• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử của Toà án cấp huyện ở Việt Nam
Nội dung tóm tắt

I.   KHÁI NIỆM VỀ NĂNG LỰC XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN CẤP HUYỆN

1. Khái niệm về năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện

Năng lực là một thuật ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, theo nghĩa tiếng việt thì năng lực là “khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó..”[1] Như vậy, năng lực thể hiện ở bốn yếu tố: (i) Hoặc là khả năng để thực hiện một hoạt động nào đó; (ii) Hoặc là điều kiện khách quan để thực hiện một hoạt động nào đó; (iii) Hoặc là chủ quan để thực hiện một hoạt động nào đó; (iv) Hoặc là vừa khả năng, vừa điều kiện để thực hiện một hoạt động nào đó.

 

ĐỀ TÀI

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TĂNG CƯỜNG

NĂNG LỰC XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN

 

 

Khái niệm năng lực chung nêu trên có thể vận dụng để xác định khái niệm năng lực xét xử của Toà án. Năng lực xét xử của Tòa án là khái niệm pháp lý mang tính xã hội cao, sử dụng thường xuyên trong công tác tổ chức của cơ quan xét xử và nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như trong thực tiễn nghiên cứu khoa học pháp lý chưa có một khái niệm chuẩn về năng lực xét xử nói chung, cũng như năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng.

Theo đề tài, năng lực xét xử của Tòa án nói chung chính là khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, chức năng xét xử của mình, trên cơ sở các điều kiện, yếu tố khách quan và chủ quan, tạo thành sức mạnh thực thi thẩm quyền xét xử theo quy định của pháp luật. Còn năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện là khả năng của thẩm phán, hội thẩm nhân dân và các điều kiện khách quan khác để hoàn thành chức năng xét xử và đảm bảo chất lượng cao các vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án.

Năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện được cấu thành bởi các yếu tố và điều kiện khác nhau, trong đó cơ bản là:

- Cơ cấu tổ chức bộ máy xét xử của Tòa án cấp huyện;

- Trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức Tòa án trong đó vai trò nòng cốt là thẩm phán Tòa án cấp huyện;

- Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của thẩm phán, hội thẩm và thư ký  Tòa án cấp huyện;

- Trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, thẩm phán Tòa án cấp huyện;

- Sự phối hợp có hiệu quả giữa Tòa án cấp huyện với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác;

- Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cần và đủ để đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện có hiệu quả;

- Cơ chế pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Toà án cấp huyện.

2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nâng cao năng lực xét xử và tăng Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện

Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức và hoạt động theo sự phân chia địa giới hành chính. Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có Tòa án cấp huyện. Về tổ chức bộ máy của Tòa án cấp huyện, Điều 32, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định: Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, thẩm phán hội thẩm nhân dân, thư ký toà án. Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm Tòa án cấp huyện xét xử khoảng 118.300 vụ án các loại chiếm 72% tổng số các vụ án trong cả nước.

Với tình hình thực tế về cơ cấu tổ chức, biên chế và số lượng vụ án đã giải quyết, chúng ta có thể khẳng định rằng, Tòa án cấp huyện là một “mắt xích” vô cùng quan trọng trong hệ thống các cơ quan toà án, đã đóng góp một phần quan trọng hoàn thành chức năng xét xử mà Hiến pháp và Pháp luật giao cho, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực xét xử và mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Song vấn đề đặt ra là khi xem xét và nghiên cứu các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện phải đặt trong yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nói chung theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Sự nghiệp đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Tòa án nói riêng được quan tâm nhấn mạnh từ Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII ngày 23/01/1995. Trước đó trong các văn kiện và Nghị quyết các hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI chủ yếu định hướng đổi mới về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, chưa đề cập đến đổi mới các cơ quan tư pháp.

Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm là cải cách nền hành chính” đã nên lên 9 vấn đề trong đó có 3 vấn đề liên quan đến Toà án. Đó là:

- Cán bộ nhân viên ngành tư pháp phải nêu gương chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực chống quan liêu, tham nhũng trong xã hội và ngay trong các cơ quan tư pháp.

- Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ, nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, theo hướng việc xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp này. Tòa án cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu xét xử giám đốc thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án địa phương thực hiện xét xử thống nhất theo pháp luật. Hạn chế việc xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Nghiên cứu thành lập các toà chuyên môn.

- Tổng kết thực tiễn công tác quản lý Tòa án địa phương, xác định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong việc quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức cán bộ. Đẩy mạnh việc xét xử, giải quyết kháng cáo và các khiếu nại, tố cáo về công tác xét xử, bảo đảm công bằng và nghiêm minh.

Nghị quyết Hội nghị trung ương 3 khoá VIII mục IV về cải cách tư pháp khẳng định:

- Tòa án nhân dân thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Bỏ thủ tục xét xử sơ chung thẩm của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương. Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử một số vụ án đơn giản, rõ ràng.

- Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng pháp luật thống nhất và làm tốt chức năng giám đốc xét xử. Đổi mới thủ tục giám đốc thẩm để bảo đảm việc xét xử vừa đúng đắn vừa nhanh chóng.

- Nghiên cứu phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện; đồng thời căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ hiện nay mà điều chỉnh tiêu chuẩn chọn cho phù hợp để kịp thời bổ sung thẩm phán cho Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh.

Đến Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: “cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án không để xẩy ra trường hợp oan sai... sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định lại hợp lý thẩm quyền của Tòa án các cấp. Tăng cường đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân cả về số lượng và chất lượng”. Gần đây, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ra Nghị quyết số 08 ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp hiện nay và khẳng định các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan Tòa án trong đó có Tòa án cấp huyện.

Như vậy, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong những năm vừa qua về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đều khẳng định vấn đề cần thiết khách quan phải nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ thẩm phán Tòa án cấp huyện và xu hướng tất yếu là tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

3. Cơ sở lý luận và mối quan hệ giữa tăng cường năng lực xét xử với việc tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện

Trong hệ thống Tòa án, phân định thẩm quyền xét xử của mỗi cấp đối với từng loại việc đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu xem xét năng lực xét xử cụ thể, như khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện đối với các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động đòi hỏi phải nghiên cứu khả năng, điều kiện của thẩm phán xét xử được những loại nào, phạm vi đến đâu để đảm bảo cho hoạt động xét xử có chất lượng và hiệu quả. Ở nước ta quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng thường dựa vào các yếu tố sau:

- Tính nghiêm trọng, phức tạp của loại án;

- Hình thức tổ chức nhà nước và cách tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp huyện;

- Năng lực xét xử của đội ngũ thẩm phán và năng lực của những người tiến hành tố tụng khác ở cấp huyện;

- Tính kinh tế, tính hiệu quả và điều kiện đảm bảo công tác xét xử của Tòa án cấp huyện.

Theo nhận thức thống nhất hiện nay thì năng lực xét xử và thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện có mối quan hệ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau và được thể hiện cơ bản trên hai mặt sau:

- Sự tác động của năng lực xét xử đến việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng.

- Năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện là một trong những căn cứ quan trọng nhất để các nhà làm luật xem xét, nghiên cứu, đánh giá khi quy định thẩm quyền xét xử.

Năng lực xét xử bao gồm các yếu tố cấu thành như trên luôn luôn thay đổi theo chiều hướng ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trong các yếu tố cấu thành có yếu tố thay đổi nhanh chóng, có yếu tố thay đổi chậm hơn nhưng tất cả các yếu tố đó phải thay đổi và nằm trong sự thay đổi và phát triển của xã hội. Mặt khác, căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử, đặc biệt là tính chất nghiêm trọng, phức tạp của các loại án cũng thay đổi theo chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn về phương thức, thủ đoạn vi phạm, tội phạm. Song sự thay đổi này chậm hơn so với thay đổi của năng lực xét xử.

Trong công cuộc cải cách hiện nay, xu thế chung (và tất yếu) là việc nghiên cứu, mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá VII nhằm mục đích giải phóng gánh nặng cho Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án này tập trung thực hiện tốt công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và hướng dẫn đường lối xét xử là chủ yếu. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án là vừa phải nâng cao chất lượng xét xử vừa phải từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Để thực hiện được yêu cầu đó cơ quan Tòa án phải chọn giải pháp là nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện chứ không thể giữ nguyên thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính của Tòa án cấp huyện như quy định hiện nay của pháp luật tố tụng.

- Việc quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng đòi hỏi phải có những biện pháp thích hợp để đảm bảo cho Tòa án có đủ năng lực xét xử các vụ án đó.

Như vậy, khi nghiên cứu để quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện được xét xử các vụ việc nào các nhà làm luật phải xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau. Các căn cứ đó có thể thống nhất bổ sung cho nhau, nhưng cũng có thể mâu thuẫn với nhau trong sự thống nhất biện chứng. Song trong thực tiễn năng lực xét xử tuy không phải là căn cứ duy nhất nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đòi hỏi nhà làm luật phải quan tâm khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TÒA ÁN CẤP HUYỆN

1.  Giai đoạn 1945 đến 1959

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã quan tâm đến công tác xét xử và xây dựng hệ thống toà án. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh thành lập Tòa án quân sự ở các địa phương khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên vì yêu cầu của cách mạng mới chỉ thiết lập các Tòa án quân sự mà chưa  tổ chức hệ thống Tòa án các cấp và các Tòa án quân sự cũng chỉ xét xử các vụ án hình sự mà không xét xử các vụ án dân sự.

Ngày 24/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 13 về tổ chức Tòa án và ngạch thẩm phán. Sắc lệnh này đã phân chia Tòa án xét xử thành hai cấp sơ thẩm và đệ nhị cấp. Tòa án cấp sơ cấp gồm các Tòa án của phủ, quận, châu. Tòa án cấp đệ nhị là gồm các Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để phân biệt thẩm quyền của toà án,  Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền xét xử của các Toà án. Ngoài ra Sắc lệnh còn quy định "ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Tòa án cấp sơ thẩm.

Tuy nhiên, hệ thống Tòa án tư pháp tổ chức theo Sắc lệnh số 13 chỉ tồn tại đến năm 1950. Mặc dù là Tòa án cách mạng nhưng hệ thống và cơ cấu tổ chức về cơ bản vẫn theo thời Pháp. Các cán bộ tư pháp làm việc trong các Tòa án này chủ yếu là những người làm việc trong bộ máy hành chính và tư pháp của chế độ cũ. Trong những năm 50, cuộc kháng chiến đã dành thắng lợi đòi hỏi tiến hành cải cách bộ máy tư pháp, tăng cường tính cách dân chủ, nâng cao vị trí vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước, đồng thời, đổi mới luật lệ tố tụng đảm bảo xét xử nhanh chóng chính xác. Vì vậy, cuộc cải cách Tòa án nhân dân đầu tiên của nước ta được tiến hành bằng việc Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL ngày 25/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng. Theo đó, tổ chức “Tòa án sơ cấp này gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Toà phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân”. Để xử việc hình và việc hộ, Tòa án cấp huyện và tỉnh gồm một thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân, toà phúc thẩm gồm có hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Ở các vùng tạm chiếm, Chính phủ ra Sắc lệnh só 157 ngày 17/11/1950 quy định thành lập Tòa án nhân dân, có Thẩm quyền tương tự Tòa án các cấp ở vùng tự do, song thủ tục xét xử đơn giản hơn.

Thực hiện chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 4 (tháng 11/1958) Tòa án nhân dân tiếp tục được tăng cường và cải cách thêm một bước. Ngày 29/4/1958 Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đây là một bước quá độ cần thiết, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong bộ máy nhà nước một năm sau đó.

2. Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980

Hiến pháp năm 1959 đã thể chế hoá các quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra. Ngày 14/7/1960, Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và ngày 23/3/1961 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của Tòa án nhân dân địa phương. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án và thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó Chánh án và có thẩm quyền:

 - Hoà giải những việc tranh chấp về dân sự;

- Phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên toà;

- Sơ thẩm những vụ án dân sự;

-  Sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ 2 năm trở xuống.

Ngoài ra, Tòa án cấp huyện còn có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp và hướng dẫn công tác hoà giải ở các xã, phường, thị trấn.

Các chức danh pháp lý thẩm phán và hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm còn hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ 2 năm.

Ngoài các quy định trên, theo Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể. Việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương được chuyển giao cho Tòa án nhân dân tối cao. Tổ chức bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện.

3. Giai đoạn từ 1980 đến 1992

Ngày 13/12/1980, Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp 1980. Nhìn chung, các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 1980 kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1959. Trong đó, hệ thống Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án Quân sự. Ở Tòa án cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Về Thẩm quyền, Tòa án cấp huyện được mở rộng so với trước, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù từ 7 năm trở xuống trừ các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và trừ một số tội khác. Về công tác quản lý Tòa án địa phương thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp sau khi được tái thành lập năm 1981.

4. Giai đoạn từ 1992 đến nay

Đường lối đổi mới được khởi xướng từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 và tiếp tục được khẳng định và phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 là cơ sở cho việc ban hành Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. Sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 1992, trong đó, tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 1981. Tuy nhiên có một số quy định mới phù hợp với sự phát triển của  thời kỳ đổi mới:

- Trong tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập thêm các Tòa án chuyên trách - Tòa kinh tế, hành chính, lao động để giải quyết các khiếu kiện theo quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, lao động và kinh tế.

- Thực hiện chế độ bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ 5 năm thay thế chế độ bầu.

- Bộ Tư pháp tiếp tục quản lý về mặt tổ chức các Tòa án địa phương và được giao nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế và lao động.

- Về cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên như trước đây, không có Uỷ ban thẩm phán và các toà chuyên trách. Về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được giao thêm thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động.

Tuy nhiên, một số quy định về tổ chức, bộ máy và thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội và sự hội nhập, hợp tác quốc tế. Chính vì vậy, trong mấy năm gần đây, vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nói chung cùng với việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng đang trở thành mối quan tâm nghiên cứu của các nhà lập pháp. Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII và Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đều nhấn mạnh vấn đề phân định lại thẩm quyền xét xử của Toà án, mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và coi đây như là một nội dung của cải cách tư pháp hiện nay. Mặc dù Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 chưa thể hiện những quan điểm trên, nhưng định hướng mở rộng Thẩm quyền xét xử là định hướng đúng và cần được thể chế hoá thành pháp luật trong thời gian tới.

III. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN CẤP  HUYỆN HIỆN  NAY

1. Thực trạng năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử

Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khoá IX khẳng định: “đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức làm ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước”. Thực trạng những người làm công tác xét xử Tòa án cấp huyện bên cạnh những người có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực, có tinh thần trách nhiệm thì vẫn còn có những hạn chế, yếu kém nhất định.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Toà án cấp huyện, qua khảo sát thực tiễn cho thấy đã có sự phát triển đáng kể, nhìn chung đạt được tiêu chuẩn cần thiết theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử đặt ra.

Đối với đội ngũ hội thẩm nhân dân cấp huyện hiện nay, thực trạng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáng được quan tâm. Đa số hội thẩm nhân dân không qua đào tạo pháp lý và nghiệp vụ xét xử, song các điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn, học vấn của hội thẩm nhân dân chưa được pháp luật quy định cụ thể. Ngành Tòa án cũng chưa có kế hoạch cụ thể trong việc mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho họ. Thường ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Tòa án có tổ chức tập huấn cho hội thẩm nhân dân được bầu, sau đó có tập huấn định kỳ. Song thực tế cho thấy điều kiện tham gia của hội thẩm nhân dân có khó khăn, do đó kết quả thu được rất hạn chế. Chính vì vậy, khi tham gia xét xử hội thẩm nhân dân gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật.

Mặc dù trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thẩm phán và hội thẩm nhân dân có được tăng lên nhưng không đồng đều giữa các vùng, miền, dẫn đến có những nhiệm vụ không thuộc loại phức tạp, nhưng Tòa án cấp huyện vẫn không tự giải quyết được mà phải xin ý kiến của cấp tỉnh. Ngược lại, có Tòa án cấp huyện lại có đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân có trình độ cao và có thể đảm đương được nhiệm vụ xét xử thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp trên, nhưng lại chưa được mở rộng thẩm quyền.

Về kỹ năng xét xử tại phiên toà, dù các thẩm phán và hội thẩm làm tốt công tác tổ chức phiên toà, thể hiện được vị trí, tư cách của người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước. Song ở một số Tòa án, đặc biệt là các toà vùng sâu, chưa thực hiện tốt công tác này… làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động xét xử.

Tình trạng trên dẫn đến nhiều vụ án, tuy bản án, quyết định của Hội đồng xét xử không sai, nhưng vì tổ chức phiên Toà có nhiều thiếu sót, do đó đã gây ra sự hoài nghi của những người tham gia tố tụng, cũng như những người tham dự phiên toà về tính đúng đắn của bản án, hoặc quyết định của  Hội đồng xét xử. Nguyên nhân, một phần là do các thẩm phán và hội thẩm nhân dân không được đào tạo một cách cơ bản về kỹ năng xét xử tại phiên toà, công tác kiểm tra, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo kịp thời khắc phục các thiếu sót đó của Tòa án cấp trên chưa thực hiện được. Mặt khác, nguyên nhân trên còn xuất phát từ việc pháp luật tố tụng còn có những bất cập, tồn tại cần nghiên cứu hoàn thiện.

2. Cơ cấu, tổ chức của Tòa án cấp huyện

a)Tổ chức, bộ máy của Tòa án cấp huyện

Theo quy định của pháp luật, tòa án cấp huyện gồm Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký Toà án và có thẩm quyền sơ thẩm. Do cơ cấu của Tòa án cấp huyện không có toà chuyên trách, nên các thẩm phán được phân công chuyên xét xử về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án hoặc Phó Chánh án. Cơ cấu này phù hợp với những Tòa án cấp huyện nơi có số lượng xét xử hàng năm thấp, nhưng đối với những Tòa án quận thì gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Cũng giống như các cơ quan hành chính khác, bộ phận văn phòng tuy không tham gia trực tiếp vào công tác xét xử, nhưng đối với ngành Tòa án nó có ảnh hưởng đến công tác xét xử. Song thực tế hiện nay do biên chế có hạn, do đó ở cấp huyện thường kiêm nhiệm các công việc văn thư, lưu trữ, đánh máy, thủ quỹ, bảo vệ, tạp vụ; đối với các đơn vị ít biên chế thì công tác văn phòng do thủ quỹ đảm nhiệm. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là các Tòa án của các quận thuộc các thành phố lớn trực thuộc trung ương.

b) Về tổ chức lao động

Hiện nay, trong Tòa án cấp huyện có những mối quan hệ tổ chức lao động sau:

- Quan hệ giữa Chánh án và thẩm phán, tồn tại hai mối quan hệ - quan hệ hành chính giữa Thủ trưởng và công chức cấp dưới và quan hệ tố tụng giữa thẩm phán và thẩm phán khi trong một hội đồng xét xử.

- Quan hệ giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân - quan hệ phối hợp làm việc giữa một thẩm phán chuyên môn với người đại điện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử.

- Quan hệ giữa thẩm phán và thư ký toà án - quan hệ cùng phối hợp để giải quyết công việc theo trách nhiệm của mỗi người.

Như vậy, để đảm bảo cho hoạt động của Tòa án cấp huyện có hiệu quả vấn đề cần thiết là phải có quy chế làm việc phân công trách nhiệm rõ ràng, làm rõ các mối quan hệ hành chính và tố tụng trong nội bộ toà án.

3. Các yếu tố vật chất ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện

a) Thực trạng cơ sở vật chất của Tòa án cấp huyện

Vấn đề cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cấp huyện trong những năm vừa qua còn gặp nhiều khó khăn và có ảnh hưởng nhất định đến năng lực xét xử. Qua khảo sát và nghiên cứu tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật trang thiết bị của Tòa án cấp huyện đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa trong những năm vừa qua cho thấy cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Toà án cấp huyện nhiều nơi trụ sở còn chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu vừa lạc hậu, chính sách đối với cán bộ tư pháp chưa tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Về trang thiết bị và phương tiện làm việc, trong thời gian qua, các Tòa án cấp huyện đã được trang bị một số phương tiện làm việc thiết yếu, song nhìn chung, trang thiết bị của các Tòa án cấp huyện hiện nay vừa thiếu vừa lạc hậu, chậm được đổi mới đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.

Với cơ sở vật chất như hiện nay, thì các Tòa án cấp huyện không đủ điều kiện để đảm bảo hiệu quả của hoạt động xét xử cũng như phục vụ nhiệm vụ tăng thẩm quyền trong tương lai.

b) Các yếu tố vật chất đảm bảo cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử

Ngoài chế độ chính sách chung, thì cũng cần một chế độ chính sách riêng thích hợp đối với thẩm phán. Tuy nhiên, hiện hành những chế độ đó thực sự còn quá khiêm tốn đối với những người làm công tác xét xử.

- Về chế độ lương: Từ năm 1993, Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới, hệ thống thang bảng lương của công chức nói chung cũng như của thẩm phán Tòa án các cấp nói riêng có sự thay đổi căn bản. Về lý thuyết thì lương của thẩm phán cao hơn ngạch lương hành chính tương đương, nhưng điều này chỉ đúng với thẩm phán cấp tỉnh, thẩm phán Tối cao, còn lương của thẩm phán cấp huyện so với chuyên viên thì chỉ bằng hoặc chênh lệch không đáng kể, trong khi đó để trở thành thẩm phán thì tiêu chuẩn cũng như các điều kiện, thủ tục bổ nhiệm khó khăn hơn nhiều. Lương của thẩm phán cấp huyện là như vậy, còn lương của thư ký và cán bộ khác của Tòa án cũng như tình trạng chung như công chức Nhà nước nói chung. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm nay số lượng biên chế Toà án nhân dân địa phương và số lượng thẩm phán không đủ theo số lượng được phân bổ

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, thẩm phán không được tham gia vào các dịch vụ kinh doanh... do vậy, đời sống cán bộ Tòa án càng khó khăn hơn. Một số người không vững vàng đã sa ngã, nhận hối lộ.

- Về chế độ bồi dưỡng phiên tòa đối với thẩm phán. Tuy đã có quy định mức bồi dưỡng phiên tòa áp dụng đối với thẩm phán, thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Cảnh sát bảo vệ phiên tòa, Cảnh sát dẫn giải bị can, bị cáo. Song bồi dưỡng này chưa cao, mới chỉ phần nào giải quyết khó khăn về đời sống, động viên, khuyến khích những người trực tiếp tham gia xét xử tại phiên tòa.

4. Thực trạng về sự phối hợp giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và bổ trợ tư pháp

a) Quan hệ với cơ quan điều tra

Mối quan hệ này chủ yếu tồn tại trong lĩnh vực tố tụng hình sự và chúng có thể chia thành các quan hệ trong tố tụng và quan hệ ngoài tố tụng. Trong tố tụng hình sự quan hệ giữa Tòa án và cơ quan điều tra luôn thông qua một cơ quan trung gian là Viện kiểm sát. Chính vì vậy có thể nói quan hệ giữa cơ quan điều tra và Tòa án trong tố tụng hình sự mặc dù vẫn là quan hệ tố tụng nhưng là quan hệ gián tiếp.

Theo pháp luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra và Toà án chỉ có quan hệ tố tụng trong hai trường hợp: Điều tra vụ án hình sự do Tòa án đã khởi tố và điều tra bổ sung khi có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong cả hai trường hợp trên, tích cực và chất lượng điều tra của cơ quan điều tra có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng xét xử cũng như năng lực xét xử của Toà án. Trong qua trình giải quyết các vụ án hình sự, chất lượng điều tra được xem như một bảo đảm quan trọng của chất lượng xét xử. Vì  vậy muốn nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện không thể không nâng cao năng lực điều tra của cơ quan điều tra.

Theo pháp luật tố tụng hình sự hiện nay, Tòa án cấp huyện không tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án nhưng là một cơ quan trong khối nội chính Tòa án vẫn có những thông tin về các vụ án đặc biệt là các vụ án điểm, vụ án phức tạp. Để Tòa án nắm được các thông tin về các vụ án ngay trong giai đoạn điều tra, thiết nghĩ cũng cần củng cố mối quan hệ ngoài tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp là toà án, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp huyện. Giữa các cơ quan này cần có sự trao đổi thông tin về vụ án, thiết lập chế độ giao ban liên ngành, họp liên ngành đột xuất tạo điều kiện cho từng ngành thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách có hiệu quả.

b)      Mối quan hệ với Viện kiểm sát cấp huyện và Viện kiểm sát cấp trên

 Mối quan hệ này tồn tại trong tất cả các hình thức tố tụng gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động và tố tụng hành chính. Trong bất kì hình thức nào thì mối quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện vừa mang tính phối hợp lại vừa mang tính chế ước. Tính phối hợp trong quan hệ giữa hai cơ quan này thể hiện ở chỗ trong phạm vi thẩm quyền của mình, mỗi cơ quan đều thực hiện các hành vi tố tụng khác nhau hướng tới mục đích giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan. Tính chế ước trong quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện thể hiện ở chỗ Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong khi xét xử.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện nói riêng, cho thấy quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan này trong tố tụng là rất tốt, nhưng quan hệ chế ước giữa chúng lại là vấn đề cần bàn. Do đó, để tăng cường năng lực xét xử của Tòa án huyện cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ chế ước giữa Viện kiểm sát và Tòa án theo hướng Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động điều tra và hoạt động xét xử nhằm ngăn chặn, khắc phục những sai lầm trong khâu điều tra, thu thập chứng cứ về vụ án, xác định Thẩm quyền xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và Tòa án phải độc lập trong việc đánh giá các chứng cứ, ra các quyết định khác nhau và ra bản án, không ỉ lại vào các đề nghị, yêu cầu và kết luận của Viện kiểm sát.

c) Quan hệ với Tòa án cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân tối cao

Trong thực tế giữa các cơ quan này tồn tại hai loại quan hệ: Quan hệ hành chính và quan hệ tố tụng. Quan hệ hành chính giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới không rộng bằng quan hệ hành chính giữa cấp trên và cấp dưới ở các ngành khác bởi ở đây không có quan hệ mệnh lệnh và quan hệ phục tùng.

Tòa án cấp trên tổng kết công tác xét xử và đề ra đường lối xét xử chứ không được quyền chỉ đạo cấp dưới xét xử theo tội danh, mức án hoặc các quyết định đã định trước. Tuy nhiên, năng lực xét xử của Tòa án huyện phụ thuộc rất nhiều vào các quan điểm, đường lối chỉ đạo công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao trong các Báo cáo tổng kết hàng năm của ngành, trong các Thông tư hướng dẫn, Nghị quyết của Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán.

Pháp luật đều quy định Tòa án cấp trên trực tiếp có thể lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới nếu thấy cần thiết. Chính có quy định này nên hàng năm một số vụ án các loại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án huyện đã được xét xử ở Tòa án cấp tỉnh. Thực tiễn, xét từ một phía đã khắc phục được tình trạng xét xử không đúng, nhưng xét từ phía khác nó lại làm cho các thẩm phán Tòa án cấp huyện không được "thử sức" trong những việc phức tạp nên càng ngày càng ỉ lại cấp trên hơn và năng lực xét xử không thể nâng cao được. Theo quan điểm của đề tài, Tòa án cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện trong những trường hợp đặc biệt. Mạnh dạn để Tòa án cấp huyện tự lực, độc lập xét xử các vụ án phức tạp đó còn trong trường hợp có sai sót thì Tòa án tỉnh có thể xét xử lại theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán Tòa án cấp tỉnh trong những bản án này sẽ có giá trị như bài học về chuyên môn nghiệp vụ giúp thẩm phán cấp huyện nói chung và thẩm phán đã xét xử sơ thẩm vụ án nói riêng  rất thấm thía và rút kinh nghiệm. Tất cả những việc làm trên rất đơn giản nhưng lại có tác dụng từng bước nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện trong tương lai.

d)           Quan hệ với các cơ quan bổ trợ tư pháp

Trong thời gian qua, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện cũng cần tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa chúng với Tòa án huyện cũng như tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực công tác của các thành viên thuộc các cơ quan đó.

Hiện nay, trong quá trình giải quyết các vụ án khác nhau, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp mang tính thụ động. Các công việc do nhân viên của các cơ quan này thực hiện đều trên cơ sở quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Trong một số vụ án, do nhu cầu thu thập chứng cứ cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác nhau, pháp luật quy định bắt buộc phải có sự tham gia trực tiếp hoặc kết luận chuyên môn của các cơ quan bổ trợ tư pháp. Chính vì lẽ trên mà có thể nói rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như một yếu tố quan trọng bảo đảm cho Tòa án cấp huyện thực hiện được chức năng xét xử cũng như nâng cao năng lực xét xử của mình. Tuy nhiên, thực tiễn ở địa bàn huyện chưa có tổ chức luật sư, giám định hoặc công chứng nhà nước, chứ chưa nói tới hoạt động bổ trợ cho hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện, nhất là khi mà trình độ nghiệp vụ của các thẩm phán và hội thẩm nhân dân ở Tòa án cấp huyện còn yếu, tất yếu dẫn tới công tác xét xử đạt hiệu quả không cao và tất yếu trong tình trạng như vậy không thể nói tới việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

5. Cơ chế về pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện

Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện để thích ứng với những thay đổi cải cách đang diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó chắc chắn có những vấn đề có thể còn rất mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Ngay cả một số vấn đề tuy đã được điều chỉnh bởi pháp luật những vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể và đồng bộ. Mặt khác, một số quy phạm pháp luật được xây  dựng chưa chuẩn, chưa sát với thực  tế, hoặc tự thân các quy phạm đó chứa đựng những mâu thuẫn có thể gây ra những cách hiểu khác nhau, trong khi đó việc giải thích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn bị bỏ ngỏ. Ngay cả những quy định về bộ máy và các quy định tố tụng hiện nay liên quan tới hoạt động xét xử cũng chưa được hướng dẫn cụ thể, thống nhất.

a) Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Theo quy định của pháp luật hiện hành thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm hiện nay gồm:

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình thành phần hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử chiếm đa số.

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án tranh chấp kinh tế thành viên là thẩm phán chiếm đa số trong Hội đồng xét xử.

Chế định hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử là cần thiết, nhưng chiếm đa số trong hội đồng xét xử là chưa phù hợp. Với ý nghĩa là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử, do đó hội thẩm nhân dân không phải là những người hoạt động chuyên trách. Thành phần hội thẩm nhân dân đa dạng bao gồm cán bộ, công chức nhà nước đang công tác, cán bộ đã nghỉ hưu, những người tham gia ở những hội nghề nghiệp, tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp...cho nên hầu hết các hội thẩm nhân dân không được đào tạo chuyên môn pháp luật, việc bồi dưỡng pháp luật cũng bị hạn chế. Cũng chính vì không có trình độ chuyên môn nên xảy ra trường hợp người hội thẩm nhân dân thường có tâm lý “buông xuôi”, tuỳ theo nhận định, quyết định của thẩm phán và như vậy, việc tham gia Hội đồng xét xử không phát huy được ý nghĩa của nó. Ngoài ra, với nguyên tắc biểu quyết theo đa số thì trong nhiều trường hợp, đa số đó có thể thuộc về những người ít uyên thâm về pháp luật và nghề nghiệp xét xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ huỷ, sửa án còn cao.

b) Về thẩm quyền xét xử:

Theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện về hình sự đối với các khung hình phạt có mức án cao nhất là 7 năm tù, trừ các tội về an ninh quốc gia. Về dân sự và hôn nhân gia đình Tòa án cấp huyện được xét xử tất cả các loại án trừ những vụ án có yếu tố nước ngoài. Về án kinh tế, Tòa án cấp huyện được xét xử những vụ án có giá trị tranh chấp không quá 50 triệu đồng. Về án hành chính và lao động xét xử theo thẩm quyền. Nhìn chung các Tòa án cấp huyện hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết án hình sư, dân sự, án hôn nhân, gia đình là chính. Kể cả án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình, nhiều Tòa án cấp huyện ở một số tỉnh trong cả một năm cũng thụ lý, giải quyết rất ít.

Sự phân định thẩm quyền xét xử nói chung và xét xử sơ thẩm hình sự nói riêng giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh hiện nay là chưa hợp lý. Sự phân định thẩm quyền hiện nay xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ cán bộ, cơ sở vật chất...của hơn mười năm trước. Nhưng cho đến nay, khi điều kiện kinh tế, xã hội đã có những bước phát triển mới, Nhà nước ta đã và đang tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống pháp luật... Vì vậy, những quy định về thẩm quyền hiện nay không còn phù hợp.

+ Về hình sự: Theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân cấp huyện được xử những tội mà Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt không quá 7 năm tù (trừ một số trường hợp khác). Đối chiếu với Bộ luật Hình sự thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử 346/672 khung hình phạt, chiếm tỉ lệ 51%. Vì vậy số lượng án hình sự sơ thẩm giải quyết ở cấp tỉnh là khá lớn. Trong khi đó, Tòa án cấp tỉnh còn phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩmvà xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, hành chính và lao động khác. Kéo theo đó là việc dồn án phúc Thẩmlên Tòa án tối cao, làm ánh hưởng đến công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao.

- Việc phân định Thẩm quyền xét xử trong các vụ án khác cũng thể hiện sự không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay. Chẳng hạn như về Thẩm quyền giải quyết vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chug là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩmnhững tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài” (khoản 1 điều 13)..Tuy nhiên, một thực tế là những tranh chấp có giá trị dưới 50 triệu đồng thường là những tranh chấp hợp đồng nhỏ, rất ít gặp trong các quan hệ kinh tế và nếu có phát sinh các bên đương sự cũng sẽ hoà giải thoả thuận với nhau về các vấn đề tranh chấp. Mặt khác, với giá trị nhỏ như vậy, các doanh nghiệp rất ngại kiện ra toà vì lý do  mặc cảm và mất uy tín trên thương trường. Do đó, các Tòa án cấp huyện hầu như không có vụ việc giải quyết[2] Trong khi đó, nhà nước vẫn phải bổ sung biên chế, trả lương và các chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác này ở các Tòa án cấp huyện là bất cập không phù hợp với cải cách tư pháp hiện nay.

c) Thủ tục tố tụng hình sự

Qua thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự hiện nay, cho thấy thực trạng thực hiện pháp luật còn có những điểm bất cập, thể hiện như số lượng vụ án hình sự ngày càng gia tăng nhất là ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ chí Minh...dẫn đến án tồn đọng nhiều, các trại tạm giam đều bị quá tải bởi số lượng bị can, bị cáo đang bị tạm giam chờ xử lý quá đông, sự vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giữ, tạm giam... từ phía các cơ quan pháp luật có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn ở thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2000 còn có 247 vụ án đã quá thời hạn xét xử nhưng chưa xét xử được. Riêng đối với cấp phúc thẩm  ở Tòa án nhân dân tối cao thì số vụ án còn lại tương đối lớn: 1526 vụ với 3.623 bị cáo[3]. Thực tế, có nhiều vụ án hình sự đơn giản, sự việc phạm tội quả tang, rõ ràng, chứng cứ đã đầy đủ, tội đã phạm không lớn lắm, để vừa tránh mất nhiều thời gian vừa xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác vụ án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tiết kiệm tiền của cho Nhà nước, nên thiết nghĩ đối với các vụ án này không cần thiết phải tiến hành đầy đủ các bước, các khâu, làm đầy đủ các thủ tục như Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định, mà nên giản lược một số thủ tục cũng như rút gọn thời hạn của các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Mặt khác, hiện nay đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật ở nước ta đã được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã nâng cao, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho hoạt động tố tụng của các cơ quan pháp luật ngày càng được tăng cường. Đây cũng là những điều kiện hết sức thuận lợi đáp ứng cho việc xử lý nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo chất lượng cho các vụ án. Hơn nữa chúng ta đã có một số kinh nghiệm trong việc áp dụng thủ tục này. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và trên thực tế nó cũng đã được áp dụng. Ngày 8/7/1974 Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 10/TANDTC quy định về thủ tục rút gọn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng, trong đó xác định rõ những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào có thể áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào không được áp dụng và những nét chung về thủ tục tố tụng trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn. Sau đó ngày17/8/1974 Bộ Công an ra Chỉ thị số 954/CP về áp dụng thủ tục rút gọn, trong đó xác định các tiêu chuẩn và loại tội có thể điều tra theo thủ tục rút gọn, những trường hợp không áp dụng thủ tục rút gọn và thẩm quyền cũng như thủ tục điều tra vụ án theo thủ tục rút gọn.

Từ thực trạng và việc tổ chức thực hiện pháp luật như trên cho thấy cần quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự  thủ tục và trình tự rút gọn nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số lượng lớn các loại án hình sự đơn giản, rõ ràng, không cần thiết phải thông qua các thủ tục như đối với các vụ án phức tạp.

đ) Về các quy định về nghi thức tại phiên toà:

Hoạt động xét xử không chỉ đảm bảo đúng người, đúng tội, hợp tình, hợp lý, tuân thủ các quy định về tố tụng mà luật tố tụng quy định mà trên thực tế xét xử, các Tòa án phải làm tốt công tác tổ chức nghi thức trong phiên toà  nhằm thể hiện tính nghiêm minh, bảo đảm duy trì trật tự để việc xét xử đạt hiệu quả cao.

Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy các quy định hiện hành mới chỉ tập trung quy định việc điều khiển, duy trì trật tự, việc tổ chức, bảo vệ và xử lý vi phạm trật tự tại phiên toà mà chưa có qu định về nghi thức tại phiên toà, chẳng hạn như các quy định về vị trí những người tham gia tố tụng, cách trang trí phòng xử án, trang phục Hội đồng xét xử, cách xưng hô tại phiên toà…

Việc thực hiện các nghi thức tại các toà ở cấp trung ương, cấp tỉnh nhìn chung đảm bảo tính uy nghiêm của Nhà nước, tuy nhiên, tại phiên toà cấp huyện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, thể hiện sự quyền uy, trang nghiêm của hoạt động xét xử. Có trường hợp, khi chủ toạ bắt bị cáo đứng vào vành móng ngựa thì y không chịu và y lập luận là ”đứng vào đó coi như là có tội rồi”, mà y thì không nhận tội. Giải thích, thuyết phục thì y cãi cùn “văn bản pháp luật nào quy định bị cáo phải đứng vào vành móng ngựa”. Lại có trường hợp, bị cáo nhất định không nghe lời giải thích của chủ toạ phiên toà phải “Thưa Hội đồng xét xử” hoặc thưa quý toà mà y cứ “Thưa ông”, “Thưa bà”, “Thưa anh”… và lập luận rằng ai hỏi thì tôi trả lời, người đó vào đáng tuổi nào thì tôi xưng hô như vậy. Tất nhiên, những trường hợp đó chỉ chiếm số ít, nhưng cái mắc phổ biến hiện nay là nếu không được giải thích, người tham gia tố tụng vẫn lúng túng trong việc xưng hô, còn cán bộ xét xử nếu tuỳ tiện trong cách xưng hô sẽ mất tính uy nghiêm của nhà nước trong hoạt động xét xử…

Từ thực trạng trên cho thấy, cần phải có một chế định pháp lý quy định cụ thể về các nghi lễ tại phiên toà để đảm bảo cho hoạt động xét xử thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động của Tòa án nói riêng, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân. Đó là những hoạt động cần thiết nhằm tăng cường việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

6. Thực hiện đúng sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Tòa án để tăng cường năng lực xét xử  cho Tòa án cấp huyện

Trải qua hàng chục năm lãnh đạo ngành toà án, Đảng cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý, tuy nhiên cũng còn một số tồn tại sau:

- Cấp uỷ can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của toà án, cách làm này làm cho cán bộ Tòa án thói quen ỉ lại, dựa dẫm cấp uỷ, vi phạm nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc độc lập xét xử, sự công bằng xã hội. Mặt khác do cấp uỷ không phải lúc nào cũng cho ý kiến ngay được, dẫn đến việc xét xử bị chậm, vi phạm thời hạn tố tụng

- Ở một số địa phương cấp uỷ coi nhẹ vai trò của Toà án, buông lỏng lãnh đạo. Tòa án không được sự quan tâm đúng mức và tạo điều kiện về cơ sở vật chất và sự hỗ trợ cần thiết của các cấp, các ngành địa phương.

- Ở một số địa phương, có người cho rằng tăng cường cho Tòa án là đưa cán bộ ngành khác (tuy có học đại học tại chức luật) không có nghiệp vụ, kinh nghiệm chuyên môn sang để bổ nhiệm thẩm phán hoặc đưa “đồng chí cấp uỷ” sang làm Chánh án, mà không chú ý đào tạo, bồi dưỡng đưa Chánh án trong ngành Tòa án vào cơ cấu cấp uỷ.

- Đối với quan hệ giữa Tòa án với cấp uỷ cũng có một số tồn tại: Có Tòa án quá ỉ lại cấp uỷ, sợ trách nhiệm do đó việc gì cũng xin ý kiến cấp uỷ, ngại đấu tranh, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Những sai lệch trên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Tòa án cấp huyện vì vậy cần phải được xem xét nghiêm túc và rút ra được những kinh nghiệm cụ thể, để đảm bảo hiệu quả công tác lãnh đạo Tòa án cấp huyện của các cấp uỷ đảng địa phương.

IV. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC XÉT XỬ CỦA CHỦ THỂ TIẾN HÀNH HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ

Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường năng lực xét xử của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện, vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào sự tự học hỏi, cố gắng rèn luyện, phấn đấu của mỗi thẩm phán và hội thẩm nhân dân mà còn đòi hỏi từ phía các cơ quan quản lý phải có phương hướng, kế hoạch chiến lược, xây dựng, phát triển đội ngũ những người làm công tác xét xử trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Xét về góc độ quản lý, để năng cao năng lực xét xử của đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân Tòa án cấp huyện cần phải tiến hành các giải pháp cụ thể sau đây:

1.1. Thực hiện chặt chẽ việc tiêu chuẩn hoá thẩm phán và hội thẩm nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh thẩm phán, hội thẩm nhân dân năm 1993 đồng thời từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với thẩm phán chuyên nghiệp.

Trước khi ban hành Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân, việc tiêu chuẩn hoá những người làm công tác xét xử nói chung và cấp huyện nói riêng chưa được chú trọng đúng mức, nên đã dẫn đến những khó khăn và tồn tại mà hiện nay chúng ta đang phải khắc phục trong quá trình xây dựng đội ngũ thẩm phán và Tòa án cấp huyện. Thực tế đó được chứng minh là có gần một nửa số thẩm phán Tòa án cấp huyện đương nhiệm trong suốt hai nhiệm kỳ thẩm phán vừa qua vừa phải làm vừa phải học chương trình đại học luật tại chức hoặc luân huấn pháp lý để trả nợ tiêu chuẩn về trình độ pháp lý theo quy định của pháp luật. Với thực trạng như vậy thì việc có những bản án, quyết định không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn để xẩy ra những trường hợp oan, sai, khiếu kiện kéo dài, làm cho người dân chưa thật sự an tâm với hoạt động xét xử của Tòa án cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, phải tiêu chuẩn hoá đội ngũ thẩm phán mới có cơ sở để tuyển chọn được những người có đủ tài, đức làm công tác xét xử.

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề về trình độ đào tạo được đặc biệt coi trọng trong việc xác định tiêu chuẩn thẩm phán. Khoản 1 Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định: thẩm phán phải có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử. Với quy định đó đòi hỏi sắp tới phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thẩm phán, hội thẩm nhân dân năm 1993 cho phù hợp. Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn của thẩm phán như các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, quốc tịch, thời gian công tác, sức khoẻ, thì về trình độ một người muốn được bổ nhiệm thẩm phán phải có bằng cử nhân luật và chứng chỉ nghề nghiệp. Quy định đó đòi hỏi ngành Tòa án cần phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ thẩm phán, thư ký, để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài về nâng cao trình độ của đội ngũ thẩm phán.

Biện pháp cụ thể trước mắt những người đã được bổ nhiệm thẩm phán nhưng chưa có trình độ cử nhân luật thì bố trí và tạo điều kiện cho họ đi học Đại học luật.

Ngược lại, đối với những người đã có bằng cử nhân luật nhưng chưa có chứng chỉ nghề nghiệp thì Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc đào tạo các chức danh tư pháp (theo quy định mới tại Điều 17 Luật tổ chức Tòa án nhân nhân năm 2002 thì Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương). Nhằm thống nhất kế hoạch đào tạo theo các chức danh pháp lý như thẩm phán, thư ký với mục đích tạo nguồn cán bộ để khi bổ nhiệm thẩm phán lần đầu có đầy đủ tiêu chuẩn như pháp luật đã quy định.

Đồng thời, theo tiêu chuẩn như trên thì việc tuyển chọn người bổ sung cho nguồn cán bộ Tòa án hiện nay về trình độ phải có bằng cử nhân luật kể cả những người là chuyên viên hay thư ký. Ngoài ra trong quá trình tuyển chọn sắp xếp bố trí thẩm phán cũng cần chú trọng đến lĩnh vực đào tạo theo các chuyên ngành: hình sự, kinh tế, hành chính, lao động... Để họ có điều kiện phát huy hết khả năng kiến thức học tập của mình. Tuy nhiên, trong tình hình thực tiễn nhân sự hiện nay ở nhiều Tòa án cấp huyện còn có những bất cập nhất định, cho nên khi áp dụng nguyên tắc đối với những người đang công tác cần phải được xem xét từng trường hợp cụ thể, từng địa phương cụ thể, ở những nơi mà nguồn nhân sự thẩm phán cấp huyện đang thiếu thì trước mắt không thể đáp ứng được yêu cầu này.

1.2. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực xét xử cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Tòa án cấp huyện.

Việc bồi dưỡng nâng cao năng lực xét xử cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân cấp huyện nói riêng là một việc làm cần thiết không thể thiếu được và phải tiến hành thường xuyên. Vấn đề này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra là cho dù một thẩm phán khi đã được bổ nhiệm, hội thẩm nhân dân khi đã được cử hoặc bầu có đầy đủ tiêu chuẩn, nhưng nếu không được thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn thì không thể đảm đương được nhiệm vụ.

Hiện nay việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân do Trường cán bộ Tòa án đảm nhiệm, nhưng việc này lại không được tiến hành thường xuyên mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan, có nơi được bồi dưỡng nhiều, có nơi lại không được bồi dưỡng lần nào. Chương trình, nội dung, kế hoạch bồi dưỡng còn thụ động, đội ngũ giáo viên vừa yếu vừa phải kiêm chức, vì vậy còn có những hạn chế nhất định.

Để đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực xét xử hiện nay, đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao phải kiện toàn, củng cố lại trường cán bộ toà án, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực xét xử, lựa chọn những giáo viên giỏi có trách nhiệm để tham gia giảng dạy.

Đối với thẩm phán sau khi đã được bổ nhiệm được phân công xét xử thuộc lĩnh vực nào thì cần phải được tập huấn về kỹ năng xét xử thuộc lĩnh vực đó với thời gian từ 20 ngày đến 1 tháng. Khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành hoặc được sửa đổi bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà Tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch tập huấn ngắn ngày, dài ngày, tập trung theo từng vùng, từng miền với mục đích là đảm bảo cho đội ngũ thẩm phán cấp huyện có điều kiện thuận lợi để tham gia. Ngoài ra Tòa án nhân dân tối cao cũng phải xây dựng kế hoạch ổn định để đảm bảo chương trình tập huấn định kỳ, sao cho mỗi thẩm phán trong một nhiệm kỳ tham gia tập huấn được khoảng 2 đến 3 tháng.

Đối với hội thẩm nhân dân việc tập trung để bồi dưỡng nghiệp vụ gặp rất nhiều khó khăn, do đó càng cần phải được quan tâm chú trọng hơn. Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chúng ta nên tổ chức thành lớp riêng và thời gian chỉ trong khoảng một tuần. Nội dung, chương trình bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân chủ yếu là các văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành. Vì điều kiện thời gian tập huấn, bồi dưỡng cho hội thẩm thường có hạn, vì vậy cần cung cấp thêm tài liệu cho họ tự nghiên cứu nhằm đảm bảo cho họ thực hiện được nguyên tắc khi tham gia xét xử “Độc lập chỉ tuân theo pháp luật”. Mặt khác, Hội đồng nhân dân cùng cấp phải lựa chọn bầu những hội thẩm nhân dân có đủ sức khoẻ, nhiệt tình công tác, có kiến thức và am hiểu pháp luật và lĩnh vực mà mình đảm nhận cùng là một trong những điều kiện quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho hội thẩm tham gia xét xử.

Đối với thư ký toà án: thư ký Tòa án là nguồn để bổ nhiệm thẩm phán. Tại phiên toà thư ký cũng là người tiến hành tố tụng, chịu trách nhiệm ghi chép lại toàn bộ diễn biến của phiên toà và thực hiện một số hành vi tố tụng khác. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần phải thường mở lớp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng hồ sơ, phương pháp ghi biên bản tại phiên toà và quán triệt các văn bản pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật mới được ban hành liên quan đến công tác thư ký, nhằm đảm bảo cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài việc được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ các thẩm phán, thư ký còn phải được đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp hoặc trung cấp; các kiến thức về quản lý hành chính, kiến thức về vi tính, ngoại ngữ; nhằm đảo bảo cho họ vừa có năng lực xét xử chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt vừa có năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động của đơn vị .

1.3. Ban hành quy chế về đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán.

Đạo đức, lương tâm nghề nghiệp luôn luôn là một tiêu chuẩn quan trọng của thẩm phán. Chính vì vậy, mà Cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành quy chế để quy định vấn đề này. Quy chế về đạo đức nghề nghiệp không chỉ đề ra các chuẩn mực về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm phán mà còn phải có quy định đối với các hành vi giao tiếp, ứng xử của thẩm phán trong công tác cũng như trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là tác phong, thái độ của thẩm phán trong khi tiếp xúc với nhân dân, với đương sự và những người tham gia tố tụng trong mỗi vụ án; bản lĩnh nghề nghiệp, những việc mà thẩm phán được làm hoặc không được làm để phòng tránh việc giải quyết không vô tư, khách quan các vụ án hoặc các vi phạm pháp luật cũng là những vấn đề cần được đề cập và làm rõ trong quy chế này.

V. CÁC GIẢI PHÁP VỀ CƠ CẤU BỘ MÁY VÀ TỔ CHỨC PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG TRONG TÒA ÁN CẤP HUYỆN

Hiện nay theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, công tác quản lý các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhận.

Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự khu vực và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán. Chính vì vậy mà từ nay cho đến năm 2005 Tòa án nhân dân tối cao cần có một kế hoạch cụ thể bổ sung biên chế cho Tòa án cấp huyện từ 500 - 700 người như phần thực trạng đã nêu. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thông qua Hội đồng tuyển chọn cần nhanh chóng bổ nhiệm khoảng 700 thẩm phán. Đây là số lượng thẩm phán hiện tại đang thiếu mà đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiều lần trình bày trước Quốc hội. Việc bổ sung biên chế và bổ nhiệm thẩm phán trước mắt phải đảm bảo cho một Tòa án cấp huyện ngoài lãnh đạo còn phải có ít nhất là 3 thẩm phán, hai thư ký và chuyên viên giúp việc, cán bộ văn phòng. Đối với các Tòa án quận, thành phố thuộc tỉnh, tuỳ theo số lượng vụ việc, tính chất công việc phải giải quyết biên chế cho phù hợp. Việc tăng biên chế, bổ nhiệm thẩm phán là xuất phát từ yêu cầu để đảm bảo được hoạt động bình thường của Tòa án cấp huyện và yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.

Cần phải thành lập văn phòng trong bộ máy của Tòa án cấp huyện để hổ trợ cho công tác xét xử. ở những Tòa án huyện hàng năm có số lượng án phải giải quyết ít thì bố trí một cán bộ làm công tác văn phòng. Còn ở những Tòa án quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có số lượng án giải quyết nhiều thì cần phải thành lập bộ phận văn phòng từ 3 - 4 biên chế không kể bảo vệ và tạp vụ, trong đó có một văn thư, một kế toán, một đến hai nhân viên đánh máy.

Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu để tiến tới thành lập thí điểm các toà chuyên trách ở Tòa án cấp quận, làm cơ sở cho việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong những năm sắp tới và yêu cầu kiến thức “chuyên sâu một loại việc, biết nhiều loại việc”.

Tòa án nhân dân tối cao cần nhanh chóng tổ chức xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của từng bộ phận trong Toà án. Quy chế này cần chứa đựng những quy định về phạm vi trách nhiệm công tác, tạo cơ sở cho việc phân công lao động và sử dụng lao động hợp lý, phân định rõ ràng các mối quan hệ công tác giữa lãnh đạo của Tòa án với thẩm phán xét xử, hội thẩm, thư ký và các cán bộ khác của Toà án, giữa thẩm phán với nhau và các cán bộ khác của toà án. Chỉ có trên cơ sở tổ chức phân công công việc khoa học và quan hệ phối hợp công tác hợp lý tôn trọng triệt để nguyên tắc “ Khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” thì mới đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử của Toà án, trong đó có Tòa án cấp huyện.

VI. CÁC GIẢI PHÁP VỀ TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT CHO TÒA ÁN CẤP HUYỆN

Vấn đề về cơ sở vật chất và điều kiện của các cơ quan tư pháp đặc biệt là cấp huyện trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và được coi như là một nội dung của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay và được thể hiện trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Gần đây Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” điểm 4 Mục I đã khẳng định: “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ tư pháp”. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá các cơ quan tư pháp, phấn đấu đến năm 2005 xây dựng đủ trụ sở và cơ sở làm việc của các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cấp huyện”. Về biện pháp tổ chức thực hiện Điều 3 Mục II Nghị quyết 08 đã chỉ rõ “Ban Cán sự Đảng, Chính phủ chủ trì cùng Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định rõ khoản ngân sách hàng năm cho các cơ quan tư pháp theo hướng tăng thêm để đáp ứng kịp thời, đầy đủ kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cơ quan tư pháp các cấp, trước mắt cần xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan tư pháp cấp huyện” Quán triệt tinh thần chỉ đạo mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã đề ra. Xuất phát từ thực trạng tình hình cơ sở vật chất, kỹ thuật của các Tòa án cấp huyện như đã được đánh giá ở trên, đề tài đề xuất những giải pháp cụ thể như sau:

1. Giải pháp về tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhằm tạo ra môi trường cho hoạt động xét xử có hiệu quả

Vấn đề phải được quan tâm hàng đầu trong quá trình tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện chính là đầu tư xây dựng cơ bản. Tòa án cấp huyện là cơ quan xét xử gần dân nhất, do đó phải được thiết kế phù hợp với đặc thù của hoạt động xét xử, tương xứng với cảnh quan đô thị của từng địa phương và đặc biệt phải đảm bảo tính trang nghiêm của cơ quan xét xử. Các mẫu thiết kế trụ sở Tòa án cấp huyện hiện nay mới chỉ đảm bảo tính kiên cố, chưa toát lên được sự bề thế của nơi công đường đặc biệt là chưa có nét hiện đại và phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Mặt khác về cơ bản đa số các mẫu thiết kế này không đảm bảo tính tồn tại lâu dài, có trụ sở Tòa án mới xây dựng xong đã có những chi tiết lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của hiện tại. Người thiết kế các mẫu trụ sở làm việc của Tòa án cấp huyện còn lệ thuộc nhiều vào các nguồn tài chính chưa tính đến hiệu quả của đầu tư, chiến lược, và hướng phát triển của Tòa án cấp huyện. Đứng trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay và việc quản lý Tòa án địa phương đã được chuyển giao lại cho Tòa án nhân dân tối cao đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao cần có phương hướng kế hoạch cụ thể về tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện và phải được triển khai nhanh chóng kịp thời thì mới đảm bảo thực hiện được tinh thần mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra là đến năm 2005 cơ bản hoàn thành xây dựng xong trụ sở các Tòa án cấp huyện. Với mô hình tổ chức Tòa án cấp huyện có tối thiểu từ trên 10 biên chế trở lên, diện tích xây dựng trụ sở làm việc của Tòa án cấp huyện cần có ít nhất 2000 m2 với chiều dài mặt tiền trên 40 m trở lên.

Về diện tích trụ sở dùng để làm việc căn cứ theo quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTG ngày 5/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do tính đặc thù của Tòa án cấp huyện đòi hỏi phải có ít nhất 2 phòng xét xử, một phòng họp với diện tích mỗi phòng rộng khoảng 50m2, phần tiền sảch phải đạt được giáng vóc bề thế và phải đảm bảo công năng sử dụng được từ 50 năm trở lên. Như vậy diện tích trụ sở của Tòa án cấp huyện bao gồm nơi làm việc, hội họp, phòng xét xử tối thiểu phải có từ 250m2 trở lên.

Về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Tòa án cấp huyện, trước hết cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản quy định thống nhất về số lượng, chủng loại chất lượng các phương tiện trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xét xử và kế hoạch trang bị hàng năm cho các Tòa án cấp huyện.

Theo yêu cầu của công cuộc đổi mới của đất nước, quá trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, việc trang bị cho các Tòa án các phương tiện kỹ thuật phải có tính hiện đại, tính hiệu quả. Trước mắt cần trang bị cho Tòa án tủ, bàn ghế làm việc theo kiểu mới, máy vi tính để tiến tới nối mạng toàn ngành, máy phô tô, loa, âm ly, micro ở hội trường xét xử và xe máy phục vụ cho công tác điều tra, xác minh. Đồng thời đi đôi với việc đầu tư mở rộng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, Tòa án nhân dân tối cao cần tăng kinh phí để đảm bảo cho Tòa án cấp huyện đủ mức cần thiết để hoạt động.

2. Giải pháp đảm bảo chế độ, chính sách cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử

Vấn đề về chế độ chính sách đối với các cán bộ của các cơ quan tư pháp nói chung và của cơ quan Tòa án trong đó có Tòa án cấp huyện hiện nay đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và được khẳng định trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Quán triệt tinh thần, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chúng tôi cho rằng giải pháp đổi mới chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác xét xử cần hướng tới những mục đích và yêu cầu sau:

Tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thang lương đối với ngạch thẩm phán Tòa án dân nhân cấp huyện cho phù hợp, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định bình thường của họ và gia đình họ. Trước mắt cần điều chỉnh sự cách biệt vô lý giữa mức lương của thẩm phán theo hướng tăng hệ số mức lương cho thẩm phán Tòa án cấp huyện. Đồng thời thiết kế lại ngạch lương thư ký theo hướng tiêu chuẩn thư ký Toà án, tốt nghiệp Đại học luật (công chức loại A), tốt nghiệp trung cấp (công chức loại B). đối với công chức loại A là nguồn bổ nhiệm thẩm phán và những công chức này phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, do đó lương của thư ký phải cao hơn lương hiện hành.

Nên quy định phụ cấp lương vượt khung đối với các trường hợp đã hưởng hệ số lương tối đa. Ví dụ sau 3 năm được nhận phụ cấp 5% và tiếp theo được tính cứ 1 năm cộng thêm 1%. Cần có chế độ chính sách ưu đãi để thu hút động viên những người đến nhận công tác ở các Tòa án vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cụ thể là có chế độ trợ cấp lần đầu 3 tháng lương tối thiểu.

Đối với những cán bộ có đủ thời gian công tác 10 năm liên tục ở các vùng nói trên cần có quy định ưu tiên đối với họ trong việc chuyển vùng công tác.

Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ khác đối với thẩm phán và công chức Tòa án phải được cụ thể rõ ràng đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Đặc biệt, nên tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các công chức, nhất là những người trực tiếp tham gia tố tụng.

VI. CÁC GIẢI PHÁP THUỘC VỀ CƠ CHẾ PHÁP LÝ

1. Về thành phần hội đồng xét xử

Xuất phát từ thực tiễn xét xử và trước yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay vấn đề đặt ra là các hoạt động phiên toà cần có những đổi mới đảm bảo chân lý khách quan được xem xét bằng tri thức pháp luật tại phiên toà. Do đó, khi nghiên cứu về thành phần Hội đồng xét xử đề nghị cơ cấu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 thẩm phán và 1 hội thẩm nhân dân. Nếu như  Hội đồng xét xử  có 5 thành viên thì có 3 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân.

2. Phân định lại thẩm quyền xét xử theo hướng tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện

Vấn đề phân định lại thẩm quyền xét xử theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện đã được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá VII ngày 23 tháng 1 năm 1995 và được tiếp tục khẳng định trong các Chỉ thị, Nghị quyết khác của Đảng trong những năm gần đây và cũng là một trong những nội dung của chương trình cải cách tư pháp hiện nay. Song phân định lại như thế nào? và giao như thế nào lại có ý kiến khác nhau?. Cũng chính vì vậy tại kỳ họp Quốc hội thứ IX khoá X vừa qua khi xem xét sửa đổi một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự đã không thông qua được việc sửa đổi Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy, dự thảo dự án luật chỉ đưa ra để Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 145 theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện mà không xem xét việc phân định lại thẩm quyền xét xử đối với cả Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao, mặt khác lại chưa có những thống kê chính xác về chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện trong cả nước, nên không được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội đang công tác ở các địa phương. Trong giai đoạn hiện nay việc tăng thêm Thẩm quyền cho cấp huyện không chỉ trong việc xét xử các vụ án hình sự mà còn các loại án khác là một yêu cầu cấp bách, nhưng nó phải được xem xét trong mối quan hệ giữa Tòa án các cấp trong hệ thống toà án, giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Đồng thời việc tăng thẩm quyền cho cấp huyện gắn liền với việc nâng cao năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện.

Việc tăng thẩm quyền xét xử cho các Tòa án cấp huyện là cần thiết và có thể thực hiện được. Tuy nhiên việc tăng thẩm quyền như thế nào? phương thức thực hiện ra sao? một mặt phải quán triệt được các quan điểm của Đảng về vấn đề này, mặt khác phải xác định rõ mục đích của việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện. Về vấn đề này tuy còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng hiện nay, thì chỉ mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong lĩnh vực tố tụng sau đây:

+ Trong lĩnh vực tố tụng hình sự nên giao cho Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 15 năm tù trở xuống trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm do người nước ngoài thực hiện trên lãnh  thổ Việt Nam.

+ Trong lĩnh vực tố tụng kinh tế cần mở rộng thêm thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế, trên cơ sở tăng thêm các loại việc được giải quyết và tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện giải quyết tranh chấp có giá trị đến 100.000.000 hoặc 200.000.000 đồng (hiện nay là 50.000.000 đồng).

+ Trong lĩnh vực tố tụng hành chính việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính trong hai lĩnh vực đó là : Xử phạt vi phạm hành chính và quản lý đất đai. Đây là hai loại việc có khiếu kiện nhiều nhất và trong Chỉ thị số 35/1998/CT-TTg ngày 09/10/1999 Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp “Nghiên cứu đề xuất chủ trương, biện pháp mở rộng thẩm quyền xét xử và kiện toàn tổ chức, cán bộ toà hành chính, đi đôi với bổ sung pháp luật, thể chế làm cơ sở cho việc xét xử nhằm từng bước chuyển các khiếu kiện của công dân đối với các cơ quan, công chức hành chính sang phương thức tranh tụng, xét xử tại toà án”.

Như vậy, theo quan điểm của Đảng và tinh thần chỉ đạo như trên của Thủ tướng Chính phủ thì việc mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính cho Tòa án nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng là hết sức cần thiết.

Về phương pháp tổ chức thực hiện để đảm bảo cho việc mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện có cơ sở pháp lý và thực tiễn chúng tôi cho rằng khi triển khai thực hiện chỉ nên giao trước cho các Tòa án cấp huyện có đủ điều kiện đảm đương việc xét các vụ án, các loại vịêc theo thẩm quyền mới. Từ kết quả thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiến hành tổng kết, tổ chức rút kinh nghiệm dần dần sẽ giao cho tất cả các Tòa án cấp huyện như ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 36-TB/TW ngày 15 tháng 01 năm 1996 đã chỉ rõ “từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ cho Tòa án cấp này, kiện toàn đến đâu, mở rộng thẩm quyền xét xử đến đó”. Cùng với việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện cần củng cố và tăng cường công tác giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao và của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với những bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

VII. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỤ THỂ KHÁC

1. Về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Vấn đề về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trước đây đã có thời kỳ áp dụng nhưng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì đã bị loại bỏ. Trong điều kiện hiện nay xuất phát từ yêu cầu của công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm và giảm bớt án tồn đọng thì trong thực tế một số vụ án thuộc Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện như các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, đơn giản rõ ràng, chứng cứ đầy đủ... thì không cần phải áp dụng thủ tục đầy đủ mà nên áp dụng thủ tục rút gọn. Chính vì vậy trong Bộ luật tố tụng hình sự mới (hiện nay đang tích cực soạn thảo) cần có quy định về thủ tục này. Tuy nhiên để tránh sự tuỳ tiện trong việc áp dụng cần phải quy định cụ thể các điều kiện mà các cơ quan tố tụng cần phải tuân thủ đó là: ấn định cụ thể các loại án được áp dụng thủ tục rút ngắn, phạm tội quả tang, chứng cứ đầy đủ, khi xét xử phải có sự tham gia đầy đủ của những người tham gia tố tụng và một số yêu cầu cần thiết khác. Với việc tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện thì việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn trong tình hình hiện nay là hợp lý

2. Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các nghi thức phiên toà

Khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính, Tòa án nhân danh nhà nước, vì vậy, phiên toà dù có đại biểu và nhân dân tham dự hay không đều không được xem nhẹ vấn đề nghi thức. Việc quy định thống nhất về nghi thức phiên toà để các Tòa án áp dụng là hết sức cần thiết, đặc biệt là Tòa án cấp huyện là cấp Tòa án gần dân nhất. Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện nghi thức phiên toà có thể bao gồm:

Trang trí phòng xét xử, trang phục của Hội đồng xét xử, vị trí trong phòng xét xử của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, những người tham gia phiên toà, những người bảo vệ phiên toà...

Đồng thời, cần quy định về nghi thức, thủ tục khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, cách xưng hô tại phiên toà, quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập và những người khác trong việc trình bày ý kiến của mình, quyền hạn và nghĩa vụ của những người có hoạt động liên quan tới việc xét xử...

3. Tăng cường phối hợp giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác

Hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện là giai đoạn tiếp theo của các hoạt động điều tra và truy tố do đó nó mang tính chất độc lập tương đối. Chính vì vậy việc tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác cũng là một trong những điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chuẩn bị xét xử hoặc trước và trong quá trình xét xử trong một số trường hợp đòi hỏi thẩm phán cần phải có những hoạt động nhất định để trao đổi, phối hợp với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhằm giải quyết các vấn đề liên quan như: yêu cầu điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ, kê biên tài sản để đảm bảo, bảo vệ phiên toà, tổ chức các phiên toà lưu động… Đây là những vấn đề rất quan trọng đảm bảo cho việc xét xử vụ án đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.

Ngoài việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thì việc Tòa án cấp huyện phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp như: Cơ quan giám định, Hội đồng định giá tài sản, cơ quan quản lý hộ tịch... cũng hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án có chất lượng và hiệu quả.

4. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng địa phương đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện

Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng địa phương đối với hoạt động của Tòa án cấp huyện cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Song để đạt được mục đích đó cần có một cơ chế đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện. Về vấn đề này chúng ta cần trở lại những nguyên lý về phương pháp và hình thức lãnh đạo của Đảng với bộ máy nhà nước. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình bằng việc ra đường lối, phương pháp hoạt động của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng về bộ máy và cán bộ, bố trí những cán bộ có năng lực, làm nòng cốt trong các cơ quan nhà nước, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương...sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước là từ đầu quá trình (đề ra đường lối chủ trương) đến cuối quá trình (tức làm cho đường lối chính sách thành hiện thực).

Tòa án là cơ quan chức năng, sự lãnh đạo của Đảng cần phản ánh được tính đặc thù của ngành, với suy nghĩ đó, vận dụng các nguyên tắc chung nêu trên vào lĩnh vực Toà án, trong xu thế đổi mới hiện nay, chúng tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với các Tòa án địa phương nên thực hiện như sau:

Cấp uỷ Đảng cần làm cho cán bộ Đảng viên các ngành ở địa phương quán triệt những quan điểm của Đảng ta về nhà nước và pháp luật. Giáo dục cán bộ Đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện pháp luật, hiểu được vai trò, vị trí của Tòa án trong bộ máy nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong hành động.

Đề ra chủ trương, biện pháp lớn bảo đảm sự phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương để tuyên truyền pháp luật qua thực tế diễn biến tại  phiên toà.

Đề ra chủ trương và chỉ đạo sự phối hợp của các cơ quan trong khối nội chính, trên cơ sở sử dụng các cơ quan này làm tham mưu, đề ra phương hướng tăng cường pháp chế. Tuy tình hình địa phương, trong từng thời gian lại có những chỉ đạo cụ thể. Ví dụ ra chỉ thị về cải tiến công tác bảo vệ trật tự pháp luật và tăng cường đấu tranh chống các phạm tội và vi phạm pháp luật, phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương. Trong chỉ thị cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Tòa án cấp huyện.

Đảng lãnh đạo thông qua chi bộ Đảng cơ quan Tòa án để quán triệt các chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước tới cán bộ Đảng viên trong ngành. Xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh trong Toà án, kiểm tra các Đảng viên làm việc trong toà án.

