• Thuộc tính
Tên đề tài Pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - những điểm tương đồng, khác biệt và giải pháp hoàn thiện
Nội dung tóm tắt

Sau gần hai mươi năm đổi mới, hệ thống pháp luật của nước ta đã có những bước phát triển và hoàn thiện với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chế định pháp luật về hợp đồng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới pháp luật, chuyển đổi cơ chế tạo hành lang thông thoáng tạo quyền tự chủ, tự do kinh doanh của các chủ thể, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản pháp luật về hợp đồng ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Trong đó phải kể đến: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 và đến năm 1995, Bộ luật dân sự được ban hành bao gồm 838 điều trong đó có hơn 200 điều quy định về hợp đồng. Đây thực sự là một sự khẳng định tầm quan trọng của chế định hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, do được xây dựng ở các thời kỳ kinh tế xã hội khác nhau nên các quy định của pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Một số văn bản được xây dựng trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế khi các quan hệ được luật điều chỉnh chưa thật ổn định, tư duy làm luật chưa bao quát và dự liệu được các quy luật của sự phát triển, những tác động và đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường. Trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế, xã hội có những bước phát triển nhanh chóng thì hệ thống pháp luật của nước ta đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Pháp luật Việt Nam về hợp đồng cũng không nằm ngoài quy luật đó, các quy định về hợp đồng còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp giữa ba lĩnh vực dân sự, kinh tế và thương mại. Chế định pháp luật về hợp đồng đã bộc lộ một số điểm bất cập và hạn chế cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp như:

- Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự chưa được xác định là quy phạm pháp luật có tính chất chung điều chỉnh các quan hệ được xác lập dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng thoả thuận trong xã hội. Một số vấn đề như khái niệm hợp đồng, hình thức, chủ thể tham gia, phương thức giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng.. cần được quy định chặt chẽ hơn. Một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội. Mặt khác nhiều quy định của Bộ luật dân sự còn thể hiện sự can thiệp khá sâu của Nhà nước vào các giao dịch dân sự, ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên.

 - Có sự trùng lặp rất lớn và không cần thiết trong các quy định về hợp đồng (dân sự, kinh tế, thương mại). Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để lập ra các quy định riêng của từng lĩnh vực. Điều này khiến cho hệ thống pháp luật về hợp đồng của chúng ta trở nên cồng kềnh một cách bất hợp lý, làm mất đi tính thống nhất, tính hỗ trợ lẫn nhau và làm giảm hiệu quả của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng.

- Việc phân biệt giữa hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại một cách không rõ ràng đã gây khó khăn, lúng túng, không chuẩn xác cho các cơ quan thi hành pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hợp đồng.

- Từ những bất cập trên đã dẫn đến hệ quả tiếp theo là việc ký kết và thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh trong thời gian qua là rất khó khăn, làm chậm đi quá trình hình thành các giao dịch kinh tế…

Vì vậy việc nghiên cứu, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết nhằm làm rõ những điểm bất cập, hạn chế và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện, khắc phục. Trên cơ sở đó, Ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế - thương mại, Viện Khoa học pháp lý đã lựa chọn nghiên cứu đề tài cấp cơ sở: "Pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - những điểm tương đồng, khác biệt và giải pháp hoàn thiện".  

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là:

- Tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách hệ thống các quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự và thương mại. Từ đó thấy được những điểm bất cập, hạn chế trong các quy định và những vướng mắc trong quá trình thực thi.

- Phân tích và kiến giải những nguyên nhân đó, đồng thời đề xuất những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu lực thực tế của những quy định pháp luật về hợp đồng, góp phần hoàn thiện chế định pháp luật về hợp đồng trong hệ thống pháp luật nước ta. Từ đó đưa ra một cách nhìn khái quát về xu hướng phát triển của pháp luật về hợp đồng trong thời kỳ hiện nay của Việt Nam.

PHẦN THỨ NHẤT

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG

I. KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT CỦA HỢP ĐỒNG

Trong phần này, các tác giả đã tổng hợp kết quả nghiên cứu về các học thuyết, lịch sử, lý luận chung về hợp đồng nhằm làm rõ khái niệm, bản chất chung và quá trình phát triển của chế định hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, ở các quốc gia khác nhau, tại mỗi thời điểm khác nhau thì khái niệm về hợp đồng có đôi chút khác biệt nhưng bản chất của quan hệ hợp đồng là thống nhất. Nhìn chung, khoa học nhiều nước đều đề cao sự tự do của ý chí trong giao kết hợp đồng và xem xét khái niệm hợp đồng theo ba phương diện: hoặc coi hợp đồng là căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật như luật của Pháp, Trung Quốc hay Việt Nam; hoặc coi hợp đồng là quan hệ pháp luật như Mỹ và Nhật Bản; hoặc coi hợp đồng là hình thức thể hiện quan hệ pháp luật như pháp luật La Mã. Theo quan niệm phổ biến của các nước trên thế giới và ngay cả Việt Nam có sự phân biệt hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại thì hợp đồng vẫn là khái niệm có tính khái quát rất cao liên quan đến những vấn đề pháp lý rộng lớn, đó là nghĩa vụ dân sự, quyền dân sự mà không bị hạn chế do sự tách bạch giữa dân sự hay kinh tế hay thương mại, giữa mục đích sản xuất kinh doanh hay sinh hoạt tiêu dùng. Trong pháp luật Việt Nam, mặc dù Luật thương mại không đưa ra khái niệm về hợp đồng trong khi Bộ luật dân sự và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chỉ đề cập đến khái niệm hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế nhưng cũng có thể xem khái niệm về hợp đồng trong Bộ luật dân sự là khái niệm chung cho các loại hợp đồng. Theo đó, Điều 394 Bộ luật dân sự Việt Nam, khái niệm hợp đồng đã được thể hiện tương đối đầy đủ và toàn diện: "Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".

Pháp luật hợp đồng Việt Nam mặc dù có sự phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng thương mại, nhưng cơ bản vẫn thống nhất trong cách nhìn nhận về bản chất của hợp đồng. Đó chính là sự gắn kết chặt chẽ của sự thoả thuận và mục đích của sự thoả thuận mà không phụ thuộc vào mục đích ký kết, chủ thể tham gia hay hình thức thể hiện. Đây chính là ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất của việc tìm hiểu những vấn đề lý luận chung về hợp đồng.

II. LỊCH SỬ PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

Tại mục này, các tác giả đã phân tích quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hợp đồng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Qua đó, làm rõ nguyên nhân của tình trạng phân chia của pháp luật hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại trong hệ thống pháp luật Việt nam hiện nay.

1. Pháp luật hợp đồng thời kỳ phong kiến.

Trong thời kỳ này, các tác giả tập trung phân tích các quy định pháp luật hợp đồng trong hai Bộ luật: Quốc triều hình luật và Bộ luật Gia Long. Nghiên cứu cả hai Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long cho thấy, luật pháp thời phong kiến chưa có sự phân hoá thành các ngành luật chuyên biệt mà tất cả các quan hệ chủ yếu đều được điều chỉnh tập trung trong một văn bản mang nặng tính chất của luật hình. Việc áp dụng hình phạt để xử lý các vi phạm khế ước là một hạn chế mang tính lịch sử của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long. Hai Bộ luật này đều quy định rất chung về hợp đồng và không có sự phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại cũng như các ngành luật điều chỉnh tương ứng. Theo đó các quan hệ dân sự mang tính chất tài sản, tính bình đẳng thoả thuận nhưng lại có sự can thiệp rất sâu sắc từ phía nhà nước và áp dụng các chế tài hình sự mang nặng tính trừng phạt hơn là phục hồi các quan hệ.

2. Pháp luật hợp đồng thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945)

Đây là thời kỳ đất nước ta bị chia cắt thành ba miền. Thực dân Pháp cho ban hành ba Bộ dân luật để thi hành tại mỗi miền của đất nước. Đó là: Bộ Dân luật Bắc kỳ ban hành năm 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ ban hành năm 1936 và Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ ban hành năm 1883. Trong các bộ luật nêu trên đều có các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự Trung kỳ có các quy định để điều chỉnh quan hệ dân sự trọn vẹn và tốt hơn cả. Nội dung của các quy định trong ba Bộ dân luật đều cho thấy pháp luật về hợp đồng được áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh mà không có sự phân biệt trên cơ sở chủ thể hay mục đích. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những tư tưởng tự do hoá thương mại và đặc biệt dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Luật thương mại Pháp, năm 1942 theo chiếu dự số 46 ngày 12/6/1942, chính quyền Nam triều Bảo Đại đã ban hành Bộ luật thương mại áp dụng tại Trung phần. Bộ luật này điều chỉnh các hành vi thương mại của các thương nhân. Song, sự xuất hiện của Bộ luật thương mại thời kỳ này cũng không nhằm phân tách các quan hệ thương mại một cách độc lập với quan hệ dân sự và các quy định pháp luật về hợp đồng nhìn chung vẫn nằm trong một thể thống nhất.

3. Pháp luật hợp đồng thời kỳ sau cách mạng tháng Tám đến nay

3.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959. Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 97/SL tuy vẫn cho phép tiếp tục áp dụng các luật lệ cũ nhưng với điều kiện không được trái với các nguyên tắc của Sắc lệnh này. Sắc lệnh này đã đặt cơ sở cho sự hình thành và phát triển của pháp luật dân sự mới ở nước ta nói chung, trong đó có những quy định liên quan đến hợp đồng nói riêng. Từ năm 1954 đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Ở miền Nam dưới chế độ nguỵ quyền, quan hệ hợp đồng tiếp tục được điều chỉnh chủ yếu bằng quy định của Bộ luật dân sự Trung kỳ và Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ. Sau này, quan hệ hợp đồng được điều chỉnh chủ yếu bởi 2 đạo luật: Bộ luật dân sự Sài Gòn 1972 và Bộ luật Thương mại. Ở miền Bắc, bên cạnh Bộ dân luật Bắc kỳ còn có Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh số 735/TTg ngày 10/4/1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đến 1959, Toà án nhân dân tối cao đã ra Chỉ thị số 772-CT/TATC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến. Với Chỉ thị này, toàn bộ các luật lệ phong kiến trước đây đều bị đình chỉ áp dụng ở miền Bắc.

3.2. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1988. Năm 1960 lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện khái niệm hợp đồng kinh tế bằng việc ra đời của “hợp đồng kinh doanh” theo quy định của Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 735/TTg ngày 10/04/1956. Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế năm 1960, Nghị định số 54/CP ngày 10/3/1975 của Hội đồng chính phủ ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế...Như vậy, cùng với sự phân tách ngành luật kinh tế ra khỏi luật dân sự thì đồng thời cũng có sự phân tách trong pháp luật về hợp đồng thành pháp luật hợp đồng dân sự và pháp luật hợp đồng kinh tế. Thêm vào đó, hệ thống các thiết chế nhằm xây dựng, thực thi các quy định pháp luật của các ngành luật kinh tế và dân sự cũng được hình thành. Các tranh chấp về dân sự vẫn được giải quyết tại Toà án và tranh chấp, vi phạm về hợp đồng kinh tế được giải quyết theo thủ tục tố tụng riêng về trọng tài tại cơ quan Trọng tài kinh tế nhà nước. Đây là thời điểm đánh dấu sự phân tách một cách hoàn toàn giữa ngành luật kinh tế và dân sự nói chung cũng như pháp luật về hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự nói riêng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Và sự khác biệt giữa các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ hợp đồng vốn có cùng bản chất cũng được hình thành từ đây.

3.3. Giai đoạn từ năm 1989 đến nay

Trong thời gian này, hàng loạt văn bản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế  năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng dân sự  năm 1991, Bộ luật dân sự năm 1995, Luật thương mại năm 1997) đã tạo nên sự phân biệt giữa ba loại hợp đồng: dân sự, kinh tế, thương mại. Sự phân biệt này căn cứ vào mục đích, chủ thể, nội dung và một số yếu tố khác của hợp đồng. Các quy định của pháp luật về hợp đồng trong ba lĩnh vực trên được ban hành trong những thời điểm khác nhau do chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội khác nhau nên không tránh khỏi những mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng rất lớn đến thực trạng áp dụng. Do đó, việc đổi mới và xây dựng hệ thống pháp luật hợp đồng cho đồng bộ và hoàn thiện là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập hiện nay cũng như tạo ra môi trường pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế.

III. PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG

Dựa trên các quy định pháp luật, các tác giả đã chia hợp đồng thành các loại sau đây: Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ; Hợp đồng ngang giá và hợp đồng không ngang giá; Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không đền bù; Hợp đồng chính và hợp đồng phụ; Hợp đồng có tên và hợp đồng không tên; Hợp đồng ưng thuận và hợp đồng không mang tính ưng thuận; Hợp đồng thực hiện ngay và hợp đồng thực hiện theo định kỳ; Hợp đồng có thương lượng và hợp đồng không có thương lượng; Hợp đồng cá thể và hợp đồng tập thể; Hợp đồng chủ thể đơn và hợp đồng chủ thể kép; Hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại.

PHẦN THỨ HAI

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ - KINH TẾ -THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT

Trong phần này, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổng hợp kết quả nghiên cứu từ các chuyên đề của đề tài trên cơ sở so sánh những điểm tương đồng, cũng như những điểm còn mâu thuẫn, chồng chéo và chưa thống nhất trong pháp luật hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại của Việt Nam theo những tiêu chí cơ bản về: chủ thể của hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại; Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại; Phương thức giao kết hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại; Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại; Hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu; Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại.

Qua việc nghiên cứu, so sánh, phân tích, đánh giá các tiêu chí này, nhóm nghiên cứu đã làm rõ được những điểm đã thống nhất và chưa thống nhất trong các quy định về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ đó, làm rõ được những khó khăn, bất cập trong thực tế áp dụng và thực thi các quy định này, đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu đó, đã đề xuất những giải pháp, kiến nghị trong phần III của phúc trình nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại và góp phần hoàn thiện pháp luật về hợp đồng của Việt Nam.

I. CHỦ THỂ, HÌNH THỨC  HỢP ĐỒNG VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG.

1. Chủ thể hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại

1.1. Điểm tương đồng: pháp luật hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đều quy định các đối tượng cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình là chủ thể hợp đồng.

1.2. Điểm khác biệt:

- Bộ luật dân sự quy định bao quát nhất về các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Các chủ thể khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực chủ thể đều có thể thiết lập quan hệ hợp đồng dân sự phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Chủ thể hợp đồng thương mại rộng hơn so với hợp đồng kinh tế vì không bắt buộc một bên phải là pháp nhân. Chủ thể hợp đồng kinh tế bó hẹp nhất với đòi hỏi khắt khe hơn cả, bắt buộc một bên chủ thể phải là pháp nhân.

- Mặc dù có các quy định khác nhau về chủ thể, nhưng trong nội tại các văn bản pháp luật về từng loại hợp đồng và văn bản pháp luật về hợp đồng dân sự kinh tế thương mại có sự mâu thuẫn. Ví dụ quy định về chủ thể tham gia hợp đồng kinh tế trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và văn bản hướng dẫn thi hành; khái niệm về pháp nhân trong Bộ luật dân sự năm 1995 và văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Khái niệm “thương nhân” được đưa ra không rõ ràng và mâu thuẫn, quy định về đăng ký kinh doanh trùng lặp, mâu thuẫn trong quy định của Luật thương mại và văn bản hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp. Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đều quy định thống nhất hộ gia đình là chủ thể của một số quan hệ nhất định. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về tư cách cũng như các mối quan hệ giữa các thành viên trong hộ gia đình, cho nên trên thực tế, chủ thể này tham gia các giao dịch hợp đồng chưa hiệu quả và gây khó khăn khi có tranh chấp xảy ra, phát sinh từ các thành viên trong hộ gia đình.

1.3. Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại về chủ thể hợp đồng

Bằng nhiều ví dụ cụ thể, các tác giả đã cho thấy những vướng mắc trong các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đã gây nên nhiều khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

2. Hình thức hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại

2.1. Điểm tương đồng: chủ thể giao kết hợp đồng có quyền lựa chọn hình thức hợp đồng (trừ những loại hợp đồng pháp luật quy định phải tuân thủ hình thức nhất định), và cả ba loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đều có hình thức hợp đồng bằng văn bản. 

2.2. Điểm khác biệt

Bộ luật dân sự, Luật thương mại quy định hình thức hợp đồng đa dạng (bằng văn bản, lời nói, hành vi cụ thể), đáp ứng được yêu cầu của giao lưu dân sự, nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế không thừa nhận hình thức hợp đồng bằng lời nói, hành vi cụ thể. Quy định hợp đồng kinh tế phải được thiết lập thành văn bản cũng không còn phù hợp với các giao lưu kinh tế ngày càng hiện đại, nhanh chóng và nắm bắt mọi cơ hội của người kinh doanh. Bộ luật dân sự không quy định cụ thể thế nào là hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể mà chỉ gián tiếp thừa nhận trong một số quan hệ dân sự. Trong quan hệ thương mại cũng có những hành vi được coi hình thức của hợp đồng ví dụ như hành vi môi giới thương mại cho chủ thể có sản phẩm, khi chưa có sự đồng ý của chủ thể đó, nhưng không bị phản đối.

2.3. Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại về hình thức hợp đồng

- Khi áp dụng các quy định về cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền khi hợp đồng không đáp ứng điều kiện về hình thức, một hợp đồng có đầy đủ yếu tố của hợp đồng kinh tế nhưng không được xác lập bằng văn bản thì sẽ được coi là hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự (nếu đủ điều kiện). Mặc dù theo quy định của Bộ luật dân sự, các bên có một thời hạn để thực hiện quy định về hình thức hợp đồng và công nhận hợp đồng đó đúng với bản chất của nó. Nhưng vì Luật thương mại và cả Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đều không dẫn chiếu nên cũng không có cơ sở áp dụng Bộ luật dân sự.

- Việc áp dụng quy định về hình thức như một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nảy sinh nhiều bất cập. Bộ luật dân sự năm 1995 với quá nhiều quy định buộc các giao dịch phải thể hiện bằng những hình thức nhất định mới được công nhận là giao dịch hợp pháp, giao dịch có hiệu lực đã khiến cho tình trạng tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (nhất là các giao dịch về nhà đất) diễn ra quá tùy tiện, thậm chí ngay cả khi các bên không khởi kiện về việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà chỉ khởi kiện tranh chấp về thực hiện hợp đồng.

II. NGUYÊN TẮC GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

1. Điểm tương đồng

Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận thể hiện sự thống nhất ý chí giữa các bên tham gia quan hệ, nên pháp luật không can thiệp trực tiếp vào các quan hệ, đó mà chỉ tạo ra hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh các quan hệ đi đúng hướng. Với tư cách là những tư tưởng chỉ đạo, các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng đòi hỏi các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng phải triệt để tuân theo. Do vậy, pháp luật kinh tế, thương mại và dân sự đều đề cao nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, các bên cùng có lợi.

2. Điểm khác biệt

Điều 395, 409 Bộ luật dân sự quy định nguyên tắc giao kết và thực hiện  hợp đồng dân sự là:

- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và ngay thẳng”;

- Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

- Đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

- Không được xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích của người khác.

Điểm khác biệt với luật dân sự và cũng có thể coi là hạn chế của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là không thừa nhận nguyên tắc không trái đạo đức xã hội cũng như các nguyên tắc: thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng trong giao kết hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã ghi nhận nguyên tắc “trực tiếp chịu trách nhiệm bằng tài sản”. Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng kinh tế là quan hệ hàng hóa tiền tệ. Điều đó không chỉ quy định trách nhiệm mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ.

Đối với hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, một hạn chế rất cơ bản là pháp luật không ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là hàng hoá và các dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hoá nên Luật thương mại đưa ra một nguyên tắc hết sức đặc trưng là “bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng”.

III. PHƯƠNG THỨC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG

1. Giao kết trực tiếp

1.1. Điểm tương đồng: Quy định về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp được quy định khá đơn giản và được hiểu thống nhất giữa ba ngành luật dân sự, kinh tế, thương mại.

1.2. Điểm khác biệt

Mặc dù cùng quy định trường hợp giao kết trực tiếp nhưng pháp luật dân sự công nhận trường hợp phát sinh hiệu lực của hợp đồng theo sự thoả thuận, thì Pháp lệnh hợp đồng kinh tế do chỉ chấp nhận hình thức của hợp đồng bằng văn bản nên không đề cập đến trường hợp này. Thực chất quy định về hình thức của hợp đồng kinh tế không xuất phát từ thực tế khách quan mà mang đậm ý chí chủ quan của nhà làm luật.

Đối với hợp đồng thương mại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp. Tuy nhiên trên thực tế, những quy định của Bộ luật dân sự và cả những quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế sẽ được áp dụng cho hợp đồng thương mại theo từng trường hợp cụ thể. Vì thế, mặc dù Luật thương mại không quy định về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp, nhưng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại vẫn có thể được giao kết bằng phương thức này.

2. Giao kết gián tiếp

2.1. Điểm tương đồng

Giao kết hợp đồng gián tiếp là cách thức ký kết mà theo đó các bên gửi cho nhau những tài liệu giao dịch, đơn chào hàng, đơn đặt hàng chứa đựng nội dung của giao dịch. Việc giao kết phải tuân theo một trình tự nhất định, thông thường gồm hai bước là đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại đều quy định thống nhất về yêu cầu của lời đề nghị trong phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp. Tuy nhiên, những điểm khác biệt trong giao kết hợp đồng gián tiếp vẫn được thể hiện rõ ở các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại.

2.2. Điểm khác biệt

Pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại cùng quy định về việc đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng nhưng không thống nhất trong việc quy định có hay không có việc thể hiện thời hạn trả lời là một bắt buộc của đề nghị giao kết hợp đồng. Vì sự chưa rõ ràng này mà trong trường hợp bên đề nghị không quy định rõ thời gian trả lời thì có thể hiểu theo ba cách: đề nghị có hiệu lực vô thời hạn, đề nghị không có hiệu lực, đề nghị không ràng buộc trách nhiệm bên đưa ra đề nghị (theo pháp luật dân sự), hoặc bên chào hàng (theo pháp luật thương mại). Việc quy định của pháp luật tạo ra nhiều cách hiểu như vậy là một hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp có quy định thời gian trả lời thì quy định đối với mỗi loại hợp đồng lại có những hạn chế khác nhau đối với bên đề nghị. Theo quy định của Bộ luật dân sự, bên đề nghị không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình; Luật thương mại quy định rõ hơn về “Thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng bắt đầu từ thời điểm chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng đến hết thời hạn chấp nhận chào hàng. Trong trường hợp không xác định thời hạn chấp nhận chào hàng thì thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng là 30 ngày, kể từ ngày chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng”. Quy định rõ ràng của Luật thương mại đã giúp cho các bên tham gia giao kết hợp đồng hiểu đúng về thời điểm bắt đầu đề nghị chào hàng và thời hạn chấp nhận chào hàng, tránh tạo ra nhiều cách hiểu như quy định của Bộ luật dân sự.

Luật thương mại quy định riêng về chào hàng trong hợp đồng mua bán hàng hoá, chưa có sự tổng hợp cho hầu hết các giao kết hợp đồng trong hoạt động thương mại.  Chào hàng trong quy định của hợp đồng thương mại cũng mang nét khác biệt so với hợp đồng dân sự. Luật dân sự quy định trong trường hợp bên đề nghị hay bên được đề nghị đề nghị thay đổi nội dung thì coi là đề nghị mới nhưng đối với hợp đồng thương mại, chỉ “trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là từ chối chào hàng và hình thành chào hàng mới”, và “trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung nội dung chào hàng nhưng không làm thay đổi nội dung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là chấp nhận chào hàng, trừ trường hợp người chào hàng từ chối ngay những sửa đổi, bổ sung đó”. Quy định này có nội dung rõ ràng và hợp lý hơn so với quy định của Bộ luật dân sự.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế không quy định về thời điểm chào hàng và thời hạn chấp nhận chào hàng như Bộ luật dân sự và Luật thương mại.

IV. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG, CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG

1. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Tuy các điều kiện để hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có hiệu lực pháp luật được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nhưng về cơ bản điều kiện để các loại hợp đồng nói trên có hiệu lực là khá thống nhất. Bởi xét đến cùng thì hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại đều mang bản chất của hợp đồng, đó là sự thoả thuận của các bên tham gia quan hệ trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện. Nhìn chung, để hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế hay hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

(i): Các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải có năng lực chủ thể (năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự).

(ii) Người ký kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và phải có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

(iii) Nội dung và mục đích của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

(iv) Các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải tự nguyện.

(v) Hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xuất phát từ các đặc trưng riêng của quan hệ dân sự, kinh tế mà việc vận dụng các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự để xem xét hiệu lực của hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể có nhiều điểm khác biệt.

2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

So với pháp luật về hợp đồng kinh tế, pháp luật về hợp đồng thương mại thì Bộ luật dân sự quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự chặt chẽ và đầy đủ hơn rất nhiều, trong khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại quy định thiếu sót, do đó ảnh hưởng rất lớn đến thực tiễn áp dụng.

Qua một thời gian áp dụng quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nói chung tuy đã phát huy được những tác dụng tích cực nhất định đối với các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại, nhưng cũng mang lại có nhiều vướng mắc, phản ánh tính chất phức tạp của nền kinh tế thị trường.

Vướng mắc trước hết là tình trạng một số quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự khó áp dụng được trong thực tế. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do những quy định của Bộ luật dân sự còn mang tính nguyên tắc, không có văn bản hướng dẫn cụ thể và cũng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện. Chẳng hạn như quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng dân sự thông qua cơ chế gửi giữ chưa thực hiện được vì hiện chưa thành lập cơ quan có chức năng nhận giữ tài sản theo cơ chế này. Các quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản, về đăng ký giao dịch bảo đảm cũng chưa được thực thi trên thực tế vì thiếu trình tự, thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản; các Sở địa chính, các UBND cấp xã chưa tổ chức đăng ký các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm tuy đã được thành lập nhưng với các quy định về giao dịch bảo đảm quá cứng nhắc như hiện nay thì cơ quan này sẽ rất khó phát huy được vai trò của mình.

Một số vướng mắc cụ thể:

Thứ nhất, đối với quan hệ hợp đồng dân sự có liên quan đến việc cầm cố tài sản thì người nhận cầm cố có được ưu tiên trong việc thanh toán nợ của bên cầm cố so với các chủ nợ khác hay không, đây là điều không được quy định rõ trong Bộ luật dân sự. Tuy nhiên trên thực tiễn thi hành, điều này lại được các bên áp dụng và thừa nhận. Đối với trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi đem cầm cố thì bên cầm cố “phải giao cho bên nhận cầm cố bản gốc giấy tờ đó”. Do đó gây rất nhiều khó khăn cho bên cầm cố trong việc sử dụng tài sản cầm cố nhằm tạo ra lợi nhuận để thanh toán nợ. Hơn nữa, nếu tài sản cầm cố được bên cho vay giữ thì việc bảo quản vừa tốn kém, vừa không có điều kiện về kho tàng, bến bãi… Mặt khác, có rất ít loại tài sản được cầm cố có đăng ký quyền sở hữu  (ô tô, xe máy, máy bay, tàu biển, tàu đánh cá…), mà tài sản là động sản dùng cầm cố trong giao dịch dân sự rất đa dạng, có thể là hàng hoá vật tư, máy móc thiết bị… các tài sản này đều không đăng ký sở hữu.

Thứ hai, pháp luật về hợp đồng nói chung chưa quy định rõ về những tài sản không được dùng làm vật thế chấp, cầm cố, bảo lãnh dẫn đến trường hợp khi mang vụ án ra xét xử các bên mới biết là không được chấp nhận.

Thứ ba, thủ tục công chứng hay việc xử lý tài sản đem cầm cố, thế chấp… còn để lại nhiều hậu quả rất khó giải quyết, nhất là khi có sự tham gia của các Ngân hàng vào quan hệ giao dịch hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Trong quan hệ bảo lãnh, vấn đề nổi cộm nhất là vấn đề hiệu lực của chứng thư bảo lãnh chưa được bảo đảm thực thi trên thực tế. Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng trên cho thấy, các giao dịch có liên quan đến bảo lãnh, thế chấp diễn ra không đơn giản và việc áp dụng quy định pháp luật để giải quyết tranh chấp cũng gặp phải nhiều khó khăn. Hậu quả cuối cùng là quyền lợi của người nhận bảo lãnh, cũng như người có quyền lợi liên quan có khi không được đảm bảo. Quy định về các biện pháp thế chấp và bảo lãnh chưa đầy đủ dẫn đến hiệu lực của chúng không được thừa nhận và phát huy.

Thứ tư, riêng đối với các biện pháp bảo đảm khác (đặt cọc, ký cược, ký quỹ) cũng chỉ được quy định trong Bộ luật dân sự, còn trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại không quy định dẫn đến trên thực tế phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.

V. HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU, HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG

Việc áp dụng đúng những quy định về hợp đồng vô hiệu nói chung khi giao kết, thực hiện và khi xảy ra tranh chấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực tiễn. Về cơ bản, các quy định về hợp đồng vô hiệu, nhất là hợp đồng dân sự vô hiệu phù hợp với lý luận và thực tiễn của Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa, phòng chống và xử lý vi phạm về hợp đồng, góp phần bảo đảm an toàn cho các bên trong quan hệ hợp đồng. 

Tuy nhiên, Luật thương mại không có quy định về những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu, đồng thời, cũng không có quy định dẫn chiếu để điều chỉnh vấn đề này. Đây là một lỗ hổng pháp lý gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng Luật thương mại để giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại. Trên thực tế, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại áp dụng theo các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hoặc Bộ luật dân sự về hợp đồng vô hiệu.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chưa có sự phân biệt giữa hợp đồng kinh tế bị vô hiệu và hợp đồng kinh tế có thể bị huỷ bỏ. Các lý do hợp đồng kinh tế bị vô hiệu cũng chưa được liệt kê đầy đủ, có điều kiện còn không hợp lý cho nên bị lạm dụng nhiều trong thực tế. Chẳng hạn như điều kiện “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng”, hay “người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền”. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định về đại diện ký kết hợp đồng kinh tế đã không theo kịp cuộc sống. Trên thực tế, các công ty, ngân hàng… thường xuyên phải ký các hợp đồng kinh tế, tín dụng… nên Tổng giám đốc (Giám đốc) thường có văn bản phân công chức năng, nhiệm vụ (thực chất là ủy quyền chung) cho các Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc, Giám đốc chi nhánh). Văn bản này đã thể hiện sự trao quyền giữa người có thẩm quyền và người được uỷ quyền cho nên sự uỷ quyền này cần được công nhận. Cũng về vấn đề đại diện, Bộ luật dân sự đã quy định, trong trường hợp người ký hợp đồng không có quyền đại diện thì hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với người được đại diện, nếu người này đồng ý; hoặc hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc người đại diện, nếu người được đại diện không đồng ý. Cách quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với tập quán hợp đồng quốc tế và được quy định trong pháp luật hợp đồng của nhiều nước trên thế giới.

Đối với hợp đồng dân sự vô hiệu, Bộ luật dân sự mặc dù đã quy định khá đầy đủ, nhưng trong việc áp dụng vẫn không tránh khỏi những vướng mắc, bất hợp lý. Ví dụ như vấn đề liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu do chủ thể giao kết là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Điều 140 Bộ luật dân sự chưa đề cập đến trường hợp chủ thể giao kết này đến khi thực hiện hợp đồng đã ký kết thì đã thành niên, hoặc khôi phục lại được năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp đó, Toà án không nên tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu họ vẫn thực hiện hợp đồng đã ký kết. Hoặc trường hợp chủ thể chưa thành niên hay chưa khôi phục lại được năng lực hành vi giao kết hợp đồng thì có thể chấp nhận hợp đồng này có hiệu lực nếu được người đại diện của họ đồng ý.

Quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm các quy định về hình thức cũng chưa phù hợp. Khi xác lập hợp đồng, một bên hoặc các bên đã cố tình vi phạm về hình thức hợp đồng thì họ thường không yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Hoặc có yêu cầu Toà án tuyên bị vô hiệu thì cũng vì mục đích phá hợp đồng đã ký để vụ lợi, chẳng hạn như khi giá tài sản mua bán tăng lên (trượt giá)... nếu một trong hai bên chủ thể không có thiện chí và cố tình trốn tránh trách nhiệm thì việc hợp thức hoá hình thức của hợp đồng cũng không thể thực hiện được và lợi ích của chủ thể trong hợp đồng này không được đảm bảo.

Sự khác nhau cơ bản trong quy định về hợp đồng vô hiệu giữa Bộ luật dân sự và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau và việc xử lý khác nhau về hậu quả giao dịch hợp đồng vô hiệu. Do quan niệm hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế có bản chất pháp lý khác nhau, do đó pháp luật điều chỉnh chúng không có khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau đã dẫn đến tình trạng các cơ quan tài phán Việt Nam thường lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Toà án chỉ áp dụng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, mà không áp dụng Luật thương mại, Bộ luật dân sự khi xem xét hợp đồng kinh tế vô hiệu, dù Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định chưa hợp lí và có những phán quyết rất khác nhau về cùng một tranh chấp hợp đồng. Mặt khác, ở nước ta, thường tất cả các bên trong hợp đồng kinh tế đều có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này đã khuyến khích các bên, kể cả bên có lỗi gây ra sự vô hiệu, khởi kiện ra Toà án nhằm tuyên hợp đồng vô hiệu để trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc trục lợi từ chính sự vi phạm của mình. Quy định về việc xử lý hậu quả hợp đồng kinh tế vô hiệu của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế vô tình tạo công cụ giúp những kẻ gian dối, gây nên những bất hợp lý trong thực tiễn kinh doanh, không bảo vệ được bên ngay tình trong hợp đồng. Thực trạng này không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên, gây ra không ít những thiệt hại và hậu quả xấu về kinh tế cho các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế.

VI. VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

1. Điểm tương đồng

Nhìn chung những quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại về vấn đề này khá đầy đủ, đặc biệt là những quy định của Bộ luật dân sự về các trường hợp vi phạm hợp đồng (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, chậm thực hiện nghĩa vụ…) trong các loại hợp đồng cụ thể. Trong khi đó, Luật thương mại lại có những quy định khá khái quát về chế tài trong thương mại (chương IV) làm cơ sở cho việc áp dụng các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại đều chưa đưa ra được khái niệm cụ thể về vi phạm hợp đồng. Việc xác định thế nào là một vi phạm hợp đồng cũng chỉ dựa trên cơ sở vi phạm nghĩa vụ và các trường hợp không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ mà Bộ luật dân sự đưa ra. Song, hạn chế này không chỉ tồn tại trong pháp luật hợp đồng Việt Nam mà còn trong pháp luật hợp đồng của hầu hết các nước trên thế giới.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại cũng như các văn bản hướng dẫn đều chưa đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng và thuyết phục về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra.

Các quy định của pháp luật về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng đã nói đến hình thức thể hiện và căn cứ xác định thiệt hại nhưng phương thức, căn cứ tính toán thiệt hại xảy ra chưa được đầy đủ và cụ thể. Điều này đã gây khó khăn trong việc giải quyết trách nhiệm theo hợp đồng, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2. Điểm khác biệt

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại quy định rất chung chung về một số trường hợp vi phạm hợp đồng như không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ (giao hàng thiếu, kém chất lượng, có sai sót kỹ thuật…) hay chậm thực hiện nghĩa vụ. Các trường hợp vi phạm hợp đồng trong Bộ luật dân sự đầy đủ hơn nhưng lại tản mạn, rải rác ở những quy định về các loại hợp đồng cụ thể (hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê nhà…).

Về trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vi phạm hợp đồng, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đã quy định thành một mục riêng (mục 1 chương IV Luật thương mại) hoặc một chương riêng (chương IV Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Bộ luật dân sự không quy định một cách khái quát về các hình thức trách nhiệm này mà quy định kèm theo các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Đối với hành vi không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại, Bộ luật dân sự chỉ quy định bên vi phạm có nghĩa vụ “thanh toán giá trị của vật và bồi thường thiệt hại”. Vậy thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao vật cùng loại như đối với trường hợp không giao vật đặc định hay không?

