Lý lịch tư pháp là "bộ nhớ" về các án tích của những cá nhân đã từng can án hình sự. Trong sự đổi mới và phát triển của nước ta hiện nay, hoạt động quản lý lý lịch tư pháp có vai trò rất quan trọng không chỉ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và hoạch định chính sách phòng, chống tội phạm mà còn hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý trật tự xã hội, quản lý con người của Nhà nước ta được chặt chẽ, hiệu quả. Mặt khác, lý lịch tư pháp còn là phương tiện để thực hiện xoá án tích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động quản lý trên lĩnh vực này đã và đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế cơ bản như: chúng ta chưa có một tổ chức tập trung thống nhất trực tiếp quản lý lý lịch tư pháp; hoạt động quản lý lý lịch tư pháp hiện nay chưa đảm bảo được mục đích cơ bản và chủ yếu là nhằm hỗ trợ cho hoạt động tố tụng và quản lý nhà nước; lý lịch tư pháp là phương tiện để thực hiện xoá án tích theo quy định của pháp luật; xóa án tích là một chính sách thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện chính sách này chưa thực sự được coi trọng.
Đề tài khoa học cấp Bộ "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Pháp lệnh Lý lịch tư pháp” được triển khai nghiên cứu từ tháng 4/2005. Tuy nhiên trong bối cảnh để tạo tiền đề cho việc triển khai xây dựng Luật lý lịch tư pháp theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, Ban chủ nhiệm Đề tài đã mạnh dạn tiến hành nghiên cứu "Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Lý lịch tư pháp”. Mục tiêu của đề tài được xác định là: hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Luật lý lịch tư pháp như: khái niệm, ý nghĩa, vai trò của lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; sự cần thiết, cấp bách phải xây dựng Luật lý lịch tư pháp. Đưa ra các kiến nghị làm cơ sở cho việc xây dựng Luật: đối tượng, phạm vi điều chỉnh, bố cục của Luật; mô hình tổ chức, quản lý lý lịch tư pháp, cơ chế cập nhật thông tin và cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp".
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN XÂY DỰNG LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP
1. Khái niệm lý lịch tư pháp
1.1. Khái niệm lý lịch tư pháp
Thuật ngữ "lý lịch tư pháp" không phải được sử dụng một cách giống nhau ở các nước khác nhau, nhưng có thể nói rằng trong các thuật ngữ khác nhau theo cách gọi của mỗi nước đều hàm chứa những nội dung tương tự. Lý lịch tư pháp được hiểu một cách chung nhất, khái quát nhất là hồ sơ về phương diện tư pháp của một đối tượng cụ thể. Định nghĩa này tuy còn rất chung chung nhưng có tác dụng định hướng, khoanh vùng giới hạn để chúng ta đi sâu tìm hiểu, xác định những nội dung cụ thể của lý lịch tư pháp để từ đó đi đến một định nghĩa toàn diện hơn, cụ thể hơn.
1.2. Phân biệt lý lịch tư pháp với hồ sơ căn cước can phạm
Lý lịch tư pháp và căn cước can phạm là hai loại hồ sơ chủ yếu tạo thành hồ sơ hình sự của một cá nhân. Hai loại hồ sơ này có những nội dung trùng nhau nhưng không phải là một và không thể thay thế cho nhau.
Căn cước can phạm là một loại hồ sơ phục vụ cho công tác điều tra. Thông thường ở nhiều nước, hồ sơ này do cơ quan cảnh sát tư pháp lập và quản lý. Khi có một người nào đó bị bắt, cơ quan cảnh sát tiến hành lập căn cước của người đó. Trong căn cước gồm có: họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú; họ tên của cha, mẹ, vợ (chồng), con; nơi bị bắt, ngày tháng năm bị bắt, lý do bị bắt...(gọi là danh bản). Đồng thời, cảnh sát tiến hành lấy điểm chỉ vân tay gồm 10 ngón tay và cả hai bàn tay của đương sự (gọi là chỉ bản). Trong hồ sơ căn cước can phạm còn ghi lại toàn bộ tiền án (kể cả những bản án đã được xoá án tích) và tiền sự của đương sự.
So sánh nội dung của lý lịch tư pháp và nội dung của hồ sơ căn cước can phạm, ta thấy có những điểm khác nhau cơ bản sau đây:
- Lý lịch tư pháp ghi chép không chỉ những vấn đề thuộc phạm vi hình sự như hồ sơ căn cước can phạm;
- Trong lý lịch tư pháp (phần về hình sự) không ghi toàn bộ các tiền án và tiền sự như hồ sơ căn cước can phạm. Đối với các bản án, lý lịch tư pháp chỉ ghi những bản án đã thành nhất định (không còn bị kháng cáo, kháng nghị). Trong khi đó, hồ sơ căn cước can phạm ghi nhận tất cả án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm (nếu có).
- Trong trường hợp án đã được xoá theo quy định của luật hình sự về xoá án tích thì trong lý lịch tư pháp cấp cho đương sự không ghi án đó. Còn trong hồ sơ căn cước can phạm, án đã được xoá không làm thay đổi hồ sơ.
- Hồ sơ căn cước can phạm, như đã nói ở trên là loại hồ sơ của cơ quan điều tra, phục vụ cho công tác điều tra. Vì vậy, nó được xếp vào loại tài liệu mật, không được cung cấp cho bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào - kể cả chính bản thân đương sự (trừ một số cơ quan chức năng được quyền biết). Trong khi đó, lý lịch tư pháp được cấp tương đối rộng rãi cho đương sự, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác khi họ có lý do chính đáng cần được biết về tình trạng tiền án của đương sự.
2. Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp
Xét về mặt lịch sử thì phạm vi và nội dung của lý lịch tư pháp lúc đầu chỉ là những vấn đề mang tính chất thuần túy hình sự (tức là những án hình). Về sau này, do sự phát triển và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nên phạm vi quản lý lý lịch tư pháp cũng được mở rộng ra các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, hành chính… Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi này tùy thuộc vào ý chí của mỗi quốc gia và xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, xã hội và cách làm của mỗi nước. Tuy nhiên, dù mở rộng hay thu hẹp phạm vi này thì nội dung chủ yếu của lý lịch tư pháp vẫn là những vấn đề về hình sự (chẳng hạn ở Cộng hoà Pháp hiện nay có 90% thông tin được đưa vào lý lịch tư pháp là thuộc hình sự1). Thực ra việc phân loại thông tin theo lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, thương mại… cũng chỉ mang tính chất tương đối. Nó không phải là một nguyên tắc.
Ngoài cách phân loại thông tin theo lĩnh vực nói trên người ta còn phân loại theo thông tin ban đầu và thông tin bổ sung. Thông tin ban đầu là những bản án hay quyết định ban đầu về một vụ việc cụ thể. Thông tin bổ sung là loại thông tin phản ánh diễn biến về sau của vụ việc. Việc tiếp nhận các thông tin bổ sung vào lý lịch tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhưng thông thường nó hay bị lãng quên hoặc cập nhật không đầy đủ.
3. Mục đích, ý nghĩa của công tác quản lý lý lịch tư pháp
Lý lịch tư pháp như đã nêu ở trên, có thể được hiểu là hồ sơ về phương diện tư pháp của mỗi cá nhân (thậm chí cả tổ chức) nhưng nó có ý nghĩa không chỉ trong lĩnh vực công tác tư pháp mà cả trong nhiều lĩnh vực quản lý khác.
