• Thuộc tính
Tên đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng Luật tiếp cận thông tin
Nội dung tóm tắt

Quyền tiếp cận thông tin chính là điều kiện tiên quyết để  bảo đảm thực hiện các quyền con người và quyền công dân. Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin đối với Việt Nam hiện nay là cần thiết và cấp bách. Trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, quyền tiếp cận thông tin đã và đang trở thành một quyền cơ bản và là một trong những quyền quan trọng nhất của con người và công dân.

   Quyền tiếp cận thông tin (Right to acces to information) là một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, bảo đảm quyền được thông tin là một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng một thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền. Trong bối cảnh đất nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thông tin trở thành một yêu cầu vô cùng cần thiết trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội và an sinh xã hội, nâng cao dân trí, xây dựng nhà nước và hoàn thiện pháp luật để phát huy rộng rãi sự tham gia của người dân vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giám sát công quyền, tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng và chống tham nhũng, lãng phí, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước. Quyền tiếp cận thông tin cũng bảo đảm mỗi cá nhân thực hiện các quyền khác tốt hơn và bảo vệ các lợi ích hợp pháp của họ. Phương châm các công việc quan trọng của Nhà nước “dân biết, dân bàn, dân làm, dân  kiểm tra” theo tư duy lôgic của một chuyên gia về luật tiếp cận thông tin có thể diễn đạt như sau: “dân biết nhờ có thông tin, dân bàn nhờ có thông tin, dân làm nhờ có thông tin, dân kiểm tra nhờ có thông tin”. Nói  cách khác thông tin là tất cả, là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền con người và công dân. Thông tin là "ô xy" của nền dân chủ, nếu thông tin không được bảo đảm, thông tin sai lệch hoặc bưng bít thông tin, quyền làm chủ của Nhân dân khó có thể thực hiện được.

Ở Việt Nam, quyền được thông tin đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và nhiều văn bản pháp luật khác, tuy nhiên cho đến nay, Nhà nước ta vẫn chưa có đạo luật riêng quy định về quyền này. Quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay được thể hiện rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Báo chí năm 1989, Luật Xuất bản năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Đặc biệt trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định những nội dung phải công khai để Nhân dân biết, Nhân dân bàn và quyết định; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung Nhân dân giám sát, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, của cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan.

  Những quy định trên đây về việc tiếp cận thông tin của công dân và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước về cung cấp thông tin trong một số lĩnh vực và phạm vi địa bàn áp dụng cũng đã khá rõ, tuy nhiên việc thực hiện các quy định nói trên còn rất hạn chế vì trong tất cả các văn bản pháp luật nói trên hầu như rất ít chế tài quy định về vấn đề xử phạt việc không cung cấp thông tin và những quy định nói trên nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau và thiếu tính hệ thống nên vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để bảo đảm cho công dân được thực hiện một cách đầy đủ quyền tiếp cận thông tin.

Nhận thức được tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin trong việc phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tính công khai minh bạch và hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành TW Đảng (Khoá X) tháng 8-2006 đã chỉ rõ: xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai và  nghiên cứu ban hành Luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Đây là chủ trương quan trọng của Đảng, là định hướng quan trọng cho việc bảo đảm thực tế quyền được thông tin ở nước ta, góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam.

  Thực hiện Nghị quyết của Đảng, việc nghiên cứu Đề tài "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng Luật Tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết". Đề tài đáp ứng yêu cầu về mặt lý luận cũng như thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.    

Mục đích nghiên cứu của Đề tài là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay phục vụ việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên đây, Đề tài xác định nhiệm vụ của mình là phân tích được nội dung cơ bản của các quy định của pháp luật Việt Nam về tiếp cận thông tin, chỉ ra được những thành tựu đã đạt được và những bất cập hạn chế của pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin cũng như những hạn chế  trong cơ chế bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay. Đề tài phải nghiên cứu, khảo sát các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và một số nước trên thế giới về Luật Tiếp cận thông tin của một số quốc gia đã ban hành luật này. Khi phân tích các Luật Tiếp cận thông tin và các công trình nghiên cứu về Luật Tiếp cận thông tin của các quốc gia trên thế giới. Đề tài phải lý giải được vì sao gần 90 quốc gia trên thế giới, hầu hết các nước trong đó có nền kinh tế phát triển đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Lý giải được tính cấp thiết của việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin của các quốc gia đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Từ đó lý giải tính cấp thiết của việc hoàn thiện pháp luật tiếp cận thông tinở Việt Nam, đặc biệt là tính cấp thiết của việc ban hành một đạo luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay làm công cụ đắc lực cho việc xây dựng một xã hội dân chủ, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

Chương I

CƠ SỞ LÝ LUẬN PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN THÔNG TIN

1.1. Khái niệm quyền tiếp cận thông tin và pháp luật về tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin (Right to access to information) hay quyền được thông tin không phải là khái niệm mới. Khái niệm này đã được ghi nhận rất sớm trong văn kiện pháp lý của nhiều quốc gia cùng với sự phát triển của các quyền khác của con người. Đạo luật về Tự do báo chí của Thụy Điển được ban hành vào năm 1766 đã trao cho người dân quyền  được yêu cầu tiếp cận văn bản/hồ sơ của các cơ quan chính phủ. Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789 cũng như Tuyên ngôn của Hà Lan năm 1795 cũng đã xác lập nguyên tắc bảo đảm khả năng tiếp cận các thông tin từ các cơ quan công quyền hoặc các công chức phải báo cáo các công việc của mình. Đặc biệt, sau khi Liên Hợp quốc ra đời năm 1945 và việc ghi nhận quyền tiếp cận thông tin như là một trong số các quyền và tự do cơ bản của cá nhân trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, quyền tiếp cận thông tin đã trở thành mối quan tâm trên bình diện quốc tế và ngày càng được các quốc gia quan tâm nhiều hơn. Kể từ thời điểm đó trở đi, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực. Chẳng hạn như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Công ước Nhân quyền Châu Âu (ECHR), Công ước Nhân quyền Châu Mỹ (ACHR), Chương trình Hành động Chống tham nhũng dành cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được ký kết vào ngày 30/11/2001 ở Tokyo (Nhật Bản) cũng xác định việc bảo đảm cho công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng phù hợp với pháp luật trong nước. Ở cấp độ quốc gia, hiện nay, gần 90 quốc gia ban hành luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin công dưới những tên gọi khác nhau như Luật về Tự do thông tin, Luật Tiếp cận thông tin...

Trong quá trình phát triển của quyền tiếp cận thông tin, nội dung của nó đã có sự phát triển ngày càng rộng hơn. Trong các văn kiện pháp lý đầu tiên về quyền con người, quyền tiếp cận thông tin được xem là một nội dung thuộc khái niệm quyền tự do ngôn luận (Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948). Trong báo cáo năm 1998 và 2000 của mình, Đặc phái viên của Liên Hợp quốc về Tự do ý kiến và ngôn luận khẳng định rằng, quyền tiếp cận thông tin là một quyền con người độc lập nằm trong ngoại diên của tự do ngôn luận được các văn kiện quốc tế về quyền con người bảo hộ. Tinh thần của quyền tiếp cận thông tin chính là sự công khai hóa tối đa hoạt động của các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước đối với công chúng cũng như đối với từng người dân. Về bản chất, quyền tiếp cận thông tin là một trong những nội dung của mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và cá nhân (mà trước tiên là công dân của Nhà nước đó), theo đó cá nhân có quyền tiếp cận tới thông tin dưới các hình thức khác nhau mà Nhà nước đang nắm giữ và Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo đảm cho sự tiếp cận này.

Cùng với sự phát triển của nền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin trở thành một quyền độc lập với nội hàm rộng hơn mà nền tảng của nó là quyền được biết sự thật và đòi hỏi phải có tự do thông tin. Vì vậy, nội dung của quyền tiếp cận thông tin không đơn giản chỉ là quyền của người dân mà còn phản ánh nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm cho công dân có được các thông tin sự thật về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị xã hội và các lĩnh vực khác của đời sống. Những thông tin này là những thông tin được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt Nhân dân lưu giữ với quan niệm “các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng”.[1] Do đó, các cơ quan phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận các thông tin này… Với ý nghĩa đó, khi nói đến nội dung của quyền tiếp cận thông tin, có hai nội dung cần phải được giải quyết. Một là, thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin; và Hai là những thông tin nào sẽ được tiếp cận.

a) Thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin theo quan niệm của đa số các luật gia ngày nay bao gồm quyền tự do tìm kiếm thông tin, thu thập thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin.

Tìm kiếm, thu thập thông tin

Quyền tìm kiếm, thu thập thông tin được hiểu là chủ thể của quyền tiếp cận thông tin có quyền xem các tác phẩm, hồ sơ, tài liệu chứa đựng các thông tin được các cơ quan công quyền quản lý hoặc kiểm soát; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các thông tin đó dưới các hình thức khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau; có quyền có các bản sao có chứng thực các tài liệu chứa đựng các thông tin; và thu thập thông tin bằng việc sao chép các thông tin đó vào các thiết bị điện tử hoặc bằng việc in các tài liệu đó trực tiếp từ những nơi lưu giữ chúng. bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác.

Yêu cầu cung cấp thông tin

Cùng với quyền tìm kiếm, thu thập thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin còn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý hoặc kiểm soát thông tin cung cấp thông tin cho mình. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin được xem là một trong những điều kiện để bảo đảm cho việc tìm kiếm thu thập thông tin.

Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của người dân đòi hỏi một nghĩa vụ tương ứng từ phía các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin. Đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng các loại thông tin cần thiết liên quan đến lợi ích của cộng đồng phải luôn sẵn sàng cho việc tiếp cận.

b) Những thông tin nào có thể được tiếp cận?

Quan niệm cho rằng các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân cơ quan đó mà là cho lợi ích công cộng, nhằm bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội. Vì thế, về mặt nguyên tắc, tất cả những thông tin liên quan đến lợi ích công cộng là có thể tiếp cận được, gồm có: thông tin về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội...; về các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh; về các quyền và sự tự do của công dân. Tuy nhiên, tự do thông tin không có nghĩa là tất cả các tin tức của nhà nước đang nắm giữ sẽ công khai hết, và cá nhân, công dân được tự do tìm kiếm, thu thập và yêu cầu cung cấp bất kỳ thông tin nào được lưu giữ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sẽ có những thông tin liên quan đến lợi ích của cộng đồng nhưng không thể được tiếp cận bởi bất kỳ một cá nhân nào, như: thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng, đến hệ thống phòng thủ của quốc gia... Tuy nhiên, có những thông tin ở thời điểm này không thể tiếp cận được nhưng lại có thể tiếp cận ở thời điểm khác[2].

Ngày nay, quyền tiếp cận thông tin đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần được bảo đảm. Nói cách khác, công dân có quyền tiếp cận đối với thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật, chính sách cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền liên quan đến đời sống xã hội. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được xem là nhân tố then chốt trong hoạt động quản lý của Nhà nước đối với đời sống xã hội được vận hành theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Xét một cách tổng quát, theo nhóm nghiên cứu, quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin là khái niệm được sử dụng để nói đến quyền của cá nhân được biết thông tin của Nhà nước, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

Từ khái niệm quyền tiếp cận thông tin trên đây chúng ta có thể suy ra pháp luật về quyền tiếp cận thông tin là hệ thống các quy phạm pháp luật bảo đảm cho cho cá nhân thực hiện quyền tiếp cận thông tin như một quyền cơ bản của con người và công dân.

1.2. Tầm quan trọng của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với mỗi quốc gia

 Ngày nay, hầu khắp các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều có chung một nhận thức: tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người. Thực hiện được quyền này là điều kiện cần thiết để các cá nhân có thể bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, ngăn ngừa và chống lại các hành vi lạm dụng quyền lực, thúc đẩy dân chủ hoá và minh bạch hoá quá trình hoạch định chính sách và ban hành pháp luật, thực thi pháp luật, củng cố lòng tin và tăng cường sự ủng hộ của dân chúng đối với các chủ trương và chính sách của chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Sự chuyển đổi sang cơ chế dân chủ tại nhiều quốc gia, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin cũng làm cho quyền đối với thông tin ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi công dân. Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện và khuyến khích các thành viên của cộng đồng kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng bằng nhiều phương pháp khác nhau như giám sát hoạt động của các nhà lãnh đạo và khuyến khích công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định. Thông tin như một nền tảng thiết yếu của nền dân chủ ở mọi cấp độ. Công khai cùng với bầu cử và tự do báo chí là cần thiết bảo đảm xã hội mở và dân chủ.

Quyền đối với thông tin cũng là một công cụ mấu chốt trong việc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi sai trái của chính quyền. Các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ làm nhiệm vụ giám sát có thể sử dụng quyền này để vạch trần các hành vi sai trái nhằm loại bỏ nó. Quyền tiếp cận thông tin cũng đáp ứng các mục tiêu xã hội quan trọng khác, chẳng hạn quyền của cá nhân tiếp cận thông tin cá nhân của mình là một phần nhân phẩm của cá nhân đó và là mấu chốt để cá nhân đưa ra quyết định hiệu quả. Ví dụ, khả năng tiếp cận thông tin bệnh lý cá nhân có thể giúp cá nhân đó đưa ra quyết định về phương thức điều trị, lên các kế hoạch tài chính…

 Một khía cạnh khác của quyền đối với thông tin thường được phản ánh là việc sử dụng quyền này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Các cơ quan công quyền nắm giữ một khối lượng lớn các thông tin trong tất cả các lĩnh vực, nhiều loại trong số đó liên quan tới các vấn đề kinh tế và chúng có thể là rất hữu ích cho các doanh nhân.

 Nhìn nhận một cách tổng quát, quyền tiếp cận thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tăng cường thực hiện và thực hiện tốt, thực hiện một cách công bằng các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân từ quyền bầu cử, quyền chất vấn, biểu quyết, tham gia đóng góp ý kiến, khiếu nại tố cáo đến quyền yêu cầu bồi thường do hành vi sai trái của cơ quan công quyền, quyền tự do kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn, quyền học tập và lao động, quyền được sống trong môi trường trong sạch, tiếp cận với các dịch vụ y tế…Thông tin công là tài sản công và chính sách cung cấp thông tin công phải hình thành trên cơ sở phi lợi nhuận. Quá trình tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng, thực thi luật pháp và củng cố nhà nước pháp quyền. 

  Tự do thông tin cũng có lợi ích hàn gắn vết thương quá khứ. Tại nhiều quốc gia trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, Luật Tự do thông tin cho phép các chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ và cho phép xã hội cũng như các nạn nhân và gia đình của họ, những người từng bị lạm dụng và thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ.    

 Có thể nói, nhận thức tầm quan trọng của tiếp cận thông tin không chỉ là từ phía công chúng, các nhóm xã hội mà còn từ phía Chính phủ. Sự cần thiết của quyền tiếp cận thông tin cho các mục tiêu dân chủ, chống tham nhũng, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của cá nhân, từng lớp xã hội cũng như coi nó là một nguồn lực xã hội cần tiếp cận và khai thác bình đẳng để giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Xây dựng một Chính phủ điện tử trở thành một nhu cầu thiết yếu trong việc quản lý và điều hành nhanh và có hiệu quả, vì vậy tự do thông tin được nhiều lãnh đạo quốc gia đánh giá như là nhu cầu tự thân. Một số yếu tố khác như nhu cầu hiểu đúng và thực thi các chính sách của Nhà nước từ phía công chúng, nhu cầu cân bằng lợi ích các nhóm xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội và tạo điều kiện cơ chế giám sát từ bên trong có hiệu quả… cũng thúc đẩy Chính phủ nhiều nước nhận thức về quyền tự do thông tin. Nếu quyền này được áp dụng một cách hệ thống với sự quan tâm thích đáng nhằm cân bằng các nhóm lợi ích khác nhau thì quyền này có thể làm thu hẹp việc bất đồng quan điểm, tăng cường tính hiệu quả của các chính sách được ban hành cũng như nâng cao lòng tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị.

1.3. Nội dung cơ bản của pháp luật tiếp cận thông tin

Về tổng thể pháp luật tiếp cận thông tin của mỗi nước được cấu thành bởi một số nội dung cơ bản:

- Phạm vi cung cấp thông tin/giới hạn thông tin;

- Các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;

- Các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin;

- Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin;

- Nội dung quyền tiếp cận thông tin;

- Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin;

-  Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện quyền tiếp cận thông tin.

1.3.1. Phạm vi cung cấp thông tin

   Phạm vi cung cấp thông tin là giới hạn những thông tin mà các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin phải cung cấp. Theo nguyên tắc số 2 và số 5 của Bộ nguyên tắc về Luật tự do thông tin và quyền được thông tin của Uỷ ban nhân quyền, Liên Hợp quốc[3], các cơ quan công quyền có trách nhiệm chủ động cung cấp, phổ biến đối với các loại thông tin chủ chốt cần cho công chúng biết một cách rộng rãi và có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu đối  với loại thông tin cụ thể.

Thể chế hoá các nguyên tắc nói trên, trong các Luật về tiếp cận thông tin của phần lớn các quốc gia đã ban hành đều quy định những loại thông tin chủ chốt sau đây cần được phổ biến công khai và  cung cấp rộng rãi cho công chúng:

  • Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, cơ cấu của cơ quan, tổ chức công quyền;
  • Thông tin về  ngân sách gồm mục tiêu ngân sách, chi tiêu ngân sách, thông tin kiểm toán, kết quả đạt được trong hoạt động  của cơ quan công quyền;
  • Thông tin hướng dẫn thủ tục, quy trình sử dụng dịch vụ công do cơ quan công quyền cung cấp hoặc quy trình tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
  • Thông tin về Nghị viện: những thảo luận trong các phiên họp, những chính sách mà Nghị viện phê duyệt;
  • Thông tin về quy hoạch đô thị, nông thôn, về các công trình quốc gia, về  chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường…;
  • Thông tin về dự báo thời tiết, dịch bệnh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

  Phạm vi quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Nhìn chung phạm vi của quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật theo hai cách chính:

 * Cách thứ nhất, Luật liệt kê một loạt các loại thông tin cơ quan công quyền có trách nhiệm phải công bố trong thời hạn luật định và sau đó là những thông tin miễn trừ tiết lộ. Những nước theo cách này như Ấn Độ, Nga, Trung Quốc…

* Cách thứ hai, Luật xác định và liệt kê những loại thông tin không công khai, hạn chế, miễn trừ tiếp cận.

1.3.2. Các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

a) Nguyên tắc mở thông tin một cách tối đa

Theo Toby Mendel, chuyên gia cao cấp của Liên Hợp quốc về Luật Tiếp cận thông tin, khi xây dựng Luật về tiếp cận thông tin/tự do thông tin, nhà làm luật cần tiếp cận theo nguyên tắc thông tin phải được công khai tối đa. Nguyên tắc này cần được thể hiện trong Luật Tiếp cận thông tin của mỗi quốc gia. Nguyên tắc mở thông tin một cách tối đa nghĩa là thông tin cần được cung cấp theo khả năng cao nhất có thể cung cấp.

b) Nguyên tắc các cơ quan công quyền có nghĩa vụ công bố thông tin

   Nội hàm của nghĩa vụ công bố thông tin tập trung ở trách nhiệm của các cơ quan nhà nước công khai một cách rộng rãi, dễ truy cập, tiếp cận, nắm bắt các thông tin về chức năng, nhiệm vụ của mình. Luật mẫu về tự do thông tin do nhóm Article 19 của Liên Hợp quốc chuẩn bị để trợ giúp các quốc gia triển khai xây dựng Luật Tiếp cận thông tin đã dành hẳn một điều riêng về trách nhiệm công bố thông tin của các cơ quan công quyền.

 Nguyên tắc các cơ quan công quyền có nghĩa vụ công bố thông tin không chỉ dừng ở việc đáp ứng thông tin khi có yêu cầu từ phía người dân mà đòi hỏi sự tích cực, chủ động của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin ngay cả khi chưa hay không có yêu cầu. 

c) Nguyên tắc thúc đẩy “Chính phủ mở”

 Tiếp cận thông tin là một trong những biện pháp thúc đẩy tính minh bạch thực sự của Chính phủ. Cơ quan nhà nước cũng phải chủ động tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật để người dân nhận thức đầy đủ và sử dụng quyền, nghĩa vụ của mình trong tiếp cận thông tin.

d) Nguyên tắc hạn chế phạm vi miễn trừ

  Các trường hợp miễn trừ phải được quy định rõ ràng và ở phạm vi hẹp như có thể, tuỳ thuộc hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. Luật mẫu về tự do thông tin thiết kế một số điều khoản về quy định cấm hoặc hạn chế cung cấp thông tin. Không dừng ở đó, luật mẫu có quy định ngoại lệ có nghĩa là có quy định cho phép cung cấp thông tin thuộc danh mục không được cung cấp hay hạn chế cung cấp. Người được yêu cầu không thể từ chối cung cấp thông tin, trừ khi lợi ích cần được bảo vệ lớn hơn lợi ích công khai thông tin. Cơ quan được yêu cầu cũng không thể từ chối cung cấp thông tin vì lý do thông tin đó đã được đăng tải rộng rãi.

e) Nguyên tắc cung cấp thông tin nhanh, hiệu quả, chi phí không quá cao hoặc miễn phí

  Luật mẫu thiết kế quy định về trả lời yêu cầu cung cấp thông tin, thông báo trả lời và lệ phí. Về lệ phí, nguyên tắc chung là khoản lệ phí không được vượt quá chi phí thực tế chi trả cho việc tìm kiếm, chuẩn bị và cung cấp thông tin. Các yêu cầu về cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin về lợi ích công cộng không phải nộp lệ phí.  

f) Nguyên tắc công khai về hội họp

  Cần công khai các cuộc họp của cơ quan công quyền vì quyền tự do thông tin bao gồm quyền của công chúng được biết những việc chính quyền đang thay mặt Nhân dân làm và quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định. Các cuộc họp có thể là họp kín nhưng chỉ được họp kín theo đúng những thủ tục đã định và khi có các lý do thích đáng cho việc tổ chức họp kín.

g) Nguyên tắc bảo vệ cho người cung cấp thông tin (“người thổi còi”)

 Cá nhân tiết lộ thông tin về hành vi vi phạm pháp luật phải được bảo vệ khỏi các chế tài dù là hành chính hay kỷ luật. Người “thổi còi” cần nhận được sự bảo vệ trong trường hợp đã hành động một cách ngay tình và có lý do tin tưởng rằng thông tin đưa ra là đúng và có chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật mà người đó đã phát hiện.

1.3.3. Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin

Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cá nhân có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

Với quan niệm tiếp cận thông tin là một quyền dân sự - chính trị, Hiến pháp và luật các nước sử dụng các công thức như “mọi người”, “bất kể người nào”, hay “công chúng”, “người dân” để thể hiện tính phổ quát của quyền này.

Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là cá nhân:

Một số Luật Tự do thông tin hay Luật Bảo vệ dữ liệu cho phép các cá nhân được tiếp cận tài liệu lưu trữ do các cá nhân và các tổ chức tư nhân nắm giữ cũng như cho phép thực hiện quyền được tiếp cận và được sửa đổi các tài liệu lưu trữ cá nhân và bảo đảm rằng, các tài liệu này luôn chính xác và các quyết định được đưa ra không dựa trên các thông tin không có liên quan hoặc không được cập nhật. Quyền này cũng bảo đảm rằng mọi người có thể nhận thức rõ ràng những lợi ích hoặc dịch vụ mà họ có quyền được hưởng và xem họ có được nhận đúng và đủ các lợi ích đó không.

 Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là tổ chức, pháp nhân:

 Ở Ấn Độ, các nhóm hoạt động xã hội cơ sở đã sử dụng quyền được biết để tiếp cận các thông tin về các dự án, các công trình công cộng ở địa phương để biết các khoản tiền đã chi trả thế nào và để người dân có quyền hỏi về việc dự án đã hoàn thành hay chưa và các khoản chi tiêu cho dự án đó là bao nhiêu.

 Luật về tự do tiếp cận thông tin của Cộng hoà Séc ban hành tháng 5/1999 cho phép các thể nhân và pháp nhân quyền tiếp cận các thông tin do các cơ quan nhà nước, cơ quan cộng đồng và các tổ chức tư nhân quản lý công quỹ nắm giữ.

Một số chủ thể đặc biệt:

 Ngoài các chủ thể trên, các văn kiện quốc tế và luật của một số nước còn đề cập đến một số chủ thể được ưu tiên đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin.

 Luật Hành chính công Đan Mạch điều chỉnh việc tiếp cận hồ sơ tài liệu trong trường hợp một người là một bên có liên quan đến quyết định hành chính[4]. Luật này quy định phạm vi tiếp cận tài liệu rộng hơn so với Luật Tiếp cận thông tin. Luật về Xử lý dữ liệu cá nhân Đan Mạch cho phép các cá nhân được quyền tiếp cận hồ sơ về bản thân mình do các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tư nhân nắm giữ[5].

1.3.4. Các yếu tố cấu thành quyền tiếp cận thông tin

 Vì những lợi ích to lớn của quyền tiếp cận thông tin, Hiến pháp và luật nhiều nước đều có quy định rộng mở đối với các nội dung của quyền tiếp cận thông tin bao gồm tìm kiếm, thu thập thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin và cả truyền bá thông tin (thường được tách khỏi khái niệm “tiếp cận thông tin” nhưng có liên quan đến quyền được thông tin. Nhìn chung, tại các nước, nội dung quyền tiếp cận thông tin có thể được quy định trong các luật khác nhau. Có thể quyền tiếp cận thông tin được Hiến pháp hoá (như Thụy Điển, Na Uy) và xây dựng nội luật về Tự do thông tin và một số các luật khác liên quan như Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin, Luật Bí mật, Luật Chống tham nhũng và một số văn bản pháp lý như Bộ nguyên tắc điều hành Chính phủ (Thụy Điển), Nguyên tắc tiếp cận tài liệu công (Thụy Điển)… Đan Mạch để thực thi quyền tự do thông tin còn có các văn bản dưới luật. Đan Mạch lồng ghép các nguyên tắc tự do thông tin vào các luật khác, ví dụ như Luật Minh bạch và Mở trong giáo dục. Luật Tiếp cận tài liệu hành chính công của Đan Mạch áp dụng với hầu hết các cơ quan công, bao gồm công ty và tổ chức khác sử dụng nguồn ngân sách công và có quyền ra chính sách và quyết định do chính quyền trung ương và địa phương trao cho thay cho họ. Luật không áp dụng cho khu vực tư pháp và lập pháp.

a) Tìm kiếm, thu thập thông tin

Các Luật Tự do thông tin quốc gia sử dụng rất nhiều các thuật ngữ khác nhau để mô tả các thông tin mà cá nhân có quyền tiếp cận. Các đạo luật được ban hành từ lâu đời nói chung đều quy định về quyền tiếp cận hồ sơ tài liệu, tài liệu chính thức hoặc tài liệu, trong khi các đạo luật mới được ban hành thì thường quy định về quyền thông tin. Trên thực tế không có nhiều sự khác biệt vì hiện nay hầu hết các luật đã định nghĩa quyền thông tin theo nghĩa rộng nhằm bao hàm tất cả các loại thông tin mà không phụ thuộc vào hình thức chứa đựng các thông tin đó. Tuy nhiên tại một số quốc gia như Thụy Điển, thuật ngữ “tài liệu chính thức” không bao gồm các tài liệu đang trong quá trình chuẩn bị hoặc các dự thảo không được sử dụng trong quá trình ra quyết định cuối cùng. Ở Ấn Độ, luật cũng cho phép các cá nhân được yêu cầu lấy mẫu, ví dụ như mẫu thực phẩm được phân phối hoặc mẫu vật liệu sử dụng để làm đường sá.

 Phần lớn Luật Tiếp cận thông tin các nước có quy định quyền tiếp cận tới tất cả các thông tin do chính phủ lưu giữ mà không chỉ là các tài liệu của Nhà nước/tài liệu chính thức. Một đặc điểm chung của hầu hết các luật là đều quy định các cơ quan Chính phủ có nghĩa vụ phải cung cấp một số loại thông tin nhất định một cách tích cực. Các thông tin này thường bao gồm chi tiết về cơ cấu tổ chức và các quan chức chủ yếu của Chính phủ, lời văn các đạo luật và quy định, các đề xuất và chính sách hiện hành, các biểu mẫu và quyết định. Các luật mới ban hành có xu hướng quy định cụ thể một danh sách các thông tin cần công bố.

b) Yêu cầu cung cấp thông tin

 Quyền tiếp cận thông tin cho phép các công dân hoặc bất kỳ người nào có quyền được yêu cầu các cơ quan Chính phủ cung cấp thông tin.

c) Truyền bá thông tin

 Truyền bá thông tin là một khái niệm có phạm vi khác hơn so với tiếp cận thông tin, gắn với tự do thông tin. Quyền tự do thông tin và tự do truyền tải quan điểm có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói, viết, in ấn, điện tử hoặc bằng nghệ thuật…

1.3.5. Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, về cơ bản, được thể hiện ở các khía cạnh: thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin phải công bố công khai rộng rãi các thông tin; thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định quyền yêu cầu cung cấp các thông tin; quy định thời hạn hợp lý được tiếp cận thông tin, từ chối tiếp cận thông tin và bố trí đầu mối tiếp cận thông tin.

Nhìn chung, luật các nước có những điểm chung nhất định như quy định trách nhiệm chủ động công bố rộng rãi, công khai đến mức tối đa thông tin, tạo cơ sở cho người dân tiếp cận thông tin mà không cần yêu cầu, quy trình cung cấp thuận tiện, dễ tiếp cận, nhanh, rẻ, minh bạch. Gần như tất cả các luật đều quy định yêu cầu bằng văn bản, một số nước như Na Uy, Slovenia,… người yêu cầu có thể gửi yêu cầu bằng miệng hoặc thậm chí qua điện thoại. Luật phần lớn các nước không quy định nghĩa vụ của ngườiyêu cầu phải nêu lý do trong yêu cầu cung cấp thông tin. Nhiều luật quy định cụ thể yêu cầu phải nộp tới công chức cụ thể, trong khi một số nước quy định có thể gửi yêu cầu tới cơ quan công quyền nắm giữ thông tin.

 Phần lớn các luật đều quy định thời hạn tối đa trả lời yêu cầu từ khoảng 15-30 ngày. Phần lớn các luật đều cho phép gia hạn thời gian cung cấp thông tin. Thông thường thì, thời gian mà người nộp đơn phải trả lời các câu hỏi liên quan đến làm rõ hơn một số chi tiết liên quan đến thông tin hoặc để trả lệ phí sẽ không được tính vào thời hạn yêu cầu trả lời. Ở nhiều nước, việc không trả lời được yêu cầu cung cấp thông tin trong thời gian hạn định được coi như từ chối yếu cầu cung cấp thông tin.

 Phần lớn các nước đều quy định việc chuyển giao yêu cầu, hoặc người nộp đơn sẽ được thông báo về việc thông tin do một cơ quan khác nắm giữ, là nơi mà thông tin có liên quan chặt chẽ nhất tới công việc của họ (Anh, Ấn Độ) hay nơi mà việc chuyển giao là “hợp lý” (Nhật). 

 Luật nhiều nước cũng yêu cầu cơ quan công quyền gửi thông báo trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu, nếu đơn yêu cầu được đáp ứng thì thông báo có thể sẽ ghi cả số lệ phí phải nộp, dạng thông tin được đáp ứng, một số quy định liên quan đến quyền khiếu nại; còn khi yêu cầu bị từ chối, thông báo thường ghi rõ lý do từ chối, có thể viện dẫn điều khoản cụ thể trong luật về lý do từ chối, đồng thời cũng có thể ghi cả quyền khiếu nại.

1.3.6. Thủ tục khiếu nại, khiếu kiện

 Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin thường bằng 3 con đường khác nhau: bằng con đường nội bộ hành chính, bằng Uỷ ban thông tin độc lập/Cao uỷ viên thông tin độc lập, bằng con đường tòa án.

Nhìn chung, quyền được khiếu nại hay kháng cáo của cá nhân được thừa nhận rộng rãi trong luật các nước. Các luật khác nhau quy định các biện pháp giải quyết khiếu nại cũng khác nhau, khiếu nại nội bộ là cách thức được lựa chọn đầu tiên và phổ biến nhất, tiếp theo là khiếu nại đến một cơ quan giám sát độc lập và/hoặc khởi kiện tới tòa án. Luật của Nam Phi, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Peru, Slovenia quy định cụ thể về cơ chế khiếu nại nội bộ, tức khiếu nại trực tiếp lên cơ quan hành chính có thẩm quyền cao hơn cơ quan đã từ chối cung cấp thông tin. Ở Anh, khiếu nại nội bộ là một thủ tục bắt buộc trước khi khiếu nại tới một cấp xét xử khác.

 Nhiều luật thiết kế một cơ quan giám sát độc lập đóng vai trò giải quyết các khiếu nại liên quan đến tiếp cận thông tin ví dụ Cao uỷ viên, Uỷ ban Thông tin hay Thanh tra Nhà nước/Thanh tra Nghị viện hoạt động độc lập. Một xu hướng ngày càng phổ biến là thành lập một Uỷ ban Thông tin độc lập, đây có thể là cơ quan của Quốc hội, cơ quan độc lập thuộc Chính phủ (Văn phòng Chính phủ) hoặc một cơ quan hoàn toàn độc lập. Đến năm 2006 đã có 22 nước thành lập cơ quan dạng này. Ở một số nước như Pháp, Canada, cơ quan này có thẩm quyền tương tự như Thanh tra Quốc hội. Tại Slovenia, Serbia, Ireland, Anh, Uỷ ban Thông tin có quyền ban hành các quyết định có tính bắt buộc, trừ một số ít trường hợp. Trong nhiều trường hợp khiếu nại thông qua hệ thống thanh tra nhanh hơn và có thể giải quyết bằng hoà giải hơn là bằng các vụ kiện lên hệ thống tư pháp gây tốn kém và thủ tục lâu hơn.

Tại một số nước thành lập một cơ quan dạng tòa án chuyên giải quyết khiếu nại về tiếp cận thông tin như Ban Thẩm tra việc Công khai thông tin ở Nhật hay ở Úc, có Tài phán Phúc tra hành chính.  Bên cạnh đó, công dân Úc cũng có thể khiếu nại với Thanh tra Quốc hội liên bang. Tại một số nước như Anh hay Thái Lan, luật quy định cả hai cơ chế: hình thành cơ quan giám sát độc lập và một Toà trọng tài (Tribunal) chuyên biệt có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại. Nhiều nước, nhưng không phải là tất cả, luật quy định cơ quan xét xử phúc thẩm cuối cùng là tòa án. Tòa án giải quyết tại Ba Lan là tòa án hành chính ở địa phương có cơ quan là bị đơn, tại Hàn Quốc, Na Uy, Nam Phi, Nga là tòa án thẩm quyền chung, tại Peru là tòa án theo thủ tục bảo hiến habeas data, tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ là Tòa án hành chính, ở Antigue và Barbuda là Toà thượng thẩm. Ở Ecuado, không chỉ cá nhân mà thanh tra quốc hội cũng có thể khởi kiện, và quyết định của tòa án cũng có thể bị kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp.

1.3.7. Hình phạt, các biện pháp bảo hộ, các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật.

a) Hình phạt

 Phần lớn luật các nước quy định một số hình thức trừng phạt đối với cá nhân có dụng ý cản trở việc tiếp cận thông tin, một số nước khác thì quy trách nhiệm trực tiếp cho cơ quan công quyền. Tại một số nước như Jamaica, Bulgary, Nam Phi và Peru, cản trở có chủ ý việc tiếp cận thông tin được coi là một tội phạm hình sự và hình phạt có thể là hình phạt theo Luật Hình sự, thông thường là phạt tù. Một số nước khác như Mexico, luật quy định trách nhiệm hành chính đối với các vi phạm này.

b) Các biện pháp bảo vệ

 Nhiều luật đã quy định việc bảo vệ hành động công khai thông tin có thiện chí. Một số luật (Uganda, Ấn Độ, Nam Phi) có quy định bảo vệ công chức đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc có hàm ý thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật.

 Một số nước quy định nghĩa vụ công khai các thông tin ngoại lệ. Luật của Thụy Điển là một ví dụ, Thụy Điển quy định nghĩa vụ theo Bộ luật Hình sự và cũng đặt ra một số nghĩa vụ trực tiếp.

Luật Tiếp cận thông tin của nhiều nước  như Anh, Nam Phi, Hoa Kỳ quy định hình thức bảo vệ “người thổi còi”. Đây là biện pháp an toàn quan trọng nhằm hỗ trợ bảo đảm các thông tin cơ bản vì lợi ích công cộng được công khai.

 c) Các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật

  Một số nước như Mexico, Anh, Nam Phi hay Ấn Độ quy định khá nhiều các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật. Nhiều luật quy định việc bổ nhiệm các công chức tận tụy với công việc đảm nhiệm nhiệm vụ công chức thông tin nhằm hỗ trợ việc thực thi pháp luật.

  Tại Uganda và Nam Phi, người đứng đầu các cơ quan công chịu trách nhiệm thực hiện chức năng của công chức thông tin, mặc dù họ có thể chỉ định những người được uỷ quyền để thực hiện các công việc hàng ngày. Luật của Ấn Độ quy định việc bổ nhiệm nhiều cán bộ mẫn cán làm công chức thông tin. Tại Hoa Kỳ, cơ quan công quyền còn phải chỉ định các trung tâm hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin, công chức giám sát việc giải quyết các khiếu nại nội bộ.

  Một số luật cũng quy định việc phải hướng dẫn và giải thích cho công chúng về quyền được tiếp cận thông tin của họ và cách thức gửi đơn yêu cầu, trong khi một số nước khác thì quy định việc xây dựng các hướng dẫn này dưới dạng các quy tắc về thực hành nhiệm vụ. Tại một số nước, cơ quan trung ương sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trong khi ở một số nước khác từng cơ quan công phải xây dựng các quy định hướng dẫn. Tại Nam Phi, Uỷ ban Nhân quyền còn có thêm nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc bằng 11 ngôn ngữ chính thức của quốc gia này.

 Nhiều nước quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc quản lý hồ sơ tài liệu, một số hình thức báo cáo về việc thực thi pháp luật và tại một số nước quy định cơ quan giám sát có trách nhiệm chung là thúc đẩy việc thực thi pháp luật. Tại Kyrgyzstan, luật quy định việc rà soát tất cả các văn bản luật có các quy định liên quan đến việc hạn chế công khai thông tin để từ đó xem xét dưới góc độ của Luật Tiếp cận thông tin.

 Để quyền tiếp cận thông tin được bảo đảm thiết thực, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự là rất quan trọng. Tại nhiều quốc gia, các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội,… có vai trò quan trọng thúc đẩy và giám sát thực thi Luật Tiếp cận thông tin. Các Ombudsman với tư cách là “người bảo vệ công chúng”, một thiết chế lưỡng tính, kết nối với Nhà nước và xã hội, hoạt động độc lập để bảo vệ lợi ích của người dân, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin.

Chương II

PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN THÔNG TIN/ TỰ DO THÔNG TIN TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

2.1. Pháp luật về tiếp cận thông tin trong pháp luật quốc tế

Quyền tiếp cận thông tin đã trở thành mối quan tâm trên phạm vi quốc tế, sau khi Liên Hợp quốc ra đời. Trong phiên họp thứ nhất, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 59(1), quy định: “tự do thông tin là quyền con người cơ bản và… nền tảng của tất cả các tự do khác…”. Tiếp đó, bản Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người được thông qua vào năm 1948 đã liệt kê một loạt các quyền và tự do cơ bản của cá nhân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm của các chính phủ trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền này. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và trong một số công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003…Ở cấp độ khu vực và quốc gia, quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Công ước Nhân quyền Châu Âu (ECHR), Công ước Nhân quyền Châu Mỹ (ACHR), và trong Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương[6] cũng đã quy định rõ về tiếp cận thông tin: bảo đảm rằng công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng một cách phù hợp với pháp luật trong nước[7]…Hiện nay, các nước trên thế giới dù khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế hay sự khác biệt về văn hoá trong pháp luật quốc gia đều có quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tính đến năm 2010 đã gần 90 quốc gia ban hành Luật Tiếp cận thông tin công.

2.2. Các đặc điểm chung và đặc thù của pháp luật tiếp cận thông tin và thực hiện pháp luật tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới

Trên cơ sở phân tích Luật Tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới gồm có một số nước Châu Âu, Châu Mỹ-La tinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Úc, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu tổng hợp và đưa ra các đặc điểm chung và đặc thù của pháp luật tiếp cận thông tin và thực hiện pháp luật tiếp cận thông tin của các nước trên thế giới.

 Theo đó, các luật tự do thông tin/tiếp cận thông tin trên khắp thế giới có nhiều điểm tương đồng. Nguyên nhân chủ yếu của sự tương đồng này là các quốc gia ban hành Luật Tiếp cận thông tin thường học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đã đi trước và những quy định hợp lý thường được tiếp nhận như là một yếu tố của hội nhập quốc tế. Cũng theo David Banisar thì gần đây có một số Luật Tự về do thông tin đã có một số sáng tạo. Các đạo luật mới ban hành đã có một số quy định mới chưa từng có trong các đạo luật trước đây như việc quy định các Uỷ viên thông tin có quyền hạn và chức năng thi hành luật. Việc xem xét đến các lợi ích công cộng trong quá trình quyết định giữ bí mật hay công bố thông tin cũng như phạm vi điều chỉnh đối với các cơ quan nhà nước ngày càng sâu rộng hơn.

2.2.1. Các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin

  Hầu hết các luật về tự do thông tin/tiếp cận thông tin đều quy định các cơ quan hành pháp có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Một số quốc gia cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan toà án và cơ quan lập pháp. Nhiều quốc gia quy định các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Khái niệm cơ quan nhà nước thường được hiểu là bất kỳ cơ quan nào thực hiện chức năng của Chính phủ. Luật Tiếp cận thông tin của Bồ Đào Nha quy định các cơ quan thực hiện chức năng công đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Một số quốc gia như Ireland quy định một danh sách các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho công chúng.

2.2.2 Những người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin

 Hầu hết các quốc gia hiện nay đều cho phép bất kỳ người nào đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà không kể các lợi ích pháp lý có liên quan hay không, có là công dân hay cư trú tại quốc gia đó hay không[8]. Một số quốc gia như Phần Lan còn cho phép việc đưa ra các yêu cầu vô danh nhằm bảo đảm rằng người yêu cầu cung cấp thông tin không bị phân biệt đối xử. Theo David Banisar việc đặt ra các hạn chế nghiêm ngặt hơn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tiếp cận thông tin ví dụ như trên thực tiễn một số quan chức Ấn Độ yêu cầu phải đưa ra các chứng cứ chứng minh mình là công dân Ấn Độ khi họ yêu cầu tiếp cận thông tin mặc dù biết rằng không nhiều người dân Ấn Độ có hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân.

2.2.3  Các thông tin được miễn trừ cung cấp

  Tuy không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên hầu hết Luật Tiếp cận thông tin/tự do thông tin trên thế giới thường có những quy định về miễn trừ cung cấp các thông tin sau đây: Tài liệu về vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra; Tài liệu nội bộ đang trong quá trình chuẩn bị chưa được chính thức phê chuẩn hoặc thông qua; Tài liệu thông tin về an ninh quốc phòng; Tài liệu liên quan đến bí mật thương mại; Tài liệu liên quan đến bí mật cá nhân.

2.2.4 Xử lý khiếu nại, khiếu kiện về từ chối cung cấp và yêu cầu thông tin

Luật Tiếp cận thông tin của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định về việc xử lý khiếu nại, khiếu kiện về việc từ chối cung cấp thông tin, tuy nhiên cách thức xử lý có thể bằng các con đường khác nhau. Bất kỳ quốc gia nào muốn cho việc xử lý khiếu nại khiếu kiện có hiệu quả cao thì phải bảo đảm tính độc lập của hệ thống cơ quan thực hiện quyền giám sát thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Hệ thống cơ quan giám sát độc lập có thẩm quyền tiếp nhận, điều tra và giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của các cá nhân, tổ chức. Trên thế giới hiện nay, trừ con đường giải quyết nội bộ hành chính có hai cách lực chọn khác nhau về việc tổ chức cơ quan giám sát độc lập này. Cách thứ nhất là thành lập Uỷ ban thông tin độc lập hay Thanh tra Nhà nước/Thanh tra Quốc hội (hoặc Cao uỷ viên về quyền tiếp cận thông tin). Ví dụ, các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch có Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân cùng với các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội khác của họ. 

Theo nhận xét của chuyên gia hàng đầu của Liên Hợp quốc về quyền tiếp cận thông tin thì cách mà phần lớn các quốc gia đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin lựa chọn là thành lập cơ quan giám sát và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện độc lập – Cao uỷ viên thông tin.

2.2.5 Các khoản lệ phí cung cấp thông tin

  Luật Tiếp cận thông tin/tự do thông tin của đa số các nước trên thế giới cho phép Chính phủ được thu lệ phí đối với người yêu cầu cung cấp thông tin. Cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin sẽ phải chịu hoàn toàn phí tổn của việc sao chép thông tin được yêu cầu. Mức lệ phí sẽ được nêu ở quy định về thủ tục hành chính của mỗi một cơ quan công cộng. Theo David Banisar, các khoản lệ phí thường được quy định trong việc cung cấp thông tin là lệ phí nộp đơn, tìm kiếm, sao chép và lệ phí khiếu nại. Các khoản lệ phí không nên đặt ra quá cao vì nó sẽ làm giảm các yêu cầu cung cấp thông tin.

2.2.6 Văn hoá giữ bí mật - sự khó khăn và cản trở việc đưa pháp luật vào cuộc sống ở một số quốc gia

Theo Báo cáo tự do thông tin thế giới năm 2006, do các yêu cầu về minh bạch và cởi mở trên toàn cầu nên nhiều quốc gia đã ban hành Luật Tiếp cận/tự do thông tin, tuy nhiên chỉ trên danh nghĩa mà không phải là thực chất.

Trong thực tiễn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Á và Châu Phi văn hoá bí mật vẫn còn ngự trị. Việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá minh bạch và cởi mở chắc chắn sẽ gặp nhiều lực cản. Các quan chức Chính phủ phải có thời gian học hỏi để thay đổi tư duy chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ, coi thông tin mình nắm giữ không phải là tài sản của riêng mình mà là tài sản của công chúng. Cung cấp thông tin cho công chúng là nghĩa vụ của công chức, nghĩa vụ của Chính phủ.

2.3. Những kinh nghiệm có thể áp dụng vào Việt Nam

Tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách hay thực hiện chức năng công quyền rất rộng và yêu cầu minh bạch hoá hoạt động của hệ thống cơ quan công quyền, chống tham nhũng là đòi hỏi bức xúc hiện nay, vì thế quá trình xây dựng dự thảo Luật Tiếp cận thông tin cần tham khảo luật các nước khác, cả quá trình thực hiện, để có thể ban hành một đạo luật có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Luật cần chi tiết về các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, quy định cụ thể các thông tin cần công khai, các thông tin ngoại lệ, đặc biệt là thủ tục cung cấp thông tin, cũng như chế tài xử phạt người vi phạm luật, bảo vệ người tố cáo, cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, và có cơ chế thúc đẩy luật có hiệu lực trên thực tế. Từ kinh nghiệm của các nước đã ban hành và thực hiện Luật Tiếp cận/tự do thông tin, nhóm nghiên cứu thấy rằng Luật Tiếp cận thông tin ở Việt Nam phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây:

  • Xác định thông tin do Chính phủ nắm giữ là một trong những tài sản quốc gia, thuộc quyền sở hữu của Nhân dân, quyền tiếp cận thông tin do Chính phủ nắm giữ là một trong những quyền quan trọng của con người và công dân, cung cấp thông tin công cho cá nhân là nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước.
  • Phạm vi cung cấp thông tin là tất cả các thông tin chính thức ngoại trừ  các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật thương mại, bí mật cá nhân, và các thông tin liên quan đến hoạt động  điều tra, truy tố tội phạm. Danh sách các thông tin miễn trừ cung cấp phải công khai cho dân chúng được biết.
  • Khi xẩy ra tranh chấp giữa việc xác định một thông tin cần được công khai hay không công khai thì nguyên tắc xác định dựa trên lợi ích cho xã hội từ việc công bố hay không công bố mang lại. Khi lợi ích của việc công bố lớn hơn lợi ích không công bố thì thông tin cần được công bố cho dân chúng biết. Quyền quyết định công bố thông tin thuộc Cao uỷ viên thông tin-một chức vụ hiến định do Quốc hội thành lập và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
  • Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là tất cả cá nhân gồm công dân Việt Nam, công dân nước ngoài và người không có quốc tịch.
  • Cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp có trên 50% vốn của Nhà nước.
  • Thủ tục tiếp cận thông tin do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định bằng một Pháp lệnh về thủ tục tiếp cận thông tin.
  • Các khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin được giải quyết bởi Uỷ ban thông tin độc lập là cơ quan hiến định do Quốc hội thành lập.
  •  Lệ phí cung cấp thông tin do Pháp lệnh về thủ tục cung cấp thông tin quy định.
  • Các biện pháp bảo đảm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự.

Chương III

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN THÔNG TIN Ở VIỆT NAM  HIỆN NAY

3.1. Sự hình thành và phát triển của pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Ở nước ta quyền được thông tin tuy chưa được quy định trực tiếp trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, tuy nhiên trong mấy chục năm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin phù hợp hoàn cảnh của đất nước. Đến Đại hội VII của Đảng năm 1991, quyền được thông tin đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng, là cơ sở để năm 1992, Hiến pháp mới được thông qua bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật”. Sau khi Hiến pháp 1992 được ban hành, đã có nhiều văn bản quy định quyền được thông tin trong một số phạm vi cụ thể. Ví dụ: Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ban hành kèm theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, được sửa đổi năm 2003, Luật Báo chí năm 1989 sửa đổi năm 1999, Luật Xuất bản năm 2004, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Nhà ở, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, … Các đạo luật tổ chức các cơ quan nhà nước cũng quy định về công khai hoạt động, cung cấp tin tức để người dân được tiếp cận thông tin. Các đạo luật về tố tụng cũng quy định công khai trong hoạt động xét xử.

Tuy nhiên, chưa có một văn bản nào giải thích khái niệm quyền được thông tin của công dân là gì, mà mới chỉ dừng lại ở việc quy định trách nhiệm của cơ quan công quyền, công khai minh bạch trong một số lĩnh vực và quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân, công dân, cơ quan báo chí được yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, có trách nhiệm cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức.

3.2. Những nội dung cơ bản của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay

3.2.1. Quyền tìm kiếm, trao đổi thông tin

Quyền tiếp cận thông tin trước hết thể hiện ở quyền tự do tìm kiếm, trao đổi thông tin. Ngoài việc tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện nghe, nhìn và thông tin trong sách, báo truyền thống, việc tìm kiếm thông tin có thể thực hiện thông qua mạng internet. Theo quy định của Luật Công nghệ thông tin năm 2006, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có quyền tìm kiếm trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, có quyền yêu cầu khôi phục thông tin của mình hoặc khôi phục  khả năng truy cập  đến nguồn thông tin của mình, từ chối cung cấp hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó (Điều 8).

3.2.2. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin

Các cá nhân và tổ chức có quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà các cơ quan công quyền đang nắm giữ loại trừ các thông tin mật. Luật Phòng, chống tham nhũng ghi nhận quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức (trong đó có cơ quan báo chí, các phóng viên). Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật, trường hợp không cung cấp thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 86). Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định nghĩa vụ của cơ quan thanh tra cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho bộ, ngành, địa phương. Theo quy định tại Điều 18 trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị về cung cấp thông tin Thanh tra chính phủ có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

3.2.3. Quyền phổ biến thông tin

 Quyền phổ biến thông tin là một  yếu tố quan trọng của quyền tiếp cận thông tin. Phổ biến thông tin là quyền được truyền đạt thông tin của mình có cho người khác, nhờ sự truyền đạt này mà thông tin của một cá nhân, tổ chức tạo ra đến được với nhiều cá nhân, tổ chức khác. Thông qua sự phổ biến này mà thông tin thể hiện được giá trị của mình. Ngày nay, với công nghệ tin học, khi một thông tin được đưa lên mạng trong giây lát nó có thể đến với hàng triệu người, nhờ vậy những thông tin có giá trị khoa học và thực tiễn cao có  thể dễ dàng thể hiện được giá trị của mình nếu nó được phổ biến. Luật Xuất bản năm 2004 đã quy định nguyên tắc bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả. Tại Điều 5 Luật này đã quy định: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả”. Dưới hình thức xuất bản phẩm và bảo hộ quyền tác giả các thông tin chứa đựng các ý tưởng sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ sẽ được phổ biến và lưu truyền, quyền của người sáng tạo ra tác phẩm sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, quyền phổ biến thông tin ở Việt Nam hiện nay bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực trên thực tiễn vẫn đang tồn tại những biểu hiện lệch lạc. Một mặt, một số nhà xuất bản thiếu mạnh dạn, thiếu can đảm công bố các công trình nghiên cứu nói về mặt trái trong cấu trúc các thiết chế chính trị, chính trị-xã hội, chế độ bầu cử, các biểu hiện của dân chủ hình thức bằng cách không xuất bản hoặc cắt xén  các phần gai góc trong các công trình nghiên cứu. Nhiều người chỉ muốn cho vỡ quả trứng luôn tròn trịa, không bị sứt vỡ mà không biết rằng gà con chỉ có thể ra đời khi vỡ quả trứng bị vỡ. Mặt khác, chúng ta chưa xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm bí mật đời tư, vi phạm các quy tắc bảo vệ thuần phong, mỹ tục khi thỉnh thoảng chúng ta lại phải chứng kiến những hình ảnh tục tĩu, hoặc những thông tin thuộc bí mật cá nhân lại được phát tán trên mạng.

3.2.4. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân thông qua các quy định về trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan, tổ chức

  Ở Việt Nam, mặc dù chưa có đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin, nhưng nghĩa vụ của các cơ quan công quyền trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho công dân đã được thể hiện trong  nhiều văn bản  luật khác nhau. Khoản 3 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban  hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của pháp luật”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước). Trong thời gian chậm nhất là 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo. Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo trong 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này, thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

 Theo Điều 3 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; Khoản 1 Điều 13  của Luật này quy định dự toán, kiểm toán, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước, ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công bố công khai. Theo Luật Kế toán 2003, đơn vị kế toán là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước phải công khai quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm và các khoản thu, chi tài chính khác (Điều 32). Điều 58, 59 Luật Kiểm toán năm 2005 quy định báo cáo kiểm toán năm và báo cáo thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội sẽ được công bố công khai theo các hình thức họp báo, công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng…

 Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc công khai thông tin, tuy nhiên rất ít văn bản quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu. Do không có một đạo luật riêng quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của tất cả các cơ quan công quyền nên, như kết quả khảo sát đã trình bày ở phần “Tình hình nghiên cứu” hầu hết các cơ quan, cán bộ, công chức chưa nhận thức được một cách sâu sắc rằng họ có nghĩa vụ cung cấp thông tin công do họ đang nắm giữ (trừ các thông tin mật) cho các cá nhân và tổ chức khi họ yêu cầu.

  3.2.5. Nội dung, phạm vi các vấn đề, lĩnh vực cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai trong hoạt động, bảo đảm quyền được biết của công dân trong một số văn bản pháp luật

  Các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan công quyền phải công khai được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

 Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 tại Điều 5 liệt kê 11 lĩnh vực chính quyền địa phương phải công khai cho dân biết, bao gồm: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự án, công trình đầu tư, nhiệm vụ, quyền hạn cán bộ công chức của cấp xã; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, chủ trương kế hoạch cho Nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất,…

    Luật Kế toán năm 2003 quy định nội dung công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

 Luật Kiểm toán năm 2005 quy định: công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Điều 58). Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật. Điều 59 của Luật quy định: công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kế toán.

 Trên lĩnh vực nhà ở, Nghị định số 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/9/2006 quy định chi tiết hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2005 có quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại.

 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định nội dung nguyên tắc công khai, minh bạch tại Điều 11: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch bảo đảm công bằng, dân chủ. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ. Từ Điều 13 đến Điều 30 quy định 18 nội dung các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ công quyền phải công khai như: trong lĩnh vực mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; về tài chính và ngân sách nhà nước; trong việc huy động và quản lý sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân; trong việc quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ; trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; trong kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước; trong quản lý sử dụng đất…v.v. Điều 33 quy định công khai báo cáo hàng năm về kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng.

 Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005 tại Điều 6 quy định các lĩnh vực công khai bao gồm phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước; tài sản và kế hoạch mua sắm, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước;…

 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 tại Điều 104 quy định công khai thông tin, dữ liệu về môi trường bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký;…v.v.

 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 tại Điều 8 có quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này".

 Trước đó, Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định các văn bản phải đăng trên Công báo ở Trung ương.

Quy định về công khai cũng được quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Cư trú năm 2006, Luật Điện lực năm 2004, Luật Dược năm 2004, Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Xây dựng năm 2003, Luật Công nghệ thông tin, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

 Nhằm tiếp tục bảo đảm tính công khai minh bạch trên lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngày 13/9/2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số  92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm công khai quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cả nước, các vùng, các tỉnh, huyện, các ngành, lĩnh vực để mọi công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác…

 Trong các văn bản này và các văn bản hướng dẫn thi hành, có quy định về các hình thức công khai thông tin và cách thức cung cấp thông tin, quyền yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm, thời hạn cơ quan công quyền phải cung cấp trả lời, cũng như các hình thức xử lý vi phạm mặc dù có thể chưa cụ thể, rõ ràng.

 Nhìn chung, pháp luật nước ta đã từng bước hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đáng chú ý là các văn bản pháp luật được ban hành sau việc quy định trách nhiệm công khai minh bạch và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có phần rõ hơn so với các văn bản ban hành trước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hiện trạng pháp luật và quá trình thực thi pháp luật trong thời gian vừa qua cho thấy quyền được tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam vẫn còn hạn hẹp, nhiều bất cập khó thực hiện trên thực tế và có lúc, có nơi vẫn còn bị vi phạm nghiêm trọng.

 Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền còn rất khó khăn, vì thế tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan này chưa được thực hiện, cụ thể như trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai,…Vì thế hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong các cơ quan công quyền còn phổ biến, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện đông người, kéo dài hay vượt cấp…

 Việc thiếu các quy định cụ thể về thủ tục, trình tự yêu cầu, biện pháp xử lý vi phạm dẫn tới việc khai thác, tìm kiếm thông tin từ cơ quan công quyền vẫn thường hay bị gây phiền hà. Quyền được phổ biến thông tin, bày tỏ quan điểm, tiếp nhận thông tin một cách tự do gắn với quyền được thông tin còn thiếu cơ chế để thực hiện, các quy định hiện hành rất mờ nhạt. Hiện tượng bưng bít thông tin của các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh làm thiệt hại đến lợi ích của người dân khá phổ biến. Các phương tiện truyền thông còn bị hạn chế trong tiếp cận thông tin từ phía cơ quan công quyền, tổ chức và doanh nghiệp. Công tác phổ biến pháp luật còn yếu kém. Trình độ dân trí chưa cao, các hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình, xuất bản còn nhiều hạn chế, vì thế người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền của mình, thậm chí có khi thờ ơ với thông tin từ phía Nhà nước. Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định cụ thể người phát ngôn của cơ quan công quyền phải tiếp nhận, trả lời các yêu cầu trực tiếp của công chúng. 

 Các văn bản về thông tin miễn trừ tiếp cận (quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo vệ môi trường, Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ v.v. ) quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ… cản trở cho việc tiếp cận thông tin của người dân hay gây khó khăn cho cơ quan, cán bộ cung cấp thông tin cho người dân cũng như làm công tác bảo mật.

 Xuất phát từ thực tiễn tổ chức, lãnh đạo và quản lý nhà nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành TW Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra chủ trương nghiên cứu ban hành Luật Bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Đây là cơ sở để thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu trong bộ máy nhà nước và các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước.                    

Chương IX

XÂY DỰNG LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

4.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Tiếp cận thông tin ở Việt Nam

4.1.1. Cơ sở lý luận xây dựng Luật Tiếp cận thông tin

    Như trên đã trình bày, quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, gắn với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và là cơ sở để bảo đảm  mỗi cá nhân thực thi hay bảo vệ các quyền và lợi ích khác của bản thân. Quyền được thông tin hay tiếp cận thông tin là một nhu cầu chính đáng của Nhân dân, góp phần để Nhân dân nắm bắt được và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, chống lại tham nhũng, lãng phí, quan liêu từ phía các cơ quan nhà nước, là một nguồn lực mọi công dân được bình đẳng khai thác phục vụ cho mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân. Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đều quy định rõ về quyền tiếp cận thông tin. Theo đó, quyền tiếp cận thông tin có bốn thành tố là: quyền tự do giữ quan điểm không bị sự can thiệp; quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến. Quyền tiếp cận thông tin còn được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển năm 1992...

   Quyền tự do thông tin cũng được hầu hết các Nhà nước trên thế giới nhận thức là một quyền cơ bản, và trên cơ sở sự thúc đẩy thực hiện quyền này của các tổ chức và công dân, Hiến pháp và pháp luật nhiều quốc gia cũng đã có những quy định rộng rãi về tự do thông tin. Gần 90 quốc gia đã ban hành đạo luật riêng về tiếp cận thông tin hay tự do thông tin.

Đứng trước yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, bảo đảm thiết thực quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra không chỉ trên lý thuyết suông mà phải đi vào cuộc sống, trước những đòi hỏi của yêu cầu chống tham nhũng và tạo điều kiện kinh tế dân doanh phát triển, việc xây dựng đạo luật tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đạo luật này cũng là đòi hỏi của xã hội trên cơ sở trình độ dân trí đã nâng cao, nhu cầu tìm kiếm thông tin từ phía người dân, sự phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện truyền tải thông tin, sự mở cửa của Việt Nam hội nhập ngày càng nhiều hơn vào sân chơi quốc tế trên mọi mặt kinh tế, văn hoá - xã hội.

4.1.2. Cơ sở thực tiễn xây dựng Luật Tiếp cận thông tin

Mặc dù Hiến pháp 1992 đã có quy định về quyền được thông tin của công dân, tuy nhiên hiện nay nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân cũng như của một số cán bộ nhà nước cũng chưa được đáp ứng một cách đầy đủ vì thông tin không được cung cấp thường xuyên và có hệ thống. Việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin còn gặp nhiều khó khăn và thiếu tính kịp thời vì việc người dân có được thông tin hay không còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước hoặc cán bộ công chức. Hơn thế nữa, mặc dù một số thông tin có trong các văn bản, tài liệu theo quy định pháp luật hiện hành là phải công khai, song các quy định về công khai các văn kiện, tài liệu này nằm rãi rác ở trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn cho việc tìm kiếm của người dân, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước khi xác định trách nhiệm của mình trong việc xác định thông tin nào phải công khai, công khai dưới hình thức nào và khi nào.

  Trong thực tiễn, liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin cũng như công tác phòng, chống tham nhũng một vấn đề đang vướng mắc hiện nay là phạm vi thông tin được tiếp cận còn nhiều hạn chế. Các quy định về bí mật nhà nước nói chung và danh mục bí mật nhà nước nói riêng chưa thật cụ thể và có một số điểm chưa hợp lý. Do đó, tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không công khai những vấn đề thực sự không thuộc phạm vi bí mật nhà nước dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.

 Theo chuyên gia pháp luật Phạm Anh Tuấn ngay cả đối với một số tài liệu không đóng dấu mật, không ghi rõ giới hạn về đối tượng được khai thác sử dụng, nhưng cũng không được công khai và người dân khó tiếp cận những tài liệu đó khi có nhu cầu. Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định 18 lĩnh vực phải công khai thông tin, tuy nhiên quy định này cũng chỉ mới giải quyết một phần vướng mắc vì rất nhiều thông tin nằm ngoài 18 lĩnh vực nói trên cũng phải công bố công khai. Mặc dù, pháp luật hiện hành có quy định về nghĩa vụ công khai thông tin, tuy nhiên lại chưa quy định rõ những thông tin nào cơ quan nhà nước chủ động công bố để người dân tự tiếp cận, tìm hiểu, thông tin nào chỉ được cung cấp theo yêu cầu của người dân. Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có các quy định đầy đủ để tạo ra một cơ chế thực thi quyền tiếp cận thông tin có hiệu quả. Ví dụ, Nghị định của Chính phủ cụ thể hoá Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cán bộ, công chức không cung cấp thông tin sẽ bị kỷ luật nhưng lại chưa quy định rõ chế tài đối với từng hành vi vi phạm cụ thể là gì[9], vì vậy trên thực tế khó có thể áp dụng được. Do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập nên tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền chưa được bảo đảm thực hiện. Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng quyền lực tạo ra đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin để trục lợi cá nhân, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư. Việc thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước và thiếu cơ chế tiếp cận thông tin có hiệu quả đã làm hạn chế  sự tham gia của các cá nhân và tổ chức vào hoạt động giám sát, phản biện nhằm hoàn thiện chính sách và các quy định của pháp luật nhà nước. Trong việc thực thi các dự án quy hoạch và cải tạo thành phố việc thiếu công khai minh bạch sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng tham nhũng. Đối với một số người dân, do không biết rõ những thông tin về quy hoạch, giải toả, đền bù… sẽ phải chịu những thiệt hại mà lẽ ra họ có thể tránh được. Nhận thức được thực trạng trên đây, Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết Trung ương 3 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", trong đó yêu cầu “Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai” “Nghiên cứu ban hành Luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân”. Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 quy định: “Tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết”; “Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”; “Xây dựng và ban hành Luật về tiếp cận thông tin; có chế tài đối với người vi phạm quyền được thông tin của công dân”.

 Để thực hiện chủ trương phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hình thành một cơ chế thống nhất trong việc tổ chức thực hiện quyền được thông tin của người dân, bảo đảm về mặt pháp lý cơ chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin, Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã đưa Luật Tiếp cận thông tin vào danh mục các Dự án được chuẩn bị để trình cơ quan lập pháp xem xét năm 2009.

 Quy trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin đang được tiến hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đã được thành lập theo Quyết định ngày 22/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là cơ quan được phân công chủ trì chuẩn bị xây dựng Luật. Tổ Biên tập đã được hình thành để giúp việc Ban Soạn thảo.

 Ban Soạn thảo đã triển khai các nhiệm vụ nhằm khẩn trương xây dựng dự thảo, trong đó có hoạt động tổng kết việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực tiếp cận thông tin và liên quan; nghiên cứu các Điều ước quốc tế, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về cung cấp thông tin và tiếp cận thông tin, đánh giá tác động những nội dung chính của Dự án Luật. Dự thảo Luật đã được tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức đa dạng và đã được chỉnh lý trên cơ sở thu thập và tiếp thu các ý kiến tham gia. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã được tổ chức. Nhiều cơ quan, tổ chức đã cho ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật.

 Dự thảo Luật, Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

 Ngày 24/6/2009, Bộ Tư pháp đã gửi Dự án Luật đến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến. Ngày 10/7/2009, Hội đồng thẩm định đã họp để thẩm định Dự án Luật. Ý kiến của Hội đồng thẩm định đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự án Luật.

 Việc xây dựng Dự thảo Luật được tiến hành dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Tiếp tục thể chế hoá các quan điểm, chủ trương trong các nghị quyết của Đảng về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin;

- Bảo đảm sự phù hợp của Dự thảo Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của Dự thảo Luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật;

- Bảo đảm tính kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến minh bạch, công khai thông tin trong các lĩnh vực;

- Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước;

- Bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; phù hợp với điều kiện về cơ sở hạ tầng của Việt Nam, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy và các nguồn lực khác; bảo đảm tính khả thi của Luật;

- Bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tính tương thích và phù hợp với thông lệ, pháp luật quốc tế; phù hợp với các nguyên tắc về quyền tự do thông tin của Liên Hợp quốc.

4.2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam

  Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin sau nhiều lần chỉnh lý, đặc biệt là sau khi có ý kiến của các thành viên của Chính phủ, góp ý của các bộ, ngành và báo cáo về tình hình tiếp cận thông tin của các cơ quan trung ương và địa phương, dự thảo cuối cùng đã được rút gọn gồm 4 chương 29 điều.

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7)

Chương này quy định mục đích ban hành Luật (Điều 1), phạm vi điều chỉnh của luật (Điều 2), giải thích từ ngữ (Điều 3), cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 4),  các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (Điều 5), các hành  vi bị nghiêm cấm (Điều 6), mối quan hệ giữa Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan (Điều 7).

Chương II. Công bố thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu (Từ Điều 8 đến Điều  20). Chương này bao gồm 3 mục:  Phương thức, trách nhiệm cung cấp thông tin (Mục 1); Chủ động công bố thông tin (Mục 2); Cung cấp thông tin theo yêu cầu (Mục 3).

Chương III. Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Từ Điều 21 đến Điều 25).

Chương IV. Điều khoản thi hành (từ Điều 26 đến Điều 29).

 Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin xác định nội hàm của tiếp cận thông tin là đọc, xem, nghe, ghi chép, chụp, trích dẫn nội dung của hồ sơ tài liệu (khoản 3 Điều 3). Để thực hiện quyền này, Điều 8 Dự thảo Luật quy định hai phương thức cung cấp thông tin, đó là: chủ động cung cấp thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

 Điều 5 Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, gồm: mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch, kịp thời; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức tiếp cận thông tin và cán bộ, công chức cung cấp thông tin; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức phải bảo đảm lợi ích cộng đồng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh; nhà nước tạo điều kiện cho công dân, tổ chức tiếp cận thông tin phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, kỹ thuật của đất nước; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.

 Dự thảo Luật xác định rõ mối quan hệ giữa Luật Tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan, theo đó Luật này áp dụng chung cho việc tiếp cận thông tin; trong trường hợp luật khác có quy định khác rộng hơn về phạm vi thông tin được tiếp cận, thuận lợi hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin thì áp dụng quy định của luật đó. Trong trường hợp luật khác quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân, tổ chức nhưng không quy định trình tự, thủ tục thì áp dụng quy định của Luật này (Điều 7).

  Mục 2 Chương II quy định về các thông tin được các cơ quan nhà nước chủ động công bố (Điều 10), hình thức công bố thông tin (Điều 11), quy định những thông tin công khai trên trang thông tin điện tử (Điều 12),  thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (Điều 13), quy định về đăng công báo và niêm yết (Điều 14).

  Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định rõ các loại thông tin phải được cơ quan nhà nước chủ động công bố. Đó là các thông tin mà các văn bản quy phạm pháp luật quy định phải công bố công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc thuộc thủ tục hành chính của cơ quan; các loại thông tin khác nếu thấy việc công bố là cần thiết nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người, bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng. Hình thức chủ động công bố thông tin theo dự luật có thể được thể hiện bằng các hình thức: đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan; công bố trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan và các địa điểm khác; các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan xác định và được ghi rõ trong danh mục thông tin.

Mục 3 Chương II quy định về  thông tin được cung cấp theo yêu cầu (từ Điều 15 đến Điều 20). Mục này quy định  những thông tin có thể cung cấp theo yêu cầu, trách nhiệm của người yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 15), nội dung cần có của văn bản yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 16), cách thức cung cấp thông tin theo yêu cầu (Điều 17).Theo quy định của dự thảo việc cung cấp thông tin theo yêu cầu có thể được thể hiện bằng  các cách thức: cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan, cung cấp thông tin qua mạng điện tử, cung cấp bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu. Mục 3 Chương II cũng quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu theo dự thảo chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cơ quan có trách nhiệm xem xét quyết định cung cấp hoặc từ chối cung cấp thông tin. Trong trường hợp cần thiết thêm thời gian để  xem xét, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn tối đa là 15 ngày. Trong Mục 3 Chương II cũng quy định về chi phí cung cấp thông tin (Điều 19).

Mục 3 đồng thời cũng quy định về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 20). Theo dự thảo cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có thể từ chối trong các trường hợp cơ quan không có thông tin theo yêu cầu; thông tin được yêu cầu cung cấp không thuộc loại thông tin được quy định trong Khoản 1 Điều 15 của Luật này; thông tin đã được cung cấp cho người yêu cầu 2 lần; văn bản yêu cầu cung cấp thông tin không nêu rõ lý do yêu cầu hoặc lý do yêu cầu cung cấp thông tin không phù hợp; yêu cầu cung cấp thông tin cho người khác; người yêu cầu cung cấp thông tin bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; thông tin được yêu cầu với số lượng quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; thông tin mà việc cung cấp sẽ ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính tiền tệ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quan hệ ngoại giao, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ hoặc sự an toàn của cá nhân hoặc cộng đồng; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan, tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ; các  tài liệu đang trong quá trình soạn thảo mà chưa đến thời điểm pháp luật quy định phải công bố để lấy ý kiến.

Chương III. Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin (từ Điều 21 đến Điều 25).

   Chương này quy định về trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm các nguồn lực và biện pháp cần thiết cho việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin (Điều 21). Bên cạnh đó, Chương này cũng quy định cụ thể cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện (Điều 24); xử lý vi phạm (Điều 25); giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Điều 23) và quản lý nhà nước về công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (Điều 22).

Chương IV. Điều khoản thi hành (từ Điều 26 đến Điều 29).

Chương này xác định trách nhiệm của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và quy định chi tiết một số điều của Luật (Điều 28); xác định trách nhiệm của Chính phủ quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin của tổ chức sự nghiệp dịch vụ công và doanh nghiệp nhà nước (Điều 27). Chương này  cũng xác định thời điểm có hiệu lực của Luật (Điều 29).

4.3. Một số kiến nghị đối với dự thảo Luật Tiếp cận thông tin

     So với các dự thảo đầu tiên, dự thảo cuối cùng (sau khi đã chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành) có nhiều ưu điểm nổi trội. Đó là dự thảo lần này ngắn gọn hơn, chú ý nhiều hơn đến tính khả thi của dự luật. Các điều luật trong dự thảo quy định khá rõ ràng, rành mạch, lời văn trong dự thảo được viết giản dị, dễ hiểu. Dự luật không ôm đồm những vấn đề mặc dù rất cần thiết nhưng khó thực hiện được trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay.

  Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu dự luật vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục để bảo đảm khi ra đời Luật này có thể phát huy hiệu lực cao trong đời sống nhà nước và xã hội:

 - Về cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, dự thảo (Điều 4) quy định 14 loại cơ quan khá cụ thể[10], tuy nhiên phạm vi điều chỉnh của Luật áp dụng cho các cơ quan, tổ chức theo Điều 4 là khá hạn hẹp, trong khi ở nước ta số lượng các cơ quan nhà nước lớn hơn rất nhiều, hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp là những tổ chức cũng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Vì thế, cần thiết phải quy định tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin. Ngoài ra, cần quy định thêm các tổ chức tư nhân nếu nắm giữ các thông tin cần thiết cho việc thực hiện hoặc bảo vệ một quyền lợi của một chủ thể pháp luật nhất định cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi chủ thể đó yêu cầu.

- Việc công khai tài chính nhất là sử dụng ngân sách và các khoản do Nhân dân đóng góp cần quy định cụ thể, áp dụng thống nhất với mọi đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, với cả tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; việc công khai và cung cấp thông tin khác do tổ chức đó tự quy định hoặc theo các văn bản pháp luật khác. Đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có sử dụng ngân sách nhà nước hay Nhà nước nắm cổ phần như nêu trên thì thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ như đối với doanh nghiệp nhà nước và tổ chức sự nghiệp dịch vụ công. Theo nhóm nghiên cứu, phần quy định các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin không nên dùng phương pháp liệt kê vì không thể tránh khỏi sự bỏ sót và điều luật sẽ rất dài dòng. Phương pháp tốt nhất là quy định một cách khái quát hơn, ví dụ, Điều 6 Luật mẫu về tự do thông tin do nhóm Article 19 của Liên Hợp quốc xây dựng: “Cơ quan nhà nước bao gồm bất cứ cơ quan nào:

(a) Được thành lập bởi hoặc theo quy định của Hiến pháp;

(b) Được thành lập theo quy định của luật;

(c) Là bộ phận ở bất cứ cấp nào của Chính phủ;

(d) Được sở hữu, điều khiển hoặc tài trợ chủ yếu bởi ngân sách nhà nước;

(e) Thực hiện chức năng nhà nước do pháp luật quy định.

- Về mối quan hệ với các luật khác, nên có quy định các luật khác quy định hẹp hơn đối với tiếp cận thông tin hay trình tự, thủ tục tiếp cận không thuận lợi như Luật Tiếp cận thông tin mà ban hành trước Luật này thì phải áp dụng theo quy định Luật này và phải sửa đổi, bổ sung các luật đó. Mặc dù Điều 33 có quy định cụ thể phải rà soát loại bỏ những văn bản không phù hợp và quy định nếu có mâu thuẫn giữa các luật thì quy định của luật sau được áp dụng nhưng trên thực tế việc thực thi sẽ khó khăn nếu không có quy định rõ ràng.  

- Về thông tin công khai rộng rãi cần quy định rộng hơn về công khai tài chính, sử dụng ngân sách, việc phê duyệt các dự án, việc đền bù trưng dụng thu hồi đất, phân phối tiền trợ cấp… và bắt buộc (chứ không chỉ khuyến khích) công khai trên trang thông tin điện tử về các nội dung từ điểm e đến điểm l khoản 1 Điều 9 như trong dự thảo luật; nên quy định cụ thể hơn về thời hạn phải công khai như buộc phải công khai trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày tạo thông tin. Cần quy định cụ thể hơn thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cần quy định thời hạn gia hạn trường hợp công khai rộng rãi thông tin vì lợi ích cộng đồng. Hình thức công khai cần quy định rõ công khai rộng rãi bảo đảm mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận được bằng các hình thức. Các thông tin buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử không loại trừ công khai bằng các hình thức khác.

- Về thông tin được cung cấp theo yêu cầu, cần mở rộng quy định thông tin do cơ quan nhà nước nhận được để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, và liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ quan, thuộc sở hữu của cơ quan chứ không chỉ thông tin do cơ quan nhà nước ban hành. Dự thảo trong điểm b khoản 2 Điều 4 có thể gây sự tùy tiện áp dụng. Quy định lại như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người yêu cầu.

- Quy định tại khoản 2 Điều 14 cần mở rộng với các đối tượng không có khả năng tiếp cận với các hình thức công khai rộng rãi.

- Cần quy định rõ người yêu cầu không cần phải nêu lý do, trừ một số trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy nhằm tránh trường hợp cán bộ thông tin gây khó khăn cho người yêu cầu hay hạch sách họ. Cần quy định trong trường hợp người yêu cầu có khó khăn khách quan trong việc thể hiện yêu cầu bằng văn bản, cán bộ thông tin phải hướng dẫn họ.

- Thời hạn để cung cấp thông tin cần ngắn hơn quy định trong dự thảo tại điểm b khoản 2 Điều 22, hiện quy định 15 ngày từ ngày thông báo chấp nhận cung cấp thông tin trong trường hợp miễn phí hoặc kể từ ngày người yêu cầu thanh toán đủ chi phí là quá lâu, nên quy định tối đa 10 ngày.

Trường hợp yêu cầu với số lượng thông tin lớn thì cần quy định rõ là thời gian gia hạn thêm tối đa 15 ngày kể từ ngày thông báo chấp nhận cung cấp thông tin. Liên quan đến Điều 20,  đối với  thông tin được yêu cầu quá lớn không thể đáp ứng, cần quy định một cách cụ thể, nếu như cơ quan có thể đáp ứng cung cấp thông tin một phần theo yêu cầu thì phải cung cấp theo yêu cầu của người yêu cầu.

- Cần quy định cụ thể về nguyên tắc tính phí, như mức phí không thể cao hơn giá thị trường hay quá cao so với giá thị trường cho việc sao, chụp, in ấn; đối với  việc cung cấp một số lượng nhỏ thông tin đơn giản nên có quy định miễn phí. Cần quy định cụ thể không tính phí cho công sức của cán bộ thông tin bỏ ra để đáp ứng yêu cầu của người yêu cầu. Các quy định miễn phí cần quy định một cách cụ thể, tránh trường hợp lợi dụng quy định chưa rõ để không phải nộp phí. Cần quy định cụ thể thời hạn đóng phí.

- Cần quy định cụ thể tạo điều kiện cho người yêu cầu có thể tiếp nhận thông tin tại cơ quan thuận lợi nhất cho họ, như gần địa chỉ của họ nhất, điều này là cần thiết, nhất là trong trường hợp có thể có nhiều cơ quan nắm thông tin mà trách nhiệm cung cấp thông tin đều thuộc về các cơ quan đó nhưng đùn đẩy trách nhiệm. Cũng quy định cụ thể trách nhiệm cán bộ thông tin tiếp người yêu cầu khi đến để thực hiện yêu cầu.

- Luật cần quy định vấn đề thông tin liên quan đến người thứ ba. Hiện trong dự thảo chưa quy định.

- Các quy định liên quan đến việc từ chối yêu cầu tại Điều 20 còn chung chung, chưa cụ thể. Phần lớn các nước đã ban hành luật này đều quy định cụ thể các trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Nên có quy định phân tách thông tin trong một tài liệu, nếu một tài liệu có cả thông tin không thể cung cấp và thông tin phải cung cấp, thì phần thông tin phải cung cấp cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu.

- Việc từ chối yêu cầu cần quy định rõ trong văn bản từ chối là người yêu cầu có quyền khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ cơ quan giải quyết; lý do từ chối cần viện dẫn quy định của pháp luật cụ thể; trong trường hợp cơ quan không có thông tin theo yêu cầu hoặc thông tin nhận được nhưng không có trách nhiệm phải cung cấp thông tin dựa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 thì cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận yêu cầu phải hướng dẫn người yêu cầu đến nơi mà có thể có thông tin mà người yêu cầu có thể tiếp cận hoặc chuyển yêu cầu đến cơ quan đó nếu có thể thực hiện được. Thông tin được cung cấp hai lần dưới hình thức trả lời bằng lời nói không nên đưa vào diện từ chối nếu có yêu cầu bằng văn bản hay hình thức khác, trừ khi yêu cầu lần thứ ba bằng lời nói. Trường hợp thông tin được công khai theo quy định tại Điều 9 mà không phải dưới hình thức công khai trên trang điện tử thì cơ quan nhận yêu cầu cũng phải hướng dẫn người yêu cầu để có thể tiếp cận thông tin, trường hợp người yêu cầu không thể tiếp cận được thì cũng phải cung cấp thông tin theo yêu cầu.

- Việc bố trí cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin là cần thiết, nhưng quy định rõ trách nhiệm của họ đặc biệt là  nên bao gồm cả trách nhiệm liên quan việc quản lý hồ sơ tài liệu của cơ quan và liên quan việc quản lý thông tin được công bố rộng rãi.

- Luật hoặc nghị định hướng dẫn thi hành cần quy định cụ thể về thời hạn các cơ quan phải công bố thông tin rộng rãi, và trách nhiệm của các cơ quan không thực hiện đúng thời hạn theo quy định không có lý do hợp pháp, hợp lý.

- Quy định về khiếu nại, khiếu kiện còn quá sơ sài. Cần quy định thêm quyền khiếu nại đối với trường hợp không tiếp nhận yêu cầu. Nên mở rộng quy định người yêu cầu có quyền yêu cầu bồi thường nếu thông tin cung cấp không theo đúng quy định của pháp luật (có tính chất cố ý), hay yêu cầu của họ không được đáp ứng trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ. Đồng thời, mở rộng quy định người thứ ba có liên quan có quyền khiếu nại, khiếu kiện.

 Nên quy định hai cấp giải quyết khiếu nại là giải quyết khiếu nại trong nội bộ, và sau đó là khiếu nại lên cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong giám sát thực thi quyền tiếp cận thông tin (không trực thuộc bộ máy hành chính). Đồng thời, quy định về quyền khiếu kiện theo hướng người yêu cầu hay người thứ ba có quyền kiện ra cơ quan Tòa án kể cả trong trường hợp đã thực hiện quyền khiếu nại. Hiện nhiều quốc gia nhất là các quốc gia ban hành luật trong những năm gần đây đã xây dựng thiết chế giám sát thông tin độc lập (thậm chí cả cấp địa phương), bao gồm cả giải quyết khiếu nại, tại Việt Nam có thể nghiên cứu nâng cấp Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội thành Uỷ ban Dân nguyện, một Uỷ ban của Quốc hội để thực thi giải quyết khiếu nại và giám sát. Cơ chế giải quyết khiếu kiện tại nhiều nước theo quy định pháp luật tố tụng hành chính, một số nước thiết lập cơ quan bán Tòa án giải quyết khiếu kiện gần giống cơ chế trọng tài thương mại. Việt Nam có thể nghiên cứu để áp dụng.

- Việc xử lý vi phạm quy định còn quá chung chung, chế tài không đủ mạnh. Nên quy định cụ thể cơ quan giám sát thông tin có quyền  kiến nghị áp dụng chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức nếu xét thấy sai phạm. Quy định rõ ràng xử lý vi phạm cơ quan không công khai thông tin cần công khai rộng rãi theo quy định của pháp luật. Quy định xử lý cả cơ quan tự ý nâng phí tiếp cận thông tin không theo quy định của luật.

- Cần quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo vi phạm, không nên quy định chung chung và không rõ ràng bao hàm cung cấp thông tin có tính tố cáo như trong dự thảo tại Điều 5. 

- Cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên đây là cơ quan thuộc bộ máy hành pháp vì vậy cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuộc cơ quan lập pháp thực hiện chức năng giám sát, giải quyết khiếu nại. Tránh sự chồng chéo thẩm quyền cơ quan giám sát thuộc cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

- Cần quy định rõ việc Chính phủ ban hành quy định công khai thông tin của chính quyền cấp xã trên trang thông tin điện tử phù hợp quy định của luật, không quá 1 năm (ở đô thị) và 2 năm (các địa bàn khác) sau khi Luật có hiệu lực.



[1] Toby Mendel, Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin, Parliament and Access to Information: Working for Transparent Governance, Working Paper for World Bank Institute, 2005, trang 4

[2] Tony Mendel, Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin, Parliament and Access to Information: Working for Transparent Governance, Working Paper for World Bank Institute, 2005, trang 4

[3] Nguyên tắc về Luật tự do thông tin và quyền được thông tin (hay còn gọi là quyền được biết) của công chúng đã được Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc thông qua tại Phiên họp thứ 56 (năm 2000), bao gồm 9 nguyên tắc cơ bản sau đây: 1. Mở thông tin tối đa (trên cơ sở luật và các nguyên tắc, quy định cụ thể); 2. Nghĩa vụ công bố (của các cơ quan công quyền); 3. Thúc đẩy Chính phủ mở (các cơ quan công quyền tích cực thực hiện cơ chế Chính phủ mở, xóa bỏ văn hóa bí mật trong quá trình điều hành đất nước); 4. Hạn chế phạm vi các quy định về miễn trừ cung cấp thông tin, hạn chế danh mục mật (danh mục mật cần được quy định rõ ràng, minh bạch và phải bị hạn chế; thông tin bị hạn chế, nếu có, chỉ với mục đích bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng); 5. Bảo đảm tính khả thi của quá trình tiếp cận thông tin (cơ chế cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, đầy đủ, hiệu quả và có đánh giá giám sát độc lập); 6. Chi phí tiếp cận thông tin (về cơ bản, người dân không phải trả chi phí, hoặc không phải trả chi phí quá cao cho việc yêu cầu cung cấp thông tin); 7. Công khai các cuộc họp (cho công chúng biết về các cuộc họp của các cơ quan công quyền bằng nhiều hình thức phù hợp như cung cấp văn bản, nói chuyện trực tiếp, cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền thông, v.v…); 8. Sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm công khai thông tin (các luật, văn bản pháp luật không nhất quán với nguyên tắc về quyền tiếp cận thông tin cần được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với nguyên tắc này); 9. Bảo vệ người cung cấp thông tin.

 

[4] Luật số 571 ngày 19/12/1995. http://aabenhedskomite.dk/07love/forvaltningsloven_paa_engelsk.htm

[5] Luật về Xử lý dữ liệu cá nhân (Luật số 429 ngày 31/5/2000). http://www.datatilsynet.no/upload/Dokumenter/regelverk/lov_forskrift/lov-20000414-031-eng.pdf.

 

[6] Được ký kết vào ngày 30 tháng 11 năm 2001 ở Tokyo (Nhật Bản)

[7] Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, trang 30

[8]  David Banisar – Báo cáo tự do thông tin thế giới năm 2006, nguồn: www.privacyinternational. org

[9] Phạm Anh Tuấn – Vai trò của tiếp cận thông tin đối với phòng, chống tham nhũng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề “Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin” năm 2010,, tr. 14

[10]  Theo quy định tại Điều 4 dự thảo luật: các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin bao gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Kiểm toán nhà nước; Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng; Văn phòng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương; Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; Cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

 

 

Nội dung toàn văn

A.  BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ

                                   NGHIÊN CỨU                                                      

                                                

                       PHẦN MỞ ĐẦU

1.Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

   Quyền tiếp cận thông tin (Right to access to information) là quyền của   con người và công dân được tiếp cận các thông tin, đã ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền đặc biệt là các cơ quan hành chính Nhà nước. Các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không vì  bản thân họ mà với tư cách là người bảo vệ lợi ích của công chúng. Thông tin được coi là tài sản Quốc gia và cũng như mọi tài sản khác không thể để cho một cá nhân hay tổ chức nào độc quyền chiếm đoạt nếu đó không phải là các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật trong giai đoạn điều tra tội phạm, bí mật cá nhân. Quyền tiếp cận thông tin được coi là một trong những quyền cơ bản của con người và công dân. Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới”. Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng đã quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp vào. Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.