Luật thương mại đã có quy định về biện pháp huỷ hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự lại không quy định biện pháp này. Tuy nhiên chế tài huỷ hợp đồng trong Luật thương mại cũng chưa thật sự được thể hiện rõ ràng bởi Luật thương mại không quy định cụ thể huỷ hợp đồng là huỷ toàn bộ hay chỉ huỷ phần nghĩa vụ bị vi phạm theo sự thoả thuận của các bên. Trên thực tế, các bên tham gia hợp đồng có thể vi phạm toàn bộ hợp đồng nhưng rất nhiều trường hợp chỉ xảy ra với một phần hợp đồng, một điều khoản cụ thể nhưng pháp luật không quy định huỷ toàn bộ hay huỷ một phần hợp đồng trong trường hợp vi phạm một phần hợp đồng, một phần nghĩa vụ.

Ngoài sự tản mạn và thiếu rõ ràng, các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại còn thiếu thống nhất khi quy định về các trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và các hình thức trách nhiệm phát sinh.

Pháp luật dân sự có rất nhiều quy định cụ thể đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đối với từng trường hợp và từng loại giao dịch nhưng lại chưa có những quy định chung và thống nhất về các căn cứ đầy đủ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Luật kinh tế đã quy định một cách tương đối khái quát về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Luật thương mại có hệ thống các quy định về vấn đề này đầy đủ và rõ ràng hơn cả. Như vậy, Bộ luật dân sự phải có những quy định thống nhất, đầy đủ về căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại cùng với Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại.

Mối quan hệ giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra chỉ được đề cập đến với tính cách là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở khoản 3 Điều 230 Luật thương mại. Điều này đã gây không ít tranh cãi khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi có những hành vi là nguyên nhân gián tiếp gây ra thiệt hại được Bộ luật dân sự thừa nhận để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại dường như lại không chấp nhận nguyên nhân gây ra thiệt hại này.

Luật dân sự và thương mại đều có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng nhưng cách đề cập lại tương đối khác nhau. Luật dân sự đưa ra nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại nếu các bên không có thoả thuận trước về mức bồi thường (Điều 379 Bộ luật dân sự). Luật thương mại quy định nguyên tắc định lượng trong xác định thiệt hại và bồi thường: “Số tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng” (khoản 2 Điều 229 Luật thương mại). Luật kinh tế cũng thể hiện nguyên tắc “bồi thường tương đương”, bên bị vi phạm đã bị thiệt hại khoản nào thì mới được đòi bồi thường khoản đó. Ở đây có một nguyên tắc bồi thường là các bên “phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau” chỉ được Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đặt ra mà không có ở Bộ luật dân sự hay Luật thương mại. Việc các bên phải chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp với nhau rất quan trọng trong các hợp đồng mang tính chất trung gian (hợp đồng vận chuyển), nên nếu luật dân sự hay luật thương mại không quy định nguyên tắc bồi thường này cũng là một thiếu sót đáng kể.

Vấn đề xác định thiệt hại cũng chưa được Bộ luật dân sự quy định một cách khái quát và mang tính nguyên tắc, trong khi Luật kinh tế và thương mại đã có những quy định (mặc dù chưa cụ thể) về việc xác định thiệt hại do vi phạm hợp đồng, góp phần tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng có liên quan.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng với các chế tài khác được điều chỉnh khác nhau giữa luật dân sự, kinh tế và thương mại. Theo Bộ luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng đồng thời với phạt vi phạm khi các bên đã có thỏa thuận, hoặc có quy định của pháp luật. Luật kinh tế quy định có thể áp dụng đồng thời cả hai loại chế tài khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại. Còn đối với hợp đồng thương mại, khi các bên không có thoả thuận khác thì bên có quyền lợi bị vi phạm được lựa chọn một trong hai chế tài là phạt vi phạm hoặc buộc bồi thường thiệt hại đối với cùng một vi phạm. Quy định như vậy đã hợp lý hay chưa khi mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có một thiệt hại xảy ra nhằm khôi phục những tổn thất của bên bị vi phạm và phạt vi phạm hợp đồng là một loại chế tài tự thỏa thuận giữa các bên với mục đích nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện mà không phụ thuộc vào việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có gây ra thiệt hại hay không?

Bên cạnh đó, Luật thương mại còn quy định: “trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên có quyền lợi bị vi phạm không được áp dụng các chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc huỷ hợp đồng” (Điều 225 Luật thương mại). Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người đang thực hiện nghĩa vụ cũng như hạn chế khả năng tư lợi của người có quyền nhưng pháp luật kinh tế và dân sự lại không quy định vấn đề này.

Về chế tài phạt vi phạm hợp đồng, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại cũng chưa có những quy định thống nhất về mức phạt vi phạm. Mức phạt vi phạm hợp đồng kinh tế từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (điểm a khoản 2 Điều 29 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Mức phạt vi phạm cao nhất mà Bộ luật dân sự đưa ra là không quá 5% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 378 Bộ luật dân sự). Và Luật thương mại lại đưa ra mức cao nhất không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 228). Trong khi những tiêu chí phân loại hợp đồng của pháp luật Việt Nam chưa thống nhất và rõ ràng dẫn đến việc phân biệt các loại hợp đồng là rất khó khăn thì lại thêm những quy định thiếu thống nhất của pháp luật hợp đồng về mức phạt vi phạm càng gây thêm nhiều rắc rối cho việc áp dụng luật trên thực tế.

Quy định về hình thức của thoả thuận phạt vi phạm trong Bộ luật dân sự cũng không thống nhất với quy định về hình thức của hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (khoản 1 Điều 400 Bộ luật dân sự) nhưng thoả thuận phạt vi phạm bắt buộc phải được lập thành văn bản (khoản 2 Điều 377 Bộ luật dân sự). Ở đây xuất hiện một vấn đề bất cập là đối với hợp đồng dân sự được giao kết bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể thì nếu vi phạm hợp đồng xảy ra, chế tài phạt vi phạm (thoả thuận bằng lời nói) liệu có được áp dụng hay không bởi theo quy định của pháp luật dân sự, thoả thuận phạt vi phạm phải được thể hiện bằng văn bản?

Yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không được quy định một cách thống nhất trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Luật dân sự và thương mại có đề cập đến vấn đề lỗi như một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Trong khi đó, pháp luật kinh tế không coi lỗi như một căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên vi phạm luôn  phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với bên bị vi phạm mà không phụ thuộc vào lỗi của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào (Nghị định 17/HĐBT ngày 16/01/1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Có thể nói đây là một vấn đề phức tạp xuất phát từ những quy định bất hợp lý của pháp luật hợp đồng Việt Nam.

Các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cũng chưa được quy định thống nhất trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Luật dân sự không có quy định về việc miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầy đủ và rõ ràng như Luật kinh tế. Tuy nhiên, Luật kinh tế cũng chưa có quy định miễn, giảm trách nhiệm trong những trường hợp do thoả thuận của các bên hoặc trường hợp vi phạm nghĩa vụ và gây thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Luật thương mại cũng chưa quy định trường hợp miễn, giảm trách nhiệm khi nghĩa vụ hợp đồng không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng và gây thiệt hại là do một phần hoặc toàn bộ lỗi của người có quyền đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của khách hàng, do khuyết tật của hàng hoá hay do có đình công quy định trong Điều 169 Luật thương mại cũng chưa được đặt ra trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự.

Như vậy, những quy định của pháp luật hợp đồng về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng mặc dù đã góp phần tạo ra sự ổn định trong quan hệ hợp đồng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia nhưng vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót do sự mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu thống nhất, gây không ít khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Nhìn chung, những quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại còn nhiều điểm khác biệt, thiếu thống nhất, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau, cần phải được hoàn thiện.

PHẦN THỨ BA

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

1. Trước khi đưa ra những giải pháp và kiến nghị cụ thể cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hợp đồng của Việt Nam, trong phần thứ ba này, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu đối với kinh nghiệm xây dựng pháp luật hợp đồng của một số nước trên thế giới thông qua việc giới thiệu mô hình pháp luật hợp đồng của một số quốc gia tiêu biểu như: Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật, đồng thời, cũng nghiên cứu tham khảo các nguyên tắc áp dụng pháp luật và thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của các nước này nhằm làm tư liệu tham khảo cho việc đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, trong phần này, các tác giả còn phân tích và làm rõ xu hướng phát triển của pháp luật hợp đồng trên thế giới theo các nội dung sau:

- Quá trình nhất thể hoá pháp luật hợp đồng của các nước chịu ảnh hưởng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Xu hướng thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật trụ cột Common law và Civil law.

- Xu hướng hình thành các điều ước quốc tế hay nội luật hoá các cam kết quốc tế trong pháp luật quốc gia.

2. Từ kết quả nghiên cứu và tìm hiểu xu hướng phát triển chung của pháp luật hợp đồng thế giới, nhóm nghiên cứu cũng cho thấy sự phát triển tất yếu của pháp luật hợp đồng Việt Nam là:

- Xu hướng thống nhất hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam. Thống nhất pháp luật về hợp đồng của Việt Nam thực chất chính là quá trình nhận thức lại bản chất của hợp đồng. Điều đó cho phép chúng ta xây dựng được một hệ thống các quy định nhất quán và phản ảnh đúng bản chất khách quan của các quan hệ hợp đồng, tránh những mâu thuẫn không đáng có về mặt lý luận và thực tiễn nhằm hướng tới điều chỉnh một cách phù hợp, hiệu quả đối với các quan hệ có liên quan đến hợp đồng. Mặt khác, tôn trọng bản chất của hợp đồng cần phải hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào quan hệ hợp đồng. Một thời gian nước ta tồn tại hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước đã làm mất đi bản chất đích thực của hợp đồng, việc giao kết và thực hiện hợp đồng cũng chỉ là để hoàn thành trách nhiệm Nhà nước giao mà không phải là trên cơ sở sự tự do, tự nguyện thoả thuận. Có nhiều quan điểm về thống nhất hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam, nhưng nhóm nghiên cứu tán thành với quan điểm thứ ba cho rằng,với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay không cần thiết phải phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng dân sự bởi hai loại hợp đồng này hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý. Theo đó, nên xem các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự là gốc, có hiệu lực điều chỉnh chung, còn văn bản chuyên ngành chỉ điều chỉnh những nét đặc thù của các quan hệ hợp đồng trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, mọi hợp đồng dù được giao kết giữa ai và nhằm mục đích nào cũng được coi là hợp đồng và chịu sự điều chỉnh chung của Bộ luật dân sự. 

- Xu hướng hiện đại hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam. Việc hiện đại hoá hệ thống các quy định pháp luật về hợp đồng trên cơ sở tôn trọng bản chất của các quan hệ hợp đồng là điều cần thiết để giải quyết những vấn đề còn mâu thuẫn, tồn tại nhằm điều chỉnh một cách có hiệu quả và phù hợp với các quan hệ xã hội ngày càng phát triển đa dạng. Tuy nhiên, hiện đại hóa hệ thống pháp luật hợp đồng cũng cần phải cân nhắc cho phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam để pháp luật Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của pháp luật thế giới mà không phải là bị cuốn đi một cách thụ động. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải giải quyết một cách triệt để, thoả đáng những mâu thuẫn nội tại, đồng thời nhất quán được tư duy và nhận thức đối với những yêu cầu của thực tiễn khách quan.

- Xu hướng quốc tế hoá pháp luật hợp đồng của Việt Nam. Xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội cũng như những đòi hỏi bức thiết từ quá trình hội nhập và phát triển đã tạo tiền đề cho một xu hướng phát triển mới của pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng. Về vấn đề này, hiện nay các nhà nghiên cứu cũng như giới luật gia Việt Nam đang có nhiều quan điểm khác nhau và nhiều giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến pháp luật hợp đồng, nhưng tất cả đều thừa nhận một xu hướng phát triển chung, mang tính tất yếu của pháp luật về hợp đồng của Việt Nam là: phải xích lại gần các quy định về hợp đồng của các nước trên thế giới và khu vực, cũng như không thể xa rời các quy định của tổ chức thương mại thế giới (WTO) và khu vực thông qua khả năng cân nhắc, tiếp thu những kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Vì vậy, Việt Nam phải thúc đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá pháp luật, trong đó có pháp luật về hợp đồng, chủ động nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc những chuẩn mực của pháp luật nói chung và pháp luật về hợp đồng nói riêng trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu hoá. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế quốc tế, để khỏi bị nhấn chìm trong sự áp đảo của các giá trị và pháp luật phương Tây thì việc hài hoà chính sách pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng trên quy mô khu vực và thế giới là một xu hướng tất yếu của Việt Nam.

- Xu hướng đơn giản hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam. Việt Nam nên có các giải pháp để khắc phục sự phân biệt hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại. Trong tương lai phải có tư duy thống nhất Bộ luật dân sự là đạo luật cơ bản của hệ thống luật tư. Xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới và khu vực đã đặt ra yêu cầu xoá bỏ sự khác biệt không cần thiết giữa pháp luật quốc gia với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng. Để nâng cao hiệu quả, tránh những rắc rối, phức tạp không đáng có trong quá trình áp dụng pháp luật về hợp đồng và phù hợp với xu hướng chung của pháp luật các nước trên thế giới, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam phải đảm bảo tính thống nhất, tính giản đơn trong việc áp dụng và lựa chọn luật áp dụng, lựa chọn mô hình pháp luật về hợp đồng thích hợp. Tuy nhiên, đơn giản hoá pháp luật không có nghĩa là không dự liệu được các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ hợp đồng có thể xảy ra trong một tương lai gần. Đó là một định hướng có ý nghĩa vô cùng quan trọng quyết định đến việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở nước ta.

3. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã đưa ra bốn giải pháp lớn nhằm thống nhất pháp luật hợp đồng Việt Nam, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp không cần thiết trong các quy định pháp luật về hợp đồng hiện hành, theo đó:

- Cần phải xây dựng các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự thành các quy định gốc về hợp đồng.

- Cần xoá bỏ sự phân biệt không cần thiết về các loại hợp đồng (hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại) như hiện nay, thay vào đó là sự cụ thể hoá các hợp đồng đặc thù trong các văn bản pháp lý chuyên ngành: Theo giải pháp này, nhóm nghiên cứu cho rằng: khi Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế cần phải bị xoá bỏ bởi nó không còn phù hợp và cần thiết trong nền kinh tế thị trường.

- Cần xây dựng hệ thống các nguyên tắc áp dụng pháp luật.

- Cần đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật về hợp đồng. Điều này đòi hỏi: (i) Đảm bảo được tính thực tế, nghĩa là việc giải thích và hướng dẫn phải giải quyết những vướng mắc của luật, tránh tình trạng lặp lại những quy định của luật một cách cứng nhắc. (ii) Sự hướng dẫn phải trên cơ sở phù hợp và trên tinh thần của điều luật. (iii) Cơ quan giải thích và hướng dẫn phải là những cơ quan có chức năng này theo quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan không có chức năng giải thích nhưng vẫn thực hiện công việc này, gây ra sự thiếu thống nhất, thiếu khoa học trong công tác giải thích và hướng dẫn pháp luật.

Các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đề ra đã cho thấy sự phù hợp với thực tế và xu hướng phát triển khách quan của pháp luật hợp đồng. Các giải pháp này đã được các nhà lập pháp tiếp thu và triển khai trên thực tế thông qua tinh thần xây dựng Bộ luật dân sự sửa đổi, Luật thương mại sửa đổi và các luật này đã được thông qua năm 3005.

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả các giải pháp này, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và đưa ra hơn 60 kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự và 15 kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung Luật thương mại và các vấn đề khác có liên quan và phần lớn các kiến nghị này đã được ban soạn thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, Luật thương mại sửa đổi đưa ra thảo luận, xem xét, cân nhắc và tiếp thu.

Theo đó, một số quy định về hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung (Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005) phù hợp với tinh thần của những kiến nghị này, cụ thể:

1. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định thêm một điều luật về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình (Điều 109), tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể này tham gia các giao dịch dân sự hiệu quả.

2. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn về đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, từ Điều 390 đến Điều 400 (từ Điều 396 đến Điều 399 ở Bộ luật dân sự năm 1995).

3. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bổ sung một điều luật quy định về việc sửa đổi đề nghị của bên chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và xem đây là một đề nghị mới (Điều 395).

4. Đã sửa quy định “không được mời người thứ ba giao kết” ở Điều 396. Trong Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung, đề nghị giao kết hợp đồng đã được quy định tại Điều 390, và điều này được tách thành 2 khoản, khoản 2 đã bỏ quy định “không được mời người thứ ba giao kết”, sửa thành “bên đề nghị giao kết lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”. Như vậy, quy định sửa đổi cho phép bên đề nghị được giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ trả lời nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị nếu có thiệt hại phát sinh. Trong khi đó, Bộ luật dân sự năm 1995 quy định “không được mời người thứ ba giao kết” đã hạn chế khả năng của nhà cung cấp.

5. Mặc dù không trực tiếp quy định rõ hơn về đề nghị giao kết hợp đồng bằng thư điện tử nhưng Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung cũng đã bổ sung những phương thức đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng khác, theo đó có thể hiểu đề nghị giao kết hợp đồng bằng thư điện tử cũng đã được chấp nhận (điểm c khoản 2 Điều 391; khoản 2 Điều 397…).

6. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bổ sung vào khoản 2 Điều 401 (ở Bộ luật dân sự năm 1995 là khoản 2 Điều 400) quy định: “hợp đồng không bị coi là vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức”.

7. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức tại Điều 134 (Điều 139 Bộ luật dân sự năm 1995). Với việc sửa đổi quy định này, việc hợp thức hoá hình thức hợp đồng trên thực tế được thực hiện dễ dàng hơn bởi các bên không thể trốn tránh trách nhiệm theo hợp đồng.

8. Điều 290 Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định nghĩa vụ trả tiền phải thực hiện bằng đồng Việt Nam (khoản 2 Điều 295 Bộ luật dân sự năm 1995).

9. Điều 321 Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định tiền được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải là đồng Việt Nam (khoản 1 Điều 327 Bộ luật dân sự năm 1995).

10. Khoản 2 Điều 320 Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định bổ sung vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai (Điều 326 Bộ luật dân sự năm 1995 chỉ quy định vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm và được phép giao dịch).

11. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn về việc cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

12. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định bên cầm cố phải giao cho bên nhận cầm cố bản gốc giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản cầm cố.

13. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bổ sung biện pháp cầm giữ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (Điều 416).

14. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 138 (Điều 147 Bộ luật dân sự năm 1995). Theo đó đã phân biệt tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký các hạn chế quyền sở hữu.

15. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã bỏ quy định thoả thuận phạt vi phạm phải được lập thành văn bản. (Bộ luật dân sự sửa đổi cũng không quy định phạt vi phạm thành một mục riêng như Bộ luật dân sự năm 1995 nữa mà chỉ quy định trong một điều luật là Điều 422 – thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm).

16. Bộ luật dân sự sửa đổi, bổ sung đã quy định mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận tại khoản 2 Điều 422 (bỏ quy định mức cao nhất không quá 5%).

Như vậy, một số quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở những kiến nghị nhóm nghiên cứu đưa ra trong đề tài. Và ở mức độ nhất định, nó sẽ trở thành những quy định gốc về hợp đồng, có thể áp dụng chung điều chỉnh tất cả các quan hệ hợp đồng.

Tuy nhiên, một số vấn đề được nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị qua quá trình nghiên cứu vẫn chưa được xem xét và tiếp thu, trong đó, có những vấn đề mà nhóm nghiên cứu cho rằng cần thiết phải tiếp tục sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam và để những quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự thực sự trở thành những quy định gốc về hợp đồng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục đề xuất những kiến nghị này cho những lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự tiếp theo. Đó là:

- Bổ sung một điều luật quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng và trách nhiệm của các bên đối với tính trung thực và đầy đủ của thông tin cung cấp.

- Cần phải quy định rõ ràng là việc thể hiện thời hạn trả lời có phải là một bắt buộc của đề nghị giao kết hợp đồng không?

- Cần quy định thêm nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng.

- Bổ sung một điều luật quy định về lãi suất cố định do luật định áp dụng trong trường hợp các bên không thoả thuận về lãi suất.

- Sửa khoản 4 Điều 295 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là Điều 290 Bộ luật dân sự năm 2005): về nguyên tắc, cấm thoả thuận trước về tính lãi mẹ đẻ lãi con nhưng Ngân hàng, Tổ chức tín dụng có thể thông báo trước, đến thời điểm thanh toán mà vốn và lãi không được rút ra thì có thể gộp lãi vào vốn thành một khoản vốn mới.

- Quy định cụ thể các trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ theo hướng chia thành nhiều khả năng không thực hiện được nghĩa vụ.

- Xem xét lại quy định về lỗi khi vi phạm hợp đồng ở Điều 309 Bộ luật dân sự năm 1995 (nay là Điều 308 Bộ luật dân sự năm 2005).

- Bổ sung một điều quy định về việc huỷ bỏ hợp đồng theo ý chí của các bên tham gia hợp đồng, tức là theo thoả thuận.

- Quy định rõ về những tài sản không được dùng làm vật thế chấp, cầm cố, bảo lãnh.

- Quy định rõ những tài sản nào thì phải đăng ký và đăng ký ở đâu, trình tự, thủ tục như thế nào?

- Bộ luật dân sự phải có những quy định thống nhất, đầy đủ về căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

- Bộ luật dân sự nên có quy định về việc miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầy đủ và rõ ràng.

- Trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của khách hàng, do khuyết tật của hàng hoá hay do có đình công quy định trong Điều 169 Luật thương mại cũng chưa được đặt ra trong Bộ luật dân sự. Do đó, Bộ luật dân sự cần quy định về trường hợp miễn trách nhiệm dân sự này.

- Cần quy định bổ sung một số loại hợp đồng trong Bộ luật dân sự để đáp ứng nhu cầu thực tế.

- Bỏ một số loại hợp đồng đã được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật chuyên biệt.

Luật thương mại cũng đã được sửa đổi, bổ sung (Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005). Khi những quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự đã được xem là những quy định gốc về hợp đồng thì Luật thương mại chỉ điều chỉnh quan hệ hợp đồng với tính cách là một văn bản pháp lý chuyên ngành, theo đó những vấn đề không được quy định trong Luật thương mại và các luật khác sẽ được áp dụng bởi quy định của Bộ luật dân sự (khoản 3 Điều 4 Luật thương mại sửa đổi, bổ sung). Một số quy định về hợp đồng trong Luật thương mại cũng đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở những kiến nghị chúng tôi đưa ra trong đề tài, cụ thể như sau:

1. Khái niệm vi phạm hợp đồng đã được quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật thương mại sửa đổi, bổ sung.

2. Luật thương mại đã bổ sung quy định về những trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm (Điều 294, 295).

3. Luật thương mại đã sửa đổi quy định về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài buộc bồi thường thiệt hại ở Điều 307 (trước đây là Điều 234), theo đó nếu các bên có thoả thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm vẫn có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại (Luật thương mại cũ quy định bên có quyền lợi chỉ được lựa chọn một trong hai chế tài là phạt vi phạm hoặc buộc bồi thường thiệt hại nếu các bên không có thoả thuận khác).

4. Luật thương mại sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể hơn về biện pháp huỷ hợp đồng tại Điều 312 (huỷ bỏ toàn bộ hợp đồng và huỷ bỏ một phần hợp đồng).

5. Luật thương mại sửa đổi, bổ sung đã xem xét lại vấn đề lỗi khi vi phạm hợp đồng, lỗi không được đưa ra như một căn cứ bắt buộc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà được suy đoán, tức là khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là đã có lỗi của bên vi phạm.

Tuy nhiên, một số vấn đề đã được nghiên cứu và đề xuất trong quá trình thực hiện đề tài vẫn chưa được tiếp thu trong Luật thương mại sửa đổi lần này, chúng tôi mong muốn vẫn được xem xét và tiếp tục sửa đổi trong lần tới để hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam ngày càng hoàn thiện, bao gồm các vấn đề sau:

- Luật thương mại cần quy định cụ thể về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp.

- Luật thương mại có đề cập đến chủ thể pháp nhân song cũng như Bộ luật dân sự hay Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đều chưa có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về đối tượng này nên phải được sửa đổi, bổ sung.

- Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã ghi nhận nguyên tắc “trực tiếp chịu trách nhiệm bằng tài sản”. Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng kinh tế là quan hệ hàng hóa tiền tệ. Điều đó không chỉ quy định trách nhiệm mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ. Luật dân sự và đặc biệt là Luật thương mại nên đưa quy định này vào điều chỉnh các quan hệ hợp đồng vì suy cho cùng phần lớn các quan hệ hợp đồng đều mang tính chất hàng hoá, tiền tệ.

- Một hạn chế rất cơ bản trong Luật thương mại là không ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng. Vì vậy, khi sửa đổi Luật thương mại cần phải bổ sung nguyên tắc này.

- Luật thương mại cần có những quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng chặt chẽ và đầy đủ như Bộ luật dân sự.

- Luật thương mại không có quy định về những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu, đồng thời cũng không có quy định dẫn chiếu để điều chỉnh vấn đề này. Đây là một lỗ hổng pháp lý gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng Luật thương mại về hợp đồng thương mại. Bởi lẽ, các hợp đồng ký kết trong lĩnh vực thương mại được điều chỉnh bởi các quy định đặc thù về phương thức giao kết, hình thức giao kết, nội dung giao kết cũng như các nguyên tắc thương mại riêng (nguyên tắc về cạnh tranh thương mại hay nguyên tắc đảm bảo lợi ích chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng) nên việc xem xét tính vô hiệu của một hợp đồng trong lĩnh vực này cũng cần thiết phải có những quy định áp dụng đặc thù. Do đó, Luật thương mại sửa đổi, bổ sung cần quy định cụ thể vấn đề này.

- Luật thương mại cần phải thừa nhận nguyên nhân gián tiếp gây ra thiệt hại (khi xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra) để buộc bên gây thiệt hại bồi thường thiệt hại bởi nguyên nhân này đã được thừa nhận trong Bộ luật dân sự.

- Có một nguyên tắc bồi thường là các bên “phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau” chỉ được Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đặt ra mà không có ở Bộ luật dân sự hay Luật thương mại. Việc các bên phải chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp với nhau rất quan trọng trong các hợp đồng mang tính chất trung gian (hợp đồng vận chuyển) nên nếu Luật dân sự hay Luật thương mại không quy định nguyên tắc bồi thường này cũng là một thiếu sót đáng kể./.

 

 

Nội dung toàn văn

PHẦN MỞ ĐẦU

  1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Sau gần hai mươi năm đổi mới, hệ thống pháp luật của nước ta đã có những bước phát triển và hoàn thiện với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của chế định pháp luật về hợp đồng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, thực hiện công cuộc đổi mới pháp luật, chuyển đổi cơ chế tạo hành lang thông thoáng tạo quyền tự chủ, tự do kinh doanh của các chủ thể, nhà nước ta đã tiến hành xây dựng những văn bản pháp luật về hợp đồng ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế được ban hành năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng dân sự ban hành năm 1991 và đến năm 1995, Bộ luật dân sự được ban hành bao gồm 838 điều trong đó có hơn 200 điều quy định về hợp đồng. Đây thực sự là một sự khẳng định tầm quan trọng của chế định hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989 được ban hành trong giai đoạn Đảng và Nhà nước ta đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Có thể nói, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã tạo ra những chính sách pháp luật đầu tiên góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi và sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ đầu.

Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 1995 gồm các điều từ Điều 394 đến Điều 598 (gồm các quy định chung về hợp đồng và 13 loại hợp đồng thông dụng). Ngoài ra vấn đề hợp đồng còn được điều chỉnh bởi các quy định nằm trong các phần khác của Bộ luật Dân sự như Chương V Phần thứ nhất về Giao dịch, Phần thứ năm về chuyển quyền sử dụng đất, Phần thứ sáu về sở hữu trí tuệ, Phần thứ bảy về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Qua thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự cho thấy các quy định pháp luật về hợp đồng tương đối đầy đủ, tiếp thu được tinh hoa lập pháp qua các thời kỳ cũng như thể hiện được đặc thù của dân tộc.

Luật Thương mại năm 1997 có vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài. Luật Thương mại điều chỉnh các giao dịch trong lĩnh vực lưu thông hàng hoá và các dịch vụ liên quan có sự tham gia của thương nhân, bao gồm 14 hành vi thương mại tương ứng 14 loại hợp đồng cơ bản với thủ tục ký kết gọn nhẹ và linh hoạt nhằm giúp các thương nhân nắm bắt thời cơ, thực hiện nhanh các thương vụ.  

Tuy nhiên, do được xây dựng ở các thời kỳ kinh tế xã hội khác nhau nên các quy định của pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Một số văn bản được xây dựng trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế khi các quan hệ được luật điều chỉnh chưa thật ổn định, tư duy làm luật chưa bao quát và dự liệu được các quy luật của sự phát triển, những tác động và đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường. Trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế, xã hội có những bước phát triển nhanh chóng thì hệ thống pháp luật của nước ta đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Pháp luật Việt Nam về hợp đồng cũng không nằm ngoài quy luật đó, các quy định về hợp đồng còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp giữa ba lĩnh vực dân sự, kinh tế và thương mại. Chế định pháp luật về hợp đồng đã bộc lộ một số điểm bất cập và hạn chế cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp như:

- Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự chưa được xác định là quy phạm pháp luật có tính chất chung điều chỉnh các quan hệ được xác lập dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng thoả thuận trong xã hội. Một số vấn đề như khái niệm hợp đồng, hình thức, chủ thể tham gia, phương thức giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết hợp đồng.. cần được quy định chặt chẽ hơn. Một số quy định không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế xã hội. Mặt khác nhiều quy định của Bộ luật dân sự còn thể hiện sự can thiệp khá sâu của Nhà nước vào các giao dịch dân sự, ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các bên.

 - Có sự trùng lặp rất lớn và không cần thiết trong các quy định về hợp đồng (dân sự, kinh tế, thương mại). Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để lập ra các quy định riêng của từng lĩnh vực. Điều này khiến cho hệ thống pháp luật về hợp đồng của chúng ta trở nên cồng kềnh một cách bất hợp lý, làm mất đi tính thống nhất, tính hỗ trợ lẫn nhau và làm giảm hiệu quả của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ hợp đồng.

- Việc phân biệt giữa hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại một cách không rõ ràng đã dẫn đến việc khó khăn, lúng túng, không chuẩn xác cho các cơ quan thi hành pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hợp đồng.

- Từ những bất cập trên đã dẫn đến hệ quả tiếp theo là việc ký kết và thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh trong thời gian qua là rất khó khăn, làm chậm đi quá trình hình thành các giao dịch kinh tế…

Vì vậy việc nghiên cứu, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết nhằm làm rõ những điểm bất cập, hạn chế và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện, khắc phục những điểm bất cập hiện nay.

Trên cơ sở đó chúng tôi chọn đề tài "Pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - những điểm tương đồng, khác biệt và giải pháp hoàn thiện".  

II.MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

- Tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách hệ thống các quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự và thương mại. Từ đó thấy được những điểm bất cập, hạn chế trong các quy định và những vướng mắc trong quá trình thực thi.

- Phân tích và kiến giải những nguyên nhân đó, đồng thời đề xuất những giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu lực thực tế của những quy định pháp luật về hợp đồng, góp phần hoàn thiện chế định pháp luật về hợp đồng trong hệ thống pháp luật nước ta. Từ đó đưa ra một cách nhìn khái quát về xu hướng phát triển của pháp luật về hợp đồng trong thời kỳ hiện nay của Việt Nam.

III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện tốt đề tài và đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, trong quá trình nghiên cứu đề tài đã sử dụng những phương pháp sau đây:

- Phương pháp lịch sử: tiến hành nghiên cứu theo quá trình hình thành, phát triển chế định hợp đồng.

- Phương pháp phân tích, so sánh: Tiến hành phân tích, so sánh các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại theo các tiêu chí nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng; chủ thể các loại hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng... và so sánh pháp luật của Việt Nam và pháp luật của một số nước trên thế giới về hợp đồng .

- Phương pháp khảo sát thực tế: Thâm nhập thực tế để thấy được giá trị thực của những quy định của chế định hợp đồng trong thực tiễn áp dụng, rút ra những điểm tích cực cũng như những mặt còn hạn chế của nó, thấy được sự phản ánh từ thực tế của các chủ thể tham gia các quan hệ hợp đồng đó.

-    Phương pháp tổng hợp: Trên cơ sở những nghiên cứu lý luận và thực tế, tổng hợp các kết quả thu được và đưa ra những kiến nghị trong việc hoàn thiện chế định về hợp đồng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

IV. NỘI DUNG ĐỀ TÀI

Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu đề tài thông qua hệ chuyên đề sau:

  1. Lý luận chung về pháp luật hợp đồng.
  2. Lịch sử pháp luật hợp đồng Việt Nam.
  3. Một số quy định chung về Hợp đồng Dân sự, Kinh tế, Thương mại– những điểm tương đồng và khác biệt.
  4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và hậu quả pháp lý phát sinh từ hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại vô hiệu – những điểm tương đồng và khác biệt.
  5. Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vi phạm hợp đồng trong pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại – những điểm tương đồng và khác biệt.
  6. Thực trạng áp dụng pháp luật hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại ở Việt Nam.
  7. Tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật Hợp đồng của một số nước trên thế giới.

 

 

 

 

 

 

 

 

BÁO CÁO  PHÚC TRÌNH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

 

 

 

PHẦN THỨ NHẤT: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG

 

A- KHÁI NIỆM VÀ BẢN CHẤT CỦA HỢP ĐỒNG

I. KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG

Hợp đồng là một giao dịch dân sự thể hiện ý chí thống nhất của các bên nhằm hướng tới một lợi ích nhất định. Sự tồn tại của hợp đồng là một tất yếu khách quan và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Qua việc nghiên cứu và phân tích khái niệm hợp đồng của một số nước trên thế giới như La Mã, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam,… có thể thấy khái niệm hợp đồng được hiểu một cách thống nhất là sự thoả thuận giữa các bên nhằm đạt được những lợi ích nhất định.

Trong pháp luật La Mã, hợp đồng được coi là hình thức thể hiện của các giao dịch song phương mà việc xác lập chúng có thể trực tiếp làm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ: “Với tư cách như một cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ, hợp đồng chỉ có thể có nếu các bên ký hợp đồng có chủ ý xác lập mối quan hệ trách nhiệm”.1

Điều 1101 Bộ luật dân sự Cộng hoà Pháp đưa ra khái niệm về hợp đồng: "Hợp đồng là sự thoả thuận theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một việc nào đó". Như vậy, hợp đồng được ký kết khi có sự thống nhất về ý chí của hai hay nhiều người, là kết quả của sự dung hoà các lợi ích đối lập nhau.

Hợp đồng trong pháp luật Nhật Bản được định nghĩa là “một loại giao dịch dân sự thể hiện sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên. Mục đích của hợp đồng thông thường làm phát sinh nghĩa vụ”.2

Trung Quốc là một trong những nước có luật riêng quy định về hợp đồng và độc lập với Bộ luật dân sự. Khái niệm về hợp đồng được quy định tại Điều 2 của luật này, theo đó: “Hợp đồng là sự thoả thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể bình đẳng tự nhiên nhân, pháp nhân và các tổ chức khác”.

