• Thuộc tính
Tên đề tài Đánh giá thực trạng tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan và giải pháp
Nội dung tóm tắt

Ở nước ta trong những năm gần đây hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng do tác động của quá trình hội nhập kinh tế của đất nước và nhất là kể từ khi Nhà nước có chính sách mở cửa thì các quan hệ giao lưu dân sự, kinh tế ngày càng nhiều.

Chỉ tính từ năm 1994, khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và  Nghị định số 184-CP ngày 30/11/1994  đến đầu năm 2001, đã có 66.141 trường hợp kết hôn với người nước ngoài, mà chủ yếu là phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam công dân thuộc 40 nước khác nhau trên thế giới1 . Theo số liệu do phía Đài Loan cung cấp, cho đến năm 2002 đã có khoảng từ 65.000 đến 66.000 cô dâu là người Việt Nam2. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh có 10.175 phụ nữ kết hôn với người Đài Loan 3.

Trên thực tế, nhiều trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài đã đạt được mục đích hôn nhân, là cầu nối về tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc, hai đất nước có quan hệ hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cũng tồn tại những hiện tượng, dư luận không tốt về các hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là những dư luận về phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan.

Với mục tiêu: a) Đánh giá thực trạng tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan và thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật trong thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài; b) Đánh giá tổ chức và hoạt động của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: c) Đề xuất các kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nói chung và kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan nói riêng, góp phần hoàn thiện các chính sách điều chỉnh việc kết hôn với người Đài Loan. Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu quan trọng cho người làm công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật về hôn nhân và gia đình, quản lý xã hội và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, cũng như việc đăng ký kết hôn với người Đài Loan như: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Toà án, Viện kiểm sát, Uỷ ban nhân dân các cấp.

I. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

1. Khái quát chung về pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1.1. Khái niệm và đặc trưng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đó là tổng thể các quy phạm xung đột và quy phạm thực chất được Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Các quy phạm này có mối liên hệ mật thiết với nhau tạo nên sự thống nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nếu quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cụ thể không được điều chỉnh bởi quy phạm thực chất thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng quy phạm xung đột để chọn luật. Khi chọn luật theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột theo nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy phạm xung đột thống nhất.

Như vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại, thống nhất với nhau được lựa chọn để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Xuất phát từ tính đặc thù của các quan hệ xã hội được điều chỉnh, pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

- Đối tượng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là các quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình bị phức tạp hoá bởi yếu tố nước ngoài.

Để xác định đâu là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài người ta thường dựa vào ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

+ Khi quan hệ đó có ít nhất một bên chủ thể là người nước ngoài;

+ Khách thể của quan hệ đó là các quyền tài sản và quyền nhân thân được thực thi ở nước ngoài;

+ Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài.

- Phương pháp điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là phương pháp đặc trưng của tư pháp quốc tế - phương pháp xung đột và phương pháp thực chất.

Các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế, chính vì vậy, các phương pháp, các quy phạm của tư pháp quốc tế sẽ phát huy hiệu lực. Trong đó, phương pháp xung đột và phương pháp thực chất là hai phương pháp đặc thù. Phương pháp xung đột là phương pháp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm xung đột nhằm để lựa chọn pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài - trong đó bao gồm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Phương pháp thực chất là phương pháp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm thực chất để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Hai phương pháp này được kết hợp hài hoà và tác động tương hỗ với nhau trong việc thiết lập cơ chế điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế và bảo đảm một trật tự pháp lý dân sự quốc tế ổn định.

1.2. Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Việt Nam từ năm 1945 đến nay

1.2.1. Giai đoạn 1945 - 1986

Trước khi ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành điều chỉnh về vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Với sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 được Quốc hội ban hành ngày 29/12/1986, lần đầu tiến trong lịch sử pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nhà nước ta đã dành hẳn một chương riêng (Chương IX với các điều 52, 53, 54) quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Việc dành một chương riêng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 để quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một bước phát triển mới, một bước tiến quan trọng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Trong giai đoạn này, chúng ta cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật trong đó có quy định liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như:

- Luật Quốc tịch năm 1988;

- Pháp lệnh Lãnh sự năm 1991;

- Quyết định số 145-HĐBT ngày 29/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi; bị bỏ rơi, bị tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý.

- Ngày 02/12/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Có thể nói, đây là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Pháp lệnh không quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình, mà chủ yếu là định ra các nguyên tắc, quy tắc làm cơ sở cho việc chọn luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Để thi hành Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, ngày 30/11/1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 184-CP quy định thủ tục đăng ký việc kết hôn, công nhận việc kết hôn, công nhận việc cha, mẹ nhận con ngoài giá thú, đăng ký việc nuôi con nuôi, công nhận việc nuôi con nuôi và công nhận việc đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định 184-CP). Trong thời kỳ này, nước ta cũng đã ký các hiệp định tương trợ tư pháp, trong đó có đề cập đến vấn đề quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, quy định tương đối chi tiết các vấn đề về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Các văn bản pháp luật này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, góp phần tăng cường củng cố các quan hệ hữu nghị giữa Việt  Nam và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn này còn hẹp, pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn này mới chỉ đề cập đến quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên ở nước ngoài, còn quan hệ hôn nhân và gia đình giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam thì chưa có quy định.

1.2.2. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong thời kỳ này góp phần rất quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của quá trình giao lưu quốc tế, các quan hệ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều và càng phức tạp. Chính vì vậy, việc điều chỉnh các mối quan hệ đó đòi hỏi phải có những quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể, trong khi đó các quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn mang tính chất chung chung, thiếu cụ thể, nên khó áp dụng trên thực tế, thiếu cơ sở pháp lý thống nhất, nhiều vấn đề  thuộc phạm vi của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa được điều chỉnh. Điều đó đòi hỏi phải có một văn bản pháp luật mới ra đời, điều chỉnh đầy đủ hơn vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Với sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã đạt được một bước phát triển vượt bậc so với các thời kỳ trước đó. Điều này thể hiện ở một số nội dung sau:

- Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Chương XI gồm 7 điều (từ Điều 100 đến Điều 106). Đây là những quy định có tính nguyên tắc về các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Trên cơ sở các quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương XI của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, một số các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã được ban hành như Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định 68/2002/NĐ-CP).

2. Nội dung cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Việt Nam hiện hành

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Việt Nam hiện hành được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP.

2.1. Về khái niệm "quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài"

Khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại khoản 14 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo đó, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

a) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

b) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

c) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

2.2. Về vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Quy định này vừa là cơ sở pháp lý để Toà án vận dụng nhằm giải quyết các vụ việc cụ thể khi cần thiết. Quy định này thể hiện  một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Thứ hai, trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Đây là sự tuyên bố của Nhà nước Việt Nam về việc áp dụng chế độ đãi ngộ như công dân trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam.

Thứ ba, Nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.

Quy định trên đây đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để Nhà nước tiến hành bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta trong quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước sở tại. Việc bảo hộ quyền lợi của công dân được thực hiện thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của ta ở nước ngoài. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự mà Nhà nước ta đã gia nhập.

2.3. Về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết đối với các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trước hết xuất phát từ phương pháp điều chỉnh đặc thù các loại quan hệ này xét dưới góc độ lý luận của Tư pháp quốc tế. Như đã nói ở trên, do bản chất của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (là dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật), nên có ít nhất hai hệ thống pháp luật (pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài hữu quan) cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Việc áp dụng pháp luật nước nào không phải do ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà là do sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột. Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Theo đó, việc áp dụng pháp luật nước ngoài được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Một là, khi quy phạm xung đột trong Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình liên quan.

- Hai là, nếu Luật Hôn nhân và gia đình không quy định, nhưng trong các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, thì pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng.

- Ba là, trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định, nhưng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình.

- Bốn là, do các bên thỏa thuận, nhưng không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Như vậy, căn cứ để áp dụng pháp luật nước ngoài, trước hết phải dựa trên các quy phạm xung đột được quy định trong pháp luật Việt Nam hoặc trong điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia. Yêu cầu chung đối với việc áp dụng pháp luật nước ngoài là việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nếu việc áp dụng pháp luật nước ngoài mà trái với nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, thì pháp luật nước ngoài đó không được áp dụng mà áp dụng pháp luật Việt Nam.

2.4. Về thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật ở nước ta, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay cho thấy, khi quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, kể cả về hành chính cũng như về tố tụng, đều thống nhất quy định thẩm quyền thuộc cơ quan nhà nước cấp tỉnh (Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp tỉnh). Đó là điều khác so với nhiều nước. Vì thế, trên thực tế ở nước ta đã hình thành hai loại thủ tục: một loại áp dụng đối với công dân Việt Nam ở trong nước; một loại áp dụng đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài.

Đối với việc phân định thẩm quyền giải quyết các vụ việc cụ thể về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, với một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con và giám hộ giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cụ thể là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nhận giám hộ, nhận cha, mẹ, con giữa các bên:

- Công dân Việt Nam với công dân nước ngoài;

- Công dân nước ngoài với nhau mà thường trú tại Việt Nam;

- Công dân nước ngoài với người không quốc tịch tại Việt Nam;

- Công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài một bên ở Việt nam;

- Giữa người không quốc tịch với công dân Việt Nam;

- Giữa người không quốc tịch với nhau thường trú tại Việt Nam.

Thứ hai, đối với việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Cụ thể là Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về đăng ký hộ tịch4. Trước đây, theo Nghị định số 184-CP ngày 30/11/1994 thì thẩm quyền này là thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhiều địa phương phản ánh là không khả thi, do điều kiện đi lại xa xôi, thủ tục phức tạp (nhiều loại giấy tờ), lệ phí đắt đỏ... nên người dân không muốn đi đăng ký. Chính vì vậy việc quy định thẩm quyền này cho Uỷ ban nhân dân cấp xã là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Thứ ba, việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam cùng cư trú ở nước ngoài với nhau thì do Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam) giải quyết, nếu việc giải quyết đó không trái với pháp luật của nước sở tại. Bên cạnh đó Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam còn có trách nhiệm thực hiện việc bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở nước sở tại.

Thứ tư, Toà án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài, giữa công dân nước ngoài với nhau (hoặc với người không quốc tịch) tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên (hoặc cả hai bên) định cư ở nước ngoài trừ quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Việc giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh biên giới.

Việc phân định thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện như trên đây là phù hợp với thực tiễn ở nước ta, nhất là đối với các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia tình hình hôn nhân và gia đình có nhiều phức tạp. Việc giao thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình ở khu vực biên giới vừa đảm bảo thích ứng với trình độ dân trí ở khu vực biên giới, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ kịp thời quyền lợi của công dân trong các quan hệ hôn nhân gia đình. Việc giao cho Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết huỷ kết hôn trái pháp luật, ly hôn, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, nhận cha mẹ con, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là có tính khả thi cao. Một mặt tránh được tình trạng dồn ép công việc cho Toà án nhân dân cấp tỉnh, mặt khác tháo gỡ được các khó khăn do thực tiễn phát sinh đối với đồng bào ở khu vực biên giới trong việc thực hiện quyền tham gia tố tụng (điều kiện đi lại khó khăn, trình độ pháp lý có hạn...). Việc thực hiện tốt các quy định trên đây sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền của công dân trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, các quy định về thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thực tế hơn, rõ ràng hơn và có tính khả thi hơn so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993.

2.5. Về kết hôn có yếu tố nước ngoài

Pháp luật mỗi nước đều có quy định rõ ràng về điều kiện kết hôn, nghi thức kết hôn tuy nhiên, những quy định này rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi nước. Chẳng hạn về độ tuổi kết hôn: ở Pháp tuổi kết hôn đối với nam là 18 tuổi tròn, còn nữ là 15 tuổi tròn, ở Mỹ thì tuổi kết hôn của nam là 14, nữ là 12, trong khi đó theo pháp luật Việt Nam thì nam phải đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn. Chính vì vậy, trong các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài tất yếu sẽ dẫn đến có sự xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn, nghi thức kết hôn; do đó việc xác định pháp luật nước nào được áp dụng là điều rất quan trọng để bảo đảm quyền kết hôn của con người.

Để giải quyết những xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn, pháp luật các nước trên thế giới chủ yếu áp dụng các nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Nguyên tắc luật quốc tịch; theo nguyên tắc này thì điều kiện kết hôn do luật của các bên tham gia kết hôn mang quốc tịch điều chỉnh; tuy nhiên, nếu luật của đương sự mang quốc tịch có quy định trái với trật tự công cộng của nước sở tại (nơi đăng ký kết hôn) thì nước này có quyền không chấp nhận điều kiện đó. Bên cạnh đó các nước áp dụng nguyên tắc này cũng có một số quy định khác như: ngoài việc tuân thủ luật của của nước mà đương sự mang quốc tịch thì đương sự còn phải tuân theo một số điều kiện do luật của nước nơi kết hôn quy định (ví dụ Pháp).
  • Nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự theo nguyên tắc này thì luật điều chỉnh việc kết hôn của các đương sự do pháp luật nơi đương sự cư trú điều chỉnh (ví dụ Anh).
  • Ngoài ra có nước còn áp dụng nguyên tắc luật nơi tiến hành kết hôn; theo đó thì pháp luật của nước nơi đương sự tiến hành kết hôn là luật điều chỉnh việc kết hôn, không phụ thuộc vào luật nơi đương sự cư trú hay đương sự mang quốc tịch (Mỹ).

Theo quy định tại Điều 103 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 Việt Nam thì nguyên tắc cơ bản để giải quyết xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn là nguyên tắc luật quốc tịch của các bên đương sự. Cụ thể là:

  • Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
  • Trong việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam, trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mà họ là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch) về điều kiện kết hôn; ngoài ra, còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn.

Vấn đề khó khăn khi đương sự là người có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài thì sẽ áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết. Thực tế hiện nay một số nước thừa nhận hoặc không phản đối tình trạng hai hay nhiều quốc tịch (như Canada, Vương Quốc Anh, Ôxtrâylia...). Cho nên trong trường hợp một người vừa có quốc tịch Anh, vừa có quốc tịch Canada (người hai quốc tịch) xin kết hôn với công dân Việt Nam, thì vấn đề đặt ra là xác định điều kiện kết hôn của người đó theo pháp luật của nước nào trong hai nước mà người đó có quốc tịch. Về vấn đề này, trong pháp luật cũng như thực tiễn tư pháp quốc tế ở nhiều nước vận dụng nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu. Trước đây, tại Điều 21 của Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 02/12/1993 đã quy định về vấn đề quốc tịch hữu hiệu để giải quyết xung đột pháp luật trong trường hợp này, Trong dự thảo Luật Hôn nhân gia đình cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình thông qua Luật Hôn nhân và gia đình, có một số ý kiến đề nghị bỏ điều này, nên trong Chương XI của Luật năm 2000 không còn vấn đề quốc tịch hữu hiệu. Mặc dù vậy, nếu thực tiễn xảy ra vụ việc thì nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn có thể tham khảo Điều 21 của Pháp lệnh nêu trên để xác định điều kiện kết hôn theo nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu5.

