từ trước đến nay của Nhà nước ta cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của Toà án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Chế định Hội thẩm còn là sự thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng ta đã đề ra.

Tham luận đã phân tích một số nguyên tắc như: Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Từ đó đặt ra yêu cầu muốn Hội thẩm thực sự độc lập và ngang quyền với Thẩm phán thì Hội thẩm phải có trình độ pháp lý nhất định, nhưng trình độ pháp lý đến đâu và sự tham gia xét xử của Hội thẩm ở mức độ nào là phù hợp, thì cần phải có quy định cụ thể.

Đối với từng loại án như lao động, kinh tế, hình sự... Hội thẩm cần có những chuyên môn ở mức cần thiết. Trình độ tối thiểu của Hội thẩm theo tác giả phải là sơ cấp pháp lý.

Về cơ quan nào quản lý Hội thẩm, tác giả cho rằng cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Toà án các cấp theo sự uỷ quyền của Bộ Tư pháp quản lý Hội thẩm như hiện nay là phù hợp với Luật tổ chức Toà án 1992.

1.   Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của Hội thẩm  nhân dân (Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Pha - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức duy nhất có quyền giới thiệu danh sách Hội thẩm nhân dân. Là tổ chức có chức năng vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những ưu thế trong việc tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đánh giá về đạo đức, phẩm chất của Hội thẩm để giới thiệu với Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Hội thẩm. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa thật chủ động trong việc lựa chọn nhân sự bầu Hội thẩm, mà chủ yếu dựa vào danh sách do Toà án nhân dân cùng cấp đưa sang.

Sau khi bầu Hội thẩm nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân hầu như không nắm được đầy đủ tình hình Hội thẩm hoạt động ra sao. Chỉ có Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất có thể đánh giá chất lượng chuyên môn của Hội thẩm. Do vậy rất cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp để tổ chức, giúp đỡ Hội thẩm nhân dân hoạt động. Hiện nay mỗi nơi làm mỗi khác, có một số mô hình tốt cần nghiên cứu như Bà Rịa, Vũng Tàu, Nam Định...

2.   Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử (Tham luận của đồng chí Trần Quốc Phú - Thanh tra Bộ Tư pháp).

Xét xử cần được hiểu rộng, bao hàm cả khi nghiên cứu hồ sơ. Từ lúc này mối quan hệ Thẩm phán và Hội thẩm đã được xác lập và phải hết sức nhịp nhàng, bổ sung cho nhau mà vẫn độc lập trên cơ sở luật pháp.

Tác giả nghiêng về ý kiến để Toà án quản lý Hội thẩm nhân dân.

3.   Hoạt động của Hội thẩm nhân dân ở Nghệ An - Thực trạng và kiến nghị (Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Sở tư pháp Nghệ An).

Thực tế cho thấy trong nhận thức của các cấp các ngành và cả bản thân Hội thẩm nhân dân chưa nhận rõ và thấy hết ý nghĩa quan trọng của chế định Hội thẩm nhân dân, nên chưa định hình được cơ chế quản lý Hội thẩm nhân dân.

Thực tiễn đòi hỏi Hội thẩm nhân dân phải có trình độ nhất định về chuyên môn thì mới khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của Hội thẩm nhân dân hiện nay.

Tác giả nêu một số kiến nghị: Sớm xây dựng tiêu chuẩn Hội thẩm Toà án nhân dân theo thẩm quyền Toà án nhân dân các cấp; xây dựng mô hình quản lý công tác Hội thẩm nhân dân; xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xét xử cho Hội thẩm nhân dân. Nhà nước cần có kinh phí phục vụ công tác Hội thẩm nhân dân.

6. Công tác Hội thẩm ở Toà án nhân dân Ninh Bình (Tham luận của đồng chí Phạm Văn Kha - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình).

Hội thẩm nhân dân được luật quy định là thành viên của Toà án nhân dân, vì vậy Toà án nhân dân quản lý Hội thẩm nhân dân là hợp lý, nhưng không có sự uỷ quyền của Bộ Tư pháp về việc quản lý Hội thẩm nhân dân cho các Chánh án tỉnh, và kinh phí Nhà nước cũng không cấp.

Thực tiễn Hội thẩm nhân dân trình độ không đồng đều, hiểu biết pháp luật hạn chế, nên không có điều kiện nắm chắc được vụ án, ý kiến trái ngược với Thẩm phán là rất ít.

Tác giả kiến nghị: cơ quan quản lý Hội thẩm nhân dân nên là cơ quan tư pháp; về tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân cần quy định cụ thể hơn (tuổi từ 23 - 70, văn hoá ở miền núi phải hết tiểu học, ở đồng bằng từ trung học cơ sở trở lên...), số lượng Hội thẩm nhân dân nên ít hơn số Thẩm phán để đảm bảo chất lượng xét xử.

7. Vai trò của Hội thẩm nhân dân qua thực tiễn xét xử ở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội (Tham luận của đồng chí Đặng Xuân Mai - Hội thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

Sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân là rất cần thiết, nên duy trì số lượng Hội thẩm nhân dân trong xét xử án hình sự như hiện nay. Thực tiễn cho thấy đại đa số Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nhất trí với nhau khi nghị án, tuy nhiên có số ít vụ, do chứng cứ phức tạp hoặc chưa đủ hoặc do nhận thức về đường lối xét xử chưa thống nhất, nên có sự đánh giá khác nhau, nhiều Hội thẩm nhân dân đã thể hiện sự độc lập của mình. Cũng phải thừa nhận là còn một số Hội thẩm nhân dân không đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm chắc chắn sẽ khắc phục được số lượng nhỏ những sai sót của họ.

8. Quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân trong việc xét xử từng loại án: kinh tế, lao động, hành chính... (Tham luận của đồng chí Vũ Khắc Xương - Chánh toà hành chính Toà án nhân dân tối cao).

Tác giả nêu các quy định của pháp luật tố tụng về quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân trong các giai đoạn tố tụng. Trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, cần xem xét số lượng Hội thẩm nhân dân trong các loại án khác nhau sao cho phù hợp và phát huy hiệu quả nhất.

9. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm (Tham luận của đồng chí Phan Hữu Thư - Giám đốc trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp).

Chương trình bồi dưỡng cho Hội thẩm ngoài nội dung cơ bản, cần thiết áp dụng một chương trình linh hoạt cho từng đối tượng Hội thẩm nhân dân (xử loại án nào, cấp xét xử nào).

10. Hội thẩm quân nhân thuộc Toà án quân sự (Tham luận của đồng chí Trần Văn Độ - Toà án Quân sự Trung ương).

Tác giả nêu lại quá trình hình thành Hội thẩm quân nhân (HTQN) ở các Toà án quân sự từ sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến nay luật pháp quy định về vấn đề HTQN tương đối hợp lý, có chăng tới đây cần quy định rõ việc tuyển chọn và quản lý HTQN.

11. Một số vấn đề về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân (Tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Hồng Tươi - Phó vụ trưởng Vụ quản lý Toà án địa phương về tổ chức).

Tác giả nêu một số chế độ chính sách với Hội thẩm nhân dân hiện nay. Tuy nhiên đây là chế định rất đặc thù, vì vậy muốn phát huy hiệu quả của Hội thẩm nhân dân luật pháp cần đánh giá đúng tính đặc thù đó.

*

*        *

Trong cuộc hội thảo này còn có các thông tin về chế định Hội thẩm hoặc bồi thẩm tại Toà án ở một số nước ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Liên bang Nga.

 

 

 

 

LƯỢC THUẬT KẾT QUẢ HỘI THẢO TẠI VŨNG TÀU

(Ngày 5 tháng 11năm 1999)

Đồng chí Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm đề tài:

Chế định Hội thẩm là một vấn đề đang được đặt ra trong cải cách tư pháp, chúng ta phải có thái độ nghiêm túc và đi vào thực chất việc phát hiu vai trò của người Hội thẩm nhân dân (HTND) trong công tác xét xử hiện nay. Trong mỗi thời kỳ, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình. Cho đến nay thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử ở Tòa án. Tuy nhiên trong tình hình mới, chế định Hội thẩm cần phải có sự đổi mới  để đáp ứng được nhiệm vụ xét xử hiện nay và yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp. Hiện nay số lượng Hội thẩm TAND địa phương phần lớn là những cán bộ Nhà nước đương chức hoặc đang hoạt động trong các tổ chức  đoàn thể chính trị, xã hội, kinh tế. Việc tham gia xét xử thường tập trung vào một số người nhất định nên chế định Hội thẩm ít nhiều còn mang tính hình thức.

Một vấn đề khác đặc ra là trong điều kiện mới, Hội thẩm cần phải có tiêu chuẩn như thế nào để đạt được hai mục tiêu: bổ sung kiến thức và kinh nghiệm xã hội cho Thẩm phán, đồng thời giám sát hoạt động xét xử? Trong khi trình độ của Thẩm phán ngày nay cao hơn trước đây, và trình độ dân trí cũng vậy. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về công tác Hội thẩm nhưng phần lớn ý kiến đó đều xoay quanh các câu hỏi:

- Ai là người quản lý Hội thẩm?

- Số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử có cần chiếm đa số như quy định hiện nay không?

- Những yêu cầu cụ tể đối với HTND ở mức độ nào là phù hợp. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là cần phải có một cơ quan thống nhất quản lý Hội thẩm như nên giao cho Tòa án, Tư pháp, hay Mặt trận Tổ quốc thống nhất quản lý Hội thẩm? Đó là những vấn đề mà Hội thảo cần tập trung thảo luận và làm rõ.

TS. Chu Hải Thanh- (TP. Hồ Chí Minh):

Tuy trên gọi, cách thức tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn đặt ra ở từng thời kỳ không hoàn toàn giống nhau nhưng chế định Hội thẩm trong xét xử của Tòa án đã song tồn cũng Nhà nước dân chủ nân dân của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay. Chưa đánh giá về các khía cạnh khác, chỉ riêng với hơn 50 năm hiện diện liên tục đó cũng đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của Hội thẩm bên cạnh những công chức tư pháp chính ngạch.

Trừ tòa kinh tế, và lao động HTND tham gia với đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác lập công lý ngay từ lúc ban đầu. Nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là công chức tư pháp chuyên nghiệp cầm trịch chủ yếu là mặt luậ pháp thì HTND là lực lượng từ nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, bổ túc những kiến thức chuyên môn cần thiết khác cho quá trình xử án. Khảo sát đội ngũ 95 Hội thẩm tại TAND TP. HCM (khóa 1994 - 1999) cho thấy họ đại diện cho hơn 30 ngành nghề và lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau là lợi thế cho chức trách của họ ở các phiên tòa. Mặt khác, về thành phần và cơ cấu đội ngũ Hội thẩm cần được nghiên cứu, cải tiến thêm để đạt được sự hoàn chỉnh và hiệu quả. Về số lượng Hội thẩm cho các cấp Tòa án quy định như Quyết định 867/QĐ6QLTA ngày 7/10/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là hợp lý nhưng không nên “cào bằng”. Đối với các tòa ở những địa phương có lượng án  phải xét xử sơ thẩm lớn thì cần phân bổ thêm chừng 20 - 30% số Hội thẩm nữa để khắc phục tình trạng quá tải trong xét xử. Một thực tế khác nữa là hiện nay ai có nhiệm vụ và quyền hạn chính thức quản lý đội ngũ Hội thẩm vẫn chưa được quy định đầy đủ. Chúng tôi cho rằng, Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm thì cũng nên để họ trực thuộc Hội đồng nhân dân, báo cáo về hoạt động và chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử thì mới hợp lý và mới mong tạo được hậu thuẫn cho sự bình đẳng và độc lập của Hội thẩm khi ngồi xét xử với Thẩm phán. Giải pháp thứ hai xin đề xuất là đưa lực lượng Hội thẩm cho cơ quan Tư pháp - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp quản lý để tiện cho việc phân công công tác, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đại ngộ vật chất.

Tất nhiên, để đi đến quyết định ủng hộ giải pháp nào trên đây, chúng ta còn phải tính đến khía cạnh tố tụng, thẩm quyền của mỗi cơ quan Nhà nước và sự thống nhất quyền lực Nhà nước. Và có giải quyết dứt điểm vấn đề tổ chức quản lý thì mới có đầu mối có trách nhiệm cụ thể để thường xuyên giám sát hoạt động, chất lượng công tác của Hội thẩm, tiến hành kịp thời việc khen thưởng hoặc lỷ luật đối với họ.

Đồng chí Trương Thị Đáng  - Q. Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Nhìn chung, các Hội thẩm của TAND tình Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 1994 - 1999 đã tham gia xét xử với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần làm cho Tòa án xét xử công minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên trong Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND không có quy định về trách nhiệm của cơ quan nào quản lý Hội thẩm. Việc các vị Hội thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự tổ chức thành Đoàn theo sự chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh chỉ là một giải pháp nhất thời khắc phục khiếm khuyết đó của cơ chế hiện tại về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm chứ tuyệt nhiên không thể thay thế một cách toàn diện và đầy đủ các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Về độ tuổi, thực tế cho thấy các vị Hội thẩm đã nghỉ hưu lại tham gia xét xử nhiều. Bên cạnh đó, những vị Hội thẩm đã có tuổi nghỉ hưu thường có kinh nghiệm xã hội phong phú hơn, có bề dày cuộc sống hơn, và đó là điều rất cần thiết cho công tác xét xử. Tuy nhiên, đối với những người đã nghỉ hưu mà sức khỏe yếu, dễ ảnh hưởng đến công tác xét xử. Có lẽ độ tuổi làm Hội thẩm từ 30 đến 65 là hợp lý.

Về thành phần Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm, có thể nói rằng việc ra một bản án chính xác, công minh, đúng pháp luật là đòi hỏi đầu tiên ở Hội đồng xét xử. Chúng ta có những Thẩm phán được đào tạo cơ bản và phải thỏa mãn những điều kiện khắt khe về trình độ nghiệp vụ, về đạo đức, về thời gian công tác. Việc đưa Hội thẩm tham gia xét xử là nhằm bổ sung những kiến thức xã hội cho Thẩm phán chuyên môn, đối với các vụ án hình sự, dân sự, hàn chính cũng có thể áp dụng mô hình hai Thẩm phán, một Hội thẩm như khi xét xử các vụ án lao động, kinh tế hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khóa 1994 - 1999):

Hội thẩm là một chế định quan trọng trong tổ chức và hoạt động tư pháp. Sự tồn tại của chế định này hơn 50 năm qua đã thể hiện vai trò của đội ngũ Hội thẩm qua các thời kỳ phát triển của nền tư pháp nước nhà.

Về những tiêu chuẩn của Hội thẩm chúng tôi thấy:

- Nói Hội thẩm có kiến thức pháp lý cần thiết, vậy kiến thức pháp lý của Hội thẩm đến mức nào là cần thiết? Điều này cần được hướng dẫn rõ hơn. Tuy nhiên, kiến thức xã hộicủa Hội thẩm là vấn đề vô cùng quan trọng. Kiến thức xã hội của họ càng rộng bao nhiêu thì việc xét xử càng thuận tiện bấy nhiêu. Ví dụ như am hiểu về cuộc sống của người dân bình thường, hiểu được phong tục tập quán, lễ nghi, tôn giáo của từng bộ phận dân cư. Kiến thức xã hội cũng như kiến thức chính trị là những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên tố chất của người Hội thẩm.

Hội thẩm cần có quan điểm dứt khoát, rõ ràng về từng vụ việc cụ thể. Có như vậy dân mới đủ lòng tin vào họ. Và như vậy, làm Hội thẩm cũng rất dễ nhưng lại rất khó.

Về phẩm chất đạo đức, cần quan tâm đến trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm. Về độ tuổi, có lẽ từ 40 đến 65 tuổi làm Hội thẩm thì hợp lý (trừ trường hợp đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hay các thầy cô giáo trẻ).

Về vấn đề quản lý Hội thẩm: Đã đến lúc cần có văn bản pháp luật của Nhà nước quy định. Đó là vông việc của các nhà lập pháp. Vấn đề là ở chỗ quản lý Hội thẩm theo phương thức nào? Trước mắt, Hội thẩm đã được bầu thì nên thành lập Đoàn Hội thẩm có theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động của Hội thẩm. Cơ quan quản lý cũng phải tạo thêm điều kiện để Hội thẩm tiếp cận với các thông tin mới về kinh tế - xã hội, về pháp luật mới, nhất là các chủ trương, chính sách của địa phương nơi họ tham gia xét xử. Nhiệm kỳ 2000 - 2004 cần có hướng dẫn cụ thể hơn về tất cả các mặt hoạt động liên quan đến Hội thẩm.

Đồng chí Nguyễn Kim - Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tốt hơn hết là Hội đồng nhân dân (HĐND) nên quản lý Hội thẩm vì tuy là cơ quan dân cử nhưng HĐND rất gần gũi với dân. Nếu để TAND quản lý Hội thẩm thì dễ khép kín, bất lợi khi giải thích cho nhân dân về thực hiện dân chủ trong xét xử. Chúng tôi cho rằng Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC báo cáo cơ quan có thẩm quyền để soạn thảo một Quy chế quản lý Hội thẩm thống nhất trong cả nước.

Về trình độ chuyên môn của Hội thẩm: cần được nâng cao hơn vì trình độ dân trí ngày một cao, nếu trình độ chuyên môn của Hội thẩm không được nâng lên sẽ tụt hậu so với quần chúng trong công tác xét xử của Tòa án.

Về tổ chức: Việc thành lập Đoàn Hội thẩm là cần thiết và phù hợp với thực tế. Chỉ có tổ chức theo Đoàn thì mới có thể đẩy mạnh được hoạt động của Hội thẩm.

Đồng chí Phan Mão: Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Có ý kiến cho rằng nên để Mặt trân Tổ quốc quản lý Hội thẩm. Chúng tôi cho rằng ý kiến này không hợp lý do đặc thù của tổ chức và hoạt động của đội ngũ Hội thẩm.

Đồng chí Phạm Ngọc Chấn - Phó Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Nếu không có ai quản lý toàn diện thì Hội thẩm hoạt động rất khó khăn. Dứt khoát trước sau cũng phải đưa đội ngũ Hội thẩm vào một tổ chức nào đó quản lý. Không nên áp dụng hình thức “Ban liên lạc” của các vị Hội thẩm vì không phải là tổ chức chặt chẽ mà nên lấy tên là Đoàn Hội thẩm. Đoàn sẽ có Quy chế hoạt động phù hợp với pháp luật.

Đồng chí Trần Bình Trọng - Phó Trưởng ban Nộichính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu:

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm đã và đang tồn tại. Điều đó nói lên sự cần thiết của chế định này như thế nào trong quá trình phát triển của Tòa án nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.

Hội đồng nhân dân có thể quản lý đội ngũ Hội thẩm do mình bầu ra. Nhưng sự quản lý đó phải trong một cơ chế phối hợp từ bên trên, giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng phối hợp thì vẫn phải có cơ quan chủ trì. Về tên gọi của tổ chức Hội thẩm, có thể các đại biểu nêu ra nhiều tên gọi như Đoàn, Ban, Hội theo chúng tôi để khái niệm Đoàn Hội thẩm là phù hợp hơn cả.

Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, chúng tôi thấy tuỳ theo từng loại việc mà pháp luật quy định cho phù hợp. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Hội thẩm thực sự ngang quyền cũng là ngang tầm với Thẩm phán khi xét xử. Ngang quyền cũng là ngang tầm với Thẩm phán chứ không đơn thuần là ngang về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, Hội thẩm bắt buộc phải có những kiến thức cơ bản. Ngoài ra họ phải là những người có uy tín với dân. Nếu không có uy tín thì rất khó ngồi xét xử. Tòa án gần với dân, của dân cũng chính vì lẽ đó.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. PHỤ LỤC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN HỘI THẨM NHÂN DÂN

 TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

- Căn cứ Luật tổ chức của Tòa án nhân dân, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân được Ủy banThường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 15 tháng 5 năm 1993.

- Căn cứ công văn hướng dẫn số 1973 của Bộ Tư pháp ngày 10/11/1994 và Thông tư số 05 ngày 22/11/1994 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Căn cứ kết quả bầu Hội thẩm nhân dân của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, kỳ họp thứ nhất vào các ngày 20, 21/12/1994 và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhân cuộc họp mặt đầu năm 1995 với hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ những căn cứ trên đây, trong phạm vi quy định này, được xác định rõ về tổ chức, các mối quan hệ, nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng, Phó đoàn, nghĩa vụ quyền lợi của Hội thẩm nhân dân, chế độ sinh hoạt báo cáo, chế độ khen thưởng, kỷ luât đối với Hội thẩm nhân dân.

Chương I

Tổ chức và các mối quan hệ, nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng, phó đoàn hội thẩm nhân dân

Điều 1:  Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm, có Trưởng đoàn và các Phó đoàn, do Hội nghị toàn thể Hội thẩm giới thiệu bầu ra.

Điều 2: Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh đặt dưới sự theo dõi giúp đỡ chung về mọi mặt của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, chịu sự giám sát của Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và chịu sự phân công làm nhiệm vụ xét xử, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tỉnh trong suốt nhiệm kỳ.

Điều 3: Trưởng đoàn Hội thẩm  là người chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, quản lý hoạt động của đoàn và chịu trách nhiệm trước Thường trực Hội đồng nhân dân về kết quả hoạt động xét xử của Hội thẩm là đầu mối trung gian, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nắm được hoạt động của đoàn, đồng thời có trách nhiệm phản ánh, báo cáo, đề xuất những tâm tư, nguyện vọng của đoàn lên lãnh đạo xem xét giải quyết.

Điều 4: Trưởng, Phó đoàn thống nhất phân công mỗi đồng chí trong Thường trực đảm đương theo dõi một lĩnh vực xét xử và có trách nhiệm theo dõi tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn theo định kỳ đã được quy định tại (Điều 14 Chương III) của Quy chế này.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN TỈNH

Điều 5:  Các thành viên Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ tham gia đều đặn công tác xét xử ở các Tòa... (thuộc Tòa án nhân dân tỉnh) mỗi đồng chí (trừ những đồng chí chưa được Tòa án mời) trong các trường hợp Hội thẩm đã đăng ký nhận lời mời, nhất thiết phải đến Tòa án nghiên cứu nắm chắc hồ sơ vụ án mà mình đăng ký xử, trước khi đưa ra xét xử ít nhất là từ 2 đến 5 ngày. Những trường hợp đã nhận lời nhưng do công tác đột xuất, hoặc bị ốm đau mà không thể đến tham dự được, thì bản thân Hội thẩm đó phải đến báo cáo ngay lại cho Thư ký Tòa án để xử lý. Trước khi phiên tòa xét xử ít nhất là 02 ngày (án đơn giản) 5 ngày, (án phức tạp).

Điều 6:  Trong khi xét xử, Hội thẩm nhân dân, phải luôn đề cao vai trò, quyền hạn, tính độc lập và quyết đoán của mình trong quá trình xét xử, nhất là khi nghị án. Nhằm đảm bảo cho vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điều 7: Hội thẩm nhân dân phải luôn giữ vững tốt mối quan hệ đoàn kết với Tòa án nhân dân cũng như các ngành cùng tham gia tố tụng trên cơ sở giữ vững kỷ cương luật pháp. Với các thành viên trong đoàn phải chân tình, thân ái đoàn kết giúp đỡ động viên tạo điều kiện cho nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 8: Hội thẩm nhân dân phải thường xuyên trao đổi giữ vững phẩm chất, tư cách đạo đức, có lập trường quan điểm vững vàng, tích cực nghiên cứu học hỏi và rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng cho yêu cầu công tác xét xử.

Điều 9: Hội đồng nhân dân được mời tham dự Hội nghị sơ kết, tổng kết 6 tháng, một năm và các hội nghị chuyên ngành khác (nếu có) của ngành Tòa án tỉnh và được mời đại diện Đoàn tham dự các kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 10: Hội thẩm nhân dân được hưởng tiền bồi dưỡng, theo đúng mức quy định của Nhà nước tại Thông tư số 614/TT/LN ngày 27/7/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao “Về việc hướng dẫn chế độ phụ cấp phiên tòa”.

Điều 11: Hội thẩm nhân dân khi bị ốm đau, bệnh tật, hoặc qua đời được Đoàn có kế hoạch tổ chức đến thăm viếng và báo cáo với lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Tòa án nhân dân tỉnh biết để tổ chức đi thăm hỏi, động viên giúp đỡ.

Điều 12: Hội thẩm nhân dân được quyền làm đơn xin rút tên ra khỏi dach sách của Đoàn nếu xét thấy có những lý do chính đáng.

Như: - Điều kiện sức khỏe.

- Điều kiện công tác

- Do bản thân mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, tự xét thấy không có đủ uy tín.

Đoàn có trách nhiệm xem xét và thỉnh thị lên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra kỳ họp đại biểu Hội đồng nhân dân gần n hất quyết định.

Chương III

CHẾ ĐỘ SINH HOẠT BÁO CÁO, CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG,

 Kỷ luật và lập qũy đoàn:

Điều 13: Đoàn Hội thẩm nhân dân sinh hoạt định kỳ mỗi năm 2 lần (vào nửa năm và cuối năm) nội dung sinh hoạt và chủ trì của Hội nghị do Trưởng, Phó đoàn đảm nhiệm.

Điều 14: Chế độ báo cáo lên Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh 3 tháng, 6 tháng và 1 năm do Trưởng, Phó đoàn đảm nhận.

Điều 15: Hội thẩm nhân dân tuỳ theo mức độ, thành tích, đoàn có trách nhiệm, xem xét đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khen thưởng hàng năm.

Điều 16: Hội thẩm nhân dân tuỳ theo mức độ sai phạm khuyết điểm, sẽ có hình thức xử lý từ phê bình, góp ý, rút kinh nghiệm ở đoàn đến hình thức cao nhất là bị bãi miễn ra khỏi danh sách Đoàn Hội thẩm.

Điều 17: Xây dựng quỹ hoạt động của Đoàn, nguồn qũy do từng đồng chí thành viên đóng góp mỗi tháng 5.000đ/1người. Quỹ này chỉ chi dùng vào mọi sinh hoạt của đoàn khi cần thiết. Quản lý quỹ sẽ do Trưởng, Phó đoàn thống nhất phân công.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 19: Những điều được nêu ra trong bản quy định này, sẽ có giá trị thi hành kể từ ngày 8/2/1996 và chỉ áp dụng trong phạm vi Đoàn Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh nhiệm kỳ (1994 - 1999).

Trong quá trình thực hiện nếu thấy có vấn đề gì cần phải bổ sung sửa đổi thì sẽ được đưa ra tập thể đoàn bàn bạc, thảo luận quyết định./.

 

T/M. ĐOÀN HỘI THẨM NHÂN DÂN

Trưởng đoàn

 

Phạm Xuân Mai

Phụ lục 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

                                             Ngày 01 tháng 01 năm 1995

QUY ƯỚC

CỦA “ NGƯỜI  HỘI THẨM NHÂN DÂN”

Của Ban liên lạc Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ)

 

I. Nguyên tắc chung:

1. Hội bao gồm những người làm công tác Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc nhiệm kỳ 1994 - 1999.

2. Hội lấy hoạt động tình nghĩa với nhau và sự trao đổi kinh nghiệm trong tham gia xét xử làm mục đích.

3. Hội lấy việc tự lực cánh sinh trong hoạt động là chính và tranh thủ ý kiến đóng góp HĐND tỉnh, MTTQ và TAND tỉnh, đồng thời với sự hỗ trợ của các cơ quan, trước hết là các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp có cán bộ tham gia HTND, TAND tỉnh.

4. Bàn bạc dân chủ, thống nhất, điều hành tập trung là nguyên tắc hoạt động của Hội.

II. Quyền lợi của Hội viên

- Mỗi Hội viên đều được các quyền lợi sau:

1. Được thăm hỏi khi ốm đau và được quà một lần mỗi  năm bằng 1 kg đường và một hộp sữa.

2. Tứ thân, phụ mẫu, vợ hoặc chồng của Hội viên khi qua đời được thăm viếng bằng một bức trướng và hương nến.

3. Khi Hội viên có khó khăn đột xuất, được Hội quan tâm xem xét giúp đỡ, nếu thấy cần thiết và trên cơ sở bàn bạc thống nhất.

4. Hội viên có quyền xin ra khỏi Hội xét thấy không có điều kiện tham gia.

III. Tổ chức và sinh hoạt của Hội

a. Tổ chức:

- Bầu ra Ban liên lạc của Hội để thay mặt điều hành những hoạt động nội bộ của  Hội và quan hệ với các cơ quan khi cần thiết. Ban liên lạc gồm 1 trưởng ban, 2 phó ban và 2 ủy viên. Gọi là “Ban liên lạc Hội thẩm”.

- Hội gồm 21 Hội viên được chia ra thành 4 tổ, để tiện cho sinh hoạt.

Tổ 1: Gồm các Hội viên thuộc phường Trần Nguyên Hãn, thị xã Bắc Giang.

Tổ II:  Gồm các Hội viên thuộc phường Trần Phú và Lê Lợi, thị xã Bắc Giang.

Tổ III: Gồm các Hội viên đang công tác tại cơ quan Nhà nước.

Tổ VI: Gồm các Hội viên thuộc khu vực toàn bộ Bắc Ninh và huyện Tiên Sơn.

- Hàng năm, Hội xem xét về nhân sự của Ban liên lạc để điều chỉnh bổ sung cho hợp lý.

b. Sinh hoạt:

- Tổ là đơn vị sinh hoạt thường xuyên, số lần sinh hoạt, địa điểm và thời gian do tổ quyết định.

- Toàn Hội mỗi năm sinh hoạt 2 lần, thời gian cùng với lần sơ kết và tổng kết của Tòa án nhân dân tỉnh.

- Khi có yêu cầu chung đột xuất sẽ có thông báo đến các hội viên.

IV - Quỹ Hội:

- Nguồn quỹ của Hội hình thành từ các nguồn chủ yếu:

- Tự nguyện đóng góp của các Hội viên.

- Từ sự quan tâm tài trợ của các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ...

- Nguyên tắc sử dụng quỹ:

+ Thăm hỏi ốm  đau và chi tang hiếu (theo 1 và 2, tại phần II quyền lợi Hội viên). Từng tổ chủ động giải quyết là chính và thông báo cho Ban liên lạc biết để tạo điều kiện tham gia phối hợp.

+ Các chi khác giải quyết chi trên cơ sở bàn bạc dân chủ, thống nhất trong toàn thể hội viên.

+ Các thành viên không còn hoạt động trong HTND, hoặc xin nghỉ sinh hoạt hội, được thanh toán phần đã đóng góp.

+ Thủ quỹ của Hội có trách nhiệm lập sổ theo dõi và sổ hạch toán - kế toán các phát sinh và có trách nhiệm báo cáo tài chính của Hội mỗi năm 2 lần vào các kỳ họp sơ kết và tổng kết năm.

V. Hiệu lực thực hiện:

Quy ước này đã được toàn thể Hội viên tham gia thảo luận và nhất trí thông qua. Có giá trị thực hiện từ ngày 01/01/1995.

Trong quá trình hoạt động, nếu có những vấn đề mới nảy sinh cần phải bổ sung và sửa đổi, sẽ thực hiện nguyên tắc bàn bạc dân chủ.

THAY MẶT BAN LIÊN LẠC HỘI THẨM

Trưởng Ban

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 3

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Sè: 107-1999-NQ/H§

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------***---------

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 1999

NGHỊ QUYẾT

Ban hành Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện

(HĐND TP Khóa XI, Kỳ họp thứ 13, từ ngày 15 đến ngày 19/7/1999)

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ các Điều 129, 130 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

- Căn cứ các Điều 31, 37, 39, 41 Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Chương V Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân;

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;

- Căn cứ Tờ trình số 97/TTr-HĐ, ngày 15/7/1999 của Thường trực HĐND thành phố v/v ban hành Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện.

- Sau khi nghe ý kiến thuyết trình của Ban Pháp chế, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

I/ Ban hành "Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện" để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm nhân dân tại TAND thành phố và TAND quận, huyện hoàn thành nhiệm vụ xét xử.

II/ Giao Thường trực HĐND, căn cứ ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố, hoàn chỉnh, ban hành và tổ chức thực hiện bản "Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện.

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

 

Đã ký: Phạm Lợi

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

----***----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

§éc lËp - Tù do - H¹nh phóc

---------***--------

  QUY CHẾ

VỀ HỘI THẨM NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VÀ QUẬN, HUYỆN

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 107-1999/NQ-HĐ ngày 19/7/1999 của HĐNDTP - Khóa XI, kỳ họp thứ 13.

Điều 1: Chế định Hội thẩm nhân dân thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Hội đồng xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp. Hội thẩm nhân dân hoạt động xét xử, vừa thực hiện giám sát pháp luật thông qua hoạt động xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 2:  Hội thẩm nhân dân là người có đủ tiêu chuẩn về tư cách, đạo đức và phẩm chất theo quy định của pháp luật, có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

HTND do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giới thiệu; do Hội đồng nhân dân các cấp bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm; do Chánh án Tòa án nhân dân các cấp phân công xét xử tại các phiên tòa và bồi dưỡng về nghiệp vụ.

Điều 3: Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; ngang quyền với Thẩm phán;

Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ: Căn cứ vào kế hoạch phân công của Tòa án các cấp tham gia vào Hội đồng xét xử tại các phiên tòa theo trình tự sơ thẩm.

Điều 4:  Học tập nâng cao nghiệp vụ, sinh hoạt thời sự, chính trị theo kế hoạch bồi dưỡng cán bộ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân.

Rèn luyện phẩm chất, giữ vững đạo đức trong sạch, liêm khiết, chí công, vô tư luôn luôn là tiêu chí phấn đấu của Hội thẩm nhân dân.

Điều 5: Hoạt động nội bộ trong Hội thẩm nhân dân thông qua Ban liên lạc Hội thẩm nhân dân. Ban liên lạc có từ 3 đến 5 thành viên do Thường trực HĐND cử.

Ban liên lạc Hội thẩm nhân dân giữ mối liên hệ giữa Hội thẩm nhân dân với Ban pháp chế HĐND, TAND và UBMTTQ cùng cấp; có nhiệm vụ đề xuất biện pháp tăng cường quản lý, bồi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân.

Điều 6: Hoạt động nghiệp vụ xét xử của Hội thẩm nhân dân.

- Căn cứ vào kế hoạch được phân công xét xử, Hội thẩm nhân dân sắp xếp thời gian đến Tòa án thực hiện nhiệm vụ: Nghiên cứu hồ sơ, tham gia Hội đồng xét xử đúng thời gian quy định. Trường hợp có công việc đột xuất, phải báo cáo ngay với người phụ trách kế hoạch để điều chỉnh kịp thời, bố trí người thay thế.

- Hội thẩm nhân dân nhất thiết phải bố trí thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi đưa vụ án ra xét xử. Khi nghiên cứu hồ sơ có ghi chép tư liệu, tóm tắt nội dung vụ án, những chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đặc điểm, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện, mục đích, động cơ, nguyên nhân phạm tội của bị cáo (đối với hình sự); thẩm tra chứng cứ do đương sự xuất trình (đối với dân sự...) để làm căn cứ khi ra Tòa xét xử.

- Khi xét xử vụ án: Trang phục phải chỉnh tề, tác phong nghiêm túc, tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, tập trung cao, lắng nghe thẩm vấn, trả lời của các bị cáo và đương sự, trực tiếp đặt câu hỏi về các điểm còn chưa rõ theo trình tự luận định, chú ý phần tranh luận để có căn cứ đánh giá đúng chứng cứ làm cơ sở cho việc định tội và lượng hình khi nghị án, góp phần đảm bảo phiên tòa đạt kết quả.

- Khi nghị án, Hội thẩm nhân dân phát huy tính độc lập tuân theo pháp luật trong việc định tội, lượng hình, đánh giá vai trò các bị cáo (với án hình sự); đưa ra chính kiến, trình bày quan điểm của mình về xử lý vụ kiện (với án dân sự...), nhằm mục đích xét xử đúng người, đúng tội, đúng việc, đúng pháp luật. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

- Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử cùng chịu trách nhiệm về bản án đã tuyên, ký vào bản án, biên bản nghị án. Sau khi phiên tòa phổ biến kết quả vụ án đã xét xử, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh cho Tòa án.

- Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Điều 7: Ngoài chế độ chung, HĐND thành phố và HĐND quận, huyện bỗ trợ kinh phí đảm bảo các chế độ đối với Hội thẩm nhân dân.

1. Chế độ học tập: Hội thẩm nhân dân được học tập nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử...

2. chế độ thù lao:

- Đối với Hội thẩm nhân dân thành phố 30.000đồng/1 ngày xét xử và nghiên cứu tài liệu.

- Đối với Hội thẩm nhân dân quận, huyện 25.000 đồng/1 ngày xét xử và nghiên cứu tài liệu.

3. Trang phục: Mỗi Hội thẩm nhân dân trong một nhiệm kỳ được trang bị 1 bộ quần áo thu - đông, 2 bộ quần áo xuân - hè, 1 đôi dày, 1 đôi dép.

4. Chế độ thăm hỏi ốm đau: 40.000đồng/1 người. Ốm đau dài ngày được xét trợ cấp khó khăn.

Khi qua đời được phúng viếng theo chế độ cán bộ, viên chức Nhà nước.

5. Trong nhiệm kỳ được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, kết hợp thăm quan một lần để nâng cao trình độ.

- Được cấp phát các văn phòng phẩm phục vụ công tác.

Điều 8: Khen thưởng, kỷ luật:

1. Hội thẩm nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chánh án Tòa án nhân dân hoặc Chủ tịch HĐND cùng cấp khen thưởng.

2. Tuỳ mức độ vi phạm kỷ luật, Hội thẩm nhân dân có thể bị bãi miễn theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, sau khi đã thống nhất ý kiến với UBMTTQ cùng cấp.


CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

 

Đã ký: Phạm Lợi

 

Phụ lục  4

SỐ LƯỢNG HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH

VÀ HUYỆN NHIỆM KỲ 1999 - 2004

STT

TỈNH

SỐ LƯỢNG  HỘI THẨM

GHI CHÚ

 

 

Tòa án tỉnh

Tòa án huyện

 

1

An Giang

22

200

 

2

Bµ RÞa - Vòng Tµu

13

95

 

3

B¹c Liªu

20

60

 

4

B¾c Giang

20

156

 

5

B¾c C¹n

21

109

 

6

B¾c Ninh

19

128

 

7

BÕn Tre

24

116

 

8

B×nh D­¬ng

25

112

 

9

B×nh Ph­íc

26

88

 

10

B×nh ThuËn

17

129

 

11

B×nh §Þnh

20

177

 

12

Cao B»ng

21

168

 

13

Cµ Mau

20

116

 

14

CÇn Th¬

33

150

 

15

Gia Lai

22

170

 

16

Hßa B×nh

25

150

 

17

H­ng Yªn

20

159

 

18

Hµ Giang

23

156

 

19

Hµ Nam

23

92

 

20

Hµ T©y

21

224

 

21

Hµ TÜnh

25

147

 

22

H¶i D­¬ng

20

160

 

23

Kh¸nh Hßa

19

112

 

24

Kiªn Giang

24

198

 

25

Kon Tum

25

110

 

26

Lai Ch©u

25

154

 

27

Lao Cao

20

159

 

28

Long An

20

219

 

29

L©m §ång

25

140

 

30

L¹ng S¬n

27

181

 

31

Nam §Þnh

25

157

 

32

NghÖ An

23

283

 

33

Ninh B×nh

22

114

 

34

Ninh ThuËn

22

62

 

35

Phó Thä

20

199

 

36

Phó Yªn

20

103

 

37

Qu¶ng B×nh

20

98

 

38

Qu¶ng Nam

15

139

 

39

Qu¶ng Ng·i

19

171

 

40

Qu¶ng Ninh

25

212

 

41

Qu¶ng TrÞ

20

113

 

42

S¬n La

25

166

 

43

Sãc Tr¨ng

19

110

 

44

Hµ Néi

65

249

 

45

H¶i Phßng

33

212

 

46

Hå ChÝ Minh

96

541

 

47

§µ N½ng

20

72

 

48

Thõa Thiªn - HuÕ

25

139

 

49

Thanh Hãa

25

408

 

50

Th¸i B×nh

22

154

 

51

Th¸i Nguyªn

25

155

 

52

TiÒn Giang

31

181

 

53

Trµ Vinh

21

132

 

54

Tuyªn Quang

20

92

 

55

T©y Ninh

21

145

 

56

VÜnh Long

21

96

 

57

VÜnh Phóc

20

120

 

58

Yªn B¸i

17

130

 

59

§¾c L¾c

20

202

 

60

§ång Nai

26

147

 

61

§ång Th¸p

25

208

 

 

Céng

1.473

9.645

 

 

 

 

 

 

 

 



1  “Kiểm tra xã hội” hiểu theo nghĩa rộng là sự điều chỉnh của xã hội mang tính tất yếu khách quan đối với các chủ thể trong  hoạt động xã hội. K.I.I-gô-sép. Kiểm tra xã hội và phòng ngừa tội phạm. Goóc-ky 1976. Trang 30 (tiếng Nga).

(1) V.I.Lenin Toàn tập; Tập 36. NXB Tiến Bộ-Matxcơva 1977-tr.67-68 (Tiếng Việt)

(2)  PTS Nguyễn Đình Lộc - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998, tr 150-151.

(*) Có sự cộng tác của Đồng chí Nguyễn Văn Trượng - Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình

(1) 50 năm hoạt động của Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang xuất bản năm 1995

[1] Philip Francis - Hoạt động của Bồi thẩm đoàn- Nxb Oceana, USA, 1979.

[2]  Hệ thống pháp luật của ASEAN- Nxb Butterworths Asia, 1995.

[3] Hệ thống pháp luật Singapore - Helena HM Chan- Nxb Butterworths Asia- 1995.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời mở đầu

I. Tính cấp thiết của đề tài.

1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta. Ngay từ những năm đầu triển khai Nghị quyết của Đại hội, cùng với một số cơ quan khác, Bộ Tư pháp đã bắt tay vào nghiên cứu về cải cách tư pháp, trong đó có một nội dung rất quan trọng là đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân - một cơ quan có vị trí trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

2. Trong quá trình nghiên cứu từng bước đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân có rất nhiều vấn đề đặt ra và đều cần thiết nghiên cứu sớm để ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, với điều kiện và khả năng thực tế, không thể ngay một lúc có thể triển khai nhiều vấn đề mà phải tiến hành từng bước, ưu tiên cho những nội dung chủ yếu và cấp bách, lại không ảnh hưởng đến tính đồng bộ của cả hệ thống tư pháp. Vì vậy, từ cuối những năm 80, được sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học về đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân với những nội dung quan trọng như: mô hình tổ chức các Toà án, chế độ tuyển cử Thẩm phán, vấn đề quản lý các Toà án nhân dân về mặt tổ chức, những vấn đề về chế độ chính sách đối với cán bộ Toà án, trang bị vật chất - kỹ thuật cho hoạt động xét xử... Một số kết quả nghiên cứu nói trên đã được ứng dụng trong thực tiễn và bước đầu đã được kiểm chứng.

3. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Toà án vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ cần sớm được nghiên cứu như: Thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, nguyên tắc hai cấp xét xử, thành lập Toà án khu vực, cảnh sát tư pháp, chế định Hội thẩm...

Riêng về chế định Hội thẩm, trong tiến trình nghiên cứu về cải cách tư pháp, khi nói đến chế định Thẩm phán, cũng đã được đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có một đề tài hay một công trình nghiên cứu cơ bản nào, nghiên cứu Hội thẩm đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp. Như vậy, mặc dù Thẩm phán và Hội thẩm đều là những người có vị trí rất quan trọng và cơ bản trong Toà án nhưng việc nghiên cứu lại mới chỉ tập trung vào chế định Thẩm phán mà chưa tập trung vào chế định Hội thẩm (trong khi đó số lượng Hội thẩm đông gấp đôi số lượng Thẩm phán, và những phiên toà sơ thẩm bắt buộc phải có Hội thẩm tham gia xét xử chiếm tới 70% tổng số vụ án hàng năm). Sự mất cân đối đó trong nghiên cứu là một trong những yếu tố quan trọng để thúc giục thực hiện đề tài nói trên.

4. Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã phát huy được yếu tố tích cực, làm cho nhân dân thực sự có tiếng nói trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trước tình hình mới, chế định Hội thẩm đã bộc lộ những hạn chế và nhược điểm cần sớm được khắc phục. Các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn và các cơ quan chức năng đã nhiều lần đề cập đến những hạn chế, nhược điểm đó nhưng chưa thật sâu sắc và toàn diện, chưa có những kiến nghị, đề xuất mang tính chất lâu dài để chế định Hội thẩm phát huy thực sự tác dụng của mình.

5. Cho đến những năm 90, đã có nhiều ý kiến khác nhau về đổi mới hoặc cải cách chế định Hội thẩm như: thay chế định Hội thẩm bằng hình thức tham gia xét xử khác hợp lý hơn của đại diện nhân dân; giảm số lượng hội thẩm trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, lao động, hành chính; tăng số hội thẩm trong các phiên toà hình sự đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng v.v...

Vì vậy việc nghiên cứu đề tài về Hội thẩm càng trở nên cần thiết.

Với tất cả những lý do trên đây cho thấy, cả từ góc độ lý luận, nhận thức và thực tiễn, việc nghiên cứu đề tài "đổi mới chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay" là rất cần thiết và cấp bách.

II. Mục tiêu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu.

1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là: trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đánh giá những quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, thực tiễn hoạt động của Hội thẩm từ 1945 đến nay (đặc biệt là từ những năm 80 trở lại đây), đưa ra những kiến nghị về cơ chế tổ chức, hoạt động và những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật nhằm củng cố và kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, góp phần thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng xét xử của Toà án.

2. Phạm vi của đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nhận thức về chế định Hội thẩm, tổ chức của Hội thẩm, các nguyên tắc hoạt động, lề lối làm việc và các mối quan hệ trong và ngoài tố tụng của Hội thẩm; trong quá trình nghiên cứu, có đề cập đến những vấn đề liên quan đến chế định Hội thẩm như: tổ chức và hoạt động của Toà án, địa vị pháp lý của Thẩm phán... nhưng không đi thật sâu về những nội dung này vì đó là phạm vi nghiên cứu của các đề tài khác.

3. Phương pháp nghiên cứu: Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở sử dụng phương pháp luận nghiên cứu chung, đó là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước XHCN và tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của dân, do dân, vì dân với một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân.

III. Quá trình thực hiện đề tài:

1. Tháng 5-1998, đề tài được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tư pháp nhất trí cho triển khai nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài đã tập họp được một lực lượng cán bộ nghiên cứu đông đảo và từ nhiều cơ quan, đoàn thể khác nhau. Tháng 12-1998, một cuộc Hội thảo khoa học lớn được tổ chức 2 ngày tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều cộng tác viên và đại biểu. Kết quả của Hội thảo này là xuất bản được một cuốn kỷ yếu thông qua tờ "Thông tin khoa học pháp lý" của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý và được đông đảo bạn đọc đón nhận. Một số bài viết của đề tài đã được công bố trên các báo và tạp chí. Nhiều luận án cao học, cử nhân luật đã sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài.

Tháng 9-1999, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức cuộc Hội thảo lớn lần thứ hai trong 2 ngày tại thành phố Vũng Tàu với sự tham gia của đông đảo các cộng tác viên từ thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về cuộc Hội thảo này.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả cũng đã tiến hành một số đợt khảo sát ở các tỉnh và huyện thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam: thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắklắk, Nghệ An, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang... và thực hiện một số cuộc phỏng vấn trực tiếp đối với cán bộ Toà án, kiểm sát, tư pháp và các vị Hội thẩm. Đồng thời trong các đoàn đi công tác nước ngoài có thành viên của Nhóm đề tài tham gia thì đều có sự tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm (Pháp, Nhật, Trung Quốc, các nước Đông Nam á...).

Qua quá trình hơn 2 năm thực hiện, Nhóm đề tài đã xây dựng được một Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Báo cáo này gồm các phần chính sau đây:

1. Báo cáo Phúc trình kết quả nghiên cứu.

2. Các báo cáo chuyên đề.

3. Các báo cáo tham luận trong Hội thảo tại Hà Nội và Vũng Tàu.

5. Các báo cáo kết quả Hội thảo.

6. Phần phụ lục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu

I. ý nghĩa của chế định Hội thẩm trong hoạt động tư pháp

Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp của chế độ cũ bị đập tan và bộ máy tư pháp mới của chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Đặc trưng của bộ máy tư pháp mới là nó được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ, trong đó có nguyên tắc quan trọng hàng đầu là thu hút nhân dân lao động tham gia vào hoạt động của Tòa án. Sự tham gia đó thể hiện rõ nét nhất qua nguyên tắc Hội thẩm nhân dân (những người đại diện cho nhân dân) tham gia xét xử. Và chính nguyên tắc này đã thể hiện bản chất dân chủ và tính nhân dân của Tòa án kiểu mới.

Gần 100 năm sống dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến, từng chứng kiến sự tàn bạo của bộ máy tư pháp thuộc chế độ cũ, một ấn tượng xấu về Tòa án của chúng, một sự định kiến, mặc cảm, thậm chí là một sự căm thù đối với Tòa án đó đã được hình thành trong suy nghĩ của quần chúng nhân dân. Vì vậy đã có một thời (kể cả sau cách mạng thành công), nói đến Tòa án thì người ta thường hiểu ngay đó là một bộ máy cưỡng chế, chủ yếu làm nhiều vụ trừng trị và những người xét xử là những quan tòa luôn luôn cách biệt với dân chúng. Họ - Thẩm phán luôn luôn là những người cung cúc tận tuỵ. ở họ có những nguyên tắc làm việc cứng nhắc, những công thức máy móc, những lối mòn trong suy nghĩ và trong các phán quyết của mình. Và có lẽ vì vậy, họ không đáp ứng được sự chờ đợi, mong muốn của đại đa số nhân dân lao động. Nhân dân lao động muốn và thấy cần phải có đại diện của mình tham gia xét xử để thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng của họ trong việc bảo vệ công lý.

Nếu quay trở lại với những cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu thì có thể thấy rằng một trong những thành quả của cách mạng tư sản là nhân dân đã lên án, đã đoạn tuyệt với Tòa án của chế độ phong kiến. Chính chế định Bồi thẩm đoàn ra đời đã thể hiện được thái độ đó. Nhưng rồi do bản chất của nhà nước tư sản, những thành quả này không những không được phát huy mà còn bị giai cấp tư sản cầm quyền sử dụng để chống lại nhân dân lao động.

Đến khi cách mạng vô sản thành công, Tòa án kiểu mới của nhân dân lao động được thiết lập thì bản chất dân chủ của Tòa án kiểu mới đã được khẳng định thông qua nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử: "Cách mạng tháng Mười đã hoàn thành và hoàn thành thắng lợi. Để thay đổi Tòa án cũ, cuộc cách mạng đã thiết lập Tòa án mới có tính chất nhân dân... Xây dựng trên nguyên tắc là các giai cấp bị bóc lột, và chỉ có các giai cấp ấy thôi tham gia quản lý Nhà nước"(1).

Sau chiến tranh thế giới thứ II, khi hệ thống các nước XHCN được hình thành thì chế định Hội thẩm nhân dân đã được khẳng định và trở thành một chế định truyền thống trong nền tư pháp của các nước đó.

Để thấy rõ hơn ý nghĩa của việc đại diện nhân dân tham gia xét xử, cần phải tìm hiểu vấn đề này trên cơ sở nghiên cứu mô hình tổ chức Tòa án ở các nước theo mỗi hệ thống pháp luật. Tuy các mô hình này có những điểm tương đồng nhưng cũng không ít sự khác biệt. Ví dụ, những nước theo hệ thống án lệ thì quá trình tố tụng hình sự thể hiện rõ nét của thủ tục tranh tụng còn những nước theo hệ thống lục địa thì lại nghiêng về thủ tục tố tụng thẩm vấn; mặc dù cả hai hệ thống này đều nhằm tìm ra sự thật của vụ án và trừng phạt người phạm tội. Sự khác nhau giữa chúng chỉ là ở sử giả định của từng hệ thống về phương pháp tốt nhất để tìm ra sự thật.

Nhiều ý kiến cho rằng các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và Việt Nam hiện nay đã lựa chọn hệ thẩm vấn trong tố tụng hình sự. ở đó, vai trò của Thẩm phán rất quan trọng vì họ có nhiệm vụ "điều tra" chính thức tại phiên tòa, dựa trên kết luận (bản cáo trạng) của Viện kiểm sát và rồi để kết tội bị cáo. (Điều này khác với tố tụng tranh tụng - nơi Thẩm phán nghiêng về vai trò của người trọng tài hơn. Tuy vậy, trong thủ tục này, vẫn có đại diện nhân dân là các bồi thẩm viên tham gia xét xử). Vậy vấn đề nhân dân tham gia xét xử đối với thủ tục tố tụng thẩm vấn được đặt ra thế nào?

ở Việt Nam, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã đi vào cuộc

sống hơn 50 năm qua. Chúng ta đều biết Tòa án là một cơ quan giữ vị trí "trung tâm" trong hệ thống các cơ quan tư pháp, là nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng hệ thống tư pháp. Trong khi đó, hệ thống tư pháp được quan niệm như là một bộ phận hợp thành của hệ thống kiểm tra xã hội để duy trì trật tự và kỷ cương xã hội. Bởi lẽ xã hội không thể củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức và trật tự của mình nếu không buộc mọi hoạt động của các thành viên trong xã hội tuân thủ các quy tắc, và các yêu cầu nhất định. Như vậy, hệ thống tư pháp vừa là một bộ phận kiểm tra xã hội, vừa là một bộ phận quyền lực Nhà nước nằm trong các khâu tạo thành hệ thống kiểm tra xã hội thông qua Nhà nước. Tòa án, với tính cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp lại càng thể hiện rõ đặc điểm này. Để hoạt động có hiệu quả, Tòa án phải tổ chức một cách hợp lý nhất sao cho xã hội có điều kiện giám sát hoạt động này một cách thường xuyên và có hiệu quả. Đó cũng là một trong những lý do cần có đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán - những người làm nhiệm vụ xét xử chuyên nghiệp, coi việc xét xử là một "nghề", họ phán quyết những vấn đề liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, lợi ích của con người, những vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Để mục tiêu đó đạt được trong hoạt động xét xử, ngoài các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tố tụng khác thì cần phải có tiếng nói và sự giám sát từ phía nhân dân, mà trực tiếp là những người đại diện cho nhân dân tham gia vào xét xử - các Hội thẩm. Nếu như coi nguyên tắc xét xử công khai là sự kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất và từ bên ngoài của xã hội đối với hoạt động xét xử của Tòa án thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong của hoạt động này.

 

Hội thẩm tham gia xét xử sẽ góp phần đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khách quan của các quyết định của Tòa án. Việc kết hợp giữa sự tinh thông của Thẩm phán, những thao tác nhà nghề, kiến thức chuyên môn của họ với sự từng trải, kinh nghiệm sống của Hội thẩm, với tiếng nói và hơi thở của cuộc sống sẽ tạo ra những yếu tố loại trừ những hạn chế của Thẩm phán chuyên nghiệp như "định kiến" buộc tội, hay là muốn phán quyết giống như vụ án đã xét xử trước đây. Hội thẩm tham gia xét xử sẽ mang vào phiên tòa một nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật ở mức "trung bình" của đại đa số nhân dân, một bầu không khí "đời thường", một kiểu đánh giá và tiếp nhận các sự kiện và tình tiết của vụ án theo một cách khác, cách của những người không có nếp quen ngồi tòa nhiều. Họ mang đến phiên tòa những ý niệm, quan niệm đạo đức chung của xã hội, những sự nhận xét, đánh giá chung của các tầng lớp nhân dân về hành vi phạm tội, về tính chất của các tranh chấp dân sự, kinh tế... với những ý niệm công bằng, nghiêm minh, thiện, ác, đúng, sai.v.v... Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp thiếu những điểm trên. Nhưng thực tế đã khẳng định rằng uy tín của Tòa án không phải chỉ do các Thẩm phán chuyên nghiệp tạo nên, mà là có sự đóng góp lớn lao của Hội thẩm trong đó. Vấn đề là ở chỗ, Hội thẩm tham gia vào sẽ làm tăng thêm niềm tin nội tâm của Thẩm phán, làm cho họ quyết đáp "có lý" và "có tình" và đạt đến mức "thấu tình" "đạt lý". Tư tưởng "lấy dân làm gốc" được thể hiện trong hoạt động tư pháp chính là ở điểm đó.

Như vậy, tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong hoạt động của Tòa án đã được pháp luật hóa. Đó là một yêu cầu có tính khách quan của một nền tư pháp mới của dân, do dân và vì dân. Như vậy, bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Tòa án ở chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tuỵ, hết lòng với nhân dân mà còn thể hiện đậm nét ở việc huy động ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và kiểm tra, giám sát công tác xét xử. Hội thẩm, vì vậy cũng chính là một chế định phù hợp với tư tưởng của V.I. Lê nin là "bản thân chúng ta tự mình xét xử, toàn thể công dân không trừ một ai đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước"(1). Tức là nhằm làm cho tất cả những người lao động, một khi đã làm xong tám tiếng đồng hồ trong "nhiệm vụ" sản xuất rồi, thì còn đảm nhiệm được "không công" những chức vụ Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ "Nhà nước phải phát huy quyền dân chủ, phát huy tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc của Nhà nước(2).

 

 

Chính vì vậy, các cuộc cải cách lớn của Nhà nước ta trên lĩnh vực tư pháp cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của Tòa án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra, giám sát, hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Và do vậy có thể nói chế định Hội thẩm còn thể hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra và đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Qua nghiên cứu các quy định về Hội thẩm trong các văn bản luật hiện hành có thể khái quát 3 chức năng của Hội thẩm như sau:

- Là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

- Thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử từ phía xã hội.

- Là cầu nối giữa Tòa án và xã hội.

Để thực hiện các chức năng trên đây, pháp luật đã quy định cho Hội thẩm một địa vị pháp lý khá rộng rãi, bao gồm những nguyên tắc hoạt động chủ yếu và những quyền, nghĩa vụ cụ thể trong tố tụng và cả những hoạt động ngoài tố tụng.

II. Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của chế định

Hội thẩm ở Việt Nam

Trong tác phẩm "Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương" (1921 - 1926), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một vấn đề cốt lõi trong hoạt động của bộ máy Tư pháp: đại diện của nhân dân tham gia xét xử. Khi lên án bộ máy tư pháp của bọn thực dân phong kiến, người đã chỉ rõ là ở Đông Dương có hai thứ công lý, một thứ cho người Pháp và một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì xét xử ở Pháp. Người Việt Nam thì không có Hội đồng Bồi thẩm, cũng không có luật sư người Việt (1).

Như vậy, vấn đề một hệ thống Tư pháp (xét xử) phải có đại diện nhân dân tham gia đã hình thành từ rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền Tư pháp dân chủ.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, cơ quan xét xử của chính quyền

nhân dân được manh nha từ trước khi cách mạng tháng Tám thành công. Chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về tổ chức xét xử ở thời kỳ Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, nhưng chắc chắn rằng vẫn có sự tham gia của quần chúng vào việc xét xử, diệt ác, trừ gian thời kỳ đó.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rầm rộ, đã có những bản án của Tòa án cách mạng được tuyên nhằm trừng trị những tên phản động, gian ác như ở Mỹ Tho, mặc dù chính quyền cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chỉ tồn tại có 49 ngày những Hội đồng Tòa án cách mạng đã được lập để xét xử bọn phản động. Tòa án xử lưu động, công khai. Đại diện quần chúng lên phát biểu vạch rõ tội ác của bọn phản động rồi đề nghị mức hình phạt. Tại các phiên tòa đó, quyền quyết định của dại diện nhân dân được tôn trọng(1).

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời. Bộ máy Tư pháp mới được thiết lập. Chế định Hội thẩm được ghi nhận và trở thành một chế định quan trọng trong hoạt động của Tòa án. Cụ thể là:

- Sắc lệnh 33/SL ngày 13/9/1945 về tổ chức Tòa án quân sự đã quy định việc xét xử có Phụ thẩm tham gia.

- Sắc lệnh 13/SL ngày 24/1/1946 là văn bản pháp luật đầu tiên quy định tương đối đầy đủ về địa vị pháp lý của Hội thẩm. Theo Sắc lệnh này thì các Tòa án ở nước ta bao gồm:

+ Tòa án sơ cấp.

+ Tòa án đệ nhị cấp.

+ Tòa án thượng thẩm.

Việc xét xử của Tòa đệ nhị cấp (ở tỉnh, thành phố lớn) được thực hiện như sau: khi xét xử các việc tiểu hình (những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm) hay phạt bạc trên 9 đồng thì ngoài Chánh án (Chủ tọa) còn có hai Phụ thẩm. Đối với việc xét xử các việc đại hình tại Tòa đệ nhị cấp thì Hội đồng xét xử gồm có: Chánh án, hai Thẩm phán (làm Phụ thẩm chuyên môn) và hai Phụ

 

thẩm nhân dân.

Khi xét xử việc tiểu hình, Chánh án chỉ hỏi Phụ thẩm về tội trạng và hình phạt rồi tự mình quyết định.

Khi xét xử việc đại hình, các Phụ thẩm cùng tham gia nghị án với Chánh án và hai Thẩm phán.

Khi Tòa thượng thẩm xét xử phúc thẩm các việc tiểu hình và đại hình thì ngoài chánh án và hai Phụ thẩm chuyên môn, còn có hai Phụ thẩm nhân dân. Các Phụ thẩm nhân dân được tham gia nghị án.

Hiến pháp năm 1946 (19/11/1946) bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã chính thức ghi nhận nguyên tắc đại diện nhân dân tham gia xét xử: "Trong khi xét xử việc hình phải có Phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình".

Tên gọi Hội thẩm được dùng lần đầu tiên trong Sắc lệnh số 45/SL ngày 5/7/1947 về tổ chức các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam "Mỗi Tòa án binh gồm một Chánh án ngồi xử và hai Hội thẩm".

Như vậy, trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng còn non trẻ, chế định Hội thẩm đã được hình thành. Tuy còn có những hạn chế nhất định (tên gọi - Phụ thẩm, về mức độ tham gia xét xử...) nhưng ý tưởng về một nền tư pháp nhân dân đã được hiện thực hóa. Những người đại diện cho nhân dân đã luôn sát cánh cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử.

Bước vào những năm 50, nền Tư pháp của chế độ mới đã có những cải cách lớn nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nữa yêu cầu của cách mạng, đòi hỏi của nhân dân. Mốc lớn nhất của cuộc cách mạng (có thể gọi là cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất) là việc ban hành Sắc lệnh số 85/SL 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng. Từ lúc này, Tòa án sơ cấp được gọi là Tòa án nhân dân huyện; Tòa đệ nhị cấp gọi là Tòa án nhân dân tỉnh; Hội đồng phúc án gọi là Tòa phúc thẩm. Phụ thẩm nhân dân được đổi là Hội thẩm nhân dân. Việc đổi tên Phụ thẩm thành Hội thẩm đã xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của Hội thẩm: Họ tham gia vào Hội đồng xét xử theo tính chất "tập thể", quyền và nghĩa vụ cũng khác với trước đây. Số lượng Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử được tăng hơn so với trước, quyền hạn và nghĩa vụ được mở rộng hơn. Từ lúc này, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cả việc hình sự và dân sự, được tham gia quyết định về mọi vấn đề trong xét xử vụ án như xem hồ sơ, biểu quyết về tội trạng và hình phạt. Khi xét xử, Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. Còn Tòa án nhân dân phúc thẩm khu hoặc thành phố gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân.

Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm nhân dân còn tham gia công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, đồng thời cũng là một thành viên của Hội đồng Tư pháp (một hình thức phối hợp giữa 2 cơ quan Tòa án và Công tố). Hội đồng này họp mỗi tháng một lần, bàn về đường lối xét xử và kế hoạch tư pháp.