Đối với những vụ án trọng điểm, cấp uỷ cần sử dụng tốt vai trò tham mưu của các cơ quan nội chính, để các cơ quan này đề xuất ý kiến của mình. Cấp uỷ sẽ quyết định về mục tiêu, yêu cầu phải đạt khi xét xử chứ không nên ra các chỉ thị cụ thể về đường lối xử lý như tội danh, hình phạt, cho hay không cho ly hôn, chia tài sản như thế nào v.v..

Đối với Tòa án phải nhận thức rõ trách nhiệm làm tham mưu cho cấp uỷ, chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ về mặt đường lối chính sách nói chung, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đưa sang cấp uỷ xin ý kiến những vấn đề có ảnh hưởng lớn trong địa phương, ví dụ như các vụ án mà bị cáo là người đứng đầu các tổ chức tôn giáo hay người có uy tín lớn trong vùng dân tộc thiểu số....Thẩm phán phải có suy nghĩ chuẩn bị kỹ từ trước, chủ động đề xuất hướng giải quyết. Những vấn đề phức tạp trước khi đưa ra cấp uỷ cần bàn bạc trao đổi với các ngành trong khối nội chính, tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ, cấp uỷ mất nhiều thời gian bàn bạc, hiệu quả công việc lại không cao.

Tòa án là một bộ phận trong bộ máy nhà nước, muốn tăng cường hiệu lực nhà nước cần quan tâm cho ngành Tòa án vững mạnh, nâng cao được năng lực xét xử. Vì vậy sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án là đòi hỏi tất yếu khách quan do chính hoạt động xét xử đặt ra.



[1] Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998, tr 639.

[2] Trong năm 2000, TOà án nhân dân cấp huyện chỉ thụ lý 74 vụ án kinh tế - Báo cáo công tác xét xử của Toà án năm 2000, Toà án nhân dân tối cao.

[3] Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá X về công tác Toà án.

 
 
 

 

Nội dung toàn văn

 

Chương I

Một số vấn đề chung

về năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện

 

Khái niệm về năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Công việc cải cách bộ máy nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng hiện nay đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Vấn đề này đã được khẳng định trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Trọng tâm của sự nghiệp cải cách tư pháp hiện nay là đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, với nhiệm vụ đặt ra là xây dựng nền tư pháp của dân, do dân và vì dân. Để phù hợp với quy luật chung và xu thế cải cách tư pháp của các nước trên thế giới và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của nước ta, thì cải cách tư pháp hiện nay phải lấy Tòa án làm trọng tâm và việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra và kiểm sát đều có những yêu cầu riêng, nhưng có một cái chung là phục vụ cho việc phán xét đúng pháp luật của Tòa án. Do đó, mỗi sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án đều trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân.

Có thể nói rằng trong tất cả các lĩnh vực tố tụng bao gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng lao động, tố tụng kinh tế, tố tụng hành chính, hoạt động xét xử của Tòa án bao giờ cũng được coi là giai đoạn trọng tâm, giai đoạn quan trọng nhất. Chính trong giai đoạn xét xử, nhân danh nhà nước, Tòa án ra bản án, quyết định để giải quyết tranh chấp, xác định vi phạm hay tội phạm. Các bản án, quyết định của Tòa án dù đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực pháp luật thì tính đúng pháp luật, tính nghiêm minh và kịp thời vẫn là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm hiệu quả của cả qúa trình tố tụng nói chung và giai đoạn xét xử nói riêng. Sự nghiệp cải cách tư pháp hiện nay bao gồm nhiều nội dung, nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực và liên quan đến nhiều ngành, song đối với ngành Tòa án, nhiệm vụ quan trọng nhất là đổi mới tổ chức và hoạt động của cả hệ thống Tòa án nhằm nâng cao chất lượng xét xử và năng lực xét xử cho cấp huyện và để giảm bớt áp lực về giải quyết án của các Tòa án cấp trên. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng xét xử, năng lực xét xử và tăng thẩm quyền xét xử cho cấp huyện đã, đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo và tổ chức hiện nay; đồng thời, nó cũng đang thu hút các nhà nghiên cứu lý luận cũng như những người làm công tác thực tiễn trong và ngoài ngành quan tâm nghiên cứu, phân tích nhằm làm sáng tỏ và tìm ra các giải pháp để đạt được các mục đích nói trên.

Tuy nhiên, phải dựa vào đâu để quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp đối với các vụ án khác nhau cho hợp lý, đây là vấn đề phải được làm rõ trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam. Đa số quan điểm của nhiều tác giả cho rằng để quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án và đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác xét xử của Tòa án phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng đó là những yếu tố gì? mức độ phạm vi tác động và tương quan giữa các yếu tố đó ra sao? vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong số các căn cứ quy định thẩm quyền của Tòa án thì năng lực xét xử có tầm quan trọng đặc biệt. Dù thể hiện cách này hay cách khác, các nhà nghiên cứu pháp lý khi xem xét thẩm quyền xét xử của Tòa án đều đặt nó trong mối quan hệ biện chứng qua lại với năng lực xét xử của cán bộ Tòa án nói riêng và năng lực của Tòa án nói chung. Vì vậy, để từng bước triển khai và thực hiện quan điểm của Đảng ta trong chương trình cải cách tư pháp về tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện nhằm đảm bảo cho Tòa án cấp huyện có thể xét xử được nhiều loại việc hơn nữa, chúng ta cần xác định những điều kiện gì? Nội dung của nó như thế nào?v.v..Vấn đề này cần phải được giải quyết cụ thể và có cơ sở khoa học.

1.1. Khái niệm về năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Năng lực là một thuật ngữ được dùng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của con người, theo nghĩa tiếng việt thì năng lực là "khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó.."1 Như vậy, năng lực thể hiện ở bốn yếu tố:

- Hoặc là khả năng (cái mà chủ thể vẫn có) để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là điều kiện khách quan để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là chủ quan để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là vừa khả năng, vừa điều kiện để thực hiện một hoạt động nào đó.

Trên thực tế, năng lực bao giờ cũng cụ thể, không thể có năng lực chung chung. Nói đến năng lực bao giờ cũng đi liền với một chủ thể nhất định và hoạt động cụ thể xác định. Nếu thiếu yếu tố chủ thể hoặc hoạt động nào đó thì không thể nói đến năng lực.

Khái niệm năng lực chung nêu trên có thể vận dụng để xác định khái niệm năng lực xét xử của Tòa án. Năng lực xét xử của Tòa án là khái niệm pháp lý mang tính xã hội cao và được sử dụng thường xuyên trong thực tiễn công tác tổ chức của cơ quan xét xử và nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong thực tiễn nghiên cứu khoa học pháp lý chưa có một khái niệm chuẩn về năng lực xét xử nói chung cũng như năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng.

Theo chúng tôi, năng lực xét xử của Tòa án nói chung chính là khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, chức năng xét xử của mình, trên cơ sở tổng hợp các điều kiện, các yếu tố khách quan và chủ quan tạo thành sức mạnh thực thi thẩm quyền xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng. Còn năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện là khả năng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các điều kiện khách quan khác để hoàn thành chức năng xét xử và đảm bảo chất lượng cao các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện được cấu thành bởi các yếu tố và điều kiện khác nhau, trong đó các yếu tố và điều kiện cơ bản là:

- Cơ cấu tổ chức bộ máy xét xử của Tòa án cấp huyện;

- Trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức Tòa án trong đó vai trò nòng cốt là Thẩm phán tòa án cấp huyện;

- Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký tòa án cấp huyện;

- Trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, Thẩm phán tòa án cấp huyện;

- Sự phối hợp có hiệu quả giữa Tòa án cấp huyện với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác;

- Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cần và đủ để đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện có hiệu quả;

- Cơ chế pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

1.2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nâng cao năng lực xét xử và tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong giai đoạn hiện nay.

Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức và hoạt động theo sự phân chia địa giới hành chính. Mỗi đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và quận đều có Tòa án tương ứng là Tòa án huyện, thị xã, thành phố và quận (được gọi là Tòa án cấp huyện). Hiện nay toàn quốc có 622 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, tổng số biên chế là 5626 người trong đó có 2288 Thẩm phán và 2448 thư ký. Đa số các Tòa án cấp huyện có trên 6 biên chế, 51 đơn vị có 5 biên chế, 20 đơn vị có 4 biên chế, 13 đơn vị có 3 biên chế, 2 đơn vị mới thành lập chưa hình thành bộ máy tổ chức và chưa đi vào hoạt động. Về tổ chức bộ máy của Tòa án cấp huyện, Điều 32, Luật tổ chức Tòa án năm 2002 quy định: Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, Thẩm phán Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án. Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm Tòa án cấp huyện xét xử khoảng 118.300 vụ án các loại chiếm 72% tổng số các vụ án trong cả nước.

Với tình hình thực tế về cơ cấu tổ chức, biên chế và số lượng vụ án đã giải quyết, chúng ta có thể khẳng định rằng, Tòa án cấp huyện là một "mắt xích" vô cùng quan trọng trong hệ thống các cơ quan tòa án, đã đóng góp một phần quan trọng cùng với Tòa án nhân dân các cấp khác hoàn thành chức năng xét xử mà Hiến pháp và Pháp luật giao cho, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến việc kiện toàn, đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực xét xử và mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Song vấn đề đặt ra là khi xem xét và nghiên cứu các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện phải đặt trong yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nói chung theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Sự nghiệp đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Tòa án nói riêng được quan tâm nhấn mạnh từ Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII ngày 23/01/1995. Trước đó trong các văn kiện và Nghị quyết các hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI chủ yếu định hướng đổi mới về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, chưa đề cập đến đổi mới các cơ quan tư pháp.

Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm là cải cách nền hành chính". Trong những nội dung cải cách nền hành chính có nội dung quan trọng là "đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp". Tại mục III có 9 vấn đề trong đó có 3 vấn đề liên quan đến Tòa án.

Cán bộ nhân viên ngành tư pháp phải nêu gương chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tích cực chống quan liêu, tham nhũng trong xã hội và ngay trong các cơ quan tư pháp.

Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ, nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, theo hướng việc xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp này. Tòa án cấp tỉnh chủ yếu xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu xét xử giám đốc thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án địa phương thực hiện xét xử thống nhất theo pháp luật. Hạn chế việc xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Nghiên cứu thành lập các toà chuyên môn.

Tổng kết thực tiễn công tác quản lý tòa án địa phương, xác định rõ trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong việc quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức cán bộ. Đẩy mạnh việc xét xử, giải quyết kháng cáo và các khiếu nại, tố cáo về công tác xét xử, bảo đảm công bằng và nghiêm minh.

Trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng từ năm 1996 đến năm 2001 đã diễn ra nhiều Hội nghị Ban chấp hành trung ương, trong đó có Hội nghị lần thứ 3 và Hội nghị lần thứ 7 đề ra các nghị quyết về vấn đề tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có nhiều vấn đề về Tòa án nhân dân.

Nghị quyết Hội nghị trung ương 3 khoá VIII mục IV về cải cách tư pháp khẳng định:

- Tòa án nhân dân thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Bỏ thủ tục xét xử sơ chung thẩm của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương. Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng.

- Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng pháp luật thống nhất và làm tốt chức năng giám đốc xét xử. Đổi mới thủ tục giám đốc thẩm để bảo đảm việc xét xử vừa đúng đắn vừa nhanh chóng.

- Nghiên cứu phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện; đồng thời căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ hiện nay mà điều chỉnh tiêu chuẩn chọn cho phù hợp để kịp thời bổ sung Thẩm phán cho Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh.

Tháng 4 năm 2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được tiến hành, đánh dấu một bước ngoặt lớn và quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tiến trình cải cách bộ máy nhà nước nói riêng. Vấn đề về cải cách thể chế và phương thức hoạt động của nhà nước; Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: "cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, thi hành án không để xẩy ra trường hợp oan sai....sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định lại hợp lý thẩm quyền của Tòa án các cấp. Tăng cường đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cả về số lượng và chất lượng". Gần đây, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục ra Nghị quyết số 08 ngày 02 tháng 01 năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp hiện nay và khẳng định các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tòa án trong đó có Tòa án cấp huyện.

Như vậy, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trong những năm vừa qua về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đều khẳng định vấn đề cần thiết khách quan phải nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ Thẩm phán Tòa án cấp huyện và xu hướng tất yếu là tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

1.3. Cơ sở lý luận và mối quan hệ giữa tăng cường năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện với việc tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

Khi nghiên cứu để xác định phạm vi chức năng của Tòa án đòi hỏi nhà làm luật phải nghiên cứu năng lực xét xử chung, tức là nghiên cứu khả năng và điều kiện của Tòa án trong thời điểm hiện tại có thể xét xử được những loại vụ việc nào và phạm vi tài phán ra sao? ví dụ trước khi ban hành Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 1992 trên cơ sở xem xét đánh giá khả năng và điều kiện của các Tòa án ở nước ta, Nhà nước cho rằng Tòa án chỉ có khả năng xét xử các vụ án hình sự dân sự và hôn nhân gia đình mà thôi. Thế nhưng những năm sau đó cùng với việc nâng cao năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán, và các điều kiện liên quan khác, nhà nước cho rằng Tòa án có đủ khả năng để xét xử thêm các tranh chấp về khiếu kiện kinh tế, hành chính, lao động. Vì vậy, Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi và Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002 đã mở rộng phạm vi xét xử của Tòa án, từ việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình sang việc xét xử thêm các vụ án hành chính, kinh tế, lao động.

Trong hệ thống Tòa án việc phân định thẩm quyền xét xử của mỗi cấp đối với từng loại việc cũng đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu xem xét năng lực xét xử cụ thể. Ví dụ khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện đối với các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động đòi hỏi phải nghiên cứu khả năng và điều kiện của Thẩm phán xét xử được những loại nào, phạm vi đến đầu để đảm bảo cho hoạt động xét xử có chất lượng và hiệu quả.

ở nước ta quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng thường dựa vào các yếu tố sau đây:

- Căn cứ vào tính nghiêm trọng, phức tạp của từng loại án;

- Căn cứ vào hình thức tổ chức nhà nước và cách tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở cấp huyện;

- Căn cứ vào năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán Tòa án cấp huyện và năng lực của những người tiến hành tố tụng khác ở cấp huyện;

- Ngoài các căn cứ cơ bản trên, khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện còn dựa vào một số căn cứ khác về tính kinh tế, tính hiệu quả và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác xét xử của Tòa án cấp huyện.

Theo nhận thức thống nhất hiện nay thì năng lực xét xử và thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện có mối quan hệ chặt chẽ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau. Mối quan hệ này được thể hiện cơ bản trên hai mặt sau:

- Sự tác động của năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện đến việc xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng.

- Năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện là một trong những căn cứ quan trọng nhất để các nhà làm luật xem xét, nghiên cứu, đánh giá khi quy định thẩm quyền xét xử các loại án cấp huyện. Để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN; chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng sức khoẻ tài sản danh dự nhân phẩm của công dân, Tòa án nhân dân các cấp nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng phải thực sự nắm vững pháp luật, phải có trình độ phân tích đánh giá chứng cứ, có phẩm chất đạo đức và hiểu biết "nhân tình thế thái"...thì mới xét xử được công minh đúng pháp luật. Để hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang và nặng nề đó, đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện đó là các điều kiện như: phải đủ biên chế, phải có biện pháp và kế hoạch nâng cao trình độ học vấn, kỷ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân của Tòa án cấp huyện cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất kỷ thuật cần thiết phục vụ cho công tác xét xử. Đồng thời cũng cần phải tăng cường sự phối hợp của Tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp cùng cấp.

Như vậy, năng lực xét xử và thẩm quyền xét xử có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc mở rộng hay thu hẹp thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện đều có thể tác động tới năng lực xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Ví dụ: theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện nay năng lực xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là tương ứng, là phù hợp thì nếu chúng ta thu hẹp thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa án cấp huyện so với thẩm quyền được quy định như hiện nay thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có điều kiện và khả năng thực hiện tốt công tác xét xử (năng lực cao hơn thẩm quyền). Ngược lại, nếu chúng ta mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa án cấp huyện, hơn nữa (xét xử các tội phạm rất nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất quy định trong luật đến 15 năm tù) thì với năng lực hiện tại Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cấp huyện khó đảm đương hay nói chính xác hơn là năng lực xét xử của họ cần phải tăng cường nhiều hơn nữa.

Năng lực xét xử bao gồm các yếu tố cấu thành như trên luôn luôn thay đổi theo chiều hướng ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trong các yếu tố cấu thành có yếu tố thay đổi nhanh chóng, có yếu tố thay đổi chậm hơn nhưng tất cả các yếu tố đó phải thay đổi và nằm trong sự thay đổi và phát triển của xã hội. Mặt khác chúng ta cũng phải thấy rằng các căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử đặc biệt là tính chất nghiêm trọng, phức tạp của các loại án cũng thay đổi theo chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn về phương thức, thủ đoạn vi phạm, tội phạm. Song có thể nói rằng sự thay đổi này chậm hơn so với thay đổi của năng lực xét xử.

Như vậy, khi nghiên cứu năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề một cách thô cứng, máy móc, thiếu sự vận động và phát triển biện chứng. Trong công cuộc cải cách nhà nước nói chung và cải cách tư pháp nói riêng hiện nay, xu thế chung (và tất yếu) là cùng với thời gian chúng ta phải nghiên cứu, mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá VII nhằm mục đích giải phóng gánh nặng cho Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án này tập trung thực hiện tốt công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và hướng dẫn đường lối xét xử là chủ yếu. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án là vừa phải nâng cao chất lượng xét xử vừa phải từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Để thực hiện được yêu cầu đó cơ quan Tòa án phải chọn giải pháp là nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện chứ không thể giữ nguyên thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động và hành chính của Tòa án cấp huyện như quy định hiện nay của pháp luật tố tụng.

- Việc quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong luật tố tụng đòi hỏi phải có những biện pháp thích hợp để đảm bảo cho Tòa án có đủ năng lực xét xử các vụ án đó.

Như trên đã phân tích, khi nghiên cứu để quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện được xét xử các vụ việc nào các nhà làm luật phải xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau. Các căn cứ đó có thể thống nhất bổ sung cho nhau, nhưng cũng có thể mâu thuẩn với nhau trong sự thống nhất biện chứng. Song trong thực tiễn năng lực xét xử tuy không phải là căn cứ duy nhất nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đòi hỏi nhà làm luật phải quan tâm khi xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

Một vấn đề cần phải được khẳng định là các yếu tố dùng làm căn cứ để quy định thẩm quyền của Tòa án cấp huyện luôn luôn ở trạng thái động và phát triển theo chiều hướng nâng dần lên thì các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xét xử mới có tính ổn định hiện tại và tính dự báo cho tương lai. Vì vậy, trong nhiều trường hợp các nhà làm luật không cần đến sự tương xứng, phù hợp hoàn toàn và đầy đủ giữa năng lực xét xử và thẩm quyền xét xử mới xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện mà có thể quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện "vượt lên trước" so với năng lực hiện tại của Tòa án cấp huyện. Từ việc quy định này khi triển khai thực hiện có thể thí điểm ở những nơi có điều kiện, có khả năng rồi tổng kết, rút kinh nghiệm dần dần mở rộng ra các địa phương khác trong phạm vi toàn quốc. Với quan điểm như vậy, chính việc chủ động quy định "vượt lên trước" của pháp luật chứ không thụ động đòi hỏi ngành Tòa án ngay từ bây giờ và những năm sắp tới cần có những biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện và đảm bảo các yếu tố khác, để khi pháp luật tố tụng có quy định mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện thì các Tòa án không thụ động mà có thể thực hiện được ngay và có hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.

 

Chương II

Thực trạng năng lực xét xử

của Tòa án cấp huyện trong giai đoạn hiện nay

 

I . Khái quát lịch sử phát triển của Tòa án cấp huyện.

Trong hệ thống Tòa án hiện nay, Tòa án cấp huyện giữ một vai trò quan trọng, bởi vì đây là nơi giải quyết phần lớn các vụ án theo trình tự sơ thẩm. So với những ngày đầu mới được thành lập, Tòa án cấp huyện hiện nay, đã có sự trưởng thành cả cơ sở vật chất cũng như chất lượng xét xử và ngày càng hoàn thiện hơn về cơ cấu tổ chức. Để có được sự trưởng thành đó, Tòa án cấp huyện đã trải qua những bước phát triển khác nhau, phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng. Lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện của Tòa án cấp huyện kể từ năm 1945 đến nay trải qua các giai đoạn chủ yếu sau đây:

1.1. Giai đoạn 1945 đến 1959.

Ngay sau khi cách mạng tháng tám thành công, Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã quan tâm đến công tác xét xử và xây dựng hệ thống Tòa án. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh thành lập Tòa án quân sự ở các địa phương khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên vì yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ, Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà mới chỉ thiết lập các Tòa án quân sự mà chưa tổ chức hệ thống Tòa án các cấp và các Tòa án quân sự cũng chỉ xét xử các vụ án hình sự mà không xét xử các vụ án dân sự.

Ngày 24/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 13 về tổ chức Tòa án và ngạch Thẩm phán. Sắc lệnh này đã phân chia Tòa án xét xử thành hai cấp sơ thẩm và đệ nhị cấp. Tòa án cấp sơ cấp gồm các Tòa án của phủ, quận, châu. Tòa án cấp đệ nhị là gồm các Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để phân biệt thẩm quyền của Tòa án, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền xét xử của các Tòa án. Tòa án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán, một Lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc. Một tuần lễ, ít ra có hai phiên toà công khai: một phiên toà hình và một phiên toà hộ. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, Lục sự giữ bút ký, lập biên bản, án từ. Ngoài ra Sắc lệnh còn quy định "ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Tòa án cấp sơ thẩm tổ chức theo các nguyên tắc nói trên" (Điều 11). Khi xét xử dân sự, thương sự Chánh án xử một mình. Khi xét xử các vụ tiểu hình, phải có hai viên phụ Thẩm nhân dân góp ý kiến (Điều 17).

Trước khi mở phiên toà các Phụ thẩm nhân dân không được đọc hồ sơ, nhưng tại phiên toà họ có quyền yêu cầu ông Chánh án (chủ toạ phiên toà) hỏi thêm các bị cáo và cho biết các tài liệu có trong hồ sơ. Về hình sự, Tòa án sơ cấp có thẩm quyền xét xử chung thẩm: những án phạt bạc từ 0,50 đồng đến 9,00 đồng; những án xử bồi thường từ 150 đồng trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại trong một vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu nại và sơ thẩm những vụ án phạt giam từ 1 đến 5 ngày.

Tuy nhiên hệ thống Tòa án tư pháp tổ chức theo Sắc lệnh số 13 chỉ tồn tại đến năm 1950. Mặc dù là Tòa án cách mạng nhưng hệ thống và cơ cấu tổ chức về cơ bản vẫn theo thời Pháp. Các cán bộ tư pháp làm việc trong các Tòa án này chủ yếu là những người làm việc trong bộ máy hành chính và tư pháp của chế độ cũ. Trong những năm năm mươi, cuộc kháng chiến đã dành thắng lợi đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta cần tiến hành cải cách bộ máy tư pháp, tăng cường tính cách dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, nâng cao vị trí vai trò của Tòa án trong bộ máy nhà nước, đồng thời đổi mới luật lệ tố tụng đảm bảo xét xử nhanh chóng chính xác. Vì những lý lẽ đó, cuộc cải cách Tòa án nhân dân đầu tiên của nước ta được tiến hành bằng việc Chủ Tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL ngày 25/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng. Theo Sắc lệnh này, về tổ chức "Tòa án sơ cấp này gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Toà phúc thẩm, Phụ thẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân" (điều 1) Để xử việc hình và việc hộ, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân, toà phúc thẩm gồm có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết, được hưởng đặc quyền tài phán như các Thẩm phán và lương bổng như các Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương (Điều 3). ở các vùng tạm chiếm, Chính phủ ra Sắc lệnh só 157 ngày 17/11/1950 quy định thành lập Tòa án nhân dân. Các Tòa án này có thẩm quyền tương tự như các Tòa án các cấp ở vùng tự do nhưng thủ tục xét xử đơn giản hơn.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (tháng 11/1958) Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong tình hình chung đó, Bộ máy nhà nước nói chung, Tòa án nhân dân nói riêng được tăng cường và cải cách thêm một bước.

Ngày 29/4/1958 Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Có thể nói đây là một bước quá độ rất cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong Bộ máy nhà nước một năm sau đó.

1.2. Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980.

Hiến pháp năm 1959 đã thể chế hoá các quan điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra. Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp 1959 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, ngày 14/7/1960, Quốc hội nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Tiếp đó, để kiện toàn Tòa án nhân dân các cấp, tăng cường tính nhân dân của Tòa án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật" ngày 23/3/1961 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của Tòa án nhân dân địa phương.

Theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 1960 và Pháp lệnh về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức Tòa án nhân dân địa phương năm 1961 thì "Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án và Thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó Chánh án". Về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được quy định như sau:

- Hoà giải những việc tranh chấp về dân sự;

- Phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên toà;

- Sơ thẩm những vụ án dân sự;

- Sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ hai năm trở xuống.

Với thẩm quyền đó, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã xử trên 70% số việc tội phạm bị truy tố về hình sự và trên 80% số việc kiện dân sự, làm cho việc giải quyết án được sát với dân, thuận tiện cho nhân dân, có tác dụng giáo dục nhiều hơn, phục vụ kịp thời hơn nhiệm vụ của địa phương. Ngoài ra, Tòa án cấp huyện còn có nhiệm vụ xây dựng tổ chức Tư pháp và hướng dẫn công tác hoà giải ở các xã, phường, thị trấn.

Các chức danh pháp lý như Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, Thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm còn Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ 2 năm.

Ngoài các quy định trên, theo Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể. Việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương được chuyển giao cho Tòa án nhân dân tối cao. Tổ chức bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện. Tổng biên chế của Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

1.3. Giai đoạn từ 1980 đến 1992.

Ngày 13/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp 1980. Nhìn chung, các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 1980 kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1959. Trong đó, hệ thống Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cấp tương đương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án Quân sự. ở các Tòa án cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Về thẩm quyền, Tòa án cấp huyện được mở rộng. Về hình sự, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù từ 7 năm trở xuống trừ các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và trừ một số tội khác. Về công tác quản lý Tòa án địa phương, năm 1981 Bộ Tư pháp được thành lập và được giao nhiệm vụ quản lý các Tòa án địa phương.

1.4. Giai đoạn từ 1992 đến nay.

Đường lối đổi mới được khởi xướng từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 và tiếp tục được khẳng định và phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 là cơ sở cho việc ban hành Hiến pháp năm 1992- Hiến pháp của thời kỳ đổi mới.

Cùng với việc ban hành Hiến pháp mới Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 1992. Nhìn chung Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 là sự tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1980 và Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 1981. Tuy nhiên có một số quy định mới phù hợp với sự phát triển của thời kỳ đổi mới:

- Trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm các Tòa án chuyên trách mới - Tòa kinh tế, Tòa hành chính, Tòa lao động để giải quyết các khiếu kiện theo quy định của các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, lao động và kinh tế.

- Thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ năm năm thay thế chế độ bầu Thẩm phán.

- Bộ Tư pháp ngoài việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức như quy định trước đây còn được giao thêm nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động.

- Về cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên như trước đây, không có Uỷ ban Thẩm phán và các toà chuyên trách. Về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được giao thêm thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và về cơ sở vật chất được chú trọng quan tâm hơn trước.

Các quy định về tổ chức, bộ máy và thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp được xây dựng trong điều kiện kinh tế- xã hội cũ do đó không còn phù hợp với sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội và sự hội nhập, hợp tác quốc tế của nhà nước ta. Chính vì vậy, trong mấy năm gần đây, vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nói chung cùng với việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng đang trở thành mối quan tâm nghiên cứu của các nhà lập pháp. Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII và Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đều nhấn mạnh vấn đề phân định lại thẩm quyền xét xử của Tòa án, mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và coi đây như là một nội dung của cải cách tư pháp hiện nay. Mặc dù Hiến pháp sửa đổi bổ sung và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 chưa thể hiện những quan điểm trên, nhưng định hướng mở rộng thẩm quyền xét xử là định hướng đúng và cần được thể chế hoá thành pháp luật trong thời gian tới.

Như vậy trải qua hơn 55 năm kể từ ngày Bác Hồ ra Sắc lệnh thành lập
Tòa án quân sự đầu tiên ở nước ta, ngành Tòa án nhân dân liên tục phát triển và ngày càng hoàn thiện cả về phương diện tổ chức, hoạt động và cả về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong sự phát triển và hoàn thiện đó, Tòa án cấp huyện cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn và nâng cao năng lực xét xử. Với chức năng xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính kinh tế, lao động, trong những năm vừa qua cùng với Tòa án nhân dân các cấp , Tòa án nhân dân cấp huyện đã góp phần quan trọng trong việc phòng chống vi phạm, tội phạm phuc vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao cho trong từng giai đoạn phát triển của cách mạng.

II. Thực trạng năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện hiện nay.

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, trình độ dân trí ngày một nâng cao, trước yêu cầu hội nhập, đòi hỏi trình độ, năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và của cơ quan Tòa án nói riêng cũng phải được nâng lên ngang tầm thực tiễn xã hội và quan hệ quốc tế. Trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay sự đòi hỏi của nhân dân, của Nhà nước và của xã hội về chất lượng xét xử và các hoạt động của Tòa án nói chung và của Tòa án cấp huyện nói riêng cũng ngày một cao hơn. Do đó việc tăng năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện, đảm bảo cho Tòa án cấp huyện đủ mạnh để giải quyết công việc có hiệu quả theo yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Nếu không tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện một cách toàn diện thì không thể cải thiện được một cách căn bản chất lượng xét xử và không thể đảm bảo cho việc tăng thẩm quyền có hiệu quả.

Nhưng muốn tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện trước hết đòi hỏi phải đánh giá đúng thực trạng các yếu tố cấu thành năng lực xét xử để từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và tìm ra các biện pháp cụ thể cần áp dụng thì mới thực hiện được yêu cầu đặt ra.

2.1. Thực trạng năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử

Đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khoá IX khẳng định: "đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức làm ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật, giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước". Thực trạng những người làm công tác xét xử Tòa án cấp huyện bên cạnh những người có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực, có tinh thần trách nhiệm thì vẫn còn có những hạn chế, yếu kém nhất định.

Hoạt động xét xử là hoạt động của con người, mang tính xã hội cao. Vì vậy có thể nói năng lực xét xử của Tòa án chủ yếu mang yếu tố chủ quan trong đó năng lực của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để xác định năng lực xét xử của Tòa án. Muốn xét xử đạt kết quả tốt, Tòa án cấp huyện phải có đội ngũ những người xét xử có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý. Trong những tiêu chuẩn đó, Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân 1993 quy định rõ về tiêu chuẩn chuyên môn phải có trình độ cử nhân luật và được đào tạo về nghiệp vụ xét xử và có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật thì được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Đối với Hội thẩm nhân dân cũng đòi hỏi phải có kiên thức pháp lý. Khi đã có trình độ chuyên môn, người Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân mới độc lập trong xét xử, không chịu sự tác động từ bên ngoài mà vẫn có niềm tin để căn cứ vào pháp luật ra những phán quyết đúng đắn. Ngoài ra năng lực xét xử của các chủ thể phụ thuộc vào kỹ năng kinh nghiệm tích luỹ được từ thực tiễn xét xử, đây cũng là những điều kiện hết sức quan trọng, tạo thành năng lực xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, qua khảo sát thực tiễn cho thấy đã có sự phát triển đáng kể, nhìn chung đạt được tiêu chuẩn cần thiết theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử đặt ra.Nếu như nhiệm kỳ trước năm 1993 Thẩm phán có trình độ đại học chỉ có 250 người, chiếm tỷ lệ 18,2%, từ nhiệm kỳ 1994-1999 có 1282 Thẩm phán có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 58,3%2, cho đến nay có khoảng 1967 Thẩm phán có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ khoảng 86%. Theo thống kê của Bộ Tư pháp hơn 90% số Thẩm phán địa phương hiện nay (cả cấp tỉnh) là Đảng viên, có trình độ trung cấp chính trị trở lên.

Đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân cấp huyện hiện nay, thực trạng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáng được quan tâm.

Hiện nay chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào nhưng thực tiễn cho thấy đa số Hội thẩm nhân dân không qua đào tạo khoa học pháp lý và nghiệp vụ xét xử mà phần lớn trong số họ làm việc trong những ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ khác. Việc tham gia xét xử của họ như là một trách nhiệm phải làm thêm, tiêu chuẩn chế độ rất hạn hẹp. Các điều kiện tiêu chuẩn chuyên môn, học vấn của Hội thẩm nhân dân chưa được quy định cụ thể trong luật. Ngành Tòa án cũng chưa có kế hoạch cụ thể trong việc mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho họ. Thông thường ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới ngành Tòa án có tổ chức tập huấn cho Hội thẩm được bầu, sau đó có tập huấn định kỳ. Song thực tế cho thấy điều kiện tham gia của Hội thẩm nhân dân có khó khăn, các văn bản pháp luật mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều, vì thời gian thì có hạn do đó kết quả thu được rất hạn chế; trong khi đó điều kiện cập nhật thông tin, tự trang bị kiến thức pháp lý cho mình rất khó khăn và khó thực hiện được. Chính vì vậy khi tham gia xét xử Hội thẩm nhân dân gặp nhiều khó khăn trong việc phân tích đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật làm ảnh hưởng chất lượng xét xử.

Mặc dù trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có được tăng lên nhưng lại không đồng đều giữa các vùng, miền khác nhau, dẫn đến có những nhiệm vụ không thuộc loại phức tạp, nhưng Tòa án cấp huyện vẫn không tự giải quyết được mà phải xin ý kiến của cấp tỉnh. Ngược lại có những Tòa án cấp huyện, quận lại có đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có trình độ cao và có thể đảm đương được nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp trên, nhưng lại chưa được mở rộng thẩm quyền.

Về kỹ năng xét xử tại phiên toà: Nhìn chung, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân làm tốt công tác tổ chức phiên toà, thể hiện được vị trí, tư cách của người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, ở một số Tòa án đặc biệt là ở các toà vùng sâu, Thẩm phán chưa thực sự chú ý đến các trình tự, nghi thức tổ chức phiên toà, nội quy phiên toà thường đọc qua loa, chiếu lệ (có khi không có), sự giải thích phần quyết định, bản án vừa tuyên của chủ toạ phiên toà không rõ ràng, cụ thể, phương pháp điều kiển phiên toà của một số Thẩm phán còn yếu, cách xưng hô tại phiên toà không thống nhất có khi quát tháo, đập bàn, ghế…làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của hoạt động xét xử.

Tình trạng trên dẫn đến nhiều vụ án tuy bản án, quyết định của Hội đồng xét xử không sai, nhưng vì tổ chức phiên toà, phương pháp điều khiển phiên toà của Thẩm phán có nhiều thiếu sót, do đó đã gây ra sự hoài nghi của những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên toà về tính đúng đắn của bản án, hoặc quyết định của Hội đồng xét xử. Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần là do các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không được đào tạo một cách cơ bản về kỹ năng xét xử tại phiên toà, công tác kiểm tra, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo kịp thời khắc phục các thiếu sót đó của Tòa án cấp trên chưa thực hiện được. Mặt khác nguyên nhân trên còn xuất phát từ việc các văn bản qui phạm tố tụng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành phiên toà còn có những bất cập cần nghiên cứu hoàn thiện.

2.2. Cơ cấu, tổ chức của Tòa án cấp huyện.

Tổ chức, bộ máy của Tòa án cấp huyện:

Điều 32 Luật tổ chức TAND quy định: "Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng".

Hiện nay biên chế cán bộ, Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án, thư ký Tòa án được phân bổ dựa trên cơ sở lượng công việc, đặc điểm dân cư vùng, miền. Tính đến ngày 30/3/2001 trên toàn quốc có 620 Tòa án cấp huyện với số biên chế là 5565 người, trong đó có 534 Chánh án, 503 Phó Chánh án, có 2277 Thẩm phán còn lại là thư ký và cán bộ văn phòng3. Số lượng Thẩm phán cấp huyện hiện còn đang thiếu là 700 người. Với tình trạng thiếu Thẩm phán như hiện nay dẫn tới việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xét xử bình thường của Tòa án. Có những Tòa án cấp huyện chỉ có 1 Thẩm phán, vì vậy đối với những bản án sơ thẩm bị huỷ rất khó có thể bố trí hội đồng xét xử khác. Đội ngũ Thư ký hiện nay cũng trong tình trạng tương tự. Với cơ cấu cứ 3 Thẩm phán có 2 Thư ký, dẫn tới Thẩm phán làm thay những công việc của Thư ký, không có thời gian nghiên cứu hồ sơ, ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động xét xử.

Số lượng các vụ án thụ lý của các Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh các lớn vùng đồng bằng, vùng đô thị so với huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa khác nhau không chỉ về số lượng mà cả về tính chất, hậu quả của hành vi. Theo báo cáo của các huyện thị thì năm 2000 có 29 Tòa án một năm chỉ thụ lý giải quyết dưới 20 vụ án các loại, trong đó có Tòa án huyện Hiên, tỉnh Quang Nam có số lượng án thấp nhất, một năm chỉ thụ lý giải quyết có 6 vụ án các loại. Ngược lại, có những Tòa án quận của TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội một năm thụ lý gần 2000 vụ án các loại. ở các Tòa án cấp huyện hiện nay không có toà chuyên trách, do cơ cấu của Tòa án nhân dân cấp huyện không có toà chuyên trách nên các Thẩm phán được phân công chuyên xét xử về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án hoặc Phó Chánh án. Với cơ cấu như vậy là phù hợp với những Tòa án cấp huyện nơi có số lượng xét xử hàng năm thấp, nhưng đối với những Tòa án quận thì gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Chính vì vậy, trong những năm sắp tới trong quá trình cải cách tư pháp đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất với Quốc hội để có thể thành lập các Tòa án chuyên trách ở một số Tòa án quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Cũng giống như các cơ quan hành chính khác, bộ phận văn phòng tuy không tham gia trực tiếp vào công tác xét xử, nhưng đối với ngành Tòa án nó có ảnh hưởng đến công tác xét xử. Song thực tế hiện nay do biên chế có hạn, do đó ở cấp huyện thường kiêm nhiệm các công việc văn thư, lưu trữ, đánh máy, thủ quỹ, bảo vệ, tạp vụ; đối với các đơn vị ít biên chế thì công tác văn phòng do thủ quỹ đảm nhiệm. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là các Tòa án của các quận thuộc các thành phố lớn trực thuộc trung ương cần phải bổ sung biên chế và thành lập tổ văn phòng thì mới đảm nhiệm được khối lượng công việc.

b) Về tổ chức lao động: Là cơ quan xét xử nhưng Tòa án cũng tiến hành các hoạt động hành chính khác. Mối quan hệ giữa các cán bộ trong Tòa án có thể là quan hệ phối hợp được điều chỉnh bởi luật tố tụng hoặc là quản lý hành chính theo các quy định về quản lý hành chính. Thậm chí, trong hoạt động này là quan hệ phối hợp nhưng trong trường hợp khác thì lại là quan hệ mệnh lệnh cấp trên cấp dưới. Chính vì vậy, tổ chức lao động sao cho các mối quan hệ giữa những cán bộ trong một Tòa án cùng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị là điều rất cần thiết. Hiện nay, trong Tòa án cấp huyện có những mối quan hệ sau:

- Quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán: Trong nội bộ một cơ quan Tòa án thì giữa Chánh án và Thẩm phán tồn tại hai mối quan hệ. Mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ hành chính giữa Thủ trưởng (Chánh án) và công chức cấp dưới (Thẩm phán). Mối quan hệ thứ hai là mối quan hệ tố tụng giữa Thẩm phán và Thẩm phán khi cùng trong một hội đồng xét xử. Trong hai mối quan hệ này, thì ở mối quan hệ thứ nhất, Thẩm phán phải phục tùng và tuân thủ theo sự phân công, điều hành của Chánh án, còn trong mối quan hệ thứ hai, quan hệ tố tụng "khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Phán quyết của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án chỉ căn cứ trên cơ sở chứng cứ có trong hồ sơ và được xem xét tại phiên toà, Thẩm phán không phụ thuộc và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các quan hệ hành chính không ảnh hưởng tới tính độc lập của các Thẩm phán trong hoạt động xét xử thì ngoài việc người Thẩm phán có trình độ và ý thức pháp chế cao thì cũng cần có quy chế quy định rõ ràng mối quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán.

- Quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân: Đây là quan hệ phối hợp làm việc giữa một Thẩm phán chuyên môn và những người đại điện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của cơ quan nhà nước. Thông thường thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được Chánh án phân công xét xử một vụ án nào đó, thì cả Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tiến hành nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. ở giai đoạn chuẩn bị xét xử mọi việc chuẩn bị như phiên dịch phiên toà báo cho các đương sự về thời gian, địa điểm xét xử do Thẩm phán chủ toạ phiên toà chịu trách nhiệm. Hội thẩm nhân dân có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu thấy hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra, truy tố có những vấn đề chưa đầy đủ, rõ ràng, việc đưa vụ án ra xét xử sẽ không đảm bảo tính khách quan thì có quyền trao đổi với Thẩm phán chủ toạ phiên toà, ngoài ra Thẩm phán có trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân làm việc. Do Hội thẩm nhân dân là người không có kiến thức chuyên môn về pháp lý nên Hội thẩm nhân dân sẽ gặp những khó khăn nhất định, và nếu như Thẩm phán không tạo điều kiện để Hội thẩm nhân dân tham gia thì việc tham gia của Hội thẩm nhân dân chỉ là hình thức, mọi quyết định phụ thuộc vào Thẩm phán chuyên môn. Vì vậy, về tổ chức lao động giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử chính là sự phân công, phối hợp làm việc sao cho Hội thẩm nhân dân phát huy được vai trò của mình không bị phụ thuộc vào Thẩm phán hoặc bị Thẩm phán chi phối.

- Quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký Tòa án: Theo quy định của pháp luật Thẩm phán không phải chức danh quản lý vì vậy quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký không phải là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới mà đây là quan hệ cùng phối hợp để giải quyết công việc theo trách nhiệm của mỗi người. Trong quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử, Thư ký làm nhiệm vụ ghi chép biên bản một cách trung thực, đầy đủ chính xác những diễn biến phiên toà, viết giấy báo cho các đương sự, tống đạt bản án...theo yêu cầu của Thẩm phán. Với tính chất hoạt động của Thư ký như vậy, đôi khi có nhận thức không đúng cho rằng Thư ký của Thẩm phán này, Thẩm phán kia hoặc quan niệm Thư ký là người giúp việc, là cấp dưới của Thẩm phán nên đã yêu cầu Thư ký phải làm những việc vượt quá thẩm quyền của Thư ký.

Thực tế vừa qua đã có những trường hợp khi giải quyết các vụ án dân sự Thẩm phán đã giao cho Thư ký làm những việc mà theo quy định của pháp luật đó là trách nhiệm của Thẩm phán. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự không tôn trọng Thư ký, không tôn trọng những người tham gia tố tụng. Sở dĩ có những vấn đề như vậy có những nguyên nhân Thẩm phán không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhưng cũng có các nguyên nhân về tổ chức phân công lao động ở các cơ quan Tòa án chưa được rõ ràng giữa các chức danh dẫn đến tình trạng lấn sân nhau và không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của từng chức danh.

Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng để đảm bảo cho hoạt động của Tòa án cấp huyện có hiệu quả vấn đề cần thiết là phải có quy chế làm việc phân công trách nhiệm rõ ràng trong nội bộ Tòa án.

2.3. Các yếu tố vật chất ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

a). Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật tạo môi trường cho hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện.

Vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật và điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cấp huyện trong những năm vừa qua còn gặp nhiều khó khăn và có ảnh hưởng nhất định đến năng lực xét xử. Tại mục 3 phần đánh giá tình hình công tác tư pháp trong những năm vừa qua của Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khoá IX về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp đã khẳng định: " Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp nhất là ở cấp huyện nhiều nơi trụ sở còn chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu vừa lạc hậu, chính sách đối với cán bộ tư pháp chưa tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm được giao" Qua khảo sát và nghiên cứu tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật trang thiết bị của Tòa án cấp huyện đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa trong những năm vừa qua cho thấy không nằm ngoài thực trạng đã được đánh giá trên.

Năm 1993, khi công tác quản lý TAND địa phương về mặt tổ chức được giao cho Bộ Tư pháp, cả nước chỉ có 553 TAND cấp huyện, cho đến nay đã có 620 Tòa án cấp huyện.

Có thể nói, trụ sở của Tòa án cấp huyện hiện nay đã được đổi mới, khang trang hơn nhiều so với 9 năm về trước; hầu hết các Tòa án cấp huyện đều có chỗ làm việc và nơi xét xử. Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, các Tòa án được giao thêm nhiệm vụ xét xử án kinh tế, án lao động và hành chính, biên chế của Tòa án được tăng thêm, vì vậy, trong số 534 Tòa án có trụ sở mới thì có 523 toà có trụ sở nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xét xử4. Các trụ sở Tòa án hiện phần lớn được xây theo mẫu từ năm 1993-1994. Trong đó, mẫu thiết kế lớn nhất có diện tích làm việc và xét xử là 235m2, mẫu nhỏ nhất có diện tích làm việc và xét xử là 160m2 . Tất cả các mẫu thiết kế chỉ có một hội trường xét xử nhỏ, không cần dùng micro, loa đài, do vậy, một số Tòa án huyện hiện nay có nhu cầu thêm hội trường để mở liền hai phiên toà một lúc: phiên toà xét xử hình sự và phiên toà xét xử dân sự. Do mới được thành lập nên có 56/620 Tòa án cấp huyện vẫn chưa có trụ sở để hoạt động nên phải đi thuê hoặc sử dụng chung với các cơ quan khác ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động xét xử. Hơn nữa, do kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở chưa được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật, vì vậy trụ sở các Tòa án cấp huyện hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các Tòa án cấp huyện cần đầu tư cải tạo thì ở miền núi có 207 Toà, ở đồng bằng có 255 Toà, ở thành phố, thị xã có 67 Toà5.

Về trang thiết bị và phương tiện làm việc, trong thời gian qua, các Tòa án cấp huyện đã được trang bị một số phương tiện làm việc thiết yếu như máy đánh chữ, bàn ghế làm việc, phần lớn các Tòa án đã được cấp xe máy, một số Tòa án quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã được cấp máy vi tính và máy phôtô...Song nhìn chung, trang thiết bị của các Tòa án cấp huyện hiện nay vừa thiếu vừa lạc hậu, chậm được đổi mới đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Do việc đầu tư trang bị không được đầy đủ, đồng bộ do vậy các cán bộ làm công tác xét xử không có điều kiện truy cập, khai thác thông tin phục vụ cho công tác xét xử, công tác lưu trữ hồ sơ vụ án, công khai các bản án đã có hiệu lực pháp luật tạo điều kiện cho những ai quan tâm cần tìm thông tin từ những hồ sơ vụ án đã có hiệu lực pháp luật như hiện nay là rất khó khăn kể cả những cán bộ Tòa án. Nhiệm vụ của Tòa án là xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính, việc xét xử phải luôn luôn dựa vào các quy định của pháp luật, trong khi pháp luật nước ta hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy hàng năm có rất nhiều văn bản luật và dưới luật được ban hành. Nếu như người cán bộ tòa án không kịp thời tìm hiểu, nghiên cứu những văn bản pháp luật mới thì sẽ không đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Biện pháp tốt nhất là tìm hiểu qua hệ thống mạng cơ sở văn bản pháp luật quốc gia, nhưng trước hết phải có máy tính và cán bộ có kiến thức về vi tính. Ngoài hệ thống vi tính cần phải được nối mạng có như vậy sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý điều hành chung như hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản mới, yêu cầu về báo cáo thống kê. Ngoài ra hầu hết các Tòa án cấp huyện hiện nay chưa được trang bị hệ thống loa đài, Amply, chính vì vậy ảnh hưỏng đến hoạt động xét xử, nhất là khi xét xử lưu động hoặc xét xử những vụ án có đông người tham dự.

Ngoài ra, các cơ sở vật chất khác như bàn ghế, tủ làm việc, tài liệu sách báo phục vụ công tác nghiên cứu...chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án hiện nay. Hiện tượng chung bàn, tủ làm việc là khá phổ biến, thậm chí ngay cả ở một số Tòa án quận.

Với cơ sở vật chất như hiện nay, thì các Tòa án cấp huyện không đủ điều kiện vật chất để đảm bảo hiệu quả của hoạt động xét xử cũng như phục vụ nhiệm vụ tăng thẩm quyền của Tòa án trong tương lai.

b) Các yếu tố vật chất đảm bảo cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Hoạt động xét xử của Thẩm phán là loại hình lao động đặc thù, vì vậy ngoài chế độ chính sách của Nhà nước đối với công chức nói chung thì cũng cần một chế độ chính sách riêng thích hợp đối với Thẩm phán thì mới động viên, khích lệ các Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp yên tâm công tác. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành những chế độ đó thực sự còn quá khiêm tốn đối với những người làm công tác xét xử.

- Về chế độ lương: Từ năm 1993, Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới, hệ thống thang bảng lương của công chức nói chung cũng như của Thẩm phán Tòa án các cấp nói riêng có sự thay đổi căn bản. Về lý thuyết thì lương của Thẩm phán cao hơn ngạch lương hành chính tương đương, nhưng điều này chỉ đúng với Thẩm phán cấp tỉnh, Thẩm phán Tối cao, còn lương của Thẩm phán cấp huyện so với chuyên viên thì chỉ bằng hoặc chênh lệch không đáng kể (sau 10 năm hệ số lương của chuyên viên là 2,58 còn hệ số lương của Thẩm phán là 2,62), trong khi đó để trở thành Thẩm phán thì tiêu chuẩn cũng như các điều kiện, thủ tục bổ nhiệm khó khăn hơn nhiều.

Lương của Thẩm phán cấp huyện là như vậy, còn lương của Thư ký và cán bộ khác của Tòa án cũng như tình trạng chung như công chức Nhà nước nói chung. Sinh viên tốt nghiệp đại học luật ra trường nếu được tuyển dụng vào Tòa án, hưởng lương thư ký tập sự mã số ngạch 4 hệ số 1,82 hưởng 85% = 222.768 đồng/tháng. Theo Nghị định 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 thì đối với công chức loại A sau một năm (12 tháng) sẽ được hưởng mức lương là 262.080 đồng và cũng công chức loại A như vậy nếu được tuyển dụng vào (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự...thì lại được xếp lương chuyên viên mã số ngạch 01003 hệ số 1,86 hưởng 85% = 227.644 đồng và cũng sau 12 tháng được hưởng 100% hệ số 1,86 = 267.840 đồng. Với thu nhập như vậy bản thân Thư ký hoặc chuyên viên này không đủ nuôi sống bản thân mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm nay số lượng biên chế TAND địa phương và số lượng Thẩm phán không đủ theo số lượng được phân bổ vì không có nguồn cán bộ tốt nghiệp đại học để tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp Đại học luật không tha thiết xin vào làm việc tại Tòa án, đặc biệt là ở những địa phương phía nam, vùng sâu, vùng miền núi. Những năm gần đây, hiện tượng cán bộ Tòa án xin thôi việc vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn không còn là hiện tượng cá biệt (Trong 4 năm, từ 1997 đến 2000, có 481 cán bộ Tòa án xin thôi việc trong đó có 5 Thẩm phán cấp huyện, có trường hợp xin chuyển công tác khác nhưng không được tổ chức giải quyết đã bỏ việc chịu kỷ luật để được về quê sinh sống)6.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, Thẩm phán không được tham gia vào các dịch vụ kinh doanh... do vậy, với thu nhập như trên, đời sống cán bộ Tòa án càng khó khăn hơn. Một số người không vững vàng đã sa ngã, nhận hối lộ. Trong 4 năm qua có 98 cán bộ Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó có 35 Thẩm phán.

- Về chế độ bồi dưỡng phiên tòa đối với Thẩm phán.

Theo Quyết định số 154/TTg (12/3/1996) và Thông tư số 148/TT-LB ngày 09/4/1996 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thì mức bồi dưỡng phiên tòa áp dụng đối với Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là 15.000 đ/người/ngày và 10.000đ/người/ngày áp dụng đối với Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Cảnh sát bảo vệ phiên tòa, Cảnh sát dẫn giải bị can, bị cáo. Mặc dù mức tiền bồi dưỡng này chưa cao, nhưng đã phần nào giải quyết khó khăn về đời sống, động viên, khuyến khích những người trực tiếp tham gia xét xử tại phiên tòa.

Tuy nhiên, khi áp dụng mức bồi dưỡng phiên tòa thì đã nảy sinh một vấn đề bất cập là: Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các vụ án (dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động....). Thực tế có nhiều vụ phải hòa giải đi hòa giải lại nhiều lần, nếu vụ nào kết thúc bằng thủ tục hòa giải thành thì không phải đưa ra vụ án đó ra xét xử nữa. Bằng việc hòa giải này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ tốn kém kinh phí để mở phiên tòa xét xử. Mặt khác, xét từ góc độ chuyên môn thì hòa giải thành là một tiêu chí để đánh giá năng lực chuyên môn của Thẩm phán. Thông qua hòa giải thành các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên đương sự được giải quyết, song khi Thẩm phán tiến hành làm thủ tục hòa giải cho dù thành hay không thành thì cũng không được hưởng mức bồi dưỡng như đối với xét xử tại phiên tòa. Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét nhằm sửa đổi Thông tư 148/TT-LN ngày 09/4/1996 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng phiên tòa, song đến nay vẫn chưa được chấp nhận với lý do là không chỉ riêng Tòa án mới làm công tác hòa giải mà một số tổ chức, tổ chức chính trị xã hội khác cũng làm công tác hòa giải nhưng lại không được hưởng chế độ bồi dưỡng. Nhưng như đã phân tích ở trên, hòa giải tại Tòa án là thủ tục tố tụng đặc biệt và hòa giải thành ở Tòa án được coi như hoàn thành vụ án chứ không phải là sự hòa giải mang tính xã hội như giai đoạn trước đó.

2.4. Thực trạng về sự phối hợp giữa Tòa án nhân dân cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp.

Để thực hiện tốt chức năng xét xử, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án huyện mà cụ thể là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có mối quan hệ với rất nhiều cơ quan, cá nhân có liên quan đó là các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Trong thực tiễn có thể phân loại các mối quan hệ trên thành các nhóm sau đây:

+ Quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp. Đó là quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với Viện kiểm sát cùng cấp (nếu là trong tố tụng dân sự, kinh tế, hành chính, lao động) và với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp (nếu là trong tố tụng hình sự);

+ Quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Đó là quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với Tòa án cấp trên trực tiếp (Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), Tòa án nhân dân tối cao; với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và với Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

+ Quan hệ với các cơ quan bổ trợ tư pháp. Đó là quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với các Đoàn luật sư và các luật sư, bào chữa viên nhân dân, các cơ quan giám định và công chứng ...

Các mối quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng khác và các cơ quan bổ trợ tư pháp luôn mang tính phối hợp và chế ước và chúng có những vai trò khác nhau trong việc bảo đảm năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Vì vậy, việc làm rõ các mối quan hệ hiện nay, tìm ra nguyên nhân của nó cũng là vấn đề cần thiết để có các giải pháp giải quyết tốt các quan hệ này nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện trong thời gian tới.

a) Quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với cơ quan điều tra. Mối quan hệ này chủ yếu tồn tại trong lĩnh vực tố tụng hình sự và chúng có thể chia thành các quan hệ trong tố tụng và quan hệ ngoài tố tụng. Trong tố tụng hình sự quan hệ giữa Tòa án và cơ quan điều tra luôn thông qua một cơ quan trung gian là Viện kiểm sát. Chính vì vậy có thể nói quan hệ giữa cơ quan điều tra và Tòa án trong tố tụng hình sự mặc dù vẫn là quan hệ tố tụng nhưng là quan hệ gián tiếp. Theo quy định của Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự thì Tòa án được quyền ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, quyết định khởi tố của Tòa án được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra. Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, trong thời gian chuẩn bị xét xử Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được; khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác và khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Các điều 256, 259... BLTTHS đều chứa đựng những nội dung là khi có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có quyền huỷ bản án, quyết định sơ thẩm hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật để trả hồ sơ điều tra lại hoặc xét xử lại. Tuy nhiên, vì là cấp chỉ xét xử sơ thẩm nên Tòa án cấp huyện không có quyền này.

 

Như vậy, cơ quan điều tra chỉ có quan hệ tố tụng với Tòa án cấp huyện trong hai trường hợp: Điều tra vụ án hình sự do Tòa án đã khởi tố và điều tra bổ sung khi có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án. Trong cả hai trường hợp trên, tích cực và chất lượng điều tra của cơ quan điều tra có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng xét xử cũng như năng lực xét xử của Tòa án.

Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng: Luật Tố tụng hình sự nên bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án của Tòa án và trong khi xét xử nếu phát hiện thấy tội phạm mới hoặc ngưòi phạm tội mới mà xét thấy cần tách ra khỏi vụ án đang xét xử thì Hội đồng xét xử đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án còn nếu thấy cần nhập vào vụ án đang xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm tránh những thủ tục không cần thiết và thực tế Tòa án hầu như không sử dụng quyền này.

Trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải thực hiện những yêu cầu của Tòa án như thu thập thêm chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được, bổ sung hoặc thay đổi truy tố theo hướng nặng hơn... Thời hạn điều tra bổ sung là một tháng và sau thời hạn đó hồ sơ vụ án phải chuyển lại Tòa án để tiến hành xét xử.

Trong qua trình giải quyết các vụ án hình sự, chất lượng điều tra được xem như một bảo đảm quan trọng của chất lượng xét xử. Các tài liệu chứng cứ quan trọng về vụ án về cơ bản được thu thập trong qúa trình điều tra. Vì vậy muốn nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện không thể không nâng cao năng lực điều tra của cơ quan điều tra.Theo các quy định của pháp luật hiện hành (Bộ luật TTHS, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự) thì về cơ bản, các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án huyện do cơ quan điều tra cấp huyện đảm nhiệm, hãn hữu có một số vụ án cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy lên để tự điều tra hoặc kết hợp với cơ quan điều tra cấp huyện điều tra. Vì vậy, mặc dù theo Luật tố tụng hình sự hiện nay, Tòa án cấp huyện không tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án nhưng là một cơ quan trong khối nội chính Tòa án vẫn có những thông tin về các vụ án đặc biệt là các vụ án điểm, vụ án phức tạp. Để Toà án nắm được các thông tin về các vụ án đặc biệt là các vụ án điểm, vụ án phức tạp ngay trong giai đoạn điều tra, thiết nghĩ cũng cần củng cố mối quan hệ ngoài tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp là Tòa án, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp huyện. Giữa các cơ quan này cần có sự trao đổi thông tin về vụ án, thiết lập chế độ giao ban liên ngành, họp liên ngành đột xuất tạo điều kiện cho từng ngành thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách có hiệu quả.

Mối quan hệ giữa Tòa án huyện và Viện kiểm sát cấp huyện và Viện kiểm sát cấp trên.

Mối quan hệ này tồn tại trong tất cả các hình thức tố tụng gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động và tố tụng hành chính. Trong bất kì hình thức nào trên đây thì mối quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện vừa mang tính phối hợp lại vừa mang tính chế ước. Tính phối hợp trong quan hệ giữa hai cơ quan này thể hiện ở chỗ trong phạm vi thẩm quyền của mình, mỗi cơ quan đều thực hiện các hành vi tố tụng khác nhau hướng tới mục đích giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan. Hai cơ quan này đều có quyền yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ khi thấy chứng cứ về vụ án chưa đầy đủ, rõ ràng (trong tố tụng hình sự) hoặc tự mình thu thập chứng cứ và yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ (trong các hình thức tố tụng khác). Tính chế ước trong quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện thể hiện ở chỗ Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong khi xét xử để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm từ phía Tòa án như xét xử không đúng thẩm quyền, không bảo đảm sự tham gia phiên toà của những người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ không đúng dẫn tới quyết định hoặc bản án trái pháp luật hoặc vi phạm quyền lợi của nhà nước và công dân. Khi thực hiện nhiệm vụ Viện kiểm sát ngang cấp và Viện kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị các quyết định và bản án của Tòa án huyện. Ngoài ra, tính chế ước còn thể hiện trong các quyết định của Tòa án: Tòa án có quyền không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, bác bỏ các chứng cứ và tài liệu do Viện kiểm sát đưa ra, quyết định không đúng với kết luận của Viện kiểm sát về vụ án.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện nói riêng, chúng tôi thấy quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan này trong tố tụng là rất tốt nhưng quan hệ chế ước giữa chúng lại là vấn đề cần bàn. Xuất phát từ tư duy cho rằng đều là cơ quan tiến hành tố tụng (trong một vụ án cụ thể), cơ quan trong khối nội chính, sinh hoạt Đảng trong một Đảng bộ... nên một số Kiểm sát viên và Thẩm phán ngại va chạm với nhau. Không phải không có những trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thấy cơ quan điều tra còn bỏ lọt người, lọt tội hoặc thậm chí khởi tố, điều tra cả những người vi phạm hành chính và vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (kinh tế hay dân sự), Tòa án xét xử quá nhẹ... nhưng Viện kiểm sát đã không kháng nghị. Có những trường hợp Kiểm sát viên quá ỉ lại vào Điều tra viên còn Thẩm phán cũng "quá tin tưởng" và ỉ lại vào Kiểm sát viên và nếu việc làm của Điều tra viên là đúng thì không có vấn đề gì còn trong trường hợp ngược lại Điều tra viên làm sai sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường là dư luận sẽ cho rằng Tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra vào hùa làm trái pháp luật. Ngược lại, cũng có những trường hợp vì bảo thủ, vì bảo vệ quan điểm cá nhân đến cùng nên trong không ít vụ án cơ quan điều tra đã đúng nhưng Viện kiểm sát lại làm khác hoặc Viện kiểm sát truy tố hoặc kết luận đúng nhưng Tòa án quyết định khác hoặc ngược lại. "Mâu thuẫn" này chỉ được giải quyết bởi một quyết định, bản án của cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm và như vậy, rõ ràng "mâu thuẫn" hay sự tranh chấp quan điểm kiểu nêu trên hoàn toàn không nên có vì chúng đã làm phức tạp thêm quá trình tố tụng gây lãng phí sức người, sức của của xã hội.

Từ sự phân tích trên đây chúng tôi cho rằng, để tăng cường năng lực xét xử của Tòa án huyện cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ chế ước giữa Viện kiểm sát và Tòa án theo hướng Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động điều tra và hoạt động xét xử nhằm ngăn chặn, khắc phục những sai lầm trong khâu điều tra, thu thập chứng cứ về vụ án, xác định thẩm quyền xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và Tòa án phải độc lập trong việc đánh giá các chứng cứ, ra các quyết định khác nhau và ra bản án, không ỉ lại vào các đề nghị, yêu cầu và kết luận của Viện kiểm sát.

c) Quan hệ giữa Tòa án huyện và Tòa án cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân tối cao.

Trong thực tế giữa các cơ quan này tồn tại hai loại quan hệ: Quan hệ hành chính và quan hệ tố tụng. Quan hệ hành chính giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới không rộng bằng quan hệ hành chính giữa cấp trên và cấp dưới ở các ngành khác bởi ở đây không có quan hệ mệnh lệnh và quan hệ phục tùng.

Tòa án cấp trên tổng kết công tác xét xử mà đề ra đường lối xét xử chứ không được quyền chỉ đạo cấp dưới xét xử theo tội danh, mức án hoặc các quyết định đã định trước. Tuy nhiên, năng lực xét xử của Tòa án huyện phụ thuộc rất nhiều vào các quan điểm, đường lối chỉ đạo công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao trong các Báo cáo tổng kết hàng năm của ngành, trong các Thông tư hướng dẫn, Nghị quyết của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán. ở nước ta, chưa có quy định khi xét xử Tòa án có thể được áp dụng án lệ. Tuy nhiên, trong thực tế kết quả xét xử các vụ án trước đặc biệt là các vụ án do Hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử có ảnh hưởng rất lớn tới việc xét xử của Tòa án cấp dưới trong những trường hợp xét xử các vụ án tương tự. Chính vì vậy, để các Thẩm phán Tòa án cấp huyện có điều kiện tiếp xúc với các quan điểm, đánh giá, kết luận của Tòa án nhân dân tối cao - cơ quan hướng dẫn đường lối xét xử của ngành tòa án, theo chúng tôi Tòa án nhân dân tối cao cần kịp thời biên soạn các tài liệu gửi tới cấp cơ sở là Tòa án huyện trong đó ngoài các Thông tư hướng dẫn, Nghị quyết của Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán cần có cả các bản án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong tất cả các hình thức tố tụng, pháp luật đều quy định Tòa án cấp trên trực tiếp có thể lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới nếu thấy cần thiết. Chính có quy định này nên hàng năm một số vụ án các loại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án huyện đã được xét xử ở Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định của Luật cũng như thực tiễn nói trên xét từ một phía đã khắc phục được tình trạng xét xử không đúng nhưng xét từ phía khác nó lại làm cho các Thẩm phán Tòa án cấp huyện không được "thử sức" trong những việc phức tạp nên càng ngày càng ỉ lại cấp trên hơn và năng lực xét xử không thể nâng cao được. Theo quan điểm của chúng tôi, Tòa án cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện trong những trường hợp đặc biệt. Mạnh dạn để Tòa án cấp huyện tự lực, độc lập xét xử các vụ án phức tạp đó còn trong trường hợp có sai sót thì Tòa án tỉnh có thể xét xử lại theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong những bản án này sẽ có giá trị như bài học về chuyên môn, nghiệp vụ giúp Thẩm phán cấp huyện nói chung và Thẩm phán đã xét xử sơ thẩm vụ án nói riêng rất thấm thía và rút kinh nghiệm. Tất cả những việc làm trên rất đơn giản nhưng lại có tác dụng từng bước nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện trong tương lai.

Quan hệ giữa Tòa án huyện với các cơ quan bổ trợ tư pháp.

 

ở nước ta các cơ quan bổ trợ tư pháp được thành lập tương đối sớm. Ngày 10/10/1945 Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh quy định tổ chức các đoàn thể luật sư, sau đó được thay thế bằng Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 và nay là Pháp lệnh luật sư năm 2001. Hoạt động công chứng được tiến hành trên cơ sở của các quy định trong Sắc lệnh số 59 ngày 15/11/1945 ấn định thể lệ thị thực giấy tờ, Nghị định số 31 ngày 18/5/1996 và hiện nay Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực. Công tác giám định tư pháp được tiến hành theo quy định của Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1998.

Trong thời gian qua, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp nói trên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện cũng cần tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa chúng với Tòa án huyện cũng như tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực công tác của các thành viên thuộc các cơ quan đó.

Hiện nay, trong quá trình giải quyết các vụ án khác nhau, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp mang tính thụ động. Các công việc do nhân viên của các cơ quan này thực hiện đều trên cơ sở quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có Tòa án) hoặc của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Trong một số vụ án, do nhu cầu thu thập chứng cứ cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác nhau, pháp luật quy định bắt buộc phải có sự tham gia trực tiếp hoặc kết luận chuyên môn của các cơ quan bổ trợ tư pháp. Thí dụ, đối với các vụ án gây thương tích, gây chết người (tai nạn giao thông, chết người, bức tử...) chiếm đoạt tài sản, các vụ án về ma tuý, các vụ án kinh tế hoặc các vụ án về những tội phạm liên quan tới kĩ thuật chuyên ngành v.v kết luận giám định được coi là một tài liệu bắt buộc; trong các vụ án mà bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần; các vụ án về những tội phạm có khung hình phạt quy định trong luật cao nhất đến chung thân hoặc tử hình sự tham gia của luật sư - người bào chữa là bắt buộc; trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính rất nhiều tài liệu muốn được coi là hợp pháp và là chứng cứ thì phải có sự xác nhận của cơ quan công chứng nhà nước. Chính vì lẽ trên mà có thể nói rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như một yếu tố quan trọng bảo đảm cho Tòa án cấp huyện thực hiện được chức năng xét xử cũng như nâng cao năng lực xét xử của mình. Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, về cơ bản ở nước ta hiện nay, ở địa bàn huyện chưa có tổ chức luật sư, giám định hoặc công chứng nhà nước. Số lượng đoàn luật sư hiện nay kể cả kiêm nhiệm cũng chưa đáp ứng cho việc tham gia phiên toà về các vụ án khác nhau ở cấp tỉnh, thành phố chứ chưa nói tới đáp ứng cho việc tham gia tố tụng về các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện (quận). Khi mà trình độ nghiệp vụ của các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ở Tòa án cấp huyện còn yếu lại không có ý kiến "đối trọng" của các luật sư, tất yếu dẫn tới công tác xét xử đạt hiệu quả không cao và tất yếu trong tình trạng như vậy không thể nói tới việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Cũng như tổ chức luật sư, tổ chức giám định tư pháp hiện mới tổ chức ở cấp tỉnh trở lên và hiện cũng mới tồn tại một số tổ chức giám định chuyên trách về một vài lĩnh vực nào đó. Vấn đề đánh giá giá trị pháp lí của các kết luận giám định trong tố tụng, ngoài tố tụng của tổ chức giám định chuyên trách hay của tổ chức giám định không chuyên trách, của cấp dưới, cấp trên hiện chưa có một văn bản pháp luật nào quy định. Chính điều này đã tạo ra những kẽ hở và nó là nguyên nhân dẫn tới nhiều tiêu cực trong lĩnh vực giám định; gây khó khăn cho việc đánh giá các chứng cứ của Tòa án khi xét xử. Mặt khác, vì xa cơ quan công chứng nhà nước nên các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nếu cần có sự xác nhận hoặc chứng thực thì về cơ bản dựa vào sự xác nhận hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn trong khi nhiều người thuộc các cơ quan này vì nể nang hoặc có tiêu cực khi xác nhận hoặc chứng thực dẫn tới hồ sơ vụ án sai lệch và hậu quả là phán quyết của Tòa án không phù hợp với bản chất của sự việc, hiện tượng này đã diễn ra trong thực tiễn.