Trong luật của Mỹ, hợp đồng được định nghĩa như “một thoả thuận có hiệu lực pháp luật”. Theo một định nghĩa đầy đủ hơn thì “hợp đồng là thoả thuận giữa hai hay nhiều bên có mục đích hợp pháp, theo đó mỗi bên hành động theo cách xử sự nhất định hoặc cam kết làm hay không làm một việc theo xử sự đó”.1

Trong Bộ luật dân sự Việt Nam, khái niệm hợp đồng đã được thể hiện tương đối đầy đủ và toàn diện: "Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".2 Quy định này cho thấy sự giống nhau giữa Việt Nam với các nước trong cách nhìn về hợp đồng và những yếu tố cấu thành nó. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: “Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình”.3 Luật thương mại không đưa ra định nghĩa về hợp đồng thương mại mà chỉ có các định nghĩa về “hành vi thương mại”, “hoạt động thương mại” và “thương nhân”. Như vậy, khái niệm hợp đồng không được quy định một cách khái quát trong pháp luật Việt Nam. Khái niệm hợp đồng được thể hiện đầy đủ và toàn diện nhất trong Bộ luật dân sự nhưng khái niệm này lại chỉ đề cập đến hợp đồng dân sự cụ thể mà không quy định chung cho các loại hợp đồng.

Tóm lại, ở các quốc gia khác nhau, tại mỗi thời điểm khác nhau thì khái niệm về hợp đồng có đôi chút khác biệt nhưng bản chất của quan hệ hợp đồng là thống nhất. Nhìn chung, khoa học nhiều nước đều đề cao sự tự do của ý chí trong giao kết hợp đồng và xem xét khái niệm hợp đồng theo ba phương diện: hoặc coi hợp đồng là căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật như luật của Pháp, Trung Quốc hay Việt Nam, hoặc coi hợp đồng là quan hệ pháp luật như Mỹ và Nhật Bản, hoặc coi hợp đồng là hình thức thể hiện quan hệ pháp luật như pháp luật La Mã. Theo quan niệm phổ biến của các nước trên thế giới và ngay cả Việt Nam có sự phân biệt hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại thì hợp đồng vẫn là khái niệm có tính khái quát rất cao liên quan đến những vấn đề pháp lý rộng lớn, đó là nghĩa vụ dân sự, quyền dân sự mà không bị hạn chế do sự tách bạch giữa dân sự hay kinh tế hay thương mại, giữa mục đích sản xuất kinh doanh hay sinh hoạt tiêu dùng. Trong pháp luật Việt Nam, mặc dù Luật thương mại không đưa ra khái niệm về hợp đồng trong khi Bộ luật dân sự và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chỉ đề cập đến khái niệm hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế nhưng cũng có thể xem khái niệm về hợp đồng trong Bộ luật dân sự là khái niệm chung cho các loại hợp đồng.

II. BẢN CHẤT CỦA HỢP ĐỒNG

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hợp đồng và ở mỗi nước, tuỳ theo độ tương hợp mà các khía cạnh của hợp đồng sẽ được chú trọng tới ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả những khái niệm cũng như nhận định về hợp đồng ở hầu hết các quốc gia đều phản ánh một quan niệm thống nhất về hợp đồng. Và trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam, cả Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đều quan niệm giống nhau về bản chất của hợp đồng. Đó chính là sự gắn kết chặt chẽ của hai yếu tố:

Thứ nhất là sự thoả thuận: Đây là yếu tố thể hiện sự thống nhất trong việc bày tỏ ý chí của các bên, theo đó nội dung và các vấn đề khác của hợp đồng được hình thành.

Thứ hai là mục đích của sự thoả thuận: Mục đích của việc thiết lập quan hệ hợp đồng là nhằm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ; làm thay đổi quyền và nghĩa vụ hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ.

Mọi quan hệ đảm bảo các yếu tố trên về bản chất đã được coi là quan hệ hợp đồng không phụ thuộc vào mục đích ký kết, chủ thể tham gia hay hình thức thể hiện. Ngoài ra, khái niệm và các quy phạm pháp luật hợp đồng của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phản ánh các quan điểm lý luận về sự tự do ý chí trong thoả thuận hợp đồng như là một căn cứ xác lập và cấu thành nên bản chất của quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề tự do ý chí trong hợp đồng cần được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý mới có thể phản ánh đúng đắn bản chất của hợp đồng.

Quyền tự do ý chí trong giao kết hợp đồng hiện nay có nguồn gốc từ thuyết tự do ý chí trong giao kết hợp đồng thế kỷ thứ XVIII và nằm trong hệ thống các quan điểm của nền triết học ánh sáng. Thuyết tự do ý chí trong giao kết hợp đồng xuất phát từ quan điểm cho rằng ý chí của con người là tối thượng và tự do, chỉ có các hành vi xuất phát từ ý chí của một người mới có hiệu lực ràng buộc đối với người đó. Mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng nhằm thoả mãn những lợi ích riêng của mình trong phạm vi phù hợp với lợi ích chung là sự dung hoà các lợi ích đối lập nhau. Như vậy, theo thuyết này, tự do hợp đồng là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và tôn trọng các hình thức hợp đồng là nét đặc trưng của cuộc sống văn minh. Quyền tự do ý chí là một yếu tố cơ bản làm cho hợp đồng có hiệu lực và được thể hiện ở mọi giai đoạn của quá trình tham gia quan hệ hợp đồng: từ giao kết đến thực hiện và chấm dứt hợp đồng.

Ở Việt Nam, Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đều đã thừa nhận quyền tự do giao kết hợp đồng của các chủ thể. Theo nguyên tắc này, mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ tư cách chủ thể đều có quyền giao kết hợp đồng theo ý họ. Tính “tự nguyện” của người tham gia giao dịch ở đây được hiểu là do ý thức chủ quan của chủ thể đó định đoạt mà không hề có bất kỳ sự đe doạ, cưỡng ép, lừa dối nào. Để có được sự tự nguyện trong giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên phải thực sự bình đẳng, tự do trong giao kết để có thể đạt được sự nhất trí, hay còn gọi là sự thống nhất ý chí. Khi nói đến Nhật Bản chúng ta thấy rằng: một trong những nguyên tắc chính, mang tính chỉ đạo chung trong pháp luật hợp đồng Nhật Bản là nguyên tắc tự do hợp đồng. Đây là nguyên tắc có tính bao trùm, trực tiếp và đặc thù của chế định hợp đồng ở Nhật Bản. Pháp đưa ra quyền tự do thoả thuận hợp đồng của các chủ thể bằng việc quy định rõ nét các trường hợp vi phạm quyền tự do thoả thuận khiến hợp đồng vô hiệu. Pháp luật Mỹ cũng nêu ra hai yêu cầu cơ bản để đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực. Đó là: sự thể hiện ý chí giao kết hợp đồng và tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng. Như vậy, pháp luật Mỹ rất tôn trọng quyền tự do giao kết của các chủ thể và coi đó là điều kiện để đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực. Nếu thiếu ý chí muốn xác lập các nghĩa vụ pháp lý của bên đưa ra đề nghị thì đề nghị đó không được coi là chào hàng và không dẫn đến trách nhiệm của người đã đưa ra nó.

Các nước dù theo hệ thống luật Anh - Mỹ hay dân luật đều thống nhất thừa nhận quyền tự do ý chí trong giao kết hợp đồng. Không những thế, quyền tự do ý chí của các chủ thể còn được thể hiện ở quyền sửa đổi, chấm dứt hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quyền tự do ý chí trong hợp đồng không phải là tuyệt đối mà trên thực tế, pháp luật của hầu hết các nước đều có sự giới hạn quyền tự do ý chí của các chủ thể nhằm đảm bảo lợi ích và trật tự công cộng, đảm bảo sự bình đẳng và hài hoà về lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội. Mặc dù vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng xuất phát từ điều kiện kinh tế- văn hoá- chính trị- xã hội cũng như lịch sử lập pháp của mỗi nước khác nhau đã dẫn đến quy định pháp luật hiện hành về chế định hợp đồng ở mỗi nước cũng khác nhau. Mặc dù có sự thống nhất về cơ bản trong việc giới hạn quyền tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng nhưng mức độ, cách thức thể hiện của mỗi nước rất đa dạng, muôn vẻ. Chúng ta có thể thấy rõ nét hơn vấn đề này khi đi sâu nghiên cứu pháp luật ở từng nước.

Luật hợp đồng Trung Quốc trong Điều 45 quy định về hợp đồng có kèm theo điều kiện có hiệu lực cũng ghi nhận: “… Nếu đương sự vì lợi ích của riêng mình mà ngăn cản một cách không chính đáng điều kiện hình thành, thì được coi là điều kiện đã hình thành; nếu thúc đẩy một cách không chính đáng điều kiện hình thành, thì được coi là điều kiện chưa hình thành”. Đây là một quy định thể hiện rõ nét sự hạn chế ý chí chủ quan của các chủ thể nhằm tạo ra sự lành mạnh trong việc thực hiện hợp đồng. Điều này là hợp lý. Bởi lẽ, mỗi cá nhân không thể vì lợi ích của riêng mình mà gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Hay như Điều 7 Luật Hợp đồng Trung Quốc cũng quy định rất rõ ràng: “Đương sự lập, thực hiện hợp đồng cần tuân thủ luật pháp, pháp quy hành chính, tôn trọng đạo đức xã hội, không được gây rối trật tự kinh tế xã hội, gây tổn hại tới lợi ích chung của xã hội”. Ngoài ra, quyền thay đổi và chuyển nhượng hợp đồng của các chủ thể cũng bị giới hạn trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật. Ví dụ Điều 79 Luật hợp đồng: “Chủ nợ có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền lợi của hợp đồng cho người thứ ba, trừ các trường hợp dưới đây: ... Theo quy định của luật pháp không thể chuyển nhượng”. Hợp đồng cũng có thể bị chấm dứt do pháp luật quy định (Điều 91).

Chúng ta sẽ xem xét quy định của pháp luật Hoa Kỳ về việc giới hạn quyền tự do ý chí trong giao kết hợp đồng. Theo pháp luật Hoa Kỳ, hợp đồng được giao kết trên cơ sở sự đề nghị và chấp nhận đề nghị. Về nguyên tắc, các chủ thể được tự do giao kết hợp đồng nhưng trong một số trường hợp nhất định quyền tự do giao kết đó bị giới hạn. Cụ thể như sau:

Đề nghị giao kết hợp đồng ở Hoa Kỳ về cơ bản được thay đổi hoặc rút lại vào bất kỳ thời điểm nào trước khi được người nhận chấp nhận. Nhưng luật một số bang quy định có những đề nghị giao kết hợp đồng không rút lại được. Điều 2-205 UCC quy định: Các chào hàng bằng văn bản được ký bởi thương nhân hứa không huỷ ngang thì không được rút lại trong thời hạn đã cam kết, hoặc trong một thời hạn hợp lý không quá ba tháng, nếu không cam kết chi tiết trong chào hàng. (Quy định này tương đối giống với khoản 1 Điều 53 Luật Thương mại Việt Nam). Đề nghị giao kết hợp đồng cũng không thể bị huỷ ngang nếu đề nghị đã biết trước rằng: người nhận sẽ phải dựa vào đề nghị của mình. Ví dụ nhà thầu phụ đã chào hàng cho nhà thầu chính, người này đã dựa trên các thông số của thầu phụ mà lập nên chào hàng tổng hợp để gửi cho bên giao thầu. Trong trường hợp này, thầu phụ không được rút lại chào hàng của mình trong một thời gian hợp lý. Đối với chủ thể chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng cũng vậy. Về nguyên tắc, bên nhận được tự do quyết định có nhận giao kết hay không. Nhưng trong một số trường hợp nhất định vì lợi ích công cộng, pháp luật Hoa Kỳ hạn chế quyền tự do của các bên. Ví dụ ba ngoại lệ:

-           Nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công đối với nhà ở và tiện ích công cộng khác.

- Giao kết hợp đồng không phân biệt đối xử: Nếu nhiều người bất kỳ cùng đề nghị giao kết hợp đồng thì người nhận không được vì lý do sắc tộc, màu da, tôn giáo hay quốc tịch mà từ chối hợp đồng.

-           Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Để hạn chế việc các nhà cung cấp quảng cáo sai sự thật, pháp luật nhiều bang quy định: người có hàng hoá, dịch vụ có nghĩa vụ phải bán những hàng hoá, dịch vụ đã quảng cáo.

Quy định trên của pháp luật Hoa Kỳ có nét tương đồng với các nước theo truyền thống dân luật.

Mặc dù ở Nhật Bản, nguyên tắc tự do hợp đồng được coi là nguyên tắc chính, cơ bản trong hệ thống pháp luật nhưng chúng cũng bị hạn chế trong những trường hợp nhất định nhằm hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và còn nhằm đảm bảo quyền tự do cá nhân. Thứ nhất, trong một số trường hợp người nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải chấp nhận đề nghị đó. Ví dụ các xí nghiệp độc quyền về cung cấp điện, chất đốt, giao thông vận tải… (Điều 85 Sắc lệnh về xí nghiệp phục vụ lợi ích công cộng, Điều 16 của Luật về cung cấp chất đốt, Điều 6 của Luật vận tải đường sắt…). Thứ hai, việc tự do xác định nội dung của hợp đồng cũng có phần bị hạn chế trong một số trường hợp. Ví dụ: theo các văn bản quy định về tiền thuê đất, thuê nhà ở thì việc tự do xác định tiền thuê bị hạn chế, lãi suất cũng bị hạn chế theo quy định của đạo luật hạn chế lãi suất và các biện pháp tạm thời điều chỉnh lãi suất.

Bộ luật dân sự Pháp cũng đưa ra những quy định khá hoàn chỉnh về vấn đề này. Điều 1165 quy định: “Hợp đồng chỉ có hiệu lực giữa các bên giao kết; hợp đồng không thể gây hại cho người thứ ba và chỉ có thể làm lợi cho người thứ ba trong trường hợp quy định tại Điều 1121”. Hay Điều 1172 Bộ luật dân sự Pháp có quy định về hợp đồng có điều kiện như sau: “Mọi điều khoản về một cái gì đó không thể có được hoặc trái với thuần phong mỹ tục hoặc bị pháp luật cấm đều vô hiệu và làm cho hợp đồng lệ thuộc vào điều kiện ấy cũng vô hiệu”.

  Nhìn nhận một cách khách quan toàn bộ quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở các nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy rằng: cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội thì các quy định của pháp luật không còn thuần tuý chịu ảnh hưởng của thuyết tự do ý chí nữa mà ngày càng mang nhiều tính trật tự công. Bên cạnh bản chất tự nhiên của hợp đồng là sự tự do thoả thuận thì hầu hết các quốc gia trong cả hai hệ thống dân luật và thông luật đều có xu hướng hài hoà việc tự do ký kết hợp đồng với các lợi ích công. Điều này như một tất yếu khách quan để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội theo chiều hướng ổn định hơn, hài hoà các lợi ích trong xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản thì bản chất tự nhiên của hợp đồng – là kết quả của sự ưng thuận nhằm đạt được mục đích của các bên giao kết – vẫn luôn được tôn trọng, thừa nhận và đảm bảo. So với thế giới, pháp luật Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật XHCN và dân luật. Do đó, tính tự do ý chí không cao. Tuy nhiên, từ khi Đảng, Nhà nước thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và nền kinh tế thị trường phát triển thì pháp luật Việt Nam cũng đã có những tiến bộ, những thích nghi mới để phù hợp hơn với xu hướng chung của thế giới. Mặc dù Pháp lệnh hợp đồng kinh tế còn nhiều hạn chế, không tôn trọng đầy đủ quy luật khách quan và bản chất thực sự của hợp đồng song các quy định của Bộ luật dân sự và Luật Thương mại phần nào tiến bộ hơn. Dự thảo Bộ luật dân sự mới chắc chắn sẽ có những thay đổi hợp lý hơn.

Tóm lại, mặc dù mới chỉ đề cập đến những vấn đề lý luận mang tính khái quát nhất về hợp đồng nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng: chỉ trên cơ sở hiểu đúng và tôn trọng bản chất đích thực của hợp đồng; pháp luật mới có những quy định hợp lý, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước cũng như phát huy khả năng giao lưu, hoà nhập với pháp luật hợp đồng trên thế giới. Và pháp luật hợp đồng Việt Nam mặc dù có sự phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại nhưng cơ bản vẫn thống nhất trong cách nhìn nhận về bản chất của hợp đồng. Đây chính là ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất của việc tìm hiểu những vấn đề lý luận chung về hợp đồng.

 

B- LỊCH SỬ PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

Tìm hiểu lịch sử pháp luật hợp đồng Việt Nam qua các thời kỳ, chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát hơn, liền mạch hơn; đồng thời thấy được đặc trưng, xu hướng riêng của pháp luật hợp đồng, từ đó có cơ chế điều chỉnh thích hợp. Chúng ta sẽ xem xét đặc điểm pháp luật hợp đồng Việt Nam qua các thời kỳ: phong kiến, thực dân và từ sau cách mạng tháng Tám đến nay.

I. PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG THỜI KỲ PHONG KIẾN, THỰC DÂN

1. Pháp luật hợp đồng thời kỳ phong kiến

Trong thời kỳ này, pháp luật hợp đồng nước ta thể hiện tập trung nhất trong hai Bộ luật: Bộ Quốc triều hình luật và Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật.

1.1. Bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức)

Bộ luật này được ban hành lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Sau đó bộ luật này đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Dù không quy định thành nguyên tắc nhưng trong tinh thần các điều luật đã thể hiện những nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng hết sức tiến bộ như tự do, tự nguyện giao kết, các bên bình đẳng với nhau, không được ép buộc hay lừa dối người khác giao kết. Trong Bộ luật Hồng Đức không sử dụng khái niệm hợp đồng hay khế ước mà dùng một số khái niệm cụ thể như mua, bán, cho, cầm cố… và sử dụng khái niệm có tính khái quát hơn đó là văn khế. Mặc dù không có khái niệm về khế ước trong Bộ luật Hồng Đức nhưng khi phân tích một số quy định liên quan đến khế ước thì thấy rõ yếu tố “thuận mua, vừa bán” thể hiện tư tưởng “thoả thuận” giữa các bên: “Người nào ức hiếp để mua ruộng của người khác thì bị biếm hai tư 1 và cho lấy lại tiền mua” (Điều 355); “người tá điền đã cấy nhờ ruộng của người khác thì không thể coi đó là ruộng của mình mà phải trả lại cho người chủ ruộng” (Điều 356). Qua các quy định đó cho thấy các nhà làm luật thế kỷ XV đã quan tâm đến yếu tố tự nguyện, bình đẳng trong giao kết khế ước và đòi hỏi các bên phải thực hiện đúng thoả thuận. Quan điểm này rất tiến bộ và đến nay vẫn phù hợp.

Trong Bộ luật Hồng Đức không có các quy định mang tính khái quát về chủ thể tham gia giao kết khế ước. Nhưng khi xem xét các quy định về một số khế ước cụ thể cho thấy về chủ thể của quan hệ khế ước trong Bộ luật Hồng Đức còn có sự phân biệt nam, nữ, trong đó nam giới có ưu thế hơn. Ngoài ra, không phải ai cũng có thể giao kết khế ước mà chỉ những người có quyền thế, có tài sản và ở vào một lứa tuổi nhất định mới được giao kết khế ước. Trong các khế ước nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của gia đình thì cha mẹ giữ một vai trò quan trọng, đặc biệt là người cha, ví dụ: đối với tài sản của cha mẹ thì chỉ cha mẹ được bán, con cái bán tài sản của cha mẹ thì bị xử phạt rất nặng (Điều 378 Bộ luật Hồng Đức). Ngoài ra, người trưởng họ cũng có quyền quyết định trong một số khế ước liên quan đến điền sản, ví dụ: người trưởng họ có quyền bán điền sản của con cháu trong trường hợp ông bà, cha mẹ đều chết và có lý do chính đáng (Điều 379 Bộ luật Hồng Đức).

Pháp luật thời Lê cũng quy định hình phạt cho các vi phạm khế ước theo mức độ nặng nhẹ hết sức công bằng, không phân biệt giai cấp, tầng lớp như trượng, roi, biếm một tư hoặc hai tư… Ngoài ra, trong một số trường hợp nếu vi phạm pháp luật các bên còn phải chịu trách nhiệm tài sản như bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản hoặc bị phạt tiền, ví dụ: Điều 378 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Cha mẹ còn sống mà bán trộm điền sản, con trai thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, con gái thì bị xử phạt 50 roi, biếm một tư, phải trả nguyên tiền cho người mua, điền sản trả cha mẹ”. Các hình thức trách nhiệm này hiện nay được quy định trong Bộ luật dân sự dưới khái niệm chung là trách nhiệm dân sự.

Về hình thức của khế ước, Bộ luật Hồng Đức quy định các bên không cần lập văn bản đối với những khế ước đơn giản, có giá trị pháp lý thấp hoặc ít quan trọng, ví dụ: mua bán lương thực, thực phẩm với một số ít hoặc vay một khoản tiền nhỏ trong một thời gian ngắn. Song trong Bộ luật Hồng Đức có quy định về hình thức văn tự đối với những tài sản có giá trị tương đối lớn, không phân biệt động sản hay bất động sản (như nhà ở, ruộng, vườn, đất ở, trâu, bò…). Văn tự là bằng chứng để chứng minh khi xảy ra tranh chấp (Điều 366 Bộ luật Hồng Đức). Nhưng có một điểm hạn chế là các bên chỉ lập một bản và do một bên giữ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nếu một bên cố ý huỷ văn tự để có lợi cho mình hoặc văn tự bị mất, bị hư hang do sự kiện tự nhiên thì bên kia sẽ khó khăn trong việc chứng minh quyền lợi khi có tranh chấp.

Bộ luật Hồng Đức còn quy định trong trường hợp người giao kết không biết chữ thì có thể nhờ người khác viết thay và phải có người chứng kiến để đảm bảo tính khách quan. Sau đó người viết thay và người chứng kiến đều phải ký vào văn tự (Điều 366 Bộ luật Hồng Đức). Bộ luật Hồng Đức đã chú trọng bảo đảm tính khách quan, công minh trong quan hệ khế ước nên đã khẳng định vai trò của người viết thay và người chứng kiến, quy định trách nhiệm của người chứng kiến khi vi phạm nghĩa vụ của mình: “Nếu lập văn tự giả mạo có kèm theo sự tranh giành tài sản thì người chủ và người viết thay phải bồi thường gấp đôi số tài sản tranh chấp, con người làm chứng phải bồi thường một phần ba” (Điều 534 Bộ luật Hồng Đức). Việc mua bán cũng phải tuân theo một trình tự nhất định, thể hiện sự quản lý của bộ máy quan lại thời bấy giờ, ví dụ: việc mua nô tỳ phải lập thành văn tự, sau đó phải trình quan để xét hỏi lại (Điều 363 Bộ luật Hồng Đức).

Pháp luật thời Lê cũng thể hiện tư tưởng nhân đạo trong các quy định bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế về kinh tế và xã hội trước những thế lực mạnh về kinh tế hay những người có quyền thế trong giao kết, thực hiện khế ước. Ngoài ra pháp luật thời kỳ này cũng còn có những quy định bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ an ninh đất nước và chủ quyền của quốc gia trong nội dung của khế ước. Theo quan niệm về thuần phong mỹ tục thời bấy giờ thì mọi khế ước, giao kèo đều phải tôn trọng quyền của người gia trưởng, nếu xâm phạm thì vô hiệu. Chủ quyền của quốc gia đối với đồng tiền đã được Bộ luật Hồng Đức đề cập tới. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ, Bộ luật Hồng Đức quy định việc bán hàng với giá quá cao hoặc đóng cửa không bán hàng đều bị cấm: “Những người từ chối không tiêu tiền đồng bị sứt mẻ, cùng là đòi giá hàng quá cao mới bán hay là đóng cửa hàng không bán để bán dấu trong nhà thì đều phải tội hạ bậc và bắt diễu đi trước công chúng 3 ngày. Những hàng hoá nói trên bị tịch thu sung công. Những người cậy quyền thế mua hàng, ức hiếp thì cũng bị tội như thế” (Điều 198 Bộ luật Hồng Đức).

Nhìn chung, Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định về khế ước mang tính tiến bộ, cho đến nay vẫn còn phù hợp như quy định về nguyên tắc tự nguyện, không được lừa dối khi giao kết khế ước, nếu có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm theo nhiều mức độ khác nhau. Bộ luật Hồng Đức có một số quy định bảo vệ phụ nữ, bảo vệ người yếu thế về kinh tế và địa vị xã hội. Trong một số trường hợp, Bộ luật Hồng Đức còn có những quy định bảo vệ thuần phong mỹ tục, trật tự công cộng, bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước.

Tuy có những điểm tiến bộ nhất định nhưng các quy định về khế ước trong Bộ luật Hồng Đức còn tản mạn, không có hệ thống, chưa có các khái niệm pháp lý chuẩn mực, gây khó khăn cho người tra cứu, sử dụng. Cách quy định này thường được thể hiện qua các tình huống cụ thể nên chưa có tính khái quát cao không thể áp dụng chung cho mọi trường hợp. Bên cạnh đó, do tư tưởng Nho giáo chi phối nên trong các quy định về khế ước của nhà Lê còn mang tính bất bình đẳng nam nữ, đề cao vai trò của người gia trưởng trong gia đình. Hạn chế này dẫn đến việc một số chủ thể (người phụ nữ,…) không được hưởng quyền giao kết hợp đồng.

Ngoài ra việc áp dụng hình phạt để xử lý các vi phạm khế ước là một hạn chế mang tính lịch sử của Bộ luật Hồng Đức. Điều đó cho thấy pháp luật thời đó chưa có sự phân biệt giữa luật hình và luật dân. Theo đó các quan hệ dân sự mang tính chất tài sản, tính bình đẳng thoả thuận nhưng lại có sự can thiệp rất sâu sắc từ phía nhà nước và áp dụng các chế tài hình sự mang nặng tính trừng phạt hơn là phục hồi các quan hệ.

1.2. Bộ luật Gia Long

Đây là bộ luật được ban hành dưới triều Nguyễn, ban hành năm 1812, được soạn thảo trên cơ sở sao chép các quy định của bộ Đại Thanh luật lệ của triều Thanh (Trung Hoa). Nhìn chung, các quy định về khế ước trong Bộ luật Gia Long không có tính khái quát mà mang tính chất cụ thể, cho nên còn tản mạn và thiếu nhiều vấn đề cần được điều chỉnh. Cũng như trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long không sử dụng khái niệm khế ước mà dùng các khái niệm cụ thể như mua, bán, vay nợ, thuê tài sản…

Bộ luật Gia Long quy định chủ thể giao kết khế ước phụ thuộc vào lứa tuổi, quan hệ tài sản và quan hệ trong gia đình, trong xã hội. Con cháu, kể cả người đã thành niên hoặc chưa thành niên dưới quyền của người gia trưởng không được phép có tài sản riêng, do không có khả năng thanh toán nên họ không được giao kết các khế ước có liên quan đến tài sản của gia đình nếu không được người gia trưởng cho phép. Trong gia đình phong kiến, người vợ không được bình đẳng với chồng. Bộ luật Gia Long quy định chỉ người chồng mới được đứng tên giao kết những khế ước liên quan đến tài sản của gia đình hoặc nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của gia đình. Tuy nhiên, điểm tiến bộ hơn so với Bộ luật Hồng Đức là Bộ luật Gia Long quy định trong một số khế ước quan trọng như mua bán, vay mượn tài sản thì người vợ cũng được cùng chồng giao kết các khế ước đó.

Những người không có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình như người điên, thác loạn tinh thần thì không được giao kết khế ước, kể cả lúc họ còn tỉnh táo hoặc trong nhiều năm sau khi không còn dấu hiệu tâm thần vẫn không được giao kết khế ước (Điều 261 Bộ luật Gia Long). Quy định này tỏ ra quá khắt khe, hạn chế quyền của cá nhân trong việc giao kết các khế ước nhằm tổ chức cuộc sống của mình.

Về hình thức của khế ước, trong thực tế khi giao kết các khế ước có đối tượng là tài sản có giá trị lớn như ruộng đất, nhà ở, trâu bò… hoặc là một số tiền lớn thì các bên thường lập thành văn bản để làm bằng chứng, giao cho người trái chủ giữ hoặc điểm chỉ trong trường hợp không biết chữ. Nhưng trong Bộ luật Gia Long không có quy định về hình thức của khế ước. Đây là điểm khác biệt trong quy định về khế ước của Bộ luật Gia Long so với Bộ luật Hồng Đức.

Quy định về khế ước trong Bộ luật Gia Long đã thừa nhận quyền tự do giao kết khế ước, tôn trọng thuần phong mỹ tục và trật tự công cộng; các bên phải thực hiện khế ước đúng như đã cam kết và không được trái pháp luật; người vi phạm phải chịu trách nhiệm. Người có nghĩa vụ trong khế ước chỉ được miễn thực hiện nghĩa vụ của mình trong trường hợp bất khả kháng (Điều 135 Bộ luật Gia Long). Đây là những quy định có thể nói là tiến bộ và còn nguyên giá trị đến bây giờ.

Bộ luật Gia Long không có quy định chung về khế ước vô hiệu mà chỉ quy định trong một số trường hợp cụ thể đối với các khế ước quan trọng như mua bán, trao đổi, vay nợ… Theo đó, khế ước vô hiệu do có hành vi phi pháp hoặc lừa dối (Điều 137) hoặc khế ước vô hiệu do cưỡng bức (Điều 317).

Bộ luật Gia Long cũng không thể tránh khỏi những hạn chế mang tính lịch sử của nó, đó là tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong gia đình, trong xã hội và trong việc giao kết khế ước.

Như vậy, luật pháp thời phong kiến chưa có sự phân hoá thành các ngành luật chuyên biệt mà tất cả các quan hệ chủ yếu đều được điều chỉnh tập trung trong một văn bản luật pháp và mang nặng tính chất của luật hình. Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long quy định rất chung về hợp đồng và không có sự phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế hay hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cũng như các ngành luật điều chỉnh tương ứng do nền kinh tế thời kỳ này chưa thực sự phát triển và quan hệ hợp đồng chỉ bó hẹp ở một số giao dịch nhỏ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày.

2. Pháp luật hợp đồng thời kỳ Pháp thuộc (1858 - 1945)

Đây là thời kỳ đất nước ta bị chia cắt thành ba miền. Thực dân Pháp cho ban hành ba Bộ dân luật để thi hành tại mỗi miền của đất nước. Đó là: Bộ Dân luật Bắc kỳ ban hành năm 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ ban hành năm 1936 và Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ ban hành năm 1883. Trong các bộ luật nêu trên đều có các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự Trung kỳ có các quy định để điều chỉnh quan hệ dân sự trọn vẹn và tốt hơn cả. Bộ luật này gồm 1709 điều, trong đó riêng phần nghĩa vụ và khế ước gồm 940 điều. Bộ luật dân sự Trung kỳ được xây dựng tương đối công phu, trong đó có một số quan điểm cơ bản và quy định rất tiến bộ. Bộ luật đã nêu được khái niệm pháp lý về khế ước (Điều 680 quy định: “Khế ước là một hiệp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hay nhiều người khác để chuyển giao, để làm hay không làm cái gì”). Khái niệm này có bản chất giống với khái niệm hợp đồng trong Bộ luật dân sự 1995. Bộ luật dân sự tôn trọng quyền tự do ý chí, định đoạt của các bên trong giao kết khế ước. Bên cạnh đó, nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là một tiến bộ so với các Bộ luật cũ (các Bộ luật cũ áp dụng chế tài hình sự). Bộ luật dân sự Trung kỳ có nhiều quy định chi tiết, bố cục rành mạch, thuận lợi cho việc vận dụng, tra cứu. Phương pháp điều chỉnh của Bộ luật rất hiện đại và giống Bộ luật dân sự một số nước trên thế giới như Pháp, Đức… Tuy nhiên, Bộ luật chưa thực sự bảo đảm quyền bình đẳng của người phụ nữ trong giao dịch dân sự, sử dụng nhiều từ cổ nên còn khó khăn trong việc nghiên cứu. Đồng thời, các quy định khá sơ sài chưa bao quát hết các quan hệ hợp đồng (ví dụ: chưa có quy định về chủ thể hợp đồng là tổ chức).

Nhìn chung, nội dung của các quy định trong ba Bộ dân luật đều cho thấy pháp luật về hợp đồng được áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh mà không có sự phân biệt trên cơ sở chủ thể hay mục đích. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những tư tưởng tự do hoá thương mại và đặc biệt dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Luật thương mại Pháp, năm 1942 theo chiếu dự số 46 ngày 12/6/1942, chính quyền Nam triều Bảo Đại đã ban hành Bộ luật thương mại áp dụng tại Trung phần. Bộ luật này điều chỉnh các hành vi thương mại của các thương nhân. Song, sự xuất hiện của Bộ luật thương mại thời kỳ này cũng không nhằm phân tách các quan hệ thương mại một cách độc lập với quan hệ dân sự và các quy định pháp luật về hợp đồng nhìn chung vẫn nằm trong một thể thống nhất.

II.PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG THỜI KỲ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN NAY

1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 97/SL tuy vẫn cho phép tiếp tục áp dụng các luật lệ cũ nhưng với điều kiện không được trái với các nguyên tắc của Sắc lệnh này. Sắc lệnh này đã đặt cơ sở cho sự hình thành và phát triển của pháp luật dân sự mới ở nước ta nói chung, trong đó có những quy định liên quan đến hợp đồng nói riêng. Các nguyên tắc thực sự dân chủ và tiến bộ của Sắc lệnh vẫn còn nguyên ý nghĩa đến ngày nay. Ví dụ Điều 1: “Những quyền dân sự đều được pháp luật bảo vệ khi người ta hành xử nó đúng với quyền lợi của nhân dân”. Hay Điều 12 quy định: “Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân”.

Từ năm 1954 đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền. Ở miền Nam dưới chế độ nguỵ quyền miền Nam, quan hệ hợp đồng tiếp tục được điều chỉnh chủ yếu bằng quy định của Bộ luật dân sự Trung kỳ và Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ. Sau này, quan hệ hợp đồng được điều chỉnh chủ yếu bởi 2 đạo luật: Bộ luật dân sự Sài Gòn 1972 và Bộ luật Thương mại. Ở miền Bắc, bên cạnh Bộ dân luật Bắc kỳ còn có Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh số 735/TTg ngày 10/4/1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đến 1959, Toà án nhân dân tối cao đã ra chỉ thị số 772-CT/TATC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến. Với chỉ thị này, toàn bộ các luật lệ phong kiến trước đây đều bị đình chỉ áp dụng ở miền Bắc.

2. Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1988

Năm 1960 lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện khái niệm hợp đồng kinh tế – một loại hình hợp đồng tồn tại độc lập và song song với hợp đồng dân sự. Khái niệm hợp đồng kinh tế được bắt đầu sử dụng trong Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành năm 1960. Trước đó, hợp đồng kinh tế được quy định dưới khái niệm “hợp đồng kinh doanh” theo quy định của Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 735/TTg ngày 10/04/1956.

Ngày 10/3/1975, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/CP ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế. Tiếp theo sau đó là một số Thông tư, Thông tư liên bộ của các Bộ, ban, ngành để hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định này trong từng lĩnh vực cụ thể. Như vậy, cùng với sự phân tách ngành luật kinh tế ra khỏi luật dân sự thì đồng thời cũng có sự phân tách trong pháp luật về hợp đồng thành pháp luật hợp đồng dân sự và pháp luật hợp đồng kinh tế. Thêm vào đó, hệ thống các thiết chế nhằm xây dựng, thực thi các quy định pháp luật của các ngành luật kinh tế và dân sự cũng được hình thành. Các tranh chấp về dân sự vẫn được giải quyết tại Toà án và tranh chấp, vi phạm về hợp đồng kinh tế được giải quyết theo thủ tục tố tụng riêng về trọng tài tại cơ quan Trọng tài kinh tế nhà nước. Đây là thời điểm đánh dấu sự phân tách một cách hoàn toàn giữa ngành luật kinh tế và dân sự nói chung cũng như pháp luật về hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự nói riêng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Và sự khác biệt giữa các quy định pháp luật điều chỉnh những quan hệ hợp đồng vốn có cùng bản chất cũng được hình thành từ đây.