Thứ nhất, lý lịch tư pháp là nguồn cung cấp những tư liệu chính thức về quá khứ nhân thân của bị can, bị cáo để cơ quan điều tra, truy tố và xét xử xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với họ trong khi giải quyết những vụ việc cụ thể. Xét theo góc độ này thì những tình tiết mà cơ quan lý lịch tư pháp cung cấp có giá trị chứng cứ về tái phạm hay không tái phạm.
Thứ hai, lý lịch tư pháp giúp cho công tác thi hành án thực hiện một cách đầy đủ, chính xác các bản án và quyết định của Toà án. Một đặc điểm của công tác thi hành án của ta hiện nay là chưa có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý toàn bộ việc thi hành tất cả các bản án và quyết định của Toà án. Thẩm quyền này được giao cho các cơ quan khác nhau như cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan; các cơ sở chuyên khoa y tế; các tổ chức trong quân đội;... Việc quy định nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thi hành án như vậy là xuất phát từ những đặc thù của từng loại án nhưng cũng có điều bất tiện là không có một cơ quan thống nhất giám sát chung.
Thứ ba, lý lịch tư pháp là nguồn thông tin chính thức để các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế… xem xét đạo đức tư cách của công dân trong khi giải quyết những vụ việc cụ thể.
Thứ tư, lý lịch tư pháp là phương tiện để thực hiện xoá án tích theo quy định của pháp luật hình sự.
4. Mô hình quản lý lý lịch tư pháp của một số nước trên thế giới
1.1. Quản lý lý lịch tư pháp của Cộng hoà Pháp
Lý lịch tư pháp, theo quan niệm của Pháp trước hết là một tập phiếu lý lịch tư pháp ghi nhận về những người bị kết án. Mục đích chính của lý lịch tư pháp là chứng minh sự tồn tại hay không tồn tại các tiền án của một người. Tại Pháp, cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thuộc Vụ pháp luật hình sự và ân xá nhưng cơ quan lý lịch tư pháp hoạt động một cách độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Các thông tin được ghi nhận vào lý lịch tư pháp được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự bao gồm: quyết định ban đầu; các quyết định bổ sung, sửa đổi hoặc xoá bỏ chúng. Ngoài ra pháp luật Pháp còn quy định những thông tin khác cũng được ghi nhận vào lý lịch tư pháp như: bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, các quyết định của cơ quan hành chính đặc thù... Tuy nhiên, các thông tin được ghi vào lý lịch tư pháp tại Pháp vẫn chủ yếu là những thông tin về hình sự - là những bản án do Toà án hình sự tuyên (90%).
Lý lịch tư pháp được lập ra trước hết nhằm phục vụ cho cơ quan tư pháp. Ngoài ra, các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân cũng có quyền yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào cơ quan yêu cầu mà có thể xin cấp loại Phiếu lý lịch tư pháp tương ứng. Cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia Pháp có quyền cung cấp 3 loại Phiếu lý lịch tư pháp sau:
- Phiếu số 1 chỉ được cấp cho cơ quan tư pháp, theo yêu cầu của thẩm phán xét xử hay Viện công tố. Phiếu số 1 ghi lại toàn bộ các quyết định của Toà án liên quan đến đương sự. Các cơ quan tư pháp có thể sử dụng phiếu này trong tất cả các giai đoạn tố tụng. Đối với các cơ quan tư pháp, Phiếu số 1 là nguồn thông tin quan trọng về nhân thân của đương sự.
- Phiếu số 2 chủ yếu được cấp cho các cơ quan hành chính nhà nước. Phiếu số 2 là bản trích lại thông tin từ Phiếu số 1. Những xử phạt vi phạm hành chính, những án tích nhẹ nhất và những bản án được tuyên đối với trẻ vị thành niên thì không được ghi lại trên Phiếu số 2. Phiếu số 2 giúp cho các cơ quan quản lý hành chính tìm hiểu để tuyển dụng người làm việc hoặc giải quyết các thủ tục khác như: xin phép kinh doanh, gọi nhập ngũ, lập danh sách cử tri... Nhưng không phải bất kỳ cơ quan hành chính nào cũng có thể yêu cầu cấp Phiếu số 2. Khi gửi phiếu yêu cầu cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cấp Phiếu số 2, phải nêu rõ lý do và căn cứ điều luật nào để được quyền yêu cầu.
- Phiếu số 3 là phiếu được cấp cho chính đương sự khi có yêu cầu. Trong Phiếu số 3 chỉ ghi lại những án tích chưa được xoá nhưng không phải bất kỳ án tích nào chưa được xoá cũng đều ghi vào. Thông thường chỉ những án nghiêm trọng hoặc tuy không nghiêm trọng nhưng án tích đó lại trực tiếp liên quan đến mục đích của việc xin Phiếu số 3 sẽ được ghi vào phiếu. Đương sự có thể trực tiếp đến hoặc gửi thư yêu cầu qua bưu điện tới cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia để xin cấp Phiếu số 3. Phiếu số 3 chỉ cấp cho chính bản thân đương sự, không cho phép cấp qua người thứ ba và được miễn phí.
4.2. Quản lý lý lịch tư pháp tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, lý lịch tư pháp là lý lịch phạm tội của từng cá nhân, ghi nhận các phán quyết xác định có tội do Toà án tuyên đối với người đó (các tiền án). Lý lịch tư pháp là tư liệu quan trọng không thể thiếu giúp cho quá trình kiểm sát và xét xử được chính xác.
Mục đích của lý lịch tư pháp được quy định rõ trong Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và Luật Ân xá của Nhật Bản, nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án của các cơ quan tư pháp. Cá nhân không có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong một số trường hợp đặc biệt, luật sư cũng có quyền yêu cầu cung cấp lý lịch tư pháp nhưng chỉ được sử dụng trong quá trình tố tụng. Quy định mang tính hạn chế này xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm bí mật đời tư của công dân.
Viện Kiểm sát là cơ quan có chức năng quản lý lý lịch tư pháp tại Nhật Bản. Lý lịch tư pháp của người có hộ tịch tại Nhật Bản được quản lý tại Viện kiểm sát địa phương, nơi đương sự có hộ tịch gốc[1]. Trong trường hợp đương sự chuyển hộ tịch thì nơi quản lý lý lịch tư pháp sẽ được thay đổi theo. Viện Kiểm sát thành phố Tokyo (cấp tỉnh) là nơi quản lý lý lịch tư pháp của những người không có hộ tịch gốc tại Nhật Bản hoặc có hộ tịch gốc không rõ ràng và người nước ngoài. Ngoài việc quản lý lý lịch tư pháp của cá nhân, thì Viện Kiểm sát địa phương còn quản lý cả lý lịch tư pháp của các pháp nhân có đăng ký kinh doanh.
Ngoài việc quản lý lý lịch tư pháp thuộc hệ thống Viện Kiểm sát nói trên, Uỷ ban hành chính thành phố, thị xã (là đơn vị hành chính thuộc cấp tỉnh) cũng quản lý một số thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp của người phạm tội. Những thông tin này được gọi là “Danh sách người phạm tội”. Danh sách này được xây dựng trên cơ sở các thông báo liên quan đến tiền án của người phạm tội do Viện Kiểm sát gửi tới. Việc quản lý Danh sách người phạm tội tại Uỷ ban hành chính thành phố, thị xã nhằm mục đích thực hiện công tác hành chính như chứng minh căn cước hoặc biên soạn danh sách cử tri, cho phép hoặc xoá bỏ đăng ký kinh doanh… Giống như quản lý lý lịch tư pháp của Viện Kiểm sát, Uỷ ban hành chính thành phố, thị xã, nơi quản lý Danh sách người phạm tội cũng không cung cấp các thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp cho cá nhân nhằm đảm bảo quyền giữ bí mật đời tư của công dân.
