• Thuộc tính
Tên đề tài Thủ tục tố tụng rút gọn - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Nội dung tóm tắt

Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988 (có hiệu lực ngày 01/01/1989) đã đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Qua 14 năm tồn tại và phát huy tác dụng, với 3 lần sửa đổi, bổ sung (tháng 6/1990, tháng 12/1992 và tháng 6/2000) Bộ luật tố tụng hình sự 1988 đã thực sự là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh những đóng góp tích cực nêu trên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian gần đây cho thấy các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 1988 cũng như thực tế áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng còn có những bất cập, hạn chế nhất định. Trong đó, tình trạng lượng án tồn đọng còn nhiều, các trại giam, trại tạm giam quá tải, sự vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giam, tạm giữ… từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương...

Trên cơ sở tổng kết thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật, cũng như yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII đã chỉ rõ: “Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xử lý kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng”.  Tư tưởng này đã được Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới cụ thể hoá: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng; khẩn trương chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho toà án cấp huyện...

Ngày 17/12/2003, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).  Đây là bước đột phá quan trọng trong hoạt động cải cách tư pháp nước ta, đặc biệt là về thủ tục tố tụng. Bộ luật tố tụng hình sự mới đã dành một chương quy định về thủ tục rút gọn với những quy định khá cụ thể về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng… Tuy nhiên, các quy định trên mới chỉ dừng lại ở mức độ thể chế hoá bước đầu chủ trương cải cách thủ tục tố tụng tư pháp của Đảng ta. Trong thời gian qua đã có khá nhiều công trình đề cập đến thủ tục tố tụng hình sự rút gọn... Tuy nhiên, các công trình, bài viết trên chưa có điều kiện đề cập một cách toàn diện và tổng thể những vấn đề lý luận và thực tiễn về thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Với những lý do trên, việc lựa chọn đề tài “Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” để nghiên cứu. Nội dung của đề tài cố gắng nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn về thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Trên cơ sở đó, đưa ra những luận cứ khoa học về phạm vi, điều kiện, nội dung của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ RÚT GỌN

1. Khái niệm, bản chất thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

Tố tụng hình sự được hiểu là toàn bộ hoạt động của các cơ quan, người tiến hành, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội nhằm giải quyết vụ án khách quan, chính xác, đúng pháp luật với các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Thông thường, mỗi quốc gia đều có một hình thức tố tụng chung, thống nhất để giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào truyền thống pháp luật, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mỗi quốc gia lại có những hình thức tố tụng đặc biệt áp dụng đối với những trường hợp đặc biệt.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một dạng thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt. Về bản chất là sự rút ngắn thời gian và giản lược các thủ tục tố tụng không cần thiết so với thủ tục bình thường để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, các giai đoạn tố tụng thông thường. Thủ tục này không đặt ra cho mọi loại án mà chỉ được áp dụng đối với một số loại án nhất định với những điều kiện cụ thể.

Điều kiện thực hiện thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở mỗi quốc gia là khác nhau tuỳ thuộc vào tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp, điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở mỗi nước. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều áp dụng thủ tục này đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, hình phạt áp dụng đối với tội phạm đó không cao (thường là phạt tiền). Bên cạnh điều kiện trên, một số nước còn quy định cho phép bị can, bị cáo lựa chọn hình thức tố tụng để xét xử nếu vụ án có đủ điều kiện để xét xử theo thủ tục rút gọn. Nếu họ không đồng ý thì vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được biểu hiện rõ nét nhất trong giai đoạn xét xử. Cụ thể việc xét xử do một thẩm phán thực hiện (trong khi đó thủ tục thông thường quy định việc xét xử do một hội đồng xét xử thực hiện).

Ở Việt Nam thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được áp dụng trong giai đoạn 1974-1985. Trong đó, phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử với tổng số thời gian tố tụng tối đa là 14 ngày. Thủ tục tố tụng này chỉ áp dụng đối với những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, tính chất của vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội có căn cước rõ ràng. Việc xét xử do một Hội đồng thực hiện như những vụ án thông thường.

Tóm lại, bản chất của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một loại thủ tục tố tụng giản lược nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả các vụ án hình sự. Theo đó, đã rút ngắn được thời gian, công sức, kinh phí cho cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, dưới nhiều góc độ khác nhau, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn còn có những hạn chế nhất định. Do bị rút ngắn về thời gian và một số thủ tục khác (như không có bản kết luận điều tra, cáo trạng, việc xét xử chỉ do một thẩm phán thực hiện...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bị can, bị cáo, thậm chí một số trường hợp làm bản án sai lệnh...

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã tổng kết sâu sắc thực tiễn hoạt động của cơ quan tư pháp và đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng một nền tư pháp mạnh, mang bản chất nhân dân, hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả. Trong các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp thì vấn đề cải cách thủ tục tố tụng luôn được đặc biệt quan tâm.

Quan điểm về xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được Đảng ta đề cập và từng bước phát triển. Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII mới chỉ xác định sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng thủ tục rút gọn đối với một số vụ án đơn giản.

Đến Nghị quyết trung ương số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị thì vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được định hình khá rõ nét từ nội dụng đến việc xác định rõ yêu cầu, điều kiện, phạm vi của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là chỉ áp dụng “đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”.

Cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, ngày 19/3/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg về việc triển khai Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Chỉ thị chỉ rõ, Bộ Công an: “Chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp xây dựng đề án áp dụng thủ tục điều tra rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng; đề xuất, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự.” Trong Dự thảo Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 của Chính phủ trình Bộ Chính trị cũng xác định rõ: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đảm bảo sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng phải theo kịp, đồng bộ với tiến trình đổi mới pháp luật nội dung và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Khắc phục tình trạng cắt khúc giữa các giai đoạn tiến hành tố tụng. Quy định hợp lý thời gian tiến hành tố tụng, áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn trong hình sự và dân sự đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng.”

2.1.2. Sự phân hoá các hình thức tố tụng.

Khi nghiên cứu những vấn đề lý luận về tố tụng hình sự đã có khá nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần có một thủ tục tố tụng thống nhất đối với tất cả các loại án không phụ thuộc vào tính chất của tội phạm (nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng), hình phạt dự kiến áp dụng đối với tội phạm ấy, cũng như tính phức tạp của vụ án... Quan điểm khác cho rằng, cần phải phân hoá hình thức tố tụng hình sự để giải quyết những vụ án có dấu hiệu riêng biệt. Tuy nhiên, sự phân hoá đó không gắn liền với những hạn chế về các nguyên tắc dân chủ và những đảm bảo của tố tụng hình sự([1]).

Như vậy, quan điểm thứ nhất (thống nhất một hình thức tố tụng duy nhất) đã đề cao nguyên tắc pháp chế trong tố tụng hình sự, quá trình giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với mọi vụ án đều tuân theo một trình tự thống nhất. Điều này đảm bảo được công bằng trong việc tiến hành tố tụng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ các bước, trình tự, thủ tục được pháp luật tố tụng hình sự quy định cho mọi vụ án. Mặt khác, do tuân theo một hình thức tố tụng thống nhất sẽ bảo đảm được quyền bình đẳng của bị can, bị cáo khi tham gia tố tụng (đặc biệt là các quyền bào chữa, quyền kháng cáo...). Đồng thời, trình tự tố tụng nêu trên cũng bảo đảm được quyền giám sát của nhân dân đối với cơ quan tư pháp được thuận lợi. Quan điểm này đã bác bỏ mọi sự phân hoá hình thức tố tụng và cho rằng làm như vậy sẽ vi phạm quyền bình đẳng trong tố tụng hình sự. Điều này được thực tiễn chứng minh bằng việc trước đây Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự trung ương thực hiện xét xử sơ chung thẩm một số vụ án đặc biệt. Theo hình thức này thì sau khi xét xử bản án có hiệu lực thi hành ngay, bị cáo không có quyền kháng cáo, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền kháng nghị. Theo quan điểm trên thì cách xét xử này vi phạm quyền bình đẳng của các bị cáo trong tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, xét về mặt lý luận thì các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự đã tạo ra sự thống nhất của hình thức tố tụng, thủ tục tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự. Tất cả các trình tự, thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án phải được xây dựng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự trong từng giai đoạn tố tụng hình sự nói riêng và cả quá trình tố tụng nói chung. Sự thống nhất của tố tụng hình sự không có nghĩa là không có sự khác biệt nhất định đối với các vụ án có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau, tính phức tạp khác nhau. Nếu sự phân hoá các hình thức tố tụng làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự và đạt được mục đích “phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ chế độ chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”([2]) thì đó là sự phân hoá khoa học và cần thiết. Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta thời gian qua cho thấy, bên cạnh thủ tục tố tụng chung cũng có hình thức tố tụng đặc biệt, cụ thể là những vụ án do người chưa thành niên thực hiện thì việc điều tra, truy tố, xét xử phải tiến hành theo một thủ tục đặc biệt (nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nói chung).

Việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng là sự phân hoá hình thức tố tụng theo hướng này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù có sự phân hoá (khác biệt nhất định) so với quy trình tố tụng chung nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng chung và đặc biệt là phải bảo đảm được các quyền bình đẳng của bị can, bị cáo trong tố tụng. Do vậy, khi xây dựng và hoàn thiện những điều kiện tối ưu để đạt được các nhiệm vụ của tố tụng hình sự, bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự thì cũng cần tính đến sự phân hoá khoa học, hợp lý tránh việc dập khuôn cứng nhắc, gây nên sự lãng phí về thời gian, công sức và tài chính không cần thiết của cả cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà nước và người tham gia tố tụng.

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Yêu cầu của thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.

Bên cạnh những thành tựu mà ngành tư pháp đã đạt được, chúng ta cũng thấy một thực tế khá bức xúc thời gian qua là tình trạng án tồn đọng, án giải quyết quá hạn trở nên đáng báo động. Vấn đề này đã được dư luận và Quốc hội thảo luận tại nhiều kỳ họp.

Tình trạng án để quá hạn luật định cũng là một vấn đề làm đau đầu nhiều cơ quan chức năng. Theo thống kê của Viện kiểm sát giai đoạn xét xử sơ thẩm năm 1996 là 1392 vụ, năm 1997 là 775 vụ, năm 1998 là 346 vụ năm 1999 là 3873 vụ. Hệ quả là tình trạng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giam, tạm giữ) quá hạn cũng trở nên bức bối (năm 1998 là 1284 trường hợp, năm 1999 là 2198 trường hợp, năm 2000 là 1436) tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở mức độ cao...

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng, điều kiện trang thiết bị làm việc... thì có một số nguyên nhân quan trọng sau có ảnh hưởng trực tiếp đến sự quá tải, tồn đọng trong công tác xét xử:

- Tình trạng “quá tải” do khối lượng công việc quá lớn ở các cơ quan tiến hành tố tụng, từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử đã trở thành bức xúc. Trong khi đó lại thiếu cán bộ điều tra, kiểm sát, thẩm phán, hội thẩm nhân dân… ở nhiều địa phương.

- Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đã bộc lộ những hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả áp dụng pháp luật. Thủ tục tố tụng hiện hành chưa linh hoạt, tất cả các vụ án xảy ra đều tuân theo một trình tự tố tụng chung bất kể vụ án đó thuộc loại nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, đơn giản hay phức tạp, thời hạn tiến hành tố tụng được quy định trong Bộ luật còn nhiều bất hợp lý...

2.2.2. Xu hướng hoàn thiện tổ chức các cơ quan tư pháp.

Để triển khai các chủ trương cải cách tư pháp, ngày 02/01/2002 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về "một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới", trong đó, những nhiệm vụ sau được coi ưu tiên hàng đầu:

- Phân định lại thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân", “tăng thẩm quyền xét xử cho toà án nhân dân cấp huyện;

- Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử;

- Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng";

- Tập trung quản lý nhà nước về thi hành án về một đầu mối do một cơ quan quản lý;

- Sắp xếp lại cơ quan điều tra theo hướng gọn đầu mối;

- Nghiên cứu việc thành lập cảnh sát tư pháp...

Cùng với những định hướng trên, với xu hướng “tăng thẩm quyền xét xử cho toà án nhân dân cấp huyện” sẽ kéo theo việc tăng thẩm quyền cho các cơ quan điều tra và truy tố cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ án. Với xu hướng này thì chắc chắn trong tương lai nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (điều tra, truy tố, xét xử) đặc biệt là của toà án cấp huyện sẽ rất nặng nề.

Do vậy, cùng với việc tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện thì việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự sẽ là một giải pháp quan trọng giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng giảm đáng kể tình trạng án tồn đọng, án vi phạm thời hạn tố tụng, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (vì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ được áp dụng cho những vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, chứng cứ rõ ràng do toà án nhân dân cấp huyện giải quyết). Vì vậy, việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nhất thiết phải gắn liền với xu hướng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân cấp huyện mà cụ thể là xu hướng tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện, năng lực, trình độ chuyên môn của thẩm phán, điều kiện và khả năng thực tế của Toà án nhân dân cấp huyện trong thời gian tới...

3. Một số nguyên tắc chung của tố tụng hình sự nước ta và vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

Những nguyên tắc chung của tố tụng hình sự được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo, chi phối toàn bộ hay một số giai đoạn của tố tụng hình sự. Xét về mặt lý luận, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một loại thủ tục đặc biệt, tuy nhiên, dù là đặc biệt thì nó cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, hoạt động tố tụng hình sự tuân theo những nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc pháp chế XHCN; Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân; Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án; Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; Nguyên tắc “việc xét xử của Toà án nhân dân có hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán; Nguyên tắc Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số...

Việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nhằm mục đích giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm tiền của, công sức và thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng đối với một số loại án hình sự nhất định nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, việc điều tra, truy tố, xét xử phải vô tư, khách quan bảo đảm các quyền tự do dân chủ và bình đẳng của công dân trước pháp luật. Đây là hai mặt của một vấn đề, nếu chúng ta quá nhấn mạnh mặt thứ nhất (nhanh chóng, tiết kiệm, thuận tiện…) thì sẽ dễ dấn đến sự vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, vi phạm các nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của công dân... Ngược lại, nếu chúng ta quá chú trọng đến vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật thì việc xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn sẽ không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn làm rườm rà, phức tạp thêm các công đoạn không cần thiết của thủ tục tố tụng.

Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn ở nước ta hiện nay cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện mọi vấn đề của loại thủ tục này (từ phạm vi, điều kiện, nội dung và các yếu tố khác ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng hình sự rút gọn…).

II. KINH NGHIỆM TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ RÚT GỌN

1. Kinh nghiệm trong nước

Sau Cách mạng tháng 8, do các cơ quan tư pháp đều mới được thành lập, kinh nghiệm chưa nhiều, năng lực còn hạn chế nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết một số lượng lớn các vụ án hình sự. Để khắc phục tình trạng đó, ngày 17/4/1946 Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 51/SL quy định về hướng giải quyết đối với các vụ án đơn giản, phạm pháp quả tang, hình phạt tù từ 5 năm trở xuống: “Nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 5 năm tù trở xuống thì viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên toà, không cần có cáo trạng”. Đây là tiền đề cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục rút gọn sau này.

Sau năm 1954, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, lợi dụng tình trạng hỗn loạn sau cuộc chiến, bọn tội phạm đã hoạt động rất táo tợn gây mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trước nhu cầu cần trừng trị nhanh chóng kịp thời bọn tội phạm, khắc phục tình trạng tồn đọng các vụ án hình sự, ngày 28/5/1974 Thủ tướng chính phủ đã ra thông tư số 139/TTg hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phạm pháp quả tang trên cơ sở thi hành Nghị quyết 228/NQ-TW ngày 18/1/1974 của Bộ chính trị và kế thừa những quy định trước đây. Theo đó, những vụ phạm tội quả tang không thuộc loại trọng án, có đủ chứng cớ, bị can nhận tội, thì cơ quan công an lập biên bản để đưa sang Viện kiểm sát nhân dân để quyết định chuyển thẳng sang Toà án xét xử. Đối với những vụ án phức tạp và có nhiều tình tiết liên quan đến nhiều người và nhiều khâu khác nhau, không thể điều tra và kết luận về toàn bộ ngay một lúc được thì để tránh kéo dài việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra phải thảo luận nhất trí với Viện kiểm sát nhân dân để có thể khoanh các vấn đề đã rõ và kịp thời đề xuất đưa vụ án ra truy tố và xét xử  nếu việc cắt vụ án không làm thay đổi tính chất của vụ án. Đối với những vụ án có nhiều can phạm có tên bắt được có tên chưa bắt được thì cơ quan điều tra có thể đề xuất truy tố xét xử trước những tên đã bắt và xử vắng mặt những tên khác có tội trạng rõ ràng hoặc để lại xét xử sau…”

Tiếp đó, ngày 22/5/1974 liên ngành Bộ công an, Toà án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí đơn giản hoá về thủ tục tố tụng (gọi tắt là thủ tục rút ngắn) đối với một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản rõ ràng… Để hướng dẫn thêm về thủ tục này ngày 8/7/1974 Toà án nhân dân tối cao đã ban hành thông tư số 10-TATC về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng với nội dung khá chi tiết. Theo đó, chỉ có đủ bốn điều kiện sau đây mới được áp dụng thủ tục rút ngắn:

(1) Căn cứ vào tình hình phạm pháp hiện nay có thể áp dụng thủ tục về việc đưa vụ án ra xét xử không cần có cáo trạng đối với một số vụ án thuộc các loại tội xâm phạm tài sản XHCN, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự chung như:

- Trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản XHCN, tài sản riêng của công dân, lừa đảo nơi công cộng.

- Đầu cơ tích trữ, chứa chấp trái phép các loại vật tư, lương thực, hàng hoá...

- Nấu rượu lậu, lạm sát trâu bò... hành động càn quấy gây rối trật tự chung, hành hung người khác. Lăng mạ hành hung cán bộ trong khi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án ở các địa phương cũng có thể thống nhất ý kiến về việc đưa ra xét xử một số tội phạm khác không cần có cáo trạng.

(2) Việc phạm pháp phải có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng.

(3) Bị cáo phải có căn cước, lý lịch đã được xác minh rõ ràng.

(4) Hình phạt tối đa mà toà án nhân  dân có thế quyết định là từ hai năm tù trở xuống.

Sau đó, Toà án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 659-NCPL ngày 19/7/1974 hướng dẫn và giải thích thêm về một số điểm nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng thủ tục rút gọn và ngày 17/8/1974 Bộ công an đã ra Chỉ thị số 954/CP hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án hình sự  ít nghiêm trọng như sau:

Thủ tục rút ngắn chỉ áp dụng đối với những vụ án hình sự ít quan trọng có đủ điều kiện sau.

a) Về tính chất: phạm pháp quả tang; Sự việc đơn giản; Bị can nhận tội và có căn cước lý lịch đã xác minh rõ ràng.

b) Về loại tội. Những vụ án thuộc các loại tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự chung như: Trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản XHCN hoặc tài sản riêng của công dân, lừa đảo ở nơi công cộng; Đầu cơ tích trữ, chứa chấp trái phép các loại lương thực, vật tư hàng hoá do nhà nước quản lý...; Hành động càn quấy, gây rối trật tự chung; Hành hung người khác, lăng mạ hành hung cán bộ trong khi làm nhiệm vụ. Song trên thực tế để đảm bảo yêu cầu thận trọng đối với các vụ án có tính chất phức tạp, quan trọng, Chỉ thị 954/CP cũng đã hướng dẫn những loại án không áp dụng thủ tục rút ngắn.

c) Về thời hạn điều tra, thì trong phạm vi 3 ngày từ khi thụ lý vụ án, tạm giữ bị can, cơ quan công an huyện phải hoàn thành việc chuyển hồ sơ vụ án sang viện kiểm sát cùng cấp.

Ngày 28/2/1975, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01-TT hướng dẫn về nội dung hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản rõ ràng. Theo đó Kiểm sát viên cùng với cán bộ chấp pháp cùng nhau quản lý, phân loại, phát hiện sớm những vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút ngắn và những vụ án đưa vào áp dụng thủ tục rút ngắn phải đảm bảo đầy đủ bốn điều kiện sau: (i) Án hình sự  thường, ít nghiêm trọng, xét xử ở cấp huyện từ 2 năm tù trở xuống; (ii) Phạm tội quả tang; (iii)  Hành vi đơn giản và căn cước rõ ràng; (iv) Bị can nhận tội lỗi phù hợp với chứng cứ ghi trong biên bản phạm pháp quả tang.

Ngoài ra, Thông tư số 01-TT ngày 28/2/1975 còn hướng dẫn một số nội dung hoạt động cụ thể của Kiểm sát viên như: Kiểm sát viên là người xem xét, kiểm tra bảo đảm các tài liệu hồ sơ vụ án áp dụng theo thủ tục rút ngắn, đạt yêu cầu chính xác, đầy đủ, hợp pháp. Kiểm sát viên là người đại diện thực hiện quyền công tố có nhiệm vụ xét và truy tố can phạm ra toà...

Ngày 25/6/1977 Toà án nhân dân tối cao đã sơ kết về tình hình áp dụng thủ tục rút ngắn. Trong đó nêu rõ tính chất đơn giản rõ ràng của vụ án được xét xử theo thủ tục rút ngắn còn được thể hiện ở một số điều kiện khác là: trong vụ án có ít bị cáo và đã nhận tội. Bên cạnh những kinh nghiệm đã nêu trên, cũng còn một số vấn đề về thời gian điều tra, truy tố và xét xử mà các cơ quan chức năng của chúng ta hay mắc phải khi áp dụng thủ tục rút ngắn.

Sau khi Bộ luật tố tụng hình sự 1998 có hiệu lực, mọi hoạt động điều tra, truy tố xét xử đều được tiến hành theo thủ tục chung của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đến ngày 20/11/1990 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) đã ban hành Thông tư số 11/TTLN trong đó đã lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng các trường hợp mà kẻ phạm tội bị phát hiện cùng với hàng phạm pháp thì cần khẩn trương trong tất cả các khâu (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”. Đến ngày 31/12/1990 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư liên ngành số 12/TTLN hướng dẫn điều tra, truy tố xét xử một số loại tội phạm nói trên, theo đó, tất cả các khâu điều tra, truy tố, xét xử đều được rút ngắn so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, với điều kiện để rút ngắn thời gian tố tụng đối với các vụ án kể trên là:

- Kẻ phạm tội bị bắt giữ cùng với cùng với hàng phạm pháp, tài sản bị chiếm đoạt;

- Kẻ phạm tội có căn cước rõ ràng; không cần phải mất nhiều thời gian để xác minh về nhân thân của họ;

- Sự việc phạm tội rõ ràng; không có yêu cầu mở rộng cuộc điều tra nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác của kẻ phạm tội hoặc kẻ phạm tội khác có liên quan.

Như vậy, trong giai đoạn này, chỉ áp dụng rút gọn về thời gian trong tố tụng hình sự mà không rút gọn các thủ tục khác. Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng bình thường theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Kinh nghiệm nước ngoài([3])

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như: Vương Quốc Anh, Liên Bang Nga, Pháp, Canada, Đan Mạch, Australia, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm chung thì cách thức, nội dung và mức độ áp dụng ở mỗi nước cũng có những đặc thù nhất định phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia. Phần lớn thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự của các nước chỉ áp dụng đối với loại tội ít nghiêm trọng, đơn giản và có mức hình phạt không cao. Về nội dung thủ tục rút gọn và những vấn đề liên quan đến loại thủ tục này, ngoài điểm chung là đơn giản hoá một số loại thủ tục, ở các nước có một số vấn đề khác nhau khá rõ nét.

Luật tố tụng hình sự của Nhật Bản quy định, lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược (rút gọn) được trình bày bằng văn bản kèm theo quyết định truy tố, việc xét xử không cần có sự có mặt của công tố viên hay bị cáo. Toà giản lược chỉ có một thẩm phán. Khi đó không tổ chức xét xử công khai mà thay vào đó một thẩm phán của toà giản lược xem xét hồ sơ do công tố viên chuyển đến và ra lệnh cho người phạm tội nộp một khoản tiền thích hợp. Nhật Bản có đến 448 Toà án giản lược với 800 thẩm phán. Các Toà án giản lược này (cùng với 50 Toà án tỉnh) giải quyết hầu hết các vụ án. Trong quá trình giải quyết theo thủ tục giản lược, công tố viên yêu cầu ra lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược, lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược không được thông báo cho bị cáo trong hạn 4 tháng kể từ ngày có yêu cầu xét xử theo thủ tục giản lược, thì không áp dụng thủ tục này. Ngoài ra, người bị xét xử hoặc công tố viên có thể đề nghị xét xử vụ án theo thủ tục thông thường trong hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về xử phạt theo thủ tục giản lược.

Pháp luật tố tụng hình sự Hàn Quốc quy định trong việc áp dụng thủ tục rút gọn Toà án ra quyết định áp dụng hình phạt nhẹ hoặc tịch thu tài sản mà không tiến hành xét xử. Bản án có thể viết bằng văn bản cùng lúc với việc truy tố của phòng công tố. Nội dung bản án, quyết định nêu ngắn gọn bằng chứng cấu thành tội phạm, các văn bản pháp luật được áp dụng, hình phạt chính và các vấn đề khác. Các quy định của pháp luật cũng chú ý đến vấn đề bảo đảm quyền của bị can, bị cáo như: bị can có quyền đệ đơn đề nghị xử chính thức (bình thường) trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết định theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp có yêu cầu xét xử theo thủ tục đầy đủ, quyết định rút gọn sẽ không còn hiệu lực.

Theo pháp luật tố tụng hình sự của Trung Quốc thì việc áp dụng thủ tục rút gọn chủ yếu tập trung ở khâu xét xử. Việc xét xử theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán tiến hành, trong trường hợp đặc biệt mới có Hội đồng xét xử; không bắt buộc phải có sự tham gia của Viện kiểm sát; không cần phải thông qua đầy đủ các thủ tục, trình tự tại phiên toà như trong thủ tục bình thường. Thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là 20 ngày (kể từ khi thụ lý).