  Trong khoảng 20 năm gần đây đã diễn ra một cuộc cách mạng toàn cầu về quyền tiếp cận  thông tin. Bản chất của cuộc cách mạng này là  công nhận quyền của cá nhân được tiếp cận thông tin của cơ  quan công quyền. Quyền này ngày nay đã được nhìn nhận rộng rãi là một  quyền con người cơ bản, như hòn đá tảng của nền dân chủ và của nền quản trị tốt và là công cụ hữu

hiệu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

  Quyền được thông tin/ tiếp cận thông tin không những được quy định trong nhiều văn kiện của Liên Hợp Quốc, trong Hiến pháp của hầu hết các nước trên thế giới mà còn được thể hiện bằng Luật về tiếp cận thông tin.

  Nếu năm 1990 trên thế giới chỉ có 13 nước đã ban hành Luật tiếp cận thông tin thì đến năm 2009, đã có 86 nước ban hành luật về tiếp cận thông tin:

Thụy Điển (1766), Colombia (1885), Phần Lan (1919),  Mỹ (1966), Na Uy (1970),  Pháp (1978), Úc (1982), Canada (1983), Đan Mạch (1985), Hà Lan (1991); Hungary (1992), Hàn Quốc (1996), Kirgizstan (1997), Thái Lan (1997), Anbani (1999), Bungary (2000, Nam Phi (2000), Anh (2000), Jamaica (2002), Mexico (2002), Thổ Nhĩ Kỳ (2003), Pêru (2003), Nhật Bản (2004), Ấn Độ (2005), Azerbaijan (2005), Uganda (2005), LB Nga (2006), Indonesia (2007)…  Trung Quốc cũng đã ban hành Pháp lệnh về quyền tiếp cận thông tin năm 2007; 30 quốc gia khác đang nỗ lực xem xét ban hành luật này.

   Ở Việt Nam, quyền được thông tin đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và nhiều văn bản pháp luật khác, tuy nhiên cho đến nay Nhà nước ta vẫn chưa có đạo luật riêng quy định  về quyền này. Quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay được thể hiện rãi rác trong nhiều văn bản pháp luật: Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, Luật báo chí năm 1989, Luật xuất bản năm 2004, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân  và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005, Pháp lênh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Đặc biệt trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, của cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan.

  Những quy định trên đây về việc tiếp cận thông tin của công dân và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước về cung cấp thông tin trong một số lĩnh vực và phạm vi địa bàn áp dụng cũng đã khá rõ tuy nhiên việc thực hiện các quy định nói trên còn rất hạn chế vì trong tất cả các văn bản pháp luật nói trên hầu như rất ít chế tài quy định về vấn đề xử phạt việc không cung cấp thông tin và những quy định nói trên nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau và thiếu tính hệ thống nên vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để đảm bảo cho công dân được thực hiện một cách đầy đủ quyền tiếp cận thông tin.

 Theo Toby Mendel, chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc về quyền tiếp

cận thông tin, trong công trình nghiên cứu “Tầm quan trọng của Quyền tiếp cận thông tin: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm” [1], tổ chức phi Chính phủ Quốc tế về nhân quyền có tên là ARTICLE 19 đã coi thông tin là “khí oxy của nền dân chủ”. Thông tin là nguồn sống cơ bản của nền dân chủ vì về bản chất dân chủ là khả năng của cá nhân tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến cá nhân đó [2].Quyền tiếp cận thông tin xứng đáng được coi là “oxy của nền dân chủ” bởi suy cho cùng nó là  quyền để thực hiện mọi quyền. Vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm, không thể kiểm tra về bất cứ vấn đề gì. Nói một cách khác tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân đều chỉ có thể đảm bảo thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.

   Quyền tiếp cận thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các quyền  chính trị, dân sự và các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội  của công dân.

  Quyền chính trị của công dân bao gồm các quyền: tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia xây dựng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tham gia thực hiện giám sát bộ máy nhà nước, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,  tự do hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, tự do thể hiện ý chí của mình khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý . Muốn thực hiện các quyền trên đây trước hết công dân phải có đầy đủ các thông tin. Nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ công dân không thể thực hiện các quyền Hiến định đó của mình; chẳng hạn để thực hiện quyền bầu cử nếu các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp đầy đủ các thông về các ứng cử viên trong danh sách bầu cử, người dân không biết lựa chọn người nào vì vậy mặc dù có quyền lựa chọn nhưng người dân không thể thực hiện được quyền này. Các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn các thành viên của Chính phủ trong các phiên họp của Quốc hội nhưng nếu các đại biểu Quốc hội không được cung cấp thông tin đầy đủ hoặc không có bộ máy giúp việc  có năng lực hoặc không có các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như Thanh tra Quốc hội  (Ombudsman) hay Kiểm toán Quốc hội (Parliamentary Audit), các đại biểu Quốc hội không thể có thông tin để đối chiếu với những số liệu mà các Bộ trưởng đã đưa ra khi trả lời chất vấn thì quyền chất vấn cũng chỉ là hình thức. Ngay quyền bỏ phiếu để thông qua kế hoạch dài hạn và ngắn hạn nếu không có thông tin đầy đủ thì các đại biểu Quốc hội cũng không dám chắc việc “bấm nút” của mình đúng hay sai. Mức độ tham gia của công dân vào việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh được hình thành trên cơ sở các thông tin mà công dân nắm được.   Việc các khu đô thị mới ở Hà Nội hình thành một cách nhanh chóng với dân số ngày càng tăng theo mức độ phát triển của các khu đô thị, tuy nhiên các trường học từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các khu vực đó lại không được xây dựng dẫn đến tình trạng các trường học ở Hà Nội bị quá tải, trẻ em các khu vực đô thị mới phải đi học xa hoặc phải chịu mọi sự bất tiện do thiếu trường học trên địa bàn của mình cũng là hệ quả của việc thiếu các thông tin toàn diện và việc thiếu vai trò điều hoà, phối hợp giữa các bộ, ngành do các bộ ngành này không nắm được thông tin của các bộ ngành khác.

  Do không có các thông tin đầy đủ, việc thực hiện quyền khiếu nại tố cáo của công dân sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn họ không biết gửi đơn khiếu kiện đến cơ quan nào, thủ tục giải quyết khiếu kiện sẽ ra sao, ai là người chịu trách nhiệm chính về loại vụ việc này. Do không có thông tin đầy đủ người dân có thể buộc phải chịu đựng tình trạng vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà không dám đấu tranh vì các cơ quan công quyền đặc biệt là các cơ quan hành chính Nhà nước đã bưng bít các thông tin.

  Mọi công dân đều có đầy đủ các quyền dân sự của mình. Một trong các quyền dân sự của công dân là quyền được yêu cầu bồi thường khi họ là nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam giữ bất hợp pháp. Công dân chỉ có thể đấu tranh để thực hiện quyền này khi họ được cung cấp thông tin về điều kiện và mức độ bồi thường, cơ quan bồi thường. Nếu không có các thông tin đó người dân sẽ rất khó khăn khi bảo vệ các quyền của mình. Quyền tài sản là quyền dân sự đặc biệt quan trọng của công dân. Khi vì lợi ích công các bất động sản của công dân có thể bị nhà nước trưng dụng với sự đền bồi thoả đáng. Tuy nhiên, công dân chỉ có thể bảo vệ được quyền đền bù thoả đáng này khi họ được nhà nước cung cấp đầy đủ và chính xác về giá cả đền bù và các thủ tục cần thiết trong việc đền bù do giải phóng mặt bằng.

 Như vậy nếu không có thông tin đầy đủ thì các quyền dân sự của người dân khó có thể được đảm bảo thực hiện.

Quyền tiếp cận thông tin có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân.

 Quyền tự do kinh doanh là một quyền  cơ bản của công dân, tuy nhiên muốn thực hiện quyền này công dân phải có đầy đủ thông tin trong lĩnh vực kinh tế chẳng hạn công dân cần phải có đầy đủ các thông tin về nhu cầu tiêu dùng của xã hội, về thị trường tiêu thụ hàng hoá trên cơ sở đó người dân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả. Khi có đầy đủ thông tin công dân có thể xác định đúng sản xuất mặt hàng gì, yêu cầu chất lượng như thế nào và tiêu thụ ở đâu. Tình trạng nhiều nơi nông dân trồng mía,  nuôi bò sữa, trồng các loại hoa quả, chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc nhưng không bán được sản phẩm của mình do nhu cầu tiêu thụ ít nhưng sản xuất lại nhiều, mặt hàng cần thì không có, mặt hàng có thì không cần chính là do sự thiếu thông tin theo quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường. Hoặc trong trường hợp khác, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cung cấp cho người dân biết những thông tin về nguy cơ phá sản hay tình trạng đã phá sản của một số doanh nghiệp của Nhà nước cũng như tư nhân thì người dân có thể sẽ mất trắng hàng trăm triệu, hàng chục tỷ đồng nếu làm ăn với các doanh nghiệp đã hoặc đang trên đà phá sản mà họ không biết.

 Đối với quyền học tập của công dân cũng vậy. Các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về các nghề nghiệp mà xã hội đang cần, mặt khác cũng cần cung cấp các thông tin về những ngành nghề mà nhiều người đã tốt nghiệp được cấp các bằng đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp nhưng không có việc làm . Nếu không có thông tin đầy đủ về các chỉ số trên đây thì sẽ dẫn đến tình trạng đào tạo tràn lan, đào tạo theo nhu cầu cảm tính, cán bộ vừa thừa vừa thiếu. Con số ước tính chỉ có khoảng 40% sinh viên các trường đại học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo hiện nay ở Việt Nam đã nói lên tình trạng này, chưa nói đến những sai lầm về đào tạo cán bộ trong thời kỳ theo cơ chế hành chính quan liêu bao cấp. Trong thời kỳ đó do thiếu thông tin cần thiết nên chúng ta đã gửi các con em đi đào tạo ở nước ngoài không đúng trọng tâm, trọng điểm. Do không biết ngành gì đào tạo ở trường nào, ở nước nào thì có chất lượng cao nhất nên hầu như trong thời kỳ này, các sinh viên đi học nước ngoài bất cứ ngành gì cũng gửi đi đào tạo ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trong khi đó các trường có chất lượng cao nhất trong lĩnh vực đó như ở  Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Đức , Canađa và các nước tư bản phát triển thì Nhà nước không gửi người đi đào tạo. Do thiếu thông tin khoa học đặc biệt là những thông tin khoa học cập nhật, các lĩnh vực khoa học đặc biệt là khoa học xã hội của Việt Nam đã lạc hậu so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Cũng do thiếu thông tin về hình thức và phương pháp đào tạo ở nước ngoài nên trong một thời gian dài chỉ có hình thức đào tạo công lập đồng thời phương pháp đào tạo mang tính chất cổ truyền, đào tạo theo chương trình tín chỉ chỉ được đào tạo trong thời gian gần đây.

   Quyền tiếp cận thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tạo công ăn việc làm cho công dân đặc biệt là các chính sách xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Do không có thông tin đầy đủ và chính xác về việc làm và chế độ tiền lương ở nước ngoài mà một số công nhân xuất khẩu lao động với những chi phí tốn kém để ra nước ngoài lao động ở nước ngoài nhưng  khi ra nước ngoài họ đã thất vọng vì công việc nặng nhọc mà đồng lương thấp, hoặc không có việc làm buộc họ phải trở về nước với những khoản nợ nặng nề do chi phí cho các dịch vụ môi giới tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Sự thiếu thông tin cần thiết và đầy đủ cũng tước đi khả năng của công dân có thể hưởng thụ những tinh hoa văn hoá của nhân loại như thông tin về  những thành tựu mới trong văn học nghệ thuật, âm nhạc, trong phát minh sáng chế, trong các thành tựu y học về giải phẩu về khả năng chữa các căn bệnh hiểm nghèo, các thành tựu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và công nghệ sinh học tạo ra các giống cây mới, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao.

  Việc cung cấp đầy đủ các thông tin cho công dân về  môi trường, chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo, phương pháp đào tạo ở nước ngoài có thể giúp cho các bậc phụ huynh chọn đúng trường, đúng ngành nghề, phù hợp với khả năng kinh tế của mình để có thể định hướng cho con em họ có thể đến những nơi tốt nhất để học tập, rèn luyện để sớm thành đạt trong nghề nghiệp của mình khi ra trường.

  Một trong các quyền thuộc về lĩnh vực các quyền kinh tế,văn hoá, xã hội là quyền được sống trong môi trường trong sạch, tuy nhiên nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cung cấp thường xuyên các số liệu về mức độ ô nhiễm không khí, sự trong sạch của các nguồn nước thì người dân có thể không biết họ đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm về mức độ tiếng ồn, về mức độ bụi trong không khí, về các nguồn nước uống có chứa các chất độc hại, các thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày nếu không có thông tin đầy đủ người dân cũng có thể sử dụng các thực phẩm độc hại như hoa quả được tẩm hoá chất để bảo quản lâu ngày, các loại rau quả bị nhiễm thuốc trừ sâu, các loại thịt có nguy cơ được đưa đến từ một vùng mà súc vật đang bị các bệnh dịch.

   Từ những phân tích trên đây có thể đi đến kết luận quyền tiếp cận thông tin chính là điều kiên tiên quyết để đảm bảo thực hiện các quyền con người và quyền công dân. Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin đối với Việt nam hiện nay là cần thiết và cấp bách. Trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá quyền tiếp cận thông tin đã và đang trở nên một quyền cơ bản và là một trong những quyền quan trọng nhất của con người và công dân.

   Quyền tiếp cận thông tin ( Right to acces to information) là một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người, bảo đảm quyền được thông tin là một trong những điều kiện cần thiết để xây dựng một thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền. Trong bối cảnh đất nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thông tin trở thành một yêu cầu vô cùng cần thiết trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội và  an sinh xã hội, nâng cao dân trí, xây dựng nhà nước và hoàn thiện pháp luật để phát huy rộng rãi sự tham gia của người dân vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giám sát công quyền, tăng cường tính công khai minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng và chống tham nhũng, lãng phí, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước. Quyền tiếp cận thông tin cũng bảo đảm mỗi cá nhân thực hiện các quyền khác tốt hơn và bảo vệ các lợi ích hợp pháp của họ. Phương châm các công việc quan trọng của nhà nước “dân biết, dân bàn, dân làm, dân  kiểm tra” theo tư duy lô gic của một chuyên gia về luật  tiếp cận thông tin có thể diễn đạt như sau: “ dân biết nhờ có thông tin, dân bàn nhờ có thông tin, dân làm nhờ có thông tin, dân kiểm tra nhờ có thông tin”. Nói  cách khác thông tin là tất cả, là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền  con người và công dân. Thông tin là ô xy của nền dân chủ, nếu thông tin không được đảm bảo, thông tin sai lệch hoặc bưng bít thông tin, quyền làm chủ của  nhân dân khó có thể thực hiện được.

  Nhận thức được tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin trong việc phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tính công khai minh bạch và hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, Nghị  quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành TW Đảng (Khoá X) tháng 8-2006 đã chỉ rõ: “ Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai” và  “Nghiên cứu ban hành Luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân”. Đây là chủ trương quan trọng của Đảng, là định hướng quan trọng cho việc bảo đảm thực tế quyền được thông tin ở nước ta, góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam.

  Thực hiện Nghị quyết của Đảng, việc nghiên cứu đề tài Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng Luật tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết. Đề tài đáp ứng yêu cầu về mặt lý luận cũng như thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.     

2.Tình hình nghiên cứu

2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài:

   Quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin (Right to access to information) được coi là một trong các  quyền cơ bản  của con người đã được Liên Hợp Quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế và khu vực công nhận. Phần lớn các quốc gia trên thế giới, khi tham gia vào các điều ước quốc tế về quyền con người ở cấp quốc gia và khu vực đều trực tiếp hay gián tiếp công nhận, tôn trọng quyền được thông tin của cá nhân. Sự bùng nổ của internet và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thông tin, nhận thức về dân chủ, tự do cá nhân và yêu cầu phát triển kinh tế tại các quốc gia đã đưa đến sự bùng phát làn sóng ban hành Luật tự do thông tin/ Luật tiếp cận thông tin lan rộng trên toàn cầu và tại khắp các lục địa. Cho đến nay đã có gần 90 quốc gia trên thế giới ban hành một đạo luật riêng để cụ thể hoá và bảo đảm thực thi quyền được thông tin ở quốc gia mình, từ những nước phát triển như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật  Bản, Canada cho đến những nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ, Hy Lạp, Mexico, Georgia, Ba Lan, Romania, Bulgary, Peru, Azerbaijan , Jordani, hay thậm chí cả những nước còn đang phát triển ở trình độ tương đối thấp như Pakistan, Kyrgyzstan, Albania, Nepal hay Uganda. Sự bùng nổ pháp luật thực định về quyền được thông tin ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế là một dấu hiệu cho thấy sự dồi dào các tài liệu nghiên cứu dưới các hình thức khác nhau cung cấp cơ sở lý luận cũng như thực tiễn cho việc nghiên cứu xây dựng một cách toàn diện pháp luật về quyền được thông tin. Các nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực này đã có sự phát triển từ rất lâu đời và cho đến nay đã ở trình độ cao ở cả khía cạnh chiều rộng và chiều sâu.

    Ở mức độ nghiên cứu khái quát, những công trình nghiên cứu có uy tín cao của các nhà luật học Anh như Freedom of Information: The Law, the Practice and the Ideal ( Tự do thông tin: Pháp luật, thực tiễn và lý tưởng) của Patrick Birkinshaw (2001) hay Blackstone’s Guide to the Freedom of  Information Act ( Bình luận của Blackston về đạo luật  tự do thông tin) của John Wadham, Jonathan Griffiths và Kelly Marris (2002). Đặc biệt là công trình nghiên cứu: “Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin” của chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Luật tiếp cận thông tin là Tony Mendel, xuất bản năm 2008. Các công trình nghiên cứu này đã phân tích, so sánh quyền tiếp cận thông tin trong mối quan hệ với các quyền khác của con người đã được quy định trong các điều ước quốc tế như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do xuất bản; vai trò của nó trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo thực hiện các quyền công dân và quyền con người…Những tác phẩm này rất có giá trị trong việc cung cấp một cách nhìn về quyền được thông tin từ góc độ pháp luật quốc tế về quyền con người.

   Đi sâu vào nghiên cứu nội dung của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong các tác phẩm như Freedom of Information: The Law, the Practice and the Ideal (Tự do thông tin: Pháp luật, thực tiễn và lý tưởng) của Patrick Birkinshaw (2001) hay Blackstone’s Guide to the Freedom of  Information Act (Bình luận Blackstone về đạo luật về quyền tự do thông tin) của John Wadham, Jonathan Griffiths và Kelly Marris (2002)  ta thấy những tác phẩm này phân tích cụ thể những vấn đề liên quan đến quyền được thông tin như vai trò, bối cảnh ra đời, nội dung các quyền, các trường hợp miễn trừ và các cơ chế bảo đảm thực thi. Đặc biệt các đề xuất liên quan tới  kinh nghiệm xây dựng các khung thể chế và thiết chế cụ thể để bảo đảm thực thi quyền được thông tin theo các chuẩn mực quốc tế đã nhận được sự tham gia rộng rãi của cả giới nghiên cứu và những người xây dựng chính sách. Các công trình này cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình quy định và thực thi quyền được thông tin ở một số quốc gia điển hình như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Đức,… có thể làm cơ sở tham khảo quý về kinh nghiệm đối với vấn đề này từ góc độ so sánh.

    Ở mức độ chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực này có rất nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí luật học nước ngoài hoặc sách chuyên khảo. Nội dung và các khía cạnh khác nhau của quyền tiếp cận thông tin được đề cập ở các hình thức nghiên cứu  rất đa dạng và phong phú. Ví dụ như bài Freedom of Information and Openness: Fundamental Human Right? (Tự do thông tin và công khai - Quyền cơ bản của con người?) của Patrick Birkinshaw (tạp chí Administrative Law Review, 2006) trình bày và phân tích sâu các quan điểm đa chiều của giới luật học về ưu điểm cũng như hạn chế của pháp luật về quyền được thông tin của một số quốc gia trên thế giới. Trong đó có những lập luận có giá trị tham khảo về ưu điểm của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin như giúp tăng thêm tính dân chủ của chính quyền, tính trách nhiệm của cơ quan hành pháp, tăng cường vai trò giám sát tối cao của Nghị viện,… hay về nhược điểm của pháp luật về quyền này như trong quá trình thực hiện dễ vi phạm đến quyền tự do cá nhân hay quyền lợi của bên thứ ba, hay mối quan hệ với an ninh quốc gia…Các khía cạnh chuyên sâu khác của pháp luật về quyền được thông tin cũng được quan tâm như mối quan hệ giữa quyền được thông tin với bảo đảm bí mật quốc gia trong bài Freedom of  Information and State Secrets (Tự do thông tin và bí mật quốc gia) (tạp chí 9 E. Eur.Const.Rev.102 (2000)), với quyền tự do cá nhân trong bài Freedom of Information: Is Privacy Winning (Tự do thông tin  là chiến thắng của cá nhân) (tạp chí 13 Nottingham L.J. 17 (2004)), với bí mật và an ninh quốc gia trong sách chuyên khảo: “Secrecy and Liberty: National Security, Freedom of Expression and Access to Information” ( Bí  mật và tự do: an ninh quốc gia, tự  do ngôn luận và tiếp cận thông tin) (International Studies in Human Rights) của tập thể tác giả F.D’Souza , Sandra Coliver, Paul Hoffiman, Stephen Bowen, Joan Fitzpatrick, hay vấn đề thực hiện quyền được thông tin qua thiết chế Thanh tra Nghị viện (Ombudsman) trong công trình nghiên cứu: Freedom of Information – An Ombudsman’s Perspective ( Tự do thông tin - viễn cảnh của Thanh tra Quốc hội) (tạp chí 29 Fed.L.Rev. 359 (2001)).

   Các công trình nghiên cứu về việc bảo đảm và thực hiện quyền được thông tin ở các nước, ngoài hình thức là các sách chuyên khảo như đề cập trên đây, cũng được công bố nhiều dưới hình thức các bài báo trên các tạp chí luật học và đều có giá trị tham khảo, như loạt bài: “Human Rights in Theory and Practice: A Time of Change and Development in Central and Eastern Europe”( Các quyền con người trong lý luận và thực tiễn: thời kỳ đổi thay và phát triển ở Trung và Đông Âu” trên tạp chí Conn.J.Int’l L. năm 1993 đề cập chi tiết kinh nghiệm của các nước Đông Âu hay bài: “Freedom of  Information in Australia” (Tự do thông tin ở Úc) của Peter Bayne trên tạp chí Acta Juridica số 15 năm 1993 về kinh nghiệm của Australia.

 Có thể nói các tài liệu nghiên cứu về quyền được thông tin trên thế giới cho đến nay được thực hiện dưới những hình thức khác nhau và có nội dung hết sức phong phú. Đó là những tư liệu cung cấp kiến thức lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho các nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện  thiết chế pháp lý trong lĩnh vực này như Việt Nam.

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước:

  Có thể nói, pháp luật về tiếp cận thông tin chỉ được các học giả Việt Nam nghiên cứu trong những năm gần đây. Các công trình nghiên cứu này chủ yếu chỉ dừng lại ở những cách tiếp cận khác nhau về quyền tiếp cận thông tin, hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện và đầy đủ về pháp luật về tiếp cận thông tin. Về hình thức, các công trình này cũng mới chỉ được thực hiện như các bài tham luận, báo cáo khoa học viết cho các hội thảo hoặc đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Hội thảo Tiếp cận thông tin – quy định quốc tế, kinh nghiệm Việt Nam, Đan Mạch, Hà Nội ngày 5-6/10/2006 và Hội thảo khoa học: Tiếp cận thông tin – thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của Vương quốc Anh tháng 10/2007 với các bài tham luận của các tác giả:

- Nguyễn Chí Dũng – Quyền tiếp cận thông tin: Yêu cầu của quản lý nhà nước hiệu quả, vì phát triển;

- Tường Duy Kiên – Hoàng Mai Hương – Chu Thuý Hằng – Tìm hiểu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền được đảm bảo thông tin của Việt Nam;

- TS.Dương Thanh Mai – Quyền được thông tin và sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam;

- TS. Đinh Văn Minh – Chuẩn mực tiếp cận thông tin và cuộc đấu tranh chống tham nhũng; 

- TS. Hoàng Minh Thái – Tiếp cận thông tin – Những vẫn đề đang đặt ra;

- TS. Nguyễn Đức Thuỳ - Quyền tiếp cận thông tin- Kinh nghiệm Việt Nam và Vương quốc anh;

- Phạm Quốc Anh – Sự cần thiết và đề xuất khuôn khổ của luật tiếp cận thông tin của Việt Nam;

- TS. Cao Đức Thái – Quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền được thông tin của công dân trong thời kỳ đổi mới;

- GS.TS. Trần Ngọc Đường- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với quyền được tiếp cận thông tin;

- TS. Nguyễn Quốc Việt – Minh bạch hoá pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;

- TS. Ngô Đức Mạnh – Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam;

- PGS.TS Vũ Văn Phúc – Công tác tuyên giáo với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân;

- TS.Đinh Văn Minh – Bảo đảm quyền thông tin, góp phần đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam;

- PGS.TS Hồ Trọng Ngũ – Giới hạn của quyền được thông tin;

- ThS. Vũ Công Giao – Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan ở Việt Nam;

- GS. Paul Okojie – Tiếp cận thông tin – kinh nghiệm của Anh

- TS. Tường Duy Kiên – Quyền được thông tin – cách tiếp cận quốc tế và đặc điểm chung của luật tiếp cận thông tin một số nước trên thế giới.

  Những bài viết trên đây đề cập đến Luật tiếp cận thông tin trên những phương diện và phạm vi khác nhau như  thực trạng pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam, những nội dung cơ bản quyền tiếp cận thông tin ở nước ngoài, những giới  hạn của quyền tiếp cận thông tin, những kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện Luật tiếp cận thông tin ở Anh, tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, mối quan hệ giữa việc xây dựng nhà nước pháp quyền và việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tính cấp thiết của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay.

 Đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy  nghiên cứu và  nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin là việc xuất bản cuốn sách: “ Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin” do Viện nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2007. Cuốn sách này  đã dịch toàn văn và trích dịch các

Văn kiện Quốc tế  liên quan đến quyền tiếp cận thông tin như Tuyên ngôn

thế giới về nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và

dân sự năm 1966, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho châu Á và khu vực châu Á, Thái Bình Dương năm 2001. Cuốn sách này cũng đã dịch nguyên văn và trích dịch các Luật về tiếp cận thông tin/ tự do thông tin của nhiều nước trên thế giới như Luật về tiếp cận thông tin trong các tài liệu chính thức của Anbani năm 1999, Luật về quyền được thông tin của Ấn Độ năm 2005, Luật về tiếp cận thông tin công của Ba Lan năm 2001, Luật tiếp cận thông tin của Bulgary năm 2000, Luật tiếp cận thông tin của Canada năm 1985, Luật quy định về quản lý tiếp cận chung đối với các thông tin của Chính phủ của Hà lan năm 1991, Luật về công khai thông tin của các  cơ quan chính quyền của Hàn Quốc 1996, Luật về quyền tiếp cận của công chúng đối với các tài liệu hành chính công của Na Uy năm 1970 ( sửa đổi bổ sung năm 2003),  Luật thúc đẩy tiếp cận thông tin của  Nam Phi năm 2000, Luật về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính của Nhật Bản năm 1999 , Luật về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin của Liên Bang Nga năm 2006, Luật về minh bạch và tiếp cận thông tin của Peru năm 2003, Luật về tiếp cận thông tin của Pháp năm 1978, Luật về tiếp cận thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2004, Luật tự do báo chí của Thụy Điển 1949,  Pháp lệnh về công khai thông tin của chính quyền của Trung Quốc năm 2007, Luật tự do thông tin của Úc năm 1982, Luật tự do thông tin của vương quốc Anh năm 2000.

  Trong khuôn khổ dự án Xây dựng luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam  (Project on Assisting of Law on Access to Information in Vietnam) do Đại

sứ quán Anh tài trợ,  tại Hà Nội vào 2 ngày 06-07/5/2009 Hội thảo quốc tế : “ Xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam”( Drafting law on Access to Information in Vietnam) đã được tiến hành. Tại cuộc Hội thảo này một số báo cáo đã được chuẩn bị công phu và đã được  đánh giá cao tại Hội thảo:

  • James Anderson, Chuyên gia cao cấp về quản trị quốc gia của Ngân hàng thế giới - Kinh nghiệm của một số nước Đông Âu trong việc thực thi Luật tiếp cận thông tin;
  • Jairo Acuna  Alfaro, Cố vấn  chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam - Quyền tiếp cận thông tin tại các nước khu vực Đông Nam Á;
  • Matt Ottoson,  Bí thư thứ nhất và cố vấn pháp luật của Bộ phận kiểm soát các chương trình phát triển và hợp tác nghiên cứu của Đại sứ quán Thụy Điển – Kinh nghiệm của Thụy Điển về việc thực thi Luật tiếp cận thông tin;
  • Toby Mendel, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Article 19 - Tầm quan trọng của Quyền tiếp cận thông tin: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm;
  • TS. Hoàng Thị Ngân, Chuyên gia nhóm nghiên cứu của Hội luật gia Việt Nam - Kết quả nghiên cứu kinh  nghiệm quốc tế về Luật tiếp  cận thông tin của một số quốc gia trên thế giới;
  • GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học quốc gia Hà Nội - Kết quả khảo sát thực tiễn tại địa phương về thực thi quyền được thông tin;
  • TS  Tường Duy Kiên, Trung tâm nghiên cứu về quyền con người, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – Chính sách và  hệ thống  các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin;
  • Th.S Ngô Trung Thành, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội -  Mối quan hệ giữa Luật tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan khác của Việt Nam;

 Cuộc Hội thảo ngày 6 -7 tháng 5 năm 2009 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin và pháp luật về tiếp cận thông tin tại Việt Nam. Với các báo báo của các chuyên gia cao cấp về quản trị quốc gia, về cải cách hành chính, chuyên gia pháp luật có uy tín  của nước ngoài và Việt Nam như James Anderson, Jairo Acuna Alfaro, Matt Ottoson, Toby Melden, Hoàng Thị Ngân, Nguyễn Đăng Dung, Tường Duy Kiên, Ngô Trung  Thành, Hội thảo đã  phân tích những kinh nghiệm thực thi pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở các nước Đông Âu là những nước có nền kinh tế chuyển  đổi như Việt Nam, các nước Đông Nam Á là những nước láng giềng hoặc cận kề với Việt Nam, kinh nghiệm thực thi pháp luật của Thụy Điển, nước đi đầu trong lĩnh vực pháp luật về tiếp cận thông tin. Các báo cáo mang tính chất so sánh trên đây cho chúng ta thấy rõ

bên cạnh những điểm khác nhau,  nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin  của các quốc gia khác nhau cũng có những điểm chung giống nhau như đều có những quy định chung mang tính chất nguyên tắc, những thông tin phải công bố rộng rãi, những thông tin không được phép công bố, những cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin, các chủ thể có quyền được cung cấp thông tin, thủ tục cung cấp  thông tin, thủ tục giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin, cơ quan có thẩm quyền giải  quyết các khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin. Bên cạnh các báo cáo của các chuyên gia nước ngoài, các báo cáo của các nhà khoa học trong nước cũng đã nghiên cứu về lý luận và  khảo sát thực tiễn để tìm hiểu  thực trạng pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam.  Báo cáo khảo sát thực tiễn của Đoàn khảo sát do Bộ tư pháp chủ trì tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cho chúng ta những kết quả đáng được lưu ý về ý thức pháp luật, tình trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam  hiện nay. Theo báo cáo khảo sát rất ít người dân biết  quyền họ được cung cấp các thông tin  liên quan đến cuộc sống của họ. Mặc dù đã có những quy định đơn lẻ  về việc cung cấp thông tin cho nhân dân ở các văn bản pháp luật đơn ngành nhưng hầu hết các công chức không coi việc cung cấp thông tin là trách nhiệm của họ vì rằng việc cung cấp thông tin không phải là nhiệm vụ chính của việc thực hiện chính sách được quy định trong các văn bản nói trên. Hầu hết các phiếu điều  tra đều cho rằng các cán bộ rất lúng túng khi gặp những trường hợp  yêu cầu phải được cung cấp thông tin. Phần lớn trong số họ đều chuyển yêu  cầu lên cấp trên.  Cán bộ, công chức và thủ trưởng cơ quan đều không quen với việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin. Hầu hết đều không nhận thấy thông tin của cơ quan nhà nước là tài sản nhân dân, được tạo ra do các công việc được nhân dân giao phó. Hiện tượng  đóng dấu mật lên các công văn giấy tờ không thuộc phạm trù mật còn tràn lan. Việc khai thác và sử dụng các trang Web chưa được rộng rãi. Quyền được thông tin mặc dù được quy định nhưng không có điều kiện thực thi sở dĩ như vậy là do chưa có một đạo luật riêng quy định đầy đủ về vấn đề này. Tất cả các phiếu điều tra đều nhất trí về việc cần thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin[3].

  Với sự  phối hợp tổ chức và tài trợ của Trung tâm nhân quyền Na Uy, Hội luật gia Việt Nam đã tiến hành Hội  thảo quốc tế : “ Luật tiếp cận thông tin – kinh nghiệm một số nước trên thế giới” vào các ngày 19- 20/8/2009 tại thành phố Nha Trang. Tại cuộc Hội thảo này nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã được trình bày:

  • GS-TSKH Đào Trí Úc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam - Tổng quan về Luật tiếp cận thông tin và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở các nước trên thế giới;
  • TS Hoàng Thị Ngân, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ - Tiến trình xây dựng Luật tiếp cận thông tin ở Việt nam;
  • Toje R. Ruud, Cố vấn pháp luật, Vụ lập pháp,Bộ tư pháp và Công an Na Uy - Luật tiếp cận thông tin ở Na Uy và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và thực hiện luật này;
  • GS Sung Nak In, Chủ tịch Hội giảng viên luật Hàn Quốc, Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc - Luật tiếp cận thông tin ( Luật công khai thông tin của các cơ quan nhà nước) ở Hàn quốc và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và thực hiện luật này;
  • Th.S Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - Luật tiếp cận thông tin với công tác phòng chống tham nhũng;
  • PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Luật kinh tế, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
  • Fany Davidova, Chuyên gia Chương trình tiếp cận thông tin của Bulgary – Vai trò của Chương trình tiếp cận thông tin của Bungary trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin;
  • Ngô Minh Hương, Chuyên gia của Viện nhân quyền  Na Uy -  Kinh nghiệm tiếp cận thông của một số nước Bắc Âu;
  • GS-TSKH Lê Cảm, Tổng biên tập tạp chí : “ Pháp luật và phát triển” – Vai trò của giới luật gia trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin.

Các bài tham luận của các nhà khoa học luật Việt Nam và nước ngoài trong  hai cuộc Hội thảo khoa học trong tháng 9 năm 2009 tại Hà Nội và Nha Trang đánh dấu sự  phát triển đáng ghi nhận của sự quan tâm và hiểu biết về pháp luật về quyền tiếp cận thông tin/ tự do thông tin ở  Việt Nam. Ở một mức độ sâu rộng hơn so với cuộc Hội thảo đầu tiên hai cuộc Hội thảo này đã tổng kết kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Luật tiếp cận thông tin của nhiều quốc gia trên thế giới  như các nước Đông Âu, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hàn Quốc , Bungary, Mexico, Thái Lan. Hội thảo đã đề cập đến tính cấp thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Hai cuộc Hội thảo này đã góp những ý kiến quan trọng cho việc xây dựng  bản dự thảo Luật tiếp cận thông tin phù hợp với Việt Nam.

  Gần đây, phục vụ cho soạn thảo và ban hành Luật tiếp cận thông tin, có nhiều công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao đã được xuất bản. Đặc biệt phải kể đến là công trình nghiên cứu: “Luật Tiếp cận thông tin – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do GS.TSKH Đào Trí Úc chủ biên với sự tham gia của các tác giả: GS-TSKH Đào Trí Úc, Th.S Lê Thị Kim Thanh, TS. Hoàng Thị Ngân, TS. Tường Duy Kiên, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa.

 Công trình nghiên cứu này đã nghiên cứu một cách có hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin bao gồm các vấn đề như: quan niệm về quyền tiếp cận thông tin ở nước ngoài và Việt Nam, ý nghĩa của quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện pháp lý quốc tế, phạm vi của quyền tiếp cận thông tin, các nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, nội dung của quyền tiếp cận thông tin, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thủ tục khiếu nại khiếu kiện về quyền tiếp cân thông tin, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy sự phát triển của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, các kiến nghị cho quá trình soạn thảo Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu trên đây đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức khái quát về pháp luật tiếp cận thông tin ở nước ngoài và Việt Nam, làm cơ sở lý luận để các nhà luật học có thể nghiên cứu sâu hơn về  những khía cạnh khác nhau của Luật tiếp cận thông tin trên cơ sở đó có thể xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin phù hợp nhất với điều kiện chính tri,  kinh tế, xã hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá hiện nay.

   Gần đây nhất, ngày 23-24 tháng 9 năm 2010, Tại tỉnh Hoà Bình, với sự tài trợ của Quỹ châu Á, Bộ tư pháp đã tổ chức  Hội thảo: “ Xây dựng luật tiếp cận thông tại Việt Nam”. Tại cuộc Hội thảo này  nhiều nhà luật học đã bày tỏ nguyện vọng chung của nhân dân là Quốc hội cần khẩn trương ban hành Luật tiếp cận thông tin làm công cụ đắc lực thực hiện quyền được tiếp cận thông tin là quyền hiến định của  công dân. Một số báo cáo đã được đánh giá cao tại Hội thảo n ày:

-  Nhóm  chuyên gia Bộ  tư  pháp -Báo  cáo đánh giá tác động của  dự thảo Luật tiếp c ậ n thông tin

- TS Dương Thanh Mai - Những  vấn đề chung  về quyền tiếp cận thông tin;

- Th.s Đặng Đình Luyến -  Thông tin và tiếp cận thông tin tại Việt Nam;

- TS Nguyễn Ngọc Anh - Giới hạn của quyền tiếp cận th ông tin.

Cuộc Hội thảo ngày 23- 24/9 2010 là một bước thúc đẩy quan trọng trong tiến trình xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin tại việt Nam. Tiến xa hơn các cuộc Hội thảo trước đây, cuộc Hội thảo này đã đánh giá tác động của Dự thảo Luật tiếp cận thông tin ( Regulatory Impact Assessement  - RIA).  Với phương pháp RIA nhóm chuyên gia pháp luật của Bộ tư pháp đã đánh giá trước những tác động tích cực sau đây lên các quan hệ xã hội khi Luật tiếp cận thông tin được ban hành và có hiệu lực:

  • Về mặt kinh tế, việc tăng cường và mở rộng thông tin cũng có nghĩa là tăng cường khả năng nâng cao trí thức, có thể đem đến những chuyển biến cơ bản trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ hàng hoá. Thông tin công khai, minh bạch có thể giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư dài hạn,  xây dựng được  kế hoạch kinh doanh đảm bảo phát triển bền vững. Các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc khai thác và sử dụng các thông tin vào quy hoạch, chính sách thuế để lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư nhờ đó mà đảm bảo được hiệu quả kinh doanh bền vững. Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin là tiền đề  thực hiện một nền hành chính công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam[4].
  • Về mặt quản lý nhà nước, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân làm tăng khả năng giám sát các cơ quan công quyền từ phía công chúng. Nghĩa vụ cung cấp thông tin đảm bảo công khai, minh bạch sẽ làm cho hoạt động  của các cơ quan công quyền có hiệu lực, hiệu quả cao hơn vì vậy hoạt động quản lý nhà nước sẽ tốt hơn và có thể hạn chế được nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. 
  • Về đảm bảo thực hiện các quyền con người và quyền công dân,  quyền tiếp cận thông tin là điều kiện tiên quyết để mọi  cá nhân có thể thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình do vậy việc ban hành Luật tiếp cận thông tin sẽ là một bước đột phá, mở rộng khả năng thực hiện các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật…

    Một số công trình nghiên cứu gần đây của một số tác giả đã được tạp chí Nghiên cứu lập pháp đăng tải  trong số đặc biệt giành cho quyền tiếp cận thông tin ( Số 17 (154) tháng 9/ 2009 và  bao gồm:

  • PGS-TS Thái Vĩnh Thắng - Quyền tiếp cận thông tin - Điều kiện thực hiện các quyền con người và quyền công dân;
  • Th.S. Dương Thị Bình - Thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam
  • Th.S. Nguyễn Thị Hạnh - Sự cần thiết ban hành luật tiếp cận thông tin;
  • Th.S. Mai Thị Kim Huế - Phạm vi chủ thể có trách nhiệm cung cấp

thông tin;

  • Chu Thị Thái Hà - Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền tiếp

cận thông tin;

  • TS. Nguyễn Thị Thu Vân - Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;
  • TS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin một số nước;
  • Th.S. Nguyễn Quỳnh Liên-  Quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện quốc tế.

  Trong năm 2010, một số công trình nghiên cứu về Luật tiếp cận thông tin

và đóng góp ý kiến cho dự luật tiếp cận thông tin được các tạp chí chuyên ngành luật tiếp tục đăng tải:

-  TS Vũ Văn Nhiêm -  Quyền được thông tin từ góc độ bảo đảm quyền con người và liên hệ với dự luật tiếp cận thông tin  ở Việt Nam (Nghiên cứu

lập pháp số  9  (170) tháng 5/2010;

  • TS. Trương Thị Hồng Hà - Luật về công bố thông tin của các cơ quan

chính quyền Hàn quốc ( Nghiên cứu lập pháp số 9 (170) tháng 5 năm 2010.

  Tạp chí: “Dân chủ và pháp luật”năm 2010 cũng đã dành riêng một số chuyên đề: “Xây dựng Luật tiếp cận thông tin với các bài viết của các tác giả:

- Th.s. Nguyễn Công Hồng và TS. Hoàng Thị Ngân – Nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân;

- Th.s. Nguyễn Công Hồng – Lợi ích của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin;

- TS. Tường Duy Kiên – Chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam  đảm bảo quyền tiếp cận thông tin;

- TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Những vấn đề cơ bản được giải quyết trong Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới;

- GS-TS Nguyễn Đăng Dung - Một số vấn đề về đảm bảo quyền được thông tin của công dân;

-  Lê Huy – Khái niệm và cơ sở chính trị, pháp  lý của quyền tiếp cận thông tin;

-  Hạnh Bình - Thực tiễn về tiếp cận thông tin của các bộ, ngành, địa phương;

-  TS Hoàng Thị Ngân - Quyền tiếp cận thông tin và việc xây dựng chính phủ mở;

 - Th.s Dương Thị Bình - Thực trạng và kiến nghị về thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam;

- Thoa Huế - Cơ quan cung cấp thông tin – Kinh nghiệm quốc tế và hướng quy định trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam;

- Mai Nguyễn – Cung cấp thông tin theo yêu cầu – Cơ chế hữu hiệu bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;

- Nguyễn  Quỳnh  Liên– Kinh nghiệm xây dựng Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới;

- TS Nguyễn Thị Thu Vân – Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị về cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam.

 Những công trình nghiên cứu trên đây trên các bình diện khác nhau đã nghiên cứu sơ lược lịch sử phát triển, khái niệm  quyền được thông tin / quyền tiếp cận thông tin (right to access to information), tiêu chuẩn và các quy định quốc tế về quyền tiếp cận thông tin, trong đó đã khái quát các văn kiện quốc tế và khu vực có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin như Tuyên ngôn  thế giới về nhân quyền năm 1948 (Điều 19), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 19), Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 (Điều 12, 13); Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003 (điều 10, 13); Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho Châu Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2001; Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề môi trường năm 1998. Các tác giả cũng đã phân tích nội hàm và các khía cạnh khác nhau của quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt  Nam và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.

 Phân tích các công trình nghiên cứu nói trên cho thấy các tác giả đều có quan điểm thống nhất là quyền tiếp cận thông tin nên hiểu có nội dung rộng bao gồm  quyền tự do tìm kiếm thông tin, tự do tiếp nhận thông tin và tự do phổ biến thông tin. Ba nội dung trên chính là những nội dung cốt lõi của quyền tiếp cận thông tin theo nghĩa rộng vì chúng có quan hệ biện chứng với nhau, gắn chặt với nhau, đòi hỏi  tất cả các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này với đầy đủ các nội dung. Các công trình nghiên cứu này cũng đề cập đến các khía cạnh khác nhau của nội hàm khái niệm quyền tiếp cận thông tin như: tự do thông tin hay tiếp nhận thông tin được thừa nhận không chỉ là quyền cơ bản của con người được quy định và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và quốc gia mà còn là công cụ thiết yếu để tăng cường tính dân chủ của chính quyền, đảm bảo tính minh bạch nền hành chính, tính trách nhiệm và quản trị tốt của Chính phủ. Tự do thông tin hay tiếp cận thông tin chính là việc công dân được tiếp cận hồ sơ, văn bản của cơ quan công quyền, nắm bắt được các hoạt động của cơ quan công quyền, đảm bảo nguyên tắc các cơ quan công quyền không được giữ thông tin thay mặt chính họ mà là thay mặt hay xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội, và hoạt động trên sự giám sát của nhân dân. Quyền tiếp cận thông tin của cá nhân còn có ý nghĩa thứ hai là quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước phải công bố, phổ biến các loại thông tin mà cơ quan đó nắm giữ vì lợi ích của cộng đồng. Quyền tiếp cận thông tin bắt đầu xuất hiện là quyền được biết sự thật, nó phản ánh nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm mọi người được biết sự thật về các vấn đề khác nhau của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới đến các vấn đề về quản lý tư pháp - hành chính, và các vấn đề liên quan đến quyền con người và bảo vệ các quyền và tự do của con người.   

 Những công trình nghiên cứu trên cũng đề cập đến những giới hạn của quyền tiếp cận thông tin, như:

- Tôn trọng các quyền, uy tín, bí mật cá nhân của người khác;

- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng;

- Sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng;

 Những công trình nghiên cứu ở trong nước hiện nay cũng đã tiếp cận đặc điểm chung của luật tiếp cận thông tin ở một số nước trên thế giới về phạm vi áp dụng, nội hàm của quyền “tiếp cận thông tin công” (right to access public information), chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin, phương thức cung cấp thông tin, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin, các ngoại trừ yêu cầu cung cấp thông tin, cơ chế khiếu nại, giám sát về công khai thông tin, về xử phạt vi phạm quyền tiếp cận thông tin, về lệ phí cung cấp thông tin đối với người có yêu cầu, về thiết chế đặc trách về thông tin…

 Nhiều công trình nghiên cứu cũng đề cập đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, đưa ra các đề xuất,  kiến nghị cho quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam.

3.Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

   Mục đích nghiên cứu là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của  việc hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay phục vụ việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin.

  Để đạt được mục đích nghiên cứu trên đây, đề tài xác định nhiệm vụ của mình là phân tích được nội dung cơ bản của các quy định của pháp luật Việt Nam về tiếp cận thông tin,  chỉ ra được những thành tựu đã đạt được và những bất cập hạn chế của pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin cũng như những hạn chế  trong cơ chế đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay. Đề tài phải nghiên cứu, khảo sát được   các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và một số nước trên thế giới về Luật tiếp cận thông tin của một số quốc gia đã ban hành luật này. Khi phân tích các Luật tiếp cận thông tin và các công trình nghiên cứu  về Luật tiếp cận thông tin của các quốc gia trên thế giới đề tài phải lý giải được vì sao gần 90 quốc gia trên thế giới trong đó có hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển đã ban hành Luật tiếp cận thông tin. Lý giải được tính cấp thiết của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin của các quốc gia đã ban hành Luật tiếp cận thông tin. Từ đó lý giải tính cấp thiết của việc hoàn thiện pháp luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam, đặc biệt là tính cấp thiết của việc ban hành một đạo luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay làm công cụ đắc lực cho việc xây dựng một xã hội dân chủ, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

4.Phương pháp nghiên cứu

  Đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:

- Phương pháp luận: Đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; đường lối, chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin.

-Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng để thực hiện đề tài là phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, lịch sử, tư duy logic, điều tra xã hội học…Các phương pháp này được áp dụng linh hoạt tuỳ vào từng nội dung và những yêu cầu của đề tài. Phương pháp phân tích được ứng dụng để phân tích những nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin theo quy định của  pháp luật các quốc gia trên thế giới. Phương pháp lịch sử được áp dụng để nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam và nước ngoài. Phương pháp so sánh được sử dụng để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt trong pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của các quốc gia trên thế giới.  Phương pháp điều tra xã hội học được áp dụng nhằm tìm hiểu mức độ hiểu biết và nhận thức khác nhau của các từng lớp dân cư trong xã hội về pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của  công dân. Các  phương pháp nghiên cứu nói trên được sử dụng kết hợp lẫn nhau một cách nhuần nhuyễn, tạo nên sự phong phú và đa dạng nhưng đồng thời thống nhất trong cách tiếp cận và lý giải các vấn  đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến đề tài nghiên cứu.

                                           

                                        B. PHẦN NỘI DUNG

                                                 Chương I

 CƠ SỞ LÝ LUẬN   PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN  THÔNG TIN

1.1 Khái niệm quyền tiếp cận thông tin và pháp luật về tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin (Right to access to information) hay quyền được thông tin không phải là khái niệm mới. Khái niệm này đã được ghi nhận rất sớm trong văn kiện pháp lý của nhiều quốc gia cùng với sự phát triển của các quyền khác của con người. Đạo luật về Tự do báo chí của Thuỵ Điển được ban hành vào năm 1766 đã trao cho người dân quyền  được yêu cầu tiếp cận văn bản/hồ sơ của các cơ quan chính phủ. Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789 cũng như Tuyên ngôn của Hà Lan năm 1795 cũng đã xác lập nguyên tắc bảo đảm khả năng tiếp cận các thông tin từ các cơ quan công quyền hoặc các công chức phải báo cáo các công việc của mình. Đặc biệt, sau khi Liên hợp quốc ra đời năm 1945 và việc ghi nhận quyền tiếp cận thông tin như là một trong số các quyền và tự do cơ bản của cá nhân trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, quyền tiếp cận thông tin đã trở thành mối quan tâm trên bình diện quốc tế và ngày càng được các quốc gia quan t âm nhi ều hơn. Kể từ thời điểm đó trở đi, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực. Chẳng hạn như  Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Công ước Nhân Quyền Châu Âu (ECHR), Công ước Nhân Quyền Châu Mỹ (ACHR), Chương trình Hành động Chống tham nhũng dành cho khu vực Châu Á – Thái bình dương được ký kết vào ngày 30 tháng 11 năm 2001 ở Tookyo (Nhật Bản) cũng xác định việc bảo đảm cho công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng phù hợp với pháp luật trong  nước. Ở cấp độ quốc gia, hiện nay, gần 90 quốc gia ban hành luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin công dưới những tên gọi khác nhau như Luật về tự do thông tin, Luật tiếp cận thông tin...

Trong quá trình phát triển của quyền tiếp cận thông tin, nội dung của nó đã có sự phát triển ngày càng rộng hơn. Trong các văn kiện pháp lý đầu tiên về quyền con người, quyền tiếp cận thông tin được xem là một nội dung thuộc khái niệm quyền tự do ngôn luận. Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 qui định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào và không có ranh giới” và Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị qui định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bằng bản viết, in hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”.

Trong báo cáo năm 1998 và 2000 của mình, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Tự do ý kiến và ngôn luận khẳng định rằng quyền tiếp cận thông tin là một quyền con người độc lập nằm trong ngoại diên của tự do ngôn luận được các văn kiện quốc tế về quyền con người bảo hộ. Quyền tiếp cận thông tin quy định nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin mà trước tiên là thông tin do chính bản thân các cơ quan nhà nước đang nắm giữ hoặc quản lý dưới hình thức này hay hình thức khác.[5] Tinh thần của quyền tiếp cận thông tin chính là sự công khai hóa tối đa hoạt động của các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước đối với công chúng cũng như đối với từng người dân. Với tinh thần và nội dung như vậy, quyền tiếp cận thông tin có nội hàm khác với nội hàm của quyền tự do thông tin ở một số khía cạnh quan trọng:

  • Thứ nhất, quyền tự do thông tin chú trọng tới việc tạo ra sự lưu thông thông tin một cách tự do giữa tất cả các đối tượng trong xã hội. Nhà nước không có quyền ngăn cản và có nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho sự lưu thông thông tin tự do này. Trong khi đó, quyền tiếp cận thông tin chỉ tập trung vào việc làm thế nào để người dân tiếp cận được, tức là bao gồm việc biết được, có được và được sử dụng, các thông tin về hoạt động của các nhà nước hoặc các thông tin đang do các cơ quan nhà nước nắm giữ.
  • Thứ hai, mục đích trực tiếp của quyền tự do thông tin là tạo ra một xã hội thông tin trong đó thông tin được lưu thông tự do, còn quyền tiếp cận thông tin lại có mục đích trực tiếp là làm cho hoạt đông mọi mặt của Nhà nước và các cơ quan nhà nước minh bạch đối với người dân. Với những mục đích khác nhau như vậy, khách thể của quyền tự do thông tin là bản thân thông tin dưới tất cả các hình thức và sự phân loại khác nhau trong xã hội. Các thông tin đó có thể do các cá nhân hay các tổ chức, đoàn thể hoặc bản thân cơ quan nhà nước nắm giữ. Trong khi đó quyền tiếp cận thông tin nhắm tới khách thể trực tiếp là thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước hay đang do các cơ quan nhà nước nắm giữ.

Về bản chất, quyền tiếp cận thông tin là một trong những nội dung của mối quan hệ cơ bản giữa Nhà nước và Cá nhân (mà trước tiên là Công dân của Nhà nước đó), theo đó Cá nhân có quyền tiếp cận tới thông tin dưới các hình thức khác nhau mà Nhà nước đang nắm giữ và Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo đảm cho sự tiếp cận này. Trong khoa học và thực tiễn pháp lý, khía cạnh nghĩa vụ của Nhà nước trong nội hàm của Quyền tiếp cận thông tin thường được nhấn mạnh, qua đó đôi khi gây ra cho người ta cảm giác rằng chính bản thân khía cạnh nghĩa vụ của Nhà nước làm nên toàn bộ nội hàm của Quyền tiếp cận thông tin. Điều này không phải là vô căn cứ bởi vì trong một mối quan hệ bất cân bằng về thế và lực như mối quan hệ giữa Nhà nước và Cá nhân, nếu nghĩa vụ của Nhà nước không được nhấn mạnh và bảo đảm thực thi thì tất yếu quyền của Cá nhân sẽ không được bảo đảm. Quy luật này đúng với tất cả các mối quan hệ giưaã Nhà nước và Cá nhân liên quan tới quyền cơ bản, trong đó có Quyền tiếp cận thông tin.

Dễ dàng nhận thấy, với tinh thần, bản chất và nội dung như đề cập trên đây, khái niệm “Quyền tiếp cận thông tin” mang ý nghĩa dân chủ rất lớn, thể hiện ở những khía cạnh sau.

Thứ nhất, trong các xã hội dân chủ thường nhấn mạnh tới việc tạo ra nhiều hình thức để người dân tham gia vào việc quản lý của nhà nước, từ việc thực hiện quyền bầu cử, đến việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước, tham gia trưng cầu dân ý .v.v. Tất cả các hình thức tham gia vào việc quản lý của nhà nước kể trên đều sẽ trở thành vô nghĩa nếu như người dân không tiếp cận được tới thông tin cần thiết do các cơ quan nhà nước đang nắm giữ. Nếu không có thông tin đầy đủ về ứng cử viên thì việc bầu cử chỉ là hình thức, nếu như cử tri không có được thông tin đầy đủ về hoạt động của người đại biểu của mình thì việc cử tri xem xét có tái bầu một đại biểu nào đó cũng chỉ là hình thức. Đặc biệt nếu người dân không có thông tin đầy đủ về các dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước thì người dân sẽ không thể tham ia đóng góp vào các chính sách, pháp luật đó được. Nói tóm lại, nếu như không có quyền tiếp cận thông tin hoặc quyền tiếp cận thông tin không được bảo đảm thực thi thì những cam kết của Nhà nước về việc xây dựng các cơ chế để người dân tham gia quản lý nhà nước đều chỉ mang tính hình thức.

Thứ hai, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Mục đích trực tiếp của quyền tiếp cận thông tin là tạo ra sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước đối với công chúng, sao cho người dân đều có thể biết được và đều có thể theo dõi được các hoạt động mà các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước đang tiến hành. Một khi hoạt động nhà nước đã được minh bạch, cơ hội để cho các quan chức tha hóa tham nhũng sẽ được giảm đi đáng kể và quan trọng hơn nữa là việc che dấu các hành vi tham nhũng của quan chức sẽ trở nên không thể. Sự minh bạch thông tin sẽ góp phần làm cho các quan chức nhà nước không thể, và phần nào không dám, tham nhũng.

Thứ ba, quyền tiếp cận thông tin giúp nâng cao trách nhiệm của nhà nước và qua đó tăng hiệu quả công tác quản trị của nhà nước đối với đất nước và xã hội. Khi thông tin về hoạt động của nhà nước đã được công khai và khi người dân có đầy đủ khả năng, thông qua thực thi quyền tiếp cận thông tin, để biết được thông tin về hoạt động của nhà nước thì tất cả trách nhiệm của nhà nước sẽ được phơi bày trước người dân, việc nhà nước đã thực hiện hoặc không thực hiệnnhững biện pháp nào để bảo đảm hoàn thành trách nhiệm của mình cũng được phơi bày trước người dân. Điều đó tất yếu làm cho các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước nếu không muốn mất uy tín trước nhân dân thì bắt buộc phải coi trọng trách nhiệm của mình, bảo đảm tính hiệu quả trong công tác quản trị của nhà nước đối với đất nước và xã hội.

Thứ tư, quyền tiếp cận thông tin góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần quan trọng xây dựng nhà nước pháp quyền. Giám sát của xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước luôn là yếu tố không thể thiếu trong các nền dân chủ. Chỉ khi nào người dân được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và các quan chức nhà nước thì khi đó nhà nước mới thực sự là của dân và chế độ dân chủ mới được thiết lập. Tuy nhiên sẽ là không đủ nếu pháp luật chỉ quy định công dân có quyền giám sát hoạt động của nhà nước, vấn đề còn nằm ở chỗ người dân phải có khả năng thực hiện được quyền giám sát đó. Có được đầy đủ thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước mà mình đang giám sát thông qua việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin chính là điều kiện không thể thiếu để người dân có được khả năng đó. Khi có được đầy đủ thông tin thì tất cả các hình thức giám sát của người dân đối với nhà nước đều sẽ trở nên có hiệu quả hơn, cho dù là giám sát trực tiếp hay giám sát thông qua các đại biểu của mình.

Những phân tích trên cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của quyền tiếp cận thông tin, hơn bất kỳ quyền cơ bản nào khác của con người, đối với công cuộc xây dựng và duy trì một nền dân chủ thực sự. Đã có những nhận xét rất đúng rằng thông tin là “ôxy của dân chủ”[6]. Chính quyền tiếp cận thông tin là công cụ để đưa ôxy tới nuôi cơ thể nền dân chủ. Nếu không có công cụ đó, cơ thể dân chủ sẽ chết hoặc nếu không thì cũng sống một cách èo uột. Khi quyền tiếp cận thông tin được bảo đảm, người dân sẽ sử dụng công cụ đó để xây dựng và duy trì nền dân chủ của mình.

 

Cùng với sự phát triển của nền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin trở thành một quyền độc lập với nội hàm rộng hơn mà nền tảng của nó là quyền được biết sự thật và đòi hỏi phải có tự do thông tin. Vì vậy, nội dung của quyền tiếp cận thông tin không đơn giản chỉ là quyền của người dân mà còn phản ánh nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm cho công dân có được các thông tin sự thật về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị xã hội và các lĩnh vực khác của đời sống. Những thông tin này là những thông tin được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt nhân dân lưu giữ với quan niệm“các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng”.[7] Đo đó, các cơ quan phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận đối với chúng.. Với ý nghĩa đó, khi nói đến nội dung của quyền tiếp cận thông tin, có hai nội dung cần phải được giải quyết. Một là, thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin; và hai là những thông tin nào sẽ được tiếp cận.

a. Thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin theo quan niệm của đa số các luật gia ngày nay bao gồm quyền tự do tìm kiếm thông tin, thu thập thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin.

Tìm kiếm, thu thập thông tin

Một trong những nội dung cơ bản của quyền tiếp cận thông tin là quyền được có các thông tin đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi các cơ quan công quyền. Để có được các thông tin cần thiết đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi các cơ quan công quyền, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin trước hết phải có sự tự do trong việc tìm kiếm, thu thập thông tin. Điều này thể hiện tính chủ động của người có quyền đối với những thông tin cần thiết mà người đó quan tâm. Quyền tìm kiếm, thu thập thông tin được hiểu là chủ thể của quyền tiếp cận thông tin có quyền xem các tác phẩm, hồ sơ, tài liệu chứa đựng các thông tin được các cơ quan công quyền quản lý hoặc kiểm soát; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các thông tin đó dưới các hình thức khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau; có quyền có các bản sao có chứng thực các tài liệu chứa đựng các thông tin; và thu thập thông tin bằng việc sao chép các thông tin đó vào các thiết bị điện tử hoặc bằng việc in các tài liệu đó trực tiếp từ những nơi lưu giữ chúng. bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác.

Yêu cầu cung cấp thông tin,

Cùng với quyền tìm kiếm, thu thập thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin còn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý hoặc kiểm soát thông tin cung cấp thông tin cho mình. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin được xem là một trong những điều kiện để bảo đảm cho việc tìm kiếm thu thập thông tin.

Sở dĩ như vậy vì, ngoài những thông tin được công bố công khai theo thủ tục pháp luật qui định, nhiều thông tin sẽ chỉ được cung cấp khi có yêu cầu của cá nhân và tổ chức vì thông tin đó có thể chỉ liên quan đến quyền và lợi ích của một hoặc một nhóm người. Chẳng hạn, thông tin về tình trạng bệnh tật của người bệnh, thông tin về một cá nhân nào đó... Trong những trường hợp như vậy, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin chỉ có thể tìm kiếm, thu thập thông tin khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ thông tin đó cung cấp.

Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của người dân đòi hỏi một nghĩa vụ tương ứng từ phía các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin. Đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Như đã nói ở trên, quyền tiếp cận thông tin của người dân có thể bị hạn chế bằng các hoạt động của các cơ quan công quyền trong việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các rào cản kỹ thuật và pháp lý để hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Vì thế, để bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, đòi hỏi nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, và cá nhân có thể thực hiện được quyền này. Đồng thời, các cơ quan công quyền phải có trách nhiệm công bố thông tin cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin. Thiếu các cơ chế để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đồng nghĩa với việc không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hậu quả của việc thiếu cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân đó là tình trạng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, bất công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, quyền tiếp cận thông tin cũng gắn liền với quyền yêu cầu nhà nước có rách nhiệm bảo đảm rằng các loại thông tin cần thiết liên quan đến lợi ích của cộng đồng phải luôn sẵn sàng cho việc tiếp cận

Có ý kiến cho rằng, quyền tiếp cận thông tin bao gồm các việc tự do truyền bá, phổ biến thông tin. Theo đó, truyền bá hay phổ biến thông tin có nghĩa là cá nhân, công dân có thông tin được quyền truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin mà mình đang nắm giữ cho mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về ranh giới hay các hình thức đưa tin.[8] Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, truyền bá thông tin là một nội dung gắn với tự do thông tin, một khái nhiệm có phạm vi khác so với khái niệm tiếp cận thông tin. “Tự do thông tin được hiều là quyền cơ bản của cá nhân và công chúng và nằm trong mối quan hệ với tự do thể hiện quan điểm của mình. Theo đó, quyền tự do thông tin sẽ bao hàm việc cá nhân và công chúng được tự do truyền tải quan điểm, ý kiến và những thông tin mình có được. Việc truyền bá hay phổ biến thông tin có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói, viết, in ấn, điện tử hoặc các hình thức khác.

b. Những thông tin nào có thể được tiếp cận?

Một câu hỏi lớn được đặt ra là người dân sẽ được tiếp cận đối với những thông tin nào? Có thể nói, đây được xem là vấn đề mấu chốt trong việc bảo đảm và thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Quan niệm cho rằng các cơ quan công quyền nắm giữa các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng đã in sâu vào suy nghĩ của mọi người trên khắp thế giới.[9] Nói cách khác, cơ quan công quyền không phải lưu giữ thông tin thay mặt chính họ, mà là thay mặt, hay xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội. Vì thế, về mặt nguyên tắc, tất cả những thông tin liên quan đến lợi ích công cộng là có thể tiếp cận được. Theo đó, các thông tin có thể được tiếp cận là những thông tin về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội... về các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh về về các quyền và sự tự do của công dân. Như thế, lợi ích công cộng dường như là điều để giải thích cho sự tồn tại của quyền tiếp cận thông tin và những thông tin có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc là tự do thông tin không có nghĩa là tất cả các tin tức của nhà nước đang nắm giữ sẽ công khai hết, và tiếp cận thông tin không đồng nhất với việc cá nhân, công dân được tự do tìm kiếm, thu thập và yêu cầu cung cấp bất kỳ thông tin nào được lưu giữ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải có khả năng tiếp cận đối với các thành viên của cộng đồng trừ khi có một lợi ích công cộng khác quan trọng hơn đòi hỏi những thông tin đó phải được giữ bí mật.[10] Nói cách khác, sẽ có những thông tin liên quan đến lợi ích của cộng đồng nhưng không thể được tiếp cận bởi bất kỳ một cá nhân nào. Chẳng hạn, thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng, đến hệ thống phòng thủ của quốc gia... Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến thời hạn cần thiết phải giữ bí mật. Nói cách khác, có những thông tin ở thời điểm này không thể tiếp cận được nhưng lại có thể tiếp cận ở thời điểm khác. Vấn đề được đặt ra là cần phải có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết được mối quan hệ giữa thông tin có thể tiếp cận và thông tin không thể tiếp cận được. 

 Ngày nay, quyền tiếp cận thông tin đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần được bảo đảm. Nói cách khác, công dân phải có quyền tiếp cận đối với thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật, chính sách cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền liên quan đến đời sống xã hội. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được xem là nhân tố then chốt trong hoạt động quản lý của nhà nước đối với đời sống xã hội được vận hành theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Trong khoa học pháp lý quốc tế hiện nay cũng như trong thực tiễn ban hành và thực thi pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, dường như không có nhiều sự tranh luận về khái niệm quyền tiếp cận thông tin mặc dù, về tên gọi, quyền này có thể được thể hiện trong các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như quốc gia không hoàn toàn giống nhau. Các văn kiện quốc tế khác nhau xác định nội dung của quyền tiếp cận thông tin với nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo đó, quyền tiếp cận thông tin có nghĩa rộng nhất bao quát cả quyền tự do thể hiện ý kiến và thông tin thông qua việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin. Theo nghĩa hẹp hơn, quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền tự do tìm kiếm và có được thông tin. Định nghĩa hẹp nhất về quyền tiếp cận thông tin cho rằng đó là quyền của mỗi cá nhân đối với việc xem xét hoặc sao chụp các tài liệu được các cơ quan nhà nước nắm giữ. Ngày nay, nhiều tài liệu và văn kiện pháp lý quốc tế chấp nhận quan điểm hẹp để tránh việc gay tranh cãi. Như vậy, xét một cách tổng quát, quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin là khái niệm được sử dụng để nói đến quyền của cá nhân được biết thông tin của nhà nước, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

Từ khái niệm quyền tiếp cận thông tin trên đây  chúng ta có thể suy ra pháp luật về quyền tiếp cận thông tin là  hệ  thống các quy phạm pháp luật

đảm bảo cho cho cá nhân  thực hiện quyền tiếp cận thông tin như một quyền cơ bản của con người và công dân.

1.2.Tầm quan trọng của pháp luật về tiếp cận thông tin đối với mỗi quốc gia

 Ngày nay hầu khắp các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều có chung một nhận thức tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người. Thực hiện được quyền này là điều kiện cần thiết để các cá nhân có thể bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, ngăn ngừa và chống lại các hành vi lạm dụng quyền lực, thúc đẩy dân chủ hoá và minh bạch hoá quá trình hoạch định chính sách và ban hành pháp luật, thực thi pháp luật, củng cố lòng tin và tăng cường sự ủng hộ của dân chúng đối với các chủ trương và chính sách của chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

 Quyền tự do thông tin hay tiếp cận thông tin trong xã hội đương đại là quyền đặc biệt quan trọng của con người. Trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân, các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích của cộng đồng. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải được các thành viên của cộng đồng tiếp cận  và nắm rõ nếu họ có mong muốn, trừ khi có một lợi ích công cộng khác quan trọng hơn buộc chúng phải được giữ bí mật.  Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong các nhà nước đương đại phản ánh một nhu cầu chính đáng của xã hội là Chính phủ của các quốc gia có trách nhiệm phục vụ nhân dân không phải bằng sự bưng bít thông tin mà bằng sự cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin cho nhân dân.

  Sự chuyển đổi sang cơ chế dân chủ tại nhiều quốc gia, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin cũng làm cho quyền đối với thông tin ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi công dân. Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện  và khuyến khích các thành viên của cộng đồng kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng bằng nhiều phương pháp khác nhau như giám sát hoạt động của các nhà lãnh đạo và khuyến khích công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định. Nói chính xác hơn thì điều này đã dẫn tới một nhu cầu ngày càng lớn đối với việc tôn trọng đối với thông tin.  Tiếp cận thông tin có một sức hút mạnh mẽ rộng rãi, và ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 Chiến dịch toàn cầu cho tự do ngôn luận đã mô tả thông tin như là “khí ôxy của chế độ dân chủ[11]. Thông tin như một nền tảng thiết yếu của nền dân chủ ở mọi cấp độ. Nói một cách chung nhất, dân chủ chính là khả năng mà các cá nhân có thể tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra các quyết định, những quyết định mà họ sẽ phải chịu sự tác động. Sự tham gia có hiệu quả hay không ở tất cả các cấp độ từ việc bầu cử đến hình thành các tổ chức giám sát của người dân, cho đến đóng góp ý kiến đối với các dự thảo luật, dự thảo chính sách phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin bao gồm các thông tin được nắm giữ bởi các cơ quan công quyền. Mục đích của các cuộc bầu cử không phải là để khoe sắc đẹp chính trị mà là để hoàn thành đúng chức năng đích thực của chúng, bảo đảm ý chí của người dân chính là nền tảng của chính quyền, ý chí này chỉ có thể thực hiện được khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ về quá trình bầu cử đặc biệt là có thông tin đầy đủ về các ứng cử viên. Điều này cũng đúng với các hình thức tham gia khác.

 Sự tham gia của công chúng cũng là vấn đề trung tâm đối với quá trình ra quyết định hợp lý và đúng đắn. Báo cáo về phát triển con người của UNDP năm 2002: “Tăng cường dân chủ trong một thế giới chưa hoàn thiện” đã chỉ ra lợi ích cơ bản của sự tham gia của công dân vào việc xây dựng các chính sách công, khẳng định đó là quyền cơ bản của con người  mà tất cả xã hội nên hưởng ứng. Sự tham gia của công chúng vào các chính sách chung bảo vệ con người khỏi các thảm họa về chính trị và kinh tế và nó “có thể khởi sự một chu kỳ đúng đắn  của sự phát triển”[12] . Khi việc tiếp cận thông tin củng cố sự tham gia có hiệu quả của công chúng thì nó đồng thời cũng góp phần tạo nên những lợi ích này. Quyền đối với thông tin cũng có thể giúp bảo đảm một sân chơi công bằng hơn. Stiglitz, người giành giải Nobel nhờ những thành công của các công trình nghiên cứu về sự can thiệp không cân xứng của thông tin đối với nền kinh tế đã chỉ ra rằng việc tiếp cận thông tin không bình đẳng cho phép các công chức “theo đuổi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ hơn là cho lợi ích của người khác. Những sự cải tiến về thông tin và những quy tắc quản lý việc phổ biến thông tin có thể làm hạn chế sự lạm dụng này”[13] . Công khai cùng với bầu cử và tự do báo chí là cần thiết bảo đảm xã hội mở và dân chủ.

  Quá trình phát triển dân chủ  liên quan đến tính chịu trách nhiệm của chính quyền bao hàm trách nhiệm giải trình và sự quản lý có hiệu quả. Công chúng có quyền xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng các hành động của các nhà lãnh đạo của họ và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các hành động của các nhà lãnh đạo này. Họ phải có khả năng tiếp cận với các hoạt động của chính quyền. Một trong những cách có hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề quản lý yếu kém chính là các cuộc tranh luận công khai và đảm bảo quyền được thông tin. Uỷ ban Cải cách pháp luật và Hội đồng giám sát hành chính Australia đã nhận định: “Luật Tự do thông tin đã có ảnh hưởng to lớn đến cách thức mà các cơ quan Nhà nước ra quyết định cũng như cách thức mà họ lưu trữ các thông tin. Luật này nhắc nhở những người ra quyết định phải nhớ rằng  sự ban hành các quyết định  luôn luôn dựa trên các yếu tố có liên quan nên phải lưu trữ lại toàn bộ quá trình soạn thảo và ra quyết định. Việc nhận thức rằng các quyết định và quá trình ra quyết định là minh bạch và chịu sự giám sát của công luận theo quy định của Luật tự do thông tin sẽ tạo ra kỷ cương vững chắc trong khu vực Nhà nước.”

 Quyền đối với thông tin cũng là một công cụ mấu chốt trong việc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi sai trái của chính quyền. Các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ làm nhiệm vụ giám sát có thể sử dụng quyền này để vạch trần các hành vi sai trái nhằm loại bỏ nó. Như một thẩm phán toà án tối cao Mỹ  Louis Brandeir đã nói: “Ánh sáng chính là chất tẩy tốt nhất”[14].  Công ước quốc  tế của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2005 đã nhấn mạnh về sự minh bạch và cởi mở trong đó bao gồm yếu tố sự tham gia của công chúng và minh bạch trong khu vực doanh nghiệp. Điều 10 của Công ước quy định: “Mỗi quốc gia tham gia sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng tính minh bạch trong khu vực hành chính công bao gồm các thủ tục và quy định cho công chúng có thể nhận thông tin về tổ chức, chức năng, quá trình ra quyết định  hành chính công có tính đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự riêng tư, và cả các quyết định và văn bản pháp lý liên quan đến công chúng”.

 Quyền tiếp cận thông tin cũng đáp ứng các mục tiêu xã hội quan trọng khác chẳng hạn quyền của cá nhân tiếp cận thông tin cá nhân của mình là một phần nhân phẩm của cá nhân đó và là mấu chốt để cá nhân đưa ra quyết định hiệu quả. Ví dụ khả năng tiếp cận thông tin bệnh lý cá nhân có thể giúp cá nhân đó đưa ra quyết định về phương thức điều trị, lên các kế hoạch tài chính…

 Một khía cạnh khác của quyền đối với thông tin thường được phản ánh là việc sử dụng quyền này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Các cơ quan công quyền nắm giữ một khối lượng lớn các thông tin trong tất cả các lĩnh vực, nhiều loại trong số đó liên quan tới các vấn đề kinh tế và chúng có thể là rất hữu ích cho các doanh nhân.

 Nhìn nhận một cách tổng quát, quyền tiếp cận thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tăng cường thực hiện và thực hiện tốt, thực hiện một cách công bằng các quyền chính trị, dân sự , kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân từ quyền bầu cử, quyền chất vấn, biểu quyết, tham gia đóng góp ý kiến, khiếu nại tố cáo đến quyền yêu cầu bồi thường do hành vi sai trái của cơ quan công quyền, quyền tự do kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn, quyền học tập và lao động, quyền được sống trong môi trường trong sạch, tiếp cận với các dịch vụ y tế…Thông tin công là tài sản công và chính sách cung cấp thông tin công phải hình thành trên cơ sở phi lợi nhuận. Quá trình tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi luật pháp và củng cố nhà nước pháp quyền. 

 Một ví dụ cụ thể về lợi ích tự do thông tin tại Ấn Độ, luật tự do thông tin quy định những người cung cấp thực phẩm không được phép lạm dụng việc cung cấp lương thực được Chính phủ trợ cấp nhằm làm bần cùng hoá người dân. Điều này đã  tạo ra một sự thay đổi căn bản trong hệ thống phân phối lương thực nhằm đảm bảo rằng các công dân được nhận phần lương thực của mình trong khi các nhà cung cấp cũng nhận được tiền công đầy đủ. Nhiều quốc gia khác cũng sử dụng quyền này thúc đẩy các quan chức Chính phủ phải phản ứng và có hành động một cách nhanh chóng hơn đối với các vấn đề đã tồn tại dai dẳng trong xã hội như đường sá, xây dựng và tạo việc làm. Ở Thái Lan, một người mẹ có con bị từ chối không cho nhập học vào một trường công đầy danh tiếng đã yêu cầu nhà trường phải cho xem kết quả thi đầu vào. Khi nhà trường từ chối, người mẹ này nộp đơn lên Uỷ ban Thông tin và cho Toà án. Kết quả là bà nhận được thông tin rằng con cái của nhiều người có ảnh hưởng lớn đã được chấp nhận vào học trong trường mặc dù có điểm thi rất thấp. Sau đó Hội đồng Nhà nước đã ban hành một quyết định rằng các trường chỉ được phép tiếp nhận sinh viên dựa trên một yếu tố duy nhất là kết quả học tập[15].

  Tự do thông tin cũng có lợi ích hàn gắn vết thương quá khứ. Tại nhiều quốc gia trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, Luật tự do thông tin cho phép các Chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ và cho phép xã hội cũng như các nạn nhân và gia đình của họ, những người từng bị lạm dụng và thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ.     

 Có thể nói, nhận thức tầm quan trọng của tiếp cận thông tin không chỉ là từ phía công chúng, các nhóm xã hội mà còn từ phía Chính phủ. Sự cần thiết

của quyền tiếp cận thông tin cho các mục tiêu dân chủ, chống tham nhũng, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của cá nhân, từng lớp xã hội cũng như coi nó là một nguồn lực xã hội cần tiếp cận và khai thác bình đẳng để giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và  an sinh xã hội. Xây dựng một Chính phủ điện tử trở thành một nhu cầu thiết yếu trong việc quản lý và điều hành nhanh và có hiệu quả vì vậy tự do thông tin được nhiều lãnh đạo quốc gia đánh giá như là nhu cầu tự thân. Một số yếu tố khác như nhu cầu hiểu đúng và thực thi các chính sách của Nhà nước từ phía công chúng, nhu cầu cân bằng lợi ích các nhóm xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội và tạo điều kiện cơ chế giám sát từ bên trong có hiệu quả… cũng thúc đẩy Chính phủ nhiều nước nhận thức về quyền tự do thông tin. Tự do thông tin ở mức độ cao không có nghĩa là sẽ chấm dứt được mọi sự bất đồng quan điểm trong xã hội cũng như giải quyết được hết các vấn đề chính trị chủ yếu. Tuy nhiên, nếu quyền này được áp dụng một cách hệ thống với sự quan tâm thích đáng nhằm cân bằng các nhóm lợi ích khác nhau thì quyền này có thể làm thu hẹp việc bất đồng quan điểm, tăng cường tính hiệu quả của các chính sách được ban hành cũng như nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị. Hiện nay ở nhiều nước vẫn còn có khái niệm “văn hoá giữ bí mật”, nhiều đạo luật về tự do thông tin có mức độ áp dụng rất hạn chế hoặc người dân rất khó tiếp cận thông tin dẫn đến tình trạng độc quyền thông tin hoặc đầu cơ thông tin, thông tin chỉ đến được với một số người và nhằm đảm bảo quyền lợi của một số người nhất định.

  Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá thế giới có nhiều biến chuyển, các quyền con người ngày càng cần được coi trọng, các quốc gia trên thế giới đã chú trọng ban hành các đạo luật liên quan quyền tiếp cận thông tin dựa trên các văn kiện quốc tế mà quốc gia đó ký kết, tham gia và dựa trên tình hình cụ thể của đất nước. Đến nay đã có gần 90 nước ban hành đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin và nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị ban hành đạo luật này. Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của mỗi nước, tác động từ bên ngoài, sứp ép từ phía công chúng, các nhóm xã hội, giới truyền thông, nhu cầu đấu tranh chống tham nhũng vì sự bình đẳng và tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế cũng đòi hỏi mỗi quốc gia không thể tự mình tách ra khỏi thế giới mà phải chuyển mình, mở rộng và thực hiện tốt hơn các quyền công dân bao gồm quyền tiếp cận thông tin cũng như các quyền liên quan. Có thể nói ban hành luật tự do thông tin hay tiếp cận thông tin là một yêu cầu bức thiết của hầu hết các nước trên thế giới. Nó đi đôi với việc ban hành hay sửa đổi các đạo luật khác liên quan đến quyền tiếp cận thông tin từ công chúng , đảm bảo quyền tìm kiếm thông tin, phổ biến, trao đổi thông tin (ngoại trừ một số ít những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật cá nhân, bí mật thương mại, bí mật điều tra tội phạm)  của mọi  cá nhân phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, của tập thể và cá nhân.

  Quyền tiếp cận thông tin/tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người, được Hiến pháp hầu hết các quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Quyền tiếp cận thông tin/tự do thông tin được quy định rõ ràng trong Hiến pháp nhiều nước bao gồm cả các nước đang chuyển đổi, đang phát triển  như  Bungary (Hiến pháp 1991, điều 41), Estonia (Hiến pháp 1992, điều 44),  Malawi (Hiến pháp 1994, điều 37), Mexico ( Hiến pháp 1917, Điều 6), Ba Lan ( Hiến pháp 1997, Điều 61), Romania ( Hiến pháp 1991, Điều 31),Nam Phi Hiến pháp 1996, Phần 32),  Philippine (Hiến pháp 1987, điều III (7), Thái Lan (Hiến pháp 2007, phần 56) ... Nhiều nước ban hành các đạo luật cụ thể hoá quy định này của Hiến pháp[16].

 Nếu như  năm 1990 chỉ có 13 nước ban hành luật tiếp cận thông tin, thì chỉ trong vòng gần 20 năm qua, đã có gần 90 quốc gia ban hành đạo luật này. Nhiều quốc gia đang nỗ lực soạn thảo đạo luật này và ở một số quốc gia khác Chính phủ đã ban hành nghị định  để  cụ thể hoá quy định trong Hiến pháp về quyền tiếp cận/ tự do thông tin. Khả  năng thực  hiện quyền tiếp  cận/ tự do thông tin  khác nhau giữa các mô hình nhà nước, sự khác biệt này phụ thuộc vào chế độ chính trị, vị thế của báo chí và xã hội dân sự.

 Ý tưởng về tự do thông tin đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII trong kỷ nguyên Ánh sáng. Tuyên ngôn Nhân quyền và công dân quyền nổi tiếng của Pháp đã tuyên bố thông tin về ngân sách phải được công bố công khai: “Tất cả các công dân đều có quyền quyết định, tự mình hoặc thông qua người đại diện, về sự cần thiết của các khoản đóng góp của nhân dân và quyền được biết về mục đích sử dụng của các khoản này”. Vào năm 1795, ở Hà Lan, một Tuyên ngôn tương tự cũng được ban hành: “Mọi người đều có quyền yêu cầu các cơ quan hành chính làm rõ tài khoản của mình và cơ sở của việc chi tiêu tài khoản đó”.

 Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật tiếp cận thông tin (là phần cơ bản của Luật tự do báo chí) năm 1766, năm mở ra kỷ nguyên tự do ở nước này. Khái niệm về tự do báo chí gắn liền với tự do thông tin cùng với sự ra đời  của Thanh tra nghị viện (Ombudsman) là nền tảng cơ bản trong lịch sử phát triển dân chủ lâu đời và xây dựng luật pháp theo chủ nghĩa tự do ở Bắc Âu. Luật tự do báo chí trở thành một trong bốn đạo luật cơ bản nhất của xã hội Thụy Điển. Phần Lan sau khi tách khỏi Thụy Điển năm 1809 (và tuyên bố độc lập năm 1917) đã  cho ra đời Bộ luật tự do báo chí và Luật tiếp cận thông tin, đưa vào Bộ quy tắc Chính phủ năm 1810 mà bản chất của luật là hướng tới một xã hội mở. Luật tự do thông tin ra đời ở Phần Lan năm 1919, năm 1949 Thụy Điển sửa đổi luật này trong khi Na Uy thông qua luật này đầu tiên năm 1970 và Đan Mạch  năm 1985. Pháp và Hà Lan ban hành luật này năm 1978, Anh  năm 2000. Ngày nay hầu hết quốc gia châu Âu bao gồm nhiều nước thuộc Liên Xô cũ và  các nước Đông Âu chuyển đổi thể chế chính trị đã ban hành luật này:  Hungary (1992), Kirgizstan (1997), Anbani (1999), Bungary (2000), Liên bang Nga (2006), Macedonia (2006)…

 Tại châu Á,  Luật tự do thông tin được ban hành tại Hàn Quốc (1996), Thái Lan (1997), Kirgyzstan (1997), Nhật Bản (2000), Ấn Độ (2002), Azerbaijan (2005), Indonesia (2008)… Các nước Trung Quốc, Pakistan, Uzebekistan, Tajikistan cũng có những văn bản điều chỉnh một số khía cạnh khác nhau, nhưng chưa phải là toàn diện về tự do thông tin. Tại Trung Quốc một số địa phương như Quảng Châu và Thượng Hải đã ban hành các văn bản pháp luật về tự do thông tin như là một biện pháp để phòng chống tham nhũng trong khi Hồng Công đã có một bộ luật về ứng xử từ năm 1996.      

 Những người ủng hộ một xã hội dân sự cũng tích cực đề nghị ban hành Luật tự do thông tin tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia. Năm 2008 Indonesia đã thông qua Luật về  minh bạch thông tin công.

 Tại châu Mỹ, các nước đã ban hành luật tiếp cận thông tin là Colombia (1885,1985),  Hoa Kỳ (1966), Canada (1983), Mexico (2002) , Jamaica (2002), gần đây là các nước Panama, Peru, Equador, Achentina, Bolivia, Guatemala, Dominican và một số nước khác đã ban hành đạo luật này. Colombia đã ban hành Luật tự do thông tin đầu tiên từ năm 1885 và Luật mới nhất ban hành năm 1985 đến nay vẫn còn hiệu lực.  Mexico là nước đi đầu với Luật tự do thông tin cởi mở nhất thế giới, đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban Thông tin và một hệ thống thông tin tiên tiến. Ở châu Đại Dương, Úc và New Zealand ban hành luật này năm 1982.

 Ở châu Phi có Luật tăng cường tiếp cận thông tin ở Nam Phi , Luật tiếp cận thông tin và bảo vệ quyền riêng tư ở Zimbabue, Luật tự do thông tin ở Uganda. Một số nước khác như Kenya, Nigeria đang trong quá trình soạn thảo các đạo luật tương ứng về quyền thông tin. Ở Trung Đông mới có các Luật tự do thông tin của Israel, Jordanie, Morocco. Luật các quốc gia có quy định khác nhau về quyền tiếp cận thông tin. Có những quốc gia quy định quyền tiếp cận thông tin trong nhiều văn bản luật khác nhau.

1.3 Nội dung cơ bản của pháp luật tiếp cận thông tin

Về tổng thể  pháp luật tiếp cận thông tin của mỗi nước được cấu thành bởi một số nội dung cơ bản:

- Phạm vi cung cấp thông tin/ giới hạn thông tin

- Các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

- Các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin

- Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin

- Nội dung quyền tiếp cận thông tin

- Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

-  Giải quyết khiếu nai, khiếu kiện quyền tiếp cận thông tin

1.3.1 Phạm vi cung cấp thông tin

   Phạm vi cung cấp thông tin là giới hạn những thông tin mà các cơ quan  có nghĩa vụ cung cấp thông tin phải cung cấp. Theo nguyên tắc số 2 và số 5 của bộ nguyên tắc của Uỷ ban nhân quyền của Liên hợp quốc, các cơ quan công quyền  có trách nhiệm chủ động cung cấp, phổ biến đối với các loại thông tin chủ chốt cần cho công chúng biết một cách rộng rãi và có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu đối  với loại thông tin cụ thể.