Điều 103 của Luật năm 2000 về kết hôn có yếu tố nước ngoài không có quy định giải quyết xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn (vốn là vấn đề được tư pháp quốc tế của nhiều nước rất quan tâm và đã được quy định khá kỹ tại Điều 6 của Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 2/12/1993). Vấn đề này được quy định trong Nghị định số 68/2002/NĐ-CP theo đó vấn đề xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn được áp dụng nguyên tắc luật nơi tiên hành kết hôn để giải quyết. Cụ thể là: việc kết hôn được tiến hành tại Việt Nam hoặc tại cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thì phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức nhà nước.

Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn.

Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục, hoặc công nhận việc kết hôn đó là có lợi cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì hôn nhân đó cũng được công nhận tại Việt Nam.

Đây thực sự là quy định mang tính nhân đạo, thể hiện nguyên tắc bảo hộ quyền lợi của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, do đó những hành vi lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác đều bị pháp luật nghiêm cấm.

II. THỰC TRẠNG KẾT HÔN GIỮA PHỤ NỮ VIỆT NAM VỚI NGƯỜI ĐÀI LOAN

1. Tình hình kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan  qua mỗi giai đoạn phát triển

1.1. Tình hình đăng ký kết hôn theo quy định của Nghị định số 184-CP.

Theo quy định tại Nghị định số 184-CP thì khi đăng ký kết hôn, mỗi bên phải có tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định và nộp các giấy tờ kèm theo như:

- Bản sao Giấy Khai sinh;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự hiện tại không có vợ hoặc chồng được cấp chưa quá 3 tháng;

- Giấy xác nhận về tình trạng sức khoẻ xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức không có khả năng nhận thức được hành vi của mình, không mắc bệnh hoa liễu, không bị nhiễm vi rút HIV.

- Và quan trọng nhất là người nước ngoài phải nộp Giấy xác nhận hoặc Giấy phép  người đó có đủ điều kiện kết hôn và việc kết hôn với công dân Việt Nam được pháp luật của họ thừa nhận cấp chưa quá 3 tháng.

- Trường hợp công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc là người đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật quốc gia, thì phải có thêm giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với quy chế của ngành đó.

Với các quy định cơ bản nêu trên, Nghị định số 184-CP đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại theo xu hướng hội nhập của Đảng và nước ta. Lần đầu tiên Nhà nước ta có những quy định cụ thể về việc giải quyết vấn đề hôn nhân và gia đình với người nước ngoài, giúp các địa phương  có cơ chế giải quyết trong lĩnh vực hôn nhân gia đình rất phức tạp này và chấm dứt tình trạng giải quyết tùy tiện tại các địa phương trong cả nước khi chưa có Nghị định.

Tuy nhiên trong quy định của pháp luật còn có nhiều điểm bất cập chưa phù hợp và có nhiềm điểm không thực hiện được như:  Công dân của một số nước (Hoa Kỳ, Anh, Canada, Thụy Điển) không được cấp Giấy khai sinh hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…

Quy định về thời hạn của một số giấy tờ như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Giấy khám sức khoẻ quá ngắn (3 tháng) không đủ thời gian để đương sự thu xếp sang Việt Nam để làm thủ tục.

Thủ tục hành chính còn rườm ra, kéo dài thời gian làm cho đương sự nản lòng, bỏ cuộc hoặc tự tổ chức theo phong tục tập quán gây hậu quả khó lường.

Những hạn chế trên gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đăng ký kết hôn với người nước ngoài nói chung, cũng như tình hình kết hôn với công dân Đài Loan; từ đó xuất hiện các hình thức trung gian cò mồi để kiếm lời vì xu hướng hội nhập ngày càng cao thì quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài cũng ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, tính từ năm 1995 đến năm 2002, trong cả nước giải quyết khoảng hơn 55.000 trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Đài Loan mà chủ yếu là phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam công dân Đài Loan, trong đó đặc biệt là số lượng giải quyết trong 3 năm gần đây chiếm tỷ lệ 68% tổng số trường hợp đã giải quyết của các năm trước cộng lại, và tập trung ở 12 tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã chiếm tổng số 89% số lượng giải quyết trong cả nước. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ 22% và Cần Thơ chiếm 17%.

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 184-CP, việc giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài của các cơ quan cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể:

a) Về phía cơ quan công an

Do hiện tượng quá tải vì số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan quá lớn, dẫn đến việc trả lời kết quả xác minh một số trường hợp của Phòng quản lý xuất nhập cảnh còn chậm so với thời gian cho phép, trong đó đa số là các trường hợp phía nữ công dân Việt Nam kết hôn với ng­ười Đài Loan. Ngoài ra, còn nguyên nhân do phía nữ công dân Việt Nam th­ường đi khỏi nơi cư­ trú sang nơi khác làm thuê, học nghề… rồi xin đăng ký kết hôn ở nơi đang làm việc hoặc nơi thứ ba, từ đó phát sinh những khó khăn cho quá trình thẩm tra xác minh của cơ quan công an. 

b) Các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh

Sở Tư pháp là cơ quan thụ lý và xem xét hồ sơ đăng ký kết hôn, khi tiếp xúc với đư­ơng sự, coi yếu tố tự nguyện kết hôn là một điều kiện quan trọng để hai bên nam, nữ đi đến quyết định kết hôn, nh­ưng thực tế không ít trư­ờng hợp đư­ơng sự sử dụng hình thức đăng ký kết hôn để hợp thức hóa thủ tục xuất cảnh ra nư­ớc ngoài, nên gặp phải những khó khăn như:

- Không xác định được mục đích hôn nhân do đương sự nhờ vào các dịch vụ mai mối, giới thiệu, tổ chức lễ c­ưới, như­ng chư­a thực sự là tự nguyện kết hôn, mà có thể là kết hôn để giải quyết vấn đề kinh tế hoặc với mục đích xuất cảnh… song không có căn cứ cụ thể để nhận biết việc kết hôn có tự nguyện hay không, không đủ yếu tố để từ chối đăng ký kết hôn, nên cơ quan chức năng tuy thấy còn vướng mắc mà vẫn phải giải quyết.

- Trong quá trình làm thủ tục xin đăng ký kết hôn, nhiều đ­ương sự là ng­ười Việt Nam đang định c­ư ở nư­ớc ngoài, không có giấy khai sinh, hoặc có những người bị thất lạc mà mất cả sổ bộ gốc, nên không thể hoàn tất hồ sơ xin đăng ký kết hôn hoặc khi đư­ợc giải quyết cấp lại Giấy khai sinh thì thời hạn của hồ sơ đăng ký kết hôn đã hết, nên không thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.

- Trong một số tr­ường hợp công dân Việt Nam làm việc tại các cơ quan đặc biệt như công an, quân đội khi làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nư­ớc ngoài phải  nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh về việc họ kết hôn với ngư­ời nư­ớc ngoài không ảnh hư­ởng đến bí mật quốc gia hoặc không trái với quy chế của ngành mà họ đang công tác.

- Do pháp luật Việt Nam không quy định độ tuổi tối đa được phép kết hôn với người nước ngoài nên đã xảy ra tình trạng người dân lợi dụng kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh hoặc vì mục đích kinh tế, không nhằm mục đích hôn nhân. Phần lớn nữ công dân Việt Nam trong độ tuổi 18-25, trong khi nam giới ngư­ời Đài Loan th­ường lớn hơn 15-20 tuổi, có trường hợp chênh lệch từ 30-40 tuổi. Một số không ít người Đài Loan có các dị tật về tay, chân, mắt… và có nhiều trường hợp kết hôn qua môi giới, không có điều kiện tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, không có thời gian giao tiếp với nhau… Các cơ quan chức năng tuy nhìn thấy vấn đề, nhưng vẫn phải giải quyết thủ tục cho đăng ký kết hôn, vì đương sự nộp đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

- Có một số trư­ờng hợp đư­ơng sự không đến nhận giấy chứng nhận kết hôn sau khi UBND tỉnh đã ký và Sở T­ư pháp đã thông báo. Sau đó, đương sự đến xin gia hạn thời gian nhận giấy chứng nhận kết hôn (vì chồng, hoặc vợ ở nư­ớc ngoài chư­a về kịp để cùng ký nhận); có đư­ơng sự xin hủy bỏ hồ sơ đăng ký kết hôn, không muốn kết hôn nữa; có nhiều người không trở lại mà không rõ lý do.

- Ngoài ra, hiện tư­ợng công dân Việt Nam và người nư­ớc ngoài tổ chức đám c­ưới nhưng không đăng ký kết hôn không phải là ít, cơ quan chức năng ở địa ph­ương biết mà không quản lý đư­ợc, không có biện pháp phù hợp để đấu tranh ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả, vì chư­a có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực t­ư pháp.

- Về vấn đề lệ phí đối với những ngư­ời đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài khi họ mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn và cũng không còn bản sao, vì đã sử dụng hết, nay xin cấp thêm bản sao kết hôn, thì cơ quan giải quyết hồ sơ lúng túng trong việc thu lệ phí (có đ­ược thu hay không, nếu đư­ợc thì thu với mức nào).

- Trên thực tế, tỉ lệ ly hôn có yếu tố nư­ớc ngoài tuy không cao, có trư­ờng hợp đư­ơng sự yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, như­ng cũng nhiều trư­ờng hợp đương sự tự ý bỏ nhau không cần Tòa án giải quyết, trong đó việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và ng­ười Đài Loan là vấn đề cần đư­ợc quan tâm nhiều. Phần lớn nguyên nhân xin ly hôn là do nữ công dân Việt Nam không thích nghi đ­ược với cuộc sống ở nông thôn, vùng núi, ngôn ngữ bất đồng; một số trư­ờng hợp bị ngư­ợc đãi, bị bắt lao động quá sức, cá biệt có trường hợp phải phục dịch cả gia đình, anh em bên chồng.

 Nhiều tr­ường hợp phía công dân Việt Nam có đơn yêu cầu ly hôn, nh­ưng Tòa án không xác định đ­ược địa chỉ của ngư­ời nư­ớc ngoài, nên không giải quyết đư­ợc. Có trường hợp phụ nữ Việt Nam sau khi kết hôn với ng­ười Đài loan, có con, bị đuổi về nước, nay đứa trẻ (mang quốc tịch Đài Loan) rất khó được giải quyết đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

1.2. Tình hình đăng ký kết hôn với công dân Đài Loan theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP

1.2.1. Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã có những bước tiến quan trọng như sau :

 Thứ nhất; thời hạn của một số giấy tờ  được kéo dài lên 6 tháng tính từ thời điểm nhận hồ sơ đã giúp cho đương sự có đủ thời gian để thu xếp làm thủ tục.

Thứ hai; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng được thực hiện vào ngay Tờ khai đăng ký kết hôn. Đối với người nước ngoài, việc xác nhận nêu trên có thể bằng một văn bản riêng.

Thứ ba; đối với các nước không quy định việc cấp phép, thì có thể thay thế bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật nước họ.

Thứ tư; Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã không quy định bắt buộc phải có Giấy khai sinh và Giấy xác nhận công dân nước ngoài có đủ điều kiện kết hôn và việc kết hôn này được pháp luật nước họ công nhận, vì quy định này mang tính chủ quan nên không có khả năng thực thi.

 Thứ năm; quy định bổ sung thêm các giấy tờ cần thiết như bản sao Chứng minh nhân dân, bản sao Hộ chiếu để chứng minh nhân thân người đăng ký kết hôn, giấy tờ xác nhận về nơi cư trú nhằm chứng minh thẩm quyền đăng ký kết hôn (Điểm c, d Khoản 1 Điều 13).

Thứ sáu; ngoài ra các quy định nêu trên, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP cũng yêu cầu mỗi bên phải nộp thêm Lý lịch cá nhân theo mẫu quy định.

 Thứ bảy; quy định rõ về trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì bản án, quyết định đó phải được ghi chú trước khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

Thứ tám; trao quyền chủ động giải quyết hồ sơ cho Sở Tư pháp.

  1.2.2. Những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan quản lý và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài từ khi thực hiện Nghị định số 68/2002/NĐ-CP

Mặc dù Nghị định số 68/2002/NĐ-CP thay thế Nghị định số 184-CP đã đ­ược triển khai ở tất cả các địa phư­ơng. Nhưng trong quá trình giải quyết hôn nhân có yếu tố nước ngoài, các cơ quan có thẩm quyền có liên quan vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định, trong đó có việc giải quyết cho phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan. Cụ thể:

 - Do pháp luật không quy định rõ độ tuổi tối đa được phép kết hôn của người nước ngoài với công dân Việt Nam cho nên các cơ quan tư pháp rất khó khăn khi tiếp nhận hoặc từ chối hồ sơ xin đăng ký kết hôn cho những đôi có độ tuổi chênh lệch giữa nam và nữ tới 30 tuổi, giữa nữ và nam trên 10 tuổi; trong tài liệu giấy tờ có những điểm nghi vấn về thân nhân … Rất khó tìm cơ sở để xác định việc đương sự đăng ký kết hôn không đúng mục đích, không phù hợp với yêu cầu về tình cảm và việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

 - Trước nhu cầu kết hôn với công dân Đài Loan ngày càng gia tăng, trong xã hội đã xuất hiện những hoạt động môi giới hôn nhân của các công ty, doanh nghiệp môi giới hôn nhân mà cơ sở pháp lý để chấm dứt hoạt động này chưa rõ ràng.

-  Vấn đề ghi chú ly hôn gây không ít trở ngại và tốn kém, nhất là về thời gian, có lúc gây phiền hà cho đư­ơng sự có yêu cầu đăng ký kết hôn và gây khó khăn cho cơ quan chức năng giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố n­ước ngoài.

-  Việc từ chối đăng ký kết hôn (Điều 16 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP): vẫn chư­a có hướng dẫn để xác định căn cứ kết luận thế nào là hôn nhân vi phạm các điều cấm, vi phạm nguyên tắc tự nguyện.

III. KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỰC TRẠNG PHỤ NỮ VIỆT NAM KẾT HÔN VỚI NGƯỜI ĐÀI LOAN TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Để có cơ sở đánh giá về thực trạng tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Ban chủ nhiệm đề tài đã tập trung tổng hợp và phân tích kết quả điều tra thực tế về vấn đề nói trên tại một số địa phương theo 3 cấp độ tỉnh, xã và một ấp.   

1. Kết quả khảo sát ở tỉnh Cần Thơ

Cần Thơ là địa phương có số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan lớn thứ hai trên cả nước (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh). Từ năm 1995 đến năm 2002, tại Cần Thơ đã có hơn 9.500 trường hợp kết hôn với người Đài Loan, chiếm 17% tổng số trường hợp kết hôn với người Đài Loan trên cả nước trong giai đoạn này. Sự gia tăng nhanh chóng của hiện tượng “lấy chồng Đài Loan” tại tỉnh Cần Thơ bắt đầu từ năm 1998 và tăng mạnh vào các năm sau đó.

 - Số phụ nữ kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Cần Thơ chiếm 97,6% tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại địa phương. Như vậy, số phụ nữ Việt Nam tại địa phưong kết hôn với người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, Canada, Đức, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... chỉ chiếm tỷ lệ thấp;

- Số phụ nữ kết hôn với người Đài Loan chiếm 84% tổng số trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài tại địa phương (bao gồm cả nam và nữ Việt Nam kết hôn với nam và nữ nước ngoài hoặc nam và nữ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Phân tích tình hình theo các tiêu chí về đặc điểm nhân thân của các bên tham gia quan hệ hôn nhân:

1.1. Theo tiêu chí độ tuổi và chênh lệch tuổi:

- Độ tuổi của phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan vào thời điểm đăng ký kết hôn: có 48% chênh lệch từ 18 đến 20 tuổi; 42% chênh lệch từ 21 – 25; 3% chênh lệch trên 30 tuổi.

- Độ tuổi của nam giới Đài Loan vào thời điểm đăng ký kết hôn: từ 20->30 tuổi là 18%; từ 31->40 là 53%; từ 41->50 là 24%; trên 50 là 5%.

- Chênh lệch tuổi giữa phụ nữ Việt Nam và nam giới Đài Loan: 4% dưới 5 tuổi; 18% từ 6->10 tuổi; 29% từ 11-15 tuổi; 26% từ 16-20 tuổi; 14% từ 21-25 tuổi; 5% từ 26-30; 4% trên 31 tuổi.

1.2. Theo tiêu chí nghề nghiệp

- Nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam: 91% phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là làm công việc nội trợ gia đình.

- Nghề nghiệp của nam giới Đài Loan: nông dân chiếm 15%, công nhân: 62%; kinh doanh: 5%; công việc khác: 31%.

1.3. Theo tiêu chí tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn

- Số lần kết hôn của phụ nữ Việt Nam: trong tổng số đôi kết hôn là 1099 thì có 24 trường hợp là đăng ký lần thứ hai, chiếm 2%; còn lại 98% là kết hôn lần đầu.

- Số lần kết hôn của nam giới Đài Loan: Trong tổng số 1099 nam giới Đài Loan kết hôn với phụ nữ Việt Nam thì có 215 trường hợp kết hôn lần thứ hai, 31 trường hợp kết hôn lần thứ ba, còn lại 853 trường hợp là kết hôn lần thứ nhất.

2. Tình hình phụ nữ kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Đồng Tháp

Hiện tượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp xảy ra muộn hơn so với một số tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai. Từ năm 1993 tại tỉnh Đồng Tháp mới phát sinh trường hợp đầu tiên kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan. Đến năm 1997 (là thời điểm hiện tượng này tăng mạnh tại TP. Hồ Chí Minh) thì số lượng giải quyết tại Đồng Tháp còn rất ít, trung bình khoảng 40 trường hợp/năm.

 Từ năm 1999, hiện tượng kết hôn với người Đài Loan tăng đột biến tại tỉnh Đồng Tháp và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại 3 huyện nghèo, kinh tế kém phát triển: huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Hồng Ngự (huyện Hồng Ngự có 6/16 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn). Từ năm 2000 đến nay, trong khi số lượng kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh giảm rõ rệt thì tại Đồng Tháp hiện tượng này vẫn tiếp tục gia tăng với số lượng giải quyết trung bình 1.500 trường hợp/năm. Hiện nay tại tỉnh Đồng Tháp chưa có biểu hiện giảm về số lượng mà vẫn tiếp tục gia tăng với mức tăng nhẹ.

Tính đến hết tháng 5/2004, tại tỉnh Đồng Tháp đã giải quyết 7.853 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, chiếm 77% tổng số trường hợp kết hôn với người nước ngoài tại tỉnh. Có thể nói, Đồng Tháp luôn là một trong các tỉnh có số lượng phụ nữ kết hôn với người Đài Loan cao nhất (chỉ sau tỉnh Cần Thơ). Số trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Đồng Tháp từ năm 1993 đến T6/2004 như sau:

Năm

Số lượng

1993

2

1994

8

1995

13

1996

55

1997

132

1998

210

1999

903

2000

1140

2001

1573

2002

1518

2003

1536

T6/2004

763

3. Thực trạng phụ nữ việt nam kết hôn với người Đài Loan tại xã Tân Lộc (huyện Thốt Nốt, thành phố Cần thơ)

Tân Lộc là xã cù lao (thường được gọi là “đảo Ngọt” do có nhiều cơ sở sản xuất đường hoặc “đảo Đài Loan” do có số lượng rất lớn phụ nữ kết hôn với người Đài Loan).

Hiện tượng kết hôn với người Đài Loan tại xã Tân Lộc diễn ra rất sớm với trường hợp đầu tiên vào năm 1995. Từ đầu năm đến tháng 8 năm 2004 trong xã mới chỉ có 39 trường hợp kết hôn với người Đài Loan. 7/7 ấp trong xã đều có hiện tượng kết hôn với người Đài Loan, trong đó ấp Trường Thọ có số chị em kết hôn với người Đài Loan lớn nhất (248 trường hợp), ấp Tân An có số lượng ít nhất (24 trường hợp).

3.1. Về thực trạng kết hôn với người Đài Loan

- Số hộ gia đình có con gái kết hôn với người Đài Loan chiếm 11,6% tổng số hộ gia đình trong xã;

- Trong số 667 hộ gia đình có con gái kết hôn với người Đài Loan có 7% là các hộ có 2 con lấy chồng Đài Loan và có 3 hộ có 3 con lấy chồng Đài Loan, có 6 trường hợp kết hôn với người Đài Loan lần thứ hai;

3.2. Số trường hợp ly hôn và vấn đề con lai cư trú tại xã

- Tỷ lệ ly hôn trong tổng số các trường hợp đã kết hôn với người Đài Loan tại xã là 6% (30 trường hợp), nhưng hiện tại chỉ có 47% trong tổng số chị em đã ly hôn trở về cư trú tại xã (14 trường hợp), có 20% số chị em đã ly hôn tiếp tục kết hôn lần thứ hai với người Đài Loan (6 trường hợp), còn lại là các trường hợp lên TP. Hồ Chí Minh học nghề, làm ăn hoặc cũng có trường hợp kết hôn với người ở địa phương khác;

- Hiện nay tại xã Tân Lộc có 8 trẻ em là con lai Đài – Việt đang cư trú, phần lớn các trường hợp này là con của các phụ nữ đã ly hôn.

3.3. Về tác động của tình hình kết hôn với người Đài Loan đối với các gia đình

- 61% (405 trường hợp) số hộ có con kết hôn với người Đài Loan ở tình trạng túng quẫn, thiếu nợ vào thời điểm cho con gái lấy chồng Đài Loan. Quan niệm chấp nhận việc kết hôn với người Đài Loan như một sự hy sinh để có điều kiện giúp đỡ gia đình, trả hiếu cha mẹ là quan niệm rất phổ biến trong cả đối tượng là chị em phụ nữ kết hôn với người Đài Loan cũng như người thân của họ;

- Đời sống kinh tế của 67% số hộ gia đình có con lấy chồng Đài Loan được cải thiện, trở nên khá giả hơn do có sự hỗ trợ tài chính từ con gái qua các lần về thăm nhà hoặc gửi tiền về.

4. Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan tại ấp Đông Bình, xã Tân Lộc

Ấp Đông Bình là nơi có trường hợp kết hôn với người Đài Loan sớm nhất.

* Tình hình chung

- Trường hợp kết hôn với người Đài Loan đầu tiên trong ấp diễn ra vào năm 1997. Năm 1999 là năm trong ấp có nhiều phụ nữ kết hôn với người Đài Loan nhất (13 trường hợp);

- Tỷ lệ số hộ gia đình có con lấy chồng Đài Loan trong ấp là 8% (51/639 hộ); có 1 hộ có 2 con lấy chồng Đài Loan;         

- Tình hình kết hôn với người Đài Loan qua các năm như sau:

Năm

Số lượng

Năm 1997

02

Năm 1998

08

Năm 1999

13

Năm 2000

03

Năm 2001

07

Năm 2002

11

Năm 2003

07

6 tháng đầu năm 2004

01

* Về độ tuổi kết hôn của phụ nữ lấy chồng Đài Loan tại ấp Đông Bình

- Trong số 52 phụ nữ  trong ấp đã kết hôn với người Đài Loan thì có:

+ 50% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 18 đến 20 tuổi (26/52 trường hợp);

+ 36% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 21 đến 25 tuổi (19/52 trường hợp);

+ 7% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 26 đến 30 tuổi (4/52 trường hợp);

+ 2% là chị em kết hôn ở độ tuổi từ 31 trở lên (1/52 trường hợp);   

*  Về hoàn cảnh kinh tế của các hộ có con lấy chồng Đài Loan trước và sau khi con gái kết hôn

- Trong số các hộ có con gái lấy chồng Đài Loan, có 61% số hộ (31/51 hộ) có hoàn cảnh kinh tế túng quẫn, thiếu nợ vào thời điểm con gái lấy chồng Đài Loan.

- Có 84% số hộ có con lấy chồng Đài Loan (43/51 hộ) đời sống khá giả hơn sau khi con gái kết hôn do được con gái gửi tiền về giúp gia đình, trong đó có 37% số hộ (19/51 hộ) dựng được nhà mới;

- Có 53% số hộ sử dụng tiền do con gái gửi về hỗ trợ cha mẹ vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có 1 hộ mua đất để sản xuất nông nghiệp, 11 hộ mua ghe thuyền để làm dịch vụ mua bán.

* Số trường hợp đã ly hôn với người Đài Loan

Trong ấp có 6 trường hợp đã ly hôn với người Đài Loan (chiếm 12%), trong đó có 3 trường hợp đã trở về cư trú tại ấp.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Đánh giá chung

1.1. Sự hình thành kết hôn với người Đài Loan tại một số tỉnh phía Nam

- Hầu hết các cô gái kết hôn với người Đài Loan đều xuất thân từ các hộ nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn do mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ mùa. Nhiều gia đình đông con (4 – 5 con), không có đất sản xuất do thế chấp quyền sử dụng đất để vay nợ. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình rất bấp bênh do cha mẹ chỉ đi làm thuê hoặc làm những công việc không ổn định (bán vé số, thu hoạch nông sản khi vào mùa). Tình trạng cha mẹ cô dâu trước khi cho con gái kết hôn với người Đài Loan nợ tiền ngân hàng hoặc nợ tiền tư nhân, nhưng không có điều kiện trả nợ rất phổ biến. Phần lớn các cô dâu chỉ học hết cấp 1 là nghỉ học để phụ giúp cha mẹ công việc gia đình, không có việc làm để có thu nhập.

- Do hoàn cảnh nói trên nên tâm lý chung của các cô gái đến tuổi kết hôn coi việc lấy chồng Đài Loan là biện pháp tốt nhất để giúp đỡ cha mẹ trả nợ và cải thiện đời sống. Phần lớn các bậc cha mẹ không phản đối mà còn ủng hộ và chủ động thực hiện việc gả con cho người Đài Loan, trong đó có cả các bậc cha mẹ là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ cho rằng con cái kết hôn với người nước ngoài sẽ đỡ khổ hơn, ngoài ra còn cải thiện được đời sống gia đình tại Việt Nam và cha mẹ có cơ hội được sang Đài Loan thăm con.

Số lượng cô dâu kết hôn với người Đài Loan tại Đồng Tháp tăng đột biến vào năm 1999 xuất phát từ các lý do sau đây:

+ Thứ nhất, sau khi phong trào kết hôn với người Đài Loan diễn ra mạnh mẽ tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1997, đến thời điểm này các công ty môi giới cạnh tranh nhau và hướng đến đối tượng môi giới là phụ nữ nông thôn, vì được hưởng lợi nhiều từ việc môi giới đối tượng này (trục lợi từ cả phía người Đài Loan và phía phụ nữ Việt Nam);

Hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp và các tụ điểm tổ chức cho người Đài Loan xem mặt chọn vợ tại thành phố Hồ Chí Minh bị kiểm tra gắt gao nên các cá nhân, tổ chức môi giới chuyển hướng hoạt động xuống địa bàn các tỉnh lân cận, trong đó tập trung đông ở Đồng Tháp để tránh sự kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng;

 + Thứ hai, đến thời điểm này tại Đồng Tháp rất nhiều gia đình hoặc bản thân các cô gái chủ động lên thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với người môi giới để kết hôn với người Đài Loan. Các bậc cha mẹ và các cô gái coi chuyện lên thành phố Hồ Chí Minh để nam giới Đài Loan xem mặt, chọn vợ là “đi thi lấy chồng Đài Loan”. Nhiều gia đình không có tiền phải bán đất hoặc vay mượn để có tiền cho con “đi thi” nhiều lần.

Từ năm 2003 đến nay số lượng phụ nữ tại tỉnh Đồng Tháp kết hôn với người Đài Loan vẫn tiếp tục tăng do có nhiều gia đình có con kết hôn từ năm 1999, 2000 được con gái và con rể hỗ trợ tài chính, nên đời sống thay đổi rõ rệt: cha mẹ có tiền chuộc lại đất đai, xây nhà, mua sắm đồ đạc (theo báo cáo của xã Thường Phước 2, thì khoảng 80% số hộ có con lấy chồng Đài Loan có điều kiện sống được cải thiện). Thực tế này càng tạo động lực thúc đẩy các bậc cha mẹ chủ động cho con kết hôn với người Đài Loan cho dù số tiền mà gia đình cô dâu được chú rể hỗ trợ khi làm đám cưới giảm đi rất nhiều (chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng).