Cơ chế cung cấp và cập nhật các thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp tại Nhật Bản cũng được quy định cụ thể. Sau khi Toà án tuyên án (đã có hiệu lực pháp luật), Viện kiểm sát tương ứng với Toà án đã tuyên bản án có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản cho Sở Cảnh sát (đã chuyển vụ án), Viện Kiểm sát địa phương và Uỷ ban hành chính thành phố, thị xã nơi đương sự có hộ tịch gốc về kết quả xét xử của Toà án. Thông báo này bao gồm khoản mục về căn cước của đương sự như “họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ tịch gốc” và khoản mục về phán quyết xác định có tội gồm “ngày tuyên án, ngày có hiệu lực, Toà án đã tuyên, tội danh, loại hình phạt, tình trạng thi hành án….”. Căn cứ vào những khoản mục về căn cước của đương sự trong thông báo, Viện Kiểm sát sẽ cập nhật những thông tin về tiền án mới (đối với những người đã có tiền án) hoặc tiến hành lập lý lịch tư pháp mới của đương sự (đối với những trường hợp chưa có lý lịch tư pháp).
Mục đích của quản lý lý lịch tư pháp tại Nhật Bản là nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra, xét xử và thi hành án của các cơ quan tư pháp. Do đó, lý lịch tư pháp được sử dụng để các cơ quan tư pháp “so chiếu tiền án” (tra cứu lý lịch tư pháp).
4.3. Mô hình quản lý lý lịch tư pháp của một số nước theo hệ thống pháp luật Ănglô Xắcxông
4.3.1. Quản lý lý lịch tư pháp tại Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ không có một văn bản pháp lý riêng quy định về việc tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu có liên quan đến lý lịch tư pháp ở Hoa Kỳ cũng khá phong phú. Do đặc điểm của quốc gia liên bang, các dữ liệu về lý lịch tư pháp của công dân Mỹ được lưu trữ ở các cơ sở dữ liệu của liên bang cũng như các cơ sở dữ liệu của từng bang. Ngoài ra, căn cứ theo quy định của các đạo luật liên quan đến tự do thông tin của Hoa Kỳ, nhiều tổ chức tư nhân cũng đã tập hợp những thông tin công khai của chính quyền và xây dựng những cơ sở dữ liệu thông tin của riêng mình nhằm mục đích cung cấp cho những người có nhu cầu.
- Ở cấp độ liên bang: có hai hệ thống dữ liệu có liên quan đến lý lịch tư pháp, đó là Hệ thống tàng thư căn cước tội phạm của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI và Hệ cơ sở dữ liệu của Toà án.
Hệ thống tàng thư căn cước tội phạm lưu trữ các thông tin về tội phạm như các lệnh truy nã, các quyết định bắt giam, thi hành hình phạt, các quyết định phóng thích nạn nhân... Hệ thống này phục vụ chủ yếu cho công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Do vậy, các thông tin trong dữ liệu cũng được lưu trữ dưới các tiêu chí nhằm phục vụ cho các cơ quan điều tra, công tố. Việc sử dụng cơ sở dữ liệu vào mục đích cấp lý lịch tư pháp chỉ là mục đích thứ yếu.
Hệ cơ sở dữ liệu của Toà án lưu trữ các bản án, thống kê tội phạm. Đây cũng là một nguồn cơ sở dữ liệu lưu trữ các thông tin liên quan đến các chế tài, hình phạt và biện pháp tư pháp do Toà án tuyên và cũng có thể được sử dụng vào mục đích kiểm tra lý lịch tư pháp.
- Ở các bang:
+ Hệ thống cơ sở dữ liệu về tội phạm của bang. Hầu hết các bang tại Hoa kỳ (trừ bang Califonia) đã có hệ cơ sở dữ liệu về tội phạm trong phạm vi lãnh thổ của bang mình. Hệ thống này cập nhật các thông tin dựa trên các phán quyết đã được tuyên bởi toà án bang. Hệ thống dữ liệu này là công khai và mọi người đều có thể tiếp cận theo luật về tự do thông tin. Mục đích chính của hệ cơ sở dữ liệu này là thống kê tội phạm.
+ Hệ thống lưu trữ của Toà án. Các toà án cấp bang đều có ghi chép và lưu trữ các thông tin có liên quan đến lý lịch tư pháp, không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà còn cả trong các lĩnh vực khác như: các chế tài xử phạt đối với các tội vi phạm giao thông, việc thay đổi họ tên, quyết định ly hôn, vấn đề phá sản... Hệ thống tài liệu này được lưu trữ dưới các hình thức như: biên bản làm việc của toà án (minute book), tài liệu ghi chép các hoạt động (registration of action), thông tin về phán quyết (judgment book) và tập các án lệ (case files)...
Ngoài hai hệ thống dữ liệu nêu trên, còn có một số cơ sở dữ liệu khác cũng lưu trữ các thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp như cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ liên bang và các bang. Theo pháp luật của Hoa Kỳ, các dữ liệu công và các tài liệu khác do cơ quan nhà nước ghi lại sau một thời gian nhất định đều phải đưa vào hệ thống lưu trữ của liên bang cũng như của bang. Chính vì vậy, hệ cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ rất phát triển, lưu trữ các thông tin đa dạng từ các quyết định hành chính đến cả quyết định của các cơ quan tư pháp.
Ở Hoa Kỳ, vấn đề tiếp cận đối với các cơ sở dữ liệu liên quan lý lịch tư pháp còn đang gây tranh cãi, phải giải quyết mối quan hệ giữa quyền được tiếp cận các hệ cơ sở dữ liệu công cộng của quốc gia và quyền giữ bí mật riêng tư, cấm phân biệt đối xử đối với những người có án tích. Hệ thống tàng thư căn cước tội phạm của FBI chỉ cung cấp thông tin cho một số cơ quan (điều tra, Toà án) và cho chính những cá nhân có yêu cầu kiểm tra lý lịch tư pháp của mình. Mặt khác, một số bang cũng có những quy định riêng về một số đối tượng nhất định có thể được tiếp cận vào hệ thống thông tin này.
4.3.2. Quản lý lý lịch tư pháp tại Vương quốc Anh
Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao quản lý và cấp lý lịch tư pháp tại Anh. Giúp việc cho Bộ Ngoại giao có hai cơ quan trung ương quản lý: Văn phòng về lý lịch tư pháp của Scotland và Cục lý lịch tư pháp.
Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Anh được lưu trữ tại Hệ thống máy tính của cảnh sát quốc gia. Hệ thống này chỉ lưu trữ các thông tin về hình sự. Về nguyên tắc, các tội danh được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong thời hạn 10 năm nếu người phạm tội không phạm tội mới trong thời gian đó. Hết thời hạn trên, các án tích sẽ được xoá khỏi hệ thống máy tính cảnh sát quốc gia trừ một số trường hợp cụ thể.
Theo pháp luật của Anh, các cá nhân được tiếp cận và đề nghị Cục lý lịch tư pháp hoặc Văn phòng lý lịch tư pháp Scotland cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Các tổ chức cũng có thể tiếp cận và đề nghị cấp các Phiếu lý lịch tư pháp nếu được đương sự cho phép.
II. THỰC TIỄN QUẢN LÝ LÝ LỊCH TƯ PHÁP TẠI VIỆT NAM
Có thể nói hiện nay ở Việt Nam chưa có một hệ thống (thiết chế) về quản lý lý lịch tư pháp. Trên thực tế công tác này đang bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau và còn bỏ sót nhiều nội dung quan trọng.