Thể chế hoá các nguyên tắc nói trên, trong các Luật về tiếp cận thông tin của phần lớn các quốc gia đã ban hành đều quy định những loại thông tin chủ chốt sau đây cần được phổ biến công khai và  cung cấp rộng rãi cho công chúng:

  • Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, cơ cấu của cơ quan, tổ chức công quyền;
  • Thông tin về  ngân sách gồm mục tiêu ngân sách, chi tiêu ngân sách, thông tin kiểm toán, kết quả đạt được trong hoạt động  của cơ quan công quyền;
  • Thông tin hướng dẫn thủ tục, quy trình sử dụng dịch vụ công do cơ quan công quyền cung cấp hoặc quy trình tham gia vào quá trình xây dựng chính sách,   pháp luật.
  • Thông tin về Nghị viện: những thảo luận trong các  phiên họp, những chính sách mà Nghị viện phê duyệt;
  • Thông tin về quy hoạch đô thị, nông thôn, về các công trình quốc gia, về  chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường…
  • Thông tin về dự báo thời tiết, dịch bệnh, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

  Phạm vi quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật tiếp cận thông tin mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Nhìn chung phạm vi  của quyền tiếp cận thông tin được quy định trong luật theo hai cách chính:

 * Cách thứ nhất, luật liệt kê một loạt các loại thông tin cơ quan công quyền có trách nhiệm phải công bố trong thời hạn luật định và sau đó là những thông tin miễn trừ tiết lộ. Những nước theo cách này như Ấn Độ, Nga , Trung Quốc…

 Luật về quyền tiếp cận thông tin của Ấn Độ (Điều 4) quy định: các nhà chức trách công cộng phải lưu giữ hồ sơ và có trách nhiệm công bố trong vòng 120 ngày đối với những loại thông tin từ điểm (i) đến điểm (xvii). Những thông tin này, chủ yếu là liên quan tới tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và nghĩa vụ, thủ tục ra quyết định, quy tắc nội bộ, danh bạ điện thoại, ngân sách… các chính sách và quyết định quan trọng có ảnh hưởng tới công chúng.

 Bên cạnh đó luật quy định những thông tin mà nhà chức trách không có nghĩa vụ cung cấp (Điều 8). Đó là những thông tin mà việc tiết lộ có thể gây những tác động tiêu cực tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cho an ninh chiến lược hoặc các lợi ích kinh tế, khoa học, quan hệ với các nhà nước khác, hoặc khuyến khích tội phạm; thông tin bị toà án cấm công bố hoặc việc công bố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của toà án; thông tin mà nếu tiết lộ  có thể ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lập pháp; thông tin về bí quyết thương mại, kinh doanh…

 Luật về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin của Liên bang Nga cũng xác định các loại thông tin không được hạn chế tiếp cận. Điều 8 của luật quy định: không được hạn chế tiếp cận đối với các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân và các văn bản pháp luật quy định địa vị pháp lý của các tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương; thông tin về trạng thái môi trường; thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền địa phương và thông tin về sử dụng ngân sách (trừ các tin tức bí mật quốc gia hoặc bí mật nghề nghiệp); thông tin được lưu trữ trong các thư viện công cộng, bảo tàng, tài liệu lưu trữ và trong các hệ thống thông tin của quốc gia, của các cơ quan nhà nước và của các hệ thống thông tin khác mà chúng được thiết lập nhằm phục vụ công dân (thể nhân) và tổ chức; các thông tin khác mà pháp luật Liên bang không hạn chế tiếp cận.

 Điều 9 của luật quy định mục đích hạn chế tiếp cận thông tin, nhằm bảo vệ chế độ Hiến pháp, đạo đức, sức khoẻ, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, bảo đảm nền quốc phòng và an ninh quốc gia; các thông tin bắt buộc bảo mật, các thông tin mà pháp luật liên bang hạn chế tiếp cận…

 Pháp lệnh của Trung Quốc về công khai thông tin của chính quyền ngày 17--1-2007 cũng quy định phạm vi công bố thông tin. Theo Điều 9, các cơ quan nhà nước phải công bố các thông tin của chính quyền liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc quy định dưới đây: (1)lợi ích cốt yếu của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác; (2) các yêu cầu mở rộng kiến thức hoặc sự tham gia của công chúng; (3) việc  thành lập, nghĩa vụ hoặc các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; (4) các thông tin khác phải được công bố theo quy định của các luật, văn bản pháp quy khác.

  Khác với luật một số nước, pháp luật của Trung Quốc quy định danh mục các vấn đề mà chính quyền các cấp (từ cấp xã đến cấp tỉnh) có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhân dân. Điều 10 của luật quy định chính quyền nhân dân và các văn phòng ở cấp huyện hoặc cao hơn phải căn cứ quy định ở điều 8 Pháp lệnh này để quyết định những thông tin của chính quyền nào cần phải công bố phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cơ quan mình, trong đó phải chú ý đến các dạng thông tin sau đây như các văn bản pháp quy, các quy tắc do cơ quan nhà nước lập ra; các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia, các dự án đặc biệt ở cấp quốc gia và khu vực cùng các chính sách có liên quan, dữ liệu thống kê về sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, các báo cáo chi tiêu tài chính và kiểm toán,…

 Pháp lệnh trên của Trung Quốc không liệt kê các dạng thông tin không được phép tiết lộ mà chỉ quy định nguyên tắc chung tại Điều 8 là các cơ quan nhà nước không được gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng; an ninh kinh tế và sự ổn định của xã hội khi công bố thông tin của chính quyền và Điều 14 quy định cơ quan nhà nước phải thiết lập một cơ chế toàn diện để kiểm tra và  bảo vệ bí mật thông tin của chính quyền trước khi công bố .

 * Cách thứ hai, luật xác định và liệt kê những loại thông tin không công khai, hạn chế, miễn trừ tiếp cận.

  Luật về công khai thông tin của các cơ quan chính quyền năm 1996 của Hàn Quốc (Điều 7) liệt kê danh mục thông tin không công khai, từ mục 1-mục 8, gồm những thông tin chứa đựng những bí mật hoặc được luật khác quy định không thể công khai; thông tin nếu tiết lộ sẽ nguy hại lớn đến quyền lợi quốc gia, đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người hoặc lợi ích của cộng đồng; thông tin liên quan đến phòng chống, điều tra tội phạm, khởi tố, thi hành án; kiểm toán, giám sát điều tra, hợp đồng đấu thầu, phát triển khoa học, quản lý nhân sự; thông tin nhận dạng cá nhân; thông tin liên quan tới bí mật thương mại của các công ty, hội đoàn hoặc cá nhân; hoặc thông tin nếu công khai sẽ nguy hại đến cá nhân,…

 Luật tiếp cận thông tin của cơ quan hành chính của Nhật năm 1999 cũng  xác định trách nhiệm cung cấp các văn bản khi có yêu cầu. Tuy nhiên bên cạnh liệt kê các thông tin ngoại trừ không được cung cấp, luật cũng liệt kê thông tin được cung cấp.

 Khác với Hàn Quốc, luật của Nhật Bản còn quy định việc cung cấp một phần thông tin (Điều 6), nếu thông tin đó có thể tách ra khỏi văn bản một cách dễ dàng và người đứng đầu cơ quan hành chính phải cung cấp cho người yêu  cầu các phần văn bản không chứa đựng các thông tin không công khai hoá. Và điều này không áp dụng nếu như sau khi tách thông tin không công khai hoá, các phần còn lại của văn bản chỉ chứa đựng những thông tin không có ý nghĩa. Hoặc cung cấp văn bản khi cần thiết vì lý do lợi ích công cộng (Điều 7) và thông tin liên quan đến tình trạng của các văn bản hành chính (Điều 8).

 Luật về tiếp cận các tài liệu hành chính công của Đan Mạch năm 1985 quy định quyền tiếp cận các tài liệu hành chính do cơ quan hành chính nắm giữ sẽ phải cung cấp cho bất kỳ người nào, khi có yêu cầu, trừ các trường hợp ngoại lệ đối với quyền tiếp cận. Những ngoại lệ được xác định tại Phần III của luật, như tài liệu nội bộ của viên chức. Ngoài ra các điểm từ 8 – 14 còn quy định một loạt các loại miễn trừ tiết lộ.

 Tương tự, Luật về quyền tiếp cận tài liệu của cơ quan hành chính nhà nước, gọi tắt là Luật tự do thông tin có hiệu lực năm 2009 của Na Uy, xác định nguyên tắc chung là: “Các tài liệu công việc, chuyên san và các tài liệu đăng ký dữ liệu tương tự của một cơ quan hành chính phải được công khai trừ trường hợp một đạo luật hoặc quy định hướng dẫn có quy định khác. Bất kỳ người nào đều có thể nộp đơn cho một cơ quan hành chính đề nghị tiếp cận các tài liệu công việc, chuyên san và các tài liệu đăng ký tương tự của cơ quan hành chính đó (Điều 3). Chương 3 của luật quy định các trường hợp ngoại lệ của quyền tiếp cận tài liệu từ Điều 13 đến Điều 27.

1.3.2 Các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

a) Nguyên tắc mở thông tin một cách tối đa

Theo Toby Mendel, chuyên gia cao cấp của Liên hợp quốc về  Luật tiếp cận thông tin, khi xây dựng Luật về tiếp cận thông tin/tự do thông tin, nhà làm luật cần tiếp cận theo nguyên tắc thông tin phải được công khai tối đa. Nguyên tắc này cần được thể hiện trong Luật tiếp cận thông tin của mỗi quốc gia. Nguyên tắc  mở thông tin một cách tối đa nghĩa là thông tin cần được cung cấp theo khả năng cao nhất có thể cung cấp.

 Luật một số nước đều dành riêng một số điều khoản để định nghĩa “thông tin”. Theo Luật về quyền được thông tin của Ấn Độ năm 2005, thông tin có nghĩa là bất kỳ hình thức nào, bao gồm các hồ sơ, tài liệu, bản ghi nhớ, thư điện tử, các quan điểm, các lời tư vấn, các thông cáo báo chí, thông tư, sắc lệnh, sổ hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, bài thuyết trình, vật mẫu, mô hình, tư liệu lưu giữ dưới dạng điện tử và bất kỳ thông tin nào liên quan đến bất kỳ chủ thể tư nhân nào mà có thể phải tiếp cận bởi một nhà chức trách công cộng theo như quy định trong bất kỳ luật nào khác đang có hiệu lực (Điều 2). Pháp lệnh của Trung Quốc về công khai thông tin của chính quyền quy định: thông tin của chính quyền được nêu trong Pháp lệnh này được hiểu là bất cứ thông tin nào được tạo ra hoặc thu được trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ chính thức của các cơ quan công quyền, mà được ghi chép hoặc lưu giữ dưới bất kỳ hình thức nào (Điều 2).

 Với cách hiểu như vậy, thông tin được khuyến khích mở một cách tối đa cho sự tiếp cận.

Nguyên tắc mở thông tin một cách tối đa được hình thành dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận, tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản và cần được tôn trọng và bảo vệ. Các quốc gia tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thực hiện cam kết của mình bằng cách tạo cơ chế pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin mà giải pháp điển hình là ban hành Luật tự do thông tin (tiếp cận thông tin). Về mặt thực tiễn, việc mở thông tin có căn cứ từ những lợi ích mà tự do thông tin mang lại. Muốn có một nền hành chính công tốt thì phải bảo đảm sự tham gia của công chúng. Sự tham gia của công chúng là phương thức thực hiện dân chủ. Về phía cá nhân, tiếp cận thông tin tăng cường và thúc đẩy khả năng thực hiện các quyền chính trị, dân sự và kinh tế. Để sử dụng các quyền của mình, cá nhân cần được cung cấp thông tin. Tiếp cận thông tin nhằm tăng  cường hiệu quả hoạt động của Nhà nước và để cá nhân thực hiện giám sát của mình đối với người đại diện Nhà nước…

 Với những lợi ích to lớn, công khai thông tin một cách tối đa trở thành nguyên tắc của pháp luật về tiếp cận thông tin. Pháp lệnh v ề quyền tiếp cận

thông tin của Trung Quốc nhấn mạnh: Chính quyền nhân dân ở tất cả các cấp phải tăng cường lãnh đạo và tổ chức hoạt động công khai thông tin của chính quyền (Điều 3); Các cơ quan nhà nước phải công bố các thông tin của chính quyền liên quan đến bất kỳ vấn đề nào quy định dưới đây: lợi ích cốt yếu của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác; các yêu cầu mở rộng kiến thức hoặc sự tham gia của công chúng… (Điều 9). Tất cả các thông tin do các cơ quan công quyền nắm giữ cần phải được cung cấp khi có yêu cầu trừ những thông tin được pháp  luật miễn trừ cung cấp.

 b) Nguyên tắc các cơ quan công quyền có nghĩa vụ công bố thông tin

   Nội hàm của nghĩa vụ công bố thông tin  tập trung ở trách nhiệm của các cơ quan nhà nước công khai một cách rộng rãi, dễ truy cập, tiếp cận, nắm bắt các thông tin về chức năng, nhiệm vụ của mình. Luật mẫu về tự do thông tin  do nhóm Article 19 của Liên hợp quốc chuẩn bị để trợ giúp các quốc gia triển khai xây dựng Luật tiếp cận thông tin đã dành hẳn một điều riêng về trách nhiệm công bố thông tin của các cơ quan công quyền.

 Nguyên tắc các cơ quan công quyền có nghĩa vụ công bố thông tin không chỉ dừng ở việc đáp ứng thông tin khi có yêu cầu từ phía người dân mà đòi hỏi sự tích cực, chủ động của cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin ngay cả khi chưa hay không có yêu cầu.  Một trong những nguyên tắc của Luật Liên bang Nga về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin là “công khai thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương và tự do tiếp cận các thông tin, trừ các trường hợp được pháp luật Liên bang quy định (Điều 3).

c) Nguyên tắc thúc đẩy “Chính phủ mở”

 Tiếp cận thông tin là một trong những biện pháp thúc đẩy tính minh bạch thực sự của Chính phủ. Cơ quan nhà nước cũng phải chủ động tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật để người dân nhận thức đầy đủ và sử dụng quyền , nghĩa vụ của mình trong tiếp cận thông tin. Luật của Nhật Bản (Điều 1) tuyên bố mục tiêu ban hành là phấn đấu để công khai hoá các thông tin của các cơ quan hành chính, từ đó bảo đảm trách nhiệm giải trình trong các hoạt động khác nhau của Chính phủ trước nhân dân cũng như để hỗ trợ thúc đẩy một nền hành chính công bằng và dân chủ mà là đối tượng của sự phê phán và hiểu biết đúng đắn của nhân dân. Luật về quyền được thông tin của Ấn Độ tại Điều 26 cũng có quy định chính quyền thích hợp tùy theo khả năng tài chính và sự sẵn có của các nguồn lực khác xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục để thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng, đặc biệt là của những cộng đồng thiệt thòi về việc thực hiện các quyền được ghi nhận trong Luật; thúc đẩy các nhà chức trách công cộng phổ biến một cách hiệu quả và kịp thời các thông tin chính xác về hoạt động của các nhà chức trách này.

d) Nguyên tắc hạn chế phạm vi miễn trừ

  Các trường hợp miễn trừ phải được quy định rõ ràng và ở phạm vi hẹp như có thể, tuỳ thuộc hoàn cảnh cụ thể của quốc gia. Luật tiếp cận thông tin của Canada  quy định khả năng từ chối cung cấp thông tin của người đứng đầu cơ quan Chính phủ trong trường hợp nếu tiết lộ sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Chính phủ, đến việc thực hiện công việc quốc tế và quốc phòng của Canada; tài liệu có chứa đựng thông tin mà việc tiết lộ có thể làm nguy hại đến an ninh cá nhân…

  Luật mẫu về tự do thông tin thiết kế một số điều khoản về quy định cấm hoặc hạn chế cũng cấp thông tin. Không dừng ở đó, luật mẫu có quy định ngoại lệ có nghĩa là có quy định cho phép cung cấp thông tin thuộc danh mục không được cung cấp hay hạn chế cung cấp. Người được yêu cầu không thể từ chối cung cấp thông tin, trừ khi lợi ích cần được bảo vệ lớn hơn lợi ích công khai thông tin. Cơ quan được yêu cầu cũng không thể từ chối cung cấp thông tin vì lý do thông tin đó đã được đăng tải rộng rãi.

e)Nguyên tắc cung cấp thông tin nhanh, hiệu quả, chi phí không quá cao hoặc miễn phí

  Luật mẫu thiết kế quy định về trả lời yêu cầu cung cấp thông tin, thông báo trả lời và lệ phí. Về lệ phí, nguyên tắc chung là khoản lệ phí không được vượt quá chi phí thực tế chi trả cho việc tìm kiếm, chuẩn bị và cung cấp thông tin. Các yêu cầu về cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin về lợi ích công cộng không phải nộp lệ phí.   

 Một trong những nguyên tắc của Luật Liên bang Nga về thông tin, công nghệ thông tin và  bảo vệ thông tin là “thông tin trung thực, kịp thời” (Điều 3).

f. Nguyên tắc công khai về hội họp

  Cần công khai các cuộc họp của cơ quan công quyền vì quyền tự do thông tin bao gồm quyền của công chúng được biết những việc chính quyền đang thay mặt nhân dân làm và quyền được tham gia vào quá trình ra quyết định. Các cuộc họp có thể là họp kín nhưng chỉ được họp kín theo đúng những thủ tục đã định và khi có các lý do thích đáng cho việc tổ chức họp kín.

g) Nguyên tắc bảo vệ cho người cung cấp thông tin (“người thổi còi”)

 Cá nhân tiết lộ thông tin về hành vi vi phạm pháp luật phải được bảo vệ khỏi các chế tài dù là hành chính hay kỷ luật.

 Người “thổi còi” cần nhận được sự bảo vệ trong trường hợp đã hành động một cách ngay tình và có lý do tin tưởng rằng thông tin đưa ra là đúng và có chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật mà người đó đã phát hiện.

 Luật của Ấn Độ tại Điều 21 quy định: Không được kiện, truy tố hoặc có bất kỳ hành vi tố tụng nào khác chống lại bất kỳ người nào đã thực hiện hoặc dự định thực hiện các công việc phù hợp với các quy định của Luật tự do thông tin.

1.3.3 Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin

 Chủ thể mang quyền tiếp cận thông tin có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cá nhân có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

 Với quan niệm tiếp cận thông tin là một quyền dân sự - chính trị, Hiến pháp và Luật các nước sử dụng các công thức như “mọi người”, “bất kể người nào”, hay “công chúng”, “người dân” để thể hiện tính phổ quát của quyền này.

  Theo Luật về quyền tiếp cận thông tin trong các tài liệu chính thức của Albani năm 1999, “công chúng” là chỉ bất cứ người nào, “người” là bất kỳ cá nhân nào, thể nhân và pháp nhân, là người Albani hay người nước ngoài (Điều 2).

 Theo Luật tiếp cận thông tin của Canada năm 1985, bất kể ai là: công dân Canada; người thường trú dài hạn theo mục 2(1) của Luật về nhập cư và bảo vệ người tị nạn đều có quyền và dựa theo yêu cầu sẽ được phép tiếp cận bất cứ tài liệu nào thuộc quyền kiểm soát của cơ quan Chính phủ (Mục 4).

  Luật của Nhật Bản về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính năm 2001 quy định: Bất kể người nào được quy định trong Luật này đều có thể yêu cầu người đứng đầu một cơ quan hành chính cung cấp các văn bản hành chính của các cơ quan đó (Điều 3). Luật còn quy định nghĩa vụ cung cấp văn bản hành chính trong trường hợp cá nhân yêu cầu là quan chức Chính phủ (các công chức quốc gia được nêu tại Luật dịch vụ công cộng quốc gia, tại Luật về các quy tắc chung về các cơ quan hành  chính phối hợp được chỉ định) – điểm c Khoản 1 Điều 5.

  Luật Tự do thông tin Thụy Điển được ban hành vào năm 1949 và được sửa đổi vào năm 1976 (Điều 2) quy định: “Mọi chủ thể và người cư trú của

Thụy Điển có quyền tự do tiếp cận các tài liệu chính thức”. Các cơ quan Nhà nước phải trả lời ngay lập tức các yêu cầu tài liệu chính thức. Yêu cầu có thể được thực hiện dưới mọi hình thức và có thể vô danh.

  Luật về tiếp cận hồ sơ hành chính Nhà nước của Đan Mạch năm 1985 cho phép bất kỳ người nào được quyền tiếp cận các tài liệu trong một hồ sơ hành chính. Các cơ quan phải trả lời càng sớm càng tốt và nếu như việc trả lời kéo dài hơn 10 ngày thì phải thông báo cho người yêu cầu biết lí do tại sao lại trì hoãn và khi nào thì có câu trả lời.

   Luật về công khai thông tin của các cơ quan chính quyền của Hàn Quốc năm 1996 dành Điều 6 quy định “mọi người dân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin”. Những vấn đề liên quan đến yêu cầu cúng cấp thông tin đối với người nước ngoài được quy định ở Sắc lệnh của Tổng thống.

Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là cá nhân:

Một số Luật tự do thông tin hay Luật Bảo vệ dữ liệu cho phép các cá nhân được tiếp cận  tài liệu lưu trữ do các cá nhân và các tổ chức tư nhân nắm giữ cũng như cho phép thực hiện quyền được tiếp cận và được sửa đổi các tài liệu lưu trữ cá nhân và đảm bảo rằng các tài liệu này luôn chính xác và đảm bảo rằng các tài liệu này luôn chính xác và các quyết định được đưa ra không dựa trên các thông tin không có liên quan hoặc không được cập nhật. Quyền này cũng đảm bảo rằng mọi người có thể nhận thức rõ ràng những lợi ích hoặc dịch vụ mà họ có quyền được hưởng và xem họ có được nhận đúng và đủ các lợi ích đó không.

 Tại Nam Phi, các quy định về tiếp cận thông tin trong Luật tăng cường tiếp cận thông tin đã được sử dụng bởi các nhóm cá nhân muốn biết tại sao đơn xin vay tiền của họ bị ngân hàng từ chối hay trong trường hợp các cổ đông thiểu số muốn xem hồ sơ lưu trữ của các công ty tư nhân.

 Hiến pháp và Luật một số nước quy định chủ thể là công dân. Luật về quyền được thông tin của Ấn Độ (Điều 3) quy định: Tất cả công dân có quyền được thông tin theo luật này. 

Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là tổ chức, pháp nhân:

 Ở Ấn Độ, các nhóm hoạt động xã hội cơ sở đã sử dụng quyền được biết để tiếp cận các thông tin về các dự án, các công trình công cộng ở địa phương để biết các khoản tiền đã chi trả thế nào và để người dân có quyền hỏi về việc dự án đã hoàn thành hay chưa và các khoản chi tiêu cho dự án đó là bao nhiêu.

 Luật về tự do tiếp cận thông tin của Cộng hoà Séc ban hành tháng 5-1999 cho phép các thể nhân và pháp nhân quyền tiếp cận các thông tin do các cơ quan nhà nước, cơ quan cộng đồng và các tổ chức tư nhân quản lý công quỹ nắm giữ.

Một số chủ thể đặc biệt:

 Ngoài các chủ thể trên, cắc văn kiện quốc tế và luật của một số nước còn đề cập đến một số chủ thể được ưu tiên đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin.

 Luật hành chính công Đan Mạch điều chỉnh việc tiếp cận hồ sơ tài liệu trong trường hợp một người là một bên có liên quan đến quyết định hành chính[17]. Luật này quy định phạm vi tiếp cận tài liệu rộng hơn so với Luật tiếp cận thông tin. Luật về Xử lý dữ liệu cá nhân Đan Mạch cho phép các cá nhân được quyền tiếp cận hồ sơ về bản thân mình do các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức tư nhân nắm giữ[18].

1.3. 4  Các yếu tố cấu thành quyền tiếp cận thông tin

 Quyền tiếp cận thông tin có mối quan hệ biện chứng với một số quyền có liên quan như quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ý kiến, quyền tự do báo chí, tự do phổ biến thông tin. Ở một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Israel, Pakistan, Toà án tối cao đã ra phán quyết quyền tiếp cận thông tin là quyền Hiến định và là một yếu tố điển hình của quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí. Điều 16 về Tự do ngôn luận và thông tin của Hiến pháp Thụy Sỹ quy định: “(1) Quyền tự do ngôn luận và thông tin được đảm bảo; (2) Mọi người có quyền hình thành, biểu đạt và phổ biến quan điểm một cách tự do; (3) Mọi người đều có quyền tiếp nhận thông tin một cách tự do và thu thập thông tin từ các nguồn công cộng và phổ biến các thông tin đó”. Mục 12 Hiến pháp Phần Lan năm 2000 quy định: “(1) Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận bao gồm quyền biểu đạt, phổ biến và tiếp nhận thông tin, quan điểm và các hình thức thông tin liên lạc khác mà không bị ngăn cản. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận sẽ được quy định chi tiết trong một đạo luật. Các quy định hạn chế liên quan đến các chương trình đồ hoạ cần thiết để bảo vệ trẻ có thể được được quy định bởi một đạo luật. (2) Tài liệu và hồ sơ lưu trữ do các cơ quan Nhà nước nắm giữ phải được công bố, trừ trường hợp việc này đã bị một đạo luật khác quy định hạn chế vì những lí do thuyết phục. Mọi người đều có quyền tiếp cận các hồ sơ lưu trữ của Nhà nước”.

 Vì những lợi ích to lớn của quyền tiếp cận thông tin, Hiến pháp và luật nhiều nước đều có quy định rộng mở đối với các nội dung của quyền tiếp cận thông tin bao gồm tìm kiếm, thu thập thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin và cả truyền bá thông tin (thường được tách khỏi khái niệm “tiếp cận thông tin” nhưng có liên quan đến quyền được thông tin. Luật về minh bạch trong cơ quan hành chính nhà nước của Panama được thông qua tháng 12-2001 trao cho mọi người quyền yêu cầu các cơ quan Chính phủ cung cấp thông tin dưới mọi hình thức. Các cá nhân cũng có quyền tiếp cận và chỉnh sửa các hồ sơ lưu trữ bản thân mình. Các cơ quan của Chính phủ phải trả lời trong thời hạn 30 ngày.

a) Tìm kiếm, thu thập thông tin

  Theo Luật về các quyền thông tin của Ấn Độ (Điều 2 mục j): Quyền được thông tin có nghĩa là quyền được tiếp cận các thông tin theo quy định tại luật này mà đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi bất kỳ nhà chức trách công cộng nào. Quyền này bao gồm các quyền được: xem các tác phẩm, tư liệu, hồ sơ; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các tư liệu hoặc hồ sơ; có các bản sao có chứng thực các tài liệu; thu thập thông tin dưới dạng đĩa mềm, thẻ nhớ, băng ghi âm, băng hình hoặc bất kỳ dạng thiết bị điện tử nào khác hoặc thông qua các việc in ra các tài liệu ở những nơi lưu trữ tư liệu bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác.

 Các Luật Tự do thông tin quốc gia sử dụng rất nhiều các thuật ngữ khác nhau để mô tả các thông tin mà cá nhân có quyền tiếp cận. Các đạo luật được ban hành từ lâu đời nói chung đều quy định về quyền tiếp cận hồ sơ tài liệu, tài liệu chính thức hoặc tài liệu, trong khi các đạo luật mới được ban hành thì thường quy định về quyền thông tin. Trên thực tế không có nhiều sự khác biệt vì hiện nay hầu hết các luật đã định nghĩa quyền thông tin theo nghĩa rộng nhằm bao hàm tất cả các loại thông tin mà không phụ thuộc vào hình thức chứa đựng các thông tin đó. Tuy nhiên tại một số quốc gia như Thuỵ Điển, thuật ngữ “tài liệu chính thức” không bao gồm các tài liệu đang trong quá trình chuẩn bị hoặc các dự thảo không được sử dụng trong quá trình ra quyết định cuối cùng. Ở Ấn Độ, luật cũng cho phép các cá nhân được yêu cầu lấy mẫu, ví dụ như mẫu thực phẩm được phân phối hoặc mẫu vật liệu sử dụng để làm đường sá.

 Phần lớn Luật tiếp cận thông tin  các nước có quy định quyền tiếp cận tới tất cả các thông tin do chính phủ lưu giữ mà không chỉ là các tài liệu của nhà nước/tài liệu chính thức. Một đặc điểm chung của hầu hết các luật là đều quy định các cơ quan Chính phủ có nghĩa vụ phải cung cấp một số loại thông tin nhất định một cách tích cực. Các thông tin này thường bao gồm chi tiết về cơ cấu tổ chức và các quan chức chủ yếu của Chính phủ, lời văn các đạo luật và quy định, các đề xuất và chính sách hiện hành, các biểu mẫu và quyết định. Các luật mới ban hành có xu hướng quy định cụ thể một danh sách các thông tin cần công bố.

 Mỹ, Canada, các nước Bắc Âu dành cho người dân và các tổ chức quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của Chính phủ (ngoài danh mục loại trừ) bằng Luật tiếp cận thông tin. Một số nước còn có luật của các bang (Mỹ, Ấn Độ).

 Luật Liên bang Nga về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin quy định nghĩa vụ của các chủ thể hành chính công công bố thông tin về tài chính công gồm ngân sách, các dự án đầu tư công cộng, thông tin về nhân viên; trách nhiệm của Bộ Kinh tế và tài chính công, Quỹ quốc gia về cung cấp tài chính cho các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Văn phòng về tiêu chuẩn tạm thời, Hội đồng cao cấp về hợp đồng và mua bán quốc gia công khai một số thông tin (các điều 23-26).

 Luật của Mexico quy định nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước phải công bố 17 nhóm thông tin theo một cách thức có thể dễ dàng tiếp cận và lĩnh hội được. Các nhóm bao gồm thông tin về hoạt động chung của các cơ quan, các dịch vụ cung cấp, trình tự và mẫu, các chương trình trợ giúp, các hợp đồng được thực hiện, chi tiêu tài chính, các báo cáo được đưa ra và các cơ hội tham gia. Danh mục các tài liệu được phân loại cũng phải được công bố. Danh mục này phải được cập nhật theo tiêu đề về nội dung và phải ghi rõ cơ quan hành chính đã tạo ra thông tin, ngày phân loại, lý do, thời gian sẽ được phân loại, và khi thích hợp, phần nào của tài liệu được phân loại. Trong mọi trường hợp, bản thân danh mục không được coi là thông tin mật (Điều 17). Ngoài ra, mỗi cơ quan phải công bố chi tiết về thành phần của cơ quan mình, thẩm quyền, chức năng, các quyết định đã ban hành, các hợp đồng đã giao kết và các báo cáo đã phát hành (Điều 7). Cơ quan phải công bố địa chỉ của phòng thông tin, cũng như địa chỉ điện tử nơi nhận yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 7.V). Luật Mexico còn quy định chi tiết về cách thức công khai thông tin, kể cả thông qua các phương tiện điện tử có thể tiếp cận được ở địa bàn xã.

 Tại Trung Quốc, danh mục thông tin của chính quyền được công bố cần bao gồm bảng xếp loại thông tin theo thứ tự bảng chữ cái, tóm tắt nội dung chính của thông tin, ngày tháng ban hành hoặc các nội dung tương tự (Điều 19 Pháp lệnh về công khai thông tin của chính quyền).  

 Điều 100 Hiến pháp Na Uy năm 1814, sửa đổi tháng 10-2004 có bổ sung về quyền tiếp cận các tài liệu và tham dự các phiên xử và các cuộc họp trong quá trình tố tụng của Toà án. Các thay đổi này là theo khuyến nghị của Uỷ ban về Tự do ngôn luận của Chính phủ[19]. Điều 100 khoản 5 quy định: “Mọi người có quyền tiếp cận các tài liệu của Nhà nước và của chính quyền thành phố cũng như có quyền tham dự các phiên xử của Toà án và các phiên họp của các cơ quan hành chính do nhân dân bầu ra. Luật có thể quy định về các trường hợp ngoại lệ nhằm bảo vệ an ninh dữ liệu cá nhân hoặc với các lí do có sức thuyết phục khác.

 Luật của Na Uy (Điều 10) quy định trách nhiệm của các cơ quan nắm giữ thông tin phải duy trì một chuyên san theo các quy định của Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, Nhà vua có thể quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính duy trì chuyên san điện tử phải công khai chuyên san đó trên Internet và cách thức thực hiện việc công khai. Ngay cả các cơ quan hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật có thể công bố công khai các tài liệu trên Internet, trừ trường hợp phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

b)Yêu cầu cung cấp thông tin

 Quyền tiếp cận thông tin cho phép các công dân hoặc bất kỳ người nào có quyền được yêu cầu các cơ quan Chính phủ cung cấp thông tin. Hiến pháp Nam Phi quy định các cá nhân có quyền được cung cấp thông tin do bất kỳ người nào nắm giữ mà việc cung cấp thông tin đó là cần thiết cho việc thực hiện và bảo vệ các quyền nào của người đó. Hiến pháp Peru 1993 quy định quyền đề nghị tiếp cận thông tin mà không phải đưa ra lí do và nhận thông tin đã đề nghị tiếp cận từ bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong thời hạn và chi phí theo quy định của pháp luật.

  Ở Pháp, Luật Tự do tiếp cận các tài liệu hành chính năm 1978 cho phép công dân thực hiện quyền hiến định là được thông báo về tiền thuế được chi tiêu như thế nào và cơ quan hành chính có trách nhiệm phải giải trình việc này. Luật này cho phép tiếp cận các tài liệu của Chính phủ và có định nghĩa rộng về các loại tài liệu do cơ quan hành chính của Chính phủ Pháp lưu giữ được phép tiếp cận.

  Luật Tự do thông tin của Mỹ ban hành năm 1966, được sửa đổi một số lần và gần nhất năm 1996 với sự ra đời của Luật Tự do thông tin điện tử. Luật này cho phép bất kỳ người hoặc tổ chức nào, không kể là công dân hay có xuất xứ từ quốc gia nào, đều có quyền tiếp cận hồ sơ tài liệu do các cơ quan Chính phủ liên bang nắm giữ. Các cơ quan này bao gồm các cơ quan hành chính và quân sự, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác có thực thi chức năng của Chính phủ, ngoại trừ Quốc hội, Toà án, các cơ quan trực thuộc Tổng thống tại Nhà Trắng, bao gồm Hội đồng An ninh quốc gia. Các cơ quan Chính phủ phải trả lời trong thời hạn 20 ngày làm việc. Luật Tự do thông tin  Mỹ cũng yêu cầu các cơ quan Chính phủ công bố các tài liệu về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy tắc, quyết định, thủ tục, chính sách và các hướng dẫn. Luật Tự do thông tin điện tử  1996 yêu cầu các cơ quan phải thiết lập “phòng đọc điện tử” và công bố dưới hình thức điện tử các thông tin phải được công bố với các tài liệu được yêu cầu.

Luật Thông tin Nhà nước Estonia được thông qua năm 2000 áp dụng đối với các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, các pháp nhân theo luật công và các tổ chức tư nhân đang thực hiện công vụ, bao gồm việc cung cấp các thông tin đối với giáo dục, y tế…Bất kỳ người nào cũng có quyền yêu cầu cung cấp thông tin và cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin phải trả lời trong thời hạn 05 ngày làm việc. Yêu cầu cung cấp thông tin phải được đăng ký vào sổ. Các khoản lệ phí sẽ được miễn nếu thông tin yêu cầu là nhằm mục đích nghiên cứu.

  Luật về quy tắc hành chính công năm 1992 Tây Ban Nha quy định về việc tiếp cận của công dân đối với các hồ sơ, tài liệu của Chính phủ. Luật này cũng quy định về việc tiếp cận các thủ tục hành chính của cá nhân. Các quy định về tiếp cận được bổ sung nhằm thi hành Chỉ thị của EU năm 1990 về tiếp cận thông tin môi trường. Các tài liệu được tiếp cận phải là một bộ phận của một hồ sơ hoàn chỉnh. Cơ quan được yêu cầu phải trả lời trong thời hạn 03 tháng.

  Luật của Nhật Bản về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính năm 2001 quy định quyền được yêu cầu cung cấp văn bản hành chính. Việc cung cấp các văn bản hành chính phải được thực hiện bằng cách xem trực tiếp hoặc thông qua việc cung cấp các bản sao của các văn kiện hay sơ đồ, với các hồ sơ điện tử (Điều 14). Luật còn quy định về quyền tiếp tục tiếp cận thông tin: Người đã tiếp cận văn bản hành chính được cung cấp theo một yêu cầu cũng cấp thông tin trong vòng 30 ngày sau lần tiếp cận thứ nhất có thể yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính có liên quan để tiếp tục được tiếp cận (Khoản 4 Điều 14).

  Pháp lệnh của Trung Quốc về công khai thông tin của chính quyền năm 2007 quy định quyền của các công dân, pháp nhân hoặc tổ chức yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin của chính quyền liên quan đến các vấn đề về thuế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế của bản thân và có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước sửa chữa các thông tin liên quan tới họ do các cơ quan nhà nước cung cấp mà không chính xác, nếu cơ quan nhà nước liên quan  không có trách nhiệm sửa chữa thông tin thì phải chuyển tiếp yêu cầu đến cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc này và thông báo cho người yêu cầu biết  (Điều 25).

  Luật về minh bạch và tiếp cận thông tin Nhà nước của Peru ban hành năm 2002 quy định  mọi cá nhân đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin dưới mọi hình thức từ các cơ quan của Chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân có cung cấp dịch vụ công hay thực thi các chức năng hành chính “và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải giải thích lý do”.     

  Luật các kỳ họp và thông tin chính thức của chính quyền địa phương năm 1987 New Zealand quy định việc tiếp cận các thông tin do các cơ quan chính quyền địa phương nắm giữ, quy định khuôn khổ pháp lý về tiếp cận thông tin tương tự như Luật Thông tin chính thức. Ombudsman cũng là cơ quan giám sát việc thực hiện Luật này. Luật về Quyền riêng tư New Zealand cho phép mọi người được quyền tiếp cận và chỉnh sửa hồ sơ lưu trữ cá nhân về bản thân họ hoặc do các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tư nhân nắm giữ[20].

 Luật về công khai thông tin của các cơ quan chính quyền Hàn Quốc (Điều 21) còn quy định: Cơ quan chính quyền sẽ nỗ lực một cách chủ động trong việc công khai thông tin tuy không được yêu cầu nhưng cần thiết phải công khai cho công luận.

c) Truyền bá thông tin

   Truyền bá thông tin là một khái niệm có phạm vi khác hơn so với tiếp cận thông tin, gắn với tự do thông tin. Quyền tự do thông tin và tự do truyền tải quan điểm có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói, viết, in ấn, điện tử hoặc bằng  nghệ thuật…

 Với phạm vi điều chỉnh là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện quyền tìm kiếm, nhận, gửi, sản xuất và truyền bá thông tin; áp dụng công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin, Luật của Liên bang Nga năm 2006 có quy định riêng về truyền bá thông tin. Điều 10 của Luật quy định :Ở Liên bang Nga, truyền bá thông tin được thực hiện tự do, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật Liên bang Nga. Thông tin được truyền bá không thông qua hệ thống truyền thông đại chúng phải được bảo đảm độ tin cậy các tin tức về người sở hữu hoặc người truyền bá thông tin đó với hình thức và dung lượng đủ để xác định được người đó…Nghiêm cấm tuyên truyền các thông tin kích động chiến tranh, chia rẽ dân tộc, gây thù hằn, đối địch chủng tộc, tôn giáo và các thông tin vi phạm pháp luật hình sự hoặc pháp luật hành chính.

 Nhìn chung, tại các nước, nội dung quyền tiếp cận thông tin có thể được quy định trong các luật khác nhau. Có thể quyền tiếp cận thông tin được hiến pháp hoá (như Thuỵ Điển, Na Uy) và xây dựng nội luật về Tự do thông tin và một số các luật khác liên quan như Luật Bảo vệ dữ liệu thông tin, Luật Bí mật, Luật Chống tham nhũng và một số văn bản pháp lý như Bộ nguyên tắc điều hành Chính phủ (Thuỵ Điển), Nguyên tắc tiếp cận tài liệu công (Thuỵ Điển). Luật của Na Uy loại bỏ các thông tin từ cơ quan lập pháp, tư pháp mà quy định cụ thể về loại thông tin này nằm trong các luật khác hoặc danh mục hạn chế ví dụ tiếp cận thông tin toà án quy định trong luật tố tụng dân sự, hình sự. Hiến pháp Na Uy quy định các phiên họp Quốc hội được mở công khai được trực tiếp nghe hoặc qua các phiên bản ghi và phát trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu như Thuỵ Điển và Na Uy chọn cách thức luật hoá mọi quy tắc thì Đan Mạch để thực thi quyền tự do thông tin còn có các văn bản dưới luật. Đan Mạch lồng ghép các nguyên tắc tự do thông tin vào các luật khác, ví dụ như Luật Minh bạch và Mở trong giáo dục. Luật Tiếp cận tài liệu hành chính công của Đan Mạch áp dụng với hầu hết các cơ quan công, bao gồm công ty và tổ chức khác sử dụng nguồn ngân sách công và có quyền ra chính sách và quyết định do chính quyền trung ương và địa phương trao cho thay cho họ. Luật không áp dụng cho khu vực tư pháp và lập pháp. Đa số luật các nước quy định nội dung quyền tiếp cận thông tin bao gồm thu thập, tìm kiếm thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin.  

1.3.5 Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

 Để quyền tiếp cận thông tin được thực hiện có hiệu quả, cần có một quy trình cung cấp thông tin nhanh chóng, đơn giản, hợp lý và cần có một thiết chế độc lập xem xét giải quyết bất kỳ sự từ chối nào. Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, về cơ bản, được thể hiệnở các khía cạnh: thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin phải công bố công khai rộng rãi các thông tin; thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định quyền yêu cầu cung cấp các thông tin; quy định thời hạn hợp lý được tiếp cận thông tin, từ chối tiếp cận thông tin và bố trí đầu mối tiếp cận thông tin.

 Ở Nhật Bản, yêu cầu tiếp cận thông tin phải được thể hiện bằng văn bản, kể cả dưới hình thức mẫu điện tử, và phải thể hiện tên của người yêu cầu (hoặc tên của người đại diện cơ quan, tổ chức), địa chỉ và mô tả về tài liệu cần tìm kiếm với chi tiết đầy đủ để có thể tìm được. Khi yêu cầu không đầy đủ, cơ quan nhà nước sẽ thông báo cho người yêu cầu và dành cho người yêu cầu thời gian hợp lý để hoàn thành, đồng thời còn “nỗ lực” dành sự trợ giúp (Điều 4 Luật). Người đứng đầu các cơ quan nhà nước được yêu cầu phải cung cấp thông tin có ích cho người yêu cầu và còn phải thực hiện các biện pháp trợ giúp khác (Điều 23 Luật).

 Tại Mexico, luật quy định cụ thể rằng động cơ yêu cầu không liên quan đến việc quyết định có cung cấp thông tin cần tìm kiếm hay không. Nếu thông tin không được mô tả đầy đủ và rõ ràng, hoặc nếu các cá nhân gặp khó khăn trong việc đưa ra yêu cầu, kể cả do mù chữ, thì bộ phận liên lạc phải trợ giúp (điều 40-41 và Quy định tạm thời thứ 8).

 Tại Ấn Độ, Luật quy định trường hợp yêu cầu không được lập thành văn bản vì bất kỳ lý do nào, có thể do không biết chữ, khuyết tật không thể thể hiện thành văn bản…, thì nhân viên thông tin sẽ thực hiện tất cả sự giúp đỡ cần thiết với người được yêu cầu. Một người nộp đơn yêu cầu cung cấp thông tin không buộc phải trình bày lý do vì sao  họ yêu cầu hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào khác ngoại trừ những thông tin cần thiết để liên hệ với họ. Khi có một đơn yêu cầu cung cấp thông tin gửi tới một nhà chức trách công cộng mà thông tin được yêu cầu đang do một nhà chức trách công cộng khác quản lý hoặc nội dung yêu cầu có liên hệ mật thiết hơn đến chức năng của một nhà chức trách công cộng khác, thì nhà chức trách công cộng nhận được yêu cầu phải chuyển yêu cầu đó hoặc một phần của yêu cầu đó tới nhà chức trách công cộng khác và thông báo ngay cho người yêu cầu về việc chuyển như vậy, miễn là việc chuyển yêu cầu theo như quy định tại tiểu mục này phải đuợc thực hiện một cách nhanh nhất trong điều kiện có thể và trong mọi trường hợp không được chậm quá 5 ngày kể từ ngày nhà chức trách đầu tiên nhận được yêu cầu (Điều 6). 

 Tại Slovenia, người yêu cầu tiếp cận thông tin có thể yêu cầu bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Yêu cầu tiếp cận thông tin bằng lời nói được coi là yêu cầu bằng hình thức không chính thống (Điều 14 Luật tiếp cận thông tin công năm 2003). Trong trường hợp yêu cầu bằng lời nói, cơ quan có trách nhiệm vẫn phải bảo đảm người đó được quyền tiếp cận hoặc sử dụng lại thông tin, trừ các trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, yêu cầu bằng hình thức không chính thống không được coi là yêu cầu theo thủ tục hành chính được quy định tại Luật Thủ tục hành chính, cho nên không có quyền khiếu nại.

 Đối với yêu cầu thông tin bằng văn bản thì người yêu cầu phải nêu cơ quan tiếp nhận yêu cầu; tên người, công ty hoặc pháp nhân, đại diện hoặc đại diện toàn quyền của người/công ty hoặc pháp nhân đó và địa chỉ của họ; trong đơn phải nêu rõ thông tin mà họ muốn được tiếp cận; và cách thức mà người yêu cầu muốn tiếp cận nội dung của thông tin được yêu cầu (xem tại chỗ, được cung cấp bản ghi, bản sao hoặc bản sao điện tử). Người yêu cầu không phải nêu cơ sở pháp lý của việc yêu cầu và lý do tiếp cận thông tin. Trong yêu cầu sử dụng lại thông tin công, người yêu cầu phải nêu rõ thông tin mà họ muốn sử dụng lại; cách thức mà người yêu cầu muốn nắm bắt nội dung của thông tin được yêu cầu; mục đích của việc sử dụng lại thông tin (phục vụ mục đích thương mại hoặc phi thương mại).

 Nếu đơn yêu cầu chưa hoàn chỉnh ở mức đủ để cơ quan có thể xử lý thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm đề nghị người yêu cầu hoàn thiện đơn yêu cầu trong thời hạn mà cơ quan đưa ra, không được ngắn hơn 3 ngày làm việc. Trong trường hợp người yêu cầu không hoàn thiện đơn yêu cầu hoặc đơn yêu cầu không đáp ứng các điều kiện trên ngay cả khi đã được bổ sung, chỉnh lý khiến cơ quan tiếp nhận đơn không thể xử lý được yêu cầu thì cơ quan này không cung cấp thông tin.

Thời hạn hợp lý được tiếp cận thông tin, từ chối tiếp cận thông tin:

 Theo Luật của Nhật Bản, quyết định về việc cung cấp thông tin thông thường phải được đưa ra trong thời hạn 30 ngày. Khi yêu cầu được trả lại cho người yêu cầu để bổ sung hay làm sáng tỏ, thì thời gian để bổ sung yêu cầu không được tính vào thời hạn 30 ngày. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm 30 ngày nữa, “khi có lý do hợp lý như là những khó khăn nảy sinh khi thực hiện công việc”, miến là người được yêu cầu phải được thông báo về sự gia hạn đó bằng văn bản cùng với những lý do kèm theo. Khi yêu cầu bao gồm “một số tài liệu lớn của Nhà nước” và có thể có rủi ro là hoạt động của cơ quan nhà nước sẽ bị “trở ngại đáng kể” bằng việc cố gắng cung cấp tất cả các thông tin trong vòng 60 ngày, thì người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể thông tin một cách đơn giản về “phần hợp lý” trong thời hạn đó, việc cung cấp phần còn lại được thực hiện trong “thời gian hợp lý”. Trong trường hợp này, người yêu cầu được thông báo bằng văn bản, kể cả việc áp dụng nguyên tắc này và giới hạn thời gian gia hạn đối với các tài liệu còn lại.

 Yêu cầu có thể chuyển giao cho cơ quan khác khi có căn cứ hợp lệ để chuyển giao, như là tài liệu được chuẩn bị từ cơ quan khác, với điều kiện là phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.

 Luật bao gồm các quy định gia hạn liên quan đến việc tư vấn với các bên thứ ba có liên quan đến thông tin yêu cầu. Các bên thứ ba có thể có cơ hội đưa ra tuyên bố. Khi bên thứ ba phản đối việc cung cấp thông tin, thì thời hạn 2 tuần được áp dụng giữa quyết định cung cấp thông tin và thực hiện thực tế quyết định đó (cung cấp thông tin thực tế). Bên thứ ba còn phải được thông tin ngay lập tức khi có quyết định phải cung cấp thông tin để có thể khiếu nại về quyết định đó nếu muốn.

 Khi quyết định được đưa ra là cung cấp thông tin, thì người yêu cầu được thông báo về việc đó bằng văn bản cũng như các vấn đề liên quan đến hình thức cung cấp thông tin.  

 Khi quyết định đưa ra là không cung cấp thông tin, kể cả vì lý do thông tin không do cơ quan nhà nước này quản lý, thì người yêu cầu cũng được thông báo. Theo Luật thủ tục hành chính, Luật giải quyết các khiếu nại hành chính, Luật khởi kiện các vụ án hành chính của  Nhật Bản thì quyết định phải đưa ra lý do và phải thông báo về quyền khiếu nại, cả theo đường hành chính và toà án.

 Theo Luật của Mỹ, việc yêu cầu sẽ được trả lời ngay lập tức, thông thường trong thời hạn 20 ngày làm việc. Trong trường hợp bất thường, thời hạn có thể được gia hạn thêm 10 ngày. Đối với những trường hợp này, cơ quan công quyền phải thông báo cho người yêu cầu về việc thông tin mà họ yêu cầu không thể cung cấp được trong thời hạn 20 ngày và cơ quan này có thể trao cơ hội cho người yêu cầu giới hạn phạm vi yêu cầu hoặc thu xếp khoảng thời gian khác thay thế. Với những mục đích này và với sự cần thiết hợp lý cho việc xử lý yêu cầu, “các trường hợp bất thường”, được hiểu là sự cần thiết để tìm hiểu thông tin, nhu cầu để tìm kiếm thông qua một lượng thông tin/tài liệu lớn hoặc nhu cầu tham vấn với cơ quan công quyền khác hoặc tham vấn với hai hoặc các chi nhánh khác của cùng cơ quan công quyền.

 Luật đồng thời cũng quy định cách thức xử lý thông tin dựa trên số lượng công việc có liên quan cũng như quá trình xử lý yêu cầu đối với trường hợp mà người yêu cầu nêu ra được “nhu cầu hợp lý”. Việc xem xét yêu cầu đó có phải là “nhu cầu hợp lý” hoặc việc ra quyết định không được thực hiện trong thời hạn 10 ngày và phải thông báo cho người gửi đơn biết về quyết định đó.

 Luật không quy định việc chuyển giao yêu cầu tới các cơ quan công quyền khác tuy nhiên thực tế nếu xác định cơ quan thực sự nắm giữ thông tin thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu lần đầu đều chuyển giao yêu cầu đến cơ quan đó. Luật cũng không quy định sự tham vấn với bên thứ ba. Tuy nhiên Lệnh 12,600 ngày 23-6-2007[21] đã yêu cầu các cơ quan công quyền phải xây dựng thủ tục tham vấn với bên thứ ba khi cơ quan này được yêu cầu phải công khai thông tin thương mại bí mật.

 Phúc đáp lại yêu cầu phải đưa ra lý do giải thích cho quyết định của mình cũng như phải thông tin về quyền kháng cáo nội bộ nào cho người yêu cầu biết. Trong trường hợp tất cả các yêu cầu bị từ chối, thông báo phải đưa ra tên, chức danh, vị trí của người có trách nhiệm đưa ra từ chối cũng như sự tính toán hợp lý về dung lượng thông tin bị từ chối, trừ phi điều này sẽ làm lộ thông tin thuộc trường hợp thuộc trường hợp ngoại lệ không phải công khai.

 Hầu như tất cả các luật đều quy định các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin bố trí đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin.

 Nhìn chung, luật các nước có những điểm chung nhất định như quy định trách nhiệm chủ động công bố rộng rãi, công khai đến mức tối đa thông tin, tạo cơ sở cho người dân tiếp cận thông tin mà không cần yêu cầu, quy trình cung cấp thuận tiện, dễ tiếp cận, nhanh, rẻ, minh bạch. Gần như tất cả các luật đều quy định yêu cầu bằng văn bản, một số nước như Na Uy, Slovenia,… người yêu cầu có thể gửi yêu cầu bằng miệng hoặc thậm chí qua điện thoại. Luật phần lớn các nước không quy định nghĩa vụ của người  yêu cầu phải nêu lý do trong yêu cầu cung cấp thông tin. Nhiều luật quy định cụ thể yêu cầu phải nộp tới công chức cụ thể, trong khi một số nước quy định có thể gửi yêu cầu tới cơ quan công quyền nắm giữ thông tin.

 Phần lớn các luật đều quy định thời hạn tối đa trả lời yêu cầu từ khoảng 15-30 ngày. Phần lớn các luật đều cho phép gia hạn thời gian cung cấp thông tin. Thông thường thì, thời gian mà người nộp đơn phải trả lời các câu hỏi liên quan đến làm rõ hơn một số chi tiết liên quan đến thông tin hoặc để trả lệ phí sẽ không được tính vào thời hạn yêu cầu trả lời. Ở nhiều nước, việc không trả lời được yêu cầu cung cấp thông tin trong thời gian hạn định được coi như từ chối yếu cầu cung cấp thông tin.

 Phần lớn các nước đều quy định việc chuyển giao yêu cầu, hoặc người nộp đơn sẽ được thông báo về việc thông tin do một cơ quan khác nắm giữ, là nơi mà thông tin có liên quan chặt chẽ nhất tới công việc của họ  (Anh, Ấn Độ) hay nơi mà việc chuyển giao là “hợp lý” (Nhật). 

 Luật nhiều nước cũng yêu cầu cơ quan công quyền gửi thông báo trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu, nếu đơn yêu cầu được đáp ứng thì thông báo có thể sẽ ghi cả số lệ phí phải nộp, dạng thông tin được đáp ứng, một số quy định liên quan đến quyền khiếu nại; còn khi yêu cầu bị từ chối, thông báo thường ghi rõ lý do từ chối, có thể viện dẫn điều khoản cụ thể trong luật về lý do từ chối, đồng thời cũng có thể ghi cả quyền khiếu nại.

1.3. 6 Thủ tục khiếu nại, khiếu kiện:

 Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin thường bằng 3 con đường khác nhau: bằng con đường nội bộ hành chính, bằng Uỷ ban thông tin độc lập/ Cao uỷ viên thông tin độc lập, bằng con đường toà án.

  Ở Ấn Độ, bất cứ ai, kể cả bên thứ ba, người mà không nhận được quyết định cụ thể hoặc người gánh chịu bất lợi một quyết định theo quy định của luật, trong thời hạn 30 ngày có quyền khiếu nại đến quan chức thông tin công cộng liên quan. Đơn khiếu nại phải giải quyết trong vòng 30 ngày, hoặc trong thời hạn đã được gia hạn lâu hơn nhưng không quá 40 ngày. Một khiếu nại lần thứ hai của người yêu cầu thông tin về một quyết định ban hành bởi quan chức thông tin giải quyết khiếu nại lần một gửi tới Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang phải thực hịên trong vòng 90 ngày kể từ ngày mà quyết định đó được ban hành hoặc nhận được trên thực tế. Nếu có một khiếu nại về một quyết định do quan chức thông tin công cộng liên quan  đưa ra liên quan đến việc công bố thông tin về một bên thứ ba thì Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang phải tạo một cơ hội thuận lợi cho bên thứ ba được trình bày quan điểm trước uỷ ban về vấn đề.

 Trách nhiệm chứng minh bất cứ sự từ chối cung cấp thông tin, không bảo đảm việc cung cấp thông tin theo như quy định, hoặc không đầy đủ, chính xác… thuộc về cán bộ thông tin là người đã từ chối yêu cầu.  

 Phạm vi quyền khiếu nại nêu rõ trong Điều 18 (1) của Luật, theo đó nghĩa vụ Uỷ ban Thông tin là nhận và điều tra về đơn khiếu nại có liên quan: không thể trình một yêu cầu cung cấp thông tin hoặc khiếu nại liên quan đến việc chuyển tiếp yêu cầu cung cấp thông tin; đã bị từ chối tiếp nhận thông tin; đã không được hồi đáp một yêu cầu cung cấp thông tin hoặc tiếp cận với thông tin trong thời hạn quy định; đã bị yêu cầu trả những lệ phí mà người yêu cầu cho là vô lý; đã được cung cấp thông tin sai lạc, không đầy đủ, hoặc nhầm lẫn; các vấn đề khác theo quy định của Luật.

 Nếu Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang cho rằng cần thiết phải điều tra về khiếu nại thì có thể mở một cuộc điều tra, có các thẩm quyền như thẩm quyền của một toà án dân sự khi xét xử một vụ kiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 1908 trong những vấn đề sau:

-Triệu tập và buộc những người có liên quan phải đến theo sự triệu tập, buộc họ phải cung cấp chứng cứ;

-Thẩm định các tài liệu;

-Tiếp nhận các chứng cứ;

-Trưng thu bất kỳ hồ sơ công cộng hoặc bản sao các hồ sơ này từ bất kỳ toà án/văn phòng có liên quan;

-Tống đạt các lệnh triệu tập để thẩm vấn các nhân chứng hoặc các tài liệu;

-Bất kỳ các hành động nào khác mà có thể thực hiện trong hoạt động điều tra.

 Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang có thể kiểm tra bất kỳ hồ sơ nào nằm trong sự quản lý của một nhà chức trách công cộng.

 Quyết định của Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang sẽ có hiệu lực bắt buộc. Trong quyết định của mình, Uỷ ban Thông tin có quyền: yêu cầu nhà chức trách công cộng thựuc hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để tuân thủ các quy định của Luật, bao gồm cung cấp thông tin được yêu cầu, chỉ định một quan chức thông tin nếu cần thiết, công bố những thông tin hoặc loại thông tin nhất định,…; yêu cầu nhà chức trách công cộng bồi thường bất kỳ mất mát hoặc tổn thương nào mà người khiếu nại đã phải gánh chịu; đưa ra bất kỳ hình thức chế tài nào theo quy định của Luật; đình chỉ việc giải quyết khiếu nại. Uỷ ban Thông tin có quyền phạt tiền người vi phạm theo quy định Khoản 1 Điều 20  và khuyến nghị có hình thức kỷ luật người vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật.  

 Tại Nhật Bản, khi yêu cầu bị từ chối (một phần hoặc toàn bộ), thì người yêu cầu  có thể ngay lập tức kiện ra toà án để yêu cầu loại bỏ sự từ chối, và họ còn có thể thực hiện khiếu nại về hành chính. Liên quan đến việc khiếu nại hành chính, Luật quy định việc khiếu nại được gửi đến người đứng đầu cơ quan hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính đưa ra quyết định có liên quan phải tham khảo ý kiến của Uỷ ban Thẩm tra việc cung cấp thông tin khi một khiếu nại là trái pháp luật và bị bác bỏ hoặc khi mà theo một quyết định cung cấp thông tin (ngoại trừ một số quyết định) liên quan tới các khiếu nại bị rút lại hoặc phải sửa chữa, và tất cả các văn bản hành chính liên quan tới một khiếu nại cần phải được công khai tuy nhiên không bao gồm các trường hợp đã có ý kiến bằng văn bản phản đối việc cung cấp thông tin được trình lên. Uỷ ban Thẩm tra việc cung cấp thông tin  là một cơ quan giám sát trực thuộc văn phòng Chính phủ. Không có giới hạn ràng buộc nào về thời gian được quy định cho việc gửi khiếu nại và cũng có một số trường hợp khiếu nại không được chuyển hay bị trì hoãn với thời hạn có thể quá 1 năm, trong trường hợp đó Uỷ ban không có quyền hành động. Người yêu cầu, người khiếu nại, và bên thứ ba có đại diện phải được thông báo về khiếu nại (Điều 18,19 Luật). Mặc dù Uỷ ban Thẩm tra  trực thuộc Văn phòng Chính phủ, nhưng có một số nỗ lực để bảo đảm rằng Uỷ ban là độc lập. Uỷ ban gồm  15 thành viên và các khiếu nại thông thường được giải quyết trong hội đồng gồm 3 thành viên. Năm thành viên của Uỷ ban làm việc chuyên trách, với một thành viên là chủ tịch của mỗi hội đồng. Những thành viên này là công chức chính phủ đã nghỉ hưu. Mười thành viên khác làm việc kiêm nhiệm và bao gồm các nhà khoa học, các luật sư và các thành viên khác của cộng đồng. Chủ tịch Uỷ ban là thẩm phán phúc thẩm đã nghỉ hưu.           Thủ tướng chỉ định các thành viên của uỷ ban trong số các thẩm phán cấp cao được cả hai viện Quốc hội thông qua. Khi còn đương nhiệm, các thành viên Uỷ ban không được đồng thời làm thành viên của một đảng chính trị hoặc hiệp hội chính trị, hoặc tham gia tích cực vào các phong trào chính trị. Khi giải quyết khiếu nại, Uỷ ban có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp hồ sơ tranh chấp hay yêu cầu thông tin thêm từ người nộp đơn hay từ các bên thứ ba. Các khiếu nại đối với quyết định của Uỷ ban có thể được gửi đến Toà án quận.

  Nhìn chung, quyền được khiếu nại hay kháng cáo của cá cá nhân được thừa nhận rộng rãi trong luật các nước. Các luật khác nhau quy định các biện pháp giải quyết khiếu nại cũng khác nhau, khiếu nại nội bộ là cách thức được lựa chọn đầu tiên và phổ biến nhất, tiếp theo là khiếu nại đến một cơ quan giám sát độc lập và/hoặc khởi kiện tới toà án.

 Luật của Nam Phi, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Peru, Slovenia quy định cụ thể về cơ chế khiếu nại nội bộ, tức khiếu nại trực tiếp lên cơ quan hành chính có thẩm quyền cao hơn cơ quan đã từ chối cung cấp thông tin. Ở Anh, khiếu nại nội bộ là một thủ tục bắt buộc trước khi khiếu nại tới một cấp xét xử khác.

 Nhiều luật thiết kế một cơ quan giám sát độc lập đóng vai trò giải quyết các khiếu nại liên quan đến tiếp cận thông tin ví dụ Cao uỷ viên, Uỷ ban Thông tin hay Thanh tra Nhà nước/Thanh tra Nghị viện hoạt động độc lập. Một xu hướng ngày càng phổ biến là thành lập một Uỷ ban Thông tin độc lập, đây có thể là cơ quan của Quốc hội, cơ quan độc lập thuộc Chính phủ (Văn phòng Chính phủ) hoặc một cơ quan hoàn toàn độc lập. Đến năm 2006 đã có 22 nước thành lập cơ quan dạng này. Ở một số nước như Pháp, Canada, cơ quan này có thẩm quyền tương tự như Thanh tra Quốc hội. Tại Slovenia, Serbia, Ireland, Anh, Uỷ ban Thông tin có quyền ban hành các quyết định có tính bắt buộc, trừ một số ít trường hợp. Trong nhiều trường hợp khiếu nại thông qua hệ thống thanh tra nhanh hơn và có thể giải quyết bằng hoà giải hơn là bằng các vụ kiện lên hệ thống tư pháp gây tốn kém và thủ tục lâu hơn.      Tại một số nước thành lập một cơ quan dạng toà án chuyên giải quyết khiếu nại về tiếp cận thông tin như Ban Thẩm tra việc Công khai thông tin ở Nhật hay ở Úc, có Tài phán Phúc tra hành chính.  Bên cạnh đó, công dân Úc cũng có thể khiếu nại với Thanh tra Quốc hội liên bang. Tại một số nước như Anh hay Thái Lan, luật quy định cả hai cơ chế: hình thành cơ quan giám sát độc lập và một Toà trọng tài (Tribunal) chuyên biệt có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại. Nhiều nước, nhưng không phải là tất cả, luật quy định cơ quan xét xử phúc thẩm cuối cùng là tòa án. Toà án giải quyết tại Ba Lan là tòa án hành chính ở địa phương có cơ quan là bị đơn, tại Hàn Quốc, Na Uy, Nam Phi, Nga là tòa án thẩm quyền chung, tại Peru là toà án theo thủ tục bảo hiến habeas data , tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ là Tòa án hành chính, ở Antigue và Barbuda là Toà thượng thẩm. Ở Ecuado, không chỉ cá  nhân mà Ombudsman cũng có thể khởi kiện, và quyết định của toà án cũng có thể bị kháng cáo lên Toà án Hiến pháp.

1.3.7 Hình phạt, các biện pháp bảo hộ, các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật.

a. Hình phạt

 Phần lớn luật các nước quy định một số hình thức trừng phạt đối với cá nhân có dụng ý cản trở việc tiếp cận thông tin, một số nước khác thì quy trách nhiệm trực tiếp cho cơ quan công quyền. Tại một số nước như Jamaica, Bulgary, Nam Phi và Peru, cản trở có chủ ý việc tiếp cận thông tin được coi là một tội phạm hình sự và hình phạt có thể là hình phạt theo luật hình sự, thông thường là phạt tù. Một số nước khác như Mexico, luật quy định trách nhiệm hành chính đối với các vi phạm này.

b. Các biện pháp bảo vệ

 Nhiều luật đã quy định việc bảo vệ hành động công khai thông tin có thiện chí. Một số luật (Uganda, Ấn Độ, Nam Phi) có quy định bảo vệ công chức đối với bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc có hàm ý thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật.

 Một số nước quy định nghĩa vụ công khai các thông tin ngoại lệ. Luật của Thụy Điển là một ví dụ, Thụy Điển quy định nghĩa vụ theo Bộ luật Hình sự và cũng đặt ra một số nghĩa vụ trực tiếp.

Luật tiếp cận thông tin của nhiều nước  như Anh, Nam Phi, Hoa Kỳ quy định hình thức bảo vệ “người thổi còi”. Đây là biện pháp an toàn quan trọng nhằm hỗ trợ bảo đảm các thông tin cơ bản vì lợi ích công cộng được công khai.

 c. Các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật

  Một số nước như Mexico, Anh, Nam Phi hay Ấn Độ quy định khá nhiều các biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật. Nhiều luật quy định việc bổ nhiệm các công chức tận tụy với công việc đảm nhiệm nhiệm vụ công chức thông tin nhằm hỗ trợ việc thực thi pháp luật.

  Tại Uganda và Nam Phi, người đứng đầu các cơ quan công chịu trách nhiệm thực hiện chức năng của công chức thông tin, mặc dù họ có thể chỉ định những người được uỷ quyền để thực hiện các công việc hàng ngày. Luật của Ấn Độ quy định việc bổ nhiệm nhiều cán bộ mẫn cán làm công chức thông tin. Tại Hoa Kỳ, cơ quan công quyền còn phải chỉ định các trung tâm hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin, công chức giám sát việc giải quyết các khiếu nại nội bộ.

  Một số luật cũng quy định việc phải hướng dẫn và giải thích cho công chúng về quyền được tiếp cận thông tin của họ và cách thức gửi đơn yêu cầu, trong khi một số nước khác thì quy định việc xây dựng các hướng dẫn này dưới dạng các quy tắc về thực hành nhiệm vụ. Tại một số nước, cơ quan trung ương sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn, trong khi ở một số nước khác từng cơ quan công phải xây dựng các quy định hướng dẫn. Tại Nam Phi, Uỷ ban Nhân quyền còn có thêm nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc bằng 11 ngôn ngữ chính thức của quốc gia này.

 Nhiều nước quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với việc quản lý hồ sơ tài liệu, một số hình thức báo cáo về việc thực thi pháp luật và tại một số nước quy định cơ quan giám sát có trách nhiệm chung là thúc đẩy việc thực thi pháp luật. Tại Kyrgyzstan, luật quy định việc rà soát tất cả các văn bản luật có các quy định liên quan đến việc hạn chế công khai thông tin để từ đó xem xét dưới góc độ của luật tiếp cận thông tin.

 Để quyền tiếp cận thông tin được bảo đảm thiết thực, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự là rất quan trọng. Tại nhiều quốc gia, các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội,… có vai trò quan trọng thúc đẩy và giám sát thực thi luật tiếp cận thông tin. Các Ombudsman với tư cách là “người bảo vệ công chúng”, một thiết chế lưỡng tính, kết nối với Nhà nước và xã hội, hoạt động độc lập để bảo vệ lợi ích của người dân, bao gồm cả quyền tiếp cận thông tin.

 

                                                   Chương 2

PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CẬN THÔNG TIN/ TỰ DO THÔNG TIN TRONG PH ÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LU ẬT CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

2.1 Pháp luật về tiếp cận thông tin trong pháp luật quốc t ế

      Quyền tiếp cận thông tin đã trở thành mối quan tâm trên phạm vi quốc tế, sau khi Liên hợp quốc ra đời. Trong phiên họp thứ nhất, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết số 59(1), quy định: “tự do thông tin là quyền con người cơ bản và….nền tảng của tất cả các tự do khác…”. Tiếp đó, bản Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người được thông qua vào năm 1948 đã liệt kê một loạt các quyền và tự do cơ bản của cá nhân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm của các chính phủ trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền này. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và trong một số công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003…Ở cấp độ khu vực và quốc gia, quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Công ước Nhân Quyền Châu Âu (ECHR), Công ước Nhân Quyền Châu Mỹ (ACHR), và trong Chương trình Hành động Chống tham nhũng dành cho khu vực Châu Á – Thái bình dương[22] cũng đã quy định rõ về tiếp cận thông tin: bảo đảm rằng công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng một cách phù hợp với pháp luật trong  nước[23]…Hiện nay, các nước trên thế giới dù khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế hay sự khác biệt về văn hoá trong pháp luật quốc gia đều có quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tính đến năm 2010 đã gần 90 quốc gia ban hành luật tiếp cận thông tin công.

2.2 Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới

2.2.1 Luật tiếp cận thông tin của một số nước Châu Âu

1. Thụy Điển

    Thụy Điển là nước  có luật tự do báo chí lâu đời nhất thế giới, từ 1766. Luật tự do báo chí năm 1766 và Luật Tự do ngôn luận năm 1991 là hai luật chủ đạo liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Thụy Điển là nước đầu tiên nâng luật về tiếp cận thông tin lên hàng có hiệu lực pháp lý như Hiến pháp.

 Tự do ngôn luận và quyền tiếp cận tài liệu công trong luật 1766 của Thụy Điển được coi là tiến bộ nhất thế giới trong thế kỷ XVIII. Luật được coi là phương tiện đấu tranh giảm tham nhũng và các đối xử bất công với công dân, tăng uy tín cho các cơ quan công cũng như các chính trị gia. Luật xây dựng trên nền tảng khái niệm tự do về ngôn luận và tự do thông tin, cũng cụ thể vai trò Ombudsman điển hình trong mô hình dân chủ xã hội (xã hội dân chủ) Thụy Điển. Quan điểm về tiếp cận tài liệu công được nêu rõ như sau: Nền dân chủ yêu cầu sự tham gia của công chúng trong những bản thảo được thông báo về các vấn đề mối quan tâm công cộng. Nó yêu cầu công dân có những biện pháp thực hiện kiểm soát lên chính quyền nhằm tăng tính hiệu quả và xoá bỏ tham nhũng. Nền dân chủ cũng cần bảo đảm tính công khai trong nền hành chính công, cho phép các công dân tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định và tăng tính trách nhiệm giải trình và hiệu quả làm việc của các thể chế công[24].

Nguyên tắc tiếp cận thông tin  công có nghĩa là công chúng (bao gồm cả báo chí, truyền hình) được đảm bảo quyền xem xét các hoạt động của chính phủ và chính quyền địa phương; mọi tài liệu do chính quyền nắm giữ đều có thể cho công chúng được biết, trừ những tài liệu được quy định là tài liệu mật. Tuy nhiên, mỗi yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm đều cần được xem xét theo trường hợp cụ thể và nếu bị từ chối cung cấp thông tin, người yêu cầu có quyền kháng kiện. Nguyên tắc về tiếp cận thông tin bao gồm: tiếp cận các tài liệu chính thức; tự do ngôn luận cho công chức và mọi người dân; tự do trao đổi giữa công chức và người dân; tiếp cận phiên toà; tiếp cận các phiên họp của Quốc hội.

 Điều 1 của Chương II Luật Tự do báo chí còn ghi rõ “mọi công dân Thụy Điển đều có quyền tiếp cận tài liệu chính thức miễn phí, nhằm mục đích tự do trao đổi ý kiến và sự sắn có của thông tin phức hợp”. Điều 2 quy định “Quyền tiếp cận các tài liệu công chỉ có thể bị hạn chế nếu cần thiết trong các bối cảnh có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và quan hệ của quốc  gia với các nước khác và các tổ chức quốc tế; chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá; các hoạt động điều tra, kiểm soát của cơ quan công quyền; phòng ngừa tội phạm; quyền lợi kinh tế công; bảo vệ tính riêng tư, quyền lợi kinh tế của cá nhân; bảo vệ thiên nhiên và môi trường”. Ngoài ra mọi tài liệu bị cho là mật đều được quy định rõ trong Luật Bí mật năm 1980 với trên 160 mục. Hầu hết các hạn chế về thông tin theo dạng mật đều đòi hỏi phải chứng minh là việc công bố thông tin đó sẽ gây hại tới cộng đồng. Thông tin được giữ bí mật trong khoảng từ 2 đến 70 năm tuỳ loại thông tin.

 Theo Luật năm 1976, Chính phủ, cơ quan trung ương kể cả các cơ quan thương mại công, toà án, chính quyền (hành chính) địa phương đuợc gọi là cơ quan công quyền. Quốc hội và bất kỳ một hội đồng chính phủ địa phương nào được trao quyền ra quyết định phải được coi là một cơ quan công quyền. Các cơ quan công quyền bắt buộc phải lưu giữ các tài liệu chính thức theo hệ thống và tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận được rõ ràng. Một công dân bình thường cũng có thể đến hoặc yêu cầu Thủ tướng cho xem những tài liệu chính thức của Thủ tướng. Khi tài liệu thuộc tài liệu công, cần được in ra, lưu và liệt kê trong công báo. Việc thay đổi hay xoá bỏ tài liệu trong danh sách công báo là vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.

 Theo Luật dữ liệu cá nhân, cá nhân có quyền tiếp cận và sửa đổi thông tin cá nhân của chính họ do các cơ quan công và tư nắm giữ. Quyền giám sát luật về dữ liệu cá nhân thuộc về Ban Kiểm soát dữ liệu quốc gia.

 Công dân không cần mô tả chính xác về tài liệu cần tìm, tuy nhiên cơ quan nhà nước không có nghĩa vụ tìm kiếm dàn trải một tài liệu nào đó nếu cá nhân yêu cầu không đưa ra được chi tiết về tài liệu đó. Nếu tài liệu có một phần nội dung không mật, những phần không mật phải được cung cấp ở dạng bản sao hoặc bản ghi âm.

 Khiếu nại, khiếu kiện được thực hiện theo hai cấp. Khiếu nại nội bộ sau đó có thể gửi lên Thanh tra Quốc hội, cơ quan có tính chất trung lập chính trị này có thể đưa ra nhận xét và khuyến nghị không có tính bắt buộc. Khiếu kiện thì có thể gửi lên Toà hành chính và Toà hành chính tối cao.

2. Phần Lan

    Hiến pháp Phần Lan có tính chất và nội dung rất tương đồng với Thụy Điển về các quyền cơ bản của con người và công dân. Hệ thống văn bản luật bao gồm Luật Tự do báo chí Thụy Điển phiên bản cho Phần Lan, có quy đinh tự do tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin được luật hoá và sửa đổi trong Luật Mở tài liệu công năm 1951 và sau đó là Luật Mở về các hoạt động của Chính phủ năm 1999. Uỷ ban Chống Tham nhũng của Hội đồng Châu Âu đã nhận định, luật tự do thông tin của Phần Lan là một trong số yếu tố then chốt để Phần Lan có mức (chỉ số) tham nhũng thấp.

 Luật Mở tài liệu công quy định công khai các tài liệu do nhà nước, chính quyền cơ sở và tổ chức tôn giáo nắm giữ. Luật Mở về các hoạt động của Chính phủ đưa ra nguyên tắc về công khai đối với cả khu vực doanh nghiệp có thực hiện chức năng công, như quỹ hưu. Luật này quy định quyền tiếp cận thông tin và nghĩa vụ của nhà chức trách cung cấp thông tin, nhằm mục tiêu tăng cường công khai về hoạt động quản lý thông tin của chính phủ, tạo cơ hội tốt cho các cá nhân, tổ chức giám sát các hoạt động của cơ quan công quyền và sử dụng nguồn lực công. Mọi người đều có quyền có quan điểm, có thể phản hồi và gây ảnh hưởng lên các hoạt động của cơ quan công quyền. Luật cũng nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích, mối quan tâm chung của công chúng. Luật cũng cho phép mọi người dân có quyền tiếp cận tài liệu chính thức được đưa lên trang điện tử hoặc thư viện.

 Những hạn chế của tiếp cận thông tin là: tài liệu nội bộ, tài liệu không chính thức; các thông tin hoặc tài liệu chuẩn bị về quá trình ra quyết định. Các thông tin hạn chế (120 loại thông tin) cũng được phân nhóm thành 32 nhóm (theo Điều 24 Luật năm 1999): kể cả đối ngoại, điều tra hình sự, cảnh sát, an ninh, tình báo quân đội và lực lượng vũ trang và cần cân nhắc cả lợi ích công cộng, bí mật doanh nghiệp, thông tin cá nhân. Tuy nhiên Luật năm 1999 (Chương VII) cũng quy định các nguyên tắc tiếp cận với các thông tin bí mật, việc tiếp cận các tư liệu bí mật lưu trữ, tư liệu bí mật của nhà chức trách hay việc một nhà chức trách có thể cho phép tiếp cận với thông tin mật của một số nhà chức trách khác, hay cho phép tiếp cận với những thông tin mật của nhà chức trách của một nước khác hoặc của một tổ chức quốc tế.

   Nghị viện của Phần Lan cũng có cơ quan Thanh tra Nghị viện với chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền và nhà chức trách về thực thi luật và phán quyết về thực thi luật, nhận các khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

 Luật 1999 cũng có những quy định cụ thể về quyền  công dân được tham dự các phiên họp toàn thể của Nghị viện, các phiên họp của Hội đồng địa phương và các cơ quan địa phương khác, các phiên toà và các cuộc họp của các cơ quan tôn giáo.

3. Na Uy

    Luật Tự do thông tin năm 1970 được sửa đổi gần nhất năm 2006. Những sửa đổi cập nhật nhất nhằm vào các vấn đề xử lý yêu cầu thông tin, hạn chế các tài liệu nội bộ, thông tin miễn trừ và sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của Liên minh Châu Âu đặc biệt liên quan đến yêu cầu tiếp cận thông tin môi trường và yêu cầu tính minh bạch cao hơn.

 Một đặc điểm nổi bật của Luật Tự do thông tin của Na Uy là quyền được biết hay quyền tự do thông tin đã được hiến pháp hoá theo điều 100 Hiến pháp sửa đổi năm 2004 như sau:

“Quyền tự do ngôn luận: Không ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì truyền đạt, phổ biến hoặc nhận thông tin, ý kiến vì quyền này được giải thích bởi cơ sở tự do ngôn luận nói trên, được hiểu là tìm kiếm sự thật, đẩy mạnh dân chủ và tự do cá nhân bày tỏ ý kiến. Mọi người được quyền tiếp cận tài liệu của Nhà nước và chính quyền cơ sở. Hạn chế của quyền này sẽ được quy định bởi pháp luật để bảo vệ tính riêng tư của cá nhân hoặc vì lý do cần thiết”.

  Luật sửa đổi gần nhất đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với các công ty, pháp nhân có ít nhất 50% vốn của nhà nước; giảm thiểu phạm vi miễn trừ, tức là không miễn trừ toàn bộ tài liệu có những thông tin bí mật mà chỉ loại trừ thông tin mật đó khỏi tài liệu khi cung cấp thông tin. Theo Luật,  cơ quan công cần cung cấp thông tin là các bộ, ngành hành chính, chính quyền ở cả ba cấp, bao gồm các công ty ít nhất 50% vốn nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương. Một số cơ quan như Tổng cục cảnh sát, Tổng cục an ninh quốc phòng và Tổng cục tình báo thường nằm trong diện miễn trừ. Tuy nhiên với đạo luật mới, các cơ quan này vẫn là đối tượng áp dụng của Luật. Kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan này là cơ sở dữ liệu thông tin của họ cần xử lý kỹ càng để mọi thông tin phải mở sẽ được liệt kê trong công báo, mà không có loại thông tin dạng mật nào nằm nhầm trong công báo. Đồng thời các cơ quan áp dụng nhiều hơn hình thức cung cấp tài liệu nhưng bỏ đi phần thông tin thuộc phân loại mật.

 Các thông tin từ cơ quan lập pháp, tư pháp và cảnh sát làm chức năng công tố không nằm trong điều khoản của Luật tự do thông tin, mà thuộc sự điều chỉnh của luật khác.

   Theo Luật tiếp cận thông tin, bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu cơ quan hành chính  cho xem những nội dung văn bản về một sự việc cụ thể. Những thông tin đang tranh cãi cũng có thể đưa ra công chúng. Yêu cầu thông tin sẽ được các cơ quan công hoặc công chức xem xét trên nguyên tắc lợi ích công cộng. Kể cả thông tin thuộc dạng mật, nhưng trước yêu cầu cung cấp thông tin, người có trách nhiệm cao nhất của cơ quan có quyền xem xét tính chất mật của tài liệu sẽ phải cân nhắc có cho phép tiếp cận hay không và có thể cho tiếp cận nếu lợi ích công cộng cao hơn.

 Người yêu cầu thông tin không cần phải đưa ra chi tiết hoặc mã số văn bản yêu cầu mà chỉ cần liên quan đến trường hợp cụ thể hoặc nói cách khác là mô tả loại tài liệu hoặc trường hợp cụ thể đó ở mức độ hợp lý. Mọi yêu cầu về thông tin cần phải được trả lời trong vòng 5 ngày và quyết định từ chối cung cấp thông tin phải được trả lời trong vòng 10 ngày, trừ những thông tin nằm trong dạng cần được giải thích về yêu cầu thông tin hoặc có quyết định tạm hoãn không cung cấp thông tin tới một thời gian nhất định trong tương lai (Điều 5). Yêu cầu thông tin hay tiếp cận thông tin không mất lệ phí. Có quy định người yêu cầu có thể yêu cầu nhiều loại tài liệu nhưng tối đa số trang mỗi tài liệu yêu cầu không quá 100 trang. Trên mức đó, người yêu cầu phải trả lệ phí với mức phải chăng.

 Luật quy định quyền khiếu nại và khiếu kiện tới cơ quan chức năng cấp cao hơn và sau cùng là Ombudsman ( Thanh tra Nghị viện) hoặc toà án cấp cao hơn.

4. Đan Mạch

   Luật về tiếp cận các tài liệu hành chính công của Đan Mạch được ban hành năm 1985, quy định áp dụng đối với tất cả các hoạt động được thực thi bởi cơ quan hành chính công, đổng thời áp dụng với một số cơ sở sản xuất, và với công ty, hiệp hội, tổ chức, nghiệp đoàn cụ thể… sử dụng ngân sách nhà nước hay có chức năng công quyền do uỷ quyền.

Bất kể người nào cũng có thể yêu cầu được thông báo cho biết về các tài liệu do cơ quan hành chính tiếp nhận hoặc ban hành trong quá trình hoạt động. Cơ quan hành chính có thể cho phép sự tiếp cận rộng hơn đối với các tài liệu khi điều này không phải tuân theo quy định về bí mật.

  Luật quy định  các tài liệu về  công việc nội bộ của công chức, viên chức thuộc diện loại trừ. Tuy nhiên, các thông tin về sự thật trong tài liệu quy định là tài liệu quan trọng đối với vấn đề đang xem xét thì những thông tin đó, bất kể đã có quy định trước hay không, đều được công bố. Luật cũng quy định các thông tin được miễn liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật nhà nước…

  Các luật có liên quan đến tiếp cận thông tin như Luật Lưu trữ, cho phép các lưu trữ của các cơ quan công được duy trì trong vòng 30 năm, các thông tin cá nhân được lưu trữ trong vòng 80 năm; các thông tin về an ninh quốc gia và các lý do khác có thể đóng theo thời hạn khác nhau.

Cơ quan công quyền cần cung cấp thông tin nếu việc không cung cấp gây tổn hại cho cuộc sống, sức khoẻ, tài sản và môi trường của cộng đồng.

5. Vương quốc Anh   

    Luật Tự do thông tin của Vương quốc Anh ban hành năm 2000, sau hai năm thông qua Luật Nhân quyền. Điều 1 quy định bất kỳ người nào cũng có quyền yêu cầu cơ quan công quyền cung cấp thông tin và có quyền được thông tin. Lụât định nghĩa thông tin một cách đơn giản đó là những tin tức/dữ liệu, tài liệu được ghi lại dưới bất kỳ hình thức nào. Và thông tin này do cơ quan công quyền nắm giữ tại thời điểm nhận được yêu cầu. Luật cũng xác định cơ quan nào được coi là cơ quan công quyền và việc xác định được quy định trong Phụ lục 1. Bản danh sách này bao gồm tất cả cơ quan của Chính phủ, một vài cơ quan lập pháp (Luật không điều chỉnh cơ quan lập pháp của Scotland vì vùng này có luật riêng), lực lượng vũ trang và một số cơ quan khác được liệt kê theo tên riêng. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu công cũng được xác định như là những cơ quan của Hoàng gia hoặc một cơ quan/tổ chức công cộng (không phải cơ quan của Chính phủ) cũng được coi là cơ quan công quyền.

  Cơ quan công quyền có trách nhiệm cung cấp thông tin và trong trường hợp từ chối thì cơ quan này phải thông báo cho người yêu cầu ngay lập tức trong thời hạn 20 ngày.

  Khoảng thời gian giữa thời điểm người yêu cầu trả phí và ngày mà phí yêu cầu được thanh toán là thời điểm không được tính trong thời hạn 20 ngày. Tuỳ theo từng loại thông tin khác nhau mà Bộ trưởng có thể gia hạn thời hạn này nhưng không quá 60 ngày.

 Trong thời hạn 20 ngày, người yêu cầu phải nhận được thông báo về việc thông tin họ yêu cầu cần phải xem xét, thông báo này được tính vào thời hạn đưa ra quyết định. Sau khi hết thời hạn gia hạn cung cấp thông tin, quyết định cuối cùng là không công khai thông tin được yêu cầu công khai, cơ quan nhận được yêu cầu phải gửi thông báo cho người yêu cầu và nêu rõ lý do (phải nêu những ngoại lệ được sử dụng), chi tiết thủ tục khiếu nại nội bộ cũng như quyền khiếu nại lên Uỷ ban Thông tin.

   Luật Tự do thông tin không điều chỉnh việc chuyển yêu cầu hoặc tham vấn cho bên thứ ba một cách trực tiếp, tuy nhiên việc phối hợp này được quy định bằng Bản quy tắc. 

   Luật quy định hai chế độ phí mà người yêu cầu phải trả, và phí phải được thanh toán trong thời hạn 3 tháng. Người yêu cầu không phải trả phí cho thời gian làm việc của nhân viên cơ quan cung cấp thông tin.

   Luật của Anh không quy định danh sách thông tin mà mỗi cơ quan công quyền buộc phải công bố. Điều 19 quy định cơ quan công quyền buộc phải phát triển, công bố và thi hành các kế hoạch đăng tải, xác định các loại thông tin mà cơ quan này sẽ công bố, cách thức công bố và những loại thông tin nào sẽ thu phí. Kế hoạch công bố thông tin phải được Uỷ ban quản lý thông tin thông qua.

 Luật cũng quy định một loạt các trường hợp ngoại lệ như là sự miễn trừ. Phần lớn các ngoại lệ là rõ ràng. Luật quy định trong bất kỳ trường hợp nào, lợi ích công cộng trong việc duy trì ngoại lệ cao hơn so với lợi ích công cộng khi tiết lộ thông tin đó. Do các quy định của Luật chỉ áp dụng cho thông tin, không áp dụng đối với các tài liệu, vì thế bất kỳ thông tin nào không thuộc phạm vi ngoại lệ buộc phải công khai.

 Luật quy định 3 cấp khiếu nại, cấp đầu tiên là trong phạm vi cơ quan nắm giữ thông tin, cấp thứ hai là Uỷ ban Thông tin, và tiếp theo là Toà án (Tribunal) chuyên xét xử các vụ việc liên quan đến tự do thông tin. Cơ chế xét xử ở cấp thứ ba tương tự như cơ chế xét xử của trọng tài thương mại.

6. Pháp

    Luật về tiếp cận thông tin của Pháp ban hành năm 1978, sửa đổi năm 2000. Luật cụ thể hoá và đảm bảo quyền của mọi người được tiếp cận thông tin trong phạm vi mà quyền tiếp cận các tài liệu hành chính đã quy định. Tài liệu hành chính là các văn bản, báo cáo, nghiên cứu, bản sao, bản ghi chép, số liệu, lệnh, hướng dẫn, các thông tư cấp bộ, bản ghi nhớ và các hồi đáp liên quan đến giải thích luật hoặc giải trình thủ tục hành chính, khuyến nghị, dự báo, và các quyết định của nhà nước, cơ quan địa phương, cơ quan công hoặc các tổ chức hoạt động dựa trên luật công hay luật tư để quản lý một dịch vụ công. Các tài liệu này có thể ở dạng viết, nghe, nhìn, các tài liệu trên các phương tiện trung chuyển xử lý dữ liệu, hoặc các tài liệu có thể xem được bằng các quy trình tự động đang được sử dụng.

 Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trao các tài liệu về hành chính thuộc quyền sở hữu của mình cho tất cả những người nộp đơn xin sử dụng theo các điều kiện được quy định. Quyền được trao văn bản sẽ chỉ được áp dụng đối với các tài liệu đã hoàn chỉnh. Quyền này sẽ không được thực hiện nếu như tài liệu đã được lưu hành trong công chúng hay các tài liệu được chuẩn bị theo hợp đồng dịch vụ với những điều khoản được thực thi trên tư cách của một hoặc một vài người. Dịch vụ công được yêu cầu sẽ không bắt buộc phải chấp nhận những đề nghị phi lý với lý do là số lần yêu cầu hoặc bởi tính chất lặp đi lặp lại và có hệ thống của những yêu cầu đó. Luật có quy định cụ thể về các trường hợp ngoại lệ. Ngoài ra, những trường hợp tài liệu hành chính chỉ được phép trao cho người có liên quan được quy định: nếu việc trao những tài liệu đó có thể gây ảnh hưởng đến sự riêng tư và bí mật của hồ sơ cá nhân, bí mật về y tế hoặc bí mật về thương mại và sản xuất; tài liệu về những đánh giá hoặc nhận xét về một thể nhân, có thể nhận ra bằng tên hoặc đặc điểm dễ nhận biết; tài liệu nêu ra hành vi của một cá nhân mà có thể gây hại đối với người đó sau này, nếu bị tiết lộ. Thông tin y tế phải được trao cho người liên quan, trực tiếp hoặc thông qua bác sỹ và phải có sự đồng ý của người đó theo các điều kiện  quy định tại Bộ Luật về Sức khoẻ và cộng đồng.

 Luật của Pháp quy định thành lập Uỷ ban về tiếp cận tài liệu hành chính chịu trách nhiệm thực thi quyền tự do tiếp cận các  tài liệu hành chính và tài liệu lưu trữ công. Uỷ ban giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện ra Toà Hành chính.

7. Liên bang Nga

    Luật về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin ban hành năm 2006 có phạm vi điều chỉnh rộng. Điều 8 có quy định về quyền tiếp cận thông tin. Công dân và tổ chức có quyền tìm kiếm và nhận bất kỳ thông tin nào với bất kỳ hình thức nào từ bất kỳ nguồn nào với điều kiện tuân thủ các quy định của Luật này và các luật khác của Liên bang.

 Công nhân có quyền nhận thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và tự do của mình từ các cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền địa phương và từ cán bộ, công chức có thẩm quyền theo trình tự được pháp luật Liên bang Nga quy định. Tổ chức có quyền nhận từ cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền địa phương thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình cũng như các thông tin cần thiết khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

 Không được hạn chế tiếp cận đối với: các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân và các văn bản pháp luật quy định địa vị pháp lý của các tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương; thông tin về trạng thái môi trường; thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan chính quyền địa phương và thông tin về sử dụng ngân sách (trừ các tin tức về bí mật quốc gia hoặc bí mật công vụ); thông tin được lưu trữ trong các thư viện công cộng, bảo tàng, kho lưu trữ và trong các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương và của các hệ thống thông tin khác được thiết lập nhằm phục vụ công dân và tổ chức; các thông tin khác mà pháp luật liên bang không hạn chế tiếp cận.

 Luật cũng quy định việc hạn chế tiếp cận thông tin nhằm mục đích bảo vệ chế độ Hiến pháp, đạo đức, sức khoẻ, quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, bảo đảm nền quốc phòng đất nước và an ninh quốc gia.

8. Ba Lan

    Luật về tiếp cận thông tin công của Ba Lan được thông qua năm 2001. Luật quy định tất cả những thông tin về các vấn đề chung là các thông tin công, và được công khai theo các nguyên tắc và điều khoản ghi trong Luật. Điều 4 quy định công khai các thông tin công cho mọi người được biết là trách nhiệm của các cơ quan công quyền cũng như các cơ quan tổ chức khác thực hiện các chức năng công, đặc biệt: các cơ quan của cơ quan công quyền; các cơ quan kinh tế và chính quyền của địa phương; các pháp nhân đại diện cho Bộ Tài chính được quy định theo các điều khoản riêng biệt; các thực thể đại diện cho pháp nhân của nhà nước hoặc pháp nhân của chính quyền địa phương và chủ thể đại diện cho đơn vị của tổ chức nhà nước hoặc đơn vị của chính quyền địa phương; các chủ thể đại diện cho người khác hoặc đơn vị tổ chức khác thực hiện các chức năng công cộng, phân bổ tài sản công cũng như các chủ thể mà trong đó Bộ Tài chính, đơn vị của chính quyền địa phương hoặc tổ chức kinh tế hoặc chuyên nghiệp của địa phương giữ vị trí quan trọng trong việc hiểu các điều khoản về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Công khai các thông tin công là trách nhiệm của các đơn vị đại diện tổ chức công đoàn và nhân viên của các tổ chức theo quy định ở Đạo luật ngày 6 tháng Bảy năm 2001 về Uỷ ban Ba bên về các vấn đề kinh tế - xã hội và Uỷ ban về đối thoại xã hội và các đảng phái chính trị. 

 Điều 6 của Luật quy định những thông tin phải được công khai, đặc biệt: chính sách đối nội, đối ngoại; quy chế pháp lý và hình thức các văn bản luật; kê khai tài sản của các cơ quan, tổ chức được luật quy định; tài sản các cơ quan tổ chức nói trên chi dùng; nguyên tắc về phân công nhiệm vụ cho các chủ thể; tài liệu công; tài sản công  bao gồm: tài sản của Bộ tài chính và các pháp nhân của nhà nước, các tài sản khác thuộc về quốc gia và các khoản nợ quốc gia, tài sản của các đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương, các khu kinh tế địa phương, cũng như tài sản của pháp nhân thuộc về chính quyền địa phương; tài sản của các thực thể theo quy định của luật có được từ việc bán tài sản được quy định trong luật cũng như lợi tức có được từ tài sản này; nguồn lợi tức và thua lỗ từ các công ty thương mại trong đó các thực thể được quy định trong luật giữ vị trí quan trọng trong việc diễn giải các điều khoản của Luật về các công ty thương mại về việc thất thoát thu nhập và phương pháp thu bù lỗ; nợ công; cứu trợ xã hội; nghĩa vụ công. Việc tiếp cận các thông tin công được miễn phí.

 Điều 13 của Luật quy định việc cung cấp thông tin công dựa trên yêu cầu phải được làm không được chậm trễ, và không vượt quá 14 ngày kể từ ngày nộp đơn yeu cầu. Nếu thông tin công không thể đưa ra trong thời hạn trên, trong thời gian đó, chủ thể có trách nhiệm về việc cung cấp thông tin có nghĩa vụ phải thông báo lý do chậm trễ và ngày mà thông tin sẽ được đưa ra, không muộn hơn 2 tháng kể từ ngày nộp đơn yêu cầu.

 Luật cũng quy định phải công khai các cuộc họp của các cơ quan công quyền được bầu ra trong tổng tuyển cử.

9.Thổ Nhĩ Kỳ

   Luật về quyền được thông tin ban hành năm 2003 nêu rõ mục tiêu của Luật là quy định các thủ tục và cơ sở của quyền được thông tin dựa trên nguyên tắc bình đẳng, toàn vẹn, và cởi mở là những điều kiện cần thiết của một chính phủ dân chủ và minh bạch.

 Luật có định nghĩa về “thông tin” được dùng trong Luật, theo đó thông tin là tất cả mọi dữ liệu nằm trong phạm vi của Luật này và được ghi trong hồ sơ lưu của các cơ quan. Còn “tài liệu” thuộc phạm vi của Luật được định nghĩa tất cả các tài liệu, sách, tạp chí, bản giới thiệu, túi nhỏ, thư, phần mềm, hướng dẫn, bản vẽ, kế hoạch, phim ,ảnh, băng video và cát-sét, bản đồ các tổ chức, dạng viết, in hay sao; các thông tin, tin tức và các dữ liệu khác được ghi âm, thu hình và lưu trữ dưới dạng điện tử.

 Tất cả mọi người đều có quyền được thông tin. Những người nước ngoài sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và các pháp nhân nước ngoài hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ có quyền được thông tin theo Luật này với điều kiện là thông tin họ yêu cầu phải liên quan đến họ hoặc lĩnh vực họ hoạt động và trên cơ sở của nguyên tắc có đi, có lại (Điều 4).

 Theo Điều 8, các thông tin và tài liệu được công bố và xuất bản cho công chúng qua ấn bản, bản giới thiệu, tuyên bố hoặc các phương tiện tương tự khác thì sẽ không cần phải nộp đơn xin tiếp cận. Tuy nhiên người nộp đơn sẽ được thông báo về ngày, phương thức và địa điểm công bố và xuất bản thông tin hay tài liệu đó.

 Phần IV quy định các hạn chế đối với quyền tiếp cận thông tin khá cụ thể và chi tiết. Các thông tin và tài liệu mà việc tiết lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích kinh tế  của quốc gia hoặc gây ra cạnh tranh, hoặc làm giàu không công bằng sẽ nằm ngoài phạm vi của Luật này. Các thông tin và tài liệu nói về nghĩa vụ và hoạt động của các cơ sở tình báo dân sự và quân sự đều nằm ngoài phạm vi của Luật này. Tuy nhiên các thông tin và tài liệu có thể ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp và cuộc sống làm việc của cá nhân đều nằm trong phạm vi quyền tiếp cận thông tin…Điều 28 quy định các thông tin và tài liệu không còn được xếp loại bởi các quyết định về pháp lý hay hành chính được công khai cho các cá nhân nộp đơn xin tiếp cận, với điều kiện là chúng nằm trong phạm vi các ngoại lệ do Luật này đề ra. 

10. Hà Lan

   Luật năm 1991 quy định về quản lý việc tiếp cận chúng đối với các thông tin của Chính phủ quy định cơ quan hành chính nhà nước, trong phạm vi trách nhiệm của mình phải công khai thông tin theo Luật này, nhưng không trái với các quy định ở các Luật khác.

 Tất cả mọi người đều có thể nộp đơn xin tiếp cận các thông tin có trong tài liệu về các vấn đề hành chính, cho các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, dịch vụ hoặc công ty có trách nhiệm của một cơ quan hành chính.

 Các cơ quan hành chính trực tiếp liên quan phải cung cấp thông tin về chính sách, quá trình soạn thảo và thực thi, có trong hồ sơ của cơ quan mình, nếu những quy định về thông tin đó vì lợi ích của quản lý dân chủ và tính hiệu quả. Cơ quan hành chính phải bảo đảm thông tin được cung cấp là toàn diện và những cá nhân hay tổ chức liên quan có thể tiếp cận được với thời gian thích hợp cho phép họ bày tỏ công khai quan điểm của mình đối với cơ quan hành chính biết ở thời điểm thích hợp. Các khuyến nghị về chính sách của những uỷ ban tư vấn độc lập cùng với yêu cầu tư vấn và đề nghị sẽ được công khai khi cần thiết cùng với lời giải thích.

 Điều 10 quy định về trường hợp ngoại lệ. Điều 11 quy định có thể tiếp cận các tài liệu soạn thảo nhằm mục đích tham khảo nội bộ nhưng không thể tiết lộ ý kiến cá nhân đối với chính sách trừ khi vì lợi ích của quản lý dân chủ và hoạt động hiệu quả. Nếu những người bày tỏ ý kiến hoặc ủng hộ ý kiến đồng ý thì thông tin về ý kiến cá nhân có thể được công bố và có thể nhận ra ý kiến đó là của cá nhân.

11. Bulgary

   Luật tiếp cận thông tin công Bulgary ban hành năm 2000, đã sửa đổi một số lần. Luật có một số đặc điểm tích cực bao gồm: cách thức tiếp cận tiến  bộ và có cải cách đối với việc chủ động cung cấp thông tin và đảm bảo quy trình thủ tục đúng đắn. Bên cạnh đó một số khiếm khuyết là thiếu cơ chế hoàn chỉnh về các ngoại lệ và các thiếu sót khác là thiếu quy định về thủ tục hành chính trong việc giải quyết khiếu nại và các biện pháp thúc đẩy rất hạn chế quy định trong luật.

  Điều 3 quy định hai loại tổ chức công thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Loại thứ nhất là cơ quan nhà nước và chính quyền tự quản địa phương và loại thứ hai là các cơ quan/tổ chức được quy định  tại luật công khác, các cá nhân và pháp nhân được hưởng ngân sách nhà nước, truyền thông đại chúng.

 Theo Luật, thông tin công có nghĩa là các loại thông tin liên quan đến đời sống xã hội ở Bulgary, tạo cơ hội cho công dân có chính kiến đối với các hoạt động của mình. Những người có quyền tiếp cận thông tin công bao gồm công dân và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ và các pháp nhân.

 Trong trường hợp người nộp yêu cầu không miêu tả chính xác thông tin tìm kiếm, thì người nộp đơn có thể làm rõ thêm trong thời hạn 30 ngày, thời gian này không được tính vào thời hạn cung cấp câu trả lời. Thời hạn để trả lời là 14 ngày trừ khi yêu cầu một số lượng lớn văn bản và cần nhiều thời gian để trả lời, thời gian để trả lời có thể được gia hạn đến 10 ngày.

 Luật quy định việc cung cấp thông tin được thực hiện dưới 04 hình thức, gồm có ghi âm, giải thích miệng, bản sao bằng giấy, và hình thức bản sao khác. Hai hình thức đầu sẽ được cung cấp miễn phí, hai hình thức sau sẽ được tính phí theo quy định của Bộ Tài chính và không được vượt quá chi phí thực tế. Thông tư năm 2001 của Bộ Tài chính quy định chỉ tính chi phí vật liệu mà không tính chi phí thù lao cho cán bộ công nhân viên nhà nước.

 Luật quy định chặt chẽ nghĩa vụ công bố. Cơ quan/tổ chức phải công bố những thông tin chính thức trong các văn bản chính thứuc và danh mục các thông tin mà pháp luật yêu cầu phải công bố . Cơ quan/tổ chức phải phổ biến thông tin về hoạt động của họ dưới hình thức công bố hoặc thông báo. Điều 14(2) yêu cầu các cơ quan, tổ chức công chủ động công bố thông tin mà những thông tin này có thể ngăn chặn được các nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ, an ninh và tài sản, hoặc đính chính những thông tin đã được phổ biến trước đây nhưng không chính xác hoặc được luật khác yêu cầu cần công bố. Điều này cũng được gọi là phổ biến thông tin có thể trở thành lợi ích công cộng.

 Luật của Bulgary không giống như hầu hết các luật về quyền đối với thông tin, không có danh mục các trường hợp ngoại lệ. Thay thế vào đó, thông tin được phân loại là bí mật trong các luật khác và không nằm trong khái niệm thông tin công không bị hạn chế tiếp cận. Luật bảo vệ thông tin được phân loại đã quy định thời hạn phụ thuộc vào mức độ phân loại, có thể là 2, 5, 15 năm.

 Phạm vi thông tin ngoại lệ là khá rộng, hầu hết các ngoại lệ đều dựa trên các ngoại lệ trong các luật khác. Trong một số trường hợp, các toà án sẽ hạn chế phạm vi của ngoại lệ, mặc dù luật quy định rộng hơn, ví dụ có liên quan đến bảo vệ lợi ích của bên thứ ba và bí mật thương mại.

 Luật của Bulgary không quy định việc khiếu nại nội bộ hoặc hành chính. Người nộp đơn bị từ chối thì phải khởi kiện để giải quyết.

12.Albani

   Luật về Quyền tiếp cận thông tin trong các tài liệu chính thức ban hành năm 1999. Điều 3 luật quy định tất cả mọi người, nếu có yêu cầu, đều được tiếp cận thông tin ở tài liệu chính thức mà không có nghĩa vụ phải giải thích về lý do của yêu cầu đó. Các cơ quan công quyền sẽ cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến tài liệu chính thức hoặc những thông tin an toàn một khi Luật có quy định khác. Thông tin ở tài liệu chính thức đã được cung cấp cho một người thì sẽ không thể bị từ chối cung cấp cho người khác, loại trừ trường hợp thông tin này có chứa dữ liệu cá nhân về bản thân người đã được cung cấp thông tin trước đó.

 Cơ quan công quyền được định nghĩa là các cơ quan hành chính công, tổ chức công, các đơn vị và cá nhân cũng như các thực thể khác theo quy định của Luật thi hành chức năng công cộng và/hoặc các dịch vụ công.

 Điều 5 luật quy định mỗi người đều có quyền được thông tin về dữ liệu cá nhân của những người thi hành chức năng nhà nước hoặc dịch vụ công cộng được lưu trữ trong tài liệu chính thức, chừng nào những dữ liệu đó có liên quan đến những phẩm chất do luật quy định hoặc những hành vi hợp pháp để thực hiện các nghĩa vụ của họ.

 Luật không quy định cơ quan độc lập giám sát, nhưng có quy định về kháng cáo hành chính và kháng cáo ở toà án, cũng như yêu cầu bồi thường.

2.2.13. Slovenia

    Luật tiếp cận thông tin của Slovenia được ban hành năm 2003, sửa đổi năm 2005. Theo luật, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ở các cấp từ trung ương , khu vực tới địa phương, các cơ quan công quyền, cơ quan, quỹ công, các cơ quan được quy định trong luật công, các cơ quan được sử dụng quyền lực công và các đơn vị hợp đồng thực hiện cung ứng dịch vụ công. Điều 5 (1 )quy định mọi cá nhân và pháp nhân đều có quyền tiếp cận một cách tự do các thông tin công. Điều 5(3) quy định bất kỳ người yêu cầu nào đều có quyền bình đẳng và phải đáp ứng các điều kiện ngang nhau trong việc sử dụng lại thông tin cho cả mục đích thương mại và phi thương mại. Việc sử dụng lại thông tin được định nghĩa là việc cá nhân hoặc pháp nhân sử dụng thông tin, tài liệu do cơ quan công nắm giữ phục vụ mục đích thương mại hoặc phi thương mại nhưng mục đích này khác với mục đích ban đầu khi tài liệu, thông tin được tạo ra là nhằm phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ công.

 Luật quy định các trường hợp ngoại lệ tại Khoản 1 Điều 6, tuy nhiên, yêu cầu tiếp cận thông tin được đáp ứng và không bị coi là trái  quy định tại khoản trên trong trường hợp việc công bố thông tin yêu cầu đem lại lợi ích cho cộng đồng lớn hơn so với lợi ích công cộng hoặc lợi ích của người nào đó nếu như thông tin không được công bố, trừ một số trường hợp.Yêu cầu thông tin cũng được đáp ứng và không bị coi là trái quy định khoản trên nếu thông qua việc xem xét yêu cầu cho thấy thông tin được yêu cầu liên quan đến việc sử dụng các quỹ công, liên quan đến việc thực thi chức năng công…hay liên quan tới tình trạng suy thoái môi trường theo quy định của luật pháp. Trường hợp người yêu cầu cho rằng thông tin được xếp vào diện mật trái với quy định của Luật Bảo mật dữ liệu, người yêu cầu có quyền đề nghị huỷ bỏ chế độ mật đối với thông tin.

 Luật thành lập cơ quan độc lập là Cao uỷ viên về tiếp cận thông tin có thẩm quyền xem xét và quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến việc từ chối đáp ứng yêu cầu hoặc không chấp nhận yêu cầu. Với vai trò chính là cơ quan giám sát, quyết định của cao uỷ viên là quyết định cuối cùng, nhưng có thể khiếu  kiện thêm bằng con đường toà án.

 Trong khi đó Ombudsman có chức năng giám sát chung, và cùng với Bộ Thông tin thực hiện một số chức năng nhằm tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp khai thác thông tin có hiệu quả.

2.2.2  Luật tiếp cận thông tin một số nước Châu Mỹ - La tin

1. Hoa Kỳ

   Hiến pháp Mỹ đưa ra sự bảo hộ mạnh mẽ quyền tự do biểu đạt, cấm Quốc hội thông qua bất kỳ đạo luật nào nhằm hạn chế quyền tự do ngôn hoặc quyền tự do báo chí. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận quyền đối với thông tin sau Thuỵ Điển, Colombia và Phần Lan. Năm 1966  Luật về quyền tự do thông tin được thông qua, được sửa đổi một số lần và gần nhất là năm 2007. Môi trường văn hoá mở đã được tiếp thêm năng lượng còn bởi pháp luật liên quan đến quyền tố cáo và Luật về đời tư.

 Luật về quyền tự do thông tin của Mỹ có những điểm mạnh và điểm hạn chế. Luật bao gồm các điều  khoản hợp lý về phí, quy định cởi mở về thông tin điện tử và một số biện pháp thúc đẩy tự do thông tin được đưa ra trong thời gian gần đây. Điểm hạn chế của luật là thiếu quy định về bộ máy hành chính độc lập để giám sát cơ chế cung cấp thông tin.

  Luật Chính phủ mở ( Open Government Act) quy định về quyền được thông tin là một quyền cơ bản của con người và công dân. Thông tin được tiếp cận theo quy định của luật này được Toà án tối cao Mỹ giải thích  bao gồm thông tin/tài liệu/ghi chép được tạo ra hoặc nắm giữ bởi một cơ quan công quyền nào đó và thuộc về sự kiểm soát của cơ quan đó mà có đơn yêu cầu được tiếp cận. Các cơ quan công quyền có nghĩa vụ phải công khai thông tin bao gồm bất cứ cơ quan hành pháp, cơ quan quân đội, các tập đoàn chịu sự kiểm soát của Chính phủ và những cơ quan/tổ chức khác được thành lập bởi cơ quan hành pháp của Chính phủ (bao gồm cả văn phòng hành pháp của Tổng thống) hoặc bất kỳ các thể chế độc lập khác. Luật không điều chỉnh các cơ quan lập pháp, tư pháp và một số cơ quan khác[25].

 Bất kỳ người nào cũng có thể yêu cầu được tiếp cận thông tin. Nội dung sửa đổi Luật gần đây yêu cầu cơ quan công quyền phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc yêu cầu và cung cấp cho người yêu cầu thông tin  trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày gửi đơn yêu cầu.

   Luật không áp đặt nghĩa vụ cho cơ quan công quyền trong việc cung cấp hỗ trợ người yêu cầu. Lệnh số 13392 của cơ quan hành pháp thông qua tháng 12-2005 đã quy định nghĩa vụ cho cơ quan công quyền trong việc trả lời các yêu cầu một cách hợp lý. Luật quy định chi tiết về thời hạn, thông thường việc yêu cầu sẽ được trả lời trong thời hạn 20 ngày. Luật không quy định việc chuyển giao yêu cầu tới các cơ quan công quyền khác cũng như sự tham vấn với bên thứ ba. Tuy nhiên Lệnh 12600 đã quy định  các cơ quan công quyền phải xây dựng thủ tục tham vấn với bên thứ ba khi cơ quan này được yêu cầu phải công khai thông tin thương mại bí mật.

 Luật quy định hai nghĩa vụ khác nhau trong việc tạo cơ chế sẵn có của thông tin cho công chúng. Mỗi cơ quan có trách nhiệm công khai: bản mô tả về tổ chức trung tâm và lĩnh vực của cơ quan/tổ chức; cách thức mà theo đó thông tin có thể được yêu cầu cung cấp/công khai; quy định về thủ tục và sự mô tả tất cả các biểu mẫu và giấy tờ của cơ quan/tổ chức sản xuất; tuyên bố chính sách và các quy định pháp luật về tính khả thi chung; và bất kỳ có sự thay đổi về các nội dung nêu trên. Luật cũng yêu cầu các cơ quan công quyền có trách nhiệm, phù hợp với quy định về công khai, tạo sự sẵn có của thông tin cho việc điều tra công cộng và sao chép thông tin trừ phi thông tin này sẽ được công khai ngay lập tức và là loại thông tin dành để bán. Các thông tin tạo lập sau ngày 1-12-1996 phải có sẵn trên các phương tiện điện tử. Thông tin thuộc phạm vi của quy định này gồm cả những  tuyên bố về chính sách và sự giải thích và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan hành chính.

 Chế độ ngoại lệ được đưa ra một cách rõ ràng hợp lý thông qua việc giải thích tư pháp. Ngoại lệ đầu tiên gồm các thông tin được đánh giá là bí mật, liên quan đến việc phân loại thông tin và bất kỳ thông tin nào không thuộc trường hợp miễn trừ thì buộc phải công khai. Ngoại lệ thứ hai liên quan đến tài liệu mà có liên quan đến các quy tắc nội bộ  của cơ quan/tổ chức đó. Ngoại lệ khác bao gồm liên quan đến các điều khoản bảo mật của các Luật khác, liên quan bí mật thương mại và các thông tin thương mại, liên quan các file tài liệu và việc công khai các file này có thể sẽ gây ra sự xâm lấn một cách không bảo đảm thông tin bảo mật cá nhân, liên quan đến phạm vi/lĩnh vực tài liệu được tập hợp với mục đích thi hành pháp luật. Ngoài trường hợp ngoại lệ thứ nhất, tất cả các thông tin này đều được đưa vào chương trình thử nghiệm sự nguy hại của việc công khai. Ngoại lệ thứ tám liên quan đến những bản báo cáo cụ thể do cơ quan công quyền chuẩn bị để thực hiện trách nhiệm điều tiết các thể chế tài chính, nhưng ngoại lệ này là đối tượng cho các cuộc thử nghiệm. Ngoại lệ cuối cùng liên quan đến thông tin về địa lý và địa chất.

 Luật quy định quyền khiếu nại nhưng không có quy định về việc khiếu nại ở cấp hành chính độc lập. Sửa đổi gần đây là sẽ thành lập bộ phận về dịch vụ thông tin của văn phòng Chính phủ thuộc cơ quan lưu trữu quốc gia, bộ phận này ngoài các chức năng khác còn có nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị đối với việc cải cách hệ thống và là người trung gian giải quyết tranh chấp giữa người yêu cầu và cơ quan công quyền nhằm giảm thiểu các vụ kiện về việc cung cấp/công khai thông tin (Điều 10, Luật Chính phủ mở).

 Nếu hệ thống khiếu nại nội bộ không hiệu quả, người khiếu nại có thể gửi đơn lên toà án.

2. Canada

   Luật tiếp cận thông tin của Canada ban hành năm 1985, mở rộng các luật hiện hành của Canada về tiếp cận thông tin. Luật quy định các thông tin  của chính phủ phải được công khai cho mọi người biết  và những ngoại lệ cần thiết về quyền tiếp cận cần phải được hạn chế, cụ thể và các quyết định về việc công khai thông tin của chính phủ cần phải được chính phủ xem xét lại một cách độc lập.

   Yêu cầu tiếp cận tài liệu  phải được làm dưới dạng văn bản và gửi tới cơ quan chính phủ có quyền kiểm soát đối với tài liệu. và phải cung cấp thông tin chi tiết đủ để một nhân viên có kinh nghiệm của cơ quan với một cố gắng hợp lý cũng có thể tìm ra được tài liệu.

 Trong vòng 30 ngày, người đứng đầu cơ quan chính phủ tiếp nhận yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu, xem có được tiếp cận tài liệu hay không hoặc là nếu người đó được phép tiếp cận một phần văn bản. Nếu được phép tiếp cận thì phải cho phép người yêu cầu tiếp cận tài liệu hoặc một phần tài liệu. Trong một số trường hợp, người đứng đầu cơ quan chính phủ có thể gia hạn hợp lý. Nếu từ chối thì  người đứng đầu chính phủ phải nói rõ trong thông báo.

 Luật quy định chi tiết các ngoại lệ không được tiếp cận từ Mục 13 đến Mục 24. Theo Mục 25, không kể các quy định khác của Luật, trong trường hợp có yêu cầu về tiếp cận tài liệu đối với một cơ quan chính phủ mà lãnh đạo cơ quan này được uỷ quyền từ chối bởi lý do thông tin hay các lý do khác của tài liệu, thì người đứng đầu cơ quan chính phủ có thể tiết lộ bất cứ phần nào của tài liệu mà không có hoặc có thể phân tách ra khỏi các phần của tài liệu có chứa các thông tin hoặc tài liệu đã nêu.

 Luật cũng quy định can thiệp của bên thứ ba. Trường hợp tài liệu được yêu cầu cung cấp có liên quan đến bên thứ ba, thì người đứng đầu cơ quan chính phủ dự định tiết lộ tài liệu theo yêu cầu phải gửi thông báo bằng văn bản trong vòng 30 ngày từ ngày nhận yêu câu đến bên thứ ba. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày thông báo, bên thứ ba được phép cử đại diện đến gặp người đứng đầu cơ quan chính phủ nhận yêu cầu cho ý kiến, và trong vòng 30 ngày sau thông báo, nếu như bên thứ ba đã cử đại diện đến, thì phải ra quyết định và thông báo cho bên thứ ba biết.

 Luật quy định Bộ trưởng được chỉ định có trách nhiệm công bố theo định kỳ không ít hơn 1 lần/năm những nội dung sau: giới thiệu tổ chức, trách nhiệm các cơ quan chính phủ, tất cả các loại tài liệu dưới sự quản lý của mỗi cơ quan đủ chi tiết để phục vụ cho thi hành quyền tiếp cận theo Luật, tất cả các hướng dẫn của nhân viên các cơ quan chính phủ trong việc quản lý và tiến hành các chương trình hay hoạt động của các cơ quan chính phủ, chức vụ và địa chỉ của viên chức mỗi một cơ quan tiếp nhận các yêu cầu xin tiếp cận tài liệu. Bộ trưởng được chỉ định có trách nhiệm công bố ít nhất hai lần/năm bản tin về các thông tin chứa trong thông báo được công bố nói trên cập nhật và cung cấp cho công chúng các thông tin hữu ích khác liên quan đến việc thực thi luật.

 Luật thiết lập cơ chế Uỷ viên thông tin, quan chức làm việc độc lập có quyền lực tương đương Thứ trưởng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và các quyền khác.

3.Mexico

    Sau Thụy Điển, Mexico là nước bảo đảm theo Hiến pháp chi tiết và cơ bản nhất về quyền thông tin. Hiến pháp hiện hành quy định tất cả những thông tin được công khai, chỉ tuỳ thuộc vào những hạn chế tạm thời về việc tiếp cận vì lý do lợi ích nhà nước được pháp luật quy định, cho dù thông tin cá nhân được bảo vệ. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, Luật về sự minh bạch của liên bang và tiếp cận thông tin quản lý Nhà nước được thông qua năm 2002 để ngăn chặn tham nhũng và thúc đẩy nền dân chủ ở Mexico. Một quy định của Uỷ ban Thông tin  thông qua năm 2003 đề cập  đến một loạt vấn đề.Tất cả 31 bang, cũng như quận của liên bang (thủ đô) cũng thông qua các đạo luật về quyền thông tin.

 Luật quy định tất cả thông tin do chính phủ nắm giữ có thể được các cá nhân tiếp cận. Mục tiêu của luật được quy định bao gồm tiếp cận thông tin thông qua các thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thúc đẩy nền hành chính công minh bạch, bảo vệ thông tin cá nhân, thúc đẩy trách nhiệm nhà nước, cải thiện việc quản lý hồ sơ và góp phần vào quá trình dân chủ hoá và nguyên tắc pháp quyền ở Mexico. Điều 6 của luật quy định khi giải thích Luật, nguyên tắc minh bạch của các cơ quan nhà nước phải được đề cao. Luật phải được giải thích phù hợp với Hiến pháp, Tuyên ngôn thế giới về các quyền con người và một số điều ước quốc tế, kể cả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, điều ước cơ bản của Liên Hợp quốc bảo đảm quyền tự do biểu đạt.

 Tất cả những chủ thể bị ràng buộc bởi Luật bao gồm: các cơ quan hành pháp liên bang và cơ quan nhà nước liên bang; các cơ quan lập pháp liên bang, bao gồm Hạ viện, Thượng viện, các uỷ ban và các cơ quan khác của Nghị viện; các toà án liên bang và Hội đồng Toà án liên bang; các cơ quan hiến định; các toà án hành chính liên bang và các cơ quan liên bang khác. Những cơ quan hiến định được xác định thêm bao gồm cả các cơ quan như Cơ quan bầu cử liên bang, Uỷ ban quốc gia về các quyền con người, Ngân hàng Mexico, các trường đại học và các cơ quan khác được Hiến pháp quy định. Luật quy định một tập hợp nghĩa vụ chặt chẽ hơn đối với “các cơ quan và chủ thể” (cơ bản là nhánh hành pháp của chính phủ) và những nghĩa vụ ít chi tiết hơn đối với các cơ quan nhà nước khác.

 Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đưa ra yêu cầu tiếp cận thông tin với bộ phận liên lạc mà tất cả các cơ quan nhà nước phải thiết lập. Việc thông báo quyết định đối với yêu cầu phải được đưa ra sớm nhất có thể nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng phải trong thời hạn 20 ngày làm việc và sau đó thông tin phải được cung cấp trong thời hạn 10 ngày làm việc, khi người yêu cầu đã thanh toán xong các chi phí. Việc không đưa ra quyết định đúng thời hạn sẽ được hiểu là việc chấp nhận yêu cầu, và cơ quan sau đó sẽ có nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày sau đó, trừ  khi Uỷ ban Thông tin quyết định rằng thông tin là bí mật. Khi thông tin được cho là đã được phân loại hay bí mật, Uỷ ban Thông tin  -một đơn vị giám sát “các cơ quan và chủ thể” – phải được thông báo về việc này ngay lập tức, cùng với những lý do phân loại, để mà họ có thể quyết định có phê chuẩn việc phân loại hay huỷ bỏ nó và đảm bảo việc tiếp cận thông tin. Khi yêu cầu được thỏa mãn, người yêu cầu phải được thông báo về chi phí và hình thức tiếp cận. Khi yêu cầu bị từ chối và điều này đã được khẳng định bởi Uỷ ban, thì người yêu cầu phải được thông báo về điều này trong thời hạn quy định, cùng với những lý do từ chối và cách thức để thực hiện khiếu nại quyết định. Phí để đạt đuợc tiếp cận thông tin phải được quy định trong Luật Nghĩa vụ liên bang, không vượt quá chi phí của các tài liệu đuợc sử dụng để tạo ra thông tin và các chi chí gửi tài liệu. Chi phí cho việc tìm kiếm thông tin và chuẩn bị thông tin không được tính. Việc tiếp cận dữ liệu cá nhân được miễn phí, cho dù chi phí có thể được tính vào chi phí gửi thông tin này.  Quy trình trên được áp dụng đối với “các cơ quan và chủ thể”, nhưng một nỗ lực chung được thể hiện ở Điều 61 đòi hỏi các cơ quan nhà nước khác phải giải quyết các yêu cầu theo cách thức tương tự.

 Theo Điều 47, các yêu cầu thông tin và trả lời thông tin phải được công bố. Trong thực tế quá trình giải quyết yêu cầu có thể được xử lý bằng điện tử thông qua Hệ thống yêu cầu Thông tin (SISI) có trang web riêng được thiết  kế riêng cho việc xử lý yêu cầu.

 Điều 7 của Luật quy định một nghĩa vụ rộng về việc công bố, tuỳ thuộc vào các ngoại lệ. Các cơ quan nhà nước căn cứ các quy định được công bố bởi Uỷ ban Thông tin hoặc những cơ quan giám sát khác có liên quan phải công bố 17 nhóm thông tin theo cách thức  có thể dễ tiếp cận và lĩnh hội được. Đặc biệt, Điều 12 quy dịnh các cơ quan nhà nước phải công bố thông tin liên quan đến số tiền và những người nhận từ các nguồn của nhà nước mà các cơ quan đó chịu trách nhiệm. Theo Điều 8, nhánh tư pháp phải công bố tất cả các quyết định, cho dù các cá nhân có thể phản đối việc công bố thông tin của mình. “Các cơ quan và chủ thể” phải công bố tất cả các quyết định và những thoả thuận hành chính chính thức 20 ngày trước khi thông qua chúng, trừ khi điều này có thể không đưa đến thành công. Các báo cáo của các đảng phái và các nhóm chính trị gửi tới Viện Bầu cử liên bang, cũng như các báo cáo kiểm toán chính thức của các cơ quan này, phải được công bố ngay khi hoàn tất.

 Luật bao gồm các ngoại lệ hợp lý rõ ràng, được thực hiện thông qua hệ thống phân loại. Uỷ ban Thông tin (hoặc cơ quan giám sát liên quan đối vơi cơ quan nhà nước không thuộc phạm vi của nó) có nhiệm vụ quy định tiêu chí phân loại và tiết lộ thông tin, cũng như việc giám sát hệ thống, trong khi những người đứng đầu các đơn vị hành chính, được xác định là bộ phận của cơ quan nhà nước nắm giữ thông tin, chịu trách nhiệm phân loại thực tế. Uỷ ban Thông tin bất cứ khi nào có thể tiếp cận thông tin đã được phân loại để biết rõ thông tin có được phân loại phù hợp hay không. Cấm việc phân loại thông tin khi việc điều tra các vi phạm nghiêm trọng về các quyền con người hay tội phạm chống nhân loại bị đe doạ. Điều 43 quy định về cung cấp từng phần thông tin có thể chia tách được. Luật cũng quy định về giới hạn thời gian phân loại 12 năm. Thông tin được tiết lộ khi có những căn cứ cho việc phân loại không còn tồn tại hoặc khi thời hạn phân loại đã hết.

Luật cũng giành hai Điều 13, 14 quy định những trường hợp ngoại lệ và hai Điều 18 và 19 quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân.

 Về việc khiếu nại đối với các cơ quan, luật quy định khiếu nại gửi lên Uỷ ban Thông tin và từ đó đến các toà án. Một uỷ viên Uỷ ban phải điều tra việc khiếu nại và báo cáo cho tất cả các uỷ viên khác trong thời hạn 30 ngày làm việc, và quyết định được đưa ra trong thời hạn 20 ngày tiếp theo, cho dù giới hạn thời gian này có thể được tăng gấp đôi khi có lý do rõ ràng. Khi một cơ quan không trả lời đúng thời hạn, Uỷ ban sẽ giải quyết khiếu nại.

 Uỷ ban Thông tin là một cơ quan nhà nước độc lập chịu trách nhiệm thúc đẩy quyền được thông tin. Uỷ ban có thể chấp nhận hoặc từ chối khiếu nại, hoặc sửa đổi khiếu nại, và việc quyết định sẽ bao hàm thời hạn để tuân thủ. Quyết định là cuối cùng đối với các cơ quan nhưng người yêu cầu có thể khiếu nại đến các toà án liên bang.

 Luật cũng quy định về chế tài đối với các công chức không tuân thủ pháp luật.

4. Jamaica

    Luật tiếp cận thông tin của Jamaica ban hành năm 2002. Mục đích của luật quy định tại Mục 2, là củng cố và tăng cường hiệu lực của các nguyên tắc cơ bản về cơ chế dân chủ theo hiến pháp, đặc biệt là trách nhiệm của chính phủ; sự minh bạch; sự tham gia của công chúng trong việc hoạch định chính sách quốc gia. Quyền tiếp cận được áp dụng với các tài liệu, thông tin. Tài liệu được định nghĩa theo nghĩa rộng bao gồm mọi thứ dưới dạng văn bản, bản đồ, kế hoạch, biểu đồ hay bản vẽ, ảnh, thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc số liệu khác mà có thể được tạo ra từ thiết bị đó. Có hai giới hạn, thứ nhất, tài liệu phải gắn với chức năng của cơ quan nhà nước nắm giữ tài liệu đó và thứ hai, luật không áp dụng đối với những tài liệu đã có hơn 30 năm. Người chịu trách nhiệm về luật này là Bộ trưởng Thông tin, tuỳ thuộc vào quyết định cấm, có thể mở rộng việc áp dụng trở về trước vào thời điểm các tài liệu được tạo lập và nắm giữ bởi cơ quan nhà nước đã trên 30 năm. Cơ quan nhà nước được xác định là các bộ, ban, cơ quan hành pháp hoặc cơ quan khác của chính phủ, cơ quan do pháp luật quy định, hội đồng khu vực, hội đồng thành phố Kingston và Tập đoàn St.Andrew và các công ty của chính phủ mà chính phủ hay một cơ quan của chính phủ có từ 50% cổ phần trở lên. Luật cho phép Bộ trưởng Thông tin mở rộng áp dụng đối với các công ty, và cả công ty tư nhân mà chính phủ có ảnh hưởng và công ty tư nhân cung cấp các dịch vụ công cần thiết. Nhưng luật cũng trao cho bộ trưởng hạn chế áp dụng luật với các công ty của chính phủ và không áp dụng luật với các cơ quan nhà nước được thành lập theo pháp luật mà bộ trưởng cho là thích hợp. Điều này có thể dẫn tới loại trừ các cơ quan ra khỏi phạm vi của Luật vì lý do chính trị.

 Mục 7 (2) quy định bất kỳ người nào cũng có thể được tiếp cận tài liệu văn bản bằng điện thoại hay phương tiện điện tử khác. Không được đòi hỏi lý do khi yêu cầu thông tin.

Mục 4 quy định việc công bố trước thông tin được liệt kê trong Phụ lục 1. Trong khi đó Phần III của Luật bao gồm quy định cơ bản về những ngoại lệ. Phần lớn những ngoại lệ phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật cũng quy định về cơ chế khiếu nại. Luật áp dụng khi cơ quan nhà nước trì hoãn hay từ chối bảo đảm tiếp cận tất cả hay từng phần tài liệu, hoặc đặt ra mức phí mà người yêu cầu cho là không hợp lý. Việc xem xét lại có tính nội bộ được thực hiện bởi bộ trưởng chịu trách nhiệm đối với ngoại lệ ở Mục 14,15,16,18 được áp dụng, và bởi người đứng đầu cơ quan nhà nước trong các trường hợp khác. Khiếu nại lên Toà phúc thẩm được thực hiện đối với quyết định xem xét lại có tính chất nội bộ (hoặc về việc không cung cấp quyết định đó trong thời hạn quy định) hoặc đối với quyết định ban đầu mà không được xem xét lại có tính chất nội bộ trong thời hạn 60 ngày của quyết định.

 5. Peru

   Luật Minh bạch và Tiếp cận thông tin thông qua năm 2002 (sửa đổi năm 2003) cụ thể hoá quy định bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp và phạm vi áp dụng không chỉ giới hạn trong phạm vi thông tin theo yêu cầu.

 Luật quy định rất rộng về phạm vi thông tin mà các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố. Cơ quan nhà nước được định nghĩa bao gồm cả các bộ phận, dự án, chương trình của nhà nước mà hoạt động của các đơn vị đó có sử dụng quyền lực hành chính và các đơn vị tư nhân cung cấp các dịch vụ công hoặc cung cấp dịch vụ hành chính do nhà nước uỷ quyền, trao quyền hoặc thuê khoán. Các doanh nghiệp nhà nước cũng là đối tượng áp dụng của Luật. Tuy nhiên, trách nhiệm cung cấp thông tin đối với các đơn vị và tổ chức tư nhân hạn chế hơn các cơ quan nhà nước.

 Thông thường, cơ quan được yêu cầu phải trả lời về yêu cầu trong vòng 7 ngày làm việc và thời hạn này có thể gia tăng 5 ngày làm việc nếu việc tìm kiếm và thu thập thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu gặp phải khó khăn. Việc từ chối cung cấp thông tin phải dựa trên cơ sở các trường hợp ngoại lệ theo quy định của luật và lý do từ chối cũng như khoảng thời gian thông tin sẽ được bảo mật phải thông báo cho người yêu cầu.

 Theo Luật, việc thu thêm phí ngoài quy định bị coi là sự hạn chế quyền của người dân trong việc tiếp cận thông tin và đều bị xử lý.

 Điều 13 quy định cơ quan nhà nước không có trách nhiệm phải tạo ra hoặc thu thập để cung cấp thông tin mà họ không nắm giữ hoặc không có chức năng nắm giữ mặc dù trong trường hợp này họ phải thông báo cho người có yêu cầu.  Luật chưa quy định cơ quan nhà nước phải tham khảo ý kiến thứ ba nếu họ liên quan đến thông tin được yêu cầu cung cấp hoặc tiếp cận.

 Luật của Peru đưa ra các quy định rất tích cực và tiến bộ về việc công bố thông tin. Bên cạnh những quy định rải rác trong các phần khác của Luật, Luật dành hẳn Chương IV với tiêu đề: Minh bạch trong quản lý tài sản công với khoảng 14 điều để quy định về việc công bố thông tin. Các cơ quan nhà nước, căn cứ vào nguồn ngân sách, phải công bố trên internet các loại thông tin khác nhau, trong đó có thông tin chung về cơ quan, thông tin về ngân sách, công bố lương các cán bộ, nhân viên, thông tin chi tiết về dịch vụ, thông tin về hoạt động của các cán bộ cấp cao.

Chương IV quy định rõ các nghĩa vụ công bố thông tin một cách chủ động và tích cực. đây là quy định cụ thể, rõ ràng nhất so với luật của các nước khác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính công - lĩnh vực mà Chương này tập trung điều chỉnh. Trọng tâm nghĩa vụ cung cấp thông tin được đề cập là thông tin về quản lý ngân sách nhà nước, việc làm, dự án, hợp đồng, trưng thu trưng mua tài sản, thông tin kinh tế vĩ mô, dự báo kinh tế. Luật cũng quy định một số thông tin phải được công bố ít nhất là 3 tháng trước các cuộc tổng tuyển cử như thông tin về thành tựu, kết quả hoạt động của kháo cầm quyền sắp mãn hạn, thông tin về dự đoán tài chính cho 5 năm tiếp theo.

 Theo quy định tại Điều 13, các trường hợp ngoại lệ quy định tại Điều 15-15B là cơ sở cho từ chối cung cấp thông tin  thì các quy định này không bị phủ quyết bởi các quy định khác, cần được giải thích và hiểu một cách rất cụ thể. Tuy nhiên, các quy định của Luật tiếp cận thông tin không thể được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có quy định khác với các quy định về bảo mật.

 Luật của Peru không quy định ưu tiên lợi ích công cộng. Tuy nhiên Điều 15C  quy định rằng tất cả những thông tin liên quan đến hành vi vi phạm quyền con người quy định tại Công ước Geneva năm 1949 dưới bất cứ hình thức nào, bởi bất kỳ ai không thể được coi là các thông tin bị loại trừ. Luật cũng quy định không được sử dụng các trường hợp ngoại lệ để vi phạm các quy định của Hiến pháp Peru. Một số cơ quan như Quốc hội, cơ quan tư pháp, Cơ quan kiểm soát chung, Cơ quan theo dõi quyền con người được quyền tiếp cận mọi thông tin, kể cả thông tin miễn trừ trong các trường hợp liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm được giao của các cơ quan này. Ví dụ cơ quan theo dõi quyền con người có quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ quyền con người. Luật cũng quy định nguyên tắc công bố thông tin một phần tức công bố phần không mật trong một tài liệu nào đó mặc dù các phần còn lại của tài liệu được xếp vào danh mục mật. Ngoài ra luật còn quy định thời hạn một thông tin mật sẽ được công bố. Yêu cầu cung cấp thông tin đối với những thông tin được xếp vào danh mục mật đã kéo dài từ 5 năm trở lên có thể được đáp ứng nếu thủ trưởng cơ quan nắm giữ thông tin đó cho rằng việc công bố thông tin không có hại cho an ninh quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền dân chủ.

  Luật của Peru quy định quyền khiếu nại lên cơ quan chủ quản cấp cao hơn. Nếu đơn bị bác hay không được xem xét trong vòng 10 ngày làm việc thì mở đường cho khiếu kiện lên toà án.

 Để tăng cường quyền tiếp cận thông tin, Luật có một số quy định như Hội đồng Bộ trưởng hàng năm phải báo cáo lên Quốc hội về tình hình yêu cầu cung cấp thông tin.  Điều 21 của Luật quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước tự ý huỷ thông tin trong mọi trường hợp mà thay vào đó, cơ quan nhà nước phải chuyển thông tin về Cục lưu trữ quốc gia theo đúng thời hạn luật định. Cục có thể xem xét huỷ bỏ những thông tin không liên quan hoặc thông tin không còn giá trị theo quy định của luật pháp.

2.2.4  Luật tiếp cận thông tin một số nước Châu Phi

1. Uganda

   Luật tiếp cận thông tin của Uganda ban hành năm 2005. Điểm tích cực của luật là quy định về các trường hợp ngoại lệ là rất hẹp, các quy định về bảo đảm thủ tục cũng được quy định rất chi tiết trong đó đặc biệt là khâu thông báo bằng văn bản phải được thực hiện sau mỗi bước. Luật cũng quy định biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo hành vi vi phạm.

 Luật quy định thông tin mà người dân có quyền tiếp cận là thông tin cập nhật và chính xác.

 Điều 3 Luật quy định mục tiêu của luật là nhằm tăng cường một Chính phủ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm, cụ thể hoá các quy định tại Điều 41 của Hiến pháp, bảo vệ người tố cáo các sai phạm trong hệ thống chính phủ, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước thông qua việc cho phép công chúng tiếp cận các thông tin một cách chính xác, kịp thời và tạo điều kiện cho người dân được kiểm soát và tham gia vào quá trình ban hành các quyết định có tác động đến họ.

 Quyết định thông tin áp dụng đối với mọi thông tin và bản ghi do cơ quan nhà nước nắm giữ. Cơ quan nhà nước bao gồm: các cơ quan thuộc hệ thống chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương, tổng công ty, uỷ ban, cơ quan quản lý nhà nước.

 Yêu cầu cung cấp thông tin phải được nộp bằng văn bản theo mẫu quy định. Trong trường hợp người yêu cầu là người khuyết tật, không biết chữ thì có thể yêu cầu bằng lời nói, trong trường hợp này, cán bộ cung cấp thông tin phải giúp thể hiện lại yêu cầu đó bằng văn bản và giao bản sao đơn yêu cầu cho người yêu cầu. Điều 12 quy định các nghĩa vụ trợ giúp mà cán bộ cung cấp thông tin phải thực hiện đối với người yêu cầu và sự trợ giúp đó phải miễn phí nay cả trường hợp thông tin do cơ quan nhà nước khác nắm giữ.

 Theo Điều 15, việc cung cấp thông tin có thể bị trì hoãn nếu thông tin đó chuẩn bị được đăng tải trong thời hạn 90 ngày hoặc cần thêm thời gian để in ấn, phát hành, hoặc trong trường hợp luật định thông tin đó phải được công bố hoặc đệ trình lên cơ quan nhà nước khác những tại thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp thì thông tin đó vẫn chưa được trình. Người yêu cầu có thể được trình bày nguyện vọng được cung cấp thông tin trước thời hạn trì hoãn và cán bộ phụ trách phải cũng cấp thông tin sớm hơn nếu có cơ sở cho thấy việc trì hoãn sẽ khiến người yêu cầu bị tổn hại hoặc bất lợi.  Khiếm khuyết quy định này là không đưa ra thời hạn cứng.

 Luật có quy định khung các mức phí. Mức phí thu chỉ nhằm mục đích bù đắp chi phí sao chụp thông tin. Thông tin phải được cung cấp ngay sau đóng phí.

 Luật của Uganda không quy định chế độ khiếu nại lên cơ quan hành chính độc lập tuy nhiên có quy định cụ thể thủ tục khiếu kiện lên toà án.

 Điều 44 của Luật quy định biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý, hành chính và việc làm đối với người tố cáo các vi phạm hoặc việc tiết lộ thông tin làm đe doạ đối với sức khoẻ, an toàn hoặc môi trường khi họ thực hiện đúng các quy định pháp luật và có cơ sở tin tưởng rằng thông tin đó là xác thực và làm rõ bằng chứng của hành vi vi phạm. Theo quy định này thì hành vi vi phạm có thể là phạm tội hình sự, cố ý làm sai nguyên tắc, tham nhũng, gian dối v.v . Đây là quy định rất đáng chú ý vì ít luật tiếp cận thông tin đưa ra biện pháp bảo vệ đối với những người tố cáo vi phạm. Một số quốc gia có luật riêng để bảo vệ những người này.

 2. Cộng hoà Nam Phi

   Hiến pháp Cộng hoà Nam Phi không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ mà còn quy định quyền tiếp cận thông tin do cơ quan và tổ chức tư      nhân nắm  giữ nếu thông tin đó được coi là cần thiết để thực hiện hoặc bảo vệ những quyền nhất định. Cụ thể hoá quyền trên ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Tăng cường quyền tiếp cận thông tin ban hành năm 2000. Đây là một trong những Luật tiếp cận thông tin tiến bộ nhất thế giới. Luật quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin và cũng quy định rất rõ về một số ít trường hợp thông tin được coi là ngoại lệ. Nhưng luật không quy định về khiếu nại ra cơ quan hành chính độc lập và cũng không có quy định về nghĩa vụ công khai thông tin một cách chủ động. Tuy vậy, hiệu lực trên thực tế của luật còn yếu.

 Luật quy định quyền tiếp cận đối với tài liệu công tại mục 11(1) và thông tin cá nhân hoặc tổ chức tư nhân nắm giữ tại mục 50(1). Quyền tiếp cận đối với thông tin cá nhân hoặc tổ chức tư nhân giới hạn trong phạm vi nếu việc cung cấp thông tin là cần thiết để thực hiện hoặc bảo vệ quyền của công dân. Các mục tiêu cụ thể hơn của Luật được quy định tại Chương 3.

 Luật không áp dụng đối với hồ sơ một số cơ quan nhà nước, thành viên cơ quan lập pháp, được cho là một sự thiếu sót. Theo quy định của Luật, các cơ quan nhà nước mặc nhiên có quyền yêu cầu tổ chức tư nhân cung cấp thông tin nhưng lại không quy định việc cơ quan nhà nước yêu cầu cơ quan nhà nước khác cung cấp thông tin theo quy định của luật.

 Yêu cầu cung cấp thông tin phải được gửi tới cán bộ chuyên trách cung cấp thông tin theo địa chỉ thư, số fax hoặc địa chỉ email. Yêu cầu cung cấp thông tin không bị ảnh hưởng bởi lý do cần được tiếp cận thông tin hay sự đánh giá của cán bộ cung cấp thông tin về lý do yêu cầu tiếp cận thông tin. Khi cần thiết, cán bộ chuyên trách cung cấp thông tin có trách nhiệm trợ giúp một cách phù hợp và miễn phí nhằm hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin đưa ra yêu cầu. Nếu chưa có sự hỗ trợ đối với người yêu cầu thì chưa được bác yêu cầu thông tin. Khi nhận được yêu cầu, cơ quan tiếp nhận phải nhanh chóng ra quyết định trong vòng 30 ngày. Thời hạn này có thể gia hạn thêm 30 ngày nữa theo quy định của luật. Trong trường hợp gia hạn, cơ quan phải thông báo bằng văn bản tới người yêu cầu cung cấp thông tin (Mục 26). Cơ quan nhà nước không trả lời đối với yêu cầu trong thời hạn quy định được coi là từ chối cho phép tiếp cận thông tin. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải được tiếp cận thông tin ngay sau khi đã đóng khoản phí theo quy định.

Luật quy định rất chi tiết, cụ thể về cách thức chuyển tiếp yêu cầu cung cấp thông tin. Việc chuyển tiếp phải được thực hiện sớm và chậm nhất là trong vòng 14 ngày. Đây không phải là khoản thời gian thêm vào thời hạn phải trả lời yêu cầu. Trong trường hợp thông tin không tồn tại hoặc không tìm thấy thì người yêu cầu phải được thông báo về sự thực trên cũng như các nỗ lực mà cơ quan đã thực hiện để tìm kiếm thông tin theo yêu cầu.

   Theo Chương V, Phần II, các trường hợp ngoại lệ bao gồm thông tin được yêu cầu cung cấp có liên quan đến quyền của bên thứ ba như quyền bảo vệ bí mật riêng tư hay bí mật thương mại thì bên thứ ba đó phải được thông báo sớm và chậm nhất là 21 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin. Bên thứ ba có thời hạn 21 ngày để đưa ra lý do đề nghị từ chối cung cấp thông tin hoặc đồng ý với việc cung cấp thông tin. Quyết định công bố thông tin phải được đưa ra trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo của bên thứ ba về yêu cầu cung cấp thông tin và quyết định cung cấp thông tin phải được thông báo cho bên thứ ba. Trong trường hợp được phép tiếp cận thông tin, người yêu cầu cung cấp thông tin phải được tiếp cận thông tin trong vòng 30 ngày tiếp theo các thời hạn trên, ngoại trừ trường hợp bên thứ ba khiếu nại quyết định công bố thông tin.

 Luật của Nam Phi không quy định trách nhiệm công bố thông tin. Luật có các quy định rất cụ thể, toàn diện về các trường hợp ngoại lệ. Các trường hợp ngoại lệ cũng được xác định trong phạm vi hẹp. Luật bãi bỏ các quy định cấm hoặc hạn chế việc công khai thông tin được quy định trong các luật khác mà trái với tinh thần hoặc quy định cụ thể của Luật này. Tuy nhiên, đối với tài liệu được yêu cầu sử dụng trong các vụ án dân sự, hình sự hoặc đối với tài liệu mà việc tiếp cận đã được quy định trong các luật khác thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này (Mục 7). Tất cả các trường hợp ngoại lệ đều chịu sự điều chỉnh bởi quy định ưu tiên lợi ích cộng đồng. Theo đó tư liệu bắt buộc phải công bố vì lợi ích của công chúng nếu: nếu việc cung cấp thông tin là cần thiết để làm rõ các chứng cứ của một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc một nguy cơ nghiêm túc và sắp xảy ra với an toàn của cộng đồng hoặc môi trường; hoặc lợi ích của công chúng và môi trường phải được coi là lớn hơn so với những thiệt hại gây ra bởi việc cung cấp thông tin như vậy (Mục 46). Luật cũng quy định về việc công bố thông tin một phần tại Mục 28.

 Luật của Nam Phi không quy định đối với người tố cáo nhưng các đối tượng này đã được bảo vệ theo quy định của các luật khác có liên quan[26].

 Hàng năm, các cơ quan nhà nước phải gửi báo cáo lên Uỷ ban Bảo vệ quyền con người, trong báo cáo phải nêu thông tin cụ thể về số lượng đơn yêu cầu cung cấp thông tin đã tiếp nhận, kể cả yêu cầu đã được chấp nhận hoặc từ chối, các quy định của Luật về việc từ chối chấp tiếp cận, khiếu nại… Uỷ ban Bảo vệ quyền con người có trách nhiệm tổng hợp thành báo cáo hàng năm của Uỷ ban này gửi lên Quốc hội. Uỷ ban có nhiệm vụ tiến hành các chương trình thông tin tuyên truyền; tăng cường phổ biến thông tin một cách chính xác, kịp thời; đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả thực hiện Luật đối với các cơ quan liên quan, bao gồm cả cơ quan nhà nước; giám sát việc thực hiện; trợ giúp công dân thực hiện các quyền được quy định trong Luật (Mục 83).

 

2.2. 5  Luật tiếp cận thông tin một số nước Châu Á và châu Úc

.1. Nhật Bản

   Đạo luật của Nhà nước về tiếp cận thông tin có tên Luật của Nhật Bản về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính thông qua năm 1999, có hiệu lực năm 2001, được bổ sung năm 2004. Việc tiếp cận thông tin của nhà nước được nhìn nhận là quan trọng để công khai các sai lầm của Chính phủ và hướng tới  xoá bỏ sự ngăn cách những bí mật của nhà nước đối với công chúng. Điều này được phản ánh trong điều đầu tiên về mục đích của Luật, theo đó quy định mục tiêu công khai được bảo đảm, trách nhiệm của Chính phủ đối với công dân về những hoạt động khác nhau, và góp phần thúc đẩy một nền hành chính dân chủ và công bằng tuỳ thuộc sự hiểu biết và chỉ trích tương ứng của công dân. Vào thời điểm luật quốc gia được ban hành năm 1999, đã có hơn 900 thành phố đã thông qua các quy định quyền được thông tin.

 Các cơ quan được định nghĩa trong Luật là “cơ quan hành chính” bao gồm: các cơ quan của Nội các hay các cơ quan chịu sự kiểm soát của Nội các được quy định bởi pháp luật; các cơ quan hành chính được định nghĩa theo các luật khác; và Uỷ ban Kiểm toán. Luật đòi hỏi phải có một đạo luật điều chỉnh về nghĩa vụ thông tin của các công ty nhà nước trong vòng 2 năm sau khi thông qua luật và Luật về tiếp cận thông tin được quản lý bởi các chủ thể hành chính độc lập đã được ban hành và có hiệu lực năm 2002.

 Yêu cầu tiếp cận thông tin phải được lập thành văn bản, kể cả hình thức mẫu điện tử, và luật không đòi hỏi phải có sự giải trình về lý do yêu cầu. Luật cũng yêu cầu có sự giúp đỡ đối với người yêu cầu.

 Quyết định về việc cung cấp thông tin thông thường phải được đưa ra trong thời hạn 30 ngày. Thời hạn này có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa khi có lý do hợp lý là những khó khăn nảy sinh khi thực hiện công việc. Khi yêu cầu bao gồm một khối lượng lớn tài liệu của Nhà nước và có thể có rủi ro là hoạt động của cơ quan nhà nước sẽ bị trở ngại đáng kể bằng việc cố gắng cung cấp tất cả thông tin trong vòng 60 ngày thì người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể thông tin một cách đơn giản phần hợp lý trong thời hạn đó, phần còn lại thực hiện trong thời gian hợp lý. Yêu cầu có thể chuyển giao cho cơ quan khác khi có căn cứ hợp lý.

 Luật không quy định nghĩa vụ công bố trước một số loại thông tin, được xem như một thiếu sót.

 Luật đưa ra 6 nhóm thông tin khác nhau có thể bị từ chối, liên quan đến thông tin về cá nhân mà việc cung cấp thông tin có thể gây tổn hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, liên quan đến thông tin của các doanh nghiệp, liên quan đến an ninh của nhà nước, liên quan trật tự xã hội, liên quan đến các cuộc thảo luận hay tư vấn của chính phủ, liên quan đến sự thiệt hại với hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước. Một đạo luật bổ sung được thông qua cùng với Luật trên cũng đưa ra danh mục các văn bản khác mà có thể loại trừ tiếp cận thông tin. Danh mục này bao gồm nhiều luật quy định về các biện pháp lựa chọn tiếp cận thông tin, như Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến các tài liệu của vụ án, Luật đăng ký bất động sản và các luật khác. Hầu hết các ngoại lệ phụ thuộc vào sự đánh giá thiệt hại. Trong một số trường hợp, những ngoại lệ này đòi hỏi thiệt hại thực tế phải bắt nguồn từ việc cung cấp thông tin, cho dù trong một số trường hợp điều này có thể dựa trên sự đánh giá của của cơ quan nhà nước. Điều 6 quy định khi một tài liệu được đề cập trong ngoại lệ, thì phần còn lại của tài liệu phải được công bố khi nó còn có ý nghĩa.

Luật cũng quy định về khiếu nại và khiếu kiện, và dành hẳn Mục 2 Chương III để quy định về Uỷ ban Thẩm tra việc cung cấp thông tin và Mục 3 Chương III để quy định thủ tục điều tra và xem xét của cơ quan này. Uỷ ban trực thuộc Văn phòng Nội các nhưng hoạt động độc lập.     

2. Hàn Quốc

   Từ năm 1989, Toà án Hiến pháp của Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng quyền được biết bao gồm quyền yêu cầu công bố thông tin của các cơ quan nhà nước. Năm 1991, mặc dù chưa có bất kỳ luật nào liên quan đến thông tin được ban hành, Hội đồng nhân dân của thành phố Cheongju đã bỏ phiếu thông qua Pháp lệnh về công bố thông tin. Toà án tối cao đã ra phán quyết rằng Pháp lệnh  được ban hành là phù hợp với quy định của pháp luật.

 Luật  về  công khai thông tin của các cơ quan chính quyền được thông qua năm 1996. Điều 1 quy định mục đích của Luật là để đảm bảo quyền của mọi người được biết và tham gia vào công việc quốc gia, và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của nhà nước bằng cách cung cấp những vấn đề cần thiết liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin thuộc sở hữu và quản lý của các cơ quan chính quyền khi có yêu cầu của người dân đối với những thông tin đó. Luật định nghĩa thông tin có nghĩa là các tin tức được soạn thảo, sở hữu và quản lý bởi các cơ quan chính quyền trong khi họ thi hành nhiệm vụ của mình. Những thông tin này được sao chép vào các tài liệu, bản vẽ, hình ảnh, film, băng, các bản slide, và các phương tiện trung chuyển được xử lý bằng máy tính v.v. các cơ quan chính quyền phải cung cấp cho công chúng các thông tin thuộc quyền sở hữu và quản lý của cơ quan chính quyền theo các điều khoản của luật. Các cơ quan chính quyền địa phương có thể thiết lập sắc lệnh thành phố về cung cấp thông tin trong phạm vi của các luật và các quy định dưới luật.

 Người yêu cầu được cung cấp thông tin phải nộp đơn yêu cầu, nêu nội dung và mục đích sử dụng thông tin yêu cầu cung cấp. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đơn, cơ quan chính quyền phải ra quyết định. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm 15 ngày vì lý do không thể tránh khỏi. Luật cũng quy định các cơ quan chính quyền phải thông báo với bên thứ ba về thực tế yêu cầu cung cấp thông tin và nếu cần thiết, phải lắng nghe các ý kiến liên quan nếu một phần hoặc toàn bộ thông tin được cung cấp liên quan đến bên thứ ba.

 Luật cũng quy định về thông tin không công khai tại Điều 7. Các thông tin cá nhân và liên quan đến bí mật thương mại của các công ty, hội đoàn hoặc cá nhân có một số trường hợp không liệt vào dạng ngoại trừ, nếu việc công khai là cân thiết vì lợi ích lớn hơn của cộng đồng.

 Điều 12 của Luật quy định công bố một phần thông tin. Nếu như thông tin yêu cầu được cung cấp là kết hợp giữa phần ở Điều 7(1) tức thông tin cần ngoại trừ và những phần được phép công khai, và những thông tin đó có thể chia ra mà không làm thay đổi tính chất của yêu cầu thì phần thông tin không phải là thông tin cần ngoại trừ sẽ được công bố.

 Luật quy định cụ thể về thủ tục kháng cáo bao gồm kháng cáo nội bộ đến cơ quan chính quyền liên quan, kháng cáo hành chính theo thủ tục quy định tại Luật kháng cáo hành chính và kiện tục hành chính theo Luật tố tụng hành chính. Bên thứ ba cũng có quyền phản đối, đệ đơn yêu cầu theo thủ tục kháng cáo hành chính hay tố tụng hành chính theo quy định của pháp luật để bảo vệ lợi ích của mình.

 Luật quy định một cách chung chung về nghĩa vụ công bố thông tin, theo Điều 21 cơ quan chính quyền sẽ nỗ lực một cách chủ động trong việc công khai thông tin tuy không được yêu cầu nhưng cần thiết phải công khai cho công luận. 

 3.Thái Lan

   Thái Lan thông qua Luật tiếp cận thông tin, có hiệu lực ngày 9-12-1997, quy định phạm vi áp dụng rộng rãi, các cơ chế bảo đảm quy trình chung được quy định một cách tương đối hợp lý và diện thông tin thuộc trường hợp ngoại lệ rất hẹp. Tuy nhiên, luật không quy định rõ thời hạn cơ quan nhà nước phải trả lời các yêu cầu cung cấp thông tin, thiếu cơ chế giám sát độc lập và các quy định về tăng cường minh bạch rất hạn chế.

 Theo luật, nếu yêu cầu cung cấp thông tin đáp ứng một số điệu kiện tối thiểu như nêu rõ thông tin thì cơ quan trực tiếp nhận được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin. Luật không yêu cầu người cung cấp thông tin phải đưa ra mục đích hoặc lý do.

 Phạm vi thông tin được quy định rất rộng nhằm bao quát tất cả các tư liệu dùng trong giao tiếp, trao đổi mà không phụ thuộc vào hình thức hay chất liệu. Thông tin chính thức, đối tượng của quyền tiếp cận thông tin được quy định đơn giản là thông tin mà các cơ quan nhà nước đang nắm giữ, cho dù thông tin đó liên quan đến hoạt động của cơ quan nhà nước hay cá nhân.

 Theo Điều 4, cơ quan nhà nước là các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, cấp tỉnh và địa phương, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, toà án (chỉ những thông tin không liên quan đến xét xử, phán quyết các vụ án), cơ quan giám sát chuyên môn, các cơ quan độc lập của nhà nước, các cơ quan khác được quy định trong cơ chế hoạt động các bộ.

 Bất cứ người nào cũng có thể yêu cầu cung cấp những thông tin không quy định phải đăng tải hoặc công khai để công chúng tiếp cận với điều kiện yêu cầu phải đủ chi tiết để cơ quan nắm giữ có thể xác định được thông tin này. Yêu cầu cung cấp thông tin sẽ bị từ chối nếu yêu cầu cung cấp quá nhiều thông tin hoặc yêu cầu liên tục nhiều lần mà không có lý do thuyết phục.

 Thông tin sẽ được cung cấp trong khoảng thời gian hợp lý mà khoảng thời gian này không được quy định rõ trong Luật. Trong trường hợp thông tin có thể hư hỏng, thất thoát do việc tiếp cận gây ra thì cơ quan nhà nước có thể kéo dài thời gian cung cấp thông tin.

 Trong trường hợp cơ quan nhà nước không nắm giữ thông tin được yêu cầu cung cấp thì có thể tư vấn cho người yêu cầu chuyển đến cơ quan nhà nước khác nơi thông tin đang được nắm giữ.

 Luật quy định việc thông báo cho bên thứ ba. Bên thứ ba phải được thông báo bằng yêu cầu cung cấp thông tin trong trường hợp việc cung cấp thông tin có thể gây hại tới lợi ích của họ và họ có ít nhất 15 ngày để có ý kiến phản đối. Trong trường hợp cơ quan nhà nước vẫn quyết định cung cấp thông tin, bên thứ ba được giành 15 ngày để khiếu nại.

 Người yêu cầu phải được thông báo trong trường hợp đơn yêu cầu của họ bị từ chối, quyết định từ chối phải rõ loại loại thông tin từ chối và lý do của việc từ chối.

 Thông tin chỉ có thể được cung cấp nếu được lưu giữ dưới hình thức có thể giao nhận và người yêu cầu không cần phải phân tích, chuẩn bị thêm hoặc biên tập lại thì mới có thể tiếp cận được. Quy định này không áp dụng với các tài liệu lưu trữ dưới dạng điện tử nhưu các tài liệu hình ảnh hay âm thanh. Ngoài ra, khi thông tin được yêu cầu cung cấp không nhằm phục vụ mục đích thương mại mà là bảo vệ quyền của người yêu cầu hoặc lợi ích công cộng thì cơ quan nhà nước phải cung cấp cả thông tin ở dạng có thể phải xử lý thêm.

 Luật của Thái Lan quy định trách nhiệm công bố thông tin trên Công báo của chính phủ và trách nhiệm phải lưu giữ, bố trí thông tin luôn trong trạng thái sẵn sàng để công chúng có thể tiếp cận. Điều 7 quy định đăng lên Công báo cơ cấu tổ chức của cơ quan, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp hoạt động, chi tiết liên hệ phục vụ mục đích gửi yêu cầu tiếp cận thông tin, các văn bản pháp luật và chính sách, các thông tin khác do Uỷ ban thông tin quốc gia quyết định. Điều 9 quy định các cơ quan nhà nước sắp xếp các thông tin sau luôn trong trạng thái sẵn sàng để công chúng có thể tiếp cận: quyết định có tác động trực tiếp đến cá nhân; tất cả các chính sách hoặc sự giải thích không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 7; kế hoạch làm việc và dự toán ngân sách hàng năm; các quy định có ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của cá nhân; các tài liệu đã được công khai về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan nhà nước đó; các hợp đồng độc quyền và liên doanh liên kết; các thông tin khác do Uỷ ban Thông tin quốc gia quy định. Uỷ ban có thể quy định các trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin dưới hình thức tiếp cận theo quy định tại Điều 9. Yêu cầu cung cấp, việc tiếp cận các thông tin này phải chịu mức phí theo quy định do Uỷ ban Thông tin quốc gia.

 Luật quy định rất đầy đủ các trường hợp ngoại lệ. Điều 3 của Luật quy định trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Luật này và các luật khác thì các quy định của Luật này được áp dụng. Tuy nhiên quy định này không áp dụng đối với các trường hợp ngoại lệ. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm áp dụng các hệ thống hoặc quy tắc ngăn chặn việc công bố hoặc cung cấp thông tin không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ thông tin bí mật. Hầu hết các thông tin thuộc trường hợp ngoại lệ đều yêu cầu thủ tục kiểm tra mức độ nguy hại. Có hai trường hợp ngoại lệ mà không cần dựa trên mức độ nguy hại là các tài liệu nội bộ phục vụ quá trình ban hành chính sách, quyết định và các thông tin được quy là mật. Điều 15 là quy định chủ yếu về các trường hợp ngoại lệ. Điều này quy định khi cơ quan nhà nước ra quyết định cấm công bố một thông tin chính thống nào đó thì cơ quan này phải cân nhắc đến tất cả các yếu tố như chức năng nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của tổ chức và cá nhân có liên quan. Quy định phải xem xét về mặt lợi ích cộng đồng ở đây là hữu ích nhưng không hoàn toàn giống các quy định về ưu tiên lợi ích công cộng bởi vì nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng phải mang tính bắt buộc và không chỉ xem xét dựa trên một vài yếu tố. Điều 20 quy định rõ hơn về ưu tiên bảo vệ lợi ích công cộng, cụ thể là cán bộ cơ quan nhà nước không bị truy cứu trách nhiệm nếu công bố thông tin để bảo đảm lợi ích cộng đồng và việc công bố thông tin đó là hợp lý.

 Luật không quy định rõ ràng về nguyên tắc công bố thông tin một phần. Tuy nhiên luật quy định nếu thông tin thuộc diện được công khai mà có phần thuộc trường hợp ngoại lệ thì phần này phải được xoá bỏ hoặc xử lý để không bị tiếp cận. Luật không quy định cụ thể thời hạn bảo mật thông tin.     

 Đáng lưu ý trong số các loại thông tin thuộc diện ngoại lệ như các thông tin về thiết chế hoàng gia hay thẩm quyền của nhà vua trong việc ban hành sắc lệnh hoàng gia, ở một số nước khác luật cho phép tiếp cận.

 Luật cũng quy định về việc khiếu nại lên Uỷ ban Thông tin quốc gia và khởi kiện lên Toà án Công khai thông tin.

 4.Ấn Độ

    Đạo luật quốc gia về Tự do thông tin ban hành lần đầu năm 2002, nhưng không bao giờ có hiệu lực và đã được thay thế bởi Luật về quyền được thông tin năm 2005. Luật năm 2005 có ý nghĩa và tiến bộ hơn so với luật trước. Sự khác biệt quan trọng là cơ chế phát triển hơn của việc chủ động công bố, thêm vào đó là cơ quan giám sát độc lập, các biện pháp thúc đẩy luật một cách mạnh mẽ hơn và quy định giới hạn hơn về những ngoại lệ. Luật ràng buộc cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, cũng như thành lập cả hai: Uỷ ban Thông tin nhà nước trung ương và Uỷ ban Thông tin ở địa phương.

 Đối tượng chịu sự điều chỉnh được mở rộng đến các cá nhân được kiểm soát và hỗ trợ tài chính từ chính phủ, bao gồm các tổ chức phi chính phủ. Điều 4 quy định tất cả nhà chức trách công cộng phải lưu giữ tất cả hồ sơ của cơ quan và phải công bố trong vòng 120 ngày kể từ ngày Luật được thông qua những thông tin về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cơ quan, thẩm quyền và nghĩa vụ của các quan chức và nhân viên trong cơ quan, lương tháng của các quan chức và nhân viên cơ quan, bao gồm cơ chế trả lương theo nội quy cơ quan, ngân sách hoạt động của cơ quan, trong đó nêu chi tiết các khoản chi, mức đề xuất chi và các báo cáo tài chính đã nộp; công bố tất cả các sự kiện khi xây dựng các chính sách quan trọng hoặc công bố các quyết định mà ảnh hưởng tới công chúng; giải thích các lý do đưa ra các quyết định hành chính hoặc quyết định có tính chất bán tư pháp với những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định đó. Việc phổ biến tất cả các tư liệu phải tính đến tính hiệu quả về chi phí, về ngôn ngữ địa phương và về các biện pháp thông tin hữu hiệu  có thể sử dụng ở trong khu vực. Việc công bố rộng rãi các thông tin sẽ giảm thiểu yêu cầu tiếp cận thông tin.

 Luật yêu cầu phải có sự giúp đỡ của nhân viên thông tin đối với người yêu cầu. Thông tin trả lời cho người yêu cầu phải được thông báo ngay khi có thể trong thời hạn là 30 ngày. Ở đâu mà thông tin ấy liên quan đến cuộc sống và tự do cá nhân, thì việc trả lời phải được công bố trong vòng 48 giờ. Nếu không trả lời được trong thời hạn nêu trên thì mặc nhiên coi đó là lời từ chối trả lời yêu cầu.

   Luật cũng điều chỉnh về vấn đề chuyển đơn yêu cầu, hay liên quan đến người thứ ba. Điều 8 của Luật quy định chi tiết các các ngoại lệ chủ yếu như: các thông tin mà việc tiết lộ có thể gây tác động tiêu cực đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các thông tin mà bất kỳ toà án hoặc cơ quan tài phán nào cấm công bố, các thông tin về những bí quyết thương mại, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ, hoặc liên quan đến bí mật đời tư.

 Điều 24 quy định không áp dụng Luật đối với các cơ quan an ninh và tình báo do chính Chính phủ trung ương lập hoặc với bất kỳ thông tin nào gửi tới các cơ quan như vậy hoặc gửi Chính phủ (được liệt kê cụ thể tại Phụ lục 2), hay  các cơ quan tình báo và an ninh do Chính phủ các bang lập; tuy nhiên các thông tin liên quan đến những cáo buộc về tham nhũng và vi phạm quyền con người không thuộc quy định trên.   

 Bất cứ ai, bao gồm cả bên thứ ba, người mà không nhận được quyết định trong thời hạn cụ thể hoặc người gánh chịu bất lợi một quyết định theo quy định Luật, trong thời hạn 30 ngày, có quyền khiếu nại đến quan chức phụ trách về thông tin liên quan. Khiếu nại lần hai được gửi tới Uỷ ban Thông tin trung ương hoặc Uỷ ban Thông tin của bang. 

 5. Trung Quốc

    Pháp lệnh của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về công khai thông tin của chính quyền được thông qua tại phiên họp lần thứ 165 của Hội đồng Nhà nước, ngày 17-1-2007, có hiệu lực từ ngày 1-5-2008. Pháp lệnh này vẫn còn có một số hạn chế nên chưa thể có tính hiệu lực và hiệu quả cao, như từ ngữ không rõ ràng dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, chưa tạo ra cơ chế áp dụng thống nhất, chuẩn mực và thiếu thể chế giám sát. Thay vì có một cơ quan giám sát riêng biệt, ở Trung Quốc trách nhiệm giám sát được giao cho Vụ Tổng hợp của Văn phòng Quốc Vụ viện ( Văn phòng Chính phủ).

  Điều 1 quy định mục đích của Pháp lệnh nhằm bảo đảm rằng mọi công dân, pháp nhân và tổ chức có thể có được thông tin của chính quyền phù hợp với pháp luật, từ đó nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của chính quyền, thúc đẩy sự quản lý bằng pháp luật và thực thi triệt để chức năng dịch vụ thông tin của chính quyền vì lợi ích  của đại bộ phận nhân dân và nhằm tác động tích cực đến tình hình kinh tế, xã hội.

 Pháp lệnh xác định thông tin của chính quyền được nêu trong Pháp lệnh được hiểu là bất cứ thông tin nào được tạo ra hoặc thu được trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ chính thức của các cơ quan công quyền, mà được ghi chép hoặc lưu giữ dưới bất kỳ hình thức nào.

 Pháp lệnh quy định nguyên tắc cung cấp thông tin tối đa, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc khách quan, bình đẳng và thuận tiện khi đối xử với công dân khi giải quyết các vấn đề liên quan đến công khai thông tin của chính quyền.

 Điều 9 quy định các cơ quan nhà nước phải công bố các thông tin của chính quyền liên quan đến: lợi ích cốt yếu của công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác; các yêu cầu mở rộng kiến thức hoặc sự tham gia của công chúng; việc thành lập, nghĩa vụ hoặc các thủ tục hnàh chính của các cơ quan nhà nước; các thông tin khác phải được công bố theo quy định của các luật, văn bản pháp quy khác. Luật quy định cụ thể trách nhiệm và phạm vi  công bố thông tin của chính quyền các cấp địa phương. Điều 10 quy định chính quyền cấp huyện cần công bố, trong đó “phải lưu ý” các dạng thông tin: văn bản pháp quy, các quy tắc của cơ quan nhà nước lập ra; các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các dự án đặc biệt; các báo cáo về chi tiêu tài chính và kiểm toán; thông tin về các dự án, phê duyệt hành chính…Thông tin “ưu tiên công bố” của chính quyền cấp tỉnh bao gồm:  thông tin liên quan các dự án lớn về xây dựng, quản lý; về tình hình thực hiện các dự án công ích; liên quan trưng dụng, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và việc đền bù, phân phối tiền trợ cấp và những bối cảnh áp dụng;  Các thông tin chính quyền cấp xã “cần chú trọng” công bố: thông tin liên quan đến tình hình thực hiện các chính sách quốc gia về việc làm ở khu vực nông thôn; tình hình quản lý và sử dụng ngân sách, các khoản chi tiêu và các quỹ đặc biệt; kế hoạch tổng thể về sử dụng đất ở địa phương; việc trưng dựng, thu hồi đất; việc ký kết hợp đồng, cho thuê hoặc đấu thầu của các doanh nghiệp tập thể hoặc các chủ thể kinh doanh khác…

 Trước khi công bố thông tin, các cơ quan nhà nước phải kiểm tra sự phù hợp của thông tin dự định công bố trên cơ sở đối chiếu với Luật về Bảo vệ bí mật nhà nước và các luật, quy định khác liên quan. Các cơ quan nhà nước không được công bố thông tin của chính quyền có chứa đựng bí mật quốc gia, bí mật thương mại và bí mật cá nhân. Tuy nhiên trong trường hợp có sự đồng ý chính thức của bên có liên quan, hoặc nếu cơ quan hành chính nhận thấy rằng việc không công bố thông tin của chính quyền nhất định chứa đựng bí mật thương mại hoặc bí mật cá nhân có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích công cộng thì vẫn có thể công bố các thông tin đó.

 Cơ quan nhà nước phải công bố thông tin do mình tạo ra; cơ quan nhà nước đang lưu giữ thông tin thu thập từ công dân, pháp nhân hoặc tổ chức khác có trách nhiệm công bố các thông tin dạng này theo quy định của pháp luật. Phạm vi công bố thông tin của chính quyền được quyết định bởi các luật và quy tắc khác. Thông tin của chín hquyền nằm trong phạm vi cần công bố phải được công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được lập ra hoặc được cập nhật.

 Pháp lệnh cũng quy định chính quyền phải lập những khu vực riêng trong cơ quan lưu trữ và thư viện công cộng tạo thuận tiện cho công dân, pháp nhân và tổ chức khác tiếp cận thông tin.

 Thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin cũng được quy định. Người yêu cầu phải gửi yêu cầu bằng văn bản (có thể qua email) trừ trường hợp người yêu cầu khó khăn trong việc viết đơn thì có thể trình bày bằng miệng, hoặc nhờ người khác viết đơn. Nếu xét thấy có thể cung cấp thông tin, cơ quan nhà nước phải trả lời có thể cung cấp thông tin cho người yêu cầu. Nếu thấy không thể đáp ứng yêu cầu, cơ quan nhà nước phải thông báo cho người yêu cầu trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu gia hạn xét yêu cầu cũng không thể quá 15 ngày.

 Pháp lệnh cũng quy định việc cung cấp một phần  tài liệu là những thông tin không thuộc diện ngoại trừ. Nếu thông tin được yêu cầu cung cấp thuộc vào dạng bí mật thương mại, bí mật cá nhân hoặc việc công bố thông tin đó có thể làm tổn hại các quyền hợp pháp của bên thứ ba thì cơ quan đó phải gửi văn bản hỏi ý kiến bên thứ ba. Nếu bên thứ ba không đồng ý thì không được công bố thông tin đó trừ khi cơ quan nhà nước nhận thấy việc không công bố có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích công cộng.

 Các công dân, pháp nhân, hoặc tổ chức gửi đơn tới cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin của chính quyền liên quan tới các vấn đề thuế, bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế…của bản thân họ phải cung cấp những giấy tờ hợp pháp chứng minh cho yêu cầu. Nếu công dân, pháp nhân hoặc tổ chức có thể chứng minh được thông tin mà các cơ quan nhà nước cung cấp mà liên quan tới họ là không chính xác thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước sửa chữa các thông tin đó. Nếu cơ quan nhà nước có liên quan không có trách nhiệm sửa chữa thông tin thì phải chuyển tiếp yêu cầu đến cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc này và phải thông báo cho người yêu cầu biết. 

 6. Azerbaijan

   Luật về quyền tiếp cận thông tin được Tổng thống ký ban hành tháng 12-2005. Luật có quy định về cơ quan giám sát hành chính độc lập, quy định cụ thể về nghĩa vụ chủ động  công bố và cung cấp thông tin một cách rộng rãi. Tuy nhiên luật quy định phạm vi thông tin miễn trừ khá rộng và còn thiếu chế tài đối với việc cản trở tiếp cận thông tin  cũng như quy định bảo vệ việc tiết lộ thông tin một cách ngay tình hay biện pháp thúc đẩy việc công bố thông tin.

 Quyền tiếp cận thông tin áp dụng đối với các thông tin được cơ quan/tổ chức công nắm giữ. Cơ quan ,tổ chức công  (theo Điều 3 Luật tiếp cận thông tin 2005) là các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, pháp nhân bất kể thuộc loại hình sở hữu nào, các cá nhân được quy định tại Điều 9.

 Điều 9 định nghĩa tổ chức/cơ quan công là cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và các pháp nhân thực hiện chức năng công, đồng thời các pháp nhân tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và lĩnh vực xã hội trên cơ sở các hoạt động hợp pháp hoặc các hợp đồng. Tất cả hay một phần các cơ quan thuộc sở hữu nhà nước hoặc các đơn vị trực thuộc, đồng thời các pháp nhân đang nắm giữ quyền tham gia hoặc vị trí ưu thế trên thị trường hoặc độc quyền thị trường, hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực có bản chất là độc quyền đều được coi là tổ chức công có liên quan đến từng loại thông tin cụ thể.

  Điều 24 quy định thời hạn giải quyết yêu cầu thông tin là 7 ngày làm việc. Nếu tổ chức công không nắm giữ thông tin, cơ quan này nên cố gắng  tìm hiểu và khẳng định cơ quan nào đang nắm giữ thông tin đó và chuyển yêu cầu đến cơ quan đó trong thời gian 5 ngày làm việc. Nghĩa vụ này không áp dụng cho tổ chức tư nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.

 Điều 29 của luật liệt kê 34 loại thông tin phải chủ động công bố bao gồm thông tin về tài chính và ngân sách, thông tin về nhân sự bao gồm cả tiền lương, đặc biệt là danh mục các tài liệu mật. Thông tin liên quan đến các mối đe doạ đến tính mạng con người, sức khoẻ, tài sản, môi trường, các vấn đề khác thuộc lợi ích cộng đồng thì phải tiết lộ ngay lập tức.

 Điều 35 và Điều 38 của luật liệt kê những thông tin bảo mật đó là những thông tin có dự định sử dụng trong nội bộ, thông tin cá nhân và thông tin về cuộc sống gia đình.

 7. Kirgyzstan

    Kirgyzstan lần đầu tiên thông qua Luật về các bảo đảm và tự do tiếp cận thông tin năm 1997. Luật mới có hiệu lực năm 2007 có sự cải thiện cơ bản về quyền được thông tin.

  Luật có quy định phát triển về các cuộc họp công khai, và cũng giống như một số luật thuộc thế hệ mới, luật bao gồm tập hợp chi tiết các quy định về việc chủ động công bố thông tin. Luật quy định tất cả các cơ quan nhà nước bao gồm cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, các cơ quan hoạt động từ ngân sách nhà nước, và cơ quan tự quản ở địa phương được thành lập bởi công chúng ở cấp địa phương có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Các thiết chế hoạt động từ ngân sách nhà nước để thực hiện chức năng không liên quan đến quyền lực nhà nước hay sự tự quản, kể cả cơ quan tập trung vào vấn đề sức khoẻ, giáo dục, thông tin, thống kê, tư vấn và tín dụng  cũng nằm trong đối tượng điều chỉnh của luật. Về thủ tục, các yêu cầu có thể được đưa tra bằng miệng, điện thoại, hoặc văn bản qua đường chuyển phát, bưu điện, thư từ hay các kênh điện tử. Thông tin ngắn được yêu cầu bằng miệng sẽ được trả lời bằng miệng. Theo Điều 10, yêu cầu bằng văn bản phải được trả lời trong thời hạn 2 tuần, kể từ ngày nhận yêu cầu đến ngày trả lời được gửi đi (kể cả việc gửi qua bưu điện). Việc trả lời bằng điện tử có thể hoặc kèm theo tài liệu như một file hoặc chỉ dẫn địa chỉ trang Web  phù hợp. Điều 13  quy định nguyên tắc chung mà việc trả lời các yêu cầu về thông tin được miễn phí, nhưng có quy định chi phí bưu điện do người yêu cầu chịu và chi phí sao chụp không vượt quá chi phí thực tế và phù hợp danh mục giá của chính phủ trung ương (có thể được thu đối với những yêu cầu đòi hỏi quá 5 trang bản sao). Phí có thể miễn  với người nghèo.

