• Thuộc tính
Tên đề tài Nội luật hóa các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Nội dung tóm tắt

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại đã trở thành nhu cầu bức xúc của các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng. Các hiệp định thương mại tự do, liên minh, liên kết kinh tế khu vực và song phương đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các quốc gia.

Để thúc đẩy quá trình phát triển này, các nước đã xây dựng một hệ thống những văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế. Công ước Viên về luật điều ước quốc tế, thực tiễn giải thích và áp dụng các điều ước quốc tế tại các cơ chế giải quyết tranh chấp như Tòa án quốc tế, Liên Hợp quốc, WTO ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình đó. Tuy nhiên, do pháp luật của các quốc gia đa dạng nên thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế tại các quốc gia có khác nhau: có quốc gia đặt ra yêu cầu phải thực hiện điều ước quốc tế bằng cách cho áp dụng trực tiếp các quy phạm của điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập, có quốc gia đặt ra yêu cầu áp dụng gián tiếp các điều ước quốc tế đó thông qua một quá trình chuyển đổi các quy phạm điều ước quốc tế thành quy phạm pháp luật trong nước mà đôi khi người ta gọi là nội luật hóa.

Đối với Việt Nam, công tác ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế có một vai trò rất quan trọng, là cơ sở pháp lý trong việc tăng cường và mở rộng các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, công tác ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cũng có những đóng góp tích cực đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Làm tốt công tác này sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay.

Trong những năm qua, số lượng điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập đã tăng lên đáng kể, trong đó các điều ước quốc tế phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã chiếm một số lượng lớn. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao năm 2002 chúng ta đã ký kết và gia nhập 134 điều ước quốc tế cấp Nhà nước và Chính phủ.Với việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, thời gian qua công tác điều ước quốc tế nói chung đã từng bước đi theo đúng khuôn khổ pháp luật, Nhà nước đã tạo dựng được cơ sở pháp lý thích hợp cho các cơ quan Nhà nước đề xuất đàm phán, ký kết và thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số trường hợp tranh chấp phát sinh theo các quy định trong các điều ước kinh tế, thương mại quốc tế do cách hiểu khác nhau hoặc chuyển hóa các quy phạm đó vào pháp luật trong nước có khác nhau. Như vậy, thực tiễn thực hiện các điều ước quốc tế đã đặt ra vấn đề cần nghiên cứu xử lý về mặt lý luận.

Để phục vụ tốt hơn công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc nghiên cứu pháp luật và thực tiễn của Việt nam và các nước trong lĩnh vực điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Một trong những vấn đề phức tạp ở đây cần nghiên cứu là vấn đề nội luật hoá các điều ước quốc tế trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

Trên thực tế, đã có một số toạ đàm, bài viết về các vấn đề khác nhau liên quan đến đề tài nội luật hoá các điều ước quốc tế. Tuy nhiên chưa có một đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính vì vậy việc chọn đề tài về nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là cần thiết, góp phần xây dựng cơ chế thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

1. Đề tài có mục tiêu tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ cơ sở khoa học pháp lý (trong nước và quốc tế) về điều ước quốc tế và nội luật hóa các điều ước quốc tế; đánh giá thực trạng khuôn khổ pháp luật Việt Nam và thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tê; xác định các yêu cầu đạt được trong quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế nhằm phục vụ cho hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đề tài đặt ra yêu cầu nghiên cứu pháp luật và thực tiễn điều ước quốc tế và nội luật hóa các điều ước quốc tế của Việt Nam và các nước để từ đó kiến nghị về cơ chế, mô hình và cách thức nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập phục vụ tốt hơn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Đề tài có phạm vi nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực hiện điều ước quốc tế và nội luật hóa điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và các hiệp định của WTO.

NHU CẦU KINH TẾ XÃ HỘI VÀ ĐỊA CHỈ ÁP DỤNG

- Nhu cầu kinh tế xã hội trong nghiên cứu, thực hiện Đề tài này là khá lớn, thể hiện qua nội dung các Văn kiện của Đại hội Đảng, Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2010… Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì Đề tài còn xuất phát từ đòi hỏi, nhu cầu nhằm phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Địa chỉ áp dụng:

Trước tiên là các cơ quan Nhà nước và các cán bộ công tác ở Trung ương và địa phương trực tiếp liên quan đến các hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt là đối với các cơ quan tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan thi hành pháp luật, các cơ quan tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.

Kết quả nghiên cứu Đề tài có thể giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các cá nhân hiểu được tốt hơn những vấn đề pháp lý liên quan tới các cam kết quốc tế của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tê.

Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng để biên soạn các tài liệu giảng dạy tại các trường, khoa đại học luật, kinh tế và thương mại quốc tế.

Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu là nguồn thông tin tra cứu hữu ích cho mọi đối tượng liên quan, kể cả đối tác nước ngoài.

Báo cáo phúc trình của Đề tài gồm năm phần chính:

Phần I:       Phần mở đầu

Phần II:      Lý luận chung về điều ước quốc tế và nội luật hoá điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Phần này tập trung trình bày một số vấn đề về lý luận chung về điều ước quốc tế và nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Phần III:    Pháp luật và thực tiễn của một số nước về điều ước quốc tế và nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Phần này tập trung phân tích pháp luật và thực tiễn của một số nước điển hình thuộc hệ thống Common law và Civil law liên quan đến điều ước quốc tế và nội luật hoá các điều ước quốc tế làm cơ sở tham khảo có chọn lọc cho việc xử lý vấn đề này ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế;

Phần IV:    Pháp luật và thực tiễn Việt Nam về điều ước quốc tế  và  các vấn đề về nội luật hóa điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Phần này tập trung trình bày các vấn đề liên quan đến thực trạng pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế và về điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế và vấn đề nội luật hóa các điều ước ngày. Ngoài ra, phần này tập trung nghiên cứu các quan điểm, ý kiến khoa học qua các tọa đàm, hội thảo, tài liệu, bài viết và qua khảo sát ý kiến chuyên môn ở Việt Nam về nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phần V:      Kết luận

Phần này trình bày phương hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế và nội luật hóa các điều ước quốc tế trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Kèm theo Báo cáo phúc trình còn có Phụ lục các chuyên đề nghiên cứu độc lập theo nội dung của Đề tài.

 

Nội dung toàn văn

LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

I. LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Lý luận chung về điều ước quốc tế

1.1. Khái niệm về điều ước quốc tế

Luật quốc tế ra đời khá sớm, nhưng điều ước quốc tế ra đời muộn hơn. Trong một thời gian dài, quan hệ giữa các quốc gia được điều chỉnh bằng các tập quán quốc tế. Tuy vậy, từ khi ra đời, điều ước quốc tế ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quan hệ giữa các nước, ngày càng khẳng định vị không thể thiếu của nó trong quan hệ liên quốc gia với tính cách là nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế, là “chất keo” kết nối giữa các chủ thể của pháp luật quốc tế.

Một bộ phận quan trọng của pháp luật quốc tế đó là Luật điều ước quốc tế. Luật điều ước quốc tế là tổng thể các quy phạm pháp luật quốc tế điều chỉnh trình tự ký kết, điều kiện hợp pháp, có hiệu lực và chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng trong mọi lĩnh vực đời sống quốc tế thì vai trò đặc biệt của luật điều ước ngày càng lớn, bởi vì chính nó là công cụ gắn kết quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

Vấn đề pháp điển luật điều ước quốc tế được thảo luận khá sớm, song chỉ trong khuôn khổ Liên hợp quốc tới năm 1969 mới soạn thảo và thông qua được Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế và mãi đến năm 1980 Công ước này mới có hiệu lực. Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế đã pháp điển hóa và phát triển hàng loạt các quy phạm vốn là tập quán quốc tế trong lĩnh vực điều ước quốc tế. Điều 1 của Công ước quy định rõ: “Điều ước là từ dùng để chỉ một thoả thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.

Mặc dù đã được định nghĩa như vậy, nhưng cách hiểu và giải thích về nó cũng như áp dụng trên thực tế hầu như chưa có sự thống nhất trong các quốc gia thành viên, kể cả các quốc gia chưa phải là thành viên của Công ước. Cách hiểu của Việt Nam về khái niệm điều ước quốc tế cũng không hoàn toàn nhất quán. Theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết được hiểu là “thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết”. Việc thực hiện các điều ước quốc tế theo Pháp lệnh này phải thực hiện thông qua quá trình chuyển đổi nó thành quy định pháp luật trong nước. Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 có định nghĩa: "Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”. Luật kế thừa và phát triển các quy định về thực hiện điều ước quốc tế trước đây và còn cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để thực thi nó, không cần sự chuyển đổi nào.

1.2. Các giai đoạn ký kết và thực hiện điều ước quốc tế

a) Giai đoạn ký kết điều ước quốc tế

Quá trình ký kết điều ước quốc tế được chia làm hai giai đoạn chính như sau.

- Giai đoạn thứ nhất: Là giai đoạn tạo lập thỏa thuận ý chí của các quốc gia hay các chủ thể khác của luật quốc tế. Nếu ký kết điều ước song phương thì giai đoạn này gồm: Đàm phán, soạn thảo văn bản điều ước và thống nhất thông qua văn bản này.

Nếu ký kết điều ước nhiều bên thì giai đoạn này gồm: Soạn thảo và thông qua văn bản điều ước bằng hội nghị quốc tế hoặc cơ quan được ủy nhiệm của tổ chức quốc tế.

- Giai đoạn thứ hai: công nhận hiệu lực bắt buộc của các quy phạm điều ước. Nó bao gồm tất cả các hành vi cụ thể riêng biết của các quốc gia. Các hành vi này phụ thuộc vào quy định cụ thể các điều kiện ghi trong điều ước và được biểu hiện bằng nhiều cách như: ký, phê duyệt, phê chuẩn, thông qua... Vấn đề gia nhập điều ước quốc tế cũng có thể nằm trong giai đoạn này hoặc nằm ở một công đoạn độc lập với giai đoạn ký kết nói trên tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể.

- Ký điều ước quốc tế:  phụ thuộc vào từng điều ước cụ thể, việc ký điều ước quốc tế có thể là kết thúc quá trình ký kết (nếu điều ước có hiệu lực từ thời điểm ký) hoặc chỉ là một trong các giai đoạn ký kết (nếu như điều ước còn cần phải phê chuẩn hoặc phê duyệt).

Ký tắt (paraphé) là ký của các vị đại diện vào văn bản dự thảo điều ước để xác nhận văn bản đó là văn bản đã được thỏa thuận; sau ký tắt cần phải ký đầy đủ hoặc ký ad referendum.

Ký ad referendum là ký của vị đại diện dưới điều kiện có sự đồng ý tiếp sau đó của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật trong nước. Ký ad referendum khác ký tắt ở chỗ, nếu ký ad referendum được cơ quan có thẩm quyền của các bên tỏ rõ ý tán thành thì không phải ký đầy đủ nữa, còn ký tắt chỉ là một bước để tiến tới ký đầy đủ. Ký đầy đủ (ký chính thức) - làm cho văn bản dự thảo điều ước trở thành văn bản pháp lý thể hiện ý chí của các bên tham gia điều ước.

- Phê chuẩn điều ước quốc tế: là việc cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước thông qua điều ước, biểu hiện sự đồng ý của nhà nước đối với quyền và nghĩa vụ ghi trong điều ước.

Cơ quan có quyền phê chuẩn điều ước quốc tế là cơ quan được quy định ở trong pháp luật của các nước.

Ở nước ta Hiến pháp quy định Quốc hội và Chủ tịch nước có quyền phê chuẩn điều ước quốc tế.

Pháp luật quốc tế không có một quy phạm cụ thể hay một văn bản pháp lý cụ thể quy định điều ước nào thì cần phê chuẩn và điều ước nào thì không. Thực tiễn điều ước  cho thấy rằng việc phê chuẩn h ay không cần phê chuẩn phụ thuộc ý muốn của các bên tham gia điều ước, vì các bên đều có chủ quyền và đều bình đẳng, tự nguyện tham gia quan hệ điều ước, do đó các bên tự quyết định với nhau trên cơ sở thỏa thuận.

Hiện nay pháp luật một số nước có quy định những loại điều ước nào thì cần phê chuẩn, còn loại nào thì không. Nhìn chung, điều ước cần phê chuẩn hay không cần phê chuẩn phụ thuộc vào đối tượng của điều ước và quan hệ của điều ước quốc tế đó với pháp luật trong nước cũng như cấp có thẩm quyền ký điều ước quốc tế đó.

Sau khi phê chuẩn, các bên phải tiến hành trao đổi thư phê chuẩn, Đối với điều ước song phương, việc trao đổi văn kiện phê chuẩn thường được tiến hành ở thủ đô của nước mà ở đó không tiến hành lễ ký điều ước. Đối với điều ước nhiều bên, thông thường văn kiện chuẩn của các bên phải được chuyển đến cơ quan được chọn bảo quản. lưu chiểu điều ước. Khi nhận được thư phê chuẩn của mỗi nước, nước bảo quản lưu chiểu điều ước có trách nhiệm thông báo cho các bên tham gia điều ước biết.

- Phê duyệt điều ước quốc tế.

Điều ước cần phải phê duyệt là những điều ước mà các bên thỏa thuận với nhau phê duyệt mà không cần phải phê chuẩn để điều ước quốc tế có hiệu lực thi hành. Phê duyệt điều ước là hành vi biểu hiện sự đồng ý ràng buộc của quốc gia vào điều ước quốc tế nào đó. Khác với phê chuẩn, việc phê duyệt điều ước thường được tiến hành tại cơ quan hành pháp tối cao của nhà nước. Phê duyệt điều ước và phê chuẩn điều ước, về nguyên tắc đều giống nhau, đều là hành vi biểu hiện sự đồng ý ràng buộc của một nước với một điều ước nào đó. Song cần phân biệt phê duyệt điều ước với khái niệm thông qua văn bản điều ước. Phê duyệt điều ước có nghĩa là Chính phủ hoặc một cơ quan hành pháp có thẩm quyền cụ thể chuẩn y điều ước đó, nếu như điều ước liên quan tới thẩm quyền của họ và không cần trình lên cấp cao hơn như Quốc hội. Còn thông qua văn bản điều ước có thể là hành vi cần thiết cho việc ký chính thức văn bản điều ước quốc tế.

- Gia nhập điều ước quốc tế.

Gia nhập điều ước quốc tế là việc một chủ thể của luật quốc tế thể hiện rõ ràng sự đồng ý ràng buộc mình với các quyền và nghĩa vụ của một điều ước quốc tế nhiều bên. Gia nhập điều ước quốc tế phải được thể hiện rõ theo các quy định cụ thể của điều ước quốc tế nhiều bên đó. Còn điều ước nào được gia nhập, điều ước nào không được gia nhập thì lại phụ thuộc vào quy định cụ thể của từng điều ước hoặc phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các thành viên của điều ước.

Những quốc gia gia nhập phải chấp nhận những điều khoản của điều ước theo những quy định và thủ tục cụ thể của điều ước đó, không có quyền thêm nội dung mới vào điều ước đó khi gia nhập, song lại có quyền bảo lưu những điều khoản nhất định theo quy định của điều ước đó.

b)Thực hiện điều ước quốc tế

Nguyên tắc tận tâm thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) là một trong những nguyên tắc cơ bản, bao trùm trong lý luận về việc thực hiện điều ước quốc tế. Nguyên tắc này có lịch sử phát triển lâu đời nhất so với lịch sử hình thành và phát triển của các nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này được ghi nhận cụ thể hay ngụ ý trong hầu hết các điều ước quốc tế đa phương và song phương. Ngay cả khi không được quy định cụ thể trong điều ước thì nguyên tắc này cũng được coi là có giá trị áp dụng đối với các bên tham gia điều ước vì nó là nguyên tắc tối cao của pháp luật quốc tế.

Công ước Viên năm 1969 về Điều ước quốc tế đã khái quát hóa nguyên tắc này như sau: "Mỗi điều ước khi có hiệu lực sẽ có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên tham gia nó và các bên cần phải nghiêm chỉnh thực hiện". Như vậy, các bên tham kết của một điều ước nào đó phải có nghĩa vụ tận tâm thực hiện những điều, những khoản mà mình đã thỏa thuận. Tận tâm thực hiện có nghĩa là không được thực hiện hình thức mà phải thi hành thực chất, trung thực các nghĩa vụ điều ước của mình. Thực hiện thực chất, trung thực có nghĩa là quốc gia có nghĩa vụ bằng mọi biện pháp cần thiết thực hiện tất cả các quy định của điều ước phù hợp với mục đích và nguyên tắc của nó trong hoạt động của mình. Nguyên tắc Pacta sunt servanda đòi hỏi các bên phải tôn trọng tất cả các quy phạm tập quán quốc tế đã được công nhận chung trong việc thực thi các nghĩa vụ điều ước. Cuối cùng, một nhân tố quan trọng của nguyên tắc Pacta sunt servanda là việc không thực hiện một quy định nào đó của điều ước này phải dựa trên cơ sở của pháp luật quốc tế. Các bên tham gia không có quyền viện dẫn luật nước mình (trật tự công cộng nước mình hoặc chưa có quy định trong nước) để không thực hiện điều ước quốc tế.

Qua phân tích ở trên cho thấy nguyên tắc Pacta sunt servanda là nguyên tắc nền tảng của pháp luật quốc tế hiện đại và nguyên tắc này bảo đảm cho việc các điều ước quốc tế  thực hiện. Theo nguyên tắc này, các quốc gia phải có nghĩa vụ tận tâm thực hiện hết khả năng các cam kết quốc tế của mình.

Pháp luật quốc tế nói chung không quy định cụ thể quốc gia cần phải thực hiện điều ước quốc tế bằng cách thức nào, hay nói cách khác các quốc gia toàn quyền có thể tự do lựa chọn các cách thức để thực hiện điều ước, miễn là điều ước quốc tế được thực hiện một cách tận tâm và đầy đủ. Ngoại lệ ở đây là khi các quốc gia thành viên điều ước có thoả thuận cụ thể về một cách thức nào đó sẽ được sử dụng để thực hiện một điều ước cụ thể hoặc có khuyến nghị hay đề xuất về khả năng sử dụng cách thức thực hiện nào đó.

2. Hệ thống các điều ước quốc tế của Việt Nam liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế

Trong những năm gần đây, số lượng các điều ước các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết và gia nhập ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế (1998-2005), Việt Nam đã ký kết, gia nhập hơn 700 điều ước quốc tế (chưa kể các điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa bộ, ngành). Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, số lượng điều ước quốc tế của Việt Nam ký kết đã bằng số lượng của gần 50 năm trước đó. Trong đó, các điều ước quốc tế liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế chiếm một phần không nhỏ.

Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế rất đa dạng và phong phú trên các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, tránh đánh thuế hai lần...

Có thể nói điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có quy mô và phạm vi điều chỉnh rộng lớn nhất là Hiệp định về việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định kèm theo của WTO. Các hiệp định của WTO điều chỉnh các hoạt động trong 3 lĩnh vực là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Các hiệp định này rất dài và phức tạp gắn kết với nhiều học thuyết kinh tế, thương mại quốc tế và được làm rõ qua các án lệ thương mại quốc tế và các phán quyết của WTO. Số lượng các Hiệp định này đến khoảng 5 vạn trang A4 điện tử. Thực tế, các hiệp định được xây dựng dựa theo một cấu trúc gồm sáu phần:

- Hiệp định khung (Hiệp định thành lập WTO);

- GATT 1994 và 12 Hiệp định chung điều chỉnh lĩnh vực thương mại hàng hoá cụ thể;

- Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và các phụ lục;

- Hiệp định điều chỉnh lĩnh vực thương mại của sở hữu trí tuệ (TRIPS);

- Thoả thuận về giải quyết tranh chấp;

- Quy định về rà soát chính sách thương mại của Chính phủ các nước

II. LÝ LUẬN VỀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Khái niệm về nội luật hóa

a) Ở các nước, để thi hành điều ước quốc tế, người ta thường phải chuyển hóa các quy phạm của điều ước quốc tế đó thành quy phạm pháp luật trong nước và thi hành điều ước quốc tế trên cơ sở các quy phạm pháp luật trong nước vốn là quy phạm của điều ước quốc tế đó. Quá trình chuyển hóa đó thường được gọi là chuyển hóa điều ước quốc tế hoặc nội luật hóa các điều ước quốc tế.

b) Ở Việt Nam, có nhiều ý kiến khác nhau về "nội luật hóa". Có thể nêu lên hai cách hiểu khái niệm nội luật hoá sau đây:

 - Cách hiểu thứ nhất cho rằng nội luật hóa là quá trình pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm chấp nhận hiệu lực ràng buộc của điều ước quốc tế. Như vậy, theo quan điểm này thì nội luật hóa dường như đồng nghĩa với việc quốc gia chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước. Do đó, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế thì các quy định của điều ước có giá trị pháp lý và được áp dụng trên lãnh thổ quốc gia. Việc có thêm hoạt động lập pháp trong nước tiếp theo là hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa là văn bản được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận sự ràng buộc hiệu lực pháp lý của điều ước (văn bản phê chuẩn, phê duyệt...) được coi là văn bản nội luật hóa, làm cho điều ước quốc tế đó có hiệu lực thực thi như văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

- Cách hiểu thứ hai cho rằng nội luật hoá và quá trình chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế là hai khái niệm pháp lý khác nhau và có mối quan hệ tương đối độc lập với nhau: việc chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước và thông qua đó thể hiện việc quốc gia tham gia điều ước chấp nhận việc áp dụng các quy định của điều ước đó đối với mình. Trong khi đó, nội luật hoá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết để chuyển hóa các quy phạm của điều ước quốc tế thành quy phạm của pháp luật quốc gia bằng cách ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong nước để cho nội dung của các quy định của điều ước quốc tế chiếm toàn bộ hoặc da số phần nội dung của quy phạm pháp luật trong nước. Về mặt thời gian thì việc chấp nhận hiệu lực pháp lý (sự ràng buộc) của điều ước và việc nội luật hoá có thể được tiến hành đồng thời, nhưng cũng có thể được tiến hành tại các thời điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào yêu cầu hiệu lực về thời gian của điều ước (khi điều ước có lộ trình thực hiện) và điều kiện cụ thể trong nước khác.

c) Tập thể tác giả Đề tài về cơ bản có quan điểm theo cách hiểu thứ hai nói trên. Theo các tác giả thì nội luật hoá là quá trình chuyển hóa nội dung các quy phạm của điều ước quốc tế thành các quy phạm pháp luật trong nước để thi hành. Với cách hiểu này tập thể tác giả cũng cho rằng khái niệm "nội luật hoá" điều ước quốc tế có thể dùng tương đương hay thay thế cho khái niệm "chuyển hoá" quy phạm điều ước quốc tế. Tức là hai khái niệm "nội luật hoá""chuyển hoá" điều ước quốc tế có cùng bản chất và nội hàm, thực ra là một tuy cách dùng từ có khác nhau.