1. Hệ thống tàng thư nghiệp vụ cảnh sát của ngành công an
Hệ thống tàng thư nghiệp vụ cảnh sát bao gồm các hệ thống hồ sơ sau: Tàng thư căn cước can phạm và một số người vi phạm pháp luật khác; Tàng thư căn cước công dân; Tàng thư căn cước thu được của địch; Tàng thư hồ sơ hộ khẩu.
Tàng thư căn cước can phạm tập trung lưu trữ danh bản, chỉ bản, phim, quản lý thông tin cơ bản về căn cước, lai lịch, tiền án, tiền sự, thông tin diễn biến của những đối tượng bị khởi tố, bị bắt trong trường hợp phạm pháp quả tang, bắt theo lệnh truy nã, bắt khẩn cấp, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, công dân Việt Nam đang ở nước ngoài vi phạm pháp luật bị nước ngoài trả về Việt Nam. Tài liệu thông tin diễn biến về can phạm được tổ chức, quản lý nhằm phục vụ các yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng công an nhân dân, cũng như các yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Tàng thư căn cước can phạm được tổ chức quản lý ở 2 cấp; cấp Bộ do Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C27) quản lý; cấp tỉnh, thành phố do Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PC27) quản lý.
Tàng thư căn cước công dân là nơi tập trung lưu trữ tờ khai, chỉ bản, phim quản lý thông tin cơ bản và diễn biến về căn cước của công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp chứng minh nhân dân. Tàng thư căn cước công dân có nhiệm vụ: quản lý, khai thác tờ khai, chỉ bản của những người đã được cấp chứng minh nhân dân phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân... Tàng thư căn cước công dân do Phòng hồ sơ nghiệp vụ công an cấp tỉnh quản lý, khai thác.
Tàng thư căn cước thu được của địch quản lý thông tin cơ bản về căn cước, lý lịch, vân tay, ảnh, phim của tất cả những người sinh từ năm 1960 trở về trước thuộc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào do chế độ ngụy cấp căn cước và các đối tượng như: những người làm trong các ngành, nghề đặc biệt, việt kiều, ngoại kiều xin cư trú tại miền Nam Việt Nam, ngụy quân, ngụy quyền; người vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật hành chính, đối tượng chính trị và tệ nạn xã hội; bộ đội, cán bộ của ta bị địch bắt hoặc ra đầu thú làm việc cho địch (đầu hàng, chiêu hồi, hồi chánh, hoàn lương…). Tàng thư căn cước thu được của địch do Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (bộ phận phía Nam) trực tiếp quản lý, khai thác...
Tàng thư hồ sơ hộ khẩu là nơi tập trung lưu trữ hồ sơ hộ khẩu, quản lý các tài liệu về nhân khẩu trong một hộ và quá trình đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu đối với hộ đó. Tàng thư hồ sơ hộ khẩu được xây dựng ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã đáp ứng kịp thời, chính xác việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, yêu cầu chính đáng của công dân và yêu cầu nghiệp vụ của ngành công an.
Với những nội dung trong hệ thống hồ sơ trên đây, chúng ta thấy rằng lý lịch tư pháp trong hệ thống quản lý của ngành công an đã được đồng nhất hoá với hồ sơ căn cước can phạm nhằm phục vụ chủ yếu cho hoạt động điều tra của ngành công an. Trong hồ sơ này có cả “tiền sự” chứ không chỉ có tiền án. Hơn nữa vấn đề xoá án tích không được phản ánh trong hệ thống hồ sơ này.
2. Công tác hồ sơ và trích lục án của các Toà án nhân dân
Mặc dù theo Thông tư liên bộ số 1909 – VHC, các Toà án nhân dân không còn nhiệm vụ lập và quản lý lý lịch tư pháp nữa, nhưng trên thực tế do chúng ta chưa có một hệ thống quản lý đầy đủ về lý lịch tư pháp cho nên để phục vụ cho công tác xét xử của mình Toà án nhân dân đã phải tự tổ chức công tác hồ sơ mà nội dung thực chất là liên quan trực tiếp đến lý lịch tư pháp. Hiện nay, các Toà án nhân dân vẫn thực hiện việc lưu trữ hồ sơ vụ án, lưu trữ bản án và quyết định của Toà án. Hồ sơ vụ án bao gồm toàn bộ các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ vụ án như: quyết định khởi tố, các quyết định sẽ áp dụng hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, lý lịch bị can, bản cáo trạng, các biên bản lấy lời khai, tài liệu giám định, các bản án của Toà án đã xét xử vụ án. Tuy nhiên, việc lưu trữ hồ sơ và các bản án, quyết định tại Toà án nhân dân là không đầy đủ những thông tin cần thiết cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp. Ví dụ: hệ thống lưu trữ này không cập nhật những quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; những quyết định giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, quyết định về đại xá, đặc xá...
3. Công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 8/2/1999
Theo quy định tại Thông tư này, Phiếu lý lịch tư pháp là loại Phiếu do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án. Trong trường hợp kết quả tra cứu của cơ quan công an chưa đầy đủ, rõ ràng về tình trạng tiền án của đương sự, thì Sở Tư pháp liên hệ với Toà án đã xét xử vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ án lưu, nhằm làm rõ đương sự có án hay không có án.
Tại các Sở Tư pháp, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường do 1 đến 3 cán bộ của Phòng tư pháp khác (hoặc Phòng Hành chính tư pháp - Bổ trợ tư pháp) đảm nhiệm. Sau hơn 7 năm thực hiện (từ tháng 02/1999 đến tháng 6/2006), các Sở Tư pháp đã phối hợp với ngành công an cấp hàng vạn Phiếu lý lịch tư pháp mỗi năm. Thống kê nói trên cho thấy nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân tăng rất nhanh qua các năm. Đại đa số đối tượng xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều là người không có tiền án (chiếm khoảng 99,5%); số lượng người có tiền án xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường rất ít (0,5%). Điều này phù hợp với thực tế là hầu hết người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều có tâm lý sử dụng Phiếu này để chứng minh sự trong sáng về nhân thân tư pháp của mình. Nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh phía Nam có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển nhanh, các hoạt động giao lưu quốc tế được đẩy mạnh trong khi đó nhu cầu xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc rất thấp, có tỉnh một năm chỉ giải quyết vài chục trường hợp.