3. Giai đoạn từ năm 1989 đến nay

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế được ban hành ngày 25/9/1989, trong giai đoạn Đảng và Nhà nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới sau Đại hội lần thứ VI. Pháp lệnh là công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, các quan hệ kinh tế được thiết lập và thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hoá; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, đề cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ kinh tế, giữ vững trật tự kỷ cương, tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều quy định của Pháp lệnh này đã không còn phù hợp và không đáp ứng được với yêu cầu của tình hình thực tế, điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho Toà án khi vận dụng. Bên cạnh Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, ngày 7/5/1991 Chủ tịch Hội đồng nhà nước đã công bố Pháp lệnh hợp đồng dân sự và các quy định đó đã được kế thừa và phát triển trong các quy định về hợp đồng của Bộ luật dân sự năm 1995.

Từ khi có Pháp lệnh hợp đồng kinh tế cho đến trước khi Bộ luật dân sự ra đời thì sự khác biệt cơ bản nhất giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự chính là mục đích ký kết hợp đồng. Nếu mục đích ký kết hợp đồng kinh tế là nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì mục đích của hợp đồng dân sự chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến khi Bộ luật dân sự ra đời (được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995 và có hiệu lực từ ngày 01/7/1996) thì ranh giới giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự càng trở nên mong manh và khó xác định. Có thể nói khái niệm hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự đã bao trùm lên cả khái niệm về hợp đồng kinh tế trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự có một số ưu điểm như đa số các quy định khá tiến bộ và phù hợp với thực tế, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng. Đó là tự do giao kết hợp đồng nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và ngay thẳng. Hầu hết các quy định đều đơn giản, dễ hiểu, thuận tiện cho việc áp dụng. Tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế, còn lạc hậu so với sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay; một số quy định còn chung chung có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, nhất là trong công tác xét xử. Bên cạnh đó, một số quy định mang tính nguyên tắc nhưng không được hoặc chậm được cụ thể hoá nên không được áp dụng trong thực tế.

Trong khi sự tồn tại song song và đồng thời của hai loại hợp đồng kinh tế – dân sự còn đang gây nhiều tranh cãi thì năm 1997, Luật thương mại ra đời (Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997) trong đó điều chỉnh các hành vi thương mại của thương nhân và quy định một số hợp đồng đặc thù trong lĩnh vực thương mại. Được xây dựng không dựa trên quan điểm nhất quán nào về mối quan hệ với Luật dân sự cũng như không nhằm thay thế Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hay dung hoà những mâu thuẫn nội tại trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam, vô tình Luật thương mại lại càng làm nổi bật hơn những vấn đề vướng mắc về mặt lý luận và thực tiễn trong hệ thống các quy định về hợp đồng của chúng ta.

Qua việc nghiên cứu lịch sử phát triển pháp luật hợp đồng của Việt Nam qua các thời kỳ có thể thấy: pháp luật về hợp đồng của nuớc ta còn chưa thực sự được pháp điển hoá thành một hệ thống các quy định đồng bộ mà tương đối tản mạn, chắp vá, mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt của từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay, pháp luật hợp đồng của nước ta được phân thành ba lĩnh vực chủ yếu: Hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Sự phân biệt này căn cứ vào mục đích, chủ thể, nội dung và một số yếu tố khác của hợp đồng. Các quy định của pháp luật về hợp đồng trong ba lĩnh vực trên được ban hành trong những thời điểm khác nhau do chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế- chính trị- xã hội khác nhau nên không tránh khỏi những mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng rất lớn đến thực trạng áp dụng. Do đó, việc đổi mới và xây dựng hệ thống pháp luật hợp đồng cho đồng bộ và hoàn thiện là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập hiện nay cũng như tạo ra môi trường pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế.

C. PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG

Tự do giao kết hợp đồng cho phép mọi công dân được tham gia ký kết tất cả các hợp đồng miễn sao không trái pháp luật, vì vậy việc liệt kê một danh sách các hợp đồng là không thể. Thực tiễn luôn luôn vượt khỏi những dự liệu dù là chi tiết nhất của các nhà làm luật, sự phong phú của các hợp đồng gắn liền với sự phong phú của đời sống kinh tế, xã hội, từ đó dẫn đến có rất nhiều loại hợp đồng khác nhau. Người ta chỉ có thể dự liệu được các loại hợp đồng mà trong đó khi một hợp đồng cụ thể được ký kết thì nó thuộc loại hợp đồng này hay loại hợp đồng khác mà thôi.

Có nhiều cách phân loại hợp đồng dựa trên các căn cứ khác nhau, từ đó dẫn đến sự phức hợp của việc phân loại hợp đồng. Nghiên cứu luật hợp đồng của các quốc gia thì thấy rằng việc phân loại hợp đồng được dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc được hình thành trên các học thuyết lý luận.

Thông thường, một số loại hợp đồng được quy định trong luật, một số khác được phân loại dựa trên lý luận về hợp đồng, và về cơ bản có các loại hợp đồng sau đây:

1. Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ

Hợp đồng song vụ hay hợp đồng song phương là loại hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ qua lại giữa các bên giao kết, tức là mỗi bên giao kết đều có nghĩa vụ đối với nhau (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản).

Hợp đồng đơn vụ là loại hợp đồng chỉ làm phát sinh nghĩa vụ đối với một bên trong số các bên giao kết (ví dụ hợp đồng tặng cho tài sản).

Thông thường đối với loại hợp đồng song vụ, có bao nhiêu bên tham gia giao kết thì phải lập bấy nhiêu bản hợp đồng. Đối với loại hợp đồng đơn vụ, các bên chỉ cần lập một bản duy nhất.

Trong hợp đồng song vụ, nghĩa vụ của các bên nằm trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Các bên có quyền yêu cầu toà án tuyên huỷ hợp đồng khi một bên vi phạm hợp đồng, các bên cũng có quyền quy định các trường hợp ngoại lệ miễn trách nhiệm cho một bên kể cả khi không thực hiện hợp đồng.

2. Hợp đồng ngang giá và hợp đồng không ngang giá

Hợp đồng ngang giá được hiểu là loại hợp đồng mà phần nghĩa vụ của bên này được xác định chắc chắn từ trước và được coi như có giá trị tương đương với phần nghĩa vụ của bên kia (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản định giá từ trước).

Hợp đồng không ngang giá là loại hợp đồng mà phần nghĩa vụ của một bên trong các bên giao kết không xác định được chắc chắn, hiểu theo nghĩa là không xác định được sự tồn tại chắc chắn của nghĩa vụ hoặc không xác định được chắc chắn giá trị phần nghĩa vụ đó (ví dụ hợp đồng bảo hiểm tai nạn).

Đối với hợp đồng không ngang giá, nếu có một bên bị thiệt hại so với bên kia, thì đó không phải là căn cứ để toà án huỷ hợp đồng.

3. Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù

Hợp đồng có đền bù là loại hợp đồng mà trong đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ mang lại cho bên kia một lợi ích thì sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng (ví dụ trong hợp đồng mua bán tài sản, bên giao tài sản sẽ được nhận tiền, hay hợp đồng tặng cho có điều kiện).

Ngược lại, hợp đồng không có đền bù là loại hợp đồng mà một bên thực hiện nghĩa vụ đem lại cho bên kia một lợi ích mà không nhận lại từ bên kia một lợi ích nào cả (ví dụ hợp đồng tặng cho thuần tuý).

Đối với hợp đồng không có đền bù, thông thường pháp luật các nước đều quy định các điều kiện rất chặt chẽ cho việc giao kết: Các điều kiện về hình thức hợp đồng, quy định các trường hợp không có năng lực giao kết loại hợp đồng này.

Ngược lại, hợp đồng có đền bù thì có giá trị ràng buộc cao hơn hợp đồng không có đền bù và điều kiện giao kết cũng không chặt chẽ như hợp đồng không có đền bù.

4. Hợp đồng chính và hợp đồng phụ

Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng khác;

Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

5. Hợp đồng có tên và hợp đồng không tên

Hợp đồng có tên là những loại hợp đồng có hệ thống các quy phạm riêng để điều chỉnh với mỗi loại, và được pháp luật quy định trước ( ví dụ hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê nhà, hợp đồng bảo hiểm).

Hợp đồng không tên là những loại hợp đồng không được pháp luật đặt rõ tên là hợp đồng gì và cũng không có quy định đặc thù để điều chỉnh từng loại hợp đồng đó.

6. Hợp đồng ưng thuận và hợp đồng không mang tính ưng thuận

Hợp đồng ưng thuận là loại hợp đồng có hiệu lực ngay khi các bên đã đạt được thoả thuận với nhau mà không đòi hỏi thủ tục nào khác ( ví dụ hợp đồng mua bán một số tài sản như sách, xe đạp…).

Hợp đồng không mang tính ưng thuận là loại hợp đồng mà việc các bên đạt được thoả thuận chưa đủ để hợp đồng có hiệu lực. Loại hợp đồng này chia làm hai loại nhỏ:

-           Hợp đồng phải tuân theo thủ tục nhất định: Là loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã hoàn tất các thủ tục chặt chẽ được pháp luật quy định từ trước. Nếu không tuân theo các thủ tục đó thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu (ví dụ hợp đồng mua bán bất động sản).

-           Hợp đồng thực hiện thực tế: Hợp đồng có hiệu lực vào thời điểm các bên thực tế chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng (ví dụ hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản).

Sự phân biệt này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xác định thời điểm  hợp đồng có hiệu lực: Chừng nào chưa hoàn thành thủ tục quy định hoặc chưa có hành vi giao vật thì hợp đồng chưa có hiệu lực.

7. Hợp đồng thực hiện ngay và hợp đồng thực hiện theo định kỳ

Hợp đồng thực hiện ngay là loại hợp đồng làm phát sinh các nghĩa vụ được thực hiện ngay trong một khoảng thời gian liên tục ( ví dụ hợp đồng mua bán tài sản).

Hợp đồng thực hiện theo định kỳ là loại hợp đồng mà việc thực hiện được tiến hành theo nhiều thời kỳ nối tiếp nhau kéo dài ( ví dụ hợp đồng thuê nhà trả tiền hàng tháng).

Loại hợp đồng theo định kỳ có thể là hợp đồng theo định kỳ có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn:

-           Hợp đồng theo định kỳ xác định thời hạn thì các bên biết trước hợp đồng sẽ kết thúc vào thời điểm nào. Với loại hợp đồng này, trong một số trường hợp người ta áp dụng cơ chế mặc nhiên gia hạn, mặc nhiên kéo dài thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng này không thể gia hạn mãi mãi.

-           Hợp đồng theo định kỳ không xác định thời hạn là loại hợp đồng không quy định rõ ngày hết hạn hợp đồng. Mỗi bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu cần, những phải thoả mãn một số điều kiện do pháp luật quy định.

Đối với loại hợp đồng thực hiện ngay, khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hay bị huỷ thì việc hợp đồng bị huỷ hay vô hiệu này làm phát sinh hiệu lực hồi tố, có nghĩa là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và thiết lập lại tình trạng ban đầu như trước khi giao kết hợp đồng.

Ngược lại, với hợp đồng thực hiện theo định kỳ, thông thường việc hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hay bị huỷ không làm phát sinh hiệu lực hồi tố. Việc huỷ hay vô hiệu chỉ áp dụng với thời hạn còn lại của hợp đồng, hay nói cách khác đây chỉ là sự chấm dứt hợp đồng.

8. Hợp đồng có thương lượng và hợp đồng không có thương lượng

Hợp đồng có thương lượng là loại hợp đồng mà trước khi đi đến giao kết các bên được tự do thương thuyết, thảo luận với nhau về nội dung hợp đồng.

Hợp đồng không có thương lượng là loại hợp đồng mà các nội dung của hợp đồng đã được một bên soạn thảo từ trước và bên kia không được thương thuyết, thảo luận, thay đổi các nội dung đó khi giao kết. Sự thoả thuận ý chí của bên này thẻ hiện bằng việc tham gia vào hợp đồng với nội dung đã được soạn thảo sẵn đó (Ví dụ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được Công ty bảo hiểm soạn sẵn theo mẫu thống nhất. Người mua bảo hiểm không thể thay đổi nội dung hợp đồng đó, sự thoả thuận ý chí của họ thể hiện ở việc ký kết hợp đồng).

9. Hợp đồng cá thể và hợp đồng tập thể

Hợp đồng cá thể là loại hợp đồng do các cá nhân, pháp nhân đơn lẻ giao kết với nhau và chỉ có hiệu lực đối với các bên giao kết đó (hợp đồng mua bán tài sản).

Hợp đồng tập thể là loại hợp đồng được giao kết giữa một nhóm cá nhân hay tổ chức, hợp đồng này có hiệu lực đối với tất cả các thành viên của nhóm đó cho dù từng thành viên này không trực tiếp giao kết hợp đồng, đôi khi hợp đồng này còn có hiệu lực áp dụng ngay cả với những người không phải là thành viên của nhóm khi ký kết (ví dụ thoả ước lao động tập thể).

10. Hợp đồng chủ thể đơn và hợp đồng chủ thể kép

Hợp đồng chủ thể đơn là loại hợp đồng mà mỗi bên chỉ bao gồm một cá nhân hay tổ chức duy nhất.

Hợp đồng chủ thể kép là loại hợp đồng mà ít nhất một bên chủ thể bao gồm một nhóm cá nhân hay tổ chức.

11. Hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại

Trên thế giới còn có sự phân loại hợp đồng không tính đến nội dung của hợp đồng mà là nhân thân của chủ thể ký kết và mục đích của các bên trong giao kết hợp đồng. Dựa trên tiêu chí này thì hợp đồng bao gồm hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại, hợp đồng kinh tế.

Hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân với nhau nhằm mục đích thương mại.

Hợp đồng kinh tế là loại hợp đồng chỉ có ở một số nước xã hội chủ nghĩa[1]. Khái niệm hợp đồng kinh tế có nguồn gốc từ liên xô cũ,  Hợp đồng kinh tế được hiểu là một biện pháp  nhằm phục vụ việc thực hiện kế hoạch kinh tế của quốc gia. chủ thể của hợp đồng kinh tế thường được giới hạn là các tổ chức kinh tế như các pháp nhân kinh tế.

Còn hợp đồng dân sự được phân biệt với hợp đồng thương mại, kinh tế ở yếu tố chủ thể và mục đích của việc giao kết hợp đồng. Thông thường hợp đồng dân sự là hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể là cá nhân, nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế xã hội đã cho thấy sự xích lại ngày càng gần về mặt nội dung và bản chất của các quan hệ hợp đồng này. Do đó, việc phân loại hợp đồng như ở Việt Nam hiện nay đã dần bộc lộ những hạn chế và vướng mắc rõ rệt, gây khó khăn cho quá trình áp dụng cũng như thiếu tương thích với hầu hết các quy định pháp luật các nước về hợp đồng.

  Sở dĩ có sự tồn tại một cách tương đối độc lập giữa 2 (hoặc 3) loại hợp đồng dân sự, kinh tế và các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trong pháp luật Việt Nam một phần xuất phát từ yếu tố lịch sử, phần khác phải kể đến là do sự thiếu nhất quán trong quan điểm lập pháp dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng và thiếu thống nhất trong hệ thống các quy định pháp luật thực định về hợp đồng. Sự tồn tại của các quan hệ hợp đồng là hoàn toàn khách quan và xuất phát từ nhu cầu giao lưu của thực tiễn đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc phân loại chúng về mặt pháp lý cũng như việc tồn tại các ngành luật độc lập với nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ này trong suốt những năm qua đều xuất phát từ ý chí chủ quan và vì vậy đã gây nhiều tranh cãi: Có hay không sự cần thiết và tính hợp lý trong việc phân loại hợp đồng, có hay không sự khác biệt về bản chất của các quan hệ hợp đồng này?

 

 

PHẦN THỨ HAI

CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM – NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT

 

I. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ CHỦ THỂ, HÌNH THỨC  HỢP ĐỒNG VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG.

1. Chủ thể hợp đồng dân sự-kinh tế-thương mại

1. 1. Điểm tương đồng

Bộ luật dân sự quy định các chủ thể của hợp đồng dân sự bao gồm: cá nhân (Chương II), pháp nhân (Điều 94, Chương III) và các chủ thể khác như tổ hợp tác, hộ gia đình (Điều 116 và Điều 120 Chương IV) v.v…

Điều 2, Điều 42 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quy định chủ thể hợp đồng kinh tế bao gồm: cá nhân, pháp nhân, người làm công tác khoa học, kỹ thuật, nghệ nhân, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân, ngư dân cá thể.

Luật thương mại, tại Điều 5, quy định chủ thể của các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là: “thương nhân gồm cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên”.

Như vậy, pháp luật hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đều quy định các đối tượng cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình là chủ thể hợp đồng.

1.2. Điểm khác biệt

Mặc dù cả ba loại hợp đồng đều có những điểm hết sức thống nhất về chủ thể nhưng chủ thể cũng đồng thời là một đặc điểm nhằm phân biệt giữa các loại hợp đồng. Quy định về chủ thể hợp đồng trong Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Luật thương mại vẫn có những điểm khác biệt cơ bản.

  • Bộ luật dân sự quy định bao quát nhất về các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, chủ thể Hợp đồng thương mại rộng hơn so với Hợp đồng kinh tế vì không bắt buộc một bên phải là pháp nhân, chủ thể hợp đồng bó hẹp nhất với đòi hỏi khắt khe hơn cả.

Với quy định thông thoáng trong khái niệm về hợp đồng dân sự tại Điều 394 Bộ luật dân sự, có thể khẳng định chủ thể của hợp đồng dân sự có phạm vi rất rộng, mọi chủ thể của Luật dân sự có năng lực pháp luật và năng lực hành vi đều có thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự. Việc quy định này chỉ là một sự ghi nhận thực tế khách quan đã tồn tại trong đời sống xã hội nhưng có ý nghĩa sâu sắc bởi nó thừa nhận sự bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự nói chung cũng như quan hệ hợp đồng dân sự nói riêng. Các chủ thể khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực chủ thể đều có thể thiết lập quan hệ hợp đồng dân sự phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Trên thực tế, quy định như Bộ luật dân sự đã bao quát được tương đối đầy đủ các chủ thể hợp đồng so với các luật khác. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không quy định rõ chủ thể hợp đồng là các loại hình doanh nghiệp mà chỉ quy định pháp nhân, tổ chức khác mà thôi.

Điều khác biệt cơ bản với quan hệ hợp đồng dân sự là quan hệ hợp đồng kinh tế bắt buộc một bên chủ thể phải là pháp nhân. Theo đó, pháp luật đã loại bỏ một mảng lớn các quan hệ hợp đồng có mục đích kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh (không phải là pháp nhân) ra khỏi phạm vi áp dụng của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Việc giới hạn chủ thể tham gia ký kết hợp đồng kinh tế ngay từ đầu đã tỏ ra bất cập và không mang tính dự liệu, không tính tới sự đa dạng của các chủ thể kinh doanh khi đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhiều chủ thể kinh doanh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại mà khái niệm pháp nhân không bao hàm hết như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh… đã xuất hiện và tham gia ngày càng nhiều vào các giao lưu kinh tế. Điều này đã tạo nên sự khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng và thực thi pháp luật.

Trên thực tế nếu chỉ dựa vào tiêu chí chủ thể của hợp đồng để phân loại hợp đồng kinh tế, dân sự hay thương mại thì khó có thể xác định chính xác được. Bởi vì cả ba loại giao dịch này đều có các chủ thể là những thể nhân và pháp nhân tự do về mặt ý chí, bình đẳng về địa vị pháp lý và đều có quyền tham gia vào các giao dịch mà pháp luật không cấm. Trong đó, do sự phân tách thiếu rạch ròi giữa các ngành luật kinh tế và thương mại cho nên cũng rất khó khăn trong việc phân biệt hợp đồng kinh tế và hợp đồng thương mại nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí chủ thể. Bởi lẽ thương nhân là các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật thương mại trùng lặp với phần lớn chủ thể trong quan hệ hợp đồng kinh tế.

  • Trong nội tại các văn bản pháp luật về từng loại hợp đồng và văn bản pháp luật về hợp đồng dân sự kinh tế thương mại có sự mâu thuẫn

Về hợp đồng kinh tế, theo Thông tư số 11-TT/PL, các chủ thể tham gia Hợp đồng kinh tế phải có đăng ký kinh doanh. Điều kiện này không bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế nếu căn cứ vào quy định tại Điều 2, Điều 8 và Điều 42. Thông tư nói trên khắc phục hạn chế của Pháp lệnh về yêu cầu tối thiểu phải có một bên chủ thể tham gia là pháp nhân, nhưng thông tư này lại quá cứng nhắc khi buộc tất cả các chủ thể tham gia Hợp đồng kinh tế đều phải có đăng ký kinh doanh. So với quy định tại Điều 94 của Bộ luật dân sự, khái niệm về pháp nhân theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 17/HĐBT ngày 16/1/1990 có điểm không phù hợp do thiếu điều kiện có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.

Về Hợp đồng thương mại, khái niệm thương nhân được đưa ra không rõ ràng và mâu thuẫn: đặc điểm của thương nhân là thưc hiện hành vi thương mại có tính chất nghề nghiệp, có đăng ký kinh doanh, nhưng định nghĩa hành vi thương mại theo khoản 1 và khoản 6 điều 5 hết sức luẩn quẩn[2]; bên cạnh đó Điều 19 đến 23 Luật Thương mại  quy định về đăng ký kinh doanh trùng lặp với Nghị định số 02/2000/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh (đã được thay thế bởi Nghị định số 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh) và có điểm còn mâu thuẫn (ví dụ như thời hạn cấp chứng nhận ĐKKD cho hộ kinh doanh cá thể theo khoản 3 Điều 19 Nghị định số 02/2000/NĐ-CP chỉ có 7 ngày, trong khi đó khoản 1 Điều 21 Luật Thương mại quy định là 15 ngày). Vì vậy Luật Thương mại không cần quy định cụ thể về đăng ký kinh doanh mà chỉ cần 1 Điều luật dẫn chiếu áp dụng là đủ.

  • Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại có đề cập đến chủ thể pháp nhân song đều chưa có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về đối tượng này: pháp luật mới chỉ đưa ra khái niệm về pháp nhân dựa trên cơ sở các điều kiện hình thành của chúng. Vì vậy, vấn đề ở đây là pháp luật kinh tế, dân sự và thương mại phải quy định đầy đủ và thống nhất các quy định về điều kiện để một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân nhằm giúp cho việc hình thành cũng như xác định địa vị pháp lý của đối tượng này được thuận lợi và trên thực tế dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

Bên cạnh đó, việc Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định tối thiểu một bên tham gia hợp đồng kinh tế phải là pháp nhân tạo nên tình trạng bất bình đẳng giữa pháp nhân với chủ thể kinh doanh khác không phải là pháp nhân. Bởi lẽ có những hợp đồng đã đáp ứng các điều kiện về hình thức, nội dung, khách thể của quan hệ kinh tế nhưng chỉ vì được ký kết giữa hai cá nhân có đăng kí kinh doanh hay giữa công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân với nhau… mà không được xem là hợp đồng kinh tế và không được giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế khi có tranh chấp xảy ra. Sự bất hợp lý này dẫn đến quyền lợi của các chủ thể không phải pháp nhân chưa được bảo đảm bởi việc phân loại hợp đồng dân sự hay kinh tế dẫn đến cách thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự và kinh tế khác nhau.

  • Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đều quy định thống nhất hộ gia đình là chủ thể của một số quan hệ nhất định. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về tư cách cũng như các mối quan hệ giữa các thành viên trong hộ gia đình cho nên trên thực tế, chủ thể này tham gia các giao dịch hợp đồng chưa hiệu quả và gây khó khăn khi có tranh chấp xảy ra, phát sinh từ các thành viên trong hộ gia đình.

1. 3. Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại về chủ thể hợp đồng

Những vướng mắc trong các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đã gây nên nhiều khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, đặc biệt là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

Vụ án sau là một ví dụ để chứng minh cho tồn tại và khó khăn trong thực trạng áp dụng các quy định pháp luật có liên quan đến chủ thể hợp đồng. Đây là vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hoá giữa Công ty Liên doanh sản xuất gạo xuất khẩu Việt Mỹ và ông Lâm Quang Nhã.

Ngày 15/4/1995, Công ty liên doanh sản xuất gạo xuất khẩu Việt Mỹ ký hợp đồng kinh tế số 020/96 với nội dung là thuê ông Lâm Quang Nhã vận chuyển gạo. Trên cơ sở hợp đồng này hai bên đã ký phụ kiện hợp đồng số 020/96 ngày 22/4/1996 và phụ kiện hợp đồng số 020/96 ngày 24/5/1996. Ngày 26/4/1996 hai bên tiếp tục ký hợp đồng số 023/96. Ngày 10/5/1996 hai bên ký hợp đồng số 024B/96 vận chuyển 2.348,5 tấn gạo từ Trà Nóc đến Cảng Sài Gòn với giá 55.000 đồng/1 tấn, thành tiền là 129.167.500 đồng.

Khi thực hiện các hợp đồng, giữa hai bên đã phát sinh tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán. Ngày 15/10/1996 Công ty Việt Mỹ có đơn khởi kiện gửi Toà dân sự Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ yêu cầu Toà án buộc ông Nhã phải thanh toán số tiền chênh lệch và tiền lãi nêu trên.

Ngày 27/11/1996, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Ngày 05/09/1997,  Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự nêu trên với lí do đây là tranh chấp hợp đồng kinh tế và  chuyển hồ sơ vụ án này cho Toà kinh tế Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ giải quyết.

01/11/1997, Công ty Việt Mỹ gửi đơn kiện tới Toà kinh tế Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ.

Ngày 21/11/1997, Tòa kinh tế Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ thụ lý vụ án kinh tế.

Ngày 03/02/1999, Toà kinh tế TAND tỉnh Cần Thơ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà dân sự giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đến ngày 27/3/1999, Toà dân sự TAND tỉnh Cần Thơ thụ lý lại vụ án và ngày 29/3/1999 ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự, chuyển hồ sơ sang Toà kinh tế giải quyết.

  Ngày 21/4/1999, Toà kinh tế TAND tỉnh Cần Thơ thụ lý lại vụ án. Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 09/KTST ngày 17/8/1999 TAND tỉnh Cần Thơ đã quyết định:

- Buộc ông Lâm Quang Nhã phải thanh toán cho công ty Việt Mỹ 437.333.741 đồng.

  Ngày 26/8/1999, ông Nhã kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 29/KT/PT ngày 26/4/2000, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Buộc ông Lâm Quang Nhã phải thanh toán lại cho Công ty Việt Mỹ 100.363.316 đồng.

Tại quyết định kháng nghị số 04/KN-AKT ngày 18/01/2001 đối với bản án phúc thẩm nêu trên, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị: huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 09/KTST và bản án kinh tế phúc thẩm số 29/KT/PT, đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 39 Pháp lệnh giải quyết các vụ án kinh tế, với lý do Toà cấp sơ thẩm thụ lý là Toà dân sự thì không đúng thẩm quyền. Sau đó khởi kiện tại Toà kinh tế thì đã quá thời hiệu khởi kiện. Toà án cấp phúc thẩm chưa xem xét về thời hiệu khởi kiện nên vẫn giải quyết là trái với quy định của pháp luật.

UBTP TANDTC nhận định: Các hợp đồng ký giữa các bên là hợp đồng kinh tế hợp pháp. Việc giải quyết thuộc về Toà kinh tế. Do Công ty Việt Mỹ không cung cấp giấy đăng kí kinh doanh của ông Lâm Quang Nhã nên Toà án đã thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau khi được cung cấp giấy đăng ký kinh doanh thì toà lại chuyển sang Toà kinh tế giải quyết. Trong quá trình giải quyết thì Toà án đã có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng như: khi các đương sự kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, Toà án không chuyển hồ sơ đến Toà cấp phúc thẩm giải quyết. Nhiều lần Toà dân sự, Toà kinh tế ra quyết định đình chỉ, sau đó lại thụ lý vụ án để giải quyết. Việc khởi kiện của công ty Việt Mỹ là trong thời hạn khởi kiện. Việc giải quyết kéo dài là do lỗi của Toà án cấp sơ thẩm vì chưa xác định đúng bản chất của tranh chấp giữa hai bên nên đã lúng túng trong việc phải áp dụng thủ tục tố tụng nào (kinh tế hay dân sự). Do đó bác kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và giữ nguyên bản án kinh tế phúc thẩm.

Qua vụ án, ta có thể nhận thấy rõ thực trạng áp dụng pháp luật về hợp đồng là hết sức phức tạp thông qua việc giải quyết một vụ án kéo dài trong 6 năm, trong đó một thời gian dài “dành cho” việc xác định loại hợp đồng để thụ lý và việc chuyển vụ án sang Toà kinh tế hay Toà dân sự để giải quyết vì vướng mắc về mặt chủ thể. Toà án phải mất gần một năm sau khi thụ lý mới xác định tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hoá giữa Công ty Liên doanh sản xuất gạo xuất khẩu Việt Mỹ và ông Lâm Quang Nhã là tranh chấp hợp đồng kinh tế và quyết định đình chỉ việc giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau khi thụ lý lại theo thủ tục tố tụng kinh tế thì mất hơn một năm nữa mới ra quyết định đình chỉ thứ hai để chuyển sang cho Toà dân sự giải quyết. Rồi sau đó lại thụ lý lại vụ án để Toà kinh tế giải quyết. Trong 4 năm các đương sự phải gửi khiếu kiện và kháng cáo hết Toà kinh tế đến Toà dân sự và Toà án thì lúng túng trong việc xác định bản chất hợp đồng là kinh tế hay dân sự.

Nguyên do đầu tiên của việc thụ lý đi thụ lý lại vụ tranh chấp và chuyển đi chuyển lại giữa hai Tòa kinh tế và dân sự là bởi: Toà án đã áp dụng một cách cứng nhắc Điều 2 của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế khi chưa nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của ông Lâm Quang Nhã (do Công ty Việt Mỹ không cung cấp) cho nên đã xác định vụ việc được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau khi nhận được giấy đăng ký kinh doanh của ông Nhã thì chuyển vụ án sang Toà kinh tế giải quyết nhưng chỉ sau hơn một năm lại cho là hợp đồng dân sự và chuyển về Toà dân sự. Một hành trình giải quyết kéo dài phức tạp chỉ vì Toà án lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật hợp đồng để phân định loại hợp đồng.

Vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật hợp đồng dân sự và kinh tế về điều kiện chủ thể hợp đồng cộng với những vi phạm về thủ tục tố tụng như vậy đã dẫn đến hậu quả là quá thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế của các đương sự. Do đó, nhận định của UBTP TANDTC đây là hợp đồng kinh tế, do Toà kinh tế giải quyết, các bên vẫn còn thời hiệu khởi kiện là đúng bởi đây là lỗi của Toà án. Tuy thế, vẫn còn đó những vấn đề nhức nhối trong việc áp dụng luật để xác định cách thức giải quyết, nhất là những thiệt hại, tổn hao về chi phí cũng như công sức, thời gian của các đương sự phải bỏ ra để theo đuổi một vụ án kéo dài 6 năm mà lợi ích kinh doanh chưa chắc đã được đảm bảo. 

Tóm lại, pháp luật kinh tế, dân sự và thương mại phải quy định đầy đủ và thống nhất về điều kiện để một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân nhằm giúp cho việc hình thành cũng như xác định địa vị pháp lý của chủ thể này trong quan hệ hợp đồng được thuận lợi và trên thực tế dễ dàng hơn trong việc áp dụng.

2. Về hình thức hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại

2.1. Điểm tương đồng

Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể… Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng Nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này (Điều 400 Bộ luật dân sự).

Hình thức của hợp đồng thương mạicó thể thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản  thì phải tuân theo các quy định đó; điện báo, tetex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản (Điều 49 Luật Thương mại)

Hợp đồng kinh tế được ký kết bằng văn bản; tài liệu giao dịch: Công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng(Điều 1Pháp lệnh hợp đồng kinh tế)

Theo quy định trên, chủ thể giao kết hợp đồng có quyền lựa chọn hình thức hợp đồng (trừ những loại hợp đồng pháp luật quy định phải tuân thủ hình thức nhất định), và cả ba loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại đều có hình thức hợp đồng bằng văn bản

2.2. Điểm khác biệt

- Hợp đồng kinh tế có điểm khác biệt với các loại hợp đồng khác là chỉ có thể được giao kết dưới hình thức văn bản. Đây là một quy định cứng nhắc và thiếu thực tế. Trong khi đó, các văn bản pháp luật kinh tế còn thiếu các quy định liên quan tới hình thức hợp đồng bằng văn bản cần phải công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép mà không hề dẫn chiếu áp dụng Bộ luật dân sự. Điều này cũng tương tự đối với Hợp đồng thương mại.

Bộ luật dân sự, Luật Thương mại  quy định hình thức hợp đồng đa dạng (bằng văn bản, lời nói, hành vi cụ thể), đáp ứng được yêu cầu cuả giao lưu dân sự nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế không thừa nhận hình thức hợp đồng bằng lời nói, hành vi cụ thể. Quy định hợp đồng kinh tế phaỉ được thiết lập thành văn bản cũng không còn phù hợp với các giao lưu ngày càng hiện đại, nhanh chóng và nắm bắt mọi cơ hội của người kinh doanh.

- Bộ luật dân sự không quy định cụ thể thế nào là hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể mà chỉ gián tiếp thừa nhận trong một số quan  hệ (ví dụ như thực hiện công việc không có uỷ quyền nhưng người được thực hiện không phản đối,...), vấn đề này cần được cụ thể hơn nữa. Trong quan hệ thương mại cũng có những hành vi được coi hình thức của  hợp đồng ví dụ như hành vi môi giới thương mại cho chủ thể có sản phầm, khi chưa có sự đồng ý của chủ thể đó, nhưng không bị phản đối.

2.3. Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại về hình thức hợp đồng

  • Về cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền khi hợp đồng không đáp ứng điều kiện về hình thức: Một hợp đồng có đầy đủ yếu tố của Hợp đồng kinh tế nhưng không được xác lập bằng văn bản thì sẽ được coi là Hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự (nếu đủ điều kiện). Ví dụ hai pháp nhân có đăng ký kinh doanh cùng ký kết hợp đồng mua bán nhằm mục đích kinh doanh nhưng không lập thành văn bản thì coi là Hợp đồng thương mại dù các yếu tố khác và bản chất của quan hệ trên là hợp đồng kinh tế. Trong khi đó Điều 139 BLDS cho các bên một thời hạn để thực hiện quy định về hình thức hợp đồng và công nhận hợp đồng đó đúng với bản chất của nó nhưng vì Luật Thương mại và cả Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đều không dẫn chiếu nên cũng không có cơ sở áp dụng Bộ luật dân sự.
  • Việc áp dụng quy định về hình thức như một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nảy sinh nhiều bất cập[3]:

Bộ luật dân sự năm 1995 với quá nhiều quy định buộc các giao dịch phải thể hiện bằng những hình thức nhất định mới được công nhận là giao dịch hợp pháp, giao dịch có hiệu lực đã khiến cho tình trạng tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (nhất là các giao dịch về nhà đất) diễn ra quá tùy tiện, thậm chí ngay cả khi các bên không khởi kiện về việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà chỉ khởi kiện tranh chấp về thực hiện hợp đồng (tức là bản thân các bên cũng công nhận hợp đồng có hiệu lực pháp luật). Việc pháp luật trói buộc các bên phải tuân theo những hình thức nhất định (chẳng hạn phải lập thành văn bản, phải qua công chứng, phải đăng ký v.v.) khi tham gia giao dịch mà khi các bên không tuân thủ các quy định về hình thức ấy thì có thể tuyên vô hiệu đã làm cho không ít người lợi dụng sự sơ hở của người khác để yêu cầu tuyên bố các giao dịch dân sự vô hiệu một cách hết sức dễ dàng nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc nhằm bắt chẹt phía đối tác bên kia. Với sự tồn tại của tình trạng ấy, các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (giao dịch) trong Bộ luật dân sự năm 1995 đã vô hình chung có tác dụng “khuyến khích sự bội tín, bội ước” trong xã hội, làm mất ổn định của giao lưu dân sự.