Pháp luật tố tụng hình sự Malaysia quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn do Toà tiểu hình vi cảnh tiến hành. Hầu hết các vụ xét xử hình sự được tiến hành trước một quan toà. Trước tiên toà án sẽ đọc một bản luận tội, nếu bị cáo chấp nhận lời buộc tội, bị cáo có thể bị kết tội đó. Nếu bị cáo từ chối nhận tội hoặc muốn được xét xử, Toà án sẽ tiếp tục xem xét tất cả các bằng chứng để ủng hộ bên công tố.

Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp quy định việc xử lý các vụ án theo thủ tục rút gọn như sau: Viện công tố chuyển hồ sơ truy tố và các kết luận của mình cho Toà vi cảnh. thẩm phán ra quyết định tha bổng hoặc phạt tiền bị cáo mà không cần tiến hành xét hỏi trước. Nếu thấy cần thiết xét hỏi hoặc áp dụng hình phạt khác ngoài hình phạt tiền thì thẩm phán trả lại hồ sơ cho Viện công tố để truy tố theo thủ tục thông thường.

Bộ luật tố tụng hình sự Tây úc (West Australia) quy định đối với các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn không phải làm cáo trạng, phiên toà xét xử không có bồi thẩm đoàn và thường do một thẩm phán không chuyên chủ toạ phiên toà. Thời hạn để truy tố một tội phạm đơn giản là 6 tháng kể từ khi tội phạm đó được thực hiện, trừ trường hợp có quy định khác.

Theo pháp luật tố tụng hình sự Italia, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cho phép vụ án được giải quyết nhanh chóng dựa vào hồ sơ điều tra và bị can sẽ được giảm án đáng kể nếu có kết luận bị can có tội. Thủ tục này vừa mang tính chất dàn xếp cung khai giảm án, vừa mang tính chất của một buổi xét xử. Nó giống dàn xếp cung khai giảm án ở chỗ bị can được giảm án vì đã lựa chọn biện pháp giải quyết nhanh và giống như xét xử ở chỗ tội trạng do thẩm phán quyết định.

Canada quy định việc khởi tố theo thủ tục rút gọn bắt đầu bằng việc gửi đơn tố cáo lên Toà án và phiên toà rút gọn là việc xét xử theo đơn tố cáo. Bị cáo và công tố viên phải có mặt tại phiên toà. Nếu có người đại diện hay người bào chữa tại phiên toà thì bị cáo có thể không có mặt. Đối với bị cáo là một tổ chức hay công ty thì người bào chữa hay người đại diện phải có mặt. Nếu bị cáo nhận tội thì sau khi xét hỏi Toà án sẽ ra bản án hoặc quyết định. Nếu bị cáo không nhận tội, Toà sẽ tiếp tục tiến hành xét xử, xem xét các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để xác định tội phạm. Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm.

Tại Đan Mạch, việc xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án quả tang, đơn giản, rõ ràng và bị cáo nhận tội do Toà án khu vực thực hiện xét xử với một thẩm phán chuyên nghiệp.

Một số nước khác, nội dung thủ tục rút gọn chủ yếu là rút gọn về Hội đồng xét xử như ở Anh và xứ Walls các vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn không có bồi thẩm đoàn mà chỉ có một thẩm phán chuyên nghiệp hoặc 3 thẩm phán không chuyên của Toà tiểu hình xét xử.

Tương tự, ở Liên Bang Nga, nội dung thủ tục rút gọn chủ yếu là thay thế chế độ xét xử tập thể bằng chế độ xét xử 1 thẩm phán.

Nhìn chung, ở các nước có quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như đã nêu trên, việc rút gọn thủ tục chủ yếu là rút gọn thủ tục ở giai đoạn xét xử. Trong đó, một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Australia… đã đề cập khá đầy đủ về phạm vi, điều kiện, trình tự thủ tục, thời hạn; các quyền của bị can, bị cáo. Một số nước chưa quy định đầy đủ mọi vấn đề liên quan, nhất là về thời hạn giải quyết. Việc rút gọn thủ tục trong giai đoạn điều tra, thi hành án như thế nào phần lớn các nước không quy định cụ thể.

Một điểm khá đặc biệt, là trong pháp luật tố tụng hình sự của một số nước quy định hình thức xử lý theo hình thức “mặc cả thú tội”. Đây là một loại thủ tục rút gọn đặc biệt. Mặc cả thú tội thường được áp dụng để giải quyết các vụ án nhỏ thông qua dàn xếp cung khai nhận tội. Hình thức này được gọi là “áp dụng mức án theo yêu cầu của các bên”. Theo thủ tục tố tụng này, trước khi xét xử công tố viên và luật sư bào chữa có thể thoả thuận một mức án và đề nghị thẩm phán áp dụng mức án này, thông thường mức án sẽ được giảm.

Pháp luật tố tụng hình sự Cộng hoà liên bang Đức quy định 3 loại mặc cả thú tội:

- Mặc cả cho tội nhẹ hay tương đối nhẹ: Trong trường hợp này công tố viên có quyền không khởi tố nếu bị báo đồng ý trả một khoản tiền cho tổ chức từ thiện hay Nhà nước.

- Mặc cả và quyết định hình phạt là một loại thủ tục rút gọn dùng để xử lý số lượng lớn các vụ án nhỏ khi có đủ chứng cứ buộc tội và không có kháng cáo. Khi đó công tố viên có thể đề nghị thẩm phán ra quyết định hình sự chứ không đem ra xét xử, hình phạt chỉ là phạt tiền. Quyết định xử phạt được gửi cho người phạm tội bằng thư bảo đảm.

- Mặc cả trong việc khai tội nhằm để công tố viên sẽ chỉ khởi tố một trong số vài tội mà bị can mắc phải hoặc công tố viên đề nghị toà giảm nhẹ mức án.

Hoa Kỳ quy định về mặc cả thú tội như một thủ tục rút gọn. Với thủ tục này công tố viên và luật sư bào chữa gặp nhau để thảo luận về việc thú tội và vấn đề giảm án, thẩm phán phải áp dụng các biện pháp để khẳng định rằng các quyền của bị cáo được đảm bảo. Đặc thù của việc mặc cả thú tội là thẩm phán liệt kê tất cả những câu hỏi mà thẩm phán sẽ hỏi bị cáo và luật sư để khẳng định rằng sự thú tội là hoàn toàn tự nguyện và theo quy định của pháp luật.

Pháp luật tố tụng hình sự Italia, ngoài thủ tục rút gọn như đã nêu trên còn có 2 loại biện pháp thay thế xét xử khác là:

- Thủ tục theo quyết định hình sự về cơ bản là đề xuất đơn phương từ phía công tố để giải quyết các vụ án chỉ phạt tiền và mức phạt được giảm. Bị cáo được tự do chấp nhận hoặc bác bỏ đề nghị này. Trong các vụ án này, công tố viên có thể yêu cầu thẩm phán trực tiếp kết án bị can với khung hình phạt được giảm đi 1/2, không có xét xử sơ bộ hay xét xử chính thức mà đơn giản chỉ là phạt tiền trực tiếp.

- Thủ tục mặc cả thú tội ở Italia áp dụng cho các vụ án nhỏ. Thông thường mức án sẽ được giảm nhiều nhất đến 1/3, nhưng thoả thuận cuối cùng không được quá 2 năm tù. Tuy  vậy, công tố viên không mặc cả về tính chất của tội phạm mà bị cáo sẽ nhận tội. Mức giảm án tối đa quy định đúng 1/3 mức án thông thường phải đi kèm với bản án cuối cùng không được quá 2 năm tù và chỉ giới hạn đối với loại án đủ điều kiện để thu xếp mặc cả giảm án. Luật sư bào chữa có thể yêu cầu thẩm phán giảm 1/3 mức án thậm chí nếu công tố viên từ chối đề xuất này.

Qua nghiên cứu các hình thức, mức độ rút gọn một số thủ tục tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới, có thể thấy:

- Việc rút gọn, đơn giản hoá một số thủ tục trong tố tụng hình sự trên cơ sở bản chất của từng loại vụ việc cụ thể để giải quyết một số loại tội nhất định là một thực tế khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhằm đối phó với tình trạng quá tải trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn thường là các vụ án hình sự nhỏ, đơn giản, rõ ràng, có mức hình phạt tù không cao, hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản (một số nước còn quy định kèm theo một số điều kiện nhất định). Nhiều nước cho phép bị cáo chấp nhận hoặc từ chối áp dụng thủ tục này.

- Hình thức, mức độ rút gọn thủ tục tố tụng hình sự ở các nước rất đa dạng, có thể không qua xét xử mà ra quyết định hình sự trực tiếp hoặc thông qua thủ tục xét xử nhưng rút gọn một số khâu nhất định (thủ tục, thời gian, thành phần tham gia phiên toà…). Thường thì việc xét xử do một thẩm phán đảm nhiệm. Tuy nhiên, dù rút gọn một số thủ tục nhưng pháp luật các nước đều có những quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

- Tuy nhiều nước không có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn nhưng tinh thần chung là giải quyết nhanh. Một số nước có quy định khuyến khích bị can, bị cáo lựa chọn thủ tục rút gọn bằng cách cho giảm án so với thủ tục thông thường...

III. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ RÚT GỌN Ở NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Yêu cầu của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

Việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta hiện nay cần quán triệt những yêu cầu mang tính nguyên tắc sau:

- Bảo đảm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.

- Bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự.

- Bảo đảm giải quyết nhanh chóng vụ án.

- Bảo đảm tính kế thừa và tính hiện đại.

2. Phạm vi và điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

2.1. Phạm vi áp dụng

Theo pháp luật Việt Nam trước đây, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được thực hiện trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm với thời hạn tối đa không quá 14 ngày. Song việc xác định phạm vi xét xử theo thủ tục rút gọn cần xuất phát từ mục đích của việc áp dụng thủ tục này và tính khả thi của nó trên thực tế. Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được đặt ra với mục đích là xét xử nhanh chóng các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Với tính chất đó, theo thủ tục rút gọn phần lớn sẽ được giải quyết dứt điểm ngay trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Nếu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm mà bị cáo vẫn kháng nghị thì vụ án này chắn chắn sẽ không “đơn giản” như những phán đoán ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, các trình tự tố tụng tiếp theo cần phải có thời gian và công sức để xem xét thận trọng hơn các tình tiết của vụ án. Với lý do này, có thể cho rằng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ nên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm.

Trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân (tháng 8 năm 2003) cũng xác định phạm vi của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm (Điều 317). Nếu vụ án bị kháng cáo lên cấp phúc thẩm thì vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục thường.

2.2. Điều kiện áp dụng

Điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được hiểu là tổng hợp các yếu tố khách quan và chủ quan chứng tỏ vụ việc phạm tội đó không thuộc loại phức tạp và việc điều tra, xét xử nó không cần phải mất nhiều thời gian.

Trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về các điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn([4]). Tổng hợp các quan điểm trên thì điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn gồm có:

- Điều kiện về loại tội phạm (theo sự phân loại của Bộ luật hình sự: tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, và tội ít nghiêm trọng hoặc theo các căn cứ khác như khách thể, chủ thể của tội phạm…);

- Điều kiện về tính chất của hành vi phạm tội cụ thể (sự việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng);

- Điều kiện về phát hiện tội phạm (tội phạm bị phát hiện trong trường hợp quả tang);

- Điều kiện về nhân thân của người phạm tội (người phạm tội không có tiền án tiền sự, có căn cước, lai lịch, nơi cư trú rõ ràng...);

- Điều kiện về sự tự nguyện của bị can trong việc lựa chọ hình thức tố tụng hình sự rút gọn.

3. Nội dung thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

3.1. Rút gọn về thời gian.

Một trong những mục đích quan trọng của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là để rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án hình sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng… Việc quy định một thời hạn cho các trình tự, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn phải trên cơ sở khoa học, có tính khả thi, vừa bảo đảm cho hoạt động tố tụng diễn ra nhanh chóng, kịp thời, vừa bảo đảm tính chính xác, khách quan.

Thời hạn giải quyết vụ án hình sự thường phụ thuộc vào các yếu tố (tính chất của tội phạm, khối lượng công việc của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; điều kiện, phương tiện làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng... Việc xác định một thời hạn hợp lý cho việc giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần phải căn cứ vào các yếu tố kể trên, đồng thời có cân nhắc hợp lý các yếu tố khác như kinh nghiệm trong pháp luật tố tụng hình sự trước đây, thực tiễn điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự thông thường...

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy thời gian tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn thường ngắn hơn so với thủ tục thông thường như: Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản…

Theo quy định của Thông tư 10/TATC ngày 07/08/1974 của Toà án Tối cao, Chỉ thị số 954/CP ngày 17/8/1974 của Bộ Công an, Thông tư số 01 –TT ngày 28/02/1975 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gắn là không quá 14 ngày (thời hạn điều tra 3 ngày, thời hạn truy tố 1 ngày, thời hạn xét xử là 3 ngày và được gia hạn để xét xử không quá 7 ngày).

Theo quy định tại Điều 97, 142 và 151 của Bộ luật tố tụng hình sự 1988 thì thời gian tiến hành tố tụng đối với các vụ án ít nghiêm trọng tối đa là khoảng 8,5 tháng (thời hạn điều tra 4 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 60 ngày; xét xử sơ thẩm 75 ngày); đối với vụ án nghiêm trọng khoảng 13 tháng (thời hạn điều tra 8 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 60 ngày; xét xử sơ thẩm 90 ngày); đối với vụ án rất nghiêm trọng khoảng 18 tháng (thời hạn điều tra tối đa 12 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 75 ngày; xét xử sơ thẩm 4 tháng); đối với vụ án đăc biệt nghiêm trọng khoảng 24 tháng (thời hạn điều tra tối đa 16 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 90 ngày; xét xử sơ thẩm 5 tháng. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất rất phức tạp thì thời hạn có thể lâu hơn nữa).

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, có thể cho rằng thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án được xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn 30 ngày là hợp lý. Cụ thể là:

  • Thời hạn điều tra là 12 ngày;
  • Thời hạn truy tố là 4 ngày;
  • Thời hạn xét xử là: 14 ngày (trong đó thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là 7 ngày, thời hạn chuẩn bị xét xử là 7 ngày)

Vấn đề đặt ra là nếu vì một lý do nào đó, thời hạn tiến hành tố tụng bị vi phạm thì giải quyết thế nào? Nếu lý do làm cho vụ án bị kéo dài thời gian tố tụng mà từ bản chất phức tạp của vụ án, thì vụ án nên được chuyển sang xét xử theo thủ tục thường, cho dù vụ án đang ở giai đoạn nào đi nữa (điều tra, truy tố hay xét xử sơ thẩm.

3.2. Rút gọn về thủ tục.

3.2.1. Giai đoạn điều tra vụ án.

Qua nghiên cứu thủ tục tố tụng hình sự rút gọn của các nước cho thấy, trong giai đoạn điều tra, phần lớn các nước chỉ quy định về rút gọn thời hạn điều tra, còn các thủ tục khác thường tiến hành theo thủ tục thông thường hoặc chỉ giảm lược một số thủ tục không đáng kể.

Theo quy định của pháp luật nước ta trước đây, thì các thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở giai đoạn điều tra được rút gọn ở mức tối đa.

Theo quy định của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự thì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở giai đoạn điều tra gồm: (1) lập biên bản phạm pháp quả tang, khởi tố vụ án, khởi tố bị can; (2) Viện trưởng (hoặc phó Viện trưởng) Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn hoặc theo đề nghị của cơ quan điều tra); (4) việc điều tra được tiến hành theo thủ tục chung nhưng khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát (Điều 319, 320 Dự thảo).

Như vậy, không nên quy định Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Làm như vậy, thủ tục rút gọn lại trở nên vòng vèo hơn, phức tạp hơn so với thủ tục thông thường, mà nên quy định Cơ quan điều tra trực tiếp ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trên cơ sở sự đồng ý của đương sự. Quyết định này được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời gian 24 giờ để Viện kiểm sát hoạt động điều tra. Nếu không đồng ý, Viện kiểm sát có thể ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan điều tra, khi đó, vụ án đương nhiên được áp dụng theo thủ tục thường.

Bản chất các vụ án loại này là đơn giản, chứng cứ của vụ án phần lớn đã được phản ánh trong biên bản phạm pháp quả tang nên các hoạt động điều tra như: hỏi cung, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất… cũng cần được rút gọn ở mức độ tối đa. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới tiến hành các hoạt động lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất… Các hoạt động điều tra đối với các vụ án này chủ yếu là xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự… Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không cần thiết phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố lên Viện kiểm sát là hợp lý. Trong quyết định truy tố không cần thiết phải nêu lại toàn bộ nội dung vụ án mà chỉ cần đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường (nếu có).

Do vậy, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong giai đoạn điều tra sẽ là:

  1. Lập biên bản phạm pháp quả tang;
  2. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
  3.  Tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có) …
  4. Thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn) trên cơ sở có sự đồng ý của bị can;
  5. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như:  hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định...
  6. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

3.2.2. Giai đoạn truy tố

Theo pháp luật hình sự hiện hành thì khi nhận được hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra, trong thời hạn luật định Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra một trong các những quyết định sau:

  • Truy tố bị can ra bằng bản cáo trạng;
  • Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Do vậy, đối với các vụ án được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì về cơ bản Viện kiểm sát cũng có thể ra một trong những quyết định kể trên. Các căn cứ để Viện kiểm sát ra các quyết định: trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đều được áp dụng theo các căn cứ đối với vụ án thông thường.

(1) Các căn cứ để Viện kiểm sát ra quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án được quy định tại Điều 143a và Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cho thấy khi này bản chất vụ án đã không còn là đơn giản nữa. Do vậy, trong trường hợp này tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng (điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn) đã không còn nữa, nên vụ án cần được áp dụng theo thủ tục thông thường.

(2) Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận thấy vụ án có đủ điều kiện để truy tố trước toà thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, do vụ án đơn giản các vấn đề cần được chứng minh của một vụ án (Điều 47 Bộ luật tố tụng hình sự) đã được phản ánh rõ ràng và đầy đủ trong biên bản phạm tội quả tang và một số tài liệu bổ sung của Cơ quan điều tra, nên trong trường hợp này Viện kiểm sát không cần thiết phải làm bản cáo trạng theo thủ tục thông thường mà chỉ cần ra quyết định truy tố ngắn gọn. Quyết định này cần được thông báo ngay cho bị can để thực hiện quyền bào chữa.

3.2.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm

Hiện nay, có các ý kiến khác nhau về nội dung rút gọn, thủ tục xét xử án rút gọn:

- Thứ nhất, trong phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn, Hội đồng xét xử chỉ nên gồm 1 thẩm phán. Việc tham gia phiên toà của đại diện Viện Kiểm sát là không bắt buộc;

- Thứ hai, do tính chất quan trọng của việc xét xử án hình sự và hậu quả pháp lý tác động đến bị cáo nên thủ tục này nên tuân theo thủ tục chung. Hơn nữa, nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 131 Hiến pháp 1992) là không thể thay đổi.

Khi nghiên cứu tố tụng hình sự rút gọn giai đoạn xét xử, chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu các vấn đề quan trọng sau:

(1) Về Hội đồng xét xử:

Nếu quy định việc xét xử không có Hội đồng xét xử mà chỉ có 1 thẩm phán thì việc xét xử ở Toà án có ưu điểm là nhanh chóng, giải quyết được một số lượng lớn án tồn đọng và do tính chất của vụ án là đơn giản, chứng cứ rõ ràng nên vụ án vẫn đảm bảo tính chính xác, đúng pháp luật. Điều này cũng phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Như vậy, tố tụng hình sự rút gọn là một hình thức tố tụng hình sự đặc biệt. Tuy nhiên dù đặc biệt đến đâu cũng không thể trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong một quốc gia đơn nhất với một hệ thống pháp luật thống nhất như nước ta thì không thể chấp nhận 2 hình thức tố tụng khác nhau song song cùng tồn tại. Theo quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) thì các nguyên tắc: “Việc xét xử của Toà án nhân dân có hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán.” (Điều 129); “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số” (Điều 131) là những nguyên tắc cơ bản không thể thay thế. Do vậy, việc xét xử theo thủ tục rút gọn nhất thiết phải được tiến hành bởi một Hội đồng xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia.

(2) Đối với các thành phần khác tham gia phiên toà:

(a) Thứ nhất, vấn đề thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát tại phiên toà sơ thẩm. Có quan điểm cho rằng trong trường hợp này không nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát mà nên quy định theo hướng: Nếu xét thấy cần thiết thì Viện Kiểm sát cử đại diện tham gia phiên toà, nếu không thì phải có kết luận bằng văn bản gửi cho toà án trước khi mở phiên toà. Còn theo Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân quy định theo hướng sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong trường hợp này là bắt buộc. Nhóm nghiên cứu đồng tình với quy định của Dự thảo, vì đây là sự thận trọng cần thiết nhằm đảm bảo tính khách quan của việc xét xử.

(b) Thứ hai là sự tham gia của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Như vậy, do chứng cứ của vụ án đã rõ ràng, bị cáo đã chấp nhận toàn bộ chứng cứ, muốn được xét xử theo thủ tục rút gọn nên họ có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải tham dự phiên toà. Người bào chữa có thể không cần dự phiên toà nhưng phải gửi trước bản bào chữa tới phiên toà (nếu được thân chủ đồng ý). Việc tham dự phiên toà đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp cho họ cũng nên quy định theo hướng không bắt buộc.

(3) Đối với quyết định của Hội đồng xét xử.

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định theo hướng: trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây: a) Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án; d) Đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a  thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.  

Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn thì quan điểm này là phù hợp. Vì như đã biện luận tại mục phạm vi của thủ tục tố tụng rút gọn và thủ tục rút gọn “trong giai đoạn truy tố” thì mọi hướng mở rộng phạm vi thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với trường hợp vụ án bị trả lại để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc sang các giai đoạn khác của quá trình tố tụng (giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đều không phản ánh đúng bản chất của loại án này.

4. Hoạt động kiểm sát đối với các vụ án áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn

4.1. Công tác kiểm sát trong quá trình điều tra và truy tố can phạm

- Đối với hoạt động khởi tố.

Hoạt động kiểm sát khởi tố của Viện Kiểm sát là để bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án chính xác, tránh oan sai, lọt tội phạm ngay trong giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hành tố tụng. Ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật mà không cần có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát không ảnh hưởng đến thời hạn điều tra của cơ quan điều tra. Chính vì vậy, trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần phải duy trì thủ tục kiểm sát khởi tố như theo thủ tục thông thường. Do vậy, khi kiểm sát quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, nếu thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng không thuộc trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan điều tra và vụ án được tiến hành theo thủ tục thông thường.

Kiểm sát viên là người chịu trách nhiệm xem xét kiểm tra, bảo đảm tài liệu hồ sơ vụ án áp dụng theo đúng thủ tục rút gọn đạt yêu cầu chính xác, đầy đủ, rõ ràng và hợp pháp.

- Kiểm sát biên bản quản tang

Trong hoạt động kiểm sát điều tra đối với các vụ án loại này thì việc kiểm sát biên bản quả tang là hoạt động quan trọng nhất. Về nhận thức, cần thấy biên bản phạm pháp quả tang là một hồ sơ phạm tội được thu gọn lại gồm đủ các tài liệu về hiện trường, thời gian địa điểm phạm tội, cung của can phạm, lời khai của người bị hại và nhân chứng, cho đến tang vật chứng và những nét chính về lai lịch bị can. Biên bản phạm pháp quả tang phải là biên bản gốc, lập ban đầu ngay từ khi xảy ra sự việc có lời khai và chữ ký của các bên, nhất là bị can, người bị hại, người làm chứng.

- Kiểm sát biên bản xét hỏi:

Biên bản xét hỏi thực chất là tài liệu kiểm tra và bổ sung cho biên bản ban đầu. Kiểm sát viên cần xem xét nội dung biên bản xét hỏi đó đã làm sáng rõ biên bản ban đầu chưa hoặc còn có mâu thuẫn cần xem xét không. Biên bản xét hỏi không cần hỏi lại tất cả sự việc mà chỗ nào chưa rõ thì hỏi thêm, rõ rồi thì kiểm sát viên chỉ cần lưu ý cán bộ điều tra hỏi lại xem bị can có nhận tội như biên bản gốc hay không?

- Kiểm sát viên kiểm sát bản khai lý lịch bị can.

Trong việc kiểm sát bản khai lý lịch của bị can thì cần lưu ý trong lý lịch có nói rõ được nghề nghiệp bị can lúc phạm tội và có tiên án tiền sự không? Bản lý lịch đó phải khai theo mẫu in của Bộ Công an phát hành và phải do các cơ quan sau lập. Trường hợp lý lịch chưa phản ánh rõ nhân thân của bị can thì phải yêu cầu cơ quan công an kiểm tra lại.

- Kiểm sát bản trích lục tiền án tiền sự.

Trong hoạt động này cần xác định nhân thân của bị can về tư pháp lý lịch, giúp cho việc áp đụng đường lối xét xử một cách thích hợp. Trường hợp bản trích lục ghi bị can có tiền án hoặc tiền sự, thì cần phải nói rõ tội danh, ngày phạm pháp, cơ quan nào ra quyết định xử lý và theo hình thức gì. Trích lục tiền án tiền sự là tài liệu cần có trong hồ sơ làm theo thủ tục rút gọn.

- Hoạt động của kiểm sát viên xem xét việc tạm giữ và quyết định phê chuẩn các lệnh tạm giam. Trường hợp đối tượng ít nguy hiểm, tính chất và mức độ hành vi không nghiêm trọng, cho tại ngoại không ảnh hưởng gì lớn đến trật tự xã hội và không trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần tạm giữ, hoặc đã hết hạn thì cho tại ngoại chờ xét xử. Trường hợp cần tạm giam thì Viện Kiểm phải đảm bảo xem xét phê chuẩn trong thời hạn ngắn nhất.