Với số liệu nêu trên, chúng ta thấy diễn biến tình hình kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây đang có xu hướng chuyển dịch rõ ràng từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh, hướng tới đối tượng là phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Về việc kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam nói chung và kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan nói riêng về cơ bảnn được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có liên quan tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nghị định số 184-CP, Nghị định  số 68/2002/NĐ-CP.

Riêng trong lĩnh vực kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan nổi lên một số ưu điểm và tồn tại như sau:

 Những ưu điểm:

 Nhìn chung, nhiều cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với công dân Đài Loan đạt được mục đích hôn nhân và là cầu nối về tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc, hai đất nước. Các cô dâu Việt Nam được đánh giá cao là nết na, hiền hậu, chăm chồng con và dễ thích nghi với cuộc sống của các gia đình Đài Loan. Nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan có cuộc sống ổn định, hơn thế nữa họ còn có điều kiện giúp đỡ gia đình ở trong nước.

Cũng theo đánh giá của phía Đài Loan thì khoảng 80% phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan là toại nguyện, hạnh phúc và thích nghi với gia đình nhà chồng, còn 20% là không hài lòng với cuộc sống nơi đất khách quê người.

 Những  tồn tại:

Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên cũng tồn tại những hiện tượng, dư luận không tốt về các hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là những dư luận không tốt về việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan như: các cô gái Việt Nam thường là các cô gái ở vùng nông thôn đồng bằng Nam Bộ, có học vấn thấp, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, với suy nghĩ lấy chồng nước ngoài (Đài Loan) sẽ làm thay đổi được cuộc sống và có hy vọng giúp đỡ gia đình. Mặt khác, các chú rể Đài Loan thường có độ tuổi chênh lệch cao so với phụ nữ Việt Nam; phần lớn họ là không có điều kiện kết hôn với các cô gái trong nước vì lý do kinh kế, về trình độ học vấn hay những nhược điểm về thể chất ..., nên lấy vợ là người Việt Nam là điều kiện tốt nhất và với chi phí thấp nhất.

Các kết quả điều tra cho thấy, các cặp vợ chồng Việt Nam - Đài Loan thường có độ tuổi chênh lệch cao, trình độ văn hoá, ngoại ngữ của phụ nữ Việt Nam thường thấp.

Phần lớn nhà chồng của các cô dâu Việt Nam là tầng lớp lao động có mức sống trung bình, một số ít có đời sống cao hơn. Một số chú rể người Đài Loan có tuổi khá cao hoặc không có công việc ổn định.

Sự khác biệt tương đối lớn về độ tuổi, sức khoẻ, ngôn ngữ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình của những cặp vợ chồng Việt - Đài. Mặt khác chính sách nhập quốc tịch của Đài Loan cũng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của phụ nữ Việt Nam, cụ thể: trong thời gian chưa được nhập quốc tịch mà gặp rủi ro như chồng chết thì sẽ không được hưởng quyền lợi gì của nhà chồng.

Về phía Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền cũng rất khó khăn, lúng túng trong việc nhập quốc tịch cho trẻ em là con lai Việt - Đài hiện đang cư trú tại các địa phương  hoặc những cặp vợ chồng sau kết hôn không xuất cảnh mà ở lại Việt Nam để làm ăn, sinh sống, gây nhiều phức tạp trong vấn đề quản lý người nước ngoài cũng như việc giải quyết các chính sách khác như: thuế, nhà đất, đăng ký hộ tịch.

Hoạt động môi giới hôn nhân phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam và các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động này.

Chính từ những lý do nêu trên mà vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mà đặc biệt phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan không chỉ dừng lại ở những dư luận xã hội hiện tại mà còn là mối quan tâm của Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

2. Một số kiến nghị

2.1. Hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

* Về phạm vi các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh tại chương XI Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Có thể thấy rằng các quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Chương XI Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không đồng nhất với nhau về mặt phạm vi, cũng như không đồng nhất với phạm vi điều chỉnh đối với quan hệ hôn nhân và gia đình thông thường trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Phạm vi điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương XI hẹp hơn rất nhiều so với quan hệ hôn nhân và gia đình thông thường khác.

Cụ thể là có nhiều nhóm quan hệ hôn nhân và gia đình đã không được quy định, như: quan hệ giữa vợ và chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; xác định cha, mẹ, con; vấn đề cấp dưỡng.

Chính vì vậy, trong thời gian tới cần có quy định mở rộng hơn phạm vi các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh. Tiến tới có hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

* Về quan hệ giữa vợ và chồng

Hiện nay trong Luật hôn nhân và gia đình chưa có điều khoản riêng biệt quy định về quan hệ giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quy phạm xung đột để điều chỉnh nhóm quan hệ này. Quy phạm xung đột để giải quyết quan hệ giữa vợ và chồng nên xây dựng theo hướng: Các quan hệ nhân thân và quan hệ về tài sản là động sản giữa vợ và chồng được xác định theo pháp luật nơi thường trú chung của vợ chồng vào thời điểm phát sinh tranh chấp, nếu vào thời điểm phát sinh tranh chấp vợ chồng không có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật Việt Nam. Các quan hệ về tài sản là bất động sản giữa vợ và chồng được xác định theo pháp luật nơi có bất động sản.

* Về quan hệ giữa cha mẹ và con và xác định cha, mẹ, con

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng biệt để giải quyết xung đột pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con cũng như vấn đề xác định cha, mẹ, con  khi những quan hệ này có yếu tố nước ngoài. Thực tiễn đã nảy sinh khá nhiều loại quan hệ này và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn khi giải quyết vụ việc vì thiếu cơ sở pháp lý. Chính vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý điều chỉnh khi các quan hệ này phát sinh trên thực tế, pháp luật nước ta cần có các quy phạm xung đột để xác định pháp luật điều chỉnh. Việc xây dựng quy phạm xung đột để xác định pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa cha mẹ và con và xác định cha, mẹ, con nên theo hướng:

- Các quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con được xác định theo pháp luật nơi thường trú chung của họ vào thời điểm phát sinh tranh chấp, nếu họ không có nơi thường trú chung vào thời điểm đó thì xác định theo pháp luật nơi thường trú của người con.

- Việc xác định cha, mẹ, con được tiến hành theo pháp luật nơi thường trú chung của họ. Trong trường hợp họ không có nơi thường trú chung vào thời điểm đó thì xác định theo pháp luật nơi thường trú của người con vào thời điểm có đơn yêu cầu.

* Vấn đề cấp dưỡng

Vấn đề cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết điều chỉnh. Trong một số hiệp định tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và một số nước có đề cập đến việc giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề cấp dưỡng, tuy nhiên, chỉ quy định về vấn đề cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con. Thực tiễn thời gian quan cho thấy các tranh chấp về cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần phải sớm có các quy định về chọn luật để giải quyết các tranh chấp này. Theo chúng tôi, việc xây dựng quy phạm xung đột về vấn đề này nên theo hướng: nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của người yêu cầu cấp dưỡng.

* Vấn đề tham gia, ký kết các điều ước quốc tế, các hiệp định tương trợ tư pháp về quan hệ hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 15 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Hầu hết các hiệp định này đều quy định về vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp mới chỉ tồn tại trên giấy tờ mà chưa đi sâu vào thực tiễn đời sống. Chúng ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, nhưng lại ít nảy sinh các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài để điểu chỉnh, vì ít có công dân Việt Nam cư trú tại nước này và ngược tại. Trong khi đó, có rất nhiều nước có số lượng người Việt Nam làm ăn sinh sống lớn, thì chúng ta lại chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước đó. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chủ động đẩy nhanh việc ký các Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề hôn nhân và gia đình (đặc biệt là các nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống), cũng như tích cực tham gia vào các điều ước quốc tế có điều chỉnh về vấn đề hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp, vì nội dung của các hiệp định tương trợ tư pháp điều chỉnh nhiều vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác nhau.

2.2. Một số kiến nghị khác

Với những mặt được và chưa được nêu trên trong lĩnh vực giải quyết cho phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, cần có một số biện pháp sau đây để tăng cường sự quản lý, giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là hôn nhân với người Đài Loan.

- Tạo ra một hành lang pháp lý tốt để vừa tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam được kết hôn với người nước ngoài nói chung và công dân Đài Loan nói riêng được thuận lợi, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng việc kết hôn không đúng mục đích như trục lợi, trái với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

 - Phát triển, mở rộng hoạt động của các tổ chức; các loại hình hỗ trợ kết hôn hoạt động theo đúng hướng.

- Chấn chỉnh nghiêm khắc các tổ chức môi giới hôn nhân bất hợp pháp hoặc môi giới nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời.

- Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho phụ nữ Việt Nam phát huy, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, không kết hôn không đúng mục đích.

- Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở Đài Loan và Cơ quan Đại diện của Đài Loan ở Việt Nam để bảo hộ phụ nữ Việt Nam với mọi biện pháp tốt nhất./.



1 Báo cáo tổng kết 7 năm thi hành Nghị định số 184-CP ngày 30/11/1984 của Chính phủ quy định thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

2 Số liệu do Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan cung cấp.

3 Tài liệu sơ kết thực hiện Nghị định 184-CP do Bộ Tư pháp tổ chức tháng 11/2001.

4 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP

5 Pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch đồng thời có nơi thường trú vào thời điểm phát sinh vụ việc; nếu người đó không thường trú tại một trong các nước có quốc tịch, thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch đồng thời có quan hệ gắn bó nhất (gắn bó ở đây được hiểu là nơi người đó thực hiện phần lớn các quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hoặc nơi có phần lớn tài sản).

 

Nội dung toàn văn

PHẦN I

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

1. Khái niệm và đặc trưng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ hôn nhân và gia đình có người nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình đó ở nước ngoài. Cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, bởi vậy việc điều chỉnh các mối quan hệ đó trở thành một yêu cầu quan trọng đối với mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Pháp luật hôn nhân và gia đình của mỗi nước quy định rất khác nhau, chính vì vậy mỗi nước đều phải có những quy định về giải quyết xung đột pháp luật hôn nhân và gia đình.

Pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đó là tổng thể các quy phạm xung đột và quy phạm thực chất được nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Các quy phạm này có mối liên hệ mật thiết với nhau tạo nên sự thống nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Mối quan hệ này thể hiện trong một quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cụ thể. Nếu quan hệ đó không được điều chỉnh bởi quy phạm thực chất thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng quy phạm xung đột để chọn luật. Khi chọn luật theo sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột theo nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy phạm xung đột thống nhất.

Như vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại, thống nhất với nhau được lựa chọn để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Xuất phát từ tính đặc thù của các quan hệ xã hội được điều chỉnh - quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài - pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

- Đối tượng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là các quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình bị phức tạp hoá bởi yếu tố nước ngoài.

Chính yếu tố nước ngoài đã làm cho việc điều chỉnh này phức tạp lên rất nhiều. Các nước trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về “yếu tố nước ngoài” trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Thực tiễn tư pháp quốc tế cho thấy, thông thường, để xác định đâu là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài người ta thường dựa vào ít nhất một trong các dấu hiệu sau:

  • Khi quan hệ đó có ít nhất một bên chủ thể là người nước ngoài;
  • Khách thể của quan hệ đó là các quyền tài sản và quyền nhân thân được thực thi ở nước ngoài;
  • Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài.

Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại khoản 14 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Theo đó, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

- Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

- Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

- Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

- Phương pháp điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là phương pháp đặc trưng của tư pháp quốc tế – phương pháp xung đột và phương pháp thực chất.

Các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc phạm  vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế, chính vì vậy, các phương pháp, các quy phạm của tư pháp quốc tế sẽ phát huy hiệu lực. Trong đó, phương pháp xung đột và phương pháp thực chất là hai phương pháp đặc thù. Phương pháp xung đột là phương pháp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm xung đột nhằm để lựa chọn pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài – trong đó bao gồm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Phương pháp thực chất là phương pháp được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm thực chất để điều chỉnh trực tiếp các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Hai phương pháp này được kết hợp hài hoà và tác động tương hỗ với nhau trong việc thiết lập cơ chế điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế và bảo đảm một trật tự pháp lý dân sự quốc tế ổn định.

2. Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của việt nam từ năm 1945 đến nay

2.1. Giai đoạn 1945 - 1986

Trước khi ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành điều chỉnh về vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong giai đoạn từ 1945 đến 1959 Việt Nam chưa có quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Ngay cả khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1959[1] ra đời, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã có sự phát triển so với giai đoạn trước đó; nhưng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 cũng không có quy phạm nào điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Với sự ra đời của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986 được Quốc hội ban hành ngày 29/12/1986, lần đầu tiến trong lịch sử pháp luật hôn nhân và gia đình  Việt Nam, Nhà nước ta đã dành hẳn một chương riêng (Chương IX với các điều 52, 53, 54) quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Việc dành một chương riêng trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 để quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là một bước phát triển mới, một bước tiến quan trọng của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Trong giai đoạn này, chúng ta cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật trong đó có quy định liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như:

  • Luật quốc tịch năm 1988, quy định trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài không vì thế mà mất quốc tịch Việt Nam.
  • Pháp lệnh lãnh sự năm 1991 quy định “Lãnh sự đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau, đăng ký khai sinh, khai tử cho công dân Việt Nam theo pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với công dân nước ngoài, Lãnh sự chỉ đăng ký khi nước tiếp nhận đồng ý”.
  • Quy định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi; bị bỏ rơi, bị tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng, do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý, Ban hành kèm theo Quyết định số 145-HĐBT ngày 29 tháng 4 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 02/12/1993, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Có thể nói, đây là văn bản pháp luật hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Pháp lệnh không quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình mà chủ yếu là định ra các nguyên tắc, quy tắc làm cơ sở cho việc chọn luật áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Để thi hành Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, ngày 30/11/1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 184/NĐ-CP/1994 quy định thủ tục đăng ký việc kết hôn, công nhận việc kết hôn, công nhận việc cha, mẹ nhận con ngoài giá thú, đăng ký việc nuôi con nuôi, công nhận việc nuôi con nuôi và công nhận việc đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài. Tiếp đó, ngày 25/5/1995, liên Bộ Tư Pháp – Bộ Ngoại giao – Bộ nội vụ đã ban hành Thông tư số 503/TTLB hương dẫn thi hành chi tiết Nghị định 184/NĐ-CP/1994. Ngày 23/8/1995, Bộ tư pháp ban hành Thông tư 337/TT-PLQT hướng dẫn thi hành một số quy định tại Thông tư 530/TTLB.