Về lý luận, hình thức hợp đồng có vai trò làm chứng cứ khi xảy ra tranh chấp và có ý nghĩa về quản lý nhà nước đối với giao dịch (đăng ký hợp đồng, công chứng-chứng thực hợp đồng). Bởi vậy, nhà nước phải quy định những loại hợp  đồng nào các bên có quyền lựa chọn hình thức thể hiện, những loại hợp đồng nào cần phải/nên tuân thủ hình thức nhất định; những loại hợp đồng nào bắt buộc phải tuân theo hình thức nhất định mới có hiệu lực pháp luật.

Nếu coi hình thức luôn là điều kiện xem xét hiệu lực của giao dịch sẽ nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc nhưng nếu không quy định một số loại hợp đồng quan trọng bắt buộc phải tuân thủ điều kiện về hình thức nhằm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu.

Với những lập luận trên, Bộ luật dân sự cần được sửa đổi theo hướng quy định “Hình thức giao dịch dân sự chỉ là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, nếu pháp luật có quy định”.

 

II. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ NGUYÊN TẮC GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

1. Điểm tương đồng

Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận, là bản giao kèo thể hiện sự thống nhất ý chí giữa các bên tham gia quan hệ nên pháp luật không can thiệp trực tiếp vào các quan hệ đó mà chỉ tạo ra hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh các quan hệ đi đúng hướng. Với tư cách là những tư tưởng chỉ đạo, các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng đòi hỏi các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng phải triệt để tuân theo. Do vậy, pháp luật kinh tế, thương mại và dân sự đều đề cao nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, các bên cùng có lợi. Nhìn chung nguyên tắc thực hiện hợp đồng được quy định trong Bộ luật dân sự một cách khái quát và đầy đủ nhất. Các nguyên tắc giao kết, thực hiện hợp đồng kinh tế và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại xét về bản chất đều xuất phát từ những nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự. Do vậy không thể phủ nhận sự tương đồng giữa chúng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác nhau cơ bản giữa các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng.

2. Điểm khác biệt

Điều 395 Bộ luật dân sự quy định: “Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau:

-           Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

-           Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và ngay thẳng”.

Điều 409 Bộ luật dân sự quy định các nguyên tắc thực hiện hợp đồng:

-           Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

-           Đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

-           Không được xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích của người khác.

Nguyên tắc ký kết hợp đồng cũng được quy định trong Điều 3 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế: “Hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản và không trái pháp luật”. Và tại Điều 22 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: “Các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh tế trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lợi ích của nhau”. Trong khi đó nguyên tắc ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại nằm trong nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại. Đó là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và hợp tác trong hoạt động thương mại (Điều 7), nguyên tắc cạnh tranh trong thương mại (Điều 8), nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng (Điều 9). Qua đó nhận thấy rằng Nhà nước rất tôn trọng và đề cao quyền tự do, tự nguyện và bình đẳng của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Và các nguyên tắc chính là sự cụ thể hoá bản chất thoả thuận của các quan hệ bình đẳng, các quan hệ không hề bị chi phối bởi mệnh lệnh hay sự can thiệp của nhà nước. Các nguyên tắc ký kết và thực hiện hợp đồng đã thể hiện đúng chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Tuy vậy, trong những quy định hiện thời của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì điều này chưa hoàn toàn chính xác. Theo đó, hợp đồng kinh tế vẫn còn bị chi phối bởi các chỉ tiêu pháp lệnh của nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh kịp thời để trả về cho hợp đồng kinh tế bản chất của nó. Nhà nước không nên can thiệp trực tiếp vào hợp đồng kinh tế mà nên tạo một hành lang pháp lý để các quan hệ kinh tế thông qua hợp đồng được xây dựng và thực hiện. So với nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự thì nguyên tắc giao kết hợp đồng kinh tế còn chưa chuyển tải hết những đòi hỏi của một quan hệ hợp đồng.

Điểm khác biệt với luật dân sự và cũng có thể coi là hạn chế của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là không thừa nhận nguyên tắc không trái đạo đức xã hội cũng như các nguyên tắc: thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Do quan hệ hợp đồng mang tính chất bình đẳng, không có một thế lực nào đứng trên chi phối nên các nguyên tắc trong luật dân sự thật sự cần thiết nhằm buộc các chủ thể hướng tới việc xác lập các quan hệ một cách lành mạnh. Ngoài nguyên tắc tự do, tự nguyện thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng, các nguyên tắc còn lại của luật dân sự mang ý nghĩa điều chỉnh thái độ của các bên tham gia giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã ghi nhận nguyên tắc “trực tiếp chịu trách nhiệm bằng tài sản”. Nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng kinh tế là quan hệ hàng hóa tiền tệ. Điều đó không chỉ quy định trách nhiệm mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ. Luật dân sự và đặc biệt là Luật thương mại nên đưa quy định này vào điều chỉnh các quan hệ hợp đồng vì suy cho cùng phần lớn các quan hệ hợp đồng đều mang tính chất hàng hoá, tiền tệ.

Đối với hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, một hạn chế rất cơ bản là pháp luật không ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là hàng hoá và các dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hoá nên Luật thương mại đưa ra một nguyên tắc hết sức đặc trưng là “bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất và tiêu dùng” (Điều 9). Với nguyên tắc này, những quan hệ thương mại dù mang yếu tố tự thoả thuận nhưng không phải là sự thoả thuận đi ngược lại quyền lợi của bên thứ ba hướng tới khi tham gia quan hệ. Nguyên tắc này nhằm hạn chế những tiêu cực trong quan hệ thương mại mà nền kinh tế hàng hoá tất yếu mang lại. Nguyên tắc này chi phối cả quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng. Qua đó có thể thấy tính ưu việt của pháp luật, nó đã góp phần làm lành mạnh hoá quan hệ thương mại. Tham khảo pháp luật hợp đồng của một số nước trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, có thể thấy nguyên tắc này rất được đề cao. Không chỉ dừng lại ở việc quy định các nguyên tắc mà pháp luật một số nước đã có những điều luật cụ thể, thậm chí còn có những văn bản pháp luật quy định về việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chẳng hạn Luật số 78 ngày 10/01/1978 của Cộng hoà Pháp về bảo hộ thông tin cho người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ. Luật này quy định hệ thống kiểm tra nội dung các hợp đồng có sự tham gia của người tiêu dùng. Điều 35 của Luật liệt kê các trường hợp làm căn cứ để công nhận vô hiệu hợp đồng nói trên, nếu bên mạnh hơn về kinh tế ép buộc người tiêu dùng chấp thuận. Tương tự, pháp luật của Đức, Mỹ, Anh cũng dành rất nhiều quy định bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Việc quy định nguyên tắc này đối với quá trình giao kết hợp đồng thương mại thể hiện sự giao thoa của Luật Việt Nam so với pháp luật của các nước trên thế giới. Nguyên tắc này đã được cụ thể hoá trong một số điều của Luật thương mại, như Điều 168 quy định quyền và nghĩa vụ của khách hàng hay Điều 185 quy định về các hoạt động khuyến mại bị cấm. Qua đó có thể thấy rằng Luật thương mại là văn bản tiên phong khi quy định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.     

Qua phân tích những ưu điểm của nguyên tắc giao kết hợp đồng trong Luật thương mại, nên chăng pháp luật dân sự và kinh tế cần phải đưa ra nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sửa đổi, bổ sung.

III. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ PHƯƠNG THỨC GIAO KẾT HỢP ĐỒNG

Để hình thành một quan hệ hợp đồng, các bên phải tiến hành các thủ tục cần thiết nhằm bày tỏ ý chí và đi đến thống nhất ý chí về nội dung của quan hệ hợp đồng. Do vậy, không chỉ quy định các nguyên tắc giao kết hợp đồng mà pháp luật còn quy định các thủ tục, trình tự ký kết hợp đồng. Pháp luật quy định có hai phương thức giao kết hợp đồng: trực tiếp và gián tiếp.

1. Giao kết trực tiếp

1.1.Điểm  tương đồng

Phương thức giao kết trực tiếp được thực hiện qua việc đại diện các bên trực tiếp gặp nhau để trao đổi, bàn bạc, thương lượng, thoả thuận, thống nhất ý chí và xác định các điều khoản của hợp đồng. Sau đó, các bên cùng ký vào một văn bản hợp đồng, hợp đồng sẽ hình thành và có hiệu lực từ thời điểm hai bên ký vào văn bản. Phương thức giao kết trực tiếp là phương thức giao kết truyền thống, sử dụng phương thức này các bên sẽ trực tiếp bày tỏ ý chí cũng như tiếp nhận ý chí của phía bên kia. Có thể nói giao kết trực tiếp là phương thức giao kết hợp đồng thể hiện cao sự thống nhất ý chí của các bên.

Nhìn chung, quy định về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp được quy định khá đơn giản và được hiểu thống nhất giữa ba ngành luật dân sự, kinh tế, thương mại.

1.2. Điểm khác biệt

Khoản 2 Điều 397 Bộ luật dân sự ghi nhận: “Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp nói qua điện thoại thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời”. Và trong khoản 3 Điều 403 quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng miệng là thời điểm các bên đã trực tiếp thoả thuận về nội dung chủ yếu của hợp đồng”. Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế lại chỉ chấp nhận: “Hợp đồng kinh tế được coi là đã hình thành và có hiệu lực từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản” (Điều 17 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Như vậy, mặc dù cùng quy định trường hợp giao kết trực tiếp nhưng nếu pháp luật dân sự công nhận trường hợp phát sinh hiệu lực của hợp đồng theo sự thoả thuận thì Pháp lệnh hợp đồng kinh tế tỏ ra cứng nhắc khi không đề cập đến trường hợp này. Quy định này xuất phát từ quan điểm của pháp luật kinh tế chỉ chấp nhận hình thức của hợp đồng bằng văn bản. Thực chất quy định về hình thức của hợp đồng kinh tế không xuất phát từ thực tế khách quan mà mang đậm  ý chí chủ quan của nhà làm luật.

Đối với hợp đồng thương mại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp. Tuy nhiên trên thực tế, những quy định của Bộ luật dân sự và cả những quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế sẽ được áp dụng cho hợp đồng trong lĩnh vực thương mại theo từng trường hợp cụ thể. Vì thế, mặc dù Luật thương mại không quy định về phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp nhưng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại vẫn có thể được giao kết bằng phương thức này.

2.Giao kết gián tiếp

Giao kết hợp đồng trực tiếp là điều kiện để các bên gặp gỡ, thoả thuận và đi đến thống nhất ý chí nhưng không phải trong bất cứ trường hợp nào các bên cũng có điều kiện gặp gỡ để thoả thuận về những điều khoản của hợp đồng. Hơn nữa, đối với nội dung của những hợp đồng phức tạp không chỉ một lần gặp gỡ là có thể đi đến thống nhất ý chí giữa các bên, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, chủ thể hợp đồng không chỉ là các cá nhân, pháp nhân trong nước mà còn là các cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Nếu như chỉ áp dụng phương thức giao kết trực tiếp sẽ gây rất nhiều khó khăn khi các bên muốn thiết lập quan hệ hợp đồng. Do vậy, trong trường hợp không thể ký kết trực tiếp, các bên có thể ký kết gián tiếp.

2.1. Điểm  tương đồng

Giao kết hợp đồng gián tiếp là cách thức ký kết mà theo đó các bên gửi cho nhau những tài liệu giao dịch, đơn chào hàng, đơn đặt hàng chứa đựng nội dung của giao dịch. Việc giao kết phải tuân theo một trình tự nhất định, thông thường gồm hai bước là đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết.

Trong giao kết hợp đồng gián tiếp, phương tiện các bên sử dụng để bày tỏ ý chí của mình là các tài liệu giao dịch như đơn chào hàng, đơn đặt hàng… Bước đề nghị là sự bày tỏ ý chí của mình đến bên mình mời ký kết hợp đồng. Trong đề nghị giao kết hợp đồng phải có những nội dung như: tên hàng, tên công việc phải làm, số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian, địa điểm, phương thức giao nhận, phương thức thanh toán,… Nói chung đề nghị giao kết phải mang những nội dung chủ yếu của hợp đồng. Yêu cầu ở đây là lời đề nghị gửi đi cho bên kia phải rõ ràng và có tính xác định bởi trước hết đây là sự đơn phương bày tỏ ý chí, nếu như lời đề nghị không rõ ràng sẽ rất khó khăn cho bên kia nhận biết được những thông tin để quyết định có hay không tham gia quan hệ hợp đồng. Ngoài ra dù là sự bày tỏ ý chí của một bên nhưng trong trường hợp bên được đề nghị chấp nhận, họ còn bị ràng buộc bởi một khoảng thời gian trả lời nhất định. Do vậy, nếu đề nghị không rõ ràng sẽ không bảo vệ được quyền lợi của các bên tham gia giao dịch.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại đều quy định thống nhất về yêu cầu của lời đề nghị trong phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp. Tuy nhiên, những điểm khác biệt trong giao kết hợp đồng gián tiếp vẫn được thể hiện rõ ở các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại.

2.2. Điểm khác biệt

2.2.1. Đề nghị giao kết

Pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại cùng quy định về việc đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng nhưng không thống nhất trong việc quy định có hay không có việc thể hiện thời hạn trả lời là một bắt buộc của đề nghị giao kết hợp đồng. Trong Điều 396 và 397 Bộ luật dân sự chỉ nêu giả định “khi bên đề nghị ấn định thời gian trả lời”. Vì sự chưa rõ ràng này mà trong trường hợp bên đề nghị không quy định rõ thời gian trả lời thì có thể hiểu theo ba cách: đề nghị có hiệu lực vô thời hạn, đề nghị không có hiệu lực, đề nghị không ràng buộc trách nhiệm bên đưa ra đề nghị. Việc quy định của pháp luật tạo ra nhiều cách hiểu như vậy là một hạn chế không thể không nói đến. Tuy nhiên, trong trường hợp có quy định thời gian trả lời thì bên đề nghị “không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình” (Điều 396 Bộ luật dân sự). Về điểm này, Luật thương mại có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn rất nhiều. Khoản 1 Điều 53 Luật thương mại quy định: “Thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng bắt đầu từ thời điểm chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng đến hết thời hạn chấp nhận chào hàng. Trong trường hợp không xác định thời hạn chấp nhận chào hàng thì thời hạn trách nhiệm của bên chào hàng là 30 ngày, kể từ ngày chào hàng được chuyển đi cho bên được chào hàng”. Và khoản 2 Điều 53 còn quy định về thời hạn trách nhiệm của bên chấp nhận chào hàng “bắt đầu từ thời điểm chấp nhận chào hàng được chuyển đi cho bên chào hàng”. Quy định rõ ràng như vậy đã giúp cho các bên tham gia giao kết hợp đồng hiểu đúng về thời điểm bắt đầu đề nghị chào hàng và thời hạn chấp nhận chào hàng, tránh tạo ra nhiều cách hiểu như quy định của Bộ luật dân sự.

Pháp luật dân sự cũng quy định trong trường hợp “khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị được coi là đề nghị mới” (khoản 2 Điều 399 Bộ luật dân sự) hoặc “khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới”. Trong những trường hợp này, các bên sẽ lại phải tuân theo những quy định về đề nghị và chấp nhận đề nghị như trường hợp ban đầu.

  Trong Luật thương mại, quy định về đề nghị giao kết hợp đồng được gọi là “chào hàng”. Đây là thuật ngữ mang đặc thù của Luật thương mại, của hoạt động mua bán hàng hoá và dịch vụ gắn liền với mua bán hàng hoá. Chào hàng là “một giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá trong một thời hạn nhất định, được chuyển cho một hay nhiều người đã xác định và phải có những nội dung chủ yếu của một hợp đồng mua bán hàng hoá”. Trong quy định này, Luật thương mại quy định riêng về chào hàng trong hợp đồng mua bán hàng hoá. Như vậy, Luật thương mại chưa có sự tổng hợp cho hầu hết các giao kết hợp đồng trong hoạt động thương mại.  Tuy nhiên có thể hiểu các hợp đồng thương mại thông dụng khác cũng sẽ áp dụng những quy định của hợp đồng mua bán hàng hoá trong việc đề nghị giao kết hợp đồng. Chào hàng trong quy định của hợp đồng thương mại cũng mang nét khác biệt so với hợp đồng dân sự. Luật dân sự quy định trong trường hợp bên đề nghị hay bên được đề nghị đề nghị thay đổi nội dung thì coi là đề nghị mới nhưng đối với hợp đồng thương mại, chỉ “trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là từ chối chào hàng và hình thành chào hàng mới” và “trong trường hợp bên được chào hàng có sửa đổi, bổ sung nội dung chào hàng nhưng không làm thay đổi nội dung một trong những nội dung chủ yếu của chào hàng thì hành vi đó được coi là chấp nhận chào hàng, trừ trường hợp người chào hàng từ chối ngay những sửa đổi, bổ sung đó” (Điều 52 Luật thương mại). Quy định này có nội dung rõ ràng và hợp lý hơn so với quy định của Bộ luật dân sự.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế không quy định về thời điểm  chào hàng và thời hạn chấp nhận chào hàng như Bộ luật dân sự và Luật thương mại.

IV. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG, CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG

1. Về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng là sự thoả thuận làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên tham gia quan hệ với nhau nhưng không phải sự thoả thuận nào cũng dẫn tới việc hình thành hợp đồng. Để một thoả thuận được coi là sự kiện pháp lý xác lập quan hệ hợp đồng thì thoả thuận đó phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Các quy định này gọi là các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

Bộ luật dân sự không quy định một cách trực tiếp về các điều kiện cần đáp ứng để hợp đồng do các bên ký kết với nhau có hiệu lực pháp luật. Bộ luật dân sự chỉ quy định về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Nhưng từ nhận thức hợp đồng dân sự là một dạng giao dịch dân sự nên trong thực tế, để xem xét hiệu lực của hợp đồng dân sự, người ta thường căn cứ vào Điều 131 Bộ luật dân sự.

Điều 131 Bộ luật dân sự quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi thoả mãn các điều kiện sau:

- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự

- Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội

- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;

- Hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật.

Khác với Bộ luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế không quy định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng kinh tế mà chỉ liệt kê các trường hợp hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu và phân biệt thành hợp đồng kinh tế vô hiệu toàn bộ và hợp đồng kinh tế vô hiệu từng phần. Căn cứ Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế về hợp đồng kinh tế vô hiệu có thể suy ra các điều kiện để hợp đồng kinh tế có hiệu lực như sau:

  • Nội dung hợp đồng kinh tế không vi phạm điều cấm của pháp luật;
  • Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng;
  • Người ký hợp đồng kinh tế đúng thẩm quyền;
  • Các bên tham gia hợp đồng phải tự nguyện (không bị lừa dối).

Luật thương mại không quy định về điều kiện để hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có hiệu lực pháp luật. Đối với một số loại hợp đồng cụ thể, Luật thương mại có những quy định riêng về điều kiện để hợp đồng đó có hiệu lực pháp luật. Chẳng hạn, Điều 81 Luật thương mại quy định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài có hiệu lực khi có đủ điều kiện sau:

- Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý. Chủ thể bên nước ngoài là thương nhân và tư cách pháp lý của họ được xác định căn cứ theo pháp luật của nước mà thương nhân đó mang quốc tịch. Chủ thể bên Việt Nam phải là thương nhân được phép hoạt động thương mại trực tiếp với nước ngoài;

- Hàng hoá theo hợp đồng là hàng hoá được phép mua bán theo quy định của pháp luật của nước bên mua và nước bên bán;

- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải có các nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hoá quy định tại Điều 50 Luật thương mại;

- Hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài phải được lập thành văn bản.

Liên quan đến hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá, Điều 100 Luật thương mại quy định: “Bên được uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác”, Điều 104 quy định: “Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản”.

Hay đối với hợp đồng đại lý mua bán hàng hoá, Luật thương mại quy định: “Hàng hoá của đại lý mua bán phải phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các bên” (Điều 111 Luật thương mại) và “hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản” (Điều 119 Luật thương mại).

Đối với các hoạt động thương mại khác, Luật thương mại cũng có những quy định điều kiện cụ thể để các thương nhân có thể tham gia quan hệ hợp đồng cũng như quy định điều kiện về hình thức hợp đồng. Đây cũng chính là các điều kiện bổ sung để hợp đồng trong lĩnh vực thương mại xác lập giữa các thương nhân với nhau hoặc với các bên có liên quan phát sinh hiệu lực pháp luật.

Cũng cần lưu ý rằng, với tính chất là một văn bản pháp luật chuyên ngành, Luật thương mại chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Đối với các vấn đề Luật thương mại không quy định thì áp dụng các quy định chung trong Bộ luật dân sự (nếu hợp đồng trong lĩnh vực thương mại mang tính chất của hợp đồng dân sự) hoặc Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (nếu hợp đồng trong lĩnh vực thương mại mang tính chất của hợp đồng kinh tế).

Như vậy, tuy các điều kiện để hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có hiệu lực pháp luật được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nhưng về cơ bản điều kiện để các loại hợp đồng nói trên có hiệu lực là khá thống nhất. Bởi xét đến cùng thì hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại đều mang bản chất của hợp đồng, đó là sự thoả thuận của các bên tham gia quan hệ trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện. Nhìn chung, để hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế hay hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải có năng lực chủ thể (năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự). Nếu chủ thể của hợp đồng là cá nhân thì cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự. Nếu chủ thể của hợp đồng là pháp nhân thì pháp nhân đó phải có năng lực pháp luật dân sự. Trường hợp chủ thể của hợp đồng là các chủ thể kinh doanh thì tổ chức, cá nhân đó phải được quyền kinh doanh những ngành, nghề phù hợp với nội dung của hợp đồng.

Thứ hai: Người ký kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và phải có thẩm quyền ký kết hợp đồng.

Thứ ba: Nội dung và mục đích của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Thứ tư: Các bên tham gia quan hệ hợp đồng phải tự nguyện.

Thứ năm: Hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu pháp luật quy định hợp đồng phải ký dưới hình thức văn bản thì phải tuân thủ quy định này. Nếu pháp luật quy định văn bản hợp đồng phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ thì các bên phải làm công chứng hoặc chứng thực cho hợp đồng. Nếu vi phạm quy định này có thể sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng.

Tuy nhiên, xuất phát từ các đặc trưng riêng của quan hệ dân sự, kinh tế mà việc vận dụng các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự để xem xét hiệu lực của hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại có thể có nhiều điểm khác biệt. Ví dụ, áp dụng điều kiện “người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” để xem xét hiệu lực của hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Chủ thể của hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại thường là các chủ thể kinh doanh (thương nhân) mà khi các tổ chức, cá nhân đã được nhà nước thừa nhận là các chủ thể kinh doanh thì có nghĩa là chúng đã đáp ứng yêu cầu phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự để tham gia quan hệ hợp đồng. Nhưng theo quy định của pháp luật thì các chủ thể kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký. Bởi vậy, hợp đồng kinh tế, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại sẽ bị coi là vô hiệu nếu một bên tham gia hợp đồng (bên là chủ thể kinh doanh) không có đăng ký kinh doanh để thực hiện nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng. Mặt khác, xuất phát từ một thực tế là các bên chủ thể của hợp đồng kinh tế thường là các pháp nhân nên khi xem xét hiệu lực của hợp đồng cần tính tới cả năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền đại diện của người thay mặt pháp nhân ký kết hợp đồng.

2. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Qua một thời gian áp dụng quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nói chung cho thấy, các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng đã phát huy được những tác dụng tích cực nhất định đối với các giao dịch kinh tế, dân sự, thương mại. Tuy nhiên việc áp dụng quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng này cũng cho thấy có nhiều vướng mắc, phản ánh tính chất phức tạp của nền kinh tế thị trường.

So với pháp luật về hợp đồng kinh tế, pháp luật về hợp đồng thương mại thì Bộ luật dân sự quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự chặt chẽ và đầy đủ hơn rất nhiều, trong khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại quy định thiếu sót, do đó ảnh hưởng rất lớn đến thực tiễn áp dụng.

Vướng mắc trước hết là tình trạng một số quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng dân sự khó áp dụng được trong thực tế. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do những quy định của Bộ luật dân sự còn mang tính nguyên tắc, không có văn bản hướng dẫn cụ thể và cũng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện, chẳng hạn như quy định về việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng dân sự thông qua cơ chế gửi giữ chưa thực hiện được vì hiện chưa thành lập cơ quan có chức năng nhận giữ tài sản theo cơ chế này. Các quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản (Điều 174 của Bộ luật dân sự), về đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 330, Điều 347 Bộ luật dân sự) cũng chưa được thực thi trên thực tế vì các Sở địa chính, các UBND cấp xã chưa tổ chức đăng ký các giao dịch bảo đảm theo thẩm quyền được quy định trong Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/03/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tình trạng chung cho các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại là các quy định chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường nói chung và điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay gây nhiều khó khăn khi áp dụng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đã được thành lập nhưng với các quy định về giao dịch bảo đảm quá cứng nhắc như hiện nay thì cơ quan này sẽ rất khó phát huy được vai trò của mình.

Đi sâu vào các quan hệ hợp đồng kinh tế, dân sự và thương mại thì có một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, cụ thể như sau:

Thứ nhất đối với quan hệ hợp đồng dân sự có liên quan đến việc cầm cố tài sản thì người nhận cầm cố có được ưu tiên trong việc thanh toán nợ của bên cầm cố so với các chủ nợ khác hay không, đây là điều không được quy định rõ trong Bộ luật dân sự. Tuy nhiên trên thực tiễn thi hành, điều này lại được các bên áp dụng và thừa nhận.

Đối với trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi đem cầm cố thì bên cầm cố “phải giao cho bên nhận cầm cố bản gốc giấy tờ đó” (khoản 1 Điều 332 Bộ luật dân sự). Do đó gây rất nhiều khó khăn cho bên cầm cố trong việc sử dụng tài sản cầm cố. Ví dụ như tài sản là xe ô tô, xe gắn máy… được dùng làm vật cầm cố, nếu đem giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu giao cho người nhận cầm cố thì việc vận hành chiếc xe sẽ rất khó khăn. Hoặc đối với động sản không có đăng ký quyền sở hữu thì về nguyên tắc, bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Nhưng trên thực tế có nhiều tài sản là động sản dùng trong sản xuất, kinh doanh như thiết bị, dây chuyền sản xuất, máy móc có giá trị lớn mà doanh nghiệp muốn đem cầm cố để vay vốn, nếu phải giao cho bên nhận cầm cố thì lại không thể sử dụng được các tài sản này, sử dụng cơ chế thế chấp thì không được vì các tài sản này là động sản. Quy định này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, không phù hợp với những yêu cầu của cuộc sống.

Đồng thời, nếu theo quy định của khoản 1 Điều 329 Bộ luật dân sự thì bên cầm cố không được giữ tài sản, trong khi có nhu cầu khai thác, sử dụng nhằm tạo ra lợi nhuận để thanh toán nợ. Mặt khác, nếu tài sản cầm cố được bên cho vay giữ thì việc bảo quản vừa tốn kém, vừa không có điều kiện về kho tàng, bến bãi… Mặt khác chỉ những tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu thì mới có thể được thoả thuận bên cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho bên thứ ba giữ. Trong khi trên thực tế, động sản có đăng ký quyền sở hữu rất ít (ô tô, xe máy, máy bay, tàu biển, tàu đánh cá…) mà tài sản là động sản dùng cầm cố trong giao dịch dân sự rất đa dạng, có thể là hàng hoá vật tư, máy móc thiết bị… các tài sản này đều không đăng ký sở hữu.

Điều 174 Bộ luật dân sự quy định “những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký sở hữu thì phải được đăng ký” nhưng không rõ những tài sản nào thì phải đăng ký và đăng ký ở đâu, trình tự, thủ tục như thế nào. Thực tế cho thấy rất ít cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, trong đó có sở hữu nhà. Việc cầm cố, thế chấp thông thường là các tài sản có giá trị lớn, các bên có quyền luôn mong muốn có vị thế ưu tiên hơn so với các chủ nợ khác trong trường hợp phải xử lý tài sản cầm cố và như vậy, việc chưa có cơ quan nào của Nhà nước có chức năng đăng ký cầm cố, thế chấp phần nào đã làm giảm độ an toàn của các biện pháp bảo đảm này.

Qua khảo sát thực tế ở một số thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh) cho thấy việc đăng ký tài sản thế chấp diễn ra chậm chạp, không đầy đủ và kịp thời, có phần tuỳ tiện. Các Sở nhà đất chỉ nắm được việc đăng ký thông qua việc Ngân hàng đến hỏi hồ sơ các nhà thế chấp, Sở Địa chính có nơi chưa có bộ phận đăng ký quyền sử dụng đất (ví dụ như Sở địa chính Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội)). Các cơ quan quản lý tài sản ở địa phương lúng túng trong việc xác định rõ thẩm quyền đăng ký, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch có bảo đảm còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, thông tin khó cập nhật.

Ngoài ra, còn tồn tại các vấn đề khác liên quan đến cầm cố, thế chấp cũng được quan tâm, chú ý. Đó là về hình thức, thủ tục công chứng hay việc xử lý tài sản đem cầm cố, thế chấp… còn để lại nhiều hậu quả rất khó giải quyết, nhất là khi có sự tham gia của các Ngân hàng vào quan hệ giao dịch hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự.

Trong quan hệ bảo lãnh, vấn đề nổi cộm nhất là vấn đề hiệu lực của chứng thư bảo lãnh chưa được bảo đảm thực thi trên thực tế. Nhiều vụ tranh chấp xảy ra đã cho thấy bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh tìm mọi cách chối bỏ nghĩa vụ và thoả thuận của mình dẫn đến việc thực hiện quy định của pháp luật kinh tế, dân sự không thực thi hiệu quả. Cả Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự đều không quy định nghĩa vụ bảo lãnh, nếu các bên không thoả thuận rõ ràng thì dễ dẫn đến tranh chấp ở phạm vi bảo lãnh có bao hàm hay không bao hàm nghĩa vụ phát sinh khi các bên thực hiện hợp đồng kinh tế, dân sự. Đồng thời nhiều chủ thể lợi dụng việc pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng không quy định để trốn tránh nghĩa vụ của mình.

Có một ví dụ qua thực tiễn giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty TNHH Nghị - Hạnh và Thanh (CTTNHHN-H và T) với Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) có liên quan đến biện pháp bảo đảm như sau:  

Tháng 6/1996, Công ty TNHH Nghị- Hạnh và Thanh có ký ba hợp đồng tín dụng vay 2.250.000.000,đ của Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN (VP bank) đều với thời hạn vay là sáu tháng, lãi suất 1,75%/tháng, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Thủ tục xin vay đều có đơn xin vay, có tài sản thế chấp để bảo đảm tiền vay của những người bảo lãnh là bà Lê Thị Tú, ông Đỗ Ngọc Anh và ông Mai Xuân Hồng. Ngoài ra còn có ông Lê Tiến Nam- cổ đông của VP bank cũng cam kết với công ty TNHH Nghị- Hạnh và Thanh, đồng ý dùng bất động sản của mình và số cổ phiếu của ông tại VP bank để thanh toán cho CTTNHH N-H và T nếu công ty không trả được nợ. Đáo hạn, CTTNHHN-H và T mới chỉ trả được một phần tiền lãi, còn nợ nguyên số tiền gốc và số tiền lãi còn lại. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND Thành phố Hà Nội không đưa người bảo lãnh vào tham gia tố tụng và tại bản án sơ thẩm số 27/KTST ngày 27.6.2000 quyết định CTTHHHN-H với T có trách nhiệm thanh toán trả VP bank số nợ gốc.

Ngày 30/6/2000, CTTNHHN-H với T có đơn kháng cáo, yêu cầu xét xử lại vụ án theo hướng buộc trách nhiệm cho những người bảo lãnh, thanh toán nợ cho VP bank bằng cách phát mại các tài sản thế chấp của họ, xử lý các cổ phiếu của ông Lê Tiến Nam và bà Bùi Minh Phương đã dùng để bảo lãnh.

Tại Bản án phúc thẩm số 179/KTPT ngày 06/12/2000, Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội ra quyết định ông Ngô Phương Nghị (Giám đốc Công ty TNHHN-H –T) sẽ dùng toàn bộ 190 cổ phiếu (VPbank) của ông Lê Tiến Nam (uỷ quyền cho ông Nghị được định đoạt) để trả nợ cho hai hợp đồng tín dụng cả gốc và lãi.

Cuối cùng UBTP TANDTC xét thấy Toà án cấp sơ thẩm không có phán quyết nào liên quan đến tài sản bảo đảm của những người bảo lãnh, Toà phúc thẩm thì lại có quyết định liên quan đến tài sản bảo đảm, làm bất lợi cho những người bảo lãnh. Đồng thời Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại không xét đến việc không được dùng cổ phiếu làm vật thế chấp, cầm cố và bảo lãnh theo Điều 22 bản Quy chế cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cổ phần ban hành kèm theo quyết định số 275/QĐ-NH5 ngày 07/11/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. UBTP TANDTC đã quyết định huỷ bản án phúc thẩm và sơ thẩm để xét xử lại.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng trên cho thấy trên thực tế, các giao dịch có liên quan đến bảo lãnh, thế chấp diễn ra không đơn giản và việc áp dụng quy định pháp luật để giải quyết tranh chấp cũng gặp phải nhiều khó khăn. Hậu quả cuối cùng là quyền lợi của người nhận bảo lãnh cũng như người có quyền lợi liên quan có khi không được đảm bảo. Quy định về các biện pháp thế chấp và bảo lãnh chưa đầy đủ dẫn đến hiệu lực của chúng không được thừa nhận và phát huy. Ngay cả Toà án cũng không coi trọng đến biện pháp bảo đảm cho nên Toà sơ thẩm không đưa người bảo lãnh vào tham gia tố tụng. Trong khi đó để ký 3 hợp đồng tín dụng vay 2.250.000.000,đ của VP bank thì cần phải có tài sản thế chấp để bảo đảm tiền vay của những người bảo lãnh là bà Tú, ông Anh và ông Hồng cùng số bất động sản và số cổ phiếu của ông Nam thì hợp đồng tín dụng mới được chấp nhận và giao kết.

Đồng thời, có thể thấy do sự bất cập và thiếu sót của pháp luật hợp đồng nói chung mà trên thực tế, các biện pháp bảo đảm không có một cơ chế chặt chẽ để có thể phát huy được tác dụng của chúng góp phần thúc đẩy các giao dịch và bảo vệ quyền lợi các chủ thể ký kết hợp đồng. Qua thực tiễn vụ án cho ta thấy, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chưa có quy định rõ ràng về thế chấp và bảo lãnh mà chỉ mới quy định chung chung tại Điều 5: “Các bên ký kết hợp đồng kinh tế có quyền thoả thuận áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế : thế chấp tài sản, cầm cố và bảo lãnh tài sản theo quy định của pháp luật”. Trong đó cũng không quy định là dẫn chiếu sang văn bản pháp luật nào để áp dụng. Do vậy, các chủ thể hợp đồng kinh tế không có các cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, Toà án cũng khó khăn trong việc giải quyết vụ án dẫn đến kết quả Toà sơ thẩm không đưa người bảo lãnh tham gia tố tụng, còn Toà phúc thẩm có giải quyết nhưng làm bất lợi cho người bảo lãnh.

Mặt khác, pháp luật về hợp đồng nói chung chưa quy định rõ về những tài sản không được dùng làm vật thế chấp, cầm cố, bảo lãnh dẫn đến trường hợp khi mang vụ án ra xét xử các bên mới biết là không được chấp nhận. Trong vụ án này, đối với VP bank có 2 giả thiết đặt ra: Một là VP bank biết cổ phiếu không được dùng làm vật thế chấp, bảo lãnh theo Quy chế của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam nhưng vẫn “lờ đi” và chấp nhận cho việc ký kết hợp đồng. Như vậy ở đây VP bank sai. Thứ hai là lãnh đạo và nhân viên VP bank không kiểm tra quy chế và không biết đến điều này. Tuy nhiên giả thiết thứ hai khó được chấp nhận vì đây là quy chế của ngành nghề mà người trong ngành cần phải biết. Vậy thì trách nhiệm của họ như thế nào trong vụ việc này, những người quan tâm không thể không đặt ra câu hỏi về sự cố tình hay vô ý của Ngân hàng. Do đó, việc quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng kinh tế cần đầy đủ hơn và cụ thể hơn, nhất là về nghĩa vụ của các chủ thể cũng như quyền và nghĩa vụ của người thứ ba phải được điều chỉnh đến. 

