• Thuộc tính
Tên đề tài Hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng, vấn đề đặt ra và phương hướng đổi mới
Nội dung tóm tắt

Trong xu thế hội nhập, việc kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi người trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, hạnh phúc. Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài mà chủ yếu là với người Đài Loan, Hàn Quốc tăng nhanh và ngày càng trở nên phức tạp. Thực tế cho thấy những người phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thường có tuổi đời từ 18 đến 25, phần lớn là phụ nữ nông thôn hoặc dân nghèo thành thị và đa phần muốn đổi đời nhanh chóng. Không ít cha mẹ gả con hoặc chính chị em quyết định kết hôn trong điều kiện khó khăn, muốn có ngay khoản tiền phụ giúp gia đình. Trước thực trạng này, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu đề tài cấp cơ sở “Hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và phương hướng đổi mới”. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh trên lĩnh vực chính trị- kinh tế- xã hội; trên lĩnh vực pháp luật, việc vận dụng các quy định pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh, pháp luật nước ngoài về quan hệ hôn nhân và việc giải quyết xung đột pháp luật, việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, về hoạt động môi giới hôn nhân nước ngoài. Thông qua đó, Nhóm nghiên cứu tổng hợp và đề xuất các kiến nghị về giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức, nâng cao năng lực của các tổ chức bổ trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Đề tài tập trung nghiên cứu vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài đối với các đối tượng sau: Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; Công dân Việt Nam ở trong nước kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Công dân Việt Nam ở trong nước kết hôn với người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam hoặc với người là công dân của nước có chung đường biên giới với Việt Nam; Công dân nước ngoài kết hôn với nhau đang sinh sống tại Việt Nam.

I. THỰC TRẠNG HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Tình hình chung về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh:

1.1. Về kết hôn: Theo số liệu mà nhóm nghiên cứu thống kê, phần lớn các trường hợp kết hôn là giữa công dân Việt Nam ở trong nước với người nước ngoài và kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (99,61%), trong đó, phụ nữ Việt Nam ở trong nước chiếm 92%. Có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân là chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân với công dân Việt Nam, phân bố theo 3 khu vực chính: nhiều nhất là Khu vực các nước có nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada; Thứ hai là kết hôn với nam công dân Trung Quốc (Đài Loan); Còn lại là ở các quốc gia khác. Về độ tuổi kết hôn của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài không có sự khác biệt lớn, tuy nhiên, ở các cặp vợ chồng Đài -Việt, tuổi kết hôn của các cô gái Việt Nam thường rất trẻ, độ tuổi chênh lệch lớn. Về dân tộc, gần một nửa phụ nữ Việt Nam kết hôn với Đài Loan thuộc dân tộc Hoa (có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung).

1.2. Về ly hôn: Theo số liệu thống kê từ năm 1998-2001, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 3487 vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, năm sau đều cao hơn năm trước. Việc ly hôn đa số do công dân Việt Nam trong nước đứng nguyên đơn; bên bị đơn là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc đang cư trú, làm việc tại Việt Nam; hoặc là công dân Việt Nam đang cư trú, làm việc, học tập ở nước ngoài (việc cư trú này có trường hợp không hợp pháp); hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (còn quốc tịch Việt Nam, hoặc đã có quốc tịch nước ngoài); hoặc là người không xác định được quốc tịch, đang cư trú tại Việt Nam (thường là công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia).

Khi giải quyết quan hệ hôn nhân, đa số là trường hợp xét xử vắng mặt một bên, hầu hết Toà án chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân, trường hợp giải quyết về con không nhiều, hầu như không có giải quyết về tài sản; Khi giải quyết về con chung hầu hết không giải quyết về cấp dưỡng nuôi con do các bên không yêu cầu, họ đã tự giải quyết, có lẽ do thấy Toà có giải quyết cũng khó thi hành được.

Nguyên nhân ly hôn tùy theo từng loại đối tượng, tập trung là những nguyên nhân sau:

* Đối với bên ở nước ngoài là công dân của nước ngoài:

- Công dân các nước Âu- Mỹ: nguyên nhân ly hôn thường là do tính tình, phong tục, tập quán, cách sống không phù hợp, không tin tưởng sự chung thủy, tài chính.

- Công dân Trung Quốc (Đài Loan): nguyên nhân ly hôn xuất phát từ hôn nhân không tình yêu, kết hôn chỉ nhằm giải quyết những khó khăn khác của bản thân và gia đình về kinh tế (người trong nước), hoặc muốn có con nối dõi (người nước ngoài); thời gian tìm hiểu trước hôn nhân không có do phần lớn kết hôn thông qua môi giới; chênh lệch lớn về tuổi tác; bị tàn tật...

* Đối với trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Cannada) có nhiều nguyên nhân ly hôn khác nhau: có trường hợp đã kết hôn và chung sống ở Việt Nam, sau đó một bên xuất cảnh, qua nước ngoài kết hôn với người khác, hoặc bỏ mặc người ở trong nước; có trường hợp kết hôn không vì mục đích chung sống vợ chồng mà là để sau này bên ở nước ngoài bảo lãnh cho bên ở trong nước được xuất cảnh, sau đó việc bảo lãnh không thực hiện được, họ phải chấm dứt quan hệ hôn nhân để ổn định cuộc sống; có trường hợp khi kết hôn một bên đã định cư ở nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài, về nước kết hôn với người trong nước, sau một thời gian chung sống ngắn ngủi ở Việt Nam, họ trở về nước và hứa hẹn làm thủ tục bảo lãnh đoàn tụ, nhưng khi đó mâu thuẫn giữa hai bên đã phát sinh, việc bảo lãnh không thực hiện, bên ở nước ngoài bỏ mặc, có khi có quan hệ chung sống với người khác ở nước ngoài, bên ở trong nước không có tin tức, liên lạc gì được.

* Đối với người không xác định quốc tịch: họ là người đã sinh sống, định cư ở Việt Nam lâu năm, có quốc tịch nước ngoài hoặc không xác định rõ quốc tịch, như những người gốc Việt Nam ở Campuchia về Việt Nam sinh sống từ những năm 1970, có những người đã có chứng minh nhân dân, có hộ khẩu ở Việt Nam, chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, thì nguyên nhân ly hôn cũng thông thường như những vụ án ly hôn khác không có yếu tố nước ngoài.

- Xét về thành phần nhân thân của bên cư trú ở trong nước: nữ nhiều hơn nam, tuổi đời còn trẻ, trình độ văn hoá thấp chiếm đa số, thành phần xuất thân từ gia đình lao động, nghèo, bản thân khi kết hôn chưa có việc làm hoặc làm nghề tự do hoặc là công nhân, cư trú ở thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.

Bên nước ngoài: là công dân các nước ngoài Châu Á không nhiều, là những người có học vấn, có việc làm tại Việt Nam, có thu nhập cao hơn nhiều so với bên ở trong nước. Đối với bên nước ngoài là công dân các nước gần Việt Nam như Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, một số là người đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, còn đa số là những người làm nông, công nhân, lao động, buôn bán tự do ở nước họ, đa số có mức sống không cao tại nước họ.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: có quốc tịch nước ngoài do định cư đã lâu, nhưng chưa thực hiện thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam, đa số đã có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập, ở các thành phố ở nước sở tại, đa số hầu hết ở Hoa Kỳ, rải rác rất ít ở Pháp, Đan Mạch, Đức, Anh, Canada.

- Kết quả giải quyết của Toà án: ngoại trừ một số ít vụ án sau khi thụ lý Toà án ra quyết định tạm đình chỉ do không tìm được địa chỉ của bị đơn; một số ít vụ án Toà án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do nguyên đơn rút đơn kiện để tự về thu xếp hoà giải đoàn tụ; một số vụ Toà công nhận sự thuận tình ly hôn của hai bên, còn tỷ lệ rất lớn là Toà án cho ly hôn; rất hiếm trường hợp Toà bác đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn; một số trường hợp Toà xử hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật (theo Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài năm 1993); hoặc không công nhận quan hệ hôn nhân; có một số trường hợp Toà án giải quyết ly hôn khi các bên hoặc một bên đã giải quyết ly hôn tại nước ngoài, do toà án nước ngoài xét xử hoặc cơ quan hành chính của nước ngoài công nhận việc thoả thuận ly hôn của hai bên. Trong trường hợp này, Toà không giải quyết theo thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định, bản án về quan hệ hôn nhân gia đình của toà án nước ngoài vì Việt Nam không có hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó và pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa cho phép công nhận.

1.3. Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn cùng công dân Trung Quốc- Đài Loan.

- Đa số phụ nữ Việt Nam kết hôn vì lý do kinh tế:

Về phía nam Đài Loan, phần lớn là dân lao động ở nông thôn, khó có điều kiện kết hôn ở Đài Loan do trình độ, thu nhập thấp, một số ít có hoàn cảnh đặc biệt như: tuổi cao (2,36%), có khuyết tật về thể chất. Do những đặc điểm chủ thể như thế, nên đại đa số các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người Đài Loan khó có thể đánh giá là hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu thật sự. Họ không có thời gian giao tiếp, tìm hiểu do bất đồng ngôn ngữ. Họ tiến tới hôn nhân do một bên có nhu cầu tìm vợ, một bên vì lý do kinh tế. Một số trường hợp cá biệt kết hôn nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lừa gạt mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Trong thực  tế có một số trường hợp phụ nữ Việt Nam sau khi tổ chức lễ cưới và nhận tiền của người Đài Loan thì không chịu sống chung hoặc trì hoãn việc đăng ký kết hôn.

- Quyền lợi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan chưa được bảo hộ:

Theo các thông tin từ Văn phòng Kinh tế - VH Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, sự bảo hộ quyền lợi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan gặp nhiều khó khăn. Phần lớn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan không biết cơ quan đại diện Việt Nam ở Đài Loan nên khi gặp khó khăn họ thường gửi đơn, thư, điện thoại đến các cơ quan chức năng của Đài Loan yêu cầu được giúp đỡ. Các tranh chấp về tài sản, quan hệ hôn nhân và gia đình của phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Đài Loan thường đưa đến các cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan giải quyết, trong khi các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam lại không được thông tin về các vấn đề này. Trong giải quyết án ly hôn, phần thiệt thòi thường nghiêng về phía phụ nữ Việt Nam (do các bất cập của các quy định pháp luật và sẽ được trình bày ở phần sau). 

1.4. Về hoạt động "môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài”:

Mặc dù đến nay chưa có một kết quả điều tra chính thức nào về nhu cầu tìm hiểu, kết hôn thông qua các hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân, tuy nhiên, qua các số liệu về đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh của các bên và theo kết quả điều tra xã hội học có thể khẳng định nhu cầu này là có thật và khá phổ biến. Trong khoảng thời gian từ 1993 cho đến khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân chủ yếu mang tính chất tự phát, hoạt động lén lút - thường gọi là "cò hôn nhân". Loại "cò" này hoạt động chủ yếu với trường hợp người Đài Loan muốn lấy vợ Việt Nam, không nhằm tác hợp hôn nhân trên cơ sở tình yêu tự nguyện mà chỉ nhằm vào "lợi nhuận", mang đậm tính chất môi giới mua bán hoặc lừa đảo. Có nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam đã bị lường gạt buộc hành nghề mại dâm ở nước ngoài trong thời gian này. Từ sau khi có Luật Doanh nghiệp cho đến trước khi Nghị định 68/2002/NĐ-CP(1) có hiệu lực: Có đến 58 doanh nghiệp đăng ký hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân. Do hoạt động của các doanh nghiệp này còn mới mẻ, mang tính thử nghiệm (chủ yếu là làm đầu mối cho các tổ chức ở nước ngoài), giá dịch vụ cao hơn so với "cò hôn nhân", có nhiều ràng buộc pháp lý và yêu cầu về thủ tục với phía khách hàng nên chưa có nhiều khách hàng, số thực sự hoạt động chỉ khoảng 05 doanh nghiệp. Thời gian này các "cò hôn nhân" vẫn hoạt động rầm rộ. Sau khi Nghị định 68/2002/NĐ-CP có hiệu lực, các doanh nghiệp dịch vụ môi giới hôn nhân vẫn còn tiếp tục hoạt động và đến tháng 7/2003 còn 23 công ty chưa làm thủ tục giảm ngành nghề môi giới hôn nhân. Xảy ra tình trạng như trên là do các cơ quan chức năng còn lúng túng, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan đăng ký (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chuyên môn (Sở Tư pháp) trong việc tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị định 68.

Về phía Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố, đến tháng 4/2003, việc xây dựng đề án, nhân sự của Trung tâm hỗ trợ hôn nhân theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP đã được chuẩn bị, khảo sát và ngày 20/10/2003 đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và có nhiều lúng túng trước thực tiễn phát sinh. Ngay như vấn đề biểu mẫu, hợp đồng, giá cả, con dấu cũng chưa được hướng dẫn. Về con dấu, 01 tháng sau khi thành lập mới xin được con dấu để hoạt động.

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp một số quan điểm khác nhau về hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân, như quan điểm cho rằng kinh doanh môi giới hôn nhân là một nghề và nó phù hợp với nhu cầu của xã hội; Quan điểm không chấp nhận kinh doanh môi giới hôn nhân dưới bất cứ hình thức nào. Nhóm nghiên cứu cho rằng: với thực tế và điều kiện hiện nay chúng ta không chấp nhận kinh doanh “môi giới hôn nhân” dưới bất cứ hình thức nào.

2. Việc vận dụng các quy định pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài của nước ta tại thành phố Hồ Chí Minh, những khó khăn, vướng mắc:

2.1. Về đăng ký kết hôn

2.1.1. Một số vận dụng tại thành phố Hồ Chí Minh

a) Việc xác định yếu tố “nước ngoài”:

- Điều 2, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” và thuật ngữ này được giải thích thống nhất trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta cho đến nay. Tuy nhiên,  cho đến nay pháp luật chưa quy định rõ ràng khái niệm “người gốc Việt Nam” là như thế nào.

- Liên quan đến việc xác định yếu tố “nước ngoài” trong giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn cho các đối tượng là người không quốc tịch đang sinh sống, thường trú tại Việt nam với người là công dân của quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, do căn cứ vào yếu tố quốc tịch, nên đã xếp các đối tượng này vào đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 184-CP(2) với các yêu cầu về thủ tục phức tạp khi họ có yêu cầu về đăng ký hộ tịch. Đây là một điều bất hợp lý. Trở ngại về quốc tịch khiến hàng loạt các vấn đề khác như hộ tịch, hộ khẩu, kết hôn, quan hệ tài sản trở nên hết sức phức tạp và không bảo đảm.

b) Về thủ tục ghi chú các thay đổi về hộ tịch ở nước ngoài:

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thực tế giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn cho thấy có ba trường hợp cơ quan thẩm quyền ở nước ngoài giải quyết cho ly hôn là: (1) Kết hôn và ly hôn tại nước ngoài giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người nước ngoài; (2) Kết hôn tại Việt Nam, ly hôn tại nước ngoài giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; (3) Kết hôn tại Việt Nam, ly hôn tại nước ngoài giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài, một bên ở Việt Nam hoặc không rõ địa chỉ.

Quan điểm của Sở Tư pháp trong việc vận dụng quy định này là trường hợp (3) mới cần phải qua thủ tục ghi chú để công nhận bản án, quyết định cho ly hôn của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trước khi giải quyết cho đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Việc làm này nhằm bảo vệ quyền lợi liên quan đến quan hệ hôn nhân với người vợ (chồng) còn ở Việt Nam. Còn trường hợp (1), (2) thì chỉ ghi chú việc ly hôn khi đương sự yêu cầu. Nếu ràng buộc thủ tục đăng ký kết hôn mới với việc buộc phải ghi chú bản án ly hôn của nước ngoài là không cần thiết, làm thời hạn giải quyết hồ sơ kết hôn kéo dài, gây khó khăn cho đương sự. Đối với trường hợp (3), khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu người VN định cư ở nước ngoài có bản án ly hôn nước ngoài xét xử vắng mặt phía công dân Việt Nam ở trong nước, Sở Tư pháp yêu cầu bên nước ngoài phải có văn bản nêu ý kiến của người ở trong nước đã ly hôn là không khiếu nại bản án đó, nếu đáp ứng yêu cầu này thì Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn và không buộc đương sự phải làm thủ tục ghi chú.