Do điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, việc thực hiện chế định Hội thẩm thời gian này còn nhiều hạn chế. Có tình trạng thiếu Hội thẩm nhân dân, có nơi chưa có Hội đồng nhân dân, thì phải cử Hội thẩm tham gia xét xử. Việc tập huấn nghiệp vụ cho Hội thẩm được thực hiện còn ít.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 được ban hành. Trong bản Hiến pháp này đã ghi nhận nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử: "Việc xét xử ở các Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán" (Điều 59). Hiến pháp cũng quy định rõ nguyên tắc hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân "Khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 thì khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi xét xử phúc thẩm, trong trường hợp đặc biệt liên quan đến dân tộc, tôn giáo phải có Hội thẩm nhân dân tham gia (Điều 112).

Theo Thông tư 1071/TC ngày 7/9/1965 của Tòa án nhân dân tối cao thì việc phân xử những vụ hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa thì không có Hội thẩm nhân dân tham gia.

Sau khi miền Nam giải phóng, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Sắc luật số 01/SL/1976 quy định về tổ chức của Tòa án nhân dân, trong đó khẳng định nguyên tắc tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân.

Đến khi Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ quá độ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử được tiếp tục ghi nhận trong đạo luật cơ bản này. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân được thể hiện rõ hơn. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Hiến pháp 1980 ghi rõ: Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" chứ không ghi chung là: "Tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" như Hiến pháp 1959.

Từ năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI bắt đầu. Để phù hợp với tinh thần đổi mới, Hiến pháp năm 1992 đã được ban hành để thay thế Hiến pháp 1980. Sau đó, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1992 và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 1993 được ban hành tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc hoạt động của Hội thẩm như: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động cũng đều thể hiện tinh thần nói trên.

Theo các quy định hiện hành thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm, tuỳ từng loại việc và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định khác nhau:

- Đối với các vụ án dân sự, hình sự và hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm.

- Riêng đối với vụ án hình sự nghiêm trọng và phức tạp và những vụ án về tội theo khung hình phạt cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm.

- Đối với vụ án kinh tế và lao động thì thành phần Hội đồng xét xử gồm có 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Như vậy, Hội thẩm là một chế định pháp lý mang tính chất truyền thống, được khẳng định ngay từ những ngày đầu của chính quyền dân chủ nhân dân và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Sự tồn tại đó khẳng định vị trí của đội ngũ Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Sự hiện diện của họ, kết quả hoạt động của họ luôn khẳng định rằng: nhân dân cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Để làm rõ hơn vị trí, vai trò của những người đại diện cho nhân dân trong xét xử, dưới đây xin giới thiệu chế định nhân dân tham gia xét xử ở một số nước trên thế giới.

III. Chế định đại diện nhân dân tham gia xét xử ở một số nước.

1. ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Theo pháp luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, riêng thủ tục tố tụng hình sự (TTHS) thì bắt buộc phải có Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án cấp cơ sở) hoặc từ một đến ba Thẩm phán và từ hai đến bốn Hội thẩm nhân dân (đối với Tòa án nhân dân tối cao). Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân có quyền hạn như Thẩm phán.

 

Đối với thủ tục tố tụng dân sự (TTDS) theo quy định tại Điều 40 Bộ luật TTDS thì "Khi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sẽ tổ chức Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm hoặc Hội đồng xét xử do các Thẩm phán hợp lại, số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ"... Những vụ án dân sự có thể áp dụng trình tự xét xử đơn giản sẽ do một Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử". "Khi Hội thẩm thi hành trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang với Thẩm phán".

Như vậy, quy định của Luật TTDS có tính mềm dẻo, Hội đồng xét xử án dân sự có thể không có Hội thẩm nhân dân. Thực tế cho thấy Tòa án nhân dân chỉ mời Hội thẩm khi các vụ án dân sự - kinh tế khi cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn (như các vụ án liên quan đến chứng khoán).

Qua mấy năm thực hiện, đã có ý kiến của các luật gia cho rằng nên quay lại chế độ Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án dân sự.

2. ở các nước ASEAN:

a. Singapore: Singapore nguyên là thuộc địa của Anh từ thế kỳ 19 nên Bồi thẩm đoàn được du nhập vào cùng với một số thiết chế tư pháp khác. Nhưng các học giả Singapore cho rằng chế định Bồi thẩm đoàn "Không bắt rễ được trên mảnh đất Singapore".

 

Đến 1960, Bồi thẩm đoàn chỉ được áp dụng đối với việc xét xử các vụ án tuyên tử hình và đến 1969 thì hoàn toàn bị bãi bỏ. Thay vào đó, việc xét xử do 2 Thẩm phán đảm nhiệm và chỉ khi cả 2 Thẩm phán thống nhất thì án mới được tuyên. Đến 1992, việc xét xử chỉ do 1 Thẩm phán đảm nhiệm.

Riêng các phiên tòa xét xử người chưa thành niên phạm tội tại Tòa sơ cấp (từ sau 1994 - phiên tòa người chưa thành niên) thì do 1 Thẩm phán chủ trì với sự giúp đỡ của 2 người tư vấn trong danh sách do Tổng thống chỉ định theo Luật về trẻ em và người chưa thành niên.

b. ở Philippin: Quy chế của Tòa án ở Philippin có quy định việc huy động các Hội thẩm hỗ trợ cho Thẩm phán trong việc xét xử, song trên thực tế, những quy định này rất hiếm khi được áp dụng.

c. ở Thái Lan: Khi xét xử các vụ án hình sự và dân sự, không có quy định sự tham gia của nhân dân vào xét xử.

 

Còn tại Tòa lao động, Hội đồng xét xử gồm 1 Thẩm phán chuyên nghiệp và các Thẩm phán không chuyên nghiệp (lấy từ số người đại diện cho người sử dụng lao động) và những người còn lại - đại diện cho tập thể lao động. Số đại diện cho mỗi bên là bằng nhau.

Tại Tòa án người chưa thành niên và Tòa án gia đình, Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán chuyên nghiệp, hai Thẩm phán không chuyên (còn gọi là 2 Hội thẩm) trong đó một vị bắt buộc là nữ. Các phiên tòa này thường xử kín.

d. ở Malayxia:

Malayxia cũng giống như một số nước trong khu vực, chỉ cho phép nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở các phiên tòa chuyên biệt.

Tòa án vị thành niên gồm có một Thẩm phán và 2 Hội thẩm và tiến hành xử kín.

Tòa án Hải quân cũng do 1 Thẩm phán và từ 3 - 5 Hội thẩm quân nhân xét xử.

Tòa lao động gồm 1 Thẩm phán và 3 Hội thẩm đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động và 1 đại diện tự do.

Tại Tòa thượng thẩm, thường thường các vụ án chỉ do 1 Thẩm phán xét xử nhưng cũng có thể có Bồi thẩm đoàn hay Hội thẩm tham dự.

e. ở Cộng hòa Pháp:

- Việc xét xử án hành chính do các Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có Hội thẩm.

- Một số loại tranh chấp hoàn toàn do Thẩm phán không chuyên xét xử (cũng có thể hiểu là Hội thẩm). Ví dụ xét xử thương mại do các thương gia được bầu ra để xét xử hay tranh chấp lao động do đại diện giới chủ sử dụng lao động và đại diện của những người làm công ăn lương bầu ra.

- Việc xét xử sơ thẩm dân sự, sơ thẩm vi cảnh và tiểu hình hoàn toàn do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành mà không có sự tham gia của Hội thẩm.

- ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm, không có đại diện của công dân tham gia xét xử.

- Về Bồi thẩm đoàn:

Đoàn Bồi thẩm áp dụng ở Pháp sau cách mạng tư sản 1789. Đoàn Bồi thẩm là một tập thể công dân được lựa chọn bằng cách rút thăm, tham gia xét xử ở các phiên tòa đại hình (xét xử những vụ án hình sự nghiêm trọng).

Có 2 loại ý kiến về vấn đề này:

- ý kiến thứ nhất đồng tình với thiết chế Đoàn Bồi thẩm với lập luận về tính khách quan, độc lập của các Bồi thẩm viên. Hơn nữa, tiếng nói của Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói của công luận, phù hợp với đạo đức xã hội.

 

- ý kiến thứ hai không hoàn toàn đồng tình vì Đoàn Bồi thẩm là tiếng nói ngẫu nhiên, không có lối tư duy pháp lý chặt chẽ, dễ bị ảnh hưởng bởi báo chí và luật sư và lại thường hay tha tội cho bị cáo.

Trước năm 1941, các Bồi thẩm viên phán quyết về tính chất tội phạm và mức độ trách nhiệm của bị cáo, còn Thẩm phán sẽ quyết định về việc kết án và mức hình phạt.

Từ 1941, thành viên của Đoàn Bồi thẩm cùng nghị án với Thẩm phán cả về tính chất tội phạm và mức hình phạt áp dụng với bị cáo, Khi xét xử Bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp.

Hiện nay, Đoàn Bồi thẩm có 9 thành viên là công dân từ 23 tuổi trở lên, là công dân Pháp. Đoàn Bồi thẩm được thành lập ở mỗi tỉnh hàng năm bằng cách rút thăm trong số danh sách cử tri của tỉnh đó.

g. Nhật Bản:

Chế độ Bồi thẩm đoàn được áp dụng ở Nhật Bản từ 1923. Đến 1943 thì không áp dụng nữa do không phù hợp (nhân dân không tin tưởng lắm, không được các bị đơn đồng tình vì họ không có quyền kháng cáo các quyết định của Bồi thẩm đoàn).

- Hiện nay, ở Nhật Bản đang tồn tại chế định Hội thẩm.

Các Hội thẩm chỉ tham gia tố tụng dân sự với tư cách là các thành viên được lựa chọn từ dân chúng. Họ tham gia vào Tòa án giản lược, Tòa án khu vực và Tòa án gia đình với tư cách là ủy viên hòa giải. Cùng với Thẩm phán, ủy ban hòa giải trong các vụ dân sự có nhiệm vụ gợi ý những thỏa thuận, thỏa hiệp giữa các bên và khuyến khích các bên tự hòa giải.

- Các ủy viên tư pháp: giúp cho Thẩm phán trong việc tác động vào của các bên trong vụ kiện dân sự và phát biểu ý kiến của mình để Thẩm phán cân nhắc.

- ủy viên Tòa án gia đình: đối với các việc dân sự như thay đổi họ tên, chia tài sản thì họ tham gia với nhiệm vụ giúp Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc bằng cách trình bày quan điểm của mình về vụ việc đó.

- ủy viên chuyên môn: Đưa ra những ý kiến chuyên môn khi được Thẩm phán yêu cầu trong các vụ kiện dân sự không cần tranh tụng liên quan đến chủ đất và người cho thuê nhà.

h. ở Cộng hòa Liên bang Nga:

Trước khi Liên Xô sụp đổ (1991), chế định Hội thẩm nhân dân đã tồn tại 70 năm. Trong các vụ án hình sự, dân sự, Hội thẩm nhân dân được tham gia xét xử với thành phần đa số (hai Hội thẩm, một Thẩm phán). Từ khi Liên xô không còn tồn tại, ở Liên bang Nga, chế định Hội thẩm vẫn giữ nguyên và áp dụng thêm chế định Bồi thẩm đoàn trong xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng. Việc mời Bồi thẩm đoàn tham gia xét xử là theo yêu cầu của bị cáo. Bồi thẩm đoàn ở mỗi Tòa án gồm 12 người và được thành lập bằng cách bốc thăm.

Khi tham gia xét xử, Bồi thẩm đoàn phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu sau:

- Hành vi phạm tội của bị cáo có thật hay không?

- Có đúng bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội không?

- Bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không.

Ngoài ra, Bồi thẩm đoàn còn tham gia quyết định những vấn đề như khoan hồng, xác định các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Đối với mỗi vấn đề, Bồi thẩm đoàn phải khẳng định là "có" hoặc "không".

Như vậy, pháp luật của các nước đều có quy định về sự tham gia của đại diện nhân dân vào việc xét xử của Tòa án với hình thức và mức độ tham gia rất khác nhau. Những thông tin này sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết trong quá trình nghiên cứu đổi mới chế định Hội thẩm ở Việt Nam.

IV. Một số nguyên tắc tố tụng liên quan trực tiếp đến

hoạt động của hội thẩm

1. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp.

 

Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm là tổng hợp các phương tiện, biện pháp về xã hội, về pháp luật, về kinh tế, về tổ chức nhằm hạn chế và ngăn chặn những tác động vào hoạt động xét xử. Sự độc lập đó được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Hội thẩm và Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Sự độc lập của Hội thẩm ở đây trước hết phải đặt trong sự thực hiện nguyên tắc này của cả Thẩm phán chuyên nghiệp. Cả Thẩm phán và Hội thẩm đều phải thực hiện nguyên tắc này mà không có ngoại lệ. Đối với Hội thẩm thì khi giải quyết các vụ án, không một cơ quan, tổ chức hay người có chức vụ hoặc cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét xử, ra lệnh cho Hội thẩm phải xét xử theo yêu cầu của họ. Không thể có một ý kiến áp đặt nào dưới danh nghĩa "hợp tình, hợp lý" để tác động đến Hội thẩm. Không một yêu cầu hay đề nghị nào của những người khác có thể làm ảnh hưởng đến việc Hội thẩm áp dụng đúng pháp luật theo đúng nội dung và tinh thần của điều luật đối với các tình tiết của vụ án cụ thể. ở đây cũng cần lưu ý là sự độc lập của Hội thẩm cũng được thể hiện giữa họ với Thẩm phán chuyên nghiệp . Về nguyên tắc, Thẩm phán không được áp đặt ý kiến đó với Hội thẩm khi xét xử. Như vậy, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai mặt thống nhất của một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng mà Hội thẩm phải thực hiện cùng lúc: độc lập tức là tuân theo pháp luật và tuân theo pháp luật để được độc lập. V.L Lênin đã nhiều lần đòi hỏi phải thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. Người từng kịch liệt phản đối những hành vi can thiệp vào việc xét xử. Người viết: "Tôi đề nghị: Thông báo cho các Tỉnh ủy biết rằng: Ban chấp hành Trung ương sẽ khai trừ ra khỏi Đảng đối với những ai mưu toan "can thiệp" dù là nhỏ nhất vào Tòa án nhằm làm giảm nhẹ trách nhiệm cho những đảng viên cộng sản"(1). Đó cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với tất cả những người đang làm công việc xét xử, bảo vệ công lý, trong đó có Hội thẩm.

Một trong những bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là sự quan tâm của Đảng đối với nhiệm vụ tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là biện pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử để củng cố uy tín của Tòa án, và để không một ai có thể can thiệp vào công việc xét xử. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án được thực hiện chủ yếu bằng đường lối, chính sách, công tác cán bộ, công tác kiểm tra của Đảng. Đảng không bao biện và làm thay Tòa án. Đảng lãnh đạo Tòa án để Tòa án độc lập khi xét xử và để công tác xét xử đạt hiệu quả cao. Vấn đề này, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã nói: "Đối với những vụ việc vi phạm, những vụ án có ảnh hưởng chính trị rộng, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cấp ủy cần tham gia ý kiến về quan điểm xử lý, làm cơ sở cho việc quyết định xử lý của Viện kiểm sát và các cơ quan bảo vệ pháp luật, song các cấp ủy đảng nhất thiết không được can thiệp trực tiếp vào công tác cụ thể của các cơ quan bảo vệ pháp luật như quyết định tội danh, truy tố hay không truy tố, mức án..."(2). Đó cũng là sự thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta trong việc lãnh đạo đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Tòa án.

Pháp luật cũng đã quy định những đảm bảo về mặt tố tụng cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm đó là:

- Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi đánh giá chứng cứ, quyết định tội danh và hình phạt, Hội thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Hội thẩm tự mình đề nghị không tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi có căn cứ cho rằng họ không vô tư và khách quan.

- Việc nghị án được tiến hành bí mật và Hội thẩm được quyền có ý kiến bảo lưu khi nghị án.

- Nếu có các vi phạm pháp luật nghiêm trọng từ phía Hội thẩm như cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, cố ý làm sai lệch vụ án thì Hội thẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 295 về Tội ra bản án trái phápluật; Điều 296 - Tội ra quyết định trái pháp luật; Điều 300 - Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Bộ luật hình sự năm 1999).

Tóm lại, việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Hội thẩm chỉ có hiệu quả khi Hội thẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố: bản lĩnh bảo vệ công lý, kinh nghiệm xã hội, kiến thức pháp lý, tức là có đủ căn cứ điều kiện để ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử.

2. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

Đây là một nguyên tắc được Hiến pháp quy định, thể hiện mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử trên bình diện quyền năng của mỗi người. Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Việc xét xử ở các cấp Tòa án đều được thực hiện theo chế độ hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do cá nhân Thẩm phán hay Hội thẩm nào. Chế độ "hội đồng" bảo đảm mọi quyết định của Tòa án đều được thông qua theo nguyên tắc đa số, các thành viên ngang quyền với nhau.

Để đảm bảo được sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán, cần xác định rõ tính chất mối quan hệ giữa họ với nhau trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ và giai đoạn xét xử tại phiên tòa.

Trong giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm mang tính chất hỗ trợ và hướng dẫn. Thẩm phán hướng dẫn cho Hội thẩm cách nghiên cứu hồ sơ để đem lại kết quả nhanh và chính xác (ví dụ bút lục nào là trọng tâm, bút lục nào cần có sự đối chiếu, so sánh; các văn bản pháp luật nào liên quan đến tội danh mà bị cáo bị truy tố...). Thẩm phán cũng hướng dẫn cho Hội thẩm cách ghi chép tổng hợp nội dung vụ án một cách ngắn gọn, đầy đủ để có thể tiến hành thẩm vấn tại phiên tòa một cách có hiệu quả.

Ngược lại, Hội thẩm có thể phát hiện những vấn đề cần trao đổi với Thẩm phán để bổ sung cho việc xét xử như cần thiết mời thêm người có liên quan đến vụ án, mời thêm người làm chứng... mà trong quá trình làm các thủ tục ban đầu, Thư ký hoặc Thẩm phán do những lý do khác nhau đã không phát hiện ra hoặc, đề nghị trưng cầu giám định tư pháp để giúp cho Hội đồng xét xử kết luận được chính xác.

Thẩm phán và Hội thẩm cần phải cùng nhau trao đổi, thống nhất kế hoạch và cách thẩm vấn tại phiên tòa, cụ thể là xác định mục đích thẩm vấn, thẩm vấn về nội dung gì, thẩm vấn những ai, dự tính những gì sẽ xảy ra sau các câu hỏi của Hội đồng xét xử và trả lời của những người được Hội đồng xét xử hỏi.

Khi phiên tòa khai mạc thì cũng là thời điểm bắt đầu thể hiện rõ nhất cộng đồng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm.

 

Còn Thẩm phán, trong quá trình điều khiển phiên tòa cần luôn luôn xác định rằng Hội thẩm là những người ngang quyền với mình để từ đó có thái độ đúng đắn trong mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng xét xử. Sự đánh giá không đúng vai trò và vị trí của Hội thẩm, không tôn trọng ý kiến của Hội thẩm từ phía Thẩm phán sẽ dẫn đến hiện tượng áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm, thể hiện trước công chúng "sự hơn hẳn" của mình đối với Hội thẩm. Nếu tránh được điều đó thì cũng có nghĩa là Thẩm phán và Hội thẩm đã tạo ra được một không khí dân chủ trong phiên tòa và tạo cho công chúng dự phiên tòa một thái độ nhìn nhận đúng đắn về vị trí và vai trò của các thành viên trong Hội đồng xét xử, để họ không có cảm giác rằng Thẩm phán xét xử một mình. Vì vậy, nếu ở các bước của phiên tòa công khai trước khi nghị án mà Hội thẩm đã bị áp đặt ý kiến thì khi ở trong phòng nghị án, khi chỉ có các thành viên của Hội đồng xét xử với nhau, ắt hẳn sự áp đặt đó còn mạnh hơn nhiều. Đó là hiện tượng cần phải được ngăn chặn.

Về phía Hội thẩm, khi xét xử phải thể hiện sự tự tin, luôn luôn xác định mình là một thành viên của Hội đồng xét xử. Vì thế cần sẵn sàng hỗ trợ cho Thẩm phán, nhắc nhở Thẩm phán trong quá trình xét xử nếu thấy có những vấn đề mới phát sinh hoặc có những tình tiết cũ nhưng Thẩm phán quên không thẩm vấn, hoặc khi Thẩm phán do mất bình tĩnh mà bộc lộ những sai sót. Giữa Thẩm phán và Hội thẩm phải phối hợp chặt chẽ, chuẩn xác, bám sát đề cương thẩm vấn, nhưng cần linh hoạt, sáng tạo để cuộc thẩm vấn đạt kết quả. Đồng thời Hội thẩm cần phối hợp với Thẩm phán trong việc điều hành phiên tòa để vừa bảo đảm chất lượng, vừa thể hiện được những yêu cầu của văn hóa tư pháp.

Sự ngang quyền của Hội thẩm và Thẩm phán thể hiện tập trung nhất trong khi nghị án.

Do tính chất quan trọng đặc biệt của bản án, nên pháp luật quy định một trình tự đặc biệt để thảo luận và ra bản án. Chỉ có Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Do vậy, Kiểm sát viên, người bào chữa, Thư ký phiên tòa và bất cứ người nào khác đều không được tham gia nghị án. Trong quá trình nghị án, Hội thẩm phát biểu ý kiến trước và Thẩm phán phát biểu ý kiến sau cùng. Việc biểu quyết được tiến hành theo đa số. Nếu không đồng ý với ý kiến của đa số Hội thẩm hoặc Thẩm phán có thể ghi ý kiến bảo lưu. Thẩm phán tuyệt nhiên không áp đặt ý kiến đối với Hội thẩm trong khi ra phán quyết cuối cùng về vụ án.

3. Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số được quy định tại Điều 131 Hiến pháp năm 1992. Theo nguyên tắc này, việc xét xử các vụ án ở mọi cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đều được thực hiện theo chế độ Hội đồng (Hội đồng xét xử) chứ không phải do một cá nhân (Thẩm phán hoặc Hội thẩm) tiến hành. Trong thủ tục tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm, còn trong tố tụng kinh tế và lao động thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có 1 Thẩm phán và hai Hội thẩm (trường hợp đặc biệt, trong tố tụng hình sự thì Hội đồng xét xử gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm).

Nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số trong các thủ tục tố tụng có Hội thẩm tham gia vừa là sự thể hiện tính chất dân chủ, vừa thể hiện tính chất đặc trưng của hoạt động xét xử là: Việc phán quyết một vụ án phải do một tập thể chứ không phải do một cá nhân nào quyết định. Hội thẩm, với cương vị là một thành viên trong Hội đồng xét xử, phải phát huy hết kinh nghiệm xã hội và kiến thức của mình, để quyết định của đa số thành viên trong Hội đồng xét xử được đúng và chính xác.

Việc thực hiện các nguyên tắc nói trên không tách rời việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ cụ thể của Hội thẩm trong tố tụng.

Theo các quy định của pháp luật thì Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm, bồi dưỡng chuyên môn và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân. (Các Điều 7, 25 và 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân).

Theo các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì sau khi thụ lý, nghiên cứu một số vụ án nào đó trong thời hạn quy định (ít nhất là 30 ngày đối với tranh chấp lao động và 4 tháng đối với vụ án dân sự), Thẩm phán có quyền ra các quyết định về việc giải quyết vụ án (đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ việc giải quyết vụ án...). Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi họ tên Hội thẩm nhân dân (trong Hội đồng xét xử vụ án đó). Sau khi Thẩm phán ra Quyết định nói trên, phiên tòa sẽ được tiến hành trong các thời hạn như sau: đối với vụ án kinh tế từ 10 đến 20 ngày; đối với tranh chấp lao động từ 10 ngày - 15 ngày; đối với vụ án hình sự từ 15 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án hành chính từ 20 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án dân sự thì từ 30 ngày đến 2 tháng. Như vậy trong khoảng thời gian đó, người Hội thẩm đã nhận được giấy mời phiên tòa và thu xếp thời gian để nghiên cứu hồ sơ.

Trong quá trình diễn biến phiên tòa, từ khi khai mạc đến khi nghị án, Hội thẩm phải cùng với Thẩm phán thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các quy định của pháp luật về các bước tiến hành một phiên tòa, giải quyết các vấn đề phát sinh (như thay đổi người tiến hành tố tụng, xử lý những người vi phạm nội quy phiên tòa...).

Ngoài việc tham gia xét xử, Hội thẩm còn tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương nơi mình cư trú. Hoạt động này được thực hiện thông qua việc giải thích cặn kẽ và thông tin chi tiết về việc xét xử những vụ án mà Hội thẩm đã tham gia. Qua đó góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Muốn vậy, bản thân người Hội thẩm phải có lối sống gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật để mọi người noi theo và học tập.

V. Tiêu chuẩn của Hội thẩm, thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm. vấn đề quản lý Hội thẩm và một số chế độ,

chính sách đối với Hội thẩm.

1. Tiêu chuẩn của Hội thẩm

Theo Điều 37 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 4 và Điều 29 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì, tiêu chuẩn để được bầu (hoặc cử) làm Hội thẩm.

- Là công dân Việt Nam;

- Trung thành với Tổ quốc;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực;

- Có kiến thức pháp lý;

- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, nếu là Hội thẩm quân nhân thì phải là quân nhân hoặc là công nhân, nhân viên quốc phòng đang phục vụ trong quân đội.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn 1973/QLTA ngày 10/11/1994 hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân của các TAND địa phương nhiệm kỳ 1994 - 1999 thì "cần chú ý trước hết tiêu chuẩn về chính trị và phẩm chất đạo đức; trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, có uy tín với nhân dân nơi cư trú, công tác; không đưa những người thoái hóa, biến chất hoặc có người trong gia đình (cha mẹ, vợ hoặc chồng, con) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của... làm Hội thẩm nhân dân".

Đối với tiêu chuẩn "Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao" thì ngoài sức khỏe và thể lực cần thiết, còn bao gồm cả yếu tố ngoại hình: không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế hoặc việc thực hiện nhiệm vụ của người Hội thẩm.

Riêng các tiêu chuẩn về "kiến thức pháp lý", nghiệp vụ xét xử, trình độ văn hóa đối với Hội thẩm nhân dân thì vận dụng phù hợp với từng vùng khác nhau, nhưng phải bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ xét xử. Cần chú ý lựa chọn những người đã có trình độ pháp lý hoặc đã qua công tác pháp luật làm Hội thẩm".

Còn trong Công văn 1677/Tp-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp gửi Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì quy định tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật của Hội thẩm như sau: "Đối với tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật như Điều 4 của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân đã nêu "đó là những người có kiến thức pháp lý" vì vậy khi đưa vào danh sách, cần hết sức coi trọng đến sự hiểu biết về kiến thức pháp lý của người được bầu. Đó là những người công tác trong các ngành pháp luật, nay đã nghỉ chế độ, nhưng vẫn còn sức khỏe, có tinh thần nhiệt tình công tác, có đủ điều kiện làm Hội thẩm; hay những cán bộ đương nhiệm, đang làm pháp chế cho các cơ quan Nhà nước... Mặt khác, lại phải lưu ý là: không giới thiệu những người hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, luật sư tư vấn làm Hội thẩm Tòa án nhân dân. Có như vậy mới tạo điều kiện để thực hiện các nguyên tắc "Khi xét xử Hội thẩm, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và "Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán".

Như vậy, trong việc bầu, cử Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân địa phương hai nhiệm kỳ vừa qua (1994 - 1999 và 1999 và 2004), Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn khá cụ thể và sát hợp, bảo đảm số lượng và chất lượng của đội ngũ này.

2. Về thủ tục bầu, cử Hội thẩm.

Theo Điều 39 Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bầu ra theo sự giới thiệu của ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố đó. Còn Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bầu ra theo sự giới thiệu của ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm kỳ là 5 năm.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do ủy ban Thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.

Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

Cơ chế bầu và cử Hội thẩm quân nhân như trên trong tình hình hiện nay là tương đối thích hợp.

3. Về thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm.

Trường hợp miễn nhiệm là trường hợp Hội thẩm vì lý do sức khỏe hay các lý do khác mà không thể tham gia xét xử tiếp được.

Hội thẩm có thể bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất, đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng làm Hội thẩm.

Thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Hội thẩm ở Tòa án mỗi cấp như sau:

- Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao do ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi có sự thống nhất của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu hoặc cấp tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với cơ quan chính trị quân khu hoặc cấp tương đương. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chủ nhiệm chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.

4. Về quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương.

Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương trong nhiều năm qua chưa được thể chế hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng quản lý nửa vời, kém hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy ở cấp vĩ mô, Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các HTND của TAND địa phương. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các TAND địa phương về tổ chức theo Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/CP ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy nhiên việc quản lý đó chỉ trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

Còn các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm trong tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân địa phương theo đúng nghĩa của hoạt động quản lý là vấn đề còn bỏ ngỏ.

5. Một số chế độ, chính sách đối với Hội thẩm.

Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Chánh án Tòa án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm.

Hội thẩm được cấp Giấy chứng minh, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Về chế độ chính sách, pháp luật quy định cho Hội thẩm được hưởng một số chế độ như phụ cấp xét xử, tiền công tác phí.

Về mức phụ cấp phiên tòa đối với Hội thẩm theo Thông tư số 614/TT/LB ngày 21/7/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm TAND cấp tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử là 20.000đ/ngày. Ngoài chế độ phụ cấp trên, Hội thẩm còn được thanh toán tiền công tác phí như đối với công chức Nhà nước đi công tác.

Những chế độ khác như trang phục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (của Hội thẩm không phải là công chức hay công nhân viên) chưa được pháp luật quy định. Việc cung cấp tài liệu, sách báo cho Hội thẩm cũng chưa có quy định cụ thể.

VI. thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm và một số kiến nghị

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm đã không ngừng được hoàn thiện. Tuy tên gọi, cách thức tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn khác đối với Hội thẩm ở mỗi thời kỳ không hoàn toàn giống nhau nhưng chế định Hội thẩm đã song song tồn tại cùng với Tòa án nhân dân. Chỉ riêng hơn nửa thế kỷ tồn tại liên tục của chế định này đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của đội ngũ Hội thẩm - những người xét xử không chuyên - đại diện cho nhân dân cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia xét xử các vụ án, xứng đáng là những người đứng trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. ở từng thời kỳ, đội ngũ Hội thẩm đều đã phát huy tính tích cực của mình, tham gia xét xử nhiều vụ án, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giáo dục công dân ý thức tuân thủ pháp luật. Mặt khác, việc Hội thẩm tham gia xét xử đã làm cho nền tư pháp của chúng ta thực sự là một nền tư pháp nhân dân, một nền tư pháp thể hiện "lấy dân làm gốc". Sự hiện diện của Hội thẩm trong việc xét xử các vụ án đã khẳng định rằng nhân dân có thể và cần phải có tiếng nói đích thực của mình trong hoạt động tư pháp. Chính sự tham gia tích cực và có hiệu quả đó của Hội thẩm nhân dân đã tôn vinh thêm vị thế của Tòa án trong chế độ ta.

Trong nhiệm kỳ 1999 - 2004, các Tòa án nhân dân địa phương đã có đội ngũ Hội thẩm được bầu lên tới 11.118 người (trong đó Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân cấp tỉnh 1.473 người; Tòa án nhân dân cấp huyện là 9.645 người). Đây là một lực lượng đông đảo tham gia xét xử trong những năm tới.

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của Hội thẩm và áp dụng các quy định của pháp luật về Hội thẩm, có thể thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập cần được khắc phục để chế định Hội thẩm thực sự phát huy tác dụng trong việc xét xử. Những vướng mắc và bất cập đó là:

1. Về mặt nhận thức, chưa thực sự đánh giá đúng vị trí của Hội thẩm trong hoạt động xét xử.

Trên thực tế, xảy ra những cách nhìn khác nhau như:

* Coi nhẹ sự tham gia xét xử của Hội thẩm và cho rằng hoạt động xét xử của Hội thẩm mang tính hình thức.

Sự coi nhẹ này trước hết từ nhận thức của một số Thẩm phán. Theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu khoa học pháp lý Bộ Tư pháp thì tại một số Tòa án nhân dân tỉnh và huyện ở phía Bắc thì số người được hỏi cho rằng hoạt động của Hội thẩm mang tính hình thức chiếm tới 46%. Đây là nguyên nhân bình thường vì Thẩm phán là những người được đào tạo cơ bản về chuyên môn và nghiệp vụ, còn Hội thẩm chỉ là những người đại diện cho trình độ hiểu biết pháp luật ở mức "trung bình" của người dân nói chung, do vậy, sự băn khoăn của Thẩm phán là có căn cứ. Như nhiều Thẩm phán đã nhận xét: "Có nhiều vụ án phức tạp, tài liệu quá nhiều nên Hội thẩm chỉ đọc được những tài liệu như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và một số lời khai của bị cáo, đương sự. Các chứng cứ khác không nắm chắc, nên khi ra xét xử, ngại Thẩm phán, hoặc không dám tranh luận với Thẩm phán khi nghị án". Đây có thể nói là một trở ngại khách quan, gây ra nhận thức không đúng của một số người. Về phía quần chúng nhân dân, do chưa thấy hết được vai trò của người đại diện cho mình tham gia xét xử, cho rằng Hội thẩm tham gia cho đủ lệ bộ của Tòa án. Nhất là khi dự phiên tòa, công chúng thấy một số vị Hội thẩm thụ động, lúng túng nên càng có ấn tượng về tính hình thức của chế định Hội thẩm.

Còn phía Hội thẩm, ngoài những vị tham gia chủ động, tích cực còn có những vị quá thụ động. Trong nhiệm kỳ 1994 - 1999, có những Hội thẩm không tham gia xét xử vụ án nào vì những lý do khác nhau cả về chủ quan lẫn khách quan. Có những Hội thẩm khi tham gia xét xử thì ngồi im lặng từ đầu đến cuối phiên tòa, hoặc do không nắm vững hồ sơ cũng như các tình tiết của vụ án, nên đã đặt ra những câu hỏi lạc lõng, xa rời nội dung vụ án... Sự thiếu chủ động đó của Hội thẩm cũng như tâm lý mặc cảm của họ càng dễ gây cho những người khác cảm giác chế định Hội thẩm là hình thức.

Cũng do chưa tính toán hết những yếu tố tác động đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, nên cho đến nay, pháp luật chưa chính thức giao cho cơ quan nào quản lý thống nhất đội ngũ Hội thẩm của các Tòa án nhân dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đang có nhiều cơ quan đảm nhiệm những phần việc khác nhau có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội thẩm: ủy ban Mặt trân Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương lập danh sách Hội thẩm để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm (trừ Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao và Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự các cấp thì do cơ quan có thẩm quyền cử theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân); Chánh án Tòa án nhân dân có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công xét xử, giữ mối liên hệ với Hội thẩm, báo cáo công tác xét xử - trong đó có hoạt động xét xử của Hội thẩm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Về phía cơ quan tư pháp thì căn cứ vào Điều 16, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Bộ Tư pháp quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về tổ chức, trong đó được hiểu là quản lý cả Hội thẩm vì Hội thẩm là một thành phần không thể thiếu của Tòa án. Theo Quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự quân khu và Tòa án quân sự khu vực về tổ chức cũng như Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc về quản lý Hội thẩm như: Trình ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Hội thẩm các Tòa án nhân dân địa phương, hướng dẫn việc bầu Hội thẩm, cấp giấy chứng minh Hội thẩm, cấp kinh phí để các Tòa án tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh phí phục vụ cho hoạt động xét xử của Hội thẩm. Vì chưa có cơ quan nào chính thứcquản lý thống nhất Hội thẩm nên ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội thẩm đã tự tổ chức thành Đoàn Hội thẩm (có tính chất như là một tổ chức tự nguyện) với Điều lệ hoặc nội quy hoạt động do các Hội thẩm tự quy định với nhau như "Quy ước của người Hội thẩm nhân dân" của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ) nhiệm kỳ 1994 - 1999. "Một số quy định hoạt động của Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (nhiệm kỳ 1994 - 1999). Có tỉnh thì Hội đồng nhân dân ban hành Quy chế về Hội thẩm như "Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện của thành phố Hà Nội (được ban hành kèm theo Nghị quyết số 107/1999/NQ/HĐ ngày 19 tháng 7 năm 1999 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội).

Do đó, thực tế đòi hỏi pháp luật cần quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm quản lý Hội thẩm (Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân, cơ quan Tư pháp hay Hội đồng nhân dân) để lấp khoảng trống trong pháp luật lâu nay vẫn tồn tại nhằm củng cố thêm cho địa vị pháp lý của Hội thẩm nói chung và trong tố tụng hình sự nói riêng.

Như vậy, về mặt nhận thức cũng như về mặt tổ chức quản lý, đang có những yếu tố gây trở ngại cho chế định Hội thẩm và chắc chắn là ảnh hưởng tới kết quả xét xử của Hội thẩm. Giải quyết được những vấn đề này là góp một phần nào thực hiện nhiệm vụ cải cách Tòa án hiện nay.

2. Việc thực hiện nguyên tắc "khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Nguyên tắc khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định để thực hiện, trước hết là điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, về đạo đức, bản lĩnh, tâm lý.

Nhưng bản lĩnh và tâm lý khi xét xử của Hội thẩm lại phụ thuộc không ít vào sự hiểu biết về chuyên môn và nghiệp vụ của họ. Trong khi đó, Hội thẩm lại là những người không chuyên xét xử, không được đào tạo như Thẩm phán chuyên nghiệp. Vậy họ thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử như thế nào?

Đây là vấn đề nan giải mà hiện nay cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau chưa ngã ngũ. Cho đến nay, chưa có một sự tổng kết nào để khẳng định rằng kiến thức pháp lý của Hội thẩm đến mức nào là đủ để họ thể hiện được sự độc lập của mình. Với đa số trong Hội đồng xét xử sơ thẩm, các Hội thẩm có thể tạo ra sự chế ước khi đưa ra phán quyết, nhưng với điều kiện họ xét xử công minh, có sự vững vàng về kiến thức pháp lý và dũng cảm bảo vệ công lý. Đây chính là sự tạo điều kiện từ phía Nhà nước để những người đại diện cho nhân dân trực tiếp quyết định chất lượng xét xử của một cấp xét xử quan trọng - xét xử sơ thẩm. Sự chế ước này có tác dụng góp phần làm cho kết quả xét xử phù hợp với thực tế khách quan, nhưng nếu sự chế ước chỉ thông qua việc áp đảo về số lượng thì chưa đủ. Vấn đề là ở chỗ, họ còn phải sử dụng kinh nghiệm xã hội và kiến thức chuyên môn để tạo ra sự chế ước lành mạnh. Cả nước có hơn 11.000 Hội thẩm nhưng tiêu chuẩn chuyên môn của họ lại rất chung chung, chưa cụ thể (như "có kiến thức pháp lý", "phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ" (Điều 4 và Điều 26 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân), và khác xa các tiêu chuẩn về chuyên môn đối với Thẩm phán (vì tiêu chuẩn chuyên môn của Thẩm phán rất cụ thể: tốt nghiệp đại học Luật, có thời gian làm công tác pháp luật nhất định - 8 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 6 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 4 năm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện). Như vậy, xét về lôgíc, trên thực tế Hội thẩm sẽ khó thực hiện được nguyên tắc độc lập xét xử như là các Thẩm phán chuyên nghiệp. Họ như những người lao động mà không có đủ công cụ chuyên dùng. Trong một hoàn cảnh như vậy thì Hội thẩm sẽ bị hạn chế khi cần phải vận dụng kiến thức chuyên môn để bảo vệ ý kiến của mình. Vì nếu không bảo vệ được thì, hoặc là phải chấp nhận ý kiến của Thẩm phán, hoặc là khi có đủ sự kiên định thì biểu quyết khác Thẩm phán, yêu cầu bảo lưu ý kiến của mình. Rõ ràng, sự độc lập của Hội thẩm chỉ có tính chất tương đối trong điều kiện hiện nay. Đây là yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội thẩm khi xét xử.

Yếu tố thứ hai là Hội thẩm (và có khi cả Thẩm phán) có thể bị các áp lực khác tác động, khiến họ lúng túng khi tham gia xét xử, ví dụ: một số cán bộ của tổ chức nào đó hay chính quyền can thiệp vào việc xét xử các vụ án cụ thể, hoặc áp lực của công luận khi đăng tải nhiều bài viết về một vụ án chưa xét xử, hoặc là chịu ảnh hưởng và tác động của bản kết luận điều tra, bản cáo trạng khi nghiên cứu hồ sơ nên có thể không thực sự độc lập trong quá trình xem xét và đánh giá chứng cứ.

Việc loại trừ yếu tố thứ hai là một việc làm không khó, nhưng khắc phục yếu tố thứ nhất - trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để Hội thẩm thực sự độc lập là vấn đề nan giải. ở đây, phải giải quyết một mâu thuẫn là: Nếu đòi hỏi tất cả Hội thẩm phải có trình độ pháp lý như Thẩm phán thì có nghĩa là "Thẩm phán hóa" đội ngũ Hội thẩm và rõ ràng là sẽ không cần sử dụng đến đội ngũ Hội thẩm như hiện nay. Nhưng nếu cứ để trình độ Hội thẩm như hiện nay thì e rằng chất lượng xét xử không thể như mong muốn được. Nhà nước cần trang bị cho họ kiến thức pháp lý ở mức cần thiết để họ có thể tự tin, giữ vững bản lĩnh khi xét xử. ở đây, có thể đồng tình với một học giả Xô Viết trước đây khi ông cho rằng: "Việc mở rộng yếu tố nhân dân trong Tòa án (Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử), có thể chừng mực nào đó gây tổn hại cho sự chuẩn mực về chuyên môn trong những lời tuyên án, nhưng điều đó là cần thiết vì nhân dân muốn và cần phải có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện công tác xét xử"(1).

3. Việc thực hiện nguyên tắc "khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán"

Nhìn tổng thể, các Hội thẩm bằng kiến thức và kinh nghiệm xã hội, với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình đã cố gắng thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án, trong đó có nguyên tắc ngang quyền Thẩm phán khi xét xử. Sự ngang quyền này trên thực tế đã được thể hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử và kết thúc ở phần nghị án. Thực tế cho thấy, đối với nhiều vụ án quan trọng, phức tạp, Thẩm phán và Hội thẩm đã chủ động tiến hành trao đổi với nhau để chuẩn bị việc quyết định đưa vụ án ra xét xử và cùng quyết định những vấn đề quan trọng như: đề nghị Viện kiểm sát điều tra bổ sung một số tình tiết, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; thay đổi biện pháp ngăn chặn; quyết định xử công khai hay xử kín; chỉ định người bào chữa cho bị cáo, thời gian và địa điểm mở phiên tòa... Đây là những vấn đề thường được Hội thẩm tham gia nhiều ý kiến và những ý kiến này nhìn chung là sát thực. Có những vụ án trọng điểm như vụ ma túy Vũ Xuân Trường, vụ Dương Văn Khánh, vụ EPCO - Minh Phụng, các Hội thẩm phải đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ, giữa Thẩm phán và Hội thẩm đã hình thành một sự thống nhất và chính điều đó đã tạo cho Hội thẩm thực hiện tốt nguyên tắc ngang quyền với Thẩm phán.

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, nguyên tắc độc lập xét xử được thể hiện rõ hơn. Qua thực tế xét xử nhiều vụ án có Hội thẩm tham gia, có thể khẳng định rằng mặc dù còn những hạn chế về kiến thức chuyên môn nhưng Hội thẩm đã có nhiều cố gắng, vừa duy trì tính độc lập của mình, vừa thể hiện nguyên tắc ngang quyền mà pháp luật đã quy định cho họ. Các Thẩm phán cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm trong quá trình xét xử. Có vụ án phức tạp Thẩm phán còn đề nghị Hội thẩm nghiên cứu sâu về một vấn đề nào đó như về hiện trường vụ án, về kết luận giám định, và điều đó đã giúp cho Hội đồng xét xử chủ động khi xét hỏi. Khi thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa, dựa vào kinh nghiệm của mình, Hội thẩm tham gia hỏi bị cáo, các đương sự, người làm chứng, giám định viên... xem xét chứng cứ, mức độ phạm tội của bị cáo, vấn đề bồi thường thiệt hại... Từ đó tạo cho Hội đồng xét xử có cơ sở chắc chắn để quyết định bản án khi nghị án. Đồng thời cũng tạo một trạng thái tâm lý cho Hội thẩm để họ tự khẳng định mình luôn luôn là một thành viên của Hội đồng xét xử, tức là người trong cuộc và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình.

Thông thường, sau khi xét hỏi xong, qua kết luận buộc tội của Kiểm sát viên, lời bào chữa của luật sư, hoặc lời bào chữa của chính bị cáo, thỉnh cầu của người bị hại đã hình thành một quyết định tương đối thống nhất giữa Hội thẩm và Thẩm phán... Khi nghị án, đại đa số trường hợp quyết định của Tòa án là sự nhất trí cao giữa các thành viên của Hội đồng xét xử. Còn những trường hợp phần xét hỏi bị kéo dài thường có lý do là các chứng cứ chưa rõ ràng, các tình tiết giảm nhẹ chưa được làm rõ. Vì vậy, khi nghị án thường có sự đánh giá khác nhau giữa Hội thẩm và Thẩm phán về tính chất tội phạm, mức độ lỗi của bị cáo, do đó việc đề xuất mức án khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cuối cùng Hội đồng xét xử thường là nhất trí với nhau trừ trường hợp phức tạp, có ý kiến bảo lưu của một trong những thành viên của Hội đồng xét xử.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội thẩm là giáo viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn thanh niên đã tham gia các phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên với hiệu quả cao. Các vị Hội thẩm này hiểu khá rõ quá trình phát triển, diễn biến tâm lý, nhận thức của bị cáo ở tuổi vị thành niên, nên khi tham gia xét xử đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, có lập luận sắc bén, quyết định chính xác và tạo được sự đồng tình của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều Hội thẩm đã về nơi cư trú hay công tác của mình thông báo cho quần chúng nhân dân biết về kết quả xét xử, thông qua đó để nhân dân hiểu biết thêm về pháp luật và hoạt động xét xử của Tòa án.

Tuy nhiên, quyền bình đẳng đó chỉ thực sự được thực hiện ở một giai đoạn của quá trình xét xử (sơ thẩm và đôi khi là ở phúc thẩm) chứ không phải là tất cả các giai đoạn từ xét xử sơ thẩm đến giám đốc thẩm, tái thẩm. Ngoài ra, nói bình đẳng ở dây là nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền phán quyết theo pháp luật, nhưng khả năng để thực hiện những quyền đó ở Thẩm phán và Hội thẩm không giống nhau do chỗ có khoảng cách về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đây là sự hạn chế có lý do khách quan do cơ chế lựa chọn Hội thẩm và tính chất của chế định Hội thẩm. Sự ngang quyền phải được chuẩn bị ngay từ khi lựa chọn người bầu cử làm Hội thẩm, sao cho họ có đủ khả năng để thực hiện sự ngang quyền ấy. Và để có thể ngang quyền, khi bắt đầu vào nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm phải thể hiện rất cao trách nhiệm của mình để nắm vững hồ sơ. Thực tế cho thấy có nhiều Hội thẩm hoặc là đọc không kỹ hồ sơ, hoặc là khi nghiên cứu hồ sơ lại không tập trung chú ý vào nội dung vụ án. Những vấn đề phức tạp, còn băn khoăn trong vụ án lại không trao đổi và hỏi kinh nghiệm xét xử của Thẩm phán. Vì vậy, Hội thẩm thiếu sự chuẩn bị chu đáo khi ra trước phiên tòa. Việc công chúng cảm nhận sự tham gia đó mang tính hình thức là có căn cứ vì "nội dung vụ án chưa nắm vững thì Hội thẩm không có lý nào hơn là tham dự để đủ thành phần, có tính hình thức chứ chưa thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chưa thực sự là người "cầm cân công lý" phán xét. Tính hình thức của sự tham gia của Hội thẩm còn có thể biểu hiện dưới dạng Hội thẩm để cho Thẩm phán toàn quyền quyết định về những điều quan trọng trong vụ án, còn bản thân Hội thẩm thì thụ động, chờ đợi. Trên thực tế, trong khi xét xử còn có những trường hợp Hội thẩm đưa ra những câu hỏi không ăn nhập với nội dung vụ án hoặc giải thích không đúng với tình thần của điều luật... đã làm ảnh hưởng đến phiên tòa. Một khi đã có hiện tượng như vậy thì nguyên tắc ngang quyền giữa Hội thẩm và Thẩm phán có thể bị hạn chế. Như vụ án mà bị cáo có hành vi vận chuyển 1.600 bình xịt hơi cay từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại phiên tòa, bị cáo nhận tội và sự nhận tội đó phù hợp với thực tế khách quan của vụ án. Khi nghị án, Thẩm phán có quan điểm xử tù giam nhưng các Hội thẩm nhân dân cương quyết đề nghị cho bị cáo hưởng án treo với lập luận: Đây là các mặt hàng ở nước ngoài bày bán tự do, hơn nữa khi vận chuyển vào đã bị bắt ngay, chưa gây hậu quả nghiêm trọng...! Nhận định của các Hội thẩm như vậy là chưa đánh giá hết tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội ở thời điểm hiện tại, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Hoặc vụ án truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ (chiếu phim đồi truỵ tại Nhà văn hóa Bát Giác - trường Đại học Bách khoa), khi Thẩm phán đề nghị xử tù giam các bị cáo thì các Hội thẩm lại đề nghị và biểu quyết theo đa số cho hưởng án treo. Bản án bị Tòa án nhân dân tối cao hủy vì lý do xử nhẹ.

4. Về trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm.

Đa số các tác giả đều cho rằng trong trường hợp ý kiến của đa số Hội thẩm khác với ý kiến của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa khi nghị án thì phải tôn trọng theo đa số. Sau đó, bản án bị kháng cáo, kháng nghị hoặc xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm thì trước hết, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án phải chịu trách nhiệm... Vậy, pháp luật trao quyền cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử với tư cách là người tiến hành tố tụng thì cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm như thế nào, mức độ đến đâu. Hoặc trong Hội đồng xét xử sơ thẩm về hình sự, số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, vậy khi bản án có sai lầm thì trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm thế nào? Đối với họ có thể áp dụng các nguyên tắc về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra hay không? Và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội thẩm. ý kiến khác cũng cho rằng mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị Tòa án cấp trên cải sửa hoặc hủy... thì Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo mức độ nhất định (kể cả việc mất điểm thi đua). Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và không có quy chế để ràng buộc, rất khó kiểm soát, rất khó quy kết. Bởi vì pháp luật chỉ quy định trách nhiệm hình sự của Thẩm phán và Hội thẩm khi ra bản án, quyết định trái pháp luật, làm sai lệch hồ sơ vụ án, mà không quy định rõ trách nhiệm của Hội thẩm khi có sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến bản án hình sự bị hủy hoặc bị sửa. Trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân chỉ quy định việc bầu, cử Hội thẩm, sau đó giao cho Tòa án để các Hội thẩm "làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án" và để "Chánh án giữ mối quan hệ với Hội thẩm". Quy định như vậy là chung chung và chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Hội thẩm đối với bản án mà mình tham gia quyết định. Ngay cả việc thống kê chất lượng xét xử, Bộ Tư pháp mới chỉ đặt ra đối với Thẩm phán chứ không đặt ra với Hội thẩm. Vì cơ chế quản lý và cơ chế đánh giá hoạt động như vậy nên trách nhiệm của Hội thẩm không rõ ràng. Với cơ chế trách nhiệm như vậy, liệu có thể tất cả Hội thẩm đều toàn tâm, toàn ý với hoạt động xét xử hay không và họ quan tâm đến chất lượng xét xử như thế nào?

Như vậy, quyền và trách nhiệm của Hội thẩm khi chưa tương ứng với nhau. Ngoài lý do về cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng đã nêu ở phần trên, có thể thấy còn một loạt lý do khác nữa. Trước hết là thiếu mối quan hệ công tác chặt chẽ giữa Tòa án với Hội thẩm. Nhiều trường hợp Hội thẩm không nắm được lịch xét xử nên bị động. Nhưng bên cạnh đó lại có nhiều Hội thẩm từ chối tham gia xét xử với lý do bận công việc, bận đi họp hay đi học. Thực tế cho thấy các Hội thẩm đã nghỉ hưu thường tham gia xét xử nhiều hơn số Hội thẩm đương chức. Điều đó làm cho công chúng thấy thiếu những người đại diện rộng rãi cho tầng lớp nhân dân tham gia xét xử. Có những trường hợp phiên tòa phải hoãn nhiều lần do thiếu Hội thẩm. Để khắc phục tình trạng này, có khi Tòa án đã mời các Hội thẩm không nghiên cứu hồ sơ từ trước ngồi vào xét xử để đủ thành phần. Thứ hai là do chưa có cơ quan nào quản lý trực tiếp và toàn diện toàn bộ tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, nên các Tòa án chưa có một chương trình công tác khoa học theo đúng kế hoạch cho các Hội thẩm, để trong cả nhiệm kỳ, mỗi Hội thẩm đều có quyền và nghĩa vụ lần lượt tham gia xét xử các vụ án. Đó là chưa kể đến việc tiếp nhận thông tin, đơn thư của quần chúng gửi đến cho Hội thẩm được quan tâm rất ít trước khi chuẩn bị xét xử các vụ án hình sự phức tạp, nghiêm trọng thu hút sự chú ý của nhân dân.

5. Những vướng mắc trong việc xác định tiêu chuẩn Hội thẩm, thủ tục bầu cử và quản lý Hội thẩm và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm.

Trên quan điểm khẳng định chế định Hội thẩm vẫn tiếp tục cần duy trì trong hoạt động xét xử của Toà án, nhưng phải có những đổi mới nhất định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chính bản thân Hội thẩm, phục vụ tốt hơn cho việc xét xử thì trước hết phải đặt vấn đề bổ sung những tiêu chuẩn cụ thể của Hội thẩm, đồng thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn về tổ chức, quản lý và chế độ chính sách đối với Hội thẩm.

a. Trước hết nói về tiêu chuẩn của Hội thẩm: Hội thẩm cần bảo đảm ba loại tiêu chuẩn: Chính trị, chuyên môn và các tiêu chuẩn khác. Riêng tiêu chuẩn chính trị cần giữ như quy định hiện hành. Dưới đây sẽ nói về 2 tiêu chuẩn còn lại.

+ Tiêu chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ.

 

Một thực tế đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giữa Thẩm phán (là người xét xử chuyên nghiệp) và (là người xét xử không chuyên) Hội thẩm ngày càng rõ. Trong lúc pháp luật đòi hỏi Thẩm phán phải có những tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề thì tiêu chuẩn của Hội thẩm hầu như không có sự thay đổi lớn qua nhiều năm, mặc dù trình độ dân trí nói chung và trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân đã được nâng lên hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm cũng như nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền Thẩm phán, nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số ngày một đòi hỏi ở Hội thẩm nhiều hơn về kiến thức chuyên môn (ngoài những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần có). Nhưng thực tế đội ngũ Hội thẩm hiện nay chưa đáp ứng được.

Vì vậy, để Hội thẩm phát huy được hết khả năng của mình trong xét xử, pháp luật cần quy định rõ ràng và cụ thể tiêu chuẩn pháp lý (chuyên môn) của Hội thẩm. Cụ thể là: Hội thẩm phải có kiến thức pháp lý ở mức "sơ cấp" (như trước đây thường nói) tức là có kiến thức cơ bản nhất về pháp luật. Lượng kiến thức cơ bản này phải tương ứng với chương trình pháp luật đại cương trong trường phổ thông trung học (đối với Hội thẩm ở vùng sâu, vùng xa) hoặc ở mức cao hơn là tương ứng với Chương trình pháp luật trong các trường Đại học và Cao đẳng không chuyên luật (đối với các vùng khác). Ngoài ra Hội thẩm cần được tập huấn về những vấn đề pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xét xử (pháp luật hình sự, dân sự, pháp luật về tố tụng...). Vì lợi ích chung của nền tư pháp, cho dù khó khăn đến mấy Nhà nước cũng cần thực hiện các biện pháp đào tạo và bồi dưỡng cho Hội thẩm, vì nếu không thì Toà án không thể xét xử đúng và chính xác được. Cách làm có thể là chọn một số Hội thẩm TAND cấp tỉnh có kinh nghiệm, có kiến thức pháp lý ở trình độ cao, đã từng làm ở cơ quan pháp luật, có khả năng sư phạm, cử đi học một lớp ngắn hạn do Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (Bộ Tư pháp) mở về kỹ năng xét xử của Hội thẩm, (mỗi tỉnh từ 1 - 2 người), sau đó sẽ sử dụng họ như là những giảng viên, kết hợp với giảng viên của TAND tỉnh, mở lớp tập huấn cho Hội thẩm TAND ở tỉnh (kể cả Hội thẩm TAND tỉnh và các huyện, thị). Ngoài ra, cần phải tạo cho Hội thẩm khả năng tự bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho mình thông qua các tài liêụ, sách báo nghiệp vụ của chính Toà án nơi họ tham gia xét xử. Ngoài ra, Hội thẩm cũng có thể sử dụng các tài liệu, sách báo trong Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để ngoài việc phục vụ cho xét xử, còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở địa bàn nơi mình sinh sống.

Như vậy, tiêu chuẩn pháp lý của Hội thẩm trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể quy định quá thấp như trước đây nhưng cũng không nên quy định quá cao để tránh rơi vào tình trạng "chuyên môn hoá" hay "thẩm phán hoá" Hội thẩm, làm cho hoạt động xét xử mất dần đi tính chất xã hội rộng rãi. Đồng thời với việc quy định cụ thể tiêu chuẩn pháp lý, cần có biện pháp kịp thời bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho Hội thẩm. Hết sức tránh quan niệm cho rằng: việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng pháp luật cho Hội thẩm là "lãng phí" vì có Hội thẩm cả nhiệm kỳ không xét xử vụ nào, hoặc nhiều Hội thẩm trong nhiệm kỳ chỉ tham gia xét xử một hoặc hai vụ án và có những Hội thẩm chỉ được bầu có một nhiệm kỳ, không tái cử ở nhiệm kỳ sau nữa. Quan niệm như vậy là phiến diện và không thấy hết hiệu quả đầu tư "chiều sâu" cho công tác Hội thẩm như đã phân tích ở trên.

+ Các tiêu chuẩn khác của Hội thẩm.

 

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần chú ý những điểm sau:

- Cần nhấn mạnh hơn về tiêu chuẩn của Hội thẩm về đạo đức, lối sống, tính quần chúng, gần dân, có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức, tư cách trong cộng đồng dân cư. Không vi phạm pháp luật, sống gương mẫu, không tham nhũng, không thuộc loại người thoái hoá, biến chất.

- Cần quy định cụ thể độ tuổi làm Hội thẩm (ví dụ từ 23 đến 70 tuổi).

- Cần quy định rõ những tiêu chuẩn về ngoại hình của Hội thẩm như không có dị tật, dị hình...

b. Về bầu, cử Hội thẩm.

 

Theo quy định của Điều 30 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm toà án nhân dân thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan duy nhất được giới thiệu người làm Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên trong việc hướng dẫn áp dụng quy định này vẫn có những vướng mắc xảy ra. Ví dụ trong Công văn số 1973/QLTA ngày 10/11/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương có hướng dẫn: "Căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, Chánh án TAND trao đổi ý kiến để Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐND cùng cấp đề nghị cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng tại địa phương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm Hội thẩm nhân dân...". Còn tại Công văn 1677/TP-QLTA ngày 22/9/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn bầu cử Hội thẩm nhân dân TAND địa phương nhiệm kỳ 1999 - 2004 thì có khác hơn: "Chánh án TAND địa phương căn cứ vào nhu cầu xét xử của đơn vị, trao đổi ý kiến với Ban Thường trực, Uỷ ban Mặt trân Tổ quốc (UBMTTQ), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc bầu Hội thẩm TAND". Nếu theo tinh thần hai công văn nói trên thì vai trò "giới thiệu" của UBMTTQ địa phương đối với nhân sự Hội thẩm chưa thật rõ nét và chưa hoàn toàn thống nhất với Thông tư số 05/TT-MTTW của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình giới thiệu Hội thẩm nhân dân của TAND địa phương, trong đó vai trò "giới thiệu thuộc về UBMTTQ. Tuy nhiên, trong thực tế bầu Hội thẩm hai nhiệm kỳ gần đây, rất ít có trường hợp phải đưa ra để hiệp thương. Có lẽ một trong những nguyên nhân là MTTQ đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến của nhân dân nơi ngươì được giới thiệu cư trú.

Như vậy, trong việc bầu Hội thẩm nhân dân ở các TAND địa phương, cần làm rõ hơn vai trò giới thiệu của Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh và cấp huyện để theo sát tinh thần của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

Đối với Hội thẩm quân nhân, chúng tôi cho rằng cơ chế cử như hiện nay là phù hợp (trước đây là bầu). Tuy nhiên, trong khi lựa chọn nhân sự không nên quá nghiêng về chức vụ hành chính - quân sự của các ứng cử viên. Đội ngũ Hội thẩm quân nhân nên bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ là trợ lý các cơ quan, trong đó cần chú ý đến những quân nhân đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn hạn hay dài hạn.

c. Vấn đề quản lý Hội thẩm nhân dân các TAND địa phương.

 

Việc quản lý đội ngũ Hội thẩm của các TAND địa phương chưa được thể chế hoá đầy đủ trong nhiều năm qua, nên hiểu và vận dụng các quy định pháp luật về quản lý Hội thẩm có khác nhau trong thực tiễn.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy Bộ Tư pháp đang thực hiện một số công việc về quản lý các HTND của TAND địa phương, vì Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan của Chính phủ, giúp cho Chính phủ quản lý các TAND địa phương về tổ chức (theo Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 và Nghị định 38/Cp ngày 4/6/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp). Tuy nhiên việc quản lý mới chỉ thực hiện trong phạm vi nhất định như: Cấp giấy chứng minh Hội thẩm; nghiên cứu, đề xuất và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong cả nước, biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm, cấp kinh phí tập huấn cho Hội thẩm...

Còn các hoạt động khác của Hội thẩm thì chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý một cách toàn diện. ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như Chánh án TAND tỉnh, huyện dựa trên những quy định chung của pháp luật đã thực hiện một số việc quản lý với đội ngũ Hội thẩm như ban hành Quy chế hoạt động của Đoàn Hội thẩm tỉnh, cấp trang phục, khen thưởng đối với đội ngũ Hội thẩm và thực hiện một số chế độ, chính sách khác đối với họ. Như vậy, có thể nói việc quản lý toàn diện đội ngũ Hội thẩm của các Toà án nhân dân địa phương là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Với đặc thù của đội ngũ Hội thẩm và trước yêu cầu cải cách tư pháp, nếu cứ để tiếp tục tình trạng không có một cơ quan quản lý thống nhất Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức sẽ rất khó khăn cho Hội thẩm và các Tòa án cũng như các cơ quan chính quyền địa phương. Do vậy, cần phải tìm ra và lựa chọn mô hình quản lý tối ưu sao cho sự tham gia của Hội thẩm vào công tác xét xử được tiện lợi, nhanh chóng, khoa học và có hiệu quả. Về cơ quan quản lý Hội thẩm, có ý kiến cho rằng việc quản lý theo dõi, giúp đỡ Hội thẩm nhân dân các Toà án nhân dân địa phương hoạt động thuộc trách nhiệm của cả ba cơ quan: Hội đồng nhân dân địa phương, Toà án nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc. Chúng tôi không đồng tình với ý kiến này vì nếu như thế sẽ không có cơ quan nào có quyền và nghĩa vụ trực tiếp đối với việc quản lý Hội thẩm. Ngoài ra, cũng không thể đồng tình với ý kiến thứ hai cho rằng "Toà án nào có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì Toà án đó quản lý Hội thẩm nhân dân". ý kiến này tuy có điểm hợp lý ở chỗ Toà án nơi Hội thẩm tham gia xét xử sẽ nắm vững được phẩm chất chính trị, đạo đức và khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thẩm, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho Hội thẩm một cách thích hợp, nhưng lại không hợp lý ở một điểm rất cơ bản: Toà án là cơ quan xét xử, không làm công tác quản lý, nhất là lại quản lý đội ngũ cán bộ không phải thuộc biên chế của mình. Còn việc Chánh án Toà án nhân dân quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc cơ quan mình là theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo tinh thần Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, bản thân Toà án là cơ quan xét xử (tài phán) chứ không phải là cơ quan quản lý.