4.2. Công tác kiểm sát trong giai đoạn truy tố.

Nhận được hồ sơ, công văn đề nghị truy tố, kiểm sát viên phải kiểm tra hồ sơ lần cuối. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, rõ ràng và hợp pháp rồi thì báo cáo đề xuất ý kiến xử lý với Viện trưởng để ra quyết định truy tố. Trường hợp vụ án không đủ điều kiện để đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn thì trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra tiến hành theo thủ tục thông thường.

4.3. Công tác kiểm sát trong quá trình xét xử.

Tại phiên toà, kiểm sát viên kiểm sát việc Toà án đọc bản quyết định truy tố trước khi thẩm vấn. Việc luận tội của kiểm sát viên cần ngắn gọn, thiết thực. Những vụ nào thấy cần phân tích rõ tính chất để giáo dục phòng ngừa trong quản lý thì kiểm sát viên mới phát biểu một cách toàn diện, còn những trường hợp khác chỉ trình bầy kết luận ngắn gọn về tội phạm và đề xuất biện pháp mức độ xử lý.

Trong khi thẩm vấn trước toà, nếu gặp những tình tiết phức tạp có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của vụ án đang xét xử thì kiểm sát viên cần xem xét kỹ các vấn đề nếu đủ căn cứ thì đề nghị toà án cho điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp này vụ án sẽ được tiến hành theo thủ tục chung.

5. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và áp dụng biện pháp ngăn chặn

5.1. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo

Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự. So với thủ tục thông thường, việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong vụ án được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn có những hạn chế nhất định (do thời gian tiến hành tố tụng ngắn hơn và một số thủ tục được giảm lược). Do vậy, để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo khi giải quyết các vụ án theo thủ tục này pháp luật cần quy định rõ một số vấn đề sau:

- Trước khi hỏi ý kiến của bị can về việc đồng ý tiến hành vụ án theo thủ tục rút gọn, Cơ quan (người tiến hành tố tụng) có trách nhiệm phải giải thích cho bị can hiểu rõ về thủ tục rút gọn để họ chấp nhận hay phản đối việc áp dụng thủ tục này trong thời hạn luật định.

- Các quyết định tố tụng liên quan như: quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định khởi tố bị can, quyết định đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát, bản án, quyết định của Toà án, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan tiến hành tố tụng (nếu có) … phải được gửi kịp thời cho bị can, bị cáo trong một thời hạn hợp lý để họ có điều kiện thực hiện được quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng.

- Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Do thủ tục tố tụng hình sự được áp dụng trong trường hợp phạm pháp quả tang nên thời điểm luật sư tham gia bào chữa cần quy định sớm hơn so với các vụ án thông thường. Chúng tôi cho rằng, pháp luật cần quy định thời điểm luật sư tham gia bào chữa kể từ khi bắt giữ người. Vì bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do thân thể của con người. Do vậy, vì lý do bảo đảm nhân quyền thì việc quy định luật sư được phép tham gia bào chữa ngay khi thân chủ bị bắt là hợp lý.

5.2. Vấn đề áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Những biện pháp ngăn chặn được quy định trong chương V Bộ luật hình sự hiện hành bao gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Qua nghiên cứu cho thấy các vấn đề cơ bản để áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hiện hành (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng áp dụng …) đều có thể áp dụng trong tố tụng hình sự rút gọn. Riêng việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được áp dụng trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với người phạm tội quả tang).

Đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ và tạm giam có nảy sinh một số vấn đề xuất phát từ tính đặc thù của thủ tục tố tụng rút gọn.

5.2.1. Biện pháp tạm giữ.

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Do thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được áp dụng đối với các vụ án phạm phạm quả tang nên tạm giữ sẽ là một biện pháp được áp dụng phổ biến trong tố tụng hình sự rút gọn.

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, về cơ bản các ý kiến đều cho rằng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ cần được tiến hành theo thủ tục chung. Vấn đề đặt ra là thời hạn tạm giữ bao nhiêu ngày là hợp lý? Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự tháng 8/2003 quy định thời hạn tạm giữ là 03 ngày và không được gia hạn (Điều 321).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần quy định thời hạn tạm giữ đối với người bị bắt tố đa là 9 ngày vì cho rằng, trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì biện pháp tạm giữ quan trọng hơn biện pháp tạm giam. Nếu trong thời gian tạm giữ, cơ quan điều tra khai thác được đủ thông tin, tư liệu cần thiết, chứng cứ của vụ án thì không cần áp dụng biện pháp tạm giam nữa.

Do đó, việc ra hạn tạm giữ tối đa đến 9 ngày, bản thân nó quy định đã thể hiện vấn đề đã trở nên phức tạp, không còn “đơn giản, chứng cứ rõ ràng” nữa. Do vậy việc kéo dài thời hạn tạm giữ tới 9 ngày là không cần thiết. Một mặt, không phản ánh đúng bản chất của loại án này (đơn giản, chứng cứ rõ ràng) mặt khác, vi phạm quyền của công dân. Thời hạn tạm giữ chỉ cần 3 ngày là hợp lý. Trong thời hạn này, cơ quan điều tra hoàn toàn có đủ thời gian để quyết định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không khởi tố. Nếu khởi tố và xét thấy bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở quá trình tố tụng thì áp dung biện pháp tạm giam là hợp lý.

5.2.2. Biện pháp tạm giam.

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc trong tố tụng hình sự được áp dụng để ngăn chặn hành vi phạm tội và hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Biện pháp này được quy định tại Điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Do đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất nên việc áp dụng biện pháp này cũng được pháp luật quy định khá chặt chẽ, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng biện pháp này khi có đủ 2 điều kiện: (1) khung hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với hành vi phạm tội là trên 2 năm tù; (2) Có căn cứ cho rằng người phạm tội có thể trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Như vậy, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền… như với trường hợp bắt người tạm giam trong các vụ án thông thường. Tuy nhiên, do xuất phát từ tính đặc thù của loại vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn (phạm tội quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng…) nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong tố tụng hình sự rút gọn cần hết sức hạn chế.

Cũng do tính đặc thù trong tố tụng hình sự rút gọn nên thời hạn tạm giam cũng ngắn hơn nhiều so với trường hợp thông thường. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử). Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn là 30 ngày (điều tra 12 ngày, truy tố 4 ngày; xét xử 14 ngày). Tuy nhiên, Dự thảo lại chỉ quy định thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Do vậy, sẽ là hợp lý nếu Dự thảo quy định cả thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố.

IV. KIẾN NGHỊ

Qua phân tích khái quát và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, đề tài xin có một số kiến nghị về thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cả trên phương diện xây dựng pháp luật và tổ chức thi pháp luật.

  1. Về xây dựng pháp luật.

1.1. Về phạm vi và điều kiện áp dụng.

  • Về phạm vi: thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ nên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm;
  • Về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn: Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ được áp dụng đối với các vụ án khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Những loại tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp huyện; Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

(2) Tội phạm được thực hiện không có đồng phạm, việc xác định cấu thành tội phạm nhanh chóng, dễ dàng.

(3) Người thực hiện tội phạm bị bắt quả tang; Chứng cứ phạm tội rõ ràng.

(4) Thời hạn cần thiết để điều tra, xác minh rõ ràng căn cước, lai lịch của bị can không mất quá nhiều thời gian (có thể chỉ cần 1 hoặc 2 ngày).

(5) Bị can tự nguyện  lựa chọn hình thức tố tụng hình sự rút gọn (trong giai đoạn điều tra).

1.2. Về thời gian tiến hành tố tụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn tối đa là 30 ngày. Trong đó:

  • Thời hạn điều tra là 12 ngày;
  • Thời hạn truy tố là 4 ngày;
  • Thời hạn xét xử là 14 ngày( trong đó thời hạn ra quyết định xét xử là 7 ngày, thời gian chuẩn bị xét xử là 7 ngày);

1.3. Về nội dung của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

1.3.1. Giai đoạn điều tra.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong giai đoạn điều tra bao gồm:

  1. Lập biên bản phạm pháp quả tang;
  2. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
  3.  Tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có) …
  4. Thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn) trên cơ sở có sự đồng ý của bị can;
  5. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như:  hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định…
  6. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường (nếu có) và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

1.3.2. Giai đoạn truy tố.

Khi nhận được hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra, trong thời hạn luật định (04 ngày) Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra một trong các những quyết định sau:

  • Truy tố bị can ra trước toà bằng bản cáo trạng;
  • Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận thấy vụ án có đủ điều kiện để truy tố trước toà thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trong thời hạn luật định (như phân tích ở mục trên là 4 ngày). Trong trường hợp này Viện kiểm sát không cần thiết phải làm bản cáo trạng theo thủ tục thông thường mà chỉ cần ra quyết định truy tố ngắn gọn trong đó xác định rõ: giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; bị truy tố về tội danh gì? theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự và trách nhiệm dân sự (nếu có). Quyết định này cần được thông báo ngay cho bị can để thực hiện quyền bào chữa.

Trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ đề điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng (điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn) đã không còn nữa, nên vụ án cần được áp dụng theo thủ tục thông thường.

1.3.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm.

(1) Về Hội đồng xét xử: việc xét xử theo thủ tục rút gọn nhất thiết phải được tiến hành bới một Hội đồng xét xử có hội thẩm tham gia.

(2) Đối với các thành phần khác tham gia phiên toà:

- Sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm là bắt buộc;

- Sự tham gia của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: do chứng cứ của vụ án đã rõ ràng, bị cáo đã chấp nhận toàn bộ chứng cứ, muốn được xét xử theo thủ tục rút gọn nên họ có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải tham dự phiên toà. Người bào chữa có thể không cần dự phiên toà nhưng phải gửi trước bản bào chữa tới phiên toà (nếu được thân chủ đồng ý). Việc tham dự phiên toà đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp cho họ cũng nên quy định theo hướng không bắt buộc.

(3) Đối với quyết định của Hội đồng xét xử.

Trong thời hạn bảy ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án), thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

  • Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn;
  • Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Tạm đình chỉ vụ án;
  • Đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án  thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.  

Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm  đối với vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

1.4. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

1.4.1. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo khi giải quyết các vụ án theo thủ tục này pháp luật cần quy định rõ một số vấn đề sau:

- Trước khi hỏi ý kiến của bị can về việc đồng ý tiến hành vụ án theo thủ tục rút gọn, Cơ quan (người tiến hành tố tụng) có trách nhiệm phải giải thích cho bị can hiểu rõ về thủ tục rút gọn để họ chấp nhận hay phản đối việc áp dụng thủ tục này trong thời hạn luật định.

- Các quyết định tố tụng liên quan như: quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định khởi tố bị can, quyết định đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát, bản án, quyết định của Toà án, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan tiến hành tố tụng (nếu có)… phải được gửi kịp thời cho bị can, bị cáo trong một thời hạn hợp lý để họ có điều kiện thực hiện được quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng.

- Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Thời điểm luật sư tham gia bào chữa kể từ khi bắt giữ người.

1.4.2. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hiện hành (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng áp dụng …) đều có thể áp dụng trong tố tụng hình sự rút gọn. Riêng việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được áp dụng trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Việc áp dụng biện pháp tạm giữ và tạm giam có nẩy sinh một số vấn đề xuất phát từ tính đặc thù cuả thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

(1) Về biện pháp tạm giữ:

Thời hạn tạm giữ là 3 ngày (không gia hạn). Các quy định khác (về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, đối tượng áp dụng…) được áp dụng như thủ tục thông thường.

(2) Về biện pháp tạm giam:

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền… như với trường hợp bắt người tạm giam trong các vụ án thông thường. Tuy nhiên, do xuất phát từ tính đặc thù của loại vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong tố tụng hình sự rút gọn cần hết sức hạn chế. Thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành tố tụng.

  1. Về tổ chức thi hành pháp luật

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thực chất không phải là vấn đề quá mới so với thực tiễn pháp luật Việt Nam. Trong lịch sử pháp luật nước ta, chúng ta đã từng có những quy định về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự (điển hình là các quy định tại Thông tư số 10-TATC ngày 08/7/1974 của Toà án nhân dân tối cao) mà nội dung của chúng về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi mà các yêu cầu về cải cách tư pháp, về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thì các vấn đề bảo đảm quyền dân chủ, bảo đảm nhân quyền, đặc biệt là các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Do vậy, song song với việc quy định thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (sửa đổi) thì các cơ quan chức năng, mà trước hết là cơ quan tiến hành tố tụng cần có những giải pháp, chuẩn bị tích cực nhằm áp dụng một cách có hiệu quả thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trên thực tế. Mặt khác, thực hiện định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (sửa đổi) còn quy định mở rộng thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp huyện (theo đó Toà án nhân dân cấp huyện được xét xử những loại tội phạm ít nghiên trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là đến 15 năm tù),  điều này có nghĩa là trong thời gian tới chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về năng lực, số lượng chất lượng đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp cấp huyện.

 Để việc triển khai trên thực tế mang lại hiệu quả cao, chúng tôi cho rằng việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta cần có bước đi thích hợp với những lộ trình, giai đoạn cụ thể. Theo đó việc áp dụng thủ tục tố tụng có thể chia thành 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1 (từ nay đến 2010): bước đầu áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn với nội dung rút gọn chủ yếu về mặt thời hạn tiến hành tố tụng và một số thủ tục cơ bản (rút gọn bản kết luận điều tra, bản cáo trạng…). Những nội dung này đã được thể hiện trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) 2003. Tuy nhiên để triển khai các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về tổ chức, đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất cho cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, đăc biệt là Toà án nhân dân cấp hiện.

- Về mặt tổ chức: chúng ta cần có sự nghiên cứu các phương án tổ chức hợp lý. Về cơ bản mô hình tổ chức toà án hiện nay vẫn đáp ứng được các yêu cầu của việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Tuy nhiên, đối với các địa bàn có nhiều loại án này (đặc biệt là tại các đô thị lớn) thì việc nghiên cứu xây dựng một toà chuyên trách trong Toà án nhân dân cấp huyện là cần thiết. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy có khá nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Malaysia... đều có các toà chuyên trách xét xử một số tội phạm ít nghiêm trọng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ hơn cả về lý luận và thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

- Về mặt cán bộ: hiện nay số lượng thẩm phán và hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cấp huyện vẫn còn thiếu nhiều so với chỉ tiêu biên chế do Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt[5], đặc biệt khi tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện thì số lượng thẩm phán, hội thẩm nhân dân và thư ký Toà án của cấp này càng cần phải bổ sung nhiều. Do vậy, chúng ta cần phải sớm có một chiến lược đào tạo cán bộ tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu trên (bao gồm đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện). Trong đó, việc sớm thành lập Học viện tư pháp là một nhu cầu cấp thiết.

- Về mặt cơ sở vận chất, chúng ta cũng phải có sự đầu tư thích đáng cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngân sách nhà nước, nhưng đã đến lúc chúng ta phải có sự đổi mới trong cách làm. Việc xây dựng trụ sở, trang bị điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc … theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm tránh việc đầu tư dài trải như hiện nay.

Giai đoạn 2 (từ 2010 đến 2020): Có thể nhận định đây là giai đoạn cải cách tư pháp đã đi và chiều sâu mang tính ổn định. Do vậy, việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn giai đoạn này sẽ gắn liền với các định hướng lớn của công cuộc cải cách tư pháp (như: tổ chức toà án theo khu vực, năng lực, trình độ, tiểu chuẩn của đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng cấp huyện đã có sự đổi mới căn bản về chất...). Do vậy, trong giai đoạn này  cần áp dụng triệt để thủ tục tố tụng hình sự rút gọn theo hướng như đã kiến nghị ở trên (mục1 phần IV).

Trong giai đoạn này, nếu các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện được đáp ứng thì có thể thay đổi thành phần xét xử theo hướng: việc xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ do một thẩm phán tiến hành. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc thay đổi này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp và một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự (cụ thể là nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số, nguyên tắc khi xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia).



([1]) Hình thức tố tụng trong tố tụng hình sự Xô Viết – Tr.89 – M.L.IA. Cup, NXB Matxcơva 1978.

([2]) Điều 1 Bộ luật tố tụng hình sự.

([3]) Ngoài nghiên cứu một số Bộ luật tố tụng hình sự của các nước như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản... Ban chủ nhiệm đã kế thừa, tiếp thu những nghiên cứu của luận văn thạc sĩ “Xây dựng thủ tục rút gọn trong luật tố tụng hình sự Việt Nam” - Nguyễn Duy Giảng 2002.

([4]) Xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) - Nguyễn Quốc Việt -Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 3/4/2001; Bàn về thủ tục rút gọn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 - Trần Huy Liệu; Sự cần thiết phải áp dụng thủ tục rút ngắn trong xét xử một số vụ án hình sự - Nguyễn Minh Tiến - Tạp chí Dân chủ và pháp luật số...; Về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự - Nguyễn Đức Mai...

([5]) Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp thì tính đến tháng 7/2001 tổng số Thẩm phán TAND địa phương là 3235 Thẩm phán, trong khi đó chỉ tiêu biên chế do UBTVQH phê duyệt cho TAND địa phương trong giai đoạn 1994-1999 là 4633 Thẩm phán (hiện nay tổng số Thẩm phán TAND địa phương vào khoảng 3600, như vậy tính đến nay số thẩm phán TAND địa phương vẫn còn thiếu khoảng 1000 Thẩm phán).

 

Nội dung toàn văn

PhÇn I

B¸o c¸o phóc tr×nh

 

I. mét sè vÊn ®Ò lý luËn vÒ thñ tôc tè tông h×nh sù rót gän.

1. Khái niệm, bản chất thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Tố tụng hình sự được hiểu là toàn bộ hoạt động của các cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội nhằm giải quyết vụ án khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Quá trình giải quyết vụ án hình sự gồm các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Thông thường, mỗi quốc gia đều có một hình thức tố tụng chung, thống nhất để giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào truyền thống pháp luật, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mỗi quốc gia lại có những hình thức tố tụng đặc biệt áp dụng đối với những loại tội phạm đặc biệt hoặc chủ thể thực hiện tội phạm đặc biệt.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một dạng thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt. Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn còn được gọi là thủ tục rút ngắn, thủ tục giản lược, thủ tục đơn giản... Tuy mỗi quốc quốc gia có cách gọi khác nhau nhưng bản chất chung của hình thức tố tụng này là sự rút ngắn thời gian và giản lược các thủ tục tố tụng không cần thiết so với thủ tục bình thường (như giảm bớt một số khâu công việc, một số thủ tục giấy tờ, giảm bớt thành phần người tiến  hành tố tụng...) để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng và kịp thời nhưng vẫn tuân theo các nguyên tắc cơ bản và các giai đoạn tố tụng thông thường.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được đặt ra nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số loại án nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình xem xét và giải quyết vụ án. Do vậy, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn không đặt ra cho tất cả các loại án mà chỉ được áp dụng đối với một số loại án nhất định với những điều kiện cụ thể. Điều kiện thực hiện thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở mỗi quốc gia là khác nhau tuỳ thuộc vào tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở mỗi nước. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn để giải quyết các vụ án là các tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, hình phạt áp dụng đối với tội phạm đó không cao (thường là phạt tiền).

Bên cạnh điều kiện trên, một số nước còn quy định cho phép bị can, bị cáo lựa chọn hình thức tố tụng để xét xử nếu vụ án có đủ điều kiện để xét xử theo thủ tục rút gọn. Nếu họ không đồng ý xét xử theo thủ tục rút gọn thì vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ngoài việc rút ngắn thời gian so với thủ tục thông thường, nó còn được biểu hiện rõ nét nhất trong giai đoạn xét xử: việc xét xử do một thẩm phán thực hiện (trong khi đó thủ tục thông thường quy định việc xét xử do một hội đồng xét xử thực hiện).

Ở Việt Nam thủ tục tố tụng hình sự hình sự rút gọn cũng chính thức được áp dụng trên thực tế giai đoạn 1974 đến 1985 (theo Thông tư số 10/TATC ngày 8.7.1974 của Toà án nhân dân tối cao). Trong đó, phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử với tổng số thời gian tố tụng tối đa là 14 ngày. Thủ tục tố tụng này chỉ áp dụng đối với những vụ án ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, tính chất của vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội có căn cước rõ ràng. Việc xét xử do một Hội đồng xét xử thực hiện (Hội đồng xét xử như những vụ án thông thường).

Tóm lại, dù được gọi với những tên gọi khác nhau, nhưng bản chất của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một loại thủ tục tố tụng đã được giản lược so với thủ tục tố tụng bình thường nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả các vụ án hình sự.

Với tính chất như vậy, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã rút ngắn được thời gian, công sức và kinh phí cho cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Điều này làm giảm áp lực đáng kể đối với cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà số lượng án xét xử ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dưới nhiều góc độ khác nhau, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng có những hạn chế nhất định. Do bị rút ngắn về thời gian và một số thủ tục khác (như không có bản kết luận điều tra, cáo trạng, việc xét xử chỉ do một Thẩm phán thực hiện...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bị can, bị cáo, thậm chí trong một số trường hợp làm cho bản án sai lệnh v.v. Do vậy, trong điều kiện hiện nay việc nghiên cứu làm rõ bản chất của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn và tìm ra một giải pháp tối ưu cho việc xây dựng, áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta là công việc không chỉ mạng ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị lớn về mặt thực tiễn .

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2.1. Cơ sở lý luận.

2.1.1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước ta được Quốc hội thông qua ngày 28-6-1988, có hiệu lực ngày 01-01-1989. Từ khi ra đời đến nay, Bộ luật tố tụng hình sự đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sụng (tháng 7/1990, 12/1992 và 6/2000) và đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay Bộ luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã tổng kết sâu sắc thực tiễn hoạt động của cơ quan tư pháp và đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng một nền tư pháp mạnh, mang bản chất nhân dân, hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả. Tư tưởng này được đề cập từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và trong nhiều năm gần đây liên tiếp được bổ sung, phát triển với nhiều quan điểm chỉ đạo sát sao, gần với thực tiễn, đặc biệt là các Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII), Nghị quyết Trung ương 3, 7 (khoá VIII), Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX và gần đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02.01.2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Trong các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp thì vấn đề cải cách thủ tục tố tụng luôn được đặc biệt quan tâm.

- Nghị quyết trung ương 8 khoá VII xác định: “Nghiên cứu sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự phù hợp với tình hình mới”.

- Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII xác định: “Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử. Bỏ thủ tục xét xử sơ chung thẩm của Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự trung ương. Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng”.

- Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Khi xét xử, các toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”. Nghị quyết cũng xác định rõ: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng; khẩn trương chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử cho toà án cấp huyện...”

Từ những quy định trên cho thấy, quan điểm về xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được Đảng ta đề cập và từng bước phát triển. Nghị quyết trung ương 3 khoá VIII mới chỉ xác định sự cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng thủ tục rút gọn đối với một số vụ án đơn giản. Sự cần thiết đó, xuất phát từ sự tổng kết sâu sắc thực tiễn hoạt động tư pháp trong thời gian qua. Thực tiễn cho thấy sự ùn tắc, sự quá tải trong hoạt động xét xử trở nên bức bách. Do vậy, việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn một mặt nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trụng thời gian, nguồn lực, công sức vào việc giải quyết các vụ án phức tạp, khó khăn. Mặc khác, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn sẽ khắc phục đáng kể tình trạng ùn tắc, quá tải nói trên và tình trạng giải quyết các vụ án kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng, gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân.

Đến Nghị quyết trung ương số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị thì vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được định hình khá rõ nét từ nội dụng đến việc xác định rõ yêu cầu, điều kiện, phạm vi của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là chỉ áp dụng “đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”.

Cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, ngày 19 tháng 3 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg về việc triển khai Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Chỉ thị chỉ rõ, Bộ Công an: “Chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp xây dựng đề án áp dụng thủ tục điều tra rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng; đề xuất, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự.” Trong Dự thảo Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 của Chính phủ trình Bộ Chính trị cũng xác định rõ: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, đảm bảo sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng phải theo kịp, đồng bộ với tiến trình đổi mới pháp luật nội dung và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Khắc phục tình trạng cắt khúc giữa các giai đoạn tiến hành tố tụng. Quy định hợp lý thời gian tiến hành tố tụng, áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn trong hình sự và dân sự đối với những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng.”

Như vậy, Đảng và Nhà nước ta đều xác định rõ vấn đề đổi mới thủ tục tố tụng nói chung và xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Đây là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trên thực tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2.1.2. Sự phân hoá các hình thức tố tụng.

Khi nghiên cứu những vấn đề lý luận về tố tụng hình sự đã có khá nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần có một thủ tục tố tụng thống nhất đối với tất cả các loại án không phụ thuộc vào tính chất của tội phạm (nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng), hình phạt dự kiến áp dụng đối với tội phạm ấy, cũng như tính phức tạp của vụ án v.v. Sự thống nhất của hình thức tố tụng là tuyệt đối, chỉ có một hình thức tố tụng thống nhất, duy nhất với mọi vụ án[1]. Quan điểm khác cho rằng, cần phải phân hoá hình thức tố tụng hình sự để giải quyết những vụ án có dấu hiệu riêng biệt. Tuy nhiên, sự phân hoá đó không gắn liền với những hạn chế về các nguyên tắc dân chủ và những đảm bảo của tố tụng hình sự[2].