2.5. Cơ chế về pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện để thích ứng với những thay đổi cải cách đang diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó chắc chắn có những vấn đề có thể còn rất mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Ngay cả một số vấn đề tuy đã được điều chỉnh bởi pháp luật những vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể và đồng bộ. Mặt khác, một số quy phạm pháp luật được xây dựng chưa chuẩn, chưa sát với thực tế, hoặc tự thân các quy phạm đó chứa đựng những mâu thuẫn có thể gây ra những cách hiểu khác nhau, trong khi đó việc giải thích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn bị bỏ ngỏ. Ngay cả những quy định về bộ máy và các quy định tố tụng hiện nay liên quan tới hoạt động xét xử cũng chưa được hướng dẫn cụ thể, thống nhất.

a) Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Theo quy định của pháp luật hiện hành thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm hiện nay gồm:

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình thành phần Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử chiếm đa số.

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án tranh chấp kinh tế thành viên là Thẩm phán chiếm đa số trong Hội đồng xét xử.

Chế định Hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử là cần thiết, nhưng chiếm đa số trong hội đồng xét xử là chưa phù hợp. Với ý nghĩa là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử, do đó Hội thẩm nhân dân không phải là những người hoạt động chuyên trách. Thành phần Hội thẩm nhân dân đa dạng bao gồm cán bộ, công chức nhà nước đang công tác, cán bộ đã nghỉ hưu, những người tham gia ở những hội nghề nghiệp, tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp...cho nên hầu hết các Hội thẩm nhân dân không được đào tạo chuyên môn pháp luật, việc bồi dưỡng pháp luật cũng bị hạn chế. Cũng chính vì không có trình độ chuyên môn nên xảy ra trường hợp người Hội thẩm nhân dân thường có tâm lý "buông xuôi", tuỳ theo nhận định, quyết định của Thẩm phán và như vậy, việc tham gia Hội đồng xét xử không phát huy được ý nghĩa của nó. Ngoài ra, với nguyên tắc biểu quyết theo đa số thì trong nhiều trường hợp, đa số đó có thể thuộc về những người ít uyên thâm về pháp luật và nghề nghiệp xét xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ huỷ, sửa án còn cao.

b) Về thẩm quyền xét xử:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện về hình sự đối với các khung hình phạt có mức án cao nhất là 7 năm tù, trừ các tội về an ninh quốc gia. Về dân sự và hôn nhân gia đình Tòa án cấp huyện được xét xử tất cả các loại án trừ những vụ án có yếu tố nước ngoài. Về án kinh tế, Tòa án cấp huyện được xét xử những vụ án có giá trị tranh chấp không quá 50 triệu đồng. Về án hành chính và lao động xét xử theo thẩm quyền. Nhìn chung các Tòa án cấp huyện hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết án hình sư, dân sự, án hôn nhân, gia đình là chính. Kể cả án hình sự, dân sự và hôn nhân, gia đình, nhiều Tòa án cấp huyện ở một số tỉnh trong cả một năm cũng thụ lý, giải quyết rất ít.

Sự phân định thẩm quyền xét xử nói chung và xét xử sơ thẩm hình sự nói riêng giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh hiện nay là chưa hợp lý. Sự phân định thẩm quyền hiện nay xuất phát từ điều kiện kinh tế-xã hội, năng lực trình độ cán bộ, cơ sở vật chất...của hơn mười năm trước. Nhưng cho đến nay, khi điều kiện kinh tế, xã hội đã có những bước phát triển mới, Nhà nước ta đã và đang tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống pháp luật...vì vậy những quy định về thẩm quyền hiện nay không còn phù hợp.

+ Về hình sự: Theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân cấp huyện được xử những tội mà Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt không quá 7 năm tù (trừ một số trường hợp khác). Đối chiếu với BLHS chúng ta thấy, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử 346/672 khung hình phạt, chiếm tỉ lệ 51%. Vì vậy số lượng án hình sự sơ thẩm giải quyết ở cấp tỉnh là khá lớn. Trong khi đó, Tòa án cấp tỉnh còn phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, hành chính và lao động khác. Kéo theo đó là việc dồn án phúc thẩm lên Tòa án tối cao, làm ảnh hưởng đến công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao.

- Việc phân định thẩm quyền xét xử trong các vụ án khác cũng thể hiện sự không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay. Chẳng hạn như về thẩm quyền giải quyết vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài" (khoản 1 điều 13)..Tuy nhiên, một thực tế là những tranh chấp có giá trị dưới 50 triệu đồng thường là những tranh chấp hợp đồng nhỏ, rất ít gặp trong các quan hệ kinh tế và nếu có phát sinh các bên đương sự cũng sẽ hoà giải thoả thuận với nhau về các vấn đề tranh chấp. Mặt khác, với giá trị nhỏ như vậy, các doanh nghiệp rất ngại kiện ra toà vì lý do mặc cảm và mất uy tín trên thương trường. Do đó, các Tòa án cấp huyện hầu như không có vụ việc giải quyết7 Trong khi đó, nhà nước vẫn phải bổ sung biên chế, trả lương và các chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác này ở các Tòa án cấp huyện là bất cập không phù hợp với cải cách tư pháp hiện nay.

c) Thủ tục tố tụng hình sự

 

Qua thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự hiện nay, chúng tôi thấy thực trạng thực hiện pháp luật còn có những điểm bất cập, thể hiện như số lượng vụ án hình sự ngày càng gia tăng nhất là ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ chí Minh...dẫn đến án tồn đọng nhiều, các trại tạm giam đều bị quá tải bởi số lượng bị can, bị cáo đang bị tạm giam chờ xử lý quá đông, sự vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giữ, tạm giam... từ phía các cơ quan pháp luật có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn ở thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2000 còn có 247 vụ án đã quá thời hạn xét xử nhưng chưa xét xử được. Riêng đối với cấp phúc thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao thì số vụ án còn lại tương đối lớn: 1526 vụ với 3.623 bị cáo8. Thực tế, có nhiều vụ án hình sự đơn giản, sự việc phạm tội quả tang, rõ ràng, chứng cứ đã đầy đủ, tội đã phạm không lớn lắm, để vừa tránh mất nhiều thời gian vừa xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác vụ án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tiết kiệm tiền của cho Nhà nước, chúng tôi thiết nghĩ đối với các vụ án này không cần thiết phải tiến hành đầy đủ các bước, các khâu, làm đầy đủ các thủ tục như Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định, mà nên giản lược một số thủ tục cũng như rút gọn thời hạn của các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Mặt khác, hiện nay đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật ở nước ta đã được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã nâng cao, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho hoạt động tố tụng của các cơ quan pháp luật ngày càng được tăng cường. Đây cũng là những điều kiện hết sức thuận lợi đáp ứng cho việc xử lý nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo chất lượng cho các vụ án. Hơn nữa chúng ta đã có một số kinh nghiệm trong việc áp dụng thủ tục này. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và trên thực tế nó cũng đã được áp dụng. Ngày 8/7/1974 Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 10/TANDTC quy định về thủ tục rút gọn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng, trong đó xác định rõ những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào có thể áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào không được áp dụng và những nét chung về thủ tục tố tụng trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn. Sau đó ngày17/8/1974 Bộ Công an ra Chỉ thị số 954/CP về áp dụng thủ tục rút gọn, trong đó xác định các tiêu chuẩn và loại tội có thể điều tra theo thủ tục rút gọn, những trường hợp không áp dụng thủ tục rút gọn và thẩm quyền cũng như thủ tục điều tra vụ án theo thủ tục rút gọn.

Từ thực trạng và việc tổ chức thực hiện pháp luật như trên, theo chúng tôi cần quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thủ tục và trình tự rút gọn nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số lượng lớn các loại án hình sự đơn giản, rõ ràng, không cần thiết phải thông qua các thủ tục như đối với các vụ án phức tạp.

đ) Về các quy định về nghi thức tại phiên toà:

Hoạt động xét xử không chỉ đảm bảo đúng người, đúng tội, hợp tình, hợp lý, tuân thủ các quy định về tố tụng mà luật tố tụng quy định mà trên thực tế xét xử, các Tòa án phải làm tốt công tác tổ chức nghi thức trong phiên toà nhằm thể hiện tính nghiêm minh, bảo đảm duy trì trật tự để việc xét xử đạt hiệu quả cao.

Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành chúng tôi thấy các quy định hiện hành mới chỉ tập trung quy định việc điều khiển, duy trì trật tự, việc tổ chức, bảo vệ và xử lý vi phạm trật tự tại phiên toà mà chưa có qui định về nghi thức tại phiên toà, chẳng hạn như các quy định về vị trí những người tham gia tố tụng, cách trang trí phòng xử án, trang phục Hội đồng xét xử, cách xưng hộ tại phiên toà…

Việc thực hiện các nghi thức tại các toà ở cấp trung ương, cấp tỉnh nhìn chung đảm bảo tính uy nghiêm của Nhà nước, tuy nhiên, tại phiên toà cấp huyện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, thể hiện sự quyền uy, trang nghiêm của hoạt động xét xử. Có trường hợp, khi chủ toạ bắt bị cáo đứng vào vành móng ngựa thì y không chịu và y lập luận là"đứng vào đó coi như là có tội rồi", mà y thì không nhận tội. Giải thích, thuyết phục thì y cãi cùn "văn bản pháp luật nào quy định bị cáo phải đứng vào vành móng ngựa". Lại có trường hợp, bị cáo nhất định không nghe lời giải thích của chủ toạ phiên toà phải "Thưa Hội đồng xét xử" hoặc thưa quý toà mà y cứ ‘Thưa ông" "Thưa bà", "Thưa anh"… và lập luận rằng ai hỏi thì tôi trả lời, người đó vào đáng tuổi nào thì tôi xưng hô như vậy. Tất nhiên, những trường hợp đó chỉ chiếm số ít, nhưng cái mắc phổ biến hiện nay là nếu không được giải thích, người tham gia tố tụng vẫn lúng túng trong việc xưng hô, còn cán bộ xét xử nếu tuỳ tiện trong cách xưng hô sẽ mất tính uy nghiêm của nhà nước trong hoạt động xét xử…

Từ thực trạng trên cho thấy, cần phải có một chế định pháp lý quy định cụ thể về các nghi lễ tại phiên toà để đảm bảo cho hoạt động xét xử thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động của Tòa án nói riêng, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân. Đó là những hoạt động cần thiết nhằm tăng cường việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

2.6. Thực hiện đúng sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Tòa án để tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện.

Trong hơn 55 năm xây dựng và phát triển của ngành Tòa án nhân dân nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng đã đạt được nhiều thành công nhất định đóng góp một quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Có được những thành công đó, ngoài sự phấn đấu của ngành Tòa án vai trò quan trọng là sự lãnh đạo của Đảng.

Trải qua hàng chục năm lãnh đạo ngành Tòa án, Đảng cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý, tuy nhiên cũng còn một số tồn tại lệch lạc thể hiện như sau:

- Cấp uỷ can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của Tòa án, cách làm này làm cho cán bộ Tòa án thói quen ỉ lại, dựa dẫm cấp uỷ, vi phạm nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc độc lập xét xử, sự công bằng xã hội. Mặt khác do cấp uỷ không phải lúc nào cũng cho ý kiến ngay được, dẫn đến việc xét xử bị chậm, vi phạm thời hạn tố tụng

- ở một số địa phương cấp uỷ coi nhẹ vai trò của Tòa án, buông lỏng lãnh đạo. Tòa án không được sự quan tâm đúng mức và tạo điều kiện về cơ sở, vật chất và sự hỗ trợ cần thiết của các cấp, các ngành địa phương.

- ở một số địa phương, có người cho rằng tăng cường cho Tòa án là đưa cán bộ ngành khác (tuy có học đại học tại chức luật) không có nghiệp vụ, kinh nghiệm chuyên môn sang để bổ nhiệm Thẩm phán hoặc đưa "đồng chí cấp uỷ" sang làm Chánh án, mà không chú ý đào tạo, bồi dưỡng đưa Chánh án trong ngành Tòa án vào cơ cấu cấp uỷ.

- Đối với quan hệ giữa Tòa án với cấp uỷ cũng có một số tồn tại: Có Tòa án quá ỉ lại cấp uỷ, sợ trách nhiệm do đó việc gì cũng xin ý kiến cấp uỷ, ngại đấu tranh, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Những sai lệch trên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Tòa án cấp huyện vì vậy cần phải được xem xét nghiêm túc và rút ra được những kinh nghiệm cụ thể, để đảm bảo hiệu quả công tác lãnh đạo Tòa án cấp huyện của các cấp uỷ đảng địa phương.

 

Chương III

Các giải pháp và kiến nghị nhằm

tăng cường năng lực xét xử của tòa án cấp huyện

 

I. Các giải pháp nhằm tăng cường năng lực xét xử của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường năng lực xét xử của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện, vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào sự tự học hỏi, cố gắng rèn luyện, phấn đấu của mỗi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân mà còn đòi hỏi từ phía các cơ quan quản lý phải có phương hướng, kế hoạch chiến lược, xây dựng, phát triển đội ngũ những người làm công tác xét xử trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Xét về góc độ quản lý, để năng cao năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân Tòa án cấp huyện cần phải tiến hành các giải pháp cụ thể sau đây:

1.1. Thực hiện chặt chẽ việc tiêu chuẩn hoá Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân năm 1993 đồng thời từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với Thẩm phán chuyên nghiệp.

Trước khi ban hành Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, việc tiêu chuẩn hoá những người làm công tác xét xử nói chung và cấp huyện nói riêng chưa được chú trọng đúng mức, nên đã dẫn đến những khó khăn và tồn tại mà hiện nay chúng ta đang phải khắc phục trong quá trình xây dựng đội ngũ Thẩm phán và Tòa án cấp huyện. Thực tế đó được chứng minh là có gần một nửa số Thẩm phán Tòa án cấp huyện đương nhiệm trong suốt hai nhiệm kỳ Thẩm phán vừa qua vừa phải làm vừa phải học chương trình đại học luật tại chức hoặc luân huấn pháp lý để trả nợ tiêu chuẩn về trình độ pháp lý theo quy định của pháp luật. Với thực trạng như vậy thì việc có những bản án, quyết định không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn để xẩy ra những trường hợp oan, sai, khiếu kiện kéo dài, làm cho người dân chưa thật sự an tâm với hoạt động xét xử của Tòa án cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, phải tiêu chuẩn hoá đội ngũ Thẩm phán mới có cơ sở để tuyển chọn được những người có đủ tài, đức làm công tác xét xử.

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề về trình độ đào tạo được đặc biệt coi trọng trong việc xác định tiêu chuẩn Thẩm phán. Khoản 1 Điều 37 Lụât tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định: Thẩm phán phải có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử. Với quy định đó đòi hỏi sắp tới phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân năm 1993 cho phù hợp. Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn của Thẩm phán như các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, quốc tịch, thời gian công tác, sức khoẻ, thì về trình độ một người muốn được bổ nhiệm Thẩm phán phải có bằng cử nhân luật và chứng chỉ nghề nghiệp. Quy định đó đòi hỏi ngành Tòa án cần phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài về nâng cao trình độ của đội ngũ Thẩm phán.

Biện pháp cụ thể trước mắt những người đã được bổ nhiệm Thẩm phán nhưng chưa có trình độ cử nhân luật thì bố trí và tạo điều kiện cho họ đi học Đại học luật.

Ngược lại, đối với những người đã có bằng cử nhân luật nhưng chưa có chứng chỉ nghề nghiệp thì Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc đào tạo các chức danh tư pháp (theo quy định mới tại Điều 17 Luật tổ chức Tòa án nhân nhân năm 2002 thì Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương). Nhằm thống nhất kế hoạch đào tạo theo các chức danh pháp lý như Thẩm phán, Thư ký với mục đích tạo nguồn cán bộ để khi bổ nhiệm Thẩm phán lần đầu có đầy đủ tiêu chuẩn như pháp luật đã quy định.

Đồng thời, theo tiêu chuẩn như trên thì việc tuyển chọn người bổ sung cho nguồn cán bộ Tòa án hiện nay về trình độ phải có bằng cử nhân luật kể cả những người là chuyên viên hay thư ký. Ngoài ra trong quá trình tuyển chọn sắp xếp bố trí Thẩm phán cũng cần chú trọng đến lĩnh vực đào tạo theo các chuyên ngành: Hình sự, Kinh tế, Hành chính, Lao động....Để họ có điều kiện phát huy hết khả năng kiến thức học tập của mình. Tuy nhiên, trong tình hình thực tiễn nhân sự hiện nay ở nhiều Tòa án cấp huyện còn có những bất cập nhất định, cho nên khi áp dụng nguyên tắc đối với những người đang công tác cần phải được xem xét từng trường hợp cụ thể, từng địa phương cụ thể, ở những nơi mà nguồn nhân sự Thẩm phán cấp huyện đang thiếu thì trước mắt không thể đáp ứng được yêu cầu này.

1.2. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của Tòa án cấp huyện.

Việc bồi dưỡng nâng cao năng lực xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cấp huyện nói riêng là một việc làm cần thiết không thể thiếu được và phải tiến hành thường xuyên. Vấn đề này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra là cho dù một Thẩm phán khi đã được bổ nhiệm, Hội thẩm nhân dân khi đã được cử hoặc bầu có đầy đủ tiêu chuẩn, nhưng nếu không được thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn thì không thể đảm đương được nhiệm vụ.

Hiện nay, việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do trường cán bộ Tòa án đảm nhiệm, nhưng việc này lại không được tiến hành thường xuyên mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan, có nơi được bồi dưỡng nhiều, có nơi lại không được bồi dưỡng lần nào. Chương trình, nội dung, kế hoạch bồi dưỡng còn thụ động, đội ngũ giáo viên vừa yếu vừa phải kiêm chức, vì vậy còn có những hạn chế nhất định.

Để đảm bảo cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nói chung và cho cấp huyện nói riêng có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực xét xử hiện nay, đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao phải kiện toàn, củng cố lại trường cán bộ Tòa án, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực xét xử, lựa chọn những giáo viên giỏi có trách nhiệm để tham gia giảng dạy.

Đối với Thẩm phán sau khi đã được bổ nhiệm được phân công xét xử thuộc lĩnh vực nào thì cần phải được tập huấn về kỹ năng xét xử thuộc lĩnh vực đó với thời gian từ 20 ngày đến 1 tháng. Khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành hoặc được sửa đổi bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà Tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch tập huấn ngắn ngày, dài ngày, tập trung theo từng vùng, từng miền với mục đích là đảm bảo cho đội ngũ Thẩm phán cấp huyện có điều kiện thuận lợi để tham gia. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng phải xây dựng kế hoạch ổn định để đảm bảo chương trình tập huấn định kỳ, sao cho mỗi Thẩm phán trong một nhiệm kỳ tham gia tập huấn được khoảng 2 đến 3 tháng.

Đối với Hội thẩm nhân dân việc tập trung để bồi dưỡng nghiệp vụ gặp rất nhiều khó khăn, do đó càng cần phải được quan tâm chú trọng hơn. Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chúng ta nên tổ chức thành lớp riêng và thời gian chỉ trong khoảng một tuần. Nội dung, chương trình bồi dưỡng cho Hội thẩm nhân dân chủ yếu là các văn bản pháp luật mới, văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành. Vì điều kiện thời gian tập huấn, bồi dưỡng cho Hội thẩm thường có hạn, vì vậy cần cung cấp thêm tài liệu cho họ tự nghiên cứu nhằm đảm bảo cho họ thực hiện được nguyên tắc khi tham gia xét xử "Độc lập chỉ tuân theo pháp luật". Mặt khác, Hội đồng nhân dân cùng cấp phải lựa chọn bầu những Hội thẩm nhân dân có đủ sức khoẻ, nhiệt tình công tác, có kiến thức và am hiểu pháp luật và lĩnh vực mà mình đảm nhận cùng là một trong những điều kiện quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho Hội thẩm tham gia xét xử.

Đối với Thư ký Tòa án: Thư ký Tòa án là nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán. Tại phiên toà thư ký cũng là người tiến hành tố tụng, chịu trách nhiệm ghi chép lại toàn bộ diễn biến của phiên toà và thực hiện một số hành vi tố tụng khác. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần phải thường mở lớp đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng hồ sơ, phương pháp ghi biên bản tại phiên toà và quán triệt các văn bản pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật mới được ban hành liên quan đến công tác thư ký, nhằm đảm bảo cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài việc được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ các Thẩm phán, thư ký còn phải được đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp hoặc trung cấp; các kiến thức về quản lý hành chính, kiến thức về vi tính, ngoại ngữ; nhằm đảo bảo cho họ vừa có năng lực xét xử chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt vừa có năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động của đơn vị .

1.3. Ban hành quy chế về đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán.

Đạo đức, lương tâm nghề nghiệp luôn luôn là một tiêu chuẩn quan trọng của Thẩm phán. Chính vì vậy, mà cơ quan có thẩm quyền cần phải ban hành quy chế để quy định vấn đề này. Quy chế về đạo đức nghề nghiệp không chỉ đề ra các chuẩn mực về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp của Thẩm phán mà còn phải có quy định đối với các hành vi giao tiếp, ứng xử của Thẩm phán trong công tác cũng như trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là tác phong, thái độ của Thẩm phán trong khi tiếp xúc với nhân dân, với đương sự và những người tham gia tố tụng trong mỗi vụ án; bản lĩnh nghề nghiệp, những việc mà Thẩm phán được làm hoặc không được làm để phòng tránh việc giải quyết không vô tư, khách quan các vụ án hoặc các vi phạm pháp luật cũng là những vấn đề cần được đề cập và làm rõ trong quy chế này.

II. Các giải pháp về cơ cấu bộ máy và tổ chức phân công lao động trong Tòa án cấp huyện.

Hiện nay theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, công tác quản lý các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhận.

Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự khu vực và tương đương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Chính vì vậy mà từ nay cho đến năm 2005 Tòa án nhân dân tối cao cần có một kế hoạch cụ thể bổ sung biên chế cho Tòa án cấp huyện từ 500 - 700 người như phần thực trạng đã nêu. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thông qua Hội đồng tuyển chọn cần nhanh chóng bổ nhiệm khoảng 700 Thẩm phán. Đây là số lượng Thẩm phán hiện tại đang thiếu mà đã được đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiều lần trình bày trước Quốc hội. Việc bổ sung biên chế và bổ nhiệm Thẩm phán trước mắt phải đảm bảo cho một Tòa án cấp huyện ngoài lãnh đạo còn phải có ít nhất là 3 Thẩm phán, hai Thư ký và Chuyên viên giúp việc, cán bộ văn phòng. Đối với các Tòa án quận, thành phố thuộc tỉnh, tuỳ theo số lượng vụ việc, tính chất công việc phải giải quyết biên chế cho phù hợp. Việc tăng biên chế, bổ nhiệm Thẩm phán là xuất phát từ yêu cầu để đảm bảo được hoạt động bình thường của Tòa án cấp huyện và yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay.

Cần phải thành lập bộ phận văn phòng trong bộ máy của Tòa án cấp huyện để hổ trợ cho công tác xét xử. ở những Tòa án huyện hàng năm có số lượng án phải giải quyết ít thì bố trí một cán bộ làm công tác văn phòng. Còn ở những Tòa án quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có số lượng án giải quyết nhiều thì cần phải thành lập bộ phận văn phòng từ 3 - 4 biên chế không kể bảo vệ và tạp vụ, trong đó có một văn thư, một kế toán, một đến hai đánh máy.

Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu để tiến tới thành lập thí điểm các toà chuyên trách ở Tòa án cấp quận, làm cơ sở cho việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong những năm sắp tới và yêu cầu kiến thức "chuyên sâu một loại việc, biết nhiều loại việc".

Tòa án nhân dân tối cao cần nhanh chóng tổ chức xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của từng bộ phận trong Tòa án. Quy chế này cần chứa đựng những quy định về phạm vi trách nhiệm công tác, tạo cơ sở cho việc phân công lao động và sử dụng lao động hợp lý, phân định rõ ràng các mối quan hệ công tác giữa lãnh đạo của Tòa án với Thẩm phán xét xử, Hội thẩm, thư ký và các cán bộ khác của Tòa án, giữa Thẩm phán với nhau và các cán bộ khác của Tòa án. Chỉ có trên cơ sở tổ chức phân công công việc khoa học và quan hệ phối hợp công tác hợp lý tôn trọng triệt để nguyên tắc " Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" thì mới đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử của Tòa án, trong đó có Tòa án cấp huyện.

III. Các giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện.

Vấn đề về cơ sở vật chất và điều kiện của các cơ quan tư pháp đặc biệt là cấp huyện trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và được coi như là một nội dung của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay và được thể hiện trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Gần đây Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX "về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" điểm 4 Mục I đã khẳng định: "Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, có chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ tư pháp". Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hoá các cơ quan tư pháp, phấn đấu đến năm 2005 xây dựng đủ trụ sở và cơ sở làm việc của các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cấp huyện". Về biện pháp tổ chức thực hiện Điều 3 Mục II Nghị quyết 08 đã chỉ rõ "Ban Cán sự Đảng, Chính phủ chủ trì cùng Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định rõ khoản ngân sách hàng năm cho các cơ quan tư pháp theo hướng tăng thêm để đáp ứng kịp thời, đầy đủ kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho các cơ quan tư pháp các cấp, trước mắt cần xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan tư pháp cấp huyện" Quán triệt tinh thần chỉ đạo mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã đề ra. Xuất phát từ thực trạng tình hình cơ sở vật chất, kỹ thuật của các Tòa án cấp huyện như đã được đánh giá ở chương II chúng tôi đề xuất những giải pháp cụ thể như sau:

3.1. Giải pháp về tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhằm tạo môi trường cho hoạt động xét xử có hiệu quả.

Chúng tôi cho rằng vấn đề phải được quan tâm hàng đầu trong quá trình tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện chính là đầu tư xây dựng cơ bản. Tòa án cấp huyện là cơ quan xét xử gần dân nhất, do đó phải được thiết kế phù hợp với đặc thù của hoạt động xét xử, tương xứng với cảnh quan đô thị của từng địa phương và đặc biệt phải đảm bảo tính trang nghiêm của cơ quan xét xử. Các mẫu thiết kế trụ sở Tòa án cấp huyện hiện nay mới chỉ đảm bảo tính kiên cố, chưa toát lên được sự bề thế của nơi công đường đặc biệt là chưa có nét hiện đại và phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Mặt khác về cơ bản đa số các mẫu thiết kế này không đảm bảo tính tồn tại lâu dài, có trụ sở Tòa án mới xây dựng xong đã có những chi tiết lạc hâu, không đáp ứng được yêu cầu của hiện tại. Người thiết kế các mẫu trụ sở làm việc của Tòa án cấp huyện còn lệ thuộc nhiều vào các nguồn tài chính chưa tính đến hiệu quả của đầu tư, chiến lược, và hướng phát triển của Tòa án cấp huyện. Đứng trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay và việc quản lý Tòa án địa phương đã được chuyển giao lại cho Tòa án nhân dân tối cao đòi hỏi Tòa án nhân dân tối cao cần có phương hướng kế hoạch cụ thể về tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện và phải được triển khai nhanh chóng kịp thời thì mới đảm bảo thực hiện được tinh thần mà Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra là đến năm 2005 cơ bản hoàn thành xây dựng xong trụ sở các Tòa án cấp huyện. Với mô hình tổ chức Tòa án cấp huyện có tối thiểu từ trên 10 biên chế trở lên, diện tích xây dựng trụ sở làm việc của Tòa án cấp huyện cần có ít nhất 2000 m2 với chiều dài mặt tiền trên 40 m trở lên.

Về diện tích trụ sở dùng để làm việc phải căn cứ theo quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTG ngày 5/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên do tính đặc thù của Tòa án cấp huyện đòi hỏi phải có ít nhất 2 phòng xét xử, một phòng họp với diện tích mỗi phòng rộng khoảng 50m2, phần tiền sách phải đạt được giáng vóc bề thế và phải đảm bảo công năng sử dụng được từ 50 năm trở lên. Như vậy diện tích trụ sở của Tòa án cấp huyện bao gồm nơi làm việc, hội họp, phòng xét xử tối thiểu phải có từ 250m2 trở lên.

Về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Tòa án cấp huyện, trước hết chúng tôi cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản quy định thống nhất về số lượng, chủng loại chất lượng các phương tiện trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xét xử và kế hoạch trang bị hàng năm cho các Tòa án cấp huyện.

Theo yêu cầu của công cuộc đổi mới của đất nước, quá trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, việc trang bị cho các Tòa án các phương tiện kỹ thuật phải có tính hiện đại, tính hiệu quả. Trước mắt cần trang bị cho Tòa án tủ, bàn ghế làm việc theo kiểu mới, máy vi tính để tiến tới nối mạng toàn ngành, máy phô tô, loa, âm ly, micro ở hội trường xét xử và xe máy phục vụ cho công tác điều tra, xác minh. Đồng thời đi đôi với việc đầu tư mở rộng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, Tòa án nhân dân tối cao cần tăng kinh phí để đảm bảo cho Tòa án cấp huyện đủ mức cần thiết để hoạt động.

3.2. Giải pháp đảm bảo chế độ, chính sách cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Vấn đề về chế độ chính sách đối với các cán bộ của các cơ quan tư pháp nói chung và của cơ quan Tòa án trong đó có Tòa án cấp huyện hiện nay đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và được khẳng định trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Quán triệt tinh thần và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chúng tôi cho rằng giải pháp đổi mới chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác xét xử cần hướng tới những mục đích và yêu cầu sau đây:

Tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thang lương đối với ngạch Thẩm phán Tòa án dân nhân cấp huyện cho phù hợp, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định bình thường của họ và gia đình họ. Trước mắt cần điều chỉnh sự cách biệt vô lý giữa mức lương của Thẩm phán theo hướng tăng hệ số mức lương cho Thẩm phán Tòa án cấp huyện. Đồng thời thiết kế lại ngạch lương Thư ký theo hướng tiêu chuẩn Thư ký Tòa án, tốt nghiệp Đại học luật (công chức loại A), tốt nghiệp trung cấp (công chức loại B). Đối với công chức loại A là nguồn bổ nhiệm Thẩm phán và những công chức này phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, do đó lương của Thư ký phải cao hơn lương hiện hành.

Nên quy định phụ cấp lương vượt khung đối với các trường hợp đã hưởng hệ số lương tối đa. Ví dụ sau 3 năm được nhận phụ cấp 5% và tiếp theo được tính cứ 1 năm cộng thêm 1%. Cần có chế độ chính sách ưu đãi để thu hút động viên những người đến nhận công tác ở các Tòa án vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cụ thể là có chế độ trợ cấp lần đầu 3 tháng lương tối thiểu.

Đối với những cán bộ có đủ thời gian công tác 10 năm liên tục ở các vùng nói trên cần có quy định ưu tiên đối với họ trong việc chuyển vùng công tác.

Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ khác đối với Thẩm phán và công chức Tòa án phải được cụ thể rõ ràng đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Đặc biệt nên tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các công chức Tòa án nhất là những người trực tiếp tham gia tố tụng. Tránh tình trạng Thẩm phán được hưởng chế độ phụ cấp phiên toà, nhưng kinh phí cho khoản chi này lại không được cấp theo số vụ án mà lại cấp theo số biên chế.

iV. Các giải pháp về cơ chế pháp lý.

4.1. Về thành phần Hội đồng xét xử:

Xuất phát từ thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua và trước yêu cầu của cải cách tư pháp hiện nay vấn đề đặt ra là các hoạt động phiên toà cần có những đổi mới đảm bảo chân lý khách quan được xem xét bằng tri thức pháp luật tại phiên toà. Do đó, khi nghiên cứu về thành phần Hội đồng xét xử chúng tôi đề nghị cơ cấu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm nhân dân. Nếu như Hội đồng xét xử có 5 thành viên thì có 3 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân.

4.2. Phân định lại thẩm quyền xét xử theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

Vấn đề phân định lại thẩm quyền xét xử theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện đã được thể hiện trong nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá VII ngày 23 tháng 1 năm 1995 và được tiếp tục khẳng định trong các Chỉ thị, Nghị quyết khác của Đảng trong những năm gần đây và cũng là một trong những nội dung của chương trình cải cách tư pháp hiện nay. Song phân định lại như thế nào? và giao như thế nào lại có ý kiến khác nhau?. Cũng chính vì vậy tại kỳ họp Quốc hội thứ IX khoá X vừa qua khi xem xét sửa đổi một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự đã không thông qua được việc sửa đổi Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo chúng tôi, vừa qua do ban dự thảo dự án luật chỉ đưa ra để Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 145 theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện mà không xem xét việc phân định lại thẩm quyền xét xử đối với cả Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao, mặt khác lại chưa có những thống kê chính xác về chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện trong cả nước, nên không được sự đồng tình của các Đại biểu Quốc hội đang công tác ở các địa phương. Trong giai đoạn hiện nay việc tăng thêm thẩm quyền cho cấp huyện không chỉ trong việc xét xử các vụ án hình sự mà còn các loại án khác là một yêu cầu cấp bách, nhưng nó phải được xem xét trong mối quan hệ giữa Tòa án các cấp trong hệ thống Tòa án, giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng khác. Đồng thời việc tăng thẩm quyền cho cấp huyện gắn liền với việc nâng cao năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện.

Việc tăng thẩm quyền xét xử cho các Tòa án cấp huyện là cần thiết và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc tăng thẩm quyền như thế nào? phương thức thực hiện ra sao? một mặt phải quán triệt được các quan điểm của Đảng về vấn đề này, mặt khác phải xác định rõ mục đích của việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện. Về vấn đề này tuy còn nhiều quan điểm khác nhau nhưng theo quan điểm của chúng tôi chỉ mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện trong lĩnh vực tố tụng sau đây:

+ Trong lĩnh vực tố tụng hình sự nên giao cho Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 15 năm tù trở xuống trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm do người nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Trong lĩnh vực tố tụng kinh tế cần mở rộng thêm thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế, trên cơ sở tăng thêm các loại việc được giải quyết và tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện giải quyết tranh chấp có giá trị đến 100.000.000 hoặc 200.000.000 đồng (hiện nay là 50.000.000 đồng).

+ Trong lĩnh vực tố tụng hành chính việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính trong hai lĩnh vực đó là : Xử phạt vi phạm hành chính và quản lý đất đai. Đây là hai loại việc có khiếu kiện nhiều nhất và trong Chỉ thị số 35/1998/CT-TTg ngày 09/10/1999 Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp "Nghiên cứu đề xuất chủ trương, biện pháp mở rộng thẩm quyền xét xử và kiện toàn tổ chức, cán bộ toà hành chính, đi đôi với bổ sung pháp luật, thể chế làm cơ sở cho việc xét xử nhằm từng bước chuyển các khiếu kiện của công dân đối với các cơ quan, công chức hành chính sang phương thức tranh tụng, xét xử tại Tòa án".

Như vậy, theo quan điểm của Đảng và tinh thần chỉ đạo như trên của Thủ tướng Chính phủ thì việc mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính cho Tòa án nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng là hết sức cần thiết.

Về phương pháp tổ chức thực hiện để đảm bảo cho việc mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện có cơ sở pháp lý và thực tiễn chúng tôi cho rằng khi triển khai thực hiện chỉ nên giao trước cho các Tòa án cấp huyện có đủ điều kiện đảm đương việc xét các vụ án, các loại vịêc theo thẩm quyền mới. Từ kết quả thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiến hành tổng kết, tổ chức rút kinh nghiệm dần dần sẽ giao cho tất cả các Tòa án cấp huyện như ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 36-TB/TW ngày 15 tháng 01 năm 1996 đã chỉ rõ "từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ cho Tòa án cấp này, kiện toàn đến đâu, mở rộng thẩm quyền xét xử đến đó". Cùng với việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện cần củng cố và tăng cường công tác giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao và của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với những bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

V. Một số kiến nghị cụ thể khác.

5.1. Về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự.

Vấn đề về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trước đây đã có thời kỳ áp dụng nhưng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì đã bị loại bỏ. Trong điều kiện hiện nay xuất phát từ yêu cầu của công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm và giảm bớt án tồn đọng thì trong thực tế một số vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện như các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, đơn giản rõ ràng, chứng cứ đầy đủ v.v...thì không cần phải áp dụng thủ tục đầy đủ mà nên áp dụng thủ tục rút gọn. Chính vì vậy trong Bộ luật tố tụng hình sự mới (hiện nay đang tích cực soạn thảo) cần có quy định về thủ tục này. Tuy nhiên để tránh sự tuỳ tiện trong việc áp dụng cần phải quy định cụ thể các điều kiện mà các cơ quan tố tụng cần phải tuân thủ đó là: ấn định cụ thể các loại án được áp dụng thủ tục rút ngắn, phạm tội quả tang, chứng cứ đầy đủ, khi xét xử phải có sự tham gia đầy đủ của những người tham gia tố tụng và một số yêu cầu cần thiết khác. Với việc tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện thì việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn trong tình hình hiện nay là hợp lý

5.2. Tòa án nhân dân tối cao cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các nghi thức phiên toà.

Khi xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính, Tòa án nhân danh nhà nước, vì vậy, phiên toà dù có đại biểu và nhân dân tham dự hay không đều không được xem nhẹ vấn đề nghi thức. Việc quy định thống nhất về nghi thức phiên toà để các Tòa án áp dụng là hết sức cần thiết, đặc biệt là Tòa án cấp huyện là cấp Tòa án gần dân nhất. Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện nghi thức phiên toà có thể bao gồm:

Trang trí phòng xét xử, trang phục của Hội đồng xét xử, vị trí trong phòng xét xử của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, những người tham gia phiên toà, những người bảo vệ phiên toà v.v..

Đồng thời cần quy định về nghi thức và thủ tục khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, cách xưng hô tại phiên toà, quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập và những người khác trong việc trình bày ý kiến của mình, quyền hạn và nghĩa vụ của những người có hoạt động liên quan tới việc xét xử (quay phim, chụp ảnh....) những đối tượng không được vào phòng xử án v.v..

5.3. Tăng cường phối hợp giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác.

Hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện là giai đoạn tiếp theo của các hoạt động điều tra và truy tố do đó nó mang tính chất độc lập tương đối. Chính vì vậy, việc tăng cường sự phối hợp giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác cũng là một trong những điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chuẩn bị xét xử hoặc trước và trong quá trình xét xử trong một số trường hợp đòi hỏi Thẩm phán cần phải có những hoạt động nhất định để trao đổi, phối hợp với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhằm giải quyết các vấn đề liên quan như: yêu cầu điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ, kê biên tài sản để đảm bảo, bảo vệ phiên toà, tổ chức các phiên toà lưu động v.v..

Đây là những vấn đề rất quan trọng đảm bảo cho việc xét xử vụ án đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.

Ngoài việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thì việc Tòa án cấp huyện phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp như: Cơ quan giám định, Hội đồng định giá tài sản, cơ quan quản lý hộ tịch v.v...cũng hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án có chất lượng và hiệu quả.

5.4. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng địa phương đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện.

 

Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng địa phương đối với hoạt động của Tòa án cấp huyện cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Song để đạt được mục đích đó cần có một cơ chế đúng đắn về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện. Về vấn đề này chúng ta cần trở lại những nguyên lý về phương pháp và hình thức lãnh đạo của Đảng với bộ máy nhà nước. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình bằng việc ra đường lối, phương pháp hoạt động của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng về bộ máy và cán bộ, bố trí những cán bộ có năng lực, làm nòng cốt trong các cơ quan nhà nước, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương...sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước là từ đầu quá trình (đề ra đường lối, chủ trương) đến cuối quá trình (tức làm cho đường lối chính sách thành hiện thực).

Tòa án là cơ quan chức năng, sự lãnh đạo của Đảng cần phản ánh được tính đặc thù của ngành, với suy nghĩ đó, vận dụng các nguyên tắc chung nêu trên vào lĩnh vực Tòa án, trong xu thế đổi mới hiện nay, chúng tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với các Tòa án địa phương nên thực hiện như sau:

Cấp uỷ Đảng cần làm cho cán bộ Đảng viên các ngành ở địa phương quán triệt những quan điểm của Đảng ta về nhà nước và pháp luật. Giáo dục cán bộ Đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện pháp luật, hiểu được vai trò, vị trí của Tòa án trong bộ máy nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong hành động.

Đề ra chủ trương, biện pháp lớn bảo đảm sự phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương để tuyên truyền pháp luật qua thực tế diễn biến tại phiên toà.

Đề ra chủ trương và chỉ đạo sự phối hợp của các cơ quan trong khối nội chính, trên cơ sở sử dụng các cơ quan này làm tham mưu, đề ra phương hướng tăng cường pháp chế. Tuy tình hình địa phương, trong từng thời gian lại có những chỉ đạo cụ thể. Ví dụ ra chỉ thị về cải tiến công tác bảo vệ trật tự pháp luật và tăng cường đấu tranh chống các phạm tội và vi phạm pháp luật, phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương. Trong chỉ thị cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có Tòa án cấp huyện.

Đảng lãnh đạo thông qua chi bộ Đảng cơ quan Tòa án để quán triệt các chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước tới cán bộ Đảng viên trong ngành. Xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh trong Tòa án, kiểm tra các Đảng viên làm việc trong Tòa án.

Đối với những vụ án trọng điểm, cấp uỷ cần sử dụng tốt vai trò tham mưu của các cơ quan nội chính, để các cơ quan này đề xuất ý kiến của mình. Cấp uỷ sẽ quyết định về mục tiêu, yêu cầu phải đạt khi xét xử chứ không nên ra các chỉ thị cụ thể về đường lối xử lý như tội danh, hình phạt, cho hay không cho ly hôn, chia tài sản như thế nào v.v..

Đối với Tòa án phải nhận thức rõ trách nhiệm làm tham mưu cho cấp uỷ, chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ về mặt đường lối chính sách nói chung, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đưa sang cấp uỷ xin ý kiến những vấn đề có ảnh hưởng lớn trong địa phương, ví dụ như các vụ án mà bị cáo là người đứng đầu các tổ chức tôn giáo hay người có uy tín lớn trong vùng dân tộc thiểu số....Thẩm phán phải có suy nghĩ chuẩn bị kỹ từ trước, chủ động đề xuất hướng giải quyết. Những vấn đề phức tạp trước khi đưa ra cấp uỷ cần bàn bạc trao đổi với các ngành trong khối nội chính, tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ, cấp uỷ mất nhiều thời gian bàn bạc, hiệu quả công việc lại không cao.

Tòa án là một bộ phận trong bộ máy nhà nước, muốn tăng cường hiệu lực nhà nước cần quan tâm cho ngành Tòa án vững mạnh, nâng cao được năng lực xét xử. Vì vậy sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án là đòi hỏi tất yếu khách quan do chính hoạt động xét xử đặt ra.

 

 

cơ sở lý luận chung về yêu cầu tăng cường

năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện

 

TS. Nguyễn Văn Hiện

 

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

 

I- Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện hiện nay.

Tòa án cấp huyện nói trong Đề tài này bao gồm các Tòa án được tổ chức theo địa giới hành chính ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc ở các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay trên địa bàn cả nước có 621 Tòa án cấp cấp huyện với biên chế là 5626 người, trong đó có 2288 Thẩm phán và 2448 Thư ký; Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm xét xử khoảng 118.300 vụ án các loại, chiếm 72% tổng số các vụ án trong cả nước.

Với thực tế xét xử nêu trên chúng ta có thể khẳng định rằng Tòa án cấp huyện là một "mắt xích" vô cùng quan trọng trong hệ thống các cơ quan Tòa án, đã đóng góp một phần quan trọng cùng với các cấp Tòa án khác, hoàn thành nhiệm vụ xét xử mà Hiến pháp và Luật tố tụng giao cho ngành Tòa án, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến việc kiện toàn, đổi mới, nâng cao năng lực xét xử và mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện.

Qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xét xử, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã chỉ rõ: "Nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp quận, huyện theo hướng việc xét xử sơ thẩm được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp này ...". Để đẩy mạnh cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, văn kiện Đại hội IX của Đảng cũng xác định cần "sắrep xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của Tòa án các cấp ..." phù hợp với năng lực, trình độ và yêu cầu xét xử, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý an toàn trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng rất quan tâm chỉ đạo công tác kiệm toàn, nâng cao năng lực và mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Trong phương hướng cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, Bộ chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo là phải: "Từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện, trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ cho Tòa án cấp này. Kiện toàn đến đâu mở rộng thẩm quyền xét xử đến đó ...". Đặc biệt, để triển khai đưa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng vào thực tiễn công tác tư pháp, Bộ chính trị đã xem xét ý kiến đề xuất của các ngành chức năng và kết luận chỉ đạo: "phải khẩn trương chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện". Điều kiện nói trong trường hợp này chính là các yếu tố cần thiết để tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện, để đảm bảo cho Tòa án cấp huyện có thể xét xử được nhiều loại việc hơn nữa và đảm bảo chất lượng xét xử tốt hơn nữa. Vậy những điều kiện này là những điều kiện gì? nội dung các điều kiện như thế nào? để có thể giúp cho Tòa án cấp huyện hoàn thành tốt chức năng xét xử hiện tại và chuẩn bị cho việc tăng thẩm quyền và tiến tới thực hiện định hướng "việc xét xử sơ thẩm các vụ án chủ yếu được thực hiện ở Tòa án cấp quận, huyện". Đây là những vấn đề được nghiên cứu xem xét như là những tiêu chí (điều kiện) quan trọng nhất, nhằm đảm bảo tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện.

II- Khái niệm năng lực xét xử và các điều kiện đảm bảo tăng cường năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Năng lực xét xử là khái niệm pháp lý được sử dụng thường xuyên trong thực tiễn công tác tổ chức cơ quan xét xử và nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, trong các văn bản qui phạm pháp luật cũng như thực tiễn nghiên cứu khoa học pháp lý chưa có một khái niệm chuẩn về năng lực xét xử nói chung cũng như năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Theo chúng tôi năng lực xét xử của Tòa án nói chung chính là khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, chức năng xét xử của mình, trên cơ sở tổng hợp các điều kiện, yếu tố khách quan và chủ quan tạo thành sức mạnh thực thi thẩm quyền xét xử theo qui định của pháp luật tố tụng. Các yếu tố, điều kiện cấu thành năng lực xét xử có thể bao gồm:

-Cơ cấu tổ chức bộ máy xét xử, sự phân định rành mạch chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của cán bộ công chức Tòa án .

-Trình độ đào tạo, bằng cấp chuyên môn của cán bộ, công chức Tòa án trong đó vai trò nòng cốt là Thẩm phán.

-Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thư ký, Thẩm phán.

-Trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, Thẩm phán.

-Sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bổ trợ tư pháp khác.

-Các điều kiện vật chất kỹ thuật cần và đủ để đảm bảo cho hoạt động xét xử có hiệu quả.

Trên đây là một số điều kiện quan trọng nhất đảm bảo năng lực xét xử của Tòa án nói chung. Sau đây chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn về từng điều kiện đảm bảo năng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

+Về cơ cấu tổ chức bộ máy của Tòa án cấp huyện: Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án hiện hành thì Tòa án cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính, lãnh thổ. ở mỗi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có một Tòa án chịu trách nhiệm xét xử sơ thẩm một số vụ án theo thẩm quyền, còn một số vụ án khác do Tòa án cấp tỉnh, thành phố trên cùng lãnh thổ xét xử sơ thẩm. Như vậy, theo cách thức tổ chức này thì Tòa án cấp huyện không phải là Tòa án cấp sơ thẩm theo đúng nghĩa của nó.

Tổ chức Tòa án cấp huyện theo đơn vị hành chính lãnh thổ là phương thức tổ chức tồn tại nhiều chục năm ở nước ta, tuy có nhiều ưu điểm về quản lý Nhà nước và xã hội, thuận lợi trong công tác phối hợp liên ngành trên cùng địa bàn lãnh thổ, nhưng trong thời gian vừa qua cũng đã thấy bộc lộ những bất cập nhất định trong việc nghiên cứu phân định mở rộng thẩm quyền, trang bị cơ sở vật chất kỹ thật, xây dựng trụ sở v.v. Đặc biệt, trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục cụ thể hoá và tổ chức thực hiện những chủ trương về cải cách tư pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khoá VII, Nghị quyết trung ương 3, Nghị quyết trung ương 7 khoá VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, trong đó có chủ trương: "Việc xét xử sơ thẩm các vụ án được thực hiện chủ yếu ở Tòa án cấp huyện", thì rõ ràng chúng ta phải nghiên cứu để tìm ra một phương án tổ chức tối ưu nhất, để nâng cao năng lực cho Tòa án cấp huyện, đủ sức xét xử phần lớn các vụ án xảy ra trên địa bàn theo trình tự sơ thẩm. Phương án được nhiều người làm công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn nêu ra là thành lập Tòa án xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án ở cấp huyện hoặc liên huyện. Đây là phương án còn có một số bất cập chưa được lý giải thoả đáng nhưng cũng có nhiều nhân tố khả thi, cần được tiếp tục nghiên cứu và xem xét.

Về tổ chức bộ máy của Tòa án cấp huyện, tại Điều 32 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 qui định: Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các Thư ký Tòa án. Trong thực tế thì cơ cấu tổ chức Tòa án cấp huyện rất đa dạng và được hình thành phụ thuộc vào tình hình biên chế, số lượng vụ việc phải giải quyết và đặc điểm tình hình nhân sự ở địa phương. Hiện nay có một số Tòa án cấp quận, huyện có số lượng biên chế và vụ việc phải giải quyết tương đương với biên chế và vụ việc trung bình của một tỉnh; Ngược lại có một số Tòa án cấp huyện chỉ có vài biên chế và hàng năm cũng chỉ giải quyết một hai chục vụ án các loại. Do sự không đồng nhất về người và việc nêu trên, cho nên về cơ cấu tổ chức của từng Tòa án cấp huyện cũng phải được xác lập cho phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả xét xử. Tuy nhiên, ở bất cứ Tòa án cấp huyện nào sự phân định rành mạch, khoa học, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng chức danh (Chánh án, Thẩm phán, Thư ký, Bộ máy giúp việc...) cũng luôn luôn tạo ra các điều kiện tốt để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện hiện nay.

+ Trình độ đào tạo, điều kiện về bằng cấp của cán bộ, Thẩm phán Tòa án cấp huyện cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện. Theo qui định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân thì Thẩm phán Tòa án cấp huyện phải có trình độ cao đẳng Tòa án hoặc đại học Luật. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện hiện nay qui định về trình độ đào tạo nêu trên có thể không còn phù hợp đối với những Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu hiện nay. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với hướng dẫn của Vụ quản lý Tòa án địa phương Bộ tư pháp tại công văn số 196 ngày 27 tháng 06 năm 2001 là ngay cả việc tuyển chọn Thư ký Tòa án cũng phải ưu tiên tuyển chọn những người có bằng Đại học luật hệ chính qui, vì Thư ký Tòa án là nguồn quan trọng, chủ yếu để bồi dưỡng, đào tạo Thẩm phán sau này.

Trình độ đào tạo được Nhà nước ghi nhận thông qua bằng cấp. Đánh giá năng lực xét xử chúng ta không tuyệt đối hoá trình độ đào tạo, bằng cấp, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua điều kiện này. Trình độ đào tạo, bằng cấp chính là những viên gạch tạo ra nền móng của tri thức mà tri thức pháp luật chính là nguồn tạo ra năng lực xét xử.

Cùng với đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu theo chức danh của người làm công tác xét xử (Thư ký, Thẩm phán) cũng là những yêu cầu rất quan trọng trong tình hình hiện nay, nhằm bồi dưỡng năng lực xét xử chuyên sâu cho Thư ký, Thẩm phán. Nếu coi xét xử là một nghề, thì việc đào tạo nghề rõ ràng là một điều cần thiết và khoa học. Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đều có qui định là : một người muốn được bổ nhiệm làm Thẩm phán thì sau khi tốt nghiệp đại học luật hoặc trước khi bổ nhiệm làm Thẩm phán, họ phải qua trường đào tạo chuyên ngành (xét xử) với thời gian ít nhất là 2 năm. ở Việt Nam những năm gần đây cũng đã có Trường đào tạo các chức danh tư pháp, một số Thư ký Tòa án là đối tượng bồi dưỡng đào tạo Thẩm phán cũng đã được gửi vào trường này để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xét xử. Chính vì vậy, hiện nay có một số ý kiến cho rằng để nâng cao năng lực xét xử chỉ nên bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án cấp huyện những người đã được đào tạo qua Trường đào tạo các chức danh tư pháp, Thẩm phán cấp tỉnh chỉ bổ nhiệm từ nguồn Thẩm phán cấp huyện và Thẩm phán Tòa án tối cao chỉ bổ nhiệm từ nguồn Thẩm phán cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, cơ sở lý luận thì chúng tôi thấy rằng quan điểm nêu trên có nhiều nhân tố hợp lý và khoa học, đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên sâu nghề nghiệp của Thẩm phán. Tuy nhiên, trong tình hình thực tiễn nhân sự hiện nay ở nhiều Tòa án cấp huyện còn bất cập, cho nên nguyên tắc này cần được vận dụng trong từng trường hợp cụ thể và có xem xét, chiếu cố đối với từng địa phương, nơi mà nguồn nhân sự Thẩm phán cấp huyện đang thiếu và trước mắt không thể đáp ứng được yêu cầu này.

+ Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thư ký, Thẩm phán Tòa án cấp huyện cũng là điều kiện vô cùng quan trọng đảm bảo năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Nếu trình độ đào tạo là điều kiện tạo ra nền móng của những kiến thức pháp lý cơ bản cho Thẩm phán, thì kỹ năng, nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán là điều kiện tạo ra hiệu quả và chất lượng xét xử. Đây là yếu tố không thể thiếu được của năng lực xét xử.

Năng lực, trình độ nghiệp vụ xét xử của Thẩm phán có thể bao gồm các khâu như: Kỹ năng nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử, kỹ năng tổ chức phiên toà tại trụ sở Tòa án, xét xử lưu động, xét xử kín ..., kỹ năng điều khiển phiên toà công khai, kỹ năng xét hỏi tại phiên toà, kỹ năng phán quyết và ra bản án v.v.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử, cho nên Điều 18 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã qui định tiêu chuẩn bắt buộc đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện là : phải có đủ khả năng và trình độ năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.

Kỹ năng, trình độ nghiệp vụ xét xử là yếu tố được tạo ra từ nhiều điều kiện cấu thành như: quá trình đào tạo, thời gian làm công tác chuyên môn xét xử, sự cố gắng học tập và sở trường của từng người ... Trong các điều kiện cấu thành này thì điều kiện thời gian làm công tác chuyên môn xét xử là một trong các điều kiện quan trọng nhất. Chính vì vậy, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cũng qui định: Chỉ có thể bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án cấp huyện những người có thời gian làm công tác pháp luật từ 4 năm trở lên.

Ngoài ra, trong thực tiễn công tác Tòa án chúng ta thấy việc cố gắng học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm chuyên môn xét xử cũng là yếu tố không thể thiếu được để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện. Hiện nay ở Tòa án các quận, huyện có số lượng vụ việc lớn để đưa ra xét xử thì rất thuận lợi cho việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng xét xử, nhưng ở nhiều huyện vùng sâu, vùng xa số lượng vụ việc xét xử hàng năm rất ít, thậm chí có nơi hàng năm chỉ xét xử một số vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, không xét xử vụ án nào về các tranh chấp hợp đồng kinh tế, hành chính và lao động; Do đó việc nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng xét xử cho Tòa án cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng để khắc phục tình trạng này phải mạnh dạn thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, Thẩm phán, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa; Về lâu dài cần tính đến phương án thành lập Tòa án theo cấp xét xử tương ứng với số vụ việc xét xử tối thiểu hàng năm.

+ Trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là điều kiện quan trọng đảm bảo năng lực xét xử của Thẩm phán cấp huyện về mặt áp dụng các qui định của pháp luật, thực hiện nguyên tắc công bằng, công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; đồng thời nó cũng đảm bảo cho việc xét xử các vụ án không những chỉ đúng pháp luật mà còn đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, góp phần cùng với cấp uỷ và chính quyền quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội.

Hiện nay có một số ý kiến cho rằng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao ý thức chính trị trong hoạt động xét xử, nhằm xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, thì những người làm công tác xét xử, nhân danh Nhà nước cần phải có tiêu chuẩn xác định về đào tạo lý luận chính trị. Cụ thể là: Thẩm phán Tòa án cấp quận, huyện ít nhất phải có trình độ sơ cấp hoặc trung cấp lý luận chính trị.

Đúng là trong tình hình phát triển xã hội với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, đảm bảo công bằng, công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là thực sự cần thiết. Vấn đề này đã được khẳng định trong nhiều Nghị quyết của Trung ương và Bộ chính trị, đặc biệt là trong Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 21.3.2000 và Văn kiện Đại hội IX của Đảng. Tuy nhiên, yêu cầu đào tạo lý luận chính trị hiện nay có thể chưa đáp ứng được trong mọi trường hợp, đối với tất cả Thẩm phán Tòa án cấp huyện có trình độ trung cấp lý luận chính trị, nhưng chúng ta tán thành và mong muốn là trong tương lai gần Thẩm phán Tòa án cấp huyện phải được đào tạo, bồi dưỡng tốt hơn về lý luận chính trị, để đảm bảo tốt hơn năng lực xét xử, chống hiện tượng "máy móc, pháp luật đơn thuần, vô chính trị" trong quá trình xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền.

Tăng cường phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán nói chung và Thẩm phán cấp huyện nói riêng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Chúng tôi tán thành, hoan nghênh việc Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương soạn thảo qui chế đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán để thống nhất thực hiện. Tòa án cấp huyện là cơ quan xét xử gần dân nhất, mọi ưu điểm, khuyết điểm về đạo đức phẩm chất của Thẩm phán dân cũng dễ nhận thấy nhất; Do đó yêu cầu tăng cường rèn luyện đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp xét xử cho cán bộ, Thẩm phán Tòa án cấp huyện là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện.

+ Về năng lực phối hợp của Toà án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan bổ trợ tư pháp:

 

Hoạt động xét xử của Toà án cấp huyện là giai đoạn tiếp theo của các hoạt động điều tra truy tố, vì vậy, nó mang tính chất độc lập tương đối. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chuẩn bị xét xử hoặc trước và trong quá trình xét xử Thẩm phán Toà án cấp huyện cần có năng lực, trình độ phát hiện, đề xuất vấn đề, trao đổi phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để giải quyết một số vấn đề liên quan đến vụ án như: yêu cầu điều tra bổ sung, thu thập thêm chứng cứ, kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bảo vệ phiên toà v.v Đây là những vấn đề rất quan trọng đảm bảo cho việc xét xử vụ án đúng trình tự, thủ tục và qui định của pháp luật.

Ngoài việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì việc Toà án cấp huyện phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp như: Cơ quan giám định, Hội đồng định giá tài sản, Cơ quan quản lý hộ tịch v.v. cũng là hết sức cần thiết. Người cán bộ, Thẩm phán Toà án cấp huyện có năng lực xét xử tốt không thể thiếu được khả năng phối hợp này.

+ Về điều kiện vật chất kỹ thuật: Hoạt động xét xử luôn luôn gắn liền với cơ sở vật chất kỹ thuật. Nếu như các điều kiện nói ở các phần trên là các điều kiện chủ quan gắn liền với bản thân người cán bộ, Thẩm phán Toà án cấp huyện thì điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật là điều kiện khách quan gắn liền với trụ sở Toà án cấp huyện, phòng xét xử, nơi làm việc, các phương tiện kỹ thuật khác như: máy in, máy vi tính, máy phôtô, phương tiện nghe nhìn. .. Có thể nói rằng cơ sở vật chất kỹ thuật của Toà án cấp huyện hiện nay đã được bổ sung, đổi mới, tăng cường hơn nhiều so với một vài năm trước đây, tuy nhiên nhìn chung trang thiết bị của Toà án cấp huyện hiện nay vẫn chưa đầy đủ, vừa thiếu, vừa lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; chưa đáp ứng tốt cho công tác xét xử của Toà án cấp huyện hiện nay. Đặc biệt nếu chúng ta triển khai thực hiện tăng thẩm quyền theo hướng "Phần lớn các vụ án được xét xử sơ thẩm ở cấp này" thì yêu cầu bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Toà án cấp huyện ở nhiều địa phương càng trở nên cấp bách, nhất là những huyện ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc tăng cường năng lực xét xử cho Toà án cấp huyện không thể đạt hiệu quả tốt, nếu như chúng ta không khẩn trương đổi mới và hoàn thiện cơ sở vật chất cho Toà án cấp này trong thời gian tới.

III-Kết luận

Theo qui định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành thì Toà án là cơ quan xét xử của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong hệ thống các cơ quan Toà án thì Toà án cấp huyện có vai trò, vị trí rất quan trọng, là lực lượng giải quyết xét xử sơ thẩm khoảng 3/4 tổng số vụ án của cả nước. Vì vậy, nâng cao năng lực xét xử cho Toà án cấp huyện là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong công cuộc cải cách tư pháp nói chung và cơ quan Toà án nói riêng. Nâng cao năng lực xét xử cho Toà án cấp huyện nhằm tạo ra những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi nhất để Toà án cấp huyện hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử các loại vụ án theo thẩm quyền của pháp luật hiện hành; Đồng thời chuẩn bị những điều kiện vật chất, tinh thần, chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tăng thẩm quyền xét xử cho Toà án cấp huyện, theo định hướng giao cho Toà án cấp huyện xét xử phần lớn các vụ án xảy ra trên địa bàn cả nước theo trình tự sơ thẩm, Toà án cấp tỉnh chủ yếu làm công tác xét xử phúc thẩm và Toà án nhân dân tối cao tập trung làm công tác giám đốc thẩm và hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật.

Tăng cường năng lực xét xử cho Toà án cấp huyện, thực chất là tăng cường khả năng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ xét xử của mình; cho nên đây là một quá trình có tính thường xuyên và lâu dài, phải tiến hành từng bước vững chắc và khoa học, phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, từng quận, huyện về nhân sự, cơ sở vật chất và số lượng các vụ án xảy ra hàng năm, để đề ra các biện pháp phù hợp tăng cường năng lực xét xử cho từng đơn vị cụ thể, thực hiện đúng phương châm của Đảng và Nhà nước ta là: Kiện toàn tổ chức, cán bộ và năng lực đến đâu thì mở rộng thẩm quyền cho Toà án cấp huyện tới đó.

 

Thực trạng năng lực xét xử

của Tòa án cấp huyện trong giai đoạn hiện nay.

TS. Phạm Văn Lợi- Viện NVKH Pháp lý

CN. Nguyễn Minh Khuê- Viện NVKH Pháp lý

 

A . Khái quát lịch sử phát triển của Tòa án cấp huyện.

Trong hệ thống Tòa án theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Tòa án cấp huyện giữ một vai trò quan trọng, bởi vì đây là nơi giải quyết phần lớn các vụ án theo trình tự sơ thẩm. So với những ngày đầu mới được thành lập, Tòa án cấp huyện hiện nay, đã có sự trưởng thành cả cơ sở vật chất, biên chế cũng như chất lượng xét xử. Có được sự trưởng thành đó, Tòa án cấp huyện đã trải qua những bước phát triển khác nhau, phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội của nước ta. Để có thể thấy được sự trưởng thành của Tòa án cấp huyện chúng tôi xin khái quát những nét chính về tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện gắn với những giai đoạn phát triển của nước ta như sau:

* Giai đoạn 1945 đến 1959.

Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã khẩn trương bắt tay xây dựng củng cố bộ máy Nhà nước để bảo vệ thành quả của cách mạng, xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh thành lập Tòa án quân sự ở các địa phận khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên vì yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ, Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa mới chỉ thiết lập các Tòa án quân sự mà chưa tổ chức hệ thống Tòa án các cấp và các Tòa án quân sự cũng chỉ xét xử các vụ án hình sự mà không xét xử các vụ án dân sự.

Ngày 24/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 13 về tổ chức Tòa án và ngạch Thẩm phán. Sắc lệnh này đã phân chia Tòa án xét xử thành hai cấp sơ thẩm và đệ nhị cấp. Tòa án cấp sơ cấp gồm các Tòa án của phủ, quận, châu. Tòa án cấp đệ nhị là gồm các Tòa án tỉnh.

Để phân biệt thẩm quyền của Tòa án, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946 ấn định thẩm quyền xét xử của các Tòa án. Tòa án sơ cấp gồm có; một Thẩm phán, một Lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc. Một tuần lễ, ít ra có hai phiên tòa công khai: một phiên tòa hình và một phiên tòa hộ. Tại phiên tòa, Thẩm phán xét xử một mình, Lục sự giữ bút ký, lập biên bản, án từ. Ngoài ra Sắc lệnh còn quy định "ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Tòa án cấp sơ thẩm tổ chức theo các nguyên tắc nói trên" (Điều 11). Khi xét xử dân sự, thương sự Chánh án xử một mình. Khi xét xử các vụ tiểu hình, phải có hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến (Điều 17). Trước khi mở phiên tòa các Phụ thẩm nhân dân không được đọc hồ sơ, nhưng tại phiên tòa họ có quyền yêu cầu ông Chánh án (Chủ toạ phiên tòa) hỏi thêm các bị cáo và cho biết các tài liệu có trong hồ sơ. Về hình sự, Tòa án sơ cấp có thẩm quyền xét xử chung thẩm: những án phạt bạc từ 0,50 đồng đến 9,00 đồng; những án xử bồi thường từ 150 đồng trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại trong một vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu nại hay chậm nhất lúc việc vi cảnh đem ra Tòa xử và sơ thẩm những vụ án phạt giam từ 1 đến 5 ngày.

Sau gần 5 năm hoạt động, tổ chức Tòa án nhân dân đã bộc lộ những khiếm khuyết cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Cuộc cải cách Tòa án nhân dân đầu tiên của nước ta có thể nói được bắt đầu bằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số: 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và tố tụng. Theo Sắc lệnh này, về tổ chức: "Tòa án sơ cấp nay gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Tòa phúc thẩm, Phụ thẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân" (Điều 1). Để xử việc hình và việc hộ, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân, Tòa phúc thẩm gồm có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết, được hưởng đặc quyền tài phán như các Thẩm phán và lương bổng như các Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương(Điều 3).

* Giai đoạn 1959-1980.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (tháng 11/1958) Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong tình hình chung đó, Bộ máy nhà nước nói chung, Tòa án nhân dân nói riêng được tăng cường và cải cách thêm một bước. Tháng 4/1958, Quốc hội quyết định thành lập hệ thống Tòa án nhân dân và Viện công tố từ Trung ương đến địa phương và không chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp. Quyết định này đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Tòa án nhân dân và tinh thần Quyết định này được ghi nhận vào Hiến pháp năm 1959 của nước Việt nam Dân chủ cộng hoà.

Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp 1959 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, ngày 14/7/1960, Quốc hội nước Việt nam dân chủ cộng hòa khoá II, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Tiếp đó, để kiện toàn Tòa án nhân dân các cấp, tăng cường tính nhân dân của Tòa án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật" ngày 23/3/1961 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của Tòa án nhân dân địa phương.

Theo Luật và Pháp lệnh nói trên thì "Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án và Thẩm phán, nếu cần thiết thì có Phó Chánh án". Tòa án có thẩm quyền:

- Hoà giải những việc tranh chấp về dân sự;

- Phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa;

- Sơ thẩm những vụ án dân sự;

- Sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ hai năm trở xuống.

Với thẩm quyền đó, các Tòa án nhân dân cấp huyện đã xử trên 70% số tội phạm bị truy tố về hình sự và trên 80% số việc kiện kiện dân sự, làm cho việc giải quyết án được sát với dân, thuận tiện cho nhân dân, có tác dụng giáo dục nhiều hơn, phục vụ kịp thời hơn nhiệm vụ của địa phương. Ngoài ra, Tòa án cấp huyện còn có nhiệm vụ xây dựng tổ chức Tư pháp và hướng dẫn công tác hoà giải ở các thị trấn và xã, tuyên truyền và giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra, Thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm còn Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ 2 năm.

Theo Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể. Việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương được chuyển giao cho Tòa án nhân dân tối cao. Tổ chức cụ thể của bộ máy làm việc và biên chế cụ thể của các Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện những quy định chung về bộ máy làm việc và biên chế của các cơ quan Nhà nước. Tổng biên chế của Tòa án nhân dân địa phương các cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao định và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội phê chuẩn.