 Luật quy định chi tiết và ở phạm vi rộng về việc chủ động công bố thông tin, bao gồm các loại thông tin cụ thể phải được công bố như các đạo luật, báo cáo hàng năm của các cơ quan nhà nước, thông qua ngân sách, sự thay đổi về tỷ giá và thuế, các văn bản pháp luật liên quan quản lý tài sản công, cấp đất hoặc nhà cho người nước ngoài…Luật quy định về việc phổ biến tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua sổ tay có thể tiếp cận, kể cả bản tóm tắt về hoạt động, quy định nghĩa vụ chung đối với các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho các phưuơng tiện thông tin về hoạt động của mình.

 Điều 20 quy định danh mục 36 nhóm thông tin phải được công bố hằng năm, như thông tin về hoạt động và tổ chức của cơ quan nhà nước, các thủ tục theo đó các cá nhân có thể tiếp cận cơ quan nhà nước, thông tin về tài liệu cơ quan nắm giữ, và cơ chế quản lý thông tin, thông tin về các dự án đang được cơ quan thực hiện, thông tin tài chính về ngân sách và quỹ nhận được từ các cơ quan nước ngoài, và thông tin chi tiết về việc đấu thầu và các hoạt động cạnh tranh công khai.

 Luật của Kirgyzstan là luật duy nhất có quy định đến việc thiết lập một cơ chế tiếp cận thông tin với các cuộc họp công khai (một số nước có đạo luật riêng về vấn đề này).

 Khác với hầu hết các đạo luật về quyền thông tin, luật của Kirgyzstan không bao gồm một danh mục phổ biến về các ngoại lệ nhưng thay vào đó đề cập đến quy định pháp luật về bí mật.

 Điều 36 của luật  quy định chế tài một cách chung chung đối với những cá nhân không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình theo pháp luật, cho dù thực hiện hay không thực hiện, thì phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự, kỷ luật hay trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật hiện hành

8. Luật tiếp cận thông tin của châu Úc (Australia)

  Luật Tự do thông tin của Úc ban hành năm 1982 sửa đổi năm 2005. Điều 11 của Luật quy định quyền tiếp cận với các tài liệu. Tất cả những chủ thể được đề cập trong Luật có quyền thực tế và hợp pháp được tiếp cận các tài liệu: tài liệu của một cơ quan, ngoại trừ các tài liệu được miễn công bố; tài liệu chính thức của một Bộ trưởng, ngoại trừ các tài liệu được miễn công bố. Quyền tiếp cận tài liệu của các chủ thể được quy định trong Luật không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lý do nào mà một người đưa ra để được tiếp cận tài liệu; và niềm tin của cơ quan hoặc Bộ trưởng về lý do một người đưa ra để được tiếp cận tài liệu.

 Luật cũng đưa ra một loạt các trường hợp một người không có quyền tiếp cận với các tài liệu. Luật quy định một người không có quyền tiếp cận với một tài liệu mà đã trở thành tài liệu của một cơ quan hoặc với một tài liệu chính thức của một Bộ trưởng trước 5 năm kể từ ngày ban hành tài liệu đó, trừ khi: tài liệu hoặc một phần của tài liệu đó chứa những thông tin sau: thông tin cá nhân của một người; thông tin lên quan đến công việc kinh doanh, các vấn đề về thương mại hoặc tài chính của một người (theo điểm a Khoản 2 Mục 12); tài liệu hoặc một phần của tài liệu đó là một tài liệu hoặc một phần của một tài liệu đòi hỏi người tiếp cận cần phải có hiểu biết phù hợp về tài liệu của một cơ quan, hoặc một tài liệu chính thức của một Bộ trưởng mà đòi hỏi người tiếp cận phải được cho phép theo pháp luật.

 Yêu cầu tiếp cận tài liệu phải thể hiện bằng văn bản, cung cấp thông tin liên quan đến tài liệu đủ để xác định được tài liệu, cụ thể hoá địa chỉ có thể gửi thông báo, được gửi tới cơ quan hoặc Bộ trưởng qua đường bưu điện, hoặc chuyển tới viên chức cơ quna hay nhân viên của Bộ trưởng tại địa chỉ bất kỳ văn phòng trung ương hay khu vực ghi trong danh bạ hiện hành; kèm theo lệ phí.

   Khi nhận được một yêu cầu, cơ quan hoặc Bộ trưởng phải:  thực hiện tất cả các biện pháp có thể trên thực tế để thông báo, trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bởi hoặc thay mặt bởi cơ quan hoặc Bộ trưởng, cho người nộp đơn rằng đơn của họ đã được tiếp nhận (điểm a Khoản 5 Mục 15); thực hiện tất cả các biện pháp có thể trên thực tế để thông báo, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bởi hoặc thay mặt bởi cơ quan hoặc Bộ trưởng, cho người nộp đơn về quyết định liên quan đến yêu cầu của họ (bao gồm một quyết định theo Mục 21 để hoãn lại việc cung cấp tài liệu) (điểm b Khoản 5 Mục 15). Nếu liên quan đến một yêu cầu liên quan đến tài liệu có thể ảnh hưởng tới quan hệ  giữa các nước trong Khối Thịnh vượng chung, liên quan tới các tài liệu về các vấn đề kinh doanh, chứa đựng những thông tin cá nhân thì cơ quan hoặc Bộ trưởng quyết định bằng văn bản  về những thủ tục nêu cụ thể trong luật để mở rộng thời hạn nêu trong Khoản 5(b): thời hạn giải quyết yêu cầu cần tăng thêm 30 ngày; cơ quan hoặc Bộ trưởng phải, trong thời gian sớm nhất có thể, thông báo cho người nộp đơn về thời gian tăng thêm đó.

   Luật có quy định về vấn đề hỗ trợ người yêu cầu và việc chuyển yêu cầu tới cơ quan khác. Luật cũng quy định cụ thể các yêu cầu liên quan tới việc sử dụng máy vi tính tại Mục 17. Các Mục 26A, 27, 27A giành quy định thủ tục yêu cầu liên quan tới các tài liệu mà có thể ảnh hưởng tới các quan hệ giữa các nước trong Khối Thịnh vượng chung, các tài liệu về các vấn đề kinh doanh và các tài liệu chứa đựng những thông tin cá nhân.

 Tạo thuận lợi cho người tiếp cận, Luật yêu cầu phải nêu rõ địa chỉ của những văn phòng chính phủ Khối Thịnh vượng chung trên khắp nước Úc là các Văn phòng tiếp cận thông tin. Người yêu cầu phải được cung cấp thông tin tại Văn phòng gần với nơi sinh sống của người đó nhất. Một người được cung cấp tài liệu không phải trả thêm bất kỳ một khoản lệ phí nào ngoài khoản lệ phí theo quy định người đó phải trả cho việc tiếp cận tài liệu, cho dù làm tăng thêm phí tổn cho cơ quan hoặc Bộ trưởng so với việc thực hiện việc này ở nơi khác.

2.3. Các đặc điểm chung và đặc thù  của pháp luật tiếp cận thông tin và  thực hiện pháp luật tiếp cận  thông tin  của các nước trên thế giới.

   Theo David Banisar, Các luật tự do thông tin/ tiếp cận thông tin trên khắp thế giới có nhiều điểm tương đồng. Nguyên nhân chủ yếu của sự tương đồng này  là các quốc gia ban hành Luật tiếp cận thông tin  thường học hỏi kinh nghiệm các quốc gia đã đi trước và những quy định hợp lý thường được tiếp nhận như là một yếu tố của hội nhập quốc tế. Cũng theo David Banisar thì gần đây có một số Luật tự về do thông tin đã có một số sáng tạo. Các đạo luật mới ban hành đã có một số quy định mới chưa từng có trong các đạo luật trước đây như việc quy định các Uỷ viên thông tin có quyền hạn và chức năng thi hành luật. Việc xem xét đến các lợi ích công cộng   trong quá trình quyết định giữ bí mật hay công bố thông tin cũng như phạm vi điều chỉnh đối với các cơ quan nhà nước ngày càng sâu rộng hơn.

2.3.1 Các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin

  Hầu hết các luật về tự do thông tin/tiếp cận thông tin đều quy định các cơ quan hành pháp có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Một số quốc gia cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan toà án và cơ quan lập pháp. Nhiều quốc gia quy định các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Khái niệm cơ quan nhà nước thường được hiểu là bất kỳ cơ quan nào thực hiện chức năng của Chính phủ. Luật tiếp cận thông tin của Bồ Đào Nha quy định các cơ quan thực hiện chức năng công đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin: “ Các cơ quan nhà nước hoặc các khu vực tự trị có thực thi chức năng hành chính, các cơ quan, các thiết chế nhà nước hoặc hiệp hội công cộng, các cơ quan chính quyền  địa phương, cũng như bất kỳ cơ quan có chức năng thực  thi chức năng công theo quy định của pháp luật đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin”. Một số quốc gia như Ireland quy định một danh sách các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho công chúng.

2.3.2 Những người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin

 Hầu hết các quốc gia hiên nay đều cho phép  bất kỳ người nào  đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà không kể  các lợi ích pháp lý có liên quan hay không, có là công dân hay cư trú tại quốc gia đó hay không[27]. Một số quốc gia như Phần Lan còn cho phép việc đưa ra các yêu cầu vô danh nhằm đảm bảo  rằng người yêu cầu cung cấp thông tin không bị phân biệt đối xử. Theo David Banisar việc đặt ra các hạn chế  nghiêm ngặt hơn có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến  quyền tiếp cận thông tin ví dụ như trên thực tiễn một số quan chức Ấn Độ  yêu cầu phải đưa ra các chứng cứ chứng minh mình là công dân Ấn Độ khi họ yêu cầu tiếp cận thông tin mặc dù biết rằng không nhiều người dân Ấn Độ có hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân.

2.3.3  Các thông tin được miễn trừ cung cấp

  Tuy không hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên hầu hết Luật tiếp cận thông tin/ tự do thông tin trên thế giới thường có những quy định về miễn trừ cung cấp các thông tin sau đây:

  • Tài liệu về vụ án hình sự đang trong quá trình điều tra;
  • Tài liệu nội bộ đang trong quá trình chuẩn bị chưa được chính thức phê chuẩn hoặc thông qua;
  •  Tài liệu thông tin về an ninh quốc phòng;
  •  Tài liệu liên quan đến bí mật thương mại;
  •  Tài liệu liên quan đến bí mật cá nhân;

2.3.4 Xử lý khiếu nại khiếu kiện về từ chối cung cấp và yêu cầu thông tin

  Luật tiếp cận thông tin của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định về việc xử lý khiếu nại, khiếu kiện về việc từ chối cung cấp thông tin, tuy nhiên cách thức xử lý có thể bằng các con đường khác nhau. Bất kỳ quốc gia nào muốn cho việc xử lý khiếu nại khiếu kiện có hiệu quả cao thì phải đảm bảo tính độc lập của hệ thống cơ quan cơ quan thực hiện quyền giám sát thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Hệ thống cơ quan giám sát độc lập có thẩm quyền tiếp nhận, điều tra và giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của các cá nhân, tổ chức.  Trên thế giới hiện nay, trừ con đường giải quyết

nội bộ hành chính có hai cách lực chọn khác nhau về việc tổ chức cơ quan giám sát độc lập này. Cách thứ nhất là thành lập Uỷ ban thông tin độc lập hay Thanh tra nhà nước/Thanh tra Quốc hội ( hoặc Cao uỷ viên về quyền tiếp cận thông tin). Ví dụ, các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch có Thanh tra Quốc hội (Ombudsman) đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân cùng với các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội khác của họ.  Luật tiếp cận thông tin của Slovenia 2003 quy định:  Cao uỷ viên về tiếp cận thông tin công là  cơ quan độc lập, có thẩm quyền xem xét  và ra quyết định giải quyết khiếu nại liên quan đến việc từ chối đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, hoặc không chấp nhận yêu cầu cung cấp thông tin. Cao uỷ viên do Quốc hội nước cộng hoà Slovenia bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Tổng thống nước cộng hoà. Nhiệm kỳ của Cao uỷ viên là 5 năm và không quá hai nhiệm kỳ. Ngân sách phục vụ cho hoạt động của Cao uỷ viên do Quốc hội quy định theo đề nghị của Cao uỷ viên. Cao uỷ viên có thể bị Quốc hội bãi nhiệm theo yêu cầu của ít nhất là 1/3 đại biểu Quốc hội và được đa số  đại biểu tán thành  (Điều 27, Điều 28, Điều 29). Cách thứ hai  mà một số quốc gia khác lựa chọn là hệ thống toà án tư pháp giải quyết khiếu kiện về tiếp cận thông tin. Theo

nhận  xét của chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc về quyền tiếp cận thông tin thì cách mà phần lớn các quốc gia đã ban hành Luật tiếp cận thông tin lựa chọn là thành lập cơ quan giám sát và giải quyết khiếu nại, khiếu kiện độc lập – Cao uỷ viên thông tin.

2.3.5 Các khoản lệ phí cung cấp thông tin

  Luật tiếp cận thông tin/tự do thông tin của đa số các nước trên thế giới cho phép Chính phủ được thu lệ phí đối với người yêu cầu cung cấp thông tin.Cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin sẽ phải chịu hoàn toàn phí tổn của việc sao chép thông tin được yêu cầu. Mức lệ phí sẽ được nêu ở quy định về thủ tục hành chính của mỗi một cơ quan công cộng. Theo David Banisar, các khoản lệ phí thường được quy định trong việc cung cấp thông tin là lệ phí nộp đơn, tìm kiếm, sao chép và lệ phí khiếu nại. Các khoản lệ phí không nên đặt ra quá cao vì nó sẽ làm giảm các yêu cầu cung cấp thông tin. Ở Ireland, sau khi các khoản lệ phí mới ban hành đối với việc yêu cầu cung cấp thông tin và khiếu nại, số yêu cầu đã giảm hơn 50%[28]. Ở Nhật Bản, các cơ quan chính phủ chia các yêu cầu thành nhiều yêu cầu khác nhau do đó thu lệ phí cao hơn và vượt qua khả năng chi trả của một người dân bình thường. Theo Báo cáo tự do thông tin toàn cầu năm 2006 các khoản lệ phí có thể tạo ra các rào cản hành chính không cần thiết và làm giảm số các yêu cầu hơn là một cơ chế để bồi hoàn các chi phí đã bỏ ra.  Ở Ấn Độ, nhiều cơ quan đã yêu cầu phải nộp các hối phiếu ngân hàng có giá trị gấp đôi khoản tiền lệ phí nộp đơn hoặc từ chối việc tiếp cận thông tin bằng việc đặt ra các thủ tục hành chính rườm rà trong việc thu lệ phí[29]. Các quốc gia khi xây dựng  Luật tiếp cận thông tin cần phải lưu ý rằng các khoản lệ phí cũng có thể bị lạm dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.  Kinh nghiệm thực tiễn ở Canada cho thấy các cơ quan trung ương và tỉnh thường yêu cầu các khoản lệ phí khá lớn khi tiếp nhận yêu cầu và tạo ra một thách thức đối với người yêu cầu cung cấp thông tin. Việc đưa ra những mức lệ phí quá cao đã làm giảm khả năng tiếp cận thông tin của người có thu nhập thấp. Theo David Banisar , Uỷ viên thông tin của Canada đã chỉ trích Chính phủ một cách mạnh mẽ khi Chính phủ yêu cầu phải nộp 1,6 triệu đô la cho một yêu cầu mà Uỷ viên thấy rằng có thể thực hiện một cách nhanh chóng thông qua việc sử dụng phầm mềm hiện có. Ở Australia, các chi phí pháp lý để thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện ra toà quá cao dẫn đến hậu quả tất yếu là chỉ có một số ít người có khả năng chi trả để thực hiện quyền của mình[30].

2.3.6 Văn hoá giữ bí mật – sự khó khăn  và cản trở việc đưa pháp luật vào cuộc sống ở một số quốc gia

   Theo Báo cáo tự do thông tin thế giới năm 2006, do các yêu cầu về minh bạch và cởi mở  trên toàn cầu nên nhiều quốc gia đã ban hành Luật tiếp cân/tự do thông tin, tuy nhiên chỉ trên danh nghĩa mà không phải là thực chất. Về vấn đề này David Banisar đã đưa ra ví dụ ở Zimbabwe: “ Tình huống đáng xấu hổ và dễ gây nhầm lẫn nhất là Luật tiếp cận thông tin và Bảo vệ quyền riêng tư ở Zambabwe. Luật này trên thực tế lại được sử dụng để  đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với các nhà báo cũng như để đóng cửa  gần như tất cả các tờ báo đã không ủng hộ Chính  phủ một cách vô điều kiện và bỏ tù hoặc trục xuất  tất cả các nhà báo không hợp tác. Các quy định về tiếp cận thông tin của luật này gần như không được sử dụng đến, có lẽ do mọi người đã quá sợ hãi và không có đủ can đảm đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin mà biết rằng sẽ bị trừng phạt bởi những người ủng hộ Chính phủ.[31] Các đạo luật cũng được ban hành ở Uzbekistan với rất nhiều khó khăn có thể dự đoán trước và không dể gì có được tự do thông tin với các quốc gia có vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền và tự do ngôn luận”.  David Banisar cũng đã đưa ra một ví dụ khác minh chứng về ảnh hưởng tiêu cực của các văn bản pháp quy dưới luật đã không tuân thủ nguyên tắc cơ bản của luật và làm vô hiệu hoá luật. Đó là trường hợp ở Panama Luật tiếp cận thông tin đã được ban hành vào năm 2002 và sau đó Chính phủ ngay lập tức đã đưa ra một quy định yêu cầu các cá nhân khi đưa ra một yêu cầu cung cấp thông tin phải chứng minh mình có lợi ích pháp

lý liên quan, một sự trái ngược với luật. Nghị định này chỉ được bãi bỏ sau khi Chính phủ mới được thành lập.

  Trong thực tiễn ở nhiều Quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á và châu Phi  văn hoá bí mật vẫn còn ngự trị. Việc  xây dựng  và phát triển một nền văn hoá minh bạch và cởi mở chắc chắn sẽ gặp nhiều lực cản. Các quan chức Chính phủ  phải có thời gian  học hỏi để thay đổi tư duy chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ, coi thông tin mình nắm giữ không phải là tài sản của riêng mình mà là tài sản của công chúng. Cung cấp thông tin cho công chúng là nghĩa vụ của công chức, nghĩa vụ của Chính phủ.

2.4. Những kinh nghiệm có thể áp dụng v ào Việt Nam:

    Nhìn chung, luật tiếp cận hay tự do thông tin các quốc gia đặc biệt là các luật ban hành hay sửa đổi trong những năm gần đây đều có quy định cụ thể và cởi mở về quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận với các thông tin của các cơ quan nhà nước và các cơ quan thực hiện chức năng công khác. Luật phần lớn các nước đều quy định mục đích của luật nhằm hướng đến xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ, minh bạch và cởi mở với người dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các quyết định của nhà nước, giám sát cơ quan công quyền, phòng và chống tham nhũng, đồng thời cũng tạo điều kiện mọi người được công bằng trong tiếp cận với thông tin được xem như là một nguồn lực để phát triển kinh tế, bảo đảm lợi ích cá nhân, tổ chức.

 Luật của phần lớn các quốc gia quy định rất rộng các cơ quan phải cung cấp thông tin, thường không chỉ bao gồm cơ quan hành chính mà cả các cơ quan khác trong bộ máy chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước hay thực hiện chức năng công, được cơ quan nhà nước uỷ quyền hay hỗ trợ, các quỹ công…Một số luật chỉ điều chỉnh phạm vi cung

cấp thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước, còn các cơ quan, tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước việc cung cấp thông tin thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác. Luật đa số các nước cho phép yêu cầu tiếp cận bằng cả các hình thức gửi email hay điện thoại. Luật đa số các nước quy định cụ thể phạm vi ngoại trừ không cung cấp thông tin, và dựa trên đánh giá nguy cơ gây hại của việc cung cấp thông tin với lợi ích công cộng được bảo vệ. Một số nước mở rộng phạm vi thông tin bao gồm cả tài sản công các cơ quan chi dùng, lương cán bộ, nhân viên…Đa phần luật các nước cũng quy định việc công bố thông tin một phần, những thông tin không thuộc phạm vi ngoại lệ có thể tách khỏi các thông tin ngoại lệ thì phải cung cấp cho người dân.

  Thủ tục cung cấp thông tin được nhiều luật quy định chi tiết, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, nhanh chóng, thuận tiện, rẻ, chất lượng và cập nhật, coi cung cấp thông tin là một nghĩa vụ của cơ quan nhà nước với người dân. Luật nhiều nước quy định chặt chẽ thời hạn phải trả lời, thời hạn phải cung cấp đầy đủ thông tin, và quy định về việc thông tin có liên quan đến người thứ ba. Các quy định cụ thể, chặt chẽ giúp cho người dân dể dàng tiếp cận thông tin, tránh việc các cán bộ nhà nước phiền nhiễu, hạch sách, đùn đẩy trách nhiệm hay vi phạm quyền và lợi ích của người dân. Luật nhiều nước quy định miễn phí hay mức phí phù hợp, cán bộ nhà nước không thể thu thêm ngoài quy định.

   Luật  tiếp cận thông tin ở phần lớn các nước cũng quy định cụ thể cơ chế giải quyết khiếu nại, cơ chế khiếu kiện ra Toà án. Nhiều nước thiết lập một cơ quan hay hệ thống cơ quan giám sát và giải quyết khiếu nại về quyền tiếp cận thông tin hoạt động độc lập. Luật pháp một số nước có quy định cụ thể về các chế tài xử lý người vi phạm, bao gồm xử phạt bằng tiền, các quy định bảo vệ người tố cáo vi phạm, và các quy định thúc đẩy thực thi Luật.

   Tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách hay thực hiện chức năng công quyền rất rộng và yêu cầu minh bạch hoá hoạt động của hệ thống cơ quan công quyền, chống tham nhũng  là đòi hỏi bức xúc hiện nay, vì thế quá trình xây dựng dự thảo Luật tiếp cận thông tin cần tham khảo luật các nước khác, cả quá trình thực hiện, để có thể ban hành một đạo luật có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Luật cần chi tiết về các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, quy định cụ thể các thông tin cần công khai, các thông tin ngoại lệ, đặc biệt là thủ tục cung cấp thông tin, cũng như chế tài xử phạt người vi phạm luật, bảo vệ người tố cáo, cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, và có cơ chế thúc đẩy luật có hiệu lực trên thực tế. Từ kinh nghiệm của các nước đã ban hành và thực hiện Luật tiếp cận/tự do thông tin , chúng tôi thấy rằng Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam phải thể hiện  được các nội dung cơ bản sau đây:

 

  • Xác định thông tin do Chính phủ nắm giữ là một trong những tài sản quốc gia, thuộc quyền sở hữu của nhân dân, quyền tiếp cận thông tin do Chính phủ nắm giữ là một trong những quyền quan trọng của con người và công dân, cung cấp thông tin công cho cá nhân là nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước.
  • Phạm vi cung cấp thông tin là tất cả các thông tin chính thức ngoại trừ  các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật thương mại, bí mật cá nhân, và các thông tin liên quan đến hoạt động  điều tra, truy tố tội phạm. Danh sách các thông tin miễn trừ cung cấp phải công khai cho dân chúng được biết.
  • Khi xẩy ra tranh chấp giữa việc xác định một thông tin cần được công khai hay không công khai thì nguyên tắc xác định dựa trên lợi ích cho xã hội từ việc công bố hay không công bố mang lại. Khi lợi ích của việc công bố lớn hơn lợi ích không công bố thì thông tin cần được công bố cho dân chúng biết. Quyền quyết định công bố thông tin thuộc Cao uỷ viên thông tin,một chức vụ hiến định do Quốc hội thành lập và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
  • Chủ thể của quyền tiếp cận thông tin là tất cả cá nhân gồm công dân Việt Nam, công dân nước ngoài và người không có quốc tịch;
  • Cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp có trên 50% vốn của nhà nước;
  • Thủ tục tiếp cận thông tin do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định bằng một Pháp lệnh về thủ tục tiếp cận thông tin;
  • Các khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin được giải quyết bởi Uỷ ban thông tin độc lập là cơ quan hiến định do Quốc hội thành lập;
  •  Lệ phí cung cấp thông tin do Pháp lệnh về thủ tục cung cấp thông tin quy định;
  • Các biện pháp đảm bảo thực hiện Luật tíêp cận thông tin bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự.

                                           

  

                                              

 

                                                   Chương 3

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬTVỀ TIẾP CẬN THÔNG TIN Ở VIỆT NAM  HIỆN NAY

3.1. Sự hình thành và phát triển của pháp luật về  tiếp cận thông tin ở Việt Nam

    Ở nước ta quyền được thông tin tuy chưa được quy định trực tiếp trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, tuy nhiên trong mấy chục năm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước vẫn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin phù hợp hoàn cảnh của đất nước. Đến Đại hội VII của Đảng năm 1991, quyền được thông tin đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng, là cơ sở để năm 1992, Hiến pháp mới được thông qua bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật”. Sự bổ sung này là kết quả của quá trình đổi mới, thể hiện tầm quan trọng của quyền được thông tin và thông tin là quyền cơ bản của công dân, do đó đặt trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân và phải có biện pháp cụ thể để công dân thực hiện quyền này một cách có hiệu quả trên thực tế. Nhiều đạo luật và văn bản pháp quy được ban hành cụ thể hoá quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, việc thể chế và chi tiết hoá quyền được thông tin còn chậm, và chưa có tính hệ thống, đồng bộ, chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm thực hiện quyền này một cách có hiệu quả, nên quyền được thông tin của Việt Nam còn bị vi phạm nghiêm trọng.

   Sau khi Hiến pháp 1992 được ban hành, đã có nhiều văn bản quy định quyền được thông tin trong một số phạm vi cụ thể.

   Nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền được thông tin, phát huy dân chủ và năng lực sáng tạo của nhân dân ở cấp cơ sở, năm 1998 Chính phủ đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ban hành kèm theo Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, được sửa đổi năm 2003 trong đó quy định những việc chính quyền địa phương phải có trách nhiệm thông tin và công khai để dân được biết những công việc ở địa phương. Gần đây, Quốc hội cũng ban hành nhiều luật, trong đó có quy định về công khai thông tin như thông tin về ngân sách, tài chính công (Luật Ngân sách nhà nước), thông tin về tài chính kế toán doanh nghiệp (Luật Kế toán), thông tin về kiểm toán và kết quả kiểm toán (Luật Kiểm toán nhà nước), công khai về nhà ở, quỹ nhà, nhà ở thương mại (Luật nhà ở) và công khai minh bạch trong hoạt động của nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định trong Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cung cấp thông tin trong lĩnh vực môi trường (Luật bảo vệ môi trường năm 2005); thông tin, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007). Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, là diễn đàn, tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội. Xét về mặt lịch sử, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản được pháp luật quy định từ khá sớm, có thể thấy trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam.

   Luật Báo chí năm 1989 sửa đổi năm 1999 đã quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Điều 2). Luật cũng quy định trách nhiệm của báo chí là đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân. Điều 7 Luật báo chí quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền, vừa được coi là nghĩa vụ của các cơ quan và công chức nhà nước. Điều 8 quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Cụ thể hoá Luật Báo chí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết việc thi hành Luật Báo chí. Theo Nghị định này, nhà báo có quyền đến cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí; được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước, được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên toà xét xử công khai… Ngoài các hình thức yêu cầu cung cấp thông tin một cách trực tiếp và thông qua báo chí, công chúng còn có thể đưa ra yêu cầu tiếp cận với thông tin của các cơ quan nhà nước qua một số kênh khác như thông qua các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, hoặc qua các cuộc họp dân, hay thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

 Luật xuất bản năm 2004 quy định cho phép các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản và cho phép các nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.

 Các đạo luật tổ chức các cơ quan nhà nước cũng quy định về công khai hoạt động, cung cấp tin tức để người dân được tiếp cận thông tin. Các đạo luật về tố tụng cũng quy định công khai trong hoạt động xét xử.

  Tuy nhiên chưa có một văn bản nào giải thích khái niệm quyền được thông tin của công dân là gì, mà mới chỉ dừng lại ở việc quy định trách nhiệm của cơ quan công quyền, công khai minh bạch trong một số lĩnh vực và quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân, công dân, cơ quan báo chí được yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, có trách nhiệm cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức.

3.2. Những nội dung cơ bản của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay

3.2.1. Quyền tìm kiếm, trao đổi thông tin

Quyền tiếp cận thông tin trước hết thể hiện ở quyền tự do tìm kiếm, trao đổi thông tin. Ngoài việc tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện nghe, nhìn, và thông tin trong sách, báo truyền thống, việc tìm kiếm thông tin có thể thực hiện thông qua mạng internet. Theo quy định của Luật công nghệ thông tin năm 2006, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có quyền tìm kiếm trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, có quyền yêu cầu khôi phục thông tin của mình hoặc khôi phục  khả năng truy cập  đến nguồn thông tin của mình, từ chối cung cấp  hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó (Điều 8).

3.2.2 Quyền yêu cầu cung cấp thông tin

Các cá nhân và tổ chức có quyền yêu cầu cung cấp thông tin mà các cơ quan công quyền đang nắm giữ loại trừ các thông tin mật. Luật phòng chống tham nhũng ghi nhận quyền yêu cầu cung cấp thông thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức ( trong đó có cơ quan báo chí, các phóng viên). Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật, trường hợp không cung cấp thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 86). Luật phòng, chống tham nhũng còn quy định nghĩa vụ của cơ quan thanh tra cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho bộ, ngành, địa phương. Theo quy định tại Điều 18 trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị về cung cấp thông tin Thanh tra chính phủ có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu. Theo quy định tại Điều 6  Nghị định số 47- 2007/ NĐ- CP  cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác phòng chống tham nhũng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

3.2.3 Quyền phổ biến thông tin

 Quyền phổ biến thông tin là một  yếu tố quan trọng của quyền tiếp cận thông tin. Phổ biến thông tin là quyền được truyền đạt thông tin của mình có cho người khác, nhờ sự truyền đạt này mà thông tin của một cá nhân, tổ chức tạo ra đến được với nhiều cá nhân , tổ chức khác. Thông qua sự phổ biến này mà thông tin thể hiện được  giá trị của mình. Ngày nay với công nghệ tin học, khi một thông tin được đưa lên mạng trong giây lát nó có thể đến với hàng triệu người, nhờ vậy những thông tin có giá trị khoa học và thực tiễn cao có  thể dể dàng thể hiện được giá trị của mình nếu nó được phổ biến. Luật xuất bản năm 2004 đã quy định  nguyên tắc đảm bảo quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả. Tại Điều 5 Luật này đã quy định: “ Nhà nước đảm bảo quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả”. Dưới hình thức xuất bản phẩm và bảo hộ quyền tác giả các thông tin chứa đựng các ý tưởng sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ sẽ được phổ biến và lưu truyền, quyền của người sáng tạo ra tác phẩm sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, quyền phổ biến thông tin ở Việt Nam hiện nay bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực trên thực tiễn  vẫn đang tồn tại những biểu hiện lệch lạc. Một mặt, một số nhà xuất bản thiếu mạnh dạn, thiếu can đảm công bố các công trình nghiên cứu nói về mặt trái trong cấu trúc các thiết chế chính trị, chính tri-xã hội, chế độ bầu cử, các biểu  hiện của dân chủ hình thức bằng cách không xuất bản hoặc cắt xén  các phần gai góc trong các công trình nghiên cứu. Nhiều người chỉ muốn cho võ quả trứng luôn tròn trịa, không bị sứt vỡ mà không biết rằng gà con chỉ có thể ra đời khi võ quả trứng bị vỡ. Mặt khác, chúng ta chưa xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm bí mật đời tư, vi phạm các quy tắc bảo vệ thuần phong, mỹ tục khi thỉnh thoảng chúng ta lại phải chứng kiến  những hình ảnh tục tĩu , hoặc những thông tin thuộc bí mật cá nhân lại được phát tán trên mạng.

3.2.4 Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân thông qua các quy định về trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan, tổ chức.

  Ở Việt Nam mặc dù, chưa có đạo luật riêng  về quyền tiếp cận thông tin, nhưng nghĩa vụ của các cơ quan công quyền trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho công dân đã được thể hiện trong  nhiều văn bản  luật khác nhau. Khoản 3 Điều 3  Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “ Bảo đảm tính công khai trong  quá trình xây dựng, ban  hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; đảm bảo tính minh bạch trong các quy định của pháp luật”. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 78  Luật ban hành văn bản quy phạm  pháp luật 2008 Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng công báo, văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành ( trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước). Trong thời gian chậm nhất là 2 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng công báo. Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo trong 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 của Luật nói trên thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản  nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

 Theo Điều 3 Luật ngân sách nhà nước năm 2002, ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch;  Khoản 1 Điều 13  của luật này quy định  dự toán, kiểm toán, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước, ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hổ trợ phải công bố công khai. Theo Luật kế toán 2003 đơn vị kế toán  là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước phải công khai quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm và các khoản thu, chi tài chính khác (Điều 32).  Điều 58,  59 Luật kiểm toán năm 2005 quy định báo cáo kiểm toán năm và báo cáo thực hiện kết luận , kiến nghị  kiểm toán của Kiểm toán nhà nước  sau khi trình Quốc hội sẽ được công bố công khai theo các hình thức họp báo, công bố trên công báo và phương tiện thông tin đại chúng…

 Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc công khai thông tin tuy nhiên rất it văn bản quy  định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu.  Do không có một đạo luật riêng quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của tất cả các cơ quan công quyền nên, như kết quả khảo sát đã trình bày ở phần “Tình hình nghiên cứu”hầu hết các cơ quan, cán bộ, công chức chưa nhận thức được một cách sâu sắc rằng họ có nghĩa vụ cung cấp thông tin công do họ đang nắm giữ ( trừ các thông tin mật) cho các cá nhân và tổ chức khi họ yêu cầu.

  3.2.5. Nội dung, phạm vi các vấn đề, lĩnh vực cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai trong hoạt động, bảo đảm quyền được biết của công dân trong một số văn bản pháp luật.

  Các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan công quyền phải công khai được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

 Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 tại Điều 5 liệt kê 11 lĩnh vực chính quyền địa phương phải công khai cho dân biết, bao gồm liên quan: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự án, công trình đầu tư, nhiệm vụ, quyền hạn cán bộ công chức của cấp xã; việc quản lý vả sử dụng các loại quỹ, chủ trương kế hoạch cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất,…

    Luật kế toán năm 2003 quy định nội dung công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

 Luật Kiểm toán năm 2005 quy định: công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Điều 58). Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật. Điều 59 của Luật quy định: công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật kế toán.

 Trên lĩnh vực nhà ở, Nghị định số 90/2006 ngày 13/9/2006 quy định chi tiết hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2005 có quy định UBND cấp tỉnh cso trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại.

 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nội dung nguyên tắc công khai, minh bạch tại Điều 11: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch bảo đảm công bằng, dân chủ. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ. Từ Điều 13 đến Điều 30 quy định 18 nội dung các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ công quyền phải công khai như: trong lĩnh vực mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; về tài chính và ngân sách nhà nước; trong việc huy động và quản lý sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; trong việc quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ; trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; trong kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước; trong quản lý sử dụng đất…v.v.   Điều 33 quy định công khai báo cáo hàng năm về kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng.

 Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005 tại Điều 6 quy định các lĩnh vực công khai bao gồm phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước; tài sản và kế hoạch mua sắm, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước;…v.v.

 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 tại Điều 104 quy định công khai thông tin, dữ liệu về môi trường bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường đã đăng ký;…v.v.

 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 tại Điều 8 có quy định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 Khoản 1 Điều này.

 Trước đó, Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước CHXHCN Việt Nam cũng quy định các văn bản phải đăng trên công báo ở trung ương.

Quy định về công khai cũng được quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật đa dạng sinh học năm 2008, Luật cư trú năm 2006, Luật Điện lực năm 2004, Luật dược năm 2004, Luật đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Xây dựng năm 2003, Luật công nghệ thông tin, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

 Nhằm tiếp tục bảo đảm tính công khai minh bạch trên lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngày 13/9/2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 92/2006 yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm công khai quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cả nước, các vùng, các tỉnh, huyện, các ngành, lĩnh vực để mọi công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác…

 Trong các văn bản này và các văn bản hướng dẫn thi hành, có quy định về các hình thức công khai thông tin và cách thức cung cấp thông tin, quyền yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm, thời hạn cơ quan công quyền phải cung cấp trả lời, cũng như các hình thức xử lý vi phạm mặc dù có thể chưa cụ thể, rõ ràng.

 Nhìn chung, pháp luật nước ta đã từng bước hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đáng chú ý là các văn bản pháp luật được ban hành sau việc quy định trách nhiệm công khai minh bạch và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có phần rõ hơn so với các văn bản ban hành trước. Tuy nhiên nếu nhìn vào hiện trạng pháp luật và quá trình thực thi pháp luật trong thời gian vừa qua cho thấy quyền được tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam vẫn còn hạn hẹp, nhiều bất cập khó thực hiện trên thực tế và có lúc có nơi vẫn còn bị vi phạm nghiêm trọng.

 Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền còn rất khó khăn, vì thế tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan này chưa được thực hiện, cụ thể như trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai,…Vì thế hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong các cơ quan công quyền còn phổ biến, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện đông người, kéo dài hay vượt cấp…

 Việc thiếu các quy định cụ thể về thủ tục, trình tự yêu cầu, biện pháp xử lý vi phạm dẫn tới việc khai thác, tìm kiếm thông tin từ cơ quan công quyền vẫn thường hay bị gây phiền hà. Quyền được phổ biến thông tin, bày tỏ quan điểm, tiếp nhận thông tin một cách tự do gắn với quyền được thông tin còn thiếu cơ chế để thực hiện, các quy định hiện hành rất mờ nhạt. Hiện tượng bưng bít thông tin của các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất làm thiệt hại đến lợi ích của người dân khá phổ biến . Các phương tiện truyền thông còn bị hạn chế trong tiếp cận các thông tin từ phía các cơ quan công quyền, tổ chức và doanh nghiệp. Công tác phổ biến pháp luật còn yếu kém. Trình độ dân trí còn thấp, các hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình , xuất bản còn nhiều hạn chế, vì thế người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền của mình, thậm chí có khi thờ ơ với thông tin từ phía nhà nước. Ngoài ra hiện cũng chưa có quy định người phát ngôn của cơ quan công quyền phải tiếp nhân, trả lời các yêu cầu trực tiếp của công chúng.  

 Các văn bản về thông tin miễn trừ tiếp cận (quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Bảo vệ môi trường, Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ v.v. ) quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ…cản trở cho việc tiếp cận thông tin của người dân hay gây khó khăn cho cơ quan, cán bộ cung cấp thông tin cho người dân cũng như làm công tác bảo mật.

 Xuất phát từ thực tiến tổ chức, lãnh đạo và quản lý nhà nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành TW Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra chủ trương nghiên cứu ban hành Luật Bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Đây là cơ sở để thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hủ hoá, quan liêu trong bộ máy nhà nước và các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước.

  1. Thực trạng thực hiện pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay

3.3.1 Thực hiện quyền được thông tin thông qua quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản

Trước hết nói đến quyền được thông tin thì không thể không nói đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản vì theo quy định tại Điều 19 Khoản 2 của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966, quyền được thông tin nằm trong khái niệm quyền tự do ngôn luận[32]; tiếp đó, bảo đảm quyền được thông tin, cần làm rõ nội dung các lĩnh vực/vấn đề mà Nhà nước/cơ quan công quyền nắm giữ thông tin cần phải công khai, minh bạch để người dân biết; và yếu tố đặc biệt quan trọng là các quy định về quy trình, thủ tục, cách thức công khai, và các hình thức xử lý vi phạm.

          Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, là diễn đàn, tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội. Thông qua báo chí, người dân được bày tỏ quan điểm, nguyện vọng với Đảng, Nhà nước; và đồng thời cũng qua báo chí, Nhà nước cung cấp quan điểm đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của mình đến các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, các cơ quan truyền thông đại chúng, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin về các hoạt động của Nhà nước tới quần chúng nhân dân.

     Cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, Điều 2 Luật Báo chí năm 1989 quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí...Theo Luật này, công dân có quyền: Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.

          Bên cạnh việc quy định các quyền trên, Luật cũng quy định trách nhiệm của báo chí là: Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nói rõ lý do; Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Điều 7 quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền, vừa được coi nghĩa vụ của các cơ quan và công chức nhà nước.

Cụ thể hoá Luật Báo chí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết việc thi hành Luật báo chí, theo Điều 8 của Nghị định, nhà báo có quyền: (a) Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước; (b) Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó; (c) Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

          - Bảo đảm quyền được thông tin qua hoạt động xuất bản, Luật xuất bản năm 2004 quy định cho phép các cơ quan nhà nước, tổ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản (Điều 11) và cho phép các nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm (Điều 20). Đặc biệt, Luật này quy định rõ: (1) Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả; (2) Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. (3) Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

3.3.2  Thực hiện pháp luật bảo đảm quyền được thông tin trong hoạt động của cơ quan dân cử và cơ quan tư pháp

a) Hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Quy chế Hoạt động của Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đều quy định nguyên tắc chung về tính công khai trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Điều 67 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín”.

Điều 31, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quy định: Hội đồng nhân dân họp công khai. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định họp kín theo đề nghị của chủ toạ kỳ họp hoặc của Chủ tịch uỷ ban nhân dân cùng cấp. Ngày họp, nơi họp và chương trình kỳ họp HĐND phải được thông báo cho nhân dân biết, chậm nhất là 5 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đều phải công khai và đăng trên công báo.

b) Tiếp cận thông tin trong hoạt động của cơ quan tư pháp (hoạt động điều tra, truy tố, xét xử)

Điều 29 Luật phòng chống tham nhũng quy định nguyên tắc chung rằng: “Việc thụ lý, điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án phải được công khai theo quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

- Công khai trong hoạt động điều tra: Về nguyên tắc, thông tin trong hoạt động thụ lý vụ án, về điều tra, về truy tố phải được công bố. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hoạt động điều tra vụ án là một lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ đặc thù; hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, đây là lĩnh vực bí mật công tác. Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: cán bộ điều tra không được tiết lộ bí mật điều tra. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng, người chứng kiến không được tiết lộ bí mật điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản. Và nếu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng, người chứng kiến tiết lộ bí mật điều tra thì tùy trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều 263, 264, 286, 287, 327 và 328 của Bộ luật hình sự[33].

- Trong hoạt động xét xử, nếu như thông tin trong quá trình điều tra vụ án là vấn đề thuộc bí mật nghề nghiệp, cán bộ điều tra không được tiết lộ, thì hoạt động xét xử tất cả các vụ án nói chung đều phải tuân theo nguyên tắc: Toà án xét xử công khai. Trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai (Điều 15 BLTTDS và Điều 18 BLTTHS).

- Về bản án: Nguyên tắc chung bản án được giao cho các bên có liên quan.

          3.3.3 Thực hiện pháp luật về tiếp cận thông tin trong hoạt động hành chính nhà nước

Bảo đảm quyền được thông tin/quyền được biết về các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Nhà nước. Vì cơ quan hành chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi mọi mặt của nhân dân. Chính vì vậy, một trong các nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là phải tuân theo nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm tính trách nhiệm giải trình. Bởi lẽ, chỉ có công khai, minh bạch, tính trách nhiệm giải trình thì người dân mới có thể dễ dàng tiếp cận hồ sơ, tài liệu, văn bản, chính sách, pháp luật của nhà nước, mới biết được cơ quan công quyền đang làm gì và hoạt động như thế nào.

          3.3.3.1 Quy định của pháp luật về chế độ cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Chính phủ

Điều 20 khoản 9, Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định: Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ: “Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thông qua những báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trả lời của Chính phủ đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội và ý kiến phát biểu với cơ quan thông tin đại chúng”.

Điều 37 quy định: “Thủ tướng ủy nhiệm cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thường xuyên thông báo cho các cơ quan thông tin đại chúng về nội dung phiên họp của Chính phủ và các quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng”.

Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, quy định cụ thể về thông tin và hoạt động của Chính phủ cho nhân dân.

Điều 40 Quy chế quy định:

(1) Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thông qua các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trả lời của thành viên Chính phủ đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội, họp báo và ý kiến phát biểu với cơ quan thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 9 Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ;

2) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để thông tin cho các cơ quan báo chí và nhân dân về các chính sách và quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi được yêu cầu, các Bộ, cơ quan liên quan tham dự họp báo, trực tiếp phát biểu và chịu trách nhiệm về các nội dung thuộc phạm vi chuyên ngành của mình;

3) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời về các sự kiện xảy ra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

b) Tổ chức họp báo theo định kỳ, họp báo khi ban hành các văn bản quan trọng, khi triển khai các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, khi có các sự kiện đáng chú ý khác;

(c) Thường xuyên điểm báo và thực hiện việc trả lời báo chí theo quy định của pháp luật…

3.3.3.2 Nội dung, phạm vi những vấn đề, lĩnh vực cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai trong hoạt động, bảo đảm quyền được biết của công dân trong một số văn bản pháp luật

     Các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan công quyền, phải công khai, được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

- Phạm vi, nội dung công khai theo quy định của Pháp lệnh dân chủ cơ sở năm 2007. Điều 5 Pháp lệnh liệt kê 11 lĩnh vực chính quyền địa phương phải công khai để dân biết, bao gồm:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ph­ương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã.

2. Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân.

4. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.

5. Chủ trư­ơng, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo đư­ợc vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế.

6. Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã.

7. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

8. Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh này.

9. Đối tư­ợng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu.

10. Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện.

11. Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.

          - Phạm vi, nội dung công khai theo Luật Kiểm toán năm 2005

Luật Kiểm toán năm 2005 quy định: Công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Điều 58). Theo quy định của Luật, Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật. Tổng Kiểm toán Nhà nước phải tổ chức công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. 

          Điều 59, Luật Kiểm toán cũng quy định: Công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật kế toán.

  - Phạm vi, nội dung công khai theo Luật Nhà ở năm 2005

          - Trên lĩnh vực nhà ở, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2006 ngày 13 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Theo Nghị định này, UNND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại trong từng thời kỳ trên phạm vi địa bàn...để người dân có điều kiện được tiếp cận.

- Phạm vi, nội dung công khai theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005

          Nội dung nguyên tắc công khai, minh bạch được quy định tại Điều 11 là: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch bảo đảm công bằng, dân chủ. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ.

          Các điều từ 13 đến 30 quy định 18 nội dung các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ công quyền, phải công khai là:

- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm công và xây dựng cơ bản; 

- Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản;

- Công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách nhà nước;

- Công khai, minh bạch trong việc huy động và quản lý sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân;

- Công khai, minh bạch trong việc quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ;

- Công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước;

- Công khai, minh bạch trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước;

- Công khai, minh bạch trong kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước;

- Công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất;

- Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nhà ở;

- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục;

- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực y tế;

- Công khai, minh bạch trong khoa học công nghệ;

- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực thể dục, thể thao;

- Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán nhà nước;

- Công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân;

- Công khai, minh bạch trong lĩnh vực tư pháp;

- Công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ.

Và Điều 33 quy định về công khai báo cáo hàng năm về kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng. Ngoài các nội dung công khai như trên, phạm vi công khai còn được quy định trong các văn bản pháp luật khác như: Luật thực hành tiết kiệm năm 2005; Luật bảo vệ môi trường năm 2005; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đấu thầu năm 2005; Luật Công nghệ thông tin 2006; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 ; Luật Đa dạng sinh học năm 2008…

3.3.3.4 Các hình thức công khai thông tin trong hoạt động hành chính nhà nước

Nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta cho thấy, tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của vấn đề mà hình thức công khai có thể khác nhau. Tuy nhiên hình thức phổ biến được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, đó là: Đăng công báo (yêu cầu bắt buộc đối với các văn bản quy phạm pháp luật); qua các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước; công bố tại cuộc họp; phát hành ấn phẩm; đưa lêng mạng điện tử của cơ quan; thông báo bằng văn bản; hay thông qua người phát ngôn chính thức của cơ quan, đơn vị...

3.3.3.5 Quyền yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm, thời hạn cơ quan công quyền phải cung cấp, trả lời

- Luật phòng chống tham nhũng quy định chủ thể có quyền yêu cầu cung cấp thông tin bao gồm: (1) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật; (2) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; (3) Công dân có quyền yêu cầu chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của Uỷ ban nhân dân  xã, phường, thị trấn đó.

- Về thời hạn: trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đó được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu biết và nêu rõ lý do.

- Luật đa dạng sinh học năm 2008, Điều 11 quy định về việc công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. (1) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan có trách nhiệm công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.

Điều 15 quy định về việc công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. (1) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan; (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3.3.3.6 Các hình thức xử lý vi phạm liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan công quyền

Nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành, mặc dù đã có quy định về nội dung/phạm vi các vấn đề cơ quan công quyền phải công khai minh bạch; thời hạn công khai, trả lời, yêu cầu, nhưng về hình thức xử lý vi phạm, nhất là các chế tài đối với những người có hành vi vi phạm lại chưa có quy định cụ thể.

3.3.3.7 Giới hạn của việc công khai thông tin

Quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin là quyền có giới hạn. Điều này có nghĩa là tự do thông tin không phải tất cả các tin tức của nhà nước đang nắm giữ sẽ công khai hết, và tiếp cận thông tin không đồng nhất với việc cá nhân, công dân được tự do tìm kiếm, tiếp cận tất cả các loại hồ sơ, tài liệu lưu giữ thông tin. Điều 19 khoản 3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: Việc thực hiện quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, và do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định do pháp luật quy định. Những giới hạn đó là:

- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng[34].

So sánh với tiêu chuẩn quốc tế, các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam có liên quan đến nội dung, phạm vi công khai thông tin đều quy định nguyên tắc chung rằng, công khai thông tin trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Điều 11 Luật phòng chống tham nhũng; Luật Bảo vệ môi trường quy định công khai thông tin, dữ liệu về môi trường, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, phải được công khai

3.3.3.8 Một số nhận xét về thực trạng pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

          Ở nước ta chưa có Luật Bảo đảm quyền được thông tin của công dân, tuy vậy, so với các quy định quốc tế về bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, pháp luật nước ta đang từng bước hoàn thiện theo hướng bảo đảm tính công khai, minh bạch. Điều này có thể thấy rất rõ kể từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 1998, một số các luật được Quốc hội ban hành sau đó, đều ít nhiều đã có những quy định theo hướng bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phạm vi/lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước. Điểm đáng chú ý là các văn bản pháp luật được ban hành sau, thì quy định trách nhiệm công khai minh bạch và cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước có phần rõ hơn so với các văn bản ban hành trước. Tuy vậy, các văn bản pháp luật đều mới có hiệu lực, hoặc chỉ được thực hiện trong một vài năm trở lại đây, nên chưa thể đánh giá được tính hiệu quả trong việc thi hành luật bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Và nếu nhìn vào hiện trạng pháp luật và quá trình thực thi pháp luật trong thời gian vừa qua cho thấy quyền được tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và có lúc có nơi vẫn bị vi phạm nghiêm trọng.

1. Quyền thông tin là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định, nhưng thực tế trong những năm qua, do chưa được cụ thể hoá chi tiết, hướng dẫn thi hành nên tính hiệu qủa trong các quy định của pháp luật vẫn kém. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền chưa được thực hiện tốt, nên quyền tiếp cận thông tin của công dân chưa được bảo đảm thực hiện có hiệu quả trên thực tế.

- Trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, Luật phòng chống tham nhũng mới chỉ quy định nguyên tắc chung: “Việc thụ lý, điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án phải được công khai theo quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy vậy, trên thực tế, các quy định về tính công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án trong các văn bản pháp luật hiện hành về tố tụng lại chưa cụ thể, rõ ràng. Hạn chế lớn nhất về công khai, minh bạch hoạt động trong lĩnh vực tư pháp hiện nay là các cơ quan tư pháp chưa chủ động niêm yết, công bố công khai, rộng rãi thủ tục, trình tự trong hoạt động tư pháp nên người dân gặp khó khăn khi yêu cầu cơ quan tư pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì vậy, vấn đề là cần làm rõ như: về tính chất công khai, mức độ công khai, phạm vi công khai, cách thức công khai, cũng như những vùng cấm tiếp cận trong hoạt động tư pháp; hay về quy trình, thủ tục công khai và tiếp cận thông tin trong hoạt động tư pháp nên như thế nào?

- Trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước: Những vấn đề thể hiện rõ nét nhất của tình trạng thiếu công khai, minh bạch là trên lĩnh vực đất đai, đền bù, giải toả, các dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai, về quy hoạch, kế hoạch đô thị...Vì thế, hiện tượng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong cơ quan nhà nước vẫn phổ biến. Điều này dẫn tới hiện tượng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp đã xảy ra trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân này, chính là chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch, tôn trọng quyền được thông tin của công dân.

2. Các văn bản pháp luật hiện hành đều ít nhiều đã thể chế hoá quyền thông tin của công dân trong Hiến pháp năm 1992, tuy nhiên, các quy định trong luật chuyên ngành cũng mới chỉ dừng lại việc quy định trách nhiệm công khai, minh bạch và cung cấp thông tin về một lĩnh vực cụ thể. Luật phòng chống tham nhũng có liệt kê một loạt lĩnh vực phải công khai, minh bạch, nhưng rất tiếc, các quy định mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung về việc công khai, minh bạch, và cũng đã có quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin, nhưng chưa có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự yêu cầu, hay biện pháp xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước trong trường hợp không công khai thông tin và trách nhiệm cung cấp thông tin cho công chúng.

Những bất cập đó đang tồn tại, trong khi các biện pháp chế tài lại chưa có trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự. Điều này dẫn tới tình trạng các quy định pháp luật về quyền tiếp cận thông tin tuy có, nhưng không/hoặc ít đi vào cuộc sống, quy định vẫn chỉ dừng lại ở quy định khung, do đó cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức nhà nước vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm của họ và người dân vẫn khó tiếp cận thông tin công.

3. Quyền được thông tin của công dân, theo nghĩa người dân có quyền được biết, quyền tìm kiếm, quyền tiếp nhận, quyền phổ biến, bày tỏ và chia sẻ quan điểm một cách tự do về tất cả các vấn đề mà người dân quan tâm, nếu so với quy định quốc tế về quyền tiếp cận thông tin, pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực này vẫn mờ nhạt. Một số văn bản có quy định, nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong toàn bộ hệ thống pháp luật, nên cơ chế thực hiện quyền này trên thực tế vẫn còn rất yếu. Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện hành chưa làm rõ chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, là tất cả mọi cá nhân, công dân, chứ không chỉ là cung cấp thông tin cho báo chí…Việc liệt kê phạm vi, nội dung các vấn đề cơ quan, tổ chức của nhà nước phải công khai minh bạch trong các luật chuyên ngành là cần thiết, nhưng chắc không bao quát được hết các lĩnh vực/phạm vi hoạt động công quyền; do đó không tránh khỏi sẽ có những lĩnh vực hoạt động công lại chưa được luật quy định là phải công khai, và chế độ trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân. 

4. Một số văn bản pháp luật quy định cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động, nhưng lại chưa quy định cơ quan quản lý chuyên ngành nắm giữ thông tin đó có trách nhiệm phải công khai cho công chúng biết. Điều này rất dễ dẫn tới sự bưng bít thông tin, hay ém nhẹm thông tin của cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế này đã xảy ra nhiều ở nước ta trong thời gian qua, như vụ nước tương có chứa chất 3 – MCPD gây ung thư vượt mức cho phép. Hoặc chất thải nhà máy, gây ô nhiễm môi trường, tác động và ảnh hưởng tới sức khoẻ, đời sống của dân cư xung quanh…

5. Việc pháp luật quy định về chức danh người phát ngôn của các cơ quan nhà nước (theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ) là cần thiết, song nhiệm vụ của người phát ngôn chỉ mới là cung cấp thông tin cho báo chí chứ không bao gồm việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng nói chung. Thêm vào đó, về cơ bản, hoạt động của người phát ngôn là không thường xuyên, chỉ mang tính định kỳ và theo một số vụ việc nhất định. Chính vì thế cơ chế người phát ngôn chưa thực sự là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng ở nước ta hiện nay. 

                                        Chương 4  

XÂY DỰNG LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

4.1 Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam

4.1.1 Cơ sở lý luận xây dựng Luật tiếp cận thông tin

    Như trên đã trình bày, quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, gắn với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và là cơ sở để bảo đảm  mỗi cá nhân thực thi hay bảo vệ các quyền và lợi ích khác của bản thân. Quyền được thông tin hay tiếp cận thông tin là một nhu cầu chính đáng của nhân dân, góp phần để nhân dân nắm bắt được và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, chống lại tham nhũng, lãng phí, quan liêu từ phía các cơ quan nhà nước, là một nguồn lực mọi công dân được bình đẳng khai thác phục vụ cho mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân.

   Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Điều 19 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp, và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào và không có biên giới”[35].

    Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cũng quy định “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới , hình thức tuyên truyền miệng hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác, tuỳ theo sự lựa chọn của họ” [36].

    Nội dung của quyền tiếp cận thông tin đã được quy định trong Điều 19 của Tuyên ngôn của thế giới về nhân quyền có bốn thành tố là: quyền tự do giữ quan điểm không bị sự can thiệp; quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến. Trong xã hội hiện đại thông tin là  nhu cầu thiết yếu của con người, là nền tảng của tất cả tổ chức xã hội. Mọi người, ở bất kỳ đâu phải có cơ hội được tham gia và không ai bị loại ra khỏi lợi ích của Xã hội Thông tin[37].

    Quyền tiếp cận thông tin còn được ghi nhận  trong các văn kiện quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển năm 1992...

   Quyền tự do thông tin cũng được hầu hết các nhà nước trên thế giới nhận thức là một quyền cơ bản, và trên cơ sở sự thúc đẩy thực hiện quyền này của các tổ chức và công dân, Hiến pháp và pháp luật nhiều quốc gia cũng đã có những quy định rộng rãi về tự do thông tin. Gần 90 quốc gia đã ban hành đạo luật riêng về tiếp cận thông tin hay tự do thông tin.

Đứng trước yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, bảo đảm thiết thực quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra không chỉ trên lý thuyết suông mà phải đi vào cuộc sống, trước những đòi hỏi của yêu cầu chống tham nhũng và tạo điều kiện kinh tế dân doanh phát triển, việc xây dựng đạo luật tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đạo luật này cũng là đòi hỏi của xã hội trên cơ sở trình độ dân trí đã nâng cao, nhu cầu tìm kiếm thông tin từ phía người dân, sự phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện truyền tải thông tin, sự mở cửa của Việt Nam  hội nhập ngày càng nhiều hơn vào sân chơi quốc tế trên mọi mặt kinh tế, văn hoá- xã hội.

4.1. 2 Cơ sở thực tiễn xây dựng Luật tiếp cận thông tin

   Mặc dù Hiến pháp 1992 đã có quy định về quyền được thông tin của công dân, tuy nhiên hiện nay nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân cũng như của một số cán bộ nhà nước cũng chưa được đáp ứng một cách đầy đủ vì thông tin không được cung cấp thường xuyên và có hệ thống. Việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin còn gặp nhiều khó khăn và thiếu tính kịp thời vì việc người dân có được thông tin hay không còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước hoặc cán bộ công chức. Hơn thế nữa, mặc dù  một số thông tin có trong các  văn bản, tài liệu theo quy định pháp luật hiện hành là phải công khai, song Các quy định về công khai các văn kiện, tài liệu này nằm rãi rác ở trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn cho việc tìm kiếm của người dân, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước khi xác định trách nhiệm của mình trong việc xác định thông tin nào phải công khai, công khai dưới hình thức nào và khi nào.[38]

  Trong thực tiễn, liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin  cũng như  công tác phòng chống tham nhũng một vấn đề đang vướng mắc hiện nay là phạm vi thông tin được tiếp cận còn nhiều hạn chế. Các quy định về bí mật nhà nước nói chung và danh mục bí mật nhà nước nói riêng chưa thật cụ thể và có một số điểm chưa hợp lý. Do đó, tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không công khai những vấn đề thực sự không thuộc phạm vi bí mật nhà nước dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.[39]

 Theo chuyên gia pháp luật Phạm Anh Tuấn ngay cả đối với một số tài liệu không đóng dấu mật, không ghi rõ giới hạn về đối tượng được khai thác sử dụng, nhưng cũng không được công khai và người dân khó tiếp cận  những tài liệu đó khi có nhu cầu. Luật phòng chống tham nhũng có quy định 18 lĩnh vực phải công khai thông tin, tuy nhiên quy định này cũng chỉ mới giải quyết một phần vướng mắc vì rất nhiều thông tin nằm ngoài 18 lĩnh vực nói trên cũng phải công bố công khai. Mặc dù, pháp luật hiện hành có quy định về nghĩa vụ công khai thông tin, tuy nhiên lại chưa quy định rõ những thông tin nào cơ quan nhà nước chủ động công bố  để người dân tự tiếp cận, tìm hiểu,  thông tin nào chỉ được cung cấp theo yêu cầu của người dân. Luật

phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có các quy định đầy đủ để tạo ra một cơ chế thực thi quyền tiếp cận thông tin có hiệu quả. Ví dụ, Nghị định của Chính phủ cụ thể hoá Luật phòng chống tham nhũng quy định  các bộ công chức không cung cấp thông tin sẽ bị kỹ luật nhưng lại chưa quy định rõ chế tài  đối với từng hành vi vi phạm cụ thể là gì[40]vì vậy trên thực tế khó có thể áp dụng được. Do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập nên tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền chưa được đảm bảo thực hiện. Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của  các cơ quan công quyền trong việc công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng quyền lực tạo ra đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dể dàng tiếp cận thông tin để trục lợi cá nhân, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư. Việc thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước và thiếu cơ chế tiếp cận thông tin có hiệu quả đã làm hạn chế  sự tham gia của các cá nhân và tổ chức vào hoạt động giám sát, phản biện  nhằm hoàn thiện chính sách và các quy định của pháp luật nhà nước. Trong việc thực thi các dự án quy hoạch và  cải tạo thành phố  việc thiếu công khai minh bạch  sẽ dể dàng dẫn đến tình trạng tham nhũng. Đối với một số người dân, do không biết rõ những thông tin về quy hoạch, giải toả, đền bù…sẽ phải chịu những thiệt hại mà lẽ ra họ có thể tránh được. Nhận thức được thực trạng trên đây, Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X đã ra Nghị quyết trung ương 3  về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó yêu cầu “Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai”  “Nghiên cứu ban hành Luật đảm bảo quyền tiếp cận thông tin  của công dân”. Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 quy định: “ Tổng rà soát , sửa đổi pháp luật về về bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết”; “ Xây dựng và thực hiện cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”; “ Xây dựng và ban hành Luật về tiếp cận thông tin; có chế tài  đối với người vi phạm quyền được thông tin của công dân”.

 Để thực hiện chủ trương phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hình thành một cơ chế thống nhất trong việc tổ chức thực hiện quyền được thông tin của người dân, bảo đảm về mặt pháp lý cơ chế thực hiện quyền tiếp cận  thông tin, Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã đưa Luật tiếp cận thông tin vào danh mục các Dự án được chuẩn bị để trình cơ quan lập pháp xem xét năm 2009.

 Quy trình soạn thảo Luật tiếp cận thông tin đang được tiến hành theo quy định của Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo Dự thảo Luật tiếp cận thông tin đã được thành lập theo Quyết định ngày 22/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là cơ quan được phân công chủ trì chuẩn bị Luật. Tổ Biên tập đã được hình thành để giúp việc Ban Soạn thảo.

 Ban Soạn thảo đã triển khai các nhiệm vụ nhằm khẩn trương xây dựng dự thảo, trong đó có hoạt động tổng kết việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực tiếp cận thông tin và liên quan; nghiên cứu các Điều ước quốc tế, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về cung cấp thông tin và tiếp cận thông tin, đánh giá tác động những nội dung chính của Dự án Luật. Dự thảo Luật đã được tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức đa dạng và đã được chỉnh lý trên cơ sở thu thập và tiếp thu các ý kiến tham gia. Nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo với các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã được tổ chức. Nhiều cơ quan, tổ chức đã cho ý kiến góp ý vào Dự thảo luật.

 Dự thảo Luật, Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để các cơ quna, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

 Ngày 24/6/2009, Bộ Tư pháp đã gửi Dự án Luật đến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan để lấy ý kiến. Ngày 10/7/2009 Hội đồng thẩm định đã họp để thẩm định Dự án Luật. Ý kiến của Hội đồng thẩm định đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự án Luật.

 Việc xây dựng Dự thảo Luật được tiến hành dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Tiếp tục thể chế hoá các quan điểm, chủ trương trong các nghị quyết của Đảng về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin;

- Bảo đảm sự phù hợp của Dự thảo Luật với Hiến pháp và tính thống nhất của Dự thảo Luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật;

- Bảo đảm tính kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến minh bạch, công khai thông tin trong các lĩnh vực;

- Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước;

- Bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; phù hợp với điều kiện về cơ sở hạ tầng của Việt Nam, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy và các nguồn lực khác; bảo đảm tính khả thi của Luật;

- Bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tính tương thích và phù hợp với thông lệ, pháp luật quốc tế; phù hợp với các nguyên tắc về quyền tự do thông tin của Liên Hợp Quốc.

4.2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam

  Dự thảo Luật tiếp cận thông tin sau nhiều lần chỉnh lý, đặc biệt là sau khi

có ý kiến của các thành viên của Chính phủ, góp ý của các bộ, ngành và báo cáo về tình hình tiếp cận thông tin của các cơ quan trung ương và địa phương, dự thảo cuối cùng  đã được rút gọn gồm 4 chương 29 điều.

Chương I – Những quy định chung ( từ Điều 1 đến Điều 7)

Chương này quy định về mục đích ban hành luật (Điều 1), phạm vi điều chỉnh của luật (Điều 2), giải thích từ ngữ (Điều 3), cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 4),  các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (Điều 5), các hành  vi bị  nghiêm cấm (Điều 6),  mối quan hệ giữa Luật tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan (Điều 7).

Chương II – Công bố thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu ( Từ Điều 8 đến Điều  20). Chương này bao gồm 3 mục:  Phương thức, trách nhiệm cung cấp thông tin ( Mục 1); Chủ động công bố thông tin ( Mục 2); Cung cấp thông tin theo yêu cầu ( Mục 3);

Chương III -  Các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin ( Từ Điều 21 đến Điều 25);

Chương IV - Điều khoản thi hành ( từ Điều 26 đến Điều 29).

 Dự thảo Luật tiếp cận thông tin  xác định nội hàm của tiếp cận thông tin là đọc, xem, nghe, ghi chép, chụp, trích dẫn nội dung của hồ sơ tài liệu (Khoản 3 Điều 3). Để thực hiện quyền này, Điều 8 Dự thảo Luật quy định hai phương thức cung cấp thông tin, đó là: chủ động cung cấp thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

 Điều 5 Dự thảo Luật quy định các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, gồm: - mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch, kịp thời; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức tiếp cận thông tin và cán bộ, công chức cung cấp thông tin; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức phải bảo đảm lợi ích cộng đồng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh; nhà nước tạo điều kiện cho công dân, tổ chức tiếp cận thông tin phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, kỹ thuật của đất nước; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.

 Dự thảo Luật xác định rõ mối quan hệ giữa Luật tiếp cận thông tin và các luật khác có liên quan, theo đó Luật này áp dụng chung cho việc tiếp cận thông tin; trong trường hợp luật khác có quy định khác rộng hơn về phạm vi thông tin được tiếp cận, thuận lợi hơn về trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin thì áp dụng quy định của luật đó. Trong trường hợp luật khác quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân, tổ chức nhưng không quy định trình tự, thủ tục thì áp dụng quy định của Luật này (Điều 7).

  Mục 2 Chương II quy định về các thông tin được các cơ quan nhà nước chủ động công bố (Điều 10), hình thức công bố thông tin (Điều 11), quy định những thông tin công khai trên trang thông tin điện tử (Điều 12),  thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (Điều 13), quy định về đăng công báo và niêm yết (Điều 14).

  Dự thảo Luật tiếp cận thông tin quy định rõ các loại thông tin phải được cơ quan nhà nước chủ động công bố. Đó là các thông tin mà các văn bản quy

phạm pháp luật quy định phải công bố công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc thuộc thủ tục hành chính của cơ quan; các loại thông tin khác nếu thấy việc công bố là cần thiết nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của con người, bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng. Hình thức chủ động công bố thông tin theo dự luật có thể  được thể hiện bằng các hình thức: đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan; công bố trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan và các địa điểm khác; các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan xác định và được ghi rõ trong danh mục thông tin.

Mục 3 Chương II quy định về  thông tin được cung cấp theo yêu cầu (từ Điều 15 đến Điều 20). Mục này quy định  những thông tin có thể cung cấp theo yêu cầu, trách nhiệm của người yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 15),

 nội dung cần có của văn bản yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 16), cách thức cung cấp thông tin theo yêu cầu (Điều 17).Theo quy định của dự thảo việc cung cấp thông tin theo yêu cầu có thể được thể hiện bằng  các cách thức: cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan, cung cấp thông tin qua mạng điện tử, cung cấp bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu. Mục 3 Chương II cũng quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu theo dự thảo chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cơ quan có trách nhiệm  xem xét quyết định cung cấp hoặc từ chối  cung cấp thông tin. Trong trường hợp cần thiết thêm thời gian để  xem xét, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể gia hạn tối đa là 15 ngày. Trong Mục 3 Ch ương II cũng quy đ ịnh về chi phí cung cấp thông tin (Điều 19).

Mục 3 đồng thời cũng quy định về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 20). Theo dự thảo cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin có thể từ chối trong các trường hợp cơ quan không có thông tin theo yêu cầu; thông tin được yêu cầu cung cấp không thuộc loại thông tin được quy định trong Khoản 1 Điều 15 của luật này; thông tin đã được cung cấp cho người yêu cầu 2 lần; văn bản yêu cầu cung cấp thông tin không nêu rõ lý do yêu cầu hoặc lý do yêu cầu cung cấp thông tin không phù hợp; yêu cầu cung cấp thông tin cho người khác; người yêu cầu cung cấp thông tin bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; thông tin được yêu  cầu với số lượng quá lớn, vượt quá  khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan; thông tin mà việc cung cấp sẽ  ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính tiền tệ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quan hệ ngoại giao, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức  khoẻ hoặc sự an toàn của cá nhân hoặc cộng đồng; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan, tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ; các  tài liệu đang trong quá trình soạn thảo mà chưa đến  thời điểm pháp luật quy định phải công bố để lấy ý kiến.

Chương III – Các biện pháp bảo đảm  thực hiện quyền tiếp cận thông tin (từ Điều 21 đến Điều 25).

   Chương này quy định  về trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm các nguồn lực và biện pháp cần thiết cho việc thực thi Luật tiếp  cận  thông tin (Điều 21). Bên cạnh đó, Chương này cũng quy định cụ thể cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện (Điều 24); xử lý vi phạm (Điều 25); giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin (Điều 23) và quản lý nhà nước về công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin (Điều 22).

Chương IV – Điều khoản thi hành (từ Điều 26 đến Điều 29).

Chương này xác định trách nhiệm của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin và quy định chi tiết một số điều của Luật (Điều 28); xác định trách nhiệm của Chính phủ quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin của tổ chức sự nghiệp dịch vụ công và doanh nghiệp nhà nước (Điều 27). Chương này  cũng xác định thời điểm có hiệu lực của Luật (Điều 29).

4.3 Một số kiến nghị đối với dự thảo Luật tiếp cận thông tin

     So với các dự thảo đầu tiên, dự thảo cuối cùng ( sau khi đã chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành) có nhiều ưu điểm nổi trội. Đó là Dự thảo lần này ngắn gọn hơn, chú ý nhiều hơn đến tính khả thi của dự luật. Các điều luật trong dự thảo quy định khá rõ ràng, rành mạch, lời văn trong dự thảo được viết giản dị, dể hiểu. Dự luật không ôm đồm những vấn đề mặc dù rất cần thiết nhưng khó thực hiện được trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay.

  Tuy nhiên, theo chúng tôi dự luật vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục để đảm bảo khi ra đời luật này có thể phát huy hiệu lực cao trong đời sống nhà nước và xã hội:

 - Về cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, dự thảo (Điều 4) quy định 14 loại cơ quan khá cụ thể[41], tuy nhiên phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng cho các cơ quan, tổ chức theo điều 4 là khá hạn hẹp, trong khi ở nước ta số lượng các cơ quan nhà nước lớn hơn rất nhiều, hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp là những tổ chức cũng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin. Vì thế cần thiết phải quy định tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm cung cấp  thông tin. Ngoài ra cần quy định thêm các tổ chức tư nhân nếu nắm giữ các thông tin cần thiết cho việc thực hiện hoặc bảo vệ một quyền lợi cuả một chủ thể pháp luật nhất định cũng có  nghĩa vụ cung cấp thông tin khi chủ thể đó yêu cầu.

- Việc công khai tài chính nhất là sử dụng ngân sách và các khoản do nhân dân đóng góp cần quy định cụ thể, áp dụng thống nhất với mọi đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, với cả tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; việc công khai và cung cấp thông tin khác do tổ chức đó tự quy định hoặc theo các văn bản pháp luật khác. Đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có sử dụng ngân sách nhà nước hay nhà nước nắm cổ phần như nêu trên thì thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ như đối với doanh nghiệp nhà nước và tổ chức sự nghiệp dịch vụ công. Theo chúng tôi phần quy định các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin không nên dùng phương pháp liệt kê vì không thể tránh khỏi sự bỏ sót và điều luật sẽ rất dài dòng. Phương pháp tốt nhất là quy định một cách khái quát hơn, ví dụ, Điều 6 Luật mẫu về tự do thông tin do nhóm Article 19 của Liên hiệp quốc xây dựng: “ Cơ quan nhà nước bao gồm bất cứ cơ quan nào:

(a) được thành lập bởi hoặc theo quy định của Hiến pháp;

(b) được thành lập theo quy định của luật;

(c) là bộ phận ở bất cứ cấp nào của Chính phủ;

(d) được sở hữu, điều khiển hoặc tài trợ chủ yếu bởi ngân sách nhà nước;

(e) thực hiện chức năng nhà nước do pháp luật quy định.

- Về mối quan hệ với các luật khác , nên có quy định  các luật khác quy định hẹp hơn đối với tiếp cận thông tin  hay trình tự, thủ tục tiếp cận không thuận lợi như luật tiếp cận thông tin mà ban hành trước luật này thì phải áp dụng theo quy định luật này và phải sửa đổi, bổ sung các luật đó. Mặc dù Điều 33 có quy định cụ thể phải rà soát loại bỏ những văn bản không phù hợp và quy định nếu có mâu thuẫn giữa các luật thì quy định của luật sau được áp dụng nhưng trên thực tế việc thực thi sẽ khó khăn nếu không có quy định rõ ràng.  

- Về thông tin công khai rộng rãi cần quy định rộng hơn về công khai tài chính, sử dụng ngân sách, việc phê duyệt các dự án, việc đền bù trưng dụng thu hồi đất, phân phối tiền trợ cấp… và bắt buộc (chứ không chỉ khuyến khích) công khai trên trang thông tin điện tử về các nội dung từ điểm e đến điểm l khoản 1 Điều 9 như trong dự thảo luật; nên quy định cụ thể hơn về thời hạn phải công khai như buộc phải công khai trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày tạo thông tin. Cần quy định cụ thể hơn thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Cần quy định thời hạn gia hạn trường hợp công khai rộng rãi thông tin vì lợi ích cộng đồng. Hình thức công khai cần quy định rõ công khai rộng rãi bảo đảm mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận được bằng các hình thức. Các thông tin buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử không loại trừ công khai bằng các hình thức khác.

- Về thông tin được cung cấp theo yêu cầu, cần mở rộng quy định thông tin do cơ quan nhà nước nhận được để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, và liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ quan, thuộc sở hữu của cơ quan chứ không chỉ thông tin do cơ quan nhà nước ban hành. Dự thảo trong điểm b khoản 2 Điều 4 có thể gây sự tuỳ tiện áp dụng. Quy định lại như vậy nhằm  tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người yêu cầu.

- Quy định tại khoản 2 Điều 14 cần mở rộng với các đối tượng không có khả năng tiếp cận với các hình thức công khai rộng rãi.

- Cần quy định rõ người yêu cầu không cần phải nêu lý do, trừ một số trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy nhằm tránh trường hợp cán bộ thông tin gây khó khăn cho người yêu cầu hay hạch sách họ. Cần quy định trong trường hợp người yêu cầu có khó khăn khách quan trong việc thể hiện yêu cầu bằng văn bản, cán bộ thông tin phải hướng dẫn họ.

- Thời hạn để cung cấp thông tin cần ngắn hơn quy định trong dự thảo tại điểm b khoản 2 Điều 22, hiện quy định 15 ngày từ ngày thông báo chấp nhận cung cấp thông tin trong trường hợp miễn phí hoặc kể từ ngày người yêu cầu thanh toán đủ chi phí là quá lâu, nên quy định tối đa 10 ngày.

Trường hợp yêu cầu với số lượng thông tin lớn thì cần quy định rõ là thời gian gia hạn thêm tối đa 15 ngày kể từ ngày thông báo chấp nhận cung cấp thông tin. Liên quan đến Điều 20,  đối với  thông tin được yêu cầu quá lớn không thể đáp ứng, cần quy định một cách cụ thể, nếu như cơ quan có thể đáp ứng cung cấp thông tin một phần theo yêu cầu thì phải cung cấp theo yêu cầu của người yêu cầu.

- Cần quy định cụ thể về nguyên tắc tính phí, như mức phí không thể cao hơn giá thị trường hay quá cao so với giá thị trường cho việc sao, chụp, in ấn; đối với  việc cung cấp một số lượng nhỏ thông tin đơn giản nên có quy định miễn phí. Cần quy định cụ thể không tính phí cho công sức của cán bộ thông tin bỏ ra để đáp ứng yêu cầu của người yêu cầu. Các quy định miễn phí cần quy định một cách cụ thể, tránh trường hợp lợi dụng quy định chưa rõ để không phải nộp phí. Cần quy định cụ thể thời hạn đóng phí.

- Cần quy định cụ thể tạo điều kiện cho người yêu cầu có thể tiếp nhận thông tin tại cơ quan thuận lợi nhất cho họ, như gần địa chỉ của họ nhất, điều này là cần thiết, nhất là trong trường hợp có thể có nhiều cơ quan nắm thông tin mà trách nhiệm cung cấp thông tin đều thuộc về các cơ quan đó nhưng đùn đẩy trách nhiệm. Cũng quy định cụ thể trách nhiệm cán bộ thông tin tiếp người yêu cầu khi đến để thực hiện yêu cầu.

- Luật cần quy định vấn đề thông tin liên quan đến người thứ ba. Hiện trong dự thảo chưa quy định.

- Các quy định liên quan đến việc từ chối yêu cầu tại Điều 20 còn chung chung, chưa cụ thể. Phần lớn các nước đã ban hành luật này đều quy định cụ thể các trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Nên có quy định phân tách thông tin trong một tài liệu, nếu một tài liệu có cả thông tin không thể cung cấp và thông tin phải cung cấp, thì phần thông tin phải cung cấp cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu.

- Việc từ chối yêu cầu cần quy định rõ trong văn bản từ chối là người yêu cầu có quyền khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ cơ quan giải quyết; lý do từ chối cần viện dẫn quy định của pháp luật cụ thể; trong trường hợp cơ quan không có thông tin theo yêu cầu hoặc thông tin nhận được nhưng không có trách nhiệm phải cung cấp thông tin dựa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 thì cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận yêu cầu phải hướng dẫn người yêu cầu đến nơi mà có thể có thông tin mà người yêu cầu có thể tiếp cận hoặc chuyển yêu cầu đến cơ quan đó nếu có thể thực hiện được. Thông tin được cung cấp hai lần dưới hình thức trả lời bằng lời nói không nên đưa vào diện từ chối nếu có yêu cầu bằng văn bản hay hình thức khác, trừ khi yêu cầu lần thứ ba bằng lời nói . Trường hợp thông tin được công khai theo quy định tại điều 9 mà không phải dưới hình thức công khai trên trang điện tử thì cơ quan nhận yêu cầu cũng phải hướng dẫn người yêu cầu để có thể tiếp cận thông tin, trường hợp người yêu cầu không thể tiếp cận được thì cũng phải cung cấp thông tin theo yêu cầu.

- Việc bố trí cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin là cần thiết, nhưng quy định rõ trách nhiệm của họ đặc biệt là  nên bao gồm cả trách nhiệm liên quan việc quản lý hồ sơ tài liệu của cơ quan và liên quan việc quản lý thông tin được công bố rộng rãi.

- Luật hoặc nghị định hướng dẫn thi hành cần quy định cụ thể về thời hạn các cơ quan phải công bố thông tin rộng rãi, và trách nhiệm của các cơ quan không thực hiện đúng thời hạn theo quy định không có lý do hợp pháp, hợp lý.

- Quy định về khiếu nại, khiếu kiện còn quá sơ sài. Cần quy định thêm quyền khiếu nại đối với trường hợp không tiếp nhận yêu cầu. Nên mở rộng quy định người yêu cầu

có quyền yêu cầu bồi thường nếu thông tin cung cấp không theo đúng quy định của pháp luật (có tính chất cố ý), hay yêu cầu của họ không được đáp ứng  trái pháp luật, gây thiệt hại cho chọ. Đồng thời cũng mở rộng quy định người thứ ba có liên quan có quyền khiếu nại, khiếu kiện.

 Nên quy định hai cấp giải quyết khiếu nại là giải quyết khiếu nại trong nội bộ, và sau đó là khiếu nại lên cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong giám sát thực thi quyền tiếp cận thông tin (không trực thuộc bộ máy hành chính). Đồng thời quy định về quyền khiếu kiện theo hướng người yêu cầu hay người thứ ba có quyền kiện ra cơ quan Toà án kể cả trong trường hợp đã thực hiện quyền khiếu nại. Hiện nhiều quốc gia nhất là các quốc gia ban hành luật trong những năm gần đây đã xây dựng thiết chế giám sát thông tin độc lập (thậm trí cả cấp địa phương), bao gồm cả giải quyết khiếu nại, tại Việt Nam có thể nghiên cứu nâng cấp Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội thành Uỷ ban Dân nguyện, một Uỷ ban của Quốc hội để thực thi giải quyết khiếu nại và giám sát. Cơ chế giải quyết khiếu kiện tại nhiều nước theo quy định pháp luật tố tụng hành chính, một số nước thiết lập cơ quan bán Toà án giải quyết khiếu kiện gần giống cơ chế trọng tài thương mại. Việt Nam có thể nghiên cứu để áp dụng.

- Việc xử lý  vi phạm quy định còn quá chung chung, chế tài không đủ mạnh. Nên quy định cụ thể cơ quan giám sát thông tin có quyền  kiến nghị áp dụng chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức nếu xét thấy sai phạm. Quy định rõ ràng  xử lý vi phạm cơ quan không công khai thông tin cần công khai rộng rãi theo quy định của pháp luật. Quy định xử lý cả cơ quan tự ý nâng phí tiếp cận thông tin không theo quy định của luật.

- Cần quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo vi phạm, không nên quy định chung chung và không rõ ràng bao hàm cung cấp thông tin có tính tố cáo như trong dự thảo tại Điều 5. 

- Cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác bảo đảm quyền tiếp cận thông tin nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên đây là cơ quan thuộc bộ máy hành pháp vì vậy cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuộc cơ quan lập pháp thực hiện chức năng giám sát, giải quyết khiếu nại. Tránh sự chồng chéo thẩm quyền cơ quan giám sát thuộc cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.

- Cần quy định rõ việc Chính phủ ban hành quy định công khai thông tin của chính quyền cấp xã trên trang thông tin điện tử phù hợp quy định của luật, không quá 1 năm (ở đô thị) và 2 năm (các địa bàn khác ) sau khi luật có hiệụ lực. 

 

                      

 

 

 

 

 

                       

                  BCÁC BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ

Phần 1. CÁC CHUYÊN ĐỀ  NGHIÊN CỨU CÁC VẤN ĐỀ  LÝ LUẬN VỀ QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN                                          

                                        Chuyên đề  1

 

TỔNG QUAN  TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

                                                       PGS-TS Thái Vĩnh Thắng

                                                          &  TS Tô Văn Hoà

                                                            Đại học luật Hà Nội

1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài:

   Quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin (Right to access to information) được coi là một trong các  quyền cơ bản  của con người đã được Liên Hợp Quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế và khu vực công nhận. Phần lớn các quốc gia trên thế giới, khi tham gia vào các điều ước quốc tế về quyền con người ở cấp quốc gia và khu vực đều trực tiếp hay gián tiếp công nhận, tôn trọng quyền được thông tin của cá nhân. Sự bùng nổ của internet và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thông tin, nhận thức về dân chủ, tự do cá nhân và yêu cầu phát triển kinh tế tại các quốc gia đã đưa đến sự bùng phát làn sóng ban hành Luật tự do thông tin/ Luật tiếp cận thông tin lan rộng trên toàn cầu và tại khắp các lục địa. Cho đến nay đã có gần 90 quốc gia trên thế giới ban hành một đạo luật riêng để cụ thể hoá và bảo đảm thực thi quyền được thông tin ở quốc gia mình, từ những nước phát triển như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật  Bản, Canada cho đến những nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ, Hy Lạp, Mexico, Georgia, Ba Lan, Romania, Bulgary, Peru, Azerbaijan , Jordani, hay thậm chí cả những nước còn đang phát triển ở trình độ tương đối thấp như Pakistan, Kyrgyzstan, Albania, Nepal hay Uganda. Sự bùng nổ pháp luật thực định về quyền được thông tin ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế là một dấu hiệu cho thấy sự dồi dào các tài liệu nghiên cứu dưới các hình thức khác nhau cung cấp cơ sở lý luận cũng như thực tiễn cho việc nghiên cứu xây dựng một cách toàn diện pháp luật về quyền được thông tin. Các nghiên cứu quốc tế trong lĩnh vực này đã có sự phát triển từ rất lâu đời và cho đến nay đã ở trình độ cao ở cả khía cạnh chiều rộng và chiều sâu.

 Ở mức độ nghiên cứu khái quát, những công trình nghiên cứu có uy tín cao của các nhà luật học Anh như Freedom of Information: The Law, the Practice and the Ideal ( Tự do thông tin: Pháp luật, thực tiễn và lý tưởng) của Patrick Birkinshaw (2001) hay Blackstone’s Guide to the Freedom of  Information Act ( Bình luận của Blackston về đạo luật  tự do thông tin) của John Wadham, Jonathan Griffiths và Kelly Marris (2002). Đặc biệt là công trình nghiên cứu: “Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin” của chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Luật tiếp cận thông tin là Tony Mendel, xuất bản năm 2008. Các công trình nghiên cứu này đã phân tích, so sánh quyền tiếp cận thông tin trong mối quan hệ với các quyền khác của con người đã được quy định trong các điều ước quốc tế như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do xuất bản; vai trò của nó trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo thực hiện các quyền công dân và quyền con người…Những tác phẩm này rất có giá trị trong việc cung cấp một cách nhìn về quyền được thông tin từ góc độ pháp luật quốc tế về quyền con người.

   Đi sâu vào nghiên cứu nội dung của quyền được thông tin trong các tác phẩm như Freedom of Information: The Law, the Practice and the Ideal (Tự do thông tin: Pháp luật, thực tiễn và lý tưởng) của Patrick Birkinshaw (2001) hay Blackstone’s Guide to the Freedom of  Information Act (Bình luận Blackstone về đạo luật về quyền tự do thông tin) của John Wadham, Jonathan Griffiths và Kelly Marris (2002)  ta thấy những tác phẩm này phân tích cụ thể những vấn đề liên quan đến quyền được thông tin như vai trò, bối cảnh ra đời, nội dung các quyền, các trường hợp miễn trừ và các cơ chế bảo đảm thực thi. Đặc biệt các đề xuất liên quan tới  kinh nghiệm xây dựng các khung thể chế và thiết chế cụ thể để bảo đảm thực thi quyền được thông tin theo các chuẩn mực quốc tế đã nhận được sự tham gia rộng rãi của cả giới nghiên cứu và những người xây dựng chính sách. Các công trình này cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình quy định và thực thi quyền được thông tin ở một số quốc gia điển hình như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Đức,… có thể làm cơ sở tham khảo quý về kinh nghiệm đối với vấn đề này từ góc độ so sánh.