Trong thời kỳ này, nước ta cũng đã ký các hiệp định tương trợ tư pháp, trong đó có đề cập đến vấn đề quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Có thể đánh giá rằng, trong giai đoạn này, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, quy định tương đối chi tiết điều chỉnh các vấn đề về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Các văn bản pháp luật này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, góp phần tăng cường củng cố các quan hệ hữu nghị giữa Việt  Nam và bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn này còn hẹp, pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn này mới chỉ đề cập đến quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên ở nước ngoài, còn quan hệ hôn nhân và gia đình giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam thì chưa có quy định.

2.2. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong thời kỳ này góp phần rất quan trong trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của quá trình giao lưu quốc tế, các quan hệ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều và càng phức tạp. Chính vì vậy việc điều chỉnh các mối quan hệ đó đòi hỏi phải có những quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể, trong khi đó các quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn mang tính chất chung chung, thiếu cụ thể, nên khó áp dụng trên thực tế, thiếu cơ sở pháp lý thống nhất, nhiều vấn đề  thuộc phạm vi của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa được điều chỉnh. Điều đó đòi hỏi phải có một văn bản pháp luật mới ra đời, điều chỉnh đầy đủ hơn vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Với sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 thì pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong giai đoạn hiện nay đã thực sự đạt được một bước phát triển vượt bậc so với các thời kỳ trước đó. Điều này thể hiện ở một số nội dung sau:

- Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại chương XI gồm 7 điều (từ Điều 100 đến Điều 106). Đây là những quy định có tính nguyên tắc về các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 (chỉ có các điều 52, 53 và 54), thì các quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Chương XI của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng hơn, đầy đủ hơn.

- Về đối tượng, Chương IX của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 chỉ điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình của công dân Việt Nam với người nước ngoài; còn Chương XI của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà phát sinh ở nước ngoài).

- Về phạm vi, Chương IX của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 chỉ điều chỉnh vấn đề kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài (Điều 52); còn các quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, quan hệ cha mẹ và con, huỷ việc kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi và đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài Luật giao cho Hội đồng Nhà nước quy định (Điều 53). Phạm vi điều chỉnh của Luật năm 2000 đầy đủ hơn, cụ thể hơn và có tính khả thi hơn. Luật năm 2000 điều chỉnh các vấn đề sau đây trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; kết hôn có yếu tố nước ngoài; ly hôn có yếu tố nước ngoài; nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Trên cơ sở các quy định về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương XI của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, một số các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã được ban hành, cụ thể như: Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆT NAM HIỆN HÀNH

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Việt Nam hiện hành được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

1. Về khái niệm "quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài"

Khái niệm quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại khoản 14 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Đó là sự vận dụng quy định tại Điều 826 của Bộ luật dân sự (về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài) đối với quan hệ hôn nhân và gia đình. Đây là lần đầu tiên trong Luật hôn nhân và gia đình của nước ta đã đưa ra khái niệm về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo đó, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

a) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

b) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

c) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Về chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài: Thông thường, khi có ít nhất một bên chủ thể là người nước ngoài[2] tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình, thì đó là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp các chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân và gia đình đều là công dân Việt Nam, nhưng căn cứ pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài, thì vẫn được coi là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

2. Về vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 100 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Quy định này vừa có ý nghĩa như một tuyên bố của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, vừa là cơ sở pháp lý để Toà án vận dụng nhằm giải quyết các vụ việc cụ thể khi cần thiết. Nội dung của quy định này thể hiện  một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều đó có nghĩa là các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đều được Việt Nam tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Những nguyên tắc chung về quan hệ hôn nhân và gia đình đối với công dân Việt Nam đều được áp dụng trong các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, bên cạnh đó do tính đặc thù của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nên các quan hệ này cũng được điều chỉnh một cách chặt chẽ hơn theo một số quy định riêng, đặc biệt là trong trường hợp Việt Nam ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế về hôn nhân và gia đình thì các quy định trong các điều ước này được ưu tiên áp dụng. Các điều ước quốc tế này chủ yếu là các Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định lãnh sự, Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi v.v...

 Quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không hề bị hạn chế, ngăn cản hay cấm đoán dưới bất cứ hình thức nào, mà được Nhà nước tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ bằng nhiều biện pháp thích hợp.

Quan hệ hôn nhân và gia đình của người nước ngoài với nhau tại Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

 Tuy nhiên, xuất phát từ chủ quyền quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Nhà nước Việt Nam không thừa nhận các quan hệ hôn nhân và gia đình của người nước ngoài tại Việt Nam, nếu các quan hệ đó trái với các nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Thứ hai, trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Đây là sự tuyên bố của Nhà nước Việt Nam về việc áp dụng chế độ đãi ngộ như công dân trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam. Về nguyên tắc, có thể nói trong các quan hệ về nhân thân, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, người nước ngoài được hưởng quyền và gánh chịu nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam quy định cho công dân Việt Nam, trừ trường hợp các văn bản pháp luật của Việt Nam có quy định khác.

Trong những trường hợp nhất định liên quan đến chính sách của Đảng, của Nhà nước cũng như do các vấn đề về an ninh quốc gia mà người nước ngoài tại Việt Nam không được hưởng các quyền và lợi ích ngang bằng với công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Thứ ba, Nhà nước Việt Nam thừa nhận và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.

Quy định này rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta đều biết, hiện nay có khoảng hai triệu rưỡi người Việt Nam định cư tại hơn 80 nước trên thế giới. Rất nhiều người trong số họ còn giữ quốc tịch Việt Nam. Từ khi nước ta thực hiện chính sách đổi mới, nhiều người Việt Nam đã về nước để lập gia đình với công dân trong nước và sau đó bảo lãnh cho vợ (chồng) ra nước ngoài đoàn tụ. Do vậy, quy định trên đây đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để Nhà nước tiến hành bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta trong quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước sở tại. Việc bảo hộ quyền lợi của công dân được thực hiện thông qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của ta ở nước ngoài. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự mà Nhà nước ta đã gia nhập.

3. Về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết đối với các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trước hết xuất phát từ phương pháp điều chỉnh đặc thù các loại quan hệ này xét dưới góc độ lý luận của Tư pháp quốc tế. Như đã nói ở trên, do bản chất của quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (là dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật), nên có ít nhất hai hệ thống pháp luật (pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài hữu quan) cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Việc áp dụng pháp luật nước nào không phải do ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà là do sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột. Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Quy định tại điều luật này cũng cho thấy, trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết xung đột giữa pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam với pháp luật các nước đã được quan tâm hơn so với Luật hôn nhân và gia đình năm 1986. Mục đích của nó một mặt giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Thẩm phán dễ dàng áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc phát sinh, mặt khác cũng là cơ hội đề cao pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình tiến bộ của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hạn chế hoặc từ chối việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Về nguyên tắc, pháp luật nước ngoài vẫn được áp dụng, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia dẫn chiếu hoặc được pháp luật Việt Nam quy định. Cụ thể, việc áp dụng pháp luật nước ngoài được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Một là, khi quy phạm xung đột trong Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình liên quan.
  • Hai là, nếu Luật hôn nhân và gia đình không quy định, nhưng trong các văn bản pháp luật khác của Việt Nam (bao gồm cả các văn bản hướng dẫn thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2000) có quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, thì pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng.
  • Ba là, trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định, nhưng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình.
  • Bốn là, do các bên thỏa thuận, nhưng không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Như vậy, căn cứ để áp dụng pháp luật nước ngoài, trước hết phải dựa trên các quy phạm xung đột được quy định trong pháp luật Việt Nam hoặc trong điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia. Yêu cầu chung nhất đối với việc áp dụng pháp luật nước ngoài là việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nếu việc áp dụng pháp luật nước ngoài mà trái với nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, thì pháp luật nước ngoài đó không được áp dụng mà áp dụng pháp luật Việt Nam.

Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, với sự thừa nhận có hiện tượng xung đột pháp luật, việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết các vụ việc phát sinh là điều không tránh khỏi và thực tiễn tư pháp ở nhiều nước đã chứng tỏ điều này[3]. Trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung đó.

4. Về thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật ở nước ta, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay cho thấy, khi quy định về thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, kể cả về hành chính cũng như về tố tụng, đều thống nhất quy định thẩm quyền thuộc cơ quan nhà nước cấp tỉnh (Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp tỉnh). Đó là điều khác so với nhiều nước. Vì thế, trên thực tế ở nước ta đã hình thành hai loại thủ tục: một loại áp dụng đối với công dân Việt Nam ở trong nước; một loại áp dụng đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài.

Đối với việc phân định thẩm quyền giải quyết các vụ việc cụ thể về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 102 luật hôn nhân và gia đình năm 2000, với một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con và giám hộ giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nhận giám hộ giữa, nhận cha, mẹ, con,các bên:

- Công dân Việt Nam với công dân nước ngoài;

- Công dân nước ngoài với nhau mà thường trú tại Việt Nam;

- Công dân nước ngoài với người không quốc tịch tại Việt Nam;

- Công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài một bên ở Việt nam;

- Giữa người không quốc tịch với công dân Việt Nam;

- Giữa người không quốc tịch với nhau thường trú tại Việt nam.

Thứ hai, đối với việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Cụ thể là Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam về đăng ký hộ tịch[4]. Trước đây, theo Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 thì thẩm quyền này là thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhiều địa phương phản ánh là không khả thi, do điều kiện đi lại xa xôi, thủ tục phức tạp (nhiều loại giấy tờ), lệ phí đắt đỏ... nên người dân không muốn đi đăng ký. Chính vì vậy việc quy định thẩm quyền này cho Uỷ ban nhân dân cấp xã là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Thứ ba, việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam cùng cư trú ở nước ngoài với nhau thì do Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam) giải quyết, nếu việc giải quyết đó không trái với pháp luật của nước sở tại. Bên cạnh đó Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam còn có trách nhiệm thực hiện việc bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở nước sở tại.

Thứ tư, Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Toà án nhân dân cấp tỉnh) là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài, giữa công dân nước ngoài với nhau (hoặc với người không quốc tịch) tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên (hoặc cả hai bên) định cư ở nước ngoài trừ quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.

Việc giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh biên giới.

Việc phân định thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện như trên đây là phù hợp với thực tiễn hiện nay ở nước ta, nhất là đối với các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia tình hình hôn nhân và gia đình có nhiều phức tạp. Việc giao thẩm quyền cho Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình ở khu vực biên giới vừa đảm bảo thích ứng với trình độ dân trí ở khu vực biên giới, vừa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ kịp thời quyền lợi của công dân trong các quan hệ hôn nhân gia đình. Việc giao cho TAND cấp huyện giải quyết huỷ kết hôn trái pháp luật, ly hôn, tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, nhận cha mẹ con, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là có tính khả thi cao. Một mặt tránh được tình trạng dồn ép công việc cho TAND cấp tỉnh, mặt khác tháo gỡ được các khó khăn do thực tiễn phát sinh đối với đồng bào ở khu vực biên giới trong việc thực hiện quyền tham gia tố tụng (điều kiện đi lại khó khăn, trình độ pháp lý có hạn...). Việc thực hiện tốt các quy định trên đây sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền của công dân trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Từ đó kết luận rằng các quy định về thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thực tế hơn, rõ ràng hơn và có tính khả thi hơn so với Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993.

5. Về kết hôn có yếu tố nước ngoài

Pháp luật mỗi nước đều có quy định rõ ràng về điều kiện kết hôn, nghi thức kết hôn tuy nhiên, những quy định này rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi nước. Chẳng hạn về độ tuổi kết hôn: ở pháp tuổi kết hôn đối với nam là 18 tuổi tròn, còn nữ là 15 tuổi tròn, ở Mỹ thì tuổi kết hôn của nam là 14, nữ là 12, trong khi đó theo pháp luật Việt nam thì Nam phải đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn. Chính vì vậy, trong các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài tất yếu sẽ dẫn đến có sự xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn, nghi thức kết hôn; do đó việc xác định pháp luật nước nào được áp dụng là điều rất quan trọng để bảo đảm quyền kết hôn của con người.

Để giải quyết những xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn, pháp luật các nước trên thế giới chủ yếu áp dụng các nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • Nguyên tắc luật quốc tịch; theo nguyên tắc này thì điều kiện kết hôn do luật của các bên tham gia kết hôn mang quốc tịch điều chỉnh; tuy nhiên, nếu luật của đương sự mang quốc tịch có quy định trái với trật tự công cộng của nước sở tại (nơi đăng ký kết hôn) thì nước này có quyền không chấp nhận điều kiện đó. Bên cạnh đó các nước áp dụng nguyên tác này cũng có một số quy định khác như: ngoài việc tuân thủ luật của của nước mà đương sự mang quốc tịch thì đương sự còn phải tuân theo một số điều kiện do luật của nước nơi kết hôn quy định (ví dụ Pháp).
  • Nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự; theo nguyên tắc này thì luật điều chỉnh việc kết hôn của các đương sự do pháp luật nơi đương sự cư trú điều chỉnh (ví dụ Anh).
  • Ngoài ra có nước còn áp dụng nguyên tắc luật nơi tiên hà kết hôn; theo đó thì pháp luật của nước nơi đương sự tiến hành kết hôn là luật điều chỉnh việc kết hôn, không phụ thuộc vào luật nơi đương sự cư trú hay đương sự mang quốc tịch (Mỹ).

Theo quy định tại Điều 103 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Việt Nam thì nguyên tắc cơ bản để giải quyết xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn là nguyên tắc luật quốc tịch của các bên đương sự. Cụ thể là:

  • Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; người nước ngoài còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn, nếu việc kết hôn được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
  • Trong việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau tại Việt Nam, trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mà họ là công dân hoặc thường trú (đối với người không quốc tịch) về điều kiện kết hôn; ngoài ra, còn phải tuân theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn.

Quy định của Việt Nam rất gần với quy định của Bộ luật dân sự pháp về giải quyết xung đột về điều kiện kết hôn.

Vấn đề khó khăn khi đương sự là người có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài thì sẽ áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết. Thực tế hiện nay một số nước thừa nhận hoặc không phản đối tình trạng hai hay nhiều quốc tịch (như Canada, Vương Quốc Anh, Ôxtrâylia...). Cho nên trong trường hợp một người vừa có quốc tịch Anh, vừa có quốc tịch Canada (người hai quốc tịch) xin kết hôn với công dân Việt Nam, thì vấn đề đặt ra là xác định điều kiện kết hôn của người đó theo pháp luật của nước nào trong hai nước mà người đó có quốc tịch. Về vấn đề này, trong pháp luật cũng như thực tiễn tư pháp quốc tế ở nhiều nước vận dụng nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu. Trước đây, tại Điều 21 của Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 02/12/1993 đã quy định về vấn đề quốc tịch hữu hiệu để giải quyết xung đột pháp luật trong trường hợp này, Trong dự thảo Luật hôn nhân gia đình cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên trong quá trình thông qua Luật hôn nhân và gia đình, có một số ý kiến đề nghị bỏ điều này, nên trong Chương XI của Luật năm 2000 không còn vấn đề quốc tịch hữu hiệu. Mặc dù vậy, nếu thực tiễn xảy ra vụ việc thì chúng tôi cho rằng vẫn có thể tham khảo Điều 21 của Pháp lệnh nêu trên để xác định điều kiện kết hôn theo nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu[5].