Qua thực tiễn xét xử đó cho thấy một thực tế là có một khoảng trống về quy định và áp dụng các biện pháp bảo đảm chưa được quan tâm thích đáng cũng như điều chỉnh kịp thời. Việc quy định quá sơ sài, thiếu sót trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại là một bất cập lớn gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng cho các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế, thương mại cũng như cơ quan tài phán giải quyết. Cộng với sự thiếu sót, tắc trách của Toà án đã khiến cho nhiều đương sự không được đảm bảo về lợi ích và bị thiệt hại, còn nhiều kẻ thì lợi dụng sự bất cập này để trốn tránh trách nhiệm.

Còn đối với phạt vi phạm thì luật kinh tế, luật dân sự và luật thương mại đều đặt ra vấn đề giới hạn mức phạt vi phạm, tuy nhiên, quy định về vấn đề này lại không thống nhất (trong kinh tế là 12% và trong thương mại là 8%) nên việc áp dụng trên thực tế cũng gặp nhiều vướng mắc. Nhất là đối với những hợp đồng không xác định được loại hợp đồng kinh tế, dân sự hay thương mại (đây là điều xảy ra phổ biến và thường gặp) hoặc bị xác định sai thì khi giải quyết tranh chấp các đương sự sẽ bị thiệt hại bởi mức phạt có sự chênh lệch lớn trong các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại.

Riêng đối với các biện pháp bảo đảm khác (đặt cọc, ký cược, ký quỹ) cũng chỉ được quy định rõ trong Bộ luật dân sự, còn trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại không quy định dẫn đến trên thực tế phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự. Đây cũng là vấn đề cần được bổ sung kịp thời.

V. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU, HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU VÀ THỰC TRẠNG ÁP DỤNG

  Việc áp dụng đúng những quy định về hợp đồng vô hiệu nói chung khi giao kết, thực hiện và khi xảy ra tranh chấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực tiễn. Về cơ bản, các quy định về hợp đồng vô hiệu, nhất là hợp đồng dân sự vô hiệu phù hợp với lý luận và thực tiễn của Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa, phòng chống và xử lý vi phạm về hợp đồng, góp phần bảo đảm an toàn cho các bên trong quan hệ hợp đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay Luật thương mại không có quy định về những trường hợp dẫn đến hợp đồng vô hiệu, đồng thời cũng không có quy định dẫn chiếu để điều chỉnh vấn đề này. Đây là một lỗ hổng pháp lý gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng Luật thương mại về hợp đồng thương mại. Bởi lẽ, các hợp đồng ký kết trong lĩnh vực thương mại được điều chỉnh bởi các quy định đặc thù về phương thức giao kết, hình thức giao kết, nội dung giao kết cũng như các nguyên tắc thương mại riêng (nguyên tắc về cạnh tranh thương mại hay nguyên tắc đảm bảo lợi ích chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng) nên việc xem xét tính vô hiệu của một hợp đồng trong lĩnh vực này cũng cần thiết phải có những quy định áp dụng đặc thù. Tuy nhiên, do Luật thương mại hiện hành không có quy định nên trên thực tế, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại áp dụng theo các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hoặc Bộ luật dân sự về hợp đồng vô hiệu.    

Như vậy, có thể thấy bản thân việc áp dụng các quy định của pháp luật kinh tế và dân sự cho hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trong nhiều trường hợp là không đảm bảo tính thống nhất và khoa học. Ngoài ra, qua thực tiễn áp dụng còn cho thấy, các quy định về hợp đồng kinh tế vô hiệu trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế cũng chưa đầy đủ và chưa đảm bảo được bản chất của quan hệ hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như không quy định về hợp đồng kinh tế vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức hợp đồng bằng văn bản hay chưa quy định các trường hợp hợp đồng kinh tế vô hiệu do giả tạo, do bị nhầm lẫn, do bị đe doạ…Trong khi đó, Toà án vẫn cho là hợp đồng kinh tế vô hiệu nếu có những biểu hiện như vậy.

Mặt khác, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chưa có sự phân biệt giữa hợp đồng kinh tế bị vô hiệu và hợp đồng kinh tế có thể bị huỷ bỏ tại Điều 8 và Điều 39. Bên cạnh đó, các lý do hợp đồng kinh tế bị vô hiệu cũng chưa được liệt kê hết, có lý do còn không hợp lý cho nên bị lạm dụng nhiều trong thực tế. Chẳng hạn như  “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng” (khoản b Điều 8); “người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền” (khoản c Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế).

Vụ tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thanh toán tiền hàng nhập khẩu giữa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBNT) và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Nha Trang (SPNT) sau là một minh chứng trên thực tế cho việc áp dụng các quy định liên quan đến hợp đồng vô hiệu.

Bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 26/01/2000 của Toà án ND tỉnh Khánh Hoà nhận định giao dịch bảo lãnh mở L/C của đương sự bị coi là vô hiệu, đã quyết định bác toàn bộ yêu cầu của VCBNT đòi SPNT thanh toán số tiền 897.276,67 USD. Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 05/2001/KTPT ngày 25/5/2001 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng quyết định SPNT phải thanh toán trả VCBNT số tiền trên. Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị với nhận định: Các đương sự quan hệ bảo lãnh vay vốn thanh toán hàng nhập khẩu trái pháp luật quy định về thẩm quyền, điều kiện được Ngân hàng bảo lãnh và thanh toán tín dụng thư. Đề nghị UBTP TANDTC xét sửa bản án kinh tế phúc thẩm và tuyên xử giao dịch bảo lãnh 1.250.000 USD của VCBNT và SPNT phải bị coi là vô hiệu toàn bộ và xử lý theo Điều 39 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

UBTP TANDTC xét thấy SPNT yêu cầu VCBNT bảo vay tín dụng cho việc mở thư tín dụng (L/C) mua hàng trả chậm của SPNT. Theo tài liệu vụ án thì việc ký kết giao dịch bảo lãnh này trên cơ sở SPNT có các đơn bảo lãnh và yêu cầu mở L/C (hình thức vay thương mại) vào các ngày 14-17/7/1995 do ông Phạm Ngọc Mai, giám đốc SPNT ký; VCBNT do ông Lê Ngọc Hoàng, phó giám đốc đã ký văn bản chấp thuận bảo lãnh của Ngân hàng trái với phân cấp của Tổng giám đốc VCBTW giao giám đốc chi nhánh quyết định và quy chế bảo lãnh (Điều 15) của các quyết định số 23 QĐ/NH14 ngày 21/2/1994, số 196QĐ/NH14 ngày 16/9/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Như vậy, theo Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì giao dịch bảo lãnh của đương sự nói trên bị vô hiệu ngay từ khi ký kết, do người ký không đúng thẩm quyền.

Đây là một vụ án liên quan đến hợp đồng kinh tế vô hiệu bị xét xử đi, xét xử lại nhiều lần và qua nhiều cấp nhưng không đảm bảo lợi ích cho đương sự bị thiệt hại. Toà án cấp sơ thẩm và UBTP TANDTC tuyên hợp đồng vô hiệu theo khoản c Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, trong khi Toà phúc thẩm lại nhận định khác cho nên quyết định SPNT phải thanh toán cho VCBNT số tiền 897.276,67 USD. Như vậy, ngay trong nội bộ cơ quan tài phán đã có sự không thống nhất trong việc nhìn nhận hợp đồng kinh tế trên là hợp đồng vô hiệu.

Qua nghiên cứu cho thấy quyết định của Toà phúc thẩm tuy không đúng với pháp luật quy định nhưng phù hợp với thực tiễn. Còn quyết định tuyên vô hiệu của Toà sơ thẩm và UBTP TANDTC tuy đúng với khoản c Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế nhưng lại khiến cho SPNT không phải thanh toán một số tiền lớn cho VCBNT và làm thiệt hại cho VCBNT. Qua đó cho thấy sự bất cập trong quy định về hợp đồng kinh tế vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền này. Vì thế gây nên sự không thống nhất trong việc vận dụng để xét xử của hệ thống toà án nước ta. Đồng thời quy định này sẽ khiến cho nhiều chủ thể có thể lợi dụng để phủ nhận trách nhiệm nếu thấy hợp đồng không có lợi cho mình.

Quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế như trên rõ ràng là không hợp lý, không phù hợp với pháp luật dân sự và tập quán pháp luật về hợp đồng. Bộ luật dân sự của nước ta giải quyết vấn đề này theo chế định đại diện. Tức là trong trường hợp người ký hợp đồng không có quyền đại diện thì hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với người được đại diện, nếu người này đồng ý hoặc hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc người đại diện, nếu người được đại diện không đồng ý. Cách quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với tập quán hợp đồng quốc tế và được quy định trong pháp luật hợp đồng của nhiều nước trên thế giới.

Chính vì quy định có phần cứng nhắc như vậy cho nên Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định về vấn đề đại diện ký kết hợp đồng kinh tế đã không theo kịp cuộc sống. Trên thực tế, các Công ty, Ngân hàng… thường xuyên phải ký các hợp đồng kinh tế, tín dụng… nên Tổng giám đốc (Giám đốc) thường có văn bản phân công chức năng, nhiệm vụ (thực chất là uỷ quyền chung) cho các Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc, Giám đốc chi nhánh). Rõ ràng ở đây đã biểu lộ sự trao quyền giữa người có thẩm quyền và người được uỷ quyền cho nên sự uỷ quyền này phải được coi trọng.

Đối với hợp đồng dân sự vô hiệu, Bộ luật dân sự mặc dù đã quy định khá đầy đủ và hợp lý nhưng trong việc áp dụng cũng không thể tránh khỏi những vướng mắc, bất hợp lý. Ví dụ như vấn đề liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu do chủ thể giao kết là người chưa thành niên, người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 140 Bộ luật dân sự). Điều 140 chưa đề cập đến trường hợp chủ thể giao kết này đến khi thực hiện hợp đồng đã ký kết thì đã thành niên hoặc khôi phục lại được năng lực hành vi dân sự. Vấn đề đặt ra là Toà án không nên tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp đó. Hoặc trường hợp chủ thể chưa thành niên hay chưa khôi phục lại được năng lực hành vi giao kết hợp đồng thì có thể chấp nhận hợp đồng này có hiệu lực nếu được người đại diện của họ đồng ý.

Vấn đề thứ hai là việc áp dụng quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự trên thực tế có điểm chưa phù hợp. Bởi lẽ khi xác lập hợp đồng, một bên hoặc các bên đã cố tình vi phạm về hình thức hợp đồng thì họ thường không yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Hoặc có yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu thì cũng vì mục đích phá hợp đồng đã ký để vụ lợi, chẳng hạn như khi giá tài sản mua bán tăng lên (trượt giá)...

Thông qua vụ án giữa chị Nguyễn Thị Bảnh và anh Nguyễn Văn Chính có thể thấy rõ sự phức tạp khi xem xét trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Điều 139 Bộ luật dân sự cũng như thực trạng áp dụng pháp luật hợp đồng ở nước ta nói chung trong lĩnh vực dân sự.

Toà phúc thẩm không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Tân An về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị Bảnh và anh Chính, xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa chị Bảnh và anh Chính được UBND phường 2 thẩm tra ngày 33/6 không phát sinh hiệu lực. Sau khi xét xử phúc thẩm, anh Trần Văn Chính có đơn khiếu nại. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tỉnh Long An đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại quyết định kháng nghị số 15 ngày 04/04/2002 Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy:  Chị Nguyễn Thị Bảnh và anh Trần Văn Chính có thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất thổ cư 64 m2 tại 17B Hùng Vương, phưòng 2, thị xã Tân An, tỉnh Long An, giá 245.000.000đ. Anh Chính đặt cọc 80.000.000,đ theo giấy biên nhận ngày 19/02/2000, hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng theo mẫu quy định, được UBND phường 2 xác nhận ngày 23/6/2000. Ngày 7/4/2000 anh Chính giao tiền 140.000.000đ, ngày 02/7/2000 anh Chính hoàn tất số tiền còn lại.    

Ngày 21/9/2000 chị Bảnh khởi kiện, xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng trên.

Xét thấy lý do chị Bảnh xin huỷ hợp đồng do anh Chính có vi phạm cam kết ban đầu (thoả thuận miệng), anh Chính không thừa nhận có sự cam kết này, hồ sơ không có tài liệu chứng minh. Bản án sơ thẩm ngày 30/5/2001 của Toà án nhân dân thị xã Tân An và Bản án phúc thẩm số 134-DSPT ngày 28/8/2001 của Toà án nhân dân tỉnh Long An áp dụng các Điều 398, 399, 400, 403, 404 và 707 Bộ luật dân sự, xác định hợp đồng giao kết  ngày 23/6/2000 chưa đảm bảo hình thức, không làm phát sinh hiệu lực buộc chị Bảnh hoàn trả cho anh Chính các khoản tiền đã đưa cùng lãi suất, là trái với Điều 139 Bộ luật dân sự quy định hợp đồng dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa áp dụng đúng pháp luật để giải quyết tranh chấp và nhận định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, Điều 139 Bộ luật dân sự quy định muốn tuyên một hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức thì phải có một thời gian cho các đương sự khắc phục, đáp ứng yêu cầu để hợp đồng có hiệu lực, nếu không đáp ứng được thì mới tuyên là hợp đồng vô hiệu. Trong trường hợp này, Toà án chưa tạo điều kiện cho các bên hợp pháp hoá hình thức hợp đồng mà đã tuyên hợp đồng giữa anh Chính và chị Bảnh vô hiệu là chưa đúng pháp luật.

Mặt khác, việc quy định như Điều 139 Bộ luật dân sự cũng có sự bất cập nếu một trong hai bên chủ thể không có thiện chí và cố tình trốn tránh trách nhiệm thì việc hợp thức hoá hình thức của hợp đồng cũng không thể thực hiện được và lợi ích của chủ thể trong hợp đồng này không được đảm bảo. Chẳng hạn như hợp đồng miệng giữa anh Chính và chị Bảnh nếu muốn thiết lập văn bản thì cũng không có khả năng bởi anh Chính không thừa nhận có sự cam kết này. Do vậy, việc xử lí hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm hình thức trên thực tế cũng là một vấn đề cần được quy định sát thực và đầy đủ hơn.

 Đồng thời, sự khác nhau cơ bản trong quy định về hợp đồng vô hiệu giữa Bộ luật dân sự và Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã dẫn tới những cách hiểu khác nhau, việc xử lý hậu quả giao dịch hợp đồng vô hiệu thực tế trong thời gian qua cũng phát sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi. “Chính vì quan niệm hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế có bản chất pháp lý khác nhau, do đó pháp luật điều chỉnh chúng không có khả năng hỗ trợ, bổ sung cho nhau[4] đã dẫn đến tình trạng các cơ quan tài phán Việt Nam thường lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Toà án chỉ áp dụng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế mà không áp dụng Luật thương mại, Bộ luật dân sự khi xem xét hợp đồng kinh tế vô hiệu dù Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định chưa hợp lí và có những phán quyết rất khác nhau về cùng một tranh chấp hợp đồng. Ví dụ về vụ VIDAMCO kiện TANACO cho thấy điều đó.

Công ty ô tô Việt Nam-Daewoo (VIDAMCO) kiện công ty TANACO vi phạm nghĩa vụ thanh toán hợp đồng mua bán 100 xe ô tô (ký ngày 7/7/1995). Toà sơ thẩm tuyên hợp đồng kinh tế là hợp pháp, buộc TANACO phải trả VIDAMCO số tiền còn nợ. Toà phúc thẩm lại tuyên hợp đồng vô hiệu, căn cứ khoản 2 Điều 8 PLHĐKT: TANACO- một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng. Công việc thoả thuận trong hợp đồng ký giữa VIDAMCO và TANACO là TANACO mua ô tô của VIDAMCO. Trong quan hệ này, VIDAMCO là người bán, có đăng ký kinh doanh về sản xuất và kinh doanh ô tô, TANACO mua xe từ VIDAMCO, chưa có giấy phép kinh doanh mua bán ô tô hay kinh doanh vận chuyển hành khách bằng taxi tại thời điểm kí hợp đồng (TANACO được bổ sung chức năng mua bán xe ô tô ngày 8/7/1995; giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách bằng taxi ngày17/10/1995) và Toà án căn cứ vào đó để tuyên hợp đồng vô hiệu.                                                                                                                                                                                                    

Có ý kiến đã cho rằng: nếu Toà án áp dụng pháp luật theo quan điểm “hợp đồng kinh tế chỉ được coi là một dạng đặc biệt của hợp đồng dân sự, phái sinh từ hợp đồng dân sự” 1 thì có thể đối chiếu với Điều 139 Bộ luật dân sự và khi đó, trước khi xảy ra tranh chấp, TANACO đã có giấy phép mua bán ô tô và giấy phép vận chuyển hành khách bằng taxi thì Toà án không nên máy móc tuyên hợp đồng kinh tế đó vô hiệu như vậy.[5]

Tại vụ án này, có một vấn đề đặt ra là: Toà án xét xử đã có sự cứng nhắc và máy móc khi tuyên hợp đồng vô hiệu chỉ vì lý do bên mua chưa có đăng ký kinh doanh mua bán ô tô hay kinh doanh vận chuyển hành khách bằng taxi tại thời điểm ký hợp đồng. Trong khi đó, người mua có thể dùng hàng đã mua vào bất cứ mục đích gì và trong một số trường hợp thì sử dụng cho mục đích kinh doanh. Thực tế đã chứng minh bên mua không cần có giấy phép kinh doanh bởi điều này không ảnh hưởng gì đến môi trường kinh doanh hay các giao dịch trong đời sống. Vấn đề giấy phép kinh doanh đặt ra ở đây đối với bên mua rõ ràng là không cần thiết.

Do đó, quy định như khoản b Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là chưa chính xác khi yêu cầu “một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc đã thoả thuận trong hợp đồng”. Bởi lẽ có những trường hợp như vụ án trên, bên mua không cần có đăng ký kinh doanh để thực hiện thoả thuận trong hợp đồng mà các bên đã ký kết. Vì vậy, việc Toà án vận dụng cứng nhắc quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế để tuyên vô hiệu là không hợp lý. 

Mặt khác, ở nước ta, thường tất cả các bên trong hợp đồng kinh tế đều có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này đã khuyến khích các bên, kể cả bên có lỗi gây ra sự vô hiệu, khởi kiện ra Toà án nhằm tuyên hợp đồng vô hiệu để trốn tránh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc trục lợi từ chính sự vi phạm của mình. Quy định về việc xử lý hậu quả hợp đồng kinh tế vô hiệu của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế vô tình tạo công cụ giúp những kẻ gian dối, gây nên những bất hợp lý trong thực tiễn kinh doanh, không bảo vệ được bên ngay tình trong hợp đồng. Thực trạng này không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên, gây ra không ít những thiệt hại và hậu quả xấu về kinh tế cho các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế.

VI. SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT DÂN SỰ, KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỀ VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

1. Điểm tương đồng

Có thể nói bên cạnh những quy định khác của pháp luật về hợp đồng, quy định vi phạm hợp đồng và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vi phạm hợp đồng đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sự ổn định cho các giao lưu dân sự, kinh tế, thương mại. Từ những quy định về trách nhiệm pháp lý phát sinh do vi phạm hợp đồng, các hành vi vi phạm nghĩa vụ thoả thuận trong hợp đồng đã được hạn chế đến mức thấp nhất, đảm bảo cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng thực hiện nghĩa vụ đúng cam kết. Nhìn chung những quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại về vấn đề này khá đầy đủ, đặc biệt là những quy định của Bộ luật dân sự về các trường hợp vi phạm hợp đồng (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, chậm thực hiện nghĩa vụ…) trong các loại hợp đồng cụ thể. Trong khi đó, Luật thương mại lại có những quy định khá khái quát về chế tài trong thương mại (chương IV) làm cơ sở cho việc áp dụng các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại đều chưa đưa ra được khái niệm cụ thể về vi phạm hợp đồng. Việc xác định thế nào là một vi phạm hợp đồng cũng chỉ dựa trên cơ sở vi phạm nghĩa vụ và các trường hợp không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ mà Bộ luật dân sự đưa ra. Song, hạn chế này không chỉ tồn tại trong pháp luật hợp đồng Việt Nam mà còn trong pháp luật hợp đồng của hầu hết các nước trên thế giới.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại cũng như các văn bản hướng dẫn đều chưa đưa ra được cơ sở pháp lý rõ ràng và thuyết phục về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra.

Các quy định của pháp luật về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng đã nói đến hình thức thể hiện và căn cứ xác định thiệt hại nhưng phương thức, căn cứ tính toán thiệt hại xảy ra chưa được đầy đủ và cụ thể. Điều này đã gây khó khăn trong việc giải quyết trách nhiệm theo hợp đồng, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2. Điểm khác biệt

Pháp luật về hợp đồng (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự, Luật thương mại và những văn bản pháp luật liên quan) khi quy định về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng còn nhiều thiếu sót, hạn chế, đặc biệt là không thống nhất giữa các hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế.

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại quy định rất chung chung về một số trường hợp vi phạm hợp đồng như không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ (giao hàng thiếu, kém chất lượng, có sai sót kỹ thuật…) hay chậm thực hiện nghĩa vụ. Các trường hợp vi phạm hợp đồng trong Bộ luật dân sự đầy đủ hơn nhưng lại tản mạn, rải rác ở những quy định về các loại hợp đồng cụ thể (hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê nhà…).

Về trách nhiệm pháp lý phát sinh từ vi phạm hợp đồng, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại đã quy định thành một mục riêng (mục 1 chương IV Luật thương mại) hoặc một chương riêng (chương IV Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Bộ luật dân sự không quy định một cách khái quát về các hình thức trách nhiệm này mà quy định kèm theo các trường hợp vi phạm hợp đồng.

Đối với hành vi không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại, khoản 2 Điều 311 Bộ luật dân sự chỉ quy định bên vi phạm có nghĩa vụ “thanh toán giá trị của vật và bồi thường thiệt hại”. Vậy thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao vật cùng loại như đối với trường hợp không giao vật đặc định ở khoản 1 Điều 311 hay không? Khoản 2 Điều 311 chưa quy định rõ ràng về trường hợp này.

Luật thương mại đã có quy định về biện pháp huỷ hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự lại không quy định biện pháp này. Tuy nhiên chế tài huỷ hợp đồng trong Luật thương mại cũng chưa thật sự được thể hiện rõ ràng bởi Luật thương mại không quy định cụ thể huỷ hợp đồng là huỷ toàn bộ hay chỉ huỷ phần nghĩa vụ bị vi phạm theo sự thoả thuận của các bên. Trên thực tế, các bên tham gia hợp đồng có thể vi phạm toàn bộ hợp đồng nhưng rất nhiều trường hợp chỉ xảy ra với một phần hợp đồng, một điều khoản cụ thể nhưng pháp luật không quy định cụ thể huỷ toàn bộ hay huỷ một phần hợp đồng trong trường hợp vi phạm một phần hợp đồng, một phần nghĩa vụ.

Ngoài sự tản mạn và thiếu rõ ràng, các quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại còn thiếu thống nhất khi quy định về các trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và các hình thức trách nhiệm phát sinh.

Pháp luật dân sự có rất nhiều quy định cụ thể đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đối với từng trường hợp và từng loại giao dịch nhưng lại chưa có những quy định chung và thống nhất về các căn cứ đầy đủ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Luật kinh tế đã quy định một cách tương đối khái quát về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 29 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Luật thương mại có hệ thống các quy định về vấn đề này đầy đủ và rõ ràng hơn cả. Như vậy, Bộ luật dân sự phải có những quy định thống nhất, đầy đủ về căn cứ phát sinh trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại cùng với Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại.

  Mối quan hệ giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra chỉ được đề cập đến với tính cách là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở khoản 3 Điều 230 Luật thương mại. Điều này đã gây không ít tranh cãi khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi có những hành vi là nguyên nhân gián tiếp gây ra thiệt hại được Bộ luật dân sự thừa nhận để áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Luật thương mại dường như lại không chấp nhận nguyên nhân gây ra thiệt hại này.

  Luật dân sự và thương mại đều có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng nhưng cách đề cập lại tương đối khác nhau. Luật dân sự đưa ra nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại nếu các bên không có thoả thuận trước về mức bồi thường (Điều 379 Bộ luật dân sự). Luật thương mại quy định nguyên tắc định lượng trong xác định thiệt hại và bồi thường: “Số tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng” (khoản 2 Điều 229 Luật thương mại). Luật kinh tế cũng thể hiện nguyên tắc “bồi thường tương đương”, bên bị vi phạm đã bị thiệt hại khoản nào thì mới được đòi bồi thường khoản đó. Ở đây có một nguyên tắc bồi thường là các bên “phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau” chỉ được Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đặt ra mà không có ở Bộ luật dân sự hay Luật thương mại. Việc các bên phải chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp với nhau rất quan trọng trong các hợp đồng mang tính chất trung gian (hợp đồng vận chuyển) nên nếu luật dân sự hay luật thương mại không quy định nguyên tắc bồi thường này cũng là một thiếu sót đáng kể. Có thể lấy một ví dụ rất cụ thể cho trường hợp này như sau:

  Theo Quyết định số 06/ UBTP- KT ngày 14/05/2001 (về vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển thép giữa xí nghiệp Hùng Vương và Công ty vận tải biển Sài Gòn), trên cơ sở có nhu cầu đưa thép do liên doanh sản xuất vào tiêu thụ tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01/01/1999 Công ty liên doanh sản xuất thép Việt úc (VINAUSTEEL) ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá với Công ty dịch vụ vận tải số 1 (TRACO). Ngày 17/7/1999 Công ty VINAUSTEEL có thư yêu cầu công ty TRACO vận chuyển 1500 tấn thép cây từ bãi của nhà máy vào cảng rau quả TP HCM. Để thực hiện việc vận chuyển, ngày 16/7/1999 Công ty TRACO ký hợp đồng kinh tế số 16-99/HĐVC thuê xí nghiệp 583 Quân khu III vận chuyển số sắt nói trên. Ngày 19/7/1999 Xí nghiệp 583 lại ký hợp đồng vận chuyển số 51/HĐVC thuê Xí nghiệp Hùng Vương vận chuyển lô thép trên. Ngày 17/7/1999 Xí nghiệp Hùng Vương ký hợp đồng vận chuyển số 07/99/HĐVCthuê tàu Thanh Đa của Công ty vận tải biển Sài Gòn để vận chuyển. Công ty vận tải biển Sài Gòn thực hiện hợp đồng vận chuyển nhưng khi dỡ hàng mới phát hiện thấy thép bị gỉ sét và các bên đã yêu cầu giám định, khối lượng thổn thất tương đương 10,9 tấn. Sau khi có tổn thất, các bên có thương lượng với nhau nhưng không thành. Ví vậy, ngày 11/10/1999, Xí nghiệp Hùng Vương có đơn khởi kiện đòi Công ty vận tải biển Sài Gòn phải bồi thường toàn bộ tổn thất hàng hoá. TAND Tp Hải Phòng thụ lý vụ án. Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 02/KTST ngày 01/02/2000 TAND TP Hải Phòng quyết định Công ty vận tải biển Sài Gòn phải bồi thường tổn thất hàng hoá cho Xí nghiệp Hùng Vương. Nhưng ngày 15/02/2000 VKSND Tp Hải Phòng kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do: Xí nghiệp Hùng Vương không có hàng và không bị thiệt hại mà thiệt hại nếu có là của Công ty VINAUSTEEL, vì vậy Xí nghiệp Hùng Vương không có quyền khởi kiện Công ty vận tải biển Sài gòn. Bản án kinh tế phúc thẩm số 95/PT ngày 10/8/2000 của Toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị trên và huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 02/KTST ngày 01/02/2000. Ngày 8/11/2000 Xí nghiệp Hùng Vương có đơn khiếu nại. Ngày 17/11/2000 TAND TP Hải Phòng có Công văn gửi TANDTC đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên. Tại kết luận số 13/KL- AKT ngày 29/3/2001 Viện trưởng VKSNDTC thống nhất với kháng nghị của Chánh án TANDTC, xác định Xí nghiệp Hùng Vương hoàn toàn có quyền khởi kiện và được bồi thường thiệt hại bởi trong vụ án này Xí nghiệp Hùng Vương và Công ty vận tải biển Sài Gòn đã trực tiếp thoả thuận ký kết hợp đồng, do đó hai bên phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau theo quy định tại khoản 1 Điều 29 PLHĐKT: “các bên phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với nhau về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế”.

Từ vụ án trên có thể thấy nếu Bộ luật dân sự hay Luật thương mại không quy định về nguyên tắc các bên chịu trách nhiệm bồi thường trực tiếp với nhau như quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì khi xảy ra tranh chấp hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng trong lĩnh vực thương mại sẽ khó có cách giải quyết thuyết phục và đảm bảo được quyền lợi của bên bị vi phạm.

Vấn đề xác định thiệt hại cũng chưa được Bộ luật dân sự quy định một cách khái quát và mang tính nguyên tắc, trong khi Luật kinh tế và thương mại đã có những quy định (mặc dù chưa cụ thể) về việc xác định thiệt hại do vi phạm hợp đồng, góp phần tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng các quy định pháp luật để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng có liên quan. Theo xu hướng hiện nay, Bộ luật dân sự được xem là một đạo luật gốc mang tính điều chỉnh bao trùm lại không có bất kỳ quy định khái quát, cụ thể về vấn đề này thì phải coi đó là một điểm thiếu sót rất lớn của pháp luật dân sự.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng với các chế tài khác được điều chỉnh khác nhau giữa Luật dân sự, kinh tế và thương mại. Theo Bộ luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng đồng thời với phạt vi phạm khi các bên đã có thỏa thuận hoặc có quy định của pháp luật. Luật kinh tế quy định có thể áp dụng đồng thời cả hai loại chế tài khi có hành vi vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại. Còn đối với hợp đồng thương mại, khi các bên không có thoả thuận khác thì bên có quyền lợi bị vi phạm được lựa chọn một trong hai chế tài là phạt vi phạm hoặc buộc bồi thường thiệt hại đối với cùng một vi phạm. Quy định như vậy đã hợp lý hay chưa khi mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có một thiệt hại xảy ra nhằm khôi phục những tổn thất của bên bị vi phạm và phạt vi phạm hợp đồng là một loại chế tài tự thỏa thuận giữa các bên với mục đích nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện mà không phụ thuộc vào việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng có gây ra thiệt hại hay không?

Bên cạnh đó, Luật thương mại còn quy định: “trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên có quyền lợi bị vi phạm không được áp dụng các chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc huỷ hợp đồng” (Điều 225 Luật thương mại). Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người đang thực hiện nghĩa vụ cũng như hạn chế khả năng tư lợi của người có quyền nhưng pháp luật kinh tế và dân sự lại không quy định vấn đề này.

Về chế tài phạt vi phạm hợp đồng, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại cũng chưa có những quy định thống nhất về mức phạt vi phạm. Mức phạt vi phạm hợp đồng kinh tế từ 2% đến 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (điểm a khoản 2 Điều 29 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Mức phạt vi phạm cao nhất mà Bộ luật dân sự đưa ra là không quá 5% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 378 Bộ luật dân sự). Và Luật thương mại lại đưa ra mức cao nhất không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 228). Trong khi những tiêu chí phân loại hợp đồng của pháp luật Việt Nam chưa thống nhất và rõ ràng dẫn đến việc phân biệt các loại hợp đồng là rất khó khăn thì lại thêm những quy định thiếu thống nhất của pháp luật hợp đồng về mức phạt vi phạm càng gây thêm nhiều rắc rối cho việc áp dụng luật trên thực tế.

Quy định về hình thức của thoả thuận phạt vi phạm trong Bộ luật dân sự cũng không thống nhất với quy định về hình thức của hợp đồng dân sự. Hợp đồng dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (khoản 1 Điều 400 Bộ luật dân sự) nhưng thoả thuận phạt vi phạm bắt buộc phải được lập thành văn bản (khoản 2 Điều 377 Bộ luật dân sự). Ở đây xuất hiện một vấn đề bất cập là đối với hợp đồng dân sự được giao kết bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể thì nếu vi phạm hợp đồng xảy ra, chế tài phạt vi phạm (thoả thuận bằng lời nói) liệu có được áp dụng hay không bởi theo quy định của pháp luật dân sự, thoả thuận phạt vi phạm phải được thể hiện bằng văn bản?

Yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không được quy định một cách thống nhất trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Luật dân sự và thương mại có đề cập đến vấn đề lỗi như một trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Trong khi đó, pháp luật kinh tế không coi lỗi như một căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bên vi phạm luôn  phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với bên bị vi phạm mà không phụ thuộc vào lỗi của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào (Nghị định 17/HĐBT ngày 16/01/1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế). Có thể nói đây là một vấn đề phức tạp xuất phát từ những quy định bất hợp lý của pháp luật hợp đồng Việt Nam.

Các trường hợp miễn, giảm trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cũng chưa được quy định thống nhất trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Luật dân sự không có quy định về việc miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầy đủ và rõ ràng như Luật kinh tế. Tuy nhiên, Luật kinh tế cũng chưa có quy định miễn, giảm trách nhiệm trong những trường hợp do thoả thuận của các bên hoặc trường hợp vi phạm nghĩa vụ và gây thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Luật thương mại cũng chưa quy định trường hợp miễn, giảm trách nhiệm khi nghĩa vụ hợp đồng không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng và gây thiệt hại là do một phần hoặc toàn bộ lỗi của người có quyền đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Trường hợp miễn trách nhiệm do lỗi của khách hàng, do khuyết tật của hàng hoá hay do có đình công quy định trong Điều 169 Luật thương mại cũng chưa được đặt ra trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự.

Như vậy, những quy định của pháp luật hợp đồng về vi phạm hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng mặc dù đã góp phần tạo ra sự ổn định trong quan hệ hợp đồng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia nhưng vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót do sự mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu thống nhất, gây không ít khó khăn cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế.

Nhìn chung, những quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại còn nhiều điểm khác biệt, thiếu thống nhất, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau, cần phải được hoàn thiện. 

 

 

 

PHẦN THỨ BA
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

 

A.        KINH NGHIỆM XÂY DỰNG PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

       Để hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam, chúng ta phải tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trên thực tế, trình độ lập pháp của Việt Nam còn yếu kém và chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Do vậy, việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do mỗi nước có đặc điểm kinh tế - chính trị - xã hội, trình độ lập pháp cũng như lịch sử phát triển pháp luật hợp đồng không giống nhau nên sự tiếp thu phải có chọn lọc và cân nhắc. Chính vì thế, pháp luật Việt Nam không chỉ mang ảnh hưởng và dấu ấn của một hệ thống pháp luật. Trước khi xem xét đến pháp luật các nước, chúng ta sẽ điểm qua một vài nét về pháp luật hợp đồng nước ta hiện nay.

I. MÔ HÌNH PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

       Pháp luật hợp đồng Việt Nam hiện nay có sự phân chia thành ba lĩnh vực chủ yếu là kinh tế, dân sự, thương mại. Sự phân biệt này căn cứ vào mục đích, chủ thể, nội dung và một số yếu tố khác của hợp đồng. Các quy định của pháp luật về hợp đồng trong ba lĩnh vực nói trên được ban hành trong những thời điểm khác nhau, khi nền kinh tế, xã hội của nước ta ở vào những giai đoạn khác nhau. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế được ban hành vào ngày 25/9/1989, Bộ luật dân sự được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995 và có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 và trong khi sự tồn tại song song và đồng thời của hai loại hợp đồng kinh tế và dân sự còn đang vận hành thiếu sự đồng bộ thì năm 1997, Luật thương mại ra đời (được Quốc hội thông qua ngày 10/5/1997), kéo theo đó là một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành cũng được ban hành tạo nên ba hệ thống văn bản điều chỉnh ba lĩnh vực khác nhau phức tạp, mâu thuẫn và chồng chéo. Nguyên nhân của tình trạng trên là do yếu tố lịch sử, trình độ lập pháp cũng như sự ảnh hưởng khá sâu sắc của các hệ thống pháp luật khác nhau mà Việt Nam có quan hệ kinh tế, chính trị ràng buộc.