Như vậy, quan điểm thứ nhất (thống nhất một hình thức tố tụng duy nhất) đã đề cao nguyên tắc pháp chế trong tố tụng hình sự, quá trình giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với mọi vụ án đều tuân theo một trình tự thống nhất. Điều này đảm bảo được công bằng trong việc tiến hành tố tụng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ các bước, trình tự, thủ tục được pháp luật tố tụng hình sự quy định cho mọi vụ án. Mặt khác, do tuân theo một hình thức tố tụng thống nhất sẽ bảo đảm được quyền bình đẳng của bị can, bị cáo khi tham gia tố tụng (đặc biệt là các quyền bào chữa, quyền kháng cáo...). Đồng thời, trình tự tố tụng nêu trên cũng bảo đảm được quyền giám sát của nhân dân đối với cơ quan tư pháp được thuận lợi. Quan điểm này đã bác bỏ mọi sự phân hoá hình thức tố tụng và cho rằng làm như vậy sẽ vi phạm quyền bình đẳng trong tố tụng hình sự. Điều này được thực tiễn chứng minh bằng việc trước đây Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự trung ương thực hiện xét xử sơ chung thẩm một số vụ án đặc biệt. Theo hình thức này thì sau khi xét xử bản án có hiệu lực thi hành ngay, bị cáo không có quyền kháng cáo, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền kháng nghị. Theo quan điểm trên thì cách xét xử này vi phạm quyền bình đẳng của các bị cáo trong tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, xét về mặt lý luận thì các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự đã tạo ra sự thống nhất của hình thức tố tụng, thủ tục tố tụng để giải quyết các vụ án hình sự. Tất cả các trình tự, thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án phải được xây dựng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự trong từng giai đoạn tố tụng hình sự nói riêng và cả quá trình tố tụng nói chung. Sự thống nhất của tố tụng hình sự không có nghĩa là không có sự khác biệt nhất định đối với các vụ án có tính chất và mức độ nghiêm trọng khác nhau, tính phức tạp khác nhau. Nếu sự phân hoá các hình thức tố tụng làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự và đạt được mục đích “phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ chế độ chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”[3] thì đó là sự phân hoá khoa học và cần thiết. Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta thời gian qua cho thấy, bên cạnh thủ tục tố tụng chung cũng có hình thức tố tụng đặc biệt, cụ thể là những vụ án do người chưa thành niên thực hiện thì việc điều tra, truy tố, xét xử phải tiến hành theo một thủ tục đặc biệt (nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nói chung).

Việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng là sự phân hoá hình thức tố tụng theo hướng này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù có sự phân hoá (khác biệt nhất định) so với quy trình tố tụng chung nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng chung và đặc biệt là phải bảo đảm được các quyền bình đẳng của bị can, bị cáo trong tố tụng. Do vậy, khi xây dựng và hoàn thiện những điều kiện tối ưu để đạt được các nhiệm vụ của tố tụng hình sự, bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN, nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự thì cũng cần tính đến sự phân hoá khoa học, hợp lý tránh việc dập khuôn cứng nhắc, gây nên sự lãng phí về thời gian, công sức và tài chính không cần thiết của cả cơ quan tiến hành tố tụng, Nhà nước và người tham gia tố tụng.

Từ sự phân tích trên chúng tôi cho rằng sự phân hoá các hình thức tố tụng hình sự là cần thiết, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng sự phân hoá đó không vượt ra ngoài các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, đặc biệt là không làm hạn chế các nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự, không chấp nhận các hình thức tố tụng khác nhau với những hệ thống nguyên tắc khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn khoa học, hợp lý để giải quyết các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng là cần thiết, phù hợp với sự phân hóa của tố tụng hình sự. Sự phân hoá hình thức tố tụng hình sự chính là cơ sở khoa học cho việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

2.2. Cơ sở thực tiễn.

2.2.1. Yêu cầu của thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.

Trong thời gian qua, với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, các cơ quan tư pháp lại phải gánh vác những nhiệm vụ hết sức nặng nề, do sự biến động phức tạp của tình hình tội phạm, số lượng tội phạm ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hàng năm các cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) phải giải quyết một số lượng án khá lớn. Bảng thống kê số lượng án được giải quyết trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này[4]:

 

Loại việc

1996

1997

1998

1999

2000

Tổng số vụ thụ lý điều tra

63.714

67.836

71.672

73.175

57.872

Tổng số vụ VKS phải xử lý

50.063

52.534

56.265

59.037

46.113

Tổng số vụ TAND thu lý sơ thẩm

50.004

53.995

57.564

61.407

49.762

 

Bên cạnh những thành tựu mà ngành tư pháp đã đạt được, chúng ta cũng thấy một thực tế khá bức xúc thời gian qua là tình trạng án tồn đọng, án giải quyết quá hạn trở nên đáng báo động. Vấn đề này đã được dư luận và Quốc hội đưa ra thảo luận trong nhiều kỳ họp gần đây. Tổng hợp số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong những năm gần đây cho thấy hàng năm, số lượng án lưu hạ do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa giải quyết kịp thời chiếm một tỷ lệ khá lớn.

 

Năm

Giai đoạn tố tụng

1996

1997

1998

1999

2000

Giai đoạn điều tra

13147

14657

15080

15343

11865

Giai đoạn truy tố

2918

2915

2488

2263

1749

Giai đoạn xét xử sơ thẩm

7037

8020

8318

8072

5824

 

Tình trạng án để quá hạn luật định cũng là một vấn đề làm đau đầu nhiều cơ quan chức năng. Cũng theo thống kê của Viện kiểm sát  thì chỉ tính riêng giai đoạn xét xử sơ thẩm năm 1996 là 1392 vụ, năm 1997 là 775 vụ, năm 1998 là 346 vụ năm 1999 là 3873 vụ.

Hệ quả của tình trạng án quá hạn là tình trạng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giam, tạm giữ) quá hạn cũng trở nên bức bối (chẳng hạn năm 1998 là 1284 trường hợp, năm 1999 là 2198 trường hợp, năm 2000 là 1436) tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực tố tụng hình sự ở mức độ cao...

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng, điều kiện trang thiết bị làm việc... thì  có một số nguyên nhân quan trọng sau có ảnh hưởng trực tiếp đến sự quá tải, tồn đọng trong công tác xét xử:

- Trong 5 năm (1997-2001) mỗi năm tính trung bình ngành Toà án phải giải quyết hơn 50.267 vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm với hơn 76.553 bị cáo. Số vụ án mà Toà án nhân dân các cấp thụ lý theo trình tự sơ thẩm ngày càng tăng nhiều hơn trước, trung bình mỗi năm tăng hơn 15.000 vụ án với khoảng hơn 25.000 bị cáo.[5]

Trong khi đó, tình trạng “quá tải” do khối lượng công việc quá lớn ở các cơ quan tiến hành tố tụng, từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử đã trở thành bức xúc. Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Công an thì cán bộ điều tra thiếu nghiêm trọng và đang bị quá sức trong thụ lý các vụ án điều tra. Tính bình quân cả nước mỗi điều tra viên thụ lý 15 vụ án/năm, có nơi tới 20 vụ án/năm (Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội..). Nếu tính bình quân mỗi điều tra viên thụ lý 7 – 8 vụ án/năm thì hiện thiếu 30-40% biên chế[6]. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao, tính đến tháng 7 năm 2001 lực lượng cán bộ Toà án nhân dân địa phương có 8368 người, trong đó có 3235 Thẩm phán; Toà án nhân dân tối cao có 94 Thẩn phán. Nếu so với biên chế do Uỷ ban thường vụ quốc hội phê duyệt thì số lượng Thẩm phán như trên là chưa đủ[7]. Tình trạng thiếu kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân cũng xẩy ra tương tự như cơ quan điều tra và xét xử.

- Trong thời gian qua, Bộ luật tố tụng hình sư đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết đúng đắn, khách quan các vụ án hình sự. Bên cạnh đó, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đã bộc lộ những hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả áp dụng pháp luật. Thủ tục tố tụng hiện hành chưa linh hoạt, tất cả các vụ án xẩy ra đều tuân theo một trình tự tố tụng chung bất kể vụ án đó thuộc loại nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, đơn giản hay phức tạp, thời hạn tiến hành tố tụng được quy định trong Bộ luật còn nhiều bất hợp lý.v.v.

Đây là vấn đề cần được giải quyết sớm với những giải pháp đồng bộ, trong đó việc nghiên cứu xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là hết sức cần thiết.

2.2.2. Xu hướng hoàn thiện tổ chức các cơ quan tư pháp.

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9 chỉ rõ và được Hiến pháp 1992 (sửa đổi) ghi nhận. Việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng không nằm ngoài mục đích đó. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Văn kiện Đại hội Đảng IX (tháng 4/2001), bên cạnh việc tiếp tục khẳng định thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng đã được vạch ra trong các văn kiện trước đó, còn đề ra nhiều những chủ trương rõ ràng và cụ thể hơn, như: "Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát tư pháp", "phân định hợp lý thẩm quyền của Toà án các cấp" "Thành lập cảnh sát tư pháp"... Để triển khai các chủ trương cải cách tư pháp, ngày 02/01/2002 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về "một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới" đã đề ra nhiều biện pháp tích cực nhằm đẩy nhanh hoạt động cải cách tư pháp nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ quan tư pháp nói riêng. Trong đó, Nghị quyết cũng nhắc lại là cần tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện những chủ trương về cải cách tư pháp đã được đề ra trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội Đảng VII đến Đại hội Đảng IX. Trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới thì những nhiệm vụ sau được coi những ưu tiên hàng đầu:

- "Phân định lại thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân", “tăng thẩm quyền xét xử cho toà án nhân dân cấp huyện”;

- "Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử";

- "Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng";

- “Tập trung nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án về một đầu mối do một cơ quan quản lý";

- "Sắp xếp lại cơ quan điều tra theo hướng gọn đầu mối";

- "Nghiên cứu việc thành lập cảnh sát tư pháp"...

Cùng với những định hướng trên, với xu hướng “tăng thẩm quyền xét xử cho toà án nhân dân cấp huyện” sẽ kéo theo việc tăng thẩm quyền cho các cơ quan điều tra và truy tố cấp huyện trong quá trình giải quyết vụ án. Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì hiện nay trung bình hàng năm Toà án nhân dân cấp huyện phải thụ lý và giải quyết từ khoảng 65% đến 70% tổng số vụ án hình sự trong cả nước. Với xu hướng tăng thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp huyện thì chắc chắn trong tương lai nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (điều tra, truy tố, xét xử) đặc biệt là của toà án cấp huyện sẽ rất nặng nề. Trong thời gian tới lượng án hình sự do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện giải quyết sẽ tăng lên khá lớn. Mặt khác, các tội phạm ít nghiêm trọng, các tội phạm có tính chất ít phức tạp lại thường do cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện giải quyết.

Do vậy, cùng với việc tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện thì việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự sẽ là một giải pháp quan trọng giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng giảm đáng kể tình trạng án tồn đọng, án vi phạm thời hạn tố tụng, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện (vì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ được áp dụng cho những vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, chứng cứ rõ ràng do toà án nhân dân cấp huyện giải quyết). Vì vậy, việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nhất thiết phải gắn liền với xu hướng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân cấp huyện mà cụ thể là xu hướng tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện, năng lực, trình độ chuyên môn của Thẩm phán, điều kiện và khả năng thực tế của Toà án nhân dân cấp huyện trong thời gian tới... Do vậy, nếu không có sự nghiên cứu toàn diện mối quan hệ giữa xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn với hoàn thiện tổ chức và hoạt động của toà án nhân dân cấp huyện, với xu hướng tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện, tăng biên chế hợp lý, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện thì hoặc là chúng ta không khắc phục được tình trạng án tồn đọng, án vi phạm thời hạn tố tụng hoặc là việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn sẽ vấp phải những sai sót do những yếu kém, hạn chế về năng lực của Thẩm phán.

Tóm lại, cùng với việc mở rộng thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện số lượng các vụ án phải điều tra, truy tố, xét xử ở cấp tố tụng này sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, đơn giản, chứng cứ rõ ràng, góp phần khắc phục tình trạng án tồn đọng và vi phạm thời hạn tố tụng.

3. Một số nguyên tắc chung của tố tụng hình sự nước ta và vấn đề xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Những nguyên tắc chung của tố tụng hình sự được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo, chi phối toàn bộ hay một số giai đoạn của tố tụng hình sự.

Xét về mặt lý luận thì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là một loại thủ tục tố tụng hình sự đặc biệt. Tuy nhiên, dù là thủ tục tố tụng đặc biệt thì nó cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Trong một quốc gia với một hệ thống tố tụng thống nhất thì không thể có một hình thức tố tụng khác trái với các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nước đó.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, hoạt động tố tụng hình sự tuân theo những nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc pháp chế XHCN; Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân; Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật (Điều 52 Hiến pháp 1992, Điều 4 BLTTHS 1988), Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 11 BLTTHS 1988); Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo (Điều 132 Hiến pháp 1992 (sửa đổi); Nguyên tắc “việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán (Điều 129 Hiến pháp 1992 (sửa đổi); Nguyên tắc Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 131 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) .v.v. Đây là những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự Việt Nam đòi hỏi mọi hoạt động tiến hành tố tụng trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ những nguyên tắc này.

Việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nhằm mục đích giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm tiền của, công sức và thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng và của người tham gia tố tụng đối với một số loại án hình sự nhất định nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, việc điều tra, truy tố, xét xử phải vô tư, khách quan bảo đảm các quyền tự do dân chủ và bình đẳng của công dân trước pháp luật. Đây là hai mặt của một vấn đề, nếu chúng ta quá nhấn mạnh mặt thứ nhất (nhanh chóng, tiết kiệm, thuận tiện …) thì sẽ dễ dấn đến sự vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, vi phạm các nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của công dân v.v. Ngược lại, nếu chúng ta quá chú trọng đến vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật thì việc xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn sẽ không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn làm rườm rà, phức tạp thêm các công đoạn không cần thiết của thủ tục tố tụng.

Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn ở nước ta hiện nay cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện mọi vấn đề của loại thủ tục này (từ phạm vi, điều kiện, nội dung và các yếu tố khác ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng hình sự rút gọn…) theo tinh thần của cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhưng đồng thời cũng phải  tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc chung mang tính cơ bản của tố tụng hình sự hiện hành.

II. KINH NGHIỆM TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ RÚT GỌN.

1. Kinh nghiệm trong nước.

Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là dạng đặc biệt của thủ tục tố tụng hình sự. Trên cơ sở vẫn tuân theo những nguyên tắc cơ bản và các giai đoạn của tố tụng hình sự nhưng một số khâu thủ tục được giản lược nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nhanh chóng kịp thời và vẫn đảm bảo việc xử lý đúng đắn chính xác. Khi đánh giá Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, nhiều chuyên gia cho rằng: Bộ luật còn thiếu các quy định về thủ tục và trình tự nhằm giải quyết nhanh chóng kịp thời một số lượng lớn các loại án hình sự đơn giản, rõ ràng, không cần thiết phải thông qua các thủ tục tố tụng như đối với các vụ án phức tạp khác. Như vậy, một cách gián tiếp các chuyên gia đã đề cập tới mảng còn thiếu trong Bộ tuật Tố tụng hình sự hiện hành đó là thủ tục rút gọn. Trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, ở nước ta đã từng tồn tại một trình tự giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút ngắn. Theo thủ tục này thời hạn hoàn tất hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử được tiến hành trong một khoảng thời gian rất ngắn, khoảng 3 ngày đối với các vụ án không nghiêm trọng, chứng cứ đơn giản, rõ ràng không cần nhiều thời gian cho việc điều tra, xác minh thu thập chứng cứ. Vụ án được xét xử theo thủ tục rút ngắn có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án (xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm). Cách giải quyết theo thủ tục này có tác dụng phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng rất lớn. Tuy nhiên, trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thủ tục này đã không được giữ lại ngoài thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền của toà hình sự toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và Toà án quân sự trung ương (khoản 3 điều 145). Cách quy định như vậy rõ ràng không phù hợp, không đảm bảo cho bị cáo quyền được kháng cáo vì bản án có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, trong khi thực tiễn xét xử cho thấy khi giải quyết các vụ án nghiêm trọng càng phải thận trọng.

Ngày nay, cùng với sự đổi mới trên mọi lĩnh vực do Đảng và nhà nước khởi xướng, chúng tôi thiết nghĩ nên trở lại xem xét vấn đề thủ tục rút gọn đã từng được áp dụng trong tố tụng hình sự trước đây. Bởi lẽ, việc áp dụng thủ tục này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả và hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong công cuộc đổi mới đất nước.

1.1. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách phải giải quyết, song Chính phủ lâm thời cũng rất quan tâm tới tình hình tội phạm. Công tác đấu tranh, phòng ngừa và trấn áp tội phạm được quan tâm sát sao bằng nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp đó là ban hành các văn bản pháp luật làm tiền đề và cơ sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp tiến hành hoạt động của mình. Tuy nhiên, do các cơ quan này mới được thành lập, kinh nghiệm chưa nhiều, năng lực còn hạn chế nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết một số lượng lớn các vụ án hình sự. Nhằm khắc phục tình trạng đó ngày 17/4/1946 Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 51SL, trong đó có quy định về hướng giải quyết đối với các vụ án đơn giản, phạm pháp quả tang, hình phạt tù từ 5 năm trở xuống: “Nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 5 năm tù trở xuống thì viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên toà, không cần có cáo trạng” (điều 23 SL51). Đây chính là tiền đề cho việc ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục rút gọn sau này.

1.2. Sau năm 1954, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, lợi dụng tình trạng hỗn loạn sau cuộc chiến, bọn tội phạm đã hoạt động rất táo tợn gây mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trước nhu cầu cần trừng trị nhanh chóng kịp thời bọn tội phạm, khắc phục tình trạng tồn đọng các vụ án hình sự, ngày28/5/1974 Thủ tướng chính phủ đã ra thông tư số 139TTg hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phạm pháp quả tang trên cơ sở thi hành Nghị quyết 228 NQTƯ ngày18/1/1974 của Bộ chính trị và trên cơ sở kế thừa những quy định tại điều 23 SL51 ngày17/4/1946, và một số văn bản khác như Sắc luật số 02 SL ngày 18/6/1957 quy định việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp và phạm tội quả tang…

Theo hướng dẫn tại thông tư 139TTg thì: “Đối với những vụ phạm tội quả tang không thuộc loại trọng án, có đủ chứng cớ, bị can nhận tội, thì cơ quan công an lập biên bản để đưa sang Viện kiểm sát nhân dân để quyết định chuyển thẳng sang Toà án xét xử. Đối với những vụ án phức tạp và có nhiều tình tiết liên quan đến nhiều người và nhiều khâu khác nhau, không thể điều tra và kết luận về toàn bộ ngay một lúc được thì để tránh kéo dài việc giải quyết vụ án, cơ quan điều tra phải thảo luận nhất trí với Viện kiểm sát nhân dân để có thể khoanh các vấn đề đã rõ và kịp thời đề xuất đưa vụ án ra truy tố và xét xử  nếu việc cắt vụ án không làm thay đổi tính chất của vụ án. Đối với những vụ án có nhiều can phạm có tên bắt được có tên chưa bắt được thì cơ quan điều tra có thể đề xuất truy tố xét xử trứơc những tên đã bắt và xử vắng mặt những tên khác có tội trạng rõ ràng hoặc để lại xét xử sau…”

Nghị quyết 228NQ/TƯ ngày 18/1/1974 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên chính là phải trừng trị kịp thời và nghiêm minh những tội lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, làm ăn phi pháp và gây rối trật tự chung. Để thi hành nghị quyết đó ngày 22/5/1974 liên ngành Bộ công an, Toà án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhất trí đơn giản hoá về thủ tục tố tụng (gọi tắt là thủ tục rút ngắn) đối với một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản rõ ràng…

Để hướng dẫn thêm cho các Toà án về thủ tục này ngày 8/7/1974 TANDTC đã ban hành thông tư số 10 - TATC về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng. Điều đáng chú ý là trong Thông tư  này đã hướng dẫn khá chi tiết và rõ ràng về điều kiện áp dụng thủ tục rút ngắn đối với những vụ án hình sự thường chứ không phải là những vụ án hình sự nhỏ có thể phân xử mà không phải mở phiên toà. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/TATC thì chỉ những việc có đủ bốn điều kiện sau đây mới được áp dụng thủ tục rút ngắn:

(1) Căn cứ vào tình hình phạm pháp hiện nay có thể áp dụng thủ tục về việc đưa vụ án ra xét xử không cần có cáo trạng đối với một số vụ án thuộc  các loại tội xâm phạm tài sản XHCN, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự chung như:

- Trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản XHCN, tài sản riêng của công dân, lừa đảo nơi công cộng.

- Đầu cơ tích trữ, chứa chấp trái phép các loại vật tư, lương thực, hàng hoá...

- Nấu rượu lậu, lạm sát trâu bò...hành động càn quấy gây rối trật tự chung, hành hung người khác. Lăng mạ hành hung cán bộ trong khi làm nhiệm vụ.

Ngoài những loại tội kể trên, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án ở các địa phương cũng có thể thống nhất ý kiến về việc đưa ra xét xử một số tội phạm khác không cần có cáo trạng.

(2) Việc phạm pháp phải có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng.

(3) Bị cáo phải có căn cước, lý lịch đã được xác minh rõ ràng.

(4) Hình phạt tối đa mà toà án nhân  dân có thế quyết định là từ hai năm tù trở xuống.

Bốn điều kiện nói trên là một thể thống nhất cho nên không thể căn cứ riêng vào một vài điều kiện để áp dụng và đưa ra xét xử vụ án theo thủ tục không cần có cáo trạng. Các Toà án nhân dân phải xem xét một cách kỹ càng và áp dụng một cách chính xác những hướng dẫn đã nêu trên của TANDTC.

Sau khi ban hành Thông tư số 10/TANDTC ngày 8/7/1974, qua theo dõi việc thực hiện ở các địa phương, nhận thấy cần có sự hướng dẫn và giải thích thêm về một số điểm nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng thủ tục rút gọn, TANDTC đã ra Thông tư số 659-NCPL ngày 19/7/1974. Theo hướng dẫn tại Thông tư  659-NCPL thì: “Có thể ghi ngay vào giấy gọi bị cáo ra phiên toà rằng y đã bị VKSND truy tố về tội ... theo quyết định truy tố của VKSND ngày.. tháng.. năm.. Như vậy sẽ không phải tống đạt thêm quyết định truy tố nữa. Việc tống đạt cho bị cáo bản cáo trạng trước ngày mở phiên toà chỉ áp dụng đối với những vụ án hình sự được xét xử theo thủ tục thông thường mà không nên áp dụng đối với việc tống đạt quyết định truy tố của VKSND đối với những vụ án được xét xử theo thủ tục rút ngắn.’’

Để thi hành Thông tư 139 TTg ngày 28/5/1974 và để cụ thể hoá quyết định liên ngành của Bộ công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc áp dụng trình tự tố tụng đơn giản (thủ tục rút ngắn) đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng. Ngày17/8/1974 Bộ công an đã ra Chỉ thị số 954/CP hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án hình sự  ít nghiêm trọng như sau:

Thủ tục rút ngắn chỉ áp dụng đối với những vụ án hình sự ít quan trọng có đủ những điều kiện sau.

a)Về tính chất.

- Phạm pháp quả tang.

- Sự việc đơn giản.

- Bị can nhận tội và có căn cước lý lịch đã xác minh rõ ràng.

b)Về loại tội.

Những vụ án thuộc các loại tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự chung như:

- Trộm cắp, cưõng đoạt tài sản XHCN hoặc tài sản riêng của công dân, lừa đảo ở nơi công cộng.

- Đầu cơ tích trữ, chứa chấp trái phép  các loại lương thực, vật tư hàng hoá do nhà nước quản lý...

- Hành động càn quấy, gây rối trật tự chung.

- Hành hung người khác, lăng mạ hành hung cán bộ trong khi làm nhiệm vụ.

Trong thực tế để đảm bảo yêu cầu thận trọng đối với các vụ án có tính chất phức tạp, quan trọng, Chỉ thị 954/CP đã hướng dẫn những loại án sau đây không áp dụng thủ tục rút ngắn:

- Kẻ phạm pháp không bị bắt trong trường hợp quả tang.

- Những vụ án phạm pháp quả tang nhưng phạm tội có tổ chức, có nhiều can phạm.

- Những vụ án có tính chất quan trọng, sự việc phức tạp...

- Những vụ án thuộc loại tội phản cách mạng...

c)Về thời hạn điều tra.

Trong phạm vi 3 ngày kể từ khi thụ lý vụ án, tạm giữ bị can, cơ quan công an huyện phải hoàn thành việc chuyển hồ sơ vụ án sang VKS cùng cấp.

Qua một thời gian theo dõi quá trình thưc hiện thủ tục rút ngắn ở những nơi đã làm, nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan chấp hành pháp luật khi áp dụng thủ tục rút ngắn trong hoạt động tố tụng hình sự, ngày 28/2/1975 VKSNDTC đã ban hành Thông tư số 01-TT hướng dẫn về nội dung hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản rõ ràng. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 01-TT thì Kiểm sát viên cùng với cán bộ chấp pháp cùng nhau quản lý, phân loại, phát hiện sớm những vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút ngắn.  Cũng theo hướng dẫn tại Thông tư  này thì những vụ án đưa vào áp dụng thủ tục rút ngắn phải đảm bảo đầy đủ bốn điều kiện sau:

- Án hình sự  thường, ít nghiêm trọng, xét xử ở cấp huyện từ 2 năm tù trở xuống.

- Phạm tội quả tang.

- Hành vi đơn giản và căn cước rõ ràng.

- Bị can khai nhận tội lỗi phù hợp với những chứng cứ ghi trong biên bản phạm pháp quả tang.

Ngoài ra, Thông tư số 01-TT ngày 28/2/1975 còn hướng dẫn một số nội dung hoạt động cụ thể của Kiểm sát viên như: Kiểm sát viên là người xem xét, kiểm tra bảo đảm các tài liệu hồ sơ vụ án áp dụng theo thủ tục rút ngắn, đạt yêu cầu chính xác, đầy đủ, hợp pháp. Kiểm sát viên là người đại diện thực hiện quyền công tố có nhiệm vụ xét và truy tố can phạm ra toà...

Sau hai năm  áp dụng thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng, chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm. Song nó cũng đã để lại những nhược điểm nhất định mà không phải cơ quan chức năng nào cũng có thể khắc phục được.