Tuy nhiên, việc vận dụng như trên cũng gây trở ngại cho phía nước ngoài, do thường bị phía người ở trong nước đã ly hôn gây khó khăn, không đáp ứng yêu cầu, hoặc yêu sách.  Do vậy, từ 1998 đến 2002, Sở Tư pháp thành phố không buộc thực hiện việc ghi chú ly hôn đối với trường hợp (1) và (2). Từ năm 2002 cho đến nay đã thực hiện việc ghi chú ly hôn cho tất cả các trường hợp theo quy định.

 c) Vận dụng pháp luật liên quan hộ tịch, hôn nhân - gia đình của các nước, khu vực trên thế giới trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở thành phố:

 Pháp luật của một số nước trên thế giới không quy định việc cấp các loại giấy tờ theo yêu cầu về thủ tục hồ sơ kết hôn theo quy định tại Nghị định 184-CP, nên trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại thành phố, Sở Tư pháp đã vận dụng chấp nhận một số loại giấy tờ có giá trị tương đương thay thế. Cụ thể như có quốc gia không cấp công hàm xác nhận việc kết hôn của công dân nước họ phù hợp pháp luật và không có trở ngại gì (Canada); hoặc không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự (Hoa Kỳ, Canada, Newzeland, Úc...) thì được thay thế bằng giấy tuyên thệ độc thân có xác nhận tuyên thệ của cơ quan có thẩm quyền nước mà họ mang quốc tịch. Hàn Quốc không cấp cho công dân nước họ các loại giấy tờ hộ tịch (kết hôn, khai sinh, khai tử) mà cấp sổ hộ khẩu và giấy xác nhận hộ tịch ghi rõ các thời điểm phát sinh sự kiện hộ tịch, nên ta chấp nhận xem xét qua sổ hộ khẩu và giấy tờ hộ tịch do Hàn Quốc cấp. Một số khu vực khác trên thế giới, giấy tờ hộ tịch không do các cơ quan hành chính nhà nước cấp mà do các cơ sở tôn giáo quản lý và cấp phát...

2.1.2. Những khó khăn, vướng mắc

a) Giải quyết xung đột pháp lý:

* Điều kiện kết hôn:

- Tuổi kết hôn: quy định về độ tuổi kết hôn của một số nước thấp hơn so với Việt Nam (như Anh, Mỹ, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là trên 16 tuổi đối với nữ, đối với Pháp là từ 15 tuổi) trong khi đó quy định của ta chỉ thừa nhận tuổi kết hôn là trên 18 tuổi. Trong trường hợp này ta sẽ gặp khó khăn khi thụ lý các hồ sơ xin công nhận việc kết hôn ở nước ngoài, vì ngoài việc xem xét cuộc hôn nhân đó có phù hợp với pháp luật Việt Nam không còn phải tính đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, chưa kể phải xem xét đến yếu tố vi phạm Luật Hình sự (giao cấu với người vị thành niên).

- Năng lực, nhận thức kết hôn: Thực tiễn hiện nay cho thấy có nhiều cuộc hôn nhân nằm ngoài mục đích đích thực của hôn nhân: chủ yếu vì lý do kinh tế hoặc để được xuất cảnh. Mặc dù một số trường hợp đã được Nhà nước Việt Nam cấp giấy đăng kết hôn hợp lệ nhưng nếu không chứng minh được quan hệ trước hôn nhân thì không được cấp thị thực nhập cảnh để đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài. Do đó tạo nhiều hậu quả rất thiệt thòi cho phía công dân Việt Nam (khác với các trường hợp kết hôn với người Đài Loan chỉ cần có giấy đăng ký kết hôn hợp lệ là được cấp thị thực nhập cảnh Đài Loan).

* Thủ tục kết hôn

- Để xác định tuổi kết hôn và huyết thống của bên nước ngoài, theo quy định của ta hiện nay chỉ cần nộp bản sao hộ chiếu và khai trong Tờ khai đăng ký kết hôn (đây là văn bản tự khai, không quy định phải do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận). Thực tế, đối tượng kết hôn từ khu vực các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc chủ yếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và xuất phát từ hoàn cảnh ra đi, những người này thường không có khai sinh, hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác do đó các vấn đề nhân thân của họ thường là tự khai và được nước sở tại cấp giấy tờ tuỳ thân (như hộ chiếu, thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe...). Mặt khác việc trích lục lại khai sinh ở Việt Nam mặc dù đã được quy định trong các văn bản pháp quy hiện nay, tuy nhiên thực tế là rất khó khăn do có nhiều trường hợp không còn sổ bộ. Các quy định của ta hiện nay về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là tiến bộ, phù hợp thực tiễn, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc khi xem xét thụ lý hồ sơ do các giấy tờ, chứng cứ của phía nước ngoài thường là các giấy tờ tự khai (tuyên thệ), do đó mức độ tin cậy và giá trị pháp lý còn bị giới hạn.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn không yêu cầu đương sự phía nước ngoài xuất trình chứng chỉ có khả năng kết hôn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp kết hôn với công dân Pháp, phía Pháp cho rằng, công dân Pháp muốn kết hôn tại Việt Nam phải hội đủ điều kiện ấn định bởi khoản 170 đoạn thứ nhất của Luật Dân sự Pháp. Bằng chứng của việc chấp hành những điều kiện này là công dân Pháp phải trình chứng chỉ có khả năng kết hôn, chứng chỉ này được cấp sau khi có công bố kết hôn theo như Điều 63 Luật Dân sự Pháp.

Vấn đề đặt ra là nếu thủ tục đăng ký kết hôn của ta không yêu cầu công dân Pháp nộp chứng chỉ có khả năng kết hôn, phía Pháp có công nhận các cuộc hôn nhân này hay không. Nếu không thì phía công dân Việt Nam sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi. Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn áp dụng theo quy định pháp luật của nước Cộng hoà Pháp.

b) Vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn:

- Điều 4 Nghị định 184 quy định “Thẩm quyền giải quyết đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người Việt Nam có hộ khẩu thường trú”. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có trên 1 triệu người nhập cư, tạm trú diện KT3 dài hạn, họ đã bị cắt hộ khẩu nơi thường trú trước đây và chưa được nhập hộ khẩu tại thành phố. Các đối tượng này khi có yêu cầu kết hôn với người nước ngoài thì không xác định được thẩm quyền nơi đăng ký kết hôn. Để giải quyết vấn đề này, trước đây, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn giải quyết.

Vướng mắc này đã được bổ sung trong Nghị định 68: Trường hợp công dân Việt Nam trong nước tạm trú có đăng ký theo quy định pháp luật thì được xem xét giải quyết đăng ký kết hôn. Tuy nhiên yêu cầu phải có giấy chứng minh nhân dân lại là vướng mắc mới, do nhiều người tạm trú tại thành phố khi họ chưa đủ tuổi làm chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy kiểm tra tạm thời.      

- Về xác định việc kết hôn không vi phạm các điều cấm:

Hiện nay, chưa có các quy định cụ thể nào nhằm bảo đảm việc đăng ký kết hôn không vi phạm các điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Thời gian qua, cơ quan công an chịu trách nhiệm xác minh về an ninh và không chịu trách nhiệm xác minh về vi phạm các điều cấm. Nghị định 68 quy định việc phỏng vấn để xác định các dấu hiệu, hiện tượng của việc kết hôn giả, kết hôn vì mục đích vụ lợi ...làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký kết hôn. Phương pháp này hiện chỉ mới áp dụng đối với một số trường hợp nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan; nam nữ có độ tuổi chênh lệch lớn; có nghi vấn về quan hệ huyết thống; nghi vấn về các nội dung trong các giấy tờ của đương sự nên chưa thể rút ra được điều gì làm bài học kinh nghiệm. Thực tế, qua các cuộc phỏng vấn đều cho thấy các bên quyết định đăng ký kết hôn rất vội vã, chỉ sau một lần gặp gỡ. Nhưng các bên đều đưa ra một số lý do vì muốn xây dựng mái ấm gia đình, hoặc thậm chí họ đã tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau, nay chỉ hợp pháp hoá việc kết hôn. Do đó, kết luận về một vụ việc vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký kết hôn là rất khó và không thuyết phục.

2.2. Về giải quyết án ly hôn có yếu tố nước ngoài

2.2.1. Khái niệm hôn nhân có yếu tố nước ngoài chưa thống nhất

Theo các hướng dẫn quy định tại Điều 826 Bộ luật Dân sự, Điều 8 điểm 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Điều 9 Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Điều 2 Luật Quốc tịch, Công văn 81/2002/TANDTC ngày 10/06/2002 của Toà án nhân dân Tối cao giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ, công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài không coi là một bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Toà án có thẩm quyền để giải quyết là Toà án nhân dân cấp huyện. Trong khi đó tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau đây: Khi có đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy Toà án các cấp khi xác định thẩm quyền thụ lý vụ án khi bên ở nước ngoài là công dân Việt Nam thuộc diện tạm trú ở nước ngoài là cấp nào?

Nếu chúng ta căn cứ vào Điều 2, 3, 4 của Luật Quốc tịch năm 1998, theo nguyên tắc công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, thì ngoại trừ trường hợp công dân Việt Nam đã mất quốc tịch Việt Nam, đã thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, thì các trường hợp còn lại dù họ đã vào quốc tịch nước ngoài vẫn được xem là công dân Việt Nam. Trong các vụ án Toà án thụ lý, rất nhiều trường hợp một bên ở nước ngoài, khi đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận kết hôn ghi rõ họ có quốc tịch nước ngoài chứ không ghi họ là công dân Việt Nam cho dù họ không thực hiện các thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam. Vậy thì chúng ta coi họ là công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài?. Điều này sẽ dẫn đến xung đột pháp luật, vì cả 2 nước đều coi họ là công dân của nước mình. Khi tiến hành điều tra giải quyết vụ án, chúng ta có thể coi họ là công dân Việt Nam để điều tra thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài- trên lãnh thổ nước ngoài không?. Chúng ta cần có một quy định thực tế về vấn đề này.

2.2.2. Việc hủy kết hôn trái pháp luật

Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, nhưng không đề cập đến việc hủy kết hôn trái pháp luật khi việc kết hôn thực chất được xác định không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc mà chỉ là kết hôn giả tạo nhằm mục đích trục lợi. Như vậy, việc kết hôn giả tạo, vì mục đích trục lợi nếu thực hiện có bị hủy bỏ không, hay chỉ cho ly hôn như hiện nay?

2.2.3. Về giải quyết án ly hôn vắng mặt một bên

Pháp luật Việt Nam có quy định trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài, nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án và quy định việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú sẽ được thực hiện bằng việc đăng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam. Nhưng xét thực tế và pháp lý, chúng ta đã biết họ ở nước ngoài và không có bằng chứng gì khác về việc họ đã trở lại Việt Nam, thì thủ tục này được quy định như vậy là chưa hợp lý, chưa chặt chẽ và đầy đủ, cần quy định sao cho người ở nước ngoài có thể biết được việc thông báo này thì mới bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của họ.

2.2.4. Việc ủy thác tư pháp quốc tế

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tuỳ theo đối tượng là người nước ngoài, hoặc công dân Việt Nam ở nước ngoài mà việc ủy thác tư pháp được thực hiện thông qua Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thông thường là Toà án nước ngoài thực hiện. Hồ sơ ủy thác được gửi ủy thác 2 lần, bao gồm các tài liệu chứng từ cả bản dịch ra tiếng nước sở tại, tốn kém chi phí khá nhiều của các đương sự ở trong nước. Thực tế cho thấy kết quả ủy thác tư pháp trong mấy năm qua thật là khiêm tốn, các nước thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thường không trả lời, trong khi Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đều có thực hiện và gửi trả hồ sơ cho các yêu cầu ủy thác của toà án nước ngoài. Đối với những nước, lãnh thổ chưa có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về các công việc nói trên cũng cần được quy định, hướng dẫn và yêu cầu theo nguyên tắc có đi, có lại.

2.2.5. Về thủ tục mở phiên toà

Đối với các vụ xử ly hôn có yếu tố nước ngoài, nội dung tranh chấp đơn giản, hầu hết chỉ có yêu cầu giải quyết quan hệ hôn nhân, đa số không có tranh chấp gì về con cái và tài sản, nội dung vụ việc rất đơn giản và tương đối giống nhau, nên có khi một buổi xử, một Hội đồng có thể xử đến 7, 8 vụ, mỗi vụ chỉ có một bên đương sự. Việc xét hỏi cũng rất ngắn gọn, xoay quanh vấn đề làm rõ tình trạng mâu thuẫn, thậm chí có vụ án cả hai bên vắng mặt do có yêu cầu, mà Toà án vẫn phải mở phiên toà để xét xử. Nên chăng nên quy định một thủ tục giải quyết rút gọn, vắng mặt các đương sự, để giảm thiểu được thời gian, chi phí cho các bên.

2.2.6. Về việc thu thập chứng cứ để giải quyết yêu cầu về cấp dưỡng sau ly hôn

Tuy ít có vụ án yêu cầu cấp dưỡng nuôi con và cấp dưỡng khi vợ chồng ly hôn, nhưng nếu có thì lại khó giải quyết, do không có điều kiện để xác định mức thu nhập của bên ở nước ngoài, mức cấp dưỡng theo yêu cầu sinh hoạt ở Việt Nam hay theo mức sinh hoạt ở nước ngoài, việc tổ chức thi hành cũng chưa có khả năng thực hiện được.

2.2.7. Việc công nhận bản án, quyết định về việc ly hôn của Toà án, cơ quan nhà nước tại Việt Nam

Trong một số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, mà nước đó là nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về lĩnh vực này, thì dù các đương sự đã ly hôn ở nước ngoài, có bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Toà án Việt Nam cũng chỉ coi đây là văn bản có giá trị tham khảo, không áp dụng thủ tục cho công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định này được. Điều này đã làm cho việc giải quyết ly hôn thêm mất nhiều thời gian, tốn kém, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các bên, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam khi họ cần làm thủ tục đăng ký kết hôn lần nữa.

Ngoài ra, trong thời gian qua việc phổ biến các hiệp định tương trợ tư pháp đã ký với các nước được thực hiện rất hạn chế, dù là chỉ trong ngành Toà án, tư pháp. Nhiều thẩm phán không có đủ các văn bản này để nghiên cứu, thực hiện, áp dụng trong khi xét xử khi cần thiết; kể cả các điều ước quốc tế, công ước, luật các nước liên quan cũng chưa được phổ biến để giúp cho các thẩm phán có tài liệu tham khảo, cơ sở pháp lý khi xét xử cần phải áp dụng luật của nước ngoài.

II. VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI

1. Một số kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài

1.1. Về các quy định chung

- Cần thống nhất thuật ngữ "người Việt Nam định cư nước ngoài" trong giải quyết các vấn đề phát sinh khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam.

- Cần quy định các nguyên tắc cơ bản, mang tính chủ đạo để giải quyết các xung đột pháp luật trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Việt Nam cần mở rộng quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đặc biệt là đối với các nước có nhiều người Việt Nam sinh sống. Trước mắt, khi chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, cần áp dụng nguyên tắc có đi, có lại trong quan hệ đối ngoại. Riêng đối với Đài Loan, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cần thoả thuận tăng cường một số biện pháp nhằm bảo vệ công dân Việt Nam như thông tin, tuyên truyền, can thiệp về ngoại giao, giải quyết các vấn đề xin thôi quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) tránh tình trạng công dân Việt Nam rơi vào tình trạng không quốc tịch, giúp đỡ kịp thời các trường hợp công dân Việt Nam lâm vào hoàn cảnh bất hạnh ở nước ngoài.

- Để đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội và cấm các hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn, cần sớm thành lập và đưa và hoạt động các Trung tâm hổ trợ kết hôn theo quy định tại Nghị định 68/2002/NĐ-CP nhằm giới thiệu, giúp đỡ công dân Việt Nam và người nước ngoài tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của các bên, phong tục, tập quán và các vấn đề khác có liên quan mà các bên yêu cầu; tạo điều kiện cho họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; giúp đỡ các bên hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn.

- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến về thủ tục đăng ký kết hôn theo hướng hợp lý, hiện đại.

Hiện nay, hệ thống pháp luật các nước trên thế giới đều áp dụng hình thức đương sự tự khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những chi tiết liên quan đến nhân thân. Bên cạnh đó, nhà nước quản lý rất đầy đủ dữ liệu thông tin về cá nhân và các biện pháp chế tài nặng nề trong trường hợp bị phát hiện khai gian. Việt Nam cần thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin cá nhân nhằm cung cấp thông tin một cách chính xác về nhân thân một người từ lúc sinh ra. Điều này giúp giảm thiểu các thủ tục đương sự phải đi xin xác minh, xác nhận về hộ khẩu, hộ tịch, về điều kiện kết hôn...

1.2. Về các quy định cụ thể

Trước mắt để giải quyết các vướng mắc hiện nay trong các quy định về thủ tục kết hôn, ly hôn, công nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài, có một số kiến nghị cụ thể sau:

- Nghị định 68/2002/NĐ-CP yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân, không quy định giấy tờ thay thế giấy chứng minh nhân dân. Thực tế có nhiều trường hợp, đương sự tạm trú có thời hạn (diện KT3), đã cắt hoặc xoá hộ khẩu ở nơi thường trú, không có hoặc chưa có chứng minh nhân dân, chỉ sử dụng giấy kiểm ra tạm thời, họ không thể xin cấp giấy chứng minh nhân dân tại nơi tạm trú vì theo quy định cơ quan công an cấp tỉnh nơi đương sự thường trú mới có thẩm quyền cấp giấy chứng minh nhân dân. Để giải quyết vướng mắc nhỏ này, đề nghị bổ sung quy định đối với các giấy tờ thay thế giấy chứng minh nhân dân.

- Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định đối với giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài, cho phép thay thế bằng giấy cam kết hoặc tuyên thệ độc thân. Luật pháp các nước đều quy định rõ việc xác nhận trên các tờ khai pháp định hoặc giấy cam kết, giấy tuyên thệ của một người chỉ là sự xác nhận về mặt hình thức văn bản, chữ ký của người tuyên thệ mà không xác nhận về nội dung, do đó trên thực tế loại giấy tờ này có mức độ tin cậy và giá trị pháp lý hạn chế. Nhằm bảo vệ cho công dân Việt Nam khi tham gia vào quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tránh trường hợp bị lừa dối... đề nghị trong trường hợp người nước ngoài sử dụng giấy cam kết, tuyên thệ độc thân cần bổ sung giấy xác nhận truy lục hồ sơ kết hôn tại nước sở tại.

- Về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam, trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp sẽ tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các bên đương sự. Tuy nhiên phương pháp phỏng vấn, nội dung phỏng vấn như thế nào để có cơ sở kết luận từ chối đăng ký kết hôn theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP chưa quy định cụ thể. Điều này dễ phát sinh các khiếu nại về phía đương sự và sự tuỳ tiện của cán bộ giải quyết hồ sơ. Đề nghị Bộ Tư pháp có đúc kết thực tiễn, hướng dẫn một số tiêu chí phỏng vấn.

- Lý lịch cá nhân theo mẫu trong hồ sơ đăng ký kết hôn hiện nay chưa giúp Sở Tư pháp xác định việc vi phạm các điều cấm về kết hôn trong quan hệ huyết thống. Do đó, cần bổ sung nội dung khai về anh, chị, em ruột của cha, mẹ của cả 2 bên.

- Về phần ghi quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, cần thống nhất ghi là "quốc tịch Việt Nam" trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quy định hiện nay của Chính phủ về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Nghị định 68/2002/NĐ-CP về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài đã định nghĩa người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài. Điều này mặc nhiên xem người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã vào quốc tịch nước ngoài là người nước ngoài, trong khi đó họ chưa bị tước quốc tịch hoặc thôi quốc tịch Việt Nam. Điều này dẫn đến khi tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam họ bị xem là người nước ngoài.

- Đối với các vụ án xét xử yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài, hầu hết chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân, không có tranh chấp về tài sản hoặc con cái, việc xét hỏi ngắn gọn, có khi được xét xử vắng mặt cả hai bên. Khó khăn là khi một bên ở nước ngoài vắng mặt, không triệu tập được hoặc việc ủy thác tư pháp không có kết quả dẫn đến việc xét xử kéo dài gây thiệt thòi cho phía người Việt Nam ở trong nước. Đối với các trường hợp này, đề nghị cho được giải quyết ly hôn theo thủ tục đơn giản và ít mất thời gian hơn.

2. Một số giải pháp về đổi mới công tác quản lý nhà nước về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

2.1. Đề án về tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ kết hôn thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh

2.1.1. Mục đích và yêu cầu

- Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội;

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội; góp phần làm cho quan hệ hôn nhân phù hợp với các quy định pháp luật, các chuẩn mực về phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của dân tộc; bảo đảm thực hiện mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ; ngăn chặn việc lợi dụng kết hôn nhằm trục lợi, làm trái pháp luật.

- Giúp cho công dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là với phụ nữ Việt Nam, người nước ngoài có điều kiện tìm hiểu để đi đến xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

- Hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, lấy thu (chi phí hợp lý) để trang trải cho các hoạt động của trung tâm.

2.1.2. Về tổ chức

- Trung tâm hỗ trợ kết hôn thành phố Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Trung tâm chịu sự lãnh đạo và quản lý toàn diện của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố.

- Trụ sở Trung tâm đặt tại số 71 Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

- Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

- Trung tâm có giám đốc và từ 1 đến 2 Phó giám đốc do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ bổ nhiệm; một số nhân viên văn thư, tài vụ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động với Trung tâm; các cộng tác viên là luật sư, luật gia, chuyên gia làm việc theo hợp đồng với Trung tâm.

2.1.3. Về hoạt động

- Hoạt động nhân đạo, phi lợi nhuận nhằm giới thiệu, giúp đỡ công dân Việt Nam và người nước ngoài tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của các bên, phong tục tập quán và các vấn đề khác có liên quan mà các bên yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, một vợ một chồng.

- Giúp các bên hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn.

- Được nhận thù lao để trang trải chi phí hoạt động theo mức do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố quy định, bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận; được thanh toán tiền tàu, xe đi lại, tiền lưu trú và các chi phí thực tế hợp lý khác theo thoả thuận với các đương sự.

2.1.4. Tổ chức triển khai đề án

- Chuẩn bị các bước về thủ tục thành lập Trung tâm và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.

- Chuẩn bị về trụ sở, cơ sở vật chất, nhân sự.

- Xây dựng quy chế hoạt động và đề xuất mức thù lao cho các hoạt động hỗ trợ kết hôn trình Ban Thường vụ Hội duyệt.

- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung hoạt động của Trung tâm nhằm thông tin đến các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân.

2.2. Các giải pháp về đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ và cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

2.2.1. Về tổ chức, cần có phòng chuyên trách về quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh, thành phố; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tiêu chuẩn hoá chức danh hộ tịch viên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cán bộ tư pháp cấp xã:

Tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh có Phòng Hộ tịch - Lý lịch tư pháp - Quốc tịch, nhiệm vụ quản lý và đăng ký hộ tịch (kể cả hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài), vừa làm nhiệm vụ thụ lý, tham mưu cho ban giám đốc giải quyết các hồ sơ tại Sở về đăng ký hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; vừa có nhiệm vụ tham mưu cho ban giám đốc Sở về công tác quản lý đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố. Với mô hình này, bộ phận quản lý và đăng ký hộ tịch đã có điều kiện chuyên môn hoá, chuyên sâu ở một lĩnh vực công tác, quản lý xuyên suốt. Điểm cần khắc phục là trình độ, kinh nghiệm cán bộ chưa đồng đều, cán bộ quen giải quyết sự vụ thì ngại nghiên cứu, tham mưu về công tác quản lý nghiệp vụ. Thành phố Hồ Chí Minh có 303 ban tư pháp phường, xã, thị trấn (số liệu tháng 11/2003). Về số lượng cán bộ tư pháp cấp xã có 1803 người, trong đó có 298 cán bộ chuyên trách. Trong số cán bộ chuyên trách có 52,6% cán bộ có trình độ đại học luật, trung cấp luật và chỉ có 29,75% cán bộ đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày. Cán bộ tư pháp không được bố trí ổn định, chỉ có 36% cán bộ có thời gian công tác trên 5 năm, số còn lại đều mới được bố trí, tuyển dụng, nguyên nhân là do thuyên chuyển công tác, nghỉ việc (một phần do chế độ đãi ngộ, chính sách đối với cán bộ cấp xã), được bố trí công tác khác (do yêu cầu công tác nhân sự của địa phương). Với thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã như trên khó bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại cơ sở ngày càng tăng về số lượng và tính phức tạp của công việc, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Thực tế là trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp vi phạm do trình độ, năng lực kém... (vi phạm về thẩm quyền đăng ký kết hôn, khai sinh có yếu tố nước ngoài; vi phạm về cấp giấy xác nhận độc thân; xác nhận tình trạng hôn nhân...).

Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn chức danh hộ tịch viên với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, được bố trí ổn định lâu dài. Người được bổ nhiệm vào chức danh này ở Sở Tư pháp, cũng như ở phường, xã phải đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Trước mắt cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp bằng các hình thức như: kết hợp với Trường Đại học Luật mở các lớp Trung cấp Luật, tổ chức bồi dưỡng ngắn ngày, tăng cường trách nhiệm quản lý của Phòng Tư pháp quận, huyện trong công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác tư pháp ở cơ sở.

2.2.2. Kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp:

Cần quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư pháp các cấp ở địa phương; chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan tư pháp cấp cơ sở; phân cấp thẩm quyền cho Sở Tư pháp trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở; tiêu chuẩn hoá đội ngũ chuyên trách tư pháp cấp xã; ban hành các quy định các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã như đối với cán bộ, công chức trong biên chế.

2.2.3. Xây dựng đề án áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đăng ký hộ tịch:

Kinh nghiệm tại Sở Tư pháp cho thấy, bước đầu Sở Tư pháp đã đưa vào quản lý cơ sở dữ liệu máy tính toàn bộ hồ sơ lưu trữ về đăng ký hộ tịch do Sở Tư pháp lưu trữ. Công trình này đã phát huy và ngày càng phục vụ tốt cho công tác quản lý, đăng ký hộ tịch tại Sở Tư pháp. Tại một số quận, huyện, bước đầu cũng đã triển khai quản lý hộ tịch theo mô hình này và có nơi đã triển khai về đến phường xã. Để tiến tới xây dựng một Trung tâm dữ liệu về hộ tịch, nối mạng giữa phường, xã, quận, huyện và thành phố, cần có một kế hoạch tổng thể. Nếu thực hiện được việc này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, quản lý một cách đầy đủ và chính xác các việc về hộ tịch tại thành phố./.



(1) Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

(2) Nghị định 184-CP[1] ngày 30-11-1994 của Chính phủ quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài

 

Nội dung toàn văn

PHẦN THỨ NHẤT

 

MỤC ĐÍCH YÊU CẦU, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI CƠ SỞ

“HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – THỰC TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI”

*****

I. VỀ MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

 

          Ban chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia nghiên cứu đề tài (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu) đã tuân theo những mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ chung của đề tài được nêu trong đề cương nghiên cứu và đã cụ thể hoá thành các nội dung cụ thể sau:    

 

          1. Phân tích, đánh giá thực trạng quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh trên lĩnh vực chính trị- kinh tế- xã hội; trên lĩnh vực pháp luật, việc vận dụng các quy định pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh, pháp luật nước ngoài về quan hệ hôn nhân và việc giải quyết xung đột pháp luật, việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài, về hoạt động môi giới hôn nhân nước ngoài.

 

          2. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các vấn đề nói trên, Nhóm nghiên cứu tổng hợp và đề xuất các kiến nghị về giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức, nâng cao năng lực của các tổ chức bổ trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài.  

 

          3. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được áp dụng cho việc nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật về hôn nhân gia đình Việt Nam phù hợp pháp luật, đạo đức Việt Nam và thông lệ quốc tế; là nguồn cung cấp các thông tin, số liệu cần thiết cho các cơ quan, tổ chức, đoàn thể hoạch định các chính sách về lao động, giải quyết việc làm, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, hạn chế tình trạng kết hôn vì mục tiêu kinh tế.

 

            II. PHƯƠNG PHÁP, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN  CỨU VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU ĐÃ THỰC HIỆN:

 

          1. Phương pháp, nghiên cứu:

 

Lý luận chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đổi mới tư duy pháp lý- chính trị, cải cách hành chính- tư pháp trong điều kiện đất nước ta mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế được trình bày trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian gần đây là cơ sở cho công tác nghiên cứu, thực hiện đề tài này.

 

          Nhóm nghiên cứu đã áp dụng các phương pháp hệ thống, thống kê, phân tích số liệu, tổng hợp so sánh luật học, khảo sát thực tế, thăm do điều tra dư luận xã hội, toạ đàm trao đổi, sử dụng kinh nghịêm thực tiễn của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.

 

          2. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:

 

          Đề tài tập trung nghiên cứu vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài đối với các đối tượng sau:

 

          - Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài;

 

          - Công dân Việt Nam ở trong nước kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

 

          - Công dân Việt Nam ở trong nước kết hôn với người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam hoặc với người là công dân của nước có chung đường biên giới với Việt Nam;

 

          -Công dân nước ngoài kết hôn với nhau đang sinh sống tại Việt Nam.

 

          3. Về           các hoạt động nghiên cứu:

 

          Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu cụ thể sau:

 

          -Sưu tầm các tài liệu liên quan phục vụ đề tài, các bài báo, báo cáo khoa học, báo cáo tham luận liên quan đến đề tài.

 

          -Tập hợp, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ trước năm 1945 cho đến nay.

 

          -Nghiên cứu, hệ thống các quy định về quan hệ hôn nhân của một số nhóm quốc gia tiêu biểu.

 

          -Khảo sát thực tế hoạt động môi giới hôn nhân nước ngoài tại một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

          -Tổ chức điều tra xã hội học: trong 500 nam nữ công dân Việt Nam trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài từ năm 1999 đến tháng 4/2003 (tại 9 quận, huyện).

 

          -Tổ chức viết các chuyên đề và tổ chức hội thảo nhằm hoàn thiện các nội dung của đề tài:

 

          Trên cơ sở đề cương nghiên cứu, Ban chủ nhiệm đã mời một số chuyên gia hiện đang công tác tại các cơ quan phối hợp chính (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố, Sở Ngoại vụ thành phố, Toà án nhân dân thành phố và một nhà báo thuộc Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh) viết các chuyên đề với nội dung đề cương chi tiết do Ban chủ nghiệm yêu cầu. Hàng tháng, Ban chủ nhiệm và các thành viên đã họp xem xét tiến độ và thảo luận góp ý các chuyên đề nhằm bảo đảm các nội dung chuyên đề được triển khai đúng yêu cầu đề ra.

 

          Sau khi các tác giả hoàn chỉnh chuyên đề giai đoạn 1, Ban chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo, thành phần hội thảo gồm tác giả các chuyên đề, một số cơ quan báo chí, cơ quan tư pháp quận, huyện.

 

          Kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện:

 

          - 01 quyển báo cáo phúc trình đề tài.

 

          -01 quyển gồm 9 chuyên đề chính của đề tài.

 

          III- VỀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ TÀI:

 

          Nhóm nghiên cứu đã thống nhất tập trung nghiên cứu các nội dung sau:

 

  1. Thống kê, phân tích về tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

  1. Báo cáo điều tra xã hội học về thực trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

  1. Thực trạng các quy định của pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở nước ta và việc vận dụng tại thành phố Hồ Chí Minh; những khó khăn và vướng mắc.

 

  1. Áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và giải quyết xung đột pháp luật trong vấn đề này.