Như vậy, khái niệm "nội luật hóa" trong khuôn khổ phạm vi Đề tài này có thể được hiểu là: quá trình đưa nội dung các quy phạm điều ước quốc tế vào nội dung của quy phạm pháp luật trong nước thông qua việc xây dựng, ban hành (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới) văn bản quy phạm pháp luật trong nước để có nội dung pháp lý đúng với nội dung của các quy định của điều ước đã được ký kết hoặc gia nhập.

2. Đặc điểm của nội luật hóa

a) Đặc điểm về thời gian xuất hiện

Quá trình nội luật hóa có thể diễn ra sớm hoặc muôn hơn quá trình thực hiện điều ước quốc tế. Nó có thể được diễn ở các giai đoạn cụ thể như sau:

- Giai đoạn tạo lập thỏa thuận ý chí của các quốc gia hay các chủ thể khác của luật quốc tế.

Hoạt động nội luật hóa ở giai đoạn này có thể là các hành vi cụ thể như: soạn thảo văn bản pháp luật trong nước có nội dung pháp lý thống nhất với nội dung pháp lý của dự thảo điều ước quốc tế đã được các bên tạo lập. Bên cạnh đó, giai đoạn này nếu không có việc soạn thảo văn bản trong nước thì cũng có thể có hoạt động cho phép xác định nội dung pháp lý cần nội luật hóa

- Giai đoạn công nhận hiệu lực bắt buộc của các quy phạm điều ước.

Hoạt động nội luật hóa ở giai đoạn này có thể gồm nhiều hành vi cụ thể riêng biết của các quốc gia. Các hành vi này phụ thuộc vào quy định cụ thể các điều kiện ghi trong điều ước và được biểu hiện bằng nhiều cách như: ban hành văn bản, phê duyệt, phê chuẩn, gia nhập, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có nội dung pháp lý thống nhất với nội dung pháp lý của điều ước quốc tế đã được ký kết...

Có thể nói vấn đề nội luật hóa đích thực bắt đầu từ giai đoạn này. Do vậy, việc chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế phải bắt đầu từ các thao tác cụ thể của cơ quan có thẩm quyền của nước ký điều ước quốc tế đó, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế. Trong nhiều trường hợp, văn kiện phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập được coi là văn kiện nội luật hóa điều ước quốc tế. Nó là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện các điều ước quốc tế cụ thể đó.

- Giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế.

Hoạt động nội luật hóa có thể bắt đầu từ giai đoạn thực hiện điều ước quốc tế theo thời điểm có hiệu lực được quy định trong điều ước hay do thỏa thuận của các bên. Thời điểm điều ước quốc tế có hiệu lực và thời điểm nội luật hóa có thể không trùng nhau. Thông thường, thời điểm nội luật hóa một điều ước quốc tế có thể diễn ra trước khi điều ước quốc tế đó có hiệu lực. Việc nội luật hóa như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện điều ước quốc tế. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp việc nội luật hóa lại diễn ra sau khi điều ước quốc tế có hiệu lực, đặc biệt là đối với việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên. Việc gia nhập các điều ước quốc tế nhiều bên thường diễn ra sau khi điều ước quốc tế nhiều bên đó đã có hiệu lực thi hành.

b) Đặc điểm của văn bản nội luật hóa

Văn bản nội luật hóa là văn bản quy phạm pháp luật trong nước, nhưng có một số nội dung pháp lý vốn là nội dung pháp lý của điều ước quốc tế có liên quan. Nếu xét về mặt bản chất thì nội dung pháp lý của văn bản nội luật hóa đó có cội nguồn từ nội dung pháp luật của các cam kết cần được thi hành của các nước liên quan.

c) Đặc điểm của hiệu lực cưỡng chế của văn bản nội luật hóa

Hiệu lực cưỡng chế của văn bản nội luật hóa điều ước quốc tế thể hiện ở chỗ văn bản đó là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nó có hiệu lực cưỡng chế như các văn bản quy phạm pháp luật bình thường khác. Tuy vậy, việc ban hành văn bản nội luật hóa dưới hình thức nào (Nghị quyết hoặc Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết hay Nghị định của Chính phủ...) lại tuỳ thuộc vào sự quyết định của các cơ quan trong nước, căn cứ vào mô hình nội luật hóa, vào điều kiện lịch sử cụ thể trong nước.

d) Đặc điểm quan hệ so sánh  giữa điều ước quốc tế, pháp luật trong nước và quá trình nội luật hóa.

Đây là vấn đề thường bị nhầm lẫn, thường bị bỏ qua trong nghiên cứu quan hệ tương tác giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Trong lý luận pháp luật quốc tế, có các ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật này, có quan điểm quá nghiêng về trường phái nhất nguyên luận (hệ thống này là bộ phận của hệ thống kia), có quan điểm lại ở vào tình trạng dung hòa, nghiêng về trường phái nhị nguyên luận (hai hệ thống đó độc lập với nhau nhưng có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau). Chính những người có quan điểm theo nhị nguyên luận là những người quan tâm nhiều hơn về vấn đề chuyển hóa hay nội luật hóa điều ước quốc tế để thi hành.

3. Các mô hình nội luật hóa các điều ước quốc tế ở Việt Nam

a) Các tiêu chí để xác định mô hình:

Có nhiều tiêu chí khác nhau có thể được lựa chọn để xây dựng mô hình nội luật hóa các điều ước quốc tế. Trong phạm vi Đề tài này, có thể nêu lên các nhóm tiêu chí sau và phù hợp với chúng là các mô hình tương ứng:

- Nhóm tiêu chí cơ bản là các nghĩa vụ cơ bản của Việt Nam theo các cam kết trong lĩnh vực cần có nội luật hóa. Các tiêu chí này có thể phân ra thành các tiểu nhóm theo nội dung đã có trong pháp luật Việt Nam và chưa có trong pháp luật Việt Nam. Theo tiểu nhóm nội dung đã có trong pháp luật Việt Nam thì có những nội dung phù hợp và có những nội dung trái, chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam.

- Nhóm những tiêu chí bổ sung (để làm hoàn thiện mô hình) là các nghĩa vụ không cơ bản và các quy định về quyền của Việt Nam theo các cam kết quốc tế. Đây là nhóm tiêu chí không được quá đề cao trong quá trình nội luật hóa cho dù chúng có thể có ý nghĩa quan trọng về mặt trong nước.

b) Các mô hình cơ bản:

Việc định ra các mô hình cơ bản chỉ có ý nghĩa định hướng cho việc lựa chọn, áp dụng giải pháp nội luật hóa. Căn cứ vào các tiêu chí nói trên, có thể xây dựng ba mô hình cơ bản về nội luật hóa các điều ước quốc tế, đó là mô hình “cách mạng”, mô hình “cải lương” (hay còn gọi là “chuyển hóa từ từ”) và mô hình hỗn hợp trong nội luật hóa .

Mô hình “cách mạng” đặt ra việc bãi bỏ các quy định cũ của pháp luật trong nước trái với nội dung cam kết quốc tế, sửa đổi những quy định pháp luật trong nước chưa phù hợp; bổ sung những quy định mà pháp luật trong nước chưa có ngay trong một thời gian ngắn bằng cách ban hành mới, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật hiện hành để thực thi đầy đủ các nội dung của điều ước quốc tế.

Mô hình “cải lương” (hay còn gọi là “chuyển hóa từ từ”) đặt ra yêu cầu thay thế từng phần (chứ không bãi bỏ ngay) các quy định trong nước có nội dung trái với cam kết quốc tế; sửa đổi dần từng phần các quy định trong nước chưa phù hợp căn cứ vào điều kiện cụ thể; bổ sung dần các quy định mà pháp luật trong nước chưa có khi điều kiện trong nước cho phép.

Mô hình hỗn hợp thực chất là kết hợp cả hai mô hình nêu trên.

Sự khác nhau giữa mô hình “cách mạng”mô hình “cải lương” (“chuyển hóa từ từ”) chủ yếu ở chỗ, mô hình cách mạng sẽ tạo lập nhanh chóng, đồng bộ nền tảng pháp luật trong nước để thực thi ngay, thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế, nhanh chóng đưa điều ước quốc tế vào cuộc sống nội bộ quốc gia. Trong khi đó, mô hình cải lương thì tạo lập từ từ, theo từng mảng vấn đề của pháp luật trong nước, dần dần đưa điều ước quốc tế vào thực thi trong nước. Áp dụng mô hình cách mạng có mặt không lợi là dễ dẫn đến những hậu quả nhất định trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là những cam kết quốc tế liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đông đảo người dân. Trong khi đó, áp dụng mô hình cải lương có thể không bị xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, nhưng có thể phải tốn nhiều thời gian, mất cơ hội trong kinh doanh quốc tế, làm giảm niềm tin của cộng đồng thương mại quốc tế vào nước ký kết điều ước quốc tế.

c) Các cách thức nội luật hóa

Có nhiều cách thức để nội luật hóa. Có thể nêu lên một số cách thức sau theo mô hình nội luật hóa đã nêu:

- Thứ nhất, cách thức “một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật”. Đây là cách thức được áp dụng theo mô hình “cách mạng” trong nội luật hóa điều ước quốc tế. Thực tiễn nhiều nước áp dụng cách thức này trong nội luật hóa các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn Việt Nam ta thời gian qua cũng áp dụng một phần cách thức này.

- Thứ hai, cách thức tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi điều ước quốc tế như Việt Nam ta vẫn làm. Cách thức này được áp dụng theo mô hình cải lương, chuyển hóa từ từ điều ước quốc tế. Trong một số trường hợp, việc nội luật hóa các điều ước quốc tế để thi hành còn có thể được thực hiện theo cách thức ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan hành pháp, đặc biệt là ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan về một số vấn đề cần làm rõ theo các quy định trong điều ước quốc tế. Cách làm này cũng áp dụng đối với cả trường hợp khi cơ quan phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế quyết định cho áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế trên cơ sở Điều 6 Khoản 3 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, cụ thể là “Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần điều ước quốc tế đó...”

- Thứ ba, phối hợp cách một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với cách sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng văn bản quy phạm pháp luật để dần dần thực thi điều ước quốc tế. Cách thức này được áp dụng theo mô hình hỗn hợp trong nội luật hóa các điều ước quốc tế. Trong thực tiễn, việc áp dụng cách thức nội luật hóa này có thể cho phép vượt qua được những trở ngại nhất định trong quá trình chuyển hóa nội dung pháp lý của điều ước quốc tế thành nội dung pháp lý của pháp luật trong nước do chưa có các quy định bổ trợ thực thi nội dung pháp lý đó trong pháp luật trong nước.

     PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA MỘT SỐ NƯỚC VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

I. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN HOA KỲ VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA VÒNG  URUGUAY

1. Pháp luật về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Hoa kỳ có thể chế pháp luật và thực tiễn thi hành các điều ước quốc tế[1] khá phức tạp về nhiều khía cạnh, từ thẩm quyền, thủ tục đến việc phải dung hoà các quyền lợi khác nhau của các đảng phái chính trị trong nước. Bản thân các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ khi đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế có thể bị kiện ra toà án trong nước vì có vi phạm các quy định của Hiến pháp[2] hoặc luật của Quốc hội. Một thực tế gần đây cho thấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra quyết định về một số quy định nhất định của pháp luật thương mại Hoa kỳ, đặc biệt là quy định về chống bán phá giá, không phù hợp với các nghĩa vụ của Hoa kỳ tại WTO, cho dù Hoa kỳ là nước tham gia nhiều nhất vào các tranh chấp thương mại quốc tế. Hoa kỳ là nước có quan điểm khá rõ ràng về vấn đề nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại quốc tế và là nước theo trường phái nhị nguyên luận cho dù trong thực tiễn thì ưu tiên áp dụng pháp luật trong nước khi pháp luật Hoa Kỳ và điều ước quốc tế mà Hoa Kỳ là thành viên có quy định khác nhau.

Vấn đề thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế tại Hoa Kỳ là điểm được trao đổi, tranh luận nhiều từ góc độ lý luận và thực tiễn. Có không ít vụ kiện liên quan đến vấn đề này. Sự phức tạp không chỉ ở vấn đề thẩm quyền giữa các cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp mà còn giữa chính quyền liên bang và chính quyền bang. Trong nhiều trường hợp, các bên đã phải nhờ đến toà án can thiệp để phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan. Hiến pháp Hoa kỳ quy định về "hiệp ước" như sau: Tổng thống "có thẩm quyền ký kết các hiệp ước với sự đóng góp ý kiến và đồng ý của Thượng nghị viện"[3] với 2/3 Thượng nghị sĩ ủng hộ.

Có thể nói cả Tổng thống và Quốc hội Hoa kỳ đều có các quyền nhất định về điều ước quốc tế. Lịch sử pháp luật Hoa kỳ về điều ước quốc tế, nhất là điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại là lịch sử của việc phân định thẩm quyền giữa hai quyền lực này. Trong khi Tổng thống (hay người được Tổng thống uỷ quyền) là người đại diện duy nhất cho Hoa kỳ trong thương lượng và ký kết các thoả thuận quốc tế thì Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn hay cho phép thi hành bất kỳ một thoả thuận nào có liên quan tới các đạo luật của Hoa kỳ.

Có 5 thủ tục cơ bản được quy định cho việc đàm phán và thi hành các điều ước quốc tế của Hoa kỳ[4], và tương ứng với chúng là 5 loại điều ước quốc tế[5]:

- Thứ nhất, thủ tục đàm phán  một điều ước quốc tế sau đó cần có 2/3 số phiếu của Thượng nghị viện ủng hộ phê chuẩn điều ước này theo các quy định của Hiến pháp;

- Thứ hai, Tổng thống có thể cho phép đàm phán một điều ước quốc tế để thi hành chi tiết một hiệp ước đã được ký kết;

- Thứ ba, Tổng thống có quyền ký kết các "hiệp định hành pháp" để thực thi quyền hạn của mình trong quan hệ đối ngoại mà không cần có sự tham gia hay cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, thủ tục này không được áp dụng đối với các hiệp định thương mại vì Hiến pháp quy định cụ thể là Quốc hội có quyền "quy định và thu.... thuế xuất nhập khẩu và "đặt ra các quy định đối với thương mại với nước ngoài" (Điều I, khoản 8, Hiến pháp hoa kỳ).

- Thứ tư, Tổng thống đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế với sự uỷ quyền của Quốc hội. Điều này có thể thấy rõ qua quy định tại Điều 101 của Luật Thương mại 1974; 

- Thứ năm, Tổng thống đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế với sự phê chuẩn và nội luật hoá các điều khoản của điều ước quốc tế sau khi được ký, điều này được nói đến trong Luật về các Hiệp định Bretton Woods.

Như vậy, để đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại thì Tổng thống cần có sự hợp tác từ Quốc hội theo cách thứ tư hoặc thứ năm.

Chính vì sự hợp tác giữa Tổng thống và Quốc hội này nên nhiều nhà nghiên cứu đã gọi các hiệp định thương mại là các "hiệp định liên hành pháp và lập pháp".

Cho tới nay, thủ tục ký kết các điều ước quốc tế liên hành pháp và lập pháp được sử dụng phổ biến và chủ yếu nhất trong ký kết các điều ước quốc tế thương mại của Hoa kỳ, kể cả Hiệp định thương mại song phuơng với Việt Nam (BTA), các hiệp định và thoả thuận trong GATT và các hiệp định song phương và khu vực khác về tự do hoá thương mại, như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)[6]. Việc ký kết các điều ước quốc tế loại này có thể tiến hành qua hai cách. Cách thứ nhất là Quốc hội thông qua đạo luật cho phép Tổng thống toàn quyền ký kết các hiệp định nhất định và sau khi ký các hiệp định đó sẽ ràng buộc Hoa kỳ và trở thành một phần của pháp luật quốc gia mà không cần có quyết định nào khác của Quốc hội. Cách thức này đã được sử dụng tại Luật về Các hiệp định thương mại có đi có lại năm 1934 và các thoả thuận cắt giảm thuế trong khuôn khổ GATT. Cách thứ hai là Quốc hội cho phép Tổng thống đàm phán các hiệp định cụ thể, những hiệp định này sau đó phải được nội luật hoá thông qua việc Quốc hội ban hành luật trên cơ sở có sự đồng thuận của cả hai Viện Quốc hội.

Với lịch sử dài của các điều ước quốc tế liên hành pháp và lập pháp như trên thì điều ước quốc tế thương mại thường được ký kết không theo con đường của một hiệp định. Tuy nhiên, việc lựa chọn đàm phán và ký kết một điều ước quốc tế về thương mại theo thủ tục nào là một quyết định chính trị, trừ một ngoại lệ là các Hiệp định song phương của Hoa kỳ về đầu tư (BIT) phải được đàm phán và thi hành theo thủ tục các hiệp ước với sự phê chuẩn của Thượng nghị viện. Mặc dù vậy, khi Vòng đàm phán Uruguay kết thúc, vấn đề thẩm quyền đàm phán và thi hành các hiệp định của Vòng này lại một lần nữa là chủ đề gây nhiều tranh cãi vì hai lý do chủ yếu là việc thành lập WTO và cơ chế giải quyết tranh chấp mới của WTO có tác động lớn tới chủ quyền quốc gia của Hoa kỳ (đây là một trong các lý do quan trọng đem lại sự đổ vỡ của Tổ chức Thương mại Quốc tế năm 1947). Ngoài ra, các hiệp định của Vòng này cũng có tác động lớn tới thẩm quyền của các bang. Đã có những đề xuất của một số Nghị sĩ Quốc hội về việc Thượng nghị viện phê chuẩn các hiệp định này như các hiệp ước của Hoa kỳ. Tuy nhiên, thực tiễn đi theo hướng các hiệp định này được phê chuẩn và cho thi hành như các hiệp định liên hành pháp và lập pháp.

Tìm hiểu pháp luật Hoa kỳ về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế nói chung và điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại nói riêng cho thấy có sự phức tạp do có việc thay đổi quyền lực của Tổng thống và Quốc hội về vấn đề này. Trước năm 1934 chính sách thương mại của Hoa kỳ về đại thể nằm trong tay Quốc hội, các mức thuế nhập khẩu được ghi cụ thể trong luật và Hoa kỳ không đàm phán các vấn đề thuế cụ thể. Với uỷ quyền của Quốc hội lúc đó, Tổng thống chỉ ký các hiệp định thương mại đem lại quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN) và ít tác động về tự do hoá thương mại. Quốc hội khi đó có quan điểm bảo hộ mạnh mẽ sản xuất trong nước và ban hành Luật Thuế nhập khẩu Smoot- Hawley 1930 với các mức thuế rất cao. Hoa kỳ chỉ thay đổi cách tiếp cận này kể từ 1934 khi Quốc hội ban hành các đạo luật cho phép Tổng thống có thêm quyền được đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế có liên quan tới cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn cố gắng duy trì sự kiểm soát của mình đối với vấn đề điều ước thương mại quốc tế thông qua việc giới hạn mức giảm thuế quan (40-50%) tối đa mà Tổng thống được đàm phán. Thẩm quyền này của Tổng thống phải được sử dụng trong thời gian ngắn, thường là 1 đến 3 năm. Đồng thời, Quốc hội cũng yêu cầu thông qua Luật Mở rộng thương mại 1962 theo đó có 2 đại diện của 2 Viện Quốc hội là thành viên đoàn đàm phán Hoa kỳ và Tổng thống phải tham khảo ý kiến Uỷ ban thuế quan về cắt giảm thuế quan và miễn thuế, cũng như phải có các phiên điều trần, nghe ý kiến các đối tượng liên quan.

Có thể nói, Luật Thương mại 1974 là đạo luật có ý nghĩa lớn đối với việc phân định quyền lực giữa Tổng thống và Quốc hội trong ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về thương mại. Ngoài việc lần đầu tiên Quốc hội cho phép một cách cụ thể Tổng thống được đàm phán các vấn đề phi thuế quan thì một thủ tục đàm phán và phê duyệt nhanh (fast track) đã được thiết lập. Đây là thủ tục quy định Quốc hội xem xét nhanh, không sửa đổi các điều ước quốc tế mà Quốc hội chỉ quyết định thông qua hay không thông qua[7]. Điều này đem lại sự rõ ràng và thuận lợi hơn cho các đối tác ký kết các điều ước quốc tế về thương mại với Hoa kỳ. Đồng thời, Luật 1974 cũng cho phép tăng số lượng đại diện của Quốc hội tham gia vào quá trình đàm phán tới 10 người, nhưng không gọi là thành viên đoàn đàm phán mà gọi là các cố vấn cho đoàn đàm phán. Sau khi Luật Thương mại và thuế quan 1984 được ban hành, thủ tục nhanh trong đàm phán và thi hành các điều ước quốc tế về thương mại đã bị đặt dưới các điều kiện mới theo đó Tổng thống phải có thông báo trước 60 ngày cho các uỷ ban chủ yếu của 2 Viện Quốc hội ý định ký kết hiệp định và các uỷ ban này có quyền không cho phép áp dụng thủ tục nhanh.

Kể từ năm 1974 các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương, cũng như là các hiệp định thương mại đa phương về phi quan thuế đều được đàm phán và thi hành theo thủ tục có sự phối kết hợp để có được sự đồng ý của Quốc hội trước và sau khi ký kết. Quốc hội cho phép Tổng thống có quyền đàm phán và ký các hiệp định thương mại nhất định nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể và sau đó phải được thi hành trên cơ sở một đạo luật của Quốc hội.

Để tham gia đàm phán Vòng Uruguay, Quốc hội đã ban hành Luật về Thương mại và Cạnh tranh 1988. Luật này được coi là đạo luật chưa có tiền lệ về phạm vi thẩm quyền và quy trình đàm phán, thông qua điều ước quốc tế thương mại, theo đó về phạm vi, Tổng thống có 3 quyền:

- Thứ nhất, Tổng thống được đàm phán về cắt giảm thuế quan (nhưng chỉ tới 50% thay vì 60%) và được thực thi các cam kết này thông qua quyết định của Tổng thống mà không cần có luật của Quốc hội. Nhưng Luật không cho phép Tổng thống tăng thuế quan thông qua quyết định của mình;

- Thứ hai, Tổng thống được đàm phán theo thủ tục nhanh các thoả thuận về phi quan thuế nếu một số điều kiện thoả mãn;

- Thứ ba, Tổng thống, về kỹ thuật mà nói, có thể đàm phán theo Luật 1988 về bất kỳ rào cản thương mại nào, nhưng kết quả đàm phán có thể không được hưởng thủ tục nhanh.

Những thẩm quyền của Tổng thống theo Luật 1988 có hiệu lực trong 5 năm, nhưng riêng thẩm quyền đàm phán nhanh có hiệu lực 3 năm, trừ khi được quốc hội gia hạn.

Kể từ khi kết thúc Vòng Uruguay tới nay, thẩm quyền của Tổng thống trong đàm phán và thi hành nhanh các điều ước quốc tế về thương mại đã được gia hạn theo Luật Khuyến khích Thương mại 2002.