Với mục đích giúp cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút ngắn  một cách tốt hơn và có hiệu quả hơn, ngày 25/6/1977 Toà án NDTC đã họp tổng kết rút kinh nghiệm, sơ kết về tình hình áp dụng thủ tục rút gọn (Bản sơ kết số 439 ngày 25/6/1977 của TANDTC).

Theo nội dung của Bản sơ kết số 439 TATC thì tính chất đơn giản rõ ràng của vụ án được xét xử theo thủ tục rút ngắn còn được thể hiện ở một số điều kiện khác (ngoài những điều kiện đã được nêu trong các thông tư trước đây) là: Trong vụ án có ít bị cáo và chúng đã nhận tội.

- Về số bị cáo: không nhất thiết phải là 1 hoặc 2 người, nhưng không được xử lý theo thủ tục rút ngắn những vụ việc phạm pháp có tổ chức hoặc những vụ việc phức tạp. Kinh nghiệm cho thấy có thể xét xử theo thủ tục rút ngắn trong những vụ việc càn quấy, gây rối trật tự có vài bị cáo hoặc những vụ đánh bạc có bốn, năm bị cáo với điều kiện là vụ án phải có tính chất đơn giản.

- Tính chất đơn giản của vụ án còn thể hiện ở chỗ nguyên nhân và điều kiện gây án cũng không có gì phức tạp, việc giải quyết cũng không có gì khó khăn.

- Việc bị cáo nhận tội cũng là một trong những điều kiện khẳng định vụ án đã rõ ràng. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy các cơ quan chức năng của chúng ta trong rất nhiều trường hợp đã nhầm lẫn giữa hai trường hợp phạm pháp  quả tang và bắt khẩn cấp khi áp dụng thủ tục rút ngắn.

Bên cạnh những kinh nghiệm đã nêu trên, cũng còn một số vấn đề về thời gian điều tra, truy tố và xét xử mà các cơ quan chức năng của chúng ta hay mắc phải khi áp dụng thủ tục rút ngắn.

Thông thường VKS có thể quyết định truy tố đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng trong vòng một ngày do có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, nhưng cũng có những trường hợp cơ quan Công an không hoàn thành hồ sơ trong vòng 3 ngày vì không đủ thời gian để xác định căn cước và lý lịch của bị cáo.

Về thời gian xét xử, một số Toà án nhân dân đã tích cực, khẩn trương cho nên khi nhận được hồ sơ vụ án đã đưa ra xét xử kết hợp với phiên toà hình sự hoặc dân sự đang được tiến hành trong tuần hoặc triệu tập ngay hội thẩm  để xét xử theo thủ tục rút ngắn. Song cũng còn một số Toà án không xét xử theo đúng thời gian yêu cầu, vì nhiều lý do khác nhau như: Toà án thiếu khẩn trương,Thẩm phán bị ốm, bận đi họp....

Trong phần cuối của Bản sơ kết số 439 của TANDTC đã yêu cầu các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án tuân thủ nghiêm chỉnh thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đã hướng dẫn ở các Thông tư trước đây. Tuy nhiên, nếu vì lý do khách quan mà không thể tiến hành xét xử theo thời gian yêu cầu thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút ngắn, vì nếu vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút ngắn thì dù có xử chậm, việc làm cáo trạng và tống đạt cáo trạng cũng vẫn không cần thiết. Trong trường hợp này tính chất xét xử kịp thời đã bị hạn chế, do đó chúng ta phải khắc phục những khó khăn để có thể xử lý đúng thời gian, đảm bảo yêu cầu nhanh chóng kịp thời trấn áp tội phạm, giáo dục ý thức pháp luật cho công dân.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, song thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số lượng án lớn phát sinh trong xã hội rối ren và phức tạp, khi mà nhà nước và nhân dân ta không phải chỉ đối phó với thù trong, giặc ngoài mà còn phải đối phó với muôn vàn những khó khăn khác. Có thể nói thủ tục rút ngắn là một công cụ pháp lý hữu hiệu của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng, dành thời gian để nghiên cứu, giải quyết  những vụ án nghiêm trọng và phức tạp nhằm đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội.

1.3. Sau khi Bộ luật tố tụng hình sự 1998 có hiệu lực, mọi hoạt động điều tra, truy tố xét xử đều được tiến hành theo thủ tục chung của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của các loại tội phạm như: tội buôn lậu qua biên giới (mà hàng phạm pháp là kim loại mầu, thuốc lá điếu của nước ngoài, các chất ma tuý...), tội buôn bán hàng cấm, đầu cơ, phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, huỷ hoại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, ngày 20.11.1990 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) đã ban hành Thông tư số 11/TTLN trong đó đã lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng “Đối với các trường hợp mà kẻ phạm tội bị phát hiện cùng với hàng phạm pháp thì cần khẩn trương trong tất cả các khâu (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử). Cần nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các hướng dẫn của liên ngành và từng ngành về việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để tránh những trường hợp kéo dài một cách không cần thiết thời gian điều tra, truy tố, xét xử.”

Trên cơ sở đó, ngày 31.12.1990 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư liên ngành số 12/TTLN hướng dẫn điều tra, truy tố xét xử một số loại tội phạm nói trên. Theo Thông tư này thì tất cả các khâu điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội kể trên đều được rút ngắn so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể là: thời gian điều tra 10 ngày; thời gian ra quyết định truy tố kể từ khi nhận bản kết luận điều tra là 5 ngày; thời gian Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là 5 ngày; thời gian chuẩn bị xét xử là 10 ngày. Như vậy, tổng thời gian từ khi khởi tố vụ án đến khi xét xử là 30 ngày.

Điều kiện để rút ngắn thời gian tố tụng đối với các vụ án kể trên là:

- Kẻ phạm tội bị bắt giữ cùng với cùng với hàng phạm pháp, tài sản bị chiếm đoạt;

- Kẻ phạm tội có căn cước rõ ràng; không cần phải mất nhiều thời gian để xác minh về nhân thân của họ;

- Sự việc phạm tội rõ ràng; không có yêu cầu mở rộng cuộc điều tra nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác của kẻ phạm tội hoặc của những kẻ phạm tội khác có liên quan.

Như vậy, trong giai đoạn này, chỉ áp dụng rút gọn về thời gian trong tố tụng hình sự mà không rút gọn các thủ tục khác. Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng bình thường theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

*         *

*

Với các quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng, thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự đã góp phần quan trọng của nó đối với hoạt động áp dụng pháp luật, là một động lực quan trọng, thúc đẩy các cơ quan chức năng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thúc đẩy sự phát triển của pháp luật tố tụng hình sự trong hệ thống pháp luật Việt nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cái đích cuối cùng của việc quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự không phải là để làm cho nhanh, để lấy thành tích mà phải phát hiện tội phạm cho nhanh chóng, kịp thời và để xử lý cho nghiêm minh, chính xác. Bản thân các quy phạm pháp luật quy định về thủ tục rút gọn không làm việc đó, nó chỉ là phương tiện pháp lý mà thôi. Bởi vậy, trách nhiệm đặt lên đôi vai của những người tiến hành tố tụng, phụ thuộc vào trình độ, lương tâm nghề nghiệp của họ.

2. Kinh nghiệm nước ngoài[8].

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như: Vương Quốc Anh, Liên Bang Nga, Pháp, Canada, Đan Mạch,   Australia, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm chung thì cách thức, nội dung và mức độ áp dụng ở mỗi nước cũng có những đặc thù nhất định phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia.

Phần lớn thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự của các nước chỉ áp dụng đối với loại tội ít nghiêm trọng, đơn giản và có mức hình phạt không cao. Dưới đây là quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong pháp luật TTHS của một số nước.

TT

Tên nước

Phạm vi áp dụng, điều kiện áp dụng

1

Nhật Bản

- Các vụ có mức phạt tiền không quá 500.000 yên

- Phải có sự đồng ý của bị cáo

 

2

 

Hàn Quốc

- Các vụ án thuộc thẩm quyền của cấp quận, huyện có thể áp dụng mức phạt nhẹ hoặc tịch thu tài sản. Giá trị thiệt hại trong vụ phạm pháp nhỏ hơn 200.000 won.

- Bị cáo thú tội, không phản đối (bằng cách đệ đơn) trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

3

Trung Quốc

- Những vụ án hình sự phạm tội nhẹ có nhiều chứng cứ để chứng minh do đương sự khởi kiện.

- Những vụ án có mức hình phạt đến 3 năm tù, bị cải tạo lao động, quản chế, phạt tiền, có tình tiết rõ ràng, chứng cứ đầy đủ ( đối với các vụ án do Viện kiểm sát khởi tố phải có sự đồng ý áp dụng thủ tục rút gọn)[9].

4

LB Nga

- Các vụ án có mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù.

- Phải có sự đồng ý của bị cáo

5

Canada

- Các vụ án có mức phạt tiền không quá 2000 đô la hoặc phạt tù không quá 6 tháng, hoặc cả 2 loại hình phạt, trừ trường hợp có quy định khác.

6

Australia

- Các vụ án có mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù

- Tội phạm thuộc loại đơn giản

7

Vương quốc Anh

- England và xứ Uên: các vụ án ít nghiêm trọng có mức hình phạt tối đa đến 6 tháng tù hoặc phạt tiền đến 5000 bảng Anh.

- Xcốtlen: Các vụ án có mức án đến 3 tháng tù hoặc phạt tiền. Thời hạn tối đa có thể tới 6 tháng tù, một số trường hợp có thể tới 12 tháng tù

8

Đan Mạch

- Các vụ án quả tang, đơn giản, rõ ràng;

- Bị cáo nhận tội.

9

Italia

- Bao gồm các tội nghiêm trọng và không nghiêm trọng

- Bị cáo có thể yêu cầu xét xử rút gọn và sẽ được giảm án đáng kể.

10

Pháp

- Các vụ án phạm tội vi cảnh có mức phạt tiền không quá 20.000 phờ răng, trừ hành vi phạm tội vi cảnh được quy định trong luật lao động, bị cáo là người phạm tội vi cảnh bậc 5, chưa đủ 18 tuổi khi phạm pháp, nếu người bị hại đã trực tiếp triệu tập bị cáo ra trước Toà trước khi có quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

 

[10]

Về nội dung thủ tục rút gọn và những vấn đề liên quan đến loại thủ tục này, ngoài điểm chung là đơn giản hoá một số loại thủ tục, ở các nước có một số vấn đề khác nhau khá rõ nét.

Luật tố tụng hình sự của Nhật Bản quy định, lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược (rút gọn) được trình bày bằng văn bản kèm theo quyết định truy tố, việc xét xử không cần có sự có mặt của công tố viên hay bị cáo. Toà giản lược chỉ có một thẩm phán. Theo trình tự này thì không tổ chức xét xử công khai mà thay vào đó một thẩm phán của toà giản lược xem xét hồ sơ do công tố viên chuyển đến và ra lệnh cho người phạm tội nộp một khoản tiền thích hợp. Nhật Bản có đến 448 Toà án giản lược với 800 thẩm phán. Các Toà án giản lược này (cùng với 50 Toà án tỉnh) giải quyết hầu hết các vụ án. Tỷ lệ giải quyết án theo thủ tục rút gọn hàng năm lên tới 50,8% tổng số án thụ lý xét xử. Trong quá trình giải quyết theo thủ tục giản lược, nếu xét thấy việc xử phạt theo thủ tục này là không phù hợp; công tố viên yêu cầu ra lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược nhưng không tuân thủ các thủ tục quy định; lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược không được thông báo cho bị cáo trong hạn 4 tháng kể từ ngày có yêu cầu xét xử theo thủ tục giản lược, thì không được áp dụng thủ tục này. Ngoài ra, người bị xét xử hoặc công tố viên có thể đề nghị xét xử vụ án theo thủ tục thông thường trong hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về xử phạt theo thủ tục giản lược. Quyền kháng cáo của bị cáo được bảo đảm[11].

Pháp luật tố tụng hình sự Hàn Quốc quy định trong việc áp dụng thủ tục rút gọn Toà án ra quyết định áp dụng hình phạt nhẹ hoặc tịch thu tài sản mà không tiến hành xét xử. Bản án có thể viết bằng văn bản cùng lúc với việc truy tố của phòng công tố. Nội dung bản án, quyết định nêu ngắn gọn bằng chứng cấu thành tội phạm, các văn bản pháp luật được áp dụng, hình phạt chính và các vấn đề khác. Các quy định của pháp luật cũng chú ý đến vấn đề bảo đảm quyền của bị can, bị cáo như: bị can có quyền đệ đơn đề nghị xử chính thức (bình thường) trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết định theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp có yêu cầu xét xử theo thủ tục đầy đủ, quyết định rút gọn sẽ không còn hiệu lực. Trường hợp có yêu cầu xét xử theo thủ tục đầy đủ thì Toà án không được áp dụng hình phạt nào nặng hơn mức hình phạt áp dụng trong lệnh rút gọn. Các quyền kháng cáo, quyền có mặt tại phiên toà của bị cáo được đảm bảo[12]

Theo pháp luật tố tụng hình sự của Trung Quốc thì việc áp dụng thủ tục rút gọn chủ yếu tập trung ở khâu xét xử. Việc xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành, trong trường hợp đặc biệt mới có Hội đồng xét xử; không bắt buộc phải có sự tham gia của Viện kiểm sát; không cần phải thông qua đầy đủ các thủ tục, trình tự tại phiên toà như trong thủ tục bình thường. Thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là 20 ngày (kể từ khi thụ lý). Quyền kháng cáo của bị cáo được đảm bảo[13].

Pháp luật tố tụng hình sự Malaysia quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn do Toà tiểu hình vi cảnh tiến hành. Hầu hết các vụ xét xử hình sự được tiến hành trước 1 quan toà. Thủ tục xét xử được tiến hành như sau: trước tiên toà án sẽ đọc 1 bản luận tội, nếu bị cáo chấp nhận lời buộc tội, bị cáo có thể bị kết tội đó. Nếu bị cáo từ chối nhận tội hoặc muốn được xét xử, Toà án sẽ tiếp tục xem xét tất cả các bằng chứng để ủng hộ bên công tố[14].

Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp quy định việc xử lý các vụ án theo thủ tục rút gọn như sau: Viện công tố chuyển hồ sơ truy tố và các kết luận của mình cho Toà vi cảnh. Thẩm phán ra quyết định tha bổng hoặc phạt tiền bị cáo mà không cần tiến hành xét hỏi trước. Nếu thấy cần thiết xét hỏi hoặc áp dụng hình phạt khác ngoài hình phạt tiền thì thẩm phán trả lại hồ sơ cho Viện công tố để truy tố theo thủ tục thông thường[15].

Bộ luật tố tụng hình sự Tây úc (West Australia) quy định đối với các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn không phải làm cáo trạng, phiên toà xét xử không có bồi thẩm đoàn và thường do một thẩm phán không chuyên chủ toạ phiên toà. Thời hạn để truy tố một tội phạm đơn giản là 6 tháng kể từ khi tội phạm đó được thực hiện, trừ trường hợp có quy định khác[16].

Theo pháp luật tố tụng hình sự Ytalia thì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cho phép vụ án được giải quyết nhanh chóng dựa vào hồ sơ điều tra và bị can sẽ được giảm án đáng kể nếu có kết luận bị can có tội. Thủ tục này vừa mang tính chất dàn xếp cung khai giảm án, vừa mang tính chất của một buổi xét xử. Nó giống dàn xếp cung khai giảm án ở chỗ bị can được giảm án vì đã lựa chọn biện pháp giải quyết nhanh và giống như xét xử ở chỗ tội trạng do thẩm phán quyết định[17].

Canada quy định việc khởi tố theo thủ tục rút gọn bắt đầu bằng việc gửi đơn tố cáo lên Toà án và phiên toà rút gọn là việc xét xử theo đơn tố cáo. Bị cáo và công tố viên phải có mặt tại phiên toà. Nếu có người đại diện hay người bào chữa tại phiên toà thì bị cáo có thể không có mặt. Đối với bị cáo là một tổ chức hay công ty thì người bào chữa hay người đại diện phải có mặt. Nếu bị cáo nhận tội thì sau khi xét hỏi Toà án sẽ ra bản án hoặc quyết định. Nếu bị cáo không nhận tội, Toà sẽ tiếp tục tiến hành xét xử, xem xét các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để xác định tội phạm. Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm[18].

Tại Đan Mạch, việc xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án quả tang, đơn giản, rõ ràng và bị cáo nhận tội do Toà án khu vực với thành phần Hội đồng xét xử là một thẩm phán chuyên nghiệp[19].

Một số nước khác, nội dung thủ tục rút gọn chủ yếu là rút gọn về Hội đồng xét xử. Chẳng hạn như ở England và xứ Uên (Vương quốc Anh) các vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn không có bồi thẩm đoàn mà chỉ có một thẩm phán chuyên nghiệp hoặc 3 thẩm phán không chuyên của Toà tiểu hình (Magistrates Courts) xét xử. Ở Xcốtlen (thuộc Vương quốc Anh) việc xét xử theo thủ tục rút gọn do Toà án cấp quận (The Sheriff Court) và toà án khu vực (The district Court). Việc xét xử không có bồi thẩm đoàn mà do một thẩm phán. Riêng ở Toà án khu vực có thể do thẩm phán hoà bình hoặc thẩm phán chuyên nghiệp xét xử[20].

Tương tự, ở Liên Bang Nga, nội dung thủ tục rút gọn chủ yếu là thay thế chế độ xét xử tập thể bằng chế độ xét xử 1 thẩm phán[21].

Nhìn chung, ở các nước có quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như đã nêu trên, việc rút gọn thủ tục chủ yếu là rút gọn thủ tục ở giai đoạn xét xử. Trong đó, một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Australia… đã đề cập khá đầy đủ về phạm vi, điều kiện, trình tự thủ tục, thời hạn; các quyền của bị can, bị cáo. Một số nước chưa quy định đầy đủ mọi vấn đề liên quan, nhất là về thời hạn giải quyết. Việc rút gọn thủ tục trong giai đoạn điều tra, thi hành án như thế nào phần lớn các nước không quy định cụ thể.

Một điểm khá đặc biệt là trong pháp luật tố tụng hình sự của một số nước (Đức, Ý, Hoa Kỳ …) có quy định hình thức xử lý hình sự theo hình thức “mặc cả thú tội”. Thực chất hình thức này cũng là một loại thủ tục rút gọn đặc biệt. Mặc cả thú tội thường được áp dụng để giải quyết các vụ án nhỏ thông qua dàn xếp cung khai nhận tội. Hình thức này được gọi là “áp dụng mức án theo yêu cầu của các bên”. Theo thủ tục tố tụng này, trước khi xét xử công tố viên và luật sư bào chữa có thể thoả thuận một mức án và đề nghị thẩm phán áp dụng mức án này, thông thường mức án sẽ được giảm.

Pháp luật tố tụng hình sự Cộng hoà liên bang Đức quy định 3 loại mặc cả thú tội:

- Mặc cả cho tội nhẹ hay tương đối nhẹ: Trong trường hợp này công tố viên có quyền không khởi tố nếu bị báo đồng ý trả một khoản tiền cho tổ chức từ thiện hay Nhà nước.

- Mặc cả và quyết định hình phạt là một loại thủ tục rút gọn dùng để xử lý số lượng lớn các vụ án nhỏ khi có đủ chứng cứ buộc tội và không có kháng cáo. Khi đó công tố viên có thể đề nghị thẩm phán ra quyết định hình sự chứ không đem ra xét xử, hình phạt chỉ là phạt tiền. Quyết định xử phạt được gửi cho người phạm tội bằng thư bảo đảm (không công khai nhằm giữ thể diện cho họ).

- Mặc cả trong việc khai tội nhằm để công tố viên sẽ chỉ khởi tố 1 trong số vài tội mà bị can mắc phải hoặc công tố viên đề nghị toà giảm nhẹ mức án[22].

Hoa Kỳ quy định về mặc cả thú tội như một thủ tục rút gọn trong TTHS. Hơn 90% số vụ án hình sự ở Hoa Kỳ được giải quyết bằng mặc cả thú tội và thủ tục này được coi là phương tiện đặc biệt để giải quyết án. Với thủ tục này công tố viên và luật sư bào chữa gặp nhau để thảo luận về việc thú tội và vấn đề giảm án, thẩm phán phải áp dụng các biện pháp để khẳng định rằng các quyền của bị cáo được đảm bảo. Đặc thù của việc mặc cả thú tội là thẩm phán liệt kê tất cả những câu hỏi mà thẩm phán sẽ hỏi bị cáo và luật sư để khẳng định rằng sự thú tội là hoàn toàn tự nguyện và theo quy định của pháp luật[23].

Pháp luật tố tụng hình sự Ytalia, ngoài thủ tục rút gọn như đã nêu trên còn có 2 loại biện pháp thay thế xét xử khác là: Thủ tục theo quyết định hình sự và mặc cả thú tội.

- Thủ tục theo quyết định hình sự về cơ bản là đề xuất đơn phương từ phía Công tố để giải quyết các vụ án chỉ phạt tiền và mức phạt được giảm. Bị cáo được tự do chấp nhận hoặc bác bỏ đề nghị này. Trong các vụ án như vậy, công tố viên có thể yêu cầu thẩm phán trực tiếp kết án bị can với khung hình phạt được giảm đi 1/2, không có xét xử sơ bộ hay xét xử chính thức mà đơn giản chỉ là phạt tiền trực tiếp.

- Thủ tục mặc cả thú tội ở Italia áp dụng cho các vụ án nhỏ. Thông thường mức án sẽ được giảm nhiều nhất đến 1/3 nhưng mức án thoả thuận cuối cùng không được quá 2 năm tù. Tuy  vậy, công tố viên ở Ytalia không mặc cả về tính chất của tội phạm mà bị cáo sẽ nhận tội. Mức giảm án tối đa quy định đúng 1/3 mức án thông thường phải đi kèm với bản án cuối cùng không được quá 2 năm tù và chỉ giới hạn đối với loại án đủ điều kiện để thu xếp mặc cả giảm án. Luật sư bào chữa có thể yêu cầu thẩm phán giảm 1/3 mức án thậm chí nếu công tố viên từ chối đề xuất này[24].

Qua nghiên cứu các hình thức, mức độ rút gọn một số thủ tục tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới, chúng tôi thấy:

- Việc rút gọn, đơn giản hoá một số thủ tục trong tố tụng hình sự trên cơ sở bản chất của từng loại vụ việc cụ thể để giải quyết một số loại tội nhất định là một thực tế khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhằm đối phó với tình trạng quá tải trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn thường là các vụ án hình sự nhỏ, đơn giản, rõ ràng, có mức hình phạt tù không cao, hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản (một số nước còn quy định kèm theo một số điều kiện nhất định). Nhiều nước cho phép bị cáo chấp nhận hoặc từ chối áp dụng thủ tục này.

- Hình thức, mức độ rút gọn thủ tục tố tụng hình sự ở các nước rất đa dạng, có thể không qua xét xử mà ra quyết định hình sự trực tiếp hoặc thông qua thủ tục xét xử nhưng rút gọn một số khâu nhất định (thủ tục, thời gian, thành phần tham gia phiên toà…). Thường thì việc xét xử do một thẩm phán đảm nhiệm. Tuy nhiên, dù rút gọn một số thủ tục nhưng pháp luật các nước đều có những quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

- Tuy nhiều nước không có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn nhưng tinh thần chung là giải quyết nhanh. Một số nước có quy định khuyến khích bị can, bị cáo lựa chọn thủ tục rút gọn bằng cách cho giảm án so với thủ tục thông thường.v.v.

 

III. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ RÚT GỌN Ở NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY.

1. Yêu cầu của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Trên cơ sở phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta hiện nay, xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, chúng tôi cho rằng việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta hiện nay cần quán triệt những yêu cầu mang tính nguyên tắc sau[25]:

1.1. Bảo đảm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và cải cách tư pháp nói riêng.

Văn kiện hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ: “Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…”. “Cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước…”[26].

Trên cơ sở đó Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đưa ra 4  quan điểm chỉ đạo cụ thể về cải cách tư pháp là:

- Công tác tư pháp phải thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, bám sát và phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế; giữa vững bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Công tác tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tư, kỷ cương; bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp phải dựa vào nhân dân để hoạt động, đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp.

- Xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh và từng bước hiện đại, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng và Nhà nước.

Đối với việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn, Nghị quyết trung ương 8 chỉ rõ: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng.”

Các quan điểm chỉ đạo trên là tư tưởng kim chỉ nam cho cải cách tư pháp nói chung và xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn nói riêng. Theo tinh thần đó, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời bảo đảm tốt các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

1.2. Bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự.

Các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự là những tư tưởng chỉ đạo được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật tố tụng hình sự. Những nguyên tắc này được quy định cụ thể tại Chương I Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Đó là:Bảo đảm pháp chế XHCN; Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân; Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân...Không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của toà án; Xác định sự thật của vụ án; Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng.v.v.

1.3. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng vụ án.

Đây là yêu cầu liên quan đến việc quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vừa phải đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, nhưng thời hạn đó phải đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể giải quyết vụ án đúng luật định.

1.4. Bảo đảm tính kế thừa và tính hiện đại.

Việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn phải theo quan điểm thực tiễn, kế thừa những kinh nghiệm trong pháp luật trước đây, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ văn hóa pháp luật của nhân dân. Đồng thời, trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới, cần phải tiếp thu, kế thừa sáng tạo, có chọn lọc những thành tựu mà nhân loại đã đạt được, những kinh nghiệm về xây dựng và áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong pháp luật của các nước, đảm bảo kết hợp hài hoà tính truyền thống và tính hiện đại của pháp luật.

 

 

2. Phạm vi và điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Việc xác định phạm vi và điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn luôn là vấn đến phức tạp, nhưng cũng lại là một trong trong những điểm quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu, xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Hiện nay có khá nhiều quan điểm xung quanh vấn đề này.