ý kiến thứ ba cho rằng cần giao cho các cơ quan tư pháp quản lý đội ngũ Hội thẩm nhân dân từ khâu chuẩn bị nhân sự để Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm đến công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm ý kiến này cũng có yếu tố hợp lý ở chỗ cơ quan tư pháp quản lý các Toà án nhân dân địa phương về tổ chức thì quản lý luôn cả đội ngũ Hội thẩm là phù hợp. Nhưng lại có vướng mắc ở chỗ không thể để Phòng Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân huyện và Sở Tư pháp quản lý Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh được vì: Thứ nhất, cơ quan tư pháp không thể quản lý cán bộ của Toà án nhân dân cùng cấp; Thứ hai, Hội thẩm không phải là công chức của Toà án nên cơ quan quản lý cấp trên như Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp mặc dù thực hiện nhiệm vụ quản lý các Toà án nhân dân địa phương nhưng rất khó quản lý trực tiếp và toàn diện đội ngũ Hội thẩm nhân dân.

Theo chúng tôi, phương án hợp lý hơn cả là: đối với Hội thẩm nhân dân các Toà án cấp huyện, cấp tỉnh thì nên để cho Hội đồng nhân dân cùng cấp - nơi bầu ra họ - thực hiện việc quản lý trực tiếp. Bởi vì, Hội đồng nhân dân có điều kiện nắm chắc hoạt động của họ, nhất là thông qua Báo cáo của các Toà án nhân dân trước kỳ họp Hội đồng nhân dân địa phương; đồng thời có thể tạo những điều kiện vật chất bảo đảm cho hoạt động của Hội thẩm, góp phần thực hiện tốt các nguyên tắc xét xử mà Hội thẩm nhân dân luôn luôn phải quán triệt và chấp hành, đồng thời bảo đảm cho Hội thẩm được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử... Đối với Hội thẩm quân nhân các Toà án quân sự và Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân Tối cao thì việc quản lý họ sẽ tuỳ theo đặc điểm của mỗi cơ quan cử ra Hội thẩm...

Nhưng để các Hội thẩm hoạt động tốt hơn, có thể áp dụng kinh nghiệm của Bà Rịa - Vũng Tàu và chừng nào của Bắc Giang khi ở Toà án nhân dân tỉnh lập Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm là một tổ chức của các Hội thẩm nhân dân đặt dưới sự giám sát quản lý của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và được Hội đồng nhân dân tỉnh giúp đỡ về kinh phí hoạt động. Thông qua hoạt động của Đoàn Hội thẩm mà công tác quản lý Hội thẩm nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, mối quan hệ giữa Toà án nhân dân và Hội thẩm nhân dân chặt chẽ hơn. Việc mời Hội thẩm tham gia phiên toà cũng như việc trao đổi rút kinh nghiệm về vụ án được thực hiện một cách nhanh chóng. Thông qua sự đóng góp ý kiến của Đoàn Hội thẩm, lãnh đạo Toà án có thể nắm rõ thêm về Thẩm phán và cán bộ do mình quản lý. Theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền nên sớm tổng kết mô hình Đoàn Hội thẩm để góp phần ổn định về tổ chức và hoạt động của họ, phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử.

d. Về các điều kiện để thực hiện các nguyên tắc "khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và "khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán".

Để thực sự độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, ngoài những phẩm chất về chính trị, đạo đức, những kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần thiết, Hội thẩm còn phải có kiến thức pháp lý nhất định để tham gia xét xử có hiệu quả các vụ án hình sự. Có thể pháp luật chưa có quy định rõ kiến thức pháp lý của Hội thẩm với tư cách là một tiêu chuẩn để lựa chọn trước khi bầu (hoặc cử) ở mức độ nào là cần thiết nhưng qua thực tế cho thấy, ít nhất Hội thẩm phải có kiến thức (có thể coi là ngay với trình độ sơ cấp pháp lý trước đây) cơ bản về pháp luật. Thông qua việc nghiên cứu sách, tạp chí và tài liệu, cộng với việc tự rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, chắc chắn Hội thẩm sẽ có đủ điều kiện để thực hiện nguyên tắc độc lập và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử. Nhưng để bảo đảm cho Hội thẩm có kiến thức cơ bản và có hệ thống, cần biên soạn tài liệu nghiệp vụ cho Hội thẩm và mở những lớp tập huấn cho họ trong khoảng thời gian nhất định, nhưng tối thiểu cũng phải 2 tuần trong một nhiệm kỳ. ở đây cần lưu ý là thời lượng của chương trình và tài liệu tập huấn cần vừa phải và hợp lý, tránh hiện tượng đề ra chương trình quá cao, làm khó cho Hội thẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý Hội thẩm cần tạo điều kiện cho Hội thẩm cập nhật thường xuyên các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cũng như các văn bản pháp luật mới ban hành (ví dụ như Bộ luật hình sự năm 1999, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000...). ở các Tòa án nhân dân địa phương cần xây dựng Tủ sách nghiệp vụ để các Hội thẩm nhân dân (kể cả Thẩm phán) đến đọc và tự nghiên cứu chính sách, pháp luật và các tài liệu chuyên môn khác. (Hiện nay, ở các xã, phường, thị trấn đã thành lập hàng nghìn Tủ sách pháp luật theo Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó đối với Tòa án nhân dân tỉnh, huyện lại chưa có hướng dẫn về vấn đề này).

e. Về thành phần Hội thẩm tham gia xét xử các vụ án hình sự.

Hiện nay, trong giới khoa học và những người làm công tác thực tiễn đang có những ý kiến khác nhau về số lượng Hội thẩm tham gia xét xử. Đã có những ý kiến đề nghị thay thế chế định Hội thẩm hiện nay bằng một chế định khác phù hợp hơn mà vẫn có thể đảm bảo được tính nhân dân trong xét xử. Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm nhưng vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Hội thẩm hoạt động đúng với các yêu cầu mà pháp luật đòi hỏi... Theo chúng tôi, với quan điểm "lấy dân làm gốc" và để bảo đảm dân chủ thật sự của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa và trên cơ sở đánh giá đúng những cống hiến của đội ngũ Hội thẩm trong nửa thế kỷ tồn tại của Tòa án nhân dân thì việc tiếp tục duy trì và cải tiến công tác Hội thẩm là rất cần thiết.

Trong số các ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì chế định Hội thẩm lại có những ý kiến cho rằng nên giảm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử các vụ án hình sự, cụ thể là trong phiên tòa sơ thẩm hình sự, Hội đồng xét xử nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Như vậy, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính nhân dân của Hội đồng xét xử. ý kiến khác cho rằng nên duy trì thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm như hiện nay vì tuy có một số Hội thẩm không có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án nhưng đó chỉ là một phần nhỏ.

Sau khi nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về áp dụng chế định Hội thẩm, chúng tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

- Đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, sự việc đơn giản, rõ ràng, bị can bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, có căn cứ, lý lịch rõ ràng, việc điều tra không có gì phức tạp thì Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định áp dụng thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử. Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét xử theo thủ tục rút ngắn không cần có Hội thẩm tham gia. Thủ tục rút ngắn này đã từng được áp dụng trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 1988 (Thông tư số 10-TATC ngày 8/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố và xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, những vụ án mà bị can, bị cáo phạm pháp quả tang, chứng cứ rõ ràng, lai lịch và căn cước của bị can, bị cáo đã rõ thì khi điều tra, truy tố và xét xử có thể rút ngắn về thời hạn và thủ tục. Nhưng riêng thành phần Hội đồng xét xử vẫn nên duy trì có hai Hội thẩm xét xử vì những vụ việc thuộc loại này rất cần đến sự tham gia của Hội thẩm.

- Đối với các vụ án hình sự khác cũng như các vụ án dân sự, hành chính thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm nên gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm. Bởi vì cơ cấu Thẩm phán chuyên nghiệp chiếm đa số chắc chắn sẽ bảo đảm cho việc xét xử đạt chất lượng cao hơn, có thể loại trừ được tính hình thức của Tòa án. Đồng thời sự hiện diện của một Hội thẩm cũng đã thể hiện được tính chất nhân dân của Tòa án. (Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động đều quy định thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm). Như vậy, vấn đề phải giải quyết là khi giảm số lượng Hội thẩm thì tổng biên chế của ngành Tòa án phải tăng (vì số Thẩm phán tăng lên), do đó ngân sách Nhà nước chi phí cho Tòa án cũng tăng lên. Tuy nhiên, đây là vấn đề có thể giải quyết được vì số kinh phí không phải là quá lớn.

 

Cần bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự và các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính một số quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm, cụ thể là:

- Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa trong việc phổ biến cho Hội thẩm (nhất là những Hội thẩm tham gia xét xử vụ án hình sự lần đầu tiên) về quyền và nghĩa vụ của họ, về nghiên cứu hồ sơ vụ án về những văn bản, những quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Quy định này sẽ có tác dụng thiết thực trong việc thực hiện nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cũng như nguyên tắc khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.

- Khi khai mạc phiên tòa, ở phần giới thiệu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo chúng tôi nên công bố cả nghề nghiệp, nơi làm việc hay nơi ở của Hội thẩm để những người dự phiên tòa yên tâm về người đại diện của nhân dân tham gia xét xử.

Cần có một quy định cụ thể (một hoặc một số điều trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng), về quyền và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi, quyền điều hành phiên tòa, khi nghị án, khi bản án có sai sót do lỗi của Hội thẩm thì trách nhiệm của Hội thẩm sẽ như thế nào...

l. Thực hiện tốt hơn nữa chế độ, chính sách đối với Hội thẩm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm, ngoài việc thường xuyên chăm lo đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia nhiệt tình với công việc của Tòa án.

Trước hết cần nâng cao mức phục cấp phiên tòa cho Hội thẩm. Theo Thông tư số 614/TTLB ngày 27/1/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao thì Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh được hưởng phụ cấp xét xử 25.000đ/ngày, Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện 20.000đ/ngày. Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, khi mức lương tối thiểu của công chức, viên chức đã được điều chỉnh tăng lên thì phụ cấp cho Hội thẩm khi xét xử cũng cần nâng mức cao hơn so với hiện nay.

Thứ hai, về trang phục của Hội thẩm. Trước đây, ở mỗi Tòa án có may sẵn trang phục để khi đến Tòa án làm việc, Hội thẩm sẽ sử dụng trang phục đó. Nay chế độ này không được thực hiện nữa, do vậy, trang phục giữa các thành viên của Hội đồng xét xử thường là không đồng bộ, ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của phiên tòa. Nhà nước cần quy định thống nhất trang phục cho Hội thẩm và trích một phần kinh phí ngân sách để may trang phục cho họ.

 

Thứ ba, đối với Hội thẩm không phải là công chức Nhà nước, trong khi làm nhiệm vụ của Tòa án nếu gặp rủi ro, tai nạn thì cần quy định cho họ được hưởng một chế độ bảo hiểm nhất định giống như đối với công chức Nhà nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết luận

Qua nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chế định Hội thẩm hơn 50 năm qua có thể khẳng định rằng:

1 - Sự tồn tại của chế định này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu khách quan của một nền tư pháp nhân dân được thiết kế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.

2 - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, việc xây dựng một nền tư pháp mạnh mẽ, công bằng, dân chủ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Trong nền tư pháp đó, không thể thiếu được những người đại diện cho nhân dân- Hội thẩm tham gia vào việc xét xử.

3 - Trước yêu cầu mới, chế định Hội thẩm cần phải tiếp tục được hoàn thiện: sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm; nâng cao chất lượng của Hội thẩm thông qua công tác tuyển chọn chặt chẽ và quản lý có hiệu quả đội ngũ Hội thẩm; bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm; thực hiện tốt hơn nữa những chế độ chính sách cần thiết đối với Hội thẩm. Có như vậy thì đội ngũ Hội thẩm mới phát huy tốt được khả năng của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế và trật tự pháp luật XHCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II. các chuyên đề

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo cáo dẫn đề của đồng chí Nguyễn Văn Sản - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chủ nhiệm Đề tài

"Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam"

 

(Trong Hội thảo khoa học ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1999, tại Hà Nội)

Thưa các đồng chí.

 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ban chủ nhiệm Đề tài, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn các cộng tác viên và các đại biểu đã đến dự Hội thảo khoa học Đề tài về: Đổi mới chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, chúng ta chưa thể giải quyết ngay một lúc tất cả các vấn đề mà phải tiến hành từng bước. Riêng trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của Toà án thì vấn đề con người làm công tác trực tiếp xét xử, tức là những vấn đề liên quan đến Thẩm phán và Hội thẩm là một nội dung rất quan trọng mà các nhà khoa học phải quan tâm đặc biệt trong quá trình nghiên cứu. Trong 10 năm qua, giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn đã tập trung khá nhiều công sức vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Thẩm phán - những người xét xử chuyên nghiệp, mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu chế định Hội thẩm - trong khi đó chế định này tự nó đang đòi hỏi phải được đổi mới để góp phần nâng cao hiệu quả xét xử của Toà án. Về vấn đề này, tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1995, Bộ trưởng Tư pháp đã nêu rõ: "Chế định Hội thẩm nhân dân là một vấn đề đang được đặt ra trong cải cách tư pháp, chúng ta phải có một thái độ nghiêm túc và đi vào thực chất việc phát huy vai trò người Hội thẩm nhân dân trong công tác xét xử hiện nay". đó cũng chính là những lý do đòi hỏi chúng ta phải tổ chức nghiên cứu về mặt khoa học và thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới chế định Hội thẩm.

Nhiệm vụ đó đặt ra cho chúng ta một trách nhiệm nặng nề là phải tập hợp được lực lượng nghiên cứu đông đảo, có lý luận chuyên sâu và đặc biệt là có thực tiễn phong phú, để làm việc một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian 2 năm, là thời gian tương đối ngắn. Yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là không chỉ đánh giá được thực trạng mà điều quan trọng hơn là phải đưa ra được những kiến nghị, những giải pháp có tính khả thi, phù hợp với hoàn cảnh nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tới.

Đề tài này được giới hạn trong phạm vi Đề tài cấp Bộ, không thể đi sâu vào mọi vấn đề liên quan đến chế định Hội thẩm mà chỉ nghiên cứu những vấn đề chủ yếu như: Vai trò và các nguyên tắc hoạt động của Hội thẩm cơ chế đảm bảo cho Hội thẩm tham gia xét xử (quyền, nghĩa vụ của Hội thẩm); quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm Trách nhiệm của Hội thẩm trong xét xử; Vấn đề bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng Hội thẩm và các vấn đề khác về tổ chức đối với Hội thẩm. Có thể nói đó là những vấn đề cơ bản nhất trong đổi mới chế định Hội thẩm.

Để các đồng chí có thể có cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển của chế định Hội thẩm chúng tôi xin nêu một số điểm sau đây:

1. Tóm tắt về lịch sử chế định Hội thẩm.

Nhìn lại hơn 50 năm qua, chúng ta có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển của chế định Hội thẩm căn cứ vào 4 bản Hiến pháp - là những mốc lớn của các thời kỳ phát triển của Nhà nước ta.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới xây dựng cơ quan xét xử của nhân dân. ở Toà án Đệ nhị cấp và Toà Thượng thẩm, khi xét việc tiểu hình và đại hình đều có Phụ thẩm nhân dân tham gia. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu của Nhà nước ta, việc tham gia của Phụ thẩm còn hạn chế: chỉ những vụ án hình sự và tuỳ từng cấp toà án, Phụ thẩm có thể phát biểu về tội trạng hoặc hình phạt, còn Thẩm phán tự quyết định như khi xét xử các vụ tiểu hình. Còn khi xét xử các vụ đại hình, Phụ thẩm mới cùng nghị xử với Thẩm phán về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng và hình phạt...(Theo Sắc lệnh số 13 ngày 24.1.1946 về tổ chức toà án và các ngạch Thẩm phán).

Bước vào những năm 50, sau cuộc cải cách tư pháp đầu tiên, hệ thống tư pháp đã được kiện toàn thêm một bước và thể hiện đậm nét tính nhân dân. Chế định Hội thẩm nhân dân đã được đổi mới về cơ bản. Phụ thẩm nhân dân được đổi thành Hội thẩm nhân dân, quyền hạn và nghĩa vụ được quy định rõ hơn. Đặc biệt Hội thẩm tham gia xét xử cả án hình sự và dân sự và được tham gia quyết định mọi vấn đề trong xét xử vụ án.

Sau khi có Hiến pháp 1959. Ngoài những việc hình sự nhỏ, giản đơn và việc giải quyết thuận tình ly hôn do một Thẩm phán tiến hành, còn tất cả các vụ án xử sơ thẩm đều có Hội đồng gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm xét xử. Hội thẩm nhân dân vẫn do Hội đồng nhân dân bầu ra với những tiêu chuẩn như: gương mẫu trong lao động, trong cuộc sống và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, là những người đại diện cho các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Số lượng Hội thẩm nhân dân rất đông (cả nước có gần 20.000 người), thành phần rất rộng rãi.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước làm một nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 1980 - Hiến pháp của thời kỳ quá độ đi lên CNXH trong phạm vi cả nước đã được ban hành. Và cũng năm đó, Luật tổ chức TAND mới được ban hành và chế định Hội thẩm nhân dân đã được thể hiện khá cụ thể trong đạo luật này.

Trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, Hiến pháp năm 1992 ra đời. Bên cạnh Luật tổ chức Toà án nhân dân mới (1992), Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân được ban hành (14.5.1993) đã quy định tương đối đầy đủ về chế định Hội thẩm từ việc bầu cử, bồi dưõng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội thẩm đến miễn nhiệm, bãi nhiệm và những bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ Hội thẩm

2. Nhận xét chung về việc thực hiện chế định Hội thẩm

Trong mỗi thời kỳ, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình. Cho đến nay thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử ở Toà án. Tuy nhiên trong tình hình mới, chế định Hội thẩm cần phải có những cải cách đáng kể mới đáp ứng được nhiệm vụ xét xử hiện nay và yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Hiện nay số lượng Hội thẩm TAND địa phương được bầu theo quy định của Uỷ ban Thường vụ quốc hội là trên 10.000 người. Qua theo dõi, phần lớn những người được bầu làm Hội thẩm thường là những cán bộ nhà nước đang đương chức hoặc đang hoạt động trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, kinh tế như Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, phụ nữ và một số là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật như Kiểm sát viên, Toà án đã nghỉ hữu. Trên thực tế, Hội thẩm là những người đang đương chức thường ít có điều kiện về thời gian tham gia xét xử, do vậy các Toà án thường mời Hội thẩm là những người đã nghỉ hưu, có nhiều điều kiện về thời gian hoặc có nhiều kinh nghiệm xét xử tham gia các Hội đồng xét xử. ở nhiều Toà án việc tham gia xét xử thường tập trung vào một số người nhất định. Vì vậy, có một số ý kiến cho rằng chế định Hội thẩm ít nhiều còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, một số Hội thẩm do không chuyên sâu về pháp luật, ít có kinh nghiệm và thực tiễn xét xử, nên thường thụ động và phụ thuộc nhiều vào ý kiến của Thẩm phán. Có lẽ chính sự thụ động của một số Hội thẩm khi xét xử đã tạo ra cảm giác này trong công chúng. Bên cạnh đó, hiện nay các Toà án nhân dân không chỉ xét xử án dân sự, hình sự mà còn xét xử nhiều loại án khác như: kinh tế, lao động, hành chính, sau này còn có thể có thêm các loại án khác nữa. Do vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc tham gia của Hội thẩm chủ động, tích cực và thực chất cao hơn thì mới có thể bổ sung cho Thẩm phán những kiến thức và kinh nghiệm xã hội trong khi xét xử. Từ vấn đề nói trên đặt ra một vấn đề khác là có cần tiếp tục duy trì thành phần Hội đồng xét xử như hiện nay hay không. Bởi vì nếu tuyên án theo đa số, số lượng Thẩm phán chuyên môn bao giờ cũng là số ít, còn Hội thẩm là những người xét xử không chuyên, ít có kinh nghiệm xét xử bao giờ cũng đông hơn, trong khi đó Hội thẩm lại ngang quyền với Thẩm phán, do vậy vẫn có sự băn khoăn của nhiều người về chất lượng xét xử. Đó là một thực tế.

Một vấn đề khác đặt ra là trong điều kiện mới, Hội thẩm cần phải có tiêu chuẩn như thế nào để đạt được hai mục tiêu: bổ sung kiến thức và kinh nghiệm xã hội cho Thẩm phán, đồng thời giám sát hoạt động xét xử? Trong khi trình độ của Thẩm phán ngày nay cao hơn trước đây, và trình độ dân trí cũng vậy.

Một điều rất quan trọng nữa là cần thiết có cơ chế pháp lý, cơ chế tổ chức để bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm Theo Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, Quy chế phối hợp giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các TAND địa phương, các TAQS quân khu và khu vực về mặt tổ chức và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm toà án nhân dân thì Bộ Tư pháp có nhiệm vụ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Hội thẩm các TAND địa phương, phân bổ số lượng Hội thẩm cho từng Toà án địa phương, hướng dẫn việc bầu cử Hội thẩm cấp giấy chứng minh Hội thẩm cấp kinh phí để các Toà án tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kinh phí bồi dưỡng phiên toà.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự, hiệp thương danh sách Hội thẩm HĐND cùng cấp bầu Hội thẩm nhân dân. Chánh án Toà án có nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công xét xử, giữ mối liên hệ với Hội thẩm báo cáo công tác xét xử trong đó có hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trước HĐND cùng cấp. Như vậy, hiện tại theo quy định của Luật thì có nhiều cơ quan khác nhau đảm nhiệm những phần việc khác nhau có liên quan đến vấn đề "tổ chức" của đội ngũ Hội thẩm Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, theo Pháp lệnh công chức, thì Hội thẩm không phải là công chức Nhà nước, và theo Luật tố tụng và hành chính thì Hội thẩm chỉ là một chế định mà không phải là một tổ chức, hôm nay họ làm việc ở cơ quan của mình, ngày mai họ tham gia xét xử ở Toà án, và khi xét xử họ nhân danh quyền lực Nhà nước và pháp luật để tham gia quyết định về các vụ án một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, và trong Hội đồng xét xử sơ thẩm về hình sự, dân sự số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán, vậy khi bản án có "vấn đề" thì trách nhiệm pháp lý của họ thế nào, đối với họ có thể áp dụng các nguyên tắc quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của những người tiến hành tố tụng gây ra hay không? Đây cũng là một vấn đề có liên quan đến tổ chức. Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề tổ chức, ai là người chịu trách nhiệm về hiệu quả và chất lượng hoạt động của Hội thẩm HĐND là cơ quan bầu ra Hội thẩm hay Toà án là cơ quan phân công xét xử cho Hội thẩm phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng chế định Hội thẩm hiện hành còn có những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất. Và như vậy, từ các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hoạt động của Hội thẩm hiện nay, từ tính chất, vai trò, quyền hạn của Hội thẩm thì có cần phải đặt ra vấn đề quản lý Hội thẩm hay không? hay chỉ cần làm tốt và cải tiến các quy định hiện hành. Nếu đặt ra vấn đề quản lý Hội thẩm thì có làm mất đi tính chất "không chuyên", tính chất nhân dân tham gia xét xử và có hạn chế nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật hay không?

Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về công tác Hội thẩm nhưng phần lớn ý kiến đã đều xoay quanh hai câu hỏi:

- Ai là người quản lý Hội thẩm?

- Số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử có cần chiếm đa số như quy định hiện nay hay không.

Quả là, càng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu, chúng ta càng thấy tính phức tạp và tính cấp thiết của Đề tài nghiên cứu.

Ngoài ra còn có ý kiến nêu lên vấn đề cần phải có một cơ quan thống nhất quản lý Hội thẩm cụ thể là: nên giao cho Toà án, tư pháp, hay Mặt trận tổ quốc thống nhất quản lý Hội thẩm?

Do đó, mục tiêu của việc nghiên cứu Đề tài là phải tìm ra câu trả lời, giải đáp cả về lý luận và thực tiễn các vấn đề và các ý kiến khác nhau xung quanh thực trạng đội ngũ Hội thẩm hiện nay và nghiên cứu đề xuất các giải pháp đổi mới, cải thiện chế định HTND trong giai đoạn tới.

Vì vậy, trong cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cần đi sâu thảo luận về các điểm chính sau:

a. Yêu cầu chung đối với Hội thẩm trước đòi hỏi của cải cách Tư pháp?.

b. Những yêu cầu cụ thể ở mức độ nào là phù hợp .

- Kiến thức chuyên môn ngành nghề, kiến thức xã hội mà Hội thẩm đang đảm nhiệm.

- Kiến thức pháp lý.

c. Yêu cầu đối với Hội thẩm tham gia xét xử từng loại án: Hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

d. Số lượng Hội thẩm trong các Hội đồng xét xử sơ thẩm nên như thế nào để nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số có hiệu quả.

e. Hội thẩm chịu trách nhiệm đến đâu khi bản án bị cải, sửa, huỷ.

f. Công tác tổ chức đối với Hội thẩm cần được hoàn thiện theo hướng nào.

g. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử.

h. Cơ chế để Hội thẩm thực hiện nguyên tắc "độc lập xét xử" và "ngang quyền với Thẩm phán" .

i. Chế độ đãi ngộ cho Hội thẩm thế nào cho phù hợp?

k. Cơ chế lựa chọn Hội thẩm : bầu cử, nên duy trì như hiện nay không?

Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, tôi xin phát biểu gợi ý một số vấn đề để các đồng chí tiếp tục trao đổi.

Xin cảm ơn các đồng chí.

 

Hiệu quả của công tác xét xử nhìn từ khía cạnh

hoạt động và tiêu chuẩn của Hội thẩm

TS. Chu Hải Thanh

Tuy tên gọi, cách thức tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn đặt ra ở từng thời kỳ không hoàn toàn giống nhau, nhưng chế định Hội thẩm trong xét xử của Toà án đã song tồn cùng Nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay. Chưa đánh giá về các khía cạnh khác, chỉ riêng với hơn 50 năm hiện diện liên tục, đó cũng đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của Hội thẩm bên cạnh những công chức tư pháp chính ngạch.

Nhưng cũng trong chừng ấy thời gian, chúng ta vẫn chưa có được sự tổng kết và đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về công tác Hội thẩm Đặc biệt hiệu quả mà Hội thẩm đóng góp cho hoạt động xét xử của Toà án đến đâu vẫn tiếp tục là đại lượng khó xác định. Và nữa, tiêu chuẩn của Hội thẩm ra sao cũng chưa được quan tâm qui định một cách thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin sơ bộ được thảo luận hai vấn đề trên, với mong muốn đóng góp một ý kiến xây dựng cho tiến trình hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân - một bộ phận quan trọng của cuộc cải cách tư pháp rộng lớn đang được triển khai khẩn trương ở nước ta.

1. Vấn đề đại diện và đa số

Chế định Hội thẩm không tồn tại ngẫu nhiên mà nó đã được qui định một cách nhất quán trong cả 4 bản Hiến pháp của chúng ta, kể từ khi lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay. Việc cơ cấu Hội thẩm nhân dân luôn chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm tất cả các loại án hiện nay là sự cụ thể hoá những điều hiến định về bản chất dân chủ và nhân dân trong quá trình xét xử, để quyết định những quyền lợi quan trọng của cá nhân và tổ chức tại Toà án.

Thật vậy, Hội thẩm nhân dân tham gia với đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác lập công lý ngay từ lúc ban đầu. Nếu Thẩm phán chủ tọa phiên toà sơ thẩm là công chức tư pháp chuyên nghiệp cầm chịch chủ yếu là mặt luật pháp, thì Hội thẩm nhân dân là lực lượng từ nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, bổ túc những kiến thức xã hội và kiến thức chuyên môn cần thiết khác cho quá trình xử án. Khảo sát đội ngũ 95 Hội thẩm tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thấy họ đại diện cho hơn 30 ngành nghề và lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau, là lợi thế cho chức trách của họ ở các phiên toà.

Nhưng với hiện tại, cơ cấu thành phần của Hội thẩm thể hiện rõ dấu ấn "mặt trận". Bởi theo Điều 30 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì Hội thẩm của Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân địa phương đều được cử hoặc bầu theo sự giới thiệu của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nên sự phân bổ sao cho đủ người đại diện từ các tổ chức thành viên, các giới mà Mặt trận Tổ quốc quản lý là điều dễ hiểu. Sự đa dạng về thành phần của Hội thẩm là đáng khích lệ, nhưng nó quyết định như thế nào đến chất lượng xử án là điều còn phải được bàn xét.

 

Nói rằng việc cơ cấu theo kiểu đại diện đủ các ngành, các giới như vậy để mong quá trình xét xử, Hội thẩm có thể có tiếng nói thấu hiểu cho bị cáo hay đương sự thuộc tầng lớp mình đại diện thì không hẳn như vậy. Khi Hội thẩm tiến hành tố tụng, thì họ đóng vai là người xét xử theo phép công, nhân danh Nhà nước chứ không phải là người bào chữa hay "người thông cảm" với người đứng trả lời trước toà án, dù cho người đó có thuộc tầng lớp xã hội hay nghề nghiệp với Hội thẩm đi nữa. Thậm chí chúng ta có quyền yêu cầu Hội thẩm phải hành xử đúng, hành xử nghiêm trong những trường hợp đó. Còn nói về quyền bào chữa tại Toà, thì bị cáo, đương sự đã có thể tự mình hoặc thông qua dịch vụ của luật sư để thực hiện. Cho nên quan niệm Hội thẩm phải bầu hoặc cử từ đủ các giai tầng xã hội, phải mang tính đại diện, phải có tiếng nói cho bị cáo hoặc đương sự giới mình trong quá trình xử án là không thuyết phục và không khả thi. Vì một điều hiển nhiên là làm sao có thể dự liệu được tỷ lệ phạm pháp hoặc tranh chấp của các tầng lớp xã hội ra sao ở Toà án để ấn định số lượng Hội thẩm phải có cho thích hợp? Vậy thì không thể đặt vấn đề đại diện hay tính chất mặt trận đối với Hội thẩm mà phải là vấn đề giám sát và tính chất nhân dân đối với đội ngũ này.

 

Còn cho rằng, có thu hút Hội thẩm từ các tầng lớp xã hội, từ các ngành nghề đa dạng thì mới góp phần hữu hiệu cho việc xét xử những việc, án có liên quan đến tri thức chuyên ngành mà một Thẩm phán không thể bao quát hết, thì điều này chỉ có một ý nghĩa nhất định nào đó mà thôi. Cho đến nay cũng chưa có một sự tổng kết nào cho thấy trong quá trình tham gia xét xử, các Hội thẩm đã phải sử dụng những hiểu biết nghề nghiệp của mình như thế nào và việc đó có tác dụng đến đâu? Còn thực tế, để giải quyết một vụ án cụ thể, Hội đồng xét xử phải dày công nghiên cứu các qui lệ, các chế định pháp luật có liên quan một cách đầy đủ. Những kiến thức riêng biệt về nghề nghiệp ảnh hưởng đến phần quyết định của vụ án thường đều phải trưng cầu giám định và kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc của một Hội đồng có thẩm quyền. Như vậy thì vai trò kiến thức ngành nghề của Hội thẩm ứng dụng trong việc quyết án là khó xác định. Chưa kể việc bố trí Hội thẩm cùng ngồi xử các vụ án cần đến hiểu biết từ nghề nghiệp tương ứng của người đó lại càng khó thực hiện.

Việc Hội thẩm chiếm đa số trong thành phần của Hội đồng xét xử tham gia trực tiếp vào quá trình giám sát và xác lập công lý ở cấp toà sơ thẩm đã có một ý nghĩa hết sức quan trọng và là một biểu hiện cụ thể và sinh động của dân chủ trong tư pháp. Điều đó không thể phủ nhận trong thực tiễn hơn nửa thế kỷ tồn tại của tổ chức Hội thẩm Thế nhưng cũng không thể không công nhận tính chất tương đối của vấn đề.

Quá trình tố tụng của phiên toà sơ thẩm vừa mang tính chất kiểm tra lại những gì đã thu thập được trong các giai đoạn điều tra trước đó, nhưng đồng thời cũng là lúc để tìm ra những chứng cứ mới qua sự khai lại, xuất trình thêm của những người tham gia tố tụng. Những gì đã được chứng minh và quyết định taị phiên toà sơ thẩm có ý nghĩa hoàn thiện và ổn định rất cao. Nếu Hội đồng xét xử làm việc công minh, khách quan và với nghiệp vụ chuyên môn cao, bản án đưa ra thấu tình đạt lý, không còn sơ suất gì nữa, thì hiệu lực của nó là khả thi, tính thuyết phục của nó lớn. Những bản án như vậy dẫu có kháng cáo, kháng nghị thì cấp phúc thẩm cũng khó mà tìm ra tỳ vết gì, nên thường được "y án". Điều này được minh chứng qua tỷ lệ án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm cải sửa hoặc huỷ tương đối thấp trong những năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên bình diện cả nước nói chung.

Tuy nhiên, ở đây cũng còn tồn tại một thực tế khác khiến công lý đạt được ở cấp sơ thẩm với sự tham gia quyết định của Hội thẩm đôi khi trở nên chông chênh. Về nguyên lý, án sơ thẩm còn có thể bị phán xử lại bởi một Hội đồng chỉ gồm những Thẩm phán chuyên nghiệp của cấp phúc thẩm (và cả theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm nữa). Như vậy trong việc xét xử thì tính chuyên nghiệp của Hội đồng phúc thẩm (và các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm) vẫn ở vị trí thượng phong, vị trí cấp trên của Hội đồng sơ thẩm, nơi đại diện của nhân dân (Hội thẩm) chiếm đa số, nhưng mang tính nghiệp dư. Dĩ nhiên nhà sản xuất nào rồi cũng phải chịu sự sát hạch của cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, và ngay cả trong trường hợp này - người có lý bao giờ cũng là cơ quan quản lý chất lượng - Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ án sơ thẩm bị cải sửa, bị huỷ cao hơn nhiều so với án phúc thẩm bị cấp giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) điều chỉnh. Thậm chí có những vụ án dân sự xét xử gần cả chục lần qua các cấp toà, với thời gian dài, mà vẫn chưa có điểm dừng. Lý giải sự trường kỳ trên, nhiều người đổ cho cấp sơ thẩm không chịu xử theo định hướng đã nêu trong án phúc thẩm hoặc án giám đốc thẩm. Như vậy chân lý ban đầu cũng chỉ mới là "chân lý sơ thẩm", những người đại diện của nhân dân khó lòng mà bảo vệ nổi cái chân lý ấy khi các toà án cấp trên yêu cầu sửa đổi hoặc huỷ bỏ án sơ thẩm. Chính vì thế, nên việc giám sát và xác lập công lý ở toà sơ thẩm với quyết định của Hội thẩm chỉ mang tính chất tương đối. Phải chăng vì án sơ thẩm được đưa ra bởi có sự tham dự của đa số những người xét xử nghiệp dư, nên luật pháp quy định một phạm vi rất đông những người có quyền yêu cầu soi xét lại nó? Vậy thì chất lượng xét xử sơ thẩm đã được coi trọng và đánh giá đúng mức chưa? Và vấn đề bảo vệ triệt để những án sơ thẩm đúng đắn nhưng bị Toà cấp trên yêu cầu cải sửa hoặc huỷ bỏ ra sao? Câu trả lời thoả đáng cho những điều kiện nêu trên hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

2. Sự chế ước.

Ưu thế đa số của Hội thẩm trong xét xử sơ thẩm về phương diện "quân số" có thể tạo ra sự chế ước trong việc quyết định vụ án, với điều kiện họ mực thước, công minh, có sự vững vàng nhất định về chuyên môn pháp luật và có lòng dũng cảm. Chính điểm này quyết định chất lượng và hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm Đây cũng là sự tạo điều kiện của pháp luật để những đại diện của nhân dân trực tiếp tham gia quyết định chất lượng xét xử ở một cấp Toà quan trọng. Khảo sát thực tế ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều vị Hội thẩm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, tận tuỵ trong công tác, kỹ lưỡng trong nghiên cứu hồ sơ, tích cực thẩm vấn để làm rõ các tình tiết tại phiên toà và không xuôi chiều khi biểu quyết thông qua bản án. Họ luôn có chính kiến của mình và dám bảo vệ nó. Tuy nhiên, số Hội thẩm này thường rơi vào những người có trình độ pháp lý vững chắc, phổ biến là trình độ đại học luật và đã có thời gian làm công tác thực tiễn nhất định về pháp luật. Như vậy thì chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm trước hết phụ thuộc vào trình độ chuyên môn pháp luật, sau nữa là tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của người đó.

 

Ai cũng biết sự chế ước trong tố tụng có tác dụng cảnh giới, phản biện, làm cho quá trình đi đến sự thật được ngay ngắn và khách quan. Nhưng Hội thẩm không thể thực hiện sự chế ước đó trong xét xử sơ thẩm chỉ bằng biểu quyết đa số, mà vấn đề có đạt được sự chế ước lành mạnh hay không lại nằm ở chỗ trình độ chuyên môn pháp luật của họ là chính. Hiện điểm yếu của đội ngũ Hội thẩm là ở đó. Cả nước đang có gần 10 ngàn Hội thẩm tại các loại Toà án, nhưng tiêu chuẩn về chuyên môn pháp luật của họ chưa được quy định cụ thể. Dù rằng càng ngày Nhà nước ta càng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với Hội thẩm trong đó có yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như phải "có kiến thức pháp lý’, phải được "bồi dưỡng về nghiệp vụ" (Điều 4 và Điều 26 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân) nhưng cũng chỉ là những yêu cầu có tính chất chung chung, khác rất xa các điều kiện chuẩn mực rạch ròi được nêu ra đối với Thẩm phán. Xem như vậy thì Hội thẩm khó lòng thực thi nhiệm vụ xử án của mình ngang tầm với Thẩm phán, họ như người lao động mà không có đủ công cụ chuyên dùng. Trong một hoàn cảnh như vậy thì Hội thẩm sẽ bị hạn chế khi cần phải vận dụng kiến thức chuyên môn để bảo vệ ý kiến của mình. Và nếu không bảo vệ được thì hoặc là phải chấp nhận cách quyết án của Thẩm phán, hoặc là khi có đủ sự kiên định thì biểu quyết khác Thẩm phán, yêu cầu bảo lưu ý kiến của mình. Nhưng những trường hợp quyết tâm bảo lưu ý kiến như vậy có tỷ lệ như thế nào và đã được thể hiện ra sao trong biên bản nghị án đến nay vẫn còn là vấn đề chưa được khảo sát và tổng kết rõ ràng.

 

Một yếu tố khác ảnh hưởng không ít đến hoạt động và hiệu quả xét xử của Hội thẩm cần được phản ánh đó là quỹ thời gian. Tất cả Hội thẩm của chúng ta hiện nay đều đang hoạt động xét xử kiêm nhiệm, việc tham gia xử án chỉ là công việc phụ, không hưởng một mức lương nhất định nào và thời gian dành cho công việc phụ này cũng mang tính chất rất phụ. Thực tế ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho thấy chỉ có Hội thẩm là cán bộ hưu trí mới đủ điều kiện dành thời gian thỏa đáng cho công việc Toà án của mình. Có những vị trong số này ngồi xử mỗi năm trên 100 vụ các loại. Còn các Hội thẩm đang tại chức khác thì mức độ tham gia xét xử ít, thậm trí có vị mỗi năm chỉ ngồi phiên toà dăm, bảy lần tượng trưng. Như vậy thì Hội thẩm dự xử án nhiều hơn cả là từ số đã hưu trí (mà nếu là Thẩm phán thì đã phải về hưu, tức là không làm công tác xét xử nữa). Bên cạnh đó thì Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị vừa thiếu Thẩm phán, vừa cần thêm đội ngũ Hội thẩm rất bức bách. Ngành Toà án thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm phải giải quyết một lượng án các loại, trung bình bằng 18 - 20% của cả nước, (số liệu cụ thể là chừng trên dưới 20.000 vụ), trong đó cấp phúc thẩm gánh khoảng 5.000 đến 7.000 vụ, mà phần lớn lại là xử sơ thẩm. Do vậy quy định phân bổ của Bộ Tư pháp số lượng Hội thẩm bằng số lượng Thẩm phán đối với Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là không đáp ứng nhu cầu. Hiện số Thẩm phán của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa bổ nhiệm đủ, mới có 75 người so với 85 được định biên. Nhưng lực lượng Hội thẩm đã phải xin Bộ Tư pháp cho phép bầu thêm để đủ số 100, vừa qua đã bầu bổ sung 20 vị, nâng tổng số Hội thẩm của Toà án nhân dân thành phố lên con số 95. Như trên đã trình bày, dù số lượng Hội thẩm có đủ, mà hoạt động không đều tay do một bộ phận Hội thẩm không bố trí được thời gian tham gia xét xử, thì tình trạng dồn án vào một số Hội thẩm tình trạng hoạt động xét xử không đồng đều, không hoàn thành số lượng án ở đội ngũ Hội thẩm là không tránh khỏi. Trong trường hợp này chúng ta có lý do để đặt câu hỏi về hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm nói chung và vai trò chế ước của họ trong Hội đồng xử án nói riêng.

Nói đến sự chế ước của Hội thẩm cũng cần phải đề cập một vấn đề nữa, đó là giới hạn quyền và trách nhiệm của họ khi tham gia xét xử đến đâu?

Quyền bình đẳng, độc lập của Hội thẩm khi xét xử bên cạnh Thẩm phán mang tính Hiến định. Quyền đó cũng được khẳng định lại trong Điều 4, 5 Luật tổ chức Toà án nhân dân, trong Điều 2, 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân và nhiều điều khác của các luật và pháp lệnh về tố tụng. Đó là sự tôn trọng cần thiết mà pháp luật dành cho người đại diện của nhân dân khi nắm quyền ngồi xét xử, để đảm bảo giá trị hiệu lực cho các quyết định mà Hội thẩm tham gia ban hành trong bản án.

Tuy nhiên, các quyền nêu trên đều có những giới hạn đáng chú ý. Thứ nhất, sự bình đẳng, độc lập của Hội thẩm nằm trong phạm vi hạn chế của quá trình tố tụng. Hội thẩm chỉ được tiến hành một giai đoạn của quá trình đó - giai đoạn xét xử ở Toà án. Việc tiến hành các bước chuẩn bị, điều tra (trong tố tụng dân sự), quyết định những biện pháp quan trọng khác...trước khi xét xử đều thuộc quyền của Thẩm phán. Thứ hai, bình đẳng và độc lập trong trường hợp này là chỉ nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền phán xử theo pháp luật, nhưng khả năng để thực hiện những quyền đó ở Thẩm phán và Hội thẩm không giống nhau, do chỗ có khoảng cách về trình độ chuyên môn trong xét xử. Có thể xem đây là một sự hạn chế có nguồn gốc chủ quan.

 

Còn về trách nhiệm thì tất nhiên Hội thẩm cũng như Thẩm phán đều cùng phải chịu trước pháp luật về hoạt động và chất lượng xét xử của mình. Đối với Thẩm phán thì vấn đề trách nhiệm được luật cũng như các văn bản dưới luật, quy chế của ngành, quy chế công chức quy định một cách khá đầy đủ và chi tiết, kèm theo cơ cấu tổ chức đảm bảo cho việc chấp hành. Mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị Toà cấp trên cải sửa hoặc huỷ...v..v. Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo những mức độ nhất định. Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và hầu như không có cơ chế để ràng buộc, rất khó kiểm soát, rất khó quy kết. Đơn giản là chưa có sự phân công quản lý về tổ chức và về chuyên môn nghiệp vụ của Hội thẩm Hội thẩm của các Toà án địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tương đương bầu ra theo sự giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc, rồi giao cho Toà án để "làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án" và để được Chánh án "giữ mối quan hệ" (Điều 25 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân). Quy định như vậy thì chưa thể nói Chánh án quản lý Hội thẩm Cho nên những vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm trong công tác xét xử của Hội thẩm chưa được quan tâm đúng mức để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác của họ. Với thực trạng quyền hạn và trách nhiệm còn lỏng lẻo như hiện nay, thì bản thân người Hội thẩm có chí cốt, toàn tâm, toàn ý với công tác xét xử và với những phán quyết mà mình góp phần tạo ra hay không? Cao hơn nữa là hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội thẩm đã đạt đến mức độ nào? Tất cả đó còn là những câu hỏi cần sớm được giải đáp.

3. Đôi điều suy nghĩ và đề đạt.

Việc duy trì và củng cố chế định Hội thẩm tham gia xét xử tại Toà án là cần thiết khi ta chưa có một hình thức tổ chức ưu việt hơn thay thế. Tuy nhiên, để tổ chức Hội thẩm thật sự phát huy tác dụng, xét xử có hiệu quả, có chất lượng tốt và đạt được những tôn chỉ cao cả mà nền tư pháp xã hội chủ nghĩa đã đề ra, đang vươn tới chúng ta nên đặt trọng tâm chú ý vào những vấn đề sau:

a. Vấn đề tổ chức.

- Trước hết là thành phần và cơ cấu đội ngũ Hội thẩm cần được nghiên cứu, cải tiến thêm để đạt được sự hoàn chỉnh và hiệu quả. Về số lượng Hội thẩm cho các cấp Toà án qui định như Quyết định 867/QĐ6QLTA ngày 7 tháng 10 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là hợp lý, nhưng không nên cào bằng. Đối với các Toà án ở những địa phương có lượng án phải xét xử sơ thẩm lớn (thí dụ như Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) thì cần phân bổ thêm chừng 20 - 30% số Hội thẩm nữa để khắc phục tình trạng quá tải trong xét xử.

- Trình tự bầu như hiện nay vẫn lấy đầu mối là Mặt trận Tổ quốc các cấp theo đề xuất từ các tổ chức thành viên mà lập danh sách ứng cử viên, để Hội đồng nhân dân cấp mình bầu Hội thẩm Cách thức này thường mang nặng "tính giới, ngành", tính "mặt trận" như đã nói ở trên, nên lực lượng Hội thẩm chủ yếu xuất thân từ công chức đương nhiệm, cán bộ của các đoàn thể v.v., số đại diện cho các nhóm dân cư, cho thôn, ấp hay khu phố rất ít. Nên chăng giao cho cơ sở phường, xã giới thiệu ứng cử viên để bầu làm Hội thẩm theo một tỷ lệ tương xứng với dân số nơi đó? Giải pháp này có thể đảm bảo việc đại diện cho nhân dân của Hội thẩm có sự đồng đều theo địa bàn và việc giám sát của người dân ở cơ sở đối với hoạt động, tư cách, tác phong "quan toà nhân dân" được thường xuyên và chặt chẽ hơn.

- Một thực tế về tổ chức là hiện nay ai có nhiệm vụ và quyền hạn chính thức quản lý đội ngũ Hội thẩm vẫn chưa được quy định đầy đủ. Chúng tôi cho rằng, phàm Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm thì cũng nên để họ trực thuộc Hội đồng nhân dân, báo cáo về hoạt động và chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử thì mới hợp lý và mới mong tạo được hậu thuẫn cho sự bình đẳng và độc lập của Hội thẩm khi ngồi xét xử với Thẩm phán. Nên quy tụ Hội thẩm vào Ban Hội thẩm có Trưởng ban lãnh đạo, phân công các Hội thẩm dự xét xử theo yêu cầu của Chánh án. Giải pháp thứ hai xin đề xuất là đưa lực lượng Hội thẩm cho cơ quan tư pháp - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp quản lý để tiện cho việc phân công công tác, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đãi ngộ vật chất. Cách thức này có thể có tính thuyết phục hơn, bởi vấn đề quản lý Toà án địa phương về mặt tổ chức đang là một chức năng của cơ quan tư pháp. Tất nhiên, để đi đến quyết định ủng hộ giải pháp nào trên đây chúng ta còn phải tính đến khía cạnh tố tụng, thẩm quyền của mỗi cơ quan Nhà nước và sự thống nhất quyền lực Nhà nước, song việc kiện toàn tổ chức cho lực lượng gần 10.000 Hội thẩm không cho phép chúng ta chần chừ lâu nữa. Và có giải quyết dứt điểm vấn đề tổ chức quản lý thì mới có đầu mối có trách nhiệm cụ thể để thường xuyên giám sát hoạt động, chất lượng công tác của Hội thẩm tiến hành kịp thời việc khen thưởng hoặc kỷ luật đối với họ.

b. Vấn đề kiêm nhiệm và chuyên nghiệp.

Với chế định Hội thẩm tiến hành việc tố tụng sơ thẩm tại Toà án thì việc xét xử ở đây có tính bán chuyên nghiệp. Nếu coi xử án là hoạt động nghề nghiệp đặc biệt liên quan đến sinh mệnh con người, đến các quyền nhân thân và vật chất quan trọng của cá nhân và tổ chức thì có nên tiếp tục duy trì sự kiêm nhiệm trong xét xử án hay không? Chúng tôi cho rằng nếu chuyên nghiệp hoá ngay hoạt động xét xử của Hội thẩm là việc làm ngoài khả năng hiện nay. Vì nó sẽ liên quan đến biên chế, tiền lương, đào tạo...v..v. Nhưng có thể giải quyết vấn đề bằng tăng hoặc dành hẳn một lượng thời gian cụ thể cho Hội thẩm để nghiên cứu hồ sơ án và ngồi xét xử, bằng các khoá huấn luyện nghiệp vụ, chuyên môn, bằng tiến hành các cuộc họp để quyết định những vấn đề phát sinh trong công tác của tổ chức Hội thẩm.v..v. Nghĩa là từng bước đưa hoạt động xét xử của Hội thẩm lên trình độ chuyên nghiệp chứ không phải là chuyên nghiệp hoá tổ chức Hội thẩm

 

c. Về các tiêu chuẩn của Hội thẩm

- Để đảm bảo Hội thẩm tham gia xét xử có hiệu quả và chất lượng, điều tự nhiên phải nghĩ đến đầu tiên trong hệ thống tiêu chuẩn là trình độ học vấn về văn hoá, pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn. Điều đáng mừng là chừng 10 năm lại đây chúng ta đã mở rộng các hình thức đào tạo kiến thức chuyên môn, trong đó có ngành luật nên số người có bằng cấp ngày một nhiều. Do vậy, việc giới thiệu người có trình độ chuyên môn về pháp luật để bầu vào Hội thẩm khá thuận lợi, đặc biệt là bầu Hội thẩm cho Toà án nhân dân cấp tỉnh thành và cho Toà án nhân dân Tối cao. (Thí dụ trong số 95 Hội thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì gần 50% có trình độ từ trung cấp cho đến cao học luật). Nhưng vấn đề ở chỗ là chúng ta cần đặt yêu cầu trình độ pháp luật của Hội thẩm thành tiêu chuẩn bắt buộc, nhất là đối với Hội thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố ngay từ nhiệm kỳ tới đã được chưa?. Theo chúng tôi là cần phải nêu ra để các địa phương, các cấp, các ngành và cả những ai có nguyện vọng tham gia Hội thẩm chuẩn bị và phấn đấu. Vì cần phải chấm dứt tình trạng người tham gia "cầm cân nẩy mực" ở Tòa án lại không nắm vững các chuẩn mực pháp lý.

- Một vấn đề khác chúng tôi xin được đề cập là giới hạn tuổi tác của Hội thẩm cũng cần có sự quy định và thống nhất. Thực tế có một số trường hợp gánh nặng tham gia xét xử dồn vào các "lão tướng" Hội thẩm là cán bộ hưu trí đến mức như là lạm dụng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các vị và đến chất lượng xét xử. (Tuổi trung bình của các Hội thẩm ở Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gần 50). Vì xử án là một công việc nặng nhọc, phức tạp, cần huy động nhiều công sức, trí tuệ và thời gian (có phiên toà kéo dài liên tục 7 - 10 ngày), không thể coi là công việc của người về hưu. Nếu ấn định tuổi tối thiểu của Hội thẩm là 30 và tối đa không quá 70 mới hợp lý và tương xứng.

 

- Và chúng ta cũng cần nghĩ tới số nhiệm kỳ mà một người có thể tham gia hoạt động Hội thẩm có cần khống chế không? Theo chúng tôi thì không nên khống chế. Một người tham gia nhiều khoá Hội thẩm thì càng tích được nhiều kinh nghiệm, chất lượng công tác xét xử sẽ được nâng cao hơn, cần phải được tiếp tục tái cử nếu còn nguyện vọng. Và vấn đề quyết định là người được đề cử có đầy đủ tiêu chuẩn theo luật định, được tín nhiệm thì không có duyên cớ gì để khống chế số nhiệm kỳ mà không bầu họ làm Hội thẩm

- Để đảm bảo sự ổn định về đội ngũ và chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm nên hoàn chỉnh các quy định về việc miễn nhiệm và bãi nhiệm đối với họ. Bởi vì việc thực hiện Điều 28 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân hiện nay bộc lộ một số hiện tượng đáng chú ý. Đặc biệt quy định của khoản 1 Điều 28 đã viện dẫn trên đây rất tuỳ nghi, nên một số Hội thẩm đã tận dụng để "khắc nhập, khắc xuất" một cách khá thoải mái, dễ dàng đối với tổ chức của mình. Việc bầu được một Hội thẩm rất công phu và ai cũng mong muốn người được bầu hoạt động trọn vẹn trách nhiệm và thời hạn. Nhưng một số vị Hội thẩm vừa được bầu mấy tháng lại đưa đơn xin miễn nhiệm với những "lý do khác" như để gia nhập Đoàn Luật sư, để đi hoạt động tư vấn pháp luật... gây khó xử cho Hội đồng nhân dân, vì phải đưa ra kỳ họp để biểu quyết cho thôi và bầu thế vào đó những Hội thẩm mới. Bác đơn của họ cũng khó, do chỗ Pháp lệnh cho phép miễn nhiệm ngoài vì lý do sức khoẻ còn vì "lý do khác" bất kỳ rất rộng rãi. Để khắc phục tình trạng này, nên chăng phải cụ thể hoá các trường hợp cho phép người Hội thẩm được xin miễn nhiệm? Chính ở điều này là thước đo sự cố gắng, sự kiên nhẫn khắc phục khó khăn cá nhân để đi đến cùng quãng đường mà đại diện của nhân dân đã tín nhiệm bầu mình - một thành tố trong tiêu chuẩn về phẩm chất của Hội thẩm

- Chúng ta có thể nêu bổ sung thêm một số tiêu chuẩn khác đối với Hội thẩm để yên tâm về chất lượng hoạt động xét xử của họ, nhưng chúng ta cũng nên nghĩ phản đề về quyền lợi mà hiện nay Nhà nước đang quy định cho Hội thẩm hưởng. Đó là sự đãi ngộ chưa tương xứng cả về mặt vật chất lẫn mặt tinh thần. Suy nghĩ như vậy thì dường như sẽ có sự thông cảm hơn, dừng bước hơn khi chúng ta định nêu thêm ra những đòi hỏi nữa đối với các "quan toà ngoài biên chế" này. Cho nên trong nội dung của việc hoàn thiện chế định Hội thẩm dứt khoát phải có vấn đề hoàn chỉnh và nâng cao quyền lợi của Hội thẩm

d. Một quy chế hoạt động và một cơ chế giám sát.

- Sở dĩ hoạt động của Hội thẩm hiện nay chưa thật chặt chẽ và nền nếp ngoài các lý do về tổ chức, về trình độ...còn vì thiếu một quy chế cụ thể. Đã đến lúc chúng ta phải cụ thể hoá các quy định chung của Hiến pháp, của các đạo Luật, Pháp lệnh về Hội thẩm thành một Quy chế hoàn chỉnh, làm nền tảng ổn định, nhất quán cho tổ chức và hoạt động của đội ngũ không nhỏ gồm gần 10.000 người xét xử nghiệp dư hiện nay.

- Liên quan đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử của Hội thẩm là cơ chế giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm. Những công việc này vẫn hầu như đang bỏ ngỏ hoặc nơi nào có tiến hành làm thì cũng không thành quy củ và cũng không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối tổ chức và chịu trách nhiệm quản lý. Hàng năm, ngành Toà án, ngành Tư pháp thường tổ chức họp tổng kết công tác, hàng nửa năm Hội đồng nhân dân các cấp có tổ chức kỳ họp nhưng rất ít khi đề cập công tác Hội thẩm nói gì đến những cuộc Hội thảo, Hội nghị hay nghiên cứu căn cơ về tổ chức, chất lượng và hiệu quả hoạt động của họ. Vậy thì cơ quan nào sẽ làm những công việc trên? Chính Đề tài "Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam" do Bộ Tư pháp chủ trì đang đưa ra những lời giải đáp.

Không ai phủ định sự cần thiết, tính chất dân chủ và những hiệu quả của chế định Hội thẩm trong xét xử sơ thẩm các loại án ở Toà. Thế nhưng hơn 50 năm nhìn lại, lúc này chúng ta nhận thấy tổ chức, quản lý, hoạt động, chất lượng xét xử của Hội thẩm và các chế độ đãi ngộ đối với họ còn lỏng lẻo, sơ sài. nếu không muốn nói là phần nào đang thả nổi. Cho nên việc nghiên cứu, tìm giải pháp để gấp rút hoàn thiện chế định Hội thẩm phải là vấn đề nghị sự bức xúc trong công cuộc cải cách tư pháp của nước ta hiện nay./.

 

đổi mới chế định Hội thẩm

nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án

TS. Nguyễn Tất Viễn

I. Hội thẩm tham gia xét xử - một chế định pháp luật thể hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong hoạt động tư pháp.

Hơn mười năm qua, kể từ khi công cuộc đổi mới được tiến hành thì vấn đề cải cách bộ máy Nhà nước, trong đó có cải cách tư pháp đã được đặt ra và thực hiện từng bước có kết quả.

Trong cải cách tư pháp thì đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân là một nội dung rất quan trọng bởi vì toà án là một cơ quan giữ vị trí "trung tâm" trong hệ thống các cơ quan tư pháp, nơi thể hiện kết quả hoạt động cuối cùng hệ thống tư pháp. Trong khi đó, hệ thống tư pháp được coi như là một bộ phận hợp thành của hệ thống kiểm tra xã hội(1) để duy trì trật tự và kỷ cương xã hội. Bởi lẽ xã hội không thể củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức và trật tự của mình nếu không buộc mọi hoạt động của các thành viên trong xã hội tuân thủ các quy tắc, và các yêu cầu nhất định. Như vậy, hệ thống tư pháp vừa là một bộ phận kiểm tra xã hội, vừa là một bộ phận quyền lực Nhà nước nằm trong các khâu tạo thành hệ thống kiểm tra xã hội thông qua Nhà nước. Toà án, với tính cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp lại càng thể hiện rõ đặc điểm này. Để hoạt động có hiệu quả, toà án phải tổ chức một cách hợp lý nhất sao cho xã hội có điều kiện giám sát hoạt động này một cách thường xuyên và có hiệu quả. Đó là một trong những lý do cần có đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Toà án.

Toà án, đặc biệt là Thẩm phán - những người làm nhiệm vụ xét xử chuyên nghiệp, coi việc xét xử là một "nghề", họ phán quyết những vấn đề liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm, lợi ích của con người, những vấn đề liên quan đến toàn xã hội. Để mục tiêu đó đạt được trong hoạt động xét xử, ngoài các biện pháp về tổ chức kỹ thuật, tố tụng khác nhau thì cần phải có sự giám sát nói chung từ phía nhân dân mà trực tiếp là những người tham gia vào xét xử - các Hội thẩm.

Nếu như coi nguyên tắc xét xử công khai là sự kiểm tra có tính chất tổng thể, chung nhất của xã hội đối với hoạt động xét xử của Toà án thì nguyên tắc Hội thẩm tham gia xét xử là sự kiểm tra trực tiếp, cụ thể và từ bên trong của hoạt động này.

Hội thẩm tham gia xét xử sẽ góp phần đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và khách quan của các quyết định của Toà án. Việc kết hợp giữa sự tinh thông của Thẩm phán, những thao tác nhà nghề, kiến thức chuyên môn của họ với sự từng trải, kinh nghiệm sống của Hội thẩm, với tiếng nói và hơi thở của cuộc sống sẽ tạo ra những yếu tố loại trừ những hạn chế của Thẩm phán chuyên nghiệp như "định kiến" buộc tội, hay là muốn phán quyết giống như vụ án đã xét xử trước đây. Hội thẩm tham gia xét xử sẽ mang vào phiên toà một bầu không khí "đời thường", một kiểu đánh giá và tiếp nhận các sự kiện và tình tiết của vụ án theo một cách khác, cách của nhứng người không có nếp quen ngồi toà nhiều. Họ mang đến phiên toà những ý niệm, quan niệm đạo đức chung của xã hội, những sự nhận xét, đánh giá chung của các tầng lớp nhân dân về hành vi phạm tội, về tính chất của các tranh chấp dân sự, kinh tế... với những ý niệm công bằng, nghiêm minh, thiện, ác.... Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp thiếu những điểm trên. Uy tín của Toà án không phải chỉ do các Thẩm phán chuyên nghiệp tạo nên, mà là có sự đóng góp lớn lao của Hội thẩm trong đó. Vấn đề là ở chỗ, Hội thẩm tham gia vào sẽ làm tăng thêm niềm tin nội tâm của Thẩm phán, làm cho họ quyết đáp "có lý" và "có tình", và đạt đến mức "thấu tình" "đạt lý".

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà chế định Hội thẩm đã được hình thành ngay từ những năm đầu của chế độ dân chủ nhân dân, thể hiện đậm nét tính chất nhân dân của nền tư pháp mới.

Trong quá trình phát triển của Toà án nhân dân ở nước ta, chế định Hội thẩm ngày càng được hoàn thiện, và được bảo đảm bằng các nguyên tắc Hiến định như: Việc xét xử ở Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia; Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số v.v..

Như vậy, tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong hoạt động của Toà án đã được pháp luật hoá một cách đầy đủ. Đó là một yêu cầu có tính khách quan của một nền tư pháp mới của dân, do dân và vì dân. Có thể nói bản chất nhân dân, tính chất dân chủ của Toà án ở chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở việc các công chức tư pháp tận tuỵ, hết lòng với nhân dân mà còn thể hiện đậm nét ở việc huy động ngày càng đông đảo quần cúng nhân dân tham gia và kiểm tra, giám sát công tác xét xử. Hội thẩm, vì vậy cũng chính là một chế định phù hợp với tư tưởng của V.I Lê nin là "Bản thân chúng ta phải tự mình xét xử, toàn thể công dân không trừ một ai đều phải tham gia vào việc xét xử và quản lý đất nước" (1). Tức là nhằm làm cho tất cả những người lao động, một khi đã làm xong tám tiếng đồng hồ trong "nhiệm vụ" sản xuất rồi, thì còn đảm nhiệm được "không công" những chức vụ Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ "Nhà nước phải phat huy quyền dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc của Nhà nước (2). Chính vì vậy, các cuộc cải cách lớn của Nhà nước ta trên lĩnh vực tư pháp cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của toà án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra, giám sát, hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Và do vậy có thể nói chế định Hội thẩm còn thể hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà Nghị quyết của Đảng ra đã đề ra và đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

II. Hội thẩm - một chế định pháp luật đòi hỏi phải được tiếp tục đổi mới

Lịch sử phát triển của nền tư pháp nước ta từ năm 1945 đến nay cho thấy Hội thẩm giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động xét xử của Toà án. Đội ngũ Hội thẩm qua nhiều thế hệ đã cùng với các Thẩm phán luôn luôn đứng trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý. Sự hiện diện của Hội thẩm trong xét xử, kết quả hoạt động của họ đã khẳng định rằng nhân dân có thể và cần phải có tiếng nói của mình trong hoạt động tư pháp. Sự tham gia tích cực và có hiệu quả của Hội thẩm đã tôn vinh thêm vị trí, vai trò và uy tính của Toà án trong chế độ ta.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba (Khoá VII) đề ra là phải nâng cao chất lượng của Hội thẩm thì nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến Hội thẩm càng khó khăn, đòi hỏi phải có những sự cải tiến nhất định về chế độ bầu, cử, cơ chế tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của Hội thẩm để họ có thể tham gia một cách đích thực và có hiệu quả vào việc xét xử với tính cách là những "thẩm phán không chuyên".