Điều 103 của Luật năm 2000 về kết hôn có yếu tố nước ngoài không có quy định giải quyết xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn (vốn là vấn đề được tư pháp quốc tế của nhiều nước rất quan tâm và đã được quy định khá kỹ tại Điều 6 của Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày 2/12/1993). Vấn đề này được quy định trong Nghị định số 68 năm 2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo đó vấn đề xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn được áp dụng nguyên tắc luật nơi tiên hành kết hôn để giải quyết. Cụ thể là:Việc kết hôn được tiến hành tại Việt nam hoặc tại cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt nam ở nước ngoài thì phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức nhà nước.

Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn.

Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục hoặc công nhận việc kết hôn đó là có lợi cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì hôn nhân đó cũng được công nhận tại Việt Nam.

Đây thực sự là quy định mang tính nhân đạo, là sự thể hiện của nguyên tắc bảo hộ quyền lợi của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Nhà nước Việt nam tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, do đó những hành vi lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác đều bị pháp luật nghiêm cấm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN II

THỰC TRẠNG KẾT HÔN GIỮA PHỤ NỮ VIỆT NAM

VỚI NGƯỜI ĐÀI LOAN

Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở nước ta xuất hiện từ những năm 1980 cùng với quá trình mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế, văn hoá, xã hội  quốc tế. Cho đến năm 1994, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi Nghị định số 184-CP ngày 30/11/1994 và đến năm 2002, được thực hiện theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002.

Tính đến năm 2003, đã có gần 70.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài được giải quyết. Kết hôn có yếu tố nước ngoài ở đây là những trường hợp kết hôn giữa công dân Việt nam kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, mà đặc biệt trong những năm gần đây vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan đã trở thành mối quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền và dư luận nhân dân.

Để làm rõ thực trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi muốn đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết việc kết hôn giữ phụ nữ Việt Nam với người Đài Loann theo quy định tại Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994 và Nghị định số 68/ 2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002.

1. Tình hình kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan  qua mỗi giai đoạn phát triển

1.1  Tình hình đăng ký kết hôn theo quy định của Nghị định số 184/CP ngày 30/11/1994

Quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài xuất hiện cựng với chính sách mở cửa, các quan hệ giao lưu dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội với các nước vào những năm 1980 và ngày càng có xu hướng gia tăng. Để điều chỉnh quan hệ mới này, Nhà nước ta đã ban hành Nghị định số 184/CP.

Với các quy định cơ bản, Nghị định 184-CP  đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại theo xu hướng hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Lần đầu tiên Nhà nước ta có những quy định cụ thể về việc giải quyết vấn đề hôn nhân và gia đình với người nước ngoài, giúp các địa phương  có cơ chế giải quyết trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình rất phức tạp này và chấm dứt tình trạng giải quyết tùy tiện tại các địa phương trong cả nước khi chưa có Nghị định.

Theo số liệu của phía Đài Loan cung cấp thì tính đến tháng 3/2001 tại Đài Loan đã có 42.599 cô dâu Việt Nam tại Đài Loan (chiếm 1/4 tổng số cô dâu nước ngoài tại Đài Loan), số lượng này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, tính từ năm 1995 đến năm 2002, trong cả nước giải quyết khoảng hơn 55.000 trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Đài Loan mà chủ yếu là phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam công dân Đài Loan, trong đó đặc biệt là số lượng giải quyết trong 3 năm gần đây chiếm tỷ lệ 68% tổng số trường hợp đã giải quyết của các năm trước cộng lại và tập trung ở 12 tỉnh, thành phố phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã chiếm tổng số 89% số lượng giải quyết trong cả nước; riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ 22% và Cần Thơ chiếm 17%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ lệ này có xu hướng giảm  tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ở các tỉnh khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì không giảm.

Trước thực tế và nhu cầu kết hụn cú yếu tố nước ngũai cú xu hướng gia tăng mà cỏc quy định của phỏp luật lại khụng đỏp ứng yờu cầu như: về thời hạn của một số giấy tờ như Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Giấy khám sức khoẻ quá ngắn (3 tháng) không đủ thời gian để đương sự thu xếp sang Việt Nam làm thủ tục.

Thủ tục hành chính còn rườm ra, kéo dài thời gian nhiều khi làm cho đương sự nản lòng, bỏ cuộc hoặc tự tổ chức theo phong tục tập quán gây hậu quả không tốt.

Những hạn chế trên đây gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đăng ký kết hôn với người nước ngoài nói chung cũng như tình hình kết hôn với công dân Đài Loan và từ đó cũng xuất hiện các hình thức trung gian cò mồi để kiếm lời, vì xu hướng hội nhập ngày càng cao thì quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài cũng ngày càng gia tăng.

1.2. Tình hình đăng ký kết hôn với công dân Đài Loan theo quy định tại Nghị định số 68/2002/NĐ-CP

Với những hạn chế nêu trên của Nghị định 184-CP, ngày 10/7/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2002/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu mới, nhân tố mới phù hợp trong quá trình giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài.

 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP  đó coa những bước tiến đặc biệt quan trọng như sau :

 Thứ nhất: Về thời hạn của một số giấy tờ đã được kéo dài lên 6 tháng tính từ thời điểm nhận hồ sơ đã giúp cho đương sự có đủ thời gian để thu xếp làm thủ tục.

Thứ hai: Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng được thực hiện vào ngay Tờ khai đăng ký kết hôn. Đối với người nước ngoài, việc xác nhận nêu trên có thể bằng một văn bản riêng.

Thứ ba: Đối với trường hợp các nước không quy định việc cấp phép, thì có thể thay thế bằng việc xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật nước họ.

Thứ tư: Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã không quy định bắt buộc phải có Giấy khai sinh và Giấy xác nhận công dân nước ngoài có đủ điều kiện kết hôn và việc kết hôn này được pháp luật nước họ công nhận, vì quy định này mang tính chủ quan nên không có khả năng thực thi.

 Thứ năm: Quy định về Giấy khai sinh, trước đây Nghị định số 184/CP quy định là một loại giấy tờ bắt buộc phải có đối với cả công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Thông tư hướng dẫn số 337-TT /PLQT ngày 23/8/1995 của Bộ Tư pháp quy định chỉ trong trường hợp đặc biệt mà phía nước ngoài không quy định về cấp Giấy khai sinh thì mới thay bằng Giấy xác nhận về ngày tháng năm sinh. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa có Giấy khai sinh, thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn hoặc đăng ký lại việc sinh trước khi làm thủ tục đăng ký kết hôn.

 Thứ sáu: Quy định bổ sung thêm các giấy tờ cần thiết như bản sao Chứng minh nhân dân, bản sao Hộ chiếu để chứng minh nhân thân người đăng ký kết hôn, giấy tờ xác nhận về nơi cư trú nhằm chứng minh thẩm quyền đăng ký kết hôn (Điểm c, d Khoản 1 Điều 13).

Thứ bảy: Ngoài ra các quy định nêu trên, Nghị định số 68/2002/NĐ-CP cũng yêu cầu mỗi bên phải nộp thêm Lý lịch cá nhân theo mẫu quy định.

 Thứ tám: Kéo dài thời hạn có giá trị của Giấy xác nhận tình trạng độc thân và Giấy chứng nhận sức khoẻ từ 3 tháng lên 6 tháng.

 Thứ chín: Quy định rõ về trường hợp bản án, quyết định cho ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài thuộc loại phải ghi chú vào sổ theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì bản án, quyết định đó phải được ghi chú trước khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

Thứ 10:  Về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP là việc trao quyền chủ động giải quyết hồ sơ cho Sở Tư pháp.

1.3. Những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan có liên quan đến việc giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trong quá trình thực hiện Nghị định 184/CP

a) Về phía cơ quan Công an

 Do hiện tượng quá tải vì số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài  Loan quá lơn nên cơ quan Công an (Phòng quản lý xuất nhập cảnh), từ năm 1997 đã trả lời kết quả xác minh một số trường hợp còn chậm hơn so với thời gian cho phép, đa số đối với các trường hợp phía nữ công dân VN kết hôn với ng­ười Đài loan. Ngoài ra, còn nguyên nhân do phía nữ công dân VN th­ường đi khỏi nơi cư­ trú sang nơi khác làm thuê, học nghề… rồi xin đăng ký kết hôn ở nơi đang làm việc hoặc nơi thứ ba, từ đó phát sinh những khó khăn cho quá trình thẩm tra xác minh của cơ quan công an.

b) Các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh

Sở Tư pháp là  cơ quan thụ lý và xem xét hồ sơ đăng ký kết hôn, khi tiếp xúc với đư­ơng sự, coi yếu tố tự nguyện kết hôn là một điều kiện quan trọng để hai bên nam, nữ đi đến quyết định kết hôn, nh­ưng thực tế không ít trư­ờng hợp đư­ơng sự sử dụng hình thức đăng ký kết hôn để hợp thức hóa thủ tục xuất cảnh ra nư­ớc ngoài, nên gặp phải những khó khăn như:

- Không xác định được mục đích hôn nhân do đương sự nhờ vào các dịch vụ mai mối, giới thiệu, tổ chức lễ c­ưới, như­ng chư­a thực sự là tự nguyện kết hôn, mà có thể là kết hôn để giải quyết vấn đề kinh tế hoặc với mục đích xuất cảnh… song không có căn cứ cụ thể để nhận biết việc kết hôn có tự nguyện hay không, không đủ yếu tố để từ chối đăng ký kết hôn, nên cơ quan chức năng tuy thấy lấn cấn mà vẫn phải giải quyết.

- Trong quá trình làm thủ tục xin đăng ký kết hôn, nhiều đ­ương sự là ng­ời VN đang định c­ư ở nư­ớc ngoài, không có giấy khai sinh, hoặc có những người bị thất lạc mà mất cả sổ bộ gốc, nên không thể hoàn tất hồ sơ xin đăng ký kết hôn hoặc khi đư­ợc giải quyết cấp lại Giấy khai sinh thì thời hạn của hồ sơ xin kết hôn đã hết, nên không thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.

- Trong một số tr­ường hợp công dân Việt Nam làm việc tại các cơ quan đặc biệt như Công an, Quân đội khi làm thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nư­ớc ngoài phải  nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý cấp TW hoặc cấp tỉnh về việc họ kết hôn với ngư­ời nư­ớc ngoài không ảnh hư­ởng đến bí mật quốc gia hoặc không trái với quy chế của ngành mà họ đang công tác.

- Do pháp luật Việt Nam không quy định độ tuổi tối đa được phép kết hôn với người nước ngoài nên đã, nên xảy ra tình trạng người dân lợi dụng kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh hoặc vì mục đích kinh tế, không nhằm mục đích hôn nhân. Phần lớn nữ công dân VN trong độ tuổi 18-25, trong khi nam giới ngư­ời Đài loan th­ường lớn hơn 15-20 tuổi, có trường hợp chênh lệch từ 30-40 tuổi. Một số không ít người Đài loan có các dị tật về tay, chân, mắt… và có nhiều trư­ờng hợp kết hôn qua môi giới, không có điều kiện tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, không có thời gian giao tiếp với nhau… Các cơ quan chức năng tuy nhìn thấy vấn đề, nhưng vẫn phải giải quyết thủ tục cho đăng ký kết hôn, vì đư­ơng sự nộp đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

Đứng tr­ước thực trạng nêu trên, nhiều địa phư­ơng đã đề nghị nghiên cứu ban hành các quy định về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nư­ớc ngoài chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi của nữ công dân VN, ngăn chặn hiện tư­ợng lợi dụng hôn nhân để đư­a phụ nữ VN ra nước ngoài nhằm mục đích bất hợp pháp.

-  Có một số trư­ờng hợp đư­ơng sự không đến nhận giấy chứng nhận kết hôn sau khi UBND tỉnh đã ký và Sở T­ư pháp đã thông báo. Sau đó, đương sự đến xin gia hạn thời gian nhận giấy chứng nhận kết hôn (vì chồng, hoặc vợ ở nư­ớc ngoài chư­a về kịp để cùng ký nhận); có đư­ơng sự xin hủy bỏ hồ sơ đăng ký kết hôn, không muốn kết hôn nữa; có nhiều người không bao giờ trở lại mà không rõ lý do.

-  Ngoài ra, hiện tư­ợng công dân VN và ngư­ời nư­ớc ngoài tổ chức đám c­ưới nhưng không đăng ký kết hôn không phải là ít, cơ quan chức năng ở địa ph­ương biết mà không quản lý đư­ợc, không có biện pháp phù hợp để đấu tranh ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả, vì chư­a có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực t­ư pháp.

- Về việc ghi chú, theo quy định, những hồ sơ xin đăng ký kết hôn, trong đó đ­ương sự là ngư­ời VN định cư­ ở n­ước ngoài xuất trình quyết định ly hôn của cơ quan có thẩm quyền của nước mà mình đang định cư­, thủ tục yêu cầu phải có ghi chú của cơ quan tư pháp quyết định ly hôn này vào sổ đăng ký kết hôn gốc.

-  Về vấn đề lệ phí đối với những ngư­ời đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài khi họ mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn và cũng không còn bản sao, vì đã sử dụng hết, nay xin cấp thêm bản sao kết hôn, thì cơ quan giải quyết hồ sơ lúng túng trong việc thu lệ phí (có đ­ược thu hay không, nếu đư­ợc thì thu với mức nào).

-  Trên thực tế, tỉ lệ ly hôn có yếu tố nư­ớc ngoài tuy không cao, nhưng vẫn đáng kể, có trư­ờng hợp đư­ơng sự yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, như­ng cũng nhiều trư­ờng hợp đ­ương sự tự ý bỏ nhau không cần Tòa án giải quyết, trong đó việc ly hôn giữa công dân VN và ng­ười Đài loan là vấn đề cần đư­ợc quan tâm nhiều. Phần lớn nguyên nhân xin ly hôn là do nữ công dân VN không thích nghi đ­ược với cuộc sống ở nông thôn, vùng núi, ngôn ngữ bất đồng, một số trư­ờng hợp bị ngư­ợc đãi, bị bắt lao động quá sức, cá biệt có trường hợp phải phục dịch cả gia đình, anh em bên chồng.