 Ở mức độ chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực này có rất nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí luật học nước ngoài hoặc sách chuyên khảo. Nội dung và các khía cạnh khác nhau của quyền tiếp cận thông tin được đề cập ở các hình thức nghiên cứu  rất đa dạng và phong phú. Ví dụ như bài Freedom of Information and Openness: Fundamental Human Right? (Tự do thông tin và công khai - Quyền cơ bản của con người?) của Patrick Birkinshaw (tạp chí Administrative Law Review, 2006) trình bày và phân tích sâu các quan điểm đa chiều của giới luật học về ưu điểm cũng như hạn chế của pháp luật về quyền được thông tin của một số quốc gia trên thế giới. Trong đó có những lập luận có giá trị tham khảo về ưu điểm của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin như giúp tăng thêm tính dân chủ của chính quyền, tính trách nhiệm của cơ quan hành pháp, tăng cường vai trò giám sát tối cao của Nghị viện,… hay về nhược điểm của pháp luật về quyền này như trong quá trình thực hiện dễ vi phạm đến quyền tự do cá nhân hay quyền lợi của bên thứ ba, hay mối quan hệ với an ninh quốc gia…Các khía cạnh chuyên sâu khác của pháp luật về quyền được thông tin cũng được quan tâm như mối quan hệ giữa quyền được thông tin với bảo đảm bí mật quốc gia trong bài Freedom of  Information and State Secrets (Tự do thông tin và bí mật quốc gia) (tạp chí 9 E. Eur.Const.Rev.102 (2000)), với quyền tự do cá nhân trong bài Freedom of Information: Is Privacy Winning (Tự do thông tin  là chiến thắng của cá nhân) (tạp chí 13 Nottingham L.J. 17 (2004)), với bí mật và an ninh quốc gia trong sách chuyên khảo: “Secrecy and Liberty: National Security, Freedom of Expression and Access to Information” ( Bí  mật và tự do: an ninh quốc gia, tự  do ngôn luận và tiếp cận thông tin) (International Studies in Human Rights) của tập thể tác giả F.D’Souza , Sandra Coliver, Paul Hoffiman, Stephen Bowen, Joan Fitzpatrick, hay vấn đề thực hiện quyền được thông tin qua thiết chế Thanh tra Nghị viện (Ombudsman) trong công trình nghiên cứu: Freedom of Information – An Ombudsman’s Perspective ( Tự do thông tin - viễn cảnh của Thanh tra Quốc hội) (tạp chí 29 Fed.L.Rev. 359 (2001)).

 Các công trình nghiên cứu về việc bảo đảm và thực hiện quyền được thông tin ở các nước, ngoài hình thức là các sách chuyên khảo như đề cập trên đây, cũng được công bố nhiều dưới hình thức các bài báo trên các tạp chí luật học và đều có giá trị tham khảo, như loạt bài: “Human Rights in Theory and Practice: A Time of Change and Development in Central and Eastern Europe”( Các quyền con người trong lý luận và thực tiễn: thời kỳ đổi thay và phát triển ở Trung và Đông Âu” trên tạp chí Conn.J.Int’l L. năm 1993 đề cập chi tiết kinh nghiệm của các nước Đông Âu hay bài: “Freedom of  Information in Australia” (Tự do thông tin ở Úc) của Peter Bayne trên tạp chí Acta Juridica số 15 năm 1993 về kinh nghiệm của Australia.

 Có thể nói các tài liệu nghiên cứu về quyền được thông tin trên thế giới cho đến nay được thực hiện dưới những hình thức khác nhau và có nội dung hết sức phong phú. Đó là những tư liệu cung cấp kiến thức lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho các nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện  thiết chế pháp lý trong lĩnh vực này như Việt Nam.

2. Tình hình nghiên cứu trong nước

  Có thể nói, pháp luật về tiếp cận thông tin chỉ được các học giả Việt Nam nghiên cứu trong những năm gần đây. Các công trình nghiên cứu này chủ yếu chỉ dừng lại ở những cách tiếp cận khác nhau về quyền tiếp cận thông tin, hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện và đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin. Về hình thức, các công trình này cũng mới chỉ được thực hiện như các bài tham luận, báo cáo khoa học viết cho các hội thảo hoặc đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Hội thảo Tiếp cận thông tin – quy định quốc tế, kinh nghiệm Việt Nam, Đan Mạch, Hà Nội ngày 5-6/10/2006 và Hội thảo khoa học: Tiếp cận thông tin – thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của Vương quốc Anh tháng 10/2007 với các bài tham luận của các tác giả:

- Nguyễn Chí Dũng – Quyền tiếp cận thông tin: Yêu cầu của quản lý nhà nước hiệu quả, vì phát triển;

- Tường Duy Kiên – Hoàng Mai Hương – Chu Thuý Hằng – Tìm hiểu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền được đảm bảo thông tin của Việt Nam;

- TS.Dương Thanh Mai – Quyền được thông tin và sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam;

- TS. Đinh Văn Minh – Chuẩn mực tiếp cận thông tin và cuộc đấu tranh chống tham nhũng; 

- TS. Hoàng Minh Thái – Tiếp cận thông tin – Những vẫn đề đang đặt ra;

- TS. Nguyễn Đức Thuỳ - Quyền tiếp cận thông tin- Kinh nghiệm Việt Nam và Vương quốc anh;

- Phạm Quốc Anh – Sự cần thiết và đề xuất khuôn khổ của luật tiếp cận thông tin của Việt Nam;

- TS. Cao Đức Thái – Quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền được thông tin của công dân trong thời kỳ đổi mới;

- GS.TS. Trần Ngọc Đường- Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với quyền được tiếp cận thông tin;

- TS. Nguyễn Quốc Việt – Minh bạch hoá pháp luật, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;

- TS. Ngô Đức Mạnh – Một số vấn đề về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam;

- PGS.TS Vũ Văn Phúc – Công tác tuyên giáo với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân;

- TS.Đinh Văn Minh – Bảo đảm quyền thông tin, góp phần đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam;

- PGS.TS Hồ Trọng Ngũ – Giới hạn của quyền được thông tin;

- ThS. Vũ Công Giao – Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan ở Việt Nam;

- GS. Paul Okojie – Tiếp cận thông tin – kinh nghiệm của Anh

- TS. Tường Duy Kiên – Quyền được thông tin – cách tiếp cận quốc tế và đặc điểm chung của luật tiếp cận thông tin một số nước trên thế giới. [42]

  Những bài viết trên đây đề cập đến Luật tiếp cận thông tin trên những phương diện và phạm vi khác nhau như  thực trạng pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam, những nội dung cơ bản quyền tiếp cận thông tin ở nước ngoài, những giới  hạn của quyền tiếp cận thông tin, những kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện Luật tiếp cận thông tin ở Anh, tầm quan trọng của quyền tiếp cận thông tin trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, mối quan hệ giữa việc xây dựng nhà nước pháp quyền và việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tính cấp thiết của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay.

 Đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy  nghiên cứu và  nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin là việc xuất bản cuốn sách: “ Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin” do Viện nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2007. Cuốn sách này  đã dịch toàn văn và trích dịch các

Văn kiện Quốc tế  liên quan đến quyền tiếp cận thông tin như Tuyên ngôn

thế giới về nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và

dân sự năm 1966, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho châu Á và khu vực châu Á, Thái Bình Dương năm 2001. Cuốn sách này cũng đã dịch nguyên văn và trích dịch các Luật về tiếp cận thông tin/ tự do thông tin của nhiều nước trên thế giới như Luật về tiếp cận thông tin trong các tài liệu chính thức của Anbani năm 1999, Luật về quyền được thông tin của Ấn Độ năm 2005, Luật về tiếp cận thông tin công của Ba Lan năm 2001, Luật tiếp cận thông tin của Bulgary năm 2000, Luật tiếp cận thông tin của Canada năm 1985, Luật quy định về quản lý tiếp cận chung đối với các thông tin của Chính phủ của Hà lan năm 1991, Luật về công khai thông tin của các  cơ quan chính quyền của Hàn Quốc 1996, Luật về quyền tiếp cận của công chúng đối với các tài liệu hành chính công của Na Uy năm 1970 ( sửa đổi bổ sung năm 2003),  Luật thúc đẩy tiếp cận thông tin của  Nam Phi năm 2000, Luật về tiếp cận thông tin của các cơ quan hành chính của Nhật Bản năm 1999 , Luật về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin của Liên Bang Nga năm 2006, Luật về minh bạch và tiếp cận thông tin của Peru năm 2003, Luật về tiếp cận thông tin của Pháp năm 1978, Luật về tiếp cận thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2004, Luật tự do báo chí của Thụy Điển 1949,  Pháp lệnh về công khai thông tin của chính quyền của Trung Quốc năm 2007, Luật tự do thông tin của Úc năm 1982, Luật tự do thông tin của vương quốc Anh năm 2000.

  Trong khuôn khổ dự án Xây dựng luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam  (Project on Assisting of Law on Access to Information in Vietnam) do Đại

sứ quán Anh tài trợ,  tại Hà Nội vào 2 ngày 06-07/5/2009 Hội thảo quốc tế : “ Xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam”( Drafting law on Access to Information in Vietnam) đã được tiến hành. Tại cuộc Hội thảo này một số báo cáo đã được chuẩn bị công phu và đã được  đánh giá cao tại Hội thảo:

  • James Anderson, Chuyên gia cao cấp về quản trị quốc gia của Ngân hàng thế giới - Kinh nghiệm của một số nước Đông Âu trong việc thực thi Luật tiếp cận thông tin;
  • Jairo Acuna  Alfaro, Cố vấn  chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam - Quyền tiếp cận thông tin tại các nước khu vực Đông Nam Á;
  • Matt Ottoson,  Bí thư thứ nhất và cố vấn pháp luật của Bộ phận kiểm soát các chương trình phát triển và hợp tác nghiên cứu của Đại sứ quán Thụy Điển – Kinh nghiệm của Thụy Điển về việc thực thi Luật tiếp cận thông tin;
  • Toby Mendel, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Article 19 - Tầm quan trọng của Quyền tiếp cận thông tin: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm;
  • TS. Hoàng Thị Ngân, Chuyên gia nhóm nghiên cứu của Hội luật gia Việt Nam - Kết quả nghiên cứu kinh  nghiệm quốc tế về Luật tiếp  cận thông tin của một số quốc gia trên thế giới;
  • GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học quốc gia Hà Nội - Kết quả khảo sát thực tiễn tại địa phương về thực thi quyền được thông tin;
  • TS  Tường Duy Kiên, Trung tâm nghiên cứu về quyền con người, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – Chính sách và  hệ thống  các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin;
  • Th.S Ngô Trung Thành, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Quốc hội -  Mối quan hệ giữa Luật tiếp cận thông tin và các văn bản có liên quan khác của Việt Nam.[43]

 Cuộc Hội thảo ngày 6 -7 tháng 5 năm 2009 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về quyền tiếp cận thông tin và pháp luật về tiếp cận thông tin tại Việt Nam. Với các báo báo của các chuyên gia cao cấp về quản trị quốc gia, về cải cách hành chính, chuyên gia pháp luật có uy tín  của nước ngoài và Việt Nam như James Anderson, Jairo Acuna Alfaro, Matt Ottoson, Toby Melden, Hoàng Thị Ngân, Nguyễn Đăng Dung, Tường Duy Kiên, Ngô Trung  Thành, Hội thảo đã  phân tích những kinh nghiệm thực thi pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở các nước Đông Âu là những nước có nền kinh tế chuyển  đổi như Việt Nam, các nước Đông Nam Á là những nước láng giềng hoặc cận kề với Việt Nam, kinh nghiệm thực thi pháp luật của Thụy Điển, nước đi đầu trong lĩnh vực pháp luật về tiếp cận thông tin. Các báo cáo mang tính chất so sánh trên đây cho chúng ta thấy rõ

bên cạnh những điểm khác nhau,  nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin  của các quốc gia khác nhau cũng có những điểm chung giống nhau như đều có những quy định chung mang tính chất nguyên tắc, những thông tin phải công bố rộng rãi, những thông tin không được phép công bố, những cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin, các chủ thể có quyền được cung cấp thông tin, thủ tục cung cấp  thông tin, thủ tục giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin, cơ quan có thẩm quyền giải  quyết các khiếu kiện về quyền tiếp cận thông tin. Bên cạnh các báo cáo của các chuyên gia nước ngoài, các báo cáo của các nhà khoa học trong nước cũng đã nghiên cứu về lý luận và  khảo sát thực tiễn để tìm hiểu  thực trạng pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam.  Báo cáo khảo sát thực tiễn của Đoàn khảo sát do Bộ tư pháp chủ trì tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cho chúng ta những kết quả đáng được lưu ý về ý thức pháp luật, tình trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam  hiện nay. Theo báo cáo khảo sát rất ít người dân biết  quyền họ được cung cấp các thông tin  liên quan đến cuộc sống của họ. Mặc dù đã có những quy định đơn lẻ  về việc cung cấp thông tin cho nhân dân ở các văn bản pháp luật đơn ngành nhưng hầu hết các công chức không coi việc cung cấp thông tin là trách nhiệm của họ vì rằng việc cung cấp thông tin không phải là nhiệm vụ chính của việc thực hiện chính sách được quy định trong các văn bản nói trên. Hầu hết các phiếu điều  tra đều cho rằng các cán bộ rất lúng túng khi gặp những trường hợp  yêu cầu phải được cung cấp thông tin. Phần lớn trong số họ đều chuyển yêu  cầu lên cấp trên.  Cán bộ, công chức và thủ trưởng cơ quan đều không quen với việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin. Hầu hết đều không nhận thấy thông tin của cơ quan nhà nước là tài sản nhân dân, được tạo ra do các công việc được nhân dân giao phó. Hiện tượng  đóng dấu mật lên các công văn giấy tờ không thuộc phạm trù mật còn tràn lan. Việc khai thác và sử dụng các trang Web chưa được rộng rãi. Quyền được thông tin mặc dù được quy định nhưng không có điều kiện thực thi sở dĩ như vậy là do chưa có một đạo luật riêng quy định đầy đủ về vấn đề này. Tất cả các phiếu điều tra đều nhất trí về việc cần thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin[44].

  Với sự  phối hợp tổ chức và tài trợ của Trung tâm nhân quyền Na Uy, Hội luật gia Việt Nam đã tiến hành Hội  thảo quốc tế : “ Luật tiếp cận thông tin – kinh nghiệm một số nước trên thế giới” vào các ngày 19- 20/8/2009 tại thành phố Nha Trang. Tại cuộc Hội thảo này nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đã được trình bày:

  • GS-TSKH Đào Trí Úc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam - Tổng quan về Luật tiếp cận thông tin và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở các nước trên thế giới;
  • TS Hoàng Thị Ngân, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ - Tiến trình xây dựng Luật tiếp cận thông tin ở Việt nam;
  • Toje R. Ruud, Cố vấn pháp luật, Vụ lập pháp,Bộ tư pháp và Công an Na Uy - Luật tiếp cận thông tin ở Na Uy và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và thực hiện luật này;
  • GS Sung Nak In, Chủ tịch Hội giảng viên luật Hàn Quốc, Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc - Luật tiếp cận thông tin ( Luật công khai thông tin của các cơ quan nhà nước) ở Hàn quốc và vai trò của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng và thực hiện luật này;
  • Th.S Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - Luật tiếp cận thông tin với công tác phòng chống tham nhũng;
  • PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm bộ môn Luật kinh tế, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
  • Fany Davidova, Chuyên gia Chương trình tiếp cận thông tin của Bulgary – Vai trò của Chương trình tiếp cận thông tin của Bungary trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin;
  • Ngô Minh Hương, Chuyên gia của Viện nhân quyền  Na Uy -  Kinh nghiệm tiếp cận thông của một số nước Bắc Âu;
  • GS-TSKH Lê Cảm, Tổng biên tập tạp chí : “ Pháp luật và phát triển” – Vai trò của giới luật gia trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin.[45]

Các bài tham luận của các nhà khoa học luật Việt Nam và nước ngoài trong  hai cuộc Hội thảo khoa học trong tháng 9 năm 2009 tại Hà Nội và Nha Trang đánh dấu sự  phát triển đáng ghi nhận của sự quan tâm và hiểu biết về pháp luật về quyền tiếp cận thông tin/ tự do thông tin ở  Việt Nam. Ở một mức độ sâu rộng hơn so với cuộc Hội thảo đầu tiên hai cuộc Hội thảo này đã tổng kết kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Luật tiếp cận thông tin của nhiều quốc gia trên thế giới  như các nước Đông Âu, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hàn Quốc , Bungary, Mexico, Thái Lan. Hội thảo đã đề cập đến tính cấp thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Hai cuộc Hội thảo này đã góp những ý kiến quan trọng cho việc xây dựng  bản dự thảo Luật tiếp cận thông tin phù hợp với Việt Nam.

  Gần đây, phục vụ cho soạn thảo và ban hành Luật tiếp cận thông tin, có nhiều công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao đã được xuất bản. Đặc biệt phải kể đến là công trình nghiên cứu: “Luật Tiếp cận thông tin – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do GS.TSKH Đào Trí Úc chủ biên với sự tham gia của các tác giả: GS-TSKH Đào Trí Úc, Th.S Lê Thị Kim Thanh, TS. Hoàng Thị Ngân, TS. Tường Duy Kiên, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa.

 Công trình nghiên cứu này đã nghiên cứu một cách có hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin bao gồm các vấn đề như: quan niệm về quyền tiếp cận thông tin ở nước ngoài và Việt Nam, ý nghĩa của quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện pháp lý quốc tế, phạm vi của quyền tiếp cận thông tin, các nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, nội dung của quyền tiếp cận thông tin, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, thủ tục khiếu nại khiếu kiện về quyền tiếp cân thông tin, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy sự phát triển của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, các kiến nghị cho quá trình soạn thảo Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu trên đây đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức khái quát về pháp luật tiếp cận thông tin ở nước ngoài và Việt Nam, làm cơ sở lý luận để các nhà luật học có thể nghiên cứu sâu hơn về  những khía cạnh khác nhau của Luật tiếp cận thông tin trên cơ sở đó có thể xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin phù hợp nhất với điều kiện chính tri,  kinh tế, xã hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá hiện nay.

Gần đây nhất, ngày 23-24 tháng 9 năm 2010, Tại tỉnh Hoà Bình, với sự tài trợ của Quỹ châu Á, Bộ tư pháp đã tổ chức  Hội thảo: “ Xây dựng luật tiếp cận thông tại Việt Nam”. Tại cuộc Hội thảo này  nhiều nhà luật học đã bày tỏ nguyện vọng chung của nhân dân là Quốc hội cần khẩn trương ban hành Luật tiếp cận thông tin làm công cụ đắc lực thực hiện quyền được tiếp cận thông tin là quyền hiến định của  công dân. Một số báo cáo đã được đánh giá cao tại Hội th ảo n ày:

-  Nhóm  chuyên gia Bộ  tư  pháp -Báo  cáo đánh giá tác động của  dự thảo Luật tiếp c ậ n thông tin

- TS Dương Thanh Mai - Những  vấn đề chung  về quyền tiếp cận thông tin;

- Th.s Đặng Đình Luyến -  Thông tin và tiếp cận thông tin tại Việt Nam;

- TS Nguyễn Ngọc Anh - Giới hạn của quyền tiếp cận th ông tin;

Một số công trình nghiên cứu gần đây của một số tác giả đã được tạp chí Nghiên cứu lập pháp đăng tải  trong số đặc biệt giành cho quyền tiếp cận thông tin ( Số 17 (154) tháng 9/ 2009 và  bao gồm:

  • PGS-TS Thái Vĩnh Thắng - Quyền tiếp cận thông tin - Điều kiện thực hiện các quyền con người và quyền công dân;
  • Th.S. Dương Thị Bình - Thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam
  • Th.S. Nguyễn Thị Hạnh - Sự cần thiết ban hành luật tiếp cận thông tin;
  • Th.S. Mai Thị Kim Huế - Phạm vi chủ thể có trách nhiệm cung cấp

thông tin;

  • Chu Thị Thái Hà - Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền tiếp

cận thông tin;

  • TS. Nguyễn Thị Thu Vân - Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;
  • TS. Nguyễn Thị Kim Thoa - Nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin một số nước;
  • Th.S. Nguyễn Quỳnh Liên-  Quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện quốc tế.[46]

Cuộc Hội thảo ngày 23- 24/9 2010 là một bước thúc đẩy quan trọng trong tiến trình xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin tại việt Nam. Tiến xa hơn các cuộc Hội thảo trước đây, cuộc Hội thảo này đã đánh giá tác động của Dự thảo Luật tiếp cận thông tin ( Regulatory Impact Assessement  - RIA).  Với phương pháp RIA nhóm chuyên gia pháp luật của Bộ tư pháp đã đánh giá trước những tác động tích cực sau đây lên các quan hệ xã hội khi Luật tiếp cận thông tin được ban hành và có hiệu lực:

  • Về mặt kinh tế, việc tăng cường và mở rộng thông tin cũng có nghĩa là tăng cường khả năng nâng cao trí thức, có thể đem đến những chuyển biến cơ bản trong việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ hàng hoá. Thông tin công khai, minh bạch có thể giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư dài hạn,  xây dựng được  kế hoạch kinh doanh đảm bảo phát triển bền vững. Các doanh nghiệp được bình đẳng trong việc khai thác và sử dụng các thông tin vào quy hoạch, chính sách thuế để lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kinh doanh và các rủi ro khi đầu tư nhờ đó mà đảm bảo được hiệu quả kinh doanh bền vững. Việc ban hành Luật tiếp cận thông tin là tiền đề  thực hiện một nền hành chính công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam[47].
  • Về mặt quản lý nhà nước, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân làm tăng khả năng giám sát các cơ quan công quyền từ phía công chúng. Nghĩa vụ cung cấp thông tin đảm bảo công khai, minh bạch sẽ làm cho hoạt động  của các cơ quan công quyền có hiệu lực, hiệu quả cao hơn vì vậy hoạt động quản lý nhà nước sẽ tốt hơn và có thể hạn chế được nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. 
  • Về đảm bảo thực hiện các quyền con người và quyền công dân,  quyền tiếp cận thông tin là điều kiện tiên quyết để mọi  cá nhân có thể thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình do vậy việc ban hành Luật tiếp cận thông tin sẽ là một bước đột phá, mở rộng khả năng thực hiện các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật…

  Trong năm 2010, một số công trình nghiên cứu về Luật tiếp cận thông tin

và đóng góp ý kiến cho dự luật tiếp cận thông tin được các tạp chí chuyên ngành luật tiếp tục đăng tải:

-  TS Vũ Văn Nhiêm -  Quyền được thông tin từ góc độ bảo đảm quyền con người và liên hệ với dự luật tiếp cận thông tin  ở Việt Nam (Nghiên cứu

lập pháp số  9  (170) tháng 5/2010;

  • TS. Trương Thị Hồng Hà - Luật về công bố thông tin của các cơ quan

chính quyền Hàn quốc ( Nghiên cứu lập pháp số 9 (170) tháng 5 năm 2010.

  Tạp chí: “Dân chủ và pháp luật”năm 2010 cũng đã dành riêng một số chuyên đề: “Xây dựng Luật tiếp cận thông tin” với các bài viết của các tác giả:

- Th.s. Nguyễn Công Hồng và TS. Hoàng Thị Ngân – Nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân;

- Th.s. Nguyễn Công Hồng – Lợi ích của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin;

- TS. Tường Duy Kiên – Chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam  đảm bảo quyền tiếp cận thông tin;

- TS Nguyễn Thị Kim Thoa - Những vấn đề cơ bản được giải quyết trong Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới;

- GS-TS Nguyễn Đăng Dung - Một số vấn đề về đảm bảo quyền được thông tin của công dân;

-  Lê Huy – Khái niệm và cơ sở chính trị, pháp  lý của quyền tiếp cận thông tin;

-  Hạnh Bình - Thực tiễn về tiếp cận thông tin của các bộ, ngành, địa phương;

-  TS Hoàng Thị Ngân - Quyền tiếp cận thông tin và việc xây dựng chính phủ mở;

 - Th.s Dương Thị Bình - Thực trạng và kiến nghị về thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam;

- Thoa Huế - Cơ quan cung cấp thông tin – Kinh nghiệm quốc tế và hướng quy định trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam;

- Mai Nguyễn – Cung cấp thông tin theo yêu cầu – Cơ chế hữu hiệu bảo đảm quyền tiếp cận thông tin;

- Nguyễn  Quỳnh  Liên– Kinh nghiệm xây dựng Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới;

- TS Nguyễn Thị Thu Vân – Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị về cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam.[48]

 Những công trình nghiên cứu trên đây trên các bình diện khác nhau đã nghiên cứu sơ lược lịch sử phát triển, khái niệm  quyền được thông tin / quyền tiếp cận thông tin (right to access to information), tiêu chuẩn và các quy định quốc tế về quyền tiếp cận thông tin, trong đó đã khái quát các văn kiện quốc tế và khu vực có liên quan đến quyền tiếp cận thông tin như Tuyên ngôn  thế giới về nhân quyền năm 1948 (Điều 19), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Điều 19), Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 (Điều 12, 13); Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003 (điều 10, 13); Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho Châu Á và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2001; Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề môi trường năm 1998. Các tác giả cũng đã phân tích nội hàm và các khía cạnh khác nhau của quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật Việt  Nam và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.

 Phân tích các công trình nghiên cứu nói trên cho thấy các tác giả đều có quan điểm thống nhất là quyền tiếp cận thông tin nên hiểu có nội dung rộng bao gồm  quyền tự do tìm kiếm thông tin, tự do tiếp nhận thông tin và tự do phổ biến thông tin. Ba nội dung trên chính là những nội dung cốt lõi của quyền tiếp cận thông tin theo nghĩa rộng vì chúng có quan hệ biện chứng với nhau, gắn chặt với nhau, đòi hỏi  tất cả các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm cho công dân thực hiện quyền này với đầy đủ các nội dung. Các công trình nghiên cứu này cũng đề cập đến các khía cạnh khác nhau của nội hàm khái niệm quyền tiếp cận thông tin như: tự do thông tin hay tiếp nhận thông tin được thừa nhận không chỉ là quyền cơ bản của con người được quy định và bảo vệ bởi pháp luật quốc tế và quốc gia mà còn là công cụ thiết yếu để tăng cường tính dân chủ của chính quyền, đảm bảo tính minh bạch nền hành chính, tính trách nhiệm và quản trị tốt của Chính phủ. Tự do thông tin hay tiếp cận thông tin chính là việc công dân được tiếp cận hồ sơ, văn bản của cơ quan công quyền, nắm bắt được các hoạt động của cơ quan công quyền, đảm bảo nguyên tắc các cơ quan công quyền không được giữ thông tin thay mặt chính họ mà là thay mặt hay xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội, và hoạt động trên sự giám sát của nhân dân. Quyền tiếp cận thông tin của cá nhân còn có ý nghĩa thứ hai là quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước phải công bố, phổ biến các loại thông tin mà cơ quan đó nắm giữ vì lợi ích của cộng đồng. Quyền tiếp cận thông tin bắt đầu xuất hiện là quyền được biết sự thật, nó phản ánh nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm mọi người được biết sự thật về các vấn đề khác nhau của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới đến các vấn đề về quản lý tư pháp - hành chính, và các vấn đề liên quan đến quyền con người và bảo vệ các quyền và tự do của con người.  

 Những công trình nghiên cứu trên cũng đề cập đến những giới hạn của quyền tiếp cận thông tin, như:

- Tôn trọng các quyền, uy tín, bí mật cá nhân của người khác;

- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng;

- Sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng;

 Những công trình nghiên cứu ở trong nước hiện nay cũng đã tiếp cận đặc điểm chung của luật tiếp cận thông tin ở một số nước trên thế giới về phạm vi áp dụng, nội hàm của quyền “tiếp cận thông tin công” (right to access public information), chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin, phương thức cung cấp thông tin, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin, các ngoại trừ yêu cầu cung cấp thông tin, cơ chế khiếu nại, giám sát về công khai thông tin, về xử phạt vi phạm quyền tiếp cận thông tin, về lệ phí cung cấp thông tin đối với người có yêu cầu, về thiết chế đặc trách về thông tin…

 Nhiều công trình nghiên cứu cũng đề cập đến việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, đưa ra các đề xuất,  kiến nghị cho quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam.

 

                                               

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                      Chuyên đề  2

KHÁI NIỆM VÀ NỘI DUNG CỦA QUYỀN TIẾP CẬN THÔNGTIN                               

                                                TS. Nguyễn Quốc Hoàn

                                                      Trường Đại học Luật Hà Nội

Một trong những quyền cơ bản của con người là quyền tiếp cận thông tin. Quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của cá nhân, công dân đã được thừa nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và văn kiện pháp lý của nhiều quốc gia trên thế giới. Quyền này cho phép và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ các quyền và lợi ích của mình được pháp luật ghi nhận. Ở cấp độ vĩ mô, quyền tự do thông tin được xem là cơ sở quan trọng để chống lại sự lạm dụng quyền lực, sự quản lý kém hiệu quả và tham nhũng. Đây là một sự bảo vệ quan trọng chống lại các hình thức lạm dụng, các việc làm sai trái từ phía các cơ quan công quyền. Trong bối cảnh xây dựng xã hội văn minh, công bằng, dân chủ, hướng tới nhà nước pháp quyền, nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền cần phải được tuân thủ. Một trong những biện pháp để tuân thủ nguyên tắc này là nhà nước cần phải bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Nguyên tắc đó đỏi hỏi nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của các các cơ quan công quyền thay mặt nhà nước thực thi các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước phục vụ cộng đồng xã hội; và các cá nhân, công dân có quyền được biết, được tiếp cận các thông tin liên quan đến các hoạt động của nhà nước và đời sống công cộng do Nhà nước nắm giữ. Ở một khía cạnh khác, quyền tiếp cận thông tin cũng đem lại lợi ích cho các cơ quan công quyền. Bằng việc công khai, minh bạch các hoạt động cũng như trong quá trình ra các chính sách của mình,lòng tin của công chúng đối với nhà nước nói chung và đối với các cơ quan công quyền nói riêng được cải thiện. Vì lẽ đó, cần phải có cơ chế để bảo đảm cho công dân có thể thực hiện được quyền tiếp cận thông tin và bảo đảm trách nhiệm của nhà nước trong việc thực thi các nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Để giải quyết được những vấn đề đó, câu hỏi được đặt ra là; Quyền tiếp cận thông tin là gì và nội dung của quyền tiếp cận thông tin bao hàm những vấn đề gì? Chuyên đề này sẽ tập trung giải quyết hai vấn đề đó. 

I –KHÁI NIỆM QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

Quyền tiếp cận thông tin hay quyền được thông tin không phải là khái niệm mới. Khái niệm này đã được ghi nhận rất sớm trong văn kiện pháp lý của nhiều quốc gia cùng với sự phát triển của các quyền khác của con người. Đạo luật về Tự do báo chí của Thuỵ Điển được ban hành vào năm 1766 đã trao cho người dân quyền được yêu cầu tiếp cận văn bản/hồ sơ của các cơ quan chính phủ. Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789 cũng như Tuyên ngôn của Hà Lan năm 1795 cũng đã xác lập nguyên tắc bảo đảm khả năng tiếp cận các thông tin từ các cơ quan công quyền hoặc các công chức phải báo cáo các công việc của mình. Đặc biệt, sau khi Liên hợp quốc ra đời năm 1945 và việc ghi nhận quyền tiếp cận thông tin như là một trong số các quyền và tự do cơ bản của cá nhân trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, quyền tiếp cận thông tin đã trở thành mối quan tâm trên bình diện quốc tế và ngày càng được các quốc gia. Kể từ thời điểm đó trở đi, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được quy định trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế trên phạm vi toàn cầu cũng như khu vực. Chẳng hạn như  Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước quốc tế khác như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Công ước Nhân Quyền Châu Âu (ECHR), Công ước Nhân Quyền Châu Mỹ (ACHR), Chương trình Hành động Chống tham nhũng dành cho khu vực Châu Á – Thái bình dương Được ký kết vào ngày 30 tháng 11 năm 2001 ở Tookyo (Nhật Bản) cũng xác định việc bảo đảm cho công chúng và các phương tiện truyền thông được tự do tiếp nhận và phổ biến thông tin về các vấn đề tham nhũng phù hợp với pháp luật trong  nước. Ở cấp độ quốc gia, hiện nay, hơn 80 quốc gia ban hành luật bảo đảm quyền tiếp cận thông tin công dưới những tên gọi khác nhau như Luật về tự do thông tin, Luật tiếp cận thông tin...

Như vậy, tiếp cận thông tin đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần được bảo đảm. Nói cách khác, công dân phải có quyền tiếp cận đối với thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật, chính sách cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền liên quan đến đời sống xã hội. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin được xem là nhân tố then chốt trong hoạt động quản lý của nhà nước đối với đời sống xã hội được vận hành theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Trong khoa học pháp lý quốc tế hiện nay cũng như trong thực tiễn ban hành và thực thi pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, dường như không có nhiều sự tranh luận về khái niệm quyền tiếp cận thông tin mặc dù, về tên gọi, quyền này có thể được thể hiện trong các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như quốc gia không hoàn toàn giống nhau. Các văn kiện quốc tế khác nhau xác định nội dung của quyền tiếp cận thông tin với nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo đó, quyền tiếp cận thông tin có nghĩa rộng nhất bao quát cả quyền tự do thể hiện ý kiến và thông tin thông qua việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin. Theo nghĩa hẹp hơn, quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền tự do tìm kiếm và có được thông tin. Định nghĩa hẹp nhất về quyền tiếp cận thông tin cho rằng đó là quyền của mỗi cá nhân đối với việc xem xét hoặc sao chụp các tài liệu được các cơ quan nhà nước nắm giữ. Ngày nay, nhiều tài liệu và văn kiện pháp lý quốc tế chấp nhận quan điểm hẹp để tránh việc gay tranh cãi. Như vậy, xét một cách tổng quát, quyền được thông tin hay quyền tiếp cận thông tin là khái niệm được sử dụng để nói đến quyền của công chúng được biết thông tin của nhà nước, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận.

Thông qua quyền tiếp cận thông tin, công chúng có thể giám sát sự công khai và minh bạch trong hoạt động của nhà nước nhằm bảo đảm sự “cân bằng” giữa quyền lực của nhà nước và quyền lợi của công chúng. Với cách nhìn nhận như vậy, quyền tiếp cận thông tin có thể được xem xét ở các phương diện cơ bản sau đây:

1. Quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của con người, nó có mối quan hệ mật thiết với các quyền khác của con người và nó có vai trò quan trọng trong việc thực thi và bảo vệ các quyền khác của con người. 

 Tự do thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Liên Hợp quốc xem việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin như là tiêu chuẩn của sự tự do của con người. Việc thừa nhận quyền tự do thông tin trong các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người của Liên Hợp quốc được xem như là sự cống hiến của tổ chức này đối với sự phát triển của xã hội nói chung và quyền con người nói riêng.

Tuy vậy, quyền tiếp cận thông tin không tồn tại một cách độc lập, nó có quan hệ chặt chẽ với các quyền dân sự - chính trị khác của cá nhân. Điều này được thể hiện ở chỗ, một mặt, quyền tiếp cận thông tin có thể được hiểu như là bộ phận của nhóm các quyền dân sự và chính trị, nó là bộ phận cấu thành quyền tự do thể hiện ý kiến mà đòi hỏi các cơ quan công quyền của một quốc gia phải tôn trọng và kiềm chế can thiệp vào sự tự do thông tin của công dân. Với ý nghĩa đó, quyền tiếp cận thông tin là một nội dung của không tách rời của quyền tự do ngôn luận. Mặt khác, quyền tiếp cận thông tin cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền khác của con người và cần được bảo vệ bởi các quyền đó.[49] Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của con người, các quyền khác cần phải được tôn trọng. Chẳng hạn, công dân có các quyền về chính trị như: tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, tham gia thực hiện giám sát bộ máy nhà nước, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,  tự do hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật, tự do thể hiện ý chí của mình khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý… Các quyền này chỉ được thực hiện và được bảo vệ một cách hữu hiệu khi người dân có đầy đủ thông tin cần thiết. Ngược lại, nếu không có đầy đủ các thông tin cần thiết, người dân không thể thực hiện quyền khiếu nại của mình hoặc không thể thực hiện được quyền ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước hoặc tham gia giám sát việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của bộ máy nhà nước.

Thêm vào đó, quyền tiếp cận thông tin còn có vai trò như là người bảo vệ cho các quyền khác của con người được pháp luật ghi nhận. Mặc dù, nhiều nhà bình luận thường tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh chính trị của quyền tiếp cận thông tin, nhưng trên thực tế, quyền tiếp cận thông tin còn được xem là phương tiện để bảo đảm các lợi ích khác của người dân. Quyền tiếp cận thông tin của cá nhân nào đó chính là việc tôn trọng các giá trị cơ bản của con người nhưng nó cũng đồng thời có vai trò quan trọng đối với tính hiệu quả của các quyết định mang tính cá nhân, chẳng hạn, việc tiếp cận thông tin đối với hồ sơ bệnh án có thể giúp các cá nhân quyết định về phương pháp điều trị, kế hoạch tài chính…Vì thế, ở mức độ rộng hơn và bao quát hơn, quyền tiếp cận thông tin được sử dụng cho nhiều mục tiêu quan trọng khác mà không phải vì mục đích chính trị. Chúng ta có thể thấy được điều này ở nhiều nước trên thế giới nơi mà người dân sử dụng quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ các quyền lợi của mình. Chẳng hạn, người dân Ấn Độ sử dụng quyền tiếp cận thông tin để thực thi việc cung cấp khẩu phần thực phẩm bằng cách công khai rằng những người bán thực phầm không cung cấp thực phẩm đã được hỗ trợ của chính phủ cho những người có nguy cơ chết đói. Nhờ đó, hệ thống cung cấp thực phẩm của Ấn độ đã có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, người có nguy cơ bị chết đói có thể nhận thức ăn của mình từ những người bán thực phẩm và những người bán hàng này sẽ nhận được phần bồi hoàn tương ứng từ chính phủ;[50] Hoặc: “Ở Thái Lan, bà mẹ có con gái bị từ chối nhận vào trường học danh tiếng đã yêu cầu xem các kết quả kỳ thi tuyển sinh vào trường. Khi bà mẹ đó bị từ chối, bà đã khiếu kiện lên Uỷ ban thông tin và các toà án. Cuối cùng, bà cũng đã nhận được thông tin rằng con cái của những người có ảnh ưởng đã được chấp nhận vào trường học đó ngay cả khi chúng có kết quả thi thấp. Vì thế, Hội đồng nhà nước đã ban hành lệnh cho rằng tất cả các trường chấp nhận các sinh viên chỉ trên cơ sở phẩm chất và năng lực của học sinh”.[51]

Ở nhiều nước, các cá nhân có thể tiếp cận hồ sơ được lưu giữ bởi các cơ quan công quyền liên quan đến cá nhân mình và người dân có thể hiệu chỉnh các hồ sơ của mình nhằm bảo đảm tính chính xác của các hồ sơ đó để giúp cho các cơ quan nhà nước khi đưa ra các quyết định phải dựa vào các thông tin mới nhất và chính xác nhất. Thậm chí, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quyền tiếp cận thông tin cũng bảo đảm rằng mọi người có thể thấy được những lợi ích hoặc các dịch vụ mà họ được hưởng và họ tự kiểm tra xem liệu họ có đang thật sự nhận được giá trị thật của những lợi ích và dịch vụ đó không. Chẳng hạn, người dân Nam Phi có thể sử dụng quyền này để khiếu kiện các ngân hàng khi họ muốn biết tại sao hồ sơ vay tiền của họ bị từ chối… hoặc các nhóm bảo vệ môi trường có thể biết được mức độ thiệt hại đối với môi trường của các dự án mà chính phủ đang thực hiện.

 Ngày nay, quyền tiếp cận thông tin đang được nhiều người quan tâm ở một góc độ khác là việc sử dụng quyền này phục vụ cho các hoạt động kinh doanh. Người dân có thể sử dụng quyền tiếp cận thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của mình. Trong bối cảnh của bất kỳ một nền kinh tế nào, các thông tin về tất cả các lĩnh vực đặc biệt là thông tin trong lĩnh vực thương mại được nắm giữ bởi các cơ quan công quyền có thể là rất hữu ích đối với các thương gia. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, việc sử dụng quyền tiếp cận thông tin của các thương gia không phải chỉ hữu ích đối với thương gia mà còn hỗ trợ khả năng điều phối của nhà nước. “Quyền đối với thông tin giúp một lượng thông tin được lưu thông giữa chính quyền và các khu vực kinh doanh, làm tối đa hoá khả năng điều phối, phụ trợ lẫn nhau[52]

Tóm lại, quyền tiếp cận thông tin là là một quyền cơ bản của con người và có mối quan hệ mật thiết với các quyền khác. Quyền tiếp cận thông tin được bảo đảm sẽ là cơ sở để người dân có thể thực thi các quyền khác và ngược lại, việc bảo đảm và thực thi các quyền khác của con người cũng chính là điều kiện để bảo đảm cho quyền tiếp cận thông tin.

2. Quyền tiếp cận thông tin, về bản chất là giải quyết mối quan hệ giữa người dân với nhà nước nó vừa là cơ sở để bảo đảm lợi ích của người dân, vừa là điều kiện để tăng cường được quyền lực nhà nước.

Mặc dù, như đã nói ở trên, quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của con người nhưng, ở một chừng mực nào đó, quyền này là quyền phụ thuộc. Bởi vì, quyền tiếp cận thông tin của cá nhân có thể dễ dàng bị hạn chế bằng các hoạt động hàng ngày của chính phủ có ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền này. Do đó, tương ứng với quyền này của người dân cần có nghĩa vụ của chính phủ. Đó là nghĩa vụ bảo đảm thông tin có thể tiếp cận được của người dân bằng chính các biện pháp có tính chất chủ động (chủ động công bố các thông tin liên quan đến chính sách gắn liền với lợi ích của cộng đồng) hoặc thụ động (cung cấp các thông tin khi được người dân yêu cầu). Như thế, quyền tiếp cận thông tin được hiểu là quyền của người dân nhưng việc thực hiện quyền này lại hướng tới các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin và hơn thế, việc thực hiện quyền này cũng có thể hướng đến việc công chúng có thể kiểm soát hoạt động của các cơ cơ quan công quyền. Với ý nghĩa đó, quyền tiếp cận thông tin về bản chất là giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong việc lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin.

Quyền tiếp thông tin là nền tảng căn bản xây dựng niệm tin của công dân với nhà nước. Người dân chỉ thực sự tin tưởng vào chính quyền, vào các cơ quan công quyền khi họ có cơ sở để tin tưởng. Cơ sở đó là những thông tin chính xác và đầy đủ từ phía các cơ quan công quyền về tất cả các quyết định liên quan đến đời sống của họ. Nếu không có đầy đủ thông tin, người dân không thực sự có quyền lựa chọn người đại diện cho mình khi bầu cử, không có khả năng để tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định của chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống của họ…

Các tài liệu và các công trình đều nói đến tầm quan trọng hay ý nghĩa to lớn của quyền tiếp cận thông tin là bảo đảm trách nhiệm giải trình của chính phủ. Nói cách khác, người dân có thể dựa vào quyền tiếp cận thông tin đề yêu cầu chính phủ giải trình đối với các quyết định của mình và cao hơn là chống tham nhũng, làm giảm đói nghèo, và cuối cùng là sống trong một xã hội thực sự dân chủ. Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể cho rằng dường như việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin làm hạn chế vai trò của chính phủ trong việc đưa ra các quyết định của mình và dường như làm giảm đi sức mạnh của quyền lực nhà nước. Thực chất, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ giúp cho nhà nước thực hiện tốt chức năng và vai trò của mình hơn. Chẳng hạn, việc người dân có được các thông tin về công tác hoạt động của chính phủ hoặc các định hướng, quan điểm về chính sách và lập pháp sẽ giúp cho người dân kiểm soát việc thực hiện của chính quyền. Khi chính quyền có được sự giải trình một cách thỏa đáng đối với người dân về các chính sách hoặc các công việc của mình, sự tin tưởng của người dân đối với chính quyền sẽ ngày càng tăng lên. Mặt khác, người dân cũng sẽ không thể đưa ra những ý kiến đóng góp một cách chính xác và hữu ích cho một chính sách nào đó của chính phủ mà không được tiếp cận với chính sách ấy và thông tin về lý do đề xuất chính sách cũng như những thông tin khác có liên quan đến việc xây dựng và thực hiện chính sách đó. Vì thế, quyền tiếp cận thông tin này không phải mang lại lợi ích cho người dân mà mang lại lợi ích cho chính nhà nước.

Để thu hút sự tham gia của nhân dân vào các công việc xã hội thì tự do thông tin là yếu tố quan trọng. “Dân chủ là sự trên sự đồng thuận của các công dân và sau đó Chính phủ thông báo cho các công dân về các hoạt động của mình và thừa nhận quyền của các công dân được tham gia vào các các công việc của Chính phủ. Công chúng chỉ thực sự có khả năng tham gia vào các quá trình dân chủ khi họ có đầy đủ các thông tin về các chính sách và hoạt động của chính phủ”.[53] Vì vậy, khi các cơ quan nhà nước nắm giữ các thông tin và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các thông tin đó thì sẽ bảo đảm các quyết định và chính sách của chính phủ được người dân thực hiện một cách đầy đủ. Ngược lại, nếu không có thông tin, người dân sẽ không thể có sự thảo luận về phạm vi các khả năng lựa chọn sẵn có, và theo đó, sẽ không có việc biểu quyết phù hợp với lợi ích và sự tin cậy tốt nhất mọi người, và đương nhiên sẽ không có sự thảo luận chính sách công một cách tích cực. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi các chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Như thế, những thông tin được cung cấp và công khai từ phía các cơ quan nhà nước, người dân sẽ kiểm soát được các hoạt động của chính phủ nhằm giúp cho chính phủ thực hiện tốt vai trò của mình.

Trước đây, người ta thường quan niệm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân là nghĩa vụ có tính chất thụ động thì những năm gần đây, chính phủ các nước đã thừa nhận rằng đây là nghĩa vụ tích cực. Điều này cho thấy việc chính phủ cung cấp thông tin cho người dân không phải là chỉ vì lợi ích của người dân mà còn là vì lợi ích của chính nhà nước. UNDP cho rằng: “Chính phủ khép kín gần như là thường kém hiệu quả theo đó, tự do thông tin là cần thiết nếu các vấn đề đưa ra để xác định và giải quyết. Hơn nữa, văn hoá quản lý khép kín thúc đẩy cho sự nghi ngờ và khuyến khích tin đồn và các lý thuyết về sự thông đồng im lặng. Trong nền văn hóa đó, công chúng dường như xử lý tất cả các thông tin của chính phủ với thái độ hoài nghi kể cả các chiến dịch giáo dục cộng đồng, chẳng hạn như các chiến dịch giải quyết những vấn đề về sức khỏe quan trọng như HIV/AIDS hoặc những chiến dịch có thể là đặc biệt nhạy cảm. Mọi người có thể dễ dàng thích nghi về mặt chính trị và hoài nghi đối với chính phủ và các dự định của nó, và chịu đựng để thay đổi trừ khi được chấp nhận bởi ý kiến của lãnh đạo”.[54]

Cũng có thể có ý kiến rất lạc quan cho rằng, bảo đảm quyền tự do thông tin sẽ chấm dứt mọi bất đồng quan điểm trong xã hội. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng, tự do thông tin ở mức độ cao không có nghĩa là sẽ chấm dứt được mọi sự bất đồng quan điểm trong xã hội. Tuy nhiên, nếu quyền tiếp cận thông tin được bảo đảm thực hiện một cách có hệ thống với sự quan tâm thích đáng để cân bằng các nhóm lợi ích khác nhau thì quyền này có thể thu hẹp những bất đồng quan điểm, nhờ đó tăng cường tính hiệu quả của các chính sách được ban hành cũng như nâng cao lòng tin của nhân dân vào nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ là nền tảng cơ bản để người dân có thể có thể kiểm soát các hoạt động của nhà nước mà ở mức độ cao là tăng cường tính hiệu quả trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Việc tiếp cận không bình đẳng đối với thông tin cho phép các công chức “theo đuổi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ hơn là cho lợi ích của người khác từ đó dẫn đến tình trạng tham nhũng mà người dân không thể kiểm soát. Thiếu thông tin sẽ cản trở sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ lợi ích của chính mình và đặt họ vào tình trạng dễ bị xâm hại, dễ bị thua thiệt trong quan hệ với các công chức và các cơ quan công quyền và hơn thế nữa, thiếu thông tin, người dân khó có thể đưa ra các sáng kiến để bảo đảm sự phát triển của chính họ về mọi mặt.  Do đó, quyền tiếp cận thông tin sẽ góp phần bảo đảm sự minh bạch của bộ máy nhà nước và nhờ đó, sẽ giúp cho người dân tham gia kiểm soát hoạt động của chính quyền để bảo đảm các hoạt động của nhà nước thực sự vì lợi ích chung của cộng đồng. “Không có quyền tiếp cận thông tin, chính phủ thiếu sự minh bạch và nhân dân sống trong một xã hội bí mật sẽ dẫn đến những đồn thổi, âm mưu và tham nhũng. Tham nhũng, đến lượt nó, gây tổn hại đến các hoạt động kinh tế bằng việc không khuyến khích đầu tư nước ngoài và trong nước, ngăn cản trợ giúp của nước ngoài. Tham nhũng “làm sói mòn đạo đức xã hội”, và nó “gây thiệt hại lớn nhất đối với người nghèo”. Tham nhũng, theo Ngân hàng thế giới là cản trở một cách rõ ràng khả năng người nghèo tự giúp họ thoát nghèo”.[55]

II – NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

Trong quá trình phát triển của quyền tiếp cận thông tin, nội dung của nó đã có sự phát triển ngày càng rộng hơn. Trong các văn kiện pháp lý đầu tiên về quyền con người, quyền tiếp cận thông tin được xem là một nội dung thuộc khái niệm quyền tự do ngôn luận. Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 qui định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào và không có ranh giới” và Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị qui định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bằng bản viết, in hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”

Cùng với sự phát triển của nền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin trở thành một quyền độc lập với nội hàm rộng hơn mà nền tảng của nó là quyền được biết sự thật và đòi hỏi phải có tự do thông tin. Vì vậy, nội dung của quyền tiếp cận thông tin không đơn giản chỉ là quyền của người dân mà còn phản ánh nghĩa vụ của nhà nước bảo đảm cho công dân có được các thông tin sự thật về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị xã hội và các lĩnh vực khác của đời sống. Những thông tin này là những thông tin được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt nhân dân lưu giữ với quan niệm“các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng”.[56] Đo đó, các cơ quan phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận đối với chúng.. Với ý nghĩa đó, khi nói đến nội dung của quyền tiếp cận thông tin, có hai nội dung cần phải được giải quyết. Một là, thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin; và hai là những thông tin nào sẽ được tiếp cận.

1. Thành tố cơ bản của quyền tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin theo quan niệm của đa số các luật gia ngày nay bao gồm quyền tự do tìm kiếm thông tin, thu thập thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin.

Tìm kiếm, thu thập thông tin

Một trong những nội dung cơ bản của quyền tiếp cận thông tin là quyền được có các thông tin đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi các cơ quan công quyền. Để có được các thông tin cần thiết đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi các cơ quan công quyền, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin trước hết phải có sự tự do trong việc tìm kiếm, thu thập thông tin. Điều này thể hiện tính chủ động của người có quyền đối với những thông tin cần thiết mà người đó quan tâm. Quyền tìm kiếm, thu thập thông tin được hiểu là chủ thể của quyền tiếp cận thông tin có quyền xem các tác phẩm, hồ sơ, tài liệu chứa đựng các thông tin được các cơ quan công quyền quản lý hoặc kiểm soát; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các thông tin đó dưới các hình thức khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau; có quyền có các bản sao có chứng thực các tài liệu chứa đựng các thông tin; và thu thập thông tin bằng việc sao chép các thông tin đó vào các thiết bị điện tử hoặc bằng việc in các tài liệu đó trực tiếp từ những nơi lưu giữ chúng. bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác.

Yêu cầu cung cấp thông tin,

Cùng với quyền tìm kiếm, thu thập thông tin, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin còn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý hoặc kiểm soát thông tin cung cấp thông tin cho mình. Quyền yêu cầu cung cấp thông tin được xem là một trong những điều kiện để bảo đảm cho việc tìm kiếm thu thập thông tin.

Sở dĩ như vậy vì, ngoài những thông tin được công bố công khai theo thủ tục pháp luật qui định, nhiều thông tin sẽ chỉ được cung cấp khi có yêu cầu của cá nhân và tổ chức vì thông tin đó có thể chỉ liên quan đến quyền và lợi ích của một hoặc một nhóm người. Chẳng hạn, thông tin về tình trạng bệnh tật của người bệnh, thông tin về một cá nhân nào đó... Trong những trường hợp như vậy, chủ thể của quyền tiếp cận thông tin chỉ có thể tìm kiếm, thu thập thông tin khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ thông tin đó cung cấp.

Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của người dân đòi hỏi một nghĩa vụ tương ứng từ phía các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin. Đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Như đã nói ở trên, quyền tiếp cận thông tin của người dân có thể bị hạn chế bằng các hoạt động của các cơ quan công quyền trong việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các rào cản kỹ thuật và pháp lý để hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Vì thế, để bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin, đòi hỏi nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, và cá nhân có thể thực hiện được quyền này. Đồng thời, các cơ quan công quyền phải có trách nhiệm công bố thông tin cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin. Thiếu các cơ chế để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đồng nghĩa với việc không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hậu quả của việc thiếu cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân đó là tình trạng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, bất công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, quyền tiếp cận thông tin cũng gắn liền với quyền yêu cầu nhà nước có rách nhiệm bảo đảm rằng các loại thông tin cần thiết liên quan đến lợi ích của cộng đồng phải luôn sẵn sàng cho việc tiếp cận

Có ý kiến cho rằng, quyền tiếp cận thông tin bao gồm các việc tự do truyền bá, phổ biến thông tin. Theo đó, truyền bá hay phổ biến thông tin có nghĩa là cá nhân, công dân có thông tin được quyền truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin mà mình đang nắm giữ cho mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về ranh giới hay các hình thức đưa tin.[57] Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, truyền bá thông tin là một nội dung gắn với tự do thông tin, một khái nhiệm có phạm vi khác so với khái niệm tiếp cận thông tin. “Tự do thông tin được hiều là quyền cơ bản của cá nhân và công chúng và nằm trong mối quan hệ với tự do thể hiện quan điểm của mình. Theo đó, quyền tự do thông tin sẽ bao hàm việc cá nhân và công chúng được tự do truyền tải quan điểm, ý kiến và những thông tin mình có được. Việc truyền bá hay phổ biến thông tin có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức như nói, viết, in ấn, điện tử hoặc các hình thức khác.

2. Những thông tin nào có thể được tiếp cận?

Một câu hỏi lớn được đặt ra là người dân sẽ được tiếp cận đối với những thông tin nào? Có thể nói, đây được xem là vấn đề mấu chốt trong việc bảo đảm và thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Quan niệm cho rằng các cơ quan công quyền nắm giữa các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng đã in sâu vào suy nghĩ của mọi người trên khắp thế giới.[58] Nói cách khác, cơ quan công quyền không phải lưu giữ thông tin thay mặt chính họ, mà là thay mặt, hay xuất phát từ việc bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội. Vì thế, về mặt nguyên tắc, tất cả những thông tin liên quan đến lợi ích công cộng là có thể tiếp cận được. Theo đó, các thông tin có thể được tiếp cận là những thông tin về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội... về các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh về về các quyền và sự tự do của công dân. Như thế, lợi ích công cộng dường như là điều để giải thích cho sự tồn tại của quyền tiếp cận thông tin và những thông tin có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề có tính nguyên tắc là tự do thông tin không có nghĩa là tất cả các tin tức của nhà nước đang nắm giữ sẽ công khai hết, và tiếp cận thông tin không đồng nhất với việc cá nhân, công dân được tự do tìm kiếm, thu thập và yêu cầu cung cấp bất kỳ thông tin nào được lưu giữ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải có khả năng tiếp cận đối với các thành viên của cộng đồng trừ khi có một lợi ích công cộng khác quan trọng hơn đòi hỏi những thông tin đó phải được giữ bí mật.[59] Nói cách khác, sẽ có những thông tin liên quan đến lợi ích của cộng đồng nhưng không thể được tiếp cận bởi bất kỳ một cá nhân nào. Chẳng hạn, thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng, đến hệ thống phòng thủ của quốc gia... Tuy nhiên, cần phải lưu ý đến thời hạn cần thiết phải giữ bí mật. Nói cách khác, có những thông tin ở thời điểm này không thể tiếp cận được nhưng lại có thể tiếp cận ở thời điểm khác. Vấn đề được đặt ra là cần phải có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết được mối quan hệ giữa thông tin có thể tiếp cận và thông tin không thể tiếp cận được. 

KẾT LUẬN

Quyền tiếp cận thông tin ngày càng nhận được nhiều sự công nhận của nhiều quốc gia trên thế giới dựa vào nhiều lý do đầy sức thuyết phục. Điều đáng ngạc nhiên là đã mất một thời gian khá dài để đạt được như một sự công nhận một cách rộng rãi đối với một quyền của con người để làm nền tảng quan trọng cho nền dân chủ. Vì thế, việc làm rõ khái niệm và nội dung của quyền tiếp cận thông tin sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng nền dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, đói nghèo và tạo ra tiền đề cho việc phát triển

                                                   Chuyên đề 3

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VỀ  TIẾP CẬN THÔNG TIN

                                                                  PGS-TS Thái Vĩnh Thắng

                                                                      Đại học luật Hà Nội

1. Lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật về tiếp cận thông tin ở nước ngoài.

    Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1776 tại Thụy Điển trong Luật về tự do báo chí. Luật tự do báo chí của Thụy Điển năm 1776 là đạo luật đầu tiên trên thế giới quy định về quyền tiếp cận thông tin. Đạo luật này một mặt cho phép công dân quyền tự do ngôn luận, mặt khác công nhận cho công dân có quyền được “tiếp cận tài liệu công”. Đi tiên phong trong lĩnh vực tự do báo chí và tự do thông tin, Thụy Điển cũng là đất nước đầu tiên được thế giới ngợi ca về mô hình nhà nước phúc lợi chung trong đó đã kết hợp những nét ưu việt của cả hai mô hình chế độ chính trị là chế độ dân chủ tư sản và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên thế kỷ thứ 18, 19 quyền tự do thông tin đã có trong pháp luật Thụy Điển chưa được phổ biến rộng rãi sang các quốc gia khác trên thế giới. Chỉ sang đến thế kỷ 20 sau đại chiến thế giới lần thứ 2 khi Liên hiệp quốc được thành lập và sự ra đời của Bản tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội 1966 thì quyền tiếp cận thông tin mới được thế giới thừa nhận rộng rãi. Đặc biệt vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 một cuộc cách mạng về quyền tự do thông tin đã bùng nổ. Nếu năm 1990 chỉ có 13 nước ban hành Luật tự do thông tin/ tiếp cận thông tin thì đến nay vào thời điểm năm 2010 đã có gần 90 nước ban hành luật này. Sau Thụy Điển những nước đi tiên phong trong việc ban hành Luật tự do thông tin là Colombia (1885), Phần Lan (1919),  Mỹ (1966), Na Uy (1970),  Pháp (1978), Úc (1982), Canada (1983), Đan Mạch (1985), Hà Lan (1991); Hungary (1992), Hàn Quốc (1996), Kirgizstan (1997), Thái Lan (1997), Anbani (1999), Bungary (2000), Nam Phi (2000), Anh (2000), Jamaica (2002), Mexico (2002), Thổ Nhĩ Kỳ (2003), Pêru (2003), Nhật Bản (2004), Ấn Độ (2005), Azerbaijan (2005), Uganda (2005), LB Nga (2006), Indonesia (2007)…  Trung Quốc cũng đã ban hành Pháp lệnh về quyền tiếp cận thông tin năm 2007; 30 quốc gia khác đang nỗ lực xem xét ban hành luật này.  

  Theo Tony Mendel, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Liên hợp quốc về  quyền tiếp cận thông thì  “Quyền đối với thông tin ngày càng nhận được nhiều sự công nhận với một số lý do đầy thuyết phục. Điều đáng ngạc nhiên là đã mất một thời gian khá dài để đạt được một sự công nhận rộng rãi đối với một quyền của con người để làm nền tảng quan trọng cho nền dân chủ. Quan điểm phổ biến hiện nay là các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng đã in sâu và ý nghĩ mọi người trên khắp thế giới”[60]. Tổ chức nhân quyền quốc tế NGO, ARTICLE 19, tổ chức thực hiện chiến dịch toàn cầu về tự do ngôn luận đã mô tả thông tin như là khí ôxi của chế độ dân chủ. Thông tin như một nền tảng thiết yếu của nền dân chủ ở mọi cấp độ. Nói một cách chung nhất thì dân chủ chính là khả năng mà các cá nhân có thể tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra quyết định, những quyết định mà họ sẽ phải chịu sự tác động. Các xã hội dân chủ thường có nhiều cơ chế tham gia khác nhau từ việc bầu cử phổ thông đối với các cơ quan ví dụ như đối với giáo dục và y tế công cho tới cơ chế đóng góp ý kiến của công chúng đối với các dự thảo chính sách, dự thảo luật hoặc dự thảo các chương trình phát triển. Theo Tony Mendel sự tham gia có hiệu quả hay không ở tất cả các cấp độ phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin bao gồm các thông tin được nắm giữ bởi các cơ quan công quyền. Việc bầu cử không phải đơn giản chỉ là một cuộc thi về sắc đẹp chính trị, mục đích của các cuộc bầu cử là để hoàn thành đúng chức năng đích thực của chúng được miêu tả dưới góc độ của pháp luật quốc tế như một sự bảo đảm rằng ý chí của người dân chính là nền tảng của chính quyền[61]. Để một cuộc bầu cử đạt kết quả tốt, toàn bộ cử tri phải nắm được đầy đủ thông tin về cách thức bầu cử, về các ứng cử viên. Như vậy cử tri mới có đủ điều kiện để lựa chọn được người xứng đáng. Sự tham gia của công chúng là vấn đề trung tâm đối với quá trình ra quyết định hợp lý và đúng đắn. Báo cáo về phát triển con người của UNDP năm 2002 đã chỉ ra những lợi ích cơ bản của sự tham gia của dân chúng vào việc quyết định các chính sách công, nó chính là quyền cơ bản của con người mà tất cả xã hội nên hưởng ứng, nó bảo vệ con người khỏi các thảm họa về chính trị và kinh tế. Quyền đối với thông tin cũng có thể giúp đảm bảo một sân chơi công bằng hơn. Stigliz, người giành giải Nobel vì  có tác phẩm nổi tiếng về sự can thiệp có tính không cân xứng của thông tin đối với nền kinh tế, đã chỉ ra rằng việc tiếp cận không bình đẳng đối với thông tin cho phép các công chức theo đuổi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ hơn cho lợi ích của người khác. Những sự cải tiến về thông tin và những quy tắc quản lý việc phổ biến thông tin có thể làm hạn chế sự lạm dụng này[62]. Theo Tony Mendel, sự dân chủ cũng liên quan đến trách nhiệm giải trình, sự quản lý có hiệu quả, công chúng có quyền xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng các hành động của các nhà lãnh đạo của họ và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các hành động của các nhà lãnh đạo này. Họ phải có khả năng tiếp cận với các hoạt động của chính quyền, phải nắm được các thông tin về tình hình chính trị kinh tế xã hội của đất nước.

 Cũng theo Mendel quyền đối với thông tin cũng là một công cụ mấu chốt trong việc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi sai trái về chính quyền, các nhà báo điều tra và các tổ chức phi chính phủ làm nhiệm vụ giám sát có thể sử dụng quyền tiếp cận thông tin để vạch trần những hành vi sai trái nhằm loại bỏ nó.

 Trên một khía cạnh khác quyền tiếp cận thông tin được nhiều nhà khoa học coi là phương tiện có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thông tin nhanh nhạy và chính xác giúp cho các thương nhân có quyết định đúng đắn.

Ngày nay hầu khắp các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều có chung một nhận thức tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người. Thực hiện được quyền này là điều kiện cần thiết để các cá nhân có thể bảo vệ hữu hiệu các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, ngăn ngừa và chống lại các hành vi lạm dụng quyền lực, thúc đẩy dân chủ hoá và minh bạch hoá quá trình hoạch định chính sách và ban hành pháp luật, thực thi pháp luật, củng cố lòng tin và tăng cường sự ủng hộ của dân chúng đối với các chủ trương và chính sách của chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

 Quyền tự do thông tin hay tiếp cận thông tin trong xã hội đương đại là quyền đặc biệt quan trọng của con người. Trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân, các cơ quan công quyền nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích của cộng đồng. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải được các thành viên của cộng đồng tiếp cận  và nắm rõ nếu họ có mong muốn, trừ khi có một lợi ích công cộng khác quan trọng hơn buộc chúng phải được giữ bí mật.  Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong các nhà nước đương đại phản ánh một nhu cầu chính đáng của xã hội là Chính phủ của các quốc gia có trách nhiệm phục vụ nhân dân không phải bằng sự bưng bít thông tin mà bằng sự cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin cho nhân dân.

  Sự chuyển đổi sang cơ chế dân chủ tại nhiều quốc gia, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin cũng làm cho quyền đối với thông tin ngày càng trở nên quan trọng đối với mọi công dân. Công nghệ thông tin đã tạo điều kiện  và khuyến khích các thành viên của cộng đồng kiểm soát và hạn chế nạn tham nhũng bằng nhiều phương pháp khác nhau như giám sát hoạt động của các nhà lãnh đạo và khuyến khích công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định. Nói chính xác hơn thì điều này đã dẫn tới một nhu cầu ngày càng lớn đối với việc tôn trọng đối với thông tin.  Tiếp cận thông tin có một sức hút mạnh mẽ rộng rãi, và ngày nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 Chiến dịch toàn cầu cho tự do ngôn luận đã mô tả thông tin như là “khí ôxy của chế độ dân chủ[63]. Thông tin như một nền tảng thiết yếu của nền dân chủ ở mọi cấp độ. Nói một cách chung nhất, dân chủ chính là khả năng mà các cá nhân có thể tham gia một cách hiệu quả vào quá trình ra các quyết định, những quyết định mà họ sẽ phải chịu sự tác động. Sự tham gia có hiệu quả hay không ở tất cả các cấp độ từ việc bầu cử đến hình thành các tổ chức giám sát của người dân, cho đến đóng góp ý kiến đối với các dự thảo luật, dự thảo chính sách phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin bao gồm các thông tin được nắm giữ bởi các cơ quan công quyền. Mục đích của các cuộc bầu cử là để hoàn thành đúng chức năng đích thực của chúng, bảo đảm ý chí của người dân chính là nền tảng của chính quyền, ý chí này chỉ có thể thực hiện được khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ về quá trình bầu cử đặc biệt là có thông tin đầy đủ về các ứng cử viên. Điều này cũng đúng với các hình thức tham gia khác. Ví dụ như việc cung cấp các dữ liệu cho một quá trình hoạch định chính sách ví như cho một dự thảo chính sách khó mà thực hiện được nếu như người dân không thể tiếp cận được đối với những tư tưởng mang tính định hướng của chính quyền cũng như các thông tin cơ bản làm nền tảng cho các tư tưởng đó.

 Sự tham gia của công chúng cũng là vấn đề trung tâm đối với quá trình ra quyết định hợp lý và đúng đắn. Báo cáo về phát triển con người của UNDP năm 2002: “Tăng cường dân chủ trong một thế giới chưa hoàn thiện” đã chỉ ra lợi ích cơ bản của sự tham gia của công dân vào việc xây dựng các chính sách công, khẳng định đó là quyền cơ bản của con người  mà tất cả xã hội nên hưởng ứng. Sự tham gia của công chúng vào các chính sách chung bảo vệ con người khỏi các thảm họa về chính trị và kinh tế và nó “có thể khởi sự một chu kỳ đúng đắn  của sự phát triển”[64] . Khi việc tiếp cận thông tin củng cố sự tham gia có hiệu quả của công chúng thì nó đồng thời cũng góp phần tạo nên những lợi ích này. Quyền đối với thông tin cũng có thể giúp bảo đảm một sân chơi công bằng hơn. Stiglitz, người giành giải Nobel nhờ những thành công của các công trình nghiên cứu về sự can thiệp không cân xứng của thông tin đối với nền kinh tế đã chỉ ra rằng việc tiếp cận thông tin không bình đẳng cho phép các công chức “theo đuổi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ hơn là cho lợi ích của người khác. Những sự cải tiến về thông tin và những quy tắc quản lý việc phổ biến thông tin có thể làm hạn chế sự lạm dụng này”[65] . Công khai cùng với bầu cử và tự do báo chí là cần thiết bảo đảm xã hội mở và dân chủ.

  Quá trình phát triển dân chủ  liên quan đến tính chịu trách nhiệm của chính quyền bao hàm trách nhiệm giải trình và sự quản lý có hiệu quả. Công chúng có quyền xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng các hành động của các nhà lãnh đạo của họ và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các hành động của các nhà lãnh đạo này. Họ phải có khả năng tiếp cận với các hoạt động của chính quyền. Một trong những cách có hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề quản lý yếu kém chính là các cuộc tranh luận công khai và đảm bảo quyền được thông tin.

  Uỷ ban Cải cách pháp luật và Hội đồng giám sát hành chính Australia đã nhận định: “Luật Tự do thông tin đã có ảnh hưởng to lớn đến cách thức mà các cơ quan Nhà nước ra quyết định cũng như cách thức mà họ lưu trữ các thông tin. Luật này nhắc nhở những người ra quyết định phải nhớ rằng  sự ban hành các quyết định  luôn luôn dựa trên các yếu tố có liên quan nên phải lưu trữ lại toàn bộ quá trình soạn thảo và ra quyết định. Việc nhận thức rằng các quyết định và quá trình ra quyết định là minh bạch và chịu sự giám sát của công luận theo quy định của Luật tự do thông tin sẽ tạo ra kỷ cương vững chắc trong khu vực Nhà nước.”

 Quyền đối với thông tin cũng là một công cụ mấu chốt trong việc đấu tranh chống tham nhũng và các hành vi sai trái của chính quyền. Các nhà báo và các tổ chức phi chính phủ làm nhiệm vụ giám sát có thể sử dụng quyền này để vạch trần các hành vi sai trái nhằm loại bỏ nó. Như một thẩm phán toà án tối cao Mỹ  Louis Brandeir đã nói: “Ánh sáng chính là chất tẩy tốt nhất”.  Công ước quốc  tế của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2005 đã nhấn mạnh về sự minh bạch và cởi mở trong đó bao gồm yếu tố sự tham gia của công chúng và minh bạch trong khu vực doanh nghiệp. Điều 10 của Công ước quy định: “Mỗi quốc gia tham gia sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng tính minh bạch trong khu vực hành chính công bao gồm các thủ tục và quy định cho công chúng có thể nhận thông tin về tổ chức, chức năng, quá trình ra quyết định  hành chính công có tính đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự riêng tư, và cả các quyết định và văn bản pháp lý liên quan đến công chúng”.

 Quyền tiếp cận thông tin cũng đáp ứng các mục tiêu xã hội quan trọng khác chẳng hạn quyền của cá nhân tiếp cận thông tin cá nhân của mình là một phần nhân phẩm của cá nhân đó và là mấu chốt để cá nhân đưa ra quyết định hiệu quả. Ví dụ khả năng tiếp cận thông tin bệnh lý cá nhân có thể giúp cá nhân đó đưa ra quyết định về phương thức điều trị, lên các kế hoạch tài chính…

 Một khía cạnh khác của quyền đối với thông tin thường được phản ánh là việc sử dụng quyền này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Các cơ quan công quyền nắm giữ một khối lượng lớn các thông tin trong tất cả các lĩnh vực, nhiều loại trong số đó liên quan tới các vấn đề kinh tế và chúng có thể là rất hữu ích cho các doanh nhân.

 Nhìn nhận một cách tổng quát, quyền tiếp cận thông tin đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tăng cường thực hiện và thực hiện tốt, thực hiện một cách công bằng các quyền chính trị, dân sự , kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân từ quyền bầu cử, quyền chất vấn, biểu quyết, tham gia đóng góp ý kiến, khiếu nại tố cáo đến quyền yêu cầu bồi thường do hành vi sai trái của cơ quan công quyền, quyền tự do kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn, quyền học tập và lao động, quyền được sống trong môi trường trong sạch, tiếp cận với các dịch vụ y tế…Thông tin công là tài sản công và chính sách cung cấp thông tin công phải hình thành trên cơ sở phi lợi nhuận. Quá trình tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi luật pháp và củng cố nhà nước pháp quyền. 

 Một ví dụ cụ thể về lợi ích tự do thông tin tại Ấn Độ, luật tự do thông tin quy định những người cung cấp thực phẩm không được phép lạm dụng việc cung cấp lương thực được Chính phủ trợ cấp nhằm làm bần cùng hoá người dân. Điều này đã  tạo ra một sự thay đổi căn bản trong hệ thống phân phối lương thực nhằm đảm bảo rằng các công dân được nhận phần lương thực của mình trong khi các nhà cung cấp cũng nhận được tiền công đầy đủ. Nhiều quốc gia khác cũng sử dụng quyền này thúc đẩy các quan chức Chính phủ phải phản ứng và có hành động một cách nhanh chóng hơn đối với các vấn đề đã tồn tại dai dẳng trong xã hội như đường sá, xây dựng và tạo việc làm. Ở Thái Lan, một người mẹ có con bị từ chối không cho nhập học vào một trường công đầy danh tiếng đã yêu cầu nhà trường phải cho xem kết quả thi đầu vào. Khi nhà trường từ chối, người mẹ này nộp đơn lên Uỷ ban Thông tin và cho Toà án. Kết quả là bà nhận được thông tin rằng con cái của nhiều người có ảnh hưởng lớn đã được chấp nhận vào học trong trường mặc dù có điểm thi rất thấp. Sau đó Hội đồng Nhà nước đã ban hành một quyết định rằng các trường chỉ được phép tiếp nhận sinh viên dựa trên một yếu tố duy nhất là kết quả học tập.

  Tự do thông tin cũng có lợi ích hàn gắn vết thương quá khứ. Tại nhiều quốc gia trong quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ, Luật tự do thông tin cho phép các Chính phủ chia sẻ thông tin, tài liệu về quá khứ và cho phép xã hội cũng như các nạn nhân và gia đình của họ, những người từng bị lạm dụng và thương tổn biết và hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong quá khứ.    

 Có thể nói, nhận thức tầm quan trọng của tiếp cận thông tin không chỉ là từ phía công chúng, các nhóm xã hội mà còn từ phía Chính phủ. Sự cần thiết

của quyền tiếp cận thông tin cho các mục tiêu dân chủ, chống tham nhũng, đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích cơ bản của cá nhân, từng lớp xã hội cũng như coi nó là một nguồn lực xã hội cần tiếp cận và khai thác bình đẳng để giải quyết các vấn đề kinh tế, môi trường và  an sinh xã hội. Xây dựng một Chính phủ điện tử trở thành một nhu cầu thiết yếu trong việc quản lý và điều hành nhanh và có hiệu quả vì vậy tự do thông tin được nhiều lãnh đạo quốc gia đánh giá như là nhu cầu tự thân. Một số yếu tố khác như nhu cầu hiểu đúng và thực thi các chính sách của Nhà nước từ phía công chúng, nhu cầu cân bằng lợi ích các nhóm xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội và tạo điều kiện cơ chế giám sát từ bên trong có hiệu quả… cũng thúc đẩy Chính phủ nhiều nước nhận thức về quyền tự do thông tin. Uỷ ban New Zealand, một trong những cơ quan có sự đóng góp to lớn cho sự ra đời của Luật thông tin chính thức nhận định: “Tự do thông tin ở mức độ cao không có nghĩa là sẽ chấm dứt được mọi sự bất đồng quan điểm trong xã hội cũng như giải quyết được hết các vấn đề chính trị chủ yếu. Tuy nhiên, nếu quyền này được áp dụng một cách hệ thống với sự quan tâm thích đáng nhằm cân bằng các nhóm lợi ích khác nhau thì quyền này có thể làm thu hẹp việc bất đồng quan điểm, tăng cường tính hiệu quả của các chính sách được ban hành cũng như nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị”. Tuy vậy ở nhiều nước vẫn còn có khái niệm “văn hoá giữ bí mật”, nhiều đạo luật về tự do thông tin có mức độ áp dụng rất hạn chế hay người dân rất khó tiếp cận thông tin dẫn đến tình trạng độc quyền thông tin hoặc đầu cơ thông tin, thông tin chỉ đến được với một số người và nhằm đảm bảo quyền lợi của một số người nhất định.

 Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển, các quyền con người ngày càng cần được coi trọng, các quốc gia trên thế giới đã chú trọng ban hành các đạo luật liên quan quyền tiếp cận thông tin dựa trên các văn kiện quốc tế mà quốc gia đó ký kết, tham gia và dựa trên tình hình cụ thể của đất nước. Đến nay đã có gần 90 nước ban hành đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin và nhiều quốc gia cũng đang chuẩn bị ban hành đạo luật này. Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của mỗi nước, tác động từ bên ngoài, sứp ép từ phía công chúng, các nhóm xã hội, giới truyền thông, nhu cầu đấu tranh chống tham nhũng vì sự bình đẳng và tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế cũng đòi hỏi mỗi quốc gia không thể tự mình tách ra khỏi thế giới mà phải chuyển mình, mở rộng và thực hiện tốt hơn các quyền công dân bao gồm quyền tiếp cận thông tin cũng như các quyền liên quan. Có thể nói ban hành luật tự do thông tin hay tiếp cận thông tin là một yêu cầu bức thiết của hầu hết các nước trên thế giới. Nó đi đôi với việc ban hành hay sửa đổi các đạo luật khác liên quan đến quyền tiếp cận thông tin từ công chúng , đảm bảo quyền tìm kiếm thông tin, phổ biến, trao đổi thông tin (ngoại trừ một số ít những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật cá nhân, bí mật thương mại, bí mật điều tra tội phạm)  của mọi  cá nhân phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, của tập thể và cá nhân.

2. Sự hình thành và phát triển của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam

  Ở Việt Nam, quyền được thông tin đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và nhiều văn bản pháp luật khác, tuy nhiên cho đến nay Nhà nước ta vẫn chưa có đạo luật riêng quy định  về quyền này. Quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay được thể hiện rãi rác trong nhiều văn bản pháp luật: Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, Luật báo chí năm 1989, Luật xuất bản năm 2004, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân  và Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật kiểm toán Nhà nước năm 2005, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003. Đặc biệt trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 đã quy định những nội dung phải công khai để nhân dân biết, nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, của cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan.

 Những quy định trên đây về việc tiếp cận thông tin của công dân và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước về cung cấp thông tin trong một số lĩnh vực và phạm vi địa bàn áp dụng cũng đã khá rõ tuy nhiên việc thực hiện các quy định nói trên còn rất hạn chế vì trong tất cả các văn bản pháp luật nói trên hầu như rất ít chế tài quy định về vấn đề xử phạt việc không cung cấp thông tin và những quy định nói trên nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau và thiếu tính hệ thống nên vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để đảm bảo cho công dân được thực hiện một cách đầy đủ quyền tiếp cận thông tin.

2.1.Bảo đảm quyền được thông tin qua báo chí, xuất bản

 Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, là diễn đàn, tiếng nói của mọi tầng lớp trong xã hội. Xét về mặt lịch sử, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản được pháp luật quy định từ khá sớm, có thể thấy trong Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam.

   Luật Báo chí năm 1989 sửa đổi năm 1999 đã quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Điều 2). Luật cũng quy định trách nhiệm của báo chí là đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân. Điều 7 Luật báo chí quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền, vừa được coi là nghĩa vụ của các cơ quan và công chức nhà nước. Điều 8 quy định người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí.

 Cụ thể hoá Luật Báo chí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết việc thi hành Luật Báo chí. Theo Nghị định này, nhà báo có quyền đến cơ quan, tổ chức để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí; được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước; được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên toà xét xử công khai…

 Ngoài các hình thức yêu cầu cung cấp thông tin một cách trực tiếp và thông qua báo chí, công chúng còn có thể đưa ra yêu cầu tiếp cận với thông tin của các cơ quan nhà nước qua một số kênh khác như thông qua các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, hoặc qua các cuộc họp dân, hay thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

   Luật Xuất bản năm 2004 quy định cho phép các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản và cho phép các nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.

2.2. Nội dung, phạm vi các vấn đề, lĩnh vực cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai trong hoạt động, bảo đảm quyền được biết của công dân trong một số văn bản pháp luật.

  Các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan công quyền phải công khai được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

 Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 tại Điều 5 liệt kê 11 lĩnh vực chính quyền địa phương phải công khai cho dân biết, bao gồm các vấn đề liên quan: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự án, công trình đầu tư, nhiệm vụ, quyền hạn cán bộ công chức của cấp xã; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, chủ trương kế hoạch cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất…

    Luật kế toán năm 2003 quy định nội dung công khai báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước

 Luật Kiểm toán năm 2005 quy định: công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Điều 58). Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật. Điều 59 của Luật quy định: công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật kế toán.

 Trên lĩnh vực nhà ở, Nghị định số 90/2006 ngày 13/9/2006 quy định chi tiết hướng dẫn Luật Nhà ở năm 2005 có quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại.

 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nội dung nguyên tắc công khai, minh bạch tại Điều 11: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch bảo đảm công bằng, dân chủ. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ. Từ Điều 13 đến Điều 30 quy định 18 nội dung các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ công quyền phải công khai như: trong lĩnh vực mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản; về tài chính và ngân sách nhà nước; trong việc huy động và quản lý sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân; trong việc quản lý sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ; trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; trong kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước; trong quản lý sử dụng đất v.v.   Điều 33 quy định công khai báo cáo hàng năm về kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng.

 Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005 tại Điều 6 quy định các lĩnh vực công khai bao gồm phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước; tài sản và kế hoạch mua sắm, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước ...

 Luật bảo vệ môi trường năm 2005 tại Điều 104 quy định công khai thông tin, dữ liệu về môi trường bao gồm: báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các giải pháp  đã triển khai trên thực tế và kết quả thực tế đã đạt được.

 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004 tại Điều 8 có quy định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 Khoản 1 Điều này.

 Trước đó, Nghị định số 104/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước CHXHCN Việt Nam cũng quy định các văn bản phải đăng trên công báo ở trung ương.

Quy định về công khai cũng được quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật đa dạng sinh học năm 2008, Luật cư trú năm 2006, Luật Điện lực năm 2004, Luật dược năm 2004, Luật đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Xây dựng năm 2003, Luật công nghệ thông tin, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

 Nhằm tiếp tục bảo đảm tính công khai minh bạch trên lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngày 13/9/2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 92/2006 yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm công khai quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cả nước, các vùng, các tỉnh, huyện, các ngành, lĩnh vực để mọi công dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nghiên cứu và khai thác…

 Trong các văn bản này và các văn bản hướng dẫn thi hành, có quy định về các hình thức công khai thông tin và cách thức cung cấp thông tin, quyền yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm, thời hạn cơ quan công quyền phải cung cấp trả lời, cũng như các hình thức xử lý vi phạm mặc dù có thể chưa cụ thể, rõ ràng.

 Nhìn chung, pháp luật nước ta đã từng bước hoàn thiện theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đáng chú ý là các văn bản pháp luật được ban hành sau việc quy định trách nhiệm công khai minh bạch và cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có phần rõ hơn so với các văn bản ban hành trước. Tuy nhiên nếu nhìn vào hiện trạng pháp luật và quá trình thực thi pháp luật trong thời gian vừa qua cho thấy quyền được tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam vẫn còn hạn hẹp, nhiều bất cập khó thực hiện trên thực tế và có lúc có nơi vẫn còn bị vi phạm nghiêm trọng.

 Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền còn rất khó khăn, vì thế tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan này chưa được thực hiện, cụ thể như trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai…Vì thế hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong các cơ quan công quyền còn phổ biến, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện đông người, kéo dài hay vượt cấp…

 Việc thiếu các quy định cụ thể về thủ tục, trình tự yêu cầu, biện pháp xử lý vi phạm dẫn tới việc khai thác, tìm kiếm thông tin từ cơ quan công quyền vẫn thường hay bị gây phiền hà. Quyền được phổ biến thông tin, bày tỏ quan điểm, tiếp nhận thông tin một cách tự do gắn với quyền được thông tin còn thiếu cơ chế để thực hiện, các quy định hiện hành rất mờ nhạt. Hiện tượng bưng bít thông tin của các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất làm thiệt hại đến lợi ích của người dân khá phổ biến. Các phương tiện truyền thông còn bị hạn chế trong tiếp cận các thông tin từ phía các cơ quan công quyền, tổ chức và doanh nghiệp. Công tác phổ biến pháp luật còn yếu kém. Trình độ dân trí còn thấp, các hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình, xuất bản còn nhiều hạn chế, vì thế người dân chưa nhận thức được đầy đủ quyền của mình, thậm chí có khi thờ ơ với thông tin từ phía nhà nước. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có quy định các cơ quan công quyền phải tiếp nhận, trả lời các yêu cầu trực tiếp của cá nhân về thông tin mà các cơ quan công quyền đang nắm giữ dù đó không phải là thông tin mật. 

 Các văn bản về thông tin miễn trừ tiếp cận (quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Bảo vệ môi trường, Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ v.v. ) quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ cản trở cho việc tiếp cận thông tin của người dân hay gây khó khăn cho cơ quan, cán bộ cung cấp thông tin cho người dân cũng như làm công tác bảo mật.

 Xuất phát từ thực tiến tổ chức, lãnh đạo và quản lý nhà nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành TW Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra chủ trương nghiên cứu ban hành Luật bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Đây là cơ sở để thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hủ hoá, quan liêu trong bộ máy nhà nước và các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước.

                                       

                                              

                                               Chuyên đề  4

VAI TRÒ CỦA QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN ĐỐI VỚI CÔNG

DÂN  TRONG THAM GIA PHẢN BIỆN, GIÁM SÁT XÃ HỘI, TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ XÂY

 DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG KHAI, MINH BẠCH, HIỆU

QUẢ

                                                           Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Vân

                                                        Vụ pháp luật kinh tế -dân sự, Bộ tư pháp

Dẫn đề

Quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và nhiều công ước khác của Liên hợp quốc.

Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm mà không bị can thiệp, tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ cac ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào và không giới hạn”.

Ở Việt nam, quyền tiếp cận thông tin cũng được quy định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật”.

Mặc dù quyền tiếp cận thông tin đã được đề cập và điều chỉnh bằng Hiến pháp và một số văn bản quy phạm pháp luật, nhưng ở Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin, trong đó quy định một cơ chế cụ thể để thực thi quyền này trong thực tế, nhất là với chủ thể thụ hưởng quyền là công dân. Trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đang xem xét ban hành Luật Tiếp cận thông tin, việc nghiên cứu vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong mối quan hệ với hoạt động phản biện, giám sát xã hội; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả là cần thiết. 

Phạm vi nghiên cứu

Về giới hạn phạm vi nghiên cứu, Báo cáo này chỉ đề cập và phân tích quyền tiếp cận thông tin trong mối quan hệ với ba hoạt động sau đây: hoạt động phản biện xã hội và giám sát xã hội; hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả.

Về chủ thể nghiên cứu, Báo cáo chỉ phân tích những nội dung liên quan đến chủ thể là người dân với tư cách là một cá nhân thụ hưởng quyền tiếp cận thông tin. Báo cáo không đề cập và phân tích quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức, pháp nhân.

Về đối tượng nghiên cứu, Báo cáo cũng chỉ tiếp cận quyền tiếp cận thông tin trong phạm vi giới hạn là hoạt động quản lý hành chính nhà nước, không đề cập đến các lĩnh vực khác mà trong đó quyền tiếp cận thông tin cũng có thể được đặt ra (như tiếp cận thông tin thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp)  .

  1. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin đối với công dân trong tham gia phản biện, giám sát xã hội
  1. Sự cần thiết của hoạt động phản biện xã hội, giám sát xã hội

Cuộc sống không đứng yên một chỗ mà luôn biến động và phát triển không ngừng, như Héraclite[66] đã từng nói “Người ta không thế tắm hai lần trên một dòng sông”. Cũng chính với cách tiếp cận này, K. Max và F. Engel đã đưa ra nhận định: “Trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong”; “đối với triết học biện chứng thì không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả[67].