Việc đổi mới chế định Hội thẩm còn là một yêu cầu khách quan. Không thể nói đến cải cách tư pháp mà không nói đến cải cách toà án; không thể nói đến cải cách toà án mà lại bỏ qua vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội thẩm.

Trong quá trình nghiên cứu về chế định Hội thẩm, chúng tôi thấy có thể nêu ra một số nội dung như sau:

Trước hết, cần bàn về việc Hội thẩm thực hiện nguyên tắc khi xét xử, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Pháp luật của Nhà nước ta quy định cho Hội thẩm có một quyền năng rất lớn, đó là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử.

Muốn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và thực sự ngang quyền với Thẩm phán thì ngoài những yêu cầu về đạo đức cũng như kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống phong phú, Hội thẩm phải có một trình độ chuyên môn và nghiệp vụ nhất định về pháp luật. Nhưng nếu chỉ mang những kiến thức chuyên môn của các ngành nghề khác và kinh nghiệm cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của cộng đồng vào trong quá trình xét xử thì liệu đã bảo đảm thật sự cho nguyên tắc độc lập và ngang quyền chưa, hay sự độc lập đó còn mang nặng nhận thức cảm tính và sự ngang quyền cũng chỉ là tương đối? Nói như vậy không có nghĩa là tất cả đội ngũ Hội thẩm đều hạn chế về mặt này. Mặt khác, có lẽ pháp luật, hay bản thân nền tư pháp XHCN cũng không đòi hỏi tuyệt đối người Hội thẩm phải có tiêu chuẩn chuyên môn và nghiệp vụ như Thẩm phán. Vì nếu như vậy thì thà đưa tất cả Thẩm phán ra ngồi xét xử sẽ tốt hơn. Vấn đề là ở chỗ "Phiên toà sơ thẩm không phải là hội thảo khoa học" của các nhà chuyên môn để tranh luận với nhau về học thuật mà nó phải giải quyết những vấn đề về lợi ích và số phận con người và vì vậy, nó cần đến đại diện cho công chúng phán xét cùng với những người xét xử chuyên nghiệp. Với đặc điểm truyền thống tổ chức và hoạt động của nền tư pháp Việt Nam hơn 50 năm qua và những đóng góp tích cực của hàng vạn Hội thẩm trong khoảng thời gian dài đó, cùng với việc phát huy, mở rộng quyền dân chủ của công dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc duy trì tiếp tục chế định Hội thẩm là rất cần thiết vì nhân dân cần thiết phải có đại diện của mình vào hoạt động xét xử.

Nhưng sự tham gia đó của Hội thẩm ở mức độ nào là cần thiết và phù hợp với những yêu cầu chung cuả hoạt động tư pháp?

Theo chúng tôi, để vừa bảo đảm sự tham gia của đại diện nhân dân vào hoạt động xét xử của Toà án, vừa bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhất mục tiêu của hoạt động tư pháp, vẫn tiếp tục duy trì sự tham gia của Hội thẩm nhưng với thành phần không phải đa số như hiện nay mà giống như ở Toà kinh tế và hành chính, nên để một Hội thẩm tham gia ở các phiên toà sơ thẩm hình sự và dân sự. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng số lượng Thẩm phán chuyên nghiệp lên (trong lúc biên chế Nhà nước đang đòi hỏi phải giảm đi). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nếu vì mục tiêu nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp thì chúng ta cần phải thực hiện những biện pháp hợp lý và thiết thực dù có gặp khó khăn trước mắt.

2. Nếu tiếp tục duy trì chế định hội thẩm (dù có một hay hai thành viên tham gia xét xử sơ thẩm) thì một loạt vấn đề cần phải giải quyết trước mắt cũng như lâu dài, đó là:

a/ Về tiêu chuẩn lựa chọn làm Hội thẩm: Trước hết và chủ yếu là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và tư cách đạo đức, sau đó là tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ ở mức cần thiết. Làm thế nào để với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đó, kết hợp với kinh nghiệm cuộc sống và đại diện cho ý nguyện của cộng đồng, người Hội thẩm sẽ phát huy tác dụng cao, không làm giảm lòng tin của mọi người vào công lý. Có lẽ trình độ tối thiểu của Hội thẩm về chuyên môn phải là sơ cấp pháp lý, đồng thời được huấn luyện ngắn về nghiệp vụ xét xử, trong đó cần đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ tự đạo tạo tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ hội thẩm. Và vì vậy, họ cần được cơ quan tư pháp hay toà án cung cấp trang bị những văn bản pháp luật cập nhập hay sách báo pháp lý trong giới hạn cần thiết đối với họ.

b/ Từ đây lại đặt ra vấn đề cơ quan nào quản lý toàn diện Hội thẩm các TAND địa phương? Toà án, tư pháp hay Mặt trận Tổ quốc? Chúng tôi cho rằng hợp lý hơn cả là giao cho cơ quan tư pháp - mà trực tiếp là Toà án các cấp theo uỷ quyền của Bộ Tư pháp quản lý đội ngũ Hội thẩm một cách toàn diện vì hiện nay, tuy Luật tổ chức TAND 1992 đã quy định Bộ Tư pháp quản lý các TAND địa phương về tổ chức tức là đã có nhiệm vụ quản lý đội ngũ Hội thẩm nhưng việc hướng dẫn thi hành chưa cụ thể nên trong thực tế còn vướng mắc.

c/ Ngoài ra, một số vấn đề thuộc về chính sách, chế độ như trang phục của Hội thẩm cũng đã được đặt ra từ lâu, đã đến lúc phải có biện pháp giải quyết hợp lý. Bản thân các vị Hội thẩm có lẽ cũng không đòi hỏi trang phục cho mình mà chính sự tôn nghiêm của phiên toà đòi hỏi các thành viên của Hội đồng xét xử có trang phục thống nhất và nghiêm nghị. Bên cạnh đó, thù lao của Hội thẩm cũng là vấn đề cần phải bàn tiếp. Đối với những cán bộ, nhân viên đương chức hiện là Hội thẩm cũng như cán bộ hưu trí thì việc tính toán thù lao chính đáng cho công sức bỏ ra và trách nhiệm tinh thần cũng như vật chất trước pháp luật của họ là điều cần thiết. Tóm lại, khi xem xét chế định Hội thẩm cần có một cách nhìn thực tiễn, khoa học và lịch sử, từ đó mới có thể có được những phiện pháp cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thẩm như Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá VIII) đã nêu.

 

 

thực trạng và giải pháp để tăng cường vai trò của mặt trận tổ quốc việt nam trong tổ chức và hoạt động

của Hội thẩm nhân dân

Nguyễn Văn Pha

Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN

I. vai trò của mặt trận tổ quốc Việt Nam (Tqvn) trong việc tổ chức và hoạt động của hội thẩm nhân dân (HTnd)

Hoạt động của Mặt trận TQVN trong việc giới thiệu, tuyển chọn HTND và phối hợp cùng TAND giúp đỡ HTND hoạt động đã có từ lâu tại Thông tư số 06-TT/LB ngày 9-3-1959 Mặt trận TQVN chính thức có quyền giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu HTND. Song thực chất hoạt động này chỉ đi vào nền nếp và có tính chất ổn định sau khi có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND. Vì thế trong phần này chúng tôi chỉ đi sâu nhấn mạnh và làm rõ thực trạng vai trò của Mặt trận TQVN trong việc giới thiệu, tuyển chọn HTND và phối hợp cùng TAND giúp đỡ HTND hoạt động từ khi có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

1. Mối quan hệ giữa MTTQ với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân

1.1. Trong việc giới thiệu, cử, sử dụng Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao

Điều 30, khoản 1, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND quy định: "Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử theo sự giới thiệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và do Uỷ ban thường vụ Quốc hội miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Ngày 20/5/1994 Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Khoá IX) đã ra Nghị quyết số 209/UBTVQH9 về việc quyết định số lượng Thẩm phán và Hội thẩm TAND tối cao và biên chế của TAND tối cao năm 1994. Nghị quyết này quy định Tổng số Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao là 20 người.

 

Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và HTND và Nghị quyết nói trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/4/1995 TAND tối cao đã có công văn số 78/TCCB gửi Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đề nghị Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Ngày 29/12/1995 Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã tổ chức cuộc họp liên tịch với đại diện Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện TAND tối cao để bàn việc lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND về tiêu chuẩn HTND TAND tối cao, sau khi hiệp thương với các cơ quan, tổ chức hữu quan, Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã lựa chọn danh sách gồm 20 vị để đề nghị Uỷ ban thương vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000. Ngoài những tiêu chuẩn chung về đạo đức phẩm chất, một điểm đáng nói là về trình độ văn hoá, chuyên môn của những người được giới thiệu được MTTQ rất chú trọng. Theo thống kê, trong số 20 vị được Trung ương Mặt trận TQVN giới thiệu có 1 người tiến sĩ, 5 người là phó tiến sĩ, 13 người là kỹ sư, cử nhân, chỉ có 1 người có trình độ trung cấp.

Theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận TQVN, ngày 17/1/1996 Uỷ ban thường vụ Quốc hội (khoá IX) đã ra Nghị quyết số 295/NQ-UBTVQH cử 20 vị làm HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000.

Sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã phối hợp với TAND tối cao tổ chức cuộc gặp mặt các vị HTND để công bố Nghị quyết đồng thời bước đầu phổ biến cho các vị HTND những quy định của pháp luật về nhiệm vụ quyền hạn của HTND. Sau đó, TAND tối cao đã có các cuộc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các vị HTND. Các kỳ tổng kết công tác hàng năm của TAND tối cao đều có mời các vị HTND tham dự.

Một điểm đáng chú ý là từ khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử HTND TAND tối cao nhiệm kỳ 1996-2000 đến nay đã gần 3 năm nhưng chưa có vị Hội thẩm nào được tham gia xét xử vì từ đó đến nay TAND tối cao chưa xét xử một vụ sơ chung thẩm nào.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã nêu rõ: "Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Bỏ thủ tục xét xử sơ chung thẩm của TAND tối cao và TAQS trung ương. Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng". Nếu tới đây những đạo luật về tố tụng được sửa đổi theo đường lối cải cách tư pháp của Nghị quyết 3 thì việc cử HTND TAND tối cao là không cần thiết nữa.

1.2. Trong việc giới thiệu, bầu, sử dụng HTND TAND địa phương

Việc giới thiệu và bầu HTND TAND địa phương được thực hiện theo khoản 3, Điều 30, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.

Theo tinh thần của điều luật nêu trên, thì Uỷ ban MTTQ là cơ quan duy nhất được giới thiệu người làm HTND, tức là MTTQ không những có quyền mà còn phải có trách nhiệm chủ động trong việc lựa chọn nhân sự theo đúng các tiêu chuẩn của HTND mà Pháp lệnh đã quy định, để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu HTND.

Thực tiễn trong khi thực hiện điều này (nhiệm kỳ 1994-1999) đã phát sinh một số vấn đề mà chúng tôi thấy cần nêu ra đây nhằm phân tích đề nhận thức một cách đầu đủ hơn quy định trên của Pháp lệnh.

Như trên đã nêu, để chuẩn bị cho việc bầu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994-1999, ngày 10/11/1994 Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1973 hướng dẫn việc bầu cử HTND TAND địa phương.

Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng văn bản hướng dẫn số 1973 nói trên có một số nội dung chưa thể hiện đầy đủ những quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND đối với quyền và trách nhiệm của MTTQ trong việc giới thiệu HTND.

Tại điểm 3 của Bản hướng dẫn viết: "Căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, Chánh án TAND trao đổi ý kiến để Ban thường trực MTTQ, Thường trực HĐND cùng cấp đề nghị các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng tại địa phương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có nguyện vọng làm HTND...".

"... Việc hoàn tất hồ sơ, danh sách trích ngang, thủ tục giới thiệu ra HĐND cùng cấp bầu HTND do Uỷ ban Mặt trận cùng cấp đảm nhận...".

Nếu theo tinh thần của Hướng dẫn nói trên, thì trong việc lựa chọn HTND, vai trò MTTQ chỉ là thứ yếu, thậm chí có thể hiểu, Mặt trận chỉ là cơ quan được phân công làm những việc mang tính thủ tục mà thôi, điều này chưa thể hiện đầy đủ tinh thần của Điều 30-Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND: "Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp ...".

Thông tri số 05/TT-MTTW hướng dẫn quy trình giới thiệu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994-1999 đã hướng dẫn: Căn cứ vào số lượng HTND do Bộ Tư pháp phân bổ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương cần dự kiến giới thiệu số HTND nhiều hơn số lượng được bầu. Trường hợp những HTND nhiệm kỳ trước TAND dự kiến tái nhiệm cũng cần có sự trao đổi, bàn bạc kỹ, nếu còn có ý kiến khác nhau thì đưa ra hội nghị hiệp thương để bàn bạc và quyết định.

 

Mặc dù có những điểm chưa thống nhất trong hai văn bản hướng dẫn của hai ngành nhưng qua thực tiễn của việc lựa chọn giới thiệu HTND nhiệm kỳ 1994-1999 chúng tôi thấy phần lớn các địa phương đã thực hiện tốt việc lựa chọn, giới thiệu HTND. Thường trực Uỷ ban MTTQ các địa phương đã chủ động bàn bạc với lãnh đạo TAND cùng cấp về nhân sự của HTND. Hầu hết là có sự thống nhất cao giữa hai ngành về danh sách HTND kể cả số giới thiệu mới và số tái nhiệm. Rất ít trường hợp cần phải đưa ra hội nghị hiệp thương của Mặt trận để bàn bạc quyết định.

Theo quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND và hướng dẫn của Bộ tư pháp, Mặt trận trung ương đã có hướng dẫn chi tiết để Mặt trận các địa phương lựa chọn giới thiệu người làm HTND. Đặc biệt là vấn đề lấy ý kiến của nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú.

 

Là tổ chức có chức năng vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, Mặt trận TQVN có những ưu thế trong việc tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng. Trong các đạo luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND, vai trò của Mặt trận trong việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét đánh giá các ứng cử viên đã được luật hoá và trên thực tế đã phát huy tác dụng rất tốt. Hơn ai hết, chính nhân dân nơi người được giới thiệu cư trú là những người gần gũi, có thể nhận xét đánh giá một cách sâu sắc về đạo đức, phẩm chất của người được giới thiệu, mối quan hệ của người đó và gia đình họ với nhân dân địa phương, xem họ có xứng đáng là người đại diện cho nhân dân tham gia các công việc của Nhà nước hay không.

Việc hướng dẫn các địa phương lấy ý kiến nhân dân đối với người được giới thiệu làm HTND nhằm giúp cho Thường trực Uỷ ban MTTQ có những thông tin chuẩn xác về tư cách, đạo đức, mối liên hệ với quần chúng của người được giới thiệu, từ đó có cơ sở để hiệp thương giới thiệu người đó làm HTND.

Theo hướng dẫn của Mặt trận trung ương, về cơ cấu, việc giới thiệu chủ yếu là những người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận và người đang công tác tại cơ quan Uỷ ban MTTQ địa phương, ngoài ra cần lưu ý hiệp thương lựa chọn ở các ngành như y tế, giáo dục, lao động, tài chính, người trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số ở vùng có nhiều dân tộc ít người, người ngoài Đảng ...

Việc lựa chọn cơ cấu HTND thuộc các thành phần như trên là một việc làm có tính chất truyền thống lâu nay của MTTQ. Bố trí HTND theo ngành, theo giới như vậy sẽ đảm bảo khi có những vụ án mà bị cáo hay đương sự thuộc các ngành giới nào thì có HTND có hiểu biết sâu về ngành giới đó tham gia xét xử cùng TAND. Tuy nhiên để thực sự có những HTND có khả năng tham gia những vụ án mà họ có hiểu biết sâu về chuyên môn thì còn phụ thuộc vào việc sử dụng HTND của TAND.

Vấn đề hiệp thương giới thiệu HTND

Chúng tôi muốn nói sâu hơn về vấn đề này vì Hiệp thương là một trong những nguyên tắc đặc thù trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong thực tiễn đã phát huy tác dụng rất tốt.

Theo hướng dẫn của Mặt trận trung ương, trước 15 ngày phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Mặt trận phải có danh sách chính thức để đưa ra Hội nghị hiệp thương. Việc lập danh sách có được sau khi có sự thoả thuận sơ bộ giữa Thường trực Uỷ ban MTTQ với lãnh đạo cơ quan, tổ chức có người được giới thiệu.

Hội nghị hiệp thương do Ban thường trực Uỷ ban MTTQ cấp giới thiệu HTND tổ chức và chủ trì. Thành viên chính thức bao gồm đại diện các tổ chức thành viên thành viên của Mặt trận, cơ quan Nhà nước được phân bổ người giới thiệu, đại diện TAND, đại diện Sở Tư pháp. Ngoài ra, hội nghị còn mời đại diện Hội đồng nhân dân, Ban tổ chức chính quyền cùng cấp dự.

Chương trình và thủ tục hội nghị hiệp thương giới thiệu HTND cũng tương tự như hội nghị hiệp thương giới thiệu đại biểu dân cử. Những người được đa số thành viên hội nghị hiệp thương biểu quyết tín nhiệm sẽ được đưa vào danh sách để Hội đồng nhân dân bầu. Danh sách trích ngang cùng hồ sơ của những người đã được hội nghị hiệp thương của Mặt trận tín nhiệm giới thiệu làm HTND sẽ được Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chuyển sang Hội đồng nhân dân cùng cấp trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân 5 ngày.

Theo báo cáo của MTTQ các địa phương, trong việc giới thiệu HTND TAND địa phương nhiệm kỳ 1994 – 1999, các địa phương chủ yếu giới thiệu tròn số làm HTND (bằng số lượng do Bộ Tư pháp ấn định) và hầu hết số người được giới thiệu đều được HĐND cùng cấp bầu trúng.

Sau khi HĐND bầu ra đội ngũ HTND cùng cấp, việc tiếp theo là gặp gỡ, tập huấn nghiệp vụ, trang bị tài liệu nghiệp vụ...cho HTND, nhiệm vụ này chủ yếu là do TAND các cấp đảm nhận.

Vấn đề hoạt động của Hội thẩm nhân dân

Qua khảo sát ở một số địa phương, hầu hết HTND trong nhiệm kỳ đều được TAND mời tham gia công tác xét xử.

TAND tỉnh Nam Định là nơi có nền nếp tốt trong việc sử dụng HTND. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tất cả các HTND đã được mời tham gia công tác xét xử. Trung bình mỗi năm có từ 500 đến 700 lượt HTND tham gia công tác xét xử. Uỷ ban MTTQ tỉnh Nam Hà trước đây và hiện nay là Nam Định có quan hệ tốt với TAND tỉnh trong việc giám sát, tạo điều kiện cho HTND làm nhiệm vụ. Nhiều HTND thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với MTTQ về tình hình tham gia công tác xét xử, về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một địa phương có hoạt động HTND tốt. Khác với hầu hết các tỉnh mà chúng tôi được biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có cách làm khá độc đáo. Theo khảo sát, chúng tôi nắm được: Những người được HĐND bầu làm HTND TAND tỉnh nhiệm kỳ 1994 - 1999 đã tự tổ chức thành Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh. Đoàn đã bầu ra Ban lãnh đạo gồm một trưởng đoàn và hai phó đoàn. Xét về căn cứ pháp lý thì đây có thể có vấn đề còn phải tranh cãi. Song nếu nhìn nhận từ thực tiễn thì đây lại là vấn đề rất đáng để nghiên cứu.

Điều 2 của bản "Một số quy định của Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" đã viết: "Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh đặt dưới sự theo dõi, giúp đỡ chung về mọi mặt của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, chịu sự giám sát của Thường trực MTTQ tỉnh và chịu sự phân công làm nhiệm vụ xét xử, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ của TAND tỉnh trong suốt nhiệm kỳ". Văn bản nói trên là cụ thể hoá các quy định hiện hành của pháp luật về HTND trừ vấn đề xây dựng quỹ của Đoàn (mỗi người 5.000 đ/tháng). Theo nhận xét chung của lãnh đạo một số cơ quan hữu quan, từ ngày thành lập, hoạt động của Đoàn HTND tỉnh rất có nề nếp. Một số vụ án sau khi xét xử còn nhiều dư luận nhân dân không đồng tình đã được toàn Đoàn nghiên cứu nghiêm túc và có văn bản chung kiến nghị đối với TAND và Viện kiểm sát nhân dân giải quyết theo thẩm quyền. Những đề xuất, kiến nghị về chế độ đối với HTND, việc sơ kết, tổng kết của Đoàn hoàn toàn do ban lãnh đạo Đoàn đảm nhiệm và được Hội đồng nhân dân, Uỷ ban MTTQ và TAND tỉnh đồng tình.

Còn khá nhiều vấn đề đáng chú ý nữa mà chúng tôi cho rằng đây là một sáng tạo khá mạnh dạn của Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng trong khuôn khổ bài viết này chưa thể nêu hết được.

Nếu vấn đề này của Bà Rịa - Vũng Tàu được nghiên cứu một cách thấu đáo, chúng tôi nghĩ sẽ rất bổ ích cho các nhà lập pháp trong việc đi tìm lời giải cho câu hỏi: làm thế nào để hoạt động của HTND thực sự chất lượng không hình thức như hiện nay.

Trở lại vấn đề sử dụng HTND. Chúng tôi được biết, một số Toà án, do nhiều lý do khác nhau, thường không mời đúng HTND có thành phần, khả năng chuyên môn phù hợp với vụ việc cần giải quyết, điều đó phần nào hạn chế đến vai trò của HTND trong việc tham gia công tác xét xử.

Theo phản ánh của các HTND thông qua MTTQ các cấp chúng tôi được biết phần lớn các Toà án tập trung vào mời những HTND trước đây đã từng công tác trong các cơ quan tư pháp, còn HTND ở các lĩnh vực khác hoặc cư trú ở các địa bàn xa thường ít được mời tham dự các phiên toà. Khi lý giải điều này một số đồng chí lãnh đạo Toà án cho biết: thực tế đội ngũ HTND có trình độ không đồng đều, nhất là sự am hiểu về tố tụng và một số chuyên ngành luật. Việc ít mời HTND ở xa còn có lý do về kinh phí và điều kiện sinh hoạt cho HTND vì hiện nay thù lao cho HTND còn quá thấp, kinh phí và điều kiện làm việc ở nhiều Toà án còn rất khó khăn.

Như vậy vấn đề đặt ra là một mặt phải tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho HTND, đây là trách nhiệm của ngành Toà án và Tư pháp, một mặt cần có những quy định của cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện đầy đủ hơn cho Toà án về kinh phí, điều kiện làm việc để có thể sử dụng một cách nhiều nhất đội ngũ HTND nhằm đạt được mục đích tốt đẹp của chế định HTND sao cho HTND thực sự đại diện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia công tác xét xử của Toà án.

2. Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Qua nhiều năm làm công tác giới thiệu, theo dõi hoạt động của HTND chúng tôi rút ra một số vấn đề sau đây:

2.1. Vấn đề lựa chọn, giới thiệu

Như trên đã nói việc thi hành các quy định pháp luật về việc giới thiệu HTND các cấp (trừ việc giới thiệu HTND tối cao) trong thực tiễn chưa thật đầy đủ. MTTQ các cấp chưa chủ động trong việc lựa chọn nhân sự mà chủ yếu dựa vào danh sách do TAND cùng cấp đưa sang.

Để thực hiện tốt các quy định pháp luật về vấn đề này, theo chúng tôi, nếu quá nhấn mạnh quyền của một cơ quan nào (MTTQ, Tư pháp, Toà án) đều không đúng. Vấn đề cốt yếu là ở chỗ phải có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ giữa các cơ quan trên. Sự phối hợp phải làm sao để MTTQ thực sự là cơ quan giới thiệu chứ không phải như cách làm hình thức lâu nay.

Muốn vậy, Uỷ ban MTTQ, một mặt phải phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các quy định pháp luật về HTND cho các cơ quan và những người dự kiến giới thiệu làm HTND, một mặt phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan TAND cùng cấp để nhận xét, đánh giá hoạt động của HTND nhiệm kỳ trước, rút ra được những mặt mạnh, yếu làm kinh nghiệm cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Lãnh đạo TAND và lãnh đạo Uỷ ban MTTQ phải bàn bạc với nhau từng trường hợp cụ thể (với người dự kiến tái nhiệm), từng cơ cấu cụ thể với người dự kiến bầu mới. Hơn ai hết, chỉ có cơ quan TAND mới là cơ quan biết được những điểm mạnh, yếu của HTND, mới cung cấp được cho MTTQ và HĐND những nhu cầu chính xác về số lượng, cơ cấu trong việc sử dụng HTND. Cũng hơn ai hết, chỉ có MTTQ mới có điều kiện để nhận xét một cách chính xác một người nào đó có thực sự tiêu biểu trong các tầng lớp, bộ phận dân cư hay không, đảm bảo cho người được giới thiệu thực sự đại diện cho nhân dân tham gia công tác xét xử của Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ HTND 1994 - 1999, được sự chỉ đạo sát sao của Mặt trận trung ương, các cấp Mặt trận tỉnh và huyện đều có kế hoạch và tiến hành việc lựa chọn, giới thiệu đúng thời gian luật định. Một số Uỷ ban Mặt trận cấp tỉnh đã cố gắng chủ động trong việc lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để làm HTND. Tuy nhiên, có thể nói hầu hết các Uỷ ban Mặt trận chưa chủ động trong vấn đề này nhất là Mặt trận cấp huyện. Danh sách HTND cấp huyện chủ yếu là do TAND cùng cấp lựa chọn chứ Mặt trận chưa chủ động tìm người.

Những năm trước đây sự phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan Nhà nước nhìn chung còn nhiều hạn chế. Ngoài việc tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác bầu cử đại biểu dân cử, các công việc khác Mặt trận phối hợp với Nhà nước còn khá hình thức. Chính vì thế, mặc dù pháp luật quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của MTTQ trong việc giới thiệu HTND nhưng MTTQ nhiều địa phương chưa phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của mình.

2.2. Quan hệ giữa các ngành trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động.

Thực tiễn hiện nay rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Sau khi HĐND bầu ra HTND, nhiệm vụ của MTTQ và HĐND coi như hoàn thành. Việc tập huấn chuyên môn, sử dụng HTND ra sao là việc của Toà án. Các quy định của pháp luật hiện hành không "giao" cho cơ quan nào theo dõi, giúp đỡ hay quản lý HTND. Quan hệ giữa Toà án với HTND chỉ là quan hệ giữa Toà án với cá nhân người Hội thẩm đó. Chỉ có Toà án là cơ quan duy nhất có thể đánh giá chất lượng chuyên môn và các mặt khác của HTND còn MTTQ và HĐND thì hầu như có rất ít thông tin để nhận xét, đánh giá HTND.

Vậy vấn đề đặt ra là: Cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động. Kinh nghiệm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định rất đáng nghiên cứu trong việc xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật.

Cũng do nhận thức chưa đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giới thiệu, giúp đỡ HTND hoạt động, nên sau khi HĐND cùng cấp đã bầu xong HTND, Mặt trận đa số các địa phương đều rất ít duy trì mối quan hệ với HTND. ở những nơi làm tốt, chúng tôi được biết do lãnh đạo MTTQ ở đây đã xác định được HTND chính là một "kênh" tốt để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động xét xử của cơ quan Toà án nói riêng và hoạt động của các cơ quan Tư pháp nói chung theo Điều 9 - Hiến pháp.

Một số địa phương làm tốt công tác HTND như Nam Địn, Bà Rịa - Vũng Tàu... theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính là có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa MTTQ, HĐND và TAND cùng cấp trong việc tổ chức, giúp đỡ HTND hoạt động.

Nhưng có lẽ chưa có những quy định thống nhất của Nhà nước về quyền và trách nhiệm của các cơ quan đối với HTND cho nên việc thực hiện ở mỗi nơi rất khác nhau. Những nơi làm tốt cũng rất khó lấy đó làm điển hình cho các nơi khác học tập được. Tình hình như vậy đòi hỏi trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần có kế hoạch tổng kết một cách sâu rộng tình hình thực hiện Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND về vấn đề HTND. Từ những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đối chiếu với các quy định của Pháp lệnh để từ đó kiến nghị Nhà nước ban hành, sửa đổi các quy định về HTND để chế định HTND thực sự phát huy tác dụng trong thực tế.

II. một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò của MTTQ trong việc tổ chức và hoạt động của HTND

Để tăng cường vai trò của MTTQ trong việc tổ chức và hoạt động của HTND, chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

1. Thi hành đầy đủ các quy định pháp luật về việc giới thiệu HTND.

Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND đã có những quy định khá chi tiết cho việc giới thiệu HTND, trong đó quy định MTTQ là cơ quan duy nhất được giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để Uỷ ban thường vụ Quốc hội cử làm HTND TAND tối cao và HĐND bầu làm HTND TAND địa phương.

Trách nhiệm của cơ quan MTTQ là phải quán triệt đầy đủ, thấu đáo các quy định đó để chủ động trong việc lựa chọn nhân sự đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để đảm bảo cơ cấu, chất lượng của đội ngũ HTND.

2. Tăng cường phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan hữu quan nhằm giúp đỡ HTND hoạt động hiệu quả

Trong điều kiện các quy định pháp luật hiện hành không chỉ rõ cơ quan nào có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ HTND hoạt động, chúng tôi nghĩ với trách nhiệm trước nhân dân thì Hội đồng nhân dân, TAND, Uỷ ban MTTQ phải là những cơ quan làm nhiệm vụ này. Hội đồng nhân dân cần có quy định để Uỷ ban nhân dân tạo điều kiện một phần về kinh phí, trang bị cho HTND. TAND cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang bị tài liệu và sử dụng HTND một cách tốt nhất nhằm phát huy được khả năng cao nhất của HTND trong công tác xét xử. Uỷ ban MTTQ phải làm tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa HTND với TAND, giữa HTND với HĐND, giữa HTND với nhân dân để HTND vừa là người thay mặt nhân dân tham gia các công việc của Nhà nước vừa góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Hàng năm HĐND, TAND, Uỷ ban MTTQ phải phối hợp sơ kết công tác HTND. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những HTND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phê bình, xem xét bãi nhiệm những HTND không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.

3. Công tác xây dựng pháp luật

Thực tiễn đã cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành về chế định HTND còn nhiều bất cập. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là chưa có những quy định có tính khả thi cao nhằm tăng cường hoạt động một cách thực chất của HTND. Để giải quyết yêu cầu này, một loạt các vấn đề cần được sớm nghiên cứu giải quyết như: vấn đề về tổ chức, về chuyên môn, nghiệp vụ, về chế độ chính sách của HTND, thậm chí cả vấn đề sự cần thiết tiếp tục duy trì nguyên tắc Toà án xét xử có HTND tham gia như hiện nay...

Nhiệm kỳ HTND TAND địa phương 1994 - 1999 sắp kết thúc, chuẩn bị cho nhiệm kỳ HTND khoá mới. Việc Bộ Tư pháp cho tiến hành triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học: "Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân trong cải cách tư pháp ở Việt Nam" là một việc làm rất cần thiết. Nghiên cứu nhỏ này của chúng tôi mong được góp thêm ý kiến làm phong phú cho Đề tài hấp dẫn và bổ ích này./.

 

Mối Quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm

trong xét xử

Trần Quốc Phú

Bộ Tư pháp

Không chỉ có Nhà nước Việt Nam mới quy định việc xét xử của Toà án phải có Hội thẩm tham gia, mà nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước có chế độ chính trị khác nhau, thậm chí còn đối lập nhau cũng quy định việc xét xử của Toà án có Hội thẩm (bồi thẩm) tham gia. Vấn đề này (Bồi thẩm) xin giành lại các Luật gia khác trình bày sâu hơn, phong phú hơn. Trong bài này chúng tôi chỉ xin được trình bày về mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong xét xử của Toà án Việt Nam.

Khi một công dân Việt Nam có đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc bầu làm Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của từng Toà án, thì lúc đó địa vị pháp lý của Hội thẩm (xin được gọi tắt) mới chỉ dược xác định về mặt hình thức. Chỉ khi nào Hội thẩm tham gia xét xử những vụ án cụ thể, thì lúc đó địa vị pháp lý của họ mới được thể hiện một cách hiện thực và đầy đủ rõ nét. Trên cơ sở đó mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm cũng được xác lập thông qua các quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm khi xét xử.

Trong thực tế, có vị Hội thẩm suốt cả nhiệm kỳ, vì lý do nào đó chỉ tham gia xét xử 1 đến 2 vụ án, thậm chí không tham xét xử vụ án nào. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Toà án nơi có Hội thẩm tham gia. Song nhìn về góc độ nghĩa vụ của Hội thẩm thì vị Hội thẩm đó đã không làm tròn "sứ mệnh" của nhân dân giao phó, đó là thay mặt nhân dân tham gia vào công tác xét xử của Toà án và thay mặt nhân dân giám sát việc xét xử cuả Toà án.

Chúng tôi nghĩ rằng, quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm được thể hiện bắt đầu không chỉ ở giai đoạn "ngồi toà xử" mà đã bắt đầu từ ngay giai đoạn "chuẩn bị" (nghiên cứu hồ sơ - xét). Và như vậy, cũng chính từ đây các mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử được xác lập, đồng thời phải được thể hiện một cách bình đẳng và ngang quyền.

Nếu chỉ quan niệm rằng: "Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử" cũng có nghĩa là đã hiểu Hội thẩm chỉ có quyền "một nửa" còn "nửa kia" (giai đoạn xét - nghiên cứu hồ sơ) đã "cố tình" hoặc "vô ý" bỏ qua? Trong khi chúng ta hiểu "xét xử" không chỉ có giai đoạn ngồi toà, mà còn bao hàm cả giai đoạn nghiên cứu hồ sơ...

Cũng với tinh thần nội dung đã phân tích, theo đó các mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán sẽ hoàn chỉnh, hoặc thiếu hụt là do người có thẩm quyền, người có trách nhiệm quyết định để tạo nên hai chiều hướng đó! (ở đây chúng tôi muốn đề cập tới vai trò của Chánh án Toà án nơi có Hội thẩm tham gia, và nghĩa vụ của Thẩm phán chủ tọa phiên toà có Hội thẩm tham gia).

I. Mối quan hệ pháp lý tổ chức giữa Hội thẩm và Thẩm phán trong Toà án nhân dân

Quyền làm chủ và dân chủ của nhân dân ta đã và đang luôn luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cao và biến thành hiện thực trong mọi lĩnh vực quản lý Nhà nước. Trong đó vai trò của nhân dân thực hành quyền làm chủ và dân chủ Xã hội Chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của Toà án, được thể hiện rất rõ trong vai trò, vị trí của Hội thẩm quân nhân và Hội thẩm nhân dân. Bởi vì họ (Hội thẩm) là những nhân vật (yếu tố) cấu thành nên Toà án: Điều 27 Khoản 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân quy định: "Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Hội thẩm nhân dân, thư ký Toà". Điều 32 Khoản 1, Điều 35 Khoản 1 cũng quy định có nội dung tương tự như Điều 27 (Khoản 2) nói về Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự. Điều 129 Hiến pháp 1992 đã xác định: "Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán". Những Điều luật viện dẫn trên đã nói lên đầy đủ mối quan hệ pháp lý tổ chức giữa Hội thẩm và Thẩm phán của Toà án Việt Nam.

II. Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử

1. Giai đoạn nghiên cứu hồ sơ (xét)

Trong giai đoạn này mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm là mối quan hệ đồng nghiệp, mang tính hỗ trợ và hướng dẫn.

Những ai đã và đang làm Thẩm phán luôn khẳng định rằng: Mình là người chuyên nghiệp,bởi được đào tạo qua trường lớp, nên có trình độ chuyên môn vững vàng, lại qua bao lần xét xử, nên có kinh nghiệm. Do vậy Thẩm phán một mặt biết phát huy và đề cao tính độc lập của Hội thẩm mặt khác phải có nhiệm vụ hướng dẫn, bồi dưỡng thực tế về nghiệp vụ cho Hội thẩm Phải thấy rằng: Chất lượng xét xử, kết quả một phiên toà là do trí tuệ, công sức của tập thể Hội đồng xét xử mà có, trong đó vai trò của Hội thẩm là hét sức quan trọng. Hội thẩm còn là người cộng sự, hỗ trợ Thẩm phán, bổ sung những thiếu hụt về chuyên môn mà Thẩm phán không thể có, hoặc không chuyên sâu, để cho phiên toà xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đúng lúc.

Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán trong giai đoạn này được thể hiện cụ thể dưới các hình thức sau:

- Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán mang tính hướng dẫn

+ Cách nghiên cứu hồ sơ như thế nào thì đem lại kết quả chính xác và nhanh (bút lục nào là trọng tâm cần nghiên cứu kỹ? bút lục nào cần phải có sự so sánh đối chiếu với các văn bản pháp luật đã được quy định...).

+ Cách ghi chép, tổng hợp nội dung vụ án như thế nào để ngắn gọn, nhưng đầy đủ và chủ yếu là để phục vụ cho việc thẩm vấn tại phiên toà (qua thẩm vấn xác định tính chính xác hay hợp pháp của các bút lục có trong hồ sơ...).

- Mối quan hệ giữa Hội thẩm và Thẩm phán mang tính chất trao đổi, bổ xung kiến thức, bổ sung các khâu đã tiến hành theo tố tụng còn thiếu

 

+ Giữa Hội thẩm và Thẩm phán lúc này như là mối quan hệ đồng nghiệp trong một đơn vị, gắn bó với nhau trong hoạt động, tác động qua lại lẫn nhau để cùng nhằm tới một mục đích: Chuẩn bị bước lên bục xét xử cho đàng hoàng, chủ động, đầy tự tin và thắng lợi (tất nhiên vẫn phải giữ được tính độc lập tương đối của Hội thẩm cũng như của Thẩm phán).

+ Thẩm phán có thể "khai thác"vốn chuyên môn của Hội thẩm trong lĩnh vực chuyên môn như lĩnh vực khoa học kỹ thuật, về nghệ thuật, mỹ thuật...mà Hội thẩm là người trong nghề đó, đề nghị Hội thẩm giảng giải về mặt thuật ngữ chuyên môn, về kiến thức cơ bản, đại cương... mà bản thân Thẩm phán cũng thấy "mơ hồ" nhằm phục vụ cho việc thẩm vấn, đấu tranh với đối tượng tại phiên toà mà hồ sơ vụ án đòi hỏi Thẩm phán cần phải có sự hiểu biết này ở mức độ nào đó thì mới đạt được chất lượng cao!

+ Hoặc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm phát hiện ra một vấn đề cần trao đổi với Thẩm phán để bổ xung cho đủ, bởi nó cần thiết cho xét xử như: Cho gọi thêm người có liên quan tới vụ án, cho mời thêm nhân chứng, mà trong quá trình làm thủ tục giấy tờ ban đầu, thơ ký hoặc Thẩm phán đã không phát hiện ra do nhiều lý do khách quan và chủ quan tạo nên. Hoặc về chuyên môn, thấy cần phải cho giám định khoa học mới có thể giúp cho việc kết luận của Hội đồng xét xử được chính xác...

+ Giữa Hội thẩm và Thẩm phán có cuộc mạn đàm trao đổi và tiến hành bổ sung những thiếu hụt đó, thực sự là một điều đáng làm và chỉ có lợi, tuy về phương diện nào dó có thể gây ra những phiền toái về thời gian và sức lao động, nhưng nó đem lại hiệu quả cho công tác xét xử của Toà án và chắc chắn rằng, không một Thẩm phán nào lại không chọn con đường "vất vả" này. Vì đó là chân dung đích thực của Thẩm phán.

+ Giữa Hội thẩm và Thẩm phán cùng trao đổi, thống nhất cách thẩm vấn tại phiên toà, thẩm vấn ai, thẩm vấn nội dung gì, thẩm vấn đến đâu, thẩm vấn nhằm mục đích gì, và dự đoán những gì có thể xảy ra trước những câu hỏi của Hội đồng xét xử và câu trả lời của các đối tượng được hỏi...

2. Giai đoạn ngồi toà (xử)

Đây là giai đoạn thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm rõ nhất, đồng thời cũng quan trọng vào bậc nhất.

Bởi vậy, trước nhất chúng ta phải đặc biệt quan tâm chú ý tới những động tác đứng, ngồi, đi lại và những câu hỏi đặt ra, bởi vì sẽ được mọi người trong hội trường xử án chú ý theo dõi, thậm chí còn được truyền đi khắp nước bằng truyền hình.

Không nên và không thể có trường hợp chủ tọa phiên toà thì căng thẳng tới mức tột độ khi đang vận hành tất cả các "vũ khí" đã có để có thể đấu tranh với bị cáo "sừng sỏ" ngoan cố, lại có Hội thẩm ngồi bên cạnh gục đầu xuống bàn xét xử, hoặc mắt thì để nơi trang báo... (những hiện tượng này đã có, và có một vài bài báo đã đề cập).

Ngồi trên ghế xét xử, Hội thẩm phải thể hiện là một thành viên trong Hội đồng xét xử, có trách nhiệm và đầy bản lĩnh, sẵn sàng "hỗ trợ" Thẩm phán, nhắc nhở Thẩm phán trong quá trình thẩm vấn nếu xuất hiện những tình tiết mới, hoặc những tình tiết cũ nhưng quên không thẩm vấn, hoặc vì quá tức giận với tội lỗi và thái độ ngoan cố của bị cáo mà Thẩm phán đã thiếu bình tĩnh để bộc lộ những thiếu sót đáng tiếc...

Giữa Thẩm phán và Hội thẩm phải biết phối hợp chặt chẽ, chuẩn xác, bám sát đề cương thẩm vấn, nhưng lại hết sức linh hoạt, sáng tạo, chủ động, để cuộc thẩm vấn "có hồn" để người nghe ‘vào tai" và cái quan trọng nhất để cho đương sự (bị cáo, nhân chứng, người bị hại...) khi được thẩm vấn thì "tâm phục, khẩu phục". (Xem bài "Nghệ thuật thẩm vấn trong phiên toà hình sự" đăng trong Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 7 năm 1998).

Lại phải biết phối hợp điều hành phiên toà để cho những người tiến hành tố tụng khác tại phiên toà hoàn thành nhiệm vụ của họ theo luật định (đặc biệt là luật sư, thường có sự "khúc mắc", không "vừa lòng" với Hội đồng xét xử, nhất là đối với Thẩm phán, chủ tọa phiên toà.

Đây chính là mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm, phối hợp giữa Thẩm phán và Hội thẩm

Một vấn đề cần lưu ý nữa đó là: Mặc dù Thẩm phán, chủ tọa phiên toà là người chịu trách nhiệm chính trong việc xét xử, mặc dù Thẩm phán nắm chắc nội dung vụ án hơn ai hết và có kinh nghiệm nghề nghiệp hơn Hội thẩm song không vì thế mà "độc quyền" thẩm vấn. Cần có cả một đề cương nghiêm chỉnh dành cho Hội thẩm làm công việc này một cách khoa học, nghiêm túc, không hời hợt hình thức, tôn trọng Hội thẩm cũng có nghĩa là một Thẩm phán giỏi, đầy tài năng và trách nhiệm.

III. Ai quản lý Hội thẩm?

Đối với Hội thẩm quân nhân, vấn đề đặt ra không phức tạp khó khăn. Chúng tôi chỉ xin đề cập tới cơ quan nào quản lý Hội thẩm nhân dân.

Đã có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề ai là cơ quan quản lý Hội thẩm? Điều đó chứng tỏ rằng giới luật gia chúng ta có sự quan tâm đặc biệt từ lâu, nhưng cũng qua đó phát hiện ra sự "bỏ ngỏ" của cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm, đã "sơ xuất" không "nghĩ" tới vấn đề này (vấn đề đặt ra là cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm là ai? là Bộ Tư pháp? là Toà án nhân dân tối cao hay Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc...?

Nhiều luật gia cho rằng: Hội thẩm nhân dân phải do Sở Tư pháp quản lý (đối với Toà án cấp tỉnh, huyện); theo mô hình Bộ Tư pháp quản lý Toà án về mặt tổ chức mà Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân đã quy định. Song, Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao do ai quản lý? Hay cũng lại theo mô hình do Toà án nhân dân tối cao quản lý.

Có luật gia cho rằng, Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, do vậy sẽ do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm nhân dân đó quản lý... Nhưng Hội thẩm nhân dân lại do Mặt trận tổ quốc Việt Nam giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu. Do vậy, nên để Mặt trận tổ quốc nơi đó quản lý, bởi Mặt trận tổ quốc là tập hợp các tổ chức quần chúng rộng rãi nhất, như vậy Hội thẩm nhân dân gần gũi với nhân dân hơn.

Có ý kiến cho rằng, Toà án nào có Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, thì Toà án đó quản lý Hội thẩm nhân dân, như vậy sẽ có nhiều tác dụng trong đó tác dụng quan trọng nhất là bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm nhân dân thì không ai có thể làm tốt bằng Toà án nhân dân... Đồng thời chính Toà án còn đánh giá được trình độ và tư cách, đạo đức, phẩm chất của Hội thẩm nhân dân một cách chuẩn xác, thông qua việc tham gia xét xử của họ. Chúng tôi nghiêng về ý kiến này. Nhưng dù sao đi chăng nữa, chúng tôi cũng mong mỏi sớm có một chuyên đề về vấn đề này, nhằm giải quyết sự tồn tại đáng lẽ ra không thể có và không thể kéo dài cho đến ngày nay!

Vấn đề cuối cùng, chúng tôi xin đề cập đó là:

Việc tuyên án:

Thông thường khi kết thúc thẩm vấn và sau khi nghị án, Chủ tọa phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử công bố bản án (Điều 200 Bộ luật tố tụng hình sự)

Nhưng tại sao lại không để cho Hội thẩm tuyên đọc bản án trong khi Hội thẩm có đủ khả năng này?

Theo chúng tôi, Thẩm phán chủ tọa phiên toà trực tiếp viết bản án, song về mặt pháp lý thì đây là "sản phẩm" của Hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên toà chỉ là người thay mặt Hội đồng xử án công bố bản án mà thôi. Do vậy, nếu thấy không có gì trở ngại, thì nên mạnh dạn giao nhiệm vụ này cho họ, nhất là vị Hội thẩm đó có giọng đọc rõ ràng, mạch lạc và đầy sức thuyết phục... Trong khi Thẩm phán vừa trải qua thời gian vất vả, nặng nhọc điều khiển diễn biến phiên toà, sức khoẻ bị ảnh hưởng, nhất là đối với vụ án kéo dài nhiều ngày. Và như vậy, có thể sửa đổi Bộ luật tố tụng theo hướng một trong các thành viên của Hội đồng xét xử có thể đọc bản án được không?.

Tuyên án là công việc cuối cùng của phiên toà, công việc này hết sức quan trọng. Vì vậy không phải chỉ chú ý tới nội dung bản án, mà còn phải nghĩ tới hiệu quả của việc tuyên án. Thẩm phán nào có nhận thức thật đầy đủ về Hội thẩm thì có lẽ không thể không nghĩ tới việc giao cho một vị Hội thẩm nào đó tuyên án. Có lẽ không thể ngờ tới tính hiệu quả của việc làm đầy ấn tượng này của Thẩm phán.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàn thiện chế định hội thẩm quân nhân trong xét xử của các tòa án quân sự

TS. Trần Văn Độ

Tòa án Quân sự Trung ương

I. Đặt vấn đề

Xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động thực hiện chức năng của Tòa án các cấp ở nước ta. Nguyên tắc này được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức Tòa án cũng như về tố tụng. Hiến pháp năm 1992 quy định "Việc xét xử của Tòa án các cấp có Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán". Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng khẳng định nguyên tắc Hiến định đó.

Nguyên tắc Tòa án xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả của công tác xét xử vụ án của Tòa án các cấp. Nó kết hợp một cách cần thiết tính chuyên nghiệp của Thẩm phán và tính quần chúng của Hội thẩm nhân dân trong giải quyết vụ án; làm cho việc xét xử không những đúng pháp luật mà còn thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân mà Hội thẩm là những người đại diện. Vì vậy, hiệu quả của công tác xét xử đạt được cao hơn, thiết thực hơn; bản án mang tính giáo dục cao hơn.

Việc xét xử của Tòa án có sự tham gia của đại diện quần chúng không chỉ được thực hiện ở nước ta, mà ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, tuỳ theo điều kiện chính trị - xã hội, nguyên tắc tổ chức của cơ quan Nhà nước nói chung và của Tòa án nói riêng mà việc tham gia này cũng có khác nhau (bằng hình thức Bồi thẩm hay Hội thẩm, địa vị pháp lý trong tố tụng...). Vì thế cho nên, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lịch sử phát triển của chế định Hội thẩm, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài... là cần thiết cho việc nghiên cứu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chế định pháp luật này trong hoạt động xét xử của các Tòa án nước ta.

Các Tòa án Quân sự là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trong quân đội. Vì vậy, nguyên tắc Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia cũng là nguyên tắc xét xử của các Tòa án Quân sự. Tuy nhiên, do tổ chức và hoạt động của Quân đội nói chung và của các Tòa án Quân sự nói riêng có những nét đặc thù so với các Tòa án nhân dân, cho nên việc thực hiện nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của các Tòa án Quân sự cũng có những đặc thù riêng cần được nghiên cứu.

Theo chúng tôi, những đặc điểm sau đây của Quân đội và của các Tòa án Quân sự có sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nguyên tắc và Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia trong các Tòa án Quân sự.

Thứ nhất: Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực chuyên chính của Đảng và Nhà nước ta, có nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, nặng nề đó, Quân đội được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ, thống nhất. Là cơ quan xét xử của Nhà nước ta, nhưng các Tòa án Quân sự cũng nằm trong hệ thống tổ chức đó của Quân đội. Vì vậy, việc thực hiện nguyên tắc xét xử của Tòa án Quân sự có Hội thẩm tham gia cũng không thể không chịu tác động của cách tổ chức của Quân đội trong từng thời kỳ khác nhau;

Thứ hai: Là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, tổ chức và hoạt động của Quân đội gắn liền với sự hình thành và phát triển của Nhà nước, với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng của nước ta. Hoạt động xét xử của các Tòa án quân sự nói chung và các tổ chức hoạt động xét xử đó (trong đó có việc tham gia của Hội thẩm quân nhân trong xét xử) cũng chịu ảnh hưởng lớn của nhiệm vụ Quân đội trong từng thời kỳ cách mạng;

Thứ ba: Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị đặt ra, các đơn vị quân đội thường xuyên có sự biến động về tổ chức, sự thay đổi về địa bàn đóng quân, cán bộ luôn có sự luân chuyển.v.v... Trong khi các Tòa án Quân sự được tổ chức chủ yếu theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Những yếu tố đó tác động rất lớn tới việc thực hiện các quy định của pháp luật về sự tham gia của Hội thẩm quân nhân (HTQN) trong hoạt động xét xử của Tòa án Quân sự;

Thứ tư: Khác với các Tòa án nhân dân, các Tòa án Quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự. Ngoài việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, các Tòa án Quân sự không có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.v.v... Hơn ở đâu hết, thủ tục xét xử các vụ án hình sự phải được quy định chặt chẽ, cụ thể và phải được tuân thủ nghiêm chỉnh. Vấn đề HTQN cũng không nằm ngoài phạm vi đó.

II. Các quy định của pháp luật nước ta về chế định hội thẩm quân nhân trong xét xử của các Tòa án quân sự.

1. Các quy định về HTQN trước khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986.

Các Tòa án Quân sự nước ta được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước ta. Ngày 13/9/1945, tức chỉ sau khi tuyên ngôn độc lập có 10 ngày, Hồ Chủ Tịch đã thay mặt Hội đồng Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 22/SL về thành lập các Tòa án Quân sự để xét xử những người phạm tội phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 5 của Sắc lệnh quy định "Ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm. Ghế Chánh án và một Hội thẩm sẽ do một ủy viên quân sự và một ủy viên chính trị ngồi. Còn ghế Hội thẩm thứ nhì sẽ thuộc về Thẩm phán chuyên môn của Trung ương pháp.

ủy viên quân sự và ủy viên chính trị sẽ do quân đội và ủy ban nhân dân địa phương cử ra, còn viên Thẩm phán chuyên môn của Trung ương pháp sẽ do ông Chưởng lý Tòa thượng thẩm cử ra..."

Các Tòa án Quân sự nêu trên là một dạng Tòa án cách mạng được thành lập ra ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công để trấn áp bọn phản cách mạng, kẻ thù chống phá chính quyền Công - Nông non trẻ.

Cho đến ngày 23/8/1946, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 163 chính thức thành lập Tòa án Binh (tức các Tòa án Quân sự hiện nay). Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 19-SL thành lập các Tòa án Binh ở các khu. Ngày 25/4/1947 Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh 45-SL thành lập Tòa án Binh tối cao. Các Sắc lệnh đó (Điều 5 Sắc lệnh 163, Điều 3 Sắc lệnh 19, Điều 2 Sắc lệnh 45) đều quy định thành phần của các Tòa án Binh bao gồm một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử. Chánh án và một Hội thẩm là quân nhân thuộc cấp chỉ huy do Bộ Quốc phòng bổ nhiệm; một Hội thẩm khác là Thẩm phán Tư pháp do Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, dù thành phần Tòa án (Hội đồng xét xử) có khác nhau, nhưng trong đó vẫn có sự kết hợp giữa Thẩm phán chuyên môn và đại diện quân nhân và chỉ huy. Một điều cần nhấn mạnh là các Tòa án Quân sự cũng như Tòa án Binh trong thời kỳ này là hoạt động trong điều kiện bước đầu tồn tại của chính quyền non trẻ và điều kiện kháng chiến chống thực dân xâm lược. Các Tòa án Quân sự cũng như Tòa án Binh thuộc bộ máy chuyên chính của Nhà nước ta để trấn áp kẻ thù và xử lý những người phạm tội xâm hại đến nền độc lập của nước nhà và sự tồn tại của chính quyền non trẻ. Do đó cũng rất dễ hiểu là Chánh án các Tòa án thời kỳ đó không phải là Thẩm phán chuyên môn (tuyệt đại đa số được đào tạo trong chế độ cũ) mà là một chỉ huy quân sự hoặc chính trị, những người đại diện cho chính quyền cách mạng ở địa phương trong cả nước.

Nhìn chung, việc thành lập các Tòa án Binh đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Thế nhưng qua một thời gian hoạt động cho thấy trong nhiều trường hợp, ở các khu vực có chiến sự, các Tòa án Binh không thể trực tiếp xét xử các vụ phạm tội, nhất là các tội như phản quốc, gián điệp, cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng.v.v... kịp thời phục vụ yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm ở mặt trân. Vì vậy, ngày 28/5/1947 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Thông lệnh 60-TT về việc thành lập các Tòa án Binh tại mặt trân. Theo Thông lệnh này thì ở mỗi địa điểm đương tác chiến, viên chỉ huy mặt trận từ cấp trung đoàn trở lên có thể lập một Tòa án Binh tại mặt trân. Thành phần Tòa án này gồm một Chánh án và hai Hội thẩm. Chánh án là viên chỉ huy ở khu vực đương tác chiến thuộc cấp trung đoàn trưởng trở lên, các Hội thẩm là một chính trị viên và một quân nhân nơi xảy ra việc phạm pháp. Các Tòa án này được thành lập để xét xử một lần và giải thể ngay.

Tổ chức và cơ cấu các Tòa án Binh tồn tại đến năm 1960 thì đượcthay thế bằng hệ thống Tòa án Quân sự được tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật về tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960. Theo các văn bản pháp luật trên thì các Tòa án Quân sự là các cơ quan xét xử của Nhà nước ta được tổ chức trong quân đội. Các Tòa án Quân sự thời kỳ này được tổ chức theo hai cấp xét xử: Tòa án Quân sự Trung ương và Tòa án Quân sự quân khu, quân chủng, binh chủng... Các Thẩm phán là sĩ quan từ cấp đại uý trở lên được Bộ Quốc phòng cử về công tác tại các Tòa án Quân sự (chuyên trách) hoặc kiêm nhiệm. Hội thẩm quân nhân thường là sĩ quan, đặc biệt cũng có thể là viên chức quốc phòng, do người chỉ huy các cấp cử ra theo yêu cầu của Tòa án Quân sự khi xét xử từng vụ án cụ thể. Do vậy, trong những năm đầu có rất ít các Thẩm phán hoặc Hội thẩm quân nhân được đào tạo chuyên môn cần thiết cho hoạt động xét xử. Đa số cán bộ vừa làm việc vừa tự học. Cơ cấu tổ chức này của Tòa án Quân sự các cấp tồn tại cho đến khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự đầu tiên (năm 1986).

Nghiên cứu chế định Hội thẩm quân nhân trước khi ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 và việc thực hiện trong thực tiễn có thể đi đến một số kết luận sau đây:

- Ngay từ những ngày đầu thành lập và hoạt động, nguyên tắc Tòa án Quân sự xét xử có Hội thẩm tham gia đã được thực hiện, thể hiện tính dân chủ, tính quần chúng trong xét xử của các Tòa án Quân sự.

- Do những điều kiện lịch sử nhất định, thành phần Hội đồng xét xử (Tòa án) có những đặc điểm đặc biệt. Hội thẩm có thể là Thẩm phán Tư pháp được đào tạo; trong thành phần Tòa án có cả quân nhân và người không phải là quân nhân; trong trường hợp đặc biệt, thành phần Tòa án không có cán bộ chuyên môn;

- Những quy định mang tính đặc thù nêu trên xuất phát từ nhu cầu của lịch sử phát triển xã hội nước ta thời kỳ đó. Với các quy định trên, các Tòa án Binh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

2. Vấn đề Hội thẩm quân nhân theo quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 và năm 1993

Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986.

Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 là một văn bản pháp luật quan trọng, là bước ngoặt trong tổ chức và hoạt động của các Tòa án Quân sự, trong đó có vấn đề Hội thẩm quân nhân. Lần đầu tiên nguyên tắc Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử ở Tòa án Quân sự, và khi xét xử Hội thẩm quân nhân ngang quyền với Thẩm phán được khẳng định trong Pháp lệnh (Điều 7).

Để thực hiện các quy định của Pháp lệnh, Bộ tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên bộ số 259/TTLB ngày 22/4/1986 hướng dẫn việc cử Hội thẩm quân nhân và Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Quyết định 653 QĐ/QP ngày 29/4/1987 về chế độ hoạt động của Hội thẩm quân nhân. Các văn bản trên đã cụ thể hóa tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử và nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự.

- Tiêu chuẩn của Hội thẩm quân nhân: Theo quy định của Điều 28 Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thì Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự là quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng được tập thể tín nhiệm, có ý thức bảo vệ pháp luật của Nhà nước và kỷ luật quân đội. Riêng tiêu chuẩn về cấp bậc, chức vụ thì có khác nhau giữa Tòa án Quân sự các cấp: Hội thẩm nhân dân Tòa án Quân sự cấp cao có cấp bậc từ Trung tá trở lên; đối với Tòa án Quân sự quân khu và tương đương - từ đại uý trở lên; đối với Tòa án Quân sự khu vực - từ thượng uý trở lên. Nếu Hội thẩm quân nhân là quân nhân chuyên nghiệp thì hạ một cấp quân hàm đối với từng Tòa án Quân sự tương ứng. Ngoài ra, đối với Tòa án Quân sự khu vực, Hội thẩm quân nhân có thể là viên chức quốc phòng có trình độ trung cấp trở lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì tuyệt đại đa số Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự đều là sĩ quan tại ngũ;

- Thủ tục bầu hoặc cử: Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự được bầu hoặc cử:

Hội thẩm quân nhân Tòa án Quân sự Trung ương do Hội đồng Nhà nước cử theo đề nghị của Tổng cục Chính trị; Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án Quân sự khu vực do các đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang bầu ra.

Hội thẩm nhân dân các Tòa án Quân sự quân khu và tương đương do Cục Chính trị quân khu hoặc đơn vị tương đương, các Tòa án Quân sự khu vực do Phòng Chính trị trực thuộc quân khu, các cơ quan Quân sự tỉnh lựa chọn, giới thiệu để các đơn vị cơ sở (cấp trung đoàn và tương đương) bầu. Thủ tục bầu có thể được tiến hành bằng một trong các hình thức:

+ Đối chiếu với các đơn vị đóng quân, sinh hoạt tập trung thì Hội nghị quân nhân toàn đơn vị bầu;

+ Đối với các đơn vị phân tán thì tiến hành Hội nghị đại biểu quân nhân để bầu. Số đại biểu do cơ quan chính trị trung đoàn tổng hợp kết quả.

- Nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các cấp: Điều 33 Pháp lệnh quy định nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân Tòa án Quân sự Trung ương là hai năm rưỡi, nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự quân khu và khu vực là hai năm. Việc quy định nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân tương đối ngắn là xuất phát từ thực tế thường xuyên biến động về quân số, địa điểm đóng quân... của các đơn vị quân đội. Tuy nhiên, các quy định đó về nhiệm kỳ quá ngắn cũng làm phát sinh những bất lợi, những khó khăn trong thực tiễn xét xử. Việc thường xuyên triệu tập đại biểu quân nhân để tổ chức bầu Hội thẩm quân nhân cho các Tòa án Quân sự cũng gây nên những phiền hà nhất định cho các đơn vị; nhiều Hội thẩm quân nhân được bầu lên chưa kịp được bồi dưỡng nghiệp vụ, hoặc đã được bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng chưa kịp tham gia xét xử đã hết nhiệm kỳ gây nên sự tốn kém, phiền phức không cần thiết.

Nói tóm lại, các quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án Quân sự năm 1986 về Hội thẩm quân nhân các Tòa án Quân sự là một bước tiến bộ so với trước đó. Các quy định này xuất phát từ quy định của Hiến pháp nước ta năm 1980 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981. Vấn đề Hội thẩm quân nhân đã được quy định một cách hệ thống, đồng bộ, thể hiện bản chất dân chủ trong hoạt động xét xử của các Tòa án Quân sự nước ta. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện trong thực tiễn, cùng với công cuộc đổi mới các mặt đời sống xã hội, trong đó có đổi mới hệ thống Tư pháp cũng như tổ chức và hoạt động của Tòa án, các quy định trên của Pháp lệnh cũng bộc lộ những hạn chế nhất định trong đó có việc bầu Hội thẩm quân nhân còn quá phiền phức, không phù hợp với tình hình thực tế của quân đội; nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân quá ngắn; đội ngũ Hội thẩm quân nhân được bầu quá phân tán ảnh hưởng đến việc quản lý chuyên môn và tham gia xét xử của họ.v.v... Điều đó là một trong những căn cứ dẫn đến việc ban hành Pháp lệnh mới tổ chức Tòa án quân sự năm 1993.

Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1993.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự ngày 19/4/1993 và Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân ngày 14/5/1993. Các văn bản pháp luật này có các quy định về Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự. Để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định trên của pháp luật, Tổng cục Chính trị đã ra Chỉ thị số 294/CT ngày 19/8/1993 về việc cử và quản lý Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự.

Các quy định của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1993 kế thừa có chọn lọc những quy định của Pháp lệnh năm 1986 và hoàn thiện một số quy định mà trong quá trình thực hiện đã bộc lộ sự bất cập hoặc chưa phù hợp với tình hình mới; đặc biệt là phù hợp với xu thế, quan điểm mới trong đối với cơ quan xét xử ở nước ta hiện nay.