* Giai đoạn từ 1980 đến 1992.

Ngày 13/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất - Hiến pháp 1980. Nhìn chung, các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 1980 kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1959. Trong đó, hệ thống Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cấp tương đương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án Quân sự.

Về tổ chức bộ máy của Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm có: Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Năm 1981, Bộ Tư pháp được thành lập lại và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 giao việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Về quản lý các Tòa án Quân sự, Pháp lệnh năm 1985 giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc quản lý về mặt tổ chức các Tòa án Quân sự quân khu và cấp tương đương và các Tòa án Quân sự khu vực. Tổng số biên chế các Tòa án nhân dân địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Sau khi đã được Hội đồng Bộ trưởng quyết định tổng biên chế, việc quy định biên chế cho từng Tòa án nhân dân địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Về nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp được quy định theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra mình.

* Giai đoạn từ 1992 đến trước khi ban Luật tổ chức TAND năm 2002.

Đường lối đổi mới mọi mặt về đời sống xã hội do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt nam khởi xướng đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước. Nhìn chung nhiều quy định của Hiến pháp 1992 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân kế thừa các quy định Hiến pháp 1980, tuy nhiên một số quy định của Hiến pháp 1992 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và của Tòa án nhân dân nói riêng đã thể hiện rõ nét đổi mới các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan này.

- Trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm các Tòa án chuyên trách mới - Tòa án kinh tế, Tòa án hành chính, Tòa án lao động để giải quyết các khiếu kiện hành chính, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường.

- Thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ năm năm thay thế chế độ bầu Thẩm phán. Các điều kiện tiêu chuẩn đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân lần đầu tiên đã được quy định trong một văn bản riêng biệt làm cơ sở cho việc tuyển chọn đội ngũ xét xử. Đồng thời để đảm bảo cho việc bổ nhiệm Thẩm phán có trình độ năng lực, Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án các cấp đã được thành lập.

- Bộ Tư pháp ngoài việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức như quy định trước đây còn được giao thêm nhiệm vụ quản lý công tác thi hành án dân sự để tạo điểu kiện thuận lợi cho Tòa án tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xét xử.

Đối với cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên như trước đây, không có Uỷ ban Thẩm phán và các Tòa chuyên trách. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động xét xử đã được chú trọng. Tòa án cấp huyện cũng được giao nhiều thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế, các vụ án hành chính, lao động theo thẩm quyền.

Hiện nay, với sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội và sự hội nhập, hợp tác quốc tế của nhà nước ta dẫn đến việc các quy định về tổ chức, bộ máy và thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp được xây dựng trong điều kiện kinh tế- xã hội cũ không còn phù hợp, gây khó khăn cho tổ chức và hoạt động của Tòa án. Vì vậy, trong mấy năm gần đây, việc nghiên cứu, xác định cơ cấu tổ chức và quản lý Tòa án các cấp là một trong những vấn đề có tính chất thời sự trong hoạt động lập pháp của nhà nước ta. Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII khẳng định: "Phân định lại thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện". Nghị quyết IX Đại hội Đảng ta khẳng định lại một lần nữa: "Sắp xếp lại hoạt động của Tòa án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp". Đây là những định hướng đúng đắn và cũng là một nhiệm vụ cấp bách trong hoạt động lập pháp của nưóc ta trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá X ngày 2/4/2002 đã thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân và bắt đầu có hiêụ lực từ 1/10/2002. Có thể nói rằng việc ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 là xuất phát từ yêu cầu của việc thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và nâng chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân. Theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2002 việc quản lý Tòa án nhân dân các địa phương được chuyển giao cho Tòa án nhân dân tối cao tạo điều kiện cho việc quản lý tổ chức và hướng dẫn xét xử vừa có chất lượng vừa có hiệu quả. Mặt khác để nâng cao chất lượng xét xử, các tiêu chuẩn về chuyên môn, bằng cấp, về phẩm chất đạo đức và quy trình tuyển chọn Thẩm phán, Thư ký được cụ thể hoá với yêu cầu cao hơn so với các quy định trước đây.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống Tòa án nhân dân nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng luôn gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy các cơ quan tư pháp qua từng giai đoạn phát triển của Việt Nam. Đó là quá trình phát triển liên tục, giai đoạn sau kế thừa và phát triển những thành tựu cả về tổ chức và hoạt động và từng bước khẳng định vị trí và tầm quan trọng của hệ thống cơ quan xét xử trong bộ máy Nhà nước. Chúng ta có thể khẳng định rằng hệ thống Tòa án nhân dân qua những thời kỳ phát triển khác nhau luôn luôn bám sát các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, thực hiện một cách có hiệu quả công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng mà Đảng đã đề ra.

Với vị trí quan trọng trong hệ thống Tòa án nhân dân, việc củng cố, kiện Tòa án, phân định một cách hợp lý thẩm quyền cũng như tăng cường năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc kiện toàn cả hệ thống tổ chức Tòa án, giảm bớt công việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao, tạo điều kiện cho các Tòa án này thực hiện tốt công tác xét xử phúc thẩm và hướng dẫn công tác xét xử. Để có thể giải quyết nhiệm vụ này, thì việc quan trọng trước hết là phải đánh giá đúng thực trạng năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Chỉ thông qua việc đánh giá đúng năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện chúng ta mới có cơ sở để củng cố, kiện toàn và xác định một cách hợp lý thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Vì vậy, trong mục B dưới đây chúng tôi xin tập trung nghiên cứu thực trạng năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện trong giai đoạn hiện nay.

b. Thực trạng năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Trong các văn bản, từ điển hiện hành không có khái niệm cụ thể về năng lực xét xử. ở nghĩa chung nhất, khái niệm "năng lực" được hiểu là những điều kiện đủ hoặc vốn có để làm việc gì. Vì vậy, khi nói tới năng lực xét xử của Tòa án, theo chúng tôi, là nói tới những điều kiện để đảm bảo cho Tòa án tiến hành hoạt động xét xử.

Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam cũng như Luật tổ chức Tòa án nhân dân trong các thời kỳ đều xác định rõ nhiệm vụ của Tòa án nhân dân đó là nhiệm vụ xét xử - nhiệm vụ đặc trưng mà chỉ có Tòa án mới có. Việc thực hiện nhiệm vụ này, chính là thông qua hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của các chủ thể tiến hành xét xử mà cụ thể là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Khác với các hoạt động nghiệp vụ trong các lĩnh vực khác, hoạt động xét xử luôn là hoạt động rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Một bản án, quyết định đúng đắn thì sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới đối với những người liên quan nói riêng và tới xã hội nói chung. Nhưng nếu có sai lầm thì lại gây ra một hậu quả nặng nề, khó có thể lường trước được. Vì vậy, hoạt động xét xử đòi hỏi chủ thể tiến hành phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định.

Về kiến thức, người làm công tác xét xử phải bao gồm kiến thức pháp luật và các kiến thức tự nhiên, xã hội. Để áp dụng đúng đắn các qui định của pháp luật, đòi hỏi ngoài sự hiểu biết chính xác các yêu cầu, nội dung và ý nghĩa pháp lý của quy phạm, người Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trước hết phải tìm ra sự thật khách quan của vụ án thông qua việc xem xét đánh giá các tình tiết của vụ án, tức là đánh giá chứng cứ để từ đó xác định các sự kiện pháp lý và quan hệ pháp luật mà quy phạm đó điều chỉnh. Việc đánh giá chứng cứ đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp sâu rộng về nhiều lĩnh vực cả về tự nhiên và xã hội, vì các tình tiết của mỗi một vụ án liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội và con người.

Người làm công tác pháp luật, làm công tác xét xử ngoài các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" như yêu cầu đối với công chức nhà nước còn đòi hỏi phải có những đặc điểm đạo đức riêng. Đó là lương tâm và trách nhiệm đối với nghề nghiệp, công việc mà họ đã chọn, là bản lĩnh nghề nghiệp không chịu khuất phục trước bất kỳ sự chi phối trái pháp luật nào vào công việc xét xử của họ.

Hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không chỉ đảm bảo đúng người, đúng tội, không làm oan, không bỏ lọt tội, thấu tình đạt lý mà còn có ý nghĩa giáo dục đối với đương sự nói riêng và đối với mọi người nói chung. Do đó, việc tổ chức, điều khiển phiên tòa, những như thái độ hành vi ứng xử của Thẩm phán và Hội thẩm trong quá trình xét xử phải thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, quyền uy của cơ quan quyền lực nhà nước, có như vậy mới đưa hoạt động xét xử của Tòa án trở thành biểu tượng công lý trong ý thức của mọi người.

Những yếu tố trên tạo thành năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử - điều kiện cần tạo thành năng lực xét xử của Tòa án.

Trong bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào, cách thức tổ chức bộ máy và phân công lao động luôn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của mỗi một thành viên của cơ quan, tổ chức đó. Với cách thức tổ chức bộ máy khoa học, quan hệ phối hợp công tác giữa các cán bộ trong Tòa án một cách hợp lý sẽ có ý nghĩa bảo đảm hiệu quả và chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án.

ở một khía cạnh khác, yếu tố vật chất cũng ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án. Tòa án với chức năng xét xử công khai, có sự tham gia đông đảo của người dân, qua việc xét xử Tòa án không chỉ đảm bảo sự công bằng trong xã hội mà qua các vụ án cụ thể còn ý nghĩa giáo dục lớn. Một cơ sở vật chất khang trang, có đủ các thiết bị cần thiết phục vụ công tác xét xử không chỉ là những điều kiện tối thiểu phục vụ công tác xét xử mà còn là một trong những yêú tố tác động đến niềm tin của những người tham gia phiên tòa. Môi trường xét xử phải có đủ uy nghi để cho những người tiến hành tố tụng và những người dự phiên tòa cảm thấy mình đang ở trong bầu không khí trang nghiêm, trang trọng, tạo ra được niềm tin, tâm lý tin tưởng vào bản án, quyết định mà Hội đồng xét xử tuyên. Yếu tố vật chất còn tác động tới bản thân những người tiến hành hoạt động xét xử. Người Thẩm phán, ngoài nghề xét xử không được tham gia bất kỳ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào. Vì vậy, một chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với Thẩm phán là một đòi hỏi thiết yếu để đảm bảo cho Thẩm phán tập trung và công tác xét xử, giữ vững được phẩm chất của mình.

Ngoài ra, người Thẩm phán và Hội thẩm với chức năng đặc thù nên hoạt động nghề nghiệp của họ phải ở trong một phạm vi tố tụng nhất định. Cơ chế pháp lý không chỉ có ý nghĩa điều chỉnh hoạt động của họ mà còn là những điều kiện để đảm bảo cho hoạt động của họ hiệu quả, tránh những ảnh hưởng, tác động bên ngoài ảnh hưởng tính độc lập trong xét xử.

Do đó, nếu như coi năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử là điều kiện cần thì các điều kiện về tổ chức, bộ máy; điều kiện về cơ sở vật chất; điều kiện về cơ chế pháp lý chính là những điều kiện đủ để đảm bảo cho năng lực xét xử cả Tòa án.

Với nhận thức như trên, trong phạm vi của chuyên đề đánh giá thực trạng của Tòa án nhân dân cấp huyện, chúng tôi đánh giá theo 4 tiêu chí sau:

- Năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử;

- Cơ cấu bộ máy và tổ chức phân công lao động của Tòa án cấp huyện;

- Các yếu tố vật chất ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện;

- Các cơ chế pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Muốn xét xử đạt kết quả tốt, Tòa án phải có đội ngũ những người xét xử có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý. Trong những tiêu chuẩn đó, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ngày 14/5/1993 quy định rõ về tiêu chuẩn chuyên môn phải có trình độ cao đẳng Tòa án và Đại học luật, có thời gian nhất định làm công tác pháp luật mới dược bổ nhiệm làm Thẩm phán. Khi đã có trình độ chuyên môn, người Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân mới độc lập trong xét xử, không chịu sự tác động từ bên ngoài mà vẫn có niềm tin để căn cứ vào pháp luật ra những phán quyết đúng đắn. Trình độ chuyên môn và những kinh nghiệm thu được từ thực tế xét xử tạo thành năng lực của người Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Những vụ án càng nghiêm trọng, càng phức tạp càng đòi hỏi những người xét xử có trình độ, năng lực cao.

Khảo sát trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện trong thời gian qua cho thấy đã có sự phát triển đáng kể. Thẩm phán huyện đã từng bước nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và đạt các tiêu chuẩn cần thiết theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo nhiệm kỳ trước năm 1993, Thẩm phán có trình độ đại học chỉ có 250 người, chiếm tỷ lệ 18,2%, từ nhiệm kỳ 1994-1999 có 1282 Thẩm phán có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 58,3%, cho đến nay có khoảng 1967 Thẩm phán có trình độ đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ khoảng 86%. Theo thống kê của Bộ Tư pháp hơn 90% số Thẩm phán địa phương hiện nay (cả cấp tỉnh) là Đảng viên, có trình độ trung cấp chính trị trở lên.

Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua cho thấy chất lượng xét xử hiện nay là khá cao. Qua các số liệu xét xử trong năm 2000 dưới đây, chúng ta có thể thấy:

+ Về án hình sự: Trong năm 2000, Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực đã xét xử 27.064 vụ với 36.902 bị cáo. Số vụ án sơ thẩm có kháng nghị, kháng cáo phúc thẩm là 6936 vụ. Trong đó, tỷ lệ án cấp phúc thẩm y án là 63,42%.

+ Về án dân sự và hôn nhân gia đình: Trong năm 2000, Tòa án cấp huyện đã giải quyết 88.801 vụ/107.208 vụ phải giải quyết, đạt tỷ lệ 82,83%, trong đó có 10.468 vụ án có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Trong số 9.347/10.468 vụ án đã xét xử phúc thẩm có 3.4742 vụ bị cải, sửa chiếm 36,82%.

+ Về án lao động: Theo thống kê chưa đầy đủ thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết 237 vụ/284 vụ, đạt tỷ lệ 83,4%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp kinh tế: Các Tòa án huyện trong cả nước chỉ thụ lý 74 vụ, trong đó có 5 vụ có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

+ Về án hành chính: Các Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết 253vụ/336vụ, đạt tỷ lệ giải quyết 75,2%.

Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế hiện nay là số lượng bản án sơ thẩm bị cải sửa hiện nay vẫn còn nhiều. Trong năm 2000, Tòa án cấp tỉnh đã huỷ 344 bản án hình sự sơ thẩm để điều tra xét xử lại, tuyên bố không phạm tội 53 trường hợp. Đặc biệt là về án dân sự, hôn nhân gia đình có 3.474/9347 vụ bị cải, sửa, chiếm 36,82%.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do năng lực xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Một thực tế là, hiện nay, số lượng Thẩm phán địa phương được đào tạo chính quy không nhiều, chủ yếu được đào tạo qua các lớp chuyên tu, tại chức, luân huấn, trình độ ngoại ngữ tin học còn rất kém. Số lượng Thẩm phán được đào tạo nghề tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp là rất ít. Ngoài ra, một số Thẩm phán chưa tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cũng không ít trường hợp thiếu trách nhiệm, không nghiên cứu hồ sơ vụ án, cẩu thả trong công tác chuẩn bị phiên tòa, trong phiên tòa cũng như trong viết án, đặc biệt là có biểu hiện không giữ vững được lập trường chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân hiện nay, đa số không qua đào tạo và có trình độ xét xử, phần lớn trong số họ làm việc trong những ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ khác. Nhiều Hội thẩm coi công tác hội thẩm như là một việc làm thêm nên không có tinh thần học hỏi, cập nhật những kiến thức pháp lý. Các điều kiện về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ học vấn của Hội thẩm nhân dân vẫn chưa được luật hoá nên chất lượng của Hội thẩm nhân dân nhìn chung là thấp. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân hiện nay tiến hành không đem lại hiệu quả. Thông thường thì ngay sau khi bắt đầu vào nhiệm kỳ mới, ngành Tòa án tổ chức tập huấn cho Hội thẩm, sau đó dựa vào kế hoạch của ngành mình, hàng quý hàng năm, Hội thẩm được bồi dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, trong khi văn bản pháp luật cứ ra mới được ban hành rất nhiều thì việc cập nhật thông tin cho Hội thẩm cũng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ so với yêu cầu thực tế. Do vậy, sẽ rất khó khăn nếu Hội thẩm không có một nền kiến thức pháp lý vững chắc, không tự trang bị thêm cho mình thì việc làm ảnh hưởng đến chất lượng của Tòa án là điều dễ hiểu.

Về kỹ năng xét xử tại phiên Tòa: Nhìn chung, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân làm tốt công tác tổ chức phiên tòa, thể hiện được vị trí, tư cách của người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, ở một số Tòa án đặc biệt là ở các Tòa vùng sâu, Thẩm phán chưa thực sự chú ý đến các trình tự, nghi thức tổ chức phiên tòa, nội quy phiên tòa thường đọc qua loa, chiếu lệ (có khi không có), sự giải thích phần quyết định, bản án vừa tuyên của Chủ toạ phiên tòa không rõ ràng, cụ thể cho nên trong quá trình xét xử cũng như khi tuyên án những người tham gia tố tụng thường băn khoăn, không hiểu thủ tục tố tụng gây ra những lộn xộn, mất trật tự tại phiên tòa. Cá biệt, có những Thẩm phán khi không giữ được trật tự phiên tòa đã có hành vi đạp bàn, quát tháo…làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của hoạt động xét xử. Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần là do các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không được đào tạo một cách cơ bản về kỹ năng xét xử tại phiên tòa, những một phần cũng là do chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành phiên Tòa (sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau).

2. Cơ cấu, tổ chức của Tòa án cấp huyện.

a) Tổ chức, bộ máy: Về tổ chức bộ máy Tòa án cấp huyện Điều 32 Luật tổ chức TAND năm 2002 quy định:

1- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

2- Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.

Hiện nay biên chế cán bộ, Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án, Thư ký Tòa án được phân bổ dựa trên cơ sở lượng công việc, đặc điểm dân cư vùng, miền. Tính đến ngày 30/3/2001 trên toàn quốc có 620 Tòa án cấp huyện với số biên chế là 5565 người, trong đó có 534 Chánh án, 503 Phó Chánh án, có 2277 Thẩm phán còn lại là Thư ký và cán bộ văn phòng. Số lượng Thẩm phán cấp huyện hiện còn đang thiếu là 700 người. Với tình trạng thiếu Thẩm phán như hiện nay dẫn tới việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xét xử bình thường của Tòa án. Có những Tòa án cấp huyện chỉ có 1 Thẩm phán, vì vậy đối với những án sơ thẩm bị huỷ rất khó có thể bố trí Hội đồng xét xử khác. Đội ngũ Thư ký hiện nay cũng trong tình trạng tương tự. Với cơ cấu cứ 3 Thẩm phán có 2 Thư ký, dẫn tới Thẩm phán làm thay những công việc của Thư ký, không có thời gian nghiên cứu hồ sơ, ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động xét xử.

Hiện nay, số lượng thụ lý các vụ án ở các Tòa ở các quận, huyện lớn và các Tòa án huyện vùng sâu, vùng xa là khác nhau. Theo báo cáo của các huyện thị thì năm 2000 có 29 Tòa án một năm chỉ thụ lý giải quyết dưới 20 vụ án trong đó có Tòa án huyện Hiên, tỉnh Quang Nam có số lượng án thấp nhất, một năm chỉ thụ lý giải quyết có 6 vụ án các loại. Trong khi đó có những Tòa án quận của TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội một năm thụ lý gần 2000 vụ án các loại. ở các Tòa án cấp huyện hiện nay không có Tòa chuyên trách. nên các Thẩm phán được phân công chuyên xét xử về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án hoặc Phó Chánh án. Với cơ cấu như vậy là phù hợp với những Tòa án cấp huyện nơi có số lượng xét xử hàng năm ít. Nhưng đối với những Tòa án quận là nơi có số lượng xét xử nhiều thì việc tổ chức như vậy đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Chính vì vậy, theo chúng tôi, ở những quận có số lượng án nhiều thì cần phải tiến tới thành lập các Tòa chuyên trách. Đây là những bước đi đầu tiên, làm cơ sở cho việc thực hiện hai cấp xét xử trong tương lai.

Cũng giống như các cơ quan hành chính khác, Tòa án cũng phải tiến hành các hoạt động tổng hợp và hành chính, bao gồm các việc: văn thư, lưu trữ, đánh máy, kế toán, thủ quĩ, bảo vệ cơ quan và tạp vụ. Thực tế cho thấy bộ phận văn phòng mặc dù không trực tiếp tham gia vào hoạt động xét xử, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử. Công tác văn phòng của Tòa án cấp huyện hiện nay cũng đang có những bức xúc cần được giải quyết. Phần lớn các công việc này hiện nay đang được bố trí kiêm nhiệm như văn thư kiêm đánh máy, thủ quỹ, kế toán kiêm tạp vụ, lưu trữ...Những đơn vị ít biên chế thì một số phần việc văn phòng do Thư ký đảm nhiệm. Hơn nữa như đã nêu ở trên, hầu hết tòa án cấp quận của thành phố Hà nội và Hồ Chí Minh hàng năm đều đang giải quyết số lượng án rất lớn, như Tòa án quận Tân Bình, Tòa án quận I của TP.Hồ Chí Minh, Tòa án quận Hai Bà Trưng, Tòa án quận Đống Đa của TP. Hà nội...do vậy khối lượng về công tác văn phòng cần dược giải quyết hàng ngày cũng rất lớn. Nhưng biên chế văn phòng vẫn cơ cấu như các Tòa án huyện khác là điều không hợp lý. Vì vậy, ở những Tòa án huyện có số lượng án xét xử ít thì phải bố trí ít nhất là 1 người làm công tác văn phòng còn ở những Quận, Huyện có số lượng án xét xử một năm lớn cần phải thành lập tổ văn phòng với biên chế từ 4 đến 5 người.

b) Về tổ chức lao động: Với hoạt động xét xử nhưng Tòa án cũng tiến hành các hoạt động hành chính khác. Mối quan hệ giữa các cán bộ trong Tòa án có thể là quan hệ phối hợp được điều chỉnh bởi luật tố tụng hoặc là quản lý hành chính theo các quy định về quản lý hành chính. Thậm chí, trong hoạt động này là quan hệ phối hợp nhưng trong trường hợp khác thì lại là quan hệ mệnh lệnh cấp trên cấp dưới. Bởi vậy, tổ chức lao động sao cho các mối quan hệ giữa những cán bộ trong một Tòa án cùng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị là điều rất cần thiết. Hiện nay, trong Tòa án cấp huyện có những mối quan hệ sau:

- Quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán: Trong nội bộ một cơ quan Tòa án thì giữa Chánh án và Thẩm phán tồn tại hai mối quan hệ. Mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ hành chính giữa Thủ trưởng (Chánh án) và công chức cấp dưới (Thẩm phán). Mối quan hệ thứ hai là mối quan hệ tố tụng giữa Thẩm phán và Thẩm phán khi cùng trong một Hội đồng xét xử. Trong hai mối quan hệ này, thì ở mối quan hệ thứ nhất, Thẩm phán phải phục tùng và tuân thủ theo sự phân công, điều hành của Chánh án, còn trong mối quan hệ thứ hai, quan hệ tố tụng "khi xét xử, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Phán quyết của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án chỉ căn cứ trên cơ sở chứng cứ có trong hồ sơ và được xem xét tại phiên tòa, Thẩm phán không phụ thuộc và chỉ tuân theo sự chỉ đạo của Chánh án. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các quan hệ hành chính không ảnh hưởng tới tính độc lập của các Thẩm phán trong hoạt động xét xử thì ngoài việc người Thẩm phán có trình độ và ý thức pháp chế cao thì cũng cần có một quy chế quy định rõ ràng mối quan hệ giữa Chánh án và Thẩm phán.

- Quan hệ giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân: Đây là quan hệ phối hợp làm việc giữa một Thẩm phán chuyên môn và những người đại điện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của cơ quan nhà nước. Thông thường thì Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được Chánh án phân công xét xử một vụ án nào đó, thì cả Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tiến hành nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, mọi việc chuẩn bị như mời người phiên dịch, báo cho các đương sự về thời gian, địa điểm xét xử do Thẩm phán chủ toạ phiên Tòa chịu trách nhiệm. Hội thẩm nhân dân có những vụ án nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu thấy hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra, truy tố có những vấn đề chưa đầy đủ, rõ ràng, việc đưa vụ án ra xét xử sẽ không đảm bảo tính khách quan thì có quyền trao dổi với Thẩm phán chủ toạ phiên Tòa, chuẩn bị án, ngoài ra Thẩm phán có trách nhiệm tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân làm việc. Do Hội thẩm nhân dân là người không có kiến thức chuyên môn về pháp lý nên Hội thẩm nhân dân sẽ gặp những khó khăn nhất định, và nếu như Thẩm phán không tạo điều kiện để Hội thẩm nhân dân tham gia thì việc tham gia của Hội thẩm nhân dân chỉ là hình thức, mọi quyết định phụ thuộc vào Thẩm phán chuyên môn. Vì vậy, về tổ chức lao động giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử chính là sự phân công, phối hợp làm việc sao cho Hội thẩm nhân dân phát huy được vai trò của mình vừa không bị phụ thuộc vào Thẩm phán hoặc bị Thẩm phán lấn át.

- Quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký Tòa án: Theo quy định của pháp luật Thẩm phán không phải chức danh quản lý vì vậy quan hệ giữa Thẩm phán và Thư ký không phải là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới mà đây là quan hệ cùng phối hợp để giải quyết công việc theo trách nhiệm của mỗi người. Trong quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử Thư ký làm nhiệm vụ ghi chép biên bản một cách trung thực, đầy đủ chính xác, những diễn biến phiên Tòa, viết giấy báo cho các đương sự, tống đạt bản án...theo yêu cầu của Thẩm phán. Với tính chất hoạt động của Thư ký như vậy, đôi khi có nhận thức không đúng cho rằng Thư ký của Thẩm phán này, Thẩm phán kia hoặc quan niệm Thư ký là người giúp việc, là cấp dưới của Thẩm phán nên đã yêu cầu Thư ký phải làm những việc vượt quá Thẩm quyền của Thư ký.

Thực tế vừa qua đã có những trường hợp khi giải quyết các vụ án dân sự Thẩm phán đã giao cho Thư ký làm những việc mà theo quy định của pháp luật đó là trách nhiệm của Thẩm phán. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự không tôn trọng Thư ký, không tôn trọng những người tham gia tố tụng. Sở dĩ có những vấn đề như vậy là do Thẩm phán không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhưng cũng có các nguyên nhân về tổ chức phân công lao động ở các cơ quan Tòa án chưa được rõ ràng giữa các chức danh. Trong từng giai đoạn xét xử, thẩm quyền của Thẩm phán, Thư ký làm những việc gì nếu không quy định thật rõ ràng thì việc lấn sân nhau hoặc làm không hết trách nhiệm là không thể tránh khỏi. Muốn vậy, ngoài việc cần phải có quy định này còn phải có tổ chức lao động theo chuyên môn hoá cao đối với các chức danh, đối với Thẩm phán, Thư ký đều coi như là một nghề, vì vậy phải có thi tuyển trong từng chức danh và được phân từng bậc cho phù hợp với khả năng chuyên môn, thâm niên công tác của từng người. Hạn chế thấp nhất đối với việc chuyển từ ngạch bậc này sang ngạch bậc khác.

3. Các yếu tố vật chất ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

a. Cơ sở vật chất tạo môi trường cho hoạt động xét xử.

Năm 1993, khi công tác quản lý ngân sách TAND địa phương được giao cho Bộ Tư pháp, cả nước chỉ có 553 TAND cấp huyện, cho đến nay đã có 620 Tòa án cấp huyện.

Có thể nói, trụ sở của Tòa án cấp huyện hiện nay đã được đổi mới, khang trang hơn nhiều so với 8 năm về trước; hầu hết các Tòa án cấp huyện đều có chỗ làm việc và nơi xét xử. Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, các Tòa án được giao thêm nhiệm vụ xét xử án kinh tế, án lao động và hành chính, biên chế của Tòa án được tăng thêm, vì vậy, trong số 534 Tòa án có trụ sở mới thì có 523 Tòa có trụ sở nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xét xử. Các trụ sở Tòa án hiện phần lớn được xây theo mẫu từ năm 1993-1994. Trong đó, mẫu thiết kế lớn nhất có diện tích làm việc và xét xử là 235m2, mẫu nhỏ nhất có diện tích làm việc và xét xử là 160m2 . Tất cả các mẫu thiết kế chỉ có một hội trường xét xử nhỏ, không cần dùng micro, loa đài, do vậy, một số Tòa án huyện hiện nay có nhu cầu thêm hội trường để mở liền hai phiên tòa một lúc: phiên tòa xét xử hình sự và phiên tòa xét xử dân sự. Do mới được thành lập nên có 56/620 Tòa án cấp huyện vẫn chưa có trụ sở để hoạt động nên phải đi thuê hoặc sử dụng chung với các cơ quan khác ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động xét xử.

Hơn nữa, do kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở chưa được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật, vì vậy trụ sở một số Tòa án cấp huyện hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các Tòa án cấp huyện cần đầu tư cải tạo thì ở miền núi có 207 Tòa, ở đồng bằng có 255 Tòa, ở thành phố, thị xã có 67 Tòa.

Về trang thiết bị và phương tiện làm việc, trong thời gian qua, các Tòa án cấp huyện đã được trang bị một số phương tiện làm việc thiết yếu như máy đánh chữ, bàn ghế làm việc, phần lớn các Tòa án đã được cấp xe máy, một số Tòa án quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã được cấp máy vi tính và máy phôtô...Song nhìn chung, trang thiết bị của các Tòa án cấp huyện hiện nay vừa thiếu vừa lạc hậu, chậm được đổi mới đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa. Do việc đầu tư trang bị không được đầy đủ, đồng bộ do vậy các cán bộ làm công tác xét xử không có điều kiện truy cập, khai thác thông tin phục vụ cho công tác xét xử, công tác lưu trữ hồ sơ vụ án, công khai các bản án đã có hiệu lực pháp luật tạo điều kiện cho những ai quan tâm cần tìm thông tin từ những hồ sơ vụ án đã có hiệu lực pháp luật như hiện nay là rất khó khăn. Nhiệm vụ của Tòa án là xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính, việc xét xử phải luôn luôn dựa vào các quy định của pháp luật, trong khi pháp luật nước ta hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy hàng năm có rất nhiều văn bản luật và dưới luật được ban hành. Nếu như người cán bộ tòa án không kịp thời tìm hiểu, nghiên cứu những văn bản pháp luật mới thì sẽ không đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Biện pháp tốt nhất là tìm hiểu qua hệ thống mạng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật quốc gia, nhưng trước hết phải có máy tính và cán bộ có kiến thức về vi tính. Ngoài hệ thống vi tính cần phải được nối mạng có như vậy sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý điều hành chung như hưởng dẫn tổ chức thực hiện các văn bản mới, yêu cầu về báo cáo thống kê. Ngoài ra hầu hết các Tòa án cấp huyện hiện nay chưa được trang bị hệ thống loa đài, Amply, chính vì vậy ảnh hưỏng đến hoạt động xét xử, nhất là khi xét xử lưu động hoặc xét xử những vụ án có đông người tham dự.

Ngoài ra, các cơ sở vật chất khác như bàn ghế, tủ làm việc, tài liệu sách báo phục vụ công tác nghiên cứu...chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án hiện nay. Hiện tượng chung bàn, tủ làm việc là khá phổ biến, thậm trí ngay cả ở một số Tòa án quận.

Với cơ sở vật chất như hiện nay, thì các Tòa án cấp huyện không đủ điều kiện vật chất để đảm bảo hiệu quả của hoạt động xét xử cũng như phục vụ nhiệm vụ tăng thẩm quyền của Tòa án trong tương lai.

b. Các yếu tố vật chất đảm bảo cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Hoạt động xét xử của Thẩm phán là loại hình lao động đặc thù, vì vậy ngoài chế độ chính sách của Nhà nước đối với công chức nói chung thì cũng cần một chế độ chính sách riêng thích hợp đối với Thẩm phán thì mới động viên, khích lệ các Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp yên tâm công tác. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành những chế độ đó thực sự còn quá khiêm tốn đối với những người làm công tác xét xử.

- Về chế độ lương.

Từ năm 1993, Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới, hệ thống thang bảng lương của công chức nói chung cũng như của Thẩm phán Tòa án các cấp nói riêng có sự thay đổi căn bản. Về lý thuyết thì lương của Thẩm phán cao hơn ngạch lương hành chính tương đương, nhưng điều này chỉ đúng với Thẩm phán cấp tỉnh, Thẩm phán Tối cao, còn lương của Thẩm phán cấp huyện so với chuyên viên thì chỉ bằng hoặc chênh lệch không đáng kể (sau 10 năm hệ số lương của chuyên viên là 2,58 còn hệ số lương của Thẩm phán là 2,62), trong khi đó để trở thành Thẩm phán thì tiêu chuẩn cũng như các điều kiện, thủ tục bổ nhiệm khó khăn hơn nhiều.

Lương của Thẩm phán cấp huyện là như vậy, còn lương của Thư ký và cán bộ khác của Tòa án cũng như tình trạng chung như công chức Nhà nước nói chung. Sinh viên tốt nghiệp đại học luật ra trường nếu được tuyển dụng vào Tòa án, hưởng lương Thư ký tập sự mã số ngạch 4 hệ số 1,82 hưởng 85% = 324.870 đồng/tháng. Theo Nghị định 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 thì đối với công chức loại A sau một năm (12 tháng) sẽ được hưởng mức lương là 382.200 đồng và cũng công chức loại A như vậy nếu được tuyển dụng vào (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự...thì lại được xếp lương chuyên viên mã số ngạch 01003 hệ số 1,86 hưởng 85% = 332.010 đồng và cũng sau 12 tháng được hưởng 100% hệ số 1,86 = 390600 đồng. Với thu nhập như vậy bản thân Thư ký hoặc chuyên viên này không đủ nuôi sống bản thân mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm nay số lượng biên chế TAND địa phương và số lượng Thẩm phán không đủ theo số lượng được phân bổ vì không có nguồn cán bộ tốt nghiệp đại học để tuyển dụng, một số sinh viên tốt nghiệp Đại học luật không tha thiết xin vào làm việc tại Tòa án, đặc biệt là ở những địa phương phía nam, vùng sâu, vùng miền núi. Những năm gần đây, hiện tượng cán bộ Tòa án xin thôi việc vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn không còn là hiện tượng cá biệt (Trong 4 năm, từ 1997 đến 2000, có 481 cán bộ Tòa án xin thôi việc trong đó có 5 Thẩm phán cấp huyện, có trường hợp xin chuyển công tác khác nhưng không được tổ chức giải quyết đã bỏ việc chịu kỷ luật để được về quê sinh sống).

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, Thẩm phán không được tham gia vào các dịch vụ buôn bán... Do vậy, với thu nhập như vậy, đời sống cán bộ Tòa án càng khó khăn hơn. Một số người không vững vàng đã sa ngã, nhận hối lộ. Trong 4 năm qua có 98 cán bộ Tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật trong đó có 35 Thẩm phán.

- Về chế độ bồi dưỡng phiên tòa đối với Thẩm phán.

Theo Quyết định số 154/TTg (12/3/1996) và Thông tư số 148/TT-LB ngày 09/4/1996 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thì mức bồi dưỡng phiên tòa áp dụng đối với Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa là 15.000 đ/người/ngày và 10.000đ/người/ngày áp dụng đối với Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Cảnh sát bảo vệ phiên tòa, Cảnh sát dẫn giải bị can, bị cáo. Mặc dù mức tiền bồi dưỡng này chưa cao, nhưng đã phần nào giải quyết khó khăn về đời sống, động viên, khuyến khích những người trực tiếp tham gia xét xử tại phiên tòa.

Tuy nhiên, khi áp dụng mức bồi dưỡng phiên tòa thì đã nảy sinh một vấn đề bất cập là: Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các vụ án (dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động....). Thực tế có nhiều vụ phải hòa giải đi hòa giải lại nhiều lần, nếu vụ nào kết thúc bằng thủ tục hòa giải thành thì không phải đưa ra vụ án đó ra xét xử nữa. Bằng việc hòa giải này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đỡ tốn kém kinh phí để mở phiên tòa xét xử. Mặt khác, xét từ góc độ chuyên môn thì hòa giải thành là một tiêu chí để đánh giá năng lực chuyên môn của Thẩm phán. Thông qua hòa giải thành các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên đương sự được giải quyết, song khi Thẩm phán tiến hành làm thủ tục hòa giải cho dù thành hay không thành thì cũng không được hưởng mức bồi dưỡng như đối với xét xử tại phiên tòa. Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét nhằm sửa đổi Thông tư 148/TT-LN ngày 09/4/1996 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng phiên tòa, song đến nay vẫn chưa được chấp nhận với lý do là không chỉ riêng Tòa án mới làm công tác hòa giải mà một số tổ chức, tổ chức chính trị xã hội khác cũng làm công tác hòa giải nhưng lại không được hưởng chế độ bồi dưỡng. Nhưng như đã phân tích ở trên, hòa giải tại Tòa án là thủ tục tố tụng đặc biệt và hòa giải thành ở Tòa án được coi như hoàn thành vụ án chứ không phải là sự hòa giải mang tính xã hội như giai đoạn trước đó.

4. Các cơ chế pháp lý ảnh hưởng đến năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện để thích ứng với những thay đổi cải cách đang diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó chắc chắn có những vấn đề có thể còn rất mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Ngay cả một số vấn đề tuy đã được điều chỉnh bởi pháp luật những vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể và đồng bộ. Mặt khác, một số quy phạm pháp luật được xây dựng chưa chuẩn, chưa sát với thực tế, hoặc tự thân các quy phạm đó chứa đựng những mâu thuẫn có thể gây ra những cách hiểu khác nhau, trong khi đó việc giải thích của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn bị bỏ ngỏ. Ngay cả những quy định về bộ máy và các quy định tố tụng hiện nay liên quan tới hoạt động xét xử cũng cần phải được nghiên cứu, xem xét lại.

a) Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Theo quy định của pháp luật hiện hành thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm hiện nay gồm:

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình thành phần Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử chiếm đa số.

- Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ tranh chấp kinh tế thành viên là Thẩm phán chiếm đa số trong Hội đồng xét xử.

Chế định Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử là cần thiết, nhưng chiếm đa số trong Hội đồng xét xử là chưa phù hợp. Với ý nghĩa là người đại diện cho nhân dân tham gia xét xử, do đó Hội thẩm nhân dân không phải là những người hoạt động chuyên trách. Thành phần Hội thẩm nhân dân đa dạng bao gồm cán bộ, công chức nhà nước đang công tác, cán bộ đã nghỉ hưu, những người tham gia ở những Hội nghề nghiệp, tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp...cho nên hầu hết các Hội thẩm nhân dân không được đào tạo chuyên môn pháp luật, việc bồi dưỡng pháp luật cũng bị hạn chế. Cũng chính vì không có trình độ chuyên môn nên xảy ra trường hợp người Hội thẩm nhân dân thường có tâm lý "buông xuôi", tuỳ theo nhận định, quyết định của Thẩm phán và như vậy, việc tham gia Hội đồng xét xử không phát huy được ý nghĩa của nó. Ngoài ra, với nguyên tắc biểu quyết theo đa số thì trong nhiều trường hợp, đa số đó có thể thuộc về những người ít uyên thâm về pháp luật và nghề nghiệp xét xử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ huỷ, sửa án còn cao.

b) Về thẩm quyền xét xử:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện về hình sự đối với các tội có khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù, trừ các tội về an ninh quốc gia. Về dân sự và hôn nhân gia đình, Tòa án cấp huyện được xét xử tất cả các loại án trừ những vụ án có yếu tố nước ngoài. Về án kinh tế, Tòa án cấp huyện được xét xử những vụ án có giá trị tranh chấp không quá 50 triệu đồng. Về án hành chính và lao động xét xử theo thẩm quyền. Nhìn chung hiện nay các Tòa án cấp huyện hiện nay chủ yếu tập trung giải quyết án hình sư, dân sự, án hôn nhân gia đình là chính.

Sự phân định thẩm quyền xét xử nói chung và xét xử sơ thẩm hình sự nói riêng giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp Tỉnh hiện nay là chưa hợp lý. Sự phân định thẩm quyền hiện nay xuất phát từ điều kiện kinh tế-xã hội, năng lực trình độ cán bộ, cơ sở vật chất...của hơn muời năm trước. Nhưng cho đến nay, khi điều kiện kinh tế xã hội đã có những bước phát triển mới, Nhà nước ta đã và đang tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống pháp luật...vì vậy những quy định về thẩm quyền hiện nay không còn phù hợp.

+ Về hình sự: Theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân cấp huyện được xử những tội mà Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt không quá 7 năm tù (trừ một số trường hợp khác). Đối chiếu với BLHS chúng ta thấy, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử 346/672 khung hình phạt, chiếm tỉ lệ 51%. Vì vậy số lượng án hình sự sơ thẩm giải quyết ở cấp tỉnh là khá lớn. Trong khi đó, Tòa án cấp tỉnh còn phải xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, hành chính và lao động khác. Kéo theo đó là việc dồn án phúc thẩm lên Tòa án tối cao, làm ánh hưởng đến công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc xét xử.

- Việc phân định thẩm quyền xét xử trong các vụ án khác cũng thể hiện sự không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay. Chẳng hạn như về thẩm quyền giải quyết vụ án kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế quy định: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chug là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài" (khoản 1 điều 13).Tuy nhiên, một thực tế là những tranh chấp có giá trị dưới 50 triệu đồng thường là những tranh chấp hợp đồng nhỏ, rất ít gặp trong các quan hệ kinh tế và nếu có phát sinh các bên đương sự cũng sẽ hoà giải thoả thuận với nhau về các vấn đề tranh chấp. Mặt khác, với giá trị nhỏ như vậy, các doanh nghiệp rất ngại kiện ra Tòa vì lý do mặc cảm và mất uy tín trên thương trường. Do đó, các Tòa án cấp huyện hầu như không có vụ việc giải quyết. Trong khi đó, nhà nước vẫn phải bổ sung biên chế, trả lương và các chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác này ở các Tòa án cấp huyện.

c) Về thủ tục tố tụng hình sự.

 

Qua thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự hiện nay, chúng tôi thấy thực trạng thực hiện pháp luật còn có những điểm bất cập, thể hiện như số lượng vụ án hình sự ngày càng gia tăng nhất là ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ chí Minh...dẫn đến án tồn đọng nhiều, các trại tạm giam đều bị quá tải bởi số lượng bị can, bị cáo đang bị tạm giam chờ xử lý quá đông, sự vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giữ, tạm giam... từ phía các cơ quan pháp luật có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn ở thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2000 còn có 247 vụ án đã quá thời hạn xét xử nhưng chưa xét xử được. Riêng đối với cấp phúc thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao thì số vụ án còn lại tương đối lớn: 1526 vụ với 3.623 bị cáo. Thực tế, có nhiều vụ án hình sự đơn giản, sự việc phạm tội quả tang, rõ ràng, chứng cứ đã đầy đủ, tội đã phạm không lớn lắm, để vừa tránh mất nhiều thời gian vừa xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác vụ án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tiết kiệm tiền của cho Nhà nước, chúng tôi thiết nghĩ đối với các vụ án này không cần thiết phải tiến hành đầy đủ các bước, các khâu, làm đầy đủ các thủ tục như Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định, mà nên giản lược một số thủ tục cũng như rút gọn thời hạn của các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.

Mặt khác, hiện nay đội ngũ cán bộ bảo vệ pháp luật ở nước ta đã được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã nâng cao, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho hoạt động tố tụng của các cơ quan pháp luật ngày càng được tăng cường. Đây cũng là những điều kiện hết sức thuận lợi đáp ứng cho việc xử lý nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo chất lượng cho các vụ án.

Hơn nữa chúng ta đã có một số kinh nghiệm trong việc áp dụng thủ tục này. Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, ở nước ta đã có những văn bản quy định về thủ tục rút gọn và trên thực tế nó cũng đã được áp dụng. Ngày 8/7/1974 Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 10/TANDTC quy định về thủ tục rút gọn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng, trong đó xác định rõ những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào có thể áp dụng thủ tục rút gọn, những loại án nào không được áp dụng và những nét chung về thủ tục tố tụng trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn. Sau đó ngày17/8/1974 Bộ Công an ra Chỉ thị số 954/CP về áp dụng thủ tục rút gọn, trong đó xác định các tiêu chuẩn và loại tội có thể điều tra theo thủ tục rút gọn, những trường hợp không áp dụng thủ tục rút gọn và thẩm quyền cũng như thủ tục điều tra vụ án theo thủ tục rút gọn.

Từ thực trạng và việc tổ chức thực hiện pháp luật như trên, theo chúng tôi cần quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thủ tục và trình tự rút gọn nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số lượng lớn các loại án hình sự đơn giản, rõ ràng, không cần thiết phải thông qua các thủ tục như đối với các vụ án phức tạp.

đ) Về các quy định về nghi lễ tại phiên Tòa:

Hoạt động xét xử không chỉ đảm bảo đúng người, đúng tội, hợp tình, hợp lý, tuân thủ các quy định về tố tụng mà luật tố tụng quy định mà trên thực tế xét xử, các Tòa án phải làm tốt công tác tổ chức nghi lễ trong phiên Tòa nhằm thể hiện tính nghiêm minh, bảo đảm duy trì trật tự để việc xét xử đạt hiệu quả cao.

Qua nghiên cứu pháp luật hiện hành chúng tôi thấy các quy định mới chỉ tập trung quy định việc điều khiển, duy trì trật tự, việc tổ chức, bảo vệ và xử lý vi phạm trật tự tại phiên Tòa mà chưa có quy định về nghi lễ tại phiên Tòa, chẳng hạn như các quy định về vị trí những người tham gia tố tụng, cách trang trí phòng xử án, trang phục Hội đồng xét xử, cách xưng hô tại phiên Tòa…

Việc thực hiện các nghi lễ tại các Tòa ở cấp trung ương, cấp tỉnh nhìn chung đảm bảo tính uy nghiêm của Nhà nước, tuy nhiên, tại phiên Tòa cấp huyện, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản thể hiện sự quyền uy, trang nghiêm của hoạt động xét xử. Có trường hợp, khi chủ toạ bắt bị cáo đứng vào vành móng ngựa thì y không chịu và y lập luận là"đứng vào đó coi như là có tội rồi", mà y thì không nhận tội. Giải thích, thuyết phục thì y cãi cùn "văn bản pháp luật nào quy định bị cáo phải đứng vào vành móng ngựa". Lại có trường hợp, bị cáo nhất định không nghe lời giải thích của chủ toạ phiên Tòa phải "Thưa Hội đồng xét xử" hoặc Thưa quý Tòa mà y cứ ‘Thưa ông" "Thưa bà", "Thưa anh"… và lập luận rằng ai hỏi thì tôi trả lời, người đó vào đáng tuổi nào thì tôi xưng hô như vậy. Tất nhiên, những trường hợp đó chỉ chiếm số ít, nhưng cái mắc phổ biến hiện nay là nếu không được giải thích, ngừơi tham gia tố tụng vẫn lúng túng trong việc xưng hô, còn cán bộ xét xử nếu tuỳ tiện trong cách xưng hô sẽ làm mất tính uy nghiêm của nhà nước trong hoạt động xét xử…

Từ thực trạng trên cho thấy, cần phải có một chế định pháp lý quy định cụ thể về các nghi lễ tại phiên Tòa để đảm bảo cho hoạt động xét xử thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp nói chung, hoạt động của Tòa án nói riêng, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân. Đó là những hoạt động cần thiết nhằm tăng cường việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

c. Một số kiến nghị:

1. Các kiến nghị tăng cường năng lực của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Việc tăng cường năng lực xét xử của chủ thể tiến hành hoạt động xét xử có ý nghĩa, vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng lực xét xử của Tòa án. Công việc này không chỉ phụ thuộc vào sự tự học hỏi, rèn luyện, phấn đấu của mỗi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân mà cần phải có sự trợ giúp và vai trò quản lý từ phía các cơ quan quản lý.

Xét từ góc độ quản lý, để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cần phải tiến hành các giải pháp sau:

+ Thực hiện chặt chẽ việc tiêu chuẩn hoá Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân theo các quy định của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, đồng thời từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với Thẩm phán chuyên nghiệp.

Trong một thời gian dài nhất là khi có Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, việc tiêu chuẩn hoá đối với những người làm công tác xét xử chưa được chú trọng nên đã dẫn đến những khó khăn và tồn tại mà hiện nay chúng ta đang mắc phải trong việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán địa phương. Đó là tình trạng có đến gần đến một nửa số Thẩm phán đương nhiệm, trong suốt hai nhiệm kỳ Thẩm phán vừa qua vừa làm vừa học theo các chương trình Đại học Luật tại chức hoặc luân huấn pháp lý để trả nợ tiêu chuẩn về trình độ pháp lý theo quy định của pháp luật. Với tình hình như vậy, thì việc có những bản án, quyết định của Tòa án không đảm bảo chất lượng, thậm chí có những vụ án còn bị oan sai, và việc người dân còn chưa thực sự yên tâm với hoạt động xét xử của Tòa án là điều dễ hiểu. Chỉ có bằng cách thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ Thẩm phán, thì mới có thể tuyển chọn được người có đủ đức, tài làm công tác xét xử.

Đa số mọi người đều thừa nhận việc xét xử đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Vì vậy, với những quy định hiện hành về tiêu chuẩn đối với Thẩm phán như các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, về trình độ Đại học Luật, thời gian làm công tác pháp luật và yêu cầu về sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể thấy đó mới chỉ là những tiểu chuẩn cần mà chưa đủ theo yêu cầu đặc thù chuyên môn của hoạt động xét xử. ở nhiều nước, người ta áp dụng hình thức thi tuyển hoặc đặt ra tiểu chuẩn phải qua các khoá đào tạo thẩm phán đối với người được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán ở các Tòa sơ cấp, và chỉ những người đã làm Thẩm phán ở cấp sơ thẩm mới được bổ nhiệm làm Thẩm phán ở các Tòa án cấp trên.

Có lẽ, thời gian tới, chúng ta cũng phải tính đến điều này khi sửa đổi Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân để từng bước nâng cao tiêu chuẩn đối với Thẩm phán.

+ Tiếp tục thực hiện và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo Thẩm phán đồng thời tiến tới thực hiện một cách thống nhất việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử cho các Hội thẩm nhân dân. Với thực trạng của đội ngũ Thẩm phán ở nước ta vừa thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, việc đào tạo Thẩm phán cần tập trung vào hai hướng. Đó là đạo tạo nguồn và đào tạo lại số Thẩm phán hiện còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Chương trình đào tạo Thẩm phán cũng không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức pháp luật và xã hội có liên quan, huấn luyện những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, cung cấp những thông tin về kinh nghiệm xét xử, mà cần từng bước có chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo Thẩm phán chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực xét xử cụ thể như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, hành chính, lao động. Với chương trình đào tạo như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có những chuyên gia hoặc các nhà chuyên môn giỏi trong mỗi lĩnh vực xét xử.

+ Luật hoá các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán bằng cách xây dựng và ban hành Quy chế đạo đức Thẩm phán. Quy chế này không chỉ đề ra các quy chuẩn về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp của Thẩm phán mà còn phải có các quy định hoặc đưa ra các chuẩn mực đối với các hành vi ứng xử của Thẩm phán trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường, nhất là tác phong, thái độ của Thẩm phán trong khi tiếp xúc với nhân dân, với các đương sự và những người liên quan khác trong mỗi vụ án. Bản lĩnh nghề nghiệp, những việc mà Thẩm phán được làm hoặc không được làm để phòng và tránh việc giải quyết không vô tư, khách quan các vụ án, hoặc các vi phạm pháp luật cũng là những vấn đề cần được đề cập và xử lý trong Quy chế này.

2. Các kiến nghị về bộ máy Tòa án cấp huyện.

+ Bộ Tư pháp cần nhanh chóng bổ sung đội ngũ Thẩm phán và Thư ký Tòa án cấp huyện hiện còn đang bị thiếu. Trên cơ sở số lượng án xét xử hàng năm phân bổ biên chế một cách hợp lý, bảo đảm ít nhất một Tòa án cấp huyện có hai Thẩm phán, đồng thời bổ sung kịp thời đội ngũ Thư ký với cơ cấu một Thẩm phán có 1 Thư ký giúp việc. Có như vậy mới đảm bảo được hoạt động bình thường của Tòa án, đáp ứng được nhu cầu phát triển của Tòa án cấp huyện.

+ Cần phải hình thành bộ phận văn phòng trong bộ máy Tòa án cấp huyện để hỗ trợ công tác xét xử. ở những Tòa án huyện có số lượng án xét xử một năm ít thì bố trí ít nhất một cán bộ làm công tác văn phòng. Còn ở những Tòa án quận, huyện có số lượng án xét xử nhiều, cần thành lập một tổ văn phòng với khoảng 4 đến 5 biên chế không kể bảo vệ và tạp vụ, trong đó có 1 văn thư, 1 kế toán và 2 đến 3 đánh máy đồng thời kiêm nhiệm các công việc khác.

+ ở những Tòa án cấp quận có số lượng án xét xử 1 năm lớn, cần tiến tới thành lập các Tòa án chuyên trách. Đây là cơ sở để tiến tới việc Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm tất cả các loại án, thực hiện nguyên tắc 2 cấp xét xử.

+ Nhanh chóng xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của Tòa án. Quy chế này cần chứa đựng những quy định về trách nhiệm công tác tạo cơ sở cho việc phân công lao động và sử dụng lao động hợp lý, phân định rõ ràng các mối quan hệ công tác giữa cán bộ lãnh đạo Tòa án và Thẩm phán xét xử, giữa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, giữa các Thẩm phán với nhau và giữa Thẩm phán với Thư ký và các cán bộ khác của Tòa án. Chỉ có cách tổ chức phân công công việc khoa học và quan hệ phối hợp công tác hợp lý, tôn trọng triệt để nguyên tắc "khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật", thì mới có thể bảo đảm được hiệu quả và chất lượng hoạt động xét xử của các Tòa án.

3. Về cơ sở vật chất:

a. Các kiến nghị nhằm tạo môi trường cho hoạt động xét xử: Tạo điều kiện vật chất để Tòa án cấp huyện có thể thực hiện nhiệm vụ tăng thẩm quyền xét xử là một trong những tiền đề vật chất để cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án. Vì vậy, Toà án nhân dân tối cao cần nhanh chóng triển khai mở rộng trụ sở của Tòa án cấp huyện. Đối với những Tòa án cần mở rộng thì tối thiểu phải xây thêm một hội trường xét xử, một phòng nghị án, phòng tạm giam và thêm diện tích làm việc cho số biên chế mới được bổ sung. Trong thời gian tới, việc mở rộng diện tích phải đi đôi với sửa chữa cải tạo. Căn cứ tiêu chuẩn diện tích làm việc của cơ quan hành chính sự nghiệp quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 5/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ và nhu cầu diện tích phụ trợ do đặc thù của các Tòa án.

Kế hoạch cụ thể về đầu tư cải tạo mở rộng trụ sở Tòa án phải căn cứ vào chương trình cải cách tư pháp hiện nay và triển khai từng bước, phù hợp với kế hoạch mở rộng diện các Tòa án huyện được tăng thẩm quyền xét xử, thậm chí nếu có khả năng về vốn thì kế hoạch đầu tư phải đi trước một bước.

Phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, cần trang bị cho mỗi Tòa án tối thiểu một máy vi tính, một máy phô tô, một bộ loa âmly, micro ở Hội trường xét xử, một xe máy phục vụ công tác điều tra án...Số tiền cần đầu tư mua sắm các phương tiện này cho Tòa án cấp huyện khoảng 60 tỷ dồng.

Đi đôi với việc đầu tư mở rộng trụ sở, tăng thêm phương tiện làm việc, kinh phí chi thường xuyên của các Tòa án cũng phải được tăng thêm so với hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng thêm thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện.

b. Các kiến nghị nhằm đảm bảo cho các chủ thể tiến hành hoạt động xét xử.

Từ thực trạng của việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ Tòa án như trên, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm, từng bước giải quyết và ban hành chế độ chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của Tòa án cụ thể như sau:

+ Tiếp tục nghiên cứu và thiết kế thang bảng lương đối với ngạch Thẩm phán cho phù hợp, đủ nuôi sống bản thân Thẩm phán và gia đình của họ. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn tệ tham nhũng trong các cơ quan Tòa án, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán.

+ Thiết kế lại ngạch lương Thư ký theo hướng tiêu chuẩn Thư ký Tòa án: Tốt nghiệp đại học luật (công chức loại A) tốt nghiệp trung cấp luật (công chức loại B), những công chức loại A là nguồn để bổ nhiệm làm Thẩm phán và những công chức này phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, lương của Thư ký Tòa án sẽ cao hơn lương chuyên viên.

+ Nên quy định phụ cấp lương vượt khung đối với các trường hợp đã hưởng hệ số lương tối đa. Ví dụ: sau 3 năm được nhận phụ cấp 5% và tiếp theo cứ 1 năm được cộng thêm 1%.

+ Cần có chế độ chính sách ưu đãi để thu hút động viên những người đến nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Cụ thể là có chế độ trợ cấp lần đầu bằng 3 tháng lương tối thiểu. Đối với những cán bộ có đủ thời gian công tác liên tục 10 năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi thì cần có quy định ưu tiên đối với họ trong việc chuyển vùng công tác.

+ Cần quy định chế độ nâng lương sớm đối với những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hoặc những người được điều động đến những nơi đó khi có yêu cầu.

+ Do biến động về giá cả chung đề nghị tăng mức bồi dưỡng phụ cấp xét xử và đơn giá đối với việc cấp kinh phí may sắm trang phục đối với cán bộ Tòa án địa phương.

4. Các kiến nghị về cơ chế pháp lý.

a. Vê cơ chế Hội đồng xét xử: Các hoạt động phiên tòa cần có những đổi mới nhằm bảo đảm chân lý khách quan được xem xét bằng tri thức pháp luật tại phiên tòa. Do đó, chúng tôi để nghị cơ cấu Hội đồng xét xử gồm 2 Thẩm phán và 1 Hội thẩm nhân dân, nếu Hội đồng xét xử với 5 người thì phải có 3 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân để cho chuyên môn hoá nhiều hơn.

b. Cần tăng thẩm quyền của Tòa án cấp huyện để tiến tới việc thực hiện hai cấp xét xử. Việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện có những ưu điểm sau:

 

+ Giảm bớt công việc xét xử sơ thẩm cho Tòa án cấp tỉnh, để Tòa án cấp tỉnh tập trung vào nhiệm vụ xét xử phúc thẩm.

+ Tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho những người tham gia tố tụng (nguyên đơn, bị đơn, bị cáo...) vì Tòa án cấp huyện vẫn trong địa bàn của huyện, gần với các đơn vị dân cư.

+ Nâng cao vị trí của Tòa án cấp huyện, thể hiện là mắt xích chính trong hệ thống các cơ quan Tòa án ở nước ta.

c. Cần nghiên cứu, quy định thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự để giải quyết được tình trạng án tồn đọng kéo dài. Tuy nhiên, để tránh sự tuỳ tiện thì việc áp dụng phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ ấn định cụ thể loại án thuộc thẩm quyền theo thủ tục rút ngắn;

+ Chứng cứ vụ án phải được thu thập đầy đủ và chứng minh rõ ràng các tình tiết vụ án.

+ Phiên tòa phải có sự tham gia đầy đủ tất cả những người tham gia tố tụng;

d. Cần nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện các nghi lễ khi xét xử theo từng Tòa chuyên trách theo các vấn đề sau:

 

- Những thủ tục về nghi thức phiên tòa:

+ Trang trí phòng xử án,

+ Trang phục Hội đồng xét xử.

+ Vị trí trong phòng xét xử của: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, những người tham dự phiên tòa.

- Về nội dung phiên tòa:

+ Trước khi xét xử: Thư ký phổ biến nội quy phiên tòa, yêu cầu những người liên quan thực hiện các thủ tục để chuẩn bị cho việc xét xử (nhận giấy triệu tập, kiểm tra sự có mặt của những người đã được triệu tập và bố trí bảo vệ phiên tòa…

+ Trong khi xét xử: Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, cách xưng hô tại phiên tòa, quyền hạn, nghĩa vụ của những người được triệu tập và những người khác trong việc phát biểu ý kiến của mình, quyền hạn nghĩa vụ của những người có hoạt động liên quan tới việc xét xử (quay phim, chụp ảnh…), Những đối tượng không được vào phòng xử án.

+ Tuyên án:

+ Phần giải thích của Chủ toạ phiên tòa về phần quyết định, bản án.

 

cơ sở lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa năng lực xét xử của Toà án với việc xác định thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện trong tình hình hiện nay

 

Tiến sĩ Trần Văn Độ - Toà án quân sự Trung ương

 

I. đặt vấn đề

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ở nước ta hiện nay, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và Toà án nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của công dân đòi hỏi nhà nước ta có những cải cách nhất định trong hoạt động tài phán, làm thế nào để mọi vi phạm pháp luật được đưa ra giải quyết bằng con đường tài phán, đảm bảo tính chính xác, khách quan, bảo vệ các quan hệ xã hội lành mạnh, hạn chế các vi phạm pháp luật và bảo vệ lợi ích Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đổi mới tổ chức và hoạt động tư pháp liên quan đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn khác nhau. Trong đó việc xác định đúng đắn, hợp lý thẩm quyền xét xử của các Toà án (Trong số các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý thì trường hợp nào được giao cho Toà án xét xử, trường hợp nào được xử lý bằng hình thức khác; thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp được quy định cụ thể như thế nào...) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả hoạt động xét xử của Toà án.

Tuy nhiên, vấn đề dựa vào đâu để quy định thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các vụ án khác nhau cho hợp lý đang là vấn đề cấp thiết trong khoa học pháp lý hiện nay. Đa số các tác giả thống nhất cho rằng để quy định thẩm quyền xét xử của Toà án cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng đó là những yếu tố gì, mức độ tác động và tương quan giữa các yếu tố đó ra sao lên quá trình lập pháp... đang còn có nhiều ý kiến khác nhau và chưa được giải quyết triệt để.

Trong các căn cứ quy định thẩm quyền của Toà án thì năng lực xét xử có vị trí quan trọng. Dù thể hiện cách này hay cách khác, các nhà nghiên cứu pháp lý khi xem xét thẩm quyền xét xử của Toà án đều đặt nó trong mối quan hệ biện chứng qua lại với năng lực của cán bộ Toà án nói riêng và năng lực xét xử của Toà án nói chung. Vì vậy, nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực xét xử của Toà án và việc xác định thẩm quyền xét xử có ý nghĩa cấp thiết trong công cuộc đổi mới tư pháp hiện nay.

II. Năng lực xét xử của Toà án và thẩm quyền xét xử của Toà án

1. Năng lực xét xử của Toà án:

Theo nghĩa tiếng Việt thì năng lực là "khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó" (Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng năm 1998, tr. 639). Như vậy, năng lực thể hiện ở bốn yếu tố:

- Hoặc là khả năng (cái mà chủ thể vốn có) để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là điều kiện chủ quan để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là điều kiện khách quan để thực hiện một hoạt động nào đó;

- Hoặc là vừa khả năng, vừa điều kiện để thực hiện một hoạt động nào đó.

Năng lực bao giờ cũng cụ thể. Không thể có năng lực chung chung. Nói đến năng lực bao giờ cũng đi liền với một chủ thể nhất định và hoạt động cụ thể xác định. Nếu thiều yếu tố chủ thể hoặc hoạt động nào đó thì không thể nói đến năng lực.

Khái niệm năng lực chung nêu trên có thể vận dụng để xác định khái niệm năng lực xét xử của Toà án. Khi nói đến năng lực xét xử của Toà án là nói đến khả năng hoặc điều kiện của Toà án thực hiện chức năng xét xử được pháp luật quy định.

Theo chúng tôi, hoạt động xét xử là hoạt động của con người, mang tính xã hội cao. Vì vậy, có thể nói năng lực xét xử của Toà án chủ yếu mang yếu tố chủ quan. Hay nói cách khác, năng lực xét xử của Toà án là khả năng của Toà án và các điều kiện chủ quan khác thực hiện chức năng xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Tuy nhiên, các yếu tố chủ quan đó phải được đặt trong các điều kiện khách quan cụ thể, xác định, không tách rời các yếu tố khách quan.

Năng lực xét xử của Toà án được cấu thành bởi các yếu tố khác nhau, trong đó các yếu tố cơ bản là:

- Năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là Thẩm phán. Đây là yếu tố tiên quyết để xác định năng lực xét xử của Toà án;

- Các điều kiện về tổ chức, biên chế, tổ chức lao động;

- Các điều kiện bảo đảm vật chất, kỷ thuật v.v...

Năng lực xét xử của Toà án có thể được nhìn từ các góc độ khác nhau, tuỳ theo mục đích nghiên cứu.

- Từ góc độ chung, khi nghiên cứu để xác định phạm vi chức năng của Toà án thì người ta nghiên cứu năng lực xét xử chung, tức nghiên cứu khả năng, điều kiện của Toà án xét xử những loại vụ việc nào và phạm vi tài phán ra sao. Ví dụ: trước khi ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân 1992 trên cơ sở xem xét khả năng và điều kiện của các Toà án nước ta, Nhà nước cho rằng Toà án chỉ có năng lực xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động... mà thôi; thế nhưng cũng với việc nâng cao năng lực đội ngũ Thẩm phán và các điều kiện khác, Nhà nước cho rằng các Toà án có đủ khả năng để xét xử thêm các tranh chấp về kinh tế, các khiếu kiện hành chính... Vì vậy, theo Luật tổ chức Toà án nhân dân 1992, ngoài các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, Nhà nước cũng quy định cho Toà án xét xử các vụ án kinh tế, hành chính trong các phạm vi nhất định. Như vậy, theo Luật tổ chức Toà án nhân dân 1992, do năng lực xét xử của Toà án được nâng lên cho nên chức năng (thẩm quyền) xét xử của Toà án được mở rộng.

- Từ góc độ cụ thể, khi xem xét thẩm quyền xét xử của một cấp Toà án đối với từng loại án người ta nghiên cứu năng lực xét xử cụ thể. Ví dụ: xem xét năng lực của Toà án cấp huyện xét xử các vụ án hình sự tức là nghiên cứu khả năng, điều kiện của Toà án đó xét xử được các vụ án hình sự loại nào để bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đạt được mục đích tố tụng hình sự.

2. Thẩm quyền xét xử của Toà án

Theo điều 127 Hiến pháp 1992 và Điều 1 Luật tổ chức Toà án năm 1992 thì Toà án nhân dân tố cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCNVN. Để bảo đảm cho Toà án thực hiện tốt chức năng xét xử, Nhà nước trao cho Toà án những quyền năng pháp lý trong giải quyết các tranh chấp, các vi phạm pháp luật trong xã hội. Hay nói cách khác, pháp luật quy định cho Toà án có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Toà án có quyền thụ lý vụ án, tiến hành xét xử và ra các quyết định nhằm giải quyết đúng đắn vụ án.

Như vậy, thẩm quyền xét xử của Toà án là một chế định lớn và quan trọng trong tố tụng bao gồm những nội dung chính như sau:

- Quyền của Toà án được pháp luật quy định xét xử những loại án nào. Tuy theo từng giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội và nhu cầu điều chỉnh pháp luật cũng như năng lực của Toà án... mà Nhà nước quy định cho Toà án thẩm quyền xét xử loại vi phạm, tranh chấp pháp luật này hay vi phạm, tranh chấp pháp luật khác;

- Giới hạn và phạm vi xét xử trong từng loại án để xác định quyền của Toà án được xem xét và quyết định những vấn đề gì khi xét xử. Ví dụ, khi quy định cho Toà án xét xử các vụ kiện về quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính Nhà nước chỉ xác định một phạm vi nhất định chứ không phải khiếu kiện đối với tất cả các quyết định hay hành vi hành chính.

Nghiên cứu thẩm quyền xét xử của Toà án có thể nghiên cứu thẩm quyền xét xử xét xử chung và thẩm quyền xét xử của từng loại Toà án (thẩm quyền xét xử Toà án quân sự, thẩm quyền xét xử Toà án nhân dân, thẩm quyền xét xử Toà án đặc biệt...) hoặc Toà án từng cấp (thẩm quyền xét xử Toà án cấp huyện, thẩm quyền xét xử Toà án cấp tỉnh, thẩm quyền xét xử Toà án nhân dân tối cao...). Có thể xem xét thẩm quyền xét xử từ góc độ tổ chức hành chính (thẩm quyền xét xử Toà án cấp huyện, thẩm quyền xét xử Toà án cấp tỉnh...); cũng có thể từ góc độ tố tụng (thẩm quyền xét xử Toà án cấp sơ thẩm, thẩm quyền xét xử Toà án cấp phúc thẩm...).

