• Thuộc tính
Tên đề tài Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam: Thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển
Nội dung tóm tắt

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thông thương hoá các hoạt động thương mại. Ở Việt Nam, cùng với sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của nền kinh tế, nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý đã phát triển liên tục, không ngừng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong số nhiều loại hình dịch vụ khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển đúng vai trò, vị trí của nó, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, cần thiết phải có một hành lang pháp lý cụ thể, vững chắc, làm cơ sở để nó hoạt động. Thực tiễn hệ thống pháp luật Việt Nam về dịch vụ pháp lý chưa đáp ứng được điều này. Hệ thống pháp luật về dịch vụ pháp lý hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội, của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam. Theo chủ trương, đường lối của Đảng, hoạt động dịch vụ pháp lý, dịch vụ tư vấn pháp luật cần được định hướng phát triển như một loại hình dịch vụ thương mại và cần thiết phải tạo lập một thị trường riêng, sôi động, lành mạnh, hiệu quả. Điều này cũng phù hợp các quy định của GATS/WTO về dịch vụ pháp lý.

Trước những yêu cầu cấp thiết trên, Đề tài nghiên cứu “Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam – Thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển” đã tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về thực trạng, nhu cầu của dịch vụ pháp lý ở nước ta hiện nay, từ đó đưa ra mô hình hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý tương thích, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động dịch vụ pháp lý qua các quy định của pháp luật quốc tế; thực tiễn pháp luật và áp dụng pháp luật về dịch vụ pháp lý của một số nước trên thế giới, đặc biệt là thực tiễn của Việt Nam. Thông qua việc phân tích, đánh giá, so sánh các vấn đề có liên quan đến dịch vụ pháp lý, trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, đề tài đề xuất mô hình mạng lưới dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

1. Khái niệm dịch vụ pháp lý

 Dịch vụ là thuật ngữ xuất hiện ở các nước từ lâu nhưng được sử dụng ngày càng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 80 trở lại đây. Tuy vậy, cách hiểu về thuật ngữ này và nội hàm của nó ở các nước không giống nhau. Để có cách hiểu thống nhất về dịch vụ trong quan hệ quốc tế và phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, năm 1991 Liên Hợp Quốc đã công bố Bảng phân loại tạm thời các dịch vụ chủ yếu (PCPC)(1) và đến năm 1997 thì có Bảng phân loại dịch vụ chủ yếu (CPC)(2) của Liên Hợp Quốc. PCPC và CPC không đưa ra định nghĩa về dịch vụ, nhưng các hành vi được liệt kê trong các bảng đó được gọi là dịch vụ. Theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, dịch vụ pháp lý có thể định nghĩa là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện pháp lý và mọi hoạt động liên quan đến hành chính tư pháp (thẩm phán, thư ký phiên toà, công tố...). Trong thực tiễn nhiều nước các hoạt động liên quan đến hành chính tư pháp bị loại ra khỏi phạm vi của khái niệm dịch vụ pháp lý trong thương mại quốc tế vì người ta coi các hoạt động đó là "các dịch vụ được cung cấp khi thi hành thẩm quyền của Chính phủ".

Như vậy, theo nghĩa bình thường (không rộng cũng không hẹp) của thuật ngữ này thì dịch vụ pháp lý có thể được định nghĩa là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý được định lập và thực hiện theo quy định pháp luật của nước nơi các dịch vụ đó được định lập và có thể được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và thủ tục tố tụng khác nhau của hệ thống pháp luật quốc gia.

2. Dịch vụ pháp lý theo pháp luật Việt Nam

Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa có sự thống nhất về quan niệm, cũng như bản chất của dịch vụ pháp lý.

Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, có hướng dẫn khoản 4 Điều 6 của Luật Doanh nghiệp về chứng chỉ hành nghề đã quy định: Chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định. Kinh doanh dịch vụ pháp lý là một trong 6 ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 được ban hành và Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư. Để triển khai thi hành Pháp lệnh Luật sư, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xem xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để các luật sư thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh và tiến hành hoạt động nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 1 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định về dịch vụ pháp lý bao gồm hoạt động tố tụng, tư vấn pháp lý và dịch vụ pháp lý khác. Để cụ thể hoá nội dung dịch vụ pháp lý, Điều 14 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định phạm vi hành nghề luật sư bao gồm:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự;

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính;

- Tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp;

- Tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, đơn từ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;

- Đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng) để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

-  Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, dịch vụ pháp lý có thể chia thành các lĩnh vực sau đây: -  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tư pháp; -  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng trọng tài; -  Tư vấn pháp luật; -  Đại diện theo uỷ quyền về các vấn đề có liên quan đến pháp luật; - Các dịch vụ pháp lý khác.

3. Dịch vụ pháp lý theo quy định của GATS/WTO, BTA và một số nước trên thế giới

3.1. Dịch vụ pháp lý theo quy định của GATS/WTO, BTA.

Theo WTO, dịch vụ bao gồm 12 nhóm chính (3), trong đó có nhóm “dịch vụ thương mại” bao gồm “dịch vụ nghề nghiệp”, và “dịch vụ pháp lý” là một loại dịch vụ thuộc nhóm này. Theo GATS, dịch vụ pháp lý bao gồm “các dịch vụ về tư vấn và đại diện cũng như tất cả các hoạt động khác liên quan tới tố tụng(4) (như hoạt động của thẩm phán, thư ký tòa án, công tố...). Tuy nhiên, khía cạnh thứ hai (hoạt động liên quan tới tố tụng) đã bị loại ra khỏi phạm vi của GATS bởi tại hầu hết các quốc gia, đây được coi là “loại hình dịch vụ do chính phủ thực hiện” (5). Do vậy, GATS chỉ quy định về các dịch vụ đại diện và tư vấn trong một số ngành luật và các thủ tục pháp lý. Theo Danh mục phân loại các lĩnh vực dịch vụ (Danh mục CPC), dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ kinh doanh hay dịch vụ nghề nghiệp (CPC 861) và được phân loại như sau: -  Dịch vụ tư vấn và đại diện liên quan tới luật hình sự (86111); -  Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong các thủ tục tư pháp liên quan tới các lĩnh vực pháp luật khác (86119); -  Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong các thủ tục pháp lý trước các hội đồng tư pháp (có thẩm quyền như Tòa án) (86120); -  Dịch vụ về văn bản pháp luật và xác nhận (86130); và Các thông tin tư vấn pháp lý khác (86190).

Dịch vụ tư vấn pháp luật, theo cách hiểu chung nhất, là hoạt động của những người có kiến thức về mặt pháp lý được pháp luật cho phép cung cấp các ý kiến pháp lý nói chung cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu (sau đây gọi chung là khách hàng) và khách hàng sẽ phải trả một khoản phí tương ứng. Tư vấn pháp luật có thể là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật, sau đó có thể tự mình thực hiện các công việc pháp lý giúp khách hàng, chẳng hạn như soạn thảo hợp đồng mà khách hàng là một bên trong hợp đồng.

Dịch vụ đại diện pháp luật được hiểu là người đại diện thay mặt khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền, trước bạn hàng của khách hàng để thực hiện các công việc đúng pháp luật, theo sự uỷ quyền của khách hàng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và có thu phí. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể là cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính, hoặc tổ chức có quyền tư pháp. Người đại diện trực tiếp thực hiện các công việc trước các cơ quan, tổ chức này thay mặt khách hàng và không nằm ngoài phạm vi đã được thoả thuận trước với khách hàng.

Dịch vụ đại diện pháp luật cũng giống như đại diện theo uỷ quyền trong quan hệ pháp luật dân sự. Chỉ khác ở chỗ người đại diện là người có chức danh, có hiểu biết về mặt pháp lý, được pháp luật cho phép thực hiện các công việc mà khách hàng uỷ quyền. Văn bản uỷ quyền trong trường hợp này chính là hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý giữa người đại diện và khách hàng.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện liên quan đến pháp luật hình sự là dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện pháp luật trong tố tụng hình sự, và dịch vụ soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan tới pháp luật hình sự.

Ở nhiều quốc gia, luật sư ngoài hoạt động kinh doanh dịch vụ pháp lý của mình còn phải thực hiện trách nhiệm đối với xã hội. Vì vậy, mặc dù không phải là người của Nhà nước nhưng đôi khi luật sư vẫn hoạt động như một công chức nhà nước. Khi đó, luật sư sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý với tư cách người buộc tội (công tố viên) theo sự chỉ định và hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ.

Việc nghiên cứu và thực hiện các công việc chuẩn bị cho vụ án hình sự (chẳng hạn nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ người bị nghi phạm tội, nhân chứng, nghiên cứu hồ sơ của vụ án được cơ quan điều tra, cơ quan công tố cung cấp và nghiên cứu các tài liệu có liên quan khác), và thực hiện công việc về đơn từ tố tụng liên quan đến pháp luật hình sự cũng thuộc dịch vụ pháp lý này.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện theo thủ tục tư pháp liên quan đến các lĩnh vực khác của pháp luật là dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện trong quá trình tố tụng phi hình sự và dịch vụ soạn thảo văn bản pháp lý liên quan đến các ngành luật khác mà không phải là luật hình sự.

Về bản chất, các hoạt động chuyên môn của luật sư liên quan đến lĩnh vực khác mà không phải pháp luật hình sự cũng giống như lĩnh vực liên quan đến pháp luật hình sự. Trong cả hai trường hợp, luật sư sẽ dùng các hoạt động chuyên môn của mình để bảo vệ cho khách hàng một vụ việc có liên quan đến pháp luật. Chỉ khác ở chỗ, trong vụ việc hình sự, luật sư sẽ bảo vệ khách hàng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Trong vụ việc phi hình sự, luật sư bảo vệ khách hàng trước một hoặc các bên có tranh chấp với khách hàng. Luật sư có thể bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc những người có quyền và lợi ích liên quan trước Toà án. Sau này, dịch vụ pháp lý liên quan đến ngành luật phi hình sự cũng được thể hiện dưới hình thức nghiên cứu và thực hiện các công việc cần thiết khác để chuẩn bị cho vụ việc (chẳng hạn nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ người làm chứng, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nhằm thu thập và đánh giá các chứng cứ, cung cấp và nghiên cứu những tài liệu có liên quan), và thực hiện các công việc về đơn từ tố tụng có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật phi hình sự.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện khi thực hiện các công việc liên quan tới thủ tục hành chính, trọng tài… bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện trong thủ tục tố tụng hành chính, trọng tài… và dịch vụ soạn thảo văn bản pháp lý có liên quan đến những thủ tục luật định đó.

Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng thực hiện những thủ tục, chuẩn bị những giấy tờ cần thiết trước khi gặp cơ quan hành chính nhà nước. Cẩn thận hơn, khách hàng có thể uỷ quyền hoàn toàn cho luật sư thay mặt mình đứng ra làm tất cả các công việc liên quan tới thủ tục hành chính trước cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp pháp luật cho phép.

Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp được lựa chọn và cũng là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong thương mại quốc tế hiện nay. Luật sư có thể tư vấn, đại diện cho khách hàng khi tham gia tố tụng trọng tài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng của mình với tư cách đại diện cho bên đi kiện hoặc bên bị kiện. Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong tố tụng trọng tài còn tính đến cả các hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị cho một vụ kiện trước cơ quan trọng tài (hoặc các cơ quan khác không phải là Toà án) như nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ khách hàng, xem xét báo cáo), và thực hiện các công việc có liên quan đến đơn từ tố tụng.

Dịch vụ lập và xác nhận các giấy tờ pháp lý bao gồm hoạt động chuẩn bị, phác thảo, hoàn thiện, chứng nhận giấy tờ pháp lý và các công việc cần thiết khác liên quan đến việc soạn thảo hay chứng nhận giấy tờ pháp lý. Các loại giấy tờ có tính chất pháp lý thường được yêu cầu thực hiện là bản di chúc, giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng thương mại, điều lệ công ty…

Dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin pháp lý khác là việc đưa ra những lời tư vấn cho khách hàng liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân của họ; cung cấp các thông tin pháp luật nằm ngoài các hoạt động được kể trên. Dịch vụ này cũng bao gồm cả việc đứng ra bảo lãnh cho khách hàng và dịch vụ thanh toán tài sản.

Dịch vụ công chứng là dịch vụ chứng nhận một hợp đồng hoặc một giao dịch được thể hiện trên văn bản, chẳng hạn như chuyển quyền sở hữu; thừa kế tài sản; biên bản lời khai khi ly hôn; công nhận sự liên kết và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh theo pháp luật công ty. Dịch vụ công chứng thường do các luật sư tư vấn thực hiện hoặc cũng có thể do các công chức thực hiện, tùy theo quy định của từng quốc gia. Một số quốc gia coi dịch vụ công chứng là “dịch vụ được cung cấp để thực thi quyền lực của Chính phủ”. Tuy nhiên, dịch vụ công chứng không giống như các hoạt động của thẩm phán, công tố viên. Công chứng viên cung cấp dịch vụ “trên cơ sở thương mại” và vì vậy, hoạt động công chứng vẫn phải tuân thủ các quy định của GATS.

Ngoài ra, tháng 2 năm 1997, Uỷ ban Thống kê của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn phần sửa đổi của UNCPC về việc phân loại dịch vụ pháp lý. Dịch vụ pháp lý sau khi được sửa đổi có thêm phần “dịch vụ trọng tài và dịch vụ hoà giải” mà trước đây thuộc dịch vụ tư vấn quản lý.

Nói một cách khái quát, dịch vụ pháp lý (theo nghĩa rộng) bao gồm toàn bộ dịch vụ tư vấn và dịch vụ đại diện được phân tích ở trên cũng như tất cả các hoạt động liên quan đến việc thi hành công lý (thẩm phán, công tố viên…). Tuy nhiên, dịch vụ đại diện liên quan đến việc thi hành công lý trên thực tế nằm ngoài phạm vi của GATS, bởi hầu hết các quốc gia đều coi dịch vụ đại diện này là “dịch vụ được cung cấp để thi hành thẩm quyền của Chính phủ” (dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ) theo quy định của Điều I(3)(c) của GATS.

Việc phân loại dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia còn có những quan điểm chưa thống nhất. Chẳng hạn, Australia đề xuất yêu cầu sự phân loại dịch vụ pháp lý phải phản ánh được đầy đủ thực tế thương mại dịch vụ pháp lý quốc tế. Đồng thời quy định một khung pháp lý cho các thành viên, cho phép các thành viên đưa ra các cam kết của mình trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý một cách linh hoạt. Và Australia cũng đưa ra 12 nội dung hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý: Pháp luật nước chủ nhà (tư vấn); Pháp luật nước chủ nhà (đại diện); Pháp luật nước thứ ba (tư vấn); Pháp luật nước thứ ba (đại diện);  Pháp luật nước cung ứng dịch vụ (tư vấn); Pháp luật nước cung ứng dịch vụ (đại diện);  Pháp luật quốc tế (tư vấn); Pháp luật quốc tế (đại diện); Trọng tài thương mại quốc tế;  Dịch vụ giải quyết tranh chấp liên quan khác; Dịch vụ lập và xác nhận văn bản pháp lý; và dịch vụ tư vấn pháp luật khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ lại đưa ra gợi ý hệ thống phân loại dịch vụ pháp lý nên bao gồm cả những dịch vụ tư vấn và đại diện pháp luật sau: tư vấn trong hoạt động kinh doanh, tham gia quản lý tổ chức kinh doanh, hoà giải, trọng tài và các dịch vụ giải quyết các tranh chấp tương tự không thông qua toà án, dịch vụ tư vấn công và vận động hành lang. Còn Canada cho rằng nên đưa thêm phân ngành “dịch vụ tư vấn pháp luật nước ngoài” trong danh mục phân loại dịch vụ pháp lý.

II. THỰC TRẠNG VỀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM

1. Thực trạng hoạt động dịch vụ pháp lý trong thời gian qua

1.1. Hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư Việt Nam

Tính đến ngày 31/5/2005, cả nước đã có 3418 luật sư, luật sư tập sự (trong đó 1883 luật sư có chứng chỉ hành nghề luật sư và 1535 luật sư tập sự). Về chất lượng đội ngũ luật sư, đại đa số luật sư là những người có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và có "tâm" trong hoạt động nghề nghiệp. Chất lượng đội ngũ luật sư đã được nâng lên một bước đáng kể theo hướng chính quy hoá, chuyên nghiệp hoá, tuy nhiên, còn một số vấn đề đáng quan tâm sau đây:

-  Về chuyên môn, đội ngũ luật sư hiện nay chưa thực sự là lực lượng tiêu biểu về trình độ am hiểu và nắm vững pháp luật.

- Về đạo đức, trong đội ngũ luật sư còn những biểu hiện tiêu cực về tư cách, đạo đức trong cuộc sống và trong đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của xã hội đối với các luật sư và nghề luật sư. Nguyên nhân một phần do chưa có cơ chế có hiệu quả để loại trừ những người kém về tư cách đạo đức khi kết nạp vào đội ngũ luật sư, mặt khác một bộ phận luật sư chưa có ý thức trách nhiệm cao về nghề của mình nên chưa thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, các Đoàn luật sư chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục tư cách đạo đức cho các luật sư.

Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư thì luật sư tiến hành hoạt động hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư (bao gồm Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, ngoài ra luật sư có thể làm thuê cho tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam). Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm (tính đến 31/5/2005), các luật sư trong cả nước đã thành lập được 738 tổ chức hành nghề luật sư bao gồm 653 Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, 161 Văn phòng luật sư do một số luật sư thành lập, 5 Công ty luật hợp danh. Các tổ chức hành nghề luật sư còn lập được tổng cộng 149 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác, chủ yếu là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong số 738 tổ chức hành nghề luật sư chỉ có 5 Công ty luật hợp danh chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, còn lại đại bộ phận là các văn phòng luật sư hoạt động trong tất cả các lĩnh vực hành nghề luật sư, mà lĩnh vực chủ yếu là tham gia tố tụng. Điều này cho thấy tính chuyên môn hoá về lĩnh vực hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư còn rất hạn chế, mà nguyên nhân chính là phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư chưa thể tồn tại và phát triển được nếu chỉ chuyên thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực tham gia tố tụng hoặc tư vấn pháp luật.

Số tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp hoặc chủ yếu cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế như đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế v.v.. còn chưa nhiều; trong đó chỉ có một số tổ chức hành nghề luật sư có khả năng thực hiện dịch vụ pháp lý cho các tổ chức kinh tế nước ngoài. Tuy nhiên, hầu như chưa có tổ chức hành nghề luật sư nào có khả năng độc lập thực hiện dịch vụ hoàn chỉnh cho một Dự án kinh tế lớn hoặc bảo vệ cho khách hàng trong những vụ kiện lớn mang tính chất quốc tế. Trong các vụ việc này, các tổ chức hành nghề luật sư thường phải dựa vào hoặc hợp tác với các hãng luật nước ngoài.

Tham gia tố tụng vẫn là lĩnh vực hành nghề chủ yếu và có tầm quan trọng đặc biệt của các luật sư, nhiều nhất là trong các vụ án hình sự. Trong việc tham gia tố tụng án hình sự thì tỷ lệ số việc bào chữa do công dân mời đang có chiều hướng tăng so với việc bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Việc bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được các luật sư tích cực tham gia và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về số lượng vụ việc.

Về chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng đã được nâng lên một bước. Đa số các luật sư với tinh thần trách nhiệm cao trước khách hàng và trước pháp luật, đã cẩn trọng, tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị như nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp bị can, bị cáo, đương sự, thu thập thêm chứng cứ, chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ v.v., đến khâu tham gia phiên toà. Đa số các luật sư đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quyền được tranh luận của mình, đưa ra những lập luận chặt chẽ, những câu chất vấn xác đáng với thái độ tôn trọng pháp luật, tôn trọng đối với kiểm sát viên, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác. Hoạt động tham gia tố tụng của các luật sư trong nhiều vụ án đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, góp phần bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Tuy nhiên trong hoạt động tham gia tố tụng còn những nhược điểm, tiêu cực cần được khắc phục. Còn có luật sư chưa có quan niệm đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của luật sư trong việc bào chữa cho bị can, bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến hiện tượng bằng mọi cách, kể cả biện pháp không theo quy định của pháp luật để bào chữa, bảo vệ cho khách hàng của mình. Còn có luật sư vì chạy theo đồng tiền, cố tình bảo vệ những quyền, lợi ích phi pháp, không chính đáng của khách hàng. Hiện tượng luật sư hứa hẹn với khách hàng về kết quả công việc để nhận thù lao cao vẫn xảy ra không ít, hiện tượng luật sư "chạy án" vẫn còn là mối băn khoăn, lo lắng của xã hội v.v. Tất cả những hiện tượng tiêu cực nêu trên trong việc tham gia tố tụng của luật sư, tuy không phải là phổ biến, nhưng đã phần nào gây mất lòng tin trong xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

Tư vấn pháp luật là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư, đặc biệt trong điều kiện nhu cầu về tư vấn pháp luật trong xã hội ngày càng tăng nhanh. Ngoài việc tư vấn về các lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình v.v.. các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực tư vấn về pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất.

 Chất lượng tư vấn pháp luật của các luật sư cũng đã được nâng cao một bước. Nhiều luật sư đã tham gia tư vấn cho những hợp đồng thương mại, những dự án đầu tư lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong nước và nước ngoài hài lòng và tin tưởng.

Tuy nhiên, mặc dù đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng hoạt động tư vấn pháp luật của các luật sư còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, và vẫn có thể được xem là khâu yếu cần được các luật sư chú trọng trong thời gian tới.

1.2. Hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư nước ngoài

Trong những năm qua, kể từ khi cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam có thể thấy rằng việc hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam. Các Chi nhánh đã tham gia tư vấn pháp luật cho rất nhiều dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, khu chế xuất hoặc về vốn vay, cơ cấu lại nợ… Trong hoạt động nghề nghiệp, các Chi nhánh đã hợp tác với tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của Việt Nam và thông qua sự hợp tác này mà luật sư Việt Nam có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của luật sư nước ngoài. Các Chi nhánh còn tiếp nhận và giúp đào tạo nghề cho các cử nhân luật tại Chi nhánh hoặc gửi đi nước ngoài đào tạo. Theo Báo cáo số 1795/BC-TP ngày 3/12/2004 của Bộ Tư pháp, trong cả nước có 1 Công ty luật nước ngoài, 37 Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài (19 Chi nhánh tại Hà Nội và 18 Chi nhánh tại T.P Hồ Chí Minh).

Trong quá trình hoạt động, ngoài các khách hàng truyền thống, các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tại Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Số chi nhánh hoạt động có hiệu quả chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, nơi có môi trường kinh doanh và đầu tư sôi động hơn so với Hà Nội, với số lượng vụ việc ở mức ổn định, khoảng từ 20 đến 100 vụ việc hàng năm, trong đó khách hàng nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài tham gia ngày càng nhiều và có chất lượng trong việc tư vấn cho một số dự án lớn của Chính phủ Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, dầu khí, viễn thông); đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài (ví dụ, vụ kiện bán phá giá cá da trơn tại Mỹ,…); cơ cấu lại nợ, vốn vay của Chính phủ; đại diện tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ tài sản của Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài, cũng như đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong một số vụ việc khác v.v... Một số Bộ, ngành và Tổng công ty lớn của Việt Nam (Bộ Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Thép Việt Nam ...) đã trở thành khách hàng thường xuyên của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài. Trong hoạt động hành nghề, nhiều Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã tạo được uy tín và chiếm được lòng tin của các khách hàng nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như của khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, do chi phí ban đầu lớn nên hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh chưa cao, số Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài hoạt động có lãi chiếm tỷ lệ còn thấp.

Ngoài những kết quả đạt được nói trên, hoạt động của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài cũng còn có một số khó khăn, hạn chế. Mặc dù tình hình đầu tư trong nước và khu vực đang được cải thiện, nhưng số lượng dự án đầu tư và khách hàng nước ngoài gần như không tăng lên dẫn đến khối lượng công việc còn ít và hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài chưa thực sự sôi động. Từ năm 2002 đến nay, có 05 Chi nhánh xin tạm ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Tuy nhiên, 01 Chi nhánh trong số đó đã xin cấp phép mới và hoạt động trở lại. Trong số các Chi nhánh còn lại, để duy trì và củng cố hoạt động tại Việt Nam, nhiều Chi nhánh đã phải thu hẹp quy mô văn phòng, giảm số lượng nhân viên để giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng cường mối liên hệ công việc với văn phòng ở các nước khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kiên trì chờ đón cơ hội mới.

Cho đến nay chưa có trường hợp vi phạm nào của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài phải xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng một số Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài chưa thực hiện thật đầy đủ và nghiêm minh các quy định hiện hành như: chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (thông báo thay đổi địa điểm, thay đổi nhân viên lao động ...); chậm trễ hoặc thực hiện không đầy đủ việc báo cáo theo định kỳ; không duy trì thường xuyên luật sư nước ngoài làm việc tại Chi nhánh. Hoạt động hợp tác đối với các cơ quan của Chính phủ còn chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng của các tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

1.3. Hoạt động dịch vụ pháp lý của tổ chức, đoàn thể

Trước khi có Nghị định 65/2003/NĐ- CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật, thì trên toàn quốc hiện có 69 cơ sở tư vấn pháp luật trực thuộc các tổ chức như Hội Luật gia (51 Văn phòng tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia các cấp – chiếm 74%), Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã, Hiệp hội Công thương (sau đây gọi chung là các tổ chức xã hội). Các văn phòng tư vấn pháp luật phần lớn tập trung ở Hà Nội và  TP. Hồ Chí Minh (13 tại Hà Nội và 24 tại TP. Hồ Chí Minh). Hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội kể trên đã huy động được khoảng 400 chuyên viên tư vấn và một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên là những luật gia, luật sư. Các văn phòng tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã và Hiệp hội Công thương chủ yếu thực hiện tư vấn pháp luật cho các đối tượng là thành viên của mình và trong các lĩnh vực pháp luật có liên quan. Các Văn phòng tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Mặt trận Tổ quốc thực hiện tư vấn trên tất cả các lĩnh vực pháp luật và cho mọi đối tượng.

Các Văn phòng tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn dưới hình thức bằng miệng hoặc bằng văn bản, qua điện thoại và tư vấn tại nhà. Đa số các Văn phòng tư vấn pháp luật đều kết hợp nhận làm các dịch vụ hành chính như đánh máy, dịch thuật, in ấn, photocopy... Một số chuyên viên tư vấn của Hội Luật gia cũng nhận bào chữa trước Toà khi khách hàng nhờ và được Toà án chấp thuận. Một số Văn phòng tư vấn pháp luật có tổ chức hội thảo chuyên đề, tham gia viết đề tài, viết báo v.v.

Có một số Văn phòng tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật hoàn toàn miễn phí cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách và phụ nữ, trẻ em. Các Văn phòng còn lại đều thu phí khi tư vấn. Nhìn chung, mức phí thu là thấp và không thống nhất. Đa số các Văn phòng tư vấn pháp luật hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Trong thời gian qua, với lưu lượng khách hàng thấp và số thu ít, doanh thu chỉ đủ duy trì hoạt động của Văn phòng nên các Văn phòng trên được miễn nộp thuế. Một số ít Văn phòng tư vấn pháp luật mà hầu hết tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh có số thu cao nên có thực hiện nghĩa vụ thuế.

 Ngày 11/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển, mở rộng loại hình tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội), bảo đảm sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này. Hoạt động tư vấn pháp luật được điều chỉnh bởi Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận, trước tiên, nhằm phục vụ nhu cầu về tư vấn pháp luật của thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu về tư vấn pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong quan hệ đời sống hàng ngày.

Ngoài việc tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên của tổ chức mình, cho người nghèo và đối tượng chính sách, Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật có thu phí đối với các đối tượng khác nhằm mục đích tự trang trải cho hoạt động của Trung tâm. Để tránh tuỳ tiện, tiêu cực có thể nảy sinh, Nghị định đã quy định cụ thể mức phí tối đa rất thấp (từ mức 50.000 đ/vụ việc đến mức 200.000đ/vụ việc), đồng thời quy định chế độ giám sát, kiểm tra chặt chẽ về kế toán, tài chính.

Cho đến 31/12/2004, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có 20 Trung tâm tư vấn pháp luật được đăng ký hoạt động tại các địa phương. Các Trung tâm tư vấn pháp luật này trực thuộc Liên đoàn Lao động, Hội Luật gia, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố.

1.4. Hoạt động trợ giúp pháp lý

Hiện nay, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp Trung ương có Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp; ở cấp tỉnh có 63/64 Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Riêng tỉnh Lai Châu mới được chia tách chưa có Quyết định thành lập Trung tâm); 52 Chi nhánh, 553 Tổ trợ giúp pháp lý thuộc các Trung tâm đặt tại Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã. Một số tỉnh thành lập thí điểm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cho phép cộng tác viên được trợ giúp pháp lý cho đối tượng tại nhà riêng, tạo điều kiện nhân dân dễ tiếp cận, kịp thời giải toả các vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở. Để khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng, chưa tương xứng với nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày một tăng của nhân dân, Cục Trợ giúp pháp lý và tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp được sử dụng cộng tác viên.

Đối tượng trợ giúp pháp lý là những người có đủ điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, bao gồm: người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác. Người nghèo chiếm phần lớn trong tổng số đối tượng đã được trợ giúp pháp lý. Các đối tượng, loại việc được miễn án phí quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Người nước ngoài cũng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí tại Việt Nam theo Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa Việt Nam và nước đó nếu trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý miễn phí. Ngoài ra, trong khuôn khổ một số dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, một số đối tượng đặc thù như: trẻ em, người tàn tật, người di cư, người già cô đơn, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ cũng là những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

Phạm vi trợ giúp là những lĩnh vực hoạt động dịch vụ pháp lý mà pháp luật cho phép các tổ chức trợ giúp pháp lý (chuyên viên và cộng tác viên) thực hiện, bao gồm: tư vấn, hòa giải, đại diện, bào chữa và kiến nghị. Bên cạnh đó, các tổ chức trợ giúp pháp lý đều tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp bằng các phương thức khác nhau: giải đáp, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý, phát tờ gấp pháp luật, tổ chức nói chuyện pháp luật v.v.

Từ năm 1998 đến hết năm 2003, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện được 396.914 vụ việc cho 412.174 lượt đối tượng, trong đó đa số là tư vấn. Các vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp luật dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai - nhà ở, hành chính, khiếu nại, tố cáo, hình sự, lao động và chế độ chính sách.

1.5. Hoạt động dịch vụ pháp lý khác

a) Dịch vụ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.

Khác với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và trọng tài, hoà giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (Alternative Dispute Resolution – ADR), trong đó, phải có sự tham gia của một bên trung lập thứ ba (hoà giải viên). Hai hoặc nhiều bên tranh chấp phải tự quy định hoặc yêu cầu hoà giải viên tự quy định các thủ tục tiến hành hoà giải hoặc lựa chọn một quy tắc hoà giải mẫu của một tổ chức hoà giải thường xuyên để áp dụng. Hoà giải viên phải tìm hiểu mong muốn của các bên, đưa ra lời khuyên và giúp các bên đạt được điều cần phải có là cả hai bên đều được hài lòng về kết quả bởi không có sự hài lòng này thì không thể có thoả thuận chính thức về hoà giải thành. Nếu một trong các bên tranh chấp không hài lòng về những điều đã diễn ra, bên này sẽ không tiếp tục tham gia, không ký vào biên bản hòa giải, tuyên bố chấm dứt hoà giải và có thể chuyển sang áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Hoà giải sẽ là phương thức bắt buộc khi các bên có thoả thuận như vậy trong hợp đồng (thường là điều khoản giải quyết tranh chấp) hoặc bằng một thoả thuận hoà giải riêng biệt. Hoà giải là bắt buộc trong trường hợp pháp luật có quy định.

b) Dịch vụ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR), trọng tài và Tòa án là các phương thức giải quyết bằng tài phán, có bản án (Tòa án), có quyết định trọng tài (trọng tài). Cả bản án và quyết định trọng tài đều có hiệu lực pháp luật, được cưỡng chế thực hiện. Tuy nhiên, khác với Tòa án, trọng tài là phương thức xét xử "tư" (private), các trọng tài viên chủ yếu là các nhà chuyên môn kinh tế, pháp lý… Các dịch vụ pháp lý trong phương thức trọng tài gồm các dịch vụ do trọng tài viên thực hiện; dịch vụ đại diện cho các bên trong vụ tranh chấp; một số dịch vụ khác như giám định, thư ký… do các tổ chức, cá nhân thực hiện. Dịch vụ đại diện pháp lý của các bên thông thường do các luật sư, luật gia hoặc bất kỳ ai mà các bên tín nhiệm để làm đại diện cho các bên tham gia tố tụng trọng tài, kể cả tham gia thương lượng, hoà giải.

c) Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng hình thành và phát triển khá mạnh mẽ. Về dịch vụ sở hữu công nghiệp, ở nước ta đã hình thành một mạng lưới 19 Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp với hơn 60 người đại diện sở hữu công nghiệp có trình độ và kinh nghiệm cũng như quan hệ quốc tế đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về sở hữu công nghiệp nên lĩnh vực dịch vụ này có điều kiện phát triển, đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập. Trong khi đó, chúng ta lại chưa tham gia bất kỳ một Hiệp ước đa phương nào về bản quyền tác giả và mới chỉ ký Hiệp định song phương với Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Điều này khiến các tác phẩm của phần lớn các nước (ngoại trừ Hoa Kỳ và Thụy Sĩ) không được bảo hộ tại Việt Nam và tương ứng các tác phẩm của Việt Nam cũng không được bảo hộ tại các nước đó. Chính vì lẽ đó, mà dịch vụ pháp lý về bản quyền tác giả cũng chưa được phát triển với một vài Tổ chức đại diện quyền tác giả vốn đã là các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

Theo Báo cáo đặc biệt 301 được Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) lập hàng năm nhằm để tổng kết tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền thuộc về các công dân và doanh nghiệp Mỹ, ở thị trường các nước, mức độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn yếu, các hiện tượng vi phạm vẫn chưa hạn chế được. Trong bối cảnh đó, dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam lại chưa được phát triển phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ sở hữu công nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện để trở thành Tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp là tổ chức đó phải có ít nhất hai người đại diện sở hữu công nghiệp. Trong khi đó việc trở thành người đại diện sở hữu công nghiệp không phải là điều đơn giản. Có lẽ, đây là nguyên nhân chính tại sao ở nước ta đến nay chỉ có khoảng 60 người đại diện sở hữu công nghiệp, trong khi thực tế cần tối thiểu phải có hàng trăm người. Lĩnh vực quyền tác giả cũng có tình trạng tương tự như vậy.