 

  1. Thực trạng giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh

 

  1. Nhu cầu về các dịch vụ môi giới, hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này

 

  1. Sửa đổi, bổ sung các quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và cải tiến thủ tục đăng ký kết hôn, công nhận việc kết hôn ở nước ngoài, giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài.

 

  1. Đề án Tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ kết hôn thành phố Hồ Chí Minh

 

9. Đổi mới về tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN THỨ HAI:

 

 

NHỮNG KẾT QUẢ CHÍNH CỦA ĐỀ TÀI

 

 

 

A-THỰC TRẠNG HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

 

          I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:

 

          1. Về kết hôn:

 

          1.1- Phần lớn là các trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam ở trong nước với người nước ngoài và kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (99,61%).

 

          Theo số liệu thống kê cho thấy từ năm 1993-2002, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 39.325 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó:

 

- Kết hôn giữa công dân Việt Nam ở trong nước với người nước ngoài chiếm 40,82%;

 

- Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là 58,79%;

 

- Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người không quốc tịch đang sinh sống, thường trú tại thành phố và người là công dân có chung biên giới Việt Nam có 149 trường hợp (chiếm 0,39%)

 

Đặc biệt, trong những năm qua không có trường hợp đăng ký kết hôn giữa người nước ngoài với nhau đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 01/2003, phát sinh một trường hợp kết hôn giữa công dân Pháp và công dân Canada, cả hai đều đang thường trú và làm việc tại thành phố).

 

          1.2- Phụ nữ Việt Nam ở trong nước chiếm 92%:

 

Số lượng Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài hoặc chồng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là 36.175 trên tổng số 39.325 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài.

 

1.3- Vế quốc tịch của người nước ngoài, quốc gia mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang cư trú: có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân là chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân với công dân Việt Nam, phân bố theo 3 khu vực chính:

 

          -Khu vực các nước có nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada: có 18.658, chiếm 51,57% (trong đó nhiều nhất là với người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ, chiếm 33,26%).

 

          -Kết hôn với nam công dân Trung Quốc (Đài Loan): có 12.893, chiếm 35,63%.

 

          - Ở các quốc gia khác: 8,8%

 

          1.4- Về nhân thân:

 

Độ tuổi kết hôn của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài không có sự khác biệt lớn, tuy nhiên, ở các cặp vợ chồng Đài -Việt tuổi kết hôn của các cô gái Việt Nam thường rất trẻ, độ tuổi chênh lệch lớn. Về dân tộc, gần một nữa phụ nữ Việt Nam kết hôn với Đài Loan thuộc dân tộc Hoa (có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung). Cụ thể:

 

          Về độ tuổi kết hôn của phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài: <20 tuổi là 8,11% và tỷ lệ này đối với của nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là 14,59%; từ 20 đến <30 tuổi có 64,26% và tỷ lệ này của nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là 71,27%; trên 30 tuổi là 27,63% và tỷ lệ này của nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là 14,14%.

 

          Đối với nam: <30 tuổi có 22,53% và nam Đài Loan là 14,36%; từ 30-<60 tuổi là 74,73% và đối với nam Đài Loan là 83,28%; >60 tuổi có 2,74% và đối với nam Đài Loan là 2,36%.

 

          Độ tuổi chênh lệch giữa vợ và chồng: chênh lệch nhau <10 tuổi là 58,70% và đối với các cặp vợ chồng Đài -Việt là 35,95%; chênh lệch nhau từ 10-<20 tuổi là 34,53% và đối với các cặp vợ chồng Đài Việt là 54,69%; chênh lệch nhau trên 20 tuổi là 6,77% và với các cặp vợ chồng Đài -Việt là 9,45%.

 

          Về thành phần dân tộc của phụ nữ Việt Nam: 61,20% dân tộc kinh, 38,56% dân tộc hoa. Trong đó thành phần dân tộc Hoa lấy chống Đài Loan là 41,18%.

 

          2. Về ly hôn:

 

           Theo số liệu thống kê từ năm 1998-2001, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 3487 vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể:

 

          -Năm 1998: thụ lý                    689 vụ.

          -Năm 1999: thụ lý                    793 vụ.

          -Năm 2000: thụ lý                    937 vụ.

          -Năm 2001: thụ lý                 1.068 vụ.

 

          -Phân tích cho thấy việc ly hôn đa số do công dân Việt Nam trong nước đứng nguyên đơn; bên bị đơn là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc đang cư trú, làm việc tại Việt Nam; hoặc là công dân Việt Nam đang cư trú, làm việc, học tập ở nước ngoài (việc cư trú này có trường hợp không hợp pháp); hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (còn quốc tịch Việt Nam, hoặc đã có quốc tịch nước ngoài); hoặc là người không xác định được quốc tịch, đang cư trú tại Việt Nam (thường là công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia).

 

Việc giải quyết: đa số là xét xử vắng mặt 01 bên. Nội dung giải quyết hầu hết chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân, trường hợp giải quyết về con không nhiều, hầu như không có giải quyết về tài sản.

 

 Khi giải quyết về con chung hầu hết không giải quyết về cấp dưỡng nuôi con do các bên không yêu cầu, họ đã tự giải quyết, có lẽ do thấy Toà có giải quyết cũng khó thi hành được.

 

Khi giải quyết quan hệ hôn nhân, việc xác định tình trạng hôn nhân đã có mâu thuẫn trầm trọng, nguyên nhân ly hôn là không dễ có căn cứ, bỡi lẽ việc điều tra đối với bên ở nước ngoài bị hạn chế, thường không có kết quả, không trả lời, hoặc nếu có trả lời cũng chỉ đơn thuần là lời khai của hai bên. Cơ sở để Toà án xử cho ly hôn là lời khai của họ, là thực trạng hai bên xa cách đã lâu trong một thời gian dài, ngắn khác nhau, mỗi người ở một nước khác nhau mà không có sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc với nhau, không có sự chung sống, hai bên đã không thực hiện được quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong một khoảng thời gian. Đối với trường hợp bên nguyên đơn ở nước ngoài yêu cầu ly hôn với bị đơn ở trong nước, có bị đơn không đồng ý ly hôn mà yêu cầu bên nguyên đơn phải có mặt mới đồng ý giải quyết quan hệ hôn nhân, họ đồng thời có yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn vì lý do khó khăn về đời sống, yêu cầu này rất khó giải quyết vì không có điều kiện xác định tình trạng tài chính, mức thu nhập của bên ở nước ngoài.

 

Nguyên nhân ly hôn tùy theo từng loại đối tượng mà tập trung những loại nguyên nhân khác nhau:

 

*Đối với bên ở nước ngoài là công dân của nước ngoài:

 

-Công dân các nước Âu- Mỹ : nguyên nhân ly hôn thường là do tính tình, phong tục, tập quán, cách sống không phù hợp, không tin tưởng sự chung thủy, tài chính.

 

-Công dân Trung Quốc (Đài Loan): nguyên nhân ly hôn xuất phát từ hôn nhân không tình yêu, kết hôn chỉ nhằm giải quyết những khó khăn khác của bản thân và gia đình về kinh tế (người trong nước), hoặc muốn có con nối dõi (người nước ngoài); thời gian tìm hiểu trước hôn nhân không có do phần lớn kết hôn thông qua môi giới; chênh lệch lớn về tuổi tác; bị tàn tật...

 

          *Đối với trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Cannada) có nhiều nguyên nhân ly hôn khác nhau: có trường hợp đã kết hôn và chung sống ở Việt Nam, sau đó một bên xuất cảnh, qua nước ngoài kết hôn với người khác, hoặc bỏ mặc người ở trong nước; có trường hợp kết hôn không vì mục đích chung sống vợ chồng mà là để sau này bên ở nước ngoài bảo lãnh cho bên ở trong nước được xuất cảnh, sau đó việc bảo lãnh không thực hiện được, họ phải chấm dứt quan hệ hôn nhân để ổn định cuộc sống; có trường hợp khi kết hôn một bên đã định cư ở nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài, về nước kết hôn với người trong nước, sau một thời gian chung sống ngắn ngủi ở Việt Nam, họ trở về nước và hứa hẹn làm thủ tục bảo lãnh đoàn tụ, nhưng khi đó mâu thuẫn giữa hai bên đã phát sinh, việc bảo lãnh không thực hiện, bên ở nước ngoài bỏ mặc, có khi có quan hệ chung sống với người khác ở nước ngoài, bên ở trong nước không có tin tức, liên lạc gì được.

 

          *Đối với người không xác định quốc tịch: họ là người đã sinh sống, định cư ở Việt Nam lâu năm, có quốc tịch nước ngoài hoặc không xác định rõ quốc tịch, như những người gốc Việt Nam ở Campuchia về Việt Nam sinh sống từ những năm 1970, có những người đã có chứng minh nhân dân, có hộ khẩu ở Việt Nam, chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, thì nguyên nhân ly hôn cũng thông thường như những vụ án ly hôn khác không có yếu tố nước ngoài.

 

          -Xét về thành phần nhân thân của bên cư trú ở trong nước: nữ nhiều hơn nam, tuổi đời còn trẻ, bên trong nước trình độ văn hoá thấp chiếm đa số, thành phần xuất thân từ gia đình lao động, nghèo chiếm đa số, bản thân khi kết hôn chưa có việc làm hoặc làm nghề tự do, là công nhân, cư trú ở thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.

 

          Còn bên ở nước ngoài: là công dân các nước ngoài Châu Á không nhiều, là những người có học vấn, có việc làm tại Việt Nam, có thu nhập cao hơn nhiều so với bên ở trong nước. Đối với bên nước ngoài là công dân các nước gần Việt Nam như Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, một số là người đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, còn đa số là những người làm nông, công nhân, lao động, buôn bán tự do ở nước họ, đa số có mức sống không cao tại nước họ.

 

          Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: có quốc tịch nước ngoài do định cư đã lâu, nhưng chưa thực hiện thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam, đa số đã có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập, ở các thành phố  ở nước sở tại, đa số hầu hết ở Hoa Kỳ, rải rác rất ít ở Pháp, Đan Mạch, Đức, Anh, Canada.

 

          -Kết quả giải quyết của Toà án: ngoại trừ một số ít vụ án sau khi thụ lý Toà án ra quyết định tạm đình chỉ do không tìm được địa chỉ của bị đơn; một số ít vụ án Toà án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do nguyên đơn rút đơn kiện để tự về thu xếp hoà giải đoàn tụ; một số vụ Toà công nhận sự thuận tình ly hôn của hai bên, còn tỷ lệ rất lớn là Toà án cho ly hôn; rất hiếm trường hợp Toà bác đơn yêu cầu ly hôn của nguyên đơn; một số trường hợp Toà xử hủy quan hệ hôn nhân trái pháp luật (theo Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài năm 1993); hoặc không công nhận quan hệ hôn nhân; có một số trường hợp Toà án giải quyết ly hôn khi các bên hoặc một bên đã giải quyết ly hôn tại nước ngoài, do toà án nước ngoài xét xử hoặc cơ quan hành chính của nước ngoài công nhận việc thoả thuận ly hôn của hai bên. Trong trường hợp này, Toà không giải quyết theo thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định, bản án về quan hệ hôn nhân gia đình của toà án nước ngoài vì Việt Nam không có hiệp định tương trợ tư pháp với nước đó và pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa cho phép cộng nhận.

 

          3. Tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn cùng công dân Trung Quốc- Đài Loan.

 

          Tình hình Phụ nữ Việt Nam kết hôn cùng công dân Trung Quốc- Đài Loan (gọi tắt là Đài Loan) là một hiện tượng bình thường và không bình thường trong thời gian qua, đây cũng là một hiện tượng được dư luận xã hội quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau. Không bình thường bởi lẽ số lượng các cuộc kết hôn Đài -Việt tăng lên một cách nhanh chóng và tập trung tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu thống kê từ năm 1993-2002 có 15.900 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó kết hôn với công dân Trung Quốc -Đài Loan (gọi tắt là Đài Loan) là 12.892 trường hợp, chiếm tỷ lệ 81% trên tổng số các trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chống nước ngoài. Năm 1993 chỉ có 152 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Đài Loan và tăng nhanh trong các năm sau. Cụ thể:

 

          -Năm 1994: 546/1975 trường hợp (27,6%).

          -Năm 1995: 997/3530 trường hợp (28,2%).

          -Năm 1996: 1843/4825 trường hợp (38,2%).

          -Năm 1997: 1551/3310 trường hợp (46,9%)

          -Năm 1998: 1798/4822 trường hợp (37,3%).

          -Năm 1999: 2001/5131 trường hợp (39%)

          -Năm 2000: 1997/5047 trường hợp (39,6%).

          -Năm 2001: 1150/4359 trường hợp (26,4%).

          -Năm 2002: 844/3922 trường hợp (21,5%)

 

Lý giải về hiện tượng này, các tác giả đã đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, tập trung và một số nguyên nhân chính về chính trị, kinh tế và xã hội như:

 

Trước hết về chính trị, chính sách của chính quyền Đài Loan hạn chế các cô dâu nước ngoài đến từ Trung Quốc hoặc các khu vực khác nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi cho các cô dâu khu vực Đông Nam Á đã gián tiếp làm gia tăng số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan. Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do hôn nhân của công dân, không có những ràng buộc, hạn chế nào về việc công dân Việt Nam kết hôn với người Đài Loan.

 

Tại Đài Loan, thống kê, đánh giá tình hình nam Đài Loan kết hôn với phụ nữ Việt Nam cho thấy: từ năm 1994 trở về trước, cô dâu nước ngoài đến Đài Loan chủ yếu là người Philippin và Indonesia, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Đến năm 1996, số cô dâu Việt Nam đã vượt  Indonesia và con số cô dâu Việt Nam ngày càng tăng: năm 1995: 26%; năm 1996: 36,7%; năm 1997: 56,6%; năm 1998: 52,3%; năm 1999: 54,8%. Đến năm 2000 tại Đài Loan đã có khoảng 32.000 cô dâu Việt Nam, chiếm tỷ lệ 46,3% các cô dâu nước ngoài ở Đài Loan.

 

Về kinh tế, Đài Loan là nước có số vốn đầu tư đứng hàng thứ hai trong 10 nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, các công ty của Đài Loan có mặt tại 35/61 tỉnh thành của cả nước mà phần lớn tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Quan hệ kinh tế- xã hội giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng mở rộng, tạo cơ hội giao lưu cho cả hai phía. Về địa lý, Đài Loan gần Việt Nam, giao thông thuận tiện. Về văn hoá có nhiều nét tương đồng, gần gũi. Tại thành phố, có gần 1 triệu người Việt gốc Hoa, người Hoa đã cư trú lâu đời. Điều nay cho thấy, có 41,18% phụ nữ Việt Nam lấy chống Đài Loan thuộc dân tộc Hoa và tập trung nhiều ở quận 5, 8, 11.

 

Những nguyên nhân nói trên dẫn đến tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan ngày càng gia tăng là bình thường, phù hợp với thực tế khách quan của sự phát triển về kinh tế và xã hội, giao lưu hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vấn đề đặt ở đây là vai trò của Nhà nước trong việc đặt ra các chính sách, pháp luật bảo vệ các giá trị về thuần phong mỹ tục Việt Nam, hạn chế việc đưa phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế, vấn đề bảo hộ quyền lợi phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

 

Thực tế nghiên cứu cho thấy:  

 

-Đa số kết hôn vì lý do kinh tế:

 

Theo kết quả điều tra, thống kê cho thấy từ năm 1996-1998 đa số phụ nữ Việt Nam lấy chống Đài Loan có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm (nội trợ), chiếm 72%.

 

Thống kê điều tra từ 01/1996-9/1998, có 5543 trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan, tập trung ở các quận 5 (12,7%), quận 6 (13%), quận 8 (15,5%), quận 10 (8,3%), quận 11 (16,9%) và Tân Bình (5,7%), dân tôc Hoa chiếm 44,6% và có 74,72% không có việc làm (khai là nội trợ, làm công, ở nhà).