 Nhiều tr­ường hợp phía công dân VN có đơn yêu cầu ly hôn, nh­ưng Tòa án không xác định đ­ược địa chỉ của ngư­ời nư­ớc ngoài, nên không giải quyết đư­ợc. Có trư­ờng hợp phụ nữ VN sau khi kết hôn với ng­ười Đài loan, có con, bị đuổi về n­ước, nay đứa trẻ (mang quốc tịch Đài loan) rất khó được giải quyết đăng ký khai sinh, nhập hộ khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành.

  2. Những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan quản lý và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài từ khi thực hiện Nghị định 68/CP

Mặc dù  Nghị định 68/CP thay thế Nghị định 184/CP đã đ­ược triển khai ở tất cả các địa phư­ơng. Nhưng trong quá trình giải quyết, các cơ quan có thẩm quyền có liên quan gặp phải một số kháo khăn nhất định trong quá trình giải hôn nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó có việc giải quyết cho phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan như sau:

 - Do pháp luật không quy định rõ độ tuổi tối đa được phép kết hôn của người nước ngoài với công dân Việt Nam cho nên các cơ quan Tư pháp rất khó khăn khi tiếp nhận hoặc từ chối hồ sơ xin đăng ký kết hôn cho những đôi có bên Nam giới là người Đài Loan như nhiều đôi có độ tuổi chênh lệch giữa nam và nữ tới 30 tuổi, giữa nữ và nam trên 10 tuổi; trong tài liệu giấy tờ có những điểm nghi vấn về thân nhân … và rất khó tìm cơ sở  để xác định việc đư­ơng sự đăng ký kết hôn không đúng mục đích, không phù hợp với yêu cầu về tình cảm và việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

 - Trước nhu cầu kết hôn với công dân Đài Loan ngày càng gia tăng, trong xã hội đã xuất hiện những hoạt động môi giới hôn nhân của các công ty, doanh nghiệp môi giới hôn nhân mà cơ sở pháp lý để chấm dứt hoạt động này chưa rõ ràng.

-  Vấn đề ghi chú ly hôn hiện nay vẫn gây không ít trở ngại và tốn kém, nhất là về thời gian, có lúc gây phiền hà cho đư­ơng sự có yêu cầu đăng ký kết hôn và gây khó khăn cho cơ quan chức năng giải quyết đăng ký kết hôn có yếu tố n­ước ngoài.

-  Việc từ chối đăng ký kết hôn (Điều 16 Nghị định 68/CP): hiện vẫn chư­a có hư­ớng dẫn để xác định căn cứ kết luận thế nào là hôn nhân vi phạm các điều cấm, vi phạm nguyên tắc tự nguyện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN III

KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỰC TRẠNG PHỤ NỮ VIỆT NAM KẾT HÔN VỚI NGƯỜI ĐÀI LOAN TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

Để có cơ sở đánh giá về thực trạng tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, Ban chủ nhiệm đề tài đã tập trung tổng hợp và phân tích kết quả điều tra thực tế về vấn đề nói trên tại một số địa phương theo 3 cấp độ tỉnh, xã và một ấp.   

1. Kết quả khảo sát ở tỉnh Cần Thơ

Cần Thơ là địa phương có số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan lớn thứ hai trên cả nước (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh). Tính trong giai đoạn từ  năm 1995 đến năm 2002, tại Cần Thơ đã có hơn 9.500 trường hợp kết hôn với người Đài Loan, chiếm 17% tổng số trường hợp kết hôn với người Đài Loan trên cả nước trong giai đoạn này. Sự gia tăng nhanh chóng của hiện tượng “lấy chồng Đài Loan” tại tỉnh Cần Thơ bắt đầu từ năm 1998 và tăng mạnh vào các năm sau đó.

 - Số phụ nữ kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Cần Thơ chiếm 97,6% tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại địa phương. Như vậy, số phụ nữ Việt Nam tại địa phưong kết hôn với người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, Canada, Đức, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... chỉ chiếm tỷ lệ thấp;

- Số phụ nữ kết hôn với người Đài Loan chiếm 84% tổng số trường hợp  kết hôn có yếu tố nước ngoài tại địa phương (bao gồm cả nam và nữ Việt Nam kết hôn với nam và nữ nước ngoài hoặc nam và nữ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Phân tích tình hình theo các tiêu chí về đặc điểm nhân thân của các bên tham gia quan hệ hôn nhân (độ tuổi, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân) cho kết quả như sau:

1.1. Theo tiêu chí độ tuổi và chênh lệch tuổi:

- Độ tuổi của phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan vào thời điểm đăng ký kết hôn: Có 48% chênh lệch từ 18 đến 20 tuổi; 42% chênh lệch từ 21 – 25; 3% chênh lệch trên 30 tuổi.

- Độ tuổi của nam giới Đài Loan vào thời điểm đăng ký kết hôn: Từ 20-30 tuổi là 18%; 53% từ 31->40; 24% từ 41->50; 5% trên 50.

- Chênh lệch tuổi giữa phụ nữ Việt Nam và nam giới Đài Loan: 4% Dưới 5 tuổi; 18% Từ 6->10 tuổi;  29% Từ 11-15 tuổi; 26% Từ 16-20 tuổi; 14% Từ 21-25 tuổi; 5% Từ 26-30; 4% Trên 31 tuổi.

1.2. Theo tiêu chí nghề nghiệp

- Nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam: 91% phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là làm công việc nội trợ gia đình.

- Nghề nghiệp của nam giới Đài Loan: Nông dân chiếm 15%, công nhân: 62%; Kinh doanh: 5%; Công việc khác: 31%.

1.3. Theo tiêu chí tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn

- Số lần kết hôn của phụ nữ Việt Nam: Trong tổng số đôi kết hôn là 1075 thì có 24 trường hợp là đăng ký lần thứ hai, chiếm 2%; còn lại 98% là kết hôn lần đầu.

- Số lần kết hôn của nam giới Đài Loan: Trong tổng số 853 nam giới Đài Loan kết hôn với phụ nữ Việt Nam thì có 215 trường hợp kết hôn lần thứ hai, 31 trường hợp kết hôn lần thứ ba, còn lại 853 trường hợp là kết hôn lần thứ nhất.

2. Tình hình phụ nữ tại tỉnh Đồng Tháp kết hôn với người Đài Loan

Hiện tượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại tỉnh Đồng Tháp xảy ra muộn hơn so với một số tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai. Từ năm 1993 tại tỉnh Đồng Tháp mới phát sinh trường hợp đầu tiên kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan, đến năm 1997 (là thời điểm hiện tượng này tăng mạnh tại TP. Hồ Chí Minh) thì số lượng giải quyết tại Đồng Tháp còn rất ít, trung bình khoảng 40 trường hợp/ năm.

 Từ năm 1999, hiện tượng kết hôn với người Đài Loan tăng đột biến tại tỉnh Đồng Tháp và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại 3 huyện nghèo, kinh tế kém phát triển: huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung, huyện Hồng Ngự (huyện Hồng Ngự có 6/16 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn). Từ năm 2000 đến nay, trong khi số lượng kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm rõ rệt thì tại Đồng Tháp hiện tượng này vẫn tiếp tục gia tăng với số lượng giải quyết trung bình 1.500 trường hợp/năm. Hiện nay tại tỉnh Đồng Tháp chưa có biểu hiện giảm về số lượng mà vẫn tiếp tục gia tăng với mức tăng nhẹ.

Tính đến hết tháng 5/2004, tại tỉnh Đồng Tháp đã giải quyết 7.853 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, chiếm 77% tổng số trường hợp kết hôn với người nước ngoài tại tỉnh. Từ năm 2001 đến nay (là giai đoạn hiện tượng kết hôn với người Đài Loan có biểu hiện giảm ở TP. Hồ Chí Minh nhưng tăng mạnh ở các tỉnh lân cận), Đồng Tháp luôn là một trong các tỉnh có số lượng phụ nữ kết hôn với người Đài Loan cao nhất (chỉ sau tỉnh Cần Thơ). Số trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Đồng Tháp từ năm 1993 đến nay như sau:

- 1993: 2                         - 1998: 210                         -  2003: 1536

- 1994: 8                       - 1999: 903                         - T6/2004: 763

- 1995: 13                     - 2000: 1140

- 1996: 55                     - 2001: 1573

- 1997: 132                     - 2002: 1518

3. Thực trạng phụ nữ việt nam kết hôn với người Đài Loan tại  xã Tân Lộc (huyện Thốt nốt, thành phố Cần thơ)

Tân Lộc là xã cù lao (thường được gọi là “đảo Ngọt” – do có nhiều cơ sở sản xuất đường hoặc “đảo Đài Loan” – do có số lượng rất lớn phụ nữ kết hôn với người Đài Loan).

Hiện tượng kết hôn với người Đài Loan tại xã Tân Lộc diễn ra rất sớm với trường hợp đầu tiên vào năm 1995. Từ đầu năm đến tháng 8 năm 2004 trong xã mới chỉ có 39 trường hợp kết hôn với người Đài Loan.

7/7 ấp trong xã đều có hiện tượng kết hôn với người Đài Loan, trong đó ấp Trường Thọ có số chị em kết hôn với người Đài Loan lớn nhất (248 trường hợp), ấp Tân An có số lượng ít nhất (24 trường hợp).

3.1 Một số kết quả điều tra về thực trạng kết hôn với người Đài Loan tại xã  Tân Lộc và những tác động của hiện tượng này

* Về thực trạng kết hôn với người Đài Loan

- Số hộ gia đình có con gái kết hôn với người Đài Loan chiếm 11,6% tổng số hộ gia đình trong xã;

- Trong số 667 hộ gia đình có con gái kết hôn với người Đài Loan có 7% là các hộ có 2 con lấy chồng Đài Loan và có 3 hộ có 3 con lấy chồng Đài Loan, có 6 trường hợp kết hôn với người Đài Loan lần thứ hai;

* Số trường hợp ly hôn và vấn đề con lai cư trú tại xã

- Tỷ lệ ly hôn trong tổng số các trường hợp đã kết hôn với người Đài Loan tại xã là 6% (30 trường hợp), nhưng hiện tại chỉ có 47% trong tổng số chị em đã ly hôn trở về cư trú tại xã (14 trường hợp), có 20% số chị em đã ly hôn tiếp tục kết hôn lần thứ hai với người Đài Loan (6 trường hợp), còn lại là các trường hợp lên TP. Hồ Chí Minh học nghề, làm ăn hoặc cũng có trường hợp kết hôn với người ở địa phương khác;

- Hiện nay tại xã Tân Lộc có 8 trẻ em là con lai Đài – Việt đang cư trú, phần lớn các trường hợp này là con của các phụ nữ đã ly hôn.

* Về tác động của tình hình kết hôn với người Đài Loan đối với các gia đình

- 61% (405 trường hợp) số hộ có con kết hôn với người Đài Loan ở tình trạng túng quẫn, thiếu nợ vào thời điểm cho con gái lấy chồng Đài Loan. Quan niệm chấp nhận việc kết hôn với người Đài Loan như một sự hy sinh để có điều kiện giúp đỡ gia đình, trả hiếu cha mẹ là quan niệm rất phổ biến trong cả đối tượng là chị em phụ nữ kết hôn với người Đài Loan cũng như người thân của họ;

- Đời sống kinh tế của 67% số hộ gia đình có con lấy chồng Đài Loan được cải thiện, trở nên khá giả hơn do có sự hỗ trợ tài chính từ con gái qua các lần về thăm nhà hoặc gửi tiền về.

4. Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan tại ấp Đông Bình, xã Tân Lộc

Ấp Đông Bình là nơi có trường hợp kết hôn với người Đài Loan sớm nhất

* Tình hình chung

- Trường hợp kết hôn với người Đài Loan đầu tiên trong ấp diễn ra vào năm 1997. Năm 1999 là năm trong ấp có nhiều phụ nữ kết hôn với người Đài Loan nhất (13 trường hợp);

- Tỷ lệ số hộ gia đình có con lấy chồng Đài Loan trong ấp là 8% (51/639 hộ); có 1 hộ có 2 con lấy chồng Đài Loan;

- Tình hình kết hôn với người Đài Loan qua các năm như sau:

  • Năm 1997: 02                  - Năm 2001: 07
  • Năm 1998: 08                          - Năm 2002: 11
  • Năm1999: 13                           - Năm 2003: 07
  • Năm 2000: 03                - 6 tháng cuối năm 2004: 01

* Về độ tuổi kết hôn của phụ nữ lấy chồng Đài Loan tại ấp Đông Bình

- Trong số 52 phụ nữ  trong ấp đã kết hôn với người Đài Loan thì có:

          + 50% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 18 đến 20 tuổi (26/52 trường hợp);

          + 36% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 21 đến 25 tuổi (19/52 trường hợp);

          + 7% là chị em kết hôn trong độ tuổi từ 26 đến 30 tuổi (4/52 trường hợp);

          + 2% là chị em kết hôn ở độ tuổi từ 31 trở lên (1/52 trường hợp);     

*  Về hoàn cảnh kinh tế của các hộ có con lấy chồng Đài Loan trước và sau khi con gái kết hôn

- Trong số các hộ có con gái lấy chồng Đài Loan, có 61% số hộ (31/51 hộ) có hoàn cảnh kinh tế túng quẫn, thiếu nợ vào thời điểm con gái lấy chồng Đài Loan.

- Có 84% số hộ có con lấy chồng Đài Loan (43/51 hộ) đời sống khá giả hơn sau khi con gái kết hôn do được con gái gửi tiền về giúp gia đình, trong đó có 37% số hộ (19/51 hộ) dựng được nhà mới;

- Có 53% số hộ sử dụng tiền do con gái gửi về hỗ trợ cha mẹ vào sản xuất, kinh doanh, trong đó có 1 hộ mua đất để sản xuất nông nghiệp, 11 hộ mua ghe thuyền để làm dịch vụ mua bán.