Về thi hành điều ước quốc tế, pháp luật Hoa kỳ chia các điều ước quốc tế ra làm 2 nhóm: các điều ước tự thi hành (self-executing) và các điều ước không tự thi hành (non-self-executing). Điều ước tự thi hành là điều ước có thể được áp dụng trong hoạt động pháp luật và tư pháp trong nước, chẳng hạn như được sử dụng trong lập luận, bảo vệ quyền lợi trong các vụ án dân sự hay hình sự, hay có thể là cơ sở cho việc khởi kiện mà không cần ban hành một văn bản nội luật hóa. Điều này được toà án quyết định trên cơ sở bản thân điều ước (bản chất, ngôn ngữ và ý định của các bên ký kết) và ý định của Quốc hội. Thậm chí khi Thượng nghị viện phê chuẩn một điều ước quốc tế hay Quốc hội thông qua đạo luật thực thi một điều ước quốc tế. Gần đây, người ta nhận thấy trường hợp áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần điều ước không tự thi hành. Chẳng hạn, Hiệp định GATT 1947 đã không được Quốc hội phê chuẩn với tư cách là hiệp ước hay một hiệp định thương mại [8]. Cho dù các đạo luật trước năm 1994 , như Luật Thương mại 1974 hay Luật thực thi Vòng Tokyo[9], có ngôn ngữ gần với GATT 1947 nhưng không thể khẳng định là Quốc hội đồng ý phê chuẩn GATT. Hầu hết các toà án bang khi xem xét vấn đề liên quan đều  cho là các đạo luật của bang không phù hợp với GATT sẽ không có giá trị áp dụng. Tuy vậy, các toà án cũng chưa bao giờ tuyên một quyết định về việc các cam kết trong GATT 1947 có hiệu lực cao hơn các đạo luật liên bang[10]. Thực tiễn áp dụng pháp luật Hoa kỳ cho thấy Hiệp định GATT 1947 có vai trò đáng kể trong việc giải thích pháp luật liên bang, nhất là các văn bản có mục đích thi hành các cam kết trong GATT 1947.

2. Thực tiễn về nội luật hóa các Hiệp định Vòng Uruguay

Các hiệp định Vòng Uruguay 1994 đánh dấu sự thành công của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật thương mại quốc tế. Tuy vậy, Vòng Urugoay cũng đưa đến cho cộng đồng thương mại quốc tế một khối lượng lớn các văn bản điều ước quốc tế cần phải thi hành. Với khuôn khổ pháp luật Hoa kỳ về điều ước quốc tế được trình bày trên đây thì việc thực hiện các hiệp định này đã gặp không ít khó khăn. Điều này được thể hiện không chỉ thông qua các tranh luận trong quá trình thảo luận và thông qua Luật thi hành các Hiệp định Vòng Uruguay (URAA 1994). Mặc dù Quốc hội thông qua Luật 1988 cho phép Tổng thống đàm phán và ký kết các hiệp định này nhưng kết quả bỏ phiếu thông qua Luật URAA cho thấy có không ít phiếu chống[11]. Sự phản đối các hiệp định này không chỉ liên quan tới nội dung của các điều khoản mà còn đụng chạm tới các vấn đề về quy trình, thủ tục, chẳng hạn như không cho hưởng thủ tục nhanh vì không dân chủ, hoặc các hiệp định phải được phê chuẩn theo thủ tục có sự phê chuẩn của 2/3 các thượng nghị sĩ thay vì quá bán đơn giản tại 2 Viện. Đồng thời vấn đề chủ quyền quốc gia cũng được thảo luận rất sôi nổi và đi cùng theo đó là các vấn đề về môi trường và lao động trong thương mại quốc tế.

Giống như các hiệp định Vòng Tokyo, khi đồng ý phê chuẩn các hiệp định Vòng Uruguay, Quốc hội đã có ý định rõ ràng là các hiệp định này không tự thi hành. Điều đó có nghĩa các hiệp định này phải được nội luật hoá thông qua đạo luật của Quốc hội (Luật URAA) và các quy định hành pháp được luật uỷ quyền. Luật URAA 1994 được xây dựng dựa theo mô hình của Luật  Thi hành Hiệp định NAFTA được ban hành trước đó 1 năm (1993), trong đó khẳng định rõ pháp luật trong nước có giá trị ưu tiên áp dụng khi có quy định khác nhau trong các văn bản của pháp luật trong nước và quy định của các Hiệp định.

Việc thực thi các cam kết của Hoa kỳ với WTO đã được tiến hành thông qua 4 cách sau:

- Cách thứ nhất, soạn thảo văn bản của cơ quan hành pháp. Một số cam kết, nhất là các cam kết về cắt giảm thuế quan có thể được thi hành theo thẩm quyền được Quốc hội cho phép trước đó. Đây có thể được coi là thi hành qua con đường hành pháp không cần có luật của Quốc hội. Tuy nhiên, việc thi hành vấn yêu cầu có chuyển hoá các cam kết vào pháp luật trong nước, thông qua các văn bản dưới luật của cơ quan hành pháp.

- Cách thứ hai, ban hành văn bản của Quốc hội: Nhiều cam kết của Vòng Uruguay đòi hỏi Hoa kỳ phải có sửa đổi, bổ sung một số văn bản luật. Để xử lý việc này, Hoa Kỳ chọn cách thông qua việc ban hành một luật chung sửa đổi, bổ sung nhiều luật (Omnibus Law) - Luật thi hành các hiệp định Vòng Uruguay (URAA). Đây là phần quan trọng nhất của việc thi hành các hiệp định của WTO trong thực tiễn pháp luật Hoa kỳ bởi vì quá trình nội luật hóa được thực hiện thông qua việc ban hành một luật của Quốc hội.

- Cách thứ ba, đưa ra hướng dẫn nghiệp vụ. Một số cam kết mặc dù không yêu cầu sửa đổi, bổ sung pháp luật Hoa kỳ, nhưng đặt ra việc cấm các hành vi, quyết định của cơ quan hành chính và toà án trái với các cam kết. Điển hình là việc WTO cấm tất cả các nước thành viên áp dụng đơn phương các biện pháp theo Điều 301 của Luật Thương mại 1974 Hoa kỳ. Những cam kết này được Hoa kỳ lưu ý trong quá trình thực hiện và áp dụng luật mà không có đi kèm sửa đổi luật.

- Cách cuối cùng, thi hành sớm điều ước quốc tế. Nhiều cam kết của Hoa Kỳ trong WTO đã được thi hành từ trước đó trong thực tiễn pháp luật Hoa kỳ. Điều đó có nghĩa là nhiều quy định của pháp luật Hoa Kỳ đã được điều chỉnh ngay trong quá trình đàm phán cho phù hợp với các yêu cầu của các hiệp định WTO sau này.

Việc nội luật hoá các cam kết WTO của Hoa Kỳ theo cách thứ hai thông qua việc ban hành Luật thi hành các Hiệp định Vòng Uruguay (URAA) năm 1994 là mô hình được quan tâm nhiều.

Mô hình nội luật hóa đó được tiến hành chủ yếu thông qua các cơ chế sau:

a/ Cơ chế soạn thảo và thông qua Luật thi hành các Hiệp định Vòng Uruguay

Tổng thống thông báo cho Quốc hội về ý định ký kết các hiệp định Vòng Uruguay vào ngày 15/12/1993 - đây là ngày cuối cùng để tuân thủ yêu cầu có thông báo 120 ngày khi ký (ngày ký là 15/41994). Tiếp đó đại diện của cơ quan hành pháp và Quốc hội bắt đầu thảo luận về dự án luật thi hành các hiệp định này từ 1/1994, tiến hành điều trần, lấy ý kiến công chúng.

Thông thường, trách nhiệm chủ yếu đối với các hiệp định thương mại và việc áp dụng thủ tục thi hành nhanh rơi vào hai uỷ ban của Quốc hội đó là Uỷ ban Tài chính của Thượng nghị viện và Uỷ ban Ngân sách của Hạ nghị viện. Tuy nhiên, do phạm vi khổng lồ của các hiệp định Vòng Uruguay đã đem lại sự tham gia của nhiều uỷ ban: dự án luật đã được chuyển chính thức đến 6 uỷ ban của Thượng nghị viện và 8 uỷ ban của Hạ nghị viện[12] để thảo luận và cho ý kiến. Dự thảo luật thi hành đầu tiên được bên hành pháp (Cơ quan đại diện thương mại Hoa kỳ - USTR) chuẩn bị, sau chuyển sang Hạ nghị viện và tiếp đến là Thượng nghị viện. Quá trình thảo luận tại 2 Viện đem lại nhiều vấn đề tranh cãi, trong đó có việc dự luật gắn cả vấn đề gia hạn thẩm quyền đàm phán và thi hành nhanh, mối liên hệ giữa thương mại với các vấn đề lao động và môi trường. Do các hiệp định Vòng Uruguay được trình ra Quốc hội theo thủ tục nhanh, nên các nghị sĩ Quốc hội, nhất là những người không là thành viên của uỷ ban liên quan nào có rất ít cơ hội tác động tới việc thi hành. Để đáp lại, một số nghị sĩ Quốc hội đã trình các dự án luật riêng của mình về các vấn đề liên quan tới việc thi hành các hiệp định này[13].

Ngày 23/9/1994, dự luật được chuyển lại Tổng thống trong đó có những vấn đề mà các uỷ ban không giải quyết để Tổng thống quyết định (các vấn đề không trực tiếp liên quan tới việc thực hiện các hiệp định Vòng Uruguay mà chỉ là các vấn đề Tổng thống muốn nhân đây được Quốc hội cho phép.)

Ngày 27/9/1994 Tổng thống chính thức trình dự án Luật thi hành các Hiệp định vòng Urugoay ra Quốc hội. Hạ nghị viện bỏ phiếu thông qua ngày 29/11/1994 và Thượng nghị viện bỏ phiếu thông qua ngày 1/12/1994. Ngày 23/12/1994 Tổng thống chỉ đạo USTR thông báo việc chấp nhận các hiệp định Vòng Uruguay và cùng ngày Tổng thống thực hiện thẩm quyền của mình theo Luật 1988 và Luật URAA quyết định sửa đổi các dòng thuế cho phù hợp với các hiệp định; huỷ bỏ các hạn chế số lượng đối với hàng nông sản theo Luật điều chỉnh nông nghiệp cho phù hợp với Hiệp định Nông nghiệp của WTO.

b/  Cơ chế đưa Luật thi hành các hiệp định Vòng Uruguay vào thực tiễn

Luật thi hành các hiệp định Vòng Uruguay (URAA) là đạo luật phức tạp, trong đó khoảng hơn 1/4 số trang đề cập tới các quy định về chi thu ngân sách, có những quy định để bảo đảm thi hành có hiệu quả các cam kết với WTO và biện pháp bảo hộ kinh tế trong nước không vi phạm các quy định WTO. Luật URAA gồm  8 phần, quy định về việc phê chuẩn và cho thi hành các hiệp định Vòng Uruguay; về chống bán phá giá và chống trợ cấp; về tự vệ, dệt may, mua sắm chính phủ và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại; về thi hành các hiệp định nông nghiệp và việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và dịch tễ; về Hiệp định TRIPS về sở hữu trí tuệ; về thương mại và sửa đổi thủ tục và phí hải quan nhưng không phải là theo yêu cầu của WTO và về thu chi ngân sách không liên quan trực tiếp tới WTO hay thương mại quốc tế nhưng có ý định là bù đắp những thâm hụt ngân sách do việc cắt giảm thuế của Vòng Uruguay.

Với việc thông qua Luật URAA, Quốc hội một lần nữa khẳng định sự kiểm soát của mình đối với quá trình thi hành các hiệp định WTO tại Hoa kỳ và các nước thành viên khác. Quốc hội cũng yêu cầu Tổng thống phải có báo cáo, tham vấn và tiến hành các biện pháp trong các tình huống cần thiết. Không giống đạo luật thi hành kết quả Vòng Tokyo, Luật URAA 1994 không quy định việc thay đổi về tổ chức bộ máy nhà nước hay thiết chế thực thi.

Để đảm bảo thực thi Luật URAA 1994, Hoa Kỳ đã chọn giải pháp quy định các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế không có giá trị tự thi hành tại Hoa Kỳ. Để khẳng đỉnh rõ điều đó, Tờ trình của Tổng thống nêu trõ là các Hiệp định của Vòng Urugoay không có giá trị tự thi hành Quốc hội mặc dù phê chuẩn các hiệp định đó nhưng cũng đồng thời khẳng định: mọi quy định của các Hiệp định vòng Urugoay và việc áp dụng chúng sẽ không có hiệu lực đối với Hoa Kỳ nếu các quy định và việc áp dụng đó trái với pháp luật Hoa Kỳ[14]. Quốc hội cũng khẳng định trong Luật URAA là không ai ngoài chính quyền liên bang Hoa kỳ "được khởi kiện hay bảo vệ theo bất kỳ Hiệp định nào của Vòng Uruguay..." Việc phản đối, kiện lại "bất kỳ hành động hay không hành động nào của Hoa kỳ, bất kỳ bang hay chính quyền địa phương nào trên cơ sở là các hành động hay không hành động đó đều không phù hợp" với các hiệp định này. Nghiên cứu quy định đó cho thấy Hoa Kỳ không thừa nhận áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định WTO trong các vụ kiện, trừ các vụ kiện do Hoa kỳ khởi kiện.

Để xử lý vấn đề này, các cơ quan hành chính và toà án Hoa Kỳ được khuyến cáo cố gắng giải thích ở mức độ tối đa có thể để áp dụng pháp luật Hoa kỳ phù hợp với các hiệp định của WTO trong chừng mực không được trái với bất kỳ ý định rõ ràng nào của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội quy định trong quá trình thi hành các Hiệp định của WTO,  các đạo  luật được Quốc hội ban hành sau về cùng vấn đề sẽ có giá trị ưu tiên áp dụng so với các đạo luật được ban hành và điều ước quốc tế được ký trước đó.

Ngoài ra, Luật URAA đã uỷ quyền cho Tổng thống và các cơ quan hành pháp "bảo đảm thi hành đầy đủ các nghĩa vụ của Hoa kỳ..."[15]. Tuy nhiên, do ngôn ngữ của URAA không rõ ràng về phạm vi uỷ quyền nên các cơ quan hành pháp phải dựa vào các quy định cụ thể của các luật trước đó hoặc các quy định cụ thể của URAA hoặc Tờ trình để thực hiện đúng yêu cầu.

  II. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA CANADA VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC HIỆP ĐỊNH WTO

1. Pháp luật về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Canađa là nhà nước liên bang với sự phân chia thẩm quyền quản lý nhà nước giữa chính quyền liên bang và chính quyền bang theo các lĩnh vực khác nhau: các thẩm quyền được nêu tại Điều 91 Luật Hiến pháp là thẩm quyền riêng của chính quyền liên bang và các thẩm quyền được liệt kê tại Điều 92 Hiến pháp là thẩm quyền riêng của chính quyền bang. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền được chia sẻ giữa liên bang và bang. Về thi hành các điều ước quốc tế, Canađa theo thuyết nhị nguyên thừa hưởng từ nước Anh và không coi các điều ước quốc tế là một bộ phận của pháp luật quốc gia dù các điều ước đó có hiệu lực đối với chính quyền liên bang. Các cơ quan hành pháp liên bang có thẩm quyền đàm phán và ký kết các điều ước, nhưng để thi hành các điều ước này yêu cầu phải được nội luật hoá. Vấn đề nội luật hoá các điều ước quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế lớn và phức tạp như các hiệp định của WTO đem lại sự tham gia của cả các cơ quan lập pháp liên bang và bang tuỳ theo từng lĩnh vực điều chỉnh của hiệp định rơi vào Điều 91 hay 92 của Hiến pháp, hay nằm ngoài hai điều này. Mặc dù vấn đề thẩm quyền của chính quyền liên bang và bang còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong một số vấn đề, nhưng Toà án tối cao Canađa có thiên hướng giải thích cho phép chính quyền liên bang có đủ thẩm quyền được ban hành các đạo luật bảo đảm thi hành có hiệu quả các điều ước quốc tế.

Canađa có cách tiếp cận "tối thiểu" trong nội luật hoá, tức là chỉ sửa đổi pháp luật theo yêu cầu của các Hiệp định của WTO. Đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại lớn gần đây, như Hiệp định Thương mại tự do Canađa -Hoa kỳ; Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp định của WTO đều được Canađa nội luật hoá ở cấp liên bang thông qua việc ban hành một đạo luật chung cho toàn quốc bên cạnh các văn bản luật của các cơ quan lập pháp các bang,  cũng như việc uỷ quyền cần thiết cho các cơ quan hành pháp ban hành tiếp các quy định cần thiết.

Vấn đề thẩm quyền giải quyết các vấn đề cụ thể là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế ở Canađa. Cấp chính quyền nào, bang hay liên bang, có thẩm quyền về từng vấn đề liên quan. Hiến pháp Canađa - một đạo luật được thừa hưởng từ nước Anh có lịch sử từ 1867 với tên gọi ban đầu là Luật Bắc Mỹ thuộc Anh đã quy định về sự phân chia thẩm quyền giữa chính quyền bang và liên bang. Canađa cũng thừa hưởng từ nước Anh học thuyết nhị nguyên và coi các điều ước quốc tế không có hiệu lực thi hành trực tiếp tại Canađa cho tới khi được nội luật hoá. Tuy nhiên, pháp luật tập quán quốc tế lại có thể được áp dụng trực tiếp trong nước[16].

- Về thẩm quyền đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế

Trong pháp luật Canađa, thẩm quyền này thuộc các cơ quan hành pháp liên bang. Tuy nhiên, các bang (ở Canađa gọi là tỉnh) cũng thường tham gia các thoả thuận với nước ngoài, nhưng các thoả thuận này không có giá trị pháp lý quốc tế, trừ khi được "Hiến pháp Canađa quy định rõ chức năng này"[17]. Hiến pháp hiện tại của Canađa không nói gì về vấn đề này, nên khó có thể lập luận về việc các bang ở Canađa có thẩm quyền đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế. Toà án Tối cao Canađa đã từng kết luận Hiến pháp Canađa không quy định các bang có thẩm quyền này và thẩm quyền này là thuộc chính quyền liên bang "với tư cách là một nhà nước có chủ quyền được thừa nhận trong pháp luật quốc tế"[18].

- Về thẩm quyền thi hành các điều ước quốc tế thông qua nội luật hóa

Canađa theo thuyết nhị nguyên nên các điều ước quốc tế được ký kết và phê chuẩn không đương nhiên là bộ phận của pháp luật quốc gia cho tới khi được nội luật[19]. Việc thi hành các điều ước quốc tế tại Canađa có thể được thực hiện theo hai cách: hành pháp và lập pháp; và phải được thực hiện ở tất cả các cấp chính quyền địa phương: liên bang, bang và cơ sở.

Mặc dù có nguyên tắc chung là phải nội luật hóa, nhưng không phải "tất cả các điều ước yêu cầu phải có ban hành luật để thi hành"[20]. Trong Vụ kiện Fracis kiện Nữ hoàng, Toà án tối cao đã phán quyết là cơ quan hành pháp có thẩm quyền thi hành điều ước quốc tế nhưng ở mức độ rất hẹp.

Do có sự phân chia thẩm quyền giữa liên bang và bang nên các vấn đề liên quan tới thực thi điều ước quốc tế là chủ điểm phức tạp. Hiến pháp Canađa quy định tại Điều 91[21] Quốc hội liên bang có thẩm quyền riêng biệt về lập pháp trong lĩnh vực quản lý thương mại và buôn bán; thuế; thống kê; quốc phòng; hàng hải; hải sản dọc bờ biển và trong đất liền; ngân hàng; đo lường; patăng và quyền tác giả; nhập quốc tịch và người nước ngoài và pháp luật hình sự.

 Tại Điều 92[22] Hiến pháp có liệt kê các thẩm quyền riêng biệt của các cơ quan lập pháp bang về thuế trực thu tại bang; các thiết chế và cơ quan trong bang; quản lý và bán đất công của bang, cây và gỗ trên đất công đó; các quyền tài sản và quyền dân sự trong bang và tất cả các vấn đề có tính chất địa phương hay riêng tư trong bang.

Đối với các trường hợp có mâu thuẫn về thẩm quyền giữa liên bang và bang, và trong trường hợp có những vấn đề không rơi cụ thể vào Điều 91 hay 92 của Hiến pháp thì "thẩm quyền của liên bang là tối cao.... [và] Quốc hội liên bang có các thẩm quyền còn lại, tức là có quyền lập pháp đối với bất kỳ vấn đề nào không được liệt kê trong các lĩnh vực của các điều 91 và 92"[23]. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vần đề phân chia thẩm quyền giữa liên bang và bang. Toà án giải thích theo hướng mở rộng thẩm quyền cho liên bang dựa chủ yếu vào 2 căn cứ "thẩm quyền của liên bang đối với thương mại và buôn bán, và thuyết về các vấn đề quan tâm chung của cả nước"[24]. Tuy nhiên các toà án cũng rất thận trọng trong việc bảo vệ sự toàn vẹn của việc phân chia quyền lực giữa liên bang và các bang". Do đó, chính quyền liên bang khi soạn thảo luật thi hành một hiệp định thương mại phải cân nhắc tới các tiêu chí và cách tiếp cận thận trọng được đưa ra tại các phán quyết gần đây của toà án. Một điều cũng rõ ràng là các bang vẫn tiếp tục có thẩm quyền lập pháp để thi hành đối với các vấn đề của các điều ước quốc tế mà về truyền thống là thuộc thẩm quyền của mình"[25] .

Tại Canada, toà án là cơ quan giải thích pháp luật và áp dụng pháp luật theo hướng bảo đảm có sự phù hợp của pháp luật Canađa với các điều ước quốc tế.

2. Thực tiễn về nội luật hóa các Hiệp định của Vòng Uruguay

Các Hiệp định của WTO và các phụ lục đi kèm được thi hành tai Canađa thông qua một đạo luật chung được Quốc hội Canađa thông qua - Luật về WTO[26] có hiệu lực từ 1/1/1995. Bên cạnh đó, Canada còn có nhiều văn bản pháp luật được chính phủ ban hành theo uỷ quyền của Quốc hội để thi hành các Hiệp định của WTO. Luật về WTO được ban hành trong điều kiện có thuận lợi hơn là nhờ trước đó một năm Canađa đã có sửa đổi lớn pháp luật để thi hành NAFTA đem lại sự tương thích của pháp luật Canađa không chỉ đối với NAFTA mà cả đối với các hiệp định của WTO. Với cách tiếp cận nhị nguyên luận của Canađa, Luật về WTO đã lường trước được tình huống sẽ có tranh chấp và Canađa có thể thua, quy định chính phủ có thẩm quyền nhất định trong bảo đảm việc tuân thủ các quy định của WTO, nhất là liên quan tới việc Canađa áp dụng các biện pháp thương mại, như chống bán phá giá hay trợ cấp và cũng uỷ quyền cho chính phủ có biện pháp tạm dừng thực hiện cam kết khi có nước thành viên khác vi phạm. Luật WTO của gồm hai phần lớn:

- Phần I quy định Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định của WTO và các quy định cấm các cá nhân hay tổ chức tư nhân được khởi kiện để xác định quyền hay nghĩa vụ theo Phần I của Luật hay theo các Hiệp định của WTO mà không có sự đồng ý của Bộ trưởng Tư pháp Canađa. Phần I cũng có các quy định về tổ chức thực hiện, kể cả việc tham gia các tổ chức của WTO, đóng góp chi phí WTO và không áp dụng các cam kết của Canađa cho các nước không là thành viên.