Nếu tính tên miền Internet cũng là một đối tượng của sở hữu trí tuệ, thì ở Việt Nam hiện nay có đến năm cơ quan quản lý các lĩnh vực khác nhau liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm: Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, Trung tâm mạng Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý nhãn hiệu hàng hóa của Bộ Thương mại. Sự thay đổi tổ chức này có nhiều ảnh hưởng tới lĩnh vực dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ. Ví dụ như hiện nay vẫn chưa có định nghĩa pháp lý thế nào là tác phẩm văn học – nghệ thuật và phi văn học-nghệ thuật, chưa rõ cơ quan nào sẽ xét cấp Thẻ người đại diện sở hữu công nghiệp hay đại diện quyền tác giả, cơ quan nào sẽ làm đầu mối của Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức quốc tế và của các nước khác về sở hữu trí tuệ như Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)…

Trong lĩnh vực đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng nẩy sinh nhiều vấn đề. Do chưa phân định rõ đối tượng nên nhiều tác phẩm chưa rõ phải nộp đơn đăng ký quyền tác giả ở Cục Sở hữu trí tuệ hay Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật hay cả hai, các đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hiện nay vẫn tạm thời nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ để chờ chuyển giao cho Bộ Thương mại mà chưa được giải quyết. Hoàn toàn chưa rõ cơ quan nào sẽ là cơ quan giám định nhà nước về vi phạm nhãn hiệu hàng hóa và quyền tác giả. Thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ có quyền xử lý vi phạm hành chính về nhãn hiệu hàng hóa nữa hay không?…

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ theo chỉ đạo của Chính phủ đang soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới sửa đổi điều kiện hành nghề sở hữu công nghiệp theo hướng thay thế Thẻ người đại diện sở hữu công nghiệp thành điều kiện hành nghề, mở rộng thêm nhiều đối tượng khác được quyền hành nghề dịch vụ sở hữu công nghiệp. Đây là một nỗ lực nhằm mở rộng số lượng những người làm dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay.

2. Thực trạng quản lý nhà nước về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

Về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý ở Việt Nam thời gian qua, Nhóm nghiên cứu rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, Nhà nước đã tập trung vào việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển. Hoạt động dịch vụ pháp lý đã được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật cao. Điều này, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động dịch vụ pháp lý, đồng thời, khẳng định vai trò của dịch vụ  pháp lý trong nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, Nhà nước đã bước đầu thực hiện xã hội hoá một số hoạt động dịch vụ pháp lý theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, mở rộng các loại hình dịch vụ tư vấn pháp luật để dịch vụ  pháp lý đến được với quảng đại quần chúng nhân dân. Quan trọng hơn là sự nâng cao vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, sư phân định rõ nội dung, thẩm quyền quản lý nhà nước với chức năng tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý đã được tăng cường và bước đầu đạt hiệu quả, lập lại trật tự trong hoạt động dịch vụ pháp lý. Quản lý nhà nước đã phần nào đáp ứng được hai mặt của vấn đề đó là vừa quản lý chặt chẽ, nhưng cũng tạo điều kiện để hoạt động dịch vụ pháp lý có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động nghề nghiệp, mà tập trung vào một số nội dung trọng tâm, trọng điểm như vấn đề tạo hành lang pháp lý, đào tạo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

III. NHU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM

1. Xác định nhu cầu dịch vụ pháp lý từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Có thể khái quát nhu cầu tiếp tục phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam qua một số điểm sau đây:

a) Dịch vụ pháp lý phải đảm bảo vai trò là công cụ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, ký kết hơn 60 Hiệp định thương mại song phương với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Và đặc biệt, chúng ta đã qua 9 vòng đàm phán để sớm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những đòi hỏi về tính ổn định, minh bạch, phù hợp pháp luật quốc tế trong quan hệ thương mại quốc tế cũng đang đặt ra nhu cầu lớn cho hoạt động dịch vụ pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực về đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ với các nước trên thế giới. Thực tiễn trong thương mại quốc tế cho thấy, các lĩnh vực kinh doanh ở trên luôn luôn tạo ra làn sóng nhu cầu về dịch vụ pháp lý. Những con số thống kê sau đây đã chứng minh cho việc phát triển không ngừng dịch vụ pháp lý: ở Cộng đồng Châu Âu, số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tăng trung bình khoảng 23%/năm; ở Hoa Kỳ tăng gấp 3 lần trong 10 năm (1993 – 2003) (6).

Nhu cầu dịch vụ pháp lý tăng nhanh không chỉ xuất phát từ sự phát triển kinh tế, của quá trình hội nhập kinh tế giữa nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế khu vực, kinh tế thế giới, mà tự thân sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng đòi hỏi chúng phải bắt kịp, thích ứng với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, yếu tố cạnh tranh từ thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế cũng thôi thúc sự đổi mới, nhanh chóng hoàn thiện thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, nếu như, chúng ta không muốn để mất thị phần của thị trường này ngay trên đất nước của chúng ta.

b) Dịch vụ pháp lý phải là công cụ bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Ngay trong lời nói đầu của Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã thể hiện rõ mục đích là: “... Để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của các cá nhân, tổ chức”. Các văn bản pháp luật khác quy định về việc tổ chức và hành nghề của luật sư nước ngoài; về hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể; về trợ giúp pháp lý... cũng đều quán triệt mục tiêu nhằm bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cho dù hoạt động dịch vụ pháp lý được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Chính bởi vậy, hoạt động dịch vụ pháp lý được đổi mới, phát triển theo hướng hoàn thiện hơn, phù hợp sự phát triển của cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế hơn, nhưng về cơ bản vẫn phải tuân theo mục tiêu đảm bảo xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trong xã hội trước pháp luật, ưu tiên những đối tượng xã hội là người nghèo, đối tượng chính sách, bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa...

c) Dịch vụ pháp lý phải đáp ứng được nhu cầu công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Cải cách tư pháp, xây dựng một xã hội có trật tự, bình đẳng, có nền pháp chế, nền hành chính, tư pháp và hệ thống pháp luật vững mạnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được khẳng định qua nhiều văn kiện, văn bản pháp luật. Việc xây dựng hệ thống dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cần phúc đáp yêu cầu của cải cách hành chính là sao cho hệ thống gọn nhẹ, tập trung, tăng cường sự quản lý của Nhà nước nhưng vẫn thúc đẩy được hoạt động này phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Cũng như vậy, hệ thống dịch vụ pháp lý và các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý phải góp phần tích cực vào việc xây dựng một nền tư pháp mạnh, hỗ trợ các cơ quan tư pháp hoạt động có hiệu quả. Một mặt, giúp cơ quan tư pháp, cơ quan công quyền thực thi đúng pháp luật, hạn chế oan sai, mặt khác, bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, hoạt động dịch vụ pháp lý còn phải giáo dục, thuyết phục nâng cao ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật của công dân. Nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hoạt động dịch vụ pháp lý phải gắn liền với mục tiêu công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời, tuân thủ định hướng và quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược này. Công bằng, bình đẳng, dân chủ không chỉ là các tiêu chuẩn, các nguyên tắc vốn có của Nhà nước pháp quyền, mà còn đòi hỏi hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng phải hoạt động tuân thủ pháp luật, bảo đảm pháp chế. Hoạt động dịch vụ pháp lý là hoạt động bổ trợ tư pháp đòi hỏi quá trình tổ chức và hoạt động của nó cũng cần phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc trên, phải coi dân chủ, bình đẳng là cơ chế để xác định và bảo đảm thực thi nguyên tắc công bằng trong xã hội, cũng như trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và công dân.

2. Những định hướng cơ bản nhằm phát triển và hoàn thiện dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

2.1. Những định hướng cơ bản nhằm phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

a) Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cần được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo quan niệm của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), của Tổ chức Thương mại (WTO), của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) thì dịch vụ pháp lý bao gồm các hoạt động tư vấn pháp luật và đại diện pháp lý. Các hoạt động dịch vụ pháp lý được phát triển theo hướng như là các loại dịch vụ thương mại và chú trọng từng bước tự do hoá việc cung cấp dịch vụ. Xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà Đảng và Nhà nước ta quán triệt sâu sắc chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển ngày càng cao, huy động tối đa mọi quyền lực để nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo cho các quan hệ trong xã hội ngày càng công bằng, dân chủ và văn minh, thì dịch vụ pháp lý cần thiết phải được mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ để phúc đáp nhu cầu xã hội. Văn kiện của Đảng cũng đã chỉ rõ việc phát triển đa dạng các loại hình thị trường trong nền kinh tế, trong đó có việc phát triển thị trường dịch vụ tư vấn pháp luật (7). Như vậy, theo chủ trương này, các hoạt động dịch vụ pháp lý dần dần được định hướng phát triển như một loại hình thương mại dịch vụ, có thị trường riêng, sôi động, hiệu quả. Trên thực tế, các hoạt động dịch vụ pháp lý cũng đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh.

b) Dịch vụ pháp lý là công cụ và phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Trong quá trình kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận, các chủ thể kinh doanh có thể vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép và chính sự “vượt rào” này, có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trong xã hội. Bởi vậy, hoạt động dịch vụ pháp lý là giá đỡ hay “sự ổn áp” cần thiết để đưa họ trở về đúng quỹ đạo, đảm bảo giới hạn, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể có nguy cơ bị tổn hại. Ngược lại, khi quyền lợi của họ bị các chủ thể khác xâm phạm, thì những hoạt động của dịch vụ pháp lý chính là công cụ, phương tiện để tạo ra cơ chế phục hồi. Bên cạnh đó, dịch vụ pháp lý cũng cần được phát triển theo hướng nhân đạo, phục vụ miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Đây là những đối tượng không có điều kiện hoặc cơ hội để được hưởng những dịch vụ pháp lý (theo cơ chế thương mại dịch vụ), bởi vậy, Nhà nước cần có cơ chế thích ứng giúp họ được thụ hưởng sự trợ giúp về mặt pháp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

c) Dịch vụ pháp lý cần phát triển phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cải cách hành chính là nhằm tinh giảm bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính, giảm bớt phiền hà, nhiêu khê cho nhân dân. Theo mục tiêu này, dịch vụ pháp lý cần phát triển theo hướng xã hội hoá sâu sắc, phát huy tính tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp tự chủ hoạt động theo đúng khuôn khổ và thể chế mà pháp luật đã quy định.

Đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý là một trong những công việc quan trọng, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp. Với việc đa đạng hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý, chất lượng công tác này sẽ ngày một nâng cao, phát huy mọi nguồn lực của xã hội để hoạt động dịch vụ pháp lý thoả mãn yêu cầu xã hội ngày một tốt hơn.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của  dân, do dân, vì dân, thì việc xây dựng, mở rộng và hoàn thiện mô hình dịch vụ pháp lý cũng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền. Các hoạt động dịch vụ pháp lý phải là công cụ đắc lực trong việc trợ giúp cho các đối tượng quản lý trong xã hội hành xử theo pháp luật, làm cho trật tự xã hội được ổn định, phát triển theo hướng lành mạnh, vững chắc, ý thức pháp luật của quần chúng ngày càng nâng cao. Đồng thời, hoạt động dịch vụ pháp lý trong quá trình tranh tụng trước Toà án và các cơ quan tài phán khác, cũng như hoạt động đại diện pháp lý cho các chủ thể, các đương sự trước cơ quan công quyền là sự giám sát từ phía xã hội từ phía quần chúng đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng và cơ quan công quyền. Điều này đòi hỏi phải thiết lập một cơ chế phù hợp, dân chủ để các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý có thể hoàn thành được nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

2.2. Kiến nghị về mô hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sau khi tìm hiểu về nhu cầu và xác định định hướng phát triển dịch vụ pháp lý trong thời kỳ mới ở nước ta, Nhóm nghiên cứu dự kiến mô hình phát triển như sau:

a) Về khái niệm và phạm vi dịch vụ pháp lý.

Dịch vụ pháp lý với khái niệm nội hàm của nó có thể hiểu là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý. Theo đó, dịch vụ tư vấn pháp luật được hiểu là hoạt động cung cấp các ý kiến pháp lý, giải pháp của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu (gọi chung là khách hàng). Còn dịch vụ đại diện pháp lý được hiểu là chủ thể cung cấp dịch vụ sẽ là người đại diện cho khách hàng, thay mặt cho khách hàng trước các cơ quan, tổ chức, trước các đối tác của khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng theo đúng các quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức có thể là các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội, chính trị - xã hội, các tổ chức có quyền tài phán... Như vậy, dịch vụ đại diện pháp lý còn bao gồm cả việc tham gia tranh tụng trước Toà như bào chữa cho bị can, bị cáo (đại diện cho quyền lợi của bị can, bị cáo) trong các vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự trong tố tụng trọng tài ở các tổ chức trọng tài thương mại trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, dịch vụ pháp lý có thể còn bao gồm những hoạt động khác khi khách hàng có yêu cầu nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Cũng từ nội hàm khái niệm, phạm vi dịch vụ pháp lý có thể được xác định như sau:

-  Dịch vụ tư vấn pháp luật;

-  Dịch vụ đại diện pháp lý, trong đó:

+ Đại diện pháp lý trong tố tụng tư pháp;

+ Đại diện pháp lý trong thủ tục hành chính, tố tụng trọng tài;

+ Đại diện theo uỷ quyền về những vấn đề liên quan đến pháp luật;

- Các hoạt động dịch vụ pháp lý khác (soạn thảo hợp đồng, các giấy tờ pháp lý...).

b) Về chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tư pháp bao gồm: Luật sư; Đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân; Người khác.

Trên thế giới, việc cung cấp dịch vụ pháp lý phải do các nhà chuyên nghiệp bởi vì họ là những người am hiểu pháp luật, biết vận dụng pháp luật và có kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng tư pháp, việc thực hiện các dịch vụ pháp lý phải là luật sư. Một số nước còn quy định rõ trong luật về sự độc quyền tham gia tố tụng của luật sư trước Toà.

Ở Việt Nam, giai đoạn trước mắt, bên cạnh việc phát triển nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ luật sư để họ đáp ứng kịp nhu cầu cấp thiết của đời sống xã hội, cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc kiện toàn đội ngũ tư vấn viên pháp luật (ở các tổ chức đoàn thể xã hội); kiện toàn đội ngũ chuyên viên trợ giúp pháp lý (ở các Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách); tiêu chuẩn hoá một số chức danh tư vấn pháp luật trong những lĩnh vực hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ, trọng tài...

Về lâu dài, cần xác định rõ, những người đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ pháp lý chỉ có thể là luật sư.

c) Về hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý.

Hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý cần được tổ chức đa dạng với các hình thức sau đây:

- Văn phòng luật sư (chỉ có thể do một luật sư thành lập; Văn phòng luật sư do hai luật sư thành lập bản chất không khác gì công ty luật hợp danh).

- Công ty luật (có thể thành lập theo hình thức công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cần có các điều kiện, tiêu chuẩn đặc thù cho việc thành lập công ty luật theo các loại hình công ty nói trên. Ví dụ: Điều kiện về chủ thể thành lập công ty, các thành viên hợp danh hoặc các thành viên sáng lập trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải là luật sư...).

- Trung tâm tư vấn pháp luật (các trung tâm này khi hành nghề cũng phải do các luật sư có đủ điều kiện hành nghề mới được cung cấp dịch vụ...).

- Các Chi nhánh của tổ chức  luật sư, Công ty luật nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam...

- Trung tâm dịch vụ pháp lý miễn phí (các trung tâm này có thể do Nhà nước hoặc tổ chức xã hội thành lập).

Ngoài ra cần nghiên cứu để quy định hình thức hành nghề độc lập (tự do) của luật sư với tư cách là luật sư làm thuê (luật sư riêng) của doanh nghiệp, của dự án, của Chính phủ, bộ, ngành...

đ) Về quản lý đối với dịch vụ pháp lý

Về nguyên tắc, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hành nghề dịch vụ pháp lý. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường có lẽ cần quán triệt phương châm chung là giảm thiểu tối đa các biện pháp hành chính mà thay vào đó là điều tiết vĩ mô thông qua các cơ chế của thị trường. Hơn nữa, mục đích và động cơ của mọi sự quản lý là tạo điều kiện cho sự phát triển chứ không phải là “xiết chặt” và “hạn chế”. Đối với lĩnh vực dịch vụ pháp lý, nên chăng có sự phân định các cấp độ quản lý khác nhau.

Quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua việc hoạch định chính sách, ban hành pháp luật để quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về hành nghề dịch vụ pháp lý, chẳng hạn như tiêu chuẩn trở thành luật sư, tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề của một tổ chức dịch vụ pháp lý; … Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ nên tập trung vào kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.

Quản lý các khía cạnh khác theo các luật áp dụng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ nói chung bởi các cơ quan chức năng khác nhau của Nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan lao động, cơ quan thống kê và đăng ký kinh doanh v.v.. Muốn như vậy, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật cần hoạt động trong cùng một hành lang thống nhất và bình đẳng là Luật doanh nghiệp.

Nghiên cứu xây dựng chế độ trách nhiệm của luật sư, kết hợp giữa hệ thống chế tài của Nhà nước và chế độ kỷ luật của tổ chức tự quản theo hướng xác định rõ và cụ thể hệ thống chế tài của Nhà nước và phát huy tối đa sự kiểm soát của bản thân các luật sư trong chế độ tự quản.

Bên cạnh việc xác định chế độ trách nhiệm của luật sư, cần thiết phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bảo đảm trên thực tế việc luật sư được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu để xây dựng  chế độ bảo hộ nghề nghiệp để luật sư có đủ điều kiện thực hiện tốt các dịch vụ pháp lý.

Quản lý các hoạt động nghề nghiệp hàng ngày của luật sư bởi tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư thông qua quy chế đạo đức nghề nghiệp. Cách thức quản lý này sẽ là hiệu quả nhất vì lẽ “không ai hiểu rõ luật sư hơn luật sư”, theo đó, cơ chế tự quản của các luật sư sẽ phát huy tác dụng. Vì vậy xã hội hoá tổ chức và hoạt động luật sư cần theo những định hư­ớng cơ bản sau đây:

- Cần khẳng định luật sư là một nghề trong xã hội và vì vậy tổ chức, hoạt động luật sư­ cần đ­ược xây dựng trên những nguyên tắc là một nghề chuyên nghiệp, nghề tự do;

- Cần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ luật s­ư chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu về luật s­ư tham gia tố tụng, t­ư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như­ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử;

- Từng bư­ớc chuẩn hoá các tiêu chuẩn luật s­ư phù hợp với các yêu cầu, điều kiện cụ thể của sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nư­ớc, như­ng phải bảo đảm đáp ứng các chuẩn mực về mặt chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện hành nghề của luật s­ư trong khu vực và trên thế giới;

- Đề cao trách nhiệm cá nhân của luật s­ư, nâng cao vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư­, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nư­ớc đối với nghề luật sư­; phân biệt rõ quản lý nhà nước với tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư;

- Từng bư­ớc hoàn chỉnh hệ thống văn bản điều chỉnh nghề luật s­ư, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho nghề luật s­ư Việt Nam phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

3. Hoàn thiện pháp luật về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về tố tụng, khắc phục tình trạng cắt khúc giữa các giai đoạn tố tụng như hiện nay, quy định hợp lý thời gian tiến hành tố tụng, áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng.

Hoàn thiện pháp luật tố tụng theo hướng bảo đảm các thủ tục tố tụng dân chủ hơn, tăng cường vai trò của luật sư nhằm thực thi nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền con người trong tố tụng hình sự. Pháp điển hoá các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng hành chính theo hướng mở rộng thẩm quyền của Toà hành chính được xét xử tất cả các vụ khiếu kiện hành chính và cải cách căn bản thủ tục giải quyết các vụ án hành chính phù hợp với điều kiện hiện nay. Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành để áp dụng chung cho các tranh chấp dân sự, kinh tế và lao động, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự; thủ tục nhanh gọn đơn giản; thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử; tăng khả năng tranh tụng trong phiên toà.

Về chế định bào chữa, đã đến lúc phải xem việc tham gia của luật sư vào quá trình tố tụng hình sự là sự giám sát tốt nhất đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử thì cần phải chú ý đến chức năng bào chữa, trong đó có vai trò của luật sư.

 Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự, bên cạnh việc mở rộng quyền của bị can, bị cáo và cho phép luật sư tham gia sớm hơn và trong mọi giai đoạn của tố tụng, cần phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của luật sư. Sự tham gia của luật sư trong tố tụng chỉ thúc đẩy nhanh chóng và góp phần tránh oan sai trong quá trình giải quyết vụ án. Vị trí của luật sư phải được xem là một bên tham gia tố tụng, bên bào chữa ngang hàng với bên buộc tội tại phiên toà. Toà án phải là người trọng tài, cầm cân nảy mực, là người phán xét cuối cùng.

Vị trí của luật sư, vai trò của luật sư trong việc đại diện cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi của họ trước pháp luật đã thể hiện rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay khi hành nghề luật sư gặp không ít khó khăn, nhất là khi đại diện cho khách hàng tiếp xúc với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc do khách hàng uỷ quyền. Vì vậy cần tăng cường hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan công quyền trước dân.

Đồng thời với việc hoàn thiện pháp luật có liên quan đến dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp cần sớm ban hành văn bản pháp luật về dịch vụ pháp lý miễn phí và các lĩnh vực khác như hoà giải, trọng tài, sở hữu trí tuệ...

Về định hướng cho giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần nghiên cứu xây dựng một đạo luật về luật sư trong đó quy định về tổ chức và hành nghề cho cả luật sư trong nước và luật sư nước ngoài. Quy định thống nhất các loại hình dịch vụ pháp lý, chỉ có luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý, khắc phục tình trạng cát cứ như hiện nay. Luật về luật sư cần thể hiện một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, phải thống nhất hoá nghề luật sư, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các luật sư Việt Nam với nhau; luật sư phải là một nghề nghiệp chung bao gồm cả luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn pháp luật, không hạn chế luật sư chỉ được hành nghề tranh tụng hoặc hành nghề tư vấn pháp luật.

Thứ hai, phải chính quy hoá tiêu chuẩn luật sư.

Thứ ba, đa dạng hoá hình thức hành nghề luật sư, cần phải quy định hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo hướng luật sư được hành nghề dưới nhiều hình thức: Hành nghề độc lập, Văn phòng luật sư,  Công ty luật v.v... Đây là những hình thức hành nghề phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thứ tư, cần quy định rõ trách nhiệm của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trước khách hàng khi thực hiện tư vấn sai, gây thiệt hại về lợi ích vật chất và tinh thần cho khách hàng. Ở phần lớn các nước trên thế giới, luật sư phải tham gia bảo hiểm nghề nghiệp.

Thứ năm, cần quy định thống nhất, rõ ràng về quản lý đối với hành nghề luật sư. Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước với sự tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, nhằm mục đích vừa bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước; vừa chấp hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp do tổ chức xã hội nghề nghiệp đặt ra. Tuy nhiên cần phân biệt rõ và cụ thể giữa quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư./.



(1) Xem: Provisional Centeral Product Classification. Statistical Papers. Series M.N.77.

(2) Xem: Official Records of ECOSOS 1997, Suppl.n.4 (E/1997/24).

(3) Mười hai nhóm theo cách phân loại của WTO là: (1) Dịch vụ thương mại (dịch nghề nghiệp và các dịch vụ liên quan đến máy tính); (2) Dịch vụ thông tin liên tạc; (3) Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan; (4) Dịch vụ phân phối; (5) Dịch vụ giáo dục; (6) Dịch vụ liên quan đến môi truờng; (7) Dịch vụ tài chính (bảo hiểm và ngân hàng); (8) Dịch vụ du lịch và du lịch lữ hành; (9) Các dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao; (10) Dịch vụ giao thông; (11) Dịch vụ y tế; và (12) các loại dịch vụ khác. 

(4) Điều I(3), GATS.

(5) Điều I(3)(c), GATS và xem Russel Miller & Scott Gallacher, ‘The GATS Framework and Trade in Professional (Legal) Services’, Canberra, Australia (09/11/2002).

(6) Báo cáo của WTO về Dịch vụ pháp lý năm 2003.

 

(7) Xem Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2001, tr. 192, 193.

 

Nội dung toàn văn

 PHẦN MỞ ĐẦU

 

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Thành tựu sau gần 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Mức tăng trưởng kinh tế là đáng khích lệ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân hàng năm là 7%; trình độ văn hoá - xã hội có những tiến bộ vượt bậc; đời sống tinh thần và việc đáp ứng các nhu cầu của nhân dân ngày càng được cải thiện. Điều này, đã dẫn tới trình độ dân trí và ý thức pháp luật của quần chúng được nâng cao rõ rệt. Cũng do việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước, bởi vậy, việc phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển các mặt của đời sống xã hội, có sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng và tiến bộ xã hội.

Phát triển nền kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phát triển một thị trường hàng hoá và dịch vụ. Trong vô số các hoạt động dịch vụ đang được quan tâm phát triển và mở rộng thị trường, thì dịch vụ pháp lý nói riêng và các dịch vụ thương mại nói chung có một vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dịch vụ pháp lý không những đảm bảo an toàn cho các quan hệ kinh doanh, mà còn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, của thị trường và xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thông thương hoá các hoạt động thương mại. Các tiêu chuẩn và điều kiện cho hoạt động dịch vụ pháp lý đã được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khẳng định, nó như một giá đỡ vững chắc cho các hoạt động thương mại quốc tế toàn cầu. Sự thâm nhập của các tư tưởng pháp lý của nhiều quốc gia đã và đang cho phép các luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý đưa ra các ý kiến tư vấn pháp luật về các hệ thống pháp luật khác nhau. Không ít trường hợp, các tổ chức cá nhân trong nước phải sử dụng dịch vụ pháp lý của các tổ chức tư vấn pháp luật nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình trước một hệ thống tư pháp, tài phán nước khác.

Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nghề luật, nghề luật sư và việc cung ứng các dịch vụ pháp lý lại được coi trọng và thấy cần thiết như giai đoạn hiện nay. Cùng với sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của nền kinh tế, nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý đã phát triển liên tục, không ngừng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Dịch vụ pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong số nhiều loại hình dịch vụ khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, muốn hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển như đúng vai trò, vị trí của nó, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, cần thiết phải có một hành lang pháp lý cụ thể, vững chắc, làm cơ sở để nó hoạt động. Song thực tiễn hệ thống pháp luật Việt Nam về dịch vụ pháp lý chưa đáp ứng được điều này. Các quy định về dịch vụ pháp lý được ghi nhận trong các văn bản pháp luật như Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987; Luật Doanh nghiệp năm 1999; Pháp lệnh Luật sư năm 2001; Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật; Nghị định 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào thiểu số... dường như còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa phản ánh hết bản chất của hoạt động dịch vụ pháp lý. Các quan điểm xung quanh khái niệm dịch vụ pháp lý vẫn chưa đồng nhất, thực tiễn các hoạt động dịch vụ pháp lý trên thị trường còn chồng chéo, thiếu đồng bộ và chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Cũng bởi vậy, hệ thống pháp luật về dịch vụ pháp lý hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội, của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam.

Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta qua các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII, lần thứ VIII và lần thứ IX là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển ngày càng cao, huy động tối đa mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo cho các quan hệ trong xã hội công bằng, dân chủ và ngày càng văn minh. Trong việc hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường, cần thiết phải: “... Xúc tiến việc hình thành đồng bộ các loại thị trường đi đôi với việc tạo lập khung pháp luật bảo đảm sự quản lý và giám sát của Nhà nước...”1, “... Phát triển các thị trường dịch vụ như ... dịch vụ pháp lý, dịch vụ tư vấn pháp luật...”2. Như vậy, có thể hiểu, theo chủ trương, đường lối của Đảng, hoạt động dịch vụ pháp lý, dịch vụ tư vấn pháp luật cần được định hướng phát triển như một loại hình dịch vụ thương mại và cần thiết phải tạo lập một thị trường riêng, sôi động, lành mạnh, hiệu quả. Điều này cũng phù hợp các quy định của GATS/WTO về dịch vụ pháp lý.

Từ các phân tích, lập luận ở trên, phù hợp với định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở giai đoạn trước mắt và lâu dài, đặt ra nhu cầu về việc nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về thực trạng, nhu cầu của dịch vụ pháp lý ở nước ta hiện nay, để từ đó, đưa ra được mô hình hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý tương thích, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Cho nên, đề tài nghiên cứu “Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam – Thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển” có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài.

Trước yêu cầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội; tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, mục tiêu của đề tài là nghiên cứu toàn diện và có hệ thống các vấn đề về lý luận và thực tiễn của hoạt động dịch vụ pháp lý, để từ đó, đề xuất xây dựng mô hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu nghiên cứu, đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu như sau:

+ Nghiên cứu, phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về dịch vụ pháp lý như: Vị trí, vai trò, khái niệm, phạm vi dịch vụ pháp lý; bản chất, đặc thù, phân loại dịch vụ pháp lý; hệ thống các quy định pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về dịch vụ pháp lý;

+ Nghiên cứu, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật và áp dụng pháp luật về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

+ Nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật của các nước về dịch vụ pháp lý và thực tiễn áp dụng để rút ra bài học kinh nghiệm;

+ Tìm hiểu về nhu cầu trước mắt và lâu dài về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, xác định định hướng phát triển và đề xuất xây dựng mô hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn ở việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động dịch vụ pháp lý qua các quy định của pháp luật quốc tế; thực tiễn pháp luật và áp dụng pháp luật về dịch vụ pháp lý của một số nước trên thế giới, đặc biệt là thực tiễn của Việt Nam. Thông qua việc phân tích, đánh giá, so sánh các vấn đề có liên quan đến dịch vụ pháp lý, trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, đề xuất mô hình mạng lưới dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.

Đề tài được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có việc bảo đảm trợ giúp pháp lý và đáp ứng yêu cầu được thụ hưởng dịch vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Phương pháp nghiên cứu của đề tài được sử dụng chủ yếu là: Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử. Các phương pháp nghiên cứu khác như: hệ thống hoá, phân tích, quy nạp, so sánh... kết hợp điều tra xã hội học, tổ chức toạ đàm, khảo sát thực tiễn... cũng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu.

5. Nhu cầu kinh tế – xã hội và địa chỉ áp dụng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là những luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị phục vụ nghiên cứu, xây dựng mô hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về dịch vụ pháp lý, đáp ứng nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn đời sống xã hội.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng có thể là những nội dung dự kiến quy định trong Luật về luật sư, cùng các văn bản pháp luật hướng dẫn và có liên quan đến vấn đề này.

 

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

 

 

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ

 

1.1. Khái niệm dịch vụ pháp lý.

Để làm rõ khái niệm “dịch vụ pháp lý”, phải làm rõ một số thuật ngữ cơ bản như: dịch vụ, thương mại, thương mại dịch vụ pháp lý.... Nghiên cứu pháp luật của các nước khác nhau cho thấy tồn tại khá phổ biến xung đột về danh pháp “dịch vụ”, "thương mại", "thương mại dịch vụ", "yếu tố nước ngoài", “pháp lý”... Cũng chính vì vậy, mà pháp luật của các nước khác nhau, có thể có cách hiểu khác nhau về dịch vụ pháp lý.

 Dịch vụ là thuật ngữ xuất hiện ở các nước từ lâu nhưng được sử dụng ngày càng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 80 trở lại đây. Tuy vậy, cách hiểu về thuật ngữ này và nội hàm của nó ở các nước cũng không giống nhau.

 Ở Việt Nam, Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 1997, có định nghĩa: "Dịch vụ là công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công”[1].

Từ điển Tiếng Nga của Ôdzegov định nghĩa: "Dịch vụ là hành vi mang lại lợi ích, là sự giúp đỡ một người nào đó”[2].

Từ điển Tiếng Anh của Oxford lại định nghĩa về dịch vụ với nội dung khá rộng, trong đó đáng chú ý là: "Dịch vụ là việc thực hiện các nghĩa vụ hoặc làm công việc cho Chính phủ, công ty..; Dịch vụ là công việc được tiến hành bởi các máy móc, phương tiện cơ giới; Dịch vụ là công việc được làm cho người khác, là hành vi giúp dỡ người khác, là nghề kinh doanh cung ứng hàng hoá cho khách hàng mà không thể làm ra hàng hoá đó; Dịch vụ là việc phục vụ khách hàng ở nhà hàng, nhà trọ, là việc duy trì, bảo dưỡng phương tiện cơ giới, máy móc định kỳ...[3]

 Để có cách hiểu thống nhất về dịch vụ trong quan hệ quốc tế và phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, năm 1991 Liên Hợp Quốc đã công bố Bảng phân loại tạm thời các dịch vụ chủ yếu (PCPC)[4] và đến năm 1997 thì có Bảng phân loại dịch vụ chủ yếu (CPC)[5] của Liên Hợp Quốc. PCPC và CPC không đưa ra định nghĩa về dịch vụ, nhưng các hành vi được liệt kê trong các bảng đó được gọi là dịch vụ.

  Như vậy, việc đưa ra một định nghĩa có thể được nhiều người đồng ý là công việc quá khó khăn đối với các nhà khoa học. Trong thực tiễn, để tránh tình trạng tắc nghẽn này, người ta đã chọn giải pháp liệt kê hành vi cụ thể vào một danh mục thống nhất để phục vụ các hoạt động thương mại quốc tế.

Thuật ngữ "thương mại" được các nước hiểu theo các nghĩa rộng, hẹp khác nhau không chỉ trong quá trình giải quyết các tranh chấp tại Trọng tài hoặc Toà án tư pháp các nước, mà còn trong xác định quan hệ thương mại, quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự ở các nước có sự phân biệt các loại quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh khác nhau của Luật dân sự, Luật thương mại hoặc Luật kinh tế. Trên thực tế, khái niệm thương mại ngày càng được nhiều quốc gia sử dụng theo nghĩa rộng của nó trên cơ sở cách hiểu của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hoặc cách hiểu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài Thương mại Quốc tế thì thuật ngữ "thương mại" cần phải được giải thích theo nghĩa rộng để làm sao bao quát các vấn đề phát sinh từ mọi quan hệ mang bản chất thương mại, bất kể quan hệ đó có mang tính chất hợp đồng hay không. Các quan hệ mang bản chất thương mại đó bao gồm, nhưng không hạn chế ở các giao dịch sau: mọi giao dịch nhằm cung ứng hoặc trao đổi hàng hoá hoặc dịch vụ; các thoả thuận về phân phối hàng hoá; đại diện hoặc đại lý thương mại; kinh doanh sản xuất; hành nghề thuê mua; kinh doanh hoạt động xây dựng; hành nghề tư vấn; hành nghề kỹ thuật; mua bán licences; hoạt động đầu tư; hành nghề tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; tiến hành hoạt động khai thác hoặc nhượng quyền theo hợp đồng; tiến hành hoạt động kinh doanh theo hình thức liên doanh, các hình thức hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh khác; các giao dịch vận chuyển hàng hoá hoặc hành khách bằng hàng không, hàng hải, đường sắt hoặc đường bộ..."[6].

Thuật ngữ "thương mại dịch vụ" xuất hiện trong thời gian gần đây, trong quá trình đàm phán vòng Urugoay về việc thành lập WTO (1986-1994). Thương mại dịch vụ đã trở thành bộ phận quan trọng của WTO, được các nước thành viên WTO hiểu thống nhất theo quy định của Hiệp định chung của WTO về Thương mại dịch vụ (GATS). GATS là Hiệp định đa biên đầu tiên đưa ra định nghĩa "thương mại dịch vụ" và các nguyên tắc buộc thi hành khi tiến hành các hoạt động thương mại dịch vụ. Theo quy định tại khoản 2, Điều 1 của GATS, "thương mại dịch vụ" được hiểu là sự cung cấp dịch vụ:

  1. Từ lãnh thổ của một nước thành viên này đến lãnh thổ của bất kỳ một nước thành viên nào khác;
  2. Trên lãnh thổ của một thành viên này cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác;
  3. Bởi một người cung cấp dịch vụ của một thành viên thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác;
  4. Bởi một người cung cấp dịch vụ của một thành viên này thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác"[7].

    Theo khoản 3 Điều 1 của GATS, "dịch vụ" ở đây phải được hiểu là bất kỳ dịch vụ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, trừ các dịch vụ được cung cấp trong thực thi thẩm quyền của Chính phủ, tức ngoại trừ các dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ.

    Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) tại Điều 1 Chương III cũng có quy định tương tự quy định tại Điều 1 của GATS/WTO về Thương mại dịch vụ[8].

   Khi nghiên cứu khái niệm thương mại dịch vụ cũng cần chú ý đến khái niệm “quốc tế”. Thuật ngữ "quốc tế " về cơ bản được hiểu khá thống nhất trong lý luận pháp luật quốc tế[9]. Yếu tố quốc tế trong quan hệ thương mại dịch vụ có thể rất khác nhau. Nó có thể là các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào quan hệ thương mại dịch vụ. Nó cũng có thể là dịch vụ tư nhân được cung cấp ở nước ngoài. Nó còn có thể là sự kiện pháp lý làm nảy sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ thương mại dịch vụ xảy ra ở nước ngoài. Tuy vậy, khi phân tích khái niệm "thương mại dịch vụ" theo quy định của GATS/WTO ta thấy yếu tố quốc tế ở đây có thể được biểu hiện rõ nét qua việc tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ và tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trụ sở hoặc nơi cư trú ở hai nước khác nhau (Phương thức 1 - Cung ứng qua biên giới). Như vậy, cư trú ở nước ngoài hoặc trụ sở ở nước ngoài cũng có thể là yếu tố quốc tế trong quan hệ thương mại dịch vụ. Ngoài ra, do thương mại dịch vụ được tiến hành thống nhất theo GATS/WTO thông qua 4 phương thức khác nhau (cung ứng qua biên giới; tiêu thụ ở nước ngoài; hiện diện thương mại và hiện diện của thể nhân) cho nên yếu tố quốc tế ở đây chủ yếu tồn tại dưới dạng quốc tịch của chủ thể quan hệ thương mại dịch vụ khác nhau, tức tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có quốc tịch khác với quốc tịch của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ. Đây cũng là điểm đặc trưng của quan hệ thương mại dịch vụ quốc tế và cần được chú ý khi điều chỉnh pháp luật các quan hệ đó.

Vấn đề dịch vụ pháp lý và thương mại dịch vụ pháp lý quốc tế ngày nay trở thành vấn đề thời sự trong hai thập niên qua và đang được nhiều luật gia và tổ chức luật sư các nước quan tâm. Đây cũng là kết quả của quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế các nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, các luật gia, luật sư các nước thường phải đối mặt với nhiều hệ thống pháp luật  khác nhau và họ thường được yêu cầu tư vấn về pháp luật của một, hai hoặc nhiều nước. Điều này ở Việt Nam và các nước thường xuất phát từ yêu cầu kinh doanh qua biên giới và các bạn hàng từ các doanh nghiệp, thương gia của các nước khác nhau. Quan điểm "kinh doanh một cửa" (one stop shopping) và tiếp cận với dịch vụ chất lượng cao đã làm cho nghề luật ngày càng phát triển thuận lợi hơn. Chính vì vậy sự tạo lập các hình thức hợp tác giữa các hãng luật các nước khác nhau cũng như việc sử dụng các luật gia trong và ngoài nước đã góp phần vào việc nâng cao sức cạnh tranh của nghề luật. Tuy vậy, đối tượng chủ yếu của thương mại dịch vụ pháp lý là ở chỗ tính chất của pháp luật và tính chất của việc đào tạo pháp lý luôn bị chi phối bởi tính chất của chính quốc gia đó. Do vậy, người ta phải cố gắng để làm sao tìm cho được những nét tương đồng trong các hệ thống pháp luật lớn của các quốc gia khác nhau, cũng như việc đào tạo luật ở các nước đó. Qua phân tích, đối chiếu người ta nhận thấy nghề luật phân theo và phụ thuộc vào tính chất quốc gia của hệ thống pháp luật. Có thể nhận thấy, có một số hệ thống pháp luật lớn như: pháp luật La mã - Đức (pháp luật Châu Âu lục địa), pháp luật án lệ, pháp luật xã hội chủ nghĩa, pháp luật Hindu, pháp luật Hồi giáo, pháp luật vùng Viễn đông, pháp luật Châu Phi và Malagasy[10]. Hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa và hệ thống pháp luật án lệ ngày càng được tác động mạnh mẽ vào pháp luật nhiều nước thuộc hệ thống khác và đưa vào đó những yếu tố của hai hệ thống pháp luật lớn này. Do vậy khi nghiên cứu khái niệm "dịch vụ pháp lý" cũng cần chú ý đến yếu tố đó.

Theo nghĩa rộng của thuật ngữ này, dịch vụ pháp lý có thể định nghĩa là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện pháp lý và mọi hoạt động liên quan đến hành chính tư pháp (thẩm phán, thư ký phiên toà, công tố...). Trong thực tiễn nhiều nước các hoạt động liên quan đến hành chính tư pháp bị loại ra khỏi phạm vi của khái niệm dịch vụ pháp lý trong thương mại quốc tế vì người ta coi các hoạt động đó là "các dịch vụ được cung cấp khi thi hành thẩm quyền của Chính phủ".

Như vậy, theo nghĩa bình thường (không rộng cũng không hẹp) của thuật ngữ này thì dịch vụ pháp lý có thể được định nghĩa là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý được định lập và thực hiện theo quy định pháp luật của nước nơi các dịch vụ đó được định lập và có thể được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật nội dung và thủ tục tố tụng khác nhau của hệ thống pháp luật quốc gia.

1.2. Dịch vụ pháp lý theo pháp luật Việt Nam.

Trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam có nhiều loại dịch vụ đã hình thành và phát triển, trong đó phải kể đến dịch vụ pháp lý. Thuật ngữ “dịch vụ pháp lý” đã được ghi nhận trong Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Thông tư số 1119-QLTPK ngày 24/12/1987 của Bộ Tư pháp về công tác dịch vụ pháp lý; Công văn số 870/CV/DVPL ngày 26/10/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác dịch vụ pháp lý. Điều 13 Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 quy định các hình thức giúp đỡ pháp lý của luật sư bao gồm:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đại diện cho người bị hại và các đương sự khác trong các vụ hình sự, kể cả các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự; đại diện cho các bên đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân, gia đình và lao động;

- Làm tư vấn pháp lý cho các tổ chức kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân, kể cả các tổ chức kinh tế nước ngoài;

- Làm dịch vụ pháp lý khác cho các công dân và tổ chức.

Từ nội dung của các điều luật nói trên, có thể xem các hoạt động tham gia tố tụng, làm tư vấn pháp luật của luật sư là hoạt động dịch vụ pháp lý. Theo Thông tư 1119-QLTPK của Bộ Tư pháp thì nội dung hoạt động dịch vụ pháp lý bao gồm tư vấn pháp lý cho công dân và cho các tổ chức. Công văn số 870/CV/DVPL của Bộ Tư pháp cụ thể hoá hơn nội dung hoạt động dịch vụ pháp lý bao gồm việc tư vấn pháp luật cho công dân, các tổ chức và một số dịch vụ hành chính (như thảo đơn, đánh máy, phôtô copy...). Ngoài ra, trong Công văn 870/CV/DVPL còn quy định: “Chuyên viên tư vấn pháp luật nhất thiết không được đại diện cho đương sự để tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế và tranh chấp dân sự, hoặc thay mặt đương sự trực tiếp liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề nghị giải quyết một việc cụ thể. Như vậy, hoạt động tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện cho đương sự không nằm trong nội hàm khái niệm dịch vụ pháp lý theo quy định của Thông tư 1119 và Công văn 870 của Bộ Tư pháp.

 Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Nghị định số 03/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, có hướng dẫn khoản 4 Điều 6 của Luật Doanh nghiệp về chứng chỉ hành nghề đã quy định: Chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định. Kinh doanh dịch vụ pháp lý là một trong 6 ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp có Công văn số 931/BKH-QLKT đề nghị Bộ Tư pháp soạn thảo và ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, điều kiện và cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ cho cá nhân đối với kinh doanh dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, dịch vụ pháp lý là hoạt động rất đặc thù so với các loại dịch vụ thông thường khác. Việc hành nghề dịch vụ pháp lý gắn với việc thi hành pháp luật, có tác dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lơị ích hợp pháp của công dân, đến hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Người cung cấp dịch vụ pháp lý cho công dân, tổ chức đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, gắn trách nhiệm trước pháp luật và trước khách hàng. Hầu hết các nước trên thế giới đều có văn bản pháp luật riêng (luật hoặc pháp lệnh) điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ pháp lý, trong đó quy định tiêu chuẩn, điều kiện và hình thức hành nghề. Bởi vậy, sau khi nhận được Công văn số 931/BKH-QLKT của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 588/TP-LSTVPL gửi Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, trong đó nêu rõ việc khẩn trương thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề cho một số đối tượng theo quy định là cần thiết nhằm đảm bảo thi hành Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực hành nghề dịch vụ pháp lý nên vấn đề về điều kiện, thủ tục và thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề cần được quy định bằng pháp lệnh. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị chưa nên thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý theo tinh thần Công văn 931/BKH-QLKT mà sẽ thực hiện việc này sau khi Pháp lệnh Luật sư được ban hành.

 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 được ban hành và Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư. Để triển khai thi hành Pháp lệnh Luật sư, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xem xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để các luật sư thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh và tiến hành hoạt động nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Với cách đặt vấn đề như đã nêu ở trên việc cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý đã được quy định trong Pháp lệnh Luật sư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những nhận thức, quan điểm khác nhau về kinh doanh dịch vụ pháp lý, chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 của Nghị định 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 của Chính phủ. Kinh doanh dịch vụ pháp lý có phải là hành nghề luật sư không và chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý có phải là chứng chỉ hành nghề luật sư không? Xung quanh vấn đề này có các quan điểm sau đây:

Quan điểm thứ nhất cho rằng kinh doanh dịch vụ pháp lý hẹp hơn hành nghề luật sư. Luật sư có chứng chỉ hành nghề có quyền kinh doanh dịch vụ pháp lý, nhưng ngược lại người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý chưa đủ điều kiện hành nghề luật sư;

Quan điểm thứ hai cho rằng kinh doanh dịch vụ pháp lý rộng hơn hành nghề luật sư;

Quan điểm thứ ba cho rằng kinh doanh dịch vụ pháp lý và hành nghề luật sư là hai lĩnh vực không đồng nhất với nhau, là hai lĩnh vực khác nhau, được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp luật khác nhau là Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh Luật sư. Giữa kinh doanh dịch vụ pháp lý và hành nghề luật sư có thể có những điểm chung;

Quan điểm thứ tư cho rằng cần hiểu kinh doanh dịch vụ pháp lý chính là hành nghề luật sư, chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý là chứng chỉ hành nghề luật sư.

Kinh doanh dịch vụ pháp lý được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay nói một cách chính xác hơn là trong Nghị định 03/2000/NĐ-CP của Chính phủ, còn hành nghề luật sư được quy định trong Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư, thì hành nghề luật sư bao gồm hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác.Trong khi đó kinh doanh dịch vụ pháp lý bao gồm những lĩnh vực hoạt động gì thì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Nếu theo quan điểm thứ nhất thì sẽ có một nghề riêng về kinh doanh dịch vụ pháp lý. Những người kinh doanh dịch vụ pháp lý phải có chứng chỉ hành nghề và hành nghề theo các hình thức kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều đó có thể hiểu là họ được quyền lựa chọn các hình thức kinh doanh được quy định trong Luật Doanh nghiệp, trong đó có hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó Pháp lệnh Luật sư chỉ cho phép luật sư được hành nghề dưới hình thức trách nhiệm vô hạn là Văn phòng luật hoặc Công ty luật hợp danh và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Việc cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý và chứng chỉ hành nghề luật sư đều thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý có gì khác so với điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Phải chăng ở đây những người theo quan điểm thứ nhất cho rằng, kinh doanh dịch vụ pháp lý bao gồm tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không bao gồm hoạt động tố tụng. Như vậy, với cùng một hoạt động kinh doanh dịch vụ pháp lý lại được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp luật và có cơ chế quản lý khác nhau.

Còn nếu theo quan điểm thứ hai, thì kinh doanh dịch vụ pháp lý rộng hơn hành nghề luật sư thì bên cạnh hành nghề luật sư còn có kinh doanh dịch vụ pháp lý được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Như vậy có những người không phải luật sư mà có chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý cũng được thực hiện các công việc của luật sư. Và như vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý có đòi hỏi cao hơn so với hành nghề luật sư? Liệu những người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ pháp lý có quyền mở Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh theo quy định của Pháp lệnh Luật sư hay không? Những dịch vụ pháp lý nào mà chỉ người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ pháp lý được làm mà luật sư không được làm?

Theo quan điểm thứ ba, thì khó có thể tìm thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa kinh doanh dịch vụ pháp lý và hành nghề luật sư. Ở đây, cần hiểu rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh Luật sư. Luật Doanh nghiệp quy định về mô hình, hình thức kinh doanh, còn Pháp lệnh Luật sư quy định về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư. Luật Doanh nghiệp là văn bản pháp luật về kinh doanh nói chung còn Pháp lệnh Luật sư là văn bản pháp luật chuyên ngành về hành nghề luật sư. Những quy định của Pháp lệnh Luật sư không có gì trái với Luật Doanh nghiệp, nó được xây dựng trên cơ sở có sự tham khảo và vận dụng nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp. Pháp Lệnh luật sư là một văn bản pháp luật chuyên ngành vì thế nó có những quy định mang tính đặc thù của nghề luật sư.

Quan điểm thứ tư có tính thuyết phục cao hơn cả. Kinh doanh dịch vụ pháp lý chính là hoạt động nghề nghiệp của luật sư và hành nghề dịch vụ pháp lý chính là nội dung hành nghề luật sư. Với cách hiểu này sẽ giải quyết được những bất cập của ba quan điểm nêu trên.

 Điều 1 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định về dịch vụ pháp lý bao gồm hoạt động tố tụng, tư vấn pháp lý và dịch vụ pháp lý khác. Để cụ thể hoá nội dung dịch vụ pháp lý, Điều 14 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định phạm vi hành nghề luật sư bao gồm:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự;

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính;

- Tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp;

- Tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, đơn từ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;

- Đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng) để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

-  Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật

Như vậy, theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, dịch vụ pháp lý có thể chia thành các lĩnh vực sau đây:

-  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tư pháp;

-  Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng trọng tài;

-  Tư vấn pháp luật;

-  Đại diện theo uỷ quyền về các vấn đề có liên quan đến pháp luật;

-  Các dịch vụ pháp lý khác.

           Bên cạnh hoạt động hành nghề luật sư còn có hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận của tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật) và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách của các tổ chức pháp lý nhà nước. Những hoạt động này có được hiểu là dịch vụ pháp lý hay không? Ngoài ra còn có các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực như hoà giải, xác minh giấy tờ và đặc biệt là lĩnh vực đại diện sở hữu trí tuệ có được xem là dịch vụ pháp lý hay không?

Tóm lại, dịch vụ pháp lý ở Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa có sự thống nhất về quan niệm, cũng như bản chất của dịch vụ pháp lý.

1.3. Dịch vụ pháp lý theo quy định của GATS/WTO, BTA và một số nước trên thế giới.

1.3.1. Dịch vụ pháp lý theo quy định của GATS/WTO, BTA.

Một trong những đặc điểm chính của dịch vụ là tính vô hình và “không thể sờ thấy được”, ngược lại với hàng hóa là hữu hình và có thể sờ nắm được. Theo WTO, dịch vụ bao gồm 12 nhóm chính[11], trong đó có nhóm “dịch vụ thương mại” bao gồm “dịch vụ nghề nghiệp”, và “dịch vụ pháp lý” là một loại dịch vụ thuộc nhóm này.

Tuy nhiên, GATS không đưa ra một khái niệm cụ thể nào về dịch vụ pháp lý mà chỉ đưa ra một định nghĩa khái quát. Theo GATS, dịch vụ pháp lý bao gồm “các dịch vụ về tư vấn và đại diện cũng như tất cả các hoạt động khác liên quan tới tố tụng[12] (như hoạt động của thẩm phán, thư ký tòa án, công tố...). Tuy nhiên, khía cạnh thứ hai (hoạt động liên quan tới tố tụng) đã bị loại ra khỏi phạm vi của GATS bởi tại hầu hết các quốc gia, đây được coi là “loại hình dịch vụ do chính phủ thực hiện”[13]. Do vậy, GATS chỉ quy định về các dịch vụ đại diện và tư vấn trong một số ngành luật và các thủ tục pháp lý.

GATS chú trọng vào từng bước tự do hóa dần dần việc cung cấp dịch vụ thương mại và xóa bỏ các cản trở thương mại đối với việc tiếp cận thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ.[14] Việc đàm phán giữa các nước thành viên WTO hiện đều tập trung vào việc xóa bỏ các hạn chế đối với cả bốn phương thức cung cấp dịch vụ trên hai nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT).

Theo Danh mục phân loại các lĩnh vực dịch vụ (Danh mục CPC), dịch vụ pháp lý là loại hình dịch vụ kinh doanh hay dịch vụ nghề nghiệp (CPC 861) và được phân loại như sau:

-  Dịch vụ tư vấn và đại diện liên quan tới luật hình sự (86111);

-  Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong các thủ tục tư pháp liên quan tới các lĩnh vực pháp luật khác (86119);

          -  Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong các thủ tục pháp lý trước các hội đồng tư pháp (có thẩm quyền như Tòa án) (86120);

-  Dịch vụ về văn bản pháp luật và xác nhận (86130); và

 -  Các thông tin tư vấn pháp lý khác (86190).

Dịch vụ tư vấn pháp luật, theo cách hiểu chung nhất, là hoạt động cung cấp các ý kiến pháp lý nói chung của những người có kiến thức về mặt pháp lý được pháp luật cho phép cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu (sau đây gọi chung là khách hàng) và khách hàng sẽ phải trả một khoản phí tương ứng. Nói một cách cụ thể hơn, theo yêu cầu của khách hàng, người tư vấn pháp luật sẽ đưa ra các ý kiến pháp lý đối với trường hợp mà khách hàng đưa ra, thực hiện các công việc theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích của chính đáng của họ một cách tốt nhất. Nói tóm lại, tư vấn pháp luật có thể là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật, sau đó có thể tự mình thực hiện các công việc pháp lý giúp khách hàng, chẳng hạn như soạn thảo hợp đồng mà khách hàng là một bên trong hợp đồng.

Dịch vụ đại diện pháp luật được hiểu là người đại diện thay mặt khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền, trước bạn hàng của khách hàng để thực hiện các công việc đúng pháp luật, theo sự uỷ quyền của khách hàng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và có thu phí. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể là cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính, hoặc tổ chức có quyền tư pháp. Người đại diện trực tiếp thực hiện các công việc trước các cơ quan, tổ chức này thay mặt khách hàng và không nằm ngoài phạm vi đã được thoả thuận trước với khách hàng.

Dịch vụ đại diện pháp luật cũng giống như đại diện theo uỷ quyền trong quan hệ pháp luật dân sự. Chỉ khác ở chỗ là người đại diện là người có chức danh, có hiểu biết về mặt pháp lý, được pháp luật cho phép thực hiện các công việc mà khách hàng uỷ quyền. Văn bản uỷ quyền trong trường hợp này chính là hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý giữa người đại diện và khách hàng.

Dịch vụ nói chung, dịch vụ pháp lý nói riêng, là lĩnh vực vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện. Không chỉ riêng các quốc gia đang phát triển mà ngay cả những quốc gia thành viên của WTO cũng chưa thể khẳng định chắc chắn sự phân loại theo GATS là sự phân loại cuối cùng. Việc chia ra thành dịch vụ tư vấn và dịch vụ đại diện chỉ có tính chất tương đối nhằm mục đích hiểu rõ hơn đặc thù của từng loại hoạt động. Trên thực tế, có những hoạt động vừa có thể xếp vào dịch vụ đại diện, vừa có thể xếp vào dịch vụ tư vấn. Vì vậy, khó có thể chia tách một cách rõ ràng khái niệm dịch vụ pháp lý thành dịch vụ tư vấn và dịch vụ đại diện.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện liên quan đến pháp luật hình sự là dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện pháp luật trong tố tụng hình sự, và dịch vụ soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan tới pháp luật hình sự.

Trong một vụ án hình sự, mối quan hệ chính được tạo nên là quan hệ giữa Nhà nước với người bị nghi phạm tội. Người bị nghi phạm tội sẽ là đối tượng  chính trong quan hệ này. Ngoài người phạm tội còn có những người có liên quan khác trong một vụ án hình sự mà tất cả những người này đều có thể trở thành khách hàng của người cung cấp dịch vụ pháp lý (legal service suppelier) hay người hành nghề pháp luật, luật sư. Luật sư sẽ bảo vệ khách hàng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Việc bảo vệ được thực hiện dưới cả hai hình thức tư vấn pháp luật, đại diện pháp luật và vào bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Luật sư có thể bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nếu luật sư được những người này mời. Dù nói như vậy nhưng chúng ta đều hiểu rằng hoạt động bào chữa cho bị cáo của luật sư trước Toà án vẫn luôn là một hoạt động đặc thù trong các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan đến pháp luật hình sự.

Ở nhiều quốc gia, luật sư ngoài hoạt động kinh doanh dịch vụ pháp lý của mình, phục vụ cho quyền lợi của thiết thân của mình, luật sư còn phải thực hiện trách nhiệm đối với xã hội. Vì vậy, mặc dù không phải là người của Nhà nước nhưng đôi khi luật sư vẫn hoạt động như một công chức nhà nước. Khi đó, luật sư sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý với tư cách người buộc tội (công tố viên) theo sự chỉ định và hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ.

Sau này, dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện pháp luật trong pháp luật hình sự không chỉ được nhắc đến dưới các hình thức hoạt động bên trong Toà án mà còn được thể hiện ở cả các hoạt động bên ngoài Toà án. Việc nghiên cứu và thực hiện các công việc chuẩn bị cho vụ án hình sự (chẳng hạn nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ người bị nghi phạm tội, nhân chứng, nghiên cứu hồ sơ của vụ án được cơ quan điều tra, cơ quan công tố cung cấp và nghiên cứu các tài liệu có liên quan khác), và thực hiện công việc về đơn từ tố tụng liên quan đến pháp luật hình sự cũng thuộc dịch vụ pháp lý này.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện theo thủ tục tư pháp liên quan đến các lĩnh vực khác của pháp luật là dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện trong quá trình tố tụng phi hình sự và dịch vụ soạn thảo văn bản pháp lý liên quan đến các ngành luật khác mà không phải là luật hình sự.

Về bản chất, các hoạt động chuyên môn của luật sư liên quan đến lĩnh vực khác mà không phải pháp luật hình sự cũng giống như lĩnh vực liên quan đến pháp luật hình sự. Trong cả hai trường hợp, luật sư sẽ dùng các hoạt động chuyên môn của mình để bảo vệ cho khách hàng một vụ việc có liên quan đến pháp luật. Chỉ khác ở chỗ, trong vụ việc hình sự, luật sư sẽ bảo vệ khách hàng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Trong vụ việc phi hình sự, luật sư còn bảo vệ khách hàng trước một hoặc các bên có tranh chấp với khách hàng. Luật sư có thể bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc những người có quyền và lợi ích liên quan trước Toà án. Sau này, dịch vụ pháp lý liên quan đến ngành luật phi hình sự cũng được thể hiện dưới hình thức nghiên cứu và thực hiện các công việc cần thiết khác để chuẩn bị cho vụ việc (chẳng hạn nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ người làm chứng, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nhằm thu thập và đánh giá các chứng cứ, cung cấp và nghiên cứu những tài liệu có liên quan), và thực hiện các công việc về đơn từ tố tụng có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật phi hình sự.

Dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện khi thực hiện các công việc liên quan tới thủ tục hành chính, trọng tài… bao gồm dịch vụ tư vấn pháp luật, dịch vụ đại diện trong thủ tục tố tụng hành chính, trọng tài… và dịch vụ soạn thảo văn bản pháp lý có liên quan đến những thủ tục luật định đó.

Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng thực hiện những thủ tục, chuẩn bị những giấy tờ cần thiết trước khi gặp cơ quan hành chính nhà nước. Cẩn thận hơn, khách hàng có thể uỷ quyền hoàn toàn cho luật sư thay mặt mình đứng ra làm tất cả các công việc liên quan tới thủ tục hành chính trước cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp pháp luật cho phép.

Số lượng các tranh chấp trong thương mại ngày càng nhiều, cơ hội kinh tế thường trôi qua rất nhanh, điều này không cho phép các chủ thể kinh doanh dành quá nhiều thời gian cho việc giảỉ quyết tranh chấp và phải lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thích hợp nhất, do đó, một vụ tranh chấp không chỉ dừng lại giải quyết theo thủ tục Toà án và có thể được thực hiện trước cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền được thừa nhận mà không phải Toà án. Và trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp được lựa chọn và cũng là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong thương mại quốc tế hiện nay. Luật sư có thể tư vấn, đại diện cho khách hàng khi tham gia tố tụng trọng tài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng của mình với tư cách đại diện cho bên đi kiện hoặc bên bị kiện. Dịch vụ tư vấn pháp luật và đại diện trong tố tụng trọng tài còn tính đến cả các hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị cho một vụ kiện trước cơ quan trọng tài (hoặc các cơ quan khác không phải là Toà án) như nghiên cứu văn bản pháp luật, gặp gỡ khách hàng, xem xét báo cáo), và thực hiện các công việc có liên quan đến đơn từ tố tụng.

Dịch vụ lập và xác nhận các giấy tờ pháp lý bao gồm hoạt động chuẩn bị, phác thảo, hoàn thiện, chứng nhận giấy tờ pháp lý và các công việc cần thiết khác liên quan đến việc soạn thảo hay chứng nhận giấy tờ pháp lý.

Các loại giấy tờ có tính chất pháp lý thường được yêu cầu thực hiện là bản di chúc, giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng thương mại, điều lệ công ty…

Dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin pháp lý khác là việc đưa ra những lời tư vấn cho khách hàng liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân của họ; cung cấp các thông tin pháp luật nằm ngoài các hoạt động được kể trên. Dịch vụ này cũng bao gồm cả việc đứng ra bảo lãnh cho khách hàng và dịch vụ thanh toán tài sản.

Dịch vụ công chứng là dịch vụ chứng nhận một hợp đồng hoặc một giao dịch được thể hiện trên văn bản, chẳng hạn như chuyển quyền sở hữu; thừa kế tài sản; biên bản lời khai khi ly hôn; công nhận sự liên kết và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh theo pháp luật công ty. Dịch vụ công chứng thường do các luật sư tư vấn thực hiện hoặc cũng có thể do các công chức thực hiện, tùy theo quy định của từng quốc gia. Một số quốc gia coi dịch vụ công chứng là “dịch vụ được cung cấp để thực thi quyền lực của Chính phủ”. Tuy nhiên, dịch vụ công chứng không giống như các hoạt động của thẩm phán, công tố viên. Công chứng viên cung cấp dịch vụ “trên cơ sở thương mại” và vì vậy, hoạt động công chứng vẫn phải tuân thủ các quy định của GATS.

Ngoài ra, tháng 2 năm 1997, Uỷ ban Thống kê của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn phần sửa đổi của UNCPC về việc phân loại dịch vụ pháp lý. Dịch vụ pháp lý sau khi được sửa đổi có thêm phần “dịch vụ trọng tài và dịch vụ hoà giải” mà trước đây thuộc dịch vụ tư vấn quản lý.

Nói một cách khái quát, dịch vụ pháp lý (theo nghĩa rộng) bao gồm toàn bộ dịch vụ tư vấn và dịch vụ đại diện được phân tích ở trên cũng như tất cả các hoạt động liên quan đến việc thi hành công lý (thẩm phán, công tố viên…). Tuy nhiên, dịch vụ đại diện liên quan đến việc thi hành công lý trên thực tế nằm ngoài phạm vi của GATS, bởi hầu hết các quốc gia đều coi dịch vụ đại diện này là “dịch vụ được cung cấp để thi hành thẩm quyền của Chính phủ” (dịch vụ được cung cấp không trên cơ sở thương mại cũng như không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều người cung cấp dịch vụ) theo quy định của Điều I(3)(c) của GATS.

        Chính vì việc dịch vụ pháp lý vẫn còn đang trong quá trình hình thành, cho nên các quốc gia còn có những quan điểm chưa thống nhất về sự phân loại dịch vụ pháp lý. Chẳng hạn, Australia đề xuất yêu cầu sự phân loại dịch vụ pháp lý phải phản ánh được đầy đủ thực tế thương mại dịch vụ pháp lý quốc tế. Đồng thời quy định một khung pháp lý cho các thành viên, cho phép các thành viên đưa ra các cam kết của mình trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý một cách linh hoạt. Và Australia cũng đưa ra 12 nội dung hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý:

      -  Pháp luật nước chủ nhà (tư vấn);

-  Pháp luật nước chủ nhà (đại diện);

-  Pháp luật nước thứ ba (tư vấn);

-  Pháp luật nước thứ ba (đại diện);

-  Pháp luật nước cung ứng dịch vụ (tư vấn);

-  Pháp luật nước cung ứng dịch vụ (đại diện);

-  Pháp luật quốc tế (tư vấn);

-  Pháp luật quốc tế (đại diện);

-  Trọng tài thương mại quốc tế;

-  Dịch vụ giải quyết tranh chấp liên quan khác;

-  Dịch vụ lập và xác nhận văn bản pháp lý;

-  và dịch vụ tư vấn pháp luật khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ lại đưa ra gợi ý hệ thống phân loại dịch vụ pháp lý nên bao gồm cả những dịch vụ tư vấn và đại diện pháp luật sau: tư vấn trong hoạt động kinh doanh, tham gia quản lý tổ chức kinh doanh, hoà giải, trọng tài và các dịch vụ giải quyết các tranh chấp tương tự không thông qua toà án, dịch vụ tư vấn công và vận động hành lang. Còn Canada cho rằng nên đưa thêm phân ngành “dịch vụ tư vấn pháp luật nước ngoài” trong danh mục phân loại dịch vụ pháp lý.

Do vậy, khái niệm dịch vụ pháp lý thống nhất trên toàn thế giới vẫn đang trong quá trình xây dựng và đó cũng chính là mục tiêu mà các quốc gia đang hướng tới. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán được rằng sự phân loại cuối cùng được lựa chọn sẽ phải dựa trên sự kết hợp các quan điểm của các quốc gia cùng với thực tiễn của thương mại dịch vụ pháp lý. Và chắc chắn, sự phân loại đó cũng phải tạo được sự bình đẳng rộng rãi và sẽ được thể hiện trong lộ trình các cam kết cụ thể của các quốc gia.

1.3.2. Dịch vụ pháp lý theo quy định của một số nước trên thế giới.

a. Australia

Các dịch vụ pháp lý tại Australia có thể được cung cấp bởi nhiều đối tượng khác nhau: luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, luật sư patent (có thể tương đương với đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam) và một số tổ chức khác như luật sư của chính phủ, các cơ quan trợ giúp pháp lý. Tại Australia, cũng như một số quốc gia theo hệ thống common law khác hiện vẫn có sự phân biệt giữa luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng[15].

Australia là một quốc gia có hệ thống pháp luật nghị viện, mỗi bang lại có pháp luật của riêng mình. Do vậy, pháp luật về hành nghề luật sư được quy định cả ở cấp độ liên bang và bang. Nhìn chung, luật pháp Australia khuyến khích và hỗ trợ việc quốc tế hóa các dịch vụ pháp lý thông qua việc thể chế hóa các quy định về việc hành nghề của các luật sư nước ngoài tại mỗi bang hoặc toàn liên bang. Hoạt động hành nghề của các luật sư nước ngoài được thực hiện thông qua cơ chế “cấp phép hạn chế”,[16] đó là:

  • Chính thức công nhận quyền của các luật sư nước ngoài được thực hành luật của nước sở tại Australia, luật quốc tế và nếu đủ tiêu chuẩn, luật của một quốc gia thứ ba;
  • Các luật sư nước ngoài có quyền thực hành luật pháp của Australia, luật một quốc gia thứ ba và luật quốc tế dưới hình thức hợp danh hoặc các hiệp hội thuơng mại tự nguyện với các luật sư nước ngoài hay luật sư của Australia, không giới hạn về số lượng và hình thức của những hiệp hội đó.

Theo Luật về hành nghề luật năm 1996 (The Legal Practice Act 1996) của bang Victoria, Australia ("Act No. 35/1996"), dịch vụ pháp lý bao gồm "các dịch vụ liên quan đến tố tụng và phi tố tụng".

Các dịch vụ pháp lý phi tố tụng được định nghĩa cụ thể như sau: “Các dịch vụ phi tố tụng” là các dịch vụ không liên quan tới việc bắt đầu hoặc tiến hành các thủ tục liên quan tới Tòa án [17].

Như vậy, dịch vụ pháp lý theo quy định pháp luật của bang Victoria là khá rộng. Quy định này cũng là hợp lý bởi các dịch vụ pháp lý mà luật sư có thể cung cấp rất đa dạng, không thể bó hẹp trong một danh sách các loại hình dịch vụ.

Các loại dịch vụ pháp lý mà luật sư tư vấn (solicitor) có thể cung cấp là tư vấn và hỗ trợ pháp lý[18]. Cụ thể là họ soạn thảo cho khách hàng các văn bản như di chúc, các loại hợp đồng, giấy tờ liên quan đến giao dịch bất động sản, hoặc tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp... Họ cũng có thể tư vấn cho khách hàng về các vấn đề liên quan tới pháp luật, chẳng hạn như khi có tranh chấp với người khác, gặp rắc rối với cảnh sát hoặc có thể bị cáo buộc phạm tội hình sự. Trong những tình huống như vậy, luật sư tư vấn sẽ phải đưa ra lời khuyên cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và các trách nhiệm pháp lý mà họ cần phải thực hiện.

Khi nói tới luật sư tranh tụng (barrister) hầu hết mọi người đều cho rằng đó là những luật sư đại diện cho thân chủ của họ tại Tòa án. Tuy nhiên, tại Australia, trong các vụ án phức tạp, các luật sư tranh tụng thường được sự hỗ trợ của các luật sư tư vấn. Còn đối với những vụ án hình sự nhỏ, đôi khi luật sư tranh tụng có thể làm việc trực tiếp với khách hàng mà không cần sự tham vấn của luật sư tư vấn. Đối với các vụ án phi hình sự, luật sư tranh tụng có thể giúp khác hàng soạn thảo đơn khởi kiện hoặc các vấn đề khác liên quan đến vụ kiện đó. Luật sư tranh tụng cũng có thể tham gia vào quá trình thương thuyết của các vụ kiện. Tại Tòa án, luật sư tranh tụng chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với khách hàng, họ sẽ phải vận dụng kiến thức của mình vào việc trình bày chứng cứ, tiến hành đối chất với các nhân chứng do phía bên kia yêu cầu. Nhìn chung, luật sư tranh tụng sẽ phải trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án trên phương diện pháp lý.

Đối với các luật sư nước ngoài, ngoại trừ các hình thức hoạt động theo kiểu cấp phép hạn chế nêu trên, bốn bang của Australia (Victoria, New South Wales, Northern Territory và Australian Capital Territory) còn mở rộng các quyền hành nghề của luật sư nước ngoài, bao gồm:

-  Cơ chế “xuất – nhập”, theo đó luật sư nước ngoài có thể thực hành luật pháp của Australia, luật một quốc gia thứ ba và luật quốc tế mà không cần đăng ký;

-  và luật sư nước ngoài có quyền cung cấp các dịch vụ pháp lý (kể cả việc đại diện) liên quan đến trọng tài thương mại quốc tế.