Điểm mới, nổi bật nhất so với các văn bản pháp luật trước đây là các quy định về cử Hội thẩm quân nhân. Nếu như, theo Pháp lệnh năm 1993, Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự quân khu, khu vực do các đơn vị cơ sở trong quân đội bầu ra thì theo các quy định mới, Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự đều do cử (bổ nhiệm) trên cơ sở giới thiệu của các cơ quan chính trị cấp dưới. Cụ thể như sau:

+ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương do Chánh án Tòa án quân sự Trung ương phối hợp với Cục cán bộ lựa chọn lập danh sách giúp Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trình ủy ban Thường vụ Quốc hội cử;

+ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chánh án Tòa án quân sự khu vực phối hợp cùng Chủ nhiệm chính trị sư đoàn lập danh sách trình Cục trưởng Cục Chính trị quân khu cử.

Ngoài ra, nhiệm kỳ Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự các cấp được nâng lên 5 năm.

Nhìn chung các quy định mới của pháp luật về Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự đã có những đổi mới tích cực, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn của quân đội, của tổ chức và hoạt động của các Tòa án quân sự, tăng cường hiệu quả công tác xét xử trong thời gian qua. Các quy định của pháp luật đã thể hiện và tạo điều kiện tốt cho sự phối hợp giữa các Tòa án Quân sự và cơ quan chính trị trong việc cử, quản lý và bồi dưỡng Hội thẩm quân nhân nhằm giúp cho Hội thẩm quân nhân có điều kiện và khả năng tham gia và công tác xét xử của các Tòa án quân sự.

III. Một số kiến nghị hoàn thiện chế định Hội thẩm quân nhân

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp nói chung và Tòa án quân sự nói riêng là một yêu cầu tất yếu. Hoàn thiện chế định Hội thẩm quân nhân thuộc một trong những nội dung nghiên cứu đó.

Theo chúng tôi, các quy định của pháp luật hiện hành về Hội thẩm quân nhân là tương đối đầy đủ phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật nước ta và đặc điểm của tổ chức và hoạt động của quân đội cũng như các Tòa án quân sự. Để khẳng định điều đó, chúng ta cần phân tích một số vấn đề lý luận liên quan đến chế định này.

- Trước hết, có ý kiến cho rằng bản chất quần chúng, dân chủ của chế định Hội thẩm là ở chỗ họ là những người được các cơ quan dân cử bầu lên. Hơn nữa, danh sách ứng cử viên cũng phải do cơ quan Mặt trận Tổ quốc các cấp đề nghị. Có như vậy, Hội thẩm mới là những người đại diện cho quần chúng trong việc thực hiện quyền lực Trung ương pháp (xét xử) của Nhà nước. Vì vậy, thủ tục các cơ quan chính trị trong quân đội giới thiệu và cử các Hội thẩm quân nhân (ngoài Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự Trung ương) theo quy định hiện nay là không phù hợp với bản chất đó. Theo họ, phải chăng cần để cho đại diện các quân nhân trong các đơn vị quân đội (như Hội đồng quân nhân chẳng hạn) bầu Hội thẩm quân nhân.

 

Chúng tôi không nhất trí với quan điểm trên. Bởi vì, thứ nhất: trong quân đội không tồn tại các cơ quan dân cử. Hội đồng quân nhân tuy được quân nhân bầu ra nhưng không thể là cơ quan quyền lực như Hội đồng nhân dân các cấp và chỉ tồn tại ở các cấp phân đội hoặc ở các đơn vị cơ sở của quân đội; thứ hai: một đặc thù trong tổ chức và hoạt động của quân đội là các cơ quan chính trị là cơ quan làm và quản lý công tác Đảng, công tác chính trị, công tác cán bộ, quần chúng ở các đơn vị. Cho nên, hơn ai hết cơ quan chính trị nắm bắt được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của quân nhân trong mọi lĩnh vực, nắm được chính xác khả năng của những người được đề nghị; thứ ba: về mặt thực tiễn, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự 1986 cũng đã từng quy định việc bầu Hội thẩm quân nhân. Thế nhưng thực hiện việc bầu đó trong thực tiễn gặp rất nhiều vướng mắc và bất cập, không phù hợp với quân đội, chủ yếu mang tính hình thức. Việc bầu đó chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự giới thiệu của cơ quan chính trị các đơn vị. Theo chúng tôi biết được trong gần 7 năm thực hiện bầu Hội thẩm quân nhân, chưa có trường hợp nào người được cơ quan chính trị giới thiệu lại không được bầu.

- Một vấn đề nữa cũng còn gây tranh luận hiện nay là số lượng Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự. Theo quy định của ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mỗi Tòa án quân sự quân khu và tương đương có từ 30 - 35 Hội thẩm quân nhân, mỗi Tòa án quân sự khu vực có 20 - 25 Hội thẩm quân nhân. Trung bình cứ tương ứng với 1 Thẩm phán có 4 - 5 Hội thẩm quân nhân. Trong khi đó, mỗi Thẩm phán Tòa án nhân dân có biên chế từ 2 - 3 Hội thẩm nhân dân. Giải quyết vấn đề này cần xuất phát từ đặc điểm tổ chức Tòa án quân sự. Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi Tòa án quân sự quân khu đảm nhận một địa bàn xét xử rất rộng (từ 6 - 10 tỉnh), mỗi Tòa án quân sự khu vực đảm nhận địa bàn xét xử 3 - 6 tỉnh, trong khi các đơn vị đóng quân rất phân tán; việc tham gia xét xử chủ yếu là Hội thẩm quân nhân thuộc các đơn vị để tránh đi lại chi phí tốn kém. Hơn nữa 100% Hội thẩm quân nhân là cán bộ kiêm nhiệm nên không thể tách khỏi công việc chính của mình tham gia xét xử thường xuyên với Tòa án. Đặc điểm trên, theo chúng tôi đã lý giải đầy đủ tại sao biên chế Hội thẩm nhân dân các Tòa án quân sự lại nhiều hơn Hội thẩm nhân dân các Tòa án nhân dân.

 

- Thực tiễn xét xử các Tòa án quân sự những năm qua cho thấy mặc dù biên chế Hội thẩm quân nhân cho các Tòa án quân sự nhiều, nhưng việc mời được họ tham gia xét xử gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đội ngũ Hội thẩm quân nhân chủ yếu là cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ chính trị của các đơn vị, nên rất bận làm nhiệm vụ chính được giao. Do là cán bộ chủ trì nên những người đó cũng ít có thời gian nghiên cứu học tập thêm về pháp luật, và nghiên cứu hồ sơ, nên chất lượng xét xử cũng có những hạn chế nhất định.

Một số kiến nghị

- Việc cử Hội thẩm quân nhân như quy định hiện nay là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định của đội ngũ Hội thẩm quân nhân được cử cần phải có quy định quản lý chặt chẽ, hạn chế thay đổi công tác, đơn vị, cho nghỉ... đối với số cán bộ đó trong nhiệm kỳ được cử; tránh trường hợp sĩ quan được cử làm Hội thẩm quân nhân nhưng khi chuyển công tác theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, hoặc ra khỏi quân đội... thì Tòa án quân sự nơi Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử cũng không biết. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan cán bộ, cơ quan chính trị và Tòa án quân sự các cấp trong việc lập danh sách và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử.

- Khi cử Hội thẩm quân nhân cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, cũng không nên quá câu nệ về chức vụ hành chính quân sự của các ứng cử viên. Đội ngũ Hội thẩm quân nhân có thể bao gồm cả cán bộ làm công tác quản lý, cả cán bộ trợ lý các cơ quan. Có như vậy mới có khả năng lôi cuốn Hội thẩm quân nhân vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đặc biệt, khi cử Hội thẩm quân nhân cũng cần chú ý đến đội ngũ cán bộ đã được đào tạo qua các trường Luật hiện đang công tác trong quân đội. Theo chúng tôi được biết, hiện nay có một lượng tương đối lớn cán bộ quân đội đã tốt nghiệp hoặc đang tham gia các khóa đào tạo về Luật. Sự tham gia của những người này chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ Hội thẩm quân nhân các Tòa án quân sự.

- Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho các Hội thẩm quân nhân là một điều cần được thực hiện thường xuyên. Do điều kiện khách quan, chất lượng chuyên môn của Hội thẩm quân nhân thấp hơn Hội thẩm nhân dân. Hơn nữa, do số lượng đông, lượng án ít cho nên kinh nghiệm xét xử của Hội thẩm quân nhân cũng không nhiều. Để bổ sung cho sự thiếu hụt đó, cần phải thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng Hội thẩm quân nhân. Có thể đổi mới hình thức bồi dưỡng này, ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng theo từng quân khu, Tòa án Quân sự Trung ương cũng có thể mở các lớp tập trung từng thời kỳ để Hội thẩm quân nhân bất kỳ Tòa án Quân sự nào có điều kiện thì tham gia cùng học tập, cùng trao đổi kinh nghiệm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

quyền và nghĩa vụ của hội thẩm theo quy định

của pháp luật hiện hành và những vấn đề đặt ra

TS. Phạm Văn Lợi

Phó Viện trưởng Viện NCKH pháp lý

Theo quy định của khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án. Việc Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cùng Thẩm phán sẽ góp phần bảo đảm cho bản án và quyết định của Toà án được toàn diện, đầy đủ và khách quan, đúng pháp luật. Hội thẩm nhân dân là những người công tác trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Họ đến với Toà án là mang hơi thở từ cuộc sống, từ bầu không khí đời thường, cách suy nghĩ, nhận định, đánh giá chứng cứ của họ về mặt nào đó không giống như những người xét xử chuyên nghiệp. Do đó, Hội thẩm là người bổ sung những vốn quý về các lĩnh vực của cuộc sống, những quan niệm về đạo đức, truyền thống... cho Thẩm phán - người có kiến thức pháp lý vũng vàng, tinh thông về nghiệp vụ xét xử.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên của Hội đồng xét xử (Thẩm phán và Hội thẩm) cùng nhằm mục đích xét xử công minh, đúng pháp luật, hợp lòng dân, mặt khác sự tham gia của Hội thẩm thể hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong hoạt động của Toà án, thể hiện sự giám sát, kiểm tra trực tiếp của nhân dân từ bên trong của công tác xét xử.

Thấy được tầm quan trọng của việc tham gia của công dân và hoạt động xét xử, pháp luật của các nước trên thế giới đều ghi nhận chế định này dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuỳ theo chế độ chính trị và điều kiện cụ thể của mỗi nước, chế định Hội thẩm (Bồi thẩm) được quy định ở mức độ khác nhau. ở Việt Nam, chế định Hội thẩm đã xuất hiện với sự ra đời của Toà án nhân dân. Qua các thời kỳ lịch sử, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình và vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được trong việc tham gia xét xử ở Toà án.

Với vai trò quan trọng như vậy, cho nên muốn trở thành Hội thẩm, công dân Việt Nam phải có đủ những tiêu chuẩn cần thiết như "Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm" (Điều 4 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân).

Khi được bầu hoặc cử làm Hội thẩm, Hội thẩm những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

* Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án (Điều 25);

* Hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân (Điều 8);

* Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm, được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử theo quy định của Nhà nước (Điều 27);

* Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Toà án. Nếu Hội thẩm là cán bộ, viên chức Nhà nước, quân nhân, công nhân, nhân viên quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ của Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.

Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Hội thẩm phải có nghĩa vụ như nghiêm chỉnh tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Hội thẩm phải dựa trên các quy định của pháp luật và bằng kinh nghiệm sống của mình cùng Thẩm phán giải quyết các vụ án đúng pháp luật, hợp lý lẽ, công bằng, không chịu một sự can thiệp nào từ bên ngoài.

* Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 5);

* Hội thẩm phải giữ bí mật công tác theo quy định của pháp luật (Điều 6).

Như vậy, khi nghiên cứu nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Hội thẩm cần so sánh với quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán(1). Tất nhiên sự so sánh này chỉ mang tính tương đối mà thôi bởi lẽ địa vị pháp lý của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có sự khác nhau.

- Thẩm phán là công chức Nhà nước được Chủ tịch nước bổ nhiệm và có nhiệm vụ tham gia xét xử các vụ án. Còn Hội thẩm có thể là công chức Nhà nước, cán bộ về hưu hay cán bộ của tổ chức chính trị - xã hội được bầu hoặc cử để tham gia xét xử các vụ án. ở đây muốn nói đến tính chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp của 2 chức danh này;

- Quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán được pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ hơn so với Hội thẩm, nhất là các quyền lợi về vật chất như: chế đội đãi ngộ, lương bổng, phụ cấp...

- Việc bổ nhiệm, cách chức, thuyên chuyển, kỷ luật đối với Thẩm phán phải theo một trình tự đặc biệt. Trình tự này được pháp luật quy định rõ trong các văn bản của pháp luật. Đối với Hội thẩm, vấn đền này có quy định những chưa được cụ thể và chặt chẽ;

- Vấn đề quản lý Thẩm phán được pháp luật quy định rõ như việc quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (Điều 16 Luật tổ chức Toà án nhân dân). Việc quản lý đối với Hội thẩm (về tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ) chưa rõ ràng. Đối với các Hội thẩm đang công tác thì về mặt tổ chức cơ quan chủ quản nơi họ công tác là đơn vị quản lý. Đối với những Hội thẩm TAND địa phương là người đã về hưu thì có ý kiến cho rằng do Bộ Tư pháp quản lý (vì theo tinh thần của Điều 16) và Hội thẩm chính là thành viên của Toà án; cũng có ý kiến cho rằng theo tinh thần của Điều 9, 25 thì Hội thẩm phải do TAND quản lý;

- Theo quy định của pháp luật tố tụng, Thẩm phán tham gia nghiên cứu vụ án từ khi vụ án được thụ lý cho đến khi xét xử và ra bản án, trong khi đó Hội thẩm chỉ tham gia khi xét xử vụ án. Nói một cách chính xác là Hội thẩm được nghiên cứu hồ sơ vụ án từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử;

- Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán, bầu hoặc cử Hội thẩm có những điểm giống nhau. Những điểm khác biệt cơ bản là tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Thẩm phán nhất thiết phải có trình độ Đại học luật còn Hội thẩm chỉ cần "có kiến thức pháp lý" là đủ;

- Theo quy định của pháp luật, Thẩm phán và Hội thẩm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động và chất lượng xét xử của mình. Đối với Thẩm phán thì vấn đề trách nhiệm được luật cũng như các văn bản dưới luật, quy chế của ngành, quy chế công chức quy định một cách khá đầy đủ và chi tiết, kèm theo cơ cấu tổ chức đảm bảo cho việc chấp hành. Mỗi một sơ suất, yếu kém trong nghiệp vụ, mỗi một bản án bị toà cấp trên cải sửa hoặc huỷ.v.v... Thẩm phán đều phải chịu trách nhiệm theo những mức độ nhất định. Trong những trường hợp như vậy thì trách nhiệm của Hội thẩm ra sao không được quy định rõ ràng và hầu như không có cơ chế để ràng buộc nên rất khó kiểm soát, rất khó quy kết(2).

Từ sự phân tích trên đây, ta thấy mặc dù là hai chức danh nhưng Thẩm phán và Hội thẩm đều là thành viên của Hội đồng xét xử và mục đích của họ khi xét xử các vụ án là làm sao xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm đúng thời hiệu theo quy định của pháp luật tố tụng. Nghiên cứu nguyên tắc "khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán (Điều 2 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân) chúng tôi cho rằng cần phải hiểu "sự ngang quyền" ở đây có tính chất tương đối mà thôi. Trong trường hợp này chỉ nói về vị trí, tư cách ngang bằng về quyền xét xử theo pháp luật. "Ngang quyền" theo đúng nghĩa của nó phải là có thẩm quyền như nhau khi xem xét các tình tiết của vụ án, mà quá trình này được bắt đầu từ lúc nghiên cứu hồ sơ để chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử cho đến khi thẩm vấn tại phiên toà, thảo luận tại phòng nghị án và cuối cùng là thông qua bản án. Tất cả quá trình đó đều do Thẩm phán chuyên nghiệp - Chủ toạ phiên toà điều khiển. Sẽ là "thực sự ngang quyền" nếu như Hội thẩm có đầy đủ bản lĩnh của mình, có kiến thức pháp lý vững vàng, nghiên cứu hồ sơ một cách nghiêm túc. Ngang quyền ở đây còn có nghĩa là một thành viên Hội đồng xét xử là một lá phiếu khi quyết định các nội dung cụ thể của vụ án. Xuất phát từ những điểm khác biệt của hai chế định như đã phân tích ở trên nhưng pháp luật lại quy định họ được ngang quyền khi xét xử vụ án. Theo chúng tôi, trong tương lai gần đây cần phải nghiên cứu sâu hơn về nguyên tắc này. Chúng tôi cho rằng sự tham gia của Hội thẩm là thể hiện quan điểm, ý kiến của xã hội, của công dân đại diện cho trình độ hiểu biết về pháp luật ở mức trung bình của nhân dân để đánh giá hành vi cụ thể của người phạm tội. Từ đó cùng Thẩm phán giải quyết vụ án theo pháp luật.

Theo quy định của Điều 3 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân: "Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề độc lập của hai chức danh này. Độc lập theo tinh thần của nguyên tắc này là Thẩm phán và Hội thẩm khi xem xét, đánh giá các chứng cứ cũng như khi đưa ra các quyết định của mình hoàn toàn độc lập với nhau, không phụ thuộc vào nhau. Trong khi thực thi nhiệm vụ họ chỉ bị phụ thuộc vào pháp luật, nhiệm vụ của họ là làm sao áp dụng pháp luật vào trường hợp cụ thể thật đúng đắn. Nhưng để họ thật sự độc lập cần phải có một cơ chế hữu hiệu, cần phải có những điều kiện khác để bảo đảm. ở đây, cũng cần phải nói rằng bản án của Toà án là một phán quyết thể hiện lao động của toàn bộ các cơ quan tư pháp, trong đó vai trò cầm cân nảy mực thuộc về Thẩm phán và Hội thẩm. Khó mà nói rằng tất cả Thẩm phán chuyên nghiệp không bao giờ có sai sót trong xét xử và cũng không thể phủ định một điều rằng Hội thẩm với vị trí pháp lý nhất định của mình đã luôn luôn cùng Thẩm phán đưa ra được những phán quyết đến mức "thấu tình' "đạt lý".

Từ sự phân tích trên đây chúng tôi đặt ra một số vấn đề sau đây:

- Cần phải đào tạo hoặc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Hội thẩm để họ có thể "ngang quyền" hoặc "độc lập" với Thẩm phán. Biện pháp này mới chỉ là biện pháp nhất thời và vẫn chưa giải quyết được mấu chốt của vấn đề, chưa nói đến sự tốn kém trong việc đào tạo cho họ: đào tạo như thế nào? phương thức, thời gian ra sao? Theo chúng tôi Hội thẩm phải là người đại diện cho các tầng lớp xã hội, kiến thức của họ là kiến thức bao gồm các mặt của cuộc sống xã hội và chúng ta cần ở Hội thẩm những kiến thức này để làm phong phú thêm những kiến thức của Thẩm phán về mọi mặt.

- Nếu chúng ta tăng cường số lượng Thẩm phán như có một số ý kiến đặt ra thì lúc đó chúng ta cần đặt ra quan điểm sự tham gia giám sát của xã hội, của quần chúng nhân dân làm gì nữa. Lúc đó rất có thể Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ trở thành diễn đàn tranh luận của các Thẩm phán chuyên môn. Mặt khác, tăng cường số lượng Thẩm phán cũng phải kèm theo rất nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội, pháp luật... gây những tốn kém nhất định cho Ngân sách Nhà nước.

Vấn đề đặt ra không phải ở chỗ tăng hay giảm số lượng Hội thẩm hoặc không cần sự tham gia của Hội thẩm mà là sự tham gia của Hội thẩm đến mức nào trong quá trình xét xử vụ án. Có nghĩa là pháp luật phải quy định cho Hội thẩm được tham gia đến đâu khi giải quyết vụ án.

Như vậy, để Hội thẩm nắm vững và thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm của mình thì pháp luật về chế định Hội thẩm phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm có hiệu quả cho hoạt động của Hội thẩm trong xét xử./.

 

(1). Xem: Quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán theo quy định của pháp luật hiện hành - PTS. Phạm Văn Lợi, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 8/1998, trang 1 - 4.

(2). Hiệu quả của công tác xét xử nhìn từ khía cạnh hoạt động và tiêu chuẩn của Hội thẩm - PTS. Chu Hải Thanh - Thông tin khoa học pháp lý số 1/1999, trang 19.

Một số vấn đề về việc thực hiện chế độ

chính sách đối với hội thẩm nhân dân

Nguyễn Thị Hồng Tươi

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Toà án địa phương

I. Công tác Hội thẩm và một số chế độ chính sách hiện hành đối với Hội thẩm nhân dân

Chế độ Hội thẩm tham gia xét xử là một chế định quan trọng trong hoạt động xét xử của Toà án đã được quy định trong Hiện pháp và các văn bản Pháp luật khác có liên quan. Điều 129 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 2 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân đã quy định rõ "Việc xét xử của Toà án nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán".

Trước đây, tại Điều 64 - Hiến pháp 1946 (Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) cũng đã quy định: "Trong khi xét xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết địnhb với Thẩm phán nếu là việc đại hình".

Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 của Nhà nước ta cũng có những quy định tương tự về sự tham gia xét xử của Hội thẩm.

Hoạt động xét xử của Toà án đòi hỏi phải xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy mới giữ gìn được kỷ cương trật tự, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước. Để làm được điều đó, rất cần phải có những Thẩm phán chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn pháp lý, có kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời phải có Hội thẩm những người này có vốn sống thực tế, có mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, họ là những đại biểu của các giới, các dân tộc, các ngành, các tổ chức xã hội ... được bầu hoặc cử theo sự giới thiệu của các tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn như Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hoặc các cơ quan như Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn... Hội thẩm bổ sung những kinh nghiệm và tri thức nghề nghiệp cho các Thẩm phán bằng kinh nghiệm, vốn sống thực tế và tri thức của mình. Hội thẩm khác với Thẩm phán ở chỗ tuy tham gia xét xử nhưng không thoát ly sản xuất, công tác và các hoạt động xã hội khác, vì vậy Hội thẩm nắm được tình hình thực tế, hiểu biết phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng và dư luận có liên quan đến vụ án, làm cho việc áp dụng pháp luật, vận dụng đường lối xét xử phù hợp với từng vụ án cụ thể. Chính điều kiện sống và làm việc của Hội thẩm khác với Thẩm phán và các cán bộ viên chức Nhà nước nên khái niệm "quản lý Hội thẩm " không nên đồng nghĩa với khái niệm quản lý hành chính, quản lý công chức ... , chẳng hạn, nếu Hội thẩm là công chức Nhà nước đương chức thì họ phải chịu sự quản lý của cơ quan theo Pháp lệnh công chức. Nếu Hội thẩm là công chức về hưu hoặc không phải là công chức Nhà nước thì họ phải chịu sự quản lý của chính quyền sở tại nơi họ cư trú. Phải chăng việc quản lý Hội thẩm chính là việc nắm tổng thể số lượng, chất lượng Hội thẩm việc thực hiện chế độ chính sách theo quy định như: Phụ cấp xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm..

Điều 41 Luật tổ chức Toà án nhân dân quy định "các cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; Tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm làm nhiệm vụ xét xử. Hội thẩm được bồi dưỡng nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Điều 25, 26, 27 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân quy định:

Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án.

Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ, Chánh án Toà án các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm

Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử.

Căn cứ các quy định trên đây của Pháp luật, trong hoạt động của mình chánh án Toà án các cấp đã thể hiện trách nhiệm "quản lý" đối với Hội thẩm cụ thể là:

Phân công Hội thẩm tham gia xét xử.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm

Báo cáo số lượng và hoạt động của Hội thẩm khi có yêu cầu.

Thực hiện chi phụ cấp xét xử đối với Hội thẩm theo quy định.

Bộ Tư pháp, với chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức (trong đó có công tác Hội thẩm) tổng hợp số lượng và tình hình công tác Hội thẩm trong toàn quốc, cấp giấy chứng minh Hội thẩm biên soạn tài liệu, cấp kinh phí tập huấn Hội thẩm Nghiên cứu, đề xuất trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ đối với Hội thẩm.

Hoạt động xét xử là một loại hình lao động trí óc đặc biệt, đòi hỏi những người tham gia tố tụng tại phiên toà phải hao tốn nhiều công sức và trí tuệ, bởi vậy chế độ phụ cấp phiên toà là một vấn đề rất cần thiết và đã được Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm trước đây. Trải qua quá trình lịch sử, do điều kiện kinh tế, xã hội ở mỗi gia đoạn khác nhau nên mức phụ cấp phiên toà cũng có sự biến động theo hướng mức phụ cấp ngày càng được nâng lên. Biểu so sánh

Phụ cấp phiên toà từ 1982 trở lại đây.

II. Một số kiến nghị về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân:

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân ngoài việc thường xuyên chăm lo đến công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ Hội thẩm, cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện chế độ chính sách đối với họ, nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia tích cực, nhiệt tình của họ đối với công tác xét xử. Tuy chế độ phụ cấp phiên toà đã được nâng lên cao hơn so với những năm trước đây, song về chế độ chính sách nói chung đối với Hội thẩm còn nhiều bất cập, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu.

1.Về trang phục xét xử đối với Hội thẩm: Trước đây,ở mỗi toà án đều có may sẵn trang phục xét xử để khi Hội thẩm đến làm nhiệm vụ xét xử thì sử dụng. Hiện nay không còn chế độ này, do vậy để đảm bảo tính trang nghiêm của phiên toà, nên có quy định trang phục thống nhất đối với Hội đồng xét xử. Hội thẩm nên có trang phục xét xử như Thẩm phán.

Hiện nay, trong khi chờ đợi chế độ chung của Nhà nước, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để giúp các toà án địa phương thực hiện việc trang cấp đó với Hội thẩm của địa phương mình, đây là một cách làm tốt có tác động thiết thực đối với Hội thẩm.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xét xử tại phiên toà, tuy không phải là phổ biến nhưng cũng đã xảy ra một số tai nạn rủi ro đối với Hội thẩm nhất là đối với Hội thẩm không phải là công chức đương chức thì việc thực hiện chế độ với họ rất khó khăn, hầu như không có chế độ gì (ví dụ: ngã gãy chân, bị tâm thần nặng do đang ngồi xét xử bị bão lốc bất ngờ làm đổ nhà, bị thương... ). Nên chăng những trường hợp này cần được hưởng chế độ bảo hiểm như đối với công chức Nhà nước.

3. Theo Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì Hội thẩm được cấp giấy chứng minh, nhưng việc sử dụng giấy chứng minh Hội thẩm chưa có ý nghĩa thiết thực trong khi thực thi nhiệm vụ, bởi vậy đề nghị giấy chứng minh Hội thẩm cần ghi rõ những qui định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn: Khi thi hành nhiệm vụ Hội thẩm được ưu tiên qua lại cầu phà, trên các tuyến giao thông công cộng...

Chế định Hội thẩm nhân dân là chế định đặc thù của hoạt động xét xử. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm không giống với việc thưc hiện chế độ chính sách đối với công chức Nhà nước nói chung. Hội thẩm tham gia xét xử vì lợi ích xã hội và là đại diện của quần chúng nhân dân, do vậy không chỉ lấy lợi ích vật chất để tính toán thiệt hơn, những kiến nghị trên đây chỉ có ý nghĩa bù đắp phần nào hao tốn về trí tuệ, sức lực của Hội thẩm và để tạo điều kiện động viên, khuyến khích Hội thẩm trong quá trình xét xử.

 

 

 

Về công tác hội thẩm nhân dân của đoàn hội thẩm

tỉnh bà rịa - vũng tàu

Nguyễn Xuân Mai

Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

I. Quá trình hình thành và hoạt động của lực lượng HTND địa phương từ trước nhiệm kỳ 1995 - 1999:

Theo quy định tại Hiến pháp năm 1959 - 1980 và các văn bản pháp luật liên quan, từ khi hình thành TAND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây và TAND tỉnh sau này, đội ngũ HTND của TAND cấp tỉnh, huyện cũng đồng thời được UBMTTQ các cấp quan tâm lựa chọn, giới thiệu để HĐND bầu theo luật pháp hiện hành.

Nhìn chung việc lựa chọn, bầu cử HTND của TAND cấp tỉnh và cấp huyện vừa qua ở địa phương đã được coi trọng, nên đã xây dựng được một đội ngũ HTND các cấp có đủ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức xã hội, kinh nghiệm công tác và có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng, thật sự là người đại diện của nhân dân để tham gia quản lý Nhà nước về lĩnh vực pháp luật. Trong mỗi nhiệm kỳ, HĐND, Sở Tư pháp và TAND tỉnh, thành phố cũng đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho HTND, hầu hết các vị HTND đã tích cực học tập, nâng cao kiến thức pháp luật, củng cố kiến thức xã hội và đã giành thời gian nhất định cho việc nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử tại Tòa án. Vì vậy nên trong thời gian qua, lực lượng HTND của địa phương đã phát huy được vai trò vị trí của mình, đã thật sự độc lập trong công tác xét xử, đồng thời hỗ trợ, bổ sung cho Thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử tại tòa.

Mặt khác, HTND cũng đã mạnh dạn, thẳng thắn đề xuất ý kiến của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, các tổ chức và Nhà nước.

Tại các phiên tòa, HTND cũng đã chú ý việc tuyên truyền, giải thích pháp luật cho các đương sự và công chúng nhằm giúp cộng đồng nâng cao ý thức và trình độ pháp lý, hạn chế những thiếu sót, vi phạm, ngăn ngừa tội phạm và giảm bớt tranh chấp dân sự, được TAND tỉnh đánh giá cao.

* Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ HTND trong các nhiệm kỳ này vẫn mang tính chất hoạt động đơn độc, sau khi được MTTQ giới thiệu và được HĐND bầu ra, HTND chỉ có một mối quan hệ duy nhất với TAND cùng cấp về công tác xét xử mà không có cơ quan, tổ chức nào quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát, việc hoạt động của HTND thường không đồng đều: có Hội thẩm thường xuyên tham gia xét xử nhưng cũng có một số Hội thẩm rất ít tham gia xét xử; tình hình công tác, đời sống của HTND thế nào cũng không được quan tâm giải quyết (có trường hợp một HTND qua đời, mãi sau đó mới biết). Nhược điểm này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ HTND và hưởng trực tiếp đến công tác xét xử của Tòa án các cấp. Làm cho chúng tôi suy nghĩ, trăn trở nhằm tìm ra mô hình tổ chức cho Hội thẩm.

II. Tình hình tổ chức và hoạt động của HTND nhiệm kỳ 1994 - 1999.

Do có quan điểm, nhận thức đúng đắn của Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh khóa II về vai trò vị trí, tầm quan trọng của HTND trong việc tham gia xét xử tại Tòa án, trong việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân về lĩnh vực pháp luật; đồng thời theo yêu cầu, nguyện vọng của tập thể HTND, trong nhiệm kỳ 1994 - 1999, Thường trực UBMTTQ và Trường trực HĐND tỉnh đã quan tâm, thống nhất thí điểm thành lập Đoàn HTND của tỉnh.

Thực hiện chủ trương nói trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đoàn Hội đã họp toàn thể Hội thẩm để quán triệt chủ trương của UBMTTQ và HĐND tỉnh đồng thời bầu Ban lãnh đạo Đoàn Hội thẩm gồm Trưởng Đoàn và các Phó Đoàn. Sau đó Ban lãnh đạo Đoàn Hội thẩm đã họp phân công trách nhiệm cho các thành viên theo dõi từng lĩnh vực công tác của Đoàn và giữ mối liên hệ với HTND, TAND. Định kỳ 6 tháng, một năm, Ban liên lạc Đoàn Hội thẩm đều họp để thống nhất nhận định, đánh giá hoạt động của Đoàn Hội thẩm, xây dựng báo cáo của Đoàn và thống nhất ý kiến tham gia các hội nghị sơ, tổng kết hàngnăm của TAND.

Khi có những vụ việc đột xuất, liên quan đến trách nhiệm của HTND hoặc những vấn đề cần tham gia đóng góp kịp thời với TAND hoặc các cơ quan hữu quan thì Đoàn Hội thẩm báo cáo trực tiếp với Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND hoặc phối hợp với TAND và các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời, vì vậy đã hạn chế được những thiếu sót, vi phạm của HTND trong công tác xét xử. (ví dụ) một số vụ án.

Việc hình thành Đoàn HTND của tỉnh đã có một số tác dụng chính sau đây:

1. Đã khắc phục được tình trạng hoạt động độc lập, phân tán trước đây của HTND. Đã tập hợp được HTND vào tổ chức, qua đó giúp đỡ UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh quản lý và nắm vững, kịp thời về hoạt động, đời sống của HTND để có chỉ đạo, động viên, giúp đỡ.

2. Đã tăng cường được việc theo dõi, quản lý hoạt động xét xử của HTND, phối hợp với TAND trong việc điều phối tham gia xét xử Hội thẩm nên đã khắc phục tình trạng hoạt động không đều của đội ngũ HTND hoặc lựa chọn các HTND có năng lực, kinh nghiệm tham gia các vụ án trọng điểm.

3. Đã phát hiện và giải quyết kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác xét xử nói chung và của HTND nói riêng.

4. Đã tạo được mối quan hệ hỗ trợ, hợp tác, tương thân, tương ái trong đội ngũ HTND, quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn đối với HTND làm cho Hội thẩm ngày càng quan tâm, gắn bó với tập thể, với công tác xét xử và hiệu quả công việc hơn trước.

5. Đã tập hợp và tạo được tiếng nói chung của đội ngũ HTND đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử; xây dựng, tuyên truyền phố biến pháp luật ở địa phương.

6. Đã xây dựng, đào tạo được một đội ngũ HTND tương đối đồng đều về nghiệp vụ có phẩm chất, đạo đức tốt đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm đại diện cho các tầng lớp nhânb dân tham gia công tác pháp luật và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của nhân dân.

7. Hoạt động của Đoàn HTND và của các thành viên trong nhiệm kỳ này đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ, hàng năm được TAND tỉnh, Thường trực HĐND, Thường trực UBMTTQ, Ban nội chính Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát và Công an tỉnh đánh giá cao.

Ngày 15/10/1999, được sự đồng ý của Thường trực UBMTTQ và Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn Hội thẩm HTND tỉnh đã mở hội nghị tổng kết nhiệm kỳ, một lần nữa HTND và các cơ quan hữu quan đã khẳng định vai trò vị trí của HTND, xác định những cố gắng tiến bộ, thành tích đã đạt được của HTND và đặc biệt sự cần thiết duy trì, phát triển mô hình Đoàn HTND của địa phương.

III. Sự quan tâm của Thường trực UBMTTQ, Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan của tỉnh đối với đội ngũ HTND:

Để xây dựng một đội ngũ HTND thật sự có năng lực trong công tác, vững về chuyên môn nghiệp vụ; có phẩm chất đạo đức tốt để đảm đương nhiệm vụ nặng nề trong công tác xét xử, tuyên truyền phổ biến và tham gia xây dựng pháp luật, trong 5 năm qua, Thường trực HĐND và cá cơ quan hữu quan, đặc biệt là Thường trực HĐND đã quan tâm giúp đỡ cả về tinh thần, vật chất cho HTND như:

- Mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho HTND.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, tạo điều kiện cho HTND hoạt động; chấp thuận và giải quyết kịp thời những đề xuất hợp lý mà Đoàn Hội thẩm trình lên.

- Cấp phát trang phục và phương tiện làm việc cho Hội thẩm (1 bộ Vettong, 1 cặp tài liệu và có quà tặng hội nghị tổng kết nhiệm kỳ); xét xử, giải quyết việc nâng mức phụ cấp xét xử cho HTND từ 10 ngàn đồng/1 người/1 ngày (năm 1995 lên 37,5 ngàn đồng/1 ngày/1 người (năm 1996 - 1997), 50 ngàn đồng /1 ngày/1 người (từ tháng 10/1997 đến nay).

- Hằng năm vào dịp tổng kết của ngành TAND tỉnh, đối với các vị HTND có thành tích xuất sắc đều được TAND tỉnh cấp giấy khen và trặng hiện vật.

Riêng Đoàn HTND, ngoài sự giúp đỡ của Thường trực HĐND và các cơ quan hữu quan về vật chất, tinh thần. Bản thân Đoàn cũng đã có những biện pháp gần gũi quan tâm chăm sóc các thành viên của mình hơn trước. Dựa trên tinh thần tự nguyện của HTND, Ban liên lạc Đoàn đã đề xuất việc xây dựng quỹ của Đoàn, mỗi vị Hội thẩm đóng 5.000/1 tháng cho quỹ.

Tiền quỹ được giao cho 1 đồng chí Phó trưởng Đoàn thu, quản lý. Quỹ được chi chủ yếu cho việc thăm hỏi đối với các thành viên khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời. Ngoài ra dùng một phần chi cho các hoạt động cần thiết của Ban liên lạc Đoàn (mua giấy, in ấn tài liệu, báo cáo...).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được và những thành tích, kết quả trên, chúng tôi thấy hoạt động của Đoàn HTND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số khuyết điểm, cần khắc phục như:

- Mối quan hệ giữa các HTND chưa thật chặt chẽ, do vậy cần duy trì sinh hoạt của Đoản thường xuyên, đều đặn hơn, cải tiến nội dung sinh hoạt... để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn và các thành viên.

- Tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với Tòa án và các cơ quan hữu quan nhằm phát hiện kịp thời những thiếu sót trong xây dựng và thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Chúng tôi thấy mô hình Đoàn HTND trong nhiệm kỳ vừa qua là cần thiết và có hiệu quả, đề nghị Bộ Tư pháp, UBMTTQ, HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét duy trì và phát triển.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoạt động của Hội thẩm Toà án nhân dân ở Nghệ an thực trạng và kiến nghị

Nguyễn Văn Hiền

Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An

I. Vài nét về tình hình hoạt động của Hội thẩm Toà án nhân dân tại Nghệ an

Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên 16.370 km2, với số dân gần 2,9 triệu người, có 19 đơn vị hành chính cấp huyện; Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò, trong đó có 10 huyện miền núi và vùng núi cao, có nhiều cộng đồng người dân tộc như Kinh, Thổ, Hmông, Thái, Đan lai, Khơ mú... cùng sinh sống. Do đặc điểm địa lý và sự phân bổ dân cư như vậy, nên Toà án và Hội thẩm TAND cấp huyện cũng được tổ chức và hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế đó.

Theo quy định về số lượng, hiện nay Nghệ An có tổng số 318 Hội thẩm trong đó Hội thẩm TAND tỉnh là 25, Hội thẩm TAND cấp huyện là 293, số có trình độ đại học luật ở tỉnh có 18 (chiếm tỷ lệ 72%), cấp huyện có 2 (chiếm tỷ lệ 0,7%); đại học khác 59, chiếm tỷ lệ gần 20%; số còn lại có trình độ trung cấp và sơ cấp. Về ngành nghề, dân tộc, giới tính trong tổng số 293 Hội thẩm TAND cấp huyện được phân bổ như sau:

Nữ: 60 (chiếm gần 20,5%);

Dân tộc ít người: 60 (chiếm gần 20,5%);

Đoàn thanh niên: 26 (chiếm 8%);

Ngành giáo dục: 25 (chiếm gần 8%);

Các ngành kinh tế: 17 (chiếm 5%);

Các ngành nghề khác: 165 (chiếm 56%).

Nhìn chung trên tổng thể về trình độ của Hội thẩm nhân dân là không đồng đều. Một thực tế cho thấy có nhiều hạn chế về trình độ, nhất là về kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức pháp lý. Chính tình hình đó đã phản ánh sự tham gia hoạt động xét xử của Hội thẩm cũng diễn ra không đồng đều. Nếu theo số liệu của TAND tỉnh thì hàng năm các Hội thẩm đã tham gia xét xử hàng trăm vụ án các loại. Bình quân một năm một Hội thẩm TAND tỉnh đã tham gia xét xử 28 vụ. Tuy vậy cũng phải kể đến có Hội thẩm suốt cả nhiệm kỳ không tham gia xét xử vụ án nào. ở cấp huyện tình hình cũng như vậy. Hàng năm các Hội thẩm TAND cấp huyện đã tham gia xét xử hàng ngàn vụ án các loại. Bình quân một Hội thẩm TAND cấp huyện một năm tham gia xét xử được 8 vụ. ở những nơi có số lượng án nhiều như thành phố Vinh và một số huyện như Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu... thì số vụ tham gia xét xử đối với một Hội thẩm là 29 vụ án các loại. Tuy vậy, thực tế vẫn có một số Hội thẩm TAND cấp huyện vì những lý do khác nhau nên hàng năm không có điều kiện để tham gia xét xử.

Nói tóm lại: Hoạt động của Hội thẩm TAND trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động xét xử, giữ gìn trật tự kỷ cương xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và cả cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời từ thực tiễn hoạt động cũng bộc lộ những hạn chế, những thiếu sót cần được khắc phục, cần được đổi mới để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hoà nhập với cộng đồng thế giới.

II. Một số vấn đề cần được đặt ra giải quyết từ thực tiễn hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND ở địa phương

1. Cần đặt đúng vị trí của Hội thẩm TAND trong hoạt động xét xử.

Chế định Hội thẩm có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án. Chính bằng chế định Hội thẩm nhân dân mà những lợi ích thiết thực và trách nhiệm thật sự của nhân dân đối với công việc của Nhà nước và của xã hội được tụ hội lại. Hoạt động của Toà án là một bộ phận của hoạt động Nhà nước. Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của Toà án là biểu hiện của việc nhân dân thực hiện quyền lực của mình tham gia trực tiếp vào công việc của Nhà nước.

Trong hoạt động xét xử của Toà án, một yêu cầu có tính nguyên tắc xuyên suốt là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đó cũng chính là biểu hiện tập trung dân chủ. Để thực hiện điều đó đương nhiên cần phải có những Thẩm phán chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn pháp lý. Những kinh nghiệm hoạt động xã hội, vốn hiểu biết đời sống thực tế, mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng là những yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động xét xử. Chính Hội thẩm là đại biểu cho các giới, các ngành, các lĩnh vực hoạt động xã hội, các vùng dân tộc khác nhau...sẽ đáp ứng, bổ khuyết được những yếu tố đó cho các Thẩm phán chuyên nghiệp. Bản chất của chế định Hội thẩm không phải ở chỗ thiếu sự tham gia của Hội thẩm vào hoạt động xét xử của toà án sẽ tạo ra nguy cơ lạm quyền của các Thẩm phán chuyên nghiệp mà chính là ở chỗ Hội thẩm là những người bổ sung những kinh nghiệm và tri thức nghề nghiệp cho công tác xét xử của Toà án bằng kinh nghiệm cuộc sống và tri thức của mình. Dù giỏi đến mấy thì một Thẩm phán cũng không thể am hiểu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính Hội thẩm là người bổ sung cho những hạn chế đó. Hội thẩm là những người tham gia xét xử nhưng vẫn không thoát ly sản xuất, công tác và các hoạt động xã hội. Nhờ vậy, Hội thẩm nắm được rõ tình hình thực tế, hiểu biết các phong tục, tập quán địa phương, tâm tư, nguyên vọng, dư luận có liên quan đến vụ án, giúp cho việc áp dụng pháp luật, vận dụng đường lối xét xử phù hợp với từng vụ án cụ thể.

Trải qua một thời kỳ phát triển trên 50 năm của Nhà nước Việt Nam, chế định Hội thẩm luôn được khẳng định trong Hiến pháp. Tuy vậy, thực tế trong nhận thức của các cấp, các ngành, và thậm trí ngay cả bản thân của chính các Hội thẩm TAND ở địa phương cũng chưa nhận rõ và thấy hết vị trí và ý nghĩa quan trọng của chế định Hội thẩm TAND trong xét xử của Toà án. Vì vậy, trong thực tiễn cho đến nay vẫn chưa định hình được một cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động của Hội thẩm nhân dân ở địa phương đúng với vị trí pháp lý của nó. Thực tiễn đòi hỏi sớm phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

2. Cần khắc phục tính hình thức trong hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND.

Qua công tác quản lý Toà án cấp huyện và thực tiễn xét xử của Toà án, một trong những vấn đề đặt ra cần được xem xét một cách nghiêm túc đó là những hạn chế của Hội thẩm khi tham gia Hội đồng xét xử các vụ án.

 

Theo quy định của pháp luật, việc xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh tế, hôn nhân và gia đình ở các Toà án đều do một Hội đồng xét xử thực hiện, có một, hai hoặc ba Hội thẩm nhân dân tham gia. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, nghĩa là được sử dụng tất cả các quyền như Thẩm phán và sử dụng tất cả các quyền mà pháp luật quy định cho Hội đồng xét xử. Và cũng như Thẩm phán, khi xét xử, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chính điều này đã nói lên bản chất dân chủ trong hoạt động xét xử của TAND và khẳng định địa vị pháp lý của Hội thẩm.

Thực tiễn cho thấy để làm được điều đó, đòi hỏi Hội thẩm ngoài những yêu cầu về cơ cấu như giới tính, dân tộc, ngành nghề... thì còn phải có một trình độ nhất định về chuyên môn, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mặt bằng dân trí ngày càng cao. Ưu thế của Hội thẩm là tham gia xét xử nhưng không thoát ly khỏi đơn vị sản xuất, công tác, nhưng điều đó không có nghĩa là không tính đến yêu cầu về mặt trình độ chuyên môn. Thực tế ở địa phương có không ít Hội thẩm nhất là ở TAND cấp huyện, miền núi, vùng cao, quá trình tham gia xét xử thật sự còn hạn chế, từ việc nghiên cứu hồ sơ, việc xem xét đánh giá tính khách quan, tính xác thực, tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ đến việc tham gia thẩm vấn tại phiên toà và nghị án. Do vậy, sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa phát huy được địa vị pháp lý của Hội thẩm TAND trong hoạt động xét xử. Có không ít vụ án, nếu như Hội thẩm thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, thì chắc rằng sẽ hạn chế được oan, sai và thiếu sót. Điều đáng nói ở đây là chưa có một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

 

Mặt khác, xét xử của Toà án là một hoạt động rất đặc biệt, đòi hỏi rất cao ở tri thức của nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, ở kinh nghiệm phong phú và đa dạng của cuộc sống, ở lương tâm và trách nhiệm, phán quyết của Toà án không chỉ thể hiện tính có căn cứ, đúng pháp luật mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Chính điều đó đặt cho các cấp, các ngành hữu quan và cho chính ngay cơ quan Toà án ở địa phương là phải có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Toà án, để xây dựng hoàn thiện công tác Hội thẩm TAND ngay từ lúc lựa chọn, giới thiệu, bầu cử và đề cao trách nhiệm của chính bản thân từng Hội thẩm trong thực tế hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động xét xử của TAND.

3. Cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác Hội thẩm TAND ở địa phương.

Có thể nói hoàn thiện chế định Hội thẩm TAND là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước nói chung và quá trình cải cách nền tư pháp ở nước ta nói riêng. Đây không phải là công việc của một ngành, một cấp mà là nhiệm vụ của các cấp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp uỷ Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác Hội thẩm TAND ở địa phương. Một thực tế cho thấy là lâu nay khi đề cập tới công tác xét xử, chúng ta mới chỉ chú ý tập trung nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán, thư ký trong các cơ quan Toà án, chứ chưa đặt vấn đề đúng mức cho sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội thẩm

Nếu thừa nhận rằng Hội thẩm TAND là một chế định đảm bảo thực hiện dân chủ trong xét xử của TAND, và để đảm bảo tính hiện thực về địa vị pháp lý của Hội thẩm khắc phục tính hình thức trong hoạt động xét xử thì tất yếu các cấp uỷ Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác Hội thẩm Có như vậy mới nâng cao được chất lượng hoạt động để khi tham gia Hội đồng xét xử, Hội thẩm có thể sử dụng được tất cả các quyền mà pháp luật quy định cho Hội đồng xét xử.

III. Một vài kiến nghị góp phần hoàn thiện chế định Hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Có thể nói thực tiễn hoạt động xét xử của Hội thẩm TAND ở địa phương mà chúng tôi biết, đặt ra rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện. Với giới hạn của mình, chúng tôi xin nêu một vài kiến nghị cụ thể:

1. Cần sớm xây dựng cụ thể tiêu chuẩn hoá Hội thẩm TAND theo thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Điều 53 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND ngày 14/5/1993 quy định Chính phủ và TAND tối cao trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện. Hoạt động xét xử của Hội thẩm không phải là chuyên trách, nhưng xuất phát từ đặc điểm của hoạt động tài phán và từ địa vị pháp lý do Hiến pháp quy định, nên tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân ngoài những quy định chung như Điều 4 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân thì cũng cần được quy định cụ thể về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, độ tuổi, ngoại hình, thâm niên công tác hoặc thời gian tham gia hoạt động xã hội, nghề nghiệp...đối với từng cấp xét xử. Vấn đề cần đặt ra là ngay từ khi chuẩn bị lựa chọn nhân sự để bầu làm Hội thẩm đã phải tính ngay đến khả năng khả thi trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Dĩ nhiên có tính đến cơ cấu ngành nghề, vùng dân cư...nhưng phải lấy tiêu chuẩn làm căn cứ trước hết. Khi tham gia Hội đồng xét xử thì Hội thẩm và Thẩm phán đều có quyền ngang nhau và độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vì thế không thể xem nhẹ và càng không thể hạ thấp tiêu chuẩn của Hội thẩm TAND.

2. Cần xây dựng mô hình quản lý công tác Hội thẩm TAND.

Xuất phát từ đặc điểm hoạt động của Hội thẩm TAND là kiêm nhiệm và theo nhiệm kỳ của HĐND, mà ngoài sự quản lý cuả đơn vị chủ quản cũng nên có một cơ quan quản lý thống nhất để thực hiện chế độ chính sách, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm

Quy định như hiện nay vẫn chưa xác định rõ cơ quan Tư pháp hay Toà án chịu trách nhiệm quản lý công tác Hội thẩm - thiết nghĩ nên giao cho cơ quan tư pháp quản lý từ khâu chuẩn bị nhân sự để Mặt trận Tổ quốc hiệp thương giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu Hội thẩm đến công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm Có thể nói rằng chỉ khi nào giao trách nhiệm cho một cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý thống nhất công tác Hội thẩm thì mới khắc phục được tình trạng phân tán như hiện nay, và có như vậy thì mới có cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm chính đối với công tác Hội thẩm

3. Cần xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xét xử cho Hội thẩm TAND.

Để Hội thẩm TAND thực hiện được nhiệm vụ xét xử, ngoài những kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về ngành nghề, lĩnh vực mà Hội thẩm tham gia hoạt động thì việc đảm bảo cho Hội thẩm có được những kiến thức cơ bản nhất về hoạt động xét xử cũng là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm cần được biên soạn thành nội dung chương trình để tất cả những người được bầu làm Hội thẩm đều được bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian ít nhất từ 1 tháng đến 3 tháng. Việc này Bộ Tư pháp có thể giao cho Trường Đại học Luật biên soạn nội dung chương trình thống nhất để các địa phương thực hiện. Làm được như vậy, nhất định người làm công tác Hội thẩm sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn và chất lượng công tác tham gia xét xử tốt hơn. Cần sớm khắc phục cách làm hời hợt, phân tán như thực tế lâu nay đã làm.

4. Nhà nước cần có kinh phí phục vụ công tác Hội thẩm

Bất cứ một hoạt động nào cũng cần có kinh phí. Hoạt động của Hội thẩm TAND tuy không phải là chuyên trách nhưng do tính chất đặc biệt của hoạt động xét xử, Hội thẩm cũng cần được trang bị những điều kiện tối thiểu để bảo đảm hoạt động như trang phục khi xét xử, phương tiện làm việc, học tập bồi dưỡng, hội họp... Nguồn kinh phí này cần được đưa vào dự toán và cấp cho cơ quan quản lý công tác Hội thẩm Cơ quan được cấp kinh phí có trách nhiệm quyết toán với cơ quan tài chính về nguồn kinh phí này.

Tóm lại: Việc hoàn thiện tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với Hội thẩm cũng như việc xây dựng và áp dụng các chế độ chính sách phù hợp bảo đảm hoạt động có hiệu quả của Hội thẩm TAND ở địa phương là yêu cầu khách quan hiện nay. Chỉ trên tinh thần đáp ứng được yêu cầu đó, chế định Hội thẩm nhân dân mới thực sự là hình thức thực hiện dân chủ trong hoạt động tài phán của Toà án, là một trong những phương thức tham gia của nhân dân vào quản lý công việc của Nhà nước, của xã hội, là bước đi của nhân dân trên con đường tiến tới xã hội văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.

 

 

 

Vai trò của hội thẩm nhân dân qua thực tiễn xét xử ở tòa án nhân dân thành phố hà hội

Đặng Xuân Mai

Hội thẩm TAND TP. Hà Nội

Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội, công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự có nhiều sôi động, đôi khi nóng bỏng, dư luận luôn quan tâm theo dõi. Đó là, đấu tranh chống buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy, chống các hoạt động xâm phạm trật tự trị an; giết người, cướp của bằng xe máy phân khối lớn, hiếp dâm, trộm cắp có tổ chức. Có lúc rộ lên hiện tượng rạch mặt trẻ em, làm cho bao người lo lắng.

Trong công tác đấu tranh đó, hoạt động xét xử của các Tòa án trong toàn thành phố đã làm nổi lên những dấu ấn tích cực, thể hiện rõ đường lối xét xử của Đảng, Nhà nước, trừng trị nghiêm khắc bọn mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng các chất ma túy, bọn côn đồ hung hăng, cướp của giết người, bọn tội phạm nguy hiểm. Nổi bật là vụ Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn tổ chức mua bán Heroin và vụ Dương Văn Khánh cùng đồng bọn giết người, cướp của và những vụ thuộc "hậu Vũ Xuân Trường".

Việc xét xử trong toàn thành phố những năm qua đạt được kết qủa cao, trong đó phần quan trọng do việc chuẩn bị xét xử của Thẩm phán, mặt khác Hội thẩm nhân dân cũng góp phần tích cực để đạt đến kết quả đó.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử án hình sự.

Qua thực tiễn thấy rõ, trong xét xử, Hội thẩm nhân dân đã cùng Thẩm phán hình thành một tổ chức sắc bén bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đã cùng các ngành khác: Công an, Kiểm sát đấu tranh có hiệu quả, kịp thời chống tội phạm hình sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đại bộ phận các quyết định xét xử là có sự thống nhất cao giữa Hội thẩm nhân dân nhân và Thẩm phán. Sự thống thống nhất đó thể hiện ý thức cùng chung vai sát cánh giữa Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội. Tuy vậy, không tránh khỏi những vướng mắc nhỏ xuất phát từ nhận thức về tội phạm, trong định tội, định mức hình phạt, nên mỗi năm có chừng 3 đến 4 vụ chưa thống nhất giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, dẫn đến quyết định mức án theo đa số nghiêng về phía Hội thẩm, chẳng hạn như vụ Quản Ngọc Ninh mà báo chí đã nêu. Ngày 29/4/1996 Công an thành phố Hà Nội bắt quả tang Quản Ngọc Ninh đang vận chuyển 2 bánh bột mầu trắng, khám nhà Ninh thu thêm 2 bánh bột mầu trắng, tổng cộng 4 bánh bột có trong lượng 1,4 kg. Kết quả giám định xác định 4 bánh bột trắng trên là Heroin. Ngày 14/11/1996 phiên tòa sơ thẩm Tòa án thành phố tuyên phạt Ninh tù chung thân và phạt tiền 70 triệu đồng. Sau đó, gia đình bị cáo đã nộp 70 triệu đồng tiền phạt. Ngày 27/3/1997 đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã rút kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà nội, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã y án sơ thẩm. Ngày 8/9/1997 ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ để xét xử sơ thẩm ở mức án cao nhất đối với bị cáo Ninh. Ngày 25/12/1997 Tòa án nhân dân thành phố xử sơ thẩm lần 2, tuyên án chung thân đối với Quản Ngọc Ninh, bản án quyết định theo đa số nghiêng về Hội thẩm nhân dân. Viện kiểm sát thành phố Hà Nội có kháng nghị ngày 14/7/1998, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tuyên xử tử hình đối với Quản Ngọc Ninh.

1. Vai trò của Hội thẩm nhân dân khi thưc hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong xét xử án hình sự.

a. Việc thực hiện quyền trong xét xử:

Khi được phân công tham gia xét xử một vụ án, Hội thẩm nhân dân nhất thiết phải có thời gian đọc hồ sơ. Có những vụ án điểm, như Vũ Xuân Trường, Dương Văn Khánh, các Hội thẩm, (cả Hội thẩm dự bị) phải đọc hồ sơ 14, 15 ngày liền. Nhiều vụ, Hội thẩm phải đọc trong 2, 3 ngày. Cũng có vụ chỉ cần đọc trong 2, 3 giờ là đọc xong hồ sơ, vì bị cáo đã nhận tội, tội phạm đã rõ ràng do bị bắt quả tang hoặc do tài liệu chứng minh trong hồ sơ đã đủ. Có hồ sơ, Hội thẩm đọc xong phải trao đổi với Thẩm phán về tính chất tội phạm, về chứng cứ chứng minh tội phạm. Qua việc nghiên cứu hồ sơ này, đã hình thành sự thống nhất với Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa về kế hoạch tiến hành phiên tòa, kế hoạch thẩm vấn.

Trong thực tiễn, cũng có trường hợp không kịp đọc hồ sơ, như những lúc đến ngày xét xử, Hội thẩm đến, phiên tòa hoãn xử, trong khi đó ở một vụ khác lại vắng Hội thẩm. Đồng chí phụ trách Hội thẩm điều người vào thay thế. ở trường hợp này người được điều ngồi xét xử chỉ còn kịp đọc cáo trạng, nghe lời khai bị cáo, người bị hại, xem xét chứng cứ. Những trường hợp này không nhiều, nhưng cũng có xảy ra, nhất là ở các tháng 6 và 12 là những tháng phải xét xử nhiều.

Khi thực hiện việc xét hỏi tại tòa, nếu bị cáo nhận tội, hoặc có thể không nhận một phần, nhưng chứng cứ đã đủ, tính chất tội phạm đã được đánh giá trong lúc hỏi cung bị cáo; các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cũng được làm sáng tỏ; vấn đề dân sự trong vụ án cũng đã làm rõ; ở trường hợp này, phiên tòa thường có sự nhất trí cao giữa Thẩm phán và Hội thẩm. Ví dụ như phiên tòa xét xử một bị cáo làm phụ xe quê ở Buôn Ma Thuột. Khi xe đến bến xe phía Nam Hà Nội, vì tham anh ta đem giấu gói tiến 10 triệu đồng của lái xe. Khi lái xe hỏi, anh ta không nói. Lúc lái xe đưa anh ta đến Công an bến xe tố cáo sự việc, anh ta thú nhận và đưa trả lại gói tiền. Anh ta bị bắt giam 11 tháng mới đưa ra xét xử. Hội đồng xét xử nghe anh ta khai thành thật về lòng tham bỗng chốc đến nên có chung một đánh giá về hành vi phạm tội của anh ta. Gia đình anh ta không có ai ở Hà Nội. Hội đồng xét xử nhất trí xử phạt số tháng tù đủ để tha ngay anh ta. (Sau đó các thành viên ngồi xét xử mỗi người phải cho anh ta 20.000 để anh ta lấy tiền đi xe về quê).

Khi xét hỏi tại tòa, dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, Hội thẩm tham gia hỏi bị cáo, người làm chứng, giám định viên, người bị hại, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, xem xét chứng cứ, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có tội hay không có tội, mức độ tội phạm, lỗi của từng bị cáo.v.v..

Cuối cùng, quyền của Hội thẩm nhân dân là xác định bị cáo có tội hay không, hình phạt như thế nào và các biện pháp tư pháp khác. Thông thường sau khi xét hỏi xong, kết luận buộc tội của Kiểm sát viên ngồi ghế công tố, lời bào chữa của luật sư hoặc chính bị cáo tự bào chữa, thỉnh cầu của người bị hại, đã hình thành một quyết định tương đối nhất trí giữa Hội thẩm và Thẩm phán. Trong khi nghị án, đại đa số trường hợp quyết định của Tòa án là sự nhất trí cao giữa Hội thẩm và Thẩm phán. Cũng có nhiều trường hợp quá trình xét hỏi bị kéo dài để làm rõ chứng cứ và các tình tiết giảm nhẹ. Trong những trường hợp này thường có sự đánh giá khác nhau về tính chất tội phạm, về mức độ lỗi của can phạm. Do đó việc đề xuất mức án có khác nhau. Nhưng cuối cùng sau khi bàn bạc, lại thống nhất với nhau trong Hội đồng xét xử.

b. Việc thực hiện nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân:

Khi nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi bị cáo tại tòa cũng như ra quyết định trong phòng nghị án, Hội thẩm nhân dân sử dụng kiến thức của mình, tham gia tích cực vào việc xác định các tình tiết thực của vụ án, trong việc xem xét chứng cứ, hỏi cung, trong việc góp ý kiến thích hợp khi xét xử những vụ án phức tạp, trong việc thực hiện nguyên tắc: Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

c. Trách nhiệm của Thẩm phán - Chủ tọa đối với Hội thẩm nhân dân:

Trong thực tiễn, Thẩm phán - Chủ tọa đã tạo điều kiện để Hội thẩm nhân dân hiểu rõ được vụ án, gợi ý đi sâu nghiên cứu những vấn đề gì có khúc mắc trong hồ sơ vụ án. Có những vụ án phức tạp, Thẩm phán - Chủ tọa còn yêu cầu Hội thẩm nghiên cứu sâu một vấn đề nào đó, chẳng hạn như nghiên cứu về hiện trường, về kết luận của giám định viên.v.v... Do đó, đã tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa Hội thẩm và Thẩm phán ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ.

Khi xét hỏi tại tòa, các Thẩm phán thường tạo điều kiện cho Hội thẩm hỏi bị cáo, người bị hại, nhân chứng, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan và xem xét các chứng cứ tại tòa. Chính nhờ đó, Hội thẩm cảm thấy mình là người trong cuộc và thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình.

Khi nghị án, Thẩm phán - Chủ tọa nêu những vấn đề cần thảo luận và khi quyết định, các Hội thẩm nhân dân được phát biểu trước. Do đó đã tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân phát huy được vai trò của mình khi ra quyết định cuối cùng. Thực tiễn có những trường hợp phải bàn đi bàn lại do nhận thức cụ thể về các tình tiết vụ án, về chính sách xét xử có chỗ không giống nhau và lúc đó phải xin ý kiến chỉ đạo xét xử.

2. Những yếu tố làm hạn chế vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử:

Sự nhận thức khác nhau về tính chất tội phạm, mức độ lỗi của can phạm là do:

Tài liệu điều tra ban đầu có thể là thiếu sót. Nếu vụ án nào tài liệu điều tra ban đầu chệch choạc, mâu thuẫn thì khi xét hỏi, thế nào cũng bộc lộ. Chính đó là cơ sở để tạo ra những phân vân, thắc mắc trong xử lý.

Ví dụ: trường hợp vụ giết người ở Hàng Chiếu xảy ra ngày 24/3/1991, nhiều nhân chứng phát hiện Dương Văn Khánh (Khánh Trắng) đâm chết Nguyễn Đức Thắng khi Khánh ngồi lên xích lô đưa Thắng đến Công an phường Đồng Xuân. Cơ quan điều tra đã bỏ qua các tài liệu đó, chỉ truy xét một số người về tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngày 28/9/1996 ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên toa tái thẩm và ra quyết định hủy bản án hình sơ thẩm ngày 31/12/1991 để điều tra, truy tố lại. Cuối cùng cuộc điều tra xác định chính Dương Văn Khánh đã đâm chết Nguyễn Đức Thắng.

Có trường hợp phương pháp đánh giá chứng cứ khác nhau. Như vụ Lê Văn Trường bị truy tố về tội làm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của người khác 300 triệu đồng, theo Điều 158 khoản 3. Khi xét hỏi tại tòa, Trường khai do chơi lô đề bị thua phải viết giấy là vay nợ và thế chấp ngôi nhà. Người cho vay khai về từng thời gian cho vay từng khoản tiền trước sau không thống nhất. Giấy thế chấp nhà lại giả mạo chữ ký của người vợ. Việc xét hỏi kéo dài cả ngày. Kiểm sát viên ngồi ghế công tố kết luận Trường phạm tội lạm dụng tín nhiệm, luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo cho rằng Trường không phạm tội đó, cuối cùng Hội đồng xét xử nhận thấy chứng cứ về việc vay, mượn, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt không rõ, có thể đây là sự biến hóa của hình thức cờ bạc lô đề mà cơ quan điều tra chưa làm rõ được. Vì vậy phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ.