Việc nghiên cứu quy định cũng như hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Toà án cần xuất phát từ quan điểm hệ thống, toàn diện và hiện đại. Quan điểm này thể hiện trong các điểm sau đây:

- Thứ nhất, việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp phải được thực hiện phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội nước ta, đạt được hiệu quả kinh tế cũng như xã hội. Trình độ phát triển kinh tế nước ta như thế nào, trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân ra sao, vấn đề pháp chế và tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân như thế nào... đều phải được "đặt lên bàn cân" khi nghiên cứu hoàn thiện thẩm quyền xét xử;

- Thứ hai, việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử phải được đặt trong bối cảnh đối mới tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp; việc tổ chức bộ máy Nhà nước, bộ máy các cơ quan tư pháp, vấn đề cải cách hành chính... ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu hoàn thiện thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp;

- Thứ ba, việc hoàn thiện thẩm quyền xét xử phải được đặt trong khả năng thực tế của hiện tại và tương lai gần của các cơ quan tư pháp như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án cũng như các cơ quan bổ trợ tư pháp khác. Có như vậy các cơ quan đó mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt mục đích tố tụng được đặt ra;

- Thứ tư, hoàn thiện thẩm quyền xét xử phải được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong giai đoạn phát triển hiện nay ở nước ta.

Trong khoa học pháp lý đã có một số công trình nghiên cứu về các căn cứ lập pháp về thẩm quyền xét xử của Toà án. Trong các công trình đó các tác giả lý giải căn cứ vào đâu để các nhà lập pháp quy định thẩm quyền xét xử. Nhìn chung, các tác giả đưa ra các căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử của Toà án từ góc độ lập pháp như sau:

1/ Căn cứ vào tính nghiêm trọng, phức tạp của các loại án;

2/ Căn cứ vào cách tổ chức bộ máy Nhà nước và cách tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước;

3/ Căn cứ vào năng lực của các cơ quan và người tiến hành tố tụng nói chung và Toà án nói riêng;

4/ Căn cứ vào hiệu quả của việc thực hiện thẩm quyền xét xử. Hiệu quả này được xem xét từ góc độ pháp lý, xã hội và kinh tế.

5/ Căn cứ vào yêu cầu điều chỉnh pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác trong từng thời kỳ phát triển khác nhau của xã hội v.v...

Các căn cứ nêu trên có mối quan hệ qua lại biện chứng, khăng khít với nhau. Có những căn cứ bổ sung cho nhau; nhưng cũng có những căn cứ mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn đó lại nằm trong mối quan hệ thống nhất là nhằm tới việc đạt được tốt nhất mục đích tố tụng. Vì vậy, vấn đề có tính quyết định ở đây là người làm luật phải nghiên cứu toàn diện, hệ thống và có những dự báo cần thiết liên quan đến các căn cứ đã phân tích để tìm ra phương án tối ưu trong quy định thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp. Chỉ xuất phát từ quan điểm hệ thống, toàn diện và hiện đại nêu trên và những căn cứ đã được phân tích mới cho phép chúng ta có những kiến nghị phù hợp cho việc quy định thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp.

3. Mối quan hệ giữa năng lực xét xử và thẩm quyền xét xử của Toà án

Theo nhận thức thống nhất hiện nay thì năng lực xét xử của Toà án và thẩm quyền xét xử có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, biện chứng, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan khác nhau tạo thành vấn đề phong phú, phức tạp đòi hỏi phải được nghiên cứu thấu đáo khi giải quyết vấn đề. Mối quan hệ này thể hiện cơ bản ở hai mặt:

a - Năng lực xét xử của Toà án là một trong những căn cứ để nhà làm luật nghiên cứu, xem xét, đánh giá khi quy định thẩm quyền xét xử. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo vệ pháp chế... các Toà án phải thực sự là người nắm cán cân công lý, có khả năng xác định sự thật khách quan, áp dụng đúng đắn pháp luật và bảo đảm xử án công bằng, liêm khiết, trong sạch như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang và nặng nề đó Toà án phải:

-Thứ nhất, có đủ đội ngũ cán bộ, nhất là những người trực tiếp xét xử như Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên toà có đủ năng lực. Năng lực của cán bộ bao gồm năng lực chính trị (thể hiện quan điểm lập trường của giai cấp công nhân và quan điểm tư tưởng của Đảng công sản Việt Nam, hoạt động xét xử trên cơ sở độc lập chỉ tuân theo pháp luật của Nhà nước công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), năng lực đạo đức (liêm khiết, khách quan, vô tư, lấy công lý làm mục đích hành động...) và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Việc coi nhẹ bất kỳ một yếu tố nào trong các mặt năng lực của người cán bộ Toà án đều có thể dẫn đến vi phạm pháp chế, công lý bị xem thường. Vì vậy, khi tiêu chuẩn hoá chức danh Thẩm phán Toà án các cấp, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã quy định các tiêu chuẩn cụ thể, chặt chẽ về chính trị, đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ;

- Thứ hai, có đủ biên chế cán bộ để thực hiện nhiệm vụ. Xét xử là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Quyết định có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của công dân đối với bộ máy Nhà nước. Vì vậy, hoạt động của Toà án đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỷ và cụ thể, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cần thiết về mặt thời gian vật chất cũng như nội dung. Pháp luật tố tụng thường quy định cho Toà án những thời hạn thích đáng để thực hiện các nhiệm vụ tố tụng. Tuy nhiên, từ góc độ tổ chức các Toà án cũng cần có đủ biên chế số lượng cán bộ cần thiết mới hoàn thành tốt khối lượng công việc đòi hỏi. Biên chế cán bộ của từng Toà án xuất phát từ các quy định của pháp luật tố tụng (về thành phần Hội đồng xét xử, về các thủ tục xét xử, về nguyên tắc một Thẩm phán không tham gia xét xử vụ án hai lần, về thay đổi người tiến hành tố tụng...). Ví dụ: biên chế Toà án cấp phúc thẩm thông thường ít nhất phải có 6 Thẩm phán đủ để thành lập 2 Hội đồng xét xử phúc thẩm để bảo đảm xét xử phúc thẩm lần hai trong trường hợp vụ án bị đình chỉ để Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại và lại có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Biên chế Toà án cũng xuất phát từ khối lượng các vụ án thụ lý hàng năm đủ để Toà án giải quyết đảm bảo thời hạn luật định, không để ùn đọng, kéo dài;

- Thứ ba, Có đủ các điều kiện về vật chất, kỷ thật để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ xét xử của mình. Các phòng xử án, phương tiện đi lại trong phạm vi không gian mà Toà án đảm nhiệm thụ lý, điều tra, xét xử các vụ án... là điều kiện đảm bảo vật chất, tạo thành năng lực xét xử không thể thiếu đối với các Toà án khi nghiên cứu để quy định thẩm quyền xét xử.

Khi nghiên cứu năng lực xét xử của Toà án không nên nhìn nhận vấn đề một cách xơ cứng, máy móc, thiếu sự vận động, phát triển biện chứng. Để hoàn thiện thẩm quyền xét xử của một cấp Toà án nào đó cần phải xem xét từ 3 góc độ: thứ nhất, hiện tại Toà án đó thực tế có đảm bảo đủ năng lực thực hiện thẩm quyền xét xử không; thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành năng lực được tiêu chuẩn hoá có phù hợp với yêu cầu thực hiện thẩm quyền xét xử quy định không; thứ ba, có thể áp dụng các biện pháp tổ chức để tăng cường năng lực cho Toà án đó để đảm bảo thực hiện thẩm quyền xét xử quy định trong tương lai gần hay không. Giải đáp được ba câu hỏi đó giúp cho người làm luật xác định hợp lý thẩm quyền xét xử của Toà án này hay Toà án khác mà không sợ bị lạc hậu, bảo thủ mà vẫn bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Ví dụ: trong thời giam qua, khi nghiên cứu hoàn thiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Toà án nhân dân cấp huyện cũng có một số ý kiến cho rằng có một số huyện hiện thiếu Thẩm phán, trình độ chuyên môn yếu... nên không thể tăng thẩm quyền xét xử. Theo chúng tôi, các ý kiến đó chỉ xét xử vấn đề máy móc, thiếu biện chứng. Đồng thời với thực tế đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng hơn hai chục năm nay chúng ta đã đào tạo nên hàng mấy chục ngàn cử nhân luật; nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm do biên chế ở các Toà án đã "kín" người, trong đó một số không đủ năng lực. Vậy thì, phải chăng năng lực chung từ góc độ toàn xã hội chúng ta có đủ để tăng thẩm quyền xét xử; vấn đề là biện pháp tổ chức như thế nào để cho từng Toà án cụ thể cũng đủ năng lực. Không để tình trạng hàng trăm Toà án có đủ năng lực nhưng chỉ phải chờ một vài Toà án chưa đủ năng lực do biện pháp tổ chức, làm cho hệ thông pháp luật chúng ta lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của xã hội trước tình hình mới.

b- Về phần mình, khi thẩm quyền xét xử đã được pháp luật quy định thì phải có những biện pháp thích hợp nhằm cho Toà án có đủ năng lực để xét xử theo đúng thẩm quyền.

Một vấn đề cần khẳng định rằng năng lực xét xử của Toà án là một căn cứ quan trọng, chứ không phải là căn cứ duy nhất để xác định thẩm quyền xét xử của Toà án trong hoạt động lập pháp. Như nhiều nhà khoa học pháp lý đã phân tích, khi nghiên cứu quy định thẩm quyền xét xử của Toà án người làm luật xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau; các căn cứ đó có thể thống nhất, bổ sung cho nhau, nhưng cũng có thể mâu thuẫn nhau trong sự thống nhất biện chứng. Hơn nữa, pháp luật quy định để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong một thời gian dài và đòi hỏi phải có tính dự báo để bảo đảm sự ổn định; và quy định về thẩm quyền xét xử của Toà án cũng không nằm ngoài yếu tố đó của hoạt động lập pháp.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp thẩm quyền xét xử của Toà án được pháp luật quy định "vượt lên trước" so với năng lực hiện tại của Toà án. điều này đòi hỏi các cơ quan và người có trách nhiệm có những hoạt động triển khai tích cực, chủ động đảm bảo thi hành đúng quy định của pháp luật.

Từ góc độ này, chính quy định "vượt lên trước" của pháp luật có tác dụng bắt buộc người áp dụng pháp luật sự cố gắng vượt bậc, thúc đẩy sự phát triển xã hội nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng. Hoạt động lập pháp mang tính tiến tiến, thông qua dự báo nhu cầu xã hội, phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội đang phát triển mạnh mẽ hiện nay là một mặt quan trọng trong đổi mới tư pháp hiện nay ở nước ta.

III. Năng lực xét xử và thực trạng thực hiện thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện hiện nay

1. Thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện theo pháp luật hiện hành

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay thì Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động và các vụ án hành chính trong phạm vi nhất định.

* Trong lĩnh vực hình sự:

Theo quy định của khoản 1 Điều 145 BLTTHS thì Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án về tội phạm mà BLHS quy định hình phạt từ 7 năm tù trở xuống, trừ những tôi xâm phạm an ninh quốc gia, các tội quy định tại các Điều 95, 96,khoản 1 điều 172 và các Điều 222, 223, 263, 293, 294, 295, 296 BLHS. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự thì Toà án quân sự khu vực không có thẩm quyền xét xử các vụ án mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ trung tá trở lên hoặc có chức vụ từ trung đoàn trưởng hoặc tương đương trở lên.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử khoảng 55% số tội phạm được quy định (368/674 khung quy định về tội phạm). Còn trong thực tế thì hàng năm các Toà án cấp huyện xét xử khoảng 65% số vụ án sơ thẩm thụ lý xét xử trong toàn quốc. Số án tồn đọng hàng năm từ 4% -5%, Toà án cấp tỉnh xét xử khoảng 25% tổng số án thụ lý xét xử và số án tồn đọng hàng năm từ 8% - 10%.

* Trong lĩnh vực dân sự:

Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử hầu hết các vụ án dân sự, trừ các vụ có đượng sự là người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, vụ án về tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp và những vụ án phức tạp mà Toà án cấp tỉnh quyết định lấy lên để xét xử (Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự).

Thực tế hàng năm các Toà án cấp huyện thụ lý xét xử hầu hết các vụ án dân sự. Bởi vì, các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp hoặc tranh chấp có yếu tố nước ngoài thực tế chưa nhiều; số vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện nhưng Toà án cấp tỉnh lấy lên để xét xử cũng không lớn.

* Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, hành chính:

Theo Điều 11 và Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Toà án chỉ có thẩm quyền xét xử 9 loại khiếu kiện hành chính. Và Toà án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ án về những khiếu kiện về những quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng lãnh thổ.

Theo Điều 13 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế có giá trị dưới 50 triệu đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài.

Do là lĩnh vực xét xử tương đối mới mẻ nên Toà án cấp huyện có thẩm quyền xét xử rất hạn chế đối với các vụ án kinh tế, lao động, hành chính. Trong thực tế hàng năm số vụ án về các loại này được Toà án cấp huyện thụ lý xét xử rất ít. Thậm chí có Toà án cấp huyện chưa xét xử vụ án nào.

Như vậy, theo quy định của pháp luật cũng như thực tiễn hiện nay, các Toà án cấp huyện chủ yếu xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Những vấn đề vướng mắc về thực hiện thẩm quyền xét xử cũng chủ yếu liên quan đến hai loại án này, đặc biệt là thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự. Bởi vì, không những số lượng các vụ án hình sự nhiều mà nó còn phức tạp và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, không ngẫu nhiên mà việc nghiên cứu thẩm quyền xét xử xét xử của Toà án cấp huyện chủ yếu được đưa ra trong mối liên hệ với các vụ án hình sự và năng lực xét xử của Toà án về các vụ án hình sự.

Điều này là hoàn toàn hợp lý, nhưng khi nghiên cứu vấn đề này không thể bỏ qua việc nghiên cứu thẩm quyền xét xử các vụ án khác và năng lực của Toà án xét xử các vụ án khác. Bởi vì xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay là mở rộng thẩm quyền tài phán đối với các tranh chấp, các vi phạm pháp luật xảy ra trong xã hội.

2. Thực trạng năng lực xét xử của Toà án cấp huyện

Tính đến tháng 9-2001, cả nước có 621 Toà án nhân dân cấp huyện và 17 Toà án quân sự khu vực. Do đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội, đặc điểm địa lý... khác nhau cho nên năng lực của Toà án cấp huyện có khác nhau về tổ chức biên chế, về năng lực đội ngũ cán bộ cũng như điều kiện cơ sở vật chất.

- Thực trạng về tổ chức, biên chế: Theo số liệu thống kê năm 1999 thì các Toà án cấp huyện có 2243 Thẩm phán/2819 được biên chế, thiếu 566 người. Một số Toà án thiếu Thẩm phán và thư ký: có 12 Toà án cấp huyện chỉ có 1 Thẩm phán (là Chánh án) và 1 thư ký; 13 Toà án chỉ có 2 Thẩm phán và 1 hoặc 2 thư ký. Các Toà án này chủ yếu là các huyện miền núi, ở vùng sâu, vùng xa.

- Thực trạng về năng lực đội ngũ cán bộ: Về trình độ chuyên môn, nếu khi bổ nhiệm lần đầu (năm 1994) số Thẩm phán cấp huyện chỉ có 34 % có trình độ đại học, còn lại là trình độ trung cấp (32%) và luân huấn (27%), đặc biệt có 10% chưa qua đào tạo, thì đến năm 2001 đã có trên 86% Thẩm phán có trình độ đại học, số còn lại có trìnhđộ trung cấp pháp lý hoặc luân huấn.

- Thực trạng về bảo đảm cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Toà án của Toà án cấp huyện những năm gần đây đã được tăng cường hơn trước rất nhiều. Đa số (534/621) Toà án huyện đã xây dựng trụ sở mới. Trang thiết bị và điều kiện làm việc cũng được bổ sung như bàn ghế, xe cộ, máy vi tính...

3. Năng lực của Toà án và kết quả thực hiện thẩm quyền xét xử của các Toà án cấp huyện.

Khi nghiên cứu kết quả thực hiện thẩm quyền xét xử của các Toà án cấp huyện hiện nay theo quy định của pháp luật thì một điều cần chú ý là về các góc độ khác nhau, một số Toà án cấp huyện hiện nay năng lực xét xử chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, đó là đa số các Toà án vùng sâu, vùng xa, vùng cao là những nơi mà số lượng án thụ lý rất ít, chủ yếu là các vụ án hình sự và dân sự ít phức tạp. Nhiều huyện chưa thụ lý, xét xử các vụ án lao động, hành chính, kinh tế. Vì vậy, án tồn động chủ yếu là ở các Toà án quận, huyện nơi có đủ biên chế, có đủ cán bộ đáp ứng trình độ theo chức danh nhưng do lượng án quá nhiều.

- Kết quả thực hiện thẩm quyền xét xử: Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong những năm qua, nhất là những năm gần đây các Toà án cấp huyện đã cơ bản thực hiện tốt thẩm quyền xét xử của mình. Số vụ án tồn đọng hàng năm không đáng kể (dưới 5%); chất lượng xét xử ngày càng được nâng lên. Số vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm càng ngày càng giảm và tỷ lệ y án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm càng ngày càng cao... Điều này khẳng định một điều việc đặt vấn đề nghiên cứu tăng thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện là hoàn toàn cần thiết và chín muồi từ góc độ năng lực xét xử của Toà án và các quy định của luật tố tụng hiện nay.

IV. kết luận

1- Nghiên cứu năng lực xét xử của Toà án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định thẩm quyền xét xử xét xử của Toà án. Việc quy định thẩm quyền xét xử của Toà án xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố năng lực mang tính quyết định nhất;

2- Năng lực xét xử của Toà án cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố năng lực cán bộ, biện pháp tổ chức và bảo đảm cơ sở vật chất là chủ yếu. Việc nghiên cứu năng lực phải được thực hiện một các biện chứng trong sự vận động của toàn xã hội và không chỉ giơí hạn cụ thể ở một Toà án nào và phải mang tính dự báo khách quan;

3- Nghiên cứu năng lực và thẩm quyền xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay thì các Toà án cấp huyện đã thực hiện tốt thẩm quyền xét xử được quy định. Năng lực của Toà án cấp huyện trong những năm gần đây đã có sự phát triển nhanh chống từ góc độ năng lực các mặt của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán, từ góc độ tổ chức, biên chế cũng như bảo đảm điều kiện vật chất;

4- Một điều cần chú ý là khi nghiên cứu năng lực Toà án cấp huyện chúng ta phải chú ý đến tiềm năng dồi dào của xã hội để đảm bảo cho Toà án nói chung và Toà án cấp huyện nói riêng nâng cao năng lực xét xử của mình. Hàng năm với háng ngàn sinh viên đã và đang được đào tạo chính quy tại các trường đại học luật và một số trường khác, việc thành lập trường đào tạo Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác, hàng ngàn cử nhân luật chưa có việc làm cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về đổi mới tổ chức và hoạt động tư pháp... thể hiện khả năng thực tế để tăng cường năng lực Toà án cấp huyện hiện nay. Vấn đề là Nhà nước ta cần có những giải pháp thực tế thế nào để khả năng, tiềm năng đó được thực hiện trên thực tế.

 

 

Mối quan hệ giữa năng lực xét xử của tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp

 

 

TS. Phạm Hồng Hải

Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật

Trong tất cả các lĩnh vực tố tụng bao gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng lao động, tố tụng kinh tế và tố tụng hành chính, hoạt động xét xử của toà án bao giờ cũng được coi là quan trọng nhất. Chính trong khâu (giai đoạn) xét xử, nhân danh Nhà nước, Toà án ra một quyết định hay một bản án nhằm giải quyết tranh chấp, vi phạm hay tội phạm.

Các quyết định hay bản án của Toà án cho dù là có hay chưa có hiệu lực pháp luật thì tính đúng đắn của chúng vẫn là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm cho hiệu quả của quá trình tố tụng nói chung và khâu (giai đoạn) xét xử nói riêng. Trong quá trình đổi mới tư pháp ở nước ta hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng xét xử và năng lực xét xử của Toà án các cấp trong đó có Toà án cấp huyện đang được Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học, các cán bộ làm công tác thực tiễn quan tâm.

ở nước ta hiện nay, hệ thống toà án được tổ chức ở ba cấp: Toà án nhân dân cấp quận, huyện; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Toà án nhân dân tối cao. Như vậy, trong số Toà án nhân dân các cấp, Toà án nhân dân quận, huyện được coi là cấp toà án thấp nhất. Mặc dù cùng là Toà án cấp thấp nhất nhưng so với Toà án nhân dân huyện thì Toà án nhân dân quận, thị xã có nhiều lợi thế hơn. Trụ sở Toà án nhân dân quận, thị xã đương nhiên đóng trên khu vực trung tâm của tỉnh hoặc ngay trong nội thành ở các thành phố lớn. Vì thế, khi gặp khó khăn, khúc mắc trong công việc xét xử thì công tác báo cáo án, thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo của Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố được tiến hành nhanh chóng hơn. Trong khi đó, Toà án nhân dân cấp quận, huyện ở xa ngoại thành (nếu là thành phố) hoặc ở vùng sâu, vùng xa (nếu là địa phương thuộc vùng nông thôn, rừng núi hoặc tây nguyên) nên việc trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, xin ý kiến của cấp trên gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc giải quyết các vụ án ở Toà án cấp huyện gặp khó khăn hơn so với Toà án cấp quận bởi lẽ các cán bộ, Thẩm phán được điều về huyện thường là người địa phương hoặc mới ra trường, mới được bổ nhiệm, có môi trường quan hệ hẹp so với cấp trên, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa vững, thiếu kinh nghiệm lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nên tính độc lập trong xét xử không cao. Vì là một cấp chỉ xét xử sơ thẩm trong khi khả năng và trình độ nghiệp vụ chưa cao, Thẩm phán không được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực nào (kinh tế, hình sự, dân sự v.v. mà phải xét xử tất cả các loại án nên không ít Thẩm phán của Toà án huyện đã ỉ lại với suy nghĩ nếu xử sai đã có cấp phúc thẩm xem xét lại. Xét về lương thì Thẩm phán làm việc ở Toà án làm việc ở Toà án huyện và Thẩm phán làm việc ở Toà án quận là như nhau nhưng thu nhập thực tế thì Thẩm phán toà án huyện bao giờ cũng thấp hơn. Chính vì vậy, Thẩm phán ở Toà án huyện bao giờ cũng giành một tỉ lệ quỹ thời gian cao hơn cho công việc làm thêm (như tăng gia, trồng trọt, chăn nuôi) nên thời gian giành cho việc tự nghiên cứu, học tập chuyên môn, nghiên cứu, tiếp xúc với các Thông tư hướng dẫn cũng như các văn bản pháp luật mới là rất ít. Vì thế, nếu so sánh trình độ chuyên môn thì Thẩm phán toà án cấp quận càng công tác càng khá lên còn đối với Thẩm phán toà án huyện thì ngược lại. Thực tế phát triển đội ngũ Thẩm phán toà án cấp tỉnh, thành phố trong thời gian qua cho thấy đối tượng bổ nhiệm Thẩm phán toà án cấp tỉnh, thành phố về cơ bản là các Thư ký lâu năm ở Toà án cấp tỉnh và các Thẩm phán ở toà án cấp quận, thị xã. Trước thực trạng trên đây, rõ ràng vấn đề nâng cao chất lượng xét xử nói riêng và năng lực xét xử nói chung của toà án huyện là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Năng lực xét xử và chất lượng (hiệu quả) xét xử là những khái niệm tương đối gần nhau nhưng không đồng nghĩa với nhau. Khi nói tới chất lượng, hiệu quả của công tác xét xử tức là nói tới sự đánh giá đối với hoạt động xét xử đã được Toà án tiến hành. Hoạt động này được đánh giá là có chất lượng, hiệu quả hay không có chất lượng, hiệu quả; có chất lượng hiệu quả cao hay chất lượng, hiệu quả thấp. Để đánh giá, chủ thể phải căn cứ vào những tiêu chí nhất định. Năng lực là khả năng của chủ thể thực hiện một hoạt động nào đó có thể đó là hoạt động tư duy, sáng tạo cũng có thể đó là hoạt động thực tiễn v.v. Xét xử là chức năng của Toà án và chức năng này có thể được thực hiện bởi những người tiến hành tố tụng là Thẩm phán và Hội thẩm. Năng lực xét xử vì vậy có thể hiểu là khả năng của Thẩm phán và Hội thẩm xét xử bảo bảo đảm chất lượng cao các loại vụ án, còn năng lực xét xử của toà án cấp huyện là khả năng của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử bảo đảm chất lượng cao các loại vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện.

 

Khả năng xét xử và chất lượng (hiệu quả) của công tác xét xử là hai yếu tố, hai nội dung cần và đủ của khái niệm năng lực xét xử. Nếu một Thẩm phán luôn xét xử (hoặc chỉ xét xử) đạt chất lượng cao các loại vụ án, tranh chấp đơn giản còn các vụ án khác phức tạp hơn nhưng vẫn thuộc thẩm quyền lại hoặc không nhận xét xử hoặc xét xử đạt chất lượng thấp thì không thể nói Thẩm phán này có năng lực xét xử. Vì vậy, khi đánh giá năng lực xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm của Toà án cấp nào đó không thể bỏ qua yếu tố thẩm quyền xét xử của Toà án đó.

ở nước ta, Luật tố tụng dựa vào các căn cứ sau đây để quy định thẩm quyền xét xử của Thẩm phán Toà án huyện.

1) Tính chất nghiêm trọng, phức tạp của vụ án;

2) Trình độ, kinh nghiệm và khả năng xét xử của Thẩm phán Toà án huyện.

Ngoài hai căn cứ chính nêu trên, khi phân định thẩm quyền xét xử, Luật tố tụng còn dựa vào một số căn cứ khác như tính kinh tế, tính hiệu quả của công tác xét xử.

Thẩm quyền xét xử và năng lực xét xử có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc mở rộng hay thu hẹp thẩm quyền xét xử có thể tác động tới năng lực xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Thí dụ, nếu chúng ta thu hẹp thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Toà án cấp huyện so với thẩm quyền được quy định như hiện nay thì Thẩm phán và Hội thẩm có thể thực hiện tốt, có chất lượng công tác xét xử về hình sự (có đủ năng lực xét xử) nhưng ngược lại, nếu chúng ta mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Toà án huyện (quận) hơn nữa (xét xử cả các tội phạm rất nghiêm trọng có mức hình phạt cáo nhất quy định trong luật tới 15 năm tù) thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cấp huyện (quận) không thể đảm đương được hay nói chính xác hơn là họ không đủ năng lực xét xử các vụ án đó. Tuy nhiên, trong thực tế, xu thế chung (và là tất yếu) là cùng với thời gian, chúng ta phải mở rộng thẩm quyền xét xử cho Toà án cấp cơ sở nhằm mục đích giải phóng gánh nặng cho Toà án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Toà án nhân dân tối cao, để các Toà án này thực hiện công việc xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm và hướng dẫn đường lối xét xử là chính. Vì những lẽ trên, giải pháp nâng cao năng lực xét xử của Toà án huyện không thể là thu hẹp hơn thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động như quy định hiện nay của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện chức năng xét xử, Toà án huyện mà cụ thể là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có mối quan hệ với rất nhiều người, rất nhiều cơ quan trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Có thể phân các quan hệ đó thành các nhóm sau đây:

+ Quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp. Đó là quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với Viện kiểm sát cùng cấp (nếu là trong tố tụng dân sự, kinh tế, hành chính, lao động) và với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp (nếu là trong tố tụng hình sự);

+ Quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên. Đó là quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với Tòa án cấp trên trực tiếp (Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), Tòa án nhân dân tối cao; với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và với Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

+Quan hệ với các cơ quan bổ trợ tư pháp bao gồm các Đoàn luật sư và các Luật sư, Bào chữa viên nhân dân, các Cơ quan giám định và công chứng nhà nước.

 

Các mối quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng khác và các cơ quan bổ trợ tư pháp luôn mang tính phối hợp và chế ước và chúng có những vai trò khác nhau trong việc bảo đảm năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích tỉ mỉ về nội dung của từng loại quan hệ và mức độ tác động của chúng tới năng lực xét xử.

1. Quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với cơ quan điều tra. Mối quan hệ này chỉ tồn tại trong lĩnh vực tố tụng hình sự và chúng có thể chia thành các quan hệ trong tố tụng và quan hệ ngoài tố tụng. Trong tố tụng hình sự quan hệ giữa Tòa án và cơ quan điều tra luôn thông qua một cơ quan trung gian là Viện kiểm sát. Chính vì vậy có thể nói quan hệ giữa cơ quan điều tra và Tòa án trong tố tụng hình sự mặc dù vẫn là quan hệ tố tụng nhưng là quan hệ gián tiếp. Theo quy định của Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự thì Tòa án được quyền ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, quyết định khởi tố của Tòa án được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra. Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, trong thời gian chuẩn bị xét xử Thẩm phán có quyền ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được; khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác và khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Các Điều 256, 259... BLTTHS đều chứa đựng những nội dung là khi có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có quyền huỷ bản án, quyết định sơ thẩm hoặc bản án đã có hiệu lực pháp luật để trả hồ sơ điều tra lại hoặc xét xử lại. Tuy nhiên, vì là cấp chỉ xét xử sơ thẩm nên Tòa án cấp huyện không có quyền này.

Như vậy, Cơ quan điều tra chỉ có quan hệ tố tụng với Toà án cấp huyện trong hai trường hợp: Điều tra vụ án hình sự do Toà án đã khởi tố và điều tra bổ sung khi có quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Toà án. Trong cả hai trường hợp trên, sự tích cực và chất lượng điều tra của cơ quan điều tra có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng xét xử cũng như năng lực xét xử của Tòa án.

Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án nếu xét từ một khía cạnh nào đó đã như một "thông điệp" cho rằng Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội. Vì vậy, trong thực tế rất ít khi Tòa án thực hiện quyền khởi tố vụ án của mình và đối với các quyết định khởi tố vụ án của Tòa án thì cũng bị đình chỉ trong giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn khởi tố bởi Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát. Điều này rõ ràng là làm phức tạp thêm các thủ tục tố tụng. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi nên bỏ quy định về quyền khởi tố vụ án của Tòa án và trong khi xét xử nếu phát hiện tội phạm mới hoặc người phạm tội mới mà xét thấy cần tách ra khỏi vụ án đang xét xử thì Hội đồng xét xử đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án còn nếu thấy cần nhập vào vụ án đang xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải thực hiện những yêu cầu của Tòa án như thu thập thêm chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được, bổ sung hoặc thay đổi truy tố theo hướng nặng hơn... Thời hạn điều tra bổ sung là một tháng và sau thời hạn đó hồ sơ vụ án phải chuyển lại Tòa án để tiến hành xét xử.

Trong qua trình giải quyết các vụ án hình sự, chất lượng điều tra được xem như một bảo đảm quan trọng của chất lượng xét xử. Các tài liệu chứng cứ quan trọng về vụ án về cơ bản được thu thập trong qúa trình điều tra. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện không thể không nâng cao năng lực điều tra của Cơ quan điều tra.Theo các quy định của pháp luật hiện hành (Bộ luật TTHS, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự) thì về cơ bản, các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án huyện do cơ quan điều tra cấp huyện đảm nhiệm, hãn hữu có một số vụ án cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố lấy lên để tự điều tra hoặc kết hợp với cơ quan điều tra cấp huyện điều tra. Vì vậy, mặc dù theo Luật tố tụng hình sự hiện nay, Tòa án cấp huyện không tham gia trong giai đoạn điều tra vụ án nhưng là một cơ quan trong khối nội chính Tòa án vẫn có những thông tin về các vụ án đặc biệt là các vụ án điểm, vụ án phức tạp. Để Tòa án nắm được các thông tin về các vụ án đặc biệt là các vụ án điểm, vụ án phức tạp ngay trong giai đoạn điều tra, thiết nghĩ cũng cần củng cố mối quan hệ ngoài tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngang cấp là Tòa án, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp huyện. Giữa các cơ quan này cần có sự trao đổi thông tin về vụ án, thiết lập chế độ giao ban liên ngành, họp liên ngành đột xuất tạo điều kiện cho từng ngành thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách có hiệu quả.

2) Mối quan hệ giữa Tòa án huyện và Viện kiểm sát cấp huyện và Viện kiểm sát cấp trên. Mối quan hệ này tồn tại trong tất cả các hình thức tố tụng gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động và tố tụng hành chính. Trong bất kì hình thức nào trên đây thì mối quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện vừa mang tính phối hợp lại vừa mang tính chế ước. Tính phối hợp trong quan hệ giữa hai cơ quan này thể hiện ở chỗ trong phạm vi thẩm quyền của mình, mỗi cơ quan đều thực hiện các hành vi tố tụng khác nhau hướng tới mục đích giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan. Hai cơ quan này đều có quyền yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ khi thấy chứng cứ về vụ án chưa đầy đủ, rõ ràng (trong tố tụng hình sự) hoặc tự mình thu thập chứng cứ và yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ (trong các hình thức tố tụng khác). Tính chế ước trong quan hệ giữa Viện kiểm sát huyện và Tòa án huyện thể hiện ở chỗ Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong khi xét xử để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm từ phía Tòa án như xét xử không đúng thẩm quyền, không bảo đảm sự tham gia phiên toà của những người tham gia tố tụng, đánh giá chứng cứ không đúng dẫn tới quyết định hoặc bản án trái pháp luật hoặc vi phạm quyền lợi của nhà nước và công dân. Khi thực hiện nhiệm vụ Viện kiểm sát ngang cấp và Viện kiểm sát cấp trên có quyền kháng nghị các quyết định và bản án của Tòa án huyện. Ngoài ra, tính chế ước còn thể hiện trong các quyết định của Tòa án: Tòa án có quyền không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, bác bỏ các chứng cứ và tài liệu do Viện kiểm sát đưa ra, quyết định không đúng với kết luận của Viện kiểm sát về vụ án.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án nói chung và quan hệ giữa Viện kiểm sát và Tòa án cấp huyện nói riêng, chúng tôi thấy quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan này trong tố tụng là rất tốt nhưng quan hệ chế ước giữa chúng lại là vấn đề cần bàn. Xuất phát từ tư duy cho rằng đều là cơ quan tiến hành tố tụng (trong một vụ án cụ thể), cơ quan trong khối nội chính, sinh hoạt Đảng trong một Đảng bộ... nên một số kiểm sát viên và Thẩm phán ngại va chạm với nhau. Không phải không có những trường hợp Viện kiểm sát phát hiện thấy cơ quan điều tra còn bỏ lọt người, lọt tội hoặc thậm chí khởi tố, điều tra cả những người vi phạm hành chính và vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (kinh tế hay dân sự), Tòa án xét xử quá nhẹ... nhưng Viện kiểm sát đã không kháng nghị. Có những trường hợp kiểm sát viên quá ỉ lại vào điều tra viên còn Thẩm phán cũng "quá tin tưởng" và ỉ lại vào kiểm sát viên và nếu việc làm của điều tra viên là đúng thì không có vấn đề gì còn trong trường hợp ngược lại điều tra viên làm sai sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường là dư luận sẽ cho rằng Tòa án, kiểm sát, cơ quan điều tra vào hùa làm trái pháp luật. Ngược lại, cũng có những trường hợp vì bảo thủ, vì bảo vệ quan điểm cá nhân đến cùng nên trong không ít vụ án cơ quan điều tra đã đúng nhưng Viện kiểm sát lại làm khác hoặc Viện kiểm sát truy tố hoặc kết luận đúng nhưng Tòa án quyết định khác hoặc ngược lại. "Mâu thuẫn" này chỉ được giải quyết bởi một quyết định, bản án của cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm và như vậy, rõ ràng "mâu thuẫn" hay sự tranh chấp quan điểm kiểu nêu trên hoàn toàn không nên có vì chúng đã làm phức tạp thêm quá trình tố tụng gây lãng phí sức người, sức của của xã hội.

Từ sự phân tích trên đây chúng tôi cho rằng, để tăng cường năng lực xét xử của Tòa án huyện cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ chế ước giữa Viện kiểm sát và Tòa án theo hướng Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động điều tra và hoạt động xét xử nhằm ngăn chặn, khắc phục những sai lầm trong khâu điều tra, thu thập chứng cứ về vụ án, xác định thẩm quyền xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng và Tòa án phải độc lập trong việc đánh giá các chứng cứ, ra các quyết định khác nhau và ra bản án, không ỉ lại vào các đề nghị, yêu cầu và kết luận của Viện kiểm sát.

3. Quan hệ giữa Tòa án huyện và Tòa án cấp trên trực tiếp và Tòa án nhân dân tối cao. Trong thực tế giữa các cơ quan này tồn tại hai loại quan hệ: Quan hệ hành chính và quan hệ tố tụng. Quan hệ hành chính giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới không rộng bằng quan hệ hành chính giữa cấp trên và cấp dưới ở các ngành khác bởi ở đây không có quan hệ mệnh lệnh và quan hệ phục tùng.

 

Tòa án cấp trên từ kết quả tổng kết công tác xét xử mà đề ra đường lối xét xử chứ không được quyền chỉ đạo cấp dưới xét xử theo tội danh, mức án hoặc các quyết định đã định trước. Tuy nhiên, năng lực xét xử của Tòa án huyện phụ thuộc rất nhiều vào các quan điểm, đường lối chỉ đạo công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao trong các Báo cáo tổng kết hàng năm của ngành, trong các thông tư hướng dẫn, nghị quyết của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán. ở nước ta, chưa có quy định khi xét xử Tòa án có thể được áp dụng án lệ. Tuy nhiên, trong thực tế kết quả xét xử các vụ án trước đặc biệt là các vụ án do Hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao xét xử có ảnh hưởng rất lớn tới việc xét xử của Tòa án cấp dưới trong những trường hợp xét xử các vụ án tương tự. Chính vì vậy, để các Thẩm phán Tòa án cấp huyện có điều kiện tiếp xúc với các quan điểm, đánh giá, kết luận của Tòa án nhân dân tối cao - cơ quan hướng dẫn đường lối xét xử của ngành tòa án, theo chúng tôi Tòa án nhân dân tối cao cần kịp thời biên soạn các tài liệu gửi tới cấp cơ sở là Tòa án huyện trong đó ngoài các thông tư hướng dẫn, Nghị quyết của Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán cần có cả các bản án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong tất cả các hình thức tố tụng, pháp luật đều quy định Tòa án cấp trên trực tiếp có thể lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới nếu thấy cần thiết. Chính có quy định này nên hàng năm một số vụ án các loại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án huyện đã được xét xử ở Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định của Luật cũng như thực tiễn nói trên xét từ một phía đã khắc phục được tình trạng xét xử không đúng nhưng xét từ phía khác nó lại làm cho các Thẩm phán Tòa án cấp huyện không được "thử sức" trong những việc phức tạp nên càng ngày càng ỉ lại cấp trên hơn và năng lực xét xử không thể nâng cao được. Theo quan điểm của chúng tôi, Tòa án cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ nên lấy lên để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện trong những trường hợp đặc biệt. Mạnh dạn để Tòa án cấp huyện tự lực, độc lập xét xử các vụ án phức tạp đó còn trong trường hợp có sai sót thì Tòa án tỉnh có thể xét xử lại theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong những bản án này sẽ có giá trị như bài học về chuyên môn nghiệp vụ giúp Thẩm phán cấp huyện nói chung và Thẩm phán đã xét xử sơ thẩm vụ án nói riêng rất thấm thía và rút kinh nghiệm. Tất cả những việc làm trên rất đơn giản nhưng lại có tác dụng từng bước nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện trong tương lai.

4. Quan hệ giữa Tòa án huyện với các cơ quan bổ trợ tư pháp.

ở nước ta các cơ quan bổ trợ tư pháp được thành lập tương đối sớm. Ngày 10/10/1945 Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh quy định tổ chức các đoàn thể luật sư, sau đó được thay thế bằng Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 và nay là Pháp lệnh luật sư năm 2001. Hoạt động công chứng được tiến hành trên cơ sở của các quy định trong Sắc lệnh số 59 ngày 15/11/1945 ấn định thể lệ thị thực giấy tờ, Nghị định số 31 ngày 18/5/1996 và hiện nay Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực. Công tác giám định tư pháp được tiến hành theo quy định của Nghị định 117/HĐBT ngày 21/7/1998.

Trong thời gian qua, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp nói trên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện cũng cần tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa chúng với Tòa án huyện cũng như tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực công tác của các thành viên thuộc các cơ quan đó.

Trong quá trình giải quyết các vụ án khác nhau, sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp mang tính thụ động. Các công việc do nhân viên của các cơ quan này thực hiện đều trên cơ sở quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có Tòa án) hoặc của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Trong một số vụ án, do nhu cầu thu thập chứng cứ cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác nhau, pháp luật quy định bắt buộc phải có sự tham gia trực tiếp hoặc kết luận chuyên môn của các cơ quan bổ trợ tư pháp. Thí dụ, đối với các vụ án gây thương tích, gây chết người (tai nạn giao thông, chết người, bức tử...) chiếm đoạt tài sản, các vụ án về ma tuý, các vụ án kinh tế hoặc các vụ án về những tội phạm liên quan tới kĩ thuật v.v kết luận giám định được coi là một tài liệu bắt buộc; trong các vụ án mà bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần, các vụ án về những tội phạm có khung hình phạt quy định trong luật cao nhất đến chung thân hoặc tử hình sự tham gia của luật sư - người bào chữa là bắt buộc; trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính rất nhiều tài liệu muốn được coi là hợp pháp và là chứng cứ thì phải có sự xác nhận của cơ quan công chứng nhà nước. Chính vì lẽ trên mà có thể nói rằng hiệu quả hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như một yếu tố quan trọng bảo đảm cho Tòa án cấp huyện thực hiện được chức năng xét xử cũng như nâng cao năng lực xét xử của mình. Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, về cơ bản ở nước ta hiện nay, ở địa bàn huyện chưa có tổ chức luật sư, giám định hoặc công chứng nhà nước. Số lượng đoàn luật sư hiện nay kể cả kiêm nhiệm cũng chưa đáp ứng cho việc tham gia phiên toà về các vụ án khác nhau ở cấp tỉnh, thành phố chứ chưa nói tới đáp ứng cho việc tham gia tố tụng về các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện (quận). Khi mà trình độ nghiệp vụ của các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ở Tòa án cấp huyện còn yếu lại không có ý kiến "đối trọng" của các luật sư tất yếu dẫn tới công tác xét xử sẽ nguy cơ đạt hiệu quả không cao và tất yếu trong tình trạng như vậy không thể nói tới việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện.

Cũng như tổ chức luật sư, tổ chức giám định tư pháp hiện mới tổ chức ở cấp tỉnh trở lên và hiện cũng mới tồn tại một số tổ chức giám định chuyên trách về một vài lĩnh vực nào đó. Vấn đề đánh giá giá trị pháp lí của các kết luận giám định: Trong tố tụng, ngoài tố tụng của tổ chức giám định chuyên trách hay của tổ chức giám định không chuyên trách, của cấp dưới, cấp trên hiện chưa có một văn bản pháp luật nào quy định. Chính điều này đã tạo ra những kẽ hở và nó là nguyên nhân dẫn tới nhiều tiêu cực trong lĩnh vực giám định gây khó khăn cho việc đánh giá các chứng cứ của Tòa án khi xét xử.

Vì xa cơ quan công chứng nhà nước nên các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nếu cần có sự xác nhận hoặc chứng thực thì về cơ bản dựa vào sự xác nhận hoặc chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, thị trấn trong khi nhiều người thuộc các cơ quan này đã vì nể nang hoặc có tiêu cực khi xác nhận hoặc chứng thực dẫn tới hồ sơ vụ án sai lệch và hậu quả là phán quyết của Tòa án không phù hợp với bản chất của sự việc, hiện tượng đã diễn ra trong thực tiễn.

Trước thực trạng trên đây của các cơ quan bổ trợ tư pháp ở nước ta, chúng tôi nhằm góp phần nâng cao năng lực xét xử của Tòa án huyện chúng tôi kiến nghị:

1) Thực hiện Pháp lệnh luật sư mới tiến tới việc thành lập các văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng luật sư ở các thị trấn, mở rộng tổ chức bào chữa viên nhân dân tới cấp huyện, tổ chức chi nhánh của các trung tâm trợ giúp pháp lí cho người nghèo ở các thị trấn để giúp đỡ nhân dân khi họ trở thành các đương sự, bị can, bị cáo trong các vụ án do Tòa án cấp huyện xét xử;

Song song tồn tại với các tổ chức giám định tư pháp chuyên trách cần có các tổ chức giám định tư pháp không chuyên trách; chỉ được coi kết luận giám định tư pháp là chứng cứ về vụ án khi việc giám định được tiến hành theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Khi có sự không thống nhất trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề của các tổ chức giám định khác nhau (kể cả giữa cấp trên và cấp dưới) thì Tòa án với tính cách là cơ quan xét xử và là người quyết định sau khi đã thẩm vấn các giám định viên tại phiên toà;

3) Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn chỉ được chứng thực hoặc xác nhận các văn bản hành chính, còn các văn bản, tài liệu khác muốn có giá trị pháp lí và được coi là chứng cứ trong các vụ án cần phải được công chứng tại Phòng công chứng nhà nước./.

Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật của Tòa án cấp huyện hiện nay và những yêu cầu cần giải quyết nhằm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo phát huy năng lực xét xử của Tòa án

 

Hoàng Văn Hồng

Phó Vụ trưởng Vụ QLTA địa phương- Bộ Tư pháp

Tòa án nhân dân cấp huyện được hình thành và hoạt động theo sự phân chia địa giới hành chính. Mỗi đơn vị hành chính huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh đều có đầu mối Tòa án tương ứng là Tòa án nhân dân huyện, thị xã, quận, thành phố ( dưới đây gọi tắt là Tòa án cấp huyện ) với thẩm quyền xét xử và giải quyết các vụ việc xảy ra trong địa giới hành chính cấp huyện. Có thể nói rằng, từ góc độ công việc và thẩm quyền hoạt động, Tòa án cấp huyện là một đơn vị tương đương cấp phòng của huyện, nhưng do đặc thù của công tác xét xử, đại đa số các đơn vị Tòa án cấp huyện đều có trụ sở riêng biệt với những trang thiết bị hoạt động cũng có những đặc điểm riêng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến vai trò của cơ sở vật chất, kỹ thuật và vấn đề tăng cường năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện trong thời gian tới.

I. Thực trạng cơ sở vật chất, kỹ thuật của Tòa án cấp huyện

Hiện nay toàn quốc có 626 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện. Tổng số biên chế là 5626 người, trong đó có 2276 Thẩm phán, 2448 Thư ký, còn lại là các chức danh khác như : văn thư, đánh máy, thủ quỹ, bảo vệ.... Đa số các Tòa án cấp huyện có trên 6 biên chế, 51 đơn vị có 5 biên chế, 20 đơn vị có 4 biên chế, 13 đơn vị có 3 biên chế, 2 đơn vị mới thành lập, chưa hình thành bộ máy tổ chức, chưa đi vào hoạt động. Về bộ máy tổ chức của Tòa án nhân dân cấp huyện, tại Điều 32 Luật Tổ chức Tòa án năm 1992 quy định : Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và các Thư ký. Trong Luật này không quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của bộ máy Tòa án nhân dân cấp huyện.

Chính vì lý do trên và một số nguyên nhân khách quan khác, mà từ nhiều năm qua chúng ta chưa có quy định thống nhất về mô hình trụ sở, các loại trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện. Cho nên trong thực tế, vấn đề cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật của các Tòa án nhân dân cấp huyện rất đa dạng và phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm tình hình và khả năng kinh phí của từng địa phương, phụ thuộc vào số lượng biên chế và số lượng án thụ lý và giải quyết hàng năm...

1. Về trụ sở làm việc

Tính đến thời điểm hiện nay, có thể phân loại trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện làm 4 nhóm sau đây :

Nhóm 1 : Các trụ sở được xây dựng bằng kinh phí trung ương do Bộ Tư pháp cấp. Đặc thù của loại trụ sở này là được xây dựng sau năm 1993 theo kiểu mẫu thống nhất. Quy mô tương đối đơn giản, thường là 2 tầng, với 1 phòng xét xử và diện tích làm việc cho từ 7 đến 10 người. Loại trụ sở này hiện nay chiếm đa số.

Nhóm 2 : Các trụ sở được xây dựng bằng kinh phí của địa phương, đôi khi được hỗ trợ kinh phí của trung ương. Loại trụ sở này không có khuôn mẫu thống nhất, thường được xây dựng theo đặc điểm bề mặt đô thị của địa phương, quy mô phụ thuộc hoàn toàn vào số kinh phí được cấp. Cho nên loại trụ sở này thường không phù hợp với đặc thù hoạt động xét xử của Tòa án.

Nhóm 3 : Các trụ sở chưa được đầu tư xây dựng, thường là các nhà tạm, nhà tiền chế. Loại trụ sở này tuy còn lại không nhiều, nhưng đa số đều nằm ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc ở các địa bàn chưa có quy hoạch đô thị nên việc đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói rằng loại trụ sở này hoàn toàn không phù hợp cho hoạt động xét xử của Tòa án, đa số đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về yêu cầu mỹ quan đô thị.

Nhóm 4 : Đây là trụ sở của Tòa án các quận trung tâm hoặc của các thành phố thuộc tỉnh. Đa số các trụ sở này được xây dựng mới với thiết kế hiện đại từ 3 tầng lầu trở lên.

2. Về các trang thiết bị hoạt động

Đối với các Tòa án cấp huyện, có thể nói rằng chúng ta hoàn toàn chưa có quy định thống nhất về số lượng, chủng loại phương tiện trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án.

Các loại trang bị thiết yếu cho hoạt động xét xử như : Bàn ghế và trang bị âm thanh của phòng xét xử... cũng chưa có khuôn mẫu thống nhất. Đa số trong tình trạng được cấp kinh phí đến đâu thì mua sắm đến đó, cho nên trang bị của Tòa án thường là không đồng bộ.

Về ô tô 4 chỗ ngồi : Nhiều đơn vị Tòa án cấp huyện, do tranh thủ được địa phương nên được trang bị xe ô tô 4 chỗ. Tuy nhiên các xe này đều đã qua sử dụng, phải đầu tư sửa chữa nhiều. Mặt khác, do cấp huyện chưa được cấp đầu xe, nên gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp nhân viên lái xe cũng như kinh phí phục vụ hoạt động của xe.

Về xe máy 2 bánh : Tính đến cuối năm 2001, các đơn vị Tòa án đều được cấp ít nhất 1 đầu xe máy 2 bánh. Chất lượng xe cũng là vấn đề cần phải được quan tâm hơn, do chủng loại xe không phù hợp với địa hình hoạt động cũng như không phù hợp với đặc thù công việc của Tòa án.

Về máy vi tính và máy photocoppy: Đến nay, Bộ Tư pháp mới trang bị máy vi tính và máy photocoppy đến các đơn vị cấp quận và thị xã trung tâm tỉnh lỵ, còn lại đã số các đơn vị cấp huyện khác chưa được trang cấp. Nhiều đơn vị khác đã tranh thủ được nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương để mua sắm loại thiết bị này.

Về máy chữ : Loại máy này đang được dùng phổ thông ở các đơn vị Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, lần cuối cùng Bộ Tư pháp trang cấp máy chữ đã từ năm 1993, cho nên đến thời điểm hiện tại , máy chữ của các đơn vị đều đã hết khả năng sử dụng. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng máy đánh chữ ở Tòa án đã không còn phù hợp.

3. Về chế độ và chính sách đãi ngộ đối với công chức Tòa án cấp huyện

Như đã nêu ở phần trên, tại Điều 32 Luật Tổ chức Tòa án năm 1992 quy định : Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và các Thư ký. Nhưng trong thực tế, công chức Tòa án có thể chia thành 3 nhóm : Thẩm phán (bao gồm Chánh án, Phó Chánh án), Thư ký và công chức khác, trong đó mức lương của Thẩm phán là cao hơn cả.

Nhiều người cho rằng, thang bảng lương Thẩm phán cao hơn một số công chức ngạch hành chính tương đương khác, nhưng điều này chỉ đúng với Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện thì hệ số lương còn quá thấp thậm chí còn thấp hơn cả ngạch chuyên viên, vì nguồn bổ nhiệm Thẩm phán cấp huyện là thư ký, chuyên viên có thâm niên công tác pháp luật là 4 năm, mà hệ số khởi điểm chỉ là 2,16. Mức lương trên không đủ phục vụ cho mức sống tối thiểu của Thẩm phán trong tình hình hiện nay. Trong khi đó, Thẩm phán và gia đình không được tham gia hoạt động kinh doanh, dịch vụ, điều này dễ làm phát sinh tiêu cực đối với những Thẩm phán yếu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức kém, ý chí không vững vàng. Đã có nhiều Thẩm phán xin thôi việc do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mức lương tối đa của Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện là 4,25. Trên thực tế có nhiều Thẩm phán được hưởng mức lương này đã gần 10 năm nhưng không được nâng lương do hết khung lương.

Qua thực tiễn công tác quản lý Tòa án địa phương về mặt tổ chức, chúng tôi thấy rằng lao động của Thẩm phán là lao động có tính đặc thù nghề nghiệp cao, do đó, ngoài chế độ như đối với công chức Nhà nước nói chung thì Thẩm phán còn phải được hưởng một số chế độ chính sách riêng khác, mà cụ thể hiện nay, Thẩm phán được cấp trang phục xét xử, được hưởng chế độ phụ cấp phiên toà... Tuy nhiên, các chế độ này không giải quyết được căn bản đời sống khó khăn của Thẩm phán trong thời gian hiện nay.

Về chế độ bồi dưỡng ngoài lương, thực hiện chỉ thị 53/CT TW ngày 21/3/2000 của Bộ Chính trị, mỗi Thẩm phán hàng tháng được cấp 120.000 đồng, Thư ký được cấp 100.000 đồng. Chế độ bồi dưỡng trên tuy không lớn, nhưng là sự đãi ngộ đặc biệt của Nhà nước đối với dạng lao động có tính đặc thù cao của công chức Tòa án.

Theo Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, Thẩm phán được cấp chứng minh thư để làm nhiệm vụ, nhưng trên thực tế cho thấy chứng minh thư Thẩm phán ít được sử dụng và không có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện thuận lợi cho Thẩm phán thực thi nhiệm vụ.

Trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy xã hội phát triển nhanh, nhưng cũng làm tăng thêm nhiều loại tội phạm, trong đó có các hành vi bạo lực, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của Thẩm phán và gia đình họ. Nhưng các hành vi đó chỉ có thể bị xử lý như các hành vi vi phạm nội quy phiên toà, rất ít vụ việc bị truy tố trước pháp luật như các hành vi phạm tội. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định về bảo vệ Thẩm phán cho phù hợp hơn.

II. Tính cấp thiết của việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với Tòa án nhân dân cấp huyện

Với thực trạng trên đây, đa số Tòa án cấp huyện trong cả nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xét xử. Ngay tại thủ đô Hà nội còn có nhiều đơn vị đã từng phải xử án ngay tại phòng làm việc của công chức. Rất nhiều đơn vị khác vì nhiều lý do khách quan đã để lượng án tồn đọng quá nhiều. Do đó, vấn đề nâng cao năng lực hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện đã trở thành vấn đề bức xúc hiện nay, đây là vấn đề then chốt quyết định hàng loạt vấn đề khác, mà đầu tiên đó là việc tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Việc quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện trở thành vấn đề cấp thiết còn vì các lý do sau đây :

- Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển lịch sử có nhiều đặc điểm khác những thời kỳ trước đây: Công cuộc đổi mới của đất nước với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều thành phần đã đạt được những thành quả rõ rệt; quá trình hội nhập với thế giới và khu vực đã đạt được những thành công lớn, mà điển hình là hiệp định thương mại Việt nam - Hoa kỳ đã được ký kết. Tất cả những điều này đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ trong các lĩnh vực, hoạt động của cơ quan xét xử đòi hỏi phải ngang tầm với quá trtình hội nhập... Mặt trái của vấn đề trên là phát sinh nhiều loại tội phạm và tranh chấp mới, yêu cầu chúng ta phải có những cải cách toàn diện, phù hợp hơn đối với cơ quan Tòa án.

- Chính sách pháp luật đã có nhiều thay đổi, bổ sung. Gần đây nhất là việc sửa đổi các quy định về khung hình phạt... Cơ quan Tòa án được bổ sung thẩm quyền giải quyết án hành chính, kinh tế và lao động..., tiến tới áp dụng tăng thẩm quyền xét xử đối với Tòa án cấp huyện .

- Thực tế những năm gần đây, bộ mặt Tòa án cấp huyện đã có nhiều thay đổi đáng kể về trụ sở và các trang thiết bị làm việc. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa mang tính thống nhất trong toàn quốc. Mặc dù các Tòa án cấp huyện dần dần được trang bị thêm nhiều loại trang thiết bị hoạt động, nhưng về cơ bản việc đầu tư trang bị chưa có tính kế hoạch lâu dài, chưa đáp ứng được đòi hỏi đặc thù của hoạt động xét xử.

- Về mặt tư tưởng, còn có nhiều người cho rằng Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc loại đơn vị tương đương cấp Phòng của UBND huyện, do đó không nhất thiết phải đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị hiện đại.

- Đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã qua hàng chục năm tồn tại và trưởng thành, nhưng chúng ta chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể về bộ máy tổ chức cũng như về tình hình cơ sở vật chất của Tòa án các cấp nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng.

Tóm lại, việc tăng cường năng lực hoạt động , quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động cho các TAND cấp huyện là đòi hỏi khách quan, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công cuộc đổi mới, cải cách hành chính nói chung và cải cách Tư pháp nói riêng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, triển khai tăng cường năng lực hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động cho các TAND cấp huyện cũng đồng nghĩa với việc chúng ta thực hiện một cuộc cải cách lớn trong hoạt động của TAND cấp huyện, tất yếu sẽ có những khó khăn vướng mắt nhất định.

III. Các vấn đề lớn cần giải quyết khi thực hiện tăng cường năng lực hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động cho các TAND cấp huyện

Qua thực tiễn công tác quản lý Tòa án địa phương về mặt tổ chức, chúng tôi thấy rằng, để giải quyết có hiệu quả vấn đề cơ sở vật chất và trang thiết bị hoạt động, trước hết chúng ta phải xây dựng được mô hình bộ máy tổ chức của đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện.

1. Thực trạng biên chế và bộ máy tổ chức của Tòa án nhân dân cấp huyện trong thời gian qua

Dưới đây là một số mô hình bộ máy thường gặp của Tòa án nhân dân cấp huyện :

a. Mô hình đơn giản : Trong mô hình này, không có sự phân chia cơ cấu tổ chức của Tòa án huyện thành những nhóm cố định, mà cơ quan Tòa án cấp huyện tồn tại như 1 chính thể nhỏ, đơn giản. Theo mô hình này, Tòa án cấp huyện có Chánh án, 1 Phó Chánh án ( một số ít đơn vị có 2 Phó Chánh án ), thông thường có 1 hoặc 2 Thẩm phán, 2 Thư ký và 1 hoặc 2 công chức khác, trong đó có một người kiêm nhiệm vụ thụ lý hồ sơ các vụ án. Nhiều đơn vị không có Phó Chánh án. áp dụng mô hình này thường là các Tòa án cấp huyện biên chế từ 6 đến 9 người. Chánh án là người đứng đầu, trực tiếp điều hành, phân công công tác cho mọi thành viên. Vai trò của Phó Chánh án trong mô hình này rất mờ nhạt, chỉ được thể hiện ở tính năng thay thế khi Chánh án vắng mặt. Thẩm phán có thể được phân công giải quyết tất cả các loại án.

 

b. Mô hình tổ chức cố định : Trong mô hình này, số biên chế của Tòa án cấp huyện được phân chia thành từng bộ phận nhỏ theo từng loại án, thường là: Bộ phận xét xử hình sự, hành chính do Chánh án phụ trách; bộ phận xét xử các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động do 1 Phó Chánh án phụ trách. Biên chế tại các đơn vị này có từ 10 người trở lên, mỗi bộ phận có 3 đến 5 biên chế, trong đó có 1-3 Thẩm phán. Tại một số ít đơn vị ( thường là ở TAND các thành phố thuộc tỉnh hoặc ở các quận trung tâm ) có bộ phận Văn phòng, làm các công việc không thuộc nghiệp vụ xét xử hoặc có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ thụ lý án đầu vào. Theo mô hình này, các Thẩm phán thường chỉ đảm nhận xét xử một loại án nhất định, chỉ những khi nào ít án mới được Chánh án phân công hỗ trợ xét xử cho bộ phận khác.

c. Ngoài ra, có một số ít đơn vị do quá ít biên chế nên vấn đề cơ cấu bộ máy không được đặt ra, như ở 13 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có 3 biên chế. Các đơn vị này thường ở những nơi thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, không có nguồn tuyển dụng công chức và cũng không có nguồn bổ sung Thẩm phán.

 

Tuỳ theo đặc điểm cụ thể của từng đơn vị, mỗi mô hình trên đây khi được các đơn vị áp dụng thực hiện đều có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhân mạnh rằng, các mô hình trên ( nhất là mô hình đơn giản ) chỉ có ưu điểm khi số lượng án thụ lý và giải quyết hàng năm thấp. Chính vì lý do này mà đa số các Tòa án quận, thành phố hoặc thị xã trung tâm đều áp dụng mô hình tổ chức cố định, tức là mô hình có thể tạo điều kiện cho việc xét xử chuyên sâu hơn từng loại án.

Thời gian tới đây, khi các Tòa án nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền mới, chắc chắn rằng các loại án về hình sự cũng sẽ nhiều hơn, phức tạp và đa dạng hơn, đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu của từng Thẩm phán và một bộ máy tổ chức phù hợp để giải quyết có hiệu quả các vụ án trong thời gian luật định.

2. Cơ cấu bộ máy tổ chức của TAND cấp huyện

Hiện nay, các TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử về hình sự đối với các tội danh có mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù. Các vụ án theo thẩm quyền này nhìn chung là có tính chất không phức tạp, có ít bị cáo. Do đó, từ trước đến nay, cơ cấu bộ máy tổ chức của TAND cấp huyện cũng được xây dựng theo hương đơn giản, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ xét xử theo thẩm quyền luật định.

Theo số liệu thống kê, hàng năm số vụ án về các tội danh có mức án cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù chiếm khoảng trên 50 % tổng số vụ án hình sự mà TAND cấp tỉnh đã thụ lý và giải quyết. Đây cũng là phần công việc chủ yếu của các TAND cấp tỉnh ( trừ các thành phố trực thuộc Trung ương ), vì số lượng các loại án dân sự, HNGĐ, hành chính, kinh tế, lao động ở TAND cấp tỉnh thường không nhiều, đa số là án phúc thẩm. Như vậy, khi thẩm quyền xét xử mới của TAND cấp huyện được triển khai thực hiện, thì hầu hết mảng công việc này được chuyển giao cho các TAND cấp huyện. Vấn đề đặt ra là với thẩm quyền xét xử về hình sự rộng hơn, TAND cấp huyện cần cơ cấu bộ máy như thế nào cho phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của các bộ phận có liên quan đến hoạt động xét xử về hình sự ở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện nay.

Những năm gần đây, bộ máy tổ chức của TAND cấp tỉnh ngày càng được củng cố và kiện toàn, ở đa số các đơn vị đã hình thành các đơn vị chuyên sâu - thường là 5 Toà chuyên trách - giải quyết từng loại án. Các Tòa án cấp tỉnh, dù thiếu biên chế, hoặc thiếu cơ sở vật chất, thì bao giờ cũng giành sự ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố kiện toàn cơ cấu tổ chức của Toà hình sự. Có thể nói rằng, thành tích của cơ quan Tòa án phụ thuộc chủ yếu vào kết quả của hoạt động xét xử về hình sự. Ngoài ra, để thực hiện hoạt động xét xử về hình sự, bên cạnh Toà hình sự, các TAND cấp tỉnh đều có một bộ máy Văn phòng, với chức năng thụ lý án hình sự, tổ chức các phiên toà hình sự và thực hiện các công việc sau phiên toà hình sự... Theo định biên tối thiểu, thì đơn vị có biên chế thấp nhất cũng có 11 người thuộc tổ chức Văn phòng, riêng Toà hình sự nơi nào thiếu cũng có ít nhất 6 biên chế. Bên cạnh đó, ở TAND cấp tỉnh còn có Uỷ ban Thẩm phán với chức năng hướng dẫn áp dụng thống nhất đường lối xét xử các vụ án. Đa số các vụ án hình sự đều được đưa ra UBTP để bàn bạc, trao đổi về đường lối xử lý trước khi mở phiên toà.

Từ những phân tích trên đây, xuất phát từ những yêu cầu thực tế của nhiệm vụ xét xử khi tăng thẩm quyền, chúng tôi dự kiến cơ cấu tổ chức tối thiểu của TAND cấp huyện như sau :

a. Về biên chế tổ chức chung :

Tòa án nhân dân cấp huyện có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, các Thư ký và bộ phận giúp việc ( gọi là Văn phòng hoặc là bộ phận hành chính Tư pháp ).

b. Về cơ cấu bộ máy :

Tòa án nhân dân cấp huyện có thể phân chia thành bộ phận xét xử hình sự, bộ phận xét xử án khác và bộ phận giúp việc ( Văn phòng ).

Các bộ phận xét xử có các Thẩm phán và các Thư ký, do Chánh án và Phó Chánh án phụ trách. Trong bộ phận xét xử hình sự có 1 thư ký kiêm nhiệm nhiệm vụ theo dõi thi hành án hình sự. Bộ phận giúp việc ( Văn phòng ) có Kế toán, Nhân viên văn thư, Nhân viên lưu trữ, Nhân viên đánh máy, Nhân viên bảo vệ, Nhân viên tạp vụ ... do Chánh án trực tiếp phụ trách.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các bộ phận này có được coi là những tổ chức hành chính hay không ? Có các chức danh quản lý ( tương tự như Chánh, Phó Chánh toà ) hay không ? Theo chúng tôi, việc phân chia các bộ phân chỉ nhằm tạo điều kiện cho các Thẩm phán chuyên sâu hơn trong lĩnh vực xét xử theo từng loại án. Với số lượng biên chế như hiện nay, Tòa án cấp huyện không cần thiết phải thành lập các đơn vị hành chính nhỏ hơn.

c. Về biên chế tối thiểu :

Tòa án nhân dân cấp huyện có tối thiểu 15 biên chế, trong đó có 5 Thẩm phán, 4 Thư ký, 1 Thư ký theo dõi thi hành án hình sự, 5 nhân viên Văn phòng đảm nhiệm các công việc kế toán, văn thư, lưu trữ, đánh máy, bảo vệ, tạp vụ....

Song song với việc định hình và xây dựng mô hình bộ máy tổ chức của Tòa án nhân dân cấp huyện, một công việc không kém phần quan trọng đó là xây dựng một cách nghĩ, một cách nhìn đúng đắn về vai trò và địa vị pháp lý của cơ quan Tòa án cấp huyện.

Hiến pháp nước ta đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án. Chỉ có phán quyết của Tòa án mới có quyền nhân danh Nhà nước, chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố ai phạm tội, ai không phạm tội. Đây chính là hoạt động mang tính chất đặc thù chỉ có ở cơ quan Tòa án. Do đó, hoàn toàn sai lầm khi đánh giá vị trí của cơ quan Tòa án cấp huyện tương đương với cấp phòng của UBND.

Đến thời điểm hiện nay, còn có nhiều Tòa án cấp huyện chưa có trụ sở làm việc độc lập, có đơn vị phải hoạt động trong các gian nhà cấp 4 cùng khuôn viên với nhiều phòng, ban khác của huyện. Theo quy định hiện hành, việc đầu tư xây dựng cơ bản cho Tòa án nhân dân cấp huyện do Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi thực hiện, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng Tòa án có nhu cầu xây dựng, kế hoạch kinh phí có nhưng lại chưa có đầy đủ thủ tục để đầu tư hoặc chưa có đất để xây dựng.

Các trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện, về nguyên tắc do Bộ Tư pháp trang cấp. Nhưng trên thực tế rất nhiều đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện đã tranh thủ được sự ủng hộ của điạ phương về mặt kinh phí để mua sắm các thiết bị thiết yếu cho Tòa án. Bộ Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ của các địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác lại có tình trạng cho rằng Tòa án cấp huyện là cơ quan ăn ngân sách Trung ương, nên dù có khả năng nhưng địa phương cũng không hỗ trợ cho Tòa án khi Bộ Tư pháp chưa trang cấp kịp thời các loại thiết bị hoạt động.

Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện còn có nhiều hạn chế, một số phương tiện thông tin đại chúng chỉ tập trung thông tin về các sai phạm, vi phạm của công chức Tòa án, chưa nêu bật được những việc làm được, làm tốt của Tòa án. Dẫn đến tình trạng hiểu sai lệch về vai trò và địa vị pháp lý của Tòa án, phần nào cũng làm hạn chế sự quan tâm của các Ban Ngành chức năng của địa phương và của các cơ quan Trung ương đối với Tòa án.

Chúng tôi cho rằng, có khắc phục được các vấn đề nêu trên, thì việc tăng cường năng lực hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, cải thiện chế độ chính sách cho Tòa án cấp huyện mới có thể được tiến hành thống nhất, thực hiện kịp thời và đạt được hiệu quả cao.