 

Về phía nam Đài Loan, phần lớn là dân lao động ở nông thôn, khó có điều kiện kết hôn ở Đài Loan do trình độ, thu nhập thấp, một số ít có hoàn cảnh đặc biệt như: tuổi cao (2,36%), có khuyết tật về thể chất.

 

Theo số liệu thống kê của Văn phòng kinh tế-văn hoá Đài Bắc, từ Đà Nẵng trở vào từ năm 1993 cho đến 1998, có 856 người khuyết tật về chân tay và 76 người chậm phát triển về trí tuệ kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

 

Do những đặc điểm chủ thể như thế, nên đại đa số các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người Đài Loan khó có thể đánh giá là hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu thật sự. Họ không có thời gian giao tiếp, tìm hiểu do bất đồng ngôn ngữ. Họ tiến tới hôn nhân do một bên có nhu cầu tìm vợ, một bên vì lý do kinh tế. Một số trường hợp cá biệt kết hôn nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, lừa gạt mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Trong thực  tế có một số trường hợp phụ nữ Việt Nam sau khi tổ chức lễ cưới và nhận tiền của người Đài Loan thì không chịu sống chung hoặc trì hoãn việc đăng ký kết hôn.

 

- Quyền lợi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan chưa được bảo hộ:

 

Theo các thông tin từ Văn phòng Kinh tế - VH Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy sự bảo hộ quyền lợi phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan gặp nhiều khó khăn.

 

Phần lớn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan không biết cơ quan đại diện Việt Nam ở Đài Loan nên khi gặp khó khăn họ thường gửi đơn, thư, điện thoại đến các cơ quan chức năng của Đài Loan yêu cầu được giúp đỡ. Cụ thể như:

 

-Do ngôn ngữ bất đồng dẫn đến hiểu lầm, xích mích, bị gia đình chồng đánh đập, xúc phạm...

 

-Không được hưởng thừa kế của chồng hoặc bị gia đình chồng đòi bồi thường, không cho nuôi con khi ly hôn.

 

-Một số trường hợp đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đang làm thủ tục nhập quốc tịch Đài Loan, nhưng do chồng chết hoặc ly hôn nên không có người bảo lãnh nên bị phía Đài Loan trục xuất.

 

-Bị các cá nhân, công ty môi giới lừa gạt để buộc hành nghề mại dâm.

 

Các tranh chấp về tài sản, quan hệ hôn nhân và gia đình của phụ nữ Việt Nam sinh sống tại Đài Loan được các cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan giải quyết, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam thì không được thông tin về các vấn đề này.

 

Theo số liệu của Văn phòng kinh tế- văn hoá Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng Đài -Việt chiếm tỷ lệ từ 5-8%. Tuy nhiên, theo Toà án nhân dân thành phố thì trong 3 năm 1999-2001, tỷ lệ giải quyết cho ly hôn phụ nữ Việt Nam lấy chống Đài Loan chiếm 14,4% trên tổng số các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài và năm 2002 tỷ lệ này là 20%. 

 

Vấn đề giải quyết án ly hôn trong các trường hợp lấy chồng Đài Loan gặp không ít khó khăn mà phần thiệt thòi thường nghiêng về phía phụ nữ Việt Nam (do các bất cập của các quy định pháp luật và sẽ được trình bày ở phần sau). 

 

4. Về hoạt động "môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài:

 

4.1- Thực trạng

 

Mặc dù đến nay chưa có một kết quả điều tra chính thức nào về nhu cầu tìm hiểu, kết hôn thông qua các hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân ra sao. Tuy nhiên, qua các số liệu về đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh của các bên và theo kết qủa điều tra xã hội học có thể khẳng định nhu cầu này là có thật và khá phổ biến.

 

Theo kết quả điều tra của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố từ năm 1993 đến nay, có 58,2% các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài thông qua môi giới của các tổ chức tư nhân. Riêng đối với việc kết hôn với Đài Loan, có khoảng 85% các trường hợp được thực hiện thông qua các tổ chức môi giới hôn nhân của nước ngoài và các tổ chức, cá nhân ở trong nước. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội thành phố thì tỷ lệ này là 92,1%.

 

Việc hình thành và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh xuất phát từ nhu cầu có thật của xã hội. Qua kết quả khảo sát thực tế tình hình hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi giới hôn nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy:

 

 -Thời gian từ 1993 cho đến khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực:

 

 Hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân chủ yếu mang tính chất tự phát, hoạt động lén lút mà xã hội thường gọi là "cò hôn nhân". Loại "cò" này hoạt động chủ yếu đối với trường hợp người Đài Loan muốn lấy vợ Việt Nam. Loại "cò" này không nhằm tác hợp hôn nhân trên cơ sở tình yêu tự nguyện mà chỉ nhằm vào "lợi nhuận", mang đậm tính chất môi giới mua bán hoặc lừa đảo. Có nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam bị lường gạt để buộc hành nghề mại dâm ở nước ngoài.

 

Tính đến năm 1998, Công an thành phố đã phát hiện và xử lý 9 tổ chức môi giới kết hôn mà đối tượng cầm đầu là người Đài Loan làm việc tại thành phố hoặc có vợ Việt Nam đứng ra môi giới để hưởng hoa hồng từ 100-300 USD/trường hợp. Ngoài ra cũng có một số đối tượng là người Việt Nam làm việc ở các công ty nước ngoài, khách sạn... đứng ra tổ chức dẫn mối cho các tổ chức môi giới nước ngoài để kiếm tiền

 

- Từ sau khi Luật Doanh nghiệp đến trước khi Nghị định 68/2002/NĐ-CP có hiệu lực:

 

Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999 và sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2001/TTLT-BKHĐT-TCTK nêu rõ danh mục ngành nghề được phép kinh doanh, trong đó có "dịch vụ môi giới hôn nhân" (mã số 9332- 933200). Đây chính là cơ sở pháp lý cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho 58 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ môi giới hôn nhân.

 

Mặc dù có đến 58 doanh nghiệp đăng ký hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân nhưng do hoạt động mới mẽ còn mang tính thử nghiệm, chủ yếu làm đầu mối cho các tổ chức ở nước ngoài, giá dịch vụ cao hơn so với "cò hôn nhân", có nhiều ràng buộc pháp lý và yêu cầu về thủ tục với phía khách hàng nên chưa có nhiều khách hàng. Số thực sự hoạt động chỉ khoản 05 doanh nghiệp.

 

Mặc dù có các doanh nghiệp hoạt động như trên nhưng tình hình "cò hôn nhân" vẫn còn hoạt động rầm rộ. Đến cuối năm 2000 vẫn còn tình trạng "cò" tiếp tục tổ chức những buổi lựa chọn vợ chồng tập thể mà vụ 220 cô gái Việt Nam, 17 người Đài Loan và 57 xe ôm dắt mối tại quán karaôkê Đại Nam phường 20 quận Tân Bình bị công an bắt quả tang).

 

- Từ sau khi Nghị định 68/2002/NĐ-CP có hiệu lực: các doanh nghiệp dịch vụ môi giới hôn nhân vẫn còn tiếp tục hoạt động và đến tháng 7/2003 còn 23 công ty chưa làm thủ tục giảm ngành nghề môi giới hôn nhân. Tình trạng như trên là do các cơ quan chức năng còn lúng túng, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan đăng ký (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chuyên môn (Sở Tư pháp) trong việc tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị định 68.

 

Về phía Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành phố, đến tháng 4/2003, việc xây dựng đề án, nhân sự của Trung tâm hỗ trợ hôn nhân theo quy định của Nghị định 68 đã được chuẩn bị, khảo sát và vừa qua ngày 20/10/2003 đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động của TRung tâm vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và có nhiều lúng túng trước thực tiễn phát sinh. Ngay như vấn đề bểu mẫu, hợp đồng, giá cả, con dấu cũng chưa được hướng dẫn. Về con dấu, 01 tháng sau khi thành lập mới xin được con dấu để hoạt động.

 

4.2- Các quan điểm khác nhau về hoạt động môi giới, hỗ trợ hôn nhân:

 

Mặt dù có nhiều quan điểm trái ngược nhau về hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân: cho phép hay không cho phép kinh doanh trong lĩnh vực này. Qua nghiên cứu đã xác định được với thực tế và điều kiện hiện nay thì không chấp nhận kinh doanh môi giới hôn nhân dưới bất cứ hình thức nào. Việc đó được thể hiện bằng các quan điểm như sau:

 

 4.2.1- Quan điểm cho rằng kinh doanh môi giới hôn nhân là một nghề và nó phù hợp với nhu cầu của xã hội:

 

Theo quan điểm này thì đây là một bước phát triển của tập quán kết hôn thông qua môi giới đã có từ ngàn xưa của người Việt Nam nên không thể xem là trái đạo đức, truyền thống. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận mai mối được xem là một nghề được xã hội trân trọng và trả công xứng đáng. Với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, môi giới hôn nhân không còn mang tính chất cá biệt, mà mang tính chất phổ biến, đại trà, xuyên quốc gia. Do đó, để môi giới hôn nhân có chất lượng, phải xem nó là một nghề dịch vụ như những nghề khác. Có điều hoạt động này sẽ phải chịu sự chi phối của những quy chuẩn về đạo đức, tập quán của xã hội, đạo đức kinh doanh chứ không thuần tuý là lợi nhuận.

 

Cũng theo quan điểm này thì không nên lấy một số ít trường hợp không mang tính phổ biến (lấy nhau vì kinh tế, vì động cơ thiếu lành mạnh, bị lừa dối hoặc tan vỡ, gặp bất hạnh trong đời sống vợ chồng); hoặc vì Nhà nước chưa kiểm soát được hoạt động bất hợp pháp của "cò hôn nhân" hoặc doanh nghiệp môi giới hôn nhân mà phủ nhận sự cần thiết và những mặt tích cực, lành mạnh của dịch vụ môi giới hôn nhân. Hơn nữa trong bối cảnh đất nước đang có cần những bước phát triển mạnh, đột phá như hiện nay thì không thể quản lý nhà nước theo tư duy cũ "những lĩnh vực gì không quản lý được thì Nhà nước cấm hoạt động". Ngoài ra, ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại của lĩnh vực này trong đời sống xã hội và tạo điều kiện cho nó phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

 

Mặt khác khi cho phép kinh doanh trong lĩnh vực này, Nhà nước sẽ kiểm soát được lĩnh vực khá nhạy cảm và tế nhị này theo ý muốn của mình. Về phía các doanh nghiệp, khi đã hoạt động công khai, hợp pháp thì khó có thể vì lợi nhuận mà có những hoạt động sai trái để dễ dàng lâm vào nguy cơ mất uy tín, không có khách hàng, giải thể và chịu những hậu quả pháp lý nặng nề khác.   

 

4.2.2-Quan điểm không chấp nhận kinh doanh môi giới hôn nhân dưới bất cứ hình thức nào.

 

Nghị định 68/2002/NĐ-CP về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn hoạt động phi lợi nhuận và không cho các tổ chức, cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực này là phù hợp với truyền thống, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không thể xem môi giới hôn nhân là một loại dịch vụ kinh doanh có lợi nhuận, bởi hôn nhân là chuyện quan trọng của đời người, nó xuất phát từ tình yêu và do chính những người trong cuộc quyết định. Việc môi giới chỉ có ý nghĩa cao quý khi đó là việc làm tự nguyện, phi lợi nhuận, xuất phát từ động cơ của người môi giới là muốn cho người thân, bạn bè mình tìm được tình yêu đích thực và xây dựng một gia đình hạnh phúc. Lịch sử truyền thống dân tộc ta cho thấy, môi giới hôn nhân chưa bao giờ được xem là một nghề để kinh doanh, làm giàu. Các khoản vật chất của những người nên vợ nên chồng tặng người môi giới chỉ mang tính chất tặng cho tượng trưng vì lòng biết ơn đã góp phần mang lại hạnh phúc cho họ chứ không mang ý nghĩa là phí dịch vụ hoặc tiền mua vợ, mua chồng.

 

Thực tế cho thấy, các cuộc hôn nhân do các "cò hôn nhân" hoặc "doanh nghiệp môi giới hôn nhân" thực hiện đều xuất phát từ lợi ích vật chất, mong muốn thu được lợi nhuận, làm giàu từ hoạt động môi giới chứ không phải xuất phát từ lợi ích, hạnh phúc của người được môi giới. Doanh nghiệp (được phép) chỉ khác "cò" ở chỗ hoạt động có bài bản hơn, và dám chịu trách nhiệm khi gây thiệt hại cho khách hàng. Bản chất các cuộc hôn nhân do "cò " hoặc doanh nghiệp thực hiện đều không xuất phát từ tình yêu mà mang tính chất mua bán, đánh đổi.

 

Trong các cuộc hôn nhân Đài- Việt, chúng ta thường thấy các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực môi giới hôn nhân. Họ tổ chức, giúp sức cho các chú rễ Đài Loan tìm hiểu những cô gái Việt Nam một cách vội vã và tiến tới hôn nhân. Đối với những cuộc hôn nhân này, xem ra cả hai bên đều có sự tương đồng về mục đích, một bên cần một người “vợ”, một bên cần cải thiện điều kiện kinh tế gia đình và bản thân. Chính từ nắm bắt các nhu cầu đó, các tổ chức, cá nhân môi giới hôn nhân bất hợp pháp đã thiết lập các đường dây tuyển chọn, tìm kiếm các nguồn cung ứng bằng nhiều cách, kể cả dùng các thủ đoạn lừa gạt.

 

Hoạt động bất hợp pháp của các tổ chức và cá nhân môi giới hôn nhân nói trên đã gây tình trạng mất trật tự, ổn định và bất bình đối với dư luận xã hội. Dư luận xã hội phản ứng gay gắt trước hoạt động "môi giới", "cò mồi" kết hôn, vì phẩm giá, nhân cách phụ nữ Việt Nam được đem ra ngã giá, mua bán (qua hình ảnh các cô gái trẻ đứng xếp hàng để được chọn như một món hàng gã bán cho những người tàn tật, lớn tuổi).

 

 

 

          II. THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI CỦA NƯỚC TA VÀ VIỆC VẬN DỤNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC:

 

Từ năm 1986 cho đến nay, với sự ra đời của Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, Pháp lệnh về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài 1993 và sau đó là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, có thể nói, pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở nước ta đã có sự phát triển đáng kể, các văn bản sau này kế thừa, phát triển các văn bản trước, góp phần giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ, mặt khác phản ảnh được xu thế mở rộng đối ngoại của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Về thực tế áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh và các khó khăn, vướng mắc:

 

          1. VỀ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN:

 

1.1-Cơ sở pháp lý:

 

Thời gian này, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được giải quyết trên cơ sở các quy định:

 

-Nghị định 04/CP ngày 16/01/1961 về việc ban hành Điều lệ Đăng ký hộ tịch, Điều 23 quy định việc kết hôn của ngoại kiều với nhau tại Việt Nam  và thẩm quyền đăng ký là ủy ban hành chính cơ sở (ủy ban nhân dân cấp xã).

 

-Chỉ thị số 142/CT/BNV (KH1) ngày 15/7/1977 của Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) về việc tiến hành công tác đăng ký hộ tịch ở các tỉnh, thành phố Phía Nam. Điều 1 quy định: “Người nước ngoài đang sinh sống ở các tỉnh Phía Nam nước Việt Nam khi có những việc sinh, tử, kết hôn cũng phải đăng ký tại ủy ban nhân dân nơi họ thường trú theo đúng điều 23 bản điều lệ đăng ký hộ tịch...”

 

-Luật Hôn nhân và gia đình  ban hành ngày 29/12/1986, có 1 chương gồm 3 điều (Chương IX Điều 52, 53, 54) quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt nam với người nước ngoài. Điều 52 quy định vấn đề kết hôn của công dân Việt Nam và người nước ngoài.

 

-Thông tư 12/HĐBT ngày 01/02/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

 

Căn cứ các quy định nêu trên và trong tình hình thực tế lúc bấy giờ, Sở Tư pháp đã có chỉ đạo: Đối với các trường hợp phía nước ngoài là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa nhập quốc tịch nước ngoài thì ủy ban nhân dân cấp xã là nơi đăng ký kết hôn hoặc ủy ban nhân cấp huyện (đối với những trường hợp đã chung sống với nhau như vợ, chồng) sau khi Sở Tư pháp xem xét hồ sơ, có ý kiến trả lời bằng văn bản.