4. Thực tiễn áp dụng pháp luật về lý lịch tư pháp tại Việt Nam
Theo quy định của Thông tư liên tịch 07/1999/TTLT-BTP-BCA (Thông tư liên tịch số 07) thì Phiếu lý lịch tư pháp là loại giấy tờ pháp lý có giá trị chứng minh về tình trạng tiền án của một người. Đây là loại giấy tờ duy nhất được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam cũng như các cơ quan, tổ chức nước ngoài công nhận về giá trị chứng minh một người có hay không có tiền án. Sau hơn 7 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07, có thể nói công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã trở thành một hoạt động tác nghiệp thường xuyên tại các Sở Tư pháp. Thông tư liên tịch số 07 đã tạo ra một cơ chế phối hợp khá chặt chẽ và hiệu quả giữa hai ngành tư pháp và công an trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu bức xúc của người dân và một phần yêu cầu quản lý của Nhà nước. Phiếu lý lịch tư pháp được coi là một trong những giấy tờ không thể thiếu khi xem xét cấp Giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực nhất định như luật sư, chứng khoán, kiểm toán... hoặc để xem xét khi bổ nhiệm, tuyển dụng trong một số lĩnh vực. Hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp trong thời quan cũng đã đáp ứng được các yêu cầu của cải cách hành chính bằng việc áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết công việc; các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết và lệ phí được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Sở Tư pháp tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 07, thực tiễn công tác quản lý lý lịch tư pháp trong thời gian qua cũng cho thấy, thực chất việc thực hiện chức năng quản lý lý lịch tư pháp của ngành tư pháp hiện nay mới chỉ dừng ở việc lập và cấp Phiếu lý lịch tư pháp; trình tự, thủ tục, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan công an trong quá trình giải quyết việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đây mới chỉ là một phần công việc trong quản lý lý lịch tư pháp. Đến thời điểm này, chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp quy định đầy đủ chức năng quản lý lý lịch tư pháp như việc xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp; mô hình tổ chức, quản lý; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan với cơ quan quản lý lý lịch tư pháp trong việc cung cấp và thu nhận thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp. Mặt khác, Thông tư liên tịch số 07 là văn bản có giá trị pháp lý thấp, chủ yếu mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ. Mặc dù rải rác trong một số văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta đã đưa ra những quy phạm là nội dung của công tác quản lý lý lịch tư pháp nhưng các quy định như thế còn quá ít. Điều đáng tiếc là trong quá trình xây dựng các bộ luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… chúng ta chưa chú ý đưa vào các quy định về việc ghi chép các án tích như thế nào? trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong việc gửi các bản án và quyết định cho cơ quan quản lý lý lịch tư pháp ra sao. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp mới được ban hành (Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006) nên cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho một đối tượng cụ thể chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định, nhưng Thông tư liên tịch số 07 không quy định cụ thể về thời hạn có giá trị của Phiếu lý lịch tư pháp (được cấp trong thời gian bao lâu). Rất ít quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp lại có quy định về thời hạn có giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp được cấp. Những thiếu sót như vậy sẽ làm mất đi vai trò, tác dụng của Phiếu lý lịch tư pháp (chứng minh đương sự có tiền án hoặc không có tiền án), có đủ điều kiện để được bổ nhiệm, hoặc tham gia một công việc nào đó, hoặc tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp... hay không.
Từ thực trạng này, có thể nói, lý lịch tư pháp là một lĩnh vực hoạt động sớm được hình thành trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của nước ta nhưng so với nhiều lĩnh vực hoạt động tư pháp khác như quản lý toà án, quản lý hộ tịch, quản lý luật sư..., thì quản lý lý lịch tư pháp là lĩnh vực ít được quan tâm và rất chậm hình thành về mặt thể chế.
III. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT LÝ LỊCH TƯ PHÁP
1. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật lý lịch tư pháp
Luật Lý lịch tư pháp được xây dựng theo những quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Quán triệt và kịp thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lý lịch tư pháp
2. Bảo đảm tính pháp chế, thống nhất giữa các quy định của Luật Lý lịch tư pháp với các quy định của Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Quốc hội
3. Kế thừa những thành tựu đạt được trong thực tiễn về tổ chức và quản lý lý lịch tư pháp, có tham khảo pháp luật về lý lịch tư pháp và kinh nghiệm của nước ngoài
2. Đề xuất về phạm vi quản lý, đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật lý lịch tư pháp
2.1. Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp
Nhóm nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn hiện nay, lý lịch tư pháp cần ghi nhận và quản lý các thông tin sau đây:
- Các thông tin về hình sự bao gồm:
+ Thông tin về việc kết án: Các thông tin về việc kết án trước hết được rút ra từ các bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm các thông tin về: tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp.
+ Các thông tin về thi hành án:
* Thời điểm bắt đầu thi hành án;
* Thời hạn chấp hành hình phạt được giảm;
* Việc được miễn chấp hành hình phạt (toàn bộ hoặc phần còn lại);
* Thời điểm chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp;
* Thời điểm và thời hạn tạm hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt;
* Việc hủy bỏ quyết định tạm hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt;
* Việc được đặc xá hoặc đại xá.
+ Thông tin về xoá án tích: Bộ luật hình sự quy định hai trường hợp xoá án tích là đương nhiên được xoá án tích và xoá án tích theo quyết định của Toà án. Đối với những trường hợp đương nhiên được xoá án tích, nếu sau một thời gian nhất định kể từ khi chấp hành xong bản án mà người bị kết án không phạm tội mới thì án tích của họ đương nhiên được xoá (trừ trường hợp được miễn hình phạt thì án tích được xoá ngay). Giấy chứng nhận xoá án tích chỉ là sự chứng nhận về hình thức. Kể cả trường hợp đương sự không yêu cầu và do vậy không được cấp Giấy chứng nhận, án tích của đương sự vẫn đương nhiên được xoá. Do vậy, cơ quan lý lịch tư pháp không nên căn cứ vào việc có hay không có giấy chứng nhận để loại hay không loại một án tích ra khỏi phiếu lý lịch tư pháp, và vì thế không nên yêu cầu Toà án gửi giấy chứng nhận xoá án tích cho cơ quan lý lịch tư pháp. Còn đối với các trường hợp xoá án tích theo quyết định của Toà án thì quyết định xoá án tích phải được đưa vào lý lịch tư pháp.
- Các thông tin có nội dung về hạn chế, cấm, tước quyền của cá nhân, công dân trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án có thẩm quyền (ngoài hình sự):
+ Những thông tin trong quyết định của Toà án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, ghi nhận việc chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của Công ty hợp danh, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị Hợp tác xã không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ 1 đến 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.
+ Những thông tin ghi nhận việc người giữ chức vụ Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, kể từ ngày công ty, tổng công ty nhà nước bị tuyên bố phá sản.
+ Những thông tin về người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước...
2.2. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Lý lịch tư pháp
2.2.1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Lý lịch tư pháp:
Trên cơ sở phân tích các luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Luật Lý lịch tư pháp, có thể thấy dự án Luật cần điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động lý lịch tư pháp. Xuất phát từ quan điểm xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp độc lập, Luật Lý lịch tư pháp có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm các quy định về khái niệm lý lịch tư pháp, nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp, tổ chức cơ quan quản lý, cơ quan lý lịch tư pháp, hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp, thủ tục, trình tự cấp Phiếu lý lịch tư pháp, giải quyết khiếu nại tố cáo về lý lịch tư pháp.
2.2.2. Khái niệm lý lịch tư pháp:
Thuật ngữ “Phiếu lý lịch tư pháp” hiện nay đã trở nên khá quen thuộc trong đời sống pháp lý, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ “lý lịch tư pháp” là gì? Trên cơ sở phân tích về lý luận và thực tiễn hoạt động lý lịch tư pháp cũng như phạm vi quản lý của lý lịch tư pháp trong giai đoạn hiện nay, nhóm nghiên cứu đưa ra khái niệm lý lịch tư pháp như sau: “Lý lịch tư pháp là hồ sơ ghi nhớ các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án có thẩm quyền có nội dung cấm hoặc hạn chế các quyền của cá nhân đó trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế và hành chính”.
2.2.3. Đối tượng quản lý của lý lịch tư pháp.
Xuất phát từ khái niệm lý lịch tư pháp nêu trên, đối tượng quản lý của lý lịch tư pháp sẽ bao gồm:
- Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam;
- Công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam, đã có thời gian cư trú ở nước ngoài;
- Công dân Việt Nam hiện cư trú ở nước ngoài, đã có thời gian cư trú tại Việt Nam;
- Người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam.
2.3. Định hướng mô hình tổ chức, quản lý lý lịch tư pháp
Để thực hiện quản lý thống nhất về lý lịch tư pháp, Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp dự kiến xây dựng một hệ thống cơ quan lý lịch tư pháp độc lập để quản lý một hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hệ thống hồ sơ này dự kiến được xây dựng trên cơ sở tận dụng tiềm năng sẵn có của các hệ thống dữ liệu hiện có (hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của ngành công an, hệ thống hồ sơ án lưu của Toà án...) cũng như tiếp tục củng cố và kết nối với những cơ sở dữ liệu này nhằm xây dựng hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp để sử dụng chung cho nhiều ngành.