2.1. Phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Như chúng ta đã biết, tố tụng hình sự là một quá trính gồm nhiều giai đoạn từ khởi tố vụ án, điều tra, truy tố, xét xử.[27] Do vậy, viêc xác định phạm vi tố tụng hình sự được giới hạn ở những khâu, giai đoạn nào là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với thực tiễn áp dụng pháp luật. Có ý kiến cho rằng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần áp dụng trong mọi giai đoạn tố tụng (bao gồm cả xét xử phúc thẩm).

Ở nhiều nước trên thế giới, do đặc điểm riêng của hệ thống pháp luật mà quốc gia đó chịu ảnh hưởng, do cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan tư pháp hình sự cũng như những yêu cầu của đấu tranh phòng chống tội phạm mà thủ tục rút gọn được thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử hoặc chỉ ở giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, công tố viên là người quyết định vụ án được xét xử theo thủ tục thông thường hay theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp người phạm tội đáng bị phạt tiền từ 500.000 yên trở xuống mà đã nhận tội và chấp nhận việc xử phạt thì công tố viên áp dụng hình thức thủ tục rút gọn. Pháp luật Autralia quy định cảnh sát viên là người thực hành quyền công tố, cảnh sát là người quyết định vụ việc được giải quyết theo trình tự rút gọn hay theo thủ tục thông thường.

Theo pháp luật Việt Nam trước đây, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được thực hiện trong các giải đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm với thời hạn tối đa không quá 14 ngày.

Chúng tôi cho rằng việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi xét xử theo thủ tục rút gọn cần xuất phát từ mục đích của việc áp dụng thủ tục này và tính khả thi của nó trên thực tế. Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được đặt ra với mục đích là xét xử nhanh chóng các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Với tính chất đơn giản của vụ án như vậy, rõ ràng các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn phần lớn sẽ được giải quyết dứt điểm ngay trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Nếu trong giai đoạn xét xử sơ thẩm mà bị cáo vẫn kháng nghị thì vụ án này chắn chắn sẽ không “đơn giản” như những phán đoán ban đầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, các trình tự tố tụng tiếp theo cần phải có thời gian và công sức để xem xét thận trọng hơn các tình tiết của vụ án. Với lý do này, chúng tôi cho rằng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ nên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm.

Trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân (tháng 8 năm 2003) cũng xác định phạm vi của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm (Điều 317). Nếu vụ án bị kháng cáo lên cấp phúc thẩm thì vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục thường.

2.2. Điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sư rút gọn được hiểu là tổng hợp các yếu tố khách quan và chủ quan chứng tỏ vụ việc phạm tội đó không thuộc loại phức tạp và việc điều tra, xét xử nó không cần phải mất nhiều thời gian.

Trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã có rất nhiều quan điểm khác nhau về các điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn[28]. Tổng hợp các quan điểm trên thì điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn gồm có:

- Điều kiện về loại tội phạm (theo sự phân loại của Bộ luật hình sự: tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, và tội ít nghiêm trọng hoặc theo các căn cứ khác như khách thể, chủ thể của tội phạm…).

- Điều kiện về tính chất của hành vi phạm tội cụ thể (sự việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng);

- Điều kiện về phát hiện tội phạm (tội phạm bị phát hiện trong trường hợp quả tang);

- Điều kiện về nhân thân của người phạm tôi (người phạm tội không có tiền án tiền sự, có căn cước, lai lịch, nơi cư trú rõ ràng...);

- Điều kiện về sự tự nguyện của bị can trong việc lựa chọ hình thức tố tụng hình sự rút gọn.

Theo Điều 323 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (ngày 24.3.2003) thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

2. Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

3. Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

4. Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Nghiên cứu cụ thể từng điều kiện chúng tôi nhận thấy:

2.2.1. Điều kiện về loại tội phạm.

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về điều kiện này, phụ thuộc vào việc phân loại tội phạm (phân loại tội phạm theo tính chất nghiêm trọng của tội phạm, phân loại theo chủ thể thực hiện tội phạm, phân loại theo khách thể của tội phạm...) cụ thể là:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần được áp dụng đối với mọi tội phạm không phân biệt tính chất là nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, miễn là trường hợp phạm tội cụ thể đó đáp ứng các yêu cầu khác của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn;

- Quan điểm thứ 2 cho rằng, chỉ áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với một số tội phạm cụ thể  như xâm phạm trật tự công cộng, gây thương tích, chiếm đoạt tài sản;

- Quan điểm thứ 3 cho rằng cần mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với tất cả các loại tội phạm, trừ các loại tội xâm phạm trật tự, trị an nghiêm trọng.

Theo pháp luật hình sự nước ta trước đây, các vụ án ít quan trọng xét xử ở cấp huyện và có mức án từ 2 năm tù trở xuống thì được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn và chỉ giới hạn ở một số loại tội phạm nhất định như: trộm cắp, cướp giật, đầu cơ tích trữ, nấu rượu lậu, lạm sát trâu bò… (Thông tư số 10/TATC ngày 08.7.1974 của Toà án nhân dân tối cao). Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cũng cho thấy hầu hết các nước có áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ áp dụng thủ tục này đối với các tội phạm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (trừ Italia quy định áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với cả các tội phạm nghiêm trọng).

Chúng tôi cho rằng, để xác định điều kiện trên ở mức độ nào, bên cạnh việc kế thừa truyền thống pháp luật trong nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài thì điều quan trọng hàng đầu là cần xem xét tính khả thi của điều kiện này so với thực tiễn tố tụng nước ta. Trên cơ sở đó mới có thể xác định điều kiện trên là cần thiết hay không cần thiết? nó được đặt ra nhằm mục đích gì? giới hạn của điều kiện này đến đâu?...

Việc đặt ra điều kiện về loại tội phạm để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự là cần thiết. Điều này sẽ khoanh vùng rõ ràng các loại tội phạm có thể được áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn giúp cho cơ quan, người tiến hành tố tụng có căn cứ nhận định ngay được loại án cần tiến hành theo thủ tục nào, đồng thời cũng tránh được khả năng tuỳ tiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng mặt khác cũng phải tính đến tính khả thi của điều kiện này.

Qua nghiên cứu cho thấy, Bộ luật tố tụng hình sự nước ta quy định 4 loại tội phạm: Tội ít nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đến 3 năm tù); tội nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù); tội rất nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù); tội đặc biệt nghiêm trọng (có mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình). Cũng căn cứ vào Bộ luật hình sự thì tội ít nghiêm trọng được quy định tại 146 điều luật/267 điều luật quy định trong phần các tội phạm (chiếm khoản 55%). Với những khung hình phạt như vậy thì các tội ít nghiêm trọng phần lớn thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện và thực tế các vụ án loại này cũng chiếm phần lớn trong tổng số vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thụ lý giải quyết. Tổng hợp số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy:

 

Năm

Tổng số bị cáo đã xét xử

Cảnh cáo

Phạm tiền

Cải tạo không giam giữ

Phạt tù dưới 3 năm

Tỷ lệ mức án dưới 3 năm tù

1998

46.839

289

37

837

44.587

97%

1999

50.855

306

93

-

48.176

95%

2000

39.198

166

40

-

36.814

94%

 

Như vậy, theo bảng thống kê trên, nếu phân loại tội phạm theo tính chất nghiêm trọng (theo cách phân loại của Bộ luật tố tụng hình sự) thì việc quy định thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng có tính khả thi khá cao, do lượng án thực tế ở toà án cấp huyện chủ yếu là loại tội phạm này.

Tuy nhiên, việc đánh giá hành vi phạm tội trên thực tế thế nào là tội phạm nghiêm trọng, thế nào là tội phạm ít nghiêm trọng (khi chưa xét xử) là công việc khá phức tạp đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phần lớn các tội phạm vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội ít nghiêm trọng. Mặt khác, nếu trước khi xét xử mà đã đánh giá được chính xác tội đó là dưới 3 năm tù hay trên 3 năm tù thì sẽ dẫn đến việc chủ quan, áp đặt trong xét xử (chúng tôi cho rằng việc phân cấp thẩm quyền xét xử cho toà án nhân dân cấp huyện theo căn cứ này cũng chưa chính xác). Đồng thời, việc phân loại tội phạm dựa vào tính chất ít nghiêm trọng của tội phạm đó mà dấu hiệu hình thức của nó là dưới 3 năm tù là chưa tính đến khả năng tăng thẩm quyền cho toà án nhân dân cấp huyện sau này.

Do vậy, để “khoanh vùng” những loại tội phạm nào có thể áp dụng thủ tục xét xử hình sự rút gọn chúng tôi cho rằng điểm căn bản để xác định những vụ án cần xét xử theo thủ tục rút gọn là tính chất đơn giản, rõ ràng của vụ án. Tuy nhiên, việc quy định trong pháp luật những vụ án như thế nào là đơn giản, rõ ràng là công việc rất khó khăn (vấn đề này sẽ phân tích kỹ ở phần sau). Do vậy, để xác định loại tội phạm chúng ta cần có sự nghiên cứu kỹ hơn bản chất của cấu thành tội phạm được quy định trong từng điều luật, để từ đó xác định cụ thể những loại tội nào được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Qua nghiên cứu các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, chúng tôi nhận thấy những loại tội phạm sau là điều kiện để áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (không kể thuộc loại nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng):

- Những loại tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp huyện;

- Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Bởi lẽ, xét về mặt thẩm quyền, thì pháp luật nước ta quy định, Toà án nhân dân cấp tỉnh chỉ xét xử những vụ án có khung hình phạt cao (mức cáo nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm tù trở lên) hoặc những vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng có tính chất phức tạp. Do vậy, phần lớn các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh thường là những vụ việc không đơn giản (đặc biệt xu hướng mở rộng thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện trong tương lai thì nhận định trên càng rõ ràng hơn).

Xét về mặt tính chất của loại tội phạm thì những tội phạm có quy định yếu tố động cơ, mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm đều là những loại tội phạm phức tạp, việc chứng minh tội phạm trong những trường hợp này đều không đơn giản.

Ví dụ: Điều 142 quy định: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm triệu đồng trở lên... thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù thừ ba tháng đến hai năm”. Rõ ràng đây là tội phạm ít nghiêm trọng, song việc chứng minh “động cơ vụ lợi” hoàn toàn không đơn giản. Tương tự như vậy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm chức vụ, tội xâm phạm trận tự quản lý kinh tế..v.v có rất nhiều tội mà việc xác định dấu hiệu động cơ, mục đích là bắt buộc.

Do vậy, để đảm bảo yêu cầu vừa nhanh vừa trách tuỳ tiện trong việc xác định loại tội phạm cần áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn, các cơ quan chức năng cần xác định rõ trong văn bản pháp luật những tội phạm nào (thuộc điều, khoản cụ thể) trong Bộ luật hình sự được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hạn chế sự tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật, giúp cho cơ quan, cán bộ tiến hành tố tụng hình sự có căn cứ đế xác định ngay loại tội phạm đó có nằm trong diện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn không.

2.2.2. Điều kiện về tính chất của hành vi phạm tội cụ thể.

Tính chất của hành vi phạm tội cụ thể là dấu hiệu thể hiện rõ bản chất của vụ việc có thuộc loại tội phạm được đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn hay không. Đa số các luật gia, các nhà nghiên cứu đều tán đồng quan điểm sự việc phạm tội (hành vi phạm tội) có tính chất đơn giản là điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Chúng tôi cho rằng, dấu hiệu “sự việc phạm tội đơn giản” là dấu hiệu thể hiện rõ nét nhất bản chất của vụ việc để xác định vụ việc đó có được đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn hay không. Nhưng nếu quy định đây là dấu hiệu bắt buộc trong pháp luật thì sẽ không khả thi. Bởi lẽ, thế nào là “sự việc phạm tội đơn giản”? khái niệm này chỉ có thể hiểu được thông qua từng vụ việc phạm tội cụ thể mà khó có thể khái quát trong pháp luật để làm căn cứ áp dụng đối với mọi loại tội phạm. Mà đã không lượng hoá được khái niệm trên thì việc xác định “sự việc phạm tội đơn giản” trên thực tế sẽ dễ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện.

Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy hầu hết các nước có áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đều không quy định yếu tố này là điều kiện bắt buộc để giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (trừ Đan Mạch). Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam trước đây (Thông tư số 10/TATC năm 1974) lại quy định một trong những điều kiện để áp dụng thủ tục rút ngắn là sự việc đơn giản nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể nào.

Tóm lại, dấu hiệu “sự việc phạm tội đơn giản” cần được tiếp tục nghiên cứu cần làm sâu sắc hơn các vấn đề về nội dung của nó như: yếu tố xác định được rõ ràng, nhanh chóng các dấu hiệu cấu thành của tội phạm, tội phạm đã thực hiện không có đồng phạm v.v. Trên cơ sở đó, có sự giải thích, hướng dẫn cụ thể. Nêu chăng cần quy định rõ là sự việc phạm tội không có đồng phạm, chứng cứ phạm tội đầy đủ, rõ ràng, việc xác định cấu thành tội phạm không mất nhiều thời gian.

2.2.3. Điều kiện về phát hiện tội phạm.

Điều kiện về phát hiện tội phạm như thế nào (tội phạm bị bắt trong trường hợp nào), chứng cứ ra sao... cũng là một điều kiện rất quan trọng để xác định vụ án có được đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn hay không. Về điều kiện phát hiện tội phạm, có các điều kiện sau:

- Người thực hiện tội phạm bị bắt quả tang;

- Chứng cứ phạm tội rõ ràng.

Về điều kiện người thực hiện phạm tội bị bắt quả tang có nhiều ý kiến khác nhau. Có quan điểm cho rằng, không cần thiết phải quy định điều kiện này vì trong nhiều trường hợp như: bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội ra đầu thú .v.v và vụ việc hội đủ các yếu tố khác thì cũng nên áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Chúng tôi nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khác. Nếu quy định dấu hiệu phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng là điều kiện xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì đây sẽ là một trong những điều kiện lý tưởng để xét xử vụ án được nhanh chóng. Trong tố tụng thời phong kiến trước đây, muốn xét xử vụ án chính xác thì bao giờ các quan chức xét xử cũng phải đưa ra đầy đủ “tang chứng, vật chứng” và yếu tố phạm tội quả tang luôn làm cho kẻ phạm tội “tâm phục, khẩu phục”.

Trong trường hợp chúng ta mở rộng điều kiện phát hiện tội phạm cả trong trường hợp bị bắt khẩn cấp thì rõ ràng việc điều tra, truy tố sẽ mất nhiều thời gian hơn trong trường hợp phạm tội quả tang.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu phạm tội trong trường hợp quả tang là điều kiện để đưa vụ án ra xét xử rút gọn thì liệu lượng án trên thực tế có ít quá không (tính khả thi của điều kiện này)?

Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì trong 5 năm (từ 1996 đến 2000) lượng bị can bị bắt trong trường hợp quả tang do cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết là cao nhất. Cụ thể là:

Các trường hợp bắt

1996

1997

1998

1999

2000

Số

%

Số

%

Số

%

Số

%

Số

%

Bắt bình thường

1657

1,8

2840

3,6

6526

7,7

7411

9,8

5910

1,3

Bắt khẩn cấp

24255

26,8

20875

26,5

22173

26,3

19427

25,8

11540

24,7

Bắt quả tang

64610

71,4

55129

69,9

55630

66,0

48534

64,4

29298

74,0

Tổng

90522

100%

78844

100%

84329

100%

75372

100%

46748

100%

 

Theo số liệu thống kê trên thì rõ ràng việc quy định phạm tội trong trường hợp quả tang là điều kiện để đưa vụ án ra xét xử rút gọn hoàn toàn có tính khả thi. Điều kiện này sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết làm cho vụ án được xét xử nhanh chóng, chính xác.

2.2.4. Điều kiện về nhân thân của người phạm tôi.

Dưới góc độ luật học, nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng thể các đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội của người thực hiện tội phạm được cân nhắc để giải quyết những vấn đề của trách nhiệm hình sự (cá thể hoá hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, miễn và giảm hình phạt)[29].

Trong quá trình nghiên cứu về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn có khá nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề nhân thân người phạm tội. Trong các đặc điểm về nhân thân người phạm tội có nhiều ý kiến cho rằng cần đưa các đặc điểm như: người phạm tội không có tiền án tiền sự (phạm tội lần đầu), có căn cước, lai lịch, nơi cư trú rõ ràng, người phạm tội là người đã thành niên... là điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Mỗi quan điểm đều có cách lập luận riêng với mục đích khác nhau[30].

Như đã phân tích ở trên, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được đặt ra nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số loại án nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác, khách quan trong quá trình xem xét và giải quyết vụ án. Do vậy, đặc điểm nhân thân người phạm tội không có tiền án tiền sự (phạm tội lần đầu) hầu như không ảnh hưởng đến việc lựa chọn thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Bởi lẽ thời gian để xác minh bị can có tiền án, tiền sự và thời gian để xác minh bị can không có tiền án, tiền sự đều như nhau (có ý kiến cho rằng nến bị can, bị cáo có tiền án, tiền sự thì việc xác minh tiền án, tiền sự sẽ ảnh hưởng đến thời gian tiến hành tố tụng, do vậy khó áp dụng được thủ tục tố tụng hình sự rút gọn). Đồng thời, nếu bị can có tiền án, tiền sự cũng không làm cho vụ án phạm tội cụ thể phức tạp hơn, mà đặc điểm này chỉ là một tình tiết tăng nặng đối với bản thân bị can, bị cáo đó.

Về đặc điểm nhân thân bị can là người đã thành niên: ý kiến coi đây là điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cho rằng người chưa thành niên phạm tội cần được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục đầy đủ để vừa có điều kiện bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của họ, đồng thời phát huy tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa[31]. Chúng tôi cho rằng, việc bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa cho bị can, bị cáo (là người chưa thành niên) là rất cần thiết (vấn đề này sẽ được đề cập kỹ ở phần sau), song không vì vậy mà quá câu nệ vấn đề bảo đảm quyền bào chữa. Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội thì trong mọi trường hợp đều phải có người bào chữa (Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự 1988). Với quy định này, quyền bào chữa của người chưa thành niên luôn được bảo đảm. Do vậy, việc đưa điều kiện thủ tục xét xử rút gọn chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã thành niên là không cần thiết.

Về vấn đề xác định rõ ràng lai lịch, căn cước của bị can là điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự là cần thiết. Bởi lẽ, nếu không rõ lý lịch, căn cước của bị can (mặc dù sự việc phạm tội hội đủ các yếu tố cần thiết khác để xét xử theo thủ tục rút gọn) thì không thể xác minh được các yếu tố khác thuộc về nhân thân người phạm tội mà có ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt (như: có tiền án, tiền sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm v.v.) cũng như việc bảo đảm cho thi hành án sau này. Do vậy, việc xác định căn cước, lai lịch rõ ràng của bị can là điều cần thiết đối với bất kỳ vụ án nào (không kể là được tiến hành theo thủ tục thường hay thủ tục xét xử rút gọn). Vấn đề đặt ra ở đây không phải là “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng”[32] mà là việc xác định được căn cước, lai lịch của người phạm tội dễ dàng, nhanh chóng, không ảnh hưởng đến thời hạn cho việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng như bảo đảm cho quá trình thi hành án sau này. Nếu việc xác định căn cước, lai lịch của bị can có nhiều tình tiết phức tạp, chưa rõ ràng, phải mất nhiều thời gian xác minh, điều tra thì không thể áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Tóm lại, điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thuộc về nhân thân người phạm tội là thời hạn cần thiết để điều tra, xác minh rõ ràng căn cước, lai lịch của bị can không mất quá nhiều thời gian (có thể chỉ cần 1 hoặc 2 ngày).

2.2.5. Điều kiện về sự tự nguyện của bị can trong việc lựa chọn hình thức tố tụng hình sự rút gọn.

Đây là điều kiện thuộc về chủ quan của người phạm tội, nó cho phép đối với các vụ án đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, người phạm tội có quyền lựa chọn hình thức tố tụng để giải quyết vụ án. Nếu họ không đồng ý áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn, vụ án phải được giải quyết theo thủ tục thông thường.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong thủ tục rút gọn không nên đặt vấn đề người phạm tội có quyền lựa chọn thủ tục này hay thủ tục kia để toà án xét xử về hành vi phạm tội của mình vì đối với những vụ án ít nghiêm trọng, lại đơn giản, rõ ràng, bị cáo đã nhận tội thì không nhất thiết phải dành nhiều thời gian để bị cáo chuẩn bị bào chữa. Hơn nữa, quyền bào chữa của bị cáo trước toà vẫn được đảm bảo; bị cáo vẫn được trình bày các sự việc và đề nghị Toà án xem xét tính chất và mức độ của hành vi phạm tội và cân nhắc một hình phạt thích hợp. Nếu họ không nhất trí với việc xét xử thì vẫn có quyền kháng cáo theo thủ tục chung[33].

Quan điểm của chúng tôi (như đã trình bầy tại phần I) cho rằng, mặc dù thủ tục tố tụng hình sự rút gọn vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nói chung, nhưng ít nhiều, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng có những hạn chế nhất định. Do bị rút ngắn về thời gian và một số thủ tục khác (như không có bản kết luận điều tra, cáo trạng...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bị can, bị cáo, thậm chí trong một số trường hợp làm cho bản án sai lệnh v.v. Do vậy, việc quy định bị can có quyền lựa chọn hình thức tố tụng thông thường hay rút gọn đối với vụ án của mình là hoàn toàn cần thiết. Bởi lẽ, quyền được xét xử với một thủ tục đầy đủ theo luật tố tụng hình sự là một quyền cơ bản của công dân. Sẽ là không công bằng nếu một người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, tính chất đơn giản, rõ ràng lại bị xử lý theo một thủ tục ít nhiều mang tính hạn chế hơn những trường hợp phạm tội phức tạp, nghiêm trọng khác về điều kiện thực hiện các quyền (đặc biệt là về thời gian). Do vậy, việc quy định bị can có quyền lựa chọn thủ tục tố tụng đối với vụ án của mình (khi vụ án có đủ điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn) là biện pháp tốt nhất để đảm bảo quyền bào chữa của họ. Bằng việc lựa chọn này họ đã tự quyết định có cần phải có người bào chữa hay không, mức độ đến đâu… Đây cũng là yêu cầu cần thiết để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Do vậy, trong trường hợp vụ án thuộc loại được áp dụng theo thủ tục rút gọn thì cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) phải thông báo và giải thích rõ cho bị can biết họ có quyền được lựa chọn việc áp dụng thủ tục tố tụng thông thường hay rút gọn đối với vụ án của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là có cần phải giới hạn sự lựa chọn của bị can hay không? Tức là quyền lựa chọn thủ tục tố tụng hình sự rút gọn của bị can chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra hay ngay cả khi vụ án đã chuyển sang giai đoạn xét xử sơ thẩm. Chúng tôi cho rằng quyền lựa chọn thủ tục tố tụng hình của bị can chỉ nên giới hạn trong giai đoạn điều tra. Đây là khoảng thời gian đủ để bị can cân nhắc kỹ việc lựa chọn thủ tục tố tụng nào. Nếu mở rộng cả đến các giai đoạn sau thì mục đích của việc áp dụng thủ tục không những không đạt được mà còn gây phức tạp cho quá trình tố tụng, đồng thời đây cũng là kẽ hở để bị can trì hoãn, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Tham khảo kinh nghiệm một số nước như Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc đều cho phép bị can, bị cáo được phép lựa chọn việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

3. Nội dung của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

3.1. Rút gọn về thời gian.

Thời hạn trong tố tụng hình sự là khoảng thời gian tối đa mà Bộ luật tố tụng hình sự cho phép các trình tự, thủ tục phải được tiến hành.

Một trong những mục đích quan trọng của việc xây dựng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn là để rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án hình sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng… Việc quy định một thời hạn cho các trình tự, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn phải trên cơ sở khoa học, có tính khả thi, vừa bảo đảm cho hoạt động tố tụng diễn ra nhanh chóng, kịp thời, vừa bảo đảm tính chính xác, khách quan. Cơ sở của việc rút ngắn thời hạn trọng tố tụng hình sự rút gọn là xuất phát từ bản chất của vụ án (đơn giản, chứng cứ rõ ràng) mà biểu hiện cụ thể của nó là các điều kiện để xác định một vụ án cần được tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (như đã phân tích ở phần trên).

Thời hạn giải quyết vụ án hình sự thường phụ thuộc vào các yếu tố (tính chất của tội phạm, khối lượng công việc của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; điều kiện, phương tiện làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng .v.v.

Việc xác định một thời hạn hợp lý cho việc giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần phải căn cứ vào các yếu tố kể trên, đồng thời  có cân nhắc hợp lý các yếu tố khác như: kinh nghiệm trong pháp luật tố tụng hình sự trước đây, thực tiễn điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự thông thường v.v.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy thời gian tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn thường ngắn hơn so với thủ tục thông thường như: Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản …

Theo quy định của Thông tư 10/TATC ngày 07/08/1974 của Toà án Tối cao, Chỉ thị số 954/CP ngày 17/8/1974 của Bộ Công an, Thông tư số 01 –TT ngày 28/02/1975 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gắn là không quá 14 ngày (thời hạn điều tra 3 ngày, thời hạn truy tố 1 ngày, thời hạn xét xử là 3 ngày và được gia hạn để xét xử không quá 7 ngày).

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 1988 thì thời gian tiến hành tố tụng đối với các vụ án ít nghiêm trọng tối đa là khoảng 8,5 tháng (thời hạn điều tra 4 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 60 ngày; xét xử sơ thẩm 75 ngày); đối với vụ án nghiêm trọng khoảng 13 tháng (thời hạn điều tra 8 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 60 ngày; xét xử sơ thẩm 90 ngày); đối với vụ án rất nghiêm trọng khoảng 18 tháng (thời hạn điều tra tối đa 12 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 75 ngày; xét xử sơ thẩm 4 tháng); đối với vụ án đăc biệt nghiêm trọng khoảng 24 tháng (thời hạn điều tra tối đa 16 tháng; truy tố và gửi hồ sơ: 90 ngày; xét xử sơ thẩm 5 tháng. Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất rất phức tạp thì thời hạn có thể lâu hơn nữa)[34].