Không khó để nhất trí với nhận định cho rằng, một trong những đặc tính của hoạt động quản lý nhà nước là tính quan liêu của nó. Đặc tính này là một trong những mặt trái, một điểm yếu cố hữu trong hoạt động quản lý nhà nước. Nó là vật cản ngăn cách nhà quản lý nắm bắt chính xác sự vật và hiện tượng trong thế vận động và phát triển, nó có xu hướng kéo tầm nhìn của nhà quản lý tiếp cận sự vật, hiện tượng trong trạng thái “tĩnh”, trong khi sự vật và hiện tượng đó lại luôn ở trạng thái biến đổi không ngừng. Bởi vậy, trong quá trình điều hành và quản lý xã hội, mỗi khi cần đưa ra một chính sách mới, các nhà hoạch định chính sách luôn cần phân tích chính xác sự vật, hiện tượng vào thời điểm chính sách mới được đưa ra; cần nắm bắt đầy đủ, kịp thời những biến động, thay đổi của sự vật, hiện tượng; cần đo đếm được phản ứng của các nhóm lợi ích trong xã hội đối với chính sách trước khi nó được ban hành.

Việc nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác cho phép nhà hoạch định chính sách điều chỉnh tư duy, nhận thức của mình, kịp thời sửa đổi những bất cập, hoàn thiện ý tưởng về chính sách để khi được ban hành, chính sách đó cân bằng ở mức cao nhất những lợi ích khác nhau của các thành phần xã hội khác nhau. Trong bối xã hội hiện đại khi người ta ngày càng hạn chế nguyên tắc win-lost (bên này thắng- bên kia thua) để hướng tới nguyên tắc win-win (cả hai bên cùng thắng, hai bên cùng có lợi), hoặc win-win-win (tất cả cùng thắng, các bên đều có lợi), thì việc hoạch định một chính sách đáp ứng ở mức độ hài hoà nhất lợi ích của các thành phần trong xã hội là điều vô cùng quan trọng, nó cho phép không chỉ nâng cao tính khả thi, tinh thần tôn trọng của các đối tượng chịu sự tác động của chính sách mà còn đảm bảo sự bền vững của chính sách ấy, góp phần đem đến sự ổn định xã hội.

Trước yêu cầu đó, cơ chế phản biện, giám sát xã hội cho phép các nhà hoạch định chính sách thực hiện được nguyên tắc quan trọng nêu trên. Việc phản biện, giám sát xã hội thực chất là quá trình phản hồi, đối thoại của các đối tượng chịu tác động của chính sách (đối tượng chịu sự quản lý) đối với quá trình điều hành, quản lý xã hội của cơ quan nhà nước (đối tượng quản lý). Quá trình giám sát, phản biện xã hội chính là quá trình các thành phần khác nhau trong xã hội giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện những bất cập, những điểm chưa hợp lý của chính sách để từ đó nhận thức đúng sự vật, hiện tượng và có hướng quản lý phù hợp, tránh sự quản lý một cách duy ý chí.

Khoa học quản lý nói chung và việc quản lý hành chính nhà nước nói riêng là một quá trình dần hoàn thiện. Những ý kiến đồng thuận hay phản đối trong quá trình phản hồi, đối thoại sẽ giúp cơ quan quản lý tránh được những sai lầm để quản lý xã hội tốt hơn.

“Yêu cầu của phản biện xuất phát từ sự không hoàn thiện của tư duy, vì không ai, thậm chí một tập thể nghĩ một lần là hoàn chỉnh, là tiếp cận chân lý ngay, cho nên cần qua tranh luận, phản biện để hoàn chỉnh. Do đó, phản biện có tinh thần xây dựng rất cao. Cho nên phản biện rất cần thiết để hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách, tránh các sai sót, sơ hở”[68].  Thậm chí, với những thông tin bộc lộ trong quá trình đối thoại, cơ quan quản lý nắm bắt được kịp thời tâm tư, nguyện vọng của công chúng để điều chỉnh phương thức quản lý, phòng ngừa xung đột xã hội[69].

Ở góc độ của đối tượng chịu sự quản lý, chính quá trình phản hồi, đối thoại về chính sách sẽ cho phép họ hiểu được căn nguyên của chính sách, giải tỏa được tâm lý, nhận thức một cách hài hoà lợi ích của nhiều nhóm người khác nhau trong xã hội để từ đó ủng hộ hoặc tuân thủ chính sách mà nhà nước đưa ra.

  1.  Quyền tiếp cận thông tin của chủ thể thực hiện hoạt động phản biện xã hội, giám sát xã hội

Chủ thể thực hiện hoạt động phản biện xã hội và giám sát xã hội được hiểu là “nhân dân với tính chất là tập hợp các nhóm người, các tầng lớp trong xã hội”[70]. Với ý nghĩa này, trong phạm vi của hoạt động quản lý hành chính, chủ thể của phản biện xã hội, giám sát xã hội là các cá nhân, tổ chức trong xã hội – những đối tượng chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Một trong những tiêu chí quan trọng về các chủ thể phản biện xã hội, giám sát xã hội đó là vị thế độc lập của họ đối với các đối tượng mà họ sẽ thực hiện hoạt động phản biện, giám sát.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, đó là sự “độc lập trong mối quan hệ với người có thẩm quyền”. Đối với hoạt động giám sát xã hội, đó là mối quan hệ “phi công vụ” giữa người giám sát và người được giám sát[71]. Vị thế độc lập của chủ thể phản biện, giám sát xã hội cho phép họ có thể nhận xét, đánh giá, bình luận, phản hồi một cách khách quan về đối tượng phản biện, giám sát.

Tuy nhiên, một điểm cần được lưu ý ở đây là, cơ chế phản biện, giám sát một cách độc lập đối với hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước cần được phân biệt với và không loại trừ sự phản biện, giám sát “nội bộ” mà tự bản thân cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trong quá trình hoạt động của mình. Ví dụ, hoạt động thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành là một loại “phản biện nội bộ” – tự phản biện – do chính các cơ quan nhà nước thực hiện. Hoặc hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành cũng là một trong những cơ chế “tự giám sát” mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trong phạm vi hệ thống của mình. Dẫu rằng những hoạt động tự giám sát, tự phản biện này là cần thiết và đã có một sự độc lập tương đối giữa chủ thể phản biện, giám sát và chủ thể bị phản biện, bị giám sát, nhưng hiệu quả của nó không giống với cơ chế phản biện xã hội, giám sát xã hội, vì đây là những cơ chế phản biện, giám sát trong lòng hệ thống. Dù nó ít nhiều có tính độc lập, nhưng nó vẫn là sự phản biện, giám sát không phải dưới góc độ của các đối tượng chịu tác động của chính sách mà vẫn là của người nắm quyền quản lý đối với người bị quản lý, và vì vậy, nó chưa phải là ý kiến của người trong cuộc, sự cảm nhận về cái giá phải trả cho chính sách không thể sâu sắc.

Trong khi đó, phản biện, giám sát xã hội, do vị trí đặc biệt (là đối tượng chịu sự tác động của chính sách) và vị thế độc lập của mình (nằm ngoài hệ thống quản lý) chắc chắn sẽ có những lợi thế mà sự phản biện nội bộ không thể có được. Đó là sự độc lập, khách quan. Đó là tiếng nói của chính bản thân người trong cuộc. Đó là sức lan toả có tính chất cộng đồng. Đó là sự thảo luận thật sự (dù có thể căng thẳng và gay gắt) để tìm được tiếng nói chung của các nhóm lợi ích khác nhau. Và vì vậy mà hiệu quả của phản biện xã hội, giám sát xã hội lớn hơn nhiều so với cơ chế phản biện nội bộ trong quá trình tìm ra một chính sách tốt.

Tất nhiên, ở đây cũng không thể không lưu ý rằng, phản biện xã hội, giám sát xã hội không phải là hoạt động chỉ thuộc về những đối tượng chịu sự tác động của chính sách mà nó còn có thể là hoạt động của những cá nhân, tổ chức khác có sự quan tâm tới chính sách xuất phát từ ý thức trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức đó.

Một cách cụ thể, các chủ thể thực hiện phản biện xã hội, giám sát xã hội đối với hoạt động của cơ quan quản lý hành chính có thể là các cá nhân (bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức v.v…), các tổ chức đoàn thể (bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của nó), các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO) v.v…

Đối với các chủ thể nêu trên, để họ có thể thực hiện tốt hoạt động phản biện, giám sát xã hội, cần thiết phải cho phép họ được tiếp cận thông tin đối với các tài liệu mà cơ quan hành chính nhà nước nắm giữ.

Pháp luật nhiều quốc gia quy định, chủ thể quyền tiếp cận thông tin có thể là cá nhân, tổ chức.

Về phía cá nhân, một số quốc gia như Thuỵ Điển cho phép tất cả mọi người công dân có quốc tịch Thuỵ Điển hoặc không có quốc tịch Thuỵ Điển, về nguyên tắc, đều có quyền đọc các tài liệu của cơ quan công quyền. Tuy nhiên, quyền này có hai ngoại lệ: đó là công chúng chỉ được đọc những tài liệu là văn bản chính thức, điều này cũng có nghĩa là văn bản dự thảo một quyết định không được coi là văn bản chính thức (trừ văn bản dự thảo được sử dụng khi đưa ra quyết định cuối cùng) và vì vậy công chúng không được quyền tiếp cận. Ngoại lệ thứ hai là không được quyền tiếp cận đối với các văn bản được coi là mật, công chúng không được quyền đọc và cơ quan nhà nước cũng không được công khai về nó.

Một số quốc gia khác, như Tây Ban Nha, quy định công dân Tây Ban Nha có quyền tiếp cận tài liệu hành chính và hồ sơ của nhà nước (Điều 105 khoản b Hiến pháp Tây Ban Nha).

Về phía tổ chức, phần lớn các quốc gia (Ấn Độ, Séc, Nga v.v…) đều quy định tổ chức, pháp nhân đều có quyền tìm kiếm và nhận thông tin dưới bất kỳ hình thức nào. Riêng tại Ấn Độ, các nhóm hoạt động xã hội cơ sở đã sử dụng quyền tiếp cận thông tin để biết về các dự án, công trình công cộng ở địa phương (ví dụ, việc chi trả các khoản tiền được thực hiện như thế nào) qua đó, giám sát, phản biện về việc dự án đã hoàn thành hay chưa và các khoản tiền chi cho dự án đó là bao nhiêu[72].

Ở Việt Nam, mặc dù chưa có một đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin nhưng việc bảo đảm quyền được thông tin đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Hiến pháp, Luatạ Báo chí, Luật phòng chống tham nhũng, Luật xuất bản, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở v.v…

  1. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin của công dân trong phản biện xã hội, giám sát xã hội

Trong quá trình phản biện, giám sát xã hội, thông tin nói chung và quyền tiếp cận thông tin nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người ta không thể phản biện nếu không đủ thông tin. Người ta khó có thể giám sát nếu thông tin không được cho phép tiếp cận. Bởi vậy, quyền tiếp cận thông tin là một trong những nội dung không thể thiếu, nếu không nói là quan trọng nhất, của quá trình giám sát xã hội, phản biện xã hội.

Trong quá trình phản biện, giám sát xã hội, người dân phải được chủ động tiếp cận thông tin, điều này thể hiện ở sự tham gia trực tiếp của người dân vào mọi công đoạn của quy trình ban hành chính sách.

Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, … cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” và “cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo … có trách nhiệm tạo điều kiện để … cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản”.

Ngay từ khi cơ quan nhà nước có ý tưởng ban hành một chính sách mới hoặc thay đổi chính sách hiện hành, người dân đều phải được biết và có quyền tham gia ý kiến.

Điều 26 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Quốc hội” để người dân biết và có thể tham gia ý kiến. Trong suốt quá trình soạn thảo, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 104 hướng dẫn thi hành Luật này cũng có nhiều quy định về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào quy trình soạn thảo (Điều 28 Nghị định 104).

Sau khi chính sách được ban hành, để công chúng biết được thông tin, qua đó thực hiện quyền giám sát của mình, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định tại Điều 84, “văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản chậm nhất hai ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành và phải đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Tuy nhiên, trên đây là những quy định liên quan đến việc ban hành chính sách dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật. Trong thực tiễn điều hành, quản lý xã hội, có rất nhiều chính sách được ban hành không dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật mà dưới dạng các đề án, dự án, chương trình, mục tiêu, thậm chí là trong cả các công văn, báo cáo của cơ quan nhà nước. Vậy, làm thể nào để người dân có thể tiếp cận được các thông tin liên quan, qua đó có thể phản biện, giám sát đối với các đề án, dự án, chương trình, mục tiêu đó ? Đây là vị trí và vai trò không thể thay thế được của hệ thống truyền thông, báo chí.

Do những đặc thù của mình, báo chí, truyền thông là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu và nhanh chóng nhất, là cầu nối giữa nhà nước với người dân. Ngoài việc truyền tải thông tin, báo chí, tự bản thân nó cũng là một kênh phản biện, giám sát vô cùng hiệu quả[73].

Dưới góc độ là thiết chế truyền tải thông tin, báo chí vừa là phương tiện giúp nhà nước giới thiệu ý tưởng chính sách của mình với công chúng vừa là phương tiện phản hồi lại, phản ánh nguyện vọng, tâm tư của người dân đối với chính sách của nhà nước. Thực tế Việt Nam thời gian qua cho thấy, báo chí đã làm tốt vai trò của mình trong lĩnh vực này. Quá trình phản biện xã hội đối với dự án đường sắt cao tốc vừa qua là minh chứng rõ nhất cho sự phản biện xã hội nói chung và vai trò của báo chí trong hoạt động này nói riêng.

“Đề cập đến phản biện xã hội, không thể không nhắc đến vai trò cực kỳ quan trọng của báo chí nói chung., các nhà báo nói riêng. Như về dự án đường sắt cao tốc, chính nhờ có báo chí mà chúng tôi, những cử tri bình thường mới biết rằng trên nghị trường đã có nhiều vị đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ thái độ chưa tán thành dự án đường sắt cao tốc”[74].

Một số chủ thể trực tiếp tham gia phản biện xã hội về dự án đường sắt cao tốc đã đánh giá về vai trò và tác dụng của quá trình này như sau:

“Đối với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, tôi cho rằng đã có một bước tiến vượt bậc trong hoạt động phản biện xã hội. Đó là bước tiến vượt bậc ở cả hai phía: người chuẩn bị các ý kiến phản biện và người tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện đó, khiến quá trình tương tác trở nên... siêu tốc.

Tôi cho rằng sau những dự án lớn, các đại biểu Quốc hội đã nhìn nhận đúng thực chất tầm quan trọng của phản biện xã hội và Quốc hội đã rất thận trọng lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, xem xét và phân tích kỹ trước khi đưa ra quyết định. Ở đây, Quốc hội đã tiếp thu và phân tích các vấn đề mà các nhà khoa học nêu ra và giới truyền thông phản ánh.

Điều này cho thấy phản biện xã hội ngày càng có chỗ đứng đúng nghĩa của nó, thông tin đa chiều đã giúp các nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định sáng suốt, như vậy trí tuệ xã hội đã phát huy hiệu quả”[75].

Một số ví dụ khác về vai trò và tác dụng vô cùng quan trọng của phản biện xã hội:

 Khi báo chí và người dân phản ánh những bất cập trong việc lát đá xanh quanh Hồ Hoàn Kiếm, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp thị sát tình hình nhiều lần. Ngoài ra, đồng chí còn mời thêm đồng chí Phó Bí thư Thường trực đi cùng để tận mắt xem những vị trí chưa làm, hoặc đang làm như thế nào. Tiếp đó, đồng chí tổ chức tham khảo ý kiến của người dân để so sánh cái được, cái mất của dự án lát đá xanh quanh Hồ Hoàn Kiếm. Kết quả là lãnh đạo Thành phố đã đưa ra quyết định dừng lại việc này. Điều đó không chỉ góp phần tiết kiệm một số kinh phí không nhỏ cho Thành phố mà còn tác động tốt tới dư luận, tạo niềm tin của công chúng đối với cán bộ và cơ quan nhà nước.

Tương tự là chuyện dự kiến xây dựng 5 cổng chào ở các tuyến cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố. Về lý thuyết, đây là việc nằm trong danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phê duyệt và giao cho địa phương thực hiện. Song cũng có những ý kiến băn khoăn về sự cần thiết, về phác thảo kiến trúc, về kinh phí xây dựng và vị trí lựa chọn... Cuối cùng chủ trương của thành phố là cân nhắc, chỉ thực hiện việc thi công cổng chào ở những tuyến đường trọng điểm với kiểu dáng thiết kế nhận được sự đồng thuận cao. Những công trình này cần tính toán phương thức xây dựng, dự toán kinh phí sao cho ít tốn kém nhất và có thể tháo dỡ, chỉnh sửa khi cần thiết.

Các ví dụ trên cho thấy, những góp ý phản biện mang tính xây dựng của công luận và người dân là hết sức cần thiết và thái độ của lãnh đạo thành phố là cầu thị, nghiêm túc tiếp thu phản ánh từ dư luận. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển, tiết kiệm của cải cho xã hội (thông qua nguồn kinh phí đầu tư) và hạn chế những chi tiêu lãng phí. Cũng dễ dàng nhận thấy, những phản biện trên sẽ không thể có được hoặc không hiệu quả nếu người dân không biết hoặc biết không đầy đủ thông tin về các dự án, công trình nêu trên.

Những phân tích nêu trên cho phép đi đến một kết luận rằng, quyền được thông tin là điều kiện đầu tiên và cơ bản nhất trong quy trình phản biện, giám sát xã hội của công dân. Nói một cách khác, vai trò của quyền tiếp cận thông tin là vô cùng quan trọng trong cơ chế phản biện và giám sát xã hội, nó là tiền đề cơ bản, là sự sống còn, là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội và giám sát xã hội.

  1. Phương thức phản biện xã hội, giám sát xã hội và trách nhiệm giải trình

Công dân tham gia phản biện xã hội, giám sát xã hội có thể bằng hai phương thức trực tiếp và gián tiếp.

Phản biện trực tiếp có thể qua hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản, lời nói phát biểu trong các cuộc họp, hội thảo do cơ quan chủ trì dự thảo chính sách tổ chức. Sự góp ý cũng có thể trực tiếp ngay vào dự thảo văn bản được đưa ra lấy ý kiến nhân dân hoặc các đối tượng chịu tác động của văn bản.

Phản biện gián tiếp có thể qua việc chất vấn đại biểu Quốc hội ở những đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Dưới đây là một ví dụ về phương thức phản biện qua việc góp ý tại hội thảo, hội nghị đối với dự án đường sắt cao tốc:

 “Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, ngày 11-5, chín ngày trước khi Quốc hội khai mạc, Hội KHKT cầu đường VN (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN - VUSTA) tổ chức hội thảo với quy mô khá lớn, tập trung rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia từ nhiều hiệp hội khác nhau, từ các góc nhìn khác nhau đến trình bày các quan điểm khác nhau về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM.

Sau khi nghe tất cả ý kiến, VUSTA mới có văn bản riêng nêu lên chính kiến của mình gửi tới Quốc hội, Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ”[76].

Một khía cạnh quan trọng gắn liền với hoạt động phản biện, giám sát xã hội đó là trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Trách nhiệm giải trình là sự phản hồi, giải thích của cơ quan nhà nước đối với những ý kiến phản biện, đánh giá, nhận xét của các chủ thể thực hiện hoạt động phản biện và giám sát xã hội. Quá trình phản biện, giám sát xã hội chỉ thực sự có tác dụng nếu nó gắn liền với trách nhiệm giải trình, bởi nếu chỉ là một quy trình một chiều, những ý kiến phản biện, nhận xét, đánh giá có nguy cơ trở nên hình thức, không hiệu quả, không có tác dụng, từ đó làm suy yếu long tin của công chúng đối với cơ quan nhà nước.

Phản biện là quá trình nhận xét, đánh giá, phản hồi ý kiến đối với dự thảo chính sách, tìm ra những điểm bất hợp lý hoặc bất hợp pháp của dự thảo chính sách. Mục tiêu của hoạt động phản biện không phải là nhận xét, đánh giá hay phát hiện sai lầm của chính sách. Nhận xét, đánh giá, phát hiện sai lầm, phát hiện những điểm bất hợp lý của chính sách chỉ là phương thức thực hiện để đạt đến mục tiêu là cơ quan có thẩm quyền cần thay đổi chính sách cho phù hợp hơn. Vì vậy, quá trình phản biện, giám sát xã hội phải được sự lắng nghe, đối thoại của chủ thể xây dựng chính sách. Bản thân hoạt động phản biện xã hội, giám sát xã hội không có tính quyền lực nhà nước, không có khả năng cưỡng chế và vì vậy nó không trực tiếp dẫn tới hệ quả làm thay đổi chính sách. Phản biện và giám sát xã hội chỉ có tính chất khuyến nghị, về thực chất chỉ được cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong quá trình ban hành chính sách. Tuy nhiên, vì đây là cơ chế phản hồi, góp ý của công chúng nên đó là những ý kiến có sức lan toả và sự thuyết phục mà cơ quan ban hành chính sách không thể bỏ qua.

  1. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin đối với công dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và lạc hậu. Tham nhũng, sang đến thế kỷ 21 vẫn còn là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tham nhũng được coi là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và kìm hãm các chính sách của Nhà nước.

“Tham nhũng làm suy đồi các giá trị xã hội cơ bản, đe doạ nền pháp trị và làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các thiết chế chính trị. Nó tạo ra một môi trường làm việc chỉ có hối lộ phát triển. Nó cản trở các công trình khoa học, các nghiên cứu, làm suy yếu chức năng của các ngành nghề và gây trở ngại cho sự phát triển xã hội của tri thức. Nó là một trong những tác nhân chính dẫn đến sự hình thành và kéo dài những nỗi thống khổ của loài người, kìm hãm sự phát triển. Tham nhũng phát triển cực mạnh trong môi trường mà sự bưng bít và thờ ơ là phổ biến”[77].

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển của mình đã được Nhóm các nhà tài trợ thuộc Liên minh châu Âu nêu lên và khuyến cáo giải quyết, đó là nạn tham nhũng (bên cạnh các vấn đề về biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính).

Nguyên nhân của tham nhũng bắt nguồn phần lớn từ cơ chế quản lý không chặt chẽ, thiếu hiệu quả của nền hành chính. Vì vậy, để chống tham nhũng, cần phải làm cho nền hành chính trở nên “trong suốt”. Các thông tin công cần phải được công khai, minh bạch, người dân dễ tiếp cận. Chính sự minh bạch của thông tin và quyền tiếp cận thông tin cho phép người dân giám sát chính quyền, giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ. Nói cách khác, không thể chống tham nhũng nếu thông tin bị bưng bít hoặc không công khai, minh bạch. Quyền tiếp cận thông tin, bởi vậy, luôn được coi là một loại “vũ khí hữu hiệu chống tham nhũng”.

Việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến đất đai, quy hoạch sẽ tránh được tình trạng đầu cơ đất đai. Công khai thông tin liên quan đến thủ tục hành chính sẽ tránh được hiện tượng “cò” thủ tục trong các lĩnh vực hành chính, y tế, dân sự mà ở đây kẻ yếu thế, người thiệt thòi nhất vẫn luôn là người dân.

Việc công khai thông tin trong nhiều trường hợp đã giúp phát hiện ra nhiều vụ tham nhũng. Ví dụ, đó là các vụ xà xẻo tiền Tết của mấy chục gia đình chính sách tại Sầm Sơn, Thanh Hoá. Hoặc vụ tham nhũng, hối lộ liên quan đến tiền viện trợ ODA của Nhật Bản v.v…

Năm 2005, lần đầu tiên, Ban Nội chính trung ương đã công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất ở Việt Nam trong đó ba cơ quan dẫn đầu là địa chính nhà đất, hải quan/quản lý xuất nhập khẩu và cảnh sát giao thông[78]. Danh sách các cơ quan trên cho thấy chính sự thiếu minh bạch về thông tin đã dung dưỡng cho sự tham nhũng trong các lĩnh vực đó, nó là vật cản khiến người dân không tiếp cận được thông tin một cách dễ dàng. Bởi vậy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được nhà nước ta xác định cần gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, sao cho thông tin được người dân tiếp cận một cách công khai, minh bạch và thuận tiện.

  1. Vai trò của quyền tiếp cận thông tin của công dân trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả

Công khai, minh bạch là yêu cầu, là điều kiện thiết yếu đối với hoạt động của bộ máy quản lý hành chính của mỗi quốc gia. Một nền hành chính hiện đại hướng tới mục tiêu “ hành chính phục vụ” chứ không còn là “hành chính cai trị” lạị càng đòi hỏi hơn nữa sự công khai, minh bạch trong các hoạt động của mình. Công khai, minh bạch là một đòi hỏi của xã hội, nó cho phép người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của bộ máy công quyền. Công khai, minh bạch cũng là một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Dễ nhận thấy rằng, một nền hành chính không công khai sẽ chứa đựng trong đó nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngoài nguy cơ về nạn tham nhũng – căn bệnh trầm kha nhất của nền hành chính không công khai – thì sự thiếu minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính còn cản trở người dân, doanh nghiệp tiếp cận với những thông tin liên quan đến đời sống, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Sự thiếu thông tin sẽ dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp, khiến tích luỹ xã hội bị giảm xuống, ảnh hưởng đến tăng trưởng xã hội.

Thông tin, trong xã hội hiện đại và trong phạm vi của hoạt động quản lý hành chính, là tài sản chung của nhân loại. Trong nhiều trường hợp, nắm được thông tin đồng nghĩa với việc nắm được quyền lực, nắm được thông tin đồng nghĩa với việc kiếm ra tiền. Ở góc độ cá nhân, nắm được thông tin thậm chí có thể giúp người ta giữ được mạng sống của mình. Ở góc độ xã hội, thông tin được coi như là “khí ôxy của nền dân chủ”[79]. Bởi vậy, công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động quản lý hành chính là một tiêu chí quan trọng của việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước dân chủ, hướng tới mục tiêu tối cao là phục vụ nhân dân.

Để đạt được sự công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nói cách khác, công khai, minh bạch là một cách tiếp cận khác của quyền tự do thông tin, theo đó, người dân (và doanh nghiệp) được quyền biết về mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, qua đó, họ có thể thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan này. Họ cũng được quyền biết về những thông tin cần thiết ảnh hưởng đến đời sống của họ hay hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Chỉ với việc công khai, minh bạch thông qua quyền được tiếp cận thông tin của công dân mới có đủ điều kiện để xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

   Với tư cách là một trong những quyền cơ bản của con người, quyền tiếp cận thông tin bao hàm hai khía cạnh: một mặt, đó là quyền của công dân được chủ động tiếp cận, thu thập thông tin mà cơ quan nhà nước nắm giữ; mặt khác, đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân. Chính trên cơ sở hai khía cạnh này mà pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định những cơ chế hữu hiệu để bảo đảm cho quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực thi trong thực tiễn.

        Công dân có tiếp cận được thông tin hay không phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt là năng lực phục vụ của cán bộ nhà nước, bởi vậy, luật tiếp cận thông tin của các quốc gia đều quy định khá cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm cung cấp thông tin cho người dân.

          Chủ động công khai thông tin ngay cả khi không có yêu cầu: Một đặc điểm chung trong pháp luật của hầu hết các quốc gia là đều có quy định các cơ quan Chính phủ có nghĩa vụ phải cung cấp một số loại thông tin nhất định một cách tích cực. Các thông tin này thường bao gồm chi tiết về cơ cấu tổ chức và các quan chức chủ yếu của Chính phủ, lời văn của  các đạo luật và quy định, các đề xuất và chính sách hiện hành, các biểu mẫu và quyết định. Các đạo luật về tiếp cận thông tin mới ban hành có xu hướng quy định minh thị một danh mục các loại thông tin cần phải công bố. Việc công khai thông tin có thể bằng nhiều hình thức: đăng tải trên trang thông tin điện tử, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua người phát ngôn v.v…

          Việc cung cấp thông tin một cách chủ động và tích cực như trên thực ra, ngoài việc bảo đảm cho công dân được chủ động tiếp cận với các thông tin cần thiết, còn mang lại những lợi ích nhất định cho cơ quan Nhà nước, cụ thể, nó có thể làm giảm gánh nặng hành chính khi phải trực tiếp trả lời những câu hỏi và yêu cầu cung cấp thông tin thông dụng. Việc công bố thông tin khi không có yêu cầu này có thể trực tiếp cải thiện tính hiệu quả của các cơ quan. Hội đồng Liên minh Châu Âu, trong Báo cáo thường niên năm 2003 của mình đã lưu ý rằng “các tài liệu mà công chúng có thể tiếp cận trực tiếp càng tăng lên thì số lượng các yêu cầu tiếp cận tài liệu sẽ càng giảm đi”[80]. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong báo cáo năm 2002 đã nêu rõ rằng nhiều cơ quan Chính phủ đã làm giảm đáng kể các yêu cầu cung cấp thông tin thông qua việc đăng công khai các tài liệu mà công chúng quan tâm trên trang tin điện tử của mình[81].

          Đăng tải thông tin trên website của cơ quan: nhiều luật tiếp cận thông tin của các quốc gia quy định, các cơ quan Chính phủ có nghĩa vụ phải công bố các loại thông tin nhất định trên trang tin điện tử của mình theo định kỳ. Biện pháp này cho phép việc tiếp cận thông tin được thực hiện nhanh chóng và đỡ tốn kém cả về phía người dân lẫn cơ quan nắm giữ thông tin.

         Quản lý hồ sơ tài liệu: để có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin, phải có một hệ thống lưu giữ tài liệu cho phép thu thập, lập danh mục, lưu trữ và cung cấp thông tin một cách dễ dàng. Vì vậy, pháp luật nhiều nước quy định rất cụ thể việc xây dựng, củng cố hệ thống lữu trữ hồ sơ, tài liệu, lập danh mục, thống kê, lưu trữ thông tin một cách thích hợp sao cho có thể dễ dàng trích xuất thông tin và đảm bảo rằng các thông tin giá trị không bị mất mát. Nếu hồ sơ lưu trữ về những vấn đề cụ thể không được tạo ra hoặc không thể xác định hoặc không thể trích xuất thông tin một cách dễ dàng, quyền tiếp cận thông tin sẽ trở thành vô nghĩa. Ngoài ra, pháp luật các nước còn quy định cụ thể việc cập nhật thường xuyên các loại thông tin công khai để đảm bảo rằng những thông tin đó phục vụ một ncách hiệu quả lợi ích của công dân.

          Bố trí cán bộ làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin: việc cần có cán bộ phụ trách thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước làm đầu mối để tiếp nhận các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân là cần thiết, vì cơ chế này cho phép các yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển thẳng đến cho người đứng đầu cơ quan nắm giữ thông tin, trên cơ sở đó giỉa quyết yêu cầu cung cấp thông tin cho họ. Nếu không bố trí được cán bộ đầu mối, việc xử lý và giải quyết yêu cầu sẽ vòng vo, mất nhiều thời gian cho cả cơ quan cung cấp thông tin và công dân. Vì vậy, pháp luật nhiều quốc gia (Ấn Độ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Canada v.v...) đã quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền phải bổ nhiệm cán bộ thông tin làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu của công dân. Pháp luật một số nước còn quy định việc thành lập Uỷ ban thông tin với mạng lưới từ trung ương đến địa phương (như Ấn Độ có Uỷ ban thông btin trung ương và Uỷ ban Thông tin của bang), với những chức năng, nhiệm vụ quan trọng và cán bộ thông tin cũng đảm trách những nhiệm vụ rất lớn, thậm chí có thể trực tiếp thực hiện việc điều tra nếu thấy cần thiết (Ấn Độ).

          Quyền tiếp cận thông tin một cách công khai, minh bạch cũng có nghĩa là những quy định về thông tin mật – loại thông tin không được tiếp cận – phải được xây dựng theo một quy trình minh bạch và đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng thông tin mật được quy định tràn lan, sai nguyên tắc, tránh sự lạm dụng. Đây cũng chính là việc thực hiện nguyên tắc “công khai tối đa” mà nhiều quốc gia hiện nay đang hướng tới trong đạo luật về tiếp cận thong tin của mình.

  1. Kết luận và kiến nghị

Trong quá trình công dân tham gia phản biện, giám sát xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền tiếp cận thông tin có vai trò vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói nó chính là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình quản lý, điều hành xã hội.

Để những hoạt động nói trên của công dân phát huy tác dụng, việc nghiên cứu, ban hành một đạo luật riêng về tiếp cận thông tin, trong đó không chỉ một lần nữa khẳng định quyền tiếp cận thông tin đã được nêu tại Điều 69 Hiến pháp 1992 mà còn thiết lập một cơ chế cụ thể, hữu hiệu để quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực thi trên thực tế.

                                       

 

                                      

 

                                                  Chuyên đề 5

           GIỚI HẠN CỦA QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

                                                                 PGS-TS Thái Vĩnh Thắng

                                                                  Đại học luật Hà Nội

1. Khái niệm về  giới hạn của quyền tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận thông tin là một quyền có giới hạn bởi có những thông tin do những lý do chính đáng mà các cơ quan công quyền không thể cung cấp cho các chủ thể yêu cầu. Đó là những thông tin chứa đựng bí mật quốc gia, những thông tin gắn với bí mật thương mại hoặc thông tin mà các cơ quan điều tra tội phạm đang trong quá trình tìm kiếm, xác minh nếu để lộ kẻ tội phạm có thể bỏ trốn, gây cản trở cho quá trình điều tra hoặc phá huỷ tang chứng. Những thông tin khác có thể là gắn với bí mật cá nhân mà pháp luật bảo vệ thì các cơ quan công quyền cũng  không thể cung cấp cho các chủ thể yêu cầu. Những thông tin cần giữ bí mật chia làm hai nhóm tuỳ theo mức độ bảo mật: nhóm thứ nhất gọi là thông tin bí mật, nhóm thứ hai thuộc vào nhóm thông tin nội bộ.

Theo Luật mẫu về tự do thông tin do nhóm Article 19 Của Liên hợp quốc biên soạn. Giới hạn của luật tiếp cận thông tin bao gồm những vấn đề sau đây:

 1.Khi lợi ích công bị ảnh hưởng:

 Một cơ quan nắm giữ thông tin có thể  từ chối không cung cấp thông tin khi  việc cung cấp thông tin có thể gây ra thiệt hại lớn hơn không cung cấp thông tin.

2. Thông tin đã được đăng tải rộng rãi

 Khi một thông tin đã được cung cấp rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng  thì các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin không còn nghĩa vụ cung cấp thông tin đó khi có người yêu cầu.

3. Tiếp cận thông tin từng phần

  Nếu một yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến hồ sơ có chứa thông tin ngoại lệ lẫn thông tin không ngoại lệ, thì phần thông tin không ngoại lệ có thể được cấp cho người yêu cầu.

4. Thông tin cá nhân

 Một cơ quan có thể từ chối thông báo có nắm hồ sơ hay không, hoặc từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp thông tin được yêu cầu là thông tin cá nhân về bên thứ ba [82].

Hạn chế thông tin cần được  cụ thể hoá bằng luật và cần thu hẹp việc hạn chế thông tin hay rút ngắn  các danh mục hạn chế thông tin. Danh mục thông tin miễn trừ cần được hạn chế theo quy định của từng quốc gia. Danh mục naỳ cần được luật hoá trong luật tự do thông tin hay trong một số luật liên quan khác. Cơ quan công quyền chỉ được từ chối cung cấp thông tin nếu thông tin đó nằm trong danh mục này. Việc quy định danh mục miễn trừ này  dựa trên nguyên tắc nếu việc sử dụng hoặc tiết lộ thông tin  đó gây ảnh hưởng đến quốc gia hoặc trên  hết là quyền lợi chung của công chúng. Việc đưa vào danh mục những thông tin gì không công khai  dựa trên mối quan hệ  và sự cân bằng giữa lý do không cung cấp thông tin và quyền lợi công. Theo nguyên tắc thứ 4 của Bộ nguyên tắc của Liên hợp quốc thì danh mục thông tin được phép miễn trừ có thể là:

  • An ninh quốc gia, quốc phòng và quan hệ quốc tế;
  • Vì an toàn của công chúng;
  •  Phòng ngừa, điều tra và khởi tố hành vi phạm tội hình sự;
  • Bí mật thương mại và lợi ích kinh tế;
  • Các thông tin đang trong quá trình thảo luận chưa có quyết định chính thức của các cơ quan công quyền.

2.   Giới hạn của quyền tiếp cận thông tin theo ph áp luật một số quốc gia trên thế giới

   An ninh quốc gia là rào cản lớn nhất khi xây dựng Luật tiếp cận thông tin và mức độ cởi mở của thông tin. Trong một số chính phủ và chính trị gia vẫn còn duy trì văn hoá bí mật như cách thức xây dựng quyền lực. An ninh thường liên quan đến khu vực cảnh sát và an ninh của Chính phủ là lực lượng nhằm tăng quyền lực của Chính phủ. Việc cân bằng giữa quyền được biết của công chúng và các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia luôn là vấn đề khó nhất khi xây dựng luật tiếp cận thông tin.

 Để hiểu rõ những hạn chế của quyền tiếp cận thông tin, chúng ta sẽ xem xét việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin theo Luật tiếp cận thông tin/Luật Tự do thông tin của một số nước trên thế giới

2.1 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tự do thông tin của Na-Uy

Theo Luật Tự do thông tin của Na-Uy các thông tin, tài liệu thuộc loại miễn trừ được quy định tại Chương 3 (Từ Điều 13 đến Điều 26) bao gồm:

1. Những tài liệu hoặc thông tin nội bộ hoặc đang soạn thảo kể cả tài liệu trong quá trình tham vấn, trao đổi ở Quốc hội;

2. Những tài liệu là một phần của bảo tàng thư viện;

3. Các tài liệu mà một công chức nhận được dưới danh nghĩa cá nhân;

4. Một số tài liệu trong danh mục miễn trừ gồm:

  • Tài liệu liên quan đến gia đình hoàng gia; tài liệu toà án đang thụ lý (hay liên quan đến một bên trong các bên tham gia tố tụng);
  • Tài liệu về chính sách đối ngoại của Na-Uy hoặc các tài liệu giữa Na-Uy hoặc các quốc gia khác có hiệp định thoả thuận bảo mật thông tin; tài liệu về an ninh quốc gia và quốc phòng;
  •  Tài liệu về ngân sách trong quá trình phân bổ giữa các Bộ, Ngành và Chính phủ khi chưa được Quốc hội công bố;
  • Tài liệu về nhân sự như dự kiến bổ nhiệm nhân sự (trừ danh sách ứng cử viên cho vị trí tuyển dụng) hay xử lý vi phạm pháp luật và hành chính của cá nhân và ảnh cá nhân trong hệ thống lưu trữ cá nhân;
  • Các miễn trừ khác như điểm thi, bài thi, thông tin về người được nhận giải thưởng trước khi công bố;
  • Ngoài ra thông tin thuộc phạm vi của đạo luật khác cũng nằm trong dạng miễn trừ như những thông tin được bảo mật theo quy định của Luật lưu trữ, Luật về bảo mật thông tin, Luật về bí mật quốc phòng… 

2.2 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin của Bulgaria

 Luật tiếp cận thông tin của Bulgaria không giống như hầu hết các Luật về tiếp cận thông tin của các quốc gia khác, không có danh mục các trường hợp ngoại lệ, thay thế vào đó là thông tin được phân loại là bí mật trong các luật khác và không nằm trong khái niệm thông tin công và luật cũng quy định chi tiết những thông tin không được tiết lộ. Điều 13 của luật nói trên quy định hạn chế tiếp cận các thông tin hành chính công bao gồm các thông tin liên quan đến các công việc chuẩn bị các văn bản chính thức. Theo quy định tại Điều 17 Luật tiếp cận thông tin Bungaria cho phép hạn chế tiếp cận thông tin đối với các bí mật kinh doanh mà việc tiết lộ chúng có thể dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh. Luật này cũng quy định thêm một trường hợp ngoại lệ khi thông tin ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba. Phạm vi thông tin ngoại lệ được quy định trong Luật tiếp cận thông tin của Bulgaria là rất rộng, hầu hết các ngoại lệ đều dựa trên các ngoại lệ trong các luật khác.

2.3 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin của Ấn Độ

 Những ngoại lệ chủ yếu được ghi nhận trong Điều 8 của Luật về Quyền được thông tin của Ấn Độ. Theo quy định tại Điều 24 có 18 cơ quan được liệt kê trong danh mục được miễn trừ cung cấp thông tin như Cục tình báo, Cục kiểm soát ma tuý, Cục điều tra tội phạm… Theo Luật tiếp cận thông tin của Ấn Độ những ngoại lệ được quy định bao gồm các vấn đề sau:

  • Thông tin mà việc tiết lộ có thể gây ảnh hưởng đến chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, chiến lược, khoa học hoặc lợi ích kinh tế của quốc gia hoặc liên quan đến nước ngoài hoặc có thể dẫn đến sự kích động tội phạm;
  • Thông tin mà việc công bố đã được toà án cấm hoặc việc tiết lộ đó dẫn đến việc coi thường toà án;
  • Thông tin mà việc tiết lộ có thể vi phạm đặc quyền của Quốc hội hoặc cơ quan ban hành pháp luật;
  • Thông tin chứa đựng bí mật kinh doanh, việc tiết lộ thông tin này có thể gây hại đến vị trí cạnh tranh của bên thứ ba trừ khi lợi ích công cộng có thể lớn hơn đảm bảo cho việc cung cấp;
  • Thông tin của một người trong mối quan hệ uỷ thác của người đó trừ khi lợi ích công cộng khi cung cấp thông tin có thể lớn hơn việc không cung cấp thông tin;
  • Thông tin mật nhận được từ Chính phủ nước ngoài;
  • Thông tin mà việc tiết lộ có thể gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng của bất kỳ ai hoặc xác định là nguồn thông tin bí mật có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành pháp luật hoặc an ninh;
  • Thông tin mà việc tiết lộ sẽ gây cản trở đối với việc điều tra, bắt giữ, ngăn chặn tội phạm;
  • Tài liệu của Chính phủ lưu trữ các tranh luận của Hội đồng Bộ trưởng mặc dù sau này sẽ được công bố khi quyết định đã được ban hành;
  • Thông tin cá nhân mà không có mối quan hệ với các hoạt động công cộng hoặc lợi ích công cộng hoặc việc tiết lộ thông tin dẫn đến việc xâm hại đời tư trừ khi cán bộ thông tin hoặc cơ quan có thẩm quyền đã xác nhận rằng việc công bố thông tin bảo lợi ích cộng đồng lớn hơn việc  bưng bít thông tin;

2.4 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật tiếp cận thông tin của Jamaica

 Theo Luật tiếp cận thông tin của Jamaica năm 2002 có hai giới hạn quan trọng về phạm vi tiếp cận thông tin:

  1. Tài liệu phải gắn với chức năng của cơ quan nhà nước nắm giữ tài liệu đó;
  2. Luật không áp dụng với những tài liệu đã có hơn 30 năm;

Bộ trưởng theo thẩm quyền của mình có thể quy định những hạn chế về tiếp cận thông tin trong lĩnh vực mà Bộ trưởng cho là thích hợp.  Các hạn chế khác được quy định theo Luật bí mật Nhà nước.

2.5 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật tiếp cận thông tin của Nhật Bản

  Luật tiếp cận thông tin của Nhật Bản tại Điều 5 đã đưa ra 6 nhóm thông tin khác nhau có thể bị từ chối đối với người yêu cầu. Hầu hết những ngoại lệ này phụ thuộc vào sự đánh giá thiệt hại, những ngoại lệ này đòi hỏi thiệt hại thực tế phải bắt nguồn từ việc cung cấp thông tin. Những ngoại lệ về tiếp cận trong Luật tiếp cận thông tin của Nhật Bản liên quan đến thông tin cá nhân; thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp; những thông tin liên quan đến an ninh của nhà nước hoặc các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các nước hoặc gây bất lợi cho việc đàm phán cho các nước khác hay các tổ chức quốc tế; những thông tin mà việc cung cấp sẽ gây rủi ro cho việc ngăn ngừa, trấn áp hoặc điều tra tội phạm, truy tố, thi hành hình phạt và các vấn đề khác liên quan đến các vấn đề an ninh trật tự công cộng[83].

 -  Hạn chế cung cấp thông tin đối với các cuộc thảo luận hay tư vấn của Chính phủ mà việc cung cấp thông tin sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến việc trao đổi quan điểm thẳng thắn hoặc tính trung lập của việc đưa ra quyết định, những rủi ro không cần thiết dẫn đến sự rối loạn hay đưa đến những thuận lợi hoặc khó khăn không công bằng đối với bất cứ bên nào.

- Ngoại lệ cuối cùng bao gồm các trường hợp cung cấp thông tin có thể dẫn đến việc cản trở nghiên cứu, thiệt hại đến lợi ích kinh doanh hợp pháp, ảnh hưởng đến việc quản lý nhân sự, thiệt hại đến lợi ích của nhà nước trong các hợp đồng hay các cuộc đàm phán và tạo điều kiện cho các hành vi bất hợp pháp và không công bằng.

2.6 Sự giới hạn trong Luật tiếp cận thông tin của Kirgyzstan

 Luật tiếp cận thông tin của Kirgyzxtan quy định về những hạn chế của quyền tiếp cận thông tin là những giới hạn được quy định trong Luật về bí mật bao gồm bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật công vụ, bí mật kinh doanh, bí mật nghề nghiệp

2.7 Sự giới hạn trong Luật tiếp cận thông tin của Mêhicô

Theo Điều 14 của Luật tiếp cận thông tin của Mêhicô, quyền tiếp cận thông tin bị hạn chế khi:

  • Thông tin liên quan đến bí mật thương mại, công nghiệp, thuế, ngân hàng & tín dụng;
  • Những thông tin có thể làm tổn hại đến lợi ích của nhà nước và cá nhân;
  • Những thông tin mà việc công bố có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền công dân và quyền con người;
  • Gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc quốc phòng;
  • Gây tổn hại các các cuộc đàm phán đang được tiến hành hay các quan hệ quốc tế kể cả việc tiết lộ thông tin được cung cấp trên cơ sở bí mật với các nước khác hay các tổ chức quốc tế;
  • Gây thiệt hại cho sự ổn định kinh tế hay tài chính quốc gia;
  • Tạo rủi ro cho tính mạng, an ninh hay sức khoẻ của một cá nhân;
  • Gây tổn hại đến việc thực thi pháp luật kể cả việc phòng ngừa hay truy tố tội phạm, thực thi công lý, thu thuế hay kiểm soát việc nhập cư;

Ngoài ra tại Điều 14 còn bổ sung những ngoại lệ được quy định bởi các Đạo luật khác như về các cuộc điều tra, các hồ sơ liên quan đến các phiên toà trước khi ra quyết định, các vụ kiện chống lại công chức trước khi ra quyết định, các ý kiến khuyến nghị hay quan điểm cho các công chức đưa ra như là một phần của quá trình thảo luận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng; những thông tin liên quan đến nguồn gốc dân tộc hay chủng tộc, liên quan đến các đặc điểm thể chất tinh thần hay tình cảm, đời sống tình cảm hay gia đình, nơi cư trú, số điện thoại, tài sản thừa kế, tư tưởng hay quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo hay triết học, tình trạng sức khoẻ về thể chất hay tinh thần, sự ưa thích giới tính hoặc bất cứ thông tin tương tự có thể ảnh hưởng đến đời tư, những thông tin như vậy chỉ có thể được tiết lộ với sự đồng ý của cá nhân có liên quan

2.8 Sự giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật tiếp cận thông tin của Pêru

 Luật Pêru quy định mối quan hệ phức tạp với hệ thống phân loại về độ mật thông tin, luật quy định chỉ thủ trưởng các đơn vị hoặc người được thủ trưởng các đơn vị chỉ định mới có thẩm quyền quy định về độ mật thông tin, Luật cũng quy định danh mục thông tin cần được phân loại mật như thông tin tình báo và phản gián, thông tin trong lĩnh vực quốc phòng, những thông tin liên quan đến các cuộc thảo luận nội bộ trong quá trình xem xét đưa ra quyết định.

 Điều 15 quy định thời hạn một thông tin mật sẽ được công bố đặc biệt là những thông tin thuộc tình báo và quốc phòng, những thông tin sau khi giải mã sẽ được công bố khi việc cung cấp thông tin không có hại cho an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ hay nền dân chủ, danh mục các thông tin mật được quy định trong Luật minh bạch và Luật tiếp cận thông tin của Pêru bao gồm:

  • Thông tin vì lý do quân sự được đưa vào danh mục mật với các nhóm cụ thể được quy định chi tiết tại Điều 15;
  • Thông tin liên quan đến phòng chống tội phạm với các nhóm cụ thể được quy định tại Điều 16;
  • Thông tin liên quan đến đàm phán quốc tế mà việc tiết lộ có thể gây phương hại đối với quá trình đàm phán hoặc ảnh hưởng xấu tới quan hệ quốc tế được quy định tại Điều 17;
  • Thông tin được bảo mật bởi các ngành ngân hàng, thuế, thương mại công nghiệp khoa học kỹ thuật, chứng khoán được quy định tại Điều 17 (2);
  • Thông tin liên quan đến các cuộc điều tra về việc thực hiện quyền hạn của các cơ quan hành chính đang được tiến hành, tuy nhiên các thông tin này chỉ được coi là mật cho đến khi giải quyết xong vấn đề hoặc được công bố 6 tháng sau khi cuộc điều tra bắt đầu – Quy định tại Điều 17 (3);
  • Thông tin, tài liệu do các luật sư công nắm giữ hoặc chuẩn bị mà nếu thông tin này được công khai có thể làm lộ chiến lược pháp lý hoặc ảnh hưởng đến ưu thế hoặc pháp luật. Thông tin này sẽ được công bố trong quá trình tố tụng;
  • Thông tin cá nhân mà việc tiết lộ sẽ vi phạm các quy định về quyền riêng tư;
  • Thông tin được xếp vào loại mật được quy định trong các loại luật khác.

2.9 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật tiếp cận thông tin của Cộng hoà Nam Phi

Luật tiếp cận thông tin Nam Phi có các quy định rất cụ thể, toàn diện với các trường hợp ngoại lệ. Hầu hết các trường hợp ngoại lệ quy định trong luật đều yêu cầu phải xem xét mức độ nguy hại khi công bố thông tin. Các trường hợp hạn chế bao gồm:

  • Các thông tin mà việc cung cấp sẽ làm cản trở việc thực thi luật pháp;
  • Các thông tin mà việc cung cấp có thể gây hại tới an toàn xã hội và môi trường;
  • Các thông tin mà việc tiết lộ gây ra sự nguy hại lớn hơn việc không cung cấp thông tin;
  • Luật cũng quy định cấm việc phát tán một cách không phù hợp thông tin mang tính chất riêng tư bởi bên thứ 3;
  • Các thông tin do cục thuế Nam Phi nắm giữ nhằm mục đích thực thi các văn bản pháp luật về thu thuế;
  • Các thông tin thương mại bao gồm các bí mật kinh doanh;
  •  Thông tin mà việc công bố sẽ gây phương hại đến lợi ích thương mại của bên thứ 3;
  • Thông tin mà  việc tiết lộ thông tin có thể gây bất lợi cho bên thứ 3;
  •  Những thông tin không được cung cấp theo quy định của Luật bảo mật;
  • Thông tin mà việc công khai có thể gây ảnh hưởng xấu đến đời sống an toàn sức khoẻ, an ninh của công trình xây dựng, sự an toàn về tài sản nhà cửa, các phương tiện giao thông, các hệ thống bảo vệ công dân, tài sản đều là đối tượng thuộc trường hợp ngoại lệ;
  • Các thông tin trong giai đoạn điều tra tội phạm, các thông tin về an ninh, phòng thủ đất nước và quan hệ quốc tế;
  • Những thông tin mà việc tiết lộ có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh tế hoặc tài chính của đất nước hoặc gây phương hại đến năng lực quản lý của Chính phủ.

2.10 Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin của Thụy Điển

Luật tiếp cận thông tin của Thụy Điển quy định về các trường hợp hạn chế về quyền tiếp cận thông tin có liên quan đến 7 nhóm lợi ích. 7 nhóm lợi ích đó là:

  • An ninh hoặc mối quan hệ với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế;
  • Chính sách tài chính trung ương, chính sách tiền tệ hối đoái;
  • Thanh tra, kiểm tra hoặc các chức năng giám sát khác;
  • Vì lợi của việc ngăn ngừa, phòng chống, truy tố tội phạm;
  • Lợi ích kinh tế công cộng;
  • Bảo vệ danh dự cá nhân hoặc thông tin cá nhân về mặt kinh tế;
  • Bảo tồn các loài động vật.
    1. Giới hạn quyền tiếp cận thông tin theo luật Tiếp cận thông tin của Thái Lan

 Luật tiếp cận thông tin của Thái Lan quy định tại Điều 3 rằng trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Luật tiếp cận thông tin với các Luật khác thì quy định của Luật tiếp cận thông tin được áp dụng. Tuy nhiên, theo Khoản 1 và Khoản 6 Điều 15, các thông tin có chế độ mật theo quy định của các luật khác được coi là trường hợp ngoại lệ công dân không có quyền tiếp cận các thông tin đó. Hầu hết các thông tin thuộc trường hợp ngoại lệ đều yêu cầu các thủ tục kiểm tra mức độ nguy hại chẳng hạn có thể xếp thông tin vào loại “có thể gây nguy hại” hoặc “chắc chắn gây nguy hại”. Có 2 trường hợp ngoại lệ mà không cần dựa trên mức độ nguy hại là các tài liệu nội bộ phục vụ quá trình ban hành chính sách và các thông tin được quy định là mật. Luật tiếp cận thông tin của Thái Lan không quy định về việc chứng nhận những quy định thông tin mật có thể được cung cấp nếu có sắc chỉ của hoàng gia. Tại Điều 15 Luật tự do thông tin quy định nếu một cơ quan nhà nước quyết định cấm công bố một thông tin thì cơ quan đó trước hết phải cân nhắc đến tất cả các yếu tố như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của cá nhân có liên quan. Điều 20 Luật tiếp cận thông tin của Thái Lan quy định rõ về ưu tiên bảo vệ lợi ích công cộng cụ thể là cán bộ cơ quan nhà nước không bị truy cứu trách nhiệm nếu công bố thông tin để bảo vệ lợi ích cộng đồng và việc công bố thông tin đấy là hợp lý. Quy định như vậy là không giống với Luật tiếp cận thông tin của một số nước khác vì Luật các nước khác thường quy định trên nguyên tắc xem xét việc cân đối giữa nguy cơ gây hại của việc cung cấp thông tin với lợi ích công cộng được bảo vệ trong trường hợp thông tin được công bố.

Điều 15 Luật tiếp cận thông tin Thái Lan quy định các loại thông tin sau đây thuộc trường hợp ngoại lệ:

  • Thông tin mà việc công bố có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế quốc gia hoặc quan hệ quốc tế;
  • Thông tin mà việc công bố có thể phương hại tới công tác thực thi pháp luật;
  • Các ý kiến tham mưu, quan điểm nội bộ mà không phải là cơ sở hay báo cáo thực trạng về vấn đề này;
  • Thông tin mà việc công bố sẽ đe doạ tính mạng hoặc sự an toàn cá nhân;
  • Thông tin cá nhân mà việc công bố có thể xâm phạm quyền riêng tư;
  • Thông tin thuộc diện bảo vệ theo quy định của pháp luật;
  • Thông tin thuộc diện bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc được quy định là mật;

2.12 Những hạn chế trong Luật tiếp cận thông tin của Liên hiệp Vương quốc Anh

Luật tiếp cận thông tin của Liên hiệp Vương quốc Anh quy định các trường hợp ngoại lệ sau đây:

  • Biên bản tài liệu ghi chép làm việc của Nội các (Điều 2(2) và Điều 25(1) )
  • Việc công bố một cách thiếu cơ sở các thông tin về cá nhân, về sức khoẻ cá nhân trừ khi được người đó đồng ý hoặc người đó đã được thông báo về việc cung cấp thông tin trong trường hợp thông tin đó thuộc về một thông tin khác thuộc diện phải công bố và thông tin đó đã được công bố trên thực tế; Thông tin về các chức năng, nhiệm vụ của cán bộ công chức nhà nước;
  • Thông tin chứa đựng các bí mật thương mại, bản quyền, phát minh sáng chế, thông tin mà việc công bố có thể gây nguy hại đến lợi ích hoặc hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức nhà nước; Thông tin mật mà việc công bố khiến bên thứ 3 có thể lâm vào tình trạng bất lợi về thương mại trừ khi thông tin đó đã được công bố hoặc bên thứ 3 đó đồng ý hoặc thông tin chứa đựng kết quả kiểm tra sản phẩm hoặc kiểm tra về môi trường mà kết quả đó cho thấy những nguy cơ, mối đe doạ lớn về y tế, môi trường và an toàn xã hội;
  • Thông tin mà việc cung cấp sẽ gây bất lợi về mặt pháp lý hoặc thông tin được quy định là bí mật và việc công bố sẽ khiến việc cung cấp thông tin tương tự sẽ gặp khó khăn trong tương lai; Việc công bố thông tin đi ngược lại lợi ích công cộng trừ khi thông tin đó đã được công bố hoặc bên thứ 3 đồng ý cung cấp;
  • Thông tin mà việc công bố có thể gây nguy hiểm tính mạng hoặc an toàn thân thể của cá nhân hoặc gây nguy hại đối với an ninh về nhà cửa hoặc tài sản, phương tiện, biện pháp, kế hoạch, việc bảo vệ nhân chứng an ninh công cộng (Điều 29).
  • Thông tin mà việc công bố có thể khiến một cá nhân nào đó không được hưởng quá trình xét xử công bằng, việc công bố có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động điều tra, ngăn ngừa, truy tố tội phạm hoặc khiến thực thi pháp luật bị sai lệch hoặc dễ dẫn tới việc phải công bố một thông tin mật khác, hoặc gây nguy hại cho nhân chứng hoặc tạo điều kiện để phạm một tội khác. Thông tin về tình hình giam giữ tội phạm nói chung không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này (Điều 30).
  • Thông tin liên quan đến quá trình xét xử trừ khi người có thẩm quyền cho phép công bố (Điều 31).
  • Thông tin mà việc công bố có thể gây nguy hại cho an ninh quốc phòng toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ quốc tế hoặc làm lộ thông tin mật của cơ quan nhà nước khác hoặc tổ chức quốc tế, trừ khi thông tin đã được lưu giữ trên 20 năm (Điều 32).
  • Thông tin chứa đựng ý kiến tham mưu, khuyến nghị hoặc đề xuất, góp ý trong quá trình làm việc nội bộ mà việc công bố có thể ngăn cản việc đóng góp ý kiến hoặc làm sai lệch kết quả của quá trình làm việc trừ khi thông tin đã được lưu giữ đã quá 10 năm (Điều 33).

Luật tiếp cận thông tin của Liên hiệp Vương quốc Anh cũng quy định các trường hợp ngoại lệ cụ thể sau đây:

  • Thông tin đã được cung cấp một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc liên quan tới danh sách cơ quan an ninh và việc giám sát toà án đối với cơ quan này (Điều 23).
  • Thông tin mà chứa đựng trong đó được yêu cầu cho sự an toàn an ninh quốc gia (Điều 24) hoặc nếu công khai thông tin đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến quốc phòng (Điều 26);
  • Thông tin được công bố sẽ hoặc có khả năng sẽ gây hại cho mối quan hệ với các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế hoặc lợi ích của nước Anh ở bên ngoài hoặc những thông tin được cung cấp trong mối quan hệ riêng tư với quốc gia khác hoặc giữa các cơ quan liên chính phủ;
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính trong phạm vi nước Anh (Điều 28);
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nước Anh và lợi ích tài chính của chính phủ (Điều 29);
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều tra hình sự (Điều 30);
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến việc khám phá, ngăn chặn, truy tố tội phạm hoặc hành chính tư pháp nói chung (Điều 31).
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc có khả năng gây tổn hại đến chức năng kiểm toán hoặc kiểm tra hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền (Điều 33).
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc có khả năng sẽ gây tổn haị đến trách nhiệm tập thể của bộ trưởng hoặc ảnh hưởng đến các điều khoản tư vấn tự do hoặc thẳng thắn (Điều 36).
  • Thông tin liên quan đến cuộc trao đổi của vua, hoàng hậu (Điều 37).
  • Thông tin nếu được công khai sẽ hoặc có khả năng sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ và sự  an toàn  sức  khoẻ (Điều 38).
  • Thông tin cá nhân (Điều 40).
  • Thông tin nếu được công khai sẽ phá vỡ sự tin cậy (Điều 41).
  • Thông tin bảo mật hợp pháp (Điều 42);
  • Bí mật thương mại và thông tin khác nếu công khai sẽ gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đến lợi ích thương mại của bất cứ cá nhân nào (Điều 43);
  • Thông tin không được triển khai theo pháp luật của cộng đồng Châu Âu (Điều 44).

3. Nhận xét chung về giới hạn của quyền tiếp cận thông tin

 Qua việc xem xét những giới hạn của quyền tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới chúng ta thấy rằng  Luật tiếp cận thông tin của bất kỳ một nước nào cũng đều có những giới hạn về quyền tiếp cận thông tin, những giới hạn đó là hết sức cần thiết vì an ninh quốc gia, vì sức khoẻ cộng đồng, vì bí mật thương mại và kinh tế, vì bí mật cá nhân, vì bí mật của các hoạt động tư pháp, vì bí mật của công việc nội bộ của một số cơ quan nhà nước. Tuy nhiên những giới hạn của quyền tiếp cận thông tin nếu không bị hạn chế đến mức tối thiểu thì những hạn chế đó sẽ là “gót chân asin” của quyền tiếp cận thông tin. Nếu danh mục những giới hạn đó quá lớn thì Luật tiếp cận thông tin sẽ bị vô hiệu hoá hoặc có hiệu lực, hiệu quả không cao. Vì vậy một nguyên tắc đặt ra cần phải được tuân thủ khi xác định một thông tin bị hạn chế không được công bố cho người dân là sự cân bằng lợi ích giữa công khai và không công khai, nếu lợi ích do công khai thông tin lớn hơn nhiều so với lợi ích do không công khai thông tin thì trong trường hợp đó nhất thiết phải chọn phương án công khai thông tin. Tất nhiên những thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật đời tư, liên quan đến việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền sống, sức khoẻ, tính mạng của con người thì phải chú trọng đến việc bảo mật. Luật tiếp cận thông tin được xây dựng dựa trên sự cân bằng các nguyên tắc công bằng, công lý của cuộc sống. Việc hạn chế hay không hạn chế những thông tin đối với người tiếp cận phải được xây dựng trên nền tảng của nhà nước pháp quyền trong đó các quyền con người và quyền công dân phải tuyệt đối được tôn trọng và bảo vệ.

 

                                           

 

 

 

 

 

 

 

 

                                              Chuyên đề 6

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

                                              TS. Bùi Thị Đào

                                     Trường Đại học Luật Hà Nội

Quyền được thông tin là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong một số văn bản pháp luật khác. Quyền được thông tin của công dân gắn liền với quyền được nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình. Hai quyền này liên hệ mật thiết với nhau, trong đó quyền nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của người dân chỉ thực sự có ý nghĩa nếu họ có quyền được thông tin một cách đầy đủ. Trên thực tế, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và khả năng nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mỗi lúc một khác. Ở Việt Nam cho đến nay, mức độ quan tâm đến hoạt động công quyền của người dân ngày càng tăng nên nhu cầu được thông tin ngày càng lớn, nhưng người dân hầu như chưa có quyền chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, nhất là những thông tin không trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của họ. Những thông tin mà người dân được cung cấp thường do sự chủ động từ phía nhà nước và còn khá hạn chế. Thực tế này ảnh hưởng đáng kể đến tính minh bạch trong hoạt động của nhà nước, đã và đang là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận lớn dân chúng thờ ơ với hoạt động của chính quyền, không tha thiết và khó thực hiện được quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay, việc đảm bảo cho mọi người được biết và tham gia có hiệu quả vào hoạt động của quốc gia, đảm bảo tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động của nhà nước bằng cách cung cấp cho người dân những thông tin được sở hữu, quản lí bởi các cơ quan công quyền trở thành một nhu cầu thiết yếu. Điều này được chứng minh bằng số lượng lớn các quốc gia trên thế giới đã ban hành luật tiếp cận thông tin. Nhận thức được điều đó, Đảng ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X cần nghiên cứu ban hành luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Đây là định hướng đúng đắn, phù hợp với yêu cầu quản lí đất nước trong giai đoạn hiện nay và xu hướng chung của thế giới. Quyền được thông tin có nhiều điểm gần gũi với quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, quyền tiếp cận thông tin thể hiện tính dân chủ ở trình độ cao hơn so với quyền được thông tin. Quyền này đã được luật hóa trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới và đang thu hút được sự quan tâm của các chính trị gia, luật gia và cả các nhà xã hội học ở Việt Nam hiện nay. Lẽ dĩ nhiên, để quyền tiếp cận thông tin của người dân được thừa nhận, được hiện thực hóa, góp phần tích cực vào việc dân chủ hóa đời sống chính trị- xã hội, xây dựng chính quyền gần dân thì quyền này cần được đảm bảo bằng những điều kiện nhất định. Bài viết này đề cập đến một số điều kiện cơ bản đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân như điều kiện về chính trị, điều kiện về kinh tế, điều kiện về nhận thức, điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân sự, điều kiện về pháp luật.

1. Điều kiện về chính trị:

Tiếp cận thông tin trước hết là quyền chính trị của công dân. Quyền này chỉ được thực hiện trong mối tương tác của việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa một bên là nhà nước, một bên là người dân. Vì vậy, quyền này được hiểu và được thực hiện như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị trong đó người dân được phép biết những thông tin gì và được phát biểu những ý kiến nào.

Dưới góc độ lí luận, trong mối quan hệ với nhà nước, người dân luôn đồng thời có hai tư cách: tư cách là chủ thể của quyền lực và tư cách là đối tượng của quyền lực. Quyền lực nhà nước vốn dĩ bắt nguồn từ quyền lực nhân dân nhưng vì nhiều lí do khác nhau mà nhân dân không trực tiếp thực hiện được nên đã trao quyền lực đó cho một bộ máy đặc biệt là nhà nước. Sau khi trao quyền lực cho nhà nước, với tư cách là chủ thể nguyên thủy của quyền lực, nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước trong việc sử dụng quyền lực được trao. Các thông tin công đều ít nhiều phản ánh quá trình nhà nước thực hiện quyền lực công nên tiếp cận thông tin công là phương cách thuận tiện và hữu hiệu để nhân dân kiểm soát việc sử dụng quyền lực của nhà nước. Do đó, với tư cách thứ nhất- tư cách chủ thể của quyền lực- tiếp cận thông tin công là quyền tất yếu của công chúng. Bên cạnh đó, mặc dù quyền lực nhà nước được bảo đảm thực hiện bằng những phương tiện đặc biệt nhưng khi tác động tới người dân thì quyền lực đó chỉ phát huy giá trị tích cực ở mức tối đa nếu có sự đồng tình, ủng hộ của họ. Sự đồng tình, ủng hộ này sẽ mạnh mẽ nếu nhà nước chứng tỏ được mục đích phục vụ công chúng trong các hoạt động của mình, các tác động của nhà nước có thể dự đoán được, không tạo ra những cú sốc cho xã hội. Trong trường hợp ngược lại, sự ủng hộ của công chúng sẽ yếu ớt, thậm chí công chúng có thể chống lại quyền lực nhà nước. Vì vậy, với tư cách là đối tượng tác động của quyền lực, người dân cũng cần được biết các hoạt động của nhà nước đã, đang và sẽ diễn ra như thế nào. Mặt khác, hoạt động quản lí nhà nước sẽ phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân nếu nhà nước có sự nhìn nhận, đánh giá các vấn đề xã hội phù hợp với cách nhìn nhận, đánh giá của nhân dân, thu hút được nhân dân tham gia vào các hoạt động của mình. Điều đó chứng tỏ việc cung cấp thông tin công cho công chúng không chỉ cần thiết cho người dân mà còn cần thiết cho cả nhà nước trong các hoạt động của mình. Như thế, phạm vi thông tin công mà nhà nước cần cho người dân được tiếp cận là rất rộng. Tuy vậy, vì lợi ích của giai cấp cầm quyền, do quan điểm chính trị và các điều kiện quản lí cụ thể chi phối nên phạm vi quyền tiếp cận thông tin trên thực tế thường hẹp hơn trên lí thuyết. Hơn nữa, trong phần lớn các trường hợp, tư cách người dân là đối tượng của quyền lực thường được nhìn nhận rõ ràng hơn so với tư cách là chủ thể của quyền lực nên quyền tiếp cận thông tin có vai trò như là công cụ giúp cân bằng quyền lực giữa nhân dân với nhà nước. Đến đây, quyền tiếp cận thông tin phụ thuộc vào quan niệm về vai trò của nhà nước và của người dân trong đời sống chính trị- xã hội, tức là phụ thuộc vào mức độ dân chủ của nhà nước. Do đó, điều kiện về chính trị tốt nhất để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin là một chế độ xã hội dân chủ thực sự.

Dân chủ, nói ngắn gọn, là chủ quyền của nhân dân, là sự cai trị thuộc về nhân dân[i] nhưng đây lại là một khái niệm tương đối trừu tượng và được vận dụng khá linh hoạt tùy thuộc vào những điều kiện thực tế cụ thể. Ngay từ năm 1945 Việt Nam đã thành lập nhà nước dân chủ đầu tiên và mức độ dân chủ của nhà nước ngày càng tăng lên. Đảng và nhà nước đã đề ra và tổ chức thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo cơ chế này, quyền tiếp cận thông tin của người dân rất được đề cao vì nếu người dân không có quyền tiếp cận thông tin hoặc phạm vi tiếp cận thông tin hạn chế thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm và không thể kiểm tra các công việc của nhà nước. Nội dung, tinh thần cơ chế này được thể hiện trong hàng loạt các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở… theo đó công dân có quyền được thông tin, quyền tự do ngôn luận, quyền kiến nghị, quyền thảo luận các vấn đề quan trọng của cả nước và địa phương, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân, quyền đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật… Các quyền này ngày càng được qui định cụ thể hơn và được chú ý bảo đảm thực hiện về nhiều phương diện. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo các văn kiện chính trị, pháp lí quan trọng như dự thảo nghị quyết của Đảng, dự án luật, dự án pháp lệnh được tiến hành thường xuyên trên qui mô rộng tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, pháp lí sôi nổi trong phạm vi cả nước hoặc địa phương. Nhiều dự thảo văn bản qui phạm pháp luật hiện nay được đưa trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước để nhân dân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến. Các dự án di dân, giải phóng mặt bằng với các phương án đền bù, di rời cũng đã được công khai hóa. Đây là hoạt động cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về những tác động quản lí mà nhà nước chuẩn bị thực hiện để không những tranh thủ ý kiến của người dân mà còn tránh cho xã hội những cú sốc do các tác động được đưa ra quá bất ngờ. Các ý kiến theo cả chiều hướng thuận và nghịch đều được quan tâm tới. Gần đây, vấn đề phản biện xã hội rất được chú ý chứng tỏ tư duy cởi mở của nhà nước về vai trò của các lực lượng xã hội khác nhau trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của nhà nước và xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được qua hơn nửa thế kỉ phấn đấu của Đảng, nhà nước và nhân dân nói trên thì quyền tiếp cận thông tin của công chúng vẫn còn những hạn chế nhất định mà nguyên nhân chủ yếu là quan niệm về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân chưa thực sự đổi mới căn bản. Người dân vẫn chưa thực sự được coi là người chủ, nhà nước chưa thực sự coi trọng chức năng phục vụ, những biểu hiện duy ý chí trong hoạt động của nhà nước, của cán bộ, công chức vẫn khá rõ rệt. Tỉ lệ các vụ khiếu nại đông người gia tăng cả về số lượng và về mức độ gay gắt những năm gần đây[ii], nhiều quyết định gây tổn thất cho nền kinh tế hoặc gây sốc cho thị trường như quyết định ngừng xuất khẩu gạo tháng 4/ 2008, quyết định tăng giá xăng dầu đột ngột tháng 7/2008[iii]… ít nhiều đều liên quan đến việc cung cấp thông tin cho người dân không đầy đủ, không kịp thời hoặc không chú ý thích đáng đến ý kiến của nhân dân. Nói gọn lại, mục đích chính trị của nhà nước là giữ gìn và củng cố chính quyền, vì vậy sự đồng thuận trong xã hội là điều cần thiết nhưng các ý kiến, quan điểm ngược chiều cũng hết sức quan trọng bởi nó phản ánh tính không đồng nhất của các lợi ích xã hội mà nhà nước có nhiệm vụ dung hòa, cân bằng. Hơn nữa, chính các ý kiến trái chiều cũng có những giá trị tích cực nhất định trong việc thúc đẩy xã hội phát triển. Lịch sử cho thấy tất cả các cuộc cải cách đều xuất phát từ những ý kiến trái với quan điểm chính thống. Tất cả những sự đồng tình, sự không đồng tình tích cực (kiến nghị, phản biện, đóng góp ý kiến…) đó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu môi trường chính trị dân chủ đến mức cho phép người dân biết được phần lớn các thông tin liên quan đến hoạt động của nhà nước và các ý kiến của nhân dân được thực sự chú ý, tiếp thu.

 2. Điều kiện về kinh tế:

Điều kiện kinh tế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin được thể hiện ở hai mức độ. Ở mức độ tổng quát, quan hệ kinh tế mang tính chất quyết định đối với các quan hệ, các quá trình xã hội. Các quan hệ giữa nhà nước và công dân, các qui định của pháp luật được hình thành, thực hiện và bảo đảm thực hiện trên thực tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp bị chi phối bởi điều kiện kinh tế. Để quyền tiếp cận thông tin được thực hiện thì nền kinh tế phải có khả năng đảm bảo các lợi ích căn bản trong xã hội, nhất là các lợi ích chung của cộng đồng để có thể thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi người vào các hoạt động chung. Ở mức độ cụ thể, quyền tiếp cận thông tin được quan tâm và được thực hiện thuận lợi khi có những điều kiện kinh tế tương ứng. Kinh tế tác động đến quyền và việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin đối với cả người dân và nhà nước. Về phía người dân, xét theo bản năng sống, con người trước hết quan tâm đến những gì là thiết yếu trong cuộc sống của chính mình. Khi những nhu cầu tối thiểu, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu ăn, mặc, ở được thỏa mãn thì họ mới quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, mới quan tâm nhiều đến các vấn đề chung của xã hội. Đồng thời, để việc trực tiếp thực hiện quyền tiếp cận thông tin được dễ dàng, thuận tiện thì người dân cũng cần có những điều kiện kinh tế nhất định. Chẳng hạn, khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, người dân có điều kiện mua sắm các phương tiện truyền thông sẽ dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau. Điều đó lại kích thích người dân quan tâm đến các vấn đề của quốc gia, làm tăng nhu cầu thông tin của họ. Điều này rất dễ nhận ra nếu so sánh nhu cầu thông tin, tính tích cực xã hội của người dân trong mối quan hệ với điều kiện kinh tế của họ ở thời điểm hiện tại với những thời kì kinh tế khó khăn trước kia, hoặc của người dân ở thành thị có điều kiện kinh tế thuận lợi và các vùng xa xôi có điều kiện kinh tế hạn chế trong cùng một thời kì. Về phía nhà nước, do khối lượng thông tin được nắm giữ ngày càng lớn và đa dạng nên thông tin cần được tổ chức, lưu giữ bởi những phương tiện ngày càng hiện đại. Sự ứng dụng công nghệ cao giúp cho việc lưu giữ, khai thác, cung cấp thông tin an toàn, chính xác và thuận tiện nhưng lại cần có sự đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất- kĩ thuật và con người. Một ví dụ cụ thể, hiện nay, rất nhiều cơ quan nhà nước ở cả trung ương và địa phương đã có các website để truyền tải các thông tin về chức năng, nhiệm vụ, về các hoạt động quan trọng của cơ quan và tạo các diễn đàn để người dân, các nhà quản lí, các nhà khoa học cùng tham gia ý kiến đối với các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan. Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng tin học là cầu nối thông tin quan trọng giữa nhà nước với nhân dân. Đầu tư thiết lập, vận hành, khai thác mạng thông tin điện tử là điều kiện quan trọng để người dân tiếp cận thông tin công. Tuy nhiên, việc lập, duy trì và quản trị mạng đảm bảo độ chính xác, đa dạng của thông tin, thuận lợi cho việc truy cập, bảo đảm an ninh mạng… không chỉ là vấn đề kĩ thuật mà còn cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, về con người cả của nhà nước và của nhân dân.

Lẽ dĩ nhiên, mạng tin học không phải là kênh thông tin duy nhất để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin nhưng rõ ràng đó là kênh thuận tiện và dù nó đòi hỏi đầu tư rất lớn ban đầu nhưng về lâu dài đây là kênh tiết kiệm cả về tiền bạc và thời gian. Bên cạnh đó, những dạng lưu giữ thông tin khác như băng, đĩa ghi âm, ghi hình hay văn bản giấy thì việc lưu trữ, cung cấp cũng cần những điều kiện kinh tế nhất định. Như vậy, để quyền tiếp cận thông tin mang tính hiện thực thì trước hết phải phát triển kinh tế, đồng thời các qui định về phạm vi và cách thức thực hiện quyền này phải dựa trên những điều kiện kinh tế tương ứng và sẽ được thay đổi tùy thuộc khả năng kinh tế cụ thể của đất nước trong từng thời kì.

3. Điều kiện về nhận thức:

Quyền tiếp cận thông tin là quyền của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thông tin, tương ứng với quyền này là nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước- những người nắm giữ thông tin công. Khả năng và hiệu quả của việc thực hiện quyền này phụ thuộc đáng kể vào nhận thức của cả người thực hiện quyền và người đáp ứng quyền đó. 

Về phía cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Một cách tích cực, quyền tiếp cận thông tin là quyền được có các thông tin công để giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, để thực hiện và bảo vệ bất cứ quyền, lợi ích chính đáng nào của mọi chủ thể trong xã hội. Như vậy, quyền tiếp cận thông tin có thể được thực hiện cả khi việc thực hiện quyền liên quan trực tiếp hoặc không liên quan trực tiếp đến lợi ích của người thực hiện quyền. Do đó, nhận thức của cá nhân, tổ chức trước hết là nhận thức về sự cần thiết phải có quyền tiếp cận thông tin, giá trị và phạm vi quyền tiếp cận thông tin. Thông thường con người dành sự quan tâm, chú ý đến những gì liên quan tới lợi ích của mình trước và tích cực bảo vệ lợi ích của mình hơn bảo vệ lợi ích của các chủ thể khác. Tuy nhiên, với tính cách là một cá thể tồn tại trong cộng đồng, một thành viên tồn tại trong xã hội thì lợi ích của một cá nhân không bao giờ tách rời hoàn toàn lợi ích của các cá nhân khác và của cả xã hội. Vì vậy, khi nhận thức của mỗi người hạn chế trong cái “tôi” thì quyền tiếp cận thông tin chỉ để thực hiện và bảo vệ lợi ích của mình, họ không cần quyền tiếp cận thông tin có phạm vi rộng vì dẫu quyền tiếp cận thông tin có phạm vi rộng đến mấy thì người dân cũng chỉ sử dụng trong giới hạn để phục vụ lợi ích của mình một cách trực tiếp. Nhưng khi nhận thức của con người vượt qua cái “tôi” nhỏ bé, ích kỉ thì họ sẽ thấy cái “tôi” luôn nằm trong cái chung của xã hội và trong cái chung rộng lớn đó bao giờ cũng hàm chứa cái “tôi” của riêng họ. Khi đó, họ đòi hỏi phạm vi quyền tiếp cận thông tin đủ rộng để có thể kiểm soát được tất cả những hoạt động công liên quan đến lợi ích của cả xã hội và từng thành viên trong đó. Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận thực tế là khi có những lợi ích liên quan trực tiếp thì động cơ thúc đẩy người dân tiếp cận thông tin rõ ràng và mạnh mẽ, nhu cầu chủ động thực hiện quyền của người dân cấp thiết hơn. Điều cần lưu ý là nhu cầu tiếp cận thông tin lúc này nhằm thỏa mãn hay bảo vệ những lợi ích của chính bản thân mình nên đôi khi người dân nóng nảy, thiếu sự kiềm chế cần thiết để thực hiện đúng đắn quyền này. Ngược lại, khi không có những lợi ích liên quan trực tiếp thì người dân có thể bàng quan theo kiểu “cha chung không ai khóc”, hoặc ngược lại vì không sợ ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của mình nên không thiện chí khi thực hiện quyền.

Nhận thức về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin cũng ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng và hiệu quả thực hiện quyền này trên thực tế. Cần nhận thức rõ đây là quyền, tức là hành vi được nhà nước cho phép thực hiện và bảo đảm cho sự thực hiện đó, nên người dân sẽ không e ngại thực hiện quyền khi có nhu cầu tiếp cận thông tin một cách chính đáng. Đồng thời, quyền bao giờ cũng có giới hạn và việc thực hiện quyền luôn phải tuân theo trật tự nhất định nên người thực hiện quyền không thể sử dụng quyền này để đòi hỏi, yêu sách nhà nước đáp ứng mọi đề nghị theo bất cứ cách nào mà người thực hiện quyền đưa ra. Nói cách khác, nếu người dân nhận thức đúng đắn về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, về mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và nhân dân trong quá trình thực hiện quyền thì quyền tiếp cận thông tin có thể được thực hiện dễ dàng, mang lại những tác động tích cực cho xã hội. Ngược lại, nếu nhận thức không đúng đắn thì việc thực hiện quyền có thể gặp những khó khăn từ cả hai phía nhà nước và người dân.

Về phía cán bộ, công chức nhà nước đáp ứng quyền tiếp cận thông tin. So với nhận thức của người dân, nhận thức của cán bộ, công chức nhà nước ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin vì người dân chỉ thực hiện được quyền này khi cán bộ, công chức nhà nước thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình. Nếu nhìn nhận một cách tích cực, quyền tiếp cận thông tin là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công. Một mặt, quyền này tác động ngược trở lại hoạt động công ở chỗ buộc các cán bộ, công chức phải thận trọng trong tất cả các công việc của mình. Mặt khác, quyền này giúp cho việc phát hiện những sai sót trong hoạt động công được nhanh chóng, kịp thời, hạn chế bớt hậu quả xấu do các hoạt động sai trái gây ra. Tuy nhiên, ở một góc độ khác có thể thấy quyền này tạo ra khả năng là mọi sai sót, yếu kém trong hoạt động công đều có thể bị đưa ra trước công lí, công luận. Đây không phải là điều các cán bộ, công chức có thể dễ dàng đối mặt. Do đó, nếu cán bộ, công chức nhà nước thấm nhuần quan điểm nhà nước có chức năng cơ bản là phục vụ và thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu chung của xã hội và của từng thành viên trong đó, thấu suốt quan điểm công chức nhà nước là công bộc của nhân dân thì không chỉ thấy việc nhân dân kiểm soát hoạt động của nhà nước là tất yếu mà việc thừa nhận và sửa chữa những sai sót của mình cũng trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Khi đó, cán bộ, công chức sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Trong trường hợp ngược lại, nếu cán bộ, công chức vẫn có tư duy thiên về chức năng cai trị của nhà nước và cán bộ, công chức là các quan cách mạng, là những người thuộc đẳng cấp cao hơn so với công chúng thì việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ở Việt Nam, nhận thức của cả người dân và cán bộ, công chức đều in đậm dấu ấn lịch sử đặc thù. Lịch sử Việt Nam trong suốt chiều dài quá khứ là lịch sử của một xã hội thiếu dân chủ. Thời kì phong kiến hàng ngàn năm được tiếp nối bởi thời kì thuộc địa nửa phong kiến. Sau đó nhà nước mới được thành lập nhưng bị chi phối bởi những điều kiện đặc biệt của chiến tranh và sự kéo dài của chế độ bao cấp. Điều kiện lịch sử này tuy cũng có những tác động tích cực trong những điều kiện nhất định, nhưng nếu nhìn từ góc độ quyền tiếp cận thông tin thì những tác động tiêu cực khá rõ nét. Đó là, thứ nhất, người dân dễ bị rơi vào một trong hai thái cực. Một là, thụ động, cam chịu, chấp nhận những bất công, phi lí, hầu như không có phản ứng tích cực nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội, thậm chí là của chính mình do những phản ứng đó hoặc là thường không được nhà nước quan tâm thích đáng, hoặc là thiếu an toàn cho bản thân họ. Hai là, do không phản ứng kịp thời nên có thể các quyền và lợi ích bị xâm hại nhiều lần hoặc xâm phạm ở mức khá nghiêm trọng và khi giới hạn của sự chịu đựng đã hết thì họ có thể có phản ứng gay gắt. Thứ hai, cán bộ, công chức dễ bị quan liêu, thiếu tinh thần phục vụ, khó chấp nhận việc người dân giám sát hoạt động của mình. Vì vậy, ngày nay khi trên thế giới rất nhiều quốc gia đã có luật tiếp cận thông tin thì khái niệm quyền tiếp cận thông tin ở nước ta vẫn còn khá mới mẻ. Để quyền tiếp cận thông tin được thực hiện đúng nội dung, mục đích thì phải tiếp tục thay đổi nhận thức, phải giáo dục cho cả nhân dân và cán bộ, công chức nhà nước về địa vị của nhân dân, vai trò của nhà nước trong xã hội, về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong những điều kiện, hoàn cảnh quản lí mới, về mục đích, giá trị của quyền tiếp cận thông tin để người dân không thờ ơ cũng không lợi dụng quyền và cán bộ, công chức không gây trở ngại cho việc thực hiện quyền quan trọng này.

4. Điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân sự

Tương ứng với quyền tiếp cận thông tin của công chúng là nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Cũng như thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào khác, nhà nước cần phải có tổ chức bộ máy và nhân sự hợp lí để thực hiện nghĩa vụ này.

Hiện nay pháp luật Việt Nam mới qui định công dân có quyền được thông tin. Quyền này coi trọng sự chủ động trong việc cung cấp thông tin từ phía nhà nước hơn là sự chủ động yêu cầu được cung cấp thông tin của người dân và mặc dù không có qui định rõ ràng nhưng thực tế cho thấy phạm vi thông tin, lượng thông tin được cung cấp khá hạn chế. Khác với quyền được thông tin, quyền tiếp cận thông tin nhấn mạnh sự chủ động yêu cầu cung cấp thông tin của người dân và theo kinh nghiệm của các quốc gia đã có luật tiếp cận thông tin thì phạm vi thông tin mà người dân có quyền yêu cầu cung cấp rất rộng và đa dạng. Điều đó có nghĩa là khối lượng công việc mà cán bộ, công chức phải làm để đáp ứng quyền tiếp cận thông tin sẽ tăng vọt so với đáp ứng quyền được thông tin nên đương nhiên cần phải có bộ máy và nhân sự phù hợp.

Thứ nhất, bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy của từng cơ quan nhà nước nói riêng phải được tổ chức sao cho trong hầu hết các trường hợp có thể xác định được những thông tin mà người dân yêu cầu được nắm giữ bởi cơ quan hay cá nhân nào. Trên cơ sở đó, trong phần lớn các trường hợp người dân có thể biết cơ quan nào đang nắm giữ thông tin mình cần để đưa ra yêu cầu và cơ quan nhận được yêu cầu cung cấp thông tin nếu không nắm giữ thông tin được yêu cầu thì có thể dễ dàng xác định để chuyển yêu cầu hoặc chỉ dẫn người yêu cầu đến đúng địa chỉ có thông tin mà họ muốn tiếp cận. Mặt khác, do sự phối hợp hoạt động và kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước với nhau nên một thông tin hoặc một số thông tin liên quan đến nhau có thể được nắm giữ bởi những cơ quan, cán bộ, công chức khác nhau mà không phải ai trong số đó cũng nắm giữ đầy đủ những thông tin đó. Nếu thông tin được cung cấp không đầy đủ thì sự đánh giá, nhìn nhận về các vấn đề liên quan không tránh khỏi sai lệch làm cho quyền tiếp cận thông tin mất đi giá trị tích cực vốn có. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp, liên thông giữa các cơ quan để khi người dân yêu cầu thì một trong số các cơ quan, cán bộ, công chức đang nắm giữ một phần thông tin có thể dễ dàng có đầy đủ thông tin để cung cấp, hoặc phối hợp với các cơ quan, cán bộ, công chức có liên quan cùng cung cấp thông tin, đảm bảo tính toàn diện của thông tin được tiếp cận.