Trong quá trình nghiên cứu thực tiễn cũng như tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, có hai mô hình tổ chức, quản lý lý lịch tư pháp được đưa ra xem xét, lấy ý kiến như sau:
Mô hình 1: Cơ quan lý lịch tư pháp được xây dựng theo mô hình hai cấp:
- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia trực thuộc Bộ Tư pháp;
- Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trung ương.
Các Trung tâm này có chức năng tổ chức, quản lý các thông tin về lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Theo mô hình này, hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp sẽ do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Trung tâm lý lịch tư pháp các tỉnh thống nhất quản lý.
Tuy nhiên, ở mô hình này cũng có hai nhóm ý kiến về vấn đề quản lý hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp và việc kết nối thông tin giữa các Trung tâm này.
Thứ nhất, hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp sẽ chỉ tập trung tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Trung tâm này sẽ lưu trữ toàn bộ các thông tin về lý lịch tư pháp trong phạm vi toàn quốc. Khi có yêu cầu tra cứu hoặc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, các Trung tâm lý lịch tư pháp tại các tỉnh có thể tra cứu, lấy thông tin tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Như vậy, không cần thiết phải xây dựng các cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nếu xây dựng theo mô hình này, đòi hỏi sự đầu tư ban đầu rất lớn về vật chất, kỹ thuật, nhân lực. Bên cạnh đó, để quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Tư pháp, về mặt tổ chức cũng cần thiết phải có một bộ phận chuyên môn và đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn rất cao.
Thứ hai, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ được xây dựng ở hai cấp, cấp Trung ương và cấp tỉnh. Khi có yêu cầu tra cứu thông tin, các Sở Tư pháp chỉ cần tra cứu tại cơ sở dữ liệu tại địa phương. Chỉ trong những trường hợp cần thiết (đương sự trải qua nhiều nơi cư trú hoặc thông tin còn thiếu, không đầy đủ), mới cần tra cứu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Tư pháp. Nếu áp dụng theo mô hình này, do cơ sở dữ liệu rải rác ở các tỉnh, nên không đòi hỏi hệ thống kỹ thuật cũng như đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao. Đội ngũ các bộ, kỹ thuật viên tại Trung tâm ở các tỉnh, thành phố có thể vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn, vừa đảm bảo vận hành về mặt kỹ thuật.
Mô hình 2: Cơ quan lý lịch tư pháp được xây dựng theo từng vùng, cụ thể là bao gồm 2 cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được đặt tại 2 miền (hoặc 3 miền): miền Bắc (tại Hà Nội) và miền Nam (tại thành phố Hồ Chí Minh). Các cơ sở dữ liệu này được kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng nội bộ. Khi có yêu cầu tra cứu thông tin, các Sở Tư pháp địa phương có thể tra cứu tại 2 cơ sở dữ liệu này. Mô hình này có ưu điểm là khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực tại một số địa phương các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc thiết kế mô hình này cũng được tính toán trong quá trình cải cách tư pháp và xu hướng thành lập Toà án vùng.
Tuy nhiên, để cả hai mô hình nói trên vận hành hiệu quả và khả thi, thì việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng hệ thống hồ sơ dữ liệu lý lịch tư pháp, nghiên cứu quy trình kỹ thuật trong xử lý thông tin lý lịch tư pháp là đặc biệt quan trọng. Đây cũng là yếu tố quan trọng và cơ bản trong việc xây dựng Hệ thống lý lịch tư pháp thống nhất như đã đưa ra ở cả hai mô hình nói trên.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, mô hình thứ nhất với việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ở hai cấp (cấp quốc gia và cấp tỉnh) là phù hợp bởi những lý do sau:
- Mô hình này phù hợp với xu hướng phân cấp trong ngành tư pháp;
- Không gây xáo trộn về mặt tổ chức, không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn về các nguồn lực;
- Tạo điều kiện thuận tiện nhất trong việc tận dụng nguồn thông tin lý lịch tư pháp hiện đang lưu trữ tại các Sở Tư pháp;
- Thuận lợi trong việc thiết kế mô hình cung cấp, xử lý, sử dụng thông tin về lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý lý lịch tư pháp với các cơ quan hữu quan (Công an, Toà án, Kiểm sát...);
Trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, theo nhóm nghiên cứu, ở mô hình này cần tiến hành từng bước. Tùy theo khối lượng công việc nhiều hay ít, các Sở Tư pháp có thể thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh hoặc Phòng lý lịch tư pháp để thực hiện chức năng quản lý lý lịch tư pháp. Thời kỳ đầu, việc xây dựng hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp có thể vẫn được tiến hành bằng phương pháp thủ công – nghĩa là lưu trữ bằng các phiếu, sổ sách. Sau đó, trên cơ sở công tác lý lịch tư pháp ở các địa phương đã đi vào nề nếp, chúng ta sẽ tiến hành từng bước việc tin học hoá hệ thống hồ sơ này.
2.4. Cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp
2.4.1. Cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin:
Về việc xác định cơ chế cập nhật thông tin và cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp, đã có 2 nhóm ý kiến khác nhau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng: nơi nhận và lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp của một người là Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi sinh của người đó. Các cơ quan này sẽ lưu trữ và thực hiện cấp lý lịch tư pháp về sau. Cách này được dùng trong công tác quản lý lý lịch tư pháp của chế độ cũ. Nó có điểm thuận lợi là mỗi một người chỉ có một nơi sinh và yếu tố này không thay đổi, có thể chọn làm điểm tiếp nhận thông tin, bảo đảm tập trung thông tin lý lịch tư pháp về người đó.
Nếu thực hiện theo cách này, khi nhận được thông tin về lý lịch tư pháp của một người hoặc khi đương sự khai nơi sinh của mình tại một tỉnh, thành phố để xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp của tỉnh hoặc thành phố đó phải kiểm tra ngay lời khai đó là thực hay giả và phải xác định lại hộ tịch của người đó nếu gặp trường hợp đương sự khai gian. Để làm được điều này, trong chế độ cũ đã có một hệ thống quản lý hộ tịch tương đối ổn định, trên nguyên tắc một người được sinh ra sẽ được lập giấy khai sinh tại nơi sinh. Như vậy, nếu đương sự khai nơi sinh của mình, muốn xác minh lời khai chỉ cần tra sổ bộ khai sinh nơi đó. Cần lưu ý là trong chế độ cũ, cơ quan quản lý và cấp lý lịch tư pháp là Toà án đồng thời cũng là nơi lưu giữ sổ bộ khai sinh, do đó, việc tra sổ bộ khai sinh được thuận lợi hơn.
Trên cơ sở pháp luật hiện hành của nhà nước ta, việc thực hiện theo cách này có khó khăn, vì:
+ Việc đăng ký khai sinh của một người được thực hiện tại nơi cư trú của người mẹ hoặc của người cha hoặc nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế vào thời điểm đăng ký khai sinh. Như vậy, nếu chọn Sở Tư pháp, nơi sinh của một người làm nơi nhận và lưu trữ thông tin lý lịch tư pháp của người đó thì sẽ khó thực hiện việc điều tra xác minh vì nhiều trường hợp nơi sinh và nơi khai sinh của đương sự là khác nhau.