Các dịch vụ pháp lý mà luật sư tại Australia có thể cung cấp cho khách hàng rất phong phú và không bị hạn chế trong một “danh mục” có sẵn, tuy nhiên các luật sư sẽ bị ràng buộc chặt chẽ bởi các chuẩn mực về đạo đức khi hành nghề luật sư[19]. Chẳng hạn như, họ không được tham gia hoặc hỗ trợ các hoạt động cản trở công lý hoặc vi phạm luật pháp, họ phải xử sự một cách thành thật, công bằng, và không phân biệt đối xử trước Tòa án và với khách hàng.

Trong các trao đổi với các nước thành viên WTO khác về việc phân loại dịch vụ pháp lý, quan điểm của Australia là Danh mục CPC cần phải được sửa đổi sao cho phù hợp với các cam kết của các nước thành viên WTO về Thương mại Dịch vụ tại vòng đàm phán Uruguay (tháng 8/1989). Theo đề xuất của Australia, việc phân biệt dịch vụ pháp lý (theo luật pháp nước sở tại; luật pháp quốc tế; luật pháp nước mà luật sư đó mang quốc tịch hay nước thứ ba) cần phù hợp với các mức độ mở cửa thị trường khác nhau của việc kinh doanh loại dịch vụ này[20]. Hơn nữa, việc phân loại cần phản ánh được thực tế hoạt động thương mại thế giới trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý và cần tạo ra một khung pháp lý cho các nước thành viên WTO sự linh hoạt trong các cam kết đối với loại hình dịch vụ này[21].

b. Singapore

Ngành dịch vụ pháp lý tại Singapore diễn ra khá sôi nổi, chủ yếu là do sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại quốc gia nhỏ bé này. Tính đến tháng 05 năm 1996, đã có 2.950 luật sư hành nghề tại Singapore và là thành viên của Hội Luật sư Singapore. Singapore là một quốc gia có tỷ lệ luật sư hành nghề tính theo đầu người rất cao (gần 80/100.000 người)[22]. Vào năm 1996, có khoảng 660 hãng luật địa phương và khoảng hơn 35 hãng luật nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Hội Luật sư Singapore.

Tại Singapore, hoạt động của luật sư được điều chỉnh bởi Luật về hành nghề luật(LPA). Trong đó, dịch vụ pháp lý được hiểu là tất cả các dịch vụ mà một luật sư có thể thực hiện một cách hợp pháp theo quy định của Bộ luật này[23]. Do vậy, có thể nói rằng, phạm vi hoạt động của các luật sư tại Singapore khá rộng.

Các luật sư Singapore thường cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan tới thương mại và dân sự cho các công ty, ngân hàng hoặc các tổ chức chính phủ. Các hãng luật lớn còn tham gia vào các hoạt động quốc tế và cung cấp rất nhiều dịch vụ pháp lý khác nhau, kể cả tư vấn về tài trợ dự án (project finance). Sự có mặt và tham gia của nhiều thể chế tài chính quốc tế, các hãng luật ở nước ngoài cho thấy các dịch vụ pháp lý đuợc cung cấp tại Singapore đang trở nên đa dạng và chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, còn có rất nhiều luật sư hành nghề độc lập (sole practitioner) đăng ký hành nghề với Hội luật sư Singapore. Họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực luật hình sự hoặc các khách hàng đơn lẻ.

Đối với các luật sư nước ngoài, Luật về hành nghề luật quy định rằng họ có thể tư vấn về luật pháp Singapore nếu đã đăng ký hành nghề với Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, luật sư nước ngoài không được đại diện cho khách hàng trước toà án, trước trọng tài, hoặc một cơ quan tài phán bất kỳ của Singapore[24]. Các luật sư nước ngoài muốn thực hành pháp luật Singpore phải có chứng chỉ hành nghề và một số chứng chỉ nhất định. Các luật sư nước ngoài còn có thể “liên doanh” với các luật sư Singapore để thành lập “Joint Law Venture” (hãng luật liên doanh) hoặc “Formal Law Alliances” (tạm dịch là khối luật liên minh).

c. Trung Quốc

Tại Trung Quốc, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý chủ yếu được điều chỉnh bởi Luật về luật sư [25]. Theo Luật này, các luật sư tại Trung Quốc được tiến hành một số dịch vụ sau: [26]

        -   Tư vấn pháp luật;

        -  Đại diện cho khách hàng trong tranh tụng (dân sự, hình sự và hành chính...);

        -   Bảo lãnh, tư vấn khách hàng trong các giai đoạn phi tranh tụng;

        -   Giải đáp các vấn đề liên quan tới luật pháp và giúp đỡ soạn thảo văn bản cho các thủ tục pháp lý hoặc các văn bản khác liên quan đến luật pháp.

        -   Tham gia vào thủ tục trọng tài hoặc hòa giải;

        -   Giải đáp các vấn đề liên quan tới pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý và;

        -  Soạn thảo các văn bản liên quan tới pháp luật cho các thủ tục pháp lý hoặc các vấn đề liên quan;

Điểm đáng lưu ý là các luật sư Trung Quốc có thể tiến hành việc điều tra nếu có yêu cầu; song phải được sự chấp thuận của một số cơ quan có thẩm quyền[27].

Bên cạnh đó, luật sư cũng bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ về mặt đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn, luật sư không được đại diện cho cả hai bên trong cùng một vụ kiện; trục lợi cá nhân; gặp gỡ thẩm phán, công tố viên hoặc trọng tài viên không đúng theo luật định...[28] Ngoài ra, luật sư đã từng làm thẩm phán hoặc công tố viên bị cấm đại diện cho bị cáo/bị đơn trong vòng hai năm kể từ  khi họ thôi giữ các chức vụ nói trên.

Hiệp hội quốc gia luật sư Trung Quốc (ACLA) là một tổ chức xã hội nơi các luật sư hoạt động theo cơ chế tự quản. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có các hiệp hội luật sư địa phương và các luật sư phải tham gia các hiệp hội địa phương này theo khu vực nơi văn phòng luật sư của họ đặt trụ sở.

Khi gia nhập WTO, Trung Quốc cũng như hầu hết các thành viên WTO khác đều phải mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý của mình. Trước khi chính thức trở thành thành viên WTO, việc quản lý cũng như việc hành nghề của các luật sư nước ngoài tại Trung Quốc là khá chặt chẽ, bởi dịch vụ pháp lý được coi là một lĩnh vực nhạy cảm về mặt chính trị còn các luật sư trong nước thì được coi là “công chức pháp lý[29]. Nhưng gần đây, đặc biệt là từ năm 1998, thị trường này đã dần thông thoáng hơn. Trước kia, Chính phủ Trung Quốc quy định các hạn chế với luật sư nước ngoài về địa điểm đặt văn phòng,[30] về số lượng văn phòng, về điều kiện hành nghề, cấm các văn phòng nước ngoài tuyển dụng luật sư Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới nay, hầu hết các hạn chế trên đều đã được xóa bỏ.[31]

d. Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp các sinh viên học luật có thể lựa chọn nhiều hình thức hành nghề luật, tại các hãng luật, các công ty, hoặc các “MDP”, tạm dịch là các hãng hành nghề đa lĩnh vực.[32] Các MDP có thể là các hãng kiểm toán hoặc các công ty tài chính, nơi các luật sư hoặc những người không phải là luật sư cùng làm việc. Điều này có nghĩa là dịch vụ pháp lý đã được mở rộng ra ngoài những dịch vụ mang tính truyền thống. Khi thực hành nghề luật theo hình thức này, các luật sư sẽ kết hợp với những người không phải là luật sư song lại là chuyên gia trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như chuyên gia về thuế, kiểm toán, bất động sản và tài chính, để cung cấp các dịch vụ pháp lý và/hoặc phi pháp lý cho khách hàng.

Một trong số những điểm mạnh của hình thức MDP đó là khách hàng có thể tìm ra giải đáp cho các vấn đề luật pháp và thương mại một cách đầy đủ, thuận tiện và nhanh chóng tại một đầu mối hay “dịch vụ một cửa” (one-stop shopping). Điều này cũng làm chi phí dịch vụ sẽ được giảm bớt một cách đáng kể. Hơn nữa, cũng có ý kiến cho rằng hình thức này giúp cho các luật sư có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các kiến thức chuyên ngành khác trong thương mại, tài chính và kế toán, do vậy có thể cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng chuyên nghiệp hơn. Chính vì vậy mà loại hình MDP đã phát triển khá mạnh tại Hoa kỳ trong thập niên 90. Trong năm 1998, bốn hãng kế toán lớn tại Hoa Kỳ đã đạt được doanh thu trên UD$30 tỷ chỉ từ các dịch vụ tư vấn nói trên.[33]

Hình thức MDP có một số điểm mạnh không thể phủ nhận. Nhưng mô hình này cũng vấp phải sự phê phán của rất nhiều luật sư bởi họ e rằng những công ty này có thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thứ nhất là do việc tư vấn luật và kiểm toán được cung cấp bởi một công ty do vậy có thể gây ra những xung đột về mặt lợi ích. Trong khi một kiểm toán viên đánh giá tình hình tài chính của một công ty một cách độc lập và có trách nhiệm trước công chúng rằng báo cáo này là chính xác, thì luật sư lại là người tư vấn cho khách hàng lại có nghĩa vụ bảo mật thông tin. Thứ hai, các luật sư hoạt động trong các MPD thường dễ vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của họ, như nguyên tắc bí mật nghề nghiệp, tính công bằng, không thiên vị trong các quyết định, đặc biệt là khi một luật sư phải chia sẻ thông tin và báo cáo cho một người không phải là luật sư.[34] Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, một số hãng kiểm toán lớn đã bộc lộ những yếu điểm không thể vượt qua được của hình thức MDP. Một trường hợp điển hình là sự sụp đổ của Arthur Andersen, một trong năm hãng kiểm toán lớn nhất (Big Five) trên thế giới. Các vụ bê bối liên quan đến tài chính khác như gian lận, làm sai lệch báo cáo tài chính, làm sổ sách kế toán giả, kéo theo sự phá sản của nhiều công ty, ví dụ như tập đoàn năng lượng Enron, hay gần đây nhất là vụ phá sản ngang tầm cỡ với vụ Enron của hãng sản xuất thực phẩm nổi tiếng của Italy, Parlamat.[35]

Trước tình hình trên, Hoa Kỳ đã ban hành Bộ luật Sarbanes Oxley[36] nhằm hạn chế những nhược điểm của hình thức MDP. Theo đó hoạt động của các luật sư cũng như các nhà tư vấn trong các công ty kiểm toán và tài chính đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Các bộ phận kiểm toán, kế toán và tư vấn luật giờ đây không thể cùng tồn tại dưới một “mái nhà”. Các báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo tài chính nay đều kèm theo những tuyên bố bằng văn bản về tính xác thực, công bằng hoặc tuân thủ hoàn toàn các quy định của các luật chuyên ngành, chẳng hạn như Securities Exchange Act 1934 (Luật Giao dịch Chứng khoán). Theo Luật này, việc tạo ra các báo cáo tài chính không trung thực nhằm lừa đảo thị trường là tội hình sự.[37] Đây có thể nói là một thay đổi lớn trong luật pháp Hoa Kỳ nói chung và trong hình thức hành nghề của các luật sư Hoa kỳ nói riêng, khiến hình thức hành nghề của họ lại mang tính “truyền thống” hơn.

Với tư cách là một thành viên của WTO, các cam kết của Hoa Kỳ theo GATS trong lĩnh vực dịch vụ nghề nghiệp nói chung hay dịch vụ pháp lý nói riêng là khá rộng. Hoa Kỳ công nhận các lợi ích về tăng trưởng kinh tế mà một thị trường mở về dịch vụ pháp lý có thể mang lại. Hoa Kỳ có một cơ chế khá thông thoáng cho các tổ chức tư vấn pháp luật nước ngoài. Các cam kết của Hoa Kỳ bao gồm:

- Tư vấn về luật pháp nơi mà người cung cấp dịch vụ là luật sư đủ điều kiện hành nghề (ngoại trừ việc đại diện trước Tòa án, và các vấn đề về bất động sản, động sản, luật gia đình); và

-  Hành nghề như hoặc thông qua một luật sư Mỹ được phép hành nghề.

Khá nhiều bang của Hoa Kỳ, dựa theo quy định của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, đã áp dụng quy chế cấp phép hành nghề cho các nhà tư vấn luật nước ngoài mà không cần thi tuyển. Hoa Kỳ cũng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý nước ngoài hành nghề luật pháp của Hoa Kỳ với một sự hạn chế không đáng kể.[38]

Đối với việc phân loại dịch vụ pháp lý, Hoa Kỳ đề xuất rằng hệ thống phân loại cần bao gồm cả tư vấn pháp luật và đại diện pháp luật tương tự như tư vấn trong các giao dịch thương mại, tham gia vào quản lý doanh nghiệp, hoà giải, trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp (thay thế Tòa án), luật sư “công” và “vận động hành lang” (lobbying).[39]

1.4. Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

1.4.1. Về khái niệm dịch vụ pháp lý.

Dịch vụ pháp lý tại Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau nhưng chưa có một khái niệm cụ thể và thống nhất. Theo các quy định hiện hành thì dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cũng có thể bao gồm:

-  Các dịch vụ liên quan đến thủ tục tố tụng;[40]

-  Các dịch vụ tư vấn pháp luật[41];

-  Dịch vụ đại diện pháp lý;

-  Các dịch vụ pháp lý khác [42].

Mặc dù định nghĩa về dịch vụ pháp lý theo GATS  hay Danh mục CPC vẫn chưa phải là hoàn hảo, song cũng là một gợi ý tốt cho việc tìm ra một khái niệm thống nhất và toàn diện cho loại hình dịch vụ này. Dịch vụ pháp lý cần được phân loại rõ ràng thành các dịch vụ liên quan đến tố tụng và các dịch vụ phi tố tụng, trong đó bao gồm cả dịch vụ tư vấn pháp luật.

1.4.2. Về dịch vụ pháp lý miễn phí.

Hoạt động trợ giúp pháp lý tại Việt Nam luôn được pháp luật khuyến khích[43]. Theo Nghị định số 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật, các "tư vấn viên pháp luật" của các Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí.[44] Theo quy định của một số quốc gia, việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí (pro bono work)[45] là một phần khá quan trọng trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý. Hoạt động này có thể mang tính bắt buộc hoặc mang tính tự nguyện. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là tiêu chuẩn để trở thành “tư vấn viên pháp luật” còn chưa rõ ràng. Chẳng hạn như để được cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật,[46] ngoài các điều kiện như phải có bằng cử nhân luật, tư cách đạo đức tốt, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, họ còn phải (i) có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên; và (ii) đã được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện (ii) còn rất chung chung. Các tư vấn viên pháp luật có phải tốt nghiệp khóa đào tạo tương tự như các luật sư hay không, hình thức bồi dưỡng kỹ năng tư vấn cụ thể như thế nào. Tư vấn viên pháp luật có thể không phải là luật sư, do vậy, các ràng buộc về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các tư vấn viên pháp luật cần được điều chỉnh thế nào cho phù hợp?[47] Một mặt việc cung cấp dịch vụ pháp lý, kể cả thu phí và miễn phí, đều phải mang tính chuyên nghiệp và do những người có đủ điều kiện thực hiện; mặt khác những quy định về “tư vấn viên pháp luật” lại tỏ ra thiếu chặt chẽ, đặc biệt là về điều kiện hành nghề, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. 

Trong khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định rằng, những người muốn trở thành luật sư và cung cấp các dịch vụ pháp lý phải thỏa mãn các điều kiện về hành nghề luật sư, chẳng hạn như:[48]

-  Gia nhập Đoàn luật sư của địa phương nơi mình cư trú;[49]

-  Có chứng chỉ hành nghề luật sư;

-  Có trình độ đại học luật;[50]

-  Tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư;[51]

-  Không phải là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Quy định nêu trên đã thể hiện rõ xu thế chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư, ví dụ như việc không cho phép cán bộ, công chức kiêm nhiệm vai trò luật sư. Điều này, theo như một số chuyên gia nhận định là nhằm ngăn chặn tình trạng luật sư lạm dụng vị trí công tác, gây ảnh hưởng đến ‘tính vô tư’ của cơ quan công quyền, mặt khác đặt ra yêu cầu công chức và luật sư đều phải chuyên tâm với công việc của mình.[52]

1.4.3. Hình thức và phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý.

Theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, các hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định với hai hình thức là: Văn phòng luật sư và Công ty luật hợp danh[53]. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ pháp lý, chủ yếu là dịch vụ tư vấn pháp luật. Điều này cho thấy, quy định về hình thức hành nghề luật sư vẫn còn chồng chéo và chưa thống nhất[54].

Việc lựa chọn hình thức hành nghề còn kéo theo những hạn chế và khác biệt về phạm vi hoạt động. Các luật sư Việt Nam có thể tổ chức hành nghề dưới hình thức công ty luật hợp danh, văn phòng luật sư (cá nhân hoặc hợp danh).[55] Tuy nhiên, họ cần cân nhắc lựa chọn hình thức hành nghề phù hợp bởi mỗi hình thức đều có sự khác nhau về phạm vi hoạt động. Theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Văn phòng luật sư, có thể do một hoặc một số luật sư thành lập, được thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác.[56] Trong khi đó, Công ty luật hợp danh chỉ được hoạt động trong phạm vi giấy đăng ký hoạt động và chỉ được thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác[57]. Điểm khác biệt cơ bản nữa giữa hai hình thức hoạt động này là luật sư làm việc trong Văn phòng luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng theo sự phân công của Đoàn luật sư[58].

Việc hạn chế luật sư làm việc tại Công ty luật hợp danh tham gia tố tụng là đề tài gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 được ban hành. Một số người cho rằng việc tham gia tố tụng không phải là hoạt động kinh doanh, trong khi mục đích hoạt động của công ty là kinh doanh, Một số người khác cho rằng dịch vụ tham gia tố tụng là một quyền tự do kinh doanh không thể bị tước bỏ.[59] Nhưng mặt khác, Công ty luật hợp danh lại có những lợi thế rất rõ ràng, chẳng hạn như có thể đại diện cho khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp trước trọng tài hoặc có thể liên doanh với Công ty luật nước ngoài.[60] Quy định này cũng đã tạo nên giới hạn của các mảng hoạt động, tuy không hoàn toàn tuyệt đối. Công ty luật sẽ nghiêng về tư vấn luật, còn Văn phòng luật sư sẽ chú trọng hơn về tố tụng. Trong khi việc phân biệt giữa barristersolicitor tại các nước theo hệ thống common law, như Anh hay Australia, nơi vốn có truyền thống về sự phân biệt này, đang dần được xoá bỏ, thì quy định trên của Việt Nam đang bị coi là sự thụt lùi so với thế giới. Điều này có thể làm tăng thêm chi phí của người dân/khách hàng cho các dịch vụ pháp lý.[61]

Ngoài ra, luật sư Việt Nam cũng có thể hành nghề trong các tổ chức luật sư nước ngoài theo Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/07/2003 về hành nghề luật sư của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với các luật sư nước ngoài, theo Nghị định 87, hoạt động của họ đã được mở rộng khá nhiều so với Nghị định 92/1998/NĐ-CP. Cụ thể là tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác; được tư vấn về pháp luật Việt Nam trong những trường hợp sau đây:[62]

- Có thuê luật sư Việt Nam;

- Luật sư nước ngoài hành nghề trong tổ chức hành nghề luật luật sư nước ngoài tại Việt Nam có bằng tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ yêu cầu như đối với một luật sư Việt Nam.

Như vậy, theo quy định hiện hành các tổ chức luật sư nước ngoài được phép tuyển dụng luật sư Việt Nam để tư vấn luật Việt Nam, do vậy không hạn chế phạm vi tư vấn của các tổ chức này đối với pháp luật sở tại. Tuy nhiên, vẫn còn có hướng dẫn cụ thể hơn về phạm vi hoạt động của các tổ chức này, đặc biệt là thế nào là “các dịch vụ pháp lý khác” mà các luật sư nước ngoài có thể được thực hiện. 

Từ kinh nghiệm một số nước trên thế giới như trình bày ở phần trên, để hoàn thiện hơn quy định về dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, cần lưu ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rằng luật sư tại những nước này có sự lựa chọn khá rộng đối với các loại dịch vụ pháp lý do quy định về loại hình dịch vụ pháp lý mà họ có thể cung cấp rất đa dạng. Thậm chí việc xác nhận, chứng thực, tương tự như hoạt động công chứng, hay xác minh văn bản cũng được coi là dịch vụ pháp lý. Bên cạnh các dịch vụ mang tính truyền thống như giải tđáp pháp luật, soạn thảo hợp đồng, di chúc..., dịch vụ pháp lý ngày nay đã trở nên rất phong phú. Việc tiến hành hòa giải, hay tại một số nước còn gọi là phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế (tòa án),[63] cũng được coi là một dịch vụ pháp lý. Hình thức giải quyết tranh chấp trước hết thông qua hoà giải tại Việt Nam rất được khuyến khích, thường là các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình. Song vẫn còn thiếu những quy định chuyên biệt về hòa giải, ngoài thủ tục hòa giải bắt buộc truớc tòa. Điều kiện trở thành “hòa giải viên” cũng cần rõ ràng hơn để việc tiến hành hòa giải mang tính chuyên nghiệp hơn, và thực sự trở thành một hình thức hữu hiệu thay vì giải quyết các tranh chấp dân sự tại Tòa án.

Thứ hai, chúng ta cần nhìn nhận rằng dịch vụ pháp lý cũng là một loại hình dịch vụ thương mại. Do đó không nên có sự phân biệt đối xử đối với việc kinh doanh loại dịch vụ này (như hạn chế việc thực hiện dịch vụ pháp lý liên quan đến thủ tục tố tụng của các luật sư hành nghề trong các công ty luật hợp danh). Vì vậy, không thể đặt ra phạm vi hoạt động cho loại hình này cũng như tạo ra các rào cản không cần thiết và bất hợp lý cho việc cung cấp dịch vụ pháp lý (như chế độ thuế, phương pháp khấu trừ và tính thuế thu nhập nhập doanh nghiệp chưa thống nhất, rõ ràng)[64]. Theo tinh thần của GATS, hiện nay các nước thành viên WTO đang tiến đến tự do hóa hơn nữa các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý, trên cơ sở sửa đổi hệ thống phân loại dịch vụ pháp lý hiện thời.

Thứ ba, vấn đề xung đột lợi ích giữa các đối tượng cung cấp dịch vụ pháp lý tại Việt Nam còn ít được bàn tới. Việc một số công ty kế toán được cấp phép để tư vấn luật, tương tự như hình thức MDP tại Hoa Kỳ, đồng thời tư vấn về thuế, kiểm toán, soạn thảo hợp đồng, tạo ra cơ chế “dịch vụ tư vấn một cửa”, cần được nghiêm túc xem xét lại. Sự đổ vỡ một số tập đoàn lớn tại châu Âu và châu Mỹ gần đây cũng có một phần trách nhiệm của các công ty kiểm toán do không đảm bảo được tính công bằng trong việc công bố các báo cáo tài chính, thậm chí đưa ra những thông tin sai lệch cho công chúng. Để đảm bảo tính công bằng và trung thực trong các hoạt động kiểm toán, thực hiện báo cáo tài chính, không nên kết hợp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn pháp luật trong cùng một công ty.[65]

Thứ tư, hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí cần được quy định cụ thể hơn. Vấn đề là có nên coi đây là một nghĩa vụ bắt buộc[66] đối với các luật sư hay chỉ nên khuyến khích họ thực hiện nhiệm vụ này như một trách nhiệm về mặt đạo đức đối với cộng đồng mà các luật sư cần có.

Nói chung, cần có một đạo luật thống nhất về dịch vụ pháp lý, trong đó tập hợp đầy đủ các quy định về hình thức hoạt động, phạm vi hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, điều kiện cung cấp dịch vụ pháp lý... cho cả luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài, thay vì hai hệ thống văn bản như hiện nay.[67] Bên cạnh đó, khắc phục một số vấn đề còn bỏ ngỏ cần phải được quy định như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp của luật sư.

 

Chương 2

 

THỰC TRẠNG VỀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM

 

2.1. Vài nét về quá trình hình thành, phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, từ năm 1930 trở về trước người Pháp chiếm độc quyền nghề luật sư. Với Sắc lệnh ngày 25/5/1930, thực dân Pháp mới tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn có người Việt Nam tham gia với các điều kiện:

- Phải tốt nghiệp đại học luật khoa.

- Phải tập sự trong một Văn phòng biện hộ của một luật sư thực thụ với thời gian 5 năm.

Sau đó phải qua sát hạch và được Hội đồng luật sư công nhận thì mới trở thành luật sư thực thụ, có quyền mở Văn phòng và nhận khách hàng riêng. Trước khi vào tập sự cũng như được công nhận luật sư thực thụ, người luật sư phải tuyên thệ trước Tòa án thực dân không được làm điều gì trái với pháp luật và triệt để trung thành với chế độ thực dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 tổ chức đoàn thể luật sư.

Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 duy trì tổ chức luật sư cũ với một số điểm sửa đổi cho thích hợp với tình hình mới trong đó quan trọng là quy định về điều kiện công nhận luật sư. Người nào muốn được ghi tên vào danh sách luật sư phải có đủ các điều kiện sau đây:

-  Có quốc tịch Việt Nam, bất luận nam hay nữ.

-  Có bằng cử nhân luật.

-  Đã làm luật sư trong 3 năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam.

-  Có hạnh kiểm tốt.

-  Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ.

Ngoài ra bằng Sắc lệnh số 217/SL ngày 22/1/1946 cho phép các thẩm phán đệ nhị cấp (tỉnh và khu) có bằng luật khoa cử nhân được bổ nhiệm sau 19/8/1945, có thể ra làm luật sư mà không phải tập sự tại một Văn phòng luật sư.

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo đã được ghi nhận ngay từ Sắc lệnh đầu tiên về Toà án. Điều 5 Sắc lệnh ngày 13/9/1945 thiết lập các Toà án quân sự quy định: “ Bị cáo có thể tự bào chữa hay nhờ một người khác bênh vực cho mình”. Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo là nguyên tắc dân chủ quan trọng trong tố tụng đã được thừa nhận và thể hiện trong Điều 67 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như sau: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.

Do điều kiện lúc bấy giờ số lượng luật sư ở nước ta rất ít, mặt khác do hoàn cảnh kháng chiến một số luật sư đã tham gia cách mạng, còn một số luật sư thì chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác. Vì vậy, vào thời kỳ này hầu như các Văn phòng luật sư đều ngừng hoạt động. Để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, trong khi số lượng luật sư còn ít, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 (do Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 sửa đổi) đã được ban hành, cho phép nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận. Người đứng ra bênh vực không được nhận tiền thù lao của bị can hoặc thân nhân bị can.

Để cụ thể hóa Sắc lệnh 69/SL ngày 18/6/1949, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 1/NĐ-VY ngày 12-1-1950 ấn định điều kiện để làm bào chữa viên và phụ cấp của bào chữa viên.

Theo Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/1/1950, công dân cử ra hay thừa nhận để bào chữa trước các Tòa án phải có đủ các điều kiện sau đây:

-  Có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt đàn ông hay đàn bà.

-  Ít nhất 21 tuổi.

-  Hạnh kiểm tốt và chưa can án.

Đầu năm, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh hay thành phố và ông Chánh án lập ra một danh sách các người trong tỉnh có đủ điều kiện và bằng lòng đứng ra bào chữa trong các phiên toà và ông Chánh án  lúc nào cũng có quyền thêm hoặc bớt tên ghi trong danh sách. Danh sách này phải được niêm yết tại phòng lục sự tại Toà án sở quan. Người nào được ông Chánh án cử ra bào chữa sẽ hưởng các phụ cấp nói ở Điều 1 và 2 Nghị định số 94-MT ngày 9/10/1948 của Bộ Tư pháp. Tiếp đến Bộ Tư pháp có Thông tư số 101/HCTP ngày 29/8/1957 quy định cụ thể về việc tổ chức bào chữa viên nhân dân.Trong Thông tư 101/HCTP nêu rõ: “Trong lúc chưa có sự sửa đổi gì về chế định bào chữa nhân dân của ta, thì vẫn phải thi hành các Sắc lệnh 69/SL ngày 18/6/1949 và Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/1/1950 tổ chức bào chữa viên nhân dân”.

Hiến pháp 1959 đã thiết lập hệ thống Toà án và Viện kiểm sát và Bộ Tư pháp không còn tồn tại, công tác hành chính tư pháp được giao cho Tòa án tối cao đảm nhiệm, trong đó có công tác bào chữa. Để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo đã được Hiến pháp năm 1959 quy định (Điều 101), năm 1963 Văn phòng luật sư thí điểm được thành lập lấy tên Văn phòng luật sư Hà Nội với các nhiệm vụ được quy định như sau:

-  Bào chữa cho bị cáo trong những vụ án hình sự và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đôi bên đương sự trong các vụ án dân sự trước Tòa.

-  Giải đáp pháp luật cho nhân dân và cán bộ.

-  Làm giúp cho đương sự những đơn từ và các văn kiện pháp luật như: hợp đồng, khế ước v.v..

-  Góp phần tuyên truyền pháp luật thông qua xét xử tại phiên tòa.

Sau khi tổ chức Văn phòng luật sư, tình hình yêu cầu bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước tòa ngày càng tăng. Lúc đầu nhận bào chữa những vụ án do Tòa án yêu cầu, về sau các bị cáo, đương sự mời luật sư thì trực tiếp đến Văn phòng luật sư.

Năm 1972 Ủy ban Pháp chế của Chính phủ được thành lập theo Nghị định 190/CP ngày 9/10/1972 của Hội đồng Chính phủ. Năm 1974 Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao Văn phòng luật sư sang ủy ban pháp chế của Chính phủ theo chức năng quy định tại Nghị định 190/CP.

Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập lại Bộ Tư pháp, ngày 22/11/1981 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ quản lý hoạt động hành chính tư pháp trong đó có hoạt động luật sư. Trong khi chờ một văn bản pháp luật về tổ chức luật sư, sau khi trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan hữu quan khác, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 691/QLTPK ngày 31/10/1983 hướng dẫn về công tác bào chữa. ở một số tỉnh thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân và tồn tại cho đến khi ban hành Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987.

Theo hướng dẫn của Thông tư này ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã có tổ chức luật sư, bào chữa thì củng cố lại về tổ chức, quản lý chặt chẽ hơn. Còn ở các tỉnh khác nếu có đủ điều kiện và được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép thì thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân. Người làm công tác bào chữa phải là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt; Gương mẫu chấp hành đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Có kiến thức pháp lý cần thiết. Cho đến cuối năm 1987, đã có 30 tỉnh, thành phố thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân với gần 400 bào chữa viên.

Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 đặt cơ sở pháp lý ban đầu cho hoạt động dịch vụ pháp lý (luật sư vừa có chức năng tranh tụng vừa có chức năng tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác). Tuy nhiên, Pháp lệnh Tổ chức luật sư được ban hành trong những năm đầu của sự chuyển đổi cơ chế, vai trò của tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác chưa được quan tâm, nên các điều khoản của Pháp lệnh này chủ yếu tập trung điều chỉnh lĩnh vực tranh tụng của luật sư.

Bên cạnh Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 là Luật Công ty năm 1990. Việc cho phép thành lập các Công ty luật TNHH hành nghề tư vấn pháp luật theo Luật Công ty là tương đối gượng ép, thiếu căn cứ pháp lý chắc chắn. Bởi lẽ, Luật Công ty chỉ điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các loại hình công ty kinh doanh thuần tuý, chứ chưa có các điều luật cụ thể điều chỉnh hoạt động dịch vụ nghề nghiệp và đặc biệt là hành nghề dịch vụ pháp lý. Đây là một nghề khá đặc thù, đòi hỏi phải có những quy định pháp luật yêu cầu về trình độ, tư cách đạo đức của người thực hiện dịch vụ này, đồng thời quy định trách nhiệm cao đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ đó. Hơn nữa, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công ty cũng không có quy định điều chỉnh vấn đề này. Để khắc phục tình trạng đó, ngày 29/9/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 620/TTg về việc tăng cường quản lý hoạt động tư vấn pháp luật, trong đó có quy định việc tạm thời ngừng cấp giấy phép thành lập Công ty luật cho đến khi có quy định mới. Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2000, quy định kinh doanh dịch vụ pháp lý là nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề[68]. Cho đến nay quy định về kinh doanh dịch vụ pháp lý vẫn chưa được triển khai thi hành vì còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

2.2. Thực trạng hoạt động dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua.

2.2.1. Hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư Việt Nam.

Nếu như Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 có vai trò rất quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành đội ngũ luật sư ở nước ta, thì Pháp lệnh Luật sư  năm 2001 là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế luật sư ở nước ta, đưa chế định luật sư của nước ta xích gần với thông lệ quốc tế. Pháp lệnh Luật sư không chỉ nâng cao vị thế của luật sư trong xã hội, mà còn đưa luật sư của nước ta lên ngang tầm với luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực.

Ngay trong lời nói đầu của Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã thể hiện rõ mục đích của  vấn đề này, nhằm: “… Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; …Phát triển và củng cố đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò của luật sư và tổ chức luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức luật sư và hành nghề luật sư”.

a. Điều kiện hành nghề luật sư.

 Pháp lệnh Luật sư đã khẳng định, luật sư là một nghề trong xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa, bất cứ ai cũng được phép hành nghề luật sư, mà chỉ có những người hội đủ tiêu chuẩn, điều kiện và hành nghề theo các hình thức mà pháp luật quy định. Điều 7 Pháp lệnh Luật sư quy định: “Người muốn được hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư và có chứng chỉ hành nghề luật sư”. Muốn được hành nghề luật sư, phải gia nhập một Đoàn luật sư, qua một thời gian tập sự và một kỳ kiểm tra mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều đó có nghĩa là, muốn hành nghề luật sư phải có đủ hai điều kiện là gia nhập một Đoàn luật sư và có chứng chỉ hành nghề luật sư. Quy định như vậy đã thể hiện một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế luật sư ở nước ta nhằm nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hoá đội nghũ luật sư Việt Nam.

  Người có đủ các điều kiện sau đây thì được gia nhập Đoàn luật sư:

-  Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

-  Có trình độ đại học luật;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài được pháp luật Việt Nam công nhận, trừ trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này;

-  Có phẩm chất đạo đức tốt;

-  Không phải là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Luật sư là một nghề đòi hỏi trước khi hành nghề phải được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, muốn trở thành luật sư cần phải học nghề. Hiện nay với yêu cầu chính quy hoá, nâng cao trình độ, vai trò và vị trí của nghề luật sư, Pháp lệnh Luật sư đã quy định đào tạo nghề là một trong các điều kiện gia nhập Đoàn luật sư. Khoá đào tạo nghề luật sư có thể tiến hành ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Bộ Tư pháp quy định nội dung, hình thức, quy hoạch đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam và công nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp khoá đào tạo nghề luật sư do cơ sở đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài cấp. Trong khoá đào tạo nghề luật sư, các học viên được trang bị kiến thức và thực hành các kỹ năng hành nghề luật sư như tranh tụng, tư vấn pháp luật, các quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp luật sư, pháp luật liên quan đến hành nghề luật sư.

 Pháp lệnh Luật sư cũng quy định một số trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư bao gồm:

-  Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Tiến sĩ luật;

-  Người đã làm thẩm phán, kiểm sát viên từ 5 năm trở lên;

-  Người đã làm điều tra viên cao cấp, chuyên viên pháp lý cao cấp, nghiên cứu viên pháp lý cao cấp.  