IV. Các nội dung cơ bản của việc tăng cương cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo phát huy năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Về việc đầu tư xây dựng cơ bản

Chúng tôi cho rằng vấn đề phải được quan tâm hàng đầu trong quá trình tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho Tòa án nhân dân cấp huyện chính là đầu tư xây dựng cơ bản. Tòa án nhân dân cấp huyện là cơ quan xét xử ở gần dân nhất, do đó phải được thiết kế phù hợp với đặc thù của hoạt động xét xử, tương xứng với cảnh quan đô thị ở từng địa phương, và đặc biệt phải đảm bảo sự trang nghiêm của cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước. Các mẫu thiết kế trụ sở Tòa án cấp huyện hiện nay mới chỉ đảm bảo tính kiên cố, chưa toát lên được sự bề thế của chốn công đường, chưa hiện đại và chưa phù hợp với sự phát triển của xã hội, và về cơ bản đa số các mẫu thiết kế này không đảm bảo tính chất tồn tại lâu dài của Tòa án, mới xây dựng xong đã có nhiều chi tiết lạc hậu, thậm chí không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Người thiết kế còn lệ thuộc nhiều vào nguồn tài chính, nhu cầu hiện tại mà không tính đến hiệu quả của việc đầu tư chiến lược và hướng phát triển của đất nước nói chung và của ngành Tòa án nói riêng. Công năng của trụ sở Tòa án cần phải tính đến thời hạn sử dụng năm mươi năm và dài hơn nữa như nhiều nước đã và đang làm.

Với mô hình bộ máy tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện có tối thiểu 15 biên chế, diện tích xây dựng của trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện cần có ít nhất 2000 m2, với mặt tiền trên 40 m dài. Về yêu cầu tối thiểu: Mỗi Tòa án phải có ít nhất 2 phòng xét xử rộng trên 50m2 và 1 phòng hội trường; mỗi Thẩm phán phải có riêng một phòng làm việc; phần tiền sảnh phải đạt được vóc dáng bề thế, trang nghiêm và phải có khoảng không gian đủ rộng để tạo nên cảm giác bé nhỏ của mỗi cá thể ở chốn công đường, chốn quyền uy.

2. Về các trang thiết bị hoạt động

Trước hết, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định thống nhất về số lượng, chủng loại, chất lượng các phương tiện trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án và kế hoạch trang bị hàng năm cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật của Tòa án nhân dân cấp huyện không chỉ phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, phù hợp với quá trình cải cách hành chính nói chung, mà còn phải hiện đại, kịp thời phục vụ các yêu cầu và nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từ các yêu cầu trên đây, chúng tôi cho rằng cơ quan Tòa án, đặc biệt là các Tòa án cấp huyện phải được trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, các thành tựu khoa học tiên tiến của công nghệ thông tin cần được ứng dụng triệt để trong hoạt động của Tòa án. Từng bước tiến tới tin học hoá công tác Tòa án và hoạt động xét xử.

3. Về chế độ và chính sách đãi ngộ đối với công chức Tòa án cấp huyện

Vấn đề được quan tâm hiện nay là mối quan hệ giữa thu nhập của công chức Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán với đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Như chúng ta đã biết, trong cơ quan Tòa án Thẩm phán thường có mức lương cao nhất, nhưng cũng không vượt qua hệ số 4,25. Tức là một Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện có thâm niên công tác cao nhất cũng chỉ có mức lương khoảng 1.000.000 đồng/ tháng. Với tính chất lao động của Thẩm phán là lao động có tính đặc thù nghề nghiệp cao, bản thân Thẩm phán và gia đình họ không được tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thì mức thu nhập trên thức tế chỉ đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tốt thiểu của 1 người. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, hiện tượng tham nhũng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của công chức Tòa án hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa chính từ mức thu nhập và các chế độ đãi ngộ đối với họ không phù hợp.

Do đó, chúng tôi thấy rằng việc cải cách tiền lương đối với Thẩm phán và công chức Tòa án đã trở thành yêu cầu bức xúc trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi không đòi hỏi Thẩm phán phải có mức lương cao như ở các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng mức lương của Thẩm phán phải đảm bảo phục vụ các nhu cầu tối thiểu của bản thân và quá trình tái sản xuất sức lao động của cá nhân Thẩm phán; đảm bảo được cuộc sống bình thường của 2 người thân trong gia đình và có khoản dư dật nhỏ để tích luỹ. Trước mắt cần điều chỉnh sự cách biệt vô lý giữa mức lương của Thẩm phán theo hương tăng hệ số mức lương cho Thẩm phán Tòa án cấp huyện.

Các chế độ đãi ngộ khác đối với Thẩm phán và công chức Tòa án phải cụ thể, rõ ràng và có khả năng thực thi, phải đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Đặc biệt nên tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các công chức Tòa án, nhất là giữa những người trực tiếp tham gia hoạt động tố tụng. Tránh tình trạng Thẩm phán được hưởng chế độ phụ cấp phiên toà, nhưng kinh phí cho khoản chi này lại không được cấp theo số vụ án, mà lại cấp theo số biên chế...

V. kết Luận

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển lịch sử mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xuất hiện những vận hội, thời cơ lớn cần ra sức tận dụng, đi liền với những khó khăn, thử thách, nhất là trong điều kiện cơ chế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế. Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm đầu tư đáng kể của Đảng và Nhà nước đối với quá trình cải cách của các cơ quan Tòa án, để cơ quan xét xử của Nhà nước ta không chỉ có khả năng tổ chức giải quyết các vụ án, mà còn dần dần phát triển như một biểu tượng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiều năm qua, Bộ Tư pháp đã có rất nhiều cố gắng để cải thiện thực trạng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các Tòa án cấp huyện. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 534 /622 đơn vị Tòa án cấp huyện được đầu tư xây dựng trụ sở mới. Lập kế hoạch trong quý 1 năm 2002 cấp đồng bộ và đủ cho 622 đơn vị máy vi tĩnh, máy photoccppy, xe máy hoặc các phương tiện đường thuỷ khác. Tất cả những việc làm trên đây đã góp phần tích cực trong việc thay đổi bộ mặt của các Tòa án nhân dân cấp huyện, tạo nên sự trang nghiêm của công đường, góp phần nâng cao uy tín của Tòa án cũng như lòng tin của quần chúng nhân dân đối với pháp luật và dần dần tạo nên các nề nếp, quy tắc ứng xử văn minh ở công đường, hình thành văn hoá pháp đình phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam..

 

cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử các vụ án hình sự cho Tòa án cấp huyện

 

Đinh Văn Quế

Phó chánh toà Toà hình sự-TAND tối cao

 

Mở đầu

Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng cộng sản Việt nam đã chỉ rõ:"Củng cố kiện toàn các cơ quan tư pháp. Phân định lại thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án cấp huyện". Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII về việc phân định lại thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân chưa thực hiện được. Đến đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta lại khẳng định: "Tiếp tục cải cách, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp theo nguyên tắc nâng cao tình thần trách nhiệm , làm tốt công tác điều tra, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử, không để xảy ra những trường hợp oan sai." Riêng đối với Tòa án nhân dân, Nghị quyết đại hội Đảng chỉ rõ: " Sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định lại thẩm quyền một cách hợp lý theo nguyên tắc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, tăng cường Thẩm phán ở những địa bàn trọng điểm, quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm và thẩm quyền của Hội thẩm nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao làm nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng pháp luật và thực hiện công tác giám sát việc xét xử các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật". Về công tác cán bộ, "xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".

Để thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, chúng ta phải đồng thời tiến hành nhiều biện pháp như: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, các luật tổ chức các cơ quan Nhà nước, trong đó có Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, các pháp lệnh và các văn bản pháp luật có liên quan; bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là Tòa án cấp huyện, bảo đảm có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn vững vàng.

Nghiên cứu thực trạng Tòa án cấp huyện, nhằm đưa ra những biện pháp nâng cao chất lượng xét xử nói chung và xét xử các vụ án hình sự nói riêng cũng là vấn đề cấp thiết, nó không chỉ có ý nghĩa to lớn về lý luận mà có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình cải cách bộ máy Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hiện nay.

I - Thực trạng tổ chức và hoạt động xét xử các vụ án hình sự của Tòa án cấp huyện hiện nay

Hiện nay cả nước ta có 621 Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 17 Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án cấp huyện).

Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự, thì Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay được tổ chức theo đơn vị hành chính, còn Tòa án quân sự khu vực lại được tổ chức theo theo từng khu vực tuỳ thuộc vào số lượng công việc chứ không tổ chức theo đơn vị hành chính.

Các Tòa án nhân dân cấp huyện được tổ chức theo đơn vị hành chính nên thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án theo lãnh thổ, còn Tòa án quân sự khu vực tuy không được tổ chức theo đơn vị hành chính nhưng cũng bảo đảm nguyên tắc xét xử theo thẩm quyền lãnh thổ.

Nhìn chung, các Tòa án cấp huyện được bố trí cán bộ tương đối hợp lý, tuỳ theo số vụ án phải thụ lý giải quyết hàng năm mà biên chế của Tòa án đó có thể nhiều hoặc ít. Ví dụ: Các Tòa án quận thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh số Thẩm phán bao giờ cũng nhiều hơn các Tòa án huyện ở các tỉnh khác. Trình độ chuyên môn của Thẩm phán cũng từng bước được tiêu chuẩn hoá. Hiện nay đã có 80,5% Thẩm phán Tòa án quận, huyện và 96% Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực có trình độ đạị học luật hoặc cao đẳng Tòa án. Trong đó có 81% Chánh án, 79% Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã tốt nghiệp đại học luật, Tuy nhiên, đa số các Thẩm phán đang đương chức hoặc mới được bổ nhiệm lại chưa qua lớp đào tạo các chức danh tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức. Riêng các Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực tuổi đời từ 28 đến 35 tuổi; các Thẩm phán Tòa án cấp huyện nói chung có bản lĩnh vững vàng về chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, có kinh nghiệm thực tiễn nhất định trong công tác xét xử. Tuy nhiên, ở các Tòa án cấp quận, huyện số Thẩm phán còn thiếu nhiều so với biên chế ( thiếu 436 Thẩm phán). Một số Tòa án huyện có thời gian không có Chánh án, có Tòa án chỉ có một Thẩm phán, nên ảnh hưởng đến công tác xét xử, nhất là ở những địa bàn miền núi, hải đảo; trình độ của Thẩm phán tuy có nâng lên được một bước nhưng năng lực và kinh nghiệm công tác lại không đồng đều; một bộ phận Thẩm phán còn có biểu hiện tiêu cực, thiếu tình thần trách nhiệm trong công tác, cá biệt có trường hợp lãnh đạo Tòa án cấp huyện vi phạm pháp luật phải đưa ra truy tố xét xử, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Tòa án. Đội ngũ Hội thẩm nhân dân của Tòa án cấp huyện cho đến nay chỉ mới có khoảng 14% có trình độ đại học luật, các chế độ tiêu chuẩn phụ cấp cho Hội thẩm nhân dân còn bất hợp lý, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử, vì khi xét xử ở cấp huyện, Hội thẩm nhân dân bao giờ cũng nhiều hơn Thẩm phán và theo quy định của pháp luật thì Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, nếu trình độ pháp lý của Hội thẩm nhân dân quá thấp thì việc ra bản án sẽ không có chất lượng cao.

Về cơ sở vật chất của Tòa án cấp huyện đã từng bước được quan tâm đầu tư, nhiều trụ sở Tòa án cấp huyện được xây dựng khang trang. Tuy nhiên cũng mới chỉ chiếm khoảng hơn 50% trụ sở được xây kiên cố, số còn lại vẫn còn là nhà cấp 4, nhiều nơi chật chội, dột nát, không bảo đảm điều kiện làm việc. Chế độ tiền lương của cán bộ Tòa án nói chung và của Thẩm phán Tòa án cấp huyện nói riêng còn quá thấp, trừ Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực hưởng theo lương quân hàm và phụ cấp thâm niên, còn Thẩm phán Tòa án nhân dân ngoài tiền lương và khoản phụ cấp ít ỏi không có còn khoản thu nhập nào khác, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần trách nhiệm và chất lượng xét xử.

Theo quy định tại Pháp lệnh Tòa án quân sự thì các Tòa án quân sự khu vực vừa được tổ chức theo địa bàn lãnh thổ, vừa được tổ chức theo tổ chức trong quân đội gồm: 17 Tòa án quân sự khu vực được tổ chức ở các quân khu (mối Quân khu có 2 Tòa án khu vực, trừ Tòa án quân khu thủ đô chỉ có 1 Tòa án quân sự khu vực) và 2 Tòa án quân sự khu vực thuộc Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân.

Các Tòa án quân sự khu vực, tình hình tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất khá hơn nhiều so với các Tòa án nhân dân quận, huyện. Tòa án nào cũng có phòng xử án đàng hoàng đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho việc xét xử, đa số Tòa án quân sự khu vực có ôtô; trình độ của Thẩm phán có 96% là tốt nghiệp đại học luật, tuổi đời lại còn trẻ; kinh phí hoạt động được Nhà nước cấp thẳng thông qua Cục tài chính Bộ quốc phòng đủ để mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Tòa án quân sự khu vực.

Hàng năm, các Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm khoảng 50.000 vụ án hình sự, chiếm khoảng gần 1/2 tổng số vụ án hình sự được đưa ra xét xử trong cả nước. Ngoài ra, Tòa án cấp huyện còn thụ lý và xét xử khoảng 60.000 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình và các vụ án kinh tế, hành chính và lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chỉ đối với các Tòa án quận, thị hoặc ở nơi đông dân cư số lượng các vụ án lại chiếm tỷ lệ rất cao so với biên chế, trong khi đó ở các Tòa án cấp huyện ở vùng sâu, vùng xa, số vụ án do các Tòa án thụ lý giải quyết chiếm tỷ lệ thấp, thậm chí rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp thì có tới 25 Tòa án cấp huyện chỉ xét xử 30 vụ án các loại trong một năm, tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa.

Nhìn chung, chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện ngày được nâng cao; số vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm cải sửa hoặc bị huỷ vì có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật chiếm một tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào số bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp huyện bị Tòa án cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm cải sửa hoặc huỷ thì cũng chưa đánh giá được thực trạng công tác xét xử của Tòa án cấp huyện, vì nó còn phụ thuộc vào trình độ năng lực của Tòa án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm. Hiện nay, nhìn chung công tác xét xử phúc thẩm và công tác kiểm tra, giám đốc còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nên đánh giá chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện không chỉ căn cứ vào kết quả xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, mà phải căn cứ vào thực trạng hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện. Đây cũng là vấn đề bất cấp và tồn tại nhiều vẫn chưa giải quyết được. Theo quy định của pháp luật, thì Tòa án cấp tỉnh giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp huyện, nhưng tổ chức hoạt động giám đôc việc xét xử của Tòa án cấp tỉnh còn nhiều yếu kém, nhiều Tòa án cấp tỉnh hầu như không có tổ chức kiểm tra giám đốc hoặc nếu có thì hoạt động cũng không có hiệu quả. ở Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động giám đốc việc xét xử các vụ án hình sự tập trung ở Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao và Ban thanh tra của Tòa án nhân dân tối cao, nhưng hai đơn vị này cũng không thể tổ chức kiểm tra giám đốc công tác xét xử phúc thẩm của tất cả 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mà hàng năm chỉ tổ chức kiểm tra công tác xét xử được một số Tòa án cấp tỉnh. Mặc dù chưa tiến hành kiểm tra hết tất cả hoạt động xét xử, trong đó có xét xử phúc thẩm của 61 tỉnh, thành, nhưng những nơi được kiểm tra cho thấy việc xét xử phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp huyện chất lượng không bảo đảm, nhiều trường hợp chính Tòa án cấp phúc thẩm cải sửa án của Tòa án cấp huyện không đúng pháp luật phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong khi đó có không ít trường hợp bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp huyện sai lại không được khắc phục.

Do trình độ Thẩm phán của Tòa án cấp huyện không đồng đều nên nhiều vụ án tuy không thuộc loại phức tạp nhưng Tòa án cấp huyện cũng không tự giải quyết được mà phải nhờ sự hỗ trợ của Tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những vụ án Tòa án cấp huyện thấy vướng mắc xin ý kiến hướng dẫn của Tòa án cấp tỉnh, thì Tòa án cấp tỉnh lại không hướng dẫn được mà phải xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao. Ngược lại, có những Tòa án cấp huyện mà chủ yếu là cấp quận có thể đảm đương được nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, nhưng lại không được giao nên số vụ án lẽ ra có thể xét xử sơ thẩm ở Tòa án cấp quận, nhưng Tòa án cấp thành phố phải thụ lý xét xử làm cho số lượng các vụ án của Tòa án thành phố phải xét xử sơ thẩm hàng năm lên tới hơn hàng nghìn vụ, trong khi đó Tòa án cấp thành phố phải xét xử phúc thẩm khoảng hơn 60% số vụ án mà Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm do có kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện hiện nay tuy đã được nâng lên một bước đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về kỹ năng xét xử, nhiều vụ án tuy bản án hoặc quyết định của Hội đồng xét xử không sai, nhưng vì việc tổ chức phiên toà, phương pháp điều khiển phiên toà của Thẩm phán có nhiều thiếu sót nên gây ra sự hoài nghi của những người tham gia tố tụng, cũng như những người dự phiên toà về tính đúng đắn của bản án hoặc quyết định của Hội đồng xét xử. Qua công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử các vụ án hình sự cho thấy, những yếu kém trong việc xét xử các vụ án hình sự của các tài Tòa án nói chung và của Tòa án cấp huyện nói riêng tạp trung vào những vấn đề sau:

- Do không chịu nghiên cứu các văn bản hướng dẫn nên còn lúng túng trong việc xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cũng như xác định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đặc biệt đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự không được xác định đầy đủ và chính xác, nhất là đối với các tình tiết tăng nặng. Thông thường khi áp dụng hình phạt nhẹ hoặc cho bị cáo hưởng án treo, các Tòa án chỉ chú ý xác định các tình tiết giảm nhẹ mà quên xác định các tình tiết tăng nặng.

- Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 1999 đã có hiệu lực pháp luật và đang được các Tòa án áp dụng để xét xử đối với các hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới đưa ra xét xử, nên việc áp dụng Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 như thế nào cho chính xác là một việc rất phức tạp,. Mặc dù đã có một số văn bản hướng dẫn, nhưng nội dung của các văn bản đó có nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí không chính xác, không đúng với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999. Đây là vấn đề các Tòa án đang vướng mắc và không ít bản án của Tòa án bị huỷ hoặc bị sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Về tố tụng, sai lầm chủ yếu của các Tòa án cấp huyện là xác định không đúng tư cách của những người tham gia tố tụng như; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của những người này. Ví dụ: Đối với vụ án gây rối trật tự công cộng, có gây thương tích hoặc gây thiệt hại đến tài sản nhưng hành vi gây thương tích và hành vi gây thiệt hại đến tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì những người bị thương tích và người bị thiêt hại về tài sản thường được các Tòa án xác định là người bị hại trong vụ án, mà lẽ ra những người này chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Một số Tòa án do không nắm chắc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nên hoãn phiên toà không đúng, có trường hợp sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà, nhưng sau đó không tiến hành lại thủ tục từ đầu mà nghị án lại rồi tuyên án. Việc giải quyết những trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố, cũng như kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố còn nhiều lúng túng, không ít trường hợp Hội đồng xét xử giải quyết sai tố tụng. Một điều đáng quan tâm hiện nay là chất lượng các bản án. Việc viết bản án hình sự tuy đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn nhưng cho đến nay mỗi Tòa án viết theo một cách khác nhau, không theo một mẫu thống nhất, cách hành văn không chuẩn về ngôn ngữ, không đúng về pháp luật, chủ yếu dùng văn nói hoặc ngôn ngữ địa phương để thể hiện trong bản án.

- Phương pháp điều khiển phiên toà của Thẩm phán nói chung còn yếu, cách xưng hô tại phiên toà không thống nhất, thậm chí thiếu văn hoá.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng xét xử các vụ án hình sự của các Tòa án nói chung, của Tòa án cấp huyện nói riêng còn nhiều sai sót là công tác xây dựng pháp luật mà đặc biệt là việc giải thích, hướng dẫn thi hành pháp luật chưa kịp thời, nếu không nói là quá chậm. Bộ luật hình sự có hiệu lực từ 1-7-2000, nhiều quy định của Bộ luật hình sự nếu không được giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng thống nhất; Bộ luật tố tụng hình sự tuy đã qua ba lần sửa đổi nhưng chỉ sửa đổi một số điểm có tính cấp bách, còn rất nhiều quy định không phù hợp, chứa đựng nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động xét xử các vụ án hình sự của Tòa án chưa được quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ: Để xác định một người có phạm tội đối với người già hay không, nhưng chưa có quy định nào của pháp luật quy định một người bao nhiêu tuổi là người già.

Từ thực trạng công tác tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện như đã phân tích trên cho thấy, việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện phải xem xét một cách tổng thể trong mối quan hệ giữa Tòa án cấp huyện với Tòa án các cấp trong hệ thống Tòa án, giữa Tòa án với các cơ quan khác trong hệ thống bộ máy Nhà nước, đồng thời phải căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

II. Các biện pháp nhằm tăng cường năng lực xét xử các vụ án hình sự cho Tòa án cấp huyện

1. Tổ chức lại Tòa án cấp huyện thành Tòa án khu vực

Một trong những yếu tố để nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện là vấn đề sắp xếp lại hệ thống Tòa án. Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc vừa có ý nghĩa về thực tiễn; tổ chức Tòa án cấp huyện như thế nào để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xét xử là một yêu cầu thiết yếu, không có một tổ chức thích hợp thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ được giao. Vấn đề này, Nghị quyết đại hội IX cũng đã khẳng định: " Sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân, phân định lại thẩm quyền một cách hợp lý theo nguyên tắc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử." Đây là vấn đề có liên quan đến toàn bộ hệ thống Tòa án và cũng là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Nếu chúng ta tổ chức các Tòa án cấp huyện thành các Tòa án khu vực như Tòa án quân sự khu vực trong điều kiện kinh tế, địa lý ở nước ta còn nhiều bất cập liệu có bảo đảm thuận lợi cho nhân dân khi có việc phải đến Tòa án hay không. Việc tổ chức Tòa án khu vực có thể phù hợp với các thành phố, khu đông dân cư nhưng lại không phù hợp với vùng sâu, vùng xa phải đi bộ một hai ngày đường mới đến được Tòa án huyện, nếu tổ chức Tòa án khu vực ở những nơi này thì khi người dân có việc đến Tòa án phải đi vài ba ngày đường, và như vậy, khi có việc dân sẽ không đến Tòa án mà giải quyết mọi tranh chấp theo phong tục tập quán làm cho pháp luật không đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc sắp xếp lại hệ thống Tòa án nhân dân theo nguyên tắc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử phải hợp lý. Vậy nhân tố hợp lý ở đây là gì để bảo đảm nguyên tắc mà Nghị quyết đại hội IX đề ra? Có thể còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng theo chúng tôi, chúng ta có thể tổ chức Tòa án cấp huyện thành Tòa án khu vực trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo một mô hình vừa kết hợp điều kiện kinh tế-xã hội, vừa kết hợp với hoàn cảnh địa lý. Ví dụ: ở các thành phố, khu đông dân cư, có thể cứ 1 triệu hoặc 1,5 triệu dân thành lập một Tòa án khu vực; ở các tỉnh đồng bằng có thể cứ 5 vạn dân thành lập một Tòa án khu vực; ở miền núi, hải đảo không căn cứ vào số dân mà căn cứ vào hoàn cảnh địa lý để thành lập Tòa án khu vực sao cho thận lợi cho nhân dân khi có việc phải đến Tòa án.

2. Phân định lại thẩm quyền xét xử đối với Tòa án các cấp.

Đây là nguyên lý mà Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã khẳng định, nhưng phân định lại như thế nào, giao cho Tòa án cấp huyện xét xử các vụ án thuộc các tội phạm nào trong Bộ luật hình sự và giao như thế nào, lại còn nhiều ý kiến khác nhau, cũng chính vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội thứ IX khoá X vừa qua Quốc hội không thông qua được việc sửa đổi Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Một trong những nguyên nhân Quốc hội chưa thông qua việc sửa đổi Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự, theo chúng tôi là do Ban dự thảo dự án luật chỉ đưa ra để Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện mà không xem xét việc phân định lại thẩm quyền xét xử đối với cả Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao. Mặt khác, lại chưa có những thống kê chính xác về chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện trong cả nước, nên không được sự đồng tình của các đại biểu quốc hội ở công tác ở địa phương. Vì vậy, việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu cấp bách, nhưng nó phải được xem xét trong mối liên hệ giữa Tòa án các cấp trong hệ thống Tòa án, giữa Tòa án cấp huyện với các cơ quan tiến hành tố tụng khác như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, đồng thời khi tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện phải chú ý đến thực trạng tổ chức hoạt động xét xử của các Tòa án cấp huyện chưa đủ điều kiện thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử.

Việc tăng thẩm quyền xét xử cho các Tòa án cấp huyện là cần thiết và xét về các mặt đã bảo đảm đủ các điều kiện để có thể tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự cho Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, việc tăng thẩm quyền như thế nào, một mặt phải quán triệt quan điểm của Đảng ta về vấn đề này, mặt khác phải xác định rõ mục đích của việc tăng thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện. Về vấn đề này hiện nay tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi nên giao Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội do người nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi thực hiện chỉ nên giao trước cho các Tòa án đã có đủ điều kiện đảm đương việc xét xử theo thẩm quyền mới, rồi từng bước tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm, dần dần sẽ giao cho tất cả các Tòa án cấp huyện như ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị tại thông báo số 136 -TB/TW ngày 15-1-1996 đã chỉ rõ: "Từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện trên cơ sở kiện toàn tổ chức và cán bộ cho Tòa án cấp này. Kiện toàn đến đâu, mở rộng thẩm quyền xét xử đến đó"

Nếu thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện như trên là đã tạo ra sự đổi mới cơ bản về tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, sẽ làm giảm đáng kể khối lượng các vụ án mà Tòa án nhân dân tối cao phải xét xử phúc thẩm, để "Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng pháp luật thống nhất và làm tốt chức năng giám đốc xét xử"

Cùng với việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện, cần củng cố và tăng cường công tác giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao, trong đó việc phân định lại thẩm quyền giám đốc thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao cũng là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ngoài cấp tỉnh, ở Tòa án nhân dân tối cao có tới 3 cấp giám đốc thẩm và thực trạng công tác giám đốc thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao có nhiều vấn đề cần phải xem xét để sửa đổi cho phù hợp, làm đòn bẩy nhằm nâng cao chất lượng xét xử nói chung và chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng. Việc phân định lại thẩm quyền giám đốc thẩm phải đảm bảo chất lượng xét xử mà trước hết là chất lượng xét xử giám đốc thẩm làm cho các quyết định giám đốc thẩm phải là khuôn mẫu để Tòa án cấp dưới học tập, coi đó là án lệ để vận dụng trong công tác xét xử của mình. Việc phân định lại thẩm quyền giám đốc thẩm nên theo hướng:

- Vẫn duy trì thẩm quyền giám đốc thẩm ở các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án quân sự trung ương;

- Nghiên cứu bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm ở Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà thay vào đó là một Hội đồng giám đốc thẩm "chuyên ngành" do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập để xét xử giám đốc thẩm các quyết định giám đốc thẩm của Toà hình sự Tòa án nhân dân tối cao, của Tòa án cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, của Tòa án quân sự trung ương và của Uỷ ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh hoặc cấp quân khu bị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị. Hội đồng này có thể gồm từ 11 đến 13 Thẩm phán, có trình độ pháp lý cao, có năng lực chuyên môn về Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự giỏi, có kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự phức tạp. Thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm này không bao gồm những người đã xét xử giám đốc thẩm mà quyết định giám đốc thẩm đó bị kháng nghị.

- Nghiên cứu sửa đổi bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo hướng: Hội đồng giám đốc thẩm chỉ được giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật (không chấp nhận kháng nghị); huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án và huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. Hội đồng giám đốc thẩm không được huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp phúc thẩm để giữ nguyên quyết định của bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án, không được sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo bất kỳ hướng nào.

- Nghiên cứu hạn chế đối tượng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng chỉ kháng nghị giám đốc thẩm đối với các vụ án mà người bị kết án kêu oan, kết án sai tội danh, kết án không đúng điều khoản của Bộ luật hình sự hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc điều tra truy tố hoặc xét xử. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới có quyền quyết định.

3. Đổi mới công tác quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức và cán bộ

Cùng với việc sắp xếp lại tổ chức, phân định lại thẩm quyền xét xử đối với Tòa án các cấp, thì cần phải đổi mới công tác quản lý về tổ chức và cán bộ Tòa án nhân dân theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ. Hiện nay, việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là đầu tư xây dựng trụ sở các Tòa án nhân dân từ huyện đến tỉnh, khang trang hơn, đàng hoàng hơn; các trang thiết bị phục vụ cho công tác xét xử cũng từng bước được hiện đại hoá, công tác đào tạo cán bộ, tuyển chọn Thẩm phán đối với các Tòa án nhân dân địa phương đã vào nề nếp, nhiều mặt công tác về tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân các địa phương đã được Bộ Tư pháp quan tâm giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, do không quản lý về chuyên môn nên việc đánh giá, bố trí, bổ nhiệm đề bạt cán bộ còn nhiều vấn đề bất cập; chất lượng xét xử của nhiều Thẩm phán còn yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng không được phát hiện, khắc phục kịp thời; việc bổ sung cán bộ có năng lực, kinh nghiệm công tác cho Tòa án nhân dân tối cao rất khó khăn, dẫn đến tình trạng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu được lựa chọn tại chỗ chưa qua thực tiễn xét xử.

Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, nhưng chung quy lại chỉ có hai loại: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng vẫn giao cho Bộ trưởng Bộ tư pháp như Điều 16 Luật tổ chức toà án năm 1992 quy định và loại ý kiến thứ hai cho rằng nên giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức như trước đây với lập luận: Tòa án là một cơ quan Nhà nước do Quốc hội thành lập, có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động xét xử, mỗi cấp Tòa án có nhiệm vụ quản lý hoạt động xét xử của Tòa án mình và chịu sự quản lý của Tòa án cấp trên; quan hệ tố tụng không điều chỉnh các hành vi thuộc lĩnh vực quản lý mà chỉ điều chỉnh các hành vi thuộc lĩnh vực xét xử. Quản lý công tác xét xử và hoạt động xét xử là hai lĩnh vực khác nhau. Hiện nay bộ máy Tòa án được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương, mà người đứng đầu hệ thống này là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trước Quốc hội và trước cả nước về chất lượng xét xử của toàn ngành Tòa án chứ không chỉ riêng Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải là chủ thể quản lý Nhà nước cao nhất về hoạt động xét xử trong hệ thống tổ chức bộ máy Tòa án. Quản lý Tòa án, điều khiển hoạt động của hệ thống Tòa án, thực chất là quản lý con người. Muốn Tòa án thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình thì điều cốt yếu nhất là phải có một đội ngũ cán bộ có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Quản lý Tòa án cũng như quản lý các lĩnh vực khác, đòi hỏi chủ thể quản lý phải hiểu cán bộ, phải đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của từng cán bộ, để bố trí sắp xếp họ vào đúng vị trí thích hợp. Năng lực, phẩm chất của cán bộ Tòa án chỉ được đánh giá một cách chính xác thông qua hoạt động xét xử của họ, chỉ có Tòa án cấp trên mới đánh giá đúng chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân cấp dưới. Quản lý cán bộ mà không quản lý công việc họ làm tất yếu dẫn đến việc bố trí cán bộ không đúng và đó cũng là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" làm cho Tòa án địa phương trong nhiều năm qua chậm đổi mới, chất lượng xét xử không bảo đảm. Nhận thức được sự bất hợp lý trên, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Đảng ( khoá VI ) đã chỉ rõ: "Quản lý cán bộ gắn với quản lý thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý công việc gắn với quản lý con người", đến Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ Đảng (khoá VI) trong nghị quyết lại nhấn mạnh: "Làm rõ và đổi mới một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của hệ thống tư pháp, Tòa án...". Tuy nhiên, cho đến nay do nhiều nguyên nhân nên tinh thần Nghị quyết trên của BCHTƯ Đảng chưa được thực hiện trong lĩnh vực quản lý Tòa án địa phương. Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề quản lý Tòa án nhân dân địa phương sễ tiếp tục được nghiên cứu và đổi mới theo tinh thần Hội nghi lần thứ năm và thứ sáu BCHTƯ Đảng ( khoá VI ) đã chỉ rõ.

4. Tổ chức lại cơ quan điều tra.

Tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện chỉ có hiệu quả, khi cơ quan điều tra được bố trí, sắp xếp, lại cho tương xứng với yêu cầu của việc tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện, cũng như việc năng cao năng lực xét xử của Tòa án nói chung và của Tòa án cấp huyện nói riêng.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì hoạt động điều tra các vụ án hình sự do nhiều cơ quan tiến hành gồm: Cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan điều tra của quân đội. Các cơ quan này được tổ chức theo hệ thống song trùng, trực thuộc. Hoạt động điều tra tổ chức như vậy trong nhiều năm tỏ ra kém hiệu quả. Nếu tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện và tổ chức lại Tòa án cấp huyện thành Tòa án khu vực thì nhất thiết phải tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, dưới sự chỉ huy thống nhất, không phụ thuộc vào địa danh hành chính, có như vậy, việc điều tra mới khách quan, không bị chi phối bởi sự can thiệp không đúng pháp luật của những người có chức, có quyền ở địa phương.

5. Đổi mới công tác kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của Viện kiểm sát.

Đây cũng là một yêu cầu có liên quan đến việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện. Nếu Tòa án cấp huyện được tổ chức lại thành Tòa án khu vực, thì việc tổ chức lại các Viện kiểm sát cũng phải tương xứng với tổ chức của Tòa án khu vực, các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được tổ chức lại thành Viện kiểm sát khu vực; ở các Viện kiểm sát khu vực không chỉ có Kiểm sát viên sơ cấp mà có cả Kiểm sát viên trung cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khu vực nhất thiết phải là Kiểm sát viên trung cấp và đã là Kiểm sát viên ít nhất là 5 năm, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên.

6. Tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ đối với Tòa án cấp huyện

Mặc dù tiêu chuẩn Thẩm phán Tòa án cấp huyện đã được quy định tương đối cụ thể trong Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cùng các quy định về việc tuyển chọn bổ nhiệm Thẩm phán. Tuy nhiên, việc quy định này khi các Tòa án cấp huyện chưa được tăng thẩm quyền và thực tế các tiêu chuẩn đó cũng còn nhiều bất cập, nhiều quy định quá cao không cần thiết, nhưng có những quy định lại quá thấp không đáp ứng được yêu cầu.

Nếu đề án tổ chức lại Tòa án cấp huyện thành Tòa án khu vực và tăng thẩm quyền xét xử cho các Tòa án này được chấp nhận, thì đội ngũ cán bộ Tòa án khu vực cũng phải được tiêu chuẩn hoá cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao theo hướng:

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án khu vực là Thẩm phán Tòa án khu vực trên năm năm hoặc đã Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh trên ba năm;

- Thẩm phán Tòa án khu vực ngoài các tiêu chuẩn như Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định1, trước khi được bổ nhiệm phải qua lớp đào tạo Thẩm phán tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp với thời gian một năm;

- Hội thấm nhân dân Tòa án khu vực ngoài các tiêu chuẩn như Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định2, sau khi được cử hoặc được bầu làm Hội thẩm nhân dân và nếu trước đó chưa là Thẩm phán Tòa án thì phải được bồi dưỡng nghiệp vụ tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp với thời gian ba tháng;

- Thẩm tra viên Tòa án khu vực là người có đủ điều kiện quy định tại Quyết định số 788-TCCP-VC ngày 8 tháng 10 năm 1993 của Bộ trưởng, Trưởng ban tổ chức - cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức Thẩm tra viên ngành Tòa án3; ở Tòa án khu vực chỉ cần biên chế thẩm tra viên mà không cần có thẩm tra viên chính hoặc thẩm tra viên cao cấp.

Thư ký Tòa án khu vực phải là người đã tốt nghiệp đại học luật, đã được tuyển chọn là cán bộ Tòa án khu vực hoặc Tòa án cấp tỉnh, đã qua lớp dào tạo thư ký Tòa án tại Trường đào tạo các chức danh tư pháp với thời gian sáu tháng.

6. Thường xuyên bồi dưỡng năng lực xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân Tòa án cấp huyện.

Việc bồi dưỡng năng lực xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nói chung, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân Tòa án cấp huyện nói riêng là một việc làm rất cần thiết, vì dù một Thẩm phán khi được bổ nhiệm, Hội thẩm nhân dân khi được cử hoặc được bầu có đầy đủ tiêu chuẩn, nhưng nếu không được thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn thì không thể đảm đương được nhiệm vụ.

Hiên nay việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Trường cán bộ Tòa án đảm nhiệm, nhưng việc bồi dưỡng này không thường xuyên mà phụ thuộc vào những yếu tố khách quan và chủ quan, có nơi được bồi dưỡng nhiều lần, nhưng có nơi không được bồi dưỡng lần nào. Chương trình, nội dung, kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ Tòa án còn thụ động; đội ngũ giảng viên chủ yếu là kiêm chức, không lấy trình độ, năng lực mà lấy chức vụ làm tiêu chuẩn, nên có nhiều giảng viên không đáp ứng được yêu cầu.

Để việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án nói chung, cho Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện nói riêng đạt kết quả tốt, trước hết phải kiện toàn, củng cố lại Trường cán bộ Tòa án; xây dựng được một chương trình bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng; lựa chọn đội ngũ giảng viên giỏi; thường xuyên phối hợp với Trường đào tạo các chức danh tư pháp trong việc xây dựng nội dung, chương trình và lựa chọn giảng viên.

Đối với Thẩm phán, sau khi được bổ nhiệm cần được tập huấn một tháng về kỹ năng xét xử các vụ án hình sự; hàng năm hoặc vào các dịp sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự hoặc có các văn bản hướng dẫn mới, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của từng Tòa án mà tổ chức những lớp tập huấn ngắn ngày để tập huấn hoặc quán triệt các hướng dẫn mới về luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Bảo đảm mỗi Thẩm phán trong một nhiệm kỳ được bồi dưỡng nghiệp vụ với tổng thời gian ít nhất là ba tháng.

Đối với Hội thẩm nhân dân, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này lại càng phải quan tâm hơn; nội dung và thời gian bồi dưỡng cũng phải tương đương với việc bồi dưỡng Thẩm phán, nhưng nên tổ chức thành lớp riêng; nội dung các vấn đề cần bồi dưỡng có thể không giống hoàn toàn như đối với Thẩm phán, nhưng phải bảo đảm cho Hội thẩm nhân dân thực hiện được nhiệm vụ khi tham gia xét xử "độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Đối với Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án, tuỳ thuộc vào yêu cầu và tình hình mà tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ sao cho phù hợp và có hiệu quả như bồi dưỡng trước khi thi chuyển ngạch.

7. Bổ sung kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án cấp huyện.

Năng lực xét xử của Tòa án cấp huyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cơ sở vật chất cũng là một yếu tố không thể thiếu được. Mặc dù trong những năm vừa qua, các Tòa án cấp huyện đã được quan tâm hơn, nhiều trụ sở Tòa án khang trang hơn; công cụ, phương tiện làm việc cũng từng bước được trang bị tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nhìn chung điều kiện, phương tiện làm việc của các Tòa án cấp huyện còn nghèo nàn, lạc hậu, không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, ngân sách cấp cho Tòa án cấp huyện không phù hợp, không căn cứ vào công việc mà căn cứ vào biên chế; lương và các phoản phụ cấp của cán bộ Tòa án nói chung, đặc biệt là cán bộ Tòa án cấp huyện quá thấp.

Để đảm bảo cho Tòa án cấp huyện hoạt động đạt hiệu quả, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho toàn ngành Tòa án nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng sao cho tương xứng với vị trí của nó trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Kinh phí hoạt động của toàn ngành Tòa án nên giao cho Quốc hội thông qua theo một tiêu chí. Sau khi Quốc hội đã thông qua ngân sách cho toàn ngành Tòa án thì căn cứ vào quy định mà phân bổ về cho từng Tòa án, chấm dứt việc "xin cho".

 

cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử các vụ án dân sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện

 

Tưởng Bằng Lượng

Phó chánh toà Toà dân sự- TAND tối cao

 

I. Thực trạng xét xử các vụ án dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân:

Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự sau đây:

1. Những việc tranh chấp về quyền sở hữu, về hợp đồng, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc những tranh chấp khác về quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật dân sự giữa công dân với nhau, giữa công dân với pháp nhân, giữa pháp nhân với nhau, trừ những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác;

2. Những việc về quan hệ hôn nhân và gia đình;

3. Những việc tranh chấp về lao động;

4. Những việc xác định công dân mất tích hoặc đã chết, trừ những trường hợp quân nhân, cán bộ mất tích hoặc chết trong chiến tranh thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan hữu quan;

5. Những việc khiếu nại cơ quan hộ tịch về việc từ chối đăng ký hoặc không chấp nhận yêu cầu sửa đổi những điều ghi trong giấy tờ về hộ tịch;

6. Những việc khiếu nại về danh sách cử tri;

7. Những việc khiếu nại cơ quan báo chí về việc không cải chính thông tin có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

8. Những việc khác do pháp luật quy định.

Từ thẩm quyền chung, tại Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đã quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp là:

1. Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này, trừ những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

2. Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau đây:

a. Khi có đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài;

b. Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

c. Vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

3. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà Tòa án nhân dân tối cao lấy lên để giải quyết.

Như vậy, theo quy định của Điều 11 thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại việc dân sự (trừ loại việc tranh chấp về lao động) trước đây Toà Dân sự vẫn thụ lý giải quyết, nhưng từ khi thành lập Toà Lao động và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án lao động ra đời, thì loại việc tranh chấp về lao động đã chuyển giao cho Toà Lao động giải quyết. Hiện nay Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ giải quyết theo trình tự sơ thẩm, các tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, một số ít trường hợp tuy vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên để xử.

Đối với loại việc đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài, trước ngày 1-1-2001 tất cả mọi trường hợp đều thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết, nhưng từ ngày 1-1-2001, khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực thì Luật Hôn nhân và gia đình mới đã bổ sung thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện đó là: Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Từ các quy định của pháp luật cho thấy thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết các vụ án dân sự có xu hướng ngày càng mở rộng. Điều này vừa phù hợp với trình độ phát triển của Tòa án nhân dân các cấp, vừa phù hợp với thực tế của cuộc sống. Vì vậy nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tăng cường năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện cũng phải theo xu hướng phát triển đó.

2. Cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân cấp huyện:

Riêng về cơ sở vật chất, trong đề tài đã có chuyên đề đi sâu về vấn đề này, nên trong phần này chúng tôi không đề cập đến.

Về cơ cấu tổ chức của Tòa án cấp huyện theo quy định tại Điều 32, 33 Luật tổ chức Tòa án thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tổ chức công tác xét xử;

- Báo cáo công tác xét xử của Tòa án trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và với Tòa án cấp trên trực tiếp.

- Phó Chánh án giúp Chánh án làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án.

Như vậy, nếu như Tòa án nhân dân cấp tỉnh có các toà chuyên trách, thì Tòa án nhân dân cấp huyện, vì là đơn vị cuối cùng của hệ thống Tòa án nên cơ cấu tổ chức rất đơn giản. Tuy nhiên đối với Tòa án quận ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, do số lượng việc rất nhiều, số Thẩm phán đông. Có nơi Thẩm phán Tòa án quận bằng số lượng Thẩm phán Tòa án tỉnh nhỏ. Vì vậy, có Tòa án quận có sự phân công Thẩm phán chuyên phụ trách việc dân sự, hình sự... Tuy nhiên sự phân công này cũng chỉ mang tính chất tương đối và thường không phải là vĩnh viễn. Đối với những nơi ít việc, có đơn vị Tòa án cấp huyện chỉ có một Chánh án, 1 Phó Chánh án, 1 Thẩm phán, và thư ký. Đó là chưa kể có những đơn vị do chưa bổ nhiệm đủ thì chỉ có 1 Chánh án (hoặc quyền Chánh án), 1 Thẩm phán và Thư ký.

Hiện nay, theo thống kê thì các Tòa án nhân dân cấp huyện số biên chế Thẩm phán đã được phê duyệt là 3515 người, nhưng số Thẩm phán hiện có là 2310 người, còn thiếu so với nhu cầu công tác là 1205 người. Về trình độ khoảng 86% Thẩm phán đã tốt nghiệp đại học (đại học chính quy, chuyên tu, tại chức), trong đó nhiều người tốt nghiệp đại học tại chức, khoảng trên 20% Thẩm phán mới qua các lớp luân huấn. Số này phần lớn đã cao tuổi thường giữ chức vụ Phó Chánh án hoặc Chánh án các Tòa án quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh.

Việc tổ chức cho các Thẩm phán về các văn bản mới, trao đổi kinh nghiệm trong điều tra, xét xử ít được thực hiện, nên trình độ Thẩm phán cấp huyện đương chức ít được nâng lên, trong khi các việc tranh chấp ngày càng tăng và xu hướng ngày càng phức tạp.

Những yếu tố nói trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện.

3. Thực trạng xét xử các vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Hàng năm, Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết một số lượng rất lớn các vụ tranh chấp dân sự, Hôn nhân và gia đình. Theo thống kê năm 1998 Tòa án nhân dân huyện đã thụ lý 115125 vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, đã giải quyết được 88395 vụ, trong đó hoà giải thành được 26078 vụ, số còn lại là các hình thức giải quyết khác.

Trong số vụ đã giải quyết theo trình tự sơ thẩm, sau đó có kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm là 3574 vụ. Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết được 3142 vụ, trong đó giữ nguyên án sơ thẩm hoặc bác kháng cáo, kháng nghị vì không hợp lệ 1498 vụ, huỷ bản án để giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại hoặc đình chỉ xét xử, chuyển cơ quan khác giải quyết có 320 vụ.

Năm 1999, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 126528 vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình, đã giải quyết được 81173 vụ. Trong đó đã hoà giải thành được 27421 vụ. Số vụ có kháng cáo, kháng nghị là 11810 vụ, số vụ đã giải quyết ở cấp phúc thẩm là 9254 vụ, trong đó giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm là 4163 vụ, bác kháng cáo, kháng nghị vì không hợp lệ là 181 vụ, huỷ bản án để xét xử sơ thẩm lại, đình chỉ tố tụng hoặc huỷ bản án và quyết định để chuyển sang cơ quan hành chính là 1102 vụ. Số còn lại là các hình thức giải quyết khác.

Năm 2000, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 69292 vụ, đã giải quyết được 50655 vụ, hoà giải thành được 7195 vụ.

Trong số vụ đã được giải quyết ở cấp sơ thẩm sau đó có kháng cáo, kháng nghị là 10643 vụ, đã giải quyết được 9374 vụ, trong đó giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm 4284 vụ, huỷ bản án, quyết định sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, đình chỉ tố tụng hoặc huỷ bản án, quyết định sơ thẩm để chuyển sang cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết là 1263 vụ, còn lại là các hình thức giải quyết khác.

Qua số liệu thống kê cho thấy, số vụ án dân sự, Hôn nhân và gia đình mà Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết là rất lớn, nhưng số vụ bị kháng cáo, kháng nghị chỉ chiếm trên dưới 10% so với số vụ đã được giải quyết ở Tòa án cấp huyện.

- Trong số vụ được đưa ra xét xử phúc thẩm, số vụ giữ nguyên bản án quyết định sơ thẩm hoặc bác kháng cáo, kháng nghị chiếm trên dưới 50% số vụ đã giải quyết ở cấp phúc thẩm; số vụ án bị cấp phúc thẩm huỷ án chiếm trên dưới 10%. Như vậy, nếu nhìn vào tổng số vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết so với số vụ bị sửa, huỷ án là không lớn, chỉ chiếm khoảng trên dưới 5%. Điều đó phản ánh chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện là tương đối tốt. Tuy nhiên với số lượng thụ lý giải quyết trung bình 100 nghìn vụ một năm mà số vụ sai sót chiếm 5%, cũng là con số đáng phải suy nghĩ. Qua công tác xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, công tác kiểm tra cho thấy các sai sót thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau, có thể khái quát dưới các dạng sau:

1. Sai sót trong điều tra: Thường là điều tra sơ sài, không thu thập đủ chứng cứ để làm cơ sở cho việc chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của đương sự, không làm sáng tỏ quan hệ tranh chấp là quan hệ gì? Thực tế còn có nhiều biên bản lấy lời khai rất hời hợt, đương sự nói sao ghi vậy, đương sự nói không rõ ý cũng cứ ghi vào không hỏi lại; vì lời khai mâu thuẫn nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng cũng ghi mà không hỏi vì sao trước đây khai khác; không đối chất hoặc chỉ đối chất qua loa nên khi xử tuỳ tiện chấp nhận lời khai của bên này hay bên kia; số liệu trong hồ sơ, vẽ sơ đồ, phản ánh tình trạng tài sản, định giá tài sản không chính xác, bỏ sót tài sản vv... dẫn đến ra các phán quyết không đúng.

2. Các sai sót về tố tụng: Cũng tương đối đa dạng, có trường hợp Thẩm phán không hoà giải mặc dù pháp luật quy định phải hoà giải; giao cho thư ký tiến hành hoà giải, sau đó Thẩm phán hợp thức hoá bằng cách ký vào biên bản như là tự mình hoà giải; lập biên bản ghi lời khai, biên bản hoà giải nhưng đương sự không ký nhưng không ghi rõ lý do vì sao họ không ký. Xác định không chính xác vị trí tố tụng của đương sự, bỏ sót người tham gia tố tụng, nhất là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án (không lấy lời khai để làm rõ quyền, nghĩa vụ và yêu cầu của họ, không triệu tập họ đến phiên toà...) Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký Tòa án đã tham gia giải quyết vụ án, sau đó lại tham gia giải quyết lại vụ án đó. Có những trường hợp phải đình chỉ lại ra quyết định tạm đình chỉ, hoặc có vụ chưa được thụ lý hoặc phải tạm đình chỉ theo Nghị quyết 58 của Quốc hội nhưng Tòa án vẫn cứ giải quyết và ngược lại, có trường hợp lẽ ra phải đưa ra giải quyết lại ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ.

Thời gian qua số vụ giải quyết sai thẩm quyền như việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, nhưng Tòa án cấp huyện vẫn thụ lý, xét xử hoặc có vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân nhưng Tòa án lại đưa ra giải quyết chiếm một tỷ lệ đáng kể vv... dưới đây là một vài ví dụ:

Vụ Trịnh Thị Ngà tranh chấp đất với anh Phạm Văn Thanh. bà Ngà được cha mẹ ruột để lại cho 1sào đất ở, trên có 3 gian nhà tranh. Năm 1962 bà Ngà mua thêm 1 sào đất và 3 gian nhà lá. Tổng cộng là bà Ngà có 2 sào đất và 2 căn nhà lá. Do mâu thuẫn mẹ con, bà Ngà xin được tách 1 sào đất để bà cho người cháu là anh Dương Văn Cường sử dụng, diện tích nhà đất còn lại bà để cho con trai sử dụng. Mặc dù diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận và các đương sự không tranh chấp tài sản chỉ yêu cầu tách đất. Theo thông tư 02 ngày 27-7-1997 và Điều 38 Luật đất đai thì việc này thuộc thẩm quyền Uỷ nhân dân giải quyết. Nhưng tại bản án sơ thẩm số 10 ngày 29-7-1997 Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc thụ lý giải quyết là không đúng thẩm quyền.

3) Những sai sót về đường lối giải quyết vụ án hoặc áp dụng sai pháp luật:

Đối với loại việc về hôn nhân và gia đình có một số trường hợp vợ chồng đã mâu thuẫn sâu sắc, hôn nhân đã thật sự tan vỡ nhưng Tòa án lại xử bác đơn, và ngược lại có vụ mâu thuẫn chưa trầm trọng đã xử cho ly hôn; việc nam nữ chung sống với nhau không có đăng ký, mặc dù không vi phạm các điều kiện kết hôn nhưng lại xử huỷ hôn nhân trái pháp luật, ví dụ: vụ Nguyễn Thị Hồng Thắng xin ly hôn ông Nguyễn Xuân Đồng. Giữa ông Đồng và bà Thắng chung sống với nhau từ năm 1990 không có đăng ký kết hôn, nhưng có tạo lập được một số tài sản trong thời gian chung sống. Do mâu thuẫn nên bà Thắng xin ly hôn và xin chia tài sản chung. Tại bản án sơ thẩm số 19 ngày 23-12-1998 của Tòa án nhân dân thị xã Bắc Giang đã xử huỷ hôn nhân trái pháp luật là không đúng.

Trong quan hệ con cái: Việc giao con cho cha hay mẹ nuôi tuy cũng có sai sót, nhưng sai sót nhiều lại là việc giải quyết vấn đề phí tổn nuôi con. Do Tòa án không điều tra về khả năng kinh tế của mỗi bên nên có vụ đã bắt đương sự góp phí tổn nuôi con gần hết thu nhập hàng tháng, hoặc đóng góp phí tổn nuôi con quá thấp, hay không buộc bên nuôi con phải đóng góp phí tổn nuôi con, dù họ có khả năng và bên nuôi con kinh tế khó khăn; cũng có trường hợp buộc bên đóng góp phí tổn nuôi con phải đóng 1 lần, với số tiền lớn, nên họ không có khả năng thi hành.

Trong quan hệ tài sản: Do xác định tài sản chung không đúng như bỏ sót tài sản chung, hoặc tài sản riêng của mỗi bên, của con lại coi tài sản chung vợ chồng. Khi vợ chồng sống chung với gia đình, không làm rõ công sức của mỗi bên trong việc duy trì, tạo lập và phát triển tài sản chung, đặc biệt phần đóng góp của vợ chồng, nên đã chia đều theo đầu người. Đối với những trường hợp vợ chồng có thời gian ly thân, 1 bên đi ở nơi khác tạo lập tài sản, Tòa án không xác minh đưa số tài sản này vào tài sản chung; Hoặc các tài sản bố mẹ một bên đưa cho vợ chồng sử dụng như đất, nhà đất... có trường hợp vợ chồng đã và đang sử dụng được vài, 3 năm; có trường hợp sử dụng hàng chục năm, vợ chồng đã xây nhà kiên cố, có khuôn viên riêng, có Tòa án xác định đó là tài sản của bố mẹ cho mượn, có Tòa án xác định đó là tài sản chung của vợ chồng với ý nghĩa là cha mẹ hai bên đã cho để đưa ra chia cho vợ chồng. Trong khi phân chia tài sản chung sai sót là do chưa vận dụng nhuần nhuyễn Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, nay là Điều 95 và các điều liên quan của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, như không căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên nên đã chia đôi giá trị tài sản chung, hoặc chỉ nhấn mạnh đến công sức không xem xét đến yếu tố tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình, hoặc thay thế việc chia tài sản chung vợ chồng bằng việc trợ cấp khó khăn, ví dụ: Lê Mạnh Hải xin ly hôn chị Phạm Thị Nhàn: Vợ chồng có chiếc xe máy ĐD là tài sản chung, tại bản án dân sự sơ thẩm số 34 ngày 16-9-1998 Tòa án nhân dân thị xã Phú Thọ đã giao chiếc xe máy ĐD trị giá 12 triệu cho anh Hải quản lý, sử dụng và buộc anh trợ cấp khó khăn cho chị 2 triệu đồng. Có một số trường hợp khi phân chia hiện vật thuộc tài sản chung vợ chồng không xem xét đến yêu cầu, nhu cầu sử dụng của mỗi bên nên đã phân chia hiện vật không hợp lý, dưới đây là một ví dụ:

 

Trần Thị Ngọc ly hôn anh Huỳnh Văn Quang. Vợ chồng có diện tích đất thổ cư rộng 819 m2, trên đó có cơ sở máy xay xát rộng 216 m2 và 1 căn nhà nằm trên diện tích đất còn lại. Cả anh Quang và chị Ngọc đều yêu cầu chia nhà đất và cơ sở xay xát. Thực tế anh Quang ở đó là người trực tiếp quản lý, hành nghề xay xát. Diện tích nhà đất rộng có thể chia được cho cả hai bên sử dụng. Nhưng Tòa án chia toàn bộ nhà đất, cơ sở xay xát cho chị Ngọc là không hợp lý.

Đối với các vụ án tranh chấp về hợp đồng (hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán tài sản, hợp đồng khoán việc...) sở dĩ việc xét xử có sai sót là do chưa bám sát vào các điều khoản của hợp đồng để đối chiếu, đánh giá hành vi vi phạm và lỗi của các bên để giải quyết; hoặc do chưa vận dụng chính xác các quy định của pháp luật để chấp nhận hay huỷ bỏ hợp đồng; việc đánh giá các thiệt hại, đánh giá chứng cứ có những trường hợp rất khó khăn, nhất là các hợp đồng mua bán nhà, xác định thế nào là thiệt hại, phương thức tính thiệt hại còn khác nhau, chưa có sự hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất.

Loại việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhất là bồi thường tai nạn giao thông, gây thương tích, gây thiệt hại về tài sản, khi tính toán thiệt hại có Tòa án chấp nhận cả các khoản ăn uống, cúng bái, xây mộ hoặc bỏ sót, không tính các khoản thiệt hại do thu nhập bị mất, hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại... làm cho các quyết định của bán án không đúng v.v...

Đối với các vụ án tranh chấp di sản thừa kế sai sót thường diễn ra do xác định không đúng, không đầy đủ khối di sản, bỏ sót diện được hưởng di sản, hoặc có vụ di chúc không hợp pháp cũng công nhận và ngược lại.

Tuy hoạt động xét xử của Tòa án cấp huyện còn tồn tại những sai sót, có những sai sót ở mức nghiêm trọng, nhưng nhìn tổng thể toàn bộ hoạt động đó, chúng tôi thấy ưu điểm bao trùm nhất đó là việc Tòa án cấp huyện đã giải quyết được phần lớn các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình ngay tại cơ sở mình.

Địa bàn cấp huyện gần dân cư, rất thuận lợi cho nhân dân đi lại khi làm việc với Tòa án, giảm chi phí tốn kém cho xã hội được rất nhiều.

Về chất lượng giải quyết các loại việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án cấp huyện nhìn chung ngày càng tốt hơn; số vụ để quá hạn luật định ngày càng được hạn chế hơn trước, chất lượng điều tra, lập hồ sơ, hoà giải có tiến bộ. Song như đã phân tích ở trên, những tiến bộ đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội.

4) Nguyên nhân dẫn đến chất lượng xét xử còn hạn chế:

a- Sau khi thực hiện việc tiêu chuẩn hoá, chất lượng đội ngũ Thẩm phán đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên do cách đào tạo đại trà, không có tính chất chuyên sâu về loại ngành nghề đặc biệt này. Hơn nữa còn khá nhiều Thẩm phán chỉ học qua tại chức để hợp thực hoá theo yêu cầu tiêu chuẩn hoá, do đó vẫn còn một bộ phận Thẩm phán có nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, dẫn đến phạm những sai sót rất sơ đẳng về chuyên môn. Mặt khác do lương Thẩm phán cấp huyện quá thấp (sau khi ra trường phải có 4 năm công tác thực tiễn mới được bổ nhiệm, nhưng chỉ hưởng lương 300.000 đồng/tháng), dẫn đến các Thẩm phán chưa toàn tâm, toàn ý, say mê với nghề nghiệp, ngại nghiên cứu văn bản, ngại đi điều tra, dẫn đến hồ sơ lập sơ sài và cũng có một số ít Thẩm phán bị chi phối bởi tiêu cực nên xét xử không chính xác, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

b- Hội thẩm nhân dân có vai trò rất quan trọng trong xét xử sơ thẩm. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Tòa án xét xử tập thể và Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán. Hiện nay trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm luôn có hai Hội thẩm nhân dân tham gia. Nhưng do trình độ pháp lý của Hội thẩm còn rất hạn chế, việc bồi dưỡng pháp luật làm được rất ít, nên Hội thẩm nhân dân chưa thật sự phát huy được nhiều trong việc nâng cao chất lượng xét xử. Trong thực tiễn đã có những trường hợp phán quyết được đưa ra do ý kiến của 2 vị Hội thẩm nhân dân (đa số) nhưng vì các vị Hội thẩm không có trình độ chuyên môn sâu, nên quyết định này đã không đúng pháp luật.

c- Do tính ổn định không cao của pháp luật dân sự, đặc biệt là pháp luật đất đai dẫn đến đường lối giải quyết các tranh chấp về mua bán nhà đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các tranh chấp thừa kế liên quan đến nhà, đất không ổn định. Mỗi lần pháp luật có sự sửa đổi lớn gây ra những lúng túng, sự khác biệt trong quan điểm giải quyết giữa các ngành, giữa các Thẩm phán. Hậu quả của sự lúng túng, không thống nhất là không ít bản án bị cải, sửa, huỷ. Mặt khác pháp luật, nhất là pháp luật tố tụng chưa đầy đủ, cụ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến sai sót khi xét xử.

d- Bộ luật dân sự ra đời là một thuận lợi rất lớn cho công tác xét xử. Song có những quy định của Bộ luật dân sự, pháp luật đất đai và các quy định pháp luật khác liên quan chưa thật nhất quán, có điểm chưa hợp lý hoặc chưa chặt chẽ, rõ ràng, nên khó áp dụng; có vấn đề chưa được Bộ luật quy định. Do Bộ luật có hiệu lực thi hành đã hơn 4 năm nhưng chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, có hệ thống, nên việc hiểu, giải thích rất khác nhau giữa các ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất v.v...

e- Việc chậm quan tâm cải thiện căn bản cơ sở vật chất như trụ sở làm việc, phòng xét xử, các phương tiện phục vụ cho làm việc, xét xử gồm các trang bị về âm thanh, bàn làm việc, phương tiện đi công tác, văn phòng phẩm v.v..., cũng ảnh hưởng đến việc tăng cường năng lực xét xử, ảnh hưởng đến chất lượng công tác Tòa án. Hiện nay việc phân bổ ngân sách cho các Tòa án địa phương hoạt động được chia theo đầu người: mỗi tháng Tòa án cấp huyện được nhận 450.000đ/đầu người/tháng (nên một toà có 4 đến 5 người chỉ có 2 triệu một tháng). Kinh phí quá eo hẹp như vậy làm sao có thể mở được các phiên toà lưu động, tăng cường xuống cơ sở điều tra, hoà giải v.v...

g- Có nơi cấp uỷ không quan tâm đến Tòa án hoặc quá quan tâm đến hoạt động xét xử cụ thể của Tòa án dẫn đến can thiệp quá sâu về chuyên môn như bắt báo cáo và cho đường lối xét xử từng vụ án.

Trên dây là một số nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện.

III. Những biện pháp nằm tăng cường năng lực xét xử về dân sự của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội, trình độ dân trí ngày một nâng cao. Mặt khác trước nhu cầu hội nhập thì trình độ, hoạt động của cơ quan tư pháp cũng phải nâng lên ngang tầm trong quan hệ quốc tế, bên cạnh đó việc tăng thẩm quyền cũng là một yêu cầu thực tế của cuộc sống. Vì vây, sự đòi hỏi của nhân dân, Nhà nước và xã hội về chất lượng xét xử và các hoạt động của Tòa án nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng cũng ngày một cao hơn. Do đó, việc tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện cũng là một đòi hỏi khách quan và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nếu không tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện một cách toàn diện thì không thể cải thiện một cách căn bản chất lượng xét xử và càng không thể tăng thẩm quyền có hiệu quả. Nhưng muốn tăng cường năng lực xét xử nói chung và xét xử về dân sự nói riêng của Tòa án nhân dân cấp huyện thì phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó phải kể đến các biện pháp sau đây:

1. Từng bước thực hiện đổi mới công tác tổ chức cán bộ trong ngành Tòa án (chủ yếu đề cập về Thẩm phán xét xử ở Tòa án)

Cán bộ vốn là một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng. Cán bộ chính là người tổ chức thực hiện đường lối và các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Nói về công tác cán bộ Hồ Chủ Tịch viết: "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Nếu không có 1 đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xét xử có phẩm chất và năng lực, ngành Tòa án không thể nâng cao được chất lượng xét xử. Vì vậy muốn tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân thì trước tiên phải tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Tòa án, trong đó tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu và xét xử là quan trọng nhất.

Đối với cán bộ xét xử Lê Nin yêu cầu: Những Thẩm phán của Tòa án phải biết chính xác Nhà nước là gì. Đồng chí Phạm Văn Đồng- Nguyên cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1980 đã nói: các Thẩm phán phải là người vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, hiểu được nhân tình thế thái. Song không phải tự nhiên sẽ có những cán bộ giỏi, đáp ứng với yêu cầu công việc, muốn có cần "phải tiến hành chu đáo, công phu, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu". (Hồ Chí Minh - vấn đề cán bộ - Nhà xuất bản sự thật năm 1974).

Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ có một vai trò rất lớn. Cán bộ tốt hay kém một phần do nỗ lực chủ quan, phần khác rất quan trọng là đường lối công tác cán bộ quyết định. Cùng với số lượng, con người, biên chế đó, bố trí, sắp xếp hợp lý, đề bạt cất nhắc kịp thời sẽ phát huy được khả năng của mọi người, kích thích phấn đấu vươn lên, tài năng trong mỗi người có dịp nảy nở phát triển.

Thực chất công tác cán bộ là công tác tổ chức. Vì vậy, phải trên cơ sở chức năng nhiệm vụ mà bố trí sắp xếp cán bộ.

Ngành Tòa án được Nhà nước giao cho chức năng xét xử, đội ngũ nòng cốt của ngành là Thẩm phán và cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ (Thẩm phán là cán bộ nghiên cứu nghiệp vụ nhưng có quyền năng xét xử). Ngoài đội ngũ Thẩm phán, cán bộ nghiên cứu nghiệp vụ còn có đội ngũ thư ký giúp việc. Do đó, nói đến đổi mới đội ngũ cán bộ trước hết phải xem xét đến tiêu chuẩn Thẩm phán sau đó là các cán bộ nghiên cứu (ở đây chủ yếu đi sâu vào Thẩm phán).

Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng khái niệm "đức", "tài" hay nói cách khác phẩm chất và năng lực để làm chuẩn cho việc vận dụng, đánh giá con người. Báo cáo chính trị Đại hội 6 viết "Để đổi mới đội ngũ cán bộ một cách đúng đắn, cần đổi mới quan điểm đánh giá cán bộ. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực".

Năng lực là một khái niệm cụ thể, chúng ta vẫn thường đánh giá năng lực một người thông qua mức độ hoàn thành công việc được giao. Do đó năng lực của người Thẩm phán được thể hiện ở khả năng tổ chức và xử lý công việc, khả năng "xét" và "xử'. Biểu hiện trong điều tra nghiên cứu hồ sơ, tổ chức, điều khiển và thẩm vấn tại phiên toà, vận dụng đường lối, pháp luật khi xét xử; viết án văn, ra quyết định ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu và có sức thuyết phục...

Để có năng lực của người Thẩm phán, đòi hỏi người được bố trí làm công tác xét xử cần có nhiều loại năng lực (hay khả năng) cụ thể. Điều kiện để tạo ra các năng lực ấy là phải có tri thức về chính trị, văn hoá, về cuộc sống, tri thức chung về pháp luật, đặc biệt phải nắm sâu các lĩnh vực thuộc nghiệp vụ chuyên môn. Có người lầm tưởng bằng cấp học vị là năng lực. Nhưng thực ra căn cứ vào bằng cấp chỉ có thể đánh giá được mức độ kiến thức, trình độ, chứ bản thân nó không phải là năng lực. Nó là điều kiện để tạo ra năng lực, người Thẩm phán có năng lực phải là người có khả năng nắm bắt được thực tiễn, biết vận dụng những quy định chung của pháp luật vào thực tiễn, vào từng vụ án cụ thể đúng đắn; Có khả năng thực hiện một số thể thức văn bản hành chính hoặc văn bản tố tụng như soạn thảo công văn, ghi biên bản, lấy lời khai, viết án văn... Có khả năng điều tra một vụ án dân sự, hoặc điều tra bổ sung những chứng cứ thứ yếu vụ án hình sự khi xét xử, khả năng nghiên cứu (chủ yếu là nghiên cứu hồ sơ).

Trong hồ sơ có rất nhiều loại tài liệu thu thập từ các nguồn khác nhau, biết phân tích làm rõ được các sự kiện để phân biệt chứng cứ giả, và chứng cứ thật có giá trị chứng minh trong vụ án. Có khả năng phân tích, lý giải được những mâu thuẫn trong vụ án một cách khoa học. Sau khi phân tích cần có khả năng tổng hợp, nắm được những vấn đề cốt lõi, thực chất của vụ án. Thẩm phán cần phải có khả năng tổ chức điều khiển một phiên toà, biết hỏi ai trước, ai sau, phối hợp được các thành viên như Viện kiểm sát, Luật sư để làm rõ sự thật. Như cách đặt câu hỏi, đối chất, sử dụng tang vật chứng như thế nào, vào lúc nào vv...cho hợp lý nhất. Thẩm vấn có nhiều cách, có thể theo phương pháp "bóc vỏ", có vụ đi thẳng vào trọng tâm từ đó triển khai ra các chi tiết. Người Thẩm phán có năng lực là biết chọn đúng phương pháp thích hợp cho từng vụ án. Thẩm phán còn có khả năng vận dụng đường lối xử lý đúng đắn, thấu tình đạt lý. Do đó Thẩm phán phải là người hiểu nhân tình thế thái, Thẩm phán thể hiện được nội dung vụ án, nhận định chủ trương xử lý bằng một bản án ngắn gọn, rõ ràng. Trong vụ án hình sự thì phải đánh giá đúng ý thức chủ quan kẻ phạm tội, tính chất nguy hiểm hành vi, hậu quả của nó. Trong vụ án dân sự phải xác định đúng vị trí tố tụng, yêu cầu của đương sự, nội dung quan hệ pháp luật đang có tranh chấp, đường lối xử lý, pháp luật cần áp dụng, vv... , có năng lực tổng kết đường lối, rút ra kinh nghiệm.