Bảng thống kê thời hạn tiến hành tố tụng

Thời hạn

Tội

Thời hạn điều tra (tối đa)

Thời hạn truy tố (tối đa)

Thời hạn xét xử sơ thẩm (tối đa)

Tổng

Tội ít nghiêm trọng

4 tháng

60 ngày

75 ngày

 8,5 tháng

Tội nghiêm trọng

8 tháng

60 ngày

90 ngày

13 tháng

Tội rất nghiêm trọng

12 tháng

75 ngày

4 tháng

18, 5 tháng

Tội đặc biệt nghiêm trọng

16 tháng (trường hợp đăc biệt là 20 tháng)

90 ngày

5 tháng

24 tháng (trường hợp đặc biệt 28 tháng)

 

Từ bảng thống kê trên cho thấy nếu một vụ án phạm pháp quả tang, tính chất phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng mà được tiến hành theo thủ tục tố tụng thông thường với khoảng thời gian như nêu trên thì chắc chắn sẽ không cần thiết. Thực tế cho thấy những loại án này cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần một thời hạn tương đối ngắn (thường khoảng trên dưới 1 tháng) để giải quyết vụ án mà không cần kéo dài thời hạn như quy định của pháp luật.

          Để có thể đưa ra những đánh giá có căn cứ về thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về điều tra đối với các vụ án thoả mãn điều kiện rút gọn, chúng tôi xin dẫn chiếu một số vụ phạm tội quả tang đã được cơ quan điều tra Quận Hoàn Kiếm tiến hành trong năm 2002[35]:

Vụ án 1: Vụ phạm pháp quả tang “trộm cắp xe đạp” (Hồ sơ hình sự sơ thẩm thụ lý số 298 ngày 19/8/2002): Ra quyết định khởi tố Vụ án hình sự số 227/QĐ-CAQHK ngày 7/6/2002 đối với Hoàng Đức Hùng sinh năm 1965 thường trú tại 40 Đường Thành về tội trộm cắp tài sản công dân; Quyết định khởi tố bị can số 299 ngày 10/6/2002 của công an quận Hoàn Kiếm; Bản kết luận điều tra số 231 ngày 8/7/2002 của công an quận Hoàn Kiếm. Bị cáo Hoàng Đức Hùng bị đưa ra xét xử ngày 19/8/2002 về tội trộm cắp tài sản công dân điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS 1999. Như vậy, tổng thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ án này là 72 ngày.

Vụ án 2: Vụ phạm pháp quả tang: trộm cắp tài sản tại Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Hồ sơ hình sự sơ thẩm thụ lý số 296 ngày 19/8/2002) Bị cáo: Ngô Minh Thắng sinh năm 1969. Nơi thường trú: Gốc 183 tổ 15 Phường Trung Liệt, Đống Đa – Hà Nội: Báo cáo bắt giữ người ngày 1/6/2002 về tội phạm pháp quả tang. Lập cáo trạng số 208/KSĐT ngày 7/8/2002. Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra quận Hoàn Kiếm ngày 23/7/2002. Xét xử sơ thẩm ngày 30/8/2002 về tội danh quy định tại khoản 1 Điều 138 và khoản 1 Điều 48 BLHS năm 1999; áp dụng khoản 2 Điều 82 và khoản 1 Điều 208 BLTTHS. Như vậy, tổng thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ án này là 90 ngày.

Vụ án 3: Phạm pháp quả tang: tội trộm cắp tài sản. Bị cáo: Đỗ Chí Quân sinh năm 1976. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Hoà Hợp, Tam Dương, Vĩnh Phúc: Lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang vào hồi 5h15 ngày 29/5/2002. Bản kết luận điều tra ngày 9/7/2002 của công an quận Hoàn Kiếm[36].        

          Qua 3 vụ phạm pháp quả tang trên cho thấy các thủ tục tố tụng được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định như: ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, lập biên bản bắt người, lập biên bản xác minh nơi thường trú, biên bản xác minh tiền án tiền sự (nếu có), đề nghị tạm giữ, tạm giam gửi Viện kiểm sát cùng cấp, thông báo về việc bắt, tạm giữ, tạm giam về chính quyền địa phương, về gia đình của người đó...kết luận điều tra của Công an, bản cáo trạng, xét xử sơ thẩm…. Tuy nhiên, trong 3 vụ án phạm pháp quả tang đều có những đặc điểm, tính chất là đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Do vậy, thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án này được tiến hành trong thời gian ngắn. Chẳng hạn: trong vụ án 1: Thời hạn kể từ khi bắt đầu thủ tục điều tra cho đến khi kết thức điều tra là 31ngày (từ ngày 7/6/2002 đến ngày 8/7/2002); trong vụ án 2: Thời hạn kể từ khi bắt đầu thủ tục điều tra cho đến khi kết thức điều tra 53 ngày (từ ngày 1/6/2002 đến ngày 23/7/2002); trong vụ án 3: Thời hạn kể từ khi bắt đầu thủ tục điều tra cho đến khi kết thức điều tra 40 ngày (từ ngày 29/5/2002 đến ngày 9/7/2002)

          Điểm quan tâm của 3 vụ án này là thời hạn từ khi hoàn tất các thủ tục điều tra cho đến khi làm bản kết luận điều tra lại quá dài ở vụ án 1: là 26 ngày (từ ngày 12/6/2002 đến ngày 8/7/2002); vụ án 2: 14 ngày (từ ngày 9/7/2002 đến ngày 23/7/2002); vụ án 3: 22 ngày (từ ngày 13/6/2002 đến ngày 9/7/2002).

          Chúng tôi cho rằng không cần thiết phải mất quá nhiều thời gian để làm bản kết luận điều tra, nếu như các thủ tục đã hoàn tất thì trên cơ sở tình tiết vụ án, các chứng cứ chứng minh vụ án, lý lịch, căn cước rõ ràng và bản thân người phạm tộ đã nhận tội thì cơ quan điều tra đó có thể làm đề nghị gửi Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố mà không cần thiết phải làm bản kết luận điều tra. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tội phạm ngày một gia tăng về số lượng cũng như tính chất, mức độ phạm tội, các cán bộ điều tra đã phải dồn nhiều tâm sức vào công tác điều tra phá án, thiết nghĩ các vụ án phạm pháp quả tang, tình tiết đơn giản, rõ ràng, người phạm tội nhận tội thì cũng không nên mất quá nhiều thời gian kéo dài việc giải quyết vụ án mà nên tập trung vào những vụ án phức tạp, nghiệm trọng như vậy sẽ tốt hơn vừa giảm được sức người, sức của mà lại có hiệu quả.

Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án được xét xử theo thủ tục tố tụng rút gọn 30 ngày là hợp lý. Cụ thể là:

  • Thời hạn điều tra là 12 ngày;
  • Thời hạn truy tố là 4 ngày;
  • Thời hạn xét xử là: 14 ngày ( trong đó thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là 7 ngày, thời hạn chuẩn bị xét xử là 7 ngày)

Vấn đề đặt ra là nếu vì một lý do nào đó, thời hạn tiến hành tố tụng bị vi phạm thì giải quyết thế nào?

Chúng tôi cho rằng, nếu lý do làm cho vụ án bị kéo dài thời gian tố tụng xuất phát từ bản chất phức tạp của vụ án, thì vụ án nên được chuyển sang xét xử theo thủ tục thường, cho dù vụ án đang ở giai đoạn nào đi nữa (điều tra, truy tố hay xét xử sơ thẩm. Vì khi đó, vụ án đã không còn đơn giản nữa, việc xem xét các tình tiết của vụ án cần phải được tiến hành theo đúng trình tự tố tụng thông thường.

Trong trường hợp vụ án bị kéo dài thời hạn không xuất phát từ bản chất của vụ án (như do cơ quan tiến hành tố tụng trì trệ) thì cho dù có vi phạm thời hạn tố tụng chúng ta vẫn nên tiến hành tiếp vụ án theo thủ tục rút gọn. Vì khi đó nếu tiến hành theo thủ tục thông thường thì các thủ tục đầy đủ khác (như là cáo trạng, tống đạt cáo trạng, kéo dài thêm thời hạn tố tụng…) đều không cần thiết và ở mức độ nào đó đều là lãng phí (công sức, tài chính, nhân lực…).

3.2. Rút gọn về thủ tục.

Như đã đề cập trong các phần trên, thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thực chất là sự đơn giản hoá, giảm bớt các thủ tục, công đoạn không cần thiết của quá trình giải quyết vụ án. Sự giản lược này không thể xuất phát từ ý chí chủ quan của nhà làm luật hay ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng mà nó xuất phát từ bản chất của vấn đề. Đó là những vụ án bản chất của nó là đơn giản, đáp ứng đủ các điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn như đã phân tích trong các phần trên.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, cho thấy thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thường được rút gọn ở một số khâu, rút ngắn thời gian, lược bỏ một số văn bản pháp lý trung gian mang tính chất hình thức, giảm bớt thành phần tiến hành và tham gia tố tụng ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

3.2.1. Giai đoạn điều tra vụ án.

Qua nghiên cứu thủ tục tố tụng hình sự rút gọn của các nước cho thấy, trong giai đoạn điều tra, phần lớn các nước chỉ quy định về rút gọn thời hạn điều tra, còn các thủ tục khác thường tiến hành theo thủ tục thông thường hoặc chỉ giảm lược một số thủ tục không đáng kể. Chẳng hạn: theo quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự Tây úc, các vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn không có cáo trạng. Pháp luật của nhiều bang của Canada đều quy định, việc khởi tố theo thủ tục rút gọn bắt đầu bằng việc gửi đơn tố cáo lên Toà án và phiên toà rút gọn chỉ là việc xét xử theo đơn tố cáo (hầu như không có hoạt động điều tra trước phiên toà). Pháp luật tố tụng hình sự Hàn Quốc quy định cảnh sát có quyền truy tố tội phạm ra trước Toà án. Trong khi đó theo pháp luật của Mỹ, Ý, Đức .v.v thì việc dàn xếp cung khai nhận tội là nội dung cơ bản trước khi xét xử.

Theo quy định của pháp luật nước ta trước đây, (Chỉ thị số 954-CP ngày 17.8.1974 của Bộ Công an) thì các thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở giai đoạn điều tra được rút gọn ở mức tối đa. Đối với các vụ án phạm pháp quả tang, nếu biên bản phạm pháp quả tang đã được lập đầy đủ, đúng pháp luật thì hồ sơ điều tra vụ án chỉ bao gồm: Biên bản phạm pháp quả  tang, lý lịch bị can, bản trích lục tiền án, tiền sự của bị can (nếu có) và Công văn chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân. Cơ quan điều tra không phải ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không phải làm bản kết luận điều tra. Nếu biên bản phạm pháp quả tang lập chưa đầy đủ thì hồ sơ có thêm các biên bản xét hỏi bị can để bổ sung các tình tiết mà biên bản phạm pháp quả tang còn thiếu.

Theo quy định của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tháng 8/2003) thì thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở giai đoạn điều tra gồm: (1) lập biên bản phạm pháp quả tang, khởi tố vụ án, khởi tố bị can; (2) Viện trưởng (hoặc phó Viện trưởng) Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn hoặc theo đề nghị của cơ quan điều tra); (4) việc điều tra được tiến hành theo thủ tục chung nhưng khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát (Điều 319, 320 Dự thảo).

Chúng tôi cho rằng, không nên quy định Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Làm như vậy, thủ tục rút gọn lại trở nên vòng vèo hơn, phức tạp hơn so với thủ tục thông thường, mà nên quy định Cơ quan điều tra trực tiếp ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trên cơ sở sự đồng ý của đương sự (như đã phân tích ở phần điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn). Quyết định này được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời gian 24 giờ để Viện kiểm sát hoạt động điều tra. Nếu không đồng ý, Viện kiểm sát có thể ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan điều tra, khi đó, vụ án đương nhiên được áp dụng theo thủ tục thường.

Bản chất các vụ án loại này là đơn giản, chứng cứ của vụ án phần lớn đã được phản ánh trong biên bản phạm pháp quả tang nên các hoạt động điều tra như: hỏi cung, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất… cũng cần được rút gọn ở mức độ tối đa. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới tiến hành các hoạt động lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất… Các hoạt động điều tra đối với các vụ án này chủ yếu là xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có) … Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không cần thiết phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố lên Viện kiểm sát là hợp lý. Trong quyết định truy tố không cần thiết phải nêu lại toàn bộ nội dung vụ án mà chỉ cần đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường (nếu có).

Do vậy, chúng tôi cho rằng các thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong giai đoạn điều tra sẽ là:

  1. Lập biên bản phạm pháp quả tang;
  2. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
  3.  Tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có) …
  4. Thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn) trên cơ sở có sự đồng ý của bị can;
  5. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như:  hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định v.v.
  6. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường (nếu có) và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

3.2.2. Giai đoạn truy tố.

          Theo pháp luật hình sự hiện hành thì khi nhận được hồ sơ vụ án tứ cơ quan điều tra, trong thời hạn luật định Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra một trong các những quyết định sau:

  • Truy tố bị can ra trước toà bằng bản cáo trạng;
  • Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Chúng tôi cho rằng, đối với các vụ án có được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì về căn bản Viện kiểm sát cũng có thể ra một trong những quyết định kể trên. Các căn cứ để Viện kiểm sát ra các quyết định: trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đều được áp dụng theo các căn cứ đối với vụ án thông thường[37].

(1) Các căn cứ để Viện kiểm sát ra quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án được quy định tại Điều 143a và Điều 143b Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành cho thấy khi này bản chất vụ án đã không còn là đơn giản nữa (còn thiếu chứng cứ mà Viện kiểm sát không thể bổ sung hoặc là có căn cứ để khởi tố bị can về một tội khác hoặc có người đồng phạm khác …) hoặc Cơ quan điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc là do những điều kiện khách quan mà vụ án không thể tiến hành đúng thời hạn luật định (bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo, bị can bỏ trốn). Do vậy, trong trường hợp này tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng (điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn) đã không còn nữa, nên vụ án cần được áp dụng theo thủ tục thông thường.

(2) Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận thấy vụ án có đủ điều kiện để truy tố trước toà thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trong thời hạn luật định (như phân tích ở mục trên là 4 ngày). Tuy nhiên, do vụ án đơn giản các vấn đề cần được chứng minh của một vụ án (Điều 47 Bộ luật tố tụng hình sự) đã được phản ánh rõ ràng và đầy đủ trong biên bản phạm tội quả tang và một số tài liệu bổ sung của Cơ quan điều tra, nên trong trường hợp này Viện kiểm sát không cần thiết phải làm bản cáo trạng theo thủ tục thông thường mà chỉ cần ra quyết định truy tố ngắn gọn trong đó xác định rõ: giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; bị truy tố về tội danh gì? theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự và trách nhiệm dân sự (nếu có). Quyết định này cần được thông báo ngay cho bị can để thực hiện quyền bào chữa.

          Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) về cơ bản cũng quy định theo hướng này. Tham khảo kinh nghiệm của các nước cho thấy phần lớn các nước đều quy định trong trường hợp vụ án được truy tố theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì Viện kiểm sát không cần làm cáo trạng mà chỉ làm quyết định truy tố có nội dung ngắn gọn gửi sang Toà án (như Nhật Bản, Pháp, Australia …). Pháp luật hình sự Việt Nam trước đây cũng quy định theo hướng này (xem thông tư số 10TATC ngày 8.7.1974 của Toà án tối cao).

          3.2.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Như chúng tôi đã nêu ở các phần trên, trong các quy định về thủ tục rút gọn của một số nước, việc rút gọn chủ yếu tập trung ở giai đoạn xét xử. Có nước không tổ chức phiên toà xét xử mà toà án ra quyết định áp dụng hình phạt trực tiếp (gọi là biện pháp thay thế xét xử) như Cộng hoà Pháp ở Hàn Quốc, ltalia. Tại một số nước khác, thủ tục xét xử hình sự rút gọn được rút gọn ở những khâu như: Hội đồng xét xử chỉ có 1 thẩm phán (Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Đan Mạch, Australia, Vương quốc Anh), không bắt buộc sự tham gia của Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử không cần thông qua đầy đủ các thủ tục (Trung Quốc)...

Pháp luật hình sự trước đây của nước ta cũng quy định theo hướng trong vụ án xét xử theo thủ tục rút ngắn thì trình tự tố tụng tại phiên toà vẫn theo thủ tục thông thường, chỉ khác là không có việc đọc cáo trạng trước khi thẩm vấn (xem Thông tư sô 10/TATC ngày 08/7/1974 của Toà án nhân dân tối cao).

Hiện nay, có các ý kiến khác nhau về nội dung rút gọn, thủ tục xét xử án rút gọn:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong phiên toà xét xử theo thủ tục rút gọn, Hội đồng xét xử chỉ nên gồm 1 thẩm phán. Việc tham gia phiên toà của đại diện Viện Kiểm sát là không bắt buộc;

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng, do tính chất quan trọng của việc xét xử án hình sự và hậu quả pháp lý tác động đến bị cáo nên thủ tục này nên tuân theo thủ tục chung. Hơn nữa, nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 131 Hiến pháp 1992) là không thể thay đổi[38].

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân tháng 8/2003 cũng quy định theo hướng này.

Khi nghiên cứu tố tụng hình sự rút gọn giai đoạn xét xử, chúng tôi thấy cần phải nghiên cứu các vấn đề quan trọng sau:

(1) Về Hội đồng xét xử:

Nếu quy định việc xét xử không có Hội đồng xét xử mà chỉ có 1 Thẩm phán[39] thì việc xét xử ở Toà án có ưu điểm là nhanh chóng, giải quyết được một số lượng lớn án tồn đọng và do tính chất của vụ án là đơn giản, chứng cứ rõ ràng nên vụ án vẫn đảm bảo tính chính xác, đúng pháp luật. Điều này cũng phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Chúng tôi cho rằng, tố tụng hình sự rút gọn là một hình thức tố tụng hình sự đặc biệt. Tuy nhiên dù đặc biệt đến đâu cũng không thể trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong một quốc gia đơn nhất với một hệ thống pháp luật thống nhất như nước ta thì không thể chấp nhận 2 hình thức tố tụng khác nhau song song cùng tồn tại. Theo quy định của Hiến pháp 1992 (sửa đổi) thì các nguyên tắc: Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.” (Điều 129); “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số” (Điều 131) là những nguyên tắc cơ bản không thể thay thế. Do vậy, việc xét xử theo thủ tục rút gọn nhất thiết phải được tiến hành bởi một Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia.

(2) Đối với các thành phần khác tham gia phiên toà:

(a) Thứ nhất, vấn đề thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát tại phiên toà sơ thẩm.

Có quan điểm cho rằng trong trường hợp này không nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát mà nên quy định theo hướng: Nếu xét thấy cần thiết thì Viện Kiểm sát cử đại diện tham gia phiên toà, nếu không thì phải có kết luận bằng văn bản gửi cho toà án trước khi mở phiên toà. Còn theo Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân quy định theo hướng sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát trong trường hợp này là bắt buộc. Chúng tôi đồng tình với quy định của Dự thảo, vì đây là sự thận trọng cần thiết nhằm đảm bảo tính khách quan của việc xét xử.

(b) Thứ hai là sự tham gia của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Theo chúng tôi, do chứng cứ của vụ án đã rõ ràng, bị cáo đã chấp nhận toàn bộ chứng cứ, muốn được xét xử theo thủ tục rút gọn nên họ có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải tham dự phiên toà. Người bào chữa có thể không cần dự phiên toà nhưng phải gửi trước bản bào chữa tới phiên toà (nếu được thân chủ đồng ý). Việc tham dự phiên toà đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp cho họ cũng nên quy định theo hướng không bắt buộc.

(3) Đối với các quyết định của Hội đồng xét xử.

Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định theo hướng: trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây: a) Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án; d) Đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại điểm a  thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.  

Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm  đối với vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn chúng tôi đồng tình với quan điểm này. Vì như đã biện luận tại mục phạm vi của thủ tục tố tụng rút gọn và thủ tục rút gọn “trong giai đoạn truy tố” thì mọi hướng mở rộng phạm vi thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với trường hợp vụ án bị trả lại để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc sang các giai đoạn khác của quá trình tố tụng (giai đoạn phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đều không phản ánh đúng bản chất của loại án này (xin xem mục “phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn” trang 42 và mục thủ tục rút gọn “trong giai đoạn truy tố” trang 63).

 

 

 

 

 

4. Hoạt động kiểm sát đối với các vụ án áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

4.1. Công tác kiểm sát trong quá trình điều tra và truy tố can phạm.

- Đối với hoạt động khởi tố.

Như trên đã phân tích, hoạt động kiểm sát khởi tố của Viện Kiểm sát là để bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án chính xác, tránh oan sai, lọt tội phạm ngay trong giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hành tố tụng. Ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật mà không cần có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát không ảnh hưởng đến thời hạn điều tra của cơ quan điều tra. Chính vì vậy, trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cần phải duy trì thủ tục kiểm sát khởi tố như theo thủ tục thông thường.

Do vậy, khi tiến hành kiểm sát quyết định khởi tố của cơ quan điều tra,  nếu thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng không thuộc trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan điều tra và vụ án được tiến hành theo thủ tục thông thường.

Kiểm sát viên là người chịu trách nhiệm xem xét kiểm tra, bảo đảm tài liệu hồ sơ vụ án áp dụng theo đúng thủ tục rút gọn đạt yêu cầu chính xác, đầy đủ, rõ ràng và hợp pháp.

Hồ sơ theo thủ tục rút gọn phải bao gồm các tài liệu sau:

- Biên bản ban đầu về việc phạm pháp quả tang (có kèm bản kê tang vật và giấy khám thương nếu có)

- Biên bản xét hỏi của cơ quan điều tra.

- Lý lịch bị can.

- Trích lục tiền án, tiền sự.

- Lệnh tạm giữ, tạm giam (nếu có)

- Quyết định việc truy tố.

Trong hoạt động kiểm sát điều tra đối với các vụ án loại này thì việc kiểm sát biên bản quả tang là hoạt động quan trọng nhất. Về nhận thức, cần thấy biên bản phạm pháp quả tang là một hồ sơ phạm tội được thu gọn lại gồm đủ các tài liệu về hiện trường, thời gian địa điểm phạm tội, cung của can phạm, lời khai của người bị hại và nhân chứng, cho đến tang vật chứng và những nét chính về lai lịch bị can. Biên bản phạm pháp quả tang phải là biên bản gốc, lập ban đầu ngay kể từ khi xảy ra sự việc có lời khai và chữ ký của các bên, nhất là bị can, người bị hại, người làm chứng.

- Kiểm sát biên bản xét hỏi:

Biên bản xét hỏi thực chất là tài liệu kiểm tra và bổ sung cho biên bản ban đầu (trong trường hợp biên bản ban đầu chưa phản ánh hết chứng cứ và các tình tiết liên quan của vụ án). Kiểm sát viên cần xem xét nội dung biên bản xét hỏi đó đã làm sáng rõ biên bản ban đầu chưa hoặc còn có mâu thuẫn cần xem xét không. Biên bản xét hỏi không cần hỏi lại tất cả sự việc mà chỗ nào chưa rõ thì hỏi thêm, rõ rồi thì kiểm sát viên chỉ cần lưu ý cán bộ điều tra hỏi lại xem bị can có nhận tội như biên bản gốc hay không?

- Kiểm sát viên kiểm sát bản khai lý lịch bị can.

Trong việc kiểm sát bản khai lý lịch của bị can thì cần lưu ý trong lý lịch có nói rõ được nghề nghiệp bị can lúc phạm tội và có tiên án tiền sự không? Bản lý lịch đó phải khai theo mẫu in của Bộ Công an phát hành và phải do các cơ quan sau lập. Trường hợp lý lịch chưa phản ánh rõ nhân thân của bị can thì phải yêu cầu cơ quan công an kiểm tra lại.

- Kiểm sát bản trích lục tiền án tiền sự.

Trong hoạt động này cần xác định nhân thân của bị can về tư pháp lý lịch,  giúp cho việc áp đụng đường lối xét xử một cách thích hợp. Trường hợp bản trích lục ghi bị can có tiền án hoặc tiền sự, thì cần phải nói rõ tội danh, ngày phạm pháp, cơ quan nào ra quyết định xử lý và theo hình thức gì. Trích lục tiền án tiền sự là tài liệu cần có trong hồ sơ làm theo thủ tục rút gọn.

- Hoạt động của kiểm sát viên xem xét việc tạm giữ và quyết định phê chuẩn các lệnh tạm giam. Trường hợp đối tượng ít nguy hiểm, tính chất và mức độ hành vi không nghiêm trọng, cho tại ngoại không ảnh hưởng gì lớn đến trật tự xã hội và không trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần tạm giữ, hoặc đã hết hạn thì cho tại ngoại chờ xét xử. Trường hợp cần tạm giam thì Viện Kiểm cần phải đảm bảo xem xét phê chuẩn trong thời hạn ngắn nhất.

4.2. Công tác kiểm sát trong giai đoạn truy tố.

Nhận được hồ sơ, công văn đề nghị truy tố, kiểm sát viên phải kiểm tra hồ sơ lần cuối. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, rõ ràng và hợp pháp rồi thì báo cáo đề xuất ý kiến xử lý với Viện trưởng để ra quyết định truy tố. Trường hợp vụ án không đủ điều kiện để đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn thì trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra tiến hành theo thủ tục thông thường.