Sau khi được gia nhập Đoàn luật sư, người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải qua một thời gian tập sự hành nghề là 24 tháng, hết thời hạn tập sự, phải qua một kỳ kiểm tra để đánh giá khả năng hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kỳ kiểm tra, thì được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Và chỉ khi được cấp chứng chỉ hành nghề, người luật sư đó với đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của luật sư để thực hiện hành nghề.

b. Phạm vi hành nghề luật sư.

  Điều 1 của Pháp lệnh Luật sư đã xác định rõ phạm vi hành nghề của luật sư là tham gia hoạt động tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Pháp luật Việt Nam không có sự phân chia luật sư thành hai loại: luật sư biện hộ và luật sư tư vấn như một số nước theo hệ thống luật án lệ.

Theo quy định của khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh Luật sư thì luật sư được hành nghề trong phạm vi sau đây:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự;

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính;

- Tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp;

- Tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, đơn từ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;

- Đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng) để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

- Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Pháp lệnh còn quy định luật sư được hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cho phép luật sư được hành nghề ở nước ngoài.

Theo khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh Luật sư, luật sư có quyền lựa chọn lĩnh vực hành nghề luật sư; thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh; làm việc theo hợp đồng cho Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh; tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh Luật sư và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Phạm vi hành nghề của luật sư rất rộng, nhưng điều đó không có nghĩa luật sư phải làm tất cả các lĩnh vực hành nghề đó. Tuỳ thuộc vào khả năng của mình mà luật sư có thể lựa chọn chỉ tham gia tố tụng hoặc chỉ làm tư vấn pháp luật. Ngay cả lĩnh vực tranh tụng hoặc tư vấn pháp luật vẫn có thể lựa chọn cho mình lĩnh vực chuyên môn phù hợp như: tranh tụng hình sự hoặc tranh tụng phi hình sự; tư vấn về kinh doanh, đầu tư, thương mại hoặc tư vấn về thuế, chứng khoán, sở hữu trí tuệ….

c. Hình thức hành nghề luật sư.

Nghề luật sư có những đặc thù riêng không giống như các nghề kinh doanh, thương mại. Việc hành nghề luật sư không lấy điểm xuất phát và không dựa vào vốn  mà dựa vào kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề của luật sư.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của luật sư là hành nghề độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong hành nghề, để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao uy tín trước khách hàng, các luật sư có thể hợp tác với nhau trong các tổ chức hành nghề nhất định.

Luật sư có thể tự mình thành lập Văn phòng luật sư hoặc tham gia cùng các luật sư khác thành lập Văn phòng luật sư. Văn phòng luật sư một luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư đăng ký thành lập, tự quản lý điều hành và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của Văn phòng. Văn phòng luật sư củ một số luật sư là tổ chức hành nghề do hai luật sư trở lên đăng ký thành lập, cùng quản lý, điều hành và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của Văn phòng.

Để phù hợp với tình hình mới, và đáp ứng nhu cầu của sự hội nhập khu vực và quốc tế về dịch vụ tư vấn pháp luật, cũng như cần đa dạng hóa hình thức hành nghề của luật sư, nên chăng quy định Công ty luật hợp danh là một trong các hình thức tổ chức hành nghề của luật sư. Song vì Công ty luật hợp danh là hình thức kinh doanh, không phù hợp với hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, đặc biệt với điều kiện của Việt Nam, theo ý kiến của một số luật sư cho rằng nên quy định Công ty luật hợp danh chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, chứ không được hoạt động trong lĩnh vực tham gia tố tụng.

Ngoài các hình thức hành nghề nêu trên luật sư được làm thuê cho các doanh nghiệp với tư cách là luật sư riêng hoặc cho Chính phủ với tư cách luật sư Chính phủ? Đây là những hình thức hành nghề của luật sư được nhiều nước trên thế giới quy định. Việc luật sư được tuyển dụng làm luật sư riêng cho các doanh nghiệp trở nên phổ biến hiện nay. Đặc điểm của hình thức này là người thuê luật sư đồng thời là khách hàng duy nhất của luật sư. Luật sư làm việc rất gần với khách hàng, bên trong công việc của khách hàng. Họ giúp doanh nghiệp mọi công việc có liên quan đến pháp luật từ khi bắt đầu đến khi kết thúc chứ không phải khi nào cần mới thuê luật sư. Luật sư làm việc cho Chính phủ cũng là một dạng luật sư riêng.

Có xác định các hình thức hành nghề phù hợp cho luật sư mới tạo điều kiện cho luật sư hành nghề có hiệu quả và phát huy vai trò của luật sư trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hình thức tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Điều 3 và Điều 17 của Pháp lệnh Luật sư, theo đó, luật sư có thể tự mình thành lập văn phòng luật sư của riêng mình, cùng với các luật sư khác thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh.

Văn phòng luật sư có thể do một hoặc một số luật sư thành lập.Văn phòng luật sư nếu do một luật sư thành lập thì luật sư đó là Trưởng Văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng.

Văn phòng luật sư nếu do một số luật sư thành lập thì các luật sư thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của Văn phòng. Các luật sư thành viên thoả thuận cử một luật sư làm Trưởng Văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Công ty luật hợp danh là hình thức tổ chức hành nghề luật sư do ít nhất 2 luật sư thành lập và chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của công ty. Công ty luật hợp danh chỉ gồm các thành viên hợp danh.

Việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của Công ty luật hợp danh được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Luật sư; trong trường hợp Pháp lệnh Luật sư không quy định thì tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

d.  Kết quả hoạt động từ khi ban hành Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cho đến nay.

 Tính đến ngày 31/5/2005, cả nước đã có 3418 luật sư, luật sư tập sự (trong đó 1883 luật sư có chứng chỉ hành nghề luật sư và 1535 luật sư tập sự). Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển có tính chất đột biến về số lượng luật sư, góp phần đáp ứng nhu cầu đã và đang tăng nhanh của xã hội về dịch vụ của luật sư. 

Về chất lượng đội ngũ luật sư, đại đa số luật sư là những người có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và có "tâm" trong hoạt động nghề nghiệp. Lần đầu tiên, các luật sư Việt Nam có bản Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Đây là một yếu tố quan trọng và bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ luật sư. Chất lượng đội ngũ luật sư đã được nâng lên một bước đáng kể theo hướng chính quy hoá, chuyên nghiệp hoá, mở ra triển vọng to lớn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, về chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay, còn một số vấn đề đáng quan tâm sau đây:

-  Về chuyên môn, đội ngũ luật sư hiện nay chưa thực sự là lực lượng tiêu biểu về trình độ am hiểu và nắm vững pháp luật. Bên cạnh đó, còn một bộ phận luật sư do chưa được đào tạo cơ bản về pháp lý hoặc do không thường xuyên tự học tập, nghiên cứu nên có biểu hiện non kém về trình độ pháp lý, do chưa được đào tạo tốt qua khâu dạy nghề và qua thực tế nên còn yếu về kỹ năng hành nghề.

- Về đạo đức, trong đội ngũ luật sư còn những biểu hiện tiêu cực về tư cách, đạo đức trong cuộc sống và trong đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín, sự tôn trọng, ngưỡng mộ của xã hội đối với các luật sư và nghề luật sư. Sở dĩ có những tiêu cực về đạo đức trong đội ngũ luật sư một phần là do chưa có cơ chế có hiệu quả để loại trừ những người kém về tư cách đạo đức khi kết nạp vào đội ngũ luật sư, mặt khác một bộ phận luật sư chưa có ý thức trách nhiệm cao về nghề của mình nên chưa thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, các Đoàn luật sư chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục tư cách đạo đức cho các luật sư.

Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư thì luật sư tiến hành hoạt động hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư (bao gồm Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, ngoài ra luật sư có thể làm thuê cho tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam). Quy định này của Pháp lệnh là phù hợp với nghề luật sư, đã xoá bỏ được những gò bó, hạn chế quyền tự do hành nghề của luật sư, mở ra một không gian rộng lớn phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của luật sư. Chính vì vậy, quy định này đã được các luật sư phấn khởi đón nhận. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm (tính dến 31/5/2005), các luật sư trong cả nước đã thành lập được 738 tổ chức hành nghề luật sư bao gồm 653 Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, 161 Văn phòng luật sư do một số luật sư thành lập, 5 Công ty luật hợp danh. Các tổ chức hành nghề luật sư còn lập được tổng cộng 149 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác, chủ yếu là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Về phân bố các tổ chức hành nghề luật sư tại các địa phương, thì số lượng lớn tổ chức hành nghề luật sư tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Hà Nội có 145 tổ chức hành nghề luật sư; TP. Hồ Chí Minh có 311 tổ chức hành nghề luật sư). Trong khi đó ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây nguyên nhiều nơi chỉ có 2-3 Văn phòng luật sư, có tỉnh chỉ có 01 Văn phòng luật sư. Ngoài ra, hiện đang có 24 luật sư và luật sư tập sự hành nghề trong tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Việc thành lập các tổ chức hành nghề luật sư đã tạo điều kiện mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, giúp cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tìm đến với dịch vụ của các luật sư.

Về phân bố lĩnh vực hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, trong số 738 tổ chức hành nghề luật sư chỉ có 5 Công ty luật hợp danh chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, còn lại đại bộ phận là các văn phòng luật sư hoạt động trong tất cả các lĩnh vực hành nghề luật sư, mà lĩnh vực chủ yếu là tham gia tố tụng. Điều này cho thấy tính chuyên môn hoá về lĩnh vực hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư còn rất hạn chế, mà nguyên nhân chính là phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư chưa thể tồn tại và phát triển được nếu chỉ chuyên thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực tham gia tố tụng hoặc tư vấn pháp luật.

`        Số tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp hoặc chủ yếu cung cấp dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế như đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế v.v.. còn chưa nhiều; trong đó chỉ có một số tổ chức hành nghề luật sư có khả năng thực hiện dịch vụ pháp lý cho các tổ chức kinh tế nước ngoài. Tuy nhiên, hầu như chưa có tổ chức hành nghề luật sư nào có khả năng độc lập thực hiện dịch vụ hoàn chỉnh cho một Dự án kinh tế lớn hoặc bảo vệ cho khách hàng trong những vụ kiện lớn mang tính chất quốc tế. Trong các vụ việc này, các tổ chức hành nghề luật sư thường phải dựa vào hoặc hợp tác với các hãng luật nước ngoài.

Theo quy định của Pháp lệnh Luật sư, thì dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Có thể nói, trên cơ sở những quy định ngày càng thông thoáng hơn của pháp luật cộng với sự nỗ lực của các luật sư, dịch vụ pháp lý của luật sư trong những năm qua đã tăng đáng kể về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng.

 Tham gia tố tụng vẫn là lĩnh vực hành nghề chủ yếu và có tầm quan trọng đặc biệt của các luật sư. Theo báo cáo của 49/62 Đoàn luật sư thì trong gần 4 năm, các luật sư đã tham gia tố tụng trong 28 270 vụ án hình sự, 14 683 vụ việc về dân sự, 865 vụ việc về kinh tế, 323 vụ việc về lao động, 522 vụ việc về hành chính. Trong việc tham gia tố tụng án hình sự thì tỷ lệ số việc bào chữa do công dân mời đang có chiều hướng tăng so với việc bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu theo quy định của pháp luật (trong số 28 270 vụ án hình sự mà luật sư tham gia bào chữa có 16.537 vụ việc luật sư bào chữa theo hợp đồng với khách hàng). Việc bào chữa cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được các luật sư tích cực tham gia và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về số lượng vụ việc. Đặc biệt ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên các luật sư chủ yếu chỉ tham gia bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Số lượng án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính v.v. mà luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng cũng tăng đáng kể so với những năm trước đây.

Về chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng đã được nâng lên một bước. Đa số các luật sư với tinh thần trách nhiệm cao trước khách hàng và trước pháp luật, đã cẩn trọng, tỉ mỉ từ khâu chuẩn bị như nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp bị can, bị cáo, đương sự, thu thập thêm chứng cứ, chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ v.v., đến khâu tham gia phiên toà. Đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự, theo nguyên tắc xét hỏi và tranh luận, các luật sư càng cẩn trọng và có trách nhiệm hơn trong việc chuẩn bị và tham gia phiên toà; điển hình là các vụ án xét xử Năm Cam và đồng bọn, vụ án xét xử Lã Thị Kim Oanh, vụ án xét xử Nguyễn Thị Thoa ở Thái Bình chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng, vụ án đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng làm chết 3 em học sinh ở Hà Nội v.v...Điều nổi bật trong các phiên toà xét xử theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW là phần tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên làm nhiệm vụ công tố. Đa số các luật sư đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quyền được tranh luận của mình, đưa ra những lập luận chặt chẽ, những câu chất vấn xác đáng với thái độ tôn trọng pháp luật, tôn trọng đối với kiểm sát viên, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác. Hoạt động tham gia tố tụng của các luật sư trong nhiều vụ án đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, góp phần bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Tuy nhiên trong hoạt động tham gia tố tụng còn những nhược điểm, tiêu cực cần được khắc phục. Còn có luật sư chưa có quan niệm đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của luật sư trong việc bào chữa cho bị can, bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến hiện tượng bằng mọi cách, kể cả biện pháp không theo quy định của pháp luật để bào chữa, bảo vệ cho khách hàng của mình. Còn có luật sư vì chạy theo đồng tiền, cố tình bảo vệ những quyền, lợi ích phi pháp, không chính đáng của khách hàng. Hiện tượng luật sư hứa hẹn với khách hàng về kết quả công việc để nhận thù lao cao vẫn xảy ra không ít, hiện tượng luật sư "chạy án" vẫn còn là mối băn khoăn, lo lắng của xã hội v.v. Tất cả những hiện tượng tiêu cực nêu trên trong việc tham gia tố tụng của luật sư, tuy không phải là phổ biến, nhưng đã phần nào gây mất lòng tin trong xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

Tư vấn pháp luật là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư, đặc biệt trong điều kiện nhu cầu về tư vấn pháp luật trong xã hội ngày càng tăng nhanh. Cũng theo báo cáo của 49/62 Đoàn luật sư thì trong gần 4 năm qua, hoạt động tư vấn pháp luật của các luật sư cũng có bước phát triển đáng kể.  Các luật sư đã thực hiện được 42.850 vụ việc về tư vấn pháp luật, đặc biệt đã thực hiện tư vấn miễn phí thông qua việc cộng tác với các trung tâm trợ giúp pháp lý và tại các văn phòng luật sư được 16.722 vụ việc. Ngoài việc tư vấn về các lĩnh vực truyền thống như hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình v.v.. các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực tư vấn về pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất.

 Chất lượng tư vấn pháp luật của các luật sư cũng đã được nâng cao một bước. Nhiều luật sư đã tham gia tư vấn cho những hợp đồng thương mại, những dự án đầu tư lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong nước và nước ngoài hài lòng và tin tưởng.

Tuy nhiên, mặc dù đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng hoạt động tư vấn pháp luật của các luật sư còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, và vẫn có thể được xem là khâu yếu cần được các luật sư chú trọng trong thời gian tới.

          2.2.2 Hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư nước ngoài.

Tư vấn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền và lợi ích, tạo sự yên tâm đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường vốn phát triển năng động.

Cùng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế quốc tế và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, của hoạt động kinh doanh trong nước, nhu cầu tư vấn với chất lượng cao về pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài và quốc tế ngày càng tăng và trở thành vấn đề bức xúc.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang bằng cách này hay cách khác sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật từ các tổ chức luật sư nước ngoài mà họ tin tưởng. Nhiều tổ chức luật sư nước ngoài đã và đang bày tỏ nguyện vọng được hành nghề tại Việt Nam để có thể tư vấn pháp luật cho khách hàng của mình một cách công khai và hợp pháp. Nguyện vọng đó là chính đáng và phù hợp với chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư của Việt Nam. Ngày 8/7/1995 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/CP kèm theo Quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam cho phép luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam. Sau một thời gian thực hiện, một số quy định của Quy chế tỏ ra bất cập, vì vậy ngày 10/11/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/1998/CP về hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam thay thế Nghị định số 42/CP.

Trong những năm qua, kể từ khi cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam có thể thấy rằng việc hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam. Các Chi nhánh đã tham gia tư vấn pháp luật cho rất nhiều dự án lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, khu chế xuất hoặc về vốn vay, cơ cấu lại nợ… Trong hoạt động nghề nghiệp, các Chi nhánh đã hợp tác với tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của Việt Nam và thông qua sự hợp tác này mà luật sư Việt Nam có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của luật sư nước ngoài. Các Chi nhánh còn tiếp nhận và giúp đào tạo nghề cho các cử nhân luật tại Chi nhánh hoặc gửi đi nước ngoài đào tạo.

Với mục đích tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam, thay thế Nghị định số 92/1998/NĐ-CP sau 5 năm thực hiện.

Nghị định số 87/2003/NĐ-CP và Thông tư số 06/2003/TT-BTP với những quy định khá đầy đủ và rõ ràng, ban hành kèm theo nhiều biểu mẫu chi tiết đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài trong hoạt động hành nghề tại Việt Nam và phục vụ thiết thực cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như địa phương. Ngoài hình thức hiện diện là Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài, hiện nay đã có 1 Công ty luật nước ngoài được cấp phép hành nghề (Bộ Tư pháp hiện đang xem xét hồ sơ của 01 tổ chức luật sư nước ngoài khác xin phép thành lập Công ty luật nước ngoài tại Việt Nam). Theo Báo cáo số 1795/BC-TP ngày 3/12/2004 của Bộ Tư pháp, trong cả nước có 1 Công ty luật nước ngoài, 37 Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài (19 Chi nhánh tại Hà Nội và 18 Chi nhánh tại T.P Hồ Chí Minh). Số tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được phân bổ theo quốc tịch cụ thể như sau:

  • Cộng hòa Pháp:           8 Chi nhánh;
  • Hoa Kỳ:                       8 Chi nhánh;
  • Anh:                            5 Chi nhánh;
  • Australia:                     4 Chi nhánh và 1 công ty luật;
  • Hồng Kông:                 4 Chi nhánh;
  • Thái Lan:                     2 Chi nhánh;
  • Singapore:                     5 Chi nhánh;

-    Italia:                           1 Chi nhánh.

Hiện nay, số luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề tại Việt Nam là 77, số luật sư Việt Nam được các Chi nhánh thuê là 5, luật sư Việt Nam tập sự là 21, số nhân viên lao động Việt Nam là khoảng 170 người.

Thực hiện quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP, Bộ Tư pháp xem xét và cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho các luật sư nước ngoài đã hành nghề trước đây và một số luật sư nước ngoài lần đầu vào hành nghề tại Việt Nam, cấp Giấy phép cho 02 tổ chức luật sư nước ngoài, hướng dẫn hồ sơ và giải quyết nhiều trường hợp xin thay đổi nội dung giấy phép. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo và ban hành văn bản hướng dẫn chế độ thu lệ phí trong lĩnh vực hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam, điều chỉnh mức thu lệ phí nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài. Theo quy định của Nghị định số 87/2003/NĐ-CP, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế trong mọi lĩnh vực, không còn bị hạn chế trong một số lĩnh vực như trước đây (đầu tư, kinh doanh, thương mại). Nhiều chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã có số lượng đáng kể khách hàng nước ngoài đang thực hiện đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, ngoài các khách hàng truyền thống, các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều khách hàng tại Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Số chi nhánh hoạt động có hiệu quả chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, nơi có môi trường kinh doanh và đầu tư sôi động hơn so với Hà Nội, với số lượng vụ việc ở mức ổn định, khoảng từ 20 đến 100 vụ việc hàng năm, trong đó khách hàng nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài tham gia ngày càng nhiều và có chất lượng trong việc tư vấn cho một số dự án lớn của Chính phủ Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, dầu khí, viễn thông); đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài (ví dụ, vụ kiện bán phá giá cá da trơn tại Mỹ,…); cơ cấu lại nợ, vốn vay của Chính phủ; đại diện tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ tài sản của Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài, cũng như đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong một số vụ việc khác v.v... Một số Bộ, ngành và Tổng công ty lớn của Việt Nam (Bộ Công nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Thép Việt Nam ...) đã trở thành khách hàng thường xuyên của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài. Trong hoạt động hành nghề, nhiều Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã tạo được uy tín và chiếm được lòng tin của các khách hàng nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như của khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, do chi phí ban đầu lớn nên hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh chưa cao, số Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài hoạt động có lãi chiếm tỷ lệ còn thấp.

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng có thể khẳng định, hoạt động hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng:

Với sự hiện diện tại Việt Nam và trực tiếp tham gia tư vấn cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã tạo tâm lý tin cậy và an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn ở Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng trong việc thu hút và  thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thành công cho nhiều dự án lớn tại Việt Nam trong một số lĩnh vực trọng điểm như: xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, dầu khí, viễn thông ...

Trong hoạt động hành nghề, các Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của Việt Nam (Văn phòng luật sư, Công ty luật), qua đó, giúp các luật sư Việt Nam có thêm cơ hội học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng hành nghề tư vấn pháp luật chuyên nghiệp và ở phạm vi quốc tế, cũng như trình độ về quản lý.

 Các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã chủ động tiếp nhận và tích cực đào tạo một số luật sư tập sự, cử nhân luật Việt Nam tập sự hành nghề. Đây là một nguồn nhân lực trẻ, giỏi và năng động, tạo cơ sở để phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong tương lai ngày càng thông thạo ngoại ngữ, nắm vững kiến thức và kỹ năng hành nghề luật quốc tế.

 Các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cũng tích cực hợp tác với cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong một số lĩnh vực: giúp đỡ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ luật sư Việt Nam; chủ trì tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm; tham gia nghiên cứu khoa học pháp lý, đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản pháp luật quan trọng; cấp học bổng cho sinh viên luật; tài trợ cho một số đoàn nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài... Một số luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (đặc biệt là các luật sư Anh, Pháp, Hoa Kỳ) cũng có đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, thương mại, tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp của Việt Nam; tham gia không thu phí nhằm hỗ trợ thi hành Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài,  thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại, kinh tế giữa Việt Nam với các nước. Ngoài ra, các Chi nhánh và luật sư nước ngoài còn tham gia một số hoạt động thiện chí và từ thiện gây quỹ ủng hộ do các cơ quan, tổ chức của Việt Nam phát động.

Ngoài những kết quả đạt được nói trên, hoạt động của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài cũng còn có một số khó khăn, hạn chế. Mặc dù tình hình đầu tư trong nước và khu vực đang được cải thiện, nhưng số lượng dự án đầu tư và khách hàng nước ngoài gần như không tăng lên dẫn đến khối lượng công việc còn ít và hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài chưa thực sự sôi động. Từ năm 2002 đến nay, có 05 Chi nhánh xin tạm ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Tuy nhiên, 01 Chi nhánh trong số đó đã xin cấp phép mới và hoạt động trở lại. Trong số các Chi nhánh còn lại, để duy trì và củng cố hoạt động tại Việt Nam, nhiều Chi nhánh đã phải thu hẹp quy mô văn phòng, giảm số lượng nhân viên để giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng cường mối liên hệ công việc với văn phòng ở các nước khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, kiên trì chờ đón cơ hội mới.

Cho đến nay chưa có trường hợp vi phạm nào của các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài phải xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng một số Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài chưa thực hiện thật đầy đủ và nghiêm minh các quy định hiện hành như: chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (thông báo thay đổi địa điểm, thay đổi nhân viên lao động ...); chậm trễ hoặc thực hiện không đầy đủ việc báo cáo theo định kỳ; không duy trì thường xuyên luật sư nước ngoài làm việc tại Chi nhánh. Hoạt động hợp tác đối với các cơ quan của Chính phủ còn chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng của các tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

2.2.3. Hoạt động dịch vụ pháp lý của tổ chức, đoàn thể.

Cùng với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường, nhu cầu phát triển hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật thực sự là một nhu cầu khách quan và ngày càng cấp thiết.

 Trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều đã nêu rõ những quan điểm về đổi mới tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và luật sư, tư vấn pháp luật nói riêng, trong đó nêu rõ là cần căn cứ vào đặc điểm kinh tế xã hội và đội ngũ luật sư nước ta mà xác định phạm vi thích hợp hoạt động tư vấn pháp luật của Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, trước hết chú trọng tổ chức tư vấn pháp luật của Nhà nước, của các đoàn thể.

Hoạt động tư vấn pháp luật của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong thời gian qua đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp đỡ pháp lý cho cá nhân và tổ chức trong việc nắm vững và chấp hành pháp luật. Nhìn chung hoạt động tư vấn pháp luật này mang ý nghĩa chính trị, chứ không phải là một nghề dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó có không ít Văn phòng tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội với mục đích sinh lợi là chủ yếu, hoạt động không khác gì một Văn phòng luật sư chuyên nghiệp. Nội dung tư vấn pháp luật mà các Văn phòng tư vấn pháp luật này đang thực hiện chủ yếu là hướng dẫn, giải đáp pháp luật dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, lao động...

Trước khi có Nghị định 65/2003/NĐ- CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật, thì trên toàn quốc hiện có 69 cơ sở tư vấn pháp luật trực thuộc các tổ chức như Hội Luật gia (51 Văn phòng tư vấn pháp luật thuộc Hội luật gia các cấp – chiếm 74%), Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội đồng Liên minh các hợp tác xã, Hiệp hội Công thương (sau đây gọi chung là các tổ chức xã hội). Các văn phòng tư vấn pháp luật phần lớn tập trung ở Hà Nội và  TP. Hồ Chí Minh (13 tại Hà Nội và 24 tại TP. Hồ Chí Minh).

Hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội kể trên đã huy động được khoảng 400 chuyên viên tư vấn và một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên là những luật gia, luật sư. Các văn phòng tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã và Hiệp hội Công thương chủ yếu thực hiện tư vấn pháp luật cho các đối tượng là thành viên của mình và trong các lĩnh vực pháp luật có liên quan. Các Văn phòng tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, Mặt trận Tổ quốc thực hiện tư vấn trên tất cả các lĩnh vực pháp luật và cho mọi đối tượng.

Các Văn phòng tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn dưới hình thức bằng miệng hoặc bằng văn bản, qua điện thoại và tư vấn tại nhà. Đa số các Văn phòng tư vấn pháp luật đều kết hợp nhận làm các dịch vụ hành chính như đánh máy, dịch thuật, in ấn, photocopy... Một số chuyên viên tư vấn của Hội Luật gia cũng nhận bào chữa trước Toà khi khách hàng nhờ và được Toà án chấp thuận. Một số Văn phòng tư vấn pháp luật có tổ chức hội thảo chuyên đề, tham gia viết đề tài, viết báo v.v.

Có một số Văn phòng tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật hoàn toàn miễn phí cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách và phụ nữ, trẻ em. Các Văn phòng còn lại đều thu phí khi tư vấn. Nhìn chung, mức phí thu là thấp và không thống nhất. Đa số các Văn phòng tư vấn pháp luật hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Trong thời gian qua, với lưu lượng khách hàng thấp và số thu ít, doanh thu chỉ đủ duy trì hoạt động của Văn phòng nên các Văn phòng trên được miễn nộp thuế. Một số ít Văn phòng tư vấn pháp luật mà hầu hết tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh có số thu cao nên có thực hiện nghĩa vụ thuế.

 Ngày 11/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển, mở rộng loại hình tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội), bảo đảm sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này.

Hoạt động tư vấn pháp luật được điều chỉnh bởi Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận, trước tiên, nhằm phục vụ nhu cầu về tư vấn pháp luật của thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu về tư vấn pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong quan hệ đời sống hàng ngày.

Tổ chức xã hội có đủ điều kiện thì được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổ chức xã hội cấp tỉnh và cấp trung ương được quyết định thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổ chức xã hội thực hiện quản lý hoạt động tư vấn pháp luật theo Điều lệ do tổ chức ban hành, đảm bảo hoạt động tư vấn pháp luật đúng mục đích và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình về hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập.

Việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật phải tuân thủ các điều kiện : có ít nhất 3 tư vấn viên pháp luật có đủ điều kiện; có địa điểm riêng để giao dịch và làm việc. Sau khi có quyết định thành lập của tổ chức chủ quản, Trung tâm tư vấn pháp luật phải thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp của địa phương, nơi đóng trụ sở.

 Về phạm vi hoạt động, Trung tâm không được nhận thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, tổ chức chủ quản có thể cử tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của tổ chức mình hoặc các đối tượng khác theo quy định của pháp luật tố tụng, khi đó tư vấn viên pháp luật không được lấy danh nghĩa là tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật.

Khi đã bảo đảm thực hiện đầy đủ yêu cầu tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng là thành viên, người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu phí từ các đối tượng khác theo nguyên tắc tự trang trải. Biểu phí tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản quy định, nhưng không được vượt quá mức trần quy định tại Nghị định 65/NĐ-CP, không được trái với các quy định của pháp luật về phí và phải được niêm yết công khai tại Trung tâm tư vấn pháp luật. Trung tâm tư vấn pháp luật phải thực hiện chế độ kế toán, tài chính theo quy định của pháp luật và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức chủ quản và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thu, chi tài chính.

Thực tế hiện nay kinh phí của các tổ chức xã hội nhìn chung còn hạn hẹp, nếu phải thêm khoản chi sẽ rất khó khăn. Việc cho thu phí sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, đồng thời để các tổ chức không phải xin thêm kinh phí từ ngân sách nhà nước. Như vậy, việc quy định hoạt động tư vấn pháp luật này có thu phí là hợp lý và đã thể hiện rõ định hướng của hoạt động tư vấn pháp luật, ngoài việc tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên của tổ chức mình, cho người nghèo và đối tượng chính sách, Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật có thu phí đối với các đối tượng khác nhằm mục đích tự trang trải cho hoạt động của Trung tâm. Để tránh tuỳ tiện, tiêu cực có thể nảy sinh, Nghị định đã quy định cụ thể mức phí tối đa rất thấp (từ mức 50.000 đ/vụ việc đến mức 200.000đ/vụ việc), đồng thời quy định chế độ giám sát, kiểm tra chặt chẽ về kế toán, tài chính.

Hoạt động tư vấn pháp luật là hoạt động chuyên môn đặc thù, đòi hỏi các tư vấn viên pháp luật cũng như cộng tác viên pháp luật đều phải có trình độ pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng tư vấn và tư cách đạo đức.

Nhiều địa phương đã có thuận lợi trong việc củng cố tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật do được sự quan tâm chỉ đạo của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, sự phối hợp thực hiện của Sở Tư pháp và các ban, ngành. Chính quyền địa phương nhận thức rõ vai trò của hoạt động tư vấn pháp luật này và tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật. Cho đến 31/12/2004, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có 20 Trung tâm tư vấn pháp luật được đăng ký hoạt động tại các địa phương. Các Trung tâm tư vấn pháp luật này trực thuộc Liên đoàn Lao động, Hội Luật gia, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thành phố.

Do tính chất đặc thù của từng tổ chức xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự của mỗi tổ chức là khác nhau, và nhu cầu tư vấn pháp luật cũng khác nhau. Hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật dù độc lập nhưng vẫn rất cần có sự hỗ trợ ban đầu cũng như sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của tổ chức chủ quản. Hiện nay, số Trung tâm tư vấn pháp luật đã được đăng ký hoạt động trên cả nước vẫn tập trung chủ yếu vào hệ thống cơ sở của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam.

Tuy vậy, vẫn có tình trạng ở một số địa phương, Sở Tư pháp khá thụ động, chưa tích cực phối hợp với các tổ chức xã hội cùng cấp để đôn đốc việc chuyển đổi, hướng dẫn các thủ tục, hoặc chưa khẩn trương tiến hành đăng ký hoạt động cho các Trung tâm tư vấn pháp luật.  

2.2.4. Hoạt động trợ giúp pháp lý.

a. Hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý.

Theo Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp; Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp. Cục Trợ giúp pháp lý có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trong phạm vi toàn quốc; trực tiếp thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý khi cần thiết và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật

Trung tâm Trợ giúp pháp lý có các nhiệm vụ và quyền hạn: Thực hiện trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, hoà giải, đại diện, bào chữa và kiến nghị) cho các đối tượng theo các lĩnh vực pháp luật sau đây: Hình sự và tố tụng hình sự; dân sự - hôn nhân gia đình và tố tụng; hành chính và khiếu nại, tố cáo; đất đai và nhà ở; lao động, việc làm và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trợ giúp pháp lý; quản lý, theo dõi hoạt động trợ giúp pháp lý của cộng tác viên của Trung tâm; đề xuất, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tế được phát hiện trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chuyên viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý; đề xuất việc khen thưởng cho tập thể, cá nhân của Trung tâm có thành tích trong công tác; quản lý cán bộ, công chức, tài chính và cơ sở vật chất của Trung tâm theo phân cấp của Giám đốc Sở Tư pháp.

Thực hiện Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, các Trung tâm đã thành lập mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở theo hình thức Chi nhánh, Tổ trợ giúp pháp lý hoặc Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã. Chi nhánh hoặc tổ trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý đối với những vụ việc đơn giản, ít thời gian hoặc chỉ liên quan một lĩnh vực pháp luật cho đối tượng ở địa bàn huyện, xã. Việc thành lập mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý ở cơ sở sẽ giúp đối tượng thuận tiện hơn khi đến với tổ chức trợ giúp pháp lý, vừa nhanh chóng, vừa đỡ tốn kém cho đối tượng.

Hiện nay, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp Trung ương có Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp ; ở cấp tỉnh có 63/64 Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Riêng tỉnh Lai Châu mới được chia tách chưa có Quyết định thành lập Trung tâm); 52 Chi nhánh, 553 Tổ trợ giúp pháp lý thuộc các Trung tâm đặt tại Phòng Tư pháp cấp huyện và Ban Tư pháp cấp xã. Một số tỉnh thành lập thí điểm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cho phép cộng tác viên được trợ giúp pháp lý cho đối tượng tại nhà riêng, tạo điều kiện nhân dân dễ tiếp cận, kịp thời giải toả các vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở. Các tổ chức trợ giúp pháp lý trong toàn quốc có 556 chuyên viên trợ giúp pháp lý. Đa số các Trung tâm có từ 4 - 5 chuyên viên trợ giúp pháp lý, một số Trung tâm có 7 - 10 biên chế như: Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau, Lâm Đồng, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số Trung tâm chưa có đủ biên chế, chỉ có 2 đến 3 người như: Phú Yên, Quảng Nam, Ninh Bình, Nam Định… Nhìn chung, đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng, chưa tương xứng với nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày một tăng của nhân dân. Một số Trung tâm sắp xếp cán bộ không ổn định, thường xuyên bị thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động. Để khắc phục tình trạng này, Cục Trợ giúp pháp lý và tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp được sử dụng cộng tác viên. Cộng tác viên là những người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm cuộc sống, công tác tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách dưới các hình thức tư vấn pháp luật, đại diện hoặc bào chữa, tuỳ thuộc vào năng lực, nghề nghiệp và điều kiện của họ. Việc quy định các tổ chức trợ giúp pháp lý được sử dụng cộng tác viên nhằm khắc phục những hạn chế về biên chế của các tổ chức trợ giúp pháp lý, đồng thời huy động đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề thành thạo tham gia trợ giúp pháp lý để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của nhân dân.