 

Đối với các trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước ngoài, người nước ngoài thì Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ và trình ủy ban nhân dân thành phố giải quyết.

 

Do đặc điểm phân cấp thẩm quyền đối với việc quản lý và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài như trên nên việc quản lý, lưu trữ sổ bộ đối với các trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài trong thời gian này một phần do ủy ban nhân cấp huyện, cấp xã quản lý và một phần  do Sở Tư pháp quản lý.

 

-Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ban hành năm 1993 đánh giá một bước phát triển mới trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, mặc dù đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh chỉ mới nói đến quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài và chưa đề cấp đến mối quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau hiện đang sinh sống, thường trú tại Việt Nam.

 

Thực tế trong thời gian này cho thấy, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong gần 40.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, có 58,79% là việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 

-Nghị định 184/CP ngày 30/11/1994 của Chính phủ quy định về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

 

Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 và Pháp lệnh Hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài năm 1993, văn bản này chi phối toàn bộ công tác giải quyết hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh. Văn bản này được ban hành vào thời điểm nước ta bắt đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài bắt đầu phát triển. Tuy nhiên nhiều quy định khi áp dụng vào thực tế tỏ ra rất phức tạp, phiền hà đối với dân, thời gian giải quyết hồ sơ quá dài, nhiều quy định chưa chặt chẽ.

 

Trong suốt quá trình áp dụng Nghị định 184 và cho đến nay, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tư pháp quốc tế, quốc tịch... như  Pháp lệnh công nhận và cho thi hành ở Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài năm 1993, Bộ luật Dân sự ban hành năm  1995, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch và các điều ước quốc tế, hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký kết với các nước

 

Có thể đánh giá với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài  trong thời gian này đã tạo điều kiện cho Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng của Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ. 

 

1.2. Một số vận dụng tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

1.2.1-Việc xác định yếu tố “nước ngoài”:

 

Nếu căn cứ vào yếu tố quốc tịch thì quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Nghị định 184 chỉ nói đến một trong bốn mối quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh là quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài (chưa nói đến quan hệ giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài- có hay không có quốc tịch nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau; giữa những người không quốc tịch đang sinh sống, thường trú tại Việt Nam hoặc người là công dân của nước có chung đường biên giới với Việt Nam). Do đó phát sinh một số vấn đề như sau:

 

+Về thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Về nguyên tắc, thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định thống nhất thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Sở Tư pháp là cơ quan có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

 

Điều quan tâm là ”Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được hiểu như thế nào.

 

Nghị định 184 chưa quy định rõ khái niệm “người nước ngoài” và “công dân Việt Nam” trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài nên Bộ Tư pháp đã có Thông tư 332/TT-PLQT ngày 23/8/1995 hướng dẫn thi hành một số quy định của Thông tư liên tịch số 503/TTLB ngày 25/5/1995 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 184. Tuy nhiên, khái niệm trên vẫn còn gây nhiều lúng túng cho Sở Tư pháp xác định thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với đối tượng này.

 

Theo Thông tư 332/TT-PLQT: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam hoặc chưa bị tước quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, mặc dù có thể đã vào quốc tịch nước khác, và Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và thuật ngữ “định cư ở nước ngoài” được hiểu là thường trú liên tục và dài hạn ở nước ngoài”.

 

Từ khái niệm nêu trên, việc áp dụng các quy định của Nghị định 184 không được nhất quán. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mặc nhiên có hai quốc tịch. Phần đông vì điều kiện sinh sống, yêu cầu hoà nhập xã hội họ mong muốn được nhập quốc tịch nước ngoài và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Mặc khác theo luật một số nước không yêu cầu họ từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Đối với các đối tượng này, khi áp dụng Nghị định 184 giải quyết hồ sơ kết hôn, các thủ tục bắt buộc phải đáp ứng cả hai điều kiện ở một số giấy tờ. Cụ thể như phải có xác nhận họ đủ điều kiện kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước của quốc gia mà họ mang quốc tịch (trong khi họ vẫn còn quốc tịch Việt Nam) hoặc là xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại quốc gia mà họ đang sinh sống (nếu họ chưa có quốc tịch nước ngoài). Đối với người Việt Nam định cư tại các quốc gia như Anh, Pháp, Nhật, Đức sau khi nhập quốc tịch nước ngoài họ được cấp khai sinh nước ngoài và cho phép đổi tên theo tiếng nước ngoài, nhưng khi đăng ký kết hôn tại Việt Nam họ vẫn buộc phải nộp giấy khai sinh Việt Nam nếu họ sinh ra tại Việt Nam. Rất nhiều trường hợp thủ tục đăng ký kết hôn đối với các trường hợp này bị kéo dài vì họ phải làm thủ tục đăng ký lại việc sinh tại ủy ban nhân dân thành phố (nếu truớc đây họ chưa khai sinh hoặc có khai sinh nhưng sổ bộ không còn lưu trữ).

 

Năm 1998, Luật Quốc tịch Việt Nam được ban hành, thuật ngữ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” được giải thích rõ ràng, cụ thể hơn. Điều 2, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài” và thuật ngữ này được giải thích thống nhất trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta cho đến nay. Mặc dù thế cho đến nay pháp luật chưa quy định rõ ràng khái niệm “người gốc Việt Nam” là như thế nào.

 

Tuy thế, đến thời điểm này đã khẳng định, việc đăng ký kết hôn cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

Đối với người Việt Nam đang lao động, công tác và học tập có thời hạn ở nước ngoài, việc đăng ký kết hôn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. 

 

+Liên quan đến việc xác định yếu tố “nước ngoài” trong giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn cho các đối tượng là người không quốc tịch đang sinh sống, thường trú tại Việt nam và người là công dân của quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam. Từ năm 1993 cho đến nay, thành phố có 149 trường hợp đăng ký kết hôn, một con số rất nhỏ so với hàng ngàn người Việt gốc Hoa, người Hoa, người Campchia đang sinh sống tại thành phố từ nhiều đời nay. Tại thành phố Hồ Chí Minh, do căn cứ vào yếu tố quốc tịch, nên đã xếp các đối tượng này vào đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 184 với các yêu cầu về thủ tục phức tạp khi họ có yêu cầu về đăng ký hộ tịch. Đây là một điều bất hợp lý, do còn trở ngại về quốc tịch nên hàng loạt các vấn đề khác như hộ tịch, hộ khẩu, kết hôn, quan hệ tài sản trở nên hết sức phức tạp và không bảo đảm. Các đối tượng này cần có các quy định về thủ tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho họ được thực hiện một số quyền cơ bản cũng như thuận lợi cho việc sinh sống, hoà nhập tại Việt Nam.

 

1.2.2-Về thủ tục ghi chú các thay đổi về hộ tịch ở nước ngoài:

 

Liên quan đến hồ sơ thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo Nghị định 184 có một thực tế gây nhiều phức tạp là việc công nhận bản án ly hôn của công dân Việt Nam với nhau do toà án nước ngoài xét xử.

 

Pháp lệnh công nhận và cho thi hành ở Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài chỉ cho phép công nhận đối với nước đã ký kết với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, các bản án, quyết định của toà án nước ngoài chưa ký kết với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp, về nguyên tắc không được xem xét công nhận tại Việt Nam. Vấn đề này đã gây cản trở việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nuớc ngoài, kể cả với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 

Trở ngại này chỉ xảy ra sau khi thực hiện Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch (trước đó không áp dụng thủ tục này). Thông tư 12/1999/TT-BTP ngày 25/6/1999 hướng dẫn thực hiện Nghị định 83, quy định thủ tục ghi vào sổ các thay đổi hộ tịch ở nước ngoài đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài 3 trường hợp:

 

-Về nước để thường trú, bao gồm cả những người thuộc diện hồi hương.

 

-Đã đăng ký việc kết hôn, nuôi con nuôi trước đây ở trong nước.

 

-Các trường hợp khác có yêu cầu thực hiện tại Việt Nam các việc về hộ tịch mà có liên quan đến sự thay đổi về hộ tịch ở nước ngoài.

 

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trước khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam mà trước đó đã kết hôn, ly hôn ở nước ngoài đều phải thực hiện thủ tục ghi chú việc ly hôn, kết hôn ở nước ngoài.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thực tế giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn cho thấy có ba trường hợp cơ quan thẩm quyền ở nước ngoài giải quyết cho ly hôn là:

 

(1) Kết hôn và ly hôn tại nước ngoài giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người nước ngoài.

 

(2)-Kết hôn tại Việt Nam, ly hôn tại nước ngoài giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau.

 

(3)-Kết hôn tại Việt Nam, ly hôn tại nước ngoài giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài, một bên ở Việt Nam hoặc không rõ địa chỉ.

 

Quan điểm của Sở Tư pháp trong việc vận dụng quy định này là trường hợp (3) mới cần phải qua thủ tục ghi chú để công nhận bản án, quyết định cho ly hôn của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trước khi giải quyết cho đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Việc làm này nhằm bảo vệ quyền lợi liên quan đến quan hệ hôn nhân với người vợ (chồng) còn ở Việt Nam. Còn trường hợp (1), (2) thì chỉ ghi chú việc ly hôn khi đương sự yêu cầu. Nếu ràng buộc thủ tục đăng ký kết hôn mới với việc buộc phải ghi chú bản án ly hôn của nước ngoài là không cần thiết, làm thời hạn giải quyết hồ sơ kết hôn kéo dài, gây khó khăn cho đương sự.

 

Đối với trường hợp (3), khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu người VN định cư ở nước ngoài có bản án ly hôn nước ngoài xét xử vắng mặt phía công dân Việt Nam ở trong nước, Sở Tư pháp yêu cầu bên nước ngoài phải có văn bản nêu ý kiến của người ở trong nước đã ly hôn là không khiếu nại bản án đó. nếu đáp ứng yêu cầu này thì Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn và không buộc đương sự phải làm thủ tục ghi chú.

 

Tuy nhiên, việc vận dụng như trên cũng gây trở ngại cho phía nước ngoài, do thường bị phía người ở trong nước đã ly hôn gây khó khăn, không đáp ứng yêu cầu, hoặc yêu sách.

 

Từ nhận thức như trên, từ 1998 đến 2002, Sở Tư pháp thành phố không buộc thực hiện việc ghi chú ly hôn đối với trường hợp (1) và (2). Từ năm 2002 cho đến nay đã thực hiện việc ghi chú ly hôn cho tất cả các trường hợp theo quy định.

 

 1.2.3-Vận dụng pháp luật liên quan hộ tịch, hôn nhân- gia đình của các nước, khu vực trên thế giới trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở thành phố:

 

 Pháp luật của một số nước trên thế giới không quy định việc cấp các loại giấy tờ theo yêu cầu về thủ tục hồ sơ kết hôn theo quy định tại Nghị định 184, nên trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại thành phố, Sở Tư pháp đã vận dụng chấp nhận một số loại giấy tờ có giá trị tương đương thay thế.

 

Cụ thể như có quốc gia không cấp công hàm xác nhận việc kết hôn của công dân nước họ phù hợp pháp luật và không có trở ngại gì (Canada); hoặc không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự (Hoa Kỳ, Canada, Newzeland, Úc...) thì được thay thế bằng giấy tuyên thệ độc thân có xác nhận tuyên thệ của cơ quan có thẩm quyền nước mà họ mang quốc tịch.

 

Hàn quốc không cấp cho công dân nước họ các loại gíây tờ hộ tịch (kết hôn, khai sinh, khai tử) mà cấp sổ hộ khẩu và giấy xác nhận hộ tịch ghi rõ các thời điểm phát sinh sự kiện hộ tịch, nên ta chấp nhận xem xét qua sổ hộ khẩu và giấy tờ hộ tịch do Hàn Quốc cấp.

 

Một số khu vực khác trên thế giới, giấy tờ hộ tịch không do các cơ quan hành chính nhà nước cấp mà do các cơ sở tôn giáo quản lý và cấp phát...

 

1.3- Những khó khăn, vướng mắc:

 

1.3.1- Giải quyết xung đột pháp lý: 

 

Sự xung đột pháp lý về điều kiện kết hôn, thủ tục kết hôn nếu không giải quyết một cách căn bản sẽ gây thiệt thòi cho công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

 

1.3.1.1- Điều kiện kết hôn:

 

-Tuổi kết hôn: quy định về độ tuổi kết hôn của một số nước thấp hơn so với Việt Nam (như Anh, Mỹ, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc là trên 16 tuổi đối với nữ, đối với Pháp là từ 15 tuổi) trong khi đó quy định của ta chỉ thừa nhận tuổi kết hôn là trên 18 tuổi. Trong trường hợp này ta sẽ gặp khó khăn khi thụ lý các hồ sơ xin công nhận việc kết hôn ở nước ngoài, vì ngoài việc xem xét cuộc hôn nhân đó có phù hợp với pháp luật Việt Nam không còn phải tính đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, chưa kể phải xem xét đến yếu tố vi phạm Luật Hình sự (giao cấu với người vị thành niên).

 

-Năng lực, nhận thức kết hôn: Thực tiễn hiện nay cho thấy có nhiều cuộc hôn nhân nằm ngoài mục đích đích thực của hôn nhân: chủ yếu vì lý do kinh tế hoặc để được xuất cảnh. Mặc dù một số trường hợp đã được Nhà nước Việt Nam cấp giấy đăng kết hôn hợp lệ nhưng nếu không chứng minh được quan hệ trước hôn nhân thì không được cấp thị thực nhập cảnh để đoàn tụ với gia đình ở nước ngoài. Do đó tạo nhiều hậu quả rất thiệt thòi cho phía công dân Việt Nam (khác với các trường hợp kết hôn với người Đài Loan chỉ cần có giấy đăng ký kết hôn hợp lệ là được cấp thị thực nhập cảnh Đài Loan).

 

1.3.1.2- Thủ tục kết hôn

 

-Để xác định tuổi kết hôn và huyết thống của bên nước ngoài, theo quy định của ta hiện nay chỉ cần nộp bản sao hộ chiếu và khai trong Tờ khai đăng ký kết hôn (đây là văn bản tự khai, không quy định phải do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận). Thực tế, đối tượng kết hôn từ khu vực các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc chủ yếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và xuất phát từ hoàn cảnh ra đi, những người này thường không có khai sinh, hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác do đó các vấn đề nhân thân của họ thường là tự khai và được nước sở tại cấp giấy tờ tuỳ thân (như hộ chiếu, thẻ an sinh xã hội, bằng lái xe...). Mặt khác việc trích lục lại khai sinh ở Việt Nam mặc dù đã được quy định trong các văn bản pháp quy hiện nay, tuy nhiên thực tế là rất khó khăn do có nhiều trường hợp không còn sổ bộ. Các quy định của ta hiện nay về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là tiến bộ, phù hợp thực tiễn, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc khi xem xét thụ lý hồ sơ do các giấy tờ, chứng cứ của phía nước ngoài thường là các giấy tờ tự khai (tuyên thệ), do đó mức độ tin cậy và giá trị pháp lý còn bị giới hạn.

 

 -Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký kết hôn không yêu cầu đương sự phía nước ngoài xuất trình chứng chỉ có khả năng kết hôn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp kết hôn với công dân Pháp, phía Pháp cho rằng, công dân Pháp muốn kết hôn tại Việt Nam phải hội đủ điều kiện ấn định bởi khoản 170 đoạn thứ nhất của Luật Dân sự Pháp. Bằng chứng của việc chấp hành những điều kiện này là công dân Pháp phải trình chứng chỉ có khả năng kết hôn, chứng chỉ này được cấp sau khi có công bố kết hôn theo như Điều 63 Luật Dân sự pháp. Đối với Pháp, chứng chỉ có khả năng kết hôn có vai trò rất quan trọng trong thủ tục đăng ký kết hôn, nó ghi nhận tình trạng hôn nhân của đương sự và ghi nhận đương sự thoả mãn đầy đủ các điều kiện để được đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật của Pháp.