 - Phần II chiếm tới 139 trong tổng số 145 trang chứa đựng việc sửa đổi, bổ sung cụ thể 23 đạo luật của liên bang để làm cho pháp luật liên bang phù hợp với các Hiệp định của WTO. Các sửa đổi, bổ sung pháp luật lớn của Canađa ở đây liên quan chủ yếu tới việc thực hiện các Hiệp định TRIPS, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, nông nghiệp (vấn đề trợ cấp, thuế hoá), đầu tư và dịch vụ (nhất là dịch vụ tài chính), trong đó có việc sửa đổi, bổ sung pháp luật để thực thi các cam kết về nông nghiệp là lớn nhất, tiếp sau đó là sửa đổi, bổ sung liên quan tới sở hữu trí tuệ và các biện pháp thương mại.

Việc nội luật hóa các hiệp định của WTO trong một số lĩnh vực cụ thể được tiến hành cụ thể căn cứ vào tình hình của lĩnh vực đó

- Trong lĩnh vực nông nghiệp, để thi hành quy định về thuế hoá các rào cản phi thuế quan Canađa đã phải sửa đổi lớn Luật về Uỷ ban Ngũ cốc Canađa, Luật về Giấy phép xuất nhập khẩu và Luật thuế quan, Luật Nhập khẩu thịt bị huỷ bỏ và Luật đầu tư vào Canađa cũng phải được sửa đổi để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng quy chế pháp lý như các nhà đầu tư các nước trong NAFTA.

- Trong lĩnh vực dịch vụ, Canađa đã bổ sung sửa đổi 5 luật điều chỉnh các chế định tài chính: Luật Ngân hàng; Luật Hiệp hội hợp tín dụng hợp tác xã; Luật Công ty bảo hiểm; Luật các công ty đầu tư và Luật các công ty cho vay và tín thác cho phù hợp với các cam kết về không phân biệt đối xử, tối huệ quốc và đối xử quốc gia.

- Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPS đặt ra yêu cầu phải bổ sung, sửa đổi pháp luật. Luật Quyền tác giả được sửa đổi để bảo vệ quyền của người biểu diễn, các chế tài hình sự được bổ sung. Các đạo luật khác như Luật về Patăng, Luật về Kiểu dáng công nghiệp và Luật về Nhãn hiệu hàng hoá được sửa đổi để cho phép xem xét các đơn của các nước thành viên WTO và bổ sung việc áp dụng chỉ dẫn địa lý.

- Phần pháp luật phải sửa đổi, bổ sung nhiều nhất là pháp luật về áp dụng các biện pháp thương mại: chống bán phá giá và chống trợ cấp. Để thực hiện các hiệp định về chống bán phá giá và chống trợ cấp, Canada đã có sửa đổi lớn đối với Luật về các biện pháp đặc biệt đối với nhập khẩu (SIMA) và các quy định dưới luật đi cùng. Các sửa đổi khác cũng được tiến hành đối với Luật về uỷ ban giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Canađa (CITT) và Quy tắc tố tụng của CITT. Các luật này của Canada đã đi xa hơn mức yêu cầu của WTO, đã thiết lập các cơ chế riêng cho cơ quan hành pháp trong trường hợp cần có biện pháp để thi hành các phán quyết của WTO[27].

Ví dụ điển hình về việc nội luật hoá các hiệp định của WTO, có thể lấy từ việc nội luật hóa các biện pháp thương mại. Trong Chính phủ Canađa, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các biện pháp thương mại thực thi các đạo luật SIMA và CITT. Thực tiễn lập pháp Canadan cho thấy có sự tham gia liên Bộ (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Ngoại thương và Bộ Công nghiệp cùng với Bộ Tài chính chủ trì) và nhiều cơ quan hành chính liên quan khác (Tổng cục Thuế vụ Canađa và Uỷ ban CITT) trong quá trình bổ sung, sự tham gia rộng rãi của giới tư nhân và các nhóm quyền lợi cũng được ghi nhận ở đây.

Luật về WTO của Canađa chỉ bổ sung, sửa đổi các đạo luật liên bang và không bổ sung, sửa đổi pháp luật bang. Do đó, các bang trong phạm vi thẩm quyền của mình phải làm công việc rà soát và sửa đổi pháp luật tương ứng. Cách tiếp cận của các bang cũng theo cách tiếp cận của liên bang: rà soát các luật và văn bản dưới luật riêng; sau đó ban hành một đạo luật chung của bang để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và ban hành một văn bản dưới luật để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật của bang.

Thực tiễn của bang Quebec cho thấy Bang Quebec tham gia ngay từ đầu vào quá trình đàm phán để nắm bắt các khả năng phải bổ sung, sửa đổi pháp luật. Sau khi các hiệp định của WTO được ký kết, Quebec tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật của bang theo các quy định của WTO. Cơ quan lập pháp bang Quebec tiến hành sửa đổi, bổ sung pháp luật và nội luật hoá các hiệp định của WTO thông qua một đạo luật chung thực thi các Hiệp định của WTO.

III. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA HÀN QUỐC VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA WTO

 1. Pháp luật về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Hàn quốc là nước không thực sự quan tâm lắm tới Vòng đàm phán Uruguay và thậm chí còn "miễn cưỡng tham gia vào quá trình đàm phán"[28]. Tuy nhiên, kết quả Vòng Uruguay cũng được Hàn quốc chấp nhận và cho thi hành: Quốc hội thông qua ngay 16/12/1994 và Tổng thống phê chuẩn ngày 23/12/1994 các kết quả đó.

Theo Hiến pháp Hàn quốc thì việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tổng thống với 2 điều kiện: Hội đồng Nội các phải thảo luận tất cả các đề xuất ký kết điều ước quốc tế và Quốc hội phải đồng ý đối với các điều ước quốc tế lớn (được nêu cụ thể nội dung, khi nào điều ước là lớn theo Hiến pháp)[29]. Quốc hội chỉ có quyền đồng ý hay không đồng ý với các điều ước được trình ra, nhưng không có quyền sửa đổi. Nhìn chung Quốc hội có ít thẩm quyền về công tác điều ước quốc tế. Quyền đàm phán các điều ước quốc tế của Tổng thống chủ yếu được thực hiện thông qua các Bộ trưởng phụ trách về nội dung đàm phán. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế là rất nhỏ, tuy vậy, hiện nay có thể thấy hướng mở rộng việc tham gia của các tổ chức này vào quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế.

Theo Hiến pháp, các điều ước quốc tế được ký kết và công bố theo đúng Hiến pháp và pháp luật quốc tế thì có thể được thừa nhận có vị trí pháp lý nhất định trong pháp luật trong nước của Hàn quốc. Pháp luật Hàn quốc không yêu cầu phải có nội luật hoá để thi hành điều ước quốc tế, trừ khi bản thân điều ước yêu cầu có việc đó. Nói cách khác, các điều ước quốc tế, về nguyên tắc ở Hàn Quốc có được khả năng tự thi hành, có thể áp dụng trực tiếp trong thực tiễn Hàn Quốc. 

Hàn quốc có quy định là trong trường hợp có xung đột pháp luật thì đạo luật ban hành sau có giá trị hơn đạo luật ban hành trước và luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng. Các điều ước quốc tế sau khi được phê chuẩn hoặc phê duyệt sẽ có giá trị như văn bản nội luật, chúng cũng phải theo nguyên tắc này và hệ quả là chúng cũng có thể bị luật của Quốc hội sau đó huỷ bỏ hay thay đổi. Tuy nhiên, các cơ quan hành pháp và toà án đều có những nỗ lực để không xảy ra trường hợp này.

2. Thực tiễn về nội luật hóa các Hiệp định Vòng Uruguay

Việc đàm phán các Hiệp định của WTO được các cơ quan hành pháp tiến hành theo quy định chung của Hiến pháp với sự tham gia của Bộ Ngoại giao và nhiều bộ ngành liên quan thông qua cơ chế điều phối các cấp khác nhau.

Các hiệp định Vòng Uruguay được Quốc hội thông qua toàn bộ, được Tổng thống phê chuẩn  - đây cũng là mô hình nội luật hóa mà Hàn quốc đã áp dụng đối với Hiệp định GATT trước đó[30]. Một câu hỏi còn chưa rõ đối với Hàn quốc là việc nội luật hóa các phán quyết giải quyết tranh chấp trong WTO, "nhưng chắc chắn là không được áp dụng như các hiệp định WTO"[31].

Hàn quốc có giải pháp nội luật hóa khá lý thú là bê nguyên toàn bộ các Hiệp định của WTO vào hệ thống pháp luật của mình và làm cho nó trở thành nội luật. Tuy nhiên, một số quy định của WTO liên quan tới thủ tục sử dụng các quyền và nghĩa vụ cần được cụ thể hoá tiếp tục để có thể thi hành có hiệu quả trong nước.

Bên cạnh việc thông qua các hiệp định của WTO như đã nêu ở trên, Quốc hội còn thông qua một đạo luật riêng với tên Luật đặc biệt thi hành các Hiệp định WTO (Luật đặc biệt) - đây không phải là một yêu cầu của Hiến pháp và cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử Hàn quốc[32]. Khác với Canađa và Hoa kỳ như đã trình bày ở trên, mặc dù tên của đạo luật này của Hàn quốc rất giống tên của các đạo luật thi hành các hiệp định của WTO tại các nước này, nhưng địa vị pháp lý của nó thì khác hẳn. Luật đặc biệt "không thay thế các Hiệp định WTO của mà nó là luật trong nước, chỉ quy định một số vấn đề hỗ trợ cho việc thi hành"[33]. Luật đặc biệt yêu cầu chính phủ phải có các biện pháp cần thiết "phù hợp với các quy định của... WTO và các đạo luật trong nước"[34], để bảo vệ nông dân, những đối tượng dễ bị tổn thương do việc thi hành các hiệp định này.

Trong quá trình xây dựng Luật đặc biệt, đã có một loạt các kiến nghị "trái" với yêu cầu củaWTO, như các quy định của WTO không được trái với luật trong nước, hay không được giải thích các quy định của WTO làm xâm hại tới chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực kinh tế và thậm chí có điều khoản yêu cầu có các biện pháp trả đũa theo kiểu "Mỹ". Nhưng cuối cùng, những kiến nghị này không được chấp nhận, một số thì được lồng ý nhẹ nhàng vào các điều khoản chủ yếu của Luật[35]. Luật cũng có điều khoản quy định thương mại với Bắc Triều tiên là thương mại trong nước.

Việc nội luật hóa theo kiểu Quốc hội thông qua toàn bộ các Hiệp định của WTO và Tổng thống phê chuẩn đã dẫn đến hệ quả là nhiều đạo luật đã được sửa đổi, như Luật về Thuế xuất nhập khẩu, Luật gia cầm, Luật kiểm soát thực phẩm, những văn bản về trợ cấp, các biện pháp thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp, các luật về sở hữu trí tuệ, đấu thầu và mua sắm chính phủ... cho dù phù hợp với quyết định đó của Quốc hội và Tổng thống. Quá trình sửa đổi, bổ sung này diễn ra từ từ, trong các khoảng thời gian khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của Hàn Quốc.

Một vấn đề đặt ra là liệu các cá nhân và tổ chức có quyền khởi kiện và lập luận trên cơ sở các hiệp định của WTO để chống lại chính phủ và các cơ quan nhà nước không? Theo Hiến pháp Hàn quốc thì các hiệp định này là luật trong nước và công dân có quyền khởi kiện chống lại chính phủ và các cơ quan nhà nước khi có vi phạm các hiệp định này theo quy định chung của pháp luật. Tuy nhiên, "Luật về bồi thường của nhà nước quy định các biện pháp bồi thường theo luật này chỉ áp dụng cho người nước ngoài trên cơ sở có đi có lại"[36]

 IV. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA CỘNG HOÀ PHÁP VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU (EU) VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Pháp luật và thực tiễn của cộng hoà Pháp về nội luật hóa các điều ước quốc tế

1.1. Pháp luật về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Cộng hoà Pháp là quốc gia tiêu biểu cho hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Lý luận về pháp luật quốc tế và về vấn đề nội luật hóa điều ước quốc tế ở Pháp phát triển từ lâu. Ngay từ thế kỷ XVIII đã có nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này và có các trường phái khác nhau liên quan.

Tuy nhiên, xét về cơ sở pháp lý, phải đến nền Cộng hoà thứ V dưới thời Tổng thống Charle De Gaule, Cộng hoà Pháp mới chính thức khẳng định trong Hiến pháp năm 1958 các quan điểm về điều ước quốc tế và tư tưởng nội luật hoá các điều ước quốc tế.

Hiến pháp năm 1958 đã dành riêng Mục VI từ Điều 52 đến Điều 55 để quy định về vấn đề này: Điều 52 quy định thẩm quyền của Tổng thống trong đàm phán và ký kết điều ước quốc tế; Điều 53 quy định thẩm quyền của Nghị viện trong phê chuẩn điều ước quốc tế; Điều 53-1 về mối quan hệ giữa pháp luật của Pháp và pháp luật của liên minh châu Âu; Điều 53-2 về thừa nhận thẩm quyền của Toà hình sự quốc tế; Điều 54 về vai trò của Hội đồng bảo hiến trong việc kiểm tra tính hợp hiến của các điều ước quốc tế; Điều 55 về vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Về quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, Điều 55 Hiến pháp năm 1958 khẳng định: “Các điều ước quốc tế được phê chuẩn hoặc phê duyệt một cách hợp lệ, ngay sau khi công bố, sẽ có hiệu lực pháp lý cao hơn luật, với điều kiện bên ký kết kia cũng phải thực hiện điều ước quốc tế đó”. Như vậy, Điều 55 Hiến pháp Pháp đã khẳng định điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng so với nội luật. Việc ưu tiên áp dụng này phải đáp ứng với một số điều kiện nhất định:

+ Thứ nhất, đó là điều kiện về hình thức, thủ tục:  điều ước quốc tế phải được phê chuẩn hoặc phê duyệt một cách hợp lệ;

+ Thứ hai, đó là điều kiện về nội dung: bên ký kết kia cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh điều ước quốc tế đó (nguyên tắc có đi có lại).

Khác với nhiều nước trên thế giới ban hành hẳn một đạo luật về điều ước quốc tế, Cộng hòa Pháp không có một văn bản nào hướng dẫn thi hành các quy định của Hiến pháp về điều ước quốc tế. Công tác đàm phán, ký kết điều ước quốc tế do Bộ Ngoại giao cũng như các Bộ hữu quan khác trong Chính phủ Pháp thực hiện thường dựa chủ yếu vào kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động hành chính. Mãi đến năm 1997, Bộ Ngoại giao có ban hành một Thông tư để pháp điển hoá các kinh nghiệm thực tiễn này, song cũng chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung.

1.2. Thực tiễn nội luật hóa điều ước quốc tế ở Pháp:

a. Các cơ quan có thẩm quyền đàm phán, ký kết, nội luật hóa điều ước quốc tế

Theo quy định của Hiến pháp Pháp, cơ quan hành pháp nắm quyền đàm phán, ký kết điều ước quốc tế. Trên thực tế, nhiệm vụ này chủ yếu do Bộ Ngoại giao và các Bộ hữu quan khác thực hiện. Bộ ngoại giao giữa vai trò trung tâm trong công tác điều ước quốc tế, là cơ quan đàm phán chính thức, và điều phối, bảo quản, lưu chiểu. Còn thẩm quyền phê duyệt điều ước quốc tế thuộc về Tổng thống (Điều 52).

Cơ quan thẩm định điều ước quốc tế là Bộ ngoại giao. Bộ Ngoại giao (cụ thể là Vụ Pháp chế) có nhiệm vụ thẩm định đối với các điều ước quốc tế do các Bộ khác đề xuất đàm phán, ký kết. Khi có ý kiến khác nhau giữa Bộ Ngoại giao và các Bộ hữu quan thì Ban Tổng thư ký của Chính phủ sẽ đứng ra làm trọng tài. Ban Tổng thư ký của Chính phủ là một thiết chế đặc biệt trong Bộ máy nhà nước Pháp. Về bản chất, đây là một cơ quan liên Bộ, bao gồm khoảng 50 chuyên gia, có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác lập pháp (bao gồm cả công tác điều ước quốc tế).

Theo quy định của Hiến pháp Pháp thì các chính quyền địa phương không có thẩm quyền đàm phán, ký kết điều ước quốc tế mà chỉ có thẩm quyền ký kết các thỏa thuận quốc tế với các đơn vị hành chính tương đương của các quốc gia khác trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật.

b. Vấn đề xem xét tính hợp hiến của điều ước quốc tế trong pháp luật của Pháp:

Nói chung, Pháp thường cố gắng tránh đưa vào dự thảo điều ước quốc tế những điều khoản có nội dung trái Hiến pháp. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt vì lí do chính trị, Pháp chấp nhận đưa vào điều ước quốc tế những điều khoản trái Hiến pháp. Từ trước đến nay Pháp mới chỉ chấp nhận 04 trường hợp như vậy, đối với Hiệp ước Max- xtrích; Hiệp ước Am- tecdam; Hiệp ước thành lập Toà hình sự quốc tế; Hiến chương về các ngôn ngữ trong khu vực;

Tuy nhiên, trong các trường hợp này, thủ tục yêu cầu hết sức chặt chẽ để đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp trong khuôn khổ một quốc gia có chủ quyền. Trước khi trình Nghị viện phê chuẩn, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi Hiến pháp trước thông qua trưng cầu dân ý.  Điều 54 Hiến pháp quy định: ‘‘Trong trường hợp Hội đồng Bảo hiến, theo đề nghị của Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Thượng Nghị viện hoặc Hạ Nghị viện, 60 thượng nghị sỹ hoặc 60 hạ nghị sỹ, tuyên bố rằng một điều ước quốc tế có chứa một điều khoản trái với Hiến pháp, thì chỉ có thể phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế đó sau khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp’’. Quy định này cho phép rút ra một nhận xét là giả sử việc sửa đổi Hiến pháp bị thất bại (kết quả trưng cầu dân ý đạt dưới 50 %), thì điều ước quốc tế có điều khoản trái Hiến pháp sẽ không thể được phê chuẩn hoặc phê duyệt, sẽ không có hiệu lực pháp lý ràng buộc đối với Pháp với tư cách là một bên ký kết.

c. Vấn đề xem xét tính hợp pháp của điều ước quốc tế:

Vì điều ước quốc tế có giá trị cao hơn luật, do đó Chính phủ có toàn quyền đàm phán, ký kết một điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước đó có chứa điều khoản trái với luật quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, việc thực hiện điều ước quốc tế thường kéo theo hệ quả phải sửa đổi hệ thống luật trong nước, nói cách khác sẽ gây nhiều xáo trộn về mặt thể chế. Do đó, trên thực tế, Pháp thường cố gắng tránh đưa vào nội dung của điều ước quốc tế điều khoản trái với luật trong nước. Khi chấp nhận một hoặc nhiều điều khoản trái với luật trong nước, thì thông thường cơ quan đàm phán  phải giải trình rõ lý do (trên thực tế thường là trường hợp điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng với Pháp hoặc Pháp muốn phát triển một lĩnh vực cụ thể và cải cách hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này). Ở đây có hai vấn đề cần lưu ý:

Thứ nhất, nếu Điều ước quốc tế thuộc đối tượng phải trình Nghị viện phê chuẩn theo Điều 53 Hiến pháp (liên quan đến hoà bình, thương mại quốc tế, tổ chức quốc tế, tài chính quốc gia, làm thay đổi các quy định của luật, quy chế nhân thân, chuyển nhượng, đổi hoặc tiếp nhận thêm một phần lãnh thổ quốc gia)[37] thì cơ quan đàm phán thường không chấp nhận việc đưa vào điều khoản điều ước quy định ‘‘điều ước quốc tế có hiệu lực ngay sau khi ký kết’’. Trong trường hợp này, phía Pháp yêu cầu quy định ‘‘điều ước quốc tế có hiệu lực sau khi được phê chuẩn hoặc phê duyệt’’;

Thứ hai, Pháp thường tránh việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế trước khi điều ước quốc tế đó có hiệu lực. Lý do rất đơn giản là về nguyên tắc, sau khi được công bố trên Công báo của Pháp thì điều ước quốc tế có giá trị pháp lý (các tổ chức, cá nhân có thể viện dẫn trước Toà án của Pháp). Do đó, Thông tư năm 1997 quy định rõ trong mọi trường hợp, Đoàn đàm phán của Pháp không được chấp nhận những điều khoản cho phép áp dụng tạm thời điều ước quốc tế nếu điều ước đó buộc phải có sự phê chuẩn của Nghị viện. Chỉ trong một số trường hợp hãn hữu và phải được Ban Tổng thư ký của Chính phủ thông qua thì mới được chấp nhận quy định về hiệu lực tạm thời của điều ước quốc tế;

d. Các cách thức nội luật hoá:

Theo pháp luật của Pháp thì cần phân biệt hai trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu có thể áp dụng trực tiếp được điều ước quốc tế (các bên đều mong muốn và đã được quy định rõ trong văn kiện điều ước quốc tế) thì chỉ cần thông qua thủ tục phê chuẩn hay phê duyệt là điều ước đó có hiệu lực áp dụng trực tiếp theo quy định của văn bản phê chuẩn hay phê duyệt điều ước quốc tế đó, tức là theo mô hình “cách mạng” trong nội luật hóa điều ước quốc tế. Mọi công dân Pháp đều có quyền viện dẫn điều ước quốc tế đó trước Toà án Pháp. Trên thực tế trường hợp này chiếm đa số trong các điều ước quốc tế mà Pháp đã ký kết hoặc tham gia.