II.        MÔ HÌNH PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

1. Pháp

       Pháp luật Pháp thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, có sự phân biệt rõ giữa luật công và luật tư. Bộ luật dân sự là bộ luật gốc, là nền tảng pháp lý cơ bản và quy định về hợp đồng nói chung, nó được áp dụng khi luật đặc thù không có quy phạm điều chỉnh. Ngoài ra, các hợp đồng đặc thù như: hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thương mại… được điều chỉnh một cách cụ thể trong các đạo luật đơn hành. Như vậy, mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự và các đạo luật khác về hợp đồng là mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng (Lex Generalis và Lex Specialis) tạo thành một thể thống nhất không mâu thuẫn, chồng chéo mà phối hợp chặt chẽ với nhau.

2. Cộng hoà liên bang Nga

Với sự thay đổi sâu sắc về chính sách kinh tế, xã hội và tư duy lập pháp, pháp luật về hợp đồng của Nga đã được quy định một cách thống nhất trong Bộ luật dân sự, theo đó, những quy định này có giá trị hiệu lực điều chỉnh chung và cao nhất. Như vậy, về cơ bản, pháp luật hợp đồng Nga hiện nay không còn có sự phân biệt giữa hợp đồng kinh tế và dân sự như trước đây nữa, mọi quan hệ hợp đồng nói chung đều được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự.

       3. Nhật Bản

       Nhật Bản là quốc gia tiêu biểu cho việc học tập, tích luỹ kinh nghiệm từ các nước và xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện. Pháp luật Nhật Bản kế thừa, chọn lọc hệ thống luật Châu Âu lục địa, đặc biệt là Đức- một nước điển hình về luật dân sự bất thành văn. Đồng thời, do chịu ảnh hưởng của Pháp cho nên giới luật gia Nhật Bản xem luật dân sự là luật tư. Vì vậy, pháp luật Nhật Bản không phân biệt hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng thương mại. Pháp luật hợp đồng của Nhật Bản không phải là một luật độc lập mà được quy định trong Bộ luật dân sự và áp dụng thống nhất cho mọi quan hệ hợp đồng. Hợp đồng thương mại chỉ là một loại hợp đồng đặc thù mang màu sắc thương mại, được giao kết nhằm thực hiện các hành vi thương mại, chính vì thế Luật thương mại Nhật Bản có quy định về các hành vi thương mại phân biệt với các hành vi dân sự nhưng không quy định hợp đồng thương mại tách rời chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự. Vấn đề này xuất phát từ chỗ Nhật Bản và các nước theo trường phái Luật La mã coi Luật thương mại chỉ là luật đặc biệt của Luật dân sự. Mối quan hệ giữa Luật thương mại và Bộ luật dân sự thể hiện ở chỗ trong trường hợp Luật thương mại không có quy định thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật dân sự được coi là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của ngành luật tư.

       4. Trung Quốc

       Đây là một trong số ít những quốc gia có hệ thống pháp luật gần gũi và tương đồng so với Việt Nam. Là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc cũng như Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nhiều về đường lối chính trị và tư tưởng lập pháp của Liên bang Xô Viết cũ. Do vậy trước đây, Trung Quốc cũng phân chia hợp đồng thành ba loại, trong đó có cả hợp đồng kinh tế. Hiện nay, luật hợp đồng mới của Trung Quốc là luật hợp đồng thống nhất áp dụng đối với mọi quan hệ hợp đồng, bất kể đó là dân sự, kinh tế hay thương mại. Hợp đồng căn cứ vào kế hoạch quốc gia chỉ được quy định 38 điều trong luật hợp đồng mới và khái niệm hợp đồng kinh tế cũng đã hoàn toàn biến mất trong luật hợp đồng mới. Cách áp dụng khác nhau tuỳ theo chủ thể, hoặc phân biệt quốc nội, quốc ngoại cũng không được quy định nữa. Rõ ràng luật hợp đồng mới của Trung Quốc đã chuyển từ luật hợp đồng kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa sang luật hợp đồng dân sự thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa.

       Tóm lại, qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng hầu hết các nước đều không có sự phân tách pháp luật hợp đồng thành ba loại (kinh tế, dân sự, thương mại) như Việt Nam. Hầu hết các nội dung cơ bản về hợp đồng đều được quy định thống nhất trong Bộ luật dân sự. Các loại hợp đồng cụ thể, đặc thù được cụ thể hoá trong những văn bản pháp luật chuyên biệt. Điều này thể hiện tính thống nhất trong các quy định của pháp luật về hợp đồng ở các nước. Đây chính là điểm mà Việt Nam cần học hỏi tiếp thu. Trên thực tế, pháp luật hợp đồng Việt Nam đang có xu hướng thay đổi theo hướng này.

       III. THAM KHẢO CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

       Các nguyên tắc áp dụng pháp luật là một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, việc áp dụng pháp luật chính là một cách để pháp luật đi vào thực tế cuộc sống, giải quyết các mối quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Một hệ thống pháp luật dù được quy định tiến bộ đến đâu nhưng quá trình áp dụng không hiệu quả thì thực tế, các quy định của pháp luật vẫn chưa bắt rễ được vào thực tế và chưa thực sự là công cụ của nhà nước trong việc quản lý xã hội. Chính vì thế, các nguyên tắc áp dụng pháp luật cần được nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc. Hiện nay, Việt Nam tồn tại ba nguyên tắc áp dụng pháp luật. Đó là nguyên tắc tôn trọng tầm hiệu lực của văn bản, nguyên tắc ưu tiên áp dụng theo thời điểm ban hành và nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật tư trước luật công cũng được áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật ở Việt Nam còn nhiều vướng mắc do không có những quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất. Pháp luật các nước trên thế giới, điển hình là Nhật Bản đã có những quy định cụ thể về các nguyên tắc áp dụng pháp luật. Nhật Bản quy định ba nguyên tắc áp dụng pháp luật :

       - Nguyên tắc thứ nhất đó là tôn trọng tầm hiệu lực pháp lý của văn bản: khi xảy ra tình trạng cùng một quan hệ hợp đồng nhưng có quy phạm của hai văn bản pháp luật trở lên điều chỉnh với nội dung khác nhau thì quy phạm của văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được ưu tiên áp dụng. 

       -           Nguyên tắc thứ hai là ưu tiên áp dụng quy phạm theo thời điểm ban hành. Theo nguyên tắc này, khi cùng một quan hệ được điều chỉnh bởi hai quy phạm có nội dung khác nhau trong hai văn bản pháp luật có tầm hiệu lực pháp lý ngang nhau thì ưu tiên áp dụng quy phạm được ban hành sau. Một nội dung quan trọng của nguyên tắc này chính là việc cấm áp dụng hiệu lực hồi tố.

       -           Nguyên tắc thứ ba là ưu tiên áp dụng quy phạm pháp luật chuyên ngành khi một quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi cả quy phạm của đạo luật chung và đạo luật chuyên ngành. Còn trong trường hợp các quan hệ hợp đồng chưa được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật chuyên ngành thì đương nhiên áp dụng luật chung.

       Nhật Bản xem nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy phạm pháp luật căn cứ vào tầm hiệu lực của văn bản chứa đựng quy phạm là nguyên tắc tối cao. Sau đó đến ưu tiên áp dụng các đạo luật chuyên ngành so với đạo luật chung. Và cuối cùng là nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy phạm theo thời điểm ban hành. Các nguyên tắc này rất cần thiết cho việc áp dụng pháp luật hợp đồng tại Việt Nam, tuy nhiên tuỳ theo điều kiện của Việt Nam mà chúng ta ưu tiên nguyên tắc nào trước. Thực tế cho thấy, vấn đề áp dụng pháp luật ở Việt Nam khá phức tạp bởi ngay hệ thống pháp luật về hợp đồng đã không thống nhất, bên cạnh đó các quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật cũng không được chi tiết và rõ ràng. Chính vì thế, bên cạnh việc thống nhất hoá pháp luật hợp đồng, chúng ta cần phải xây dựng các nguyên tắc áp dụng pháp luật và thứ tự ưu tiên áp dụng giữa các nguyên tắc cho phù hợp với xu thế chung và đặc điểm riêng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp về vấn đề này sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau (phần: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam).

IV. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH TỪ HỢP ĐỒNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

       Thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng của Việt Nam khá phức tạp. Do có sự phân loại các hợp đồng một cách rõ nét nên thủ tục giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng cũng có sự phân chia tương ứng. Các tranh chấp hợp đồng dân sự được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự và do toà án dân sự thụ lý; các tranh chấp hợp đồng kinh tế được giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế và do Toà án kinh tế thụ lý. Riêng đối với hợp đồng thương mại do không có quy định riêng về thủ tục tố tụng nên tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng kinh tế. Chính điều này đã gây ra sự phức tạp, khó khăn rất lớn trong cơ chế giải quyết. Bởi thực tế để xác định được một cách chính xác loại hợp đồng cũng như tính chất của hợp đồng là điều không dễ dàng. Từ đó, quyền lợi của các bên không được bảo đảm một cách thoả đáng và kịp thời. Đây là một điểm yếu trong cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng của pháp luật Việt Nam và cần được điều chỉnh.

       Một số quốc gia không có phân biệt giữa tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự như ở nước ta cho nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp chung thuộc về Toà án dân sự xét xử. Đối với những nước có Luật thương mại phát triển sớm như Pháp và Đức có phân biệt Luật thương mại với Luật dân sự, có phân biệt tranh chấp thương mại và tranh chấp dân sự cho nên có Toà dân sự, Toà thương mại, điều này cho thấy những nét đặc thù của quan hệ thương mại so với quan hệ dân sự.      

       Theo pháp luật tố tụng của một số quốc gia khác tuỳ theo quan niệm, tập quán và chính sách phát triển, pháp luật cũng có những quy định khác nhau về những loại tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài và những loại tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng Toà án - cơ quan tài phán nhà nước. Tuy nhiên phần lớn các nước đều thống nhất với nhau ở một điểm: những quan hệ tài sản mà các bên được tự do thoả thuận thì đều có thể được giải quyết bằng trọng tài không phân biệt đó là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh tế (thương mại). Sở dĩ có quan niệm này vì đa số các nước không có sự phân biệt tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh tế.        

       Tóm lại, thông qua việc tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng pháp luật hợp đồng của các nước trên thế giới chúng ta thấy rằng: pháp luật hợp đồng Việt Nam còn nhiều điểm bất cập và chưa thống nhất, khiến cho việc áp dụng trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Sự thống nhất hoá các quy phạm pháp luật về hợp đồng trong Bộ luật dân sự được coi là phù hợp nhất. Bên cạnh đó, sự cụ thể hoá các quy định về hợp đồng ở những văn bản pháp luật chuyên ngành là điều cần thiết để cho hệ thống pháp luật hợp đồng vừa có tính khái quát cao vừa có tính cụ thể, đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống.

 

B. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

I.   XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG CỦA THẾ GIỚI

1. Quá trình nhất thể hoá pháp luật hợp đồng của hệ thống các nước chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa

       Pháp luật hợp đồng của các nước chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật XHCN tồn tại trong một khoảng thời gian tương đối dài cùng với nền kinh tế kế hoạch đã để lại những giá trị tốt đẹp cho nhiều quốc gia, nhất là sau khi họ vừa trải qua một cuộc đại chiến thế giới tàn khốc. Tuy nhiên, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã dần bộc lộ những hạn chế của mình trong việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hoá cũng khiến cho nền kinh tế kế hoạch tập trung càng cô lập và tách biệt với thế giới. Do đó, sự thay đổi trong tư duy lập pháp và thể chế kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường là điều tất yếu khách quan.

       Sau khi nghiên cứu pháp luật hợp đồng một số nước XHCN, điển hình là hai nước Trung Quốc và Liên bang Nga chúng tôi thấy rằng xu hướng nhất thể hoá pháp luật hợp đồng là một xu hướng tất yếu và phù hợp với các nước XHCN trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là kinh nghiệm đắt giá cho quá trình hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam. Tuy nhiên, cách thức và quá trình nhất thể hoá pháp luật hợp đồng của các nước không giống nhau vì còn phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế- chính trị- xã hội cũng như nền tảng pháp luật vốn có của mỗi nước. Sau đây là một số nét tiêu biểu trong quá trình phát triển pháp luật hợp đồng của Liên bang Nga và Trung Quốc.

       1.1. Trung Quốc

       Trung Quốc cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng lập pháp của Liên Xô và cũng có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung nên pháp luật hợp đồng cũng tản mạn và chồng chéo; cùng với đó là quan điểm hết sức lệch lạc về hợp đồng. Khái niệm hợp đồng kinh tế tồn tại song song và tách biệt với hợp đồng dân sự. Khái niệm “kinh tế” ở đây chỉ mối quan hệ giữa các chủ thể nằm trong một bộ máy được vận hành dưới sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước theo các chỉ tiêu kế hoạch đề ra mà không hề tính tới ý chí hay lợi ích của các chủ thể ký kết. Cũng trong thời kỳ này, pháp luật hợp đồng Trung Quốc còn có sự phân chia một cách tương đối độc lập giữa các quan hệ hợp đồng trong cùng một lĩnh vực nhất định. Ví dụ như bên cạnh Luật hợp đồng kinh tế được ban hành năm 1981 và được sửa đổi, bổ sung hoàn toàn vào năm 1993 còn có Luật hợp đồng kinh tế đối ngoại ban hành năm 1985 và Luật hợp đồng kỹ thuật ban hành năm 1987. Lí do của sự tồn tại tình trạng này là việc chúng ra đời trong những giai đoạn khác nhau để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, từ quan hệ trong khối XHCN sang mở cửa hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu mà không được đặt vào một thể thống nhất giữa các ngành luật.

       Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc đã dần dần làm hệ thống pháp luật hợp đồng cũ trở nên không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, tháng 10 năm 1993 Quốc hội Trung Quốc đã quyết định tiến hành công việc xây dựng một luật hợp đồng thống nhất. Hai mươi năm kể từ ngày mở cửa nền kinh tế, ngày 15/3/1999 Hội nghị lần thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khoá IX thông qua luật hợp đồng mới và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/1999. Việc ban hành luật hợp đồng mới ở Trung Quốc có ý nghĩa như là một cột mốc, ghi nhận sự chuyển đổi hoàn toàn về mặt luật pháp từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Luật hợp đồng mới của Trung Quốc là luật hợp đồng thống nhất áp dụng đối với mọi quan hệ hợp đồng bất kể đó là dân sự, kinh tế hay thương mại..

       Tóm lại, nét đặc trưng trong xu hướng phát triển của pháp luật hợp đồng Trung Quốc được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

       -           Sự chi tiết hoá các quy định pháp luật hợp đồng:

       Luật hợp đồng 1999 đã có sự chi tiết hoá các quy định về hợp đồng thay cho việc quy định một cách tổng quát nhằm làm cho việc áp dụng được thuận tiện và hiệu quả.

       -           Sự chuyển đổi hoàn toàn sang luật hợp đồng dân sự:

       Hợp đồng căn cứ vào kế hoạch quốc gia chỉ được quy định 38 điều trong luật hợp đồng mới và sự thay thế của luật hợp đồng đối với luật hợp đồng kinh tế và luật hợp đồng ngoại thương cho thấy khái niệm hợp đồng kinh tế cũng đã hoàn toàn biến mất và cách áp dụng khác nhau tuỳ theo chủ thể, hoặc phân biệt quốc nội, quốc ngoại cũng không được quy định nữa. Rõ ràng luật hợp đồng mới của Trung Quốc đã chuyển từ luật hợp đồng kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa sang luật hợp đồng dân sự thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa.

       - Sự áp dụng các nguyên tắc của luật hợp đồng Châu Âu lục địa:

       Nhìn toàn thể thì luật hợp đồng mới của Trung Quốc nghiêng hẳn sang trường phái luật Châu Âu lục địa. Ngoại trừ sự ràng buộc về điều kiện kinh tế khác biệt ra thì pháp luật Trung Quốc nói chung và pháp luật hợp đồng Trung Quốc nói riêng có quan hệ gần với luật Châu Âu lục địa, thêm vào đó các học giả tham gia soạn thảo luật đều có kiến thức về luật Châu Âu lục địa. Vì vậy, việc chuyển đổi như vậy cũng là một bước rất ngắn và tương đối thuận lợi.

       Cuối cùng là sự xuất hiện của một số điều luật được xây dựng từ việc du nhập các luật Anh Mỹ. Ví dụ như quyền từ chối thi hành, quyền xoá hợp đồng (Điều 94 mục 2 Luật hợp đồng Trung Quốc) trong trường hợp dự đoán đối phương vi phạm hợp đồng, mắc lỗi khi thoả thuận hợp đồng, nghĩa vụ đi kèm, nghĩa vụ sau hợp đồng (Điều 60, 92 Luật hợp đồng)... Điều này cho thấy các nhà lập pháp Trung Quốc cũng có sự quan tâm tới những ưu điểm của hệ thống Common law trong  pháp luật về hợp đồng và kết hợp hài hoà hai hệ thống luật nói trên trong một thể thống nhất.

       1.2. Liên bang Nga

       Pháp luật hợp đồng Nga trước đây (như đã nghiên cứu ở trên) có sự phân chia giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự. Hợp đồng kinh tế có bản chất hành chính, thực hiện kế hoạch của nhà nước và không mang tính tự do ý chí. Hợp đồng ngoài kế hoạch tuy thông thoáng hơn nhưng sự giới hạn quyền tự do của các bên vẫn còn khá lớn.

       Pháp luật hợp đồng Nga hiện nay không còn sự phân biệt giữa hợp đồng kinh tế và dân sự nữa. Mọi quan hệ hợp đồng nói chung đều có khả năng được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật dân sự.

       Ngoài ra, Bộ luật dân sự Nga cũng quy định về những hợp đồng cụ thể như: hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng thuê, hợp đồng đại lý, bảo hiểm, ủy nhiệm,... Những quy định đặc thù có thể được tìm thấy trong Phần thứ 2 của Bộ luật dân sự mới và những đạo luật chuyên ngành khác như: Bộ luật hàng hải buôn bán 1968, Bộ luật hàng không năm 1983 … Như vậy, tương tự như Trung Quốc, pháp luật hợp đồng Nga hiện nay đã thực sự hợp lý và tiến bộ hơn.

       Tuy kỹ thuật lập pháp có đôi chút khác nhau nhưng tựu chung lại, chúng ta có thể thấy pháp luật về hợp đồng của Liên bang Nga và Trung Quốc đều có xu hướng xích lại gần hệ thống Civil law. Các quan niệm mới về hợp đồng của hai nước này đều dựa trên nền tảng có sự phân biệt luật công và luật tư tương đối rõ ràng và coi luật dân sự là gốc của ngành luật tư. Việc không phân biệt hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự như hiện nay xuất phát từ một nguyên nhân hết sức khách quan đó là khái niệm hợp đồng kinh tế chỉ tồn tại khi nó gắn với sự tồn tại của nền kinh tế kế hoạch và thực tiễn đã chứng minh rằng nền kinh tế đó không phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung cũng như pháp luật hợp đồng nói riêng cho nên nó đã được thay thế bằng nền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN ở Trung Quốc)  phù hợp hơn.

       2. Xu hướng thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật trụ cột Common law và Civil law

       Civil law và Common law là hai hệ thống pháp luật lớn và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt là chế định về pháp luật hợp đồng. Tuy nhiên hai hệ thống pháp luật này vẫn đang tồn tại rất nhiều những khác biệt mà trước yêu cầu của xu thế hội nhập buộc chúng phải xích lại gần nhau hơn, một mặt để thuận tiện trong giao lưu giữa các nước theo hai hệ thống này, mặt khác để tránh sự lúng túng cho những nước muốn điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình theo pháp luật hợp đồng tư bản, họ sẽ không biết nên theo hệ thống nào thì có lợi hơn, nếu kết hợp thì kết hợp theo hướng nào. Chính mục đích thứ hai sẽ giúp cho hệ thống pháp luật hợp đồng thế giới khỏi bị phân cực – một hiện tượng đi ngược lại với quá trình giao lưu thương mại quốc tế.

       Chúng ta có thể thấy Anh, Mỹ là hai quốc gia tiêu biểu cho hệ thống pháp luật Common law; Pháp, Đức tiêu biểu cho hệ thống pháp luật Civil law. Sau khi nghiên cứu pháp luật các nước trên, chúng tôi có thể đưa ra một vài nhận xét, đánh giá chung nhất như sau:

       * Thứ nhất: Hệ thống pháp luật Common law (điển hình là Anh) và hệ thống pháp luật Civil law (điển hình là Pháp, Đức) có những khác biệt cơ bản như sau:

       -           Sự khác nhau về nguồn luật:  Hệ thống Civil law có nguồn thành văn là chủ yếu, nguồn luật bất thành văn rất hiếm hoi. Trong khi hệ thống Comman law thì ngược lại. Ví dụ như: nguồn của luật Anh là một trong những khác biệt lớn nhất của Common law với Civil law. Luật Anh có hai nguồn chính là văn bản pháp luật (luật thành văn) và án lệ cùng với hai nguồn bổ trợ là tập quán pháp và các học thuyết của các học giả nổi tiếng như Commentaries của Blackstone (1765), De Legibus et Consuetudinibus Angliae của Bracton (thế kỷ 13) và Institutes của Coke (1628-1641). Khái niệm luật “thành văn” (written law) ở đây không phải chỉ các nguồn có hình thức là văn bản mà còn chỉ các nguồn được hình thành từ hoạt động ban hành pháp luật (enact) của cơ quan lập pháp, các nguồn khác gọi là luật “bất thành văn”. Ở Anh, luật bất thành văn chiếm số lượng vượt trội so với luật thành văn, điều này trái ngược hẳn với hệ thống luật Civil law.

       -           Các quy phạm pháp luật của Anh là những quy chế lấy từ phần chính trong các quyết định do các cấp toà tối cao nước Anh đưa ra, như vậy quy phạm pháp luật của Anh gắn liền với những tình huống của một vụ việc cụ thể và không thể được áp dụng để giải quyết những vụ việc tương tự với nó. Nền tảng của hệ thống Civil law không phải là những quyết định của toà án mà là những nguyên tắc do học thuyết trong các trường tổng hợp tạo ra bằng cách hệ thống hoá và cải tiến những điều lệ của các bộ luật Justinianus.

       -           Sự khác biệt thứ hai và cũng tương đối lớn giữa pháp luật Anh và Civil law là về cấu trúc pháp luật. Điều này thể hiện trước hết ở việc pháp luật Anh không phân chia luật công và luật tư, hiện tượng này có nguồn gốc phát sinh là việc các toà án với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ quyền lợi của Vương quốc và Vương miện nên có được thẩm quyền rộng lớn nhất ở Anh. Các toà án xem xét những tranh chấp thuộc luật tư dần dần bị tiêu vong và cùng với đó bản thân khái niệm luật tư cũng biến mất. Mọi tranh chấp thuộc thẩm quyền toà án hoàng gia đều mang tính chất luật công. Chính điều này khiến cho chúng ta không thể thấy trong pháp luật Anh sự phân biệt luật dân sự, luật kinh tế, luật hình sự,… mà thay vào đó là sự phân biệt thông luật và luật công bình ở thế đối trọng nhau. Ngược lại, hệ thống Civil law có sự phân chia tương đối rõ ràng giữa luật công và luật tư.

       -           Ngoài ra về mặt khái niệm, pháp luật Common law cũng có những nét khác biệt so với Civil law. Những khái niệm thông thường như “pháp nhân”, “trái vụ”, “phạt hợp đồng”… không thể thấy trong thông luật mà ngược lại có thể bắt gặp những khái niệm xa lạ như “trust”, “trepass”, “consideration” (trong luật hợp đồng của Mỹ)… Những khái niệm như vậy không thể dịch được vì không thể tìm được các từ tương ứng hoặc nếu có thì không phải là thuật ngữ pháp lý.

       * Thứ hai: Xu hướng xích lại gần nhau là xu hướng chung của hai hệ thống pháp luật này. Điều này thể hiện ở một số biểu hiện sau:

       Bên cạnh nguồn luật bất thành văn, pháp luật Anh ngày càng chú trọng đến vai trò và ý nghĩa của công việc xây dựng văn bản pháp luật. Luật thương mại Anh hiện nay là một minh chứng cho kết quả của quá trình lập pháp. Đến cuối thế kỷ 18, Luật dân sự và thương mại (theo cách nhìn nhận hiện nay) được pháp điển hoá. Ngoài ra, cùng với Luật thương mại, các đạo luật khác cũng lần lượt được ra đời như Luật bán hàng 1979 và Luật Công ty hợp danh hay Bộ luật thương mại mẫu của Hoa Kỳ (UCC) để đáp ứng nhu cầu cần các quy phạm thực chất điều chỉnh các quan hệ thương mại trong thời kỳ hiện đại, nhất là quan hệ với các nước theo hệ thống Civil law. Tuy vậy các luật thành văn của Anh thực chất bắt nguồn từ các nguồn bất thành văn, chúng là sự thừa nhận hay tuyên bố lại (restatement) những nguyên tắc được hình thành từ các quan điểm trước đó của những luật gia hoặc từ án lệ như trường hợp của Luật bán hàng 1979 hay từ tập quán (Luật thương mại) và thực tiễn xét xử.

       Đáp lại những nỗ lực của các nhà lập pháp Common law, các nhà làm luật Civil law cũng có những động thái nhằm điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình trên con đường tìm tiếng nói chung giữa hai hệ thống về pháp luật hợp đồng. Điển hình là việc Civil law vay mượn các chế định luật, cấu trúc pháp lý của Common law như loại hợp đồng cho thuê - bán (Leasing) xuất hiện đầu tiên và phổ biến ở Mỹ, sau đó do những ưu điểm của mình mà nó đã được thừa nhận về mặt pháp luật tại các nước thuộc hệ thống Civil law như Nhật và Tây Âu. Ngoài ra việc các tập quán được hình thành từ các hoạt động hàng hải, ngoại thương - những hoạt động có bề dày lịch sử và rất phát triển của Anh đã được các nước Châu Âu lục địa thừa nhận cũng là một minh chứng cho xu hướng thống nhất của hai hệ thống luật này.

       Như vậy, xu hướng xích lại gần nhau giữa hai hệ thống luật Comman law và Civil law là xu hướng mang tính thời đại. Bởi lẽ, sự phát triển kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hoá đã làm cho các quốc gia có sự phụ thuộc và ràng buộc rất lớn. Nếu các nước không tự điều chỉnh để thích nghi và tìm một quy chế thống nhất chung thì đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi bước tiến chung. Mặc dù pháp luật Việt Nam không chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống luật Comman law nhưng trong xu hướng chung hiện nay, chúng ta nên tiếp thu kinh nghiệm và tìm hiểu pháp luật của họ để hoàn thiện hệ thống luật của mình.

       3. Nhu cầu hình thành các điều ước quốc tế hay nội luật hoá các cam kết quốc tế là xu hướng chung hiện nay của các nước trên thế giới

       Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới, xuất phát từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, hầu hết các nước có nền kinh tế mở đều thay đổi theo xu hướng này. Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng này. Xu hướng này thực chất là sự giải quyết xung đột pháp luật giữa các quốc gia trước nhu cầu giao lưu, hợp tác và mở cửa. Qua nghiên cứu có thể thấy sự biểu hiện của xu hướng này hết sức đa dạng và linh hoạt. Tuy nhiên một cách khái quát nhất, các nước đều có cách thức giải quyết như sau:

       -           Xây dựng, ký kết các điều ước quốc tế và áp dụng những tập quán quốc tế nhất định. Đây là cách thức phổ biến mà các nước lựa chọn để tìm được tiếng nói chung trong quan hệ pháp luật hợp đồng. Các nước có thể ký kết các điều ước quốc tế song phương hay đa phương, khu vực hay toàn cầu,…Tuy nhiên có hai cách tiếp nhận nội dung các điều ước đó vào từng quốc gia. Họ có thể trực tiếp coi điều ước mình đã tham gia là một văn bản quy phạm pháp luật như các văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan lập pháp của mình ban hành. Bên cạnh đó cũng có một cách tiếp nhận khác được áp dụng rộng rãi đối với một số điều ước quốc tế nhất định, đó là điều chỉnh pháp luật trong nước theo các nội dung của điều ước mà mình đã cam kết và quá trình này gọi là nội luật hoá các điều ước quốc tế. Biểu hiện của phương pháp này là việc các quốc gia sửa đổi hoặc bổ sung nội dung của các văn bản pháp luật trong nước liên quan đến lĩnh vực mà nội dung của điều ước đề cập đến theo tinh thần của điều ước đó. Điều này có ý nghĩa rất lớn về mặt chủ quyền quốc gia, thể hiện một số quan điểm cho rằng nên đặt luật quốc gia lên trên các điều ước quốc tế, tuy các điều ước quốc tế mà một quốc gia nào đó tham gia được hình thành trên cơ sở có sự thể hiện ý chí của quốc gia đó nhưng không phải là ý chí tuyệt đối cho nên nội dung của nó nên được tiếp nhận vào thông qua một văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành, Luật thương mại Việt Nam đang được sửa đổi theo hướng này.

       -           Cách thức thứ hai để giải quyết mối quan hệ về pháp luật hợp đồng giữa các nước đó là việc các quốc gia tự quy chuẩn hoá hệ thống luật pháp điều chỉnh về các mối quan hệ trong lĩnh vực kinh tế và trước hết ở những khu vực có quan hệ hợp tác trực tiếp với nước ngoài. Tuy nhiên bài học của các nước như Trung Quốc (trình bày ở phần trên) đã cho thấy việc quy chuẩn này không phải là một hoạt động riêng rẽ mang tính tạm thời mà nó phải được đặt trong một mối quan hệ khăng khít với các ngành luật khác và với luật gốc của ngành luật tư - luật dân sự, để khi chúng vận hành trong thực tế không vấp phải sự xung đột lẫn nhau. Đây là cách thức đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cũng như khả năng nắm bắt và thích ứng nhanh chóng với tình hình thế giới của mỗi nước.

       Như vậy, các nước hầu như đều có sự điều chỉnh nhất định cho quá trình thống nhất và hợp tác kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng tham gia vào quá trình thống nhất hoá về pháp luật hợp đồng với các nước nhưng vẫn còn hạn chế. Thực tế, Việt Nam chưa có nhiều quy định thống nhất điều chỉnh về quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy: ngoài các điều ước quốc tế liên quan đến pháp luật hợp đồng chỉ có thể bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh một số quan hệ thuộc những khía cạnh nhỏ trong chế định hợp đồng. Ví dụ trường hợp các nước thừa nhận áp dụng một số tập quán ghi nhận trong INCOTERMS về cách thức giao hàng như FOB, FAS,… hay cách tính giá như CIF. Công ước Viên về mua bán hàng hoá quốc tế cũng là một ví dụ cho trường hợp này, phạm vi điều chỉnh của công ước này chỉ là các hành vi mua bán hàng hoá quốc tế giữa các chủ thể thuộc Điều 1 trừ các hành vi mua bán thuộc Điều 2 Công ước. Bởi vì, khác với một số chế định khác như sở hữu trí tuệ hay môi trường, hợp đồng là một lĩnh vực tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều khía cạnh như thương mại, vận tải, thanh toán, và các loại hợp đồng đặc thù cho nên không thể có được một điều ước điều chỉnh bao trùm toàn bộ chế định này. Hơn nữa trong pháp luật về hợp đồng thì tự do ý chí của các chủ thể là vấn đề được đặt lên hàng đầu nên một điều ước bao trùm lên toàn bộ chế định này sẽ không đảm bảo tính toàn diện và dễ dẫn đến cứng nhắc.

       Trên đây là xu hướng phát triển mang tính tất yếu của pháp luật hợp đồng các nước trước đòi hỏi của thực tiễn. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động của các xu hướng đó. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do đó, chúng ta càng phải thay đổi nhanh chóng và thích ứng kịp thời với xu thế chung của thế giới để tránh sự tụt hậu. Hơn nữa, chế định hợp đồng là một lĩnh vực hết sức quan trọng của đời sống kinh tế – xã hội. Việc đổi mới và hoàn thiện pháp luật hợp đồng sẽ tạo ra luồng gió mới cho các chủ thể trong giao lưu dân sự. Bên cạnh sự ảnh hưởng pháp luật hợp đồng của thế giới, Việt Nam cũng có những xu hướng phát triển riêng của mình. Có thể nói, việc hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam đòi hỏi phải tiếp thu những xu hướng chung của thế giới, đồng thời phải xây dựng những nét riêng cho mình để vừa thích nghi với thế giới vừa phát triển đúng theo những phương hướng, mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.

II. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

       Pháp luật hợp đồng Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ và sâu sắc trước đòi hỏi của thực tiễn. Do vậy, trong giới nghiên cứu cũng như trong quá trình lập pháp đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề: nên phát triển pháp luật hợp đồng Việt Nam theo hướng nào cho phù hợp? Qua tổng kết quá trình nghiên cứu, có thể thấy rằng pháp luật hợp đồng Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của pháp luật hợp đồng trên thế giới. Sau đây là 4 xu hướng chung mang tính tất yếu đang thực hiện vai trò đổi mới và hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam.

       1. Xu hướng thống nhất hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam

       Thực tế, pháp luật Việt Nam có sự phân loại hợp đồng thành hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ và nhiều khi trùng lặp, chồng chéo. Chính vì thế, một số quan điểm hiện nay có xu hướng thống nhất các quy định của pháp luật hợp đồng theo các cách thức như sau:

       -           Quan điểm thứ nhất cho rằng cần tiếp tục duy trì truyền thống lập quy của Việt Nam hiện nay, nghĩa là vẫn tiếp tục phân chia pháp luật về hợp đồng thành pháp luật về hợp đồng kinh tế, pháp luật về hợp đồng dân sự, pháp luật về hợp đồng thương mại. Theo quan điểm này, để tiếp tục duy trì sự phân tách đó thì các quy định trong mỗi lĩnh vực cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của quan hệ hợp đồng và thống nhất với nhau.

       -           Quan điểm thứ hai cho rằng cần thiết phải ban hành một luật chung thống nhất về hợp đồng, không có sự phân biệt hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại nhằm đảm bảo cho các quy định được thống nhất với nhau về nội dung và hình thức. Các hợp đồng đặc thù có thể được điều chỉnh một cách chi tiết và riêng biệt trong các văn bản pháp lý chuyên ngành.

       -           Quan điểm thứ ba cho rằng với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay không cần thiết phải phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng dân sự bởi hai loại hợp đồng này hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý. Theo đó, nên xem các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự là gốc, có hiệu lực điều chỉnh chung, còn văn bản chuyên ngành chỉ điều chỉnh những nét đặc thù của các quan hệ hợp đồng trong từng lĩnh vực cụ thể. Quan điểm này trên thực tế là hợp lý vì: nó phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới và đồng thời tạo ra sự thống nhất cao trong các quy định của pháp luật về hợp đồng. Thực tế, các nước theo hệ thống pháp luật XHCN và chịu ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết trước đây cũng đang thay đổi theo xu hướng này (đã được phân tích ở mục trên). Như vậy, xu hướng phát triển của pháp luật hợp đồng Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới.