4.3. Công tác kiểm sát trong quá trình xét xử.

Yêu cầu của công tác kiểm sát xét xử đối với các vụ án áp dụng theo thủ tục rút gọn vẫn là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có tác dụng giáo dục phòng ngừa, đồng thời phải đảm bảo việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử. Vì vậy, công tác công tố trước toà góp phần cùng toà án đảm bảo các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự và quyền dân chủ hợp pháp của bị can, song trình tự cần đơn giản, thiết thực và khẩn trương. Những vụ án phát hiện có sơ hở hoặc vi phạm pháp luật về quản lý, kiểm sát viên yêu cầu toà án mời đại diện cơ quan chủ quản hoặc chủ gia đình can phạm tới để trả lời trước toà và tiếp nhận những kiến nghị nhằm khắc phục những sơ hở và vi phạm.

Kiểm sát viên làm công tác công tố tại phiên toà phải làm tốt nhiệm vụ công tố và phải kiểm sát hoạt động xét xử góp phần bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đạt yêu cầu chính trị và tác dụng phòng ngừa.

Tại phiên toà, kiểm sát viên kiểm sát việc Toà án đọc bản quyết định truy tố trước khi thẩm vấn. Việc luận tội của kiểm sát viên cần ngắn gọn, thiết thực. Những vụ nào thấy cần phân tích rõ tính chất để giáo dục phòng ngừa trong quản lý thì kiểm sát viên mới phát biểu một cách toàn diện, còn những trường hợp khác chỉ trình bầy kết luận ngắn gọn về tội phạm và đề xuất biện pháp múc độ xử lý.

Trong khi thẩm vấn trước toà, nếu gặp những tình tiết phức tạp (như phản cung, phát hiện tình tiết mới…) có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của vụ án đang xét xử thì kiểm sát viên cần xem xét kỹ các vấn đề nếu đủ căn cứ thì đề nghị toà án cho điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp này vụ án sẽ được tiến hành theo thủ tục chung.

5. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

5.1. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự. So với thủ tục thông thường, việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong vụ án được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn có những hạn chế nhất định (do thời gian tiến hành tố tụng ngắn hơn và một số thủ tục được giảm lược). Do vậy, để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo khi giải quyết các vụ án theo thủ tục này pháp luật cần quy định rõ một số vấn đề sau:

- Trước khi hỏi ý kiến của bị can về việc đồng ý tiến hành vụ án theo thủ tục rút gọn, Cơ quan (người tiến hành tố tụng) có trách nhiệm phải giải thích cho bị can hiểu rõ về thủ tục rút gọn để họ chấp nhận hay phản đối việc áp dụng thủ tục này trong thời hạn luật định.

- Các quyết định tố tụng liên quan như: quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định khởi tố bị can, quyết định đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát, bản án, quyết định của Toà án, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan tiến hành tố tụng (nếu có) … phải được gửi kịp thời cho bị can, bị cáo trong một thời hạn hợp lý để họ có điều kiện thực hiện được quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng.

- Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Do thủ tục tố tụng hình sự được áp dụng trong trường hợp phạm pháp quả tang nên thời điểm luật sư tham gia bào chữa cần quy định sớm hơn so với các vụ án thông thường (các vụ án thông thường thì thời điểm luật sư được tham gia bào chữa kể từ khi khởi tố bị can). Chúng tôi cho rằng, pháp luật cần quy định thời điểm luật sư tham gia bào chữa kể từ khi bắt giữ người. Vì bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do thân thể của con người. Do vậy, vì lý do bảo đảm nhân quyền thì việc quy định luật sư được phép tham gia bào chữa ngay khi thân chủ bị bắt là hợp lý.

5.2. Vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được hiểu là những biện pháp cưỡng chế do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can, bị cáo nếu có đủ căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật về vụ án hoặc sẽ tiếp tục hoạt động tội phạm, cũng như để bảo vệ cho việc thi hành án. Những biện pháp ngăn chặn được quy định trong chương V Bộ luật hình sự hiện hành bao gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Qua nghiên cứu cho thấy các vấn đề cơ bản để áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hiện hành (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng áp dụng …) đều có thể áp dụng trong tố tụng hình sự rút gọn. Riêng việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được áp dụng trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với người phạm tội quả tang).

Đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ và tạm giam có nẩy sinh một số vấn đề xuất phát từ tính đặc thù cuả thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

 

 

5.2.1. Biện pháp tạm giữ.

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang. Do thủ tục tố tụng hình sự rút gọn được áp dụng đối với các vụ án phạm phạm quả tang nên tạm giữ sẽ là một biện pháp được áp dụng phổ biến trong tố tụng hình sự rút gọn.

Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, về cơ bản các ý kiến đều cho rằng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ cần được tiến hành theo thủ tục chung. Vấn đề đặt ra là thời hạn tạm giữ bao nhiêu ngày là hợp lý? Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự tháng 8/2003 quy định thời hạn tạm giữ là 03 ngày và không được gia hạn (Điều 321).

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần quy định thời hạn tạm giữ đối với người bị bắt tố đa là 9 ngày vì cho rằng, trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thì biện pháp tạm giữ quan trọng hơn biện pháp tạm giam. Nếu trong thời gian tạm giữ, cơ quan điều tra khai thác được đủ thông tin, tư liệu cần thiết, chứng cứ của vụ án thì không cần áp dụng biện pháp tạm giam nữa[40].

Chúng tôi cho rằng, việc ra hạn tạm giữ tối đa đến 9 ngày, bản thân nó đã thể hiện vấn đề đã trở nên phức tạp, không còn “đơn giản, chứng cứ rõ ràng” nữa. Do vậy việc kéo dài thời hạn tạm giữ tới 9 ngày là không cần thiết. Một mặt, không phản ánh đúng bản chất của loại án này (đơn giản, chứng cứ rõ ràng) mặt khác, vi phạm quyền của công dân. Thời hạn tạm giữ chỉ cần 3 ngày là hợp lý. Trong thời hạn này, cơ quan điều tra hoàn toàn có đủ thời gian để quyết định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không khởi tố. Nếu khởi tố và xét thấy bị can có thể bỏ trốn hoặc cản trở quá trình tố tụng thì áp dung biện pháp tạm giam là hợp lý.

5.2.2. Biện pháp tạm giam.

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc trong tố tụng hình sự được áp dụng để ngăn chặn hành vi phạm tội và hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Biện pháp này được quy định tại Điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Do đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất nên việc áp dụng biện pháp này cũng được pháp luật quy định khá chặt chẽ (từ điều kiện đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng .v.v), cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng biện pháp này khi có đủ 2 điều kiện: (1) khung hình phạt cao nhất có thể được áp dụng đối với hành vi phạm tội là trên 2 năm tù; (2) Có căn cứ cho rằng người phạm tội có thể trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền … như với trường hợp bắt người tạm giam trong các vụ án thông thường. Tuy nhiên, do xuất phát từ tính đặc thù của loại vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn (phạm tội quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng…) nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong tố tụng hình sự rút gọn cần hết sức hạn chế.

Cũng do tính đặc thù trong tố tụng hình sự rút gọn nên thời hạn tạm giam cũng ngắn hơn nhiều so với trường hợp thông thường. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử). Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định thời hạn tiến hành tố tụng theo thu tục rút gọn là 30 ngày (điều tra 12 ngày, truy tố 4 ngày; xét xử 14 ngày). Tuy nhiên, Dự thảo lại chi quy định thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử[41]. Do vậy, sẽ là hợp lý nếu Dự thảo quy định cả thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố.

 

 

 

 

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.

Việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết bởi ý nghĩa to lớn của nó. Đây là vấn đề không mới đối với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì việc nghiên cứu, thể chế hoá thành pháp luật và áp dụng thủ tục này trên thực tế cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều phương diện để làm sao việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn vừa mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan tiến hành tố tụng vừa bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của công dân (đặc biệt là vấn đề nhân quyền), vừa phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Trong thời gian qua, Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã chính thức đưa thủ tục tố tụng hình sự rút gọn vào Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự. Ý tưởng này đã được nhiều chuyên gia pháp luật, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan áp dụng pháp luật và đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, những nội dung cụ thể của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) vẫn còn những vấn đề có nhiều quan điểm chưa thống nhất.

Qua phân tích khái quát và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài xin có một số kiến nghị về thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cả trên phương diện xây dựng pháp luật và tổ chức thi pháp luật.

  1. Về xây dựng pháp luật.

1.1. Về phạm vi và điều kiện áp dụng.

  • Về phạm vi: thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ nên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm;
  • Về điều kiện áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn: Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ được áp dụng đối với các vụ án khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Những loại tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của toà án nhân dân cấp huyện; Dấu hiệu động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

(2) Tội phạm được thực hiện không có đồng phạm, việc xác định cấu thành tội phạm nhanh chóng, dễ dàng.

(3) Người thực hiện tội phạm bị bắt quả tang; Chứng cứ phạm tội rõ ràng.

(4) Thời hạn cần thiết để điều tra, xác minh rõ ràng căn cước, lai lịch của bị can không mất quá nhiều thời gian (có thể chỉ cần 1 hoặc 2 ngày).

(5) Bị can tự nguyện  lựa chọn hình thức tố tụng hình sự rút gọn (trong giai đoạn điều tra).

1.2. Về thời gian tiến hành tố tụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn tối đa là 30 ngày. Trong đó:

  • Thời hạn điều tra là 12 ngày;
  • Thời hạn truy tố là 4 ngày;
  • Thời hạn xét xử là 14 ngày( trong đó thời hạn ra quyết định xét xử là 7 ngày, thời gian chuẩn bị xét xử là 7 ngày);

1.3. Về nội dung của thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

1.3.1. Giai đoạn điều tra.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong giai đoạn điều tra bao gồm:

  1. Lập biên bản phạm pháp quả tang;
  2. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
  3.  Tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có) …
  4. Thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (xét thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn) trên cơ sở có sự đồng ý của bị can;
  5. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như:  hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định v.v.
  6. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự, đề nghị mức bồi thường (nếu có) và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

1.3.2. Giai đoạn truy tố.

          Khi nhận được hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra, trong thời hạn luật định (04 ngày) Viện trưởng Viện kiểm sát phải ra một trong các những quyết định sau:

  • Truy tố bị can ra trước toà bằng bản cáo trạng;
  • Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp Viện kiểm sát nhận thấy vụ án có đủ điều kiện để truy tố trước toà thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trong thời hạn luật định (như phân tích ở mục trên là 4 ngày). Trong trường hợp này Viện kiểm sát không cần thiết phải làm bản cáo trạng theo thủ tục thông thường mà chỉ cần ra quyết định truy tố ngắn gọn trong đó xác định rõ: giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; bị truy tố về tội danh gì? theo điều, khoản nào của Bộ luật hình sự và trách nhiệm dân sự (nếu có). Quyết định này cần được thông báo ngay cho bị can để thực hiện quyền bào chữa.

Trong trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ đề điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng (điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn) đã không còn nữa, nên vụ án cần được áp dụng theo thủ tục thông thường.

1.3.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm.

(1) Về Hội đồng xét xử: việc xét xử theo thủ tục rút gọn nhất thiết phải được tiến hành bới một Hội đồng xét xử có Hội Thẩm nhân dân tham gia.

(2) Đối với các thành phần khác tham gia phiên toà:

- Sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm là bắt buộc;

- Sự tham gia của bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: do chứng cứ của vụ án đã rõ ràng, bị cáo đã chấp nhận toàn bộ chứng cứ, muốn được xét xử theo thủ tục rút gọn nên họ có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải tham dự phiên toà. Người bào chữa có thể không cần dự phiên toà nhưng phải gửi trước bản bào chữa tới phiên toà (nếu được thân chủ đồng ý). Việc tham dự phiên toà đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp cho họ cũng nên quy định theo hướng không bắt buộc.

(3) Đối với các quyết định của Hội đồng xét xử.

Trong thời hạn bảy ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án), Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:

  • Đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn;
  • Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
  • Tạm đình chỉ vụ án;
  • Đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung.

Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án  thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.  

Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm  đối với vụ án được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

1.4. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

1.4.1. Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo khi giải quyết các vụ án theo thủ tục này pháp luật cần quy định rõ một số vấn đề sau:

- Trước khi hỏi ý kiến của bị can về việc đồng ý tiến hành vụ án theo thủ tục rút gọn, Cơ quan (người tiến hành tố tụng) có trách nhiệm phải giải thích cho bị can hiểu rõ về thủ tục rút gọn để họ chấp nhận hay phản đối việc áp dụng thủ tục này trong thời hạn luật định.

- Các quyết định tố tụng liên quan như: quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định khởi tố bị can, quyết định đề nghị truy tố của cơ quan điều tra, quyết định truy tố của Viện kiểm sát, bản án, quyết định của Toà án, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan tiến hành tố tụng (nếu có) … phải được gửi kịp thời cho bị can, bị cáo trong một thời hạn hợp lý để họ có điều kiện thực hiện được quyền bào chữa trong suốt quá trình tố tụng.

- Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Thời điểm luật sư tham gia bào chữa kể từ khi bắt giữ người.

1.4.2. Vấn đề áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hiện hành (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng áp dụng …) đều có thể áp dụng trong tố tụng hình sự rút gọn. Riêng việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được áp dụng trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn (do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với người phạm tội quả tang).

Đối với việc áp dụng biện pháp tạm giữ và tạm giam có nẩy sinh một số vấn đề xuất phát từ tính đặc thù cuả thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

(1) Về biện pháp tạm giữ:

Thời hạn tạm giữ là 3 ngày (không gia hạn). Các quy định khác (về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, đối tượng áp dụng…) được áp dụng như thủ tục thông thường.

(2) Về biện pháp tạm giam:

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền … như với trường hợp bắt người tạm giam trong các vụ án thông thường. Tuy nhiên, do xuất phát từ tính đặc thù của loại vụ án được áp dụng theo thủ tục rút gọn (phạm tội quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng…) nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này trong tố tụng hình sự rút gọn cần hết sức hạn chế. Thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử).

  1. Về tổ chức thi hành pháp luật.

Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn thực chất không phải là vấn đề quá mới so với thực tiễn pháp luật Việt Nam. Trong lịch sử pháp luật nước ta, chúng ta đã từng có những quy định về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự (điển hình là các quy định tại Thông tư số 10 – TATC ngày 08.7.1974 của Toà án nhân dân tối cao) mà nội dung của chúng về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay khi mà các yêu cầu về cải cách tư pháp, về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân thì các vấn đề bảo đảm quyền dân chủ, bảo đảm nhân quyền, đặc biệt là các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Do vậy, song song với việc chúng ta quy định thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (sửa đổi) thì các cơ quan chức năng, mà trước hết là cơ quan tiến hành tố tụng cần có những giải pháp, chuẩn bị tích cực nhằm áp dụng một cách có hiệu quả thủ tục tố tụng hình sự rút gọn trên thực tế. Mặt khác, thực hiện định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (sửa đổi) còn quy định mở rộng thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp huyện (theo đó Toà án nhân dân cấp huyện được xét xử những loại tội phạm ít nghiên trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt là đến 15 năm tù),  điều này có nghĩa là trong thời gian tới chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về năng lực, số lượng chất lượng đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp cấp huyện.

 Để việc triển khai trên thực tế mang lại hiệu quả cao, chúng tôi cho rằng việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn ở nước ta cần có bước đi thích hợp với những lộ trình, giai đoạn cụ thể. Theo đó việc áp dụng thủ tục tố tụng có thể chia thành 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1 (từ nay đến 2010): bước đầu áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn với nội dung rút gọn chủ yếu về mặt thời hạn tiến hành tố tụng và một số thủ tục cơ bản (rút gọn bản kết luận điều tra, bản cáo trạng…). Những nội dung này đã được thể hiện trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) 2003. Tuy nhiên để triển khai các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về tổ chức, đội ngũ cán bộ và điều kiện cơ sở vật chất cho cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, đăc biệt là Toà án nhân dân cấp hiện.

- Về mặt tổ chức: chúng ta cần có sự nghiên cứu các phương án tổ chức hợp lý. Về cơ bản mô hình tổ chức toà án hiện nay vẫn đáp ứng được các yêu cầu của việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn. Tuy nhiên, đối với các địa bàn có nhiều loại án này (đặc biệt là tại các đô thị lớn) thì việc nghiên cứu xây dựng một toà chuyên trách trong Toà án nhân dân cấp huyện là cần thiết. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy có khá nhiều nước trên thế giới như: Úc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia... đều có các toà chuyên trách xét xử một số tội phạm ít nghiêm trọng theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn.

Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ hơn cả về lý luận và thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

- Về mặt cán bộ: hiện nay số lượng Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cấp huyện vẫn còn thiếu nhiều so với chỉ tiêu biên chế do Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt[42], đặc biệt khi tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện thì số lượng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và thư ký Toà án của cấp này càng cần phải bổ sung nhiều. Do vậy, chúng ta cần phải sớm có một chiến lược đào tạo cán bộ tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu trên (bao gồm đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện). Trong đó, việc sớm thành lập Học viện tư pháp là một nhu cầu cấp thiết.

- Về mặt cơ sở vận chất, chúng ta cũng phải có sự đầu tư thích đáng cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề hết sức khó khăn đối với ngân sách nhà nước, nhưng đã đến lúc chúng ta phải có sự đổi mới trong cách làm. Việc xây dựng trụ sở, trang bị điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc … theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm tránh việc đầu tư dài trải như hiện nay.

Giai đoạn 2 (từ 2010 đến 2020): Có thể nhận định đây là giai đoạn cải cách tư pháp đã đi và chiều sâu mang tính ổn định. Do vậy, việc áp dụng thủ tục tố tụng hình sự rút gọn giai đoạn này sẽ gắn liền với các định hướng lớn của công cuộc cải cách tư pháp (như: tổ chức toà án theo khu vực, năng lực, trình độ, tiểu chuẩn của đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng cấp huyện đã có sự đổi mới căn bản về chất .v.v,). Do vậy, trong giai đoạn này  cần áp dụng triệt để thủ tục tố tụng hình sự rút gọn theo hướng như đã kiến nghị ở trên (mục1 phần IV).

Trong giai đoạn này, nếu các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện được đáp ứng thì có thể thay đổi thành phần xét xử theo hướng: việc xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự rút gọn chỉ do một thẩm phán tiến hành. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc thay đổi này đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp và một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự (cụ thể là nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số, nguyên tắc khi xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia).

 

 

 



[1] Pháp luật trong cuộc sống của chúng ta tr.157 - X.X. Alechxayep, NXB Pháp lý 1986.

[2] Hình thức tố tụng trong tố tụng hình sự Xô Viết – Tr.89 – M.L.IA. Cup, NXB Matxcơva 1978.

[3] Điều 1 Bộ luật tố tụng hình sự.

[4] Số liệu tổng hợp từ báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[5] Số liệu Báo cáo của Chánh án toà án nhân dân tối cao về công tác Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá X ngày 15.3.2002.

[6] Báo cáo số 815/BCA ngày 05.8.1998 của Bộ Công an về tình hình công tác bắt giam giữ, thi hành án phạt tù và những chủ trương, giải pháp trong tình hình mới.

[7] Theo Nghị quyết số 217/NQ-UBTVQH9 ngày 25.8.1994 về số lượng thẩm phán và hội thẩm nhân dân của toà án nhân dân địa phương nhiệm kỳ 1994-1999 thì số lượng biên chế thẩm phán TAND địa phương do UBTVQH phê chuẩn là 4633 thẩm phán.

[8] Trong phần này ngoài việc nghiên cứu một số Bộ luật tố tụng hình sự của các nước như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản v.v. Ban chủ nhiệm đã kết thừa và tiếp thu những phát hiện, nghiên cứu của luận văn thạc sĩ “Xây dựng thủ tục rút gọn trong luật tố tụng hình sự Việt Nam” – Khoa Luật, Đại học Quốc gia HN- Nguyễn Duy Giảng 2002.

[9] Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự CHND Trung Hoa.

[10] Xin xem điều 461, 461-2, 462 (quyển VI) BLTTHS Nhật Bản; Báo cáo của đoàn khảo sát pháp luật tại Trung Quốc của VKSNDTC; điều 787 (722), BLTTHS Canada; điều 35, BLTTHS Liên Bang Nga; hệ thống tư pháp hình sự một số nước Châu á, tr15 (tài liệu dịch của VKH-VKSTC, dịch từ Criminal Judicial system of several Asian countries- UNAFFI, 1995); báo cáo kết quả nghiên cứu về tư pháp hình sự tại Vương Quốc Anh của VKSNDTC; báo cáo kết quả khảo sát luật TTHS tại Vương quốc Đan Mạch của VKSNDTC; truyền thống Luật dân sự Châu Âu, Mỹ la tinh và Đông á, tr 19 (tài liệu dịch của VKH-VKSNDTC từ cuốn The civil law tradition: Europe, Latin America and  East Asia); điều 521, 524 BLTTHS của nước Cộng hoà Pháp; điều 448, 451, 453 BLTTHS Hàn Quốc và báo cáo kết quả làm việc tại Hàn Quốc của VKSNDTC.

[11] Xin xem BLTTHS Nhật Bản điều 461-470; Hệ thống tư pháp hình sự một số nước Châu á - Tr41, 46 và sách: Một số khuyến nghị về xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), sổ tay công tác kiểm sát hình sự tại Việt Nam của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thuộc dự án VIE/95/018)HN-2000; tr45

[12] Xin xem: BLTTHS Hàn quốc (điều 286-2, 286-3, điều 448-458)

[13] Bộ luật tố tụng Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

[14] Xin xem: Hệ thống tư pháp hình sự một số nước Châu á (tài liệu dịch/1998 VKH VKSNDTC, Tr 196, 198)

[15] Xin xem: BLTTHS Cộng hoà pháp (điều 395, 396, 397)

[16] Xin xem: BLTTHS Tây úc (điều 574)

[17] Xin xem: TTHS: Trích: Truyền thống Luật dân sự Châu âu, Mỹ la tinh và Châu á - Hà nội 4/1998 - tr 57, 58

[18] Xin xem: BLTTHS Canada 1994 (điều 788 - 804)

[19] Xin xem: VKSNDTC UNDP: báo cáo kết quả khảo sát Luật TTHS tại Vương quốc Đan Mạch 9/1997 - Tr8

[20] Xin xem: Báo cáo kết quả nghiên cứu tư pháp hình sự tại Vương Quốc Anh tháng 12/2000 của VKSNDTC (dự án VIE/95/018)

[21] Xin xem: Điều 35 Bộ luật TTHS Liên Bang Nga

[22] Xin xem: Tố tụng hình sự: trích truyền thống luật dân sự Châu âu, Mỹ latinh và Châu á. Tài liệu dịch từ nguyên bản tiếng anh (VKH- VKSNDTC/1998 - dự án VIE/95/018); tr 27-33

[23] Xin xem: Sách một số khuyến nghị về xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), sổ tay công tác kiểm sát hình sự tại Việt Nam của VKSNDTC (dự án VIE/95/018), HN - 2000, tr86).

[24] Xin xem: sách đã dẫn, tr 56, 57

[25] Phần này, Ban chủ nhiệm đề tài có kế thừa những nghiên cứu trước đây trong các bài viết của nhiều tác giả.

[26] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX – NXB Chính trị Quốc gia 2001, tr. 131,132.

[27] Hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng thi hành án cũng là một giai đoạn của tố tụng.

[28] Xem Xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) - Nguyễn Quốc Việt -Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 3/4/2001; Bàn về thủ tục rút gọn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 - Trần Huy Liệu -Tạp chí Luật học số...; Sự cần thiết phải áp dụng thủ tục rút ngắn trong xét xử một số vụ án hình sự - Nguyễn Minh Tiến - Tạp chí Dân chủ và pháp luật số...; Về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự - Nguyễn Đức Mai - Tạp chí TÁND số 9/1997...

[29] Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần chung) – TS.Luật học Võ Khánh Vinh – NXB giáo dục 2001 (tr.226).

[30] Xem xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự - Khuất Văn Nga - Tạp chí kiểm sát số 8/1999; Về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự - Nguyễn Đức Mai - Tạp chí TAND số 9/1997; Bàn về thủ tục rút gọn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 - Trần Huy Liệu - Tạp chí Luật Học số …; Một số vấn đề liên quan việc quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự  (sửa đổi) - Nguyễn Duy Giảng - Tạp chí Kiểm sát số 7/2003 .v.v.

[31] Xem  Một số vấn đề liên quan việc quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự  (sửa đổi) - Nguyễn Duy Giảng - Tạp chí Kiểm sát số 7/2003.

[32] Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân ngày …/08/2003.

[33]  Xem “Xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) - Nguyễn Quốc Việt - Tạp chí lập pháp số 3/4/2001.

[34] Xem Điều 97, 142, 151 Bộ luật tố tụng hình sự .

[35]Tµi liÖu thu thËp cña Toµ ¸n nh©n d©n QuËn hoµn KiÕm – Hµ Néi.

[36] Về các thủ tục cụ thể xin xem chuyên đề “Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra”

[37] Xem Bộ luật tố tụng hiện hành.

[38] Đỗ Văn Đương – VKH – VKSNDTC – Tạp chí Kiểm sát số 3/2001, Tr 56-58

[39] Ý kiến của tác giả của Chuyên đề “Nghiên cứu tố tụng hình sự rút gọn trong giai đoạn xét xử” đi theo hướng này.

[40] Xem: Nguyễn Văn Hoàn - Trong sách: Một số khuyến nghị về xây dựng Bộ luật TTHS (sửa đổi) – VKSNDTC.HN. 2000. Tr. 140.

[41] Xem các Điều 320, 321, 322, 323 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự tháng 8/2003.

[42] Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp thì tính đến tháng 7/2001 tổng số Thẩm phán TAND địa phương là 3235 Thẩm phán, trong khi đó chỉ tiêu biên chế do UBTVQH phê duyệt cho TAND địa phương trong giai đoạn 1994-1999 là 4633 Thẩm phán (hiện nay tổng số Thẩm phán TAND địa phương vào khoảng 3600, như vậy tính đến nay số thẩm phán TAND địa phương vẫn còn thiếu khoảng 1000 Thẩm phán).

 

File đính kèm downloadTải về