Thứ hai, nếu không thuộc trường hợp trên thì Pháp phải ban hành 1 đạo luật để chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia (trên thực tế rất ít khi Pháp phải ban hành một đạo luật về nội luật hoá như vậy). Trên thực tế, trường hợp này thường áp dụng cho các Điều ước quốc tế làm phát sinh trực tiếp quyền và nghĩa vụ đối với các cá nhân; bản thân trong điều ước quốc tế không có đầy đủ các quy định rõ ràng và cụ thể để có thể được áp dụng trực tiếp; hoặc trong trường hợp quy định về hiệu lực trực tiếp đã rõ ràng nhưng điều ước đó lại có nội dung trái hoặc chưa được quy định trong luật quốc gia.

e. Thủ tục nội luật hoá:

Đối với những điều ước quốc tế thuộc loại phải trình Nghị viện, thì quá trình nội luật hóa bắt đầu trước hết từ việc cơ quan chủ trì chọn nội dung pháp luật của điều ước quốc tế để đưa vào nội dung của dự án Luật. Cơ quan soạn thảo dự án Luật phải làm Tờ trình nêu rõ sự cần thiết, lợi ích của điều ước quốc tế đối với kinh tế-xã hội của Pháp cũng như chính sách đối ngoại của Pháp và phải trình rõ lý do chọn nội dung pháp lý cụ thể trong điều ước quốc tế để chuyển hóa thành nội dung pháp lý của pháp luật trong nước. Dự an luật và Tờ trình phải được các Bộ chuyên môn hữu quan góp ý. Sau đó, Bộ Ngoại giao tổng hợp và trình lên Ban Tổng thư ký của Chính phủ; Ban Tổng thư ký của Chính phủ chuyển sang Tham chính viện[38] để lấy ý kiến. Ý kiến của Tham chính viện không có giá trị bắt buộc nhưng trên thực tế, Chính phủ thường nghe theo Tham chính viện vì đây là một trong những cơ quan tập hợp đội ngũ những chuyên gia pháp luật hàng đầu của Pháp.

g. Vai trò của Hội đồng Bảo hiến trong công tác điều ước quốc tế::

Hội đồng Bảo hiến (Conseil constitutionel) về bản chất chính là Tòa án Hiến pháp của Pháp, bao gồm 09 thành viên với nhiệm kỳ 09 năm (không được tái bổ nhiệm). Ba thành viên do Thượng Nghị viện bầu, ba thành viên do Hạ Nghị viện bầu và ba thành viên do Tổng thống chỉ định. Ngoài các thành viên chính thức còn có các thành viên danh dự là các cựu Tổng thống nước Cộng hòa Pháp.

Vai trò của Hội đồng Bảo hiến trong lĩnh vực điều ước quốc tế được đề cập tại Điều 54 Hiến pháp, theo đó Hội đồng Bảo hiến là cơ quan duy nhất có quyền xem xét đánh giá tính hợp hiến của các điều ước quốc tế trước khi Nghị viện phê chuẩn. Quy định này cho phép hiểu là một khi điều ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt thì Hội đồng Bảo hiến không còn thẩm quyền can thiệp nữa vì Hội đồng Bảo hiến đã có ý kiến thuận và điều ước quốc tế lúc này đã có hiệu lực pháp lý. Người có quyền đề nghị Hội đồng Bảo hiến kiểm tra tính hợp hiến theo quy định của Hiến pháp là Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng Nghị viện, Chủ tịch Hạ Nghị viện, tập thể 60 thượng nghị sỹ, 60 hạ nghị sỹ.

2. Pháp luật và thực tiễn của  Liên minh Châu Âu về nội luật hóa các điều ước quốc tế

2.1. Pháp luật và thực tiễn của Liên minh Châu Âu về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Liên minh Châu Âu là một một tổ chức quốc tế có tính liên kết cao (có Hiến pháp chung, có luật chung, có các thiết chế chung như Nghị viện (Hội đồng Châu Âu), Chính phủ (Uỷ ban Châu Âu), Tòa án Châu Âu… Tuy vậy, nó cũng chưa phải là một Nhà nước liên bang (mặc dù đã chuyển giao cho liên minh một phần chủ quyền quốc gia của mình nhưng mỗi quốc gia về cơ bản vẫn là một chủ thể độc lập của luật quốc tế). Nói cách khác, toàn bộ Liên minh là một chủ thể của luật quốc tế mà các thiết chế của Liên minh hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, nhưng bản thân mỗi quốc gia thành viên lại là một chủ thể độc lập của luật quốc tế, hành động vì lợi ích của quốc gia mình trong sự thống nhất với lợi ích chung của toàn bộ liên minh. Nhiều học giả Châu Âu cho rằng Liên minh châu Âu đang trong quá trình vận động tiến tới hình thành một Nhà nuớc liên bang (đặc biệt với sự kiện 25 nguyên thủ quốc gia của liên minh ký kết Hiến pháp Châu Âu vào cuối tháng 10/2004 vừa qua).

Theo Hiến pháp Châu Âu, thì Hiến pháp và các văn bản pháp luật do Liên minh Châu Âu ban hành có giá trị pháp lý cao hơn pháp luật của các quốc gia thành viên liên minh[39]. Điều này xuất phát từ mục đích thiết lập Liên minh Châu Âu. Ngay trong Hiệp định Rôme (1958) về thành lập Cộng đồng châu Âu, mục đích thành lập Cộng đồng đã được khẳng định rõ là thiết lập một thị trường chung (một khối mậu dịch tự do), một liên minh kinh tế và tiền tệ chung (Điều 2 Hiệp định Rôme). Để đạt được mục đích này, Liên minh Châu Âu hành động với phương châm nhất thể hóa hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên nhằm tạo điều kiện cho sự vận hành của một thị trường chung (Điều 3 Hiệp định). Muốn vậy, pháp luật của Liên minh phải được áp dụng thống nhất và trực tiếp trên toàn lãnh thổ của Liên minh nhằm phá bỏ các rào cản ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản do Liên minh đề ra là tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ, tự do lựa chọn nơi làm việc, tự do đi lại.

Theo Hiến pháp Châu Âu (Điều I-33) thì Liên minh Châu Âu được ban hành các văn bản với giá trị pháp lý cụ thể như: (i) Luật (văn bản có tính bắt buộc chung); (ii) Luật khung (văn bản có giá trị ràng buộc về kết quả cần đạt tới, các quốc gia thành viên toàn quyền lựa chọn hình thức và biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu do liên minh đề ra); (iii) Nghị định: là văn bản nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật cũng như Hiến pháp Châu Âu; (iv) Quyết định (có giá trị bắt buộc đối với các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành) và  các Khuyến nghị (không có giá trị pháp lý bắt buộc mà chỉ có giá trị định hướng).       

2.2 Thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế của Liên minh Châu Âu:       

  Tùy từng loại văn bản mà các quốc gia có phương pháp nội luật hóa khác nhau. Tuy vậy, cần phân biệt hai trường hợp sau:

Thứ nhất, đối với các văn bản có giá trị áp dụng bắt buộc và trực tiếp (Luật, nghị định…) thì về nguyên tắc ngay sau khi có hiệu lực, các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ áp dụng các văn bản này. Các tổ chức, cá nhân có quyền viện dẫn các văn bản này ra trước Tòa án của các quốc gia thành viên hoặc Tòa án của Liên minh Châu Âu. Việc có chuyển hóa vào trong luật quốc gia hay không là công việc riêng của mỗi quốc gia (để đảm bảo thuận tiện trong khâu thi hành), song mỗi quốc gia thành viên không được phép không thi hành các văn bản này với lý do là chưa chuyển hóa kịp vào nội luật của mình. Trên thực tế, đây thường là các văn bản liên quan đến lĩnh vực thương mại, cạnh tranh…với mục đích tạo lập một thị trường chung, một khu vực mậu dịch tự do không có bất kỳ một rào cản nào trong nội bộ Liên minh.

Thứ hai, đối với các văn bản chỉ có giá trị bắt buộc về kết quả cần đạt tới (Chỉ thị), thì các quốc gia thành viên có toàn quyền lựa chọn hình thức, biện pháp để nội luật hóa. Nói cách khác, các văn bản này chỉ có giá trị thi hành khi nó được nội luật hóa. Để tránh việc các quốc gia chậm nội luật hóa, các chỉ thị này thường đặt ra một thời hạn để các quốc gia thành viên bắt buộc phải sửa đổi hệ thống pháp luật của mình, nếu quá thời hạn này mà vẫn chưa sửa đổi thì quốc gia đó sẽ bị phạt (phạt tiền). Tháng 4/2003, Cộng hòa Pháp đã bị Uỷ ban Châu Âu phạt về việc chậm nội luật hóa Chỉ thị của Uỷ ban Châu Âu về xác định trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ đảm bảo an toàn đối với hàng hóa, dịch vụ (Quyết định ngày 25/4/2004). Trên thực tế, các thiết chế của Liên minh Châu Âu thường ban hành các Chỉ thị trong trường hợp muốn điều chỉnh các lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến thương mại, cạnh tranh (như bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…), vì đây là những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa…của từng quốc gia thành viên.

 V. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA NHẬT BẢN VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Pháp luật về điều ước quốc tế và điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Nhật Bản là nước có hệ thống phát luật khá hoàn thiện so với các nước ở Châu á. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa khi ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế, thì hệ thống pháp luật của Nhật Bản luôn phù hợp với các cam kết quốc tế và có thể thi hành ngay điều ước quốc tế. Nhật Bản đã phải tiến hành nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế mới thi hành được điều ước quốc tế. Do Nhật Bản là một nước có nền kinh tế lớn trên thế giới, có quan hệ kinh tế với hầu hết các nước và tham gia nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế, nên số lượng các điều ước quốc tế mà Nhật Bản đã ký và thực hiện là rất lớn.

Nhật Bản là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, đến ngày 01/01/1995, toàn bộ các Hiệp định trong khuôn khổ WTO có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ của Nhật Bản. Như vậy, cũng tương tự như Hoa Kỳ, Canada và một số nước khác, Nhật Bản chỉ có khoảng 4 để tiến hành nội luật hoá, hài hoà hoá các quy định của WTO với pháp luật trong nước.

Theo quy định của khoản 2 Điều 98 Hiếp pháp Nhật Bản, thì Điều ước quốc tế sẽ được coi như bộ phận của pháp luật quốc gia và được thực hiện một cách đầy đủ. Tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản không có quy định về trật tự, thứ bậc giữa pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế về cái nào có giá trị pháp lý cao hơn cái nào về việc điều ước quốc tế có phải là một bộ phận của pháp luật quốc gia hay không. Tuy không quy định rõ trong pháp luật, nhưng  hầu hết các chuyên gia pháp luật của Nhật bản đều cho rằng Điều ước quốc tế có giá trị pháp lý thấp hơn Hiến pháp, bởi lẽ điều ước quốc tế đa phần do Chính phủ ký kết, Nghị viện là người thông qua các văn bản này.

Ở đây vấn đề đặt ra là Điều ước quốc tế có vị trí như thế nào trong quan hệ đối với luật. Pháp luật Nhật bản không có quy định hay không đề lên thành nguyên tắc chung trong pháp luật, mà chỉ có một số văn bản đề cập đến thứ thứ ưu tiên của Điều ước quốc tế khi có mâu thuẫn về nội dung của văn bản pháp luật đó với Điều ước quốc tế liên quan. Đa số các văn bản pháp luật hiện hành của Nhật Bản không đề cập đến quyền ưu tiên của điều ước quốc tế. Nhưng căn cứ vào các quy định riêng rẽ của một số văn bản pháp luật Nhật bản, thì có thể nhận thấy ở Nhật Bản Điều ước quốc tế có giá trị pháp lý cao hơn Luật.

Mặt khác, các quy định của Nhật Bản nghiêng về hướng nhị nguyên luân, theo đó điều ước quốc tế là một bộ phận tách rời khỏi hệ thống pháp luật quốc gia. Nhật Bản không thừa nhận áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu, xem xét việc thực hiện điều ước quốc tế của Nhật Bản cho thấyNhật Bản không ngăn cản việc áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế. Ví dụ: Tại Điều 3 của Luật Thuế quan của Nhật bản quy định: “ Trong trường hợp có quy định cụ thể của điều ước quốc tế, thì áp dụng Điều ước quốc tế”. 

2. Thực tiễn về nội luật hóa các điều ước quốc tế

Theo quy định của khoản 3 Điều 76 Hiến pháp Nhật Bản, thì Chính phủ có quyền ký kết các điều ước quốc tế khi có sự chấp thuận trước hoặc đồng thời của Nghị viện và sau khi ký kết, Chính phủ phải trình điều ước quốc tế ra cả hai Viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện để phê chuẩn. Trong trường hợp, Chính phủ Nhật Bản trình Nghị viện phê chuẩn điều ước quốc tế, nhưng không có sự thống nhất ý kiến của Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện liên quan đến việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó, thì ý kiến của Hạ Nghị viện sẽ là ý kiến quyết định.

Pháp luật của Nhật bản cũng không có quy định liên quan đến việc xử lý trường hợp Chính phủ ký kết điều ước quốc tế, nhưng cả Hạ Nghị viện và Thượng Nghị viện đều không nhất trí phê chuẩn. Trên thực tế trường hợp như vậy hiếm khi xảy ra, nhưng đó cũng là thực tế khó giải quyết đối với Nhật Bản nếu nó xảy ra.

Nhật Bản không có quy định cụ thể trong pháp luật về tiêu chí để xem xét một điều ước quốc tế mà mình đã ký kết hoặc gia nhập có cần nội luật hoá hay không và cũng không có quy định về cơ quan nào có thẩm quyền xác định vấn đề này. Trên thực tế, khi tổng kết quá trình hoạt động thực tiễn của mình Toà án Tối cao của Nhật Bản đã đưa ra hai tiêu chí xác định điều ước quốc tế không phải nội luật hoá, đó là :

- Ngay khi ký kết hoặc tham gia, các bên  có ý định rõ ràng về việc áp dụng trực tiếp các nội dung của điều ước đó;

- Các quy định trong điều ước quốc tế đã rõ ràng, chính xác và tiện áp dụng.

Việc xác định một điều ước nào đó có được áp dụng trực tiếp hay không có ý nghĩa thực tiễn lớn trong xét xử hoặc giải quyết các vụ việc cụ thể. Bởi lẽ, khi xác định một điều ước có hiệu lực áp dụng trực tiếp, không phải thông qua thủ tục nội luật hoá, thì cá nhân có quyền căn cứ vào điều ước quốc tế đó để kiện Chính phủ, nếu cá nhân này cho rằng Chính phủ đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo quy định của điều ước quốc tế đó. Nhưng ngược lại nếu một điều ước quốc tế được cho rằng cần phải thông qua thủ tục nội luật hoá, thì cá nhân không có quyền căn cứ vào các quy định của điều ước quốc tế này để kiện Chính phủ.

Thực tiễn xét xử của Toà án Nhật bản trong nhiều trường hợp cho thấy toà án Nhật Bản từ chối khả năng áp dụng trực tiếp Điều ước liên quan. Chẳng hạn, trong một vụ kiện xảy ra vào năm 1994, Toà án một quận của Tokyo đã từ chối việc áp dụng trực tiếp Hiệp định GATT. Một ví dụ khác cho ta thấy rõ điều này. Vào năm 1995 Nhật Bản phê chuẩn Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử mà không nội luật hoá Công ước này. Tuy nhiên, trong thực tế có một số nhà tắm công cộng của Nhật bản vẫn giữ đói quen cũ là chỉ cho người Nhật bản vào tắm và không cho người nước ngoài được sử dụng dịch vụ này. Vụ việc này lại được khởi kiện tại Toà án Nhật bản. Khi xem xét vụ việc, Toà án Nhật Bản đã tuyên là Công ước trên không được áp dụng trực tiếp, cho nên cá nhân không được căn cứ vào Công ước này để khởi kiện tại toà án. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Toà án Nhật Bản đã căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự để xem xét và cũng đã tuyên rằng việc không cho người nước ngoài tắm tại một số nhà tắm công cộng là vi phạm quy định của Bộ luật dân sự của Nhật Bản.

Đối với các điều ước quốc tế mà Nhật Bản ký kết hoặc gia nhập, nếu trái với quy định trong nước và các các điều ước này cần phải nội luật hoá, thì Nhật bản thực hiện việc nội luật hoá bằng cách sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan, nếu thấy cần thiết. Chẳng hạn, khi trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Nhật Bản đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung một loạt các văn bản pháp luật trong nước để thực hiện nghĩa vụ thành viên của mình trong lĩnh vực liên quan đến thực hiện quyền chống bán phá giá (Nhật Bản ban hành Luật Thuế quan); liên quan đến các biện pháp tự vệ (Nhật Bản ban hành Luật về Kiểm soát ngoại thương và ngoại hối); liên quan đến sở hữu trí tuệ ( Nhật Bản ban hành Luật về Bản quyền, Luật về Cạnh tranh lành mạnh)..

Ngoài các văn bản nói trên, Nhật Bản cũng ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản khác để phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

 Như vậy, Nhật bản không dùng phương pháp “dùng một luật” để sửa đổi, bổ sung “nhiều luật” hiện hành khi thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà mình ký kết hoặc gia nhập như một số quốc gia khác, mà Nhật Bản lựa chọn cách thức sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới từng văn bản luật cụ thể để thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết. Vấn đề khó khăn ở đây là ở chỗ trong nhiều trường hợp Nhật Bản chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một khối lượng lớn các văn bản pháp luật trong nước liên quan đến thực hiện các cam kết quốc tế. Chẳng hạn: khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhật Bản phải ban hành rất nhiều văn bản trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu quy trình xây dựng luật và hệ thống cơ cấu Nghị viện, cơ quan làm luật ở Nhật Bản thấy rằng việc áp dạng cách thức trên của Nhật Bản là có cơ sở hiện thực.

Đối với Nhật Bản, một dự thảo luật có thể do Chính phủ hoặc nghị sĩ đệ trình trước Nghị viện, nhưng Chính phủ đệ trình các dự thảo luật đó. Trước khi dự án luật được Chính phủ trình Nghị viện, thì Bộ liên quan sẽ chuẩn bị dự thảo đó. Trong quá trình chuẩn bị dự án luật, cơ quan soạn thảo sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo, lựa chọn các nội dung pháp lý cần thiết của điều ước quốc tế để đưa vào nội dung của dự án luật đó. Cùng với việc đệ trình dự án luật, Chính phủ phải gửi dự án luật đến các Uỷ ban của Nghị viện. Các Uỷ ban này sẽ xem xét các nội dung để nội luật hóa điều ước quốc tế thông qua nội dung dự án luật, làm cho nó có được bản sắc quốc gia của Nhật Bản. 

VI. PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA MỘT SỐ NƯỚC ASEAN VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ  TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

ASEAN hiện nay gồm 10 quốc gia thành viên. Các nước ASEAN có hệ thống chính trị, pháp luật và tổ chức bộ máy Nhà nước rất khác nhau. Hệ thống pháp luật của các nước ASEAN chủ yếu dựa trên: (i) hệ thống pháp luật common law; (ii) hệ thống pháp luật châu âu lục địa; và (iii) hệ thống pháp luật đạo hồi. Quan niệm của các nước ASEAN về áp dụng điều ước quốc tế cũng mang những nét riêng nhưng đa phần đều quan niệm điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống tách rời nhau, song song với nhau (nhị nguyên luận). Các quốc gia khi muốn áp dụng điều ước quốc tế thì phải thông qua quy trình chuyển hoá các quy định của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia. Việc nghiên cứu thực tiễn của các nước ASEAN về nội luật hoá điều ước quốc tế cũng tính đến hoặc xem xét quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quan niệm về điều ước quốc tế và việc áp dụng điều ước quốc tế trên thực tế.

1. Thái Lan.

Thái Lan là một quốc gia có sự phân chia quyền lực tương đối rõ rệt. Quyền lực được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giữ quyền lập pháp là Quốc hội gồm hai viện. Hạ Nghị viện gồm 360 thành viên với nhiệm kỳ là 4 năm. Thượng nghị viện gồm có 170 thành viên do Nhà vua bổ nhiệm theo sự tiến cử của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm kỳ là 6 năm. Chính phủ là cơ quan hành pháp và đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan tư pháp theo Hiến pháp Thái lan hoạt động độc lập với cơ quan hành pháp và lập pháp.

Về quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, cơ quan hành pháp có thẩm quyền đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật. Sau khi kết thúc quá trình đàm phán và ký kết, điều ước quốc tế có điều khoản phê chuẩn sẽ được trình Quốc hội xem xét, các điều ước còn lại sẽ được Chính phủ phê duyệt. Nếu Quốc hội tiến hành phê chuẩn điều ước quốc tế thì Quốc hội phải họp phiên tổng thể (gồm cả Thượng viện và Hạ viện) theo quy định tại Điều 159 và Điều 193 của Hiến pháp. Nhà Vua có vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế. Theo quy định tại Điều 224 của Hiến pháp Thái Lan, Nhà Vua có quyền đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về hoà bình, với người đứng đầu nhà nước của quốc gia khác hoặc tổ chức liên chính phủ. Đối với điều ước quốc tế có liên quan đến việc thay đổi địa giới lãnh thổ hoặc quyền tài phán quốc gia hoặc yêu cầu ban hành luật để thực thi điều ước quốc tế thì cần phải được Quốc hội phê chuẩn.

Về việc nội luật hóa hoá điều ước quốc tế, Hiến pháp Thái Lan không quy định rõ. Tuy vậy, điều ước quốc tế khi được Quốc hội phê chuẩn có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia hoặc lãnh thổ của Thái lan thì có giá trị ưu tiên áp dụng so với các văn bản luật khác. Việc nội luật hóa hoá điều ước quốc tế được tiến hành thông qua việc ban hành đạo luật để thực hiện điều ứơc quốc tế đó. Thông thường điều ước quốc tế có ảnh hưởng, tác động hoặc thay đổi hệ thống pháp luật của Thái Lan thì phải được trình Quốc hội phê chuẩn và Quốc hội Thái Lan ban hành luật thực thi điều ước quốc tế đó.

2. Malaysia.

 Malaysia là một nước quân chủ lập hiến. Quốc vương là nguyên thủ quốc gia và được Hội đồng 9 tiểu vương bầu 5 năm 1 lần. Trong hệ thống pháp luật của Malaysia, Hiến pháp là đạo luật tối cao, quy định toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước, quyền lực Liên bang, Bang, quyền tự do cá nhân, quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội và tự do công dân. Mỗi Bang của Malaysia đều có quyền riêng của mình, có cơ quan lập pháp, hành pháp nhưng không có cơ quan tư pháp, bởi vì cơ quan tư pháp thuộc Liên Bang. Ở Liên Bang, Bộ máy Nhà nước của Malaysia được chia thành 3 ngành:

  1. Lập pháp (Thượng viện và Hạ viện);
  2. Hành pháp (Nhà vua và Nội các);
  3. Tư pháp.

Theo quy định của Điều 39 Hiến pháp Liên Bang Malaysia, thì Nhà vua (Yang di-Pertuan Agong) là người có quyền lực tối cao và để thực hiện quyền lực của mình Nhà vua trao quyền cho Nội các (Chính phủ) thực hiện. Nhà vua là người ký ban hành các đạo luật. Theo quy trình xây dựng pháp luật của Malaysia thì dự luật muốn trở thành luật phải được Hạ viện, Thượng viện thông qua và được Nhà Vua chấp thuận. Việc phân chia quyền lực theo thuyết tam quyền phân lập cùng với chế độ quân chủ lập hiên có tác động tới hoạt động đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế, trong đó cơ quan hành pháp chủ yếu là tham gia và quá trình đàm phán, ký kết. Sau khi điều ước quốc tế được ký kết thì thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế thuộc trách nhiệm của cơ quan lập pháp (Quốc hội).