+ Trong giấy chứng minh nhân dân hiện nay đang được lưu hành không ghi rõ các mục: sinh quán, vợ, chồng, để có thể làm căn cứ kiểm tra và cấp lý lịch tư pháp.
- Ý kiến thứ hai cho rằng: Thông tin về lý lịch tư pháp của một người sẽ được gửi cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, nơi người đó có hộ khẩu thường trú (hoặc nơi đăng ký tạm trú đối với trường hợp không có nơi thường trú). Thực hiện cách này sẽ gọn nhẹ cho việc kiểm tra, vì từ trước đến nay việc quản lý cá nhân thông qua hộ khẩu gia đình là phổ biến (trong chứng minh nhân dân hiện hành cũng ghi rõ nơi thường trú). Khi nhận được thông tin về lý lịch tư pháp của một người hoặc khi đương sự khai nhận nơi thường trú để xin cấp lý lịch tư pháp, chỉ cần kiểm tra hộ khẩu (hay sổ tạm trú thay hộ khẩu) và giấy chứng minh nhân dân hiện hành.
Tuy nhiên, thực hiện theo cách này cũng có điểm hạn chế là hộ khẩu thường trú của một người là yếu tố có thể thay đổi. Khi một người đã chuyển hộ khẩu đi tỉnh hay thành phố khác từ một lần trở lên, thì thông tin về lý lịch tư pháp của người đó không còn tập trung. Vì vậy, khi một người nộp đơn xin cấp lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp nơi thường trú của mình, nếu nơi thường trú đó đã thay đổi một lần trở lên thì cần phải tra cứu thêm thông tin tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, nơi người đó đã từng cư trú trước đây thì mới có thông tin về lý lịch tư pháp của người đó một cách đầy đủ và chính xác.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý lý lịch tư pháp trong điều kiện hiện nay, chúng tôi nhận thấy cần phải áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và nên tập trung lưu trữ thông tin tại Bộ Tư pháp, đưa toàn bộ thông tin, tài liệu lưu trữ vào máy vi tính và nối mạng với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý và làm cơ sở cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp (mô hình 1 như đã trình bày nêu trên). Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn về kỹ thuật, nhân lực cũng như thời gian. Trong giai đoạn trước mắt, để đáp ứng được các yêu cầu của quản lý nhà nước, nên áp dụng cơ chế cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo nơi cư trú. Bên cạnh đó, cần thiết có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, củng cố và sử dụng những cơ sở dữ liệu sẵn có của các ngành hữu quan (Công an, Toà án).
2.4.2. Cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp
Xuất phát từ phạm vi quản lý của lý lịch tư pháp như đã phân tích ở trên, các Trung tâm lý lịch tư pháp sẽ thu nhận những thông tin, tài liệu sau đây: các bản án, quyết định hình sự; các bản án, quyết định về hành chính, dân sự; các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Như vậy, có thể thấy, các cơ quan phải cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp gồm có:
a) Toà án nhân dân tối cao; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án quân sự các cấp;
b) Bộ Công an;
c) Bộ ngoại giao (cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài) cung cấp thông tin về việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài;
d) Cơ quan thi hành án hình sự.
2.4.3. Cách thức cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp:
Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp chỉ đơn giản là gửi các bản án hoặc quyết định (đã có hiệu lực thi hành) có chứa đựng các thông tin về lý lịch tư pháp cho Bộ Tư pháp.
Qua thảo luận, chúng tôi thấy rằng việc cung cấp thông tin bằng cách gửi nguyên văn các bản án hoặc quyết định (đã có hiệu lực thi hành, có chứa đựng các thông tin về lý lịch tư pháp) cho cơ quan quản lý lý lịch tư pháp là không hợp lý, có nhiều điểm bất lợi:
- Chỉ tính tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc thành phố Hà Nội đã có hơn 20 Toà án (Toà án tối cao, Toà án thành phố, Toà án quận, huyện và các Toà án quân sự), mỗi ngày có thể ra hàng trăm bản án hoặc quyết định thuộc phạm vi quản lý lý lịch tư pháp. Nếu theo cách cung cấp thông tin như trên thì khối lượng văn thư chuyển đi rất lớn, tốn nhiều chi phí và khó khăn cho công tác lưu trữ.
- Điểm bất lợi thứ hai là nếu các cơ quan cung cấp thông tin bằng cách gửi nguyên bản án hoặc quyết định thì cơ quan quản lý lý lịch tư pháp phải lọc ra và chép lại những thông tin cần thiết. Như vậy sẽ tốn rất nhiều người để làm việc này và bộ máy cơ quan quản lý lý lịch tư pháp sẽ cồng kềnh, không phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay.
Do đó, việc cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp của các cơ quan hữu quan cần phải được lập thành văn bản theo mẫu chung thống nhất và chỉ ghi những thông tin cần thiết, được gọi là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 (sau đây gọi là Phiếu số 1).
Phiếu số 1 được lập theo cách thức sau đây:
- Phiếu số 1 được lập riêng cho từng cá nhân.
- Khi có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực thi hành, có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi quản lý lý lịch tư pháp, Toà án hoặc cơ quan thẩm quyền đã ra quyết định đó phải lập Phiếu số 1 theo mẫu, gửi cho Trung tâm lý lịch tư pháp cấp tỉnh, nơi đương sự cư trú.
- Tại các Toà án, việc lập Phiếu số 1 nên giao cho một chuyên viên văn phòng chuyên trách thực hiện và phải trình Chánh Toà hay Chánh án phê duyệt trước khi gửi, bởi vì việc lập Phiếu số 1 là để quản lý, ghi nhớ những thông tin về tư pháp của một người, do vậy, phải do người có thẩm quyền xét duyệt và chịu trách nhiệm.
Tương tự, nếu là Phiếu số 1 ghi nhận về quyết định xử lý hành chính hoặc quyết định khác có chứa đựng thông tin thuộc phạm vi lý lịch tư pháp, thì cần được người đã ra quyết định phê duyệt.
- Thời hạn phải lập Phiếu số 1 để gửi đến cơ quan quản lý lý lịch tư pháp cần được quy định rõ và phải phù hợp, tránh tình trạng khi cơ quan quản lý lý lịch tư pháp đã cấp phiếu xác nhận lý lịch tư pháp cho một người, ngay sau đó cơ quan này lại nhận được Phiếu số 1 về người đó, trong cùng một khoảng thời gian. Theo chúng tôi, thời hạn phải lập Phiếu số 1 để gửi đi nên quy định chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
- Việc lập và gửi Phiếu số 1 cần phải được ghi chú bên lề bản án hoặc quyết định có chứa các thông tin đó, để tạo một trật tự chung cho công tác này tránh xảy ra việc lập và gửi đi 2 lần Phiếu số 1 hoặc chưa lập và gửi đi Phiếu số 1 mà người có trách nhiệm không chủ động kiểm soát được.
2.4.4. Lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp:
Như đã phân tích ở trên, một yếu tố rất quan trọng khi xây dựng Hệ thống hồ sơ lý lịch tư pháp thống nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lý lịch tư pháp. Nếu áp dụng cách này, các thông tin trên Phiếu số 1 sẽ được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và được quản lý bằng hệ thống máy tính. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bỏ qua việc lưu trữ tài liệu bằng văn bản. Ở đây cần xác định rõ việc lưu trữ tài liệu bằng văn bản là hệ thống lưu trữ chính, phải bảo đảm điều kiện vật chất: kho bãi, tủ, kệ đựng hồ sơ, con người trực tiếp quản lý bảo quản tài liệu lưu trữ, tránh mất mát, tiêu huỷ. Lưu trữ trên máy tính chỉ là phương tiện giúp chúng ta phân tích, tổng hợp thông tin và cấp phát lý lịch tư pháp dễ dàng, nhanh chóng.