Sau gần 7 năm triển khai hoạt động, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương. Đến hết năm 2003, trong toàn quốc đã có 6.464 cộng tác viên trợ giúp pháp lý (bình quân mỗi tổ chức trợ giúp pháp lý có 100 cộng tác viên), trong đó có 1.287 cộng tác viên cấp tỉnh và 1.623 cộng tác viên cấp huyện, còn lại là cộng tác viên cấp xã. Trung tâm có số cộng tác viên lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh: 718 người, Cần Thơ: 201 người, Hà Nội: 193 người, Quảng Trị: 189 người,… Tuy nhiên, vẫn còn một số Trung tâm có ít cộng tác viên như Quảng Ngãi: 16 người, Phú Yên: 16 người,... Đội ngũ cộng tác viên trong thời gian qua không ngừng phát triển và tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí một cách tích cực và có hiệu quả. Trong tổng số vụ việc, số vụ việc do cộng tác viên thực hiện chiếm 48,3%, đặc biệt hầu hết các vụ đại diện, bào chữa là do các cộng tác viên là luật sư đảm nhiệm.

b. Đối tượng trợ giúp pháp lý là những người có đủ điều kiện được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, bao gồm: người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác.

Người nghèo chiếm phần lớn trong tổng số đối tượng đã được trợ giúp pháp lý. Theo thống kê, ở Việt Nam, năm 2002 - 2003 có khoảng 12% người nghèo. Tính riêng năm 2002, trong tổng số 68.255 đối tượng được trợ giúp pháp lý có 31.243 người nghèo (chiếm 45,7%)[69].

 Đối tượng chính sách là những người tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945; người có công giúp đỡ cách mạng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên; vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sỹ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định về diện đối tượng người có công ở một vài nơi còn chưa thống nhất. Theo quy định chỉ có thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên mới thuộc diện được trợ giúp, nhưng trên thực tế, tất cả các thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 21% trở lên đều được các tổ chức trợ giúp pháp lý giúp đỡ miễn phí.

Cũng theo quy định của pháp luật, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo mới thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong thực tiễn, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số không phân biệt nơi cư trú khi đến với các tổ chức trợ giúp pháp lý đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý giúp đỡ pháp lý miễn phí.

Các đối tượng, loại việc được miễn án phí quy định tại khoản 1 Điều 13, điểm a, b khoản 1 Điều 26; điểm a, c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Toà án cũng được trợ giúp pháp lý miễn phí, đó là: Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên ngoài giá thú; người đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; người đòi bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự và vụ án hành chính mà yêu cầu không được Toà án chấp nhận; người khiếu nại về danh sách cử tri; người lao động đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người lao động đòi bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; thương binh, bố, mẹ liệt sỹ, người có công với cách mạng khiếu kiện về các quyết định hành chính, hành vi hành chính; người khiếu kiện về các quyết định hành chính về buộc thôi việc và trưng dụng, trưng mua tài sản, tịch thu tài sản.

 Người nước ngoài cũng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí tại Việt Nam theo Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết giữa Việt Nam và nước đó nếu trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý miễn phí. Hiện nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Pháp, trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân của nước ký kết.

Ngoài ra, trong khuôn khổ một số dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, một số đối tượng đặc thù như: trẻ em, người tàn tật, người di cư, người già cô đơn, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của tội phạm buôn bán phụ nữ cũng là những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

c. Phạm vi trợ giúp pháp lý.

Phạm vi trợ giúp là những lĩnh vực hoạt động dịch vụ pháp lý mà pháp luật cho phép các tổ chức trợ giúp pháp lý (chuyên viên và cộng tác viên) thực hiện, bao gồm: tư vấn, hòa giải, đại diện, bào chữa và kiến nghị. Bên cạnh đó, các tổ chức trợ giúp pháp lý đều tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp bằng các phương thức khác nhau: giải đáp, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin pháp lý, phát tờ gấp pháp luật, tổ chức nói chuyện pháp luật v.v.

Từ năm 1998 đến hết năm 2003, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện được 396.914 vụ việc cho 412.174 lượt đối tượng, trong đó vụ việc về đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự là 5.700 vụ (1,43%), bào chữa 14.280 vụ (3,60%), tư vấn 365.699 vụ (92,14%), kiến nghị 4.965 vụ (1,25%), hòa giải 6.270 vụ (1,58%). Riêng trong năm 2003, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 122.327 vụ việc, trong đó có 106.216 vụ tư vấn pháp luật; 2.449 vụ kiến nghị; 2.772 vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đương sự; 8.853 vụ cử luật sư bào chữa và 2.037 vụ hoà giải cho 126.375 lượt người, trong đó có 40.320 người nghèo; 21.984 đối tượng chính sách; 22.421 người dân tộc; 6.920 trẻ em, còn lại là các đối tượng khác[70]. Các vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp luật dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai - nhà ở, hành chính, khiếu nại, tố cáo, hình sự, lao động và chế độ chính sách. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến giảm lòng tin của đối tượng đối với pháp luật của Nhà nước đã được các tổ chức trợ giúp pháp lý hướng dẫn giải quyết dứt điểm, giải toả những vướng mắc pháp luật góp phần giảm bớt khiếu kiện trong nhân dân.

d. Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.

Có thể nói, hoạt động trợ giúp pháp lý (thực chất là hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí) đã góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tạo lập cơ chế thực hiện nguyên tắc hiến định: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội; góp phần giữ vững và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí trong thời gian qua đã chứng minh, việc thành lập và phát triển dịch vụ pháp lý miễn phí ở nước ta là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo cơ chế giúp đỡ pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Dịch vụ pháp lý miễn phí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động dịch vụ pháp lý nói chung và dịch vụ pháp lý miễn phí nói riêng còn có một số khó khăn sau và tồn tại đây:

- Nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ;

- Hệ thống pháp luật về dịch vụ pháp lý miễn phí, đặc biệt trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh toàn diện các quan hệ trợ giúp pháp lý phát sinh;

- Đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giúp đỡ pháp lý của nhân dân;

- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và kinh phí hoạt động còn nghèo nàn và thiếu thốn;

- Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí;

- Pháp luật quy định về đối tượng được hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí còn hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;

- Vấn đề xác nhận người nghèo cho đối tượng nghèo còn thể hiện phiền hà và không công bằng:

- Hệ thống tổ chức dịch vụ pháp lý nói chung và dịch vụ pháp lý miễn phí nói riêng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giúp đỡ pháp lý của nhân dân.

Nhìn chung, tổ chức và hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được nhu cầu giúp đỡ pháp lý phong phú, đa dạng và ngày một tăng của nhân dân. Hoạt động này cần được đổi mới để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

2.2.5. Hoạt động  dịch vụ pháp lý khác.

a. Dịch vụ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.

Khác với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án và trọng tài, hoà giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (Alternative Dispute Resolution – ADR). Hoà giải được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó, phải có sự tham gia của một bên trung lập thứ ba (hoà giải viên). Hai hoặc nhiều bên tranh chấp phải tự quy định hoặc yêu cầu hoà giải viên tự quy định các thủ tục tiến hành hoà giải hoặc lựa chọn một quy tắc hoà giải mẫu của một tổ chức hoà giải thường xuyên để áp dụng. Hoà giải viên phải tìm hiểu mong muốn của các bên, đưa ra lời khuyên và giúp các bên đạt được điều cần phải có là cả hai bên đều được hài lòng về kết quả bởi không có sự hài lòng này thì không thể có thoả thuận chính thức về hoà giải thành. Nếu một trong các bên tranh chấp không hài lòng về những điều đã diễn ra, bên này sẽ không tiếp tục tham gia, không ký vào biên bản hòa giải, tuyên bố chấm dứt hoà giải và có thể chuyển sang áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Cũng như thương lượng trực tiếp, phương thức hoà giải có các ưu thế nhất định, thường được sử dụng khi việc giải quyết bằng thương lượng trực tiếp giữa các bên đã không thành nhưng các bên vẫn mong muốn kiểm soát được quá trình giải quyết tranh chấp một cách tốt nhất, giữ bí mật và uy tín thương mại, tiếp tục giữ được quan hệ kinh doanh, tiết kiệm thời gian và chi phí (phí hoà giải tại ICC chỉ bằng một phần tư phí trọng tài). Mặc dù hoà giải là việc chuyển tranh chấp sang cho người thứ ba giải quyết, các bên vẫn tiếp tục kiểm soát quá trình này thông qua các quy định như tự xây dựng, lựa chọn hoặc sửa đổi, bổ sung các quy tắc hoà giải, có quyền chấm dứt hoà giải. Nếu hoà giải không thành, các bên vẫn có thể có quyền lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài hoặc Tòa án. Các ưu thế này đã giải thích tại sao hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp phát triển tương đối nhanh và được ưa chuộng trong thời đại toàn cầu hoá kinh tế hiện nay. Hoà giải sẽ là phương thức bắt buộc khi các bên có thoả thuận như vậy trong hợp đồng (thường là điều khoản giải quyết tranh chấp) hoặc bằng một thoả thuận hoà giải riêng biệt. Hoà giải là bắt buộc trong trường hợp pháp luật có quy định. Ví dụ, trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế tại Việt Nam thì hoà giải phải là thủ tục bắt buộc trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử[71]. Tuy nhiên, tại Luật Thương mại năm 1997, hoà giải được quy định như là một phương thức khuyến nghị; Điều 32 quy định: "Các bên tranh chấp có thể thoả thuận chọn một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân làm trung gian, hoà giải". Pháp luật của nhiều nước cũng không có quy định bắt buộc, thậm chí ngay cả khi các bên thoả thuận trước là vụ tranh chấp phải được giải quyết bằng hoà giải trước khi đem ra Tòa án. Trong trường hợp này, Tòa án một số nước đã không công nhận thoả thuận hoà giải này như là một thoả thuận bắt buộc. Các Tòa án này vẫn thụ lý và xét xử vụ kiện ngay cả khi có một bên phản đối vì bên kia đã không giải quyết tranh chấp trước hết bằng hoà giải. Tuy nhiên ở đây có hai vấn đề cần bàn thêm. Một là, pháp luật không nên quy định hoà giải như là một phương thức bắt buộc; Hai là, khi các bên đã tự nguyện cam kết buộc phải hoà giải trước khi xét xử bằng Tòa án hoặc trọng tài, thì Tòa án hoặc trọng tài cần phải buộc các bên thực hiện cam kết này.

b. Dịch vụ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR), trọng tài và Tòa án là các phương thức giải quyết bằng tài phán, có bản án (Tòa án), có quyết định trọng tài (trọng tài). Cả bản án và quyết định trọng tài đều có hiệu lực pháp luật, được cưỡng chế thực hiện. Tuy nhiên, khác với Tòa án, trọng tài là phương thức xét xử "tư" (private), các trọng tài viên chủ yếu là các nhà chuyên môn kinh tế, pháp lý… Tố tụng trọng tài thường gồm các chế định liên quan đến luật công (nhất là trong các quy định về phạm vi thẩm quyền, về vai trò của Tòa án hỗ trợ và giám sát trọng tài, về hiệu lực pháp lý của các quyết định trọng tài), đồng thời có rất nhiều quy định để các bên tự do thoả thuận (lựa chọn hình thức trọng tài; Tổ chức Trọng tài, Trọng tài viên, thủ tục tố tụng, thời hạn, điều kiện thực hiện…) trong đó các bên được quyền tự quyết tối đa, định ra "luật tố tụng" để các Hội đồng Trọng tài tuân thủ khi giải quyết.

Phương thức Trọng tài có các ưu điểm như giải quyết nhanh, linh hoạt, tạo tối đa quyền tự do định đoạt của các bên, giải quyết không công khai, do các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín giải quyết. Trong các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên còn được quyền tự do lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ, pháp luật áp dụng, Trọng tài viên… Trọng tài đã được cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới hay sử dụng. Ở Việt Nam, do những nguyên nhân khách quan, Trọng tài chưa được phát triển đúng với vai trò của nó trong một nền kinh tế thị trường. Một trong những nguyên nhân đó là do trong một thời gian khá dài, pháp luật Trọng tài của Việt Nam không được hoàn thiện, cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Tòa án và Trọng tài không được thiết lập. Điều này dẫn đến sự mai một của Trọng tài. Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 đã xác lập khung pháp lý cho hoạt động Trọng tài bao gồm cả Trọng tài adhoc lẫn Trọng tài thường trực, Trọng tài giải quyết các tranh chấp trong nước lẫn Trọng tài giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Pháp lệnh cũng đã xác lập cơ chế hỗ trợ, giám sát của Tòa án đối với Trọng tài. Về cơ bản, Pháp lệnh này tương đối phù hợp với thực tiễn Trọng tài Thương mại Quốc tế, ghi nhận một bước phát triển pháp luật theo hướng phát huy quyền tự do trong kinh doanh, đồng thời từng bước hoàn thiện khung pháp luật tương thích với hệ thông pháp luật thương mại quốc tế.

Các dịch vụ pháp lý trong phương thức trọng tài gồm các dịch vụ do trọng tài viên thực hiện; dịch vụ đại diện cho các bên trong vụ tranh chấp; một số dịch vụ khác như giám định, thư ký… do các tổ chức, cá nhân thực hiện. Dịch vụ đại diện pháp lý của các bên thông thường do các luật sư, luật gia hoặc bất kỳ ai mà các bên tín nhiệm để làm đại diện cho các bên tham gia tố tụng trọng tài, kể cả tham gia thương lượng, hoà giải. Dịch vụ này như đã nêu ở trên, cũng phải được quy định theo hướng tôn trọng quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp để họ được quyền lựa chọn bất kỳ ai đủ năng lực theo ý họ làm đại diện cho họ. Tuy nhiên, trong các vụ tranh chấp trong nước, quyền của các bên cử đại diện là luật sư người nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài hiện nay chưa có quy định. Tuy nhiên, với việc Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, việc để người nước ngoài là đại diện của một bên trong các tranh chấp trong nước, thiết nghĩ, cũng là điều nên chấp nhận. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, các công ty Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều được quyền mời người nước ngoài làm các chức danh quản lý (trong đó có Tổng giám đốc). Trong các vụ trọng tài giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, có thể có luật sư nước ngoài tham gia với tư cách là người đại diện cho một bên. Điều này sẽ giúp trọng tài Việt Nam có thêm tính minh bạch, khách quan, khuyến khích các bên nước ngoài chọn trọng tài Việt Nam giải quyết tranh chấp.

c. Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng hình thành và phát triển khá mạnh mẽ. Về dịch vụ sở hữu công nghiệp, ở nước ta đã hình thành một mạng lưới 19 Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp với hơn 60 người đại diện sở hữu công nghiệp có trình độ và kinh nghiệm cũng như quan hệ quốc tế đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về sở hữu công nghiệp nên lĩnh vực dịch vụ này có điều kiện phát triển, đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập. Trong khi đó, chúng ta lại chưa tham gia bất kỳ một Hiệp ước đa phương nào về bản quyền tác giả và mới chỉ ký Hiệp định song phương với Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Điều này khiến các tác phẩm của phần lớn các nước (ngoại trừ Hoa Kỳ và Thụy Sĩ) không được bảo hộ tại Việt Nam và tương ứng các tác phẩm của Việt Nam cũng không được bảo hộ tại các nước đó. Chính vì lẽ đó, mà dịch vụ pháp lý về bản quyền tác giả cũng chưa được phát triển với một vài Tổ chức đại diện quyền tác giả vốn đã là các Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhu cầu dịch vụ về sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển. Số liệu thống kê chính thức về tình hình nộp đơn và đăng ký sở hữu công nghiệp trong những năm gần đây của Cục Sở hữu công nghiệp minh họa rất rõ điều này. Số liệu thống kê chính thức của Cục Bản quyền tác giả cũng cho thấy tình trạng tương tự trong lĩnh vực bản quyền tác giả.

Hình thức vi phạm chủ yếu là các đơn vị, tổ chức sử dụng tác phẩm của người khác và một số Đài truyền hình tự ý thu, biên dịch một số phim truyện nước ngoài để phát sóng lại không có thỏa thuận trước với chủ sở hữu bản quyền. Một số trường hợp khiếu nại liên quan đến sản xuất chương trình băng, đĩa ca nhạc không ghi tên tác giả đầy đủ. Thậm chí có nhiều vụ tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại Tòa án các cấp.

Trong khi đó, tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò to lớn và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta. Báo cáo đặc biệt 301 được Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) lập hàng năm nhằm để tổng kết tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền thuộc về các công dân và doanh nghiệp Mỹ, ở thị trường các nước. Trong Báo cáo này, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các nước cần được theo dõi, tức là tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức độ phía Mỹ mong muốn. Theo Báo cáo này, mức độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn yếu, các hiện tượng vi phạm vẫn chưa hạn chế được. Mặc dù Việt Nam đã tăng cường các biện pháp hành chính  chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong những năm vừa qua, nhưng việc thực thi hiệu quả vẫn chỉ là ngoại lệ chứ chưa phải là nguyên tắc.Theo dự đoán của của các ngành công nghiệp có liên quan, đến 100% số đĩa nhạc CD, VCD và DVD là đĩa vi phạm. Hiện tượng vi phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa cũng rất phổ biến, ví dụ: tất cả các hàng dệt may và các mặt hàng khác mang trái phép các dạng khác nhau của các nhãn hiệu nổi tiếng đều có mặt ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đã có một số tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các điều khoản chính về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, có hiệu lực từ tháng 12 năm 2001. Theo Hiệp định này, Việt Nam cam kết xây dựng chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng các biện pháp bảo đảm thực thi quyền, phù hợp với Thỏa ước về các khía cạnh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ (TRIPS) là một thỏa ước bắt buộc đối với tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong năm 2002, đầu năm 2003, Việt Nam đã cải tiến hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ và cấu trúc thực thi quyền. Điều này, đã giúp Việt Nam tránh được các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ theo Điều khoản 301.

Trong bối cảnh đó, dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được phát triển phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Theo quy định của Nghị định 63/CP của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp và Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 1 tháng 2 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP thì kinh doanh dịch vụ sở hữu công nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện để trở thành Tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp là tổ chức đó phải có ít nhất hai người đại diện sở hữu công nghiệp. Trong khi đó việc trở thành người đại diện sở hữu công nghiệp không phải là điều đơn giản. Ngoài bằng tốt nghiệp đại học, ứng viên phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo chính quy về sở hữu công nghiệp hoặc đã trực tiếp làm công tác chuyên môn về pháp lý sở hữu công nghiệp hoặc công tác xét nghiệm tại cơ quan quốc gia hay quốc tế các loại đơn sở hữu công nghiệp liên tục từ 5 năm trở lên. Do ở nước ta chưa có cơ sở nào đào tạo chính quy về sở hữu công nghiệp, nên chỉ có thể qua một khóa đào tạo ở nước ngoài để có được chứng chỉ nêu trên. Đây là một điều không phải nhiều người có thể làm được. Có lẽ, đây là nguyên nhân chính tại sao ở nước ta đến nay chỉ có khoảng 60 người đại diện sở hữu công nghiệp, trong khi thực tế cần tối thiểu phải có hàng trăm người. Gần đây Hội sở hữu trí tuệ mới mở những khóa đầu tiên về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Ta có thể thấy tình trạng tương tự như vậy ở lĩnh vực quyền tác giả. Nghị định 76/CP của Chính phủ ban hành ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự cũng quy định điều kiện hành nghề quyền tác giả đối với các nhân và tổ chức và điều kiện cấp Thẻ người đại diện quyền tác giả. Trong khi đó, sau khi Pháp lệnh Luật sư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể thống nhất quan niệm chung về các dịch vụ sở hữu công nghiệp và quyền tác giả có phải là dịch vụ pháp lý và chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Luật sư hay không? Liệu luật sư có được thực hiện các dịch vụ pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ hay không và ngược lại? Liệu những người đại diện sở hữu công nghiệp hay quyền tác giả đã được cấp thẻ có quyền được tham gia tranh tụng hay không? Trong khi vấn đề chưa được ngã ngũ, thì trên thực tế, Cục Sở hữu công nghiệp và Cục Bản quyền tác giả không công nhận các luật sư không có Thẻ người đại diện, còn các Tòa án không chấp nhận người đại diện được làm người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự tại Tòa trong các vụ án liên quan đến sở hữu trí tuệ, mà chỉ chấp nhận họ với tư cách là đại diện theo ủy quyền. Còn các cơ quan chức năng khác khi tiến hành xử lý hành chính các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ thì chấp thuận bất kỳ ai là đại diện cho các đương sự. Vì vậy, để có thể thực hiện các dịch vụ sở hữu công nghiệp hay quyền tác giả từ đầu (các thủ tục xác lập quyền, đăng ký) đến cuối (giải quyết tranh chấp tại Tòa án các cấp) thì người đại diện sở hữu công nghiệp hay quyền tác giả phải là luật sư và ngược lại, người luật sư cũng phải có Thẻ người đại diện. Rõ ràng rằng, những người có đủ điều kiện như vậy không thể có nhiều và thực tế hiện nay trên toàn quốc, chỉ có xấp xỉ mười người vừa là luật sư, vừa là người đại diện sở hữu công nghiệp hay đại diện quyền tác giả.

Ngày 19/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, Cục Sở hữu công nghiệp được tổ chức lại thành Cục Sở hữu trí tụê không bao gồm nhãn hiệu hàng hóa và quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học - nghệ thuật. Nghị định 63/2003/NĐ-CP ngày 11/ 6 / 2003 cũng thay đổi chức năng của Cục Bản quyền tác giả thành Cục Bản quyền tác giả văn học – nghệ thuật, chuyển chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả các tác phẩm phi văn học nghệ thuật sang Cục Sở hữu trí tuệ. Chức năng quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa sẽ được chuyển sang Bộ Thương mại theo một Nghị định riêng. Như vậy, nếu tính tên miền Internet cũng là một đối tượng của sở hữu trí tuệ, thì ở Việt Nam hiện nay có đến năm cơ quan quản lý các lĩnh vực khác nhau liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm: Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, Trung tâm mạng Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn phòng bảo hộ giống cây trồng Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý nhãn hiệu hàng hóa của Bộ Thương mại. Sự thay đổi tổ chức này có nhiều ảnh hưởng tới lĩnh vực dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ. Ví dụ như hiện nay vẫn chưa có định nghĩa pháp lý thế nào là tác phẩm văn học – nghệ thuật và phi văn học-nghệ thuật, chưa rõ cơ quan nào sẽ xét cấp Thẻ người đại diện sở hữu công nghiệp hay đại diện quyền tác giả, cơ quan nào sẽ làm đầu mối của Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức quốc tế và của các nước khác về sở hữu trí tuệ như Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)…

Trong lĩnh vực đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng nẩy sinh nhiều vấn đề. Do chưa phân định rõ đối tượng nên nhiều tác phẩm chưa rõ phải nộp đơn đăng ký quyền tác giả ở Cục Sở hữu trí tuệ hay Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật hay cả hai, các đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hiện nay vẫn tạm thời nộp tại Cục Sở hữu trí tuê để chờ chuyển giao cho Bộ Thương mại mà chưa được giải quyết. Hoàn toàn chưa rõ cơ quan nào sẽ là cơ quan giám định nhà nước về vi phạm nhãn hiệu hàng hóa và quyền tác giả. Thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ có quyền xử lý vi phạm hành chính về nhãn hiệu hàng hóa nữa hay không?…

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ theo chỉ đạo của Chính phủ đang soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới sửa đổi điều kiện hành nghề sở hữu công nghiệp theo hướng thay thế Thẻ người đại diện sở hữu công nghiệp thành điều kiện hành nghề, mở rộng thêm nhiều đối tượng khác dược quyền hành nghề dịch vụ sở hữu công nghiệp. Đây là một nỗ lực nhằm mở rộng số lượng những người làm dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay.

Tóm lại, hiện nay đang có rất nhiều thay đổi lớn lao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một lĩnh vực nhạy cảm và đang được đặc biệt quan tâm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Rõ ràng rằng, chúng ta cần sớm ổn định tình hình để phát huy được những gì đã có và phát triển sâu rộng tiếp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, chúng ta cần làm rõ dịch vụ sở hữu trí tuệ là một loại dịch vụ pháp lý đặc thù, cần quy định rõ các điều kiện cần thiết nhưng thông thoáng để được hoạt động dịch vụ này nhằm tạo điều kiện và thu hút nhiều tổ chức và cá nhân khác tham gia vào lĩnh vực hoạt động này. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp tiên tiến có nền kinh tế thị trường phát triển trong lĩnh vực này thực sự cần đựoc nghiên cứu và áp dụng.    

2.3. Thực trạng quản lý nhà nước về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

2.3.1. Quản lý nhà nước về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VIII) đã chỉ rõ, cần có cơ chế phát huy tính tự chủ, tự quản của các luật sư thông qua tổ chức nghề nghiệp của họ, đồng thời tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ luật sư. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 ra đời đã thể chế hoá quan điểm của Đảng, khẳng định vai trò quản lý của nhà nước, quy định rõ ràng vai trò tự quản của Đoàn luật sư với tư cách là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Theo các quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001, quản lý nhà nước đối với hành nghề luật sư được thể hiện bằng việc Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về hành nghề luật sư, tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư, các Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh và kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Cụ thể là :

-  Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề luật sư và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;

-  Tổ chức đào tạo nghề luật sư ; cấp chứng chỉ hành nghề luật sư;

-  Đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh; cho phép thành lập Đoàn luật sư;

-  Thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh;

-  Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hành nghề luật sư theo thẩm quyền do pháp luật quy định;

-  Thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề luật sư.

Vai trò tự quản của các Đoàn luật sư đã được đẩy mạnh, bảo đảm sự phù hợp với đặc thù của nghề luật sư. Các Đoàn luật sư thực hiện chức năng quản lý các luật sư và việc hành nghề trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-  Giám sát và đánh giá kết quả tập sự của luật sư tập sự;

-  Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, luật sư tập sự trong hành nghề;

-  Giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư;

-  Yêu cầu Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khi cần thiết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý;

 -  Hoà giải các tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư, luật sư tập sự với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh, giữa Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh với nhau, giữa khách hàng với Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh;

- Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho luật sư;

- Phản ánh ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư về xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước;

-  Tổ chức để các luật sư tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; Có trách nhiệm báo cáo Bộ Tư pháp, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức, hoạt động và danh sách luật sư của Đoàn theo định kỳ hàng năm;

-  Gửi báo cáo Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các nghị quyết, quyết định của Đoàn luật sư.

          Quy định như vậy vừa phát huy được tính tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư, vừa phát huy được vai trò quản lý nhà nước và đặc biệt có sự phối hợp giữa quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp luật sư. Điều này được thể hiện ở chỗ, để được hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề do Nhà nước cấp và phải được đăng ký gia nhập một Đoàn luật sư. Đoàn luật sư chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi hoạt động hành nghề của các luật sư là thành viên của Đoàn mình và báo cáo định kỳ tới cơ quan nhà nước là Bộ Tư pháp và ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhà nước quản lý hành nghề luật sư thông qua việc kiểm tra, thanh tra và báo cáo của các Đoàn luật sư. Khi phát hiện luật sư có vi phạm thì Đoàn luật sư là cơ quan đầu tiên có trách nhiệm xem xét và xử lý. Trong trường hợp xóa tên thì phải thông báo cho Bộ Tư pháp. Để bảo đảm quyền cho luật sư, cần quy định cho luật sư có quyền được khiếu nại. Cơ quan đầu tiên có trách nhiệm giải quyết là Đoàn luật sư. Trong trường hợp không đồng ý với việc giải quyết đó thì có thể được khiếu nại tới ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tư pháp.

Ngoài các quy định của pháp luật, luật sư khi hành nghề còn phải tuân thủ nội quy của Đoàn luật sư, đặc biệt là các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã phân định rõ tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và tổ chức hành nghề của luật sư, qua đó tạo điều kiện cho các luật sư thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hành nghề, tạo cơ sở pháp lý mở rộng mạng lưới dịch vụ của luật sư theo nhu cầu của xã hội, đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý của Đoàn luật sư. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của các luật sư, được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền lợi của các luật sư, giám sát việc tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư và tham gia quản lý hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Việc tham gia Đoàn luật sư là một trong các điều kiện để được hành nghề luật sư. Với quy định này, Pháp lệnh Luật sư đã thể chế hoá chủ trương của Đảng “kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp”. Việc kết hợp quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức luật sư được thể hiện ngay từ quy định về điều kiện hành nghề luật sư; theo đó, một người muốn hành nghề luật sư thì phải gia nhập Đoàn luật sư và phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan nhà nước cấp. Người muốn được hành nghề luật sư trước hết phải gia nhập một Đoàn luật sư để tập sự hành nghề và sau khi đã đạt yêu cầu kỳ kiểm tra hết tập sự sẽ được Đoàn luật sư đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư .

Để bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác quản lý của Đoàn luật sư đối với các luật sư, Pháp lệnh Luật sư đã tăng cường đáng kể quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn luật sư. Ngoài việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của các luật sư; Đoàn luật sư có vai trò rất quan trọng trong quản lý hoạt động nghề nghiệp của các luật sư, theo dõi nắm tình hình hành nghề của các luật sư trong Đoàn. Các luật sư phải báo cáo Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc thành lập Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật, về hoạt động nghề nghiệp của mình và của Văn phòng luật sư hay Công ty luật. Đoàn luật sư ban hành và giám sát các luật sư trong việc tuân theo các quy tắc hành nghề, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối với việc luật sư vi phạm quy tắc hành nghề, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xem xét và xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm. Bên cạnh đó, Đoàn luật sư còn có thẩm quyền hoà giải các tranh chấp có liên quan đến hành nghề giữa luật sư hoặc người tập sự hành nghề luật sư với Văn phòng luật sư, Công ty luật; giữa các Văn phòng luật sư, Công ty luật với nhau; giữa khách hàng với luật sư, Văn phòng luật sư, Công ty luật.

Một mảng công việc quan trọng nữa của Đoàn luật sư là tổ chức tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâmg cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho các luật sư; tổ chức lấy ý kiến và tập hợp ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đoàn luật sư có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng đối với luật sư.

 2.3.2. Quản lý nhà nước đối với tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài.

          Quản lý hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam được quy định một cách cụ thể trong Nghị định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 của Chính phủ và Thông tư số 06/2003/TT-BTP ngày 29/10/2003 của Bộ Tư pháp, theo đó:

 Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ quản lý việc hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

-  Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam; hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đó;

-  Cấp giấy phép, thay đổi nội dung giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; cho phép thành lập Chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam; cấp giấy phép cho luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

-  Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, luật sư nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp để xử lý vi phạm,  giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc trong trường hợp cần thiết;

-  Là đầu mối giải quyết những vấn đề liên quan đến hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

-  Đình chỉ hành nghề có thời hạn, thu hồi giấy phép hành nghề tại Việt Nam đối với luật sư nước ngoài; đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý việc hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý việc hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại địa phương và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp của địa phương, nơi đặt trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại địa phương, có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; đăng ký hoạt động của chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam tại Việt Nam;

-  Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; chi nhánh của Công ty luật nước ngoài, chi nhánh của Công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

-  Theo dõi việc thuê luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam, người lao động nước ngoài, người lao động Việt Nam, việc hợp tác hành nghề, việc nhận luật sư tập sự Việt Nam của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; việc thuê và hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài tại Văn phòng luật sư Việt Nam, Công ty luật hợp danh Việt Nam;

- Thực hiện các hoạt động quản lý khác đối với hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

-  Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

-  Định kỳ sáu tháng và một năm báo cáo Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam trong thẩm quyền và phạm vi quản lý được giao.

Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, về cơ bản, đã bảo đảm cho những tổ chức này hoạt động đúng pháp luật, tạo môi trường, điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các luật sư trong nước với các luật sư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hành nghề. Bên cạnh đó, qua quá trình quản lý, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức luật sư nước ngoài và đã chủ động liên hệ, trao đổi với các cơ quan hữu quan để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam.

2.3.3. Quản lý nhà nước đối với hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Quản lý hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề - nghiệp (Điều 3 Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật). Cụ thể, Điều 17, Điều 18 của Nghị định đã quy định nội dung quản lý nhà nước, thẩm quyền quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề - nghiệp:

 Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-  Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tư vấn pháp luật và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;

-  Xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật;

-  Kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong các trường hợp để giải quyết khiếu nại, để xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc các trường hợp cần thiết khác theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

-  Thực hiện các biện pháp hỗ trợ việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật theo đề nghị của các tổ chức chủ quản.

 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương mình, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-  Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật theo thẩm quyền;

-  Giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật;

-  Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nội dung quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn pháp luật và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-  Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật;

-  Cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật;

-  Cấp, thu hồi giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật;

-  Hỗ trợ tổ chức chủ quản cùng cấp trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các tư vấn viên pháp luật;

-  Báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp định kỳ 6 tháng và hàng năm về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương.

Tổ chức chủ quản chịu trách nhiệm về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

-  Quyết định thành lập, giải thể Trung tâm tư vấn pháp luật;

-  Ban hành và kiểm tra việc thực hiện Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật; xử lý vi phạm theo Điều lệ của tổ chức mình;

-  Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật;

-  Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của tổ chức mình.

 Tổ chức chủ quản báo cáo cơ quan tư pháp cùng cấp bằng văn bản định kỳ 6 tháng và hàng năm về tổ chức và hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật do mình thành lập.

  2.3.4. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

  Theo các quy định của pháp luật hiện hành, quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý bao gồm hai vấn đề chủ yếu sau đây:

  Cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý và nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.

Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý trong toàn quốc; Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng này. Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong cả nước. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương. Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý này.

  Nội dung quản lý nhà nước bao gồm việc xây dựng các văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý; Ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nghiệp vụ về công tác trợ giúp pháp lý; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi thông tin nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp và đào tạo nghề nghiệp cho chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý; Thực hiện việc sơ kết, tổng kết hàng năm về công tác trợ giúp pháp lý; Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật, giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; Đề xuất giải quyết và trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến trợ giúp pháp lý; Thực hiện hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý; Thực hiện việc hỗ trợ cho các tổ chức trợ giúp pháp lý trong cả nước để thực hiện tốt hơn việc trợ giúp pháp lý; Thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra và các hoạt động quản lý nhà nước khác về trợ giúp pháp lý theo các quy định của pháp luật.

Qua thực trạng công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý cho thấy, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập do một số cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý, chưa quan tâm, đầu tư đúng mức dẫn đến thực trạng ở một số địa phương, các tổ chức trợ giúp pháp lý chưa được kiện toàn, biên chế còn hạn chế, hoạt động trợ giúp pháp lý kém hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, do chưa có một văn bản pháp luật có hiệu lực cao điều chỉnh toàn diện về hoạt động này, nên chưa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với công tác trợ giúp pháp lý là cơ chế quản lý đối với các tổ chức trợ giúp pháp lý ở cơ sở được thực hiện như thế nào? Do chưa có cơ chế thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý trung ương và cơ quan quản lý địa phương trong việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này như: bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí hoạt động…, nên kết quả hoạt động của các tổ chức pháp lý ở địa phương còn nhiều hạn chế.

          Khái quát chung về công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước đã tập trung vào việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động dịch vụ pháp lý phát triển. Hoạt động dịch vụ pháp lý đã được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật cao. Điều này, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động dịch vụ pháp lý, đồng thời, khẳng định vai trò của dịch trong nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, Nhà nước đã bước đầu thực hiện xã hội hoá một số hoạt động dịch vụ pháp lý theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, mở rộng các loại hình dịch vụ tư vấn pháp luật để dịch vụ  pháp lý đến được với quảng đại quần chúng nhân dân. Quan trọng hơn là sự nâng cao vai trò tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, sư phân định rõ nội dung, thẩm quyền quản lý nhà nước với chức năng tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý đã được tăng cường và bước đầu đạt hiệu quả, lập lại trật tự trong hoạt động dịch vụ pháp lý. Quản lý nhà nước đã phần nào đáp ứng được hai mặt của vấn đề đó là vừa quản lý chặt chẽ, nhưng cũng tạo điều kiện để hoạt động dịch vụ pháp lý có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động nghề nghiệp, mà tập trung vào một số nội dung trọng tâm, trọng điểm như vấn đề tạo hành lang pháp lý, đào tạo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2.4. Nhận xét chung.