Hiến pháp Liên bang Malaysia không có quy định cụ thể về nội luật hóa điều ước quốc tế. Việc áp dụng điều ước quốc tế ký với quốc gia và tổ chức quốc tế do Quốc hội quyết định. Tính đến thời điểm hiện nay, Malaysia đã gia nhập hơn 150 điều ước quốc tế đa biên và ký nhiều điều ước song phương với các quốc gia trên thế giới. Về việc thực hiện điều ước quốc tế, Malaysia quan niệm điều ước quốc tế và pháp luật trong nước là 2 hệ thống độc lập nhau (Nhị nguyên luận). Do vậy, để thực hiện cam kết quốc tế của mình trong các điều ước quốc tế nhiều bên, Malaysia phải chuyển hoá các quy định của điều ước quốc tế nhiều bên vào hệ thống pháp luật trong nước, thậm chí vào Hiến pháp Liên Bang. Nhiều quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Tuyên bố chung toàn cầu về quyền con người đã được chuyển hoá hoặc quy định trong Hiến pháp Liên Bang để thực thi.

Việc nội luật hoá điều ước quốc tế của Malaysia được thực hiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản luật. Quy trình lập pháp ở Malaysia được tiến hành thông qua Hạ viện là nơi chuẩn bị dự thảo luật theo quy trình 3 lần dự thảo: (i) Dự thảo lần 1-thảo luận về tên gọi của dự luật; (ii) Dự thảo lần 2-Bộ trưởng có liên quan trình trước Quốc hội để Quốc hội thảo luận, bổ sung các nội dung pháp lý của điều ước quốc tế cần nội luật hóa (dự thảo lần 2 không làm cùng ngày với dự thảo lần 1 và văn bản dự luật được gửi cho các đại biểu trước đó); và (iii) Dự thảo lần 3-Dự luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung các nội dung pháp lý cần thiết để thực hiện điều ước quốc tế và đưa ra biểu quyết. Trường hợp dự luật được thông qua, Hạ viện sẽ có văn bản gửi Thượng viện đề nghị xem xét và chuẩn y. Trong trường hợp không đồng ý với dự luật do Hạ viện chuẩn bị, Thượng viện gửi trở lại cho Hạ viện. Sau khi được Thượng viện chuẩn y, dự luật sẽ được gửi đến cho Nhà Vua để phê chuẩn. Nếu không đồng ý với với một điều khoản nào đó, Nhà Vua gửi trả lại cho Hạ viện kèm theo lý do không tán thành.

3. Phillipin.

Theo Hiến pháp của Phillipines, Tổng thống là người đứng đầu nhà nước đồng thời là chủ tịch hành pháp nước CH Phillipines. Về mặt lập pháp, Tổng thống có quyền thông qua dự luật và Quốc hội có thể bác bỏ ý kiến về không thông qua luật của Tổng thống với đa số phiếu. Quốc hội của Phillipines gồm có Thượng viện và Hạ viện với tổng số là  274 thành viên. Thượng nghị viện gồm 24 thành viên. Thượng nghị sỹ được bầu trực tiếp bằng tổng tuyển cử 6 năm một lần. Hạ nghị viện có tối đa 250 ghế với nhiệm kỳ 3 năm. Dự luật sẽ tuần tự được Hạ viện và Thượng viện xem xét, thảo luận. Trong quá trình thông qua, dự luật sẽ được đọc 3 lần tại mỗi Viện và phải được 2/3 số người có mặt đồng ý. Sau khi được 2 Viện thông qua, dự luật sẽ được đệ trình Tổng thống xem xét, ký và ban hành. Tổng thống có quyền phủ quyết dự luật nếu không đồng ý và khi đó dự luật sẽ được trả về 2 Viện để xem xét tiếp. Nếu 2/3 thành viên của 2 Viện đều thông qua dự luật mặc dù Tổng thống đã phủ quyết thì dự luật vẫn được thông qua và trở thành luật.

Việc đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế đều do cơ quan hành pháp tiến hành. Trong đó, cơ quan (Bộ, ngành) sẽ chịu trách nhiệm về đàm phán, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế do mình phụ trách. Giống như Malaysia và Thái Lan, quyền đàm phán, ký kết và gia nhập điều ước quốc tế thuộc cơ quan hành pháp, còn thẩm quyền về phê chuẩn điều ước quốc tế (điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ ) thuộc cơ quan lập pháp (2 Nghị viện). Theo quy định của Điều 21 –Chương VII về Cơ quan hành pháp thì không có điều ước quốc tế hoặc thoả thuận quốc tế nào có hiệu lực trừ khi nó được ít nhất 2/3 số đại biểu của Thượng viện thông qua. Như vậy, quy định về thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế của Phillipines có khác với các nước ASEAN khác. Hiến pháp của Phillipines chỉ yêu cầu 2/3 thành viên của Thượng viện thông qua là điều ước quốc tế có hiệu lực.

Việc thực hiện điều ước quốc tế tại Phillipines phải thông qua quá trình chuyển hoá điều ước quốc tế vào văn bản pháp luật trong nước. Như vậy, Phillipines cũng đã coi pháp luật quốc tế là một bộ phận tách rời với hệ thống pháp luật quốc gia (thuyết Nhị nguyên luận) và để thực hiện điều ước quốc tế thì phải nội luật hoá quy định của điều ước quốc tế. Việc nội luật hoá các quy định điều ước quốc tế chỉ được tiến hành đối với các điều ước quốc tế đa biên.

4. Singapore

Sau khi trở thành một quốc gia độc lập tách ra khỏi Liên Bang Malaysia, Singapore đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của mình vào ngày 16.9.1965 và được sửa đổi, bổ sung năm 1991. Theo quy định Hiến pháp, Singapore tổ chức theo chế độ đại nghị, một viện, đứng đầu là Tổng thống (Nghị viện bầu ra Tổng thống). Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước có quyền phủ quyết đối với việc chi tiêu của Chính phủ; có thể xem xét, phê phán việc thực thi quyền lực của Chính phủ; bổ nhiệm Thủ tướng và các Bộ trưởng trong nội các từ các nghị viên; bổ nhiệm Trưởng lý làm cố vấn cho Chính phủ; và là người đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Singapore.

Singapore là một quốc gia có hệ thống pháp luật án lệ (Common Law). Quốc hội của Singapore gồm 81 nghị sỹ do dân bầu và 6 nghị sỹ được chỉ định. Quốc hội và Tổng thống chịu trách nhiệm ban hành các đạo luật. Hội đồng Tổng thống phụ trách vấn đề dân tộc chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định hoặc thẩm tra các đạo luật trước khi trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm sự không phân biệt về mặt sắc tộc tại Singapore.

Việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế do cơ quan hành pháp (Chính phủ ) tiến hành. Sau khi điều ước quốc tế được đàm phán và ký kết thì sẽ đệ trình phê chuẩn (đối với điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc điều ước có điều khoản phê chuẩn). Singapore thực thi điều ước quốc tế thông qua việc chuyển hoá điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước (thuyết Nhị nguyên luận). Khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Singapore đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan để thực thi nghĩa vụ thành viên của mình. Singapore đã ban hành Luật về các biện pháp đối kháng và thuế chống bán phá giá, trong đó nội luật hoá các quy định của Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng và Hiệp định về Chống bán phá giá của WTO. Các định nghĩa về chống bán phán giá, phương pháp xác định thế nào là hàng hoá được bán phán giá, cách thức tính thuế bán phá giá… đều được thể hiện trong Luật nói trên. 

 

PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN VIỆT NAM VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ CÁC VẤN ĐỀ VÊ NỘI LUẬT HÓA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

          I. PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Nhận xét chung

Việt Nam đã sớm có hệ thống văn bản khá hoàn chỉnh về điều ước quốc tế. Năm 1989, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về ký kết, thực hiện điều ước quốc tế trong đó có định nghĩa rõ về khái niệm điều ước quốc tế. Pháp lệnh này đã được thay đổi bởi Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998. Kể từ khi Pháp lệnh này được ban hành, Việt Nam đã ký kết và gia nhập hơn 700 điều ước quốc tế (chưa kể các điều ước quốc tế được ký dưới danh nghĩa các Bộ, ngành). Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, số lượng điều ước quốc tế được ký kết bằng số lượng điều ước của 50 năm trước đó. Kế thừa và phát triển các quy định trước đây về điều ước quốc tế, Pháp lệnh đã tiếp thu những tinh hoa của lý luận và thực tiễn điều ước quốc tế của thế giới, có đầy đủ các vấn đề về lý luận về điều ước quốc tế như đã trình bày ở Phần I Báo cáo này và đã đặt ra vấn đề nội luật hóa các điều ước quốc tế khá cụ thể. Điều đáng chú ý là trong Pháp lệnh đó đã quy định rõ: "trong trường hợp thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan đề xuất ký kết, cơ quan nhà nước hữu quan có trách nhiệm tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật". Như vậy, muốn thi hành các quy định của điều ước quốc tế thì phải nội luật hóa nội dung pháp lý của các quy định của điều ước quốc tế đó thành nội dung các quy định của pháp luật trong nước.

Tuy vậy, sau một thời gian thực hiện Pháp lệnh, thực tế đã phát sinh nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đòi hỏi cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung tiếp tục các quy định hiện có về điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO. Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi tắt là Luật điều ước quốc tế) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2005 đã đáp ứng được nhu cầu này và một phần nào đó đã nội luật hóa một số quy định của Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế mà Việt Nam là trở thành thành viên.

Luật điều ước quốc tế được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo như sau:

- Thứ nhất, Luật điều ước quốc tế phải thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, mục tiêu, chính sách của Nhà nước về đối ngoại theo phương châm Việt Nam sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.

- Thứ hai, Luật điều ước quốc tế phải cụ thể hóa một cách đầy đủ các nguyên tắc về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế được quy định tại Hiến pháp 1992 (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo cho các cơ quan nhà nước thực hiện một cách thống nhất các yêu cầu trong việc đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

- Thứ ba, Luật điều ước quốc tế cần được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa các nội dung vẫn cón giá trị về thực tiễn cũng như lý luận của Pháp lệnh năm 1998 và nội dung liên quan đến điều ước quốc tế trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, tiếp tục bổ sung, sửa đổi bằng những nội dung mới phù hợp với yêu cầu đặt ra.

- Thứ tư, Luật điều ước quốc tế phải có các quy định cụ thể, thống nhất, đáp ứng được yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tham gia vào việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam, tham gia vào "luật chơi" của cộng đồng quốc tế, bảo vệ được quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp các bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế đã ký kết với Việt Nam.

- Thứ năm. Luật điều ước quốc tế cũng phải nội luật hóa cho được các cam kết quốc tế từ Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong Luật với nội dung các cam kết của Công ước, đặc biệt là nguyên tắc: điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc các thành viên và phải được các thành viên tự nguyện thi hành với thiện trí.

- Thứ sáu, phải gắn kết việc ký kết, gia nhập với việc thực hiện điều ước quốc tế. Thiết lập cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, xây dựng kế hoạch ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hàng năm, dài hạn, tổ chức thực hiện, rà soát, tổng rà soát, giám sát việc thực hiện điều ước quốc tế.

2.  Nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế.

Luật Điều ước quốc tế năm 2005 có những nội dung mới so với các quy định trước đây về điều ước quốc tế

a) Về phạm vi các cơ quan có thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế

Luật đã có thu hẹp đáng kể so với quy định trước đây, cụ thể là các Bộ, ngành, chính quyền địa phương không phải là bên trong các điều ước quốc tế mà chỉ là bên trong Thỏa thuận quốc tế mà thôi.

Như vậy, các cam kết quốc tế có thể là cam kết quốc tế giữa Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoặc Chính phủ Việt Nam với các chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Đây là các cam kết theo đúng nghĩa của nó là bộ phận cấu thành của điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế, theo luật, chỉ có thể được ký kết nhân danh Chính phủ hoặc nhà nước Việt Nam. Tuy vậy, các Bộ, ngành có thể ký kết các Thỏa thuận quốc tế và các Thỏa thuận quốc tế này chỉ có giá trị ràng buộc đối với các Bộ, ngành đã ký chúng mà thôi.

b) Về các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế

Luật không quy định rõ vấn đề này nhưng có đề cập đến điều ước quốc tế của các tổ chức quốc tế quan trọng, trong đó có WTO. Rõ ràng là khi làm Luật này, Quốc hội đã tính đến các Hiệp định của WTO và đặt vị trí quan trọng cho việc ký kết, gia nhập các Hiệp định này. Lý luận và thực tiễn điều ước quốc tế Việt Nam cho thấy các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế ở đây trước tiên là các hiệp định của WTO, sau đó là các điều ước quốc tế được xây dựng dưới sự bảo trợ của các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp quốc, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại, đầu tư khu vực, các điều ước quốc tế song phương về thương mại, đầu tư, du lịch, ODA, các điều ước quốc tế khác có liên quan đến chính sách và pháp luật kinh tế.

c) Vấn đề nội luật hóa trong Luật Điều ước quốc tế.

Trước khi thông qua Luật điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam không có quy định rõ về vấn đề này mà chỉ có quy định liên quan đến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản để thi hành điều ước quốc tế.

Trong quá trình soạn thảo Luật điều ứơc quốc tế đã hình thành 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề nội luật hóa như sau:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nên có quy định về việc nội luật hoá điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế pháp luật của nước ta hiện nay cũng như lộ trình tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam, không nên đưa ra một quy định cứng nhắc, đòi hỏi nhất thiết phải nội luật hoá điều ước quốc tế trong những trường hợp cần thiết bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế. Những trường hợp điều ước quốc tế có thể áp dụng trực tiếp thì không phải nội luật hoá mà chỉ cần ghi rõ trong văn bản phê duyệt hoặc phê chuẩn điều ước quốc tế là đủ.

Thực tiễn ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của ta cũng cho thấy, một số điều ước quốc tế đặc biệt là những điều ước quốc tế trong lĩnh vực tài chính, tính dụng quốc tế, ODA, đầu tư nước ngoài, .... sau khi có hiệu lực đã được triển khai thực hiện mà không nhất thiết phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, cũng có điều ước quốc tế, mặc dù đã có hiệu lực, nhưng không thể áp dụng trực tiếp để giải quyết các vấn đề liên quan ở trong nước mà nhất phải chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện, chẳng hạn như điều ước quốc tế liên quan đến cắt giảm thuế quan theo cam kết của Việt Nam rrong ASEAN. Thậm trí, trong một điều ước quốc tế thì có quy định phải nội luật hóa, có quy định thì có thể áp dụng trực tiếp trên thực tế. Do vậy, việc nội luật hóa cũng tùy thuộc nội dung pháp lý cụ thể của điều ước quốc tế.

- Loại ý kiến thứ hai đề nghị Luật cần phải quy định rõ nguyên tắc là khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với Việt Nam thì các quy định của điều ước quốc tế đó sẽ được áp dụng trực tiếp như là một nguồn của pháp luật Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan. Các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Toà án nhân dân các cấp có thể phải đối mặt với các vụ kiện về việc áp dụng trực tiếp các điều khoản của điều ước quốc tế liên quan.

Luật Điều ước quốc tế được thông qua theo phương án dung hòa giữa hai loại ý kiến nói trên, theo đó điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam có thể phải nội luật hóa để thi hành hoặc có thể được áp dụng trực tiếp nếu quy định của nó đã cụ thể, rõ ràng. Trong trường hợp không thể áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế tức là phải nội luật hóa để thực hiện (Điều 6 Khoản 3).  Việc lựa chọn nguyên tắc thực hiện điều ước quốc tế như vậy đã làm phát sinh nhiều vấn đề lý luận pháp luật quốc tế cần được nghiên cứu giải quyết

Về vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Điều ước quốc tế năm 2005 không xác định rõ vấn đề này. Theo pháp luật và thực tiễn quốc tế, vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật được khẳng định tại Hiến pháp. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế hiện hành của Việt Nam thì điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập không được trái với Hiến pháp, nhưng được phép có quy định khác với quy định của các văn bản do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành. Như vậy, điều ước quốc tế có thể có vị trí cao hơn luật, song không được trái với các quy định của Hiến pháp.

Nghiên cứu lý luận và thực tiễn Việt Nam về vấn đề điều ước quốc tế và nội luật hóa trong thời gian hiện nay cho thấy Việt nam về cơ bản vẫn giữ quan điểm điều ước quốc tế và nội luật hóa theo học thuyết luật quốc tế truyền thống của các nước xã hội chủ nghĩa tuy đã có những điểm mới nhất định về mặt lý luận. Điểm mới đó trước tiên là Luật Điều ước quốc tế cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế trong một số trường hợp cụ thể. Vấn đề áp dụng trực tiếp này đã gây tranh luận về quan điểm nhị nguyên luận của Việt Nam trong xử lý vấn đề quan hệ giữa pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế. Quan điểm áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế kết hợp với nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế có thể cho phép có ý kiến là Việt Nam đang nghiêng về thuyết nhất nguyên. Tuy vậy, ý kiến đó cần tiếp tục được xem xét qua thực tiễn thi hành Luật điều ước quốc tế năm 2005. 

         II.THỰC TIỄN NỘI LUẬT HOÁ CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM KÝ KẾT HOẶC GIA NHẬP NHẰM PHỤC VỤ QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ  TRONG THỜI GIAN QUA

Việc tìm hiểu, nghiên cứu chế định nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không thể không nhắc tới thực tiễn của công tác này trong thời gian qua (trước khi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực  - 1/1/2006). Có thể nói việc nội luật hoá các điều ước quốc tế theo đúng nghĩa của nó như được phân tích trong Báo cáo này thực sự chỉ được Việt Nam tiến hành trong thời gian kể từ khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là khi tính đến việc sử dụng các hình thức văn bản nội luật hoá có giá trị pháp lý cao (pháp lệnh, luật và bộ luật). Trước đó, Việt Nam cũng có ban hành các văn bản pháp luật nhằm “hướng dẫn” việc thực hiện một số điều ước quốc tế nhưng tập trung ở hình thức thông tư, thậm trí là công văn hướng dẫn.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến thực trạng này, trong đó có vấn đề về tư duy hay thói quen nào đó trong các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam khi chưa nhìn nhận đúng giá trị pháp lý của việc nội luật hoá các điều ước quốc tế. Tiếp đó có thể là do công tác nghiên cứu về nội luật hoá của chúng ta chưa được quan tâm để từ đó có những đề xuất, kiến nghị thích hợp. Chính vì vậy, việc nội luật hoá các điều ước quốc tế về cơ bản còn là mới mẻ đối với các cơ quan và chuyên gia pháp luật Việt Nam[40]. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đã bắt đầu có cách nhìn mới trong việc nội luật hoá các điều ước quốc tế trong một số lĩnh vực, mặc dù một loạt vấn đề pháp lý liên quan tới nội luật hoá cần phải tiếp tục được mổ xẻ, phân tích và đánh giá. Chẳng hạn, hình thức văn bản nội luật hoá; mức độ nội luật hoá (bê nguyên điều ước quốc tế hay một phần hay thông qua dẫn chiếu tới điều ước quốc tế…); thời điểm nội luật hoá (trước hay sau khi Việt Nam chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế)…

1. Thực tiễn nội luật hóa các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ

Có lẽ thực tế rõ nhất về những nỗ lực của Việt Nam trong nội luật hoá điều ước quốc tế chính là quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa kỳ (BTA). Hiệp định này có phạm vi rộng nhất trong số các hiệp định thương mại và kinh tế song phương mà Việt Nam đã từng ký kết và việc thực hiện Hiệp định này đã đem lại một thực tế điều chỉnh pháp luật (sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hay ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật) ở mức độ sâu và rộng chưa từng có trong lịch sử ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam. Khi phê chuẩn BTA, Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình Hiệp định[41]. Một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở tầm Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, như Luật Thương mại, Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Pháp lệnh Trọng tài thương mại, Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong quan hệ thương mại quốc tế… có một trong các mục tiêu quan trọng là nội luật hoá các cam kết liên quan của Việt Nam trong Hiệp định BTA. Bên cạnh đó, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ dưới luật được ban hành để thực hiện các nội dung của BTA còn lớn hơn rất nhiều[42].

Thông qua việc thực hiện Hiệp định BTA có thể nhận thấy là Việt Nam sử dụng nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật (chủ yếu là tuỳ theo nội dung của Hiệp định liên quan tới văn bản ở cấp độ nào) để nội luật hoá các quy định của Hiệp định này. Nói cách khác là hình như Việt Nam chưa có cách tiếp cận thống nhất trong sử dụng văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hoá các quy định của BTA. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như được trình bày trong Báo cáo này thì hình thức văn bản luật của Quốc hội là hình thức được sử dụng thống nhất trong nội luật hoá các điều ước quốc tế.

Bên cạnh đó, việc nội luật hoá các quy định của Hiệp định BTA chỉ được thực hiện sau khi Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định này. Tức là trên thực tế có xảy ra một giai đoạn thời gian “chưa có văn bản” kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực cho tới khi văn bản nội luật hoá được ban hành và áp dụng. Về mặt pháp lý thì tình huống này có thể gây lo ngại cho đối tác nước ngoài vì nó đem lại sự giải thích là Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của mình, nhất là khi có cân nhắc tới thực tế về năng lực của các cơ quan và cán bộ thừa hành trong áp dụng trực tiếp các quy định của điều ước quốc tế (mặc dù chúng ta có thể lập luận về nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế khi có quy định khác với pháp luật trong nước).

Cho tới trước khi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực thì dường như là quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước là được tiến hành độc lập với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên do chúng ta không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cân nhắc và bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế. Do đó, rất khó có thể đánh giá chính xác được độ chính xác hay mức độ cụ thể của việc nội luật hoá các điều ước quốc tế trong giai đoạn này, kể cả việc nội luật hoá các quy định của Hiệp định BTA.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và nghiên cứu về nội luật hoá các điều ước quốc tế thì việc Việt Nam nội luật hoá các quy định của Hiệp định BTA có ý nghĩa rất lớn về mặt lý luận và thực tiễn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước vì trước đó thì chúng ta gần như chưa bao giờ nội luật hoá một hiệp định thương mại song phương nào.

2.  Thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực đầu tư

Mặc dù trong hơn 15 năm qua, Luật Đầu tư nước ngoài đã liên tục được hoàn thiện qua 4 lần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau trong các năm 1990, 1992, 1996 và  2000, nhưng có lẽ cũng chưa có cơ sở khẳng định là các lần sửa đổi, bổ sung này là để nội luật hoá một số điều ước quốc tế cụ thể nào đó trong lĩnh vực đầu tư. Dường như gần 50 hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư được thực hiện về cơ bản trên nguyên tắc  ưu tiên áp dụng các quy định của Hiệp định.