Kết quả mỗi vụ án không thể là một sản phẩm ngẫu nhiên, nên đòi hỏi người Thẩm phán phải cố gắng thường xuyên và cần có một tư duy lôgic, biện chứng, biết so sánh, đánh giá chính xác không chịu dừng lại ở bề ngoài mà luôn hướng tới cái bản chất bên trong.

Trong đầu người Thẩm phán luôn đặt câu hỏi còn sự kiện, số liệu đáng ngờ không? còn sự kiện nào phải kiểm tra, còn lỗ hổng nào trong lập luận v.v... nếu không có sự "ngờ vực" trong công việc, trong tư duy thì làm sao có lòng tin khoa học? trong công tác xét xử người Thẩm phán không được cả tin về bất cứ một nguồn chứng cứ nào, cả lời nhận tội hay chối tội của bị cáo, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, hay nhân chứng, kết luận giám định vv... Người Thẩm phán thành thực lắng nghe, nghiên cứu kỹ mọi nguồn chứng cứ, mọi sự kiện, tình tiết, mọi luồng dư luận công khai trên báo chí. Song phải có bản lĩnh độc lập để tỉnh táo xem xét lại mọi sự kiện, chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, không bị công luận chi phối làm mất tính khách quan. Bảo đảm nguyên tắc độc lập khi xét xử. Bảo đảm tính dân chủ đi đôi quyết đoán, năng động, sáng tạo nhất là hiện nay rất cần khả năng nhậy cảm với cái mới để không phạm sai lầm trong xét xử, luôn làm việc đạt chất lượng, hiệu quả.

Tất cả những đòi hỏi về khả năng của người Thẩm phán nói trên tạo thành tổng hợp năng lực của Thẩm phán. Có được năng lực toàn diện như lý thuyết là điều rất khó. Có những năng lực chỉ được củng cố, phát triển, nâng dần lên từng bước trong quá trình công tác. Do đó, để trở thành Thẩm phán giỏi phải thường xuyên biết rút kinh nghiệm. Đó là cách nâng dần năng lực công tác của mình.

Bên cạnh những đòi hỏi về năng lực, người Thẩm phán còn phải có phẩm chất: về chính trị, về tư cách đạo đức, về tác phong công tác không được vi phạm điều cấm của Đảng vv...

Đã là Thẩm phán phải có lòng trung thành với tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, với chủ nghĩa Mác Lê-Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có lập trường trong sáng, vững vàng. Nhất trí và quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng và hăng hái thực hiện theo động cơ tốt đẹp vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, của nhân dân. Thẩm phán cần liên hệ chặt chẽ với quần chúng, đoàn kết với mọi người, có tác phong sâu sát, tỉ mỉ, thận trọng, nói đi đôi với việc làm, gương mẫu trong lối sống, sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, đồng thời Thẩm phán phải là người trung thực, tận tuỵ với công việc, không ngại gian khổ hy sinh, có ý chí vươn lên, tích cực học tập để nâng cao trình độ năng lực công tác; có tinh thần trách nhiệm không hoang mang giao động, mất lòng tin, mất phương hướng trước khó khăn; có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, tôn trọng sự thật, trung thực, khiêm tốn. Phải có thái độ đúng đắn với công cuộc đổi mới đã được đề ra từ Đại hội 6 đến nay, cần phải luôn luôn quán triệt tinh thần đổi mới trong xét xử, biết phát hiện, nhậy cảm ủng hộ cái mới nhất là trong điều kiện đổi mới của cơ chế hiện nay.

Dù là người Thẩm phán có năng lực nghề nghiệp giỏi, nhưng phẩm chất thấp kém, vô kỷ luật, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, tham ô, hối lộ, sa đoạ trong lối sống, thoái hóa, biến chất, không thể là người Thẩm phán xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng phẩm chất người Thẩm phán phải được thẩm định bằng hiệu quả công việc.

Giữa phẩm chất và năng lực Thẩm phán gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu năng lực là quan trọng thì phẩm chất là cơ sở, điều kiện cho năng lực, định hướng cho năng lực phát triển, làm cho năng lực trở thành có ích. Có năng lực thì phẩm chất mới được củng cố, mới được thực hiện.

Trên đây là những phân tích về năng lực và phẩm chất cần có của Thẩm phán, còn đối với cán bộ nghiên cứu cũng có đòi hỏi tương tự, trừ khả năng xét xử.

Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế, ngành Tòa án nếu như những năm trước đây số cán bộ, chuyên viên pháp lý giỏi phần lớn được đào tạo từ thời Pháp còn khá nhiều, sau khi họ về hưu thì số cán bộ pháp lý giỏi có trình độ, kiến thức cao, kinh nghiệm nhiều, ít ỏi dần. Số cán bộ mới do ta đào tạo chậm, chưa có nhiều người có trình độ cao để bổ sung cho số cán bộ cũ, còn thiếu những chuyên gia pháp lý đầu đàn, có trình độ chính trị vững vàng, có chuyên môn sâu rộng có khả năng khái quát ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Riêng đối với Thẩm phán cấp huyện, tuy là lực lượng nòng cốt, nhưng đến nay vẫn còn thiếu và chưa đủ mạnh. Một số đáng kể chưa được đào tạo một cách bài bản, kỹ lưỡng. Do yêu cầu nên thời gian qua đã mở ồ ạt các lớp đại học tại chức, không ít người đi học các lớp này chỉ ghi danh, cốt có bằng cấp chứ không thực học, nên trình độ vẫn rất hạn chế, đã thế biên chế Thẩm phán của Tòa án cấp huyện vẫn còn thiếu nhiều.

Thẩm phán còn như vậy, cán bộ nghiên cứu cũng không tránh khỏi hạn chế.

Vì sao Tòa án, một công cụ chuyên chính rất quan trọng được xây dựng từ lâu ở miền bắc, cả nước cũng đã trên 25 năm mà đội ngũ cán bộ vẫn còn yếu và thiếu Thẩm phán?

Có thể nói đó cũng là tình trạng chung của nhiều ngành do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đây là vấn đề lớn cần có sự lý giải thoả đáng mới có hướng khắc phục. Riêng ngành Tòa án, có thể rút ra một số nguyên nhân trực tiếp là:

+ Công tác tư pháp nói chung, ngành Tòa án nói riêng tuy có được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng do phải dồn sức cho cuộc chiến tranh giải phóng và sau đó là khắc phục hậu quả chiến tranh nên sự quan tâm ấy chưa thật đúng mức so với yêu cầu phát triển từng giai đoạn cách mạng, chưa thấy đầy đủ nghiệp vụ Tòa án là hoạt động chuyên môn có tính khoa học. Một thời gian dài không có trường đại học luật, mãi đến năm 1980 trường Đại học pháp lý ra đời, nhưng trường Tòa án là nơi bồi dưỡng cho cán bộ Tòa án lại bị xoá bỏ, mãi gần đây mới được thành lập lại.

Sau khi có trường đại học pháp lý, trình độ cán bộ mới được nâng thêm một bước. Tuy nhiên giáo trình của trường đại học luật hiện nay còn có những hạn chế. Nếu như phần lý luận chung pháp luật đã được chú ý, giúp học sinh có kiến thức khái quát, rộng hơn so với trường Tòa án của những năm 70 thì nó lại có hạn chế là tính thực tiễn thực hành của nội dung giảng dạy còn ít nên khi sinh viên ra trường công tác ở ngành Tòa án còn nhiều bỡ ngỡ, phải một thời gian dài họ mới phát huy được. Mặt khác, quy trình đào tạo Thẩm phán, thư ký ở nước ta cũng khác với nhiều nước phương tây là không có chương trình đào tạo riêng cho ngạch thư ký, Thẩm phán. Sau khi được tuyển vào làm thư ký (trước đây không cần bằng cấp về chuyên môn, hiện nay phải tốt nghiệp đại học luật) một thời gian, sẽ chọn trong số thư ký này bổ nhiệm là Thẩm phán. Trong khi đó nội dung giảng dạy ở các trường đại học luật không có chương trình đào tạo chuyên ngành thư ký, Thẩm phán. Tuy nhiên gần đây trường đào tạo các chức danh tư pháp, có mở các lớp đào tạo Thẩm phán với thời hạn 1 năm, dành cho các thư ký Tòa án địa phương, nhưng số lượng được đào tạo và hiệu quả của nó còn rất khiêm tốn.

+ Công tác đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ nói chung, nhất là cán bộ xét xử tuy có chú ý nhưng chưa đúng mức. Quy hoạch cán bộ còn hình thức, ít giá trị thực tiễn, không chú ý đào tạo kế cận, nên thiếu Thẩm phán triền miên. Việc lựa chọn cán bộ xét xử mang tính ngẫu nhiên nhiều hơn. Trong những năm 80 trở về trước, mỗi lần bầu lại nhiệm kỳ Thẩm phán, thường cấp uỷ địa phương đưa một số cán bộ ngành khác sang, có khi thuộc diện khó bố trí, tuổi đã cao nhưng được đánh giá là có trình độ chính trị, thuộc thành phần công nhân hay là cán bộ nữ cần cơ cấu vv...Vì thế, trước đây mới có những Thẩm phán chỉ cần làm nhiệm vụ "phán" chứ không "thẩm" là người phát ngôn các quyết định của tập thể, của Uỷ ban Thẩm phán; Tuyên các bản án "bỏ túi" do cán bộ nghiên cứu chuẩn bị trước. Phiên toà lẽ ra là nơi thẩm tra công khai các chứng cứ trong hồ sơ thì chỉ được làm qua loa chiếu lệ.

Bước vào thập niên 90, Nhà nước đã có những quan tâm hơn đến đội ngũ cán bộ Tòa án nói chung, và đội ngũ Thẩm phán nói riêng. Vài năm gần đây đã có quy định chặt chẽ hơn trong tuyển chọn cán bộ vào ngành, nhưng có địa phương vẫn còn áp dụng một cách hình thức gây dư luận không tốt. Việc tuyển chọn Thẩm phán đã được chú ý, nhưng quy trình tuyển chọn hiện nay chưa hợp lý.

+ Ngoài những tiêu chuẩn rất chung ra, từ lâu ngành Tòa án vẫn chưa đề ra được tiêu chuẩn thật cụ thể, thống nhất có tính đặc thù cho từng chức danh của toàn ngành. Dẫn đến quan điểm đánh giá cán bộ giữa các địa phương thiếu nhất quán. Nhiều nơi chưa quan tâm, chưa chú ý đầy đủ cả "tài" lẫn "đức" nên dễ chủ quan, lấy lý lịch, bằng cấp, lấy cách đối xử trên dưới đều ưa, lấy cơ cấu làm chỗ dựa, tạo tâm lý "10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu". Việc đào tạo trên đại học vừa chậm, vừa ít (toàn ngành có khoảng gần 5,6 tiến sĩ luật đi học ở Liên Xô về và một số thẩm tra viên, Thẩm phán có học vị trên đại học) hầu hết đều công tác ở các Tòa án tỉnh và Tòa án tối cao.

Chúng ta đều biết sự đánh giá của xã hội bao giờ cũng có sức mạnh định hướng của mỗi người, cách đánh giá cán bộ sai lệch, cách dùng người không đúng, đương nhiên dẫn đến kết quả là số đông cán bộ sẽ khuôn mình vào cảnh sống vừa lòng cấp trên, sao nhãng học hành, rèn nghề, lười suy nghĩ, sáng tạo, tự gọt rũa mình hoặc che đậy cá tính, mất đi nhân cách độc lập. Với cách làm đó chúng ta thiếu đi một cơ chế phát hiện, đào tạo sớm nhân tài, bây giờ xắp xếp lại cán bộ càng thấy thiếu người giỏi việc.

Đời sống cán bộ Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, không kém gì ngành giáo dục, y tế, chỉ có lương, cơ quan không có khoản thu phụ cấp nào. Nhiều người phải làm thêm, kể cả một số đi buôn bán, "chỉ trỏ". Do đó, ý chí phấn đấu, trau dồi nghề nghiệp, nghiên cứu học hỏi yếu dần, nhiều người mất đi cả lòng yêu nghề, làm việc cầm chừng, nhiều tiêu cực phát sinh, nhất là ở địa phương. Nếu Đảng và Nhà nước không có hướng giải quyết tích cực, như vết dầu loang có thể làm suy thoái hàng loạt cán bộ. Theo báo cáo thì số cán bộ các Tòa án địa phương sai phạm ngày một tăng.

Bác đã nói "phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn nuôi trồng cây cối quý báu". Nhưng thực trạng hiện nay ta "nuôi" chưa đến nơi mà "dạy" (với nghĩa đào tạo) cũng chưa đến chốn. Đây là điều băn khoăn của mỗi cán bộ trong ngành.

Việc tách rời giữa quản lý nghiệp vụ với quản lý tổ chức cũng ảnh hưởng đến một chiến lược phát triển cán bộ hợp lý, mà trọng tâm là việc tuyển chọn ra các Thẩm phán tương lai có năng lực ở các cấp Tòa án.

Trước những đòi hỏi có tính cấp bách tại Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khoá 7 đã đề ra "xây dựng và từng bước hoàn thiện chế độ công vụ và quy chế công chức, chú trọng cả yêu cầu về phẩm chất, đạo đức và trình độ năng lực. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống ngạch, bậc công chức và cải tiến chế độ tiền lương, gắn trách nhiệm với quyền hạn, nhiệm vụ với chính sách đãi ngộ. Chú trọng phát hiện và bổi dưỡng tài năng... Ban hành quy chế tuyển dụng và đề bạt qua thi tuyển hoặc kiểm tra sát hạch...

Huấn luyện lại và tuyển chọn công chức theo tiêu chuẩn chức danh..."

Tuy nghị quyết của Đảng đề ra như vậy, nhưng nhìn chung công tác cán bộ chuyển động theo yêu cầu đó chưa được nhiều, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khoá 8 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 đã đề ra: "tiếp tục đổi mới công tác cán bộ".

Từ phân tích trên chúng tôi kiến nghị về một phương hướng đổi mới cán bộ là: trước tiên cần chấn chỉnh lại tổ chức theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ chính trị mà định tổ chức, căn cứ vào tổ chức mà sắp xếp cán bộ, căn cứ vào chức trách mà yêu cầu về trình độ, năng lực, phẩm chất phải có.

Cần kiên quyết thực hiện tiêu chuẩn hoá từng loại chức danh, nhiệm vụ. Không nên tuyển chọn người chưa qua pháp lý vào ngành. Cần có quy chế thi cử chặt chẽ hơn để tuyển chọn cán bộ vào ngành Tòa án. Nhà nước cần có chính sách để có thể khuyến khích nhiều sinh viên khá, giỏi khi ra trường sẽ dự thi tuyển vào ngành Tòa án. Nếu từ đầu vào đã không tuyển chọn được sinh viên giỏi thì sau này khó có thể có nhiều Thẩm phán khá, giỏi cho ngành. Cán bộ mà không giỏi thì không thể nâng cao được năng lực xét xử . Nên chấm dứt đưa cán bộ không biết nghiệp vụ Thẩm phán, không có trình độ chuyên môn từ ngành khác sang làm Thẩm phán, Chánh, Phó án. Nếu vì nhu cầu đòi hỏi thì chỉ nhận những người dưới 40 tuổi, sau khi trải qua thực tế 1-2 năm ở ngành, là cán bộ nghiên cứu hoặc thẩm tra viên, nếu tỏ ra có trình độ, năng lực đáp ứng được cương vị nào xắp xếp vào cương vị ấy, dứt khoát bỏ cách chọn người nặng về các tiêu chuẩn hình thức, cơ cấu, thành phần vv...

Muốn có nhiều cán bộ giỏi phải có quy trình để sớm phát hiện những người có năng lực khi họ còn trẻ, cho đào tạo thêm lý luận hoặc mạnh dạn giao việc trong thực tế, đề bạt kịp thời để kích thích bản thân và cán bộ trẻ xung quanh vươn lên. Tạo điều kiện cho người có năng lực có điều kiện phát triển.

Phương hướng chọn các Thẩm phán Tòa án cấp trên chủ yếu phải là nguồn Thẩm phán ở cấp dưới và những người hoạt động pháp lý ở các ngành nghề khác như kiểm sát viên, luật sư... đừng vì thiếu mà bỏ qua tiêu chuẩn. Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh phải giỏi hơn Thẩm phán Tòa án cấp huyện. Nếu làm được như vậy, sẽ có hai tác dụng vừa khuyến khích Thẩm phán cấp dưới vươn lên, mặt khác Thẩm phán cấp trên có giỏi thì mới có thể xét xử đúng, mới có tác dụng uốn nắn sai sót và có tính hướng dẫn cho Tòa án cấp dưới trong quá trình xét xử phúc thẩm. Do đó chỉ chọn lên Thẩm phán cấp trên khi là Thẩm phán xét xử khá tốt ở cấp dưới, đồng thời họ phải là người có những phẩm chất như sự chín muồi về chính trị, trong sạch về đạo đức, tư cách, không bị mua chuộc, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, dám đấu tranh vì công lý, có lương tâm nghề nghiệp, không dửng dưng trước số phận con người. Đối với những người không đủ can đảm để đối đầu với áp lực từ bên ngoài thì không thể ngồi ở ghế xét xử.

Đã đến lúc cần thực hiện nghiêm túc một số tiêu chuẩn về học vấn đối với Thẩm phán nói chung. Riêng đối với Thẩm phán cấp huyện đòi hỏi phải có trình độ đại học luật, đã qua chương trình đào tạo Thẩm phán và có trình độ trung cấp chính trị trở lên, từng bước bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế cho các Thẩm phán. Nếu đã đề bạt người nào vào chức danh Thẩm phán mà chưa đạt các yêu cầu trên phải cho đi học bổ túc ngay.

Cần đưa công tác quy hoạch, kế hoạch hoá cán bộ vào nề nếp. Dự đoán những biến động (đối với ngành Tòa án cũng không nhiều) và nhu cầu về cán bộ nghiệp vụ và Thẩm phán để có kế hoạch bồi dưỡng Thẩm phán kế cận. Thực hiện công khai hoá công tác cán bộ . Tổ chức lập phiếu điều tra lấy ý kiến về đội ngũ Thẩm phán đương chức và số thư ký cán bộ nghiên cứu có thể kế cận Thẩm phán, từ đó theo dõi, bồi dưỡng.

Hiện nay cái yếu của nhiều Thẩm phán là ở trình độ tổng hợp, yếu về kỹ năng diễn đạt, hoà giải, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phương pháp phân tích, so sánh thế nào để rút ra đúng vấn đề, kỹ năng thẩm vấn, điều khiển phiên toà, viết án văn...mà những vấn đề này vẫn chưa được giảng dạy ở trường đại học luật. Hơn nữa nó là một vấn đề khá phức tạp, ít nhiều phụ thuộc năng lực, trí tuệ của mỗi cá nhân. Hiện nay trường Tòa án mới được thành lập lại, đó là một thuận lợi cho việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ Tòa án. Trường cần cố gắng mở nhiều lớp tập huấn về chuyên môn tại Tòa án nhân dân tối cao, hoặc kết hợp tổ chức tại địa phương với nội dung là cập nhật văn bản mới, và truyền thụ các kỹ năng nghề nghiệp.

Thực tế hiện nay trường Tòa án cũng gặp khó khăn và muốn triệu tập các Thẩm phán huyện về học, phải thông qua Sở tư pháp. Nhưng có một số Sở tư pháp không cử Thẩm phán đi học thì trường đành chịu. Vì vậy, cần phải sớm có biện pháp giải toả khó khăn này.

Đối với các Toà chuyên trách thuộc Tòa án tối cao, cần tăng cường đi xuống cơ sở nghiên cứu, tổng kết chuyên đề, để tháo gỡ lúng túng cho cán bộ xét xử cấp dưới, giúp địa phương có thêm tài liệu trao đổi nghiệp vụ. Lâu nay các Toà chuyên trách làm còn yếu việc này.

Trước mắt cần bổ sung số Thẩm phán còn thiếu cho các Tòa án huyện. Chỉ nên bổ nhiệm những người có năng lực. Có lẽ để tránh việc đưa người ở ngành khác trong khi họ không có chuyên môn của ngành và cũng là bảo đảm sự công bằng, đồng thời chọn được những người có năng lực thì sau khi lựa chọn những cán bộ có đủ các điều kiện về hình thức như: bằng cấp, độ tuổi, hình thể, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị... sau đó tổ chức cho họ thi tuyển vào ngạch Thẩm phán, ai tỏ rõ năng lực hơn thì được bổ nhiệm Thẩm phán.

Hiện nay tuy có thành lập Hội đồng tuyển chọn, nhưng Hội đồng chỉ xem xét trên hồ sơ lý lịch, nên các tiêu chuẩn về bằng cấp, học vị, mức lương, thâm niên công tác, chức vụ đã qua trình độ chính trị... thì được kiểm soát kỹ, nhưng năng lực thực sự của người được đưa vào danh sách tuyển chọn Thẩm phán chỉ được đánh giá theo cảm tính, được suy diễn từ những thông số hình thức nên không ít Thẩm phán sau khi bổ nhiệm năng lực rất hạn chế, thậm chí những người xung quanh cho là yếu thì lại được bổ nhiệm, dẫn đến ở cấp nào cũng có Thẩm phán yếu kém. Có lẽ vì thế mà đã có một đồng chí Chánh án Tòa án địa phương và Giám đốc một Sở tư pháp nguyên trước đây công tác ở Tòa án tỉnh đã nói chỉ có 30% Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là xứng đáng với chức vụ. ý kiến này có phần quá đáng, nhưng nó cũng ít nhiều chứa đựng một sự thật cần suy nghĩ về cách tuyển chọn Thẩm phán nói chung và Thẩm phán Tòa án cấp huyện hiện nay.

Một điều không kém phần quan trọng để động viên được năng lực số cán bộ hiện có, loại trừ tiêu cực và thu hút được nhiều sinh viên luật giỏi sau khi ra trường vào ngành là Nhà nước cần có một chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với nghề Thẩm phán để họ hoàn toàn yên tân, say mê với nghề nghiệp; để mỗi Thẩm phán phải cảm thấy không có gì có thể đánh đổi được vị trí nghề nghiệp của họ.

2. Thực hiện đúng sự lãnh đạo của đảng đối với ngành Tòa án để tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân.

Thực tiễn cách mạng nước ta khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Những thành tích mà ngành Tòa án đã đạt được trong mỗi giai đoạn cách mạng, một phần quan trọng cũng là nhờ sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua hàng chục năm lãnh đạo ngành Tòa án, Đảng cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý, tuy nhiên cũng còn tồn tại khá nhiều lệch lạc thể hiện ở một số cấp uỷ địa phương, nhất là cấp huyện, những lệch lạc biểu hiện:

Can thiệp quá sâu vào chuyên môn của Tòa án như: Có nơi cấp uỷ buộc Tòa án phải báo những vụ án đưa ra xét xử và cho ý kiến cụ thể về tội danh, mức án, cho hay không cho ly hôn, chia tài sản...

Cách làm việc này gây tác hại, tạo cho cán bộ Tòa án thói quen ỉ lại, dựa dẫm cấp uỷ, mất tính độc lập. Song điều quan trọng do cấp uỷ không có trình độ pháp lý chuyên sâu, dễ bị cảm tính chi phối lấy chuẩn mực đạo đức thay cho chuẩn mực pháp lý. Nhấn mạnh quá đáng đến đặc điểm, yêu cầu chính trị địa phương làm cho việc xét xử bị sai lệch, vi phạm nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc độc lập xét xử, sự công bằng xã hội. Mặt khác do cấp uỷ không phải lúc nào cũng cho ý kiến ngay được, dẫn đến việc xét xử bị chậm.

Có nơi mang danh cấp uỷ nhưng thực tế chỉ có 1 đồng chí thường vụ cho ý kiến. Khi xử sai cấp uỷ phê bình Tòa án, Tòa án cũng không thấy hết trách nhiệm của mình đổ lỗi lại cấp uỷ, gây vướng mắc, có khi căng thẳng giữa cấp uỷ với Tòa án.

Ngược lại có nơi cấp uỷ coi nhẹ vai trò của Tòa án, buông lỏng lãnh đạo. Tòa án không được sự quan tâm đúng mức và tạo điều kiện về cơ sở vật chất và sự hỗ trợ cần thiết của các cấp, các ngành địa phương.

Hiểu tăng cường cho Tòa án là đưa cán bộ ngành khác tuy có học đại học tại chức Luật nhưng không có nghiệp vụ, kinh nghiệm chuyên môn sang để bầu Thẩm phán hoặc đưa đồng chí cấp uỷ sang làm Chánh án, mà không chú ý đưa Chánh án trong ngành cơ cấu cấp uỷ. Người Chánh án không biết chuyên môn chỉ chuyên cắp cặp đi họp, không chỉ đạo được nghiệp vụ cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án thì khác nào Tòa án không có Chánh án.

*Đối với quan hệ giữa Tòa án với cấp uỷ cũng có tồn tại:

+ Có Tòa án quá ỉ lại cấp uỷ, sợ trách nhiệm việc gì cũng xin ý kiến cấp uỷ, ngại đấu tranh, xuôi theo cấp uỷ.

+ Những lệch lạc trên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Tòa án

Chúng ta cần trở lại những nguyên lý về phương pháp và hình thức lãnh đạo của Đảng với bộ máy Nhà nước. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình bằng việc ra đường lối, phương pháp hoạt động của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng về bộ máy và cán bộ; bố trí những cán bộ có năng lực, làm nòng cốt trong các cơ quan Nhà nước; kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương... Sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước là từ đầu quá trình (đề ra đường lối, chủ trương) đến cuối quá trình (tức làm cho đường lối chính sách thành hiện thực).

Tòa án là cơ quan chức năng, sự lãnh đạo của Đảng cần phản ánh được tính đặc thù của ngành. Với suy nghĩ đó, vận dụng các nguyên tắc chung nêu trên vào lĩnh vực Tòa án, trong xu thế đổi mới hiện nay, chúng tôi thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với các Tòa án địa phương nên thực hiện như sau:

Cấp uỷ Đảng cần làm cho cán bộ Đảng viên các ngành ở địa phương quán triệt những quan điểm của Đảng ta về Nhà nước và pháp luật. Giáo dục cán bộ Đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện pháp luật, hiểu được vai trò vị trí của Tòa án trong bộ máy Nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong hành động.

Đề ra chủ trương, biện pháp lớn bảo đảm sự phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương và Tòa án để tuyên truyền pháp luật qua phiên toà.

Đề ra chủ trương và lãnh đạo sự phối hợp của các cơ quan trong khối nội chính, trên cơ sở sử dụng các cơ quan này làm tham mưu, đề ra phương hướng tăng cường pháp chế. Tuy tình hình địa phương, trong từng thời gian lại có những chỉ đạo cụ thể. Ví dụ ra chỉ thị về cải tiến công tác bảo vệ trật tự pháp luật và tăng cường đấu tranh chống các tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ thị về chống hối lộ... Trong chỉ thị cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đối với Tòa án, Đảng kiểm tra xem tổ chức thực hiện các nhiệm vụ (nêu trong chỉ thị) đó như thế nào.

Đảng không nên đề ra công tác nghiệp vụ cụ thể cho Tòa án (việc đó do ngành căn cứ Nghị quyết, chỉ thị của Đảng mà cụ thể hoá theo chức năng).

Quyết định những vấn đề về cán bộ ở những vị trí chủ chốt (như Chánh án) còn đối với Thẩm phán cấp uỷ chỉ chỉ đạo về tiêu chuẩn, không nên có quyết định cụ thể như vẫn làm hiện nay.

Bồi dưỡng về chính trị, về quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ xét xử.

Lãnh đạo thông qua chi bộ Đảng cơ quan Tòa án để quán triệt các chủ trương, đường lối mới của Đảng và Nhà nước tới cán bộ Đảng viên trong ngành. Xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh trong Tòa án, kiểm tra các Đảng viên làm việc trong Toà.

Đối với những vụ án trọng điểm cách chỉ đạo cấp uỷ nên: sử dụng tốt vai trò tham mưu của các cơ quan nội chính, để các cơ quan này đề xuất ý kiến của mình. Cấp uỷ sẽ quyết định về mục tiêu, yêu cầu phải đạt khi xét xử chứ không nên ra các chỉ thị cụ thể về đường lối xử lý như tội danh, hình phạt, cho hay không cho ly hôn, chia tài sản...

Về lề lối làm việc: cấp uỷ cần bàn bạc tập thể khi ra chủ trương, chỉ thị chỉ đạo các ngành nội chính.

Đối với Tòa án, phải nhận thức rõ trách nhiệm làm tham mưu cho cấp uỷ, chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ. Chỉ đưa cấp uỷ xin ý kiến những vấn đề có ảnh hưởng lớn trong địa phương, ví dụ như các vụ án mà bị cáo là người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, hay người có uy tín lớn trong vùng dân tộc thiểu số... có suy nghĩ chuẩn bị kỹ từ trước, chủ động đề xuất hướng giải quyết. Những vấn đề phức tạp, trước khi đưa ra cấp uỷ có bàn bạc trao đổi với các ngành trong khối nội chính. Tránh tình trạng không chuẩn bị kỹ cấp uỷ mất nhiều thời gian bàn bạc làm cho kết quả không cao.

Tòa án là một bộ phân trong bộ máy Nhà nước, muốn tăng cường hiệu lực Nhà nước cần quan tâm cho ngành Tòa án vững mạnh, nâng cao được năng lực xét xử.

3. Tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho Tòa án nhân dân cấp huyện:

Để tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, thì phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho Tòa án cấp huyện hoạt đông. Vì nếu công tổ chức cán bộ, sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện cần thì việc chăm lo cơ sở vật chất, kinh phí và hình thành cơ chế phối hợp hợp lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp sẽ là điều kiện đủ để nâng cao năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Một Tòa án nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu kinh phí hoạt động thì khó có thể hoạt động có hiệu quả cao. Vì thế phải chăm lo về cơ sở vật chất và kinh phí cho Tòa án các cấp nói chung và Tòa án cấp huyện nói riêng (vì có chuyên đề riêng vì vậy chúng tôi không đi sâu vào những yêu cầu cụ thể của việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Tòa án cấp huyện).

4. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tòa án nhân dân cấp trên, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao trong việc uốn nắn kịp thời các sai sót và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với Tòa án nhân dân cấp dưới.

Qua thực tiễn xét xử chúng tôi thấy những thiếu sót trong quá trình xét xử của Tòa án các cấp, trong đó có Tòa án nhân dân cấp huyện ngoài những nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán, Hội thẩm như năng lực hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, do bị tiêu cực chi phối ... còn có những nguyên nhân khách quan như hệ thống pháp luật thiếu nhất quán, có điểm còn mâu thuẫn nhau, hoặc quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, chưa đầy đủ cụ thể hoặc cũng có một số trường hợp các hướng dẫn trong báo cáo tổng kết hàng năm, kết luận tại hội nghị về những vấn đề vướng mắc do các địa phương nêu ra.. cũng chưa thật thật chính xác, tính ổn định quá thấp dẫn đến các Tòa án, đặc biệt Tòa án nhân dân cấp huyện vừa vận dụng vào xét xử, thì đã bị Tòa án nhân dân tối cao thay đổi hướng dẫn lại. Khi xử phúc thẩm Tòa án cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn mới để sửa án, huỷ án. Vì vậy, để tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân tối cao cùng với cơ quan chức năng phải sớm có văn bản pháp quy hướng dẫn các quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan; đặc biệt là những điểm giữa các Thẩm phán, luật sư, giữa các cơ quan chức năng hiểu và vận dụng khác nhau.

Tòa án nhân dân tối cao cần nâng cao hơn nữa chất lượng hướng dẫn được đề cập trong báo cáo hoặc kết luận trong Hội nghị tổng kết hàng năm của ngành. Bởi vì các văn bản pháp quy, cũng như báo cáo tổng kết, kết luận có nội dung hướng dẫn đường lối xét xử sẽ là tài liệu mà cán bộ nghiệp vụ sẽ nghiên cứu học tập để vừa nâng cao năng lực cho bản thân vừa vận dụng vào việc xét xử các vụ án cụ thể. Vì vậy, chất lượng hướng dẫn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử của các Tòa án. Do đó muốn nâng cao năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện để từ đó nâng cao chất lượng xét xử không thể không tăng cường sự lãnh đạo nâng cao chất lượng các văn bản hướng dẫn và hướng dẫn kịp thời cho Tòa án các cấp.

5. Về hoàn thiện pháp luật:

 

Cần sớm ban hành bộ luật tố tụng dân sự, sửa đổi bổ sung những điểm không phù hợp thực tế, hoặc quy định chưa rõ ràng, đầy đủ trong Bộ luật dân sự, trong Luật đất đai và các văn bản pháp luật khác. Đối với những vấn đề chưa thể sửa đổi, bổ sung thì cần sớm ra văn bản hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc trong xét xử hiện nay.

Nội dung ở phần này tuy không phải là biện pháp để nâng cao năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện, nhưng nó là yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện nói riêng và Tòa án nhân dân các cấp nói chung. Vì vậy chúng tôi mới đề cập ở mục này.

Tóm lại: muốn nâng cao năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp về tổ chức, về nghiệp vụ... chuyên đề này chỉ đi vào một số biện pháp cơ bản có ảnh huởng nhiều trong thực tiễn.

Trong các biện pháp đã nêu, vấn đề tổ chức cán bộ là vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi ngành Tòa án cũng như Đảng và Nhà nước phải đặc biệt quan tâm. Mặt khác cần phải thấy chất lượng xét xử là vấn đề không dễ dàng nâng cao ngay được, mà đòi hỏi Nhà nước (trong đó có vai trò quan trọng của ngành Tòa án) phải có sự quan tâm, giải quyết đồng bộ và thường xuyên, mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.

 

CƠ Sở Lý LUậN Và THựC TIễN

TĂNG CƯờNG NĂNG LựC XéT Xử CáC Vụ áN HàNH CHíNH

CHO Tòa án NHÂN DÂN CấP HUYệN

 

Thạc sỹ Đặng Xuân Đào

Phó chánh toà Toà hành chính-TANDTC

 

Theo qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28-10-1995 và Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố ngày 09-11-1995, thì kể từ ngày 1-7-1996 Tòa án nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ xét xử những vụ án hành chính.

Để thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này, trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thêm Toà hành chính; còn ở Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Tòa án cấp huyện) không thành lập Toà hành chính mà việc xét xử các vụ án hành chính theo thẩm quyền do các Thẩm phán của Tòa án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đảm nhiệm

Toà hành chính Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo qui định của pháp luật tố tụng;

Toà hành chính của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :

- Sơ thẩm những vụ án theo qui định của pháp luật tố tụng;

- Phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo qui định của pháp luật tố tụng;

Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm những vụ án hành chính theo qui định của pháp luật tố tụng hành chính.

Để bảo đảm giải quyết các vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan nhà nước và tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, ngày 21-5 - 1996 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá 9 đã thông qua Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 1-7-1996.

Theo qui định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (năm 1996 ) thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính sau đây:

1- Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đối với nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố ;

2- Khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính với hình thức: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính;

3- Khiếu kiện quyết định về buộc thôi việc, trừ các quyết định về buộc thôi việc trong Quân đội nhân dân và các quyết định sa thải theo qui định của Bộ luật Lao động ;

4- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy phép, thu hồi giấy phép trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý đất đai ;

5- Khiếu kiện quyết định trưng dụng, trưng mua tài sản, quyết định tịch thu tài sản;

6- Khiếu kiện quyết định về thu thuế, truy thu thuế;

7- Khiếu kiện quyết định về thu phí, lệ phí;

8- Khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính khác theo qui định của pháp luật.

Để kịp thời điều chỉnh các qui định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (1996) cho phù hợp với các qui định của Luật khiếu nại, tố cáo (đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá 10 kỳ họp thứ tư thông qua ngày 2-12-1998 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1999), đồng thời để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, ngày 25-12-1998 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (năm 1996). Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 5-1-1999.

Theo qui định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính sau đây:

1- Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

2- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác;

3- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính với một trong các hình thức: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính;

4- Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống;

5- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai;

6- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy phép, thu hồi giấy phép về xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh;

7- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản;

8- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc thu thuế, truy thu thuế;

9- Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc thu phí, lệ phí;

10- Các khiếu kiện khác theo qui định của pháp luật.

Như vậy, theo qui định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi , bổ sung) thì các loại việc khiếu kiện mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết được qui định thành chín nhóm việc cụ thể, rõ ràng hơn trước. Ngoài ra, còn có một qui định (khoản 10) mang tính chất dự phòng. Qui định này cần hiểu là, ngoài các loại khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được qui định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 9 Điều 11 Pháp lệnh, thì nếu trong một văn bản qui phạm pháp luật nào đó có qui định quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một loại quyết định hành chính, hành vi hành chính nào đó tại Tòa án có thẩm quyền, thì Tòa án căn cứ vào khoản 10 Điều 11 Pháp lệnh để giải quyết. Hiện nay, theo qui định tại Điều 27 Nghị định số 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ "Qui định chi tiết về sở hữu công nghiệp" thì nếu không đồng ý với việc trả lời của Cục sở hữu công nghiệp đối với khiếu nại các quyết định liên quan đến việc chấp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ, cấp hoặc từ chối cấp Văn bằng bảo hộ thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính và theo qui định tại Điều 69 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08-12-2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực thì người yêu cầu công chứng, chứng thực có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền đối với việc từ chối công chứng, chứng thực không đúng với qui định của pháp luật và theo qui định tại khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh luật sư thì nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ nhiệm hoặc Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền.

Theo qui định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau đây:

a) Những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng lãnh thổ và của cán bộ , công chức của cơ quan Nhà nước đó .

b) Những khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng lãnh thổ đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó .

Theo qui định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 35 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; qui định tại Điều 13, khoản 2 Điều 24, Điều 28, Điều 31, khoản 2 Điều 36, điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2000); qui định của các văn bản pháp luật về lĩnh vực thuế, phí và lệ phí; qui định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và qui định của Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính (bằng văn bản, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể) trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước như: xử lý vi phạm hành chính; quản lý đất đai; thu thuế ; thu phí, lệ phí …, được giao cho Uỷ ban nhân dân các cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện cũng như những người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện là rất lớn. Phần lớn các quyết định hành chính liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực đời sỗng xã hội; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai như: giao đất, thu hồi đất, đăng ký quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp giấy phép, thu hồi giấy phép về xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc thu thuế, thu phí, lệ phí…, đều thuộc thẩm quyền ban hành (hoặc thực hiện) của các cơ quan nhà nước (hoặc cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước) từ cấp huyện trở xuống .Vì vậy, nếu các quyết định hành chính (hoặc hành vi hành chính) của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống hoặc của cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước đó bị khiếu kiện (theo đúng qui định của pháp luật) thì khối lượng việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện cũng sẽ rất lớn.

Mặt khác, tại Chỉ thị số 35/1998/CT-TTg ngày 09-10-1998 Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ tư pháp "nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp mở rộng thẩm quyền xét xử và kiện toàn tổ chức, cán bộ của Toà hành chính, đi đôi với bổ sung pháp luật, thể chế làm cơ sở cho việc xét xử, nhằm từng bước chuyển các khiếu kiện của công dân đối với các cơ quan, công chức hành chính sang phương thức tranh tụng, xét xử tại Tòa án". Như vậy, theo tinh thần chỉ đạo như đã nêu trên của Thủ tướng Chính phủ thì khả năng mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính cho Tòa án là rất lớn.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân các cấp nói chung và của Tòa án nhân dân cấp huyện nói riêng qua các năm từ 1-7-1996 đến nay cho thấy một thực trạng là tuy việc khiếu nại của công dân, của cơ quan Nhà nước, tổ chức ngày một tăng và số lượng đơn thư khiếu nại của công dân, của cơ quan Nhà nước, tổ chức mà các cơ quan hành chính Nhà nước từ địa phương đến trung ương phải thụ lý để giải quyết hàng năm là rất lớn, nhưng ngược lại, số đơn khởi kiện vụ án hành chính mà Tòa án nhân dân các cấp phải thụ lý hàng năm để giải quyết theo thẩm quyền (tuy có tăng) lại không đáng kể so với số lượng đơn khiếu nại mà các cơ quan hành chính Nhà nước phải giải quyết. Theo báo cáo của Thanh tra Nhà nước:

-Tính từ 1-1-1999 đến tháng 10-1999, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thụ lý và đã giải quyết theo thẩm quyền 62.217/ 86.575 vụ khiếu nại, trong đó các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 60% vụ việc khiếu kiện; khiếu nại tranh chấp đòi lại nhà đất qua các thời kỳ cải tạo ở miền bắc và miền nam chiếm 9%; khiếu nại về thu giữ tài sản, về thuế, về tín dụng chiếm7%

(Theo Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm1999 số 82CP-VII ngày 12-11-1999 của Chính phủ).

-Quí 4 năm 1999 và năm 2000 các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền các cấp đã tiếp nhận và xử lý 124.063 đơn khiếu nại (trong đó khiếu nại liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai chiếm 55% số vụ việc; về nhà đất ở các thời kỳ cải tạo chiếm từ 8-10%...; đã xem xét kết luận trình ra văn bản giải quyết 107386 việc khiếu nại (Theo Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý 4 năm1999 và năm 2000 số 33 /TTNN ngày 16 -1- 2001 của Thanh tra Nhà nước).

Theo số liệu chưa đầy đủ của Tòa án nhân dân tối cao thì tổng số các vụ án hành chính mà Tòa án nhân dân các cấp thụ lý để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của năm 1998, 1999, 2000 và quí I năm 2001 như sau :

- Năm 1998: 282 vụ;

- Năm 1999: 408 vụ (trong đó Tòa án cấp tỉnh thụ lý vụ, Tòa án cấp huyện thụ lý vụ).

- Năm 2000: 539 vụ (trong đó Tòa án cấp tỉnh thụ lý 203 vụ, Tòa án cấp huyện thụ lý 336 vụ).

- Qúi I năm 2001: 261 vụ (trong đó Tòa án cấp tỉnh thụ lý 80 vụ, Tòa án cấp huyện thụ lý 181 vụ).

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-1996 tính đến nay đã hơn 5 năm. Ngay từ khi Pháp lệnh được công bố thi hành đã được dư luận xã hội quan tâm, coi đây là một bước phát triển của cải cách tư pháp, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, tăng cường dân chủ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Các Tòa án nhân dân các cấp bước đầu đã giải quyết tốt, đúng pháp luật các vụ án hành chính đã thụ lý, trong đó có nhiều vụ án Tòa án đã tích cực tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận: người bị kiện tự kiểm tra, thu hồi, sửa đổi quyết định hành chính bị khiếu kiện, còn người khởi kiện rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Giải quyết án hành chính là một lĩnh vực hết sức mới mẻ đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp. Do đó, trong công tác xét xử các vụ án hành chính đã không tránh khỏi những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là đối với Tòa án cấp huyện.

Thực trạng giải quyết các vụ án hành chính năm năm qua cho thấy :

- Do công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chưa được sâu rộng nên nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với các qui định của pháp luật về quyền khiếu nại, khiếu kiện hành chính và thủ tục giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện hành chính còn rất hạn chế. Trong nhân dân, hầu hết còn có nhận thức là có thể khiếu kiện ra Tòa án để yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với mọi quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước, trong tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, không hạn chế loại việc, cũng không phân biệt còn thời hiệu hay không còn thời hiệu khiếu nại, khiếu kiện. Do đó, có nhiều trường hợp do xác định việc khiếu kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện nên Tòa án trả lại đơn cho người khởi kiện, nhưng người khởi kiện không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại kéo dài, thậm chí có trường hợp đến mức gay gắt.

- Về phía người bị kiện: Trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án cũng gặp không ít trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan hành chính Nhà nước - là người bị kiện (hoặc là người đại diện cho người bị kiện), vì cho rằng Tòa án "xử" cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, là "đối trọng" của Uỷ ban nhân dân, nên khi được thông báo về việc Tòa án thụ lý vụ án hành chính theo đơn khởi kiện của người khởi kiện (đặc biệt là trong các trường hợp khi được Tòa án trao đổi về tính không hợp pháp của quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị khiếu kiện), đã có thái độ phản ứng, thậm chí có trường hợp không cung cấp tài liệu hoặc có ý kiến giải trình bằng văn bản gửi cho Tòa án theo như qui định của pháp luật. Có không ít trường hợp thái độ phản ứng của người bị kiện có chức vụ và quyền hạn đã gây sức ép về tâm lý nặng nề đối với Thẩm phán được giao giải quyết vụ án hành chính. Do vậy, tình trạng một số Tòa án còn có thái độ dè dặt, chậm trễ hoặc thậm chí có tư tưởng ngại không muốn thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết vì sợ đụng chạm đến người đã ban hành quyết định hành chính hay có hành vi hành chính bị khiếu kiện. Những Tòa án đã thụ lý giải quyết nhiều án hành chính đều có một cảm nhận chung là mỗi vụ án hành chính là một "gánh nặng", việc giải quyết gặp khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế.

- Về phía Tòa án: Xét xử án hành chính là một lĩnh vực rất mới đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của Toà hành chính Tòa án nhân dân các cấp chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết các vụ án hành chính cũng như kiến thức quản lý hành chính nhà nước có liên quan đến những lĩnh vực mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính vẫn còn có trường hợp một số Thẩm phán và cán bộ Tòa án chưa thật sự nắm vững các qui định của Luật khiếu nại, tố cáo, các qui định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung); các Thẩm phán (đặc biệt là Thẩm phán cấp huyện) chưa có đủ điều kiện để nắm bắt một cách đầy đủ nội dung các văn bản pháp luật về quản lý hành chính Nhà nước liên quan đến những loại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện mà mình đang thụ lý để giải quyết. Địa vị của Thẩm phán so với địa vị của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp có quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị khiếu kiện, nhiều khi cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người Thẩm phán khi giải quyết vụ án hành chính. Mặt khác, tuy Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn về việc áp dụng các qui định của Luật khiếu nại, tố cáo, của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc áp dụng các qui định của các văn bản pháp luật nói trên chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn, giải thích. Do vậy, trong thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính vẫn còn những trường hợp trả lại đơn kiện hoặc thụ lý đơn kiện để giải quyết chưa đúng qui định của pháp luật và khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cũng còn có những sai sót hoặc vi phạm pháp luật.

Một số vấn đề khác cũng có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến năng lực, hiệu quả, chất lượng xét xử của Tòa án cấp huyện nói chung và năng lực, hiệu quả, chất lượng giải quyết các vụ án hành chính nói riêng, đó là vấn đề về quản lý Tòa án địa phương, vấn đề về biên chế tổ chức, về chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án và vấn đề cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay.

- Về việc quản lý Tòa án cấp huyện: Theo quy định tại Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, thì việc quản lý Tòa án địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Việc quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức trong thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là đã đầu tư xây dựng trụ sở các Tòa án nhân dân từ huyện đến tỉnh, khang trang hơn, đang hoàng hơn; các trang thiết bị phục vụ cho công tác xét xử cũng từng bước được nâng cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn Thẩm phán đối với các Tòa án nhân dân địa phương đã đi vào nề nếp, nhiều mặt công tác về tổ chức, cán bộ của Tòa án nhân dân địa phương đã được Bộ tư pháp quan tâm giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, do không quản lý về chuyên môn nên việc đánh giá, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, tuyển dụng cán bộ còn nhiều vấn đề bất cập; chất lượng xét xử của nhiều Thẩm phán còn yếu kém, thậm chí vi phạm pháp luật, nhưng không được phát hiện, khắc phục kịp thời; việc bổ sung Thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm xét xử cho Tòa án cấp huyện còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Hiện nay, việc quản lý Tòa án nhân dân được chuyển giao trở lại cho Tòa án nhân dân tối cao, do đó những hạn chế trên cần phải được kịp thời khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Toà án nhân dân địa phương.

- Về tổ chức, biên chế: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tính đến tháng 9-2001, cả nước có 621 Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Do đặc điểm tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đặc điểm địa lý của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có khác nhau, nên có sự chênh lệch giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (đặc biệt Tòa án nhân dân các vùng cao, vùng sâu) về tổ chức, hoạt động, về năng lực, trình độ cũng như về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác xét xử.

Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo qui định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 bao gồm Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án.

Về biên chế phân bổ cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh năm 1999 là 5870 người (thực có là 5600 người), trong đó biên chế Thẩm phán được phân bổ là 2819 người (thực có là 2243 người), biên chế Thư ký là 2316 người (thực có là 2474 người). Dự kiến phân bổ biên chế năm 2000 là 5747 người (giảm 123 người), trong đó biên chế Thẩm phán là 2651 người, biên chế Thư ký là 1787 người. Tuy nhiên, theo báo cáo của 450 Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (có báo cáo theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số ngày 5-2001) thì tổng số biên chế được duyệt (tính đến ngày 30-06-2001) của 450 Tòa án nói trên là 4371 người, tổng số biên chế hiện có là 4110 người, còn thiếu so với biên chế được duyệt là 261 người; trong tổng số biên chế hiện có có 1727 Thẩm phán và 1868 thư ký. Trong số 1727 Thẩm phán có 1501 Thẩm phán (chiếm 86,91%) đã tốt nghiệp Đại họcluật, Cao đẳng Tòa án hoặc Cao đẳng kiểm sát, số còn lại 226 Thẩm phán (chiếm 13,08%) mới chỉ học xong chương trình luân huấn (trong số này hiện có một số đang theo học đại học luật tại chức); trong số 1868 thư ký có1344 thư ký đã tốt nghiệp Đại học luật, Cao đẳng Tòa án hoặc Cao đẳng kiểm sát, số còn lại 524 thư ký (chiếm 28,05%) mới chỉ tốt nghiệp trung cấp hoặc sơ cấp pháp lý (trong số này hiện có một số đang theo học đại học luật tại chức); hiện có 12 Tòa án nhân dân huyện chỉ có một (01) Thẩm phán (là Chánh án ) và một hoặc hai thư ký, 13 Tòa án nhân dân huyện chỉ có hai (02) Thẩm phán và một hoặc hai thư ký, 54 Tòa án nhân dân huyện ( trong số này có 13/23 Tòa án nhân dân huyện có báo cáo của tỉnh Thanh Hoá và 03/04 Tòa án nhân dân huyện có báo cáo của tỉnh Sóc Trăng) có toàn bộ số thư ký mới chỉ tốt nghiệp trung cấp hoặc sơ cấp pháp lý (trong số này có một số đang theo học các lớp đại học luật tại chức), chưa có thư ký nào tốt nghiệp đại học luật; thậm chí còn có một số Tòa án nhân dân huyện không có thư ký.

Qua nghiên cứu các số liệu trên đây và các tư liệu khác trong 450 báo cáo nêu trên thấy rằng :về biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án cấp huyện; về chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án cấp hyện; về nguồn bổ sung Thẩm phán của Tòa án cấp huyện hiện nay là những vấn đề rất đáng phải quan tâm.

- Về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay tuy đã được cải thiện nhiều hơn trước, nhiều Tòa án nhân dân cấp quận, huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc khang trang hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ còn chưa được như mong muốn. Nhìn chung, các trang thiết bị và điều kiện làm việc của ngành Tòa án nói chung và của Tòa án cấp huyện nói riêng còn nghèo nàn, nhiều Tòa án chưa được trang cấp phương tiện làm việc thiết yếu như máy vi tính, máy photocopy…. Một số Tòa án nhân dân huyện chưa được xây dựng trụ sở làm việc, thiếu hội trường xét xử, thiếu phương tiện phục vụ công tác xét xử, thiếu phương tiện đi lại, kinh phí hoạt động không bảo đảm…; chế độ đãi ngộ của Nhà nước, trong đó có chế độ tiền lương đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án cấp huyện chưa thoả đáng cũng có những ảnh hưởng nhất định đến công tác xét xử của Tòa án cấp huyện.

Từ những cơ sở lý luận và thực tiễn như đã phân tích trên cho thấy việc tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án cấp huyện là rất cần thiết và để Tòa án cấp huyện có đủ khả năng giải quyết tốt các vụ án thuộc thẩm quyền mà pháp luật qui định, đặc biệt là giải quyết một cách có hiệu quả, đúng pháp luật các vụ án hành chính theo thẩm quyền, chúng tôi đề nghị :

Về pháp luật:

 

- Từ thực trạng đội ngũ Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt là của Tòa án cấp huyện như hiện nay, theo chúng tôi, cần xem xét sửa đổi qui định tại khoản 1 điều 15 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung) về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm như sau: "Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân".

- Xúc tiến việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các qui định của Luật khiếu nại, tố cáo và của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo hướng đơn giản hơn, không rườm rà, phức tạp như các qui định hiện nay; đề cao vai trò của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, coi Tòa án là cơ quan chủ yếu giải quyết các khiếu kiện hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính; mở rộng hơn thẩm quyền xét xử của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính theo hướng bất kỳ một vụ việc nào đã được cơ quan hành chính nhà nước giải quyết một lần mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, không chỉ giới hạn bởi một số loại việc qui định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; về thời khởi kiện vụ án hành chính cần được sửa đổi tăng lên (có thể là 45 hoặc 60 ngày, chứ không phải 30 ngày như qui định hiện nay) nhằm tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền khởi kiện được dễ dàng hơn.

- Phải đồng bộ hoàn thiện các chế định pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, trong đó bao gồm cả các chế định pháp luật về quản lý Nhà nước, khắc phục những xung đột, trùng lắp giưã các chế định pháp luật, đảm bảo sự thống nhất và sự nhất quán của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt ở đây là Luật khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cũng như cán bộ, công chức, tạo điều kiện cho mọi người thực hiện đúng quyền khiếu nại, khiếu kiện theo qui định của pháp luật.

- Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng các qui định của Luật khiếu nại, tố cáo, qui định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và một số văn bản pháp luật khác như Luật đất đai, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh luật sư ….

Về công tác tổ chức, cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án:

 

Cần tăng cường đội ngũ Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân của Tòa án cấp huyện cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu tăng dần số lượng các khiếu kiện hành chính được giải quyết ở Tòa án, tiến tới Tòa án sẽ là cơ quan duy nhất đưa ra phán quyết cuối cùng về tất cả các khiếu kiện hành chính. Cụ thể:

1) Phân bổ biên chế cho các Tòa án cấp huyện một cách hợp lý hơn, tăng cường biên chế cho các Tòa án phải giải quyết số lượng án lớn, đặc biệt là biên chế Thẩm phán và Thư ký Tòa án; bổ sung Thẩm phán và Thư ký cho các Tòa án còn thiếu. Khi tuyển dụng cán bộ mới cần phải tuyển những người đã tốt nghiệp Đại học luật, không tuyển những người không đủ tiêu chuẩn như thời gian vừa qua.

2) Cần đào tạo và đào tạo lại đội ngũ Thẩm phán và Thư ký Tòa án cấp huyện; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn cho Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án trong đó có nghiệp vụ về việc giải quyết các vụ án hành chính; tạo điều kiện để các Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán cấp huyện tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị.

3) Tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất cho Tòa án cấp huyện. Cần xem xét lại việc phân bổ kinh phí hoạt động cho hợp lý, không nên phân bổ theo đầu người như hiện nay mà nên chăng phân bổ theo tỷ lệ án phải giải quyết hàng năm. Cần xem xét lại chế độ bồi dưỡng phiên toà cho hợp lý hơn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương và phụ cấp cho cán bộ tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng.

4) Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiêm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ tư pháp nói chung đề trình Chính phủ giải quyết nhằm đảm bảo ổn định đời sống của họ và tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác theo yêu cầu của chương trình cải cách tư pháp hiện nay.

 

cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực

xét xử các vụ án lao động cho Tòa án nhân dân

cấp huyện ở Việt nam hiện nay

 

Đào Sỹ Hùng - Phó chánh toà lao động

Tòa án nhân dân Thành phố Hà nội.

 

i/ phần mở đầu

Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp trong việc thực hiện các quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền Tư pháp với chức năng xét xử các vụ án Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Hành chính và Lao động theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước của tập thể, bảo vệ tính mạng danh dự và nhân phẩm của công dân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Các phán quyết của Tòa án khi có hiệu lực phải được các cơ quan Nhà nước, các Tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng và thực hiện.

Với chức năng và nhiệm vụ như trên, Tòa án là cơ quan quan trọng nhất được phân công thực hiện quyền Tư pháp của mình.

Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của Tòa án nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, đường lối phải cải cách và củng cố hệ thống các cơ quan Tư pháp nhất là Tòa án.

Trong hệ thống Tòa án nhân dân thì Tòa án cấp huyện giữ vai trò quan trọng giải quyết phần lớn các loại án kiện theo trình tự sơ thẩm. Nên việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ đổi mới.

Trong chuyên đề này chúng tôi muốn đi sâu vào phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử các vụ án lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện ở Việt nam.

Pháp luật lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thực hiện đường lối đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, Bộ luật lao động của nước ta đã được Quốc hội thông qua ngày 23/6/1994 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 và đã được sửa đổi bổ sung năm 2002 có vai trò quan trọng trọng hệ thống pháp luật và đời sống xã hội của nước ta, nó điều chỉnh các mối quan hệ hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu kể cả mối quan hệ của người lao động Việt nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mối quan hệ của người lao động nước ngoài với các tổ chức cá nhân Việt nam. Bộ luật ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động.

Cùng với việc ban hành Bộ luật lao động thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động cũng được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/4/1996 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1996. Tại điều 1 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động quy định: Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp gồm: người lao động, tập thể người lao động, người sử dụng lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động. Trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động thì công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện. Theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động được Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết khi có đơn yêu cầu, trừ trường hợp các tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài hoặc do Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hầu hết các vụ án lao động được thụ lý giải quyết tại Tòa án cấp huyện. Do đó việc tăng cường năng lực xét xử các vụ án lao động của Tòa án cấp huyện là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên trong giai đoạn hiện nay.

- Theo quy định của pháp luật trước khi có Bộ luật lao động thì các vụ án lao động được giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng Dân sự, là một trong các quan hệ pháp luật thuộc luật Dân sự điều chỉnh và Tòa án cấp huyện là cơ quan xét xử theo trình tự sơ thẩm hầu hết các vụ án lao động. Tuy nhiên trong thực tế các tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được các cơ quan chủ quản của người sử dụng lao động, cơ quan quản lý hành chính địa phương và cơ quan thanh tra Nhà nước giải quyết là chủ yếu. Các vụ án lao động mà Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết là rất ít có nơi không có. Do thực tiễn như vậy nên các Tòa án cấp huyện cũng chưa chú trọng đến các loại án kiện này, chưa bố trí các Thẩm phán chuyên trách xét xử loại án kiện về lao động, chưa có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lãnh đạo Tòa án, Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân làm công tác giải quyết, xét xử loại án kiện này.

Từ khi có Bộ luật lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án lao động thì công tác giải quyết các tranh chấp lao động là một trong nhiệm vụ chính của Tòa án nhân dân cấp huyện, góp phần bảo vệ pháp luật pháp chế xã hội chủ nghĩa.

II/ nội dung cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử các vụ án lao động cho Tòa án cấp huyện.

1/ Thực tiễn công tác xét xử án lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện trong thời gian qua.

a/ Những mặt ưu điểm đã làm được.

 

- Từ khi có Bộ luật lao động, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động và Luật sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân được ban hành thì hệ thống Tòa án từ Tòa án nhân dân tối cao đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thành lập Toà lao động là Toà chuyên trách giải quyết các tranh chấp về lao động. Riêng Tòa án cấp Huyện thì phân công Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án lao động thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân cấp Huyện từ khi có Bộ luật lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động đã giải quyết được khối lượng lớn về án kiện lao động, giải quyết tốt các tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thông qua hoạt động xét xử các vụ án của Tòa án cấp Huyện về lao động đã đạt được kết quả tốt.

Pháp luật lao động đã thực sự đi vào các mặt của đời sống xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động tham gia quan hệ pháp luật lao động được đảm bảo. Trình tự pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực hiện trên phạm vi cả nước. Thông qua xét xử các vụ án lao động của Tòa án, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được phổ biến tuyên truyền rộng rãi, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động và đặc biệt của người sử dụng lao động được nâng lên rõ rệt. Cụ thể:

+ Theo thống kê số liệu của Tòa án nhân dân tối cao năm 1999 có 20 trên 600 Tòa án cấp huyện trong cả nước báo cáo đã thụ lý giải quyết 149 vụ án lao động. Trong đó có 140 vụ án có kháng cáo, xét xử theo trình tự phúc thẩm thì kết quả: y án sơ thẩm 100 vụ (71,42%), sửa án sơ thẩm 39 vụ (27,85%), huỷ án sơ thẩm 1 vụ (0,71%).

+ Năm 2000 có 25 trên 600 Tòa án cấp huyện trong cả nước báo cáo đã thụ lý giải quyết 284 vụ án lao động. Trong đó có 263 vụ án có kháng cáo, xét xử theo trình tự phúc thẩm thì kết quả: y án sơ thẩm 240 vụ (91,25%), sửa án sơ thẩm 10 vụ (3,88%), hoà giải thành 13 vụ (4,94%), không có án bị huỷ.

+ Quý I năm 2001 có 13/61 Tỉnh, Thành phố trong cả nước báo cáo Tòa án cấp Huyện đã thụ lý giải quyết 74 vụ án lao động. Trong đó có 50 vụ án có kháng cáo theo xét xử theo trình tự phúc thẩm thì kết quả: y án sơ thẩm 48 vụ (96%), sửa án sơ thẩm 2 vụ (4%), không có án bị huỷ.

+ Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân Thành phố Hà nội thì từ năm 1997 cho đến hết quý I năm 2001 trong số 12 Quận, Huyện thì có 6 Quận, Huyện có thụ lý giải quyết án kiện về lao động. Tổng số là 37 vụ án, trong đó án có kháng cáo theo trình tự phúc thẩm là 16 vụ, kết quả xét xử phúc thẩm y án sơ thẩm 10 vụ (62,5%), sửa án sơ thẩm 6 vụ (37,5%), không có án bị huỷ.

- Về chất lượng xét xử các vụ án lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện: Theo thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao thì chất lượng xét xử các vụ án lao động của Tòa án cấp huyện đảm bảo đúng pháp luật, các vụ án bị kháng cáo theo trình tự phúc thẩm thì tỷ lệ y án sơ thẩm là chính, số án bị cải sửa chiếm tỷ lệ ít, từ năm 1999 cho đến nay chỉ có 1 vụ án bị Tòa án cấp Tỉnh huỷ.

Đánh giá về trình độ chuyên môn của Thẩm phán, Thư ký Tòa án cấp huyện được giao giải quyết các vụ án về lao động đã nắm chắc được Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, đã thực hiện đúng thủ tục tố tụng mà Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động quy định. Đã có sự phối hợp giữa Tòa án với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, sự phối kết hợp trao đổi nghiệp vụ giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên, sự thống nhất giữa chủ toạ phiên toà và các thành viên tham gia Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân). Đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, của giai cấp công nhân trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động. Do đó các phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục, được các chủ thể tham gia tố tụng nghiêm chỉnh chấp hành, hầu hết các vụ án không có khiếu kiện kéo dài. Việc xét xử các vụ án kiện về lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện đã thể hiện vai trò là bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong chức năng xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện trong thời kỳ đổi mới.

b/ Những bất cập và nguyên nhân:

Ngoài những ưu điểm thời gian qua của Tòa án nhân dân cấp quận trong việc xét xử các vụ án lao động thì còn bộc lộ những bất cập cần được khắc phục, cụ thể:

* Về cán bộ:

- Đối với Thẩm phán: Thẩm phán Tòa án cấp huyện của 61 tỉnh, thành phố hiện nay có khoảng 2.200 Thẩm phán. Trong đó có khoảng 80% Thẩm phán có trình độ đại học Luật trở lên, còn lại 20% Thẩm phán chưa có bằng đại học Luật hoặc cao đẳng Tòa án. Còn có một số lượng Thẩm phán đang đi học chương trình đại học Luật nhưng chưa được cấp bằng đại học Luật hoặc chứng chỉ vì chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Số lượng Thẩm phán có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ lớn, một số Thẩm phán thậm chí lãnh đạo Tòa án cấp huyện còn được thuyên chuyển từ các ngành khác sang. Nhiều Thẩm phán chưa được đào tạo chính quy chuyên ngành có hệ thống. Đa số các Thẩm phán chưa được đào tạo chương trình lý luận chính trị trung cấp và cao cấp. Về phẩm chất đạo đức chính trị của Thẩm phán còn một số ít chưa chuyên tâm chưa thực sự có trách nhiệm đối với công việc mình được giao. Chưa có sự phân công trách nhiệm cho Thẩm phán chuyên xét xử án lao động mà thường là các Thẩm phán xét xử án Dân sự đảm nhiệm khi được phân công. Trình độ ngoại ngữ của Thẩm phán còn rất thấp.

- Đối với Thư ký Tòa án: Thư ký Tòa án là người giúp việc cho Thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ án. Lực lượng Thư ký Tòa án hiện nay rất đông đảo, có trình độ được đào tạo chính quy, hầu hết đã tốt nghiệp đại học Luật, có sức khoẻ năng nổ nhiệt tình trong công tác. Tuy nhiên cũng có những hạn chế nhất định, đó là: các Thư ký đa số chưa được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Thư ký, họ còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong công việc được giao như lấy lời khai, ghi biên bản hoà giải, biên bản phiên toà, nhất là trong thủ tục tố tụng lao động có nhiều điểm khác so với các thủ tục tố tụng Dân sự, Hình sự...

- Đối với Hội thẩm nhân dân: Đây là lực lượng tham gia Hội đồng xét xử, thể hiện năng lực xét xử của Tòa án. Tuy nhiên về đội ngũ Hội thẩm nhân dân hiện nay đa số được bầu với thành phần đa dạng: công chức nhà nước, cán bộ hưu trí, công nhân, sĩ quan quân đội... nói chung họ công tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội. Phần nhiều họ chưa có trình độ đại học Luật, trung cấp pháp lý mà chủ yếu họ được đào tạo ở các ngành chuyên môn khác. Hội thẩm nhân dân có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực lao động hoặc công đoàn là rất ít, hầu hết họ chưa được học, tập huấn về luật lao động và kỹ năng giải quyết các vụ án lao động. Hội thẩm nhân dân chưa nắm chắc được thủ tục tố tụng, phương pháp nghiên cứu hồ sơ, nghệ thuật thẩm vấn tại phiên toà. Do vậy trong quá trình xét xử các vụ án lao động họ chưa tỏ rõ vai trò đại diện của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án. Hội thẩm nhân dân đôi khi không có quan điểm chính thống của mình mà lại dựa vào quan điểm của Thẩm phán.

* Về chuyên môn nghiệp vụ:

Như đã phân tích ở trên Tòa án nhân dân cấp Huyện đã giải quyết số lượng án lao động lớn đạt chất lượng cao số lượng án bị cải, sửa ít chỉ có một vụ án bị huỷ theo trình tự phúc thẩm. Tuy nhiên có nhiều bất cập trong hoạt động xét xử của Tòa án đó là:

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các Thẩm phán, Thư ký Tòa án chưa đồng đều nhiều địa phương có Thẩm phán chưa được đào tạo cơ bản cho nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Từ khi có Bộ luật lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp về lao động được ban hành thì các cơ quan cấp trên hướng dẫn đường lối xét xử và quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động chưa thường xuyên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử các vụ án lao động cho Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân.

Các tranh chấp về lao động rất phức tạp, ngoài Bộ luật lao động ra còn có nhiều văn bản của các cấp hướng dẫn thi hành, nhưng các Thẩm phán và Thư ký còn chưa được cập nhật nắm bắt các văn bản pháp luật, chưa thực sự chủ động, thu thập nghiên cứu các văn bản pháp luật về lao động . Do vậy khi được phân công giải quyết các vụ án lao động Thẩm phán và Thư ký còn lúng túng trong quá trình tiến hành tố tụng (lấy lời khai, điều tra thu thập chứng cứ, hoà giải và xét xử tại phiên toà).

Là loại án kiện mới chưa có tiền lệ, các Thẩm phán chưa được đào tạo tập huấn nghiệp vụ cơ bản nên nhiều vụ án khi đã thụ lý phải xin ý kiến chỉ đạo của toà chuyên trách hoặc lãnh đạo Tòa án cấp trên về quan hệ pháp luật và đường lối xét xử.

Trình độ Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử các vụ án lao động còn thấp. Các bản án và quyết định của Tòa án cơ bản là phù hợp với pháp luật nhưng tính thuyết phục chưa cao, do vậy tỷ lệ án kháng cáo lớn (tính trung bình khoảng 84,7% án sơ thẩm xét xử có kháng cáo).