2.  Xu hướng hiện đại hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam

       Pháp luật hợp đồng của Việt Nam cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới cũng như sự phát triển tất yếu, khách quan của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta phải xây dựng một cơ chế pháp lý thông thoáng, bình đẳng để các chủ thể có thể phát huy tính tự chủ cũng như khả năng kinh doanh của mình. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 là một ví dụ điển hình về sự lạc hậu trong tư duy cũng như trình độ lập pháp. Vì thế, việc huỷ bỏ pháp lệnh này và sửa đổi Luật thương mại là một cách để hiện đại hoá pháp luật hợp đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc hiện đại hoá các quy định pháp luật về hợp đồng cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu hướng của thế giới cũng không nằm ngoài các giới hạn cần thiết để đảm bảo lợi ích công và sự phát triển lâu dài, ổn định nền kinh tế. Tức là các quy định pháp luật vừa phải đủ thông thoáng để các chủ thể đạt được sự “tự do ý chí” trong thực hiện hợp đồng, vừa phải đủ sức hạn chế và triệt tiêu những tiêu cực trong giao lưu dân sự, đảm bảo dung hoà các lợi ích trong xã hội. Bên cạnh đó, việc hiện đại hoá các quy định pháp luật cũng phải xem xét đến đặc điểm riêng về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

       3. Xu hướng quốc tế hoá pháp luật hợp đồng của Việt Nam

       Trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước cũng như những đòi hỏi bức thiết từ quá trình hội nhập và phát triển đã tạo tiền đề cho một xu hướng phát triển mới của pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng. Đó là xu hướng quốc tế hoá pháp luật hợp đồng Việt Nam. Về vấn đề này, hiện nay các nhà nghiên cứu cũng như giới luật gia Việt Nam đang có nhiều quan điểm khác nhau và nhiều giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến pháp luật hợp đồng nhưng tất cả đều thừa nhận một xu hướng phát triển chung, mang tính tất yếu của pháp luật về hợp đồng của Việt Nam là: phải xích lại gần các quy định về hợp đồng của các nước trên thế giới và khu vực, cũng như không thể xa rời các quy định của tổ chức thương mại thế giới (WTO) và khu vực thông qua khả năng cân nhắc, tiếp thu có chọn lọc những chuẩn mực của pháp luật nói chung và pháp luật về hợp đồng nói riêng của các nước trên thế giới trong điều kiện khu vực hoá, quốc tế hoá hiện nay.

       4. Xu hướng đơn giản hoá pháp luật về hợp đồng của Việt Nam

       Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta, khi mà cơ chế kinh tế mới đã trả lại được giá trị đích thực của hợp đồng với bản chất vốn có là sự thoả thuận của các bên trên nguyên tắc tự do, tự nguyện ý chí thì dù là hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự cũng đều có chung bản chất của hợp đồng và đều phải chịu sự điều chỉnh bởi những quy định cơ bản, chung nhất, mang tính gốc rễ về hợp đồng trong Bộ luật dân sự. Các văn bản pháp lý chuyên ngành chỉ quy định những vấn đề mang tính đặc thù đối với hợp đồng trong lĩnh vực cụ thể mà không nhắc lại các quy định chung đã có trong Bộ luật dân sự. Có như vậy chúng ta mới thoát ra khỏi tình trạng tản mạn, thiếu thống nhất và trùng lặp trong các quy định về hợp đồng. Bên cạnh đó, việc đơn giản hoá các quy định pháp luật không có nghĩa là bỏ qua những dự liệu cần thiết cho các quan hệ hợp đồng phát triển. Việc đơn giản hoá ở đây được hiểu là sự hệ thống hoá, pháp điển hoá lại các văn bản pháp luật cho thống nhất và hợp lý (loại bỏ những văn bản không cần thiết và lạc hậu; sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật mới). Đây không chỉ là xu hướng mà còn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay.

       Thực tế cho thấy, các xu hướng trên không bao giờ tồn tại độc lập và phát triển tách rời nhau. Ngược lại, chúng luôn có sự tác động qua lại, bổ trợ lẫn nhau và đan xen vào nhau. Việc thống nhất hoá cũng đồng thời là sự đơn giản hoá, hiện đại hoá pháp luật hợp đồng Việt Nam. Do đó, chúng ta không nên có cách hiểu cứng nhắc và tách rời các xu hướng trên.

 

C-        MỘT SỐ ĐÓNG GÓP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG VIỆT NAM

       Để góp phần nâng cao vai trò của pháp luật hợp đồng trong việc điều chỉnh các giao dịch dân sự, đáp ứng nhu cầu thực tế cuộc sống, chúng tôi cho rằng việc thống nhất pháp luật hợp đồng là điều cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, thống nhất như thế nào lại là một vấn đề còn phải bàn cãi. Trên cơ sở tổng kết quá trình nghiên cứu về pháp luật hợp đồng, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, sửa đổi Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự theo hướng là quy định có tính chất chung điều chỉnh các quan hệ có tính tự nguyện, bình đẳng, thoả thuận trong giao dịch dân sự với nguyên tắc cơ bản xuyên suốt là tôn trọng tối đa sự thoả thuận của các bên tham gia (miễn là không vi phạm điều cấm của pháp luật) và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ hợp đồng dân sự.

Thứ hai, xoá bỏ hiệu lực của Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế năm 1989.

Thứ ba, sửa đổi quy định của Luật Thương mại năm 1997 theo hướng mở rộng khái niệm thương mại, hành vi thương mại, hàng hoá và thương nhân nhằm tiến gần hơn hệ thống pháp luật về thương mại quốc tế, đưa Luật thương mại thực sự đi vào cuộc sống, nhất là thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ ngoại thương.

Các kiến nghị cụ thể:

I. XÂY DỰNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ THÀNH CÁC QUY ĐỊNH GỐC VỀ HỢP ĐỒNG

       Bộ luật dân sự phải được xem là một chế định hợp đồng chung, là gốc rễ của chế định hợp đồng được áp dụng bổ sung, hỗ trợ cho các loại hợp đồng chuyên biệt nếu trong các văn bản riêng về các loại hợp đồng chuyên biệt không có quy định. Theo hướng này, Bộ luật dân sự nên được sửa đổi như sau:

       1. Về khái niệm hợp đồng, nên thay khái niệm “hợp đồng dân sự” thành khái niệm “hợp đồng” để tránh sự phân biệt không cần thiết và tạo sự thống nhất, bao trùm trong các quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng.

Với tư tưởng chỉ đạo xây dựng, Bộ luật dân sự được coi là “bộ luật chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể” và nội dung cơ bản nhất của Bộ luật dân sự là điều chỉnh các vấn đề về: quyền dân sự, sở hữu, hợp đồng, thừa kế. Có thể nói rằng với mục đích điều chỉnh của pháp luật Dân sự, quy định về hợp đồng là xương sống của Bộ luật Dân sự. Thực tế giao lưu dân sự tồn tại rất nhiều loại hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau, trong thời gian qua các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự không được vận dụng rộng rãi do sự phân ngành một cách máy móc các ngành luật. Từ góc độ nghiên cứu khoa học chúng tôi cho rằng, thuật ngữ “hợp đồng dân sự” cũng là nguyên nhân lớn làm hạn chế việc áp dụng các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại áp dụng quy định về hợp đồng Thương mại, Luật Bảo hiểm áo dụng quy định về hợp đồng bảo hiểm, Luật Tín dụng áp dụng các quy định về cho vay của Ngân hàng... mà không hề có sự gắn kết với quy định về hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự. Chúng tôi cho rằng để các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự thực sự là tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các giao dịch có tính “bình đẳng, thoả thuận” trong xã hội, Ban soạn thảo cần thay thế thuật ngữ “Hợp đồng dân sự” thành “hợp đồng”.

       2.Về giao kết hợp đồng

       - Đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 396):

       Có thể giữ lại nội dung các điều từ Điều 396 đến Điều 399, tuy nhiên cần xác định như thế nào là một đề nghị giao kết hợp đồng và cần quy định yêu cầu rõ hơn với đề nghị giao kết hợp đồng là: đề nghị giao kết hợp đồng phải đầy đủ, rõ ràng đến mức mà bên nhận đề nghị chỉ cần trả lời “chấp nhận” là hợp đồng coi như đã được hình thành với đầy đủ các nội dung và phù hợp với mục đích của hợp đồng.

       Điều 396 cần bỏ quy định “không được mời người thứ ba giao kết” vì quy định này làm hạn chế năng lực của nhà cung cấp. Ngoài ra, trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện bằng thư điện tử thì đề nghị giao kết hợp đồng về cung cấp hàng hoá, dịch vụ cần phải mô tả chi tiết trong đề nghị giao kết hợp đồng về hàng hoá, dịch vụ, thời gian ràng buộc với lời đề nghị, khả năng cung cấp hàng hoá, dịch vụ và phạm vi địa lý có thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng được gửi tới số lượng đối tác vượt quá số lượng có thể giao kết hợp đồng thì phải nói rõ điều này trong đề nghị hợp đồng.

       -           Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 397):Cần bổ sung vào Điều 397 khái niệm “chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.

       Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí chấp nhận toàn bộ đề nghị giao kết hợp đồng. Trong trường hợp trả lời chấp nhận bằng thư điện tử thì trả lời chấp nhận hợp đồng là thao tác thích hợp trên máy tính mà thông qua thao tác đó, bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được tín hiệu bày tỏ sự chấp nhận toàn bộ đề nghị giao kết hợp đồng và xác định rõ được nhân thân của người chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

       Điều 387 cần bổ sung quy định: “Nếu trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có bổ sung nội dung mới hoặc sửa đổi những điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng thì trả lời này được coi là đề nghị giao kết hợp đồng mới”.

       3.Về hình thức hợp đồng (Điều 400)

       Cần sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng không quy định hình thức hợp đồng là một điều kiện có hiệu lực  nhằm đảm bảo nguyên tắc tôn trọng ý chí thật của các bên, tránh tình trạng tuyên hợp đồng vô hiệu một cách tuỳ tiện của các cơ quan tài phán. Hình thức của hợp đồng chỉ là điều kiện có hiệu lực khi pháp luật quy định rõ, ngoài ra hình thức của hợp đồng chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba.

       Đối với những loại hợp đồng mà pháp luật hoặc các bên thoả thuận phải tuân theo các hình thức nhất định như phải công chứng hoặc chứng thực thì cần quy định rõ: công chứng đề nghị giao kết hợp đồng hay công chứng cả đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận, nếu công chứng cả hai thì phải tiến hành công chứng đồng thời hay có thể thực hiện công chứng kế tiếp nhau. Cũng tương tự như trên, nếu pháp luật quy định hoặc các bên thoả thuận về việc hợp đồng phải được chứng thực thì cần quy định đó là chứng thực gì, chỉ chứng thực chữ ký hay chứng thực cả nội dung.

       Điểm cần lưu ý là pháp luật không nên xem việc công chứng hay đăng ký hợp đồng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, mà nên tính thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên đã thoả thuận xong về các điều khoản của hợp đồng, còn hành vi đăng ký chỉ có ý nghĩa đối kháng với người thứ ba. Trên thực tế chúng ta cũng chưa có cơ chế để đảm bảo thực thi các quy định này.

       4. Về nội dung hợp đồng (Điều 401):

Nên sửa đổi khoản 1 Điều 401 như sau: "Nội dung chủ yếu của hợp đồng là những điều khoản chủ yếu mà thiếu những điều khoản này thì mục đích của hợp đồng không thể đạt được.

       Hợp đồng chỉ được hình thành khi các bên thống nhất được với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng”.

       Bỏ khoản 2 Điều 401 vì quy định này không mang tính khái quát, dễ gây nhầm lẫn với hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thực hiện một công việc.

       5. Về thời điểm giao kết hợp đồng (Điều 403):

  • Cần sửa đổi Điều 403 như sau: thay từ “giao kết” bằng từ “hình thành” vì giao kết chỉ một quá trình, trong đó bao gồm cả việc đàm phán, trao đổi, còn hình thành chỉ trạng thái được thiết lập qua giao kết.
  • Điều 403 quy định nguyên tắc hợp đồng được hình thành kể từ thời điểm bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Tuy nhiên, cần phải bổ sung một số trường hợp ngoại lệ là: “Trong trường hợp các bên thống nhất được với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng và đã ký biên bản xác nhận về những nội dung đã thống nhất nhưng vẫn còn bỏ ngỏ những nội dung mà theo ý chí của một trong các bên là sẽ không có hợp đồng, nếu các nội dung bỏ ngỏ chưa được thống nhất thì hợp đồng coi như chưa được hình thành”.
  • Bổ sung trường hợp các bên ngộ nhận là đã thoả thuận được với nhau: “Nếu các bên ngộ nhận là đã thống nhất được với nhau về một hoặc một số nội dung không cơ bản của hợp đồng, nhưng trên thực tế họ chưa thống nhất được với nhau về những nội dung đó thì hợp đồng được hình thành với những nội dung đã thống nhất, trừ những nội dung mà các bên ngộ nhận, nếu có thể cho rằng hợp đồng sẽ được ký kết mà không cần có các nội dung bị ngộ nhận”.
  • Quy định chi tiết thời điểm hình thành hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể như:

+ Trong trường hợp hợp đồng thể hiện bằng văn bản và các bên trực tiếp đàm phán thì thời điểm hình thành hợp đồng là thời điểm các bên ký vào văn bản.

+ Trong trường hợp pháp luật quy định hoặc các bên thoả thuận hợp đồng phải thể hiện bằng hình thức văn bản và các bên không trực tiếp đàm phán mà trao đổi với nhau bằng thư từ giao dịch thì hợp đồng được hình thành khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận bằng văn bản của bên được đề nghị. Thời điểm nhận trả lời chấp nhận bằng văn bản là thời điểm hình thành hợp đồng và được tính vào ngày đến của trả lời chấp nhận được ghi trên dấu gửi bưu điện.

+ Trong trường hợp các bên giao dịch qua thư điện tử thì thời điểm hình thành hợp đồng là thời điểm bên được đề nghị gửi thư điện tử hay thời điểm bên đề nghị nhận được thư điện tử (thông thường hai thời điểm trên có thể trùng nhau). Trong trường hợp bên nhận thư điện tử vắng mặt thì các thời điểm trên không trùng nhau, thông tin chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được nhập vào hòm thư của bên đề nghị. Do vậy, có thể quy định thời điểm hình thành hợp đồng là thời điểm thông tin chấp nhận hợp đồng vào hộp thư của người đề nghị. Trong trường hợp mua qua mạng thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên được đề nghị nhấn chuột hoặc có thao tác khác truyền thông tin về sự chấp nhận của mình vào địa chỉ theo chỉ dẫn ghi trong đề nghị giao kết hợp đồng trên trang Web.

+ Đối với hợp đồng phải được công chứng thì hợp đồng được hình thành kể từ thời điểm hoàn thành việc công chứng. Cần bổ sung thêm quy định về thời điểm hình thành hợp đồng phải chứng thực trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận hợp đồng tách rời nhau.

+ Đối với hợp đồng phải được chứng thực thì hợp đồng được hình thành vào  thời điểm công chứng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thành việc chứng thực.

+ Cần lưu ý: tại khoản 5 Điều 403 có quy định đối với hợp đồng phải xin phép thì hợp đồng được giao kết vào thời điểm được cho phép. Quy định như vậy là không chính xác vì giấy phép không thể là điều kiện để hình thành nên hợp đồng. Giấy phép là một trong những công cụ quản lý của nhà nước, nó không thể hiện ý chí của các bên đương sự nên không thể gây ảnh hưởng đến việc hình thành hợp đồng mà chỉ có khả năng làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng đã hình thành. Do vậy, nên chuyển ý này xuống Điều 404.

       6.Về hiệu lực của hợp đồng (Điều 404):

       -           Điều 404 nên sửa đổi là “hiệu lực và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng”.

       -           Nên bổ sung khoản 3 Điều 404 như sau:

       “Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm hình thành. Các bên có thể thoả thuận hợp đồng có hiệu lực vào một thời điểm khác thời điểm hình thành hợp đồng.

       Trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm  cơ quan nhà nước cấp phép. Trong trường hợp pháp luật có quy định đề nghị giao kết hợp đồng và trả lời chấp nhận hợp đồng đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giấy phép sau cùng được cấp”.

       7. Cần bổ sung một điều luật quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng và trách nhiệm của các bên đối với tính trung thực và đầy đủ của thông tin cung cấp. Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này thì phải chịu các hậu quả pháp lý nhất định được quy định tại phần trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trước khi có hợp đồng.

       8. Về thực hiện nghĩa vụ và hợp đồng

       -           Thực hiện nghĩa vụ từng phần: Nên sửa và gộp hai điều 306 và 307 thành một điều như sau: “Không được thực hiện nghĩa vụ từng phần, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.

       -           Về nghĩa vụ trả tiền:

       + Không nên quy định cứng nghĩa vụ trả tiền phải thực hiện bằng đồng Việt Nam: thực tế nhiều trường hợp không sử dụng đồng Việt Nam vì đồng Việt Nam hay bị mất giá và việc thanh toán với nhau bằng ngoại tệ mạnh vẫn diễn ra trong đời sống kinh tế, dân sự mà không có ai kiểm soát. Do vậy, nên quy định một cách linh hoạt: “Nghĩa vụ trả tiền tại Việt Nam được thực hiện bằng đồng Việt Nam, nếu các bên không có thoả thuận khác. Trường hợp các bên thoả thuận nghĩa vụ trả tiền bằng ngoại tệ nhưng nghĩa vụ được thực hiện tại Việt Nam thì có thể trả tiền bằng đồng Việt Nam theo tỉ giá liên ngân hàng tại nơi và vào thời điểm thực hiện nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên thoả thuận rõ phải trả đúng bằng ngoại tệ đã thoả thuận”.

       + Cần bổ sung một điều quy định về lãi suất cố định do luật định áp dụng trong trường hợp các bên không thoả thuận về lãi suất. Tham khảo kinh nghiệm một số nước thấy mức lãi suất luật định này là 4-5%/ năm.1

       + Sửa khoản 4 Điều 295 theo hướng: về nguyên tắc, cấm thoả thuận trước về tính lãi mẹ đẻ lãi con. Tuy nhiên các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể thông báo trước, đến thời điểm thanh toán mà vốn và lãi không được rút ra thì có thể gộp lãi vào vốn thành một khoản vốn mới.

       -           Bỏ Điều 409 vì nguyên tắc chung trong việc thực hiện nghĩa vụ đã quy định tại Điều 288.

       -           Bỏ khoản 1 Điều 411 và sửa khoản 2 như sau: “Đối với hợp đồng song vụ, các bên đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

       -           Điều 412 cần sửa lại như sau: “… đến mức quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đáp lại bị đe doạ cho đến khi có khả năng thực hiện được nghĩa vụ đáp lại hoặc có biện pháp bảo đảm” vì chỉ có biện pháp bảo lãnh thì rất hẹp.

       -           Điều 413 mới chỉ nêu một khả năng và cách giải quyết chưa thoả đáng, nên chia thành các khả năng sau:

     + Không thể thực hiện được nghĩa vụ do lỗi của người có nghĩa vụ;

     + Không thể thực hiện được nghĩa vụ do lỗi của người có quyền;

     + Không thể thực hiện được nghĩa vụ không do lỗi của bên nào;

     + Không thể thực hiện một phần  nghĩa vụ.

       -           Sửa lại định nghĩa về chậm thực hiện nghĩa vụ:

       “Đến thời điểm thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì sau khi bị đốc nợ, người có nghĩa vụ bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ

       Nếu các bên thoả thuận thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn thì bên có nghĩa vụ bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ nếu vào thời điểm cuối cùng của thời hạn mà chưa thực hiện nghĩa vụ”.

       9.Về trách nhiệm dân sự

       -           Đối với trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng, có nên đặt vấn đề lỗi như quy định tại Điều 309 không? Xu hướng của nhiều nước hiện nay là áp dụng cách điều chỉnh suy đoán lỗi, tức là khi có vi phạm thì coi như có lỗi, trừ trường hợp chứng minh ngược lại. Cách điều chỉnh này phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường nên chúng ta có thể vận dụng được.

       -           Các tình huống có sự trục trặc trong khi thực hiện nghĩa vụ cần được bổ sung thêm và quy định hệ quả pháp lý trong từng trường hợp một cách rõ ràng và triệt để hơn, cụ thể là: Bổ sung trường hợp không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hướng:

       + Không thể thực hiện nghĩa vụ đơn vụ:

       “Trong trường hợp nghĩa vụ không thể thực hiện được thì người có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ và người có quyền có thể yêu cầu người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại”.

       + Không thể thực hiện được nghĩa vụ song vụ: sửa Điều 413 theo hướng chia thành các khả năng sau: không thể thực hiện được nghĩa vụ do lỗi của người có nghĩa vụ; không thể thực hiện được nghĩa vụ do lỗi của người có quyền; không thể thực hiện được nghĩa vụ không do lỗi của bên nào; không thể thực hiện một phần nghĩa vụ.

       -           Sửa lại Điều 313 theo hướng:

       Người có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại.

       Nếu việc thực hiện nghĩa vụ chậm không mang lại lợi ích cho bên có quyền nữa thì người có quyền có quyền từ chối không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, nghĩa vụ bị coi là không được thực hiện và người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người có quyền như trường hợp không thực hiện nghĩa vụ.

       -           Bổ sung thêm một số điều điều chỉnh ba khả năng có thể xảy ra như sau:

       + Không đúng chất lượng;

       + Không đúng số lượng;

       + Bị hạn chế bởi quyền của người thứ ba.

       Đối với mỗi dạng vi phạm nghĩa vụ như trên, cần quy định rõ thế nào là đúng chất lượng, số lượng, quy định hệ thống hệ quả pháp lý theo tinh thần thiện chí, ổn định các quan hệ, phù hợp với thực tiễn, ít gây tổn thất cho các bên và cho xã hội.

       -           Sửa Điều 314 theo hướng bổ sung định nghĩa về chậm tiếp nhận nghĩa vụ. Hệ quả pháp lý ở đây là phải trả chi phí phát sinh và chịu rủi ro.

       10. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng

       - Bổ sung biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và đa dạng hoá các loại tài sản bảo đảm: Theo quy định tại Điều 324 BLDS hiện hành, thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự gồm có: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, phạt vi phạm. Trong thực tế đã phát sinh bảo lưu quyền sở hữu, người thứ ba dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp thay thế cho bên có nghĩa vụ

       -           Đối với các loại tài sản có thể dùng để bảo đảm:

       + Tài sản dùng để bảo đảm bao gồm cả tài sản hình thành trong tương lai

       + Bỏ quy định tiền bảo đảm phải bằng tiền Việt Nam vì thực tế ngoại tệ vẫn được dùng để bảo đảm.

       + Nên xếp quyền sử dụng đất vào nhóm bất động sản vì trên thực tế, quyền sử dụng đất được coi gần như quyền sở hữu.

       + Vật bảo đảm không nên quy định cứng phải thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm vì có thể dùng tài sản sẽ xuất hiện trong tương lai làm vật bảo đảm.

       + Ngoài ra, cần bổ sung quy định: nếu một tài sản được cầm cố, thế chấp thì các vật phụ, phụ tùng thay thế cũng như hoa lợi và lợi ích phát sinh từ tài sản đó cũng thuộc tài sản cầm cố, thế chấp.

       -           Về hình thức các giao dịch bảo đảm: Nên quy định rõ có bắt buộc bằng hình thức văn bản không và có phải công chứng, chứng thực không. Khi đã áp dụng được chế độ đăng ký cầm cố, thế chấp thì có thể lấy hình thức đăng ký làm mốc xác định thời điểm giao dịch cầm cố, thế chấp có hiệu lực, việc đăng ký này cũng xác định rõ giá trị tài sản bảo đảm và phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm. Như vậy là đủ an toàn, không nên bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực nữa. Riêng hình thức bảo lãnh, nên quy định rõ hình thức văn bản là bắt buộc vì biện pháp này không được đăng ký.

       -           Sửa đổi, bổ sung các quy định về cầm cố và thế chấp theo hướng:

       + Phân biệt cầm cố và thế chấp theo tiêu chí dựa trên sự có chuyển giao hay không có chuyển giao tài sản bảo đảm (có chiếm hữu hay không có chiếm hữu tài sản của người nhận bảo đảm) mà không phân biệt tài sản là động sản hay bất động sản: nếu trong cơ chế bảo đảm có sự chuyển giao tài sản từ bên bảo đảm sang bên nhận bảo đảm, không phân biệt đó là động sản hay bất động sản, thì đó là cầm cố; nếu trong cơ chế bảo đảm không có sự chuyển giao tài sản từ bên bảo đảm sang bên nhận bảo đảm, không phân biệt đó là động sản hay bất động sản, thì đó là thế chấp. Nếu là cầm cố tài sản thì không phải đăng ký (vì chiếm hữu đã là biện pháp công khai quyền); còn thế chấp tài sản thì phải đăng ký để công khai quyền lợi.

       + Cần quy định rõ bên thế chấp có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản vì đây chính là ý nghĩa của việc sử dụng cơ chế thế chấp.

       + Cho phép tài sản cầm cố, thế chấp có thể vẫn được đưa vào lưu thông, do vậy nên xem xét lại các quy định về giao giấy tờ sở hữu và quy định về cấm không được bán, chuyển nhượng tài sản cầm cố, thế chấp.

       + Mặc dù tài sản cầm cố, thế chấp được chuyển dịch cho người khác thì người nhận cầm cố, thế chấp vẫn có quyền lấy tài sản đó để phát mại nếu người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, quy định tại Điều 358 là không phù hợp với bản chất của cầm cố, thế chấp tài sản.

       11.Về sửa đổi hợp đồng

       Điều 417 nên quy định rõ: trong trường hợp sửa đổi hợp đồng thì nghĩa vụ của các bên cũng được sửa đổi kể từ thời điểm các bên đã thoả thuận xong về việc sửa đổi hợp đồng. Các bên không có quyền yêu cầu hoàn trả những gì đã nhận theo hợp đồng trước thời điểm hợp đồng được sửa đổi, nếu pháp luật không có quy định khác hoặc nếu các bên không có thoả thuận khác.

       12. Về huỷ bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng

-           Khi huỷ bỏ hợp đồng (Điều 419) hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 420) thì qua cách quy định của Điều 419 và Điều 420 chưa thấy sự thể hiện ý chí về việc muốn huỷ bỏ hoặc đình chỉ hợp đồng của một bên đối với bên kia. Chỉ sau khi có sự thể hiện ý chí của bên có quyền huỷ hoặc đình chỉ hợp đồng cho bên kia biết thì hợp đồng mới được coi là huỷ hoặc đình chỉ. Đây là vấn đề cần cân nhắc khi sửa đổi Bộ luật dân sự.

-           Điều 419 quy định về huỷ bỏ hợp đồng: Khi thực hiện quyền huỷ bỏ hợp đồng (quyền này được quy định trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật), bên thực hiện quyền phải tuyên bố (tức là thông báo cho phía bên kia biết) về việc mình thực hiện quyền này. Thông báo này là một giao dịch pháp lý và phải hướng tới đối tác hợp đồng. Nếu thông báo này không được gửi tới đối tác thì bản thân thông báo đó (tức là giao dịch pháp lý) không có hiệu lực. Quy định tại khoản 2 Điều 419 là không đúng với bản chất pháp lý của vấn đề.

Vì vậy, khoản 2 Điều 419 cần sửa theo hướng: “Tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm bên đối tác hợp đồng nhận được thông báo”. Như vậy, nếu không có thông báo thì hợp đồng vẫn có hiệu lực và các bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau.

-           Nên bổ sung một điều quy định về việc huỷ bỏ hợp đồng theo ý chí của các bên tham gia hợp đồng, tức là theo thoả thuận. Trong trường hợp này, đề nghị huỷ bỏ hợp đồng phải được chấp nhận thì hợp đồng mới được huỷ bỏ.

13. Vấn đề bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong các hợp đồng vô hiệu

       Trong Bộ luật dân sự cần bổ sung các quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, đặc biệt là trong quy định tại các Điều 147, 436. Ngoài ra, chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự cần có quy định để phân biệt việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, phân biệt tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký các hạn chế về quyền sở hữu (như đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký các biến động đối với bất động sản…). Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong các hợp đồng vô hiệu thì Bộ luật dân sự cần làm rõ hơn những vấn đề này.

II. XOÁ BỎ SỰ PHÂN BIỆT KHÔNG CẦN THIẾT VỀ CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG (HỢP ĐỒNG KINH TẾ, HỢP ĐỒNG DÂN SỰ, HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI) NHƯ HIỆN NAY, THAY VÀO ĐÓ LÀ SỰ CỤ THỂ HOÁ CÁC HỢP ĐỒNG ĐẶC THÙ TRONG CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ CHUYÊN NGÀNH.

       Trên thực tế, nếu chúng ta đã thống nhất hoá được các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự thì không cần thiết phải tồn tại sự phân loại hợp đồng như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự không thể bao quát hết mọi trường hợp và không thể điều chỉnh chi tiết các hợp đồng đặc thù. Do đó, hoàn thiện các văn bản pháp lý chuyên ngành là một việc không thể thiếu. Đối với các hợp đồng đặc thù như hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chứng khoán, hàng hải, hàng không, dầu khí, viễn thông, tín dụng, bảo hiểm… nên được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý chuyên ngành để điều chỉnh chi tiết hơn, hợp lý hơn. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các văn bản chuyên ngành phải đảm bảo sự thống nhất với Bộ luật dân sự để tạo thành một chỉnh thể, tránh tình trạng trùng lặp hay mâu thuẫn với nhau. Bên cạnh đó, bản thân các quy định trong mỗi lĩnh vực cũng phải có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với nhau. Sự thống nhất phải được hiểu một cách toàn diện và đầy đủ là sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, giữa các ngành luật và giữa các quy định pháp luật.

       Xuất phát từ nguyên tắc này, các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự phải đầy đủ, mang tính khái quát, phổ biến và thông dụng. Các văn bản điều chỉnh các hợp đồng chuyên ngành chỉ cần quy định những nét đặc trưng của loại quan hệ hợp đồng chuyên biệt đó. Như vậy, khi xây dựng các quy định về hợp đồng theo nguyên tắc khái quát, phổ biến thì cũng đồng thời sửa đổi các văn bản điều chỉnh các hợp đồng chuyên biệt (các quy định về hợp đồng trong Luật thương mại, Luật hàng hải, Luật hàng không, quy định về hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng về vay vốn ngân hàng trong các văn bản có liên quan cũng như hợp đồng thành lập công ty trong Luật doanh nghiệp…) theo hướng chỉ cần điều chỉnh những nét đặc thù của loại quan hệ đó, những vấn đề chung có thể quay lại áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự. Ví dụ: quy định hiện tại về hợp đồng mua bán hàng hoá trong Luật thương mại quá chi tiết nhưng lại chưa thể hiện được nét đặc thù trong quan hệ mua bán hàng hoá của những thương gia, những người giàu kinh nghiệm trên thương trường, chưa đáp ứng được yêu cầu lưu thông nhanh chóng hàng hoá thương mại. Do vậy, cần thiết phải xem xét và sửa đổi một cách cơ bản các quy định pháp luật về mua bán hàng hoá trong Luật thương mại để tránh trùng lặp với quy định về hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá nói riêng trong Bộ luật dân sự và điều chỉnh được đặc thù của quan hệ mua bán giữa các thương gia với nhau.

       Cũng theo quan điểm này, cần phải huỷ bỏ chế định hợp đồng kinh tế với tính chất là một công cụ để lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch trong nền kinh tế tập trung bởi vì nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã và đang được chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng vì các quan hệ hợp đồng kinh tế được phân biệt với hợp đồng dân sự theo yếu tố chủ thể quan hệ như hiện nay không thể hiện tính đặc thù để cần thiết phải được điều chỉnh bằng một văn bản pháp luật riêng.

III. XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

       Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, việc áp dụng pháp luật còn thiếu  thống nhất và gặp nhiều khó khăn do chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể. Bất cứ một hệ thống pháp luật nào, dù trình độ lập pháp phát triển đến đâu cũng không thể tránh được tình trạng vẫn còn những quy định trùng lặp bởi các quan hệ xã hội luôn biến đổi không ngừng. Do đó, các nguyên tắc áp dụng pháp luật (hay còn gọi là nguyên tắc lựa chọn luật áp dụng) luôn phải được chú trọng. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ phải được thực hiện song song với việc áp dụng thống nhất pháp luật. Chúng tôi cho rằng ngoài hai nguyên tắc tôn trọng cấp độ hiệu lực của văn bản và nguyên tắc tôn trọng trình tự thời gian ban hành đã được quy định trong Luật xây dựng các văn bản pháp luật, chúng ta nên đề cao và quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành so với luật chung. Nguyên tắc này cho phép ưu tiên áp dụng các quy định của luật chuyên ngành so với luật chung trong trường hợp chúng cùng điều chỉnh về một vấn đề. Trong trường hợp luật chuyên ngành không có quy định riêng thì luật chung được áp dụng để điều chỉnh.

       Trên đây là ba nguyên tắc áp dụng pháp luật được sử dụng để giải quyết các trường hợp có sự quy định trùng lặp. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là: trong ba nguyên tắc trên, nguyên tắc nào sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ba nguyên tắc? Theo chúng tôi, pháp luật nên có sự quy định cụ thể về vấn đề này như sau:

       Nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung được ưu tiên áp dụng trước tiên.

       Trong trường hợp không có mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng thì sẽ áp dụng nguyên tắc cấp độ hiệu lực của văn bản.

       Cuối cùng, nếu các quy định có cùng cấp độ hiệu lực thì nguyên tắc thời gian ban hành sẽ được áp dụng.

       Với những nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định một cách rõ ràng như trên, việc áp dụng pháp luật trên thực tế sẽ không còn gặp phải những vấn đề vướng mắc, khó giải quyết.

IV. ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT TRONG VIỆC GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG

       Để đạt được hiệu quả cao trong việc áp dụng pháp luật, công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật là một vấn đề hết sức quan trọng. Nếu chúng ta xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và thống nhất nhưng không thực hiện tốt công tác này thì pháp luật không thể được áp dụng hiệu quả vào thực tế, không phát huy được ý nghĩa là “chuẩn mực xử sự” cho các chủ thể trong đời sống xã hội. Việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật về hợp đồng phải:

-           Đảm bảo được tính thực tế, nghĩa là việc giải thích và hướng dẫn phải giải quyết những vướng mắc của luật, tránh tình trạng lặp lại những quy định của luật một cách cứng nhắc.

-           Sự hướng dẫn phải trên cơ sở phù hợp và trên tinh thần của điều luật.

-           Cơ quan giải thích và hướng dẫn phải là những cơ quan có chức năng này theo quy định của pháp luật. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan không có chức năng giải thích nhưng vẫn thực hiện công việc này, gây ra sự thiếu thống nhất, thiếu khoa học trong công tác giải thích và hướng dẫn pháp luật.



1 Luật La Mã- Trường Đại học tổng hợp Hà nội- Khoa Luật (năm 1994).

2 Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Nhật Bản- Bộ tư pháp- Viện nghiên cứu khoa học pháp lý- Nxb Chính trị quốc gia năm 1995.

1 Các quy tắc của Luật kinh doanh (Principles of Bussines law- Eighth Edition) – William J.Robert, Roberb N.Corley, Essel R.Dillivou và Charles G.Howwa- Prentice Hall.

2 Điều 394 Bộ luật dân sự Việt Nam.

3 Điều 1 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

1 Biếm: giáng cấp

[1] Hiện nay chỉ rất ít nước có sự phân định hợp đồng kinh tế là loại hợp đồng riêng biệt. Dường như chỉ có Việt nam là còn có khái niệm hợp đồng kinh tế.

[2]  "hành vi thương mại là hành vi của thương nhân trong hoạt động thương mại..",  "hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi TM của thương nhân..."

[3] Xuất phát từ quy định tại Điều 130, Điều 131 Bộ luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch, hình thức hợp đồng được coi như là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

[4]Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam-NXB Chính trị Quốc gia, 2002-Lê Minh Toàn (chủ biên)

1 Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam -NXB Chính trị Quốc gia, 2002-Lê Minh Toàn (chủ biên).

[5] Ngày 08/10/2002, ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án TANDTC đã ra kháng nghị bản án theo hướng coi hợp đồng trên là có hiệu lực.

1 Điều 246 BLDS CHLB Đức quy định mức lãi suất này là 4%.

 

File đính kèm downloadTải về