• Thuộc tính
Tên đề tài Một số vấn đề về hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình - Thực trạng và giải pháp
Nội dung tóm tắt
Nội dung toàn văn

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để từng bước hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm xây dựng một nền tư pháp thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên theo đánh giá chung, thì việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp còn chậm và còn có những hạn chế nhất định so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy, ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Tại Nghị quyết này, Bộ chính trị đã chỉ rõ “Trên cơ sở tổng kết, đánh giá công tác thi hành án, cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thi hành án, bảo đảm các quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Xây dựng đề án thay đổi việc tổ chức thi hành hình phạt tử hình và nghiên cứu hạn chế hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự”. Như vậy, Đảng ta đã xác định vấn đề “Thay đổi việc tổ chức thi hành hình phạt tử hình và nghiên cứu hạn chế hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới.

Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho thấy, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt hình sự nói riêng và trong hệ thống các biện pháp chế tài pháp luật nói chung. Có thể nói đây là một hình phạt đặc biệt không chỉ đặc biệt ở tính chất mà còn đặc biệt cả về trình tự, thủ tục thi hành. Chính vì vậy, từ lâu, hình phạt tử hình, thi hành hình phạt tử hình là một vấn đề được đưa ra tranh luận không chỉ giới hạn trong các nhà hoạt động chính trị, các nhà luật học mà còn là đề tài được đông đảo người dân của nhiều nước quan tâm. Tuy nhiên do điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống… ở mỗi nước đều có những khác nhau nhất định. Ở một mức nào đó các yếu tố trên đã có ảnh hưởng tới việc quy định của pháp luật về hình phạt tử hình cũng như các vấn đề khác về: Điều kiện, đối tượng, phạm vi, cách thức áp dụng; trình tự thủ tục thi hành… Thậm chí còn ảnh hưởng tới cả quan điểm, dư luận xã hội về việc hủy bỏ hay giữ lại hình phạt này.

Ở nước ta, thực tiễn tổng kết hoạt động xét xử về áp dụng hình phạt tử hình và công tác thi hành hình phạt tử hình trong thời gian qua cho thấy mặc dù pháp luật đã có những thay đổi theo hướng hạn chế các hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm người bị Tòa án kết hình phạt tử hình và bị đưa ra thi hành, con số này năm sau cao hơn năm trước. Qua số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu tội phạm học cho phép đưa ra nhận định rằng trong thời gian qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã rất nỗ lực và thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế cơ sở, điều kiện phạm tội nhưng tội phạm vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số lượng tội phạm và nghiêm trọng về tính chất của hành vi. Số vụ án, bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và bị kết án về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, giết người (giết người có tính chất côn đồ, hung hãn, giết người cướp tài sản, giết người mang tính chất băng nhóm xã hội đen…), cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em… tăng lên theo từng năm. Việc áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trong thời gian qua nhìn chung có tác dụng trừng trị, răn đe, phòng ngừa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, so với pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam vẫn còn mở rộng đối với nhiều loại tội phạm. Cơ chế tổ chức, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình đã từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần khẩn trương khắc phục như: vấn đề tạm hoãn thi hành án; tình trạng các bản án tử hình chậm được thi hành có trường hợp kéo dài tới hàng năm gây khó khăn cho việc giam giữ, quản lý. Hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng cách bắn đã có tiến bộ nhưng vẫn còn gây ra sự đau đớn về thể xác và cũng tạo ra một số tiêu cực về tâm lý cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành hình phạt cũng như vấn đề người nhà xin đưa thi thể người bị thi hành về chôn cất v.v… Trong khi đó với sự phát triển về mọi mặt đời sống của xã hội loài người cùng với xu hướng chung của một số nước trên thế giới là thu hẹp dần phạm vi áp dụng và loại bỏ hình phạt tử hình; việc thi hành hình phạt tử hình đã áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo tính nhân đạo nhất đối với người bị thi hành hình phạt này. Chính vì vậy, vấn đề về hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình trong thời gian qua đã có một số đề tài khoa học, luận án, các bài viết đã được nghiên cứu và đề cấp ở những góc độ, phương diện khác nhau như: Đề tài khoa học cấp Nhà nước năm 2000 - 58 - 189 “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án ở Việt Nam trong giai đoạn mới” (cơ quan chủ trì Bộ Tư pháp); Đề tài khoa học cấp Bộ số 91-98-050 “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam” - Bộ Tư pháp 1991; Hình phạt và hệ thống hình phạt - so sánh giữa Luật hình sự của Cộng hòa Pháp và Luật hình sự Việt Nam, Luận án thạc sĩ: Hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam - Lê Văn Hường… Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có một đề tài nào nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện về hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình từ phương diện lý luận cũng như từ tổng kết tình hình thực tiễn để tìm ra phương hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thi hành hình phạt tử hình. Trên ý nghĩa đó việc chọn “Một số vấn đề về hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình - Thực trạng và giải pháp” làm đề tài nghiên cứu là đáp ứng yêu cầu cấp thiết đang đặt ra theo tinh thần cải cách tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Mục đích nghiên cứu của đề tài nhằm tập trung làm rõ những vấn đề sau đây:

- Khái niệm, đặc điểm, mục đích và bản chất của hình phạt tử hình;

- Các luận cứ khoa học và thực tiễn hạn chế hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự năm 1999.

- Một số vấn đề về thi hành hình phạt tử hình; các giải pháp góp phần cải tiến trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình theo hướng chặt chẽ, hợp lý và khoa học.

- Đề xuất thay đổi hình thức thi hành hình phạt tử hình phù hợp với yêu cầu thực tế của Việt Nam và xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay.

3- Nhu cầu kinh tế - xã hội, pháp luật và địa chỉ áp dụng.

- Góp phần sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản liên quan đến hình phạt tử hình và chế định thi hành hình phạt tử hình.

- Áp dụng cho công tác thi hành hình phạt tử hình trên phạm vi toàn quốc.

Việc nghiên cứu đề tài chỉ giới hạn trong phạm vi những vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định hình phạt tử hình, thi hành hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam, thực tiễn áp dụng và thi hành hình phạt này trong những năm vừa qua, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hạn chế hình phạt tử hình, thay đổi cơ chế, tổ chức thi hành hình phạt tử hình.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, nội dung của đề tài bao gồm 3 chương sau đây:

Chương   I. Một số vấn đề về hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự Việt Nam.

Chương  II. Thi hành hình phạt tử hình.

Chương III. Một số kiến nghị.

 

File đính kèm downloadTải về downloadTải về