Dịch vụ pháp lý đã, đang và ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý ở Việt Nam chưa phải được  phổ cập rộng rãi trong mọi tầng lớp dân cư. Người dân và các doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức sử dụng dịch vụ pháp lý ngay từ khi phát sinh giao dịch, mà họ chỉ nghĩ đến sử dụng dịch vụ pháp lý khi đã có vấn đề trục trặc về pháp luật, hay nói cách khác là người ta chữa “con bệnh pháp luật” nhiều hơn là phòng ngừa và ngăn chặn cho nó không thể phát sinh, phát triển. Mặc dù vậy, dịch vụ pháp lý đã đạt được một số kết quả đáng kể trong thời gian qua:

Thứ nhất, trong một thời gian khá ngắn, dịch vụ pháp lý đã tự khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong xã hội. Các ý kiến tư vấn pháp luật giúp cho các cá nhân, tổ chức có các quyết định kinh doanh hoặc hành động phù hợp với các quy định của pháp luật, hạn chế được các rủi ro và các tranh chấp, hạn chế các vụ việc phải đưa ra xem xét tại các cơ quan giải quyết tranh chấp. Luật sư đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác trước tòa.

Thứ hai, các tổ chức luật sư nước ngoài vào Việt Nam với số lượng tương đối lớn, và một số luật sư nước ngoài đã khá thành công trong việc thực hiện tư vấn pháp luật tại Việt Nam. Việc hợp tác hành nghề tư vấn pháp luật của các luật sư nước ngoài tại Việt Nam cũng giúp cho các luật sư Việt Nam có thêm kinh nghiệm tư vấn quốc tế thông qua sự hợp tác giữa luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài. Một số đã thực sự trưởng thành, đạt được trình độ khu vực và quốc tế.

Thứ ba, dịch vụ pháp lý cũng góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng, giúp cho công dân và các tổ chức có thói quen làm việc và quyết định việc kinh doanh theo pháp luật, góp phần hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật, tạo lập môi trường pháp lý cho sự phát triển an toàn, bền vững của nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, dưới giác độ quản lý vĩ mô, hoạt động dịch vụ pháp lý ở nước ta còn khá nhiều tồn tại, bất cập. Có thể nêu một số điểm chính sau đây:

Thứ nhất, có thể nói rằng tồn tại lớn nhất là sự thụ động từ phía các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trong việc ban hành chính sách và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Việc chậm sửa đổi Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, chậm sửa đổi các quy định có tính chất tạm thời như Thông tư số 1119/QLTPK của Bộ Tư pháp hoặc tháo gỡ những vấn đề vướng mắc như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 620/TTg ngày 29/9/1995 là nguyên nhân chính của thực trạng bức xúc nói trên. Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 được ban hành ở năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, còn rất nhiều vấn đề chưa lường hết được và chưa chín muồi ở thời điểm đó. Do yêu cầu phát triển hiện nay của nghề dịch vụ pháp lý nói chung và nghề luật sư nói riêng thì việc ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001 là hết sức cần thiết, nó giải quyết được nhiều bất cập trong thời gian qua. Tuy nhiên đến nay qua gần 4 năm thi hành Pháp lệnh Luật sư, trước yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Thứ hai, phải khẳng định rằng hoạt động dịch vụ pháp lý ở nước ta là sản phẩm của chính sách đổi mới, của cơ chế thị trường, nhưng bản thân sự phát triển của nó lại chưa được đặt trong bối cảnh thị trường. Mặc dù thị trường dịch vụ pháp lý ở nước ta còn rất nhỏ bé so với tiềm năng của một đất nước hơn 80 triệu dân và đang quyết tâm phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng trên dưới 7% năm, nhưng điều đó không cho phép chúng ta buông xuôi, thả nổi cho sự phát triển tự phát, sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng. Chưa kể vấn đề nhiều sân chơi tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách như đã trình bầy ở trên, phải nói rằng thực chất chúng ta chưa có một nhận thức thống nhất, rõ ràng về dịch vụ pháp lý là một nghề, lại là nghề tự do trong cơ chế thị trường, giống như một số nghề khác (kiểm toán, y dược, kiến trúc ...). Chính vì vậy, cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về hành nghề dịch vụ pháp lý.

Thứ ba, các quy định pháp luật hiện hành còn có sự phân biệt về phạm vi hành nghề của luật sư Việt Nam và luật sư nước ngoài. Hơn nữa, trong chương trình hợp tác về dịch vụ tư vấn pháp luật ASEAN, Việt Nam đã đưa ra cam kết về dịch vụ tư vấn pháp luật và Việt Nam hiện nay cũng đang xây dựng lộ trình về chính sách hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn pháp luật. Theo chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta trong lĩnh vực tư vấn pháp luật thì từ 2001 - 2010 tổ chức luật sư của các nước thành viên ASEAN tại Việt Nam được phép thuê luật sư Việt Nam để hành nghề tư vấn pháp luật Việt Nam và từ 2011 - 2020 thì công dân các nước ASEAN có đủ các điều kiện do pháp luật Việt Nam quy định được hành nghề tư vấn pháp luật Việt Nam, và đến thời điểm đó, khi mà những hạn chế về đối xử quốc gia (National Treatment) được loại bỏ, các luật sư của các nước ASEAN sẽ được đối xử như đối với luật sư Việt Nam. Do vậy, về lâu dài các quy định hạn chế đối với tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài sẽ không còn phù hợp.

Trong thời kỳ hiện nay, dịch vụ pháp lý tại Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Cùng với các yêu cầu khách quan của xã hội và xu hướng về hội nhập quốc tế trong thương mại dịch vụ đòi hỏi phải có sự thay đổi trong chính sách, thể chế và các quy định pháp luật về dịch vụ pháp lý. Thực tế khách quan đó đặt ra cho các tổ chức dịch vụ pháp lý Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước sử dụng cơ hội khu vực hoá, toàn cầu hoá trong việc tiếp cận thị trường tư vấn pháp luật quốc tế. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về dịch vụ pháp lý là sự cần thiết khách quan, một yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

 

Chương 3

 

NHU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM

 

3.1. Xác định nhu cầu dịch vụ pháp lý từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

3.1.1. Vị trí, vai trò của dịch vụ pháp lý trong đời sống kinh tế - xã hội.

Phát triển nền kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phát triển một thị trường hàng hoá và dịch vụ. Trong vô số các hoạt động dịch vụ đang được quan tâm phát triển và mở rộng thị trường, thì dịch vụ pháp lý nói riêng và các dịch vụ thương mại nói chung có một vị trí quan trọng trong việc  thúc đẩy các hoạt đông kinh doanh khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dịch vụ pháp lý không những đảm bảo an toàn cho các quan hệ kinh doanh, mà còn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, của thị trường và xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thông thương hoá các hoạt động thương mại. Các tiêu chuẩn và điều kiện cho hoạt động dịch vụ pháp lý đã được ghi nhận trong điều ước quốc tế và khẳng định, nó như một giá đỡ vững chắc cho các hoạt động thương mại quốc tế toàn cầu. Điêù đó đã tạo điều kiện để các luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý, đưa ra các ý kiến tư vấn pháp luật về các hệ thống pháp luật khác nhau. Không ít trường hợp, các tổ chức, cá nhân trong nước phải sử dụng dịch vụ pháp lý của các tổ chức luật sư nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình trước một hệ thống tư pháp, tài phán nước khác.

Ở Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nghề luật, nghề luật sư và việc cung ứng các dịch vụ pháp lý lại được coi trọng và thấy cần thiết như giai đoạn hiện nay. Cùng với sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của nền kinh tế, nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý đã phát triển liên tục, không ngừng, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Dịch vụ pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, góp phần  thúc đẩy nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong số nhiều loại hình dịch vụ khác của nền kinh tế.

Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, các loại hình dịch vụ pháp lý ở thị trường Việt Nam phát triển tương đối mạnh mẽ và đa dạng, với nhiều hình thức, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng lựa chọn nhằm thoả mãn nhu cầu của họ, đồng thời, các loại hình dịch vụ này cũng đang khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc  thúc đẩy các quan hệ kinh tế - xã hội phát triển, gìn giữ nền công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là:

a. Dịch vụ pháp lý của luật sư trong nước.

Các dịch vụ pháp lý của luật sư trong nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động tham gia tố tụng của các luật sư đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, khắc phục những sai sót, làm rõ sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong các vụ án hình sự; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính... Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, một lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tư vấn về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, các luật sư đã mở rộng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, hành chính, đầu tư, thương mại, đất đai. Chất lượng tư vấn cũng được nâng cao, nhiều hợp đồng liên doanh, liên kết kinh tế thương mại và các dự án đầu tư do được tư vấn nên đã đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và nước ngoài.

b. Dịch vụ pháp lý của luật sư nước ngoài.

Như trên đã trình bày, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của nó trong việc thông thương hoá các hoạt động kinh tế, thương mại. Tư vấn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong những năm qua, kể từ khi các tổ chức luật sư nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đã và đang có số lượng không nhỏ khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số Chi nhánh cũng thực hiện hiệu quả các công việc tư vấn cho một số dự án lớn của Chính phủ; giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài; cơ cấu lại nợ, vốn vay cho Chính phủ... nhiều cơ quan, tổ chức, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã trở thành khách hàng thường xuyên của các Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài...

c. Dịch vụ pháp lý của các tổ chức, đoàn thể.

Hoạt động dịch vụ pháp lý của các tổ chức, đoàn thể hiện nay chủ yếu là tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, nó mang tính xã hội chứ không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trước hết là phục vụ nhu cầu về tư vấn pháp luật của các thành viên tổ chức đó, người nghèo, người được hưởng chính sách ưu tiên, sau đó mới nhằm đáp ứng nhu cầu về tư vấn pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ đời sống hàng ngày. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chính sách xã hội của Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ kiến thức pháp lý cho các cá nhân, tổ chức trong việc nắm vững và chấp hành pháp luật.

d. Hoạt động trợ giúp pháp lý.

Góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, hoạt động trợ giúp pháp lý đã được ra đời và kết quả hoạt động của nó đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách trong cả nước. Đây là hoạt động dịch vụ pháp lý miễn phí được thành lập từ Trung ương xuống địa phương, giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách có cơ hội được thụ hưởng các dịch vụ pháp lý không phải trả tiền (do Nhà nước đài thọ), để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi có nhu cầu, đồng thời, cũng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của họ, giúp họ ứng xử phù hợp các quy định pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bị xâm hại.

 

đ. Các dịch vụ pháp lý khác.

Bên cạnh các hoạt động dịch vụ pháp lý kể trên, còn có dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hoà giải, trọng tài, sở hữu trí tuệ… Các loại hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam đang từng bước phát triển và khẳng định được vị trí cần thiết của nó trong đời sống xã hội nói chung. Các ý kiến tư vấn pháp luật đã và đang thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội phát triển một cách ổn định, hiệu quả, hạn chế các tranh chấp, mâu thuẫn đưa đến việc kiện tụng trước các cơ quan tài phán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân, hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật, tạo sự phát triển an toàn, bền vững của đất nước.

3.1.2. Nhu cầu tiếp tục phát triển dịch vụ pháp lý.

Qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua, xuất phát từ vị trí, vai trò của dịch vụ pháp lý trong đời sống kinh tế – xã hội đất nước cho thấy, bên cạnh những thành tựu bước đầu, về cơ bản, hoạt động dịch vụ pháp lý ở Việt Nam chưa thực sự  phúc đáp được nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Mặc dù, hoạt động dịch vụ pháp lý là sản phẩm của quá trình đổi mới, của quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường và trong thời gian qua, kết quả hoạt động của nó đã đưa lại hiệu quả nhất định, song có thể nói rằng, cơ chế vận hành và môi trường pháp lý là cơ sở quan trọng cho tổ chức và hoạt động của nó chưa bắt nhịp và thích ứng với các quy luật vận động của cơ chế thị trường. Dịch vụ pháp lý chưa được coi là một nghề kinh doanh. Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật thống nhất để điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các loại hình dịch vụ pháp lý, xác định mức độ, phạm vi giới hạn của các chủ thể trong hành nghề dịch vụ pháp lý. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ cần hướng tới mục tiêu công bằng xã hội. Điều này, cũng đặt ra cho việc phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý ở thị trường Việt Nam phải thoả mãn mục tiêu trên. Và vì vậy, cũng cần có sự xác định rõ khái niệm, phạm vi, chủ thể và hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý.

Có thể khái quát nhu cầu tiếp tục phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam qua một số điểm sau đây:

a. Dịch vụ pháp lý phải đảm bảo vai trò là công cụ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của nền  kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nhằm tạo ra sự tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả cao, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội ngày càng văn minh. Tuy nhiên, động cơ chủ yếu để  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là lợi ích. Bên cạnh đó, các quan hệ lợi ích, quan hệ kinh tế được quyết định thông qua sự vận động khách quan của các quy luật kinh tế, đặc biệt là quy luật cung – cầu. Bởi vậy, muốn lành mạnh hoá các quan hệ thị trường, trước hết, phải có cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh và các chủ thể khác trong xã hội. Điều này thuộc về thiên chức của pháp luật, khi mà pháp luật, các quan hệ pháp luật chính là hình thức pháp lý của các quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, để các chủ thể kinh doanh hiểu rõ giới hạn hành vi của họ khi tiến hành các hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận, thì bản thân họ cần phải hiểu pháp luật hoặc có cơ chế giúp họ hiểu biết pháp luật để họ làm đúng pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp quy định pháp luật. Cơ chế đó chính là hoạt động dịch vụ pháp lý.

Lấy hệ thống pháp luật, các quy định của pháp luật làm nền tảng cơ bản, hoạt động dịch vụ pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các quan hệ kinh tế phát triển. Nếu hoạt động dịch vụ pháp lý được triển khai có hiệu quả sẽ là động lực  thúc đẩy các quan hệ kinh tế ngày càng mở rộng. Khi được cung cấp dịch vụ pháp lý, các nhà đầu tư, các chủ thể kinh doanh sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn khi quyết định lựa chọn cơ hội đầu tư hay phương án kinh doanh. Mặt khác, dịch vụ pháp lý cũng chính là công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả cho hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, nhu cầu phải hiểu biết pháp luật, hành động và kinh doanh theo quy định của pháp luật ngày càng trở lên cần thiết. Nó giúp cho các chủ thể kinh doanh hạn chế được rủi ro, tránh được nhiều tranh chấp có thể xảy ra do sự tác động khách quan của thị trường. Và như vậy, nhu cầu cần có sự trợ giúp của dịch vụ pháp lý cho các hoạt động kinh doanh trở nên cấp thiết khi mà nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phát triển ngày càng sâu rộng. Có nhu cầu ắt phải dẫn đến yếu tố cung, sự cần thiết phải hoàn thiện hoạt động dịch vụ pháp lý, thay đổi cơ bản trong quan niệm về dịch vụ pháp lý, quy mô hoạt động cũng như tính chất của dịch vụ pháp lý trong thời kỳ mới đã trở thành tất yếu khách quan.

Nhu cầu về dịch vụ pháp lý cũng sẽ tăng nhanh khi chúng ta mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, hội nhập với khu vực và thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, ký kết hơn 60 Hiệp định thương mại song phương với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Và đặc biệt, chúng ta đã qua 9 vòng đàm phán để sớm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những đòi hỏi về tính ổn định, minh bạch, phù hợp pháp luật quốc tế trong quan hệ thương mại quốc tế cũng đang đặt ra nhu cầu lớn cho hoạt động dịch vụ pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực về đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ với các nước trên thế giới. Thực tiễn trong thương mại quốc tế cho thấy, các lĩnh vực kinh doanh ở trên luôn luôn tạo ra làn sóng nhu cầu về dịch vụ pháp lý. Những con số thống kê sau đây đã chứng minh cho việc phát triển không ngừng dịch vụ pháp lý: ở Cộng đồng Châu Âu, số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tăng trung bình khoảng 23%/năm; ở Hoa Kỳ tăng gấp 3 lần trong 10 năm (1993 – 2003)[72].

Nhu cầu dịch vụ pháp lý tăng nhanh không chỉ xuất phát từ sự phát triển kinh tế, của quá trình hội nhập kinh tế giữa nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế khu vực, kinh tế thế giới, mà tự thân sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung cũng đòi hỏi chúng phải bắt kịp, thích ứng với nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, yếu tố cạnh tranh từ thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế cũng thôi  thúc sự đổi mới, nhanh chóng hoàn thiện thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, nếu như, chúng ta không muốn để mất thị phần của thị trường này ngay trên đất nước của chúng ta.

b. Dịch vụ pháp lý phải là công cụ bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Con người là vốn quý nhất trong tất cả các giá trị xã hội bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của con người luôn là mục tiêu vươn tới của các Nhà nước tiến bộ, trong đó, bảo đảm quyền con người là điều kiện quan trọng tiên quyết. Nhận thức sâu sắc về các vấn đề trên đây, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong hầu hết các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước đều khẳng định rõ điều này.

Ở lĩnh vực hoạt động dịch vụ pháp lý, ngay trong lời nói đầu của Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã thể hiện rõ mục đích là: “... Để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của các cá nhân, tổ chức”. Các văn bản pháp luật khác quy định về việc tổ chức và hành nghề của luật sư nước ngoài; về hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức, đoàn thể; về trợ giúp pháp lý... cũng đều quán triệt mục tiêu nhằm bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cho dù hoạt động dịch vụ pháp lý được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Chính bởi vậy, hoạt động dịch vụ pháp lý được đổi mới, phát triển theo hướng hoàn thiện hơn, phù hợp sự phát triển của cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế hơn, nhưng về cơ bản vẫn phải tuân theo mục tiêu đảm bảo xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm sự bình đẳng của mọi chủ thể trong xã hội trước pháp luật, ưu tiên những đối tượng xã hội là người nghèo, đối tượng chính sách, bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa...

c. Dịch vụ pháp lý phải đáp ứng được nhu cầu công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Cải cách tư pháp, xây dựng một xã hội có trật tự, bình đẳng, có nền pháp chế, nền hành chính, tư pháp và hệ thống pháp luật vững mạnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được khẳng định qua nhiều văn kiện, văn bản pháp luật. Việc xây dựng hệ thống dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cần  phúc đáp yêu cầu của cải cách hành chính là sao cho hệ thống gọn nhẹ, tập trung, tăng cường sự quản lý của Nhà nước nhưng vẫn  thúc đẩy được hoạt động này phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Cũng như vậy, hệ thống dịch vụ pháp lý và các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý phải góp phần tích cực vào việc xây dựng một nền tư pháp mạnh, hỗ trợ các cơ quan tư pháp hoạt động có hiệu quả. Một mặt, giúp cơ quan tư pháp, cơ quan công quyền thực thi đúng pháp luật, hạn chế oan sai, mặt khác, bên cạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, hoạt động dịch vụ pháp lý còn phải giáo dục, thuyết phục nâng cao ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật của công dân. Nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hoạt động dịch vụ pháp lý phải gắn liền với mục tiêu công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời, tuân thủ định hướng và quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược này. Công bằng, bình đẳng, dân chủ không chỉ là các tiêu chuẩn, các nguyên tắc vốn có của Nhà nước pháp quyền, mà còn đòi hỏi hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng phải hoạt động tuân thủ pháp luật, bảo đảm pháp chế. Hoạt động dịch vụ pháp lý là hoạt động bổ trợ tư pháp đòi hỏi quá trình tổ chức và hoạt động của nó cũng cần phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc trên, phải coi dân chủ, bình đẳng là cơ chế để xác định và bảo đảm thực thi nguyên tắc công bằng trong xã hội, cũng như trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và công dân.

3.2. Những định hướng cơ bản nhằm phát triển và hoàn thiện dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

3.2.1. Những định hướng cơ bản nhằm phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

a. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cần được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cho đến nay, mặc dù không có một quy định nào xác định nội hàm khái niệm dịch vụ pháp lý, nhưng trên thế giới cũng như thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của các hoạt động dịch vụ pháp lý. Chính các hoạt động này đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý an toàn, tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, các giao lưu dân sự, hạn chế các tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh. Theo quan niệm của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), của Tổ chức Thương mại (WTO), của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) thì dịch vụ pháp lý bao gồm các hoạt động tư vấn pháp luật và đại diện pháp lý. Các hoạt động dịch vụ pháp lý được phát triển theo hướng như là các loại dịch vụ thương mại và chú trọng từng bước tự do hoá việc cung cấp dịch vụ. Dịch vụ pháp lý cần được đa dạng hoá không chỉ ở phạm vi, hình thức cung cấp dịch vụ, mà còn đa dạng hoá chủ thể, có sự cạnh tranh lành mạnh để tạo động lực phát triển.

Xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà Đảng và Nhà nước ta quán triệt sâu sắc chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển ngày càng cao, huy động tối đa mọi quyền lực để nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo cho các quan hệ trong xã hội ngày càng công bằng, dân chủ và văn minh, thì dịch vụ pháp lý cần thiết phải được mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ để  phúc đáp nhu cầu xã hội. Hoạt động dịch vụ pháp lý phải được coi như một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và thể chế để nền kinh tế vận hành năng động, có hiệu quả. Văn kiện của Đảng cũng đã chỉ rõ việc phát triển đa dạng các loại hình thị trường trong nền kinh tế, trong đó có việc phát triển thị trường dịch vụ tư vấn pháp luật[73]. Như vậy, theo chủ trương này, các hoạt động dịch vụ pháp lý dần dần được định hướng phát triển như một loại hình thương mại dịch vụ, có thị trường riêng, sôi động, hiệu quả. Trên thực tế, các hoạt động dịch vụ pháp lý cũng đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, không chỉ có các luật sư Việt Nam cung cấp dịch vụ pháp lý, mà các Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài cũng đã và đang cung cấp các dịch vụ loại này. Ở chừng mực nhất định, trong các quan hệ đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài, chất lượng cung cấp dịch vụ của các luật sư nước ngoài hơn hẳn các luật sư Việt Nam. Đây là vấn đề cần phải quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh của đội ngũ luật sư trong nước.

Nếu các dịch vụ pháp lý được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, xây dựng thị trường riêng, mở rộng phạm vi và hình thức cung cấp dịch vụ, cũng như các chủ thể cung cấp dịch vụ đòi hỏi phải xây dựng thể chế và hành lang pháp lý tương thích với năng lực và xu hướng phát triển của nó, đảm bảo để dịch vụ pháp lý thực sự là đòn bẩy, giá đỡ cho các quan hệ kinh tế – xã hội phát triển. Thể chế và môi trường pháp lý mới cần xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa các loại chủ thể kinh doanh dịch vụ này, xoá bỏ những rào cản không cần thiết và bất hợp lý trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý (như chính sách thuế, một số giới hạn phạm vi hành nghề, một số thủ tục pháp lý liên quan đến việc hành nghề và điều kiện cung cấp dịch vụ, cơ chế quản lý...).

Một số vấn đề khác cũng cần có sự phân biệt và quy định cụ thể, đó là nghĩa vụ thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí của các chủ thể cung cấp (luật sư). Nên quy định và đề cao trách nhiệm xã hội của họ hơn là việc coi đây là một nghĩa vụ bắt buộc. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, bản thân các nhà doanh nghiệp dường như lại là những nhà hảo tâm hơn ai hết và chính họ đã đóng góp rất nhiều tiền bạc cho công tác từ thiện xã hội.

b.  Dịch vụ pháp lý là công cụ và phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Trong điều kiện ngày nay, khi các quan hệ kinh tế – xã hội phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, nhu cầu hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân ngày càng trở lên cấp thiết, nhằm bảo đảm cho các quan hệ này phát triển lành mạnh, góp phần ổn định trật tự xã hội, thì hoạt động dịch vụ pháp lý cần được tăng cường và mở rộng. Hoạt động dịch vụ pháp lý chính là công cụ hữu hiệu giúp cho các chủ thể kinh doanh khi tham gia các giao lưu kinh tế, thương mại, các hoạt động đầu tư, kinh doanh được tự tin hơn và xử sự phù hợp các quy định pháp luật hơn. Trong quá trình kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận, các chủ thể kinh doanh có thể vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép và chính sự “vượt rào” này, có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trong xã hội. Bởi vậy, hoạt động dịch vụ pháp lý là giá đỡ hay “sự ổn áp” cần thiết để đưa họ trở về đúng quỹ đạo, đảm bảo giới hạn, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể có nguy cơ bị tổn hại. Ngược lại, khi quyền lợi của họ bị các chủ thể khác xâm phạm, thì những hoạt động của dịch vụ pháp lý chính là công cụ, phương tiện để tạo ra cơ chế phục hồi.

Bên cạnh việc phát triển dịch vụ pháp lý theo hướng thương mại dịch vụ,  phúc đáp kịp thời nhu cầu hỗ trợ cho các chủ thể kinh doanh, các chủ thể khác trong xã hội có yêu cầu về dịch vụ pháp lý, mặt khác, dịch vụ pháp lý cũng cần được phát triển theo hướng nhân đạo, phục vụ miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Đây là những đối tượng không có điều kiện hoặc cơ hội để được hưởng những dịch vụ pháp lý (theo cơ chế thương mại dịch vụ), bởi vậy, Nhà nước cần có cơ chế thích ứng giúp họ được thụ hưởng sự trợ giúp về mặt pháp lý, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Ngoài ra, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động trợ giúp pháp lý cần quan tâm đến các đối tượng chính sách, các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ít người, những đối tượng là người khuyết tật, trẻ em bị thiệt thòi.

Có thể nói, dịch vụ pháp lý thương mại hay dịch vụ pháp lý miễn phí khi được tạo cơ chế phát triển phù hợp cũng cần hướng tới mục tiêu là tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giúp cho họ hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật để hành xử đúng pháp luật, biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ xã hội.

c. Dịch vụ pháp lý cần phát triển phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với tư cách là một hoạt động bổ trợ tư pháp, hoạt động tư vấn pháp luật nói riêng và dịch vụ pháp lý nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức pháp luật của quần chúng, tạo cơ chế hữu hiệu để thực thi nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật, giữa công dân với các cơ quan công quyền. Chính bởi vậy, dịch vụ pháp lý phải phát triển phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc cải cách hành chính và cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cải cách hành chính là nhằm tinh giảm bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính, giảm bớt phiền hà, nhiêu khê cho nhân dân. Theo mục tiêu này, dịch vụ pháp lý cần phát triển theo hướng xã hội hoá sâu sắc, phát huy tính tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp tự chủ hoạt động theo đúng khuôn khổ và thể chế mà pháp luật đã quy định. Nhà nước chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội thông qua việc định ra thể chế, hành lang pháp lý và áp dụng các biện pháp chế tài cần thiết khi có trường hợp vi phạm. Với cơ chế này, các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý sẽ có cơ hội phát huy và tự khẳng định mình trong hoạt động nghề nghiệp, tôn trọng pháp luật và đề cao tính tự quản, tự trọng, danh dự, uy tín với khách hàng.

Chủ trương cải cách tư pháp cũng nhằm mục tiêu cơ bản là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, trong sạch, vững mạnh, công lý, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trung tâm là hoạt động xét xử sao cho có hiệu lực, hiệu quả. Dịch vụ pháp lý với tư cách là hoạt động bổ trợ tư pháp khi phát triển cũng cần hướng tới mục tiêu này. Cần tạo cơ chế phù hợp để đội ngũ luật sư phát triển mạnh mẽ, có khả năng  phúc đáp các yêu cầu xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật về kinh tế, thương mại, phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho người và các đối tượng chính sách. Đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý là một trong những công việc quan trọng, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp. Với việc đa đạng hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý, chất lượng công tác này sẽ ngày một nâng cao, phát huy mọi nguồn lực của xã hội để hoạt động dịch vụ pháp lý thoả mãn yêu cầu xã hội ngày một tốt hơn.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của  dân, do dân, vì dân, thì việc xây dựng, mở rộng và hoàn thiện mô hình dịch vụ pháp lý cũng góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền. Về bản chất, Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước dân chủ, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế. Với yêu cầu này, các hoạt động dịch vụ pháp lý như một công cụ đắc lực trong việc trợ giúp cho các đối tượng quản lý trong xã hội hành xử theo pháp luật, làm cho trật tự xã hội được ổn định, phát triển theo hướng lành mạnh, vững chắc, ý thức pháp luật của quần chúng ngày càng nâng cao. Muốn vậy, mô hình về dịch vụ pháp lý phải được mở rộng về phạm vi, đa dạng về hình thức cung cấp dịch vụ để quần chúng nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận và lựa chọn phù hợp yêu cầu của họ. Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đòi hỏi phải không ngừng tăng cường pháp chế. Nhu cầu đảm bảo pháp chế không chỉ riêng từ phía quần chúng nhân dân mà còn đòi hỏi các cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước cũng cần phải tuân thủ pháp luật và hành động theo pháp luật. Hoạt động dịch vụ pháp lý trong quá trình tranh tụng trước Toà án và các cơ quan tài phán khác, cũng như hoạt động đại diện pháp lý cho các chủ thể, các đương sự trước cơ quan công quyền là sự giám sát từ phía xã hội từ phía quần chúng đối với hoạt động của các cơ quan tố tụng và cơ quan công quyền. Điều này đòi hỏi phải thiết lập một cơ chế phù hợp, dân chủ để các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý có thể hoàn thành được nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

3.2.2. Kiến nghị về mô hình dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sau khi tìm hiểu về nhu cầu và xác định định hướng phát triển dịch vụ pháp lý trong thời kỳ mới ở nước ta, có thể dự kiến về mô hình phát triển của nó như sau:

a. Về khái niệm và phạm vi dịch vụ pháp lý.

Trước hết, việc đưa ra khái niệm dịch vụ pháp lý là việc làm khó khăn, hơn nữa có tính học thuật dễ gây tranh luận. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ dịch vụ pháp lý là gì. Thay vì đưa ra một định nghĩa về dịch vụ pháp lý người ta chọn phương pháp liệt kê các hoạt động nào được coi là dịch vụ pháp lý. Việc đưa ra khái niệm hoặc định nghĩa về dịch vụ pháp lý chỉ mang tính quy ước, quy định để có một cách hiểu thống nhất. Vì vậy, dịch vụ pháp lý với khái niệm nội hàm của nó có thể hiểu là tổng thể các dịch vụ tư vấn pháp luật và dịch vụ đại diện pháp lý. Theo đó, dịch vụ tư vấn pháp luật được hiểu là hoạt động cung cấp các ý kiến pháp lý, giải pháp của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu (gọi chung là khách hàng). Còn dịch vụ đại diện pháp lý được hiểu là chủ thể cung cấp dịch vụ sẽ là người đại diện cho khách hàng, thay mặt cho khách hàng trước các cơ quan, tổ chức, trước các đối tác của khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng theo đúng các quy định của pháp luật. Các cơ quan, tổ chức có thể là các cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội, chính trị - xã hội, các tổ chức có quyền tài phán... Như vậy, dịch vụ đại diện pháp lý còn bao gồm cả việc tham gia tranh tụng trước Toà như bào chữa cho bị can, bị cáo (đại diện cho quyền lợi của bị can, bị cáo) trong các vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự trong tố tụng trọng tài ở các tổ chức trọng tài thương mại trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, dịch vụ pháp lý có thể còn những hoạt động khác khi khách hàng có yêu cầu nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Điều 14 Pháp lệnh luật sư năm 2001 quy định rất rõ về dịch vụ pháp lý của luật sư trong tố tụng tư pháp. Luật sư tham gia tố tụng tư pháp với 3 tư cách sau đây:

-  Người bào chữa cho bị can, bị cáo;

          -  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính;

-  Người đại diện của các đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính.

Như vậy với tư cách của người đại diện chỉ có trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính. Luật sư tham gia tố tụng tư pháp với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự có được hiểu là người đại diện không?

Luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự để cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, đây là những hoạt động mang tính chất đặc thù. Hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của luật sư trong tố tụng hình sự. Một số tác giả cho rằng luật sư là người bào chữa, là người tham gia tố tụng độc lập. Theo quan điểm của một số người khác, luật sư trong tố tụng hình sự là người đại diện của bị can, bị cáo.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo bằng những phương tiện và phương pháp hợp pháp, luật sư thể hiện vị trí tố tụng độc lập của mình. Điều đó có nghĩa là họ không có quyền tuân theo yêu cầu không hợp pháp, không có căn cứ của bị can, bị cáo. Vị trí độc lập của luật sư trong tố tụng hình sự được xác định bằng các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự. Những quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho luật sư khẳng định luật sư là chủ thể độc lập của hoạt động tố tụng hình sự.

Có quan điểm cho rằng luật sư là chủ thể độc lập trong tố tụng đồng thời là người đại diện cho lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Nhưng đây là đại diện với hình thức đặc biệt mà không nên nhầm với các hình thức đại diện khác.

Một số tác giả khác xem xét vị trí tố tụng của luật sư như là người đại diện của bị can, bị cáo và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho họ.

Vì vậy, cần xác định địa vị pháp lý của luật sư trong tố tụng hình sự là người tham gia tố tụng độc lập, có những quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định, hoạt động cùng với bị can, bị cáo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Đại diện ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng đại diện là thay mặt cho khách hàng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ mà không phải là chỉ bó hẹp theo nghĩa là thay mặt cho khách hàng thực hiện những công việc được khách hàng uỷ quyền trong quan hệ pháp luật dân sự. Ngoài ra, khi tham gia tố tụng hình sự, luật sư có thể là người đại diện cho người bị hại hoặc các đương sự khác trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, trong các vụ án phi hình sự thì có sự phân biệt tương đối rõ giữa người đại diện theo uỷ quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, người đại diện do đương sự uỷ quyền có thể tham gia tất cả các vụ án trừ vụ án ly hôn, còn người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì có thể tham gia tất cả các vụ án, kể cả vụ án ly hôn và huỷ hôn nhân trái pháp luật.

- Thứ hai, đương sự có thể uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng. Việc uỷ quyền phải được làm thành văn bản và có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là người được đương sự nhờ (có thể là luật sư hoặc người khác).

          - Thứ ba, người đại diện do đương sự uỷ quyền có quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi uỷ quyền. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có vị trí tương đối độc lập và có những quyền, nghĩa vụ tố tụng nhất định.

          Với lập luận như trên cũng có thể xem vị trí của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự là người đại diện theo nghĩa rộng của từ này.

Cũng từ nội hàm khái niệm, phạm vi dịch vụ pháp lý có thể được xác định như sau:

-  Dịch vụ tư vấn pháp luật;

-  Dịch vụ đại diện pháp lý, trong đó:

+  Đại diện pháp lý trong tố tụng tư pháp;

+ Đại diện pháp lý trong thủ tục hành chính, tố tụng trọng tài;

+ Đại diện theo uỷ quyền về những vấn đề liên quan đến pháp luật;

- Các hoạt động dịch vụ pháp lý khác (soạn thảo hợp đồng, các giấy tờ pháp lý...).

b. Về chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đòi hỏi bản thân mỗi công dân, mỗi thành viên của xã hội đều phải nâng cao ý thức pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Chính bởi vậy, nên đội ngũ luật sư – những người làm tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý, thay mặt cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu về dịch vụ pháp lý càng phải am hiểu sâu sắc hơn về pháp luật, phải hội đủ các yếu tố cần thiết về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, uy tín để đảm đương được nhiệm vụ. Khắc phục tình trạng thực tế hiện nay, trong tương lai, khi thị trường dịch vụ pháp lý phát triển phong phú và đa dạng, cần thiết phải tiêu chuẩn hoá đội ngũ những người hành nghề tư vấn pháp luật, đại diện pháp lý (các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung).

Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tố tụng tư pháp bao gồm:

-  Luật sư;

`        -  Đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo;

-  Bào chữa viên nhân dân;

-  Người khác.

Trên thế giới, việc cung cấp dịch vụ pháp lý phải do các nhà chuyên nghiệp  bởi vì họ là những người am hiểu pháp luật, biết vận dụng pháp luật và có kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng tư pháp, việc thực hiện các dịch vụ pháp lý phải là luật sư. Một số nước còn quy định rõ trong luật về sự độc quyền tham gia tố tụng của luật sư trước Toà.

Ở Việt Nam, luật sư là một nghề đòi hỏi rất cao về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Muốn trở thành luật sư phải có bằng cử nhân luật, qua đào tạo nghề, qua thời gian tập sự, thi đỗ kỳ thi hết tập sự mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và mới có quyền hành nghề luật sư. Trong khi đó, những người khác, pháp luật không đòi hỏi ở họ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp mà vẫn được tham gia tố tụng, thực hiện dịch vụ pháp lý. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đội ngũ luật sư ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực tế cũng khẳng định vai trò của luật sư trong xã hội và việc thực hiện các dịch vụ pháp lý chủ yếu là luật sư. Vì vậy, đã đến lúc chỉ cho phép những người có chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dịch vụ pháp lý mới được thực hiện dịch vụ pháp lý và chỉ có luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý trong tố tụng tư pháp.

Giai đoạn trước mắt, bên cạnh việc phát triển nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ luật sư để họ đáp ứng kịp nhu cầu cấp thiết của đời sống xã hội, cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc kiện toàn đội ngũ tư vấn viên pháp luật (ở các tổ chức đoàn thể xã hội); kiện toàn đội ngũ chuyên viên trợ giúp pháp lý (ở các Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách); tiêu chuẩn hoá một số chức danh tư vấn pháp luật trong những lĩnh vực hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ, trọng tài...

Về lâu dài, chúng ta cần các định rõ, những người đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ pháp lý chỉ có thể là luật sư. Bởi lẽ, cũng như một số nghề nghiệp đặc thù, người hành nghề dịch vụ pháp lý phải là người có trình độ chuyên môn pháp luật vững vàng, có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, có những đòi hỏi khắt khe về uy tín, đạo đức mới tạo được niềm tin cho khách hàng, đồng thời, chính họ còn phải góp phần tích cực vào việc bảo vệ và tăng cường pháp chế. Cho nên, cần thiết phải tiêu chuẩn hoá và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ những người cung cấp dịch vụ pháp lý, mới đảm bảo  phúc đáp yêu cầu của đời sống xã hội. Cần xây dựng kế hoạch và chương trình cụ thể, hiệu quả, khả thi để đào tạo được đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có đủ trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta cũng cần dự liệu khả năng về năng lực cạnh tranh giữa đội ngũ luật sư trong nước với các luật sư nước ngoài khi tham gia tranh chấp thương mại quốc tế, giữa tổ chức luật sư, luật sư trong nước và tổ chức luật sư, luật sư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam về cơ hội và khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng đội ngũ luật sư chuyên tham gia  giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa cơ quan công quyền với công dân, giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong quan hệ tư pháp quốc tế, các luật sư của doanh nghiệp, các luật sư chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

c. Về hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trên thực tế, cho đến nay về phía nhà cung cấp dịch vụ pháp lý tồn tại rất nhiều loại hình tổ chức khác nhau trên thị trường, đó là:

          - Các công ty tư vấn về đầu tư, kinh doanh hoặc nghề nghiệp khác bao gồm hay kết hợp tư vấn pháp lý hay chuyên biệt về tư vấn pháp lý được thành lập và hoạt động theo Luật Công ty trước kia và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Rất nhiều công ty trong số này đã có lâu năm tồn tại và phát triển, giàu kinh nghiệm nghề nghiệp, có tên tuổi và uy tín trên thị trường;

          - Các Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh được thành lập mới hoặc chuyển đổi từ các hình thức công ty tư vấn pháp lý hay Chi nhánh của các Đoàn luật sư trước đây sau khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 có hiệu lực thi hành;

          - Các Văn phòng, Trung tâm tư vấn một số lĩnh vực nhất định có kết hợp tư vấn pháp lý hay chuyên biệt tư vấn pháp lý của các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các hiệp hội khoa học kỹ thuật, hiệp hội doanh nghiệp v.v..;

          - Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cho người nghèo hay một số dự án hỗ trợ phát triển, xoá đói, giảm nghèo do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tài trợ với thời hạn hoạt động có giới hạn;

          - Các nhà tư vấn pháp lý độc lập (Việt Nam và nước ngoài) hoạt động với tư cách chuyên gia cho các dự án hỗ trợ cải cách kinh tế, thể chế và pháp luật sử dụng nguồn vốn ODA hoặc tương tự; và

          - Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài hoạt động theo Nghị định về hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài hoặc các Công ty tư vấn hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài.

          Đối chiếu với thực tiễn Việt Nam hiện nay, nếu chỉ xét ở khía cạnh hẹp là dịch vụ  pháp lý thì cần thấy rõ một thực tế là tiềm năng rất lớn  đối với dịch vụ này sẽ là các doanh nghiệp, thậm chí từ các cơ quan của Chính phủ. Dịch vụ pháp lý sẽ chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu quan tâm và khai thác thành công thị trường này. Quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhà cung cấp dịch vụ, đương nhiên, phải là quan hệ mang tính thương mại và chuyên nghiệp, thậm chí phải đạt các tiêu chuẩn về bảo đảm tính khả thi về cung cấp tài chính và giảm thiểu các rủi ro bất khả kháng. Mô hình tổ chức “công ty” để cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đối tượng này chắc chắn thích hợp hơn so với các Văn phòng luật sư đơn lẻ.

          Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các Văn phòng luật sư cá nhân tiếp tục thành lập và hoạt động theo Pháp lệnh luật sư năm 2001 thì cần khuyến khích sự hình thành và phát triển các công ty luật Việt Nam với quy mô không hạn chế, có kinh nghiệm chuyên môn và sức mạnh tài chính để đủ năng lực đương đầu với cạnh tranh quốc tế nhằm bảo vệ thành công các lợi ích của quốc gia và doanh nghiệp nước nhà. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã tạo điều kiện một bước để Việt Nam có một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Đi theo mô hình của các tập đoàn dịch vụ lớn và đa ngành quốc tế, các luật sư Việt Nam cần được khích lệ để liên kết với nhau và hợp tác với các lực lượng chuyên nghiệp khác trong xã hội trong các mô hình tổ chức kinh doanh hiện đại có cơ cấu mở, linh hoạt và khả năng phát triển cao, có năng lực  cung cấp dịch vụ tổng hợp về các vấn đề liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia trong các khía cạnh chính trị, pháp luật và kinh tế. 

Để khắc phục những quy định chồng chéo, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về hình thức và phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý, trong thời gian tới, nhất thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về vấn đề này theo hướng đa dạng hơn hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý.

Như đã trình bày ở trên, phạm vi hành nghề dịch vụ pháp lý bao gồm; Dịch vụ về tư vấn pháp luật;  Dịch vụ đại diện pháp lý;  Các dịch vụ pháp lý khác. Với phạm vi hành nghề như vậy, trong tương lai, khi chúng ta đã thống nhất và tiêu chuẩn hoá điều kiện của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý (phải là luật sư) thì không nên phân biệt hay có những rào cản, hạn chế về việc lựa chọn hình thức hành nghề (hoặc giới hạn việc hành nghề của một số đối tượng, hình thức...). Hình thức hành nghề, chẳng qua chỉ là phương thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư, giúp họ có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất, tiện lợi và hiệu quả nhất cho khách hàng. Vì vậy, hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý cần được tổ chức đa dạng với các hình thức sau đây:

- Văn phòng luật sư (chỉ có thể do một luật sư thành lập; Văn phòng luật sư do hai luật sư thành lập bản chất không khác gì công ty luật hợp danh).

- Công ty luật (có thể thành lập theo hình thức công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cần có các điều kiện, tiêu chuẩn đặc thù cho việc thành lập công ty luật theo các loại hình công ty nói trên. Ví dụ: Điều kiện về chủ thể thành lập công ty, các thành viên hợp danh hoặc các thành viên sáng lập trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải là luật sư...).

- Trung tâm tư vấn pháp luật (các trung tâm này khi hành nghề cũng phải do các luật sư có đủ điều kiện hành nghề mới được cung cấp dịch vụ...).

- Các Chi nhánh của tổ chức  luật sư, Công ty luật nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam...

- Trung tâm dịch vụ pháp lý miễn phí (các trung tâm này có thể do Nhà nước hoặc tổ chức xã hội thành lập).

Ngoài ra cần nghiên cứu để quy định hình thức hành nghề độc lập (tự do) của luật sư với tư cách là luật sư làm thuê (luật sư riêng) của doanh nghiệp, của dự án, của Chính phủ, bộ, ngành...

Việc lựa chọn hình thức hành nghề nào cho phù hợp là tuỳ thuộc vào khả năng, điều kiện của mỗi luật sư. Và khi lựa chọn một trong các hình thức hành nghề nêu trên, các luật sư có thể được thực hiện tất cả các hoạt động về dịch vụ pháp lý theo phạm vi hành nghề mà pháp luật đã quy định.

đ. Về quản lý  đối với  dịch vụ pháp lý

Về nguyên tắc, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hành nghề dịch vụ pháp lý. Trong điều kiện thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, cần thiết phải xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, để đảm bảo cho các biện pháp quản lý nhà nước đạt hiệu quả.

Nhà nước cần hình thành cơ chế quản lý thống nhất, toàn diện đối với hoạt động của các luật sư, tổ chức luật sư và hoạt động dịch vụ pháp lý nói chung, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối quản lý và phương thức quản lý thiếu thống nhất như hiện nay đối với hoạt động dịch vụ pháp lý. Với cơ chế này, cần phân định rõ và hợp lý giữa quản lý nhà nước về luật sư và chế độ tự quản của tổ chức luật sư. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và chế độ tư quản của tổ chức luật sư trên tinh thần những vấn đề nào mà tổ chức luật sư làm được, làm tốt thì để tổ chức luật sư thực hiện, phát huy tinh thần chủ động, tự chủ, tự quản của họ. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành Tổ chức luật sư toàn quốc để tăng cường tính tự quản và trách nhiệm của tổ chức luật sư.

          Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường có lẽ cần quán triệt phương châm chung là giảm thiểu tối đa các biện pháp hành chính mà thay vào đó là điều tiết vĩ mô thông qua các cơ chế của thị trường. Hơn nữa, mục đích và động cơ của mọi sự quản lý là tạo điều kiện cho sự phát triển chứ không phải là “xiết chặt” và “hạn chế”. Đối với lĩnh vực dịch vụ pháp lý, nên chăng có sự phân định các cấp độ quản lý khác nhau.

          Quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua việc hoạch định chính sách, ban hành pháp luật để quy định các tiêu chuẩn tối thiểu về hành nghề dịch vụ pháp lý, chẳng hạn như tiêu chuẩn trở thành luật sư, tiêu chuẩn về điều kiện hành nghề của một tổ chức dịch vụ pháp lý; chẳng hạn một tổ chức (không chỉ các Văn phòng luật sư mà còn Công ty thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp) cần phải có một số lượng tối thiểu luật sư nhất định mới được đăng ký hành nghề dịch vụ pháp lý, hay điều kiện “bất khả kiêm nhiệm” của một luật sư hay tổ chức dịch vụ pháp lý với một số loại ngành nghề khác v.v...Cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ nên tập trung vào việc kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề  luật sư.

          Quản lý các khía cạnh khác theo các luật áp dụng cho các tổ chức cung cấp dịch vụ nói chung bởi các cơ quan chức năng khác nhau của Nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan lao động, cơ quan thống kê và đăng ký kinh doanh v.v.. Muốn như vậy, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật cần hoạt động trong cùng một hành lang thống nhất và bình đẳng là Luật doanh nghiệp.

          Nghiên cứu xây dựng chế độ trách nhiệm của luật sư, kết hợp giữa hệ thống chế tài của Nhà nước và chế độ kỷ luật của tổ chức tự quản theo hướng xác định rõ và cụ thể hệ thống chế tài của Nhà nước và phát huy tối đa sự kiểm soát của bản thân các luật sư trong chế độ tự quản. Việc xác định rõ chế độ trách nhiệm của luật sư là nhằm phát triển đội ngũ luật sư ngày càng giỏi hơn về chuyên môn, nghiệp vụ; vững vàng hơn về bản lĩnh chính trị và trong sáng hơn về đạo đức nghề nghiệp, thoả mãn yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý mà các luật sư cung cấp. Để đạt được mục đích và hiệu quả như trên, thì chế độ kỷ luật trong hình thức tự quản có ý nghĩa quan trọng và hệ thống chế tài của Nhà nước có ý nghĩa quyết định.

          Bên cạnh việc xác định chế độ trách nhiệm của luật sư, cần thiết phải tạo môi trường pháp lý thuận lợi và bảo đảm trên thực tế việc luật sư được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu để xây dựng  chế độ bảo hộ nghề nghiệp để luật sư có đủ điều kiện thực hiện tốt các dịch vụ pháp lý.

          Quản lý các hoạt động nghề nghiệp hàng ngày của luật sư bởi tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư thông qua quy chế đạo đức nghề nghiệp. Cách thức quản lý này sẽ là hiệu quả nhất vì lẽ “không ai hiểu rõ luật sư hơn luật sư”, theo đó, cơ chế tự quản của các luật sư sẽ phát huy tác dụng. Vì vậy xã hội hoá tổ chức và hoạt động luật sư cần theo những định hư­ớng cơ bản sau đây:

- Cần khẳng định luật sư là một nghề trong xã hội và vì vậy tổ chức, hoạt động luật sư­ cần đ­ược xây dựng trên những nguyên tắc là một nghề chuyên nghiệp, nghề tự do;

- Cần tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ luật s­ư chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu về luật s­ư tham gia tố tụng, t­ư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như­ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử;

- Từng bư­ớc chuẩn hoá các tiêu chuẩn luật s­ư phù hợp với các yêu cầu, điều kiện cụ thể của sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nư­ớc, như­ng phải bảo đảm đáp ứng các chuẩn mực về mặt chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện hành nghề của luật s­ư trong khu vực và trên thế giới;

- Đề cao trách nhiệm cá nhân của luật s­ư, nâng cao vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư­, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nư­ớc đối với nghề luật sư­; phân biệt rõ quản lý nhà nước với tự quản của tổ chức nghề nghiệp của luật sư;

- Từng bư­ớc hoàn chỉnh hệ thống văn bản điều chỉnh nghề luật s­ư, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho nghề luật s­ư Việt Nam phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.

3.2.3. Hoàn thiện pháp luật về dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, ở nước ta cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật nhằm xây dựng một khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất bảo đảm phát huy vai trò và hiệu lực quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm dân chủ, công bằng xã hội ở Việt nam. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và bổ trợ tư pháp đều được tổ chức và hoạt động trên cơ sở một đạo luật do Quốc hội ban hành để đảm bảo tính đồng bộ, ổn định và tính hiệu lực cao. Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần chú trọng đến việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về lĩnh vực tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế”. Vì vậy cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, trong đó cần chú trọng pháp luật về tố tụng.

Hoàn thiện pháp luật về tố tụng phải theo kịp, đồng bộ với tiến trình đổi mới pháp luật về nội dung và pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước để bảo đảm có đủ công cụ pháp lý cần thiết cho cơ quan, tổ chức tư pháp thực hiện quyền năng và trách nhiệm của mình cũng như để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng pháp luật. Khắc phục tình trạng cắt khúc giữa các giai đoạn tố tụng như hiện nay, quy định hợp lý thời gian tiến hành tố tụng, áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với các vụ án đơn giản , chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng.

Hoàn thiện pháp luật tố tụng theo hướng bảo đảm các thủ tục tố tụng dân chủ hơn, tăng cường vai trò của luật sư nhằm thực thi nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền con người trong tố tụng hình sự. Pháp điển hoá các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng hành chính theo hướng mở rộng thẩm quyền của Toà hành chính được xét xử tất cả các vụ khiếu kiện hành chính và cải cách căn bản thủ tục giải quyết các vụ án hành chính phù hợp với điều kiện hiện nay. Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành để áp dụng chung cho các tranh chấp dân sự, kinh tế và lao động, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự; thủ tục nhanh gọn đơn giản; thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử; tăng khả năng tranh tụng trong phiên toà.

Chế định bào chữa đã được quy định tương đối cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên do nhận thức chưa thật đầy đủ và do chưa có sự hướng dẫn cụ thể, đồng bộ, thống nhất dẫn đến việc luật sư tham gia vào hoạt động tố tụng chưa hiệu quả. Đã đến lúc phải xem việc tham gia của luật sư vào quá trình tố tụng hình sự là sự giám sát tốt nhất đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử thì cần phải chú ý đến chức năng bào chữa, trong đó có vai trò của luật sư.

 Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự, bên cạnh việc mở rộng quyền của bị can, bị cáo và cho phép luật sư tham gia sớm hơn và trong mọi giai đoạn của tố tụng, cần phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của luật sư. Sự tham gia của luật sư  trong tố tụng chỉ thúc đẩy nhanh chóng và góp phần tránh oan sai trong quá trình giải quyết vụ án. Vị trí của luật sư phải được xem là một bên tham gia tố tụng, bên bào chữa ngang hàng với bên buộc tội tại phiên toà. Toà án phải là người trọng tài, cầm cân nảy mực, là người phán xét cuối cùng.

           Vị trí của luật sư, vai trò của luật sư trong việc đại diện cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi của họ trước pháp luật đã thể hiện rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay khi hành nghề luật sư gặp không ít khó khăn, nhất là khi đại diện cho khách hàng tiếp xúc với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc do khách hàng uỷ quyền. Vì vậy cần tăng cường hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan công quyền trước dân.

Đồng thời với việc hoàn thiện pháp luật có liên quan đến dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực tư pháp cần sớm ban hành văn bản pháp luật về dịch vụ pháp lý miễn phí và các lĩnh vực khác như hoà giải, trọng tài, sở hữu trí tuệ...

Với việc ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001, luật sư ở nước ta đã được xã hội thừa nhận là một nghề nghiệp, một loại hình dịch vụ. Đó là điều hợp quy luật trong nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường và tuân thủ nguyên tắc pháp quyền thì dịch vụ của luật sư phải được xem là một trong các nghề tự do quan trọng trong xã hội.

Về định hướng cho giai đoạn từ nay đến năm 2010 cần nghiên cứu xây dựng một đạo luật về luật sư trong đó quy định về tổ chức và hành nghề cho cả luật sư trong nước và luật sư nước ngoài. Quy định thống nhất các loại hình dịch vụ pháp lý, chỉ có luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý, khắc phục tình trạng cát cứ như hiện nay. Luật về luật sư cần thể hiện một số nội dung cơ bản sau đây:

   Thứ nhất, phải thống nhất hoá nghề luật sư, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các luật sư Việt Nam với nhau; luật sư phải là một nghề nghiệp chung bao gồm cả luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn pháp luật, không hạn chế luật sư chỉ được hành nghề tranh tụng hoặc hành nghề tư vấn pháp luật; họ được tự do lựa chọn lĩnh vực hành nghề phù hợp với khả năng và sở trường của họ.

  Thứ hai, phải chính quy hoá tiêu chuẩn luật sư. Khác với các dịch vụ thông thường, dịch vụ pháp lý là dịch vụ cung cấp cho khách hàng kiến thức pháp luật, ý kiến pháp lý, hướng dẫn cho họ xử sự theo pháp luật, xử lý các tình huống tranh chấp theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước các cơ quan có thẩm quyền do đó đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải có một trình độ pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với luật sư là tương đối bảo đảm, còn tiêu chuẩn, điều kiện của những người thực hiện tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính Phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật mặt bằng còn thấp. Trên thực tế, có những người hoàn toàn không được đào tạo về luật cũng thành lập công ty luật theo quy định của Luật Công ty năm 1990. Luật Doanh nghiệp mới ban hành cũng chưa quy định tiêu chuẩn đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ pháp lý mà chỉ quy định kinh doanh dịch vụ pháp lý là một loại hình kinh doanh cần có chứng chỉ hành nghề.

          Thứ ba, đa dạng hoá hình thức hành nghề luật sư. Như đã trình bày ở trên về sự đa dạng, phức tạp trong hình thức tổ chức hành nghề dịch vụ pháp lý hiện nay, do đó, cần phải quy định hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo hướng luật sư được hành nghề dưới nhiều hình thức: Hành nghề độc lập, Văn phòng luật sư,  Công ty luật v.v...Đây là những hình thức hành nghề phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thứ tư, cần quy định rõ trách nhiệm của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trước khách hàng khi thực hiện tư vấn sai, gây thiệt hại về lợi ích vật chất và tinh thần cho khách hàng. Ở phần lớn các nước trên thế giới, luật sư phải tham gia bảo hiểm nghề nghiệp.

Thứ năm, cần quy định thống nhất, rõ ràng về quản lý đối với hành nghề luật sư. Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước với sự tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, nhằm mục đích vừa bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước; vừa chấp hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp do tổ chức xã hội nghề nghiệp đặt ra. Tuy nhiên cần phân biệt rõ và cụ thể giữa quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư.

 

KẾT LUẬN

 

 Sau khi nghiên cứu toàn diện về thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, có thể rút ra một số kết luận sau đây:

1. Phát triển nền kinh tế theo kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phát triển một thị trường hàng hoá dịch vụ. Trong các dịch vụ thương mại nói chung, thì dịch vụ pháp lý có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác ở nền kinh tế phát triển. Dịch vụ pháp lý không những đảm bảo an toàn cho các quan hệ kinh doanh mà còn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, của thị truờng và xã hội. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động dịch vụ pháp lý ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thông thương hoá các hoạt động thương mại khu vực và quốc tế.

2. Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí cần thiết của mình trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong việc thu hút và khuyến khích hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài,  thúc đẩy nền kinh tế phát triển; góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, giúp cho công dân, tổ chức có thói quen làm việc và quyết định việc kinh doanh theo pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù là sản phẩm của cơ chế thị trường, nhưng bản thân sự phát triển dịch vụ pháp lý chưa được đặt trong bối cảnh thị trường, dịch vụ pháp lý chưa được coi là một loại dịch vụ thương mại. Các quy định pháp luật hiện hành còn có sự phân biệt giữa các hình thức hành nghề và  chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý. Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý còn thiếu thống nhất, nhiều đầu mối, ở mỗi địa phương, việc quản lý có sự khác nhau, thiếu đồng bộ. Có thể nói, thực trạng hệ thống pháp luật về dịch vụ pháp lý ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội.

3. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta phát triển ngày càng sâu rộng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang có những bước tiến triển mới, nhu cầu mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân trong xã hội, phúc đáp kịp thời công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, hoạt động dịch vụ pháp lý ở Việt Nam cần thiết phải có sự đổi mới cơ bản về quan niệm, tổ chức và hoạt động. Đặc biệt cần thiết phải có sự bổ sung, hoàn thiện về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam.

4. Cũng từ quá trình nghiên cứu về thực trạng dịch vụ pháp lý trong thời gian qua, tìm hiểu về nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội đối với dịch vụ pháp lý, xác định mục tiêu và định hướng phát triển trước mắt cũng như về lâu dài của hoạt động dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, đề tài đã đề xuất về dự kiến mô hình dịch vụ pháp lý và các giải pháp hoàn thiện theo hướng xác định dịch vụ pháp lý phải được coi là một nghề kinh doanh theo hướng thương mại dịch vụ. Phạm vi hoạt động dịch vụ pháp lý cũng cần được mở rộng với các hình thức hành nghề phong phú và đa dạng. Nhưng về tiêu chí hành nghề của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý phải chuẩn hoá ở mức độ cao hơn (phải là các luật sư đủ tiêu chuẩn và được cấp chứng chỉ hành nghề) và đặc biệt là vấn đề quản lý nhà nước đối với dịch vụ pháp lý cần có phương thức quản lý thống nhất, toàn diện, kết hợp và phát huy tinh thần chủ động, tự quản của các tổ chức luật sư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam./.

 

 

 



1 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2001, tr. 321.

2 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2001, tr. 325.

[1] Xem: Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, Hà Nội 1997,tr.248.

[2] Xem: X.I. Odzegove, Từ điển tiếng Nga, M.1984,tr.729 (Tiếng Nga).

 

[3] Xem: Oxford Advanced Learner's Dictionari. OU 1993.P. 1155-1156

[4] Xem: Provisional Centeral Product Classification. Statistical Papers. Series M.N.77.

[5] Xem: Official Records of ECOSOS 1997, Suppl.n.4 (E/1997/24).

[6] - Xem: Bộ Thương mại: Kết quả Vòng đàm phán Urugoay về hệ thống thương mại đa biên - NXB Thống kê năm 200, trang 376.

[7] Xem: Bộ Thương mại: Kết quả Vòng đàm phán Uruguay về hệ thống thương mại đa biên - NXB Thống kê năm 2000, trang 376.

[8] - Xem: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Công báo số 7+8 tháng 2/2002.

[9] Xem: Giáo trình Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

[10] - Xem: David René, "Major legal systems in the world to day: An introduction to the comparative study of Law.L. 1985.

[11] Mười hai nhóm theo cách phân loại của WTO là: (1) Dịch vụ thương mại (dịch nghề nghiệp và các dịch vụ liên quan đến máy tính); (2) Dịch vụ thông tin liên tạc; (3) Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật đồng bộ có liên quan; (4) Dịch vụ phân phối; (5) Dịch vụ giáo dục; (6) Dịch vụ liên quan đến môi truờng; (7) Dịch vụ tài chính (bảo hiểm và ngân hàng); (8) Dịch vụ du lịch và du lịch lữ hành; (9) Các dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao; (10) Dịch vụ giao thông; (11) Dịch vụ y tế; và (12) các loại dịch vụ khác. 

[12] Điều I(3), GATS.

[13] Điều I(3)(c), GATS và xem Russel Miller & Scott Gallacher, ‘The GATS Framework and Trade in Professional (Legal) Services’, Canberra, Australia (09/11/2002).

[14] Điều XIX(3), GATS.

[15] Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, sự phân biệt này cũng đang có xu thế mờ nhạt dần. Các luật sư tư vấn tại các nước này đang muốn xóa bỏ ranh giới này. Tại Hoa Kỳ, sự phân biệt này hầu như đã được xóa bỏ.

[16] Khái niệm này do Hiệp hội Luật sư quốc tế đưa ra, theo tiếng Anh là "Limited Licensing". Xem WTO, "Communication from Australia - Negotiating Proposal for Legal Services", S/CSS/W/67/Suppl.1/Rev.1.

[17] S.3, phần I, Act No. 35/1996.

[18] Xem http://www.liv.asn.au (truy cập ngày 25/11/2003).

[19] Xem S. 64, Act No. 35/1996.

[20] Theo WTO, ‘Communication from Australia, Negotiating Proposal for Legal Services Classification’, S/CSS/W/67/Suppl.2 (11/03/2002).

[21] Xem Russel Miller & Scott Gallacher (note 3).

[22] Xem "Submission to the Legal Services Review Committee of Singapore", http://www.ag.gov.au.

[23] Điều 81A, LPA.

[24]  Xem Điều 130C, phần IXA, LPA.

[25] Luật này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua vào kỳ họp thứ XIX vào ngày 15 tháng 5 năm 1996 ("Luật về luật sư của Trung Quốc").

[26] Xem  Điều 25 - 28, Luật về luật sư  Trung Quốc.

[27] Xem  Điều 31, Luật về luật sư của Trung Quốc.

[28] Xem  Điều 34 - 36, Luật về lụât sư của Trung Quốc.

[29] Theo Hongming XIAO, ‘Legal Profession in China: Past, Present and Future’, Perspectives, Vol. 1, No.4, http://www.oycf.org (truy cập ngày 25/12/2003).

[30] Trước năm 1995, các luật sư nước ngoài chỉ được đặt văn phòng tại 5 thành phố, đó là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Hà Khẩu. Sau năm 1995, có thêm 10 thành phố khác thuộc danh sách này.

[31] Trung Quốc vẫn còn đặt ra hạn chế về việc thành lập văn phòng đại diện ("VPĐD"). Để được phép mở các VPĐD, các hãng luật nước ngoài phải hoạt động liên tục tại Trung quốc trong vòng 3 năm trước khi có thể mở một VPĐD khác. Quy định này đã vấp phải rất nhiều phản đối của các nước thành viên WTO khác, đặc biệt là Australia và Hoa Kỳ.

[32] MDP là từ viết tắt của tiếng Anh, đầy đủ là multidisciplinary practice.

[33] Theo Kathryn Lolita Yarbrough, ‘Multidisciplinary Practices: Are They Already for Us?’ (2002) Alabama Law Review - 53 Ala. L. Rev. 639.

[34] Ibid.

[35] Xem Nguyễn Ngọc Chính, ‘Parlamat, một vụ Enron của Châu Âu’, Đầu tư Chứng khoán (Số 212 - ngày 29/12/2003).

[36] Bộ luật Sarbanes Oxley 2002 được ban hành ngày 30/07/2002.

[37] Theo Điều 303, Bộ luật Sarbanes Oxley 2002.

[38] Xem WTO, ‘Communications from the United States’, S/C/W/80 (09/12/1998).

[39] Ibid.

[40] Theo Điều 14, PLLS 2001, các dịch vụ liên quan đến tố tụng có thể bao gồm: bào chữa cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ án dân sự, vụ án hành chính, kinh tế hoặc lao động; tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp.

[41] Các dịch vụ tư vấn có thể là tư vấn về (các khía cạnh/vấn đề) của pháp luật; soạn thảo hợp đồng, đơn từ, di chAustralia và các giấy tờ khác... (Điều 7(1), NĐ số 65, và Điều 14(1d), PLLS 2001).

[42] Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật theo Nghị định 65/2003, việc trợ giúp pháp lý tại Việt Nam (chủ yếu là cho người nghèo và các đối tượng chính sách) luôn được khuyến khích (Quyết định số 734/TTg ngày 06/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý).

[43] Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật theo Nghị định 65/2003, việc trợ giúp pháp lý tại Việt Nam (chủ yếu là cho người nghèo và các đối tượng chính sách) luôn được khuyến khích (Quyết định số 734/TTg ngày 06/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách; Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01/03/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý).

[44] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư theo quy định của Pháp lệnh luật sư 2001, của Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này (Điều 1, Nghị định 65/2003).

[45] Xem ALRC Discussion Paper 62, ‘Review of the federal civil justice system ALRC’. Tại Bang New South Wales, Australia, tổng trị giá công việc hỗ trợ pháp lý miễn phí trong năm 1997 - 1998 lên tới AUD74 triệu.

[46] Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý ("Quy chế") kèm theo Quyết định số 358/2003/QĐ-BTP ngày 15/08/2003. Theo Quy chế này, các cộng tác viên hoạt động trong Cục trợ giúp pháp lý và Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước có thể là các chuyên viên pháp lý, luật sư, luật gia.

[47] Một số nghĩa vụ mang tính đạo đức nghề nghiệp của cộng tác viên thuộc tổ chức trợ giúp pháp lý đã được nêu ra tại Điều 7, 8 của Quy chế, ví dụ: giữ bí mật thông tin, từ chối nhận vụ việc khi thấy có xung đột về lợi ích.

[48] Điều 8, PLLS 2001.

[49] Nơi cư trú được xác định theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Dân sự năm 1995, xem Điều 4(1), Nghị định số 94/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư, ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2001 ("NĐ số 94").

[50] Người có trình độ đại học luật là người có bằng cử nhân luật hoặc bằng tốạt nghiệp đại học chuyên ngành luật, xem Điều 4(2), NĐ số 94.

[51] Người tốt nghiệp khoá đào tạo luật sư là người có giấy chứng nhận Tốt nghiệp khoá đào tạo luật sư do cơ sở đào tạo luật sư ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp (Điều 4(2), NĐ số 94). Ngoài ra, có một số trường hợp đượỳc miễn đào tạo nghề luật sư, chẳng hạn như Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, người đã làm thẩm phán, kiểm sát viên trên 5 năm, hoặc người đã làm điều tra viên cao cấp, chuyên viên pháp lý cao cấp (Điều 9, PLLS 2001).

[52] Nghĩa Nhân, Pháp lệnh Luật sư chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ pháp lý’ (17/08/2001), xem www.vnexpress.net (truy cập ngày 11/12/2003).

[53] Điều 42(2), PLLS 2001.

[54] Xem Trần Mạnh Hùng, ‘Rủi ro kinh doanh dịch vụ pháp lý’, Khoa học và Đời sống (28/07/2003). Trong đó, tác giả chỉ ra rằng"mệnh lệnh bắt buộc chuyển đổi hình thức hành nghề" đối với luật sư hành nghề theo hình thức công ty tư vấn luật theo mô hình của Luật Doanh nghiệp đã không được cụ thể hóa bằng các chế tài, do vậy vẫn có những luật sư không tự nguyện chuyển đổi hình thức hành nghề.

[55] Điều 17, PLLS 2001.

[56] Điều 18, PLLS 2001.

[57] Điều 19(2), PLLS 2001.

[58] Điều 23(2), PLLS 2001.

[59] Xem Nghĩa Nhân, note 44 nêu trên.

[60] Nguyễn Văn Thảo, ‘Một số vấn đề cần quan tâm khi thi hành Pháp lệnh Luật sư’ (tháng 12/2001), Chuyên đề về Pháp lệnh Luật sư 2001- Tạp chí Dân chủ Pháp luật - Bộ Tư pháp, trang 31.

[61] Xem Fred Burke, ‘Hiệp định Thương mại và Tự do hóa khu vực Dịch vụ pháp lý’, (Tháng 05/2003) Số Chuyên đề về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ - Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp, trang 81.

[62] Điều 29, Nghị định 87.

[63] Tiếng Anh là Alternative Dispute Resolution - ADR.

[64] Xem Trần Mạnh Hùng, note 46 nêu trên.

[65] Xem Fred Burke, note 53.

[66] Theo Nguyên tắc Mẫu của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association (ABA) Model Rule), một luật sư phải thực hiện ít nhất 50 giờ hỗ trợ pháp lý miễn phí một năm.

[67] Điều 43, PLLS 2001 quy định rằng, việc hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam do Chính phủ quy định.

[68] Điều 6 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 3/2/2000 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp.

[69] Nguồn: Báo cáo công tác TGPL năm 2002 và kế hoạch công tác TGPL năm 2003 của Cục Trợ giúp pháp lý.

[70] Báo cáo công tác trợ giúp pháp lý năm 2003 của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.

[71] Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế tại Việt Nam, Điều 36: Hoà giải

[72] Báo cáo của WTO về Dịch vụ pháp lý năm 2003.

 

[73] Xem Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX - Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2001, tr. 192, 193.

 

File đính kèm downloadTải về downloadTải về