Có lẽ trường hợp ngoại lệ duy nhất có nội luật hoá các cam kết quốc tế về đầu tư trong lĩnh vực đầu tư là việc thực hiện Hiệp định BTA thông qua việc thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế (trong đó có lĩnh vực đầu tư) và một loạt các văn bản dưới luật khác để thực hiện nhiều cam kết liên quan như không phân biệt đối xử, Hiệp định TRIMs, giải quyết tranh chấp, bảo hộ đầu tư, quản trị doanh nghiệp.... Việc nội luật hoá trong lĩnh vực đầu tư cũng được tiến hành trong quá trình đàm phán, gia nhập WTO, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật bản...

Thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế về đầu tư đang đặt ra một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm hiệu quả của công việc này:

- Việc điều chỉnh pháp luật về đầu tư không phải chỉ thuần túy nhằm thực hiện cam kết quốc tế về đầu tư  mà còn đáp ứng chủ trương chung của Nhà nước ta về cải thiện môi trường đầu tư và chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, cần tiến hành nội luật hóa các cam kết quốc tế về đầu tư, có tính đến sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống pháp luật hiện hành cũng như lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các điều ước quốc tế. Vấn đề là qua nội luật hóa phải duy trì được sự ổn định của hệ thống pháp luật, không gây xáo trộn hoạt động quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài.    

- Nội luật hóa các điều ước quốc tế về đầu tư có thể được thực hiện theo mô hình cách mạng, thông qua kỹ thuật một văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp khác nhau.

3. Thực tiễn nội luật hoá các hiệp định song phương liên quan tới thuế

          Việc ban hành luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1999 với những qui định đánh thuế đối với “cơ sở thường trú” của các công ty nước ngoài ở Việt Nam, qui định về khấu trừ thuế tại nguồn đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam,...dựa theo những qui định của Hiệp định đã mở rộng và bảo vệ được quyền đánh thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt nam đối với nhũng tổ chức, cá nhân này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuỳ theo qui định của pháp luật từng nước mà việc đưa Hiệp định thuế vào thực hiện trong nước là khác nhau. Có nước thừa nhận và áp dụng trực tiếp các điều khoản của Hiệp định, không ban hành văn bản hướng dẫn. Có nước ban hành văn bản giải thích cụ thể với từng Hiệp định. Có nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định.

Dù cách thức có khác nhau nhưng trong nội dung thực hiện Hiệp định các nước đều sử dụng một tài liệu mang tính chất hướng dẫn, giải thích mẫu Hiệp định được gọi là "Bình luận mẫu Hiệp định". Tài liệu này do các tổ chức quốc tế soạn thảo (Liên hợp quốc, OECD) và được các quốc gia thừa nhận. Đây cũng là các tổ chức quốc tế soạn thảo các mẫu Hiệp định thuế mà Việt nam cũng như các nước sử dụng cho việc đàm phán Hiệp định. Do mẫu Hiệp định thuế có tính ước lệ chung khá cao nên việc soạn thảo một tài liệu để hướng dẫn, giải thích mẫu Hiệp định là rất cần thiết. Tài liệu này không có giá trị pháp lý bắt buộc chung nhưng khi nằm trong nội dung của văn bản pháp lý của từng quốc gia để hướng dẫn hoặc giải thích Hiệp định thì nó có giá trị bắt buộc ở quốc gia đó. Ngoài việc sử dụng nội dung  "Bình luận mẫu Hiệp định" các nước cũng có thể đưa những nội dung giải thích Hiệp định đã đạt được trong quá trình đàm phán giữa hai nước vào văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Hiệp định của nước mình. Đồng thời, cũng tuỳ theo qui định pháp luật của từng nước việc giải thích Hiệp định cũng có thể do cơ quan lập pháp hoặc hành pháp thực hiện. Cũng tuỳ theo sự phù hợp của luật thuế với Hiệp định đến mức nào để các nước thực hiện hướng dẫn, giải thích Hiệp định toàn diện, chi tiết đến từng điều khoản của Hiệp định hoặc chỉ tập trung vào những điều khoản, điểm có những khác biệt quan trọng.

Ở Việt Nam do các luật thuế được ban hành từ những năm nước ta mới bắt đầu thực hiện cải cách toàn diện, mở cửa với các nước và về chính sách thuế tuy đã qua hai bước cải cách nhưng đến nay các luật thuế vẫn còn chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là thiếu nhiều những qui định phù hợp để điều chỉnh những quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển.  Bên cạnh đó, trình độ quản lý thuế cũng còn có những hạn chế, do đó Hiệp định thuế với những nội dung mang tính quốc tế cao là những vấn đề rất mới mẻ và nhiều khó khăn trong thực hiện. Điều này đòi hỏi phải có sự giải thích, hướng dẫn thực hiện Hiệp định thật cụ thể, toàn diện. Việc nội luật hóa các điều ước quốc tế về thuế ở Việt Nam đi theo cách thức không tương tự như nội luật hóa các điều ước quốc tế về đầu tư hoặc nội luật hóa như BTA đã nêu. Với tư cách là "Nhà chức trách có thẩm quyền " trong việc thực hiện hơn 40 Hiệp định trong lĩnh vực thuế, theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 1664 TCT/HTQT ngày 11/10/1994 hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Sau một thời gian áp dụng, văn bản này đã được thay thế bằng Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29/12/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn và giải thích nội dung các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước đã ký kết và có hiệu lực thi hành ở Việt nam. Để phù hợp với những sửa đổi, bổ sung khi ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho luật thuế lợi tức, Thông tư này cũng được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2000/TT/BTC ngày 5/5/2000. Các Thông tư này đã đưa ra những hướng dẫn, giải thích cụ thể cho từng điều khoản của Hiệp định và qui định các thủ tục thực hiện Hiệp định. Tuy nhiên, do Hiệp định thuế là Hiệp định song phương đạt được trên cơ sở thoả nhượng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước nên nội dung của mỗi Hiệp định có những điểm khác nhau. Do đó, Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định thuế của Bộ Tài chính không thể hướng dẫn chi tiết cho những điểm khác nhau này ở từng Hiệp định mà chỉ có thể hướng dẫn những nội dung cơ bản. Vì vậy, về cơ bản khi áp dụng trên thực tế cho từng trường hợp cụ thể vẫn phải căn cứ trực tiếp theo từng điều khoản ở từng Hiệp định cụ thể, chứ không chỉ áp dụng theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Thực tiễn nội luật hoá điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là một trong lĩnh vực thể hiện rõ quá trình nội luật hoá các điều ước quốc tế cùng với quá trình mở cửa hội nhập với thế giới của Việt Nam. Việc nội luật hoá các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ được thực hiện chủ yếu thông qua việc chuyển hoá nội dung của các quy định của những điều ước quốc tế này vào pháp luật trong nước dưới các hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sử dụng cách ban hành một văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện các điều ước quốc tế cụ thể mà Việt Nam là thành viên.

Có thể nói quá trình nội luật hoá các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mới được thực hiện một cách triệt để từ khi Việt Nam tham gia Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp, ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (BTA) với các quy định rất cụ thể và chi tiết về quyền sở hữu trí tuệ (Chương II của Hiệp định). Việc làm này không chỉ nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực thi các cam kết của Việt Nam trong BTA mà còn từng bước hài hoà hoá hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam với các yêu cầu của pháp luật quốc tế. Điều này đươc thể hiện rõ trên thực tế khi chúng ta ban hành Bộ luật Dân sự năm 1995, một loạt Nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác để cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Dân sự về sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn như: Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan[43]; Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 quy định về Chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học - nghệ thuật; Nghị định số 13/2001/NĐ- CP ngày 20/4/2001 của Chính phủ về bảo hộ giống cây trồng mới Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 2/5/2003 của Chính phủ quy định về bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn...

Bước tiến lớn trong quá trình nội luật hoá các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, đồng thời với quá trình pháp điển hoá pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đó là việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, trong đó tái khẳng định những nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ (Phần VI của Bộ luật), ban hành Luật Sở hữu trí tuệ[44] để điều chỉnh tất cả các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Một trong những nguyên tắc chỉ đạo cho việc soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ là phải đảm bảo việc nội luật hoá các điều ước quốc tế cơ bản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, tại thời điểm này, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, một công ước cơ bản trong lĩnh vực quyền tác giả, và đã trở thành Thành viên của WTO, việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ càng thể hiện rõ hơn sự chuyển hóa đầy đủ các yêu cầu của Công ước Berne và Hiệp định TRIPS, qua đó không chỉ hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về lĩnh vực quyền tác giả mà còn cả hệ thống các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật Việt Nam.

Chính vì vậy, đến thời điểm này, với việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã có thể khẳng định mình đã nội luật hóa hầu hết nội dung của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; đó cũng chính là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi ngay lập tức các yêu cầu của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

5. Thực tiễn nội luật hóa trên các lĩnh vực khác

Hoạt động nội luật hóa các điều ước quốc tế trên một lĩnh vực khác cũng đã được tiến hành. Chẳng hạn, sau khi Việt Nam gia nhập Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển và một số công ước quốc tế khác về hàng hải quốc tế thì Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải, Luật Biên giới quốc gia và đang xem xét Luật về các vùng biển để nội luật hoá một số các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển. Sau khi gia nhập Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài để nội luật hoá các quy định của Công ước New York. Sau khi Việt Nam tham gia Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế thì Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã đưa vào nhiều nguyên tắc và quy định của Công ước này. Trong giai đoạn hiện nay, quá trình nội luật hóa đó ngày càng được đẩy mạnh. Việc xây dựng và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật thường được xem xét trên cơ sở bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc Việt Nam có thể tham gia. Điều này được thấy qua nội dung của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế quy định về thẩm định các văn bản liên quan.   

III CÁC QUAN ĐIỂM , Ý KIẾN KHOA HỌC Ở VIỆT NAM VỀ NỘI LUẬT HÓA CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM KÝ KẾT HOẶC GIA NHẬP NHẰM PHỤC VỤ QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Các quan điểm, ý kiến khoa học ở Việt Nam về nội luật hóa các điều ước quốc tế qua các tọa đàm, hội thảo, tài liệu, bài viết

Vấn đề nội luật hóa ở Việt Nam từ lâu vẫn dựa trên quan điểm nhị nguyên luận như các nước xã hội chủ nghĩa khác. Tuy vậy, trong những năm gần đây, vấn đề nội luật hóa hóa điều ước quốc tế được bàn luận khá nhiều giữa những người làm công tác thực tiễn, các nhà lập pháp, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu. Tựu chung lại có ba loại ý kiến như sau: (i) ý kiến phản đối việc nội luật hóa; (ii) ý kiến cho rằng cần phải nội luật hóa và (iii) ý kiến dung hòa giữa hai quan điểm này

1.1. Về loại ý kiến phản đối việc nội luật hóa

Loại ý kiến cho rằng không nên đặt vấn đề nội luật hóa điều ước quốc tế vì nếu làm như vậy sẽ có thể ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, đến việc xác định bản chất của hệ thống pháp luật hoặc làm phát sinh gánh nặng không thể thực thi được của các cơ quan nhà nước trong quá trình rà soát, ban hành văn bản để chuyển hoá điều ước quốc tế thành luật trong nước.

Các ý kiến phản đổi việc nội luật hoá này cho rằng, pháp luật của mỗi nước là thể hiện chủ quyền quốc gia của nước đó và có không ít điều ước quốc tế song phương mà Việt nam gia nhập chỉ phát sinh quyền và nghĩa vụ của nước ta với nước ký kết, nên nếu yêu cầu phải nội luật hoá hay điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta (có tính áp dụng chung) phải phù hợp với các điều ước quốc tế đó là không thích hợp.

Đây cũng là vấn đề mà Quốc hội đã thảo luận khi xem xét, thông qua  Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

Các ý kiến phản đối này cho rằng “đặt ra vấn đề chuyển hoá các quy phạm điều ước quốc tế thành quy phạm của pháp luật quốc gia là không thể chấp nhận được cả về mặt lý luận và thực tiễn”. Thêm vào đó, quy định hiện hành của pháp luật nước ta về việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp có quy định khác nhau giữa quy phạm pháp luật quốc gia với quy định của điều ước quốc tế (xung đột nội luật) thì vấn đề đã được giải quyết rồi và chúng ta không cần chuyển hoá các điều ước quốc tế.

1.2. Về loại kiến đồng ý việc nội luật hóa

Quan điểm về sự cần thiết phải chuyển hóa điều ước quốc tế thành những quy định của pháp luật quốc gia bắt nguồn từ việc phải thi hành các cam kết nhiều bên đặc biệt là các cam kết của Việt nam với WTO trong tương lai. Đồng tình với quan điểm nên chuyển hoá điều ước quốc tế vào luật quốc gia, các nhà nghiên cứu đã lập luận rõ thêm ý nghĩa của vấn đề là ở chỗ điều ước quốc tế nhiều bên đã ký kết hoặc gia nhập thì phải thực thi các cam kết của mình trên cơ sở pháp luật trong nước. Trường hợp không nội luật hóa thì sẽ gặp nhiều hạn chế trong hội nhập quốc tế. Nhóm tác giả đề tài thuộc nhóm chuyên gia ủng hộ quan điểm nội luật hóa.

Vấn đề nội luật hóa điều ước quốc tế còn xuất phát từ thực tế hiện nay là không rõ địa vị pháp lý của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có những luật gia cho rằng nhất thiết Việt Nam phải chuyển hoá điều ước quốc tế bởi vì “luật quốc tế không có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ các quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Xuất phát từ quan điểm lý luận về chủ thể điều ước quốc tế (cũng là chủ thể của Luật quốc tế) chủ yếu là quốc gia cho nên điều ước chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với quốc gia. Cá nhân, pháp nhân thông thường – chủ thể pháp luật trong nước – không là chủ thể của điều ước quốc tế nên không có trách nhiệm phải thi hành điều ước. Như vậy, muốn cho các quy phạm của điều ước quốc tế có hiệu lực ràng buộc đối với cá nhân, pháp nhân thì phải nội luật hóa điều ước, tức là đưa nội dung pháp lý của các quy phạm của điều ước đó vào nội dung pháp lý hoặc chuyển hóa thành nội dung pháp lý của các quy phạm pháp luật trong nước.

Quan niệm khác lập luận: “trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác với pháp luật trong nước thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Điều đó còn có nghĩa là để không có sự khác nhau giữa điều ước quốc tế và pháp luật trong nước thì tốt nhất là điều chỉnh pháp luật trong nước cho phù hợp với điều ước quốc tế. Tuy vậy, trong tình hình ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương có liên quan đến nhiều ngành, thì việc nội luật hóa cũng có lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc thống nhất quản lý các hoạt động liên quan.

Việc thi hành điều ước quốc tế là cả một vấn đề lớn đòi hỏi những nhà làm luật và Quốc hội phải căn cứ vào điều ước quốc tế, đối chiếu với văn bản pháp luật trong nước để xem xét, đưa ra những quy định thích hợp, từ đó đảm bảo lợi ích quốc gia và lợi ích công dân của mình trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Có ý kiến cho rằng văn bản pháp luật trong nước quy định theo hướng ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế xét về nguyên tắc là đúng nhưng chưa có căn cứ để áp dụng cụ thể vì chưa có sự hiểu thống nhất nội dung của quy định điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế nhiều bên, chính vì thế mà tính thực thi của quy định này trên thực tế là chưa cao, gây khó khăn, tùy tiện trong thực hiện không chỉ cho cơ quan nhà nước mà còn cho cả cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế có thể là nguyên tắc dựa vào đó để xác định trật tự thứ bậc của hệ thống pháp luật.

Cũng có ý kiến cho rằng trước khi ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã có sự cân nhắc những sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để tham gia vào điều ước ấy là cần thiết để không xảy ra tình trạng trong một quốc gia có hai hệ thống văn bản pháp luật quốc tế và quốc gia có hiệu lực mà cái này có thể triệt tiêu cái kia.

Một lập luận khác nữa về sự cần thiết phải chuyển hóa điều ước quốc tế là căn cứ vào số lượng lớn các điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập và tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận các điều ước đó. Việc hợp tác kinh tế - quốc tế với nước ngoài đòi hỏi phải biết áp dụng điều ước quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, nhằm khai thác tối đa những thoả thuận có lợi nhất là cho các doanh nghiệp. Do đó, chuyển hoá điều ước quốc tế thành nội luật cũng có nghĩa cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu kỹ nội dung của các điều ước quốc tế để đề xuất các nội dung, kiến nghị giải pháp để áp dụng. Như vậy, chuyển hoá không phải là một nghĩa vụ pháp lý mà là cửa ngõ để thực hiện điều ước quốc tế trên thực tế.

Cùng với ý kiến đồng tình về việc chuyển hóa điều ước quốc tế, có ý kiến cho rằng cách làm này sẽ tạo nên một sự áp dụng thống nhất, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức áp dụng điều ước quốc tế. Cách làm này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải thực hiện một khối lượng rất lớn công tác chuyển hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Bên cạnh các ý kiến trên, có quan điểm được quan tâm nhiều là coi việc phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế là hành vi nội luật hoá. Như vậy, bằng hành vi phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế mà gánh nặng của công tác lập pháp và lập quy rất lớn của các cơ quan nhà nước được xử lý. Nhưng mặt khác, điều này lại gây ra những khó khăn nhất định cho những chủ thể thực thi, khiến cho các đối tượng này phải mò mẫm để hiểu đúng nội dung của các quy định của điều ước quốc tế mà không phải điều ước quốc tế nào cũng dễ hiểu và dễ áp dụng. Hơn nữa, nếu coi các hành vi trên là nội luật hóa điều ước quốc tế thì còn dẫn đến một số vướng mắc trong việc xác định mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và luật quốc gia.

1.3. Về loại ý kiến dung hòa

Có nhiều ý kiến về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng không nên quá nhấn mạnh đến việc chuyển hóa điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia mà vấn đề thi hành điều ước quốc tế là hoàn toàn xuất phát từ ý chí của quốc gia, là công việc nội bộ của quốc gia nhằm thi hành điều ước, chứ không phải là một quy định có tính chất bắt buộc của quá trình thi hành điều ước quốc tế theo luật điều ước quốc tế, trừ trường hợp khi điều ước cụ thể nào đó yêu cầu phải có nội luật hoá. Như vậy, nội luật hóa hay không là cách làm của mỗi quốc gia và việc ký kết điều ước quốc tế và việc nội luật hóa điều ước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Dung hoà hai loại ý kiến phản đối và đồng ý với việc nội luật hóa điều ước là xu hướng được chú ý nhằm tạo ra một cơ chế mềm dẻo, linh hoạt trong việc thực thi các điều ước quốc tế đã ký kết. Có nhiều ý kiến cho rằng nên nội luật hóa hoá có chọn lọc, theo đó, chỉ tiến hành nội luật hoá một số điều ước quốc tế nhất định còn những điều ước quốc tế có thể áp dụng trực tiếp được thì áp dụng trực tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng nên chăng cần phân loại điều ước quốc tế  theo nội dung, cấp độ để từ đó tìm ra một cơ chế thực hiện cho phù hợp. Chẳng hạn đối với điều ước quốc tế về tránh đánh thuế hai lần, về mã hoá hàng hoá, về điều kiện giao hàng…có nội dung rõ về các quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia ký kết thì sẽ áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam, sau khi đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục để đưa điều ước quốc tế vào hiệu lực. Còn các điều ước quốc tế khác thì cần nội luật hóa mới thực hiện được.

Nhóm tác giả Đề tài không phản đối các ý kiến nói trên nhưng cũng nhận thấy sự khó khăn trong việc áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế. WTO tồn tại mới hơn 10 năm nhưng đã xảy ra hơn 350 vụ tranh chấp là do có cách hiểu khác nhau về các quy định của các Hiệp định của WTO.

Ưu điểm của quan điểm dung hoà này đó là làm giảm gánh nặng lập pháp, lập quy cho các cơ quan nhà nước vốn đã quá tải. Bên cạnh đó còn tạo ra một cơ chế dễ thực hiện cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên quan điểm này cũng có những hạn chế riêng đó là việc xác định điều ước quốc tế thế nào được coi là điều ước quốc tế có nội dung chung chung, phức tạp cần phải nội luật hóa hay điều ước nào có nội dung đơn giản hoặc đủ cụ thể để có thể áp dụng trực tiếp.

Đồng tình với cách tiếp cận nói trên, có ý kiến đề xuất nghiên cứu khả năng áp dụng trực tiếp các điều khoản điều ước quốc tế chuyên ngành đó vào hệ thống pháp luật chuyên ngành của quốc gia hoặc có những quy định tương tự để đảm bảo sự hài hoà và thống nhất giữa luật quốc gia và điều ước quốc tế.

Bàn về phương pháp chuyển hóa, có ý kiến cho rằng chỉ cần chuyển hóa các điều ước quốc tế đa phương bởi nó thể hiện được nhu cầu và xu thế chung của các nước; còn những điều ước song phương và khu vực không nhất thiết phải chuyển hoá.

Trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã được Quốc hội thông qua vào năm 2005 đã chọn giải pháp dung hòa, đó là áp dụng trực tiếp và chuyển hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Điều này được thể hiện rõ qua quy định của Điều 6 của Luật nói trên.

Thực tiễn công tác lập pháp của Quốc hội đã và đang phát triển theo hướng có sự lựa chọn nội dung để chuyển hóa. Ví dụ thứ nhất là tại kỳ họp thứ 5, tháng 6 năm 1994, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, mà một trong những biện pháp đó là phải “có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước...bảo đảm lợi ích của Việt nam.” Tuy không dùng thuật ngữ “chuyển hoá” nhưng rõ ràng tinh thần và lời văn của Nghị quyết này là cần biến những nội dung của Công ước về luật biển thành nội dung của pháp luật quốc gia thông qua việc sửa đổi, bổ sung pháp luật Việt nam cho phù hợp với Công ước.

          Ví dụ thứ hai là trường hợp Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt nam - Hoa kỳ. Nghị quyết nêu rõ: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ...khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, tiến hành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình của Hiệp định”. Như vậy, nghiên cứu các Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn các điều ước quốc tế cho thấy trong nhiều trường hợp, ý chí của nhà làm luật khẳng định cần phải có những biện pháp mềm dẻo, có thể chuyển hóa quy định của điều ước quốc tế thành quy định pháp luật trong nước hoặc áp dụng trực tiếp tùy từng trường hợp cụ thể.