* Về cơ sở vật chất:

Luật lao động là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật nước ta, nó có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh và tố tụng giải quyết các tranh chấp lao động riêng biệt. Song nhà nước chưa thực sự quan tâm về cơ sở vật chất đối với hoạt động xét xử của các Tòa án cấp huyện nói chung và xét xử án lao động nói riêng.

Các Thẩm phán làm công tác xét xử án lao động chưa được cấp phát các tài liệu văn bản về pháp luật lao động, đa số các Thẩm phán phải tự mua sắm, thu thập để phục vụ hoạt động xét xử của mình. Chưa có phòng làm việc, phòng xét xử riêng, chưa có bàn ghế trang thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhà nước cũng chưa có chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với Thẩm phán, Thư ký làm công tác xét xử án lao động, chế độ lương của Thẩm phán cấp huyện rất thấp (Thẩm phán bậc 1 hệ số lương chỉ có 2,06).

Các đương sự tham gia trong vụ án lao động là người lao động và người sử dụng lao động. Trong nền kinh tế nhiều thành phần người sử dụng lao động là người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức có vị trí trong xã hội, khi tham gia tố tụng tại Tòa án nếu cơ sở vật chất của Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu thì cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động xét xử, đến tính nghiêm minh của cơ quan pháp luật.

Trên đây là những bất cập và nguyên nhân trong tổ chức hoạt động của Tòa án nhân dân cấp Huyện, làm ảnh hưởng đến năng lực xét xử các vụ án lao động.

2/ Các yêu cầu mới đặt ra nhằm tăng cường năng lực xét xử về lao động của Tòa án cấp huyện.

Trong xu thế hội nhập trên thế giới và đặc thù nền kinh tế nước ta với đa hình thức sở hữu nên việc tăng cường năng lực xét xử các vụ án về lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện là công việc cấp bách thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

ở các nước phát triển trên thế giới cũng như các nước trong khu vực thì số lượng án kiện mà Toà lao động phải thụ lý giải quyết rất lớn, hệ thống tổ chức của Toà lao động chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống Tòa án nói chung. Ví dụ: Toà lao động của Tòa án ở Philippin, ở Thái Lan một năm thụ lý giải quyết khoảng 30 ngàn vụ án lao động.

ở nước ta theo thống kê số lượng các vụ án lao động trong cả nước mà Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết không nhiều lắm. Nhưng trong thời gian tới với chính sách đổi mới, xu thế hội nhập trên thế giới, nền kinh tế nhiều thành phần thì các tranh chấp về lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy cần phải nâng cao năng lực xét xử về lao động của Tòa án cấp Huyện được thể hiện trên các mặt sau:

- Thẩm phán làm công tác xét xử án lao động phải có thâm niên xét xử nhất định, phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nắm bắt thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật nhất là văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động.

- Thẩm phán phải được đào tạo chuyên ngành, thường xuyên được tập huấn học tập nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết các loại án về lao động và các văn bản pháp luật mới ban hành. Phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, năng lực, khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tận tâm với nghề nghiệp. Có quan điểm lập trường tư tưởng vững vàng, sắc xảo về lý luận, có nghệ thuật điều khiển xét xử tại phiên toà.

- Thư ký Tòa án phải là người có sức khoẻ, năng nổ nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm với công việc, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ nghiên cứu, quan điểm đề xuất hướng giải quyết các vụ án lao động phù hợp với pháp luật, có trình độ ngoại ngữ và tin học nhất định để đáp ứng nhiệm vụ được giao.

- Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử phải là người am hiểu pháp luật đã có quá trình công tác trong ngành lao động thương binh xã hội, hoặc công đoàn, là người có quan điểm góc nhìn chính trị, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động. Hội thẩm nhân dân phải có kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ kỹ năng xét xử, phương pháp hoà giải tại phiên toà, phải thể hiện vai trò quyết định của Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử trước khi phán quyết.

- Về cơ sở vật chất của Tòa án phải có trụ sở khang trang, rộng rãi nằm ở vị trí trung tâm của Huyện (Quận), phòng làm việc, phòng xét xử án lao động phải được trang bị đầy đủ các phương tiên cần thiết cho hoạt động xét xử, phải có tủ sách pháp luật riêng cập nhật tất cả các văn bản mới ban hành, có chế độ bồi dưỡng riêng đối với Thẩm phán, Thư ký giải quyết án Lao động ngoài các chế độ đãi ngộ chung của ngành. Phải cải cách lại chế độ tiền lương đối với Thẩm phán cấp huyện cho phù hợp với xã hội và cường độ làm việc đã bỏ ra.

- Về thẩm quyền xét xử án lao động của Tòa án cấp huyện: Từ khi thực hiện Bộ luật lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động cho đến nay, Tòa án nhân dân cấp quận chưa để xảy ra việc ùn tắc hay để hồ sơ bị quá hạn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên theo quy định của Tố tụng giải quyết các tranh lao động thì thời hạn xét xử một vụ án lao động chỉ có 30 ngày là quá ngắn. Nếu đương sự chỉ vắng mặt 1 lần tại Toà thì vụ án đó có thể bị quá thời hạn xét xử. Vì vậy cần đề xuất sửa luật về thời hạn xét xử, nên quy định thời hạn xét xử từ 45 - 60 ngày đối với một vụ án lao động.

Pháp luật lao động cũng quy định một số vụ án tranh chấp về việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động và quá trình học nghề phải được hội đồng hoà giải cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiến hành hoà giải, nếu hòa giải không thành mới có quyền khởi kiện ra Tòa án. Về điểm này gây không ít khó khăn cho người lao động khi có yêu cầu khởi kiện ra Toà mà không được hoà giải. Do vậy cũng nên cần sửa đổi Luật trong trường hợp người sử dụng lao động cố tình không tiến hành hoà giải việc tranh chấp theo yêu cầu khởi kiện của người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thì người lao động cũng có quyền làm đơn khởi kiện ra Toà.

Thẩm quyền phân cấp xét xử các tranh chấp lao động của Tòa án cấp huyện như quy định của pháp luật hiện nay là phù hợp, không gây ùn tắc hoặc tồn đọng án, vi phạm pháp luật về thời hạn xét xử.

Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế mở hiện nay thì số lượng các vụ tranh chấp về lao động sẽ không ngừng tăng lên. Do vậy về công tác tổ chức và sự phân công các Thẩm phán, Thư ký xét xử án lao động phải được phân định, phân công rõ ràng, chuyên trách với số lượng cán bộ nhiều hơn để đáp ứng với nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

3/ Kiến nghị nhằm nâng cao năng lực xét xử lao động của Tòa án cấp huyên trên các mặt sau:

a/ Công tác cán bộ:

Thẩm phán: Thẩm phán phải được đào tạo đại học chuyên ngành, chuyên khoa luật kinh tế lao động, phải được đào tạo trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, yêu ngành, yêu nghề, tận tâm với công việc, tuyển chọn bổ nhiệm Thẩm phán phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Khi tuyển chọn Thẩm phán không được nể nang, phải được thăm dò tín nhiệm và sự giới thiệu từ cơ sở, phải có quy hoạch cán bộ.

Thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm đánh giá, nhân điển hình đối với Thẩm phán làm tốt công tác xét xử án lao động, mở các phiên toà mẫu để học tập nâng cao nghiệp vụ xét xử và giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho Thẩm phán.

Bộ tư pháp và Tòa án Tối cao phải thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến hướng dẫn thi hành pháp luật về lao động. Phải có quan điểm thống nhất giữa cơ quan xét xử và cơ quan quản lý nhà nước về lao động tránh những quan điểm không đồng nhất với nhau. (Ví dụ: Có quan điểm của Bộ lao động thương binh và xã hội cho rằng người lao động ký hợp đồng lao động không theo mẫu của Bộ lao động thương binh và xã hội thì Tòa án không giải quyết khi có tranh chấp. Còn quan điểm của Tòa án Tối cao thì khi 2 bên ký hợp đồng lao động mà có tranh chấp thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết).

- Thư ký Tòa án: Thư ký là nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán, do vậy Thư ký phải có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, có sức khoẻ, nhiệt tình công tác, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tòa án nhân dân Tối cao phải thường xuyên mở lớp đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng hồ sơ, ghi biên bản phiên toà cho Thư ký. Quá trình thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, hàng quý phải tổ chức cho Thư ký Tòa án quán triệt các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật mới ban hành liên quan đến công tác Thư ký nhất là các văn bản chuyên ngành về lao động. Thẩm phán trực tiếp phụ trách phải thường xuyên uốn nắn, hướng dẫn nhắc nhở và bồi dưỡng Thư ký trong quá trình tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án lao động, tổ chức thi Thư ký giỏi trong địa phương của mình.

- Hội thẩm nhân dân: Hội đồng nhân dân cùng cấp phải lựa chọn bầu những vị Hội thẩm nhân dân có sức khoẻ, nhiệt tình công tác, có kiên thức sâu rộng trong lĩnh vực pháp luật về lao động. Tạo mọi điều kiện cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử được tốt nhất như trang phục, tài liệu pháp luật nhất là các tài liệu liên quan đến luật lao động. Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng tập huấn cho Hội thẩm nhân dân về pháp luật và kỹ năng xét xử các vụ án lao động.

b/ Một số vấn đề cần chú ý để nâng cao năng lực xét xử khi giải quyết các tranh chấp về lao động.

- Nhận đơn khởi kiện: Khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án phải xem xét đơn đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình không ? có phải loại án kiện tranh chấp về lao động không ? Nếu không thuộc thẩm quyền hoặc loại việc thuộc thẩm quyền nhưng trước khi thụ lý giải quyết phải được Hội đồng hoà giải cơ sở hay hoà giải viên lao động tiến hành hoà giải trước thì giải thích pháp luật cho đương sự và trả lại đơn kiện để họ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết trước nếu không có kết quả mới đề nghị Tòa án giải quyết.

Nếu đơn kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp mình giải quyết thì nhận đơn yêu cầu đương sự nộp dự phí lao động (đối với loại việc phải nộp dự phí) và yêu cầu đương sự nộp đầy đủ các tài liệu liên quan đến yêu cầu khởi kiện. Tòa án phải xác định chính xác quan hệ pháp luật mà đương sự có yêu cầu khởi kiện.

Vì thời hạn xét xử các vụ án lao động ngắn (30 ngày) nên khi nhận đơn kiện thì Tòa án phải yêu cầu đương sự xuất trình các tài liệu chính như Hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ... và sao dịch các văn bản có liên quan ra tiêng Việt (nếu là chữ viết nước ngoài).

- Thụ lý, giải quyết vụ án: Sau khi nhận đơn kiện, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án lao động. Tòa án phải thông báo ngay đơn khởi kiện vụ án lao động cho bị đơn trong vụ án và gửi thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong 7 ngày chờ văn bản trả lời đơn kiện của bị đơn thì Thẩm phán được giao giải quyết vụ án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ xem xét những yêu cầu của nguyên đơn và tập hợp các văn bản pháp luật điều chỉnh những vấn đề khởi kiện đó.

Sau thời hạn 7 ngày khi bị đơn có văn bản gửi Toà thể hiện quan điểm của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì Tòa án triệu tập ngay đương sự đến Toà để lấy lời khai, đối chất và hoà giải. Tòa án phải xác định rõ tư cách người tham gia tố tụng, nếu là pháp nhân thì phải là người đại diện đương nhiên theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện hợp pháp được uỷ quyền.

Quá trình lấy lời khai, đối chất giữa các đương sự, Thẩm phán và Thư ký Tòa án phải khai thác làm rõ căn cứ pháp lý và yêu cầu của các đương sự đã trình bày. Những điểm lời khai không thống nhất thì phải yêu cầu các đương sự chứng minh. Tòa án có thể tự mình điều tra thu thập chứng cứ khi cần thiết hoặc khi đương sự không có điều kiện thu thập. Trước khi quyết định Tòa án có thể trao đổi với cơ quan lao động, công đoàn ở địa phương quan điểm của họ về vụ án.

Hoà giải là thủ tục tố tụng bắt buộc trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án lao động, nó có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì nếu hoà giải tốt sẽ giải quyết được tất cả các mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo cơ hội cho người lao động được tiếp tục làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức của mình.

Cho nên trong giai đoạn hoà giải Thẩm phán phải có nghệ thuật, phương pháp trình bày có tính thuyết phục, giải thích pháp luật hướng các đương sự thoả thuận với nhau. Cần chú ý việc hoà giải không mang tính áp đặt mà chỉ mang tính hướng dẫn cho các đương sự trên cơ sở pháp luật. Nếu việc hoà giải không thành thì cũng làm hạn chế ở mức tối đa những vấn đề đương sự không đồng nhất với nhau. Thẩm phán phải kiên trì hoà giải, nhưng nếu việc hoà giải không thành thì quyết định đưa vụ án ra xét xử ngay.

- Xét xử công khai tại phiên toà: Hoà giải tại phiên toà cũng là thủ tục tố tụng bắt buộc. Do vậy Hội đồng xét xử cũng phải tranh thủ tạo điều kiện hướng dẫn giải thích pháp luật cho các đương sự thoả thuận với nhau. Nếu việc hoà giải không được thì Hội đồng xét xử chuyển sang phần thẩm vấn. Quá trình thẩm vấn Hội đồng xét xử hỏi rõ các đương sự về những yêu cầu của mình, thẩm tra các chứng cứ mà họ xuất trình, xem xét tính khách quan các chứng cứ đó.

Hội đồng xét xử chú ý lắng nghe ý kiến tranh luận của các đương sự trước khi nghị án.

Khi nghị án Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá tính hợp pháp các chứng cứ của các đương sự xuất trình, đánh giá lỗi của các bên. Từ đó vận dụng pháp luật để quyết định những vấn đề cụ thể mà người khởi kiện yêu cầu, trách nhiệm vật chất của người có lỗi gây ra.

Đối với bản án phải được nêu rõ nội dung yêu cầu của các bên đương sự, phải nhận định, phân tích, đánh giá từng vấn đề cụ thể, triệt để trên cơ sở pháp luật, tránh bỏ sót quyền lợi và nghĩa vụ của các đương sự.

Quyết định bản án phải rõ ràng, chi tiết từng vấn đề đã được nêu ra trong phần nhận định.

c/ Cơ sở vật chất:

 

Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cấp trên của Tòa án cấp huyện phải ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trang bị phòng làm việc, phòng xét xử, bàn ghế, phương tiện, trang phục cho Tòa án nhất là Thẩm phán và Thư ký làm công tác xét xử án lao động. Bởi vì hoạt động xét xử các vụ án lao động là thể hiện bộ mặt cơ quan pháp luật của nhà nước đối với các chủ thể đặc biệt là người lao động và người sử dụng lao động.

Nhà nước phải ban hành chế độ tiền lương và phụ cấp thoả đáng đối với Thẩm phán và Thư ký làm công tác xét xử các tranh chấp lao động.

d/ Thẩm quyền xét xử của Tòa án, các văn bản pháp luật về lao động và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Như phân tích ở trên về thẩm quyền xét xử các vụ án lao động như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chất về lao động đã quy định là phù hợp.

- Qua thực tiễn xét xử án lao động từ 1/7/1996 đến nay chúng tôi nhận thấy cần có quy định cụ thể hoặc giải thích thống nhất về một số điều của Bộ luật lao động. Ví dụ: Điều 38 khoản 1 điểm d quy định: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: "Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc". Điều 94 quy định: "Khi cơ quan có thẩm quyền kết luận về quyết định xử lý của người sử dụng lao động là sai, thì người sử dụng lao động phải huỷ bỏ quyết định đó, xin lỗi công khai, khôi phục danh dự và mọi quyền lợi vật chất cho người lao động".

Về những điều nêu trên và các quy định của Bộ luật lao động mới được sửa đổi bổ sung năm 2002 hiện nay chưa có các văn bản pháp lý giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật, nên có nhiều quan điểm chưa thồng nhất với nhau gây nhiều khó khăn trong quá trình xét xử của Tòa án. Vì vậy các cơ quan hữu quan cần phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích thi hành luật để các cơ quan Tư pháp khi áp dụng pháp luật được thống nhất.

- Về cơ chế phối hợp cần có sự thống nhất trong quá trình tiến hành tố tụng giữa Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Khi thụ lý vụ án lao động ngoài việc thông báo nội dung đơn khởi kiện của đương sự cho Viện kiểm sát thì nên sao gửi toàn văn đơn kiện và những tài liệu cần thiết cho Viện kiểm sát để có cơ sở theo dõi, giám sát pháp luật và phối hợp giải quyết vụ án cùng với Tòa án khi cần thiết.

Khi tập huấn học tập nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết các vụ án lao động đối với Thẩm phán nên có sự tham gia của Viện kiểm sát để có sự thống nhất quan điểm giữa 2 ngành. Cơ quan lao động thương binh xã hội và tổ chức công đoàn ở địa phương cũng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động khi cơ quan Tòa án có yêu cầu.

III/ Kết luận:

Trên đây là những yêu cầu và kiến nghị nhằm tăng cường năng lực xét xử các vụ án lao động của Tòa án nhân dân cấp huyện ở Việt nam. Chúng tôi tin tưởng rằng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước, đặc biệt là cải cách hệ thống các cơ quan Tư pháp, chắc chắn Đảng và Nhà nước ta sẽ quan tâm nâng cao và hoàn thiện hệ thống cơ quan xét xử của Nhà nước. Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có vị trí, vai trò quan trọng thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thi hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động..., bảo vệ pháp chế góp phần xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

Cơ sở lý luận và thực tiễn tăng cường năng lực xét xử các vụ án kinh tế cho Tòa án nhân dân các huyện ở Việt Nam hiện nay

 

Phạm Tuấn Anh

Chánh toà kinh tế-TAND TP. Hà Nội

 

I. Phần mở đầu

Đại hội lần thứ VI Đảng cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà trong đó trọng tâm là đổi mới về kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia. Chúng ta đã và đang chuyển dần từ một nền kinh tế quan liêu bao cấp sang một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường hết sức phức tạp và đa dạng. Mục tiêu để đạt được lợi nhuận tối đa luôn trở thành động lực trực tiếp của các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế. Các tranh chấp kinh tế phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về loại hình, phức tạp về tính chất. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có những phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế phù hợp với yêu cầu bức xúc cuả nền kinh tế theo cơ chế thị trường hiện nay là giải quyết nhanh chóng kịp thời đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ quyền cho các doanh nghiệp. Giải quyết tranh chấp kinh tế hiện nay đã trở thành yêu cầu quan trọng, tạo ra một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trước những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, ngày 28/12/1993 Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá IX, kỳ họp thứ tư đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân, thành lập Toà Kinh tế thuộc hệ thống Tòa án nhân dân, để giải quyết các tranh chấp về kinh tế và luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 tiếp tục khẳng định vấn đề trên.

Theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2002, các Toà Kinh tế (với vị trí là Toà chuyên trách) được thành lập tại Tòa án nhân dân tối cao; tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với Tòa án nhân dân cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không tổ chức thành Toà kinh tế mà chỉ phân công Thẩm phán có nhiệm vụ giải quyết sơ thẩm các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế theo thẩm quyền mà pháp luật qui định.

Theo điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 qui định: "những vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế sau đây:

Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân; giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh;

Các tranh chấp giữa công ty và các thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể công ty;

Các tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu trái phiếu;

Các tranh chấp kinh tế khác theo qui định của pháp luật".

Tại khoản 1 điều 13 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 qui định: "Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án cấp huyện) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50.000.000 đồng, trừ trường hợp có nhân tố nước ngoài".

Như vậy, theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì Tòa án cấp huyện chỉ thực hiện việc thụ lý giải quyết sơ thẩm đối với các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân; giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh nhưng phải thoả mãn 2 điều kiện sau:

- Giá trị tranh chấp dưới 50.000.000 đồng.

- Không có nhân tố nước ngoài.

Tóm lại: Kể từ ngày 01/7/1994, với sự ra đời và đi vào hoạt động của các Toà kinh tế trong hệ thống Tòa án nhân dân (từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên); và với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xét xử các tranh chấp về hợp đồng kinh tế có giá trị tranh chấp dưới 50.000.000 đồng và không có nhân tố nước ngoài (đối với các Tòa án cấp huyện) đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam.

Mặc dù như vậy, song thực tế cho thấy : do án kinh tế là một loại việc mới vì vậy thụ lý giải quyết cũng như năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện có những hạn chế nhất định – Vì vậy với chuyên đề chính là : " Tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện ở việt nam", trong chuyên đề nhánh này chúng tôi xin được di sâu phân tích một số vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn để nâng cao năng lực xét xử các vụ án kinh tế cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

II. Một số vấn đề thực tế giải quyết án kinh tế trong thời gian qua

1. Thực trạng chung:

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã được Uỷ Ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/3/1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1994. Như vậy mọi tranh chấp về kinh tế trước đây do cơ quan trọng tài kinh tế nhà nước giải quyết nay được chuyển sang để Tòa án nhân dân các cấp là cơ quan xét xử của nhà nước trực tiếp giải quyết. Đây là cũng cơ quan tài phán duy nhất được nhân danh nhà nước giải quyết các tranh chấp về kinh tế.

Tuy nhiên, do có những hạn chế nhất định bởi các qui định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và một số hạn chế khác (như trình độ hiểu biết, tâm lý... của đương sự) nên số lượng án kinh tế được thụ lý giải quyết nhìn chung chưa nhiều, nhất là đối với Tòa án nhân dân cấp huyện số án kinh tế đã thụ lý giải quyết rất ít thậm chí có toà cho đến nay chưa thụ lý được một vụ án kinh tế nào.

1.1. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao thì cả nước có khoảng 600 Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng số án kinh tế được thụ lý giải quyết trong một năm sẽ định khoảng 70-80 vụ/năm.

1.2. Số liệu cụ thể từ 1999 đến hết quí 1/2001 như sau:

- Năm 1999 số án kinh tế do Tòa án nhân cấp huyện thụ lý là: 80 vụ, trên tổng số 1014 vụ án cấp sơ thẩm (Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện) đã thụ lý giải quyết.

- Năm 2000: số án kinh tế do Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý là: 74 vụ, trên tổng số: 861 vụ án cấp sơ thẩm (cấp tỉnh và cấp huyện) đã thụ lý.

- Riêng quí 1/2001 số án Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý là: 15 vụ trên tổng số 249 vụ án cấp sơ thẩm (cấp tỉnh và cấp huyện) đã thụ lý.

1.3. Hà Nội là một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - xã hôị. Tuy vậy số lượng án kinh tế mà Tòa án nhân dân cấp quận, huyện thụ lý giải quyết cũng không nhiều.

Xin nêu số liệu thống kê án kinh tế mà 12 Tòa án cấp quận, huyện thuộc Hà Nội đã thụ lý giải quyết.

- Năm 1997: không thụ lý giải quyết được vụ nào.

- Năm 1998: không thụ lý giải quyết được vụ nào.

- Năm 1999: thụ lý giải quyết 2 vụ.

- Năm 2000: Thụ lý giải quyết 3 vụ.

Từ khi hoạt động (01/7/1994) đến nay Toà Kinh tế - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mới thụ lý 01 vụ kinh tế do cấp sơ thẩm có kháng cáo chuyển lên.

2. Một số vấn đề bất cập và nguyên nhân

Hoạt động xét xử là hoạt động thường xuyên của Tòa án nhân dân các cấp nhìn chung hoạt động xét xử khá phức tạp vì nó vừa phụ thuộc vào các yếu tố khách quan (các văn bản pháp luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư...), vừa phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan (nhận thức quan điểm của người Thẩm phán). Vì vậy việc giải quyết xét xử một vụ án đảm bảo đúng pháp luật, tạo được niềm tin cho các đương sự là một yêu cầu cơ bản đối với ngành Tòa án nói chung và đối với từng Thẩm phán nói riêng. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết các vụ án kinh tế đã bộc lộ một số vấn đề cụ thể:

2.1. Về các qui định của pháp luật

Nhìn chung, có thể nói hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, mặc dù trong những năm gần đây chúng ta đã cố gắng khắc phục và từng bước đi đến hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, pháp qui . ... Song thực tế vẫn còn có sự chồng chéo thậm chí mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật (nhất là các văn bản pháp qui giữa các Bộ, ngành...) dẫn đến việc áp dụng pháp luật bị hạn chế.

Trong quá trình giải quyết các vụ án kinh tế cũng không tránh khỏi việc các Thẩm phán còn lúng túng trong việc vận dụng các văn bản pháp luật cũng như các văn bản pháp qui của các Bộ ngành liên quan.

Về pháp luật chuyên ngành kinh tế thì có nhiều hạn chế: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (năm 1989) không còn phù hợp với cơ chế kinh tế và các quan hệ kinh tế hiện nay; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (năm 1993) cũng có nhiều điểm bất cập dẫn đến việc hạn chế thụ lý giải quyết thậm chí là ảnh hưởng đến chất lượng xét xử các vụ kiện về kinh tế (như về thẩm quyền, thời hiệu. . .)

án kinh tế là một loại án phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế, phải vận dụng nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước để giải quyết song chưa được đầu tư phổ cập thường xuyên cho các Thẩm phán.

2.2. Về nhận thức của Thẩm phán

Nhìn chung lực lượng Thẩm phán của chúng ta hiện nay hầu hết đều có trình độ đại học và tương đương đại học. Đối với các Tòa án cấp huyện có khoảng trên 2200 Thẩm phán, nhưng số Thẩm phán có trình độ đại học hoặc tương đương cũng chỉ chiếm trên 80%.Tuy vậy các Thẩm phán cấp huyện cũng chỉ yếu tập trung vào giải quyết các loại án hình sự, dân sự còn án kinh tế là một loại việc mới, lượng án kinh tế không nhiều nên về kinh nghiệm giải quyết còn nhiều hạn chế. Mặt khác án kinh tế là một loại án phức tạp như đã phân tích ở trên nên khi giải quyết các Thẩm phán chưa chủ động tìm tòi các văn bản pháp có liên quan nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết.

Hầu hết các Thẩm phán (kể cả Thẩm phán của Tòa án cấp tỉnh) chưa được tập huấn, hoặc có nhận thức nhất định về pháp luật kinh tế cụ thể như Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Luật thương mại…

2.3. Một số vấn đề khác

Thực tế các nhà doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp Nhà nước) chưa hiểu rõ pháp luật kinh tế. trước đây do việc phân định các quan hệ về hình sự, dân sự, kinh tế chưa rõ ràng nên một số quan hệ kinh tế thường bị "hình sự hoá". Mặt khác cũng có tâm lý ngại đưa những tranh chấp ra Toà (vì chưa hiểu, hoặc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh, hoặc sợ mất tiền án phí mà không thu hồi được nợ. .. ).

Tố tụng tại phiên toà kinh tế còn nặng nề theo hướng xét xử hình sự; mang nặng tính chất "công quyền", chưa tạo được tâm lý thoải mái, bình đẳng cho các đương sự là chủ doanh nghiệp.

III. Cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng cường năng lực xét xử các vụ án kinh tế cho Tòa án nhân cấp huyện

1. Các căn cứ chung

Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân. Song song với việc xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh đủ khả năng điều hành đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta còn củng cố xây dựng và đi đến hoàn thiện hệ thống các cơ quan pháp luật của Nhà nước cũng như hệ thống pháp luật trên tinh thần đổi mới toàn diện. Chính vì vậy, việc củng cố và tăng cường năng lực xét xử đối với các cấp Tòa án nói chung và đối với Tòa án nhân dân cấp huyện là một yêu cầu cấp bách và thường xuyên trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp. Đối với ngành Tòa án, Nhà nước ta đang có chủ trương giảm bớt số lượng án tồn đọng ở các cấp xét xử phúc thẩm, nhất là ở Tòa án nhân dân tối cao bằng cách tăng thẩm quyền giải quyết, xét xử các loại sơ thẩm cho Tòa án nhân dân cấp huyên.

Với đường lối đổi mới toàn diện trong đó đổi mới về kinh tế là căn bản và sâu sắc. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhiều thành phần với hình thức sở hữu đa dạng. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã làm cho các quan hệ kinh tế đa dạng hơn, phong phú hơn và cũng không kém phần phức tạp hơn. Chính vì vậy, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp về kinh tế đối với Tòa án nhân dân các cấp, nhất là đối với Tòa án cấp cơ sở (quận, huyện, thị xã . .. thuộc tỉnh) đáp ứng những yêu cầu: thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời. .. trong việc giải quyết án kinh tế.

Các tranh chấp kinh tế thường phát sinh ở các noi là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và phục thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế ở các địa phương khác nhau. Nếu nên kinh tế ở địa phương nào có phát triển mạnh, quan hệ kinh tế nhiều sẽ dẫn đến có nhiều quan hệ kinh tế có tranh chấp. Do đó, việc số lượng án kinh tế hiện chưa nhiều không phải điều đáng lo ngại mà điều cần phải được chuẩn bị chính là năng lực giải quyết án kinh tế của các Thẩm phán ở Tòa án nhân dân cấp huyện .

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn.

2.1. Do tố tụng kinh tế qui định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện có phần hạn chế nên số lượng án kinh tế mà Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết không nhiều, thậm chí có huyện chưa thụ lý giải quyết một vụ nào - chính vì vậy, việc tăng cường năng lực xét xử án kinh tế cho Tòa án cấp huyện cũng có nghĩa là phải tăng cường thẩm quyền để Tòa án cấp huyện thụ lý giải quyết án kinh tế.

2.1.1. Cần mở rộng thêm thẩm quyền giải quyết án kinh tế trên cơ sở tăng thêm các loại việc được giải quyết.

Thực tiễn cho thấy: hiện nay Tòa án nhân dân cấp huyện đã giải quyết tốt nhiều vụ án hình sự, dân sự phức tạp. Quốc hội nước ta cũng đã bàn và dự kiến sẽ tăng thẩm quyền xét xử án hình sự cho Tòa án nhân dân cấp huyện có thể xử phạt tù với mức án tù từ 12 năm - 15 năm.

Đối chiếu với Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao thì mức hình phạt trên đối với các tội chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 500.000.000 đồng đến dưới 1 tỷ đồng; đối với án dân sự Tòa án cấp huyện đều có thẩm quyền giải quyết theo trình sơ thẩm các loại việc (trừ có yếu tố nước ngoài) như: thừa kế, tranh chấp tài sản, ly hôn có liên quan đến tài sản. .., và nhiều vụ có giá trị tranh chấp phải giải quyết lên đến hàng tỷ đồng.

Trong khi theo Điều 12 - Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế chỉ giao thẩm quyền giải quyết án kinh tế cho Tòa án cấp huyện rất hạn chế như đã phân tích ở phần I.

Thực tiễn cho thấy có những vụ tranh chấp về thẻ tín dụng (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giải quyết) giá trị tranh chấp 2000 USD (tương đương với 26.000.000 đồng), có vụ tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giải quyết) giá trị tranh chấp cũng chỉ khoảng 20.000.000 đồng.

2.1.2. Tăng thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế cho Tòa án cấp huyện trên cơ sở tăng giá trị tranh chấp cần phải giải quyết.

Thực tiễn cho thấy các vụ án kinh tế có giá trị tranh chấp dưới 50.000.000 đồng rất ít, thường thì có tranh chấp với giá trị như vậy các đượng sự tự giải quyết trên cở sở tự thoả thuận với nhau.

Nhìn chung chủ yếu các vụ kiện về hợp đồng kinh tế hiện nay đều xoay quanh về nghĩa vụ thanh toán vì vậy "giá trị tranh chấp" ở đây thường có 2 khoản:

- Tiền gốc chưa trả;

- Tiền lãi phát sinh.

Có ý kiến cho rằng "giá trị tranh chấp" ở đây là cả 2 khoản tiền trên (tiền gốc chưa trả cộng tiền lãi phát sinh)

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng "giá trị tranh chấp" chỉ đơn thuần là tiền gốc chưa trả được đó là khoản tiền "cứng", còn tiền lãi phát sinh cũng chỉ là khoản tiền có thể được Toà chấp nhận hoặc không chấp nhận.

Vì vậy nếu như tranh chấp với số tiền gốc chưa trả được mà dưới 50.000.000 đồng nhưng nếu cộng cả số tiền lãi phát sinh thì tranh chấp giải quyết sẽ trên 50.000.000 đồng và như vậy không còn là thẩm quyền của Tòa án cấp huyện được giải quyết.

Một số đương sự do không muốn khởi kiện những trường hợp tương tự tại Tòa án cấp huyện (đi lại khó khăn. ..) nên họ thường nâng giá trị tranh chấp nên trên 50.000.000 đồng nhưng khi giải quyết vụ kiện thì số tiền được chấp nhận hoặc do chính đương sự xin rút xuống dưới 50.000.000 đồng.

3. Cần phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các Thẩm phán

Việc giải quyết và xét xử án kinh tế không chỉ đơn thuần áp dụng hợp đồng kinh tế và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế mà còn phải có một số kiến thức cơ bản về các lĩnh vực kinh tế khác. Trong quan hệ kinh tế hiện nay thường diễn ra các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá, quan hệ hợp đồng xây dựng, quan hệ hợp đồng tín dụng, quan hệ hợp đồng bảo hiểm... chính vì vậy cần thiết phải đào tạo và xây dựng một đội ngũ Thẩm phán mang tính chuyên sâu, nắm bắt được những vần đề cơ bản của pháp luật kinh tế để có đủ năng lực giải quyết các vụ án về kinh tế.

Song song với việc trên cũng cần phải có được đội ngũ lãnh đạo Tòa án cấp huyện am hiểu về pháp luật kinh tế để có thể chỉ đạo các Thẩm phán giải quyết đúng các vụ án về kinh tế, đảm bảo được niềm tin cho các nhà doanh nghiệp.

Tóm lại, chúng ta đặt vấn đề tăng cường năng lực xét xử án kinh tế cho Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng chúng ta không tạo được một đội ngũ Thẩm phán có khả năng giải quyết án kinh tế cũng như không có biện pháp hữu hiệu bằng cách tăng thẩm quyền để các Tòa án cấp huyện có thể thụ lý giải quyết án kinh tế thì đó chẳng qua cũng chỉ là mang tính hình thức và giáo điều.

4. Một số kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao năng lực xét xử án kinh tế của Tòa án cấp huyện

Trước những yêu cầu bức xúc hiện nay đối với việc nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết án kinh tế. Chúng tôi cần thấy cần mạnh dạn nêu ra một số kiến nghị cụ thể sau:

4.1. Cùng với việc tăng thêm thẩm quyền giải quyết án hình sự, dân sự cho Tòa án cấp huyện, thì việc tăng thêm thẩm quyền giải quyết các việc về kinh tế cho Tòa án cấp huyện.

Tòa án nhân cấp huyện có thể giải quyết thêm các việc về:

- Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau; giữa các thành viên trong công ty với công ty.

- Tranh chấp về việc mua bán cổ phiếu trái phiếu.

Tuy nhiên về các loại việc này cũng được khống chế về giá trị tranh chấp và không có "nhân tố nước ngoài".

4.2. Tăng thêm thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế cho Tòa án cấo huyện trên cơ sở tăng giá trị tranh chấp cần phải giải quyết với giá trị dưới 300.000.000 đồng. Đây là mức giá trị tranh chấp được khống chế để Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với những loại việc về kinh tế, kể cả những loại việc mà chúng tôi đã đề nghị tăng thêm thẩm quyền giải quyết nêu ở phần 4.2.

Theo chúng tôi mức không chế trên phù hợp với số lượng việc cũng như phù hợp với mức độ phát triển chung của nền kinh tế. Tham khảo số án được giải quyết có giá trị dưới 300.000.000 đồng tại Toà kinh tế-Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kể từ tháng 7 năm 1994 đến hết quí 1 năm 2001 đã giải quyết 76 vụ.

4.3. Về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ

Trước hết cần phải khẳng định yếu tố con người là cơ bản - chính vì vậy muốn nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện thì chúng ta không thể bỏ qua việc phải xây dựng được một đội ngũ Thẩm phán có năng lực toàn diện trên tất cả các mặt: đạo đức, tư tưởng, nhân phẩm, phong cách và có trình độ nghiệp vụ vững vàng.

Ngoài ra đối với việc nâng cao năng lực giải quyết án kinh tế chúng ta cần phải tăng cường một số vấn đề sau:

Phải bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về pháp luật kinh tế cho các Thẩm phán cấp huyện.

Phải đào tạo được đội ngũ Thẩm phán chuyên trách để giải quyết án kinh tế; có trình độ nghiệp vụ cao trên cơ sở:

+ Nâng cao trình độ nghiệp vụ giải quyết án kinh tế cho các Thẩm phán đã được bổ nhiệm bằng biện pháp bồi dưỡng những lớp học chuyên tu ngắn ngày tại địa phương hoặc nhiều địa phương có vị trí địa lý gần nhau (tỉnh hoặc liên tỉnh).

+Nâng cao chất lượng đào tạo cho các học viên đang theo học tại trung tâm đào tạo các chức tư pháp về giải quyết án kinh tế.

+ Tạo điều kiện cho các Thẩm phán ở các địa phương chưa giải quyết án kinh tế (hoặc đã giải quyết nhưng ít) được học hỏi rút kinh nghiệm ở những Toà đã giải quyết án kinh tế nhiều.

- Tòa án nhân dân tối cao cần tổng kết kinh nghiệm giải quyết án kinh tế trên cơ sở xây dựng các chuyên đề để tạo điều kiện cho các Thẩm phán có nhận thức thống nhất trong một số trường hợp cụ thể như : về thời hiệu khởi kiện , thẩm quyền xét xử , về đường lôí giải quyết hợp đồng vô hiệu , về hợp đồng mua bán theo luật thương mại …

4.4. Về cơ sở vật chất

Cần trang bị ngay cho các Thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp huyện (có trách nhiệm giải quyết án kinh tế) các loại sách về chuyên nghành pháp luật kinh tế (thực tế từ trước đến nay các Tòa án chỉ trang bị cho các Thẩm phán sách pháp luật về hình sự , dân sự ).

Cần xây dựng tại Tòa án cấp huyện tủ sách trong đó có những tài liệu văn bản pháp luật có liên quan đến một số bộ, ngành như: Ngân hàng, Bảo hiểm, xây dựng, vận tải biển....

Cần truy cập trên mạng tin học những thông tin mới nhất về các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành cũng như các văn bản đã được huỷ bỏ để tránh việc áp dụng chồng chéo hoặc áp dụng những văn bản pháp luật không còn được áp dụng.

IV. Phần kết luận

Với tinh thần của Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần IX về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia nói chung và cải cách tư pháp nói chung thì yêu cầu nâng cao năng lực xét xử đối với ngành Tòa án nhân dân là cần thiết.

Kể từ ngày 01/7/1994 đến nay, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế trong hệ thống Tòa án nhân dân các cấp đã phần nào tạo ra sự bình ổn trong sản xuất - kinh doanh tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết và sự tin cậy cho hoạt động kinh tế của giới doanh nghiệp. Song thực tế cho thấy: Khả năng tiếp nhận và giải quyết các vụ án kinh tế hiện nay của Tòa án nhân dân các cấp nói chung, đặc biệt là của Tòa án nhân dân cấp huyện còn có những hạn chế nhất định cần phải có biện pháp khắc phục.

Cùng với chủ trương cải cách nền hành chính Nhà nước, chắc chắn việc cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án nhân các cấp, một mắt xích quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước là yêu cầu bức xúc trong giai đoạn tới. Theo đó vị trí, vai trò quan trọng của Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ được tăng cường và nâng cao, đảm bảo là một cơ quan xét xử của Nhà nước, nhằm bảo vệ pháp chế XHCN ngay tại cơ sở.

Để đáp ứng với yêu cầu trên thì ngay từ bây giờ chúng ta phải tích cực, chủ động có biện pháp và cụ thể cho việc nâng cao năng lực xét xử cho các Tòa án nhân dân cấp huyện đối với tất cả các loại án, đăc biệt là án kinh tế.

Với nội dung một chuyên đề nhánh, chúng tôi hy vọng đóng góp một tiếng nói chung mục tiêu chính là: "tăng cường năng lực xét xử cho Tòa án nhân dân cấp huyện ở Việt Nam".

 

Báo cáo về Tổ CHứC Và HOạT ĐộNG

CủA TOà áN NHÂN DÂN CấP HUYệN THUộC TỉNH NGHệ AN

 

Sở Tư pháp tỉnh Nghệ an

 

I. Thực trạng tổ chức và hoạt động của các Toà án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh Nghệ an hiện nay.

1) Về tổ chức:

Hiện nay, ở Nghệ An có 19 đơn vị Toà án cấp huyện trong đó có TAND thành phố Vinh và TAND thị xã Cửa Lò, 7 huyện đồng bằng và 10 huyện miền núi (có 5 huyện miền núi cao).

Tổng số cán bộ công chức của toàn tỉnh là 164 trong đó Thành phố Vinh là 18, còn lại các huyện và thị xã Cửa Lò được bố trí ít nhất và cao nhất là 7- 12 người.

Việc phân bổ biên chế cho từng Toà án cấp huyện được căn cứ vào khối lượng công việc hàng năm và tình hình chính trị kinh tế, đặc điểm địa lý của mỗi vùng. Vì thế có những huyện miền núi như Nghĩa đàn lại được bố trí 12 người không giống như các huyện miền núi khác, hoặc thị xã Cửa Lò mặc đầu là thị xã nhưng chỉ bố trí 7 người bằng một huyện miền núi, rẻo cao.

Về cơ cấu tổ chức của từng đơn vị Toà án cấp huyện được bố trí gồm 3 bộ phận chủ yếu như sau:

- Bộ phận xét xử các loại án: Hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình... bao gồm Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán.

- Bộ phận thư ký phiên toà: Bộ phận này bao gồm các Thư ký tham gia trong các phiên toà.

- Bộ phận văn phòng: Gồm có các phần việc theo dõi thi hành án hình sự, tiếp nhận và chuyển giao hồ sơ, kế toán, văn thư, đánh máy và có hợp đồng bảo vệ, phục vụ.

2) Về chất lượng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ:

 

- Trong tổng số 164 công chức thì có 128 người tốt nghiệp Đại học, trong đó Đại học Luật 119 người, cao đẳng 2 người; Trung cấp 22 người, Trung cấp kế toán tài chính 16 người, luân huấn 7 người và 5 người sơ cấp.

- Về trình độ chính trị: Có 2 người tốt nghiệp cử nhân và cao cấp chính tri, 28 trung cấp chính trị, số còn lại là sơ cấp.

- Tổng số thẩm phán bao gồm cả Chánh án, phó Chánh án là 69, có 19 chánh án, 12 phó Chánh án số còn lại là Thẩm phán .

 

- Nguồn bổ sung cho đội ngũ Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán trong những năm trước mắt và cả trong thời gian tới đủ điều kiện để bố trí cả về số lượng và chất lượng.

3) Về hoạt động.

- Trong hoạt động xét xử: Năm 2000, 19 dẫn vị Toà án cáp huyện toàn tỉnh đã thụ lý 2.594 vụ án và giải quyết 2.331 vụ đạt tỷ lệ 89,9% bao gồm cả án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình. Bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 33 vụ trong năm. Riêng Toà án Thành phố Vinh là đơn vị có lượng án có nhiều nhất, năm 2000 giải quyết 554 vụ trên tổng số 616 vụ phải giải quyết đạt tỷ lệ 90%, bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 69 vụ trong năm. Các huyện miền núi bình quân mỗi huyện giải quyết 59/72 vụ đạt tỷ lệ 82%, bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 29 vụ trong năm. Nhìn chung, về chất lượng giải quyết án đều hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

- Đồng thời với nhiệm vụ giải quyết án là trọng tâm ở Toà án nhân cấp huyện; công tác Đảng, công tác công đoàn, đoàn thanh niên,v.v.. đều thực hiện tốt theo hướng dẫn của các cấp, các tổ chức liên quan. Hàng năm nhiều đơn vị đều được công nhận là tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, vai trò động viên bảo đảm quyền lợi cho công chức của tổ chức công đoàn cũng như vai trò xung kích, tính tiên phong của đội ngũ thanh niên trong công tác được đề cao nên những hoạt động của các tổ chức chính trị ở cơ quan góp phần tích cực để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Qua phân loại về kết quả tổ chức và hoạt động của năm 2000 thì trong tổng số 19 đơn vị Toà án cấp huyện, có 3 đơn vị đạt loại xuất sắc, 10 đơn vị đạt loại khá và 6 đơn vị đạt loại trung bình, 1 đơn vị được tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND tỉnh và 3 đơn vị được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Về cá nhân có 7 công chức được Bộ Tư pháp tặng bằng khen trong năm 2000.

II. Những tồn tại và bất cập về tổ chức các Toà án cấp huyện và những nguyên nhân của nó.

1) Về chủ quan.

- Bên cạnh những mặt mạnh là cơ bản, còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực, trình độ yếu, tinh thần trách nhiệm không cao dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, công tác quản lý cán bộ công chức còn có biểu hiện buông lỏng, nể nang, không kiên quyết và kịp thời uốn nắn những sai sót, khuyết điềm của cán bộ, công chức.

- Nguyên nhân của mặt yếu là Cấp uỷ Đảng có khi chưa thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức. Một số công chức thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện vươn lên hoặc có tư tưởng thoả mãn với trình độ năng lực hiện có. Tác động của cơ chế thị trường đến đời sống cán bộ công chức trong khi thu nhập lương của cán bộ Toà án đang còn thấp.

2) Về khách quan:

- Có đơn vị số lượng án phải giải quyết quá nhiều, địa bàn hoạt động rộng và phức tạp phần nào ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. .

 

- Những vấn đề trong tổ chức, quản lý Toà án cấp huyện về mặt tổ chức cần nghiên cứu xem xét như sau:

+ Giữa quản lý về tổ chứe và cán bộ với việc đảm bảo điều kiện hoạt động và chính sách cán bộ chưa gắn được với nhau làm ảnh hưởng đến việc quan tâm, xem xét. Cán bộ cấp Sở được phân cấp về quản lý về mặt tổ chức cán bộ nhưng lại không được phân cấp quản lý về mặt kinh phí.

+ Cần phân cấp việc quản lý kinh phí Toà án cấp huyện cho phù hợp nhằm đảm bảo kịp thời chế độ chính sách cho những cán bộ được điều động lên công tác ở miền núi và những cán bộ gặp hoàn cảnh khó khăn, rủi ro trong hoạt động và công tác.

+ Việc điều động Thẩm phán từ đơn vị này sang đơn vị khác trong ngành cần nghiên cứu để phân cấp một cách hợp lý, không để có nhiều thủ tục hành chính phiền hà.

+ Thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán, Phó Chánh án, Chánh án quá chậm về mặt thời gian không đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

+ Cần quy định cụ thể trong vấn đề phối hợp kiểm tra Toà án cấp huyện giữa Sở Tư pháp và Toà án tỉnh nhằm tạo sự chủ động và thống nhất trong việc đánh giá tổ chức và hoạt động đối với từng đơn vị Toà án các huyện, thành phố, thị xã.

Nguyên nhân của những bất cập, vướng mắc là do cơ chế của cấp có thẩm quyền quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn nên việc vận dụng, áp dụng gặp những khó khăn nhất định .

 

3) Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán cấp huyện.

Bộ Tư pháp cần có kế hoạch cụ thể để mở lớp đào tạo Thẩm phán cho đội ngũ thẩm phán. Vấn đề này, Bộ mới chỉ thực hiện đào tạo ở đội ngũ thư ký. Hàng năm cần cập nhật bồi dưỡng về ký năng nghiệp vụ cho Thẩm phán để không ngừng chuyên sâu về nghề thẩm phán đồng thời tăng cường tập huấn các văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là những văn bản pháp luật mới, những văn bản pháp luật có sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời, có tính hệ thống thì mới đảm bảo được việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ này góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Toà án nhân dân cấp huyện.

4. Thực trạng cơ sở vật chất của Toà án cấp huyện hiện nay so với nhu cầu tăng thẩm quyền sắp tới.

Hiện nay, ở Nghệ An có 19 đơn vị Toà án cấp huyện thì có 18 đơn vị có nhà làm việc cao tầng và 1 đơn vị đang làm thủ tục xây dựng trong thời gian tới. Xét về trụ sở làm việc thì các đơn vị Toà án cáp huyện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để tăng thẩm quyền xét xử trong thời gian tới. Có 1 số đơn vị cần phải tăng cường trang thiết bị nội thất bên trong như bàn, ghế, tủ, máy vi tính v,v.. mới đảm bảo tốt cho nhu cầu tăng thẩm quyền.

III. Những đề xuất, kiến nghị.

Từ những vướng mắc, bất cập như đã nêu ở trên, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đề nghị một số vấn đề sau:

- Bộ Tư pháp nên phân cấp về quản lý tổ chức cán bộ Toà án cấp huyện gắn với quản lý kinh phí thì mới tạo được điều thuận lợi trong việc quan tâm, quản lý cán bộ chặt chẽ hơn.

- Có cơ chế phân cấp quản lý kinh phí phù hợp để giải quyết kịp thời cho cán bộ được điều động lên công tác miền núi hoặc những trường hợp gặp khó khăn, rủi ro đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ.

- Cần cải cách thủ tục hành chính trong việc bồ nhiệm Thẩm phán, điều động Thẩm phán (phân cấp hợp lý) thì mới bảo đảm kịp thời cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Cần có quy định cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc phối hợp kiểm tra Toà án cấp huyện giữa Sở Tư pháp và Toà án nhân dân tỉnh.

 

Báo cáo về Tổ CHứC Và HOạT ĐộNG

CủA TOà áN NHÂN DÂN CấP HUYệN THUộC TP.Hồ chí minh

 

Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh

 

I. Thực trạng và tình hình hoạt động trong thời gian qua.

Năm 2001, Bộ Tư pháp phân bổ chỉ tiêu biến chế cho các Toà án Quận, Huyện thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là: 432 người. trong đó số lượng Thẩm phán là: 217 người, Thư ký : 143 người, chức danh khác: 72 người. Hiện nay, số lượng biên chế Tòa án quận huyện hiện có là 394 người (trong đó có l42 Thẩm phán, 218 Thư ký, 36 chúc danh khác và đang tiến hành tuyển dụng số thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức tháng 8/2001 cho các đơn vị. Tuỳ theo tình hình đơn vị mà số lượng thành viên Ban lãnh đạo được cơ cấu phù hợp (Chánh án, Quyền chánh án, Phó Chánh án). Như vậy, so với chỉ tiêu của Bộ đề ra thì còn thiếu 77 Thẩm phán số lượng này rất đáng kể vì thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng án xét xử cao nhất nước và nhất là trong điều kiện tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án cấp huyện trong thời gian tới. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ Thẩm phán và Thư ký TAND cấp huyện tương đối khá, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thẩm phán TAND quận, huyện còn là nguồn bổ sung cho đội ngũ Thẩm phán TAND thành phố (trong 3 năm gần đây đã có 16 Thẩm phán được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND thành phố).

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức của TAND quận huyện đã từng bước trưởng thành về mặt số lượng và chất lượng trong tình hình công việc gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, số lượng biên chế được phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Theo số liệu thống kê năm 2001, các TAND quận, huỵên đã thụ lý 20.781 vụ, giải quyết 19.288 vụ, trung bình một Thẩm phán phải xét xử 12 vụ/tháng, có những đơn vị lên đến 21 vụ/tháng (TAND quận Tân Bình).

Về chất lượng xét xử, có 199/19.288 vụ án bị hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. So với chỉ tiêu do Bộ Tư pháp quy định thì tỷ lệ án hủy, cải sửa này không lớn. Tuy nhiên, không thể chủ quan và thỏa mãn với kết quả trên, các Thẩm phán luôn nâng cao trình độ chuyên môn và tự hoàn thiện mình để hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong công tác xét xử nhất là sai sót về thủ tục tố tụng.

Sau khi Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 278/QĐ-STP-HC ngày 23/10/1998, hoạt động hành chính và hoạt động xét xử trong các Tòa án tùng bước được chấn chỉnh và đi vào nề nếp tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo đơn vị. Từ năm 1998, TAND quận, huyện tiến hành thí điểm thành lập bộ phận Văn phòng nhằm giải quyết phần lớn công việc mang tính chất tác nghiệp hành chính tư pháp. Thực tiễn cho thấy bộ phận này bước đầu đem lai hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xét xứ.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay để Văn phòng Tòa án làm việc có hiệu quả cần phải có số lượng biên chế phù hợp với các chức danh cụ thể như: kế toán, thủ quỹ, văn thư lưu trữ, thủ kho, bảo vệ, tạp vụ, đánh máy ..., thực hiện một số nhiệm vụ phục vụ cho hoạt động xét xử.

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là gần đây nổi lên tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo khá gay gắt đối với các Thẩm phán, Thư ký ở một số Tòa án. Ví dụ : Phó Chánh án Nguyễn Thị Thu Hương, Kế toán Phùng Thị Dung TAND quận Thủ Đức ; Thư ký Bùi Thanh Tùng TAND quận 11 ; Thâm phán Vũ Thị Hòa TAND quận 1 ...

 

Vấn đề này không những làm cho các cán bộ công chức không an tâm trong công tác, mà dư luận quần chúng còn lo ngại về tính khách quan trong hoạt động xét xử của Tòa án. Khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, Sở Tư pháp đều khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh và có kết luận cụ thể. Đối với các trường hợp sai phạm thì có biện pháp xử lý phù hợp.

II. Những tồn tại, bất cập về tổ chức TAND cấp huyện và những nguyên nhân của nó.

1. Về qui trình đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND quận, huyện:

Theo quy định của pháp luật, quy trình bổ nhiệm Thẩm phán bao gồm nhiều bước, thủ tục chặt chẽ. Trong thời gian qua việc bổ nhiệm có khi kéo dài đến 10 - 12 tháng mới hoàn tất hồ sơ để trình Hội đồng tuyển chọn (kể cả thời gian thẩm tra lý lịch). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý của Sở trong việc bổ sung nguồn Thẩm phán nhằm đáp ứng kịp thời công tác xét xử hiện nay.

2. Thủ tục điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, nhất là đối với Thẩm phán rất khó khăn (phải có sự thống nhất của đơn vị có cán bộ đi và đến, có ý kiến đồng ý của cấp uỷ địa phương của hai đơn vị này, sau đó Sở Tư pháp và TAND tỉnh thống nhất trình Bộ Tư pháp. Tâm lý chung của cán bộ thường là không muốn thay đổi môi trường công tác; các đơn vị và cấp ủy địa phương muốn giữ cán bộ cho đơn vị mình.

3. Từ trước đến nay, hầu như chúng ta chỉ quan tâm đến hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án, còn các hoạt động hành chính chưa được quan tâm đúng mức, đây là một mảng công tác hết sức quan trọng không: thể thịếu được trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nó phục vụ đắc Iực cho việc hoàn thành nhiệm vụ xét xử của Tòa án. Thế nhưng đến nay, Tòa án nhân dân quận, huyện chưa có một mô hình tổ chức thống nhất. Đối với thành phố lớn các đơn vị TAND quận, huyện cần có một mô hình tổ chức phù hợp không thể giống như Tòa án cấp huyện ở những địa phương khác với số lượng án xét xử một năm khoảng vài chục bản án, thậm chí chỉ có vài bản án.

 

4. Nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán cấp huyện.

Hiện nay, Thẩm phán TAND địa phương có trình độ chuyên môn Thạc sĩ Luật : 06 ; Đại học Luật: 130; Trung cấp Luật: 01 ; Luân huấn : 01 ; đang học Đại học Luật: 02. Thư ký có trình độ Đại học Luật : 205; đang học Đại học luật: 10 ; chưa có trình độ Đại học: 03.

Nhiều năm qua, Sở Tư pháp đã cử 21 thư ký học lớp đào tạo Thẩm phán tại Hà Nội. Hàng tháng, TAND thành phố đều tổ chức họp chuyên đề nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác xét xử, phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động xét xử. Trong thời gian qua, Sở Tư pháp có mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân về Bộ luật Hình sự 1999, Luật Hôn nhân và gia đình 2001 ...

 

Nhìn chung, Thẩm phán Tòa án đạt yêu cầu về trình độ nghiệp vụ. Tuy nhiên, trước tình hình mới, công tác xét xử đòi hỏi Thẩm phán không những có trình độ chuyên môn mà còn có nhận thức về chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội, khoa học kỹ thuật, về lĩnh vực này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho Thẩm phán và Thư ký đương nhiệm tại các tỉnh phía nam. Trao đối với quận, huyện ủy để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân quận, huyện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

5/ Về thực trạng cơ sở vật chất của Tòa án quận, huyện

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng án giải quyết nhiều nhất trong cả nước. Điều này đòi hỏi cơ sở vật chất của các Tòa án phải được quan tâm đúng mức. Vừa qua, kinh phí hoạt động cấp cho các Tòa án không đủ phục vụ công tác, đối với Thành phố có số lượng án nhiều, cách tính bình quân theo đầu người như hiện nay là chưa hợp lý, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trụ sở cơ quan Tòa án không thể xem như trụ sở của các cơ quan chuyên môn của địa phương bởi cơ quan Tòa án là nơi thực thi quyền lực Nhà nước đồng thời hoạt động xét xử lại có đặc thù riêng cần có trụ sở làm việc phù hợp (ví dụ: cần một số phòng có diện tích lớn để làm phòng xử án, các Thẩm phán phải có phòng làm việc riêng, diện tích phù hợp để thực hiện công tác lấy lời khai và hòa giải, đảm bảo chế độ bảo mật trong hoạt động xét xử, thêm các phòng để đảm bảo hoạt động tố tụng như: phòng nghị án, phòng dành cho Kiểm sát viên, Luật sư, Công an, Bị can, Bị cáo v.v...). Hiện nay, cơ sở vật chất của Tòa án quận huyện nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, từng bước cần được khắc phục và củng cố. Trên địa bàn Thành phố có 10 đơn vị đã được xây dựng trụ sở tương đối ổn định là : Tòa án quận 1, quận 5, quận 6, quận 10, quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn. Tòa án quận Tân Bình, quận 9 đang thi công. Một số đơn vị khác Bộ Tư pháp đã có kế hoạch cấp vốn xây dựng như Tòa án quận 7, quận 8, nhưng 2 Tòa án này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ủy ban nhân dân quận chưa có phương án đền bù giải tỏa nên chưa thể đầu tư xây dựng. Tòa án quận 4 chưa xác định vị trí đất để xây dựng trụ sở nên Bộ Tư pháp chưa có kế hoạch cấp vốn đầu tư . Toà án quận 2, quận 11, quận 12, huyện Nhà bè cần được quan tâm để có kế hoạch xây dựng trụ sở. Đặc biệt trụ sở Tòa án quận 12, quận 7 còn đóng trong khuôn viên ủy ban nhân dân quận, hội trường xét xử là căn phòng rất nhỏ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quận 3 là một quận trung tâm của thành phố, thế nhưng trụ sở cơ quan Tòa án quá chật hẹp chỉ có 2 phòng xử án, trong đó có 01 phòng khoảng 6m2, không có phòng nghị án. phòng giữ phạm nhân, nơi làm việc của cán bộ công chức rất chật chội. Còn Tòa án quận 8 thì nằm trong kế hoạch quy hoạch giải tỏa của Thành phố.

Về phương tiện làm việc: Hiện tại của các đơn vị còn thiếu thốn ít nhiều có ảnh hưởng đến kết quả công tác ví dụ như tủ, kệ bảo quản hồ sơ, bàn ghế làm việc hư hỏng nhiều, trang thiết bị cho phòng xử, máy vi tính.v.v....

III. Một số biện pháp nhằm củng cố, tăng cường chất lượng đội ngũ Thẩm phán và cơ sở vật chất của các Tòa án nhân dân quận, huyện.

Để thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm hình sự ở Tòa án cấp huyện đối với các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù, theo số liệu thống kê thì số lượng án ở cấp quận, huyện sẽ tặng thêm khoảng trên 2000 vụ. Các vụ án có tính chất phức tạp hơn, số lượng bị cáo và người tham gia tố tụng nhiều hơn vì vậy cần phải quan tâm đến cơ sở vật chất, củng cố về mặt tổ chức đối với Tòa án quận huyện. Để chuẩn bị cho các TAND quận huyện nhận nhiệm vụ mới, Sở Tư pháp đã trao đổi thống nhất với Tòa án nhân dân Thành phố về kế hoạch kiện toàn tổ chức, nhân sự Tòa án nhân dân quận huyện như sau:

1. Bổ sung Thẩm phán cho Tòa án quận, huyện từ nhiều nguồn khác nhau.

+ Rà soát lại đội ngũ Thư ký nghiệp vụ hiện có của Tòa án nhân dân quận, huyện để có kế hoạch đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán. Năm 2001, dự kiến bổ nhiệm mới thêm khoảng 40 Thẩm phán từ Thư ký của các Tòa, hiện đã đề nghị bổ nhiệm 28 Thẩm phán mới và đã gửi Ban bảo vệ chính trí nội bộ Thành ủy đề nghị thẩm tra lý lịch thêm 22 trường hợp.

+ Xem xét một số trường hợp cán bộ là Kiểm sát viên, Chấp hành viên v.v.. của cấp quận huyện và Thành phố, chọn một số Thư ký nghiệp vụ của Tòa án nhân dân Thành phố có đủ điều kiện để đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quận huyện.

+ Điều động thuyên chuyển Thẩm phán từ các đơn vị có đội ngũ Thẩm phán nhiều bổ sung cho một số đơn vị có số lượng Thẩm phán ít như Toà án Tân Bình, quận 7, quận 8 v.v...

2. Kiện toàn ban lãnh đạo bổ sung Chánh án, Phó Chánh án cho một số đơn vị như Tòa án nhân dân quận 11, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Chuẩn bị cán bộ thay thế ở các đơn vị có Chánh án, Phó Chánh án sắp đến tuổi nghỉ hưu .

 

3. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.

Phối hợp với TAND Thành phố bồi dưỡng công tác văn phòng cho cán bộ chuyên trách. Trao đổi với cấp ủy địa phương về việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho các Thẩm phán và Thư ký nghiệp vụ.

4. Bổ sung đủ số lượng biên chế đã được Bộ Tư pháp phân bổ.

Trong tháng 8/2001 Sở Tư pháp đã tổ chức thi tuyển công chức để bổ sung đủ số lượng biên chế cho các Tòa án quận. huyện .

5.Về tổ chức bộ máy:

+ Xây dựng mô hình tổ chức TAND quận huyện và các chức danh phù hợp với đặc thù công tác

+ Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có sự quan tâm đối với TAND quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh: Bổ sung thêm 32 biên chế, cấp kinh phí xây dụng trụ sở làm việc. Tuy nhiên, số lượng biên chế này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác, vì vậy Sở Tư pháp đề nghị năm 2002 được bố sung thêm từ 30 đến 40 biên chế.

+ Tiêu chí để cấp kinh phí hoạt động cho các Tòa án quận, huyện như hiện nay là chưa phù hợp, vì việc phân bổ biên chế hiện nay chưa hợp lý. Nên lấy cơ sở khối lượng công việc, địa bàn công tác để cấp kinh phí.

+ Bổ sung kinh phí mua sắm phương tiện làm việc như: mỗi tòa nên có từ 3 đến 8 máy vi tính (tuỳ từng đơn vị ), trang thiết bị cho phù hợp, mua sắm tủ, kệ để đảm bảo tốt công tác lưu trữ hồ sơ v.v...

+ Phân cấp công tác, điều động, bố trí, sắp xếp (kể cả Thẩm phán) và tuyển dụng cán bộ cho Giám đốc Sở.

+ Hướng dẫn công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đối với TAND quận, huyện

6. Tăng cường sự lãnh đạo của các quận ủy, huyện ủy đối với các mặt công tác của TAND quận huyện.

7. Tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, giữ nghiêm kỷ cương hành chính.

8. Sở Tư pháp sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo của TAND quận, huyện

 

 

Báo cáo về Tổ CHứC Và HOạT ĐộNG

CủA TOà áN NHÂN DÂN CấP HUYệN THUộC TỉNH Hà Tĩnh

 

Sở Tư pháp tỉnh Hà tĩnh

 

 

I- THựC TRạNG Tổ CHứC Và HOạT ĐộNG CủA TAND CấP HUYệN THUộC TỉNH Hà TĩNH.

Hà tĩnh có 11 đơn vị TAND cấp huyện trong đó có 2 thị xã, 4 huyện miền núi, 5 huyện vừa miền núi, đồng bằng giáp biển).

a. Tổng số Thẩm phán có: 33 Thẩm phán được phân bổ: Huyện ít nhất có 2 Thẩm phán, nhiều nhất có 4 Thẩm phán.

- Trong số 33 Thẩm phán có:

+ Chánh án: 9

+ Quyền Chánh án: 1

+ Phó Chánh án: . 5

b. Tình hình chung về cán bộ, công chức:

- Tổng số cán bộ công chức là 91, trong đó :

+ Cử nhân Luật: 47

+ Trung cấp Luật, Toà án: 11

+ Luân huấn: 8

+ Trung, sơ cấp khác: 17

+ Chưa văn bằng, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ: 8 (trong số này có 5 đang học Đại học Luật tại chức, 2 đang học Trung cấp Luật tại Hà Tĩnh, chủ yếu làm công tác bảo vệ cơ quan).

c) Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán.

- Trong số 33 Thẩm phán có:

+ Cử nhân Luật: 23 người

+ Luân huấn: 7 người

+ Trung cấp Toà án và luân huấn: 3 người

II. NHũNG TồN TạI Về Tổ CHứC và NGUYÊN NHÂN

1) Những tồn tại:

- Một số đơn vị về tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, ổn định.

- 2 đơn vị chưa có Chánh án

- 5 đơn vị chưa có Phó Chánh án

- 3 đơn vị mới có 2 Thẩm phán

- Gần 25% Thẩm phán còn thiếu về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ so với yêu cầu của Pháp lệnh về thẩm phán và Hội thẩm TAND.

Nguồn cán bộ để bổ sung cho đội ngũ Thẩm phán, các chức danh lãnh đạo ở một số đơn vị còn khó khăn.

2. Nguyên nhân.

- Do lịch sử để lại, một số Thẩm phán, Chánh án tuổi đã cao, điều kiện để tham gia các lớp đào tạo cử nhân luật khó khăn.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đặc biệt là khâu bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ Thẩm phán, Thư ký kế cận của Bộ triển khai chưa kịp so với yêu cầu trước khi Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND được ban hành.

Xuất phát điểm về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số Thẩm phán, cán bộ khi trở thành cán bộ, công chức ngành Toà án còn thấp (chủ yếu là bộ đội, TNXP, các ngành khác chuyển sang trước đây).

3. Những yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán.

- Từ những thực trạng nêu trên, cần phải đào tạo lại, chuyên sâu nghiệp vụ xét xử các loại án cho các Thẩm phán đương nhiệm. Bộ Tư pháp cần có kế hoạch để hàng năm số Thẩm phán này thay nhau dự các lớp đào tạo.

- Tiếp tục có kế hoạch, chỉ tiêu cho các cán bộ là Thư ký có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi đào tạo tại trường đào tạo các chức danh tư pháp, tạo nguồn bổ sung Thẩm phán xét xử. Số lượng đào tạo hàng năm phải được tăng thêm, hiện nay còn quá ít.

II. THựC TRạNG Về CƠ Sở VậT CHấT CủA CáC TAND HUYệN Đối chiếu với YÊU CầU KHI TĂNG THẩM QUYềN XéT Xử.

1. Thực trạng:

- Hiện nay, có 9/11 Toà án cấp huyện đã được xây dựng trụ sở làm việc.

- Có 100% các đơn vị đã được cấp phương tiện đi lại làm việc (xe máy). Tuy rằng cho đến nay một số đơn vị được cấp trước cho đến nay đã đến thời hạn thanh lý.

- Trụ sở một số TAND xây dựng trước đây đã hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa.

- Một số đơn vị đã được cấp máy vi tính.

2- Yêu cầu khi tăng thẩm quyền xét xử.

- Cần tập trung kinh phí để 2 đơn vị chưa có trụ sở được xây dựng và đưa vào hoạt động vào năm 2002.

- Cải tạo, nâng cấp, mở rộng diện tích trú sở, hội trường xét xử của TAND các huyện, thị xã đã được xây dựng trước đây cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

- Tăng cường, bổ sung kịp thời phương tiện làm việc như: xe máy, máy vi tính, máy phôtôcopy...

- Tăng kinh phí cho hoạt động xét xử để các TAND tổ chức được nhiều phiên toà lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Tiếp tục nghiên cứu để có chính sách thoả đáng cho Thẩm phán, Thư ký Toà án.

III. ý KIếN Đề XUấT, Kiến NGHị

- Cần tăng cường kịp thời việc đào tạo lại, bổ túc thêm về chuyên sâu nghiệp vụ xét xử các loại án cho đội ngũ Thẩm phán đương nhiệm.

- Cấp trên cần có giải pháp và phương án giải quyết đối với: .

 

+ Những Thẩm phán sắp tới khi hết nhiệm kỳ không đủ tiêu chuẩn điều kiện (về bằng cấp chuyên môn) để xem xét đề nghị bổ nhiệm lại (đa số hiện nay là Chánh án, Phó chánh án).

+ Tăng biên chế cán bộ TAND cấp huyện cho Hà Tĩnh, trước hết là các đơn vị: TAND huyện Vũ Quang mới được thành lập, hiện nay mới có 6 cán bộ.

- Các Toà án khác cũng thuộc miền núi, địa hình phức tạp như huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh cũng cần được tăng thêm biên chế để đảm bảo thực hiện tốt công tác xét xử.

 

File đính kèm downloadTải về