 

Vấn đề đặt ra là nếu thủ tục đăng ký kết hôn của ta không yêu cầu công dân Pháp nộp chứng chỉ có khả năng kết hôn, phía Pháp có công nhận các cuộc hôn nhân này hay không. Nếu không thì phía công dân Việt Nam sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi. 

 

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn áp dụng theo quy định pháp luật của nước Cộng hoà Pháp.

 

1.3.2- Vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn:

 

-Điều 4, Nghị định 184 quy định “Thẩm quyền giải quyết đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người Việt Nam có hộ khẩu thường trú”.

 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, có trên 1 triệu người nhập cư, tạm trú diện KT3 dài hạn, họ đã bị cắt hộ khẩu nơi thường trú trước đây và chưa được nhập hộ khẩu tại thành phố. Các đối tượng này khi có yêu cầu kết hôn với người nước ngoài thì không xác định được thẩm quyền nơi đăng ký kết hôn. Để giải quyết vấn đề này, trước đây, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn giải quyết.

 

Vướng mắc này đã được bổ sung trong Nghị định 68: Trường hợp công dân Việt Nam trong nước tạm trú có đăng ký theo quy định pháp luật thì được xem xét giải quyết đăng ký kết hôn. Tuy nhiên yêu cầu phải có giấy chứng minh nhân dân lại là vướng mắc mới, do nhiều người tạm trú tại thành phố khi họ chưa đủ tuổi làm chứng minh nhân dân mà chỉ có giấy kiểm tra tạm thời.      

 

-Về xác định việc kết hôn không vi phạm các điều cấm:

 

Hiện nay, chưa có các quy định cụ thể nào nhằm bảo đảm việc đăng ký kết hôn không vi phạm các điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Thời gian qua, cơ quan công an chịu trách nhiệm xác minh về an ninh và không chịu trách nhiệm xác minh về vi phạm các điều cấm. Nghị định 68 quy định việc phỏng vấn để xác định các dấu hiệu, hiện tượng của việc kết hôn giả, kết hôn vì mục đích vụ lợi ...làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký kết hôn. Phương pháp này hiện chỉ mới áp dụng đối với một số trường hợp nữ Việt Nam kết hôn với người Đài Loan; nam nữ có độ tuổi chênh lệch lớn; có nghi vấn về quan hệ huyết thống; nghi vấn về các nội dung trong các giấy tờ của đương sự nên chưa thể rút ra được điều gì làm bài học kinh nghiệm. Thực tế, qua các cuộc phỏng vấn đều cho thấy các bên quyết định đăng ký kết hôn rất vội vã, chỉ sau một lần gặp gỡ. Nhưng các bên đều đưa ra một số lý do vì muốn xây dựng mái ấm gia đình, hoặc thậm chí họ đã tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau, nay chỉ hợp pháp hoá việc kết hôn. Do đó, kết luận về một vụ việc vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình làm cơ sơ cho việc từ chối đăng ký kết hôn là rất khó và không thuyết phục.

 

 

 

          2. VỀ GIẢI QUYẾT ÁN LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI:

 

          2.1- Khái niệm hôn nhân có yếu tố nước ngoài chưa thống nhất:

 

          Điểm 1.2.1 bản báo cáo này đã nêu lên những quan điểm chưa thống nhất, cụ thể về khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Vấn đề này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, văn bản hướng dẫn thụ lý giải quyết án ly hôn cho thấy khái niệm hôn nhân có yếu tố nước ngoài chưa nhất quán. Cụ thể:

 

          -Điều 826 Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: “Trong Bộ luật này quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

 

          -Điều 8 điểm 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình:

 

          a/Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài.

          b/Giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam.

          c/Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

 

          -Điều 9 Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài quy định:

 

          1/Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch.

 

          2/Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

 

          3/Công dân nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài, quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước không phải là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

          4/Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.

 

          Điều 1 mục 1.2: “Theo quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998: “ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.

 

          Công dân Việt Nam đang tạm trú có thời hạn ở nước ngoài (nhằm mục đích công tác, học tập, lao động... hoặc đã hết thời hạn tạm trú tại nước ngoài và không được cho phép cư trú thì không thuộc diện “định cư” ở nước ngoài (sau đây gọi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài)... không thuộc diện điều chỉnh của Nghị định và thông tư này.

 

          -Điều 2 Luật Quốc tịch quy định tại khoản 3 người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang thường trú hoặc tạm trú ở nước ngoài.

 

          Khoản 4: người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

 

          -Công văn 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Toà án nhân dân Tối cao giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ có hướng dẫn tại điểm 5 mục IV: công dân Việt Nam đi học tập, lao động, công tác ở nước ngoài, sau khi hết thời hạn thì bỏ đi đâu không rõ và đã quá thời hạn 02 năm. Người có quyền lợi, lợi ích liên quan có yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết tuyên bố mất tích thì thuộc thẩm quyền của Toà án cấp nào?.- Đã trả lời: khi công dân Việt Nam đi học tập, lao động, công tác ở nước ngoài sau khi hết thời hạn thì bỏ đi đâu không rõ và không có tin tức thì không thể coi đây là trường hợp có nhân tố nước ngoài. Do đó, nếu người có quyền, lợi ích liên quan có yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết tuyên bố mất tích, thì Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

 

          Theo các hướng dẫn quy định tại các văn bản này thì công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài không coi là một bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có n\yếu tố nước ngoài và Toà án có thẩm quyền để giải quyết là Toà án nhân dân cấp huyện.
 

          -Trong khi đó tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 về thẩm quyền của Toà án các cấp:

 

          “Toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau đây: a/Khi có đương sự là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài”.

 

          è Do vậy Toà án các cấp khi xác định thẩm quyền thụ lý vụ án khi bên ở nước ngoài là công dân Việt Nam thuộc diện tạm trú ở nước ngoài là cấp nào?. Vì từ trước đến trước khi có văn bản hướng dẫn của Toà án nhân dân Tối cao số 81 ngày 10/6/2002 và Thông tư 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 các cấp Toà án đều căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để xác định thẩm quyền, mà không phân biệt là công dân Việt Nam thuộc diện tạm trú hay thường trú ở nước ngoài. Xét về mặt giá trị hiệu lực của các văn bản pháp lý thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự phải cao hơn.

 

          Nếu chúng ta căn cứ vào Điều 2, 3, 4 của Luật Quốc tịch năm 1998, theo nguyên tắc công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, thì ngoại trừ trường hợp công dân Việt Nam đã mất quốc tịch Việt Nam, đã thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, thì các trường hợp còn lại dù họ đã vào quốc tịch nước ngoài vẫn được xem là công dân Việt Nam. Trong các vụ án Toà án thụ lý rất nhiều trường hợp người là bên ở nước ngoài, khi đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận kết hôn ghi rõ họ có quốc tịch nước ngoài chứ không ghi họ là công dân Việt Nam cho dù họ không có thực hiện các thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam. Vậy thì chúng ta coi họ là công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều đó sẽ dẫn đến xung đột pháp luật, vì cả 2 nước đều coi họ là công dân của nước mình. Khi tiến hành điều tra giải quyết vụ án, chúng ta có thể coi họ là công dân Việt Nam để điều tra thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài- trên lãnh thổ nước ngoài không?. Chúng ta cần có một quy định thực tế về vấn đề này.

 

2.2- Việc hủy kết hôn trái pháp luật:

 

Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, dẫn chiếu tại Điều 15, khoản 1 điều 9 và điều 10, thì không đề cập đến việc hủy kết hôn trái pháp luật khi việc kết hôn thực chất được xác định không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, mà được coi là việc kết hôn giả tạo nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như hai bên đăng ký kết hôn để đi xuất cảnh và trả tiền.

 

          Tại Điều 4 khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định: “... cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn”.

 

          Tại Điều 103 khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng có quy định: “Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác. Như vậy, việc kết hôn giả tạo, vì mục đích trục lợi đều bị cấm, nếu ai thực hiện là trái với quy định của pháp luật, có bị hủy bỏ không?. Hay chỉ cho ly hôn như hiện nay, do quy định về việc hủy kết hôn trái pháp luật không có quy định nội dung này.

 

          2.3- Về giải quyết án ly hôn vắng mặt một bên:

 

Tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình có hướng dẫn tại điểm b phần 2.1 khoản 2 mục II: Ly hôn có yếu tố nước ngoài: “Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích, tuyên bố chết.

 

          Tại Điều 84 Bộ Luật Dân sự quy định việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, việc thông báo này thực tế là có đăng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam, như đăng báo, đăng trên Đài truyền hình Trung ương và địa phương, niêm yết việc xét xử tại nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố chết, mất tích. Nhưng xét thực tế và pháp lý, chúng ta đã biết họ ở nước ngoài và không có bằng chứng gì khác về việc họ đã trở lại Việt Nam, thì thủ tục này được quy định thực hiện như vậy là chưa hợp lý, chưa chặt chẽ và đầy đủ, cần quy dịnh sao cho người ở nước ngoài có thể biết được việc thông báo này thì mới bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của họ.

 

          2.4- Việc ủy thác tư pháp quốc tế:

 

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì việc ủy thác tư pháp, tuỳ theo đối tượng là người nước ngoài, hoặc công dân Việt Nam ở nước ngoài mà việc ủy thác tư pháp được thực hiện thông qua Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài hoặc là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thông thường là Toà án nước ngoài thực hiện. Hồ sơ ủy thác được gửi ủy thác 2 lần, bao gồm các tài liệu chứng từ cả bản dịch ra tiếng nước sở tại, tốn kém chi phí khá nhiều của các đương sự ở trong nước. Nhưng thực tế cho thấy kết quả ủy thác tư pháp trong mấy năm qua thật là khiêm tốn, không có trả lời cho các nơi thực hiện ủy thác tư pháp theo yêu cầu của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đều có thực hiện và gửi trả hồ sơ cho các yêu cầu ủy thác của toà án nước ngoài. Đối với những nước, lãnh thổ chưa có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về các công việc nói trên cũng cần được quy định, hướng dẫn và yêu cầu theo nguyên tắc có đi, có lại.

 

          2.5- Về thủ tục mở phiên toà:

 

Đối với các vụ xử ly hôn có yếu tố nước ngoài, nội dung tranh chấp đơn giản, hầu hết chỉ có yêu cầu giải quyết quan hệ hôn nhân, đa số không có tranh chấp gì về con cái và tài sản, nội dung vụ việc rất đơn giản và tương đối giống nhau, nên có khi một buổi xử, một Hội đồng có thể xử đến 7, 8 vụ, mỗi vụ chỉ có một bên đương sự. Việc xét hỏi cũng rất ngắn gọn, xoay quanh vấn đề làm rõ tình trạng mâu thuẫn, thậm chí có vụ án cả hai bên vắng mặt do có yêu cầu, mà Toà án vẫn phải mở phiên toà để xét xử. Nên chăng nên quy định một thủ tục giải quyết rút gọn, vắng mặt các đương sự, để giảm thiểu được thời gian, chi phí cho các bên.

 

          2.6- Về việc thu thập chứng cứ để giải quyết yêu cầu về cấp dưỡng sau ly hôn:

 

Về giải quyết cấp dưỡng nuôi con và cấp dưỡng giữa vợ chồng khi ly hôn: tuy ít có vụ án yêu cầu cấp dưỡng nuôi con và cấp dưỡng khi vợ chồng ly hôn, nhưng nếu có thì lại khó giải quyết, do không có điều kiện để xác định mức thu nhập của bên ở nước ngoài, mức cấp dưỡng theo yêu cầu sinh hoạt ở Việt Nam hay theo mức sinh hoạt ở nước ngoài, việc tổ chức thi hành cũng chưa có khả năng thực hiện được.

 

          2.7- Việc công nhận bản án, quyết định về việc ly hôn của Toà án, cơ quan nhà nước tại Việt Nam:

 

Trong một số vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, mà nước đó là nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam về lĩnh vực này, thì dù các đương sự đã ly hôn ở nước ngoài, có bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Toà án Việt Nam cũng chỉ coi đây là văn bản có giá trị tham khảo, không áp dụng thủ tục cho công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định này được. Căn cứ vào Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của toà án nước ngoài ngày 17/3/1993 và Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 24/7/1993 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn một số quy định của Pháp lệnh nói trên và pháp luật hiện nay thì Toà án Việt Nam chỉ xét công nhận cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án các nước đã ký kết với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự, còn những nước chưa ký với Việt Nam hiệp định tương trợ tư pháp thì các bản án, quyết định nói trên không được công nhận. Điều này đã làm cho việc giải quyết ly hôn thêm mất nhiều thời gian, tốn kém, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các bên, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam khi họ cần làm thủ tục đăng ký kết hôn lần nữa.

 

          Ngoài ra, trong thời gian qua việc phổ biến các hiệp định tương trợ tư pháp đã ký với các nước, được thực hiện rất hạn chế, dù là chỉ trong ngành Toà án, tư pháp. Nhiều thẩm phán không có đủ các văn bản này để nghiên cứu, thực hiện, áp dụng trong khi xét xử khi cần thiết; kể cả các điều ước quốc tế, công ước, luật các nước liên quan cũng chưa được phổ biến để giúp cho các thẩm phán có tài liệu tham khảo, cơ sở pháp lý khi xét xử cần phải áp dụng luật của nước ngoài

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

B. VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐỔI MỚI:

 

         

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và đề xuất các kiến nghị về giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức, nâng cao năng lực của các tổ chức bổ trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài.  Cụ thể gồm:

 

- Một số kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các quy định về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

 

- Đề án về tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ kết hôn.

 

- Các giải pháp về đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ và cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

 

          I. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI:

 

          1. Về các quy định chung:

 

          1.1- Cần thống nhất thuật ngữ "người Việt Nam định cư nước ngoài" trong giải quyết các vấn đề phát sinh khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam.

 

          Hiện nay có khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam định cư ở trên 40 quốc gia trên thế giới. Họ là một bộ dân cư của nước ta sinh sống ở nước ngoài. Từ trước đến nay, vấn đề bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật. Các văn bản pháp luật đó đã giải thích rõ thuật ngữ "người Việt Nam định cư ở nước ngoài" và xác định rõ sự bảo hộ của Nhà nước ta với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời, quy định quyền và nghĩa vụ của họ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn, giải thích Luật sử dụng không thống nhất thuật ngữ này và khi áp dụng vào thực tế có những vận dụng rất khác nhau. Nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Cụ thể như xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong giải quyết các thủ tục hành chánh, tố tụng liên quan đến yếu tố "người Việt Nam định cư ở nước ngoài", bảo đảm được các quyền và giúp cho họ thực hiện tốt các nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam.

 

          1.2- Cần quy định các nguyên tắc cơ bản, mang tính chủ đạo để giải quyết các xung đột pháp luật trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

 

          Luật pháp Việt Nam và luật pháp một số nước có sự khác nhau về điều kiện kết hôn, tuổi kết hôn, thủ tục kết hôn, hình thức kết hôn, giá trị pháp lý của việc đăng ký kết hôn... nên thường nảy sinh các xung đột pháp lý trong việc công nhận kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài; trong việc xác định năng lực, nhận thức kết hôn nhằm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các cuộc hôn nhân nằm ngoài mục đích đích thực của hôn nhân (chủ yếu vì lý do kinh tế hoặc để được xuất cảnh). Điều này, gây hậu quả rất thiệt thòi cho phía công dân Việt Nam. 

 

          Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Việt Nam cần mở rộng quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đặc biệt là đối với các nước có nhiều người Việt Nam sinh sống. Trước mắt, khi chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, cần áp dụng nguyên tắc có đi, có lại trong quan hệ đối ngoại.

 

          Riêng đối với Đài Loan, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cần thoả thuận tăng cường một số biện pháp nhằm bảo vệ công dân Việt Nam như thông tin, tuyên truyền, can thiệp về ngoại giao, giải quyết các vấn đề xin thôi quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) tránh tình trạng công dân Việt Nam rơi vào tình trạng không quốc tịch, giúp đỡ kịp thời các trường hợp công dân Việt Nam lâm vào hoàn cảnh bất hạnh ở nước ngoài.    