- Lưu trữ bằng văn bản :
Trên nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân (Điều 34 Bộ luật dân sự), trước tiên cần xác định các thông tin về lý lịch tư pháp của một người là những thông tin "mật", thể hiện quá khứ của một người có vi phạm pháp luật và bị xử lý. Do đó, các thông tin lý lịch tư pháp phải được lưu trữ, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Chỉ những người có trách nhiệm mới được quyền khai thác, sử dụng thông tin này.
- Lưu trữ trên máy tính:
Để quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng hệ thống máy vi tính, thì việc xây dựng phần mềm chuyên dụng quản lý là rất cần thiết. Việc lập trình để lưu trữ thông tin trên máy tính cũng theo nguyên tắc như lưu trữ bằng văn bản, tức là phải có các mục: họ và tên của đương sự; ngày tháng năm sinh; tên cha; mẹ, vợ hoặc chồng; số lượng phiếu thông tin lý lịch tư pháp đang lưu trữ; nội dung các phiếu đó (theo thứ tự thời gian và có thể theo loại án hình sự, dân sự, hành chính...).
- Theo nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư của công dân, việc mở các chương trình quản lý lý lịch tư pháp phải thông qua "mật mã".
-Trên mạng vi tính phải đặt ra chế độ riêng: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố chỉ có thể khai thác thông tin mà không thể sửa đổi thông tin và không thể sao chép thông tin (vì ở phần trên đây, chúng tôi đã đề ra nguyên tắc phiếu thông tin lý lịch tư pháp phải được lưu trữ cẩn thận..., không được phép mang ra khỏi nơi lưu trữ).
2.4.5. Ghi chép và xử lý thông tin
2.4.5.1. Loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp của người đã chết.
Việc quản lý tư pháp lý lịch của một người chỉ cần thiết khi người đó còn sống, tức là còn khả năng tham gia vào các quan hệ pháp luật. Đối với những người đã chết thì cần loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp của người đó (nếu có) để hệ thống lưu trữ được gọn nhẹ. Về mặt lý thuyết, việc loại bỏ lý lịch tư pháp của những người đã chết có thể thực hiện như sau:
- Định kỳ hàng năm cơ quan lý lịch tư pháp căn cứ vào Sổ đăng ký khai tử được lưu trữ tại địa phương để tiến hành loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp của những người đã chết.
- Việc loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp của người đã chết có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, triệt để nếu chúng ta kết hợp được công tác quản lý lý lịch tư pháp với công tác quản lý hộ tịch trên mạng vi tính.
2.4.5.2. Loại bỏ thông tin lý lịch tư pháp ghi nhận một tội phạm đã được luật xoá bỏ.
Điều 7 khoản 3 Bộ luật hình sự quy định: "Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành". Do đó, trường hợp có điều quy định xoá bỏ một tội phạm thì thông tin lý lịch tư pháp ghi nhận về tội phạm đó, đang lưu trữ cũng cần loại bỏ.
2.5. Cấp phiếu lý lịch tư pháp
Như phần trên đã trình bày, lý lịch tư pháp được hiểu là hồ sơ về phương diện tư pháp của một cá nhân. Tuỳ theo cơ quan hoặc cá nhân yêu cầu cấp phiếu cũng như mục đích sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp có thể lập ra các loại Phiếu lý lịch tư pháp khác nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Phiếu lý lịch tư pháp được cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có tiền án hay không. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy các cá nhân không chỉ muốn dùng lý lịch tư pháp để chứng minh cho đạo đức trong sạch của mình mà trong nhiều trường hợp, họ còn có nhu cầu chứng minh rằng mặc dù họ đã bị kết án và đã từng bị tước hoặc hạn chế thực hiện một số quyền nhất định, nhưng thời hạn tước hoặc hạn chế những quyền đó đã hết. Điều đó hết sức có ý nghĩa đối với công dân trong những trường hợp như xin việc làm, xuất cảnh, định cư ở nước ngoài, thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia ứng cử, bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước.
Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, việc tìm hiểu quá khứ hình sự của một cá nhân là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Tuy nhiên yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng về các thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp không chỉ giới hạn ở những thông tin ít ỏi về tình trạng tiền án của đương sự mà Toà án, Viện kiểm sát phải cần biết về việc người đó đã từng bị kết án và bị áp dụng biện pháp tư pháp cũng như quá trình chấp hành biện pháp tư pháp của họ để có cơ sở đánh giá về nhân thân của những người này, từ đó quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và chế tài thích hợp. Hay các quyết định có liên quan phản ánh quá trình chấp hành hình phạt của đương sự cũng rất có ý nghĩa trong việc xác định thái độ chấp hành hình phạt và nhân thân của họ, các quyết định kết thúc thi hành án có giá trị trong việc xem xét một người đã có đủ điều kiện để được xoá án tích hay chưa?
Hay trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, ngoài những nội dung về tình trạng tiền án của đương sự, cơ quan đăng ký kinh doanh còn cần tìm hiểu những thông tin về người đó có đủ điều kiện thành lập và quản lý doanh nghiệp không? (như người này có thuộc trường hợp không được quyền thành lập doanh nghiệp, không được làm người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản theo quy định của Luật phá sản).
Xuất phát từ những yêu cầu và mục đích sử dụng khác nhau, trong dự thảo Luật Lý lịch tư pháp, chúng tôi xin đề xuất về hai loại Phiếu lý lịch tư pháp được cấp cho từng đối tượng như sau:
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Phiếu số 2 được cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội khi có yêu cầu.
Phiếu số 2 là loại Phiếu do cơ quan lý lịch tư pháp xác lập trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các Phiếu số 1 (Phiếu cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan hữu quan gửi tới). Có thể nói, Phiếu số 2 là loại phiếu chứa đựng đầy đủ nhất các thông tin về lý lịch tư pháp của một cá nhân. Chính vì vậy, đối tượng được cấp Phiếu số 2 chỉ giới hạn ở một số cơ quan nhất định như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào mục đích yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội mà nội dung của Phiếu số 2 có thể được lược bớt.
Nội dung phiếu số 2 bao gồm: nhân thân (các yếu tố về hộ tịch) của đương sự và thông tin về tình trạng tư pháp của người đó: các bản án hình sự (đã được xoá án tích và chưa được xoá án tích); các quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản, quyết định trục xuất, quản chế hành chính. Phiếu số 2 có thể được yêu cầu cung cấp bằng công văn, điện tín, fax, truyền đạt viễn thông hoặc thiết bị từ tính.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 3: Phiếu số 3 được cấp cho các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân khi có yêu cầu.
Phiếu số 3 là một bản trích bộ phận của thông tin lý lịch tư pháp về một người cụ thể. Trong đó loại trừ một số thông tin như:
- Các án hình sự đã được xoá án tích;
- Các quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp đã hết hạn bị tước quyền theo quyết định.
- Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; trục xuất, quản chế hành chính đã hết 2 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt.
Việc ghi án phạt vào Phiếu số 3 có thể được cơ quan xét xử loại trừ khi được ghi ngay trong bản án (với mong muốn cho đương sự tái hoà nhập vào xã hội)./.
1 Lý lịch tư pháp – NXB Chính trị Quốc gia, HN năm 1997 (tr 20)
[1] Tại Nhật Bản, hộ tịch gốc của một người căn cứ vào nơi sinh của người đó. Trong trường hợp một người chuyển nơi cư trú, thì hộ tịch cũng có thể thay đổi - chuyển đến nơi cư trú mới.