Hay như Đào Thị Xuân bị bắt ngày 13/8/1997 đang bán hai tép Heroin cho con nghiện tại nhà. Tại cơ quan Công an, thị khai đã hai lần bán Heroin, nhưng tại tòa, thị một mực khai chỉ có một lần bán và bị bắt. Hai lần là nhiều lần, mà nhiều lần bán Heroin là lên khung 2 từ 10 - 15 năm tù. Công tố buộc tội là phạm tội nhiều lần, luật sư biện hộ bị cáo chỉ có 1 lần phạm tội đề nghị đưa xuống khung 1. Lời khai ban đầu của bị can nhận bán hai lần là có thể tin được, nhưng thiếu chứng cứ khác chứng minh lời khai đó. Hội đồng xét xử thống nhất xử dưới khung là 7 năm tù và phạt 20 triệu đồng.

Do nhận thức về chính sách xét xử, trong một vụ án có nhiều bị cáo cần có chính sách phân hóa, đề ra mức án hợp lý để thể hiện chính sách phân hóa.

b. ý kiến của lãnh đạo tòa:

Theo Điều 31 Luật tổ chức Tòa án nhân dân (1992) thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Tổ chức công tác xét xử; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán và Hội thẩm... Như vậy, lãnh đạo tòa có thể chỉ đạo chung để đường lối xét xử được thống nhất. Tuy nhiên không nên chỉ đạo từng vụ án cụ thể, làm giảm tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng xét xử.

Về đạo tạo, bồi dưỡng và huấn luyện chuyên môn cho Hội thẩm, theo chúng tôi, để thực hiện được việc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật với ya nghĩa của nó, phải có chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật thống nhất cho Hội thẩm nhân dân, về kiến thức thu thập chứng cứ, về các yếu tố cấu thành tội phạm, về chính sách xét xử hình sự.v.v... Lớp bồi dưỡng này phải là chương trình bắt buộc của mỗi khóa Hội thẩm nhân dân.

Kết luận

Trong xét xử hình sự, nhất thiết phải có Hội thẩm nhân dân. Nó thể hiện sự tham gia của các đoàn thể xã hội, các nhà chuyên môn, ngành nghề, với kinh nghiệm xã hội - chính trị - nghề nghiệp của mình tham gia vào việc xét xử, với cương vị ngang với Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân tham gia tích cực vào việc xác định các tình tiết vụ án, xem xét chứng cứ, tham gia hỏi cung bị cáo, người bị hại, nhân chứng, giám định viên và xem xét các hoạt động điều tra, từ đó giúp Tòa án điều tra đánh giá đúng các tình tiết vụ án, xác định đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; tạo điều kiện nâng cao tính xác thực, tính thuyết phục của quyết định của Tòa án, củng cố được tác dụng giáo dục của sự phán xử tại Tòa án.

Đó là sự thể hiện dân chủ trong xét xử, thể hiện bản chất của chế độ chính trị xã hội nước ta. Nhân dân tham gia vào việc xét xử thông qua người đại diện của mình là Hội thẩm nhân dân.

Nghĩa vụ của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là bảo đảm xem xét vụ án toàn diện, khách quan, giúp Hội thẩm hiểu một cách đúng đắn những vấn đề cần xem xét tại tòa. Chủ tọa cần xác định thời gian cho mỗi Hội thẩm nhân dân có kế hoạch nghiên cứu hồ sơ vụ án, lưu giữ những tài liệu quan trọng nhất, những vướng mắc cần đi sâu nghiên cứu.

Truyền thống từ khi dựng nước, lập lên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 21/1/1946 Chủ tịch nước đã ra Sắc lệnh 13 tổ chức Tòa án và ngạch Thẩm phán đã quy định. Khi xử các việc tiểu hình, ngồi xét xử có Chánh án và hại Phụ thẩm. Dach sách các phụ thẩm UBHC tỉnh hay thành phố lập. Khi xử các việc đại hình, do Tòa án đệ nhị cấp gồm 5 vị cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị. Đó là Chánh án Tòa đệ nhị ngồi ghế Chánh án, hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai Phụ thẩm nhân dân rút thăm trong danh sách. Những vấn đề bàn trong phòng nghị xử giải quyết theo đa số; một người không biểu quyết sẽ coi như là có ý kiến có lợi cho bị cáo.

Ngay như Tòa án binh, nay gọi là Tòa án Quân sự, có Sắc lệnh 163 ngày 23/8/1946 quy định ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm. Một Hội thẩm là quân nhân thuộc cấp chỉ huy và một Hội thẩm là một Thẩm phán ngạch Tư pháp.

Hiện nay cũng có ý nên để cho dễ chỉ đạo, xét xử, cần đưa số lượng Thẩm phán nhiều hơn Hội thẩm với công thức 2 Thẩm phán 1 Hội thẩm hoặc 3 Thẩm phán 2 Hội thẩm. Chứ không phải 1 Thẩm phán 2 Hội thẩm, 2 Thẩm phán 3 Hội thẩm như hiện nay. Tôi cho rằng ý kiến này chưa thấy hết vai trò của Hội thẩm. Trong công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung, trong tuyệt đại bộ phận các vụ án hình sự, việc xét xử đã thể hiện rõ đường lối xét xử của Đảng, Nhà nước ta. Thành tích của Tòa án trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế đã đã được xác định. Trong đó phần quan trọng là thành công của các Thẩm phán, đồng thời Hội thẩm cũng góp phần tích cực vào thành công đó.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là còn có một số Hội thẩm không có đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, làm ảnh hưởng phần nào đến chất lượng xét xử của Tòa án. Nhưng chỉ là một phần nhỏ. Luật pháp về tố tụng hình sự đã quy định hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), ngoài ra còn có trình tự giám đốc thẩm, chắc chắn sẽ khắc phục được số lượng nhỏ bản án xử chưa chính xác đó. Do vậy, để đảm bảo dân chủ trong xét xử, nên duy trì số lượng Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử như hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

công tác Hội thẩm ở toà án nhân dân

tỉnh ninh bình

Phạm Văn Kha

Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình(*)

 

I. thực trạng công tác Hội thẩm nhân dân ở toà án nhân dân tỉnh ninh bình

Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, với số dân 904.766 người, diện tích 1.405,7 km2, có 2 dân tộc là Kinh và Mường. Tôn giáo có đạo Phật và Thiên Chúa. Đặc biệt đạo Thiên Chúa tập trung đông ở khu vực toà giám mục Phát Diệm, Kim Sơn (một trong những trung tâm lớn nhất ở nước ta). Ninh Bình cũng là nơi có nhiều đường giao thông: đường bộ, đường sắt và đường thuỷ Bắc - Nam. Có đồi núi, rừng, đồng bằng và biển. Các vùng rất khác nhau về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, tập quán và cuộc sống của dân cư. Những lúc nông nhàn, có rất nhiều người (chủ yếu thanh thiếu niên) đi khắp mọi miền trên đất nước để làm thuê (khai thác đá, làm mộc và đào đãi vàng, đá quý) cũng thu được một số về kinh tế nhưng các tệ nạn xã hội (nhất là ma tuý), cờ bạc, rượu chè mang về địa phương không phải là ít, tội phạm cũng từ đây phát sinh một số khá lớn. Ninh Bình cũng là tỉnh được hợp nhất 3 tỉnh thành tỉnh Hà Nam Ninh trong 16 năm (1986 - 1992). Từ 4/1992 được tách và tái lập.

Những đặc điểm tình hình trên có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của Toà án nhân dân. Về thực trạng Hội thẩm nhân dân tỉnh Ninh Bình, trong phạm vi chuyên đề này, chủ yếu đề cập về hoạt động của Hội thẩm từ 1992 đến nay (từ khi tái lập tỉnh).

Năm 1992 sau khi tái lập tỉnh, số Hội thẩm nhân dân mới chỉ có 5 vị, lại ở tuổi cao (từ 50 -70 tuổi). Để đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử - Toà án nhân dân tỉnh đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc tỉnh chuẩn bị nhân sự để Mặt trận tỉnh trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII (1992), và đã bầu được 23 vị Hội thẩm Đến kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX (1995) bầu thêm được 21 vị. Như vậy, bên cạnh 18 Thẩm phán của Toà án tỉnh, còn có 44 vị Hội thẩm nhân dân. Đến nay số lượng này tương đối ổn định (sau nhiều năm có biến động). Hiện nay độ tuổi của Hội thẩm nhân dân trẻ nhất là 32, nhiều tuổi nhất là 78. Số Hội thẩm được phân bổ: mỗi đơn vị huyện, thị xã 2 vị, số còn lại tập trung ở thị xã Ninh Bình và các ngành, đoàn thể cần thiết: Y tế, Giáo dục, Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Công nghiệp, Ngân hàng, Tài chính vật giá v.v. Việc bố trí phân bổ Hội thẩm như trên đã tạo nhiều thuận lợi cho việc tham gia xét xử với Toà án, đặc biệt là những vụ án mà Bộ luật tố tụng hình sự bắt buộc phải có (như bị cáo chưa thành niên, phải có Hội thẩm là giáo viên hay Đoàn thanh niên... tham gia trong Hội đồng xét xử).

Trong thời gian qua, có thể nói nhiều Hội thẩm Toà án nhân dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Nhiều vị tuổi đã cao, sức yếu, mặc dù đường xá xa xôi, nhưng khi được Toà án mời tham gia xét xử, đã đến làm việc đúng thời gian quy định. Nhiều vị Hội thẩm đã tích cực nghiên cứu hồ sơ tương đối kỹ, những vấn đề cơ bản mang tính pháp lý phục vụ cho công tác xét xử tại phiên toà đã được các vị quan tâm đúng mức, nắm vấn đề tương đối vững. Có một số vị Hội thẩm đã phát hiện những vấn đề còn băn khoăn, hoặc truy tố chưa đúng, chưa đảm bảo chứng cứ để kết tội, đã trực tiếp tác động đối với toà chuyên trách, với các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, kể cả việc phản ánh tâm tư nguyện vọng dư luận từ các khu dân cư phản ánh lại và thu nhận những kết quả đã xét xử, bằng mọi hình thức đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong phạm vi khu dân cư hoặc trong lĩnh vực hoạt động của Hội thẩm Tính từ 4/1992 đến nay, Hội thẩm ở Toà án Ninh Bình đã tham gia xét xử 1.070 vụ án các loại, trong đó có 1.015 vụ hình sự và 55 vụ dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp kinh tế, hành chính và lao động theo trình tự xét xử sơ thẩm.

Có thể khẳng định hoạt động Hội thẩm Toà án nhân dân trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến lớn và đã góp phần đáng kể vào hoạt động xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình, đảm bảo trình tự xét xử theo đúng quy định của pháp luật, xét xử kịp thời và khắc phục được một phần những sai sót, vi phạm trong hoạt động xét xử.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác Hội thẩm ở Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc như:

1. Vấn đề quản lý Hội thẩm

- Hiện chưa có sự quản lý Nhà nước về mặt tổ chức đối với Hội thẩm Toà án nhân dân. Thường là chánh án Toà án chủ động đưa ra danh sách để hiệp thương với Mặt trận tổ quốc tỉnh. Khi Mặt trận đồng ý, sẽ trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh (giới thiệu để bầu Hội thẩm). Hội đồng nhân dân bầu xong, Chánh án Toà án thông báo bằng văn bản kết quả trúng cử đến các Hội thẩm mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày (2-3 ngày) cung cấp những vấn đề sơ đẳng nhất về luật pháp và công việc của xét xử của Toà án, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm Nhưng khi Hội thẩm nêu vấn đề ai quản lý thì chưa trả lời được, có ý kiến cho là Hội đồng nhân dân bầu ra thì phải quản lý, có ý kiến cho là Mặt trận tổ quốc quản lý và đa số cho là Toà án phải quản lý, vì trong Luật tổ chức Toà án nhân dân có khẳng định rõ "Toà án nhân dân cấp tỉnh có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm Toà án và thư ký toà". Đã xác định Hội thẩm là một thành viên trong toà thì toà phải quản lý. Song kinh phí thì Nhà nước không phân bổ, trong uỷ quyền quản lý về mặt tổ chức của Bộ Tư pháp cho Chánh án Toà án nhân dân tỉnh cũng không có quản lý Hội thẩm

2. Những hạn chế của Hội thẩm

- Do tình hình hiện nay, đại bộ phận Hội thẩm là cán bộ đã nghỉ hưu (trừ số Hội thẩm ở các ngành, đoàn thể), trình độ không đồng đều, văn hoá nhìn chung là thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tuổi cao. Vì vậy dù có nhiệt tình đến mấy đi chăng nữa cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Có nhiều vụ án phức tạp, tài liệu quá nhiều không thể đọc trong vài ba ngày được, vì vậy Hội thẩm chỉ đọc được những tài liệu như kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát và một số lời khai của bị cáo, đương sự. Các chứng cứ khác không nắm chắc, nên khi ra xét xử, ngại thẩm vấn, hoặc không dám tranh luận với Thẩm phán khi nghị án.

- Thực tế một số vị Hội thẩm có độ tuổi quá cao, tiếp xúc xã hội ở phạm vi hẹp, do vậy, khi xét xử tại phiên toà, đã có vị hỏi hoặc giáo dục đương sự không đúng, còn theo kiểu phong kiến. Ví dụ: Khi hai vợ chồng tranh luận nhau về mâu thuẫn, người vợ thường phản đối chồng thì Hội thẩm nhắc: "chị không được rế cao hơn nồi" nhằm phân tích, giáo dục người vợ trước toà, làm mất tính chất bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình.

3. Những trở ngại khách quan

- Về chuyên môn nghiệp vụ: Hầu hết các Hội thẩm sau khi bầu, mới được bồi dưỡng vài ngày, với kiến thức rất sơ đẳng, Toà án muốn tập trung bồi dưỡng dài ngày, nhất là khi có nhiều văn bản pháp luật mới nhưng lại không có kinh phí, không có giáo trình hoặc tài liệu thống nhất của Bộ tư pháp hoặc của Toà án tối cao. Tài liệu phục vụ cho Hội thẩm về chuyên môn rất cần thiết cũng không có. Toà án Ninh Bình đã rất cố gắng, nhưng cũng mới chỉ cung cấp cho mỗi Hội thẩm được một quyển Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nay muốn cung cấp mỗi vị một cuốn Sổ tay Hội thẩm mà chưa có điều kiện. Vấn đề này đã hạn chế rất nhiều đến việc nghiên cứu vận dụng pháp luật vào việc xét xử các vụ án của Hội thẩm - Chủ yếu là nghe Thẩm phán phân tích, giải thích theo cách hiểu và áp dụng của Thẩm phán. Do vậy, trong số trên một ngàn vụ tham gia xét xử với Toà án nêu trên, mới chỉ có vài 3 vụ có ý kiến trái ngược giữa hai Hội thẩm với Thẩm phán. Sự không thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật lại thường rơi vào tình trạng một số bị cáo hoàn cảnh rất khó khăn hoặc là nhân dân lao động, nhất thời phạm tội, nhưng tội phạm lại nghiêm trọng mà Nhà nước ta đang rất quan tâm ngăn chặn như: tội phạm về mua bán ma tuý, mua bán trái phép chất nổ, phá huỷ công trình quan trọng về an ninh quốc gia (cắt đường dây điện) v.v.

- Vấn đề "mời đột xuất Hội thẩm " đã xảy ra từ lâu, nhất là những năm tiền bồi dưỡng thù lao cho Hội thẩm đến toà làm việc rất thấp. Hoặc Hội thẩm ở các ngành, các tổ chức xã hội, do bận công việc chuyên môn, nên khi mời đến toà làm việc rất khó khăn. Vì vậy đã có một số trường hợp khi mở phiên toà, Hội thẩm không đến, phải hoãn. Hoãn phiên toà lại, gây rất nhiều tốn kém về kinh phí và việc dẫn giải bị cáo, Toà án cho thư ký đến tìm một số vị ở gần và Hội thẩm đến là ngồi toà xét xử ngay - chỉ khi Viện kiểm sát đọc cáo trạng thì mới hình dung một phần nào về nội dung vụ án mà mình ngồi tham gia. Vấn đề này gần đây đã được khắc phục dần, nhất là khoản thù lao từ khi chi 25.000 đ/ngày, nên việc mời Hội thẩm đến tham gia xét xử dễ hơn.

- Về trang phục: Từ khi có chế độ trang cấp cho Thẩm phán và cán bộ Toà án, đây là một bước tiến mới rất quan trọng. Sự nghiêm trang, đĩnh đạc của người xét xử rất cần thiết cho ngành. Nhưng Hội thẩm lại không có chế độ trang cấp mà điều kiện kinh tế của mỗi Hội thẩm rất khác nhau. Trong một phiên toà, những người tiến hành tố tụng như kiểm sát viên có trang phục kiểm sát, thư ký có trang phục thư ký, Thẩm phán có trang phục riêng (khác màu), còn Hội thẩm thì tuỳ mỗi vị. Đã có thời kỳ Toà án tỉnh bỏ kinh phí ra may 7 bộ com lê để sẵn cho Hội thẩm nhưng kích cỡ lại không hợp, để lâu không giặt nên không thể sử dụng được. Đến nay cho "đấu giá" cũng không ai mua, mà cho Hội thẩm thì không đều khắp, đành bỏ nát trong tủ.

II. một số kiến nghị

Để phát huy những kết quả của công tác Hội thẩm đã đạt được trong những năm qua và khắc phục những tồn tại hiện nay để công tác Hội thẩm Toà án trở thành một chế định hoàn thiện, có hiệu quả hơn, chúng ta cần tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:

1. Về mặt tổ chức của Hội thẩm Toà án nhân dân: Bất cứ một hoạt động nào mang tính xã hội phải có sự quản lý của Nhà nước. Hội thẩm nhân dân là một chế định, hoạt động thống nhất theo luật pháp cũng phải có sự quản lý về mặt tổ chức. Vấn đề là quản lý thế nào, phải có mô hình thống nhất. Theo chúng tôi nghĩ khâu chuẩn bị nhân sự vẫn phải do Mặt trận tổ quốc giới thiệu, có sự phối hợp của Chánh án Toà án nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra Hội thẩm Toà án nhân dân tỉnh như hiện nay là phù hợp. Chỉ có Mặt trận lựa chọn trong tầng lớp nhân dân những người tiêu biểu, có đầy đủ tiêu chuẩn, giới thiệu, trình ra Hội đồng nhân dân. Nhưng để quản lý về mặt tổ chức, cần lập Đoàn Hội thẩm tỉnh, tự họ có thể bầu cử ra ban đại diện (thường trực) để thường xuyên giữ mối liên hệ với Toà án, Mặt trận và Hội đồng nhân dân để giải quyết những công việc cần thiết cho hoạt động của Hội thẩm Cơ quan quản lý Đoàn Hội thẩm là cơ quan tư pháp. Có hai hình thức:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Chánh án Toà án tỉnh quản lý về mặt tổ chức (như đối với quản lý các Thẩm phán) và uỷ quyền cho Giám đốc Sở tư pháp quản lý về mặt tổ chức đối với Hội thẩm nhân dân các huyện thị.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Chánh án Toà án tỉnh quản lý tổ chức cả Hội thẩm cấp tỉnh và cấp huyện để thống nhất về mặt tổ chức, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, trang phục cho Hội thẩm và tiện cho việc nắm tình hình hoạt động chung của Hội thẩm trong toàn tỉnh để báo cáo lên Bộ. Nếu theo kiểu này, ở Toà án tỉnh cần có một biên chế cán bộ theo dõi giúp Chánh án, có một phòng làm việc cho 1 biên chế và bộ phận thường trực Hội thẩm Toà án. (Đặt ngay tại Toà án nhân dân).

- Vấn đề tiêu chuẩn Hội thẩm Toà án: ở Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân còn ghi chung chung; cần phải được quy định cụ thể hơn về tuổi của Hội thẩm nên quy định từ 23 đến 70 tuổi; Về văn hoá, ở thành phố và đồng bằng nên từ trung học cơ sở, ở miền núi ít nhất hết tiểu học; trình độ pháp luật tối thiểu phải sơ cấp hoặc tương đương, hoặc có một trong các bằng đại học chuyên ngành. Cần chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, phải là người tiêu biểu; có uy tín trong nhân dân và trong các ngành, các tổ chức xã hội; có sức khoẻ từ trung bình trở lên.

- Số lượng Hội thẩm: Thực tiễn đòi hỏi số lượng Hội thẩm nên ít hơn Thẩm phán nhằm đảm bảo cho chất lượng xét xử các vụ án tốt hơn Hội thẩm tham gia trong hội đồng xét xử các vụ án sơ thẩm, nếu Hội đồng 3 thành viên thì có 1 Hội thẩm nếu Hội đồng 5 thành viên cần 2 Hội thẩm Nếu Hội thẩm trình độ quá yếu về nghiệp vụ chuyên môn, văn hoá thấp hơn và sức khoẻ, tuổi tác hạn chế việc đọc hồ sơ như hiện nay thì có thể nhiều năm nữa rất khó thực hiện nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán hoặc đảm bảo tính độc lập, quyết định theo đa số. Nếu để số lượng Hội thẩm nhiều hơn Thẩm phán trong Hội đồng xét xử như hiện nay, có nhiều vụ Hội thẩm tham gia chỉ là hình thức. Do đó, số Hội thẩm ở mỗi Toà án cấp tỉnh cũng chỉ nên bằng số lượng của Thẩm phán trong mỗi toà (theo chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao) là đủ.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ: Mỗi khoá Hội thẩm nên có ít nhất là 2 kỳ (có thể 1 kỳ tập huấn, 1 kỳ chuyên đề nghiệp vụ riêng cho Hội thẩm) mỗi kỳ từ 5 - 7 ngày; có thống nhất giáo trình, tài liệu hướng dẫn; cử các Thẩm phán có kinh nghiệm hướng dẫn hoặc viết các chuyên đề để Hội thẩm tham gia trao đổi thảo luận. Cần cung cấp cho Hội thẩm một số loại sách nghiệp vụ như: Sổ tay Hội thẩm nhân dân, các Bộ luật hình sự, dân sự, lao động, pháp lệnh kinh tế, hành chính, v.v. và một số tài liệu cần thiết khác. Các hội nghị tổng kết của tỉnh, huyện, thị nên mời tất cả các Hội thẩm dự để tham gia đóng góp ý kiến và nắm tình hình chung của hoạt động xét xử ở cấp Toà án mà mình tham gia.

- Bộ nghiên cứu đầu tư kinh phí (có mục chi riêng) cho hoạt động Hội thẩm trong kinh phí của các Toà án. Mỗi nhiệm kỳ Hội thẩm cần cấp cho mỗi Hội thẩm 2 bộ trang phục (1 bộ đông và 1 bộ xuân hè) còn các trang phục khác Hội thẩm có thể tự túc được. Nếu như hiện nay, mỗi Hội thẩm chỉ cần chi 500.000 đ là có thể thực hiện được như đề xuất trên.

Trên đây là tình hình thực tiễn công tác Hội thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình. Có thể khẳng định không có Hội thẩm tham gia thì chắc chắn Toà án không thể hoàn thành được chức năng nhiệm vụ của mình. Chế định Hội thẩm Toà án nhân dân là rất cần thiết và quan trọng kể cả về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn. Giữa Hội thẩm và Thẩm phán khi tham gia xét xử có mối quan hệ gắn bó với nhau, vừa độc lập, vừa hợp tác, bổ xung cho nhau: Thẩm phán có thể giúp cho Hội thẩm nâng dần trình độ chuyên môn; ngược lại Hội thẩm sẽ giúp cho Thẩm phán về thực tiễn cuộc sống hàng ngày, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận dụng luật pháp cho phù hợp. Nhưng nếu dừng lại ở tình trạng như hiện nay, thì công tác Hội thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

 

 

 

 

 

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội thẩm

TS. Phan Hữu Thư

Giám đốc trường Đào tạo các chức danh tư pháp

I. Tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm

Điều 41 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 quy định: "Hội thẩm được bồi dưỡng về nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi làm nhiệm vụ xét xử". Từ khi thành lập đến nay, Nhà nước luôn chú ý đến việc củng cố và hoàn thiện chế định Tòa án xét xử có Hội thẩm tham gia, trong đó có việc chăm lo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Hội thẩm. Trong những năm gần đây, một số Thẩm phán đã nghỉ hưu được giới thiệu tham gia gia xét xử, điều đó cũng tạo nhiều thuận lợi cho Hội đồng xét xử, nâng cao uy tín không những cho Tòa án mà còn cho đội ngũ Hội thẩm. Tuy nhiên, những Hội thẩm có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao chưa nhiều. Vì vậy, việc từng bước nghiên cứu để đưa chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội thẩm thành một chương trình thực hiện thường xuyên, có tính chất bắt buộc là một điều cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác Hội thẩm và công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân.

Việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm được đặt ra từ những năm đầu của chính quyền nhân dân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc bồi dưỡng Hội thẩm tiến hành không mấy kết quả. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, hoạt động xét xử tại các Tòa án nhân dân cũng đang được từng bước nâng cao cho phù hợp với tình hình mới. Nhu cầu đào tạo và tự đào tạo của Thẩm phán đang càng ngày càng cao. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền nhau, do đó song song với việc đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán thì việc đào tạo bồi dưỡng Hội thẩm cũng là điều hết sức cần thiết.

Cuốn Sổ tay Hội thẩm1 của Bộ Tư pháp xuất bản gần đây là một cẩm nang quý cho các Hội thẩm. Cuốn sách chia làm 3 phần: Những quy định chung; pháp luật tố tụng và pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế. Như vậy về bố cục, sau khi giới thiệu những vấn đề chung liên quan đến vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động của Tòa án và pháp luật của Việt Nam từ năm 1945 lại đây về chế định Hội thẩm; tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm; những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân, các tác giả đã giới thiệu ngay những quy định của pháp luật tố tụng. Sau đó các tác giả mới trình bày một số vấn đề của luật nội dung. Trong phần pháp luật tố tụng, các tác giả lần lượt giới thiệu pháp luật tố tụng hình sự; pháp luật tố tụng dân sự; pháp luật tố tụng kinh tế; pháp luật tố tụng lao động; pháp luật tố tụng hành chính và cuối cùng là nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội thẩm khi tham gia xét xử. Nếu trong phần giới thiệu pháp luật tố tụng, các tác giả đã tôn trọng những quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án đang hiện hành, thì trong phần nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc, các tác giả chủ yếu đi vào một số quy định cụ thể liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính bản thân Hội thẩm cũng như giới thiệu các công việc hàng ngày của Hội thẩm trong các giai đoạn như: chuẩn bị xét xử; khai mạc phiên tòa; thủ tục xét hỏi tại phiên tòa; theo dõi và điều khiển việc tranh luận tại phiên tòa; nghị án và tuyên án. Trong phần thứ ba về pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, đã lần lượt giới thiệu về pháp luật hình sự: Một số vấn đề thuộc phần chung của Bộ luật hình sự và một số tội phạm trong Bộ luật hình sự; pháp luật dân: Một số quy định chung, một số vấn đề cơ bản của Bộ luật dân sự; pháp luật hôn nhân và gia đình: Nguyên tắc chung, kết hôn, quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, xác định cha mẹ cho con, nuôi con nuôi, ly hôn; pháp luật về hợp đồng kinh tế: Khái niệm, chủ thể, các nguyên tắc và thủ tục ký kết, nội dung, các biện pháp và cách thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, thay đổi, đình chỉ, thanh lý hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh tế vô hiệu và trách nhiệm vật chất đối với vi phạm hợp đồng kinh tế; pháp luật về lao động: Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động, những chế định chủ yếu của pháp luật lao động, tranh chấp lao động; Luật phá sản doanh nghiệp: khái niệm phá sản và phân biệt phá sản với giải thể, những vấn đề cơ bản của Luật phá sản doanh nghiệp. Nếu sử dụng cuốn Sổ tay Hội thẩm để làm tài liệu giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng Hội thẩm cũng đã là điều rất tốt. Trong bố cục của cuốn sách này, các tác giả chú trọng đến vấn đề tố tụng (trình bày các quy định về tố tụng ngay sau khi giới thiệu những quy định chung liên quan đến Hội thẩm). Tuy nhiên, các vấn đề pháp luật nội dung lại được trình bày sau các vấn đề tố tụng. Các vấn đề nghiệp vụ ít được đề cập đến. Một số kỹ năng hành nghề, các tác nghiệp hàng ngày của Hội thẩm chưa được các tác giả thể hiện đầy đủ.

Chương trình bồi dưỡng Hội thẩm trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi nên chú trọng mấy vấn đề sau đây: a) Những quy định chung liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, vị trí, quyền và nghĩa vụ tố tụng của Hội thẩm; b) Một số kiến thức chuyên môn cần thiết bao gồm cả các kiến thức về luật nội dung và Luật tố tụng (có thể hiểu như là chương trình sơ cấp luật); c) Một số vấn đề kỹ năng (hay tác nghiệp hàng ngày của Hội thẩm); d) Một số chuyên đề về kinh nghiệm xét xử một số án điển hình; e) Tập huấn các văn bản mới ban hành. Trong năm vấn đề trình bày ở trên thì các vấn đề (d) và (e) là có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình, còn các vấn đề (a), (b) và (c) là các vấn đề tương đối cố định, chỉ có thể thay đổi theo đối tượng và thời gian đào tạo mà thôi.

II. Việc tổ chức bồi dưỡng cho hội thẩm

- Đối tượng bồi dưỡng: Hội thẩm Tòa án nhân dân các cấp.

 

- Thời gian đào tạo: Theo các khóa ngắn hạn từ 7 - 10 ngày, 15 ngày, 30 ngày tuỳ theo đối tượng đào tạo.

- Hình thức đào tạo: Tập trung tại trường ở Hà Nội hoặc tập trung tại các địa phương.

 

- Nội dung đào tạo: Chương trình đào tạo này dùng cho các đối tượng Hội thẩm mới được bầu ở cấp huyện. Đối với các đối tượng khác tuỳ theo nhu cầu để điều chỉnh chương trình cho phù hợp.

1. Phần thứ nhất: Những quy định chung

 

- Vị trí, vai trò của Hội thẩm trong hoạt động xét xử của Tòa án.

- Tiêu chuẩn, thủ tục bầu cử, miễn nhiệm và bãi nhiệm Hội thẩm.

- Một số nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân liên quan đến Hội thẩm (Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...).

 

2. Phần thứ hai: Kiến thức chuyên môn cần thiết cho Hội thẩm.

 

a. Luật nội dung

+ Pháp luật hình sự:

- Một số vấn đề thuộc Phần chung Bộ luật hình sự (nguyên tắc xử lý bằng biện pháp hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam; hiệu lực của Bộ luật hình sự; tội phạm; hình phạt; những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội).

 

- Một số tội phạm trong Bộ luật hình sự (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; một số tội xâm phạm tính mạng sức khỏe nhân dân, danh dự con người; một số tội phạm quyền tự do, dân chủ của công dân; một số tội xâm phạm sở hữu XHCN; một số tội phạm về kinh tế; các tội phạm về ma túy, một số tội phạm về chức vụ; một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp).

 

+ Pháp luật dân sự:

- Một số quy định chung (Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự; những nguyên tắc cơ bản trong việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự; những căn cứ để xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự; bảo vệ quyền dân sự; năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự; giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu).

 

- Một số nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự: Quyền sở hữu; nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự; thừa kế; những quy định chung về chuyển quyền sử dụng đất).

 

+ Pháp luật hôn nhân và gia đình: Nguyên tắc chung; kết hôn; quan hệ vợ chồng; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; xác định cha mẹ cho con; nuôi con nuôi; ly hôn.

 

+ Pháp luật về hợp đồng kinh tế: Khái niệm về hợp đồng kinh tế (HĐKT); chủ thể HĐKT; các nguyên tắc ký kết HĐKT; thủ tục và nội dung HĐKT; các biện pháp bảo đảm và cách thức thực hiện HĐKT; hợp đồng kinh tế vô hiệu và xử lý HĐKT vô hiệu; trách nhiệm vật chất đối với vi phạm HĐKT.

 

+ Pháp luật lao động: Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật lao động; những chế định chủ yếu của Luật lao động; tranh chấp lao động.

 

+ Luật phá sản doanh nghiệp: Khái niệm phá sản và phân biệt phá sản với giải thể; những nội dung cơ bản của Luật phá sản doanh nghiệp như đối tượng, phạm vi điều chỉnh, những đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản, cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thủ tục thụ lý đơn, thủ tục giải quyết, thi hành quyết định tuyên bố phá sản...

 

b. Pháp luật hình thức:

- Pháp luật tố tụng hình sự: Những nguyên tắc đặc thù trong Luật tố tụng hình sự; một số quy định chung của pháp luật tố tụng hình sự; thủ tục xét xử tại phiên tòa.

 

- Pháp luật tố tụng dân sự: Những nguyên tắc đặc thù của Luật tố tụng dân sự; một số quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

 

- Pháp luật tố tụng kinh tế: Những nguyên tắc đặc thù trong tố tụng kinh tế; một số quy định chung của pháp luật tố tụng kinh tế.

 

- Pháp luật tố tụng lao động: Một số nguyên nhân đặc thù của pháp luật tố tụng lao động; một số nội dung cơ bản của pháp luật tố tụng lao động.

 

- Pháp luật tố tụng hành chính: Một số nguyên tắc đặc thù của Luật tố tụng hành chính; một số quy định chung của pháp luật tố tụng hành chính.

 

- So sánh các thủ tục tố tụng hiện hành

3. Phần thứ ba: Kỹ năng của Hội thẩm.

 

a. Nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và hành chính (nắm bắt hồ sơ vụ án, ghi chép các nội dung cần thiết, phác thảo kế hoạch thẩm vấn, làm việc với Thẩm phán trước khi xét xử).

b. Lập kế hoạch thẩm vấn.

c. Tìm hiểu văn bản pháp luật áp dụng.

d. Kỹ năng thẩm vấn tại phiên tòa.

đ. Kỹ năng nghị án.

e. Một số kỹ năng khác liên quan đến hoạt động tố tụng của Hội thẩm.

4. Phần thứ tư: Giới thiệu một số chuyên đề cụ thể.

 

Các chuyên đề cụ thể đó có thể là:

- Chuyên đề giải quyết các vụ án ma túy;

- Chuyên đề giải quyết tranh chấp về nhà ở;

- Chuyên đề giải quyết một số vụ án hành chính.

....5. Tập huấn văn bản pháp luật mới ban hành. Phần này sẽ được điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể.

- Giới thiệu Bộ luật dân sự;

- Giới thiệu các quy định mới liên quan đến tội phạm về ma túy;

- Giới thiệu Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.

...Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm cũng như đào tạo bồi dưỡng Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác là một công việc cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên thành nề nếp và chính quy. Vì vậy, việc xây dựng một chương trình bồi dưỡng Hội thẩm để tiến tới mở các lớp bồi dưỡng Hội thẩm đầu tiên trong những năm tới là một phần quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Chương trình mà chúng tôi giới thiệu trên đây chỉ là những phác thảo ban đầu, cần thiết phải được góp ý, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dần. Ngoài ra cũng cần áp dụng chương trình bồi dưỡng một cách linh hoạt cho từng đối tượng khác nhau. Tuỳ theo đối tượng đào tạo (Hội thẩm mới được bầu; Hội thẩm đã kinh qua xét xử; Hội thẩm cấp quận, huyện; Hội thẩm cấp tỉnh; Hội thẩm Tòa án nhân dân tối cao...). Thời gian đào tạo cũng liên quan đến chương trình đào tạo. Vì vậy, cần xem xét áp dụng chương trình dào tạo, bồi dưỡng thích hợp cho từng khóa tương ứng.

Sự hình thành và phát triển

của Chế định Hội thẩm ở Việt Nam

Lê Thu Hương

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

ở nước ta, chế định Hội thẩm xuất hiện cùng với sự ra đời của Toà án nhân dân. Hội thẩm và Thẩm phán là hai bộ phận hợp thành Toà án. Hai chế định này đã ngày càng được củng cố và phát triển thể hiện ngày càng đầy đủ tính chất dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân.

Những biểu hiện phôi thai của chế định Hội thẩm được xuất hiện trong các hoạt động mang tính chất toà án nhân dân từ những ngày Chính quyền Cách mạng còn trứng nước. Trước 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nổi dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền tự do. Tại những cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ, đồng bào yêu cầu phải trừng trị những tên phản động, gian ác, đã có những bản án được tuyên, thể hiện đầy đủ ý chí nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. ở một số tỉnh đã thành lập Hội đồng Toà án nhân dân Cách mạng ngay sau khi Chính quyền Cách mạng được thành lập (sau khởi nghĩa Nam Kỳ). Như ở tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) mặc dù Chính quyền Cách mạng chỉ tồn tại trong vòng 49 ngaỳ, nhưng Hội đồng Toà án Cách mạng đã được thành lập để xử bọn phản Cách mạng. Toà án xử lưu động, công khai nhiều vụ tại các xã, quần chúng tham gia rất đông đảo, đại biểu quần chúng lên phát biểu: nêu rõ tội ác và hậu quả mà bọn phản Cách mạng gây ra, rồi đề nghị mức phạt, đồng thời kêu gọi mọi người kiên quyết phát hiện, tố cáo bọn chúng. Tại các phiên toà đó, quyền quyết định của nhân dân được tôn trọng, thể hiện tính dân chủ của một Toà án Cách mạng (1).

Từ sau khi giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thiết lập hệ thống Toà án nhân dân và Toà án Quân sự. Chế định nhân dân tham gia hoạt động xét xử thông qua người Hội thẩm đã chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp. Từ đó đến nay, chế định Hội thẩm ngày càng được hoàn thiện cùng với sự củng cố Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ Cách mạng trong từng giai đoạn và việc ban hành các Hiến pháp, có thể chia các giai đoạn phát triển của chế định Hội thẩm như sau:

1. Giai đoạn 1945 - 1959

2. Giai đoạn 1959 - 1980

3. Giai đoạn 1980 - 1992

4. Giai đoạn từ 1992 đến nay.

I. Giai đoạn 1945-1959

1. Đặc điểm tình hình:

- Tháng 8 năm 1945, sau gần 100 năm dưới ách thực dân phong kiến, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập hoàn toàn, bắt tay vào kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Ngay sau đó, Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước là Sắc lệnh 33C ngày 13/9/1945 về Tổ chức Toà án Quân sự đã quy định việc xét xử của Toà án có Phụ thẩm tham gia. Bộ Tư pháp là một trong những Bộ đầu tiên được thành lập và một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Tư pháp là "công việc tổ chức các Toà án... (theo Nghị định số 37 ngày 1/12/1945). Đầu năm 1946, Văn bản pháp luật đầu tiên quy định việc tổ chức các cơ quan tư pháp là Sắc lệnh số 13/SL về tổ chức các Tòa án và ngạch Thẩm phán (ban hành ngày 24-1-1946). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định tương đối đầy đủ quyền và nghĩa vụ của Phụ thẩm (Hội thẩm) cũng như việc tuyển cử, tham gia của Phụ thẩm vào việc xét xử của Toà án nhân dân.

- Theo Sắc lệnh 13/SL ngày 24-1-1946, các toà án xử việc hình, ngoài các Thẩm phán còn có 2 vị Phụ thẩm nhân dân.

Toà sơ cấp khi xét xử gồm có Thẩm phán, một lục sự và một hay nhiều thư ký giúp việc mà không có Phụ thẩm.

Toà án đệ nhị cấp khi xét xử các việc tiểu hình (những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm) hay phạt bạc trên 9 đồng (tiền lúc đó) thì ngoài Chánh án (chủ toạ) còn có hai vị Phụ thẩm. Danh sách Phụ thẩm do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào đầu năm, gồm tất cả đại biểu chính thức và dự khuyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố (trừ các Uỷ viên hành chính và các đại biểu đang là Thẩm phán hay luật sư), có thể chọn thêm phụ thẩm ngoài các đại biểu của HĐND nếu họ có đủ điều kiện để được ứng cử vào HĐND. Danh sách Phụ thẩm phải được ông biện lý (Công tố) có ý kiến, rồi mới đưa ra HĐND duyệt y. Hai Phụ thẩm dự phiên toà được chọn theo cách rút thăm.

Theo Sắc lệnh này, khi xét xử việc đại hình tại toà đệ nhị cấp thì Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm có Chánh án, hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai Phụ thẩm nhân dân. Khi nghị án có Chánh án, 2 Thẩm phán và 2 Phụ thẩm nhân dân cùng nghị xử. Còn khi xử án tiểu hình Chánh án chỉ hỏi Phụ thẩm về tội trạng và hình phạt, rồi tự mình quyết định (vấn đề thủ tục tạm tha hay liên quan đến dân sự, thương sự thì Chánh án không phải hỏi Phụ thẩm).

Toà thượng thẩm khi xét xử phúc thẩm các việc tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án, 2 Hội thẩm (chuyên môn) còn có 2 Phụ thẩm nhân dân cùng nghị án (trừ các vấn đề liên quan đến thủ tục, tạm tha, đòi bồi thường về dân sự, thương sự do Chánh án tự quyết định).

Tại Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946 ấn định thẩm quyền các toà án có sửa về thẩm quyền và tên gọi các Toà án. Hệ thống Toà án gồm: Toà án huyện; Toà án tỉnh, thành phố; Toà án phúc thẩm khu, hoặc Toà án liên khu (nếu có điều kiện thành lập).

Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, (ngày 9/11/1946) đã chính thức ghi nhận: "Trong khi xử việc hình phải có phụ thẩm nhân dân để tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình".

ở các Toà án Quân sự, ngoài các Thẩm phán cũng có sự tham gia xét xử của Hội thẩm Sắc lệnh số 19 (16-2-1947) Tổ chức các Toà án binh trên toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 45 (5-7-1947) đặt một toà án binh Tối cao... cũng quy định rõ mỗi toà án binh gồm một Chánh án ngồi xử và hai Hội thẩm (Tại các Sắc lệnh này bắt đầu không dùng từ Phụ thẩm).

Buổi ban đầu, khi Nhà nước còn non trẻ, chế định về nhân dân tham gia xét xử còn có những hạn chế nhất định như tên gọi (Phụ thẩm), phạm vi tham gia xét xử: chỉ xử hình sự với mức độ tham gia khác nhau (tiểu hình, đại hình)... Thẩm phán lúc đó có nhiều người là trí thức cũ, có trình độ pháp luật, có người đã làm công chức thời Pháp. Do vậy cần có tiếng nói của người dân trong công tác xét xử...

Nhiệm vụ chủ yếu của toà án sau khi ta mới giành chính quyền là trấn áp bọn phản Cách mạng. Việc xét xử hình sự chiếm đa số, án hình sự sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do thân thể, tính mạng của bị can, do đó đòi hỏi Toà án phải hết sức thận trọng, rất cần có sự tham gia của nhân dân trong công tác xét xử án hình sự, nhất là với các án đại hình.

- Bước vào những năm 50, với đà phát triển của chế độ dân chủ nhân dân, nền tư pháp đã có những cải cách lớn để thực sự trở thành nền tư pháp nhân dân. Cái mốc lớn của cuộc cải cách này là việc ban hành Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950 về cải cách bộ máy Tư pháp và Luật tố tụng.

Sắc lệnh số 85 đã sửa đổi một cách cơ bản Sắc lệnh số 13 nói trên. Sau đó Sắc lệnh số 151 ngày 17-11-1950 (Đặt thể lệ chỉ định các Hội thẩm nhân dân và định thành phần TAND liên khu trong trường hợp đặc biệt); Sắc lệnh số 156 ngày 22-11-1950 (tổ chức TAND liên khu), Sắc lệnh số 12 ngày 30-3-1957 và Thông tư số 2 P/4 ngày 5-2-1952 của Bộ Tư pháp (sửa đổi bộ phận chế định Hội thẩm nhân dân); đã sửa đổi bổ sung, chi tiết hơn về chế định Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.

Theo các Sắc lệnh nói trên, Phụ thẩm nhân dân được đổi là Hội thẩm nhân dân (HTND), số lượng Hội thẩm nhân dân được tăng lên, quyền hạn và nghĩa vụ được mở rộng, đặc biệt là Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử cả việc hình sự và dân sự, được tham gia quyết định về mọi vấn đề trong xét xử vụ án (xem hồ sơ, biểu quyết về tội trạng và hình phạt...). Khi xử án, TAND huyện và TAND tỉnh gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân. TAND phúc thẩm khu hoặc Thành phố gồm 2 Thẩm phán và 3 HTND.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm

Hội thẩm nhân dân có bổn phận lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc, rồi phát biểu ý kiến một cách công bằng, không vì nể, vì sợ một thế lực nào, vì lợi ích riêng hay tư thù mà bênh vực ai, hay làm hại ai.

Các HTND phải giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án, nếu tiết lộ bí mật sẽ bị TAND phúc thẩm khu hoặc thành phố phạt từ 6 tháng đến 2 năm tù. Những vấn đề bàn bạc trong phòng nghị xử giải quyết theo đa số. Một người không biểu quyết sẽ coi như là có ý kiến có lợi cho bị can. HTND có quyền từ chối tham gia vụ án khi có những cơ sở cho rằng mình không khách quan.

Như vậy Hội thẩm và Thẩm phán phải cộng tác chặt chẽ với nhau,cùng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân về hoạt động của Toà án. Mặc dù mỗi người có trách nhiệm riêng phụ thuộc nhiệm vụ và kỷ luật riêng tuỳ theo tính chất của họ là cán bộ dân cử (Hội thẩm) hay công chức Nhà nước (Thẩm phán).

Nhiệm vụ quan trọng của Hội thẩm nhân dân là xét xử và tuyên truyền giáo dục pháp luật, thể hiện nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Bởi thế họ phải là sợi dây liên lạc giữa Toà án và nhân dân. Pháp luật quy định rõ những việc Hội thẩm phải làm (xử án, hoà giải, điều tra, giáo dục trong nhân dân; những việc nên làm (giáo dục phạm nhân, kiểm tra huấn luyện) và những việc không nên làm (những việc thuộc về hành chính, kỹ thuật chuyên môn).

Nguyên tắc độc lập xét xử của Toà án và nguyên tắc quyết định theo đa số được thể hiện ngay từ Sắc lệnh 13/SL, thời kỳ này tiếp tục được cụ thể hoá.

Theo các Thông tư số 2 p/4 ngày 5-2-1952 của Bộ Tư pháp; Thông tư 512HC , Thông tư số 1671 HCTP ngày 11-9-1956 của liên bộ Nội vụ - Tư pháp; Thông tư số 248 P/4 ngày 25-8-1950 của Bộ Tư pháp; Thông tư số 289 ngày 4-10-1950 của Bộ Tư pháp thì:

- Sau khi lập danh sách HTND, các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố triệu tập cuộc họp các HTND để phổ biến nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc, trao đổi về lịch công tác. Toà án nhân dân tạo điều kiện phổ biến văn bản, tài liệu tư pháp và bồi dưỡng thường xuyên cho HTND. Các cuộc họp tổng kết nửa năm, hàng năm của Toà án đều mời HTND.

- Đối với mỗi phiên toà, trừ trường hợp thật đặc biệt, nói chung Toà án phải báo cho HTND 7 ngày trước khi mở phiên toà. HTND phải đến Toà án trước phiên toà ít nhất 1 ngày, cần thiết Toà án có thể yêu cầu HTND điều tra thêm trước khi ngồi toà.

- Trong Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán làm việc có thảo luận và cùng quyết định, phân công theo trách nhiệm. Chánh án và Hội thẩm nhân dân phân công điều khiển phiên toà và thuyết trình. Hội thẩm có quyền hỏi đương sự, bị can, những người làm chứng.

- Hội thẩm nhân dân còn là một thành viên của Hội đồng tư pháp - (Một hình thức phối hợp hai ngành xử án và công tố), họp mỗi tháng một lần hoặc bất thường, bàn về đường lối xét xử và kế hoạch tư pháp.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện chế định Hội thẩm nhân dân thời kỳ này còn có phần bị hạn chế. Có tình trạng thiếu Hội thẩm nhân dân hoặc không mời được Hội thẩm nhân dân trong khi vụ việc ngày càng nhiều. Việc bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân, ít được thực hiện... Nhiều Hội thẩm nhân dân thường trực trở thành cán bộ chuyên môn, mất liên hệ với quần chúng, nên không còn Hội thẩm nhân dân thường trực nữa (trừ các vùng dân tộc thiểu số).

Việc tuyển chọn và đãi ngộ Hội thẩm nhân dân

Hội thẩm nhân dân là những người có uy tín với nhân dân, có khả năng tham gia hoà giải hoặc xét xử. Đặc biệt là những Uỷ viên các đoàn thể, hiểu biết nhiều về việc kiện...

Theo Sắc lệnh số 156 ngày 22-11-1950; Sắc lệnh số 151 ngày 17-11-1950 và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 9-1951; 9-1952 và Thông tư 138 HCTP ngày 23-11-1957 của Bộ Tư pháp thì HTND được lựa chọn theo 2 cách: bầu và chỉ định (cử).

- Bầu HTND: Hội đồng nhân dân xã hàng năm sẽ bầu từ 2-4 HTND huyện, Uỷ ban kháng chiến hành chỉnh tỉnh duyệt. Thẩm phán huyện sẽ về từng xã làm việc và lấy 2 HTND tại xã để họp phiên toà xử vi cảnh hoặc lập Hội đồng hoà giải.

Hội thẩm nhân dân tỉnh gồm 3 đến 6 đại biểu lấy từ Ban chấp hành đoàn thể tỉnh và 2 đến 4 đại biểu lấy từ Ban Chấp hành đoàn thể mỗi huyện.

Thành phố có từ 30 đến 60 Hội thẩm nhân dân.

Danh sách HTND các cấp toà án đều do Uỷ ban hành chính (UBHC) cấp tương đương lập và do UBHC cấp trên duyệt y hoặc do Bộ Tư pháp duyệt y nếu UBHC lập danh sách ấy trực thuộc Trung ương. Nhiệm kỳ của HTND là 1 năm.

- Cử HTND: Trong những trường hợp đặc biệt, HTND toà án huyện có thể do UBHC liên khu chỉ định, HTND toà án liên khu có thể do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định theo đề nghị của UBHC liên khu, hoặc chọn trong đại biểu đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc khu hoặc tỉnh.

Như vậy, những năm 50, trong hoàn cảnh chưa ổn định lúc đó, bên cạnh chế độ bầu HTND còn có những trường hợp cử HTND để kịp thời đáp ứng yêu cầu xét xử của Toà án. Vì có những nơi chưa có Hội đồng nhân dân hoặc chưa họp được Hội đồng nhân dân hoặc trong danh sách HTND thiếu một thành phần nào đó cần cho một vụ án cụ thể.

- Việc chọn Hội thẩm quân nhân ở toà án binh theo chế độ bổ nhiệm.

Mỗi Toà án binh có 1 Chánh án và 2 Hội thẩm ngồi xử.

+ Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp, ngạch Tư pháp do giám đốc Tư pháp khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

+ Hội thẩm thứ hai là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy, do Khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ quốc phòng chuẩn y.

Đối với Toà án binh tối cao thì Hội thẩm thứ nhất do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã ý hiệp với Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

- Chế độ đãi ngộ với HTND rất được chú trọng, các văn bản hướng dẫn được sửa đổi liên tục cho phù hợp. Lương bổng của HTND hưởng như các Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.

Theo Nghị định số 58HC-TP liên bộ: Nội vụ - Tài chính - Tư pháp ngày 20-11-1953 và Thông tư số 4HC-TP ngày 20-11-1953 của Bộ Tư pháp thì các HTND thường trực được hưởng cấp phí hàng tháng 51 kg gạo (HTND thường trực khu) và 44 kg gạo (HTND thường trực tỉnh).

Ngoài cấp phí hàng tháng, HTND thường trực còn được hưởng phụ cấp gia đình, phụ cấp vãng phản, phụ cấp tạm thời, được cấp chăn màn, áo trấn thủ...

Các HTND không làm thường trực, hưởng cấp phí: 3 kg gạo/ngày (HTND khu); 2,5 kg gạo/ngày (HTND tỉnh) và 1,5 kg gạo/ngày (HTND huyện). Ngoài ra cũng được hưởng trợ cấp vãng phản như công nhân viên của Chính phủ. Nếu HTND là đại biểu đoàn thể hoặc cán bộ chính quyền có sinh hoạt phí và lương tháng thì không được hưởng cấp phí (sau đó NĐ 99 HCTP ngày 28-8-1957 của Liên bộ Tư pháp - Nội vụ - Tài chính đã sửa là HTND có lương tháng ở cơ quan, đoàn thể được cấp phí bằng 1/2 mức cấp phí của HTND thường trực quy định tại NĐ số 8 ngày 31/5/56).

Nghị định số 8 HCTP ngày 31/5/1956 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp - Tài chính sửa NĐ 58 nói trên như trên:

- HTND thường trực Khu xếp từ bậc 7 đến bậc 11

Tỉnh xếp từ bậc 10 đến bậc 13

- HTND không thường trực: Khu hưởng 1800đ/ngày

- HTND không thường trực của Toà án Tỉnh hưởng 1500đ/ngày

-HTND không thường trực của Toà án huyện hưởng 1500đ/ngày.

Tóm lại, trong giai đoạn đầu tiên (1945-1959) Nhà nước dân chủ nhân dân đã cố gắng từng bước củng cố chế độ nhân dân tham gia xét xử thông qua chế định Hội thẩm nhân dân. Trong hoàn cảnh Nhà nước vừa được xây dựng, vừa tiến hành kháng chiến, đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn cố gắng thực hiện những quy định của Hiến pháp và pháp luật về Hội thẩm Mặc dù còn sơ khai, nhưng Nhà nước ta đã đề ra được những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự hình thành và hoàn thiện chế định HTND. Điều này không chỉ đáp ứng đòi hỏi của công tác xét xử lúc đó, mà còn là nền móng và những kinh nghiệm tốt cho các giai đoạn tiếp sau này. Số lượng HTND ngày một tăng, chú trọng năng lực xét xử và bồi dưỡng cho HTND, mặc dù thực hiện chế độ bầu Hội thẩm nhưng có lúc do yêu cầu thực tế xét xử, đã thực hiện chế độ cử HTND. Các nguyên tắc toà án độc lập xét xử, xét xử tập thể và quyết định theo đa số, đặc biệt là nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền Thẩm phán ngày càng được cụ thể hoá. Thời kỳ này Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quản lý công tác HTND, đã có nhiều văn bản sát thực tế hướng dẫn: việc bầu, cử HTND; mối liên hệ giữa HTND, TAND và cơ quan tư pháp; chế độ đãi ngộ với HTND...

II. Giai đoạn 1959-1980

1. Đặc điểm tình hình.

Để củng cố và phát huy tác dụng của Chính quyền dân chủ nhân dân, phục vụ tốt công cuộc Cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, Bản Hiến pháp thứ 2 của Nhà nước ta ra đời. Hiến pháp 1959 đã quy định rõ tại 2 điều:

Điều 59: Việc xét xử ở các toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 100: Khi xét xử, Toà án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 

Như vậy, so với bản Hiến pháp đầu tiên, ở Hiến pháp 1959 địa vị pháp lý của người Hội thẩm đã được khẳng định rõ ngay trong đạo luật cơ bản của Nhà nước, các nguyên tắc: độc lập xét xử và Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán tiếp tục được ghi nhận.Tuy nhiên chưa ghi nhận nguyên tắc Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. (Nguyên tắc này sau đó được Luật tổ chức Toà án năm 1960 ghi nhận). Đầu năm 1959, miền Bắc tiến hành bầu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Nhiệm kỳ của HĐND tỉnh: 3 năm; HĐND huyện là 2 năm. HĐND sẽ bầu HTND TAND các cấp nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ của HTND địa phương theo nhiệm kỳ của HĐND). Do vậy Nhà nước đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc bầu HTND ngay từ khi tuyên truyền vận động bầu HĐND. Riêng HTND của TAND Tối cao do UBTVQH cử ra (mỗi khi xử sơ chung thẩm) với nhiệm kỳ 2,5 năm (bằng 1/2 nhiệm kỳ của Quốc hội).

Các Thông tư 05 TT ngày 10-2-1959 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp; Thông tư 174 VTC ngày 13-2-1959 của Bộ Tư pháp; Thông tư 06 TT/LB ngày 9-3-1959 của Liên bộ Nội vụ - Tư pháp và Thôngtư 07 TT-VTC ngày 12-3-1959 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho bầu cử HTND (ấn đinh số lượng, tiêu chuẩn, thành phần người ứng cử HTND và việc tổ chức bầu HTND).

- Thời kỳ đầu của giai đoạn, này các toà án huyện thường đưa việc về tận cơ sở thôn xóm giải quyết, ít mở phiên toà xét xử, do vậy HTND ít tham gia phiên toà ở Toà án huyện. Vấn đề đặt ra là sử dụng lực lượng HTND đông đảo như vậy tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật như thế nào? Bộ Tư pháp đã có Thông tư 11 VTC ngày 11-1-1960 nhằm phổ biến một số kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình trong việc sử dụng HTND huyện. Có thể nói đây là những bài học rất quý, chẳng hạn: Chia số HTND thành từng tổ về mỗi xã, sinh hoạt hàng tháng, liên hệ với tư pháp và toà án huyện thường xuyên. Đặc biệt HTND có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền pháp luật, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nắm tình hình phạm pháp, tranh chấp, đồng thời thu thập ý kiến nhân dân về cơ quan tư pháp, toà án... Qua đó thấy rõ HTND rất thuận lợi trong quan hệ với tổ đổi công, hợp tác xã và các đoàn thể, rất sát tình hình ở cơ sở. Do vậy HTND đã phối hợp tốt với tư pháp, toà án phục vụ phong trào hợp tác hoá nông thôn giải quyết nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bài trừ hủ tục trong đời sống xã hội và gia đình... góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luât.

- Tuy HTND huyện tham gia công tác ở cơ sở tốt hơn trước, nhưng việc tham gia xét xử tại phiên toà lại có những khó khăn do còn có nhận thức về vai trò cuả HTND chưa đầy đủ. Trước tình hình đó Bộ Tư pháp có Chỉ thị số 200-VTC ngày 26-4-1960 về việc phát huy hơn nữa tác dụng của HTND. Trong đó quy định chế độ HTND tỉnh luân phiên thường trực đối với những Toà án có điều kiện: Mỗi HTND tỉnh mỗi năm làm việc 1 kỳ, không quá 2 tuần tại Toà án, do vậy họ sắp xếp thời gian, yên tâm xét xử, toàn bộ HTND có dịp tham gia phiên toà, đọc kỹ hồ sơ...

Bên cạnh đó có chế độ HTND tỉnh không luân phiên thường trực. Toà án bàn với HTND đặt lịch công tác trước 2,3 tháng hoặc mời HTND trước 15 hôm, với HTND huyện thì Thẩm phán phải gặp gỡ trao đổi trước khi xử.

- Việc sinh hoạt của HTND với toà án: tiến hành thường kỳ (có thể 1,2 hoặc 3 tháng 1 kỳ, toà án huyện họp hàng tháng, có tư pháp xã và đại diện HTND.

- Đối với HTND không làm tròn nhiệm vụ, HĐND có thể chất vấn, phê bình, cảnh cáo và bãi miễn - HTND phải báo cáo trước HĐND (Viết hoặc miệng tại phiên họp công khai của HĐND).

- Việc tham gia các vụ án cụ thể:

 

Theo Luật tổ chức Toà án nhân dân (14-7-1960) thì "...Khi sơ thẩm, Toà án nhân dân gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Toà án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi phúc thẩm những bản án, những quyết định bị chống án hoặc đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm thì Toà án nhân dân địa phương phải có ba Thẩm phán. Trong trường hợp đặc biệt, phải có thêm Hội thẩm nhân dân (Điều 11,12).

Đặc biệt sau khi có Hiến pháp mới tháng 12-1959 và Luật tổ chức toà án, các toà án được tổ chức theo nguyên tắc lãnh thổ kết hợp với thẩm quyền. Hệ thống TAND gồm: TAND huyện; TAND tỉnh, Thành phố và TAND Tối cao. Theo Luật tổ chức Chính phủ (26.7.1960) thì trong bộ máy Nhà nước không có Bộ Tư pháp. TAND Tối cao quản lý các TAND địa phương, trong đó có công tác HTND. Đồng thời trong tổ chức hành chính Nhà nước có thêm hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc, là các vùng có nhiều đồng bào dân tộc, trong Điều lệ quy định cụ thể về tổ chức toà án nhân dân các cấp ở hai Khu tự trị này (được UBTVQH phê chuẩn năm 1963) đã quy định: trong trường hợp xử sơ thẩm, bị cáo thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, thì toà án nhân dân gồm có 1 Thẩm phán và 4 Hội thẩm Khi xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm khi cần thiết ngoài ba Thẩm phán có thể có thêm 2 hoặc 4 Hội thẩm

Việc xét xử sơ thẩm với 1 Thẩm phán mà không có HTND tham gia chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt (việc hình sự nhỏ, giản đơn), phải do Uỷ ban Thẩm phán toà án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chánh án Toà án huyện quyết định.

Tại Thông tư 2421-TC ngày 29-12-1961 của Toà án tối cao "hướng dẫn thực hiện chế độ Hội thẩm nhân dân", thực tế, việc xử sơ thẩm không có HTND tham gia thường áp dụng trong việc giải quyết các vụ thuận tình ly hôn, do 1 Thẩm phán tiến hành. Thông tư 1071 - TC của Toà án tối cao ngày 7-9-1965 đã phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên toà do 1 Thẩm phán xử, không có HTND tham gia. Đó là những vụ án xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm.

Trường hợp xử phúc thẩm có HTND tham gia cũng chỉ hạn chế trong những trường hợp xét xử vụ án có ảnh hưởng chính trị lớn (tôn giáo, dân tộc) và phải do Uỷ ban Thẩm phán quyết định (Toà án Tối cao không có HTND tham gia xử phúc thẩm).

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của HTND

Tại Thông tư 2421 nói trên, Toà án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ HTND, nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của HTND. Nhấn mạnh việc tham gia xét xử là nhiệm vụ chủ yếu của HTND, ngoài ra HTND còn tham gia tuyên truyền, hoà giải ở cơ sở.

Nhiệm vụ của HTND ngày càng tập trung vào công tác xét xử tại Toà án như: nghiên cứu hồ sơ (hoặc nghe Thẩm phán trình bày lại, trao đổi trước với Thẩm phán để chuẩn bị xét xử), tham gia thẩm vấn (không bắt buộc)theo sự phân công của Thẩm phán; nghị án. Còn việc tiến hành điều tra, hoà giải trước khi mở phiên toà là trách nhiệm của Thẩm phán, nói chung không có HTND tham gia.

- Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng (4.1975), Hội đồng chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra Sắc lệnh 01/SL/76 ngày 15-3-1976 quy định Tổ chức Toà án nhân dân, trong đó cũng khẳng định việc xét xử của Toà án phải có HTND tham gia, HTND do các đoàn thể nhân dân cử ra, khi xét xử, HTND ngang quyền với Thẩm phán. Khi xét xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm, Hội đồng xét xử gồm có một Thẩm phán và 2 HTND.

- Riêng đối với TAND đặc biệt (Theo Quyết định số 29 QĐ ngày 27-5-76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam) thì khi xét xử tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội, TAND đặc biệt gồm Chánh án, 1 Thẩm phán và 1 HTND do UBTWMT Dân tộc giải phóng miền Nam cử ra.