 

          1.3- Để đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội và cấm các hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn, cần sớm thành lập và đưa và hoạt động các Trung tâm hổ trợ kết hôn theo quy định tại Nghị định 68/2002/NĐ-CP nhằm giới thiệu, giúp đỡ công dân Việt Nam và người nước ngoài tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của các bên, phong tục, tập quán và các vấn đề khác có liên quan mà các bên yêu cầu; tạo điều kiện cho họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; giúp đỡ các bên hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn.

 

          1.4- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến về thủ tục đăng ký kết hôn theo hướng hợp lý, hiện đại.

 

          Các quy định của ta hiện nay về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là tiến bộ, phù hợp thực tiễn, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc, thủ tục đôi khi phát sinh do việc quản lý thông tin cá nhân tại Việt Nam còn nặng về phương thức thủ công, đương sự tự khai và yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận là chính. Nhiều trường hợp cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu đương sự phải tự chứng minh các chi tiết về nhân thân của mình thông qua các xác nhân của các cơ quan khác, từ đó phát sinh thêm các thủ tục. Hiện nay, hệ thống pháp luật các nước trên thế giới đều áp dụng hình thức đương sự tự khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những chi tiết liên quan đến nhân thân. Bên cạnh đó, nhà nước quản lý rất đầy đủ dữ liệu thông tin về cá nhân và các biện pháp chế tài nặng nề trong trường hợp bị phát hiện khai gian. Việt Nam cần thiết lập hệ thống dữ liệu thông tin cá nhân nhằm cung cấp thông tin một cách chính xác về nhân thân một người từ lúc sinh ra. Điều này giúp giảm thiểu các thủ tục đương sự phải đi xin xác minh, xác nhận về hộ khẩu, hộ tịch, về điều kiện kết hôn...

 

          2. Về các quy định cụ thể

 

          Trước mắt để giải quyết các vướng mắc hiện nay trong các quy định về thủ tục kết hôn, ly hôn, công nhận kết hôn có yếu tố nước ngoài, có một số kiến nghị cụ thể sau:

 

          2.1- Nghị định 68/2002/NĐ-CP, tại khoản 1 Điều 12 về thẩm quyền đăng ký kết hôn quy định: UBND cấp tỉnh nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt nam và người nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có hộ khẩu thường trú, nhưng đã đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về hộ khẩu thì UBND cấp tỉnh nơi tạm trú có thời hạn của công dân Việt Nam thực hiện việc đăng ký kết hôn.

 

          Khoản 1 Điều 13 về hồ sơ đăng ký kết hôn yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân, không quy định giấy tờ thay thế giấy chứng minh nhân dân. Thực tế có nhiều trường hợp, đương sự tạm trú có thời hạn (diện KT3), đã cắt hoặc xoá hộ khẩu ở nơi thường trú, không có hoặc chưa có chứng minh nhân dân, chỉ sử dụng giấy kiểm ra tạm thời, họ không thể xin cấp giấy chứng minh nhân dân tại nơi tạm trú vì theo quy định cơ quan công an cấp tỉnh nơi đương sự thường trú mới có thẩm quyền cấp giấy chứng minh nhân dân.  

 

          Để giải quyết vướng mắc nhỏ này, đề nghị bổ sung quy định đối với các giấy tờ thay thế giấy chứng minh nhân dân.

 

          2.2- Nghị định 68/2002/NĐ-CP tại Khoản 1 Điều 13, đối với giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài, cho phép thay thế bằng giấy cam kết hoặc tuyên thệ độc thân. Luật pháp các nước đều quy định rõ việc xác nhận trên các tờ khai pháp định hoặc giấy cam kết, giấy tuyên thệ của một người chỉ là sự xác nhận về mặt hình thức văn bản, chữ ký của người tuyên thệ mà không xác nhận về nội dung, do đó trên thực tế loại giấy tờ này có mức độ tin cậy và giá trị pháp lý hạn chế. Nhằm bảo vệ cho công dân Việt Nam khi tham gia vào quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tránh trường hợp bị lừa dối... đề nghị trong trường hợp người nước ngoài sử dụng giấy cam kết, tuyên thệ độc thân cần bổ sung giấy xác nhận truy lục hồ sơ kết hôn tại nước sở tại.

 

          2.3- Thực hiện khoản 1 Điều 16 Nghị định 68/2002/NĐ-CP về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam, trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp sẽ tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các bên đương sự. Tuy nhiên phương pháp phỏng vấn, nội dung phỏng vấn như thế nào để có cơ sở kết luận từ chối đăng ký kết hôn theo Điều 18 chưa được cụ thể. Điều này dễ phát sinh các khiếu nại về phía đương sự và sự tuỳ tiện của cán bộ giải quyết hồ sơ. Đề nghị Bộ Tư pháp có đúc kết thực tiễn, hướng dẫn một số tiêu chí phỏng vấn.

 

          2.4- Về lý lịch cá nhân theo mẫu trong hồ sơ đăng ký kết hôn:

 

            Lý lịch cá nhân theo mẫu trong hồ sơ đăng ký kết hôn hiện nay chưa giúp Sở Tư pháp xác định việc vi phạm các điều cấm về kết hôn trong quan hệ huyết thống. Do đó, cần bổ sung nội dung khai về anh, chị, em ruột của cha, mẹ của cả 2 bên.

 

          2.5- Về phần ghi quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

 

          Cần thống nhất ghi là "quốc tịch Việt Nam" trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, theo nguyên tắc công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, ngoại trừ trường hợp họ đã thôi quốc tịch Việt Nam, bị mất hoặc tước quốc tịch Việt Nam, thì dù họ đã nhập quốc tịch nước ngoài vẫn được xem là công dân Việt Nam.

 

          Quy định hiện nay của Chính phủ về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Nghị định 68 về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài đã định nghĩa người nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài. Điều này mặc nhiên xem người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã vào quốc tịch nước ngoài là người nước ngoài, trong khi đó họ chưa bị tước quốc tịch hoặc thôi quốc tịch Việt Nam. Điều này dẫn đến khi tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam họ bị xem là người nước ngoài.

 

          2.6- Đối với các vụ án xét xử yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài, hầu hết chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân, không có tranh chấp về tài sản hoặc con cái, việc xét hỏi ngắn gọn, có khi được xét xử vắng mặt mặt cả hai bên. Khó khăn là khi một bên ở nước ngoài vắng mặt, không triệu tập được hoặc việc ủy thác tư pháp không có kết quả dẫn đến việc xét xử kéo dài gây thiệt thòi cho phía người Việt Nam ở trong nước. Đối với các trường hợp này, đề nghị cho được giải quyết ly hôn theo thủ tục đơn giản và ít mất thời gian hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

II- MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ ĐỔI MỚI  CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.

 

 

1- ĐỀ ÁN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM HỖ TRỢ KẾT HÔN THUỘC HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:

 

         

          1.1- Sự cần thiết phải thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn

         

          Kết hôn là một trong những quyền nhân thân mà mỗi người có quyền lựa chọn. Sự khác nhau về quốc tịch, dân tộc, địa lý không thể là rào cản. Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tuân thủ các quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm mục đích hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ đều được pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài bảo hộ các quyền và lợi ích chính đáng của họ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp lợi dụng việc kết hôn nhằm trục lợi hoặc không nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, vi phạm các quy định pháp luật. Để nhằm hạn chế tình trạng này, Nghị định 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã quy định việc thành lập các trung tâm hỗ trợ kết hôn trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

 

          Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, đáp ứng được mục đích quản lý của Nhà nước. Thực tế nghiên cứu và tổng hợp kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện trong việc tìm hiểu để đi đến hôn nhân; điều kiện về thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để họ được nhanh chóng đòan tụ bên nhau, tránh việc bị các tổ chức, cá nhân trung gian lợi dụng trục lợi hoặc lừa gạt; được tìm hiểu, học tập về phong tục tập quán, pháp luật nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoà nhập sau này...

 

          1.2. Mục đích và yêu cầu:

 

          - Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội;

 

          - Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội; góp phần làm cho quan hệ hôn nhân phù hợp với các quy định pháp luật, các chuẩn mực về phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của dân tộc; bảo đảm thực hiện mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ; ngăn chặn việc lợi dụng kết hôn nhằm trục lợi, làm trái pháp luật.

 

          - Giúp cho công dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là với phụ nữ Việt Nam, người nước ngoài có điều kiện tìm hiểu để đi đến xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

 

          - Hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, lấy thu (chi phí hợp lý) để trang trải cho các hoạt động của trung tâm.

 

          1.3. Về tổ chức:

 

          - Trung tâm hỗ trợ kết hôn thành phố Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Trung tâm chịu sự lãnh đạo và quản lý toàn diện của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố.

 

          - Trụ sở Trung tâm đặt tại số 71 Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3 thành phố Hồ Chí Minh.

 

          - Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

 

          - Trung tâm có giám đốc và từ 1 đến 2 phó giám đốc do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ bổ nhiệm; một số nhân viên văn thư, tài vụ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động với Trung tâm; các cộng tác viên là luật sư, luật gia, chuyên gia làm việc theo hợp đồng với Trung tâm.

 

          1.4. Về hoạt động:

 

          - Hoạt động nhân đạo, phi lợi nhuận nhằm giới thiệu, giúp đỡ công dân Việt Nam và người nước ngoài tìm hiểu các vấn đề về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội của các bên, phong tục tập quán và các vấn đề khác có liên quan mà các bên yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiến tới hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ, một vợ một chồng.

 

          - Giúp các bên hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn.

 

          - Được nhận thù lao để trang trải chi phí hoạt động theo mức do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố quy định, bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận; được thanh toán tiền tàu, xe đi lại, tiền lưu trú và các chi phí thực tế hợp lý khác theo thoả thuận với các đương sự.

 

          1.5- Tổ chức triển khai đề án:

 

          - Chuẩn bị các bước về thủ tục thành lập Trung tâm và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.

 

          - Chuẩn bị về trụ sở, cơ sở vật chất, nhân sự.

 

          - Xây dựng quy chế hoạt động và đề xuất mức thu lao cho các hoạt động hỗ trợ kết hôn trình Ban Thường vụ Hội duyệt.

 

          - Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung hoạt động của Trung tâm nhằm thông tin đến các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân.

 

 

          II- CÁC GIẢI PHÁP VỀ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC, NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.

           

          1. Về tổ chức, cần có phòng chuyên trách về quản lý, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh, thành phố; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, tiêu chuẩn hoá chức danh hộ tịch viên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cán bộ tư pháp cấp xã:

 

Căn cứ Nghị định 38/CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ và Thông tư liên bộ 12/TTLB-BTP-TCCP ngày 26/7/1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hầu hết ở các địa phương tuỳ vào tình hình thực tế nhiệm vụ công tác đã thành lập và xây dựng bộ máy làm công tác tư pháp ở địa phương mình. Cơ cấu tổ chức ở từng sở tư pháp có khác nhau. Có sở thành lập các phòng chuyên trách giải quyết sự vụ hành chánh; có phòng quản lý nghiệp vụ tư pháp. Có sở thành lập các phòng có chức năng vừa giải quyết sự vụ vừa làm công tác quản lý ngành, lĩnh vực tư pháp ở địa phương. Với mô hình như tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh thì có Phòng Hộ tịch- Lý lịch tư pháp- quốc tịch, có nhiệm vụ quản lý và đăng ký hộ tịch (kể cả hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài), vừa làm nhiệm vụ thụ lý, tham mưu cho ban Giám đốc giải quyết các hồ sơ tại Sở về đăng ký hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; vừa có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Gíam đốc Sở về công tác quản lý đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố. Với mô hình này, bộ phận quản lý và đăng ký hộ tịch đã có điều kiện chuyên môn hoá, chuyên sâu ở một lĩnh vực công tác, quản lý xuyên suốt. Điểm cần khắc phục là trình độ, kinh nghiệm cán bộ chưa đồng đều, cán bộ quen giải quyết sự vụ thì ngại nghiên cứu, tham mưu về công tác quản lý nghiệp vụ.

 

Phòng Hộ tịch- Quốc tịch- Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp thành phố hiện nay được bố trí 15 người (trên tổng số 65 biên chế của cơ quan Sở) và hướng tới sẽ được bố trí 17 người. Đa số cán bộ, công chức được bố trí tại Phòng này đều tốt nghiệp Đại học Luật, ngoài một số chuyên viên có quá trình, kinh nghiệm công tác là một số lớn là các sinh viên mới tốt nghiệp, được đào tạo cơ bản, sử dụng thành thạo vi tính, có trình độ ngoại ngữ nhất định. Đây là điểm thuận lợi cho việc đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, xử lý hồ sơ hộ tịch.

 

          Đối với phường, xã, tại thành phố Hồ Chí Minh có 303 ban tư pháp phường, xã, thị trấn (số liệu tháng 11/2003) tương ướng với 303 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Về số lượng cán bộ tư pháp cấp xã có 1803 người, trong đó có 298 cán bộ chuyên trách. Trong số cán bộ chuyên trách có 52,6% cán bộ có trình độ đại học luật, trung cấp luật và chỉ có 29,75% cán bộ đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày. Cán bộ tư pháp không được bố trí ổn định, chỉ có 36% cán bộ có thời gian công tác trên 5 năm, số còn lại đều mới được bố trí, tuyển dụng, nguyên nhân là do thuyên chuyển công tác, nghỉ việc (một phần do chế độ đãi ngộ, chính sách đối với cán bộ cấp xã), được bố trí công tác khác (do yêu cầu công tác nhân sự của địa phương). Với thực trạng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã như trên khó bảo đảm thực hiệm nhiệm vụ công tác tư pháp tại cơ sở ngày càng tăng về số lượng và tính phức tạp của công việc, đặt biệt là các nhiệm vụ liên quan đến công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Thực tế là trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp vi phạm do trình độ, năng lực kém... (vi phạm về thẩm quyền đăng ký kết hôn, khai sinh có yếu tố nước ngoài; vi phạm về cấp giấy xác nhận độc thân; xác nhận tình trạng hôn nhân...).

 

          Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn chức danh hộ tịch viên với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, được bố trí ổn định lâu dài. Người được bổ nhiệm vào chức danh này ở Sở Tư pháp, cũng như ở phường, xã phải đủ tiêu chuẩn theo quy định.

 

          Trước mắt cần tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp bằng các hình thức như: kết hợp với Trường Đại học Luật mở các lớp Trung cấp Luật, tổ chức bồi dưỡng ngắn ngày, tăng cường trách nhiệm quản lý của Phòng Tư pháp quận, huyện trong công tác hướng dẫn, kiểm tra công tác tư pháp ở cơ sở.  

 

          2. Kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp:

 

Cần quy định cụ thể về tổ chức, bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư pháp các cấp ở địa phương; chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan tư pháp cấp cơ sở; phân cấp mạng thẩm quyền cho Sở Tư pháp trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở; tiêu chuẩn hoá đội ngũ chuyên trách tư pháp cấp xã; ban hành các quy định các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cấp xã như đối với cán bộ, công chức trong biên chế.

 

3. Xây dựng đề án áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đăng ký hộ tịch:

 

Kinh nghiệm tại Sở Tư pháp cho thấy, bước đầu Sở Tư pháp đã đưa vào quản lý cơ sở dữ liệu máy tính toàn bộ hồ sơ lưu trữ về đăng ký hộ tịch do Sở Tư pháp lưu trữ. Công trình này đã phát huy và ngày càng phục vụ tốt cho công tác quản lý, đăng ký hộ tịch tại Sở Tư pháp. Tại một số quận, huyện, bước đầu cũng đã triển khai quản lý hộ tịch theo mô hình này và có nơi đã triển khai về đến phường xã. Để tiến tới xây dựng một Trung tâm dữ liệu về hộ tịch, nối mạng giữa phường, xã, quận, huyện và thành phố, cần có một kế hoạch tổng thể. Nếu thực hiện được việc này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chánh, quản lý một cách đầy đủ và chính xác các việc về hộ tịch tại thành phố./.

 

(Các chuyên đề chính của Đề tài được đính kèm theo file)                                                                            

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm downloadTải về downloadTải về