Thứ hai, phải có người trực tiếp chịu trách nhiệm cung cấp thông tin. Quyền tiếp cận thông tin của công chúng không thể thực hiện được nếu không có những con người cụ thể được xác định là có trách nhiệm cung cấp thông tin. Người cung cấp thông tin có thể chính là người đang nắm giữ thông tin, có thể là cán bộ chuyên trách. Trong trường hợp người cung cấp thông tin là người đang nắm giữ thông tin thì việc cung cấp thông tin có thuận lợi là người cung cấp thông tin có sẵn thông tin được yêu cầu, người đó cũng biết rõ nội dung của từng thông tin, hình thức tồn tại và giá trị của nó nên có thể hướng dẫn cho người tiếp cận thông tin cách thức, phạm vi tiếp cận thông tin phù hợp nhất với mục đích tiếp cận của họ. Tuy nhiên, người nắm giữ thông tin trong trường hợp này cũng thường là người mà một phần hay toàn bộ hoạt động của họ được phản ánh trong các thông tin đó nên lại tiềm ẩn nguy cơ người có nghĩa vụ cung cấp thông tin không muốn cung cấp những thông tin bất lợi cho mình. Vì vậy, nếu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu thì việc cung cấp thông tin có thể bị lệch theo hướng bảo đảm an toàn cho người cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng người có trách nhiệm cung cấp thông tin trong trường hợp này không chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác xuất phát từ vị trí, vai trò của họ trong cơ quan và vị trí, vai trò của cơ quan họ trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần lưu ý khả năng họ chú ý thực hiện những nhiệm vụ đó mà xao lãng nhiệm vụ cung cấp thông tin. Hơn nữa, như trên đã nói, có những thông tin mà nhiều cơ quan, cán bộ, công chức nắm giữ những phần khác nhau. Vậy nên, nếu người yêu cầu cung cấp thông tin đưa yêu cầu đến một trong số các chủ thể đó thì lại cần có cơ chế sao cho người được yêu cầu cung cấp có thể dễ dàng có được phần còn lại của thông tin ngoài phần mà họ đang trực tiếp nắm giữ hay phối hợp hài hòa trong việc cung cấp thông tin mà không đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin cho các chủ thể khác. Trong trường hợp người cung cấp thông tin là cán bộ chuyên trách thì lại có những ưu, nhược điểm gần như ngược lại trường hợp trên. Ưu điểm chính là thông tin được yêu cầu cung cấp không liên quan, phản ánh trực tiếp hoạt động của người có trách nhiệm cung cấp nên tránh được khả năng cung cấp thông tin sai lệch do phải bảo đảm an toàn cho người cung cấp. Người cung cấp thông tin cũng chỉ có nhiệm vụ chính là cung cấp thông tin nên không bị chi phối bởi nhu cầu phải hoàn thành các nhiệm vụ khác. Việc đầu tư các phương tiện kĩ thuật nhằm cung cấp thông tin được tập trung vào một số ít đầu mối nên cũng tiết kiệm đáng kể cho ngân sách nhà nước. Nhược điểm ở đây là người có trách nhiệm cung cấp thông tin không trực tiếp nắm giữ thông tin được yêu cầu nên việc có được thông tin để cung cấp hay không phụ thuộc vào sự hợp tác của các chủ thể đang nắm giữ thông tin. Vì vậy, nếu có cơ chế ràng buộc trách nhiệm hữu hiệu thì việc cung cấp thông tin sẽ khá khách quan và chuyên nghiệp.

Mỗi trường hợp nói trên có những ưu, nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn khả năng nào hay kết hợp cả hai khả năng để xác định người có trách nhiệm cung cấp thông tin cần phải xem xét nhiều yếu tố như tính chất thông tin được yêu cầu; năng lực, đạo đức cán bộ; cơ chế phối, kết hợp, kiểm tra, giám sát hoạt động giữa các cá nhân trong một cơ quan, giữa các cơ quan nhà nước với nhau thì quyền tiếp cận thông tin của người dân mới được bảo đảm.

Thứ ba, cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Khi người dân yêu cầu cung cấp thông tin có thể có trường hợp yêu cầu đó không được đáp ứng hay được đáp ứng nhưng không đúng qui định của pháp luật hoặc ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích của người yêu cầu hay của người thứ ba. Khi đó có thể có tranh chấp phát sinh và tranh chấp này cần được giải quyết. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng là vấn đề cần được cân nhắc. Vì tranh chấp này có những điểm khác biệt đáng kể so với tranh chấp hành chính theo pháp luật Việt Nam hiện hành nên nếu giao loại tranh chấp này cho cơ quan giải quyết khiếu nại hiện nay giải quyết thì phải có những thay đổi trong pháp luật giải quyết khiếu nại về những vấn đề như mục đích khiếu nại không chỉ là khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại mà còn có mục đích phòng ngừa sai phạm; người có quyền khiếu nại không chỉ giới hạn là người có quyền, lợi ích bị xâm hại trực tiếp mà là tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội; người bị khiếu nại cũng không chỉ là cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước mà là tất cả các cá nhân, tổ chức có sử dụng quyền lực nhà nước đang nắm giữ, quản lí thông tin công… Đồng thời, do phạm vi thông tin được tiếp cận sẽ tương đối rộng nên tính chất giám sát hoạt động công một cách toàn diện của quyền tiếp cận thông tin sẽ được thể hiện rõ rệt và vì thế mà khiếu nại liên quan đến quyền tiếp cận thông tin có thể động chạm đến lợi ích, uy tín của các cơ quan, cán bộ, công chức nhiều hơn so với khiếu nại hành chính theo quan niệm truyền thống. Vì vậy, nếu muốn chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan giải quyết khiếu nại hiện nay thì cần chú ý đảm bảo mức độ khách quan, vô tư của người giải quyết tranh chấp. Nếu lựa chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tiếp cận thông tin thì lại cần quan tâm đến sự hạn chế của tòa án về những kiến thức chuyên môn trong nội dung các thông tin được yêu cầu cung cấp cũng như hoạt động quản lí có liên quan. Nếu thành lập một loại cơ quan chuyên biệt để giải quyết các tranh chấp này thì điều quan trọng là xác định vị trí, tính chất của cơ quan đó trong bộ máy nhà nước, yêu cầu về năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức trong cơ quan đó để sao cho cơ quan này có thể hoạt động độc lập, khách quan, hiệu quả. Dù lựa chọn loại cơ quan nào để giải quyết tranh chấp này cũng cần phải chú ý đến những điểm đặc thù của loại tranh chấp này thì việc giải quyết mới có tác động tích cực đối với việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

5. Điều kiện về pháp luật

Trong số các điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin, điều kiện về pháp luật là điều kiện có ý nghĩa quyết định trực tiếp vì khi được pháp luật qui định thì quyền này sẽ được bảo đảm thực hiện bằng những phương tiện pháp lí cần thiết, mọi hành vi vi phạm hay cản trở thực hiện quyền này đều có thể dẫn tới những trách nhiệm pháp lí tương ứng. Những vấn đề cơ bản pháp luật cần qui định về quyền tiếp cận thông tin gồm: nội dung, phương thức thực hiện quyền, giới hạn thực hiện quyền, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền.

Thứ nhất, các qui định về nội dung và phương thức thực hiện quyền

Trước hết, cần xác định quyền tiếp cận thông tin là gì. Trong một số tài liệu, quyền tiếp cận thông tin được coi là đồng nhất với quyền được thông tin[iv]. Tuy nhiên, như trên đã nói, quyền được thông tin thì ưu thế trong việc quyết định có cung cấp thông tin hay không, cung cấp loại thông tin gì, bằng phương thức nào, vào thời điểm nào thuộc về nhà nước. Đối với người dân, quyền này dường như mang tính thụ động, là một sự thụ hưởng khi nhà nước cho phép. Trong khi đó, quyền tiếp cận thông tin mang sắc thái chủ động từ phía công dân nhiều hơn và chính sự chủ động này mới là điều mong muốn của các quốc gia khi qui định và tổ chức thực hiện quyền tiếp cận thông tin vì nó giúp cho công chúng tăng khả năng kiểm soát hoạt động và tham gia quá trình ra các quyết sách của nhà nước. Vì vậy, không nên đánh đồng quyền được thông tin với quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin là quyền chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền cung cấp thông tin công đang được nắm giữ, quản lí bởi các cơ quan công quyền theo phạm vi, cách thức pháp luật qui định. Bên cạnh đó, thế nào là thông tin công và các dạng tồn tại của chúng cũng cần được xác định phù hợp với thực tế để cả công chúng và người có trách nhiệm cung cấp thông tin biết về nguyên tắc những thông tin nào có thể được tiếp cận và được tiếp cận ở dạng thức nào. Chẳng hạn, do sự ứng dụng các thành tựu khoa học, kĩ thuật trong hoạt động của nhà nước mà thông tin hiện nay không chỉ được lưu giữ dưới dạng giấy tờ mà còn dưới các dạng điện tử như đĩa mềm, thẻ nhớ và nhiều dạng vật chất khác.

Vấn đề thực hiện quyền, các quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu tiếp cận thông tin, của người cung cấp thông tin cần được pháp luật qui định cụ thể, rõ ràng đủ để công dân dễ dàng thực hiện quyền và ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể công. Những qui định về nội dung này có thể bao gồm: một là, qui định nơi tiếp nhận yêu cầu tiếp cận thông tin. Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của người tiếp cận thông tin cũng như tiết kiệm thời gian cho các cơ quan nhà nước, cần qui định người yêu cầu cung cấp thông tin phải gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp khó xác định thẩm quyền cung cấp thông tin thì pháp luật nên qui định một cơ quan trung gian nào đó có thể tiếp nhận yêu cầu, xem xét và chuyển yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền. Hai là, qui định trách nhiệm của công dân khi đưa yêu cầu. Yêu cầu phải được thể hiện bằng hình thức thích hợp như bằng đơn, thông qua hộp thư điện tử, fax hay yêu cầu trực tiếp và phải thể hiện đủ rõ để xác định được thông tin mà người yêu cầu tiếp cận là thông tin gì, phạm vi tiếp cận đến đâu (về thời gian, nội dung). Người yêu cầu cũng phải cung cấp những thông tin nhất định về bản thân người yêu cầu để người cung cấp thông tin có thể liên lạc được với họ. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì người yêu cầu không cần phải nêu mục đích việc tiếp cận thông tin nhưng người có thẩm quyền cũng có thể xem xét trường hợp yêu cầu tiếp cận thông tin hoàn toàn không có lí do chính đáng. Chẳng hạn, khoản a Điều 45 Luật số 2, 2000 luật thúc đẩy tiếp cận thông tin 2000 của Cộng hòa Nam phi qui định “Quan chức thông tin của một chủ thể công cộng có thể từ chối một yêu cầu tiếp cận thông tin nếu: a, yêu cầu rõ ràng mang tính chất thiếu nghiêm túc”. Ba là, qui định trách nhiệm tiếp cận thông tin, số lần và khoảng cách giữa các lần yêu cầu tiếp cận đối với một thông tin. Để nâng cao trách nhiệm của công chúng, tránh sự làm phiền quá đáng đối với cơ quan, công chức nhà nước, pháp luật cần qui định khi được phép tiếp cận thông tin đối với một thông tin cụ thể, người yêu cầu cung cấp thông tin phải tiếp cận thông tin theo cách thức và trong một thời hạn nhất định. Nếu quá thời hạn đó, người yêu cầu không tiếp cận thông tin thì coi như người đó từ chối quyền tiếp cận thông tin, trừ trường hợp có lí do chính đáng. Đồng thời cũng nên qui định với một thông tin cụ thể, một người chỉ được yêu cầu tiếp cận tối đa là mấy lần và khoảng cách giữa các lần yêu cầu. Chẳng hạn, Điều 37 Luật tiếp cận thông tin của Bulgary không cho phép tiếp cận thông tin nếu yêu cầu đó đã được cho phép đối với người nộp đơn trong khoảng thời gian 6 tháng trước đó. Bốn là, qui định trách nhiệm của công chức có thẩm quyền cung cấp thông tin. Khi nhận được yêu cầu, người có thẩm quyền cung cấp thông tin trong một thời hạn nhất định phải thông báo cho người yêu cầu biết về việc tiếp nhận yêu cầu, nếu yêu cầu không được tiếp nhận phải nêu rõ lí do, nếu yêu cầu được chuyển đến cơ quan khác thì phải thông báo cho người yêu cầu biết. Pháp luật cần qui định cụ thể các cơ sở để từ chối yêu cầu tiếp cận thông tin nhằm tránh sự tùy tiện của người có thẩm quyền cung cấp thông tin. Nếu yêu cầu được chấp nhận thì trong thời hạn nhất định, người có thẩm quyền cung cấp thông tin phải tạo điều kiện cho người yêu cầu được tiếp cận thông tin, hướng dẫn họ tiếp cận thông tin như cho nghiên cứu thông tin tại chỗ, xem hình, nghe băng hay cung cấp cho họ bản sao các loại tài liệu dưới dạng thích hợp. Để tránh sự trì hoãn giải quyết yêu cầu tiếp cận thông tin, có nước còn qui định chỉ những trường hợp pháp luật qui định, người có thẩm quyền cung cấp thông tin mới có quyền gia hạn giải quyết yêu cầu và phải được người yêu cầu đồng ý bằng văn bản, người yêu cầu có quyền khiếu nại về việc gia hạn đó[v]. Các khoản chi phí mà người yêu cầu phải chịu như phí tiếp cận thông tin, chi phí cho việc sao tài liệu cũng cần được qui định đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và công dân, chẳng hạn miễn phí trong trường hợp việc tiếp cận thông tin nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công, giảm mức phí đối với các đối tượng chính sách…Luật tiếp cận thông tin Nhật bản còn đặc biệt chú ý khả năng chi trả của người yêu cầu khi quyết định mức phí[vi]

Thứ hai, các qui định về giới hạn quyền tiếp cận thông tin. Vì thông tin rất đa dạng, phong phú và được bổ sung thường xuyên nên về cơ bản khó có thể qui định cụ thể những thông tin nào người dân được quyền tiếp cận mà chỉ có thể qui định những loại thông tin người dân không được quyền tiếp cận và những loại thông tin được tiếp cận một cách hạn chế (chỉ được tiếp cận khi có những điều kiện nhất định). Mặt khác, qui định giới hạn quyền tiếp cận thông tin bằng cách này rất phù hợp với nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Về căn bản, pháp luật chỉ cấm những gì mà việc thực hiện chúng gây nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, nhà nước cần phải thật khách quan khi xác định những loại thông tin không được tiếp cận hoặc tiếp cận một cách hạn chế. Về nguyên tắc, thông tin không được tiếp cận hoặc chỉ được tiếp cận hạn chế là những thông tin mà việc tiếp cận có thể gây tác động xấu, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại quyền, lợi ích chính đáng của xã hội, nhà nước, tập thể, cá nhân. Thông thường đó là những thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật cơ quan, thông tin liên quan đến vụ án hình sự trong quá trình tố tụng, thông tin mà việc cung cấp có thể gây hiểu lầm, thông tin về đời tư của cá nhân, thông tin về thương mại của các tổ chức kinh tế. Trong đó có những thông tin hoàn toàn không được tiếp cận như thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, có những thông tin có thể được tiếp cận khi có đủ điều kiện chứng tỏ việc tiếp cận thông tin không gây nguy hiểm cho các chủ thể có liên quan. Ví dụ, có những thông tin trong một vụ án không được tiếp cận trong quá trình đang xử lí vụ án đó, nhưng nếu vụ án đã kết thúc thì có thể tiếp cận; thông tin liên quan đến đời tư của cá nhân có thể được tiếp cận khi được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc sau khi họ chết một khoảng thời gian nhất định. Có trường hợp thông tin được yêu cầu nằm trong thể thống nhất với các thông tin khác không thể chia tách mà phần khác của thông tin thuộc loại thông tin không được tiếp cận thì thông tin được yêu cầu cũng sẽ không được phép tiếp cận. Đối với một số thông tin không thuộc loại bắt buộc phải công khai thì cần qui định cơ quan có thẩm quyền quyết định khi nào thì những thông tin đó được phép tiếp cận. Ví dụ, có những thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin liên quan đến quá trình giải quyết một vụ việc cụ thể sau một khoảng thời gian nào đó việc tiếp cận sẽ không còn khả năng gây hậu quả xấu nữa thì cần cho phép công chúng tiếp cận nếu có nhu cầu. Như vậy, quyền tiếp cận thông tin chỉ được thực hiện nếu việc thực hiện đó không làm tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến các quyền và lợi ích chính đáng khác. Vì vậy, đối với các thông tin không được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện đôi khi cũng có ngoại lệ mà pháp luật cần dự liệu. Chẳng hạn việc tiếp cận thông tin đó thực sự là cần thiết nhằm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc nguy cơ sắp xảy ra đe dọa sự an toàn của cộng đồng, của môi trường. Lẽ dĩ nhiên, trường hợp này, lợi ích cần bảo vệ phải lớn hơn thiệt hại có thể gây ra do việc cung cấp thông tin. Vấn đề cần lưu ý là pháp luật phải qui định sao cho quyền tiếp cận thông tin không bị lạm dụng, phải bảo vệ được các quyền và lợi ích khác nhau trong mối tương quan hợp lí. Do đó, pháp luật cần qui định cụ thể những loại thông tin nào không được phép tiếp cận, thông tin nào được phép tiếp cận có điều kiện và điều kiện để tiếp cận là gì, những ngoại lệ có thể có và điều kiện áp dụng những ngoại lệ đó để không vô tình hay cố ý hạn chế quyền tiếp cận  thông tin của công chúng.

Thứ ba, các qui định bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Một là, qui định các thông tin nhà nước chủ động công khai và cách thức công khai các thông tin đó. Công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động công quyền là yêu cầu cấp thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây vì nhiều lí do khác nhau. Đặc biệt là khi thế giới phải thừa nhận rằng “Tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế” và “Các vụ tham nhũng liên quan đến số lượng lớn tài sản, chiếm một phần quan trọng nguồn lực của các quốc gia, và việc sử dụng sai trái nguồn lực này sẽ gây hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các nước đó[vii] thì tính công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước được coi là phương cách hữu hiệu kiềm chế tham nhũng. Đây cũng là lí do chính cho sự ra đời của quyền tiếp cận thông tin- quyền có giá trị cơ bản là đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động công, giúp nhân dân kiểm soát hoạt động của nhà nước. Quyền này phải được thực hiện sao cho vừa thuận tiện cho dân, vừa tiết kiệm cả thời gian, sức người, sức của cho nhà nước. Để làm được điều đó, pháp luật các nước đều qui định những loại thông tin bắt buộc các cơ quan nhà nước phải chủ động công khai không cần có yêu cầu của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Việc công khai thông tin giúp cho công chúng có thể tiếp cận dễ dàng mà không cần thông qua bất cứ một thủ tục phức tạp nào. Phần lớn các nước qui định những thông tin bắt buộc phải công khai gồm: thông tin về các văn bản pháp qui; các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; các dữ liệu thống kê, các báo cáo tài chính; thông tin liên quan đến các chính sách, biện pháp quản lí kinh tế, xã hội; thông tin về việc cung cấp dịch vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ; thông tin về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; phân phối tiền trợ cấp; các nghiên cứu, thống kê là phần không thể tách rời những thông tin về khả năng, lí do ban hành một quyết định, kế hoạch…[viii]. Các thông tin này phải được công bố công khai bằng những hình thức thuận lợi nhất cho việc tiếp cận của công chúng như đưa trên các website của các cơ quan, đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các ấn phẩm, thông báo trên bảng tin của cơ quan… Quyền tiếp cận thông tin cũng là một phương cách thu hút nhân dân tham gia quá trình ra quyết định của các chủ thể công nên công khai hóa các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, xây dựng chính sách rất được chú ý. Ở Việt Nam tuy chưa có luật tiếp cận thông tin nhưng nhiều thông tin trong số các loại thông tin trên đã được nhà nước chủ động công khai hoặc pháp luật qui định bắt buộc phải công khai. Chẳng hạn, pháp luật qui định dự thảo văn bản qui phạm pháp luật phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, cơ quan ban hành[ix]. Việc đăng tải toàn văn các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhân dân vào các hoạt động của nhà nước. Một mặt, tạo điều kiện cho nhân dân đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản, mặt khác, đây là hình thức thông tin sớm về các quyết sách của nhà nước để nhân dân có thể chuẩn bị các điều kiện về tinh thần, vật chất cho việc thực hiện chúng, tránh những tác động quá bất ngờ gây xáo trộn đời sống xã hội. Điều 79 qui định văn bản qui phạm pháp luật phải được đăng Công báo, văn bản qui phạm không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và văn bản qui định biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp hoặc để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa kịp đăng Công báo. Công khai hóa các văn bản qui phạm pháp luật là yêu cầu tất yếu đối với nhà nước pháp quyền khi mà pháp luật được coi là yếu tố điều chỉnh xã hội quan trọng nhất thì mọi đối tượng tác động của pháp luật phải biết pháp luật có những qui định nào liên quan đến mình thì mới có thể thực hiện pháp luật đầy đủ và nghiêm túc.

Không nhằm mục đích hạn chế mà đơn giản là để thuận tiện cho công chúng, các cơ quan nhà nước có thể định kì công bố danh mục các tài liệu được tiếp cận, cách thức tiếp cận, phí tiếp cận thông tin. Việc công bố này giúp cho phần lớn công dân- những người không phải là các chuyên gia pháp lí- không cần tìm hiểu nhiều các qui định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin cũng có thể biết những thông tin cụ thể nào họ có thể tiếp cận.

Hai là, qui định trách nhiệm của công chức, cơ quan, tổ chức lưu giữ, cung cấp thông tin, thủ tục đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin. Các thông tin công thuộc loại được tiếp cận cần được lưu giữ dưới các dạng thuận tiện cho việc tiếp cận. Trong trường hợp cần thiết, những thông tin thể hiện dưới dạng lời nói hay thông tin về các hoạt động cụ thể phải được văn bản hóa hoặc được ghi âm. Chẳng hạn, Luật Khiếu nại, tố cáo qui định nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn hoặc được cán bộ tiếp dân ghi lại, có chữ kí của người khiếu nại. Nội dung tố cáo phải được thể hiện bằng đơn hoặc được cán bộ tiếp dân ghi lại hoặc ghi âm lời tố cáo. Việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp của người giải quyết khiếu nại với người khiếu nại, người bị khiếu nại phải lập thành biên bản… Nếu những thông tin như vậy không được lưu lại bằng những hình thức thích hợp thì việc tiếp cận thông tin đó sẽ rất khó khăn.

Khi nhận được yêu cầu tiếp cận thông tin, công chức có trách nhiệm cung cấp thông tin phải xác định thông tin được yêu cầu có thuộc loại được tiếp cận không, người yêu cầu có rơi vào trường hợp không được tiếp cận thông tin không. Ở đây pháp luật cần qui định thời hạn xem xét yêu cầu cung cấp thông tin và thời hạn cung cấp thông tin. Kể từ khi tiếp nhận yêu cầu, công chức cung cấp thông tin phải xem xét và quyết định cho phép tiếp cận thông tin hay từ chối yêu cầu tiếp cận thông tin. Trong trường hợp từ chối yêu cầu thì phải nêu rõ lí do. Nếu quá thời hạn pháp luật qui định mà công chức cung cấp thông tin không trả lời người yêu cầu thì coi như từ chối cung cấp thông tin và người dân có quyền đưa yêu cầu lên cấp trên hoặc khiếu nại về hành vi từ chối cung cấp đó. Trong thời hạn cung cấp thông tin, công chức cung cấp thông tin phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người có yêu cầu được tiếp cận thông tin. Các chế tài cần thiết cũng được đặt ra đối với công chức cung cấp thông tin giả mạo, chậm trễ trong việc cung cấp hay từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp yêu cầu hợp pháp và chính đáng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần qui định người không có trách nhiệm cung cấp thông tin mà cung cấp thông tin có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi cung cấp thông tin của mình.

Ba là, qui định trách nhiệm báo cáo về hoạt động đáp ứng quyền tiếp cận thông tin. Nếu tiếp cận thông tin công là quyền của nhân dân thì tương ứng với quyền đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin của các chủ thể công. Cũng như mọi hoạt động khác, hoạt động đáp ứng quyền tiếp cận thông tin phải được kiểm soát bởi các chủ thể có thẩm quyền. Pháp luật cần qui định các chủ thể công có trách nhiệm định kì báo cáo công tác này trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nội dung báo cáo phải hàm chứa các thông tin về số lượng, nội dung yêu cầu đã nhận được; số lượng yêu cầu đã được đáp ứng, đã bị từ chối; số lượng, nội dung khiếu nại liên quan đến quyền tiếp cận thông tin… Các báo cáo này cho phép nhà nước đánh giá nhận thức, nhu cầu, mức độ quan tâm của công chúng đối với từng lĩnh vực hoạt động của nhà nước, khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của các chủ thể công, năng lực công chức có trách nhiệm cung cấp thông tin và các vấn đề khác có liên quan. Trên cơ sở đó, nhà nước có thể đưa ra các qui định, thay đổi cơ cấu bộ máy nhà nước, điều chỉnh nhân lực để quyền tiếp cận thông tin ngày càng được bảo đảm thực hiện có hiệu quả phù hợp với những điều kiện cụ thể của xã hội.

Bốn là, qui định về quyền của bên thứ ba. Trong số các thông tin mà công chúng được phép tiếp cận có những thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân không phải là người yêu cầu hay người cung cấp thông tin. Các tổ chức, cá nhân đó được gọi là bên thứ ba. Như trên đã nói, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin không được gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bất cứ cá nhân, tổ chức nào, trừ trường hợp vì phải bảo vệ một lợi ích lớn hơn. Vì vậy, trong trường hợp công chức cung cấp thông tin xét thấy thông tin được yêu cầu liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin thương mại của bên thứ ba mà việc cung cấp có thể gây tổn hại cho họ thì người có trách nhiệm cung cấp thông tin phải thông báo cho bên thứ ba biết về yêu cầu tiếp cận thông tin đó và họ, tên người yêu cầu tiếp cận thông tin. Trong trường hợp này, bên thứ ba có quyền yêu cầu không cung cấp thông tin hay đồng ý cho cung cấp thông tin. Nếu không đồng ý cho cung cấp thông tin thì phải nêu rõ lí do. Nếu người có trách nhiệm cung cấp thông tin vẫn quyết định cung cấp thông tin thì phải thông báo việc cung cấp thông tin đó cho bên thứ ba biết. Bên thứ ba có quyền khiếu nại về việc cung cấp thông tin.

Năm là, qui định về giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin chắc chắn sẽ có những trường hợp người dân không đồng ý với các hành vi, quyết định của các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Khi đó tranh chấp liên quan đến quyền tiếp cận thông tin đã nảy sinh và cần được giải quyết. Như trên đã nói, việc giải quyết tranh chấp này có thể thực hiện bằng con đường giải quyết tranh chấp hành chính hiện nay ở nước ta là khiếu nại, giải quyết khiếu nại và khởi kiện vụ án, giải quyết tranh chấp tại tòa án, hoặc chỉ trao quyền giải quyết tranh chấp cho tòa án, hoặc thành lập một loại cơ quan chuyên trách giải quyết loại tranh chấp này. Cho dù chọn giải pháp nào thì pháp luật cũng phải có những qui định về các vấn đề: ai có quyền được đưa tranh chấp tới cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết; những hành vi, quyết định nào thì được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại về tính hợp pháp, hợp lí; ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; thủ tục giải quyết tranh chấp; quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và những người có liên quan. Các qui định về giải quyết tranh chấp có giá trị bảo đảm quyền tiếp cận thông tin phải được các chủ thể công tôn trọng, tạo điều kiện thực hiện đúng qui định của pháp luật.

Tóm lại, tiếp cận thông tin là quyền thiết yếu của công chúng trong xã hội dân chủ hiện đại. Việc thừa nhận, ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế phải phù hợp với những điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi thời kì. Cùng với việc học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, Việt Nam cần cân nhắc, xem xét tất cả các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể của đất nước để cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công chúng sao cho quyền này vừa là phương thức để nhân dân kiểm soát hoạt động của nhà nước một cách hữu hiệu, vừa thu hút mọi người dân tham gia tích cực vào việc giải quyết các công việc chung của quốc gia, của cộng đồng đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

                               

                                  Chuyên đề 7

THỦ TỤC THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG       TIN,THỦ TỤC KHIẾU NẠI, KHIẾU KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

 (Bài viết dựa trên kinh nghiệm của 10 nước trên thế giới về vấn đề này và kiến nghị đối với Việt Nam)

 

TS. Nguyễn Kim Thoa

 

1.Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

1.1 Kinh nghiệm quốc tế về thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

  Qua báo cáo nghiên cứu của ông Toby cho thấy, để quyền tiếp cận thông tin được thực hiện một cách hiệu quả, thì cần có một quy trình cung cấp thông tin nhanh chóng, đơn giản và hợp lý và cần có một thiết chế độc lập xem xét giải quyết bất kỳ sự từ chối nào. Cũng theo ông, tất cả các cơ quan công/công quyền cần phải thiết lập một hệ thống thông tin mở, có thể tiếp cận được để đảm bảo rằng người dân thực hiện được quyền tiếp nhận thông tin. Nói chung, mỗi cơ quan cần chỉ định một cán bộ chịu trách nhiệm đối với việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và đảm bảo tuân thủ pháp luật. Các cơ quan công/công quyền cũng cần được qui định giúp đỡ hay hỗ trợ những người có yêu cầu mà yêu cầu của họ liên quan đến những thông tin đã đăng tải, hoặc không rõ ràng, quá rộng khi cần tập hợp ban hành lại. Các cơ quan công quyền không nhất thiết phải cung cấp cho cá nhân yêu cầu về thông tin trong một ấn phẩm đã xuất bản nhưng trong trường hợp đó cơ quan nên hướng dẫn họ tìm tới nguồn thông tin đã xuất bản hay đã được đăng tải ở địa chỉ cụ thể. Luật cần qui định thời hạn cho việc giải quyết xử lý những yêu cầu và phải đặt ra trách nhiệm trả lời bằng văn bản về lý do từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu. Đối với các đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội, như người khiếm thính, người mù... cũng cần có cơ chế để giúp họ thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

          Thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, về cơ bản, được thể hiện ở các khía cạnh: thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin phải công bố công khai rộng rãi các thông tin; thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định quyền yêu cầu cung cấp các thông tin; quy định thời hạn hợp lý được tiếp cận thông tin, từ chói tiếp cận thông tin và bố trí đầu mối tiếp nhận thông tin.

 * Thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin phải công bố công khai rộng rãi các thông tin

         Để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin một cách nhanh, rẻ, hiệu quả và kịp thời nhất, nhiều nước đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nắm gĩư thông tin phải chủ động công bố một cách rộng rãi nhất, nhiều như có thể các thông tin mà mình đang nắm giữ. Cụ thể ở Slovenia, chỉ có một số ngoại lệ được quy định rõ trong Luật tiếp cận thông tin công và các ngoại lệ này phải được cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định từ chối cung cấp thông tin. Luật dành hẳn 1 điều (Điều 10) quy định trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin phải đăng trên mạng của cơ quan mình càc loại thông tin nhất định, đó là:

  1. Bản hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan và có đường link đến địa chỉ trang web của cơ quan quốc gia về đăng ký văn bản pháp luật.
  2. Các chương trình, chiến lược, quan điểm và hướng dẫn chung về những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa cơ quan với cá nhân và pháp nhân nhằm tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ tương ứng của mình, các công trình nghiên cứu và các tài liệu tương tự liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan;
  3. Đề xuất xây dựng văn bản pháp luật, chương trình, chiến lược và các tài liệu khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan;
  4. Tất cả các ấn phẩm và tài liệu về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và giao dịch công;
  5. Thông tin về các hoạt động của cơ quan và các dịch vụ hành chính, tư pháp và các dịch vụ khác mà cơ quan cung ứng;
  6. Tất cả những thông tin đã được yêu cầu cung cấp ít nhất là 3 lần;
  7. Các thông tin công khác.

         Hay ở Ấn Độ, Luật về Quyền được thông tin của Ấn Độ quy định rất nhiều các nghĩa vụ về chủ động và lịch trình công bố. Mọi tổ chức công,  trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực và theo đó được cập nhật hàng năm, phải công bố phạm vi của thông tin, gồm các nội dung sau: chi tiết về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ; quyền và nghĩa vụ của nhân viên; qui trình thủ tục trong quá trình đưa ra những quyết định, hay bất cứ  một chỉ tiêu nào có thể chấp nhận việc đảm nhiệm chức năng; những quy định, nội quy, hướng dẫn và chỉ dẫn, các loại tài liệu lưu trữ và dưới dạng hình thức điện tử; hợp đồng tư vấn công liên quan đến việc hình thành hoặc thực hiện chính sách; miêu tả về các ban, uỷ ban, hội đồng và các cơ quan khác, và dù có hay không các cuộc thảo luận hay cuộc họp nào được tổ chức; giám đốc của các nhân viên và tiền lương của họ; ngân sách phân phối cho mỗi cơ quan và đặc biệt là cho các kế hoạch, đề xuất tiêu dùng và báo cáo về số tiền chi tiêu, thông tin về các chương trình trợ cấp và phúc lợi; đặc biệt về người nhượng quyền, giấy phép hay giấy uỷ quyền khác; phương tiện cho công dân để tiếp cận thông tin (bao gồm các phòng đọc); chi tiết liên lạc về thông tin các văn phòng, và các thông tin khác có thể được miêu tả. Các cơ quan công phải công bố mọi sự thật liên quan khi đưa ra chính sách hoặc thông qua các quyết định có thể ảnh hưởng đến cộng đồng, và đưa ra lí do cho những quyết định hành chính và quyết định mang tính chất tư pháp cho những bên liên quan (Điều 4).

Ở Mêhicô, Điều 7 của Luật quy định một nghĩa vụ về việc công bố, trừ các ngoại lệ. Điều này quy định các cơ quan nhà nước, căn cứ các quy định được công bố bởi IFAI (dành cho các cơ quan và chủ thể) hoặc những cơ quan giám sát khác có liên quan (đối với những cơ quan nhà nước khác phải thiết lập hoặc chỉ định các thiết chế riêng của mình), phải công bố 17 nhóm thông tin theo một cách thức có thể dễ tiếp cận và lĩnh hội được. Các nhóm bao gồm thông tin về hoạt động chung của cơ quan, các dịch vụ cung cấp, trình tự và mẫu, các chương trình trợ giúp, các hợp đồng được thực hiện, chi tiêu tài chính,  các báo cáo được đưa ra và các cơ hội tham gia. Luật bao gồm những quy định chi tiết về cách thức đưa ra thông tin, kể cả thông qua các phương tiện điện tử có thể tiếp cận được ở những địa phương xã và qua hệ thống sở tại.

Luật cũng quy định một số hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc công bố thông tin. Theo Điều 8, nhánh tư pháp phải công bố tất cả các quyết định, cho dù các cá nhân có thể phản đối việc công bố thông tin của mình. Các cơ quan và chủ thể phải công bố tất cả các quyết định và những thoả thuận hành chính chính thức 20 ngày trước khi thông qua chúng, trừ khi điều này có thể không đưa đến thành công. Các báo cáo của các đảng phái và các nhóm chính trị gửi tới Viện bầu cử liên bang, cũng như các báo cáo kiểm toán chính thức của các cơ quan này, phải được công bố ngay khi hoàn tất (Điều 10-11). Các cơ quan cũng được yêu cầu phải tạo ra, dựa trên cơ sở  nửa năm một lần, một phụ lục các hồ sơ mà các cơ quan đã phân loại, chỉ ra số đơn vị tạo ra tài liệu và ngày và thời gian phân loại, và bản chỉ dẫn này trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể không được coi là đã phân loại (Điều 17).

Ở nước Mỹ, Luật quy định mỗi cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin nhất định tại cơ quan đăng ký Liên bang, bao gồm những thông tin sau:

 

  • bản mô tả về tổ chức trung tâm và lĩnh vực của cơ quan/ tổ chức;
  • cách thức mà theo đó thông tin có thể được yêu cầu cung cấp/công khai;
  • tổng quan về các chức năng chung và tất cả các thủ tục chính thức và không chính thức;
  • quy định về thủ tục và sự mô tả tất cả các biểu mẫu và giấy tờ của cơ quan/tổ chức sản xuất;
  • tuyên bố chính sách và các quy định pháp luật về tính khả thi chung; và
  • bất kỳ có sự thay đổi về các nội dung nêu trên.

 

Luật đồng thời cũng yêu cầu cơ quan công quyền có trách nhiệm, phù hợp với quy định về công khai, tạo sự sẵn có của thông tin cho việc điều tra công cộng và sao chép thông tin. Các thông tin được tạo lập sau ngày 1/12/1996 phải có sẵn trên các phương tiện điện tử. Thông tin thuộc về phạm vi của quy định này bao gồm cả những ý kiến cuối cùng, lệnh, các tuyên bố về chính sách và sự giải thích và hướng dẫn nghiệp vụ của nhân viên hành chính. Ngoài ra, cơ quan công quyền phải duy trì danh mục tất cả tài liệu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này và danh mục này phải được công khai ít nhất một quý một lần (Điều 2, điểm a).

         Tại Nauy, Luật (Điều 10) quy định trách nhiệm của các cơ quan nắm giữ thông tin phải duy trì một chuyên san theo các quy định của Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, Nhà vua có thể quy định về việc các cơ quan hành chính có duy trì chuyên san điện tử sẽ phải công khai chuyên san đó trên Internet và quy định về cách thức thực hiện việc này. Ngay cả các cơ quan hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật có thể công bố công khai các tài liệu trên Internet trừ trường hợp các tài liệu đó có nghĩa vụ phải giữ bí mật hoặc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật. Nhà vua có thể quy định về việc công bố các tài liệu trên Internet và đối với một số dữ liệu cá nhân nhất định theo quy định của Điều 2 Khoản 1 Luật Dữ liệu cá nhân và các tài liệu mà bên thứ 3 có quyền sở hữu trí tuệ liên quan, thì sẽ không công bố dưới hình thức này.

 

          Thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua việc quy định quyền yêu cầu cung cấp các thông tin

Ở nước Nhật, Yêu cầu tiếp cân thông tin phải được thể hiện bằng văn bản, kể cả dưới hình thức mẫu điện tử, và phải thể hiện tên của người yêu cầu (hoặc tên của người đại diện, đối với cơ quan, tổ chức), địa chỉ và mô tả về tài liệu cần tìm kiếm với chi tiết đầy đủ để có thể tìm được. Luật không đòi hỏi phải có sự giải trình về lý do yêu cầu. Khi yêu cầu không đầy đủ, cơ quan nhà nước sẽ thông báo cho người yêu cầu và dành cho người yêu cầu thời gian hợp lý để hoàn chỉnh, đồng thời còn "nỗ lực" dành sự trợ giúp (Điều 4). Người đứng đầu các cơ quan nhà nước được yêu cầu phải cung cấp thông tin có ích cho người yêu cầu và còn phải thực hiện các biện pháp trợ giúp khác (Điều 23).

Tại Mêhicô, Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đưa ra yêu cầu tiếp cận thông tin với bộ phận liên lạc mà tất cả các cơ quan nhà nước phải thiết lập hoặc dưới dạng thư (kể cả thư điện tử) hoặc mẫu được quy định. Yêu cầu phải bao gồm tên và địa chỉ của người yêu cầu mô tả rõ ràng về thông tin cần tìm kiếm, những tình tiết liên liên quan khác và hình thức mà ở đó người yêu cầu muốn cung cấp thông tin. Luật quy định cụ thể rằng động cơ yêu cầu không liên quan đến việc quyết định có cung cấp thông tin cần tìm kiếm hay không. Nếu thông tin không được mô tả đầy đủ và rõ ràng, hoặc nếu các cá nhân gặp khó khăn trong việc đưa ra yêu cầu, kể cả do mù chữ, thì bộ phận liên lạc phải trợ giúp (Điều 40-41 và Quy định tạm thời thứ 8).

Ở Ấn Độ[84], Những đơn yêu cầu, được nêu ở Điều 6, phải được lập thành văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử phải lập bằng tiếng Anh, tiếng Ấn Độ hoặc tiếng của cơ quan thông tin có thẩm quyền tại địa phương (hoặc trung ương hoặc địa phương ). Tường hợp yêu cầu không được lập thành văn bản vì bất kỳ lý do nào, có thể do không biết chữ, khuyết tật không thể thể hiện thành văn bản..., thì nhân viên thông tin sẽ thực hiện tất cả sự giúp đỡ cần thiết với người yêu cầu.

Theo Luật của Mỹ, bất kỳ người nào cũng có thể yêu được tiếp cận/cung cấp thông tin. Nếu yêu cầu miêu tả hợp lý thông tin cần tìm, phù hợp với các quy định về công khai thông tin như thời gian, địa điểm, phí và tuân thủ đầy đủ thủ tục về yêu cầu cung cấp thông tin thì cơ quan công quyền phải cung cấp thông tin, trừ những thông tin là đối tượng của sự ngoại lệ (Điều  (a)(3)(A). Người yêu cầu không phải giải thích lý do về việc yêu cầu cung cấp. Nội dung sửa đổi Luật gần đây yêu cầu cơ quan công quyền phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc yêu cầu và cung cấp cho người yêu cầu số thứ tự về yêu cầu của họ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày gửi đơn yêu cầu.[85]

Luật về Tiếp cận thông tin của Canađa quy định các công dân Canada, người thường trú và các công ty ở Canada có quyền nộp đơn[86] yêu cầu tiếp cận một tài liệu (dưới dạng văn bản) và gửi tới cơ quan chính phủ có quyền kiểm soát đối với tài liệu, và sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết đủ để một nhân viên có kinh nghiệm của cơ quan, với một cố gắng hợp lý cũng có thể tìm ra được tài liệu, để nhận được bản sao của các hồ sơ tài liệu do các cơ quan Chính phủ nắm giữ. 

         Theo Luật của Slovenia thì người yêu cầu tiếp cận thông tin có thể yêu cầu bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Yêu cầu tiếp cận thông tin bằng lời nói được coi là yêu cầu bằng hình thức không chính thống (Điều 14). Trong trường hợp yêu cầu bằng lời nói, cơ quan có trách nhiệm vẫn phải bảo đảm người đó được tiếp cận hoặc sử dụng lại thông tin, trừ các trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên,  yêu cầu bằng hình thức không chính thống không được coi là yêu cầu theo thủ tục hành chính được quy định tại Luật thủ tục hành chính, cho nên không có quyền khiếu nại.

 

Đối với yêu cầu thông tin bằng văn bản (Điều 15) thì người yêu cầu phải nêu các nội dung(Điều 17) sau: 

“(Những nội dung cần phải có trong đơn yêu cầu)

  1. Đơn yêu cầu phải nêu rõ cơ quan tiếp nhận yêu cầu; tên người, công ty hoặc pháp nhân, đại diện hoặc đại diện toàn quyền của người/công ty hoặc pháp nhân đó và địa chỉ của họ.
  2. Trong đơn yêu cầu tiếp cận thông tin, người yêu cầu phải nêu rõ:
  1. Thông tin mà họ muốn được tiếp cận;
  2. Cách thức mà người yêu cầu muốn tiếp cận nội dung của thông tin được yêu cầu (xem tại chỗ, được cung cấp bản ghi, bản sao hoặc bản sao điện tử).
  1. Người yêu cầu không phải nêu cơ sở pháp lý của việc yêu cầu và cũng không phải nêu lý do tiếp cận thông tin. Căn cứ vào tính chất và nội dung yêu cầu, nếu yêu cầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thì cơ quan quản lý thông tin phải xem xét yêu cầu theo quy định của Luật.
  2. Trong yêu cầu sử dụng lại thông tin công, người yêu cầu phải nêu rõ:
    1. Thông tin mà họ muốn được sử dụng lại;

 

2. Cách thức mà người yêu cầu muốn nắm bắt nội dung của thông tin được yêu cầu (bản ghi theo cách truyền thống hoặc điện tử và thông thường là cả hình thức và công cụ chứa đựng bản ghi).

3. Mục đích của việc sử dụng lại thông tin (phục vụ mục đích thương mại hoặc phi thương mại)”.

Trường hợp đơn không bảo đảm các nội dung thì người yêu cầu phẩi bổ sung hò sơ theo quy định tại Điều 18. Theo đó:

 

“Điều 18

(Bổ sung nội dung đơn yêu cầu)

  1. Nếu đơn yêu cầu chưa hoàn chỉnh ở mức đủ để cơ quan có thể xử lý thì cơ quan tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm đề nghị người yêu cầu hoàn thiện đơn yêu cầu trong thời hạn mà cơ quan đưa ra. Thời gian này không được ngắn hơn 3 ngày làm việc.
  2. Cán bộ thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu những trợ giúp cần thiết trong việc bổ sung và hoàn thiện đơn yêu cầu.
  3. Trường hợp người yêu cầu không hoàn thiện đơn yêu cầu trong thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc đơn yêu cầu không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 17 của Luật này ngay cả khi đã được bổ sung, chỉnh lý khiến cơ quan tiếp nhận đơn không thể xử lý được yêu cầu, thì cơ quan này sẽ giải quyết yêu cầu theo quy định tại Điều 19 của Luật, tức là không cung cấp thông tin.

 

 

 Về vấn đề này, Nauy  quy định: Bất kỳ người nào đều có thể nộp đơn cho một cơ quan hành chính đề nghị tiếp cận các tài liệu công việc, chuyên san và các tài liệu đăng ký tương tự của cơ quan hành chính đó (Điều 3). Tuy nhiên, người yêu cầu cũng có thể đề nghi tiếp cận bằng lời nói (Điều 28).

 

1.2 Quy định thời hạn hợp lý được tiếp cận thông tin, từ chối tiếp cận thông tin

Điều 7 Luật của Canađa  quy định:

“ Khi có yêu cầu tiếp cận tài liệu theo Luật này, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, người đứng đầu cơ quan chính phủ mà tiếp nhận đơn yêu cầu, theo qui định ở mục 8,9 và 11, sẽ phải:

(a) Thông báo bằng văn bản cho người có yêu cầu, xem có được phép tiếp cận tài liệu hay không, hoặc là nếu như người đó được phép tiếp cận một phần văn bản; và

(b) Nếu được phép tiếp cận tài liệu, thì phải cho phép người có yêu cầu được tiếp cận tài liệu hoặc một phần của tài liệu. R.S.1985, chương A-1, câu7.

Trong trương hợp yêu cầu xin tiếp cận thông tin, nhưng xét thấy cơ quan khác lưu giữ liệu này nhiều hơn, thì lãnh đạo cơ quan đó, xét theo các điều kiện qui định bởi luật, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, sẽ chuyển yêu cầu và nếu thấy cần thiết, sẽ chuyển tài liệu đến cơ quan chính phủ khác. Trong trường hợp đó, lãnh đạo của cơ quan chuyển yêu cầu sẽ phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan có thể gia thêm (Điều 9)  thời hạn hợp lý theo qui định ở Điều 7 hoặc là Điều 8 khoản 1 trong các trường hợp sau:

(a) Yêu cầu với số lượng tài liệu lớn hoặc là cần thiết phải tìm kiếm trong số lượng lớn tài liệu và việc hoàn thành đúng thời hạn sẽ ảnh hưởng không hợp lý đến hoạt động của cơ quan chính phủ;

(b) Cần thiết phải tham khảo ý kiến để thực hiện theo yêu cầu mà không thể thực hiện được một cách hợp lý theo đúng như thời hạn ban đầu, hoặc;

(c) Thông báo đối với yêu cầu được đưa ra theo mục 27 (1) cùng với thông báo về việc gia hạn, trong trường hợp ở khoản (a) hoặc (b), thời hạn kéo dài đối với người đã có yêu cầu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp cận yêu cầu. Thông báo cũng phải nêu rõ rằng người đó có thể khiếu nại lên ủy viên thông tin về việc gia hạn.

Nếu như người người đứng đầu cơ quan chính phủ gia hạn thời hạn theo khoản (1) vượt quá 30 ngày, lãnh đạo đó sẽ phải thông báo về việc gia hạn đó với Uy viên thông tin cùng lúc với thông báo qui định ở khoản (1). R.S.1985, chương A-1,Câu 9.

10.

(1) Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan chính phủ từ chối việc tiếp cận tài liệu hoặc một phần của tài liệu theo yêu cầu qui định ở Luật này thì người đứng đầu cơ quan chính phủ sẽ phải nói rõ trong thông báo qui định ở đoạn 7(a):

(a) Rằng tài liệu đó không tồn tại, hoặc

(b) Điều khoản cụ thể của Luật này qui định việc từ chối nếu như lãnh đạo của cơ quan không chỉ rõ liệu tài liệu đó có hay không, và phải chỉ rõ điều khoản có thể áp dụng nếu như có tồn tại tài liệu đó, và sẽ chỉ rõ trong thông báo rằng người làm đơn yêu cầu có quyền khiếu nại với ủy viên thông tin về việc bị từ chối.

(2) Người đứng đầu cơ quan chính phủ có thể nhưng không bắt buộc phải chỉ ra theo khoản (1) tài liệu có tồn tại hay không?

(3) Nếu như người đứng đầu cơ quan chính phủ không thể cho phép tiếp cận với tài liệu hoặc một phần tài liệu theo yêu cầu ở Luật này thì theo Luật này sẽ được hiểu là lãnh đạo đó từ chối cho phép tiếp cận R.S.1985, chương A-1, Câu10

Ấn Độ, Câu trả lời phải được thông báo ngay khi có thể trong thời hạn là 30 ngày, mặc dù điều khoản thực tế của thông tin có thể là tuỳ thuộc vào việc trả phí. Ở đâu mà thông tin ấy liên quan đến cuộc sống và tự do cá nhân, thì việc trả lời phải được công bố trong thời hạn 48 tiếng. Nếu không trả lời được trong thời hạn nêu trên thì mặc nhiên coi đó là lời từ chối trả lời yêu cầu(Điều 7(1) và (2)). Việc bao gồm thời hạn ngắn cho các thông tin liên quan đến cuộc sống và tự do là một điểm mới nằm trong một số Luật về quyền được thông tin.

Khi có đơn yêu cầu liên quan đến thông tin hoặc thông tin đó được quản lý bởi  cơ quan nhà nước khác hoặc liên quan mật thiết đến việc hoạt động của cơ quan đó, thì nhân viên thông tin sẽ chuyển đơn yêu cầu đến cơ quan đó và thông báo ngay cho người co yêu cầu biết ( Điều 6.3 ). Nhân viên thông tin có ý định tiết lộ thông tin mà có liên quan hoặc được cung cấp bởi bên thứ ba và được cơ quan này xử lý một cách kín đáo, thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn, người đó phải đưa ra thông báo cho bên thứ ba đó về ý định tiết lộ thông tin, và sẽ được ấn định trong thời hạn 10 ngày. Những trường hợp thời hạn được đề cập đến trong Điều 7 thì không áp dụng, thay vào đó việc trả lời phải được đưa ra trong vòng 40 ngày (Điều 7. 7 và 1).

Trong khi ở Nhật lại quy định: Quyết định về việc cung cấp thông tin thông thường phải được đưa ra trong thời hạn 30 ngày. Khi yêu cầu được trả lại cho người yêu cầu để bổ sung hay làm sáng tỏ, thì thời gian để bổ sung yêu cầu không được tính vào thời hạn 30 ngày. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm 30 ngày nữa, "khi có lý do hợp lý như là những khó khăn nảy sinh khi thực hiện công việc", miễn là người yêu cầu phải được thông báo về sự gia hạn đó bằng văn bản cùng với những lý do kèm theo (Điều 10). Khi yêu cầu bao gồm "một số lượng lớn tài liệu của Nhà nước" và có thể có rủi ro là hoạt động của cơ quan nhà nước sẽ bị "trở ngại đáng kể" bằng việc cố gắng cung cấp tất cả các thông tin trong thời hạn 60 ngày, thì người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể thông tin một cách đơn giản về "phần hợp lý" trong thời hạn đó, việc cung cấp phần còn lại được thực hiện trong "thời gian hợp lý". Trong trường hợp này, người yêu cầu được thông báo bằng văn bản, kể cả việc áp dụng nguyên tắc này và giới hạn thời gian gia hạn đối với các tài liệu còn lại, cho dù không có chế tài nào được áp dụng khi cơ quan nhà nước không tuân thủ thời hạn chót như đã thông báo cho người yêu cầu (Điều 11).

Những nguyên tắc này tạo sự thận trọng nhất định đối với cơ quan nhà nước  khi phải trì hoãn cung cấp thông tin. Ở thời gian gia hạn thứ nhất, với thời gian bổ sung thêm 30 ngày, chỉ phụ thuộc vào rào cản ở mức thấp là "các căn cứ hợp lý", và sự trì hoãn tiếp sau có thể có điều kiện là 'hợp lý' mà không được định nghĩa trong Luật. Nhiều đạo luật về quyền thông tin không cho phép việc gia hạn không xác định như vậy, nhưng thay vào đó là đưa ra giới hạn thời gian 'cứng' để trả lời các yêu cầu.

Yêu cầu có thể được chuyển giao cho cơ quan khác khi có 'căn cứ hợp lý' để chuyển giao, như là tài liệu được chuẩn bị bởi cơ quan khác, với điều kiện là phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu (Điều 12 và 12.2).

Luật bao gồm các quy định gia hạn liên quan đến việc tư vấn với các bên thứ ba có liên quan đến thông tin yêu cầu. Các bên thứ ba có thể có cơ hội đưa ra tuyên bố. Khi bên thứ ba phản đối việc cung cấp thông tin, thì thời hạn 2 tuần được áp dụng giữa quyết định cung cấp thông tin và thực hiện thực tế quyết định đó (cung cấp thông tin thực tế). Bên thứ ba còn phải được thông tin ngay lập tức khi có quyết định phải cung cấp thông tin để có thể khiếu nại về quyết định đó nếu muốn (Điều 13).

Khi quyết định được đưa ra là phải cung cấp thông tin, thì người yêu cầu được thông báo về việc đó bằng văn bản cũng như các vấn đề liên quan đến hình thức cung cấp thông tin. Khi quyết định đưa ra là không cung cấp thông tin, kể cả vì lý do thông tin không do cơ quan nhà nước này quản lý, thì người yêu cầu cũng được thông báo, cho dù Luật không quy định rõ việc thông báo bao gồm những gì (Điều 9). Tuy nhiên, Điều 8 của Luật thủ tục hành chính đòi hỏi phải đưa ra lý do,202 và phải thông báo về quyền khiếu nại, cả theo đường hành chính và toà án.203

Tại Mêhicô, việc thông báo quyết định đối với yêu cầu phải được đưa ra sớm nhất có thể nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng phải trong thời hạn 20 ngày làm việc và sau đó thông tin phải được cung cấp trong thời hạn 10 ngày làm việc, khi người yêu cầu đã thanh toán xong các chi phí (Điều 44). Một quy định đáng lưu ý quy định rằng việc không đưa ra quyết định đúng thời hạn sẽ được hiểu là việc chấp nhận yêu cầu, và cơ quan sau đó sẽ có nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày sau đó, trừ khi IFAI quyết định rằng thông tin là bí mật (Điều 53).

Khi thông tin được cho là đã được phân loại hay bí mật, thì Uỷ ban - một đơn vị giám sát trong đất cả các cơ quan và chủ thể (xem ở dưới) - phải được thông báo về việc này ngay lập tức, cùng với những lý do phân loại, để mà họ có thể quyết định có phê chủan việc phân loại hay huỷ bỏ nó và đảm bảo việc tiếp cận thông tin. Tương tự, khi tài liệu không có, Uỷ ban phải được thông báo và sau khi tiến hành “các biện pháp cần thiết”, để tìm kiếm thông tin không thành công, thì sẽ khẳng định rằng cơ quan hay chủ thể đó không nắm giữ thông tin (Điều 44-46).

Các cơ quan chỉ được yêu cầu cung cấp việc tiếp cận thông tin mà các cơ quan này nắm giữ (Điều 42). Tuy nhiên, khi một cơ quan nhận được yêu cầu về thông tin mà cơ quan không nắm giữ, thì cơ quan này phải ‘định hướng đúng đắn’ cho người yêu cầu đến cơ quan nắm giữ thông tin (Điều 40). Luật không có những quy định về thông báo cho bên thứ ba, nhưng Luật đòi hỏi rằng tài liệu đưa ra khiếu nại chỉ ra các bên thứ ba quan tâm (Điều 54), và Điều 55, về việc xem xét các khiếu nại, nói chung được hiểu là dành các quyền nhất định cho các bên thứ ba. Luật cũng quy định chung chung rằng “các thủ tục nội bộ” để giải quyết yêu cầu sẽ được quy định bởi pháp luật (Điều 44).

Khi yêu cầu được thoả mãn, người yêu cầu phải được thông báo về chi phí và hình thức tiếp cận (Điều 44). Khi yêu cầu bị từ chối và điều này đã được khẳng định bởi Uỷ ban, thì người yêu cầu phải được thông báo về điều này trong thời hạn quy định, cùng với những lý do từ chối và cách thức để thực hiện khiếu nại quyết định (Điều 45). Việc khẳng định cũng phải được đưa ra đối với người yêu cầu khi cơ quan không nắm giữ thông tin cần tìm kiếm (Điều 46).

Tại Mỹ, Luật cũng quy định các quy tắc chi tiết về thời hạn. Việc yêu cầu sẽ được trả lời ngay lập tức, thông thường trong thời hạn 20 ngày làm việc. Trong trường hợp bất thường, thời hạn có thể được gia hạn thêm 10 ngày. Đối với những trường hợp này, cơ quan công quyền phải thông báo cho người yêu cầu về việc thông tin mà họ yêu cầu không thể cung cấp được trong thời hạn 20 ngày và cơ quan này có thể trao cơ hội cho người yêu cầu giới hạn phạm vi yêu cầu hoặc thu xếp khoảng thời gian khác thay thế. Với những mục đích này và với sự cần thiết hợp lý cho việc xử lý yêu cầu, “các trường hợp bất thường”, được hiểu là sự cần thiết để tìm hiểu thông tin, nhu cầu để tìm kiếm thông qua một lượng thông tin/tài liệu lớn hoặc nhu cầu tham vấn với cơ quan công quyền khác hoặc hoặc tham vấn với hai hoặc các chi nhánh khác của cùng cơ quan công quyền, (Điều (a)(6)(B)).

 

Luật đồng thời cũng quy định cách thức xử lý thông tin dựa trên số lượng công việc có liên quan (Điều (a)(6)(D)) cũng như quá trình xử lý yêu cầu đối với trường hợp mà người yêu cầu nêu ra được “nhu cầu hợp lý”. Việc xem xét yêu cầu đó có phải là “nhu cầu hợp lý” hoặc việc ra quyết định không được thực hiện trong thời hạn 10 ngày và  phải thông báo cho người gửi đơn biết về quyết định đó.

Luật không quy định việc chuyển giao yêu cầu tới các cơ quan công quyền khác cũng như sự tham vấn với bên thứ ba. Tuy nhiên, Lệnh 12,600 ngày 23/6/2007[87] đã yêu cầu các cơ quan công quyền phải xây dựng thủ tục tham vấn với bên thứ ba khi cơ quan này được yêu cầu phải công khai thông tin thương mại bí mật.

Phúc đáp lại yêu cầu phải đưa ra lý do giải thích cho quyết định của mình cũng như phải thông tin về quyền kháng cáo nội bộ nào cho người yêu cầu biết (khoản (a)(6)(A)(i)). Trong trường hợp tất cả các yêu cầu bị từ chối, thông báo phải đưa ra tên, chức danh, vị trí của người có trách nhiệm đưa ra từ chối (a)(6)(C)(i)) cũng như sự tính toán hợp lý về dung lượng thông tin bị từ chối, trừ phi điều này sẽ làm lộ thông tin thuộc trường hợp ngoại lệ không phải công khai (tiết (a)(6)(F)).

 

Theo quy định tại Điều 31 Luật của Nauy thì việc từ chối một yêu cầu tiếp cận tài liệu phải được thực hiện bằng văn bản. Cơ quan hành chính phải luôn luôn chỉ rõ việc từ chối được dựa trên cơ sở của quy định nào và xa hơn là của điều khoản cụ thể nào trong quy định đó. Trong trường hợp việc từ chối được dựa trên quy định của Điều 13, cơ quan từ chối cũng phải chỉ rõ điều khoản nào đặt ra nghĩa vụ phải giữ bí mật. Trong trường hợp việc từ chối được dựa trên các quy định của pháp luật, cơ quan từ chối phải nêu rõ quy định này và chỉ ra điều khoản cụ thể trong quy định đó đã tạo cơ sở cho việc từ chối. Thông báo từ chối cũng phải nêu rõ quyền khiếu nại cũng như thời hạn khiếu nại của người bị từ chối tiếp cận tài liệu.

 

         Bất kỳ người nào bị từ chối tiếp cận tài liệu, trong thời hạn 3 tuần kể từ khi nhận được thông báo từ chối, tiếp tục yêu cầu giải thích thêm về việc từ chối trong đó nêu rõ các cơ sở chủ chốt, mang tính quyết định liên quan đến việc từ chối. Cơ quan hành chính phải đưa ra cơ sở và lý do từ chối bằng văn bản một cách sớm nhất và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu.

         Luật Slovenia (Điều 20) quy định về việc xử sự của cơ quan trong trường hợp cơ quan không lưu giữ thông tin được yêu cầu như sau:

Trong trường hợp cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu nhưng không nắm giữ thông tin thì ngay lập tức trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày khi tiếp nhận yêu cầu, cơ quan này có trách nhiệm chuyển yêu cầu tới cơ quan có liên quan đến nội dung yêu cầu hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu và thông báo về sự việc này cho người người yêu cầu. Cơ quan quản lý thông tin phải nhanh chóng ra quyết định đối với yêu cầu tiếp cận thông tin, chậm nhất là 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu hoàn chỉnh (Điều 23).  Trong trường hợp cơ quan quản lý thông tin cần thêm thời gian để xử lý yêu cầu do cần xử lý để cho tiếp cận một phần thông tin quy định tại Điều 7 của Luật hoặc cần thêm thời gian tổng hợp thông tin, thì có thể gia hạn thời gian quy định tại Điều 23 nhưng thời gian gia hạn không được quá 30 ngày làm việc. Cơ quan ra quyết định về việc gia hạn thời hạn, trong đó phải giải thích rõ cơ sở của việc gia hạn và phải thông báo cho người yêu cầu cung cấp thông tin. Cơ quan quyết định việc gia hạn thời hạn chậm nhất là trong khoảng thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu (Điều 24).

Trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 được áp dụng, cơ quan quản lý thông tin có trách nhiệm đề xuất cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định đối với yêu cầu trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan quản lý thông tin.

 

          Bố trí đầu mối tiếp nhận thông tin

 Sau khi nghiên cứu luật của một số nước cho thấy, hầu như tất cả các luật đều quy định các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin bố trí đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin.

 

  1. Thực trạng Việt Nam về thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin

Các hình thức công khai thông tin và cách thức cung cấp thông tin

Nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy, tuỳ thuộc vào nội dung, tính chất của vấn đề mà hình thức công khai có thể khác nhau; tuy nhiên hình thức phổ biến là: Đăng công báo (đó là bắt buộc đối với các văn bản quy phạm pháp luật); qua các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết tại trụ sở, cơ quan nhà nước; công bố cuộc họp; phát hành ấn phẩm; đưa lêng mạng điện tử của cơ quan; thông báo bằng văn bản; hay thông qua người phát ngôn chính thức của cơ quan, đơn vị...

- Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, hình thức công khai thông tin được quy định tại Điều 6 như sau: Những nội dung quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh được công khai bằng các hình thức: a) Niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã; b) Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã; c) Công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân.

K2 quy định: Chính quyền cấp xã có thể áp dụng đồng thời nhiều hình thức công khai quy định tại khoản 1 Điều này; thực hiện việc cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 32 của Luật phòng, chống tham nhũng.

 

- Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, hình thức công khai được quy định tại Điều 12 của Luật như: a) Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; c) Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; d) Phát hành ấn phẩm; đ) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; e) Đưa lên trang thông tin điện tử; g) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật còn quy định rõ, ngoài những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai.

- Luật bảo vệ môi trường 2005, các hình thức công khai không được quy định cụ thể, mà quy định chung rằng: Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin; Cơ quan công khai thông tin về môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin được công khai. (K2 Điều 104).

- Luật thực hành tiết kiệm, Điều 6 quy định, các hình thức công khai bao gồm: a) Phát hành ấn phẩm; b) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử; c) Công bố trong kỳ họp hằng năm; niêm yết tại trụ sở làm việc và gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Khoản 3, còn quy định: Chính phủ quy định các lĩnh vực khác cần công khai không thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn thực hiện công khai trong các lĩnh vực; quy định việc công khai quy trình, thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân.

- Luật kế toán, Điều 33 quy định các hình thức công khai được thực hiện như: a) Phát hành ấn phẩm; b) Thông báo bằng văn bản; c) Niêm yết; và d) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc quy định các hình thức công khai, Luật kế toán còn quy định rõ về thời hạn công khai, theo đó đơn vị kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền duyệt; Đơn vị kế toán là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị kế toán có sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền duyệt; Đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quy định quy định, ngoài việc đăng trên công báo, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, được niêm yết tại trụ sở của cơ quan ban hành và những địa điểm khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định; Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được gửi đến các cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan ở địa phương chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội; Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

- Bên cạch các hình thức công khai thông tin như trên, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn quy định, các cơ quan nhà nước thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí thông qua người phát ngôn (Điều 2). Người phát ngôn có thể là người đứng đầu cơ quan hoặc là người được người đứng đầu cơ quan giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Họ tên và chức vụ người phát ngôn của cơ quan phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Khoản 2 Điều này quy định, trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao. Điều 5 Quy chế quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, theo đó, người phát ngôn được nhân danh, đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới được coi là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước (Khoản 1).

Người phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí và để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật (Khoản 2).

Về mặt nghĩa vụ, theo Khoản 4 Điều này, người phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí. Trong trường hợp người phát ngôn không phải là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước thì còn phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về tính chính xác, tính trung thực của nội dung phát ngôn và thông tin cung cấp cho báo chí.

         Khoản 2 Điều này quy định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, thông qua các hình thức: a) Hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng một lần cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí trên trang tin điện tử của cơ quan mình; b) Ít nhất 6 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Việc tổ chức họp báo thực hiện theo quy định hiện hành; c) Khi thấy cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban hàng tuần do Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện ; d) Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Trang tin điện tử của Chính phủ.

 1.3    Quyền yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm, thời hạn cơ quan công quyền phải cung cấp, trả lời

- Luật phòng chống tham nhũng quy định quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức và cá nhân tại Điều 31, 32. Theo đó:

    + Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đó được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu biết và nêu rõ lý do.

    + Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

    + Công dân có quyền yêu cầu chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của Uỷ ban nhân dân  xã, phường, thị trấn đó. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đó được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết và nêu rõ lý do.

Điều 32, quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân: (1). Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; (2). Công dân có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó; (3). Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, người được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết và nêu rõ lý do…

 

- Luật bảo vệ môi trường 2005, Điều 103. Công bố, cung cấp thông tin về môi trường, quy định: (1) Tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo các thông tin về môi trường trong phạm vi quản lý của mình với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; (2). Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động của mình cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện hoặc cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường cấp xã nơi cơ sở hoạt động và công bố thông tin về môi trường để cộng đồng dân cư được biết; (3). Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm báo cáo các thông tin về môi trường trên địa bàn cho cơ quan cấp trên trực tiếp và công bố các thông tin chủ yếu về môi trường theo định kỳ hoặc theo yêu cầu; (4). Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm định kỳ cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về thống kê ở trung ương thông tin về môi trường liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý.

 

- Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Điều 12 quy định: Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các bộ, cơ quan nhà nước có liên quan và cơ quan thông tin đại chúng. Theo đó, (1). Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (2). Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm; (3). Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, lồng ghép chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm với các chương trình thông tin, truyền thông khác; (4). Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng nội dung giáo dục phòng, chống bệnh truyền nhiễm kết hợp với các nội dung giáo dục khác; (5). Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho nhân dân địa phương; (6). Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.

- Luật đa dạng sinh học năm 2008, Điều 11 quy định về việc công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. (1). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan có trách nhiệm công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có liên quan công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan.

Điều 15 quy định về việc công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. (1). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan; (2). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

- Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Điều 9 quy định về: Trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung công khai, theo đó, (1). Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, thông qua kế hoạch thực hiện những nội dung công khai, trong đó nêu rõ cách thức triển khai thực hiện, thời gian thực hiện và trách nhiệm tổ chức thực hiện; (2). Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch, phương án đã được thông qua; (3). Uỷ ban nhân dân cấp xã báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quá trình và kết quả thực hiện các nội dung công khai tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân.

 

3.  So sánh và kiến nghị

          Về phía quốc tế

Các thủ tục bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin

Luật của nhiều nước khác nhau có những quy định khác nhau về quy trình thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin nhưng tựu chung thì các quy định này đạt độ thống nhất rất cao.

Gần như tất cả các luật đều quy định việc yêu cầu bằng văn bản, bao gồm cả dạng văn bản điện tử, trong đó nêu rõ tên và địa chỉ liên hệ của người nộp đơn yêu cầu, cùng với những miêu tả chi tiết về thông tin cần tìm để giúp cơ quan tiếp nhận có thể xác định được thông tin. Ở nhiều nước, như Nauy, Slovenia, người yêu cầu có thể gửi yêu cầu miệng hoặc thậm chí qua điện thoại.

Luật ở phần lớn các nước không quy định phải nêu lý do trong yêu cầu cung cấp thông tin. Luật của Ấn Độ quy định cụ thể rằng người nộp đơn yêu cầu không phải khai các chi tiết về cá nhân, mà chỉ khai những chi tiết nhằm mục đích liên hệ với người nộp đơn. Nhiều luật quy định cụ thể rằng yêu cầu phải nộp tới các công chức cụ thể, ví dụ như các công chức phụ trách thông tin được bổ nhiệm, trong khi một số nước chỉ quy định đơn giản là yêu cầu có thể gửi tới cơ quan công quyền nơi nắm giữ thông tin.

Tại một vài nước, đơn yêu cầu sẽ phải được thừa nhận một cách chính thức, người yêu cầu được cung cấp biên nhận để phòng trường hợp có vấn đề xảy ra hoặc để phục vụ mục đích khiếu nại (Slovenia). Phần lớn các luật đều quy định cụ thể về việc hỗ trợ cho những người có đơn yêu cầu, ví dụ như khi người yêu cầu gặp khó khăn trong việc mô tả thông tin đầy đủ thông tin cần tìm hoặc họ không thể tự viết đơn yêu cầu do mù chữ hay tàn tật. Ở Ấn Độ, luật còn quy định hỗ trợ người tàn tật tiếp cận các thông tin đã được công khai. Mức độ hỗ trợ có khác nhau song nhiều luật quy định một cách đơn giản là hỗ trợ “một cách hợp lý”.

Phần lớn các luật đều quy định thời hạn trả lời yêu cầu khoảng từ 15 ngày tới khoảng 30 ngày (nhiều nước), và phần lớn các nước đều yêu cầu việc cung cấp thông tin phải được thực hiện càng nhanh càng tốt, thời gian quy định nêu trên là thời hạn tối đa. Phần lớn các luật đều cho phép gia hạn thời gian cung cấp thông tin, ví dụ như đối với trường hợp yêu cầu phức tạp, đòi hỏi phải tìm hồ sơ tài liệu không sẵn có tại cơ quan cung cấp mà để ở các nơi khác hoặc phải tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức/cá nhân khác. Thông thường thì, thời gian mà người nộp đơn phải trả lời các câu hỏi liên quan đến làm rõ hơn một số chi tiết liên quan đến thông tin hoặc để trả lệ phí sẽ không được tình vào thời hạn yêu cầu trả lời. Ở nhiều nước, việc không trả lời được yêu cầu cung cấp thông tin trong thời gian hạn định được coi như việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin.

Phần lớn các nước đều quy định việc chuyển giao yêu cầu, hoặc người nộp đơn sẽ được thông báo về việc thông tin do một cơ quan khác nắm giữ. Mức độ thực hiện việc chuyển giao này rất đa dạng,  chuyển từ cơ quan ban đầu (mà người nộp đơn yêu cầu) nơi không giữ thông tới nơi mà thông tin có liên quan chặt chẽ nhất tới công việc của cơ quan khác - trường hợp của Anh và Ấn Độ - tới nơi mà việc chuyển giao  là “hợp lý” - trường hợp của Nhật Bản.

Luật của nhiều nước cũng yêu cầu các cơ quan công quyền gửi thông báo trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu. Đối với các đơn yêu cầu được đáp ứng, thông báo có thể sẽ ghi cả số lệ phí phải nộp, dạng thông tin được đáp ứng, một số quy định liên quan đến quyền khiếu nại.  Khi yêu cầu bị từ chối, thông báo sẽ thường ghi rõ lý do từ chối, có thể viện dẫn điều khoản cụ thể trong luật về lý do từ chối, đồng thời cũng có thể ghi cả quyền khiếu nại. Điều này cho phép người yêu cầu xác định liệu có phải khiếu nại hay không và thông báo này cũng là cơ sở để người yêu cầu xuất trình khi khiếu nại.

          Tuy các văn bản luật của các nước có quy định khác nhau về hình thức công bố rộng rãi thông tin, quy trình cung cấp thông tin khác nhau, nhưng đều có những điểm thống nhất cơ bản như sau:

  • Quy định trách nhiệm chue động công bố rộng rãi, công khai  đến mức tôí đa thông tin, tạo cơ sở cho người dân tiếp cận mà không cần yêu cầu; hạn chế đến mức tối đa thông tin không cung cấp;
  • Quy định quy trình cung cấp thuận tiện, dễ tiếp cận, nhanh, rẻ, minh bạch. Theo đó, quy định quyền yêu cầu tiếp cận thông tin có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản (với các nội dung nhất định); quy định thời hạn đáp ứng yêu cầu, các trường hợp gia hạn; quy định tường hợp từ chối phải nêu rõ lý do;
  • Quy định các trường hợp tiếp cận một phần thông tin;
  • Quy định phí tiếp cận thông tin...

Về phía Việt Nam

  • Chưa có các quy định cụ thể về hình thức công bố các loại thông tin rộng rãi;
  • Trong trường hợp có yêu cầu về tiếp cận thông tin, người dân chưa biết bứt đầu từ đâu? Có tể yêu cầu bằng lời nói? Bằng thư điện tử? Nếu bằng văn bản thì nội dung đơn phải chứa đựng những gi? Đơn nộp đến đêu? Thời gian bao nhiêu thì cơ quan nắm giữ thông tin phải trả lời?
  • Từ chối quyết định thông tin bằng hình thức nào? Lý do của việc từ chối?
  • Phí tiếp cận thông tin?
  • Chưa quy định phải có bộ phận/cán bộ cung cấp thông tin

...

          Kiến nghị

          Từ những nhận xét trên, tôi kiến nghị cần phải đưa vào Luật tiếp cận thông tin các nội dung sau đây:

  • Đưa ra danh mục thông tin phải công bố công khai rộng rãi;
  • Quy định trách nhiệm đăng một số thông tin nhất định trên trang Web;
  • Quy các hình thức yêu cầu cung cấp thông tin;
  • Quy định quy trình giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin (Phải nhanh, kịp thời, chính xãc, rõ trách nhiệm...;
  • Quy định phí cung cấp thông tin;

...

Các kiến  nghị được xây dựng thành các điều trong Dự thảo Luật

II. Thủ tục khiếu nại, khiếu kiện

1. Kinh nghiệm quốc tế

Ấn Độ[88], Căn cứ vào Điều 19 của Luật về Quyền được thông tin, bất cứ ai, bao gồm cả bên thứ ba, người mà không nhận được quyết định trong thời hạn cụ thể hoặc người gánh chịu bất lợi một quyết định theo quy định Luật, trong thời hạn 30 ngày, có quyền khiếu nại đến nhân viên có thâm niên phụ trách về thông tin. Đơn khiếu nại phải được giải quyết trong thời hạn 90 ngày, hoặc thời hạn lâu hơn nếu xét thấy là cần thiết, đến Uỷ ban Thông tin liên quan (xem phần sau). Khiếu nại lần đầu phải được giải quyết trong thời hạn 30 ngày, hoặc thời hạn kéo dài là 45 ngày, vì bất cứ lí do kéo dài thời hạn nào cũng phải thông báo bằng văn bản. Trách nhiệm chứng minh bất cứ sự từ  chối cung cấp thông tin thuộc về cán bộ thông tin là người đã từ chối yêu cầu (Điều 19). Trách nhiệm của người khiếu nại có liên quan đến các vấn đề khác – như chi phí vượt quá hoặc chậm chễ bất hợp lý - cũng phụ thuộc vào cán bộ thông tin theo như Điều 20 (1).

Phạm vi quyền khiếu nại được nêu rõ trong Điều 18 (1), mà nghĩa vụ của Ủy ban thông tin là nhận và điều tra về đơn khiếu nại có liên quan: không có quyền đệ trình đơn yêu cầu, bao gồm cả việc không có cán bộ thông tin được chỉ định; từ chối tiết lộ thông tin, không thể hồi đáp yêu cầu trong thời hạn đã được xác định; chi phí phải trả, viện dẫn các điều khoản không đầy đủ, thông tin sai lệch hoặc không chính xác, hoặc bất cứ vấn đề nào có liên quan đến việc yêu cầu hoặc sử dụng ghi chép tiếp cận. Có rất nhiều lí do để khiếu nại.

Để đưa ra quyết định giải quyết vụ việc, Uỷ ban thông tin cần “khởi đầu điều tra”, trong trường hợp có cùng thẩm quyền trong xét xử tại toà án dân sự theo như Bộ Luật Tố tụng Dân sự, năm 1908, đặc biệt là triệu tập nhân chứng và thuyết phục họ cung cấp chứng cứ; yêu cầu cung cấp các tài liệu, bao gồm bất cứ ghi chép công khai nào; nhận biên bản chứng cứ; và bất cứ nội dung nào khác được miêu tả (Điều 18 (2)-(3)).

Quyết định của Uỷ ban Thông tin là bắt buộc thực hiện. Uỷ ban Thông tin có thẩm quyền khắc phục bằng cách gồm: ra lệnh cho cơ quan nhà nước thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ theo như quy định của Luật, theo hình thức đặc biệt, thông qua việc chỉ định cán bộ thông tin, công bố thông tin xác định, đưa ra sự lựa chọn đối với hệ thống quản lý các ghi chép, gia tăng các điều khoản về đào tạo cho các nhân viên hoặc thông qua việc cung cấp cho Uỷ ban báo cáo hàng năm; yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường cho người khiếu nại; hoặc ra các chế tài khác theo như quy định của Luật, ví dụ như để xử phạt cán bộ thông tin về việc gây trở ngại cho việc tiếp cận (Điều 19 (7) – (8)).

         Tại Nhật, khi yêu cầu bị từ chối, một phần hay toàn bộ, thì người yêu cầu có thể ngay lập tức kiện ra toà án để yêu cầu loại bỏ sự từ chối, và họ còn có thể thực hiện khiếu nại về hành chính. Liên quan đến việc khiếu nại về hành chính, Luật RTI quy định việc khiếu nại được gửi đến người đứng đầu cơ quan nhà nước, người mà sau này được yêu cầu gửi các khiếu nại đến Uỷ ban xét lại việc bảo vệ thông tin cá nhân và việc cung cấp thông tin, một cơ quan giám sát trực thuộc Văn phòng Nội các, trừ khi khiếu nại là không hợp pháp và quyết định đưa ra là cung cấp tài liệu. Không có giới hạn ràng buộc nào về thời gian được quy định cho việc gửi khiếu nại và cũng có một số trường hợp khiếu nại không được chuyển hay bị trì hoãn với thời hạn có thể quá 1 năm, trong trường hợp đó Uỷ ban không có quyền hành động. Người yêu cầu, người khiếu nại (nếu khác nhau) và bên thứ ba có đại diện phải được thông báo về khiếu nại (Điều 18-19).

Mặc dù Uỷ ban xét lại trực thuộc Văn phòng Nội các, nhưng có một số nỗ lực để đảm bảo rằng Ủy ban là độc lập. Uỷ ban gồm 15 thành viên và các khiếu nại thông thường được giải quyết trong hội đồng gồm 3 thành viên.205 Năm thành viên của Uỷ ban làm việc chuyên trách, với một thành viên là chủ tịch của mỗi hội đồng. Những thành viên này là công chức chính phủ đã nghỉ hưu. Mười thành viên khác làm việc kiêm nhiệm và bao gồm các nhà khoa học, các luật sư và các thành viên khác của cộng đồng. Chủ tịch Uỷ ban là thẩm phán phúc thẩm đã nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu quy định của thẩm phán đó là 65). Thủ tướng chỉ định các thành viên trong số những người "xét xử có địa vị cao" được cả hai viện của Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo sự công khai và sự giám sát về chính trị. Nhiệm kỳ làm việc là 3 năm và các thành viên có thể được bổ nhiệm lại. Các thành viên có thể bị bãi nhiệm bởi Thủ tướng khi có sự đồng ý của hai viện của Quốc hội. Căn cứ để bãi nhiệm được giới hạn ở việc không có năng lực, có hành vi sai trái hoặc có hành vi trái với công vụ.

Riêng ở Mêhicô, đối với các cơ quan, các khiếu nại được gửi tới IFAI và từ đó đến các toà án. Khiếu nại phải được đưa ra trong 15 ngày kể từ khi có thông báo về việc từ chối cho tiếp cận, khi mà thông tin không được cung cấp, hoặc đầy đủ hoặc từng phần, khi việc chỉnh sửa thông tin cá nhân bị từ chối hoặc phải xem xét đúng thời hạn, chi phí hoặc hình thức tiếp cận (Điều 50). Đây là thời hạn rất ngắn mà có thể cản trở người yêu cầu đưa ra khiếu nại. Khiếu nại phải bao hàm tên của cơ quan hay chủ thể, cá nhân đưa ra khiếu nại và các bên thứ ba, ngày nguyên nhân khiếu nại phát sinh, vấn đề chính của khiếu nại, ý kiến và bản sao các tài liệu chính thức liên quan đến vụ việc (như là thông báo về việc từ chối tiếp cận) (Điều 54). Các khiếu nại có thể được gửi cho bộ phận liên lạc của cơ quan để gửi tiếp tới IFAI vào ngày tiếp sau (Điều 49). Các khiếu nại có thể cũng được đưa ra trực tiếp với IFAI hoặc thông qua SISI, cơ quan tự động gửi thông báo cho cơ quan nhà nước  và khởi động quá trình xử lý trong IFAI.

Một uỷ viên phải điều tra khiếu nại và báo cáo cho tất cả các uỷ viên trong thời hạn 30 ngày làm việc, và quyết định phải được đưa ra trong thời hạn 20 ngày tiếp theo, cho dù giới hạn thời gian này có thể được tăng gấp đôi khi có lý do rõ ràng (Điều 55). Khi một cơ quan không trả lời đúng thời hạn, IFAI sẽ giải quyết khiếu nại (Điều 54). Khiếu nại có thể bị từ chối  khi nó được đưa ra quá thời hạn quy định, khi IFAI đã có quyết định về khiếu nại, khi khiếu nại không liên quan đến quyết định do một uỷ ban đưa ra, hoặc khi khiếu nại đã được toà án giải quyết (Điều 57).

Khi hết 1 năm kể từ khi có quyết định của IFAI khẳng định quyết định ban đầu của một cơ quan nhà nước, người yêu cầu có thể yêu cầu IFAI xem xét lại quyết định của mình, và quyết định thứ hai phải được ban hành trong thời hạn 60 ngày từ khi có yêu cầu như vậy (Điều 60).

Điều 33 quy định việc thành lập IFAI như là một cơ quan nhà nước độc lập chịu trách nhiệm thúc đẩy quyền thông tin. Luật bao hàm một số quy định nhằm thúc đẩy sự độc lập của IFAI. 5 Uỷ viên được bổ nhiệm bởi nhánh hành pháp, nhưng việc bổ nhiệm có thể bị bác bỏ bởi đa số phiếu hoặc của Thượng viện hoặc của Uỷ ban thường trực, miễn là họ hành động trong thời hạn 30 ngày. Các cá nhân có thể không được bổ nhiệm làm các uỷ viên trừ khi họ là cong dân, không bị kết án về tội lừa đảo, ít nhất 35 tuổi, không có sự liên hệ chính trị chắc chắn, và “thể hiện sự nổi trội trong hoạt động nghề nghiệp” (Điều 34 và 35).

Các uỷ viên hội đồng giữ chức vụ trong 7 năm, nhưng có thể bị thay thế vì lý do vi phạm nghiêm trọng hiến pháp hoặc Luật QUYềN ĐốI VớI THÔNG TIN, cho dù hành động hay không hành động làm tổn hại đến hoạt động của IFAI hoặc nếu họ bị kết án về tội phạm mà bị phạt tù (Điều 34). Hai trong số 5 Uỷ viên ban đầu được bổ nhiệm trong thời hạn 4 năm, với khả năng được khôi phục theo thời hạn 7 năm khác (Quy định chuyển tiếp thứ 5).

IFAI có thể chấp nhận hoặc từ chối khiếu nại, hoặc sửa đổi khiếu nại, và việc quyết định sẽ bao hàm thời hạn để tuân thủ (Điều 56). Quyết định là cuối cùng đối với các cơ quan nhưng người yêu cầu có thể khiếu nại đến các toà án liên bang (Điều 59).

Các cơ quan nhà nước khác cũng có nghĩa vụ quy định các trình tự khiếu nại phù hợp với các trình tự hiện có thông qua IFAI cho các cơ quan và thủ thể (Điều 61).

Đầu tiên, ở Mỹ, người yêu cầu phải khiếu nại về bất kỳ sự từ chối cung cấp thông tin nào tới người đứng đầu cơ quan công quyền có liên quan. Khiếu nại có tính chất nội bộ này phải được quyết định trong vòng 20 ngày làm việc, nếu việc khiếu nại bị từ chối một phần hoặc toàn bộ, người yêu cầu phải được thông báo về khả năng của việc phúc thẩm tư pháp đối với việc từ chối này (khoản(a)(6)(A)(ii)). Trong trường hợp bất thường, như đã khái quát nêu trên mà liên quan đến yêu cầu gốc, thời hạn này có thể được gia hạn không quá 10 ngày dưới hình thức thông báo bằng văn bản. Nếu vẫn không có phúc đáp trong thời hạn nêu trên, người yêu cầu có thể khiếu nại trực tiếp đến Toà án.

 

Không có quy định nào quy định về việc khiếu nại ở cấp hành chính độc lập. Đây là một thiếu sót quan trọng của Luật. Tuy nhiên, gần đây đã có những nỗ lực để cải thiện bất cập này. Một trong những nội dung sửa đổi gần đây nhất là Luật sẽ thành lập  bộ phận về dịch vụ thông tin của văn phòng Chính phủ thuộc cơ quan lưu trữ quốc gia, bộ phận này, ngoài các chức năng khác còn có nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị đối với việc cải cách hệ thống và là người trung gian giải quyết tranh chấp giữa người yêu cầu và cơ quan công quyền nhằm giảm thiểu các vụ kiện về việc cung cấp/công khai thông tin.[89]

 

Nếu hệ thống khiếu nại  nội bộ không hiệu quả, người khiếu nại có thể  gửi đơn khiếu nại của mình đến toà án (tiết (a)(4)(B)). Khiếu nại cũng sẽ được chuyển đến toà án nếu thời hạn cho việc trả lời đã hết, trừ các trường hợp ngoại lệ khác (Điều (a)(6)(C)(i))

 

Bên bị kiện – cơ quan công quyền buộc phải gửi trả lời của mình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản bào chữa về vụ việc (tiết (a)(4)(C). Toà án có thể yêu cầu cơ quan công quyền xuất trình tài liệu để toà án thẩm tra và yêu cầu cơ quan này phải công khai tài liệu.

 

Toà án sẽ kiểm tra vụ việc lại một lần nữa và nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên cơ quan công quyền nhằm bào chữa cho việc không công khai của mình. Tuy nhiên, Toà án cũng phải chấp nhận” trách nhiệm nặng nề” đối với bản khai tuyên thệ của cơ quan công quyền liên quan đến liệu thông tin này có thuộc vào phạm vi ngoại lệ hay không (tiết (a)(4)(B). Nếu tòa án coi việc khiếu nại liên quan đến việc miễn phí, toà án sẽ xem xét lại vụ việc nhưng chỉ dựa trên tài liệu trước cơ quan công quyền (khoản (a)(4)(A)(vii)).

 

Trong trường hợp mà người khiếu nại “ thắng thế một cách rõ ràng”, Toà án có thể yêu cầu Chính phủ trả phí thuê luật sư và các chi phí tố tụng khác. Nếu không tuân thủ lệnh của Toà án, cán bộ có trách nhiệm có thể bị xử phạt vì tội chống lệnh của toà (đoạn (a)(4)(G)).

 

Canađa, Việc từ chối cung cấp thông tin có thể được khiếu nại đến Văn phòng Ủy viên Thông tin của Canada[90]. Ủy viên tiếp nhận các khiếu nại phải tiến hành điều tra và đưa ra các khuyến nghị. Ủy viên không có thẩm quyền ban hành các mệnh lệnh mang tính ràng buộc. Ủy viên có thể yêu cầu tòa án xét xử vụ việc nếu như các khuyến nghị của mình không được thực hiện. Tòa án liên bang Canada đã ra phán quyết là Chính phủ có nghĩa vụ phải trả lời tất cả các yêu cầu tiếp cận thông tin mà không kể động cơ đưa ra các yêu cầu đó là gì. Một cách tương tự, Ủy viên phải tiến hành điều tra các khiếu nại ngay cả trong trường hợp Chính phủ tìm cách ngăn cản Ủy viên thực hiện công việc này với lí do là các khiếu nại được đưa ra với các mục đích sai trái.

Theo quy định tại Điều 30 luật Canada thì việc khiếu nại, khiếu kiện như sau:

“30.

(1). Theo Luật này, ủy viên Thông tin sẽ tiếp nhận các vụ điều tra về khiếu nại:

(a) Từ những người bị từ chối cho phép tiếp cận tài liệu hoặc một phần của tài liệu được yêu cầu theo qui định của Luật này;

(b) Từ những người đã phải trả những khoản tiền theo phần 11 mà h