3. Tiêu chuẩn HTND và việc tuyển chọn

Năm 1959 tiến hành bầu HTND nhiệm kỳ mới, người ứng cử có thể là đại biểu HĐND hoặc ngoài HĐND thì phải đủ 23 tuổi trở lên và đủ tiêu chuẩn như những người ứng cử HĐND. Danh sách ứng cử HTND bao gồm những thành phần rất rộng rãi, đặc biệt lựa chọn những người có điều kiện thực tế làm tốt nhiệm vụ HTND (không nhất thiết chọn cán bộ lãnh đạo cơ quan đoàn thể). Tuỳ theo vùng nông thôn hay thành thị, thành phần được cân nhắc cho phù hợp. Chủ yếu phải là người gương mẫu trong lao động, đại diện đoàn thể, giới, giáo.

Sau khi bầu HTND, còn có thủ tục công nhận chính thức (của Bộ Tư pháp đối với HTND tỉnh và khu tự trị) của UBHC các cấp đối với HTND huyện, châu, xã) thì HTND mới được nhận chức.

Số lượng HTND trúng cử nhiệm kỳ này rất đông, nhất là HTND huyện nằm ở xã. Chẳng hạn Hải Dương có 1177 HTND huyện, Thái Bình cũng có trên dưới 1000 HTND. Cả nước có gần 20.000 HTND (>4000 nữ).

II. Giai đoạn 1980-1992:

1. Đặc điểm tình hình:

Năm 1975, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất và cùng tiến hành một nhiệm vụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong quản lý Nhà nước, đòi hỏi Nhà nước CHXHCNVN phải xây dựng bản Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980. Bản Hiến pháp này tiếp tục ghi nhận chế độ Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại các toà án nhân dân và toà án quân sự, cùng các nguyên tắc: Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán, nguyên tắc độc lập xét xử và quyết định theo đa số (tại 3 điều 130,131,132). Nhưng khác với bản Hiến pháp trước (1959) nguyên tắc độc lập xét xử thể hiện rõ hơn. Thẩm phán và Hội thẩm - những người trực tiếp xét xử và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, do vậy Hiến pháp 1980 ghi rõ: Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chứ không nêu chung chung là Toà án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như Hiến pháp 1959. Sau khi có Hiến pháp 1980, Bộ Tư pháp được tái lập, có một nhiệm vụ quan trọng là quản lý các TAND địa phương về mặt tổ chức, được Luật tổ chức Toà án nhân dân và Nghị định 143 HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

Luật đặt rõ trách nhiệm của các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể nơi HTND làm việc, sinh hoạt phải tạo điều kiện cho HTND làm việc tại toà án (Điều 44).

Các HTND được bồi dưỡng về nghiệp vụ và được hưởng phụ cấp khi tham gia công tác x.ét xử (Điều 44).

Theo Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ họ tên Hội thẩm nhân dân và sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày (Điều 151 BLTTHS) như vậy pháp luật đã tạo điều kiện về thời gian cần thiết cho HTND nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia xét xử một cách thiết thực.

Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời chung thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.

3. Bầu và cử Hội thẩm nhân dân

Hiến pháp 1980 đã quy định chế độ bầu và cử Hội thẩm (tại Điều 100 và 115: Hội đồng Nhà nước cử và bãi miễn HTND của TAND Tối cao (nhiệm kỳ của Hội đồng Nhà nước là 5 năm); Hội đồng nhân dân các cấp bầu và bãi miễn các thành viên (Thẩm phán và Hội thẩm) của TAND cùng cấp (nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh là 4 năm, Hội đồng nhân dân các cấp khác nhiệm kỳ là 2 năm). Nhiệm kỳ của HTND TAND tối cao là 2,5 năm và nhiệm kỳ của HTND TAND các cấp là 2 năm.

Những quy định chủ yếu của chế định HTND đã được thể hiện khá cụ thể trong Luật tổ chức TAND ban hành 3-7-1981 (một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao so với trước đây. Cụ thể như sau:

- Về tiêu chuẩn được bầu làm HTND:

 

Cũng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, nhưng với Thẩm phán thì phải "có kiến thức pháp lý", còn với Hội thẩm "phải có quan hệ tốt với nhân dân" (Điều 40).

- Trách nhiệm giới thiệu nhân sự: Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu nhân sự bầu HTND các cấp.

III. Giai đoạn từ 1992 đến nay:

1. Đặc điểm tình hình.

Từ 1986, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đòi hỏi Hiến pháp 80 được sửa đổi. Sau khi có Hiến pháp 92 và Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND (14-5-1993) các văn bản pháp luật này tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc TAND xét xử có Hội thẩm xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chế độ bầu và cử Hội thẩm..

Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật cao, quy định khá đầy đủ về chế định HTND như việc bầu, cử HTND, những đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của HTND. Tuy nhiên việc thống nhất quản lý công tác HTND chưa được quy định rõ. Mặc dù theo Nghị định 143 Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý về tổ chức các TAND địa phương nhưng một số văn bản pháp luật về Hội thẩm lại quy định Hội thẩm có quan hệ chủ yếu với TAND.

Khác với trước đây, ở giai đoạn này, ngoài các vụ án hình sự, dân sự, Toà án nhân dân còn xét xử nhiều loại án khác như: án lao động, kinh tế, hành chính, do vậy Hội thẩm đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật rất rộng (về pháp luật tố tụng, về pháp luật nội dung...).

Một số đảm bảo để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội thẩm trong xét xử đã được pháp luật quy định rõ hơn trước đây, như: vấn đề miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tiêu chuẩn Hội thẩm Chế độ đối với Hội thẩm..

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm

Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án. Chánh án có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với Hội thẩm (Điều 25 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân), bồi dưỡng chuyên môn (Điều 7) và đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm HTND (Điều 30).

Về thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia được luật pháp về tố tụng quy định khác nhau trong từng loại án:

a) Các vụ án dân sự, hình sự và hành chính thì Hội đồng xét xử sơ thẩm đều có 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm

Riêng án hình sự: nghiêm trọng phức tạp và những vụ có thể xử mức án tử hình, Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm

Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm hình sự, hành chính gồm 3 Thẩm phán và 2 Hội thẩm

b) Đối với vụ án kinh tế và lao động thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm

Riêng Bộ luật tố tụng hình sự có quy định cụ thể về thành phần Hội đồng xét xử các vụ án đặc biệt có bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải có 1 Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn TNCSHCM.

Để đảm bảo nguyên tắc "độc lập xét xử", Bộ luật TTHS quy định rõ: khi nghị án Thẩm phán và Hội thẩm biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến bằng văn bản, để lưu vào hồ sơ vụ án.

Theo các quy định của pháp luật về tố tụng hiện hành thì sau khi thụ lý, nghiên cứu một vụ án nào đó trong thời hạn quy định (ít nhất là 30 ngày đối với tranh chấp lao động và 4 tháng đối với vụ án dân sự), Thẩm phán có quyền ra các quyết định về việc giải quyết vụ án (đưa vụ án ra xét xử, đình chỉ việc giải quyết vụ án...) Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi họ tên Hội thẩm nhân dân (trong Hội đồng xét xử vụ án đó). Sau khi Thẩm phán ra Quyết định nói trên, phiên toà sẽ được tiến hành trong các thời hạn như sau: đối với án kinh tế từ 10 đến 20 ngày; đối với tranh chấp lao động từ 10 ngày - 15 ngày; đối với vụ án hình sự từ 15 ngày đến 30 ngày; đối với vụ án hành chính từ 20 đến 30 ngày; đối với vụ án dân sự thì từ 30 ngày đến 2 tháng. Như vậy trong khoảng thời gian đó, người Hội thẩm đã nhận được giấy mời phiên toà và thu xếp thời gian để nghiên cứu hồ sơ. Nhưng thời gian cụ thể là bao nhiêu và ngoài hồ sơ gốc, Hội thẩm có được nghiên cứu hồ sơ đã sao chụp không thì chưa có quy định cụ thể, do vậy thực tế cũng còn có việc HTND nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, cá biệt có trường hợp không kịp đọc hồ sơ.

Để đảm bảo tiêu chuẩn và khả năng tham gia xét xử, luật còn quy định:

- Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác.

- Hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng làm Hội thẩm (Điều 27 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND).

- Ngoài nhiệm vụ tham gia xét xử, Hội thẩm còn có nhiệm vụ khá quan trọng là tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là trong công tác hoà giải ở cơ sở.

3. Tiêu chuẩn bầu, cử và chế độ đối với Hội thẩm

- Tiêu chuẩn Hội thẩm : theo Điều 37 Luật tổ chức toà án (1992) và Điều 4, 29 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND (1993) thì ngoài các điều kiện như đối với Thẩm phán: công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc... có kiến thức pháp lý; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; để được bầu, cử làm Hội thẩm còn phải có điều kiện: có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (người có điều kiện như trên là công nhân, quân nhân, nhân viên quốc phòng thì có thể được cử làm Hội thẩm quân nhân (HTQN) Toà án quân sự). Bộ Tư pháp có công văn số 1973 ngày 10-11-1994 hướng dẫn địa phương về việc bầu HTND nhiệm kỳ 1994-1999.

- Nhiệm kỳ của HTND TAND Tối cao và HTQN là 5 năm, nhiệm kỳ của HTND TAND địa phương theo nhiệm kỳ của HĐND cùng cấp.

- Chế độ đối với Hội thẩm

 

Theo Thông tư số 614 TT/LN của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân Tối cao, ngày 21-7-1995 thì Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại TAND Tối cao hưởng phụ cấp phiên toà: 30.000đ/ngày; ở TAND tỉnh hưởng 25.000đ/ngày và ở TAND huyện hưởng 20.000đ/ngày. Ngoài ra Hội thẩm còn được thanh toán tiền công tác phí cho những ngày đi đường như đối với viên chức Nhà nước đi công tác.

Hội thẩm được cấp giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân theo Nghị quyết số 218 UBTVQH9 để sử dụng khi làm nhiệm vụ Hội thẩm Điều này cũng đặt rõ trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm làm tròn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể nơi Hội thẩm sinh hoạt, công tác hoặc nơi họ đến thực hiện nhiệm vụ. Khi Hội thẩm bị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Chánh án TAND Tối cao hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi giấy chứng minh Hội thẩm.

- Số lượng Hội thẩm

Theo Nghị quyết số 209 UBTVQH9 ngày 20-5-1994 thì số lượng HTND TAND Tối cao là 20 người nhưng từ khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cử 20 vị HTND TAND tối cao (17-1-1996) đến nay thì TAND Tối cao chưa xử vụ án Sơ Chung Thẩm nào, nên chưa có vị HTND TAND tối cao nào tham gia xét xử.

Theo Nghị quyết số 217 NQ/UBTVAH9 ngày 25-8-1994 và Quyết định số 867 QĐ/QLTA của Bộ Tư pháp ngày 7-10-1994 về số lượng Hội thẩm TAND địa phương thì:

ở mỗi TAND cấp tỉnh cứ 1 Thẩm phán có 1 Hội thẩm (tổng số Hội thẩm không dưới 20 người).

ở mỗi TAND cấp huyện cứ 1 Thẩm phán có 2 Hội thẩm (tổng số Hội thẩm không dưới 15 người).

Như vậy trong nhiệm kỳ 1994-1999 số Hội thẩm nhân dân TAND địa phương là 10.197 người (số lượng Thẩm phán là 4633 người) (thực tế bầu được 9894 Hội thẩm) số Hội thẩm quân nhân là 610 người (Thẩm phán TAQS là 140 người).

Tóm lại, từ khi hình thành, chế định về Hội thẩm đã ngày càng phát triển, đáp ứng đòi hỏi của từng giai đoạn, thể hiện đậm nét tính dân chủ trong hoạt động xét xử của Toà án. Điều này được biểu hiện trong nguyên tắc luật định: xét xử tập thể và quyết định theo đa số, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; thể hiện trong việc bầu hoặc cử Hội thẩm - những đại biểu của các giới, các ngành, các tổ chức xã hội và các dân tộc... thông qua các trình tự bầu cử dân chủ, với các tiêu chuẩn Hội thẩm ngày càng được nâng cao; chế định miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm là những đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn Hội thẩm

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, chế định Hội thẩm cần được tiếp tục hoàn thiện và nâng cao. Có thể nói cần phải có những cải cách đáng kể, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Trong đó có những cải cách về chế độ bầu cử Hội thẩm tiêu chuẩn Hội thẩm chế độ bãi nhiệm, miễn nhiệm, đảm bảo các quyền lợi cho Hội thẩm.., cơ quan đầu mối quản lý Hội thẩm cũng cần được nghiên cứu kỹ, nâng cao khả năng cung cấp những hiểu biết cần thiết cho HĐXX của Hội thẩm và khả năng giám sát, hoạt động xét xử của cơ quan quyền lực Nhà nước, tránh dân chủ hình thức...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III. thông tin - tư liệu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

toà án có Hội thẩm nhân dân tham gia "trong lĩnh vực dân sự, kinh tế ở Trung Quốc.

 

Ngô Cường

Viện phó Viện Khoa học xét xử - TANDTC

1. Tổ chức các Toà án ở Trung Quốc

Hiện nay, Toà án Trung Quốc bao gồm 3 bộ phận:

a. Toà án nhân dân tối cao

Toà án nhân dân tối cao bao gồm các Toà: Toà hình sự 1, Toà hình sự 2, Toà Kinh tế, Toà hành chính, Toà Sở hữu trí tuệ, Toà dân sự, Toà xét khiếu nại.

b. Các Toà án nhân dân địa phương

Các Toà án nhân dân địa phương bao gồm:

- Toà án nhân dân cấp cao (tức các Toà án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khu tự trị trực thuộc Tung ương), gồm 31 toà.

- Các Toà án nhân dân trung cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Khu tự trị trực thuộc Trung ương, gồm 390 Toà.

- Các Toà án nhân dân cơ sở (tức cấp huyện), gồm 3.083 Toà. Các Toà án nhân dân cơ sở còn lập ra các Toà nhân dân, mỗi Toà nhân dân phụ trách một khu vực từ 2 đến 3 xã (hoặc thị trấn), hiện nay có 18.000 Toà nhân dân.

c. Các Toà án chuyên trách

- Toà án quân sự (77 Toà);

- Toà án trung cấp Hải sự (9 Toà);

- Toà án trung cấp vận tải đường sắt (71 Toà).

Các Toà án chuyên trách xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của mình. Các Toà án Hải sự, Toà án Vận tải đường sắt không xét xử các vụ án hình sự mà chỉ xét xử những vụ án kinh tế xảy ra trong vận tải đường sông, đường biển, đường sắt.

Mặc dù ở Trung Quốc có 4 cấp Toà án nhưng vẫn thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Tất cả các việc kiện đều có thể được xét xử phúc thẩm (kể cả những việc đơn giản chỉ do một Thẩm phán xét xử) trừ những việc được giải quyết theo trình tự đặc biệt (Ví dụ: như việc tuyên bố mất tích, tuyên bố một người đã chết...).

2. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các vụ án của Trung Quốc cũng tăng lên (trung bình hàng năm tăng 10%), chủ yếu là các vụ án dân sự, kinh tế. Thí dụ trong năm 1996, Toà án các cấp của Trung Quốc đã xét xử sơ thẩm 5,26 triệu vụ án (tăng 15% so với năm 1995), trong đó có 3,09 triệu vụ dân sự, 1,56 triệu vụ án kinh tế, 570.000 vụ án hình sự, 80.000 vụ án hành chính.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về công tác xét xử trong hoàn cảnh mới, Trung Quốc đã có những cải cách về pháp luật, đặc biệt là những văn bản pháp luật liên quan đến việc giải quyết các vụ án dân sự và kinh tế. Với việc ban hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 1991, thủ tục tố tụng dân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể. Thí dụ như về trách nhiệm chứng minh, nếu như trước đây việc điều tra trong vụ kiện dân sự như là một trách nhiệm của Toà án thì nay trách nhiệm đó là của đương sự, Toà án chỉ hỗ trợ và tiến hành xác minh sự việc khi đương sự không thể tự mình cung cấp chứng cứ được (như trường hợp đương sự không thể yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp tài liệu...). Hoặc như về việc tiến hành phiên toà, nếu như trước đây, tại phiên toà, chủ yếu là Thẩm phán hỏi hai bên đương sự, thì trong những năm gần đây việc tiến hành phiên toà đã cải cách, thay đổi hẳn, theo đó, tại phiên tòa thực hiện "tranh tụng" giữa hai bên đương sự, Thẩm phán (Hội đồng xét xử) đóng vai trò "trọng tài" giữa họ. Một đặc điểm khác nữa của việc cải cách pháp luật tố tụng dân sự là giảm bớt dần sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân. Theo quy định của Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc thì "Khi Toà án nhân dân xét xử sơ thẩm vụ án dân sự sẽ tổ chức Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán, Hội thẩm hoặc Hội đồng xét xử do các Thẩm phán hợp lại, số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ".

"Những vụ án dân sự có thể áp dụng trình tự xét xử đơn giản sẽ do một Thẩm phán chịu trách nhiệm xét xử".

"Khi Hội thẩm thi hành trách nhiệm, có quyền và nghĩa vụ ngang với thẩm phán".

a. Có thể thấy rằng quy định nêu trên là hết sức mềm dẻo: Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể bao gồm cả Thẩm phán và Hội thẩm (không chỉ rõ một Hội thẩm hay hai Hội thẩm chỉ yêu cầu số thành viên của Hội đồng phải là số lẻ) hoặc chỉ bao gồm các Thẩm phán.

Với các quy định mềm dẻo như vậy, trong thực tế, hầu như các Toà án ở Trung Quốc không mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án dân sự kinh tế (còn tất cả các vụ án hình sự sơ thẩm đều bắt buộc có sự tham gia xét xử của HTND). Toà án chỉ mời Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử khi việc xét xử vụ án cần phải tham khảo ý kiến của những nhà chuyên môn về những lĩnh vực phức tạp (thí dụ như một vụ kiện liên quan đến lĩnh vực thị trường chứng khoán thì mời Hội thẩm nhân dân là chuyên gia về thị trường chứng khoán...) và Toà án cũng chỉ mời một Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử.

Lý do khiến các Toà án Trung Quốc không mời (hay nói chính xác là rất ít mời) Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là: Trong hoàn cảnh phát triển kinh tế thị trường, mọi người (trong đó có Hội thẩm nhân dân) đều có những mối bận rộn của mình, họ có rất ít thời gian tham gia những công việc khác, do đó rất khó mời Hội thẩm nhân dân. Hơn nữa, Hội thẩm nhân dân không phải "Thẩm phán chuyên nghiệp" nên họ hiểu ít (nếu không nói là họ không hiểu biết) về công tác xét xử và về pháp luật, do vậy quyết định của họ có thể bảo đảm chính xác, đúng pháp luật.

b. Thủ tục giản đơn thường được áp dụng Toà án nhân dân cơ sở và các Toà án nhân dân. Theo quy định của pháp luật tố tụng Trung Quốc thì đối với những vụ kiện dân sự, kinh tế: đơn giản; rõ ràng; là những cạnh tranh thông thường, phổ biến, không phải là những loại tranh chấp mới (loại việc mới); giá trị tranh chấp không lớn (các Toà án cấp cao có những hướng dẫn khác nhau về việc xác định thế nào là vụ kiện có "giá trị tranh chấp không lớn"), thì Toà án được áp dụng thủ tục giản đơn để giải quyết. Thủ tục giản đơn có đặc điểm sau đây:

- Do một Thẩm phán xét xử;

- Nguyên đơn có thể khởi tố bằng miệng;

- Thời hạn xét xử là 3 tháng (thời hạn xét xử theo thủ tục thông thường là 6 tháng);

- Có thể gọi đương sự, nhân chứng theo thủ tục đơn giản (không cần giấy triệu tập).

c. Một câu hỏi đặt ra là việc có rất ít Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thì Toà án có đủ Thẩm phán để xét xử hay không, Trong khi số lượng các vụ án đều tăng hàng năm. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số điểm khá độc đáo về tổ chức Toà án ở Trung Quốc.

 

Theo "Luật Thẩm phán nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" (được Hội nghị lần thứ 12 Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thông qua ngày 28/02/1995) thì Thẩm phán ở các Toà án Trung Quốc bao gồm: Chánh án, Phó chánh án, Uỷ viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh Toà, Thẩm phán và trợ lý Thẩm phán.

Khác với các chức danh khác phải do Đại hội nhân dân bổ nhiệm và miễn nhiệm, trợ lý Thẩm phán của một Toà án do Chánh án Toà án cấp đó bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Một trong những điều kiện để được bổ nhiệm làm Thẩm phán hoặc trợ lý Thẩm phán là 23 tuôỉ trở lên, có trình độ đại học, cao đẳng luật, có thời gian công tác tại Toà án ít nhất là 1 năm (nếu tốt nghiệp Đại học luật) hoặc 2 năm (nếu tốt nghiệp cao đẳng luật). Trợ lý Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn như Thẩm phán.

Như vậy Chánh án một Toà án sẽ căn cứ vào nhu cầu của công tác xét xử, tiêu chuẩn Thẩm phán để bổ nhiệm Trợ lý Thẩm phán.

Có thể nói với một cơ chế bổ nhiệm Trợ lý Thẩm phán như đã nêu ở trên, các Toà án không bao giờ rơi vào tình trạng thiếu Thẩm phán xét xử, cơ chế này tạo điều kiện cho Chánh án từng Toà án chủ động trong công việc.

 

Về chế định " Công dân tham gia xét xử"

ở Mỹ và một số nước ASEAN

 

TS. Dương Thanh Mai

Viện NCKH Pháp lý- Bộ Tư pháp

I/ Chế định Bồi thẩm đoàn ở Mỹ

Bồi thẩm đoàn (BTĐ), theo cách hiểu chung nhất, là một nhóm công dân đã tuyên thệ sẽ phán xét trung thực về những sự kiện của vụ án trên cơ sở các chứng cứ đưa ra trước BTĐ.

Bồi thẩm viên (BTV) là người được chọn để tham gia BTĐ và tuyên thệ sẽ phục vụ trong một vụ án cụ thể.

1. Sơ lược vài nét về lịch sử hình thành chế định BTĐ ở Mỹ.

1.1. Nguồn gốc của chế định BTĐ

BTĐ có nguồn gốc từ hệ thống "xét xử" thời công xã nguyên thuỷ. Trong các bộ lạc nhỏ, thủ lĩnh vừa là người làm ra "luật" vừa là "quan toà" xét xử ban đầu và cuối cùng; là người phán xét cả về sự kiện lẫn về luật áp dụng. Khi các bộ lạc lớn dần lên thì quyền hạn của thủ lĩnh giảm đi, quyết định của thủ lĩnh chịu ảnh hưởng của những người già và các nhà thông thái trong bộ lạc. Đã hình thành dần hệ thống "tư pháp" của bộ lạc, trong đó thủ lĩnh hoặc những người già giữ vai trò của Thẩm phán tuyên về luật còn tất cả đàn ông trong bộ lạc là thành viên của BTĐ để quyết định về dữ kiện.

Số lượng và thành phần của BTĐ có thể rất khác nhau. Thời Hy Lạp cổ đại, hệ thống BTĐ khá lớn và hoạt động có hiệu quả, có nhiều nét giống với mô hình BTĐ hiện đại. Thí dụ tại Athens, danh sách BTV lên tới 6000 người trong một năm (còn ở Bang New York danh sách BTV hiện nay khoảng 26.000 người). Khi xét xử sơ thẩm tại Athens, trong số 6000 BTV chọn ra 201 người để thành lập BTĐ cho một vụ án (đối với các vụ án lớn thì số BTV có thể lên tới 500, thậm chí 1000 người, chẳng hạn như trong vụ xử socrates về tội bất kính Chúa đã có 501 BTV tham dự, 60% trong số đó đã biểu quyết kết tội Ông). Trong các vụ hình sự, BTV được phát hai phiếu: phiếu "Có tội" và phiếu "Vô tội".còn trong vụ án dân sự- một phiếu cho nguyên đơn và một phiếu cho bị đơn. Sau khi các BTV đã bỏ phiếu vào bình, tất cả những người tham dự phiên toà sẽ đếm số phiếu ở mỗi bình. Nếu số phiếu ở hai bình bằng nhau thì phán quyết sẽ theo hướng có lợi cho bị cáo. Nếu đa số phiếu dành cho nguyên đơn (hoặc cho "Có tội" đối với bị cáo) thì các BTV sẽ bỏ phiếu lần thứ 2 để xác định mức độ bồi thường (trong vụ dân sự) hoặc hình phạt (trong vụ hình sự). Tại các nước thuộc Châu Âu lục địa như ý, Đức, Pháp...đều hình thành việc xét xử bằng BTĐ tương tự. Người Normans đã đem vào Anh các hình thái biến dạng của việc xét xử có BTĐ tham gia và từ Anh, hệ thống BTĐ đã được du nhập sang Mỹ trong thời kỳ người Anh xâm chiếm thuộc địa Mỹ.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, BTĐ còn khác xa với mô hình ở Mỹ hiện nay. Thí dụ: BTV hiện nay buộc phải khước từ làm nhiệm vụ nếu họ đã biết điều gì đó về vụ án; trong khi đó, các BTV đầu tiên của Anh quốc lại chính là các nhân chứng của vụ án, họ tuyên thệ sẽ nói đúng sự thật về vụ án và kết luận của họ chính là lời khai có tuyên thệ. Các BTV cũng có thể được phái về các địa phận nơi diễn ra vụ án để tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến vụ án, kể cả việc tiếp xúc với người phạm tội và người bị hại, sau đó, các BTV sẽ họp lại để trao đổi và kết luận bị can có tội hay không có tội. Hệ thống xét xử bằng BTĐ được tiếp nhận khá chậm chạp và chỉ thật sự khởi sắc vào năm 1215 khi Nhà thờ ra lệnh cấm xét xử bằng phép thử tội (mà bản chất là niềm tin rằng nếu một người vô tội thì sẽ được các thần linh phù hộ, trợ giúp để vượt qua được phép thử tội như nắm giữ thanh sắt nung đỏ trong tay hay vớt hòn đá nặng từ thùng nước đang sôi...). Lúc này, Thẩm phán buộc BTĐ phải có câu trả lời chính xác còn bị cáo cũng bắt đầu đưa ra các nhân chứng của mình. Các nhân chứng này của bị cáo có thể là một bộ phận của BTĐ, có thể là người chỉ được gọi ra trước BTĐ. Trong những trường hợp cần thiết, BTĐ có thể gọi chính nhân chứng của mình ra trước toà. Phải đến tận thế kỷ XV, BTĐ mới tách ra khỏi vai trò nhân chứng để chỉ còn là người nghe và đánh giá lời khai của các nhân chứng.

Trong khi đó ở Anh, hệ thống BTĐ phát triển theo hướng phân định chức năng : BTĐ xác định sự kiện và Thẩm phán quyết định các vấn đề về áp dụng luật thì ở các nước thuộc lục địa châu Âu lại theo hướng ngược lại, tức là tăng chức trách của Thẩm phán, giảm đi hay hạn chế vai trò của BTĐ. Vì vậy, ở các nước này việc xét xử sẽ do một số Thẩm phán chuyên trách thực hiện, chỉ xét xử bằng BTĐ trong các vụ hình sự nghiêm trọng còn ở Anh thì phổ biến là việc xét xử do một Thẩm phán và BTĐ cùng chịu trách nhiệm.

Hệ thống BTĐ do thực dân Anh mang sang Mỹ, vào thời kỳ đầu, đã trở thành công cụ quan trọng trong cuộc đấu tranh vì độc lập: các BTV đã cản trở có hiệu quả việc thi hành pháp luật ngoại lai của Anh bằng cách không kết tội bị cáo, dù có đủ chứng cứ về sự vi phạm pháp luật của anh ta. Tuyên ngôn nhân quyền (1774), Tuyên ngôn độc lập (1776) đều coi thủ tục xét xử bằng bồi thẩm đoàn là một đặc quyền lớn và vô giá dành cho mỗi người dân.

1.2. Quyền Hiến định của công dân Mỹ được xét xử bằng BTĐ

Hiến pháp Mỹ quy định:" Trong tất cả các vụ hình sự, bị cáo có quyền được hưởng việc xét xử nhanh chóng và công khai bằng một BTĐ khách quan của Nhà nước Bang hoặc quận nơi tội phạm đã được thực hiện; được thông báo về bản chất và căn cứ của việc kết tội; được đối chất với các nhân chứng chống lại mình; được gọi nhân chứng của mình và có luật sư giúp đỡ, bảo vệ cho mình" (Bổ sung thứ sáu Hiến pháp). Còn trong các vụ dân sự, công dân được hưởng quyền xét xử bằng BTĐ theo thông luật nếu giá trị tranh chấp lớn hơn 20 USD (bổ sung thứ 7 Hiến pháp Liên bang). Thông thường các vụ dân sự đưa ra toà công lý (equity) không có BTĐ tham gia trừ một vài trường hợp mà Thẩm phán thấy thật cần thiết phải có sự đánh giá của BTĐ (thí dụ trong các vụ ly hôn mà một bên - vợ hoặc chồng- bị cho là có hành vi ngoại tình).

Hiến pháp của phần lớn các Bang đều có những quy định tương tự như Hiến pháp Liên bang về quyền cuả người dân được hưởng sự xét xử bằng BTĐ. Trong quân đội, những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng do một sỹ quan xét xử cả về sự kiện lẫn về luật (Toà án Hải quân rút gọn), còn các tội khác được xét xử tại Toà án Hải quân đặc biệt với một Thẩm phán là Chủ toạ phiên toà cùng các thành viên khác để phán xét về sự kiện (cũng tương tự như các BTV tại toà án dân sự). Các tội phạm rất nghiêm trọng do Toà đại hình Hải quân xét xử với một sỹ quan luật - không phải thành viên của Toà án - và ít nhất là 5 thành viên khác.

Quy định của Hiến pháp về BTĐ được cụ thể hoá trong Luật về lựa chọn và hoạt động của Bồi thẩm đoàn (8/1970).

2. Các điều kiện để được lựa chọn làm Bộ trưởng Bộ nội vụ .

2.1. Giới tính: Trước 1898, chỉ có nam giới được tham gia BTĐ. Năm 1898, tại Bang Utah đã hình thành một án lệ trong đó phụ nữ được làm BTV với một số điều kiện nhất định. Sau Utah, nhiều Bang khác của Mỹ cũng đã ban hành các quy định về quyền của phụ nữ tham gia BTĐ với các mức độ khác nhau: không được phép tham gia; được phép nhưng không bắt buộc phải tham gia; được phép và bắt buộc phải tham gia (không được từ chối trách nhiệm tham gia BTĐ chỉ vì lý do giới tính).

2.2. Độ tuổi: Tuỳ theo pháp luật của từng Bang nhưng phần lớn các Bang quy định người trong độ tuổi từ 20 đến 65-70 có thể được chọn làm BTV. Tuổi tối thiểu được xác định để đảm bảo cho BTV có hiểu biết và kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống; tuổi tối đa để đảm bảo BTV chưa bị hạn chế khả năng nhìn, nghe, đọc khi tham gia xét xử.

2.3. Địa vị công dân: Tuỳ theo pháp luật của từng Bang, có Bang loại trừ tất cả những người đã bị kết án tù trên một năm ra khỏi diện có thể tham gia BTĐ, có Bang chỉ loại trừ người phạm một số tội nhất định. Điều quan trọng nhất mà các Bang đều quy định là người được hỏi không được giấu diếm bất cứ một thông tin nào về địa vị công dân, về tiền án, tiền sự của mình.

2.4. Màu da: theo luật thì không có sự phân biệt đối xử nào.

 

2.5. Quốc tịch: phải là công dân Mỹ, công dân của Bang nơi được chọn làm BTV.

2.6. Trình độ văn hoá: biết đọc và viết tiếng Anh.

 

2.7. Nghề nghiệp: đối với những người mà việc thực hiện các trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép họ rời khỏi công việc trong những khoảng thời gian cần thiết để tham gia BTĐ thì có thể được miễn hoặc được coi là không đủ tiêu chuẩn để làm BTV (thí dụ như bác sỹ, dược sỹ, giáo viên phổ thông...)

3. Cách thức thành lập BTĐ và chức trách của BTĐ trong xét xử:

3.1. Các loại BTĐ: Tuỳ thuộc vào mục đích và loại toà, loại án được xét xử, BTĐ có thể chia thành hai loại sau:

 

- BTĐ xét xử: thông thường gồm 12 người; đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc án dân sự có giá trị tranh chấp nhỏ hơn 3000 USD thì BTĐ có thể chỉ gồm 6 người. Tất cả BTV phải có mặt suốt trong quá trình xét xử với chức năng chính là phán xét về dữ kiện của vụ án.

- Đại bồi thẩm đoàn (Grand Jury): thông thường gồm 23 người, không tham gia phiên toà xét xử mà làm chức năng kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ và quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không ? Công tố viên sau khi đã trình trước Đại bồi thẩm đoàn tất cả các chứng cứ của vụ án thì sẽ ra ngoài để các BTV bàn luận về việc có cần viết bản cáo trạng đưa ra xét xử hay không ? Trong quá trình làm việc, một số BTV có thể vắng mặt nhưng phải đảm bảo nguyên tắc là tối thiểu có 12 người đồng ý vơí kết luận của Đại bồi thẩm đoàn.

3.2. Cách thức thành lập BTĐ:

- Lựa chọn Danh sách BTV: Pháp luật của từng Bang quy định số lượng BTV cần có để phục vụ tại các toà án đóng trên địa bàn. Từ danh sách cử tri đã đăng ký tại Quận, huyện, Toà án chọn lấy một Danh sách BTV có đủ điều kiện luật định. Những người có tên trong Danh sách này có thể được gọi đến để phỏng vấn sơ bộ, nếu một người nào đó có lý do để được miễn thực hiện trách nhiệm BTV thì Toà án sẽ loại người đó ra khỏi Danh sách này. Nhưng ở nhiều địa phương, Danh sách BTV chỉ được lập và kiểm tra định kỳ theo danh sách cử tri, không có các cuộc gặp gỡ hay phỏng vấn trực tiếp.

- Lựa chọn BTV và thành lập BTĐ cho một phiên toà: Vào ngày mở phiên toà, một số lượng lớn BTV trong Danh sách được gọi đến toà án (có thể gọi tới 150 người), sau đó lựa chọn 12 người chính thức và 2 người dự bị làm BTV xét xử tại phiên toà. Sau khi đã chọn sơ bộ xong, Thẩm phán yêu cầu các BTV nêu lý do (nếu có) để từ chối làm nhiệm vụ BTV trong vụ án cụ thể này và Thẩm phán sẽ cân nhắc xem có chấp nhận lý do đó hay không ( thí dụ lý do của nhà kinh doanh đang trong thời kỳ làm ăn bận rộn nhất có thể được chấp nhận nhưng lý do là đã có vé đi xem kịch hoặc xem bóng chuyền vào thời điểm diễn ra phiên toà thì sẽ không được chấp nhận). Các BTV sẽ phải trả lời một số câu hỏi của Thẩm phán và luật sư của các bên đồng thời tuyên thệ về tính công bằng, khách quan, về tiêu chuẩn làm BTV trong vụ án. Nếu qua các câu trả lời của BTV thấy có căn cứ cho rằng BTV đó sẽ không khách quan, vô tư khi tham gia xét xử ( thí dụ BTV có quan hệ bạn bè lâu dài với bị cáo; BTV đã có lần là nạn nhân của một tội phạm cùng loại ...) thì BTV có thể được thay thế.

3.3. Chức trách của BTĐ:

- Trong vụ án hình sự: BTĐ quyết định bị cáo có tội hay không và khuyến nghị về hình phạt.

- Trong vụ án dân sự: BTĐ xác định ai là người có lỗi và giá trị được bồi thường là bao nhiêu.

4. Hoạt động của BTĐ tại phiên toà - Mối quan hệ giữa chế định BTĐ và một số đặc trưng cơ bản của tố tụng dân sự và tố tụng hình sự.

4.1. Hoạt động của BTĐ:

Để thực hiện được chức trách của mình, BTĐ buộc phải có mặt đầy đủ tại phiên toà để nghe các nhân chứng, xem các vật chứng do các bên đưa ra cũng như nghe những lời thẩm vấn, thẩm vấn chéo của luật sư đại diện cho các bên hoặc của công tố viên trong vụ hình sự, nghe các lời giải thích cần thiết của Thẩm phán về luật áp dụng để chấp nhận hay không chấp nhận các chứng cứ do các bên và luật sư của họ trình ra trước Thẩm phán và BTĐ. Các BTV có thể giơ tay đề nghị được hỏi và chuyển các câu hỏi đó đến Thẩm phán. Thẩm phán sẽ tự mình nêu câu hỏi của BTV nếu thấy đó là những câu hỏi đúng, nếu ngược lại thì Thẩm phán sẽ không hỏi và sau đó cho ghi vào biên bản phiên toà lý do câu hỏi bị bác. Sau khi kết thúc thẩm vấn, Thẩm phán có thể tranh luận với các luật sư và công tố viên về các khía cạnh pháp luật, lúc này BTĐ có thể không tham dự vì chức trách chính của họ là đánh gía và phán xét về các dữ kiện chứ không phải về luật. Tiếp theo, các luật sư sẽ tóm tắt, tổng kết lại trước BTĐ các chứng cứ của phía mình với mong muốn là BTĐ sẽ ủng hộ cho thân chủ của họ. Cuối cùng, Thẩm phán sẽ có những hướng dẫn, giải thích cần thiết về pháp luật trước khi BTĐ rút vào phòng riêng để thảo luận về vụ việc và tự ra phán quyết theo ý kiến của mình.

Theo truyền thống thì BTĐ chỉ có thể đưa ra phán quyết trên cơ sở nhất trí tuyệt đối, nếu có BTV vắng mặt hay không nhất trí với các BTV khác thì sẽ không có phán quyết nào được đưa ra và vụ án sẽ phải được xét xử lại trước một BTĐ khác. Tận dụng quy tắc này, các luật sư bào chữa có kinh nghiệm trong các vụ hình sự thường cố ý chọn các BTV với trình độ, xuất thân, tôn giáo.... thật khác nhau và họ chỉ cần cố gắng để thuyết phục được một trong các BTV ủng hộ cho bị cáo là đã đủ để BTĐ không đưa ra được lời kết tội thân chủ của họ. Tại Mỹ, trong vòng những thập kỷ cuối, nguyên tắc nhất trí trong việc ra phán quyết của BTĐ đã có những thay đổi với mục tiêu làm cho hoạt động của BTĐ có hiệu quả hơn. Trong các vụ hình sự, trừ ở Bang Louisiana, còn toà án các Bang và toà án Liên bang chỉ đòi hỏi BTĐ nhất trí tuyệt đối khi quyết định các tôị có thể bị phạt tù giam từ một năm trở lên; đối với các tội ít nghiêm trọng hơn thì một số Bang theo nguyên tắc 3/4 hoặc 2/3 nhất trí . Trong các vụ dân sự, một số Bang cho phép phán quyết của BTĐ về lỗi và về mức độ bồi thường của các bên trên cơ sở 5/6 nhất trí.

4.2. Mối quan hệ giữa chế định BTĐ và việc hình thành một số đặc trưng cơ bản trong pháp luật tố tụng.

Pháp luật tố tụng của Mỹ và một số nước khác cùng theo truyền thống thông luật có nguồn gốc từ Anh, chứa đựng nhiều đặc trưng gắn liền với chế định xét xử bằng BTĐ (). Đó là các đặc trưng:

- Xét xử tập trung, liên tục nghĩa là tại địa điểm và thời gian đã định trước, các đương sự, luật sư của họ, các nhân chứng cũng như bản thân Thẩm phán đều phải có mặt và tập trung vào làm sáng tỏ sự việc của vụ án. Việc xét xử bằng BTĐ sẽ rất tốn kém và không thuận lợi nếu phải tập trung các BTV làm nhiều lần. Chính việc xét xử tập trung đã đòi hỏi trình tự tố tụng phải được sắp xếp, tổ chức chặt chẽ để BTĐ dễ theo dõi, đánh giá sự kiện.

- Coi trọng khai bằng lời: đặc trưng này bắt nguồn từ lý do lịch sử là nhiều BTV không biết chữ nên để đảm bảo công lý không bị xuyên tạc, tất cả các chứng cứ đều phải được trình bày bằng lời trước Thẩm phán và BTĐ; nhân chứng phải tuyên thệ, bị kiểm tra và đối chứng bằng lời trước mặt Thẩm phán và BTĐ;

- Nguyên tắc tranh tụng: để đảm bảo toà án xét xử tập trung, luật sư của mỗi bên phải làm rất nhiều công việc chuẩn bị trước phiên toà nên tại phiên xét xử, chính các luật sư giữ vai trò chủ động, dẫn dắt việc nêu câu hỏi và kiểm tra nhân chứng, quyết định tiến trình và nhịp độ của phiên toà. Trong lúc đó, Thẩm phán và BTĐ đóng vai trò tương đối thụ động, chủ yếu là nghe luật sư của hai bên tranh luận, đấu lý; bên thắng là bên thuyết phục được BTĐ ủng hộ quan điểm, lập luận của mình.

- Tính phức tạp của luật về chứng cứ cũng liên quan mật thiết với sự tồn tại và chức trách của BTĐ. Phần lớn các quy tắc về chứng cứ liên quan đến tính chấp nhận được hay không chấp nhận được của các chứng cứ nhằm bảo đảm cho những người không chuyên nghiệp luật ( kể cả có BTV chưa biết chữ) khỏi bị lẫn lộn sự kiện bởi những chứng cứ không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, hiện nay nguyên tắc tranh tụng dẫn đến không khí căng thẳng, "đối đầu" giữa công tố viên và luật sư bào chữa tại các phiên toà ở Mỹ và đang đặt ra câu hỏi liệu có thể cải thiện tình hình đó, tăng tính "lịch sự" của quá trình xét xử mà vẫn đảm bảo cho BTĐ ra được quyết định đúng đắn không? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là liệu BTĐ có giữ được tính độc lập, không bị tác động bởi việc Thẩm phán được quyền và có trách nhiệm tóm tắt, tổng hợp lại các sự kiện, chứng cứ của vụ kiện trước khi BTĐ họp riêng để ra phán quyết ? Cũng đã xuất hiện nhiều bài nghiên cứu, những cuộc điều tra dư luận xã hội về những mặt được, mặt không được của việc thay thế chế định BTĐ bằng một Thẩm phán xét xử, nhằm giảm bớt gánh nặng quá tải của nền hành chính-tư pháp Mỹ.

II. Vài nét về việc nhân dân tham gia xét xử ở một số nước ASEAN

1. Singapore: Singapore là một thuộc địa của Anh từ thế kỷ 19. Cùng với những khái niệm và thiết chế tư pháp khác của Anh, bồi thẩm đoàn cũng đã được du nhập vào Singapore trong lĩnh vực xét xử hình sự. Nhưng như các học giả Singapore nhận xét, chế định bồi thẩm đoàn "không bắt rễ được trên mảnh đất Singapore"(), do đó, đến năm 1960, bồi thẩm đoàn chỉ còn được sử dụng ở các vụ tuyên án tử hình và đến năm 1969 thì hoàn toàn bị bãi bỏ. Thay vào đó, việc xét xử do hai Thẩm phán đảm nhiệm và chỉ khi họ hoàn toàn nhất trí thì án mới được tuyên. Đến năm 1992, việc xét xử sơ thẩm chỉ còn do một Thẩm phán thực hiện. Riêng các phiên toà xét xử người chưa thành niên phạm tội tại toà sơ cấp (và từ sau năm 1994 là tại phân toà người chưa thành niên), do một Thẩm phán chuyên nghiệp chủ trì với sự trợ giúp của hai người tư vấn trong danh sách do Tổng thống chỉ định (theo điều 32 (1) và 32 (3) Luật trẻ em và người chưa thành niên).

 

2. Philippines: Mặc dù trong Quy chế của Toà án có quy định việc huy động các Hội thẩm và uỷ viên Hội đồng nhà nước để hỗ trợ cho Thẩm phán trong việc xác định các tình tiết của vụ án song trên thực tế, những quy định này rất hiếm khi được áp dụng.

3. Thailand: Trong xét xử hình sự và dân sự không có hình thức nào để nhân dân tham gia xét xử.

 

Tại toà án lao động, Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán chuyên nghiệp và các Thẩm phán không chuyên, trong đó một số người đại diện cho người sử dụng lao động và những người còn lại -đại diện cho tập thể lao động; số lượng đại diện cho mỗi bên đều bằng nhau.

Tại toà án người chưa thành niên và toà án gia đình, Hội đồng xét xử gồm : hai Thẩm phán chuyên nghiệp, hai Thẩm phán không chuyên (còn gọi là hai Hội thẩm), trong đó có một bắt buộc là nữ. Các phiên toà này thường xử kín.

Toà án về thuế của Thailand lại chỉ gồm những Thẩm phán được chọn từ những người chuyên về luật thuế

4. Malaysia: Cũng giống như các nước trong khu vực, Malaysia chỉ cho phép nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử ở các phiên toà / phân toà chuyên biệt. Toà án vị thành niên gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm tham gia xét xử và là xử kín. Toà án hải quân cũng do một Thẩm phán chuyên nghiệp và các Hội thẩm quân nhân (3-5 người) thực hiện. Tại toà án lao động, ngoài một Thẩm phán chủ toạ còn có ba Hội thẩm đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động và một là đại diện tự do.

Tại toà Thượng thẩm, thông thường các vụ án chỉ do một Thẩm phán xét xử nhưng cũng có thể có Bồi thẩm đoàn hay Hội thẩm tham dự.

Như vậy, chế định Bồi thẩm đoàn kinh điển vốn được coi là có tính truyền thống của các nước theo luật án lệ cũng đã có những thay đổi khá cơ bản cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đương đại và truyền thống văn hoá ở một số nước thuộc hệ này trong khu vực ASEAN.

 

Vài nét về chế định "công dân tham gia xét xử"

ở cộng hoà pháp

Nguyễn Văn Bình

Vụ phó Vụ PLQT và HTQT- Bộ Tư pháp

Giám đốc Nhà pháp luật Việt - Pháp

ở Pháp, Toà án được tổ chức thành hai hệ thống cơ quan xét xử: Toà án hành chính và Toà án tư pháp. Trong hoạt động xét xử của Toà án Pháp, không phải ở bất kỳ Toà nào, bất kỳ cấp xét xử nào cũng có sự tham gia của công dân. Tuỳ theo loại hình tranh chấp, tuỳ theo cấp xét xử mà pháp luật tố tụng Pháp quy định có hay không có sự tham gia của công dân. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về chế định "công dân tham gia xét xử" ở Cộng hoà Pháp.

1. Xét xử hành chính không có công dân tham gia

Do những lý do lịch sử và văn hoá, Toà án tư pháp của Pháp không có thẩm quyền xét xử hành chính. Việc xét xử hành chính do Toà án hành chính các cấp đảm nhiệm. Xét xử hành chính từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm đều không có Hội thẩm tham gia. Hoạt động xét xử hành chính hoàn toàn do các Thẩm phán hành chính đảm nhiệm. Họ là những Thẩm phán chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, được hưởng lương công chức Nhà nước để tiến hành công việc nghề nghiệp thường xuyên là xét xử hành chính.

2. ở cấp sơ thẩm, một số loại tranh chấp hoàn toàn do Thẩm phán không chuyên xét xử

Toà án tư pháp có thẩm quyền xét xử hình sự, dân sự, lao động, thương mại, đất đai...và nói chung là mọi tranh chấp không thuộc phạm vi thẩm quyền tài phán hành chính.

Việc xét xử sơ thẩm thương mại, lao động, đất đai hoàn toàn do các Thẩm phán không chuyên tiến hành. Hay nói một cách khác là hoàn toàn do các Hội thẩm tiến hành (nếu hiểu Hội thẩm là những người không phải là Thẩm phán chuyên nghiệp của Nhà nước mà tham gia xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng).

Hội đồng xét xử thương mại sơ thẩm bao gồm đại diện của các thương gia được bầu làm Thẩm phán thương mại theo phạm vi quản hạt của Tòa thương mại sơ thẩm. Trong nhiệm kỳ Thẩm phán thương mại thì những thương gia này tiến hành xét xử tranh chấp thương mại hoàn toàn như những Thẩm phán thực thụ.

Hoạt động xét xử sơ thẩm lao động cũng hoàn toàn do các Thẩm phán không chuyên tiến hành. Họ là đại diện của giới chủ sử dụng nhân công và đại diện của những người làm công ăn lương được bầu vào làm Thẩm phán Toà lao động sơ thẩm. Khi xét xử sơ thẩm tranh chấp lao động, Hội đồng xét xử có cơ cấu thành phần ngang bằng nhau giữa Hội thẩm đại diện giới chủ và Hội thẩm đại diện người làm công ăn lương.

Việc xét xử sơ thẩm tranh chấp hợp đồng thuê mướn đất đai nông nghiệp do Toà đất đai đảm trách. Toà đất đai sơ thẩm không có Thẩm phán chuyên nghiệp mà hoàn toàn là Thẩm phán không chuyên, được cơ cấu đại diện ngang bằng nhau giữa bên cho thuê đất và bên thuê đất.

Mặc dù việc xét xử sơ thẩm lao động, đất đai được giao hoàn toàn cho các Thẩm phán không chuyên đảm trách, nhưng vì Hội đồng xét xử có cơ cấu thành phần ngang bằng nhau, nên có trường hợp không phân thắng bại và Toà không ra quyết định được. Trong trường hợp ấy, pháp luật tố tụng của Pháp quy định cử thêm một Thẩm phán chuyên nghiệp tham gia Hội đồng xét xử và tất nhiên ý kiến của Thẩm phán chuyên nghiệp ngả về bên nào thì sẽ có đa số và Toà quyết định theo đa số.

Việc xét xử sơ thẩm dân sự, xét xử sơ thẩm vi cảnh và tiểu hình hoàn toàn do Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm

3. Công dân không tham gia xét xử ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm

Toà án Pháp được tổ chức theo cấp xét xử. Việc xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm hoàn toàn do các Thẩm phán chuyên nghiệp tiến hành, không có sự tham gia của Hội thẩm Ngoài những lý do lịch sử, Pháp cho rằng mức độ phức tạp về phương diện pháp lý, ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm đòi hỏi Thẩm phán có trình độ uyên thâm về pháp luật, mới có thể có quyết định đúng đắn để đảm bảo công lý, vì vậy pháp luật tố tụng của Pháp quy định không có sự tham gia của Hội thẩm khi xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm.

4. Chế định Đoàn bồi thẩm

a. Vai trò

 

Trong tư pháp hình sự, chế định "công dân tham gia xét xử" ở Cộng hoà Pháp thể hiện ở "Đoàn bồi thẩm".

"Đoàn bồi thẩm" là một chế định có nguồn gốc từ Anh và được du nhập vào Pháp sau cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Đoàn bồi thẩm là một tập thể công dân, được lựa chọn bằng hình thức rút thăm, tham gia, cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp xét xử những tội phạm hình sự nghiêm trọng tại Toà đại hình. Như vậy, trong xét xử hình sự ở Pháp, công dân chỉ tham gia xét xử tội phạm nghiêm trọng thông qua Đoàn bồi thẩm tại Toà đại hình (là Toà án có thẩm quyền xét xử sơ chung thẩm những tội phạm nghiêm trọng).

Kể từ khi thiết lập chế định Đoàn bồi thẩm ở Pháp cho đến nay, luôn tồn tại hai loại ý kiến khác nhau về chế định này.

Phần đông ý kiến ủng hộ chế định Đoàn bồi thẩm và qua kinh nghiệm thực tế gần hai thế kỷ, xu hướng này ngày càng được khẳng định. Có nhiều lý do để ủng hộ chế định Đoàn bồi thẩm: trước hết, tính độc lập, khách quan, nghiêm túc của các thành viên Đoàn bồi thẩm; thứ hai, Đoàn bồi thẩm phản ánh tiếng nói của công luận, phù hợp với đạo đức xã hội, chính vì vậy mà quyết định của Đoàn bồi thẩm cũng khẳng định giá trị và tính đúng đắn của các đạo luật hình sự. Kinh nghiệm thực tiễn về việc Đoàn bồi thẩm thường thiên về tha tội, đã thúc đẩy pháp luật hình sự Pháp phát triển theo hướng phổ cập cá thể hoá hình phạt.

Tuy nhiên, chế định Đoàn bồi thẩm cũng có những khiếm khuyết định: công dân bình thường được cơ cấu theo cách rút thăm làm thành viên Đoàn bồi thẩm, nên thường họ không có lối tư duy và lập luận pháp lý, đôi khi thiên về tình cảm, ấn tượng, dễ thay đổi ý kiến... Người ta thường chê trách Đoàn bồi thẩm hay bị ảnh hưởng bởi những lời bào chữa của luật sư và cũng dễ bị ảnh hưởng của công luận và báo chí. Tuy nhiên, nếu quả thực những khuyết điểm trên đây của Đoàn bồi thẩm là hiện hữu, thì cũng không vì thế mà Pháp thấy cần xoá bỏ chế định Đoàn bồi thẩm. Trên thực tế, Pháp luôn tìm cách nâng cao năng lực chuyên môn cho bồi thẩm và hoàn thiện chế định Đoàn bồi thẩm.

Lúc đầu, vai trò của Đoàn bồi thẩm hoàn toàn khác biệt vai trò của các Thẩm phán chuyên nghiệp trong Hội đồng xét xử trọng tội tại Toà đại hình. Đoàn bồi thẩm chỉ phán quyết về tình tiết sự việc: theo lương tâm và niềm tin nội tâm, các thành viên Đoàn bồi Thẩm phán quyết về tính chất phạm tội và mức độ trách nhiệm của bị cáo. Còn các Thẩm phán chuyên nghiệp trong Hội đồng xét xử đại hình căn cứ vào pháp luật sẽ phán quyết về việc tha tội hay kết tội bị cáo và về mức hình phạt. Quan niệm này về vai trò của Đoàn bồi thẩm có vẻ phù hợp về bản chất thiên về ấn tượng và tình cảm của các Thẩm phán không chuyên và Đoàn bồi thẩm đã tỏ ra không phù hợp với thực tiễn xét xử. Quả thực, nếu Đoàn bồi thẩm xác nhận có tình tiết giảm nhẹ tội đối với bị cáo, thì lại không phải là người quyết định về mức hình phạt bị cáo mà mức hình phạt do các Thẩm phán chuyên nghiệp quyết định riêng sự phân biệt vai trò của Thẩm phán chuyên nghiệp và Đoàn bồi thẩm đã dẫn đến tình trạng, đôi khi vì sợ rằng các Thẩm phán sẽ tuyên phạt quá nặng đối với bị cáo mà Đoàn bồi thẩm thường quyết định tha tội cho bị cáo. Để tránh tình trạng thực tế này, Luật ngày 5/3/1932 quy định Đoàn bồi thẩm cùng nghị án và biểu quyết với Thẩm phán chuyên nghiệp về hình phạt trong những trường hợp Đoàn bồi thẩm thừa nhận bị cáo phạm tội.

Nhưng quy định này cũng đã bị bãi bỏ, bởi lẽ các Thẩm phán chuyên nghiệp cho rằng, vì Đoàn bồi thẩm thường thiên về tình cảm, quá chú ý đến tình tiết sự việc khi nghị án, nên thường quyết định hình phạt quá nhẹ đối với bị cáo Luật ngày 25/11/1941 sửa đổi, bổ sung ngày 17/11/1944, đã xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt giữa lĩnh vực pháp lý thuần tuý thuộc phạm vi thẩm quyền của các Thẩm phán chuyên nghiệp và tình tiết, sự việc thực tiễn thuộc phạm vi thẩm quyền của Đoàn bồi thẩm và thiết lập chế định Đoàn bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp và thực hiện nguyên tắc xét xử tập thể tuyệt đối giữa Thẩm phán chuyên nghiệp và Đoàn bồi thẩm. Như vậy, từ năm 1941, thành viên Đoàn bồi thẩm cùng nghị án với Thẩm phán chuyên nghiệp cả về tính chất tội phạm và mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo. Khi xét xử, bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp.

b. Cơ cấu Đoàn bồi thẩm

 

Lúc đầu, Đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên, sau đó có thời kỳ giảm xuống còn 7 và hiện nay là 9 thành viên.

Để được tham gia Đoàn bồi thẩm phải hội đủ một số điều kiện nhất định sau: Là công dân Pháp, từ 23 tuổi trở lên, được hưởng đầy đủ các quyền chính trị và quyền công dân Pháp, cư trú trong quản hạt của Toà phúc thẩm nơi đặt trụ sở của Toà đại hình. Ngoài ra, còn phải đáp ứng những điều kiện về năng lực chuyên môn và không thuộc trường hợp bất khả kiêm nhiệm: Ví dụ công chức bị bãi nhiệm hoặc Thẩm phán chuyên nghiệp đều không thể được cơ cấu vào Đoàn bồi thẩm.

Thành viên Đoàn bồi thẩm được chỉ định bằng hình thức rút thăm. Hàng năm, mỗi tỉnh tổ chức rút thăm trong danh sách cử tri để lập danh sách Đoàn bồi thẩm của tỉnh. Từ danh sách theo năm, sẽ rút thăm danh sách Đoàn bồi thẩm cho từng phiên toà đại hình, sẽ rút thăm lập danh sách Đoàn bồi thẩm cho từng vụ trong cùng phiên toà xét xử đại hình.

Khi đã lập được danh sách 9 thành viên Đoàn bồi thẩm thì Viện trưởng Viện công tố bên cạnh Toà phúc thẩm có quyền yêu cầu thay đổi 4 thành viên Đoàn bồi thẩm, mà không cần nói rõ lý do. Bị cáo (luật sư của bị cáo) có quyền yêu cầu thay đổi tối đa 5 thành viên Đoàn bồi thẩm theo cùng những điều kiện yêu cầu thay đổi Thẩm phán.

c. Quyền và nghĩa vụ của Bồi thẩm

 

Quyền của Bồi thẩm: Khi xét xử Bồi thẩm bình đẳng và ngang quyền với Thẩm phán chuyên nghiệp. Là Thẩm phán không chuyên nên Bồi thẩm không được hưởng lương mà được hưởng phụ cấp bao gồm phụ cấp phiên toà, phụ cấp đi lại và phụ cấp lưu trú.

Nghĩa vụ của Bồi thẩm: Bồi thẩm phải tuyên thệ và có nghĩa vụ có mặt và tích cực tham gia xét xử tại phiên toà, nghĩa vụ khách quan vô tư.

d. Những dự án cải cách tư pháp liên quan đến Đoàn bồi thẩm

 

Chế định Đoàn bồi thẩm được áp dụng ở Pháp gần 2 thế kỷ. Ngày nay, Pháp vẫn tiếp tục áp dụng và đặc biệt quan tâm đến chế định Đoàn bồi thẩm, bởi lẽ thông qua đó người đân được tham gia vào công tác xét xử để đảm bảo công lý. Những dự án cải cách tư pháp mà Pháp đang theo đuổi cũng không đặt lại vấn đề vai trò của Đoàn bồi thẩm mà chỉ là tổ chức lại Toà đại hình theo hướng lập Toà phúc thẩm đại hình và theo đó cơ cấu Đoàn bồi thẩm ở Toà đại hình và Toà phúc thẩm đại hình sẽ có thay đổi.

Hiện tại, Toà đại hình xét xử sơ chung thẩm những tội phạm nghiêm trọng và không có Toà nào phúc thẩm quyết định của Toà đại hình. Xin nói thêm là Toà án Pháp tuyên án nhân danh nhân dân mà bản án đại hình là do dân quyết thông qua cơ chế Đoàn bồi thẩm nên vấn đề đặt ra là ai có quyền giám sát quyết định của dân. Nhưng mặt khác, vì là xét xử sơ chung thẩm nên nguyên tắc hai cấp xét xử không được đảm bảo đối với quyết định của Toà đại hình. Trong tương lai, nếu dự án cải cách này được thông qua thì Toà phúc thẩm đại hình sẽ có cơ cấu của Toà đại hình hiện nay gồm 3 Thẩm phán chuyên nghiệp và 9 Bồi thẩm và mọi quyết định bất lợi cho bị cáo đều phải được đa số áp đảo ít nhất 8/12 phiếu thuận. Toà đại hình sơ thẩm (tổ chức theo tỉnh) sẽ có cơ cấu 3 Thẩm phán chuyên nghiệp và 5 Bồi thẩm và mọi quyết định bất lợi cho bị cáo đều phải được đa số áp đảo ít nhất 6/8 phiếu thuận.

Dự án cải cách tư pháp hiện nay của Pháp, mặc dù động chạm đến cơ cấu tổ chức Đoàn bồi thẩm, nhưng cũng nhằm đảm bảo tôn trọng nguyên tắc hai cấp xét xử, và đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của Đoàn bồi thẩm để đảm bảo cho công dân được tham gia xét xử mang lại công lý cho xã hội.

 

Một số nét về toà bồi thẩm ở

Cộng hoà liên bang nga

TS. Phạm Văn Lợi

CN. Nguyễn Văn Hoàn

1.Việc thành lập Bồi thẩm đoàn ở Toà án

Bồi thẩm đoàn xét xử vụ án tại toà án được thành lập bằng cách bốc thăm với thành phần 12 Bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ và 2 Bồi thẩm viên dự khuyết.

Để thành lập Bồi thẩm đoàn, Chủ toạ phiên toà bỏ vào hòm phiếu các phiếu có ghi họ tên các Bồi thẩm viên không bị đề nghị thay đổi, trộn đều phiếu và mỗi lần lấy ra một phiếu cho đến khi đủ 14 phiếu, đồng thời cứ mỗi lần lấy phiếu ra thì phải công bố họ tên của Bồi thẩm viên được ghi trong phiếu. Nếu số phiếu được lấy ra và số phiếu còn lại trong hòm phiếu bằng tổng số các Bồi thẩm viên không bị đề nghị hay đổi, cũng như nếu không để xảy ra vi phạm nào ảnh hưởng đến sự đúng đắn của việc thành lập Bồi thẩm đoàn, thì việc thành lập Bồi thẩm đoàn được coi là đã thực hiện xong.

Trong số 12 Bồi thẩm viên được chọn đầu tiên bằng cách bốc thăm được coi là Bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ, còn 12 Bồi thẩm viên được chọn sau cùng là bồi thẩm viên dự khuyết.

Trong trường hợp, khi giải quyết đề nghị thay đổi Bồi thẩm viên hoặc khi thành lập Bồi thẩm đoàn đã để xảy ra những vi phạm gây ảnh hưởng đến sự đúng đắn của việc thành lập Bồi thẩm đoàn, thì Chủ toạ phiên toà tuyên bố việc thành lập Bồi thẩm đoàn không có giá trị và tiến hành thành lập lại hoàn toàn hoặc một phần Bồi thẩm đoàn.

Thư ký phiên toà ghi họ tên 14 Bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm vào biên bản phiên toà theo trình tự mà các lá phiếu được lấy ra từ hòm phiếu. Các phiếu có ghi họ tên của bồi thẩm viên bị các bên đề nghị thay đổi mà không cần nêu lý do và của các bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm được đính kèm theo vụ án.

Các bồi thẩm viên dự khuyết thường xuyên tham gia vào việc xét xử tại phòng xử án. Trước khi ra bản án, các bồi thẩm viên dự khuyết có thể được đưa vào thành phần các bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ trong trường hợp bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ nào đó không thể tham gia phiên toà xét xử. Việc thay thế bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ bằng bồi thẩm viên dự khuyết được tiến hành theo thủ tục mà các phiếu có ghi họ tên các bồi thẩm viên dự khuyết được lấy ra từ hòm phiếu. Trong trường hợp, nếu không có khả năng thay thế bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ bằng bồi thẩm viên dự khuyết, thì Chủ toạ phiên toà tuyên bố việc xét xử không có giá trị và trở lại việc xét xử từ giai đoạn lựa chọn bồi thẩm viên theo qui định của Điều 483 Bộ luật này (Điều 440 Bộ luật tố tụng Hình sự Liên Bang Nga - Sau đây viết tắt là BLTTHS).