* Số trường hợp đã ly hôn với người Đài Loan

- Trong ấp có 6 trường hợp đã ly hôn với người Đài Loan (chiếm 12%), trong đó có 3 trường hợp đã trở về cư trú tại ấp;

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN IV

ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Đánh giá chung

1.1. Sự hình thành phong trào kết hôn với người Đài Loan tại một số tỉnh phía Nam

- Hầu hết các cô gái kết hôn với người Đài Loan đều xuất thân từ các hộ nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn do mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ mùa. Nhiều gia đình đông con (4 – 5 con), không có đất sản xuất do thế chấp quyền sử dụng đất để vay nợ. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình rất bấp bênh do cha mẹ chỉ đi làm thuê hoặc làm những công việc không ổn định (VD: bán vé số, thu hoạch nông sản khi vào mùa). Tình trạng cha mẹ cô dâu trước khi cho con gái kết hôn với người Đài Loan nợ tiền ngân hàng hoặc nợ tiền tư nhân, nhưng không có điều kiện trả nợ rất phổ biến. Phần lớn các cô dâu chỉ học hết cấp 1 là nghỉ học để phụ giúp cha mẹ công việc gia đình, không có việc làm để có thu nhập.

- Do hoàn cảnh sống nói trên nên tâm lý chung của các cô gái đến tuổi kết hôn coi việc lấy chồng Đài Loan là biện pháp tốt nhất để giúp đỡ cha mẹ trả nợ và cải thiện đời sống. Phần lớn các bậc cha mẹ không phản đối mà còn ủng hộ và chủ động thực hiện việc gả con cho người Đài Loan, trong đó có cả các bậc cha mẹ là cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Mặt khác, nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ cho rằng con cái kết hôn với người nước ngoài sẽ đỡ khổ hơn, ngoài ra còn cải thiện được đời sống gia đình tại Việt Nam và cha mẹ có cơ hội được sang Đài Loan thăm con.

Số lượng cô dâu kết hôn với người Đài Loan tại Đồng Tháp tăng đột biến vào năm 1999 xuất phát từ các lý do sau đây:

+ Thứ nhất, sau khi phong trào kết hôn với người Đài Loan diễn ra mạnh mẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1997, đến thời điểm này các công ty môi giới cạnh tranh nhau và hướng đến đối tượng môi giới là phụ nữ nông thôn, vì được hưởng lợi nhiều từ việc môi giới đối tượng này (trục lợi từ cả phía người Đài Loan và phía phụ nữ Việt Nam);

Hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp và các tụ điểm tổ chức cho người Đài Loan xem mặt chọn vợ tại Thành phố Hồ Chí Minh bị kiểm tra gắt gao nên các cá nhân, tổ chức môi giới chuyển hướng hoạt động xuống địa bàn các tỉnh lân cận, trong đó tập trung đông ở Đồng Tháp để tránh sự kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng;

 + Thứ hai, đến thời điểm này tại Đồng Tháp rất nhiều gia đình hoặc bản thân các cô gái chủ động lên Thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với người môi giới để kết hôn với người Đài Loan. Các bậc cha mẹ và các cô gái coi chuyện lên Thành phố Hồ Chí Minh để nam giới Đài Loan xem mặt, chọn vợ là “đi thi lấy chồng Đài Loan”. Nhiều gia đình không có tiền phải bán đất hoặc vay mượn để có tiền cho con “đi thi” nhiều lần.

Từ năm 2003 đến nay số lượng phụ nữ tại tỉnh Đồng Tháp kết hôn với người Đài Loan vẫn tiếp tục tăng do có nhiều gia đình có con kết hôn từ năm 1999, 2000 được con gái và con rể hỗ trợ tài chính, nên đời sống thay đổi rõ rệt: cha mẹ có tiền chuộc lại đất đai, xây nhà, mua sắm đồ đạc (theo báo cáo của xã Thường Phước 2, thì khoảng 80% số hộ có con lấy chồng Đài Loan có điều kiện sống được cải thiện). Thực tế này càng tạo động lực thúc đẩy các bậc cha mẹ chủ động cho con kết hôn với người Đài Loan cho dù số tiền mà gia đình cô dâu được chú rể hỗ trợ khi làm đám cưới giảm đi rất nhiều (chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng).

Cũng qua khảo sát, với số liệu nêu trên, chúng ta thấy diễn biến tình hình kết hôn với người Đài Loan tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây đang có xu hướng chuyển dịch rõ ràng từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh, hướng tới đối tượng là phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam từ khi có quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng như việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan được công dân Việt Nam, về cơ bản cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có liên quan tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nghị định số 184-CP, Nghị định 68/2002/NĐ-CP.

Riêng trong lĩnh vực kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan nổi lên một số những mặt được và chưa được như sau:

 Những ưu điểm:

 Nhìn chung, nhiều cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài nói chung và với công dân Đài Loan đạt được mục đích hôn nhân và là cầu nối về tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc, hai đất nước có quan hệ hôn nhân gia đình. Tại Đài Loan, các cô dâu Việt Nam được đánh giá cao là nết na, hiền hậu, chăm chồng con và dễ thích nghi với cuộc sống của các gia đình Đài Loan. Về phía phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan nhiều trường hợp có cuộc sống ổn định, nhiều phụ nữ có điều kiện giúp đỡ gia đình ở trong nước để cuộc sống ổn định hơn, vì phần lớn họ đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp, tuy nhiên lại có ngoại hình ưa nhìn, có sức khoẻ và cần cù, chịu khó dễ hoà nhập với gia đình nhà chồng (cùng là người Châu á, nên dẫu sao cũng có đôi nét chung nhau về những phong tục tập quán của người Châu á và đa số nam công dân Đài Loan cũng là những nông dân, chịu thương, chịu khó.

Cũng theo đánh giá của phía Đài Loan thì khoảng 80% phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan là toại nguyện, hạnh phúc và thích nghi với gia đình nhà chồng, còn 20% là không hài lòng với cuộc sống nơi đất khách quê người.

1.1. Những  tồn tại

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực được phía Đài Loan đánh giá cao nêu trên, cũng tồn tại những hiện tượng, dư luận không tốt về các hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là những dư luận không tốt về việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan như: các cô gái Việt Nam thường là các cô gái ở vùng nông thôn đồng bằng Nam Bộ, có học vấn thấp, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, với suy nghĩ lấy chồng nước ngoài (Đài Loan) sẽ làm thay đổi được cuộc sống và có hy vọng giúp đỡ gia đình. Mặt khác, các chú rể Đài Loan thường có độ tuổi chênh lệch cao so với phụ nữ Việt Nam; phần lớn họ là không có điều kiện kết hôn với các cô gái trong nước vì lý do kinh kế, về trình độ học vấn hay những nhược điểm về thể chất ..., nên lấy vợ là người Việt Nam là điều kiện tốt nhất và với chi phí thấp nhất.

 

Các kết quả điều tra cho thấy, các cặp vợ chồng Việt Nam-Đài Loan thường có độ tuổi chênh lệch cao, trình độ văn hoá, ngoại ngữ của phụ nữ Việt Nam thường thấp.

Phần lớn nhà chồng của các cô dâu Việt Nam là tầng lớp lao động có mức sống trung bình, một số ít có đời sống cao hơn. Một số chú rể người Đài Loan có tuổi khá cao hoặc không có công việc ổn định.

Sự khác biệt tương đối lớn về độ tuổi, sức khoẻ, ngôn ngữ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình của những cặp vợ chồng Việt - Đài. Mặt khác chính sách nhập quốc tịch của Đài Loan cũng gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của phụ nữ Việt Nam, cụ thể: trong thời gian chưa được nhập quốc tịch mà gặp rủi ro như chồng chết thì sẽ không được hưởng quyền lợi gì của nhà chồng.

Về phía Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền cũng rất khó khăn, lúng túng trong việc nhập quốc tịch cho trẻ em là con lai Việt - Đài hiện đang cư trú tại các địa phương  hoặc những cặp vợ chồng sau kết hôn không xuất cảnh mà ở lại Việt Nam để làm ăn, sinh sống, gây nhiều phức tạp trong vấn đề quản lý người nước ngoài cũng như việc giải quyết các chính sách khác như: thuế, nhà đất, đăng ký hộ tịch.

Hoạt động môi giới hôn nhân phát triển mạnh ở các tỉnh phía Nam và các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động này.

Chính từ những lý do nêu trên mà vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mà đặc biệt phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan không chỉ dừng lại ở những dư luận xã hội hiện tại mà còn là mối quan tâm của Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Hoàn thiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1.1. Về phạm vi các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh tại chương XI Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Có thể thấy rằng các quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Chương XI Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 không đồng nhất với nhau về mặt phạm vi, cũng như không đồng nhất với phạm vi điều chỉnh đối với quan hệ hôn nhân và gia đình thông thường trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Phạm vi điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương XI hẹp hơn rất nhiều so với quan hệ hôn nhân và gia đình thông thường khác.

Cụ thể là có nhiều nhóm quan hệ hôn nhân và gia đình đã không được quy định, như: quan hệ giữa vợ và chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; xác định cha, mẹ, con; vấn đề cấp dưỡng.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, trong thời gian tới cần có quy định mở rộng hơn phạm vi các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh. Tiến tới có hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

* Về quan hệ giữa vợ và chồng

Hiện nay trong luật hôn nhân và gia đình chưa có điều khoản riêng biệt quy định về quan hệ giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quy phạm xung đột để điều chỉnh nhóm quan hệ này. Theo chúng tôi, quy phạm xung đột để giải quyết quan hệ giữa vợ và chồng nên xây dựng theo hương: Các quan hệ nhân thân và quan hệ về tài sản là động sản giữa vợ và chồng được xác định theo pháp luật nơi thường trú chung của vợ chồng vào thời điểm phát sinh tranh chấp, nếu vào thời điểm phát sinh tranh chấp vợ chồng không có nơi thường trú chung thì áp dụng pháp luật việt nam. Các quan hệ về tài sản là bất động sản giữa vợ và chồng được xác định theo pháp luật nơi có bất động sản.

* Về quan hệ giữa cha mẹ và con và xác định cha, mẹ, con

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng biệt để giải quyết xung đột pháp luật về quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con cũng như vấn đề xác định cha, mẹ, con  khi những quan hệ này có yếu tố nước ngoài. Thực tiễn cho thấy đã nảy sinh khá nhiều loại quan hệ này và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã gặp rất nhiều lúng tung, khó khăn khi giải quyết vụ việc vì thiếu cơ sở pháp lý. Chính vì vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý điều chỉnh khi các quan hệ này phát sinh trên thực tế, pháp luật nước ta cần có các quy phạm xung đột để xác định pháp luật điều chỉnh. Theo chúng tôi, việc xây dựng quy phạm xung đột để xác định pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa cha mẹ và con và xác định cha, mẹ, con nên theo hướng:

Các quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con được xác định theo pháp luật nơi thường trú chung của họ vào thời điểm phát sinh tranh chấp, nếu họ không có nơi thường trú chung vào thời điểm đó thì xác định theo pháp luật nơi thường trú của người con.

Việc xác định cha, mẹ, con được tiến hành theo pháp luật nơi thường trú chung của họ. Trong trường hợp họ không có nơi thường trú chung vào thời điểm đó thì xác định theo pháp luật nơi thường trú của người con vào thời điểm có đơn yêu cầu.

* Vấn đề cấp dưỡng

Vấn đề cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết điều chỉnh. Trong một số hiệp định tương trợ tư pháp ký kết giữa Việt Nam và một số nước có đề cập đến việc giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề cấp dưỡng, tuy nhiên chỉ quy định về vấn đề cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con. Thực tiễn thời gian quan cho thấy các tranh chấp về cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần phải sớm có các các quy định về chọn luật để giải quyết các tranh chấp này. Theo chúng tôi, việc xây dựng quy phạm xung đột về vấn đề này nên theo hướng: Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của người yêu cầu cấp dưỡng.

1.2. Vấn đề tham gia, ký kết các điều ước quốc tế, các hiệp định tương trợ tư pháp về quan hệ hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 15 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Hầu hết các hiệp định này đều quy định về vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp mới chỉ tồn tại trên giấy tờ mà chưa đi sâu vào thực tiễn đời sống. Chúng ta đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, nhưng lại ít nảy sinh các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài để điểu chỉnh, vì ít có công dân Việt Nam cư trú tại nước này và ngược tại. Trong khi đó, có rất nhiều nước có số lượng người Việt Nam làm ăn sinh sống lớn, thì chúng ta lại chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước đó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chủ động đẩy nhanh việc ký các Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề hôn nhân và gia đình (đặc biệt là các nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống), cũng như tích cực tham gia vào các Điều ước quốc tế có điều chỉnh về vấn đề hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra chúng ta cũng cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp, vì nội dung của các Hiệp định tương trợ tư pháp điều chỉnh nhiều vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác nhau.

2. Một số kiến nghị khác

Với những mặt được và chưa được nêu trên trong lĩnh vực giải quyết cho phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan, cần có một số biện pháp sau đây để tăng cường sự quản lý, giám sát của nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là hôn nhân với người Đài Loan.

- Tạo ra một hành lang pháp lý tốt để vừa tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam được kết hôn với người nước ngoài nói riêng và công dân Đài Loan nói riêng được thuận lợi, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng việc kết hôn không đúng mục đích như trục lợi, trái với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

 - Phát triển, mở rộng hoạt động của các tổ chức; các loại hình hỗ trợ kết hôn hoạt động theo đúng hướng.

- Chấn chỉnh nghiêm khắc các tổ chức môi giới hôn nhân bất hợp pháp hoặc môi giới nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời.

 

- Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để tuyên truyền cho phụ nữ Việt Nam phát huy, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, không kết hôn không đúng mục đích.

- Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở Đài Loan và Cơ quan Đại diện của Đài Loan ở Việt Nam để bảo hộ phụ nữ Việt Nam với mọi biện pháp tốt nhất.

Từ những phân tích, đánh giá trên đây về tình hình “ Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan ” và một số khuyến nghị, đề tài sẽ góp phần vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan.

 

                                                                                     



[1] Được Quốc Hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 31 tháng 12 năm 1959 và được Chủ tịc nước ký Sắc lệnh công bố ngày 13/1/1960.

[2] Người nước ngoài trong trường hợp này phải được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài (hay còn gọi là công dân nước ngoài) và người không quốc tịch (không là công dân của bất kỳ nước nào).

[3] Toà án CHLB Đức khi giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam với nhau, thường áp dụng pháp luật Việt Nam (Luật hôn nhân và gia đình năm 1986) trên nguyên tắc lex patriae - pháp luật của nước mà cả hai vợ chồng mang quốc tịch.

[4] Nghị định của Chính phủ Số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

[5] Pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch đồng thời có nơi thường trú vào thời điểm phát sinh vụ việc; nếu người đó không thường trú tại một trong các nước có quốc tịch, thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch đồng thời có quan hệ gắn bó nhất (gắn bó ở đây được hiểu là nơi người đó thực hiện phần lớn các quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hoặc nơi có phần lớn tài sản).

 

File đính kèm downloadTải về