          2. Các quan điểm, ý kiến khoa học ở Việt Nam về nội luật hóa các điều ước quốc tế qua khảo sát ý kiến chuyên môn

2.1. Nhận xét chung

Cuộc khảo sát về nội luật hóa các điều ước quốc tế được thực hiện nhằm thu thập các ý kiến đánh giá về vị trí của điều ước quốc tế và cách thức nội luật hóa các điều ước này vào hệ thống pháp luật quốc gia, phục vụ cho Đề tài Nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  Cuộc khảo sát được tiến hành  trong năm 2005. Địa điểm khảo sát là  các tỉnh, thành phố lớn có các hoạt động kinh tế, thương mại sôi động như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng được khảo sát là các chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp các địa phương, các cán bộ giảng dạy và sinh viên năm cuối của Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà nội

Một trong những phương pháp chính tiến hành khảo sát được thực hiện qua việc thực hiện phỏng vấn trực tiếp và làm phiếu khảo sát. Ban chủ nhiệm Đề tài đã phát phiếu điều tra cho 132 người có liên quan, trong đó có 18 người là cán bộ của Bộ Tư pháp, 13 người là giảng viên và sinh viên năm cuối của Trường Đại học Luật Hà nội và Khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà nội và 101 chuyên gia pháp lý của các Sở Tư pháp địa phương.

Điều đáng chú ý là phần lớn trong những người được phỏng vấn đã có hiểu biết rõ và có kinh nghiệm thực tế về điều ước quốc tế, đã từng áp dụng điều ước quốc tế vào xử lý vấn đề phát sinh trong công tác (chiếm tỉ lệ 62,9%)

  2.2. Kết quả khảo sát

  Đánh giá về vị trí của Điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam, phần lớn ý kiến của những người được hỏi cho rằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập được coi là một bộ phận của pháp luật Việt Nam (chiếm tỷ lệ 72,7%). Còn số lượng người được hỏi cho rằng vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt nam là không rõ ràng và không là một bộ phận của pháp luật Việt Nam chỉ chiểm tỉ lệ thiểu số (chiếm tỉ lệ tương ứng là 19,7% và 6,8%).

Bảng 1: Vị trí của Điều ước quốc tế

 

Lựa chọn

Tỉ lệ (%)

Một bộ phận của pháp luật Việt Nam

96

72.7

Không là bộ phận của pháp luật Việt Nam

9

6.8

Không rõ ràng

26

19.7

Ý kiến khác

1

0.8

Tổng cộng

132

 

  Liên quan đến hiệu lực thứ bậc của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật trong nước, phần lớn các ý kiến đều cho rằng Điều ước quốc tế có vị trí ngang với văn bản luật của Quốc hội (chiếm tỉ lệ 45,5%) và có vị trí dưới Hiến pháp và trên văn bản luật của Quốc hội (chiếm tỉ lệ 31,8%).

Bảng 2: Vị trí thứ bậc của Điều ước quốc tế

 

Lựa chọn

Tỉ lệ (%)

Trên Hiến pháp

3

2.3

Dưới Hiến pháp và trên Luật của Quốc hội

42

31.8

Ngang với văn bản luật của Quốc hội

60

45.5

Dưới văn bản luật của Quốc hội

17

12.9

Không biết

1

0.8

Ý kiến khác

9

6.8

Tổng cộng

132

 

         

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa số các quan điểm cho rằng trên cần phải thực hiện nội luật hóa và/hoặc áp dụng trực tiếp không cần nội luật hóa trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Liên quan đến việc chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước, phần lớn các ý kiến cho rằng cách thức chuyển hóa như thế nào cần phải phụ thuộc vào điều ước quốc tế và lĩnh vực mà điều ước quốc tế điều chỉnh (chiếm tỉ lệ 41,7%), trong đó phương án thiên về nội luật hóa để thực hiện hơn là áp dụng trực tiếp không cần nội luật hóa (chiếm tỉ lệ 46,2% so với 9,8%).

Bảng 3: Vấn đề chuyển hóa điều ước quốc tế

 

Lựa chọn

Tỉ lệ (%)

Nội luật hóa để thực hiện

61

46.2

Áp dụng trực tiếp không cần nội luật hóa

13

9.8

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực mà điều ước quốc tế điều chỉnh

55

41.7

Không biết

1

0.8

Ý kiến khác

2

1.5

Tổng cộng

132

 

 

KẾT LUẬN

Báo cáo nghiên cứu này đã cho thấy một bức tranh về lý luận và thực tiễn liên quan tới thực hiện điều ước quốc tế với trọng tâm là thông qua nội luật hoá các điều ước quốc tế. Các phân tích và đánh giá trong Báo cáo đã đề cập không chỉ các vấn đề lý luận và thực tiễn mà Việt Nam gặp phải và cần được xử lý mà còn cung cấp nhiều thông tin tham khảo có giá trị về thể chế pháp luật và thực tiễn liên quan tới thực hiện điều ước quốc tế thông qua nội luật hoá tại nhiều nước khác nhau đại diện cho các truyền thống pháp luật khác nhau. Những thực tiễn về nội luật hóa của các nước là rất thích hợp và hữu ích cho Đề tài nghiên cứu "Nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập nhằm phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế" - một đề tài có tính quốc tế và có yêu cầu hội nhập và hài hoà hoá pháp luật ở mức độ cao[45]. Chính vì vậy, Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiến lớn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và quốc tế.

Về thực tiễn nội luật hóa các điều ước quốc tế ở các nước, Báo cáo cho thấy có một sự đa dạng và phong phú của các quốc gia liên quan tới pháp luật và thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế trong pháp luật quốc gia. Trong bối cảnh pháp luật quốc tế không quy định những mô hình hay cách thức "cứng" cụ thể bắt buộc các quốc gia phải thực hiện điều ước quốc tế nói chung hay việc phải nội luật hoá điều ước quốc tế, bức tranh đa dạng và phong phú này là có thể hiểu được vì yếu tố điều kiện đặc thù của thể chế nhà nước và truyền thống pháp luật của từng quốc gia có tác động lớn. Đồng thời, dường như là có một xu thế quốc tế phát triển cho thấy tính "thực dụng" của các quốc gia khi họ có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt và dung hoà hơn đối với việc thực hiện các điều ước quốc tế trong hệ thống phát luật quốc gia - thay vì tuân thủ một cách cứng nhắc một trong hai thuyết nhất nguyên hay nhị nguyên truyền thống. Điều quan trọng là ngoài việc bảo đảm các yêu cầu của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước các yếu tố quan trọng khác cũng được cân nhắc, nhất là yếu tố hiệu quả, thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng. Chính vì vậy, có quốc gia mặc dù đi theo thuyết nhất nguyên (tức là về mặt pháp lý không cần đặt ra vấn đề nội luật hoá điều ước quốc tế), nhưng để thực hiện hiệu quả và thuận lợi họ vẫn điều chỉnh pháp luật trong nước khi có xung đột. Ngay cả khi các quốc gia quy định phải có nội luật hoá các điều ước quốc tế thì mới được thực hiện thì cách thức nội luật hoá cũng có sự đa dạng nhất định, mặc dù hầu hết các nước đều có yêu cầu văn bản nội luật hoá điều ước quốc tế là văn bản luật của cơ quan lập pháp cao nhất.

 Về thể chế pháp luật và thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế thông qua nội luật hoá của Việt Nam, các kết quả nghiên cứu trong Đề tài này cho thấy bức tranh đa dạng. Nói cách khác, các quy định pháp luật của Việt Nam về nội luật hoá điều ước quốc tế còn dừng ở mức "khung", dành phần lớn các vấn đề cho thực tiễn thi hành[46]. Tập thể tác giả Đề tài cũng nhận thấy, mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhưng cần có hướng dẫn thi hành các quy định của Luật, cần có nhận thức là đạo luật này không thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Để nội luật hoá điều ước quốc tế thì các quy định của pháp luật trong nước liên quan tới xây dựng pháp luật, nhất là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân, phải thiết kế để việc soạn thảo và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật có tính đến "nội luật hoá" các điều ước quốc tế.

Trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia pháp luật và ý kiến khảo sát thực tế được thu thập trong quá trình thực hiện đề tài, có thể rút ra một số kết luận sau:

- Thứ nhất, cần nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật Việt Nam liên quan tới điều ước quốc tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để bảo đảm thực hiện có hiệu quả, mang lại lợi ích cho Việt Nam.

- Thứ hai, nội luật hoá đã, đang và sẽ là giai đoạn quan trọng, tạo môi trường pháp lý cho việc thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế kinh tế, thương mại.

Tập thể tác giả Đề tài cho rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của Việt Nam, việc nội luật hoá các điều ước quốc tế cần được tiến hành cho dù chấp nhận giải pháp thay thế, chẳng hạn như áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế. Nhà nước cần có đầu tư thỏa đáng cho việc nội luật hóa điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.

- Thứ ba, việc nội luật hoá điều ước quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với việc rà soát pháp luật phục vụ thực hiện điều ước quốc tế. Việc rà soát pháp luật đó cho phép xác định được mức độ và phạm vi vấn đề của một điều ước quốc tế phải nội luật hóa.

- Thứ tư, về mô hình cần chọn áp dụng trong quá trình nội luật hoá các điều ước quốc tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, tập thể tác giả cho rằng Việt Nam nên chọn mô hình “cách mạng” bên cạnh mô hình “chuyển hóa từ từ” với kỹ thuật lập pháp truyền thống hoặc đổi mới theo kiểu một văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản như nhiều nước vẫn làm.

Tóm lại, hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay đã trở thành một đòi hỏi có tính tất yếu, khách quan đối với mọi quốc gia trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia quá trình hội nhập này. Để bảo đảm cho việc hội nhập được hiệu quả và phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước thì một điều chắc chắn là chúng ta cần phải xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó có vấn đề nội luật hoá. Với tình thần đó, tập thể tác giả nghiên cứu Đề tài này hy vọng thông qua các nghiên cứu của mình đóng góp một phần vào việc làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phụ vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Ngoại giao, Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 (1998-2003) ngày 12/5/2003.
  2. Kỷ yếu đề tài cấp Bộ năm 1995: Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của CHXHCN Việt Nam và pháp luật Việt Nam, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Hà Nội, năm 1996.
  3. Hà Hùng Cường & các tác giả khác, “Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế của Công hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật Việt Nam” – Báo cáo phúc trình kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, mã số 95-98-113/DT
  4. Vũ Đức Long, “Vấn đề nội luật hoá pháp luật quốc tế ở Việt Nam” – Tài liệu nghiên cứu của TS. Vũ Đức Long (Bộ Tư pháp).
  5. Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực của khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam (tập III), Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam”, Hà Nội 1998,
  6. Giáo trình Luật Quốc tế của trường Đại học Luật và Khoa Luật – Trường Đại học tổng hợp
  7. Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế ngày 23-5-1969 (U.N. Doc. A/CONF. 39/27)
  8. Kết quả rà soát, đối chiếu Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa kỳ với các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ Tư pháp thực hiện năm 2001
  9. Kết quả rà soát đối chiếu các quy định của WTO với pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ Tư pháp thực hiện năm 2003
  10. Kết quả Vòng đàm phán Uruguay về hệ thống thương mại đa biên - NXB Thống kê năm 2000,
  11. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội (2000).
  12. Jean-Luc Florent, Kỷ yếu hội thảo về thẩm định điều ước quốc tế và chuyển hoá quy phạm điều ước quốc tế vào nội luật, Hà nội, tháng 10/1999.
  13. Jonh Bentley, Hiệp định là "luật" ở Việt nam hay Hoa Kỳ. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp
  14. Hoàng Phước Hiệp, Góp phần nghiên cứu chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 3/2004
  15. Hoàng Phước Hiệp, Nội luật hóa các quy phạm điều ước quốc tế như thế nào? Báo Pháp luật ngày 03/7/2003
  16. Ngô Đức Mạnh, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển hóa điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4/2003
  17. Nguyễn Trung Tín, Về việc giải quyết mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia trong pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2004
  18. Nguyễn Văn Bình, “Kinh nghiệm chuyển hoá quy phạm pháp luật quốc tế vào pháp luật trong nước ở Cộng hoà Pháp và một số nước châu Âu” – Tài liệu nghiên cứu lưu giữ tại Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp.
  19. Thái Vĩnh Thắng, “Mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá”, Tạp chí Luật học số 2/2003
  20. Web site của Tổ Chức thương mại thế giới: www.wto.org
  21. Web site Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam: www.luatvietnam.com.vn
  22. Peter Malanczuk, Akerhurst’s Modern Introduction to International Law, London 1997
  23. H. Kelsen, Principles of International Law (1966)
  24. Matsushita, Japan and the Implementation of the Tokyo Round Results, in J. Jackson, J. Louis & Matsushita, Implementing the Tokyo Round: National Constitutions and International Economic Rules (1984)
  25. John Jackson, “Status of Treaties in Domestic Legal Systems: A Policy Analysis” 86 A.J.I.L. 310 (1992)
  26. P. Sands,  Sustainable Development: Treaty, Custom, and the Cross-fertilization of International Law, in INTERNATIONAL LAW AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT 39, các tr. 40, 43-56 (A. Boyle & D. Freestone, eds, 1999).
  27. K. Holloway, Modern Trends in Treaty Law (1967); Sawyer, “Australian Constitutional Law in Relation to International Relations” in K.W. Ryan, International Law in Australia (1984)
  28. Theo Uruguay Round Agreement Act, 102(b) (2)(B)(i),
  29. The  Constitution of the United States of America, Embassy of The United States of America.
  30. Relationship of the Agreements to United States Law and State Law, Uruguay Round Agreements Act 3512
  31. J. Schwarze, The External Relations of the European Community, In Particular EC-US Relations (1989)
  32. John Jackson, “Status of Treaties in Domestic Legal Systems: A Policy Analysis” 86 A.J.I.L. 310 (1992)
  33. F.A. Mann, Foreign Affairs in English Courts (1986)
  34. K. Holloway, Modern Trends in Treaty Law (1967)

 



[1] Hoa kỳ chưa là thành viên của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế, nhưng thừa nhận các quy định của Công ước này là phần của pháp luật tập quán quốc tế.

Thuật ngữ "điều ước quốc tế" trong bài viết này được hiểu theo nghĩa của Công ước Viên và không phải là thuật ngữ chính xác được nói tới trong thể chế pháp luật của Hoa kỳ vì ở đó sử dụng các thuật ngữ khác với các ý nghĩa pháp lý khác nhau : "hiệp ước" và "hiệp định" (xin xem thêm chi tiết tại phần sau). Tuy nhiên, thuật ngữ "điều ước quốc tế" được dùng chung tại bài viết này.

[2] Vụ kiện đối với Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) chẳng hạn. Bản thân việc đàm phán các hiệp định Vòng Uruguay cũng bị kiện ra toà án : xem vụ Public Citizen kiện Office of the U.S. Trade Representative, 970 F.2d 916 (D.C. Cir.1992)

[3] Hiến pháp Hoa kỳ, Điều II(2)

[4] Law For Global Business, Eric L. Richards, Indiana University, 1994

[5]John Jackson và William Davey, Legal Problems of International Economic Relations, Second Edition

[6] Xem S. O'Halloran, Chính trị, quy trình và học thuyết của thương mại Hoa kỳ (1994) trong đó nêu 85%  các Hiệp định thương mại của Hoa kỳ được ký kết và thực hiện theo thủ tục này

Xem Jackson, Davey và Sykes, Các vấn đề pháp luật, đưa ra con số hơn 90% các thoả thuận quốc tế thương mại của Hoa kỳ từ Đại chiến thế giới thứ hai tới nay là các hiệp định hành pháp mà không phải là các hiệp ước theo Hiến pháp và 97% các hiệp định hành pháp này được tiến hành theo thẩm quyền của luật dưới dạng nào đó.

Bộ Ngoại giao Hoa kỳ báo cáo khoảng 95% các thoả thuận thương mại của Hoa kỳ trong các năm 1946-1993 là các hiệp định hành pháp với tuyệt đại đa số là được ký kết và thực hiện theo luật của Quốc hội, mà chủ yếu các các đạo luật cho phép trước Tổng thống được ký các hiệp định này.

[7] Thủ tục nhanh được quy định trong Luật thương mại 1994, nhưng thực tế đó là thủ tục về quy trình xem xét và thông qua dự án luật thi hành các hiệp định thương mại khi việc đàm phán và ký kết các hiệp định này tuân thủ các điều kiện nhất định. Tuy nhiên, việc Tổng thống không tuân  thủ các điều kiện này chỉ làm cho các hiệp định sau khi ký không được xem xét theo thủ tục nhanh, nhưng Tổng thống vấn có quyền lựa chọn một là trình ra Thượng nghị viện để được phê chuẩn như một hiệp ước của Hoa kỳ, hai là trình ra 2 Viện của Quốc hội với tư cách là một hiệp định liên hành pháp và lập pháp để được xem xét theo thủ tục bình thường. Thủ tục nhanh có quy định các bước và trình tự với các mốc thời gian ngắn cụ thể cho các uỷ ban và 2 Viện phải xem xét và có quyết định.

[8] Xem Daid W. Leebron, như trên; J. Jackson: Hiệp định GATT trong pháp luật Hoa kỳ; Hudec: Địa vị pháp lý của GATT

[9] Luật Thương mại 1979 thi hành chỉ các thoả thuận cụ thể của Vòng Tokyo  thông qua nội luật hoá.

[10] Vụ kiện KSB Technical Sales Corp. kiện North Jersey Dist. Water Supply Com.; Xem thêm Hudec: Địa vị pháp lý của GATT

[11] Xem Giáo sư David W. Leebron: tỷ lệ thông qua và chống là 228/146 tại Hạ nghị viện và 76/24 tại Thượng nghị viện.

[12] David W. Leebron

[13] Một số nghị sĩ trình dự án Luật Báo cáo về thương mại và môi trường; Thượng nghị sĩ Kerry trình dự án Luật Hài hoà Thương mại và Môi trường, hay Thượng nghị sĩ Deconcini trình dự án Luật Thi hành các quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại.... Xem Daivd Leebron.

[14] Điều 102, Luật URAA

[15] Báo cáo của Hạ nghị viện

[16] Debra Steger, bài phát biểu về kinh nghiệm thi hành các hiệp định WTO, 11/2004

[17] Debra Steger: Canađa thi hành Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới

[18] Vụ kiện Re Offshore Mineral Rights

[19] Vấn đề đã được thảo luận và sử lý trong nhiều vụ kiện trước toà án. Các quyết định của toà án đều thống nhất với quan điểm phải có chuyển hoá. Toà án tối cao trong vụ Capital Cities Communications Inc kiện Canadian Radio-Television Commission [1978] 2 SCR 141 đã khẳng định: việc tham gia một điều ước quốc tế "chỉ có thể liên quan tới các nghĩa vụ của Canađa theo Điều ước này đối với các nước thành viên đã phê chuẩn khác. Không có bất kỳ hệ quả trong nước nào phát sinh từ đó trừ khi chúng phát sinh từ đạo luật thi hành [Điều ước] qua đó đem lại hiệu lực pháp lý tại Canađa".

[20] Debre Steger

[21] Điều 91 Hiến pháp đã được giải thích là Quốc hội liên bang có thẩm quyền đối với thuế quan và di chuyển hàng hoá vào Canađa

[22]  Gần đây đã có sửa đổi bổ sung Điều 2A cho phép cơ quan lập pháp bang có quyền ban hành luật đối với các nguồn tài nguyên không có khả năng tái sinh, rừng và điện. Trong khi đó Điều 95 nêu thẩm quyền chia sẽ giữa liên bang và bang đối với nông nghiệp.

[23] Debra Steger

[24] Debra Steger

[25] Debra Steger

[26] Bên cạnh đó các văn bản dưới luật được sửa đổi riêng nhưng có cùng cách tiếp cận là dùng một văn bản sửa tất cả các văn bản. Điều này ở Canađa không khó khăn vì tất cả các văn bản dưới luật phải được nội các thông qua, tức là tập trung đầu mối. Về trình tự thì Luật WTO sau khi ban hành thì khoảng một tuần sau văn bản sửa đổi các văn bản dưới luật được ban hành. Tại các bang thì các công việc thi hành tương tự cũng được tiến hành đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của bang.

[27] Debra Steger

[28] Giáo sư  luật Moon Soo Chung, Đại học tổng hợp Inha

[29] Hiến pháp, các Điều 73, 89 và 60(1)

[30] Toà án tối cao đã khẳng định việc áp dụng trực tiếp các quy định của GATT trong một loạt vụ kiện

[31] Moon Soo Chung

[32] Moon Soo Chung

[33] Như trên

[34] Luật đặc biệt, các Điều 4,6,8,9

[35] Moon Soo Chung

[36] Moon Soo Chung

[37] Điều 53 Hiến pháp năm 1958: ‘‘Các Hiệp định liên quan đến hoà bình, thương mại quốc tế, tổ chức quốc tế, tài chính quốc gia, làm thay đổi các quy định của luật, nhân thân, chuyển nhượng, đổi hoặc tiếp nhận thêm một phần lãnh thổ quốc gia chỉ có thể được phê chuẩn hoặc phê duyệt bằng một luật’’.

[38] Tham Chính viện (Conseil d’Etat) là một thiết chế đặc thù trong Bộ máy Nhà nước Pháp, giữ hai chức năng: tư vấn cho Chính phủ về sự phù hợp của các văn bản do Chính phủ ban hành đối với các luật; là Tòa án Hành chính tối cao của Pháp.

[39] Điều I-6 Hiến pháp Châu Âu: ‘‘Hiến pháp và các văn bản pháp luật do các thiết chế của liên minh châu Âu ban hành trong khuôn khổ thực thi các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền chuyên biệt của các thiết chế này, có giá trị cao hơn pháp luật của các nước thành viên liên minh’’.

[40] Những thảo luận và ý kiến khác nhau trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đề xuất đưa vào quy định yêu cầu việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảo phù hợp với các điều ước quốc tế cho thấy một thực tế của Việt Nam

[41] Xem Nghị Quyết số 48/2001/QH10 phê chuẩn BTA

[42] Xem kết quả rà soát pháp luật nhằm thực hiện Hiệp định BTA của Bộ Tư pháp

[43] Liên quan đến việc thực hiện các biện pháp pháp biên giới đối với hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

[44] Với 222 Điều, Luật Sở hữu trí tuệ là một văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ nhất và chi tiết nhất trong lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam từ trước đến nay. 

[45] Các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế, như các hiệp định thương mại, đầu tư... hay các hiệp định trong khuôn khổ WTO có lợi ích và mục kinh tế rõ ràng không chỉ đối với nhà nước mà còn đối với cả các doanh nghiệp và cá nhân. Do đó, việc "giám sát" thực hiện các cam kết quốc tế luôn được đặt lên vị trí hàng đầu và nếu không giải quyết được thì các nước sẵn sàng sử dụng các cơ chế phản đối hay giải quyết tranh chấp thích hợp. Trong bối cảnh đó thì việc tìm hiểu, nghiên cứu xem các nước đối tác khác làm như thế nào để chúng ta vừa "giám sát" lại vừa "học hỏi" có chọn lọc để áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam là rất có ý nghĩa.

[46] Xem Pháp lệnh Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005: các quy định liên quan tới sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế chủ yếu mới dừng ở mức nguyên tắc chung.

 

File đính kèm downloadTải về