2. Quyền và nghĩa vụ của bồi thẩm viên.

Theo qui định của pháp luật tố tụng, Bồi thẩm viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Bồi thẩm viên phải trả lời một cách trung thực các câu hỏi mà Chủ toạ phiên toà đưa ra khi lựa chọn người để tham gia và xét xử vụ án, cũng như cung cấp theo yêu cầu của Chủ toạ phiên toà những thông tin cần thiết khác về bản thân và về quan hệ với những người khác tham gia trong vụ án. Bồi thẩm viên phải tuân thủ nội qui phiên toà và chấp hành các chỉ thị hợp pháp của Chủ toạ phiên toà. Trong trường hợp tuyên bố tạm ngừng phiên toà xét xử hoặc hoãn việc xét xử sơ bộ vụ án, thì bồi thẩm tham gia xét xử vụ án đó phải có mặt đúng thời gian Toà án ấn định, để tiếp tục xét xử vụ án.

Bồi thẩm viên có quyền:

- Tham gia điều tra tất cả các chứng cứ được xem xét tại toà án để có thể độc lập, căn cứ vào niềm tin nội tâm của mình đánh giá các tình tiết của vụ án và trả lời các câu hỏi được đặt ra cho Bồi thẩm đoàn.

- Hỏi các bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người giám định thông qua Chủ toạ phiên toà;

- Tham gia xem xét các vật chứng, tài liệu, xem xét địa điểm, nhà ở và tất cả các hoạt động điều tra khác được tiến hành tại Toà án;

- Đề nghị Chủ toạ phiên toà giải thích qui phạm pháp luật liên quan đến vụ án, nội dung các tài liệu được công bố tại Toà án, các dấu hiệu của tội phạm mà bị cáo bị buộc tội và những khái niệm mà bồi thẩm viên không rõ.

- Có những ý kiến bằng văn bản trong thời gian tiến hành phiên toà xét xử.

Bồi thẩm viên không được:

- Ra khỏi phòng xử án trong thời gian xét xử sơ thẩm vụ án;

- Tiếp xúc về vụ án với những người không phải là thành viên của Hội đồng xét xử, nếu không được phép của Chủ toạ phiên toà;

- Thu thập tin tức về vụ án ngoài phiên toà xét xử.

3.Trưởng Bồi thẩm đoàn và việc tuyên thệ của các bồi thẩm viên.

Các bồi thẩm viên bầu Trưởng Bồi thẩm đoàn trong số các bồi thẩm viên có tư cách đầy đủ. Việc bầu Trưởng Bồi thẩm đoàn được tiến hành tại phòng nghị án bằng cách biểu quyết với điều kiện loại trừ sự có mặt của những người nước ngoài và loại trừ bất kỳ sự tác động nào đến quyết định của các bồi thẩm viên. Người nhận được đa số phiếu của các bồi thẩm viên được coi là trúng cử.

Trưởng Bồi thẩm đoàn tại phiên toà có quyền như bồi thẩm viên khác trong việc quyết định tất cả vấn đề nảy sinh trong quá trình xét xử vụ án và thông qua phán quyết của các bồi thẩm viên.

Ngoài những nghĩa vụ chung như đối với các bồi thẩm viên khác, Trưởng Bồi thẩm đoàn điều khiển quá trình nghị án, theo uỷ quyền của các bồi thẩm viên đề xuất những yêu cầu của Chủ tọa phiên toà, công bố với các bồi thẩm viên tại phòng nghị án những câu hỏi của Thẩm phán và ghi chép các câu trả lời của các bồi thẩm viên, căn cứ vào kết quả biểu quyết, điền các câu trả lời của Bồi thẩm đoàn vào danh mục các câu hỏi và công bố tại phiên toà. (Điều 442, BLTTHS).

Chủ tọa hoặc Thư ký phiên toà mời tất cả những người có mặt tại phòng xử án đứng dậy. Chủ tọa phiên toà đề nghị những bồi thẩm viên được lựa chọn bằng cách bốc thăm tuyên thệ với nội dung sau: "Tôi xin thề thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực và vô tư, chú ý đến tất cả các chứng cứ được xem xét tại Toà án, những lập luận, các tình tiết của vụ án và không có gì ngoài những thứ đó, xét xử vụ án theo niềm tin nội tâm và lương tâm của mình xứng đáng là người công dân tự do và người công bằng". Sau đó, Chủ tọa phiên toà gọi tên từng bồi thẩm viên và bồi thẩm viên được gọi tên trả lời: "Tôi xin thề".Việc tuyên thệ của các bồi thẩm viên được ghi vào biên bản phiên toà (Điều 443).

4. Những vấn đề mà Bồi thẩm đoàn phải giải quyết.

Theo quy định, Bồi thẩm đoàn phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu sau đây:

a. Có chứng minh được hành vi phạm tội có thật hay không;

b. Có chứng minh được hành vi đó là do bị cáo thực hiện hay không;

c. Bị cáo có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó hay không;

Trong danh mục câu hỏi cũng cần đặt một câu hỏi chủ yếu là bị cáo có tội hay không. Câu hỏi này là tổng hợp của cả 3 vấn đề chủ yếu nêu trên.

Ngoài câu hỏi là bị cáo có tội hay không, thì có thể đặt những câu hỏi riêng về những tình tiết làm tăng hay giảm nhẹ tội hoặc làm thay đổi tính chất của nó, hoặc dẫn đến việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong những trường hợp cần thiết, cũng có thể đặt riêng các câu hỏi về mức độ thực hiện ý định phạm tội, những nguyên nhân làm cho hành vi không thực hiện được đến cùng, tính chất và mức độ đồng phạm của từng bị cáo trong việc thực hiện tội phạm.

Trong trường hợp thừa nhận bị cáo có tội, thì đặt câu hỏi về việc bị cáo có thuộc diện được khoan hồng, hoặc khoan hồng đặc biệt hay không.

Không thể đặt riêng hoặc chung cùng với các câu hỏi khác những câu hỏi đòi hỏi các bồi thẩm viên xác định về mặt pháp lý các vấn đề liên quan đến nhân thân của bị cáo (tiền án của bị cáo, bị cáo bị coi là tái phạm nguy hiểm, về trách nhiệm chức vụ của bị cáo) cũng như những câu hỏi khác đòi hỏi phải có sự đánh giá về mặt pháp lý khi các bồi thẩm viên ra phán quyết. Câu hỏi cần được thể hiện sao cho không để xảy ra tình trạng khi trả lời, bị cáo thừa nhận là mình có lỗi trong việc thực hiện hành vi mà Công tố Nhà nước không truy tố hoặc bị cáo không tán thành khi đặt câu hỏi. Được phép đặt những câu hỏi tạo điều kiện xác định lỗi của bị cáo trong việc thực hiện tội gây thương tích nặng vừa, nếu điều đó không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và không xâm phạm đến quyền bào chữa của bị cáo (Điều 449).

5. Thủ tục nghị án, biểu quyết và ra phán quyết của các bồi thẩm viên.

Trưởng Bồi thẩm đoàn điều khiển việc nghị án của các bồi thẩm viên, lần lượt đưa các câu hỏi cần giải quyết ra thảo luận, tiến hành lấy biểu quyết về các câu trả lời và đếm số phiếu biểu quyết.

Khi thảo luận các câu hỏi, bồi thẩm viên cố gắng ra những quyết định thống nhất. Trong trường hợp, trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau khi lui vào phòng nghị án mà Bồi thẩm đoàn không đi đến việc quyết định thống nhất về các câu hỏi được đặt ra, thì các bồi thẩm viên có thể đi đến việc hình thành các câu trả lời trong danh mục câu hỏi. Các câu trả lời được thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số phiếu.

Biểu quyết được tiến hành công khai. Không ai trong số các bồi thẩm viên có quyền không biểu quyết. Trưởng Bồi thẩm đoàn biểu quyết sau cùng.

Phán quyết là quyết định của Bồi thẩm đoàn về những câu hỏi được đặt ra cho Bồi thẩm đoàn, bao gồm cả câu hỏi chủ yếu về tội lỗi của bị cáo.

Khi thảo luận, nếu Bồi thẩm đoàn không đạt được một quyết định thống nhất trong hạn đã định, thì phán quyết buộc tội coi như được thông qua, nếu đa số các bồi thẩm viên biểu quyết ủng hộ những câu trả lời khẳng định đối với từng câu hỏi trong số 3 câu hỏi chủ yếu được đặt ra. Phán quyết vô tội coi như được thông qua, nếu có ít nhất 6 bồi thẩm viên biểu quyết ủng hộ câu trả lời phụ định đối với bất kỳ câu hỏi nào trong số 3 câu hỏi chủ yếu được đặt ra. Những câu trả lời đối với các câu hỏi khác được các bồi thẩm viên biểu quyết theo đa số. Còn nếu số phiếu biểu quyết ngang nhau thì câu trả lời có lợi hơn cho bị cáo được thông qua.

Câu trả lời cho từng câu hỏi được đặt ra trong danh mục câu hỏi mà Bồi thẩm đoàn cần giải quyết phải là khẳng định "có" hoặc "không có" kèm theo lời giải thích bắt buộc hoặc một cụm từ nói rõ nội dung câu trả lời ("có, có tội"; "không, không có tội"; "có, có tội nhưng không có ý định tước sinh mạng"; "không, không chứng minh được"; "có, xứng đáng được hưởng khoan hồng" v.v...)

Trưởng Bồi thẩm đoàn ghi các câu hỏi trả lời vào danh mục câu hỏi trực tiếp vào sau từng câu hỏi tương ứng. Trong trường hợp việc trả lời câu hỏi trước loại trừ sự cần thiết trả lời câu hỏi tiếp theo sau, thì Trưởng Bồi thẩm đoàn với sự đồng ý của đa số các bồi thẩm viên ghi vào sau câu hỏi đó "không trả lời".

Trong trường hợp các câu trả lời được thông qua bằng cách biểu quyết, thì Trưởng Bồi thẩm đoàn ghi rõ kết quả biểu quyết sau câu trả lời.

Trưởng Bồi thẩm đoàn ký danh mục câu hỏi kèm theo các câu trả lời của Bồi thẩm.

6. Tính bắt buộc phán quyết của Bồi thẩm.

 

Phán quyết của Bồi thẩm đoàn về việc bị cáo vô tội là bắt buộc đối với Thẩm phán Chủ tọa phiên toà và dẫn đến việc Thẩm phán Chủ toạ phiên toà ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội. Phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn là bắt buộc đối với Thẩm phán Chủ tọa phiên toà, trừ những trường hợp quy định tại Điều này.

Thẩm phán Chủ toạ phiên toà định tội danh phù hợp với phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn và các tình tiết do mình xác định mà không thuộc diện bồi thẩm đoàn phải xác định (được qui định tại các Điều tương ứng của Bộ luật hình sự Liên Bang Nga với tư cách là hình thức định khung tăng nặng - tiền án, chức vụ của bị cáo - và các tình tiết khác đòi hỏi sự đánh giá về mặt pháp lý).

Nếu Bồi thẩm đoàn ra phán quyết buộc tội, còn Thẩm phán chủ toạ phiên toà thừa nhận rằng theo vụ án có đầy đủ các căn cứ để ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội vì không xác định được sự kiện phạm tội hoặc không chứng minh được bị cáo tham gia thực hiện tội phạm, thì Thẩm phán Chủ toạ phiên toà ra quyết định giải thể Bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết buộc tội và quyết định chuyển vụ án để xét xử lại với thành phần xét xử khác từ giai đoạn xét xử sơ bộ. Việc xét xử được tiến hành theo các qui định tại các Điều 432 và 433 Bộ luật này. Quyết định đó là cuối cùng và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Phán quyết buộc tội của Bồi thẩm đoàn không ngăn cản việc ra bản án tuyên bố bị cáo vô tội, Thẩm phán Chủ toạ phiên toà thừa nhận hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm (Điều 459).

 

Vài nét về chế định hội thẩm trong

pháp luật nhật bản

Đỗ Hoàng Yến

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp

Một trong những điểm nổi bật của hệ thống Tòa án Nhật bản là sự tham gia của Hội thẩm trong quá trình tố tụng là rất hạn chế. Mặc dù hệ thống Tòa án Nhật bản có nguồn gốc từ nước ngoài, nhưng hiện hành Nhật bản không áp dụng chế độ Bồi thẩm xét xử (jury trial) hoặc Hội thẩm tham gia xét xử (lay accessors). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tại các Tòa án Nhật Bản hoàn toàn không có sự tham gia của Hội thẩm vào tiến trình tố tụng. Tại đây, cũng tồn tại một số yếu tố về sự tham gia của Hội thẩm trong các vụ án dân sự, đó là sự tham gia của các ủy viên hòa giải, ủy viên Tòa án gia đình, ủy viên Tư pháp và ủy viên chuyên môn. Sau đây, chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu vài nét về lịch sử chế định xét xử bằng bồi thẩm đoàn tại Nhật Bản và chế định Hội thẩm hiện hành.

I. Một số vấn đề chung về lịch sử chế định Bồi thẩm đoàn ở Nhật Bản.

Trước đây, trong những năm đầu của thời kỳ hiện đại hóa, đã xuất hiện những yêu cầu cần áp dụng việc xét xử bởi Đoàn Bồi thẩm (trial by juri). Dự thảo đầu tiên của Bộ luật Hướng dẫn hình sự được chuẩn bị vào thời kỳ này đã bao gồm những điều khoản về chế định Bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, các ý kiến đối lập cho rằng việc để cho các Bồi thẩm quyết định về việc tìm tòi sự thật của vụ án (fact finding) là điều không phù hợp vì Bồi thẩm không phải là những người chuyên môn pháp lý. ý kiến này đã thắng thế và các điều khoản về Bồi thẩm đã bị loại ra khỏi dự thảo. Tuy vậy, trong những năm đầu của thập kỷ 90, thế kỷ thứ 19 thì các cuộc tranh luận về chế định Bồi thẩm laị được phục hồi và đến năm 1923 thì Luật về xét xử bởi Bồi thẩm đoàn (Law on jury trial) được ban hành. Như vậy, chế định xét xử bằng Bồi thẩm đoàn trong các vụ án hình sự đã được du nhập vào Nhật Bản năm 1923 và tồn tại cho đến năm 1943.

Chế định Bồi thẩm của Nhật Bản lúc đó rập khuôn mẫu của Pháp và Đức, tuy vậy cũng có những đặc điểm riêng. Sự phán quyết (verdict) của Đoàn Bồi thẩm không có ý nghĩa bắt buộc đối với Tòa án và Thẩm phán chủ trì vụ án có quyền đưa vụ án đó ra xét xử lại cho đến chừng nào ý kiến của Bồi thẩm phù hợp với quan điểm của Thẩm phán về vụ án đó. Mặc dù bên bị kiện không có quyền kháng cáo đối với quyết định của Bồi thẩm đoàn về các sự kiện của vụ án, nhưng công tố viên lại có quyền này.

Việc áp dụng chế định Bồi thẩm sau một thời gian tỏ ra không phù hợp và không hiệu quả ở Nhật Bản. Thêm vào đó, chi phí cho việc xét xử bằng Bồi thẩm đoàn khá tốn kém. Vì vậy, đến năm 1943, đạo luật về xét xử bởi Bồi thẩm đoàn đã bị hủy bỏ.

Sự thất bại của việc áp dụng chế định Bồi thẩm đoàn ở Nhật Bản được giải thích theo nhiều cách. Cách giải thích Thứ nhất cho rằng truyền thống người Nhật vốn đặt lòng tin vào việc xét xử bởi các Thẩm phán chuyên nghiệp. Tầng lớp bình dân có xu hướng tin vào sự xét xử của các Thẩm phán chuyên nghiệp hơn là những người cùng tầng lớp với họ với quan điểm cho rằng Thẩm phán là những người rành nhất về pháp luật, nên sẽ đưa ra những phán quyết trên cơ sở phù hợp với pháp luật. Quan điểm khác cho rằng do các quy định của pháp luật về xét xử bởi Bồi thẩm quy định rằng sự phán quyết của Bồi thẩm đoàn không có ý nghĩa bắt buộc đối với Tòa án và bị đơn không có quyền kháng cáo đối với quyết định của Bồi thẩm đoàn về các sự kiện của vụ việc nên chế định Bồi thẩm đoàn đã không được sự ủng hộ của các bị đơn. Bởi vậy, chế định, Bồi thẩm đoàn của Nhật Bản chưa bao giờ có được một cơ hội thật sự của sự thành công do địa vị pháp lý của nó chỉ là tư vấn cho Tòa án.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào năm 1947, Bộ luật tố tụng hình sự cũ được thay thế bằng một Bộ luật mới, ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của luật pháp Mỹ. Điều này thật dễ hiểu bởi lúc này, Nhật Bản chịu sự kiểm soát nhiều mặt của lực lượng đồng minh và của người Mỹ. Dự thảo đầu tiên của Bộ luật tố tụng hình sự mới đã bao gồm các điều khoản về xét xử bằng Bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, ý định này đã bị phản đối quyết liệt của các thành viên Nhật Bản trong Ban soạn thảo. Những người này đã có một căn cứ khá thuyết phục là chỉ ra sự thất bại của chế định Bồi thẩm áp dụng hồi trước chiến tranh thế giới thứ hai. Do vậy, chế định Bồi thẩm đoàn đã không được chấp nhận.

II. Sự tham gia của các hội thẩm trong quá trình tố tụng hiện hành:

ở Nhật Bản, Chế định Hội thẩm hiện hành có những đặc điểm riêng khác với chế định Hội thẩm của các nước mà Hội thẩm tham gia xét xử cùng với Thẩm phán trong các vụ kiện hình sự cũng như dân sự. ở Nhật Bản, Các Hội thẩm chỉ tham gia vào quá trình tố tụng dân sự bao gồm các ủy viên hòa giải (conciliation Commissioners), các ủy viên Tư pháp (Judicial Commissioners), các ủy viên Tòa án gia đình (Family court Commissioners), các ủy viên chuyên môn (Expert Commissiners). Các ủy viên này được Tòa án lựa chọn từ dân chúng. Sự tham gia của các Hội thẩm vào quá trình tố tụng cũng đóng góp một phần đáng kể vào việc dân chủ hóa hoạt động Tòa án.

Các ủy vên hòa giải (Conciliation Commissionrs):

Các ủy viên hòa giải do Tòa án lựa chọn trong dân chúng với yêu cầu phải là những người có hiểu biết, có kinh nghiệm và có phẩm chất tốt. Tại Tòa án khu vực, Tòa án gia đình và Tòa giản lược, một ủy ban các ủy viên hòa giải được thành lập bao gồm một Thẩm phán và hai ủy viên hòa giải (số ủy hòa giải có thể nhiều hơn 2 tuỳ thuộc vào cách tổ chức của Tòa án và nhu cầu công việc). Nhiệm vụ của ủy ban này là hòa giải các bên trong các vụ kiện dân sự bằng cách gợi ý những thỏa thuận hoặc thỏa hiệp giữa các bên, khuyến khích các bên tự hòa giải với nhau.

2. Các ủy viên tư pháp (Judicial Commissionrs):

Các ủy viên Tư pháp cũng được Tòa án lựa chọn theo cách thức tương tự như các ủy viên hòa giải. Tuy nhiên chức năng của các ủy tư pháp là giúp việc cho các Thẩm phán trong việc tác động vào sự thỏa hiệp của các bên vụ kiện dân sự. Bên cạnh đó, các ủy viên tư pháp còn tham gia các phiên tòa xét xử các vụ kiện dân sự nhằm mục đích phát biểu quan điểm của mình về vụ việc để Thẩm phán cân nhắc.

3. Các ủy viên Tòa án gia đình (Family court Commissionrs):

Trong một số vụ việc do pháp luật quy định như tuyên bố không đủ tư cách (incompetency), thay đổi họ tên hoặc chia tài sản thì ủy viên Tòa án gia đình có nhiệm vụ giúp các Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc bằng cách trình bày các quan điểm của mình về vụ việc đó.

4. Các ủy viên chuyên môn (Expert Commissionrs):

Các ủy viên chuyên môn là những người có kinh nghiệm chuyên môn được Tòa án lựa chọn. Chức năng của các ủy viên chuyên môn là đưa ra các ý kiến chuyên môn khi được Thẩm phán yêu cầu trong các vụ kiện dân sự không cần tranh tụng, liên quan đến vấn đề giữa chủ đất và người cho thuê nhà.

Hiện nay, tại Nhật Bản, vấn đề thực hiện dân chủ hóa hoạt động Tòa án là vấn đề rất được quan tâm. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đổi mới chế định về Hội thẩm vẫn được tiến hành bởi các cơ quan chức năng. Việc áp dụng chế độ Bồi thẩm đoàn trong xét xử vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề nghị. Có rất nhiều lý do cho vấn đề này. Một trong những lý do được nhấn mạnh là vấn đề thực hiện dân chủ hóa hoạt động Tòa án và ý kiến cho rằng áp dụng chế độ Bồi thẩm đoàn xét xử sẽ đem đến cho Tòa án những ý kiến mang tính thực tiễn hơn là lý thuyết khô khan mà các Thẩm phán chuyên nghiệp áp dụng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

IV. lược thuật kết quả hội thảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

lược thuật kết quả hội thảo tại hà nội

(trong các ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1998)

 

Báo cáo dẫn đề của đồng chí Nguyễn Văn Sản (Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ nhiệm đề tài).

Báo cáo nêu rõ sự cần thiết phải nghiên cứu về lý luận và thực tiễn việc đổi mới chế định Hội thẩm. Việc đổi mới này phải được đặt trong tổng thể cải cách tư pháp, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác xét xử tại các Toà án nhân dân.

Sau khi giới thiệu tóm tắt sự phát triển của chế định Hội thẩm qua nửa thế kỷ với 4 bản Hiến pháp - là những mốc lớn trong quá trình phát triển Nhà nước ta, tác giả khẳng định chế định Hội thẩm đã ngày càng được hoàn thiện, để đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Đến nay, thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử tại Toà án.

Tuy nhiên trước yêu cầu của thời kỳ mới, chế định Hội thẩm cần phải có những cải cách đáng kể, mới đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề của công tác xét xử và công cuộc cải cách tư pháp nói chung.

Đề tài cần đánh giá tổng quát thực trạng đội ngũ Hội thẩm hiện nay, thảo luận về các vướng mắc để tìm ra những kiến nghị, giải pháp hợp lý nhằm làm cho chế định này phát huy hiệu quả chứ không có tính chất hình thức như hiện nay.

Hội thảo có thể đi sâu vào các vấn đề chủ yếu như:

Số lượng Hội thẩm trong các loại án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

Cơ quan nào quản lý Hội thẩm là hợp lý ?

Tiêu chuẩn và những yêu cầu mới đặt ra cho Hội thẩm.

Chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm ra sao ?

...

Đổi mới chế định Hội thẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án (Tham luận của đồng chí Nguyễn Tất Viễn - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Phó chủ nhiệm đề tài).

Toà án, với tư cách là cơ quan giữ vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp, nơi thể hiện kết quả cuối cùng của hệ thống tư pháp. Bởi vậy trong cải cách tư pháp thì đổi mới tổ chức và hoạt động của các Toà án là một nội dung rất quan trọng.

Chế định Hội thẩm đã được hình thành ngay từ những ngày đầu của chế độ dân chủ nhân dân, thể hiện đậm nét tính chất nhân dân của nền tư pháp mới. Các cuộc cải cách tư pháp từ trước đến nay của Nhà nước ta cũng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả xét xử của Toà án và để nhân dân ngày càng có điều kiện kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Chế định Hội thẩm còn là sự thể hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà Đảng ta đã đề ra.

Tham luận đã phân tích một số nguyên tắc như: Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Từ đó đặt ra yêu cầu muốn Hội thẩm thực sự độc lập và ngang quyền với Thẩm phán thì Hội thẩm phải có trình độ pháp lý nhất định, nhưng trình độ pháp lý đến đâu và sự tham gia xét xử của Hội thẩm ở mức độ nào là phù hợp, thì cần phải có quy định cụ thể.

Đối với từng loại án như lao động, kinh tế, hình sự... Hội thẩm cần có những chuyên môn ở mức cần thiết. Trình độ tối thiểu của Hội thẩm theo tác giả phải là sơ cấp pháp lý.

Về cơ quan nào quản lý Hội thẩm, tác giả cho rằng cơ quan tư pháp mà trực tiếp là Toà án các cấp theo sự uỷ quyền của Bộ Tư pháp quản lý Hội thẩm như hiện nay là phù hợp với Luật tổ chức Toà án 1992.

Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức và hoạt động của Hội thẩm nhân dân (Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Pha - Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức duy nhất có quyền giới thiệu danh sách Hội thẩm nhân dân. Là tổ chức có chức năng vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những ưu thế trong việc tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đánh giá về đạo đức, phẩm chất của Hội thẩm để giới thiệu với Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Hội thẩm. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa thật chủ động trong việc lựa chọn nhân sự bầu Hội thẩm, mà chủ yếu dựa vào danh sách do Toà án nhân dân cùng cấp đưa sang.

Sau khi bầu Hội thẩm nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân hầu như không nắm được đầy đủ tình hình Hội thẩm hoạt động ra sao. Chỉ có Toà án nhân dân là cơ quan duy nhất có thể đánh giá chất lượng chuyên môn của Hội thẩm. Do vậy rất cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp để tổ chức, giúp đỡ Hội thẩm nhân dân hoạt động. Hiện nay mỗi nơi làm mỗi khác, có một số mô hình tốt cần nghiên cứu như Bà Rịa, Vũng Tàu, Nam Định...

Mối quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm trong xét xử (Tham luận của đồng chí Trần Quốc Phú - Thanh tra Bộ Tư pháp).

Xét xử cần được hiểu rộng, bao hàm cả khi nghiên cứu hồ sơ. Từ lúc này mối quan hệ Thẩm phán và Hội thẩm đã được xác lập và phải hết sức nhịp nhàng, bổ sung cho nhau mà vẫn độc lập trên cơ sở luật pháp.

Tác giả nghiêng về ý kiến để Toà án quản lý Hội thẩm nhân dân.

Hoạt động của Hội thẩm nhân dân ở Nghệ An - Thực trạng và kiến nghị (Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Sở tư pháp Nghệ An).

Thực tế cho thấy trong nhận thức của các cấp các ngành và cả bản thân Hội thẩm nhân dân chưa nhận rõ và thấy hết ý nghĩa quan trọng của chế định Hội thẩm nhân dân, nên chưa định hình được cơ chế quản lý Hội thẩm nhân dân.

Thực tiễn đòi hỏi Hội thẩm nhân dân phải có trình độ nhất định về chuyên môn thì mới khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của Hội thẩm nhân dân hiện nay.

Tác giả nêu một số kiến nghị: Sớm xây dựng tiêu chuẩn Hội thẩm Toà án nhân dân theo thẩm quyền Toà án nhân dân các cấp; xây dựng mô hình quản lý công tác Hội thẩm nhân dân; xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xét xử cho Hội thẩm nhân dân. Nhà nước cần có kinh phí phục vụ công tác Hội thẩm nhân dân.

6. Công tác Hội thẩm ở Toà án nhân dân Ninh Bình (Tham luận của đồng chí Phạm Văn Kha - Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình).

Hội thẩm nhân dân được luật quy định là thành viên của Toà án nhân dân, vì vậy Toà án nhân dân quản lý Hội thẩm nhân dân là hợp lý, nhưng không có sự uỷ quyền của Bộ Tư pháp về việc quản lý Hội thẩm nhân dân cho các Chánh án tỉnh, và kinh phí Nhà nước cũng không cấp.

Thực tiễn Hội thẩm nhân dân trình độ không đồng đều, hiểu biết pháp luật hạn chế, nên không có điều kiện nắm chắc được vụ án, ý kiến trái ngược với Thẩm phán là rất ít.

Tác giả kiến nghị: cơ quan quản lý Hội thẩm nhân dân nên là cơ quan tư pháp; về tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân cần quy định cụ thể hơn (tuổi từ 23 - 70, văn hoá ở miền núi phải hết tiểu học, ở đồng bằng từ trung học cơ sở trở lên...), số lượng Hội thẩm nhân dân nên ít hơn số Thẩm phán để đảm bảo chất lượng xét xử.

7. Vai trò của Hội thẩm nhân dân qua thực tiễn xét xử ở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội (Tham luận của đồng chí Đặng Xuân Mai - Hội thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội).

Sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân là rất cần thiết, nên duy trì số lượng Hội thẩm nhân dân trong xét xử án hình sự như hiện nay. Thực tiễn cho thấy đại đa số Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nhất trí với nhau khi nghị án, tuy nhiên có số ít vụ, do chứng cứ phức tạp hoặc chưa đủ hoặc do nhận thức về đường lối xét xử chưa thống nhất, nên có sự đánh giá khác nhau, nhiều Hội thẩm nhân dân đã thể hiện sự độc lập của mình. Cũng phải thừa nhận là còn một số Hội thẩm nhân dân không đủ khả năng và điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm chắc chắn sẽ khắc phục được số lượng nhỏ những sai sót của họ.

8. Quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân trong việc xét xử từng loại án: kinh tế, lao động, hành chính... (Tham luận của đồng chí Vũ Khắc Xương - Chánh toà hành chính Toà án nhân dân tối cao).

Tác giả nêu các quy định của pháp luật tố tụng về quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân trong các giai đoạn tố tụng. Trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, cần xem xét số lượng Hội thẩm nhân dân trong các loại án khác nhau sao cho phù hợp và phát huy hiệu quả nhất.

9. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm (Tham luận của đồng chí Phan Hữu Thư - Giám đốc trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp).

Chương trình bồi dưỡng cho Hội thẩm ngoài nội dung cơ bản, cần thiết áp dụng một chương trình linh hoạt cho từng đối tượng Hội thẩm nhân dân (xử loại án nào, cấp xét xử nào).

10. Hội thẩm quân nhân thuộc Toà án quân sự (Tham luận của đồng chí Trần Văn Độ - Toà án Quân sự Trung ương).

Tác giả nêu lại quá trình hình thành Hội thẩm quân nhân (HTQN) ở các Toà án quân sự từ sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến nay luật pháp quy định về vấn đề HTQN tương đối hợp lý, có chăng tới đây cần quy định rõ việc tuyển chọn và quản lý HTQN.

11. Một số vấn đề về việc thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân (Tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Hồng Tươi - Phó vụ trưởng Vụ quản lý Toà án địa phương về tổ chức).

Tác giả nêu một số chế độ chính sách với Hội thẩm nhân dân hiện nay. Tuy nhiên đây là chế định rất đặc thù, vì vậy muốn phát huy hiệu quả của Hội thẩm nhân dân luật pháp cần đánh giá đúng tính đặc thù đó.

*

* *

Trong cuộc hội thảo này còn có các thông tin về chế định Hội thẩm hoặc bồi thẩm tại Toà án ở một số nước ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Liên bang Nga.

 

 

 

 

Lược thuật kết quả Hội thảo tại vũng tàu

(Ngày 5 tháng 11năm 1999)

Đồng chí Nguyễn Văn Sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm đề tài:

Chế định Hội thẩm là một vấn đề đang được đặt ra trong cải cách tư pháp, chúng ta phải có thái độ nghiêm túc và đi vào thực chất việc phát hiu vai trò của người Hội thẩm nhân dân (HTND) trong công tác xét xử hiện nay. Trong mỗi thời kỳ, chế định Hội thẩm đã phát huy tính tích cực của mình. Cho đến nay thực tiễn vẫn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu được của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử ở Tòa án. Tuy nhiên trong tình hình mới, chế định Hội thẩm cần phải có sự đổi mới để đáp ứng được nhiệm vụ xét xử hiện nay và yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp. Hiện nay số lượng Hội thẩm TAND địa phương phần lớn là những cán bộ Nhà nước đương chức hoặc đang hoạt động trong các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, kinh tế. Việc tham gia xét xử thường tập trung vào một số người nhất định nên chế định Hội thẩm ít nhiều còn mang tính hình thức.

Một vấn đề khác đặc ra là trong điều kiện mới, Hội thẩm cần phải có tiêu chuẩn như thế nào để đạt được hai mục tiêu: bổ sung kiến thức và kinh nghiệm xã hội cho Thẩm phán, đồng thời giám sát hoạt động xét xử? Trong khi trình độ của Thẩm phán ngày nay cao hơn trước đây, và trình độ dân trí cũng vậy. Hiện nay có rất nhiều ý kiến khác nhau về công tác Hội thẩm nhưng phần lớn ý kiến đó đều xoay quanh các câu hỏi:

- Ai là người quản lý Hội thẩm?

- Số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử có cần chiếm đa số như quy định hiện nay không?

- Những yêu cầu cụ tể đối với HTND ở mức độ nào là phù hợp. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là cần phải có một cơ quan thống nhất quản lý Hội thẩm như nên giao cho Tòa án, Tư pháp, hay Mặt trận Tổ quốc thống nhất quản lý Hội thẩm? Đó là những vấn đề mà Hội thảo cần tập trung thảo luận và làm rõ.

TS. Chu Hải Thanh- (TP. Hồ Chí Minh):

Tuy trên gọi, cách thức tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn đặt ra ở từng thời kỳ không hoàn toàn giống nhau nhưng chế định Hội thẩm trong xét xử của Tòa án đã song tồn cũng Nhà nước dân chủ nân dân của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay. Chưa đánh giá về các khía cạnh khác, chỉ riêng với hơn 50 năm hiện diện liên tục đó cũng đã chứng tỏ sức sống và sự cần thiết của Hội thẩm bên cạnh những công chức tư pháp chính ngạch.

Trừ tòa kinh tế, và lao động HTND tham gia với đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác lập công lý ngay từ lúc ban đầu. Nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là công chức tư pháp chuyên nghiệp cầm trịch chủ yếu là mặt luậ pháp thì HTND là lực lượng từ nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, bổ túc những kiến thức chuyên môn cần thiết khác cho quá trình xử án. Khảo sát đội ngũ 95 Hội thẩm tại TAND TP. HCM (khóa 1994 - 1999) cho thấy họ đại diện cho hơn 30 ngành nghề và lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau là lợi thế cho chức trách của họ ở các phiên tòa. Mặt khác, về thành phần và cơ cấu đội ngũ Hội thẩm cần được nghiên cứu, cải tiến thêm để đạt được sự hoàn chỉnh và hiệu quả. Về số lượng Hội thẩm cho các cấp Tòa án quy định như Quyết định 867/QĐ6QLTA ngày 7/10/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là hợp lý nhưng không nên "cào bằng". Đối với các tòa ở những địa phương có lượng án phải xét xử sơ thẩm lớn thì cần phân bổ thêm chừng 20 - 30% số Hội thẩm nữa để khắc phục tình trạng quá tải trong xét xử. Một thực tế khác nữa là hiện nay ai có nhiệm vụ và quyền hạn chính thức quản lý đội ngũ Hội thẩm vẫn chưa được quy định đầy đủ. Chúng tôi cho rằng, Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm thì cũng nên để họ trực thuộc Hội đồng nhân dân, báo cáo về hoạt động và chịu trách nhiệm trước cơ quan dân cử thì mới hợp lý và mới mong tạo được hậu thuẫn cho sự bình đẳng và độc lập của Hội thẩm khi ngồi xét xử với Thẩm phán. Giải pháp thứ hai xin đề xuất là đưa lực lượng Hội thẩm cho cơ quan Tư pháp - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp quản lý để tiện cho việc phân công công tác, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đại ngộ vật chất.

Tất nhiên, để đi đến quyết định ủng hộ giải pháp nào trên đây, chúng ta còn phải tính đến khía cạnh tố tụng, thẩm quyền của mỗi cơ quan Nhà nước và sự thống nhất quyền lực Nhà nước. Và có giải quyết dứt điểm vấn đề tổ chức quản lý thì mới có đầu mối có trách nhiệm cụ thể để thường xuyên giám sát hoạt động, chất lượng công tác của Hội thẩm, tiến hành kịp thời việc khen thưởng hoặc lỷ luật đối với họ.

Đồng chí Trương Thị Đáng - Q. Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Nhìn chung, các Hội thẩm của TAND tình Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 1994 - 1999 đã tham gia xét xử với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần làm cho Tòa án xét xử công minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên trong Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND không có quy định về trách nhiệm của cơ quan nào quản lý Hội thẩm. Việc các vị Hội thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự tổ chức thành Đoàn theo sự chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh chỉ là một giải pháp nhất thời khắc phục khiếm khuyết đó của cơ chế hiện tại về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm chứ tuyệt nhiên không thể thay thế một cách toàn diện và đầy đủ các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Về độ tuổi, thực tế cho thấy các vị Hội thẩm đã nghỉ hưu lại tham gia xét xử nhiều. Bên cạnh đó, những vị Hội thẩm đã có tuổi nghỉ hưu thường có kinh nghiệm xã hội phong phú hơn, có bề dày cuộc sống hơn, và đó là điều rất cần thiết cho công tác xét xử. Tuy nhiên, đối với những người đã nghỉ hưu mà sức khỏe yếu, dễ ảnh hưởng đến công tác xét xử. Có lẽ độ tuổi làm Hội thẩm từ 30 đến 65 là hợp lý.

Về thành phần Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm, có thể nói rằng việc ra một bản án chính xác, công minh, đúng pháp luật là đòi hỏi đầu tiên ở Hội đồng xét xử. Chúng ta có những Thẩm phán được đào tạo cơ bản và phải thỏa mãn những điều kiện khắt khe về trình độ nghiệp vụ, về đạo đức, về thời gian công tác. Việc đưa Hội thẩm tham gia xét xử là nhằm bổ sung những kiến thức xã hội cho Thẩm phán chuyên môn, đối với các vụ án hình sự, dân sự, hàn chính cũng có thể áp dụng mô hình hai Thẩm phán, một Hội thẩm như khi xét xử các vụ án lao động, kinh tế hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khóa 1994 - 1999):

Hội thẩm là một chế định quan trọng trong tổ chức và hoạt động tư pháp. Sự tồn tại của chế định này hơn 50 năm qua đã thể hiện vai trò của đội ngũ Hội thẩm qua các thời kỳ phát triển của nền tư pháp nước nhà.

Về những tiêu chuẩn của Hội thẩm chúng tôi thấy:

- Nói Hội thẩm có kiến thức pháp lý cần thiết, vậy kiến thức pháp lý của Hội thẩm đến mức nào là cần thiết? Điều này cần được hướng dẫn rõ hơn. Tuy nhiên, kiến thức xã hộicủa Hội thẩm là vấn đề vô cùng quan trọng. Kiến thức xã hội của họ càng rộng bao nhiêu thì việc xét xử càng thuận tiện bấy nhiêu. Ví dụ như am hiểu về cuộc sống của người dân bình thường, hiểu được phong tục tập quán, lễ nghi, tôn giáo của từng bộ phận dân cư. Kiến thức xã hội cũng như kiến thức chính trị là những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên tố chất của người Hội thẩm.

Hội thẩm cần có quan điểm dứt khoát, rõ ràng về từng vụ việc cụ thể. Có như vậy dân mới đủ lòng tin vào họ. Và như vậy, làm Hội thẩm cũng rất dễ nhưng lại rất khó.

Về phẩm chất đạo đức, cần quan tâm đến trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm. Về độ tuổi, có lẽ từ 40 đến 65 tuổi làm Hội thẩm thì hợp lý (trừ trường hợp đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hay các thầy cô giáo trẻ).

Về vấn đề quản lý Hội thẩm: Đã đến lúc cần có văn bản pháp luật của Nhà nước quy định. Đó là vông việc của các nhà lập pháp. Vấn đề là ở chỗ quản lý Hội thẩm theo phương thức nào? Trước mắt, Hội thẩm đã được bầu thì nên thành lập Đoàn Hội thẩm có theo dõi, kiểm tra, đánh giá hoạt động của Hội thẩm. Cơ quan quản lý cũng phải tạo thêm điều kiện để Hội thẩm tiếp cận với các thông tin mới về kinh tế - xã hội, về pháp luật mới, nhất là các chủ trương, chính sách của địa phương nơi họ tham gia xét xử. Nhiệm kỳ 2000 - 2004 cần có hướng dẫn cụ thể hơn về tất cả các mặt hoạt động liên quan đến Hội thẩm.

Đồng chí Nguyễn Kim - Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tốt hơn hết là Hội đồng nhân dân (HĐND) nên quản lý Hội thẩm vì tuy là cơ quan dân cử nhưng HĐND rất gần gũi với dân. Nếu để TAND quản lý Hội thẩm thì dễ khép kín, bất lợi khi giải thích cho nhân dân về thực hiện dân chủ trong xét xử. Chúng tôi cho rằng Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC báo cáo cơ quan có thẩm quyền để soạn thảo một Quy chế quản lý Hội thẩm thống nhất trong cả nước.

Về trình độ chuyên môn của Hội thẩm: cần được nâng cao hơn vì trình độ dân trí ngày một cao, nếu trình độ chuyên môn của Hội thẩm không được nâng lên sẽ tụt hậu so với quần chúng trong công tác xét xử của Tòa án.

Về tổ chức: Việc thành lập Đoàn Hội thẩm là cần thiết và phù hợp với thực tế. Chỉ có tổ chức theo Đoàn thì mới có thể đẩy mạnh được hoạt động của Hội thẩm.

Đồng chí Phan Mão: Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Có ý kiến cho rằng nên để Mặt trân Tổ quốc quản lý Hội thẩm. Chúng tôi cho rằng ý kiến này không hợp lý do đặc thù của tổ chức và hoạt động của đội ngũ Hội thẩm.

Đồng chí Phạm Ngọc Chấn - Phó Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Nếu không có ai quản lý toàn diện thì Hội thẩm hoạt động rất khó khăn. Dứt khoát trước sau cũng phải đưa đội ngũ Hội thẩm vào một tổ chức nào đó quản lý. Không nên áp dụng hình thức "Ban liên lạc" của các vị Hội thẩm vì không phải là tổ chức chặt chẽ mà nên lấy tên là Đoàn Hội thẩm. Đoàn sẽ có Quy chế hoạt động phù hợp với pháp luật.

Đồng chí Trần Bình Trọng - Phó Trưởng ban Nộichính Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu:

Hơn 50 năm qua, chế định Hội thẩm đã và đang tồn tại. Điều đó nói lên sự cần thiết của chế định này như thế nào trong quá trình phát triển của Tòa án nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay.

Hội đồng nhân dân có thể quản lý đội ngũ Hội thẩm do mình bầu ra. Nhưng sự quản lý đó phải trong một cơ chế phối hợp từ bên trên, giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng phối hợp thì vẫn phải có cơ quan chủ trì. Về tên gọi của tổ chức Hội thẩm, có thể các đại biểu nêu ra nhiều tên gọi như Đoàn, Ban, Hội theo chúng tôi để khái niệm Đoàn Hội thẩm là phù hợp hơn cả.

Về số lượng Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử, chúng tôi thấy tuỳ theo từng loại việc mà pháp luật quy định cho phù hợp. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Hội thẩm thực sự ngang quyền cũng là ngang tầm với Thẩm phán khi xét xử. Ngang quyền cũng là ngang tầm với Thẩm phán chứ không đơn thuần là ngang về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, Hội thẩm bắt buộc phải có những kiến thức cơ bản. Ngoài ra họ phải là những người có uy tín với dân. Nếu không có uy tín thì rất khó ngồi xét xử. Tòa án gần với dân, của dân cũng chính vì lẽ đó.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. phụ lục

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 1

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Quy chế

Hoạt động của đoàn hội thẩm nhân dân

tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

- Căn cứ Luật tổ chức của Tòa án nhân dân, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân được ủy banThường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 15 tháng 5 năm 1993.

- Căn cứ công văn hướng dẫn số 1973 của Bộ Tư pháp ngày 10/11/1994 và Thông tư số 05 ngày 22/11/1994 của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Căn cứ kết quả bầu Hội thẩm nhân dân của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II, kỳ họp thứ nhất vào các ngày 20, 21/12/1994 và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhân cuộc họp mặt đầu năm 1995 với hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ những căn cứ trên đây, trong phạm vi quy định này, được xác định rõ về tổ chức, các mối quan hệ, nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng, Phó đoàn, nghĩa vụ quyền lợi của Hội thẩm nhân dân, chế độ sinh hoạt báo cáo, chế độ khen thưởng, kỷ luât đối với Hội thẩm nhân dân.

Chương I

Tổ chức và các mối quan hệ, nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng, phó đoàn hội thẩm nhân dân

Điều 1: Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm, có Trưởng đoàn và các Phó đoàn, do Hội nghị toàn thể Hội thẩm giới thiệu bầu ra.

Điều 2: Đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh đặt dưới sự theo dõi giúp đỡ chung về mọi mặt của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, chịu sự giám sát của Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và chịu sự phân công làm nhiệm vụ xét xử, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tỉnh trong suốt nhiệm kỳ.

 

Điều 3: Trưởng đoàn Hội thẩm là người chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, quản lý hoạt động của đoàn và chịu trách nhiệm trước Thường trực Hội đồng nhân dân về kết quả hoạt động xét xử của Hội thẩm là đầu mối trung gian, giúp Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh nắm được hoạt động của đoàn, đồng thời có trách nhiệm phản ánh, báo cáo, đề xuất những tâm tư, nguyện vọng của đoàn lên lãnh đạo xem xét giải quyết.

Điều 4: Trưởng, Phó đoàn thống nhất phân công mỗi đồng chí trong Thường trực đảm đương theo dõi một lĩnh vực xét xử và có trách nhiệm theo dõi tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn theo định kỳ đã được quy định tại (Điều 14 Chương III) của Quy chế này.

 

Chương II

Nhiệm vụ và quyền lợi của Hội thẩm nhân dân tỉnh

Điều 5: Các thành viên Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ tham gia đều đặn công tác xét xử ở các Tòa... (thuộc Tòa án nhân dân tỉnh) mỗi đồng chí (trừ những đồng chí chưa được Tòa án mời) trong các trường hợp Hội thẩm đã đăng ký nhận lời mời, nhất thiết phải đến Tòa án nghiên cứu nắm chắc hồ sơ vụ án mà mình đăng ký xử, trước khi đưa ra xét xử ít nhất là từ 2 đến 5 ngày. Những trường hợp đã nhận lời nhưng do công tác đột xuất, hoặc bị ốm đau mà không thể đến tham dự được, thì bản thân Hội thẩm đó phải đến báo cáo ngay lại cho Thư ký Tòa án để xử lý. Trước khi phiên tòa xét xử ít nhất là 02 ngày (án đơn giản) 5 ngày, (án phức tạp).

Điều 6: Trong khi xét xử, Hội thẩm nhân dân, phải luôn đề cao vai trò, quyền hạn, tính độc lập và quyết đoán của mình trong quá trình xét xử, nhất là khi nghị án. Nhằm đảm bảo cho vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 

Điều 7: Hội thẩm nhân dân phải luôn giữ vững tốt mối quan hệ đoàn kết với Tòa án nhân dân cũng như các ngành cùng tham gia tố tụng trên cơ sở giữ vững kỷ cương luật pháp. Với các thành viên trong đoàn phải chân tình, thân ái đoàn kết giúp đỡ động viên tạo điều kiện cho nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 8: Hội thẩm nhân dân phải thường xuyên trao đổi giữ vững phẩm chất, tư cách đạo đức, có lập trường quan điểm vững vàng, tích cực nghiên cứu học hỏi và rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao nhận thức, nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng cho yêu cầu công tác xét xử.

 

Điều 9: Hội đồng nhân dân được mời tham dự Hội nghị sơ kết, tổng kết 6 tháng, một năm và các hội nghị chuyên ngành khác (nếu có) của ngành Tòa án tỉnh và được mời đại diện Đoàn tham dự các kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 10: Hội thẩm nhân dân được hưởng tiền bồi dưỡng, theo đúng mức quy định của Nhà nước tại Thông tư số 614/TT/LN ngày 27/7/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao "Về việc hướng dẫn chế độ phụ cấp phiên tòa".

 

Điều 11: Hội thẩm nhân dân khi bị ốm đau, bệnh tật, hoặc qua đời được Đoàn có kế hoạch tổ chức đến thăm viếng và báo cáo với lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Tòa án nhân dân tỉnh biết để tổ chức đi thăm hỏi, động viên giúp đỡ.

Điều 12: Hội thẩm nhân dân được quyền làm đơn xin rút tên ra khỏi dach sách của Đoàn nếu xét thấy có những lý do chính đáng.

 

Như: - Điều kiện sức khỏe.

- Điều kiện công tác

- Do bản thân mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, tự xét thấy không có đủ uy tín.

Đoàn có trách nhiệm xem xét và thỉnh thị lên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đưa ra kỳ họp đại biểu Hội đồng nhân dân gần n hất quyết định.

Chương III

Chế độ sinh hoạt báo cáo, chế độ khen thưởng,

Kỷ luật và lập qũy đoàn:

Điều 13: Đoàn Hội thẩm nhân dân sinh hoạt định kỳ mỗi năm 2 lần (vào nửa năm và cuối năm) nội dung sinh hoạt và chủ trì của Hội nghị do Trưởng, Phó đoàn đảm nhiệm.

Điều 14: Chế độ báo cáo lên Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh 3 tháng, 6 tháng và 1 năm do Trưởng, Phó đoàn đảm nhận.

 

Điều 15: Hội thẩm nhân dân tuỳ theo mức độ, thành tích, đoàn có trách nhiệm, xem xét đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khen thưởng hàng năm.

Điều 16: Hội thẩm nhân dân tuỳ theo mức độ sai phạm khuyết điểm, sẽ có hình thức xử lý từ phê bình, góp ý, rút kinh nghiệm ở đoàn đến hình thức cao nhất là bị bãi miễn ra khỏi danh sách Đoàn Hội thẩm.

 

Điều 17: Xây dựng quỹ hoạt động của Đoàn, nguồn qũy do từng đồng chí thành viên đóng góp mỗi tháng 5.000đ/1người. Quỹ này chỉ chi dùng vào mọi sinh hoạt của đoàn khi cần thiết. Quản lý quỹ sẽ do Trưởng, Phó đoàn thống nhất phân công.

Chương IV

Điều khoản thi hành.

Điều 19: Những điều được nêu ra trong bản quy định này, sẽ có giá trị thi hành kể từ ngày 8/2/1996 và chỉ áp dụng trong phạm vi Đoàn Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh nhiệm kỳ (1994 - 1999).

 

Trong quá trình thực hiện nếu thấy có vấn đề gì cần phải bổ sung sửa đổi thì sẽ được đưa ra tập thể đoàn bàn bạc, thảo luận quyết định./.

 

T/M. Đoàn hội thẩm nhân dân

Trưởng đoàn

 

Phạm Xuân Mai

Phụ lục 2

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Ngày 01 tháng 01 năm 1995

Quy ước

Của " người Hội thẩm nhân dân"

Của Ban liên lạc Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (cũ)

 

I. Nguyên tắc chung:

1. Hội bao gồm những người làm công tác Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc nhiệm kỳ 1994 - 1999.

2. Hội lấy hoạt động tình nghĩa với nhau và sự trao đổi kinh nghiệm trong tham gia xét xử làm mục đích.

3. Hội lấy việc tự lực cánh sinh trong hoạt động là chính và tranh thủ ý kiến đóng góp HĐND tỉnh, MTTQ và TAND tỉnh, đồng thời với sự hỗ trợ của các cơ quan, trước hết là các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp có cán bộ tham gia HTND, TAND tỉnh.

4. Bàn bạc dân chủ, thống nhất, điều hành tập trung là nguyên tắc hoạt động của Hội.

II. Quyền lợi của Hội viên

- Mỗi Hội viên đều được các quyền lợi sau:

1. Được thăm hỏi khi ốm đau và được quà một lần mỗi năm bằng 1 kg đường và một hộp sữa.

2. Tứ thân, phụ mẫu, vợ hoặc chồng của Hội viên khi qua đời được thăm viếng bằng một bức trướng và hương nến.

3. Khi Hội viên có khó khăn đột xuất, được Hội quan tâm xem xét giúp đỡ, nếu thấy cần thiết và trên cơ sở bàn bạc thống nhất.

4. Hội viên có quyền xin ra khỏi Hội xét thấy không có điều kiện tham gia.

III. Tổ chức và sinh hoạt của Hội

a. Tổ chức:

- Bầu ra Ban liên lạc của Hội để thay mặt điều hành những hoạt động nội bộ của Hội và quan hệ với các cơ quan khi cần thiết. Ban liên lạc gồm 1 trưởng ban, 2 phó ban và 2 ủy viên. Gọi là "Ban liên lạc Hội thẩm".

- Hội gồm 21 Hội viên được chia ra thành 4 tổ, để tiện cho sinh hoạt.

Tổ 1: Gồm các Hội viên thuộc phường Trần Nguyên Hãn, thị xã Bắc Giang.

 

Tổ II: Gồm các Hội viên thuộc phường Trần Phú và Lê Lợi, thị xã Bắc Giang.

Tổ III: Gồm các Hội viên đang công tác tại cơ quan Nhà nước.

 

Tổ VI: Gồm các Hội viên thuộc khu vực toàn bộ Bắc Ninh và huyện Tiên Sơn.

- Hàng năm, Hội xem xét về nhân sự của Ban liên lạc để điều chỉnh bổ sung cho hợp lý.

b. Sinh hoạt:

- Tổ là đơn vị sinh hoạt thường xuyên, số lần sinh hoạt, địa điểm và thời gian do tổ quyết định.

- Toàn Hội mỗi năm sinh hoạt 2 lần, thời gian cùng với lần sơ kết và tổng kết của Tòa án nhân dân tỉnh.

- Khi có yêu cầu chung đột xuất sẽ có thông báo đến các hội viên.

IV - Quỹ Hội:

- Nguồn quỹ của Hội hình thành từ các nguồn chủ yếu:

- Tự nguyện đóng góp của các Hội viên.

- Từ sự quan tâm tài trợ của các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ...

- Nguyên tắc sử dụng quỹ:

+ Thăm hỏi ốm đau và chi tang hiếu (theo 1 và 2, tại phần II quyền lợi Hội viên). Từng tổ chủ động giải quyết là chính và thông báo cho Ban liên lạc biết để tạo điều kiện tham gia phối hợp.

+ Các chi khác giải quyết chi trên cơ sở bàn bạc dân chủ, thống nhất trong toàn thể hội viên.

+ Các thành viên không còn hoạt động trong HTND, hoặc xin nghỉ sinh hoạt hội, được thanh toán phần đã đóng góp.

+ Thủ quỹ của Hội có trách nhiệm lập sổ theo dõi và sổ hạch toán - kế toán các phát sinh và có trách nhiệm báo cáo tài chính của Hội mỗi năm 2 lần vào các kỳ họp sơ kết và tổng kết năm.

V. Hiệu lực thực hiện:

Quy ước này đã được toàn thể Hội viên tham gia thảo luận và nhất trí thông qua. Có giá trị thực hiện từ ngày 01/01/1995.

Trong quá trình hoạt động, nếu có những vấn đề mới nảy sinh cần phải bổ sung và sửa đổi, sẽ thực hiện nguyên tắc bàn bạc dân chủ.

 

Thay mặt Ban liên lạc Hội thẩm

Trưởng Ban

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 3

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

 

Số: 107-1999-NQ/HĐ

cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------***---------

Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 1999

Nghị quyết

Ban hành Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện

(HĐND TP Khóa XI, Kỳ họp thứ 13, từ ngày 15 đến ngày 19/7/1999)

 

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

- Căn cứ các Điều 129, 130 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

- Căn cứ các Điều 31, 37, 39, 41 Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Chương V Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân;

 

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;

- Căn cứ Tờ trình số 97/TTr-HĐ, ngày 15/7/1999 của Thường trực HĐND thành phố v/v ban hành Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện.

- Sau khi nghe ý kiến thuyết trình của Ban Pháp chế, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố,

quyết định

I/ Ban hành "Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện" để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thẩm nhân dân tại TAND thành phố và TAND quận, huyện hoàn thành nhiệm vụ xét xử.

II/ Giao Thường trực HĐND, căn cứ ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố, hoàn chỉnh, ban hành và tổ chức thực hiện bản "Quy chế về Hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội

 

 

Đã ký: Phạm Lợi

 

Hội đồng nhân dân

Thành phố Hà Nội

----***----

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------***--------

Quy chế

 

Về hội thẩm nhân dân thành phố và quận, huyện

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 107-1999/NQ-HĐ ngày 19/7/1999 của HĐNDTP - Khóa XI, kỳ họp thứ 13.

 

Điều 1: Chế định Hội thẩm nhân dân thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Hội đồng xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp. Hội thẩm nhân dân hoạt động xét xử, vừa thực hiện giám sát pháp luật thông qua hoạt động xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng.

Điều 2: Hội thẩm nhân dân là người có đủ tiêu chuẩn về tư cách, đạo đức và phẩm chất theo quy định của pháp luật, có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

HTND do ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giới thiệu; do Hội đồng nhân dân các cấp bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm; do Chánh án Tòa án nhân dân các cấp phân công xét xử tại các phiên tòa và bồi dưỡng về nghiệp vụ.

Điều 3: Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; ngang quyền với Thẩm phán;

Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ: Căn cứ vào kế hoạch phân công của Tòa án các cấp tham gia vào Hội đồng xét xử tại các phiên tòa theo trình tự sơ thẩm.

Điều 4: Học tập nâng cao nghiệp vụ, sinh hoạt thời sự, chính trị theo kế hoạch bồi dưỡng cán bộ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân.

Rèn luyện phẩm chất, giữ vững đạo đức trong sạch, liêm khiết, chí công, vô tư luôn luôn là tiêu chí phấn đấu của Hội thẩm nhân dân.

Điều 5: Hoạt động nội bộ trong Hội thẩm nhân dân thông qua Ban liên lạc Hội thẩm nhân dân. Ban liên lạc có từ 3 đến 5 thành viên do Thường trực HĐND cử.

 

Ban liên lạc Hội thẩm nhân dân giữ mối liên hệ giữa Hội thẩm nhân dân với Ban pháp chế HĐND, TAND và UBMTTQ cùng cấp; có nhiệm vụ đề xuất biện pháp tăng cường quản lý, bồi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm nhân dân.

Điều 6: Hoạt động nghiệp vụ xét xử của Hội thẩm nhân dân.

- Căn cứ vào kế hoạch được phân công xét xử, Hội thẩm nhân dân sắp xếp thời gian đến Tòa án thực hiện nhiệm vụ: Nghiên cứu hồ sơ, tham gia Hội đồng xét xử đúng thời gian quy định. Trường hợp có công việc đột xuất, phải báo cáo ngay với người phụ trách kế hoạch để điều chỉnh kịp thời, bố trí người thay thế.

- Hội thẩm nhân dân nhất thiết phải bố trí thời gian nghiên cứu hồ sơ trước khi đưa vụ án ra xét xử. Khi nghiên cứu hồ sơ có ghi chép tư liệu, tóm tắt nội dung vụ án, những chứng cứ buộc tội, gỡ tội, đặc điểm, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện, mục đích, động cơ, nguyên nhân phạm tội của bị cáo (đối với hình sự); thẩm tra chứng cứ do đương sự xuất trình (đối với dân sự...) để làm căn cứ khi ra Tòa xét xử.

- Khi xét xử vụ án: Trang phục phải chỉnh tề, tác phong nghiêm túc, tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, tập trung cao, lắng nghe thẩm vấn, trả lời của các bị cáo và đương sự, trực tiếp đặt câu hỏi về các điểm còn chưa rõ theo trình tự luận định, chú ý phần tranh luận để có căn cứ đánh giá đúng chứng cứ làm cơ sở cho việc định tội và lượng hình khi nghị án, góp phần đảm bảo phiên tòa đạt kết quả.

- Khi nghị án, Hội thẩm nhân dân phát huy tính độc lập tuân theo pháp luật trong việc định tội, lượng hình, đánh giá vai trò các bị cáo (với án hình sự); đưa ra chính kiến, trình bày quan điểm của mình về xử lý vụ kiện (với án dân sự...), nhằm mục đích xét xử đúng người, đúng tội, đúng việc, đúng pháp luật. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

- Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử cùng chịu trách nhiệm về bản án đã tuyên, ký vào bản án, biên bản nghị án. Sau khi phiên tòa phổ biến kết quả vụ án đã xét xử, lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh cho Tòa án.

- Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Điều 7: Ngoài chế độ chung, HĐND thành phố và HĐND quận, huyện bỗ trợ kinh phí đảm bảo các chế độ đối với Hội thẩm nhân dân.

 

1. Chế độ học tập: Hội thẩm nhân dân được học tập nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản hướng dẫn đường lối xét xử...

2. chế độ thù lao:

- Đối với Hội thẩm nhân dân thành phố 30.000đồng/1 ngày xét xử và nghiên cứu tài liệu.

- Đối với Hội thẩm nhân dân quận, huyện 25.000 đồng/1 ngày xét xử và nghiên cứu tài liệu.

3. Trang phục: Mỗi Hội thẩm nhân dân trong một nhiệm kỳ được trang bị 1 bộ quần áo thu - đông, 2 bộ quần áo xuân - hè, 1 đôi dày, 1 đôi dép.

4. Chế độ thăm hỏi ốm đau: 40.000đồng/1 người. ốm đau dài ngày được xét trợ cấp khó khăn.

Khi qua đời được phúng viếng theo chế độ cán bộ, viên chức Nhà nước.

5. Trong nhiệm kỳ được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm, kết hợp thăm quan một lần để nâng cao trình độ.

- Được cấp phát các văn phòng phẩm phục vụ công tác.

Điều 8: Khen thưởng, kỷ luật:

 

1. Hội thẩm nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chánh án Tòa án nhân dân hoặc Chủ tịch HĐND cùng cấp khen thưởng.

2. Tuỳ mức độ vi phạm kỷ luật, Hội thẩm nhân dân có thể bị bãi miễn theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, sau khi đã thống nhất ý kiến với UBMTTQ cùng cấp.


Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

 

 

Đã ký: Phạm Lợi

 

 

Phụ lục 4

Số lượng Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh

và huyện nhiệm kỳ 1999 - 2004

STT

Tỉnh

Số lượng Hội thẩm

Ghi chú

   

Tòa án tỉnh

Tòa án huyện

 

1

An Giang

22

200

 

2

Bà Rịa - Vũng Tàu

13

95

 

3

Bạc Liêu

20

60

 

4

Bắc Giang

20

156

 

5

Bắc Cạn

21

109

 

6

Bắc Ninh

19

128

 

7

Bến Tre

24

116

 

8

Bình Dương

25

112

 

9

Bình Phước

26

88

 

10

Bình Thuận

17

129

 

11

Bình Định

20

177

 

12

Cao Bằng

21

168

 

13

Cà Mau

20

116

 

14

Cần Thơ

33

150

 

15

Gia Lai

22

170

 

16

Hòa Bình

25

150

 

17

Hưng Yên

20

159

 

18

Hà Giang

23

156

 

19

Hà Nam

23

92

 

20

Hà Tây

21

224

 

21

Hà Tĩnh

25

147

 

22

Hải Dương

20

160

 

23

Khánh Hòa

19

112

 

24

Kiên Giang

24

198

 

25

Kon Tum

25

110

 

26

Lai Châu

25

154

 

27

Lao Cao

20

159

 

28

Long An

20

219

 

29

Lâm Đồng

25

140

 

30

Lạng Sơn

27

181

 

31

Nam Định

25

157

 

32

Nghệ An

23

283

 

33

Ninh Bình

22

114

 

34

Ninh Thuận

22

62

 

35

Phú Thọ

20

199

 

36

Phú Yên

20

103

 

37

Quảng Bình

20

98

 

38

Quảng Nam

15

139

 

39

Quảng Ngãi

19

171

 

40

Quảng Ninh

25

212

 

41

Quảng Trị

20

113

 

42

Sơn La

25

166

 

43

Sóc Trăng

19

110

 

44

Hà Nội

65

249

 

45

Hải Phòng

33

212

 

46

Hồ Chí Minh

96

541

 

47

Đà Nẵng

20

72

 

48

Thừa Thiên - Huế

25

139

 

49

Thanh Hóa

25

408

 

50

Thái Bình

22

154

 

51

Thái Nguyên

25

155

 

52

Tiền Giang

31

181

 

53

Trà Vinh

21

132

 

54

Tuyên Quang

20

92

 

55

Tây Ninh

21

145

 

56

Vĩnh Long

21

96

 

57

Vĩnh Phúc

20

120

 

58

Yên Bái

17

130

 

59

Đắc Lắc

20

202

 

60

Đồng Nai

26

147

 

61

Đồng Tháp

25

208

 
 

Cộng

1.473

9.645

 

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về